Ngày 01-01-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 02/01: Nhìn vào Gioan – Trở thành chứng nhân cho Chúa – Lm. Vinh-sơn Nguyễn Văn Định, CS
Giáo Hội Năm Châu
03:08 01/01/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: “Tôi không phải là Đấng Ki-tô.” Họ lại hỏi ông: “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Ê-li-a không?” Ông nói: “Không phải.” - “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?” Ông đáp: “Không.” Họ liền nói với ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?” Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói. Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu. Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ?” Ông Gio-an trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa.

Đó là lời Chúa
 
Lễ Mẹ Thiên Chúa
Lm Nguyễn Xuân Trường
05:22 01/01/2023
Trân trọng giới thiệu 3 phút video chia sẻ Lời Chúa MẸ MARIA NHƯ LÀ PHÁO HOA

https://youtu.be/ab1DZaoLo5Y?t=152

 
Là ai và tại sao?
Lm Minh Anh
16:08 01/01/2023

LÀ AI VÀ TẠI SAO?
“Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết!”.

Một thuyền trưởng và kỹ sư trưởng của ông tranh luận xem ai là người quan trọng đối với con tàu. Bất đồng, họ đổi chỗ. Kỹ sư trưởng lên cầu và thuyền trưởng xuống phòng máy. Sau vài giờ, thuyền trưởng đột nhiên xuất hiện trên boong, người phủ đầy dầu và bồ hóng. “Trưởng phòng!”, ông hét lên, vung vẩy một chiếc mỏ lết, “Anh phải xuống đó; tôi không thể làm cho nó đi!”. “Tất nhiên”; kỹ sư trưởng trả lời, “Cô ấy bị mắc cạn! Ông không biết ông “là ai và tại sao?”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tuần Bát Nhật Giáng Sinh vừa kết thúc, chúng ta hướng tới sứ vụ mai ngày của Chúa Giêsu. Trong Tin Mừng hôm nay, Gioan Tẩy Giả là người chỉ cho chúng ta bước đường sứ vụ tương lai của Ngài. Với Gioan, chúng ta cũng bắt đầu bằng hai câu hỏi, “Là ai và tại sao?”.

“Là ai và tại sao?”, đó là hai câu hỏi mà người Do Thái đã đặt cho Gioan; “Ông là ai?”, và “Tại sao ông làm phép rửa?”. Hai câu hỏi này cũng đặt cho mỗi người chúng ta hôm nay. Trước hai câu hỏi này, bạn và tôi hẳn sẽ có một câu trả lời riêng cho chính mình, “Tôi là ai?”, và “Tại sao tôi làm những gì tôi đang làm?”. Trong hai câu hỏi này, câu thứ nhất quan trọng hơn. Bởi lẽ, cách tôi trả lời câu hỏi thứ nhất sẽ quyết định cách tôi trả lời câu hỏi còn lại; chúng ta làm những gì chúng ta làm vì chúng ta hiểu bản thân mình là ai.

Trước hết, Gioan tự biết mình không phải là ‘một ai đó’ như dân chúng nghĩ. Bằng một loạt phủ nhận, Gioan trả lời họ, “Tôi không phải là Đấng Kitô”, “Không phải là Êlia”, “Cũng không phải là một ngôn sứ!”. Gioan vô cùng khiêm nhượng; Gioan tự biết mình là ai, chỉ là một tiếng kêu, một tiếng gióng, một người dọn đường. Vì biết mình là ai nên Gioan có thể dễ dàng trả lời câu hỏi thứ hai, “Tại sao ông làm phép rửa?”. Gioan làm phép rửa để hướng dân đến với Đấng đang “ở giữa các ông mà các ông không biết”, Đấng mà Gioan không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài. Điều Gioan thừa nhận là bằng chứng cho sự khiêm tốn của Gioan. Nhưng trớ trêu thay, chính sự thừa nhận khiêm tốn của Gioan lại khiến Gioan trở nên tuyệt vời và vĩ đại!

Bạn có muốn trở nên tuyệt vời không? Tự thâm tâm, tất cả chúng ta đều muốn như thế. Mong muốn này đi đôi với mong muốn hạnh phúc bẩm sinh của mỗi người. Chúng ta muốn cuộc sống mình có ý nghĩa và mục đích, và chúng ta muốn tạo nên một sự khác biệt. Vì thế, câu hỏi “Là ai và tại sao?” trở nên quan trọng. Từ góc độ thế gian, sự vĩ đại thường đồng nghĩa với thành công, giàu có, quyền lực… Nhưng từ góc độ thiêng liêng, sự vĩ đại đạt được bằng cách khiêm nhường dâng cho Chúa vinh quang lớn nhất mà mỗi người có thể có trong cuộc sống mình.

Anh Chị em,

“Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết!”. Để có thể nói cho những người khác Chúa Giêsu đang ở giữa họ, bạn và tôi phải trả lời hai câu hỏi, “Là ai và tại sao?”; nói cách khác, chúng ta biết mình là ai và đang làm gì. Câu hỏi “Tôi là ai?” có thể được trả lời theo nhiều cách; tuy nhiên, căn bản hơn, câu trả lời của chúng ta phải là, “Tôi là môn đệ Chúa Giêsu!”. Mỗi ngày, tôi được mời gọi để sống căn tính đó. Căn tính của tôi với tư cách môn đệ Giêsu sẽ định hình tất cả những gì tôi làm; và đó là lý do tại sao tôi đang làm những gì tôi đang làm. Và sẽ không phải lúc nào cũng có sự tương ứng hoàn hảo giữa tôi là ai và tôi làm gì. Lời mời gọi mỗi ngày của Chúa Giêsu là để con người tôi với tư cách là môn đệ của Ngài uốn nắn mọi việc tôi làm. Là môn đệ Giêsu, bạn và tôi phải sống sao cho Ngài được nhận biết như Gioan đã nói với người đương thời, “Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, không có Chúa, con không là gì cả. Xin giúp con biết con là ai, một tội nhân, để con có thể chia sẻ vinh quang và lòng thương xót của Chúa cho anh em con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:25 01/01/2023

36. Đức ái chân chính thì luôn luôn lấy thiện báo ác.

(Thánh Marcellus of Carthage)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:26 01/01/2023
28. LỖ HẦU NUÔI CHIM

Trước đây, ở Hàn Kiến có một con chim từ biển xa bay lại, dừng lại ngoại ô đô thành của nước Lỗ.

Lỗ hầu cho rằng nó là một con chim thần, bèn ra lệnh bắt nó về và đích thân bày yến tiệc lớn ở tôn miếu để đón tiếp, và đem nó về dinh để phụng dưỡng: mỗi ngày đều tấu nhạc Ngu Thuấn (cửu thiều) cho nó nghe, lúc tế tổ thì dọn thịt trâu, dê, lợn cho nó ăn.

Chim biển bị Lỗ hầu dùng loại “lễ tiết” long trọng như thế thì sợ, vô cùng kinh hoảng, một miếng thịt cũng không dám ăn, một ly nước cũng không dám uống, ba ngày sau thì chết.

( Trang tử )

Suy tư 28:

Có người nói rằng, các linh mục hư hỏng phần lớn nguyên nhân chính là vì giáo dân quá kính trọng các ngài, “đội” các ngài lên trên cả bàn thờ ngang hàng với Chúa trong đời sống hằng ngày, và tôi nghiệm thấy người ta nói như thế cũng có phần đúng.

Giáo dân tôn trọng các linh mục của mình: rất đúng.

Giáo dân kính trọng các chủ chăn của mình: rất đúng.

Giáo dân coi linh mục là người đại diện của Chúa: cũng chẳng sai.

Nhưng giáo dân quên mất rằng: các linh mục cũng là những con người, những con người được Thiên Chúa chọn để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ. Với chức thánh đã lãnh nhận nơi Giáo Hội và với tư cách riêng của các ngài cũng đáng để chúng ta tôn trọng, đó là điều mà không ai phủ nhận.

Nhưng, gặp các ngài ở đằng xa thì đã khúm núm, khom lưng: “lạy cha ạ” thì thử hỏi có linh mục nào mà không cảm thấy “ta đây” chứ? Có những linh mục quá trẻ (28-30 tuổi) cũng vênh mặt lên trời khi các cụ già đáng bậc ông bà nội ngoại của mình khom lưng: chào cha ạ!!!

Chính giáo dân cũng có trách nhiệm một phần lớn khi làm hư các linh mục của mình. Nhưng xét cho cùng thì các linh mục phải nhận ra điều này là: tôi cũng là một con người như những người khác, nhưng được Thiên Chúa chọn làm linh mục, đó là điều vinh dự, nhưng càng vinh dự hơn, nếu tôi biết cúi lưng chào lại giáo dân của tôi, nếu tôi biết mĩm cười và bắt tay họ, nếu tôi biêt cởi bỏ cái vỏ bên ngoài “ta đây” thì có biết bao nhiêu là giáo dân yêu mến Giáo Hội và Chúa hơn.

“Lễ tiết” mà giáo dân dành cho các linh mục quá “hậu” nên đã làm hư các ngài; và có những linh mục đã không quen với các “lễ tiết ấy” nên đã hư mà không biết, bởi vì các linh mục không phải là những con chim thần...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Bênêđíctô XVI: người làm vườn nho khiêm tốn và di sản hy vọng cho Giáo Hội Công Giáo
Vũ Văn An
16:36 01/01/2023

Các ký giả Luke Coppen, AC Wimmer và Matthew Bunson của CNA nhận định rằng, cái chết của Đức Bênêđíctô XVI đã kết thúc một cuộc đời hết sức trọng yếu của một vị giáo phẩm từng công bố “niềm vui vĩnh cửu” của Chúa Giêsu Kitô và tự gọi ngài là “người làm việc khiêm tốn” trong vườn nho của Chúa.

Cái chết của ngài đã được thông báo tại Rome vào ngày 31 tháng 12.

Đức Hồng Y Joseph Aloisius Ratzinger được bầu làm giáo hoàng ngày 19 tháng 4 năm 2005, lấy hiệu là Bênêđíctô XVI. Tám năm sau, vào ngày 11 tháng 2 năm 2013, vị giáo hoàng 85 tuổi này đã gây chấn động thế giới với thông báo — bằng tiếng Latinh — rằng ngài sẽ từ chức giáo hoàng. Đây là lần từ chức đầu tiên của một giáo hoàng trong gần 600 năm. Ngài cho rằng tuổi cao và sức yếu không phù hợp để thực hiện nhiệm vụ của mình.



Tuy nhiên, di sản to lớn về những đóng góp sâu sắc về mặt thần học của ngài cho Giáo hội và thế giới sẽ tiếp tục là nguồn suy tư và nghiên cứu.

Ngay cả trước khi được bầu làm giáo hoàng, Đức Hồng Y Ratzinger đã gây ảnh hưởng lâu dài đối với Giáo hội hiện đại, đầu tiên với tư cách là một nhà thần học trẻ tại Công đồng Vatican II (1962–1965) và sau đó là bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican.

Là một người bảo vệ rõ ràng giáo huấn Công Giáo, ngài đã đặt ra thuật ngữ “chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối” để mô tả sự bất khoan dung ngày càng tăng của chủ nghĩa thế tục đối với niềm tin tôn giáo trong thế kỷ 21.

Triều đại giáo hoàng của Đức Bênêđíctô được định hình bởi sự hiểu biết sâu sắc của ngài về thách thức này đối với Giáo hội và Đạo Công Giáo trước sự xâm lược ý thức hệ đang gia tăng, đặc biệt là từ não trạng phương Tây ngày càng thế tục, cả trong và ngoài Giáo hội.

Đức Bênêđíctô cũng là kiến trúc sư chính của cuộc chiến chống lạm dụng tình dục trong Giáo hội vào đầu những năm 2000. Ngài giám sát những thay đổi sâu rộng đối với giáo luật và sa thải hàng trăm người phạm tội khỏi bậc giáo sĩ. Ngài cũng mở một cuộc điều tra giáo luật về Legionaries of Christ [Đạo binh Chúa Kitô], sau những cáo buộc ngày càng tăng về các vụ lạm dụng tình dục nghiêm trọng từ người sáng lập dòng này, linh mục người Mexico Marcial Maciel Degollado. Cuộc điều tra giáo luật đã dẫn đến một quá trình cải cách lâu dài dưới quyền của Đức Hồng Y Velasio de Paolis.

Hàng triệu người đã đọc các cuốn sách của Đức Bênêđíctô, trong đó có cuốn sách đột phá “Introduction to Christianity” [ Dẫn nhập vào Kitô giáo] năm 1968 và ba tập “Jesus of Nazareth” [Chúa Giêsu thành Nadarét], xuất bản từ năm 2007 đến 2012, trong thời gian ngài làm giáo hoàng.

Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên từ chức trong gần 600 năm. Ngài đã đi từ Thành phố Vatican đến Castel Gandolfo bằng trực thăng vào ngày 28 tháng 2 năm 2013, và sống cuộc sống về hưu vào tháng 5 năm trong tu viện Mater Ecclesiae trong Vườn của Thị Quốc Vatican.

“Tôi chỉ đơn giản là một người hành hương đang bắt đầu chặng cuối cùng của cuộc hành trình trên Trái đất,” ngài nói như thế trong những lời cuối cùng với tư cách là giáo hoàng. “Ta hãy cùng tiến bước với Chúa vì lợi ích của Giáo hội và thế giới.”

Ngài nổi tiếng là người yêu âm nhạc – ngài chơi nhạc Mozart và Beethoven trên piano - cũng như mèo, bánh quy Giáng sinh và thỉnh thoảng uống bia Đức. Cố giáo hoàng cũng nổi tiếng hiền lành, nhã nhặn và là một người con đích thực của xứ Bavaria.

Một ơn gọi cao hơn tại thời điểm chiến tranh

Joseph Ratzinger sinh ngày 16 tháng 4 năm 1927, Thứ Bảy Tuần Thánh, tại thị trấn Marktl am Inn của Bavarian. Cha mẹ ngài, Giuse và Maria, đã nuôi dạy ngài trong đức tin Công Giáo. Cha của ngài - một thành viên trong một gia đình nông dân truyền thống ở Bavaria - từng là cảnh sát viên. Tuy nhiên, Ông Giuse cao niên là một đối thủ quyết liệt của Đức quốc xã đến nỗi gia đình phải chuyển đến Traunstein, một thị trấn nhỏ ở biên giới Áo.

Do đó, Joseph và các anh chị của mình, Georg và Maria, lớn lên trong thời kỳ Quốc xã nổi lên ở Đức, mà sau này ngài gọi là “một chế độ độc ác” đã “trục xuất Thiên Chúa và do đó không thể tiếp nhận bất cứ điều gì chân chính và tốt lành”. Ngài nhập ngũ vào lực lượng phòng không phụ trợ của quân đội trong những tháng cuối cùng của Thế chiến thứ hai, đào ngũ và trải qua một thời gian ngắn trong trại tù binh chiến tranh của Mỹ.

Sau chiến tranh, ngài tiếp tục học để trở thành linh mục và được thụ phong linh mục ngày 29 tháng 6 năm 1951, cùng với anh trai là Đức ông Georg Ratzinger. Hai người vẫn thân thiết trong suốt cuộc đời của họ. Một tuần trước khi Georg qua đời vào năm 2020, Đức Bênêđíctô đã đến Bavaria để nói lời từ biệt lần cuối với anh trai mình.

Trong khi Georg trở thành một trưởng ca đoàn nổi tiếng, thì Joseph theo học tiến sĩ thần học và cuối cùng trở thành một giáo sư đại học, đồng thời là trưởng khoa và phó viện trưởng tại Đại học Regensburg danh tiếng ở Bavaria.

Ngài phục vụ với tư cách là chuyên gia (peritus) của Đức Hồng Y Joseph Frings, tổng giám mục Cologne, tại Công đồng Vatican II. Năm 1972, ngài cùng với các nhà thần học nổi tiếng như Hans Urs von Balthasar và Henri de Lubac thành lập tạp chí thần học Communio để phản ảnh trung thực về thần học trong thời kỳ hỗn loạn sau công đồng và bác bỏ nhiều cách giải thích sai lầm về các tài liệu của công đồng đang được tiến hành.

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã bổ nhiệm ngài làm tổng giám mục Munich và Freising vào đầu năm 1977 và phong ngài làm Hồng Y vào tháng 6 năm đó.

Năm 1981, Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm Đức Hồng Y Ratzinger làm Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Kinh thánh, và chủ tịch Ủy ban Thần học Quốc tế.

Ngài đóng một vai trò quyết định trong việc chuẩn bị Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo (xuất bản năm 1992) và làm sáng tỏ và bảo vệ giáo lý Công Giáo. Ngài đã bị các phương tiện truyền thông thế tục và các nhóm Công Giáo tiến bộ phỉ báng vì những nỗ lực của ngài, đặc biệt là khi ngài hoàn thành nhiệm vụ điều tra các tác phẩm của một số nhà thần học đã đề xuất những giáo lý sai lầm và thậm chí dị giáo. Năm 1997, ở tuổi 70, vị Hồng Y lúc bấy giờ đã xin Đức Gioan Phaolô II cho phép ngài từ chức giáo triều để làm việc trong Thư viện Vatican. Thánh Gioan Phaolô II đã yêu cầu ngài ở lại, và ngài mãi là một trong những nhân vật chủ chốt trong triều đại giáo hoàng Gioan Phaolo6 II cho đến khi vị giáo hoàng này qua đời vào tháng 4 năm 2005.

Sau khi Đức Gioan Phaolô II qua đời, Đức Hồng Y Ratzinger được bầu làm giáo hoàng trong một cuộc mật nghị ngắn nhất trong lịch sử hiện đại.

