Ngày 14-01-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sự tế nhị của Mẹ Maria
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
00:16 14/01/2019
Chúa Nhật II THƯỜNG NIÊN, năm C
Ga 2,1-12

Sống ở quê hương Nagiarét, Chúa Giêsu cũng chia sẻ với những niềm vui, nỗi buồn của mọi người. Do đó, mọi biến cố xẩy ra xung quanh, nơi làng, nơi những người hàng xóm. Chúa Giêsu đều cảm thông với mọi người để chung chia kiếp sống với con người. Hôm nay, Chúa Giêsu, Mẹ Maria và các môn đệ có mặt trong một đám cưới ở làng quê Cana. Trong tiệc cưới này, nhà đám đã dự liệu rượu cho những ngày ăn tiệc, nhưng nỗi khổ là rượu hết. Chúa Giêsu đã trả lại niềm vui cho gia đình nhà đám và không để họ phải xấu hổ đối với các khách mời.

Vâng, đoạn Tin Mừng của thánh Gioan hôm nay là nét rất đẹp của ngòi bút thánh sử thuật lại.Thánh Gioan đã vén mở cho chúng ta thấy con người của Chúa Giêsu.Nên, Tin Mừng của Ngài luôn có ý nghĩa sâu sắc, mặc khải mầu nhiệm con người của Chúa Giêsu. Chẳng hạn, Chúa chữa cho người mù từ thuở bình sinh, nói lên Chúa là ánh sáng thật. Chúa là Bánh hằng sống khi Người làm cho bánh và cá hóa nên nhiều để nuôi sống nhiều ngàn người ăn. Phép lạ Chúa làm cho Lazarô em của Matta và Maria sống lại nói lên Người là Sự Sống. Nước Chúa làm cho trở nên rượu ngon cũng có ý nghĩa nước thanh tẩy, nước tẩy uế và nước từ cạnh sườn của Chúa đổ ra. Sự tế nhị của Mẹ Maria khi thấy nhà đám hết rượu, Mẹ đã can thiệp và can đảm, mạnh dạn thưa với Chúa “ Họ hết rượu rồi “ ( Ga 2,3 ). Câu trả lời của Chúa Giêsu làm chúng ta hết sức ngạc nhiên, sửng sốt “…Giờ tôi chưa đến “ (Ga,2,4 ). Mẹ của Chúa, chắc chắn chưa hiểu được ý Con của Mẹ. Tuy nhiên, Mẹ luôn tin tưởng Con của Mẹ sẽ làm một cái gì theo lời tế nhi van xin kín đáo của Mẹ. Mẹ đã nói với những người giúp việc :” Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo “( Ga 2,5).Qua sự can thiệp của Mẹ, Chúa làm phép lạ đầu tiên trong sứ vụ công khai rao giảng Nước Trời của Ngài. Chúa Giêsu đã tỏ vinh quang của Ngài dù giờ tử nạn và phục sinh chưa đến, nhưng Ngài biểu lộ uy quyền để các môn đệ thấy và tin vào Ngài ( Ga 2, 11).Thực vậy, Chúa đã củng cố niềm tin các môn đệ trên cuộc hành trình đi theo Ngài. Đức Giêsu đã hoàn tất những điều Cựu Ước loan báo. Ngài thiết lập thời đại mới, thời Thiên Sai, thời Cứu Thế…Ngài đã làm cho gia đình nhà đám niềm vui trọn vẹn. Với sự tế nhị của Mẹ Maria, những chum nước lã đã được Chúa cho hóa thành rượu ngon,và như thế, niềm vui của mọi người nồng thắm ngọt ngào tình yêu. Ai cũng vui lòng, nhà đám càng được hãnh diện và được nâng cao vị thế trong xã hội.

Lời của Mẹ Maria, chắc chắn ngày nay vẫn nhỏ nhẹ bên tai Chúa Giêsu :” Họ hết rượu rồi “. Chúa luôn yêu thương Mẹ và đồng thời cũng yêu thương mọi người, hằng quan tâm đến mọi người.Chính vì thế, Ngài đã làm cho nhiều mảnh đời nồng ấm trở lại sau những ngày, những tháng, những năm bị thử thách gian nan. Ngài đã làm nóng lên những hoàn cảnh tang thương, những gia đình hầu như sắp đổ vỡ để tất cả những người này trở nên tin yêu hơn, trở nên nồng thắm hơn. Chúa đã làm cho nhiều tâm hồn tan nát, trở lại vững tin hơn, dạt dào yêu thương hơn.

Chúa luôn hiện diện và có mặt trong mọi biến cố của thế giới, của mỗi người.Xưa, Chúa đã hóa nước thành rượu ngon, làm nồng ấm, trả lại sự tươi vui cho nhà đám.Ngày nay, Chúa luôn can thiệp và giúp đỡ con người, đem lại tình thương, sự ấm áp cho thế giới, cho con người, nếu con người biết bám lấy Ngài, biết hướng về Ngài…Thế giới sẽ đẹp, con người sẽ đẹp nếu mọi người cùng chung tay,xây dựng thế giới này thành thế giới biết yêu thương, chân thật và an bình.

Lạy Chúa Giêsu,Chúa đã làm cho nước lã biến thành rượu ngon đem lại sự bình an, vinh dự cho nhà đám và trả lại sự vui tươi cho mọi người.Xin tiếp tục biến đổi tâm hồn mỗi người chúng con để chúng con luôn giữ vững niềm tin và hy vọng.Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Chúa Giêsu đã làm phép lạ biến nước thành rượu ngon tại đâu ?
2.Tại sao Chúa lại trả lời với Mẹ :” Giờ tôi chưa đến ? “.
3.Giờ Chúa nói đây là giờ nào ?
4.” Họ hết rượu rồi”.Đây là lời xin hay là lệnh truyền ?
5.Làm phép lạ cho nước hóa thành rượu ngon, Chúa Giêsu muốn nói lên điều gì ?



 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
7 Mối Phúc Thật của Gia đình Salediêng
Thanh Quảng sdb
04:55 14/01/2019
7 Mối Phúc Thật của Gia đình Salediêng

Valdocco, Ý, ngày 13 tháng 1 năm 2019 - Sau ba ngày Đại hội Gia đình Salediêng, hôm Chúa Nhật 13/1/2019 Đại hội kết thúc vào đúng Lễ Chúa chịu phép rửa. Đại hội đã đúc kết những tài liệu suy tư, chia sẻ và hội thảo làm thành những thành quả của ba ngày Đại hội.
Trong Thánh lễ bế mạc vào lúc 9.30 sáng Chúa Nhật tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Phù Hộ các Giáo hữu, Cha Bề trên cả, người kế vị thứ 10 của Thánh Gioan Bosco, Cha Angel F. Artime, đã chủ sự và thuyết giảng, Ngài đã làm nổi bật lên món quà phổ quát của Chúa Giêsu và của Cha thánh trước sự hiện diện của 16 đấng sáng lập các Tu hội mới theo ơn đoàn sủng của cha thánh Bosco như là một dấu hiệu biểu tượng hùng hồn mạnh mẽ của sự hiệp nhất!

Cha bề trên cả Angel kết thúc bằng công bố các 'Mối Phúc Thật của Gia đình Salediêng’, một thành quả tuyệt vời được đúc kết từ những cuộc hội thảo hỗn hợp các ngôn ngữ trong ngày thứ hai của Đại hội.

Sau đây là những mối phúc của Gia đình Salediêng
1. Phúc thay cho Gia đình Salêdiêng tìm được niềm vui trong sự đơn nghèo, thấm nhuần ân sủng của Chúa Thánh Thần hầu làm việc cho giới trẻ nghèo khổ và bị bỏ rơi - đây là sự thánh thiện!
2. Phúc thay cho gia đình Salêdiêng luôn biết rập khuôn theo sự khôn ngoan và tình yêu mến nồng nàn của vị Mục tử nhân lành. Nhờ đó, mỗi thành viên chào đón và đồng hành cùng giới trẻ với tình yêu mến, trong sự đối thoại tương kính và chào đón nhau trong những nét đa dạng - đây là sự thánh thiện!
3. Phúc thay cho gia đình Salêdiêng biết đồng hành với người khác, chữa lành những vết thương cho những người nghèo khổ và nhóm lên hy vọng cho những người tuyệt vọng, nhờ đó mang lại niềm vui của Chúa Kitô Phục sinh - đây là sự thánh thiện!
4. Hạnh phúc thay cho Gia đình Salediêng luôn khao khát lẽ công chính và đồng hành cùng tuổi trẻ trong sứ mệnh hiện thực hóa những dự án cuộc đời với họ trong gia đình, tại nơi làm việc, qua những mối giây cam kết chính trị và xã hội - đây là sự thánh thiện!
5. Hạnh phúc thay cho gia đình Salediêng được cảm nghiệm sống trong lòng thương xót, biết rộng mở đôi mắt và trái tim để lắng nghe một cách tinh tế hầu cảm thông với nhau. Đó chính là một ngôi nhà rộng mởi đón chào tha nhân - đây là sự thánh thiện!
6. Hạnh phúc thay cho gia đình Salêdiêng biết tìm kiếm chân lý toàn vẹn và minh bạch trong khi nuôi dưỡng một ánh nhìn yêu thương siêu vượt lên mọi sự hầu nhận ra ân sủng của Thiên Chúa trong mỗi người - đây là sự thánh thiện!
7. Phúc cho gia đình Salêdiêng, rút ra từ sự thật của Tin mừng và vẫn trung thành với đặc sủng của Cha thánh Bosco. Do đó, chúng ta trở thành men cho một nhân loại mới và vui mừng đón nhận niềm vui của Thập giá vì Nước Thiên Chúa - đây là sự thánh thiện!

Trước khi kết thúc, Cha bề trên cả đã cám ơn tới tất cả những người đã đóng góp cho sự thành công của Đại hội này tại Valdocco, và mời tất cả các thành viên của Gia đình Salediêng tham gia ý lực của năm nay trở thành nhũng nhà giáo dục và mục tử tốt lành trên 136 quốc gia mà Tu hội đang hoạt động trên thế giới .
 
Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới: Một cơ hội cho thế giới biết tới những gương mặt trẻ của vùng Amazon
Thanh Quảng sdb
11:54 14/01/2019
Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới: Một cơ hội cho thế giới biết tới những gương mặt trẻ của vùng Amazon

Theo Thông tấn xã Fides từ Manaus cho hay thì những ngày Đại hội Giới trẻ Thế giới (WYD) từ ngày 22 đến 27 tháng 1 năm 2019 tại Panama sẽ là một cơ hội tuyệt vời cho những người trẻ của Manaus được biết tới. Cô Aylla Emanuele Silveira, một phụ nữ trẻ 21 tuổi, sẽ đại diện cho cơ sở Magis House tại Manaus tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới. Hai năm qua cô đã tham gia các hoạt động của tổ chức này. Cô là sinh viên ngành kiến trúc và quy hoạch đô thị tại Đại học Liên bang Amazonia, và là cộng sự viên nghiên cứu về môi trường xã hội của Dòng Tên, thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức, dựa trên Tông huấn Laudato Si và trên những học hỏi của Thượng Hội đồng Giám mục Vùng Amazon.
Cô Aylla Silveira cho Thông tấn xã Fides hay cô sẽ cùng với 30 người trẻ Ba Tây khác là những thành viên của tổ chức Magis Brazil, sẽ tham dự cuộc họp với các thành viên khác của tổ chức Magis House khác sẽ diễn ra ở Guatemala, vào những ngày trước WYD.
Cô đã tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới tại Rio de Janeiro, năm 2013, lúc đó cô đại diện cho Thanh niên của Tổng giáo phận Manaus, cô cho hay "Dù tôi còn rất trẻ, nhưng đó là một biến cố rất lớn cho cuộc sống của tôi được cùng với nhiều người trẻ, khác nhau về ngôn ngữ chủng tộc nhưng biểu hiện cùng một niềm tin.
Kỳ vọng của cô về WYD 2019 còn to lớn hơn là vượt lên trên "ngôn ngữ văn hóa và phong tục tập quán để làm quen với người khác, để trải nghiệm những ngày sống tuyệt vời này”. Cô sẽ mang bản sắc Amazon của mình đến với WYD, nỗ lực chia sẻ và trình bày "cho người khác biết về nếp sống của người bản địa Amazon, hầu người khác biết và tìm hiểu, khám phá ra vùng đất bao la này". Sau WYD cô hy vọng sẽ báo cáo lại "tất cả những gì cô nghe và thấy từ những người trẻ khắp năm châu, những huấn từ sẻ chia của Đức Thánh Cha, một nhân vật mang tính chất biểu tượng và diệu kỳ đối với cô, Ngài mời gọi chúng ta hãy là một Giáo hội rộng mở, đi ra khỏi cái tôi của mình, để đến với những người khác, như thánh Ignatio đã dạy... "Bên cạnh đó, cô mong đợi "nhìn thấy những người khác, thuộc về các nền văn hóa khác, cũng sẽ tìm hiểu thêm về sự đa dạng và tôn trọng những gì mà người trẻ Brazil đang sống".
"Amazon đã được nhiều người nghe biết đến – đặc biệt những người trẻ - nhưng cần phải có cái nhìn rõ hơn về các vấn nạn đang xảy ra ở đây, để thấy rằng Amazon, đang bị đe dọa như thế nào? Vì đối với mọi người trên thế giới, đây thật là một di sản cao quí cần phải được bảo tồn".
Theo cô Aylla Emanuele Silveira "chúng tôi chỉ giải quyết những gì chúng tôi biết, và nhiều người chỉ biết Amazon là một địa điểm du lịch tuyệt vời, là lá phổi của thế giới, nhưng không biết đến những thực tại mà những người trẻ và nhiều sắc dân bản địa như người Cabocla Ba Tây với nhiều phong tục tập quán lễ hội đang sinh sống ở đây; mà quan trọng hơn là tìm hiểu bộ mặt thật của những sắc dân già trẻ địa phương khác nhau đang chung sống và đối diện với nhiều vấn nạn tại Vùng đất Amazon mênh mông này". (Fenzia Fides, 14/01/2019)
 
''Phúc Trình Đại Bồi Thẩm Đoàn Pensylvannia: Không Phải Như Nó Tỏ Ra'', nguyên văn tiểu luận của Peter Steinfels
Vũ Văn An
16:05 14/01/2019
Ngày 15 tháng 8 là ngày Lễ Đức Mẹ Về Trời, một “ngày lễ buộc”, ngày người Công Giáo được dự kiến sẽ tham dự thánh lễ. Năm nay, hàng triệu người Công Giáo đã đến nhà thờ mà lòng thì muốn phát bệnh. Tôi nằm trong số đó.



Ngày hôm trước, bộ trưởng tư pháp của tiểu bang Pennsylvania đã công bố một phúc trình của đại bồi thẩm đoàn tuyên bố rằng hàng trăm linh mục Công Giáo đã lạm dụng tình dục vị thành niên. Các kết luận của đại bồi thẩm đoàn đã được tóm tắt trong các tường trình xuất hiện trên trang nhất của New York Times và các tờ báo khác trên thế giới, cũng như các câu chuyện chính trên mọi loại chương trình tin tức truyền hình. Bộ trưởng tư pháp Pennsylvania, Josh Shapiro, đã phát biểu trên The Today Show và các chương trình tin tức hàng đêm. Không người Công Giáo nào, nghiêm túc về đức tin của mình, đúng hơn, không ai với bất cứ độ nhạy cảm nào, có thể đọc phúc trình này mà không cảm thấy kinh hoàng và xấu hổ. Cũng như tức giận. Thật đủ tệ khi đọc các trình thuật sinh động tả các cảnh hiếp dâm hậu môn và miệng, đôi khi kết hợp với những cảnh đồi trụy phạm thánh; đôi khi thật kinh khủng khi được kể rằng các nhà lãnh đạo giáo hội đã che đậy một cách có hệ thống các tội ác này và để mặc các kẻ lạm dụng không hề bị kiểm soát.

Chỉ trong vài giờ, phúc trình của đại bồi thẩm đoàn Pennsylvania đã được đẩy lên vị thế quốc tế. Vatican bày tỏ sự “xấu hổ và đau buồn”. Các tĩnh từ chồng chất lên nhau từ các nguồn Công Giáo và thế tục: gớm ghiếc, ghê tởm, đáng trách, buồn nôn, quỉ quái. New York Times đã xã luận về “Vết Nhơ Bất Thánh Thiện của Giáo Hội Công Giáo”.

Đã nhiều tháng trôi qua nhưng tác động của phúc trình thì chưa trôi qua. Ít nhất khoảng chục tiểu bang đã tuyên bố họ sẽ theo chân Pennsylvania để tiến hành các cuộc điều tra của riêng họ (Illinois đã công bố một phúc trình sơ bộ hồi tháng 12); Bộ Tư pháp (Liên Bang) đã gợi ý họ cũng có thể tham gia vào hành động này. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã kêu gọi các giám mục khắp thế giới giải quyết vụ tai tiếng lạm dụng tình dục tại Vatican vào tháng Hai, nơi phúc trình Pennsylvania chắc chắn sẽ được chú ý nhiều nhất – vì hiện nay, người Công Giáo, cả cánh hữu lẫn cánh tả, đều đang viết lời tạm biệt đối với giáo hội.

Thực thế, phúc trình đưa ra không phải chỉ một mà là hai lời buộc tội riêng biệt. Lời buộc tội đầu liên quan đến các linh mục “săn mồi”, nhiều nạn nhân của họ và các hành vi không thể nói được của họ. Lời buộc tội này, bao lâu có thể xác định được, là một sự thật khủng khiếp. Lời kết tội đầu tiên này thật đáng sợ, nhưng thực ra, lời kết tội thứ hai mới có những vang dội lớn lao nhất. Bản phúc trình tuyên bố, “mọi nạn nhân này đều bị các nhà lãnh đạo giáo hội, ở mọi tiểu bang, phớt lờ vì những nhà lãnh đạo này muốn bảo vệ những kẻ lạm dụng và các định chế của họ trước hết”. Hay, như phần dẫn vào phúc trình đã tóm tắt, “Các linh mục đã hãm hiếp các bé trai và bé gái, và những người của Thiên Chúa có trách nhiệm đối với các linh mục này không những không làm gì; mà họ còn giấu mọi điều".

Điều đó có đúng không?

Hầu như mọi câu chuyện truyền thông về phúc trình của bồi thẩm đoàn mà cuối cùng tôi đã đọc hoặc xem đều dựa trên phần dẫn nhập mười hai trang của nó và hàng tá ví dụ kinh tởm.

Dựa trên việc đọc số lượng lớn lao của bản phúc trình, dựa trên việc duyệt xét từng vụ xử lý cả hàng trăm vụ việc, dựa trên cơ sở cố gắng đối chiếu các câu trả lời của giáo phận với các cáo buộc của đại bồi thẩm đoàn và dựa trên việc kiểm tra các tài liệu khác của tòa án và nói chuyện với những người quen thuộc với công việc của đại bồi thẩm đoàn, bao gồm cả văn phòng bộ trưởng tư pháp, kết luận của tôi là lời cáo buộc thứ hai này thực tế là dẫn dắt sai lệch, vô trách nhiệm, không chính xác và không công bằng một cách thô thiển. Nó mâu thuẫn từ tư liệu tìm thấy trong chính phúc trình – nếu ta thực sự đọc nó một cách cẩn thận. Nó mâu thuẫn do chứng từ cung cấp cho đại bồi thẩm đoàn nhưng bị làm ngơ – và tôi tin, do chứng cớ mà đại bồi thẩm đoàn không bao giờ theo đuổi.

Những kết luận trên không cân xứng chút nào với nhận thức và cách tiếp nhận phúc trình của công chúng. Rõ ràng chúng cần được chứng minh. Để làm điều đó, điều chủ yếu là khảo sát, từng bước một, cách phúc trình này được tạo ra, được tổ chức và trình bày; điều nó bỏ qua cũng như điều nó bao gồm; và cuối cùng là liệu việc lấy mẫu cẩn thận các nội dung của nó có hỗ trợ cho các kết luận của nó hay không.

Tôi nhìn nhận rằng đối với nhiều người, nhất là nhiều người Công Giáo tức giận và mất tinh thần, một cuộc điều tra như vậy gần như phơ phất trước những cơn gió ngược hết sức áp đảo. Đặt nghi vấn, huống hồ thách thức phúc trình là điều không thể tưởng nghĩ được. Nó gần như bào chữa cho các tội ác mà các giám mục và các nhà lãnh đạo khác của giáo hội bị cáo buộc vi phạm.

Sự ngần ngại trên là điều dễ hiểu. Bản phúc trình được đưa ra tiếp theo các tiết lộ về việc lạm dụng tình dục cả các chủng sinh trưởng thành lẫn hai vị thành niên của cựu Hồng Y Theodore McCarrick. Mười ngày sau, những lời buộc tội từ một cựu quan chức Vatican, Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, trong yếu tính, đã liệt được vụ tai tiếng lạm dụng vào cuộc chiến đang diễn ra giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các người phê bình ngài. Lẩn khuất ở hậu trường là các vụ tai tiếng lạm dụng khác ở Ái Nhĩ Lan, Chile và Úc. Và lẩn khuất ở một bình diện sâu sắc hơn nhiều là nhiều năm phúc trình thường hồ đồ nhưng luôn làm chết đứng về việc các linh mục lạm dụng tình dục, chắc chắn củng cố bất cứ nghi ngờ và thất vọng nào nơi người Công Giáo.

Rồi, còn có một thực tại khó hiểu là ít người thực sự chịu đọc phúc trình, chứ đừng nói đến việc đọc nó một cách có phê phán. Điều đó thậm chí bao gồm, tôi đánh cuộc, cả nhiều người công khai đăng ký sự phẫn nộ của họ hoặc tự mình ấp ủ nỗi đau buồn tinh thần của mình. Tôi có thể an toàn nói thêm, nó còn gồm các nhà báo mà các trình thuật tin tức của họ được những người này dựa vào. Hầu như mọi câu chuyện của truyền thông về phúc trình của đại bồi thẩm đoàn mà cuối cùng tôi đã đọc hoặc xem đều dựa trên phần dẫn nhập dài đến mười hai trang của nó và khoảng một tá các thí dụ gây kinh tởm được phần dẫn nhập và bản phúc trình làm nổi bật, được viết bằng thứ ngôn ngữ mà Tòa án tối cao của Pennsylvania sau này gọi là “gây bất hòa” (incendiary).

Làm sao có thể khác đi được? Phúc trình được mô tả rất khác nhau là dài 884 hoặc 1,357 trang – sau này, chúng tôi sẽ nói nhiều hơn về sự khác biệt kỳ lạ này. Là một thủ phạm lâu đời trong ngành báo chí, tôi biết các kỳ hạn (deadlines) và một phóng viên hay một phát ngôn viên như bộ trưởng tư pháp Pennsylvania phải lệ thuộc một bản tóm tắt, một dẫn nhập ra sao. Bạn chỉ có thời gian để đọc một phần rất nhỏ của một tài liệu đồ sộ như vậy. Bạn cũng không thể kiếm được một nhận định có hiểu biết, độc lập, khi không ai khác đọc được tài liệu này. Bạn phải dựa vào các bản tóm tắt lời phát biểu (soundbites) của các viên chức giáo hội hoặc các người bênh vực các nạn nhân, thường lặp lại các kịch bản có sẵn về những gì một câu chuyện phải là.

Trong trường hợp này, đó là kịch bản về các giám mục, những giám mục đã ý thức được đầy đủ về những nguy hiểm mà các linh mục săn mồi giăng ra cho các trẻ em và thanh thiếu niên, tuy nhiên, vẫn “đưa họ” hay “đổi họ” đi từ giáo xứ này đến giáo xứ nọ để bảo vệ danh tiếng của giáo hội và hàng giáo sĩ. Kịch bản này đã được khắc sâu trong tâm trí công chúng bởi các tiết lộ năm 2002 của tờ Boston Globe và bởi các vụ kiện tụng tiếp theo đó. Đó là kịch bản đã mang lại giải Oscar kịch bản hay nhất cho bộ phim Spotlight. Đây là kịch bản lên sinh sinh khí cho phúc trình của đại bồi thẩm đoàn Pennsylvania. Và nó là một kịch bản quen thuộc đến nỗi bất chấp bất cứ việc nghi vấn nào.

Nguồn thứ ba ngần ngại không muốn đòi hỏi bất cứ sự xem xét lại nào là chính sự khủng khiếp của việc lạm dụng được phúc trình lên tài liệu. “Hãy nghe điều này”, phần dẫn nhập của phúc trình kêu gọi người đọc như thế ngay trong câu đầu tiên. Bạn có thể đã đọc về “việc lạm dụng tình dục trẻ em bên trong Giáo Hội Công Giáo, nhưng không bao giờ ở quy mô này”. Kiểu văn xuôi này quả tượng hình (graphic) trong các chi tiết về tình dục của nó. Đoạn thứ ba chỉ rõ việc thủ dâm, làm tình bằng miệng, và hiếp dâm âm đạo và hậu môn, cùng với việc thao túng bằng rượu và văn hóa khiêu dâm. Mười một trang tiếp theo mô tả khoảng hai mươi trường hợp ghê tởm và đặc biệt thô bạo về sự đồi trụy tình dục. Tôi đã nghe nhiều người hữu lý phản đối rằng khi nhồi nhét các chi tiết như vậy vào mặt chúng ta, chính bản phúc trình đã có tính thao túng. Nhưng rồi, đây là điều việc lạm dụng tình dục trẻ em và thiếu niên là. Nó không phải là một khái niệm luật pháp hoặc trừu tượng, không phải là một thống kê. Đây là loại vi phạm riêng tư nhất, bất kể bị vi phạm bởi một giáo viên, một huấn luyện viên, một bác sĩ, hay trên hết, một người có liên hệ đặc biệt về trách nhiệm và quyền hành, như cha mẹ hoặc giáo sĩ.

Trong ba thập niên qua, tôi đã đọc rất nhiều câu chuyện về những người sống sót việc lạm dụng và nghe trực tiếp hàng tá câu chuyện này: những câu chuyện về niềm tin tan vỡ, sự hồ đồ bối rối về tôn giáo và tình dục, và những năm tháng sống hậu quả trệch đường cuộc sống. Một số nạn nhân dĩ nhiên đã vứt bỏ được việc họ bị lạm dụng, hoặc ít nhất tỏ ra như thế. Đối với những người khác, nó kéo lê họ qua trầm cảm, hôn nhân tan vỡ, lạm dụng ma túy, các tội ác tự hủy hoại, nhỏ mọn hoặc nghiêm trọng, thậm chí tự tử. Việc phúc trình khăng khăng liệt kê các hành vi thể lý hiếm khi nắm bắt được những điều phức tạp của con người, nhưng đây là một khởi đầu.

Những câu chuyện buồn và gây phẫn nộ trong bản phúc trình, cả trong các chi tiết gợi hình một cách cực kỳ tỉ mỉ, không phải là điều mới lạ đối với những người trong chúng ta quen đọc báo chí và xem truyền hình vào năm 2002. Một câu chuyện trên trang một của mục Sunday Week in Review của New York Times viết rằng “các tường trình về việc lạm dụng tình dục trẻ em và thanh thiếu niên của các linh mục đã mang chiều kích của một nạn dịch trong Thánh Kinh”. Nó nhắc đến các ước tính về số các nạn nhân trong nhiều thập niên, từ 15,000 đến 100,000 người. Là một phóng viên tôn giáo kỳ cựu tại tờ Times từ năm 1988 đến 1997, tôi đã viết câu chuyện đó vào tháng Sáu năm 1993, gần một thập niên trước các tiết lộ của Boston Globe.

Nhắc lại những câu chuyện như vậy từ những năm 1990 đến năm 2002, tôi tự hỏi liệu người Công Giáo và những người khác có quên cơn lũ các tiết lộ đau lòng năm 2002 hay không, không nói gì đến những cuộc phơi bày thời kỳ cao điểm của những năm 1990. (Năm 2002, tờ Globe đã cho đăng 770 câu chuyện lạm dụng tình dục của Công Giáo, so với 25 câu chuyện một năm trước đó; New York Thời báo cho đăng 692 câu chuyện). Thế còn các nghiên cứu năm 2004 và 2011 của Trường Tư pháp hình sự John Jay, các nghiên cứu kết luận rằng 4,392 linh mục, từ 4 đến 5 phần trăm giáo sĩ Công Giáo, đã chịu trách nhiệm cho hơn 11,000 trường hợp lạm dụng tình dục từ năm 1950 đến 2002? Há không ai thực sự lưu ý tới các tiết lộ sớm sủa đó sao?

Tôi đã tự hỏi mình: chính xác ra, phúc trình Pennsylvania có nói với chúng ta điều gì mới mẻ không? Có phải nó đã bác bỏ niềm tin quan yếu và rộng rãi rằng Hiến chương Dallas về việc Bảo vệ Trẻ em và Thanh thiếu niên, từng được các giám mục Công Giáo thông qua vào tháng 6 năm 2002, được thi hành toàn quốc và được hỗ trợ bằng các cuộc kiểm toán thường xuyên kể từ đó, đã thay đổi sự việc một cách đáng kể không? Phúc trình có nói tới câu hỏi, quan trọng hơn hết trong đầu óc của nhiều phụ huynh, là liệu trẻ em và các thiếu niên có đặc biệt gặp nguy hiểm hay không, ngay bây giờ, trong các trường học và giáo xứ Công Giáo, như những cụm từ của truyền thông như “các tai tiếng lạm dụng tình dục Công Giáo đang lan rộng” hay “Làn sóng tai tiếng lạm dụng tình dục mới” hay các tai tiếng lạm dụng tình dục hiện “đang nhận chìm giáo hội” muốn gợi ý?

Phúc trình đã thêm được gì vào các cuộc tranh luận sôi nổi và quan trọng về việc sống độc thân của linh mục, các giáo huấn về tính dục, nền văn hóa giáo sĩ cố hữu, thẩm quyền giáo hội, đồng tính luyến ái trong hàng linh mục, và trách nhiệm đối với các nạn nhân, chưa nói tới các tranh chấp xưa, từ thời Công Đồng Vatican II và sau đó, về ngừa thai, vai trò của phụ nữ trong giáo hội, đạo đức tính dục, giáo dục tôn giáo, thẩm quyền của Vatican và bất cứ con số các vấn đề lớn nhỏ nào khác?

Tôi đã viết ở những nơi khác về nhiều chủ đề trong số này, trong các tiểu luận và một cuốn sách ít trình bầy một ánh sáng thuận lợi về các giám mục Công Giáo của đất nước hoặc cách các ngài xử lý cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục. Tôi không đề cập tới các chủ đề ấy ở đây. Tôi không đứng về phía nào trong những cuộc tranh cãi âm ỉ về Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Tôi không hỏi ai biết gì, biết khi nào và biết như thế nào về Hồng Y McCarrick. Tôi không thả nổi những cách mới mẻ để đảm bảo trách nhiệm của giám mục. Tôi chỉ xem xét những lời buộc tội ầm ĩ của phúc trình Pennsylvania về việc xử lý lạm dụng: Chúng có đúng không?

