Ngày 16-01-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 17/01: Thước đo của con tim – Lm. Phêrô Đoàn Hoàng Khôi Anh, SDD
Giáo Hội Năm Châu
03:04 16/01/2023


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Vào một ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa. Người Pha-ri-sêu liền nói với Đức Giê-su: “Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!” Người đáp: “Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng? Dưới thời thượng tế A-bi-a-tha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế.”

Người nói tiếp: “Ngày sa-bát được tạo ra cho loài người, chứ không phải loài người cho ngày sa-bát. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát.”

Đó là lời Chúa
 
Luật Vị Nhân Sinh? - Mark 2:23-28
Nguyễn Trung Tây
05:22 16/01/2023
Nguyễn Trung Tây
Luật Vị Nhân Sinh? - Mark 2:23-28


Đi ngang qua ruộng lúa ngày Sabbath, các người môn đệ của Đức Giêsu bứt lúa. Những người Pharisee nói với Đức Giêsu, “Ông coi, ngày Sabbath mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!” (Mark 2:24). Người Pharisêu có lý do riêng để lên án các môn đệ Đức Giêsu, vì rõ ràng các môn đệ đã không tuân giữ lề luật vào ngày Sabbath, một chuẩn mực xã hội mà mọi người trong xã hội Do Thái phải tuân theo.

Đó là lý do tại sao, khi tiếp cận những đoạn Phúc âm như thế này, một số học viên của tôi trong lớp Kinh Thánh cảm thấy bối rối, vì họ tranh luận, “Các môn đồ của Đức Giêsu rõ ràng đã không tuân theo luật.”

Một trong những sinh viên đã viện dẫn luật đèn giao thông để hỗ trợ cho lập luận của mình. Nếu các môn đệ của Đức Giêsu không dừng xe trước đèn đỏ, chắc chắn họ sẽ tạo nên một cảnh hỗn loạn ở ngã tư. Chưa kể nhiều sinh mạng có thể sẽ bị người không giữ luật hủy hoại. Chính xác! Lập luận và so sánh này hợp lý.

Nhưng xét về tổng thể, độc giả Tin Mừng nhận ra Đức Giêsu không bao giờ có ý định khuyên bất cứ ai chống lại luật pháp hoặc chuẩn mực xã hội. Thực ra Đức Giêsu là người trung thành tuân giữ lề luật, luật Do Thái cũng như luật Rôma. Đó là lý do tại sao Đức Giêsu tham dự nghi lễ tôn giáo vào ngày Sabath (Luke 4:16). Đó là lý do tại sao Đức Giêsu truyền Phêrô đi đánh cá. Và từ đồng tiền shekel tìm thấy trong miệng chú cá bắt được, Phêrô đóng tiền thuế Đền thờ cho cả Ngài và Phêrô, nửa shekel cho mỗi người (Matt 17:24-27, 22:15-22).

Tuy nhiên, Đức Giêsu có một quan điểm thực tế và rất nhân từ về luật. Đối với Ngài, ngày Sabath là cho con người, luật vị nhân sinh, chứ không phải con người cho ngày Sabath, nhân sinh vị luật (Mark 2:27). Vâng, đó là Đức Giêsu, Chúa của chúng ta và cách nhìn luật pháp độc đáo của ngài.

Tại sao lại có luật? Đối với Đức Giêsu, về cơ bản, tất cả các bộ luật hiện hành đều phải vì và cho lợi ích con người. Do đó, luật pháp trong xã hội tồn tại không phải bởi bất kỳ toan tính nào đó, hay để phục vụ một số cá nhân, mà là vì hạnh phúc của nhân loại. Với triết lý và nhân sinh quan độc đáo này, mặc dù phải trả giá bằng chính mạng sống của mình, Đức Giêsu liên tục can đảm lên tiếng chống lại những bộ luật lệ không vì lợi ích cho con người!□

Lời Nguyện
Lạy Chúa! Xin hướng dẫn và thay đổi trái tim chúng con, để chúng con biết nhân ái với tha nhân nhiều hơn!
(Trích Suy Niệm Ta Thương Tổn Ta sẽ xuất bản)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:15 16/01/2023

4. Bởi vì Thiên Chúa yêu thương con người cách hoàn hảo, cho nên con người cũng phải yêu Ngài như thế.

(Thánh Bonavita)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:17 16/01/2023
37. CHỈ NỬA TRÁI ĐÀO

Di Tử Hà nước Vệ rất được nhà vua cưng chiều, hình pháp của Vệ công quy định nếu người lén lút điều khiển xe vua ngồi, thì bị hình phạt chặt chân.

Một hôm, mẹ của Di Tử Hà bị bệnh rất nặng, có người đi suốt đêm đến báo cho ông ta biết tin, Di Tử Hà giả danh giả nghĩa của vua và đánh xe của vua ra khỏi cung về thăm mẹ. Về sau, Vệ công nghe nói chuyện ấy thì khen ngợi, nói:

- “Ông ta thật là hiếu thuận, vì mẹ mà quên đi hình phạt chặt chân.”

Cách mấy ngày sau, Di Tử Hà cùng với Vệ vương trong vườn cây ăn trái, ông ta hái một quả đào và ăn thử trước thì cảm thấy ngọt vô cùng, bèn cầm nửa trái đào còn lại dâng cho Vệ vương. Vệ vương nói:

- “Ngươi thật là yêu quý ta! Đưa trái đào ngon ngọt thế này để ta thưởng thức.”

Về sau, Di Tử Hà tuổi tác đã cao, dung nhan xấu xí, mức độ sủng ái của vua cũng giảm đi, cuối cùng thì mắc tội với nhà vua.

Vệ vương nói:

- “Tên này trước kia đã xấu rồi, nó đã giả thánh chỉ của ta để ngồi xe của ta, lại còn cho ta ăn đào thừa của nó nữa.”

( Hàn Phi Tử )

Suy tư 37:

Sắc đẹp và duyên dáng cả hai đều là đẹp, cũng đều khiến người ta mê li, nhưng hiệu quả về lâu về dài thì lại khác nhau, chúng ta thử làm một so sánh:

- Sắc đẹp thì nổi bật ra bên ngoài, nên làm cho người ta thấy là thích là mê ngay; duyên dáng thì ẩn tàng bên trong không tinh ý thì sẽ không thấy, do đó mà người ta rất chậm thích người có duyên.

- Người yêu vì sắc đẹp thì rất mãnh liệt ban đầu, nhưng đến khi sắc tàn hoa rụng thì lạị chán chê, tình yêu cũng vì đó mà bay mất; người yêu vì nét duyên dáng thì lúc đầu hời hợt, nhưng càng ngày càng mãnh liệt vì họ đã khám phá ra được cái đẹp bên trong của tâm hồn, dù cho sắc đẹp cho tàn phai, thì người ta vẫn cứ yêu và yêu cho đến chết.

Đức Chúa Giê-su yêu thương chúng ta thì Ngài không coi dáng vẻ bên ngoài của chúng ta đẹp hay xấu, Ngài nhìn thấy tận tâm hồn của mỗi người tốt xấu Ngài cũng yêu ráo, cho nên tình yêu của ngài dành cho nhân loại rất đặc biệt, Ngài yêu nhân loại cho đến chết trên thập giá để nhân loại được sống và sống trong yêu thương.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Con người cần thương xót hơn công lý
Lm Minh Anh
21:22 16/01/2023
CON NGƯỜI CẦN THƯƠNG XÓT HƠN CÔNG LÝ

“Ngày Sabbat được tạo ra cho loài người”.

Một bà mẹ đến với Napoléon để cầu xin sự tha thứ cho con mình. Hoàng đế trả lời, “Con bà phạm tội đến hai lần và công lý của luật đòi hỏi cái chết!”. “Nhưng tôi không cầu xin công lý của luật; tôi cầu xin thương xót”. “Nhưng nó không đáng được thương xót!”. “Thưa ngài, sẽ không có lòng thương xót nếu con tôi xứng đáng với nó! Thương xót là tất cả những gì tôi xin!”. Vua nói, “Vậy thì, tôi sẽ thương xót!”. Ông tha cho con trai bà, vì ‘con người cần thương xót hơn công lý!’.

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ không có lòng thương xót nếu con tôi xứng đáng với nó!”. Lý luận tuyệt vời của bà mẹ kia được chứng thực trong Tin Mừng hôm nay khi người biệt phái bắt bẻ các môn đệ Chúa Giêsu bứt lúa mà ăn trong ngày Sabbat. Ngài nói, “Sabbat được tạo ra cho loài người, chứ không phải loài người cho ngày Sabbat”; ý Ngài muốn nói, ‘Con người cần xót thương hơn công lý!’.



Nhân loại cần một Đấng Cứu Rỗi xót thương biết bao! dân Chúa cần những nhà lãnh đạo xót thương biết bao! Vậy mà các biệt phái kinh sư thời Chúa Giêsu đã chôn sâu luật pháp của Thiên Chúa bên dưới lớp luật nhân tạo, đến nỗi những người đói không được phép bứt một gié lúa mà ăn trong ngày Sabbat. Thật ngớ ngẩn! Liệu Thiên Chúa có thực sự bị xúc phạm vì có người đưa tay bứt lúa mà ăn khi họ đang đói trong ngày Sabbat? Không đâu! Ngài không hề bị xúc phạm bởi một hành động như thế. Với các biệt phái, luật pháp đã trở thành mục đích vốn được ưu tiên hơn con người; ở đây, những người đang đói! Và chúng ta tự hỏi, làm thế nào dân Chúa có thể được dẫn dắt một cách an toàn trên con đường dẫn đến sự cứu rỗi mà không vướng vào gai góc của những nghi lễ sai lầm và những giới luật tuỳ tiện một cách vô vọng đến thế? Giới lãnh đạo tôn giáo đã quên rằng, ‘Con người cần xót thương hơn công lý!’.

Tại sao họ lại cư xử như thế? Câu trả lời thật rõ ràng, họ đã xa rời tình yêu và công lý vốn sẽ không bao giờ được phép tách rời nhau! Công lý mà không có tình yêu, sẽ chỉ giết chết; tình yêu mà không có công lý, sẽ chỉ mị dân! Các biệt phái chú tâm vào luật và coi thường công lý; họ chi tiết hoá luật và bất chấp tình yêu. Đường lối nệ luật này chỉ dẫn đến khép kín, ích kỷ và vong thân; dẫn đến chủ nghĩa vị kỷ, thành kiến và kiêu ngạo; dẫn đến việc coi sự thánh thiện là một cái gì hoàn toàn bên ngoài, điều họ gọi là ‘công chính!’. Thế mà, trái với họ, Chúa Giêsu dạy một đường lối hoàn toàn khác; đó là xót thương. Công lý của Ngài là tình yêu; con đường tình yêu dẫn đến công lý này, tất yếu, dẫn đến Thiên Chúa. Con đường khởi đi từ tình yêu của Ngài dẫn đến một sự hiểu biết, nhân ái và biết phân định; dẫn đến một sự viên mãn, thánh thiện và cứu rỗi; dẫn đến cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa Tình Yêu, Cứu Độ và Xót Thương!

Anh Chị em,

“Ngày Sabbat được tạo ra cho loài người”. Không chỉ vậy, Con Thiên Chúa còn xuống thế cho loài người! Ngài chấp nhận “sinh làm con một người phụ nữ, sống dưới chế độ lề luật, để cứu chuộc những ai sống dưới lề luật”. Ngài đã chết vì luật con người, để con người khỏi bị ràng buộc bởi luật mà sống trong luật tự do của con cái Chúa. Luật của Chúa là luật yêu thương! Tác giả thư Do Thái hôm nay nói, “Thiên Chúa không thể nói dối được”. Là con cái Thiên Chúa, chúng ta sống luật tình yêu, luật thương xót, luật của Nước Trời. Napoléon, một con người, và dù chỉ là một ông vua trần thế, đã không nỡ xử với luật của loài người nhưng xử với lòng thương xót; ông ý thức ‘con người cần thương xót hơn công lý!’, phương chi Thiên Chúa, Đấng ban luật yêu thương, “luôn nhớ mãi giao ước đã lập ra” như lời Thánh Vịnh đáp ca hôm nay cho biết, Ngài sẽ xét xử con người theo lòng thương xót của Ngài; và như vậy, sẽ nhân ái hơn nhường nào!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con luôn xác tín, con không xứng đáng với lòng thương xót Chúa; nhờ đó, con mới ý thức rằng, anh chị em con, những ‘con người cần thương xót hơn công lý!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Khổ hết biết: Gia đình đau đớn vì hai người qua đời, thánh lễ an táng lại bị khủng bố tấn công giữa Luân Đôn
Đặng Tự Do
05:09 16/01/2023


Một linh mục đã mô tả một tình cảnh quá đỗi đau lòng 'nói không lên lời' sau khi một kẻ khủng bố bắn 6 phát súng vào cộng đoàn của ngài ngay sau thánh lễ an táng tại nhà thờ Công Giáo Thánh Alôsiô, thuộc quận Euston, Bắc Luân Đôn.

Phát biểu với cộng đoàn giáo dân trong thánh lễ sáng Chúa Nhật, Cha Jeremy Trood, là cha sở của giáo xứ đã kể lại những gì ngài đã chứng kiến sau thánh lễ an táng hôm thứ Bẩy, 14 Tháng Giêng. Ngài kêu gọi cầu nguyện cho tang gia và sáu người trong giáo xứ bị thương —trong đó có hai trẻ em—trong một vụ xả súng tàn bạo và mô tả sự hoảng loạn xảy ra sau vụ tấn công.

Cha Jeremy Trood cho biết thấy tiếng súng vang lên vào trưa thứ Bảy ngay sau khi những người trong tang gia, bạn bè, và những người quen biết, và cả những người không quen biết nhưng cảm thương trước tình cảnh của tang gia, đang rời nhà thờ Thánh Alôsiô, để thả chim bồ câu sau thánh lễ an táng cho một phụ nữ trẻ và mẹ của cô, là những người đã qua đời cách nhau chỉ vài tuần.

“Tôi đang ở bên trong nhà thờ thì đột nhiên có một tiếng nổ lớn và mọi người đổ xô vào nhà thờ la hét và nói rằng đã có tiếng súng nổ,” vị linh mục Công Giáo cho biết.

“Không có từ nào có thể mô tả những gì đã xảy ra và tôi không thể tưởng tượng được tại sao người ta lại có thể làm một việc như vậy. Có hàng trăm người trong nhà thờ bước ra. Đó thật là một cảnh kinh hoàng. Tiếng la hét và âm thanh hoảng loạn khắp mọi nơi.

Các phát súng đã được bắn ra từ một chiếc xe chạy ngang qua nhà thờ vào hôm thứ Bảy lúc 1:30 chiều giờ địa phương. Sara Sanchez, 20 tuổi qua đời và mẹ cô, Fresia Calderon, thương nhớ con đã qua đời theo. Tình cảnh quá đỗi đau lòng của gia đình đã khiến nhà thờ chật cứng người trong tang lễ. Đám tang của cả hai người vừa kết thúc, và mọi người đang ra khỏi nhà thờ.

Một trong những nạn nhân của vụ xả súng, là một bé gái 7 tuổi, được cho là đang trong tình trạng ổn định nhưng nguy hiểm đến tính mạng, trong khi một phụ nữ 48 tuổi được cho là có những vết thương có thể dẫn đến dị tật suốt đời.

“Đó là một biến cố gây sốc. Mọi người đến đây để tham dự một đám tang để được ở bên bạn bè và những người thân yêu và cùng nhau than khóc. Thay vào đó, họ là nạn nhân của một hành động bạo lực vô nghĩa,” Giám đốc Cảnh Sát Luân Đôn Jack Rowlands cho biết trong một cuộc họp báo tối thứ Bảy.

“Chúng tôi có một số lượng đáng kể các thám tử chuyên nghiệp và viên chức cảnh sát địa phương làm việc suốt ngày đêm. Nhưng chúng tôi cũng cần sự giúp đỡ của công chúng. Chúng tôi muốn nghe từ bất kỳ ai chứng kiến vụ việc hoặc có thông tin về vụ việc. Thông tin của bạn có thể cực kỳ quan trọng, bất kể bạn nghĩ nó tầm thường đến mức nào,” ông nói.

Rowland cho biết: “Chúng tôi tin rằng các nghi phạm đã xả súng bằng một khẩu súng ngắn từ một phương tiện đang di chuyển, đó là một chiếc Toyota C-HR màu đen, có thể là mẫu 2019 hoặc tương tự.


Source:Catholic News Agency

 
Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa cho rằng đã xảy ra bách hại tôn giáo
Đặng Tự Do
05:11 16/01/2023


Đoạn video được công bố vào tháng 11 năm ngoái cho thấy không có vũ khí, chiến trường tàn bạo hay các binh lính. Nhưng âm thanh của một bài hát Nga yêu nước vang vọng khắp một nhà thờ trong khuôn viên tu viện Lavra nổi tiếng của Kyiv dường như mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến của Ukraine với Nga.

Hồi tháng 5 việc, Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC-MP, đã cắt bớt cái đuôi MP, nghĩa là trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, và từ đó được gọi vắn tắt là UOC. Nhưng theo truyền thống, họ vẫn trung thành với Giáo Hội Chính thống Nga, và nhà lãnh đạo hiện tại của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa là Thượng phụ Kiril, người đã công khai ủng hộ cuộc xâm lược tàn bạo của Mạc Tư Khoa.

Vài ngày sau khi video xuất hiện, các thành viên của Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, đã tiến hành một cuộc đột kích vào tu viện Lavra – chính thức là để ngăn chặn nó được sử dụng để “che giấu các nhóm phá hoại và trinh sát” hoặc “cất giữ vũ khí”. Đến tháng 12, một số nhà lãnh đạo UOC đã bị xử phạt và hàng chục nhà thờ khác trên khắp đất nước đã bị SBU đột kích.

Trong bài phát biểu hàng đêm vào ngày 1 tháng 12, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết ông đã sẵn sàng vượt qua các cuộc tấn công tôn giáo – để đề xuất luật cấm các nhà thờ chịu ảnh hưởng của Nga hoạt động ở Ukraine.

Tuy nhiên, Tổng Giám Mục Klyment của UOC tin rằng luật đó sẽ chỉ đẩy Giáo Hội của ông xuống lòng đất. “Bách hại là gì nếu không phải là điều này?” ông đưa ra câu hỏi trên với các tín hữu hôm Chúa Nhật 15 tháng Giêng, một tuần sau lễ Giáng Sinh Chính Thống Giáo, khi đối thủ của ông là Chính Thống Giáo Ukraine, gọi tắt là OCU, lần đầu tiên cử hành các thánh lễ bằng tiếng Ukraine trong nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Yên Nghỉ của Kyiv.

Trong tổng số 43,500,000 dân Ukraine, có tới 17.3% là người gốc Nga. Trong số những người Ukraine, không thiếu những người vẫn hoài vọng về Thượng Phụ Kirill, người đã nhiệt liệt ủng hộ cuộc xâm lược của Putin vào quốc gia họ. Cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước của người Ukraine do đó rất chông gai.
Source:CNN
 
Mùa Hành Trình: Đức Thánh Cha Phanxicô đau buồn chia sẻ với các nạn nhân của tai nạn máy bay ở Nepal
Thanh Quảng sdb
16:59 16/01/2023
Mùa Hành Trình: Đức Thánh Cha Phanxicô đau buồn chia sẻ với các nạn nhân của tai nạn máy bay ở Nepal

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một điện văn chia buồn và cầu nguyện cho 70 nạn nhân bị thiệt mạng trong tai nạn của chiếc máy bay của hãng Yeti bị rơi ở thị trấn du lịch Pokhara Nepal.

(Tin Vatican - Deborah Castellano Lubov)

Trong bức điện văn do Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin gửi tới Tổng thống Nepal, Bidya Devi Bhandari, vào thứ Hai, Đức Thánh Cha chia sẻ nỗi đau buồn với gia đình những người thiệt mạng.

Được biết sáng Chủ nhật, chiếc máy bay ATR72 của Yeti Airlines bay từ Kathmandu tới đã bị rơi khi đến gần sân bay của thị trấn du lịch Pokhara ở miền bắc Nepal.

Tai nạn này là tai nạn máy bay thảm khốc nhất của quốc gia vùng Himalaya này trong ba thập kỷ qua.

Theo người phát ngôn của hãng bay Yeti thì có 4 thành viên phi hành đoàn trên máy bay và một số hành khách là người nước ngoài.

Những người nước ngoài bao gồm năm người Ấn Độ, bốn người Nga, hai người Hàn Quốc và một người đến từ Ireland, Australia, Argentina và Pháp.

Sự gần gũi của Đức Thánh Cha

Trong bức điện văn, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu nguyện cho những người bị ảnh hưởng và tham gia vào các nỗ lực giải cứu, đồng thời phó thác linh hồn của những người đã khuất vào lòng thương xót của Thiên Chúa toàn năng.

Đức Thánh Cha cầu khẩn ơn thiêng của Thiên Chúa chữa lành và ban bình an cho gia đình các nạn nhân.

Nỗ lực tìm kiếm

Theo Reuters, một nhân chứng cho hay máy bay hạ cánh rất bình thường cho đến khi máy bay đột ngột rẽ sang trái.

Lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm kiếm các mảnh vỡ rơi rải rác trong hẻm núi dài 300 mét để tìm kiếm ba người mất tích được cho là đã chết.

Hôm thứ Hai, các đội cứu hộ đã tìm được hộp tín hiệu của chuyến bay và máy ghi âm buồng lái của máy bay.

Nepal là quê hương của tám trong số 14 ngọn núi cao nhất thế giới bao gồm cả đỉnh Everest.
 
Đức Giáo Hoàng bỏ cuộc rước Thứ Tư Lễ Tro?
Đặng Tự Do
17:15 16/01/2023


Hôm 12 tháng Giêng, Đức Ông Diego Ravelli, Chủ sự các nghi lễ phụng vụ của Đức Giáo Hoàng, đã công bố lịch cử hành từ tháng Giêng đến tháng Hai do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự.

Không có trong danh sách các lễ kỷ niệm là cuộc rước sám hối Thứ Tư Lễ Tro và cử hành Thánh lễ tại Vương cung thánh đường Santa Sabina, nơi theo truyền thống Đức Thánh Cha chủ sự nghi thức xức tro. Năm nay, Thứ Tư Lễ Tro rơi vào ngày 22 tháng Hai.

Người ta không biết liệu sự thiếu sót này là do sơ suất hay là dấu hiệu cho thấy Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ không tham gia cuộc rước và Thánh lễ ngày hôm đó.

Theo truyền thống phụng vụ có từ thế kỷ thứ 7, ngày Thứ Tư Lễ Tro là một ngày quan trọng, và không một lễ nào có thể vượt lên trên. Người ta cũng gọi ngày này là “Ðầu Mùa Chay”. Việc ăn chay trong Mùa này đã có từ thời Ðức Giáo Hoàng Gregoriô Cả vào cuối thế kỷ thứ Sáu.

Những Quy luật tổng quát của Năm phụng vụ nói về ngày Thứ Tư Lễ Tro như sau: “Mùa Chay bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro và kết thúc ngay trước Thánh lễ Tiệc Ly. Ngày Thứ Tư đầu Mùa Chay có xức tro; ngày đó khắp nơi ăn chay”. Lời chỉ dẫn này cho chúng ta biết ý nghĩa của Ngày Thứ Tư Lễ Tro trong Năm phụng vụ, cũng như trong suốt Mùa Chay thánh. Với Thứ Tư Lễ Tro, Giáo hội bắt đầu Mùa Chay Thánh.

Thông thường, vào lúc 16:30 ngày thứ Tư lễ Tro, Đức Thánh Cha chủ sự cuộc rước thống hối từ nhà thờ Thánh Anselmo của dòng Biển Đức đến Vương cung Thánh Đường Thánh nữ Sabina của dòng Đa Minh trên đồi Aventino ở Rôma.

Trên quãng đường dài 500 mét, các vị vừa đi vừa hát kinh cầu các thánh, và thánh ca thống hối.

Tại Vương cung Thánh Đường thánh nữ Sabina, có từ thế kỷ thứ 5, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ đồng tế với nghi thức xức tro, cùng với các Hồng Y và Giám Mục, trước sự tham dự của các linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân, đặc biệt là các vị lãnh đạo Hội Hiệp sĩ Malta.

Năm ngoái, Tòa Thánh khẳng định Đức Thánh Cha sẽ chủ sự các nghi thức ngày Thứ Tư Lễ Tro. Tuy nhiên, giờ chót ngài bị đau đầu gối nên đã nhờ Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cử hành thay cho ngài.
Source:Catholic World News
 
Các giám mục Thụy Sĩ kêu gọi tôn trọng các quy tắc sau khi một linh mục mời một người phụ nữ đồng tế trong Thánh lễ
Đặng Tự Do
17:16 16/01/2023


Chỉ có các linh mục được thụ phong mới có thể chủ sự Thánh lễ, và phụng vụ không nên là “nơi thử nghiệm cho các dự án cá nhân”, ba giám mục Thụy Sĩ đã đưa ra lập trường trên. Sự can thiệp của họ diễn ra sau cuộc tranh cãi trên mạng về một đoạn video quay cảnh một nữ giáo dân đang đồng tế với các linh mục.

“Tất cả anh chị em đều biết rằng chỉ có linh mục mới thành sự chủ sự Thánh Thể, ban bí tích hòa giải và xức dầu cho bệnh nhân. Đây chính là lý do tại sao ngài được phong chức. Quy tắc này của đức tin Công Giáo Rôma phải được tôn trọng không có bất cứ ngoại lệ nào trong các giáo phận của chúng ta,” các Giám mục Joseph Bonnemain của Chur, Felix Gmür của Basel, và Markus Büchel của Sankt Gallen cho biết trong một bức thư ngày 5 tháng Giêng gửi cho những người hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc mục vụ. Báo Công Giáo La Croix đưa tin.

Ba giáo phận của họ là những giáo phận chủ yếu nói tiếng Đức của Thụy Sĩ.

Các giám mục thừa nhận mong muốn của mọi người tham gia phụng vụ nhưng cho biết phụng vụ Công Giáo có đặc tính phổ quát, và điều này đặc biệt liên quan đến việc cử hành các bí tích.

“Chứng tá chung yêu cầu các hình thức và quy tắc chung. Các giám mục chúng ta thường xuyên nhận được các yêu cầu và phản ứng lo lắng: các tín hữu có quyền tham gia các nghi lễ tôn giáo xứng đáng, tôn trọng các quy tắc và hình thức của Giáo hội,” lá thư của các ngài viết.

Bức thư của các ngài được đưa ra sau cuộc tranh cãi về một Thánh lễ vào tháng 8 năm 2022 tại Giáo phận Chur mà tại đó một quản trị viên giáo xứ là bà Monika Schmid, cư dân Zurich, một người tham gia quản lý giáo xứ lâu năm đã được cha sở mời đồng tế Thánh Lễ để đánh dấu sự nghỉ hưu của bà.

Giám mục Bonnemain đã nhanh chóng mở một cuộc điều tra giáo luật sơ bộ về hành động này với lý do bị cáo buộc lạm dụng phụng vụ. Điều 907 của giáo luật Giáo Hội Công Giáo cấm các phó tế Công Giáo và giáo dân Công Giáo dâng lời cầu nguyện Thánh Thể và thực hiện các hành động “chỉ phù hợp với linh mục cử hành lễ.”

Schmid đã phủ nhận hành động của cô ấy là một nỗ lực để đồng tế Thánh lễ hoặc khiêu khích, cổng thông tin internet Công Giáo Thụy Sĩ Cath.ch đưa tin. Schmid thừa nhận rằng là một phụ nữ, cô ấy không thể cử hành Bí tích Thánh Thể một cách hợp lệ như các linh mục Công Giáo đã được phong chức. Cô cho biết cuộc tranh cãi dựa trên một video clip được tải lên internet mà tất cả những người tham gia đều không hề hay biết.

Bà ấy nói: “Và một số người đã đỏ mắt khi nhìn thấy một người phụ nữ trên bàn thờ trong một bức ảnh.”

Trong khi đó, mạng Cath.ch quả quyết rằng bà ấy đã đồng tế trong thánh lễ. Video về Thánh lễ “cho thấy rõ bà ấy, trong bộ quần áo dân sự, ở bàn thờ, được bao quanh bởi hai linh mục và cùng với họ, dang rộng hai tay, đọc văn bản truyền phép bánh và rượu và phép Thánh Thể như một linh mục.”

La Croix đưa tin vào tháng Chín rằng bản văn của kinh nguyện Thánh Thể đã được “sửa đổi rộng rãi,” cho thấy việc đồng tế của bà Schmid là một hành động đã được tính toán trước và có chủ ý rõ rệt, không phải là một hành động bốc đồng của các linh mục đồng tế.

Trong lá thư của mình, các giám mục của Thụy Sĩ nói tiếng Đức cho biết họ biết rằng một số người đã lập luận rằng phụ nữ tham gia phụng vụ.

“Chúng ta nghe thấy yêu cầu của nhiều người để có thể tham gia phụng vụ theo những cách khác, chẳng hạn như phụ nữ,” họ nói. “Tuy nhiên, chúng ta kêu gọi các bạn đừng biến dấu hiệu hiệp nhất là phụng vụ thành nơi thử nghiệm cho các dự án cá nhân. Chính trong việc cử hành cùng một phụng vụ trên toàn thế giới mà chúng ta là người Công Giáo và đoàn kết với nhau.”

Các giám mục bác bỏ bất kỳ tuyên bố nào cho rằng họ đang bảo vệ “chủ nghĩa giáo quyền gia trưởng”. Thay vào đó, họ nói, “các linh mục, khi cử hành và cử hành các bí tích, làm cho thấy rằng chính Chúa Giêsu Kitô hành động trong và qua các bí tích.” Các linh mục “có thể nói là để ngỏ không gian cho hoạt động của Thiên Chúa trong phụng vụ”.

Trước đó, Schmid phủ nhận việc đồng tế với hai linh mục. Tuy nhiên, một phụ nữ trong giáo xứ đã xác nhận rằng trong thánh lễ ấy Schmid đã đồng tế. Người phụ nữ này được tường trình đã chạm trán với cha sở ngay sau thánh lễ và nêu thắc mắc nửa đùa nửa thật rằng “con còn đẹp hơn bà Schmid, sao cha không cho con đồng tế?”

Giờ đây, bà Schmid không phủ nhận nữa nhưng đã chỉ trích lá thư của các giám mục. Bà ấy nói mình ủng hộ một cử hành phụng vụ, theo quan điểm của bà, là “tiếp cận với mọi người trong cuộc sống hàng ngày của họ, bằng ngôn ngữ của họ và trong sự hiểu biết của họ về chính họ”

Các giám mục đề cập đến tông thư Desiderio desideravi vào tháng 6 năm 2022 của Đức Thánh Cha Phanxicô. Tông thư nhấn mạnh đến phẩm chất của các nghi thức phụng vụ, sự chú ý cẩn thận đến mọi khía cạnh của việc cử hành phụng vụ và việc tuân thủ mọi tiêu chí đánh giá.

Theo La Croix, các giám mục Đức mời gọi người Công Giáo sử dụng “sự đa dạng của các hình thức cử hành phụng vụ mà Giáo hội cung cấp… để cá nhân bạn có thể là một phần của nó.”
Source:Catholic News Agency
 
Các nhà hoạt động nói rằng trẻ em thiệt mạng và các nhà thờ bị phá hủy khi Miến Điện đánh bom các làng dân tộc Karen
Đặng Tự Do
17:17 16/01/2023


Các cuộc không kích của quân đội Miến Điện vào hai ngôi làng có phần lớn người dân tộc Karen sinh sống đã giết chết 5 dân thường, trong đó có một người mẹ và cô con gái 2 tuổi, đồng thời phá hủy hai nhà thờ, hai tổ chức cứu trợ cho biết hôm thứ Sáu. Những người thiệt mạng trong các cuộc không kích hôm thứ Năm còn có mục sư của một nhà thờ Baptist, một phó tế Công Giáo và một giáo dân trong nhà thờ, theo Tổ chức Phụ nữ Karen và Lực lượng Kiểm lâm Miến Điện Tự do. Họ cho biết một phụ nữ khác và con của cô ấy bị thương ở ngôi làng thứ hai.

Người Karen, sống chủ yếu ở phía đông Miến Điện dọc biên giới với Thái Lan, là một trong những lực lượng nổi dậy dân tộc thiểu số lâu đời nhất và đã đấu tranh trong nhiều thập kỷ để giành quyền tự trị lớn hơn từ chính quyền trung ương. Giao tranh gia tăng sau tháng 2 năm 2021, khi quân đội cướp chính quyền từ chính phủ dân cử của Aung San Suu Kyi.

“Các cuộc không kích đang giết chết dân thường và phá hủy nhà cửa, trung tâm y tế, nhà thờ, trường học, thư viện và tu viện,” nhóm phụ nữ Karen cho biết trong một tuyên bố.

Quân đội đã sử dụng vũ lực chết người để đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa chống lại việc cuộc đảo chính, điều này đã gây ra sự phản kháng vũ trang của các lực lượng ủng hộ dân chủ đã bắt tay với một số nhóm nổi dậy sắc tộc, bao gồm cả người Karen. Sau đó, chính phủ do quân đội thành lập đã phát động các cuộc tấn công ở vùng nông thôn để cố gắng bảo vệ lãnh thổ bằng cách sử dụng các cuộc không kích và đốt cháy các ngôi làng.

Chính phủ Thống nhất Quốc gia, một nhóm ngầm tự xưng là chính phủ hợp pháp của đất nước và đóng vai trò là tổ chức bảo trợ cho những người chống lại sự cai trị của quân đội, cho biết trong một tuyên bố trong tuần này rằng kể từ khi quân đội tiếp quản, “trong khu vực Karen 460 thường dân vô tội, chủ yếu là trẻ em, đã mất mạng sống do các cuộc không kích lặp đi lặp lại của quân đội”.

Lực lượng Kiểm lâm Miến Điện Tự do cho biết các tình nguyện viên của họ đã quan sát từ xa khi các máy bay phản lực thực hiện hai đợt ném bom hôm thứ Năm xuống Lay Wah, một trong những ngôi làng bị tấn công ở quận Mutraw của bang Karen, còn được gọi là Papun. Họ cho biết các tình nguyện viên đến Lay Wah sau khi trời tối, nơi có 5 người thiệt mạng và các nhà thờ bị phá hủy.

“Điều đầu tiên chúng ta nhìn thấy ở cuối làng là một con trâu bị đứt nửa chân trước lảo đảo trong đau đớn và chúng ta thấy những ngôi nhà bị hư hại do mảnh đạn và mái nhà bị thổi bay”.

Ngôi làng bị đánh bom khác là Paw Khee Lah, nơi một phụ nữ và trẻ em bị thương.

Vì dân làng Karen đã quen sống chung với chiến tranh nên họ tiến hành nhiều hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như đi học, trong rừng.

Vụ đánh bom ở bang Karen là cuộc không kích thứ hai được báo cáo của quân đội Miến Điện trong tuần này. Vào thứ Ba và thứ Tư ở bang Chin phía tây Miến Điện, máy bay quân sự đã ném bom trụ sở của Mặt trận Quốc gia Chin, một lực lượng dân quân nổi dậy sắc tộc khác có liên hệ mật thiết với phong trào ủng hộ dân chủ của đất nước.

Các lực lượng kháng chiến ở Miến Điện đã ngăn chặn được quân đội giành quyền kiểm soát vững chắc trên những vùng đất rộng lớn của đất nước, nhưng lại gặp bất lợi lớn về vũ khí, nhất là trong việc chống trả các cuộc tấn công bằng đường không. Nhiều quốc gia phương Tây đã áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với chính phủ quân sự, nhưng các nhà hoạt động cũng ủng hộ việc cấm hoặc hạn chế bán nhiên liệu máy bay cho Miến Điện để làm tê liệt lợi thế về sức mạnh không quân của quân đội.
Source:AP
 
Văn Hóa
Về Giáo Hội của Chúa Kitô, tác phẩm gần cuối đời của Jacques Maritain, Chương Mười Bốn, tiếp
Vu Van An
18:44 16/01/2023

Phục vụ Thiên Chúa trước nhất

1. Gioanna, cháu có phục tùng Giáo hội không? Chính với câu hỏi này, các quan tòa Rouen đã sách nhiễu cô hơn cả.



Như tôi vừa lưu ý, cô có bằng chứng cho thấy các mạc khải của cô phát xuất từ Thiên Chúa: evidentia in attestante, bằng chứng mạnh mẽ đến nỗi Gioanna đã tiến xa đến mức tuyên bố những gì cô nghe được phát xuất từ Thiên Chúa không nhờ các phương tiện khác (sine alio modo), - không có trung gian {16}. Các Tiếng nói với cô không truyền cho cô một lời nào được Thiên Chúa nói qua họ cho cô; cô đã nghe chính lời của Thiên Chúa nói trực tiếp với cô; các Tiếng nói với cô không phải là trung gian, những phương tiện truyền thông; chúng là chính sự rung động trong các lỗ tai cô, sự diễn đạt bằng ngôn ngữ của con người chính Lời Thiên Chúa.

Đây là lý do chính của câu mà cô không quên thêm vào các câu trả lời của mình: Cháu sẵn sàng vâng lời Giáo hội, nhưng Thiên Chúa phải được phụng sự trước nhất{17}, hoặc nếu người ta không ra lệnh cho cháu bất cứ điều gì bất khả{18}.

2. Nếu đó là vấn đề kho mạc khải do Giáo hội thông truyền, và thẩm quyền kỷ luật của phẩm trật, thì ở đó, không có vấn đề gì cả: "Nếu trong câu trả lời của cô có bất cứ điều gì trái với đức tin Kitô giáo do Chúa chúng ta truyền lệnh, cô sẽ không muốn duy trì và cô sẽ rất nổi giận chống lại".

"Cô tin rằng Đức Thánh Cha của chúng ta, Đức Giáo Hoàng của Rôma, các Giám mục và những người khác trong Giáo hội có nhiệm vụ bảo vệ đức tin Kitô giáo và trừng phạt những ai lỗi phạm..."

Nhưng nếu đó là vấn đề "những lời nói và việc làm" của cô, như thực tế đã xảy ra, hay nói cách khác là những mạc khải cô nhận được, - ở đây "cô sẽ không thu hồi, vì bất cứ điều gì trên đời, cũng như vì bất cứ người nào đang sống, những gì cô đã nói và làm đối với Thiên Chúa". Không ai trên thế giới này có thể khiến cô phủ nhận điều mà cô biết chính Thiên Chúa đã nói với cô. Không ai trên thế giới, kể cả Đức Giáo Hoàng? Ngày 24 tháng 5 năm 1431, chính cô đã yêu cầu: "Đối với mọi việc cháu đã hoàn thành, và những lời cháu đã nói, hãy gửi chúng đến Rôma cho Đức Thánh Cha của chúng ta, vị Giáo hoàng, Đấng và trước hết Thiên Chúa là những vị cháu tín thác trước nhất".

Tuy nhiên, ở đây, người ta vẫn nhận thấy một số dè dặt nào đó (do cụm từ Thiên Chúa trước nhất). Điều cô mong muốn là được đích thân gặp Đức Giáo Hoàng và có thể trả lời với ngài. "Được hỏi liệu cô có muốn phục tùng Đức Thánh Cha là Giáo hoàng không, cô trả lời: Hãy đưa cháu đến gặp ngài và cháu sẽ trả lời ngài". “Cháu yêu cầu được dẫn đến trước mặt ngài và sẽ trả lời trước mặt ngài mọi điều cháu phải trả lời”. Chính vì Gioanna chắc chắn không sợ bị Đức Giáo Hoàng phán định là mất trí, hoặc ngài sẽ ra lệnh cho cô đừng tin vào những mạc khải của cô{19}. Nhưng ai biết được liệu ngài, vì hoàn cảnh này hay hoàn cảnh nọ, lại không thích cô hành động cách khác? Tốt hơn là được dẫn trước mặt ngài, lắng nghe ngài và có thể trả lời ngài (các Tiếng nói với cô có lẽ sẽ khuyên cô điều này).

3. Do đó, tại nhà thờ Saint-Ouen, cô đã kháng án lên Đức Giáo Hoàng. Nhưng người ta trả lời cô rằng Đức Giáo Hoàng ở quá xa; cô phải phục tùng các giám mục chịu trách nhiệm về cô (như Giám mục của Beauvais, người mà cô từng nói: "Về phần ngài, cháu không muốn phục tùng ngài, bởi vì ngài là kẻ tử thù của cháu"?){20}. Người ta nói với cô rằng không thể đi xa như thế để tìm gặp Đức Thánh Cha, cũng vì các vị Bản quyền là những thẩm phán, mỗi vị trong giáo phận riêng của mình; và vì điều cần là cô phải phục tùng mẹ thánh Giáo Hội và cô phải tuân theo những gì các giáo sĩ dòng và những người uyên bác khác đã nói và đã ấn định về những lời nói và việc làm của cô"{21}.

Trong bản án tử hình ngày 30 tháng 5, các giáo sĩ dòng và những người uyên bác khác sẽ được gọi là các scientifici doctores [các tiến sĩ khoa học] mà cô gái cố chấp bị nguyền rủa này không chịu phục tùng. "Licet debite et sufficienter tam per nos quam, pro parte nostra, per nonnullos scientificos et expertos doctores ac magistros salutem animae tuae zelantes saepe et saepius admonita fueris...[ Mặc dù cháu đã được cả chúng tôi khuyên nhủ đúng mức và đầy đủ, và về phần chúng tôi, bởi một số tiến sĩ và chuyên viên khoa học và các thẩm phán, những người nhiệt thành đối với sự an toàn của linh hồn cháu, cháu vẫn thường xuyên và thường xuyên hơn được khuyên nhủ]"{22}.

Các thẩm phán của Gioanna đã có một ý tưởng hồ đồ về Giáo hội. Và sự hồ đồ này bị họ làm cho tự ý trở nên tồi tệ hơn, hoàn toàn không thể vượt qua, bằng cách trục lợi từ sự thiếu hiểu biết hoàn toàn về mặt con người của cô gái có tấm lòng cao cả để làm cô choáng váng với những từ ngữ bác học mà cô không hiểu, trong câu hỏi của họ và điều gọi là giải thích liên quan đến Giáo hội chiến đấu và Giáo hội chiến thắng. Gioanna cảm thấy họ làm mọi điều khiến cô phải bối rối. Sự mơ hồ không thể khắc phục được của chữ Giáo Hội chẳng hạn như họ đã sử dụng nó, để biến nó trở thành lãnh vực độc chiếm của các chuyên gia và các tiến sĩ khoa học, những người đòi hỏi sự tuân phục trong việc đánh giá và "xác định" liên quan đến bí mật của cõi lòng và những lời lẽ nhận được từ Thiên Chúa, - đây là lý do thứ hai của cụm từ phụng sự Thiên Chúa trước nhất mà Gioanna không bao giờ quên sử dụng.

4. Như Bréhal nói trong Recollectio [hoài niệm] của mình{23}, về các thẩm phán ở Rouen, clarum est quid per Ecclesiam isti intenderunt, non quidem Ecclesiam romanam aut universalem, sed potius semetipsos [điều họ muốn nói về Giáo Hội rất rõ ràng, không phải Giáo Hội Rôma và hoàn vũ, mà là chính họ]. Điều họ hiểu chữ "Giáo hội" là chính họ.

Do đó, chính với đầy đủ lý lẽ và một sự chính thống hoàn toàn trong sáng, Gioanna đã không ngần ngại trả lời (liên quan đến sự đơn sơ mà Bréhal và bạn bè của ngài, những tiến sĩ như ngài, nhấn mạnh khá nhiều, - cô không hiểu gì về biệt ngữ của các chuyên gia ở Rouen, nhưng, theo cách riêng của mình, cô được thông tri tốt hơn họ nhiều liên quan đến Giáo hội): "Cháu tin rằng Giáo hội chiến đấu không thể có lỗi hoặc sai phạm, nhưng đối với những câu nói và việc làm của cháu, cháu đặt chúng và quy chiếu chúng tất cả về Thiên Chúa, Đấng đã khiến cháu làm tất cả những gì cháu đã làm"{24}. “Trả lời rằng cô thực sự tin Đức Thánh Cha là Giáo hoàng của Rôma, các giám mục và những người khác trong Giáo hội có nhiệm vụ bảo vệ đức tin Kitô giáo và trừng phạt những ai sai phạm; nhưng về phần cô, phần những việc làm của cô, cô sẽ chỉ phục tùng Giáo Hội Thiên đàng, điều đó có nghĩa là phục tùng Thiên Chúa, Đức Trinh Nữ Maria và các thánh của Thiên đàng"{25}.

Điều đáng ngạc nhiên là về chủ đề này, một quan niệm sai lầm to lớn vẫn bị vi phạm bởi nhiều nhà sử học và nhà phê bình, và nó vẫn tìm được đường đi vào những bộ óc tuyệt hảo nhất {26}. Người ta đã tin rằng cô đã biến Giáo hội Thiên đàng thành một Giáo hội khác, một Giáo hội tách biệt với Giáo Hội của trái đất, và là Giáo Hội được cô kêu gọi chống lại Giáo hội của trái đất, trong khi trên thực tế, đối với cô, đó là cùng một Giáo hội duy nhất, nhưng trên đó thấy Thiên Chúa còn dưới thế này đã không thấy Người; đến nỗi cô tin vào Giáo hội trên mặt đất cũng như vào Giáo hội trên thiên đàng, và hoàn toàn không kêu gọi Giáo hội trên thiên đàng chống lại Giáo hội trên mặt đất, mà chỉ nhắc đến một vấn đề (các mạc khải của cô), một điều, hòan toàn liên quan đến những gì chính cô phải làm theo lệnh của Thiên Chúa, chứ không có điểm nào về tín lý, vốn không thuộc lãnh vực của Giáo Hội trên mặt đất (trừ Đức Giáo Hoàng, và Thiên Chúa phải được phụng sự trước nhất) {27}).

Cô đã nói tất cả mọi điều ở bên trên trong một câu trả lời đầy ý nghĩa khôn thấu: "Cô trả lời: 'Cháu tuân theo Chúa chúng ta, Đấng đã sai cháu đến với Đức Trinh Nữ và tất cả các vị thánh trên thiên đàng. Và cháu quan điểm rằng tất cả đều là một và cùng là một, Chúa chúng ta và Giáo hội [trong các dị bản khác: tất cả đều là một và cùng là một, Chúa và Giáo hội], và điều đó sẽ không gây khó khăn gì. Tại sao các ngài lại gây khó khăn cho điều đó?'" {28}.

Thiên Chúa và Giáo hội, Tất cả chỉ là một

1. Trong câu trả lời sáng chói và là một tia sáng của trực giác này, Gioanna, người không thể giải thích bằng lời lẽ của các nhà thần học, đã nói tất cả những gì mà những lời này có thể nói và sẽ có khả năng nói điều đúng nhất liên quan đến mầu nhiệm Giáo hội.

Khi nói: Thiên Chúa và Giáo hội - tất cả là một và cùng là một điều, Gioanna muốn nói rằng Giáo hội không phải là Thiên Chúa bởi vì Giáo hội được tạo ra, nhưng Giáo hội là vũ trụ của các tinh thần được tạo dựng sống bằng chính sự sống của Thiên Chúa qua ân sủng (ân sủng in via [đi đường] ở đây trên trái đất, ân sủng viên mãn trên Thiên đàng). Cô muốn nói rằng Giáo hội bao gồm các thiên thần cũng như con người. Noi gương Thánh Phaolô, cô muốn nói rằng Giáo Hội là Thân Thể Chúa Kitô, là Hiền Thê của Chúa Kitô và là sự viên mãn của Chúa Kitô. Cô muốn nói rằng Giáo hội trên trời và dưới đất không phải là hai Giáo hội khác nhau, mà xét về yếu tính, là Giáo hội đơn nhất, cùng là một và duy nhất dưới hai trạng thái khác nhau {29}. Cô muốn nói, - Tôi dám nghĩ như thế, điều mà một triết gia ngốc nghếch tội nghiệp cố gắng chứng tỏ trong cuốn sách này, - rằng Giáo hội đơn nhất, cùng là một và duy nhất này, cùng một lúc ở trên trời và dưới đất, và chỉ là một với Chúa Kitô như Nàng dâu với Chàng Rể, là một ngôi vị được tạo dựng trong khi Người là một ngôi vị bất tạo, và tư cách ngôi vị độc đáo của Giáo Hội là một tư cách ngôi vị bao trùm, trong tính hiệp nhất siêu nhiên và tính cá thể siêu nhiên, một đám đông vô kể mọi chi thể của Chúa Kitô, bất kể họ đang nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa hay đang lữ thứ trên nẻo đường đức tin của mình.

2. Và khi nói rằng Thiên Chúa và Giáo hội - tất cả đều là một và cùng là một điều, cô muốn nói rằng khi dựa vào các vị thánh của Thiên đàng để làm những việc làm và nói những lời nói của mình, cô đã mắc nợ mọi sự nơi Giáo Hội trên trái đất. Cô muốn nói rằng các ngôi vị của Giáo hội Thiên đàng nhờ ánh sáng Hưởng Nhan Chúa, như chính cô nhờ bằng chứng thần linh, biết rằng các mạc khải cô nhận được đều phát xuất từ Thiên Chúa, trong khi các ngôi vị của Giáo hội trên trái đất, những người sống bằng đức tin, chỉ có thể phán đoán từ những gì phù hợp hoặc trái ngược với đức tin chung của tất cả các Kitô hữu, điều mà chính cô cũng tuyên xưng trọn vẹn với cả trái tim của mình. Và trong khi phó thác các việc làm và lời nói của cô cho các Thánh trên Thiên Đàng, đồng thời cũng phó thác chúng cho Giáo Hội trên mặt đất về các sự thật được Chúa Kitô mặc khải cho mọi người, thì vẫn là và luôn luôn phó thác cho cùng một ngôi vị Giáo Hội, và không phải là không biểu lộ lòng tôn trọng đối với Giáo hội trên mặt đất, vì cô đã sẵn sàng, và yêu cầu, được đặt các việc làm và lời nói của cô dưới quyền của người lãnh đạo Giáo hội trái đất, - với điều kiện phải phục vụ Thiên Chúa trước nhất - và ngay cả dưới quyền của Công đồng, những người duy nhất, trong trường hợp ít thông thường như vậy, có thể đại diện cho Giáo hội trong tính phổ quát của nó, và quyết định và phán xét nhân danh nó.

Hai sai lầm liên quan đến sứ mệnh của Gioanna

1. Đầu tiên là sai lầm "ngoan đạo". Trong thế kỷ trước, người Pháp, và trên hết là những người Công Giáo Pháp "cánh hữu", đã tôn kính nơi Gioanna thành Arc một vị thánh được Thiên Chúa sai đến để chứng thực rằng Pháp là quốc gia được lựa chọn trong số các quốc gia. Gioanna, thần tượng của tính tự cao tự đại quốc gia: tốt hơn, không nên làm hoen ố ký ức về cô. Như thể dân duy nhất được chọn không phải là dân Israel{30}, và như thể Thiên Chúa đã không chăm sóc tất cả các quốc gia trên thế giới một cách giống như nhau! Những người Pháp trẻ tuổi ngày nay không còn giản lược sứ mệnh của Gioanna vào việc tôn vinh quê hương của họ, nhưng, ngay cả khi họ là Kitô hữu, họ không còn muốn nghe về các vị thánh và về các thiên thần, và mặt khác, họ không cảm thấy tự hào lắm về đất nước của họ.

Tuy nhiên, quả thực, sứ mệnh hiển hiện trước mắt của Gioanna, và một cách kỳ diệu!, là giải phóng nước Pháp và giúp nó khôi phục nền độc lập chính trị của nó. Nhưng điều này không hề nhằm chứng tỏ rằng Pháp là quốc gia thứ nhất trong số các quốc gia; đó chỉ là vì, vào thời điểm nhất định của lịch sử, nước Pháp, một nước mà các tước hiệu trong thế giới Kitô giáo thời trung cổ đã được thiết lập rất vững chắc, đã phải chịu sự bất công tàn nhẫn, và vì sự bất công này phải chấm dứt. "Và Thiên thần nói với cô điều đáng thương đang diễn ra ở vương quốc Pháp". Đây chỉ là vấn đề công lý và lòng cảm thương đối với những người bị áp bức, - "Cháu đã được sai đến với những người nghèo khó và những người bần cùng" - và để tái lập một đất nước với các quyền và sự tự do của nó.

2. Sai lầm khác vốn là sai lầm "thông thái". Người ta đã thấy một số tác giả nghiêm túc tự hỏi kết quả thảm hại nào chắc chắn sẽ xảy ra trong lịch sử thế giới nếu Gioanna không thành công trong việc đánh đuổi người Anh. Họ chắc chắn đã tưởng tượng Thiên Chúa là một nhà lãnh đạo chính phủ trên đất, vạch ra các kế hoạch cho tương lai, và quên rằng Người nắm trong tay mọi nguyên nhân thứ hai, và khiến chúng thay đổi theo ý muốn của Người.

Tự nó, việc phong thánh cho Gioanna đã chấm dứt hai sự sai lệch trên, bằng cách cho thấy rằng sứ mệnh thực sự của Gioanna, sứ mệnh vô hình vĩ đại của cô, là một sứ mệnh hoàn cầu.

Sứ mệnh đích thực của Gioanna

1. Bất kể điều này có thể liều lĩnh ra sao, điều thực sự cần phải cố gắng làm, tốt nhất có thể, là khuôn đúc một ý niệm về sứ mệnh thực sự của Gioanna, một sứ mệnh xuất hiện nhiều tầng trên một số bình diện khác nhau, và là sứ mệnh được cho là vừa bao la vừa mầu nhiệm.

Trước hết, đối với tôi, dường như đầu hết và trên hết, Gioanna (sống và chịu tử đạo trong thế kỷ mười lăm) đã được sai đến như một lời từ biệt huyền diệu của Chúa với thế giới Kitô giáo thời trung cổ đang đến hồi kết liễu.

Bất chấp những dấu tích của sự man rợ mà nó vẫn còn mang theo, thế giới Kitô giáo này là đỉnh cao nhất của nền văn minh Kitô giáo trong lịch sử nhân loại. Chúng ta hãy nghĩ đến đức tin đáng ngưỡng mộ của toàn thể người dân thường theo Kitô giáo thời đó, và thậm chí của những vĩ nhân trên thế giới này (mặc dù họ có thể đã mất tất cả do tham vọng và sự yếu kém đạo đức của đa số họ). Người ta hãy nghĩ tới công trình to lớn của lý trí, - trong những lĩnh vực cao nhất của tư tưởng, và dưới ánh sáng của đức tin, - đã được hoàn thành vào thời điểm này; tới di sản trí thức và luân lý mà chúng ta vốn nợ nó, tới các nhà huyền nhiệm của nó, tới các vị thánh của nó, tới những người xây dựng các thánh đường, tới ý niệm danh dự, tới phẩm giá con người, tới việc phục vụ người nghèo, mà dù nó có thể đã phản bội trong thực hành đến đâu, nó vẫn đã truyền lại cho chúng ta. Người ta hãy tưởng nghĩ tới Thánh Louis và Thánh Tôma Aquinô đang ngồi ăn cùng một bàn...

Thiên Chúa yêu thích thế giới Kitô giáo thời trung cổ này, và vui mừng vì tất cả sự tốt lành và thánh thiện có trong nó. Trong giây phút nó sắp qua đi, trong con người Gioanna, Người đã ban một hồng phúc hoàn toàn phi thường, - không như một phần thưởng (thưởng ai đây?) Nhưng như một dấu chỉ, dấu chỉ của tình yêu và của lòng biết ơn. Như thể Thiên đàng đã ban tặng cho trái đất một hình tượng xanh lam và vàng không gì có thể so sánh được, trong một khung hình được trang trí bằng những bông hoa Thiên đàng tưới đẫm bằng Máu quý giá và bằng những giọt nước mắt của Trinh Nữ Diễm Phúc.

Nhưng hình tượng diễm phúc này là của một cô gái tội phạm bị hành quyết, - bị hành quyết bởi các linh mục của Chúa Kitô: và món quà của Thiên đàng cũng mang đến cho trái đất một dấu hiệu về sự nghiêm khắc của Thiên Chúa đối với những kẻ sai lầm và bạo lực đã vấy máu thế giới Kitô giáo thời trung cổ, - - đặc biệt là đối với Tòa Lạc giáo, mà bức biếm họa tàn bạo của nó, vốn được trưng bày rõ bởi phiên tòa ở Rouen, đã được ký bằng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Causae ad invicem sunt causae [nguyên nhân là nguyên nhân của nhau]. Sự kết thúc của thế giới Kitô giáo thời trung cổ kéo theo sự kết thúc của Tòa Lạc giáo thời trung cổ; và Tòa lạc giáo thời trung cổ là một trong những sai lầm lịch sử không thể sửa chữa mà vì nó, thế giới Kitô giáo thời trung cổ đã bị diệt vong.

Sự từ biệt của Vua Thiên đàng với thế giới Kitô giáo thời trung cổ, - khía cạnh ban đầu trong sứ mệnh của Gioanna và hành trình của cô trên trái đất, - đồng thời là một sự từ biệt đầy lòng biết ơn tuyệt vời và là một sự từ biệt đầy trừng phạt không thể tránh khỏi.

2. Trong sứ mệnh này của Gioanna, điều làm chúng ta có ấn tượng đầu tiên là sứ mệnh hiển hiện trước mắt, mà tôi đã nói vài lời ở trên: giải phóng nước Pháp, và là sứ mệnh đã thành công hoàn toàn (nó hoàn thành rất nhanh sau khi Gioanna qua đời).

Nhưng ở đó, trên cùng một bình diện của công việc trần thế cần phải hoàn thành, cũng có một sứ mệnh bí mật, và là một sứ mệnh có tầm ý nghĩa lớn hơn, mà về nó, trong suốt sinh thời của Gioanna, một điều gì đó đã được biểu lộ. Tôi nghĩ đến cảnh tượng đáng kinh ngạc diễn ra tại Chinon vào năm 1429. Tác giả cuốn Breviarium historiale [lịch sử sách nguyện] kể lại, "Một ngày nọ, Trinh Nữ yêu cầu nhà vua tặng cho cô một món quà. Lời yêu cầu đã được chấp nhận. Do đó cô xin chính vương quốc Pháp như một món quà. Sau một lúc do dự, Nhà vua ngạc nhiên đã trao nó cho cô, và cô gái trẻ đã nhận nó. Cô thậm chí còn muốn việc này được long trọng viết ra và được 4 thư ký của nhà vua đọc lên. Văn kiện được soạn thảo và được đọc lớn tiếng, nhà vua hơi sửng sốt khi cô gái chỉ vào ngài và nói với những người hiện diện: 'đây là hiệp sĩ nghèo nhất của vương quốc của ngài'.

"Và sau một thời gian ngắn, trước sự chứng kiến của cùng các công chứng viên, với tư cách chủ nhân của vương quốc Pháp, cô đã trả lại nó trong tay Thiên Chúa Toàn năng. Rồi, vào cuối một vài khoảnh khắc khác, hành động nhân danh Thiên Chúa, cô đã trao vương quốc Pháp cho Vua Charles; và tất cả những điều này, cô muốn rằng một văn kiện trang trọng sẽ được soạn thảo bằng văn bản"{31}.

Đối với Gioanna, những gì diễn ra ở đây có tầm quan trọng lớn. Cô không chỉ được sai đến để giải phóng nước Pháp. Cô cũng được sai đến để khôi phục "vương quốc thánh thiện" trở lại với thiên chức thực sự của nó: phục vụ Vua Thiên đàng. Chính theo các ý tưởng thời đó, và theo quan điểm của chế độ thánh thiêng, và chế độ quân chủ, một chế độ qua việc xức dầu đã được giao, một cách gần như bí tích, một nhiệm vụ trần thế nhưng trong yếu tính có tính Kitô giáo, mà Gioanna đã quan niệm ý nghĩa của điều vào ngày đó cô đã thực hiện cho Charles VII, và nhiệm vụ bí mật mà chính cô đã được giao phó. Dưới một chế độ khác không phải là chế độ thánh thiêng, các vị vua thực sự là Kitô hữu trong tâm hồn không phải là không thể hành động theo tinh thần mà cô yêu cầu. Trong thực tế, nhìn cách hành xử của các vị vua kế vị Charles VII (và nói chung nền chính trị của tất cả các nhà cầm quyền của chúng ta), cần phải nói rằng sứ mệnh bí mật của Gioanna là một thất bại hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu người ta nghĩ tới một cách thức hoàn toàn khác, trong đó tinh thần Kitô giáo không còn là của vua chúa mà là của dân trung thành hơn bao giờ hết phải nỗ lực để làm sống lại trật tự trần thế, thì có nên tin rằng trên Thiên đàng Gioanna đã quên một sứ mệnh rất yêu quý đối với cô không?

3. Chúng ta hãy chuyển sang một sự suy xét hoàn toàn khác, trong đó lần này sẽ là vấn đề về sứ mệnh của Gioanna, theo như nó vẫn tiếp tục trong lịch sử nhân loại trên bình diện tinh thần (tự bản chất của nó là bình diện vũ trụ).

Tôi nhận xét ngay từ đầu rằng không có vị thánh nào thu hút được nhiều sự chú ý của các nhà văn và nhà thơ, bên ngoài cũng như bên trong biên giới của đất nước chúng ta, và bất cứ gia đình tâm linh nào mà họ có thể thuộc về. Đầu tiên là Villon và Christine thành Pisa. Voltaire ghét cô; chắc chắn vì cô làm ông vô cùng khó chịu. Anatole France yêu cô trái với ý muốn của ông. Trong số những người yêu mến cô một cách hân hoan, những người nổi tiếng nhất là Schiller và Bernard Shaw.

Mặt khác, có những người mà trong họ người ta có thể biện phân được mối liên hệ họ hàng tinh thần với cô (đôi khi không được chính họ biết đến), hoặc chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thiên tài của cô: Thí dụ từ Pascal (người, theo như tôi biết, chưa bao giờ nói về cô, nhưng cũng là người ở dưới dấu hiệu "phục vụ Thiên Chúa trước nhất") tới Villiers de l'Isle-Adam, Léon Bloy, Charles Péguy, có lẽ Claudel, và, theo một nghĩa nào đó, có lẽ cả André Breton, nhưng chắc chắn, một đại họa sĩ như Georges Rouault....

Nhưng điều quan trọng nhất ở đây là chính bình diện linh đạo. Môi trường mà từ đó, Thánh Têrêsa thành Lisieux và tính tình tự nhiên của bà phát xuất, không có điểm gì giống như của Gioanna. Tuy nhiên, thánh nữ không những chỉ yêu cô như một người chị gái, và, ngay giữa lòng tu viện, đã sống tinh thần của cô, mà người ta còn có thể nói rằng trong lĩnh vực của đời sống nội tâm thuần túy, sứ mệnh của thánh nữ giữa chúng ta đã được đóng dấu bằng một dấu ấn đặc biệt kết thân nó với Gioanna: tự do phi thường, giản dị phi thường, can đảm phi thường, và trên hết, hoàn toàn hiến thân để giúp đỡ một cách anh dũng cho những người đáng thương đang ở trong vương quốc trái đất {32}. Câu nói được ca tụng của Thánh nữ Têrêsa: "Tôi sẽ dành Thiên đàng của tôi để làm điều tốt trên đất", có âm hưởng của câu trả lời của Gioanna {33}. Và nó mang lại cho chúng ta xiết bao ánh sáng! Rất nhiều Kitô hữu, hiểu sai kiểu nói Requiem aeternam [an nghỉ đời đời], đã nghĩ trong một thời gian dài rằng các Thánh đã dành thiên đàng của họ để nghỉ ngơi ở đó và ngủ ở đó một giấc ngủ phước hạnh! Thực ra, hưởng nhan Thiên Chúa không ngừng đề cao trong họ một lòng nhiệt thành không thể tưởng tượng nổi - và một sự nhiệt thành sẽ kéo dài cho đến ngày tận thế - muốn đến giúp đỡ những người đang lữ thứ ở đây trên trái đất này. Đức Trinh Nữ nói với hai người chăn cừu nhỏ của La Salette, trong thông điệp gửi mọi người, “Kể từ thời điểm Mẹ chịu đau khổ vì các con”. Và một lần nữa: "Nếu mẹ muốn Con của mẹ không bỏ rơi các con, mẹ được dạy phải không ngừng cầu nguyện với Người. Còn đối với các con, về phần các con, các con không biết đánh giá cao việc này. Các con có cầu nguyện, có làm gì đi nữa cũng không thể bù đắp nỗi đau mà mẹ đã chấp nhận vì lợi ích của các con".

4. Ở đây, xin cho phép tôi nhận xét một chút - để lấy lại hơi thở - ở một bình diện thấp hơn nhiều, - một lạc đề nhỏ, trong ngoặc, trong đó tôi muốn quay lại những mối quan tâm nghề nghiệp cũ của mình trong tư cách một triết gia. Các bậc thầy Kinh viện của tôi đã dạy tôi một học thuyết mà tôi rất yêu mến. Nhưng tôi luôn nghĩ rằng phương thức trình bày, thái độ và phong cách gọi là "Kinh viện" đã hết thời rồi, bởi vì chúng đã trở thành một trở ngại cho cuộc sống và cho sự tiến bộ của học thuyết vĩ đại này trong lịch sử nhân loại. Những gì nó cần không còn là một cách tiếp cận bác học và thẩm quyền, ghi vào đá cẩm thạch một sed contra (nhưng trái lại) hùng vĩ và những câu trả lời hết cãi nổi cho những phản chứng được đánh số; đó là một cách tiếp cận tự do, có tính cách tìm hiểu, vừa khiêm tốn vừa tự hào cùng một lúc; đó là tiến bước dưới lá cờ của Gioanna. (Có một chút gì thuộc điều này trong phong cách của Bergson).

Tôi mơ ước có những sinh viên thần học và những chủng sinh hết lòng cầu nguyện mỗi ngày với thánh Tôma Aquinô để ngài soi sáng và giúp họ tuân theo sự thật, và với thánh Gioanna thành Arc để cô có thể mang lại cho điều họ sẽ phải nói và phải làm giữa những con người một thái độ và phong cách được yêu cầu ngày nay.

5. Suy xét thứ ba và cuối cùng, liên quan đến những điều đặc biệt quan trọng, nhưng tôi sẽ trình bày theo cách ngắn gọn nhất (sẽ mất cả một cuốn sách để khai triển nó một cách thích đáng).

Tôi nghĩ Gioanna thành Arc - người đã thất bại, nhưng không phải mãi mãi, trong sứ vụ bí mật đã bàn ở trên - là vị thánh tuyệt vời và là người bảo trợ cho sứ mệnh trần thế của Kitô hữu; nói cách khác, vị thánh và người bảo trợ của giáo dân Kitô giáo: vì sứ mệnh trần thế này là việc của giáo dân, được tiến hành theo sáng kiến của họ và với rủi ro nguy hiểm cho họ{34}, với điều kiện là khi cộng tác với những người thuộc mọi tín ngưỡng và mọi quốc gia khác cho một công việc trần thế chung, họ giữ trong lòng một đức tin trong sáng, toàn vẹn và tuyệt đối như đức tin của Gioanna. (Không những được đòi hỏi bởi lòng trung thành đối với Thiên Chúa, mà còn bởi lòng trung thành - và sự hữu hiệu - của một tình bạn thực sự với người không phải là Công Giáo và không phải là Kitô hữu). Chúng ta nên lưu ý: trong công việc trần thế đang bàn, không phải là vấn đề mang lại hạnh phúc cho con người trên trái đất. Trong một nền văn minh ngày càng mất nhân tính hơn bởi chế độ kỹ trị, rất có thể công việc trần thế này, công việc mà ngày nay, cuối cùng chúng ta đã ý thức được sự cần thiết của nó, diễn ra đúng lúc, trong thời đại lịch sử của chúng ta, để bù đắp những tệ nạn lớn lao nhất và tránh những sự hủy diệt lớn lao nhất đang đe dọa thế giới.

Tôi cũng nghĩ rằng Gioanna là vị thánh tuyệt vời của những trận đánh cuối cùng của Giáo hội; và chính nhờ những bầy chiên nhỏ trung thành với Thiên Chúa được phục vụ trước nhất, mà những trận đánh này sẽ được tiến hành; và từ những cực hình tối cao của thế giới, mà giữa chúng, Giáo hội sẽ bị tấn công từ mọi phía, Giáo hội sẽ xuất hiện rạng rỡ và tử đạo. Đó sẽ là giờ của Gioanna.

Kỳ chót: Các ghi chú của cả chương Mười bốn
 
VietCatholic TV
Putin báo hại hơn 300 lính Dù Nga thác oan. Nga quá tàn bạo, NATO hô hào viện trợ mạnh cho Ukraine
VietCatholic Media
03:05 16/01/2023


1. Ba mươi hai cuộc đụng độ trong khu vực Soledar, Bakhmut trong ngày qua

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai 16 tháng Giêng, phát biểu qua cầu truyền hình phát ngôn nhân của lực lượng liên hợp phía Đông của Lực lượng Vũ trang Ukraine, Đại Tá Serhii Cherevatyi cho biết:

“234 cuộc tấn công đã được thực hiện trong ngày qua. 32 cuộc đụng độ quân sự đã xảy ra. Chỉ tính riêng tại thành phố Soledar, ít nhất địch đã thiệt hại 119 người chết và 108 người bị thương. Đặc biệt, quân xâm lược đã bắn phá Soledar 70 lần bằng các loại pháo khác nhau”.

Theo lời ông, các đơn vị Nga tham gia chiến sự ở Soledar hiện đang được luân phiên, đặc biệt là những đơn vị đã bị tổn thất nặng nề.

Ông nhấn mạnh rằng: “Thiệt hại của quân xâm lược ở đó rất cao. Trên thực tế, người Nga di chuyển trên xác chết của những người lính của họ. Các nhóm tấn công của quân xâm lược lần lượt cố gắng vượt qua sự kháng cự của phía Ukraine để tiến xa hơn. Cách tiến hành chiến tranh rộng rãi như vậy khiến địch bị tổn thất nặng nề.”

Đại Tá Cherevatyi nhận định rằng phía Nga tập trung nỗ lực vào Soledar vì một số lý do. Thứ nhất, quân đội Nga ít nhất cần thể hiện một số thành công trên bộ. Thứ hai, Tập đoàn Wagner cảm thấy có thể thắng tại thành phố này. Họ thực sự khao khát đạt được một số thành tích quân sự và chính trị ngay bây giờ; và chứng minh rằng họ là một phần tử quan yếu trong việc tiến hành chiến tranh và có thể bảo đảm giành được những chiến thắng.

Trong 24 giờ qua tổn thất lớn nhất của quân đội Nga diễn ra trong khu vực Kreminna. Ngày 6 Tháng Giêng, Putin tung ra lệnh đình chiến giả, dưới sự điều động trực tiếp của Thượng Tướng Aleksei Vyacheslavovich Avdeyev, không quân Nga đã phối hợp với Trung Đoàn 752 Súng Trường Cơ Giới tấn công quân Ukraine từ phía Svatove đánh xuống phía Nam trên toàn tuyến Svatove - Kreminna. Trong ngày đầu của chiến dịch này 23 xe tăng, 16 xe thiết giáp, cùng với hơn 30 xe chuyển quân bị bắn cháy trên xa lộ P66, ngày nay được gọi là xa lộ kinh hoàng Kreminna.

Thất bại trong nỗ lực này, Avdeyev lui quân về Svatove, xin Lữ Đoàn Dù đang dưỡng quân trong vùng Kherson tăng viện. Theo dự trù, lính Dù Nga sẽ tấn công từ phía Nam qua ngã Stelmakhivka, Makiivka và Chervonopopivka; trong khi Trung Đoàn 752 Súng Trường Cơ Giới tấn công từ phía Bắc; kẹp chặt quân Ukraine từ hai phía. Các bloggers quân sự Nga tỏ ra tràn trề hy vọng trước kế hoạch hành quân nghe có vẻ kêu này.

Tuy nhiên, thực tế là Lữ Đoàn Dù 108 đã từng được chạm trán với quân Ukraine tại Kreminna vào trung tuần tháng 11. Họ phải rút về vùng Kherson sau khi bị tổn thất quá nặng. Đầu năm nay, Lữ Đoàn Dù 108 lại được tái triển khai tới khu vực Kreminna. Hôm 9 Tháng Giêng, họ đã bị tổn thất nặng trong cuộc giao tranh với quân Ukraine tại Bilohorivka. Họ bỏ chạy về hướng Rubizhne bỏ lại hàng trăm xác đồng đội, 4 hệ thống pháo, và 3 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt. Sau khi được bổ sung quân số từ các tân binh mới bị gọi nhập ngũ, họ bị buộc phải tấn công vào Stelmakhivka, Makiivka và Chervonopopivka. Lính Dù thứ thiệt đánh còn thua huống chi là tân binh mới nhập ngũ, không được huấn luyện bao nhiêu.

Tổn thất của quân Nga dọc theo xa lộ P66 Svatove – Kreminna trong 24 giờ qua là 310 binh sĩ Nga bị loại khỏi vòng chiến cùng với 2 xe tăng và 10 xe thiết giáp. Lính Dù Nga lũ lượt bỏ chạy để lại cả 4 hệ thống pháo chưa kịp phá hủy.

Trong 24 giờ qua, tính chung trên các mặt trận Soledar, Bakhmut, Avdiivka và Kreminna, 630 binh sĩ Nga bị loại khỏi vòng chiến.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 16 Tháng Giêng, Nga đã mất khoảng 115.290 quân ở Ukraine. Tổng thiệt hại của quân xâm lược còn bao gồm 3.106 xe tăng, 6.183 xe thiết giáp, 2.094 hệ thống pháo, 437 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 219 hệ thống tác chiến phòng không, 286 máy bay, 276 trực thăng, 1.872 máy bay không người lái, 749 hỏa tiễn hành trình, 17 tàu chiến, 4.846 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 187 đơn vị thiết bị đặc biệt.

2. Cuộc tấn công hỏa tiễn của Nga vào Dnipro cướp đi sinh mạng của 30 người, có thể còn tới 40 người dưới đống đổ nát

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai 16 tháng Giêng, Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Kyrylo Tymoshenko cho biết: “Thêm một người được tìm thấy đã chết dưới đống đổ nát của một khu chung cư chín tầng bị trúng hỏa tiễn của Nga vào ngày 14 tháng Giêng. Như thế, vụ tấn công đã cướp đi sinh mạng của 30 người, trong khi còn từ 30 đến 40 người vẫn mất tích và có thể nằm dưới đống đổ nát. Tại thời điểm này, 75 người đã đến bệnh viện”.

Tymoshenko cho biết thêm trong một diễn biến mới nhất một người đàn ông và một bé gái 13 tuổi đã đến bệnh viện. Họ không yêu cầu giúp đỡ vào ngày 14 Tháng Giêng, nhưng hôm nay họ nhận ra rằng họ không ổn và cần được trợ giúp y tế. Được biết, cô gái đang được điều trị ngoại trú, còn người đàn ông đã được nhận vào bệnh viện.

3. Tổng thống Zelenskiy khẳng định cuộc chiến giành quyền kiểm soát thành phố Soledar vẫn tiếp tục không ngừng

Từ chiều thứ Tư tuần trước, Bộ Quốc Phòng Nga và trùm du đảng Wager Yevgeny Prigozhin đã công khai đấu đá với nhau trong các tuyên bố giành được quyền kiểm soát thành phố Soledar. Tuy nhiên, cho đến nay phía Ukraine vẫn tiếp tục khẳng định cuộc chiến tại thành phố Soledar vẫn đang tiếp diễn. Điều này được xác nhận bởi chính Tổng thống Zelenskiy trong bài diễn văn trước quốc dân đồng bào tối Chúa Nhật 15 Tháng Giêng.

Ông nói: “Nga đã biến cuộc chiến giành Donbas thành nền tảng cho chính mình. Những người bảo vệ Ukraine coi nó là cơ sở để phá hủy tiềm năng chiến đấu của nhà nước khủng bố.”

“Trận chiến bảo vệ Soledar, Bakhmut, và toàn bộ khu vực Donetsk, khu vực Luhansk vẫn tiếp tục không ngừng nghỉ, không có điểm dừng. Tôi biết ơn từng chiến sĩ của chúng ta, từng người lính, trung sĩ, sĩ quan của chúng ta, những người hiểu tầm quan trọng của việc tiêu diệt quân xâm lược ở hướng này. Nga đã biến cuộc chiến giành các thành phố ở Donbas của chúng ta thành nền tảng cho chính họ. Các anh hùng của chúng ta coi trận chiến này là cơ sở để phá hủy tiềm năng chiến đấu của nhà nước khủng bố”

Người đứng đầu Nhà nước nhấn mạnh rằng mỗi ngày Ukraine kiên cường ở Donbas và mỗi thành công trong phòng thủ của chúng ta đều có những thành tựu quan trọng để bảo vệ toàn bộ Ukraine.

Trong ngày, quân xâm lược đã tiến hành 234 cuộc tấn công vào khu vực Soledar và Bakhmut, khiến 119 binh sĩ Nga thiệt mạng và 108 người bị thương trong các cuộc đụng độ với Lực lượng Vũ trang Ukraine.

4. Văn phòng Tổng công tố cho biết ai có thể bắn hỏa tiễn phá hủy khu chung cư ở Dnipro

Văn phòng Tổng công tố nói rằng một hỏa tiễn Kh-22 đã bắn trúng một khu chung cư ở Dnipro hôm thứ Bảy chỉ có thể được phóng bởi một đơn vị của Nga - Trung đoàn Hàng không Máy bay Ném bom Hạng nặng Cận vệ 52.

“Theo thông tin sơ bộ, hỏa tiễn Kh-22 đã được sử dụng. Loại hỏa tiễn này gây thương vong lớn nhất cho con người vì hỏa tiễn cực kỳ thiếu chính xác và có độ lệch rất lớn. Vì vậy, việc sử dụng một loại vũ khí như vậy nhằm vào các mục tiêu ở khu vực đông dân cư rõ ràng là một tội ác chiến tranh. Loại hỏa tiễn này đã được sử dụng ở Serhiyivka và Kremenchuk. Nó chỉ có thể được phóng bởi một đơn vị của Nga – đó là Trung đoàn máy bay ném bom hạng nặng cận vệ số 52”, Văn phòng Tổng công tố đã cho biết như trên.

Một hoạt động tìm kiếm và cứu nạn đang được tiến hành tại hiện trường, một nhóm của Dịch vụ Khẩn cấp Nhà nước của Ukraine đang làm việc. Đồng thời, các hoạt động điều tra tích cực đang diễn ra bởi các chuyên gia pháp y, công tố viên, cảnh sát và các nhà điều tra của Sở An ninh.

Như đã đưa tin, vụ tấn công hỏa tiễn vào Dnipro ngày 14 Tháng Giêng đã khiến 30 dân thường thiệt mạng. Từ 30 đến 40 người có thể vẫn bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.

5. Cộng đồng thế giới phải lên án mạnh mẽ việc sử dụng các hỏa tiễn như Kh-22 chống lại dân thường.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai 15 tháng Giêng, Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết:

“Việc sử dụng hỏa tiễn Kh-22 nhằm vào một thành phố đông dân cư trên thực tế là hành động khủng bố nhằm vào thường dân. Đó là hỏa tiễn Kh-22, một loại hỏa tiễn cũ của Liên Xô, do Liên Xô phát triển, đã mang đến biết bao đau thương cho người dân Dnipro ngày hôm qua. Chúng ta chắc còn nhớ vụ tấn công ở Kremenchuk, một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào tháng 6 năm 2022 vào trung tâm mua sắm Amstor ở Kremenchuk, khiến 20 người thiệt mạng, những gì đã xảy ra ở đó vừa được lặp lại. Đây không chỉ là một điều đáng hổ thẹn của người Nga, mà nó còn đòi hỏi một đánh giá pháp lý phù hợp. Những gì đã xảy ra ở Kremenchuk, Dnipro và ở các thành phố khác nơi hỏa tiễn này được sử dụng, phải bị cộng đồng thế giới lên án một cách gay gắt nhất”.

Ông nhắc nhớ rằng quân xâm lược đã sử dụng hơn 210 hỏa tiễn như vậy ở Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga.

Ihnat nói thêm rằng để tiêu diệt những hỏa tiễn như vậy, Ukraine cần các hệ thống phòng không hiện đại có khả năng tấn công các mục tiêu đạn đạo, bao gồm Iskander, hỏa tiễn tiềm năng do Iran sản xuất, nếu Nga nhận được chúng, và cả những hỏa tiễn mạnh nhất và không chính xác, chẳng hạn như Kh- 22 hỏa tiễn.

Ông lưu ý rằng bất kỳ ai bình luận về công việc của lực lượng phòng không Ukraine nên cẩn thận trong các bình luận của mình, bởi vì tuyên truyền của Nga sử dụng mọi cách có thể để làm mất uy tín của Ukraine và cố gắng buộc tội Ukraine về chính tội ác của họ.

“Điều này xảy ra mọi lúc, và nó đã thực sự xảy ra vào ngày hôm qua, khi họ sử dụng một bình luận của một trong những người nổi tiếng. Chúng ta đã nói hơn sáu tháng rằng chúng ta không bắn hạ được hỏa tiễn Kh-22 nào. Chúng ta chỉ bắn hạ được Kalibr, Kh-101, Kh-555, Kh-59. Việc chúng ta không bắn hạ được hỏa tiễn Kh-22 là điều hiển nhiên, không thể bắn hạ được, radar không bắt được mục tiêu này và không bắn trúng được. Ihnat nói: “Quân xâm lược Nga và những người tuyên truyền đưa ra bình luận biết rất rõ điều này, nhưng họ sử dụng tuyên bố của một số quan chức trong các cuộc tấn công thông tin của họ”.

6. Trudeau gọi cuộc tấn công của Nga vào Dnipro là một cuộc tấn công hèn hạ, bảo đảm Ukraine sẽ được hỗ trợ

Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã gọi các cuộc tấn công hỏa tiễn của Nga vào các tòa nhà dân cư ở Dnipro là đáng khinh bỉ và ghê tởm, đồng thời nói rằng Canada lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công này và sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine để tự vệ trước sự xâm lược của Nga.

Ông nói: “Các cuộc tấn công của Nga vào các tòa nhà dân cư ở Dnipro, Ukraine là đáng khinh bỉ, ghê tởm và hoàn toàn không thể chấp nhận được. Canada lên án bạo lực này một cách dứt khoát – chúng ta sát cánh với người dân Ukraine và chúng ta sẽ tiếp tục bảo đảm rằng họ có được sự hỗ trợ mà họ cần”

Vào ngày 14 tháng Giêng, một hỏa tiễn của quân xâm lược đã bắn trúng một tòa nhà dân cư chín tầng ở Dnipro, phá hủy hai phần từ tầng 9 đến tầng 2. Khoảng 72 căn hộ bị phá hủy và hơn 230 căn hộ bị hư hại.

Ít nhất 30 người, trong đó có một trẻ em, đã thiệt mạng và 73 người khác, trong đó có 14 trẻ em, bị thương trong vụ tấn công. Ba mươi tám người đã được giải cứu, trong đó có sáu trẻ em.

Một lễ tang kéo dài ba ngày cho các nạn nhân đã được tuyên bố ở Dnipro.

7. Bộ Quốc phòng Đức cho biết giới lãnh đạo và các lực lượng Nga phải chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh ở Ukraine

Đức đã lên tiếng phản đối cuộc tấn công của Nga nhắm vào một tòa nhà dân cư chín tầng ở Dnipro, phá hủy hai phần từ tầng 9 đến tầng 2 làm ít nhất 30 người thiệt mạng; và từ 30 đến 40 có thể vẫn còn nằm dưới đống đổ nát.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht nói: “Những người chịu trách nhiệm cho những tội ác đã gây ra phải bị xét xử từ các binh lính và sĩ quan Nga về các hành vi hãm hiếp, cướp bóc và bắn hỏa tiễn vào các ngôi nhà như ở Dnipro; cho đến ban lãnh đạo ra lệnh cho những tội ác này. Đó là một trong những lý do tại sao sẽ tới Bộ Trưởng Ngoại Giao Annalena Baerbock The Hague vào ngày mai.”

Trong một diễn biến gây ra căng thẳng ngoại giao, quân Nga đã pháo kích dữ dội vào thành phố Kharkiv khi cô Baerbock đến thăm thành phố này sau khi Aleksey Zhuravlev, chủ tịch đảng Rodina và là thành viên quốc hội Nga hô hào ám sát cô ấy trên truyền hình.

8. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hô hào các quốc gia viện trợ quân sự cho Ukraine sau cuộc tấn công dã man vào một chung cư ở Dnipro

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết Ukraine có thể mong đợi sớm nhận được nhiều vũ khí hạng nặng hơn từ các nước phương Tây. Ông đưa ra lập trường trên sau cuộc tấn công dã man của người Nga vào một chung cư tại thành phố Dnipro giết chết ít nhất 30 người.

Ông nói: “Những cam kết gần đây về thiết bị chiến tranh hạng nặng rất quan trọng - và tôi mong đợi nhiều hơn nữa trong tương lai gần.”

“Chúng ta đang ở giai đoạn quyết định của cuộc chiến. Do đó, điều quan trọng là chúng ta cung cấp cho Ukraine vũ khí cần thiết để giành chiến thắng.”

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết sẽ có một cuộc họp trong tuần này của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine, nơi điều phối việc cung cấp vũ khí cho Kyiv, tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức.

Đầu tháng này, Pháp, Đức và Mỹ lần lượt hứa hẹn cung cấp xe tăng hạng nhẹ AMX-10 RC của Pháp, 40 xe bộ binh Marder của Đức và 50 xe chiến đấu Bradley.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Vương quốc Anh, James Cleverly, đã nói rằng “giờ là lúc để tăng tốc và tiến xa hơn, nhanh hơn” trong việc cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ mà nước này cần.

Sau khi lên án cuộc tấn công dã man của người Nga vào một chung cư tại thành phố Dnipro giết chết ít nhất 30 người, Cleverly cho biết Ukraine cần phải được viện trợ để bảo vệ dân chúng khỏi các cuộc tấn công dã man của người Nga.

Ông cũng nhận định rằng trái với luận điệu của tổng thống Nga Vladimir Putin rằng quân đội Nga đang có những động lực mới, thực ra quân Nga đang ở thế phòng thủ và tinh thần của các binh sĩ của họ thật đáng thương, do “tình trạng tồi tệ của hậu cần quân đội Nga”.

Để chứng minh cho quan điểm của mình ông đặt câu hỏi “Còn một tư lệnh quân đội Nga nào đang tại vị vào ngày 24 tháng 2, mà vẫn còn đảm nhận chức vụ của mình không?”

“Vì vậy, đây chính xác là thời điểm thích hợp để Ukraine nắm bắt lợi thế”

Đó là lý do tại sao nước Anh đã quyết định tăng tốc và tăng cường hỗ trợ quân sự của chúng ta cho Ukraine. Chúng ta sẽ cung cấp cho Ukraine tới 14 xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 – một trong những cỗ máy chiến đấu đáng gờm nhất trên thế giới, đã được chứng minh qua thực chiến ở vùng Vịnh.

Ngoại trưởng Cleverly cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace sẽ xác nhận các chi tiết tại quốc hội Vương quốc Anh vào thứ Hai 16 Tháng Giêng.

Cuối cùng, Cleverly nói: “Tôi chưa từng thấy thời điểm nào mà NATO đoàn kết hơn bây giờ và Nga bị cô lập hơn bao giờ”.

9. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh cho rằng trước các tổn thất nghiêm trọng, Putin đang tìm cách tăng quân bằng những mánh khoé động viên không gây phản ứng mạnh trong quần chúng. Một trong những chiêu thức này là nâng giới hạn nghĩa vụ quân sự từ 27 tuổi lên 30 tuổi.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết có khả năng thực tế là các nhà lãnh đạo Nga hy vọng sự thay đổi này sẽ “ít đáng báo động hơn” so với việc công bố một lệnh “huy động từng phần” mới, không được lòng dân mà Putin đã thực hiện vào tháng 9.

Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh viết như sau:

Vào ngày 12 tháng Giêng năm 2023, Andrey Kartapolov, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga, đề xuất Nga sẽ kéo dài độ tuổi nhập ngũ cao hơn thông thường từ 27 lên 30 trong thời gian gọi nhập ngũ vào Mùa xuân năm 2023.

Kartapolov cho biết động thái này nhằm mục đích cho phép tăng 30% quy mô lực lượng của Nga đã được công bố trước đó.

Năm ngoái, Tổng thống Putin cho biết ông ủng hộ một động thái như vậy và các quan chức Nga có thể đang lắng nghe phản ứng của công chúng.

Có khả năng thực tế là các nhà lãnh đạo Nga hy vọng việc thay đổi tiêu chí độ tuổi đối với nghĩa vụ quân sự thông thường có thể tăng cường nhân lực sẵn sàng chiến đấu ở Ukraine trong khi ít gây lo lắng hơn cho người dân so với việc công bố một đợt khác của quy trình 'huy động từng phần' không được lòng dân.
 
Cha Sở Luân Đôn nghẹn ngào: Gia đình đau đớn vì hai người qua đời, thánh lễ an táng lại bị xả súng
VietCatholic Media
05:08 16/01/2023


1. Khổ hết biết: Gia đình đau đớn vì hai người qua đời, thánh lễ an táng lại bị khủng bố tấn công giữa Luân Đôn

Một linh mục đã mô tả một tình cảnh quá đỗi đau lòng 'nói không lên lời' sau khi một kẻ khủng bố bắn 6 phát súng vào cộng đoàn của ngài ngay sau thánh lễ an táng tại nhà thờ Công Giáo Thánh Alôsiô, thuộc quận Euston, Bắc Luân Đôn.

Phát biểu với cộng đoàn giáo dân trong thánh lễ sáng Chúa Nhật, Cha Jeremy Trood, là cha sở của giáo xứ đã kể lại những gì ngài đã chứng kiến sau thánh lễ an táng hôm thứ Bẩy, 14 Tháng Giêng. Ngài kêu gọi cầu nguyện cho tang gia và sáu người trong giáo xứ bị thương —trong đó có hai trẻ em—trong một vụ xả súng tàn bạo và mô tả sự hoảng loạn xảy ra sau vụ tấn công.

Cha Jeremy Trood cho biết thấy tiếng súng vang lên vào trưa thứ Bảy ngay sau khi những người trong tang gia, bạn bè, và những người quen biết, và cả những người không quen biết nhưng cảm thương trước tình cảnh của tang gia, đang rời nhà thờ Thánh Alôsiô, để thả chim bồ câu sau thánh lễ an táng cho một phụ nữ trẻ và mẹ của cô, là những người đã qua đời cách nhau chỉ vài tuần.

“Tôi đang ở bên trong nhà thờ thì đột nhiên có một tiếng nổ lớn và mọi người đổ xô vào nhà thờ la hét và nói rằng đã có tiếng súng nổ,” vị linh mục Công Giáo cho biết.

“Không có từ nào có thể mô tả những gì đã xảy ra và tôi không thể tưởng tượng được tại sao người ta lại có thể làm một việc như vậy. Có hàng trăm người trong nhà thờ bước ra. Đó thật là một cảnh kinh hoàng. Tiếng la hét và âm thanh hoảng loạn khắp mọi nơi.

Các phát súng đã được bắn ra từ một chiếc xe chạy ngang qua nhà thờ vào hôm thứ Bảy lúc 1:30 chiều giờ địa phương. Sara Sanchez, 20 tuổi qua đời và mẹ cô, Fresia Calderon, thương nhớ con đã qua đời theo. Tình cảnh quá đỗi đau lòng của gia đình đã khiến nhà thờ chật cứng người trong tang lễ. Đám tang của cả hai người vừa kết thúc, và mọi người đang ra khỏi nhà thờ.

Một trong những nạn nhân của vụ xả súng, là một bé gái 7 tuổi, được cho là đang trong tình trạng ổn định nhưng nguy hiểm đến tính mạng, trong khi một phụ nữ 48 tuổi được cho là có những vết thương có thể dẫn đến dị tật suốt đời.

“Đó là một biến cố gây sốc. Mọi người đến đây để tham dự một đám tang để được ở bên bạn bè và những người thân yêu và cùng nhau than khóc. Thay vào đó, họ là nạn nhân của một hành động bạo lực vô nghĩa,” Giám đốc Cảnh Sát Luân Đôn Jack Rowlands cho biết trong một cuộc họp báo tối thứ Bảy.

“Chúng tôi có một số lượng đáng kể các thám tử chuyên nghiệp và viên chức cảnh sát địa phương làm việc suốt ngày đêm. Nhưng chúng tôi cũng cần sự giúp đỡ của công chúng. Chúng tôi muốn nghe từ bất kỳ ai chứng kiến vụ việc hoặc có thông tin về vụ việc. Thông tin của bạn có thể cực kỳ quan trọng, bất kể bạn nghĩ nó tầm thường đến mức nào,” ông nói.

Rowland cho biết: “Chúng tôi tin rằng các nghi phạm đã xả súng bằng một khẩu súng ngắn từ một phương tiện đang di chuyển, đó là một chiếc Toyota C-HR màu đen, có thể là mẫu 2019 hoặc tương tự.


Source:Catholic News Agency

2. Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa cho rằng đã xảy ra bách hại tôn giáo

Đoạn video được công bố vào tháng 11 năm ngoái cho thấy không có vũ khí, chiến trường tàn bạo hay các binh lính. Nhưng âm thanh của một bài hát Nga yêu nước vang vọng khắp một nhà thờ trong khuôn viên tu viện Lavra nổi tiếng của Kyiv dường như mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến của Ukraine với Nga.

Hồi tháng 5 việc, Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC-MP, đã cắt bớt cái đuôi MP, nghĩa là trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, và từ đó được gọi vắn tắt là UOC. Nhưng theo truyền thống, họ vẫn trung thành với Giáo Hội Chính thống Nga, và nhà lãnh đạo hiện tại của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa là Thượng phụ Kiril, người đã công khai ủng hộ cuộc xâm lược tàn bạo của Mạc Tư Khoa.

Vài ngày sau khi video xuất hiện, các thành viên của Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, đã tiến hành một cuộc đột kích vào tu viện Lavra – chính thức là để ngăn chặn nó được sử dụng để “che giấu các nhóm phá hoại và trinh sát” hoặc “cất giữ vũ khí”. Đến tháng 12, một số nhà lãnh đạo UOC đã bị xử phạt và hàng chục nhà thờ khác trên khắp đất nước đã bị SBU đột kích.

Trong bài phát biểu hàng đêm vào ngày 1 tháng 12, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết ông đã sẵn sàng vượt qua các cuộc tấn công tôn giáo – để đề xuất luật cấm các nhà thờ chịu ảnh hưởng của Nga hoạt động ở Ukraine.

Tuy nhiên, Tổng Giám Mục Klyment của UOC tin rằng luật đó sẽ chỉ đẩy Giáo Hội của ông xuống lòng đất. “Bách hại là gì nếu không phải là điều này?” ông đưa ra câu hỏi trên với các tín hữu hôm Chúa Nhật 15 tháng Giêng, một tuần sau lễ Giáng Sinh Chính Thống Giáo, khi đối thủ của ông là Chính Thống Giáo Ukraine, gọi tắt là OCU, lần đầu tiên cử hành các thánh lễ bằng tiếng Ukraine trong nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Yên Nghỉ của Kyiv.

Trong tổng số 43,500,000 dân Ukraine, có tới 17.3% là người gốc Nga. Trong số những người Ukraine, không thiếu những người vẫn hoài vọng về Thượng Phụ Kirill, người đã nhiệt liệt ủng hộ cuộc xâm lược của Putin vào quốc gia họ. Cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước của người Ukraine do đó rất chông gai.
Source:CNN

3. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 15 Tháng Giêng

Chúa Nhật 15 Tháng Giêng, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ Hai Mùa Quanh Năm.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.

Khi ấy, ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi vượt hơn tôi, vì có trước tôi. Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Israel, tôi đến làm phép rửa trong nước.”

Ông Gioan còn làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần. Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, cầu chúc anh chị em Chúa Nhật hạn phúc!

Bài Tin Mừng của phụng vụ hôm nay (x. Ga 1:29-34) kể lại lời chứng của Thánh Gioan Tẩy Giả về Chúa Giêsu, sau khi đã làm phép rửa cho Người tại sông Giođan. Ông nói: “Có người đến sau tôi, nhưng trổi vượt hơn tôi, vì có trước tôi” (c. 29-30).

Lời tuyên bố này, lời chứng này cho thấy tinh thần phục vụ của Gioan. Ông được sai đi để dọn đường cho Đấng Mêsia, và đã làm điều đó mà không tiếc bản thân mình. Theo suy nghĩ người ta thường tình, ta chắc sẽ nghĩ rằng ông sẽ được trao một “phần thưởng”, một vị trí nổi bật trong đời sống công khai của Chúa Giêsu. Nhưng không. Gioan đã hoàn thành sứ vụ của mình, biết tránh sang một bên, ông rút lui khỏi hiện trường để nhường chỗ cho Chúa Giêsu. Ông đã thấy Thần Khí ngự xuống trên Người (x. c. 33-34), ông đã chỉ ra rằng Người là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, và giờ đây đến lượt ông khiêm nhường lắng nghe. Ông đi từ vị tiên tri đến môn đệ. Ông rao giảng cho dân chúng, thu nạp môn đệ và huấn luyện họ trong một thời gian dài. Tuy nhiên, ông không ràng buộc bất cứ ai với chính mình. Và điều này tuy khó, nhưng lại là dấu hiệu của nhà giáo dục đích thực: không ràng buộc người ta với mình. Gioan làm điều này: ông khuyến khích các môn đệ của mình theo dấu chân của Chúa Giêsu. Ông không quan tâm đến việc có người theo mình, không màng đến danh tiếng và thành công, nhưng ông làm chứng và rồi lùi lại một bước, để nhiều người có được niềm vui gặp gỡ Chúa Giêsu. Chúng ta có thể nói: Thánh Gioan mở cửa, sau đó ngài rời đi.

Với tinh thần phục vụ này, với khả năng nhường bước cho Chúa Giêsu, Thánh Gioan Tẩy Giả dạy chúng ta một điều quan trọng: hãy thoát khỏi những ràng buộc. Đúng thế, bởi vì người ta dễ bị dính mắc vào vai trò và địa vị, mắc kẹt trong nhu cầu được tôn trọng, công nhận và khen thưởng. Và điều này, mặc dù là tự nhiên, nhưng không phải là một điều tốt, bởi vì sự phục vụ bao hàm sự nhưng không, đó là sự chăm sóc cho người khác mà không nghĩ đến lợi ích cho bản thân, không có động cơ thầm kín, không mong đợi được đền đáp. Như Gioan, thật tốt cho chúng ta, nếu chúng ta biết vun trồng nhân đức, biết gạt bỏ mình đúng lúc, làm chứng rằng điểm quy chiếu của đời sống là Chúa Giêsu. Bước sang một bên, học cách rời đi: Tôi đã hoàn thành sứ mệnh này, tôi đã có cuộc gặp gỡ này, tôi sẽ bước sang một bên và nhường chỗ cho Chúa. Hãy học cách bước sang một bên, không lấy một cái gì đó cho bản thân để bù đắp.

Chúng ta hãy nghĩ xem điều này quan trọng biết bao đối với một linh mục, người được yêu cầu rao giảng và cử hành, không phải vì tự cao hay vì lợi ích, nhưng để đồng hành với người khác đến với Chúa Giêsu. Thử nghĩ điều này quan trọng biết bao đối với cha mẹ, nuôi nấng con cái với biết bao hy sinh nhưng rồi lại phải để chúng tự do đi trên con đường riêng của mình trong công việc, trong hôn nhân, trong cuộc sống. Điều tốt và đúng đắn là cha mẹ tiếp tục bảo đảm sự hiện diện của họ, nói với con cái của họ: “Bố mẹ sẽ không để con một mình đâu”, nhưng với sự thận trọng, không xâm phạm, nhưng tạo ra cho con cái sự tự do để phát triển. Và điều tương tự cũng áp dụng cho các lĩnh vực khác, chẳng hạn như tình bạn, cuộc sống lứa đôi, cuộc sống cộng đồng. Giải phóng bản thân khỏi những ràng buộc vào cái tôi của chính mình và biết cách bước sang một bên phải trả giá, nhưng rất quan trọng: đây là bước quyết định để phát triển trong tinh thần phục vụ, mà không tìm kiếm điều gì đáp lại.

Thưa anh chị em, chúng ta hãy thử tự hỏi: chúng ta có khả năng tạo không gian cho người khác không? Hãy lắng nghe họ, để họ tự do, không ràng buộc họ với chính chúng ta, đừng đòi hỏi sự công nhận. Và đôi khi, hãy để họ nói chứ đừng nói “Bạn chẳng biết gì cả!”. Hãy để họ nói, nhường chỗ cho người khác. Chúng ta thu hút người khác đến với Chúa Giêsu hay đến với chính mình? Và hơn nữa, noi gương thánh Gioan: chúng ta có biết vui mừng khi mọi người đi theo con đường riêng của họ và đi theo tiếng gọi của họ, ngay cả khi điều này đòi hỏi một số tách rời khỏi chúng ta? Chúng ta có vui mừng trước những thành tựu của họ, với sự chân thành và không ghen tị không? Điều này mang đến cho những người khác cơ hội phát triển.

Xin Mẹ Maria, tôi tớ của Chúa, giúp chúng ta thoát khỏi những ràng buộc, biết nhường chỗ cho Chúa và nhường chỗ cho người khác.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Từ ngày 18 đến ngày 25 tháng Giêng, Tuần truyền thống cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu sẽ được tổ chức. Chủ đề năm nay được lấy từ lời tiên tri Isaia: “Hãy học làm điều lành; tìm kiếm công lý” (1:17). Chúng ta hãy cảm tạ Chúa, Đấng đã hướng dẫn dân của Người tiến tới sự hiệp thông trọn vẹn với lòng trung thành và kiên nhẫn, và chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần soi sáng và nâng đỡ chúng ta bằng các hồng ân của Người.

Con đường hướng tới sự hiệp nhất Kitô giáo và con đường hoán cải đồng nghị của Giáo hội được liên kết với nhau. Vì vậy, tôi muốn nhân cơ hội này thông báo rằng vào Thứ Bảy, ngày 30 tháng Giêng, tại Quảng trường Thánh Phêrô, sẽ diễn ra một Buổi Canh thức Cầu nguyện Đại kết, qua đó chúng ta sẽ phó thác cho Thiên Chúa công việc của Đại hội đồng Thường kỳ lần thứ 16 của Thượng Hội đồng Giám mục. Đối với các bạn trẻ đến tham dự Đêm Vọng, sẽ có một chương trình đặc biệt kéo dài suốt cuối tuần, do Cộng đoàn Taizé tổ chức. Ngay bây giờ, tôi mời tất cả anh chị em thuộc mọi hệ phái Kitô giáo tham gia vào cuộc quy tụ dân Chúa này.

Anh chị em thân mến, chúng ta đừng quên những người dân Ukraine bị dày vò, những người đang chịu nhiều đau khổ. Chúng ta hãy ở gần họ với tâm tình, sự trợ giúp và lời cầu nguyện của chúng ta.

Và bây giờ tôi xin chào các bạn, những người Rôma và những người hành hương đã tập trung tại đây. Cách riêng, tôi chào các tín hữu Tây Ban Nha ở Murcia và các tín hữu ở Sciacca ở Sicilia. Xin cho chuyến viếng thăm mộ thánh Phêrô củng cố đức tin và chứng tá của anh chị em.

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Kho đạn trên đất Nga nổ long trời. Tiểu đoàn tăng tinh nhuệ Putin chỉ còn 30 lính. Nga lo nội chiến
VietCatholic Media
16:07 16/01/2023


1. Nổ long trời tại một kho đạn bên trong nước Nga

Hôm Chúa Nhật 15 Tháng Giêng, một vụ nổ long trời tại một kho đạn bên trong nước Nga đã xảy ra tại Tonenkoe trong vùng Belgorod. Theo hãng tin độc lập Meduza của Nga, nguyên nhân của vụ nổ ban đầu được cho là do pháo binh của quân Ukraine tấn công xuyên biên giới. Các phương tiện truyền thông nhà nước Nga dập tắt ngay lời giải thích này và cho rằng các binh sĩ Nga đã “giải quyết bất cẩn” đạn dược.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Soldiers Blow Themselves Up by 'Careless Handling' of Ammunition”, nghĩa là “Lính Nga làm nổ tung chính họ khi giải quyết bất cẩn đạn dược.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo truyền thông nhà nước Nga, các binh sĩ Nga được gọi đi chiến đấu ở Ukraine đã thiệt mạng trong một vụ nổ do “giải quyết bất cẩn” đạn dược.

Cuộc xâm lược Ukraine tiếp tục đình trệ hơn 10 tháng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố kế hoạch cho “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Mặc dù ban đầu Putin nhắm đến một chiến thắng nhanh chóng trước nước láng giềng Đông Âu nhỏ hơn của mình, quân đội của ông đã phải vật lộn để đạt được bất kỳ chiến thắng đáng kể nào khi tổn thất tiếp tục chồng chất.

Các chuyên gia quân sự cho rằng cuộc xâm lược đã phơi bày một số sai sót trong quân đội của Putin, bao gồm cả việc không có khả năng duy trì những người được đào tạo bài bản và có động lực. Những điểm yếu này, cùng với nỗ lực phòng thủ mạnh hơn mong đợi của Kyiv được hỗ trợ bởi viện trợ quân sự của phương Tây, đã cho phép Ukraine chiếm lại hàng nghìn dặm vuông lãnh thổ bị xâm lược trước đây, làm giảm bớt lợi ích quân sự của Putin.

Trong một đòn giáng mới nhất vào quân đội của Putin, ít nhất ba quân nhân đã thiệt mạng trong một vụ nổ tại trang trại Tonenkoe ở vùng Belgorod của Nga, theo báo cáo từ hãng truyền thông nhà nước Nga TASS hôm Chúa Nhật.

Các quan chức Nga đã công khai tiết lộ một số chi tiết về vụ việc, nhưng các cuộc điều tra ban đầu chỉ ra rằng việc quân đội sử dụng sai đạn dược là nguyên nhân gây ra vụ nổ. Ngoài những binh sĩ thiệt mạng, ít nhất 15 người khác bị thương chưa rõ mức độ.

“Nguyên nhân ban đầu của vụ nổ là do giải quyết đạn dược bất cẩn”, đại diện dịch vụ khẩn cấp nói với TASS.

Các kênh Telegram của quân đội Nga đã cung cấp thông tin chi tiết hơn về cách vụ nổ xảy ra.

Kênh Baza Telegram đưa tin một quân nhân đang làm việc tại nhà văn hóa của làng địa phương đã cầm một quả lựu đạn “để dằn mặt cấp dưới của mình”, gây ra vụ nổ làm sập một khu vực rộng 450 mét vuông. Lính cứu hỏa đã phải mất bốn giờ để cố gắng dập tắt ngọn lửa.

Trong khi đó, kênh Telegram của Nga “112” đưa tin rằng đạn dược trong một kho chứa gần đó đã phát nổ trong vụ nổ, nhưng vẫn chưa biết số lượng hoặc loại đạn nào đã bị phá hủy trong vụ nổ. Một cuộc điều tra hình sự đang được tiến hành.

Vụ nổ là hành động quân sự mới nhất làm rung chuyển Belgorod, nằm gần biên giới Ukraine, trong tuần này.

Chỉ vài ngày trước đó, một đám cháy đã bùng phát tại một căn cứ ở Belgorod khi nó đang được sửa chữa. Vụ hỏa hoạn được cho là bắt đầu do vi phạm an toàn phòng cháy chữa cháy, khiến đạn dược phát nổ. Ít nhất một chiếc xe tăng đã bị phá hủy hoàn toàn và hai chiếc khác bị hư hại.

Ngoài ra, công dân của các khu vực đã bày tỏ lo ngại rằng một tuyến phòng thủ quân sự mới đã cắt đứt một ngôi làng, khiến nó dễ bị tấn công từ Ukraine, theo hãng tin độc lập Meduza của Nga. Khi người dân phàn nàn rằng họ bị bỏ lại “ở tuyến đầu”, Thống đốc khu vực Vyacheslav Gladkov cho biết tuyến đường “không có nghĩa là bất kỳ ai đã bị bỏ rơi hoặc không được bảo vệ.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để có thêm bình luận.

2. Vẫn còn sự không chắc chắn về số phận của Soledar, một mỏ khai thác muối bất chấp Nga tuyên bố đã chiếm được

AFP đưa tin thống đốc quân sự của Ukraine ở khu vực Donetsk phía đông đang bị bao vây đã nhấn mạnh hôm thứ Bảy rằng “Soledar được kiểm soát bởi chính quyền Ukraine, quân đội của chúng tôi kiểm soát nó”.

“Các trận chiến vẫn tiếp diễn trong và ngoài thành phố”, Thống Đốc Pavlo Kyrylenko nói thêm.

Ông đưa ra lập trường trên để đáp lại những tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Sáu rằng họ đã “hoàn thành việc giải phóng” Soledar vào ngày hôm trước.

Thị trấn công nghiệp với dân số khoảng 10.000 người trước chiến tranh đã trở thành đống đổ nát sau những trận giao tranh dữ dội.

Trong khi đó, sáng thứ Hai 16 Tháng Giêng, phát ngôn nhân của lực lượng liên hợp phía Đông của Lực lượng Vũ trang Ukraine, Đại Tá Serhii Cherevatyi cho biết:

“234 cuộc tấn công đã được thực hiện trong ngày qua. 32 cuộc đụng độ quân sự đã xảy ra. Chỉ tính riêng tại thành phố Soledar, ít nhất địch đã thiệt hại 119 người chết và 108 người bị thương. Đặc biệt, quân xâm lược đã bắn phá Soledar 70 lần bằng các loại pháo khác nhau”.

3. Đồng minh Putin kêu gọi Thủ tướng Nhật tự mổ bụng sau cuộc gặp với Biden

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Ally Urges Japanese PM to Disembowel Himself After Biden Meeting”, nghĩa là “Đồng minh Putin kêu gọi Thủ tướng Nhật tự mổ bụng sau cuộc gặp với Biden.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev kêu gọi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tự mổ bụng sau khi ông Kishida cảnh báo Mạc Tư Khoa về việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.

Kishida hôm thứ Sáu đã gặp Tổng thống Joe Biden, người đã nhắc lại sự ủng hộ của chính quyền ông đối với các nỗ lực phòng thủ của Nhật Bản, vài tuần sau khi Tokyo tuyên bố tăng cường quân sự lớn nhất kể từ Thế chiến II trong bối cảnh lo ngại về các hành động quân sự của Trung Quốc. Cuộc gặp được coi là củng cố liên minh Mỹ-Nhật.

Sau cuộc họp, Biden và Kishida đã đưa ra một tuyên bố chung, trong đó họ đề cập đến những nỗ lực hướng tới “phi hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên. Họ cũng phản đối khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến Ukraine.

“Chúng tôi tuyên bố dứt khoát rằng bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào của Nga ở Ukraine sẽ là hành động thù địch chống lại loài người và không thể biện minh dưới bất kỳ hình thức nào. Và chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine trước các cuộc tấn công ghê tởm của Nga vào cơ sở hạ tầng quan trọng”, tuyên bố viết.

Thông điệp của họ không được Medvedev, phó chủ tịch hội đồng an ninh Nga đón nhận.

Từng được coi là một người có tiếng nói khá ôn hòa trong chính trị Nga, Medvedev đã trở thành người đấu tranh mạnh mẽ cho cuộc xâm lược Ukraine bị lên án rộng rãi, và đã đưa ra một số nhận xét gây tranh cãi kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh thực hiện “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào tháng 2 năm ngoái.

Trong một phát biểu trên Telegram, Medvedev, một đồng minh thân cận của Putin, đã chỉ trích Kishida vì tuyên bố này, và cho rằng ông Kishida “đã phản bội ký ức của hàng trăm nghìn người Nhật Bản đã bị thiêu sống trong các vụ cháy hạt nhân ở Hiroshima và Nagasaki.” Vào tháng 8 năm 1945, Hoa Kỳ thả bom nguyên tử xuống hai thành phố này của Nhật Bản, giết chết hơn 200.000 thường dân trong nỗ lực chấm dứt Thế chiến II.

“Ông ấy nên nhắc nhở tổng thống Mỹ về điều này và yêu cầu ăn năn, ngay cả khi giới lãnh đạo Mỹ không gây ra hành động chiến tranh này. Nhưng không, Kysida chỉ là đầy tớ phục vụ cho người Mỹ. Và những người hầu không thể có can đảm,” anh nói thêm.

Medvedev cũng gợi ý Kishida nên thực hiện nghi thức “seppuku” hay “mổ bụng”, một hình thức tự sát theo nghi thức.

Medvedev nói: “Tôi vẫn còn cảm thấy tiếc cho người Nhật. Xét cho cùng, nỗi xấu hổ đó chỉ có thể được gột rửa sau khi mổ bụng tự sát ngay tại cuộc họp Nội các của họ. Mặc dù khái niệm về danh dự của thế hệ chư hầu Nhật Bản này không còn nữa.”

Nga đã không sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, nhưng ngày càng có nhiều lo ngại rằng Putin có thể sử dụng chúng nếu ông ta đối mặt với thất bại. Vào mùa thu, nhà lãnh đạo Nga đã tăng cường những đe dọa hạt nhân, và một số quan chức cũng như nhân vật truyền thông nhà nước đã chế nhạo phương Tây về mối đe dọa này.

Trung Quốc, Nga xây dựng mối quan hệ khi Nhật Bản, liên minh Mỹ tăng cường

Nhật Bản, giống như nhiều quốc gia khác, đã chỉ trích cuộc xâm lược Ukraine của Nga, quốc gia tiếp tục gặp khó khăn bất chấp quy mô quân đội khổng lồ của Putin. Newsweek trước đây đã đưa tin rằng trước cuộc xâm lược, Nga được cho là đã cân nhắc hành động quân sự chống lại Nhật Bản.

Khi Mỹ và Nhật Bản tăng cường mối quan hệ, Nga và Trung Quốc cũng đã tăng cường quan hệ trong những tháng gần đây khi Putin muốn tăng cường ảnh hưởng của mình ở khu vực Thái Bình Dương.

Trung Quốc có lẽ đã trở thành quốc gia hùng mạnh nhất ủng hộ cuộc xâm lược Ukraine, với việc Nga ủng hộ Trung Quốc trong các cuộc xung đột khu vực của chính họ, bao gồm cả cuộc tranh luận về nền độc lập của Đài Loan.

Newsweek đã liên hệ với chính phủ Nhật Bản để bình luận.

4. Ukraine cho biết Nga hủy trao đổi tù nhân vào phút chót

Cơ quan phụ trách các vấn đề tù nhân của Ukraine cho biết, Nga đã hủy bỏ kế hoạch trao đổi tù binh chiến tranh dự trù diễn ra hôm thứ Bảy vào phút chót.

Trụ sở điều phối đối xử với tù nhân chiến tranh cho biết trên Telegram:

“Một đợt trao đổi tù nhân khác đã được lên kế hoạch hôm nay với phía Nga. Tuy nhiên, nó đã bị hủy bỏ vào phút cuối theo đề nghị của phía Nga”.

Reuters cũng đưa tin rằng văn phòng của ủy viên nhân quyền Nga, Tatyana Moskalkova, đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Nga và Ukraine đã tiến hành nhiều cuộc trao đổi tù nhân - gần đây nhất là vào ngày 8 tháng Giêng.

5. Cựu Tư lệnh Nga cảnh báo 'Nội chiến' sẽ 'hủy hoại' nước Nga

Abbas Gallyamov, một nhà phân tích chính trị từng là người viết diễn văn cho Putin, đã đưa ra những tuyên bố về Putin trong một cuộc phỏng vấn trên kênh YouTube Khodorkovsky Live. Theo ông, Putin biết rõ không thể thắng ở Ukraine; và kế hoạch sắp tới cho tương lai là sẽ từ chức hưởng nhàn; vì có cố gắng đến đâu cũng không có khả năng cải thiện được tình hình. Trong bối cảnh đó, cựu chỉ huy Nga Igor Girkin cho rằng sẽ có nội chiến.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Former Russian Commander Warns of 'Civil War' That Will 'Kill' Russia”, nghĩa là “Cựu Tư lệnh Nga cảnh báo 'Nội chiến' sẽ 'giết chết' nước Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Cựu chỉ huy Nga Igor Ivanovich Strelkov, còn được gọi là Igor Girkin, gần đây đã cảnh báo về “cuộc nội chiến” ở Nga có thể dẫn đến “hàng triệu thương vong” khi nước này tiếp tục chiến đấu trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.

“Có đủ loại nội chiến. Có những cuộc nội chiến sẽ giết chết đất nước chúng ta trong ba ngày vào mùa đông. Và nó sẽ kết thúc sau ba ngày, nhưng nó sẽ giết chết đất nước,” Girkin nói trong một clip có phụ đề được Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine, đăng lên Twitter hôm Chúa Nhật.

Trong đoạn clip, Girkin nói thêm rằng Mạc Tư Khoa có thể “rơi vào một cuộc nội chiến với hàng triệu người thương vong, với sự sụp đổ và tan rã hoàn toàn”.

Nga tiếp tục chiến đấu ở Ukraine bất chấp những khó khăn trong việc mua thiết bị quân sự, thiếu nhân lực, tinh thần quân đội kém và điều mà một số người dự đoán là có sự chia rẽ nội bộ trong các nhà lãnh đạo quân sự.

Theo Valentyn Reznichenko, thống đốc khu vực, hôm thứ Bảy, các lực lượng Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào một tòa nhà trong khu chung cư ở Dnipro, khiến 30 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.

Mặc dù các lực lượng Nga đã đạt được một số tiến bộ trong việc chiếm thành phố Soledar của Ukraine, nhưng các nhà lãnh đạo quân đội Ukraine vẫn kiểm soát được tình hình ở vùng ngoại ô phía tây của thành phố, phía bắc Bakhmut, Girkin cho biết hôm thứ Tư trên Telegram.

Trong khi đó, những cảnh báo về một cuộc nội chiến nổ ra ở Mạc Tư Khoa trước đây đã được một số người chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra.

Mark Feygin, cựu phó Duma Quốc gia và luật sư nhân quyền, nói với Newsweek vào tháng 10 năm ngoái rằng thất bại toàn diện của Putin ở Ukraine có thể dẫn đến một cuộc nội chiến “đẫm máu” với một loạt phe phái và khu vực tranh giành quyền lực.

“Điều gì sẽ xảy ra phụ thuộc rất lớn vào cách cuộc chiến này sẽ kết thúc ra sao,” Feygin nói, đồng thời cho biết thêm rằng Ukraine có thể “đánh sập” chính phủ của Putin mà thậm chí không cần lấy lại Crimea nếu quân đội của Kyiv có thể giải phóng hoàn toàn các tỉnh Kherson, Zaporizhia, Luhansk và Donetsk..

“Điều dễ dàng nhất là nếu giới tinh hoa ở Nga quyết định và chọn người thay thế Putin, người thay thế có thể đàm phán với phương Tây, có thể cung cấp một số khuôn khổ ban đầu để kết thúc hậu cần của cuộc chiến đó, và sau đó cũng hướng tới các cuộc bầu cử trong tương lai,” Feygin nói.

Tháng 11 vừa qua, một số email bị rò rỉ từ một người tố giác tại Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, được chia sẻ với Newsweek đã tiết lộ khả năng một cuộc nội chiến có thể nổ ra giữa các đồng minh thân cận nhất của Putin.

Đặc vụ, được mệnh danh là Ngọn gió thay đổi, thường xuyên viết thư cho nhà bất đồng chính kiến Nga lưu vong Vladimir Osechkin, bày tỏ sự thất vọng và bất mãn bên trong FSB về cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.

Các email nêu chi tiết về tình trạng hỗn loạn và xung đột nội bộ ở Mạc Tư Khoa, dự đoán một cuộc nội chiến “không thể tránh khỏi” và rằng đất nước sẽ sớm “rơi xuống vực thẳm khủng bố” khi người dân ngày càng mệt mỏi với chiến tranh.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để bình luận.

6. Ukraine cho biết Tiểu đoàn xe tăng tinh nhuệ Nga chỉ còn 10 xe tăng và 30 binh sĩ

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Battalion Only Has 10 Tanks and 30 Soldiers Left: Ukraine”, nghĩa là “Ukraine cho biết Tiểu đoàn Nga chỉ còn 10 xe tăng và 30 binh sĩ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Một trong những tiểu đoàn tạo nên trung đoàn xe tăng “tinh nhuệ” của Nga tham chiến ở Ukraine chỉ còn lại 10 xe tăng, do 30 binh sĩ vận hành, theo lực lượng vũ trang Ukraine.

Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn xe tăng 26 của Nga, đang chiến đấu xung quanh thành phố Kupiansk, thuộc vùng Kharkiv, miền đông Ukraine, có 10 xe tăng chiến đấu chủ lực T-80BV vẫn trong tình trạng “có thể sử dụng được” tính đến ngày thứ Năm, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết như trên vào hôm Chúa Nhật 15 tháng Giêng.

Phần còn lại “bị phá hủy hoặc vô hiệu hóa”. Những chiếc vẫn đang hoạt động được điều khiển bởi khoảng 30 binh sĩ Nga.

Theo tạp chí thời sự The Diplomat, một tiểu đoàn xe tăng Nga thường bao gồm khoảng 40 xe tăng chiến đấu chủ lực. Theo Insider, mỗi trung đoàn xe tăng của Nga có khoảng 93 xe tăng được chia thành 3 tiểu đoàn.

Trong báo cáo tổn thất chiến đấu mới nhất vào Chúa Nhật, Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố lực lượng của họ đã phá hủy 3.106 xe tăng Nga và giết chết hơn 115.000 quân nhân Nga kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu vào tháng 2 năm ngoái, mặc dù Nga gần đây không công bố con số thương vong.

Bộ Quốc phòng Nga đã được liên lạc để bình luận.

Trong những ngày đầu của cuộc chiến, quân đội Ukraine tuyên bố có vấn đề về tinh thần trong đơn vị xe tăng Nga này. Bộ Tổng tham mưu Ukraine đăng trên Facebook vào tháng 3 năm ngoái rằng các binh sĩ trong Trung đoàn xe tăng 26 thuộc Sư đoàn xe tăng 47 đã yêu cầu chấm dứt hợp đồng chiến đấu ở Ukraine.

Nhà phân tích quốc phòng và an ninh, Giáo sư Michael Clarke nói với Newsweek hôm Chúa Nhật rằng tuyên bố của Ukraine trong bài đăng trên Facebook hôm Chúa Nhật là “chính xác”, xét đến “thương vong đáng kể” mà Trung đoàn xe tăng 26 được cho là đã phải gánh chịu trong giai đoạn đầu của cuộc chiến hồi tháng Ba.

Theo Clarke, Trung đoàn xe tăng 26 là một phần của Sư đoàn xe tăng cận vệ 47, đây là một điểm quan trọng. Phẩm chất “tinh nhuệ” có thể được xác định từ danh hiệu “Cận vệ” được phong tặng. Ông Clarke nhấn mạnh rằng nó thường được Điện Cẩm Linh trao tặng cho những thành tích phục vụ xuất sắc, trong khi việc trung đoàn được trang bị xe tăng T-80 thay vì T-72 tiêu chuẩn cho thấy tầm quan trọng của đơn vị này.

Ông cho rằng con số quân nhân Nga trong tiểu đoàn đã bị cắt giảm xuống còn 30 người “có lẽ là một con số ước lượng thích đáng”. Ông giải thích, xe tăng T-80 được vận hành bởi kíp lái ba người, “vì vậy nếu họ chỉ còn 10 xe tăng có thể sử dụng được và do đó là 10 kíp lái, điều đó là đúng.”

Câu hỏi lớn hơn là có bao nhiêu binh sĩ được giao nhiệm vụ sửa chữa và bảo dưỡng xe tăng, vì nếu không có đủ người làm những công việc này, thì “các xe tăng tác chiến sẽ ngày càng trở nên khó sử dụng hơn, cho dù chúng có bị trúng đạn của đối phương hay không,” ông nói. thêm.

Vào tháng 12, một cuộc điều tra do The New York Times đăng tải cho thấy một mệnh lệnh đã được đưa ra cho một đơn vị của Trung đoàn xe tăng 26 bắt đầu cuộc xâm lược vào ngày 24 tháng 2.

Các mệnh lệnh “đã lường trước một loạt khả năng kháng cự từ quân đội và máy bay Ukraine” khi bắt đầu cuộc xâm lược, “nhưng họ vẫn triển khai một cuộc tấn công hầu như không bị ngăn cản, kéo dài 24 giờ từ biên giới Ukraine với Nga đến một điểm bên kia sông Dnipro, khoảng 250 dặm”.

Theo mệnh lệnh này, Trung đoàn xe tăng 26 sau đó sẽ vượt qua Kyiv về phía Nam khoảng 2 giờ để chặn tuyến phòng thủ của Ukraine ở phía nam và phía đông. Và “dù đối phương có chống cự ác liệt đến đâu, đơn vị vẫn phải tự mình hoàn thành nhiệm vụ”

Nhận xét về cuộc điều tra, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, sau đó đã viết rằng “Các lực lượng Ukraine đã tiêu diệt các thành phần của Trung đoàn xe tăng 26 ở Kharkiv, cách điểm đến dự kiến hàng trăm km vào ngày 17 tháng 3.”

Harry Kazianis, một nhà phân tích quân sự và là chủ tịch của Dự án Rogue States, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, nói với Newsweek hôm Chúa Nhật rằng xe tăng Nga đang phải vật lộn để nhìn chằm chằm vào các loại vũ khí chống tăng do phương Tây cung cấp mà lực lượng Ukraine dễ dàng vận hành với “giá rẻ hợp lý.”

Báo cáo về sự suy yếu của đơn vị xe tăng Nga được đưa ra trong bối cảnh Ukraine dường như đã gần giành được các xe tăng chiến đấu chủ lực từ tay các đồng minh phương Tây mà nước này từ lâu đã muốn có cho lực lượng của mình. Vương quốc Anh hôm thứ Bảy xác nhận sẽ cung cấp cho Ukraine xe tăng Challenger 2 của Anh trong một động thái khiến Đức và các nước khác phải chịu áp lực cung cấp thêm trợ giúp quân sự cho Kyiv.
 
Đau buồn: Ba Giám Mục Thụy Sĩ bày tỏ âu lo trước trào lưu các linh mục mời phụ nữ đồng tế thánh lễ
VietCatholic Media
17:13 16/01/2023


1. Đức Giáo Hoàng bỏ cuộc rước Thứ Tư Lễ Tro?

Hôm 12 tháng Giêng, Đức Ông Diego Ravelli, Chủ sự các nghi lễ phụng vụ của Đức Giáo Hoàng, đã công bố lịch cử hành từ tháng Giêng đến tháng Hai do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự.

Không có trong danh sách các lễ kỷ niệm là cuộc rước sám hối Thứ Tư Lễ Tro và cử hành Thánh lễ tại Vương cung thánh đường Santa Sabina, nơi theo truyền thống Đức Thánh Cha chủ sự nghi thức xức tro. Năm nay, Thứ Tư Lễ Tro rơi vào ngày 22 tháng Hai.

Người ta không biết liệu sự thiếu sót này là do sơ suất hay là dấu hiệu cho thấy Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ không tham gia cuộc rước và Thánh lễ ngày hôm đó.

Theo truyền thống phụng vụ có từ thế kỷ thứ 7, ngày Thứ Tư Lễ Tro là một ngày quan trọng, và không một lễ nào có thể vượt lên trên. Người ta cũng gọi ngày này là “Ðầu Mùa Chay”. Việc ăn chay trong Mùa này đã có từ thời Ðức Giáo Hoàng Gregoriô Cả vào cuối thế kỷ thứ Sáu.

Những Quy luật tổng quát của Năm phụng vụ nói về ngày Thứ Tư Lễ Tro như sau: “Mùa Chay bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro và kết thúc ngay trước Thánh lễ Tiệc Ly. Ngày Thứ Tư đầu Mùa Chay có xức tro; ngày đó khắp nơi ăn chay”. Lời chỉ dẫn này cho chúng ta biết ý nghĩa của Ngày Thứ Tư Lễ Tro trong Năm phụng vụ, cũng như trong suốt Mùa Chay thánh. Với Thứ Tư Lễ Tro, Giáo hội bắt đầu Mùa Chay Thánh.

Thông thường, vào lúc 16:30 ngày thứ Tư lễ Tro, Đức Thánh Cha chủ sự cuộc rước thống hối từ nhà thờ Thánh Anselmo của dòng Biển Đức đến Vương cung Thánh Đường Thánh nữ Sabina của dòng Đa Minh trên đồi Aventino ở Rôma.

Trên quãng đường dài 500 mét, các vị vừa đi vừa hát kinh cầu các thánh, và thánh ca thống hối.

Tại Vương cung Thánh Đường thánh nữ Sabina, có từ thế kỷ thứ 5, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ đồng tế với nghi thức xức tro, cùng với các Hồng Y và Giám Mục, trước sự tham dự của các linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân, đặc biệt là các vị lãnh đạo Hội Hiệp sĩ Malta.

Năm ngoái, Tòa Thánh khẳng định Đức Thánh Cha sẽ chủ sự các nghi thức ngày Thứ Tư Lễ Tro. Tuy nhiên, giờ chót ngài bị đau đầu gối nên đã nhờ Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cử hành thay cho ngài.


Source:Catholic World News

2. Các giám mục Thụy Sĩ kêu gọi tôn trọng 'các quy tắc' sau khi một linh mục mời một người phụ nữ đồng tế trong Thánh lễ

Chỉ có các linh mục được thụ phong mới có thể chủ sự Thánh lễ, và phụng vụ không nên là “nơi thử nghiệm cho các dự án cá nhân”, ba giám mục Thụy Sĩ đã đưa ra lập trường trên. Sự can thiệp của họ diễn ra sau cuộc tranh cãi trên mạng về một đoạn video quay cảnh một nữ giáo dân đang đồng tế với các linh mục.

“Tất cả anh chị em đều biết rằng chỉ có linh mục mới thành sự chủ sự Thánh Thể, ban bí tích hòa giải và xức dầu cho bệnh nhân. Đây chính là lý do tại sao ngài được phong chức. Quy tắc này của đức tin Công Giáo Rôma phải được tôn trọng không có bất cứ ngoại lệ nào trong các giáo phận của chúng ta,” các Giám mục Joseph Bonnemain của Chur, Felix Gmür của Basel, và Markus Büchel của Sankt Gallen cho biết trong một bức thư ngày 5 tháng Giêng gửi cho những người hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc mục vụ. Báo Công Giáo La Croix đưa tin.

Ba giáo phận của họ là những giáo phận chủ yếu nói tiếng Đức của Thụy Sĩ.

Các giám mục thừa nhận mong muốn của mọi người tham gia phụng vụ nhưng cho biết phụng vụ Công Giáo có đặc tính phổ quát, và điều này đặc biệt liên quan đến việc cử hành các bí tích.

“Chứng tá chung yêu cầu các hình thức và quy tắc chung. Các giám mục chúng ta thường xuyên nhận được các yêu cầu và phản ứng lo lắng: các tín hữu có quyền tham gia các nghi lễ tôn giáo xứng đáng, tôn trọng các quy tắc và hình thức của Giáo hội,” lá thư của các ngài viết.

Bức thư của các ngài được đưa ra sau cuộc tranh cãi về một Thánh lễ vào tháng 8 năm 2022 tại Giáo phận Chur mà tại đó một quản trị viên giáo xứ là bà Monika Schmid, cư dân Zurich, một người tham gia quản lý giáo xứ lâu năm đã được cha sở mời đồng tế Thánh Lễ để đánh dấu sự nghỉ hưu của bà.

Giám mục Bonnemain đã nhanh chóng mở một cuộc điều tra giáo luật sơ bộ về hành động này với lý do bị cáo buộc lạm dụng phụng vụ. Điều 907 của giáo luật Giáo Hội Công Giáo cấm các phó tế Công Giáo và giáo dân Công Giáo dâng lời cầu nguyện Thánh Thể và thực hiện các hành động “chỉ phù hợp với linh mục cử hành lễ.”

Schmid đã phủ nhận hành động của cô ấy là một nỗ lực để đồng tế Thánh lễ hoặc khiêu khích, cổng thông tin internet Công Giáo Thụy Sĩ Cath.ch đưa tin. Schmid thừa nhận rằng là một phụ nữ, cô ấy không thể cử hành Bí tích Thánh Thể một cách hợp lệ như các linh mục Công Giáo đã được phong chức. Cô cho biết cuộc tranh cãi dựa trên một video clip được tải lên internet mà tất cả những người tham gia đều không hề hay biết.

Bà ấy nói: “Và một số người đã đỏ mắt khi nhìn thấy một người phụ nữ trên bàn thờ trong một bức ảnh.”

Trong khi đó, mạng Cath.ch quả quyết rằng bà ấy đã đồng tế trong thánh lễ. Video về Thánh lễ “cho thấy rõ bà ấy, trong bộ quần áo dân sự, ở bàn thờ, được bao quanh bởi hai linh mục và cùng với họ, dang rộng hai tay, đọc văn bản truyền phép bánh và rượu và phép Thánh Thể như một linh mục.”

La Croix đưa tin vào tháng Chín rằng bản văn của kinh nguyện Thánh Thể đã được “sửa đổi rộng rãi,” cho thấy việc đồng tế của bà Schmid là một hành động đã được tính toán trước và có chủ ý rõ rệt, không phải là một hành động bốc đồng của các linh mục đồng tế.

Trong lá thư của mình, các giám mục của Thụy Sĩ nói tiếng Đức cho biết họ biết rằng một số người đã lập luận rằng phụ nữ tham gia phụng vụ.

“Chúng ta nghe thấy yêu cầu của nhiều người để có thể tham gia phụng vụ theo những cách khác, chẳng hạn như phụ nữ,” họ nói. “Tuy nhiên, chúng ta kêu gọi các bạn đừng biến dấu hiệu hiệp nhất là phụng vụ thành nơi thử nghiệm cho các dự án cá nhân. Chính trong việc cử hành cùng một phụng vụ trên toàn thế giới mà chúng ta là người Công Giáo và đoàn kết với nhau.”

Các giám mục bác bỏ bất kỳ tuyên bố nào cho rằng họ đang bảo vệ “chủ nghĩa giáo quyền gia trưởng”. Thay vào đó, họ nói, “các linh mục, khi cử hành và cử hành các bí tích, làm cho thấy rằng chính Chúa Giêsu Kitô hành động trong và qua các bí tích.” Các linh mục “có thể nói là để ngỏ không gian cho hoạt động của Thiên Chúa trong phụng vụ”.

Trước đó, Schmid phủ nhận việc đồng tế với hai linh mục. Tuy nhiên, một phụ nữ trong giáo xứ đã xác nhận rằng trong thánh lễ ấy Schmid đã đồng tế. Người phụ nữ này được tường trình đã chạm trán với cha sở ngay sau thánh lễ và nêu thắc mắc nửa đùa nửa thật rằng “con còn đẹp hơn bà Schmid, sao cha không cho con đồng tế?”

Giờ đây, bà Schmid không phủ nhận nữa nhưng đã chỉ trích lá thư của các giám mục. Bà ấy nói mình ủng hộ một cử hành phụng vụ, theo quan điểm của bà, là “tiếp cận với mọi người trong cuộc sống hàng ngày của họ, bằng ngôn ngữ của họ và trong sự hiểu biết của họ về chính họ”

Các giám mục đề cập đến tông thư Desiderio desideravi vào tháng 6 năm 2022 của Đức Thánh Cha Phanxicô. Tông thư nhấn mạnh đến phẩm chất của các nghi thức phụng vụ, sự chú ý cẩn thận đến mọi khía cạnh của việc cử hành phụng vụ và việc tuân thủ mọi tiêu chí đánh giá.

Theo La Croix, các giám mục Đức mời gọi người Công Giáo sử dụng “sự đa dạng của các hình thức cử hành phụng vụ mà Giáo hội cung cấp… để cá nhân bạn có thể là một phần của nó.”
Source:Catholic News Agency

3. Các nhà hoạt động nói rằng trẻ em thiệt mạng và các nhà thờ bị phá hủy khi Miến Điện đánh bom các làng dân tộc Karen

Các cuộc không kích của quân đội Miến Điện vào hai ngôi làng có phần lớn người dân tộc Karen sinh sống đã giết chết 5 dân thường, trong đó có một người mẹ và cô con gái 2 tuổi, đồng thời phá hủy hai nhà thờ, hai tổ chức cứu trợ cho biết hôm thứ Sáu. Những người thiệt mạng trong các cuộc không kích hôm thứ Năm còn có mục sư của một nhà thờ Baptist, một phó tế Công Giáo và một giáo dân trong nhà thờ, theo Tổ chức Phụ nữ Karen và Lực lượng Kiểm lâm Miến Điện Tự do. Họ cho biết một phụ nữ khác và con của cô ấy bị thương ở ngôi làng thứ hai.

Người Karen, sống chủ yếu ở phía đông Miến Điện dọc biên giới với Thái Lan, là một trong những lực lượng nổi dậy dân tộc thiểu số lâu đời nhất và đã đấu tranh trong nhiều thập kỷ để giành quyền tự trị lớn hơn từ chính quyền trung ương. Giao tranh gia tăng sau tháng 2 năm 2021, khi quân đội cướp chính quyền từ chính phủ dân cử của Aung San Suu Kyi.

“Các cuộc không kích đang giết chết dân thường và phá hủy nhà cửa, trung tâm y tế, nhà thờ, trường học, thư viện và tu viện,” nhóm phụ nữ Karen cho biết trong một tuyên bố.

Quân đội đã sử dụng vũ lực chết người để đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa chống lại việc cuộc đảo chính, điều này đã gây ra sự phản kháng vũ trang của các lực lượng ủng hộ dân chủ đã bắt tay với một số nhóm nổi dậy sắc tộc, bao gồm cả người Karen. Sau đó, chính phủ do quân đội thành lập đã phát động các cuộc tấn công ở vùng nông thôn để cố gắng bảo vệ lãnh thổ bằng cách sử dụng các cuộc không kích và đốt cháy các ngôi làng.

Chính phủ Thống nhất Quốc gia, một nhóm ngầm tự xưng là chính phủ hợp pháp của đất nước và đóng vai trò là tổ chức bảo trợ cho những người chống lại sự cai trị của quân đội, cho biết trong một tuyên bố trong tuần này rằng kể từ khi quân đội tiếp quản, “trong khu vực Karen 460 thường dân vô tội, chủ yếu là trẻ em, đã mất mạng sống do các cuộc không kích lặp đi lặp lại của quân đội”.

Lực lượng Kiểm lâm Miến Điện Tự do cho biết các tình nguyện viên của họ đã quan sát từ xa khi các máy bay phản lực thực hiện hai đợt ném bom hôm thứ Năm xuống Lay Wah, một trong những ngôi làng bị tấn công ở quận Mutraw của bang Karen, còn được gọi là Papun. Họ cho biết các tình nguyện viên đến Lay Wah sau khi trời tối, nơi có 5 người thiệt mạng và các nhà thờ bị phá hủy.

“Điều đầu tiên chúng ta nhìn thấy ở cuối làng là một con trâu bị đứt nửa chân trước lảo đảo trong đau đớn và chúng ta thấy những ngôi nhà bị hư hại do mảnh đạn và mái nhà bị thổi bay”.

Ngôi làng bị đánh bom khác là Paw Khee Lah, nơi một phụ nữ và trẻ em bị thương.

Vì dân làng Karen đã quen sống chung với chiến tranh nên họ tiến hành nhiều hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như đi học, trong rừng.

Vụ đánh bom ở bang Karen là cuộc không kích thứ hai được báo cáo của quân đội Miến Điện trong tuần này. Vào thứ Ba và thứ Tư ở bang Chin phía tây Miến Điện, máy bay quân sự đã ném bom trụ sở của Mặt trận Quốc gia Chin, một lực lượng dân quân nổi dậy sắc tộc khác có liên hệ mật thiết với phong trào ủng hộ dân chủ của đất nước.

Các lực lượng kháng chiến ở Miến Điện đã ngăn chặn được quân đội giành quyền kiểm soát vững chắc trên những vùng đất rộng lớn của đất nước, nhưng lại gặp bất lợi lớn về vũ khí, nhất là trong việc chống trả các cuộc tấn công bằng đường không. Nhiều quốc gia phương Tây đã áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với chính phủ quân sự, nhưng các nhà hoạt động cũng ủng hộ việc cấm hoặc hạn chế bán nhiên liệu máy bay cho Miến Điện để làm tê liệt lợi thế về sức mạnh không quân của quân đội.


Source:AP