Ngày 14-01-2014
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Quốc vụ khanh Tòa Thánh hội kiến với Ngoại trưởng Mỹ Kerry
LM. Trần Đức Anh OP
11:06 14/01/2014
VATICAN. Sáng ngày 14-1-2014, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Đức TGM Pietro Parolin, đã có một cuộc hội kiến tại Vatican với ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Ngoại trưởng Kerry đang thực hiện một cuộc viếng thăm tại các nước để cỗ võ một hiệp định hòa bình giữa Israel và Palestine, cũng như thành quả của Hội nghị Genève 2 về hòa bình tại Siria sẽ tiến hành từ ngày 22-1-2014.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết: Sáng ngày 14-1-2014, ngoại trưởng Mỹ Kerry đã đến thăm Vatican và gặp Đức TGM Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh.

Cuộc gặp gỡ rất quan trọng và cũng bao quát, vì kéo dài 1 giờ 40 phút. Tham dự cuộc gặp gỡ có đại sứ Mỹ cạnh Tòa Thánh, và 3 quan chức Bộ ngoại giao Mỹ. Về phía Tòa Thánh, cũng có Đức TGM ngoại trưởng Mamberti và hai chức sắc khác của Tòa Thánh đặc trách về các vấn đề được bàn tới.

Cuộc gặp gỡ có nhiều thành quả và rất phong phú về nội dung. Các đề tài chính được bàn tới dĩ nhiên là các vấn đề Trung Đông, đặc biệt là tình hình Siria, đứng trước Hội nghị hòa bình tại Genève trong tháng giêng này. Dĩ nhiên những quan tâm và mong ước của Tòa Thánh đã được trình bày, những điều này cũng đã được diễn tả trong diễn văn của ĐTC trước ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh hôm 13-1-2014: Tòa Thánh mong muốn có một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột và nỗ lực cứu trợ nhân đạo cho dân chúng đã bị thử thách nhiều. Rồi cuộc thương thuyết giữa Israel và Palestine cũng được đề cập đến, dĩ nhiên Tòa Thánh khích lệ sự tiếp tục và hy vọng cuộc thương thuyết được thành quả tốt.

Cả Phi châu cũng là đối tượng các cuộc thảo luận. Chúng ta biết tình trạng Sudan trở nên thê thảm trong thời gian gần đây: Tòa Thánh mong ước rằng sự trung gian hiện nay để hai phe thỏa thuận với nhau có thể đạt tới thành quả tốt.

Trong cuộc thảo luận, Tòa Thánh cũng đề cập đến đề tài Hoa Kỳ: cùng với các GM Mỹ, Tòa Thánh bày tỏ lo âu về những vấn đề liên quan đến những qui luật cải tổ y tế trong tương quan với tự do tôn giáo, sự phản kháng của lương tâm. Kế hoạch của tổng thống Mỹ chống nạn nghèo và cải tiến tình trạng của các tầng lớp nghèo nhất trong dân chúng cũng được bàn đến.

Cha Lombardi nói thêm rằng: ”Bầu không khí tích cực; cuộc gặp gỡ có tính chất xây dựng, quan trọng, và chính thời gian dài của cuộc thảo luận biểu lộ ý nghĩa quan trọng của nó”.
 
Chính quyền hăm dọa Giáo hội Công giáo Hy Lạp tại Ukraine
Đặng Tự Do
13:01 14/01/2014
Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk
Chính phủ của Tổng thống Viktor Yanukovych đã đe dọa sẽ rút lại giấy phép hoạt động của Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine. Sở Thông tin tôn giáo của Ukraine cho biết như trên hôm 14/01/2014.

Bộ văn hóa trích dẫn việc "coi thường hệ thống luật pháp của một số linh mục" tại các cuộc biểu tình chống chính phủ bắt đầu vào tháng Mười Một như là lý do để đưa ra lời đe dọa này.

Đáp lại, Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk, nhà lãnh đạo cao nhất của Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine, là Giáo Hội Công Giáo Đông phương lớn nhất, nói:

“Mặc dù Giáo Hội không làm chính trị, nhưng Giáo Hội không thể khoanh tay đứng nhìn khi các tín hữu yêu cầu chăm sóc tinh thần."

"Giáo Hội của chúng tôi luôn luôn đứng về phía sự thật và sẽ vẫn như vậy vì sứ mệnh tương lai đã được Chúa Kitô Đấng Cứu Thế giao phó, bất chấp tất cả các mối đe dọa. Chúng tôi đã nghĩ rằng thời áp bức đã trôi qua, nhưng lá thư này khiến chúng tôi đâm ra nghi ngờ. Chúng tôi không xấu hổ về sự hiện diện của chúng tôi tại quảng trường Maidan và sẽ tiếp tục ở lại đó"

Quảng trường Maidan Nezalezhnosti là quảng trường trung tâm của thủ đô Kiev nơi đang diễn ra những cuộc biểu tình chống khuynh hướng ngả về phía Nga của Tổng thống Viktor Yanukovych.

Trong thời Liên Sô, Nga đã đưa sang Ukraine một số đông dân và đã tạo ra những nạn đói kinh hoàng để làm suy yếu Ukraine hầu thực hiện một chính sách thống trị lâu dài quốc gia này. Người dân Ukraine muốn hội nhập vào Liên Hiệp Châu Âu và đoạn tuyệt với Nga đã biểu tình để chống lại Tổng thống Viktor Yanukovych và những hậu duệ Nga, là những người muốn đưa đất nước trở lại quỹ đạo của Mạc Tư Khoa.
 
Việc trao đổi giáo sĩ
Vũ Văn An
17:15 14/01/2014
Hiện tượng trao đổi giáo sĩ và tu sĩ mỗi ngày mỗi phát triển và dường như được cả hai Giáo Hội “hoan hỉ” chào đón: Giáo Hội các tu sĩ và giáo sĩ này bỏ đi và Giáo Hội họ mới tới. Phản ứng này thấy rõ trong thái độ của một giám mục Việt Nam gần đây khi qua Sydney tham dự lễ thụ phong của một tân linh mục Việt Nam được phái qua đây không phải chỉ để du học mà là để ở lại phục vụ Giáo Hội sở tại.

Tuy nhiên, gần đây, Đức Phanxicô có đưa ra lời cảnh cáo đối với điều ngài gọi là việc “trao đổi đệ tử” (novice trade) bên trong các dòng tu ngày nay. Thực vậy, theo ghi chép của Cha Antonio Spadaro trên tờ Civiltà Cattolica, trong cuộc gặp gỡ với 120 nhà lãnh đạo của Hiệp Hội Bề Trên Cả các Dòng Tu khắp thế giới vào hồi tháng Mười Một vừa qua, Đức Phanxicô có nhắc tới sự kiện “năm 1994, trong bối cảnh Thượng Hội Đồng Thường Lệ Các Giám Mục Thế Giới về Đời Sống Tận Hiến và Các Xứ Truyền Giáo, các giám mục Phi Luật Tân đã lên tiếng chỉ trích việc ‘trao đổi đệ tử’ nghĩa là việc các hội dòng ngoại quốc ồ ạt kéo tới mở các nhà tại quần đảo với ý định tuyển ơn gọi để bứng qua trồng tại Âu Châu”. Ngài cho rằng: “Ta cần mở to mắt đối với những tình huống như thế”.

Dịch là trao đổi cho nhẹ nhàng thôi, chứ nếu chữ “trade” được dùng với chữ “slave” thì hẳn nhiên phải dịch là “buôn bán”. Trong ngữ cảnh bài nói chuyện của Đức Phanxicô với Hiệp Hội Các Bề Trên Cả, ta phải hiểu chữ “trade” theo nghĩa này, vì ngài có ý nói tới các tình huống trong đó, các tu sĩ nam nữ của các nước nghèo phải chịu nhiều hình thức bóc lột hay lạm dụng khác nhau và phần lớn bị coi như nguồn cung cấp lao công chân tay cho các hội dòng mỗi ngày mỗi ít người hơn của Tây Phương.

Tuy nhiên, theo John Allen Jr., các tình huống trên chỉ là một phần nhỏ của một bức tranh lớn hơn, đó là việc di dân mỗi ngày mỗi lớn hơn của các linh mục và tu sĩ trong Giáo Hội Công Giáo từ “hoàn cầu nam” tới “hoàn cầu bắc”, bất chấp sự kiện này: dân số toàn diện của Công Giáo đang thay đổi theo chiều ngược hẳn lại: hai phần ba trong số 1.2 tỷ người Công Giáo ngày nay sống ở Nam Bán Cầu, nhưng gần hai phần ba trong số 412,000 linh mục đang sống ở Bắc Bán Cầu.
Những bất quân bình trên đang có chiều hướng gia tăng, vì Âu Châu và Bắc Mỹ càng ngày càng cần tới các giáo sĩ ngoại quốc. Gần một phần năm linh mục Công Giáo tại Hoa Kỳ ngày nay sinh ở ngoại quốc, và khoảng 300 linh mục quốc tế tới nước này hàng năm.

Để tìm hiểu các hứa hẹn và nguy cơ của việc “trao đổi” giáo sĩ này, John Allen Jr. đã tới phỏng vấn Philip Jenkins thuộc Đại Học Baylor. Jenkins vốn là chuyên viên nói tiếng Anh đứng hàng đầu trên thế giới về tình hình Kitô Giáo hoàn cầu.

Theo chuyên gia này, trong hơn một thập niên qua, Đạo Công Giáo dường như đang rơi vào chính sách “hút” hết các nhân viên giỏi nhất, sáng chói nhất ra khỏi các Giáo Hội của thế giới đang phát triển để trám vào các lỗ hổng của Tây Phương, điều mà ông gọi là có tiềm năng trở thành “tự sát đối với vận may Công Giáo”.

Ông cho rằng việc đó có thật và được nhiều tài liệu chứng minh, nhất là đối với Phi Luật Tân, Ấn Độ và một số nước Châu Phi, dù phần lớn các tai tiếng diễn ra tại Á Châu. Đây là hậu quả của việc thay đổi dân số nơi rất nhiều dòng tu. Các đệ tử sinh này thường trẻ, và một số kết cuộc trở thành lao công, nhất là tại Ý.

Jenkins thú thực không biết rõ mức độ chính xác của việc trao đổi này. Tuy nhiên, ông cho rằng có sự khác nhau giữa các hiện tượng trên và việc các giáo sĩ chuyển dịch từ Nam lên Bắc bán cầu, vì việc chuyển dịch các đệ tử sinh trên đôi lúc bất hợp pháp bên trong Giáo Hội.

Nói chung, sự chuyển dịch này dường như đi ngược hẳn lại quan điểm của Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô, người xưa nay vẫn chủ trương phải đi tới những vùng ngoại biên, vì đây quả là điển hình cổ điển của việc trung tâm khai thác ngoại biên. Mặt khác, Đức Phanxicô vẫn nhấn mạnh tới việc ta cần sắp xếp ổn thoả việc nội bộ trước khi nói chuyện một cách khả tín với thế giới, nhất là trong các vấn đề như di dân.

Ngay từ những năm 2002, Jenkins đã cho rằng không kể những trường hợp lạm dụng, ngay việc các linh mục ở Nam bán cầu tự nguyện di chuyển lên Bắc bán cầu vẫn là điều đáng lo ngại. Ông viết: “Nhìn theo viễn tượng hoàn cầu, một chính sách như trên nhẹ nhất cũng được mô tả là thiển cận một cách đau lòng, mà nặng nhất phải được mô tả là tự sát đối với vận may Công Giáo”.

Hiện nay, Jenkins vẫn giữ vững quan điểm trên. Vì khoảng cách về con số giữa Bắc và Nam chỉ mỗi ngày mỗi rộng thêm mà thôi. Khắp trên thế giới, một trong các lý do lớn nhất khiến xẩy ra việc giảm sút nơi các cộng đồng Công Giáo chính là lúc họ không có đủ con số giáo sĩ, bất kể nói tới linh mục hay tu sĩ đang làm những việc quan trọng như giáo dục chẳng hạn. Đây là vấn đề thiếu nhân viên cơ hữu. Tại Châu Âu, các thiếu hụt này đang gây ra cuộc khủng hoảng liên tục. Tại Châu Mỹ La Tinh, các thiếu hụt này đang dẫn tới việc lớn mạnh của các cộng đồng Thệ Phản. Hiện nay, việc này chưa xẩy ra cho các nước như Phi Luật Tân, nơi Giáo Hội Công Giáo đã khéo léo đưa ra các chiến thuật thích đáng nhằm ngăn chặn các cộng đồng Thệ Phản. Nhưng nếu Giáo Hội tại nơi này tiếp tục mất các linh mục và tu sĩ vì bị “hút” dần qua Tây Phương, thì rất có khả năng nó sẽ không còn là một trong các Giáo Hội Công Giáo mạnh nhất trên thế giới như hiện nay nữa.

Cũng nên thêm rằng việc trên có thể xẩy ra dù với ý hướng tốt như nhiều Giáo Hội tại Hoa Kỳ, không riêng Công Giáo, đang thu hút các giáo sĩ có tài năng nhất của Châu Phi lấy lý do tạo cơ hội cho họ phát triển chuyên nghiệp. Nhưng thực ra, nếu các giáo sĩ có khả năng nhất bị mất dần đi, thì chắc chắn sẽ xẩy ra nạn “hạn hán” tại quê nhà.

Jenkins cho rằng một hiện tượng song hành cũng đang diễn ra đối với các chuyên viên kỹ thuật và các nhà chuyên nghiệp khắp thế giới. Những người này tới các xứ giầu có và phát triển, thoạt đầu có thể nghĩ rằng họ chỉ tới trong một thời gian ngắn, nhưng rồi 10, 20 năm sau, “mọc rễ” luôn tại xứ cho mình “dung thân”. Do Thái, chẳng hạn, đang than phiền về hiện tượng các chuyên viên kỹ thuật hàng đầu của họ bị “hút” qua Hoa Kỳ, không trở lại. Giáo Hội không phải là định chế duy nhất đang chịu tình huống này.

Jenkins không muốn các Giáo Hội ở Bắc bán cầu đưa ra các rào cản chống lại việc di dân lao động. Nhưng điều cần là một sự quân bình giữa việc sử dụng hợp lý những ai tự nguyện muốn tới Tây Phương và nguy cơ muốn làm cạn dần những người giỏi nhất, sáng chói nhất của các Giáo Hội địa phương tại các nơi khác trên thế giới.

Tuy nhiên, Jenkins nhìn nhận có những trường hợp vị giám mục “đành” để một số linh mục của mình ra đi làm nguồn thu nhập tài chánh cho giáo phận. Ông cho rằng tại một số giáo phận, các linh mục không được trả lương hay không có bổng lễ cả sáu tháng. Nam Bắc quả quá cách xa nhau về nguồn tài chánh này. Thành thử, tuy lý tưởng là chỉ gửi các linh mục ra ngoại quốc vì lý do mục vụ, nhưng cũng có khi phải gửi đi vì tình thế “chặng đặng đừng”. Giải pháp cho vấn đề, vì thế, không dễ. Các chính sách quá cứng rắn ở cả hai phía đều chỉ làm tình thế ra tệ hơn thôi.

Jenkins cũng thừa nhận việc các giáo dân trong các giáo phận Tây Phương nói chung rất hoan nghênh và có ấn tượng tốt về các linh mục ngoại quốc. Nhưng cũng có nguy cơ phân rẽ giữa giáo dân và giáo sĩ dựa trên các dị biệt sắc tộc, ngôn ngữ và văn hóa. Như một linh mục gốc Nigeria kia tỏ ra có kỳ vọng khác hẳn cộng đoàn Hoa Kỳ của ngài về cung cách một giáo xứ phải hành xử ra sao.

Đàng khác, Jenkins lo ngại rằng việc càng ngày càng dựa vào các linh mục ngoại quốc sẽ có tác dụng tiêu cực đối với việc tuyển chọn ơn gọi. Người trẻ Hoa Kỳ chẳng hạn rốt cuộc có thể nghĩ rằng mình không có ơn gọi vì mình không phải là người Nigeria. Tóm lại, theo Jenkins, vấn đề ở đây là không nên chỉ nhìn vấn đề theo quan điểm của Vatican và các giám mục mà thôi, mà còn phải nhìn theo cái nhìn của giáo dân ở hạ tầng nữa.

Ông cũng cho rằng có một chút sự thật trong quan điểm của các Kitô hữu thuộc thế giới đang phát triển. Họ ủng hộ việc các giáo sĩ của họ tới Tây Phương để phục vụ vì việc này phản ảnh điều họ gọi là “truyền giáo ngược lại”: các Giáo Hội của họ đã được các các nhà truyền giáo Phương Bắc tới thiết lập, thì nay là lúc họ đáp đền ơn phúc ấy bằng cách góp một tay đốt bùng lại ngọn lửa Giáo Hội tại Phương Bắc duy tục. Nhưng đàng khác, người ta không muốn thấy “việc truyền giáo ngược lại” này kết cục không hẳn tăng cường Giáo Hội Phương Bắc mà là làm yếu đi các Giáo Hội Phương Nam. Điển hình cụ thể là Châu Mỹ La Tinh, nơi việc thiếu giáo sĩ đang là lý do lớn nhất tạo nên cảnh phát triển của Thệ Phản. Không ai lại ủng hộ khuôn mẫu truyền giáo dựa trên việc tăng cường các Giáo Hội bạn mà gây hại cho các Giáo Hội tại quê nhà.

Hãy lấy Phi Luật Tân làm thí dụ. Giáo Hội tại nước này là một Giáo Hội rất sinh động, rất Công Giáo. Nhưng khuôn mẫu dân số theo kiểu Âu Châu đang bắt đầu tác động tại đó với việc sinh suất sa sút. Hiện nay, sinh suất của họ chỉ hơn mức thay thế một chút, chẳng bao lâu sẽ ở dưới mức ấy. Đến lúc đó, liệu có còn “dư” thanh thiếu niên làm ứng viên linh mục nữa hay không?

Thành thử, ngay Phi Luật Tân cũng không nên cảm thấy mình quá tự tin vào khả năng “xuất khẩu” các giáo sĩ ưu tú của mình. Sinh suất của Việt Nam không biết đang ở mức nào. Nhưng điều rõ ràng là ơn gọi linh mục tại đây hiện rất phong phú. Trung bình mỗi giáo phận có ít nhất 6, 7 chục linh mục. Giáo Phận Xuân Lộc hiện có tới 390 linh mục, kể cả các vị hưu trí và du học. Giáo phận Sài Gòn cũng có số linh mục xấp xỉ như thế. Nhiều dòng tu và giáo phận ngoại quốc đang dòm ngó tình trạng phong phú này và đang tìm cách “hút” người ra khỏi mảnh đất hiện rất mầu mỡ nhưng không hiểu sẽ mầu mỡ tới lúc nào. Điều quan trọng được Jenkins nhấn mạnh là “không nên làm yếu các Giáo Hội (mầu mỡ) này bằng cách ‘hút’ dần những người ưu tú nhất của họ”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Bế Mạc Tuần Lễ Di Dân Tgp. Saigon
Nt. Maria Nguyễn Thị Minh Du
06:01 14/01/2014
Xem hình ảnh tại đây

Chiều ngày Chúa Nhật 12 tháng 1, giáo xứ Phaolo- Bình Tân- Saigon đã đón tiếp khoảng hơn hai ngàn anh chị em xa quê trong ngày bế mạc tuần lễ Di Dân của Tổng giáo phận Saigon.

Cái nắng, cái oi bức khó chịu không làm chồn chân những bước nhảy, những nụ cười hò reo của các bạn đến từ 12 giáo xứ: Phaolo, Xuân Hiệp, Phú Thọ Hòa, Tam Hải, Long Thạnh Mỹ, Bình An Thượng, Khiết Tâm, Gò Mây, Châu Bình, Nam Hải, An Phú, Bình Thuận. Và sự hiện diện của các Dòng tu: Don Bosco, Thánh Thể, Đaminh Rosa Lima, Con Đức Mẹ Phù Hộ, Chúa Quan Phòng, Scalabrini, Cạnh Nương Long Chúa Giê-su…

Điều đặc biệt hôm nay còn có thêm sự hiện diện của các em thiếu nhi con của các anh chị em di dân, các em học lớp tình thương tại nhà thờ Phaolo. Cái đặc biệt thứ hai là có sự hiện diện của gần 140 thầy của ĐCV. Saigon. Quý thầy chia các bạn trẻ thành nhiều nhóm và sinh hoạt với các bạn quanh các cậu hỏi thảo luận như: Là người di dân, bạn có nhiều cơ hội tiếp xuasc với những đồng nghiệp, người cùng phòng, người trong xóm trọ. Vậy bản thân bạn đã , đang làm hay suy nghĩ rằng mình phải bắt đầu hành động thế nào để loan báo Tin Mừng cho người xung quanh… và các câu trả lời như: làm dấu trước khi ăn, làm việc chăm chỉ, sống trung thực, giúp đỡ người chung quanh, giải đáp thắc mắc cho người hỏi về đạo, mời bạn đi lễ hoặc gác lại một lời mời để đến nhà thờ tham dự thánh lễ… Những chia sẻ của các bạn xa quê trong các vòng tròn xung quanh nhà thờ ấp áp tiếng cười, đan xen những suy tư và ước muốn làm ngời tín hữu tốt, sống tốt đạo đẹp đời và những sẻ chia về cuộc sống xa nhà như vơi đi.

Và đang chia sẻ thì… mưa. Cơn mưa làm cho các bạn chạy vào tầng trệt nhà thờ và nóng lên sau những bài múa cộng đồng, những bài hát chuẩn bị đón chào Đức Cha Phê-rô Nguyễn Văn Khảm.

Bong bóng được thổi lên trong lúc mọi người di chuyển lên nhà thờ. Và các bạn xa quê đã đón tiếp Đức Cha Phê-rô, quý cha thật nồng nhiệt qua những lời hát, câu chào nhịp nhàng ý nghĩa. Lòng nhà thờ chật cứng. Các bạn hết ghế, nên ngồi đầy cả các lối đi. Bong bóng màu sắc và nổ tung trời !

Đức Cha Phê-rô đã khéo léo mời người dẫn chương trình giới thiệu từng linh mục, tu sĩ hiện diện với Ngài, để Ngài nói một câu mà có lẽ ai cũng thấy được an ủi và vui mừng. Anh chi em thấy sự hiện diện của quý cha, quý tu sĩ hôm nay là giáo phận muốn nói lên giáo phận luôn quan tâm đến anh chị em… những tràng pháo tay vỡ òa trong vui mừng. Quả là ngắn gọn và ý nghĩa xiết bao.

Trong thánh lễ, Đức Cha Phê-rô chia sẻ hai điều mà thôi, thứ nhất người di dân cần được phúc âm hóa vì trước khi đi ra khỏi giáo xứ đến nơi khác làm việc, chúng ta được sống trong sự bảo bọc của đời sống đức tin gia đình và giáo xứ. Khi đi xa, thay đổi môi trường sống, chúng ta còn có thói quen đi lễ và đọc kinh sớm tối nữa hay không khi không còn ông bà gọi dậy, không còn bố mẹ nhắc nhở? Điều thứ hai Đức Cha cũng đề cao sự đóng góp tích cực của anh chị em di dân trong việc loan báo Tin Mừng của Chúa Giê-su. Cả tổng GP. Saigon có khoảng 200 ngôi nhà thờ lớn nhỏ, trong đó 80% là di dân. Làn sóng di cư năm 1954 và sau biến cố 1975, TGP. Saigon lớn mạnh là do những người di dân. Ngài cũng chia sẻ kinh nghiệm khi đi cùng Đức Hồng Y tại các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Canada, Hàn Quốc… nơi nào các Giám mục địa phương cũng hết lòng khen ngợi cộng đoàn Công Giáo Việt Nam, vì anh chị em có một đời sống đức tin vững mạnh, mang những luồng sinh khí mới , sức sống mới cho Giáo Hội địa phương.

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng, trong cả tuần lễ di dân vừa qua, các anh chị em di dân đã tìm thời gian đọc kinh tối chung với nhau tại nhà thờ Phaolo, nhà thờ Tân Phú, chầu Thánh Thể tại giáo xứ Xuân Hiệp, rồi đi thăm các phòng trọ, thăm quý cha nhà hưu dưỡng… những hoạt động mục vụ này giúp cho anh chị em trước là gần nhau hơn sau là cổ võ đức tin cho nhau, làm giàu đời sống sẻ chia của nhau.

Trong lời cảm ơn cuối lễ, cha trưởng ban mục vụ di dân TGP. Saigon cũng là cha chánh xứ Phaolo đã bày tỏ lòng biết ơn của anh chị em Di Dân lên Đức Cha, đã 10 năm qua, chưa bao giờ Đức Cha vắng mặt trong các dịp lễ của anh chị em di dân, và sự hiện diện của quý cha, quý tu sĩ và những người đã có lòng lo cho anh chị em xa quê đã cho chúng con cảm nghiệm được sự quan tâm và đồng hành của Giáo Hội và ước mong của cha trưởng ban Di Dân là mong rằng: Uỷ Ban Di Dân của HĐGM quan tâm đến chúng con một cách cụ thể hơn nữa. Tiếng vỗ tay từ lòng nhà thờ vang dội như muôn triệu trái tim hòa điệu cảm ơn cùng cha trưởng ban.

Sau đó là nghi thức sai đi, anh chị em di dân đã đáp lời Đức Cha sẵn sàng trong việc tìm hiểu Kinh thánh và để Lời Chúa dẫn đường cho đời sống. Và tiếng sẵn sàng cho việc trở nên những chứng nhân của Tin Mừng Tình Yêu và sự sống giữa lòng trần thế.

Sau thánh lễ, cũng như ngày khai mạc, mỗi anh chị em tham dự được một phần ăn tối mà không phải “ trả đồng nào”. Tạ ơn Chúa cho quý vị ân nhân đã giúp đỡ về ẩm thực cho hai ngày vừa qua.

Cuối cùng là chương trình văn nghệ. Dù chỉ có cây nhà lá vườn, nhưng giáo xứ nào cũng cố gắng thể hiện thật tốt cho anh chị em cùng thưởng thức. Cảm ơn ca sĩ Y Đức và Phan Đình Tùng đã đến hát hết mình, cháy hết tiếng cho anh chị em di dân một bữa văn nghệ ra trò.

Xin mượn lời chia sẻ của Đức Cha Phê-rô để kết: hôm nay là ngày lễ Đức Giê-su chịu phép rửa. Người đã liên đới với chúng ta trong mọi sự kể cả tội lỗi. Noi gương Người, chúng ta sống liên đới với nhau để nâng đỡ nhau không chỉ người Công Giáo mà cả anh chị em ngoài Công Giáo, để giúp bao nhiêu có thể. Chúng ta gặp khó khăn, nhưng chúng ta không cô đôc, Hội thánh luôn bên cạnh và Chúa Giê-su luôn bên cạnh các bạn. Ước chi buổi quy tụ hôm nay cho anh chị em them sức sống mới, tinh thần mới, vui tươi hơn để sống niềm tin Kitô hữu và loan truyền cho người chung quanh.

Saigon 14/1/2014
Nt. Maria Nguyễn Thị Minh Du
 
Hành hương Đức Mẹ Tàpao ngày đầu năm Dương lịch 2014
Hồng Hương
09:57 14/01/2014
Ngày hành hương kính viếng Đức Mẹ Tàpao đầu năm mới dương lịch 2014 diễn ra trong bầu khí rộn ràng đón Tết Nguyên Đán Giáp Ngọ. Hàng ngàn người dù đang trong mùa tất bận với công việc vẫn đáp lại lời nguyện ước tìm về bên Mẹ Tàpao ngày 13 hàng tháng. Suốt đêm 12 đến sáng 13.1.2014, Tàpao vang vang tiếng kinh cầu tạ ơn và nguyện xin dâng lên Mẹ.

Hình ảnh

Núi rừng Tàpao trong màn đêm phả ra khí lạnh tạo nên một cảm nghiệm thi vị và linh thiêng cho khách hành hương. Bầu khí ấm áp hơn khi những ánh nến lung linh được thắp lên trong giờ lần chuỗi mân côi và chầu Thánh Thể chung của cộng đoàn đêm 12. Hợp với Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống - Giám Mục Phan Thiết, lời kinh trầm bổng vang xa là muôn nỗi lòng của đoàn con hợp dâng lên Mẹ Tàpao.

Giờ khấn sáng 13, cha Đaminh Nguyễn Văn Hoàng hướng dẫn cộng đoàn suy ngắm và lần chuỗi mân côi. Cùng với lời tạ ơn, các ý khấn khác như xin cho gia đình bình an, cho công ăn việc làm thuận lợi, học hành tấn tới .v.v. v thì ý khấn nhiều nhất trong tháng này là xin chừa bỏ tật xấu với hơn 9.000 người xin.

Thánh lễ trọng thể Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa do Đức Giám Mục Phan Thiết chủ sự. Cùng với đoàn đồng tế, Đức Cha Giuse chào mừng cộng đoàn hành hương từ muôn nơi về bên Mẹ. Ngài mời cộng đoàn hợp chung tâm tình tạ ơn và dâng một năm mới lên Thiên Chúa qua sự che chở của Mẹ Tàpao.

Chia sẻ trong bài giảng, Đức Cha gợi ý suy niệm về việc Giáo Hội mời gọi con cái mình chiêm ngưỡng Đức Trinh Nữ Maria dưới danh hiệu cao vượt “Mẹ Thiên Chúa” qua 3 điểm. Thứ nhất, Mẹ Thiên Chúa là một đặc ân dành riêng cho Đức Maria, đi liền với mầu nhiệm Nhập Thể: Thiên Chúa làm người trong hình hài trẻ Giêsu do Mẹ sinh ra. Trẻ Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người trong một ngôi vị duy nhất, nên qua nhịp cầu sinh nở, Mẹ là Mẹ của trẻ Giêsu thế nào thì cũng là Mẹ của Thiên Chúa thế ấy. Danh hiệu cực đỉnh này được Giáo Hội định tín tại Công Đồng Êphêsô năm 431. Thứ hai, danh hiệu Mẹ Thiên Chúa được xác quyết còn vì tâm lòng Mẹ luôn sẵn sàng đón nhận cưu mang Lời Chúa bằng cách “ghi nhớ và suy niệm” dọc dài đời sống. “Ghi nhớ” để ôn lại quá khứ, “suy niệm” để định hướng tương lai, và tổng hợp lại là những đáp trả không mỏi mệt sao cho Lời Chúa kết sinh hoa trái trong cuộc sống hiện tại. Bền bỉ và sâu lắng. Mỗi ngày và mọi ngày. Và thứ ba, đặc ân Mẹ Thiên Chúa là lợi thế cách riêng cho Mẹ, vì từ danh hiệu gốc nguồn này, Giáo Hội đã minh định tiếp theo những đặc ân khác nữa để tạ ơn Chúa và tôn vinh Mẹ như: Mẹ đồng trinh, Mẹ vô nhiễm nguyên tội, Mẹ lên trời. Nhưng lợi thế cách chung thuộc về đời tín hữu, bởi danh hiệu này mở ra chân trời mới, trong đó Mẹ trở thành Mẹ nhân loại. Ai là con Chúa cũng là con Mẹ và được Mẹ nâng đỡ chở che phù trì.

Kết thúc thánh lễ, Cha GB Trần Văn Thuyết, đại diện Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao chúc mừng Năm Mới Đức Cha Giuse, Quý Cha, Quý Tu Sĩ và cộng đoàn hành hương. Tiếp đến, cha thông báo chương trình hành hương tháng 2/2014 sắp đến. 19g30 tối 12/2/2014 tại quảng trường sẽ có thánh lễ cầu nguyện cho các bệnh nhân dịp Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân, sau thánh lễ là nghi thức xức dầu bệnh nhân. Sáng 13, thánh lễ chung cho khách hành hương nhân dịp đầu năm Giáp Ngọ.

Đến với Mẹ Tàpao trong tâm tình sống “Năm phúc-âm-hóa đời sống gia đình”, xin hợp với Đức Cha Giuse với lời kinh dâng lên Mẹ: “Mẹ ơi, năm mới sang rồi, Tàpao kính Mẹ Chúa Trời uy linh. Hành hương con đến tôn vinh, Mẹ thương phù giúp gia đình an vui”.
 
GP. Ban Mê Thuột: Thánh lễ tạ ơn và khánh thành nhà thờ Giáo xứ Xuân Lộc
Anh Thư
23:42 14/01/2014
Sáng ngày 14. 01. 2014, hàng ngàn người hân hoan tiến về giáo xứ Xuân Lộc, ngọn đồi cao bỗng tưng bừng như ngày hội. Bởi hôm nay là ngày trọng đại: Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Giáo phận Banmêthuột long trọng chủ sự thánh lễ tạ ơn khánh thành Nhà thờ mới.

Xem Hình

Đúng 9g00, đoàn rước trang trọng tiến về tiền đường Nhà Chúa trong tiếng nhạc hùng tráng, trang trọng. Sau nghi thức cắt băng khánh thành và mở cửa Nhà thờ, ĐGM Giáo phận và đoàn rước tiến vào trong thánh đường trong tiếng hát hân hoan của ca đoàn.

Sau lời chào mừng của Linh mục Giuse Bùi Văn Trường, Quản xứ giáo xứ Xuân Lộc, ĐGM Vinh Sơn long trọng cử hành thánh lễ khánh thành nhà thờ Giáo xứ Xuân Lộc với sự tham dự của hơn 40 linh mục, đông đảo tu sĩ nam nữ và khoảng 4.000 người trong và ngoài giáo phận.

Trong nghi thức thánh hiến bàn thờ, ĐGM tiếp nhận linh cốt của thánh tử đạo Augustinô Schoeffler (còn gọi là cha Augustinô Đông) và cung kính đặt linh cốt dưới bàn thờ.

Tân thánh đường được bắt đầu khởi công ngày 18. 7. 2006, và ngày 06. 10. 2006, thánh lễ tạ ơn đặt viên đá đầu tiên do Đức Giám Phaolô Nguyễn Văn Hòa chủ sự.

Ngược dòng thời gian, vào ngày 22. 12. 1980, có bốn gia đình thuộc giáo xứ Mỹ Lộc, giáo phận Vinh đến Xuân Lộc lập nghiệp. Họ thường qui tụ nhau lại mỗi tối Chúa Nhật để dâng lên Chúa lời tạ ơn. Ngày 05. 5. 1981, cha Phêrô Trần Anh Kim, quản xứ Giáo xứ Vinh An cho phép thành lập giáo họ Xuân Lộc gồm 21 hộ với gần 100 giáo dân.

Đất lành chim đậu, đầu năm 1981 có thêm 17 hộ thuộc giáo xứ Xuân Tình di cư vào vùng đất này. Ngày 28. 03. 1981, có 71 hộ thuộc giáo xứ Xuân Tình đến lập nghiệp. Vì thế, ngày 07. 10. 1982, cha Phêrô thành lập giáo họ Xuân Tình.

Số hộ đến đây càng ngày càng đông, cha Phêrô thành lập thêm giáo họ Tân Bình. Đến tháng 06 năm 1989, thêm giáo họ Phương Trạch. Năm 1994, có hơn 50 hộ đồng bào dân tộc M’Nông thuộc buôn Daksăk được lãnh nhận bí tích Rửa tội và được lập thành giáo họ Đăksăc.

Ngày 03. 02. 1995, cha Anrê Trần Xuân Cương, quản xứ giáo xứ Vinh An, sát nhập 5 giáo họ Xuân Lộc, Xuân Tình, Tân Bình, Phương Trạch, Đắksắk thành Giáo vùng Đăksăk, nhận Đức Mẹ Lên Trời làm bổn mạng.

Ngày 08. 6. 2006, Giáo họ Xuân Lộc được nâng lên hàng giáo xứ, Đức Cha Giuse Trịnh Chính Trực cử cha Đaminh Phạm Sĩ Hiện, quản xứ giáo xứ Thổ Hoàng làm quản nhiệm...Năm 2007, cha Đaminh lập thêm giáo họ Đăk Hà.

Ngày 08. 8. 2008, giáo xứ Xuân Lộc được Đức Giám quản Phaolô Nguyễn Văn Hòa cử linh mục Giuse Bùi Văn Trường làm quản xứ tiên khởi.

Hôm nay việc xây dựng đã hoàn tất, tân thánh đường khang trang, đứng sừng sững trên ngọn đồi cao trông thật uy nghiêm. Phía trước tiền đường là một khoảng không gian rộng, thoáng mát. Lòng nhà thờ có sức chứa khoảng 1.000 người. Người ta có thể lên nhà thờ bằng những bậc tam cấp rộng rãi; cũng có lối cho xe lên sát cạnh nhà thờ. Đường dẫn đến nhà thờ cũng là đường dẫn đến Giáo Hội. Giáo Hội đưa con người đến với sự thật, sự sống và hạnh phúc... Tại bất cứ nơi nào trên thế giới, nhà thờ vẫn là biểu trưng cho sự sống. Nhà thờ là nơi gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa, giữa người với người. Gặp gỡ trong lời cầu nguyện, trong chia sẻ, trong lời chúc bình an... Nhà thờ, nơi người Kitô hữu luôn được mời gọi nối kết nhau trong đức tin với cuộc sống hằng ngày.

Trong phần diễn giảng bài Tin Mừng (Ga 4, 7 – 25) “Thiên Chúa là Thần Khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong Thần Khí và Sự thật”, ĐGM nhắn nhủ mọi người thờ phượng Thiên Chúa, sống Tin Mừng theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, và cố gắng trở nên những viên đá sống động, làm vinh danh Thiên Chúa trước mặt người đời.

Giáo xứ Xuân Lộc có 6 giáo họ, hơn 1400 gia đình với hơn 7.000 giáo dân. Trong đó có một giáo họ sắc tộc gần 1.000 người. Tuy còn non trẻ, nhưng nhờ sự năng nổ, nhiệt tình và trẻ trung của cha Giuse Bùi Văn Trường, Giáo xứ Xuân Lộc đã đi vào nề nếp, với đầy đủ các ban ngành, đoàn thể trưởng thành.

Hiện nay Giáo xứ đã có thêm nhà xứ khang trang, nhà sinh hoạt giáo lý; một cộng đoàn nữ tu Dòng Nữ Vương Hòa Bình giúp cha sở những công việc mục vụ. Hiện các chị đang phụ trách trường mầm non tư thục Vành Khuyên được phụ huynh rất tín nhiệm.

Sau thánh lễ, ĐGM và mọi người cùng chia sẻ niềm vui với giáo xứ trong bữa liên hoan thân mật và thưởng thức những màn văn nghệ “cây nhà lá vườn” thật sinh động, hào hứng.

ANH THƯ
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Những Bước Đi
Quốc Hưng
22:14 14/01/2014
NHỮNG BƯỚC ĐI
Ảnh của Quốc Hưng, SVD
Những bước con đi
Những nẻo con về,
Thiên đàng dẫn lối,
Chân vững bước đi.
(Lm. NTTây, SVD)