Lời kêu gọi đổi mới

Đức Hồng Y Ratzinger chọn danh hiệu Bênêđíctô XVI vì, như ngài giải thích trong buổi tiếp kiến chung chỉ vài ngày sau khi được bầu, Đức Bênêđíctô XV (giáo hoàng nhiệm kỳ 1914–1922) cũng đã lèo lái Giáo hội vượt qua thời kỳ hỗn loạn, trong Thế chiến thứ nhất (1914–1918).

“Theo dấu chân của ngài, tôi muốn đặt sứ vụ của mình vào việc phục vụ hòa giải và hòa hợp giữa con người và các dân tộc, vì tôi xác tín sâu sắc rằng lợi ích lớn lao của hòa bình trước hết và trên hết là quà tặng của Thiên Chúa”, ngài nói như thế vào ngày 27 tháng Tư, 2005.

Ngài nói thêm: “Cái tên ‘Bênêđíctô’ cũng gợi nhớ đến nhân vật phi thường là ‘Tổ phụ Phong trào đan viện Tây phương’ vĩ đại. Thánh đồng quan thầy của châu Âu này là ‘điểm quy chiếu cơ bản cho sự thống nhất châu Âu và là lời nhắc nhở mạnh mẽ về cội nguồn Kitô giáo không thể thiếu trong nền văn hóa và văn minh của nó’”.

Triều đại giáo hoàng của Đức Bênêđíctô được đánh dấu bằng những nỗ lực đổi mới giáo hội, trí thức và tâm linh, bao gồm cả việc đối đầu với chủ nghĩa tương đối và chủ nghĩa thế tục, chống lại tai họa lạm dụng tình dục của giáo sĩ, thúc đẩy cải cách phụng vụ và thúc đẩy hơn nữa việc giải thích đích thực Công đồng Vatican II.

Trong bài giảng của mình trước mật nghị năm 2005 đã bầu chọn ngài vào vị trí giáo hoàng, vị sắp trở thành giáo hoàng đã cảnh cáo về một “chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối không công nhận bất cứ điều gì như là dứt khoát và mục tiêu cuối cùng của nó chỉ bao gồm bản ngã và ham muốn của nó”.

Ngài nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu Kitô là “thước đo của chủ nghĩa nhân bản chân chính”, và đức tin trưởng thành cũng như tình bạn với Thiên Chúa là tiêu chuẩn để phân biệt “thật với giả, và dối trá với sự thật”.

Trong bài phát biểu của ngài tại Hội trường Westminster trước các nhà lãnh đạo của Xã hội Anh trong chuyến thăm Vương quốc Anh năm 2010, ngài đã nói về những mối nguy hiểm to lớn đối với xã hội đương thời khi tôn giáo bị xua đuổi khỏi lãnh vực công cộng.

Ngài nói, “Có những người ủng hộ việc tiếng nói của tôn giáo phải bị im bặt, hoặc ít nhất chuyển sang lĩnh vực hoàn toàn riêng tư. Có những người tranh luận rằng không nên tổ chức lễ hội công khai như lễ Giáng sinh, với niềm tin đáng ngờ rằng nó có thể, cách nào đó, xúc phạm đến những người thuộc tôn giáo khác hoặc không có tôn giáo nào”.

Ngài nói: “Và có những người tranh luận – một cách nghịch lý với ý định xóa bỏ sự kỳ thị– rằng các Kitô hữu trong vai trò công cộng đôi khi đòi phải hành động trái với lương tâm của họ. Đây là những dấu hiệu đáng lo ngại về việc không đánh giá cao không những quyền của các tín hữu đối với tự do lương tâm và tự do tôn giáo, mà còn cả vai trò hợp pháp của tôn giáo trong phạm vi công cộng”.

Tiếp xúc với Hồi giáo, khuyến khích truyền giảng Tin Mừng

Gây tranh cãi hơn nhiều là bài phát biểu năm 2006 của ngài tại Đại học Regensburg trước các đại diện của khoa học. Ngài chỉ trích các hình thức tư tưởng thế tục chuyên cổ vũ “một lý do để bịt tai đối với thần linh và đẩy tôn giáo vào lĩnh vực của các nền văn hóa phụ”, cho rằng thái độ này “không có khả năng bước vào cuộc đối thoại của các nền văn hóa”. Ngài cũng chỉ trích các trường phái tư tưởng Kitô giáo và Hồi giáo đã đề cao sai lầm “tính siêu việt và tính khác biệt” của Thiên Chúa đến nỗi lý trí và sự hiểu biết của con người về điều thiện “không còn là tấm gương phản chiếu Thiên Chúa thực sự nữa”.

Một số phương tiện truyền thông và một số chính trị gia Đức đã cố tình đưa bài phát biểu đó ra ngoài ngữ cảnh, tập trung vào một câu trích dẫn đơn nhất cổ xưa của một hoàng đế Byzantine. Sự xuyên tạc này đi kèm với sự bùng nổ bạo lực chống Kitô giáo trên khắp các khu vực của thế giới Hồi giáo.

Bất chấp những phản ứng như vậy, sự đóng góp thực sự của Đức Bênêđíctô đã dẫn đến những nỗ lực đáng kể hơn trong một cuộc đối thoại chân thành giữa Kitô giáo và Hồi giáo - một cuộc đối thoại không che đậy sự khác biệt và kêu gọi sự hỗ tương lẫn nhau trong việc tôn trọng các quyền lợi.

Nhận ra cuộc khủng hoảng sâu xa về hiện sinh và tinh thần mà thế giới đang phải đối đầu, đặc biệt ở phương Tây, Đức Bênêđíctô đã nhắc nhở người Công Giáo khắp nơi nhớ tới ơn gọi truyền giáo. Ngài là người ủng hộ chính cho công cuộc tân phúc âm hóa, đặc biệt trong việc rao giảng và sống Tin Mừng khắp miền được ngài mô tả là “lục địa kỹ thuật số”, tức thế giới của truyền thông trực tuyến và mạng xã hội.

“Không có ưu tiên nào lớn hơn điều này: giúp con người của thời đại chúng ta một lần nữa gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng nói với chúng ta và chia sẻ tình yêu của Người để chúng ta có cuộc sống dồi dào,” ngài nói như thế trong Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Giám mục năm 2010 Verbum Domini Về Lời Chúa trong Đời sống và Sứ mệnh của Giáo hội.

Các quan điểm cạnh tranh về Vatican II

Đức Bênêđíctô cũng thấy rằng Giáo hội cần phải nắm được một sự hiểu biết đích thực về Công đồng Vatican II, bằng cách, trong một bài phát biểu có ảnh hưởng lớn được đưa ra vào năm 2005, ghi nhận hai mô hình giải thích (thông diễn) cạnh tranh nhau đã xuất hiện sau công đồng.

Đầu tiên, mô hình giải thích gián đoạn và đứt đoạn, đề xuất rằng có một sự đứt đoạn căn bản giữa công đồng và quá khứ và không phải các bản văn mà là “tinh thần công đồng” mơ hồ nên hướng dẫn việc giải thích và thực thi nó. Đức Bênêđíctô chỉ trích: “Tóm lại: Không cần phải tuân theo các bản văn của công đồng mà là tinh thần của nó. Theo cách này, rõ ràng, một biên tế lớn được bỏ ngỏ cho vấn đề phải định nghĩa tinh thần này ra sao và do đó đã dành chỗ cho mọi ý thích tùy hứng”.

Chống lại lối giải thích gián đoạn trên, Đức Bênêđíctô đã đề xuất một lối giải thích cải cách và liên tục mà ngài gọi là “canh tân trong tính liên tục của chủ thể -Giáo hội duy nhất mà Chúa đã ban cho chúng ta. Giáo Hội là một chủ thể gia tăng và phát triển trong thời gian, nhưng luôn luôn vẫn như nguyên, một chủ thể của Dân Thiên Chúa đang lữ hành”.

Những nỗ lực của ngài nhằm thiết lập một cách giải thích đúng đắn về Công đồng Vatican II đã kéo dài đến cuối triều đại giáo hoàng của ngài. Vào ngày 14 tháng 2 năm 2013, chỉ hai tuần trước khi việc từ chức của ngài có hiệu lực, ngài cho biết công đồng ban đầu được giải thích “qua con mắt của giới truyền thông,” mô tả nó như một “cuộc đấu tranh chính trị” giữa các khuynh hướng khác nhau trong Giáo hội.

“Công đồng của truyền thông” này đã tạo ra “nhiều tai họa” và “rất nhiều khốn cùng”, với kết quả là các chủng viện và tu viện phải đóng cửa và phụng vụ bị “tầm thường hóa”, ngài nói như thế. Đức Bênêđíctô XVI nói rằng cách giải thích đích thực của Công đồng Vatican II đang “xuất hiện với tất cả sức mạnh tinh thần của nó”.

Lời kêu gọi tiếp tục và cải cách được phát biểu phong phú trong sự lưu ý của Đức Giáo Hoàng đối với phụng vụ, đặc biệt qua cuốn sách tuyệt vời của ngài “Spirit of the Liturgy” [Tinh thần của Phụng vụ] (2000) và những nỗ lực của ngài nhằm khuyến khích việc trở lại với sự tôn kính và vẻ đẹp trong phụng vụ.

Ngài đề xuất, “Đúng vậy, phụng vụ trở nên bản thân, chân thực và mới mẻ, không qua những thí nghiệm ngớ ngẩn và tầm thường với những lời nói, mà qua sự can đảm bước vào thực tại vĩ đại mà qua nghi thức luôn ở phía trước chúng ta và không bao giờ có thể hoàn toàn bị vượt qua.” Trên hết, tầm nhìn của ngài về phụng vụ một lần nữa đặt Thiên Chúa ở trung tâm: “'Hành động' thực sự trong phụng vụ mà tất cả chúng ta phải tham gia là hành động của chính Thiên Chúa. Đây là điều mới mẻ và khác biệt trong phụng vụ Kitô giáo: chính Thiên Chúa hành động và làm điều thiết yếu.”

Đưa mối quan tâm của ngài vào thực hành, ngài đã ban hành tông thư Summorum Pontificum năm 2007, mở rộng đáng kể việc cho phép các linh mục cử hành Thánh lễ theo sách lễ trước những cải cách năm 1970. Ngài viết trong Summorum Pontificum: “Trong lịch sử phụng vụ có tăng trưởng và tiến bộ, nhưng không đứt đoạn. Điều mà các thế hệ trước coi là thánh thiêng, vẫn là thánh thiêng và vĩ đại đối với chúng ta, và không thể đột nhiên bị cấm hoàn toàn hoặc thậm chí bị coi là có hại. Tất cả chúng ta có trách nhiệm bảo tồn sự phong phú đã phát triển trong đức tin và lời cầu nguyện của Giáo hội, đồng thời dành cho chúng một vị trí thích hợp.”

Và để trả lời câu hỏi liệu việc tái cho phép Thánh lễ của Công đồng Trente này có phải là một sự nhượng bộ đối với Hội ly giáo Thánh Pius X hay không, Đức Bênêđíctô đã nói với Peter Seewald trong “Di chúc cuối cùng” (2016): “Điều này hoàn toàn sai! Đối với tôi, điều quan trọng là Giáo hội là một với chính mình từ bên trong, với quá khứ của chính mình; những gì trước đây là thánh thiện đối với Giáo hội thì bây giờ không thể sai được”.

Các nỗ lực của ngài trong việc cải cách Giáo triều La Mã vẫn chưa hoàn thành vào thời điểm ngài từ chức. Sự chú ý của giới truyền thông đặc biệt tập trung vào điều gọi là vụ tai tiếng Vati-Leaks, liên quan đến việc rò rỉ các tài liệu riêng tư của Đức Giáo Hoàng và vụ bắt giữ và xét xử một quản gia của Đức Giáo Hoàng. Tuy nhiên, ngài đã thực hiện các bước quan trọng hướng tới sự minh bạch tài chính thực sự mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã thực hiện.

Tương tự như vậy, trong những năm làm bộ trưởng và sau đó làm giáo hoàng, ngài đã đặt nền tảng quan trọng cho đáp ứng của Giáo hội đối với cuộc khủng hoảng và giúp mở đường cho những cải cách sâu rộng hơn nữa dưới thời Giáo hoàng Phanxicô.

Kiên quyết xử lý các vụ lạm dụng

Rất lâu trước khi được bầu làm giáo hoàng, Đức Hồng Y Ratzinger đã thúc đẩy những nỗ lực nghiêm túc để đối phó với tai họa lạm dụng tình dục của giáo sĩ. Năm 2001, ngài có công trong việc đặt các vụ lạm dụng dưới quyền tài phán của Bộ Giáo lý Đức tin và giúp các giám mục Hoa Kỳ nhận được sự chấp thuận của Vatican đối với Hiến chương Dallas và các Quy tắc căn bản mà sau đó đã tạo cơ sở cho sự tiến bộ to lớn trong việc giải quyết các vụ lạm dụng của giáo sĩ ở Hoa Kỳ.

Vào những ngày ngay trước khi Đức Gioan Phaolô II qua đời, tức tháng 3 năm 2005, Đức Hồng Y Ratzinger đã viết những bài suy gẫm về Đàng Thánh Giá vào Thứ Sáu Tuần Thánh ở Rôma. Trong suy tư của mình về trạm thứ chín, ngài đã lên án gay gắt, “Có biết bao điều ô uế trong Giáo hội, ngay trong số những người, trong chức linh mục, lẽ ra hoàn toàn thuộc về Ngài!” Các bài bình luận đã dự báo ngài sẽ cam kết chống lạm dụng kể từ thời điểm đắc cử.

Hai tháng sau khi làm giáo hoàng, Đức Bênêđíctô đã kỷ luật Cha Marcial Maciel, người sáng lập có sức lôi cuốn và có ảnh hưởng của Đạo Binh Chúa Kitô, người từ lâu đã bị buộc tội lạm dụng tình dục các chủng sinh và sau đó được tiết lộ là đã có một cuộc sống hai mặt vô cùng tai tiếng.

Hàng trăm linh mục phạm tội lạm dụng tình dục đã bị phế truất dưới thời Đức Bênêđíctô. Đây là sự tiếp nối công việc của ngài tại Bộ Giáo lý Đức tin, nhưng giờ đây nó đi kèm với lời xin lỗi chính thức tới các nạn nhân, bao gồm cả những người ở Hoa Kỳ, Úc, Canada và Ireland. Năm 2008, trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ, ngài đã đích thân gặp gỡ các nạn nhân, và vào năm 2010, ngài đã viết một lá thư mục vụ cho người Công Giáo Ireland để xin họ tha thứ cho những đau khổ to lớn do lạm dụng gây ra.

Ngài viết: “Anh chị em đã phải chịu đựng rất nhiều và tôi thực sự xin lỗi. Tôi biết rằng không có gì có thể gỡ được sai lầm mà anh chị em đã phải chịu đựng. Lòng tin của anh chị em đã bị phản bội và nhân phẩm của anh chị em đã bị xâm phạm. Nhiều người trong số anh chị em thấy rằng, khi anh chị em đủ can đảm để nói về những gì đã xảy ra với mình, thì lại không có ai lắng nghe”.

Một bậc thầy và nhà thần học lỗi lạc

Mặc dù tuổi đã cao vào thời điểm đắc cử, Đức Bênêđíctô vẫn tiếp tục thói quen đi khắp thế giới của Đức Gioan Phaolô II. 25 chuyến tông du của ngài bên ngoài nước Ý bao gồm ba chuyến đi đến quê hương Đức và ba Ngày Giới trẻ Thế giới.

Chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ năm 2006 của ngài tập trung vào mối quan hệ với Hồi giáo và Kitô giáo Chính thống, trong đó có việc ngài tham dự Các Giờ Kinh Phụng vụ do Thượng phụ Chính thống giáo của Constantinople cử hành. Trong chuyến thăm Hoa Kỳ năm 2008, ngài đã đến thăm địa điểm tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới bị phá hủy, một giáo đường Do Thái ở New York và Đại học Công Giáo Hoa Kỳ ở Washington, D.C.

“Chúa Kitô là con đường dẫn đến Chúa Cha, là sự thật mang lại ý nghĩa cho sự hiện hữu của con người, và là nguồn của sự sống vốn là niềm vui vĩnh cửu với tất cả các thánh trong Vương quốc thiên đàng của Người,” ngài nói như thế với 60,000 người tập trung tham dự Thánh lễ tại Sân vận động Yankee của thành phố New York vào tháng 4 năm 2008.

Dù không lập kỷ lục phong chân phước và phong thánh nhiều nhất, Đức Bênêđíctô đã phong thánh cho 45 vị thánh mới, trong đó có Damien de Veuster, linh mục cùi của Molokai (2008); André Bessette người Canada gốc Pháp (2010); và Kateri Tekakwitha (2012), vị thánh người Mỹ bản địa đầu tiên. Ngài có sự khác biệt duy nhất trong việc cho phép bắt đầu án phong thánh cho người tiền nhiệm của mình, Đức Gioan Phaolô II, và rất hân hạnh được chủ tọa lễ phong chân phước cho ngài vào năm 2011. (Thánh Gioan Phaolô II được Đức Thánh Cha Phanxicô phong thánh vào năm 2014.)

Ngài cũng đã phong hai tiến sĩ của Giáo hội vào năm 2012, nhà thần bí người Đức thời trung cổ và nữ đan viện trưởng, Thánh Hildegard thành Bingen và linh mục người Tây Ban Nha, Thánh Gioan Ávila.

Ba thông điệp của ngài, Caritas in Veritate, Spe Salvi, và Deus Caritas Est, nhấn mạnh đến các nhân đức thần học của đức mến và đức cậy. Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết hợp thông điệp đức tin còn dang dở của Đức Bênêđíctô vào thông điệp Lumen fidei năm 2013 của chính ngài.

Mỗi thông điệp đưa ra những suy tư sâu sắc của một trong những nhà thần học vĩ đại của Giáo hội. Ý nghĩa tương tự có thể được gắn liền với các tông huấn hậu thượng hội đồng của ngài, thành quả của các Thượng Hội đồng Giám mục được tổ chức dưới sự hướng dẫn của ngài. Tông huấn năm 2007 của ngài Sacramentum Caritatis, về Bí tích Thánh Thể là “Nguồn mạch và Đỉnh cao của Đời sống và Sứ mệnh của Giáo hội,” đã báo trước lời kêu gọi phục hưng Thánh Thể trong những năm gần đây.

Đức Bênêđíctô viết, “Bí tích bác ái, Bí tích Thánh Thể, là hồng phúc mà Chúa Giêsu Kitô làm từ chính Người, nhờ đó mặc khải cho chúng ta tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho mọi người nam nữ… Mầu nhiệm thánh thể cũng đánh thức trong tâm hồn chúng ta biết bao điều lạ lùng!” (SC, 1).

Đức Bênêđíctô nổi tiếng như là một nhà thần học và tác giả trên trường quốc tế trước khi ngài được bầu làm giáo hoàng. Các cuốn sách của ngài bao gồm “Introduction to Christianity,” [Dẫn nhập vào Kitô giáo], một tuyển tập các bài giảng ở trường đại học của ngài về đức tin trong thế giới hiện đại. Những cuốn sách phỏng vấn của ngài là những cuốn sách bán chạy nhất, bao gồm “The Ratzinger Report” [Tường trình Ratzinger] (1985) với Vittorio Messori, “Salt of the Earth” [Muối đất] (1996), “God and the World” [Chúa và Thế giới] (2000), và “Light of the World” [Ánh sáng Thế giới] ( 2010) với nhà báo và tác giả người Đức Peter Seewald. Một trong những tác phẩm nổi tiếng mang tên ngài là bộ ba tác phẩm “Chúa Giêsu Thành Nadarét,” một nỗ lực nhằm giải thích Chúa Giêsu Kitô cho thế giới hiện đại.

Một giáo hoàng hưu trí

Đức Bênêđíctô đã sống một đời sống cầu nguyện và suy tư sau cuộc bầu cử Đức Giáo Hoàng Phanxicô, thỉnh thoảng hỏi ý kiến và gặp gỡ người kế nhiệm ngài. Cuối cùng, thời gian nghỉ hưu và sống ẩn dật của ngài dài hơn triều đại giáo hoàng của ngài.

Ngài đã hiện diện trong lễ phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II và Đức Gioan XXIII tại Đền thờ Thánh Phêrô vào ngày 27 tháng 4 năm 2014. Ngoài ra, ngài đã tham dự lễ khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót vào ngày 8 tháng 12 năm 2015.

Những can thiệp thỉnh thoảng công khai của ngài đã gây ra những phản ứng và tranh luận gay gắt. Năm 2019, ngài đã đóng góp vào cuộc thảo luận về cuộc khủng hoảng lạm dụng bằng một bài tiểu luận, đi vào trọng tâm của vấn đề - chế độ độc tài của thuyết tương đối mà ngài từng cảnh cáo năm 2005.

Ngài viết, “Ngày nay, trên hết, các lời buộc tội chống lại Thiên Chúa là về việc mô tả Giáo hội của Người như hoàn toàn xấu xa, và do đó làm chúng ta từ bỏ nó. Ý tưởng về một Giáo hội tốt đẹp hơn, do chúng ta tạo ra, thực tế là một đề xuất của ma quỷ, theo đó nó muốn dẫn dắt chúng ta xa rời Thiên Chúa hằng sống, thông qua một logic lừa dối mà chúng ta rất dễ bị lừa”.

“Giáo Hội của Thiên Chúa cũng hiện hữu ngày nay, và ngày nay nó chính là công cụ mà qua đó Thiên Chúa cứu rỗi chúng ta.”

Vào tháng 7 năm 2021, vị giáo hoàng hưu trí lúc đó 94 tuổi đã cảnh cáo về một Giáo hội và giáo lý không có đức tin; ngài nói rằng: “Chỉ có đức tin mới giải phóng con người khỏi những ràng buộc và hạn hẹp của thời gian”.

Vào tháng 2 năm 2022, Đức Giáo Hoàng hưu trí đã công bố một lá thư đề cập đến một báo cáo về lạm dụng ở Tổng giáo phận Munich-Freising, buộc lỗi ngài trong việc xử lý các vụ lạm dụng trong thời gian làm tổng giám mục vào cuối những năm 1970. Trong đó, một lần nữa ngài bày tỏ với tất cả các nạn nhân bị lạm dụng tình dục sự xấu hổ sâu xa, nỗi buồn sâu xa và lời cầu xin tha thứ chân thành của ngài.

Bức thư cũng phục vụ như một suy gẫm cuối cùng về cuộc đời nghỉ hưu của ngài nhưng cũng là đức tin bền vững đặc trưng cho những lao công của ngài nhân danh Chúa Kitô và Giáo hội của Người.

Ngài viết: “Sẽ sớm thôi, tôi sẽ thấy mình đứng trước vị thẩm phán cuối cùng của cuộc đời tôi. Mặc dù, khi nhìn lại cuộc đời dài của mình, tôi có thể có lý do rất lớn để sợ hãi và run rẩy, nhưng tôi vẫn vui mừng, vì tôi tin chắc rằng Chúa không những là vị quan tòa công bình, mà còn là người bạn và người anh em của tôi. chính Người đã đau khổ vì những thiếu sót của tôi, và do đó cũng là người biện hộ cho tôi, 'Đấng phù hộ' của tôi”.

Ngài viết tiếp: “Trước giờ phán xét, ân sủng được làm một Kitô hữu càng trở nên rõ ràng hơn đối với tôi. Nó cho tôi kiến thức, và thực sự là tình bạn, với vị thẩm phán của cuộc đời tôi, và do đó cho phép tôi tự tin bước qua cánh cửa tối tăm của cái chết.”

Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ cử hành Thánh lễ an táng của Đức Bênêđíctô XVI.
 
Bài Giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ đầu năm mới, ngày hòa bình thế giới
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
16:54 01/01/2023


Ngày 1 tháng Giêng không chỉ đánh dấu ngày bắt đầu một năm mới — đó còn là Lễ trọng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, và Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 54.

Hai lễ kỷ niệm này liên kết với nhau bởi vì, như Thánh Phaolô Đệ Lục đã viết vào năm 1974, Đức Maria là Nữ Vương Hòa Bình.

Trong bài giảng thánh lễ lúc 10h sáng, Đức Thánh Cha nói:

Mẹ thánh của Thiên Chúa! Đây là lời tung hô hân hoan của Dân thánh Thiên Chúa vang vọng trên đường phố Êphêsô vào năm 431, khi các Nghị phụ Công đồng tuyên bố Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Sự thật này là một dữ liệu cơ bản của đức tin, nhưng trên hết, đó là một sự thật kỳ diệu. Thiên Chúa có một người Mẹ và do đó gắn bó mãi mãi với nhân loại của chúng ta, giống như một đứa trẻ với mẹ của mình, đến mức nhân loại của chúng ta là nhân loại của Ngài. Đó là một sự thật đáng kinh ngạc và an ủi, đến nỗi Công đồng gần đây nhất, nhóm họp tại Đền thờ Thánh Phêrô này, đã tuyên bố rằng, “bằng sự nhập thể của mình, Con Thiên Chúa, theo một cách nào đó, đã kết hợp với mỗi cá nhân. Ngài làm việc bằng bàn tay con người, Ngài suy nghĩ bằng khối óc con người, Ngài hành động bằng ý chí con người và yêu thương bằng trái tim con người. Được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, Người đã thực sự trở thành một người trong chúng ta, giống chúng ta mọi sự, trừ tội lỗi” (Gaudium et Spes, 22). Đó là điều Thiên Chúa đã làm khi được sinh ra bởi Đức Maria: Người đã bày tỏ tình yêu cụ thể của Người đối với nhân loại chúng ta, đón nhận nó một cách thực sự và trọn vẹn. Anh chị em thân mến, Thiên Chúa không yêu chúng ta bằng lời nói nhưng bằng việc làm; không phải từ “trên cao”, nhưng “đến gần”, chính xác là từ “trong” xác thịt của chúng ta, bởi vì nơi Mẹ Maria, Ngôi Lời đã trở nên xác phàm, bởi vì Chúa Kitô tiếp tục có một trái tim bằng thịt đập cho mỗi người chúng ta!

Mẹ thánh của Thiên Chúa! Nhiều cuốn sách và bộ sách quan trọng đã được viết về tước hiệu này của Đức Mẹ. Tuy nhiên, những lời này phần lớn đã đi vào trí óc và trái tim của Dân thánh Thiên Chúa qua lời cầu nguyện đơn sơ và quen thuộc đi kèm với nhịp điệu hàng ngày của chúng ta, những khoảnh khắc mệt mỏi và những khát vọng lớn nhất của chúng ta: đó là Kinh Kính Mừng. Sau một vài câu rút ra từ lời Chúa, phần thứ hai của lời nguyện tiếp tục: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội…” Lời khẩn cầu này, thường được lặp đi lặp lại trong ngày, đã cho phép Thiên Chúa đến gần, qua Đức Maria, trong cuộc sống của chúng ta và lịch sử của chúng ta. Lạy Mẹ Thiên Chúa, xin cầu cho chúng con là những kẻ tội lỗi… Lời kinh ấy được đọc bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, trên những chuỗi hạt Mân Côi và vào những lúc cần thiết, trước ảnh thánh hoặc khi đi trên đường. Mẹ Thiên Chúa luôn đáp lại lời khẩn cầu này; Mẹ nghe những lời thỉnh cầu của chúng ta; ẵm Con của Mẹ trong vòng tay, Mẹ chúc lành cho chúng ta và mang đến cho chúng ta tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa nhập thể. Tóm lại, Mẹ Maria cho chúng ta niềm hy vọng. Vào đầu năm nay, chúng ta cần hy vọng, cũng như trái đất cần mưa. Năm nay mở ra với việc cử hành Mẹ Thiên Chúa và Mẹ của chúng ta, nói với chúng ta rằng chìa khóa của niềm hy vọng là Mẹ Maria và điệp ca của niềm hy vọng là lời khẩn cầu, Mẹ Thánh Thiên Chúa. Và hôm nay, chúng ta phó thác Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđictô XVI cho Mẹ Rất Thánh của chúng ta, xin Mẹ đồng hành với ngài trên hành trình từ thế gian này đến với Thiên Chúa.

Chúng ta hãy đặc biệt cầu xin Mẹ của chúng ta cho những người con trai và con gái của Mẹ đang đau khổ và không còn sức để cầu nguyện, và cho rất nhiều anh chị em của chúng ta trên khắp thế giới là nạn nhân của chiến tranh, đang trải qua những ngày lễ này trong bóng tối và giá lạnh, trong nghèo đói và sợ hãi, đắm chìm trong bạo lực và thờ ơ! Đối với tất cả những ai không có hòa bình, chúng ta hãy khẩn cầu Đức Maria, người phụ nữ đã mang đến thế giới vị Hoàng tử hòa bình (x. Is 9:6; Gal 4:4). Nơi Mẹ, Nữ Vương Hòa Bình, lời chúc phúc mà chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ nhất đã được nên trọn: “Nguyện Chúa đoái thương nhìn đến anh em và ban bình an cho anh em” (Ds 6:26). Dưới bàn tay của một người Mẹ, bình an của Thiên Chúa muốn đi vào nhà của chúng ta, trái tim của chúng ta và thế giới của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta phải làm gì để nhận được sự bình an đó?

Chúng ta hãy để những người mà chúng ta gặp trong bài Tin Mừng hôm nay hướng dẫn, những người đầu tiên nhìn thấy Đức Mẹ và Hài Nhi: đó là các mục đồng Bêlem. Họ là những người nghèo và có lẽ hơi thô lỗ, và đêm đó họ đang làm việc. Tuy nhiên, họ, chứ không phải những người uyên bác hay quyền thế, lại là những người đầu tiên nhận ra Thiên Chúa giữa chúng ta, Thiên Chúa đã trở nên nghèo khó và yêu thương ở với người nghèo. Tin Mừng nhấn mạnh hai điều rất đơn giản mà các mục đồng đã làm: những điều đơn giản nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng. Họ đã đi và thấy. Hai hành động: Đi và thấy.

Đầu tiên, đi. Tin Mừng cho chúng ta biết rằng các mục đồng “vội vàng ra đi” (Lc 2:16). Họ đã không chờ đợi xung quanh. Lúc đó là ban đêm, họ phải giữ đàn gia súc, và tự nhiên họ cảm thấy mệt mỏi: họ có thể dễ dàng chờ đợi bình minh, trì hoãn cho đến khi mặt trời mọc để đi xem Hài Nhi nằm trong máng cỏ. Thay vào đó, họ ra đi một cách vội vã, bởi vì trong bối cảnh liên quan đến những điều quan trọng, chúng ta cần phải phản ứng nhanh chóng và không chờ đợi, vì “ân sủng của Thánh Thần không thể chậm trễ” (SAINT AMBROSE, Commentary on Saint Luke, 2). Và thế là họ gặp được Đấng Mêsia, Đấng được chờ đợi trong nhiều thế kỷ, Đấng mà rất nhiều người khác đã tìm kiếm từ lâu.

Thưa anh chị em, nếu chúng ta muốn chào đón Thiên Chúa và sự bình an của Người, chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn mọi việc tốt đẹp hơn. Chúng ta cần đứng dậy, nhận ra những khoảnh khắc của ân sủng, lên đường và mạo hiểm. Chúng ta cần phải mạo hiểm! Hôm nay, trong ngày đầu năm mới này thay vì đứng suy nghĩ và hy vọng mọi thứ sẽ thay đổi, chúng ta nên tự hỏi bản thân: “Năm nay mình muốn đi đâu? Tôi có thể giúp ai đây?” Rất nhiều người, trong Giáo hội và ngoài xã hội, đang chờ đợi điều tốt lành mà anh chị em và chỉ anh chị em mới có thể làm, họ đang chờ đợi sự giúp đỡ của anh chị em. Ngày nay, giữa sự thờ ơ làm tê liệt các giác quan của chúng ta, sự thờ ơ làm tê liệt trái tim chúng ta và sự cám dỗ lãng phí thời gian dán mắt vào bàn phím trước màn hình máy tính, những người chăn chiên đang kêu gọi chúng ta lên đường và tham gia vào thế giới của chúng ta, để bẩn tay của chúng ta và để làm một số tốt. Họ đang mời gọi chúng ta gác lại nhiều thói quen và những tiện nghi của chúng ta để mở lòng đón nhận những điều mới mẻ của Thiên Chúa, những điều được tìm thấy trong sự khiêm nhường phục vụ, trong sự can đảm chăm sóc người khác. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy bắt chước các mục đồng: chúng ta hãy mau mắn lên đường!

Tin Mừng cho chúng ta biết khi đến nơi, các mục đồng “gặp được bà Maria, ông Giuse và hài nhi nằm trong máng cỏ” (c. 16). Sau đó, Tin Mừng nói thêm rằng “sau khi nhìn thấy” Hài Nhi (x. câu 17), họ lên đường, đầy kinh ngạc, để nói với những người khác về Chúa Giêsu, tôn vinh và chúc tụng Thiên Chúa về mọi điều họ đã nghe và thấy (x. 17-18, 20). Điều quan trọng là họ đã nhìn thấy Người. Điều quan trọng là nhìn thấy, nhìn quanh và giống như những người chăn chiên, dừng lại trước Hài Nhi đang nằm trong vòng tay của mẹ Người. Không nói gì, không hỏi gì, không làm gì. Chỉ đơn giản là nhìn trong thinh lặng, tôn thờ và chiêm ngưỡng tình yêu dịu dàng và an ủi của Thiên Chúa làm người, và Mẹ của Người và cũng là Mẹ của chúng ta. Vào đầu năm nay, trong số tất cả những điều khác mà chúng ta muốn làm và trải nghiệm, chúng ta hãy dành một chút thời gian để nhìn, để mở mắt và chú ý trước những gì thực sự quan trọng: đó là Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta. Chúng ta hãy can đảm để trải nghiệm điều kỳ diệu của cuộc gặp gỡ, đó là phong cách của Thiên Chúa. Đó là một cái gì đó rất khác với sự quyến rũ của thế giới, là thứ dường như làm chúng ta bình tĩnh. Điều kỳ diệu của Thiên Chúa và của cuộc gặp gỡ mang lại cho chúng ta bình an; thế giới chỉ có thể gây mê chúng ta và mang lại sự an tâm.

Đã bao nhiêu lần, trong cuộc sống bận rộn của chúng ta, chúng ta không dừng lại, dù chỉ một lúc, để gần gũi với Chúa và lắng nghe lời Người, để đọc kinh, để tôn thờ và ngợi khen Người. Chúng ta cũng làm như vậy với những người khác: bận bịu với công việc của mình hoặc lo chuyện tiến lên, chúng ta không có thời gian để lắng nghe vợ, chồng mình, nói chuyện với con cái, hỏi han chúng xem chúng thực sự thế nào, và không chỉ đơn giản là về việc học tập hoặc sức khỏe của chúng. Và thật tốt biết bao khi chúng ta dành thời gian lắng nghe những người lớn tuổi, những ông bà của chúng ta, để ghi nhớ ý nghĩa sâu xa hơn của cuộc đời chúng ta và tìm lại cội nguồn của mình. Chúng ta cũng hãy tự hỏi, liệu chúng ta có khả năng nhìn thấy những người hàng xóm, những người sống trong cùng một tòa nhà, những người chúng ta gặp hàng ngày trên đường phố hay không. Anh chị em, chúng ta hãy noi gương các mục đồng: chúng ta hãy học cáh nhìn! Để hiểu làm sao nhìn bằng trái tim của chúng ta. Chúng ta hãy học cách nhìn.