Tuy nhiên, một điều thậm chí có tính căn bản hơn đã kích hoạt việc ngần ngại không muốn đặt bất cứ nghi vấn nào đối với phúc trình Pennsylvania, đó là điều người ta quen gọi là lối suy nghĩ nhị phân (binary thiking). Nghi vấn các kết luận của phúc trình là khẳng định điều ngược lại. Nếu không đúng sự thật là mọi nạn nhân đã bị gạt sang một bên, thì phải đúng sự thật là không có nạn nhân nào bị gạt sang một bên. Nếu không đúng sự thật là các nhà lãnh đạo giáo hội có thói quen hành động để bảo vệ các linh mục và định chế của họ, thì phải đúng sự thật là không có nhà lãnh đạo giáo hội nào làm điều đó.

Đó không phải là chủ trương của tôi. Tôi tin rằng đáng lý ra đại bồi thẩm đoàn đã có thể đạt được những khám phá xúc tích, chính xác, cung cấp thông tri, và có tác dụng mạnh về những điều các nhà lãnh đạo các giáo hội khác nhau làm và không làm, về những điều thường xuyên được làm ở một số nơi và trong một số thập niên chứ không ở những nơi khác. Đáng lý nó đã có thể trình bầy đủ các cơ sở ít nhất cho 3 trong số 4 khuyến cáo không mấy độc đáo chứ không nhất quyết đưa ra các tố cáo chung chung. Đáng lý nó đã có thể xác nhận hay sửa lại phần lớn những điều chúng ta tưởng mình biết về các nguyên nhân và cách phòng ngừa việc lạm dụng tình dục người trẻ”.

Thay vào đó, phúc trình đã chọn một chiến thuật phù hợp hơn với môi trường thích nói khoa trương (hyperbolic), thích khẩu hiệu dán ở càng xe (bumper-sticker), hậu sự thật (post-truth) của chúng ta với những tuyên bố về di dân hiếp dâm và giết người, những vụ săn phù thủy và các âm mưu đứng đàng sau chính phủ (deep-state conspiracies). Ít nhất trong lúc này, hãy tưởng tượng một bài nói rất kêu kiểu “Các linh mục đang hãm hiếp các cậu bé và cô bé, và những người của Chúa chịu trách nhiệm về họ không những không làm gì; mà còn che giấu mọi chuyện” phát xuất từ một trong các vị mị dân được dân cử hoặc được lên truyền hình của chúng ta. Liệu người ta có thực sự bác bỏ bất cứ việc tìm hiểu sự kiện nào như là không được đòi hỏi chăng?

Nhưng đây không phải là một nhà bác học hay chính trị gia mị dân chọn thứ ngôn ngữ đó trực tiếp từ một tiểu luận chống giáo hoàng ở thế kỷ XIX. Đây là một đại bồi thẩm đoàn. Và chính ở đó nằm sẵn một sự hiểu lầm khá lớn.

Điều tra các đại bồi thẩm đoàn

Điều nghịch lý là những người nêu lên những câu hỏi hoàn toàn chính đáng về trách nhiệm nhận lỗi của các giám mục lại bỏ qua các câu hỏi về trách nhiệm nhận lỗi của các đại bồi thẩm đoàn.

Các đại bồi thẩm đoàn là những thực thể pháp lý bắt nguồn sâu sắc trong luật phổ thông (common law) và được đưa vào Tu chính án thứ năm của Hiến pháp. Mục đích của chúng không phải là để xác định tội lỗi hoặc vô tội mà chỉ là liệu có đủ căn cứ để đưa ra một bản cáo trạng và kích hoạt một phiên tòa hay không. Phiên tòa mới là nơi mà tội lỗi hoặc sự vô tội sẽ được xác định bởi mọi thủ tục thuận nghịch (adversarial) trong việc khảo sát bằng chứng và lời khai của cả hai bên dưới sự giám sát chặt chẽ của một thẩm phán. Đại bồi thẩm đoàn không hoạt động theo các quy tắc này. Chúng nghe bằng chứng ex parte (từ 1 bên), nghĩa là, không có đại diện của những người bị điều tra. Chúng hoạt động trong bí mật. Và trong thực tế, chúng hoạt động gần như hoàn toàn dưới sự chỉ đạo của một công tố viên địa phương, tiểu bang hoặc liên bang, một quan tòa cấp quận hoặc bộ trưởng tư pháp, mà các kết luận của vị này, các đại bồi thẩm đoàn chỉ việc đóng dấu chấp thuận.

Vì lý do này, các đại bồi thẩm đoàn đã trở thành đầu đề gây tranh cãi. Việc có được cáo trạng hay không tùy thuộc vào các nhu cầu chính trị của các công tố viên được bầu, một vấn đề được nêu lên bởi các cộng đồng thiểu số liên quan đến các vụ giết người của cảnh sát da trắng. Việc điều tra các đại bồi thẩm đoàn, giống như ở Pennsylvania, cũng tỏ ra có vấn đề. Stanley H. Fuld, một nhà luật học nổi tiếng, từng là chánh án của Tòa phúc thẩm New York, có lần đã chỉ ra rằng một bản cáo trạng “chỉ là bước đầu tiên trong diễn trình dài trong đó bị cáo có thể tìm được sự minh oan qua việc thi hành quyền được xét xử công khai, quyền có một bồi thẩm đoàn, quyền có luật sư, quyền đối chất với các nhân chứng chống lại họ và, nếu bị kết án, quyền kháng án”. Ngược lại, một phúc trình điều tra của đại bồi thẩm đoàn, “vừa là lời buộc tội vừa là lời lên án sau cùng, và, vì phát xuất từ một cơ quan tư pháp chiếm một vị trí đáng kính và quan trọng trong cộng đồng, nên tiềm năng gây hại của nó không thể nào tính toán được”. Ông Fuld nói tiếp: là một tài liệu tư pháp, một phúc trình của đại bồi thẩm đoàn “mang cùng ý nghĩa lên án có thế giá tương tự như một bản cáo trạng, tuy nhiên, không dành cho bị cáo lợi ích che chở như đã dành cho một người bị truy tố”.

Fuld tin rằng tiềm năng lạm dụng này đặc biệt to lớn khi một phúc trình điều tra của bồi thẩm đoàn nêu các tên tuổi; và phúc trình Pennsylvania tất nhiên nêu tên không những hàng trăm kẻ săn mồi, mà còn hơn năm mươi giám mục và quản trị viên giáo phận bị coi là có tội tương tự. Phần dẫn nhập của phúc trình không ngần ngại nói rõ ý định của nó, muốn trở thành chánh án và bồi thẩm đoàn, đồng thời đưa ra các lời kết án đối với “các tội ác mà nếu không sẽ không bị trừng phạt và bồi thường”: “Phúc trình này là cầu viện (recourse) duy nhất của chúng tôi. Chúng tôi sẽ nêu tên và mô tả những gì họ đã làm, cả những người phạm tội tình dục và những người che giấu họ. Chúng tôi sẽ rõi một tia sáng vào hành vi của họ, vì đó là điều các nạn nhân đáng có được”.

Điều rõ ràng là hầu hết mọi người đã coi phúc trình Pennsylvania là điều mà Chánh án Fuld gọi là “một sự lên án có thẩm quyền” mà không nhìn nhận các giới hạn của nó. Điều nghịch lý là những người nêu lên những câu hỏi hoàn toàn chính đáng về trách nhiệm nhận lỗi của các giám mục lại bỏ qua các câu hỏi về trách nhiệm nhận lỗi của các đại bồi thẩm đoàn. Những phát hiện của các báo cáo như vậy chỉ có thể bị thách thức sau khi chúng được công bố: bởi những người công kích, bởi các nhà phê bình có hiểu biết, bởi các nhà điều tra độc lập, bởi các chính trị gia bất đồng chính kiến, bởi các phương tiện truyền thông, v.v.

Trong trường hợp Pennsylvania, lẽ dĩ nhiên, các giám mục bị tê liệt. Không những tính khả tín của các ngài bị bôi nhọ bởi các thất bại trong quá khứ, thường là bởi những người tiền nhiệm đã qua đời, nhưng từ lâu họ đã thừa nhận rằng ưu tiên hàng đầu của họ, đúng như thế, phải là tránh đưa ra bất kỳ lời bào chữa nào cho tội ác săn mồi hoặc “ tái nạn nhân hóa” các người sống sót việc lạm dụng. Ai khác có thể lấp đầy khoảng trống này? Các nhà báo cấp tiến, các nhà tranh đấu tự do dân quyền, hay các nhà học thuật bất mãn với các giáo huấn Công Giáo về phá thai và hôn nhân đồng tính? ProPublica (Phò Cộng Hòa)?, Frontline (Tuyến đầu)? Các người Công Giáo bảo thủ không hài lòng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô? Các ngươi Công Giáo cấp tiến không hài lòng với hàng giáo phẩm bảo thủ? Chắc là không.

Cấu trúc phúc trình

Phúc trình Pennsylvania được chia thành năm phần, với tỷ lệ rất khác nhau. Tiếp theo Phần I, phần dẫn nhập mười hai trang đầy kích thích đó, Phần II dành hàng trăm trang cho mười tám thí dụ lạm dụng gây ngỡ ngàng, trong một số trường hợp, còn kệch cỡm nữa, ba thí dụ từ mỗi giáo phận trong số sáu giáo phận.

Mặt khác, Phần II liệt kê các giám mục và các viên chức chủ chốt khác của mỗi giáo phận và tất cả những kẻ lạm dụng bị cáo buộc trong bảy đến tám thập niên qua. Bằng một ngôn ngữ gần như nóng bỏng, đại bồi thẩm đoàn tuyên bố rằng họ đã tìm thấy bằng chứng lạm dụng tình dục trong mỗi giáo phận (“tán tỉnh [grooming] và mơn trớn bộ phận sinh dục” và “việc xâm nhập âm đạo, miệng hoặc hậu môn”); các giám mục và quản trị viên thì “biết các hành vi này”, nhưng thường xuyên vẫn bổ nhiệm những kẻ lạm dụng vào thừa tác vụ, bất chấp các khiếu nại, do đó lên năng lực cho những kẻ phạm tội và gây nguy hiểm cho các trẻ em. Các giáo phận thì bị nhận thấy đi tham khảo các luật sư và đạt được các dàn xếp bí mật với các nạn nhân nhằm cấm họ nói ra. Tương tự như vậy, các giáo phận cũng bị nhận thấy đã can ngăn các nạn nhân đến cảnh sát hoặc tiến hành “các cuộc điều tra thiếu sót, thiên vị của chính họ” mà không phúc trình các tội ác này.

Hiển nhiên, điều trên không có nghĩa các điều như vậy chỉ xảy ra đôi khi và ở một số nơi trong hơn bảy thập niên qua, nhưng chúng xảy ra thường xuyên, thường lệ và như phần dẫn nhập quả quyết, “ở khắp mọi nơi”.

Phần III là phần tổng quan gồm chín trang nói về “Giáo hội và việc lạm dụng trẻ em, quá khứ và hiện tại”. Phần IV dành sáu trang để đưa ra các khuyến cáo đã đề cập trong phần dẫn nhập.

Sau đó, trong “Phụ lục các Người phạm tội” dài 569 trang, phúc trình mô tả hồ sơ (profiles), từng giáo phận, mọi linh mục, phó tế hoặc chủng sinh mà phúc trình kết luận đã bị cáo buộc một cách đáng tin cậy là đã lạm dụng. Bản phúc trình gọi những hồ sơ này về hơn ba trăm linh mục có lẽ là phần “quan trọng nhất” và “sau cùng” của nó. Thật vậy, trong một số bản PDF của phúc trình trên trực tuyến, kể cả, một cách gây ngỡ ngàng, trang web của văn phòng bộ trưởng tư pháp, tài liệu kết thúc ở chỗ đó, tại trang 884. Trên thực tế, còn hơn 450 trang tiếp theo nữa. Những trang này bao gồm các câu trả lời được sao chụp từ các giáo phận, cựu giám mục, các viên chức giáo phận khác và thậm chí một số linh mục bị buộc tội phản đối để chứng minh sự vô tội của họ. Nhiều tài liệu trong số này nêu ra các câu hỏi quan trọng hoặc đưa ra những lời chỉ trích đáng kể. Mặc dù phúc trình quả quyết rằng các giáo phận đã được mời gửi các tuyên bố về các chính sách gần đây của họ, nhưng không có bình luận hay trả lời có thực chất nào của đại bồi thẩm đoàn.

Việc sắp xếp trên hữu hiệu, nhưng sai lệch và kềnh càng. Hữu hiệu vì những lời hùng biện có kịch tính, gần như kích động của phần dẫn nhập và sau đó vì mười tám thí dụ được chọn. Lệch lạc, bởi vì phúc trình dành hơn tám trăm trang cho các thí dụ đã chọn và “Hồ sơ Lạm dụng” giống như một bách khoa toàn thư. Non năm mươi trang, kể cả phần dẫn nhập, được dành cho việc phân tích, phát hiện và khuyến cáo của chính đại bồi thẩm đoàn. Kềnh càng, vì hàng trăm trang phân cách ba hạng “kinh khủng” của mỗi giáo phận ra khỏi danh sách mọi người phạm tội trong phụ lục và một lần nữa khỏi bất cứ câu trả lời nào. Bất kể là dùng thang cuộn trực tuyến hoặc lần rở qua các trang in, việc theo dõi các tố cáo và câu trả lời là điều rất khó khăn.

Xem tiếp: Điều gì có điều gì không trong phúc trình
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Gìn giữ hồng ân sự sống
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
00:23 14/01/2019
Khi bắt đầu ngồi lên chiếc xe dù do chính mình cầm lái, hay ngồi phía sau một ai, có bao giờ bạn cảm nhận rờn rợn một nỗi sợ, vì bất chợt một ý nghĩ "khờ dại" lóe lên: Có thể tôi sẽ không bao giờ đến được nơi tôi muốn đến...?

Bởi dù phía trước hay phía sau tay lái, vẫn không hiếm những rủi ro. Biết bao nhiêu người đã vĩnh viễn dừng lại đời mình ngay trên chính lộ trình của bản thân.

Câu chuyện thương tâm sau đây, tuy đã cũ, nhưng bài học của nó vẫn mới nguyên, để bất cứ ai, hôm nay còn sống, mỗi khi bắt đầu lên xe đều phải tự ý thức hết sức để tự bảo vệ mình, bảo vệ người thân của mình và bảo vệ cả những ai đang đồng hành trên đường đi...

Đó là một học sinh mới mười bảy tuổi. Em vui tính, nhí nhảnh, linh hoạt, hay giúp đỡ mọi người... Vậy mà trong một lần đi học, em đã đi xa, không bao giờ trở về nữa...

Người ta kể rằng, một chiếc xe hai bánh khác đã lao vào em... Buổi sáng định mệnh ấy đã cướp em khỏi thế gian, nhưng để lại cho những người còn lại trong thế gian là thầy cô của em, bạn bè của em, người thân của em, và biết bao nhiêu người đã từng biết em... nỗi đau không dễ gì phôi phai...

Đặc biệt, người mà em yêu nhất trên đời là mẹ của em. Bà đã ngất và đổ sầm xuống đất trong ngày người ta đưa xác em về. Đến nay, dù đã trải qua thời gian đủ để mọi nỗi đau có cơ hội lắng ở mức độ có thể, thì người ta vẫn bàng hoàng nhận ra, bóng hình của em vẫn không thể lắng trong tâm người mẹ đau khổ ấy.

Mẹ em như người vừa sống trong mộng, vừa sống trong đời thật. Bà nhớ hết tất cả, nhớ rất rõ quá khứ về em, một quá khứ không biết tự bao giờ, hằn sâu trong tâm khảm bà, mạnh đến nỗi che khuất những sự việc vừa xảy ra trong đời thực. Bởi đời thực, bà có thể quên. Nhưng những gì thuộc về em, bà chưa quên bất cứ điều gì.

Nhiều lần bà thốt lên những lời lẽ làm người nghe phát sợ: Bà nói mà như đang nói chuyện với em. Bà hành động mà như đang hành động cùng em. Bà cho thấy nỗi đau của người mẹ mất con là nỗi đau tột cùng.

Bà vẫn khoe vanh vách về các vật dụng của em: này là xâu chuỗi em đã nhiều lần đọc kinh chung cùng gia đình, này là chiếc áo đẹp em chỉ mặc khi tham dự thánh lễ, này là đôi giày đã đều đặn theo em đi dự lễ mỗi buổi chiều...

Mẹ em cũng không thể quên bất cứ chi tiết nào thuộc về tính cách riêng tư mà hồi còn sống, em thể hiện là chính mình khi sống cùng mọi người: này là hình bóng của em, này là chiếc miệng rộng lúc em cười, này là chỗ em hay ngồi, này là màu sắc em ưa thích, này là lời em hay nói, này là dáng đi của em...

Nhìn mẹ em, tôi thương quá. Trái tim của bà, vì em, hình như đã tan nát...

Bạn ạ, qua câu chuyện đau lòng này, tôi chỉ xin bạn mấy điều thôi:

1. Hãy nhớ rằng, ngồi trên bất cứ phương tiện giao thông nào, dù hiện đại hay cũ kỹ, dù đơn giản hay phức tạp, dù trên biển, trên đất, hay trên trời cao..., tất cả chúng đều có thể tàn nhẫn lôi chúng ta đi mãi, rời khỏi trần gian đến đời đời.

Hãy luôn nhớ phó thác chính mình, phó thác hành trình của mình cho Thiên Chúa.

Hãy luôn sống trong tinh thần ăn năn tội, luôn dặn lòng đừng làm gì đi ngược lề luật Chúa. Dứt khoát xa tránh bất cứ điều gì gây nên tội với Chúa, với bản thân và tha nhân.

Có như thế, ta mới thật là người luôn tỉnh thức và sẵn sàng, bất chấp sự dữ nào có thể xảy ra.

2. Hãy luôn tự nhắc nhở mình luôn cẩn trọng mọi nơi mọi lúc trong khi đi đường, vì thân xác, sự sống, mạng sống đều quý giá, đều là hồng ân Chúa ban mà ai ai cũng phải ra sức gìn giữ, để nếu có rời bỏ cuộc đời, thì cũng rời bỏ trong những điều kiện tốt nhất cho linh hồn, cho sự bảo đảm của sự sống đời đời.
Hơn nữa, bản thân ta chỉ có một cuộc đời nơi dương thế mà thôi. Một lần đi qua cuộc đời trong kiếp người, dù ta có muốn trở lại dưới bất cứ hình thức nào, sẽ mãi mãi không bao giờ có thể. Vì thế, hãy hết sức trân trọng, hết sức bảo vệ bản thân. Biết bảo vệ bản thân là tự tặng mình cơ hội sống.

3. Hãy nghĩ đến người thân, nhất là cha mẹ, vợ chồng, con cái và những ai ta xem là quang trọng nhất đời mình.

Mỗi lần lên bất cứ phương tiện nào để di chuyển, hãy nhớ phía sau mình, người thân đang ngóng chờ, ta có thể chết, nhưng người thân vẫn sống. Bản thân có chết, xem như phận mình đã xong, nhưng người thân của ta sẽ mỏi mòn trong đau đớn, sẽ sống trong khổ sở vì thương nhớ.

Có khi vì ta, người thân trở nên sống gượng, sống trong sự tủi phận, sống trong mặc cảm, sống thiếu tự tin. Vì thế, hết sức cẩn trọng trên đường đi, hết sức bảo vệ sự sống mình, là cách tốt để đáp lại nỗi lòng người thân dành cho ta.

Xin Chúa chúc lành cho từng người. Xin Chúa chúc lành cho mọi hành trình, mọi nẻo đường mà mỗi chúng ta phải hoàn thành.

Xin Chúa soi sáng cho mọi người biết quý mạng sống mình, quý từng sự hiện diện mà người thân dành cho nhau. Xin Chúa gieo niềm ý thức trong mỗi người, để nhờ ý thức, họ hoàn thành thật tốt từ khi xuất phát đến khi kết thúc lộ trình con đường mình đi.
 
Đức cha Chủ Tịch UB Công lý và Hòa bình trực thuộc HĐ Giám Mục Việt Nam thăm dân oan vườn rau Lộc Hưng
Lm An Thanh
12:03 14/01/2019
Lúc 15g15 chiều ngày 14/1/2019, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục tiên khởi tân giáo phận Hà Tĩnh, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, cùng với cha Giuse Lê Quốc Thăng, Thư ký Ủy ban đã đến viếng thăm, ủy lạo anh chị em lương-giáo dân oan vườn rau Lộc Hưng.

Nói trước linh đài Đức Mẹ Hòa Bình giữa dân oan VRLH, Đức cha Phaolô nhắc lại Hiến chế Vui mừng – Hy vọng của Công đồng chung Vatican II: Vui mừng và hy vọng của thế giới, của bà con Lộc Hưng là vui mừng và hy vọng của Giáo hội. Ngài nhấn mạnh: “Chúng tôi biết anh chị em tuân thủ pháp luật, nhưng vì nững bức xúc do chính quyền gây ra trong những ngày giáp tết đoàn viên này”.

Đức cha Chủ tịch cùng cha Thư ký đang hiện diện nói chuyện, thì cũng như sáng nay – khi phái đoàn Liên tôn đang nói thì -loa phóng thanh của phường lại vang lên không nhằm mục tiêu thông báo, nhưng nhằm mục tiêu phá rối sự lắng nghe của người dân trước tình cảm chân thành được truyền qua từng lời của vị giám mục đáng kính của họ.

Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp (người cầm mic và cạnh ngài là cha Giuse Lê Quốc Thăng)
Trước đó, khi sự việc mới diễn ra hôm 04.01, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Việt Nam đã viếng thăm, chúc lành cho bà con và mảnh đất này. Sau ngày phá tan hoang đất của dân oan VRLH, Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình Úc Châu đã gởi thư hiệp thông với anh chị em VRLH và lên án chế độ cộng sản độc tài.

(Nguồn: NhathoThaiHa.net, Lm An Thanh)
 
Mai con lớn...
Khuyết Danh
12:58 14/01/2019
Mai con lớn khắp nơi toàn người Hán
Tiếng Việt mình, nói nhỏ nhé con ơi
Dù mình sống trên quê hương, đất Tổ
Nhưng ai đông hơn sẽ thành chủ, con à!

Mai con lớn lấy chồng sao tránh khỏi
Bọn Hán kia tìm mọi cách “gieo nòi”
Còn trai Việt thoát sao đời nô lệ?
Chẳng biết lúc nào mất nội tạng, con ơi!

Mai con lớn, chữ mình con quên hết
Khắp nơi nơi toàn kiểu chữ tượng hình
Sử sách Việt sẽ ngày càng mai một
Ai nhớ từng có Âu Lạc với Văn Lang!

Mai con lớn đến nơi nào cũng cúi
Xứ mình nhưng chẳng dám ngẩng cao đầu
Vào quán xá nhớ nép mình trong góc kẹt
Đừng tranh ăn với lũ đói bên Tàu!

Mai con lớn những nơi nào đẹp nhất
Hạ Long, Ninh Bình, Đà Lạt, Phong Nha…
… và nhiều chỗ con đừng héo lánh
Người Việt ta không tới đó nữa con à!

Mai con lớn những kinh đô, thành quách
Những tượng thờ tiên tổ, các Hùng Vương
Những ngôi miếu tôn vinh Bà Trưng, Bà Triệu
Sẽ bị đập tan, lăn lóc giữa hoang tàn!

Mai con lớn, đồ ăn toàn bẩn, độc
Của ngon đều bị tước hết con ơi
Mai con lớn biển, sông, hồ nhiễm độc
Nước thải phương xa không ngớt đổ về!

Mai con lớn xin con đừng òa khóc
Hận tiền nhân sao nỡ để cháu con mình
Sống trong lòng giặc thở không dám thở
Vì thời của mẹ cha, ai cũng chỉ muốn “được yên bình”!

Mai con lớn xin con đừng hờn trách
Tổ tiên hèn với giặc, ác với cháu con
Con hãy hiểu ngày hôm nay ai cũng nói
“Ta không đòi được đất thì để con cháu ta đòi”!

Mai con lớn xin con đừng phẫn hận
“Ngày xưa giặc chưa vào sao câm nín, im ru?
Nay giặc ở khắp mọi miền bờ cõi
Bắt cháu con đòi, nghe có lọt tai không?!

Mai con lớn, thôi mẹ không nghĩ nữa…
Chỉ mong bình minh đến thật mau…
Và tất cả chỉ là cơn ác mộng
Xin Thiên cơ ban tặng một phép màu…
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Tuổi Già
Tấn Đạt
09:40 14/01/2019
TUỔI GIÀ
Ảnh của Tấn Đạt
Mai kia cũng tới một ngày
Tuổi già, sức yếu rơi ngay vào mình
Mấy ai trong cõi nhân sinh
Tự tâm quán chiếu, thân mình về sau?.
(Trích thơ của Diệu Nguyễn)
 
VietCatholic TV
Kỹ thuật truyền hình: Edit thật nhanh bằng Source Monitor
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
08:12 14/01/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Các bạn đang theo dõi chương trình huấn luyện kỹ thuật viên truyền hình của VietCatholic.

Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 34, với chủ đề “Vâng, tôi đây nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc 1:38), sẽ diễn ra từ 22 đến 27 tháng Giêng tại thành phố Panama.

Trong thời gian Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới công việc editing sẽ rất là vất vả, Vì thế, trong chương trình này Như Ý muốn trình bày với các bạn một cách thức edit rất là nhanh bằng cách sử dụng Source Monitor. Hy vọng là có thể giảm nhẹ công việc của các bạn.

Bây giờ, chúng ta hãy mở một cái project trong Adobe Premiere.

Khi double-click vào một cái video, chúng ta thấy cái video sẽ được load vào trong màn hình này, gọi là Source Monitor.

Dùng cái marker này, các bạn có thể xác định đoạn clip mà chúng ta muốn lấy. Chẳng hạn, Như Ý sẽ lấy bắt đầu lấy từ đây. Để xác định chỗ bắt đầu này, Như Ý sẽ nhấn con mouse vào cái icon có hình dấu ngoặc mở đầu. Cái icon này Adobe gọi là Mark In.

Tiếp tục dùng cái marker để scan tới chỗ muốn kết thúc. Để xác định chỗ kết thúc, Như Ý sẽ nhấn con mouse vào cái icon có hình dấu ngoặc kết thúc. Cái icon này Adobe gọi là Mark Out.

Sau khi đã xác định xong, chỗ bắt đầu và chỗ kết thúc, chúng ta có ba lựa chọn.

Trường hợp thứ nhất: Nếu các bạn muốn lấy cả video lẫn audio, tức là cả hình ảnh lẫn âm thanh của cái đoạn clip vừa xác định, thì các bạn để con mouse trên video trong Source Monitor, rồi kéo nó vào trong Time Line, bất cứ chỗ nào các bạn muốn.

Trường hợp thứ hai: Nếu các bạn chỉ muốn lấy video mà thôi như trong trường hợp Như Ý đang làm đây là edit một bài Thánh Ca. Như Ý không muốn lấy cái audio của cái clip này vì nó ảnh hưởng đến bài hát của mình. Để làm như thế, Như Ý nhấn con mouse vào cái icon này và kéo nó vào trong Time Line. Khi để con mouse trên icon này, Adobe sẽ hiển thị dòng chữ “Drag video only”. Cách này rất tiện vì chúng ta có thể yên tâm 100% là chỉ có cái video được đưa vào trong Time Line.

Trường hợp thứ ba: Nếu các bạn chỉ muốn lấy audio mà thôi nhấn con mouse vào cái icon kế bên này và kéo nó vào trong Time Line. Khi để con mouse trên icon này, Adobe sẽ hiển thị dòng chữ “Drag audio only”

Chúc các bạn thành công.
 
Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 15/01/2019: Câu chuyện tượng Chúa chịu nạn làm phép lạ tại Phi Luật Tân
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
19:08 14/01/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Tính cụ thể là một tiêu chí của Kitô giáo

Thiên Chúa đã trở thành “cụ thể, sinh bởi một người phụ nữ cụ thể, sống một cuộc đời cụ thể, chết một cái chết cụ thể và Ngài yêu cầu chúng ta yêu anh chị em cụ thể”. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai, mùng 7 tháng Giêng, tại nhà nguyện Santa Marta.

Các lệnh truyền của Thiên Chúa là “cụ thể”, do đó, sự cụ thể là “tiêu chí” của Kitô Giáo. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu lên quan điểm trên trong Thánh lễ sáng thứ Hai, là thánh lễ đầu tiên tại Casa Santa Marta sau ngày lễ Giáng sinh.

Mô tả các vị thánh là “những người điên cuồng về tính cụ thể”, Đức Thánh Cha nói rằng các vị thánh sẽ giúp chúng ta đi trên con đường này và nhận ra những điều cụ thể theo thánh ý Chúa, trái với những hoang tưởng và ảo tưởng của các tiên tri giả mà Thánh Gioan đề cập đến trong Lá thư thứ Nhất.

Đức Thánh Cha giải thích rằng những gì chúng ta mong muốn nhận được từ Chúa tùy thuộc vào kết ước của chúng ta với Ngài – tức là chúng ta phải tuân thủ các lệnh truyền của Ngài và làm những gì hài lòng Ngài.

Điều đầu tiên cần có ở đây, theo Đức Thánh Cha, là niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa, vào Con Thiên Chúa, Đấng đã trở thành một phàm nhân giữa chúng ta bằng xương bằng thịt - Chúa Giêsu, một Thiên Chúa cụ thể, Đấng đã được thụ thai trong lòng Đức Maria, Đấng được sinh ra ở Bêlem, Đấng lớn lên như một đứa trẻ thơ, trốn sang Ai Cập, trở về Nazareth, lớn lên và rao giảng.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm rằng Chúa Giêsu là một con người cụ thể, với bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người; chứ không phải là Thiên Chúa ngụy trang như một con người. Điều này, theo Đức Cha, là sự cụ thể trong điều răn thứ nhất.

Điều kiện thứ hai trong kết ước của chúng ta với Thiên Chúa cũng là một điều cụ thể - đó là yêu mến nhau, bằng một tình yêu cụ thể, chứ không phải với một tình yêu tưởng tượng. Không phải là “Ồ, tôi yêu bạn biết chừng nào” để rồi sau đó tiêu diệt người ta bằng miệng lưỡi và những lời vu khống.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh đến tình yêu cụ thể, và nói rằng các giới răn của Thiên Chúa là cụ thể, và do đó, tiêu chí của Kitô giáo là sự cụ thể của nó. Kitô Giáo không phải là tập hợp những ý tưởng và những lời hay ý đẹp nhưng chính là sự cụ thể, đó là một thách đố. Chỉ như thế, chúng ta mới dám xin những gì chúng ta mong muốn nơi Chúa, với “lòng can đảm” và “mạnh dạn”.

Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh rằng bên cạnh niềm tin cụ thể vào Chúa Giêsu và sự cụ thể trong đức ái, cuộc sống của một Kitô hữu cũng đòi hỏi sự cảnh giác tâm linh. Về điều này, Thánh Gioan đã nói về những cuộc đấu tranh chống lại những ý tưởng phù phiếm và những tiên tri giả, là những người đề nghị một Chúa Kitô “mềm dẻo”, ít cụ thể hơn, và tình yêu dành cho người lân cận tương đối hơn. Vì thế, chúng ta cần phân định xem một nguồn cảm hứng có thực sự đến từ Thiên Chúa hay không, bởi vì có quá nhiều tiên tri giả trong thế giới này và ma quỷ luôn cố gắng làm chúng ta xa cách Chúa Giêsu, và làm mọi cách ngăn không cho chúng ta ở lại trong Ngài.

Đức Thánh Cha nói rằng ngoài việc xét mình về những tội lỗi vào cuối ngày, một Kitô hữu cũng phải tìm hiểu xem những gì đang xảy ra trong trái tim, một nguồn cảm hứng hay sự điên rồ mà đôi khi Thánh Linh đưa đẩy chúng ta đến. Một trường hợp về sự điên rồ của Thiên Chúa cũng có mặt trong Thánh lễ của Đức Giáo Hoàng, đó là một người đàn ông rời Ý hơn 40 năm trước để trở thành một nhà truyền giáo cho những người phong cùi ở Ba Tây. Đức Thánh Cha cũng đề cập đến Thánh Frances Cabrini là người luôn đi tiên phong trong việc chăm sóc cho người di cư, và nói thêm rằng ta không nên sợ hãi nhưng phải phân định để biết đâu là thánh ý Chúa.

Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh rằng trong việc phân định này, sẽ rất hữu ích khi có các cuộc trò chuyện tâm linh với những người có thẩm quyền về tinh thần, những người có đặc sủng để giúp chúng ta nhìn rõ mọi sự. Họ có thể là linh mục, tu sĩ, giáo dân và những người khác có khả năng giúp chúng ta nhìn thấy những gì xảy ra trong trái tim để không phạm sai lầm.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng ngay cả Chúa Giêsu cũng phải làm điều này khi bắt đầu cuộc sống công khai. Trong sa mạc, ma quỷ đã đề nghị với Ngài ba điều trái với Thần Khí của Thiên Chúa; và Ngài đã thẳng thừng dùng Lời Chúa để bác bỏ chước cám dỗ của ma quỷ. Vì thế, chúng ta cũng không thể là trường hợp ngoại lệ.

Đức Thánh Cha đã chỉ ra rằng ngay cả vào thời Chúa Giêsu, có những người có thiện chí đã nghĩ rằng có một đường lối khác của Thiên Chúa. Những người Pharisêu, Sađốc, Essenes và Zealots, không phải lúc nào cũng chọn con đường tốt nhất. Do đó, chúng ta được mời gọi “hiền lành vâng phục”. dân Chúa phải luôn tiến bước trong đức ái và đức tin cụ thể, đó là một kỷ luật giúp Giáo hội phát triển, tránh xa các thứ triết lý phù phiếm sai lầm như những thứ triết lý của người Pharisêu và người Sađốc.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói rằng chính Thiên Chúa đã trở nên cụ thể, sinh bởi một người phụ nữ cụ thể, sống một cuộc đời cụ thể, chết một cái chết cụ thể và Ngài yêu cầu chúng ta yêu anh chị em cụ thể, ngay cả khi một số người trong họ có thể rất khó mà yêu.

2. Câu Chuyện hàng triệu người rước tượng Chúa chịu nạn tại Phi Luật Tân

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Các tín hữu Công Giáo Phi Luật Tân có một lòng sùng kính đặc biệt đối với cuộc thương khó của Chúa Giêsu.

Hàng năm, hàng mấy triệu người tham gia vào một cuộc rước khổng lồ một bức tượng Chúa Giêsu đang vác thánh giá gọi là tượng Black Nazarene. Tượng Black Nazarene, làm bằng gỗ, với kích thước như người thật, nhìn xa giống như làm bằng đồng đen nhưng thực ra làm bằng gỗ.

Bức tượng được một nghệ nhân Mễ Tây Cơ chạm trỗ vào thế kỷ thứ 16 và được các giáo sĩ Tây Ban Nha dòng Augustinô đưa đến Phi Luật Tân vào năm 1606. Truyền thuyết cho rằng bức tượng có màu đen sau khi trải qua một trận hỏa hoạn trên chiếc thuyền buồm Tây Ban Nha chở bức tượng này.

Năm 1650, Đức Giáo Hoàng Innôcentê thứ 10, ban phép cho các sư huynh dòng Santo Cristo Jesús Nazareno được dùng bức tượng này trong việc truyền bá lòng sùng kính Chúa Giêsu chịu nạn tại thủ đô Manila của Phi Luật Tân. Trong những thập niên đầu, bức tượng được trưng bày tại nhiều nhà thờ khác nhau. Lý do là vì bức tượng được cho là có quyền năng kỳ diệu. Càng ngày càng có nhiều người nhận được ơn lạ, cho nên bức tượng phải được dời đến các nhà thờ lớn hơn cho phù hợp với số tín hữu đến kính viếng. Cuối cùng, vào năm 1787, sau khi Tiểu Vương Cung Thánh Đường Black Nazarene được xây xong tại quận Quiapo, bức tượng được đưa đến đây từ đó cho đến nay.

Mỗi năm bức tượng được đưa ra khỏi Tiểu Vương Cung Thánh Đường trong các cuộc rước vào ngày 9 tháng Giêng, ngày thứ Sáu Tuần Thánh và ngày 31 tháng 12.

Trong ba cuộc rước trên, cuộc rước vào ngày 9 tháng Giêng là trọng thể hơn cả vì đó là dịp người dân Phi Luật Tân cầu mong một năm mới tốt lành. Năm nay cuộc rước kéo dài 7km này lôi cuốn đến 5 triệu người. Trong cuộc rước ngày 9 tháng Giêng hàng năm, bức tượng được đưa từ Tiểu Vương Cung Thánh Đường đến nhà thờ San Nicolás de Tolentino trong khu Intramuros (Nội Thành), là nơi bức tượng được trưng bày trước khi được chuyển đến Quiapo. Sau đó, bức tượng được long trọng rước trở lại để tái diễn lại việc di dời bức tượng. Cuộc rước này, do đó, gọi là Traslación, nghĩa là “chuyển giao long trọng” từ nhà thờ cũ ở Intramuros về nhà thờ mới.

Trong cuộc rước kiệu ngày 9 tháng Giêng, hàng chục ngàn người đi chân đất mặc áo màu vàng và màu hạt dẻ cố chen lấn để chạm được vào tượng Chúa chịu nạn. Nhiều trường hợp khỏi bệnh kỳ lạ và tức khắc đã được ghi nhận.

Những ai không thể chạm vào bức tượng thì ném những chiếc khăn tay của họ vào các tình nguyện viên đứng trên xe hoa được các thanh niên kéo bằng dây thừng. Các tình nguyện viên sẽ lau những khăn này trên những phần của thập tự giá và bức tượng với niềm tin chủ nhân của những chiếc khăn ấy sẽ được chữa khỏi những bệnh tật, được sức khỏe tốt, và một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đám rước hàng năm này, luôn luôn là một sự kiện náo nhiệt và gây nhiều cảm xúc, đã diễn ra dưới sự bảo vệ an ninh rất chặt chẽ. Khoảng 5,000 cảnh sát và quân đội được giao nhiệm vụ bảo vệ cuộc rước kiệu, cùng với những con chó đánh hơi bom và máy bay do thám vần vũ trên bầu trời.

Năm nay cuộc rước tượng Black Nazarene đen đã được khởi động tại thủ đô Manila với thánh lễ nửa đêm mùng 8 rạng ngày mùng 9 do Đức Ông Hernando Coronel, cha sở Tiểu Vương Cung Thánh Đường chủ tế, và Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng Giám Mục Manila, thuyết giảng.

Trong bài giảng của ngài, Đức Hồng Y kêu gọi anh chị em giáo dân hãy phân biệt giữa lòng sùng đạo và sự cuồng tín.

Đức Hồng Y Tagle cho biết chỉ những ai có lòng sùng kính thực sự mới có thể hiểu được ý nghĩa của ngày lễ này. Ngài nói rằng không giống như những kẻ cuồng tín, những người sùng mộ yêu mến Chúa “vô điều kiện”.

“Kẻ cuồng tín không yêu. Kẻ cuồng tín chỉ bám vào những ai là quan trọng đối với họ”, vị Hồng Y nói. “Nhưng một người sùng mộ thì mộ đạo vì tình yêu, và đó là những gì Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy”.

Theo Đức Hồng Y, người sùng đạo sẽ luôn trung thành vì tình yêu. Những người sùng mộ hiệp nhất với Đấng họ yêu mến, bất kể là trong đau khổ, gian truân, hạnh phúc, hay bệnh tật.

Ngài nhắc nhở người Công Giáo rằng là người tôn sùng tượng Chúa chịu nạn Black Nazarene không chỉ là một việc chỉ diễn trong một ngày hay chỉ trong buổi lễ này.

“Lòng mộ mến là một hành động hàng ngày. .. Mọi loại hình thái yêu mến, trung thành và hiệp nhất phải diễn ra hàng ngày”, Đức Hồng Y Tagle nói.

3. Sự thờ ơ trái ngược với tình yêu Thiên Chúa

Thiên Chúa bước về phía chúng ta trước và yêu thương chúng ta vì Ngài từ bi và hay thương xót, bất chấp sự thờ ơ của chúng ta. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba, mùng 8 tháng Giêng, tại nhà nguyện Santa Marta.

Đức Thánh Cha đã dâng thánh lễ hôm Thứ Ba để cầu nguyện cho linh hồn Đức Tổng Giám Mục Giorgio Zur, người vừa qua đời vào tối thứ Hai. Vị Tổng Giám Mục quá cố đã sống ở nhà trọ Santa Marta cùng với Đức Thánh Cha và từng phục vụ trong tư cách là Sứ thần Tòa thánh tại Áo.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về bài Phúc âm trong ngày (Mc 6: 34-44) nói về phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều, và Bài đọc thứ nhất, trích từ Thư thứ nhất của Thánh Gioan (4: 7-10).

Đức Thánh Cha nói rằng Thánh Gioan Tông Đồ giải thích về “cách thức Thiên Chúa biểu lộ tình yêu của Ngài nơi chúng ta”. “chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa” (1 Ga 4:7).

Đức Thánh Cha gọi đây là mầu nhiệm tình yêu: “Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước. Ngài đã đi bước đầu tiên”. Chúa yêu chúng ta, dù cho chúng ta không biết cách yêu, và “cần sự vuốt ve của Chúa để yêu thương.”

“Bước đầu tiên Chúa chọn là gởi Con của Ngài đến trong thế gian. Ngài sai Con Duy Nhất của Ngài đến để cứu chúng ta và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta, để làm mới và tái tạo chúng ta.”

Trình bày các suy tư của ngài về phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều, Đức Thánh Cha nói rằng vì lòng từ bi, Chúa Giêsu đã nuôi dưỡng đám đông.

“Trái tim của Thiên Chúa, trái tim của Chúa Giêsu, đã bồi hồi xúc động khi nhìn thấy những người này, và Ngài không thể thờ ơ. Tình yêu làm tim ta bồn chồn không yên. Tình yêu không có chỗ cho sự thờ ơ; yêu là từ bi. Nhưng tình yêu có nghĩa là liều trao con tim mình cho người khác; nó có nghĩa là thể hiện ra lòng thương xót.”

Đức Thánh Cha đã mô tả cảnh tượng khi các môn đệ đi tìm thức ăn. Ngài nói rằng Chúa Giêsu đã dạy họ và mọi người nhiều điều, nhưng họ trở nên buồn chán, vì Chúa luôn nói những điều tương tự.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng khi Chúa Giêsu giảng dạy họ “với tình yêu và lòng trắc ẩn”, có lẽ họ đã bắt đầu nói chuyện với nhau. Họ bắt đầu xem đồng hồ, và nói rằng đã quá muộn.

Trích dẫn lời của Thánh Sử Máccô “Ở đây hoang vắng và bây giờ đã khá muộn. Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn”, Đức Thánh Cha nhận định rằng về cơ bản các môn đệ muốn người dân tự tìm lương thực cho họ. “Chúng ta có thể chắc chắn là, họ đã nói với Chúa rằng chắc chắn mấy người này có đủ bánh cho họ và họ muốn giữ riêng cho mình không trao ra thôi.” Đây là sự thờ ơ, Đức Thánh Cha nhận xét.

Các môn đệ không quan tâm đến dân chúng. Nhưng Chúa Giêsu thì quan tâm đến họ, bởi vì ngài lo lắng cho họ. Các môn đệ không phải là những người ác, họ chỉ thờ ơ. Họ đã không biết ý nghĩa của tình yêu. Họ đã không biết cách thể hiện lòng trắc ẩn. Họ đã không biết sự thờ ơ là gì. Họ đã phải phạm tội, phản bội Thầy và bỏ rơi Ngài để hiểu được cốt lõi của lòng trắc ẩn và lòng thương xót. Và phản ứng của Chúa Giêsu rất thẳng thừng và sâu sắc: ‘chính anh em hãy cho họ ăn đi!’ Đây là cuộc đấu tranh giữa lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu và sự thờ ơ, là điều luôn được lặp lại trong suốt lịch sử. Rất nhiều người là những người tốt lành, nhưng không hiểu được nhu cầu của người khác, không có khả năng từ bi. Họ là những người tốt, có thể vì tình yêu của Thiên Chúa chưa đi vào trái tim họ hay họ không để tình yêu Chúa len lỏi vào tim mình”

Kế đó, Đức Thánh Cha mô tả một bức ảnh treo trên tường của Văn phòng Bác ái Giáo hoàng. Ngài nói rằng đó là một bức ảnh do một người đàn ông địa phương chụp. Người này đã trao bức ảnh ấy cho Quan Phát Chẩn của Đức Giáo Hoàng. Ông Daniel Garofani, hiện là nhiếp ảnh gia của tờ Quan Sát Viên Rôma, đã chụp bức ảnh này khi phân phát thức ăn cho những người vô gia cư cùng với Đức Hồng Y Krajewski. Bức ảnh cho thấy những người ăn mặc bảnh bao đang rời khỏi một nhà hàng ở Rôma khi người phụ nữ vô gia cư này giơ tay cầu xin bố thí. Bức ảnh đã được chụp ngay khi mọi người nhìn đi chỗ khác, để ánh mắt của họ không chạm trán với ánh mắt của người phụ nữ vô gia cư. Điều này, theo Đức Thánh Cha, là văn hóa của sự thờ ơ. Đó là những gì các môn đệ đã làm.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng tình yêu Thiên Chúa luôn đi bước trước, luôn từ bi và nhân hậu. Theo Đức Thánh Cha, đúng là phản nghĩa với tình yêu là sự thù ghét, nhưng nhiều người trong chúng ta không nhận thức được “sự thù ghét vô thức”.

“Sự đối nghịch phổ biến hơn đối với tình yêu của Thiên Chúa, đối với lòng từ bi của Ngài, là sự thờ ơ. ‘Tôi thấy thỏa mãn; Tôi không thiếu gì. Tôi có tất cả mọi thứ. Vị trí của tôi trong cuộc sống này và cả đời sau được bảo đảm rồi, vì tôi đi lễ mỗi ngày Chúa Nhật. Tôi là một Kitô hữu tốt lành.’ Nhưng khi rời khỏi nhà hàng, tôi lại nhìn theo một hướng khác. Chúng ta hãy cầu nguyện với Chúa xin Ngài chữa lành nhân loại, bắt đầu từ chúng ta. Mong cho trái tim tôi được chữa lành khỏi bệnh tật của thứ văn hóa thờ ơ.”

Vào cuối thánh lễ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi lời chào mừng nồng nhiệt đến ông Kiko Argüello, đồng sáng lập viên của Con Đường Tân Dự Tòng, nhân ngày sinh nhật lần thứ 80 của ông vào ngày 9 tháng Giêng. Đức Thánh Cha cũng cảm ơn ông về lòng nhiệt thành tông đồ và tất cả các công việc ông đã làm cho Giáo hội.

4. Ai yêu mến Chúa cũng phải yêu mến anh em mình

Ai không yêu mến anh em mình, không thể nào yêu mến Chúa. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm, mùng 10 tháng Giêng tại nhà nguyện Santa Marta

Trình bày các suy tư liên quan đến các bài đọc trong ngày, Đức Thánh Cha nói để yêu mến Chúa một cách cụ thể, người ta cũng phải yêu mến anh chị em của mình - tất cả họ: cả những người chúng ta thích lẫn những người chúng ta không thích.

Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng các Kitô hữu tốt lành không được lơ là việc cầu nguyện ngay cả cho những kẻ thù của mình, cũng không được chiều theo lòng ganh ghét hay tham gia vào những tin đồn làm hại thanh danh người khác.

Trọng tâm trong thông điệp của Đức Thánh Cha là sự khích lệ để vượt thắng bằng sức mạnh của đức tin tinh thần thế gian đầy gian dối và gây chia rẽ.

Lấy ý từ Bài đọc thứ Nhất trong ngày, Đức Thánh Cha lưu ý rằng Thánh Gioan Tông đồ đề cập đến tinh thần thế gian khi Thánh Nhân nói rằng “Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa,” và chinh phục được thế gian.

Ngài giải thích rằng điều này đề cập đến cuộc đấu tranh hàng ngày của chúng ta chống lại tinh thần thế gian đầy gian dối và thiếu nhất quán, trái với “thần khí của Chúa là sự thật”.

“Tinh thần thế gian là một tinh thần phù phiếm, tinh thần của những thứ không có sức mạnh, không có nền tảng và vận mệnh của nó là sự hủy diệt.”

Đức Thánh Cha nói rằng Thánh Tông đồ chỉ cho chúng ta thấy đâu là chính lộ bằng cách nhắc nhở chúng ta rằng nếu chúng ta đi theo Thần khí của Thiên Chúa, chúng ta sẽ làm những điều tốt lành.

Một cách cụ thể, ngài nói rằng, “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa là Đấng mà họ không trông thấy.”

Đức Thánh Cha giải thích thêm “Nếu anh chị em không thể yêu điều gì đó mà anh chị em thấy được, thì tại sao anh chị em lại có thể yêu mến những gì mà anh chị em không nhìn thấy?” Mô tả điều này như một chuyện hoang đường, Đức Thánh Cha thúc giục chúng ta yêu mến những gì chúng ta nhìn thấy, những gì có thể chạm đến, những gì là thực, chứ không phải những hoang tưởng tượng mà chúng ta không nhìn thấy.

Đức Phanxicô cũng nói rằng nếu ta không thể bộc lộ tình yêu của mình đối với Thiên Chúa một cách cụ thể, thì đó không phải là một tình yêu đích thực.

Đối ngược với tình yêu là tinh thần thế gian mà Đức Thánh Cha cảnh báo nó có thể gây ra những hố sâu ngăn cách và tạo ra sự chia rẽ trong gia đình, cộng đồng và xã hội.

“Khi những chia rẽ này được nhân lên, chúng mang đến sự thù hận và chiến tranh”.

Tiếp tục những suy tư của mình, Đức Thánh Cha đề cập đến ba dấu chỉ cho thấy ta không yêu mến anh em mình.

Dấu chỉ thứ nhất, thực sự là một câu hỏi mà tất cả chúng ta phải tự hỏi chính mình: Tôi có cầu nguyện cho người khác không? Cho những người tôi thích và cho cả những người tôi không thích?

Dấu chỉ thứ hai liên quan đến cảm giác ghen tị và đố kị, và lòng mong muốn một người nào đó gặp chuyện chẳng lành. Ngài cảnh giác: “Anh chị em đừng để những thứ cảm xúc này lớn lên trong lòng mình. Chúng rất là nguy hiểm.”

Dấu chỉ thứ ba, liên quan đến việc tham gia vào những trò ngồi lê đôi mách có hại cho người khác: “Nếu tôi làm điều này tôi không yêu mến Chúa vì qua lời nói của mình, tôi đang hủy hoại một người khác.”

Đức Thánh Cha kết luận rằng tinh thần thế gian chỉ có thể bị chinh phục bằng tinh thần đức tin, bằng niềm tin rằng Thiên Chúa thực sự ở trong những anh chị em gần gũi với tôi.

Chỉ có niềm tin mới đem đến cho chúng ta sức mạnh để bước đi trên con đường của tình yêu đích thực.
 
Thánh Ca
Thánh Ca: Tình Ca Vô Tận – Trình bày: Ca Sĩ Như Ý
VietCatholic Network
05:41 14/01/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây