Ngày 21-01-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Giữa đời thường
PM. Cao Huy Hoàng
14:07 21/01/2011
Chú Nhật Thứ 3 Mùa Thường Niên, Năm A

Vào cuộc đời rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu gọi nhiều người đi theo Chúa, vì ơn cứu rỗi của họ và của nhiều người khác.

Ông Phêro và Anrê, ông Giacôbê và Gioan, vốn là những kẻ làm nghề chài lưới, khi được Chúa gọi thì sẵn sàng và dứt khoát bỏ nghề, bỏ ghe bỏ thuyền, bỏ tất cả mà đi theo Chúa. Và khi đã đi theo Chúa, các ông một lòng một dạ trung thành nghe lời Chúa dạy, làm điều Chúa muốn, và thông tin cho người khác về ơn cứu rỗi của Thiên Chúa.

Không chỉ có 4 ông mà Chúa còn gọi nhiều người làm tông đồ cho Chúa. Từ đôi ba năm bảy con người, đến hàng chục, hàng trăm, hàng triệu người và trong số đó có cả bạn cả tôi: Tất cả những con người được kêu gọi đến nhận lãnh bí tích rửa tội để mặc lấy Chúa Giêsu Kitô và trở nên con cái của Thiên Chúa.

Đến hôm nay, vẫn còn nhiều tín hữu công giáo chưa nhận ra rằng mình được Chúa Giêsu kêu gọi làm tông đồ cho Chúa. Hoặc nghĩ rằng ơn gọi và công việc tông đồ chỉ dành cho các linh mục, tu sĩ mà thôi. Và càng nhầm lẫn nguy hiểm hơn khi những suy nghĩ ấy là những suy nghĩ của các linh mục tu sĩ.

Vâng, có những người bình thường, còn có khi là tầm thường, được Chúa thương cách lạ, đã gọi và chọn làm linh mục cho Chúa để tế lễ đời mình cùng với của lễ toàn thiêu là Chúa Giêsu mà ban phát muôn ân sủng của Thiên Chúa cho con người.

Ơn gọi đặc biệt ấy dành cho một số người, không có nghĩa là những người khác không có ơn gọi. Thiết tưởng, đừng ai quên rằng, trước khi làm linh mục hay tu sĩ, hay là giáo dân chăng nữa, thì mỗi tín hữu đã được kêu gọi tới lãnh nhận chính Đức Giêsu Kitô và trở nên con cái của Thiên Chúa qua Bí tích rửa tội.

Mọi tín hữu đều bình đẳng với nhau trước mặt Chúa qua Bí tích rửa tội, qua ơn gọi làm con cái Thiên Chúa. Rồi sau đó, Chúa lại đặt định cho mỗi người một công việc, một hoàn cảnh, và dù công việc gì hay hoàn cảnh nào cũng phải chu toàn chức vụ ngôn sứ, tư tế và vương đế đã lãnh nhận trong Bí tích Rửa tội.

Trong bài giảng lễ an táng Mẹ tôi, Cha Phêrô Khổng Văn Giám có nói rằng: “Suốt cuộc đời làm nữ hộ sinh, Cụ Bà Anna đã mạnh dạn tuyên xưng mình thuộc dòng dõi của Thiên Chúa, là con cái của Thiên Chúa. Bà cũng đã chu toàn vai trò ngôn sứ là rao giảng Thiên Chúa và Nước Thiên Chúa ngay trong công việc hộ sinh của mình. Hôm nay, bà đã hoàn tất vai trò tư tế của mình trong cuộc đời. Chính bà đã tế lễ và cũng chính bà là lễ tế…”

Xin trích lại lời giảng của Cha Phêrô, một linh mục đã ngoài 80 tuổi, tôi không có ý nói đến các nhân đức của Mẹ, nhưng muốn trình bày một nhìn nhận về ơn gọi làm chứng nhân giữa đời thường của tất cả các tín hữu.

Giữa đời thường trong bậc sống hôn nhân gia đình hay độc thân, mỗi tín hữu hẳn phải tự hào là con cái của Thiên Chúa và sống sao cho xứng với dòng dõi của Thiên Chúa. Đời sống chuẩn mực của con cái Thiên Chúa là “ Sám Hối và Tin Vào Tin mừng”. Việc sám hối không dừng lại ở chỗ nhận ra những gì nghịch với Thiên Chúa, nhưng còn phải tiến xa hơn là cởi bỏ con người cũ, nếp sống cũ, để mặc lấy con người mới theo tinh thần của Tin Mừng.

Và dù trong hoàn cảnh nào, nghề nghiệp nào, mỗi tín hữu cũng có thể chu toàn vai trò ngôn sứ của mình. Họ sẽ chia sẻ tinh thần Tin Mừng mà họ đã trải nghiệm trong cuộc sống. Thêm vào đó, những việc đạo đức của Cha sở, bài giảng của Cha sở, lời Chúa hằng tuần, không chỉ nghe rồi thôi, mà còn được chia sẻ, loan truyền trong gia đình, trên rẫy, nơi quán cà phê, nơi phố chợ… Lời Chúa đã trở nên niềm vui, nguồn sống cho mọi người, khi các tín hữu nối dài bài giảng của Cha sở bằng việc sống thánh giữa đời, tuân giữ lề luật Chúa, yêu thương bác ái cụ thể.

Thật đáng khâm phục những chứng nhân của Chúa Giêsu Kitô đã can đảm tế lễ mình giữa dòng đời nghiệt ngã. Họ đang dâng lễ khắp nơi trong cuộc đời. Của lễ của cô bán bánh canh, chị bán cháo lòng, của lễ của anh đạp xích lô, em bán vé số, bán bong bóng và của cả người hành khất ven đường…của lễ của người làm thơ, viết nhạc, ngâm thơ, ca sĩ … của lễ của người đốn củi hầm than, làm rẫy, làm rừng…của lễ của những y bác sĩ, giáo viên… là tất cả những của lễ đẹp lòng Chúa, khi mỗi tín hữu ý thức rằng mình đang chu toàn vai trò tư tế với Chúa Giêsu, đã được lãnh nhận trong ơn gọi làm con cái Thiên Chúa.

Nguyện xin Lời Chúa hôm nay đánh động tâm hồn mỗi người chúng con, để một lần nữa, chúng con được vui mừng, vinh dự vì ơn gọi cao quí của mình, và hăng say làm chứng cho Thiên Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào, tình huống nào.

20-1-2011
 
Hãy hối cải vì Nước Trời
Tuyết Mai
14:14 21/01/2011
Chúa Nhật Thứ 3 Mùa Thường Niên, Năm A

Luật làm người trên trần gian từ khi có trí khôn con cái đã được cha mẹ dậy dỗ cho là còn nhỏ thì phải học cho thật giỏi để lớn lên được ấm cái thân; đó là con nhà văn. Con nhà võ cũng dậy dỗ chúng con rằng chuyên cần luyện tập để có cơ thể tráng kiện; lớn lên mở trường mà dậy học trò vừa có tiền mà lại vừa được mọi người nể nang. Còn con nhà buôn thì dậy dỗ con cái phải biết mánh mung, gian lận, bỏ vốn ra thì ít nhưng hốt vào thì nhiều. Tôi không dám vơ đũa cả nắm đâu bởi Dì tôi xưa kia cũng mở tiệm bán tạp hóa; giúp nhiều hơn gian. Cũng có rất nhiều người buôn bán đàng hoàng để đủ kiếm tiền nuôi gia đình. Ở đây tôi chỉ muốn nói lên sự rất tầm thường của con người trần gian là có tánh tham lam. Tất cả những sự dậy dỗ của cha mẹ đó cho con cái của họ một mục đích duy nhất là làm giầu. Chứ ít khi nào mà cha mẹ chúng dậy cho chúng cách làm giầu qua những Lời khôn ngoan của Chúa bao giờ. Vì có phải Thiên Chúa dậy chúng ta cách làm giầu thật khó hiểu và thật khó theo. Để được giầu có trên Nước Thiên Đàng thì chúng ta phải tập bỏ tất cả mà theo Ngài. Vì Ngài là Đường, là Sự Sống, và là Sự Thật. Theo Ngài là chúng ta phải đi qua con đường Hẹp; chẳng những hẹp mà còn chông gai nữa. Chúng ta không nên tích lũy mà hãy về bán hết của cải để đi theo Ngài. Thưa anh chị em, ở trên đời không biết có ai đã điên đến thế hay chưa?. Ai lại đời khờ khạo đi nghe cái ông Giêsu nào đó khi mà tiền là tiên là phật, là sức sống và là nguồn sự sống cho con người. Con người là phải có tiền; trước là để nuôi miệng sau là nuôi gia đình với một đàn con nheo nhóc; sau mới là giúp đỡ những ai cùng khổ và quá đỗi tội nghiệp.

Nhất là chúng ta đang sống trong một thế giới mà người nghèo nhiều hơn người giầu; và trong thời buổi gạo châu củi quế này! Thất nghiệp khắp mọi chỗ mọi nơi. Gia đình nào cũng có những cái khó khăn, nhất là cần tiền …. Tiền …. Và tiền. Không tiền thì cho chúng ta cuộc sống rất là khó khăn và khó mà giữ được gia đình có hạnh phúc như trước đây. Bởi con người yếu đuối của chúng ta rất sợ cái cảnh túng thiếu khi mà cuộc sống dư đầy đã quá quen và quá lệ thuộc vào những thứ vật chất xa xỉ cần phải có. Trước đây chúng ta sống như một ông hoàng, ở một villa thật rộng lớn, xe xịn mỗi người một chiếc; tiền trong nhà băng cũng vậy, ai cũng có một trương mục mà con số được xài rất là thoải mái; nay thất nghiệp thì mọi thứ cũng phải biến mất ngay trước mắt chúng ta từ cái nhà, cái xe, nhà băng sẽ xiết hết vì chúng ta không còn tiền để trả. Tôi nghĩ ở thời điểm này con người ta cảm thấy như mất tất cả! Đối với họ là một thất bại lớn lao không thể nào tưởng. Một gia đình có ơn Chúa, chúng ta sẽ rất dễ nhận ra họ. Tuy đau khổ đó nhưng có Chúa trong cuộc đời thì họ sẽ cùng nhau xây dựng lại từ hai bàn tay trắng y như trước đây họ cũng chưa từng có gì cả!. Có Chúa trong đời thì có khó chi khi Chúa mở chúng ta một con đường mới; một hướng đi mới; theo Thánh Ý Chúa.

Còn những người sống chỉ biết dựa vào đồng tiền thì khó lòng mà qua khỏi con trăng này lắm! Đối với những con người này thì ngay cả tình vợ chồng cũng khó mà ở với nhau đến trăm tuổi hay đến răng long đầu bạc cho được. Vì khi lấy chồng thì họ cũng chọn tiền trên người chồng nên mới đồng ý lấy về để hưởng cuộc đời sung sướng vì chồng có cơ ngơi và giầu có. Khi người chồng thất thế, mất tất cả chỉ còn hai bàn tay trắng, hay bị tù tội thì đương nhiên người vợ cũng sang ngang theo người chồng khác để tiếp tục hưởng cuộc đời mà chẳng thấy gì là tiếc nuối là ân hận hay tội lỗi gì cả! Bởi phải hiểu rằng tôi lấy anh vì tại anh có tiền. Bây giờ anh hết tiền thì tôi phải đành bỏ anh và đem theo các con tôi đi về nhà mới; để chúng con có bố mới mà lo cho chúng chứ!.

Quả thật cuộc đời mà thiếu vắng Chúa, hay chưa được Chúa đánh động, biến đổi thì khó mà cho chúng ta một cuộc sống an lành và bình an lắm thưa anh chị em!. Phải làm sao để chúng ta được yên ổn mà ít khi phải lo lắng bon chen?. Phải làm sao cho chúng ta hiểu cuộc đời này chỉ là cõi tạm, để giúp chúng ta nên thánh, để giúp chúng ta đừng đánh mất linh hồn quý giá sống muôn đời của mình?. Chẳng lẽ chúng ta phải chịu thua mánh mung và sự lừa đảo trắng trợn của chúng quỷ giăng mắc hay sao?. Chúng ta ai cũng biết cảm nhận rằng có Một Thiên Chúa Tối Cao, Ngài Vinh Hiển, và muôn đời Toàn Năng và Toàn Thiện chứ!. Ngài hiện diện khắp nơi. Ngài thống trị hoàn cầu. Ngài là Alpha, Omega, và là Nguyên Thủy. Không theo Ngài thì chúng ta chọn theo ai đây?. Chẳng lẽ chúng ta đến ngu muội mà đi chọn Diêm Vương làm vua của chúng ta ư!?. Xá gì cái thân xác này chỉ được sung sướng một thời gian ngắn mà linh hồn đời đời của chúng ta lại bị tù đầy và bị hành hạ cả muôn đời sau hay sao?.

Vâng, tất cả chỉ là tạm bợ trong cuộc sống trần gian rất ngắn ngủi này! Xin Thiên Chúa luôn phù trợ và giữ gìn hồn an xác mạnh cho chúng con. Để chúng con biết sống từng ngày cho Chúa và cho tha nhân. Để cùng đích là được trở về bên Chúa với cuộc sống mới thật vĩnh cửu thật hạnh phúc muôn đời. Amen.
 
Ánh Sáng huy hoàng
Anmai, CSsR
14:19 21/01/2011
Chúa Nhật Thứ 3 Mùa Thường Niên, Năm A - Is 8, 23b-9,3; 1 Cr 1, 10-13.17; Mt 4, 12-23

Chuyện kể rằng vào thời vua Akhát, con vua Giotham, cháu vua Útdigiahu, trị vì Giuđa, thì vua Aram là Rơxin, và vua Israel là Pecác, con ông Romangiahu, lên đánh Giêrusalem, nhưng không thể tấn công được. Tin dữ đến với nhà Đavít rằng: "Aram đã đóng quân ở Épraim." Khi nghe được tin dữ ấy lòng vua cũng như lòng dân đều rung động như cây rừng rung rinh trước gió.

Thiên Chúa, mãi mãi yêu thương dân của Ngài nên rồi Ngài ra tay cứu dân. Ngài bảo với Isaia: "Ngươi hãy cùng với Sơa Giasúp, con ngươi, ra đón vua Akhát ở cuối kênh dẫn nước của hồ trên, phía đường dẫn tới cánh đồng Thợ Nện Dạ. Ngươi hãy nói với nhà vua: "Ngài hãy coi chừng, cứ bình tĩnh, đừng sợ, chớ sờn lòng trước hai cái đầu que củi chỉ còn khói đó, trước cơn giận sôi sục của Rơxin, vua Aram, và của người con Rơmangiahu. Vì Aram cùng với Épraim và người con Rơmangiahu đã mưu tính hại ngài và nói: "Ta hãy lên đánh Giuđa, làm cho nó khiếp sợ ta, và đặt con ông Tápên làm vua ở đó."

Thiên Chúa không chỉ cứu dân Israel thoát khỏi bàn tay của Aram nhưng còn làm vẻ vang dân của Ngài ở miền bên kia sông Giođan - vùng đất của dân ngoại. Lời hứa ấy chúng ta vừa nghe Isaia thuật lại: “Thời đầu, Người đã hạ nhục đất Dơvulun và đất Náptali, nhưng thời sau, Người sẽ làm vẻ vang cho con đường ra biển, miền bên kia sông Giođan, vùng đất của dân ngoại. Ơn giải thoát.

Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng. Họ mừng vui trước nhan Ngài như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt, như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm. Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gãy như trong ngày chiến thắng quân Mađian”.

Có lẽ thời vua Akhát là thời mà dân cảm thấy hạnh phúc nhất vì lẽ không chỉ sống trong cảnh anh bình thịnh vượng mà còn được niềm vui. Niềm vui ấy tăng lên khi thắng trận mà còn được chia nhau chiến lợi phẩm, ách nặng không còn đè lên cổ và không phải chịu đòn roi của kẻ hà hiếp nữa. Và, hạnh phúc lớn nhất của họ là từ nay họ đã được ơn giải thoát, ơn cứu độ.

Hạnh phúc của dân thời ấy phải chăng cũng là hạnh phúc của vua Đavít ? Ở Thánh Vịnh 27 – Thánh Vịnh đáp ca mà chúng ta vừa đọc, vừa nghe lại chính là tâm tình, là nỗi niềm hạnh phúc của Đavít khi ông nhận ra Chúa chính là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của đời ông.

Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi,

tôi còn sợ người nào?

Chúa là thành luỹ bảo vệ đời tôi,

tôi khiếp gì ai nữa?

Khi ác nhân xông vào, định nuốt sống thân tôi,

ai ngờ chính đối phương, chính những thù địch ấy,

lại lảo đảo té nhào.

Dù cả một đạo quân vây đánh, lòng tôi chẳng sợ gì.

Dù có phải lâm vào chiến trận, tôi vẫn cứ cậy tin.

Một điều tôi kiếm tôi xin,

là luôn được ở trong đền Chúa tôi

mọi ngày trong suốt cuộc đời,

để chiêm ngưỡng Chúa tuyệt vời cao sang,

ngắm xem thánh điện huy hoàng.

Cuối tâm tình ấy của Thánh Vịnh 27, Đavit đã thốt lên:

Tôi vững vàng tin tưởng

sẽ được thấy ân lộc Chúa ban trong cõi đất dành cho kẻ sống.

Hãy cậy trông vào Chúa, mạnh bạo lên, can đảm lên nào!

Hãy cậy trông vào Chúa.

Quả thật, nhìn lại cuộc đời của Đavít, chúng ta thấy hết sức hay và hết sức đặc biệt. Mang trong mình thân phận hết sức yếu đuối của con người, đã phạm trọng tội nhưng ông đã quay trở về với Thiên Chúa là Tình Yêu. Cảm nhận hay nói đúng hơn là xác tín của ông về một Thiên Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ là một xác tín mà chúng ta cần phải học hỏi, cần phải cảm nhận để nhìn nhận Chúa chính là nguồn ơn cứu độ và là nguồn ánh sáng thật của đời chúng ta chứ không phải là ai khác.

Thiên Chúa vẫn yêu thương, Thiên Chúa vẫn cứu độ con người bằng cách này cách khác. Thiên Chúa đã bày tỏ Tình Yêu của Ngài cho con người mọi lúc mọi nơi có thể được.

Một “ánh sáng” mà Thiên Chúa gửi đến cho cuộc đời đang lui vào bóng tối đó là Gioan Tẩy Giả thì một “ánh sáng” khác đó là Đấng Cứu Độ trần gian đã được gửi đến cho nhân loại.

Sau khi “ánh sáng” Gioan đến và làm chứng cho Ánh Sáng, cho Sự Thật đã bị thế gian đẩy lùi và thủ tiêu thì ánh sáng Giêsu đã đến để tiếp tục làm chứng cho Ánh Sáng thật, cho Sự Thật trên thế gian này.

Trước khi Chúa Giêsu nhập thể, thế gian ở trong tình trạng tối tăm và đáng sợ. Nhưng giữa tình trạng hãi hùng này đã vọng lên tiếng nói trấn an của Isaia, là vị tiên tri đã hứa với dân chúng rằng chẳng bao lâu nữa một ánh sáng vĩ đại sẽ xuất hiện để phá tan đêm tăm tối. Và lời hứa của tiên tri Isaia đã được thực hiện viên mãn khi Chúa Giêsu nhập thể.

Matthêu so sánh Chúa Giêsu đến và xuất hiện giữa cuộc đời như một ánh sáng huy hòang chiếu soi mọi người đang sống trong bóng đêm sâu thẳm. Matthêu thấy Chúa Giêsu là sự hòan thành lời tiên tri cao cả của Isaia: “Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hòang, những kẻ ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu soi”. Chúa Giêsu đã từng vẽ nên sứ vụ của Ngài bằng những lời tương tự khi Ngài nói: “Ta là ánh sáng thế gian”.

Con người cũng như vạn vật cần có ánh sáng để sống, riêng với con người thì không những ánh sáng cần cho sự sống của thân xác mà còn giúp cho con người khỏi cô đơn. Bóng tối thường làm cho con người cảm thấy cô đơn và sợ hãi. Có nhiều thứ bóng tối trong cuộc đời chúng ta: bóng tối của ích kỷ, của ganh ghét, của hận thù, của đam mê. Càng giam mình trong những bóng tối ấy, chúng ta càng cảm thấy cô đơn và càng trở nên bệnh họan. Người nào càng sống ích kỷ, và người nào càng nghiền ngẫm đắng cay hận thù, người đó càng hạ giảm nhân tính của mình. Vì thế, chúng ta cần có ánh sáng để sống, để lớn lên trong tình người như để chữa trị những băng họai trong tâm hồn.

Lời của ngôn sứ Isaia nói xưa đã được Chúa Giêsu làm nên hiện thực. Chúa Giêsu chính là ánh sáng. Ngài đến để soi sáng cho kẻ ngồi trong bóng tối, ban niềm vui, niềm hy vọng sống cho tất cả mọi người. Chúa cũng muốn chúng ta khám phá ánh sáng của Ngài. Chúa mời gọi chúng ta cũng trở nên ánh sáng cho những người mà chúng ta gặp gỡ.

Trong cuốn Justs for today người ta có kể lại: ông J. Keller, một nhà diễn thuyết nổi tiếng, đang nói truyện trước trăm ngàn thính giả tại vận động trường Los Angeles, Hoa kỳ, đang diễn thuyết, ông bỗng dừng lại và nói: “Bây giờ xin các bạn đừng sợ, tôi sắp cho tắt tất cả các đèn điện trong sân vận động này”. Ông vừa dứt lời thì cả sân vận động chìm trong bóng tối. Nhà diễn thuyết nói tiếp: “Bây giờ tôi xin đốt một que diêm, những ai nhìn thấy que diêm tôi đốt, xin kêu lên: “Đã thấy”. Cả sân vận động vang dội tiếng: “Đã thấy”. Rồi tất cả đèn điện lại được bật sáng. Diễn giả giải thích: “Ánh sáng của một nghĩa cử sẽ chiếu sáng trong đêm đen của nhân lọai như thế. Một lần nữa, tất cả đèn điện lại tắt. Một giọng nói vang lên ra lệnh: “Tất cả những ai ở đây có đem theo diêm quẹt hãy bật lửa, xin hãy đốt cháy lên”. Bỗng chốc, cả sân vận động rực sáng. Diễn giả kết luận như sau: “Nếu tất cả chúng ta cùng hiệp lực với nhau, chúng ta có thể chiến thắng bóng tối của sự dữ, hận thù bằng những đốm sáng nhỏ của tình thương và lòng tốt của chúng ta”.

Ánh sáng Giêsu đến trần gian để xóa tan mọi hận thù, chia rẽ, tranh giành. Ánh sáng Giêsu đến thế gian để quy tụ tất cả mọi người nên hiệp nhất, nên một trong Tình Yêu của Ngài. Hiệp nhất, yêu thương cũng chính là tâm tình mà Thánh Phaolô mời gọi cộng đoàn Côrintô mà chúng ta vừa nghe: Thưa anh em, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hoà thuận, một lòng một ý với nhau. Thật vậy, thưa anh em, người nhà của bà Khơlôe cho tôi hay tin có chuyện bè phái giữa anh em. Tôi muốn nói là trong anh em có những luận điệu như: "Tôi thuộc về ông Phao-lô, tôi thuộc về ông Apôlô, tôi thuộc về ông Kêpha, tôi thuộc về Đức Kitô." Thế ra Đức Kitô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư? Có phải Phaolô đã chịu đóng đinh vào khổ giá vì anh em chăng? Hay anh em đã chịu phép rửa nhân danh Phaolô sao?

Tâm tình Thánh Phaolô để lại hôm nay cũng là tâm tình hết sức dễ thương mà chúng ta phải học hỏi, phải bắt chước. Một khi đã nhận ra ánh sáng Giêsu trong đời mình thì khi ấy chúng ta cũng phải sống yêu thương, hiệp nhất, một lòng một ý với anh chị em đồng loại.

Hãy bắt đầu là ánh sáng của Giêsu ngay từ trong môi trường nhỏ bé là gia đình, là chòm xóm, là công sở, nơi xứ đạo của chúng ta.

Nguyện xin ánh sáng Giêsu đến và ở lại trên mỗi người chúng ta để ngày mỗi ngày chúng ta cũng chiếu tỏa ánh sáng Giêsu trong cuộc đời của mỗi người chúng ta.
 
Đấng xóa tội trần gian
Jos. Tú Nạc, NMS.
14:26 21/01/2011
Chúa Nhật Thứ 2 Mùa Thường Niên, Năm A - (Isaiah 49: 3, 5-6; Psalm 40; Corinthians 1: 1-3; John 1: 29-34)

Tôi tớ nghĩa là gì? Từ này đôi chút đã bị mờ nhạt trong chính thời đại của chúng ta vì nó gợi sự liên tưởng những hình ảnh của giai cấp và đặc quyền, đặc lợi.

Người đầy tớ bí ẩn và vô danh mà Isaiah khắc họa chân dung là người mà được vạch ra cho sứ vụ này ngay từ lúc ông được thụ thai. Ông được lưu tâm như “Israel”. Trong một vài trường hợp, biểu thị rằng những hoạt động của ông và số phận của Israel không thể tách rời khỏi sự ràng buộc. Công việc của ông lai láng niềm vui: ông đến là để khôi phục và canh tân dân Israel, những người mà đã bị ly tán và tổn thương tinh thần bởi đằng đẵng kiếp lưu đày ở Babylon. Nhưng sứ vụ của ông còn vượt xa hơn thế. Trong Isaiah tầm nhìn thuộc về một sứ vụ phổ quát dành cho Israel bắt đầu mở ra. Tiếng gọi của Israel từ Thiên Chúa coi như nhân danh của toàn nhân loại. Người đầy tớ ấy là mẫu mực và là hệ biến cách cho tất cả những ai tìm đến tình yêu và phụng sự Thiên Chúa. Nó đã xác định cuộc đời và sứ vụ cứu độ của Chúa Giê-su và nó còn xác định cuộc đời của tất cả những ai khẳng định tuyên bố theo Người. Lời phúc đáp của con người bằng đức tin trước tiếng gọi của Thiên Chúa vượt xa hơn phái bên kia của “nhận ơn cứu độ” hoặc đi đến thiên đàng – đó là sự cam kết để phục vụ thế gian và cho nhân loại. Tôn giáo đích thực nói đến phục vụ và lòng trắc ẩn. Là một đầy tớ của Thiên Chúa sẽ thấy sự biểu đạt tuyệt mỹ của nó trong một người vì tha nhân.

Được gọi để trở nên thánh – người đang được đề cập đến có phải là Thánh Phao-lô không? Chúng ta không nghĩ về bản thân mình trong thuật ngữ phong thánh – nó dường như một chút gì trọng đại vượt quá khả năng của chúng ta. Nhưng Thánh Phao-lô không sử dụng thuật ngữ này một cách vô căn cứ. Ông muốn nói đến tất cả những ai kêu cầu danh thánh Chúa Giê-su và tất cả những ai là môn đệ của Người. Ông không nói về sự phong thánh trang trọng mà chúng ta thường liên kết với sự phong thánh được thực thi theo giáo quyền của một cá nhân. Quan điểm của Thánh Phao-lô về sư bất khả xâm không tán thành một chút nào từ sự sở hữu của riêng mình đối với nó không phải là một nhiệm vụ đơn độc cho sự tiến bộ tinh thần, cũng không phải là sự khổ hạnh “tự lực”. Nó chắc chắn không phải là sự thành tựu cá nhân của con người hoặc sở hữu. Duy nhất con người là thánh – Chúa Giê-su – và Chúa Trời đã phán truyền rằng sự thánh thiện cho những ai mãi mãi hiệp nhất với Người trong tâm trí và tâm hồn. Đó là một quá trình chuyển đổi bởi phương tiện tinh thần và Thánh Phao-lô thường xuyên đề cập đến như là “trong Đức Ki-tô.” Sự thiêng liêng là một lời cởi mở cho tất cả những ai sẵn sàng dâng hiến tinh thần. Mẹ Teresa khẳng định sự thánh thiện không phải là phương tiện của một thiểu số mà là tiếng gọi của tất cả Ki-tô hữu.

Những lời này rất quan trọng: Đây Chiên Thiên Chúa Đấng xóa tội trần gian! Những lời này dĩ nhiên là những lời của Chiên Thiên Chúa trong phụng vụ. Và những biểu tượng này là sự đóng góp độc đáo của Tin Mừng theo Thánh Gio-an, vì điều đó duy nhất Thánh Gio-an người mà đã đề cập đến Chúa Giê-su bằng những thuật ngữ này. Thậm chí niên đại về Tuần Thánh của Gio-an cũng khác. Bữa ăn cuối cùng không được khắc họa như là một bữa Vượt Qua và không giống như những Tin Mừng khác Chúa Giê-su chịu chết vào ngày chuẩn bị cho Lễ Vượt Qua vào lúc, khi mà những chiên trong đền thờ bị tàn sát. Điều thú vị là “tội lỗi” ở số ít – tội lỗi con người của thế gian là gì? Là sự kém hiểu biết của con người về Thiên Chúa, và còn chối bỏ để công nhận sự dốt nát đó. Tất cả những tội lỗi khác dẫn đến từ sư thiếu hiểu biết căn bản và tách biệt khỏi Thiên Chúa. Vì Chiên thuộc Lễ Vượt Qua Chúa Giê-su xóa bỏ tội lỗi đó và phục hồi những tri thức và trải nghiệm cá nhân về Thiên Chúa.

Tội lỗi vẫn ngập tràn trên một phần thế giới chúng ta vì là kém hiểu biết về Thiên Chúa. Nhưng bằng sự phục vụ vị tha của chính chúng ta đã phát triển trong nhận thức về Thiên Chúa chúng ta cũng có thể tiếp tục công việc loại bỏ tội lỗi thế gian. Người Tôi Tớ của Israel và là Chiên của Thiên Chúa đều giống nhau ở chỗ tư duy và hành động trong sự hài hòa với Thiên Chúa. Thay vì những quyết tâm của Năm Mới thường có xu hướng tập trung vào bản thân, có lẽ chúng ta có thể giải quyết để tạo cho tâm linh của họ, của chính chúng ta trong năm mới đang đến. Đây sẽ là một phúc lành không chỉ cho chính bản thân chúng ta và tha nhân mà còn cho toàn thế giới.

(Nguồn: Regis College – The School of Theology)
 
Đánh bắt những linh hồn cho Thiên Chúa
Jos. Tú Nạc, NMS.
14:31 21/01/2011
Chúa Nhật Thứ 3 Mùa Thường Niên – Năm A (Isaiah 9: 1-4; Psalm 27; 1 Corinthians 1: 10-13, 17-18; Matthew 4: 12-23)

Bước đi trong bóng tối và khao khát một ánh sáng tuyệt diệu có ý nghĩa đặc biệt trong những tháng dài mùa đông. Những ánh sáng nhiều màu của mùa Giáng Sinh nhưng chỉ là một cố gắng quay trở lại với sự ảm đạm và bù đắp những giờ khắc dài lâu của bóng tối.

Những suy nghĩ về mùa xuân và những ngày hạ kéo dài là hữu ích trong những tháng này. Nhưng có một thứ bóng tối khác nữa: ý nghĩa tuyệt vọng và ảm đạm xảy ra sau một thảm họa khủng khiếp hay bi kịch. Chúng ta có thể nghĩ về những cuộc chiến và những thiên tai của thời đại chính chúng ta. Bóng tối và sự vắng mặt của hy vọng thường là lương thực hàng ngày của mọi nhà, thành phố, những gai đình và những cuộc sống đã bị tàn phá. Mặc dù ánh sáng, hy vọng và niềm vui chỉ tồn tại trong nguồn cung cấp ngắn ngủi, chúng đứng đầu trên bản liệt kê những mong muốn của mọi người.

Những lời của Isaiah được gửi đến một phần Vương Quốc Phương Bắc Israel. Lúc này là bán thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên và những vùng đất Zebulon và Naphtali vừa mới bỉ ngấu nghiến bởi Đế Chế Assyria tàn bạo ăn tươi nuốt sống. Những lời cổ vũ của Isaiah bảo đảm với dân chúng phía bắc, bao gồm Galilee, dẫu rằng họ là những nạn nhân đầu tiên của kẻ thù của Israel, họ cũng sẽ thuộc trong số những người đầu tiên tham gia vào việc khôi phục và cứu chuộc. Ánh sáng của một này mới và một thời đại mới sẽ khởi nguồn từ vùng đất bị tàn phá và ở đó sẽ được giải thoát và tự do. Với đức tin vào sự trung thực, lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa, tất cả mọi trải nghiệm đớn đau và tiêu cực có thể cam chịu với ân sủng, hy vọng và phẩm cách.

Mất đoàn kết, phân tán và xung đột có thể hủy diệt những cộng đồng nhiệt tâm và làm ô uế những ý tưởng thiêng liêng và đạo đức cao quí nhất. Thánh Phao-lô đã gay gắt trong lời khiển trách của mình về cộng đồng ở Corinth. Các phe phái đã nổi lên trong cộng đồng này và người ta đã tụ họp quanh những thầy giảng và những nhà lãnh đạo tinh thần tự mình tuyên bố khác nhau. Kết quả là tranh cãi, chia rẽ và phân cực – và đó là những gì xảy ra khi những cái tôi cá nhân trị vì tối cao. Nhưng Thánh Phao-lô khẳng định đúng đắn rằng duy chỉ có một thầy và một chân lý, Chúa Giê-su Ki-tô và những ai đi theo Người đều phải hợp nhất trong tâm trí và ý tưởng. Điều này không có nghĩa rằng mọi người phải nghĩ như nhau hoặc phải hấp thụ một vài hệ tư tưởng tập thể. Nhưng tất cả phải ở trên cùng một trang giấy khi nó đến với những điều quan trọng đó – và đối với Thánh Phao-lô, tình yêu, hiệp nhất và sự sống trong tâm hồn đó những gì thuộc vấn đề quan trọng.

Trong thế giới phân cực của chính chúng ta và đăc biệt giáo hội Ki-tô giáo bị phân mảnh và phân cực, chúng ta vẫn phải ngước cao cái nhìn chăm chú tập trung vào Đức Ki-tô bị đóng đinh và đã sống lại. Điều cuối cùng của thế giới là một tiếp vĩ ngữ “ism” khác đảng phái, phe nhóm, hệ tư tưởng hoặc nhóm chính trị phân lập. Chúng ta tất cả cùng nhau đứng lặng im đầy xúc động, khiêm nhường và đầy hy vọng trước thập giá.

Thánh Matthew và cộng đồng của ông tin rằng Chúa Giê-su chính Người là ánh sáng vĩ đại đợi chờ từ lâu, và thực tế người đã bắt nguồn từ Galilee duy nhất được xác nhận điều đó trong tâm trí của họ. Những điều kiện chính xác: Israel đã phủ phục và vì lòng thương xót của kẻ thù của mình (lúc bấy giờ là người La Mã) và đã nhiệt thành cầu nguyện cho sự giải thoát bởi bàn tay của Thiên Chúa. Sự công bố của Chúa Giê-su đã đánh thức hy vọng của họ, và Người đã khẳng định rằng giờ ấy đã đến trong tay. Vương quốc hoặc sự “trị vì” của Thiên Chúa sắp xảy ra. Thông điệp của người đơn giản: các bạn hãy tự chuẩn bị và xác tín đón nhận Thiên Chúa.

Chúng ta có thể thấy uy lực và sức hấp dẫn của cả hai bản thân Người và thông điệp của Người, để khi Người đồng hành với nhiều người thực tế bỏ lại bất cứ những gì họ đang làm để đi theo người, cuộc sống của họ mãi mãi được đổi thay. Ngư nghiệp không phải là một hình ảnh “lĩnh vực – và – trào lưu” thanh bình trong Tân Ước mà là một ẩn dụ cho những linh hồn khả kính trong những lúc cuối cùng và sự viếng thăm của Thiên Chúa. Sự gọi mời quan trọng nhất là trở thành “ngư dân của con người” đánh bắt những linh hồn cho Thiên Chúa. Điều này duy có thể được thực hiện qua uy lực và sức hấp dẫn của một con người tràn đầy Thánh Thần Chúa. Thông điệp tuyên bố thật quan trọng cũng như tính cách mà nó được tuyên bố. Những đe dọa, sợ hãi, áp bức, điều khiển, tội lỗi và những điều tương tự đơn giản sẽ không tác động được – chúng là những tiếp cận phá hoại cuối cùng và lười biếng.

Cuối cùng, thông điệp này được đưa ra dấu chỉ xác thực của nó bằng hành động cụ thể. Chúa Giê-su làm giảm sự đau khổ và những gánh nặng của con người, và làm tăng thêm tinh thần và hy vọng của họ với Tin Mừng của triều đại Thiên Chúa. Và nó trở thành tin lành và chẳng còn là cội nguồn của sự sợ hãi đối với bất cứ ai mà khao khát cho một thế giới công bằng, hòa bình và nhân ái.

(Nguồn: Regis College – The School of Theology)
 
Dân tộc này đã nhìn thấy một ánh sáng vĩ đại
Bernard Lafrenière, C.S.C
14:36 21/01/2011
Mt 4,12-23

Tiên tri Isaia đã thành công trong việc đem một dấu nhạc vui,tràn đầy ánh sáng, vào giữa một tình huống đặc biệt khó khăn. Đất nước Ngài bị chiến tranh xâu xé. Các vua Israel dấn thân vào những giao ước xấu xa. Các lãnh thổ Zabulon và Nephtali bị những đạo quân Assyri khủng khiếp tàn phá vào năm 734 trước CN.

Mặc dù sự tàn sát xảy ra rộng khắp và dân chúng điêu đứng lầm than, nhưng Tiên tri Isaia lo lắng hơn về những tai ương tinh thần đang dày vò dân tộc nầy. Ngài củng cố lại lòng dũng cảm của mỗi người và dùng các ẩn dụ ánh sáng, niềm vui,mùa gặt,tự do để nói.

Đoạn phúc âm của Thánh Matthêu nhắc lại rõ ràng kỷ niệm của thời kỳ nầy và lời tiên tri nỗi tiếng nầy. Theo trình thuật của bài Phúc Âm, dường như sau khi trở lại sau thử thách 40 ngày trong hoang mạc, Chúa Giêsu vừa được tin Thánh Gioan Tẩy Giả đã bị bắt giam. Người quyết định rời bỏ các bờ sông Gióc-đa-nô để cư ngự tại phía bắc hồ Tibêriat, ở Capharnaum.

Thánh Matthêu vội vàng nhấn mạnh rằng Người thiết lập chỗ cư ngụ trong lãnh thổ Zabulon và Nephtali, xưa kia bị người Assyri tàn phá. Hơn tất cả các vùng khác, những vùng nầy đã cảm thấy nhu cầu cấp thiết của Đấng Giải Phóng đã được hứa ban. Trung thành với truyền thống Do Thái giáo, Thánh Matthêu tránh kể ra Danh Thiên Chúa: Đấng Messi đến lập nên “Vương Quốc Nước Trời”,một cấu trúc xã hội nơi chính Thiên Chúa sẽ cầm quyền để thiết lập một xã hội,nơi tất cả mọi người sẻ có quyền có phần hiưởng hạnh phúc chính đáng của mình

Chúa Giêsu giảng dạy ở bờ hồ và công bố sự cải hối tiếp sau Thánh Gioan Tẩy Giả: ” Hãy ăn ăn thống hồi,vì Nuớc Trời đã rất cận kề”. Và qua nhiều thế kỷ nối tiếp nhau không ngừng, dân tộc nầy chờ đợi một Vị sứ giả có khả năng khai trương triều đại Thiên Chúa nầy. Lần nầy, mọi người được nghe sứ điệp của Người.

Một vài ngư phủ đang bận rộn công việc trên bờ, nghe tiếng Người nói và đi với Người. Cảnh tượng xảy ra mau lẹ, trông chẳng giống thật. Được gọi, hai ngư phủ bỏ thuyến trên bờ để đi theo Người. Xa hơn chút nữa, haoi ngư phủ khác bỏ người cha,cùng với tất cả ngư cụ và đi với Người.

BTGH chuyển ngữ
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:33 21/01/2011
HAI ANH EM NÓI DỐI

N2T


Người anh nói: “Hôm qua thật rét, huynh nhóm lò sưởi, củi vừa mới bén lửa thì một chập sau đông lại thành cột lửa, huynh vừa đưa tay chạm nó, nó cứng như gì và lạnh ngắt”.

Người em nói: “Tối hôm qua đệ đang ngủ thì nghe bên ngoài có tiếng chân bước đi, trong lòng nghĩ phải chăng là kẻ trộm ? Đệ lập tức ngồi dậy coi, quả nhiên một tên trộm mở cửa nhà em ăn cắp cái giếng nước rồi bỏ chạy.Đệ lập tức đuổi theo. Nó vác cái giếng chạy trước mặt, đệ cầm cái gậy chạy đuổi theo sau, khi nó thấy đệ sắp đuổi kịp, thì tên trộm ấy quăng cái giếng xuống đất đứt thành ba đoạn, nước giếng cũng đổ tràn mặt đất, em phải bỏ mất nhiều thời gian mới đem được nước chuyển vào trong giếng lại”.

Người anh nói:

- “Đệ nói vu vơ, làm gì có chuyện ấy chứ ?”

Người em trả lời:

- “Huynh nói ngọn lửa vừa nhúm lên thì đông thành một cột lửa rất cứng, lẽ nào đó là sự thật sao ?”

Suy tư:

Anh nói dóc em nói láo thì huề cả làng, sao lại bắt bí em mình, bởi vì không có gió thì làm sao cành lá lung lay ? Thượng bất chính hạ tắc loạn, bởi vì làm anh mà ăn nói không thành thật, bịa đặt dối trá, thì làm sao em út không nói dối gian lận ?

Xã hội ngày càng phát triển, con người ta ngày càng tìm tòi học hỏi và hiểu biết càng nhiều hơn qua mạng internet, trong đó có những người Ki-tô hữu. Khi họ ngày càng hiểu biết về Kinh Thánh, về giáo lý, về phụng vụ.v.v...thì các chủ chăn cần phải đào sâu hơn về đời sống tu đức cũng như kiến thức trong cuộc sống hằng ngày của mình, bởi vì không thể nói trăng nói cuội mà không có bằng chứng, bởi vì không thể sống hời hợt như mục tử chăn thuê, đến tháng lãnh lương của ông chủ mà không hề quan tâm đến tinh thần tu đức của mình và đời sống thiêng liêng của đàn chiên mà mình coi sóc.

Giáo dân hay nói dối là vì cha sở hay nói ba hoa và khoe khoang kiêu ngạo; giáo dân hay nói ba hoa khoe khoang là vì cha sở không có đời sống nội tâm, cho nên khi giảng dạy thì không đánh động được lòng giáo dân.

----------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 3 TN A)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:34 21/01/2011
CHỦ NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mt 4, 12-23.

“Đức Giê-su đến ở Ca-pha-na-um, để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a”.


Anh chị em thân mến,

Nội dung toàn bộ sách Tin Mừng đều nói lên tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa đối với nhân loại tội lỗi, và Chúa Giê-su –Thiên Chúa làm người- đã cho chúng ta thấy được tình yêu ấy của Thiên Chúa nơi chính con người của Ngài, khi Ngài rao giảng tin mừng về Nước Trời và mời gọi nhân loại hối cải để được sống. Trong tâm tình ấy, tôi xin chia sẻ với anh chị em một điểm duy nhất sau đây, đó là: hối cải.

Hối cải để thấy mình rõ hơn.

Ai đã từng sống trong tội mà được ơn hối cải, thì mới thấy sự hối cải là một hồng ân rất lớn lao mà Thiên Chúa đã ban cho họ, và suốt đời họ sẽ không bao giờ quên được hồng ân ấy do lòng thương xót của Thiên Chúa.

Hối cải là nhận ra mình thật yếu đuối và đầy tội lỗi, để mà thông cảm và chấp nhận những thiếu sót và những khuyết điểm của anh chị em; là nhìn thấy những bất toàn của tha nhân cũng chính là những bất toàn của mình ngày hôm qua và ngày mai.

Hối cải là một hành vi từ bóng tối qua ánh sáng, từ lỗi lầm qua hoàn lương, từ sự ác qua sự thiện của một tâm hồn biết nhìn thấy tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ, khiến cho họ cũng nhìn thấy sự sáng nơi mỗi anh chị em khi họ lỗi lầm, bởi vì thế lực của tội lỗi không thể mạnh hơn hồng ân của Thiên Chúa, ngoại trừ khi họ cương quyết chối từ hồng ân của Ngài.

Hối cải để được tha thứ.

Không một ai được tha thứ lỗi lầm nếu họ không biết hối cải, bởi vì hối cải là sự trở về nhà Cha của đứa con hoang đàng; bởi vì hối cải không chỉ là một sự trở về mà thôi, nhưng còn là một sự thay đổi toàn diện cuộc sống của mình.

Thiên Chúa là Đấng hay thương xót những người tội lỗi, và vì lòng thương xót ấy mà Chúa Giê-su –Con Một của Ngài- đã giáng trần mặc lấy thân phận con người để cứu chuộc nhân loại, do đó khi có một người hối cải thì cả thiên đàng vui mừng, vui mừng là bởi vì máu của Chúa Giê-su đã không đổ ra cách vô ích, vui mừng là vì sự hối cải này làm cho nhân loại nhận ra tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ.

Anh chị em thân mến,

Như đứa con ngổ nghịch trở về nhà sau những năm tháng đi bụi, cha mẹ rất vui mừng và tha thứ bỏ qua những lỗi lầm của nó.

“Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần”, là lời của Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy hối cải.

Nước Trời chính là Ngài –Đức Giê-su- Ngài đã đến để kêu gọi tất cả mọi người hối cải để được thứ tha và được sống. Ngài đã đến, Ngài đã giảng dạy, và Ngài đã chữa lành, chúng ta hãy mau mau đón nhận lời của Ngài và đem thực hành trong cuộc sống, bằng không chính lời của Ngài sẽ phán xét chúng ta trong ngày tận thế.

Gợi ý suy tư:

- Bạn đã có lần nào cảm nghiệm sự hối cải là một hồng ân của Thiên Chúa dành cho bạn ?

- Sau khi phạm tội thì tâm hồn thường bất an, bạn nghĩ thế nào nếu bạn chết ngay sau khi phạm tội ?


--------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:36 21/01/2011
N2T


11. Ai không chịu đau khổ và thống hối tội mình đã phạm, thì họ không đáng để được Chúa an ủi.

(sách Gương Chúa Giê-su)
 
Mỗi tuần một ''Chuyện Rất Ngắn''
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:38 21/01/2011
DIỆU KẾ

Linh mục trẻ được bài sai đi làm cha sở một họ đạo miền quê. Năm thứ nhất ban hành giáo ăn uống gì cũng có ngài, hội đoàn nào tiệc tùng cũng có ngài, nhà nào ăn uống cũng có ngài.

Năm thứ hai, năm thứ ba cũng như thế.

Qua năm thứ tư ngài không đi ăn uống với họ nữa, lý do như ngài nói: “Ba năm cho họ thoải mái và hòa đồng với họ, để biết cá tính của mỗi người mà giáo huấn họ !?”

Sau đó giáo dân mời ngài đi ăn, ngài từ chối không đi, họ nói với nhau:

- “Thích quá trời mà còn làm bộ !”

Người xưa nói: “Dạy con từ thuở nên ba, dạy vợ từ thuở mẹ cha đem về”, thật đúng lắm thay.

---------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Trại Tạm Cư
Lm Vũđình Tường
20:40 21/01/2011
Gọi là trại tạm cư vì nơi đó không phải là nơi cư ngụ vĩnh viễn mà là nơi ở tạm. Cư trú tạm thời trong thời gian ngắn vì hoàn cảnh bắt buộc phải dời xa nơi đang cư trú, đi lánh nạn. Thời gian tạm trú dài ngắn khác nhau. Ngắn hạn thì đôi ba ngày; dài hơn thì đôi ba tuần. Lâu hơn nữa thì đôi ba tháng. Có trường hợp đôi ba năm.

Kinh nghiệm tạm cư người tị nạn thuyền nhân nào cũng có, mặc dù tên gọi có khác nhau -trại tị nạn- nhưng thực chất vẫn là tạm cư. Giáo Hội vừa mừng kính ngày lễ Chúa Giáng Sinh, Ngài cũng tạm cư nơi đồng vắng -hang lừa. Gần đây nhất là những nạn nhân lũ lụt do thời tiết mưa gió bất thường gây nên cho người dân sống tại Queensland.

Hình ảnh cứu nạn nhân bão lụt ghi khắc rất đậm nơi tâm khảm nhiều người. Hình chiếc trực thăng thả người leo dây từ trên cao xuống gần mặt nước cứu nạn nhân. Đến nơi người đó quàng giây quanh nạn nhân cho an toàn trước khi ra hiệu cho kéo chiếc giây lên. Hai người quyện chặt lấy nhau, lửng lơ, đong đưa giữa biển trời nước bao la.

Mỗi lần thả người xuống chỉ cứu được một người, không cứu được cả gia đình, cả nhóm mà cứu từng người một. Cứu được một người chiếc trực thăng bay thẳng về trại tạm cư thả người xuống nơi an toàn, vùng khô cạn, cho người chăm sóc rồi bay đi cứu người khác.

Trại tạm cư

Đời sống trại tạm cư khác biệt đời sống bình thường. Tin tức được cập nhật hoá hàng giờ và mọi nhu cầu cần thiết cho cuộc sống được chu cấp miễn phí. Trong trại tạm cư hầu như mọi thứ đều chung chạ, không còn nhiều cho vấn đề riêng tư cá nhân mà hầu như mọi sự đều chung. Đời sống được ổn định, bảo đảm vì không còn sợ thiếu thốn vật chất. Thực phẩm được cung cấp đầy đủ cho cuộc sống. An ninh được bảo đảm vì có người coi sóc, chăm lo. Tình trạng sức khoẻ được lưu tâm vì có bác sĩ, y tá túc trực và nhất là không còn lo đối diện với cái chết. Nhân viên làm việc trong trại tạm cư dường như cũng dễ thương hơn vì họ cảm thông với nạn nhân hoặc chính họ cùng chung cảnh ngộ.

Đấng Cứu Thế

Hình ảnh vớt người, từ vùng nước nâu đục, cuồn cuộn cuốn đi mạng sống mọi sinh vật, đến vùng đất sống thật rõ ràng, sinh động. Người ta nhìn thấy và cảm được. Hình ảnh Đấng Cứu Thế cứu nhân loại khỏi vùng tối tăm đưa ra vùng ánh sáng khó nhìn thấy hơn. Không thể nhìn bằng mắt thường mà cần nhìn bằng mắt đức tin. Để có con mắt đức tin cần có lòng tin. Muốn có lòng tin thì phải chấp nhận chính mình thiếu sót, yếu đuối, bị giới hạn cả tài lẫn trí. Khi đó con người mới nhận biết tự mình hay không ai có thể cứu mình khỏi chết mà cần đến Đấng Cứu Thế.

Ngài chết thay cho toàn thể nhân loại.

Anh em hãy sám hối vì nước trời đã đến gần Mt 4,17

Lời mời gọi thống hối chung cho cả nhân loại. Ơn cứu độ Ngài ban chung cho toàn thể nhân loại. Tuy nhiên không phải toàn thể nhân loại nhận ơn cứu độ. Ban thì ban chung nhưng khi nhận thì từng cá nhân mà không phải tập thể. Đấng Cứu thế không cứu chung một gia đình, một nhóm hay một dân tộc nhưng cứu từng người một. Mỗi người được Chúa cứu tuỳ theo hoàn cảnh riêng của họ.

Hình ảnh

Đức Kitô hiểu rõ hình ảnh Ngài cứu ta từ vùng tối tăm ra vùng ánh sáng không phải là hình ảnh dễ nhận ra. Để giúp ta hình dung ra hình ảnh ơn cứu chuộc Ngài dùng hình ảnh vác chiên lạc đường Lk 15,4. Dụ ngôn chủ chiên tìm được con chiên lạc, âu yếm, vỗ về, vác trên vai mang về chính là hình ảnh Đấng Cứu Thế cứu ta ra khỏi vùng tối tăm. Hình ảnh khác nữa, Phúc âm Mat 4,16 gọi là dân ngoại là dân không thuộc về đàn chiên được cứu vớt nói lên lòng nhân từ của Đấng Cứu Thế. Hình ảnh đoàn người mù loà, nhờ cây gậy, mò mẫm trong cảnh tối tăm bước đi. Đấng Cứu Thế đến cứu cho họ nhìn thấy ánh sáng huy hoàng, bừng lên chiếu dọi phá tan bóng tối.

Vùng ánh sáng

Vùng ánh sáng chính là trại tạm cư tâm linh cho những ai đặt trọn niềm tin vào Chúa Cứu Thế. Vùng ánh sáng tâm linh dường như vừa có ranh giới, vừa không. Nghe có vẻ mâu thuẫn sao lại vừa có, vừa không. Trại tạm cư tâm linh không phải là một vùng không gian có qui định ranh giới. Ánh sáng tâm linh thuộc về tâm hồn mỗi người, ánh sáng soi sáng tâm trí con người. Đức tin mạnh, hoạt động bác ái nhiều; ánh sáng tâm linh sáng tỏ. Đức tin yếu kém, ít sinh hoạt tông đồ, bác ái; ánh sáng tâm linh mù tối, sáng mù mờ.

Hơn nữa Đấng Cứu Thế cứu linh hồn ta không phải là kéo ta ra hoặc di chuyển ta từ chỗ này đến địa điểm khác. Thưa, không phải thế. Đấng Cứu Thế tự nguyện, chính Ngài đến với chúng ta. Chúng ta được sống vùng ánh sáng không phải do tài năng, việc lành, công phúc mà chính là do lòng tin, nhận ánh sáng từ Đấng Cứu Thế. Không phải chúng ta đến với Ngài mà chính Ngài tự nguyện đến với chúng ta. Những ai đón nhận cách thành tâm ánh sáng Ngài sẽ bùng lên trong tâm trí họ. Để diễn tả hình ảnh Chúa đến với dân Ngài Phúc Âm diễn tả đoàn người đang ngồi, không phải là đứng mà ngồi thụ động, không di chuyển.

Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong bóng tối của tử thần, nay được ánh sáng bừng lên chiếu dọi Mat 4,16
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha nói trong buổi triều kiến chung: đại kết đã mang kết quả
Bùi Hữu Thư
00:14 21/01/2011
VATICAN (CNS) – Đức Thánh Cha Benedict XVI nói: Việc tìm kiếm sự hiệp nhất Kitô giáo từ lâu đã không phải là một điều dễ dàng, nhưng đã đem các Kitô hữu lại gần nhau hơn và giúp cho Kitô giáo hấp dẫn hơn đối với những người không tin.

Trong buổi triều kiến chung ngày 19 tháng 1, Đức Thánh Cha Benedict XVI nói: Một cảm nhận về tình thân hữu huynh đệ giữa các Kitô hữu “là dấu chỉ hiển nhiên nhất của sự hiệp nhất, nhất là đối với những người ở bên ngoài” cộng đồng Kitô hữu.

Cũng giống như hàng năm trước, trong Tuần Lễ Cầu Nguyện cho sự Hiệp Nhất Kitô Giáo, Đức Thánh Cha Benedict dành bài diễn từ của ngài cho việc giải thích chủ đề được Vatican và Công Đồng các Giáo Hội Thế giới chọn cho tuần lễ này.

Chủ đề cho năm 2011 là: “Nên một theo giáo huấn của các Tông Đồ, thân hữu, cùng bẻ bánh và cầu nguyện.”

Đức Thánh Cha Benedict nói chủ để được trích dẫn từ Sách Công Vụ Tông Đồ, có bốn đặc điểm cấu tạo nên cộng đồng giáo hội tiên khởi tại Giêrusalem: “một nơi chốn có sự hiệp nhất và tình yêu.”

Ngài nói: Đặc tính đầu tiên, thiết yếu hơn cả, là các Kitô hữu phải trung thành với Phúc Âm, và các giáo huấn của các Tông Đồ, vì đây là nền tảng của đức tin Kitô.

Đặc tính thứ hai, ngài nói phải là tình thân hữu huynh đệ, là kinh nghiệm mỗi người chia sẻ và lo lắng chăm sóc cho nhau.

"Lich sử của phong trào đại kết được đánh dấu bởi nhiều khó khăn và bấp bênh, nhưng cũng là một lịch sử về tình huynh đệ và hợp tác, về sự chia sẻ đời sống thiêng liêng và nhân bản, là điều đã làm cho có những thay đổi đáng kể trong mối tương quan giữa các tín hữu và Chúa Giêsu. Tất cả chúng ta đều phải cam kết tiếp tục đi theo con đường này.”
 
Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin nghiên cứu vai trò của các thần học gia Ấn Độ
Lã Thụ Nhân
10:50 21/01/2011
Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin nghiên cứu vai trò của các thần học gia Ấn Độ

Bangalore - Một phái đoàn của Tòa Thánh Vatican đang có mặt ở Ấn Độ để thảo luận về vai trò của các thần học gia Ấn Độ trong bối cảnh của thần học toàn cầu.

Theo hãng tin UCANews, hôm 16/01, Đức Hồng Y William Levada, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo lý Đức tin đã bắt đầu một hội thảo chuyên đề kín kéo dài bảy ngày ở Bangalore cùng với 28 giám mục và 26 thần học gia hàng đầu từ Ấn Độ.

Đức Hồng y Oswald Gracias, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Ấn Độ cho hay: "Chúng tôi đang thảo luận về vai trò của các nhà thần học Ấn Độ như là các nhà thần học có trách nhiệm". Đức Hồng y giải thích rằng cơ sở cho cuộc thảo luận là Donum Veritas, hướng dẫn của Tòa Thánh Vatican năm 1990 về vai trò của thần học trong Giáo Hội. Ngài cho biết các cuộc thảo luận của họ bao gồm các chủ đề như bản sắc hóa và thuyết đa nguyên.

Theo Đức Giám Mục Thomas Dabre của Poona, một tham dự viên và người đứng đầu Ủy ban Giáo lý và Thần học của các giám mục nghi lễ Latinh của Ấn Độ thì tất cả các tham dự viên giám mục đều có kiến thức thần học

Một giáo sư thần học cho biết, phái đoàn Vatican trước tiên sẽ hội kiến với các giám mục và các thần học gia, rồi sau đó thảo luận về kết quả riêng với các giám mục.

Một giáo sư thần học khác, một người không tham dự hội thảo chuyên đề, cho hay toàn cầu hóa về văn hóa trong thế giới hiện đại đã dẫn đến sự xuất hiện của một nền thần học toàn cầu. Ông bình luận với điều kiện xin giấu tên rằng: "Các thần học gia theo thuyết đa nguyên đã bắt đầu làm giảm bớt đi tính Kitô giáo như là một trong nhiều tôn giáo đến với Thiên Chúa. Trong bối cảnh này, hội nghị chuyên đề như là một dịp để cảnh báo".

Một thần học gia khác nói rằng hội nghị chuyên đề cũng thảo luận về Agendi Ratio Doctrinarum Examine (quy định thẩm tra về giáo lý), một tài liệu khác từ Thánh Bộ của Đức Hồng y Levada. Vị linh mục cho hay tài liệu này nhằm mục đích bảo vệ "giáo lý đích thực từ các thần học gia lệch hướng".

Trong số các thần học gia tại hội nghị có linh mục dòng Tên, cha Michael Amaladoss, một giáo sư thần học đã về hưu và linh mục dòng Fransalian, cha Jacob Parappally, Chủ tịch Hiệp hội Thần học Ấn Độ.
 
Thảm nạn phá thai - Khi nào thì kết thúc?
LM Phaolô Nguyễn Văn Tùng
11:06 21/01/2011
THẢM NẠN PHÁ THAI, KHI NÀO THÌ KẾT THÚC?

Hàng năm cứ vào ngày 22 tháng 1, từ khắp nơi trong nước Mỹ, từng đoàn người lũ lượt xuống đường tuần hành, hay tụ tập trước những tòa án, tòa thị chính, và nhất là trước pháp đình của Tối Cao Pháp Viện (TCPV) ở Washington DC, Hoa Kỳ, để phản kháng phán quyết cho phá thai tự do. Vào ngày này năm 1973, sáu trong số chín vị thẩm phán của TCPV đã biểu quyết và công bố phán quyết cực kỳ nghiêm trọng này. Phán quyết đã chạm đến quyền năng của Ðấng Tạo Hóa, cũng như đe dọa sự tồn vong của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Cũng trong ngày này, một số người khác đã tổ chức canh gác ngày đêm tại các y viện chuyên phá thai. Họ cũng nhất quyết thỉnh cầu TCPV giữ nguyên phán quyết 1973. Ðây là phản ứng tức thời trước những vụ đặt bom gây thiệt hại cho nhiều y viện kể trên, đôi khi cả nhân mạng nữa. Nhiều người can tội phá hoại các y viện đã bị bắt, nhưng thay vì xấu hổ vì những hành vi phạm pháp của mình, những phạm nhân này đã tỏ ra hớn hở, hãnh diện như vừa tạo được một chiến tích lẫy lừng!

Sự gì đã làm cho người dân Mỹ đi đến chỗ cực đoan như vậy? Cả hai phía, ủng hộ cũng như chống phá thai đã cương quyết giữ vững lập trường của mình. Không đối thoại (chỉ la ó, xỉ vả lẫn nhau), không nhượng bộ hay hòa giải. Bên chống phá thai (Right-to-Life) đòi quyền sống cho các thai nhi, cũng như quyền tạo hóa của Chúa. Phía ủng hộ việc phá thai (Pro-choice) đặt quyền quyết định của người mẹ (quyền cá nhân tự quyết) lên trên hết.

BA LẬP TRƯỜNG, MỘT VẤN ÐỀ

Người ta có thể chia thành ba trường phái hay lập trường chính mà hai phe đã dùng để biện hộ cho lý lẽ của mình. Ðó là các lập trường Truyền Sinh, Tăng Trưởng, và Hậu Qủa Xã Hội.

Lập trường Truyền Sinh (Genetic School)

Quyền sống được đặt vào một thời điểm nhất định, bởi những yếu tố sinh vật (biological factors). Thời điểm này được các nhóm ấn định khác nhau. (a) Từ giây phút thụ thai (tinh trùng và trứng kết hợp), đây là lập trường của giáo hội Công Giáo, hiện tượng truyền sinh đã thực sự bắt đầu từ lúc này.

(b) Thời điểm “song sinh” hay “the blastocyst stage” là khi bào thai đã bắt đầu phát triển, trong khoảng từ 8 ngày đến 2 tuần và định vị trong tử cung. Chỉ trong khoảng thời gian này hiện tượng song sinh mới xảy ra, nếu có. Nhóm ủng hộ thời điểm này viện dẫn, vì chúng ta không thể biết bào thai chứa một hay nhiều thai nhi, chúng ta không thể nói rằng đó là một nhân vật, đặc biệt khi mỗi linh hồn chỉ dành để cung cấp cho một người.

(c) Thời điểm “trì hoãn nhân hóa” (delayed homonization), hay thời điểm “tượng hình”: Khi các tế bào đã được kết hợp thành nhân dạng, nhất là não bộ, cũng như các bộ phận khác. Thánh Thomas Aquinas (Tôma Aquinô) cho rằng thai nhi nhận linh hồn ở thời điểm này, ngài đã đoán khoảng 40 ngày sau khi thụ thai. Nhưng thực tế, thai nhi cần khoảng 3 tháng (90 ngày) mới cấu tạo xong toàn bộ các cơ phận.

(d) Thời điểm sinh tồn (viability): Khi thai nhi có thể sống được, nếu đem ra khỏi bụng người mẹ (Khoảng 5 tháng). Ở thời điểm này, theo Tối Cao Pháp Viện Mỹ, thai nhi đã có đầy đủ nhân quyền. Do đó, để tránh phiền phức, các y sĩ phá thai thường chích thuốc cho thai nhi chết, trước khi lấy ra ngoài. Tất cả các nhóm trong lập trường Truyền Sinh đều công nhận thai nhi đã là người và có đủ nhân quyền, dù là tàn tật, ở thời điểm mà họ chấp nhận. Yếu tố sinh vật đã là trọng tâm của lập trường này.

Lập trường Tăng Trưởng (Developmental School)

Sự sống bắt đầu từ giây phút thụ thai, nhưng thai nhi không có quyền bình đẳng, với những người đã được sinh ra, trong suốt thời gian còn trong bụng mẹ. Các nhân quyền của thai nhi tăng dần theo mức độ tăng trưởng. Tuy nhiên, lập trường này còn tùy thuộc nhiều điều khác và biến đổi theo hoàn cảnh. Daniel Callaghan, một xã hội luân lý gia, cho rằng mức độ thay đổi đã được quyết định tùy theo “cán cân nhân trạng” (scale of personhood). Lập trường này không tùy thuộc vào những yếu tố sinh vật hay xã hội, tâm lý, nhưng luôn luôn là phán quyết của con nguời và không có điểm nhất định nào cả. Do đó, thai nhi đã bị thiệt thòi, đặc biệt không có quyền bình đẳng với người mẹ. Quyền sống của thai nhi đã bị đặt dưới quyền chọn lựa cá nhân.

Lập trường Hậu Qủa Xã Hội (Social Consequence School)

Lập trường này ủng hộ quyết định gọi thai nhi là “người” dựa trên căn bản của sự định nghĩa về hậu qủa xã hội của quyết định đó. Không đặt trên những gía trị sẵn có do những người đã được sinh ra trước sắp đặt, nhưng chỉ dư luận của xã hội và nỗ lực đặt trên sự chào đời của thai nhi mới có hiệu lực. (Thai nhi chỉ là người và được chào đời khi dư luận xã hội và người mẹ cho phép). Lập trường này đã không quan tâm đến những gía trị cố hữu của thai nhi.

ƯU KHUYẾT ÐIỂM CỦA NHỮNG LẬP TRƯỜNG NÓI TRÊN

1. Phái Hậu Qủa Xã Hội đã có ưu điểm, không đặt quyết định đơn thuần trên yếu tố sinh vật. Nhưng khuyết điểm của họ là chỉ dựa trên hậu quả xã hội mà không màng tới những dữ kiện luân lý và sinh vật. Họ đã đặt quyền riêng tư của người mẹ lên trên tất cả. Thai nhi tuyệt đối không có quyền gì.

2. Ưu điểm của phái Tăng Trưởng là việc phá thai luôn luôn đưa đến trường hợp tiến thoái lưỡng nan và phải đối phó với những quyết định có tính cách ngoại thể. Khuyết điểm của họ là không đưa đến luân lý Kitô giáo để thực hiện cán cân gía trị và quyết định. Sự tranh chấp sinh tồn luôn luôn phải dựa trên căn bản cá nhân, tôn trọng quyền bình đẳng cố hữu của nhau. Lập trường này thật mơ hồ và cán cân của họ nghiêng phần thiệt hại về phía thai nhi. Nhưng quyết định của họ đã thiếu sót những gì là ưu tiên và khả thể.

3. Ưu điểm của phái Truyền Sinh là đã dựa trên những dữ kiện truyền sinh, lưu ý đến tiềm thể, và khách quan định vị nhân trạng. Như vậy họ đã thực thi truyền thống Kitô giáo về những bổn phận luân lý đối với những kẻ yếu và thế cô. Quyền sống là điều không do con người quyết định. Khuyết điểm của phái này là chưa quyết định được khi nào thì thai nhi bắt đầu đời sống “con người.” Thời điểm song sinh có tính cách suy luận, còn thời điểm nhân hóa sẽ gây nhiều tranh cãi triết học.

Lập trường của phe ủng hộ phá thai (Pro-choice, Pro-abortionists)

Người ta có thể tóm tắt lập trường của phái này như sau: (a) Họ đã bắt đầu như những kẻ vô thần, chối bỏ quyền năng tạo dựng của Chúa. (b) Sự hiện hữu của đời sống được coi như những tăng triển theo nấc thang giá trị. Bắt đầu ít rồi tăng dần. (c) Tổng hợp hai lập trường hậu qủa xã hội và tăng triển, cũng như tận dụng những khuyết điểm của lập trường truyền sinh.

Lập trường của giáo hội Công Giáo

Lập trường của GHCG có thể tóm tắt như George H. Williams, giáo sư môn thần học tại đại học Harvard, viết trong cuốn “Moral Choice”: Ở đây, không thể có sự xâm phạm đến những quyền của một nhân vật không thể nhìn thấy và cũng không thể tự giải thích này (thai nhi), trừ ra có một nguyên tắc luân lý khác, có đầy đủ uy tín như nguyên tắc hiện có, nói khác đi.” Nếu không ai chứng minh được rằng thai nhi không phải là “người” ngay từ khi thụ thai, thì chúng ta vẫn phải chấp nhận lý thuyết tiên khởi; và nếu các thai nhi đã là người, thì họ cũng phải được bảo vệ như bất cứ công dân nào khác theo hiến pháp.

Thế đứng của các Kitô hữu

Ðối với các giáo hữu Công Giáo, có lẽ đa số đã đồng ý và chấp hành nghiêm chỉnh lập trường của giáo hội. Tuy nhiên, vẫn còn một số người, kể cả các linh mục, tu sĩ nam nữ đã muốn đặt lại vấn đề phá thai, về phương diện thần học, nhất là trong thập niên 80s. Một nhóm đã đi quá xa, khi họ cho đăng một quảng cáo trên tờ báo của phe cấp tiến “The New York Times” (7/10/84) để viện dẫn rằng đa số giáo hữu Công Giáo đã đồng ý: “Phá thai, đôi khi là một chọn lựa luân lý.” Nhóm người này đã bị Tòa Thánh Rôma chính thức cảnh cáo và buộc phải rút tên ra khỏi tờ quảng cáo đó (có nhiều người ngoài Công Giáo cũng đã ký tên); nếu không, họ sẽ bị trục xuất khỏi dòng tu hay giáo phận của họ. Hầu hết đã vâng lời Tòa Thánh.

Ðể làm sáng tỏ vấn đề, Ðức cố Hồng Y Joseph Bernadine của Tổng Giáo Phận Chicago đã viết trên nguyệt báo của địa phận, số ra ngày 11/1/85, minh định như sau: (1) Giáo huấn của giáo hội phải được kính trọng và tuân hành. (2) Trong khi có một vài người tự nhận là Công Giáo, giữ những vai trò liên can đến việc phá thai; nhưng thật là sai lầm nếu nghĩ rằng lập trường của Giáo Hội đã bị lung lay. Ngài trích tài liệu Công Ðồng Vatican II, đã kết án việc phá thai là “một trọng tội không thể bào chữa nổi.” (3) Các LM, Tu sĩ nam nữ có bổn phận phải trình bày chính xác giáo lý của giáo hội và không nên dùng ảnh hưởng của mình để xuyên tạc sự vẹn toàn của giáo lý, đặc biệt công khai chống lại những tín lý mà giáo hội đã chính thức công bố. (4) Ðã có những bất đồng ý kiến, nhưng những thái độ đó không thể chất vấn hay thóa mạ giáo lý để tránh gây gương mù.

ÐHY thêm rằng bài quảng cáo trên tờ N.Y.T. đã công khai và trực tiếp đối nghịch với những giảng dạy chính thức của giáo hội. Vatican “sẽ có những hành động thích đáng đối với vấn đề trong phạm vi của giáo luật.” Từ đó đến nay, không thấy cá nhân hay bè nhóm nào dám “điên” như vậy nữa.

GIÁO DÂN HÀNH ÐỘNG

Các giáo hữu Công Giáo không thể chỉ ủng hộ lập trường của Giáo Hội bằng lời, hoặc có thái độ của những kẻ đứng bên lề, chỉ nêu vấn đề chứ không nhập cuộc. Ðây là một lỗi lầm lớn mà nhiều người vì vô tình đã không để ý tới. Nhưng phải nhập cuộc thế nào? Ðặt bom phá hủy các y viện phá thai? KHÔNG, bạo hành không bao giờ là chủ trương của Giáo Hội. Hàng Giáo Phẩm Hoa Kỳ đã kết án: “Những vụ đặt bom phá hoại sẽ không bao giờ là phương tiện của những người thiết tha với sự thiêng liêng của mạng sống.”

Những kẻ ủng hộ việc phá thai đã thắng trận đầu năm 1973 bằng đường lối chính trị (đưa vấn đề lên Tối Cao Pháp Viện.) Ðây cũng là lối mà chúng ta có thể dùng để hủy bỏ phán quyết này. Có hai phương thức:

Vận động qua ngành Lập Pháp (Legislation)

Lối này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, ảnh huởng cũng như thời gian. Ðề nghị phá án (do các nghị viên chống phá thai đưa ra) phải được 2/3 tổng số dân cử của lưỡng viện Quốc Hội chấp thuận. Sau đó, đề nghị sẽ được gửi về các tiểu bang; ở đây, quốc hội tiểu bang sẽ phải thực hiện y như liên bang, với 2/3 tổng số dân biểu và nghị sĩ bỏ phiếu thuận. Nếu phiếu thuận của tổng số tiểu bang đạt tới trên mức 2/3 (34 trên 50 tiểu bang), đề nghị sẽ được chuyển đạt lên Tối Cao Pháp Viện để hủy bỏ phán quyết cũ. Hiện nay, nỗ lực này còn đang ở cấp quốc hội liên bang.

Vận động qua ngành Tư Pháp (Judiciary)

Nếu đa số các thẩm phán (5/4) tại Tối Cao Pháp Viện đồng ý hủy bỏ phán quyết cũ của chính họ (điều này cũng rất khó xảy ra) thì luật cũng thành. Người ta có thể đạt thắng lợi bằng cách bỏ phiếu bầu một tổng thống chống phá thai rồi hi vọng ông này sẽ có cơ hội đề cử hai hoặc ba thẩm phán cho Tối Cao Pháp Viện muốn hủy bỏ phán quyết cũ.

Vận động lương tâm

Tuy nhiên, dùng luật pháp để áp đảo kẻ khác, chỉ như thắng một trận đánh chứ chưa hoàn toàn thắng cả cuộc chiến tranh. Nếu vấn đề phá thai bị luật định cho là phạm pháp, nhiều người sẽ thực hiện điều này cách lén lút và do đó rất có thể một số trong họ sẽ bị thiệt mạng vì gặp phải những kẻ hành nghề không chuyên môn. Vấn đề là giáo dân Kitô phải tận dụng tất cả những phương tiện truyền thông (truyền thanh, truyền hình, phim ảnh, báo chí, mạng lưới điện toán…) để minh chứng cho những người ủng hộ việc phá thai là họ đã sai lầm. Ðồng thời giáo dục dư luận quần chúng, ảnh hưởng tới các học đường nhằm tạo nột thế hệ mới ý thức hơn về vấn đề sinh tử này. Nhưng tiên vàn vẫn là phải hủy bỏ phán quyết 1973.

Làm thế nào để tham gia cuộc vận động này? Nếu chúng ta không có đủ sức khỏe và thời gian để cầm biểu ngữ dãi nắng, dầm mưa, đội tuyết trước các y viện phá thai như một số đông Kitô hữu khác đã làm (họ đến đó để khuyến khích và van xin những thiếu nữ lỡ lầm đừng giết con của mình và trong nhiều trường hợp, họ đã thành công); ít ra chúng ta cũng có thể tham gia bằng hai cách (cả hai cách): Lời cầu nguyện và sự yểm trợ vật chất. Chỉ cần mỗi người ủng hộ một Mỹ Kim trong một năm, thì riêng người Công Giáo đã có thể yểm trợ tới gần 70 triệu Dollars thường niên. Không kể hàng chục triệu người thuộc các giáo phái Tin Lành đã và đang thực sự tham gia cuộc vận động này.

Nếu chúng ta không cùng nỗ lực tham gia các cuộc vận động hôm nay, thảm trạng có thể xảy đến cho chính gia đình chúng ta mai ngày, nơi con cháu, thân nhân của chúng ta. Ngoài ra, trên 50 triệu thai nhi đã bị giết chết trong 38 năm qua (gần 36 trong 38 năm đó đã có sự hiện diện của nhiều người Việt trên phần đất này - Hoa Kỳ) Nếu chọn thế đứng của những kẻ bên lề, liệu chúng ta có thể tìm được câu trả lời thỏa đáng khi bị chất vấn trong ngày sau cùng?
 
ĐTC tố giác xu hướng gạt bỏ tôn giáo ra ngoài lề xã hội và đóng khung tôn giáo trong lãnh vực riêng tư
LM Trần Đức Anh OP
11:45 21/01/2011
Lần đầu tiên Đức Thánh Cha tiếp kiến 1200 cảnh sát Roma

VATICAN - ĐTC Biển Đức 16 tái tố giác xu hướng gạt bỏ tôn giáo ra ngoài lề xã hội và đóng khung tôn giáo trong lãnh vực riêng tư.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 21-1-2011, dành cho 1.200 người gồm các vị chỉ huy và nhân viên cảnh sát cùng với thân nhân của họ ở Roma. Họ đại diện cho 7.500 nhân viên cảnh sát các cấp phục vụ tại thủ đô Italia.

Trong tư cách là GM Roma, ĐTC cám ơn họ vì ”những gì đã và đang thực hiện để cuộc sống tại thành phố này diễn ra trong trật tự và an ninh. Ngài cũng nhắc đến một hiện tượng ngày nay người ta dành tầm quan trọng đặc biệt cho chiều kích chủ quan trong cuộc sống. Hiện tượng này là tích cực khi nó đặt con người ở vị trí trung tâm và đề cao giá trị của lương tâm con người, nhưng nó cũng có một nguy cơ lớn, khi người ta quan niệm lương tâm một cách hẹp hòi, theo đó không có những điểm tham chiếu khách quan để xác định đâu là điều giá trị và đâu là điều thật, trái lại mỗi cá nhân là mẫu mực riêng cho mình.”

ĐTC nhận xét rằng ”hậu quả của hiện tượng trên đây là tôn giáo và luân lý có xu hướng bị đóng khung trong lãnh vực chủ quan, riêng tư. Đức tin và các giá trị của đức tin, những cư xử theo đức tin không được quyền có chỗ đứng trong đời sống công cộng và dân sự.. Tôn giáo dần dần bị gạt ra ngoài lề và bị coi là không quan trọng, xa lạ đối với thế giới văn minh, như thể người ta phải giới hạn ảnh hưởng của tôn giáo trên đời sống con người”.

Đứng trước tình trạng trên đây, ĐTC nói: ”Những thách đố mới xuất hiện nơi chân trời đòi hỏi sự tái gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, chúng đòi xã hội và các tổ chức công cộng tìm lại ”cái hồn” của mình, những căn cội tinh thần và luân lý của mình, để mang lại những sức mạnh mới cho các giá trị luân lý và pháp lý làm điểm tham chiếu và cho hoạt động thực hành. Đức tin Kitô và Giáo Hội không bao giờ ngưng đóng góp cho việc thăng tiến công ích và sự tiến bộ đích thực của con người”.

Sau cùng, ĐTC nhắn nhủ các viên chức cảnh sát rằng: ”Ơn gọi đặc biệt của thành Roma ngày nay đòi anh chị em là những nhân viên công quyền nêu gương về ảnh hưởng tích cực và phúc lợi giữa đặc tính đời lành mạnh và đức tin Kitô. Thực vậy, hiệu năng công việc của anh chị em là kết quả của sự phối hợp giữa khả năng nghề nghiệp chuyên môn và đức tính nhân bản, giữa sự canh tân các phương pháp và hệ thống an ninh với các đức tính nhân bản như kiên nhẫn, kiên trì trong điều thiện, hy vọng và sẵn sàng lắng nghe” (SD 21-1-2011)
 
Top Stories
Japon: L’évêque du diocèse de Takamatsu suspend les activités du Chemin néo-catéchuménal dans son diocèse
Eglises d'Asie
11:26 21/01/2011
Dans une Lettre pastorale diffusée le 20 janvier 2011, Mgr Mizobe Osamu, évêque du diocèse catholique de Takamatsu, a annoncé à ses diocésains que les activités du Chemin néo-catéchuménal à Takamatsu étaient suspendues « dans l’attente des résultats de la visite de l’envoyé spécial du Saint-Père ».
La décision de l’évêque intervient quelques semaines après qu’une délégation de l’épiscopat japonais a été convoquée à Rome où, le 13 décembre 2010, en présence du pape et des plus hauts responsables de la Curie romaine, il avait été décidé que l’interdiction des activités du Chemin néo-catéchuménal au Japon pour cinq ans, mesure voulue par l’épiscopat japonais, ne serait pas édictée et qu’une solution aux désaccords entre les évêques japonais et la communauté missionnaire serait recherchée, un délégué pontifical devant être prochainement nommé (1). Plus récemment, le 12 janvier, le président de la Conférence épiscopale japonais, Mgr Ikenaga Jun, s’était adressé aux catholiques du Japon et, dans un article du Katorrikku Shimbun, demandait aux catholiques japonais d’exprimer à ce futur envoyé pontifical les problèmes rencontrés avec le Chemin néo-catéchuménal, soulignant « la difficulté de faire remonter jusqu’à Rome la réalité de la situation » (2).

Dans sa lettre pastorale, intitulée « Le Chemin néo-catéchuménal », Mgr Mizobe retrace la visite de la délégation épiscopale japonaise à Rome. Sans rien dévoiler du contenu de l’audience, il fait part de l’étonnement des évêques japonais à se retrouver non seulement face au pape, mais aussi face à tout un ensemble des plus hauts responsables de la Curie romaine. Il note avec « surprise » avoir vu prendre part à l’audience Mgr Hirayama, évêque émérite du diocèse d’Oita, aujourd’hui retiré à Rome et réputé proche du Chemin néo-catéchuménal. Au final, selon Mgr Mizobe, la rencontre au plus haut niveau à Rome a pris la tournure d’un échange où les « opinions » de chacune des personnes présentes ont été exprimées sans qu’une véritable « discussion » s’engage. Il précise que la rencontre s’est faite avec l’aide d’une traduction simultanée, aucune langue commune n’étant partagée par les personnes présentes.

Mgr Mizobe explique cependant que la décision des évêques de suspendre les activités du Chemin néo-catéchuménal au Japon présentait « une réelle difficulté pour le Vatican » et que, par conséquent, « la mise au point d’un plan d’action était devenue une nécessité ». Il continue en précisant que c’est dans ce cadre que le Saint-Père a évoqué l’envoi d’un visiteur spécial au Japon.

Dans sa lettre, Mgr Mizobe, qui ne dirige le diocèse de Takamatsu que depuis 2004, soit bien après l’apparition de difficultés entre les membres du Chemin néo-catéchuménal et des catholiques du diocèse, revient à plusieurs reprises sur le fait que « le problème » rencontré avec la communauté missionnaire d’origine espagnole n’est pas propre à son diocèse ou au Japon. Ailleurs, écrit-il, en Angleterre, en Palestine, aux Philippines, des évêques et des conférences épiscopales ont été amenés à prendre des mesures d’interdiction ou à émettre des recommandations au sujet du Chemin néo-catéchuménal. L’évêque japonais insiste également fortement sur le fait que, d’un point vue tant pastoral que canonique, c’est à l’ordinaire du lieu, à l’évêque local en l’occurrence, qu’il appartient de juger de l’action d’une communauté ou d’un mouvement d’Eglise. Il souligne enfin que, de retour au Japon après leur entrevue romaine du 13 décembre, les évêques japonais ont été reçus par le nonce apostolique à Tokyo et qu’à cette occasion, « il fut décidé que chaque évêque était libre de procéder de la manière qui lui convenait dans son diocèse », y compris au sujet des activités du Chemin néo-catéchuménal,

L’évêque de Takamatsu explique aussi qu’il a tenté de gérer « de la manière la plus discrète possible » le problème qui lui posait le Chemin néo-catéchuménal et qu’il attendait des membres de ce mouvement qu’ils « décident par eux-mêmes de faire preuve d’autodiscipline dans les activités qu’ils déploient ». Toutefois, le problème ayant pris une dimension internationale, Mgr Mizobe estime ne plus pouvoir « garder le silence ».

En attendant les résultats de la visite pontificale, Mgr Mizobe écrit que sa décision de suspendre le Chemin néo-catéchuménal « ne signifie pas que le dialogue est rompu » mais qu’elle doit être « considérée comme une opportunité pour chacun de réfléchir ». Il appelle à « un dialogue en vérité » et précise que les membres du Chemin néo-catéchuménal ne sont pas « exclus » du diocèse. Il conclut qu’il est demandé à tous de prendre un rôle actif dans le plan de « renouveau » de trois ans qu’il a défini et baptisé « Renaissance et Unité » (3).

(1) Voir EDA 542
(2) Voir dépêche diffusée par Eglises d’Asie le 14 janvier 2011
(3) On pourra une traduction en français du texte complet de la Lettre pastorale de Mgr Mizobe dans le ‘Pour approfondir - Japon’ consultable sur notre site Internet.

(Source: Eglises d'Asie, 21 janvier 2011)
 
Vietnam: Quatre des six paroissiens de Côn Dâu condamnés en première instance comparaîtront en appel devant le Tribunal populaire de Da Nang le 26 janvier 2011
Eglises d'Asie
11:28 21/01/2011
Le procès en appel de quatre fidèles de la paroisse catholique de Côn Dâu aura lieu, le 26 janvier prochain, au Tribunal populaire de Da Nang. Chacun d’entre eux a reçu le 10 janvier dernier une convocation l’invitant à comparaître à ce procès.

Après avoir reçu leur convocation, les quatre fidèles concernés ont rédigé une lettre au président de la Conférence épiscopale du Vietnam, ainsi qu’au président de la Commission ‘Justice et Paix’ et à l’ensemble de l’Eglise du Vietnam. Les signataires y exposent le fait qu’ils sont victimes des accusations injustes portées contre eux par les autorités de la ville de Da Nang.

Les quatre paroissiens de Côn Dâu sont convaincus que le traitement qui leur a été infligé, à savoir leur arrestation et leur procès, ne sont en réalité que des moyens destinés à briser leur résistance et à faciliter la réquisition des terres de la paroisse catholique par la municipalité de la ville de Da Nang, qui veut y créer une nouvelle zone urbaine. Au procès de première instance, qui a eu lieu le 27 octobre 2010, ils ont été condamnés sous deux chefs d’accusation: « trouble à l’ordre public » et « opposition à des fonctionnaires de l’Etat dans l’exercice de leurs fonctions », accusations se rapportant à leur participation au convoi funéraire d’une des paroissiennes de Côn Dâu. Or les quatre accusés maintiennent que leur participation était légale. La police, elle, est intervenue contrairement à la loi et les a frappés et maltraités.

La lettre souligne également que, lors du premier procès, le tribunal n’a tenu aucun compte des mises en garde de l’opinion publique, en particulier de celles du président de la Commission ‘Justice et Paix’, l’évêque du diocèse de Vinh. Celui-ci avait écrit une lettre au Tribunal pour lui demander de retarder le procès ou au moins d’assurer la défense des accusés. Or les autorités judiciaires ont refusé l’autorisation de plaider aux avocats présentés par le cabinet de Me Cu Huy Ha Vu (arrêté par la suite) et prononcé de très injustes sentences contre les six accusés du premier procès.

Les quatre signataires de la lettre affirment encore que, malgré l’injustice dont ils ont été victimes de la part des autorités, ils ont reçu le soutien de l’Eglise du Vietnam, de nombreuses personnes et associations dans le monde entier. Ils remercient personnellement un certain nombre de membres de la hiérarchie au Vietnam, dont le président de la Conférence épiscopale et le président de la Commission ‘Justice et Paix’.

Six paroissiens de Côn Dâu avaient fait appel, le 1er novembre 2010, des sentences rendues contre eux par le Tribunal populaire de Cam Lê (arrondissement de Da Nang), le 27 octobre dernier. Deux d’entre eux avaient été condamnés à des peines de prison ferme de 12 et 9 mois. Les quatre autres avaient écopé de diverses peines de prison avec sursis (1). Les pourvois en cassation avaient été envoyés au tribunal populaire de seconde instance de la ville de Da Nang, sous la forme d’une lettre individuelle rédigée par chacun des six paroissiens. Cependant, les pressions exercées par les autorités sur les deux condamnés à la prison ferme, qui ont été maintenus derrière les barreaux, les ont obligés à retirer leur demande d’appel. C’est pour cela que, seuls quatre des six condamnés en première instance, comparaîtront en appel.

(1) Voir EDA 538

(Source: Eglises d'Asie, 21 janvier 2011)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
LM. Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế: tự do tôn giáo ở Việt Nam là căn bản của mọi quyền
Lã Thụ Nhân
10:48 21/01/2011
LM. Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế: tự do tôn giáo ở Việt Nam là căn bản của mọi quyền

Trả lời phỏng vấn của hãng tin AsiaNews, cha Thành nói về dấn thân của Dòng Chúa Cứu Thế cho công cuộc truyền giáo, giúp đỡ người nghèo và người khuyết tật, giáo dục trẻ em để xây dựng hòa bình trong công lý và sự thật.

Sài Gòn – Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Asianews, cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành cho hay: "Một số cộng đoàn đã mời tôi đến cử hành Thánh Lễ, nhưng cơ quan công quyền đã không cho phép và thậm chí một số thành viên của Hội Đồng Giám Mục nhìn tôi như thể tôi là một 'người hủi'. Cha là Bề trên Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế, một dòng tu hiện diện ở Việt Nam kể từ năm 1924, đây là dòng kết hợp việc công bố Tin Mừng và bảo vệ nhân quyền, nhất là quyền tự do tôn giáo.

Luôn mạnh mẽ dấn thân truyền giáo, tỉnh dòng hiện nay làm mọi việc tốt nhất để duy trì và phát triển các hoạt động truyền giáo ở những nơi dòng đã hiện diện trước khi thống nhất đất nước vào năm 1975. Đặc biệt, kể từ những năm 90, họ đã tổ chức các hoạt động mục vụ, xã hội và bác ái ở huyện Cần Giờ, một khu vực nghèo khổ và bị lãng quên của Sài Gòn.

Dòng Chúa Cứu Thế đã hiện diện ở đó từ năm 1991. Họ đã tạo ra một nơi để chăm sóc y tế miễn phí bằng cách phối hợp với Hội Hồng Thập Tự địa phương. Các tu sĩ chăm sóc cho trẻ mồ côi, người già và trẻ em bị bỏ rơi. Trường học cho người tàn tật đã được thiết lập vào năm 1992 và hàng trăm trẻ em đã được chăm sóc và giúp đỡ ở các trung tâm cứu tế dựa trên các nguyên tắc của cộng đồng.

Ở những nơi khác, hàng trăm trẻ em và người trẻ khó khăn đã được đến trường để học chữ hay học nghề trong các cộng đồng nghèo như Cần Giờ, An Nghĩa, An Thới Đông ở huyện Cần Giờ. Hoạt động truyền giáo cũng diễn ra ở Hà Nội, Sài Gòn và Tây Nguyên đối với người dân tộc thiểu số. "Linh mục già làng" Tín (cha Tín) và các tu sĩ của dòng đã làm việc tại Pleiku với phần đông dân cư và đã rửa tội cho hàng ngàn người.

Cha Thành cho hay: "Họ làm việc vì lợi ích của tất cả mọi người, họ cầu nguyện và sống để phục vụ Tin Mừng, để mời gọi hòa giải giữa các nhóm xã hội, tôn trọng công lý và sự thật".

Cha cho biết thêm: "Tôi sống và tôi cống hiến sự phục vụ cho các tín hữu theo giáo huấn của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Chúng tôi đang cố gắng tiến lên phía trước trong một môi trường khó khăn để xây dựng hòa bình, tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo. Vì vậy, hôm nay tôi quyết định trò chuyện với AsiaNews về những ưu tư của tôi. Điều làm tôi đau đớn là bị phân biệt đối xử, nhưng tôi vẫn đặt niềm tin vào Thiên Chúa và Giáo Hội, để phục vụ anh em và chị em của tôi".

"Tôi là thư ký của Ủy ban Nghệ thuật Thánh của Hội đồng Giám Mục và tôi tham gia vào việc xây dựng Đền Thánh Mẫu Toàn Quốc La Vang. Tôi chứng kiến cách mà hàng trăm ngàn người, Công Giáo và không Công Giáo đến với Đức Mẹ La Vang để tìm sự giúp đỡ về sức khỏe, hạnh phúc, gia đình, giáo dục trẻ em, thanh bình và an ninh trong đời sống của họ, họ tìm kiếm sự giúp đỡ vật chất và tinh thần. Việc xây dựng bắt đầu vào dịp kết thúc Năm Thánh, ngày 6 tháng 1, là năm tổ chức kỷ niệm 350 Giáo Hội tại Việt Nam và kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam".

Cuối cùng cha Thành nói về sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cho Ngày Thế Giới Hòa Bình: "Tự do tôn giáo không chỉ là gia sản của các tín hữu, nhưng là của toàn thể gia đình nhân loại. Nó là yếu tố cần thiết cho một nhà nước dân chủ: nó không thể bị khước từ mà không vi phạm cả về các quyền và sự tự do, bởi vì nó là tổng thể và nền tảng của chúng. Đây là phép thử cho sự phù hợp với tất cả các quyền con người khác. Trong khi nó thúc đẩy thực hiện mọi khả năng của con người chúng ta, nó tạo ra các điều kiện cần thiết cho thành tựu phát triển toàn diện có thể minh chứng được, có ảnh hưởng đến toàn bộ con người trong toàn bộ chiều kích duy nhất của mình".
 
Buổi thuyết trình Tâm Lý và Giáo Dục Trẻ Vị Thành Niên
Tạ Ân Phúc
11:00 21/01/2011
Tuổi vị thành niên, bỗng dưng ta thấy mình đã lớn.

Sinh ra, lớn lên, phát triển và thay đổi là những đặc điểm tự nhiên của con người. Nhưng tùy từng giai đoạn của cuộc đời mà sự phát triển đó nhanh hay chậm. Có một khoảng thời gian trong đời, con người có những bước phát triển nhảy vọt về cả thể chất lẫn tâm sinh lý, khi mà các cô bé, cậu bé bỗng trở thành những cô gái, những chàng trai trong quãng thời gian chỉ vài năm. Đây chính là giai đoạn của tuổi vị thành niên, tuổi dậy thì, nó có tầm quan trọng trong việc hình thành nhân cách của mỗi con người cho suốt quãng đời còn lại.

Tuổi vị thành niên là lứa tuổi có nhiều biểu hiện bồng bột, nhất thời, buồn vui vô cớ, tính khí nắng mưa thất thường, cư xử nông nổi, hay làm phức tạp hóa mọi vấn đề… Đồng thời, lứa tuổi này có khả năng gặp nhiều “rủi ro”, vì các em chưa đủ kiến thức và kinh nghiệm sống để tự giải quyết được những vấn đề của mình, nhưng lại luôn muốn khẳng định bản thân như một người từng trải và bản lĩnh. Do đó, nếu không có sự giáo dục đúng mực, kịp thời từ phía gia đình, nhà trường và xã hội thì các em sẽ rất dễ có những hành động sai lầm, dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc và lâu dài. Những biểu hiện trong quá trình trưởng thành của lứa tuổi vị thành niên, thường làm cho các bậc làm cha mẹ bối rối, mất kiên nhẫn hoặc ngán ngẫm.

Ưu tư và đồng hành với những khó khăn của các bậc phụ huynh trong việc dạy dỗ con cái, Chương Trình Chuyên Đề đã tổ chức buổi nói chuyện của Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng, giảng viên trường Đại Học Sư Phạm, với đề tài: “TÂM LÝ VÀ CÁCH GIÁO DỤC TRẺ VỊ THÀNH NIÊN” (Phần I) vào chiều thứ 7, ngày 15/01/2011 tại Trung Tâm Mục Vụ, Tổng Giáo Phận Sài Gòn.

Hình buổi thuyết trình

Trẻ vị thành niên có những phức tạp và biến động hơn so với những lứa tuổi khác nên cần phân tích một cách cặn kẽ để hiểu rõ tâm lý trẻ nhằm có cách giáo dục thích hợp. Có thể khái niệm vị thành niên là những người chưa thành niên, chưa đủ tuổi để chịu trách nhiệm hoàn toàn về cuộc đời của mình, ở góc độ nghiên cứu của bài thuyết trình, vị thành niên được giới hạn trong độ tuổi 12 đến 18, là độ tuổi học sinh trung học từ lớp 6 đến lớp 12.

Một số những yếu tố cần quan tâm ảnh hưởng đến độ tuổi này là trẻ có nhiều biến động về tâm lý, và sự phát triển cơ thể với hiện tượng dậy thì. Trong giai đoạn này, phát triển cơ thể chưa hài hòa, diễn ra một quá trình mất cân đối tạm thời, với sự phát triển cơ thể rất nhanh, hệ xương kéo dài nhanh hơn hệ cơ làm cho trẻ thường ở trạng thái căng nhức, mỏi mệt; cơ tim phát triển nhanh, lượng máu bơm nhanh làm cho mạch máu căng, trẻ có thể cao huyết áp tạm thời. Những thay đổi này có thể trẻ sẽ không biết, chúng lo sợ về sức khỏe không ổn định của mình làm ảnh hưởng lên tâm lý. Đặc biệt là sự xuất hiện các dấu hiệu phát triển giới tính, trẻ hay quan tâm cơ thể của mình hơn, nhất là các bộ phận giới tính gây ra nhiều thắc mắc lo âu.

Trẻ không biết được tiến trình của những phát triển cơ thể, nhưng ngầm so sánh mình với những người cùng lứa, cùng phái. Trẻ thường hay so sánh mình với những người khác trong gia đình, nếu phát triển tương tự thì an tâm, còn nếu không giống sẽ dẫn đến lo lắng, thắc mắc. Trẻ đi tìm sự giải đáp từ báo chí hay truyền thông, bạn bè và gia đình. Do truyền thông phát triển, trước tiên trẻ đi tìm câu trả lời từ truyền thông, sau đó sẽ tìm đến chia sẻ với bạn bè và cuối cùng mới tìm đến gia đình nơi có những người đáng tin cậy. Truyền thông đôi lúc không xác thực, nhất là trẻ chưa biết cách chọn lọc thông tin đâu là đúng, đâu là sai, còn thông tin từ bạn bè là những người cùng trang lứa nên sự hiểu biết không tới có lúc sai lạc, người lớn trong gia đình nhiều khi kiến thức cũng hạn hẹp, không phải ai cũng am tường, cha mẹ hiểu không đúng, giải thích không đúng sẽ làm trẻ hiểu sai vấn đề. Tuy nhiên, nếu có sự tương tác giữa trẻ và người lớn thì người lớn vẫn thận trọng hơn khi đưa ra giải đáp. Để giáo dục con cái có phương pháp thì người lớn cũng cần thận trọng, hiện nay chương trình giáo dục giới tính đã dần triển khai trong nhà trường, các bậc cha mẹ cần cập nhật kiến thức để giáo dục cho con.

Ở tuổi vị thành niên, trẻ không chỉ quan tâm về bản thân mình mà còn tò mò và thắc mắc về người khác phái. Ngày nay trẻ phát triển sớm, ngay từ lớp 6 đã phát triển, khơi dậy nhu cầu tâm lý của vị thành niên, quan tâm đến người khác phái.

Trong độ tuổi vị thành niên, có 4 nhu cầu tâm lý tuần tự thôi thúc trẻ trong lứa tuổi từ 12 đến 18 tuổi: khuynh hướng làm người lớn, tự khẳng định mình trong nhóm bạn, xác định bản sắc riêng, định hướng nghề nghiệp. Trong giới hạn thời gian của buổi hội thảo chuyên đề, phần 1 của buổi thuyết trình Giáo dục tâm lý trẻ vị thành niên chỉ phân tích sâu về khuynh hướng làm người lớn, còn 3 nhu cầu còn lại Tiến sĩ Bích Hồng sẽ tiếp tục phân tích trong một buổi khác.

Nhu cầu xuyên suốt là khuynh hướng làm người lớn, với sắc vóc phát triển làm cho trẻ cảm nhận là mình đang lớn nhưng thực chất thì chưa lớn, chưa hoàn chỉnh, bản chất vẫn là một đứa trẻ. Người lớn nhìn vào thì xem là con nít, nhưng trẻ thì cho rằng mình là người lớn.

Do sự biến đổi của cơ thể, trẻ cảm thấy đôi khi làm được những việc của người lớn, có thể thực hiện những giao dịch với người lớn. Trẻ thường gặp những nhận xét của người khác về mình. Ở nhà thường gặp câu nói của cha mẹ, người trong nhà: con lớn rồi, phải tự giác, đàng hoàng, chín chắn hơn. Vào lớp thì thầy cô cũng bảo: các em lớn rồi phải tự giác học tập, tự có ý thức. Ra ngoài đường phố, hàng xóm cũng thường bảo là lớn rồi. Vị thành niên lớn nhưng còn con nít, thể hiện tính không ổn định nên ứng xử với trẻ vị thành niên không phải là dễ dàng.

Biểu hiện của khuynh hướng làm người lớn rất rõ ràng do có sự phát triển nhanh chóng về các phương diện tâm lý. Trước tiên là về mặt nhận thức, khả năng nhận thức phát triển rất tốt, khả năng hiểu biết gia tăng rất nhiều, cách nhận biết vấn đề sâu sắc hơn so với bậc tiểu học. Trong học tập, tư duy trừu tượng được thầy cô phát huy tối đa cả trong toán học lẫn văn học, khả năng hiểu biết thế giới mở rộng phát triển. Trẻ ham hiểu biết, thích khám phá, thử nghiệm: hay hỏi, khám phá các vấn đề bằng cách tự tìm hiểu, nghiên cứu, đôi lúc sự tìm tòi diễn ra khá nhanh làm cho cha mẹ không kịp nắm bắt thông tin để hướng dẫn trẻ. Trẻ không chỉ dừng lại ở chỗ chỉ đọc biết, tìm hiểu rồi thôi mà còn muốn trải nghiệm sự việc, làm thúc đẩy trẻ đi sâu sát vấn đề nhưng cũng gây nguy hiểm do không lường trước được những hậu quả của những khám phá, thử nghiệm nên thường có hành vi hết sức mạo hiểm gây lo lắng cho người lớn.

Trẻ hay tò mò quan tâm những vấn đề của thế giới người lớn như các mối quan hệ trong gia đình, chính trị, văn hóa, nghệ thuật, thể thao… Trẻ biết hết các vấn đề trong gia đình nhưng vờ như không biết gì cả, nếu cha mẹ không quan tâm đến con cái sẽ làm cho con cảm thấy lạc lõng, bơ vơ. Trẻ cũng bắt đầu quan tâm đến các vấn đề xã hội như tham nhũng, lạm phát, thời trang, ca nhạc, bóng đá… Trong khuynh hướng muốn làm người lớn, trẻ muốn thâm nhập, muốn thể hiện, muốn chứng tỏ mình là đã lớn rồi với nhiều hiểu biết.

Sự phát triển của trẻ có một mốc thay đổi rất là rõ ràng, ở độ tuổi 12, 13 thì nhận thức vấn đề còn hời hợt, phiến diện, nhưng đến tuổi 15 trở lên thì nhận thức được bản chất vấn đề. Có thể thấy một đoạn văn bản của các em viết cảm nhận về suy nghĩ của mình:

“Vậy đó, trong vòng tay của cha mẹ, thầy cô bạn bè, hôm nay em đã lớn 16, 17 tuổi. 16,17, cái tuổi của một thời mộng mơ dạt dào chắp cánh cho bao kỳ vọng vươn lên. Giờ đây, em đã thôi làm thơ ca ngợi đóa hồng trước ngõ mà biết rằng con người phải đổ bao nhiêu máu xương để cho đất nở được hoa hồng. Giờ đây, em đã thôi mơ làm công chúa hay hoàng tử trên tiên giới và hiểu rằng mình phải sống xứng đáng làm người, biết cho đi và quên mình trong hạnh phúc chung”.( lớp 11 năm học 1987-1988)

Tuy ở tuổi vị thành niên nhưng cũng có những em suy nghĩ thật chính chắn, trải lòng mình qua bài viết “Bản chất của thành công” (Lớp 12 năm học 2006-2007)

Đã bao giờ bạn tự hỏi thành công là gì mà bao kẻ bỏ cả cuộc đời mình theo đuổi? Phải chăng đó là kết quả hoàn hảo trong công việc, sự chính xác đến từng chi tiết? Hay đó là cách nói khác của từ thành đạt, nghĩa là có được một cuộc sống giàu sang, được mọi người nể phục? Vậy thì bạn hãy dành chút thời gian để lặng mình suy ngẫm. Cuộc sống sẽ chỉ cho bạn có những người đạt được thành công theo một cách giản dị đến bất ngờ.

… … …

Bạn được sinh ra, đó là một thành công vĩ đại của cha và mẹ. Trách nhiệm của bạn là phải gìn giữ cho vẻ đẹp hoàn thiện của thành công ấy. Đừng bao giờ ủ ê nghĩ rằng cuộc sống là một chuỗi của thất bại, bởi như một giáo sư người Anh từng nói: “Cuộc sống này không có thất bại, có chăng là cách chúng ta nhìn nhận mọi việc mà thôi”.


(xin xem thêm toàn bộ bài viết “Bản chất của thành công” ở http://khuccamta.net/diendan/showthread.php?t=7253)

Trẻ vị thành niên có khả năng suy nghĩ nhưng nhiều khi do cách giáo dục của cha mẹ, người thân nên con trẻ không được phát huy, trẻ có tài ứng khẩu và ứng phó bằng vốn liếng của mình để tiếp cận và khám phá thế giới.

Về thái độ khi trẻ cho mình đã lớn, trẻ thích đối xử được tôn trọng, không bị kiểm soát; được tự quyết, không bị áp đặt, buộc phục tùng mệnh lệnh… chẳng hạn như cha mẹ áp đặt định hướng nghề nghiệp cho con. Có thể hiểu sự áp đặt của cha mẹ theo thói quen từ khi con còn nhỏ khi con chưa biết nhiều, cha mẹ thường bảo con: mẹ nói con phải nghe lời. Nhưng cần hiểu, khi con lớn nếu không hề lắng nghe ý kiến của con, con không được thể hiện ý kiến, con sẽ không làm theo ý cha mẹ. Sự áp đặt của cha mẹ rất thường xuyên trên con: Mẹ sắp xếp thời khóa biểu cho con, con gái không được học nhảy mà phải học nữ công gia chánh, không giải thích. Cha mẹ luôn đứng trên quan điểm định hướng những điều tốt đẹp cho con nhưng không thèm nghe ý kiến của con là điều cần xem xét. Trẻ cũng hay thích tranh cãi, bày tỏ sự hiểu biết do chứng tỏ mình lớn, không dễ dàng thuyết phục người lớn, hay tìm sơ hở của người lớn để chỉ trích.

Tính làm người lớn còn bộc lộ qua khả năng của trẻ, do đã lớn nên trẻ đã có thể gánh vác công việc của người lớn: lau dọn, trang trí, sắp xếp nhà cửa ngày Tết. Có tham vọng chứng tỏ mình hay ho, muốn tạo “phép mầu” cho gia đình mình, chẳng hạn như mơ làm ca sĩ muốn đổi đời khi cha mẹ làm lụng vất vả để giúp gia đình thoát nghèo; hay câu chuyện bức tâm thư thay cho bài văn: “chỉ muốn làm thuê, làm mướn, làm bất cứ việc gì để kiếm tiền ngay lập tức!”. Trẻ có ý muốn đổi đời để phụ giúp gánh vác gia đình, gặp trường hợp này cha mẹ cần giải thích con đi làm kiếm được bao nhiêu tiền, có giúp được gia đình thoát khỏi hoàn cảnh không và khuyên con muốn thay đổi đời thì phải học thật giỏi.

Trong khuynh hướng làm người lớn trẻ vị thành niên còn phát triển về mặt tình cảm. Xét về đời sống tình cảm của trẻ vị thành niên có cảm xúc rất mãnh liệt, rất nhạy cảm, khó kềm chế, bộc lộ không thích hợp: vỗ tay, đập bàn kèm theo tiếng hú, xúc động thì khóc ngay. Trẻ khao khát sự quan tâm và biểu lộ tình cảm của người khác như được tặng quà, được khen nhưng cha mẹ thì vô tình với nhiều lý do nghĩ rằng lớn rồi thì tự lo đâu cần cha mẹ vỗ về, điều này làm cho trẻ thường hướng đến bạn bè.

Trẻ xuất hiện những rung cảm giới tính với người khác phái, cùng phái. Cảm xúc đồng tính là một vấn đề cho xã hội nhưng chưa có các công trình nghiên cứu hoàn chỉnh, chỉ có thể kể ra một vài lý do dẫn đến cảm xúc này: bối cảnh gia đình anh em đều là trai hay gái làm trẻ chạy trốn vai trò, trẻ không xinh đẹp, không nữ tính, có khi sự phát triển tâm lý nhanh hơn tuổi dẫn đến nhàm chán những người khác phái cùng trang lứa hoặc bị lôi cuốn do hội chứng đám đông…

Cảm xúc giới tính với người khác phái trong độ tuổi vị thành niên rất phổ biến hiện nay nhưng cũng thay đổi theo độ tuổi. Ở cấp 2 mang tính cách dò dẫm, đơn phương dẫn đến cư xử với nhau rất vụng về. Đến lớp 8, 9 trẻ chủ động chinh phục, viết thư cho nhau nhưng không đưa tận tay mà qua trung gian ai đó hoặc để ở một địa điểm bí mật nào đó, tình cảm không chếnh choáng nhưng không bền đỗ theo thời gian. Thật sự đây không phải là tình yêu mà chỉ là cảm xúc thoáng qua, đến rồi lại đi, cha mẹ cần bình tĩnh để nhận ra vấn đề và định hướng đúng chỗ đúng lúc, nếu cấm đoán một cách gay gắt đôi lúc lại là chất xúc tác để trẻ đi quá đà. Ở cấp 3 thì khẳng định yêu đương, có định hướng đôi lúc khá chín chắn. Cha mẹ đôi lúc cần biết tâm lý để định hướng cho đúng. Tỷ lệ yêu ở cấp 3: Lớp 10: 30%, lớp 11: 50%, lớp 12: 70-80%.

Khi tuổi học sinh mà yêu nhau thì khá sớm trong quá trình phát triển, có nhiều nguyên nhân để trẻ yêu trong độ tuổi học trò. Nguyên nhân cơ bản nhất là cảm xúc giới tính xuất hiện và sự ngộ nhận về cảm xúc, trẻ không biết được cảm xúc giới tính của tình yêu là như thế nào, nên khi có cảm giác lạ hơn, khác hơn đối với người khác phái nào đó thì cho rằng đó là tình cảm yêu đương chứ chưa chắc đó có phải là tình yêu. Cũng có những nguyên nhân ảnh hưởng từ gia đình, do sự thiếu thốn tình cảm gia đình, bầu không khí gia đình không đem lại cảm giác yêu thương, cha mẹ bất hòa, làm trẻ dễ ngã lòng khi nhận được sự quan tâm của ai đó. Nguyên nhân khác có thể là sự mất cân đối về giới tính trong gia đình, vị thế của bản thân trong gia đình, hay ứng xử gây ngộ nhận của người lớn khi nhìn người bạn khác phái của con một cách đặc biệt. Do tác động của các phương tiện truyền thông, sự lãng mạn trong phim, truyện tiểu thuyết cũng khiến cho trẻ bắt chước cách biểu lộ, ứng xử trong tình cảm…

Làm gì khi con yêu sớm? Cha mẹ thường tỏ ra ác cảm, tìm cách khống chế, dọa nạt, trẻ sẽ đối phó, che đậy, làm ra vẻ không liên hệ. Càng ngăn cản tiếp xúc, trẻ càng lén lút đến với nhau nhiều hơn, chính điều đó làm xúc tác làm cho tình cảm lớn mạnh hơn và làm cho sự ngộ nhận càng cao hơn. Khi cấm đoán, buộc cắt đứt quan hệ sẽ làm cho trẻ bất mãn, hành động cực đoan: bỏ nhà đi, uống thuốc tự tử, không thèm đi học, bỏ ăn, bỏ ngủ… khiến cho cha mẹ phải nao núng.

Làm gì khi con yêu sớm? Điều quan trọng là cha mẹ cần giữ thái độ bình tĩnh, nếu ứng xử không khôn khéo thì sẽ đẩy sự việc đi xa hơn. Cần tỏ ra đồng cảm với nhu cầu tâm lý vì đó là đặc điểm của tâm lý và là nhu cầu tâm lý, cần xem chuyện đó là bình thường để con bình tĩnh hơn để giải quyết vấn đề hoặc biết cách ứng xử rõ ràng và minh bạch hơn đối với người bạn. Bên cạnh đó cần tạo niềm tin để con bày tỏ, tâm sự qua đó cha mẹ phân tích, định hướng tình cảm và hướng dẫn con cách ứng xử ngay cả khi con đang xây dựng tình cảm hay khi tình cảm tan vỡ.

Nhìn chung, trong độ tuổi vị thành niên thì tình cảm có tính chất tuyệt đối, đây là điểm rất đáng ngại, tình cảm mang tính cực đoan, đã thương thì thương hết mình, khi ghét thì không chừa một tí nào và vì vậy cư xử cũng rất cực đoan. Trong tình cảm, trẻ tôn sùng thần tượng, tôn sùng người yêu thuơng, đòi hỏi cao ở đối tượng, muốn rằng yêu thích thần tượng thì thần tượng phải đáp lại, không chấp nhận san sẻ. Trẻ cũng có biểu lộ cực đoan, dễ thất vọng khi không được đáp ứng như mong muốn để rồi suy sụp, hành động nông nổi. Đây là những biểu hiện đáng ngại, các bậc cha mẹ cần có những bước chuẩn bị và có cách tác động để trẻ biết cách ứng xử chững chạc và người lớn hơn.

Lớn nhưng chưa thật sự lớn về tâm sinh lý, đó là đặc điểm nổi bật nơi độ tuổi vị thành niên. Mỗi người đều phải trải qua giai đoạn “bỗng dưng ta thấy mình lớn” này, và khi bắt đầu bước vào độ tuổi này, trẻ không hề có kiến thức mà phải tự dò dẫm. Vì thế, cha mẹ cần phải hiểu thấu và trang bị kiến thức về tâm lý, và nhất là giới tính về tuổi vị thành niên để dìu con đi qua giai đoạn khó khăn này nhằm giúp trẻ hình thành nhân cách bước tiếp vào cuộc đời.

Sàigòn, ngày 20 tháng 01 năm 2011.

Tạ Ân Phúc
 
Mừng Don Bosco đến Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ Việt Nam
Phêrô Nguyễn Quang Ngọc
11:01 21/01/2011
SAIGÒN - sáng nay vào lúc 05h15 thứ sáu ngày 21 tháng 01 năm 2011, tại trụ sở Tỉnh Dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam (số 54 Đường Số 5, Phường Linh Xuân, Quận Thủ Đức), Đức Giám mục Mông Cổ và Cha Giám Tỉnh Giuse Trần Hòa Hưng, quý Cha, quý tu sĩ nam nữ, cùng toàn thể cộng đoàn đã tề tựu đông đảo trong Giáo xứ Xuân Hiệp để tham dự thánh lễ, và sau đó cử hành nghi thức tiễn Thánh quan Don Bosco đến Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ Tam Hà (số 57 Đường Số 4, Tam Phú, Quận Thủ Đức). Khi chiếc xe chở Thánh quan Don Bosco đến gần nhà Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ Tam Hà thì tiếng chuông Nhà thờ Tam Hà đổ liên hồi, cùng với hàng trăm người đã chờ sẵn đứng hai bên đường, tay cầm hoa vẫy chào đón Ngài, hòa với tiếng vỗ tay hân hoan vui mừng của cộng đoàn với khúc nhạc hoàng tráng của ban kèn tây “Don Bosco trở về”.

Xem hình ảnh

Như Soeurs MC Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ cho biết, những người Con Đức Mẹ Phù Hộ Việt Nam chúng con chờ đợi Cha từ 50 năm cho cuộc gặp gỡ này. Thật vậy, Cha đã cho chúng con một món quà lớn. Món quà của cõi lòng người cha. Khi con cái không thể đến với Cha, thì chính Cha đã đến với chúng con.

Khi thánh quan đến Đài Đức Mẹ, Soeurs Bề Trên Giám Tỉnh đại diện Hội dòng và các thành phần có lời chào đến Đức Giám mục Mông Cổ, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ Giám mục Giáo Phận Thái Bình, quý Cha và cùng toàn thể cộng đoàn.

Sau lời chào của Soeurs Bề Trên Giám Tỉnh, Đức Cha Phêrô đã long trọng cử hành nghi thức tiếp đón Thánh quan trong bầu khí trang nghiêm và sốt sắng.

Xong nghi thức tiếp đón Thánh quan, cả cộng đoàn sốt sắng rước di hài Cha Thánh vào lễ đài.

Việc rước di hài của Cha Thánh Don Bosco không là một cuộc trình diễn, nhưng mang một ý nghĩa thiêng liêng sâu xa. Trong ý nghĩa thiêng liêng, việc rước di hài Thánh như dấu chỉ tình trạng lữ hành của Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, họ đang di chuyển trên con đường trần thế để về thành thánh Giêrusalem vĩnh cửu. Việc đi rước này cũng là dấu chỉ truyền giáo của Giáo Hội. Các tông đồ vâng theo lời Chúa truyền, đã lên đường để công bố Tin mừng cứu rỗi khắp nơi.

Trong khía cạnh phụng vụ, đoàn rước chuyển động hướng về nhà thờ, như hình ảnh của Giáo Hội sống động trong thế giới đang di chuyển về cộng đoàn trên trời.

Khi rước kiệu phải nêu bật được ý nghĩa của một cuộc “hành trình chung”, nghĩa là cùng nhau tiến bước, trong thái độ cầu nguyện, kết hợp cùng với tiếng hát, cùng hướng về một mục tiêu chung.

Và thứ tự đoàn rước như sau:
Thánh giá nến cao, hương - lửa, thiếu nhi Khánh Lễ Viện, học sinh Phổ cập, Giới trẻ, các nhóm cựu học viên, Đệ tử, Thỉnh sinh, Tập sinh, các Soeurs Con Đức Mẹ Phù Hộ, Thánh quan Cha Don Bosco, các Linh mục đồng tế, Đức Cha chủ sự, các hội đoàn Giáo xứ Tam Hà.

Đúng 07h30, thánh lễ đồng tế tiếp đón Thánh quan Don Bosco do Đức Cha Phêrô chủ sự.

Chương trình tiếp đón và kính viếng Thánh quan Don Bosco tại Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ Tam Hà.

Thứ sáu, ngày 21.01.2011
07h00: Tiếp đón Thánh quan Don Bosco tại Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ Tam Hà.
07h30: Thánh lễ đồng tế tiếp đón Thánh quan Don Bosco.
09h00: Thánh lễ cho quý phụ huynh.
10h30: Thánh lễ cho Giáo xứ Châu Bình.
12h30: Hành hương.
13h30: Thánh lễ.
15h00: Thánh lễ (cộng đoàn FMA Nam Hòa và Mazzarello).
16h30: Thánh lễ (CĐ FMA Xuân Hòa, Bình Minh, Thanh Đa).
18h00: Thánh lễ cho Giáo xứ Tam Hà.
19h30: Thánh lễ Giới trẻ.
21h30: Hành hương cộng đoàn FMA Bảo Lộc, Đức Huy.
22h00: Kết thúc ngày hành hương.
Thứ bảy 22.01.2011
05h15: Nghi thức tiễn Thánh quan Don Bosco đi Bà Rịa – Vũng Tàu.
 
Thánh quan Don Bosco đến Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ Tam Hà
Nguyễn Sang
11:08 21/01/2011
SAIGÒN - Sau nhiều ngày chuẩn bị và khao khát chờ đợi, lúc 07g15 sáng thứ sáu, ngày 21/01/2011 Thánh Quan Don Boscô đựơc đón từ Tỉnh Dòng Don Boscô Xuân Hiệp, Thủ Đức về đến Tỉnh Dòng Con Đức Mẹ Phù hộ tại Tam Hà, P.Tam Phú. Q.Thủ Đức. Thánh Quan đã được các nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Phù hộ, và rất đông cộng đoàn trong Gx. Tam Hà và các giáo xứ lân cận như: Gx. Nguyễn Duy Khang, GX. Châu Bình…nồng nhiệt nghinh đón hết sức trọng thể. Đây là một dịp hiếm có và cũng là lần đầu tiên được đón tiếp một Thánh Quan như thế này, vì thế cộng đoàn rất vui mừng háo hức được có mặt trong buổi đón tiếp Thánh Quan Don Boscô sáng nay.

Xem hình ảnh

Từ rất sớm, mới hơn 06 giờ sáng đã có rất nhiều người, từ các Quí chức, các Cụ già, giới trung niên, thanh thiếu niên và các cháu thiếu nhi đã có mặt để đứng hai bên đường làm dàn chào danh dự đón tiếp Thánh Quan, như đón tiếp một Vĩ nhân. Khu vực sân nhà Dòng và bên ngoài đường kế bên hầu như chật kín. Các nữ tu Dòng Con Đức Mẹ phù hộ, đội trật tự hướng dẫn (đội mũ trắng) đã di chuyển tới lui để hướng dẫn mọi người vào đúng vị trí của mình, và hướng dẫn khách hành hương chỗ gởi xe an toàn, để khi Thánh Quan đến không bị tắt nghẽn và rối loạn. Tại các giao lộ, và các ngã tư đường Tam Hà, đoạn đường mà Thánh Quan sẽ đi qua đã được các Anh em Công an và Dân quân, Dân phòng địa phương hỗ trợ đắc lực để không bị cản trở giao thông.

Khi chuyên xa chở Thánh Quan vào vị trí dàn chào, mọi người đã giơ cao những cành bông tươi thắm và hô to các lời chào kính Thánh Quan Don Boscô vang dội một khung trời.

Để khai mạc cho buổi đón tiếp Thánh Quan, Sr. Têrêsa Uông Thị Đoan Trang, Bề Trên Giám Tỉnh Dòng Con Đức Mẹ Phù hộ VN, Đại diện chị em trong Dòng có lời chào mừng đối với Thánh Don Bôscô, người Cha yêu quí đã vượt trùng dương, xuyên lục địa hôm nay đến thăm nhà Dòng. Nghi thức Đón tiếp Thánh Quan Don Boscô do Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, GP.Thái Bình, chủ sự tuy ngắn gọn những thật long trọng, đứng bên cạnh Đức Cha Phêrô còn có Đức Cha người Mông Cổ. Sau nghi thức đón tiếp, Thánh Quan được cung nghinh trong khuôn viên nhà Dòng Con Đức Mẹ Phù hộ, sau đó di chuyển vào Hội trường của nhà Dòng nơi cữ hành Thánh lễ đón mừng Thánh Quan, do Đức Cha Phêrô Chủ tế, cùng đồng tế có Đức Cha………,16 Quí cha: Thuộc Dòng Don Boscô, Quí cha thuộc các nhà Dòng và các Gx. lân cận, cùng hai Thầy Phó tế. Rất đông Quí Tu sĩ nam nữ và khoảng hơn 1.000 giáo dân cùng hiệp dâng trong Thánh lễ đặc biệt này thật sốt sắng. Cuối thánh lễ Đức Cha Phêrô Chủ tế đã ban phép lành lãnh ơn toàn xá cho mọi người hành hương nhân dịp trọng đại này.

Theo như chương trình, Thánh Quan Don Boscô sẽ ngự tại Dòng Con Đức Mẹ Phù hộ Tam Hà 24 tiếng. Sau đó, vào lúc 05g30 sáng hôm (22/01/2011) Thánh Quan sẽ được di chuyển đến Phước Lộc.

Riêng cộng đoàn giáo xứ Tam Hà, trong tình liên đới và hiệp thông với nhà Dòng Con Đức Mẹ Phù hộ đã hành hương kính viếng Thánh Quan vào lúc 18g00. Thánh lễ trọng thể do Cha Chánh xứ Giuse Nguyễn Hiến Thành, Chủ tế. Cùng hiệp dâng trong Thánh lễ có rất đông cộng đoàn trong giáo xứ Tam Hà tham dự, tại lễ đài nơi đặt Thánh Quan Don Bôscô.
 
Caritas Bắc Ninh tặng quà cho người khiếm thị nhân dịp tết cổ truyền
Lương Hồng
11:11 21/01/2011
Bắc Ninh, ngày 20/01/2011, UBBAXH- Caritas Bắc Ninh kết hợp với bệnh viện da liễu Quả Cảm và Hội người mù tỉnh Bắc Ninh tổ chức họp mặt, giao lưu mừng Xuân mới và tặng quà cho 20 người khiếm thị thuộc thành phố Bắc Ninh cũng như những vùng phụ cận Thành Phố.

Hiện diện trong buổi họp mặt gồm có Cha Giám Đốc Caritas Bắc Ninh, sơ Xuân, đại diện cho bệnh viện da liễu, trại phong Quả cảm, Ông chủ tịch hội người mù tỉnh Bắc Ninh và các hội viên của hội người mù cũng như những người thân của họ.

Buổi họp mặt được diễn ra trong bầu khí vui vẻ và thân mật vì đối với các hội viên, đây là dịp quí báu để họ đến được với nhau, gặp gỡ, chia sẻ và chung vui. Cho dù mắt họ không thể nhìn thấy, nhưng trên khuôn mặt mỗi thành viên đều nổi bật vẻ rạng rỡ của niềm vui ngày họp mặt mừng xuân. Điều đó được thể hiện qua những làn điệu dân ca Quan Họ Bắc Ninh, những bài hát nói lên tình bạn, tình yêu và lòng biết ơn mà chính các hội viên hát tặng nhau cũng như ban tổ chức.

Sau tiết mục văn nghệ giao lưu, mỗi hội viên được nhận một phần quà tết, món quà tuy không lớn về vật chất, nhưng trong đó chứa đựng đầy tràn tình yêu thương của quí ân nhân xa gần gửi tặng những anh chị em kém may mắn. Qua đó, cũng thắp lên trong tâm hồn mỗi hội viên một tia sáng hy vọng của tình anh chị em và tình bạn bè khắp nơi luôn quan tâm, yêu mến và sẵn sàng chia sẻ tinh thần cũng như vật chất. Đặc biệt là trong những dịp lễ tết truyền thống của dân tộc.

Cuối buổi họp mặt, Cha giám Đốc Caritas gửi đến từng hội viên và gia đình những lời chúc tốt đẹp nhân đầu năm mới. Đồng thời, một hội viên cao niên, đại diện cho hội người mù tỉnh Bắc Ninh nói lên lời cám ơn chân thành tới các tổ chức, cá nhân đã quan tâm năng đỡ tinh thần và vật chất góp phần giúp họ có thêm nghị lực vượt qua những khó khăn trong cuộc sống hiện tại. Đồng thời cũng bày tỏ mong muốn được mọi tổ chức mọi cá nhân tiếp tục quan tâm nâng đỡ bằng cách này cách khác.
 
Liên tu sĩ giáo phận Bắc ninh họp mặt tất niên
Nt Emmanuel Vũ Thị Hiên
11:12 21/01/2011
BẮC NINH: sáng ngày 20 tháng 01 năm 2011, trong tiết trời gía rét tưởng chừng như không ai muôn bước ra khỏi nhà; ấy thế mà các tu sĩ từ khắp mọi nơi trong giáo phận Bắc ninh vẫn trở về nhà cha chung là tòa giám mục Bắc ninh, buổi gặp gỡ tất niên hôm nay như mang lại hơi ấm và sức mạnh cho từng người.

Ngày truyền thống của các tu sĩ nhằm đúng ngày mùng 02 tháng 02 (Lễ Đức Maria dâng Chúa Giêsu trong đền thờ); thế nhưng năm nay ngày 02/02 lại trùng vào đúng ngày tết cổ truyền của Dân Tộc, nên đã được chuyển đổi để mừng lễ trước. Sự chuyển đổi này có lẽ chỉ là chuyện vô tình, nhưng thật ý nghĩa, vì ngày họp mặt hôm nay còn đang trong tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất; điều này như muốn nhắc nhở mỗi người tu sĩ từ căn bản phải có tinh thần hiệp nhất; hiệp nhất trong cộng đoàn, hiêp nhất trong giáo xứ, hiệp nhất trong giáo phận và hiệp nhất trong Giáo Hội toàn cầu.

Đúng 09g45 những tràng pháo tay ròn rã xen lần bài ca quen thuộc “Chung Một Mái Nhà” như để chào đón vị cha chung đã đến với anh chị em tu sĩ.

Kết thúc màn chào đón, cha chủ tịch Uỷ Ban Tu Sĩ giáo phận Bắc ninh giới thiệu các dòng tu, các tu hội đang hiện diện trên giáo phận Bắc ninh và có mặt trong ngày gặp gỡ hôm nay: Dòng Đaminh nam và nữ, Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Đồng Công, Dòng Phaolô và Dòng Mến Thánh Giá, Tu Hội Đức Mẹ Hiệp Nhất, Tu Hội Thánh Tâm). Tiếp theo, sơ bề trên Dòng Đaminh, đại diện cho tất cả các tu sĩ trong giáo phận chúc tết Đức Cha.

Bài chia sẻ của Đức cha trong giờ gặp gỡ đã nhấn mạnh đến “Chất lượng hơn là số lượng”, người tu sĩ cũng vậy, luôn luôn phải quan tâm đến vấn đề “chất lượng”. Ngài cũng nhắc lại bài chia sẻ ở La Vang của Đức Hồng Y Đặc Sứ Toà Thánh Ivand Dias về ý nghĩa của: Fiat; Magnificat; Stabas; thật lý tưởng khi người tu sĩ sống tốt những điều này.

Trong bài chia sẻ đức cha cũng nhấn mạnh đến năm giới trẻ, vì nay là biến cố lớn nhất đối với giáo phận chúng ta năm này. Ngài thao thức khi nói về tình bạn với Chúa Giêsu, người tu sĩ không thể thiếu được; nhưng người tu sĩ phải làm gương cho các bạn trẻ và những người ngoài Công giáo.

Đúng 11g00 Đức Cha cùng với quý cha dâng thánh lễ Đức Maria Dâng Chúa Giêsu trong đền thờ để cầu nguyện đặc biệt cho các tu sĩ trong giáo phận.

Thánh lễ được kết thúc với tâm tình tri ân Đức Cha, quý cha trong suốt một năm qua của chị phụ trách Tu Hội Thánh Tâm đại diện cho các tu sĩ trong giáo phận. Sau đó, cả cộng đoàn cùng chung vui với nhau và với vị cha chung của giáo phận trong bữa tiệc tất niên.
 
Caritas Hải Phòng đón Tết tại trại phong Chí Linh
Caritas Hải Phòng
11:16 21/01/2011
HẢI DƯƠNG - Ngày 20.01.2011 Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, Cha giám đốc Caritas, quý sơ, các anh em ứng sinh, một số thành viên nhóm Ve Chai Nhân Ái, quý ân nhân và anh Olyvoir thỉnh nguyện viên người Pháp, đã đến với các anh chị em tại trại phong Chí Linh – Hải Dương.

Xem hình ảnh

Được tin phái đoàn TGM đến, ngay từ sớm, mọi người không phân biệt lương giáo đã hiện diện đông đủ, để chào đón Đức Cha quý Cha cùng mọi người.

Đã từ nhiều năm nay anh chị em nơi đây đón nhận Đức Cha như vị chủ chăn và cứ mỗi dịp tết về Ngài lại đích thân đến với họ, nhìn các chị phụ nữ mặc những bộ áo dài trong tiết trời lạnh giá, “Đức Cha xúc động hỏi các chị lạnh thế sao các chị phải mặc áo dài, không mặc cũng được mà”, các chị em nở nụ cười thật tươi và nói thưa Đức Cha không lạnh lắm ạ.

Vâng sự hiện diện của Đức Cha và đoàn đã làm cho lòng mọi người trở lên ấm áp hơn.

Sau khi thăm khỏi những bệnh nhân đang đau yếu phải nằm trên giường bệnh, Đức Cha có những lời bày tỏ tâm tình với các bác sĩ, Ban điều hành cùng với các bệnh nhân. Với cương vị là vị Mục Tử, Đức Cha cũng có những lời huấn dụ để động viên anh chị em luôn biết tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa cho dù cuộc sống có nhiều thử thách vì Thiên Chúa vẫn luôn ở cùng chúng ta.

Tiếp đến là buổi giao lưu văn nghệ cây nhà lá vườn của anh em ứng sinh và thành viên nhóm ve chai nhân ái với anh chị em nơi đây.

Niềm vui lại được nhân lên, khi sau buổi văn nghệ Đức Cha cùng với Cha giám đốc Caritas và hai Cha Dòng Đaminh, đã cùng với các bệnh nhân và một số giáo dân giáo xứ Đạo Dương hiệp dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho hết thẩy mọi người còn sống cũng như đã mất, đặc biệt trong tuần lễ Hiệp nhất này, Đức Cha cũng mời gọi mọi người cùng cầu nguyện cho Thế giới, và cho chính nơi đây mọi người luôn có sự hiệp nhất với nhau dù theo đạo Tin lành, Phật giáo hay Công giáo đều phải yêu thương và nâng đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Sau Thánh Lễ Đức Cha và đoàn cùng dùng cơm trưa với các bệnh nhân. Hôm nay anh em Ứng sinh và các thành viên nhóm Ve Chai Nhân Ái cảm thấy vui mừng vì đã được hân hạnh phục vụ Chúa trong các anh chị em bệnh nhân, như lời Đức Cha và Cha giám đốc Caritas hằng nói với anh em ứng sinh và các thành viên nhóm Ve Chai mỗi khi có dịp gặp gỡ “ hãy yêu thương và phục vụ anh em yếu hèn như phục vụ chính Chúa Giêsu, để họ cảm nghiệm được tình Chúa tình người nơi anh chị em”.

Mùa xuân như đã đến sớm hơn, khi anh chị em được sống bầu khí của một buổi chợ tết bởi vì sau bữa tiệc thân thiện mọi người được tham dự buổi hội chợ diễm ra vào đầu giờ chiều. Khi các bệnh nhân hào hứng cầm những tấm tiền phiếu đi mua hàng, anh em ứng sinh và các tình nguyện viên tận tình hướng dẫn bệnh nhân mua hàng tạo lên một không khí rất gần gũi và thân thương. “Thật là một cái tết thắm đượm nghĩa tình vì vừa được ăn tiệc lại vừa được nhận quà, quà vật chất và quà tinh thần thật không có gì vui và hạnh phúc hơn”(lời của một bệnh nhân nói).

Qua chuyến viếng thăm của Đức Cha, quý Cha và anh em ứng sinh đã bày tỏ tâm tình của gia đình giáo phận Hải Phòng đối với anh chị em nơi đây. Một tâm tình hiệp nhất yêu thương trong tình Chúa tình người.
 
CĐCGVN TGP Sydney Gây Quỹ Đóng Góp Cứu Trợ Nạn Lụt tại Queenland.
Diệp Hải Dung
11:18 21/01/2011
SYDNEY - Sáng thứ Sáu 21/01/2011 quý Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn, Cha Paul Văn Chi, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Đặng Đình Nên và quý Hội Đồng Mục TGP Sydney đã tiếp đón bà Beverley Kerr Hội Trưởng Hội Saint Vincent de Paul Society tiểu bang NSW, ông Berry Jones Chủ tịch Hội St. Vincent De Paul vùng Tây Sydney và ông Tony Cockeron Chủ tịch Hội St. Vincent De Paul vùng Bankstown tại Văn Phòng Trung Tâm Mục Cộng Đồng Revesby Sydney.

Xem hình ảnh

Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn ngỏ lời chào mừng bà Beverley Kerr, ông Berry Jones và ông Tony Cockeron, Cha nói “ Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Phận Sydney trong tuần qua đã quyên góp được số tiền là $37,382.40 Úc kim để đóng góp cứu trợ những nạn nhân lũ lụt tại tiểu bang Queenland. Nay Cha chuyển giao số tiền này cho bà Beverley Kerr Hội Trưởng Hội St. Vincent De Paul tiểu bang NSW để cứu trơ, vì Hội St. Vincent De Paul là hội chuyên trợ giúp những nạn nhân bị thiên tai.

Bà Bevery Kerr thay mặt cho Hội ngỏ lời cám ơn Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn, quý Cha, quý Hội Đồng Mục Vụ và Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney đã gậy quỹ trợ giúp cho những đồng bào bị lũ lụt tại tiểu bang Queenland. Sau đó tất cả mọi người cùng ở lại dự buổi tiệc trà trong tình thân mật.
 
Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng: Tĩnh tâm cuối năm Canh Dần
Giuse Trần ngọc Huấn
11:23 21/01/2011
LẠNG SƠN - Trong hai ngày 20 và 21 tháng 01 năm 2011, các linh mục, nam nữ tu sỹ, chủng sinh, dự tu và toàn thể thành viên các Hội đồng giáo xứ trong giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng, đã quy tụ về Tòa Giám mục để gặp gỡ, chia sẻ và tham dự chương trình tĩnh tâm cuối năm Canh Dần.

Đầy đủ 15 linh mục triều và dòng, cùng với các nam nữ tu sỹ và 59 thành viên Hội đồng các giáo xứ trong giáo phận đã có mặt ở Tòa Giám mục để chuẩn bị tĩnh tâm năm. Đây là một hoạt động thường niên, được tổ chức vào mỗi dịp cuối năm Âm lịch, chuẩn bị chào đón mùa xuân và năm mới. Có những tham dự viên đã phải trải qua hành trình dài trên 500km để có mặt ở ngày hội ngộ hôm nay. Dù hành trình đường xa với những thách đổ, hiểm trở, nhưng mọi người đã về tham dự thật đông đủ trong ngày tĩnh tâm, làm nên một bầu khí thật ấm cúng, rộn rã và hân hoan của niềm vui hội ngộ.

Do điều kiện về cơ sở vật chất, chưa có hội trường lớn nên mọi hoạt động của hai ngày tĩnh tâm đều diễn ra trong Nhà thờ Chính Tòa giáo phận.

Chương trình tĩnh tâm được chính thức bắt đầu vào lúc 16h00 chiều ngày 20 tháng 01. Mọi người tề tựu trong nhà thờ Chính Tòa để chào Đức cha Giuse của giáo phận và cũng là để chào thăm nhau. Vào lúc 16h30, cha đại diện Giám mục Giuse Nguyễn ngọc Thể đã chia sẻ với cộng đoàn hiện diện về những tương quan giữa linh mục và giáo dân, giữa cộng đoàn giáo dân với nhau. Ngài đưa ra những chỉ dẫn mục vụ thật cụ thể, nhất là những chỉ nam cho sự liên hệ và cộng tác mật thiết giữa linh mục giáo xứ và hội đồng giáo xứ, cũng như với mọi người giáo dân. Tất cả đều phải hướng tới ích chung là làm sáng danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn, làm thăng tiến đời sống đạo đức, tình liên đới trong giáo xứ và với mọi người xung quanh.

Thánh lễ tạ ơn được cử hành long trọng vào lúc 19h00 chiều. Đức cha Giuse chủ sự cùng với linh mục đoàn trong sự tham dự của đông đảo quý nam nữ tu sỹ, chủng sinh, hội đồng giáo xứ và anh chị em giáo dân. Ngôi nhà thờ Chính Tòa của giáo phận truyền giáo hôm nay sống lên một bầu khí của tình hiệp thông. Sự hiện diện của mọi thành phần Dân Chúa từ Đức Giám mục, linh mục đoàn, nam nữ tu sỹ và giáo dân làm nên dấu chỉ nét đẹp của giáo hội địa phương. Mọi người cùng sốt sắng ca tụng Thiên Chúa, dâng lên Người tâm tình tạ ơn và lời cầu nguyện chân thành.

Đặc biệt, trong Thánh lễ chiều hôm nay đã diễn ra nghi thức tuyên hứa trang trọng của tất cả thành viên các Hội đồng mục vụ giáo xứ trong toàn giáo phận. Sau bài Giảng của Đức cha Giuse, cha đại diện Nguyễn ngọc Thể đã xướng tên các thành viên Hội đồng các giáo xứ trong giáo phận. Mọi người tiến đến sát cung thánh để tham dự nghi thức tuyên hứa. Đức cha Giuse đã có những lời huấn từ ngắn gọn tới cộng đoàn Phụng vụ: “Trong Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân, Công đồng Vaticanô II đã nói nhiều về vai trò quan trọng và cần thiết của người giáo dân trong các sinh hoạt của Giáo Hội như sau:

“Nhờ được tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô, giáo dân phải góp phần tích cực vào đời sống và hoạt động của Giáo Hội. Trong những cộng đoàn của Giáo hội, hoạt động của giáo dân cần thiết đến nỗi không có hoạt động tông đồ đó, thì hoạt động của các chủ chăn thường không đạt được đầy đủ kết quả” (x.AA.10)

Giáo xứ là một hình thức tông đồ kiểu mẫu, vì đó là nơi quy tụ đủ mọi hạng người, thành một cộng đoàn và đem họ vào tinh thần đại đồng của Giáo Hội. Giáo dân nên tập thói quen cộng tác chặt chẽ với các linh mục của mình để hoạt động trong Giáo xứ…tùy sức mà cố gắng đóng góp vào mọi công việc tông đồ và truyền giáo của Giáo Hội địa phương.

Vậy, Anh Chị Em hãy nghe theo lời chỉ dạy của Giáo Hội, hãy dấn thân làm việc trong Vườn nho Chúa. Thiên Chúa muốn Anh Chị Em ý thức trách nhiệm và tự nguyện dấn thân phục vụ tha nhân”.

Sau đó, Đức cha Giuse hỏi ý kiến của các thành viên Hội đồng giáo xứ về tinh thần vâng phục, về sự dấn thân cho Tin Mừng và lợi ích chung. Mọi người trịnh trọng tuyên hứa trước vị chủ chăn Giáo phận và toàn thể cộng đoàn hiện diện: “Nhờ ơn Chúa giúp, nhờ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và các Thánh Tử Đạo Việt Nam bầu cử và vì lợi ích thiêng liêng của Giáo phận, chúng con xin hứa: - Luôn trung thành với Chúa và Hội Thánh, vâng phục các vị Đại Diện của Chúa và Giáo Hội. - Cố gắng sống đời chứng tá Tin Mừng, để qua chúng con, mọi người nhận ra tình thương của Chúa, và thành tâm tôn thờ phụng sự Ngài. - Quyết trung thành chu toàn chức vụ được giao phó, sẵn sàng dấn thân phục vụ Chúa và Anh Chị Em trong cộng đoàn Giáo xứ”.

Sau Thánh lễ, vào lúc 20h15, mọi người cùng tham dự giờ Chầu Thánh Thể thật sốt sắng, trang nghiêm và đầy lắng đọng. Đặc biệt, đại diện các Hội đồng giáo xứ của mỗi giáo xứ tiến đến quỳ trước Thánh Thể, để dâng lên những tâm tình, những lời cầu nguyện, lời thân thưa với Chúa Giêsu Thánh Thể. Giữa đêm lạnh của vùng sơn cước, một bầu khí cầu nguyện linh thiêng, một sự gặp gỡ thân tình với Thầy Chí Thánh, làm nên sự sưởi ấm tâm hồn và gắn kết yêu thương.

Ngày thứ hai của chương trình tĩnh tâm được khởi sự với giờ kinh Sáng chung. Mọi người tề tựu trong Nhà thờ Chính Tòa để cùng tham dự. Thánh lễ Đầu Năm Mới do Đức cha Giuse chủ sự, diễn ra vào lúc 5h15. Trước khi ban phép lành, Đức cha Giuse đã gửi lời chúc mừng năm mới tới cha Tổng đại diện, quý cha, quý nam nữ tu sỹ và mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận.

Tiếp theo chương trình tĩnh tâm, sau khi điểm tâm sáng, từ 7h30 đến 8h30, mọi người lãnh nhận bí tích Giải tội.

Vào lúc 8h30, Đức cha Giuse đã có bài huấn từ chung với các tham dự viên của ngày tĩnh tâm. Đức cha Giuse nhấn mạnh đến việc xây dựng tình hiệp nhất, sự liên đới yêu thương giữa mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận, đặt trong khung cảnh dưới ánh sáng Tin Mừng Tình Yêu của Thiên Chúa. Ngài mời gọi mọi người không chỉ đóng khung trong những giáo xứ, giáo họ hay gia đình của mình, nhưng hãy quảng đại sẻ chia niềm Tin, sự Tín Thác, niềm Hy Vọng và bình an cho những anh chị em xung quanh, đó là điều quan trọng làm nên sức sống của giáo phận miền truyền giáo. Tiếp đó, Đức cha Giuse điểm qua về tình hình của giáo phận trong một năm vừa qua. Giáo phận đã có những bước phát triển về nhiều mặt, về số nhân sự linh mục, nam nữ tu sỹ, số giáo dân cũng ngày một gia tăng; cơ sở vật chất đã và đang được hoàn thiện; công việc truyền giáo, thăm viếng mọi người, nhất là những người nghèo khổ đã được quan tâm đặc biệt… Tất cả như những viên gạch xây nên nền móng cho sự phát triển tương lai lâu dài của giáo phận truyền giáo Lạng Sơn Cao Bằng.

Sau bài huấn từ của Đức cha Giuse, đại diện các giáo xứ đã đọc bản báo cáo của giáo xứ mình trong một năm đã qua, về con số nhân danh, về số hộ Công giáo, số người lãnh các bí tích, các tân tòng, các việc bác ái… và phương hướng các công việc trong năm sắp tới.

Trong tình nghĩa gia đình giáo phận, Cha Tổng đại diện Giuse Trần Đức Hạnh, thay mặt mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận đã bày tỏ lòng tri ân với Đức cha Giuse về những dấn thân và thi hành mục vụ của ngài đối với giáo phận. Ngài cầu chúc Đức cha một năm mới khang an, đầy niềm vui và ơn Thánh của Thiên Chúa. Một vị đại diện các Hội đồng giáo xứ cũng phát biểu chúc mừng Đức cha Giuse, quý Cha, quý nam nữ tu sỹ và mọi người nhân dịp một năm mới sắp đến. Những bó hoa tươi thắm như gói ghém trọn bao tâm tình của mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận, được dâng tặng Đức cha Giuse.

Đức cha Giuse cảm ơn mọi thành phần Dân Chúa đã hết tình cộng tác vào các công việc chung của giáo phận trong suốt năm qua, ngài cầu chúc mọi người một năm mới tràn đầy phúc lành và bình an của Chúa xuân. Ngài trao quà tặng và cả lì xì năm mới tới tất cả các tham dự viên của ngày tĩnh tâm hôm nay.

Chương trình hai ngày tĩnh tâm được khép lại sau bữa cơm trưa ấm tình gia đình. Trong khuôn viên Tòa Giám mục và Nhà thờ Chính Tòa, mọi người vui mừng chào thăm và cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất trong Năm mới Tân Mão sắp tới.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Đâu là giá trị thật?
Gioan Lê Quang Vinh, VRNs
20:27 21/01/2011
Mấy hôm nay dư luận râm ran về chuyện tự đánh bóng, tự đề cao của một số nhân vật trong xã hội và chuyện đánh giá của người dân đối với họ. Trong một xã hội mà mọi người đều là anh hùng, là đỉnh cao thì chuyện ai cao hơn ai cũng là điều bình thường thôi mà. Hơn kém gì thì cũng đã cao, đã anh hùng.

Cái gì làm cho con người có giá trị, dường như không ai quan tâm lắm. Giáo dục Việt nam lâu nay dạy cho người ta tìm kết quả hơn tìm nỗ lực, tìm lời khen hơn tìm hành động, tìm nhãn mác hơn tìm giá trị thật của chính mình.

Điều ấy cũng dễ hiểu. Nếu hỏi một học sinh, kể cả sinh viên đại học, cái gì làm cho con người có giá trị, thì câu trả lời chắc chắn sẽ là bằng cấp, nghề nghiệp và vị trí xã hội. Vị trí ấy được qui định do tiền bạc hay chỗ ngồi và quyền lực.

Như thế có nghĩa là trong xã hội này không có chỗ cho người không có bằng cấp, không có tiền và không có địa vị. Kết quả là người ta chạy đi tìm bằng cấp thay vì tìm kiến thức, tìm tiền bạc thay vì tìm xây dựng cuộc đời, tìm địa vị thay vì tìm phục vụ.

Đầu và cuối các học kỳ, các trường học đều giương khẩu hiệu: “Sinh viên không quay cóp khi làm bài”. Ở các trường sư phạm còn có thêm mấy từ “sinh viên sư phạm không gian lận”. Báo chí thỉnh thoảng đăng tin “Tài xế taxi trả lại hành lý bỏ quên cho khách”, “Học sinh trường A, B… trả lại tiền nhặt được”. Thấy thế, đồng nghiệp tôi có người bảo: “Xã hội bắt đầu khá lên”.

Thế nhưng có đúng là khá lên không? Chẳng lẽ giá trị con người chỉ có chừng ấy? Người ta hô hào “Năm nay sinh viên quyết tâm không quay cóp”, nghĩa là người ta thừa nhận thực trạng gian lận ấy đã tràn lan. Thỉnh thoảng báo chí đăng chuyện trả lại của rơi, nghĩa là chuyện trả lại của rơi là điều hiếm khi xảy ra nên mới đặc biệt đến thế?

Chịu khó ngồi suy nghĩ, chúng ta sẽ bật cười nếu có khẩu hiệu: “Sinh viên quyết tâm đi ra bằng cửa chính, không phải cửa sổ”, hoặc chúng ta sẽ ngất xỉu nếu báo đăng tin: “Sáng nay có một học sinh ngồi im lặng chép bài”. Sao lại bật cười hay ngất xỉu? Vì khi đưa tin như thế, người ta thừa nhận chuyện ấy là bất bình thường. Vậy người ta ở các nước văn minh nghĩ gì khi đọc khẩu hiệu hay tin tức của chúng ta về chuyện quay cóp, trả lại của rơi?

Giá trị con người được đặt chưa đúng chỗ và tiêu chí định giá cũng chưa hợp lý. Chúa Giêsu dạy cho môn đệ Người giá trị và tiêu chí khác thế gian lắm. Khi Người gọi các môn đệ đầu tiên, Người đã cho con người thấy tiêu chí định giá là chính nhân vị của họ. Nhân vị ấy Thiên Chúa trao cho con người cùng với sự hiện hữu của họ trên đời này. Chúa Giêsu trả lại cho con người nhân vị và phẩm giá bằng cái Chết và sự Phục Sinh của Người.

Theo tin từ Tòa Thánh, khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II được chọn là quan thầy của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2011 tại Madrid sau khi việc phong chân phước của ngài được dự trù vào ngày 1 tháng 5 sắp tới, thì tất cả cử tọa hiện diện đã tiếp nhận lời tuyên bố này một lòng cảm xúc sâu xa và một tràng pháo tay thật lâu dài.

Tại sao con người, đặc biệt là giới trẻ, yêu thương và kính trọng vị Cha chung đến như thế? Ngài có địa vị cao quí trong lòng nhân loại vì ngài đã sống theo Đức Kytô và dấn thân cho Hội Thánh và cho xã hội.

Việc giáo dục cho con người nhận ra giá trị thật của mình và sống đúng với nhân phẩm mình không phải là điều dễ dàng, nhất là trong một xã hội mà mọi thứ đều đảo lộn trật tự. Sống trong xã hội như thế, ngay cả người Công giáo cũng chịu ảnh hưởng. Cứ cho người trẻ xác định vị thứ của các giá trị, chúng ta sẽ thấy ảnh hưởng của xã hội vật chất và loại trừ Thiên Chúa không phải là nhỏ.

Điều đắng cay là đối với những người trẻ được đào luyện lương tâm để nhận ra giá trị thật của mình, lắm khi họ hoang mang vì chính những người họ tin tưởng lại không sống đúng như họ mong đợi. Người trẻ nghĩ gì khi thấy những người đàn anh của họ sống cho công lý, cho sự thật và hòa bình lại bị phân biệt đối xử? Người trẻ nghĩ gì khi những nỗ lực vì một xã hội sống theo lý tưởng Tin Mừng lại gặp nhiều trắc trở?

Sẽ không có phát triển và tiến bộ nếu các giá trị không được đặt lại cho đúng chỗ. Và sẽ là vô ích khi đòi bình đẳng nếu nhân vị và phẩm giá con người chưa được nhìn nhận đúng như Đức Giêsu Kytô đã đem lại cho con người. Mọi nỗ lực đề cao người này người nọ cũng là vô ích nếu họ chưa “sống và hành động theo tiêu chí và đòi hỏi của Tin Mừng”.

Nhờ lời chuyển cầu của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người đã khởi xướng phong trào Đại Hội Giới Trẻ thế giới, xin cho chúng con nhận ra đâu là giá trị thật của cuộc đời mình để có thể sống hết mình cho Đức Giêsu Kytô là Chúa và cũng là người bạn của giới trẻ.
 
Thông Báo
Phân Ưu: thân phụ LM Trịnh Tuấn Hoàng vừa qua đời tại Los Angeles
Lm. Phaolô Phan Quang Cường
09:12 21/01/2011
PHÂN ƯU
Vừa được tin thân phụ của Cha Giuse Trịnh Tuấn Hoàng, dòng Phanxicô
là Ông Cố GIUSE TRỊNH VĂN TRỮ
đã được Chúa gọi về lúc 2:00pm ngày Thứ Năm 20 tháng 1, 2011tại bệnh viện Los Angeles,
hưởng dương 68 tuổi.

Cộng Đồng Giáo Sĩ và Tu Sĩ Miền Tây Hoa Kỳ xin chia sẻ sự mất mát lớn lao của Cha Hoàng và tang quyến.
Nguyện xin Thiên Chúa giơ tay đón nhận Ông Cố vào nơi vĩnh phúc sau một đời phục vụ
tận tụy cho gia đình, cho cộng đoàn, và nhất là đã quảng đại dâng Chúa hai người con linh mục phục vụ Giáo Hội.
Xin ân sủng và lòng thương xót Chúa tuôn đổ trên tang quyến trong lúc này,
và xin Mẹ Maria luôn hướng dẫn chở che cho qúy quyến.

Thay Mặt Hội TSGSMTHK
 
Văn Hóa
Bánh canh
Tuyết Mai Texas
14:11 21/01/2011
"Ngày xưa em bán bánh canh
Bây giờ thất nghiệp em thành nhà thơ"
(ca dao)
Có đâu như chuyện bất ngờ!
Ấy là tiếng gọi bên bờ sông thương...

Em đi trong cõi đời thường
Bánh canh bốc khói tan sương, mai hồng
Người trao em chỉ năm đồng
Em làm sáu bảy nuôi chồng nuôi con

Bài thơ là nghĩa sắt son
Từ lòng yêu mến vuông tròn thủy chung
Để dành chưa bậc, chưa cung
Chưa vần, chưa nhịp... đi cùng bánh canh

Một đời rong ruổi xuân xanh
Bài thơ chưa viết đã thành tình yêu
Trời nghiêng đổ bóng xế chiều
Tình yêu nay dệt bởi nhiều tứ thơ

Cảm ơn bậc xuống vật vờ
Cảm ơn cung thảm hững hờ khách quen
Cảm ơn vần chợ bon chen
Cảm ơn nhịp lỗi hoa đèn phố khuya

Đời cho em những sẻ chia
Bài thơ em đã sẻ chia cho đời
Bánh canh hèn mọn một thời
Nhưng là hồng phúc lòng Trời thương ban

Bài thơ từ những tân toan
Mà xin gói trọn muôn vàn tri ân:
Gọi em bước xuống gian trần
Mời em viết lại vạn lần yêu thương
 
Những bài thơ cho Đức Giáo Hoàng Gio-an Đệ II
Ngô xuân Tịnh, CVK
16:57 21/01/2011
Sao băng



Sao khuya lấp lánh bầu trời
Một ngôi sao bỗng bỏ rơi bến lành
Biến thành vệt sáng băng nhanh
Mắt em bừng cháy long lanh ngắm nhìn
Ước mơ cùng lúc thắp lên
Trở thành sao lạ bay trên thiên hà
Tình yêu rồi sẽ nở hoa
Ánh sao hy vọng chói lòa tương lai
Vượt qua lũng khổ trần ai
Con tim nhân loại miệt mài yêu thương
Chặng đường cứu rỗi miên trường
Cùng nhau xây dựng thiên đường trần gian
Một niềm tin tưởng ngút ngàn
Một đời gieo rắc trao ban cho đời
Vết chân mệt mỏi khắp nơi
Năm châu bốn bể lệ rơi khóc Ngài
Gio-an Phao-lô II Ngài ơi
Một vì sao sáng giữa trời vút cao
Lệ thương tiếc chảy tuôn trào
Con tim nhân loại mãi trao cho Ngài
Tình yêu sóng vỗ trùng khơi







Khóc thương DGH Gio-an Phao-lô II



Cầu thế kỷ nhịp tám tư
Người đi bước cuối giã từ trần gian
Cuối tuần bát nhật ngập tràn
Hồng ân cứu độ chứa chan hải hà
Người con hiếu thảo được Cha
Tình-Yêu-Tuyệt-Đối dẫn đưa về trời
Sau khi phó thác vâng lời
Vác cây thập gía lên đồi Can-vê
Những cơn đau đớn tràn trề
Tận cùng chén đắng chẳng hề than van
Bên tai văng vẳng phúc âm
Bài ca thương khó âm thầm gẫm suy
Rồi Người thánh thiện ra đi
Trong vòng tay Chúa khác chi thiên thần
Hồi chuông nhỏ lệ vọng ngân
Địa cầu chấn động châu thân lặng sầu
Con-người-vĩ-đại còn đâu
Người-cha-yêu-dấu qua cầu biệt ly
Nhà chung nhân loại mất đi
Con-người-thế-kỷ bước đi dãi dầu
Hòa bình gieo rắc năm châu
Cộng-tác-liên-đới chiếc cầu dựng xây
Đương đầu bạo lực hăng say
Bằng tim chân thật chứa đầy yêu thương
Thấm nhuần cốt cách khiêm nhường
Chân thành đối thoại là phương tỏ bày
Giải quyết thách đố đó đây
Hành tinh nhân loại càng ngày thăng hoa
Tự do hạnh phúc chan hòa
Tình yêu chia sẻ như là anh em
Con thuyền Giáo Hội lênh đênh
Người là thuyền trưởng vượt ghềnh thác reo
Niềm tin kiên vững tay chèo
Hải đăng hy vọng vượt nhiều gian nguy
Bàn tay Chúa Mẹ phù trì
Cho đi tất cả những gì trong tay
Chăm lo cuộc sống no đầy
Của đoàn chiên giữa lũng đầy thưong đau
Nhiệm mầu ý Chúa thẳm sâu
Linh hồn Người được về mau thiên đàng
Hạt giống bất tử còn đang
Vùi lòng đất mẹ sẵn sàng phục sinh
Vào ngày kết thúc hành trình
Ngôi Hai cứu chuộc hiển vinh tái trần
Công minh xét xử thế gian
Một con mắt nhỏ lệ tràn đau thương
Mắt kia rực sáng tia mừng
Ngắm chiêm thành quả Người từng dựng xây
Đuốc soi hy vọng cầm tay
Tai nghe Người tự từng mây gọi mời
"Hãy mau đứng dậy đi thôi
Lên thuyền cùng lướt ra khơi căng buồm
Lưới thêm thật nhiều cá tôm "
Mùa xuân cứu độ nắng thơm chan hòa
Gió ngàn thánh sủng ngân nga
Trên đồi diễm phúc chói lòa hồng ân



 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chim Hót Trên Cành Xuân
Phạm Tuấn Anh
22:17 21/01/2011
CHIM HÓT TRÊN CÀNH XUÂN

Ảnh của Phạm Tuấn Anh (Toronto, Canada)

Sáng nay thức giấc tiếng chim vui

Gió đùa trên lá ngỡ giọng cười

Có hoa mai nở vàng trong nắng

Chào đón xuân tươi đến cùng người.

(Trích thơ Cố Quận)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền