ĐẦY SỨC SỐNG VÀ NIỀM VUI
“Thiên Chúa ngươi sẽ vui mừng vì ngươi!”.
James Flora cho biết, “Một nhóm kỹ sư điện ảnh phân loại mười âm thanh ấn tượng nhất trong phim: khóc chào đời; còi báo động; sấm phá đá; cháy rừng; còi tàu trong sương; nước rầm rì; vó ngựa phi; còi tàu rời bến; chó tru; và tiếng ồn tiệc cưới. Nhưng một âm thanh sâu sắc hơn bất cứ âm thanh nào khác, có sức mạnh thể hiện mọi cảm xúc con người, như buồn bã, ghen tị, hối tiếc, xót xa, nước mắt, cũng như niềm vui tột độ, thì đó là âm thanh của tiệc cưới! Giàu cảm xúc nhất!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật bất ngờ, Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cho biết, ngay tại nơi phát ra loại “âm thanh giàu cảm xúc nhất” đó, Chúa Giêsu, các môn đệ của Ngài và Mẹ Maria đang có mặt! Thông điệp của các bài đọc Lời Chúa hôm nay thật rõ ràng, Kitô giáo là một tôn giáo ‘đầy sức sống và niềm vui!’.
Vậy thử hỏi, là một người Công Giáo, “Có bao giờ bạn ‘cảm thấy tồi tệ’ khi đời sống Kitô hữu của bạn thoải mái, vui tươi?”. Bởi lẽ, với một số người hoặc với nhiều người, họ có thể nghĩ rằng, để trở thành một người Công Giáo ‘tốt lành’, họ phải luôn từ bỏ chính mình; nghĩa là phải luôn ‘hy sinh’ điều này, ‘hy sinh’ điều kia. Nếu được dịp nghỉ ngơi, có một khoảng thời gian dừng hết mọi công việc… thì khi quay trở về, họ cảm thấy mình tội lỗi. Hoặc nếu họ nghĩ, họ đang thực sự tận hưởng cuộc sống, thì chắc chắn, có điều gì đó không ổn; vì họ cho rằng, họ đang ‘quá thế gian!’.
Để con cái Chúa có thể luôn ‘đầy sức sống và niềm vui’, chính Thánh Thần Thiên Chúa luôn ban cho Hội Thánh các đặc sủng; thánh Phaolô đã nói đến sự phong phú đó qua thư Côrintô hôm nay. Trong Chúa Thánh Thần, người thì được ơn làm thầy dạy, kẻ làm tiên tri, kẻ khác được ơn chữa bệnh, làm phép lạ… để con cái Hội Thánh, và qua họ, tất cả người tin hay không tin được hưởng nhờ. Thật ý nghĩa với Thánh Vịnh đáp ca, “Hãy tường thuật phép lạ Chúa giữa muôn dân!”. Những quà tặng đặc sủng này chỉ nhằm mục đích xây dựng Hội Thánh ngày càng có một cuộc sống viên mãn hơn. Vì thế, Kitô hữu phải là người hạnh phúc nhất, ‘giàu có’ nhất, dẫu không miễn cho họ bất cứ một thử thách nào, kể cả thập giá mỗi ngày; Hội Thánh đó là Hiền Thê của Chúa Kitô. Thật tuyệt vời, Isaia trong bài đọc thứ nhất đã tiên báo hình ảnh Hội Thánh này, “Con cái ngươi sẽ ở trong ngươi; như người chồng sẽ vui mừng vì vợ, Thiên Chúa ngươi sẽ vui mừng vì ngươi!”.
Anh Chị em,
Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Mọi sự một khi được Đức Kitô chạm tới đều trở nên trẻ trung, mới mẻ và tràn đầy sức sống”. Sáu chum nước lã dùng để tẩy uế đã trở nên của uống làm vui say lòng người; cũng thế, cho dù cuộc đời chúng ta có nhạt nhẽo, vô vị đến đâu, nhưng nếu được Chúa Giêsu chạm vào, chúng ta vẫn sẽ có khả năng trải nghiệm một cuộc sống mới, một hạnh phúc mới, một bình an mới, một mối tương quan mới ‘đầy sức sống và niềm vui’ với Thiên Chúa và với tha nhân. Ước gì mỗi người chúng ta luôn mặc lấy thái độ và tâm tình hân hoan của một người con cái Chúa đi dự tiệc, một người luôn ‘đầy sức sống và niềm vui’ hầu có thể tận hưởng niềm vui làm con cái Chúa; đồng thời, đem chia sẻ niềm vui ấy cho những người chúng ta gặp gỡ.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin đừng để con u sầu ủ dột vì bất cứ lý do gì; xin lửa Thánh Thần thiêu đốt con, để ai nhìn thấy con, họ nhìn thấy một Giêsu, một Hội Thánh ‘đầy sức sống và niềm vui!’”, Amen.
(Tgp. Huế)
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
Khi ấy, có một người đến thưa Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?” Đức Giê-su đáp: “Sao anh hỏi tôi về điều tốt? Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi. Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn.” Người ấy hỏi: “Điều răn nào?” Đức Giê-su đáp: “Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian. Ngươi phải thờ cha kính mẹ”, và “Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình.” Người thanh niên ấy nói: “Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ, tôi còn thiếu điều gì nữa không?” Đức Giê-su đáp: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ có được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.
Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời. 24 Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” Nghe nói vậy, các môn đệ vô cùng sửng sốt và nói: “Thế thì ai có thể được cứu?” Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được.”
Đó là lời Chúa
44. Ý riêng mình làm hại rất lớn, bởi vì nó khi ban đầu là việc có lợi cho chúng ta, sau sẽ biến thành có hại.
(Thánh Bernard)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Một ngày nọ, hòa thượng Trí Viễn tập họp chúng tôi, có người hỏi các vị ngồi đây ai là người sợ vợ nhất, khi mọi người còn chưa trả lời thì hòa thượng Trí Viễn liền nói:
- “Tôi là người sợ vợ nhất”.
Mọi người đều rất kinh ngạc, hòa thượng Trí Viễn nói tiếp:
- “Chính là vì tôi sợ vợ, cho nên không dám lấy vợ”.
Mọi người cười vang cả nhà.
(Đồng Âm Thanh Thoại)
Suy tư 69:
Ha ha ha, câu trả lời của hòa thượng Trí Viễn thật khôi hài nhưng cũng rất…chua chát, bởi vì có những người làm hòa thượng vì sợ lấy vợ, có những người làm ni cô vì thất tình, có những người làm đạo sĩ vì muốn tránh thất tình lục dục, họ xuất gia vì Phật pháp thì ít nhưng vì cá nhân ích kỷ thì nhiều.
Không phải sợ vợ mới làm linh mục, nhưng làm linh mục là để hướng dẫn, dạy dỗ những đôi tân hôn sống làm sao để gia đình của họ trở thành gia đình của Thánh cả Giu-se, Đức Mẹ Maria và Đức Chúa Giê-su.
Không phải sợ vợ mới làm linh mục, nhưng làm linh mục là để hướng dẫn, dạy dỗ các thanh niên thiếu nữ sống làm sao để có ích cho Giáo Hội và xã hội, dạy chúng nó trở thành những môn đệ của Đức Chúa Giê-su ở giữa đời này.
Không phải sợ vợ mới làm linh mục, cũng không phải muốn làm linh mục là làm, nhưng phải được Thiên Chúa tuyển chọn qua Giáo Hội, và làm linh mục không phải vì mình, nhưng là vì Thiên Chúa, vì Giáo Hội và vì phần rỗi của mọi người.
Sợ vợ mới làm linh mục thì trước sau gì cũng...lấy vợ, lúc đó thì lại càng sợ vợ hơn nữa. Ha ha ha...
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
------------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
(Chúa Nhật 2 TN năm C 2022)
Hàng nghìn năm trước, triết gia Hy Lạp là Thales đã luận giải rằng: Nước chính là “nguyên lý của vạn vật”; và nếu không quá lời, “Nước” cũng là thực tại mang “chiều kích cứu độ” mà cả Cựu Ước lẫn Tân Ước đều đồng thanh sử dụng để chuyển tải mầu nhiệm giải thoát và thanh tẩy của Thiên Chúa trong lịch sử cứu rỗi loài người.
Thật vậy, từ dòng nước thanh tẩy địa cầu của cơn Hồng thủy thời Noe (St 7,17-24), tới dòng nước Biển Đỏ dựng đứng như tường thành để dân Chúa chọn vượt qua đời nô lệ khi Môsê đưa dân về Đất hứa (Xh 14,15-31); cho đến “dòng nước chảy ra từ bên phải đền thờ” của ngôn sứ Êdêkiel (Ed 47, 1-12… tất cả “thực tại nước” được Cựu Ước nói tới đó phải chăng đều dẫn “dòng nước sông Giođan được chính Đấng Thiên sai thánh hóa khi dìm mình cho ông Gioan thanh tẩy” (Mc 1,9-11); và cũng dẫn tới cái “Giờ” nước hóa thành rượu ngon nơi “tiệc cưới Cana”; để cuối cùng đạt tới cái “Giờ” đĩnh điểm khi “Nước và Máu chảy ra từ cạnh sườn Đấng bị đâm thâu” trên thập giá ! Cái “Giờ” mà ngay từ những bước chân đầu tiên công khai rao giảng Đức Kitô đã úp mở nhắc tới khi thỏ thẻ với Đức Mẹ: “Hỡi bà, Con với bà có can chi đâu, giờ Con chưa đến” !
Sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật thứ hai Thường niên muốn dừng lại “câu chuyện nước tại tiệc cưới Cana” mà Thánh sử Gioan đã chọn như “dấu lạ đầu tiên” người thợ mộc đến từ Nadarét “biểu tỏ quyền năng” của Đấng Thiên Sai hầu thuyết phục niềm tin của các môn sinh: Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa, và đã tỏ vinh quang Người và các môn đệ Người tin Người.
Thì ra, trong “ngôn ngữ thần học” của Thánh sử Gioan, dấu lạ “nước hóa thành rượu ngon” nơi tiệc cưới Cana không dừng lại ở cái chuyện “cứu một bàn thua trông thấy” dành cho đám cưới của một đôi bạn trẻ trong không gian nhỏ hẹp một gia đình, mà là hướng tới câu chuyện vĩ đại hơn, quan trọng hơn, liên quan đến toàn nhân loại; đến một “Tiệc cưới Nước Trời”, “Tiệc cưới của Con Chiên”, một “tiệc cưới” có khả năng biến “gia đình nhân loại” vốn bẽ bàng, đổ vỡ, dang dở, thất bại… sau tội nguyên tổ sẽ được tràn ngập niềm vui và hạnh phúc như dự kiến ngày nào của ngôn sứ Isaia: “Chẳng còn ai réo tên ngươi: ‘Đồ bị ruồng bỏ !’ Xứ sở ngươi hết bị tiếng là ‘Phận bạc duyên đơn’. Nhưng ngươi được gọi: ‘Ái khanh lòng ta hỡi !’ Xứ sở ngươi nức tiếng là ‘Duyên thắm chỉ hồng’. Vì ngươi sẽ được Chúa đem lòng sủng ái, và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi. Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về…” (Bđ 1: Is 62,1-5).
Chắc chắn mọi Kitô hữu đều hiểu và tin như thế; nhưng oái ăm thay ! Nhân loại muôn nơi và muôn thuở vẫn tràn lan những đám cưới bẽ bàng, nhưng cuộc hôn nhân dang dở, những gia đình “muôn năm thiếu rượu”: rượu tình yêu chung thủy; rượu tha thứ khoan dung; rượu khiêm nhường phục vụ; rượu tin cậy mến; rượu Bát phúc, rượu Tin Mừng…
Trước khi tường thuật dấu lạ đầy niềm vui và an ủi nầy, Thánh sử Gioan đã từng lên tiếng không mấy bằng lòng trước đó nơi bài tựa: “Người đã đến nơi nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Đôi bạn trẻ Cana thật may mắn vì họ đã mời không những chỉ có thầy Giêsu mà cả Mẹ và các môn sinh của Ngài cùng tham dự tiệc cưới: Khi ấy, có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa. Và có mẹ của Chúa Giêsu ở đó. Chúa Giêsu và các môn đệ Người cũng được mời dự tiệc cưới; và kết quả như chúng ta đã biết: nước đã hoá thành rượu; không phải chỉ “vài xị hay vài lít đở xài” mà là sáu chum đá, dùng vào việc thanh tẩy của người Do-thái, mỗi chum đựng được hai hoặc ba thùng nước…; thì ra “nhà đám” hôm ấy được dịp uống thả giàn, niềm vui được kéo dài liên tu bất tận ! Đúng là “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (Lc 14,15); và những “khách mời diễm phúc” đó đã mang một “căn cước mới”, một “danh phận mới”: “Còn những ai đón nhận, tức những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12).
Và nếu đọc lại toàn bộ Tin Mừng, chúng ta hoàn toàn có thể nhận thấy những “khách mời diễm phúc” trong “tiệc cưới Nước Trời” đó nào chẳng phải là các anh dân chài Galilê bỏ lưới bỏ thuyền theo Thầy; Lêvi bỏ bàn thu thuế chọn kiếp Tông đồ; Giakê được Thầy thăm nhà và chén thù chén tạc; anh chàng mù Bartimê nhảy cửng lên vì được sáng mắt; bà góa Naim nhận lại đứa con trai đã chết; người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang và suýt nữa bị ném đá được giải thoát; những anh phung cùi bỗng dưng được lành sạch; người phụ nữ Canaan vừa chạm gấu áo đã lành bệnh; và người trộm lành sắp tắt hơi trên thập giá nhận được tin vui: “Hôm nay anh sẽ ở trên thiên đàng với tôi”… Vâng, đó là những con người nhận ra và thuộc đúng cái “Giờ” của Thiên Chúa; cái “Giờ quyền lực của thế gian bị ném ra ngoài” (Ga 12,31) cái “Giờ Thiên Chúa được tôn vinh” (Ga 12,23), cái “Giờ Con Người được treo lên để kéo tất cả nhân loại lên với Ngài” (Ga 12,32)…
Thật ra, Thiên Chúa đã bắt đầu cái “Giờ” của Ngài từ lâu lắm rồi; Ngài đã bắt đầu sau tiếng “Xin Vâng” của người Trinh Nữ Maria; hay cụ thể hơn, Ngài đã bắt đầu khi Đức Kitô, Người Con Một, bước lên từ dòng sông Giođan với Thánh Thần ngự xuống để bắt đầu “loan báo Tin Mừng cho người nghèo…”; để rồi sau đó bước tới đồi Canvê đón nhận thập giá với trái tim bị đâm thâu để nước và máu tuôn đổ, dấu chỉ của sự tuôn đổ Thánh Thần sau khi từ cõi chết sống lại… Vâng, “Giờ” Thiên Chúa đã bắt đầu nhưng “giờ” của nhân loại hình như chưa khởi động. Còn biết bao con người, biết bao gia đình vẫn chưa kịp nhận ra cái “Giờ” của Thiên Chúa; hay vẫn đóng cửa cài then để mặc Ngài đi qua, cho dù nơi căn hộ đó, nơi những tâm hồn đó đang “hết rượu trầm trọng” hay chỉ còn là “nước lã nhạt nhòa”. Vâng, “Thiên Chúa là tình yêu”, nên nơi nào, tâm hồn nào, cộng đoàn nào thiếu vắng Thiên Chúa thì chẳng khác gì:
Em ơi lửa tắt bình khô rượu,
Đời vắng em rồi vui với ai. (Vũ Hoàng Chương)
Chính vì thế, sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật 2 Thường niên đối với mỗi người Kitô hữu, mỗi gia đình hay mỗi cộng đoàn Công Giáo là một gợi ý để hoán cải và bắt đầu lại; một tiếng gọi để cất bước lên đường loan báo và làm chứng. Làm chứng về hạnh phúc của những người được Thiên Chúa gọi mời vào Tiệc Cưới Con Chiên; hạnh phúc của những đôi bạn trẻ được Đức Mẹ ưu ái hỗ trợ cầu hay nguyện giúp; hạnh phúc vì được chính Đức Kitô Phục Sinh ban tràn ngập rượu Thánh Thần…
Và một khi đã lãnh nhận tràn trào ơn huệ Thánh Thần, nhất là “đoàn sủng” đi kèm với sứ vụ được sai đi như Thánh Phaolô quả quyết: “có những hồng ân khác nhau, nhưng vẫn là một Thánh Thần; có nhiều chức vụ khác nhau, nhưng chính là một Chúa; và có những hành động khác nhau, nhưng chính là một Thiên Chúa, Người thực hiện hết mọi cái trong mọi người. Ơn Thánh Thần ban cho mỗi người mỗi khác, cốt để mưu cầu công ích…” (Bđ 2: 1 Cr 12,4-11), thì điều quan trọng còn lại đó là “Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo” và “đổ đầy tới miệng”.
Nếu thế giới nầy, Giáo Hội nầy, cộng đoàn nầy, gia đình nầy… và nếu tôi đây nhất mực “mời Chúa đến thăm”, “làm theo Lời dạy của Chúa” và “làm đến nơi đến chốn” thì cho dẫu có ngập tràn đắng cay, có bần hàn cơ cực, có tủi cực đọa đày, có gian nan chết chóc… vẫn đầy ắp rượu mừng, chan hòa rượu yêu thương, ngập tràn rượu hy vọng…. Bởi lẽ, kể từ buổi chiều Thứ Sáu trên đồi Sọ cách đây 2000 năm, khi Đức Kitô nói lời sau hết với Chúa Cha và “trao Thần Khí” (Ga 19,30), thì bất cứ giây phút nào trên trái đất nầy cũng là “Giờ Chúa đang đến” ! Amen.
Giuse Trương Đình Hiền
“Các Ki-tô hữu không khác người ta về xứ sở, ngôn ngữ và tập quán trong đời sống. Họ không ở trong những thành phố riêng, không dùng ngôn ngữ lạ thường, cũng không sống một nếp sống khác biệt. Giáo lý của họ không phải do một sự suy tư nào đó, hay do mối bận tâm của những con người ham tìm hiểu nghĩ ra. Họ không bảo trợ một hệ thống triết lý nào do loài người chủ xướng như một số nguòi kia.
Họ ở trong các thành phố văn minh cũng như bán khai, tùy theo số phận mỗi người đưa đẩy. Họ theo tập quán của dân địa phương trong cách ăn mặc và trong lối sống mà vẫn cho thấy một lối sống lạ lùng và ai cũng nhận là khó tin. Họ sống ở quê hương mình mà như những khách kiều cư. Họ có chung mọi thứ như công dân, nhưng phải gánh chịu đủ thứ như khách lữ hành. Miền đất lạ nào cũng là quê hương của họ, nhung quê hương nào cũng là đất khách đối với họ. Họ lập gia đình và sinh con đẻ cái như mọi ngươi, nhưng không phá thai. Họ ăn chung với nhau một bàn, nhưng không chồng chung vợ chạ.
Họ sống trong xác thịt, nhưng không theo xác thịt. Họ sống ở trần gian, nhưng họ là công dân Nước Trời. Họ tuân hành luật pháp, nhưng cách sống của họ vượt trên những đòi hỏi của luât pháp. Họ yêu thương mọi người, nhưng mọi người lại ngược đãi họ. Họ không được nhìn nhận lại còn bị kết án. Họ bị giết mà vẫn được sống Họ là những người hành khất, nhưng lại làm cho nhiều người nên giầu có. Họ thiếu thốn mọi thứ, nhưng lại dư dật moi sự. Họ bị sỉ nhục, nhưng giữa những sỉ nhục, họ lại được vinh quang. Danh thơm của họ bị chà đạp, nhưng bằng chứng về đời sống công chính của họ lại được phô bày.
Bị nguyền rủa, họ chúc lành; bị đối xử nhục nhã, họ tỏ lòng kính trọng. Họ làm điều thiện, họ lại bị trừng phạt như những kẻ bất lương. Khi bị trừng phạt, họ vui mừng như được sống. Người Do Thái giao chiến với họ như với ngoạị bang, còn dân ngoại thỉ ngược đãi họ, và những kẻ ghét họ không thể nói lý do tại sao lại căm thù họ.
Tôi xin nói đơn giản như sau : hồn ở trong xác thế nào thì các Ki-tô hữu sống giữa thế gian cũng thế. Linh hồn ở trong khăp các chi thể thế nào thì các Ki-tô hữu cũng ở mọi thành thị trên thế giới như vậy. Linh hồn ở trong thân xác nhưng không do thân xác thì các tín hữu cũng ở trong thế gian, nhưng không bởi thế gian. Linh hồn vô hình được gin giữ trong thân xác hữu hình thì người ta nhìn thấy các Ki-tô hữu sống trong thế gian, nhưng không thấy lòng đạo đức của họ. Xác thịt thù ghét và gây chiến với linh hồn, dù linh hồn không làm hại gì cho xác thịt mà chỉ ngăn không cho nó hưởng lạc thú; thế gian cũng ghét các Ki-tô hữu như vậy, dù họ không gây thiệt hại gì cho nó, mà chỉ chống lại các lạc thú.
Linh hồn yêu thân xác nhưng thân xác và các chi thể lại ghét linh hồn; các Ki-tô hữu cũng yêu những kẻ ghét mình. Linh hồn bị giam giữ trong thân xác, nhưng thực ra chính linh hồn lại chứa đựng thân xác; các Ki-tô hữu cũng bị giam giữ trong thế gian như trong tù, nhưng chính họ lại chứa đựng thế gian. Linh hồn bất tử ở trong nhà tạm phải chết; các Ki-tô hữu sống giữa những thực tại hay hư nát như khách lữ hành, đang khi chờ đợi sự bất hoại trên Thiên Quốc Nhờ ăn uống kham khổ, linh hồn nên tốt hơn; nhờ chịu cực hình, các Ki-tô hữu ngày thêm đông số. Thiên Chúa đã đặt họ vào tình trạng như thế thì họ không nên trốn tránh.” (From the letter to Diongetus, nn 5-6 –Funk 1, 317=-327 Prepared by the Department of Spiritual Theology of the Pontifical University of the Holy Cross}
Trên đây là một đoạn trong bức thư dài của một Ki-tô hữu sống ở Alexandria (A-lê-xan-ri-a} bên Ai-cập gửi cho ông Di-ô-nhê-tô, một quan chức cao cấp ngoại đạo, vào cuối thế kỷ II (quãng 190-2000). Bức thư này thuộc loại hộ giáo, được tìm thấy ở thế kỷ XV, tại Constantinople (Công-tăng-ti-nốp), Istambul (Ít-tăm-bun) hiện nay, nhằm cho thấy tính đặc thù của Ki-tô giáo, bên cạnh Do Thái Giáo và Lương Giáo. Các Ki-tô hữu trong ba thế kỷ đầu là những tín hữu gương mẫu, đã sống đạo một cách rất kiên cường anh dũng, trong một thời gian dài, đạo bị ngăn cấm và bách hại triền miên. Họ thật là men và muối như Đức Giê-su nói trong Tin Mừng và là niềm tự hào chính đáng, là điểm son vinh hiển của Hội Thánh Công Giáo. Hôm nay nhắc lại bức thư này là nhằm lưu ý các Ki-tô chú tâm đến tình cảnh sống ở giữa thế gian của mình như những khách kiều cư trên bước đường hành hương về Thiên Quốc, về quê hương đích thật như thánh Phao-lô dạy, mà ăn ở thế nào cho xứng với danh tính của mình.
Bức thư này xét ra có nhiều điểm tương đồng với thế kỷ XXI hiện nay các Ki-tô hữu đang sống. Nó được coi như một viên bảo ngọc của nền văn chuong Ki-tô giáo trong thế kỷ II, và vì thế rất được những người hiểu biết trân trong như một báu vật.
Lm. An-rê Đỗ Xuân Quế O.P.
CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN C
Nkm 8,2-4a.5-6.8-10; 1 Cr 12,12-30; Lc 1,1-4; 4,14-21
TÍCH CỰC CỘNG TÁC VỚI CHÚA THI HÀNH SỨ VỤ THIÊN SAI
I. HỌC LỜI CHÚA
1.TIN MỪNG : Lc 1,1-4; 4,14-21
(1) Thưa ngài Thê-ô-phi-lô đáng kính, có nhiều người đã ra công biên soạn tường thuật những điều đã được thực hiện giữa chúng ta. (2) Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ Lời Chúa truyền lại cho chúng ta. (3) Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài. (4) Mong ngài sẽ nhận thức được rằng : giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc. (4,14) Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. (15) Người giảng dạy trong các hội đường của họ, và được mọi người tôn vinh. (16) Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày Sa-bát, và đứng lên đọc Sách thánh. (17) Họ trao cho Người cuốn sách Ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng : (18) “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan Tin mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, (19) công bố một năm hồng ân của Chúa. (20) Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. (21) Người bắt đầu nói với họ : “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”.
2. Ý CHÍNH : ĐỨC GIÊ-SU CÔNG BỐ NĂM HỒNG ÂN CỦA CHÚA
Tin Mừng hôm nay gồm có bài tựa mở đầu sách Tin Mừng thứ ba, nêu ra lý do khiến Lu-ca viết Tin Mừng dựa vào truyền thống và có tính khoa học, và việc Đức Giê-su khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng với chương trình hành động cụ thể. Đây là điều đã được ngôn sứ I-sai-a tuyên sấm trước đó khá lâu.
3. CHÚ THÍCH :
- C 1-2 : + Ngài Thê-ô-phi-lô đáng kính : Thê-ô-phi-lô là một người giàu có và đáng kính thời bấy giờ. Ông này đã được tác giả Lu-ca gửi tặng cuốn Tin Mừng, để nhờ ông bảo trợ cho công việc sao chép ra nhiều cuốn sách được viết trên các tấm da thuộc, hầu có thể phổ biến đi nhiều nơi.
- C 3-4 : + Cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự : Vì Lu-ca không thuộc Nhóm 12 Tông đồ đã đi theo Đức Giê-su ngay từ đầu, nên ông phải tra cứu đầu mối căn nguyên về cuộc đời và Tin Mừng của Người rồi viết lại. + Tuần tự viết ra : Ông viết Tin mừng theo thứ tự văn chương và các đề tài giảng huấn, chứ không theo thứ tự thời gian đã xảy ra.
- C 14-15 : + Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy : Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa để ăn chay và chịu ma quỷ thử thách. Giờ đây Thần Khí lại thúc đẩy Người trở về Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng. + Người giảng dạy trong các hội đường của họ : Hội đường là nơi người Do thái đến hội họp, cầu nguyện và nghe giảng Kinh thánh vào các ngày Sa-bát. Ở mỗi làng trong khắp xứ Pa-lét-tin hoặc những nơi có người Do thái cư ngụ đều có hội đường.
- C 17b-19 : + Người mở ra, gặp đoạn chép rằng : Chữ gặp ở đây cho thấy Đức Giê-su đã không lựa chọn trước, nhưng mở ra đã gặp ngay một đoạn sách phù hợp cho thấy có sự can thiệp của Thiên Chúa. + Thần Khí Chúa ngự trên tôi... : Đoạn văn được trích trong sách I-sai-a (x. Is 61,1-2) nói về việc một ngôn sứ được xức dầu tấn phong (x. 1 V 19,16), nhưng được Đức Giê-su ứng dụng vào bản thân Người : Người mới được nhận Thần Khí khi đến chịu phép rửa của ông Gio-an, và Người coi điều này là nguồn gốc phát sinh các hoạt động của Người. + Công bố một năm hồng ân của Chúa : Năm Hồng Ân hay năm Toàn Xá của Thiên Chúa. Theo Luật Mô-sê, cứ năm mươi năm lại cử hành Năm Toàn Xá một lần (x Lv 25,10-13). Đây là hình thức mở rộng của Năm Sabát được cử hành cứ bảy năm một lần (Đnl 15 : 1-11). Năm này tiêu biểu lý tưởng công bình xã hội cách thiết thực cụ thể. Đây là tin mừng giải thoát cho những người nghèo, những kẻ cô thân cô thế bị chèn ép áp bức, dưới bất kỳ hình thức nào, đến nỗi phải mất nhà cửa đất đai, trở nên nghèo khổ và đem thân làm nô lệ cho những kẻ giàu có quyền thế. Đó cũng là năm mời gọi hết mọi người hãy ăn năn sám hối, vì đã lỡ góp phần vào sự bất công hay đã nhắm mắt làm ngơ trước những đau khổ của đồng loại.
- C 20-21 : + Hôm nay : Chữ này xuất hiện nhiều lần trong Tin Mừng Lu-ca, để nhấn mạnh tính cách hiện tại của ơn cứu độ. Chẳng hạn : “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em” (Lc 2,11); “Con là Con của Cha. Ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” (Lc 3,22); “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21); “Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (Lc 19,5b); “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (Lc 19,9); “Hôm nay gà chưa kịp gáy, thì ba lần anh đã chối không biết Thầy” (Lc 22,34.61); “Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23,43).
4. CÂU HỎI :
1) Lu-ca đã viết lời tựa sách Tin Mừng gửi cho ông Thê-ô-phi-lô nhằm mục đích gì?
2) Lu-ca không thuộc Nhóm 12 Tông đồ. Vậy ông đã làm gì để có thể viết chính xác về cuộc đời và lời rao giảng của Đức Giê-su?
3) Hội đường Do thái là gì và được dùng làm gì?
4) Câu trích trong sách ngôn sứ I-sai-a được Đức Giê-su đọc tại hội đường Na-da-rét đã ứng nghiệm vào sứ mệnh cứu thế của Người thế nào?
5) Bạn hãy kể ra 5 câu Kinh thánh có chữ “hôm nay” trong Tin mừng Lu-ca.
II SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA : “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan Tin mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18).
2. CÂU CHUYỆN :
]
1) CHÚA NÓI VỚI CHÚNG TA BẰNG CÁCH NÀO?
Cách đây khá lâu, một vở kịch mang tựa đề là “Hoàng Gia đi săn mặt trời” kể lại cuộc chinh phục của người Tây ban nha đối với dân da đỏ ở Pê-ru. Trong đó có một màn kịch kể lại câu chuyện về một người Tây ban nha đã tặng cho viên tù trưởng của bộ lạc da đỏ một cuốn Thánh Kinh và nói với viên tù trưởng rằng : “Đây là Lời Chúa. Ngài nói với chúng ta trong cuốn sách này”. Viên tù trưởng cầm lấy cuốn Thánh Kinh, xem xét thật kỹ và sau đó áp cuốn sách vào một bên tai nghe ngóng. Nhưng dù đã cố gắng hết sức mà ông ta cũng chẳng nghe thấy có tiếng nói nào phát ra từ cuốn sách. Cử chỉ ngây thơ của viên tù trưởng khiến những người Tây ban nha có mặt cười ồ lên. Viên tù trưởng nghĩ mình bị mấy người ngoại quốc kia chơi khăm, liền nổi giận và ném mạnh cuốn Kinh Thánh xuống mặt bàn trước mặt !
2) THIÊN CHÚA TIẾP TỤC CỨU THẾ QUA CHÚNG TA :
Sau khi nghe giảng về Thiên Chúa là Cha nhân lành, là Chúa đầy lòng yêu thương, một thính giả không đồng tình với vị giảng thuyết. Đầu óc ông quay cuồng bởi những câu hỏi như :
- Làm sao người ta có thể tin Thiên Chúa là Đấng nhân lành khi Ngài nhắm mắt làm ngơ trước cảnh biết bao người nghèo khổ, tuyệt vọng, mất phương hướng phải sống trong sầu đau mà không ban cho họ một tin mừng, một tia hy vọng?
- Làm sao người ta tin được Thiên Chúa là Cha nhân ái khi có biết bao người phải chịu cảnh giam cầm trong ngục tù của vật chất, trong sự trói buộc của các đam mê mà Ngài không ra tay giải thoát?
- Thật khó tin có Thiên Chúa là Đấng tốt lành khi Ngài để cho những người mù, nhất là mù tối trong tâm hồn, không được nhìn thấy ánh sáng chân lý.
- Và bao nhiêu người bị áp bức, bị gông cùm. Sao Chúa không giải thoát họ?
Đêm hôm ấy, trằn trọc không ngủ được vì những câu hỏi ấy lởn vởn trong đầu, ông chợt nhận ra câu đáp của Thiên Chúa từ trong vắng lặng của đêm trường :
– Ta đã ra tay rồi đó, sao con còn trách Ta?
– Ngài ra tay lúc nào đâu? Ngài đã làm gì để cứu vớt những người tuyệt vọng, những người bị giam cầm, những người mù tối, những người bị áp bức?
– Ta đã dựng nên con và đặt con hiện diện giữa lòng đời để con thay Ta mà hành động. Thế sao con còn trách Ta?
Mỗi người chúng ta chính là những cánh tay, là những bàn tay của Thiên Chúa và Ngài qua chúng ta luôn thực hiện mọi việc : Gia tăng số người trên mặt đất qua các đôi vợ chồng; giáo dục trẻ em nên người tốt qua cha mẹ và thầy cô.
Trước đây Chúa Cha đã nhờ Chúa Giê-su để loan Tin Mừng cho người nghèo, giải thoát cho kẻ bị giam cầm, đem ánh sáng cho người mù tối, trả tự do cho người bị áp bức thế nào, thì hôm nay, Ngài cũng muốn thực hiện công việc cứu nhân độ thế đó qua chúng ta.
3) TRỞ NÊN NGƯỜI THÂN CỦA CHÚA NHỜ SỐNG YÊU THƯƠNG :
DAN CLACK kể lại một câu chuyện như sau : Vào một buổi tối trời tuyết lạnh, một bé trai khoảng sáu, bảy tuổi đang đứng tần ngần nhìn vào gian hàng trưng bày quần áo trước một cửa hàng sang trọng. Em đi chân đất, khoác trên người bộ quần áo cũ kỹ tơi tả, trông như một mảnh giẻ rách. Một bà sang trọng đi ngang qua trông thấy và đọc được ước muốn trong đôi mắt của em. Bà liền đến cầm tay em dẫn vào tiệm và mua cho em một đôi giầy mới và bộ quần áo ấm.
Sau đó, khi cả hai bước ra ngoài phố, người đàn bà tốt bụng liền nói với cậu bé :
- Chúc cháu vui vẻ và một đêm ngủ ngon.
Cậu bé trố mắt nhìn người vừa cho quà và hỏi :
- Thưa bà, bà có phải là Chúa không?
Bà cúi xuống mỉm cười vỗ nhẹ vào vai cậu và trả lời :
- Con ơi, không phải đâu, ta chỉ là một trong những đứa con của Chúa thôi !
Cậu bé như khám phá được điều gì mới lạ :
- Cháu đã sớm biết ngay là bà có họ hàng với Chúa mà.
Câu nói của cậu bé trong câu chuyện trên cho thấy : Chính lối sống yêu thương vị tha là dấu chỉ giúp tha nhân nhận biết chúng ta là môn đệ thực sự của Chúa Giê-su như Người đã nói : “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em có lòng yêu thương nhau” (x. Ga 13,35), và việc thực hành yêu thương cũng làm cho chúng ta trở nên con cái trong đại gia đình của Chúa như Người đã nói : ”Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 6,21). Quả thật, người phụ nữ trong câu chuyện trên đã thực hành lời dạy yêu thương của Chúa : ”Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em bằng cái đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6,38). Vậy mỗi người chúng ta trong những ngày này sẽ làm gì cụ thể giúp đỡ tha nhân để nên con cái Thiên Chúa và nên môn đệ thực sự của Đức Giê-su?
4) MẸ TÊ-RÊ-SA NHỜ SỐNG YÊU THƯƠNG ĐÃ TRỞ NÊN MẸ CỦA NGƯỜI BẤT HẠNH :
Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta đã trở nên mẹ của những người nghèo khổ và bị bỏ rơi. Trong thánh lễ phong chân phước cho Mẹ, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã đề cao mẹ như là một chứng nhân phục vụ theo gương Thầy Chí Thánh Giê-su. Ngài nói : "Mẹ Tê-rê-sa không những đã chọn chỗ thấp nhất mà còn muốn đi phục vụ những người hèn mọn nhất của xã hội. Tựa như một bà mẹ của những người nghèo, mẹ nghiêng mình xuống trên những người cùng khổ vì đủ mọi thứ nghèo khổ".
Mẹ đã dấn thân đến với người nghèo hầu mong nâng cao phẩm giá họ lên giữa một xã hội còn đầy những kỳ thị chủng tộc, kỳ thị sang hèn, giai cấp. Chính Mẹ đã từng nói : "Cái nghèo khổ nhất trên đời này là bị xua đuổi, không còn được ai đoái hoài đến nữa". Mẹ còn muốn cho công việc của Mẹ được nhân rộng thêm lên, Mẹ đã thành lập hội dòng Thừa Sai Bác Ái với ước nguyện như mẹ đã chia sẻ với chị em : "Thiên Chúa vẫn mãi yêu thương thế gian và Ngài sai chị em chúng ta ra đi biểu lộ tình yêu và lòng thương cảm của Ngài đối với người nghèo".
3. THẢO LUẬN :
Một gia trưởng kia muốn mọi người trong gia đình thực hành Lời Chúa, nên đã treo một tấm bảng trên bức tường trong phòng ăn. Mỗi Chúa Nhật ông sai cô con gái lớn trong nhà viết lên bảng một câu Lời Chúa trong Tin Mừng Chúa Nhật và một lời nguyện quyết tâm thực hành Lời Chúa bằng một việc làm cụ thể. Trước mỗi bữa ăn và trong giờ kinh tối gia đình, các thành viên sẽ đọc chung lời nguyện hoặc một người sẽ cầu nguyện tự phát ngắn gọn, kết thúc bằng lời thưa A-men của mọi người. Theo bạn, cách làm này gia đình bạn có thể thực hiện được không? Có giúp cho mọi người trong gia đình bạn sống Lời Chúa không? Tại sao?
4. SUY NIỆM :
1) Đức Giê-su công bố Tin Mừng về sứ vụ Thiên Sai :
Sau một thời gian đi rao giảng Tin mừng và làm phép lạ khắp miền Ga-li-lê, danh tiếng Đức Giê-su đã lan truyền khắp nơi, Người trở về thăm quê hương Na-da-rét. Vào ngày sa-bat, Người đến hội đường cầu nguyện theo thông lệ, viên trưởng hội đường đưa cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra ngay đọan nói về sứ vụ của Đấng Thiên Sai như sau : “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan tin mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19). Sau đó gấp sách lại, Người ngồi xuống và tuyên bố : ”Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,18-19).
2) Đừng quên người nghèo :
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô thường nhắc nhở các tín hữu “đừng quên người nghèo”, bằng những việc làm cụ thể như sau :
- Là cố gắng giúp người nghèo cách tế nhị và quảng đại, tùy theo khả năng của mình.
- Là gần gũi với những trẻ em nghèo, những người già yếu, bệnh tật, những cô gái lỡ lầm, những người bị xã hội khinh thường.
- Là có một lối sống đơn giản, không xa cách người nghèo. Điều này không cấm chúng ta sử dụng các phương tiện hiện đại, nhưng tránh tiêu xài xa hoa lãng phí.
- Là cố gắng dạy đạo lý cách đơn sơ dễ hiểu cho mọi người, nhất là những người nghèo ít học.
- Là luôn lắng nghe những lời kêu cứu của những bệnh nhân đau liệt và thân yếu thế cô.
- Là tìm hiểu lý do tại sao nhiều người bỏ đạo, rồi dùng tình thương giúp họ quay về với Chúa.
- Là ân cần tiếp xúc với những người tội lỗi, nghèo khó, để giúp họ làm lại cuộc đời.
- Là yêu thương người nghèo theo gương mẫu và lời dạy của Chúa Giê-su trong Tin Mừng. “Đừng quên người nghèo” là một lựa chọn vừa mang tính thần học lại vừa mang tính tiên tri. Có thể tính tiên tri vượt nổi hơn. Các vị mục tử nơi nào biết quan tâm đến người nghèo thì nền tảng đạo đức nơi đó sẽ ngày càng phát triển vững mạnh. Còn các vị mục tử ở nơi nào bỏ quên người nghèo thì nền tảng đạo đức ở nơi đó sẽ ngày một biến chất và tiến đến chỗ bị hủy diệt. Đó chính là một lời tiên báo mà chúng ta hôm nay không nên coi thường.
3) Thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng cho người nghèo :
Loan báo Tin Mừng cho người nghèo cụ thể là gì?
Là cho những kẻ đang bị giam cầm trong lao tù biết họ sắp được tha, cho người đang làm nô lệ cho các thói hư tật xấu biết họ sắp được ơn giải thoát.
Là góp phần chữa lành những người mù về thể xác được sáng mắt, đang lầm lạc về đức tin sớm thoát vòng u mê tối tăm, khai mở Năm Toàn Xá ban ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Hôm nay mỗi Ki-tô hữu chúng ta có sứ vụ tiếp nối công việc của Đức Giê-su bằng cách chia sẻ niềm vui và ánh sáng, nâng đỡ những người đau khổ về thể xác cũng như tinh thần, an ủi những người cô thế cô thân, xoa dịu chữa lành các vết thương, loại trừ sợ hãi, giải thoát những ai đang bị áp bức... Mỗi tín hữu chúng ta cần thi hành sứ vụ đã được Đức Giê-su trao phó, là góp phần làm cho sấm ngôn của ngôn sứ I-sai-a sớm được thực hiện, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa và tích cực góp phần làm cho Nước Trời mau đến, bắt đầu từ trong gia đình, khu xóm, giáo xứ rồi đến môi trường xã hội chúng ta đang sống.
4) Làm chứng cho Chúa bằng lối sống yêu thương cụ thể : quảng đại chia sẻ và khiêm nhường phục vụ :
Là Ki-tô hữu, chúng ta phải trở thành cánh tay nối dài của Đức Giê-su. Mỗi người chúng ta đều được Chúa mời gọi cộng tác để làm bùng lên ngọn lửa tin yêu mà Người đã đem xuống trần gian, bằng việc thực thi giới luật yêu thương. Đó chính là con đường nên thánh, là chìa khoá mở cửa thiên đàng cho chúng ta. Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI đã nói : “Người thời nay thích nghe những chứng nhân hơn thầy dạy, và nếu họ có nghe thầy dạy là vì những thầy dạy này cũng là những chứng nhân”. Thực vậy, lời giảng suông thường khó có thể thuyết phục được người khác, mà còn phải kèm theo gương sáng nữa, như người ta thường nói : ”Trăm nghe không bằng một thấy”. Lời giảng mà thiếu gương sáng sẽ trở thành vô ích và có khi phản tác dụng vì làm cho người ta ghét đạo Chúa hơn. Các tín hữu cần thực hành theo lời khuyên được chủ tế đọc trong lễ phong chức linh mục như sau : “Con hãy tin điều con đọc, dạy điều con tin và thi hành điều con dạy”. Cần áp dụng lời Chúa khi suy nghĩ, nói năng và ứng xử giữa đời thường.
Mỗi người chúng ta cần sống hiệp nhất yêu thương noi gương các tín hữu thời Hội Thánh sơ khai như sách Công Vụ Tông Đồ đã thuật lại : “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn sống hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng…Tất cả đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được tòan dân thương mến. Và Chúa cho cộng đòan mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2,42-47).
5. NGUYỆN CẦU :
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho chúng con đón nhận được ơn Thánh Thần để sẵn sàng đi bước trước đến với tha nhân : nở nụ cười thân thiện với một người chưa quen, dấn thân phục vụ dân nghèo ở các vùng sâu vùng xa... Xin cho môi trường chúng con đang sống không còn đau khổ, không còn nước mắt và thù hận, nhưng chỉ còn tình thương thể hiện qua việc mọi người biết quan tâm chia sẻ và phục vụ lẫn nhau, cùng nhau kiến tạo Trời Mới Đất Mới theo thánh ý Chúa (x. Kh 21,1.4).
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. -Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
MỘT NIỀM VUI KHÔNG BAO GIỜ BỊ LẤY ĐI
“Sẽ đến ngày chàng rể bị đem đi, bấy giờ họ sẽ ăn chay!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Để có được ‘một niềm vui không bao giờ bị lấy đi’, mỗi người phải biết ôm lấy thập giá đời mình với một tình yêu và một niềm hy vọng. Đó là những gì Lời Chúa hôm nay muốn nói! Để biện minh cho việc các môn đệ không ăn chay, Chúa Giêsu áp dụng hình ảnh “chàng rể bị đem đi” cho chính Ngài. Sở dĩ, môn đệ Ngài không ăn chay, vì “Chàng Rể” đang có mặt! Không ai và không gì có thể cướp mất niềm vui của các môn đệ, dù là thập giá của Ngài hay của chính họ!
Trong cuốn “The Better Part”, “Phần Tốt Hơn”, cha John Bartunek, LC, viết, “Mặc dù thập giá không bao giờ vắng mặt trong đời sống một Kitô hữu chân chính, nhưng vị Thiên Chúa gặp gỡ mỗi người trên thập giá cũng là vị Thiên Chúa đã tạo dựng trời và đất, đại dương và núi non, tiếng cười và ánh mặt trời. Và Ngài cũng là Thiên Chúa của tất cả mọi niềm vui trên địa cầu!”. Tự nhận là “Chàng Rể”, Chúa Giêsu mặc cho mình tước hiệu vốn chỉ dành cho Thiên Chúa. Cựu Ước mô tả mối quan hệ giữa Israel và Chúa Trời như một giao ước hôn nhân; Israel là nàng dâu, thường là kẻ bất trung, và Chúa Trời là Chàng Rể. Vì yêu thương, Chúa Kitô đến, mang theo niềm vui, một niềm vui dù phải trải qua cái chết vì bị phản bội, nhưng nó đã là một niềm vui tiềm tàng sắc màu phục sinh, ‘một niềm vui không bao giờ bị lấy đi’ vốn sẽ tồn tại trong chốn vĩnh hằng!
Vậy khi nào là lúc các môn đệ ăn chay? Khi “Chàng Rể” bị đem đi, môn đệ Ngài sẽ ăn chay. Ăn chay là một cách để chia sẻ những đau khổ của Chúa Kitô, là phương tiện để tách mình khỏi của cải trần gian hầu bám chặt vào chính Ngài hơn; nó giúp người môn đệ ý thức rằng, họ cần nên giống Ngài. Thế nhưng, cách thức chia sẻ thập giá của Chúa Kitô qua việc chay tịnh này không nên khiến chúng ta, những người theo Ngài, cảm thấy cực lòng. Cha John Bartunek nhận định, “Một số Kitô hữu có ấn tượng rằng, theo Chúa Kitô là một điều gì đó mù mịt; họ nghĩ, đời sống Kitô hữu trên hết và trước hết bao gồm mọi hy sinh khắc khổ kèm theo những nghĩa vụ nhàm chán; đó là một đời sống không có niềm vui, chỉ có thê lương, buồn tẻ. Nếu quả thế, thì sẽ không có gì ngạc nhiên khi bạn bè họ muốn tránh xa Kitô giáo nhất có thể! Nếu tình bạn với Chúa Kitô không khiến chúng ta tràn đầy nhiệt huyết, dễ lây lan, thì có lẽ, chúng ta đang là một người bạn hờ!”. Không! Như Thầy mình, Kitô hữu phải sống ‘một niềm vui không bao giờ bị lấy đi’ của mình như chính Chúa Giêsu đã trải nghiệm nó trên thập giá, một niềm vui ẩn tàng ánh phục sinh.
Anh Chị em,
Để con người hưởng trọn vẹn niềm vui và hạnh phúc viên mãn, Chúa Giêsu đã đến trần gian để cưới lấy nhân loại lầm than khốn khổ này. Mặc cho nhân loại khước từ và chối bỏ, Chúa Giêsu vẫn ôm chầm nó hầu sưởi ấm cõi lòng và con tim vốn đã bị tội lỗi làm cho băng giá. Điều đặc biệt, là “Chàng Rể” ấy nay là Đấng Phục Sinh, chẳng ai có thể đem Ngài đi, và cũng chẳng bao giờ Ngài chịu rời đi, trừ khi chúng ta nhất tâm chối bỏ Ngài; quay lưng với Ngài. Còn những ai ngày càng gắn bó với Ngài, ý thức mình là những người được Ngài cứu chuộc, có Ngài đồng hành, thì nhất định, cuộc sống họ là một cuộc sống đầy niềm vui. Họ được hưởng niềm vui thật sự không chỉ trên thiên đàng mai sau, nhưng ngay ở đời này. Niềm vui đó có tên là “Cứu Độ”. Ý nghĩa biết bao với Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, “Ai sống đời hoàn hảo, Ta cho hưởng ơn cứu độ Chúa Trời!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cả khi con đang vác thập giá mình, xin cho con xác tín, Chúa đang ở với con; vì biết rằng, Chúa đang nâng đỡ con, để con có thể giữ mãi ‘một niềm vui không bao giờ bị lấy đi!’”, Amen.
(Tgp. Huế)
Một linh mục Công Giáo ở Ấn Độ sẽ phải hầu tòa vì bị cáo buộc có những phát biểu thù hận trong cuộc họp liên tôn năm ngoái.
Cha George Ponnaiah là một linh mục của Giáo phận Kuzhithurai, miền nam Ấn Độ. Các cáo buộc chống lại ngài xuất phát từ một cuộc họp vào tháng 7 năm 2021 nhằm chống lại các hạn chế liên quan đến coronavirus đối với việc thờ phượng và xây dựng các nhà thờ mới.
Trong cuộc họp, Cha Ponnaiah bị cáo buộc đã đưa ra những bình luận chống lại chính quyền địa phương và các nhà lãnh đạo của Đảng Ấn Giáo cực đoan Bharatiya Janata, là đảng đang cầm quyền tại Ấn Độ. Ngài bị bắt vài ngày sau đó và được tại ngoại hầu tra.
Tòa án tối cao Madras, một trong ba tòa án cấp cao ở Ấn Độ, đã phán quyết rằng Cha Ponnaiah phải ra tòa và bị xét xử vì những bình luận của ngài tại cuộc họp.
Vị linh mục đã phủ nhận các cáo buộc và nói rằng các video bình luận của ngài tại cuộc họp đã bị chỉnh sửa một cách gian dối.
“Bài phát biểu của tôi đã được chỉnh sửa và lưu hành trên mạng xã hội để cho thấy rằng tôi đã làm tổn thương tình cảm của các anh chị em theo Ấn Giáo,” Cha Ponnaiah nói với UCA News. “Không ai trong chúng tôi trong cuộc họp nói bất cứ điều gì làm tổn thương tình cảm tôn giáo. Nếu bài phát biểu của tôi làm tổn thương bất cứ ai, tôi hết lòng xin lỗi”.
Cuộc đàn áp đối với các tín hữu Kitô ở Ấn Độ đang gia tăng. Một báo cáo gần đây cho rằng các Kitô Hữu ở Ấn Độ là mục tiêu của 305 vụ bạo lực trong chín tháng đầu năm 2021.
Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới sau Trung Quốc, được xếp hạng thứ 10 trong Danh sách Theo dõi trên Thế giới về việc đàn áp Kitô Hữu do nhóm vận động Open Doors tổng hợp.
Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USCIRF, đã liệt kê Ấn Độ là “quốc gia đặc biệt quan tâm” về tự do tôn giáo vào năm 2020 lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ.
Báo cáo năm 2021 của ủy ban cho biết “Chính phủ, do Đảng Bharatiya Janata lãnh đạo, đã thúc đẩy các chính sách dân tộc chủ nghĩa của người Ấn Giáo, dẫn đến vi phạm tự do tôn giáo có hệ thống, liên tục và nghiêm trọng”.
Source:Catholic News Agency
Hơn 21% trong toàn bộ các linh mục và tu sĩ phục vụ các giáo xứ đã qua đời trong vòng ba năm qua.
Hiệp hội các linh mục Công Giáo, gọi tắt là ACP, nói rằng các giáo xứ sẽ phải hợp nhất lại, nhiều nhà thờ phải đóng cửa và ít thánh lễ được tổ chức hơn.
Cha John Collins, một trong những giám đốc của ACP, cho biết: “Các con số thật đáng kinh ngạc. Rất buồn khi thấy rất nhiều người đã chết trong một khoảng thời gian ngắn như vậy”.
“Tất cả chúng ta đều biết về dân số linh mục đang già đi, nhưng chỉ khi bạn nhìn vào các số liệu, bạn mới nhận ra đó là một con số đáng kinh hoàng”.
Đây là một minh họa thực sự gây sốc về mức độ các vấn đề mà Giáo hội đang phải đối mặt”.
Ngài nói thêm rằng số người chết hàng năm “sẽ tiếp tục tăng”.
Số linh mục Giáo phận đang phục vụ được Giáo Hội Công Giáo chính thức ghi nhận là khoảng 2,067 vị vào năm 2014.
Vào cuối năm 2018, ước tính có khoảng 1,800 linh mục đang làm việc và khoảng 720 linh mục đã nghỉ hưu, một số vẫn đang giúp đỡ các giáo xứ khi các linh mục phụ trách đi nghỉ hay ốm đau.
Danh sách các giáo sĩ tử vong ở Ái Nhĩ Lan được đưa vào Thư mục Công Giáo Ái Nhĩ Lan mỗi năm, là thư mục chính thức của Giáo Hội Công Giáo tại Ái Nhĩ Lan do Veritas Publications xuất bản thay mặt cho Hội đồng Giám mục.
Theo số liệu thống kê đó, năm 2019 có 174 nữ tu và 166 linh mục và nam tu sĩ đã qua đời.
Thêm 191 nữ tu qua đời vào năm 2020 cùng với 223 linh mục và nam tu sĩ.
Tính đến tháng 9 năm 2021, 131 nữ tu khác đã qua đời, cùng 131 linh mục và nam tu sĩ.
Tuy nhiên, các số liệu từ các thư mục không bao gồm hết các trường hợp tử vong, bởi vì không phải mọi dòng tu và các giáo phận báo cáo cái chết của các giáo sĩ của mình cho Veritas.
Ngoài ra, theo Rip.ie, ít nhất 76 nữ tu khác, cùng với 36 linh mục và 5 nam tu sĩ đã chết trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến ngày 4 tháng Giêng năm nay.
Source:irishexaminer.com
Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #154: Demons Masking as Gods”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà Số 154: Những con quỷ đeo mặt nạ như những thần thánh”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Một nhà thần bí nói với tôi rằng cô ấy đã có một linh cảm về địa ngục. Trong thị kiến đó, cô nghe thấy những linh hồn đang kêu lên thảm thiết, “Xin Chúa cứu con.” Nhưng, trong địa ngục, họ không còn hy vọng gì nữa. Cô nghe thấy những con quỷ hả hê đáp lại, “Tao là chúa của mày đây.”
Tôi ngày càng đau khổ vì số lượng người dù cố ý hay vô tình, đang thờ cúng ma quỷ. Ví dụ, một bà phù thủy, là người đang hành hạ một trong những người chúng tôi đang giúp trừ tà. Bà ta tuyên bố đang tôn thờ “Astiri Casirri” được cho là một vị thần Mễ Tây Cơ. Một số người khác thực hành ma thuật và hành hạ một thanh niên cho biết họ thờ các vị thần phương Đông. Một cá nhân khác thực hành phép thuật gọi một “năng lượng tâm linh cổ xưa trong vũ trụ”. Một số người khác có hình xăm lớn trên cơ thể của họ gọi là Akamenah và Baphomet.
Những “vị thần” này không phải là những vị thần có thật. Chúng chỉ là mặt nạ của Satan. Mỗi người trong số những cá nhân tôi vừa đề cập đến đều phải phục vụ cho Kẻ thống trị địa ngục. Họ đã chọn để thờ phượng ma quỷ.
Chúng ta đang nhanh chóng chuyển sang thời kỳ hậu Kitô Giáo. Nếu người ta không thờ phượng một Thiên Chúa thật, là Đấng yêu thương chúng ta, đã dựng nên chúng ta và cứu chuộc chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô, thì cuối cùng họ sẽ rơi vào một số hình thức thờ ngẫu tượng. Cuối cùng, những con quỷ trong địa ngục sẽ nói với họ, “Chúng tao là chúa của mày đây.”
Trong quá trình được giải thoát, người bị ám phải xác nhận lại danh tính của mình khi chịu phép Rửa Tội và tuyên bố Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Rỗi. “Không có sự cứu rỗi nào qua bất cứ ai khác” (Cv 4:12). Cuối cùng, đối với tất cả chúng ta, sự thật của cuộc đời chúng ta chỉ nằm ở sự lựa chọn đơn giản này. Chúng ta chọn Chúa Kitô hoặc chúng ta chọn những con quỷ.
Source:Catholic Exorcisms
Chúa Nhật 16 tháng Giêng, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 2 Mùa Quanh Năm.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.
Khi ấy, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi.”
Đức Giêsu đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.” Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.”
Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Đức Giêsu bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi!”
Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.”
Họ liền đem cho ông. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu, mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết, ông mới gọi tân lang lại và nói: “Ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ.”
Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.”
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em,
Tin Mừng của phụng vụ hôm nay thuật lại tình tiết tiệc cưới Cana, nơi mà trước sự vui mừng của đôi vợ chồng, Chúa Giêsu đã biến nước thành rượu. Đây là cách mà câu chuyện kết thúc: “Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người” (Ga 2:11). Chúng ta nhận thấy rằng thánh sử Gioan không nói về một phép lạ, nghĩa là, một việc làm mạnh mẽ và phi thường gây ra sự kinh ngạc. Thánh Sử viết rằng một dấu lạ đã xảy ra tại Cana, một dấu chỉ khơi dậy đức tin của các môn đệ của Ngài. Do đó, chúng ta có thể tự hỏi: Theo Phúc âm thì “dấu lạ” là gì?
Đó là một dấu chỉ mang đến cho chúng ta manh mối cho thấy tình yêu của Thiên Chúa, điều đó không kêu gọi sự chú ý đến sức mạnh của hành động, nhưng đến tình yêu đã gây ra hành động ấy. Nó dạy chúng ta điều gì đó về tình yêu thương của Thiên Chúa luôn gần gũi, dịu dàng và từ bi. Dấu lạ đầu tiên của Chúa Giêsu xảy ra khi một cặp vợ chồng gặp khó khăn vào ngày quan trọng nhất của cuộc đời họ. Ngay giữa bữa tiệc, rượu là một yếu tố cần thiết cho một bữa tiệc bị thiếu và niềm vui của họ có nguy cơ bị dập tắt vì những lời chỉ trích và không hài lòng của khách. Hãy tưởng tượng làm thế nào một tiệc cưới có thể diễn ra chỉ với nước. Thật ê chề! Thật là một ấn tượng xấu mà cặp phu thê này sẽ gây ra.
Chính Đức Mẹ đã nhận thức được vấn đề và đã kín đáo hướng sự chú ý của Chúa Giêsu đến điều đó. Và Người đã can thiệp mà không cần phô trương, gần như không để lộ ra ngoài. Mọi thứ diễn ra một cách kín đáo, mọi thứ diễn ra “ở hậu trường” - Chúa Giêsu bảo các đầy tớ đổ đầy nước vào chum, sau đó nước biến thành rượu. Đây là cách Thiên Chúa hành động, gần gũi với chúng ta và kín đáo. Các môn đệ của Chúa Giêsu hiểu điều này: họ thấy rằng nhờ Người mà tiệc cưới càng thêm đẹp. Và họ cũng nhìn thấy cách Chúa Giêsu hành động - cách Ngài phục vụ một cách kín đáo trong khoảnh khắc đó (Chúa Giêsu là như thế - Ngài giúp chúng ta, Ngài phục vụ chúng ta một cách kín đáo), đến nỗi chính chú rể cũng được khen vì rượu ngon. Không ai biết về chuyện đó trừ ra những người hầu. Đây là cách hạt giống đức tin bắt đầu phát triển trong họ - tức là họ tin rằng Thiên Chúa, tình yêu của Thiên Chúa, hiện diện trong Chúa Giêsu.
Thật đẹp biết bao khi nghĩ rằng dấu hiệu đầu tiên mà Chúa Giêsu thực hiện không phải là một sự chữa lành bất thường hay một điều gì đó phi thường trong đền thờ Giêrusalem, mà là một hành động đáp lại nhu cầu đơn giản và cụ thể của những người bình thường, một cử chỉ gia đình. Chúng ta hãy giải thích theo cách này - một phép lạ được thực hiện nhẹ nhàng, một cách kín đáo, âm thầm. Chúa Giêsu sẵn sàng giúp đỡ chúng ta, nâng chúng ta lên. Và sau đó, nếu chúng ta chú ý đến những “dấu lạ” này, chúng ta sẽ được tình yêu của Người chinh phục và chúng ta sẽ trở thành môn đệ của Người.
Nhưng còn có một nét nổi bật về dấu lạ ở Cana. Thông thường, rượu được cung cấp vào cuối bữa tiệc không ngon - điều này vẫn được thực hiện cho đến ngày nay. Khi đó, người ta cũng không phân biệt được đâu là rượu ngon hay rượu đã bị pha loãng một chút. Thay vào đó, Chúa Giêsu hành động theo cách để bữa tiệc kết thúc với rượu ngon hơn. Nói một cách hình tượng, điều này cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa muốn những gì tốt hơn cho chúng ta, Ngài muốn chúng ta hạnh phúc. Ngài không đặt ra giới hạn và Ngài không yêu cầu chúng ta nài nỉ. Ngài không đòi nơi cặp phu thê này những yêu cầu không nói ra hay những yêu sách. Không, niềm vui mà Chúa Giêsu mang đến cho tâm hồn họ là niềm vui trọn vẹn và không vụ lợi, một niềm vui không hề bị loãng, không!
Vì vậy, tôi muốn đề xuất cho anh chị em một bài tập sẽ rất tốt cho chúng tôi. Hôm nay, chúng ta hãy thử lục lại ký ức của mình, tìm kiếm những dấu chỉ Chúa đã hoàn thành trong cuộc đời tôi. Mỗi người chúng ta hãy nói: trong cuộc đời tôi, Chúa đã hoàn thành những dấu chỉ nào? Những dấu chỉ nào về sự hiện diện của Người, những dấu chỉ nào Ngài đã làm để chứng tỏ rằng Ngài yêu chúng ta? Chúng ta hãy nghĩ về khoảnh khắc khó khăn mà Chúa cho phép tôi trải nghiệm tình yêu của Ngài… Và chúng ta hãy tự hỏi: những dấu chỉ rời rạc và yêu thương mà qua đó Ngài cho phép tôi cảm nhận được sự dịu dàng của Ngài là gì? Có khi nào tôi cảm thấy Chúa ở gần tôi hơn không? Có khi nào tôi cảm nhận được sự dịu dàng và lòng trắc ẩn của Người nhiều hơn không? Mỗi người trong chúng ta đều có những khoảnh khắc này trong lịch sử cá nhân của mình. Chúng ta hãy đi tìm những dấu chỉ này, chúng ta hãy ghi nhớ chúng. Làm thế nào tôi phát hiện ra sự gần gũi của Người và làm thế nào mà trái tim tôi tràn ngập niềm vui sướng tột độ? Chúng ta hãy hồi tưởng lại những khoảnh khắc mà chúng ta đã trải nghiệm sự hiện diện của Người và sự chuyển cầu của Mẹ Maria. Xin Mẹ, người Mẹ luôn chú ý như ở Cana, giúp chúng con biết quý trọng những dấu chỉ Chúa hiện diện trong cuộc đời chúng con.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:
Anh chị em thân mến,
Tôi bày tỏ sự gần gũi với những người bị ảnh hưởng bởi mưa lớn và lũ lụt ở nhiều vùng khác nhau của Brazil trong những tuần qua. Tôi đặc biệt cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ, và cho những người đã mất nhà cửa. Xin Chúa nâng đỡ những nỗ lực của những người đang cứu trợ.
Từ ngày 18 đến ngày 25 tháng Giêng, Tuần lễ Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất các Kitô hữu sẽ diễn ra. Đề xuất năm nay là suy tư về kinh nghiệm của các đạo sĩ từ phương Đông đến Bethlehem để tôn vinh Vị vua Thiên sai. Kitô Hữu chúng ta, trong sự đa dạng của các hệ phái và truyền thống của chúng ta, cũng là những người hành hương trên con đường hướng tới sự hiệp nhất trọn vẹn, và chúng ta sẽ tiến gần đến mục tiêu của mình nếu chúng ta luôn dán mắt vào Chúa Giêsu, Chúa duy nhất của chúng ta. Trong Tuần Cầu nguyện, chúng ta hãy dâng những khó khăn và đau khổ của mình cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu.
Tôi chào tất cả anh chị em đến từ Rome và những người hành hương từ các quốc gia khác nhau. Xin gửi lời chào đặc biệt tới nhóm Girasoli della Locride từ Locri, cùng với gia đình và các nhà lãnh đạo của họ.
Chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật an lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Theo AsiaNews (https://www.asianews.it/news-en/Ecumenism-looks-to-the-East-54923.html), năm nay, Hội đồng các Giáo hội Trung Đông đã được giao nhiệm vụ chuẩn bị các bản văn cho Tuần Cầu nguyện được cử hành trên khắp thế giới từ ngày 18 đến ngày 25 tháng Giêng cho việc hợp nhất Kitô giáo. Về phần mình, cộng đồng Taizé đang kêu gọi những người trẻ tuổi đến Thánh địa vào tháng 5 tham dự một giai đoạn mới của “Cuộc hành hương tín thác khắp Trái đất”.
Trung Đông vốn là một trong những góc khuất của thế giới, nơi những vết thương của lịch sử đã tạo ra sự chia rẽ rất sâu sắc giữa các Kitô hữu. Tuy nhiên, nó cũng là một phòng thí nghiệm độc đáo cho các Giáo hội, nơi họ được kêu gọi hàng ngày cố gắng sống thực với những thử thách của việc cùng nhau bước đi.
Đây là một trong những lý do mà Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Việc Hợp nhất Kitô giáo và Ủy ban Đức tin và Trật tự của Hội đồng các Giáo hội Thế giới giao nhiệm vụ cho Hội đồng các Giáo hội Trung Đông chuẩn bị các bản văn hướng dẫn Tuần Cầu nguyện cho việc Hợp nhất Kitô giáo năm nay, sẽ được tổ chức từ 18 đến 25 tháng Giêng trên khắp thế giới.
Không phải ngẫu nhiên mà câu Tin Mừng Mátthêu 2: 2 được chọn làm chủ đề, tập trung vào phương Đông là nơi ngôi sao xuất hiện, cổ vũ các đạo sĩ lên đường đến Bêlem để thờ phượng Chúa Giêsu.
Được thành lập năm 1962 với tên Hội đồng các Giáo hội Cận Đông, Hội đồng các Giáo hội Trung Đông có trụ sở tại Beirut tập hợp các cộng đồng Kitô giáo từ các quốc gia khác nhau như Ai Cập và Iran. Các Giáo Hội Công Giáo trong khu vực đã gia nhập Hội đồng vào năm 1990.
Như lời dẫn nhập nói: “Ngôi sao mọc ở phương đông (Mt 2:2). Chính từ phương đông, mặt trời mọc, và từ miền Trung Đông, ơn cứu độ đã xuất hiện bởi lòng thương xót của Thiên Chúa chúng ta, Đấng ban bình minh cho chúng ta từ trên cao (Lc 1:78). Nhưng lịch sử của Trung Đông đã và vẫn đang vẩn đục bởi tranh chấp và xung đột, nhuốm máu và đen tối bởi bất công và áp bức".
“Các Kitô hữu ở Trung Đông, khi cung ứng những nguồn tài liệu này cho Tuần lễ Cầu nguyện cho sự Hợp nhất Kitô giáo, ý thức rằng thế giới chia sẻ nhiều gian khổ và khó khăn họ từng trải qua, đồng thời khao khát một ánh sáng dẫn họ tới Đấng Cứu thế có thể vượt thắng bóng tối.
“Đại dịch COVID-19 hoàn cầu, cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp theo và sự thất bại của các cơ cấu chính trị, kinh tế và xã hội trong việc bảo vệ những người yếu nhất và dễ bị tổn thương nhất, đã làm nổi bật nhu cầu hoàn vũ về một ánh đèn chiếu sáng trong bóng tối.
“Ngôi sao tỏa sáng ở phương đông, ở Trung Đông, hai ngàn năm trước vẫn mời gọi chúng ta đến máng cỏ, đến nơi Chúa Kitô giáng sinh. Nó lôi kéo chúng ta đến nơi Thánh Thần của Thiên Chúa đang sống động và hoạt động, đến thực tại phép rửa của chúng ta, và đến sự biến đổi trái tim chúng ta.
“Sau khi gặp gỡ Đấng Cứu Thế và cùng nhau thờ phượng Người, các đạo sĩ quay trở lại đất nước họ bằng một con đường khác, đã được cảnh báo trong một giấc mơ. Tương tự như vậy, sự hiệp thông mà chúng ta chia sẻ trong lời cầu nguyện với nhau phải linh hứng chúng ta quay trở lại với cuộc sống, với Giáo Hội và thế giới của chúng ta bằng những con đường mới. Du hành bằng nẻo đường mới là một lời mời gọi thống hối và canh tân trong đời sống bản thân, trong Giáo Hội và trong xã hội của chúng ta.
“Theo Chúa Kitô là con đường mới của chúng ta, và trong một thế giới đầy biến động và thay đổi, các Kitô hữu phải luôn cố định và kiên định như các chòm sao và các hành tinh sáng chói. Nhưng điều này có ý nghĩa gì trong thực hành? Phục vụ Tin Mừng ngày nay đòi hỏi một dấn thân bảo vệ phẩm giá con người, đặc biệt nơi những người nghèo nhất, yếu đuối nhất và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội.
“Nó đòi hỏi từ các Giáo Hội sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc ứng xử với thế giới và với nhau. Điều này có nghĩa là các Giáo Hội cần hợp tác để cứu trợ những người đau khổ, chào đón những người phải di cư, đỡ nâng những người mang gánh nặng, và xây dựng một xã hội công bằng và lương thiện.
“Đây là lời kêu gọi các Giáo Hội làm việc với nhau để những người trẻ tuổi có thể xây dựng một tương lai phù hợp với trái tim của Thiên Chúa, một tương lai trong đó tất cả nhân loại có thể trải nghiệm cuộc sống, hòa bình, công lý và tình yêu. Con đường mới giữa các Giáo Hội là con đường hợp nhất hữu hình mà chúng ta hy sinh tìm kiếm với lòng can đảm và gan dạ để ngày này qua ngày khác, ‘Thiên Chúa có thể là tất cả trong tất cả’ (1 Cor 15:28)”.
Một dấu hiệu nhỏ khác đang hướng về vùng này của thế giới. Cộng đồng đại kết của Taizé đã quyết định thực hiện ở Đất Thánh giai đoạn tiếp theo của “Cuộc hành hương Tín thác khắp Trái đất” mà người sáng lập Tu Huynh Roger đã khởi đầu.
Sáng kiến, được cổ vũ trong sự hợp tác của các Giáo Hội ở Đất Thánh và Viện Đại kết Tantur (được thành lập ở Bêlem sau chuyến tông du lịch sử của Đức Phaolô VI vào năm 1964), sẽ bao gồm các người trẻ tuổi từ 18 đến 35 thuộc mọi tuyên tín trong khoảng thời gian từ ngày 8 đến ngày 15 tháng 5.
Cũng như phong cách của các buổi gặp gỡ do cộng đồng Taizé cổ vũ, các người trẻ sẽ được các gia đình Kitô hữu của Đất Thánh chào đón vào nhà của họ. Điều này đặc biệt quan trọng vì đại dịch đã khiến hầu hết các cuộc hành hương đến Giêrusalem bị đình chỉ trong hai năm qua. Hy vọng rằng việc Israel dỡ bỏ các hạn chế đi lại gần đây sẽ giúp họ dễ dàng hơn.
Một trong những tu huynh của cộng đồng Taizé đã ở Đất Thánh được vài tuần nay để chuẩn bị cho biến cố này. Ông viết: “Gặp gỡ nhiều người trong phần đất phức tạp của thế giới này, người ta có ấn tượng bởi sự kiện này là: tất cả đều nói đến sự cấp thiết phải hỗ trợ lẫn nhau bằng cách cùng nhau đi tới nguồn hy vọng và tín thác. Há đây không phải là điều chúng ta muốn trải nghiệm trong cuộc hành hương tín thác khắp trái đất hay sao?"
Cuộc giằng co tại hội đường Do Thái ở Texas đã kết thúc với tất cả các con tin đều an toàn, nghi phạm đã chết.
Các quan chức thực thi pháp luật cho biết, một vụ bắt giữ con tin kéo dài 10 giờ tại một hội đường Do Thái ở khu vực Dallas-Fort Worth đã kết thúc vào cuối ngày thứ Bảy theo giờ địa phương, tức là gần trưa ngày Chúa Nhật theo giờ Việt Nam. Các quan chức thực thi pháp luật cho biết tất cả các con tin đều an toàn và nghi phạm đã bị bắn chết.
Một nguồn tin thông thạo nói với ABC News rằng: một kẻ tình nghi có vũ trang tuyên bố đã đặt bom ở những địa điểm không xác định, và đã bắt một giáo sĩ Do Thái và ba người khác làm con tin tại cộng đoàn Beth Israel ở Colleyville trước buổi trưa thứ Bảy. Vào khoảng 5 giờ chiều giờ địa phương, cảnh sát chi khu Colleyville cho biết một con tin đã được thả mà không bị thương gì.
Vào khoảng 9:30 tối giờ địa phương, tức là 10g30 sáng Chúa Nhật giờ Việt Nam, Thống đốc Greg Abbott đã tweet, “Những lời cầu nguyện đã được nhận lời. Tất cả các con tin đều còn sống và an toàn”.
Cảnh sát trưởng Michael Miller của chi khu cảnh sát Colleyville cho biết một đội giải cứu con tin ưu tú của FBI đã đột nhập hội đường Do Thái vào khoảng 9 giờ tối theo giờ địa phương và giải cứu con tin. Miller và Đặc vụ FBI Dallas Matt DeSarno xác nhận nghi phạm đã chết trong một “vụ giao tranh”, nhưng không cung cấp thông tin cụ thể.
DeSarno cho biết họ đã biết danh tính của nghi phạm, nhưng không tiết lộ tên của anh ta.
Trong lúc giằng co, không rõ kẻ bắt giữ con tin đã được trang bị vũ khí ở mức độ nào. Nghi phạm mang một ba lô và nói rằng anh ta có chất nổ. Trong một cuộc họp báo tại sở cảnh sát Dallas, cơ quan thực thi pháp luật khẳng định anh ta đã chết, nhưng chưa cho biết liệu anh ta thực sự có chất nổ hay không.
Các nhà chức trách chưa chính thức xác nhận các yêu cầu của kẻ bắt giữ con tin, nhưng nhiều nguồn tin thông thạo nói với ABC News rằng hắn ta đang yêu cầu trả tự do cho Aafia Siddiqui, một nữ khủng bố nguy hiểm đã bị kết án. DeSarno cho biết đội thương lượng con tin đã tiếp xúc với nghi phạm suốt cả ngày.
Siddiqui bị giam giữ tại Căn cứ Không quân Carswell gần Fort Worth. Cô ta bị cáo buộc có quan hệ với al-Qaida và bị kết tội tấn công và âm mưu sát hại một binh sĩ Mỹ vào năm 2010 và bị kết án 86 năm tù.
Aafia Siddiqui sinh ngày 2 tháng 3 năm 1972 trong một gia đình Hồi giáo giàu có và rất cực đoan tại Islamabad, Pakistan. Từ năm 1990, y thị theo học ngành thần kinh học tại Đại học Brandeis, Hoa Kỳ và năm 2001 giành được bằng tiến sĩ về thần kinh học tại đây.
Ngay sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9, 2001, cô trở về thăm Pakistan. Cô trở về nước một lần nữa vào năm 2003 khi cuộc chiến ở Afghanistan đang ở thời cao độ.
Ngày 1 tháng Ba, 2003, tên Khalid Sheikh Muhammad, kẻ bị tình báo Hoa Kỳ cáo buộc là “kiến trúc sư” vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 của al-Qaeda bị bắt tại thành phố Rawalpindi. Tên này khai với FBI và CIA rằng Aafia Siddiqui là người cung cấp tiền bạc quyên góp tại Hoa Kỳ và các phương tiện kỹ thuật cho bọn khủng bố al-Qaeda. Lệnh lùng bắt được đưa ra, nhưng lúc đó Aafia Siddiqui đã dẫn 3 đứa con bỏ trốn về Pakistan.
Tháng 5, 2004, FBI đưa Siddiqui vào danh sách 7 tên khủng bố và trao giải thưởng cho bất cứ ai cung cấp tin tức dẫn đến việc bắt giữ hay giết chết Siddiqui.
Tháng 7, 2008 trong khi đang hoạt động tại Ghazni, Afghanistan, cô bị cảnh sát Afghanistan bắt giữ và bị các nhân viên tình báo Hoa Kỳ thẩm vấn.
Trong khi bị giam giữ, Siddiqui nói với các nhân viên tình báo rằng cô ta đã bị khủng bố Taliban bắt cóc và cầm tù. Tuy nhiên, người ta tìm thấy trên người cô các tài liệu chế tạo bom và một số lượng đáng kể sodium cyanide (NaCN).
Trong ngày thứ hai của cuộc phỏng vấn, Siddiqui bất ngờ chụp khẩu súng của người thẩm vấn và bắn một nhân viên FBI vừa đến từ Hoa Kỳ và một quân nhân Mỹ. Người quân nhân này bắn cô bị thương.
Sau khi được điều trị; cô được về Mỹ. Ngày 3 tháng 2 năm 2010 cô bị kết án 86 năm tù. Hiện nữ sát thủ này tại đang thụ án tại Trung Tâm Y Khoa Liên Bang Carswell ở Fort Worth, Texas. Đây là một nhà tù dành để chăm sóc y tế cho các tù nhân nữ bệnh nặng hoặc mắc bệnh tâm thần. Siddiqui bị nhốt trong khu biệt giam được canh gác rất nghiêm nhặt.
Các quan chức cho biết chưa có bằng chứng đây là một phần của một âm mưu lớn hơn, nhưng cảnh sát đang điều tra các mối liên hệ của nghi phạm.
FBI đã được điều động đến hiện trường, cùng với chính quyền địa phương và các nhà đàm phán con tin.
Cơ quan thực thi pháp luật hy vọng sẽ xoa dịu tình hình mà không làm bất cứ điều gì có thể gây nguy hiểm cho sự an toàn của giáo sĩ Do Thái và ba người khác. Họ thậm chí còn gọi các món ăn cho nghi can ăn uống để xoa dịu y và tiếp tục thương lượng.
Một quan chức Tòa Bạch Ốc xác nhận với ABC News rằng Tòa Bạch Ốc đang “theo dõi chặt chẽ” tình hình con tin. Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cho biết Tổng thống Joe Biden đã được nhóm cố vấn cao cấp của ông cập nhật tình hình.
Trong một tuyên bố đưa ra sau khi kết thúc vụ việc, Biden nói, “Chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm nhiều điều trong những ngày tới về động cơ của kẻ bắt giữ con tin. Nhưng hãy để tôi nói rõ với bất kỳ ai có ý định gieo rắc sự căm thù - chúng tôi sẽ chống lại chủ nghĩa bài Do Thái và chống lại sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan ở đất nước này. Chúng tôi là như thế, và đêm nay, những người nam nữ thực thi pháp luật đã khiến tất cả chúng tôi tự hào”.
Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa, gọi tắt là DHS, Alejandro Mayorkas cũng đã được thông báo tóm tắt về tình hình, theo người phát ngôn của DHS.
Đội SWAT của Sở Cảnh sát Colleyville đã đến khu vực trước 11 giờ sáng Thứ Bảy và di tản cư dân trong khu vực ngay lập tức.
Bộ An toàn Công cộng Texas cũng đã có mặt tại hiện trường nơi mà Abbott đã mô tả là “một tình huống căng thẳng về con tin”.
“Họ đang làm việc với các biệt đội địa phương và liên bang để đạt được kết quả tốt nhất và an toàn nhất,” Abbott nói trên Twitter. “Tôi tiếp tục theo dõi tình hình thông qua DPS.”
Sở cảnh sát ở một số thành phố của Mỹ, bao gồm New York và Los Angeles, cho biết hôm thứ Bảy rằng họ đang tăng cường tuần tra tại các hội đường Do Thái và các địa điểm khác có liên quan đến cộng đồng Do Thái một cách hết sức thận trọng.
Thị trưởng Dallas Eric Johnson cho biết trên Twitter vào chiều thứ Bảy: Sở Cảnh sát Dallas đang triển khai các cuộc tuần tra bổ sung tới các hội đường Do Thái của thành phố và các địa điểm khác “như một biện pháp phòng ngừa”.
“Cảnh sát đang làm việc với Liên đoàn Do Thái và các đối tác địa phương, tiểu bang và liên bang của chúng tôi để theo dõi bất kỳ mối quan tâm hoặc mối đe dọa nào dựa trên tình hình ở Colleyville,” ông nói thêm.
Thủ tướng Lapid của Do Thái đã nói chuyện với tổng lãnh sự Israel tại Houston về cuộc khủng hoảng con tin.
Tờ Times Of Israel loan tin Ngoại trưởng Yair Lapid đã nói chuyện với Tổng lãnh sự Israel tại Houston, Livia Link, về cuộc khủng hoảng con tin tại hộu đường Do Thái ở Colleyville, theo một tuyên bố từ văn phòng của ông.
Tuyên bố cho biết Link đang trên đường đến hiện trường.
“Chúng tôi đang theo dõi sát tình hình của các con tin và liên hệ chặt chẽ với các cơ quan thực thi pháp luật ở Mỹ,” tuyên bố cho biết thêm.
Các tín hữu Do Thái Giáo trên khắp thế giới đã được mời gọi cầu nguyện cho các con tin.
Source:ABC News
1. Linh mục Công Giáo ở Ấn Độ sẽ phải hầu tòa vì bị vu cáo
Một linh mục Công Giáo ở Ấn Độ sẽ phải hầu tòa vì bị cáo buộc có những phát biểu thù hận trong cuộc họp liên tôn năm ngoái.
Cha George Ponnaiah là một linh mục của Giáo phận Kuzhithurai, miền nam Ấn Độ. Các cáo buộc chống lại ngài xuất phát từ một cuộc họp vào tháng 7 năm 2021 nhằm chống lại các hạn chế liên quan đến coronavirus đối với việc thờ phượng và xây dựng các nhà thờ mới.
Trong cuộc họp, Cha Ponnaiah bị cáo buộc đã đưa ra những bình luận chống lại chính quyền địa phương và các nhà lãnh đạo của Đảng Ấn Giáo cực đoan Bharatiya Janata, là đảng đang cầm quyền tại Ấn Độ. Ngài bị bắt vài ngày sau đó và được tại ngoại hầu tra.
Tòa án tối cao Madras, một trong ba tòa án cấp cao ở Ấn Độ, đã phán quyết rằng Cha Ponnaiah phải ra tòa và bị xét xử vì những bình luận của ngài tại cuộc họp.
Vị linh mục đã phủ nhận các cáo buộc và nói rằng các video bình luận của ngài tại cuộc họp đã bị chỉnh sửa một cách gian dối.
“Bài phát biểu của tôi đã được chỉnh sửa và lưu hành trên mạng xã hội để cho thấy rằng tôi đã làm tổn thương tình cảm của các anh chị em theo Ấn Giáo,” Cha Ponnaiah nói với UCA News. “Không ai trong chúng tôi trong cuộc họp nói bất cứ điều gì làm tổn thương tình cảm tôn giáo. Nếu bài phát biểu của tôi làm tổn thương bất cứ ai, tôi hết lòng xin lỗi”.
Cuộc đàn áp đối với các tín hữu Kitô ở Ấn Độ đang gia tăng. Một báo cáo gần đây cho rằng các Kitô Hữu ở Ấn Độ là mục tiêu của 305 vụ bạo lực trong chín tháng đầu năm 2021.
Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới sau Trung Quốc, được xếp hạng thứ 10 trong Danh sách Theo dõi trên Thế giới về việc đàn áp Kitô Hữu do nhóm vận động Open Doors tổng hợp.
Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USCIRF, đã liệt kê Ấn Độ là “quốc gia đặc biệt quan tâm” về tự do tôn giáo vào năm 2020 lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ.
Báo cáo năm 2021 của ủy ban cho biết “Chính phủ, do Đảng Bharatiya Janata lãnh đạo, đã thúc đẩy các chính sách dân tộc chủ nghĩa của người Ấn Giáo, dẫn đến vi phạm tự do tôn giáo có hệ thống, liên tục và nghiêm trọng”.
Source:Catholic News Agency
2. Hơn 20% linh mục và nam tu sĩ đã chết trong ba năm qua
Hơn 21% trong toàn bộ các linh mục và tu sĩ phục vụ các giáo xứ đã qua đời trong vòng ba năm qua.
Hiệp hội các linh mục Công Giáo, gọi tắt là ACP, nói rằng các giáo xứ sẽ phải hợp nhất lại, nhiều nhà thờ phải đóng cửa và ít thánh lễ được tổ chức hơn.
Cha John Collins, một trong những giám đốc của ACP, cho biết: “Các con số thật đáng kinh ngạc. Rất buồn khi thấy rất nhiều người đã chết trong một khoảng thời gian ngắn như vậy”.
“Tất cả chúng ta đều biết về dân số linh mục đang già đi, nhưng chỉ khi bạn nhìn vào các số liệu, bạn mới nhận ra đó là một con số đáng kinh hoàng”.
Đây là một minh họa thực sự gây sốc về mức độ các vấn đề mà Giáo hội đang phải đối mặt”.
Ngài nói thêm rằng số người chết hàng năm “sẽ tiếp tục tăng”.
Số linh mục Giáo phận đang phục vụ được Giáo Hội Công Giáo chính thức ghi nhận là khoảng 2,067 vị vào năm 2014.
Vào cuối năm 2018, ước tính có khoảng 1,800 linh mục đang làm việc và khoảng 720 linh mục đã nghỉ hưu, một số vẫn đang giúp đỡ các giáo xứ khi các linh mục phụ trách đi nghỉ hay ốm đau.
Danh sách các giáo sĩ tử vong ở Ái Nhĩ Lan được đưa vào Thư mục Công Giáo Ái Nhĩ Lan mỗi năm, là thư mục chính thức của Giáo Hội Công Giáo tại Ái Nhĩ Lan do Veritas Publications xuất bản thay mặt cho Hội đồng Giám mục.
Theo số liệu thống kê đó, năm 2019 có 174 nữ tu và 166 linh mục và nam tu sĩ đã qua đời.
Thêm 191 nữ tu qua đời vào năm 2020 cùng với 223 linh mục và nam tu sĩ.
Tính đến tháng 9 năm 2021, 131 nữ tu khác đã qua đời, cùng 131 linh mục và nam tu sĩ.
Tuy nhiên, các số liệu từ các thư mục không bao gồm hết các trường hợp tử vong, bởi vì không phải mọi dòng tu và các giáo phận báo cáo cái chết của các giáo sĩ của mình cho Veritas.
Ngoài ra, theo Rip.ie, ít nhất 76 nữ tu khác, cùng với 36 linh mục và 5 nam tu sĩ đã chết trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến ngày 4 tháng Giêng năm nay.
Source:irishexaminer.com
3. Nhật Ký Trừ Tà Số 154: Những con quỷ đeo mặt nạ như những thần thánh
Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #154: Demons Masking as Gods”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà Số 154: Những con quỷ đeo mặt nạ như những thần thánh”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Một nhà thần bí nói với tôi rằng cô ấy đã có một linh cảm về địa ngục. Trong thị kiến đó, cô nghe thấy những linh hồn đang kêu lên thảm thiết, “Xin Chúa cứu con.” Nhưng, trong địa ngục, họ không còn hy vọng gì nữa. Cô nghe thấy những con quỷ hả hê đáp lại, “Tao là chúa của mày đây.”
Tôi ngày càng đau khổ vì số lượng người dù cố ý hay vô tình, đang thờ cúng ma quỷ. Ví dụ, một bà phù thủy, là người đang hành hạ một trong những người chúng tôi đang giúp trừ tà. Bà ta tuyên bố đang tôn thờ “Astiri Casirri” được cho là một vị thần Mễ Tây Cơ. Một số người khác thực hành ma thuật và hành hạ một thanh niên cho biết họ thờ các vị thần phương Đông. Một cá nhân khác thực hành phép thuật gọi một “năng lượng tâm linh cổ xưa trong vũ trụ”. Một số người khác có hình xăm lớn trên cơ thể của họ gọi là Akamenah và Baphomet.
Những “vị thần” này không phải là những vị thần có thật. Chúng chỉ là mặt nạ của Satan. Mỗi người trong số những cá nhân tôi vừa đề cập đến đều phải phục vụ cho Kẻ thống trị địa ngục. Họ đã chọn để thờ phượng ma quỷ.
Chúng ta đang nhanh chóng chuyển sang thời kỳ hậu Kitô Giáo. Nếu người ta không thờ phượng một Thiên Chúa thật, là Đấng yêu thương chúng ta, đã dựng nên chúng ta và cứu chuộc chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô, thì cuối cùng họ sẽ rơi vào một số hình thức thờ ngẫu tượng. Cuối cùng, những con quỷ trong địa ngục sẽ nói với họ, “Chúng tao là chúa của mày đây.”
Trong quá trình được giải thoát, người bị ám phải xác nhận lại danh tính của mình khi chịu phép Rửa Tội và tuyên bố Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Rỗi. “Không có sự cứu rỗi nào qua bất cứ ai khác” (Cv 4:12). Cuối cùng, đối với tất cả chúng ta, sự thật của cuộc đời chúng ta chỉ nằm ở sự lựa chọn đơn giản này. Chúng ta chọn Chúa Kitô hoặc chúng ta chọn những con quỷ.
Source:Catholic Exorcisms
1. Đức Giám Mục Ý cấm các linh mục chưa được chủng ngừa không được trao Mình Thánh Chúa
Một giám mục Ý đã cấm các linh mục và giáo dân chưa được tiêm chủng trao Mình Thánh Chúa trong khi Ý thắt chặt các hạn chế COVID-19 của mình.
Đức Cha Giacomo Cirulli của giáo phận miền nam nước Ý Teano-Calvi và Alife-Caiazzo đã đưa ra một lá thư vào ngày 8 tháng Giêng với các quy định mới để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus.
“Tôi nghiêm cấm việc phân phát Thánh Thể bởi các linh mục, phó tế, các tu sĩ và giáo dân không được tiêm chủng,” Đức Cha viết.
“Về vắc-xin, hãy để tôi nhắc lại những gì Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Tiêm chủng… là một hành động của tình yêu thương. Và việc giúp bảo đảm rằng phần lớn mọi người được tiêm chủng là một hành động yêu thương. Yêu bản thân, yêu gia đình và bạn bè, yêu tất cả các dân tộc.”
Trong thư, Đức Cha Cirulli cũng đã ban hành việc đình chỉ tất cả các hoạt động mục vụ, giáo lý và giáo dục trực tiếp trong giáo phận của mình.
Đức Cha Cirulli tốt nghiệp Đại Học Y Khoa ở Napoli trước khi trở thành linh mục. Vị giám mục 69 tuổi đã nhập viện vì COVID-19 vào tháng 11 năm 2020 và đã bình phục.
Ngài thúc giục những người Công Giáo trong giáo phận của mình tuân thủ các hạn chế COVID-19 do chính phủ Ý ban hành.
Các quy định hạn chế mới của chính phủ Ý có hiệu lực trong tuần này cấm những công dân chưa được tiêm phòng vào nhà hàng, phương tiện giao thông công cộng, phòng tập thể dục, nhà hát và các sự kiện thể thao.
“Hầu hết các vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay là do có những người không được tiêm chủng”, Thủ tướng Mario Draghi cho biết trong một cuộc họp báo tối ngày 10 tháng Giêng.
Tháng 10 năm ngoái, chính phủ của Thủ tướng Draghi đã bắt buộc tất cả nhân viên ở Ý phải xuất trình bằng chứng đã tiêm phòng hoặc xét nghiệm âm tính trước khi vào làm việc mỗi tuần.
Tuần trước, chính phủ Ý cũng đã thông báo rằng họ sẽ áp dụng việc tiêm chủng bắt buộc đối với mọi người trên 50 tuổi, bất kể việc làm, bắt đầu từ ngày 15 tháng Hai.
Theo cơ quan y tế, hơn 86% người trên 12 tuổi ở Ý được tiêm chủng đầy đủ.
Trong bối cảnh sự lan rộng của biến thể COVID-19 Omicron, có hơn 100,000 trường hợp nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận ở Ý mỗi ngày trong 5 ngày qua.
Source:National Catholic Register
2. Đạo Công Giáo có cho phép thủy táng không?
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bài viết có nhan đề “Đạo Công Giáo có cho phép thủy táng không?” của linh mục Antôn Phạm Trọng Quang, dòng Ngôi Lời, qua phần trình bày của Túy Vân.
Cách đây một thời gian, khi ca sĩ Phi Nhung mới qua đời, con gái của ca sĩ là cô Wendy chia sẻ trên các kênh truyền thông rằng, cô muốn để tro cốt của mẹ mình ở tịnh xá cho đến lúc mãn tang, sau đó cô sẽ mang tro cốt của mẹ đến Hawaii để thủy táng. Cô cho biết thêm, vì lúc còn sống, mẹ của cô rất thích đi du lịch, nhất là thích các chuyến đi chơi ở biển.
Khi nghe con gái Phi Nhung chia sẻ như vậy nhiều người Công Giáo cũng có sự đồng cảm và thích thú. Trong nhiều cuộc trò chuyện gần đây tôi cũng nghe nhiều người bàn thảo về chủ đề này, tuy nhiên họ cũng đặt lại câu hỏi với tôi về nguyên tắc của tôn giáo mình đối với việc thủy táng. Họ hỏi rằng, là một người theo đạo Công Giáo, chúng ta có được lựa chọn phương pháp thủy táng hay rắc tro trên đất hoặc dưới gốc cây không?
Đây là những câu hỏi hết sức thú vị và cũng rất quan trọng đối với người Công Giáo chúng ta. Trước khi trả lời cho những câu hỏi này, tôi xin khẳng định, tôi hoàn toàn tôn trọng sự lựa chọn của cô Wendy và những người bạn không cùng tôn giáo với tôi. Bài viết này cũng không có ý định tranh luận với ai vì tôi biết vốn hiểu biết về giáo lý và truyền thống của các tôn giáo bạn của tôi rất giới hạn. Bởi thế, trong bài viết này, tôi chỉ muốn trình bày một vài quan điểm theo hướng dẫn của đức tin Hội Thánh Công Giáo, hầu giúp mọi người hiểu được vấn đề.
VẤN ĐỀ SỰ SỐNG ĐỜI SAU
Tôi cũng mong độc giả hiểu rõ mỗi tôn giáo có một khái niệm khác nhau về sự chết, nhất là vấn đề sự sống sau cái chết. Có thể có nhiều người cho rằng chết là hết, nhưng đức tin của người Công Giáo dạy chúng ta rằng chết không phải là hết, nhưng chết là “lìa bỏ thân xác để trở về với Chúa” (2 Cr 5, 8).
Chính Chúa Giêsu đã chết và phục sinh thì mỗi Ki-tô hữu chúng ta, nhờ tin vào Chúa, không ai tránh được sự chết, tuy nhiên trong ngày sau hết chúng ta lại được sống lại một cách vinh quang như Người. Điều này được lý giải trong thư của Thánh Phaolô tông đồ gửi cho tín hữu Côrintô: “Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, là hoa quả đầu mùa trong số những người đã an nghỉ [...] mọi người phải chết nơi Ađam thế nào, thì mọi người cũng sẽ được sống trong Đức Kitô như vậy” (1Cr 15, 20-22).
Bởi nền tảng đức tin này, trong Sách Lễ Rôma có đoạn viết: “Lạy Chúa, đối với các tín hữu Chúa, sự sống thay đổi chứ không mất đi, và khi nơi nương náu ở trần gian bị hủy diệt tiêu tan, thì họ lại được một chỗ cư ngụ vĩnh viễn trên trời” (Kinh Tiền Tụng Lễ Cầu cho Tín Hữu Qua Đời). Chính vì thế, trong Huấn Thị Về Việc Mai Táng và Lưu Giữ Tro Hỏa Táng, Đức Hồng Y Gerhard Müller đã giải thích: “Khi con người chết, linh hồn rời khỏi thân xác, nhưng khi sống lại, thân xác chúng ta sẽ được Thiên Chúa ban cho sự sống bất diệt, được biến đổi khi liên kết lại với linh hồn” (số 2).
Như vậy, Giáo Hội đã tin và không ngừng rao giảng rằng về sự sống đời đời. Giáo Hội luôn “tin xác loài người ngày sau sống lại” (Kinh Tin Kính). Hơn nữa Giáo Hội hoàn toàn tôn trọng thân xác của người đã qua đời, cho nên tiếp tục cổ võ việc địa táng. Dĩ nhiên, ngày nay vì lý do vệ sinh, kinh tế hay xã hội, Giáo Hội đã cho phép được hỏa táng thi hài các tín hữu, tuy nhiên Giáo Hội cũng đưa ra một số nguyên tắc rất quan trọng liên quan đến việc an táng, chúng ta sẽ tiếp tục bàn thỏa sau đây.
NÊN CHÔN CHẤT NGƯỜI QUA ĐỜI Ở ĐÂU?
Theo Bộ Giáo luật, điều 1176, Giáo Hội mong muốn thi hài người qua đời được an táng trong các nghĩa trang và những địa điểm linh thiêng. Bởi vì, theo Huấn Thị Về Việc Mai Táng và Lưu Giữ Tro Hỏa Táng của Tòa Thánh: “Ngôi mộ trong nghĩa trang hay ở những nơi thánh thiêng, thật xứng hợp với thái độ tôn kính hay sự quý trọng dành cho thân xác của các tín hữu đã qua đời, thân xác đã trở nên đền thờ Chúa Thánh Thần nhờ Bí tích Thánh Tẩy” (Số 3).
Nếu chúng ta sống ở Âu Châu, Úc Châu hay ở Hoa Kỳ, nhiều giáo xứ xây dựng nghĩa trang ở ngay bên cạnh nhà thờ, trong khuôn viên nhà hưu dưỡng hoặc các Hội Dòng. Các nghĩa trang này đều được thiết kế và xây dựng rất trang hoàng và đẹp mắt. Hằng năm cứ vào dịp lễ các đẳng linh hồn hay nhiều dịp lễ quan trọng khác, Giáo Hội thường tổ chức thánh lễ tại các nghĩa trang. Ngoài ra còn tổ chức nhiều chương trình âm nhạc, cầu nguyện chung để tưởng nhớ các linh hồn đã khuất. Chúng ta còn thấy nhiều cá nhân hoặc gia đình còn tổ chức các buổi gặp gỡ hay toàn tụ gia đình bên phần mộ của người thân yêu của họ.
CÓ ĐƯỢC ĐỂ TRO TRONG TƯ GIA HAY KHÔNG?
Ngày nay nhiều gia đình vì nhiều lý do chọn cách hỏa táng. Như đã nêu trên, điều này được Giáo Hội cho phép nhưng theo Huấn Thị Về Việc Mai Táng và Lưu Giữ Tro Hỏa Táng thì “tro hoả táng có thể được lưu giữ tại một nơi xứng đáng, chẳng hạn tại nghĩa trang, hoặc trong một số trường hợp, tại thánh đường hoặc một nơi dành riêng, được cung hiến bởi thẩm quyền Giáo Hội” (Số 5). Hiện nay chúng ta thường thấy nhiều giáo xứ ở các thành phố lớn, vì lý do không có đất để xây nghĩa trang nên xây các “Nhà Trông Đợi Phục Sinh” để đặt tro của các người qua đời sau khi thi thể của họ được thiêu.
Như vậy sau khi hỏa táng không ai được mang tro về để trong tư gia hay một nơi nào bất kỳ ngoài việc chôn cất nơi nghĩa trang hay đặt vào những nơi được Giáo Hội quy định. Vì theo truyền thống, các giáo hữu luôn cầu nguyện và tưởng nhớ những anh chị em tín hữu đã qua đời tại các phần mộ. Việc cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời tại nghĩa trang hay những nơi thánh thiêng giúp cho những người đã ly trần không bị lãng quên.
Ngoài ra việc cầu nguyện này cũng giúp chúng ta suy niệm về một Giáo Hội hiệp thông, hiệp thông giữa những người đã qua đời, những người đang sống trên trần gian như chúng ta và các thánh trên thiên đàng. Như lời dạy trong Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo: “Có sự hiệp thông giữa toàn thể các tín hữu Chúa Kitô, những người đang trên đường lữ hành trần thế, những người đang trải qua thời gian thanh luyện, và những người đang hưởng phúc thiên đàng, tất cả làm nên một Hội Thánh duy nhất” (Số 961).
NGƯỜI Công Giáo CÓ ĐƯỢC THỦY TÁNG KHÔNG?
Dựa vào những phân tích trên, Giáo Hội Công Giáo không cho phép chúng ta đưa tro của người thân của mình đi đổ xuống biển, gọi tắt là thủy táng, rải trên mặt đất hay gốc cây, gọi tắt là lục táng. Giáo Hội cũng không cho phép giữ tro cốt hoả táng trong các kỷ vật, đồ trang sức hay vật dụng nào khác. Thời nay, nhiều gia đình vì lý do sống phân tán, mỗi người sống một phương, nhất là có người ở hải ngoại có người ở trong nước, nên họ muốn phân chia tro hỏa táng cho các nhóm thành viên khác nhau trong gia đình, nhưng xin nhắc lại, điều này vẫn không được Giáo Hội cho phép (Huấn Thị, số 6).
Như vậy, đối với những ai công khai bày tỏ ý muốn phải được thiêu xác và tro hoả táng phải được tung rắc phân tán vì những lý do nghịch với đức tin Kitô Giáo, Giáo Hội có quy định rất nghiêm khắc, rằng “không được cử hành nghi lễ an táng Kitô Giáo cho người ấy, theo như Giáo luật quy định” (Bộ Giáo luật, điều 1184).
Trên đây là những câu trả lời và lý giải rất quan trọng đến việc hỏa táng và cho những câu hỏi liên quan dưới tinh thần của đạo Công Giáo. Các tư liệu chủ yếu dựa vào Kinh Thánh, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo và nhất là Huấn Thị Ad Resurgendum Cum Christo Về Việc Mai Táng Và Lưu Giữ Tro Hỏa Táng của Văn phòng Bộ Giáo Lý Đức Tin, công bố ngày 15 tháng 8 năm 2016. Trước đó, Huấn Thị này cũng được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phê duyệt vào ngày 18 tháng 3 năm 2016.
Hy vọng đây là những kiến thức thực tế và bổ ích cho các tín hữu Công Giáo và những ai quan tâm việc an táng và nhiều vấn đề liên quan trong Giáo Hội. Cảm ơn sự ủng hộ của quý độc giả và mong được trở lại tiếp chuyện với quý vị trong các đề tài sau.
3. Tư cách người linh mục
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bài viết có nhan đề “Tư cách người linh mục” của linh mục Phanxicô Minh Bằng qua phần trình bày của Túy Vân.
Thật là một ngày ý nghĩa đối với tôi khi tôi được tham dự Hội thảo Tiền Công nghị với chuyên đề “Đời sống linh mục Tổng Giáo phận Hà Nội” diễn ra vào sáng nay, thứ Bẩy ngày 08 tháng Giêng tại Nhà Chung của Giáo phận. Quả thật, sau khi lắng nghe bài tham luận thứ hai của chị Maria Trần Lan Anh với nội dung “Ước nguyện của giáo dân về linh mục”, điều tôi suy nghĩ và đánh động tôi rất nhiều đó là “tư cách người linh mục”.
Trước hết trong bài tham luận “ước nguyện của giáo dân về linh mục”, chị Maria Trần Lan Anh đã đại diện cho mọi giáo dân trong giáo phận trình bày về năm khía cạnh khác nhau để nói lên ước nguyện của họ với các linh mục:
Về hình ảnh bên ngoài, giáo dân mong ước một linh mục chỉnh chu nhưng giản dị, luôn mặc áo giáo sĩ.
Về thể lý, giáo dân mong ước linh mục luôn biết chăm sóc tốt cho sức khoẻ của bản thân, cả về thể lý và tinh thần, đồng thời biết sống giản dị, tiết kiệm.
Trong mối tương quan với giáo dân, giáo dân mong ước linh mục luôn vui vẻ, gần gũi, vừa nghiêm khắc nhưng cũng ân cần lắng nghe, thấu hiểu, hướng dẫn và giải thích cho giáo dân. Đồng thời, họ cũng mong muốn linh mục là người biết cởi mở lòng mình để chia sẻ với giáo dân những ưu tư, thao thức và cả những mệt mỏi của chính các ngài.
Trong tương quan với linh mục đoàn và Bề trên giáo phận, giáo dân mong ước linh mục luôn gắn bó chân thành, công bình trong tương quan với các linh mục và luôn yêu mến, vâng phục Bề trên giáo phận. Ngoài ra, họ cũng mong muốn linh mục luôn vừa phải và quân bình trong ngoại giao ứng xử với chính quyền các cấp.
Trong cử hành phụng vụ, giáo dân mong ước linh mục luôn đúng giờ và cử hành cách sốt sắng. Bài giảng của linh mục thì cần ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu. Họ cũng ước mong linh mục cần luôn đặt trọng tâm vào đời sống đức tin và luân lý, không nên chạy theo tính phong trào và giải trí và nhất là linh mục hãy yêu mến và năng ban Bí tích Hoà giải để ân cần, nâng đỡ các hối nhân.
Lắng nghe bài tham luận của chị, tôi cảm thấy thật xúc động và hiểu cho ước nguyện của giáo dân về người linh mục lý tưởng. Mặt khác, lúc đó tôi cũng nghĩ về các linh mục và thực sự thương cho các ngài. Thương cho các linh mục bởi vì các ngài không thể nào có thể đáp ứng hết mọi mong ước của giáo dân. Các ngài cũng là những con người bình thường với những cá tính, khả năng và giới hạn nhất định. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, dù là thân phận yếu đuối mỏng dòn trước sự cám dỗ của thế gian, ma quỷ và xác thịt; dù là khả năng còn giới hạn hay thiếu sót về bất kỳ lãnh vực nào, linh mục- người được Chúa chọn cách đặc biệt luôn cần rèn luyện và cố gắng mỗi ngày để sống “tư cách linh mục” sao cho đẹp lòng Chúa và làm sáng Danh Ngài giữa trần gian.
Sống “tư cách linh mục” trước hết mời gọi người linh mục của Chúa yêu mến đời sống thiêng liêng. Hãy cử hành Thánh lễ mỗi ngày cách sốt sắng như Thánh lễ đầu đời linh mục. Hãy dành thời gian riêng mỗi ngày quỳ trước Thánh Thể Chúa để xin Ngài nâng đỡ, hướng dẫn và giúp sức. Hãy chu toàn bổn phận đọc Kinh Thần vụ và yêu mến việc lần chuỗi Mân Côi để hiệp thông cùng Giáo Hội và cầu xin Đức Mẹ chuyển cầu cùng Chúa ban mọi ơn lành xuống trên linh mục.
Sống “tư cách linh mục” mời gọi người linh mục của Chúa cần sống mối tương quan hài hoà với tha nhân. Hãy ra khỏi “cái tôi” “cái ích kỷ” của bản thân để sẵn sàng bước đi, gặp gỡ, lắng nghe và hiểu ước nguyện chính đáng trong hoàn cảnh của từng người. Chính sự gặp gỡ thân tình của người linh mục sẽ phác hoạ hình ảnh Đức Kitô- Mục Tử Nhân Lành và giàu Lòng Xót Thương đến những người mà linh mục gặp gỡ.
Sống “tư cách linh mục” còn mời gọi các linh mục của Chúa hãy tự rèn luyện bản thân mỗi ngày: rèn luyện về đời sống thiêng liêng; đời sống nhân bản; đời sống tri thức và đời sống mục vụ. Người linh mục cần luôn quý trọng thời giờ Chúa ban để tự đào tạo mình hầu trở nên giống Chúa hơn.
Như vậy, để sống “tư cách linh mục” thật tốt, người linh mục cần sống mối tương quan mật thiết với Chúa; sống hài hoà với tha nhân và với chính bản thân.
Lạy Chúa, xin hãy biến các linh mục trở nên giống Chúa mỗi ngày dù các ngài còn yếu đuối mỏng giòn. Xin hãy ban cho các linh mục của Chúa sự thánh thiện; khôn ngoan; niềm vui; bình an và nhất là luôn có Chúa ở cùng. Amen!