Đi và thấy. Hôm nay Chúa đã đến giữa chúng ta và Mẹ Thiên Chúa đặt Người trước mắt chúng ta. Chúng ta hãy khám phá lại nhiệt tình đi ra và ngạc nhiên khi nhìn thấy bí mật có thể làm cho năm nay thực sự “mới”, và nhờ đó vượt qua sự mệt mỏi vì bế tắc hoặc sự yên bình giả tạo quyến rũ.

Và giờ đây, thưa anh chị em, tôi mời tất cả anh chị em hãy nhìn lên Đức Trinh Nữ Maria. Chúng ta hãy cầu khẩn Mẹ ba lần, như người dân Êphêsô đã cầu xin: Lạy Mẹ thánh Thiên Chúa! Lạy Mẹ thánh Thiên Chúa! Lạy Mẹ thánh Thiên Chúa!

Chúc anh chị em ngày mới tốt lành và hạnh phúc!
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật đầu năm mới
Đặng Tự Do
17:20 01/01/2023
Ngày 1 tháng Giêng, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Lễ trọng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, và Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 54.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca

Khi ấy, các người chăn chiên hối hả ra đi đến Bê lem. Họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ kể lại điều họ đã được nghe nói về Hài Nhi này.

Tất cả những ai nghe đều ngạc nhiên về những gì các người chăn chiên nói cho biết. Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.

Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được tai nghe mắt thấy theo như họ đã được loan báo.

Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Khởi đầu của năm mới được phó thác cho Đức Maria Rất Thánh mà chúng ta mừng kính hôm nay là Mẹ Thiên Chúa. Vào lúc này, chúng ta hãy xin Mẹ chuyển cầu đặc biệt cho Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđictô XVI, người đã rời bỏ thế giới này vào sáng hôm qua. Tất cả chúng ta hãy cùng nhau, với một trái tim và một linh hồn, tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân người tôi tớ trung thành của Tin Mừng và của Giáo hội. Gần đây chúng ta đã xem trên TV, chương trình “Sua Immagine”, tất cả những gì ngài đã làm và cuộc đời của Đức Bênêđictô.

Khi chiêm ngắm Mẹ Maria trong chuồng gia súc nơi Chúa Giêsu sinh ra, chúng ta có thể tự hỏi: Đức Trinh Nữ dùng ngôn ngữ nào để nói với chúng ta? Đức Maria nói như thế nào? Chúng ta có thể học được gì từ Mẹ cho năm mới đang bắt đầu này? Chúng ta có thể nói: “Lạy Đức Mẹ, xin dạy chúng con phải làm gì trong năm nay”.

Trong thực tế, nếu chúng ta quan sát khung cảnh mà Phụng vụ hôm nay trình bày cho chúng ta, chúng ta sẽ nhận thấy rằng Đức Maria không nói. Mẹ đón nhận mầu nhiệm Mẹ đang cảm nghiệm với lòng kính sợ, Mẹ ấp ủ mọi sự trong lòng và nhất là Mẹ quan tâm đến Hài Nhi, như Phúc Âm đã nói, “được đặt nằm trong máng cỏ” (x. Lc 2,16). Động từ “đặt” này có nghĩa là đặt cẩn thận, và điều này cho chúng ta biết rằng ngôn ngữ riêng của Đức Maria là từ mẫu: Mẹ dịu dàng chăm sóc Hài Nhi. Đây là sự vĩ đại của Đức Maria. Khi các thiên thần hát mừng, những người chăn cừu chạy đến và mọi người lớn tiếng ca ngợi Chúa về những gì đã xảy ra, Đức Maria không nói, Mẹ không giải thích cho khách của mình mọi thứ đã xảy ra với Mẹ, Mẹ không đánh cắp buổi biểu diễn – với chúng ta những người thích phỗng tay trên các chương trình! – Mẹ không đánh cắp chương trình. Ngược lại, Mẹ đặt Hài Nhi làm trung tâm, Mẹ âu yếm chăm sóc Người. Một nhà thơ đã từng viết rằng Đức Maria “thậm chí còn biết cách im lặng một cách trang trọng, […] bởi vì Mẹ không muốn đánh mất Chúa của mình” (A. Merini, Corpo d'amore. Un incontro con Gesù, Milano 2001, 114).

Đây thường là ngôn ngữ của người mẹ: sự dịu dàng khi chăm sóc. Trên thực tế, sau khi sinh ra món quà là một thần đồng bí ẩn trong bụng mẹ suốt 9 tháng, các bà mẹ liên tục đặt con mình vào trung tâm của sự chú ý: họ cho chúng ăn, ẵm chúng trên tay, dịu dàng đặt chúng vào nôi.. Chăm sóc – đây là ngôn ngữ của Mẹ Thiên Chúa, ngôn ngữ của những bà mẹ: đó là chăm sóc.

Thưa anh chị em, giống như tất cả những người mẹ, Đức Maria đã cưu mang sự sống trong cung lòng của mình và do đó, Mẹ nói với chúng ta về tương lai của chúng ta. Nhưng đồng thời, Mẹ cũng nhắc nhở chúng ta rằng, nếu chúng ta thực sự muốn có một Năm Mới tốt lành, nếu chúng ta muốn xây dựng lại niềm hy vọng, chúng ta cần phải từ bỏ ngôn ngữ, những hành động và những lựa chọn do chủ nghĩa vị kỷ khởi xướng và học ngôn ngữ của tình yêu, đó là hãy chăm sóc. Chăm sóc là một ngôn ngữ mới chống lại những ngôn ngữ của chủ nghĩa vị kỷ. Đây là cam kết: hãy chăm sóc cuộc sống của chúng ta – mỗi người chúng ta cần chăm sóc cuộc sống của chính mình – chăm sóc thời gian của chúng ta, tâm hồn của chúng ta; chăm sóc tạo vật và môi trường chúng ta đang sống; và hơn thế nữa, hãy chăm sóc người lân cận của chúng ta, những người mà Chúa đã đặt bên cạnh chúng ta, cũng như những anh chị em của chúng ta đang gặp khó khăn và những người kêu gọi sự quan tâm và lòng trắc ẩn của chúng ta. Khi nhìn Đức Mẹ đang chăm sóc Hài Nhi của Mẹ, chúng ta hãy học cách chăm sóc người khác, kể cả chính mình, chăm sóc sức khỏe nội tâm, đời sống thiêng liêng, bác ái.

Kỷ niệm Ngày Hòa bình Thế giới hôm nay, chúng ta hãy ý thức lại trách nhiệm đã được trao phó cho chúng ta để xây dựng tương lai – trước những khủng hoảng cá nhân và xã hội mà chúng ta đang sống, trước thảm kịch chiến tranh,” chúng ta được kêu gọi đương đầu với những thách thức của thế giới chúng ta với tinh thần trách nhiệm và lòng trắc ẩn” (Thông điệp Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 56, 5). Và chúng ta có thể làm được điều này nếu chúng ta quan tâm đến nhau và nếu tất cả chúng ta cùng nhau chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.

Chúng ta hãy cầu xin Đức Maria Rất Thánh, Mẹ Thiên Chúa, để trong thời đại này, bị ô nhiễm bởi sự lạnh lùng và thờ ơ, Mẹ có thể làm cho chúng ta có khả năng cảm thương và quan tâm – có khả năng cảm thương và quan tâm – có khả năng “nhìn kỹ hơn”. và thông cảm với người khác bất cứ khi nào cần thiết” (Apos. Tông huấn Evangelii Gaudium, 169).

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Với tất cả anh chị em có mặt ở đây, và với tất cả những ai đang theo dõi qua các phương tiện truyền thông, tôi xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất cho Năm Mới. Tôi bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới Tổng thống Cộng hòa Ý, Ngài Sergio Mattarella, cầu chúc sự thịnh vượng cho người dân Ý; và những lời chúc tương tự đến với Thủ tướng chính phủ.

Vào ngày này mà Thánh Phaolô Đệ Lục muốn dành để cầu nguyện và suy tư cho hòa bình trên thế giới, chúng ta hãy cảm nhận mạnh mẽ hơn nữa sự tương phản của chiến tranh, mà ở Ukraine và ở các khu vực khác, đang gieo rắc chết chóc và hủy diệt. Tuy nhiên, chúng ta đừng mất hy vọng vì chúng ta có niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng đã mở ra cho chúng ta con đường bình an nơi Đức Giêsu Kitô. Kinh nghiệm về đại dịch đã dạy chúng ta rằng không ai có thể tự cứu mình mà cùng nhau chúng ta có thể theo đuổi con đường hòa bình và phát triển. Trên khắp thế giới, từ mọi người dân, tiếng kêu đang vang lên: Không chiến tranh! Không tái vũ trang! Cầu xin cho các nguồn tài nguyên hướng tới phát triển, y tế, thực phẩm, giáo dục, việc làm.

Trong số vô số sáng kiến được thúc đẩy trong cộng đồng Kitô hữu, tôi nhớ lại cuộc tuần hành toàn quốc diễn ra ngày hôm qua ở Altamura, sau bốn đoàn lữ hành đã mang tình đoàn kết của họ đến Ukraine. Tôi xin chào và cảm ơn đông đảo bạn bè của cộng đồng Thánh Egidio, những người đã đến trong năm nay để làm chứng cho cam kết của họ vì hòa bình ở mọi vùng đất, ở đây và ở nhiều thành phố trên thế giới. Cảm ơn các anh chị em thân yêu của cộng đồng Thánh Egidio.

Và tôi chào mừng hai ban nhạc đến từ Virginia và Alabama, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ – chúng ta muốn nghe họ ngay sau đây! Tôi chào các bạn trẻ thuộc phong trào Regnum Christi – cám ơn các bạn! Họ đang làm cho mình được lắng nghe! – từ nhiều quốc gia khác nhau ở Mỹ Châu và Âu Châu, cũng như các trẻ em và gia đình từ Cộng đồng Nhà Tiệc Ly, xin chúc lành cho Mẹ Elvira và cho tất cả cộng đồng.

Tôi chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật thú vị và một năm mới hạnh phúc. Đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.

Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội Ái Hữu Nghệ Tĩnh Bình tại Melbourne mừng bổn mạng
Trần Văn Minh
03:53 01/01/2023
Melbourne, vào lúc 3 giờ chiều Chúa nhật 1/1/2023. Đồng hương Giáo phận Hà Tĩnh và Vinh được gọi chung là Nghệ-Tĩnh-Bình, sống trong Tiểu bang Victoria, nhất là khu vực Tổng Giáo phận Melbourne. Bao gồm quý linh mục, tu sỹ nam và nữ cùng đông đảo giáo dân đồng hương, cùng thân hữu, đã về Ngôi Thánh đường Thánh Phêrô vùng Epping để dâng lễ mừng bổn mạng của Giáo phận Nghệ Tĩnh Bình nhân lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa.

Xem hình

Trong ngày đầu Năm 2023, trời mùa Hè rất nóng, mọi người về ngôi Thánh đường cổ kính, đã được xây dựng trên một trăm năm, hiện do Linh mục Nguyễn Hồng Ánh đảm nhận chức vụ chánh xứ. Đồng hương Nghệ Tĩnh Bình đã về dâng lễ mừng bổn mạng cùng 6 linh mục gốc giáo phân và một linh mục khách, cùng với các tu sỹ nam nữ, ca đoàn đồng hương phụ trách phần thánh ca do Soeur Nga điều khiển, giúp cho buổi lễ thêm sốt sắng và long trọng.

Sau lời chào mừng của ông Trương Anh Minh chào mừng mọi người nhân dịp năm mới. Cha Nguyễn Hồng Ánh chánh xứ Saint Peter, cũng chúc mừng năm mới đến mọi người và gửi lời cảm ơn đến mọi người đã dành ngày đầu năm để đến dâng lễ mừng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa. Trong khi đây là dịp để mọi người đi nghỉ, người xuống biển, người lên rừng, thì chúng ta đến đây quây quần bên Mẹ, sau đó, cha đã giới thiệu quý cha về cùng hiệp dâng thánh lễ trong không khí mùa Hè Melbourne.

Trong Thánh lễ đồng tế mừng bổn mạng năm nay, có quý cha:

Chủ tế Linh mục Đa Minh Nguyễn Ngọc Tân Dòng Thương Khó Chúa Giêsu

Linh mục Giuse Nguyễn Hồng Ánh

Phêrô Trần Văn Thanh

Gioan Hồ Ngọc Sáng

Giuse Nguyễn Trương Lĩnh, SVD

Anton Phạm Xuân Tạo

Và một cha khách là linh mục Cameron Forbes Giám đốc Đại Chủng Viện Melbourne. (Corpus Christi College) đồng tế.

.

Trong phần chia sẻ tin mừng, đại ý: Linh mục Lĩnh đã nói về sự khiêm nhường của Đức Mẹ, và cũng là đấng hay thương xót cho những ai biết tìm đến và cậy trông vào Đức Mẹ. Và trong tâm tình biết ơn, cha đã kể lại một lần được Đức Mẹ giúp đỡ một cách nhãn tiền khi Cha còn là một sinh viên, và trong lúc cần đến sự giúp đỡ mà chỉ còn biết chạy đến với Mẹ và Mẹ đã nhận lời.

Sau khi dâng lời nguyện kết lễ. Ông Trương Tấn Phát đã lên cảm ơn quý cha, quý tu sỹ nam nữ, quý đồng hương, ca đoàn, ban ẩm thực, ban âm thanh đã giúp cho buổi lễ mừng bổn mạng năm nay được kết quả tốt đẹp. Ông cũng mời quý đồng hương ở lại chung vui bữa ăn và dự phần văn nghệ giúp vui đầu năm.

Sau khi chụp hình chung quý cha với cộng đoàn, mọi người được mời qua hội trường nhà xứ dùng những món ăn của đồng hương mang tới, ngon miệng ngồi bên nhau tâm sự và thăm hỏi trong tình đồng hương.

 
Lễ tấn phong Giám Mục cho Đức Cha Đaminh Đặng Văn Cầu tại Thái Bình
Truyền Thông GP Thái Bình
11:10 01/01/2023
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Thương Tiếc ĐGH Benedictô XVI
Đinh Văn Tiến Hùng
10:43 01/01/2023
Thương Tiếc ĐGH Benedictô XVI

+ Tóm lược Tiểu Sử

Đức Bênêđictô SửXVI sinh ngày 16-4-1927 (Thứ Bảy Tuần Thánh) tại Marktl am Inn, thuộc giáo phận Passau, Đức quốc, và được rửa tội ngay ngày hôm đó.

Đức Bênêđictô XVI sinh ngày 16-4-1927 (Thứ Bảy Tuần Thánh) tại Marktl am Inn, thuộc giáo phận Passau, Đức quốc, và được rửa tội ngay ngày hôm đó. Cha của ngài là một nhân viên cảnh sát, xuất thân từ gia đình nông dân. Mẹ của ngài trước khi kết hôn từng làm ngh ề nấu nướng trong một số khách sạn. Một gia đình Công Giáo bình dân và đạo đức.

Thời thơ ấu và thiếu niên của Đức Bênêđictô XVI trôi qua êm ả ở Traunstein, một ngôi làng nhỏ gần biên giới Đức-Áo, cách Salzburg 30 cây số. Chính nơi đây, ngài nhận được nền giáo dục căn bản về nhân bản, văn hóa và đức tin Kitô giáo.

Tuổi thanh niên của ngài rơi vào một giai đoạn khó khăn của xã hội. Chế độ Đức quốc xã có thái độ thù nghịch với Giáo Hội Công Giáo. Chàng thanh niên Joseph Ratzinger tận mắt chứng kiến cảnh các linh mục bị đánh đập trước khi dâng lễ. Cũng chính trong giai đoạn này, ngài khám phá ra vẻ đẹp và chân lý nơi Chúa Kitô, phần lớn là nhờ ảnh hưởng của gia đình luôn sống tốt lành và cậy trông vào Chúa, gắn bó với Giáo hội trong mọi hoàn cảnh.

Từ năm 1946–1951, ngài học Triết và Thần học tại Freising và đại học München. Ngày 29-6-1951, ngài thụ phong linh mục, và một năm sau, bắt đầu dạy học ở trường Cao đẳng Freising.

Năm 1953, ngài nhận bằng Tiến sĩ thần học với luận án dân Chúa và Nhà Chúa trong tư tưởng của Augustinô về Giáo hội.

Bốn năm sau, dưới sự hướng dẫn của Gottlieb Söhngen, một giáo sư nổi tiếng về Thần học cơ bản, linh mục Joseph Ratzinger nhận thêm một bằng Tiến sĩ với luận án về Thời gian và Lịch sử theo thánh Bônaventura.

Sau khi dạy Thần học cơ bản và Tín lý tại Freising, ngài tiếp tục dạy ở Bonn từ 1959–1963; tại Münster từ 1963–1966, và tại Tübingen từ 1966–1969. Trong năm 1969, ngài dạy về Tín lý và Lịch sử tín điều tại đại học Regensburg, đồng thời là Phó Viện trưởng tại đây.

Từ năm 1962–1965, ngài góp phần đáng kể cho Công đồng Vaticanô II trong tư cách chuyên viên, là cố vấn thần học cho Đức Hồng Y Joseph Frings, Tổng giám mục Köln (Cologne). Với những hoạt động trí thức phong phú, ngài được đề nghị làm việc cho Hội đồng Giám mục Đức cũng như cho Ủy ban thần học quốc tế.

Năm 1972, cùng với Hans Urs von Balthasar và nhiều nhà thần học nổi tiếng khác, ngài khởi xướng tạp chí thần học Communio (Hiệp Thông).

Ngày 25-3-1977, Đức Phaolô VI đặt ngài làm Tổng giám mục München và Freising. Ngài chọn khẩu hiệu “Người cộng tác của Chân lý”, và ngài giải thích: “Một đàng, khẩu hiệu này diễn tả mối tương quan giữa công việc trước đây của tôi, trong tư cách giáo sư, và nhiệm vụ mới. Cách tiếp cận khác nhau nhưng điều chính yếu vẫn là phục vụ chân lý. Đàng khác, tôi chọn khẩu hiệu này vì trong thế giới ngày nay, dường như chân lý bị bỏ quên và bị coi như cái gì đó quá lớn lao đối với con người, tuy nhiên nếu không có chân lý thì mọi sự đều sụp đổ”.

Cũng trong năm 1977, tại Công nghị Hồng Y vào ngày 27-6, Đức Phaolô VI nâng ngài lên hàng Hồng Y.

Năm 1978, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger tham dự Mật tuyển viện bầu Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I (ngày 25–26 tháng 8). Đến tháng 10, ngài lại dự Mật tuyển viện bầu Đức Gioan Phaolô II.

Năm 1980, tại Thượng Hội đồng Giám mục thế giới về đề tài “Sứ vụ của gia đình Kitô giáo trong thế giới ngày nay”, ngài đóng vai trò điều phối (relator). Trong Thượng Hội Đồng năm 1983 về “Hòa giải và sám hối”, ngài ở trong Chủ tọa đoàn.

Ngày 25-11-1981, Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, Chủ tịch Ủy ban Kinh Thánh và Ủy ban Thần học. Ngày 15-2-1982, ngài từ giã Tổng giáo phận München và Freising để về làm việc tại Rôma.

Trong thời gian làm Bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger cũng là Chủ tịch Ủy ban biên soạn Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, được chính thức công bố vào năm 1992.

Trong những tác phẩm của ngài đã được xuất bản (trước khi làm giáo hoàng), người ta chú ý đặc biệt đến cuốn Dẫn vào Kitô giáo là tổng hợp những bài thuyết trình của ngài về Kinh Tin Kính; cuốn Tín điều và Giảng thuyết (1973) là tổng hợp những bài viết, bài giảng và suy niệm. Ngoài ra, những cuốn sách được thực hiện dưới dạng phỏng vấn, như The Ratzinger Report (1985) về tình hình đức tin trong thế giới ngày nay, Muối cho đời (1996), đã thu hút sự quan tâm của độc giả trên toàn thế giới.

Sau khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời, các Hồng Y đã triệu tập Mật tuyển viện, và ngày 19-4-2005, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger được bầu làm Giáo hoàng, lấy tước hiệu là Bênêđictô XVI. Lời đầu tiên vị tân giáo hoàng gửi đến toàn thể thế giới là: “Anh chị em thân mến, sau vị giáo hoàng vĩ đại Gioan Phaolô II, các Hồng Y đã bầu chọn tôi, một người thợ đơn sơ và khiêm hạ làm việc trong vườn nho của Chúa. Tôi cảm thấy được an ủi vì niềm tin rằng Chúa có thể làm việc và hành động ngay cả với những phương thế bất toàn, và trên hết mọi sự, tôi phó thác mình cho lời cầu nguyện của anh chị em”..

Trong Thánh Lễ khai mạc sứ vụ giáo hoàng, Đức Bênêđictô XVI nói với mọi người tham dự và với cả thế giới: “Mọi ý thức hệ về quyền lực đều hành động như nhau. Những ý thức hệ ấy biện minh cho việc tiêu diệt bất cứ cái gì có th, ĐGHể cản đường tiến bộ và giải phóng nhân loại. Còn Thiên Chúa, Đấng đã nên Chiên (xá tội), lại nói với chúng ta rằng: thế giới được cứu độ nhờ Đấng chịu đóng đinh trên thập giá, chứ không phải nhờ những kẻ đóng đinh tha nhân”. Rồi ngài nói thêm: “Xin cầu nguyện cho tôi để tôi không vì sợ hãi sói dữ mà bỏ trốn”.

-Theo tin văn phòng Tòa Thánh Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêdictô 16 đã qua đời 9: 34 sáng Thứ 7 tại Tu viện Mẹ Giáo Hội, hưởng thọ 95 tuổi

*Vĩ Nhân Thời Đại*

-Trời Giáo Đô sao u buồn ảm đạm?
Gió vi vu mang tiếng khóc biệt ly,
Đám mây đen hờ hững không trôi đi
Vì tiêc thương một Ngôi Sao vừa tắt.

-Tuổi trẻ Ngài đã tỏ ra xuất sắc
Dù hoàn cảnh gia đình sống khó nghèo
Nhưng lý tưởng quyết chí phải noi theo
Và đã đạt như điều luôn mong muốn.

-Một giáo sư thần học trẻ tuổi nhất,
Tài hùng biện làm học trò say mê,
Hết giờ học cũng chưa muốn ra về,
Nhờ thầy giải đáp điều còn thiếu sót.

-Đạo đưc thông minh nhiều người mến mộ,
Được chọn làm Tổng Giám Mục trước tiên,
Munich-Freising Giáo phân hai miền,
Ít lâu sau là Hồng Y Giáo chủ.

-Nhiệm vụ mới bao khó khăn trước mặt,
Sự xung đột giữa bè phái thế quyền,
Nhờ sự khéo léo hòa giải đôi bên,
Đã khẳng định tài khôn ngoan thuyết phục.

-Một điều Ngài ưu tiên trong nhiệm vụ,

Về Thần học Giải phóng cho con người,

Nghi ngờ Bất Khả Ngộ của Giáo Hoàng,

Ngài dùng trí thông minh để giải quyết.

-Đạo đức khôn ngoan, chương trinh khéo léo,
Nhận chức Bộ trưởng Giáo lý Đức Tin,
Chủ tịch ủy ban Kinh Thánh Thần Học
Cùng chủ tịch biên soạn sách Giáo lý.

-Các Hồng Y triệu tập Mật Tuyển Viện,Khi Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II qua đời
Hồng Y Ratzinger lên ngôi Giáo Hoàng Với tước hiệu Bênêdictô 16

-Mở đầu Thánh lễ khai mạc sứ vụ :
“Nhờ Con Thiên Chúa đã bị đóng đinh
Xin cầu cho tôi trọn vẹn thi hành,
Cầu Thiên Chúa thế giới được cứu độ.”

-Trời Giáo đô sao u sầu ảm đạm?
Gió vi vu mang tiêng khóc biệt ly
Mây đen ngập ngừng không muốn trôi đi,
Vì thương tiếc Vĩ Nhân vừa năm xuống,

+Kính thưa Cha !

Giờ đây Cha đã về trời,
Con nơi dương thế dâng lời nguyện xin,
Con luôn giữ vững niềm tin,
Cùng Cha hội ngộ trên nơi Vĩnh Hằng.

+ Muối cho Đời - tác giả Joseph Ratzinger (ĐGH Benedict XVt

Muối Cho Đời

Kitô Giáo và Giáo Hội Công Giáo
Trước Thềm Ngàn Năm Mới
Trao đổi với Peter Seewald

Tác giả: Joseph Ratzinger – ĐGH Biển Đức XVI

Người dịch: Phạm Hồng Lam & Trần Hoành, dịch từ ấn-bản 2005
Nguồn: Phong trào Giáo dân Việt nam Hải ngoại.

Muối Cho Đời ra đời như một “quả bom nguyên tử” hay một “big bang” nổ trên đầu dân u châu vốn lãnh đạm với tôn giáo và nghi kỵ đối với Giáo Hội Công Giáo. Hàng triệu người đã đọc nó, và nhiều người đã tìm lại được lối vào văn hoá Kitô giáo. Muối Cho Đời là cánh cửa “bí mật” dẫn vào lâu đài huyền bí. Seewald đã bước vào và đã quyết định ở lại luôn trong đó, sau một cuộc đời chỉ biết phản kháng và đập phá. Và Beckenbauer, “hoàng đế” bóng đá nước Đức nổi tiếng thế giới, cũng àiđã bước vào và xin ở lại với kho tàng ấy, sau một đời đi hoang.

Muối Cho Đời là tác phẩm ghi lại cuộc đối thoại thẳng thắn, cởi mở và sâu sắc giữa Đức Hồng Y Joseph Ratzinger và ký giả Peter Seewald về nhiều vấn đề quan trọng trong đời sống Giáo Hội ngày nay.

+ Cố GH Danh Dự Bênêdictô 16 là một học giả thông thái, một giáo sư thần học uyên bác trẻ tuổi nhất, thông thạo nhiều ngôn ngữ, viết nhiều tác phẩm nổi tiếng.

Để tưởng nhớ và ghi ơn Người Con xuất sắc đã cống hiến trọn hảo cuộc đời cho Thiên Chúa và Giáo Hội cùng để gia tài tinh thần quý báu cho chúng ta.

+ Người viết trào dâng nguồn cảm hứng khi đọc một trong những tác phẩm nổi tiếng của Ngài ‘Salt of the Earth’

Muối Cho Đời

“Các ngươi là Muối cho đất.Nếu muối ra nhạt thì lấy gì muối nó lại?

Không còn cách gì,chỉ có việc đổ ra ngoài cho người ta giẫm đạp mà thôi”

( Mt.5:13 và Mc.9:50 & Lc.14:34-35 )

+ Chúa ơi! Xin kéo con lên !
Kẻo con chìm đắm giữa miền trùng khơi.
Biến con thành ‘Muối cho đời’,
Đậm đà Hương vị,mặn mà Yêu thươg.

+ Muối là vật tầm thường ai cũng biết,
Nhưng rất cần trong đời sống xưa nay,
Muối thấm đượm cho cuộc sống hàng ngày,
Muối tựa khí trời dưỡng nuôi thân xác.

+ Nơi núi rừng đổ ầm ầm dòng thác,
Các bản nghèo dân Thiểu Số Cao Nguyên,
Qúi hạt muối như lưu giữ lời nguyền,
Vì thân thể dẻo dai nhờ hạt muối.

+ Bao năm tháng gông cùm nơi biên giới,
Những người tù nghe hạt muối lên hương,
Muối biến mặn thành ngọt lịm chất đường,
Vì mùi vị tan hoà vào nghiệt ngã.!

+ Đã bao giờ giữa ngàn khơi biển cả,
Ngập mênh mông biển mặn phủ trùng dương,
Thân xác ta vẫn cảm nghiệm khác thường,
Như đang thiếu một chất gì khó tả?

+ Trong cuộc sống đua chen và vội vã,
Say men đời cùng khúc nhạc hoan ca,
Dù tràn đầy với phú qúi vinh hoa,
Vẫn vang vọng nơi tâm hồn trống vắng?

‘+ Muối cho đời !’-Để tâm hồn lắng đọng !
Mà nhìn vào Thế giới của Hôm nay:
‘Văn hoá Sự chết’-Tội ác phơi bày,
Vì Muối nhạt làm tan đi Mần Sống.

+ Đây Chúa dạy ta bài học sống động,
Trong Phúc m xác quyết một Tín điều :
Lòng lạnh lẽo khi đã mất Tin Yêu,
Như Muối nhạt làm thức ăn hư nát.

+ Vì các ngươi chính là Muối cho Đất,
Muối nhạt rồi còn sử dụng được gì,
Ném ra ngoài đồ vô dụng bỏ đi,
Cho bước chân người giẫm lên chà đạp!

+ Ôi! Muối nhạt vị hồn con tan nát,
Xin ươm đầy lòng khao khát Tin Yêu,
Cho đời con khỏi hoang lạnh cô liêu,
Như Muối ướp mặn mà trong Yêu mến

(*) Ghi chú :

Bài thơ trên chỉ là cảm hứng cá nhân mượn tựa đề ‘Muối cho đời’ tác phẩm của GH Bênêdictô 16, nên nội dung có phần hơi khác biệt.

Mong thông cảm- Cám ơn !


Đinh văn Tiến Hùng
 
VietCatholic TV
Giao Thừa kinh hoàng: Putin phóng hỏa tiễn vui Tết. Kho đạn, Bộ Tư Lệnh Trung Đoàn Nga trúng HIMARS
VietCatholic Media
03:14 01/01/2023


1. Báo cáo tổng kết của Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine. Tình hình chiến trường Bakhmut

Trong cuộc họp báo đặc biệt tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Giao Thừa 31 tháng 12, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, Phó Cục trưởng Cục Tác chiến của Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng Vũ trang Ukraine, cho biết tính đến cuối năm 2022, lực lượng phòng vệ Ukraine đã giải phóng được hơn 40% lãnh thổ bị Nga xâm lược sau ngày 24 tháng 2. Tuy nhiên, trước hết ông nhấn mạnh rằng tình hình chiến trường đang rất căng thẳng.

Quân Nga tấn công trên toàn bộ giới tuyến bằng bộ binh và pháo binh.

Tại Bakhmut, quân Wagner tiếp tục tấn công đồng loạt theo 3 hướng tương tự như ngày thứ Sáu. Hướng Nam, quân Wagner và cái gọi là lực lượng Cộng hòa Nhân Dân Donetsk tiến từ phía Odradivka, tấn công vào làng Opyne. Do các tổn thất nghiêm trọng, quân Nga đã tăng cường thêm 3 Tiểu đoàn Chiến thuật của Tập Đoàn Quân Số 2 của cái gọi là Cộng hòa Nhân Dân Luhansk.

Hướng Đông, từ Pokrovske, quân Nga điều Trung Đoàn 488 thay cho Trung Đoàn 254 súng trường cơ giới trong cố gắng kiểm soát hai xa lộ T0504 và M03. Hướng Bắc, Trung Đoàn Xe Tăng Cận Vệ số 59, và Tiểu Đoàn 148 Trinh Sát, cả hai cùng thuộc Sư Đoàn 144 súng trường cơ giới đang tham chiến trong chiến trường Soledar đã được điều động tăng viện cho quân Wagner, họ tiếp tục tìm cách tấn công vào làng Pidhorodne, để xuyên thủng phòng tuyến quân Ukraine về phía Bắc.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov xác nhận quân Ukraine vẫn giữ vững phòng tuyến với sự yểm trợ tối đa của pháo binh và không quân Ukraine. Pháo binh Ukraine đã làm câm nín 6 khẩu đội pháo do quân Nga kéo từ Soledar về thành phố Bakhmut. Không quân đã chặn đánh, phá hủy một xe tăng và 5 xe thiết giáp.

Chỉ riêng Lữ Đoàn Dù 71 đã tiêu diệt 2 xe tăng, 10 xe thiết giáp, và 12 xe chuyển quân trong một cuộc phục kích gần làng Opyne.

Tại khu vực Zaporizhzhia, pháo binh đã bắn trúng sở chỉ huy, nơi đang diễn ra một cuộc họp của các sĩ quan cao cấp và một kho đạn pháo của Trung Đoàn 8 pháo binh thuộc Tập Đoàn Quân số 22, và một máy bay trực thăng đang tuần tra trong khu vực.

Tưởng cũng nên nhắc lại, ngày 14 tháng 5, một kho đạn pháo và hỏa tiễn của Tập Đoàn Quân số 22 cũng đã bị pháo kích nổ tung. Theo Thiếu Tướng Kyrylo Budanov, ngày 23 tháng Tư, Tư Lệnh Tập Đoàn Quân số 22 của Nga là Thiếu Tướng Arkady Marzoev đã bị Putin cách chức sau các thất bại liên tiếp. Theo các phương tiện truyền thông của Ukraine, người lên thay là Thiếu Tướng Artem Nasbulin đã tử trận trong một vụ tấn công bằng HIMARS vào đầu tháng 7. Tuy nhiên, theo các bloggers quân sự Nga, ông ta vẫn còn sống.

Đáng buồn là vì tham vọng điên cuồng của Putin, 710 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong ngày qua. Bên cạnh đó, người Nga còn bị thiệt mất một số lớn khí tài chiến tranh bao gồm 3 xe tăng, 16 xe thiết giáp, 6 hệ thống pháo, và một hệ thống phòng không.

Tính chung từ ngày 24 tháng Hai đến 31 tháng 12, 105,960 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổng thiệt hại chiến đấu của quân xâm lược còn bao gồm 3,029 xe tăng, 6,075 xe thiết giáp, 2,016 hệ thống pháo, 423 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 213 hệ thống tác chiến phòng không, 283 máy bay, 269 trực thăng, 1,746 máy bay không người lái, 711 hỏa tiễn hành trình 4,707 xe chuyển quân và nhiên liệu, 16 tàu chiến, 180 đơn vị thiết bị đặc biệt.

Về mặt lãnh thổ, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết:

“Lực lượng Vũ trang Ukraine và các thành phần khác của lực lượng phòng vệ đã giải phóng hơn 40% lãnh thổ bị xâm lược sau ngày 24 tháng 2. Việc giải phóng vùng hữu ngạn Kherson đã nâng tổng diện tích các vùng lãnh thổ hoàn toàn giải phóng lên gần 40,000 km2. Chỉ riêng mùa thu này, 12,000 km2 đã được giải phóng và khoảng 500 khu định cư đã được tái chiếm trong một chiến dịch tấn công ở khu vực Kharkiv, và khoảng 6,000 km2 đã được giải phóng và hơn 200 khu định cư đã được chiếm lại trong một chiến dịch tấn công theo hướng Kherson,” Hromov nói..

Ông cũng nói thêm rằng 14,000 km2 đã được giải phóng ở các vùng Chernihiv và Sumy và 7,000 km2 ở khu vực phía bắc Kyiv.

Chuẩn tướng nhắc nhớ rằng với một lực lượng tấn công mạnh mẽ của quân đội Nga, đã được xây dựng trong vài tháng, kẻ thù chỉ đạt được một phần rất nhỏ các mục tiêu trong khu vực Donetsk - tạm thời tước quyền tiếp cận của Ukraine với Biển Azov và tạo ra một hành lang đất liền đến Crimea bị tạm chiếm.”

Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng Nga đã không đạt được ưu thế trên không.

Khi được hỏi về tiềm năng của quân đội Nga vào tháng 2, khi Nga xâm lược Ukraine, Hromov cho biết: “Tính đến ngày 23 tháng 2 năm 2022, nhóm tấn công của kẻ thù bao gồm hơn 127,000 quân nhân, gần 1,800 xe tăng, 4,900 xe thiết giáp, hơn 1,800 hệ thống pháo và 830 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt. Trong khu vực 400 km gần biên giới quốc gia Ukraine có khoảng 440 máy bay chiến đấu và hơn 500 trực thăng của Không quân Nga, 11 Tiểu đoàn Chiến thuật từ các lữ đoàn hỏa tiễnchiến thuật Iskander. Trong thành phần chiến đấu của Hạm đội Hắc Hải Nga, được tăng cường bởi các tàu đổ bộ và pháo binh của Đội tàu Caspi thuộc Quân khu phía Nam và Hạm đội Baltic, có 28 tàu tấn công nổi trên mặt nước và 6 tàu ngầm tấn công.

2. Cựu Thủ tướng Anh Johnson chắc chắn Ukraine sẽ chiến thắng trong năm tới

Cựu Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson đã bày tỏ niềm tin rằng Ukraine sẽ đạt được chiến thắng vào năm 2023.

Johnson nói với các phóng viên báo chí vào chiều giao thừa rằng:

“Đây là dự đoán năm mới của tôi! Lạm phát sẽ tiếp tục giảm. Trung Quốc sẽ phục hồi từ omicron. Putin sẽ thua ở Ukraine. Và nhìn chung, năm 2023 sẽ là một bước tiến đáng kể so với năm 2022. Hãy dám ước mơ. Chúc mừng năm mới!” Johnson đưa ra lập trường trên với các phóng viên báo chí và trên tài khoản Twitter của mình.

Ông nhấn mạnh rằng: “Tôi tin chắc hơn bao giờ hết rằng Vladimir Putin sẽ thua ở Ukraine và người Ukraine sẽ đạt được vận mệnh trở thành một quốc gia tự do, có chủ quyền và độc lập.”

3. Nhận định của Ngoại trưởng Kuleba về vụ pháo kích của Nga vào đêm giao thừa

Tội phạm chiến tranh Vladimir Putin ăn mừng năm mới bằng cách phát động một cuộc tấn công hỏa tiễn lớn vào các khu dân cư của Ukraine, giết chết những người Ukraine vô tội.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Dmytro Kuleba đã đưa ra lập trường trên và nhấn mạnh rằng: “Lần này, cuộc tấn công hỏa tiễn hàng loạt của Nga đang cố tình nhắm vào các khu dân cư, thậm chí không phải cơ sở hạ tầng năng lượng của chúng ta. Tội phạm chiến tranh Putin 'ăn mừng' năm mới bằng cách giết người. Vì thế, Nga phải bị loại khỏi ghế Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mà nước này luôn chiếm giữ bất hợp pháp”.

Ngày 31 tháng 12, Nga một lần nữa thực hiện cuộc tấn công hỏa tiễn lớn vào cơ sở hạ tầng của Ukraine. Quân xâm lược đã phóng hơn 20 hỏa tiễn hành trình, 12 trong số đó đã bị lực lượng phòng không phá hủy trên các khu vực Kyiv, Zhytomyr và Khmelnytskyi.

Cuộc tấn công mang lại sự hủy diệt và thương vong. Tại Kyiv, một người thiệt mạng và 22 người bị thương, trong đó 15 người phải nhập viện.

4. Hỏa tiễn Nga đánh trúng mục tiêu quân sự, trạm xăng ở vùng Khmelnytskyi

Vào ngày 31 tháng 12 năm 2022, trong một cuộc tấn công hỏa tiễn lớn khác của Nga vào lãnh thổ Ukraine, hỏa tiễn của quân xâm lược đã bắn trúng một mục tiêu quân sự và trạm xăng ở vùng Khmelnytskyi.

Phát ngôn nhân của vùng Khmelnytskyi đã cho biết như trên trong một video trên Telegram vào sáng 1 tháng Giêng.

“Trong cuộc tấn công hỏa tiễn ngày hôm nay, một mục tiêu quân sự đã bị tấn công ở thành phố Khmelnytskyi. Thiết bị đã bị hư hỏng. Ngoài ra, một trạm xăng đã bị tấn công”

Theo lời ông, địch đã gây thiệt hại cho 8 phương tiện vận tải, 13 nhà dân và một kho hàng.

Cơ sở hạ tầng quan trọng vẫn còn nguyên vẹn. Các công việc liên quan đang được tiến hành để loại bỏ các tác động tiêu cực và cung cấp hỗ trợ y tế cho những người bị ảnh hưởng.

Phát ngôn nhân cho biết tám dân thường đã được đưa đến bệnh viện. Người trẻ nhất là 19 tuổi. Một phụ nữ trẻ, 22 tuổi, đang trong tình trạng nghiêm trọng.

Xin nhắc lại rằng, vào ngày 31 tháng 12 năm 2022, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn khác vào cơ sở hạ tầng dân sự và năng lượng của Ukraine. Lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ 12 trong số 20 hỏa tiễn hành trình của đối phương ở các khu vực như Kyiv, Zhytomyr và Khmelnytskyi.

5. Thị trưởng Klitschko của Kyiv cho biết một người thiệt mạng, 22 người bị thương trong cuộc tấn công hỏa tiễn của Nga vào Kyiv

Một thường dân đã thiệt mạng và 22 người bị thương trong cuộc tấn công hỏa tiễn gần đây của Nga vào thành phố Kyiv.

Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko đã cho biết như trên trong cuộc họp báo ngày đầu Năm Mới ở Kyiv.

“Theo những con số mới nhất, do cuộc tấn công của Nga vào thủ đô, một người đã thiệt mạng và 22 người bị thương. 15 người đã được đưa đến các bệnh viện trên khắp Kyiv,” Klitschko nói.

Xin nhắc lại rằng, vào chiều Giao Thừa 31 tháng 12, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn khác vào cơ sở hạ tầng dân sự và năng lượng của Ukraine. Người ta nghe thấy tiếng nổ ở các quận của thủ đô như Solomianskyi, Pecherskyi và Holosiivskyi.

6. Thất bại tại Bakhmut sẽ gây tổn hại 'về mặt tâm lý' cho Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Failure at Bakhmut Would Be 'Psychologically' Damaging for Russia”, nghĩa là “Thất bại tại Bakhmut sẽ gây tổn hại 'về mặt tâm lý' cho Nga”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Theo một chuyên gia, nếu Nga cuối cùng thất bại trong nỗ lực chiếm giữ thành phố Bakhmut đang bị bao vây của Ukraine, thì một thất bại như vậy sẽ có ý nghĩa chính trị và là một đòn tâm lý đối với các lực lượng Nga.

Nga đã cố gắng chiếm thành phố ở khu vực Donetsk phía đông Ukraine trong nhiều tháng, và được tường trình đã mất một số lượng lớn binh lính và nhanh chóng cạn kiệt đạn dược và các nguồn cung cấp khác. Các lực lượng liên kết với Tập đoàn Wagner của lính đánh thuê Nga, được thành lập bởi nhà tài phiệt Nga Yevgeny Prigozhin, được tường trình đang dẫn đầu cuộc tấn công.

Mặc dù Nga được cho là đã giành được một số lợi ích nhỏ xung quanh Bakhmut trong vài tuần qua, nhưng các phân tích gần đây chỉ ra rằng triển vọng tiếp tục các hoạt động hiện tại chống lại thành phố này là mờ mịt. Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, một cơ quan cố vấn của Hoa Kỳ, đã viết trong bản đánh giá chiến dịch hôm thứ Tư rằng cuộc tấn công Bakhmut có khả năng đã “lên đến đỉnh điểm”.

“Học thuyết quân sự của Hoa Kỳ định nghĩa cực điểm là 'điểm mà tại đó một lực lượng không còn khả năng tiếp tục hình thức hoạt động, tấn công hoặc phòng thủ' và 'khi một lực lượng không thể tiếp tục tấn công và phải đảm nhận tư thế phòng thủ hoặc thực hiện một chiến dịch tạm dừng,'“ ISW đã viết trong bản đánh giá.

ISW nói tiếp rằng: “Nếu các lực lượng Nga ở Bakhmut thực sự đã lên đến đỉnh điểm, họ vẫn có thể tiếp tục tấn công mạnh mẽ. Các lực lượng đã lên đến đỉnh điểm của Nga có thể tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công quy mô tiểu đội không hiệu quả chống lại Bakhmut, và những cuộc tấn công này sẽ rất khó đạt được lợi ích đáng kể về mặt hoạt động”.

Trung tướng Hoa Kỳ đã nghỉ hưu Ben Hodges, người trước đây từng là tướng chỉ huy của Quân đội Hoa Kỳ ở Âu Châu, nói với Newsweek rằng uy tín của Prigozhin và Tập đoàn Wagner đang bị đe dọa trong trận chiến Bakhmut.

Hodges cho biết, nếu các lực lượng cuối cùng buộc phải rút khỏi Bakhmut hoặc kết thúc nỗ lực của họ ở đó, thì đây sẽ là một “đòn giáng” vào uy tín của Prigozhin và gây tổn hại “về mặt tâm lý” cho người Nga nói chung.

Mặt khác, nếu Nga bằng cách nào đó chiếm được Bakhmut hoặc Ukraine quyết định rằng việc tiếp tục sử dụng nhân lực và nguồn lực để giữ thành phố Bakhmut là không khôn ngoan, thì “bạn có thể chắc chắn rằng người Nga sẽ thể hiện điều đó theo cách lớn nhất có thể cho khán giả của họ,” Hodges nói.

Các chuyên gia trước đây đã nói với Newsweek rằng Nga không có nhiều lợi ích về mặt chiến lược hoặc quân sự khi chiếm được Bakhmut. Nhưng nó có thể mang tính biểu tượng đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, để ông có thể khoác lác về một số kiểu chiến thắng quân sự sau khi đối mặt với những thất bại đáng xấu hổ trong chiến tranh.

William Reno, giáo sư và chủ nhiệm phân khoa Khoa Học Chính Trị tại Đại học Tây Bắc, cho biết sẽ có “hậu quả chiến thuật nhỏ” cho dù Nga chiếm được hay không chiếm được Bakhmut.

Reno nói: “Người Nga có thể sử dụng nhiều đạn dược hơn khi cố gắng chiếm thành phố này so với lực lượng Ukraine phải sử dụng để bảo vệ nó. Những lợi ích của Nga, nếu như họ có được, thông thường sẽ không biện minh cho các tài nguyên và nỗ lực mà họ có thể đã chi ra để đạt được hiệu quả hơn ở những nơi khác. Đây là những gì tiêu biểu cho các cuộc chiến tranh tiêu hao trên chiến trường.

Reno đã giải thích một số giả thuyết, không nhất thiết phải loại trừ lẫn nhau, về lý do tại sao Nga có thể quá tập trung vào việc chiếm Bakhmut bất chấp những lợi ích chiến thuật hạn chế có thể mang lại. Một trong số đó là cấp dưới của Putin có thể không hoàn toàn minh bạch với ông ta về tình hình thực sự ở Ukraine, vì lo ngại cho sự an toàn của họ.

Reno nói: “Cũng như nhiều hệ thống độc đoán, lãnh đạo tự cắt đứt thông tin cần thiết để đưa ra quyết định hiệu quả.”

Một giả thuyết khác là cuộc tấn công Bakhmut của Nga có thể “phản ánh nỗ lực của Putin nhằm cân bằng các lực lượng liên kết với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Prigozhin, và thậm chí cả quân đội Kadyrovtsy trung thành với nhà lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov.

Reno giải thích: “Việc phân bổ các nhiệm vụ khác nhau trên chiến trường khiến các nhóm này tranh chấp với nhau để giành được sự ủng hộ của tổng thống. Điều đó khiến bất kỳ ai cũng khó đưa ra quan điểm và lợi ích của mình.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận.

7. Báo cáo cho thấy căng thẳng gia tăng khi Belarus đổ lỗi cho Ukraine về vụ bắn rơi hỏa tiễn ở biên giới

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Tensions Rise as Belarus Blames Ukraine for Downed Missile on Border—Report”, nghĩa là “Báo cáo cho thấy căng thẳng gia tăng khi Belarus đổ lỗi cho Ukraine về vụ bắn rơi hỏa tiễn ở biên giới.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Căng thẳng gia tăng vào hôm thứ Sáu khi Belarus đổ lỗi cho Ukraine về vụ bắn hạ hỏa tiễn ở biên giới của họ, cho rằng vụ việc có thể là một hành động khiêu khích của lực lượng vũ trang Ukraine.

Các quan chức cho biết hỏa tiễn S-300 đã rơi xuống trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 11 giờ sáng giờ địa phương ở khu vực Brest. Bộ Quốc phòng Belarus cho biết lực lượng phòng không của Belarus đã hạ gục hỏa tiễn gần làng Gorbakha ở vùng Brest, nằm cách biên giới phía bắc của Ukraine khoảng 15 km.

Hỏa tiễn này đã rơi khi các lực lượng Nga tiến hành một loạt các cuộc tấn công hỏa tiễn vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine vào thứ Năm.

“Các mảnh vỡ được tìm thấy trong một cánh đồng nông nghiệp. Trong quá trình xác minh, người ta xác định rằng mảnh vỡ thuộc về một hỏa tiễn dẫn đường phòng không S-300 được bắn từ lãnh thổ Ukraine”, Bộ Quốc phòng Belarus cho biết trong một tuyên bố.

Phản ứng trước vụ việc, Đại tá Kirill Kazantsev, Cục trưởng Cục Hỏa tiễn Phòng không Belarus, cho biết Minsk không loại trừ khả năng lực lượng vũ trang Ukraine cố tình khiêu khích.

“Như đã nói trước đó, các hệ thống phòng không đã tấn công một mục tiêu ở quận Ivanovo đến từ phía Ukraine. Các đội chiến đấu đã làm việc như họ phải làm. Tuy nhiên, vẫn còn những câu hỏi về vụ việc này”, hãng thông tấn BELTA dẫn lời Kazantsev cho biết như trên.

Theo ông Kazantsev, Bộ Quốc phòng đang xem xét hai khả năng: một vụ phóng hỏa tiễn phòng không có điều khiển không chủ ý do huấn luyện kém, hoặc một hành động khiêu khích có chủ ý của lực lượng vũ trang Ukraine.

Sau vụ việc, Belarus đã triệu tập đại sứ Ukraine tại Bộ Ngoại giao ở Minsk để phản đối chính thức.

Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết Điện Cẩm Linh có “những nguyện vọng tuyệt vọng và bền bỉ” lôi kéo Belarus vào cuộc chiến chống lại Kyiv và lưu ý rằng sự việc này xảy ra trong cuộc tấn công hỏa tiễn của Nga vào Ukraine.

“Về vấn đề này, phía Ukraine không loại trừ hành động khiêu khích có chủ ý của nhà nước khủng bố Nga, vốn đã đặt đường bay như vậy cho các hỏa tiễn hành trình của nước này nhằm kích động sự đánh chặn của chúng trên không phận lãnh thổ Belarus”

Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đang gặp nhau tại St. Petersburg vào thứ Ba, quân đội của cả hai nước đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở Belarus, mà các nhà lãnh đạo Ukraine lo ngại có thể được sử dụng như một màn khói để chuẩn bị cho một cuộc xâm lược thực sự vào Ukraine từ phía bắc bởi một lực lượng chung.

Newsweek đã liên hệ với các bộ ngoại giao của Ukraine và Belarus để xin bình luận.
 
Bầu khí tưởng nhớ Đức Bênêđíctô tại Giáo triều Rôma trong buổi hát Kinh Chiều Tạ Ơn Giao Thừa
VietCatholic Media
05:50 01/01/2023

“do một người nữ sinh ra” (Gal 4:4).

Khi đến thời viên mãn, Thiên Chúa làm người, không phải từ trời cao ngự xuống trần gian. Ngài được sinh ra bởi Đức Maria. Ngài không giáng trần vào cung lòng một người phụ nữ mà là sinh bởi một người phụ nữ. Điều này về cơ bản là khác biệt - nó có nghĩa là Chúa muốn mặc lấy xác thịt từ Đức Mẹ. Ngài không sử dụng Mẹ, nhưng yêu cầu Mẹ nói “xin vâng”, yêu cầu sự tán thành của Đức Mẹ. Và như thế, cùng với Mẹ bắt đầu cuộc hành trình chậm rãi thai nghén một nhân tính không tội lỗi, tràn đầy ân sủng và chân lý, tràn đầy tình yêu và lòng trung tín. Một nhân tính đẹp đẽ, tốt lành và chân thật, được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, nhưng đồng thời, được dệt bằng xác thịt của chúng ta do Mẹ Maria hiến dâng…không bao giờ thiếu Mẹ…luôn luôn được Mẹ đồng ý…trong tự do, trong sự nhưng không, trong tôn trọng, trong tình yêu.

Và đây là cách Thiên Chúa đã chọn để bước vào thế giới và bước vào lịch sử. Đây là cách. Và cách này là điều quan yếu, quan yếu như chính sự thật rằng Ngài đã đến. Tư cách làm mẹ Thiên Chúa của Đức Maria – tình mẫu tử đồng trinh, sự đồng trinh sinh hoa trái – là cách biểu lộ sự tôn trọng tối đa của Thiên Chúa đối với tự do của chúng ta. Đấng tạo dựng nên chúng ta khi không có chúng ta, lại không muốn cứu chúng ta mà không có chúng ta (x. Thánh Augustinô, Bài giảng CLXIX, 13).

Con đường Người chọn để đến cứu độ chúng ta là con đường mà Người cũng mời gọi chúng ta đi theo Người để tiếp tục dệt nên nhân loại – một nhân loại mới, tự do, hòa giải – cùng với Người. Đây là từ chủ yếu: nhân loại được hòa giải. Đó là một phong cách, một cách quan hệ với chúng ta, từ đó phát sinh ra muôn vàn những đức tính tốt đẹp và tử tế của con người khi sống với nhau. Một trong những nhân đức này là lòng tốt, như một lối sống nuôi dưỡng tình huynh đệ và tình bạn xã hội (x. Thông điệp Fratelli tutti, 222-224).

Và nói về lòng tốt, vào lúc này, tự nhiên tôi nghĩ đến Đức Giáo Hoàng Danh dự Bênêđictô XVI thân yêu, người đã từ biệt chúng ta sáng nay. Chúng ta cảm động khi nhớ đến ngài như một người cao thượng, rất nhân từ. Và chúng ta cảm thấy lòng biết ơn: lòng biết ơn Thiên Chúa vì đã ban Đức Giáo Hoàng Danh dự cho Giáo hội và thế giới; lòng biết ơn đối với Đức Giáo Hoàng Danh dự về tất cả những điều tốt lành mà ngài đã thực hiện, và trên hết, về chứng tá đức tin và lời cầu nguyện của ngài, đặc biệt là trong những năm cuối cùng của cuộc đời chiêm niệm của ngài. Chỉ có Thiên Chúa mới biết giá trị và sức mạnh của lời chuyển cầu của ngài, của những hy sinh mà ngài đã dâng vì lợi ích của Giáo Hội.

Và tối hôm nay, tôi muốn nhắc lại lòng tốt cũng như một đức tính dân sự, đặc biệt khi nghĩ đến giáo phận Rôma của chúng ta.

Lòng tốt là một khía cạnh quan trọng của văn hóa đối thoại, và đối thoại là điều không thể thiếu để sống trong hòa bình, để sống như anh chị em, những người không phải lúc nào cũng đồng ý với nhau – điều này là bình thường – nhưng vẫn nói chuyện với nhau, lắng nghe nhau và cố gắng hiểu nhau và tiến về phía nhau. Chúng ta chỉ cần nghĩ xem “thế giới sẽ như thế nào nếu không có cuộc đối thoại kiên nhẫn của nhiều người hào phóng, những người đã giữ các gia đình và cộng đồng lại với nhau. Khác với bất đồng và xung đột, đối thoại bền bỉ và dũng cảm không gây xôn xao dư luận, nhưng âm thầm giúp thế giới sống tốt đẹp hơn” (thượng dẫn., 198). Vì vậy, lòng tốt là một phần của đối thoại. Nó không chỉ là vấn đề về “cách cư xử tốt”; nó không phải là vấn đề về “nghi thức”, về cách cư xử nhã nhặn…. Không. Đây không phải là điều chúng ta muốn đề cập đến khi nói về lòng tốt. Thay vào đó, đó là một đức tính tốt cần được học hỏi và thực hành hàng ngày để đi ngược dòng chảy; và nhân bản hóa xã hội của chúng ta.

Tác hại của chủ nghĩa cá nhân tiêu dùng đang ở trước mắt mọi người. Và thiệt hại nghiêm trọng nhất là những người khác, những người xung quanh chúng ta, bị coi là chướng ngại vật cho sự bình yên, hạnh phúc của chúng ta. Những người khác “gây bất tiện” cho chúng ta, “làm phiền” chúng ta, cướp đi thời gian và nguồn lực của chúng ta mà chúng ta muốn dùng theo ý mình. Xã hội theo chủ nghĩa cá nhân và theo chủ nghĩa tiêu dùng của chúng ta có xu hướng hung hăng, vì xem những người khác là đối thủ cạnh tranh của họ (xem thượng dẫn., 222). Tuy nhiên, trong chính những xã hội này của chúng ta, và ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất mà chúng ta phải đối mặt, có những cá nhân chứng minh làm thế nào có thể “tu dưỡng lòng tốt” và do đó, bằng phong cách sống của họ, họ “trở thành những ngôi sao sáng trên bầu trời giữa mịt mùng đêm đen” (thượng dẫn.).

Trong Thư gửi tín hữu Galát, được trích làm Bài đọc cho phụng vụ này, Thánh Phaolô cũng, nói về hoa trái của Chúa Thánh Thần, trong đó có một điều được nhắc đến bằng từ tiếng Hy Lạp chrestotes (x. 5:22). Đây là điều mà chúng ta có thể hiểu là “lòng tốt”: một thái độ nhân từ nâng đỡ và an ủi người khác và tránh mọi hình thức thô bạo và khắc nghiệt. Đó là cách đối xử với người lân cận của mình, cẩn thận để không gây tổn thương bằng lời nói hoặc hành động; cố gắng làm nhẹ đi gánh nặng của người khác, khuyến khích, an ủi, nâng đỡ, và không bao giờ hạ nhục, hành hạ hay coi thường (x. Fratelli tutti, 223).

Lòng tốt là liều thuốc giải độc chống lại một số bệnh lý trong xã hội của chúng ta: đó là liều thuốc giải độc chống lại sự tàn ác, là thứ không may có thể chui vào như chất độc thấm vào tim, làm say các mối quan hệ; một liều thuốc giải độc chống lại sự lo lắng và sự điên cuồng mất tập trung vốn khiến chúng ta tập trung vào bản thân, khép kín đối với người khác (x. thượng dẫn., 224). Những “căn bệnh” này trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta khiến chúng ta trở nên hung hăng, khiến chúng ta không thể hỏi “tôi có thể không”, hay đi xa hơn là nói “xin lỗi”, hay đơn giản là nói “cảm ơn”. Ba từ vô cùng nhân bản để sống với nhau: xin phép, xin lỗi, cảm ơn. Với ba từ này, chúng ta tiến bước trong hòa bình, trong tình bạn của con người. Đó là những lời tử tế: xin phép, xin lỗi, cảm ơn. Sẽ rất tốt nếu chúng ta nghĩ xem liệu chúng ta có sử dụng chúng thường xuyên trong cuộc sống hay không: xin phép, xin lỗi, cảm ơn. Và vì thế, khi chúng ta gặp một người tử tế trên đường phố, trong một cửa hàng, hoặc trong văn phòng, chúng ta vô cùng ngạc nhiên, đó dường như là một phép màu nhỏ bởi vì thật không may, lòng tốt không còn phổ biến nữa. Nhưng, tạ ơn Chúa, vẫn còn những con người nhân hậu, biết gạt bỏ mối bận tâm riêng tư để quan tâm đến người khác, biết trao tặng nụ cười, trao lời động viên, lắng nghe người cần tâm sự điều gì đó, hay muốn được giải tỏa (x. thượng dẫn.).

Anh chị em thân mến, tôi nghĩ rằng việc coi lòng tốt như một đức tính cá nhân và dân sự có thể giúp ích rất nhiều cho việc cải thiện cuộc sống trong các gia đình, cộng đồng và thành phố. Vì lý do này, khi chúng ta hướng tới năm mới với tư cách là Thành phố Rôma, mong muốn của tôi dành cho tất cả chúng ta đang sống ở đây là chúng ta có thể phát triển đức tính này: lòng tốt. Kinh nghiệm dạy rằng lòng nhân ái, nếu nó trở thành một phong cách sống, có thể tạo ra một lối sống lành mạnh với nhau, nó có thể nhân bản hóa các mối quan hệ xã hội, xua tan sự hung hăng và thờ ơ (x. thượng dẫn.).

Chúng ta hãy nhìn vào hình ảnh Đức Trinh Nữ Maria. Hôm nay và ngày mai, tại Đền Thờ Thánh Phêrô này, chúng ta có thể tôn kính Mẹ qua hình ảnh Đức Mẹ Carmine thành Avigliano, gần Potenza. Chúng ta đừng coi thường thiên chức làm mẹ của Đức Mẹ! Chúng ta hãy để cho mình kinh ngạc trước sự lựa chọn của Thiên Chúa, Đấng đã có thể đến thế gian bằng hàng ngàn cách khác để biểu lộ quyền năng của Người, nhưng thay vào đó, lại muốn được thụ thai hoàn toàn tự do trong cung lòng Đức Maria, muốn được hình thành trong chín tháng như mọi trẻ thơ và, cuối cùng, được sinh ra bởi Đức Mẹ, được sinh ra bởi một người phụ nữ. Chúng ta đừng vượt qua điều này một cách nhanh chóng. Chúng ta hãy dừng lại để chiêm ngắm và suy niệm vì ở đây có một nét cốt yếu của mầu nhiệm cứu độ. Và chúng ta hãy cố gắng học hỏi “phương pháp” của Thiên Chúa, sự tôn trọng vô hạn của Ngài, “lòng nhân từ” của Ngài, có thể nói như vậy, bởi vì con đường cho một thế giới nhân bản hơn được tìm thấy trong tình mẫu tử thiêng liêng của Đức Trinh Nữ Maria.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Những lời cuối cùng của Đức Bênêđíctô: Jesus, ich liebe dich - Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa
VietCatholic Media
06:07 01/01/2023


Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, có bài tường trình nhan đề “Benedict’s last words: Jesus, I love you”, nghĩa là “Những lời cuối cùng của Đức Bênêđíctô: Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Theo các báo cáo mà chúng tôi nhận được, Đức Thánh Cha Phanxicô là người đầu tiên không phải là cư dân của Tu Viện Mẹ Giáo Hội đã ở bên giường bệnh của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 sau khi ngài trút hơi thở cuối cùng.

“Jesus, ich liebe dich” nghĩa là “Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa” là những lời cuối cùng mà Đức Bênêđictô XVI nói, theo lời kể của phóng viên Vatican người Á Căn Đình Elisabetta Piqué của tờ La Nacion, vào ngày 31 tháng 12 năm 2022.

Nhà báo, được coi là có nguồn tin rất tốt ở Vatican, cho biết rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã lập tức đến bên giường của người tiền nhiệm ngay sau khi ngài qua đời.

Khi Đức Giáo Hoàng Danh dự trút hơi thở cuối cùng lúc 9:34 sáng, Đức Tổng Giám Mục Georg Ganswein, thư ký của ngài, đã gọi điện thoại cho Đức Thánh Cha Phanxicô để thông báo về cái chết của ngài. “Mười phút sau, cựu tổng giám mục Buenos Aires là người đầu tiên đến bên giường bệnh để ban phép lành lần cuối và cầu nguyện trong im lặng bên cạnh thi thể vốn đã không còn sự sống của ngài,” trang web của tờ báo La Nacion của Á Căn Đình viết.

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô gửi lời chia buồn đến những người trong Tu Viện Mẹ Giáo Hội, nơi Đức Giáo Hoàng Danh dự Bênêđictô XVI đã sống kể từ khi ngài thoái vị vào tháng 2 năm 2013. Ngài chào hai bác sĩ và hai y tá có mặt, và sau đó là bốn nữ giáo dân thánh hiến phụ trách việc chăm sóc cho Đức Giáo Hoàng Danh dự hàng ngày, và cuối cùng là thư ký của Đức Giáo Hoàng Danh dự, Nữ tu Birgit Wansing.

Theo báo cáo của tờ La Nacion, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn tin tức được chia sẻ ngay lập tức, vì vậy Đức Tổng Giám Mục Ganswein đã gọi điện cho giám đốc văn phòng báo chí Vatican, Matteo Bruni, là người đã thông báo về cái chết của Đức Bênêđictô cho thế giới.

Vào ngày 28 tháng 12, Đức Giáo Hoàng người Á Căn Đình đã đến thăm Đức Giáo Hoàng danh dự, lúc đó sức khỏe đã trở nên nguy kịch hơn.

Trong buổi hát Kinh Chiều Tạ Ơn Te Deum cuối năm, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

Và nói về lòng tốt, vào lúc này, tự nhiên tôi nghĩ đến Đức Giáo Hoàng Danh dự Bênêđictô XVI thân yêu, người đã từ biệt chúng ta sáng nay. Chúng ta cảm động khi nhớ đến ngài như một người cao thượng, rất nhân từ. Và chúng ta cảm thấy lòng biết ơn: lòng biết ơn Thiên Chúa vì đã ban Đức Giáo Hoàng Danh dự cho Giáo hội và thế giới; lòng biết ơn đối với Đức Giáo Hoàng Danh dự về tất cả những điều tốt lành mà ngài đã thực hiện, và trên hết, về chứng tá đức tin và lời cầu nguyện của ngài, đặc biệt là trong những năm cuối cùng của cuộc đời chiêm niệm của ngài. Chỉ có Thiên Chúa mới biết giá trị và sức mạnh của lời chuyển cầu của ngài, của những hy sinh mà ngài đã dâng vì lợi ích của Giáo Hội.
 
Thông điệp đầu năm sắt máu của Putin. Hai kho hỏa tiễn của quân Nga nổ tung. 760 lính Nga tử trận
VietCatholic Media
16:17 01/01/2023


1. Các cuộc giao tranh kinh hoàng ngay trong ngày đầu năm. Hai kho hỏa tiễn của quân Nga phát nổ

Trong bản cập nhật tình hình chiến sự vào buổi tối ngày đầu năm mới, Đại Tá Georgi Gleba, phát ngôn nhân của Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết chiến cuộc đã rộ lên một cách bất thường trong ngày đầu tiên của năm 2023.

Quân Nga thuộc Trung Đoàn 488 súng trường cơ giới đã tấn công mạnh vào vùng Woodland ở phía Tây Bắc của thành phố Bakhmut. Gần 20 cuộc tấn công trong 24 giờ qua đã diễn ra theo hướng này.

Trong khi đó, ở hướng Zaporizhzhia, quân Nga chiếm được khu định cư Dorozhnyanka ở phía Nam Hulyaipole.

Ngược lại không quân Ukraine đã mở 7 cuộc không kích yểm trợ cho bộ binh Ukraine đẩy lui các cuộc tấn công ở 8 khu định cư. Hai kho hỏa tiễn của quân Nga đặt trong thành phố Luhansk, được tường trình là đã phát nổ.

Trong những tháng đầu cuộc xâm lược của Nga, trung bình 200 hay cùng lắm là 300 binh sĩ Nga tử trận trong một ngày. Trong cuộc tổng phản công ở Kharkiv, con số này tăng lên đến 600 người mỗi ngày. Trong 24 giờ qua, số binh sĩ Nga tử trận là 760 người, vượt qua con số 750 là con số cao nhất trong tháng 12.

Người đứng đầu Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine, Thiếu Tướng Kyrylo Budanov, đưa ra lời giải thích sau vào hôm 31 tháng 12. Ông nói rằng các lực lượng Nga ở Ukraine đang gặp vấn đề nghiêm trọng với đạn pháo. Tình hình này sẽ bộc lộ rõ ràng hơn vào tháng 3 năm 2023. Ông ghi nhận rằng các lực lượng Nga trước đây đã sử dụng 60,000 quả đạn pháo mỗi ngày, nhưng hiện chỉ sử dụng 19,000 đến 20,000 quả đạn một ngày. Budanov cũng tuyên bố rằng các lực lượng Nga cũng đã vét hết tất cả đạn pháo còn sót lại từ các kho quân sự của Belarus để hỗ trợ cho các hoạt động của họ ở Ukraine.

Vì không có đủ đạn pháo, và cũng không đủ chiến xa yểm trợ, nhiều lần, quân Nga đã quay sang chiến lược tấn công biển người.

Đại Tá Georgi Gleba cũng cho biết hai kho đạn pháo trong thành phố Luhansk của Tập Đoàn Quân Xe tăng số một đã bị đánh trúng. Số đạn pháo của Nga trong những ngày tới chắc chắn còn trầm trọng hơn.

Trong 24 giờ qua, 760 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 2 xe tăng, 9 xe thiết giáp, và 5 hệ thống pháo.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 1 tháng Giêng, 106,720 lính Nga ở Ukraine đã bị loại khỏi vòng chiến, cùng với 3,031 xe tăng, 6,084 xe thiết giáp, 2,021 hệ thống pháo, 423 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 213 hệ thống tác chiến phòng không, 283 máy bay, 269 trực thăng, 1,792 máy bay không người lái, 723 tên lửa hành trình, 16 tàu chiến, 4,720 xe chuyển quân và nhiên liệu và 181 thiết bị đặc biệt

2. Chiến tranh có thể kết thúc vào mùa hè năm 2023, nhà sử học Anh dự đoán

Nhà sử học người Anh Ian Kershaw tin rằng cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Nga sẽ kết thúc vào giữa năm nay 2023.

“Vào mùa xuân, chúng ta sẽ xem liệu người Ukraine, với sự hỗ trợ của phương Tây, đã sẵn sàng cho một cuộc tấn công mới nhằm đẩy lùi những kẻ tấn công hay chưa. Nếu đúng như vậy, thì chúng ta có thể đang đi đến quyết định này hay quyết định khác vào mùa xuân hoặc mùa hè... Tôi cho rằng chiến tranh sẽ kết thúc sau nửa năm nữa,” Kershaw, 79 tuổi, cho biết trong cuộc phỏng vấn, được xuất bản bằng tiếng Đức.

Ông giải thích rằng mức độ tiêu hao hiện tại là khó khăn cho cả hai bên để duy trì cuộc chiến hiện nay. Điều quan trọng là tình trạng của cả hai quân đội vào cuối mùa đông này.

Nhà sử học lưu ý: “Đây sẽ là một mùa đông rất khó khăn đối với Ukraine, nhưng tất nhiên, đối với nhiều người Nga cũng vậy.

Kershaw nhấn mạnh rằng Putin bị nhấn chìm bởi những ảo tưởng về quyền lực lớn, và tiếp tục so sánh ông ta với Stalin. Ông nói, tổng thống Nga thấy mình ở một vị trí mà ông chưa bao giờ hiểu được. Bây giờ có một cuộc chiến đang diễn ra mà ông ta không thể thắng và điều đó rất tốn kém và tàn phá.” Ông nhấn mạnh rằng Nga hiện đang bị cô lập, ít nhất là ở Âu Châu, vì vậy theo nghĩa này, đó là cái giá phải trả của Putin cho quyết định xâm lược Ukraine. Cuộc xâm lược Ukraine “sẽ thay đổi Âu Châu, nhưng vẫn chưa thể dự đoán chính xác như thế nào,” Kershaw nói. Theo ý kiến của ông, chiến tranh đã áp đặt một chính sách năng lượng mới đối với các quốc gia phương Tây và dẫn đến suy thoái.

Như đã đưa tin, một cuộc khảo sát do Quỹ Sáng kiến Dân chủ Ilko Kucheriv cùng với Trung tâm Razumkov thực hiện cho thấy 49% dân số Ukraine coi việc gia nhập NATO là lựa chọn tốt nhất để bảo đảm an ninh cho đất nước.

3. Tổng thống Zelenskiy nói với người Nga: Nhà nước khủng bố không thể tha thứ

Nhà nước khủng bố của Nga sẽ không được tha thứ, và những người ra lệnh và thực hiện chúng sẽ không thể được ân xá. Ukraine sẽ không bao giờ tha thứ cho các vụ khủng bố hỏa tiễn do Nga gây ra.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đưa ra lập trường trên trong bài phát biểu trước quốc dân đồng bào vào đêm Giao Thừa. Khi nói với người Nga, ông nhấn mạnh rằng:

“Tất cả cuộc chiến mà các bạn đang tiến hành, đó không phải là cuộc chiến với NATO, như những người tuyên truyền của các bạn đã nói dối. Nó không dành cho một cái gì đó lịch sử. Đó là để một người duy trì quyền lực cho đến cuối đời. Và điều gì sẽ xảy ra với tất cả các bạn, những công dân Nga, không liên quan đến ông ta. Thủ lĩnh của các bạn muốn chứng tỏ rằng ông ta có quân đội phía sau và ông ta đang dẫn đầu. Nhưng ông ta chỉ đang lẩn trốn. Ông ta trốn sau quân đội, sau hỏa tiễn, sau bức tường của dinh thự và cung điện của mình. Ông ta nấp sau lưng các bạn và đốt cháy đất nước và tương lai của các bạn,” Zelenskiy nói.

Theo lời của ông, sẽ không ai tha thứ cho sự khủng bố của Nga. Không ai trên thế giới sẽ tha thứ cho Nga vì điều này và Ukraine sẽ không bao giờ tha thứ.

“Nhà nước khủng bố sẽ không được tha thứ. Và những người ra lệnh cho các cuộc tấn công như vậy, và những người thực hiện chúng, sẽ không được ân xá. Nói một cách nhẹ nhàng. Vài đợt tấn công bằng hỏa tiễn vào ngày đầu năm mới. Hỏa tiễn chống người. Nó chống lại người dân. Không ai có chút lương tâm sẽ làm điều đó, những kẻ như thế sẽ thua. Các bạn và tôi biết rõ điều đó. Những kẻ khủng bố không thể thay đổi nó. Vào Lễ Phục sinh, họ thực hiện những cuộc tấn công như vậy, vào Lễ Giáng Sinh, Năm mới...”

Đề cập đến Thượng Phụ Kirill và những người Nga ủng hộ chiến tranh, Tổng thống Zelenskiy nói: “Họ tự gọi mình là Kitô hữu, họ rất tự hào về Chính thống giáo của mình. Nhưng họ đang đi theo ma quỷ. Họ ủng hộ và sát cánh bên ông ấy”.

Xin nhắc lại rằng, vào ngày 31 tháng 12 năm 2022, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn khác vào cơ sở hạ tầng dân sự và năng lượng của Ukraine.

4. Putin tuyên bố Chiến tranh Ukraine là 'Nhiệm vụ thiêng liêng' đối với người Nga trong bài phát biểu Đêm Giao Thừa

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Hôm thứ Năm 29 tháng 12, quân xâm lược Nga đã phóng 69 hỏa tiễn hành trình vào các thành phố của Ukraine. Hai ngày sau, trong một hành động tàn ác khác đang bị quốc tế lên án, vào Đêm Giao Thừa ngày 31 tháng 12, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn lớn khác bao gồm 20 hỏa tiễn nhắm thẳng vào các khu dân cư khiến một người chết và 16 người bị thương. Dù tàn bạo như thế, Putin không hề có chút hối hận nào.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Declares Ukraine War a 'Sacred Duty' for Russians in NYE Address”, nghĩa là “Putin tuyên bố Chiến tranh Ukraine là 'Nhiệm vụ thiêng liêng' đối với người Nga trong bài phát biểu Đêm Giao Thừa.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thúy Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc người Nga chiến đấu trong cuộc chiến Ukraine trong bài phát biểu Đêm Giao Thừa hôm thứ Bảy.

Bài phát biểu của nhà lãnh đạo Nga được đưa ra hơn 10 tháng sau khi ông ra lệnh xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, vi phạm thông lệ quốc tế.

Quân đội của Putin đã phải vật lộn để đạt được những chiến thắng ở Ukraine trong suốt cả năm. Vào mùa thu, Ukraine đã phát động cuộc phản công, chiếm lại hàng nghìn dặm vuông lãnh thổ bị xâm lược trước đây. Các chuyên gia coi cuộc chiến này phơi bày những điểm yếu trong quân đội của Putin, chẳng hạn như những nỗ lực cần phải có để duy trì quân đội được đào tạo bài bản và năng động.

Bước sang năm 2023, Putin đã có bài phát biểu trong bối cảnh những tổn thất đang diễn ra ở Ukraine và áp lực ngày càng tăng ở quê nhà, khi hàng triệu người Nga từ chối tham gia chiến tranh. Trong khi đó, một số quan chức Nga thừa nhận cuộc chiến không diễn ra như kế hoạch.

Putin dường như kêu gọi công dân của mình tham gia chiến đấu, mô tả cuộc chiến là “nghĩa vụ thiêng liêng đối với tổ tiên và con cháu”, theo TASS, một cơ quan truyền thông thân cận với Điện Cẩm Linh.

“Chúng tôi luôn biết, và hôm nay chúng tôi một lần nữa tin chắc rằng tương lai có chủ quyền, độc lập, an toàn của nước Nga chỉ phụ thuộc vào chúng tôi, vào sức mạnh và ý chí của chúng tôi!” nhà lãnh đạo Nga cho biết.

Javed Ali, giáo sư chuyên về chính sách quốc tế và ngoại giao của Đại học Michigan, nói với Newsweek hôm thứ Bảy rằng những bình luận của Putin cho thấy ông “tin rằng mình có đủ nhân lực, thiết bị và nguồn tài chính để tiếp tục cuộc chiến cho đến khi đạt được mục tiêu của mình.”

Ông nói: “Tuyên bố của ông ấy về việc bảo vệ lợi ích của Nga ở đó và gợi lên các khái niệm về nghĩa vụ yêu nước gợi lại ngôn ngữ thời Thế chiến thứ hai được sử dụng để thúc đẩy sự đoàn kết và biện minh cho những hy sinh mà Đức Quốc xã phải trả trong chiến dịch chống lại Liên Xô”.

Trong khi đó, TASS không đưa tin liệu Putin có giải quyết những tổn thất của Nga hay bất kỳ cuộc đấu tranh nào hay không. Thay vào đó, hãng thông tấn này nhấn mạnh điều mà Putin coi là tầm quan trọng của việc tiếp tục tham gia vào trận chiến và tìm cách lên án phương Tây về việc họ ủng hộ Kyiv và các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, vốn được cho là đã làm suy yếu nền kinh tế của Mạc Tư Khoa trong những tháng gần đây.

“Các quân nhân, dân quân, tình nguyện viên Nga hiện đang chiến đấu vì quê hương, vì sự thật và công lý,” ông Putin nói. “Để bảo đảm hòa bình và an ninh cho Nga một cách đáng tin cậy. Tất cả họ đều là những anh hùng của chúng ta, điều đó là khó khăn nhất đối với họ lúc này.”

Sau khi chứng kiến những kết quả không mấy ấn tượng trong suốt năm 2022, một số chuyên gia cảnh báo rằng Nga có thể sẽ không gặt hái được nhiều thành công hơn trong năm tới, ngay cả khi xuất hiện các báo cáo rằng Putin có thể đang phát động một cuộc tấn công mới với hy vọng xoay chuyển tình thế có lợi cho mình.

Thiếu tá Lục quân Hoa Kỳ đã nghỉ hưu John Spencer, trong một cuộc phỏng vấn của Đài Âu Châu Tự do vào tuần này, đã nghi ngờ rằng Nga sẽ đạt được những bước tiến mới trong năm mới, đồng thời mô tả tác động của các cuộc tấn công gần đây vào cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine là “vô ích”.

“Tại thời điểm này, tôi không thấy bất kỳ hướng nào mà Quân đội Nga có thể tiến lên. Mục tiêu duy nhất của họ là giữ những gì họ đã chiếm được và tôi nghĩ họ cũng sẽ không thành công,” Spencer nói.

Trong khi đó, Tướng Mỹ về hưu Ben Hodges dự đoán Ukraine có khả năng sẽ đánh bại Nga và giành quyền kiểm soát Crimea, lãnh thổ mà Nga sáp nhập năm 2014, vào một thời điểm nào đó trong năm 2023 trong một cuộc phỏng vấn của BBC.

Hodges nói: “Còn quá sớm để lên kế hoạch cho một cuộc duyệt binh mừng chiến thắng ở Kyiv nhưng tất cả động lực hiện đang ở với Ukraine và tôi không nghi ngờ gì về việc họ sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến này, có thể là vào năm 2023.

TASS đưa tin, bất chấp những thất bại, ông Putin bày tỏ sự lạc quan về tương lai của Nga, nói rằng nước này sẽ trở thành “tấm gương truyền cảm hứng cho các quốc gia khác trong nỗ lực đạt được một trật tự thế giới đa cực công bằng”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Ukraine để bình luận.

5. Cuộc tấn công hỏa tiễn vào Kyiv: Số người bị thương tăng lên 16

Cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào Kyiv ngày 31/12 đã khiến 1 người thiệt mạng và 16 người bị thương.

Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko cho biết như trên trong cuộc họp báo vào ngày Năm Mới 1 tháng Giêng.

“Cuộc tấn công hỏa tiễn vào thủ đô. Thông tin về thương vong đã được làm rõ. Người ta đã xác nhận rằng một người đã thiệt mạng và 16 người bị thương. Họ đang được hỗ trợ y tế,” báo cáo viết.

Ông cũng báo cáo rằng bảy mục tiêu trên không đã bị phá hủy gần Kyiv.

Các mảnh vỡ của hỏa tiễn bị phá hủy đã làm hư hại một tòa nhà và một chiếc xe hơi ở quận Holosiivskyi, một tòa nhà dân cư tư nhân và Khách sạn Adler ở quận Solomianskyi, cũng như Khách sạn Alfavito và các tòa nhà lân cận ở quận Pecherskyi.

Thị trưởng Klitschko cho biết thêm rằng hai trường học và trường mẫu giáo ở quận Solomianskyi và một trường học khác ở Pecherskyi đã bị phá hủy một phần do cuộc tấn công hỏa tiễn.

6. Tư lệnh quân Ukraine Zaluzhnyi cho biết phòng không Ukraine bắn hạ 12 trong số 20 hỏa tiễn do Nga phóng

Hôm thứ Bảy, ngày 31 tháng 12, Nga đã bắn hơn 20 hỏa tiễn hành trình vào Ukraine, và 12 trong số đó đã bị lực lượng phòng không Ukraine phá hủy.

Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine, Valerii Zaluzhnyi, cho biết như trên trong một cuộc phỏng vấn vào Đêm Giao Thừa. Ông nói:

“Hôm nay, nhà nước khủng bố Nga lại tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn quy mô lớn vào các đối tượng dân sự ở đất nước chúng ta. Theo thông tin ban đầu, kẻ thù đã phóng hơn 20 hỏa tiễn hành trình trên không bằng cách sử dụng máy bay ném bom chiến lược Tu-95ms từ Biển Caspian và các hệ thống hỏa tiễn trên mặt đất”.

Theo ông, lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ 6 hỏa tiễn ở khu vực Kyiv, 5 hỏa tiễn ở khu vực Zhytomyr và 1 ở khu vực Khmelnytskyi.

Theo Cơ quan quản lý quân sự thành phố Kyiv, một người thiệt mạng và 16 người bị thương trong vụ tấn công bằng hỏa tiễn nhằm vào thủ đô Ukraine hôm 31/12.

Tại khu vực Khmelnytskyi, vụ tấn công hỏa tiễn khiến 7 người bị thương, 3 người trong tình trạng nghiêm trọng.

7. Cựu Đại Sứ Hoa Kỳ tại Nga nhận xét rằng Putin đã vứt bỏ hai thập kỷ thành công trong cuộc chiến Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Throwing Away Two Decades of Success in Ukraine War: Former Diplomat”, nghĩa là “Cựu Nhà Ngoại Giao Hoa Kỳ nhận xét rằng Putin đã vứt bỏ hai thập kỷ thành công trong cuộc chiến Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo Michael McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Nga, với cuộc chiến t15i Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang vứt bỏ hai thập kỷ thành công.

Nhận xét của McFaul được đưa ra hơn 10 tháng sau khi nhà lãnh đạo Nga phát động cuộc xâm lược Ukraine. Putin hy vọng giành chiến thắng nhanh chóng trước nước láng giềng Đông Âu, nhưng Kyiv đã đáp lại bằng một nỗ lực phòng thủ mạnh mẽ hơn dự kiến, được hỗ trợ thêm bởi viện trợ quân sự và nhân đạo của phương Tây.

Mặc dù có lực lượng quân đội to lớn, quân đội Nga đã phải vật lộn để cố đạt được các mục tiêu quan trọng ở Ukraine. Quân đội Ukraine đã giành lại hàng nghìn dặm vuông lãnh thổ bị xâm lược trước đây trong suốt mùa thu. Giờ đây, Putin được cho là đang phải đối mặt với áp lực nội bộ để thay đổi tiến trình của cuộc chiến trong bối cảnh tổn thất ngày càng nhiều, bất kể nhiều người Nga vẫn tiếp tục ủng hộ cuộc chiến.

McFaul, người từng là đại sứ Hoa Kỳ tại Nga từ năm 2012 đến 2014, đã tweet vào thứ Bảy rằng cuộc chiến có thể gây thiệt hại cho di sản của Putin với tư cách là một nhà lãnh đạo.

Ông chỉ ra một số lĩnh vực mà Putin đã thành công trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình, bao gồm việc củng cố nền kinh tế của Mạc Tư Khoa và những thành công quân sự trước đây, nhưng tất cả những điều này hiện có nguy cơ bị lu mờ bởi một thất bại ở Ukraine.

“Putin, theo quan điểm của tôi thật đáng buồn, đã có một vài thập kỷ tốt đẹp. Ông củng cố quyền kiểm soát trong nước, tạo ra tăng trưởng kinh tế, giành được sự tôn trọng ở nước ngoài và chiến thắng trong 4 cuộc chiến -- Chechnya, Georgia, Ukraine năm 2014 và Syria. Vào năm 2022, ông ta đã đi quá xa ở Ukraine, bỏ đi 2 thập kỷ thành công”.

Putin lần đầu tiên trở thành tổng thống Nga vào năm 2000, tại vị trong 8 năm. Ông ấy lại trở lại chức vụ này vào năm 2012, và tiếp tục giữ chức vụ đó cho đến nay. Sự cai trị của ông đã được đánh dấu bằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga trong chính trị quốc tế. Trên thực tế, Putin đã chứng kiến một số chiến thắng, bao gồm cả chiến thắng trước Ukraine vào năm 2014 dẫn đến việc sáp nhập Crimea.

Khi tổn thất chồng chất trong cuộc chiến đang diễn ra, một số chuyên gia cho rằng Ukraine thậm chí có thể chiếm lại Crimea, và về cơ bản một chiến thắng như thế sẽ hủy hoại một trong những thành tựu quan trọng của Putin. Chiến tranh cũng đã gây thiệt hại cho nền kinh tế của Mạc Tư Khoa, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh trừng phạt của phương Tây. Sự ủng hộ dành cho ông trong dân chúng Nga cũng giảm sút trong suốt cuộc chiến.

Nhận xét của McFaul theo sau bài phát biểu đêm giao thừa của Putin, trong đó ông tiếp tục lên án phương Tây vì đã hỗ trợ Ukraine, nhưng bày tỏ sự lạc quan về tương lai của Nga, bất chấp những thất bại ngày càng gia tăng.

“Chúng ta luôn biết, và hôm nay chúng ta một lần nữa tin chắc rằng tương lai có chủ quyền, độc lập, an toàn của nước Nga chỉ phụ thuộc vào chúng ta, vào sức mạnh và ý chí của chúng ta!” nhà lãnh đạo Nga nói.

Quân đội của Putin đã phải đối mặt với một số tổn thất trong những tháng gần đây, mất lãnh thổ và tinh thần xuống thấp bất chấp những nỗ lực của các quan chức nhằm tăng số lượng binh sĩ chiến đấu ở Ukraine.

Bộ Quốc phòng Ukraine cho rằng gần 106,000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong suốt 10 tháng xung đột, mặc dù các ước tính khác cho thấy con số này có thể thấp hơn. Newsweek không thể xác minh độc lập con số này.

Ukraine cũng gợi ý rằng Nga, quốc gia đã chuyển sang tấn công cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine trong bối cảnh thất bại trên chiến trường, có thể chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công khác vào đầu năm tới. Tuy nhiên, các chuyên gia đã hoài nghi rằng Putin sẽ có thể xoay chuyển tình thế chiến tranh và dẫn dắt quân đội của mình giành chiến thắng.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để bình luận
 
Thánh Ca
Thánh Ca: Đóa Hoa Hướng Dương. Sáng tác: Lm. Quang Uy, CSsR. Trình bày: Kim Thúy
Kim Thúy
09:28 01/01/2023

Thánh Ca: Đóa Hoa Hướng Dương. Sáng tác: Lm. Quang Uy, CSsR. Trình bày: Kim Thúy
Hòa âm: Sàigòn Thứ Bẩy
Video: J.B. Phan