Ngày 14-01-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ai can đảm theo Thầy Giêsu?
Tuyết Mai
05:10 14/01/2009
Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa". Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo Mình, thì nói với họ: "Các ngươi tìm gì?" Họ thưa với Người: "Rabbi, nghĩa là: thưa Thầy, Thầy ở đâu?" Người đáp: "Hãy đến mà xem". Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. (Ga 1, 35-42).

Lạ nhỉ! Không biết tự trên gương mặt của Thầy Giêsu có sức hút mãnh lực nào mà để có được môn đệ theo Ngài một cách dễ dàng như thế!? Nhất là hai môn đệ đã từng theo ở với Thánh Gioan Tiền Hô, vì nghe Thánh Gioan nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa". Chỉ có thế và khi đã biết chỗ ở của Người thì họ đã ở lại luôn với Thầy Giêsu bắt đầu từ ngay giây phút ấy. Chỗ ở của Thầy thì tôi có thể hình dung được là một chỗ không có thể để gối đầu và không biết nơi ở của Thầy Giêsu có vách không nữa!? Vách đây, ý tôi muốn nói là một tấm lều được dựng lên hay ít nhất là một cái chòi thật nhỏ như chúng ta thường thấy nơi quê nhà để trú nắng trú mưa, chứ chẳng lẽ Chúa và các môn đệ lại ngủ ngoài đồng trống? Trên cao là muôn vì sao sáng, đếm sao để dễ mỏi mắt mà đi vào giấc ngủ? Chung quanh là những tiếng côn trùng kêu lên những âm thanh nghe rộn rã như những tiếng hòa nhạc thiên nhiên dễ đem con người vào giấc ngủ bình yên? Ai, ai biết rõ nơi chỗ của Người ở? Tôi cũng không thắc mắc lắm về nơi chốn ở của Ngài Giêsu vì có thể cũng không khác lắm với nơi chốn ở của Thánh Gioan Tiền Hô, sống trong sa mạc, chỗ trú ẩn có thể là những hang hóc mà chúng ta thỉnh thoảng thấy trong hình ảnh hay trong phim.

Sự đáng thắc mắc của tôi chính là con người của Thầy Giêsu, bộc lộ, lời ăn tiếng nói, cung cách, và trên gương mặt của Ngài, phải có gì thật đặc biệt để Thầy có được môn đệ đi theo Thầy. Trong Phúc Âm chúng ta thấy rằng, Thầy gọi môn đệ đi theo Thầy một cách rất ư là dễ dàng, không ai thắc mắc, không ai hỏi Ngài một tiếng nào, không ai đặt điều kiện với Ngài, như chúng ta hay đặt điều kiện về phần hơn thiệt, hay phải được theo chiều hướng như sự mong mỏi của mình, thí dụ như chúng ta đi tìm hiểu ơn gọi tại một nhà dòng nào đó cho chính mình hay cho con cái của mình chẳng hạn. Đầu tiên chúng ta muốn đến là để xem xét và được ở lại trong một thời gian ngắn để xem thử nơi đây có thích hợp với cách ăn cách ở của chúng ta hay không? Nào là điều luật nơi đây có khe khắt và khó khăn quá hay không? Xem thử nơi ở của mình có được riêng hay phải chung với người khác? Xem thử có cho phép xài máy computer một cách thoải mái hay không? Có được ra ngoài đi chơi hay về thăm gia đình tự do hay không? Có bắt học nhiều hay không? Có bắt cầu nguyện nhiều giờ trong ngày hay không? Có cho ngủ nhiều hay không? Và còn bao nhiêu câu hỏi khác coi có thích hợp hoặc nuông chìu khi ta đi tu theo Thầy Giêsu của mình hay không? Hay sau một thời gian ngắn ngủi có thể là vài ngày hay một tuần lễ, nếu ta cảm thấy không thích hợp vì lý do riêng nào đó, chúng ta lại có quyền đi tìm hiểu một nơi khác, cho đến khi nào nơi nào cho ta nhiều thoải mái gần giống như là nhà của chúng ta hiện đang ở thì họa may chúng ta sẽ chấp nhận mà đi theo Thầy Giêsu của chúng ta!? Đấy, có phải tâm lý đời thường con người của chúng ta là vậy? Khó lòng mà bỏ được những gì chúng ta đang có mà đi theo ơn gọi thiêng liêng được lắm! Chúng ta thường cân nhắc, đắn đo, suy đi nghĩ lại, tính tới tính lui dữ lắm! Trước khi ta đi theo tiếng gọi của Chúa? Rồi còn phải cầu nguyện xin ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, xem sự lựa chọn của chúng ta có đúng đắn hay không, hay nửa chừng lại bỏ ra ngoài, vì không chịu nổi sự khổ cực? Hay vì không chịu nổi sự chung đụng,. ... Khó lắm!.

Cho nên sự thắc mắc của tôi cũng có lý lắm đấy chứ! Là vì sao mọi môn đệ không ông nào từ chối và tỏ vẻ lưỡng lự trước lời kêu gọi của Thầy Giêsu? Chúng ta có thể bắt chước được điều gì từ nơi Ngài? Quả nơi Ngài phải tỏa ra một thứ gì đặc biệt lắm để mọi người ngoan ngoãn mà đi theo để được sống chết với Ngài? Ngài là một con người bình dị và rất tầm thường như bao nhiêu con người bình thường khác. Sao không thấy có ai đi theo Ngài một thời gian mà vì không chịu đựng nổi tánh tình của Thầy mà bỏ cuộc, mà sau này lại còn thêm nhiều người tìm đến với Ngài để nguyện theo Ngài suốt cả cuộc đời của họ? Có phải vì Thầy Giêsu không kiểu cách? Không cố gắng trau chuốt lời ăn tiếng nói của mình? Không kiêu căng tự phụ học cao hiểu rộng? Không thích ai tâng bốc mình? Không loè loẹt mầu mè? Không tay dài áo thụng? Không đạo đức giả? Không bao giờ lường gạt ai để được lợi cho Ngài bao giờ? Ngài là sự Sáng, là công chính, là đèn hải đăng, là Lời hằng sống, là công bằng chính trực, là sự thật, là công lý, là bác ái, là khiêm nhường và khiêm hạ, và còn nhiều đức tính khác người, nhất là Ngài luôn tỏ lộ Tình Yêu thương của Ngài đối với con người.

Ngài luôn tỏ lộ sự thương xót cho những con người bất hạnh cùng đinh trong xã hội. Ngài luôn tìm đến và an ủi họ. Chúc lành cho họ. Chữa bệnh cho họ. Tha thứ tất cả lỗi lầm xấu xa nhất của họ. Ngài luôn dùng những lời yêu thương để hoán cải tâm hồn của họ. Ngài dùng Tình Yêu Thương của Ngài là môn thuốc chính để đem họ trở về con đường chính trực mà xa lánh tội lỗi. Ngài không làm cho ai mất mặt. Ngài rất tâm lý. Ngài rất tế nhị. Và Ngài rất hiểu để thông cảm vì con người là tội lỗi từ khi Thiên Chúa Cha tạo dựng nên Ông Adong và bà Evà. Chúa không bao giờ lên án trách cứ ai. Chúa không bao giờ dùng những lời nặng nề mà dậy bảo con cái của Ngài. Thật Thầy Giêsu là tất cả những gì mẫu mực để tất cả chúng ta bắt chước và noi theo, nhất là trong hàng giáo phẩm những ai càng giữ chức vụ cao thì càng phải nên giống Chúa, để cũng giống được như Chúa, dìu dắt những người muốn đi theo tiếng gọi của Thầy Giêsu mà không vì lý do gì bất mãn, để phải bỏ tiếng gọi thiêng liêng của mình. Hoặc ngược lại chúng ta cũng phải bắt chước theo những môn đệ của Ngài xưa kia là theo Ngài bất chấp những gì trước mặt, mà một chỉ biết giao phó tất cả trong tay của Ngài, để Ngài dễ bề dậy dỗ, mà không một thắc mắc, hay không nhìn lại tiếc rẻ những gì ta bỏ lại sau lưng.

Quả thật được đi theo Thầy là được mọi phước hạnh và bình an, ngay tại đời này và cả Thiên Đàng đang chờ đợi chúng ta trở về sau khi chương trình của Ngài được hoàn tất nơi từng ơn gọi cá biệt của chúng ta. Ơn gọi được làm con của Chúa trong một hoàn cảnh nào đi chăng nữa dù là Chúa cho chúng ta giầu có hay nghèo hèn, nếu chúng ta biết sống cho mọi người và đem tình yêu thương đến cho mọi người thì thiết tưởng nếu ơn gọi của chúng ta là gì đi chăng nữa! Chúng ta cũng được Chúa khen thưởng và ban cho triều thiên ở cuộc sống mai sau trên Nước Vĩnh Hằng. Miễn sao chúng ta đừng bắt chước như con cái của sự dữ là luôn sống trong ghen, ghét, hận thù, tội lỗi, buôn thần bán thánh, gian xảo, lừa đảo, lợi dụng danh Chúa mà đi lừa gạt anh chị em,. ...

Quả thật đi theo Thầy Giêsu, tự nguyện, và bỏ tất cả, không phải là chuyện dễ làm. Ước gì chúng ta biết luôn bắt chước Ngài là luôn Cầu Nguyện như Ngài đã dậy con cái của Ngài trong Kinh Lậy Cha vậy! Để sự cám dỗ không len lỏi được vào trong tầm hồn và tấm lòng tham lam của chúng ta. Ai bảo Thầy Giêsu không bị cám dỗ? Nhưng nếu chúng ta bắt chước được như Ngài là tuy có dám dỗ, nhưng chúng không làm gì được chúng ta, vì sự trung thành và tiếng gọi của Chúa luôn được Chúa Thánh Linh thúc đẩy mạnh mẽ, sẽ giúp chúng ta xa tránh được những thử thách, vì có phải Chúa muốn chúng ta cũng bị thử thách như Ngài, và có phải qua được thử thách, chúng ta mới hiểu được rằng con đường đi theo Ngài Giêsu luôn là chông gai và khốn khó? Có thế chúng ta mới cùng được với Thầy Giêsu vác Thánh Giá đời mình mà lên Núi Sọ để cùng được chết với Ngài, và cùng sẽ được sống lại trong vinh quang với Ngài trên Nước Thiên Đàng là Nhà Cha Yêu Dấu đang chờ đợi tất cả con cái của Ngài từng người, từng người một. Amen.
 
Các môn đệ đầu tiên
Lm PX Vũ Phan Long, ofm
06:35 14/01/2009
CÁC MÔN ĐỆ ĐẦU TIÊN (Gioan 1,35-42 – CN II TN - B)

1.- Ngữ cảnh

Trong Tin Mừng Gioan, bài tường thuât ơn gọi các môn đệ được ghép vào bên trong phân đoạn được gọi là “Tuần lễ khai mạc sứ vụ của Đức Giêsu”.

- hai ngày đầu: Gioan Tẩy Giả làm chứng (phủ định - khẳng định);
- ngày thứ ba (“hôm sau”, 1,35): lần này Gioan Tẩy Giả giới thiệu Đức Giêsu cho hai môn đệ: “Đây là Chiên Thiên Chúa” (cc. 35-36);
- đoạn văn của chúng ta (1,35-42) nằm ở vị trí này;
- ngày thứ tư (“hôm sau”, 1,43): Đức Giêsu gọi Philípphê và Natanaen;
- “ngày thứ ba” (2,1): Đức Giêsu “bày tỏ vinh quang” (2,11) tại Cana miền Galilê.

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành ba phần:

1) Hai môn đệ đầu tiên (1,35-39);
2) Anrê (1,40-42a);
3) Simôn (1,42b).

3.- Vài ghi chú về chú giải

- Ông Gioan đang đứng... (35): Có một nhóm môn đệ thường xuyên ở quanh Vị Tẩy Giả (x. Mc 2,18t và //; Mt 11,2; 14,12; Lc 11,1; Ga 3,25). Bản văn xác định tiếp rằng một trong hai môn đệ là Anrê, em của Simôn (41); còn người thứ hai thì vô danh.

Tìm cách dung hòa bài tường thuật của TM IV với bài của các TMNL nói về ơn gọi của các môn đệ (x. Mc 1,16-20) là chuyện vô ích. Chỉ có một điểm gặp nhau: hai anh em Simôn và Anrê ở trong số những người được gọi đầu tiên. Còn các khác biệt quá lớn:

+ Theo Mc 1,29: Simôn ở Caphácnaum; theo Ga 1,44: hai anh em gốc Bétxaiđa.

+ TM IV không nói gì tới các con ông Dêbêđê, trong khi theo Mc 1,18-20, họ là cặp môn đệ thứ hai; Mc lại không hề nói đến Philípphê và Natanaen.

+ Bối cảnh cũng khác nhau: theo TM IV, các môn đệ đầu tiên thuộc nhóm của Vị Tẩy Giả, đã được ông hướng dẫn tới với Đức Giêsu; theo Mc, Đức Giêsu chỉ kêu gọi các môn đệ sau khi Vị Tẩy Giả bị bắt, và kêu gọi tại bờ hồ Ghennêsarét, chứ không tại bờ sông Giođan, lúc đó họ đang làm nghề chài lưới.

+ Ý hướng tổng quát khác nhau: Theo Mc, đây là một biến cố bất ngờ lôi kéo người ta ra khỏi cuộc sống hằng ngày để thi hành sứ mạng tông đồ. Dường như bản văn Ga còn ghi giữ lại kỷ niệm lịch sử, đó là các môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu, và có thể chính tác giả, đã có lúc thuộc về nhóm Gioan Tẩy Giả.

- thấy Đức Giêsu đi ngang qua (36): Hôm sau ngày làm chứng (cc. 29-34), trong khi Vị Tẩy Giả còn đứng đó, Đức Giêsu đã bắt đầu tiến đi: thái độ của Gioan tượng trưng rằng sự nghiệp của ông đã đến lúc chấm dứt; thái độ của Đức Giêsu đánh dấu khởi đầu cuộc đời của Ngài là một cuộc tiến bước thiêng liêng, sẽ đưa Ngài về với Chúa Cha (x. Ga14,28). Còn Gioan thì tức khắc nói với hai người trong nhóm môn đệ đã đến để tìm ơn cứu độ nơi ông, rằng: “Đây là Chiên Thiên Chúa”.

- Các anh tìm gì thế? (38): “Tìm” (zeteô: 34 lần trong TM IV) có nghĩa là “tìm cách có lại những đồ vật đã bị mất hoặc để lạc”. Trong tiếng hy-lạp LXX, đây là từ ngữ chuyên môn để nói về việc đi tìm Thiên Chúa, đặc biệt tìm sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa (x. Hn 1,1-2a; 8,2.18 …). Trong tiếng híp-ri, “tìm” là darash; darash ha Torah, “tìm Torah”, có nghĩa là giải thích Kinh Thánh.

- Thưa Rabbi, Thầy ở đâu? Trên môi họ, câu hỏi chỉ nhắm nơi Đức Giêsu đang sống, để họ đến gặp, nhưng tác giả là người đã quen sử dụng các từ ngữ theo hai ý, có lẽ cũng hiểu câu hỏi theo một nghĩa sâu hơn: “Thầy ở đâu về phương diện thiêng liêng?”. Đối với ông, các môn đệ đã mặc nhiên thưa với Đức Giêsu lời thỉnh cầu của Philípphê và của bất cứ người nào: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha (nơi Chúa Cha, Thầy đang cư ngụ), như thế là chúng con mãn nguyện” (14,8).

- Đến mà xem (39): Dịch sát là “Hãy đến và các anh sẽ xem thấy, erchesthe kai opsesthe. Mệnh lệnh cách erchesthe có thể hiểu theo nghĩa điều kiện là “nếu như, với điều kiện”. Còn opsesthe là thì tương lai của động từ horaô, có thể hiểu như một lời hứa của Đức Giêsu: TM IV có bốn động từ để diễn tả cái nhìn, từ cái nhìn thể lý nhất đến cái nhìn chiêm ngưỡng sâu sắc nhất, đó là: blepein, theasthai, theôrein, horan [idein]. Động từ sau cùng thuộc về lãnh vực đức tin. Trong Ga 1,39, Đức Giêsu mời các ông di chuyển về phía Ngài và có cái nhìn đức tin.

Câu trả lời của Đức Giêsu ở đây cũng có một mức sâu hơn: việc khám phá ra nơi ở trần thế của Ngài tượng trưng và chuẩn bị cho việc khám phá ra nơi ở thiêng liêng của Ngài. Bước đi theo Ngài theo cách thể lý, các môn đệ thấy nơi trú ngụ của Ngài; hơn nữa, đã bước đi theo Ngài cách thiêng liêng bằng lòng tin, họ cũng bắt đầu thấy được nơi ở thiêng liêng của Ngài, tức Chúa Cha: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (14,9).

- Họ ở lại với Người (39): Đây là chặng đầu của một cuộc chung sống đưa tới sự hiệp thông sâu xa nhất (x. 15,4). Trọn buổi chiều, kể từ 4g, họ xem và ở lại với Đức Giêsu, về thiêng liêng cũng như về thể lý. Buổi chiều hoặc đêm đáng ghi nhớ ấy mở đầu cho đời sống đức tin tròn đầy, đã đưa Anrê và người môn đệ vô danh kia vào trong mầu nhiệm của đời sống Đức Kitô và làm cho họ rất phấn khởi: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia”, Anrê reo lên như thế khi gặp Simôn. Một niềm vui thiêng liêng bùng ra: đây là niềm vui được ban cho những tâm hồn khám phá ra viên ngọc quí và kho tàng trên trời (x. Mt 13,44).

- Khoảng giờ thứ mười (39): tức khoảng 4g chiều. TM IV quen ghi chú về thời gian chính xác (x. 4,52; 18,28; 19,14; 20,19), nhưng hẳn là có một ý hướng biểu tượng. Trong một số bản văn của Cựu Ước hoặc của Do-thái giáo đương thời, số 10 là con số hoàn hảo; vậy “giờ thứ 10” hẳn là giờ hoàn tất và đánh dấu khởi đầu công trình của Đức Giêsu. Quả thế, ở 11,9, ngày là một hình ảnh được dùng để gọi thời gian Đức Giêsu hoạt động ở trần gian (x. thêm 9,4-5; 12,35). “Mười” là một con số hoàn hảo đối với các triết gia phái Pythagore và triết gia Philô khiến Bultmann gợi ý rằng đây là giờ của sự hoàn tất. Cũng có những tác giả cho rằng ngay hôm sau, bắt đầu vào lúc mặt trời lặn, là một ngày sa-bát; do đó hai môn đệ đã phải ở lại với Đức Giêsu để tránh di chuyển vào ngày ấy.

- Trước hết (prôton) (41): Cuộc trò chuyện đã kéo dài trong đêm. Do đó, chúng ta hiểu là sáng hôm sau, Anrê trước hết vội vã đi tìm anh trước khi làm bất cứ việc gì.

- Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia (41): Dịch sát là “Chúng tôi đã tìm thấy/tìm ra Đấng Mêsia” Heuriskein, tìm thấy, được dùng thường xuyên trong phân đoạn này và phân đoạn sau. Anrê “tìm thấy/ra” Simôn, báo rằng họ đã “tìm thấy/ra” Đấng Mêsia. Sau được Đức Giêsu “tìm thấy/ra”, Philípphê “tìm thấy/ra” Natanaen và bảo rằng đã “tìm thấy/ra” Đấng Mêsia.

- Anh sẽ được gọi là Kêpha, tức là Phêrô (42): Kêphas là từ a-ram kêpha được hy-hóa, có nghĩa là “tảng đá”. Cũng như từ rabbi (c.38) và Mêsia (c.41), kêpha là từ a-ram (Chúng ta lưu ý là có ba từ a-ram trong cùng một đoạn văn). Hẳn là tác giả suy tư trong ngôn ngữ này, hay ít ra ông cũng rất quen thuộc các thuật ngữ a-ram. Bản RSV dịch thành một câu hỏi: “So you are Simon the son of John? Vây anh là Simôn con ông Gioan à?”. Người ta đặt tên cho những người hoặc những vật thuộc quyền kiểm soát của mình (x. St 2,20; Đn 1,7); các người cha đặt tên cho con cái (Mt 1,25; Lc 1,63).

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Hai môn đệ đầu tiên (35-39)

Truyện hai môn đệ này chắc chắn có dấu vết những hoài niệm về một vài môn đệ. Nhưng dưới ngòi bút của tác giả, truyện mang tính điển hình để chia sẻ với độc giả cái nhìn về đời môn đệ. Các biến cố xảy ra rất nhanh, trong cái khung giả tạo bảy ngày: các môn đệ đầu tiên đến gặp Đức Giêsu, rồi Đức Giêsu gọi Phêrô, Philípphê, Nathanaen. Cuối cùng toàn chương kết thúc với lời Đức Giêsu long trọng mạc khải về chính mình: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên sứ của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người” (Ga 1,51).

Trước khi truyện đạt tới đỉnh cao này, tác giả ghi lại lời chứng của Gioan. “Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: «Đây là Chiên Thiên Chúa»” (Ga 1,36). Lời này nhắc lại lời nói trong hoạt cảnh ở c. 29, chỉ khác là thuộc về ngày hôm sau. Đây là “cấu trúc trôn ốc” quen thuộc của tác giả. Ngài thường xuyên trở lại với những đề tài cũ, cứu xét chúng từ những viễn tượng khác, thăm dò, và chia sẻ với các độc giả sự phong phú đặc biệt của những thực tại ngài đề cập đến (x. Ga 20,19-23).

Lúc đó Gioan [và hai môn đệ] được mô tả là “đang đứng” (heistêkei). Có vẻ như thể ông đang chờ chuyện gì đó xảy ra. Trong TM IV, hành động duy nhất có ý nghĩa mà Gioan làm, đó là làm chứng. Vì lúc này Đức Giêsu chưa xuất hiện, hành động đó chưa xảy ra được. Như ngày hôm trước, Gioan thấy Đức Giêsu bước đi và đã giới thiệu Ngài (Ga 1.29), sang ngày hôm sau, một lần nữa, Gioan lại công bố Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa. Hoạt cảnh của ngày hôm qua cho biết ý nghĩa của tên gọi bí ẩn này; hoạt cảnh hôm nay cho thấy hậu quả của lời loan báo ấy. Ông mời họ rời ông để gắn bó với Đấng Cứu thế duy nhất chân thật.

Do được thầy giới thiệu, hai môn đệ đã quyết định đi theo Đức Giêsu. Ơn gọi của họ, cũng như của Samuen, được đánh thức bởi một người khác, không phải bởi “ánh sáng” nhưng bởi “chứng nhân của ánh sáng” (1,8; 3,3). Tác giả không nói gì đến hoàn cảnh thời gian, không gian, tâm lý của các nhân vật: đây cũng là một lược đồ. Ý thức về sự khác biệt giữa tiếng nói và Đấng được tiếng nói làm chứng cho, hai môn đệ bước theo Đức Giêsu.

Hẳn là vì nghe tiếng bước chân, Đức Giêsu quay lại, và thấy các ông đi theo mình. Ngài hỏi thẳng: “Các anh tìm gì thế?” (Ga 1,38). Những người đi theo thưa với Ngài là “Rabbi”, không trả lời câu hỏi của Ngài, mà lại hỏi Ngài ở đâu. Thay vì cung cấp một câu trả lời trực tiếp, Đức Giêsu mời hai người đến và xem nơi Ngài ở. Hai ông đã nhận lời mời và đi với Ngài đến nơi Ngài ở, nơi này là nơi nào chúng ta không biết. Lúc đó vào khoảng giờ thứ 10 (= 4g chiều, hay là 5/6 ngày đã trôi qua), tức đã muộn. Có lẽ họ đã qua đêm với Ngài. Chi tiết về thời gian này có ý nghĩa gì với tác giả không? Điều đánh động trong mẩu đối thoại giữa Đức Giêsu và các môn đệ đầu tiên của Gioan, đó là họ xưng hô với Đức Giêsu là Rabbi. “Thưa Ngài” (Kyrie) là từ ngữ thường được dùng để bày tỏ lòng tôn kính; TM IV thường dùng từ ngữ này vào những dịp tường thuật các cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu với người khác. Những người được hưởng nhờ quyền lực siêu phàm của Đức Giêsu cũng gọi Ngài là “Kyrie”. Rabbi có nghĩa chữ là “thầy tôi” (didaskalos), thường được các môn sinh dùng để gọi vị thầy họ trân trọng, nhưng sau này chỉ còn nghĩa là “thầy”.

Trong TM IV từ đầu cho đến đây, không chi tiết nào cho thấy Đức Giêsu là một thầy giáo. Không một điều gì gợi ý là dân chúng mong ước Đấng đang đến là một thầy dạy. Trong TM này, từ ngữ Rabbi cũng không được sử dụng nhiều: 7 trên 8 lần được các môn đệ Đức Giêsu sử dụng (1,38.49; 3,2; 4,31; 6,25; 9,2; 11,8); lần còn lại được đặt trên môi của các môn đệ nhìn nhận Gioan là thầy họ (3,26).

Hai môn đệ vô danh “bước theo” Đức Giêsu. Trong ngôn ngữ hy-lạp, “bước theo” (akoloutheô) có nghĩa là “đi đàng sau một người”; “trở thành môn đệ” (nghĩa ẩn dụ). Thay vì theo Gioan, bây giờ họ bước theo Đức Giêsu. Họ đã học với Gioan; nay họ phải học với Đức Giêsu. Chính vì thế, họ gọi Ngài là “Rabbi”. Đây là cách tác giả diễn tả đòi hỏi từ bỏ tận căn được nói đến trong các TMNL (x. Mt 19,21; Mc 10,21; Lc 18,22): hoặc họ là môn đệ của Đức Giêsu hoặc họ là môn đệ của Gioan. Không thể có thỏa hiệp. Đây không còn phải là quyết định triệt để trở thành môn đệ bằng cách từ bỏ những của cải vật chất nữa để đi theo một vị thầy du thuyết; đúng hơn, đây là từ bỏ một dấn thân đầu tiên trong đức tin của mình.

Nhưng ở đây không chỉ có vấn đề một dấn thân tận căn. Tác giả diễn tả xác tín của mình là những ai đã thật sự học nơi Gioan, những ai đã thật sự hiểu ý nghĩa của lời chứng của Gioan, thì trở thành môn đệ của Đức Giêsu. Các môn đệ của Gioan tìm được vị trí đúng đắn của họ trong cuộc đời khi họ trở thành môn đệ của Đức Giêsu. Những ai đã chú ý thật sự đến lời chứng của Gioan thì phải đi vào nhóm môn đệ của Đức Giêsu. Đây là ý nghĩa biểu tượng và cũng là ý nghĩa đích thật của bài tường thuật.

Câu hỏi mở đầu của Đức Giêsu cũng lạ: “Các anh tìm gì thế?”, một câu hỏi trên bình diện tường thuật thuần túy chỉ có nghĩa là “Các anh muốn gì?”. Họ không đáp lại bằng một câu trả lời, nhưng bằng một câu hỏi: “Thầy ở đâu?”. Nếu so sánh với ba TMNL, ta thấy những lời đầu tiên Đức Giêsu nói công khai được các TM ấy ghi lại đều có chất chứa một chương trình cho toàn thể Tin Mừng (Mt 3,15; Mc 1,15; Lc 4,21), còn TM IV thì thế nào?

Có thể cho rằng tác giả trình bày các môn đệ đầu tiên của Gioan như là những cá nhân đang theo đuổi sự Khôn Ngoan thần linh. Tuy nhiên, Đức Giêsu chính là hiện thân của sự Khôn Ngoan thần linh. Thật khôi hài, những người đi tìm sự Khôn Ngoan thần linh lại tìm thấy sự Khôn Ngoan hiện thân khi họ bước theo Đức Giêsu. Rồi tác giả cũng cho thấy Đức Giêsu giải thích Kinh Thánh, và thường quy chiếu về bản thân Ngài. Chẳng hạn, Ngài thực hiện một midrash về Tv 78,24 trong Diễn từ về bánh ban sự sống (Ga 6,26-51). Từ cách hiểu tổng quát về Đức Giêsu như thế, rất có thể tác giả mô tả hai môn đệ đi đến với Đức Giêsu như đến với người có thể giải thích Kinh Thánh. Nếu vậy, hẳn là họ đã có lý khi thưa “Rabbi” (Ga 1,38), nhưng danh hiêu này cũng phản ánh cách các thành viên của cộng đoàn tác giả hiểu về Đức Giêsu. Do đó, câu hỏi của hai ông “Thầy ở đâu?” đã được Đức Giêsu nâng lên một bình diện ý nghĩa khác (x. phản ứng của Đức Giêsu đối với câu nói của Đức Maria tại tiệc cưới Cana: Ga 2,3-4), khi Ngài bảo các ông bằng một câu nặng chất đức tin: “Hãy đến và các anh sẽ xem thấy”.

Hai môn đệ hỏi: “Thầy ở đâu?”. Câu hỏi này không đơn giản như thoạt nhìn. “Ở/ở lại”, menô, là một động từ tác giả rất ưa chuộng (67 lần trong truyền thống Gioan; 40 lần trong TM IV; 51 lần trong phần còn lại của Tân Ước).

Mặc dù thỉnh thoảng tác giả sử dụng động từ này theo nghĩa thông thường là “ở lại, stay” hoặc “sống, live”, ngài rất thường dùng từ này theo một nghĩa thần học sâu sắc. “Ở [lại]” thường gợi lên một khoảnh khắc đặc biệt quan trọng trong lịch sử cứu độ (Để diễn tả ý nghĩa này, có những tác giả dịch là “abide”). Đức Giêsu “ở lại” với các môn đệ đang tin vào Ngài (Ga 2,12; 4,40; 7,9; 10,40; 11,6.54; 14,25). Đám đông nói rằng Đấng Kitô “ở lại” (tồn tại) mãi mãi (Ga 12,34), nhưng tác giả gợi ý rằng Đức Giêsu ở lại Nhà của Cha Ngài (Ga 8,35). Trong các bài diễn từ cáo biệt (Ga ch. 13–17), tác giả trình bày rộng rãi ý nghĩa đích thực của “ở lại”. Đức Giêsu trở về với Chúa Cha để chuẩn bị một chỗ cho các môn đệ để họ được ở với Ngài (Ga 14,2-3).

Chúa Cha ở lại trong Đức Giêsu (Ga 14,10) và Thánh Thần ở lại trong các môn đệ của Đức Giêsu (Ga 14,17). “Ở lại” không chỉ là “ở với”, mà còn có nghĩa là “ở trong”. Trong thực tế, có một sự “ở lại trong nhau” giữa Đức Giêsu và các môn đệ. Họ ở lại trong Ngài và Ngài ở lại trong họ (Ga 15,4.5.7). Các môn đệ ở lại trong tình thương của Đức Giêsu (Ga 15,9.10), và các lời Ngài ở lại trong họ (Ga 15,7). Ý nghĩa tối hậu của Bí Tích Thánh Thể là: đây là một phương tiện để ở trong nhau và hiến mạng sống cho nhau (Ga 6,56).

Tất cả những điều này đã được tiên báo khi Đức Giêsu mời hai môn đệ vô danh đến và xem Ngài ở đâu. Không phải là Ngài muốn họ đến mà thăm cái lều người Ả-rập du cư (bedouin) hoặc một nhà trọ nào bên đường. Ngài mời họ đến mà nhận thấy rằng Ngài đang ở với Chúa Cha và Chúa Cha đang ở với Ngài. Họ đến mà trải nghiệm rằng sống chung với Ngài chính là điều duy nhất quan trọng của đời sống ki-tô hữu.

Cũng như Gioan đã thấy (horaô) Thần Khí ở lại (menô) trên Đức Giêsu, các môn đệ được mời xem/thấy (horaô) nơi Đức Giêsu ở (menô). Đây không phải là một vấn đề nhìn xem bằng cặp mắt thể lý, mà là một nhận thức nhờ đức tin. Như ông Gioan đã trải nghiệm cái nhìn mà Thiên Chúa đã hứa (cc. 32.34), các môn đệ cũng chấp nhận lời mời của Đức Giêsu: “Hãy đến và các anh sẽ xem thấy, erchesthe kai opsesthe” (1,39). Một lời mời gọi (các anh hãy đến) và một lời hứa (các anh sẽ thấy). Họ đã đến, tức là rời bỏ vị trí, quan điểm, lập trường của họ, để đi vào vị trí, quan điểm, lập trường của Đức Giêsu, và họ đã “xem thấy”. Họ đã nhận ra nơi Đức Giêsu đang ở thật sự.

* Anrê (40-42a)

Đến đây, tác giả cho biết một trong hai môn đệ ấy là Anrê, em của Simôn Phêrô. Truyền thống và nhiều nhà chú giải hiện đại nghĩ rằng người môn đệ vô danh kia chính là người môn đệ Chúa thương mến. Truyền thống cũng đã đồng hóa tác giả TM IV với người môn đệ Chúa thương mến và đồng hóa người môn đệ Chúa thương mến với Gioan, con ông Dêbêđê. Các học giả Kinh Thánh hiện đại khá dè dặt đối với các kiểu đồng hóa này. Dù sao, không có gì chắc chắn để chúng ta có thể đồng hóa người môn đệ vô danh trong Ga 1,35-39 với con ông Dêbêđê (Giáo sư Boismard nghĩ là Philípphê). Quả thế, nếu con ông Dêbêđê là bạn của Anrê vào dịp họ được gọi làm môn đệ, thì đây hẳn là lần duy nhất trong toàn bộ Tân Ước, Gioan con ông Dêbêđê đi đôi với Anrê. Thông thường Gioan đi đôi với anh là Giacôbê (x. chẳng hạn Mt 4,21; Mc 3,17; Lc 5,10…), còn Anrê thì đi đôi với anh là Phêrô (x. Ga 1,40-42). Simôn Phêrô chưa xuất hiện, nhưng vì ông được biết nhiều, nên chỉ cần nêu tên ông ra là có thể xác định được Anrê. Trong truyền thống của Họi Thánh sơ khai, Anrê chỉ là em của Phêrô thôi (Mt 4,18; 10,2; Mc 1,16 (29); Lc 6,14). Tuy nhiên tác giả TM IV có cách phác họa riêng Anrê.

Trong các TMNL, tên Anrê luôn xuất hiện trong một danh sách. Danh sách này có khi chỉ có hai tên (Mt 4,18; Mc 1,16.29), có khi bốn tên (Mc 3,18; Cv 1,13), có khi mười hai tên (Mt 10,2; Mc 3,13; Lc 6,14), nhưng không cho thấy Anrê có phận vụ gì cả. Anrê chỉ là em và bạn đồng hành của Phêrô hoặc là một trong Nhóm Mười Hai. Nhưng với TM IV, Anrê được phác họa ra như một người môn đệ đích thực của Đức Giêsu. Thậm chí ông còn là một môn đệ có điều gì đó mà nói ra. Ông nói với anh mình (Ga 1,41), và ông nói với Đức Giêsu (Ga 6,9; x. 12,22). Rõ ràng là tác giả có một “luận đề về đời môn đệ” (Ga 1,35-39) và ngài tìm cách minh họa luận đề này bằng “ví dụ Anrê”.

Đối với ngài, Anrê là một con người bằng xương bằng thịt, xuất thân từ một thành phố có thật: Bétxaiđa (Ga 1,44), một thành của miền Galilê (Ga 12,21). Anrê là một môn đệ đã đi theo trọn chương trình về đời môn đệ. Ông đã nghe lời chứng về Đức Giêsu. Ông đã bước theo Đức Giêsu. Ông đã nêu chứng từ về Đức Giêsu cho những người khác. Nhận lời chứng về Đức Giêsu, trở thành một môn đệ, và cống hiến chứng từ về Đức Giêsu cho những người khác như một cách diễn tả đời môn đệ của mình, đây là cái pattern (mô hình đơn giản) thông thường về đời môn đệ theo cái nhìn của TM IV. Cũng như Anrê có điều gì đó mà nói về Đức Giêsu cho anh (Ga 1,41), Philípphê cũng có điều gì đó mà nói về Đức Giêsu cho Nathanaen (Ga 1,45), và người phụ nữ Samari cũng có điều gì đó mà nói về Đức Giêsu cho các dân trong thành của bà (Ga 4,29.39). Trong cái chuỗi phản ứng từ chứng từ đến chứng từ này, Tin Mừng tiếp tục được loan báo và người ta có thể tin.

Tác giả ghi nhận là “trước hết (prôton), ông đi tìm gặp (heuriskei) anh mình” (Ga 1,41). Điều đầu tiên mà người môn đệ mới này đã làm là đi tìm anh mình và nói về Đức Giêsu cho ông. Đã được đưa vào trong “phong trào” của các môn đệ Đức Giêsu, Anrê phải kể cho ai đó về Đức Giêsu, và anh ông là Simôn là người may mắn hưởng nhờ chứng từ của ông đầu tiên. “Chúng tôi đã tìm thấy Đấng Mêsia”. Một lần nữa, tác giả dịch một công thức híp-ri ra tiếng hy-lạp: “nghĩa là Đấng Kitô”. Vì tác giả cho thấy Anrê làm chứng cho Đức Giêsu là Đấng Mêsia (Kitô), ta có một sự xác nhận là lời chứng của ông Gioan nói rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa (Ga 1,34) là chứng từ về tư cách Mêsia của Ngài. Qua cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu, Anrê đã nhận ra sự thật của lời chứng của ông Gioan. Trước đây, Anrê đã được mô tả như là một người đang đi tìm (Ga 1,38); bây giờ ông được giới thiệu như là người đã tìm thấy. Kẻ đi tìm đã tìm thấy nơi Đức Giêsu điều ông vẫn đang đi tìm lâu nay.

Lúc đầu Anrê đã gọi Đức Giêsu là Rabbi, “thầy của con”, bây giờ ông gọi Ngài là Mêsia, “Đấng được xức dầu”. Khi tác giả phác họa các môn đệ thưa với Đức Giêsu như một rabbi, thường ngài mô tả cho thấy các môn đệ này đến với Đức Giêsu và đặt một câu hỏi (Ga 1,38; 6,25; 9,2;11,8) để được chỉ giáo thêm. Đấy là thói quen của các học trò Do-thái. Các môn đệ ra khỏi cuộc gặp gỡ, đã học thêm được điều gì từ nơi thầy. Đây là trường hợp của Anrê, cũng như sau này là trong của Nathanaen (Ga 1,49) và Maria Mácđala (20,16.18).

Nói rằng tác giả coi Anrê là một môn đệ đích thực của Đức Giêsu, điều này được nêu rõ qua lời tuyên xưng đức tin của ông vào Đức Giêsu. Ông công bố: “Chúng tôi đã đã tìm thấy (heurêkamen) Đấng Mêsia” (Ga 1,41). Ở bình diện tường thuật, “chúng tôi” đây là Anrê và người môn đệ vô danh. Ở một bình diện sâu hơn, “chúng tôi” đây, theo truyền thống Gioan, là toàn thể nhóm của tác giả đang tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu Mêsia qua môi miệng Anrê.

Như thế, trong bài tường thuật rất ngắn về vai trò của Anrê (Ga 1,[35-39].40-41), tác giả phác họa Anrê như là người môn đệ đích thật. Điều đáng lưu ý, đó là Anrê được thúc đẩy mạnh mẽ bởi lý tưởng dấn thân làm môn đệ đến nỗi ông đi tìm anh để kể về Đức Giêsu và đưa anh tới với Đức Giêsu. Nếu có một nét căn bản, không thay đổi, mà TM IV rút ra được từ dung mạo Anrê, đó là Anrê đưa người ta đến với Đức Giêsu.

* Simôn (42b)

Simôn Phêrô là một dung mạo quen thuộc với độc giả, vì ông được nêu tên như thế (Ga 1,40), dù sau đó hai câu, tác giả xác định là tên thật của ông là Simôn (Ga 1,42), còn Phêrô là biệt danh Đức Giêsu ban cho ông.

Simôn được em là Anrê giới thiệu về Đức Giêsu là Đấng Mêsia rồi cũng được em giới thiệu với Đức Giêsu. Như thế, con đường Simôn Phêrô theo để đến với Đức Giêsu là con đường thông thường: ông được một người đã tin làm chứng và đưa đến với Đức Giêsu; ông chấp nhận chứng từ đó và đích thân đến gặp Đức Giêsu và khám phá ra quan hệ duy nhất giữa ông với Ngài.

Vậy Simôn Phêrô là một môn đệ khác của Đức Giêsu. Nhưng có điều gì đó chỉ có nơi người môn đệ này. Được đưa đến với Đức Giêsu nhờ lời tuyên xưng của em vào Đấng Mêsia, Phêrô được Đức Giêsu ngỏ lời với theo cách huyền bí: “Anh là Simôn, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha” (Ga 1,42). Công thức này, được Đức Giêsu nói ra trong khi Ngài nhìn ông, tương tự công thức mạc khải có ở Ga 1,29.36.47; 19,26-27.

Đức Giêsu đặt cho Simôn một tên mới, tác giả ghi nhận điểm này để nêu bật quan hệ có một không hai giữa Simôn Phêrô và Đức Giêsu, nhưng cũng để cho thấy Đức Giêsu có một uy quyền. Khi đặt tên cho Phêrô, Đức Giêsu cũng còn muốn xác định cho ông một căn tính mới, một vai trò mới trong cuộc sống, thậm chí một định mệnh mới (x. Abram và Giacóp: St 32,38; 35,10). Nói đến tầm quan trọng của tên mới của Simôn, chúng ta đều nhớ đến đoạn văn Mt 16,15-19. So với hoạt cảnh tương đối dài đó được Mt mô tả, bản văn của TM IV thật quá ngắn; nó chỉ tương tự với những câu ngắn nói về việc đổi tên ở Mt 10,2; Mc 3,16 và Lc 6,14, chứ không sánh được với bản văn Mt 16. Có thể nói kịch bản này là do tác giả TM IV sáng tác ra cho phù hợp với phần tường thuật của ch. 1 của TM. Tuy nhiên, tác giả không suy diễn gì về việc đổi tên hay về ý nghĩa của tên mới cả. Ngài chỉ dịch tên a-ram mới “Kêpha” thành một tên hy-lạp mới tương đương là “Phêrô” (Petros) thôi. Ngài cũng chẳng nói gì đến tảng đá, và càng không nói đến Họi Thánh xây trên một tảng đá. Ngài cũng không có một suy tư gì về vai trò của Phêrô như người giữ cửa với quyền chìa khóa. Dù sao, đối với tác giả, tên mới này quan trọng, bởi vì ngài thường xuyên gắn nó vào tên Simôn (trừ hai lần chỉ có tên Simôn, tất nhiên: Ga 1,41.42, và vài lần chỉ có tên Phêrô: 1,44; 13,37; 18,11.16.17.18.26.27; 20,3.4; 21,7.17.20.21). Chúng ta sẽ có một dung mạo Simôn rõ ràng hơn khi đọc trọn TM IV.

+ Kết luận

Trong bài tường thuật này, có những yếu tố chính của một ơn gọi làm môn đệ: 1) gặp gỡ đích thân Đức Giêsu; 2) khám phá ra Đức Giêsu là một con người siêu phàm; 3) cuối cùng, thay đổi định mệnh. Cuộc đời mỗi người là một chuyến “đi tìm” Đức Giêsu, được Ngài dẫn dắt, rồi sau khi đã thực sự “tìm ra, tìm thấy” Ngài, thì đi giới thiệu cho người khác. Đấy là một chu kỳ giúp mọi người tin Đức Giêsu và được cứu độ.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Chúng ta nghĩ đến sự thẳng thắn và cương trực của Gioan Tẩy Giả. Ông đã làm chứng về Đức Giêsu, đã giới thiệu Ngài là Đấng Mêsia. Sau đó, ông đã chứng kiến các môn đệ rời bỏ ông mà đi theo Đức Giêsu: điều ông nói đang được thể hiện, “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (3,30). Báo trước những thất thế của mình đã là khó, nhưng vẫn còn dễ hơn là bình thản sống những thất thế đó khi chúng xảy đến. Gioan biết mình là ai và đã can đảm sống sứ mạng cho đến cùng.

2. Lời mời gọi và lời hứa của Đức Giêsu của Đức Giêsu hết sức quan trọng: “Hãy đến và các anh sẽ thấy!”. Tất cả mọi chuyện đều nhắm đến cuộc gặp gỡ sống động và riêng tư. Đức Giêsu không giao cho những kẻ đi theo Ngài một quyển sách chứa đựng các giáo thuyết và điều luật phải học và phải tuân giữ, nhưng Ngài kêu gọi họ đi vào một tương quan riêng tư với Ngài, đi vào hiệp thông với Ngài. Phần họ, họ không được giữ một khoảng cách an toàn với Ngài để mà chỉ việc quan sát, nhưng phải dấn thân vào, phải đi với Ngài, phải đưa bước trên nẻo đường Ngài đi.

3. Có những thành kiến nào có thể ngăn cản người ta nhận biết Đức Giêsu? Có điều gì đang ngăn cản tôi, về phương diện trí thức hoặc tình cảm, khiến tôi không nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa, ngang bằng với Thiên Chúa? Lâu nay tôi tự hào là mình đi theo Đức Giêsu, mình là môn đệ của Ngài, thật ra quan hệ của tôi với Ngài có thật sự sống động? Vì sao? Dường như tôi chưa thật sự “đến” với Ngài, nên cũng chưa thật sự “thấy” được điều Ngài muốn mạc khải cho?

4. Anrê không gặp Simôn Phêrô tình cờ, nhưng đã chủ ý đi tìm ông này, để đưa ông tham dự vào kinh nghiệm mới mẻ và lạ lùng của ông: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia”. Anrê không chỉ giới hạn vào việc làm chứng, ông còn dẫn Simôn đến gặp Đức Giêsu. Có vô số nẻo đường cụ thể đưa người ta đến với Đức Giêsu: tôi nghĩ đến những nẻo đường đã đưa tôi đến với Ngài. Trên các nẻo đường này, có lời chứng và gương sáng của những người khác góp vào. Nhưng chắc chắn phần quan trọng vẫn là kinh nghiệm thiết thân tôi có về Đức Giêsu. Hôm nay, phải chăng tôi là một Anrê đưa được người khác đến với Đức Giêsu, không phải chỉ bằng lời nói suông, mà bằng chính kinh nghiệm sống tôi đã và vẫn đang có?
 
''Ở lại với Chúa''
LM. Giuse Nguyễn Hữu An
15:55 14/01/2009

“Ở lại với Chúa”.



CN II NĂM B

Trên các chương trình tivi đều có mục quãng cáo. Sản phẩm quãng cáo thì cái gì cũng nhất, cái gì cũng đẹp cũng bền.Thông tin quãng cáo đã tác động mỗi ngày nhiều lần vào người xem tạo nên một ấn tượng mạnh.Từ đó trong tiềm thức, khách hàng sẽ tìm mua sản phẩm ấy.Quãng cáo là giới thiệu những gì là độc đáo nhất. Mục đích của giới thiệu là để biết nhau.Muốn giơí thiệu một người thì phải biết về người đó,tuỳ theo mối liên hệ giữa hai người mà mức độ biết nhau nhiều hay ít. Nếu không biết rõ về một người thì có thể giới thiệu sai về người ấy.

Trong Phúc Âm có đề cập đến việc giới thiệu.Có ba lời giới thiệu tiêu biểu. Chúa Cha giới thiệu Chúa Kitô: “Đây là con Ta yêu dấu,làm đẹp Ta mọi đàng”( Mt 4,17). Chúa Kitô giới thiệu Chúa Cha: ” Ai thầy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9) Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Kitô: “ Đây là Chiên Thiên Chúa.Đây Đấng xoá tội trần gian. . Người đến sau tôi nhưng quyền thế hơn tôi vì có trươc tôi …Ngài làm phép rửa trong Thánh Thần. ” ( x.Ga 1,29 –34). Trong khi toàn miền Giêrusalem và Giuđêa đang coi Gioan như thần tượng, thì chỉ vì để giới thiệu Chúa Kitô, Gioan đã từ giã sự nổi danh của mình và lặng lẽ rút lui. Chúa Kitô giới thiệu Chúa Cha bằng cách nói cho người nghe hãy nhìn vào chính Ngài.Gioan giới thiệu Chúa Kitô bằng cách nói cho người nghe đừng nhìn vào mình,nhưng nhìn thằng vào Chúa. Đây là cách giới thiệu chính xác nhất khi một người muốn giới thiệu cho người khác về Thiên Chúa.

Phúc Âm hôm nay kể câu chuyện: “Thấy Đức Kitô đi ngang qua, ông lên tiếng nói: đây là Chiên Thiên Chúa. Hai môn đệ nghe ông nói liền đi theo Đức Kitô” (Ga 1,36-37). Bấy giờ Gioan rất nổi tiếng. Những người Do thái ở Giêrusalem cử các Thầy Tư tế và Lêvi đến hỏi xem liệu ông có phải là Đức Kitô, là Êlia hoặc ngôn sứ không (Ga 1,19-23). Gioan trả lời trung thực: “Không! Tôi không phải là Đức Kitô” (Ga 1,20). Ông chỉ nhận mình là tiếng kêu trong hoang địa (1,23). Đức Kitô là Đấng đến sau ông, cao trọng hơn ông vì có trước ông (1,30). Đấng ấy được Thánh Thần xức dầu (1,33), và sẽ rửa mọi người trong Thánh Thần và lửa (1,33; Mt3,11). Đấng ấy cao trọng đến nỗi ông không đáng cởi dây giày cho Ngài (1,27). Nhiệm vụ của ông là làm cho mọi người và cả các môn đệ của ông hiểu đươc điều đó. Gioan mong ước khi có dịp sẽ giới thiệu cho các môn đệ về vị Thầy đích thực mà họ cần phải theo. Bởi thế, khi thấy Chúa Giêsu đi ngang qua, Gioan liền lên tiếng: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Hiểu ý thầy, hai môn đề liền đi theo Chúa Giêsu trong hân hoan. Thay vì nuối tiếc thì Gioan đã hạnh phúc hối dục họ lên đường. Nếu hai môn đệ không muốn theo Chúa mà cứ nấn ná ở lại với Gioan thì giáo dục tôn giáo của Gioan đã thất bại. Nếu hai môn sinh cứ đòi ở lại với Gioan là dấu chứng Gioan chỉ nói về mình, gây ảnh hưởng cho mình. Lên đường theo Chúa như một khám phá mới của hai môn sinh là kết quả thành công của Gioan trong sứ mạng làm người dọn đường cho Chúa.

Chúa Giêsu quay lại và hỏi: Các anh tìm gì thế? Hai môn đệ đã không đi “tìm gì” mà là tìm một Con Người. Họ đi tìm Đức Kitô. Họ mang nặng nổi khát khao đi tìm một trái tim, một vị thầy. “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?”. Câu hỏi ấy là câu hỏi muốn hiểu, muốn tìm đến và muốn ở lại với Thầy. Chúa Giêsu không trả lời là Ngài ở nơi này nơi kia cũng không mời họ đến thăm chơi. Chúa nói “hãy đến mà xem” rồi sẽ biết. “Đến mà xem” là lời mời gọi đi vào cuộc gặp gỡ thân thiết. Trăm nghe không bằng mắt thấy “cứ đến mà xem” cũng là câu nói Philipphê thuyết phục Nathanael (Ga 1,46).Thánh sử Gioan kết thúc câu chuyện các môn đệ đầu tiên của Đức Kitô bằng hình ảnh: “Họ đến xem chỗ Người ở và ở lại với Người” (1,39).

Chỗ ở của Chúa Giêsu có gì hấp dẫn mà giữ chân các ông ở lại? Đầy đủ tiện nghi và sung túc chăng? Chắc chắn là không rồi, vì Chúa đã từng nói:” Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20). Rày đây mai đó nên nơi Chúa ở là “khách sạn ngàn sao”, chẳng có gì hấp dẫn như biệt thự hay khách sạn mấy sao. Sự hấp dẫn các môn đệ chính là con người Chúa Giêsu. Chính cuộc sống và lời giảng dạy của Ngài đã hấp dẫn họ và họ nhận ra Ngài là Đấng Messia, Đấng Cứu Thế, vị Thầy mà họ đáng theo.

Đi tìm con người Đức Kitô là theo Ngài, thuộc về Ngài, ở với Ngài. Các môn đệ vui mừng hân hoan, họ muốn chia sẽ với người thân yêu nên khi trở về, Anrê gặp em là Simon, nói với em về Đấng mà mình đã gặp và dẫn em đến diện kiến Chúa. Simon được Chúa đổi tên thành Phêrô. Trên đá tảng Phêrô, Chúa xây Hội Thánh và cửa hoả ngục sẽ không thắng được. Một cuộc gặp gỡ. Một tình yêu có thể làm đảo lộn cả một cuộc đời. Khám phá ra tình yêu Thiên Chúa trong đời mình quả là một biến cố vô cùng quan trọng.Trong ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa, những ai đã gặp Người đều thay đổi dần cuộc đời mình.

Gioan Tẩy Giả là mẫu mực cho người tông đồ hôm nay. Giới thiệu Chúa còn mình thì lặng lẽ rút lui để Chúa lớn lên. Bổn phận giới thiệu Chúa cho người khác là một ân sủng được trao ban. Thiên Chúa là tình yêu. Vậy lời giới thiệu trung thực nhất phải là lời ca ngợi về một Thiên Chúa tình thương.Để nói về tình thương, chúng ta phải có kinh nghiệm về tình thương.Cách chuyển thông chính xác nhất tình thương của Thiên Chúa là bản thân mỗi người yêu tha nhân với tấm lòng chân thành của mình.

Lời giới thiệu của Gioan Tẩy giả về Chúa Kitô rất ngắn. Điều đó nhắn nhủ rằng: Để giới thiệu về Chúa, chưa chắc đã cần nói nhiều.Vì nói nhiều chưa chắc đã là nói hay. Nói hay mà không đúng thì chỉ làm người nghe lạc lối. Để giới thiệu về Chúa cần nói đúng và sống điều mình rao giảng.Dung mạo đúng nhất của Thiên Chúa là tình yêu thương “ Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nổi ban Con Một của Ngài” (Ga 3,16) và tình yêu thương ấy là “ Không có tình yêu nào cao cả hơn tình thương của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Để giới thiệu Chúa, tôi phải biết Chúa. Bài học đầu tiên của các môn đệ là “ở lại với Chúa”. Chỉ khi sống với Chúa mới biết Chúa. Vì thế, để giới thiệu về Chúa, phải biết Chúa. Để biết Chúa, chỉ có con đường duy nhất là sống với Chúa. Sống với Chúa chính là chuyên chăm học hỏi, suy niệm Lời Chúa và chiêm nghiệm trước Thánh Thể mỗi ngày để trở nên người giới thiệu Chúa cách trung thực và chính xác cho người khác.

Lạy Chúa, xin cho con nhìn thấy sự từ bỏ của Gioan và hai môn đệ mà xét lại bản thân. Con đang giới thiệu Chúa hay dùng Chúa để mình được lợi. Con đang theo Chúa hay chỉ theo người của Chúa. Xin cho con luôn chọn Chúa qua những chọn lựa nhỏ bé nhiều lần trong ngày để Chúa chiếm trọn cuộc sống con và để con thông hiệp vào cuộc sống Chúa. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cuộc Họp Mặt Quốc Tế Các Gia Đình
Vũ Văn An
00:06 14/01/2009
Cuộc Họp Mặt Quốc Tế Các Gia Đình

Các đại biểu năm châu đang lên đường về Mexico City để tham dự cuộc Họp Mặt Quốc Tế Các Gia Đình sẽ kéo dài từ ngày 14 tới ngày 18 tháng 1 năm 2009.

Tham dự sinh động

Ngày 11 vừa qua, trước khi đọc kinh Truyền Tin với khách hành hương tại quảng trường Nhà Thờ Thánh Phêrô ở Vatican, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đoan hứa với mọi người là Ngài sẽ “tham dự một cách sinh động” vào Cuộc Họp Mặt Quốc Tế Lần Thứ Sáu của các gia đình tại Thành Phố trên. Ngài giải thích: “Cuộc họp mặt vĩ đại do Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình tổ chức sẽ diễn tiến trong ba phần: Đầu tiên là hội nghị thần học và mục vụ, trong đó sẽ có các chủ đề để thảo luận cũng như các kinh nghiệm có ý nghĩa để chia sẻ. Sau đó là phần cử hành và chứng tá nhằm đưa ra ánh sáng vẻ đẹp của cuộc Họp Mặt từ khắp nơi trên thế giới, vốn liên kết với nhau trong cùng một đức tin và cam kết. Sau cùng là cử hành long trọng Thánh Lễ để cảm tạ Chúa đã ban cho ta hồng ân hôn nhân, gia đình và sự sống”.

Đức Thánh Cha nói thêm: “Tôi đã yêu cầu Đức Hồng Y Tarcisio Bertone đại diện tôi. Tuy thế, tôi cũng sẽ theo dõi biến cố phi thường này một cách sống động, kèm với lời cầu nguyện và nói truyện qua truyền hình”.

Đức Thánh Cha yêu cầu mọi người xin Chúa ban dư đầy hồng ân xuống cho cuộc Họp Mặt Quốc Tế quan trọng này về Gia Đình.

Mời gọi tin trong yêu thương

Cùng ngày, phát ngôn viên Tòa Thánh là Cha Federico Lombardi, dòng Tên, giám đốc Phòng Báo Chí Vatican, cho hay: tại Mexico City trong tuần này, những người đang sống quà phúc hy vọng và vui tươi trong gia đình sẽ cùng nhau làm chứng cho quà phúc ấy và mời gọi người khác tin trong yêu thương.

Cha Lombardi hy vọng cuộc Họp Mặt với chủ đề “Gia Đình trong Tư Cách Nhà Giáo Dục Các Giá Trị Nhân Bản và Kitô Giáo” sẽ lôi cuốn một triệu người. Mục tiêu của nó là để chứng tỏ cho thế giới thấy “cái đẹp của gia đình”. Cha nói thêm: “Ai cũng biết gia đình đang gặp nhiều khó khăn trong thời đại ta, một não trạng phổ biến đang phá hoại sự ổn định của nó. Não trạng này bác bỏ giá trị của việc cam kết lâu dài và không nhìn nhận sự kết hợp đầy hoa trái giữa một người đàn ông và một người đàn bà, vốn là đặc tính ưu việt của đơn vị căn bản nhất của xã hội con người”. Ngài cho rằng: “Ai cũng biết Giáo Hội Công Giáo luôn kiên quyết bênh vực gia đình và không bao giờ từ khước lên tiếng can thiệp nhân danh gia đình, dù có vì thế mà bị mang tiếng là cố chấp và do đó mất cảm tình của nhiều người”.

Tuy nhiên, Cha Lombardi nhấn mạnh tới sứ điệp hy vọng và vui tươi mà các gia đình họp nhau tại Mexico City sẽ gửi tới toàn thế giới. Cha nhận định: “Có lẽ không phải ai cũng hiểu rằng với cam kết trên, Giáo Hội không chỉ tìm kiếm lợi ích riêng của mình. Trái lại, Giáo Hội mưu cầu thiện ích của mọi người đàn ông và đàn bà bây giờ và mai sau. Giáo Hội muốn bảo vệ cho họ một nơi chốn căn bản đem lại yêu thương và niềm vui ở đời. Con cái thiếu cha mẹ hợp nhất thường không hạnh phúc, hay ít nhất cũng gặp nhiều nan đề. Nhiều người đang cô đơn hay chia rẽ ít khi thấy mình hạnh phúc. Ngược lại, một gia đình kết hợp trong yêu thương không những là nơi hân hoan cho các thành viên, mà còn có khả năng chào đón, một nơi yêu thương và một nguồn suối hân hoan cho những người kém may mắn khác, một nơi tự nhiên để lưu truyền sự sống và phương cách sống tốt sự sống ấy”.

Cha kết luận: Gia đình Kitô Giáo “khắp nơi trên thế giới sẽ gặp nhau tại Mexico City không phải để ra vạ tuyệt thông, nhưng để mang đến cho mọi người một sứ điệp hy vọng và vui tươi. Quả là tươi đẹp khi các gia đình đưa ra được sứ điệp ấy. Mà sứ điệp ấy là điều có thể thự chiện được. Những người đang sống hồng ân này muốn làm chứng cho sứ điệp ấy. Họ mời gọi mọi người tiếp tục tin trong yêu thương”.

Ơn Đại Xá

Các tham dự viên Cuộc Họp Mặt Quốc Tế Các Gia Đình Lần Thứ Sáu và những ai liên kết với họ trong cầu nguyện đều có cơ hội lãnh nhận ơn toàn xá. Việc này được quy định trong một sắc lệnh do Toà Xá Giải của Tòa Thánh công bố hôm Thứ Bẩy vừa qua. Tài liệu do Đức Hồng Y Francis Stafford ký, cho hay: “ Gia đình do Chúa thiết lập” nên “nó phải thực thi nhiệm vụ cao cả trong việc giáo dục các thế hệ mới biết các thiện ích tự nhiên và và siêu n hiên, và nhờ thế nâng đỡ và giúp đỡ việc đào luyện nhân cách cho phù hợp với các giá trị, để chúng có khả năng tự lên khuôn cuộc sống của chúng theo gương Chúa Kitô”

Sắc lệnh cũng bày tỏ niềm hy vọng rằng cuộc họp mặt này “sẽ gia tăng sức mạnh nơi các gia đình Kitô giáo để họ truyền đạt một cách thánh thiện các nguyên tắc lương tâm ngay chính, những nguyên tắc sẽ được ơn thánh Chúa chăm bón”.

Tâm sự của tác giả bài ca Đại Hội

José Cantoral vừa viết lời vừa viết nhạc cho bài thánh ca của Cuộc Họp Mặt Quốc Tế Các Gia Đình Lần Thứ Sáu tại Mexico City. Ông cho rằng gợi hứng quan trọng nhất giúp ông hoàn thành bài ca trên chính là kinh nghiệm ông lãnh hội được từ chính gia đình ông.

Ông tâm sự: “Cha mẹ và anh chị em tôi là yếu tố nền tảng đào tạo tôi nên người và giúp tôi lớn mạnh như một hữu thể nhân bản. Tôi xác tín rằng mối liên kết mạnh mẽ nhất của nhân loại nằm trong thực tại thân mật và đơn giản nhất trên đời: đó là gia đình. Chính tại đó, những người đàn ông và đàn bà tốt đã được rèn luyện bằng các nguyên tắc yêu thương, kính trọng và lao động, được vun trồng trong ta từ lúc tấm bé”.

Chủ đề bài ca là “Ca Khúc Gia Đình” (Canto a la Familia) phản ảnh các vai trò của từng thành viên trong gia đình. Về vai trò người mẹ, tác giả ngâm ngợi: “Ở đây, tôi cảm nghiệm hơi ấm của tình yêu đầu, [của người phụ nữ] hiến dâng mọi sự, và một cách đầy hy vọng, đã tạo thân tôi trong thân xác ngài”. Về người cha, ông viết: “Ở đây, tôi nghe giọng nói anh hùng dạy tôi phấn đấu và nhận biết Thiên Chúa, bình đẳng đối xử với mọi người, không hề cảm thấy tự ti hay tự tôn, một người luôn biết dạy bằng gương sáng”.

Đối với Cantoral, “Các giá trị ấy chính là các giá trị duy trì sự quân bằng xã hội cho thế giới, một quân bằng mỗi ngày mỗi trở nên khó khăn hơn. Phải chi cơm bánh, các giá trị và tình yêu Thiên Chúa không bao giờ thiếu nơi bàn ăn tối, thì nhân loại đã có một lối sống khác hẳn, một lối sống không bạo lực, bất công và rất nhiều các vấn nạn xã hội”.

Gia đình, giải pháp cho khủng hoảng

Trước khi lên đường tham dự Cuộc Họp Mặt Quốc Tế Các Gia Đình Lần Thứ Sáu tại Mexico City, đặc sứ của Đức Giáo Hoàng là Đức Hồng Y Tarcisio Bertone cho hay Cuộc Họp Mặt này là một cương lĩnh nhằm trình bày gia đình hạch nhân như một giải pháp cho cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay.

Lên tiếng với một nhóm nhà báo, Đức Hồng Y đề cập tới nhu cầu phải nhìn nhận các quyền của gia đình. Ngài nói: “Tình huống kinh tế của thế giới hiện đang hết sức trầm trọng và đang ảnh hưởng lên các gia đình trước nhất, cũng như những người nghèo khó hơn cả. Giáo Hội rất lo lắng và Đức Thánh Cha đã đưa ra nhiều sứ điệp khác nhau. Căn cứ vào chủ đề Giáng Sinh, Ngài từng đề cập đến cam kết phải chừng mực (sobriety) và liên đới, các đức tính có liên quan đến mọi người, sao cho đừng trút bỏ và ủy thác trách nhiệm đương đầu với cuộc khủng hoảng này lên đầu các nhà lãnh đạo chính trị, kinh tế hay tài chánh, hay chủ tịch các ngân hàng trung ương mà thôi. Nó tác động lên mọi người và đụng chạm tới bản thân mọi người, đặc biệt trong lãnh vực chừng mực và liên đới”.

Đức Hồng Y loan báo rằng các vấn đề xã hội như trên sẽ là chủ đề cho thông điệp sắp tới của Đức Bênêđíctô XVI, mà ngài cho hay đang ở giai đoạn soạn thảo cuối cùng và chắc chắn sẽ được công bố vào nửa đầu năm nay.

Hiểu biết các quyền gia đình

Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh tiếp tục nhận xét rằng: “Thời ta, đang có sự bẻ cong thiên về các quyền cá nhân, coi chúng như các quyền tuyệt đối, mà không xem sét chi tới cái nền của chúng tức bản chất người đàn ông và người đàn bà… Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từng có dự án viết một thông điệp về luật tự nhiên làm cương lĩnh, mẫu số chung để đối thoại với mọi nền văn hóa, đem lại cái nền nhân học vững chắc cho các quyền lợi mà không làm lu mờ các bổn phận.

Nhờ thế, nhiệm vụ tương ứng với quyền lợi. Sau khi cử hành kỷ niệm năm thứ 60 ngày công bố Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, ta cần nghĩ tới Một Hiến Chương Về Các Nhiệm Vụ Của Đàn Ông Và Đàn Bà cũng như của các định chế: các định chế tôn giáo và các định chế công”.

Đức Hồng Y Bertone nhắc tới vị giáo chủ mới qua đời là Đức Hồng Y Alfonso López Trujillo, nguyên Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình, người đã “làm việc cực nhọc để soạn ra bản Hiến Chương Về Các Quyền Của Gia Đình” trên bình diện kinh tế xã hội… Ngày nay, các quyền dân sự, chỉ có tính cá nhân, được người ta nhấn mạnh rất nhiều, còn các quyền của gia đình, như tế bào căn bản, sống động của xã hội và như tế bào trung gian giữa cá nhân và nhà nước, thì không được nhìn nhận”

Theo Đức Hồng Y, não trạng trên giải thích tại sao ngay trong các nước đa số là Công Giáo, người ta đã chấp thuận các đạo luật “trái ngược hẳn với điều đầu hết ta gọi là ‘luật tự nhiên’ và do đó, đi ngược lại các quyền của gia đình vốn là sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà”.

Theo Đức Hồng Y, vì lý do trên, Giáo Hội, đặc biệt là Cuộc Họp Mặt Quốc Tế Các Gia Đình Lần Thứ Sáu nên “tạo ý thức cả nơi các chính trị gia: chính trị gia Công Giáo lẫn không Công Giáo”.

Giúp đỡ di dân

Nhân đề cập tới cuộc khủng hoảng hiện nay, cả về tài chánh lẫn các gia đình, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cũng nhắc tới tình thế khó khăn của các di dân, đặc biệt là ở lục địa Mỹ Châu.

Ngài ghi nhận sự hợp tác giữa Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Mễ Tây Cơ, Cuba và nhiều quốc gia khác với Tòa Thánh, trong cố gắng “gây ảnh hưởng với các quốc gia liên hệ, các thẩm quyền chính trị, để đối phó một cách tích cực hơn vấn đề di dân”.

Đức Hồng Y dự tính tới Mễ Tây Cơ ngày 11 tháng 1. Trong thời gian ở đấy, ngài sẽ được Tổng Thống Mễ Tây Cơ, Ông Felipe Calderón, tiếp kiến tại dinh tổng thống, Los Pinos. Ngài sẽ bế mạc Hội Nghị Thần Học vào ngày Thứ Sáu trong khuôn khổ Cuộc Họp Mặt Các Gia Đình với cuộc bàn luận cuối cùng về đề tài “Gia Đình, Công Lý và Hòa Bình”.

Vào tối Thứ Bẩy, Ngài sẽ chủ tọa buổi lễ hội kiêm chứng tá tại đại giảng đường Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Guadalupe. Sáng hôm sau, Chúa Nhật, ngài sẽ chủ tọa lễ Bế Mạc Cuộc Họp Mặt, cũng sẽ được tổ chức tại Vương Cung Thánh Đường nói trên. Tại Rôma, Đức Thánh Cha sẽ theo dõi buổi lễ qua truyền hình.
 
Giáo lý chuẩn bị cho cuộc Hội Ngộ các Gia đình Thế giới lần VI
Giuse Đặng Văn Kiếm
04:24 14/01/2009
HỘI ĐỒNG TÒA THÁNH VỀ GIA ĐÌNH
GIÁO LÝ CHUẨN BỊ CHO CUỘC HỘI NGỘ CÁC GIA ĐÌNH THẾ GIỚI LẦN THỨ VI
(Mexico, D.F., 13-18 / 01/ 2009)

Gia đình là thầy dạy về các giá trị nhân bản và Kitô

CÁC ĐỀ TÀI

1. Gia đình, nhà giáo dục đức tin đầu tiên
2. Gia đình, nhà giáo dục sự thật về con người: hôn nhân và gia đình
3. Gia đình, nhà giáo dục phẩm giá và kính trọng nhân vị
4. Gia đình, người thông truyền các đức tính và giá trị con người
5. Gia đình, mở ngỏ hướng đến Thiên Chúa và anh em đồng loại
6. Gia đình, nhà đào luyện lương tâm chuẩn mực
7. Gia đình, kinh nghiệm đầu tiên về Hội thánh
8. Những người cộng tác với Gia đình: giáo xứ và nhà trường
9. Gia đình và mẫu gương thánh gia Nadarét
10. Gia đình, đối tượng và là tác nhân của công cuộc Phúc âm hóa mới

CẤU TRÚC CỦA MỖI BUỔI HỘI

1. Bài hát khai mạc
2. Kinh Lạy Cha
3. Công bố Lời Chúa
4. Giáo huấn của Hội thánh
5. Chia sẻ suy tư của người giảng thuyết
6. Trao đổi
7. Những cam kết
8. Cầu nguyện Cộng đoàn
9. Cầu nguyện cho Gia đình
10. Bài hát kết thúc

Đề tài 1: Gia đình, nhà Giáo dục đức tin đầu tiên

1. Bài hát khai mạc
2. Kinh Lạy Cha
3. Lời Chúa: Cv 16, 22-34
4. Đọc Giáo huấn của Hội thánh

1. Thiên Chúa muốn mọi người được biết và đón nhận chương trình cứu độ của Ngài đã được mạc khải và thực hiện trong Đức Kitô (1Tm 1, 15-16). Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta bằng nhiều cách (Dt 1, 1; toàn bộ Cựu ước). Khi thời gian đến hồi viên mãn (Gl 4, 4) Ngài nói cách trọn vẹn và dứt khoát trong và nhờ Đức Kitô (Dt 1, 2-4): Chúa Cha không truyền ban Lời nào khác cho chúng ta, vì Ngài đã ban cho ta một Lời duy nhất trong Đức Kitô (Ga 1, 1tt).

2. Hội thánh đã đón nhận lệnh truyền ra đi loan báo cho hết mọi người tin mừng trọng đại: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Các Tông đồ đã hiểu mệnh lệnh truyền giáo theo cách đó và thực hiện mệnh lệnh đó từ ngày Lễ Ngũ Tuần bằng cách loan báo khắp thành Giêrusalem việc Đức Kitô chết và phục sinh (Cv 1-5) và mọi miền được biết đến trên toàn thế giới lúc bấy giờ (sách Công vụ và các thư Tân ước).

3. Gia đình Kitô hữu, tức Hội thánh tại gia, tham dự vào sứ mạng này. Hơn nữa, người đón nhận đầu tiên và chính yếu lời loan báo truyền giáo này của gia đình là chính con cái của họ và những người thân thuộc khác, như được chứng thực trong các Thư Muc vụ của thánh Phaolô và những thực hành về sau. Trong chiều hướng đó, những đôi vợ chồng thánh và những cha mẹ Kitô hữu mọi thời đại đã sống lệnh truyền ấy (chẳng hạn như cha của thánh Têrêsa Giêsu, cha của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu; và còn nhiều cha mẹ khác thời nay). Được soi dẫn bởi kinh nghiệm hồng phúc của Giáo hội trong các xã hội Kitô giáo châu Âu (khi gia đình thực hiện sứ mạng giáo dục này đối với con cái) và bởi những phản hồi hết sức tiêu cực từ cuộc sống hôm nay (do bỏ bê hay xem thường sứ mạng này), ta thấy rằng gia đình phải lấy lại vai trò thầy dạy đầu tiên của mình về đức tin trong các nước này – là những quốc gia thực ra không còn tính chất Kitô giáo gì nữa - ở đó đức tin đang được hồi phục và Hội thánh đang được cấy trồng. Việc tông đồ chính yếu và quan trọng nhất mà cha mẹ phải làm là ở trong chính gia đình mình, bởi lẽ nếu đang khi nỗ lực tìm cách phúc âm hóa người khác mà lại thiếu quan tâm phúc âm hóa chính những người thân yêu của mình thì đó lại là một gương mù và là phản chứng tá nghiêm trọng. Cha mẹ truyền thông đức tin cho con cái của mình bằng chứng tá của lời nói và đời sống Kitô hữu của mình.

4. Điểm cốt yếu của giáo dục đức tin là lời loan báo vui mừng đầy sức sống về Đức Kitô chết và phục sinh vì tội lỗi chúng ta. Những sự thật khác trong bản Tuyên Tín của các Tông đồ, các bí tích và Mười điều răn đều gắn kết mật thiết với điểm này. Các đức tính thuộc về nhân bản và Kitô giáo là một thành phần của giáo dục đức tin toàn diện. (Hành trang cơ bản này ngày nay hầu như không thể được đáp ứng, cả ở những đất nước được gọi là “Kitô giáo” và trong những trường hợp khi cha mẹ xin cho con cái mình lãnh nhận những bí tích khai tâm ta thấy họ chẳng biết gì mà cũng chẳng sống bao nhiêu về đức tin tôn giáo).

5. Chia sẻ suy tư của người giảng thuyết
6. Trao đổi
7. Cam kết
8. Cầu nguyện cộng đoàn
9. Cầu nguyện cho gia đình
10. Bài hát kết thúc

Đề tài 2: Gia đình, nhà giáo dục sự thật về con người: hôn nhân và gia đình

1. Bài hát khai mạc
2. Kinh Lạy Cha
3. Lời Chúa: St 1, 26-38
4. Đọc Giáo huấn của Hội thánh

1. Vấn đề quan trọng nhất mà gia đình Kitô hữu ngày nay phải đối diện trong công cuộc giáo dục con cái mình không phải là vấn đề tôn giáo mà chủ yếu là vấn đề về con người: chủ nghĩa tương đối cực đoan về đạo đức-triết học. Đối với những người theo chủ nghĩa này, không có chân lý khách quan về con người, và do đó không có chân lý về hôn nhân và gia đình. Nền tảng của sự khác biệt giới tính mà sinh học biểu lộ nơi người nam và người nữ không đặt trên tự nhiên nhưng được xem như chỉ là một sản phẩm của văn hóa mà mỗi người có thể thay đổi tùy theo quan niệm của mình. Như thế, họ chối bỏ và phá hủy chính định chế hôn nhân và gia đình.

2. Chủ nghĩa tương đối cũng khẳng định không có Thiên Chúa, cũng như người ta không thể biết được Thiên Chúa (thuyết vô thần, thuyết bất khả tri), và không hề có những giá trị và những chuẩn mực đạo đức trường tồn. Sự thật chỉ có từ ý kiến chung đa số.

3. Đứng trước tình hình thực tế rất quyết liệt và có sức tác động rộng lớn đó gia đình ngày nay có một nhiệm vụ không thể tránh né được đó là phải thông truyền cho con cái mình sự thật về con người. Như trong các thế kỉ đầu, ngày nay điều quan trọng nhất là làm sao hiểu biết trang đầu của sách Sáng thế: có một Thiên Chúa ngôi vị và thiện hảo đã tạo dựng con người, có nam có nữ, cùng một phẩm giá nhưng khác biệt và để bổ túc cho nhau, và trao cho họ nhiệm vụ sinh con cái nhờ một sự kết hợp bất khả phân ly hai người nên “một xương một thịt” (hôn nhân). Các bản văn trình thuật tạo dựng con người đó cho thấy rằng đôi vợ chồng hình thành bởi một người nam và một người nữ, theo ý định của Thiên Chúa, là sự diễn tả đầu tiên của sự hiệp thông các ngôi vị, qua đó Evà là tha nhân kẻ được dựng nên để bổ túc cho Ađam (x. St 2,18), và Ađam cùng với nàng tạo nên “một xương một thịt” (x. St 2,24). Đồng thời cả hai có sứ mạng truyền sinh, sứ mạng làm cho họ nên người cộng tác với Đấng Tạo Dựng (x. St 1,28).

4. Sự thật về con người và hôn nhân này lý trí ngay thẳng của con người cũng đã nhận biết được. Quả thật, mọi nền văn hóa đều nhìn nhận nơi tập quán và luật lệ mình rằng hôn nhân tạo nên bởi một người nam và một người nữ dẫu có đôi khi nơi này nơi kia chấp nhận tục đa thê hay đa phu. Sự kết hợp những người cùng giới vốn luôn được xem là xa lạ với hôn nhân.

5. Thánh Phaolô mô tả tất cả những điều này rất quyết liệt trong thư gửi tín hữu Rôma, ngài nói đến hoàn cảnh của những người ngoại đạo thời bấy giờ và tình trạng vô luân con người đang sống vì họ đã không nhận biết Thiên Chúa bằng hành động trong cuộc sống, vị Thiên Chúa mà họ đã biết bằng lý trí (x.Rm 1,18-32). Trang Tân ước này các gia đình ngày nay cần học hỏi kĩ lưỡng để họ không xây dựng nền giáo dục của mình trên nền cát lún. Con người mà không biết Thiên Chúa thì cũng u tối về sự thật về con người.

6. Các thánh Giáo phụ để lại một học thuyết rất phong phú về vấn đề và là mẫu mực tốt về cách thức tiến hành. Các ngài đã phải giải thích cặn kẽ sự hiện hữu của một Thiên Chúa Tạo Hóa và Quan Phòng – Đấng đã tạo thành trời đất muôn vật, con người, và hôn nhân như những thực tại tốt đẹp – và đã đấu tranh với những vô luân của thế giới ngoại giáo, vốn tác động trên thực tại hôn nhân và gia đình

5. Chia sẻ suy tư của người giảng thuyết
6. Trao đổi
7. Cam kết
8. Cầu nguyện cộng đoàn
9. Cầu nguyện cho gia đình
10. Bài hát kết thúc

Đề tài 3: Gia đình, nhà nhà giáo dục phẩm giá và kính trọng nhân vị

1. Bài hát khai mạc
2. Kinh Lạy Cha
3. Lời Chúa: Ga 9, 1-11
4. Đọc Giáo huấn của Hội thánh

1. Hội thánh nhìn thấy nơi con người, nơi từng người, hình ảnh sống động của chính Thiên Chúa; một hình ảnh mà chúng ta được mời gọi khám phá mỗi ngày một sâu sắc hơn và chỉ thấy được sự viên mãn của hình ảnh ấy trong mầu nhiệm Đức Kitô. Đức Kitô mạc khải Thiên Chúa cho chúng ta trong sự thật của Người; nhưng đồng thời cũng bày tỏ con người cho chính con người. Con người này đã đón nhận từ Thiên Chúa một phẩm giá khôn sánh và bất khả nhượng, vì nó đã được tạo dựng theo hình ảnh và họa ảnh của Ngài và được nhận làm con Thiên Chúa. Đức Kitô bởi Nhập thể, một cách nào đó, đã kết hợp làm một với con người.
2. Vì đã được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, con người mang phẩm giá của một ngôi vị: con người không chỉ là một cái gì nhưng là một ai đó. Con người có khả năng nhận biết chính mình, trao hiến chính mình trong sự tự do, và đi vào hiệp thông với những ngôi vị khác. Mối tương quan có thể không được biết đến, không được nhớ đến hay bị chối từ nhưng hoàn toàn không bao giờ có thể bị tước bỏ, bởi lẽ con người là một hữu thể có ngôi vị được Thiên Chúa dựng nên để tương quan và sống với Ngài.

3. Người nam và người nữ có cùng một phẩm giá như nhau vì cả hai đều là hình ảnh của Thiên Chúa, và hơn nữa còn vì họ cũng thực hiện chính mình một cách sâu sắc bằng cách gặp gỡ nhau như là những nhân vị qua việc họ thành tâm tự hiến cho nhau. Người nữ bổ túc cho người nam và người nam bổ túc cho người nữ. Nam và nữ bổ túc cho nhau, không chỉ về mặt thể lý và tâm lý, nhưng cả trên bình diện hữu thể học, bởi lẽ chính nhờ cái lưỡng tính “nam” và “nữ” đó mà “nhân tính” (nghĩa là tinh chất riêng của con người làm cho ta khác với muôn loài khác, ND.) được thể hiện trọn vẹn. Chính cái “đơn vị gồm hai” người nam và nữ (unity of two) đó giúp mỗi người kinh nghiệm sự tương quan liên vị và liên đới với nhau. Hơn nữa, Thiên Chúa chỉ phó giao nhiệm vụ truyền sinh và sự sống con người cho “đơn vị hai” người này.

4. Toàn thể tạo thành được dựng nên vì con người. Ngược lại, con người được tạo dựng và yêu thương vì chính mình. Con người hiện hữu như một hữu thể độc nhất vô nhị. Con người có trí tuệ và có ý thức, có khả năng suy tư phản tỉnh, và do đó, nó có ý thức về bản thân mình và về hành động của mình.

5. Phẩm giá của nhân vị - của từng con người – không phụ thuộc vào bất kỳ một đòi hỏi nhân loại nào nhưng chỉ do chính hữu thể của mình được tạo dựng theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa. Bởi thế không ai có thể ngược đãi nhân phẩm mà không xúc phạm nghiêm trọng đến trật tự Đấng Tạo Dựng đã muốn. Tương tự như thế, một xã hội ngay chính chỉ có thể hoàn thiện khi tôn trọng phẩm giá trổi vượt của con người.

6. Những người khuyết tật, dù khuyết tật đau đớn trên thân xác hay tâm thần, vẫn là những chủ thể con người đầy đủ, với những quyền và nghĩa vụ mà không ai được quyền xâm phạm tới hay kì thị.

7. Những thai nhi chưa sinh ra cũng là con người ngay từ lúc tượng thai; sự sống của chúng cũng không thể bị hủy hoại do nạn phá thai hay thí nghiệm khoa học. Hủy hoại sự sống thai nhi, những con người hoàn toàn vô tội, là hành động xúc phạm cao nhất và có trách nhiệm nghiêm trọng nhất trước mặt Thiên Chúa.

5. Chia sẻ suy tư của người giảng thuyết
6. Trao đổi
7. Cam kết
8. Cầu nguyện cộng đoàn
9. Cầu nguyện cho gia đình
10. Bài hát kết thúc

Đề tài 4: Gia đình, người thông truyền các đức tính và giá trị con người

1. Bài hát khai mạc
2. Kinh Lạy Cha
3. Lời Chúa: Ga 1, 43-51
4. Đọc Giáo huấn của Hội thánh

1/. Gia đình, khai sinh từ sự hiệp thông trong đời sống thân mật và tình yêu vợ chồng vốn được đặt nền tảng trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, là nơi khởi đầu cho các quan hệ liên vị; gia đình là nền tảng của đời sống con người và là nguyên mẫu của mọi tổ chức xã hội. Chiếc nôi sự sống và tình yêu này là nơi xứng hợp cho con người sinh ra và lớn lên, đón nhận những khái niệm đầu tiên về sự thật và sự thiện, nơi con người học yêu và được yêu, và học biết nhân vị nghĩa là gì. Gia đình là cộng đồng tự nhiên trong đó người ta có được những kinh nghiệm đầu tiên và thực hành đầu tiên về xã hội loài người, bởi lẽ đó không chỉ là nơi con người khám phá tương quan liên vị giữa cái “tôi” và “bạn” mà còn mở đường ra cho cái “chúng ta” nữa. Người nam và người nữ hiến thân cho nhau trong hôn nhân tạo nên một môi sinh cho đứa bé có thể phát triển những tiềm năng của nó, ý thức phẩm giá của nó, giúp nó chuẩn bị để sẵn sàng đối diện với định mệnh của nó, một định mệnh độc nhất vô nhị. Trong môi sinh đầy ắp tình cảm tự nhiên đó liên kết các thành viên gia đình lại với nhau, mỗi con người với sự độc đáo của mình phải được nhìn nhận và nhận lấy trách nhiệm.

2/. Gia đình giáo dục con người trong mọi chiều kích để phẩm giá con người nên trọn vẹn. Gia đình là môi trường thích hợp nhất để giáo dục và thông truyền các giá trị văn hóa, đạo đức, xã hội, tâm linh và tôn giáo vốn thiết yếu cho sự phát triển và phúc lợi cho cả các thành viên của gia đình lẫn cho xã hội. Thật vậy, gia đình là mái trường đầu tiên dạy các đức tính xã hội mà mọi dân tộc đều cần đến. Gia đình giúp con người phát triển một số giá trị nền tảng thiết yếu cho việc hình thành nên những công dân tự do, ngay thẳng và có trách nhiệm, chẳng hạn như sự thật, công bằng, tình liên đới, giúp đỡ người yếu, yêu thương tha nhân và chính mình, lòng khoan dung nhân hậu, v.v…

3/. Gia đình là môi trường tốt nhất để xây dựng cộng đoàn và những mối tương quan huynh đệ trước những xu hướng cá nhân chủ nghĩa hiện nay. Thật vậy, tình yêu, vốn là linh hồn của gia đình trong tất cả mọi chiều kích của nó, chỉ có thể hiện hữu nếu người ta thành tâm biết tự hiến cho người khác. Yêu thương nghĩa là trao ban và nhận lãnh những gì người ta không thể mua hoặc bán mà chỉ có thể diễn tả cách tự do cho nhau. Bởi yêu thương, mỗi thành viên của gia đình được nhìn nhận, đón nhận và quí trọng với phẩm giá của họ. Tình yêu thương làm nảy sinh những mối quan hệ sống cho đi cách vô vị lợi và xuất hiện những quan hệ vô tư và sâu đậm bền vững. Như kinh nghiệm cho thấy, gia đình xây dựng theo từng ngày một mạng lưới những quan hệ liên vị và chuẩn bị cho ta sống trong xã hội với một bầu khí tương kính, công bằng và đối thoại thực sự.

4/. Gia đình Kitô hữu cho con cái mình thấy rằng ông bà và những người già không phải là những người vô dụng vì họ không còn làm ra được cái gì, họ cũng không phải là một gánh nặng vì họ cần đến sự chăm sóc vô tư và thường xuyên của con cái hoặc cháu chắt. Vì gia đình dạy cho những thế hệ sau này rằng ngoài những giá trị kinh tế và hoạt động hiệu quả còn có những di sản khác mang tính nhân văn, văn hóa, đạo đức và xã hội hẳn vượt trổi hơn những giá trị kia.

5/. Gia đình cũng giúp khám phá ra giá trị mang tính xã hội của những thiện hảo mà nó có. Một bàn ăn nơi đó chúng ta cùng chia sẻ những thức ăn phù hợp với sức khỏe và với lứa tuổi của mọi thành viên chẳng hạn, đó là một ví dụ, đơn giản nhưng rất hiệu quả để cho thấy ý nghĩa xã hội của những thiện hảo được tạo thành. Trẻ cần được hấp thu dần dần những tiêu chuẩn và thái độ sống, là những điều sẽ giúp nó trong tương lai trong một gia đình khác rộng lớn hơn, tức là xã hội.

5. Chia sẻ suy tư của người giảng thuyết
6. Trao đổi
7. Cam kết
8. Cầu nguyện cộng đoàn
9. Cầu nguyện cho gia đình
10. Bài hát kết thúc

Đề tài 5: Gia đình, mở ngỏ hướng đến Thiên Chúa và anh em đồng loại

1. Bài hát khai mạc
2. Kinh Lạy Cha
3. Lời Chúa: Ep 5, 25-33
4. Đọc Giáo huấn của Hội thánh

1/. Con người được dựng nên theo hình ảnh giống Thiên Chúa để sống và chung sống với Ngài. Thái độ vô thần, bất khả tri, hay dửng dưng với tôn giáo không phải là những hoàn cảnh tự nhiên đối với con người và chúng không thể là những tình trạng cuối cùng cho một xã hội. Con người trong bản chất của mình liên kết với Thiên Chúa giống như một ngôi nhà gắn bó với người kiến trúc sư đã xây dựng nên ngôi nhà đó. Những hậu quả đau đớn do tội lỗi chúng ta gây ra có thể làm mờ tối đi viễn tượng này, nhưng sớm hay muộn chúng ta cũng sẽ khát mong ngôi nhà và tình yêu của Cha trên Trời. Chúng ta giống như tình trạng đứa con hoang đàng trong dụ ngôn (của thánh Luca): nó vẫn mãi là đứa con một khi đã bỏ nhà cha đi xa, và dẫu cho tội lỗi thế nào, cuối cùng nó vẫn cảm thấy một khát khao muốn trở về không cưỡng lại được. Quả thế, mọi người đều luôn cảm thấy có một khát vọng hướng đến Thiên Chúa và họ có cùng một kinh nghiệm như thánh Augustinô, cho dẫu họ không có khả năng diễn tả điều ấy ra cách mạnh mẽ và tuyệt vời như ngài: “Ngài đã dựng nên chúng con cho Ngài, lạy Chúa, và vì thế tâm hồn chúng con vẫn sẽ trăn trở mãi cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài mà thôi” (Tự Thú, 1,1).

2/. Ý thức thực tế đó, gia đình Kitô hữu đặt Thiên Chúa ở chân trời cuộc sống của con cái mình ngay từ sớm lúc con cái bắt đầu có ý thức. Đó chính là môi sinh mà chúng hít thở và hòa nhập sống. Môi sinh ấy giúp con cái khám phá và đón nhận Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô, Chúa Thánh Thần và Hội Thánh. Một cách hoàn toàn phù hợp, cha mẹ xin Hội Thánh cho con mình chịu Bí tích Thánh tẩy, ngay từ lúc chúng vừa mới sinh ra, và vui mừng đem chúng đến giếng nước Rửa tội. Rồi cha mẹ chuẩn bị cho con đón nhận Rước lễ lần đầu và Bí tích Thêm sức, và ghi danh cho con tham dự các lớp giáo lí của giáo xứ và tìm trường tốt nhất cho con nơi có một nền giáo dục Công giáo tốt.

3/. Tuy nhiên, một nền giáo dục Kitô đích thực không chỉ giới hạn vào việc đặt Thiên Chúa vào trong những biến cố quan trọng của cuộc đời chúng mà thôi, nhưng là đặt Thiên Chúa vào ngay trung tâm của cuộc đời chúng một cách như thế nào để tất cả những hoạt động và thực tại khác (như trí tuệ, tình cảm, tự do, lao động, nghỉ ngơi, đau khổ, bệnh tật, những cuộc vui, những phúc lợi vật chất, văn hóa, nói tóm lại là tất cả mọi sự) được khuôn đúc và uốn nắn bởi tình yêu đối với Chúa. Trẻ phải được tập quen với suy nghĩ trước mỗi hành động: “Chúa muốn tôi làm gì hoặc không làm gì giờ phút này đây?” Chúa Giêsu đã xác nhận đức tin và niềm xác tín của những tín hữu Cựu ước về cái mà họ xem là “giới răn trọng nhất”, khi Người trả lời vị tiến sĩ Luật rằng: “Giới răn trọng nhất là thế này: ngươi phải mến Đức Chúa Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức ngươi” (Mc 12,28; Lc 10,25; Mt 22,36t).

4/. Công cuộc giáo dục lấy tình yêu Chúa làm trung tâm điểm ấy được cha mẹ thực hiện đặc biệt qua những thực tại đời sống hàng ngày: cầu nguyện trong các bữa ăn gia đình, khơi dậy lòng biết ơn đối với Chúa nơi con cái mỗi khi chúng đón nhận một hồng ân, chạy đến với Chúa mỗi lúc gặp đau buồn dưới mọi hình thái, tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật với chúng, đi cùng với chúng đến Bí tích Hòa giải, v.v…

5/. Câu hỏi của vị tiến sĩ Luật chỉ là: “Đâu là giới răn quan trọng nhất?” Nhưng khi trả lời, Đức Giêsu còn nói thêm: điều răn thứ hai cũng giống như điều trước “hãy yêu mến người thân cận của con như chính mình”. Như thế tình yêu đối với người thân cận là “giới răn của Người” và là “dấu chỉ” là môn đệ của Người. Một cách tinh tế về tâm lí thánh Gioan đã kết luận: “Nếu chúng ta không yêu mến người thân cận mà chúng ta trông thấy, làm sao chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa Đấng mà chúng ta không thấy?” (1Ga 4,20).

6/. Cha mẹ phải giúp con cái mình khám phá người đồng loại, những người thân cận mình, nhất là những người nghèo khổ, và thực hành những việc phục vụ bác ái nhỏ bé nhưng thường xuyên chẳng hạn như: chia sẻ những món đồ chơi hay quà tặng với anh em chị em của chúng, giúp đỡ những người hèn kém, bố thí cho người nghèo bên đường, thăm viếng những người bà con đau yếu, đỡ đần ông bà già yếu qua những phục vụ nho nhỏ, chấp nhận người khác bằng cách tha thứ những xúc phạm, giới hạn nho nhỏ của họ trong cuộc sống thường ngày, v.v… Những việc đó nếu cứ được tái diễn sẽ hình thành nơi các em một cách suy nghĩ và tạo ra những thói quen tốt để đối diện với cuộc đời hay có “thành kiến” bằng một tình yêu mến con người, và như thế khiến cho con cái mình có khả năng góp phần tạo nên một xã hội mới.

5. Chia sẻ suy tư của người giảng thuyết
6. Trao đổi
7. Cam kết
8. Cầu nguyện cộng đoàn
9. Cầu nguyện cho gia đình
10. Bài hát kết thúc

Đề tài 6: Gia đình, nhà nhà đào luyện lương tâm chuẩn mực

1. Bài hát khai mạc
2. Kinh Lạy Cha
3. Lời Chúa: Ep 6, 1-17
4. Đọc Giáo huấn của Hội thánh

1/. Con người ngày nay càng lúc càng xác tín rằng phẩm giá và ơn gọi của mình đòi hỏi con người phải nhờ trí tuệ mà khám phá ra các giá trị đã được khắc ghi trong bản tính của mình, không ngừng phát triển những giá trị ấy và thể hiện chúng ra trong cuộc sống, nhờ thế mà càng ngày càng luôn tiến bộ hơn. Tuy nhiên, trong những phán quyết của mình về các giá trị luân lý, nghĩa là về những gì là tốt hay xấu, tức là về những gì phải làm hoặc không được làm, thì con người không thể định đoạt những phán đoán theo tự do riêng của mình. Trong nơi sâu thẳm của lương tâm mình, con người khám phá thấy có một lề luật mà mình không phải là tác giả nhưng bắt mình phải tuân phục. Lề luật này được Thiên Chúa khắc ghi trong trái tim của con người một cách như thế nào đó để giúp họ nên kiện toàn hơn, và dựa trên chính lề luật đó Thiên Chúa sẽ phán xét con người cách riêng.

2/. Bởi thế, phẩm giá con người không thể được phát huy thực sự nếu như người ta không tôn trọng trật tự cốt yếu trong bản tính đó. Hẳn là rất nhiều hoàn cảnh cụ thể và nhiều nhu cầu của cuộc sống con người đã thay đổi và vẫn còn tiếp tục thay đổi. Thế nhưng, trong bất kỳ hoàn cảnh biến hóa nào của phong tục, những hình thái khác nhau của cuộc sống phải được duy trì sao cho để không vượt quá những giới hạn đã được qui định bởi những nguyên tắc bất di dịch vốn dựa trên cơ sở những yếu tố cấu thành và những tương quan cốt yếu của cuộc sống con người; là những yếu tố và tương quan vượt xa điều kiện vô thường của lịch sử.

3/. Những nguyên tắc nền tảng mà lý trí vốn có thể hiểu được này ẩn chứa trong lề luật vĩnh cửu, khách quan và phổ quát nhờ đó Thiên Chúa xếp đặt, điều khiển và cai quản thế giới và những lối đường của cộng đồng nhân loại theo kế hoạch khôn ngoan và yêu thương của Ngài. Thiên Chúa làm cho con người tham dự vào lề luật này của Ngài để con người có thể nhận biết mỗi ngày một nhiều hơn về chân lý không thay đổi. Hơn nữa, Chúa Kitô đã thiết lập Hội Thánh của Người như cột trụ và nền tảng của chân lý và thông ban cho Hội Thánh sự trợ giúp thường xuyên của Thánh Thần để Hội Thánh gìn giữ một cách không sai lầm những chân lý thuộc trật tự luân lý và giải thích cách chính thức không chỉ lề luật khách quan được mạc khải mà cả những nguyên tắc luân lý phát xuất từ chính bản tính tự nhiên của con người và giúp con người phát triển và nên hoàn hảo.

4/. Ngày nay nhiều người cho rằng chuẩn mực pháp lý của hành vi nhân linh đặc thù của con người không nằm trong bản tính tự nhiên con người, cũng không nằm trong lề luật mạc khải, nhưng lề luật duy nhất tuyệt đối và bất di dịch chính là sự tôn trọng phẩm giá con người. Hơn nữa, chủ nghĩa tương đối về triết học và luân lý chối bỏ sự hiện hữu của mọi chân lý khách quan, cả trên bình diện hữu thể lẫn trên bình diện thực hành đạo đức. Mỗi người có chân lý riêng của mình, vì cá nhân giải thích các sự việc và cách sống theo sự hiểu biết riêng và theo lương tâm của mình. Sống chung với nhau sẽ dẫn chúng ta đến một chân lý chung được tất cả mọi người chấp nhận, nhờ một sự đồng thuận cho phép chúng ta sống hòa bình với nhau. Đó là cơ sở cho các luật xuất phát từ những ý kiến công nghị dân chủ. Giáo hội không nên nói gì cả và nếu có nói điều gì Giáo hội sẽ rơi lạc vào lãnh vực không phải của mình mà điều đó thì nguy hiểm đối với nền dân chủ.

5/. Từ đó phát sinh những hệ quả tai hại cho con người, gia đình và xã hội. Từ đó người ta biện minh cho việc phá thai như là một quyền của người phụ nữ, người ta ra sức để hợp pháp hóa sự trợ tử (euthanasia), kiểm soát sinh sản theo phương pháp nhân tạo, những luật cho phép ly dị tạo tình thế ngày càng bi thảm hơn, những quan hệ ngoài hôn nhân, v.v…

6/. Gia đình Kitô hữu gặp thách thức rất lớn trong khi giúp hình thành nơi con cái mình một lương tâm ngay chính và biết tôn trọng sự thật, đồng thời làm sao phải tôn trọng phẩm giá và tự do của chúng cách thận trọng, và giúp chúng đào luyện nên một lương tâm ngay thẳng trước những vấn đề lớn của cuộc sống con người như: thờ phượng và thờ kính Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành và Cứu Chuộc, yêu mến mẹ cha, tôn trọng sự sống, tôn trọng thân xác của chúng và thân xác của người khác, tôn trọng của cải và danh dự của người đồng loại, sống tình huynh đệ giữa mọi người, tôn trọng định mệnh chung của các thiện ích của tạo thành, không kỳ thị tôn giáo, không phân biệt giai cấp xã hội hay kinh tế, v.v… Những điều khoản của Mười giới răn và Bát Phúc là những điểm chắc chắn của giáo huấn này.

7/. Cha mẹ ngày nay phải tin tưởng và can đảm mà dạy con cái mình những giá trị này, bắt đầu từ giá trị căn bản nhất trong tất cả, đó là: có chân lý và người ta cần phải tìm kiếm và theo đuổi chân lý để thực hiện chính mình như là người. Những giá trị chủ chốt khác đó là lòng yêu mến công lý và một nền giáo dục tính dục rõ ràng và tế nhị dẫn đến thái độ quí trọng thân xác và vượt thắng được lối suy nghĩ và thực hành coi thân xác con người như một thứ đồ vật phục vụ cho khoái lạc ích kỉ.

8/. Một điều kiện căn bản của nền giáo dục này là nuôi dưỡng nơi trẻ lòng yêu mến đối với Hội Thánh và sống hài hòa với Hội Thánh, và một cách đặc biệt hơn, lòng yêu mến đối với Đức Giáo hoàng, các Đức Giám mục, và các linh mục; sao cho chúng thấy được nơi các ngài bận tâm của một người mẹ hiền yêu thương chúng và chỉ muốn giúp chúng sống một cuộc sống đứng đắn và có phẩm chất trong thế giới này và hưởng được sự chiêm ngắm Thiên Chúa trong vinh quang.

5. Chia sẻ suy tư của người giảng thuyết
6. Trao đổi
7. Cam kết
8. Cầu nguyện cộng đoàn
9. Cầu nguyện cho gia đình
10. Bài hát kết thúc

Đề tài 7: Gia đình, kinh nghiệm đầu tiên về Hội thánh

1. Bài hát khai mạc
2. Kinh Lạy Cha
3. Lời Chúa: Cv 2, 36-47
4. Đọc Giáo huấn của Hội thánh

1/. Hội Thánh là Dân Thiên Chúa, là Thân Mình huyền nhiệm của Chúa Kitô, và là Đền Thờ Chúa Thánh Thần, Hội Thánh như thế là dấu chỉ và là khí cụ phổ quát của ơn cứu độ bởi ba thừa tác vụ Phúc âm hóa, cử hành và sống đức ái. Bởi thừa tác vụ Phúc âm hóa Hội Thánh loan báo Tin mừng trọng đại “Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ” (1Tm 2,4) và bởi đó Ngài đã sai Con Một của Ngài đến thế gian. Qua thừa tác vụ của các bí tích khai tâm, Hội Thánh đón nhận các thành viên mới, bổ sức và nuôi sống họ; bởi các bí tích chữa lành Hội Thánh chữa trị tội lỗi và làm thuyên giảm bệnh tật của họ; với các bí tích Truyền Chức Thánh và Hôn Phối Hội Thánh chăm sóc cho chính mình và cho xã hội một cách hiệu quả. Qua việc sống bác ái, Hội Thánh xây đắp tình nghĩa huynh đệ giữa hàng con cái Thiên Chúa và làm dậy men xã hội loài người.
2/. Gia đình là kinh nghiệm đầu tiên của một con người về Hội Thánh, vì trong gia đình con người lần đầu tiên được khai tâm các bước sơ đẳng về đức tin, đón nhận những bí tích đầu tiên và có kinh nghiệm sống đầu tiên về tình thương.

3/. Thật vậy, ngay khi chúng vừa sinh ra, cha mẹ đã đưa con cái mình đến để được rửa tội và đảm lấy trách nhiệm dạy dỗ chúng để chúng có thể lãnh bí tích Thêm sức và Rước lễ lần đầu, làm thế cha mẹ dẫn chúng vào mầu nhiệm Chúa Kitô và Hội Thánh. Khi con cái vừa đến tuổi khôn cha mẹ dạy cho chúng biết đọc những câu kinh đầu tiên, cầu nguyện xin phép lành trước bữa ăn, tôn kính những ảnh tượng hay dấu hiệu tôn giáo, dẫn vào thực hành việc sùng mộ Đức Mẹ Maria. Khi lớn khôn hơn chút nữa, cha mẹ nên cùng đọc Lời Chúa với chúng và giải thích Lời Chúa cho chúng cách đơn sơ và dễ hiểu. Khi tới tuổi phải đảm nhận trách nhiệm cá nhân về ơn gọi của mình do mình chọn lựa như hôn phối, hoặc làm linh mục, hay tu sĩ, độc thân giữa đời, cha mẹ càng nên gần gũi con và nâng đỡ chúng cách đặc biệt hơn. Ngay khi mới sinh ra, cha mẹ biểu lộ tình yêu nồng nàn và luôn tận tụy với con, đặc biệt khi con bệnh tật hoặc bị dị dạng như thế nào đó hoặc bị khuyết tật thể lý hoặc tâm lý.

4/. Người ta sống cách đặc biệt mạnh mẽ kinh nghiệm về Hội Thánh trong gia đình khi cả nhà, cha mẹ và con cái, cùng tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật. Trong sự hiệp nhất với các gia đình khác, với anh chị em khác trong đức tin, họ lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện cho nhu cầu của mọi người nghèo và để được nuôi dưỡng bởi Chúa Kitô hiến mình vì chúng ta. Đức tin ấy lớn lên và phát triển cùng với những kinh nghiệm này, những kinh nghiệm rất đẹp đến nỗi làm cho cuộc sống hàng ngày có ý nghĩa và tâm hồn tràn ngập bình an.

5/. Kinh nghiệm đặc biệt về Hội Thánh trong chiều kích tông đồ cũng được sống trong gia đình vào những thời điểm đặc biệt, chẳng hạn như ngày lễ Chúa Hài Đồng, ngày Quốc tế Truyền giáo, Chiến dịch chống đói, giúp đỡ những nước kém phát triển hoặc những nước bị tai ương nặng nề như động đất, lốc xoáy, v.v…

5. Chia sẻ suy tư của người giảng thuyết
6. Trao đổi
7. Cam kết
8. Cầu nguyện cộng đoàn
9. Cầu nguyện cho gia đình
10. Bài hát kết thúc

Đề tài 8: Những người cộng tác với Gia đình: giáo xứ và nhà trường

1. Bài hát khai mạc
2. Kinh Lạy Cha
3. Lời Chúa: Lc 6, 6-11
4. Đọc Giáo huấn của Hội thánh

1/. Nền giáo dục Kitô giáo chắc chắn nhắm tới sự trưởng thành nhân bản của mỗi con người, nhưng nỗ lực trước hết làm cho các tín hữu mỗi ngày một ý thức hơn ân huệ đức tin mà họ đã lãnh nhận, họ phải học để biết thờ phượng Thiên Chúa Cha trong tinh thần và chân lý (x. Ga 4,23), đặc biệt là qua hành động phụng vụ; họ cần được chuẩn bị để sống theo “con người mới” trong sự công chính và thánh thiện của chân lý (x. Ep 4,22-24) và nhờ thế họ đạt tới con người hoàn hảo, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô (x. Ep 4,13) và góp phần vào sự tăng trưởng của Nhiệm Thể của Người; họ phải quen với việc làm chứng cho niềm hy vọng có ở nơi họ (1Pr 3,15) và góp phần vào việc thăng tiến của thế giới theo nghĩa Kitô giáo (x.Gravissimum educationis, 2).

2/. Khi sinh con vào đời, cha mẹ nhận lấy trách nhiệm nặng nề phải giáo dục chúng, và đồng thời nhận lấy quyền của nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu đối với con cái mình. Bởi thế, họ có nhiệm vụ phải tạo một môi trường ấm cúng của gia đình đầy tình yêu thương và bầu khí đạo đức hướng đến Thiên Chúa và hướng về con người, thuận lợi cho việc giáo dục toàn diện con người. Do vậy, như đã nói trong những bài giáo lý trước đây, gia đình là trường học đầu tiên dạy những đức tính xã hội mà mọi xã hội đều cần đến, là nơi ngay từ những năm tháng đầu đời con cái học nhận biết và thờ phượng Thiên Chúa và yêu mến tha nhân, là một nơi chúng học được những kinh nghiệm đầu tiên về xã hội loài người và về Giáo hội, là môi trường hiệu quả nhất dẫn đưa con trẻ vào xã hội dân sự và dân Chúa. Do đó gia đình Kitô hữu thực sự cực kỳ quan trọng đối với đời sống và sự phát triển của Giáo hội, đến nỗi nếu không có gia đình rất khó có gì có thể bù đắp được.

3/. Tuy nhiên, tự mình gia đình không đủ khả năng thực hiện sứ mạng của mình nhưng cần đến sự trợ giúp của Nhà Nước. Chính xã hội dân sự có bổn phận phải bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của cha mẹ và những người khác liên quan tới giáo dục, hợp tác với cha mẹ, khi cha mẹ và những tổ chức xã hội khác không đủ sức thực hiện công trình giáo dục theo nguyên tắc bổ trợ và thỏa mãn những ước muốn của cha mẹ, và lập ra những trường học và học viện thích hợp theo đòi hỏi của ích lợi chung. Do vậy, Nhà Nước, thay vì ở thế đối kháng hoặc tranh chấp với các cha mẹ, nên trở thành bạn đồng minh và người hợp tác tốt nhất của họ bằng cách sẵn sàng hỗ trợ và chỉ cung cấp những gì mà cha mẹ không thể làm được và làm theo những chỉ dẫn của họ. Trong việc hợp tác trung thành và hiệu quả đó có sự góp phần quan trọng của các thầy cô giáo ở những trung tâm giáo dục cả công lẫn tư. Các em là những người thừa hưởng đầu tiên thành quả sự hợp tác này, nhưng xã hội và trường học cũng được hưởng nhờ bởi vì những trẻ em này sẽ là những công dân tốt trong tương lai và nhiều em sẽ góp phần quan trọng cho sự tiến bộ nhà trường.

4/. Gia đình cũng cần đến giáo xứ. Thật vậy, cha mẹ giáo dục đức tin cho con cái trên hết qua chứng từ đời sống Kitô hữu của họ, nhất là bởi kinh nghiệm của một tình yêu vô cầu, tình yêu mà họ dành cho con cái của họ và tình yêu sâu xa mà họ dành cho nhau, đó là dấu chỉ sống động của tình yêu Thiên Chúa là Cha. Hơn nữa, theo khả năng của mình họ được mời gọi giáo dục tôn giáo cho con cái, việc này thường mang tính chất cơ hội hơn là theo hệ thống lớp lang, họ thực hiện bằng cách mạc khải sự hiện diện của mầu nhiệm Chúa Kitô Đấng Cứu chuộc trong thế giới, trong những biến cố của cuộc sống gia đình, trong những ngày lễ của năm phụng vụ, trong những sinh hoạt ở trường học, trong giáo xứ và trong các hội đoàn, v.v… Tuy nhiên, họ cần sự giúp đỡ của giáo xứ bởi vì đời sống đức tin của con cái trưởng thành khi chúng hòa nhập một cách ý thức vào đời sống cụ thể của dân Thiên Chúa, vốn được thể hiện đặc biệt trong giáo xứ. Đó là nơi trẻ con, thiếu nhi, rồi người lớn cử hành và kín múc nguồn sinh dưỡng từ các bí tích, chúng tham dự Phụng vụ và gắn bó với một cộng đồng sinh động sống đức ái và việc tông đồ. Bởi thế, giáo xứ phải luôn sẵn sàng phục vụ cha mẹ, chứ không phải ngược lại, đặc biệt trong các bí tích khai tâm Kitô giáo.

5/. Gia đình, trường học và giáo xứ là ba thực thể kết hợp và hợp nhất với nhau cho việc giáo dục nghĩa vụ dành cho con trẻ. Càng hợp tác và trao đổi với nhau, quan hệ càng gắn bó mật thiết với nhau, viêc giáo dục con cái sẽ càng có hiệu quả.

5. Chia sẻ suy tư của người giảng thuyết
6. Trao đổi
7. Cam kết
8. Cầu nguyện cộng đoàn
9. Cầu nguyện cho gia đình
10. Bài hát kết thúc

Đề tài 9: Gia đình và mẫu gương thánh gia Nadarét

1. Bài hát khai mạc
2. Kinh Lạy Cha
3. Lời Chúa: Lc 2, 41-52
4. Đọc Giáo huấn của Hội thánh

1/. Các Phúc âm chuyển lại cho chúng ta Tin mừng về gia đình Nadarét không nhiều lắm nhưng rất sáng ngời.

2/. Đó là một gia đình xây dựng trên nền tảng hôn nhân của Giuse và Maria. Họ kết hôn với nhau thật sự, như Matthêu và Luca nói tới, và sống cuộc sống đó cho tới khi Giuse qua đời. Đức Giêsu thực sự là con trai của Maria. Thánh Giuse không phải là cha đẻ – vì ngài đã không sinh ra Đức Giêsu – mà cũng không phải là cha nuôi hoặc thay thế người cha, nhưng dân làng Nadarét xem ngài như cha của Đức Giêsu vì họ không biết mầu nhiệm Nhập Thể và còn vì Giuse đã cưới Maria. Sự kiện này đối với ngày hôm nay rất quan trọng xét vì các luật dân sự cũng như văn hóa của các vùng khác nhau cổ võ cho những cuộc sống chung không hôn nhân hay chỉ có hôn nhân dân sự, chấp nhận ly dị, v.v… Gia đình Nadarét được mô tả cho thế hệ ngày nay như mẫu gương của một cặp vợ chồng kết hợp bởi một người nam và một người nữ, kết hợp với nhau mãi mãi và công khai.

3/. Gia đình Nadarét sống giống như mọi gia đình khác trong thành, nghĩa là sống cách đơn sơ, khiêm tốn, nghèo hèn, lao động miệt mài, yêu mến những truyền thống văn hóa và tôn giáo của dân tộc mình, các ngài có lòng đạo sâu xa và sống xa cách những trung tâm tôn giáo và chính trị. Một du khách đến thăm Nadarét mà không biết những điều chúng ta biết về các ngài sẽ không thấy gì nơi thánh gia khác với những gia đình khác: cả trong lối sống, cũng như trong cách ăn cách mặc, cách tham dự vào những sinh hoạt tôn giáo trong các hội đường. Thiên Chúa đã muốn cho chúng ta thấy rằng cuộc sống hàng ngày chính là nơi Ngài chờ đợi chúng ta yêu mến Ngài và thực hiện ý định của Ngài trên chúng ta. Bí quyết là sống cuộc sống “ấy” với một tình yêu và sự kiên nhẫn như Thánh gia.

4/. Các sách Phúc âm không nói rõ nghề nghiệp của thánh Giuse: là thợ rèn, thợ mộc hay thợ thủ công… Nhưng nói rõ ngài là một người lao động và sinh sống bằng làm việc chân tay. Đức Maria, như mọi người phụ nữ kết hôn khác, xay bột và làm bánh ăn hàng ngày, làm việc nhà và các việc phục vụ lặt vặt khác cho những người khác. Về Đức Giêsu các Phúc âm không nói gì cả nhưng cho ta hiểu rằng Người đã đỡ đần Đức Maria và về sau phụ giúp thánh Giuse trong những việc lao động tay chân của ngài. Gia đình Nadarét đã sống điều mà ngày nay chúng ta gọi là “Tin mừng lao động”, nghĩa là lao động như là thực tại kỳ diệu giúp ta tham dự vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa; là công việc đã nuôi sống gia đình và giúp đỡ người khác, gia đình được thánh hóa và thánh hóa nhờ nó. Đó cũng là mẫu gương hoàn hảo cho các gia đình ngày nay. Nhiều gia đình vẫn sống giống như thế, và những gia đình khác về cơ bản vẫn không thay đổi, mặc dầu người phụ nữ làm việc ngoài gia đình và những việc nhà đã được các phương tiện kĩ thuật giảm thiểu đi nhiều.

5/. Gia đình Nadarét là một gia đình Do thái với một đức tin và thực hành tôn giáo sâu sắc. Cũng như các gia đình đạo đức khác, gia đình Nadarét luôn cầu nguyện vào mỗi bữa ăn, hàng tuần đi đến hội đường nghe đọc sách và giải thích Lời Chúa trong Cựu ước, đi lên Giêrusalem để cử hành các cuộc lễ hành hương, như Lễ Vượt Qua và Lễ Ngũ Tuần, đọc ba lần mỗi ngày kinh tin kính Do thái nổi tiếng “Nghe đây, hỡi Israel”.
Ngày nay cũng thế, phép lành bàn ăn tại mỗi bữa ăn, tham dự thánh lễ Chúa nhật hàng tuần và nghe đọc sách Thánh là những điều căn bản cho một gia đình Kitô hữu trong việc thực hiện sứ mạng giáo dục của mình.

6/. Cuộc sống gia đình Nadarét hoàn toàn tập trung vào Thiên Chúa: Thiên Chúa là tất cả cho gia đình. Thánh Giuse, mặc dầu còn đang đính hôn với Đức Maria, đã đặt tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa khi Người mạc khải cho ngài, nhờ sứ thần, rằng Maria mang thai là bởi phép Đức Chúa Thánh Thần. Một khi đã kết hôn, Maria và Giuse, nghe từ miệng con trẻ Giêsu, ngay khi tìm lại được Người sau ba ngày tìm kiếm trong lo lắng, thốt lên những lời sau đây: “Tại sao ông bà lại tìm tôi? Ông bà không biết tôi phải lo việc của Cha tôi sao?” (Lc 2,49). Họ không hiểu những lời lẽ ấy, nhưng đón nhận và tìm cách khám phá ra ý nghĩa của chúng. Đức tin của Maria không sụp đổ khi Mẹ nhìn thấy con mình bị đóng đinh trên thập giá như một kẻ tử tội và bị sỉ nhục bởi các vị lãnh đạo của dân Do thái. Gia đình Kitô hữu, mà sự sống vốn như là bức tranh gồm cả ánh sáng và bóng tối, chỉ có được bình an và niềm vui khi biết nhìn ra Thiên Chúa trong bức tranh đó, dẫu không thể nào hiểu được điều đó cách trọn vẹn.

5. Chia sẻ suy tư của người giảng thuyết
6. Trao đổi
7. Cam kết
8. Cầu nguyện cộng đoàn
9. Cầu nguyện cho gia đình
10. Bài hát kết thúc

Đề tài 10: Gia đình, đối tượng và là tác nhân của công cuộc Phúc âm hóa mới

1. Bài hát khai mạc
2. Kinh Lạy Cha
3. Lời Chúa: Lc 18, 23-28
4. Đọc Giáo huấn của Hội thánh

1/. “Việc Phúc âm hóa tương lai phần lớn phụ thuộc vào Hội Thánh tại gia” (Diễn văn của đức Gioan Phaolô II tại Đại Hội lần III các giám mục châu Mỹ Latinh, 1979). Hơn nữa, gia đình là trái tim của công cuộc Phúc âm hóa mới (Diễn văn của đức Gioan Phaolô II nói với các Giám mục Phi châu đặc trách mục vụ gia đình, 1992). Lịch sử của Giáo Hội đã xác nhận điều này kể từ lúc khởi đầu. Một trường hợp tiêu biểu là thánh Augustinô, được sám hối trở lại nhờ ơn Chúa với bao nhiêu là nước mắt của mẹ, là thánh nữ Monica. Gia đình thực hiện “sứ mạng loan báo Tin mừng của mình chủ yếu qua giáo dục con cái” (EV 92).

2/. Sứ mạng loan báo Tin mừng của gia đình có căn nguyên từ Phép Rửa tội và nó mang lấy một hình thức mới với ân sủng của bí tích Hôn nhân.

3/. Nhiệm vụ Phúc âm hóa của gia đình Kitô hữu đặc biệt cần thiết và cấp bách ở những nơi mà luật pháp chống tôn giáo thậm chí ngăn cấm cả việc giáo dục đức tin, hoặc nơi người ta càng ngày càng không tin, hoặc những nơi mà bầu khí thế tục hóa lan rộng đến nỗi thực hành một đời sống tôn giáo đích thực về thực tế là không thể. Hoàn cảnh này đặc biệt có ở các nước khối cộng sản hoặc trước đây vốn là cộng sản và những nước được gọi là thế giới thứ nhất. Hội Thánh tại gia là môi trường duy nhất ở đó các em bé và thiếu nhi có thể được học một giáo lý đích thực về những chân lý hết sức nền tảng.

4/. Gia đình cũng có một phương cách đặc thù để loan báo Tin mừng, không cung cấp những bài diễn thuyết hay bài học lý thuyết trọng đại, nhưng qua tình yêu thương hàng ngày, sự đơn sơ, cụ thể và chứng từ của mỗi ngày. Với khoa sư phạm này, gia đình chuyển giao các giá trị quan trọng nhất của Tin mừng. Nhờ phương pháp này, đức tin âm thầm thấm dần vào bên trong, nhưng rất thực đến nỗi biến gia đình thành một thứ chủng viện đầu tiên và tốt nhất cho ơn gọi linh mục, đời sống thánh hiến và độc thân giữa đời.

5/. Các đôi vợ chồng và cha mẹ Kitô hữu có phục vụ Tin mừng thì các việc phục vụ ấy về bản chất đều có tính Hội Thánh. Nghĩa là nó đâm rễ và xuất phát từ sứ mạng duy nhất của Hội Thánh và hướng đến xây dựng Thân Mình Đức Kitô. Bởi vậy, nhiệm vụ Phúc âm hóa của gia đình phải kết hợp và hòa hợp trong tinh thần trách nhiệm với các hoạt động phục vụ Phúc âm hóa và Giáo lý của giáo phận và giáo xứ.

6/. Tính chất Hội Thánh này đòi hỏi sứ mạng Phúc âm hóa của gia đình Kitô giáo có một chiều kích truyền giáo và phổ quát, hoàn toàn phù hợp với lệnh truyền chung của Đức Kitô “các con hãy đi khắp thế gian loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Do đó, có thể một vài cha mẹ cảm thấy cấp bách phải mang Tin mừng Đức Kitô “đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8), như đã có trong các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên. Dù sao đi nữa, một hoạt động truyền giáo phải được thực hiện ở trong môi trường gia đình mình, bằng cách loan báo Tin mừng cho những người bà con không tin hoặc còn xa cách về mặt đức tin hoặc cho các gia đình không sống phù hợp với Tin mừng hôn nhân.

7/. Gia đình Kitô hữu trở nên cộng đoàn truyền giáo khi nó đón nhận Tin mừng và trưởng thành trong đức tin. “Cũng như Giáo hội, gia đình phải là một nơi Tin mừng được chuyển giao và từ đó Tin mừng được chiếu sáng. Do đó, trong thâm sâu của một gia đình ý thức sứ mạng này, tất cả mọi thành viên đều loan báo Tin mừng và được loan báo Tin mừng. Cha mẹ không chỉ thông truyền Tin mừng cho con cái, nhưng còn đón nhận từ chúng Tin mừng sống cách sâu sắc. Một gia đình như thế thì phúc âm hóa những gia đình khác và môi trường của mình” (EN 71).

5. Chia sẻ suy tư của người giảng thuyết
6. Trao đổi
7. Cam kết
8. Cầu nguyện cộng đoàn
9. Cầu nguyện cho gia đình
10. Bài hát kết thúc.
 
Tiễn ông đi
Lữ Giang
05:07 14/01/2009
Ngày 20 tháng 1, ông George W. Bush ra đi sau 8 năm làm chủ Toà Bạch Ốc. Ít ai bùi ngùi luyến tiếc tiển đưa ông, vì những hậu quả ông để lại cho đất nước này nặng quá.

Thật ra, ông Bush là người thông minh, tháo vát, dể thương, đầy nghị lực, làm việc có phương pháp và có khả năng làm một tổng thống Hoa Kỳ tốt, nhưng nhóm tư bản đứng đàng sau ông, do Phó Tổng Thống Dick Cheney lãnh đạo, đã đưa ông vào con đường nghiệt ngả.

THOÁNG NHÌN LẠI QUÁ KHỨ

Các nhà chính trị và các nhà phân tích đã thấy rõ con đường mà nhóm tư bản này sẽ đi tới khi chính phủ Bush cuơng quyết mở cuộc tấn công bằng mọi giá vào Iraq, bất chấp luật pháp quốc tế. Vụ 911 là một cơ hội tốt cho họ.

Chính phủ Bush đã thất bại trong việc thuyết phục Hội Đồng Bảo An LHQ áp dụng biện pháp quân sự đối với Iraq, vì những tài liệu do cơ quan tình báo Mỹ và Thủ Tướng Tony Blair của Anh đưa ra để chứng minh Iraq có võ khí giết người hàng loạt đã bị ban thanh tra LHQ coi là giả, không có giá trị.

Không chứng minh được Iraq có tàng trử võ khí giết hại hàng loạt và lo sợ Nga và Pháp sẽ phủ quyết, Hoa Kỳ đã viện dẫn ba căn bản sau đây để dành quyền đơn phương hành động:

1.- Nghị quyết số 1441 ngày 8.11.2002

Hoa Kỳ cho rằng với Nghị quyết 1441, Hội Đồng Bảo An đã mặc thị cho phép xử dụng biện pháp quân sự rồi, không cần phải có nghị quyết khác nữa. Nhưng sự thật Nghị quyết này chỉ nói: “Hội Đồng đã báo động Iraq rằng Iraq sẽ phải đối phó với những hậu quả nghiêm trọng do kết quả của những sự tiếp tục vi phạm các nghĩa vụ của mình”.

2.- Quyền tự vệ (self-defence)

Hoa Kỳ cho rằng với quyền tự vệ, Hoa Kỳ được phép xử dụng quân sự đối với Iraq.

Lập luận này cũng sai lầm. Điều 51 của Hiến Chương LHQ chỉ cho phép các thành viên xử dụng quyền tự vệ (self-defence) đề chống lại các cuộc tấn công bằng võ khí cho đến khi Hội Đồng Bảo An đưa ra những biện pháp cần thiết để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế mà thôi. Các biện pháp được dùng để thực hiện quyền tự vệ phải được báo cáo cho Hội Đồng Bảo An ngay và các biện pháp đó không được ảnh hưởng đến thẩm quyền và trách nhiệm của Hội Đồng trong việc duy trì và vản hồi hòa bình và an ninh.

3.- Quyền ra tay trước

Trong bài diễn văn đọc trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 12.9.2002, Tổng Thống Bush đã mô tả chế độ của Saddam Hussein là “một sự nguy hiểm nghiêm trọng và tập trung” (a grave and gathering danger). Ông nói nếu Liên Hiệp Quốc không yểm trợ, Hoa Kỳ sẽ dành quyền ra tay trước (preemptive use of force) để tránh hậu họa.

Luật gia Hugo Grotius, một sư phụ của ngành quốc tế công pháp, có nói rằng trong thế kỷ 17, việc “giết kẻ đang chuẩn bị giết chốc được coi là hợp pháp” (It be lawful to kill him who is preparing to kill). Nhưng theo Hiến Chương LHQ và Quốc Tế Công Pháp ngày nay, việc xử dụng vũ lực của một quốc gia đã bị hạn chế. Điều 2 (4) và điều 39 của Hiến Chương dành cho Hội Đồng Bảo An quyền “thẩm định về sự hiện hữu của bất cứ sự đe dọa hòa bình nào, sự phá vở hòa bình, hay hành động xâm lược” và “quyết định những biện pháp nào có thể được xử dụng... để duy trì hòa bình và an ninh thế giới”.

Tóm lại, Hoa Kỳ không hội đủ điều kiện để xử dụng quyên ra tay trước. Vì vậy, việc tấn công Iraq để phòng ngừa bị coi là bất hợp pháp.

Ngày 13-9-2002, Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã gởi cho Tổng thống George W. Bush một văn thư nói về việc có thể có hành động quân sự chống Saddam Hussein. Văn thư có đoạn viết:

“Sự đáng tin cậy luân lý của việc sử dụng quân lực cũng tùy thuộc chặt chẽ vào sự kiện có quyền hợp pháp hay không để sử dụng sức mạnh lật đỗ chính phủ Iraq. Theo phán đoán của chúng tôi, những quyết định có tính trầm trọng như vậy cần phải theo đúng những mệnh lệnh hiến pháp Hoa Kỳ, cần sự đồng thuận rộng rải trong nước chúng ta, và một hình thức thừa nhận quốc tế, tốt hơn của Hội đồng Bảo an LiênHiệp Quốc. Đó là điều tại sao quyết định Tổng thống tìm kiếm sự phê chuẩn hiến pháp và của Liện hiệp Quốc rất quan trọng. Với Toà Thánh, chúng tôi rất nghi ngờ về việc sử dụng đơn phương quân lực, nhất là đã thấy rõ các tiền lệ gây rắc rối.”

Mặc dầu có sự phản đối của Hội Đồng Bảo An LHQ, của nhiều quốc gia trên thế giới và của nhiều giới tại Hoa Ký, chính phủ Bush vẫn mở cuộc tấn công Iraq với lời tuyên bố ngăn chận khủng bố và đem dân chủ đến cho Iraq rồi từ đó sẽ lan ra khắp vùng Trung Đông. Khi hành động như vậy, chính phủ Bush thừa biết kết quả của cuộc chiến tranh này rồi cũng gióng cuộc chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ không thể thắng được vì chung quanh Iraq có một hậu cần của khối Hồi Giáo qúa lớn. Thế thì tại sao chính phủ Bush vẫn mở cuộc tấn công?

MỤC TIÊU NHẮM TỚI

Các nhà phân tich lúc đó tin tưởng răng chính phủ Bush đã mở cuộc tấn công Iraq bằng mọi giá nhắm vào hai mục tiêu sau đây: Khai thác đầu lửa và thực hiện các cuộc đấu thầu quốc phòng.

1.- Khai thác dầu lửa

Năm 2003 trữ lượng dầu mỏ nhiều nhất trên thế giới là ở Ả Rập Saudi (262,7 tỉ thùng), Iran (130,7 tỉ thùng) và ở Iraq (115,0 tỉ thùng), kế đến là ở Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Kuwait và Venezuela. Không có trữ lượng đầu lửa này, không chắc Hoa Kỷ đã tấn công Iraq.

Ngày 31.12.2008, Bộ Dầu Lửa Iraq đã cho các công ty ngoại quốc đầu thầu 11 khu vực khai thác dầu khí và dầu hoả, và nói những mỏ này được khai thác sẽ làm sản lượng dầu của Iraq tăng lên gấp đôi trong vài năm tới. Bộ trưởng Hussain al-Shahristani tuyên bố bắt đầu từ hôm nay, Iraq sẽ cho đấu thầu đợt 2 đối với 11 mỏ dầu lửa và dầu khí trong nước.

Nhưng loạn Quân Iraq Al-qaeda cũng sống được nhờ buôn lậu dầu. Đại úy Joe Da Silva, chỉ huy nhiều trung đội bảo vệ an ninh cho yếu khu có nhà máy lọc dầu Baiji có sản lượng rất lớn, một ngày xuất xưởng 500 xe bồn loại lớn, giá hàng chục triệu đô la, cho biết quân nổi dậy Iraq sống được là nhờ đường dây buôn bán dầu lậu. Quân nổi dậy có nhiều cách để làm việc đó, từ việc chận cướp các xe chở dầu, mua chuộc tài xế để mua dầu lậu với giá thật rẻ, đến việc đánh thuế xe và nếu không chịu đóng thì đốt phá xe.

Để để phòng việc Saudi Arabia trong tương lai có thể làm khó dễ Mỹ trong việc tăng giá dầu, Mỹ đã chuẩn bị dòm ngó Nigeria và vịnh Guinea, phiá tây bờ biển châu Phi, nơi có trữ lượng dầu lửa lớn. Tháng 5 vừa qua, Mỹ đã lập một căn cứ quân sự tại cảng Djibouti và nhiều nơi khác như: Ghana, Senegal, Mali, Equatorial Guinea và một quốc gia rất nhỏ ngự trị trên hòn đảo Sao Tome. Mỹ đã ước lượng vào năm tới Mỹ có thể thu họach dầu lửa ở Tây châu Phi khoảng 20% tổng số dầu lửa trên thế giới mà quan trọng là Nigeria. Và nhờ vào việc can thiệp vào Liberia, Mỹ có thể kiểm soát được tất cả các nước có dầu lửa vùng bờ biển vịnh Guinea ở châu Phi.

2.- Đấu thầu quốc phòng

Đấu thầu quốc phòng gồm hai loại: Loại một là tiêu thụ tất cả vũ khí còn lại đã lỗi thời từ chiến tranh Việt Nam và sáng chế các vũ khí mới. Loại hai là cung cấp cho đạo quân đang chiến đấu về tất cả mọi nhu cầu cần thiết.

Công ty Lockheed Martin, nhà thầu quốc phòng lớn nhất Hoa Kỳ, đã chính thức cho ra mắt một chiến đấu cơ mới. Trong buổi lễ khánh thành thứ vũ khí mới nhất này hôm 8.6.2006 tại Fort Worth, bang Texas, chiến đấu cơ F-35 Joint Strike đã được trao tặng biệt danh "Lightening Two", xin tạm dịch Thần Sấm Hai. Chiếc P-38, chiến đấu cơ nổi tiếng trong thời Thế Chiến Thứ Hai, cũng do công ty Lockheed chế tạo, đã được đặt biệt danh là Lightening.

Theo dự trù, các chiến đấu cơ F-35 sẽ thay thế chiến đấu cơ F-16 và F-A 18 Hornets, và một số các chiến đấu cơ khác đang được quân lực Hoa Kỳ và các đồng minh sử dụng. Sau các cuộc thí nghiệm cất cánh và hạ cánh theo lối truyền thống thực hiện vào mùa thu năm 2007, vào đầu năm 2008, chiến đấu cơ F-35 được thử cất cánh và hạ cánh theo đường thẳng, và theo chương trình sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2012.

Các cuộc đấu thầu cung cấp các nhu cầu quốc phòng là lộn xộn nhất. Từ ngày 29.10.2007 một nhóm thanh tra của quân đội Mỹ đã bắt đầu điều tra hơn 6.000 hợp đồng quân sự trị giá tới 2,8 tỉ USD phục vụ chiến tranh Iraq nhằm tìm kiếm bằng chứng gian lận và tham nhũng.

Hãng tin AP cho biết đội ngũ 10 người gồm các kiểm toán viên, nhân viên điều tra hình sự và chuyên gia hợp đồng sẽ có mặt tại một văn phòng của quân đội ở Detroit để kiểm tra 314 hợp đồng. Đây là những thỏa thuận được ký kết tại căn cứ quân sự Camp Arifjan ở Kuwait. Mỗi hợp đồng trị giá khoảng 25.000 USD và được ký kết từ năm 2003-2006.

Một nhóm thanh tra khác đang "soi" 339 hợp đồng khác tại Camp Arifjan. Theo AP, các viên chức quân đội khẳng định căn cứ Camp Arifjan là một "ổ tham nhũng". Văn phòng tại căn cứ này mua thiết bị và hàng hóa quân sự cho lính Mỹ ở Iraq. Các cuộc điều tra ban đầu phát hiện hoạt động đấu thầu hợp đồng diễn ra không minh bạch, trong khi chất lượng thiết bị có sự khác biệt giữa giấy tờ và thực tế. Cho đến nay đã có hơn 20 viên chức tại căn cứ này bị khởi tố vì tội nhận hối lộ hơn 15 triệu USD để dàn xếp các cuộc đấu thầu.

Trên đây chỉ là một vài thí dụ cụ thể.

MỘT CÁCH NHÌN VỀ ÔNG BUSH

Hôm 3.1.2009, trong một bài phân tích dưới đầu đề “Analysis: Bush's personality shapes his legacy”, ký giả Ben Feller của hảng AP đã viết về ông Bush như sau:

Sau này, Tổng Thống George W. Bush sẽ được xét đoán bởi những gì ông đã làm. Ông cũng sẽ được nhớ đến bởi cá tính của ông: một người lanh lẹ, một người gốc Texas sử dụng từ ngữ lộn xộn nhưng lúc nào cũng lạc quan, ngay trong lúc cả nước chẳng được như vậy.

Trong tám năm, đất nước Hoa Kỳ đã được lãnh đạo bởi một người thích ra sân dọn dẹp bờ bụi trong cái nắng nóng chói chang gay gắt và đạp xe ào ào qua cánh rừng. Ông thích đặt tên hiệu cho các nhà lãnh đạo thế giới, và dành cho vị nữ thủ tướng Đức một cuộc xoa bóp bất ngờ, có lẽ chỉ được đón nhận miễn cưỡng, trên cổ của bà ta. Ông khó chịu khi phải chờ đợi và luôn theo đúng chương trình của mình. Ông luôn giữ thái độ lạc quan ngay cả trong tình huống khó khăn nhất, nhưng cũng sẵn sàng nhỏ lệ dù trước công chúng. Ông cũng chẳng dành thời giờ để tìm hiểu về chính mình, và mãi đến thời gian gần đây mới khởi sự nhìn lại chặng đường đã đi qua.

Cách thức điều hành và tính khí của ông đã ảnh hưởng nhiều đến di sản không thua gì các quyết định của ông trong thời gian qua.

Chính sách ảnh hưởng đến đời sống con người, nhưng cá tính để lại những hình ảnh không quên, cả tích cực lẫn tiêu cực.

Dù thế nào chăng nữa, đó là những hình ảnh đặc thù về ông Bush.

Không được trễ.

Tổng thống Bush đòi hỏi sự đúng giờ và ghét sự không hiệu quả. Mỗi cuộc họp phải có một mục đích rõ ràng. Và không nên lập lại những gì mà ông đã biết.

Ông dậy sớm và thường bắt đầu làm việc ở Văn Phòng Bầu Dục (Oval Office) vào lúc 6 giờ 45 sáng. Đến 9 giờ 30 hay 10 giờ tối là ông đi ngủ. Ông muốn tỉnh táo khi thức dậy và không muốn bị mất giấc ngủ của mình.

Trong các cuộc họp với các chuyên gia về chính sách, Tổng Thống Bush thường hỏi những câu hỏi về ngay điểm chính yếu của một vấn đề phức tạp. Các phụ tá của ông đã lấy làm tiếc là người dân trong nước không bao giờ biết được sự sáng suốt đó của ông, ngay cả sau tám năm cầm quyền. Họ miêu tả ông là một người luôn tìm hiểu kỹ càng sự việc chứ không có cái nhìn hời hợt như phần lớn thế giới nghĩ về ông.

Khi tổng thống Bush muốn có câu trả lời, người được hỏi không nên phỏng đoán.

“Ông có thể nhìn ra điều này ngay lập tức, nếu bạn không nắm vững vấn đề,” theo giám đốc thông tin Tòa Bạch Ốc Kevin Sullivan.

Những người khác có thể viết diễn văn cho tổng thống Bush đọc, nhưng ông sẽ loại bỏ những câu mà ông nghĩ rằng đi ra ngoài một tiến trình hợp lý. Đó là sự kỷ luật của Tổng Thống Bush.

Bạn có thể nhận ra những vấn đề Tổng Thống Bush quan tâm, vì ông nói về những điều này một cách khác hơn, nhiệt thành hơn: đó là giáo dục, giúp ngăn ngừa bệnh AIDS, tự do. Đây là những vấn đề có thể nhìn thấy rõ ràng hơn qua lăng kính của đạo lý. Đó là cách Tổng Thống Bush nhìn thế giới quanh mình.

Tổng Thống Bush đọc Kinh Thánh thường xuyên. Thêm một điều ông cũng thường xuyên làm: thể dục thể thao. Ông dành thời giờ để luyện tập ít nhất sáu ngày trong tuần, dù là ở nơi nào. Và ông tập rất hăng hái, đặc biệt là khi ông leo lên chiếc xe đạp leo đồi vào mỗi cuối tuần, khi ông khiến các nhân viên mật vụ theo bảo vệ phải cố gắng hết sức mới theo kịp ông. Ông là người có tinh thần tranh đua và muốn ở trong vị thế chỉ huy.

Ngay cả việc ăn uống cũng được nhìn với một mục tiêu rõ ràng.

Tổng thống Bush muốn thức ăn trưa của ông sẵn sàng khi ông sẵn sàng để ăn, và ăn nhồm nhoàm thật nhanh. Sự ưa thích của ông cũng rất rõ ràng: có thể là lát bánh mì có mật ong trét đậu phọng (peanut butter and honey sandwich) hay bánh mì kẹp thịt (burger). Cựu đầu bếp chánh Tòa Bạch Ốc Walter Scheib học được một điều là không bao giờ sửa soạn bánh mì cho ông Bush mà không có một chút mù tạc của Pháp.

Người đến từ vùng đất của dân cao bồi với giầy ủng này lại ra lệnh cho mọi người phải ăn mặc đàng hoàng khi vào Tòa Bạch Ốc. Không có chuyện mặc quần jean khi vào khu vực Cánh Tây (West Wing) của tòa nhà. Và vào trong Văn Phòng Bầu Dục là phải có cà vạt và áo vest bên ngoài.

“Sự thứ tự trong tiến trình làm việc cho ông sự mạnh dạn,” theo lời Peter Wehner, một cựu phụ tá của tổng thống Bush và hiện là một viên chức cao cấp tại trung tâm nghiên cứu về Đạo Đức và Chính Sách Công Chúng (Ethics & Public Policy Center).

Và khi đứng trước mặt Tổng Thống Bush, bạn nên tắt máy điện thoại của mình. Thật đáng tội cho người nào phải chịu đựng cái nhìn gườm gườm của Tổng Thống Bush khi chiếc máy Blackberry của họ reng lên không đúng lúc.

Văn phạm trong ngôn từ Tổng Thống Bush sử dụng đôi khi cứ rối tung lên. Thí dụ như khi muốn nói là đã nói chuyện với các gia đình có người thiệt mạng trong cuộc chiến, ông lại nói rằng “I talk to families who die”—có nghĩa là “tôi nói với các gia đình đã chết”. Ông thỉnh thoảng cũng thêm chữ ‘s” vào các danh từ số nhiều như “childrens do learn when standards are high.” Những điều này đã tạo ra những hình ảnh không hay về vị tổng thống tốt nghiệp từ trường đại học danh tiếng Yale ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, những người đã nói chuyện riêng tư với ông: các nhà báo, sử gia, những người tranh đấu... lại có một hình ảnh rất khác biệt về một người mà họ coi là có sự suy nghĩ rất tỉ mỉ.

Tổng thống Bush thích gọi người khác bằng tên hiệu mà chính ông chọn cho họ. Các ký giả, thành viên nội các, các nhà lãnh đạo thế giới—ông đặt tên hiệu (nick name) cho tất cả mọi người. Điều này thường tạo ra một sự thân thiện giữa tổng thống và người chung quanh và Tổng Thống Bush thích như vậy.

Tổng Thống Bush có thể cho thấy sự nóng nảy và không kiên nhẫn. Nhưng nếu ông là người không chịu bị chỉ trích—và ông thường xuyên bị chỉ trích—ông đã không cho thấy điều đó.

Khi cựu tùy viên báo chí Tòa Bạch Ốc Scott McClellan víêt một cuốn sách chỉ trích thậm tệ sự lãnh đạo của Tổng Thống Bush, ông đã nói với các cố vấn cao cấp là hãy bỏ qua điều này.

“Hãy kiếm một cách nào đó để tha thứ, vì đó là cách bạn sống trong đời,” tùy viên báo chí Tòa Bạch Ốc hiện nay là Dana Perino đã kể lại lời khuyên Tổng Thống Bush dành cho bà.

Tổng Thống Bush nhất định giữ sự lạc quan, cho dù số phần trăm người dân Mỹ ủng hộ ông xuống thấp đến đâu.

“Mỗi ngày đều là một ngày vui vẻ,” ông cho hay mới đây, diễn tả một trong những thời đại tổng thống khó khăn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Những lúc đau lòng nhất cho ông là những khi ông gặp gia đình của các binh sĩ tử trận trong cuộc chiến mà ông đã gửi họ đi. Hay khi ông gặp các thương binh. Nhiều người nói với ông là họ muốn được quay trở lại chiến trường. Ông đã rất cảm động về những hy sinh này.

Tổng Thống Bush đã có lần cho hay: “Tôi nhiều lần khóc khi ở trong nhiệm vụ này,”

Tổng thống Bush không phải là người thích tiệc tùng, hội hè. Ông và bà vợ cũng đến nhà các bạn nhưng không lui tới nhà hàng hay những nơi nhộn nhịp khác ở Washington. Các phụ tá của ông nói rằng ông không muốn những hoạt động bảo vệ an ninh cho mình làm phiền công chúng.

Đó cũng là lý do tại sao ông thường có các chương trình làm việc nhanh chóng ở ngoại quốc. Ngay cả ở những nơi có phong cảnh đẹp đẽ nhất, Tổng Thống Bush cũng không dành thời giờ du ngoạn mà đi thẳng vào công việc, tạo thêm sự hiểu lầm là ông chẵng muốn tìm hiểu gì về thế giới bên ngoài.

Ông Bush nói: “Tôi là người thích ở trong ổ.”

Thật là không nơi nào bằng trang trại thân thương của ông Crawford, tiểu bang Texas. Trong tám năm cầm quyền, ông đã dành khoảng một năm ở trang trại này.

Ông chặt cây, làm sạch bờ bụi, làm đường đạp xe đạp. Sức nóng của mùa hè không làm ông mệt mỏi mà lại tạo sự hứng khởi. Ông giải trí bằng cách đọc sách, thường là sách lịch sử Hoa Kỳ và thế giới. Ông cũng thích xem các phim diễu trinh thám như loạt phim “Austin Powers”. Ông dành thời giờ nghỉ ngơi với vợ.

Chẳng bao lâu nữa ông sẽ có nhiều thời giờ riêng cho mình.

Ôâng Bush nói: “Tôi rời khỏi chức vụ tổng thống ngẩng cao đầu với sự hãnh diện.”

Và ông cũng sẽ để lại nhiều điều để mọi người nhớ tới.

CON NGƯỜI QUYỀN LỰC NHẤT

Không phải chỉ Ben Feller, nhiều nhà phân tích cũng đã công nhận một số ưu điểm của Tổng Thống Bush, nhưng đàng sau lưng ông còn có Phó Tổng Thống Dick Cheney, người nắm nhiều quyền hành của Toà Bạch Ốc.

Phóng viên Stephen F. Hayes của tờ New York Times và tờ Weekly Standard, đã viết cuốn “The Untold Story of America’s Most Powerful and Controversial Vice President”, tiết lộ nhiều thông tin liên quan đến Phó Tổng Thống Dick Cheny từ thời kỳ ở Đại học Yale, những năm tháng đầu tiên của ông trong ngành luật, những sự kiện khiến cho ông trở thành một cố vấn, rồi một nhà lãnh đạo hết sức quan trọng tại Nhà Trắng, cuộc đối đầu của ông với giới lãnh đạo trong Quốc Hội hay cả việc người ta phản đối gay gắt với quyết định lật đổ Tổng thống Iraq Saddam Hussein. Khi nào có dịp, chúng tôi sẽ trở lại đề tài này.

Công ty Halliburton chuyên về dịch vụ cho các giếng dầu và đấu thầu quốc phòng, đã được thầu phục vụ cho quân đội Mỹ ở Iraq gần 2 tỷ mỹ kim không có đấu giá, họ bị Bộ Quốc Phòng Mỹ điều tra về việc tính giá xăng và thức ăn quá cao, và đưa hóa đơn tính tiền những việc họ không làm.

Phó Tổng thống Cheney điều khiển công ty Halliburton từ năm 1996 cho đến năm 2000, là thời gian xảy ra những vụ gian lận kế toán và đánh lừa thị trường. Tuy nhiên, Văn Phòng Phó Tổng Thống cho báo chí biết ông không liên can gì đến những vụ bị tố cáo.

MỘT LỐI TIỂN ĐƯA CHUA CHÁT

Hôm 15.12.2008, trong lúc Tổng Thống Bush họp báo với Thủ Tướng Nouri Kamil Mohammed Hassan al-Maliki của Iraq tại Baghdad, phóng viên truyền hình Iraq Muntadar al-Zaidi đứng lên và hô vang trước khi ném giày vào ông Bush và suýt nữa trúng vào người ông: “Đây là cái hôn tạm biệt từ người dân Iraq, con chó.”

Khi ném chiếc giày thứ hai mà ông Bush cũng tránh được, Zaidi nói: “Cái này cho những góa phụ và trẻ mồ côi và tất cả những ai bị giết ở Iraq.”

Zaidi là phóng viên cho hãng truyền hình al-Baghdadiya có trụ sở ở Cairo, đã bị vật xuống đất và bị giải đi. Ông Bush sau đó hài hước nói: “Nếu các bạn muốn sự thật, thì anh ta ném giày cỡ 10.”

Đây là một lối từ biệt quá chua chát được các đài tryền hình Mỹ chiếu đi chiếu lại nhiều ngày.

Chúng ta không thể biết được trong thời gian ông Bush cầm quyền, các công ty dầu lửa và đấu thầu quốc phòng kiếm được mấy trăm tỷ, nhưng nền kinh tế Hoa Kỳ đi xuống, còn các nhà phân tích cho rằng cuộc tấn công Iraq đã làm cho Hoa Kỳ mất quyền lực vô địch trên thế giới đã nắm được kể từ khi khối cộng sản sụp đổ và làm cho tình hình thế giới trở nên bất ổn hơn.

Chúng tôi nhớ lại trong Trong Sứ Điệp Giáng sinh Urbi et Orbi đọc vào trưa 25.12.2008, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã nói: “Nơi nào tính ích kỷ cá nhân hay tập thể đang lấn át công ích... Nếu mỗi người chỉ nghĩ tới ích lợi riêng tư của mình, thì thế giới sẽ đi tới chỗ diệt vong.”

Ghi chú: Nếu tìm không thấy bài, cứ vào motgoctroi.com, mục "Mỗi tuần một chuyện" sẽ thấy trong đó.
 
Đức Thánh Cha tiễn biệt một nhà ngoại giao suốt đời phục vụ Thiên Chúa
Bùi Hữu Thư
05:28 14/01/2009

Đức Thánh Cha tiễn biệt một nhà ngoại giao suốt đời phục vụ Thiên Chúa



Cử hành Thánh Lễ An Táng Đức Hồng Y Laghi

VATICAN ngày 13, tháng 1, 2009
(Zenit.org).- ĐTC Benedict XVI hôm nay ngợi khen công trình truyền giáo và ngoại giao của Đức Hồng Y Pio Laghi, mới qua đời ngày Chúa Nhật, hưởng thọ 86 tuổi.

Đức Hồng Y Pio Laghi


Đức Hồng Y Angelo Sodano
Thánh Lễ an táng Hồng Y Laghi được Đức Hồng Y Angelo Sodano, Trưởng Hồng Y Đoàn chủ tế. ĐTC giảng thuyết và chủ sự nghi thức tiễn đưa và từ biệt.

ĐTC nói, "Chúng ta nguyện xin Thiên Chúa sớm đưa người anh em của chúng ta về hưởng vinh phúc muôn đời, những hoa trái đầu tiên ngài đã được hưởng trước ngay trên trần thế này qua sự hiệp thông của giáo hội, và sự xây dựng các mối liên kết bình an và hòa điệu giữa các dân tộc và quốc gia, nơi ngài đã được gửi tới như một đại sứ của Tòa Thánh."

Trong bài giảng, ĐTC đọc vài câu trong chứng từ thiêng liêng của vị Hồng Y người Ý được viết vào tháng 11 vừa qua: “Một lần nữa tôi xin dâng lên Thiên Chúa cuộc đời phục vụ Giáo Hội của tôi, cho Đức Thánh Cha và cho sự thánh hóa các anh em của tôi trong hàng ngũ linh mục.

Giờ này tôi đã sẵn sàng chấp nhận cái chết mà Thiên Chúa đã an bài cho tôi: tôi chỉ xin Người cho những ngày đau yếu cuối đời của tôi sẽ ngắn ngủi nếu có thể, một phần để tránh làm gánh nặng cho những ai phải săn sóc tôi.”

ĐTC khẳng định rằng “Thiên Chúa, Đấng mà Hồng Y đã hoàn toàn tận hiến, giờ đây đã mở rộng vòng tay đón ngài như một người cha nhân từ và hay thương xót."

ĐTC nhắc lại các sứ vụ Đức Hồng Y đảm trách: Năm 2003 tới Tòa Bạch Ốc để trình bầy quan điểm và các hành động của Tòa Thánh đóng góp cho việc giải trừ vũ khí và xây dựng hòa bình tại Trung Đông; và chuyến đi Đất Thánh năm 2001, như đặc sứ của Đức Giáo Hoàng, gặp gỡ các chức quyền Do Thái và Palétin để đưa tận tay một sứ điệp của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, nhằm cổ võ việc ngưng bắn và tái thiết cuộc hòa đàm.

ĐTC Benedict XVI tưởng niệm, "Các sứ vụ khó khăn ngài đã cố gắng thi hành, với tinh thần luôn luôn trung thành dâng hiến cho Thiên Chúa và Giáo Hội.”

ĐTC tiếp tục bằng việc trích dẫn chứng từ thiêng liêng, “Tôi đã ước muốn yêu Chúa Kitô và phục vụ Người suốt cả cuộc đời, mặc dầu sự mỏng dòn của tôi nhiều khi ngăn không cho tôi luôn luôn thể hiện được rõ ràng tình yêu, lòng trung thành và sự hoàn toàn vâng phục Thánh Ý Người của tôi, như tôi ước muốn.”
 
Toà Thánh sẽ có những hướng dẫn mới về điều tra phép lạ
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
15:59 14/01/2009
Vatican - Theo hướng dẫn mới của Tòa Thánh Vatican nhằm mục đích dẹp bỏ những khẳng định sai lạc về các phép lạ, theo đó những người Công Giáo khẳng định rằng đã được thị kiến Đức Maria Đồng Trinh sẽ phải giữ im lặng về các cuộc hiện ra cho đến khi một nhóm các nhà tâm lý, các thần học gia, các linh mục và các chuyên gia trừ quỷ điều tra đầy đủ những khẳng định của họ.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chỉ thị cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, thảo một tập chỉ dẫn để giúp các giám mục xoá bỏ sự bùng nổ các hiện tượng lạ siêu phàm không có thật.

Đức Thánh Cha dự kiến sẽ cập nhật các quy định về điều tra các hiện tượng lạ hiện nay của Tòa Thánh Vatican để giúp phân biệt thật giả các thị kiến về Chúa Giêsu, về Đức Maria Đồng Trinh, về các thông điệp, về dấu thánh (sự xuất hiện năm vết thương của Chúa Kitô), thánh tượng chảy máu và chảy nước mắt, các phép lạ Thánh Thể.

Đức Cha Luis Francisco Ladaria Ferrer, Đức Tổng Giám Mục Dòng Tên người Tây Ban Nha được nể trọng, đã được giao trọng trách thảo tập chỉ dẫn, như là một thứ "vademecum" (cẩm nang)để cập nhật các quy định hiện nay, vốn được ban hành vào năm 1978.

Theo Petrus, một tạp chí trực tuyến của Ý, thì những ai khẳng định đã thấy sự hiện ra sẽ chỉ được tin với điều kiện là phải im lặng và không được tìm cách công khai về những khẳng định của mình. Nếu họ từ chối vâng lời, điều này sẽ được xem như là một dấu hiệu về những khẳng định của họ là sai lạc.

Những thị nhân sẽ được một nhóm chuyên gia về tâm thần học, là người vô thần hay người Công Giáo, đến thẩm tra để chứng nhận sức khỏe tâm thần của họ, trong khi các thần học gia sẽ đánh giá nội dung của bất cứ thông điệp siêu phàm nào để xem chúng có mâu thuẫn với Giáo huấn của Giáo Hội không.

Nếu thị nhân được xem là đáng tin cậy thì họ sẽ được một hoặc nhiều nhà nghiên cứu về ma quỷ và các chuyên gia trừ quỷ đặt câu hỏi để loại trừ khả năng rằng Satan ẩn đằng sau các cuộc hiện ra để đánh lừa tín hữu.

Các nguyên tắc cho việc phê chuẩn các cuộc hiện ra và các mạc khải đã được ban hành vào năm 1978, trong đó xác nhận rằng một giám mục giáo phận "hoặc bằng sự chủ động của ngày hoặc theo yêu cầu của tín hữu" có thể chọn để điều tra một sự việc được xem là cuộc hiện ra. Sau đó ngài đệ trình một báo cáo lên Tòa Thánh Vatican để được chấp thuận.
 
Đệ nhất Phu nhân Laura Bush khen ngợi nền giáo dục Công giáo
Phụng Nghi
16:07 14/01/2009
Washington DC - (CNA) - Hôm qua thứ Ba, Bà Laura Bush đã tới thăm Trường Little Flower ở Bethesda, tiểu bang Maryland. Đây là buổi thăm viếng trường học sau cùng trong cương vị Đệ nhất Phu nhân của bà. Đề cập đến việc cử hành Tuần lễ Trường học Công giáo Toàn quốc sắp khai diễn, bà đã khen ngợi lịch sử các trường Công giáo tại Hoa kỳ và chúc mừng trường Little Flower vì đã được chọn nhận giải Ruy-băng Xanh (Blue Ribbon School).

Thính giả của bà gồm ban điều hành và giảng huấn, các học sinh trường, và đức tổng giám mục Donald Wuerl giáo phận Washington.
TGM Donald Wuerl và học sinh trường Little Flower


“Đây là lần thăm viếng trường học sau cùng của tôi trong vai trò Đệ nhất Phu nhân Hoa kỳ, và tôi muốn chấm dứt những cuộc thăm viếng các trường học bằng việc đến một trường tuyệt vời như Little Flower đây.” Đó là phát biểu của bà Bush lúc 10 giờ sáng hôm qua tại trường; bà cũng nhắc đến nghề nghiệp của bà trước kia là một giáo viên và một người quản thủ thư viện trường học.

Đệ nhất phu nhân nói rằng Tuần lễ Học đường Toàn quốc, được cử hành từ ngày 25 đến 31 tháng giêng, là “tuần lễ mọi người Mỹ có thể cám ơn các trường học Công giáo vì những công việc lớn lao quả thật quý vị đã thực hiện trên khắp đất nước chúng ta và trên khắp thế giới.”

“Đó cũng là lúc chúng ta đề cập đến tầm quan trọng của nền giáo dục Công giáo với các lãnh tụ của chúng ta.

“Các trường Công giáo đã có một lịch sử lâu dài tại Hoa kỳ. Nhiều trường học đầu tiên trong đất nước này mà các em nhỏ sinh sống tại Hoa kỳ lần đầu tiên theo học là những trường Công giáo.

“Quý vị đã có một lịch sử lâu dài cả về học thuật cũng như bảo đảm cho các trẻ em Mỹ trong học đường Công giáo học hỏi được các giá trị đạo đức quan yếu cho tất cả mọi người chúng ta và cũng quan trọng cho người dân đất nước Hoa kỳ.”

Bà nói thêm rằng Tuần lễ Học đường Toàn quốc là một cơ hội để cho bà cám ơn mọi người hoạt động ở môi trường giáo dục Công giáo trong Tổng giáo phận Washington, và cũng là cơ hội để bà chuyển đạt lời cám ơn thay mặt cho Tổng thống Bush.

Bà Laura Bush nhận định: “Các trường Công giáo đã có sự tận tâm đặc biệt trong các khu vực nội thành. Nhiều trường Công giáo tại Mỹ đang đảm nhiệm sứ mạng đặc biệt, nhận trách nhiệm giáo dục các học sinh thiếu may mắn, và tôi muốn đặc biệt cám ơn quý vị vì điều đó, và khuyến khích sứ mạng quan trọng như thế được tiếp diễn trong các khu vực nội thành của chúng ta.”

Sau đó bà chúc mừng trường vì năm qua đã được thưởng giải Blue Ribbon.

Bà nói: “Quý vị có thấy cái ruy-băng mầu xanh rất lớn treo tại hành lang của trường không? Quý vị có biết rằng cả nước Hoa kỳ chỉ có 50 trường tư thục được chọn nhận giải Blue Ribbon không? Thế nên đó thật là một thành quả tuyệt vời.”

Bà nói, giải thưởng này có nghĩa là các học sinh tại trường Little Flower đã thực sự học hỏi và thành công “về mọi mặt.”

“Tôi muốn gửi lời chúc mừng đặc biệt đến các giáo viên, đến ban quản trị, nhưng đặc biệt là đến các học sinh Trường Little Flower. Tôi muốn khen ngợi toàn thể các em.

“Xin chúc mừng vì các em đã là những bé thông minh xuất sắc đến thế.”

Đệ nhất phu nhân cho biết rằng trong Tổng giáo phận Washington, gần 97% các em đã theo học trường Công giáo thì sau đó tiếp tục học lên cao hơn. Bà nói:

“Như vậy thì là một thành tích rất mực tốt đẹp, một con số thống kê rất tốt đẹp.”

Bà Bush chấm dứt bài phát biểu bắng lời cám ơn Đức Tổng giám mục Wuerl, Sơ hiệu trưởng Rosemaron Rynn và các học sinh đang nghe bà nói.

Trường Little Flower mở cửa năm 1953, từ đó được điều hành do các nữ tu Dòng Các Chị em Tỳ nữ Mẹ Maria Vô nhiễm. Nhà mẹ của Dòng ở tại Scranton, tiểu bang Pennsylvania.

Hiện nay trường Little Flower có 6 nữ tu thuộc Tu hội nói trên trong ban giảng huấn. Theo web site của trường, thì nơi đây cung ứng một chương trình giáo khoa “hoàn hảo” được "thấm nhuần và sống động bằng sứ điệp Tin Mừng, sẽ làm hứng khởi mọi người để sống các giá trị của đức tin Công giáo.”
 
Top Stories
Vietnam: Les autorités locales d’un quartier de la ville de Son La ont décrété le couvre-feu pendant la nuit de Noël
Eglises d'Asie
04:32 14/01/2009
Alors que, depuis les années 1990, les conditions de célébration du culte chrétien se sont considérablement améliorées dans l’ensemble de la moitié nord du Vietnam, une région faisait encore exception: la région montagneuse des trois provinces frontalières du Laos et de la Chine, au nord-ouest du Vietnam, à savoir Son La, Diên Biên et Lai Châu. De nombreuses ethnies minoritaires y habitent, dont beaucoup se sont tournées assez récemment vers le christianisme. A l’approche de Noël et jusqu’au premier de l’An, la situation religieuse y est particulièrement tendue et les incidents sont fréquents. Les contrôles policiers sur les communautés chrétiennes, catholiques et protestantes, se multiplient en de nombreux endroits; les rassemblements religieux et la venue de prêtres sont interdits. Selon un rapport publié par le prêtre chargé du laïcat dans le diocèse de Hung Hoa (1), duquel dépendent ces trois provinces, la situation s’est quelque peu améliorée en 2008 et les fêtes de fin d’année ont été célébrées dans un climat relativement satisfaisant avec, cependant, une exception de taille, celle de la communauté catholique de Son La, chef-lieu de la province du même nom. En effet, le président du Comité populaire du quartier où réside cette communauté a fait décréter le couvre-feu pendant toute la nuit de Noël sur tout le territoire qu’il administre.

Dans la nuit du 24 au 25 décembre, sans aucun avertissement préalable, le responsable municipal du quartier Quyet Thang, de l’agglomération de Son La, a fait interdire aux catholiques de sortir de chez eux et d’aller rendre visite à leurs proches sous le prétexte que l’ensemble du quartier était placé sous le régime du couvre-feu. Il s’agissait en réalité d’empêcher les rassemblements religieux. A cet effet, des agents de la Sécurité, en armes, ont surveillé le quartier toute la nuit, pour faire respecter le couvre-feu et empêcher toute communication entre catholiques. Des touristes catholiques en quête de messe de minuit et des journalistes ont été témoins des agissements de la police.

Interrogé quelques jours après les faits par des journalistes de Radio Free Asia (1) sur les raisons de ce couvre-feu, le responsable municipal a répondu qu’il s’agissait d’une mesure destinée à assurer la sécurité de la population dont il était chargé. 100 % de ses administrés, a-t-il déclaré, se seraient engagés à le respecter. En réalité, il n’y a jamais eu d’ordre écrit et le couvre-feu n’a jamais fait partie des clauses d’une convention que le chef du quartier aurait fait signer aux habitants s’engageant à ne pas organiser de réunions de prière ou de rassemblements religieux et à ne pas se mettre en rapport avec des organismes religieux.

Selon le rapport publié par l’évêché de Hung Hoa, la fin de l’année 2008 a cependant été marquée par une certaine amélioration de la situation religieuse dans les trois provinces du nord-ouest vietnamien. En 2006, pour la première fois depuis que le diocèse a été fondé en 1895, l’évêque, Mgr Antoine Vu Huy Chuong, a pu faire une tournée générale des trois provinces en question, pour y rencontrer les autorités, les informer des besoins religieux, faire enregistrer les lieux de culte et les prêtres les desservant, à savoir le curé de Sa Pa et l’auteur du rapport, le P. Nguyên Trung Thoai. Certains accords avaient été passés. Lors d’une nouvelle tournée au mois de mai 2008, l’évêque a pu constater que, malgré de très graves difficultés, un peu partout les communautés chrétiennes progressaient; les fêtes de Noël ont pu être célébrées en divers lieux des trois provinces, sauf dans la ville de Son La, où les chrétiens, au courant des intentions des autorités locales, ont fait avertir le curé de ne pas se déplacer. Un autre prêtre venu de Hanoi à Son La dans la soirée du 24 décembre pour célébrer la messe, a dû y renoncer en raison du couvre-feu et n’a eu d’autre ressource que de retourner à la capitale.

La province de Son La compte aujourd’hui environ 3 000 catholiques vietnamiens auxquels il faut ajouter un millier de catholiques h’mongs, originaires de divers districts.

(1) Le rapport a été publié le 28 décembre 2008 sur le site VietCatholic News.
(2) Radio Free Asia, émission en langue vietnamienne, 2 et 3 janvier 2009.

(Source: Eglises d'Asie, 13 janvier 2008)
 
Vinh Long: les religieuses de Saint-Paul de Chartres protestent contre la décision prise par les autorités provinciales concernant leur propriété
Eglises d'Asie
14:38 14/01/2009
Les religieuses de Saint-Paul de Chartres de Vinh Long continuent leur lutte pour la récupération de l’orphelinat dont elles avaient été chassées avec leurs pensionnaires par les autorités révolutionnaires en 1977. Depuis cette date, la propriété a été utilisée à divers usages et a fait l’objet de multiples transactions commerciales. Au cours de l’année passée, il avait été question qu’elle soit transformée en hôtel de luxe, ce qui avait provoqué une vigoureuse protestation des religieuses (1). Le 12 décembre dernier, lors d’une réunion où était convoquée la supérieure provinciale des religieuses, le Comité populaire provincial a fait annoncer, sans consultation ni débat préalables, que la propriété accaparée serait transformée en jardin public car, précisait le communiqué, les religieuses avaient fait savoir que « si l’Etat utilisait cette propriété pour le bien commun, elles n’exigeraient pas sa restitution ». L’évêque de Vinh Long a protesté en premier lieu dans une lettre adressée aux autorités (2). Le 23 décembre, la communauté des religieuses s’est adressée aux responsables provinciaux dans une lettre intitulée « Plainte urgente ».

Dans ce texte, les religieuses commencent par rappeler les circonstances étranges dans lesquelles elles ont été informées de la décision des autorités. Invitées par courrier à venir échanger des idées et à débattre avec les autorités provinciales sur le problème de leur ancienne maison, elles se sont retrouvées parmi une assemblée composée de représentants des associations patriotiques et des organes de la presse officielle. Il s’agissait en réalité d’une conférence de presse pendant laquelle on a annoncé la nouvelle décision sous forme d’un communiqué. Des prêtres et les religieuses présentes à la réunion ont alors fait part de leur désaccord avec cette décision, car la propriété avait été illégalement accaparée par l’Etat en 1977 et appartenait toujours aux religieuses.

La lettre explique ensuite pourquoi la confiscation de la propriété en 1977 et l’expulsion des 18 religieuses qui y habitaient à cette époque ont été menées en complète illégalité, en contradiction avec la politique de liberté religieuse proclamée. La lettre propose de revenir sur la nature de ces décisions, dont le texte, injurieux pour les religieuses, ne leur fut communiqué que de nombreuses années plus tard.

Les religieuses ajoutent qu’elles ne se seraient pas opposées à l’utilisation de cette propriété au service du bien commun. Mais il aurait fallu auparavant que les autorités négocient avec elles et leur procurent, en compensation, une propriété de dimension équivalente où elles puissent édifier une nouvelle maison pour leur congrégation. Or, la décision de transformer la propriété en jardin public a été unilatérale et arbitraire. Elle n’a été accompagnée d’aucune indemnisation.

La lettre des religieuses est suivie d’une note manuscrite de l’évêque de Vinh Long demandant aux autorités de revenir sur leur décision et de répondre favorablement aux aspirations légitimes des religieuses.

(1) Voir l’historique dans EDA 484, 488.
(2) Voir EDA 498.

Eglises d'Asie, 14 janvier 2009
 
Laura Bush congratulates Blue Ribbon school
Bradford Pearson/
16:35 14/01/2009
In one of her final official duties, the first lady recognizes Little Flower

First Lady Laura Bush visited Little Flower School Tuesday to honor the Bethesda school for its U.S. Department of Education Blue Ribbon.

It was the last school visit Bush would make as First Lady.

"I've had the chance to visit schools all over the United States and world, and I wanted to end with a terrific school like Little Flower," Bush said during a school assembly.

Little Flower received the award in September, and was one of only 50 private schools nationwide to be awarded the honor this year. To be named a Blue Ribbon school, Little Flower had to demonstrate that it had either exceptional academic results or that the school had dramatic gains in student achievement in the past year, according to Kathy Dempsey, a spokeswoman for the Archdiocese of Washington.

Little Flower is an archdiocesan Catholic school, located on Massachusetts Avenue. More than 250 students in grades pre-kindergarten through eight attend the school.

Students had reading and math scores that ranked in the top 10 percent of the country, Dempsey said.

During the brief assembly, Bush was introduced by Washington Archbishop Donald W. Wuerl. Bush addressed the crowd and received a bouquet of roses from three Little Flower students. She then made her way to the other side of the school, where she was serenaded by a choir of the school's kindergarteners, first-graders and second-graders.

After the song, Bush presented Little Flower with a rack of gifts apropos of her previous position as librarian: books.

"I was cleaning out my office, so now they're going to be in your library," Bush said of the two dozen or so books, including "Read All About It," a book she wrote with her daughter Jenna.

For students at the school the event was once-in-a-lifetime.

"I thought it was really cool, because she is only going to be in office for a few more days," said eighth-grader Forrest Conley, of Bethesda. "We just found out yesterday during lunch and we were really excited."

For staff, the work—and Secret Service, White House handlers, and Archdiocese security—was all worth it in the end.

"It was very exciting. When you look forward to something, sometimes you prepare for the problems, but this was just great," said Principal Sister Rosemaron Rynn. "It was a good event for the youngsters."

Rynn said the school received notice about Bush's visit 10 days ago, but a final time wasn't determined until Friday.

According to Dempsey, schools in the Washington Archdiocese have won the Blue Ribbon award 21 times since it was established in 1982.

Other recent county Catholic school winners include St. Andrew the Apostle School (2007 and 1989) and St. Bernadette School (2003 and 2000), both in Silver Spring.

(Source: http://www.gazette.net/stories/01142009/poolnew204518_32488.shtml)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Năm Thánh Đức Mẹ TàPao: Ngày hành hương dành cho giáo sĩ
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
05:24 14/01/2009
PHAN THIẾT - Toà Ân Giải Tối Cao đã ban sắc lệnh cho phép Giáo Phận Phan Thiết được tổ chức Năm Toàn Xá nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày khánh thành và làm phép tượng đài Đức Mẹ TàPao (8/12/1959-8/12/2009).

Năm Thánh Đức Mẹ TàPao 2009 là dịp để Giáo phận bày tỏ lòng tri ân và cảm tạ Thiên Chúa với bao hồng ân mà Ngài đã ban qua Đức Maria, đồng thời là dịp cổ vũ lòng yêu mến Chúa, Đức Mẹ và Giáo hội.

Lễ khai mạc Năm Thánh đã tổ chức ngày 8/12/2008.Theo lịch phân chia: tháng 01 dành cho các linh mục.

Mỗi ngày 13 trong tháng, đông đảo khách hành hương thập phương đến với Đức Mẹ Tàpao. Ngày 13.1 là dịp đặc biệt, Đức Giám Mục giáo phận cùng linh mục đoàn, một số linh mục ngoài giáo phận cùng hàng ngàn khách hành hương hiệp dâng thánh lễ.

1. Thánh Lễ.

Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan giảng lễ, suy niệm Tin mừng ngày thứ ba tuần I thường niên ( Mc 1,21-28).

Hôm nay tuy là ngày hành hương dành cho các linh mục, nhưng đang có hàng ngàn giáo dân trong và ngoài giáo phận Phan Thiết cùng về đây dự lễ. Thật là một sự quy tụ hài hòa của Dân Thiên Chúa dưới cánh tay Đức Trinh Nữ Maria.

Chúng ta hiệp nhất cầu nguyện và tạ ơn Chúa, tạ ơn Đức Mẹ đã ban bao ơn lành cho khách hành hương nói chung và cho riêng giáo phận Phan Thiết trong năm qua. Với gần một trăm linh mục đồng tế hôm nay, chúng ta cùng nhau tạ ơn và xin ơn thánh hoá các linh mục vì Mẹ Maria là mẹ các linh mục.

Qua bài Tin Mừng này tôi muốn chia sẽ với anh chị em hai điều, một là sự ngạc nhiên của dân chúng khi nghe Chúa Giêsu rao giảng. Hai là sự ngạc nhiên và sợ hãi của ma quỷ.

a. "Thiên hạ ngạc nhiên về giáo lý của Ngài”.

Họ ngạc nhiên trước một kinh sư trẻ tuổi. Ngài giảng dạy như một Đấng có uy quyền, khác với các kinh sư luật sĩ của họ. Đó mới là cái uy tín tự nhiên của Chúa cũng đã đủ làm cho người ta phải thốt lên kinh ngạc.

Họ còn kinh ngạc về giáo lý của Ngài. Nếu ta chú ý đến nội dung về bài giảng Tám mối phúc thật, thì sẽ thấy đó là một giáo lý vừa đi vào nội tâm, vừa có một nội dung ưu việt hơn những bài học luân lý của Cựu ước muôn ngàn lần. Cách Ngài trình bày khởi đi từ cuộc sống đời thường với sự xác tín và đong đầy niềm vui hạnh phúc.

Đi xa hơn một chút nữa, lời giảng dạy của Ngài là những chân lý sâu thẳm phát xuất từ Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu. Người yêu thương những ai khiêm nhường, những ai hiền lành, những ai có cuộc đời đầy gian truân vất vả. Đấng từ Thiên Chúa mà đến mới giảng dạy đựơc như thế. Ngài chính là Lời của Thiên Chúa, Lời của sự sống vĩnh cửu. Cho nên, ai trực tiếp nghe những lời này mà không reo lên niềm thán phục.

Cách trình bày của Ngài còn kinh ngạc hơn nữa. Tại sao người ta bàn tán với nhau “Ngài nói như kẻ có uy quyền”. Anh chị em hãy nghe lấy vài lời thôi sẽ thấy rõ: “Anh em đã nghe người xưa dạy rằng: không được giết người. Còn tôi, tôi bảo anh em: bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình thì sẽ bị luận phạt”. Nghe như vậy ai mà không kinh ngạc. Đối với chúng ta, mình có nạt nộ ai, có nói hành nói xấu ai, sao đến nổi phải ra tòa án Thiên Chúa? Chỉ có Ngài nói ra điều đó và khắt khe đến thế, ấy là vì Ngài đã dựng nên con người. Ngài đề cao giá trị vô song của con người, vốn được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa.

Một câu khác: “Các anh em đã nghe bảo: mắt đền mắt, răng đền răng. Còn tôi, tôi bảo anh em: đừng chống lại kẻ hung ác, trái lại nếu ai vả má bên phải mình, hãy đưa cả má bên kia cho nó nữa”. Nghe như vậy chính chúng ta cũng ngạc nhiên vì chúng ta thường suy nghĩ theo thói đời. Còn Ngài, Ngài dạy chúng ta sống cho đúng cung cách văn hóa của con cái Thiên Chúa tình yêu.

Chúa Giêsu gây kinh ngạc. Ngài kêu gọi mọi người hãy sám hối, đi vào đường lối Tin Mừng, suy nghĩ theo Tin Mừng, sống như Tin Mừng, không nên sống như thói đời nữa.

Anh chị em hãy suy nghĩ lại xem, hằng ngày chúng ta sống theo Tin Mừng hay theo thói đời. Tôi đã sống theo gương Chúa Giêsu chưa? Hãy biết kinh ngạc trước Lời Chúa. Không ngạc nhiên là dấu chỉ lương tâm đã xơ cứng, đã chai lì rồi. Lời Chúa là Tin mừng, là sự sống, là ánh sáng cho cuộc đời ta.

b. Ma quỷ sợ Chúa Giêsu

Ma quỷ sợ Chúa Giêsu đánh bại. Đối diện với Đấng quyền năng, Satan run sợ “Ông đến để tiêu diệt chúng tôi chăng”. Nó tuyên xưng “Tôi biết ông là ai. Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa bắt nó phải im ngay và Ngài dùng quyền năng trục xuất nó ra khỏi nạn nhân.

Satan bị án phạt đời đời vì tội kiêu căng, tội gieo nọc độc cho Nguyên Tổ trong vườn địa đàng. Thiên Chúa không cho Satan có quyền hành gì trên con người, trừ khi con người tự nguyện trở thành nô lệ.

Chúa Giêsu cũng cấm ma quỉ nói gì về Ngài. Ma quỷ chuyên nghề xuyên tạc dối trá bóp méo để gây niềm tin mù quáng. Theo Chúa để thấy phép lạ, theo Chúa để thực hiện ý đồ chính trị, theo Chúa để hưởng lợi lộc trần gian. Đó là xảo kế tinh vi của Satan. Người ta cần đi với Chúa trên con đường từ bỏ chính mình, trên con đường thập giá, trên con đường quên mình để yêu thương phục vụ. Đó là điều Chúa mong đợi chúng ta.

Điều đáng tiếc là đức tin chúng ta bị lệ thuộc vào những tin đồn phép lạ đó đây. Ma quỉ đang dùng những ảo ảnh, những mưu mô xảo quyệt để nắm bắt loài người. Chúng ta hãy nghe và sống theo Tin mừng. Để nâng đỡ niềm tin yếu hèn của chúng ta, Đức Mẹ có thể cho chúng ta những dấu lạ lùng như phép lạ mặt trời như sa xuống ở Fatima. Nhưng không phải luôn luôn có như vậy.

Phép lạ thường xảy ra ở đâu? Ở ngay trong lòng chúng ta. Khi chúng ta biết sám hối, biết tin vào Tin Mừng và từ đó hoán cải đời sống. Đó là dấu hiệu để chúng ta tin việc Chúa đang làm cho chúng ta qua lời cầu bầu của Đức Mẹ.

Còn những ảo ảnh lạ lùng là phép lạ kiểu con chim ưng mang một bao phân rải trên cánh đồng, lập tức lúa đâm bông, đơm hoa sinh quả, đó là phép lạ quảng cáo. Chúng ta tin vào các quảng cáo đó là phá hoại đức tin, là làm cho người ta khinh đạo mình. Nguy hiểm vô cùng. Nguyện xin Mẹ Maria giáo dục Đức tin chân chính cho chúng ta, từ đó chúng ta trở nên con Chúa như Đức Mẹ.

Sau khi nghe giảng, dân chúng truyền nhau về sự cảm phục Chúa, khiến cho danh Chúa đồn ra mọi nơi. Sau khi nghe giảng Tin Mừng, sau khi đến cầu nguyện với Đức Mẹ, anh chị em cần truyền rao những điều hay lẽ phải để Tin mừng đựơc lan rộng. Đó là cách thức chia sẻ sức sống của Lời Chúa.

Cuối thánh lễ, ĐGM ban phép lành Toà Thánh với Ơn Toàn Xá.

2. Viếng tượng đài Đức Mẹ TàPao.

Sau thánh lễ, mọi người leo núi kính viếng Đức Mẹ. Nắng trưa khá gay gắt. Bước lên hết 430 bậc cấp, mỗ hôi ướt đẫm, nhưng ai cũng hân hoan rạng rỡ. Các linh mục cao niên, các cụ ông cụ bà, các trẻ nhỏ, vui vẻ từng bước dìu nhau lên. Có một vài trạm dừng chân rợp bóng mát, nghĩ ngơi đôi chút tiếp sức rồi lại tiếp tục bước. Lên núi cao, trời rất trong và rất xanh, rất cao và rất rộng. Thinh lặng mênh mông làm cho không khí nên dịu mát như có chất ngọt trong hơi thở. Cái hoang vu của núi rừng ngát một màu xanh càng làm cho nét đẹp TàPao trở nên linh thiêng kín đáo. Nắng ban trưa rộn rã không còn gay gắt nữa. Các linh mục bắt đầu giờ kinh nguyện. Lần chuỗi Năm Sự Thương, nghe đoạn Tin Mừng (Ga 19,25-27), mọi người thinh lặng cầu nguyện rồi cùng đọc kinh Năm Thánh Đức Mẹ TàPao và cùng hát vang bài ca “Lời ru trước ngàn năm mới”. Lời kinh tiếng hát ngợi khen Mẹ như lời ru đi vào sâu lắng tâm hồn. Từ trên cao Mẹ TàPao nhìn xuống đoàn con cái. Mẹ vui, Mẹ thương, Mẹ chúc lành ban muôn ơn phúc.

Lời Mẹ thương con mà Đức Maria ru nhân loại là bản dịch tình yêu của Thiên Chúa gởi cho con người. Mẹ Maria là bản dịch tình yêu của Chúa cho nhân loại. Lời ca tụng Mẹ là hộp thư cho một địa chỉ chung đi về với Chúa.

Lạy Chúa, Mẹ Maria chỉ muốn làm nữ tì của Chúa. Như trăng nhận ánh sáng mặt trời thì Mẹ cũng để Chúa làm những điều trọng đại cho Mẹ. Chính vì thế Mẹ trở thành người diễm phúc. Khi con yêu Mẹ là tình ca con gởi Chúa. Xin cho con chút linh hồn nghệ sĩ để thấy không buổi sáng nào có hai màu mây giống nhau. Mỗi bình minh là một độc đáo. Mỗi lần lên núi Mẹ Tàpao là một nổi niềm cảm xúc. Mỗi thánh lễ là một ơn cứu độ quý giá Chúa ban cho nhân trần.
 
Thánh lễ khai mạc Năm thánh tại giáo xứ Quần Cống, GP Bùi Chu
Giuse Trần Tiến Thạo
06:45 14/01/2009
BÙI CHU - Hôm nay ngày 13 tháng 01 năm 2009 Giáo xứ Quần Cống – giáo phận Bùi Chu đã long trọng tổ chức thánh lễ khai mạc Năm Thánh nhân dịp mừng kỷ niệm 150 năm ngày ba Thánh quê hương lãnh triều thiên Tử vì Đạo (13/01/1859 – 13/01/2009).

Thánh lễ do Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt – TGM Hà Nội – huyền tôn của Tam Thánh - chủ sự tại nhà thờ giáo xứ Quần Cống vào lúc 10 giờ sáng, cùng đồng tế với Ngài có Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ - Giám mục phụ tá giáo phận Bùi Chu, Đức cha Lôrensô Chu Văn Minh – Giám mục phụ tá tổng giáo phận Hà Nội và rất đông các linh mục trong và ngoài giáo phận. Hôm nay cũng là ngày truyền thống hàng năm mà con cháu của các Thánh tử đạo quê hương từ khắp nơi quy tụ về đây cùng với giáo dân xứ mẹ Quần Cống để mừng lễ kính các Ngài, đặc biệt, trong dịp lễ năm nay, nhờ ân rộng Hội Thánh ban, giáo xứ lại được long trọng khai mạc Năm Thánh, chính về thế không hề ngạc nhiên khi có tới khoảng 5000 giáo dân tham dự Thánh lễ. Ngôi nhà thờ đang được tôn tạo của giáo xứ cũng trở nên chật chội nhưng thật ấm cúng, chan hòa niềm vui, niềm tự hào và lòng đạo đức của mọi thành phần dân Chúa nơi đây.

Quần Cống là một giáo xứ có truyền thống đạo đức từ lâu đời, nơi đây vinh dự là một trong những vùng đất đầu tiên ghi dấu chân của các vị truyền giáo. Năm 2001, giáo xứ đã long trọng khai mạc năm Thánh nhân dịp kỷ niệm 300 năm được đón nhận Tin Mừng (1701 – 2001). Với bao thăng trầm của lịch sử, nhất là thời kỳ vua chúa cấm Đạo, đời sống đạo đức của giáo dân nơi đây luôn không ngừng tiến triển và bền vững. Trong số hàng trăm ngàn tín hữu đã hy sinh mạng sống vì đức tin chân chính nơi quê hương đất nước này, giáo xứ Quần Cống cũng đã có rất nhiều chứng nhân kiên trung sẵn sàng hy sinh để làm chứng cho Tin Mừng Cứu Độ.

Đặc biệt, giáo xứ đã có ba vị tử đạo được giáo hội tôn phong lên bậc Hiển Thánh: Thánh Đaminh Phạm Trọng Khảm – quan án sát, Thánh Luca Phạm Trọng Thìn – cai tổng, Thánh Giuse Phạm Trọng Tả - cai tổng. Chúng ta có thể nhận thấy một điều thật đặc biệt, ba vị đều cùng thuộc một gia đình ruột thịt trong quan hệ bố, con và cháu. Chính bởi điều này mà người dân Quần Cống vẫn luôn tự hào nơi giáo xứ mình có ba vị Thánh tử đạo đã được tôn phong đều thuộc cùng một gia đình - nhất gia tam Thánh là vậy. Hôm nay là một ngày đáng ghi nhớ đối với Giáo xứ Quần Cống, vì ngày này cách đây 150 năm, ba người con ưu tú ấy của quê hương đã can đảm trở nên những chứng nhân trung thành của Đức Kitô trước những gông cùm và hy sinh chính mạng sống của mình vì Đức Tin trung kiên.

Giáo xứ Quần Cống khởi đầu (1737) có đến 17 họ đạo: Nghiệp Đạt, Khu Tây, Khu Đông, Nghiệp Thổ, Cát Phú, Lạc Thành, Nẵng Năng, An Phó, Đa Phúc, Nghiệp Đoài, Nam Điền, Hiệt Củ, Hành Nha, Sa Châu, Ngưỡng Nhân, Đại Đồng, Đồng Thiện (nay là Thiện Giáo), trải dài trên một địa bàn rộng lớn. Sau này, mỗi ngày số giáo dân đông thêm nên nhiều họ đạo được tách ra trở thành giáo xứ. Chỉ riêng miền Quần Cống hiện nay đã có bảy giáo xứ lớn với hàng chục ngàn giáo dân: Quần Cống, Thánh Mẫu, Thánh Thể, An Phú, Nam Điền, Cát Phú, Lạc Thành. Giáo xứ Mẹ Quần Cống hiện nay còn 5 họ đạo: Họ Khu Cựu (nhà xứ), Họ Nghiệp Đạt, Họ Khu Đông, Họ Đa Phúc, Họ Nghiệp Đoài, số giáo dân khoảng trên 4000 nhân danh. Các sinh hoạt đạo đức và các buổi cử hành phụng vụ nơi đây luôn đầy sốt sắng và trang nghiêm. Hiện nay, giáo xứ được trao cho Cha GioanKim Nguyễn Hữu Văn coi sóc.

Máu các anh hùng tử đạo đã làm trổ sinh muôn hoa trái thiêng liêng nơi giáo xứ này. Quần Cống đất có lộc, đời sống đạo của Quần Cống từ bao đời nay luôn vững vàng kiên trung dù phải trải qua bao khắc nghiệt của lịch sử. Nói đến Quần Cống cũng không thể không nhắc tới vườn thiêng ơn gọi nơi đây. Quần Cống là làng Công Giáo toàn tòng, giáo dân sống xum vầy bên nhau, giữa làng là ngôi thánh đường thật trang nghiêm. Miền đất này khi xưa là nơi nẩy sinh nhiều Văn Nhân Cống Sĩ, thế hệ sau nhờ dòng máu Tử Đạo anh hùng và đức Tin kiên trung của cha ông sinh nhiều hạt giống Ơn Gọi.

Quần Cống luôn được biết đến là một giáo xứ có nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ vào bậc nhất của giáo phận Bùi Chu. Giáo xứ Quần Cống đã cống hiến cho giáo hội: Đức Giám Mục Giuse Maria Phạm Năng Tĩnh – nguyên giám mục Bùi Chi, Đức Tổng Giám Mục Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt và Đức Viện Phụ Têphanô Trần Ngọc Hoàng – Đan viện Châu Sơn, Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành – Giám tỉnh dòng Chúa Cứu Thế, khoảng gần 50 linh mục (đặc biệt ở Quần Cống có ba gia đình có 2 người làm linh mục; một gia đình có 4 người làm linh mục) và rất nhiều nam nữ tu sĩ. Số người muốn dâng mình cho Chúa mỗi ngày mỗi gia tăng. Có người đã nói vui với chúng tôi rằng “về Quần Cống, gặp ai lớn tuổi cứ chào là ông cố, bà cố, không sai đâu”, quả thực hôm nay về được tận mắt chứng kiến đời sống đạo đức và niềm nhiệt thành dâng hiến cho Chúa của giáo dân nơi đây, chúng tôi mới thấy câu nói đó không phải là cường điệu.

Chia sẻ với cộng đoàn phụng vụ trong thánh lễ, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ đã nói nên một bề dày lịch sử về lòng đạo đức, luôn can đảm và sẵn sàng chấp nhận làm chứng cho Tin Mừng của những người con Quần Cống. Điều này được xây dựng và vun đắp ngay từ những ngày đầu tiên đón nhận Tin mừng, và chính Quần Cống cũng là một trong những nơi đầu tiên được các Giáo sỹ đến đây truyền đạo cùng với làng Trà Lũ. Trải qua bao thăng trầm, với biết bao gian nan thử thách về đức tin, nhưng lòng kiên trung của con người Quần Cống không hề bị phai tàn mà ngày càng ghi đậm dấu nét hơn. Bằng chứng là với biết bao vị anh hùng đã hy sinh để bảo vệ đức tin, và đặc biệt là ngày hôm này đây chúng ta mừng kính ba Thánh cha ông của chúng ta. Song lịch sử hào hùng là thế, cha ông chúng ta đã sống và bảo vệ đức tin của mình là thế, còn phần chúng ta ngày nay thì sao? Chúng ta phải sống thế nào cho xứng đáng với sự hy sinh của cha ông mình, noi gương sáng của các Ngài về lòng kính mến Chúa và yêu thương tha nhân…”

Việc được long trọng khai mạc năm Thánh nhân dịp kỷ niệm 150 năm ba Thánh Tử Đạo quê hương vào đúng ngày kỷ niệm các Ngài được lãnh triều thiên Tử Đạo hôm nay mang nhiều ý nghĩa, không chỉ đối với giáo hữu Quần Cống, với dòng dõi các Ngài mà còn với mỗi người chúng ta. Dõi theo truyền thống đức tin kiên cường của các bậc tiền nhân, mỗi người cần ý thức trách nhiệm và bổn phận sống và làm chứng cho Tin Mừng của Chúa giữa nơi trần gian này. Xã hội ngày nay có thể không còn cơ hội cho chúng ta đổ máu đào minh chứng cho niềm tin Công Giáo của mình nhưng mỗi người, qua những hy sinh nhỏ bé hằng ngày trong đời sống, những lối sống yêu thương chan hòa tình Chúa – tình Người, chúng ta cũng đang trở nên những chứng nhân sống động cho Tin Mừng.

Trong năm Thánh đặc biệt này, nhà thờ giáo xứ Quần Cống trở nên một điểm hẹn của niềm Tin Kitô giáo, của lời cầu nguyện và những cử hành phụng vụ.

Giáo xứ cũng đang hoàn thành ngôi đền dành riêng dâng kính ba Thánh Tử Đạo quê hương, dự kiến sẽ khánh thành trong một ngày gần đây. Đây sẽ là một công trình mang nhiều ý nghĩa, nói lên phần nào niềm yêu mến và noi gương của giáo dân Quần Cống với các vị tiền nhân anh hùng của mình. Để kết thúc, chúng ta cùng với bà con giáo dân Quần Cống cất lời ca ngợi và cầu xin cùng các vị Tử Đạo quê hương mình:

Kính lạy Tam Thánh Quê Hương Quần Cống,
Tổ tiên anh hùng lẫm liệt của chúng con.
Với quê hương một niềm yêu mến,
Với Giáo hội một dạ trung thành,
Trong gia đình hòa thuận an vui
Ngoài xóm ngõ chan hòa bác ái.

Xưa sống giữa thời cấm cách gian nan,
Được Chúa ban sức mạnh phi thường,
Dám từ bỏ vinh hoa phú quí,
Chấp nhận xiềng xích tù đầy,
Can đảm dâng hiến mạng sống để làm chứng cho Chúa.

Chúng con hết lòng tạ ơn Chúa nhân lành,
Đã ban cho chúng con Nhất Gia Tam Thánh,
Là niềm tự hào của quê hương xứ sở,
Là mẫu gương sống đạo kiên trung và bác ái,
Là tình yêu thương xây dựng giáo dục gia đình,
Xin cho chúng con biết noi gương các ngài
Xây dựng quê hương xứ sở an bình thịnh vượng.

Hăng hái nhiệt thành loan báo Tin mừng,
Quên mình bảo vệ chân lý và công lý,
Quảng đại phục vụ tha nhân trong tình bác ái.
Cho gia đình chúng con hòa thuận thương yêu nhau,
Giáo dục con cái nên người tài đức,
Để xây dựng Giáo hội vững mạnh,
Và kiến tạo xã hội công bằng bác ái,

Xứng đáng là dòng dõi các bậc tổ tiên anh hùng.
Xin Tam Thánh Quê Hương cầu bầu cho chúng con
được ơn sức mạnh,
Vượt qua mọi gian nan thử thách ở đời này,
Để đời sau được cùng các Ngài,
Hưởng hạnh phúc bên Chúa Ba Ngôi muôn đời. Amen.
 
Tiểu sử 3 Thánh Tử Đạo quê hương Quần Cống
Giuse Trần Ngọc Huấn
06:52 14/01/2009
Thánh Án Khảm là thân sinh của thánh Cai Thìn, là chú ruột của thánh Cai Tả nên thường gọi gia đình diễm phúc có ba thánh này là “Nhất Gia Tam Thánh”. Các Ngài là những tấm gương mẫu mực cho mọi người. Dừng lại ở thời điểm nào trong cuộc đời các Ngài, chúng ta đều thấy những điều đáng trân trọng, đáng để chúng ta học tập.

3 Thánh Quần Cống
Khi còn để chỏm, các Ngài là những cậu bé vô tư, tinh nghịch, luôn bình dị như bao trẻ thơ khác nhưng nổi bật về sự khôn ngoan, đạo hạnh.

Khi trưởng thành, các Ngài đã sớm tỏa sáng nhờ ham học, tài cao, sớm đỗ đạt làm quan để góp phần làm nên mảnh đất “Quần Cống”, xứng đáng với danh xưng nhà vua đã phong ban.

Thánh Án Khảm được biết đến là vị quan thanh liêm, một tiên chỉ làng mẫu mực, một người cha chu toàn trách nhiệm.

Thánh Cai Tả như phản chiếu hình ảnh của thánh Giuse “nói ít làm nhiều” và khi làm quan, vẫn luôn dành tình thương yêu cao cả cho quê hương, xứ đạo và những người cô thế cô thân.

Thánh Cai Thìn đã làm nên một Quần Cống với nhiều gam màu hơn. Ngài tiêu biểu cho nét hào hoa, phong lưu của trai làng Quần Cống nhưng đã biết hối cải khi phạm sai lầm, biết đứng dậy khi vấp ngã.

Khi cuộc bách hại lên đến đỉnh điểm, các Ngài đã biểu tỏ một đức tin sắt đá và một lòng mến Chúa, yêu người thiết tha.

Thánh Án Khảm, tuy đã già nhưng vẫn cứng cỏi: “Thằng nào quá khoá, lôi ra khỏi làng, thằng ấy có chết thì làng không chôn”.

Thánh Cai Tả thì luôn trung kiên, không ồn ào, manh động nhưng lặng lẽ đến lạnh lùng trước những lời dụ dỗ ngon ngọt của vua quan và coi “hành động bước qua Thánh giá là một điều đáng ghê tởm”.

Thánh Cai Thìn thì được biết đến như một người sẵn sàng từ bỏ mọi thú vui, giàu sang phú quý để “có Chúa làm gia nghiệp”.

Cuộc đời lữ hành của các Ngài khép lại đã mở ra cho chúng ta bao điều đáng để học tập, trân trọng, gìn giữ. Các Ngài đã chấp nhận là những người ngu ngốc theo lẽ đời để được khôn ngoan trước mặt Chúa. Hãy cố gắng sống tốt noi gương các Ngài để khi kết thúc cuộc đời lữ hành trần gian, chúng ta được cùng các Ngài “ăn Tết” trên Thiên đàng.

--o-0-o--

THÁNH ĐAMINH PHẠM TRỌNG KHẢM (1777-1859) sinh trưởng trong một gia đình bảy anh em giàu có tại làng Quần Cống, xã Trà Lũ (nay là Thọ Nghiệp), huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Thân phụ là cụ Phạm Đức Phiêu hay còn gọi là cụ Bá Phiêu, một hương quan tài cao đức trọng, được dân làng yêu mến. Từ nhỏ, cậu Khảm nổi tiếng là người con có hiếu, chăm ngoan, đạo đức, được mọi người khen là “nhân trí minh tinh”, “thần đồng Quần Cống”. Cậu thi cử đỗ đạt cao và được nhà vua phong làm Quan Án Sát Tỉnh Thiên Trường. Năm 18 tuổi, cậu kết hôn với cô Anê Phượng- một thiếu nữ đạo hạnh trong làng. Hai vợ chồng sống rất thuận hoà, sinh hạ được năm con: nhị nam, tam nữ. Tất cả đều tài giỏi, đạo đức. Khi bị bắt, cụ Án Khảm đã 82 tuổi, vừa là tiên chỉ trong làng, vừa là hội viên dòng Ba Đaminh, lại kiêm chức chánh trương Giáo xứ.

Dù ở hoàn cảnh, địa vị nào, cụ cũng là người rất có trách nhiệm. Cụ nổi tiếng là vị quan liêm khiết, công minh. Với giáo xứ, cụ cộng tác đắc lực với cha xứ trong việc điều hành, tổ chức giáo xứ. Với xóm làng, cụ luôn quan tâm đến nhu cầu của mọi người, đặc biệt cụ cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho bà con sống đạo, giữ các hương ước của làng, luôn sẵn sàng chia sẻ của cải cho những ai nghèo khó, “kiếm cớ” để đãi cả làng và khích lệ mọi người cam đảm trước những cuộc bách đạo gay gắt của triều đình.

THÁNH GIUSE PHẠM TRỌNG TẢ (1800-1859) sinh quán tại làng Quần Cống, xã Trà Lũ, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Cậu là con trai cụ Phạm Đức An, anh ruột cụ Án Khảm. Cụ An mất sớm, thương tình chị dâu, cụ Án Khảm thay anh nhận nuôi và dạy dỗ cháu Tả rất chu đáo. Được lớn lên trong gia đình đạo đức, có giáo dục, cộng với trí thông minh và sự chuyên cần học hỏi, cậu Tả đã đỗ đạt làm quan Cai. Đến tuổi trưởng thành, cậu lập gia đình với một thiếu nữ đạo hạnh và sinh được ba người con. Cũng giống thúc bá Án Khảm, quan Cai Thìn là một Kitô hữu đạo đức, một hội viên dòng Ba Đaminh mẫu mực. Ông luôn tìm cách giúp đỡ mọi người sống đạo, cách riêng trong hoàn cảnh khó khăn của thời kỳ cấm đạo. Ông làm ơn nhưng không mong được đền đáp. Ông nói: “Mình quên nợ người, Chúa quên tội mình”.

THÁNH LUCA PHẠM TRỌNG THÌN (1816-1859) là con trai thứ cụ Án Khảm. Dưới mái nhà gia giáo và khá giả này, cậu Thìn được may mắn thừa hưởng sự khôn ngoan, thanh liêm của cha, đời sống mẫu mực, đạo đức, hiền lành của mẹ, nên ngay từ nhỏ, cậu rất đạo đức, thông minh, tính tình nhanh nhẹn và có tài ăn nói. Học hành tiến bộ, đỗ đạt cao, cậu được bổ nhiệm làm Quan Tổng Cai Binh Đoàn Nam Chấn, rất uy tín và quyền thế. Thực ra, khi mới lên làm quan tổng, vì giao tiếp với quan lại nhiều, lại rơi vào thời điểm xã hội suy thoái, đã có thời kỳ ông có vợ bé tên là Trung, người làng Trà Lũ. Đời sống đạo của ông lúc này khá thờ ơ, lãnh đạm. Nhưng nhờ lời khuyên của thân phụ, nhất là của cha giải tội, ông đã thành tâm quay trở lại con đường chân chính, trở thành một kitô hữu nghiêm túc, một gia trưởng có trách nhiệm và một hội viên dòng Ba Đaminh chuyên cần.

--o-0-o--

Năm 1858, tình hình bắt đạo ngày một càng gia tăng, liên quân Pháp đe dọa Việt Nam ở Đà Nẵng, vua Tự Đức thêm phẫn nộ, ra lệnh cho các quan quân triệt để thi hành các sắc chỉ nhắm vào đạo Gia tô. Nhưng việc thi hành này lệ thuộc nhiều vào các quan địa phương có triệt để áp dụng hay không. Lợi dụng điều đó, được sự uỷ thác của đức cha Xuyên, hai ông Cai Tả và Cai Thìn lãnh trọng trách làm sứ giả hoà bình đi thương thuyết với quan tổng đốc Nam định lúc ấy là Phan Bá Đạt. Cuộc thương thuyết gần đến chỗ thành công thì có cuộc nổi dậy tại Cao Xá đã khiến quan Tổng tổng đổi ý và còn nghi ngờ hai ông có ý lừa dối.

Sau 5 lần quan lính về làng Quần Cống truy lùng các vị thừa sai, đạo trưởng, bắt toàn bộ người dân tập trung tại đình làng để răn đe, hăm dọa, bắt bỏ đạo. Quan tổng đốc cho đặt một cây Thánh giá giữa sân đình, bắt mọi người lần lượt bước qua. Biết thế, cụ Án lao nhanh ra và quát to: “Thằng nào quá khoá, lôi ra khỏi làng, thằng ấy có chết thì làng không chôn”. Toàn thể dân làng hôm ấy, không một người nào quá khoá. Thấy vậy, quan lính đã có đủ bằng chứng để bắt cụ Án cùng với một số người trong đó có quan Cai Tả.

Về phần quan Cai Thìn ở thời điểm đó, do thân thiết với những quan lại, cuộc sống của ông vẫn khá bình thản, “êm đềm với yến tiệc vui vẻ”. Tuy nhiên, khi biết được tin bố và anh bị bắt, ông tức tốc trở về làng. Thấy cảnh hoang tàn, vắng lặng ông mới nhận ra mình thật có lỗi, đã tìm đến quan tổng đốc để cứu cha, cứu anh và bày tỏ thái độ bất khẳng quá khoá. Quan tổng đốc sai lính trói ông lại, tống giam vào ngục cùng với bố và anh là thánh Án Khảm và Cai Tả.

Ngày 13 tháng 01 năm 1859, cả ba vị lãnh án xử giảo. Trên đường ra pháp trường Bảy Mẫu, các vị đã lớn tiếng đọc kinh, kêu cầu danh Đức Giêsu. Quan lính mạnh tay đẩy các vị ngã trên đất, rồi trói chân tay các Ngài vào cột chôn sẵn. Mỗi vị bị bốn tên lính cầm hai đầu dây thừng tròng qua cổ mà kéo thật mạnh cho đến tắt thở. Cả ba đều được giáo hữu Quần Cống rước về làng an táng trọng thể.

Đức thánh cha Piô XII suy tôn ba vị lên bậc chân phước ngày 29 tháng 04 năm 1951. Đức thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong các ngài lên hàng hiển thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Trong dịp kỷ niệm 150 năm ngày ba Thánh được lãnh triều thiên Tử Đạo, nhờ ơn rộng Hội Thánh ban, giáo xứ Quần Cống đã long trọng khai mạc Năm Thánh.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Phỏng vấn bà Dương Nguyệt Ánh
BBC Vietnamese
04:39 14/01/2009
Bà Dương Nguyệt Ánh, đứng đầu một toán khoa học gia Mỹ, đã phát minh một loại chất nổ mới dùng trong việc chế tạo ra loại bom 'áp nhiệt' có khả năng diệt các hầm ngầm hay hang động sâu trong lòng núi mà quân đội Hoa Kỳ sử dụng trong cuộc chiến Afghanistan.

Bà Ánh cho biết từ lúc mới còn là khái niệm, toán khoa học gia dưới sự điều động của bà đã hoàn thành bom thermobaric tạm dịch là bom 'áp nhiệt' trong một thời gian kỷ lục là 67 ngày.

Khi được Xuân Hồng hỏi là võ khí tạo ra hòa bình hay chỉ tạo ra chiến tranh, bà Dương Nguyệt Ánh nói: "Chiến tranh hay hòa bình là quyết định của con người, còn võ khí chỉ là phương tiện như trăm ngàn phương tiện khác mà thôi".

Bà Ánh nói tiếp: "Nếu bảo rằng không nên chế tạo hoặc phát triển võ khí, thì chẳng khác nào bảo rằng một quốc gia ưa chuộng hòa bình không cần có quân đội".

Bà Dương Nguyệt Ánh đã được chính phủ Hoa Kỳ trao tặng huy chuơng ' National Security Medal' hồi năm 2007 vì công trình phát minh ra loại chất nổ mới này.

Dân chủ

Trên cương vị một công dân Mỹ gốc Việt, bà Ánh cho biết bà quân tâm đến các diễn biến trong xã hội của của nước mẹ đẻ và nước đã cho bà và gia đình "cơ hội thứ nhì để lập lại cuộc sống.

Bà tự nhủ phải đóng góp phần nhỏ bé của mình vào sự phồn vinh và bình an của quê hương mới và để tạo điều kiện cho thế hệ con cháu cũng sẽ được sống tự do và hạnh phúc như mình, do đó, bà "rất quan tâm về tệ nạn khủng bố hiện nay".

Trên cương vị một người Mỹ gốc Việt, bà Ánh cho biết: "Lúc nào cũng quan tâm tới 85 triệu người đồng hương đang sống dưới sự thống trị của đảng Cộng Sản Việt Nam, không có tự do, nhân quyền"

Bà hy vọng "Chính quyền Việt Nam đặt quyền lợi của dân tộc lên trên quyền lợi của cá nhân, của đảng để cho Việt Nam được tiến bộ và phú cường"

Nhìn vào Việt Nam, bà Ánh nói: "Điều tôi lo nhất là hiểm họa mất nước trước ý đồ rất rõ ràng của Trung Quốc muốn xăm lăng Việt Nam"

Cao trào dân chủ khắp thế giới, theo bà Ánh là " Một điều đáng mừng vì sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ của giới trẻ Việt Nam giúp cho họ tự hỏi là tại sao quê hương vẫn không giàu, khôg mạnh, không tiến bộ như những nước láng giềng".

Bà Ánh nói rằng " Một ngày nào đó, giới trẻ Việt Nam sẽ đứng lên đòi hỏi dân chủ và đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa cho Việt Nam.

Kinh nghiệm

Bà Ánh nói: "Không có sự thành công nào mà không có sự giúp đỡ của người khác, do đó, nếu mình thành công, thì mình phải nhớ ơn những người đã giúp đỡ mình, và cách nhớ ơn hay nhất là mình phải giúp đ74 những người đi sau mình".

Bà Ánh nói tiếp: "Khả năng sáng tạo có thể được thi thố trong bất cứ môi trường nào, không cứ phải là văn chương, mà khoa học kỹ thuật cũng là môi trường để phát huy khả năng sáng tạo".

"Trong trường hợp của tôi, nghiên cứu khoa học kỹ thuật là sáng tạo vì tôi đã áp dụng các nguyên tắc khoa học để sáng tạo ra môt cái gì mới"

"Không phải học giỏi là yếu tố duy nhất đưa đến thành công, vì 20% là óc, 60% là mồ hôi còn lại là trái tim ".

Bà Ánh khẳng định "tài phải đi đôi với đức mới đưa đến thành công".

Dương Nguyệt Ánh rời Việt Nam hồi năm 1975, khi còn là một nữ sinh 15 tuổi mới học lớp 9 trường Lê Quý Đôn, Sàigòn, để cùng gia đình sang tỵ nạn tại Hoa Kỳ, với số vốn tiếng Anh chỉ có ' vỏn vẹn 50 từ '.

Bà đã nghe theo lời thân phụ để theo học khoa học, mặc dù ôm giấc mộng theo văn chương từ tấm bé.

Bà Ánh tốt nghiệp trường đại học Maryland với hai bằng B.S. về hóa học và khoa học điện toán. Đến năm 1983, bà bắt đầu làm kỹ sư hóa học tại trung tâm nghiên cứu võ khí diện địa thuộc Hải quân Hoa Kỳ.

Ý kiến độc giả gửi về cho BBC như sau:

New Yorker: Gửi bạn Trân ở góc nào đó của VN. Nếu có dịp đến thăm New York hãy ghé qua WTC (nay gọi là Ground Zero) để coi kiệt tác của bọn khủng bố để lại rồi hãy nhận mình ờ NY cũng không muộn. Mấy vị ở VN không làm được gì nhưng lại thích chê bai đủ điều. Ngược lại nếu bà Ánh chế tạo ra loại vũ khí này ở VN thì có khi trở thành anh hùng dân tộc thế kỉ 21 của VN cũng nên. Nhưng nếu bà Ánh mà ở VN thì đã không thể nào làm được trò gì.

Thắng: Tôi đồng ý với phát biểu của bà Ánh. Về các ý kiến đã được đăng tôi muốn bày tỏ quan điểm của tôi như sau. Thứ nhất là các ý kiến lên án bà vì bà đã phát minh ra thứ vũ khí đáng sợ. Tôi thấy loại người có ý kiến này hết sức ấu trĩ, phát minh là thành quả của trí tuệ con người, rất đáng tự hào, việc đáng lên án là việc sử dụng chúng để chống lại loài người. Về mặt cá nhân, bà Ánh đã rất nỗ lực trên con đường của mình để đạt tới vị trí xứng đáng ngày nay, tôi ngưỡng mộ. Về quan điểm chính trị, tôi hoàn toàn đồng ý với suy ng!hĩ Vn không thể tiến bộ vì thể chế chính trị, những người có trí tuệ sống tại Vn hiểu rõ điều này.

Việt Hải, Los Angeles: Dương Nguyệt Ánh là biểu tượng của hình ảnh tuổi trẻ thành công và có những đóng góp cụ thể cho quốc gia sở tại, bả là niềm hãnh diện cho cộng đồng Việt Nam. Với nguồn gốc Việt Nam Cộng Hòa mà bà xuất thân, bà vẫn hãnh diện về xứ sở cũ, mặc dù bây giờ nó chỉ còn là một dĩ vãng vàng son. Dương Nguyệt Ánh gửi gấm lời tri ân đến các Thương Phế Binh VNCH bằng lời nói và bằng hành động. Tôi đồng ý về những quan tâm qua quan điểm dân chủ cho Việt Nam như bà suy nghĩ.

Kim Anh: Cám ơn cô Dương Nguyệt Ánh và rất kính trọng cô mỗi khi phỏng vấn cô hay nói và nhắc nhở đến những người lính VNCH họ là những người hy sinh cuộc sống để gìn giữ quê hương do CSVN xâm lấn miền Nam VN. Chúng ta tồn tại cho đến ngày hôm nay đó là nhờ công đức của những anh hùng vô danh nằm xuống cho chính nghĩa tự do ân đức nầy chúng tôi không bao giờ quên lãng.

Dung, Canada: Bà Nguyệt Ánh phát minh chất nổ để quân đội Mỹ sử dụng thì bị lên án là phải rồi (dù chỉ là 1%). Nếu chất nổ của bà được quân đội CHXHCNVN sử dụng để bảo vệ hải phận chắc chắn bà sẽ được toàn thể người việt tuyên dương, nhưng rất tiếc quân đội VN không cần gì cả vì đã được TQ cung cấp đầy đủ rồi và hải phận đang được hải quân TQ bảo vệ dùm.

Độc giả: Không biết nói gì hơn ngoài từ khâm phục bà. Phải nói người Việt mình ra nước ngoài nhiều người có thể phát triển rất tốt nhưng hơn 80 triệu người trong nước lại chưa làm được gì nhiều. Thiết nghĩ nguời Vn thì như nhau cả, nhưng cơ chế nước mình còn quá kém cỏi hoặc cố ý Đảng làm nó kém cỏi nên dân trong nước mình cứ mãi lầm lũi cầm cày đi theo trâu, hoặc khá khẩm hơn nữa là làm thuê cho nước ngoài.

Đinh Trần: Tôi rất lấy làm tự hào về một phụ nữ gốc Việt như bà ấy. Nói như bà, thì bà là người yêu chuộng hòa bình và yêu quê hương dân tộc Việt. Đáng khâm phục tài đức của Bà.

Bill: Cảm ơn chị vì đã có những câu nói rất hay và mong rằng có rất nhiều người như chị để làm rạng danh đất nước và con người việt nam bên ngoài lãnh thỗ VN và để mọi người trên thế giới này hiểu rằng bản chất con người VN không như họ nghĩ mà tại vì con người VN sống dưới chế độ XHCN nên mới như vậy. Một lần nữa xin cảm chị và chúc chị thành công hơn nữa trong tương lai và mong rằng trong tương lai chị sẽ góp sức cho quê hương tổ quốc nơi chị sinh ra.

Granite: Tôi rất xúc động và khâm phục khi nghe bài phỏng vần của chị Ánh. Tôi sẽ cũng sẽ dạy cho con tôi như lời chị Ánh chăm chỉ, sống có đạo đức và yêu đất nước! Chúc chị và gia đình mạnh khỏe, có nhiều phát minh về khoa học!

Lê Hương: Xin chúc mừng bà Dương Nguyệt Ánh cho sự đóng góp vào sự giàu mạnh cũng như khả năng quân sự của Hoa Kì. Tôi không lấy làm lạ khi bà có cách nhìn phiến diện về Việt Nam như một số người Mỹ tôi đã từng tiếp xúc. Tôi tin rằng bà chưa bao giờ trở về Việt Nam nên mới có cái nhìn phiến diện như vậy về đất nước cũng như những gì đang xảy ra ở đất nước này. Tôi là một người làm business nên rất ghét sự bất ổn về chính trị. Cái chúng ta cần (hay chỉ là tôi cần?) hiện nay là đoàn kết người Việt trong nước cũng như ngoài nước để phát triển đất nước và đuổi kịp các nước trong khu vực.

PPT: Tâm nguyện của TS Dương Nguyệt Ánh xứng đáng là niềm tự hào cho mọi người Việt Nam và làm sáng danh dòng giống "con Rồng cháu Tiên". Bởi lẽ đây chính là niềm tin, niềm hy vọng cho một đất nước qua cơn khốn khó đến ngày tươi sáng. Sự khốn khó gây ra bởi chủ thuyết cộng sản vẫn đang ngự trị trên quê hương, trên con người Việt Nam và chúng ta không mong những nhà cầm quyền ở đó thức tỉnh lương tri để từ bỏ tham vọng. Trên thực tế CSVN ngày càng gắn kết với CSTQ để mong tránh được cái thế "cùng tắc biến, biến tắc thông" đang diễn ra. Và người ta đã bắt đầu nhìn được cái thế "tắc thông" ở đâu đó ngay giữa lòng quê hương, nơi các cụ già bất khuất, nơi giới trẻ thông minh và năng động. Chính những con người của Mẹ Việt Nam sẽ lại làm nên những trang lịch sử mới cho dân tộc vốn đã bị người cộng sản đánh cắp, bôi bẩn từ mấy chục năm qua.

Little Trân: Tôi rất phục bà Ánh và rất nhiều người VN ở hải ngoại đã nổ lực bản thân để vươn lên thành công. Tôi nghĩ, những người như bà Ánh rất là nhiều, hãy liên kết lại và cứu giúp chúng tôi, giải thóat cho chúng tôi những người đói khổ bần cùng ở VN.

VKT, London: Cám ơn anh Xuân Hồng đã viết bài và cho nghe một buổi phỏng vấn tuyệt vời giữa người phỏng vấn và người trả lời không những về kiến thức tổng quát, kiến thức khoa học chuyên ngành và một cái tâm bao la của một nhà khoa học Mỹ gốc Việt hiện tại. Buổi phỏng vấn và những câu trả lời hôm nay rất bao quát và toàn diện hơn cả so với những lần trước. Tôi đoán Xuân Hồng trong quá khứ, với tư cách là người làm trong truyền thông như BBC thì không thể không quan tâm đến những đóng góp của Dương Nguyệt Ánh cho xã hội Hoa Kỳ, cho thế giới và cho Việt Nam. Đặc biết với cái tâm rộng mở của Dương Nguyệt Ánh đã là kim chỉ nam cho sự học hỏi, nghiên cứu và đóng góp kia của Dương Nguyệt Ánh cho Xã hội.

Tiểu Bảo: Bà Nguyệt Ánh chẳng liên quan gì tới cuộc sống của tôi và gia đình tôi cả, những người trong số 85 triệu đồng bào mà bà cho là. Nếu bà có lòng yêu quê hương đất nước, hãy làm một điều gì đó thể hiện tấm lòng của mình với quê nhà.

Trân, New York: Trong khi lo "trả nợ" cho nước Mỹ, Dương Nguyệt Ánh đã thêm mắc nợ Tổ quốc Việt Nam của mình và cả nhân loại nữa. Đây là một trong những chuyên gia chất nổ được coi là hàng đầu của Mỹ, từng chế tạo những loại vũ khí giết người ghê rợn đã và đang được Lầu Năm Góc sử dụng trên chiến trường Afghanistan hay Iraq. Tôi cho đây là một sự sỉ nhục cho cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài chứ không phải là chuyện đáng khoa trương ca tụng. Ai không đồng ý, xin lên tiếng.

Mr.Neo: Cá nhân tôi lại không nghĩ vậy. Tôi nghĩ rằng bất cứ 1 ai đã tham gia gián tiếp, trực tiếp vũ khi để đi giết người khác thì đừng bao giờ mở miệng nói về vấn đề đạo đức và tài đức ở đây nữa. Vì nếu ủng hộ chẳng khác nào tôi đi ủng hộ Hittle hoặc Bush, rất có tài, nhưng...

Lương Nhật: Bà Ánh không sai trong công việc tìm tài khoa học và phục vụ tổ quốc của bà ta. Nhưng nếu nói đến chữ Đạo Đức thì có vẻ hơi qúa! Nếu vậy không lẽ việc làm của nhà khoa học Nobel sai lầm hay dại khờ sao? Theo tôi bà Ánh cứ làm việc cứ nhận những giải thưởng, ân huệ của Hoa Kỳ, của cơ quan nơi bà làm việc. Nhưng không nghĩ rằng đó là chuyện đạo đức. Việc làm của bà Ánh phục vụ tổ quốc bà ta là đúng. Vậy việc Pakistan, Ấn Độ và cả Iran, Bắc Hàn. .v...v.. họ nhịn đói để phát triển vũ khi Nguyên tử thì có gì để nói sai nhỉ? Họ sản xuất để bảo vệ tổ quốc họ để kẻ thù không dám xâm chiếm họ.

Minh, Đà Nẵng: "Bà Bom" Dương Nguyệt Ánh không nên về Việt Nam. Vì hầu hết người Việt Nam không thể hoan nghêng bà. Tại sao ư? Tại vì Việt Nam đã bị chiến tranh tàn phá háng trăm năm, kể từ năm 1858 khi Pháp cướp nước Việt Nam rồi đô hộ dân Việt Nam, cho đến 30/4/1975, người lính Mỹ cuối cùng lên trực thăng tháo chạy khỏi Việt Nam. Người Việt Nam đã hiểu thế nào là chiến tranh, thế nào là vũ khí huỷ diệt, thế nào là chất độc hóa học đi-ô-xin giết và để lại tác hại cho hàng triệu người, hiện nay vẫn đang tiếp tục tàn phá các thế hệ kế tiếp.

Hoàng Dung, Hoa Kỳ: Xin cảm ơn những trả lời phỏng vấn của bà Dương Nguyệt Ánh. Qua đó,đây cũng là quan điểm của tất cả Người Việt Hải Ngoại vậy.
 
Việt Nam: Giáo dân nộp đơn kiện các cơ quan truyền thông của nhà nước
VOA News
04:43 14/01/2009
Hai tín đồ Công Giáo Việt Nam đã nộp đơn kiện hai cơ quan truyền thông của nhà nước Việt Nam về việc tường thuật không đúng sự thật trong một phiên xử vụ tranh chấp đất đai căng thẳng giữa nhà nước và Giáo Hội Công Giáo.

Tin của AFP và của Thông Tấn Xã Công Giáo Việt Nam cho hay trong một vụ khiếu kiện hiếm thấy, hai phụ nữ đã đòi một nhật báo và một đài truyền hình nhà nước cải chính, xin lỗi và bồi thường thiệt hại vì đã loan tin các đương sự nhìn nhận trước tòa về tội phá hoại trật tự xã hội và tài sản quốc gia, trong khi họ phủ nhận những tội danh đó.

Tin AFP cho biết hai phụ nữ này nằm trong số 8 giáo dân bị đưa ra xử tháng trước sau khi tham gia các buổi cầu nguyện tập thể đòi trao trả những tài sản của giáo hội tại thủ đô Hà Nội bị nhà nước độc đảng tịch thu từ nửa thế kỷ trước.

Nhật báo Hà Nội Mới và đài truyền hình VTV1, đặt dưới quyền kiểm soát của nhà nước, giống như các cơ quan truyền thông khác tại Việt Nam, vào lúc đó loan tin tất cả 8 giáo dân này nhận tội trước tòa. Tuy nhiên, trong đơn khiếu kiện, hai bà Nguyễn Thị Việt, 54 tuổi, và Ngô Thị Dung, 60 tuổi, nói rằng họ không hề nhìn nhận đã làm điều gì sai trái trong các buổi cầu nguyện trên miếng đất của giáo xứ Thái Hà lúc đó đang bị tranh chấp và sau đó đã được biến thành một công viên.

Ông Lê Trần Luật, luật sư biện hộ cho hai phụ nữ này, nói với Thông Tấn Xã AFP rằng trong phiên xử, các thân chủ của ông đã bác bỏ lời buộc tội của nhà nước và không hề nhìn nhận đã phạm tội hoặc phạm luật. Cũng theo luật sư này, chuyện nhật báo Hà Nội Mới và Đài Truyền Hình loan tin hai phụ nữ này cúi đầu nhận tội trước tòa là sai sự thật.

Theo Thông Tấn Xã Công Giáo Việt Nam, hai phụ nữ này chỉ đòi mỗi cơ quan truyền thông vừa kể bồi thường thiệt hại cho mỗi bà một số tiền nhỏ là 50 đô la về tội cố tình loan những tin sai lạc và thất thiệt mà hai bà cho là đã gây phương hại tới uy tín của hai bà.

8 giáo dân kể trên đã bị buộc tội gây rối trật tự xã hội và phá hoại tài sản quốc gia vì đã phá bỏ bức tường bao quanh miếng đất bị tranh chấp hồi tháng 8. Cả 8 người đều bị tòa cho là có tội và cảnh cáo, hoặc dành cho những bản án không bị giam cầm.

Cuối tháng 12 vừa rồi, cả 8 người đều nạp đơn kháng án. Luật sư biện hộ cho hai bà Việt và Dung cho hay ông đã nạp đơn khiếu kiện của hai bà lên hai tòa ở Hà Nội và đang đợi văn thư phúc đáp để biết khi nào những vụ này được đem ra xử.

Thông Tấn Xã AFP cho rằng vụ khiếu kiện các cơ quan truyền thông này đánh dấu một chiến thuật mới trong cuộc tranh đấu của người Công Giáo kể từ khi hàng ngàn giáo dân khởi sự thực hiện các buổi cầu nguyện tập thể cuối năm 2007 để đòi lại những tài sản bị nhà nước tịch thâu.

(Nguồn: http://www.voanews.com/vietnamese/2009-01-12-voa9.cfm12/)
 
Luật Thuế Thu Nhập Cá Nhân: Công việc càng bấp bênh càng thiệt thòi
Trung Thiên
04:56 14/01/2009
SAIGÒN - Theo thông tin của báo chí, hôm 12/1, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã chính thức xác nhận Luật Thuế Thu Nhập Cá Nhân sẽ được giãn nộp năm tháng (cho nợ thuế) nhưng điều này có nghĩa là Luật Thuế Thu Nhập Cá Nhân đã có hiệu luật thi hành từ ngày 01/01/2009 và Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao mặc nhiên bị bãi bỏ. Và Luật thuế mới không chỉ áp dụng với người có thu nhập cao.

Theo Luật Thuế Thu Nhập Cá Nhân thì có mười loại thu nhập phải chịu thuế:

1. Thu nhập từ kinh doanh
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công
3. Thu nhập từ đầu tư vốn
4. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn
5. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản
6. Thu nhập từ trúng thưởng
7. Thu nhập từ bản quyền
8. Thu nhập từ nhượng quyền thương mại
9. Thu nhập từ nhận thừa kế
10. Thu nhập từ nhận quà tặng

Phạm vi hạn hẹp của bài viết này chỉ xin bàn về thu nhập từ tiền lương, tiền công trong lĩnh vực lao động.

Thông tư của Bộ Tài chính số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 hướng dẫn thi hành Luật thuế này quy định rằng thu nhập chịu thuế là thu nhập sau khi đã trừ các khoản bảo hiểm bắt buộc như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (sắp triển khai) và khoản giảm trừ gia cảnh của bản thân và người phụ thuộc. Mức giảm trừ gia cảnh của bản thân người nộp thuế được tính bình quân là 4 triệu đồng/tháng, trong khi đó mỗi người phụ thuộc mà người nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng là 1,6 triệu đồng/tháng (Phần B, I. 3.1.2). Người phụ thuộc có thể là con dưới 18 tuổi, hoặc trên 18 tuổi bị tàn tật hay đang theo học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hoặc học nghề (kể cả con đang học ở nước ngoài); vợ hoặc chồng, cha, mẹ, anh chị em ruột hết tuổi lao động.

Thuế suất đánh trên thu nhập chịu thuế được tính như sau: đến 5 triệu đồng: 5%, trên 5 đến 10: 10%, trên 10 đến 18: 15%, trên 18 đến 32: 20%, trên 32 đến 52: 25%, trên 52 đến 80: 30%, trên 80: 35%. Thuế suất này cũng được áp dụng cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam từ 6 tháng trở lên (183 ngày).

Vấn đền đáng đề cập ở đây không phải ở chỗ mức thuế suất cao hay thấp nhưng đáng nói là Luật thuế lại chia người lao động làm công ăn lương thành hai trường hợp để đánh thuế: có hợp đồng lao động hay không có hợp đồng lao động làm việc. Nếu người lao động làm việc trong các hãng sở có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên thì áp dụng cách tính thuế hàng tháng như trên, cuối năm quyết toán lại. Nhưng ngược lại nếu có hợp đồng lao động thời vụ dưới 3 tháng hoặc không có hợp đồng lao động thì cứ thu nhập từ 500.000 đồng trở lên sẽ bị nơi trả lương khấu trừ 10% trên thu nhập đối với các cá nhân đã có mã số thuế, hoặc khấu trừ 20% trên thu nhập đối với các cá nhân không có mã số thuế (Phần D, II. 1.2.7), cuối năm sẽ quyết toán thuế tại cơ quan thuế địa phương nơi cư trú.

Ai cũng biết rằng thường những người làm công ăn lương không được ký hợp đồng lao động là những người có công ăn việc làm không ổn định hoặc những người phải làm thêm công việc bán thời gian để kiếm sống như giới công nhân ngành xây dựng, giới sinh viên làm thêm, những người lao động làm các công việc không cần tay nghề cao... và dĩ nhiên là lương thấp. Điều phi lý nằm ở chỗ giả sử một người lao động lương khoảng 5 triệu đồng/tháng có hợp đồng lao động với sở làm và có một con nhỏ thì khỏi phải đóng thuế (được giảm trừ bản thân 4 triệu đồng + người phụ thuộc 1,6 triệu đồng), trong khi đó người công nhân phụ hồ lương ngót nghét trên dưới 1,5 triệu đồng/tháng lại bị tạm khấu trừ 10 phần trăm (có mã số thuế), rồi cuối năm mới được hoàn thuế vì đa số các công ty xây dựng không ai ký hợp đồng với những người công nhân này. Lại còn phi lý hơn là những người phải bán sức lao động này đa số là người ít chữ nghĩa, lao động nhập cư, nay phải về nơi cư trú để mà đăng ký mã số thuế nếu không muốn bị tạm khấu trừ thuế đến 20% thu nhập và cuối năm phải tự mình kê khai quyết toán thuế để được hoàn thuế, trong khi đó những người có hợp đồng lao động lại được các công ty lo hết từ đăng ký mã số thuế đến quyết toán thuế (nếu mức lương phải đóng thuế). Mười phần trăm lương đối với người lao động hằng ngày phải trực tiếp dầm mưa dãi nắng không nhỏ chút nào!

Một người bạn từng đi phát lương cho các công nhân ở các công trường xây dựng phải kêu lên rằng: thậm chí có rất nhiều công nhân chữ ký còn không biết ký thế nào, nay phải đi đăng ký mã số thuế rồi cuối năm phải đi quyết toán thuế mong được hoàn thuế với những cán bộ thuế chuyên nghề hạch sách thì hỡi ôi, khổ cho họ quá. Phải chăng nhà nước mở đường cho một loại hình tham nhũng mới cho cán bộ thuế?!?

Hiện giờ các công ty xây dựng cũng đang rối lên vì thông tin tạm khấu trừ thuế 10% đối với các tổ đội thầu khoán cho các công trình hoặc có nên ký hợp đồng với các công nhân xây dựng hay không?

Đối với các tổ đội thầu khoán nếu công ty chịu luôn khoản 10% thuế thì sẽ bị đội chi phí công trình vì chỉ có người lao động mới được hoàn thuế, còn nếu trừ thẳng 10% (khi đăng ký mã số thuế cho tổ trưởng, đội trưởng) thì sẽ thiếu hụt nhân lực vì chắc chắn rằng, một là, các tổ đội đó trừ thẳng lại những người lao động trực tiếp, hai là, cả tổ không làm nữa. Vì với tư cách là một đội thầu khoán không có tư cách pháp nhân mà lại bị nhà nước giam 10% thuế để cuối năm phải làm hồ sơ thống kê lại phát lương cho anh A tháng này bao nhiêu, anh B tháng nọ bao nhiêu, thu nhập thực còn lại là bao nhiêu để xin hoàn thuế, thì khả năng có lẽ không mấy người làm được. Nếu có làm được chắc cũng phải đi qua con đường “bôi trơn”cho xong chuyện. Theo tôi được biết hiện nay tình trạng các công ty, xí nghiệp ăn chia với cán bộ thuế để được quyết toán thuế hằng năm không phải là chuyện hiếm hoi trong bộ máy nhà nước không biết trân trọng đồng thuế người dân mà chỉ biết tư túi này.

Đối với các công nhân lao động phổ thông, đứng trên phương diện kinh doanh, các ông chủ cũng tính toán sao cho có lợi, nếu ký hợp đồng lao động cho công nhân thì phải chịu thêm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tới đây sẽ là bảo hiểm thất nghiệp (cộng là là 18% lương). Còn không ký hợp đồng lao động thì chỉ có nước khấu trừ thuế vào lương 10% hoặc 20% vì thử hỏi sẽ có bao nhiêu người công nhân có được mã số thuế. Nhưng đối với người lao động có thu nhập thấp thì họ sẽ bị sốc vì thu nhập trước mắt bị sút giảm, nếu bị trừ nhiều quá chỉ có nước kiếm công việc khác (nhưng liệu có kiếm được không trong thời khủng hoảng này?). Nếu công ty không chịu phần thuế này hoặc không tăng lương thì sẽ mất lao động, ngược lại chịu thuế thì chi phí sẽ đội lên.

Không riêng gì công ty ngành xây dựng, các công ty của các ngành khác có thuê mướn lao động thời vụ hay khoán gọn như may mặc, giày da... cũng sẽ phải đối mặt với bài toán thuế này. Phải chăng khi ra chính sách thuế này, nhà nước muốn ép buộc các công ty, xí nghiệp phải ký hợp đồng lao động cho mọi người lao động? Nhưng liệu rằng có ép được họ chăng khi mà với một rừng luật như hiện nay, nhưng khi triển khai thì chồng chéo, không cơ quan nào chịu trách nhiệm, các công ty xí nghiệp mặc sức lách luật hoặc “bôi trơn”. Và hậu quả mà Luật thuế này gây ra có thể thấy được mà những người làm công ăn lương phải gánh chịu: thất nghiệp, mất việc làm.

Theo tờ Tuổi Trẻ thì “Với lý do chưa thể quản lý được nên Bộ Tài chính đã đưa ra những quy định không thuận lợi cho người nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN), nhất là những trường hợp nơi làm việc không ổn định, không có hợp đồng lao động, làm thời vụ như công nhân xây dựng, sinh viên...”. Rõ ràng là nhà nước đã không nghĩ đến người dân khi ban hành luật, nghị định, thông tư, miễn sao áp đặt được những thành tích tận thu cho ngân sách.

Với khả năng hạn hẹp của mình, người viết không có dịp tiếp cận với các chính sách về thuế thu nhập cá nhân, cũng như an sinh xã hội của các nước văn minh. Mong rằng các luật gia am hiểu chỉ giáo thêm để lên tiếng thêm cho những người lao động nhọc nhằn nơi quê hương Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

Thông tư của Bộ Tài chính số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 hướng dẫn thi hành Luật Thuế Thu Nhập Cá Nhân: http://www.hcmtax.gov.vn/News1.aspx?itermid=1901
Thuế TNCN với người lao động: Không hợp đồng, thiệt đủ đường: http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=297331&ChannelID=11

Sài Gòn, ngày 13 tháng 01 năm 2008,
 
Năm qua, Hà Nội có bao chuyện quanh Hồ Gươm
Trần Huy Ánh
05:03 14/01/2009
(TuanVietNam) - Thái độ cần thiết của mỗi ai đó trước tài nguyên đất đai cha ông để lại: làm sao để không những sinh sôi của cải vật chất mà còn dung dưỡng nhiều giá trị khác nữa. Ở nơi bạt ngàn rừng núi như Tây Nguyên, mênh mông biển trời như Vân Phong (Khánh Hoà) hay bé bé, xinh xinh như Hồ Gươm cũng vẫn cần một nguyên tắc như vậy.

“Đã thấy Xuân về với gió Đông"

Giờ này năm trước, Hà Nội xôn xao về chuyện người ta định "rào" Hồ Gươm bằng một toà nhà bê tông bọc kính. Cũng may vận khí Thăng Long vẫn còn mạnh nên chuyện này đã kịp lắng đi.

Một năm trôi qua có bao là chuyện - kể ra thì lành ít dữ nhiều. Cả nhân gian nhiều chuyện, Hà Nội ta cũng nhiều chuyện sóng gió. Thuyền càng to thì gặp sóng càng lớn.

Trong cái rủi lại thấy cái may, giá sử mà cái dự án kia lỡ mà cứ xây - nằm chình ình bên Hồ Gươm thì Tết này khối nhà mất vui. Người buồn đầu tiên không ai khác chính là ông chủ toà nhà - vì xây nhà là đi vay ngân hàng, mà cái ông ngân hàng to nhỏ gì cũng như đang ngồi trên lửa khi tài chính toàn cầu chao đảo như lúc này.

Ảnh: theo blog Tamdaotien
Giờ này năm trước, Hà Nội xôn xao về chuyện người ta định "rào" Hồ Gươm bằng một toà nhà bê tông bọc kính. Cũng may vận khí Thăng Long vẫn còn mạnh nên chuyện này đã kịp lắng đi.

Rõ là ngân hàng cũng chẳng hào hứng gì với bất động sản đâu, giờ mà dang dở, tiến thoái lưõng nan thì chẳng hoá người đi vay lẫn người cho vay đứng ngồi không yên ư?

Nhưng sẽ buồn hơn cả là bao người thấy cái lợi lộc đang lấn át nhiều thứ quý giá hơn. Thật may, vẫn còn nhiều người có trách nhiệm đã sáng suốt kịp dừng cái việc tai hại ấy lại. Hồ Gươm thoát nạn, bà con thoát khỏi âu lo: tiền bạc không bị rơi vãi khi lỡ góp đầu tư vào cái dự án miệng tiếng ấy mà trọn niềm vui với hy vọng, rằng trên đời cái đẹp cái thiện còn nhiều. Thế có phải hồn sông núi vẫn còn đầy ắp nơi đây, tỏa hào quang mà nhấn chìm những toan tính tầm thường.

“Mưa tạnh trời quang nắng mới hoe"

Sớm nay rảo bước ven Hồ Gươm để tới nơi trưng bầy các phương án dự thi "Ý tưởng qui hoạch và thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm và phụ cận"… Hãy khoan bàn về cái hay dở từng phương án, mà dành cái tâm trạng phơi phới điểm lại những chuyện vui năm qua.

Chuyện vui thứ nhất là đã có cuộc thi này. Hẳn là nguồn cơn từ cái kế hoạch lèm nhèm đâm ra thành chuyện khó xử, nay giữa thanh thiên bạch nhật mở cuộc tranh tài để thiên hạ tới đây đem hết tài năng mà thi thố. Ai có cao kiến gì thì cứ dốc sức mà bày ra, bà con tha hồ chiêm ngưỡng rồi góp lời tâm huyết.

Chín phương án, mỗi người mỗi ý - cái nào cũng công phu chau chuốt. Chi ra 0,2 triệu USD mà có ngần này tác phẩm thì quả là lợi ích quá. Ngay cả phương án cá nhân tôi không ưng nhất tại cuộc thi này được dùng thì công bằng mà nói: nó vẫn vượt xa cái bản vẽ EVN trình ra năm trước.

Thế mới biết việc gì mà cũng đưa ra công khai thi thố hay bàn thảo rộng rãi thì HN ta tiết kiệm được nhiều. Bản quy hoạch HN giá thành 6,4 triệu USD, gấp 32 lần chi phí cuộc thi này. Hy vọng sẽ hứa hẹn vài chục lần bà con ta được xem nhiều thứ hay ho hơn thế.

Chuyện vui thứ hai là kể từ hồi Giải phóng Thủ đô (1954), đến nay đã hơn nửa thế kỷ, chưa năm nào HN ta xây nhiều vườn hoa đến thế. Công viên, vườn hoa HN, cái nào cũng phải làm chật vật vài năm mới xong, có cái thì đến mấy chục năm vẫn chưa xong (như công viên Tuổi Trẻ hay Đống Đa).

Ấy thế mà xẻo công viên ra "chén" thì cực nhanh, như năm kia ấy mấy cái công viên tí nữa thì thành nhà hàng khách sạn, hay cả cái vườn đào Nhật Tân ngút mắt xuân hồng là thế – hô biến đánh xoẹt là thành nhà chia lô.

Năm qua Hà Nội có liền một lúc 3 cái vuờn hoa (có 2/3 cái ở gần Hồ Guơm) - bé tý nhưng sang trọng, vì toạ lạc tại các mảnh đất ngàn vàng cả. Giá mà duy trì cái tốc độ làm vườn hoa – công viên như thế này mươi năm liền, thì HN ta chả mấy mà xanh sạch hơn cả Singapore.

Ảnh: theo blog Tamdaotien
“Cái vui, cái buồn là vô biên còn cái giàu cái nghèo là trường cửu".

Chuyện vui thứ ba bắt nguồn từ chuyện buồn: HN ngập nuớc. Hồ Gươm cũng ngập. Cuộc thử thách nghiệt ngã làm cho sự quan tâm đến các vấn đề đô thị sâu sắc hơn – nhưng chắc chắn sau này các phương án phát triển đô thị HN sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng hơn, vì vậy những nhà soạn thảo kế hoạch hay những vị có trách nhiệm quản lý sẽ trở nên sắc sảo tài giỏi hơn nhiều.

Kế hoạch phát triển đô thị HN không chỉ là những bản vẽ loè loẹt, hời hợt nặng về hình thức “cờ đèn kèn trống” - còn đó vấn nạn: rác bẩn, khói xăng, bụi bẩn, nước ngập, đường tắc, dịch bệnh, thực phẩm không an toàn… mà HN phải đối mặt.

Giải quyết ổn thoả trong hoàn cảnh tiền bạc eo hẹp thì ắt phải là người tài năng lắm mới làm được. Thời khắc này có là cơ hội mở ra cho những cá nhân, tổ chức có đủ tài trí và tấm lòng ra tay.

Chuyện vui thứ tư là cơn sốt sân golf đã được hạ nhiệt. Mặc dù sân golf không gần Hồ Gươm và ở tận nơi rất xa (tỉnh Long An) đã thu hồi 12 dự án golf. Nhưng nhờ hạ nhiệt mà HN ta ít nhất đã dừng kịp thời vài dự án. "Câu chuyện này chưa có kết luận cụ thể bằng bất cứ quyết định pháp lý nào, nhưng đã xới lên trong dư luận một cách nhìn nhận toàn diện hơn về quản lý đất đai, phát triển cân bằng, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài…”(VietNamNet).

Không chỉ là nên hay không khuyến khích môn thể thao mới mẻ mà suy rộng ra thái độ cần thiết của mỗi ai đó trước tài nguyên đất đai cha ông để lại: làm sao để không những sinh sôi của cải vật chất mà còn dung dưỡng nhiều giá trị khác nữa.

Ở nơi bạt ngàn rừng núi như Tây Nguyên, mênh mông biển trời như Vân Phong (Khánh Hoà) hay bé bé, xinh xinh như Hồ Gươm cũng vẫn cần một nguyên tắc như vậy.

Ảnh: theo blog Tamdaotien
Lộc vừng khoe sắc bên Hồ Gươm.

Chuyện vui thứ năm là sau một tháng với bao nỗ lực, Hà Nội đã quyết tâm giành lại con đường 19-12 từ một dự án chèn vào đây một cái chợ. Nơi ghi dấu lịch sử bi hùng Hà Nội đã đựơc tôn vinh xứng đáng. Cho dù bạn có là người bi quan đến mấy, cho dù Tết năm nay còn nhiều nỗi lo đến mấy thì bạn ơi, hãy tin đi: bạn đang sống trong một TP - nơi đang có nhiều người lao động ngày ngày vì ngày mai đẹp đẽ và mến yêu.

“Cái vui, cái buồn là vô biên còn cái giàu cái nghèo là trường cửu“ ( R.Tagore)… Một năm bao chuyện buồn vui, kể sao hết được. Chuyện tôi kể mới là những chuyện quanh Hồ Gươm – Hà Nội, tôi đã trông thấy và là niềm vui của tôi - cũng có thể đấy là nỗi buồn của những người khác. Nhưng khi ai đó còn lắng nghe nhau thì dẫu gì ngày mai còn nhiều hy vọng.

Mở cánh cửa trông ra lối ngõ, sẽ thấy: “Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm /Ngước mắt nhìn trời, đôi mắt trong.”

Ghi chú: Các trích dẫn bài thơ trong bài trong “Xuân về “ của Nhà thơ Nguyễn Bính

(Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/5842/index.aspx)
 
Sợ tiền???
Anmai, CSsR
05:12 14/01/2009
SỢ TIỀN???

Người ta vẫn thường nói với nhau: “Tiền là tiên là phật, tiền là sức bậc của tuổi già, tiền là cái đà của danh vọng, tiền là cái lọng che thân …” hay là “có tiền mua tiên cũng được!” để nói lên sức mạnh, sức hút của cuộc đời. “Tiền là bạc” bởi vì có khi nó là bạc thật để làm cho đời người ta sung sướng hơn nhưng có khi nó mang theo cái nghĩa “bạc” khác đó là chính vì đồng tiền mà người ta sống “bạc tình bạc nghĩa” với nhau khi trong túi đầy bạc tiền.

Qua mọi thời, qua bao thế hệ, đồng tiền chi phối đời sống con người một cách kinh khủng. Muốn làm gì thì cũng phải có tiền. Thế nhưng, đến một lúc nào đó, đồng tiền không còn là sức hút của con người nữa trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Có khi con người nhìn thấy đồng tiền phải sợ vì không biết nó có làm lợi như mọi khi hay nó lại làm hại khi không làm ăn được.

Để nâng dậy đời sống kinh tế đang suy thoái, nhà nước đang “kích” nền kinh tế vực dậy với con số 1 tỷ USD vay từ nước ngoài. Thông tin từ VTV1 trong bản tin 19 g 00 ngày 12 tháng 1 cho biết: Hiện tại, có 1 tỷ USD trong tay nhưng hiện tại nhà nước đang hết sức lúng túng. Chẳng biết 1 tỷ USD này sẽ đầu tư vào đâu cả. Đầu tư vào chứng khoán và bất động sản cũng chẳng được vì một đống tiền đã đổ vào đấy đang kẹt cứng. Đầu tư vào nông nghiệp cũng chẳng đành vì con cá, hạt gạo cũng mang chung số phận bấp bênh của nền kinh tế khủng hoảng.

Tưởng chừng đầu tư vào chứng khoán sẽ mang lại một khoản lợi to lớn nên nhà nước và nhiều ngườ đổ xô nhau đi mua cổ phiếu, đổ xô nhau “bơm” tiền vào chứng khoán. Thế nhưng, thực tế cho thấy là càng càng đổ vào càng lún vì lẽ “sàn” chứng khoán nó không lên xuống nhịp nhàng nhưng nó cứ như nhảy theo vũ điệu “lambađa” vậy. Không biết hiện tại có bao nhiêu người, bao nhiêu gia đình đang mang trong mình nỗi tiếc nuối ngậm ngùi khi chạy theo chứng khoáng.

Đến đất đai và bất động sản. Tưởng chừng như đầu tư vài lô đất để kiếm lời mà khỏi phải tốn mồ hôi sôi con mắt nên nhiều người cũng đã “chạy” đua để mua đất. Biết rằng đất dù nó không nói lên tiếng nói của nó nhưng nó cũng hái ra tiền. Thế nhưng nó cũng chỉ hái một cách chừng mực nào đó chứ đâu có đơn giản ngày một ngày hai giá lên cao ngất trời được. Vậy là các ngân hàng nhà nước cùng một số người lại tiếp tục ngậm đắng nuốt cay nhìn mảnh đất “vàng” nay trở vàng với màu vàng của cỏ dại.

Đất đai cùng với chứng khoán đã làm liêu xiêu nhiều người đến độ nhìn họ trong tình trạng dở khóc dở cười. Bán thì quá lỗ còn để lại thì phải trả lãi hàng tháng. Hết hẹn lại lên, cuối tháng lại chạy tiền để đóng tiền lời. Lãi mẹ đẻ lãi con đến một lúc nào đó đồng vốn ban đầu cũng trở thành tay trắng.

Qua cơn bão của chứng khoán và bất động sản ta mới thấy “lực hút” của đồng tiền là như thế nào.

Đồng tiền nó làm cho những người kinh doanh chứng khoán cũng như bất động sản điêu đứng và rồi nó cũng chẳng để cho người dân nghèo yên thân.

Nông dân nghèo đang thở vắn than dài khi nhìn con cá tra, con cá ba sa, con tôm của mình lững lờ trong hồ nước. Chúng mãi cứ đi đi lại lại trong hồ dù rằng đủ cân đủ ký vì giá của chúng “đụng sàn”. Bao nhiêu tiền bạc, bao nhiêu công sức đổ vào con cá, con tôm nay cũng chẳng còn.

Còn những người làm lúa thì cũng chẳng khá gì hơn. Cả năm trời nai lưng quần quật “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cũng chẳng thu vào được bao nhiêu khi giá lúa còn trên dưới 3.000 đ/ký. Nông dân không được xuất khẩu gạo theo lệnh cấm. Đến nay, số gạo trong kho quá tải nên dắt díu nhau đóng ghe đóng đóng bị đem “bán đổ bán tháo” với giá 5.000 đồng / ký gạo.

Hài hước cho những lúc giá gạo cao ngất 20.000 đồng / ký phải chen chân xếp hàng mua từng bị 10 ký. Thuở đời nay vào Siêu Thị chỉ được mua mỗi người 10 ký! Bi thương cho 5.000 đồng / ký đóng cả xe tải đậu dọc trên các con đường quốc lộ rao bán khuyến mãi!

Cứ thử dạo một vòng từ Bắc chí Nam hay là từ miền Nam ra thăm Lăng Bác sẽ thấy cuộc sống của đại đa số người nghèo là như thế nào?

Theo thống kê, nông dân chiếm 75% dân số ấy vậy mà 1 tỷ USD hiện có người ta lại không “nỡ” đầu tư vào nông ngư nghiệp. Thật ra thì Ngân hàng Nhà nước cũng muốn đầu tư vào nông nghiệp vì tỷ lệ nông dân chiếm đại đa số nhưng chính người nông dân chẳng dám vay nữa. Bởi lẽ, càng vay càng nợ và càng chết.

Họ sợ đồng tiền đến độ không dám đến ngân hàng vay để mua phân bón, vật tư nuôi trồng thuỷ sản nữa vì không biết kết quả trồng trọt, chăn nuôi là như thế nào. Họ đành phải trả thêm 30.000 đồng / bao phân (Thời sự VTV1 tối 12 tháng 1 năm 2009) sau mùa vụ chứ chẳng dám vay ngân hàng. Phóng sự tối nay còn cho biết tâm sự của nhiều nông dân ở nhiều vùng trên đất nước nói lên nỗi lòng u ám của mình trước một nền kinh tế bất ổn. U ám, sợ hãi đến độ không dám trồng lúa nhiều vì có trồng nhiều đi chăng nữa cũng chẳng được là bao sau mùa vụ vì quá nhiều chi phí cho vật tư cộng thuế má.

Chưa bao giờ người nông dân lại “sợ tiền” như hiện nay.

Nói cho đúng, những người nông dân không sợ tiền nhưng họ cảm thấy sợ hãi, âu lo khi phải vay tiền của người khác để đầu tư vào công việc của họ. Họ sợ rằng đổ hết sức đầu tư nhưng cuối cùng vẫn hoàn tay trắng nên họ không dám đi vay tiền như trước nữa.

Cũng vui, có những lúc đồng tiền cần thật trong cuộc sống nhưng cũng có lúc nó lại trở thành vô nghĩa hay vô dụng như tình hình kinh tế hiện nay.

Nói vậy thôi, với những người nông dân nghèo, những người đơn sơ chân thật họ mới “sợ tiền” vì lẽ họ thấy họ không tìm được lối thoát sau khi có tiền. Những người nông dân đơn sơ chân thật cảm thấy rất sợ khi đầu tư vào mà không mang lại lợi ích nên họ không dám vay vốn. Còn với những người vô lương tâm, vô trách nhiệm thì chẳng bao giờ “sợ tiền” cả. Họ can đảm vay tiền tỷ để đầu tư nhưng xác suất thu lợi chẳng là bao nhưng họ cứ cố tình vay. Chỉ biết vay cho nhiều rồi tới đâu thì tới. Những người ấy họ vẫn cố gắng hết sức của họ để có tiền dù đồng tiền ấy chính là mồ hôi xương máu của đồng bào của họ. Những người vô trách nhiệm và vô lương họ bằng mọi thủ đoạn để lấy cho đầy túi của họ thì thôi.

Nực cười trên màn ảnh nhỏ tối nay: hình ảnh của những người tham nhũng, hối lộ bạc tỷ như đối lập với những người nghèo góp từng đồng để giúp cho các em nhỏ nghèo vùng núi thiếu thốn!

Đứng trước đồng tiền thì tiếng nói của lương tâm lại lên tiếng.

Những người nghèo nhưng đơn sơ, chân thật sẽ rất sợ tiền

Những người không còn lương tâm hay vô trách nhiệm sẽ vào vơ vét về cho đầy túi tham.

Chẳng biết đến lúc nào đời sống của đại đa số nông dân nghèo được bình ổn!

Chẳng biết đến lúc nào đồng tiền cho vay từ ngân sẽ không còn là nỗi sợ hãi, nỗi ám ảnh của những người nông dân nghèo nữa.
 
Con Đường Dân Oan Việt
Vi Anh
08:41 14/01/2009
Vụ Thái Hà là khúc quanh biến chuyển của con đường Dân Oan Việt Nam nói chung. Con đường mà nơi đến là hố sâu đang chờ chế độ đang cầm quyền là CS Hà nội. CS Hà nội biết, chớ không phải không. Nên Thủ Tướng Việt Cộng mới đây đã vừa đánh vừa xoa qua lời tuyên bố và qua thông tư sẽ không trả lại đất đai đã tiếp thu, nếu đạo nào có nhu cầu sẽ cất đất mới.

Lịnh của Thủ Tướng sẽ thành lạc vì đặc quyền đặc lợi của địa phương như ở Trung Cộng.

Chính chế độ CS Hà nội - chớ không ai vào đó cả - chính CS Hà nội đã đưa người dân Việt lương cũng như giáo vào cái thế xô đẩy chế độ CS vào hố sâu chôn chế độ. CS Hà nội đã tạo bế tắc cho Dân Oan trong việc khiếu kiện đòi lại đất đai bị tịch thu, trưng thu trả giá rẻ mạt như giựt. Một cuộc khiếu kiện của quần chúng nhân dân nghèo, của các tôn giáo không chấp nhận sự điều khiển của CS. Một cuộc khiếu kiện có tính toàn dân, có tính tập thể mà nhà cầm quyền CS định để lâu hoá bùn. Trên trung ương đùa xuống dưới địa phương và dưới địa phương đẩy lên trên trung ương, nhưng hàng mấy chục năm trời mà không nơi nào giải quyết cả. Mà giải quyết làm sao được vì đó là cái bịnh chánh trị của tổ tông, của chủ nghĩa CS chủ trương đất đai là "công sản" mà ông chủ là Đảng CS và ngưòi cọp rằng là Nhà Nước CS Hà nội. Thêm vào đó CS chuyển sang kinh tế thị trường mà "tư sản" là căn bản và tư bản ngoại quốc cần mặt bằng khi dân số tăng gia lên 86 triệu, nên đất đai trở nên quí hiếm. Qui luật của cuộc sống là cùng tắc biến, biến tăc thông, thông tắc cữu. Mà tầng lớp nhân dân bị trị biến, thông và cữu thì Đảng Nhà Nước CS thống trị phải trụ và diệt.

Trở lại con đường Dân Oan. Về khiếu kiện coi vậy chớ thời quân chủ đỡ hơn thời CS Hà nội. Quân chủ không có dân chủ, nhưng minh quân thấy xa, và thương dân, yêu nước vì chính giòng họ lập ra triều đại. Nên minh quân dành một chỗ cho người dân xì bất mãn, cho phép thần dân phản đối trực tiếp tại triều đình, đánh trống động thiên đình để bày tỏ bất bình hay tố cáo tham quan ô lại với vua, cho vua xử. Vua không ngần ngại giáng chức, đánh đòn quần thần sai phạm

Thời CS thì mị dân, nói mà không làm, chẳng những không làm mà dùa đẩy người khiếu kiện vào thế bế tắc và bị trả thù. CS cho người dân có quyền "kiến nghị", khiếu kiện nhưng chỉ giải quyết có lệ bằng cách "di lý" về cho địa phương xem xét. Đi thưa cán bộ đảng viên cầm quyền sai phạm ở địa phương trong đảng ủy và ủy ban hành chánh mà đưa về địa phương giải quyết thì huyện binh huyện, phủ binh phủ khó mà tránh. Người đi thưa gởi sẽ thành nạn nhân lần thứ hai sau khi bị mất đất, thường bị trả thù trực tiếp hay gián tiếp. Báo chí toàn là của Đảng Nhà Nước khó mà nói nỗi oan của dân, khuất lập của cán bộ đảng viên cầm quyền.

Oan sai tích lũy qua thời gian, không gian, vụ việc và số lượng nạn nhân khiến chồng chấ, bất mãn nhơn lên thành cơn lốc, con trốt trên con đường của người Dân Oan. Thói quen biến thành bản chất thứ hai của CS là trấn áp sự chống đối của người dân biểu tình. Trấn áp sẽ kêu gọi vùng lên. Bạo lực sẽ kêu gọi bạo lực. Nhà cầm quyền điạ phương càng trấn áp càng bạo hành, trung ương càng đóng cửa rút cầu, càng im lặng đổ thừa địa phương thì người dân sẽ bất mãn trung ương, không cần tới trung ương nữa. Sức nén càng nhiều sức bật càng cao.

Nhìn Dân Oan đã xô đẩy chế độ cầm quyền vào thế nguy. Ở Trung Cộng càng ngày số người kiện cáo càng đông bất chấp hù dọa, trấn áp, tù đày. Người dân đã mất tất cả, chỉ còn cái mạng cùi nên sẵn sàng thí mạng cùi, hết sợ. Thành phần dân chúng này là thành phần nguy hiểm cho chế độ đứng trên phương diện trị an mà nói. Nếu ở địa phương họ chỉ vài chục, vài trăm người thì còn bắt bớ, giam cầm được, chớ nếu hàng muôn hàng vạn thì công an đầu mà bao vậy, mà băt bớ, nhà tù đâu đủ má nhót. nhà giam. Nếu họ lan tràn ra các các địa phương, thì trung ương khó mà khu trú hoá, khó mà càn quét, nhứt là thời đại mở cửa cho đầu tư ngoại quốc và Tin Học đi nhanh như ánh sáng, không thể dấu được với thề giới.

Trung Cộng ý thức rõ mối nguy, đưa ra chánh sách " xã hội hài hoà" đem tăng trưỏng kinh tế về nông thôn, lắp bớt hố sâu ngăn cách nghèo giàu giữa thanh thị và nông thôn, giữa cán bộ đảng viên quyền thế và những người ăn theo nhiều tiền và nông dân ra thành làm công nhân và nông dân. Nhưng điạ phương mất quyền lợi sát sươn tránh né, biến lịnh của trung ương thành lạc. Trung ương lo, Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào ra chỉ thị cho nhà cầm quyền địa phương phải chận đứng làn sóng phản kháng.

Một sinh viên ban báo chí là Hầu Kim Lượng ở Trung Quốc mới đây có đưa lên mạng một thí dụ điển hình, làm nhiều người chấn động và tham gia ý kiến. Trường hợp nông dân Tôn Pháp Vũ vì "kiến nghi" mà bị tù cải tạo một lần và vào nhà thương điên một lần. Năm 1988, con trai của ông bị đệ tử của một cán bộ quyền thế địa phương đánh đập gây thương tích và bị giam trong một nhà thương điên. Khiếu kiện ở địa phương, bộ hạ của quí tử cán bộ này còn hăm dọa giết cả gia đình ông. Năm 2005, Ong Tôn lên trung ương nộp kiến nghị tại "văn phòng quốc gia nhận kiến nghị công chúng". Kết quả Ong bị 20 tháng tù lao động cải tạo. Tháng 10 năm 2008, nông dân Tôn Phát Vũ, 57 tuổi đến thành phố Tân Thái, tỉnh Quảng Đông, định phản đối chuyện nhà cầm quyền địa phương khai thác mõ than đá bừa bãi gây ô nhiểm làng của ông. Công an địa phương chận bắt, đưa vào nhà thương điên, 20 ngày sau thả sau khi cưỡng bức Ông phải ký tờ cam kết không được khiếu kiện.

Báo Pháp Le Courrier International cho biết điều tra cho thấy, Tôn Phát Vũ không phải là trường hợp đơn lẻ. Hiện nay, bệnh viện "tâm thần" ở Trung Quốc đầy ấp người nhờ vào vụ kiến nghị. Bất cứ ai ký kiến nghị đều bị xem là bị bịnh điên. Theo số liệu chính thức, hàng năm có 100 ngàn vụ nổi loạn vì người dân không thể tiếp tục bị dồn nén mãi. Tờ tuần báo có uy tín này của Pháp nhắc lại nhận định của sinh viên ban báo chí Hầu Kim Lượng ở Trung Quốc. Nếu cán bộ địa phương tiếp tục dùng quyền lực trấn áp dân chúng thì có một lúc họ sẽ trả giá đắt vì thái độ của họ làm hại xã hội, và làm cho người dân mất tin tưởng ở nhà cầm quyền trung ương. Vì khi người dân động viên hàng loạt để phản đối, thì đến lượt chính quyền trung ương trả giá. Và mở ra vòng xoáy nguy hiểm khó lường. Tác giả bài báo cũng nhắc lại nạn nhân của nhà cầm quyền địa phương là thành phần cùng đinh, không có gì để mất.

Trở lại VNCS. Trung Cộng là Anh Cả Đỏ mà CS Hà nội thần phục như thiên tử. Trung Cộng làm gì thì CS Hà nội hay rập khuông. Nên con đường Dân Oan VN nói chung cũng đang qua khúc quanh bung ra vì lâu nay CS dồn nén dân thường bị thiệt hại đất đai. Điểm biến chuyển tăng diện địa, nhịp độ, qui mô và hình thái tư Dân Oan thường sang Dân Oan Công Giáo là vụ Thái Hà. CS Hà nội muốn khu trú hoá ở Hà nội nhưng mất sáng kiến đối phó. Đề nghị thay Đức Tổng Giám mục, linh mục mà không được. Lạng Sơn nổi lên chống CS thu hồi đất hoa mầu 5%. Saigon nổi lên nhiều vụ. Vĩnh Long rộ lên. Rạch Giá sát biển cũng ào lên. Dân Oan Phật Giáo, Dân Oan dân thường tái phát khắp nước. Cơn lốc, con trốt Dân Oan VN đang thổi dùa đẩy chế độ CS Hà nội ngày càng gần hố sâu ở cuối đường.

(Nguồn: http://vietbao.com/?ppid=45&pid=2&nid=139530)
 
Thông Báo
Phân Ưu: Thân mẫu của Phó tế Francis Xavier Nguyễn Văn Đức đã tạ thế
Lm. Giuse Nguyễn Thanh Liêm
04:08 14/01/2009

PHÂN ƯU


Được tin:

Cụ ANNA NGUYỄN THỊ LỢI

Đã an nghỉ trong Chúa ngày 13 tháng 12 năm 2008
tại Việt Nam - hưởng thọ 95 tuổi.

Cụ Bà ANNA là thân mẫu của Phó Tế Francis Xavier Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch Cộng Đồng Phó Tế Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Chúng tôi thành kính phân ưu cùng Phó Tế F.X Nguyễn Văn Đức và toàn thể tang quyến.

Nguyện xin Thiên Chúa là Cha nhân từ đón nhận Linh hồn ANNA vào Thiên Đàng.


Thành Kính,

Chủ tịch LĐCGVNHK
 
Phân Ưu: Linh mục vinh Sơn Nguyễn Hữu Dụ, OP, đã qua đời
Lm. Giuse Nguyễn Thanh Liêm
04:10 14/01/2009

PHÂN ƯU


Được tin
Linh mục Vinh Sơn NGUYỄN HỮU DỤ, O.P.
Sinh ngày 20/03/1920
tại làng Thân Thượng, huyện Kiến Xương, Giáo phận Thái Bình
• Khấn dòng: 22/08/1939
• Phụ phong linh mục: 12/06/1946
• Chính xứ Yên Vỹ - Bắc Việt: 1950
• Chính xứ Cao Xá - Thái Bình - Bắc Việt: 1951
• Chính xứ Cao Xá - Tây Ninh - Nam Việt: 1954
• Chính xứ Đức Mẹ La Vang Houston, TX, USA: 1986
• Hưu dưỡng: 1994
Đã an nghỉ trong Chúa lúc 08h47 sáng thứ Hai, 12/01/2009, tại Houston, TX, USA

Hưởng thọ: 89 tuổi - 70 năm khấn dòng - 63 năm linh mục

Linh cữu quàn tại Amencan Heritage 10710 Veteran Momorial Dr, Houston, TX 77038

Chương trình Lễ tang
• Thứ Tư 14/01/2009, lúc 06h00 chiều: Thánh lễ đưa chân tại xứ Đức Mẹ La Vang - Houston
• Thứ Năm 15/01/2009, lúc 06h00 chiều: Thánh lễ phát tang tại xứ Đức Mẹ La Vang - Houston
• Thứ Sáu 16/01/2009, lúc 06h00 chiều: Thánh lễ cầu nguyện tại xứ Đức Mẹ La Vang - Houston
• Thứ Bảy 17/01/2009, lúc 10h00 sáng: Thánh lễ an táng tại xứ Đức Mẹ La Vang - Houston

Xin thành kính phân ưu với thân quyến, Giáo xứ Đức Mẹ La Vang, Houston, Texas,
Phụ Tỉnh Thánh Vinh Sơn Liêm - Dòng Đa Minh Việt Nam.

Xin Thiên Chúa đón nhận linh hồn Cha Cố Vinh Sơn về hưởng Thánh Nhan Chúa
và trả công bội hậu cho ngài trong bao nhiêu năm phục vụ Thiên Chúa và Hội Thánh.

Kính xin quý Linh mục và Cộng đồng Dân Chúa LĐCGVNHK
hiệp dâng Lễ cầu nguyện cho người anh em của chúng ta.

Thành kính,
Chủ tịch LĐCGVNHK
 
Cáo phó: Tu huynh Giacôbê Nguyễn văn Lịch đã tạ thế
Dòng Thánh Gia
06:56 14/01/2009

CÁO PHÓ


Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, Dòng Thánh Gia Việt Nam kính báo:
Tu Huynh Giacôbê NGUYỄN VĂN LỊNH
Tu sĩ Dòng Thánh Gia
Sinh ngày 15/10/1922
Tuyên khấn lần đầu ngày 16/07/1941
Khấn trọn ngày 29/08/1952 tại Banam (Campuchia)
Đã được Chúa gọi về ngày 12/01/2009 tại Edmonton - Canada. Thọ 87 tuổi.

Thánh lễ an táng tu huynh Giacôbê Nguyễn Văn Lịnh sẽ cử hành vào lúc 10 giờ sáng tại Canada.
Xin cầu nguyện cho linh hồn Thầy Giacôbê sớm được về hưởng Nhan Thánh Chúa.

Kính báo
 
Văn Hóa
Xuân về thôi những tàn phai
Phanxicô Xaviê
05:09 14/01/2009
XUÂN VỀ THÔI NHỮNG TÀN PHAI.
(Is 65, 17-21).

Ngày đi bỏ người đứng chờ,
Ngày đi khỏa lấp ngây thơ hôm nào.
Ngày đi nghe những xôn xao,
Một ngày chợt thấy hư hao tuổi già.
Xuân về giữa chốn phồn hoa,
Người quen nhịp sống nhà nhà đông vui.
Ngoài kia có mảnh tình rơi,
Bên hè phố chợ, đơn côi phận người.
Ngày Ta sáng tạo đất trời,
Cho đôi lứa sống trọn đời bên nhau.
Ai còn nhớ đến buổi đầu,
Một xương thịt ấy bỗng đâu lìa cành,
Phút giây chợt đã tan tành,
Bao lời nguyện chúc an lành cũng tan.
Nhưng rồi sẽ có hỷ hoan,
Một ngày mai tới chan hòa niềm vui.
Ngày Ta dựng lại đất trời,
Cho miền đất mới, tiếng cười hoan ca.
Không còn than khóc kêu la,
Trẻ thơ thôi hết phôi pha đường trần.
Sống tròn đầy phúc hồng ân,
Người già tuổi thọ Ta ban miên trường.
Ngày xuân nguyện chúc tình thương,
Người sau kẻ trước, còn vương vấn hoài.
Cầu cho xuân đến ngày mai,
Cho người thôi hết tàn phai xuân thì.
 
Năm Mới nói chuyện Lịch
Tú Nạc
17:58 14/01/2009
Hôm nay là thứ mấy? Năm nay lễ Phục sinh vào ngày nào? Lễ giáng sinh là thứ mấy trong tuần? Còn bao lâu thì đến kỳ nghỉ? Để trả lời cho những câu hỏi này, chúng ta phải xem lịch.

Những cuốn lịch trông rất đơn sơ, nhưng phải mất nhiều thế kỷ người ta mới tìm ra cách tính thời gian của chúng ta hôm nay. Câu chuyện về cuốn lịch của chúng ta bắt đầu từ những ngày khi con người biết đọc, biết viết.

Có thể cách đầu tiên theo dõi thời gian là tính ngày. Có lẽ tổ tiên ta thuở xưa đếm ngày bởi "mặt trời" như một số dân tộc nguyên thủy hiện nay vẫn làm. Cững có thể theo bước thời gian bằng "bóng đêm". Một vài dân tộc nguyên thủy vẫn làm như vậy. Một ngày trong lịch của chúng ta là thời gian ban ngày và ban đêm. Nhưng ngày xửa ngày xưa, con người không nghĩ về ngày như chúng ta ngày nay.

Hầu hết khi người ta đếm "mặt trời" hay "đêm tối", họ pải chú ý đến sự biến đổi của mặt trăng. Trăng đầy. Trăng mỗi ngày mỗi vơi cho đến khi trăng đầy trở lại. Từ trăng đầy này đến trăng đầy khác là cách đo thời gian tốt. từ "tháng" trong Anh ngữ (month) do từ "trăng" (moon) mà ra.

Cùng thời, con người thấy rằng các mùa cứ tiếp nối theo nhau với một trật tự đều đặn. Ở Ai Cập cổ đại, khi sông Nile làm đất đai ngập lụt được theo sau là những mùa trồng trọt và chăm bón, chu kỳ của các mùa trở thành năm.

Tổ tiên của chúng ta xưa kia không biết đến thời gian, nhưng sự chuyển động của trái đất và mặt trăng đã cho họ những cách tính thời gian. Sự di chuyển của trái đất làm cho mặt trời mọc và lặn. Mặt trăng chuyển động quanh trái đất làm cho mặt trăng tưởng như biến đổi hình dạng. Sự chuyển dịch của trái đất xoay quanh mặt trời tạo nên chu kỳ của các mùa.

Cả một thời gian dài, không ai chịu tìm cách sắp xếp ngày, tháng và năm lại với nhau. Đến khi họ làm, họ đã gặp khó khăn, số ngày không phù hợp với các tháng. Thời gian từ lần trăng tròn này đến lần trăng tròn kia khoảng chừng 29 ½ ngày.Số ngày cũng không khớp đều với những năm. Để di chuyển quanh mặt trời, trái đất phải mất khoảng 365 ¼ ngày. Và số tháng mặt trăng không bằng nhau trong năm. Mặt trăng di chuyển quanh trái đất vào khoảng 12, 13 lần trong một năm.

Càc tu sỹ Babylon thuở xưa đã làm một loại lịch mà nó có 29 ngày trong một tháng và 30 ngày trong những tháng khác. Năm đầu tiên của họ có 12 tháng và 30 ngày trong những tháng. Nhưng có một số ngày quá ngắn. chẳng bao lâu, các tháng đã tuột khỏi các mùa. Nếu mỗi năm của chúng ta có một số ngày thời gian ngắn hơn để trái đất quay quanh mặt trời, lễ Giáng sinh có thể đến vào giữa mùa hè. Để giữ cho các tháng không quá sai lệch với thứ tự của các mùa, các tu sỹ đã đặt một tháng bổ sung cho mỗi hai hoặc ba năm.

Người Hy lạp thuở xưa có một loại lịch giống của người Babylon. Nhười La Mã thuở xưa cũng thế. Nhưng ở La Mã, chính trị đã bắt đầu có một số điều ảnh hưởng đến lịch. Khi nào các tu sỹ không thích người nào đó đựơc bầu vào một cơ quan quyền lực, họ sẽ tạo cho nhiệm kỳ của người đó ngắn lại bằng cách không thêm một tháng ngoại lệ vào trong năm, mặc dầu nó rất cần. Mặt khác, họ đăt thêm tháng bổ sung để cho nhiệm kỳ của một quan chức nào đó dài hơn.

Khi Julius Caesar trị vì Đế quốc La Mã, lịch bị xáo trộn nghiêm trọng, Caesar vứt bỏ lịch tháng mặt trăng của họ và bắt đầu làm lại. Ông đề nghị một số nhà thiên văn giúp đỡ. Để làm lịch mới, họ mượn khái niệm của người Ai Cập. Người Ai Cập tính độ dài của năm bằng cách nhìn ánh sáng của sao Sirius. Năm của họ bắt đầu khi sao Cirius xuất hiện ở phía đông lúc bình minh. Một năm dài 365 ngày.

Các nhà thiên văn học của Caesar quyết định rằng một năm có thể là 365 ¼ ngày. Rồi mỗi năm thứ tư có thể có một năm nhuận với 366 ngày.

Từ đó họ quyết định không chia tháng theo mặt trăng thực sự, họ có thể làm các tháng dài thế nào tùy họ thích. Họ quyết định chia năm thành 12 tháng có độ dài gần bằng nhau. Thấy rằng họ có 5 tháng 31 ngày và 7 tháng 30 ngày một cách dễ dàng. Người La Mã nghĩ rằng những con số lẻ là số may mắn. Để có thêm tháng có 31 ngày nữa, họ đã lấy một ngày của một tháng 30 ngày từ tháng 2.

Julius Caesar đã đặt tên một tháng với tên mình đó là tháng bảy (July). Tất nhiên tháng này có 31 ngày. Khi Augustus Caesar trở thành hoàng đế, vài năm sau đó, tháng sau tháng bảy được đặt tên của ông ta. Nhưng đó chỉ là tháng 30 ngày. Một tháng mang tên của hoàng đế không thể chỉ có 30 ngày! Thế là một ngày nữa của tháng hai được cộng thêm cho tháng tám (August). Ngoại trừ năm nhuận, tháng hai còn lai 28 ngày.

Các tháng của chúng ta ngày nay không thay đổi gì so với thời Augustus Caesar. Tên các tháng của chúng ta là tên từ La Mã mà ra. Các tuần của chúng ta cũng giống như các tuần trong lịch Caesar.

Những hoạch định của Caesar về năm nhuận được tuân theo khoảng 1,600 năm. Nhưng lúc đó, ngày tháng hơi lệch khỏi vị trí trong các mùa. Điều phức tạp là một năm không hẳn là 365 ¼ ngày. Lịch của Caesar đặt năm nhuận vào rất thừong xuyên. DGH Gregory quyết định thay đổi để sủa lỗi này. Năm 1582, Ngài nhờ một nhà thiên văn học người Ý giúp Ngài tính toán quy tắc tốt hơn cho các năm nhuận, chúng ta, ngày nay vẫn theo quy luật của Ngài. Đó là: nếu số của một năm có thể chia hết cho 4, nó là năm nhuận, trừ phi nó có thể chia cho 100, nó có thể là năm nhuận nếu nó có thể chia cho 400.

Để ngày tháng trở lại vị trí thích hợp của chúng trong các mùa, DGH Gregory chuyển ngày lên 10 ngày. Ngày 5 tháng 10 trong năm đó thành 15 tháng 10.

Một số quốc gia công nhận lịch này rất chậm. Những nước nói tiếng Anh chỉ đến năm 1752 mới dung nó. Vào lúc đó, lịch cũ đã lệch ra ngoài đến nỗi lịch phải chuyển lên thêm 11 ngày.Nhiều người đã nghĩ rằng họ đã mất 11 ngày trong cuộc đời. Đã có những cuộc meeting lớn họ hô to khẩu hiệu: "Trả lại cho chúng tôi 11 ngày" (give us back our 11 days.)

Đồng thời, ngày 1tháng1 được xem là ngày của năm mới. Trước đó ngày 25 tháng 3 là ngày đầu tiên của năm mới

Ngày nay, chúng ta vẫn dùng lịch của DGH Gregory. Quy tắc về năm nhuận của Ngài vẫn đúng. Nhưng một số người nghĩ rằng lịch của chúng ta nên thay đổi.

(viết theo: "The Golden Book Encyclopedia" – Golden Press- New York.)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Trên Cành Thu Muộn
Therésa Nguyễn
06:07 14/01/2009

TRÊN CÀNH THU MUỘN



Ảnh của Thérésa Nguyễn

Một mình nhớ, một mình mong

Người ơi nghìn núi trăm sông mịt mờ…!

(Trích thơ của Nguyên Phong)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền