Ngày 07-01-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy niệm về Bí tích Rửa Tội
Lm Nguyễn Hữu Thy
03:29 07/01/2012
Suy niệm về Bí tích Rửa Tội

(Mc 1,7-11)

Hầu như tất cả các Kitô hữu, kể cả những Kitô hữu ngoan đạo nhất, đều ghi nhớ rõ ngày sinh nhật của mình, ngày họ được cất tiếng khóc chào đời, được làm thành viên của gia đình nhân loại. Trong khi đó ngày họ được rửa tội, được làm con cái Thiên Chúa, làm công dân Nước Trời thì rất ít người biết đến. Đó là dấu chỉ cho thấy rằng những người Kitô hữu chúng ta chưa nhận thức được giá trị và ý nghĩa cao cả của Bí tích Rửa Tội. Nguyên nhân chính của hiện tượng đáng buồn ấy là do hầu hết chúng ta đã được lãnh nhận Bí tích thánh đó khi còn trẻ thơ và chưa có sự ý thức và sự chọn lựa của chính bản thân mình.

Vì thế, để sống đức tin Kitô hữu của mình một cách xác tín và sống động hơn, chúng ta cần suy niệm và nhận chân được ý nghĩa đícht thực của Bí tích Rửa Tội.

Cửa Nước Trời được mở ra

Đức Giêsu, tuy là một thành viên đích thực của gia đình nhân loại, nhưng đã xuất thân từ Thiên Chúa ở chốn Trời Cao. Điêu này được minh xác và được chứng nhận rõ ràng trong ngày Người được ông Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho tại sông Gióc Đan.

Thánh Linh Thiên Chúa ngựa xuống trên Người. Vâng, Đức Giêsu đã được lãnh nhận Thánh Linh Thiên Chúa khi Người khởi sự cuộc sống công khai của Người, cuộc sống loan báo Tin Mừng Cứu Độ, một Sứ Mệnh mà Thiên Chúa Cha đã giao phó cho Người thi thành giữa con cái nhân loại, và Người đã hoàn toàn thực thi và hoàn tất Sứ Mệnh ấy qua sức mạnh của Thánh Linh.

Điều đó muốn nói rằng Đức Giêsu đã được Gioan làm phép rửa chỉ vì Sứ Mệnh của Người, vì con đường khổ nạn Người phải đi, vì cái chết và vì sự phục sinh của Người. Và trong mọi sự, trong tất cả những gì xảy đến cho Người, Người đều luôn có tình yêu vô biên của Chúa Cha bao bọc chở che, một tình yêu mà chính Chúa Cha đã mặc khải trong khi Người chịu phép rửa của ông Gioan tại sông Gióc Đan: „Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.“

Nếu Đức Giêsu đã tự hòa đồng với đoàn người có tội cùng đến sông Gióc Đan để cùng được ông Gioan làm phép rửa cho, thì nay Người lại muốn rửa tội cho họ bằng Thánh Linh Thiên Chúa. Vâng, Người muốn thâu nhận tất cả họ vào trong tình yêu vô biên của Thiên Chúa, trong tình yêu mà Người luôn được ấp ủ. Vì Người muốn rằng khi tất cả họ luôn liên kết mật thiết với Người và với Thánh Linh của Người, thì họ sẽ trở nên những con người mới và sống một cuộc sống mới trước mặt Thiên Chúa, Đấng đang luôn mở rộng Cửa Nước Trời để ban phúc cho họ và nói với họ rằng „các con là con của Cha, Cha hài lòng về các con.“

Những ai biết sống liên kết Đức Giêsu và được rửa tội bằng Thánh Linh của Người, họ sẽ thoát ly được chiều kích hạn hẹp của cuộc sống trần để vươn tới một tương lai mới, tươi sáng và rực rỡ chân thật, tương lai của cuộc sống vĩnh cửu trong Nước Trời.

Một nhận thức mới về Bí tích Rửa Tội

Theo sự nhận thức truyền thống về Bí tích Rửa Tội, thì Bí tích Rửa Tội được gắn liền với tội nguyên tổ, mà chúng ta có thể tóm tắt như sau: Hai ông bà nguyên tổ của loài người là Adong và Ê-và đã phạm tội chống lại Thiên Chúa và chúng ta là con cháu của các ngài nên cũng bị lây nhiễm tội của hai ông bà. Vì thế Đức Giêsu Kitô đã nhập thể và được sinh xuống trần gian để giải cứu chúng ta khỏi cái tội nguyên tổ ấy. Qua Bí tích Rửa Tội, mỗi người chúng ta được ơn tha thứ tội nguyên tổ.

Nhưng theo sự nhận thức mới về Bí tích Rửa Tội, một sự nhận thức được định hướng theo Kinh Thánh, nhất là đặt cơ sở trên phép rửa của chính Đức Giêsu tại Gióc Đan.

Theo đó, Bí tích Rửa Tội trước hết được hiểu là sự tuyển chọn đầy yêu thương của Thiên Chúa dành cho đương sự trong Chúa Thánh Linh. Tiếp đến là được tái sinh bởi nước và Thánh Linh (x. Ga 3,4-5).

Theo Kinh Thánh, nước vừa có nghĩa là sự chết và vừa có nghĩa là sự sống. Nếu một người được tẩy rửa qua cái chết của Đức Kitô, thì người ấy đồng thời cũng với Đức Kitô cùng được sống lại trong một cuộc sống mới.

Trong Bí Rửa Tội, Thiên Chúa ban cho chúng ta Thánh Linh của Người và đời đời thâu nhận chúng ta làm con cái của Người. Người yêu thương chúng ta. Người thâu nhận chúng ta vào trong cộng đoàn những người được tuyển chọn của Người, tức Giáo Hội.

Và một khi được tái sinh trong nước và Thánh Linh, mỗi người trong chúng ta được trở nên một Alter Christus, một Đức Kitô khác. Chúng ta sẽ bước đi trên con đường Đức Kitô đã đi qua, con đường hy sinh mình cho anh em đồng loại.

Đàng khác, sự nhận thức mới về Bí tích Rửa Tội cũng được định hướng theo sự tuyên xưng đức Tin, bởi vì Bí tích Rửa Tội là Bí tích Đức Tin. Nhưng ở đây một câu hỏi được đặt ra: Nếu Bí tích Rửa Tội là Bí tích Đức Tin, thì người ta phải giải thích thế nào về Bí tích Rửa Tội của các trẻ sơ sinh, khi chúng chưa thể tự tuyên xưng đức tin của mình được? Đây là một vấn nạn thường được nêu lên, nhưng thường lại không được giải đáp một cách rõ ràng đầy đủ, vì thế nhiều bậc cha mẹ „cấp tiến“ đã sai lầm không muốn cho con cái mình được rửa tội khi còn sơ sinh và sau đó cũng không cho chúng theo học giáo lý, mà chờ cho tới khi chúng trưởng thành và để chúng tự quyết định.

Trong khi đó, việc cử hành Bí tích Rửa Tội cho các trẻ sơ sinh như Giáo Hội vẫn thi hành là một điều cần thiết và chính đáng. Dĩ nhiên, việc rửa tội cho các trẻ sơ sinh chỉ mang đầy đủ ý nghĩa là Bí tích của Đức Tin với điều kiện bất khả miễn là các bậc cha mẹ, các người đỡ đầu và cộng đoàn của đức trẻ phải công khai tuyên xưng đức tin vào Đức Kitô thay cho đứa trẻ, vì qua việc tuyên xưng đức tin một cách công khai như thế muốn nói lên thiện ý của mọi người là sẵn sàng góp phần giúp đỡ cho đứa trẻ đó bằng chính cuộc sống đức tin nêu gương của mình, hầu đứa trẻ một ngày nào đó có thể tự xác tín được đức tin của mình.

Những hiệu quả thực tiễn

• Đối với chúng ta, những người đã được rửa tội khi còn bé thơ, chúng ta cần phải ý thức rõ ràng và cần phải có một quyết định dứt khoát về đời sống đức tin của mình. Kiểu sống „đạo theo“ hoàn toàn không phù hợp với cách sống đức tin của người trưởng thành.

• Tin Mừng Phúc Âm luôn được công bố hằng ngày và hằng tuần trong các Thánh Lễ. Chúng ta đều nghe rõ. Nếu chúng ta không chỉ đón nhận Lời Chúa, nhưng tìm cách sống và thực hành trong cuộc sống của cụ thể của mình những chỉ dạy, những hướng dẫn và những gợi ý của Phúc Âm, chúng ta đã thực sự có được một đức tin sống động.

• Mỗi người trong chúng ta không nên hỏi: Giáo Hội hay Giáo Xứ cần phài làm gì để giúp tôi sống đức tin? Nhưng là phải tự hỏi mình: Tôi phải sống đức tin của tôi trong Giáo Hội, trong Giáo Xứ như thế nào để Giáo Hội và Giáo Xứ của tôi mỗi ngày càng trở nên nơi nương náu an toàn và chốn cậy dựa vững chắc cho tất cả những ai đang thiếu thốn tình Chúa cũng như tình người.

• Để việc cử hành Bí tích Rửa Tội cho các trẻ sơ sinh tiếp tục tồn tại một cách đầy đủ ý nghĩa, các người thanh niên thiếu nữ vào lứa tuổi từ 14 đến 18 tuổi cần nhận thức rõ ràng về đức tin của mình và dọn mình đón nhận Bí tích Thêm Sức một cách sốt sắng. Vì qua đó, các bạn thanh niên thiếu nữ ấy mới thực sự xác tín về điều các bạn đã được lãnh nhận trong Bí tích Rửa Tội. Đó là điều kiện thiết yếu để mỗi Kitô hữu làm chứng cho Đức Kitô ở giữa dòng chảy cuộc sống hằng ngày. Nhưng để các thanh niên thiếu nữ nhận thức và xác tín được đức tin của mình, họ cần đến gương sống đức tin của các bậc cha mẹ, của các người đỡ đầu cũng như của toàn thể cộng đoàn Giáo Xứ.

• Vì những lý do vừa nêu, việc cử hành Bí tích Rửa Tội cho trẻ sơ sinh một cách lý tưởng nhất là được cử hành trong khuôn khổ Thánh Lễ của cộng đoàn Giáo Xứ, vì qua đó, mọi người sẽ cảm nhận được một cách dễ dàng và rõ ràng hơn rằng: * Quả thật, Thiên Chúa đã thực hiện một điều cao cả giữa loài người chúng ta là đón nhận một người trong chúng ta làm con cái Người; * Hầu cho các bậc cha mẹ, các người đỡ đầu, các bà con bạn bè và cả cộng đồng Giáo Xứ, v.v… ý thức được trách nhiệm của mình trong việc giáo dục đứa trẻ lớn lên trong đức tin một cách đúng đắn bằng chính cuộc sống đức tin gương mẫu của mình.

• Sau cùng chúng ta đừng quên rằng việc nhận thức và xác tín được ý nghĩa cao cả của Bí tích Rửa Tội sẽ là động cơ trọng yếu góp phần xây dựng một cộng đồng Giáo Xứ và một Hội Thánh sống động.

(Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa 2012)
 
Tại sao Đức Giêsu lãnh nhận Phép Rửa?
Ts Tạ Văn Tịnh OP
10:51 07/01/2012
Hoạt động công khai của Đức Giêsu bắt đầu với việc Ngài nhận phép Rửa từ Gioan Tẩy giả trên sông Giođan. Cả bốn Tin Mừng đều ghi lại sự kiện này.

Phép Rửa của ông Gioan bao gồm việc xưng thú, từ bỏ tội lỗi và bắt đầu một cuộc sống mới. Nghi thức thực sự của phép Rửa biểu tượng cho điều này. Một mặt, việc nhận chìm vào trong nước là biểu tượng cho sự chết, gợi nhớ lại sự chết chóc thuộc về quyền năng tiêu huỷ và tàn phá của dòng nước. Lý trí thời xưa quan niệm đại dương như sự đe doạ thường xuyên cho con người và vũ trụ; nhưng mặt khác, nước cũng là nguyên lý, và là nguồn mạch của sự sống. Sông Giođan cũng có thể nhận lấy giá trị biểu tượng này cho những ai được nhận chìm trong đó để được thanh tẩy, được giải thoát khỏi nhơ bẩn của quá khứ đè nặng và bóp méo sự sống, và khởi đầu cho một cuộc tái sinh.

Thế nhưng Đức Giêsu có thể làm những điều này hay không? Làm sao Người có thể xưng thú tội lỗi? Một Đấng Thiên Sai từ trời tại sao lại để cho một phàm nhân rửa tội? Trích đoạn Tin Mừng Mac-cô về việc Đức Giêsu chịu phép Rửa (Mc 1,7-11) không trả lời được những câu hỏi này. Nhưng tác giả Mat-thêu ghi lại cuộc tranh luận giữa vị Tẩy giả với Đức Giêsu, bắt đầu với vấn nạn: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” (Mt 3,14). Đức Giêsu trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính. Khi đó ông Gioan mới chiều theo ý Người (Mt 3,15). Không dễ gì có thể giải mã được ý nghĩa của câu trả lời nghe như bí ẩn này. Nhưng chìa khoá ở đây là từ “công chính” (d??a??s???). Đối với luật Torah, công chính là hoàn toàn chấp nhận ý Thiên Chúa, mang lấy ách của Ngài. Dù không có sự chuẩn bị cho phép Rửa của Gioan trong luật Torah, nhưng câu trả lời này của Đức Giêsu là con đường Ngài thừa nhận phép Rửa như một cách diễn đạt về tiếng xin vâng vô hạn đối với ý Thiên Chúa, chấp nhận vâng phục ách của Người.

Như thế, trong một thế giới đóng ấn bởi tội lỗi, lời xin vâng ý Thiên Chúa cũng diễn tả sự liên đới với con người đã phạm tội nhưng khao khát sự công chính. Ý nghĩa này không nổi bật cách trọn vẹn cho đến khi được nhìn nhận dưới ánh sáng của Thập giá và Phục sinh. Ở đây, người Kitô hữu nhận ra rằng Đức Giêsu đã gánh lấy mọi tội lỗi của con người bằng cách bước vào trong chỗ đứng của tội nhân. Đây là một thực tại vừa hiện sinh vừa sâu thẳm. Phép rửa là chấp nhận cái chết vì tội lỗi nhân loại. Đức Giêsu đi xuống dòng nước để vào trong vực sâu sự chết, để khi đi lên Ngài được “Thánh Thần ngự xuống như chim bồ câu” (Mc 7,10). Và giữa lúc này, một tiếng nói từ trời vang lên: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,11). Đây là cao điểm của biến cố phép Rửa. Đức Giêsu không được giới thiệu như một chủ thể thiên tài hay một bậc vua oai phong. Ngài là Con yêu dấu của Thiên Chúa đến trần gian để giải thoát con người.

Thật vậy, Thiên Chúa mà những người tín hữu Kitô tôn thờ không phải là Thiên Chúa của triết học Hy lạp. Thiên Chúa của các triết gia cổ đại chỉ là Thiên Chúa của những nguyên lý và quy luật thực tại, một Thiên Chúa quá hoàn thiện đến độ không bao giờ đụng chạm đến con người. Trong mối tương quan này, con người chỉ biết vươn mình lên. Nhưng Thiên Chúa của Kitô giáo là Thiên Chúa đã đứng vào vị trí của tội nhân trên dòng sông Giodan để hoà mình với dòng chảy của phận người. Dù biết rằng “dòng đời không êm ái như dòng sông”, nhưng sự đi xuống này mang một chiều kích căn bản đó là chỉ làm như thế mới có thể kéo con người lên khỏi vực thẳm của tội lỗi và sự chết do tội lỗi gây nên. Mặt khác, trên thực tế, Đức Giêsu đã cúi xuống và đụng chạm đến từng mảnh đời cụ thể, cho dù là rách nát, tê liệt hay tội lỗi, để an ủi, để chữa lành và để giải thoát họ. Những lời rao giảng của Người không chỉ để khai mở cho lý trí về Nước Trời mà đó còn là những thực tại nhắm đến con người được bắt gặp trong những biến cố đời thường.

Ngày hôm nay người Kitô hữu được mời gọi đi vào dòng đời để mang sứ điệp yêu thương của Thiên Chúa đến cho nhân loại, rao giảng về một Đấng đã hy sinh mạng sống mình chỉ vì yêu thương cho đến cùng xét về thời gian và yêu thương đến tột cùng xét về mức độ. Trong thực tại đó, thập giá là tất cả những gì Thiên Chúa nói với con người.
 
Cuộc gặp gỡ lịch sử: Chúa chịu phép rửa
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
16:36 07/01/2012
Ở đời, khi người ta dựng vợ gã chồng cho con cái thường chọn nơi môn đăng hộ đối; khi chọn bạn mà chơi thì cũng chọn người hiền. Bình thường ai cũng chọn cái tốt cái hay. Không ai lại chọn cái xấu cái dở bao giờ.Thiên Chúa là Đấng Thánh. Nếu Người vào đời mà liên đới với những bậc Thánh Hiền, với những Người Công Chính thì chẳng ai phản đối. Nhưng không, Chúa Giêsu đã gắn bó thân phận mình với loài người tội lỗi.Trước khi bắt đầu công cuộc rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu đã làm một cử chỉ thật lạ lùng là Người tới bên bờ sông Giođan và xin Gioan làm phép rửa cho mình.

Đây là sự hạ mình sâu thẳm của Đấng Thánh và là một cuộc gặp gỡ lịch sử Cưụ ước - Tân ước. Biến cố không chỉ loan báo trước cuộc khổ nạn của Đức Giêsu mà còn loan báo về sự phục sinh vinh quang của Người.

1. Khiêm hạ thẳm sâu

Nếu đem so sánh với sông Cửu Long mênh mang thuyền qua lại thì dòng nước Giođan nơi Gioan làm phép rửa cho Đức Giêsu có thể gọi là con kênh nhỏ. Nếu đặt bên cạnh sông Hồng cuồn cuộn xiết chảy thì dòng Giođan chỉ là con lạch. Nếu đứng kề bên sông Hương thơ mộng lững lờ trôi thì Giođan chỉ là con suối nhỏ. Đứng bên bờ này sông Giođan ném hòn đá qua bờ kia, nó có thể đi xa hơn.

Thế mà Đức Giêsu đã chọn dòng nước bé nhỏ này, không phải như Môisen hay Giôsua giơ tay cho dòng nước rẽ đôi, nhưng để dìm mình xuống dòng nước nhỏ cùng với đoàn chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả.

Thiên Chúa, Đấng cho Cửu long giang tuôn chảy tưới mát đồng bằng miền Nam; Đấng cho sông Hồng tuôn nước lũ bồi đắp phù sa cho đồng bằng miền Bắc; Đấng cho Hương giang lững lờ lãng mạng gợi hồn thơ đã chọn dìm mình vào dòng nước Giođan bé nhỏ.

Trong các dòng sông nổi tiếng khắp thế giới thì Giođan bé nhỏ là dòng sông quen thuộc nhất đối với người Kitô hữu. Dòng sông ấy gắn liền với những sự kiện quan trọng của Thánh Kinh.

Như một thân thể của xứ Palestine, sông Giođan góp phần quan trọng trong lịch sử Israel ngay từ những ngày đầu Chúa chọn dân Do thái. Từ Giođan chuyển từ tiếng Do thái, hayyarden, có nghĩa “chảy xuôi dòng thời gian”. Bắt nguồn từ Syria, do ba phụ lưu hợp thành. Sông dài 300km, rất nhiều chỗ cạn, nhiều chỗ uốn khúc, chảy qua biển hồ Galilê và cuối cùng đổ vào Biển Chết. Lòng sông rất dốc, thượng lưu ở độ cao 45 mét, đến cửa sông là 390 mét với mặt nước biển, lưu vực 93 mét khối/s. Mặc dù là con sông rộng nhất của Palestin, sông Jordan khác với những con sông của nhiều nước ở chỗ: Khúc sông từ Biển Hồ Galilê đến Biển Chết có đến 27 ghềnh thác khó lưu thông, lắm chỗ nước chảy qua tạo thành những thung lũng như đầm lầy, nhiều nơi có thú dữ, cây cối hai bên dòng sông mọc tươi tốt, không có thành phố lớn nào được thành lập dọc theo dòng sông. Kinh Thánh nói nhiều đến dòng sông này, khởi đầu là việc liên hệ giữa Abraham và ông Lot ở sông Giođan (St 13,10). Giacob từ Kharan trở về đã vượt qua sông Giođan, các chi tộc vượt sông Giođan cách kỳ diệu dưới sự hướng dân của Giosuê (Gs 3,14-17). Con sông là ranh giới vì dân du mục vượt qua sông vào Cannaan để cướp bóc. Người Israel tìm nơi nương náu bên kia tản ngạn sông Jordan (Tl 6,33; 2Sm 17,22) và được xem như sự che chở: “Trong bụi rậm sông Jordan...” (Gr 12:5; 49:19; 50:44) qua Naaman nước Aran nghe lời ngôn sứ Êliđeo xuống sông tắm 7 lần nên được khỏi bệnh phong hủi (2V 5,1-19). Ngôn sứ Êdêkiel (chương 47) diễn tả sức sống sung túc của sông Giođan, nước sông chảy đến đâu thì trao ban sự sống đến đó.

Chính tại dòng sông Giođan bé nhỏ, Đức Giêsu đã đến khai mạc sứ vụ công khai bằng cách đón nhận phép rửa bởi Gioan Tẩy Giả.

Thật lạ lùng, trong số những người đến “xưng thú tội lỗi” ( Mc1,5) và chịu “ phép rửa sám hối để đước ơn tha tội” (Mc 1,4) lại có Đức Giêsu. Ngài là Đấng Thánh, là Thiên Chúa, siêu việt tuyệt đối, tại sao lại đến xin Gioan làm phép rửa sám hối ? Ngài là Đấng mà Gioan “không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài” sao lại có thể đứng chung với đám đông người tội lỗi chờ đến lượt mình để được chịu thanh tẩy ?

Trong đêm Giáng sinh chúng ta đã chứng kiến một Thiên Chúa hạ mình xuống làm người, sinh ra nơi hang đá máng cỏ, làm một người nghèo hèn bé nhỏ, dường như chưa đủ đối với tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa. Hôm nay, Người lại hạ mình xuống thêm một bậc nữa, xuống tận cùng xã hội nhân loại khi đến xin Gioan làm phép rửa cho mình như một người dân tầm thường và tội lỗi. Và đã xuống bậc tận cùng khi Chúa hạ mình thẳm sâu chấp nhận chết trên thập giá vì yêu nhân loại.

Biết nói gì về Người bây giờ nếu không phải là cúi đầu cảm phục và tôn thờ sự khiêm hạ thẳm sâu đó của con Thiên Chúa làm người !

2. Cuộc gặp gỡ lịch sử

Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Gioan là lúc Tân - Cựu ước giao duyên, là lễ bàn giao giữa hai niên đại cũ và mới mà Chúa Giêsu và Gioan là đại biểu. Gioan, ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước gặp gỡ trao đổi bàn giao với Đức Kitô,vị ngôn sứ của thời kỳ mới.

Cuộc gặp gỡ này không phải là một cuộc tranh cãi dành ưu thế, nhưng thật thú vị tuyệt vời khi cả hai đại biểu đều khiêm nhường đón nhận nhau trong sứ vụ. Đức Giêsu từ tốn bước xuống dòng nước Giođan và xin Gioan làm phép rửa cho mình.Gioan hân hạnh xin Đức Giêsu rửa cho mình vì ông nhìn thấy đây mới chính là nhân vật ban phép rửa trong Thánh Thần như ông đã loan báo.

Nơi cuộc gặp gỡ lịch sử này,Thiên Chúa đã xuất hiện và chứng nhận. Lúc ấy các tầng trời mơ ra, Thánh Thần đáp xuống như chim bồ câu và có tiếng Chúa Cha tuyên phán: Con là Con Ta yêu dấu. Ba Ngôi Thiên Chúa tỏ hiện vào chính lúc lịch sử của hai niên đại mới và cũ chuyển giao.Từ nay Đức Giêsu sẽ lên đường vào sứ vụ mới với niềm hy vọng mọi sự sẽ tốt đẹp theo thánh ý Chúa Cha.

Cuộc gặp gỡ giữa hai Đấng tại sông Giođan đã làm nên lịch sử và đã được Giáo hội chọn làm khởi điểm cho mùa thường niên là mùa phụng vụ cử hành các mầu nhiệm cuộc đời rao giảng tin mừng của Chúa Giêsu .

Biến cố này không chỉ là cuộc bàn giao cũ mới mà còn là điểm giao duyên giữa trời và đất, giữa Thần khí và nước, giữa Tân ước và Cựu ước.Từ nay nhân loại được tái sinh trong đời sống mới. Qua Bí tích Rửa tội của Chúa Giêsu, chúng ta nhận đước ấn tín của Chúa Thánh Thần, trở nên con cái Thiên Chúa.

3. Hãy nhớ mình đã đuợc Thanh Tẩy

Chúa Giêsu chịu phép rửa của Gioan là một sự hạ mình sâu thẳm, một sự khiêm nhường cao cả đã làm cho cửa trời mở ra, ân sủng tuôn đổ, ơn cứu độ được trao ban và lan truyền. Mỗi người Kitô hữu qua bí tích rửa tội, được thần linh ngự xuống, được nghe tiếng Chúa Cha vang dội: này là con yêu dấu của Ta, Ta đặt trọn vẹn yêu thương trên con. Tâm hồn mỗi người trở nên Đền Thờ Ba Ngôi Thiên Chúa .

Ngày lễ hôm nay mời gọi chúng ta hãy ý thức tới ân huệ cao trọng mà Chúa Giêsu đã đem lại cho chúng ta nhờ Phép rửa của Người. Phép Rửa tội là cửa đưa chúng ta vào sự sống mới, vào Nước trời. Đó là bí tích đầu tiên của luật mới. Đó cũng là bí tích Chúa đã trao lại cho Giáo hội cùng với Tin mừng khi Người truyền cho các Tông đồ : “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” ( Mt 28,19). Vì thế, Thánh Tẩy là bí tích của đức tin, làm cho loài người được tham dự vào bản tính Thiên Chúa và được ơn làm nghĩa tử, khởi đầu cuộc sống mới trong Đức Kiô. Do vậy, trong nghi thức tiếp nhận, Giáo hội luôn hỏi người dự tòng : “Con xin gì cùng Hội Thánh ?”. “Thưa, con xin đức tin”. “Đức tin mang lại điều gì cho con ? ”. “ Thưa, sự sống đời đời”. Và trước khi nhận bí tích Thánh Tẩy, người dự tòng xác nhận công khai từ bỏ tội lỗi và tuyên xưng đức tin trước mặt cộng đoàn.

Người Kitô hữu được thánh hiến cho Thiên Chúa, đi vào đời sống hiệp thông với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần qua bí tích rửa tội. Ý thức ân huệ cao trọng này để mỗi người chúng ta xây dựng đền thờ tâm hồn mình xứng đáng cho Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị bằng một đời sống công chính, đạo đức, trong sạch.

Ước mong mỗi tín hữu chúng ta luôn nhớ mình đã được xức dầu, được mặc áo trắng tinh tuyền, được trao nến sáng Phục sinh, được thanh tẩy trong nước và Thánh Thần để sống xứng đáng mỗi ngày với ân huệ đã lãnh nhận.
 
Ánh Sáng Dẫn Đường Chân Lý
Lm. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
21:27 07/01/2012
Ánh Sáng Dẫn Đường Chân Lý

Hôm nay, ngày lễ Hiển Linh, chúng ta thấy có ba khía cạnh với ba thành phần được đề cập tới trong việc Chúa tỏ mình. Ba khía cạnh, vì có ba vị khởi công lên đường tìm Chúa Hài Đồng. Xét về lễ vật các ngài dâng cho Chúa: vàng, nhũ hương và mộc dược là những của lễ mà các vua chúa thời ấy mới có để tiến dâng, chính vì thế chúng ta gọi các ngài là Ba vua. Xét về lòng đạo đức, các ngài được gọi là Ba Đạo sĩ, vì chỉ có các đạo sĩ mới thao thức đến thờ lạy Chúa mà cả ngàn ngàn năm Cựu Ước đã mong chờ. Xét về mặt tri thức, thì các ngài được gọi là nhà chiêm tinh, bởi các ngài rất giỏi về nghiên cứu vũ trụ vạn vật nên mới tìm ra ánh sao lạ, và lên đường để thờ lạy vua mới.

Cả ba khía cạnh trên đều nhắm tới một nội dung: Tìm và thờ lạy vua Do Thái mới sinh ra. Các ngài hỏi: “Vua Do Thái mới sinh ra hiện đang ở đâu?”. Bởi vì chỉ có vua người Do Thái mới thực hiện được lời hứa ban ơn Cứu độ mà Chúa đã tỏ ra cho ba thành phần được tuyển chọn:

- Thành phần thứ nhất là những người được ưu tuyển. Chúa tỏ ý định nhiệm mầu của Chúa nơi những con người đầy ơn phúc và công chính là Đức Maria và thánh Giuse. Sứ thần của Chúa đã nói rõ cho Đức Trinh nữ Maria biết là Trinh nữ được thụ thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần và con trẻ sẽ được gọi là con Đấng Tối Cao. Với Giuse, Thiên Thần cũng tỏ cho biết rõ như vậy: Maria thụ thai là bởi phép Chúa Thánh Thần. Đức Maria và Thánh Giuse là thành phần thứ nhất được Chúa tỏ ra.

- Thành phần thứ hai là dân riêng của Chúa – Dân Do Thái. Bởi vậy, vua Do Thái mới sinh ra là điều mà ba vị đạo sĩ hết sức quan tâm. Trong Tin Mừng, những người con đại diện cho dân Do Thái không phải là luật sĩ, Pharisieu, trưởng tế mà lại là những mục đồng chăn chiên, đơn sơ và tín thành. Những người nghèo khó đó là thành phần thứ hai Chúa tỏ ra qua lời Sứ thần: “Này ta đem Tin Mừng cho các ngươi, cũng là một Tin Mừng vĩ đại cho toàn dân”. Những mục đồng đơn sơ đâu nghĩ rằng mình lại trở thành những con người đầu tiên nhận sứ mệnh cao trọng đó. Và họ đã vội vã, thành tâm đến tìm thờ lạy Chúa Hài Đồng theo đúng những dấu chỉ mà Sứ Thần đã tả cặn kẽ.

- Thành phần thứ ba là ba đạo sĩ còn gọi là ba nhà chiêm tinh, hay ba vua. Họ là những người đại diện cho thế giới dân ngoại mà ngày nay là chính Giáo Hội chúng ta. Ba Đạo sĩ đã cất bước lên đường tìm thờ lạy Chúa Hài Đồng Giáng Sinh để tiếp nhận một ân đặc biệt, là thành phần thứ ba được Thiên Chúa tỏ cho biết.

Ánh sao lạ ở trên trời chiếu soi cho những thành phần ở dưới đất, cùng đến thờ lạy tại điểm giao hòa đất trời là Hang Đá Bethlem, vì nơi đó, chính Chúa Hài Đồng Giê su, Ngôi Lời đã nhập thể và ở giữa chúng ta. Ba thành phần, ba khía cạnh được đề cập tới hôm nay để đưa chúng ta vào mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngày lễ Chúa Hiển Linh hôm nay là hiện thực hoá mầu nhiệm Thiên Chúa Ngôi Hai nhập thể làm người. Một tình yêu sống động mà chúng ta có thể chiêm ngắm nơi Hài Nhi Giê su. Một sự sống được biểu hiện ra trong con người Hài Nhi Giêsu và chính Ngôi Lời, tư tưởng, tâm tình của Thiên Chúa Cha được biểu lộ ra trong người Con là Đức Giêsu Kitô. Tất cả những điều này kể ra là để cho chúng ta thấy ơn cứu độ không phải là một câu chuyện thời sự, nhưng là nguồn ơn cứu độ đi vào trong tư tưởng và quyền năng của Chúa Ba Ngôi. Khi Chúa ban ơn cứu độ cho con người, chúng ta nhận thấy công trình cứu độ là cả một vấn đề của vĩnh cửu. Ngàn năm Cựu Ước mong đợi cũng chưa sánh được với thời gian vĩnh cửu mà Chúa đặt vào trong mốc điểm của lịch sử nhân loại hôm nay. Chính sự hiện diện của Ngôi Lời Nhập Thể đã làm cho cả thời gian vĩnh cửu trở nên mốc điểm như là mầu nhiệm được tỏ hiện. Cho nên, khi đến thờ lạy Thiên Chúa Ngôi Hai làm người thì ba vị vua này đã cảm nhận được tất cả, đâu còn phải xin thêm một ân huệ gì nữa. Việc nhận biết Thiên Chúa làm người, nhận biết Thiên Chúa ở cùng chúng ta, nhận biết Thiên Chúa trao ban cho con người ơn cứu độ là quá trí hiểu con người, còn thiếu ơn gì nữa mà phải xin! Chính vì thế, trong ngày Lễ Hiển Linh hôm nay chúng ta nhận thức rằng, Thiên Chúa tỏ mình cho con người và ai nhận biết Ngài và thờ lạy Ngài thì đó là hồng ân lớn lao nhất. Đó chính là đức tin của chúng ta: Một đức tin nhận ra Con Thiên Chúa nhập thể làm người. Một đức tin nhận ra Chúa làm người trong hình bánh mỏng mảnh là thân thể, là Mình Máu Chúa Ki tô. Một đức tin nhận ra con người đau khổ trên Thập Giá chính là Hy Tế Tình Yêu. Phải là đức tin mới nhận ra điều đó. Cũng như Ba vua, ngước nhìn lên bầu trời, khi mà có cả hàng trăm hàng ngàn những nhà chiêm tinh học khác, nhưng chỉ có ba nhà chiêm tinh này cất bước lên đường. Họ là những người đi theo ánh sao đức tin ở trong lòng hơn là ánh mắt nhìn lên bầu trời. Bởi lẽ ánh mắt nhìn lên bầu trời thì khi bắt gặp ngôi sao biến mất cũng có nghĩa là khép lại một hành trình. Còn khi tới miền đất Judea, ngôi sao trên bầu trời biến mất, thì nhờ đức tin rọi sáng trong lòng, họ đã kiên nhẫn hỏi thăm rồi lại thấy ngôi sao xuất hiện, họ tìm đến được nơi Hang đá Bethlem, đó là lúc ánh sáng đức tin mách bảo cho họ biết rằng họ đã tới nơi. Khi tới nơi rồi, vẫn còn phải vận dụng lòng tin. Bởi vì ai tin nơi một bé thơ này lại là Đấng Cứu Thế. Trong một giây lát, họ quì gối, họ dâng lễ vật. Họ sung sướng hân hoan vì được gặp Chúa Cứu Thế, đó thực là ánh sáng của đức tin.

Nếu không phải là ánh sáng của đức tin thì không một tri thức nào, không một triết thuyết nào có thể đưa con người đến thẳng chân lý tuyệt đối qua một chặng đường ngắn như vậy. Người Kitô hữu hôm nay cũng được mời gọi lên đường như ba Đạo sĩ để tìm thờ lạy chân lý tuyệt đối đã hiện thân trong Hài Nhi Giêsu. Có cảm nghiệm được hạnh phúc nhận biết sự thật, nhận thức tình yêu và cảm nếm ơn cứu độ qua hành vi tôn thờ, yêu kính vị Vua Mới mặc hình hài một trẻ sơ sinh, thì mới hiểu được vì sao ba Đạo sĩ đã không cần phải xin một ơn nào khác ngoài tâm tình tạ ơn và ra về trong hạnh phúc hân hoan. Nếu hôm nay có ai đó đến tôn thờ Chúa ra về, vẫn còn thấy lòng mình trĩu nặng những thiếu vắng và tính toán, thì hãy nhớ câu chuyện dân Do Thái trong hoang địa xưa. Họ đã không đủ kiên nhẫn chờ đợi Môisê trên núi Sinai trở về. Họ đã đòi Aaron đúc bò vàng cho họ thờ lạy để lấp đầy những trống vắng nơi hoang địa của cuộc đời(x. Xh 31,12 – 32,21). “Thời giờ đã mãn và triều đại Nước Thiên Chúa đã đến gần”(Mc 1,15), hình ảnh bò vàng vẫn là một cám dỗ người Kitô hữu hôm nay đi tìm những gì không phải là chính Chúa. Cõi lòng trống vắng làm thúc đẩy bụi gai thời đại càng thêm um tùm bóp nghẹt hạt giống Tin Mừng Nước Chúa.

Lạy Chúa Hài Đồng Giêsu,
Chúa là chân lý ngàn đời đã hiện thân,
Là tình yêu vĩnh cửu đã hiện diện bằng xương bằng thịt,
Là Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể và ở giữa chúng con.
Cùng với Ba Đạo sĩ, chúng con lên đường để tìm thờ lạy
Tình yêu vĩnh cửu, chân lý tuyệt đối và ơn Cứu Độ muôn đời.
Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến:
Nước sự thật, nước bác ái, nước ơn phúc, nước hoà bình,
ngự trị trong tâm hồn con, gia đình con và thế giới con đang sống Amen.


Lm. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐGH Bênêđictô XVI bổ nhiệm Đức TGM Berlin, Rainer Maria Woelki lên Hồng Y
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
14:01 07/01/2012
Berlin, 06.01.2012 – Báo chí Đức, đặc biệt từ thủ đô Berlin hân hoan đón nhận tin vui mừng từ giáo đô Vatican về sự bổ nhiệm Hồng Y vào thứ sáu này. Một thành phố quan trọng của nước Đức thống nhất được ghi nhận về mức độ tục hóa nhanh nhất, người vô thần chiếm đa số và người theo đạo Hồi đông hơn người Kitô hữu. Tuy nhiên tin bổ nhiệm từ Rôma này đã vinh danh thành phố Berlin, theo nhận định của báo Tagesspiegel Berlin hôm nay.

Đối với Tòa TGM Berlin sự bổ nhiệm Hồng Y là một điều vui mừng và rất mau chóng bởi vì Đức TGM Rainer Maria Woelki (55 tuổi) mới vừa nhận nhiệm sở được tròn đúng 4 tháng. Như vậy ĐHY Rainer Maria Woelki hiện nay gia nhập vào con số 214 Hồng Y Đoàn, những vị điều hành cao nhất trong Giáo Hội, sau Đức Giáo Hoàng. Theo quy định từ thời ĐGH Phaolô VI được ban ra vào năm 1968 chỉ có 120 vị Hồng Y dưới 80 tuổi mới được quyền tham gia mật viện bầu giáo hoàng. Theo tuổi tác của các Hồng Y hiện nay thì có tất cả 125 vị dưới 80 tuổi.

Lần bổ nhiệm ngày 06.01.2012, ĐGH Bênêđictô XVI vinh thăng 22 vị Hồng Y, 18 người trong số này dưới 80 tuổi sẽ có quyền bầu chọn Giáo Hoàng.

Nghi thức tấn phong 22 Hồng Y sẽ được cử hành ngày 18.2.2012.

Cùng với Đức TGM Berlin, Rainer Maria Woelki còn có thêm một linh mục Dòng Tên người Đức, giáo sư thần học đã về hưu là cha Karl Josef Becker, 84 tuổi được ĐGH Bênêđitô XVI vinh thăng lên chức Hồng Y. Cha Karl Josef Becker là người cộng tác viên lâu năm của ĐHY Josef Ratzinger tại bộ Tín Lý Đức Tin.

ĐGH Bênêđictô XVI đã triệu tập 3 lần Công Nghị Hồng Y từ khi Ngài bắt đầu sứ vụ Giáo Hoàng của mình vào năm 2005. Trong các năm 2006, 2007, 2010 và 2012 ĐGH Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm tổng cộng 84 vị Hồng Y. Qua việc bổ nhiệm Hồng Y cho Giáo Hội thấy được sự phát triển theo hướng nào qua Hồng Y Đoàn trong tương lai: canh tân hoặc bảo thủ.

Việc bổ nhiệm vào Hồng Y Đoàn là một "vinh dự lớn lao", Đức TGM Berlin, Rainer Maria Woelki phát biểu vào thứ sáu, một vinh dự không chỉ dành riêng cho mình mà còn cho Tổng Giáo Phận Berlin và Giáo Hội Công Giáo tại Đức. "ĐGH Bênêđictô XVI nhận ra chỉ sau vài tháng lúc thăm viếng mục vụ tại Tổng Giáo Phận Berlin và Ngài thấy tầm quan trọng của Berlin là thủ đô của nước Đức và trung tâm quyền lực của chính phủ liên bang", Đức TGM Woelki nói thêm và Ngài không mong đợi sự bổ nhiệm mau chóng chỉ sau vài tháng nhậm chức và "Tôi thấy điều này như là một sự khích lệ lớn lao cho tất cả người Công giáo đang sống trong vùng Diaspora".

Nữ thủ tướng Angela Merkel đã phản ứng với niềm vui về sự vinh thăng Hồng Y. Điều này công nhận cho công việc tốt đẹp của họ đang làm. Nữ thủ tướng Merkel kính chúc hai vị Hồng Y trong trách nhiệm của người mục tử nhiều thành công và hưởng ơn lành của Thiên Chúa, phát ngôn viên chính phủ, ông Steffen Seibert cho biết tại Berlin.

Chủ tịch HĐ Giám Mục Đức, Đức TGM của Freiburg, Robert Zollitsch chúc mừng Đức Hồng Y Berlin mới được bổ nhiệm. Đó là một "dấu chỉ đặc biệt và sự đánh giá cao của Đức Giáo Hoàng, chỉ sau sau một thời gian ngắn nhậm chức Tổng giám mục của Berlin. Đồng thời sự vinh thăng này phản ánh sự tự tin tưởng của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI dành cho Đức HY".

Chúng ta cũng nên nhắc lại việc bổ nhiệm vào chức vụ TGM Berlin của Đức cha Rainer Maria Woelki đã là một sự bổ nhiệm nhanh chóng hiếm có của Tòa Thánh Vatican vào ngày 02.7.2011 khi Tòa TGM Berlin chống ngôi chỉ đúng 3 ngày sau khi ĐHY Georg Sterzinsky qua đời ngày 30.6.2011.

Tòa TGM Berlin thật quan trọng cho vùng Đông Đức vì đây là trụ sở của Giáo tỉnh Berlin bao gồm các GP Dresden-Meißen và Görlitz, tất nhiên tại thủ đô người mục tử mang chức vụ Hồng Y sẽ có những tiếng nói quan trọng và liệc lạc thường xuyên với chính quyền trung ương và các đảng phái. Berlin là ngôi tòa của chức vụ Hồng Y, vị Hồng Y tiên khởi là TGM Georg Sterzinsky. Ba ngôi Tòa Tổng Giáo Phận có chức vụ Hồng Y tại Đức là Berlin, Köln và München. ĐGH Gioan Phaolô II đã nâng Giáo Phận Berlin lên bậc Tổng Giáo Phận Berlin vào ngày 27.6.1994. So với lịch sử giáo hội Đức thì Giáo Phận Berlin thật non trẻ vì chưa được tròn trăm tuổi: GP thành lập vào ngày 13.8.1930. Đức TGM Rainer Maria Woelki là vị Giám Mục thứ 9 của TGP Berlin.

TGP Berlin có số giáo dân gần 390.000 trong 3 tiểu bang Berlin, Brandenburg và Mecklenburg-Vorpommern. Về địa lý TGP Berlin rộng lớn thứ hai của Đức với 31.200 cây số vuông.

Sau cuộc khủng hoảng tài chánh vào năm 2003, số giáo xứ tại TGP Berlin đã được giảm xuống một nửa, hiện nay có 105 giáo xứ nằm trong 17 Giáo Hạt. Số giáo dân chiếm tỷ lệ 6,8% trong số dân cư của 3 tiểu bang là 5.800.000 dân. Hiện nay TGP Berlin có 227 linh mục triều, 115 linh mục dòng, 625 nữ tu và 30 phó tế vĩnh viễn. Về giáo dục TGP Berlin điều khiển trực tiếp 27 trường học từ bậc tiểu học, trung học cho đến tú tài, 1 đại học về khoa xã hội nhân văn và hàng trăm trường mầm non mẫu giáo.

Tiểu sử tân Hồng Y Rainer Maria Woelki



Đức HY Rainer Maria Woelki sinh ngày 18.8.1956 tại Köln. Sau khi học triết học và thần học tại Bonn và Freiburg thầy Woelki được phong chức linh mục vào năm 1985. Năm 2000 đậu bằng tiến sĩ thần học tại Rôma. Từ năm 1990 đến 1997 cha Rainer Maria Woelki là thứ ký riêng của ĐHY Joachim Meisner. ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm cha Woelki làm Giám mục phụ Tá Köln vào ngày 30.3.2003. Khẩu hiệu giám mục của Ngài: ''Nos sumus testes'' - Chúng ta là chứng nhân.



Tại TGP Köln Đức cha Woelki có nhiều kinh nghiệm mục vụ vì Ngài là người điều hành trực tiếp mục vụ của TGP về mạn Phía Bắc bao gồm các thành phố Wuppertal, Düsseldorf, Neuss, Solingen và vùng núi Oberbergischer. Trong địa hạt ngài chịu trách nhiệm mục vụ cho khoảng 850.000 giáo dân Công giáo (TGP Köln có tất cả 2.143.000 giáo dân).

Ngày 02.7.2011 Đức Cha Rainer Maria Woelki được bổ nhiệm vào chức vụ TGM Berlin.

Ngày 22.9.2011 Đức TGM Rainer Maria Woelki là vị chủ nhà đón tiếp ĐGH Bênêđictô XVI đến thăm thủ đô Berlin và Tổng GP Berlin.

Trong HĐGM Đức, Ngài là thành viên của Ủy ban "Ơn Gọi và Tôn Giáo" cũng như "Khoa học và Văn hóa".



Hồng Y Rainer Maria Woelki bây giờ thuộc vào số 9 Hồng Y của Đức, với độ tuổi 55 Ngài là vị Hồng Y trẻ nhất của Đức. Phẩm phục đỏ của Hồng Y không phải là ngẫu nhiên, màu đỏ nhắc đến sự tử đạo vì đức tin. "Màu sắc này là một lời nhắc nhở liên tục cho chính tôi", Đức Hồng Y Woelki cho biết.

Vai trò của các vị Hồng Y trong Hồng Y Đoàn là trợ giúp Đức Giáo Hoàng, người kế vị Thánh Phêrô Tông Đồ để phục vụ Giáo Hội hoàn vũ: củng cố đức tin của giáo hữu và gìn giữ sự hiệp nhất trong Giáo Hội.
 
Bổ nhiệm Đức Hồng Y John Tong Hon: xác nhận vai trò của Hồng Kông là ''cầu nối'' giữa Bắc Kinh và Vatican
Lã Thụ Nhân
10:52 07/01/2012
Bổ nhiệm Đức Hồng Y John Tong: xác nhận vai trò của Hồng Kông là "cầu nối" giữa Bắc Kinh và Vatican

Hong Kong (AsiaNews) – Các quan sát viên Giáo Hội tại Trung Quốc thấy rằng việc bổ nhiệm hồng y cho Đức Giám mục John Tong Hon của Hồng Kông là sự công nhận một giáo phận như là một cầu nối Giáo Hội trong quan hệ Trung Quốc -Vatican. Ngài là vị giám mục Trung Quốc thứ ba của Hồng Kông bổ nhiệm vào vị trí này, sau Đức Cố Hồng y John Baptist Wu và Đức Hồng y Giuse Trần Nhật Quân.

Đức Giám Mục Tong, 72 tuổi, là một chuyên gia kỳ cựu về quan hệ Trung Quốc - Vatican. Ngài được tấn phong giám mục vào ngày 09/12/1996, được bổ nhiệm Giám Mục Phó vào ngày 30/01/2008 và bổ nhiệm làm Giám Mục của Hồng Kông vào ngày 15/04/2009. Ngày phong chức linh mục của ngài là 06/01/1966, Lễ Hiển Linh và cùng ngày với thông báo các tân hồng y của Đức Giáo Hoàng.

Đức Giám Mục Tong sẽ là vị hồng y Trung Quốc duy nhất đủ điều kiện để bầu tân giáo hoàng, nếu có mật nghị. Đức Hồng y Giuse Trần Nhật Quân, giám mục danh dự của Hồng Kông, sẽ đến tuổi 80 vào ngày 13 tháng 1, và do đó không thể bầu giáo hoàng do giới hạn tuổi tác. Đức Hồng y Paul Shan của Cao Hùng, Đài Loan, cũng đã nghỉ hưu, hiện nay 90 tuổi.

Cha Gianni Criveller của Học Viện Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, một học giả về Kitô giáo ở Trung Quốc, cho hay rằng đó là tin tốt lành cho Giáo phận Hồng Kông vì cho thấy tầm quan trọng của giáo phận trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Tòa Thánh. Cha Criveller bình luận: "Chắc chắn cả Trung Quốc và Tòa Thánh sẽ được hài lòng khi có Đức Giám Mục Tong xử lý trong mối quan hệ ngoại giao Trung Quốc - Vatican, một phần vì sự mềm dẻo và thái độ sẵn lòng của ngài". Cha Criveller không chắc liệu rằng việc bổ nhiệm này sẽ có tác động đáng kể hay không vào việc giải quyết các vấn đề gai góc trong quan hệ Trung Quốc - Vatican, vì Đức Giám Mục Tong đứng trên lập trường các nguyên tắc của Giáo Hội, cũng như Đức Hồng y Trần Nhật Quân.

Về vấn đề bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh Vatican và Trung Quốc, cha Criveller cho hay thêm: "người ta không nên lạm dụng tầm quan trọng vai trò của Hồng Kông, vì tất cả các quyết định được thực hiện tại Rôma. Hồng Kông là một Giáo Hội cầu nối và điểm gặp gỡ giữa hai bên".

Kwun Ping-hung, một quan sát viên về quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc -Vatican, cho hay rằng việc bổ nhiệm một hồng y từ Hồng Kông chắc chắn nhắc lại vai trò của Hồng Kông trong mối quan hệ ngoại giao Trung Quốc – Vatican và Giáo Hội tại Trung Quốc. Bổ nhiệm này có thể được xem như Tòa Thánh "đưa ra cử chỉ chân thành về phía Trung Quốc" bất chấp những diễn biến gần đây kể từ cuối năm 2010 đã kéo mối quan hệ ngoại giao Trung Quốc - Vatican xuống mức thấp nhất.

Ông Kwun hy vọng việc bổ nhiệm một tân hồng y Trung Quốc có thể giúp để giải quyết bế tắc hiện tại của các mối quan hệ ngoại giao Tòa Thánh và Trung Quốc.
 
Duy nhất một Phép Rửa
Trầm Thiên Thu
10:50 07/01/2012
Chỉ có MỘT Thiên Chúa, MỘT Phép rửa, MỘT Đức tin, và MỘT Giáo hội. Đó là đặc tính “duy nhất” của Công giáo Rôma!

DUY NHẤT

Lễ Chúa Giêsu chịu Phép rửa nghĩa là két thúc mùa Giáng sinh. Giáo hội nhớ lại cuộc tỏ mình ra lần thứ nhì của Chúa (lần thứ nhất là lễ Hiển Linh) là lúc Ngài chịu Phép rửa ở dòng sông Giođan. Chúa Giêsu xuống sông để thánh hóa nước và làm cho nước có sức biến những người khác trở nên con cái Thiên Chúa khi lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy. Sự kiện này mang tầm quan trọng của việc sáng tạo lần thứ nhì với sự can thiệp của cả Ba Ngôi.

Trong Giáo hội Đông phương, lễ này được gọi là Theophany – vì lúc Chúa Giêsu chịu Phép rửa ở sông Giođan, Thiên Chúa hiện ra trong Ba Ngôi. Phép rửa của thánh Gioan là chuẩn bị cho Phép rửa của Đức Kitô. Phép rửa làm cho người ta cảm thấy ăn năn và xưng thú tội lỗi của mình. Đức Kitô không cần Phép rửa của thánh Gioan, dù Ngài đã “hóa thành nhục thể” và trở nên giống chúng ta hoàn toàn về thể lý, nhưng Ngài không có tội và không tì vết. Ngài làm cho nước có sức mạnh của Bí tích Thánh tẩy để khả dĩ rửa sạch tội lỗi của thế gian: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1:29).

Nhiều sự kiện xảy ra sau khi Chúa Giêsu chịu Phép rửa là thể hiện những gì xảy ra khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy. Khi Chúa Giêsu chịu Phép rửa, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Ngài; khi chúng ta chịu Phép rửa, Chúa Ba Ngôi ngự vào linh hồn chúng ta. Khi chịu Phép rửa, Chúa Giêsu được gọi là “Con yêu dấu” của Chúa Cha (x. Mt 3:17; Mc 1: 11; Lc 3:22); khi chúng ta chịu Phép rửa, chúng ta trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa. Khi chịu Phép rửa, các tầng trời mở ra; khi chúng ta chịu Phép rửa, trời cũng mở ra cho chúng ta. Khi chịu Phép rửa, Chúa Giêsu đã cầu nguyện; sau khi chúng ta chịu Phép rửa, chúng ta phải cầu nguyện để tránh tái pạm tội lỗi.

TRUYỀN THỐNG

Ở Ukraina, các tín hữu họp nhau trước nhà thờ, nơi có cây Thánh giá bằng nước đá. Vì không có sông gần nhà thờ, người ta đặt một cái bồn trước cây Tháng giá nước đá. Nước tan chảy ra từ cây Thánh giá đó được làm phép cho mọi người lấy về nhà. Nghi lễ này được cử hành trước khi mọi người ăn điểm tâm. Phần nước còn lại được giữ suốt năm để bảo vệ gia đình khỏi bị hỏa hoạn, sấm sét và bệnh tật.

Linh mục quản xứ đến thăm các gia đình và dùng nước phép để chúc lành cho mọi người một năm mới có thể hợp tác với tặng phẩm của Thiên Chúa là Con Một Ngài và thông phần vào Sự sống mà Ngài đến để dẫn đưa chúng ta tới Ơn Cứu Độ. Bữa tối là bữa rất quan trọng vì diễn lại Bữa Tiệc Ly, nhưng không hạn chế thịt và các sản phẩm sữa. Bắt đầu bằng món Kutia (loại bánh ngọt làm bằng hạt của người Ukraina, Belarus và Ba Lan), món này được để dành từ đêm Vọng Giáng sinh.

Mầu nhiệm Phép rửa của Chúa Giêsu do thánh Gioan làm là sự chuẩn bị và đề xuất cách suy niệm về Chúa Giêsu. Mầu nhiệm này liên quan lễ Giáng sinh và lễ Hiển linh mà chúng ta vừa mừng kính.

Trong lễ Giáng sinh, chúng ta chiêm niệm về Ngôi Lời Nhập Thể, sinh bởi Đức Trinh nữ Maria. Từ thế kỷ IV, các Giáo phụ đã đào sâu cách hiểu về đức tin với lòng tôn kính mầu nhiệm giáng sinh trong mầu nhiệm Thiên Chúa mặc xác phàm và có nhân tính. Các Giáo phụ nói về Ngôi Lời Nhập Thể tác dụng như việc Kitô hóa nhân tính mà Ngài đã nhận từ Đức Mẹ. Nói đơn giản: Chúa Giêsu là Đức Kitô ngay từ giây phút thụ thai trong cung lòng không tì vết của Trinh nữ Maria vì chính Ngài, với quyền năng Thiên Chúa, đã thánh hóa, xức dầu và Kitô hóa bản chất con người mà Ngài hóa thân.

Trong mầu nhiệm Hiển linh, chúng ta suy niệm về sự tỏ mình ra của Chúa Giêsu cho muôn dân đã được minh chứng qua các đạo sĩ, những nhà thông thái từ Đông phương, họ đến để thờ lạy Hài Nhi Giêsu.

Trong mầu nhiệm Chúa Giêsu chịu Phép rửa ở sông Giođan, chúng ta lại gặp và thể hiện chân lý về Thiên Chúa Nhập Thể và tỏ mình ra như Đức Kitô. Phép rửa của Chúa Giêsu thực sự là cách tỏ mình dứt khoát là Đấng Thiên sai hoặc Đức Kitô cho dân Israel, và là Ngôi Con đối với thế gian. Ở đây chúng ta thấy chiều kích Hiển linh là cách Ngài tỏ mình ra cho muôn dân. Tiếng Chúa Cha phát ra từ trời chứng tỏ Chúa Giêsu thành Nadarét là Ngôi Con hằng hữu và nhiệm xuất từ Chúa Thánh Thần với hình Chim Bồ Câu thể hiện Bản thể Ba Ngôi của Chúa Kitô. Thiên Chúa duy nhất và chân thật là Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần, thể iện chính nơi Đức Kitô, qua Đức Kitô, với Đức Kitô và trong Đức Kitô.

Phép rửa ở sông Giođan thể hiện một chân lý khác: Chúa Giêsu khởi sự cuộc sáng tạo mới. Ngài là con người thứ nhì từ trời đến (1 Cr 15:47) hoặc là Adam cuối cùng (1 Cr 15:45), Ngài chấn chỉnh tội lỗi của Adam thứ nhất. Ngài làm vậy với tư cách là Chiên Thiên Chúa xóa bỏ tội lỗi của chúng ta. ĐGH Bênêđictô XVI viết: “Khi nhìn vào các sự kiện theo ánh sáng của Thập giá và Phục sinh, người Kitô giáo nhận biết điều đã xảy ra: Chúa Giêsu nhận lãnh gánh nặng tội lỗi của cả nhân loại trên đôi vai của Ngài; Ngài đem cả tội lỗi đó xuống sông Giođan. Ngài đã mở đầu hoạt động công khai của Ngài bằng cách bước vào chỗ của các tội nhân” (J. Ratzinger, Giêsu thành Nadarét, Bloomsbury 2007, tr. 18)
 
Một số đề nghị để cử hành Năm Đức Tin
LM Trần Đức Anh OP
10:54 07/01/2012
VATICAN - Hôm 7-1-2011, Bộ Giáo Lý đức tin đã công bố Tài liệu mục vụ với những chỉ dẫn và đề nghị cụ thể về việc cử hành Năm Đức Tin.

Năm này sẽ bắt đầu từ ngày 11-10 năm nay, trùng vào dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng chung Vatican 2 và sẽ kết thúc vào ngày lễ Chúa Kitô Vua 24-11 năm tới, 2013.

Tài liệu Mục Vụ này được Bộ giáo lý đức tin soạn thảo theo chỉ thị của ĐTC trong Tông thư Porta Fidei (Cánh Cửa Đức tin), với sự cộng tác của một số cơ quan trung ương Tòa Thánh và một số HY, GM tại các nước.

Ngoài phần nhập đề và kết luận, Tài liệu chứa đựng khoảng 40 đề nghị ở 4 bình diện: Giáo Hội hoàn vũ, các HĐGM, các giáo phận, sau cùng là các giáo xứ, Hội đoàn và phong trào của Giáo Hội.
Trong cả 4 bình diện đó, Văn kiện Tòa Thánh đều cổ võ đào sâu việc học hỏi và phổ biến Sách Giáo Giáo Lý chung của Hội Thánh Công giáo cũng như các Văn kiện của Công đồng chung Vatican 2, qua các Hội nghị, các cuộc hội thảo, các chương trình thường huấn, đề cao và học hỏi chứng tá, giáo huấn và tấm gương của các thánh và các chân phước.

1. Trên bình diện Giáo Hội hoàn vũ, Văn kiện Tòa Thánh khuyến khích tổ chức các cuộc hành hương của các tín hữu nơi Tòa Thánh Phêrô, để tuyên xưng đức tin tại đó; cũng như tổ chức các cuộc hành hương tại Thánh Địa, nơi đã thấy trước tiên sự hiện diện của Chúa Giêsu Đấng Cứu Thế và Mẹ Ngài.

Trong Năm Đức Tin, các tín hữu cũng được mời gọi tăng cường lòng sùng kính đối với Mẹ Maria, cổ võ các sáng kiến giúp tín hữu nhận ra vai trò đặc biệt của Mẹ trong mầu nhiệm cứu độ..

Nên tổ chức các Diễn đàn, Hội nghị, các cuộc gặp gỡ rộng lớn, kể cả ở mức độ quốc tế, tạo điều kiện dễ dàng cho cuộc gặp gỡ với các chứng tá chân chính về đức tin và nhận biết các nội dung đạo lý Công Giáo. Thu thập những bằng chứng cho thấy cả ngày nay Lời Chúa tiếp tục tăng trưởng và lan rộng... Trong một số hội nghị nên đặc biệt bàn về sự tái khám phá giáo huấn của Công đồng chung Vatican 2.
Năm Đức Tin là dịp thuận tiện để đón nhận một cách chăm chú hơn các bài giảng, các bài giáo lý, diễn văn và các bài của ĐTC. Các vị mục tử, những người thánh hiến và các giáo dân được mời tái dấn thân gắn bó với giáo huấn của Đấng Kế Vị Thánh Phêrô.

2. Trên bình diện các HĐGM, Tài liệu mục vụ của Bộ giáo lý đức tin khuyến khích tổ chức một ngày học hỏi về đề tài đức tin, tái bản các văn kiện Công đồng, sách Giáo Lý chung, cũng như cuốn toát yếu, sử dụng các ngôn ngữ mới mẻ trong lãnh vực truyền thông, phim ảnh để phổ biến đức tin, soạn thảo các tài liệu có tính chất hộ giáo, để giúp mỗi tín hữu có thể trả lời cho những câu hỏi được đề ra trong các môi trường văn hóa khác nhau, các giáo phái và các vấn đề liên hệ tới trào lưu tục hóa và chủ trương duy tương đối, các vấn nạn đến từ một não trạng thay đổi vốn thu hẹp lãnh vực những xác tín chắc chắn hữu lý vào lãnh vực những chinh phục của khoa học và kỹ thuật.

3, Trên bình diện giáo phận, Văn kiện Tòa Thánh cổ võ cử hành các buổi lễ nhân dịp khai mạc và bế mạc Năm Đức Tin; tổ chức ngày giáo phận học hỏi về Sách Giáo Lý chung; khuyến khích các GM giáo phận công bố thư mục tử về đề tài đức tin; kiểm chứng việc đón nhận Công đồng và Sách Giáo lý chung trong đời sống và sứ vụ của mỗi Giáo hội địa phương, đặc biệt về phương diện huấn giáo; khuyến khích các GM tổ chức những buổi cử hành thống hối trong mùa chay để xin Chúa tha thứ về những tội chống lại đức tin.

4. Trên bình diện giáo xứ, hội đoàn và phong trào, Văn kiện mục vụ của Bộ giáo lý đức tin mời gọi các tín hữu đọc và suy gẫm Tông thư của ĐTC ”Cánh cửa đức tin” về ý nghĩa và việc cử hành năm đức tin; các LM hãy quan tâm hơn đến việc học hỏi các văn kiện Công đồng và sách Giáo lý chung, rút ra từ đó những thành quả cho việc mục vụ giáo xứ, huấn giáo, giảng thuyết, chuẩn bị các bí tích; cũng vậy các giáo lý viên cần kín múc nhiều hơn từ sự phong phú của Sách Giáo Lý chung, và hướng dẫn các nhóm đọc chung và cùng đào sâu dụng cụ quí giá này.
Trong các giáo xứ, tái dấn thân phổ biển và phân phát Sách Giáo Lý chung của Hội Thánh Công giáo hoặc các tài liệu khác thích hợp với các gia đình, là những Giáo hội tại gia đích thực và là những nơi đầu tiên để thông truyền đức tin, ví dụ trong khuôn khổ các cuộc làm phép nhà, rửa tội cho người lớn, cử hành phép thêm sức, hôn phối. Điều ấy có thể góp phần tuyên xưng và đào sâu đạo lý Công Giáo ”trong các gia cư và nơi các gia đình chúng ta, để mỗi người cảm thấy mạnh mẽ nhu cầu biết rõ hơn và thông truyền đức tin ngàn đời cho các thế hệ trẻ”.

Văn kiện Tòa Thánh đặc biệt cổ võ tổ chức các tuần đại phúc và các sáng kiến khác trong giáo xứ, tại nơi làm việc, để giúp các tín hữu tái khám phá hồng ân đức tin qua phép rửa tội và trách nhiệm làm chứng tá đức tin, với ý thức rằng ơn gọi Kitô, tự bản chất, cũng là ơn gọi làm việc tông đồ.

Tất cả các tín hữu được kêu gọi làm cho hồng ân đức tin của mình được tái sinh động, tìm cách thông truyền kinh nghiệm đức tin và đức bác ái của mình, qua việc đối thoại với các anh chị em, kể cả với những tín hữu thuộc các hệ phái Kitô khác, và với tín đồ các tôn giáo khác, cũng như với những người không tín ngưỡng hoặc dửng dưng đối với tôn giáo. Như vậy, thật đáng mong ước là toàn thể các tín hữu Kitô bắt đầu một công cuộc truyền giáo cho những người họ sống chung và làm việc, với ý thức mình đã lãnh nhận một sứ điệp cứu độ cần phải đề nghị cho tất cả mọi người (SD 7-1-2012)
 
Các đề nghị mục vụ cho việc cử hành Năm Đức Tin
Linh Tiến Khải
10:55 07/01/2012
Phỏng vấn Linh Mục Hermann Geissler, đặc trách Văn phòng giáo lý của Bộ Giáo Lý Đức Tin về văn kiện của Bộ về các chỉ dẫn mục vụ cho việc cử hành Năm Đức Tin

Ngày 16-10-2011 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã công bố Năm Đức Tin, nhân kỷ niệm 50 năm khai mở Công Đồng Chung Vaticăng II, và 20 năm công bố Sách Giáo Lý Giáo Hôi Công Giáo. Năm Đức Tin sẽ bằt đầu ngày 11 tháng 10 năm 2012 và sẽ sẽ kết thúc ngày 24 tháng 11 năm 2013, lễ Chúa Kitô Vua. Hôm 7-1-2012 Bộ Giáo Lý Đức Tin đã cho công bố văn kiện mục vụ về việc cử hành Năm Đức Tin này.

Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Linh Mục Hermann Geissler, đặc trách Văn phòng giáo lý của Bộ Giáo Lý Đức Tin, về văn kiện của Bộ liên quan tới các chỉ dẫn mục vụ cho việc cử hành Năm Đức Tin.

Hỏi: Thưa cha Geissler, đâu là mục đích Bộ Giáo Lý Đức Tin nhắm tới, khi đưa ra các chỉ thị mục vụ cho Năm Đức Tin?

Đáp: Như đã biết, Bộ Giáo Lý Đức Tin không chỉ có thẩm quyền sửa chữa các sai lầm, mà trước hết là thăng tiến giáo lý sự thật. Tôi thấy văn kiện với các gợi ý mục vụ này hoàn toàn nằm trong nhiệm vụ thăng tiến ấy, cũng là nhiệm vụ chuyên biệt của Bộ Giáo Lý Đức Tin. Tôi cũng nhận thấy nó hoàn toàn nằm trong chương trình của Đức Thánh Cha, là khởi hành từ Chúa Kitô: tôi nhớ trong bài diễn văn mới đây nói với các nhân viên làm việc trong các cơ quan trung ương Tòa Thánh, Đức Thánh Cha có nói: ”Nếu đức tin không lấy lại được sự sinh động của nó, thì tất cả các hình thức khác sẽ không hữu hiệu”. Vì thế sự canh cải thực sự cần thiết trong Giáo Hội ngày nay là việc canh tân đức tin.

Văn hiện này nhắm ba mục đích. Mục đích thứ nhất là giúp tái khám phá ra cốt lõi của đức tin, nền tảng của đức tin là cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Kitô, là Đấng yêu thương, nâng đỡ, khích lệ chúng ta, và chỉ cho chúng ta thấy tương lai cao cả. Mục đích thứ hai là giúp tất cả mọi người tái khám phá ra ý nghĩa và các tài liệu của Công Đồng Chung Vaticăng II. Nhiều ngưới nói tới Công Đồng, nhưng khi đi sâu hơn một chút thì ít người thực sự biết các văn kiện của Công Đồng. Vì thế thật là quan trọng tái khám phá ra kho tàng đó. Mục đích thứ ba là tái khám phá ra đức tin trong tất cả vẻ đẹp và sự toàn vẹn của nó. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo có thể trợ giúp chúng ta rất nhiều, bởi vì cần phải hiểu biết giáo lý đức tin. Và Năm Đức Tin giúp chúng ta thực hiện điều này.

Hỏi: Thưa Cha, vậy văn kiện của Bộ đưa ra các đề nghị mục vụ nào?

Đáp: Văn kiện của Bộ đưa ra 40 đề nghị mục vụ tất cả, trong đó có các đề nghị liên quan tới Giáo Hội hoàn vũ, có các đề nghị liên quan tới các Hội Đồng Giám Mục, các đề nghị khác liên quan tới các giáo phận, giáo xứ, cộng đoàn, hội đoàn và phong trào.
Đối với Giáo Hội hoàn vũ sẽ có nhiều biến cố có sự tham dự của Đức Thánh Cha: lễ nghi khai mạc Năm Đức Tin sẽ là việc cử hành kỷ niệm 50 năm khai mạc Công Đồng Chung Vaticăng II. Thế rồi còn có Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về việc tái truyền giảng Tin Mừng vào đầu Năm Đức Tin. Ngoài ra còn có các đại hội tổ chức tại Roma nhằm tái khám phá ra ý nghĩa của Công Đồng Chung Vaticăng II. Cũng sẽ có các buổi cử hành đại kết để thăng tiến sự hiệp nhất giữa các tín hữu kitô, vì tìm về hiệp nhất là một điểm mạnh của Công Đồng. Sẽ có một cuộc cử hành với tất cả mọi tín hữu kitô để tái khẳng định niềm tin chung nơi Chúa Kitô.

Trên bình điện các Hội Đồng Giám Mục, tôi chỉ xin nhắc tới một đề nghị thôi: đó là tái dấn thân giảng dậy giáo lý, vì hiểu biết Giáo Lý là điều rất quan trọng. Chúng ta biết là trong nhiều phần của Giáo Hội giáo lý đang gặp khủng hoảng. Do đó văn kiện của Bộ Giáo Lý Đức Tin khuyến khích các Giám Mục soạn lại các tài liệu giáo lý phụ giúp cho phù hợp hơn với sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo. Cần phải có các bản văn giáo lý được biên soạn kỹ lưỡng để giúp giáo dân.

Riêng trên bình diện giáo phận, có lời đề nghị mỗi Giám Mục công bố một thư mục tử về Năm Đức Tin, dậy giáo lý cho giới trẻ trong nhà thờ chính tòa hay các nhà thờ lớn, hay dậy giáo lý cho những người đang tìm kiếm niềm tin và ý nghĩa cuộc sống. Thế rồi còn có đề nghị canh tân cuộc đối thoại giữa đức tin và lý trí, vì ngày nay có nhiều người cho rằng giữa lý trí và đức tin không thể có sự đồng điệu. Trái lại Đức Thánh Cha khẳng định là chẳng những có sự đồng điệu, mà còn có tình bạn giữa đức tin vá lý trí nữa. Để được như thế, các đại học công giáo được yêu cầu thăng tiến các đại hội, các ngày học hỏi về đề tài này.

Trên bình diện giáo xứ đề nghị chính yếu đơn sơ là làm sao để buổi cử hành bí tích Thánh Thể được thực thi một cách tốt đẹp. Vì Thánh Thể là Mầu Nhiệm Đức Tin và trong Thánh Thể Chúa Giêsu canh tân đức tin nơi chúng ta, khích lệ, nâng đỡ và củng cố chúng ta. Từ Thánh Thể phải nảy sinh ra tất cả các đề nghị khác trên bình diện giáo xứ: canh tân giáo lý, phân phát sách giáo lý, cộng tác với các phong trào và các hiệp hội. Ở đây cũng cần có sự đồng tác và cộng tác mới của tất cả mọi lực lượng Giáo Hội.

Hỏi: Thưa cha, trên bình diện mục vụ cũng có hai biến cố kỷ niệm: kỷ niệm 50 năm ngày khai mở Công Đồng Chung Vaticăng II, và kỷ niệm 20 năm công bố Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, có đúng thế không?

Đáp: Vâng. Lễ khai mạc Năm Đức Tin là lễ kỷ niệm 50 năm khai mạc Công Đồng Chung Vaticăng II và cũng có lễ nghi kết thúc Năm Đức Tin tại Roma cũng như tại mọi giáo phận trên thế giới nhằm tái khẳng định niềm tin của Giáo Hội cũng như niềm vui của đức tin trong Giáo Hội.

Tuy nhiên, văn kiện không nhấn mạnh trên các buổi cử hành cho bằng trên việc đào tạo đức tin cho tín hữu: phát động việc đào tạo trong toàn Giáo Hội là điều rất quan trọng. Cần phải tái khám phá ra ý nghĩa của Công Đồng Chung Vaticăng II, chính vì Công Đồng đã muốn khởi hành từ Chúa Kitô để canh tân toàn Giáo Hội, bằng cách đào sâu bản chất của Giáo Hội và tương quan của nó với thế giới ngày nay. Theo tôi, ở đây có nhiều thiếu sót, bởi vì nhiều tín hữu không biết các tài liệu của Công Đồng và không hiểu Công Đồng Chung Vaticăng II. Công Đồng đã muốn mở các cửa sổ để Thần Khí Chúa có thể bước vào thế giới, nhưng rất tiếc là tại nhiều nơi tinh thần của thế gian lại đã bước vào bên trong lòng Giáo Hội. Vì thế chúng ta phải trở lại với các văn bản của Công Đồng để tái khám phá ra các ý hướng lớn và ý nghĩa của các tài liệu đó. Và Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, mà chúng ta kỷ niệm 20 năm công bố, sẽ là một trợ giúp lớn. Giáo Lý trình bầy giáo lý của Công Đồng bên trong toàn truyền thống và giáo lý của Giáo Hội, của đức tin, các bí tích, luân lý, lời cầu nguyện, và nó thực sự diễn tả một công trỉnh tổng hợp lớn, cũng như giới thiệu với chúng ta bản hợp tấu của đức tin, vẻ đẹp và sự toàn vẹn của đức tin. Tôi hy vọng mọi tín hữu và các vị hữu trách trong Giáo Hội dùng dụng cụ này để tái khám phá ra kho tàng đức tin.

Hỏi: Thưa cha Geissler, trong các đề nghị cử hành trên bình diện giáo phận có các buổi cử hành sám hối để xin lỗi Thiên Chúa đặc biệt về các tội chống lại đức tin. Cha có thể đào sâu ý nghĩa của các buổi cử hành này và giá trị của các sáng kiến trong bối cảnh của Năm Đức Tin hay không?

Đáp: Vâng, tôi đã nói rằng đức tin là một ơn qúy báu. Có một lần Tin Mừng nói đến ”hạt ngọc qúy” và nếu đức tin thực sự là một ơn cao trọng, chúng ta phải trân trọng ơn đó, tiếp nhận nó, dưỡng nuôi, phổ biến nó và làm chứng cho nó. Và nếu chúng ta chân thành, thì phải nói đây là điểm có rất nhiều thiếu sót trong Giáo Hội. Có những tín hữu không biết đức tin là gì, họ không thực thi đức tin và thờ ơ với việc đào tạo đức tin. Đó là chưa nói tới việc làm chứng cho đức tin, là việc không có: khi trái tim không bừng cháy, thì không thể thông truyền đức tin được. Chúng ta phải công nhận rằng có các thiếu sót lớn, và tôi cũng mạn phép nói rằng có những giáo ký viên và những linh mục chẳng những đã không trình bầy đức tin trong sự toàn vẹn, và trọn vẻ đẹp của nó, mà lại còn gieo rắc các nghi ngờ và những điều không chắc chắn nữa. Đây là điều rất trầm trọng. Có những thành phần của Giáo Hội nhấn mạnh trên chiều kích xã hội, nhân bản và coi đức tin như điều thứ yếu. Tôi nghĩ đây là vấn đề; và chúng ta phải thừa nhận rằng bên trong Giáo Hội chúng ta đã sai lầm. Theo tôi, chúng ta phải hiểu rằng các tội chống lại đức tin rất là trầm trọng và rất tai hại đối với Giáo Hội. Chúa Giêsu đã nói: ”Nếu muối mất vị mặn, thì còn làm được gì nữa?” Đây là một câu hỏi rất nghiêm chỉnh. Và một lần nữa Chúa Giêsu nói với chúng ta: ”Khi Con Người trở lại có còn tìm thấy niềm tin trên trái đất này nữa hay không?” Chúng ta phải tự vấn, và phải khiêm tốn xin lỗi Thiên Chúa vì các tội chống lại đức tin, mà chúng ta đã phạm.

Hỏi: Thưa cha, văn kiện có được soạn thảo với sự đóng góp của các cơ quan khác của Tòa Thánh hay không?

Đáp: Dĩ nhiên là có chứ. Tại Roma chúng tôi luôn luôn làm việc chung với nhau. Văn kiện được soan thảo bởi Ủy ban chuẩn bị Năm Đức Tin, và Ủy ban này gồm 15 Hồng Y và Giám Mục, một số từ các giáo phận lớn trên thế giới, một phần là các vị đứng đầu các cơ quan trung ương của Tòa Thánh như Bộ Giáo Dục Công Giáo, Bộ các Giám Mục, Bộ Giáo Sĩ, Bộ Truyền Giáo, Hội Đồng Tòa Thánh Tái Truyền Giảng Tin Mừng, Hội Đồng Tòa Thánh vế Giáo Dân... Như thế, trong việc chuẩn bị cho Năm Đức Tin đã có sự làm việc chung tại Roma.

Thế rồi sau khi văn kiện được soạn thảo, nó đã được gửi tới tất cả các cơ quan tham dự và cả các cơ quan không có đại diện trong Ủy Ban, như Bộ Đời Thánh Hiến, Hội Đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, Hội Đồng Tòa Thánh Văn Hóa. Tôi ước mong sự cộng tác này tiếp tục không chỉ tại Roma mà thôi. Chúng ta tất cả phải sát cánh chung quanh Đức Thánh Cha: các Giám Mục, linh mục, giáo dân, toàn thể Giáo Hội, để thăng tiến Năm Đức Tin này để nó thực sự trở thành một năm hồng ân.

Hỏi: Các sáng kiến khác nhau do các cơ quan Tòa Thánh thăng tiến cho Năm Đức tin này sẽ được phối hợp với nhau như thế nào thưa cha?

Đáp: Đây là câu hỏi quan trọng. Để phối hợp các sáng kiến do các cơ quan khác nhau của Tòa Thánh đề ra, Hội Đồng Tòa Thánh Tái Truyền Giảng Tin Mừng đã thành lập một văn phòng thư ký có nhiệm vụ phối hợp tất cả các sáng kiến thăng tiến tại Roma, tức là các sáng kiến lớn nhất trên bình diện phổ quát, cũng như đề nghị các sáng kiến mới, bởi vì các đề nghị của văn kiện đã được đơn sơ hóa. Nhưng Chúa Thánh Thần có thể khơi dậy nơi tâm trí các tín hữu và các chủ chăn các sáng kiến khác... Văn phòng thư ký này sẽ thành lập một địa chỉ liên mạng internet cung cấp các tin tức hữu ích cho tín hữu để họ hiểu biết tất cả mọi sáng kiến của Năm Đức Tin một cách rõ ràng. (SD 5-1-2012)
 
Top Stories
Year of Faith: Suggestions to Bishops Conferences
AsiaNews
11:04 07/01/2012
The Congregation for the Doctrine of the Faith has issued a note that provides suggestions and guidelines for the celebration of the Year of Faith proclaimed by Benedict XVI. Confirm the correct interpretation of Vatican II.

Vatican City (AsiaNews) - The Congregation for the Doctrine of the Faith issued a Note today that contains the pastoral guidelines for the celebration of the Year of Faith, proclaimed by Pope Benedict XVI in the apostolic letter of 11 October 2011 Port fidei. The year of the Faith will begin on 11 October 2012, the fiftieth anniversary of the opening of the Second Vatican Council, and will end November 24, 2013, Solemnity of Christ the King. Another anniversary falls in the year of Faith, namely the publication of the Universal Catechism of the Catholic Church.

The year is presented as a good opportunity for all the faithful to deepen their understanding that the foundation of Christian faith is "the encounter with an event, a person who gives life a new horizon and a decisive direction", as Pope Benedict wrote in his encyclical "Deus Caritas Est." "Even to this day faith is a gift to rediscover, to cultivate and to witness" so that "the Lord that grant each of us may the experience the beauty and joy of being Christians."

The beginning of the Year of Faith coincides with the anniversaries of two great events which have marked the life of the Church in our days: the fiftieth anniversary of the opening of the Second Vatican Council, called by Blessed Pope John XXIII (11 October 1962), and the twentieth of the promulgation of the Catechism of the Catholic Church, given to the Church by Blessed Pope John Paul II (11 October 1992)».

After the Council the Church – under the sure guidance of the Magisterium and in continuity with the whole Tradition – set about ensuring the reception and application of the teaching of the Council in all its To assist in the correct reception of the Council, the Popes have frequently convoked the Synod of Bishops, ... providing the Church with clear guidance through the various post-Synodal Apostolic Exhortations. The next General Assembly of the Synod of Bishops, to be held in October 2012, will have as its theme: The New Evangelisation for the Transmission of the Christian Faith.

From the beginning of his pontificate, Pope Benedict XVI has worked decisively for a correct understanding of the Council, rejecting as erroneous the so-called "hermeneutic of discontinuity and rupture" and promoting what he himself has termed "the 'hermeneutic of reform', of renewal in continuity", of the one subject-Church which the Lord has given us is a subject which increases in time and develops, yet always remaining the same, one subject of the journeying People of God."

The Note offers several suggestions to the Episcopal Conferences, to devote study days tothe topic of faith, personal testimonies of faith and its transmission to new generations. It recommends a renewed effort to translate the documents of Vatican II and the Catechism of the Catholic Church into the languages in which they do not exist. It encourages charitable support for initiatives such translations into local languages of the mission countries, where the particular Churches can not manage the costs, an effort conducted under the guidance of the Congregation for the Evangelization of Peoples.

In addition, drawing on the new language of communication, It is also hoped that use will be made by the bishops, of the language of the mass media and art, with television and radio transmissions, films and publications focusing on the faith, its principles and content, as well as on the ecclesial significance of Vatican Council II. And since the modern world is sensitive to the relationship between faith and art the note recommends the proper evaluation of the medium, with a catechetical focus and possibly in ecumenical collaboration, as well as the safeguarding of the heritage of works of art found in places entrusted to their pastoral care.

It will also be useful to prepare, with the help of competent theologians and authors, various catechetical supplements so that the faithful can better respond to the questions that arise in different cultural contexts, in relation to the challenges of sects, or the problems associated with secularism and relativism. At the same time, a review of local catechisms and catechetical programs in use in the various particular Churches is desirable, to ensure their full conformity with the Catechism of the Catholic Church. "In the case where some catechisms or supplements for catechesis are not in full accord with the Catechism, or reveal gaps, new programs should be developed, possibly following the example and with the help of other bishops' conferences that have already reviewed them. "
 
Reasons strong for Archbishop Timothy Dolan's elevation
Timmian Massie
11:08 07/01/2012
Editor’s note: Timmian Massie studied theology at the North American College in Vatican City and the Pontifical Gregorian University in Rome, and for many years taught a course in Rome on the papacy and the Catholic Church for Marist College. He was asked to write an article on the importance of the appointment and what the new position will entail.

It’s not much of a surprise that New York Archbishop Timothy Dolan was named by Pope Benedict XVI as a cardinal.

He and Benedict are in the same theological mold.

Dolan made many connections during his time as rector of the North American College, and he is Benedict’s selection as leader of 2.6 million Catholics in America’s most influential diocese.

The naming of a cardinal is often as much a credit to the importance of the archdiocese or Vatican position as it is to the man who is given the red hat.

While there are other duties, such as serving as a member of various “congregations,” or Vatican offices, the main job of a cardinal is to pick the next pope. It is rare that two cardinal-electors would come from the same archdiocese.

There are three reasons why this rule was waived for Dolan. First, his predecessor, Cardinal Edward Egan, turns 80 on April 2, losing the right to participate in the next conclave to elect a pope.

Second, there will probably not be another consistory to add to the College of Cardinals for at least a year, possibly two.

Third, though thought to be in good health, Benedict turns 85 on April 16, making him the sixth oldest pope in history.

An important See like New York would be expected to have a participant in the duties after a pope’s death, when the Chair of Peter becomes “sede vacante,” a vacant seat.

It is interesting that Pope Benedict chose the feast of the Epiphany, known in some cultures as the feast of the Three Kings or Three Wise Men.

It was on this feast day during the reign of John Paul II that bishops were consecrated by the pope in St. Peter’s Basilica, a tradition ended by Benedict.

(Source: http://www.poughkeepsiejournal.com/article/20120107/NEWS01/301070012/1006)
 
Thông Báo
Cáo phó: Thân mẫu LM Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh vừa qua đời
Văn Phòng Tỉnh Dòng
09:16 07/01/2012
Tỉnh Dòng
Thánh Phanxicô Việt Nam
3 Mai Thị Lựu, Đakao, Q 1,
ĐT. 08.38222294

AI TÍN

Văn phòng Tỉnh Thánh Phanxicô Việt Nam xin kính báo:
Bà Cố Maria Trần Thị Cảnh
sinh năm 1917 tại Thuận Nghĩa – Nghệ An
Thân mẫu của LM Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh
thuộc Cộng đoàn Đakao
được Chúa gọi về lúc 19 giờ 56’, ngày 06 – 01 - 2012
tại Giáo xứ Thuận Nghĩa – Phan Thiết
Hưởng thọ 95 tuổi

Thánh lễ an táng được cử hành:
vào lúc 09 giờ 00 sáng thứ Hai, ngày 09 – 01 - 2012
Tại Giáo xứ Thuận Nghĩa – Phan Thiết

Xin mỗi cộng đoàn dâng một Thánh lễ cầu nguyện cho Bà Cố Maria.