Ngày 24-01-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:36 24/01/2009
CHÂN THẬT
N2T


Một vị đi vân du nói với đệ tử: “Tôi từ xa xôi vạn lý đến để nghe sư phụ giáo huấn, nhưng tôi phát hiện lời nói của ông ta uể oải bình thường mà thôi.”

- “Không nên nhìn chăm chăm ngôn từ của sư phụ, nên chú ý cái ý ngoài lời của sư phụ.”

- “Làm sao có thể làm được điều ấy ?”

- “Đem tất cả lời nói của sư phụ sàn lọc tỉ mỉ từng chữ, điểm nào còn lại, cũng đủ đốt cháy tâm hồn của ngài.”


(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Có những giáo dân nghe bạn bè giới thiệu có linh mục giảng hay, thì bất kể đường sá xa xôi, bất kể trời mưa trời nắng, thì cũng đến nghe vị linh mục ấy giảng, nhưng khi nghe giảng xong thì hết chê bai lại phê bình, hết than thở mất công mất giờ đến để nghe nhai lại những điều cũ rích đã nghe từ khi mới vào học giáo lý ! Tại sao vậy, thưa là vì họ chỉ đến để nghe cha giảng hay chứ không đến để nghe lời Chúa qua bài giảng của linh mục.

Bài giảng trong thánh lễ là một bài chia sẻ kinh nghiệm sống Lời Chúa của vị linh mục, chứ không phải là một giờ lên lớp giáo lý hay kinh thánh, càng không phải là một cuộc tranh biện về giáo lý, cho nên đừng tìm những luận lý trong bài giảng của linh mục, nhưng hãy tìm ý chính sống động để sống Lời Chúa qua kinh nghiệm sống đạo của ngài.

Linh mục có thể giảng dài hay giảng ngắn, có thể có tài lợi khẩu hoặc không có tài lợi khẩu, có thể có sức thuyết phục hùng biện, nhưng điều cốt lõi của bài giảng vẫn là quy về Chúa Giê-su và cách chúng ta sống thế nào cho đẹp lòng Ngài và tha nhân...

Nghe giảng lkhông những là nghe bằng tai mà còn nghe bằng con tim nữa, bởi vì Lời Chúa chỉ ưng thuận ở lại trong tâm hồn những ai yêu mến với lòng khiêm tốn mà thôi.
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:37 24/01/2009
CHỦ NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mc 1, 14-20.

“Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”


Bạn thân mến,

Mục đích làm việc của bạn và tôi là để được có cơm ăn áo mặc, là để hy vọng góp phần làm đẹp xã hội, và cao quý hơn nữa là để có cơ hội giúp ích và phục vụ tha nhân trong hoàn cảnh cho phép. Chúa Giê-su xuống thế làm người cũng có mục đích như chúng ta làm việc, tuy nhiên mục đích của Ngài vĩ đại hơn mục đích của chúng ta vạn phần, đó là để cứu chúng ta thoát khỏi sự chết và quyền lực của ma quỷ.

Lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giê-su là kêu gọi mọi người hãy sám hối và tin vào Tin Mừng, Tin Mừng mà Ngài rao giảng chính là bản thân Ngài, bởi vì Ngài chính là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình nay đã xuất hiện giữa thế gian, bởi vì Ngài chính là tâm điểm của niềm hoan lạc vĩnh cửu nay đã hiện diện giữa loài người, cho nên tin vào Ngài, nghe lời Ngài và thực hành lời của Ngài thì đó chính là niềm vui của bạn và tôi, và của tất cả những ai thành tâm yêu mến Ngài.

Sám hối để được xót thương đó là thân phận tội lỗi của chúng ta, sự sám hối này không phải xuống sống Gio-đan để được ông Gioan Tẩy Giả dìm đầu trong nước, nhưng là tin vào Chúa Giê-su, tin vào Tin Mừng mà Ngài rao giảng và thành tâm làm theo thì sẽ được ơn cứu độ.

Bạn thân mến,

Bạn và tôi đã tin vào Chúa Giê-su, tức là tin vào Tin Mừng mà Ngài rao giảng, nhưng trong cuộc sống chúng ta vẫn tin vào báo chí hơn tin vào Phúc Âm, chúng ta vẫn tin vào truyền hình hơn tin vào các bí tích, chúng ta tin vào những xa hoa phù phiếm hơn tin vào những lời dạy và lễ nghi thánh thiện của Giáo Hội.v.v...

Bạn và tôi đều xác tín rằng, chỉ có Chúa Giê-su mới thực sự là Đấng cứu độ nhân loại khỏi ách thống trị của ma quỷ, chỉ có Ngài mới cứu chúng ta khỏi xiếng xích của sa-tan mà thôi. Vì thế, dù cho cuộc sống có đảo điên, thời thế có xoay chuyển, đời người có chết đi, thì bạn và tôi cũng sẽ kiên trì bền chí tin vào Chúa Giê-su và lời dạy của Ngài qua Giáo Hội Công Giáo mà Ngài đã lập ra ở thế gian này...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

-----------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.comtaibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:41 24/01/2009
N2T


70. Ưu điểm và khuyết điểm của mình thì không nói ra, hồ nghi người khác càng không nên bàn luận

.
(Thánh Silas)
 
Mỗi ngày một câu Cách Ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:45 24/01/2009
N2T


14. Đối với người ưu việt mà nói, thì có thể hiểu bình đẳng để đối đãi với người, đó mới là vĩ đại nhất, chân thực nhất.

 
Tết cổ truyền dân tộc: Những nét đẹp Tin Mừng của ngày Tết
+TGM. Ngô Quang Kiệt
05:16 24/01/2009
Tết cổ truyền dân tộc: NHỮNG NÉT ĐẸP TIN MỪNG CỦA NGÀY TẾT

Ga 12,23-36

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA

Khi ấy trong số những người lên dự lễ, có mấy người Hy lạp. Họ đến gặp Philiphê quê ở Betania, xứa Galilêa và nói với ông rằng: "Thưa Ngài, chúng tôi muốn gặp Chúa Giêsu". Philiphê đi nói với Anrê, rồi Anrê và Philiphê đến thưa Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đáp: "Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh. Quả thật, quả thật, Ta nói với các con: nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó. Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha". Lúc đó có tiếng từ trời phán: "Ta đã làm vinh danh Ta và Ta còn làm vinh danh Ta nữa".

Ðám đông đứng đó nghe thấy và nói: đó là tiếng sấm. Kẻ khác lại rằng: "Một thiên thần nói với Ngài". Chúa Giêsu đáp: "Tiếng đó phán ra không phải vì Ta, nhưng vì các ngươi. Chính bây giờ là lúc thế gian bị xét xử, bây giờ là lúc thủ lãnh thế gian bị khai trừ và khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta". Người nói thế để chỉ Người phải chết cách nào.

Vậy dân chúng thưa Người: "Chúng tôi đã học biết trong sách Luật rằng: Ðấng Kitô phải trường tồn mãi mãi. Thế sao ông lại nói: Con Người phải được đưa lên cao? Con Người đó là ai? Chúa Giêsu bảo họ: "Ánh sáng còn ở giữa các ông ít lâu nữa thôi. Các ông hãy bước đi, bao lâu các ông còn có ánh sáng, kẻo bóng tối bắt chợt các ông. Ai bước đi trong bóng tối, thì không biết mình đi đâu. Bao lâu các ông còn có ánh sáng, hãy tin vào ánh sáng, để trở nên con cái ánh sáng". Nói thế xong, Chúa Giêsu rời nơi đó và lánh đi không cho họ thấy.


II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Mùa Xuân đến làm đẹp đất trời. Những cành đào đua nhau khoe sắc. Những chồi non bụ bẫm nhú ra khỏi cành cây khô khẳng. Chợ búa đông vui và đẹp đẽ với những hàng hoá đủ mọi loại. Những tà áo mới tha thướt làm đẹp phố phường. Trong khung cảnh vui tươi tấp nập ấy, khuôn mặt mọi người như rạng rỡ tươi cười. Mùa Xuân đem đến nhiều vẻ đẹp. Cao quý nhất là những nét đẹp văn hoá dân tộc đậm đà mầu sắc Tin Mừng.

Ngày Tết có nét đẹp của lòng biết ơn. Năm hết Tết đến, người Việt nam thường nhớ đến công ơn của những người đã giúp đỡ mình trong năm qua. Biết ơn là một nét đẹp văn hoá đáng trân trọng và cũng là một điều hợp lý. Năm 2000 phải biết ơn 1999 năm qua. Dòng sông lớn phải mang ơn những con suối nhỏ. Hạt lúa phải nhớ ơn những hạt mưa, hạt nắng, hạt phân. Ngày hôm nay phải biết ơn ngày hôm qua. Thế hệ này phải nhớ ơn thế hệ trước. Đời sống ta chịu ơn biết bao người. Cảm nghiệm sâu xa chân lý này, nên mỗi dịp Tết đến, người Việt nam ta thường bày tỏ lòng biết ơn với ông bà, cha mẹ và các ân nhân. Những món quà nho nhỏ nhưng thắm đượm tình nghĩa làm vui cả người nhận lẫn người cho. Riêng với người Công giáo, bày tỏ lòng tri ân đối với Thiên chúa là một bổn phận không thể thiếu. Vì Thiên chúa chính là tổ tiên đã sinh thành nên ta. Vì Thiên chúa là ân nhân lớn nhất đời ta. Chính Người đã ban cho ta món quà cao quý nhất: đó là sự sống. Chính Người tiếp tục chăm sóc gìn giữ ta từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây. Biết ơn là việc làm của lương tri, cổ võ cho một thế giới mới chan chứa tình người. Biết ơn cũng là một giá trị đạo đức được Chúa Giêsu đề cao trong Tin Mừng.

Ngày Tết có nét đẹp của sự cho đi. Ta gửi đi những cánh thiệp như những sứ giả của tình cảm yêu thương. Ta gửi đi những lời cầu chúc như tâm tình mến yêu tha thiết dành cho nhau. Ta sửa sang quét dọn nhà cửa để đón tiếp nhau. Ta dành thời giờ viếng thăm nhau để xiết chặt thêm tình thân ái. Ta ăn mặc tề chỉnh để tỏ lòng kính trọng nhau. Ta nói năng tế nhị để làm vui lòng nhau. Ta rộng rãi tặng tiền mừng tuổi cho con cháu. Tóm lại, tất cả những gì ta làm trong ngày Tết đều vì người khác và cho người khác. Đặc biệt trong lãnh vực ăn uống. Ngày Tết, nhà nào cũng chuẩn bị sẵn đồ ăn thức uống cho gia đình, nhưng nhất là để mời khách. Khách vào nhà bao giờ cũng được mời thưởng thức ấm chè mới, nếm kẹo bánh ngon. Sự chiếu cố của khách làm vui lòng cho chủ. Sự vui vẻ của người nhận là hạnh phúc của người cho. Có niềm vui cho đi và có niềm vui lãnh nhận. Những niềm vui ấy tạo cho ngày Tết một nét đẹp đầy mầu sắc Tin Mừng: nét đẹp của sự quên mình, của sự quảng đại cho đi, của sự khiêm tốn đón nhận, của tình liên đới.

Ngày Tết có nét đẹp của sự đổi mới. Thiên nhiên đổi mới với sự hồi sinh của cây cỏ. Phố phường đổi mới với những căn nhà mới, với những gian hàng mới và với quần áo mới. Hoà vào cái mới của đất trời, của xã hội, lòng người cũng nôn nao trong niềm hy vọng đổi mới bản thân và cuộc đời. Ai cũng mong tống tiễn những điều xấu vào quá khứ. Ai cũng mong đón nhận một tương lai tươi đẹp. Niềm mong ước đổi mới được thể hiện qua những cố gắng giữ vẻ mặt tươi cười, không tức giận, không nói những lời thô tục, những điều rủi ro, nhưng chỉ nói những điều tốt đẹp, đối xử hoà nhã với mọi người trong những ngày Tết. Phút giao thừa thật thiêng liêng. Nó đánh dấu một khởi đầu mới. Người ta tin rằng sống tốt đẹp những giây phút đầu tiên sẽ có ảnh hưởng tốt đến cả năm. Nên mỗi dịp Tết là một lần khuyến khích ta cố gắng đổi mới đời sống, đổi mới bản thân.

Đổi mới đời sống là điều Chúa Giêsu tha thiết mong muốn nơi ta. Người không ngừng mời gọi ta hãy từ bỏ con đường tội lỗi xưa cũ, bước vào con đường mới, con đường tự do, thánh thiện của con cái Thiên chúa. Người không ngừng mời gọi ta trở thành bầu da mới để có thể chứa đựng thứ rượu mới là giáo lý của Người. Ngày Tết chính là một cơ hội cho ta thực hành Lời Chúa dạy, tích cực đổi mới đời sống nên tốt đẹp hơn.

Với tất cả những nét đẹp trên đây, tinh thần ngày Tết cổ truyền dân tộc rất gần gũi với Tin Mừng. Rõ ràng nét đẹp văn hoá Việt nam đã chất chứa những giá trị Tin Mừng. Rõ ràng Tin Mừng đang đi vào cuộc sống của người Việt nam.

Vì thế, người Việt nam Công giáo không những có trách nhiệm gìn giữ những nét đẹp văn hoá của ngày Tết cổ truyền mà còn phải biến những nét đẹp ấy thành những trang Tin Mừng sống động. Khi ta sống tâm tình biết ơn trong ngày Tết, đừng chỉ giữ hình thức bề ngoài hay chỉ chú ý tới khía cạnh vật chất. Hãy có tâm tình biết ơn sâu xa. Hãy nhìn thấy ơn Chúa ban qua mọi ân huệ nhận được. Khi ta cho đi trong ngày Tết, đừng chỉ cho đi như một hình thức xã giao hay như một thói tục bắt buộc. Hãy cho đi với tâm tình yêu mến, kính trọng thực sự. Hãy đón tiếp khách thăm viếng như đón tiếp chính Chúa. Khi ta muốn đổi mới đời sống, đừng chỉ giữ như một hình thức và không chỉ giữ trong những ngày Tết, nhưng duy trì sự cố gắng đổi mới trong suốt cả đời với quyết tâm thực sự đổi mới đời sống.

Khi ta sống tinh thần Tin Mừng trong những phong tục ngày Tết, ta góp phần xây dựng một mùa Xuân mới, một mùa Xuân dân tộc, một mùa Xuân tình thương. Mùa Xuân ấy sẽ vĩnh cửu vì sẽ dẫn đến mùa Xuân Nước Trời.

Lạy Đức Kitô là mùa Xuân đích thực, không bao giờ tàn úa, xin đổi mới tâm hồn con. Amen
 
Cha tôi không ngừng làm việc - Ngày Mồng Ba Tết
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
07:28 24/01/2009
THÁNH HÓA CÔNG ĂN VIỆC LÀM

Mt 25, 14-30

Ngày mồng ba tết mỗi năm, Hội Thánh luôn dành riêng một ngày đầu năm để cầu nguyện xin Thiên Chúa thánh hóa công ăn việc làm của mọi người giữa lúc con người đang mải mê ăn tết, có khi quên cả mặt thiêng liêng, đạo đức. Sở dĩ Hội Thánh dùng ngày mồng ba tết để cầu xin Thiên Chúa đổ muôn ơn phúc xuống trên mùa màng bởi vì Hội thánh ý thức: ” Làm bởi bay, ban bởi Ta “ ( L’homme propose, Dieu dispose ).Hội Thánh cũng nhắc nhở tấm gương lao động của Thiên Chúa khi Ngài miệt mài sáng tạo vũ trụ, thế giới và con người. Giáo Hội cũng cho ta thấy gương lao động của Chúa Giêsu ở Nagiarét để chúng ta noi gương, bắt chước. Do đó, ngày mồng ba tết Giáo Hội dành riêng để xin ơn thánh hóa công ăn việc làm là để dạy con người: ” Không làm thì đừng có ăn” như thánh Phaolô tông đồ đã viết.

THIÊN CHÚA TẠO DỰNG CON NGƯỜI ĐỂ CON NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM RA CỦA CẢI :

Tất cả ba bài đọc trong thánh lễ ngày mồng ba tết đều xoay chung quanh việc lao động. Bài sách sáng thế cho thấy Thiên Chúa đặt con người trong vườn Eden và dạy con người trồng trọt nghĩa là lao động để làm ra của cải. Thiên Chúa muốn con người xây dựng thế giới, tô đẹp thế giới và làm cho thế giới càng ngày càng trở nên phong phú, tươi xinh theo ý của Thiên Chúa. Đoạn Tin Mừng nói về việc ông chủ trao cho đầy tớ các nén bạc để các đầy tớ làm lợi ra những nén bạc khác, làm ra nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên lao động chắc chắn đòi hỏi sự cố gắng của con người và nhiều khi làm cho con người mệt nhọc, nhưng lao động quả thực mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực cho cuộc sống:

LAO ĐỘNG LÀ BÀI CẢM TẠ TRI ÂN:

Nói đến lao động là nói đế sự làm việc mà làm việc dù trí óc hay tay chân đều làm cho con người mệt mỏi, đòi hỏi con người phải phấn đấu hy sinh, có khi phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có miếng cơm mà ăn, có cần cù lao động với óc sáng kiến, với khả năng, với kỹ thuật mới mong có của ăn của để. Mặc dù như thế, nhưng lao động vẫn là sự vinh quang bởi vì phải lao động mới tốt đẹp được, mới đem lại cho con người sức sống. Giầu đâu đến kẻ ngủ trưa, sang đâu đến kẻ say sưa tối ngay, ca dao tục ngữ Việt Nam quả thực đã nói đến lý tưởng của lao động và đề cao giá trị của lao động. Đối với người công giáo lao động là bài ca tình yêu bất tận bởi vì con người làm nhưng chính Thiên Chúa định đoạt thành quả của việc làm. Do đó, lao động nói theo ngôn ngữ nhà đạo là bài ca tình yêu, là lời cảm tạ tri ân không ngừng bởi Thiên Chúa không ngừng lao động và Chúa Giêsu cũng đã lao động không ngừng.

LAO ĐỘNG NÂNG CAO PHẨM GIÁ CON NGƯỜI:

Con người sẽ chẳng ra chi nếu không chịu làm việc. “ Đừng ngồi chờ sung rụng “, vâng, Thiên Chúa đã lao động không ngừng, Chúa Giêsu cũng đã noi gương Chúa cha làm việc không mệt mỏi. Do đó, con người cũng phải làm việc vì việc làm do trí óc, do bàn tay con người sẽ nâng cao giá trị của con người và làm cho việc làm có giá trị. “ Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho con người phải lao động để làm chủ thiên nhiên. Xin cho chúng con được thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, để công ăn việc làm của chúng con trong năm mới này nêu cao tình tương thân tương ái, và góp phần vào sự nghiệp chung là hoàn thành chương trình sáng tạo của Chúa” ( Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh hóa công ăn việc làm ). Lao động Chúa sẽ chúc lành nếu con người luôn hướng lao động theo ý Chúa: ” Bốn mùa Chúa đổ hồng ân. Ngài gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi “ ( Tv 64, 12 ) hoặc “ Bao lâu trái đất này còn, còn gieo còn gặt còn vun còn trồng. Bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, ngày đêm thời tiết không ngừng luân phiên “.

LAO ĐỘNG MANG Ý NGHĨA GIẢI THOÁT, CỨU RỖI:

Kinh tiền tụng ngày mồng ba tết viết: ” Chính Cha đã dựng nên con người giống hình ảnh Cha và giao trách nhiệm trông coi trái đất. Cha còn sai Con Một giáng trần để chia sẻ thân phận người lao động, và thực hiện chương trình cứu độ muôn dân. Quả vậy, Người đã bắt chước Cha hoạt động không ngừng, nêu gương cho chúng con biết chuyên cần làm việc, không những để no cơm ấm áo, và góp phần xây dựng xã hội loài người, mà còn để làm rạng danh Cha, và mở rộng Nước Trời ngay tại trần thế “. Con người làm ra vật chất không chỉ để nuôi sống mình nhưng còn để chia sẻ cho những kẻ khó nghèo và như thế của bố thí với ý ngay lành sẽ có ý nghĩa cứu rỗi.

ÁP DỤNG VÀO THỰC TẾ:

Con người được Chúa tạo dựng để góp tay với Chúa làm cho vũ trụ, thế giới đẹp hơn, ấm hơn. Bởi vì, khi làm ra của cải, con người tạo được no ấm và hạnh phúc cho mình, cho gia đình mình. Nhưng còn hơn thế, con người biết nghĩ đến kẻ khác nhờ đó họ sẽ làm cho của cải có giá trị đẹp và có tính cứu rỗi. Chính vì thế, giầu quý thực nhưng nếu không biết chia sẻ cho những người nghèo thì lời của Chúa: ” Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu có vào được nước Thiên Chúa “ quả thực sẽ là lời cảnh cáo mạnh mẽ đối với những con người ích kỷ, bo bo giữ của mà không biết sẻ chia cho những người bé nhỏ, khó nghèo.

Lạy Chúa, nhân dịp đầu xuân, cộng đoàn chúng con dâng lên Chúa lễ phẩm này, cùng với mọi công việc chúng con sẽ làm trong năm mới.Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và cho chúng con được cộng tác với Con Một Chúa, để thực hiện công trình cứu độ của Người. Amen.
 
Sống tự do để biết lắng nghe
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
15:08 24/01/2009
Chúa Nhật III Thường niên B )

“Sau khi ông Gioan bị nộp, Chúa Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1,1-2 ). Đề tài sám hối mãi là đề tài không bao giờ lỗi thời, bởi cuộc đời con người là một chuổi thăng trầm không ngơi. Hết lầm rồi lại lỗi, hết sai rồi lại phạm, từ nhỏ đến lớn, từ nhẹ đến trầm trọng. Hình như không một ai ngoài mẹ Maria, có thể thoát được vòng xoáy của tội luỵ. Chính vì thế sứ điệp sám hối ăn năn dường như rất dễ đi vào lòng người, mặc dù đã từng có nhiều người cố tình lên án Hội thánh là làm vẫn đục bức tranh nhân gian khi đề cập đến chủ đề tội lỗi quá nhiều.

Thế nhưng hiện tình của xã hội hôm nay, qua thông tin đại chúng, người ta phải chân nhận sự hiện hữu của tội lỗi và hậu quả xấu xa, tàn ác của nó trên chính nhân loại. Chiến tranh, bạo lực, bất công…như đang nhan nhãn trước mắt chúng ta. Tiếng súng vẫn nổ đó đây. Máu vẫn chảy lênh láng nơi này, nơi kia. Mạng sống trẻ thơ vô tội vẫn bị đe doạ từ trong trứng nước. Môi sinh ngày càng bị ô nhiểm và bao điều tệ hại đang đe doạ sự tồn vong của con người. Hầu hết là do tội lỗi của con người gây ra.

Hãy mau mau sám hối. Không phải là những tình cảm ân hận chóng qua. Cũng không phải là một vài nghi thức đấm ngực bên ngoài. Sám hối là đổi thay. Sám hối là quay bước trở lại. Thế nhưng để có được hành vi sám hối, thì tiên vàn cần biết lắng nghe và chân thành đón nhận trong sự khiêm nhu.

Chúa Giêsu đã từng nêu gương vua quan và dân thành Ninivê ngày xưa. Bài đọc thứ nhất trích đọc trong thánh Lễ Chúa Nhật II TN B lại đề cập đến sự kiện sám hối ăn năn của họ. Từ vua đến quan, đến thường dân đều “ bỏ đường gian ác mà quay trở lại” ( Gn 3,10 ). Đây là một cử chỉ đáng kinh ngạc khiến Chúa Giêsu đã từng gọi đó là dấu lạ (x.Lc 11,29-32 ). Giona đã trở nên dấu lạ cho dân thành Ninivê vì đã to gan nói những lời chướng tai, khó nghe. Chúa Giêsu còn là một dấu lạ lớn hơn cả Giona qua các lời dạy bảo “như có vẻ đi ngược với quan niệm người đương thời”, lại còn cả những lời tố cáo những người danh cao, vị trọng, một cách rất thẳng thừng. Tuy nhiên có một dấu lạ khác khiến cho Chúa Giêsu nói rằng ngày sau dân thành Ninivê sẽ đứng lên tố cáo đoàn dân Chúa lúc bấy giờ, đó là họ đã khiêm nhu chân thành lắng nghe và đón nhận sứ điệp của ngôn sứ Giona.

Sẽ không có sám hối nếu không biết lắng nghe trong khiêm hạ. Sự lắng nghe ở đây không chỉ bằng thính giác mà còn bằng cả mọi giác quan và chính thái độ sống của con người. Cần thú nhận rằng môi sinh con người hiện nay như bị nhiểu sóng do bởi nhiều yếu tố bên trong lẫn bên ngoài. Xã hội ngày nay với các kỷ thuật công nghệ tiên tiến, với cuộc sống “phải bon chen, giành giật”…thì mọi người đành phải tất tả chạy đua cách không biết ngơi nghỉ. Phải chạy, vì dừng lại là sẽ thua người, sẽ bị tụt hậu. Cuộc sống hối hả khiến thời gian như đang ngắn lại. Trong cái vòng xoáy của cuộc sống ấy, con người có vẻ đang bị cuốn theo một cách lệ thuộc. Hơn nữa sự lệ thuộc còn nằm ở tâm lý tiêu thụ. Đã quen hưởng dùng tiện nghi, của cải…thì dường như không thể thiếu nó. Quả thật, lâu lâu, hễ có sự cố “cúp điện” thì người người la toáng lên. Nếu điện nước bị cắt, cúp một vài ngày thi như là sắp tận thế không chừng.

Khi đã ở trong “tình trạng dính bén, bị lệ thuộc, bị cuốn theo”, thì chúng ta thật khó mà nghe rõ ràng và chính xác các sứ điệp tâm linh. Với trình thuật kể chuyện dân Ninivê trong bài đọc thứ nhất, lời dạy của thánh Tông đồ dân ngoại qua bài đọc thứ hai cũng như thái độ của các tông đồ ngày xưa qua bài Tin Mừng, chúng ta có thể rút ra được một điều kiện cần để biết lắng nghe đó là thái độ tự do.

Tự do với chức phận của mình: Giả như vua quan thành Ninivê ngày xưa còn dính bén với chức phận quyền quý của mình, giả như dân thành Ninivê còn dính bén với vị thế của dân đang thống trị thì hẳn sẽ không biết lắng nghe, cho dù ngôn sứ Giona có khản cổ rao giảng, vì ngài chỉ là một dân đen của một nước đang bị đô hộ. Biết bao sứ điệp Chúa gửi đến cho chúng ta hằng ngày, thế mà chúng ta dù có tai mà chẳng biết nghe. Trong nhiều lý do thì có lý do quan trọng này, đó là chúng ta còn quá dính bén với danh vị, chức phận của mình. Các nhà hướng dẫn linh thao thường khởi đầu cuộc hướng dẫn linh thao bằng việc mời gọi những người tham dự cuộc thao luyện tâm linh hãy cởi bỏ mọi quyến luyến để sẵn sàng lắng nghe.

Tự do với các mối tương quan trần thế, với cả hiện trạng của chúng ta và với những gì ta đang sở hữu: Thánh Tông đồ dân ngoại chỉ dạy: “Ai có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng vui mừng; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải, hãy làm như chẳng hưởng” ( 1Cr 7, 30-31 ). Các tông đồ đầu tiên đã có được sự tự do này. Chài lưới hay người thân vẫn không làm các Ngài vướng chân, bó lòng. Khi nghe lời kêu gọi của Thầy Giêsu, lập tức Simon và Anrê đã “bỏ chài lưới mà theo Người” ( Mc 1,18 ); Giacôbê và Gioan cũng “ bỏ cha mình là ông Giêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người” ( Mc 1,20 ).

Khi đã có được thái độ tự do, không còn quyến luyến các loài thụ tạo, cho dù chúng tốt đẹp, thì chúng ta sẽ có thái độ sẵn sàng biết lắng nghe sứ điệp của Chúa, đặc biệt sứ điệp mời gọi hoán cải ăn năn. Chúng ta dễ nhận ra điều này trong cuộc sống là khi sự hiểm nguy đang vây bủa, khi cái chết đang cận kề thì người ta rất dễ sám hối ăn năn. Cận kề cái chết hay đang ở trong tình cảnh hiểm nguy thì người ta mới thoáng thấy mọi sự như sắp rời khỏi tầm tay. Và một cách nào đó nó giúp ta thoát được sự quyến luyến khiến ta được tự do hơn. Được tự do thì sẽ biết lắng nghe.

Tuy nhiên điều tốt đẹp hơn cả là thái độ biết tự do ngay trong chính đời thường của mình. Kinh nghiệm cha ông ngày xưa dọn mình chết lành hằng ngày là một phương thế tiệt diệu. Thế nhưng với các bạn trẻ và cả với những bậc trung niên thì thói quen tốt này xem ra khó tập. Nhân dịp mùa xuân sắp về với cái Tết dân tộc người người đều nói về cái cũ sắp qua và cái mới sắp tới, xin được một lần nhắc lại cho nhau ý lời của Thánh Phaolô tông đồ: Bộ mặt thế gian này đang qua đi, đang qua đi và sẽ qua đi. ( x. 1Cr 7,31 ). Chúng đang qua đi và sẽ qua đi, sao ta lại qua dính bén và bị lệ thuộc ?
 
Hãy theo ta
Lm. Jude Siciliano, OP
15:11 24/01/2009
Anh chị em thân mến,

Nếu anh chị em muốn tìm tính khôi hài trong Kinh Thánh hãy đọc sách Giô-na. Hôm nay sách thánh trình bày câu chuyện hài của ngôn sứ Giô-na. Ngôn sứ này được xem như là ngôn sứ hạng nhất. Thiên Chúa giao việc cho ngôn sứ và ông đã thực hiện ngay. Ông đi rao giảng cho dân thành Ni-ni-vê, họ liền ăn năn hối cải, và như thế là ngôn sứ đã hoàn thành được công việc mà Chúa đã giao. Thế là hết chuyện. Nhưng không phải vậy. Câu chuyện vui được thể hiện chung quanh công tác của ngôn sứ, nhờ đó chúng ta có thể thấy được lòng thương xót của Chúa.

Sách Giô-na rất đặc biệt. Không như những sách của các ngôn sứ khác, nó không chứa các lời giảng của ông. Thay vào đó, nó lại trình bày ơn Chúa mời gọi ông và ông đã đáp lại như thế nào. Khởi đầu, ông Giô-na đã từ chối lời Chúa, không đi giảng cho dân Assyria ở thành Ni-ni-vê. Người Assyria là kẻ đô hộ, cai trị, và bị dân địa phương thù ghét. Ông Giô-na không muốn dính líu gì với những người Assyria đó. Giô-na biết là nếu ông rao giảng cho họ thì họ sẽ hưởng được ơn tha thứ của Chúa, mà Giô-na lại không thể chấp nhận điều này. Vì vậy Giô-na chạy xuống tàu đi trốn. Chúng ta biết là tàu bị sóng gió và ông ta bị ném xuống biển và bị cá nuốt. Ba ngày sau " ĐỨC CHÚA bảo con cá, nó liền mửa ông Giô-na ra trên đất liền."(2:11). Đó là cách mà Giô-na đến thành Ni-ni-vê. Đoạn sách thánh đọc hôm nay là lần thứ hai Chúa bảo Giô-na đi giảng cho dân Ni-ni-vê. (Bài đọc bỏ đoạn "Lời Đức Chúa đến với Giô-na LẦN THỨ HAI")

Thiên Chúa chỉ làm những gì mà Ngài muốn: Ngài muốn cho dân chúng khắp mọi nơi biết lòng thương xót của Ngài, cho người tốt cũng như người xấu, những người không muốn nghe lời Ngài. Những người Assyria xấu ở Ni-ni-vê có làm gì đâu để được hưởng lòng thương xót của Chúa? Họ chẳng làm gì cả. Và đây chính là câu chuyện về lòng nhân từ của Thiên Chúa. Nó không dựa vào việc chúng ta có đáng được hay không. Nếu chúng ta đáng được hưởng thì không còn lòng thương xót Chúa nữa.

Dân thành Ni-ni-vê nghe lời rao giảng của Giô-na, và họ đã ăn năn hối cải. Nhưng không phải chỉ có họ mới ăn năn thôi. Mà chính Chúa cũng ăn năn nữa. Thật là chuyện lạ đối với chúng ta! Nhưng trong Cựu Ước Thiên Chúa ăn năn gấp 2 lần con người. ‘’ĐỨC CHÚA hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất’’, rồi Ngài gây nên lụt Đại hồng thủy (St 6:6). Nhưng có nhiều lần Chúa hối hận và không trừng phạt như trong đoạn sách thánh đọc hôm nay. Thánh Kinh cho thấy dân Do Thái, cầu xin Thiên Chúa hồi tâm, thay lòng, để họ không bị trừng phat. Ngôn sứ Giô-na biết là nếu ông rao giảng cho dân thành Ni-ni-vê thì họ sẽ ăn năn hối cải, và Thiên Chúa cũng vậy. Ông nói với Chúa "....Thật vậy, con biết rằng Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, và hối tiếc vì đã giáng họa."(4:2)

Giô-na biết là Thiên Chúa sẵn sàng khoan dung hơn là kéo dài cơn giận để giáng phạt, và ông ta lại muốn dân Ni-ni-ve bị phạt vì những điều ác họ đã làm đối với dân Israël. Tổ phụ dân Do Thái đã viết để lại câu chuyện về lòng khoan dung của Thiên Chúa mà họ không hiểu được. Họ muốn nhắc nhớ con cháu là nếu họ mắc lỗi với Thiên Chúa (và họ đã nhiều lần mắc phải!), nhưng biết ăn năn hối cải, Thiên Chúa sẽ thương xót họ. Chính Thiên Chúa cũng hối hận và không trừng phạt họ. Đó là điều Thiên Chúa đã làm đối với dân thành Ni-ni-vê, và Ngài cũng đã làm đối với chúng ta mỗi khi chúng ta ăn ăn hối cải trở lại xin Thiên Chúa thương xót chúng ta.

Thánh Phaolô tỏ vẻ dể dãi đối với vấn đề hôn nhân, anh chị em nghĩ sao?" "Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có". Chúng ta cần phải hiểu ý thư thánh Phaolô theo thời gian lúc đó. Những Kitô hữu đầu tiên tin rằng, họ đang sống gần ngày tận thế, và Chúa Giêsu sắp trở lại khải hoàn. Với ý nghĩ như vậy, nên thánh Phaolô nhấn mạnh đến việc phục vụ Thiên Chúa ngay lúc bấy giờ và hãy để những chuyện xác thịt thế gian qua một bên. Rồi từ ngày đó đến nay, trải qua nhiều thế hệ, vấn đề ngày tận thế phai nhạt dần. Nhưng chúng ta vẫn phải lưu ý đến tư tưởng của Thánh Phaolô thời đó, là Chúa Kitô sẽ trở lại ngay, và chúng ta nên nghĩ đến ý định là phải phục vụ Thiên Chúa trước tiên, bất kể ơn gọi đến với chúng ta ở đâu

"Thời gian chẳng còn bao lâu..." diễn tả thật hợp với Phúc âm thánh Mác-cô. Chúa Giêsu vừa chịu phép rửa ở sông Giô-đăn (1:9-11), vừa bị cám dỗ trong sa mạc (1:12-13). Bây giờ thánh Mác-cô nhắc đến việc Chúa Giêsu đi giảng ở Galilê. Chúa Giêsu tiếp tục công việc của Ngài. Và Phúc âm của thánh Mác-cô rất ngắn gọn, cho thấy dường như Chúa Giêsu không có nhiều thời gian. Ngài lo đến việc đi Jerusalem nên đã tuyển chọn những môn đệ đi theo ngài, nghĩa là vác thánh giá đi theo Ngài lên nơi chịu nạn. Phúc âm thánh Mác-cô là lời mời gọi chúng ta đi theo Chúa Giêsu với hy vọng vì " nước trời đã đến".

Dân Do Thái đã bao nhiêu lần bị đô hộ, và họ đang trông đợi Thiên Chúa đến với họ để lập nên một quốc gia mới. Bây giờ họ mong điều đó được thực hiện nơi Chúa Giêsu. Nhưng Chúa Giêsu rao giảng, mời gọi dân chúng không nên đặt hy vọng vào những giá trị trần thế. Chúa Giêsu khuyên họ nên chấp nhận lề luật của Thiên Chúa trong cuộc sống. Điều thứ nhất chứng tỏ quyền lực của Thiên Chúa đã đến chính là lòng thương xót, sự tha thứ, và một đời sống mới theo đời sống của Chúa Giêsu trong tình thương và trong phục vụ.

Thánh Mác-cô nhanh chóng tiếp nối Phúc âm bằng lời Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ đầu tiên. Trong các Phúc âm khác thì chuyện Chúa Giêsu gọi các môn đệ kéo dài. Nhưng Mác-cô viết ngắn gọn bằng cách chỉ cho biết là Chúa Giêsu gọi họ, và các ông đang đánh cá liền bỏ thuyền và lưới đi theo Ngài. Thật sự các môn đệ tin cậy vào Chúa Giêsu một cách mau lẹ mà không do dự.

Hiện nay, nền kinh tế thế giới đang suy sụp. Có rất nhiều lý do cho việc suy sụp này. Không ít kẻ gian lận, lừa bịp làm nhiều người mất việc làm, mất rất nhiều tiền bạc họ đã dành dụm. Bởi thế, khi nói đến sự tin tưởng, và giao tương lai sự sống của mình cho người khác, chúng ta cảm thấy ngại ngùng. Chúng ta muốn tìm hiểu sự thật trước đã. Tôi phải hy sinh những gì? Họ có cam đoan gì không? Tôi sẽ được những lợi tức gì? Họ có thể cho tôi biết là chắc chắn tôi sẽ không bị hao mất gì không? Đây là những câu hỏi tôi muốn được trả lời trước khi tôi gặp người vừa ngang qua như Chúa Giêsu vừa gọi tôi "hãy theo thầy. .. ‘’

Theo Phúc âm này thì những người đi theo Chúa Giêsu sẽ xem xét những việc Ngài làm, những lời Ngài nói. Chúa Giêsu sẽ hứa với chúng ta những thành quả mỹ mãn, lợi tức dồi dào và một cuộc sống an toàn. Không thật vậy đâu. Những người nghe lời Chúa Giêsu mời gọi đi theo Ngài sẽ phải bỏ mình, sẽ mất mọi thứ để được đi theo Ngài.

Chúa Giêsu không để mất nhiều thì giờ. Ngài chịu phép rửa, chịu cám dỗ rồi đi mời gọi các môn đệ. Các ông gặp Ngài một cách bất ngờ, và chính Ngài đưa ngay việc làm cho các ông. Đối với chúng ta, điều gì khiến chúng ta mãn nguyện? Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ và chúng ta. Ngài chỉ muốn chúng ta đặt hết niềm tin vào Ngài. Chúa Giêsu đưa chúng ta đến gần Thiên Chúa: "Nước trời đã đến". Nếu chúng ta trả lời "vâng" và chúng ta tin cậy vào Chúa Giêsu thì chúng ta hãy bỏ những gì đã làm chúng ta xao lãng. Và chúng ta đáp lại lời mời gọi của Ngài để "ăn năn và tin cậy" và phó dâng mọi sự cho Ngài.

Thánh Mác-cô đã đánh trúng vào tâm hồn chúng ta. Chúng ta biết là phải quyết định mau lẹ để theo Chúa Giêsu. Chúng ta đã nghe Ngài nói "hãy theo Thầy" từng ngày trong cuộc sống. Chúng ta phải chọn lựa. Vậy mỗi khi nghe lời Chúa gọi, chúng ta có quên đi không? Chúng ta có muốn giúp đỡ người đang cần chúng ta không? Chúng ta có giúp người nghèo nhiều hơn là sắm sửa cho chúng ta không? Chúng ta có nhận thấy được những bất công hay lầm lỡ của chúng ta? Trong tất cả những trường hợp này và biết bao những trường hợp khác, chúng ta đều nghe một lời mời gọi mà Chúa Giêsu đã nói với các ông đánh cá, và cũng như các ông, chúng ta đã bỏ hết mọi sự để theo Ngài chưa.

Lm. Jude Siciliano, OP, chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP
 
Nhì ngắm trước khi phán đoán
Tú Nạc
15:18 24/01/2009
Chúa Nhật 3 mùa thường niên B (Jonah 3: 1-5, 10; Psalm 25; 1 Corinthians 7: 29-31; Mark 1: 14-20)

Nếu người ta chỉ trích và khinh khi, bạn sẽ làm gì để thay đổi thái độ của họ? "Kỳ lạ" bạn sẽ nói. Nhưng điều đó không phải luôn đơn giản. Có một điều rất đáng buồn là con người sao lại phải có kẻ thù và những người khác để kết án, coi thường, chê bai. Cái địa ngục vĩ đại nhất cho những nhà đạo đức và những nhà cải cách là không có mục đích.

Vì vậy, nó giống như người bạn Jonah của chúng ta, ở đây đưa ra một bản tóm tắt ngắn gọn. Ông đã bỏ chạy trước mệnh lệnh của Thiên Chúa đề cảnh báo Ninevh số phận đang bị đe dọa bởi vì ông ghét dân Ninevite - như hầu hết người Israelite-vì dân Ninevite đã mang đến cho họ nhiều lý do để họ đối xử như vậy. Họ là những kẻ khủng bố bạo lực và xâm lược nhiều quốc gia vào thế kỷ thứ tám trước Thiên Chúa giáng sinh.

Sau nhiều lần rủi ro, Jonah, cuối cùng cũng đã hoàn thành sứ mệnh của mình với nỗi sợ hãi ghê hồn khi thi hành. Dân Ninevite cảm động bởi thông điệp của ông cùng sự hối hận chân thành – Thiên Chúa đã hủy lời tuyên án của Người và họ được tha thứ - tất cả đều tốt đẹp – nhưng Jonah thì không. Ông chìm sâu trong cơn thịnh nộ, đằng đằng sát khí bởi Thiên Chúa đã tỏ lòng từ bi, nhân ái. Jonah đã sẵn sàng bạo lực. Ông kiên nhẫn chờ thiên Chúa để làm tan biến kẻ thù của mình. Với thái độ trêu chọc nhưng vững vàng, Thiên Chúa nhắc nhở Jonah – và có lẽ cho ông ta biết đây là lần đầu - rằng dân Ninevite cũng là sự sống con người, và cũng được Thiên Chúa yêu mến như dân Israelite.

Sự sáng suốt tâm lý của câu chuyện này đúng với mục đích. Những động cơ phê phán, chỉ trích của chúng ta, dù đối với cá nhân hay nhóm người sẽ không bao giờ là một thái độ trong sáng. Chúng ta, thậm chí có thể hưởng cảm giác ưu việt tinh thần và đạo đức nó mang đến cho chúng ta. Đây là lý do tại sao? Cả hai Cựu ước và Tân ước đều nhấn mạnh rằng chúng ta phải nhìn kỹ bản thân trước khi xét đoán người khác – tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Bất kỳ mức độ phê phán trước bối cảnh của sự việc hoặc những hành động cá nhân cững luôn phải được thể hiện với sự khiêm tốn sâu sắc nhất dù với một cảm giác đồng ý hay bất đồng.

Với cái nhìn ban đầu, lời khuyên của Paul có vẻ như một công thức vì thái độ cố hữu dửng dưng, lạnh nhạt- không thích bất cứ cái gì – không tham gia thực sự vào mọi công việc – sống một cuộc sống xa rời đam mê – phó thác. Nhưng khi nhận thức được giá trị lời khuyên của mình làm cho cảm giác được hoàn thiện hơn. Điều này được viết trong sự trông mong một kết thúc tức khắc – hoặc sự thay đổi từ căn bản – của thế giới khi chúng ta biết nó. Những hình thức, những tình huống, và những cấu trúc của thế giới đang nhanh chóng qua đi. Đừng níu kéo, Paul nhấn manh, sống và đi nhẹ bước. Những điều chúng ta thừa nhận là hợp lý không pải là xấu, nhưng mặt đất có thể thay đổi đôt ngột và đem lại lối đi dưới những bước chân ta. Đây là một lối nhỏ mà nó giúp chúng ta đi trong một thế giới bấp bênh, không ổn định của riêng mình. Nhiều điều có thể, và sẽ thay đổi hoặc đi qua. Nhưng Thiên Chúa và tình yêu sẽ không bao giờ.

Sự cấp bách tương tự này hiện diện trong phiên bản Kinh thánh của Mark và tiếng gọi của các Tông đồ. Trong bất kỳ sự đặt để nào, tránh né bổn phận gia đình và công việc của mình để theo một thánh nhân thuyết giáo khắp nơi là việc làm thiếu trách nhiệm. Nhưng điều đó lúc này không giống như bất cứ lúc nào khác. Đó là lúc phê phán lịch trình thiêng liêng về sự can thiệp của Thiên Chúa cho lịch sử con người. Khi Jesus tuyên bố triều đại của Thiên Chúa đã đến gần. Người muốn nói rằng sẽ có những thay đổi lớn trong một trật tự. Một thế giới xuyên tac, tàn nhẫn đối với sự sống con người, và phải nhượng bộ cho một thế giới đổi mới bằng tình yêu và công bình của Thiên Chúa. Điều này quả thật là Tin Mừng. chúng ta có thể ngạc nhiên nơi mà Tin Mừng đã đi đến. Thế giới hình như tiến triển chậm chạp trong những "thời trang" quen thuộc, thông thường của nó, và không có sự xuất hiện bất cứ điều gì là mới mẻ dưới ánh sáng mặt trời. Những dáng vẻ bề ngoài chỉ là dối trá: Sự kiện của Đức Kitô là "Mũi nhọn" trong lịch sử thế giới.

Còn nhiều công việc phải làm, nhưng thực ra nó đang được hoàn thành bởi nhiều người, đôi khi bằng những phương pháp ngoạn mục, nhưng thường là những người khiêm tốn, trầm lặng. Bây giờ cũng vậy, vẫn có sự khẩn thiết trong lời tuyên bố của Chúa Jesus – có lẽ còn hơn thế nữa. Có quá nhiều đe dọa – chúng ta là điểm phê phán cực lực trong lịch sử con người. Những thử thách thì vô tận: chính trị, kinh tế, tôn giáo, môi trường, và đạo đức tinh thần … Lời tuyên bố này thử thách chúng ta để bỏ lại nhiều việc đằng sau và tập trung vào nhiều thời gian của chúng ta, nghị lực của chúng ta đối với công việc của Thiên Chúa lan rộng khắp hoàn cầu.
 
Con Biết Thầy Là Ai …
Tuyết Mai
15:19 24/01/2009
Thầy là ai trong một biển người?
Để tất cả chúng con mong tìm kiếm và đến.
Thầy là ai trong một biển đời?
Đầy những sóng gió phong ba bão táp.

Có phải Thầy là Đức Kitô,
Con một yêu quý nhất của Đức Chúa Cha,
Muôn đời quyền năng và hằng hữu,
Là Chúa Tể trên Trời và Dưới Đất?

Lậy Thầy Giêsu, Thầy là ai?

Thầy là ai mà muôn người muốn được diện kiến?
Người giầu có cũng muốn đến để được học hỏi,
Người trung lưu cũng muốn tìm gặp để được Ngài cố vấn,
Người bần hèn cũng muốn đến để được Ngài chữa lành và ủi an.

Có phải Thầy là Tình Yêu mà thế gian không có?
Có phải Thầy là Bình An mà thế gian kiếm tìm?
Có phải Thầy là Người nhân lành và là Thánh?
Có phải Thầy là tất cả những gì chúng con cậy trông?

Lậy Thầy Giêsu!

Có Ngài chúng con tuyệt đối chẳng cần gì cả!
Chẳng có thể cắt nghĩa được tường tận là vì sao!?
Chúng con chỉ biết có Ngài chúng con rất tự tin,
Có Ngài chúng con chẳng phải lo lắng chẳng sợ hãi.

Có Ngài chúng con chẳng phải sợ đói,
Có Ngài chúng con chẳng phải sợ ngày mai,
Có Ngài chúng con chẳng cần buồn, giận, hay ghen ghét,
Những ai được Chúa thương ban cho hơn đủ mọi điều.

Bởi hiểu được rằng Chúa thương mỗi người mỗi cách,
Chúa ban cho mỗi người tùy theo khả năng riêng của mình,
Chúa ban cho người thì 5 nén người 2 nén người 1 nén,
Rồi tùy theo cách xử dụng với nén bạc cho phải lẽ phải tình.

Người thì Chúa để cho nghèo đói suốt cả một đời,
Đó là người được Chúa trao ban cho 1 nén bạc,
Chịu đựng khốn khổ bệnh tật gánh vác không kêu than,
Ở đời sau sẽ được Chúa thưởng ban triều thiên hạnh phúc.

Còn người được 2 nén hay 5 nén,
Thiết tưởng khó khăn hơn trong cách xử dụng đồng tiền,
Thế nào là đủ cho bản thân, gia đình, và cho anh chị em?
Mà không phạm tội tham lam gian xảo tích lũy và ích kỷ.

Lậy Thầy Giêsu nhân lành thánh thiện!

Con biết rất rõ Thầy là ai,
Thầy là Đầu chúng con là tứ chi,
Đầu là bộ chỉ huy cho tứ chi làm việc,
Không có Đầu thì tứ chi chẳng làm được việc chi!?

Con biết rất rõ Thầy là ai,
Thầy là tất cả cho chúng con sự sống,
Thầy đã hy sinh mạng sống mình trên Thập Giá,
Để chúng con có được sự sống muôn đời.

Không có Thầy và tình yêu của Thầy,
Chúng con chỉ là hạt cát trong sa mạc núi cát,
Hay chỉ là loài rong rêu trong kiếp sống rong rêu,
Trong vũ trụ trong trái đất hư vô này mà thôi!

Vì Thầy đã tỏ cho con biết Thầy là ai,
Nên xin Thầy cho con được theo,
Để Thầy ở đâu con sẽ theo Thầy ở đó,
Một chỉ mong được sống mãi bên Thầy mà thôi!
 
Thư chúc Tết của Tòa Giám Mục Phan Thiết
+ GM Phaolô Nguyễn Thanh Hoan
15:24 24/01/2009
Tòa Giám Mục Phan Thiết
422 Trân Hưng Đạo
Phan Thiết - Bình Thuận.


Phan Thiết ngày 15 tháng 01 năm 2009

THƯ MỤC VỤ CỦA ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN
GỬI CỘNG ĐOÀN DÂN CHÚA NHÂN DỊP XUÂN KỶ SỬU 2009


Kính thưa Quý Cha
Quý Tu sĩ nam nữ, Chủng sinh
và Anh chị em thân mến,

Nhân dịp đầu xuân mới, tôi xin gửi tới quý Cha và Cộng Đoàn Dân Chúa lời chúc Bình an trong Chúa Kitô. Nguyện xin Người ban muôn ơn lành hồn xác trên toàn Giáo Phận chúng ta, lương cũng như giáo, mọi người được sống một năm mới đầy Hạnh phúc.

Và như Lời Chúa trong ngày đầu xuân: “Trước hết anh em hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người” (Mt 6,33), tôi muốn anh chị em nhìn lại sinh hoạt đời sống đức tin của cộng đoàn Giáo Phận trong năm qua.

Nhìn lại tình hình Giáo Phận, chúng ta có tất cả 156.505 giáo dân trong dân số toàn tỉnh là 1.135.900 người. Số giáo dân phân bố không đồng đều trong 61 giáo xứ, xứ lớn nhất như Võ Đắt có 8.001 người, nhỏ nhất là giáo xứ Tinh Hoa với 366 người.

Để phục vụ số giáo dân trong toàn Giáo Phận chúng ta có 83 linh mục đang làm việc, 3 linh mục đi du học. Ngoài ra có 9 linh mục già yếu nghĩ hưu hay vì lý do khác. Số chủng sinh theo học trong các Đại chủng viện đang có 125 thầy, đây là niềm hy vọng lớn của tương lai Giáo Phận. Chủng viện Nicolas vẫn có tuyển sinh hằng năm để đào tạo chủng sinh gia nhập các Đại chủng viện miền.

Giúp vào việc mục vụ và truyền giáo còn có 61 Hội đồng mục vụ các giáo xứ, 98 Cộng Đoàn các nữ tu thuộc 11 Dòng cư trú trong giáo phận.

Các Đoàn thể tông đồ gồm có Gia Trưởng, Bà Mẹ Công Giáo, Thiếu Nhi Thánh Thể, Legio Mariae, Huynh Đoàn Đaminh, Phan Sinh Tại Thế, Têrêxa.

Các nhóm phụ trách chuyên biệt gồm có: Giáo Lý Viên, Ca Đoàn, Huynh Trưởng, Thiếu Nhi, Giới Trẻ, Lễ Sinh, Caritas, Truyền Giáo.

Công tác Bác ái xã hội và giáo dục chúng ta có 03 nhà dưỡng lão săn sóc khoảng 68 người già, 05 nhà khuyết tật với 170 em câm điếc, mù lòa hay bị bệnh tự bế.

Ngoài các công tác trên, các nữ tu tại các cộng đoàn còn tham gia vào các chương trình chống thất học, săn sóc sức khỏe cộng đồng, xóa đói giảm nghèo theo tinh thần thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu.

Thông qua cơ cấu nhân sự và hoạt động của Giáo Phận, ta thấy đã có bề thế cơ bản để Giáo Phận nhìn về tương lai với nhiều hy vọng.

Chúng tôi đã dự liệu cho 15 giáo họ trong Giáo Phận được nâng lên giáo xứ trong năm 2009. Mười hai trong 15 giáo họ đã xong thủ tục pháp lý hành chánh, đó là các giáo xứ: Đức Phú, Đakai, Vũ Hòa, Huy Khiêm, Hiển Linh, Fatima, Mêpu, Ba Bàu, Vinh Hưng, Phêrô Cao, Tàmon, Đức Thắng.

Số giáo xứ tăng thêm cũng phù hợp với số chủng sinh tiến tới chức linh mục từ nay đến 2010 khoảng 30 thầy. Đó là mùa ơn gọi bội thu của Giáo Phận. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa.

Quỹ truyền giáo, quỹ đào tạo linh mục năm nay đều cao hơn các năm trước, do lòng sốt sắng của anh chị em đã nhiệt tình đóng góp cho công việc chung của Giáo Phận. Và đó cũng là tín hiệu đời sống đức tin của anh chị em đang khởi sắc và tinh thần loan báo Tin Mừng của anh chi em đang được sáng tỏ. Lý tưởng là làm sao cho người người biết loan báo Tin Mừng, nhà nhà biết loan báo Tin Mừng và giáo xứ là cơ quan tổ chức việc loan báo Tin Mừng thành quy mô có hiệu quả.

Nhưng tôi thiết tưởng sức mạnh và động lực cuộc sống Đức tin của Giáo Phận là nơi Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ Bổn Mạng của Giáo Phận, người Mẹ đã đứng dưới chân Thập giá Chúa để chia sẻ trọn vẹn công trình Cứu độ chúng ta bằng tình yêu của Con Mẹ.

Qua bao năm tháng, Mẹ đã dừng chân nơi núi rừng TàPao thuộc Giáo Phận chúng ta, để tập họp con cái bốn phương về với Mẹ, để Mẹ dìu dắt phần hồn, nâng đỡ phần xác.

Giáo Hội đã đánh giá cao những hoạt động thiêng liêng tại Trung tâm Đức Mẹ TàPao và cho phép chúng ta mở Năm Thánh kỷ niệm Năm mươi năm khánh thành tượng đài của Mẹ. Đó là Hồng ân vô giá cho đời sống thiêng liêng của chúng ta, đặc biệt trong năm 2009 này. Anh chị em hãy cố gắng dành nhiều thời giờ hành hương viếng Mẹ và đến các nhà thờ chỉ định để hưởng ơn toàn xá.

Mặt khác, chúng ta cũng đã gặp được nhiều thuận lợi để phát triển các cơ sở vật chất giúp khách hành hương có nơi ăn chốn nghỉ dễ dàng. Không phải Giáo Phận chúng ta mà các Giáo Phận khác cũng đón nhận được nhiều ơn thiêng, nhiều cuộc trở lại nhờ các cuộc hành hương Mẹ TàPao.

Chúng tôi đã bắt đầu xây dựng trụ sở chính để điều hành hoạt động hành hương, xây dựng đường đi lên rộng 4m, nhiều chiếu nghỉ và dự kiến tạo lập được một quảng trường lớn cho các Thánh lễ. Nếu đẹp ý Mẹ, việc khó bao nhiêu cũng thành dễ dàng.

Anh chị em thân mến.

Nhìn qua lại sinh hoạt của Giáo Phận năm qua ta thấy Giáo Phận đang đi trên một hành trình đức tin đầy hy vọng.

Chúng ta hãy hiệp ý tạ ơn Chúa và quyết tâm sống Năm Thánh Mẹ TàPao trong niềm tin, cậy, mến nhiệt thành.

Chúng ta hãy siêng năng lần hạt mân côi tại các gia đình và từ đó học hỏi đời sống Tin Cậy Mến của Mẹ.

Chúng ta hãy cầu xin Mẹ giúp cho thế giới biết nhìn nhận giá trị sự sống, giá trị vô song của con người mà Chúa Giêsu Con Mẹ đã phải đổ máu, đón sự chết để cứu vãn.

Chúc anh chị em một Năm Thánh tràn đầy Hồng Ân.

Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết
 
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục
LM Nguyễn Vinh Gioang
15:26 24/01/2009
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (70)

701. Thời giờ rất quý báu

Thiên Chúa đánh giá thời giờ rất cao. Ngài rất quý thời giờ. Giàu sang vô biên như Ngài, mà Ngài không bao giờ ban cho chúng ta có cùng một lúc hai giây, hai phút, hai giờ, hai ngày, hai tuần, hai năm.
Khi ban cho chúng ta sống trong một năm, Thiên Chúa ban cho chúng ta có 31.536.000 giây đồng hồ. Ngài lấy lại giây phút trước, rồi mới ban cho chúng ta giây phút sau. Dù là giáo hoàng hay hồng y, dù là hoàng đế hay tổng thống, không ai có thể tiêu xài hai giây đồng hồ trong một lúc.
Những kẻ chịu phạt đời đời trong hoả ngục, chỉ cần được trở lại trên trần gian nầy trong một giây mà thôi, cũng đủ để cho họ ăn năn tội cách trọn mà lên nước thiên đàng.
Thời giờ rất quý báu như thế, thế mà có nhiều người phí phạm thời giờ, không dùng thời giờ để sống cho đẹp lòng Chúa.
Theo một cuộc điều tra được tiến hành tại một nơi có một số đông người sống đạo lơ là, thì trong một năm, họ có 8.760 giờ: họ đi lui đi tới, mất 260 giờ; họ nói chuyện với người khác, mất 310 giờ; họ tắm rửa và sửa soạn trong con người của họ, mất 620 giờ; họ ăn uống, mất 930 giờ; họ ngủ, mất 2.900 giờ; họ làm việc, mất 3.650 giờ; và họ dành cho các công việc đạo đức: 25 giờ!

702. Thời giờ rất chóng qua!

Thời giờ qua mau và biến mất.
Sách ông Gióp (9,25-26): “Ngày đời tôi trôi qua nhanh hơn chạy đua, chúng trốn chạy mà không tìm thấy hạnh phúc. Chúng lướt mau như thuyền nan, như đại bàng bổ xuống con mồi.”
Thánh vịnh (90,10): “Cộng niên tuế, ước chừng bảy chục, khoẻ lắm chăng, cũng được bát tuần. Hầu trọn kiếp, chỉ là lao đao khốn khổ vì năm tháng sầm sập qua đi và chúng tôi vụt mất.”.
Sách Khôn Ngoan (2,4-5): “Với thời gian, tên tuổi ta sẽ bị lãng quên, sẽ không ai nhớ đến các việc ta làm; đời ta sẽ qua đi như vết chân mây, và tan biến như đám sương mù bị ánh dương rượt đuổi, bị đè bẹp xuống dưới sức nóng mặt trời, Quả thế, sinh thời của ta như bóng lướt qua, số tận rồi, ta không còn thể phục hồi, ấn đã niêm, và không ai sẽ quay lại.”
Ssch Giảng Viên (11,7-10): “Mọi điều xảy đến, thảy là phù vân… Vì phù vân cả, thiếu thời với buổi tóc xanh.”
Theo lời của một người kia thách đố: “Tôi đã đánh mất hai tiếng đồng hồ bằng vàng, tôi đã đánh mất 120 phút bằng ngọc. Nhưng không ai đem trả lại cho tôi được đâu, vì họ sẽ không bao giờ tìm ra được hai tiếng đồng hồ bằng vàng mà tôi đã làm mất, và 120 phút bằng ngọc mà tôi đã làm mất.”

703. Hôm qua… và hôm nay!

Thánh Antôniô kể rằng:
Khi hoàng đế Alêxanđrô Cả băng hà, có quân tử kia la lên rằng:
“Kìa, người hôm qua còn đạp đất dưới chân, nhưng hôm nay lại bị đất lấp trên mình; hôm qua, cả thiên hạ cũng chưa thể làm cho ông thoả mãn, nhưng hôm nay, bảy tấc đất cũng đã là thừa đối với ông; hôm qua, còn là đại tướng, vô số quân lính, cai trị khắp thiên hạ, thế mà giờ đây, cũng chỉ được vài người khiên đi để lấp dưới mồ.” (Chân Lý Đời Đời)

704. “Tôi nhất quyết không làm chuyện dại dột như vậy bao giờ!”

Xưa, ông Tôma, khi bị vua Henri VIII lên án xử tử vì đạo, thì bà Luy, vợ của ông, đến khuyên ông quá mà vâng lệnh vua, nhưng ông Tôma đã hỏi lại bà:
- “Hỡi Luy, bà cũng rõ tôi đã già, liệu tôi còn sống được mấy năm nữa?”
Bà vợ không hiểu được ẩn ý của câu hỏi, đã trả lời:
- “Ít ra cũng được vài chục năm nữa.”
Ông Tôma liền nói rằng:
- “Bà vụng về lắm, bà ơi! Buôn bán như bà thì lỗ chết! Bà tính gì mà lạ vậy? Bà ưng tôi sống thêm vài chục năm nữa để rồi tôi mất luôn phần phúc đời đời trên thiên đàng và phải chịu muôn khổ hình trong hoả ngục sao? Tôi nhất quyết không làm chuyện dại dột như vậy bao giờ!” (Việc Rỗi Linh Hồn)

705. Phó thác theo thánh ý Chúa thì không còn xao xuyến nữa.

Có người kia bán tín bán nghi luôn.
Một hôm, buồn quá, ông vào thánh đường, quỳ trước bàn thờ cầu nguyện.
Tình cờ, trí ông bật tư tưởng: “Ừ! Giá ra mình cũng biết rằng mình phải kiên nhẫn!”
Bỗng dưng, tự đáy lòng, ông nghe tiếng Chúa:
- “Như ngươi biết thì ngươi đã làm gì? Hãy làm ngay bây giờ cái ngươi định làm lúc ấy. Có thế, ngươi sẽ được bình an.”
Được yên ủi và vững dạ, người ấy tự phú thác theo thần ý Chúa và không phải xao xuyến nữa.
Người ấy không còn thiết tò mò tìm biết số phận tương lai, nhưng chỉ chuyên lo tìm biết ý Chúa, biết cái gì đẹp ý Chúa, cái gì hoàn hảo nhất và thực hành chu đáo những cái gì là tốt, là thiện. (Gương Chúa Giêsu)

706. Hãy làm lấy ly nước nếu bạn có trong tay một quả chanh.

Trong khi viết quyển sách nầy, tôi (Dale Carnegie) có ghé ngang thăm trường đại học Chicago.
Tôi hỏi ngài hiệu trưởng Robert Mayard Hutchins làm thế nào để khỏi phải lo lắng. Ngài trả lời:
- “Tôi luôn cố gắng làm theo lời khuyên bảo của một vị hiệu trưởng rằng: nếu bạn có trong tay một quả chanh, thì hãy tự làm lấy cho mình một ly nước chanh.”
Đó là điều một nhà giáo dục vĩ đại đã làm.
Nhưng kẻ ngốc sẽ làm điều ngược lại. Nếu như cuộc đời nầy, đưa hắn một trái chanh, hắn sẽ vứt đi và nói: “Ta thất bại rồi. Số phận đã an bài. Ta không còn có cơ hội nữa.” Sau đó, hắn sẽ căm ghét cuộc đời nầy, tự nhốt mình trong nỗi day dứt triền miên.
Nhưng một người thông minh thì lại khác: “Thất bại nầy mang lại cho ta bài học gì nào? Làm cách nào, ta mới có thể thay đổi thời cuộc? Làm cách nào, ta có thể làm một ly nước từ trái chanh nầy?” (Giảm Bớt Lo Âu)

707. Không nên khó chịu vì bị phê bình.

Nhiều nhân vật nổi tiếng đã có những thành tựu to lớn ở Mỹ như tổng thống Washington (bị phê bình chỉ hơn tên tội phạm giết người một tý thôi …), như Thomas, người viết bản “Tuyên ngôn độc lập” ( bị phê bình: nếu ông ta làm tổng thống thì chúng ta sẽ chịu sỉ nhục to lớn và bị tổn hại nghiêm trọng …), như tướng Grant, trở thành một biểu tượng của nhân dân Mỹ (bị ghen ghét, bị sỉ vả, bắt bớ, bị tước binh quyền, …), nhưng họ không bị gục ngã vì những lời phê bình, chỉ trích, mà ngược lại, họ càng lạc quan và tự tin để có được những thành tựu to lớn hơn. (x. 3 Điều Nên Biết)

708. Muốn đạt mục tiêu chính cao xa, phải có những mục tiêu phụ gần.

Rất nhiều người làm việc, sở sĩ bỏ dở nửa chừng, không phải vì quá khó khăn, mà vì khoảng cách với thành công quá xa. Chính vì yếu tố tâm lý nầy, nên đã dẫn đến thất bại.
Nếu đem khoảng cách dài, phân chia thành từng khoảng cách nhỏ, từng bước vượt qua nó, thì có thể cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều.
Cụ thể hoá mục tiêu, có thể giúp bạn thấy rõ nên làm những việc gì và như thế nào để có thể làm tốt….
Người thông minh, để đạt được mục tiêu chính, luôn phải thiết lập “mục tiêu phụ”. Như vậy, có thể hoàn thành mục tiêu chính một cách khá dễ dàng.
Rất nhiều người, vì mục tiêu ở quá xa, hoặc lý tưởng quá xa vời, mà dễ dàng đầu hàng. Điều nầy thật đáng tiếc.
Nếu đặt ra những “mục tiêu phụ” sẽ có thể nhanh chóng gặt hái được thành tích khiến người vừa ý.
Có thể từng bước hoàn thành “mục tiêu phụ”, áp lực tâm lý cũng sẽ theo đó mà giảm dần. Một ngày nào đó, mục tiêu chính sẽ có thể hoàn thành.
Đã từng có một bà lão người Mỹ 63 tuổi, từ thành phố New York, đi bộ đến thành phố Miami ở bang Floriđa. Ở đó, một nhà báo đã đến phỏng vấn. Nhà báo muốn biết bà làm sao có đủ dũng khí để có thể tiếp tục tiến bước với vô vàn khó khăn gặp phải trên đường?
Bà lão trả lời:
- “Bước một bước thì không cần dũng khí, nhưng điều tôi làm, là như vậy.Trước tiên, tôi bước một bước. Tiếp đó, lại tiến thêm một bước. Cứ như vậy, tôi đã đến được đây.” (Lựa Chọn Để Quyết Định Cuộc Sống)

709. Mật ngọt chết ruồi!

Nếu khi bực bội với ai mà trút được cơn giận lên đầu họ, hẳn bạn cảm thấy hả dạ lắm. Nhưng còn họ thì sao, họ có nghĩ như bạn không? Cái giọng hung hăng và thái độ thù hằn của bạn có làm cho bạn muốn giảng hoà không?
Woodrow Wilson từng nói:
- “Nếu anh đưa hai quả đấm ra để nói chuyện với tôi, thì tôi cam đoan với anh rằng hai quả đấm của tôi nhanh gấp đôi của anh đấy…”
Cách đây hơn một trăm năm, tổng thống Lincoln từng phát biểu:
- “Có một câu châm ngôn cổ dạy rằng: “Mật ngọt chết ruồi.” Chẳng những ruồi, mà con người cũng vậy! Nếu muốn ai đó nghe theo mình, trước tiên bạn phải chứng tỏ sự chân thành của mình, rồi dùng những lý lẽ ngọt ngào, khéo léo để thu phục trái tim họ. Đó chính là nghệ thuật thuyết phục người khác.”
… Daniel Webster là một trong những luật sư nổi tiếng nhất thời bấy giờ về tài hùng biện. Tuy nhiên, khi bào chữa cho thân chủ, dù lý lẽ có hùng hồn và thuyết phục đến đâu đi nữa, ông cũng không quên thêm vào những câu nói mang tính xoa dịu như:
- “Quyền định đoạt thuộc về bồi thẩm đoàn.”
- “Có lẽ điều nầy đáng cho chúng ta suy ngẫm.”
- “Đây là vài khúc mắc mà tôi tin chắc các ngài sẽ không bỏ qua.”
- “Các ngài vốn am tường tâm lý con người, chắc các ngài sẽ dễ dàng hiểu được ý nghĩa của những hành vi nầy.”
Không hăm doạ, không tạo áp lực nhằm thúc ép người khác nghe theo mình, Webster cứ ôn tồn, trầm tĩnh, thân thiện.
Chính điều đó đã giúp ông thành công và nổi tiếng. (Vui Sống và Làm Việc)

710. Tấm thiệp chúc mừng sinh nhật tràn đầy tình cảm

Tại một huyện nhỏ của Nhật Bản, có một hiệu thuốc, quy mô không to lắm, nhưng rất có tiếng ở trong vùng. Khách hàng chủ yếu là khách quen.
Nguyên nhân nào khiến cho họ có thể vượt trội hơn các cửa hàng thuốc khác đến vậy?
Hoá ra, trong phòng khám của họ, có mười mấy chiếc hộp trống. Trên mỗi chiếc hộp, có ghi ngày tháng. Tất cả cả các bệnh nhân đến mua hàng, đều phải gửi lại bệnh án.
Cửa hàng thuốc nhờ vào bệnh án của từng người mà biết được ngày tháng năm sinh của họ.
Cửa hàng đã chuẩn bị cho các khách hàng, mỗi người, một tấm thiếp mừng sinh nhật, đồng thời, bên trên có viết rằng: “Sức khoẻ của quý khách là mong muốn của chúng tôi. Nếu như quý khách đã hoàn toàn mạnh khoẻ, hãy nói cho chúng tôi. Còn nếu như quý khách không may vẫn phải còn dùng đến thuốc, hãy gọi đến cho chúng tôi. Chúng tôi xin được phục vụ hết lòng.”
Những tấm thiệp tràn đầy sự ấm áp và thân thiết như vậy, được cất trong các hộp thuốc có ngày tháng khác nhau.
Đương nhiên, những gì khách hàng nhận được, sẽ không đơn giản chỉ là sự quan tâm của cửa hành. Sau khi bình phục, họ sẽ rất nhớ ơn cửa hàng. Còn nếu chưa khỏi bệnh thì chắc chắn họ sẽ đến của hàng để mua trhuốc tiếp.
Những cử chỉ tuy rất nhỏ của cửa hàng, nhưng đã được các khách hàng ghi sâu trong tim. Chính điều đó khiến cho lượng khách hàng mới và khách hàng quen đến cửa hàng, ngày càng đông….
Khi sản phẩm khác nhau, người ta sẽ so sánh chất lượng.
Chất lượng như nhau, thì so đến giá cả.
Giá cả như nhau, thì so sánh phục vụ.
Phục vụ càng tốt, chắc chắn sẽ giúp đỡ càng nhiều cho sự thành công trong công việc. (315 Đạo Lý Giúp Bạn Thành Công)
 
Phẩm chất đầu tiên của người môn đệ
LM Inhaxiô Trần Ngà
15:32 24/01/2009
Chúa Nhật 3 thường niên (Mác-cô 1, 14-20)

Khi bắt đầu thời kỳ công khai lên đường thi hành sứ vụ, việc đầu tiên Chúa Giê-su làm là tuyển chọn một số môn đệ nòng cốt để tiếp tay và nối gót Người rao giảng Tin Mừng và xây dựng Hội Thánh.

Đây là một nhiệm vụ vô cùng trọng đại cao cả nhưng đồng thời cũng đầy gian truân và thách thức, thế nên cần phải tuyển cho được những ứng viên phù hợp.

Trong các thành phần dân chúng thời đó, chúng ta thấy nổi bật nhất là các tư tế ở Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Họ là những người ngày đêm ứng trực trong đền thờ lo việc thờ phượng tế lễ Thiên Chúa. Xem ra họ là những ứng viên sáng giá nhất cho công cuộc loan báo Tin Mừng và xây dựng Hội Thánh. Thế nhưng Chúa Giê-su đã không chọn bất cứ ai trong số các vị ấy làm tông đồ xây dựng Hội Thánh Người.

Kế đó, thành phần Luật sĩ, những người học rộng và thông thạo thánh kinh. Có ai xứng đáng hơn họ trong việc giải thích và loan truyền Lời Chúa? Có ai giàu kiến thức về đạo lý bằng họ? Thế mà Chúa Giê-su cũng không chọn một ai trong số các vị nầy làm tông đồ của Người.

Thành phần thứ ba cũng rất sáng giá là các người biệt phái. Họ giữ luật rất nhiệm nhặt, có đời sống đạo rất nghiêm túc. Những người như thế cũng đáng làm đầu thiên hạ và lãnh đạo người ta. Thế mà Chúa Giê-su cũng không chọn bất cứ người biệt phái nào làm tông đồ cho Người.

Chúa Giê-su cũng không chọn những người có vai vế trong xã hội, những người giàu sang quyền quý làm môn đệ đầu tiên của Người.

Tin Mừng hôm nay cho thấy sự chọn lựa của Chúa Giê-su khiến chúng ta kinh ngạc: “Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. Người bảo họ: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá." Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.

Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.”

Chúa Giê-su đã chọn bốn ngư phủ là Simon, An-rê, Gioan, Giacobê, làm môn đệ đầu tiên trong lúc họ đang quăng chài kéo lưới hoặc đang vá lưới trong thuyền. Tại sao? Các ngư phủ là những người dạn dày sương gió. Họ quen chịu giá lạnh giữa biển khơi; từng trải qua những đêm tối giữa sóng gió trùng khơi; không sợ đói, không sợ rét, không sợ bão tố cuồng phong, không sợ cảnh chơi vơi giữa ba đào sóng gió Nói chung, họ bất chấp mọi khó khăn, gian khổ và nghịch cảnh để đạt cho bằng được nguyện vọng của mình.

Họ là những người đầu tiên được Chúa Giê-su chiếu cố và mời gọi làm môn đệ loan Tin Mừng, làm những trụ cột nòng cốt trong công trình xây dựng Hội Thánh.

Điều nầy cho thấy phẩm chất đầu tiên để làm môn đệ Chúa Giê-su là không ngại gian truân, sẵn sàng hy sinh để thực hiện mục tiêu mong muốn.

Lạy Chúa Giê-su,

Chúa đã kêu gọi chúng con làm tông đồ cho Chúa trong xã hội hôm nay. Xin ban ơn giúp chúng con sẵn sàng vượt khó, dám đương đầu với mọi thách thức và sóng gió như các môn đệ đầu tiên hầu có thể chu toàn trọng trách mà Chúa và Hội Thánh trao phó cho chúng con.
 
Mau qua chóng tàn
Anmai, CSsR
15:42 24/01/2009
CHÚA NHẬT 3 Thường niên B (Gn 3, 1-5.10; 1 Cr 7,29-31; Mc 1, 14-20)

Tác giả Thánh Vịnh 39 thỏ thẻ với Chúa những lời nguyện sau đây:

"Lạy CHÚA, xin dạy cho con biết:
đời sống con chung cuộc thế nào,
ngày tháng con đếm được mấy mươi,
để hiểu rằng kiếp phù du là thế.
Ấy tuổi đời con, Chúa đo cho một vài gang tấc,
kiếp sống này, Chúa kể bằng không.
Đứng ở đời, thật con người chỉ như hơi thở,
thấp thoáng trên đường tựa bóng câu.
Công vất vả ngược xuôi: làn gió thoảng,
ky cóp mà chẳng hay ai sẽ hưởng dùng." (Tv 39, 5-7)

Mới nghe qua ta thấy Thánh Vịnh này sao đượm một chất buồn: đời của con người chỉ như hơi thở, thấp thoáng trên đường tựa bóng câu mà thôi ! Buồn có buồn thật nhưng đó chính là thực tế, là sự bi đát, là sự mong manh của phận người. Đã sinh ra, đã cất tiếng khóc chào đời thì ắt hẳn đến một ngày nào đó cũng phải ra đi để về với Cội Nguồn.

Bài hát Khúc Thuỵ Du cũng nhắc nhớ ta về phận con người:

Hãy nói về cuộc đời
Khi tôi không còn nữa
Sẽ lấy được những gì
Về bên kia thế giới
Ngoài trống vắng mà thôi !

Có nghịch lý chăng khi cuộc đời đang phơi phới dệt không biết bao nhiêu là mộng vàng lại đi nói đến cái chết, nói đến cái thời cùng tận. Thoạt tiên xem ra thì nghịch lý nhưng nhìn vào thực tế của cuộc đời chẳng nghịch lý chút nào cả. Không nghịch lý vì lẽ đó là định luật tự nhiên của con người. Có sinh ắt có tử chứ có ai sống mãi trên cuộc đời này chăng ?

Có nhiều người thắc mắc hỏi rằng tại sao con người sống chỉ có thế thôi, nghĩa là họ muốn kéo dài thêm tuổi thọ. Cũng tốt thôi, chẳng ai không mong mình sống thọ cả nhưng nhìn vào thực tế tuổi hưu là 60 hay 65 gì đó tuỳ người là nam hay nữ. Chúng ta thấy đó, ở cái tuổi 70, 80 có làm gì được nữa hay chăng ? Khi nói về vấn đề tuổi thọ, người ta lại đặt vấn đề về chuyện người già nhiều quá bỗng nhiên trở nên gánh nặng cho xã hội !?!?!

Kết cục con người rồi cũng phải chết nhưng quan trọng chết cách nào và biết khi nào mình chết.

Chẳng ai có thể biết được mình chết cả. Nếu biết trước thì đâu có gì để mà nói vì lẽ mạng sống con người tuỳ thuộc vào Thiên Chúa.

Với con mắt của người đời, đau khổ khi con người vướng vào bệnh ung thư, bệnh nan y nhưng thật sự ra những ngày nằm trên giường bệnh cũng là thời gian, cũng là cơ hội để con người nhìn lại những lầm lỗi, những yếu đuối của mình để ăn năn sám hối. Cứ tưởng những người đó là sấu số hay kém số nhưng những người đó có cơ may để nhìn lại chính mình, nhìn lại cuộc đời của mình.

Dân thành Ninivê thời ngôn sứ Giôna với cái nhìn của người đời thì thật kinh khủng vì được báo trước cái chết 40 ngày nhưng thật sự 40 ngày đó với Ninivê quả thật là có ý nghĩa. Thiên Chúa nói rằng nếu trong 40 ngày đó chịu sám hối thì dân thành Ninivê sẽ không giáng hoạ bởi Thiên Chúa nữa. Hạnh phúc thay khi được báo trước cái chết để chuẩn bị tâm hồn.

Lời nhắn nhủ của thánh Phaolô trong thư thứ nhất của Ngài gửi tín hữu Côrintô cũng chính là lời mà Ngài nhắc nhở mỗi người chúng ta: “Thưa anh em, tôi xin nói với anh em điều này: thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi”. (1 Cr 7, 29-31).

Đúng như vậy thì thời gian đối với mỗi người chúng ta cũng đang qua đi. Mỗi một lần mừng sinh nhật hay mừng năm mới gọi là mừng nhưng với tôi thì “buồn”. “Buồn” vì lẽ qua một năm, thêm một tuổi cũng chính là thời gian mà mình phải về trình diện trước mặt Thiên Chúa nó gần hơn một chút. Thi thoảng nhìn lại tuổi của mấy đứa cháu ở nhà tôi lại thấy giật mình vì mình quá “già”. Mới ngày nào đó mà đứa cháu mà mình từng ẵm, từng tung cho cháu đụng cái trần nhà thì nay chúng nặng gần bằng số ký của mình. Thời gian cứ qua đi và nó chẳng chờ đợi một ai cả. Một ngày qua đi là một ngày mà mình gần Chúa hơn, một ngày mà mình phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa mọi hành vi của mình.

Thánh Phaolô thật tâm lý khi khuyên chúng ta: những người có vợ sống như không có, khóc làm như không khóc, vui làm như không vui, sắm như không sắm … Ngài có ý mời gọi chúng ta hãy dùng những thực tại của trần gian này như là chuyện bình thường, chuyện quan trọng là chúng ta phải thanh thản trước mặt Thiên Chúa với tất cả những gì bám víu của chúng ta trong trần gian này. Ngài không bảo người có vợ phải bỏ vợ, người vui phải khóc, người có của cải trần gian phải bỏ đi hết nhưng ngài bảo mỗi người chúng ta hãy thanh thản trước những gì gọi là của chúng ta, thuộc về chúng ta. Cũng đúng thôi, dẫu là vợ nhưng khi chết chúng ta có mang theo được chăng ? Dẫu là cái nhà lầu 5 tầng ở mặt tiền đàng hoàng nhưng khi nhắm mắt xuôi tay mang theo được gì ? Dẫu là chiếc xe con đời mới cáu cạnh mới sắm trong thùng đấy nhưng mà có mang theo được về bên kia thế giới hay không mới là chuyện quan trọng.

Thật sự, tất cả danh vọng, quyền cao chức trọng đều mong manh và mau qua chóng tàn khi ta nhắm mắt lìa đời.

Các bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay nhắc nhở cho chúng ta tất cả mọi chuyện đều mau qua chóng tàn. Ngôn sứ Isaia nói thế, thánh Phaolô nói thế và Chúa Giêsu cũng nói như vậy trong cái ngày khởi đầu việc rao giảng Tin mừng của Ngài. Mở đầu cho lời rao giảng là lời mời gọi sám hối phải chăng là lời đùa cợt hay hù doạ ? Chẳng đùa cợt mà cũng chẳng hù doạ vì đó là sự thật.

Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta hãy sám hối và tin vào Tin mừng vì Nước Trời đã đến gần. Nước Trời thật sự đã đến, đang đến rồi. Nước Trời cũng sẽ đến với từng người một trên chúng ta. Chúa Giêsu hơn một lần nói với các môn đệ cũng như mỗi người chúng ta: “anh em hãy đứng vững trước mặt Con Người !”.

Làm sao để đứng vững trước mặt Con Người như Chúa nói ? Để có thể đứng vững trước mặt Con Người phải chăng như là lời Thánh Phaolô mời gọi chúng ta là chúng ta hãy nhìn vào sự thật là bộ mặt thế gian này sẽ qua đi, chỉ có mình Chúa mới là cùng đích, là căn cốt của cuộc đời chúng ta.

Chuyện quan trọng không phải là chuyện sống được bao nhiêu năm trong cuộc đời này nhưng chuyện quan trọng là sống bao nhiêu năm ấy như thế nào.

Chuyện quan trọng không phải là làm được bao nhiêu việc lành phúc đức nhưng là sống tình yêu với Chúa và với anh chị em đồng loại như thế nào. Không phải căn cốt là làm phúc làm đức nhưng phải sống cái phúc cái đức ấy trong đời thường.

Chuyện quan trọng không phải là được ngụ trong căn nhà cao cửa rộng ở cuộc đời tạm bợ mau qua chóng tàn này nhưng quan trọng là làm sao có một túp lều be bé con con trong mảnh đất Thiên Đàng.

Chuyện quan trọng không phải là thành công trong cuộc đời này nhưng chuyện quan trọng là được cứu độ hay hư mất mà thôi.

Muốn được hưởng ơn cứu độ, muốn được bình an thật trong tâm hồn không còn cách nào khác là ta phải bám vào Chúa chứ đừng bám vào của cải trần gian mau qua chóng tàn này. Chúng ta đã có thừa kinh nghiệm để nhìn vào những đấng những bậc xung quanh chúng ta. Tất cả những đấng những bậc anh hùng nay đâu rồi ? Tất cả những người quyền quý cao sang nay còn đâu khi phải đón nhận cái chết đang rình rập mình.

Nhớ lại một câu chuyện đơn sơ của một vị thiền sư bên Trung Quốc. Trên bàn làm việc của ông lúc nào cũng có chiếc quan tài con. Mọi người vào thấy là lạ và thắc mắc tại sao có chiếc quan tài ấy. Thiền sư nói rằng sở dĩ tôi để như thế để tất cả mọi việc trước khi tôi quyết định tôi đều nhìn đến chiếc quan tài này. Một ngày nào đó tôi sẽ vào đó và nằm trong đó để rồi tất cả các quyết định của tôi đều dựa vào cùng đích của cuộc đời tôi.

Tư tưởng, hành động đơn sơ của vị thiền sư ấy thật dễ thương vì lẽ hành vi, tư tưởng ấy cũng như muốn nói với mỗi người chúng ta về sứ điệp của Chúa Giêsu ngày hôm nay là phải sám hối vì Nước Trời đã gần bên. Lời mời gọi của Chúa vẫn văng vẳng bên tai chúng ta nhưng đôi khi mãi mê với những thế sự thăng trầm để rồi chúng ta không còn nhớ đến cùng đích của cuộc đời chúng ta nữa.

Nguyện xin Chúa đến và ở lại với chúng ta và xin Chúa giúp cũng như nhắc nhở chúng ta về ngày cùng tận của chúng ta ở gần bên để chúng ta cũng sám hối như dân thành Ninivê xưa sám hối trước lời cảnh báo của ngôn sứ Giôna vậy.
 
Mồng Một Tết: Phấn đấu tạo Mùa Xuân
+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
16:26 24/01/2009
Mùa Xuân là mùa của hoa. Những bông hoa góp phần làm thành nét đẹp của ngày Tết. Ngày Tết mà thiếu hoa sẽ mất đi rất nhiều vẻ đẹp đẽ vui tươi.

Tại Việt nam, hai loại hoa tiêu biểu cho ngày Tết là mai và đào. Trong Nam, mai rộ nở như ganh đua với nắng vàng rực rỡ. Ngoài Bắc, trong cái buốt giá của mùa Đông kéo dài, những cành đào tươi thắm chen giữa đám lộc non xanh biếc là một cánh thiệp báo tin vui mùa Xuân đến.

Nhìn những cánh hoa tươi thắm như đang cười đùa với nắng Xuân, mấy ai nghĩ rằng những cánh hoa kia đã phải trải qua một quá trình phấn đấu gian nan.

Thật vậy, trước khi mùa Xuân đến, những cây đào trơ trụi như những xác chết không hồn. Những cây mai cũng bị tuốt sạch lá để trơ những cành khẳng khiu nom đến tội nghiệp.

Nhưng ai đã trồng hoa đều có kinh nghiệm là càng tuốt sạch lá càng có nhiều hoa. Chính những thân cây khẳng khiu trơ trụi ấy đã góp phần làm nên những bông hoa tươi đẹp trang điểm cho mùa Xuân, đem niềm vui đến cho con người, trở thành dấu hiệu của hạnh phúc, của thành công.

Mùa Xuân, chúng ta thường chúc nhau được thành công, hạnh phúc. Đã thấy những cành cây trơ trụi mùa đông, rồi nhìn những bông hoa rực rỡ hôm nay, tôi hiểu rằng thành công và hạnh phúc chúng ta đạt được cũng phải trải qua những phấn đấu như loài hoa. Để đạt được những thành công thiêng liêng và hạnh phúc vĩnh cửu, chúng ta càng phải noi gương loài hoa mà phấn đấu rất nhiều.

Phấn đấu loại bỏ những gì xưa cũ. Nếu những cây hoa không chịu tước bỏ lớp lá cũ già nua xấu xí thì làm sao có được những cánh lá non mơn mởn và nhất là làm sao có được những nụ hoa lộng lẫy vào mùa xuân ?

Tương tự như thế, muốn đời sống thiêng liêng sinh hoa kết quả, chúng ta cũng phải từ bỏ những gì xưa cũ trong bản thân. Những gì xưa cũ là những gì không phù hợp với Phúc Âm, những gì ngăn cản chúng ta tiến bước như thói lười biếng, thói giận hờn ganh ghét, thói ích kỷ, thói chia rẽ bất hoà, thói tự kiêu tự đại.

Phấn đấu dồn hết năng lực vào mục tiêu chính. Mùa đông, người làm vườn tuốt lá, tỉa cành để khi mùa xuân đến, nhựa cây phong phú không phải tốn phí nuôi dưỡng những chiếc lá già nua, những cành cây thừa thãi vô bổ, nhưng dồn hết sức sống cho hoa, cho lá mới. Nhờ thế hoa càng thêm tươi, lá càng thêm xanh.

Con người cũng thế, muốn thành công và hạnh phúc, phải loại bỏ những gì tiêu phí năng lực, để dồn hết năng lực vào mục tiêu chính. Mục tiêu chính của chúng ta là tập luyện lòng mến Chúa yêu người, là sống theo Tám mối phúc thật. Chuyên tâm vào mục tiêu chính, chúng ta sẽ dễ thành công.

Sau cùng, phải phấn đấu vượt qua mọi gian khổ. Khi tuốt lá những cây mai, tôi thầm nghĩ: Nếu cây mai biết nói, chắc nó sẽ kêu lên đau đớn. Tuốt lá, tỉa cành làm cho cây đau đớn, mất mát, xấu xí khó coi. Nhưng chính nhờ vượt qua được những gian nan thử thách ấy mà cây hoa mới đạt đến mùa xuân tươi đẹp đem hương sắc cho đời.

Để loại bỏ những gì xưa cũ và dồn hết năng lực vào mục tiêu chính, con người cũng phải phấn đấu rất nhiều. Phấn đấu từ bỏ mình. Không hành động theo bản năng, dục vọng. Không hành động theo ý riêng. Chỉ tìm thánh ý Thiên chúa. Những phấn đấu từ bỏ mình làm cho chúng ta đớn đau. Nhưng chính những đớn đau đó góp phần tạo nên mùa xuân tươi đẹp.

Năm Mới, tôi cầu chúc tất cả anh chị em được nhiều ơn Chúa để có sức phấn đấu, tạo nên một mùa xuân tươi đẹp cho gia đình, cho đất nước và cho nước Trời.
 
Tết cổ truyền dân tộc: Những nét đẹp Tin Mừng của Ngày Tết
+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
16:32 24/01/2009
I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA (Ga 12,23-36)

Khi ấy trong số những người lên dự lễ, có mấy người Hy lạp. Họ đến gặp Philiphê quê ở Betania, xứa Galilêa và nói với ông rằng: "Thưa Ngài, chúng tôi muốn gặp Chúa Giêsu". Philiphê đi nói với Anrê, rồi Anrê và Philiphê đến thưa Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đáp: "Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh. Quả thật, quả thật, Ta nói với các con: nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó. Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha". Lúc đó có tiếng từ trời phán: "Ta đã làm vinh danh Ta và Ta còn làm vinh danh Ta nữa". Ðám đông đứng đó nghe thấy và nói: đó là tiếng sấm. Kẻ khác lại rằng: "Một thiên thần nói với Ngài". Chúa Giêsu đáp: "Tiếng đó phán ra không phải vì Ta, nhưng vì các ngươi. Chính bây giờ là lúc thế gian bị xét xử, bây giờ là lúc thủ lãnh thế gian bị khai trừ và khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta". Người nói thế để chỉ Người phải chết cách nào. Vậy dân chúng thưa Người: "Chúng tôi đã học biết trong sách Luật rằng: Ðấng Kitô phải trường tồn mãi mãi. Thế sao ông lại nói: Con Người phải được đưa lên cao? Con Người đó là ai? Chúa Giêsu bảo họ: "Ánh sáng còn ở giữa các ông ít lâu nữa thôi. Các ông hãy bước đi, bao lâu các ông còn có ánh sáng, kẻo bóng tối bắt chợt các ông. Ai bước đi trong bóng tối, thì không biết mình đi đâu. Bao lâu các ông còn có ánh sáng, hãy tin vào ánh sáng, để trở nên con cái ánh sáng". Nói thế xong, Chúa Giêsu rời nơi đó và lánh đi không cho họ thấy.

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Mùa Xuân đến làm đẹp đất trời. Những cành đào đua nhau khoe sắc. Những chồi non bụ bẫm nhú ra khỏi cành cây khô khẳng. Chợ búa đông vui và đẹp đẽ với những hàng hoá đủ mọi loại. Những tà áo mới tha thướt làm đẹp phố phường. Trong khung cảnh vui tươi tấp nập ấy, khuôn mặt mọi người như rạng rỡ tươi cười. Mùa Xuân đem đến nhiều vẻ đẹp. Cao quý nhất là những nét đẹp văn hoá dân tộc đậm đà mầu sắc Tin Mừng.

Ngày Tết có nét đẹp của lòng biết ơn. Năm hết Tết đến, người Việt nam thường nhớ đến công ơn của những người đã giúp đỡ mình trong năm qua. Biết ơn là một nét đẹp văn hoá đáng trân trọng và cũng là một điều hợp lý. Năm 2000 phải biết ơn 1999 năm qua. Dòng sông lớn phải mang ơn những con suối nhỏ. Hạt lúa phải nhớ ơn những hạt mưa, hạt nắng, hạt phân. Ngày hôm nay phải biết ơn ngày hôm qua. Thế hệ này phải nhớ ơn thế hệ trước. Đời sống ta chịu ơn biết bao người. Cảm nghiệm sâu xa chân lý này, nên mỗi dịp Tết đến, người Việt nam ta thường bày tỏ lòng biết ơn với ông bà, cha mẹ và các ân nhân. Những món quà nho nhỏ nhưng thắm đượm tình nghĩa làm vui cả người nhận lẫn người cho. Riêng với người Công giáo, bày tỏ lòng tri ân đối với Thiên chúa là một bổn phận không thể thiếu. Vì Thiên chúa chính là tổ tiên đã sinh thành nên ta. Vì Thiên chúa là ân nhân lớn nhất đời ta. Chính Người đã ban cho ta món quà cao quý nhất: đó là sự sống. Chính Người tiếp tục chăm sóc gìn giữ ta từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây. Biết ơn là việc làm của lương tri, cổ võ cho một thế giới mới chan chứa tình người. Biết ơn cũng là một giá trị đạo đức được Chúa Giêsu đề cao trong Tin Mừng.

Ngày Tết có nét đẹp của sự cho đi. Ta gửi đi những cánh thiệp như những sứ giả của tình cảm yêu thương. Ta gửi đi những lời cầu chúc như tâm tình mến yêu tha thiết dành cho nhau. Ta sửa sang quét dọn nhà cửa để đón tiếp nhau. Ta dành thời giờ viếng thăm nhau để xiết chặt thêm tình thân ái. Ta ăn mặc tề chỉnh để tỏ lòng kính trọng nhau. Ta nói năng tế nhị để làm vui lòng nhau. Ta rộng rãi tặng tiền mừng tuổi cho con cháu. Tóm lại, tất cả những gì ta làm trong ngày Tết đều vì người khác và cho người khác. Đặc biệt trong lãnh vực ăn uống. Ngày Tết, nhà nào cũng chuẩn bị sẵn đồ ăn thức uống cho gia đình, nhưng nhất là để mời khách. Khách vào nhà bao giờ cũng được mời thưởng thức ấm chè mới, nếm kẹo bánh ngon. Sự chiếu cố của khách làm vui lòng cho chủ. Sự vui vẻ của người nhận là hạnh phúc của người cho. Có niềm vui cho đi và có niềm vui lãnh nhận. Những niềm vui ấy tạo cho ngày Tết một nét đẹp đầy mầu sắc Tin Mừng: nét đẹp của sự quên mình, của sự quảng đại cho đi, của sự khiêm tốn đón nhận, của tình liên đới.

Ngày Tết có nét đẹp của sự đổi mới. Thiên nhiên đổi mới với sự hồi sinh của cây cỏ. Phố phường đổi mới với những căn nhà mới, với những gian hàng mới và với quần áo mới. Hoà vào cái mới của đất trời, của xã hội, lòng người cũng nôn nao trong niềm hy vọng đổi mới bản thân và cuộc đời. Ai cũng mong tống tiễn những điều xấu vào quá khứ. Ai cũng mong đón nhận một tương lai tươi đẹp. Niềm mong ước đổi mới được thể hiện qua những cố gắng giữ vẻ mặt tươi cười, không tức giận, không nói những lời thô tục, những điều rủi ro, nhưng chỉ nói những điều tốt đẹp, đối xử hoà nhã với mọi người trong những ngày Tết. Phút giao thừa thật thiêng liêng. Nó đánh dấu một khởi đầu mới. Người ta tin rằng sống tốt đẹp những giây phút đầu tiên sẽ có ảnh hưởng tốt đến cả năm. Nên mỗi dịp Tết là một lần khuyến khích ta cố gắng đổi mới đời sống, đổi mới bản thân.

Đổi mới đời sống là điều Chúa Giêsu tha thiết mong muốn nơi ta. Người không ngừng mời gọi ta hãy từ bỏ con đường tội lỗi xưa cũ, bước vào con đường mới, con đường tự do, thánh thiện của con cái Thiên chúa. Người không ngừng mời gọi ta trở thành bầu da mới để có thể chứa đựng thứ rượu mới là giáo lý của Người. Ngày Tết chính là một cơ hội cho ta thực hành Lời Chúa dạy, tích cực đổi mới đời sống nên tốt đẹp hơn.

Với tất cả những nét đẹp trên đây, tinh thần ngày Tết cổ truyền dân tộc rất gần gũi với Tin Mừng. Rõ ràng nét đẹp văn hoá Việt nam đã chất chứa những giá trị Tin Mừng. Rõ ràng Tin Mừng đang đi vào cuộc sống của người Việt nam.

Vì thế, người Việt nam Công giáo không những có trách nhiệm gìn giữ những nét đẹp văn hoá của ngày Tết cổ truyền mà còn phải biến những nét đẹp ấy thành những trang Tin Mừng sống động. Khi ta sống tâm tình biết ơn trong ngày Tết, đừng chỉ giữ hình thức bề ngoài hay chỉ chú ý tới khía cạnh vật chất. Hãy có tâm tình biết ơn sâu xa. Hãy nhìn thấy ơn Chúa ban qua mọi ân huệ nhận được. Khi ta cho đi trong ngày Tết, đừng chỉ cho đi như một hình thức xã giao hay như một thói tục bắt buộc. Hãy cho đi với tâm tình yêu mến, kính trọng thực sự. Hãy đón tiếp khách thăm viếng như đón tiếp chính Chúa. Khi ta muốn đổi mới đời sống, đừng chỉ giữ như một hình thức và không chỉ giữ trong những ngày Tết, nhưng duy trì sự cố gắng đổi mới trong suốt cả đời với quyết tâm thực sự đổi mới đời sống.

Khi ta sống tinh thần Tin Mừng trong những phong tục ngày Tết, ta góp phần xây dựng một mùa Xuân mới, một mùa Xuân dân tộc, một mùa Xuân tình thương. Mùa Xuân ấy sẽ vĩnh cửu vì sẽ dẫn đến mùa Xuân Nước Trời.

Lạy Đức Kitô là mùa Xuân đích thực, không bao giờ tàn úa, xin đổi mới tâm hồn con. Amen
 
Mồng 2 Tết: Mừng Xuân với những liên hệ
+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
16:40 24/01/2009
Dịp Tết, chúng ta thường gửi thiệp chúc Tết, thăm viếng và tặng quà cho nhau. Những sinh hoạt ngày Tết như thế là những sinh hoạt của các mối liên hệ. Nếu không có những liên hệ, ngày Tết sẽ mất đi ý nghĩa của nó. Tết là của người khác chứ không phải của riêng mình. Vì thế, đối với trẻ em, Tết là những ngày hội vui. Nhưng đối với người trưởng thành, Tết là một trách nhiệm:

Người chúng ta sống được ở đời là nhờ những liên hệ. Không ai có thể sống một mình. Chúng ta cần có cha mẹ để có mặt ở đời. Chúng ta cần có thầy cô để khai thông trí hoá. Chúng ta cần có bạn bè để chia vui sẻ buồn. Chúng ta cần người nông dân để có lúa gạo, rau trái. Chúng ta cần có thợ may để có quần áo. Chúng ta cần người quét đường để đường phố được sạch sẽ. Có thể nói tất cả những gì chúng ta có được: từ sự sống đến kiến thức, từ cơm ăn áo mặc đến xe cộ, thuốc men, tất cả đều nhờ người khác.

Những mối liên hệ giống như những con đường chuyên chở đến cho chúng ta những chất liệu nuôi dưỡng cuộc sống. Những mối liên hệ là những mạch máu đem máu đỏ đến tận những tế bào bé nhỏ nhất trong thân thể chúng ta. Những mối liên hệ chính là chiếc chúng tay vịn giúp chúng ta leo lên những bậc thang làm người và thành đạt.

Đời chúng ta có nhiều liên hệ. Có những liên hệ chiều rộng giúp cho cuộc đời thêm tươi đẹp phong phú. Có những liên hệ chiều sâu tạo thành bản chất cuộc đời. Gia đình với ông bà cha mẹ tổ tiên nằm trong mối liên hệ chiều sâu của đời chúng ta. Không có ông bà cha mẹ tổ tiên, chúng ta không có mặt ở đời. Ông bà cha mẹ là những hạt giống chịu vùi chôn dưới những lớp đất vất vả nhọc nhằn để cho cây đời chúng ta được mọc lên xanh tươi. Ông bà cha mẹ đã tự nguyện quên bản thân mình, chịu mục nát như lớp phân bón cho cây đời chúng chúng ta đơm bông kết trái. Chúng ta là điểm tới của một quá trình phấn đấu gian nan dài đằng đẵng của ông bà cha mẹ. Nếu ví đời sống chúng ta như một bông hoa thì những bông hoa ấy đã được tưới bằng những giọt mồ hôi và cả những giọt nước mắt của ông bà cha mẹ. Nếu ví đời chúng ta như một toà nhà cao tầng thì ông bà cha mẹ chính là lớp nền móng chịu vùi chôn dưới lòng đất, còng lưng gánh chịu mọi sức nặng cho toà nhà đứng vững, phô trương vẻ đẹp với đời. Hạt mầm hiện hữu vì bông hoa sắp nở. Nền móng có mặt vì ngôi nhà sắp xây. Trọn một đời ông bà cha mẹ đều dành cho hạnh phúc của con cháu.

Đời sống mỗi người, vì thế, đều có một lịch sử rất dầy và rất sâu. Bề dầy ấy không chỉ đo bằng những trang sách của cuốn gia phả, nhưng còn đo bằng những trang đời của bao thế hệ tổ tiên. Độ sâu ấy không chỉ đo bằng những cố gắng của bản thân, mà còn đo bằng bề sâu ân nghĩa của biết bao hi sinh vất vả của ông bà cha mẹ.

Ngày Tết là ngày của những mối liên hệ. Mùng Một Tết, chúng chúng ta đã sống mối liên hệ với Chúa, nguồn gốc và cứu cánh của đời chúng ta. Mùng hai Tết, Giáo hội muốn chúng chúng ta sống mối liên hệ với ông bà cha mẹ, những người thay mặt Chúa, trực tiếp ban sự sống cho chúng ta.

Sự sống là món quà quý nhất nên mối liên hệ với người ban sự sống cũng là mối liên hệ sâu nhất.

Tục lệ lập bàn thờ và kính nhớ tổ tiên trong ngày Tết là một nét văn hoá rất cao của người Việt Nam. Hình ảnh của ông bà cha mẹ trong nhà không chỉ nói lên sự sum họp của một gia đình đầm ấm, hình ảnh ấy còn nhắc chúng ta về lòng biết ơn, cho chúng ta nhìn thấy bề sâu bề dầy của lịch sử đời mình. Và vì thế giúp chúng ta ý thức về trách nhiệm của mình đối với tổ tiên, đối với bản thân, và đối với những thế hệ kế tiếp.

Muốn xây một căn nhà thật cao thật đẹp, trước hết phải xây dựng nền móng vững chắc. Muốn xã hội tiến nhanh tiến mạnh, phải xây dựng gia đìnhh vững chắc. Thờ kính tổ tiên, nhớ ông bà chính là nền tảng giúp xã hội tiến bộ vững mạnh.

Nếu những mối liên hệ là những con đường chuyển tải sự sống thì những liên hệ chiều sâu chính là những xa lộ huyết mạch. Nếu những mối liên hệ là những mạch máu nuôi dưỡng sự sống thì mối liên hệ chiều sâu chính là những động mạch chủ. Sửa chữa, củng cố và tăng cường những liên hệ gia đình chính là phát triển sự sống, phát triển xã hội.

Chính trong ý hướng đó mà Giáo hội muốn chúng ta sống tình gia đình, lòng biết ơn ông bà cha mẹ trong ngày mùng Hai Tết.
 
Năm Sửu tìm hiểu chuyện Trâu có mầu Kinh Thánh
Hoàng Đức Trinh
16:58 24/01/2009
Sửu đứng thứ hai trong thập nhị địa chi, mỗi địa chi có một con vật người ta đặt ra để làm biểu tượng, gọi là 12 con giáp. Sửu có vật biểu tượng là con Trâu. Người Việt Nam xưa quen gọi năm Sửu là năm con Trâu, nên người sinh ra trong năm Sửu là người có tuổi Trâu.

Việt Nam ta không ai lạ gì con trâu, vì ngay từ thời quan Phong-xi-ô Phi-la-tô đến nước Giu-dêu làm một vị quan Trấn thủ, theo Kinh Thánh. Trên đất nước ta cùng thời bấy giờ có quan thái thú Nhâm Diên đã hướng dẫn cho dân chúng quận Cửu Chân biết dùng trâu để kéo cày làm ruộng. Từ đó, con trâu luôn sát cánh với người nông dân, “chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”. Và cho đến hôm nay, toàn dân Việt Nam ta sau hơn ba mươi năm “tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc xuống CNXH”, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn canh tác theo lối “con trâu đi trước, cái cày theo sau”!!!. Vì thế, nói đến con trâu ở Việt Nam, thì ngay đứa trẻ con cũng biết, nên chúng tôi không kể lể lai lịch con trâu, mà bàn về con trâu dưới con mắt nhà Đạo.

Để đón mừng Tết Nguyên Đán năm Sửu, theo thói quen, chúng tôi lại tìm hiều xem trong Kinh Thánh đã nói đến con Trâu như thế nào.

Trâu trong Sách Dân Số

Sách Dân Số là cuốn sách thứ tư trong Ngũ thư Kinh Thánh. Năm cuốn sách đầu tiên trong bộ sách Kinh Thánh, gồm có Sách Sáng Thế, Sách Xuất Hành, Sách Lê Vi, Sách Dân Số và Sách Đệ Nhi Luật.

Sách Dân Số ghi lại những cuộc kiểm tra dân số theo 12 chi tộc It-ra-en sau khi rời khỏi Ai-cập, tiến về Đất Hứa. Trong hành trình về Đất Hứa có một trình thuật nói đến con Trâu. Khi dân Ít-ra-en đóng trại trên đất Mô-áp, vua Mô-áp là Ba-lác rất sợ Ít-ra-en chiếm đất, nên cho mời Bi-lơ-am là một thầy phù thuỷ đến để nguyền rủa, chúc dữ cho Ít-ra-en. Trên đường đến Mô-áp, Bi-lơ-am được thiên sứ chận đường, bảo phải làm ngôn sứ cho Chúa.

Khi Bi-lơ-am gặp Ba-lác, ông xin vua cho lập 7 bàn thờ, mỗi bàn thờ dâng một con bò mộng và một con cừu đực. Sau đó ông nói với vua Ba-lác là: ông không thể trù ẻo được dân mà Chúa không nguyền rủa, rồi ông cất tiếng chúc phúc cho Ít-ra-en.

Vua Mô-áp kéo ông đến nơi khác nói: Ta đưa ông đến để nguyền rủa kẻ thù của ta, mà ông lại chúc lành cho nó. Bây giờ ông hãy nguyền rủa chúng cho ta. Bi-lơ-am lại đề nghi làm 7 bàn thờ như truớc. Rồi ông tuyên lời sấm như Chúa đã truyền, trong đó có câu diễn tả con trâu như một con vật dũng mãnh uy hùng:
Thiên Chúa đã đưa chúng ra khỏi Ai-cập,
Người là sức mạnh của chúng tựa sừng trâu
(Ds 23, 22).

Vua Ba-lác thất vọng nói với Bi-lơ-am: Nếu ông không nguyền rủa nó được, thì ít ra ông đừng chúc phúc cho nó chứ. Rồi Ba-lác lại dẫn Bi-lơ-am đến nơi khác, cũng lập 7 bàn thờ đầy ắp của lễ như hai lần trước, đề nghị Bi-lơ-am không chúc phúc cho Ít-ra-en nữa. Nhưng Bi-lơ-am lại tuyên sấm trong đó có câu:
Chính Chúa đã đem chúng ra khỏi Ai-cập, Người ra uy lẫm ví thể sừng trâu. (Ds 24, 8).

Vua Ba-lác nổi giận với Bi-lơ-am, vì đã ba lần chúc phúc cho Ít-ra-en, nên chia tay Bi-lơ-am trong hậm hực tức tối.

Trâu trong Sách Đệ Nhị Luật

Đệ Nhi Luật (hay còn gọi là Thứ Luật, hoặc Phục Truyền Lề Luật Ký) là cuốn thứ năm trong bộ Ngũ thư của Kinh Thánh Cựu Ước. Gọi là đệ nhị luật vì sách này chỉ san định lại những luật lệ đã có từ trước, cũng có thể là sưu tầm và ghi lại những luật lệ từ xa xưa cha ông đã giữ (phục truyền lề luật) để cho dân Chúa căn cứ vào đó mà thực thi.
Trong Sách Đệ Nhị Luật có bài ca chúc lành của Moi-sen cho 12 chi tộc Ít-ra-en. Với chi tộc Giu-se, Moi-sen đã cầu chúc nhiều điều, trong đó có câu:

Nó là con bò mộng đầu lòng của Chúa, chúc nó được vinh hiển! Sừng nó là sừng trâu, nó dùng để quật ngã các dân, một trật trên khắp cùng cõi đất (Đnl 33,17).

Sách Đệ Nhị Luật cũng nhắc lại luật thanh sạch trong Sách Lê Vi: “mọi con vật có chân chẻ làm hai móng và thuộc loài nhai lại thì các ngươi được dùng thịt nó làm thức ăn (Lv 11,3), rồi kê ra một số con vật cụ thể, trong đó có con trâu: ”Đây là những thú vật các ngươi được ăn: bò, cừu, dê, nai, hươu, hoẵng, sơn dương, linh dương, trâu rừng, mang” (Dnl 14,4-5).

Trâu trong Sách Ông Gióp

Sách Ông Gióp là cuốn thứ 22 trong bộ Cựu Ước kể chuyện ông Gióp, trình bầy vể sự đau khổ ở đời cũng không ra ngoài thánh ý Thiên Chúa. Sách được viết theo lối văn truyện giáo huấn để cảm hoá loài người.

Trong sách ông Gióp có đoạn tả về con trâu nước như sau:

Kìa con trâu nước mà Ta đã dựng nên nó như dựng nên ngươi. Nó ăn cỏ như bò. Hãy xem sức mạnh nó ở nơi lưng, mãnh lực nó ở trong gân hông nó. Nó cong đuôi cứng như gỗ bá hương. Gân đùi nó chằng chịt giống như nan rế. Các xương nó tựa ống đồng. Bốn chân nó như cây sắt.

“Trâu nước quả là tác phẩm tuyệt vời trong các công trình Đức Chúa tạo thành. Nhưng Đấng sáng tạo lại trao gươm cho nó. Núi non cung cấp đồng cỏ tươi cho nó ăn, nơi mọi dã thú nô đùa ờ đó. Nó đẵm mình ở dưới đầm sen, trong lùm lau sậy nơi bưng biền. Nó được lá sen che phủ và cành dương liễu rủ ngành bao bọc. Kìa nước sông tràn lên dữ dội nhưng nó không sợ hãi. Dầu sông Gio-đan ngập đến miệng nó, nó cũng vững vàng. Ai có thể khống chế được nó? Ai có thể giăng bẫy bắt được trâu nước, rồi xỏ mũi nó được?”
(G 40,10-19).

Đó là con trâu nước, còn những con trâu rừng thì sao?

Tất cả thú vật chúng ta gọi là gia súc, trước kia chúng đều sống nơi hoang dã. Con người muốn sử dụng được nó đều phải ra công thuần hoá nó. Trâu rừng cũng vậy, muốn nó phục vụ trong công việc canh tác ruộng rẫy, cũng phải huấn luyện cho nó. Hãy nghe Sách Ông Gíóp nói về trâu rừng:

Liệu trâu rừng có muốn phục vụ ngươi, có chịu ngươi nhốt nó qua đêm bên máng cỏ nhà ngươi?” (G 39,9). "Liệu ngươi có đặt được ách vào cổ trâu rừng mà bắt nó kéo cày, và liệu nó có chịu theo ngươi đi cày bừa dưới thung lũng?” (G 39,10).

Ngươi có thể tin vào sức trâu rừng khoẻ mạnh mà giao cho nó những công việc nặng nề được không?” (G 39, 11). “Ngươi có thể nghĩ rằng trâu rừng sẽ trở lại và đem lúa về sân phơi của ngươi chăng?” (G 39,12).

Trên đây là những câu nói đến trâu trong Sách Ông Gióp, trong các sách thi ca khác của Thánh Kinh, cũng có một số nói đến con trâu, mời quý vị đọc tiếp:

Trâu trong các sách thi ca khác

Chúng ta đã biết, Kinh Thánh có một số sách được viết theo thể văn vần, như Sách Thánh Vịnh, Sách Diễm Ca, Sách Châm Ngôn, Sách Huấn Ca…
Sách Thánh Vịnh gồm 150 bài thơ, phần lớn là thi thiên của Thánh vương Đa-vít. Thánh Vịnh 22 là lời than vãn của người lâm nạn cầu xin Chúa thương bênh cứu. Thánh Vịnh này đã mang giọng van nài của ngôn sứ I-sai-a, nên mặc được tính cách siêu vượt. Khi người tôi tớ tín trung chịu thử thách kêu cầu Chúa giải cứu:
Chúa là sức mạnh con nương,
Cứu mau lạy Chúa xin đừng đứng xa.
Xin cứu mạng khỏi sa lưỡi kiếm,
Gỡ thân con thoát miệng chó rừng,
Khỏi nanh sư tử hãi hùng,
Phận hèn khốn khổ thoát sừng trâu điên
. (Tv 22,20-22).

Thánh Vịnh 77 là bài học lịch sử của dân Ít-ra-en, sau nhiều năm gian khổ trên đường tiến về Đất Hứa, có những người than trách Chúa. Để cành tỉnh họ, ông Asáp đã làm bài Thánh Vịnh này nhắc lại những hình phạt mà cha ông họ đã chứng kiến trên đất Ai-cập. Nào là nước trở thành máu, nào là muỗi mòng, ruồi nhặng, ếch nhái tấn công người, nào cào cào châu chấu phá hoại mùa màng. Các súc vật ngoài đồng cũng bị giệt:
Lại khiến mưa đá huỷ hoại trâu bò, sét đánh chiên dê. (Tv 77,48)

Thánh Vịnh 92 ca tụng vinh quang Chúa. Ngài đã tiêu diệt những kẻ địch thù và bênh đỡ người công chính:
Ngài cho con ngẩng đầu hãnh diện,
Tựa như trâu ngạo nghễ giương sừng
. (Tv 92,11)

Còn Sách Châm Ngôn chứa những câu thành ngữ của Dân Chúa, giống như ca dao, tục ngữ của Việt Nam, để truyền lại những kinh nghiệm khôn ngoan trong đời sống. Nói về công việc canh tác lấy lương thực, sách Châm Ngôn cũng ghi nhận công khó của trâu bò:
Không có bò bàn ăn trống rỗng,
Nhờ sức trâu hoa lợi dồi dào
. (Cn 14,4).

Cũng nói đến công việc nhà nông, Sách Huấn Ca mô tả người nông phu cả đời vất vả, tối tăm mặt mày với con trâu, con bò, không sao ngóc đẩu lên được:
Cầm cày cầm cuốc,
khôn ngoan sao được.
Khi vụt roi trâu,
thấy đầu hãnh diện.
Luôn miệng vặt riệc,
công việc không ngơi.
Trao lời tán gẫu,
hết trâu đến bò.
(Hc 38,26-27)

Trâu trong các sách Tiên Tri

Trong bộ Kinh Thánh Cựu Ước có các sách của 17 vị Tiên tri. Chúng ta thường hiểu Tiên tri là người biết tương lai, hậu vận, nói trước những việc sẽ xảy ra. Nhưng Tiên tri trong Kinh Thánh là những người được Chúa chọn để truyền đạt ý muốn của Thiên Chúa cho dân Ngài, họ không những được Chúa cho biết về tương lai mà còn rành cả về quá khứ và hiện tại, để thành người phát ngôn lời truyền dạy của Chúa. Ngày nay ta gọi các Ngài là Ngôn Sứ vì ý nghĩa đó.
Trong số 17 vị Ngôn Sứ được Cựu Ước ghi lại, có bốn vị được gọi là Ngôn Sứ “lớn” vì tác phẩm mang tên các vi có độ dầy hơn, còn 13 vị khác thì sách của họ mỏng hơn, nên gọi là Ngôn Sứ “nhỏ”.

I-sai-a là vị Ngôn Sứ “lớn” nhất, sách của ông có tới 66 chương. Chương 34 ông tuyên sấm về việc Chúa xử tội đất Ê-đôm "một hy lễ lớn được dâng kính Đức Chúa tại Bót-ra, chính là cuộc tàn sát lớn tại Ê-đôm: "Cùng với chúng, nào trâu, nào bê, nào bò tót đều bị hạ.” (Is 34,70.

A-mốt là một Ngôn Sứ “nhỏ”, xuất thân là một nông dân nên lời lẽ của ông thường đơn sơ mộc mạc, nhưng có nhiều sức mạnh. Việc Ít-ra-en đổi trắng thay đen, biến phúc ra hoạ, đem lẽ phải thành ra cay đắng…được Ngôn Sứ dùng hình ảnh công việc thường ngày nơi thôn quê, như cày bừa làm ví dụ để thức tỉnh dân Chúa:
Ngựa có phi được trên đá lởm chởm không?
Người ta đem trâu bò đi cày ngoài biển sao?
Thế mà các ngươi đã biến lẽ phải thành thuốc độc,
đổi công lý nên ngải đắng!
(Am 6,12).

Còn Ngôn Sứ Giê-rê-mi-a tuy không nói đến đích danh con trâu, nhưng có nói liên quan đến trâu. Ngôn Sứ đã tuyên sấm cho Ai-cập, sẽ bị vua Na-bu-cô-đô-nô-xô từ phương Bắc xâm lăng, bằng một hình ảnh bình dân, cho dân quê hiểu được mà di tản tránh chiến tranh:
Ai-cập là con bò tơ xinh đẹp,
bị ruồi trâu từ phương bắc đến đậu trên mình
. (Gr 46,20).

Trâu trong bài viết

Trong bài viết này chúng tôi viết về “Năm Sửu tìm hiểu chuyện trâu có mầu Kinh Thánh”. Cái nhan đề dài, cố ý để quý vị đọc lên cho có âm điệu. Thật ra trong Kinh Thánh có rất nhiều lần nói đến con bò, mà rất hiếm khi nói đến con trâu, con vật mà nông dân Việt Nam ta dùng để kéo cày trong công việc làm ruộng. Có lẽ vì lịch sử Kinh Thánh xảy ra ở Đất Thánh là vùng nóng và khô không thích hợp với đời sống của con trâu, như con trâu ở Việt Nam. Vả lại, ở vùng đất nóng và khô Trung Đông người ta chỉ nuôi bò để làm sức kéo, bò được Kinh Thánh nhắc đến nhiều vì nó còn được dùng làm của lễ toàn thiêu cùng với chiên và dê.

Trong các bản địch Kinh Thánh sang tiếng Việt, các dịch giả thường dùng danh từ Trâu đi đôi với Bò, nghĩa là cùng loại con vật kéo cày, kéo xe. Cũng vì để Kinh Thánh đi sát với thực tế, sát với phong tục Việt Nam, nên con trâu đã “đi vào” bản dịch Kinh Thánh cách tự nhiên, như đi về chuồng qua ngõ tre làng xóm.

Cho nên con Trâu trong các bản dịch Kinh Thánh Việt ngữ không hẳn đều thuộc giống trâu nông dân Việt Nam dùng để góp sức cho công việc đồng áng. Chính vì thế mà chúng tôi phải dùng nhiều bản dịch khác nhau, mới có được những “con trâu” trích dẫn ở trên. Mong quý độc giả thông cảm, khi có mở lại bản văn Kinh Thánh Việt ngữ theo trích dẫn mà không thấy tiếng trâu, thì xin vui lòng mở bản Thánh Kinh của một dịch giả khác.

Chúng tôi đã dùng Thánh Kinh Việt ngữ của các dịch giả Trần Đức Huân, Nguyễn Thế Thuấn, Nhóm Phiên dịch Các giờ Kinh Phụng Vụ và Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước của Hội Thánh Tin Lành.
 
Lời nguyện đầu năm
Tú Nạc
17:03 24/01/2009
Chúng ta, những ngày cuối năm, ai nấy đều bận rộn chuẩn bị đón chào năm mới đang đến gần. Nhưng đừng quên hiệp nhất lời cầu nguyện cho thế giới của chúng ta, cầu nguyện cho những sự sống trên con tàu vũ trụ khổng lồ này. Chúng ta cầu nguyện điều gì?

Chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam mãi mãi là một hải đảo trù phú – ĐÚC TIN giữa một đại dương cùng cực – VÔ THẦN.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho người dân Việt sớm được sống trong công bình và chân lý; đựợc quyền hưởng những gì là của mình, do mình và vì mình.

Chúng ta hãy cấu nguyện cho TT Barak Obama có đủ khôn ngoan để ông có thề dẫn dắt nhân dân Mỹ phấn đấu vượt qua những hiểm họa kinh tế, và hàng trăm ngàn đồng bào của ông thoát khỏi cảnh thất nghiệp hoặc rơi vào những thử thách cam go.

Chúng ta cầu nguyện cho cuộc tranh đấu đòi hỏi sự sống con người của những hài nhi chưa ra đời – sẽ đươc đơm hoa kết trái trên thế giới.

Chúng ta hãy cầu nguyện, bằng cách này hay bằng cách khác, cho sự xung đột sắc tộc ở Congo có thể được vãn hồi và Liên Hiệp Quốc tập trung nỗ lực quốc tế để chấm dứt bạo lực ở quốc gia đầy nước mắt này.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người linh Afghanistan, cũng như người dân Afghanistan, để việc làm của họ có thể đạt thành quả, bạo lực giảm dần, đất nước trở lại ổn định, an bình cho quốc gia đầy thương tích này.

Chúng ta cầu nguyện cho những nỗ lực tái tạo một nền hòa bình ở Trung Đông giữa Palestine và Israel, để có một giải pháp hòa bình bền vững cho cuộc xung đột lâu đời hàng thập kỷ của họ.

Chúng ta hãy cầu nguyện để chấm dứt khủng bố và cho mọi nỗ lực nhằm xóa bỏ sự cách biệt và đối lập mà nó tiềm ẩn.

Chúng ta cầu nguyện cho những bậc cha mẹ và con cái họ. Trong một thế giới mà trẻ em đang bị bao vây bởi những thông điêp cùa sự căm ghét và tham lam, một thế giới mà tầm quan trọng của sức mạnh, của tình yêu, và sự hiện hữu cùa cha mẹ chưa được coi là cao cả, thiêng liêng.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những ai đang phải vật lộn với cảnh khó nghèo, thiến thốn trong những ngày sắp sang xuân, và cả quãng đời họ.Chúng ta đừng bao giờ quên nhu cầu của họ trong sự phiền muộn của chúng ta vựợt lên trên những thử thách của riêng mình.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo Hội chúng ta, cho những nhà lãnh đạo tinh thần của chúng ta được lãnh nhận sự khôn ngoan và lòng nhân từ, sự cần thiết để là những mục tử chăn dắt đàn chiên.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho DTC Benedict XVI, để Ngài đón nhận ân sủng của Thiên Chúa mà ngài cần, để dẫn dắt đàn chiên qua những cơn nguy biến và hướng dẫn con cái Ngài lòng nhân hậu, yêu thương.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho một năm mới với nỗi khao khát tâm hồn, có thể hãy đến ngôi Thánh đường gần nhất, bước qua cửa, và Thiên Chúa đón bạn cùng với lời nguyện cầu đầu năm của bạn nơi Nhà Chúa. Amen.
 
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần
LM Nguyễn Vinh Gioang
19:33 24/01/2009
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần (67)

661. Thời giờ thuộc về Chúa

Tất cả thời gian đều nằm trong tay Chúa: quá khứ thuộc về Chúa, hiện tại thuộc về Chúa, tương lai thuộc về Chúa.
Chỉ có Chúa là Đấng làm Chủ thời giờ vì Chúa là Đấng hằng có đời đời, bất di bất dịch, tuyệt đối, không hề thay đổi.
Con người chúng ta thì tương đối, thay đổi. Chúng ta có trước rồi mới có sau, có ít rồi mới có nhiều. Chúng ta phải nhỏ rồi trở nên lớn. Chúng ta trẻ, rồi già. Chúng ta sống, rồi thế nào cũng chết. Vì thế, chúng ta không thể nào làm chủ thời giờ được. Thời giờ chỉ thuộc về Chúa..

662. Thời giờ rất chóng qua

Trong văn chương, nhiều hình ảnh diễn tả sự chóng qua của thời giờ: thời giờ được ví như mũi tên bắn ra khỏi chiếc cung rồi mất hút, như tia chớp lóe lên giữa đêm tối âm u rồi biến mất, như một giấc mơ, khi tỉnh dậy, không còn thấy gì nữa, như áng mây trên trời, mới có hình nầy, phút chốc lại biến sang hình khác, như chiếc hoa sớm nở chiều tàn, như con thoi thợ dệt đưa qua đưa lại nhanh như én liệng, như bóng ngựa vụt qua cửa sổ, …
Thời giờ trôi vùn vụt và không bao giờ quay đầu trở lại.
Thời giờ biến đi trước mắt chúng ta nhưng chúng ta không tài nào chận bắt nó lại được.
Vậy, làm được gì cho Chúa, cho Mẹ, cho Giáo Hội, cho các linh hồn, cho Đất Nước, … chúng ta hãy làm ngay.
Đừng bao giờ dời lại ngày mai điều chúng ta có thể làm ngày hôm nay.
Không bắt tay vào việc ngay, thì không bao giờ thực hiện gì được.
Chần chờ, không trở lại với Chúa ngay, không canh tân ngay, không đổi mới ngay, cứ đợi, cứ chờ, là phương thế hiệu nghiệm nhất của ma quỷ dùng để lôi kéo nhiều linh hồn không bao giờ đến với Chúa được.

663. Tôi không có thời giờ để giữ đạo.

Khi ai đó trong chúng ta nói rằng: “Tôi không có thời giờ để giữ đạo”, thì đồng nghĩa với điều họ muốn nói rằng: “Tôi không có thời giờ để giữ đạo.”
Theo tâm lý, nếu ta thích gì, ta sẽ kiếm đủ thời giờ để làm điều ta thích. Nên khi ta nói: “Tôi không có thời giờ để làm điều đó”, nghĩa là ta muốn nói: “Tôi không muốn làm điều đó.”
Than ôi, chúng ta thường phung phí biết bao nhiêu thời giờ quý báu để làm bất cứ những gì chúng ta thích, từ việc nói chuyện dông dài, vô ích hoặc có hại, đến việc ngồi hàng giờ để rượu chè say sưa, đánh cờ đánh bạc, nghe những gì nhảm nhí, xem những gì có hại hoặc xấu.
Nếu biết tiết kiệm thời giờ, chúng ta sẽ rút ngắn thời giờ ngủ nghỉ, thời giờ chuyện trò, thời giờ đọc những gì nhảm nhí, thời giờ xem những gì vô ích hoặc có hại, và ta sẽ dư thời giờ để làm những việc hữu ích, nhất là những việc hữu ích đẹp lòng Chúa và ích lợi cho phần rỗi chúng ta sau nầy.

664. Biết tiết kiệm thời giờ

Con người siêu nhiên rất chu đáo với bổn phận, bởi đó, rất tiết kiệm thời giờ, cho nên đã chia thời giờ làm việc và sống theo chương trình đã định. Họ hiểu rằng nếu không có thế, thì chỉ là sống theo tinh thần tự nhiên, theo ý riêng mình suốt từ sáng đến tối. (Hồn Tông Đồ)

665. Ích lợi của một thời khoá biểu rõ ràng và chuyên nhất

Không thời khắc biểu rõ ràng và chuyên nhất, mọi cuộc đời đều bị tiêu hoang.
Mỗi ngày, làm cũng một việc đó, vào đúng giờ đó, đó là bí quyết của sức mạnh và thành công. (General P) (Sống Sao Cho Ra Sống)

666. Năm phương thức để có cuộc sống lạc quan

1. Hãy thường xuyên gặp gỡ những người có tinh thần lạc quan, dù ban đầu, có thể bạn không cảm thấy thoải mái lắm.
2. Nếu bạn đang sống hay làm việc cùng với những người mang tư tưởng tiêu cực, đừng để mình bị lôi kéo vào nỗi sợ hãi của họ, cũng như đừng để họ áp đặt tư tưởng của họ cho bạn.
3. Hãy tập chuyển hóa tư tưởng hoặc lời nói tiêu cực thành tư tưởng và lời nói lạc quan.
4. Hãy luôn tìm ra những điều tốt đẹp nhất từ mọi hoàn cảnh và mọi người xung quanh.
5. Hãy thường xuyên sử dụng những lời lẽ lạc quan vì khi bạn nói một cách có ý thức, bạn sẽ tin vào điều mình nói. (Hạnh Phúc Ở Trong Ta)

667. Hãy hết sức vui sống trong hiện tại.

Bạn hãy sống ngày hôm nay với những suy nghĩ lạc quan.
Đừng bao giờ để tâm hồn mình bị phiền nhiễu bởi những lo sợ về những điều không hoàn hảo có thể xảy ra trong tương lai.
Bạn cần tự nhắc nhở chính mình, càng thường xuyên càng tốt, rằng bạn là một sinh linh của Chúa Trời và bạn có khả năng đạt được giấc mơ của mình bằng cách nâng cao suy nghĩ của bản thân.
Bạn có thể bay khi bạn xác định rằng mình có thể.
Đừng bao giờ nghĩ đến thất bại nữa.
Hãy đặt hết lòng mình vào kế hoạch của mình.
Hãy mỉm cười! (Hướng Đến Cuộc Đời Tươi Đẹp)

668. Thành công có thể là nguyên nhân của thất bại

Nguyên nhân chủ yếu của thất bại, chính là thành công.
Thành công làm cho con người tự mãn.
Thành công làm cho chúng ta không còn muốn xem xét lại bản thân mình nữa.
Thành công làm chậm bước trưởng thành của chúng ta bởi vì chúng ta đã mắc vào cạm bẩy của những thắng lợi trong quá khứ, bị giữ tê liệt tại chỗ. (William B.Werther,JR) (Lời Vàng Cho Các Nhà Kinh Doanh, tập 2)

669. Bạn cần tạo cho mình thói quen sống ngăn nắp.

Bạn cần tạo cho mình thói quen sống ngăn nắp. Điều nầy sẽ làm cho bạn tiết kiệm được thời gian, sức lực khi làm việc.
Bạn đừng cho điều nầy là nhỏ vì chỉ cần tìm một tài liệu mà bạn đã bỏ ở đâu đó trong một đống tài liệu mà bạn đang có, bạn đã mất khoảng 10 phút.
Một ngày, bạn sẽ có nhiều thứ phải tìm như thế. Nó không chỉ làm mất thời gian, sức lực một cách vô ích, mà còn gây cho bạn sự bực bội, phân tán tư tưởng, làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.
Nếu sống ngăn nắp, gọn gàng, mỗi ngày bạn có thể tiết kiệm được 1 giờ làm việc. Thời gian tiết kiệm đó, bạn có thể dành để làm những việc mình yêu thích như đọc sách, chơi thể thao, đi dạo, … Bạn sẽ thấy thoải mái, khoẻ khoắn hơn và có một thể trạng tốt để làm việc vào ngày hôm sau. (Vì Sao Bạn Vẫn Chưa Thành Công?)

670. Cố gắng để có được giấc ngủ ngon

Trong một ngày, chúng ta có rất nhiều việc để suy nghĩ, để làm, và chúng ta kết thúc một ngày bằng một giấc ngủ.
Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng trong sự nghỉ ngơi của thần kinh và là nguồn nuôi dưỡng sức sống của bộ não.
Nếu bạn cố thức để làm thêm vào buổi tối và không ngủ đủ giấc, bạn sẽ giảm khả năng làm việc hiệu quả ở ngày hôm sau.
Thật không sai khi có người đã từng nói:
- “Một ngày mới có tươi đẹp, tràn đầy sinh lực sống hay không, tuỳ thuộc vào rất nhiều vào chất lượng giấc ngủ tối hôm trước.”
Với một số người thì chợp mắt ngủ một chút vào buổi trưa sẽ cho họ tinh thần làm việc rất minh mẫn vào buổi chiều.
Nếu bạn bị stress hay bị chứng mất ngủ, bạn nên chọn cho mình một môn thể thao vận động cơ thể, tập thể dục, nghe nhạc hay chia sẻ với bạn bè người thân để giải tỏa những nổi buồn, mâu thuẩn trong bạn, để có một giấc ngủ thanh thản hơn. (Bí Quyết Của Thành Công)
 
Thời gian đang qua đi.
Pm. Cao Huy Hoàng
20:29 24/01/2009
“Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá hủy” (Jona 3, 4)
“Tôi nói cùng anh em điều này là: thời gian vắn vỏi” (1Cor 7,29)
Thời giờ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần đến. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng (Mc 1,15)


Ba bài đọc của Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay cùng đưa chúng ta đến một ý thức sâu sắc về chiếc thoi đưa của thời gian trong cuộc lữ hành dương thế, và việc phải làm ngay, không thể chần chừ, không thể do dự.

Lời cảnh tỉnh của tiên tri Jona làm cho dân chúng phải “ăn chay, mặc áo nhặm, và bỏ đời sống xấu xa” cũng chứng tỏ một sự thuyết phục rất đáng kể của người loan tin. Nhưng việc thay đổi cách sống ấy, có thể vì họ sợ bị trừng phạt, vì ích lợi phần xác cho mình, hơn là vì một lý do nào khác.

Nhưng tích cực hơn, Thánh Phaolô khuyên dạy Giáo đoàn Corinto không chỉ biết rằng thời gian ngắn ngủi, mà còn phải biết chuẩn bị cho một cuộc sống mới, bằng cách nhìn nhận tất cả những thực tại trần gian có như không có, để chuẩn bị cho một cuộc sống giá trị hơn,vĩnh cửu hơn, “vì chưng, bộ mặt thế gian nầy đang qua đi”(1Cor 7,31).

Với Chúa Giêsu, còn cụ thể hơn nữa, rằng “anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng”. Đây là thông điệp đầu tiên của Con Thiên Chúa gởi đến thế giới, không chỉ sám hối, mà còn phảit tin vào Tin Mừng. Rất tích cực cho mỗi con người trên trần gian nếu muốn tha thiết với cuộc sinh tồn.

Ngài đã mở ra, cách nào đó, cho trần gian hiểu được có một cuộc sống mới, không phải cuộc sống nầy, có một thời gian mới, không phải thời gian nầy, có một cùng đích mới, không phải sự tàn vong vô nghĩa của một đời người vô nghĩa. Viễn tượng ấy chính là Tin Mừng, chính là Đức Giêsu Kitô. Không chỉ sám hối mà còn tin vào Đức Kitô. Vì thời gian đã đến hẹn chính Thiên Chúa Cha phải sai Con Một Người đến trong trần gian để thu hồi con dân Ngài về trong Nước Thiên Chúa, qua Đức Kitô.

Vì thế, việc Chúa Giêsu chọn những người đầu tiên cộng tác với Ngài, chắc chắn, không thể không chia sẻ với sứ vụ đặc biệt của Ngài là cùng kêu gọi mọi người sám hối và tin vào Tin Mừng. Thiết tưởng, vì sự liên kết các bài đọc Lời Chúa hôm nay, có thể nói, ý hướng của Mẹ Giáo Hội không cố tình nhắm đến tiêu chuẩn người được chọn làm môn đệ Chúa, nhưng là nhắm đến việc phải cộngt ác với Chúa Giêsu loan truyền thông điệp đầu tiên rất quan trọng là “Thời giờ đã mãn. Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Ở Việt Nam, Chúa nhật 3 thường niên thường đúng vào dịp giáp tết, là một cơ hội quí cho mọi người để tâm suy gẫm. Thời gian đang xoay vần từ những ngày đông chí đến lập xuân, để bắt đầu một mùa xuân mới. Rất rõ ràng là thời gian đang qua đi, và thời gian không bao giờ trở lại. Thời gian luôn luôn mới, và thời gian không thể luân hồi. Con người sống trong thời gian, thiết tưởng mỗi ngày cũng phải mỗi tiến đến cái mới toàn mỹ, thì ngược lại, vẫn ậm ì trong cái củ rích của một mớ suy tư tự phụ không tiến bộ nỗi.

Nếu đành phải hy sinh lặt những chiếc lá cũ rích, vàng úa trên cành mai, cho cây mai đâm chồi nẩy lộc, đươm búp đươm hoa, thì tại sao ta không can đảm mà bỏ đi những thói hư đời như những nếp nhăn hằn sâu trong trí não, bỏ những lối sống xấu xa, những ý nghĩ thấp hèn ta vẫn mang theo bên mình từ năm nầy qua năm khác, để trổ sinh trong ta những lộc mầm mới của chân, thiện, mỹ, của thánh đức tinh tuyền? Con người chỉ biết mình già đi theo năm tháng, theo thời gian, mà không thấy mình đang trẻ ra, đang dâng tràn sức xuân mãnh liệt, chỉ vì chưa sám hối và chưa thực sự tin vào Tin Mừng.

Ở một số gia đình Việt Nam vẫn có thông lệ đón giao thừa thật sốt sắng. Gia trưởng thắp đèn bàn thờ lên, rồi cả nhà đọc kinh giao thừa. Mở đầu là kinh Đức Chúa Thánh Thần, kinh tin cậy mến, rồi nghe một đoạn Tin Mừng. Gia trưởng và các thành viên gia đình lần lượt tạ lỗi với Chúa vì những tội lỗi trong năm qua, tạ ơn Chúa những ơn lành Chúa ban, và xin ơn cần thiết cho năm mới. Sau đó, cả nhà ngồi lại với nhau, nghe ông bà, cha mẹ điểm qua những thành tích đã đạt được, những cái chưa được, cả đời sống vật chất lẫn đời sống tâm linh của các thành viên gia đình, nhất là việc giữ lề luật Chúa và Giáo hội. Rồi cháu con mừng tuổi ông bà, cha mẹ; ông bà, cha mẹ lì xì cho con cháu, và cuối cùng là, cả nhà ăn uống một chút gì với nhau thật êm vui đầm ấm.

Thiết tưởng, trong năm thánh giáo dục gia đình Việt Nam này, cũng cần tái lập lại một truyền thống đọc kinh giao thừa để cùng nhau lặt bỏ những nếp sống cũ của những thói hư tật xấu, và cùng nhau quyết tâm đổi mới cách sống tốt đẹp theo Tin Mừng. Bầu khí thiêng liêng của phút giây giao thừa năm cũ và năm mới, sẽ là khởi điểm cho những buổi kinh tối ở các gia đình để tiến đưa một ngày cũ lỗi lầm đi qua mà đón nhận hồng ân cho một ngày mới đến.

Thời gian đang qua đi.

Phải can đảm nhìn thẳng vào lòng mình để thấy bao nhiêu xúc phạm đến Chúa, đến tha nhân. Những xúc phạm thầm kín trong lòng, cũng như trong lời nói, hành động, những thiếu sót trong bổn phận đối với Chúa, với gia đình và với tha nhân.
Và còn nhiều lỗi lầm nữa: lỗi vì lầm tưởng mình không có lỗi, lỗi vì tự cho mình luôn luôn là đúng theo cách chủ quan, lỗi vì cố tình che dấu những hành vi ám muội, lỗi vì buông bỏ chính mình, chính bổn phận của mình mà chạy theo bao điều hư ảo, lỗi vì tránh né những sự thật phủ phàng có thể gây mất uy tín, lỗi vì không biết quí thời gian Chúa ban để thời gian trôi đi lãng phí, vô bổ, mà còn dùng thời gian cho những ý định mất lòng Chúa, và còn muôn lỗi lầm khác.
Và hãy thật lòng ăn năn sám hối và quyết tâm canh tân đổi đời để xin Chúa thứ tha.

Thời gian thật quí. Thời gian là hồng ân.

Sống trong thời gian là phải luôn đổi mới. Và đổi mới theo tinh thần của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô làm cho đời người luôn trẻ ra, luôn thanh thản phấn chấn tâm hồn. Vì chính Chúa Giêsu, Vua Vũ Trụ, Chúa Thời gian đang ngự trị trong con người hữu hạn để biến đổi cái hữu hạn ấy thành cái vô cùng, biến cái thời gian mùa xuân ngắn ngủi kia, thành mùa xuân vĩnh cửu.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sám hối mỗi ngày. Việc sám hối bao gồm biết mình có tội, có lỗi, và dứt khoát với tội lỗi, để nhờ lời vàng của Tin Mừng, dẫn dắt chúng con vào cõi trường sinh. A men.
 
Thơ Mừng Xuân Kỷ Sửu 2009 Giáo phận Thái Bình
LM Hier. Nguyễn Văn Đạo
20:33 24/01/2009
Đất trời vĩ đại bao la
Vòng đi, xoay lại, trăng sao quanh mình
Sinh ra thời tiết phân minh
Xuân - Hè - Thu tận - lại sinh Đông tàn
Sang Xuân muôn vật lan tràn
Ngàn cây thêm lộc ngần xa xanh rờn
Nụ hoa, hương sắc ngát thơm
Ong bay, bướm lượn nô vờn bên nhau
Nắng vàng chiếu toả sương mầu
Đàn chim lượn hót, Chúa thương mọi phần

Năm Hồng đào tối nay kết thúc
Bao nhiêu thắng lợi được oai hùng
Làm cho giáo phận nói chung
Cá nhân tập thể cũng từng tiến lên

Mến tin trông cậy nên gương sáng
Biến đổi lòng người đáng ngợi ca
Bỏ đường tội lỗi gian tà
Trở về chính đạo là Cha trên trời

Bốn cỗ xe ta thời thực hiện
Suy tôn Thánh Thể đến trọn đời
Sùng kính Đức Mẹ không ngơi
Học chăm giáo lý, mến người như ta

Năm linh chín (2009) Việt Nam Năm Thánh
Toàn tâm ý giáo dục gia đình
Bắt chước gương sáng Chúa mình
Sống trong khung cảnh tâm tình Mẹ Cha

Là người cha biết bao trách nhiệm
Nơi nương tựa cho mọi thành viên
Niềm tin giữ đạo cho nên
Ngành nghề phát triển làm ăn chuyên cần

Là người mẹ ta nên gương mẫu
Đảm đang mọi việc vẫn chu toàn
Yêu chồng quí mến các con
Xứng là phái đẹp Chúa ban ơn lành

Là người con cháu danh thơm ngát
Được hồn khoẻ xác rất vẻ vang
Gái trai duyên dáng hơn vàng
Thế là phúc lộc rõ ràng Chúa thương

Trước thềm xuân mới toàn địa phận
Năm Kỷ Sửu đang đến nay mai
Các cha, cha chính, mọi người
Chúc mừng Đức Giám tốt tươi mọi đàng

Chúa ban Người thọ trường tuổi mới
Xác hồn thanh thản với đức tài
Tinh thông xuất chúng… ai ơi
Ngoại giao rộng khắp, Đạo đời nơi nơi

Cha chính, Đức ông thời mạnh khoẻ
Các cha, tu sĩ mọi thành phần
Các thầy chủng viện ân cần
Sang năm tiến bộ đầy ơn Thánh Thần

Ơn Chúa thương đạo đời ăn ý
Nhiều họ lẻ lên xứ kỳ này
Thật là mãn nguyện nơi nơi
Đạo ta phát triển mọi người hoan hô

Kính Chúa yêu nước mặn mà
Việc hồn việc xác lấy đà tiến lên
Tinh thần vật chất hai bên
Giữ nên đạo Chúa muôn phần phúc thay
Hạnh phúc ta được hàng ngày
Đời sau ta được phúc ngay Nước Trời.
 
Mùa Xuân đầy hứa hẹn nếu ta tin vào Phúc Âm
Tuyết Mai
20:35 24/01/2009
Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, Người nói: "Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm". (Mc 1, 14-20).

Cuộc đời thường của con người có phải trải qua hằng bao nhiêu thế kỷ từ khi khai Thiên lập Địa và từ khi con người phạm tội tổ tông, thì cứ hết năm này qua năm nọ, hết ngày nọ lại qua tháng kia, chúng ta cứ phải vất vả tất bật để kiếm sống để kiếm miếng ăn cho qua ngày. Rồi thì cứ ngày lại ngày như thế! Cuộc đời của tất cả chúng ta trôi qua thật là vô nghĩa? Có những cái thú vui quá đáng đã để lại cho chúng ta dư hương thật là nhạt nhẽo? Có những nỗi buồn vô tận xem chừng như chẳng bao giờ có thể nguôi ngoai cho được? Nên Thánh Phaolô đã có những lời nhắc nhở gởi đến cho tín hữu Côrintô như sau: "Anh em thân mến, tôi nói cùng anh em điều này là: Thời giờ vắn vỏi; còn có cách là những ai có vợ, hãy ở như không có; những ai than khóc, hãy ăn ở như không than khóc; những kẻ hân hoan, hãy ăn ở như không hân hoan; những người mua sắm, hãy ăn ở như không có gì; những ai dùng sự đời này, hãy ăn ở như không tận hưởng, vì chưng bộ mặt thế gian này đang qua đi".

Và rồi lời của Chúa Giêsu cũng như thông báo cho tất cả con cái của Ngài biết là: "Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm".

Cuộc sống nơi trần thế so với Nước Thiên Chúa thì chỉ là một nơi sống tạm, còn Nước Thiên Chúa mới là một Chốn để tất cả chúng ta phải tìm về. Những lời lẽ của Thánh Phaolô Tông Đồ nhắn gởi cho chúng ta thật là những lời chí lý và rất thâm thúy, là chúng ta phải sống sao trên Thế Gian này cho thật hữu lý và cho thật hữu tình, để ngày tháng trần gian sẽ cứ mãi trôi đi, nhưng con đường Tìm Về Quê Trời, mới là cùng đích cho tất cả chúng ta muốn sống thật sự. Một cuộc sống mới. Một cuộc sống rất có ý nghĩa. Một cuộc sống viên mãn thiên thu hạnh phúc đầy tình yêu thương bên cạnh tất cả anh chị em cùng Một Cha Trên Trời trong sự quan phòng của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Để hiểu được cách ăn ở làm sao cho được như Thánh Phaolô khuyên dậy là người có vợ mà lại ăn ở như không có? Thưa có phải ngài khuyên chúng ta rằng đừng nên chú trọng hay quan tâm quá trong đời sống vợ chồng mà quên cả những trách nhiệm và bổn phận với những người chung quanh. Bởi có phải nếu các đấng mày râu quá chú trọng vào người vợ của mình thì các ông sẽ mất đi thật nhiều thiếu sót, đối với chính bản thân mình, với người thân, họ hàng, và sự giao tiếp bên ngoài xã hội?

"Những ai than khóc, hãy ăn ở như không than khóc". Cuộc đời thì muôn trăm đắng ngàn cay. Cuộc đời thì thường buồn nhiều hơn vui, thiết nghĩ chuyện viết kể về những chuyện tình buồn càng bi đát càng thảm thương càng khóc nhiều bao nhiêu thì người tác giả đó sẽ có cơ hội rất thành công và sẽ rất nổi tiếng vì lấy được nhiều nước mắt của độc giả. Nhưng có phải chúng ta sống chỉ có 24 tiếng đồng hồ rồi chết đâu!? Rồi ngồi đó mà khóc cả ngày hay sao!? Và tình đời thì cũng chẳng ai ở đó mà nghe ta tả oán mỗi ngày? Nghe ta khóc mỗi ngày? Vì ai cũng có những nỗi niềm riêng mà không sao nói cho hết được, mà dù chúng ta có muốn nói, cũng chẳng tìm đâu ra người tin tưởng để mà nghe, nên ai cũng hiểu được điều đó! Mà cũng chẳng phải vì chẳng có người nghe, nhưng là vì chúng ta có kể ra một thì người đời họ thêu dệt cho ra thành mười, nên thà giữ kín trong dạ mà lại nên chuyện hơn là kể ra. Có nghĩa là trên thế gian này người tốt thì ít mà người xấu thì nhiều. Nên chi bằng đem những chuyện thua lỗ mà kể cho Chúa nghe thì tốt hơn, vừa được lợi là biết nhịn nhục và biết giữ kín miệng.

"Những kẻ hân hoan, hãy ăn ở như không hân hoan". Con người ta thường cũng có thời. Làm ăn cũng có thời. Khi không gặp thời thì sự thua lỗ cũng là chuyện thường tình mà thôi! Có thể vì ta suy nghĩ nông cạn, tham lam, không lo-gic, nên thất bại. Nhưng khi ta gặp thời thì tiền bỏ ra 1 mà gặt hái đến 100 thì ta hân hoan yêu đời quá đỗi!??? Hân hoan đây chắc Thánh Phaolô muốn ám chỉ khi ta gặp thời cơ hay gặp may mắn. Đang nghèo như nhà ăn mày lại được trúng số chẳng hạn? Cuộc sống có phải quay một vòng 360 độ. Có tiền thì mua tiên cũng được mà lị! Có tiền thì từ ăn mày mua sắm được biệt thự, có được vợ đẹp, có được kẻ hầu người hạ chỉ trong phút chốc? Nhưng rồi giầu quá thì có những giá phải trả? Giầu quá thì những gì xưa kia thật là của mình, bây giờ đã cao bay xa chạy, vì anh đã quá thay đổi! Xưa kia anh là một người thành thật chân chất, nhưng nay tiền bạc đã thay đổi anh thành một con người gian manh và xảo trá. Tiền bạc nó bạc lắm! Nên anh mê bạc thì anh chỉ còn biết đến bạc mà thôi! Cho nên tiền nó đã làm anh trở thành những con người bội bạc.

"Những người mua sắm, hãy ăn ở như không có gì; những ai dùng sự đời này, hãy ăn ở như không tận hưởng, vì chưng bộ mặt thế gian này đang qua đi". Hỡi những ai đang mua sắm, hãy ăn ở như không có gì và những ai dùng sự đời này, hãy ăn ở như không tận hưởng, vì bộ mặt thế gian này đang qua đi. ...

Như năm nay chẳng hạn, kinh tế của cả thế giới đang suy thoái và nguy cập quá! Không biết năm nay mọi người đón cái Xuân Kỷ Sửu ra sao!? Nhìn thấy chung quanh cửa tiệm thi nhau đóng cửa. Hãng xưởng phải sa thải người vì họ khai phá sản. Nơi xin tiền thất nghiệp thì người người đứng xếp hàng chờ dài cả cây số. Đi đâu cũng thấy trên gương mặt mọi người không được vui, nhưng ai ai cũng ráng tạo ra một vẻ mặt thanh thản để đón chào cái Xuân đang đến nơi, trong không khí vui nhộn của thiên nhiên của đất trời. Như thấy nụ Mai hé nở thì biết Xuân sắp sửa đến nơi rồi! Chẳng những Mai nở rộ mà còn tất cả những loài hoa, hồng, cúc, vạn thọ, đại đóa, đào, huệ, cẩm chướng, lan, đua nhau khoe mầu sắc thắm. Chợ Tết vẫn có. Bánh chưng, bánh tét, kẹo, mứt, vẫn đầy chợ, bộ mặt của những ngày Tết vẫn có cho đúng với phong tục tập quán, chứ trên nét mặt của nhiều người đang lo lắng vì đang mất việc. Chưa bao giờ kinh tế của thế giới lại tuột dốc trầm trọng như năm nay. Đây là nạn chung của cả thế giới. Đâu đâu cũng thấy hãng xưởng, chợ búa, tiệm tùng, nhà hàng, lần lượt không rủ nhau cũng đóng cửa hàng loạt. Thế rồi chúng ta cả thế giới cùng ngồi mà khóc ư!? Khóc chẳng giải quyết được gì!? Khóc chẳng cho ta có việc? Khóc chẳng cho ta an ủi? Khóc chẳng đem lại được giải quyết nào cho xong được cả!? Trước mắt chúng ta chỉ thấy không có tiền, mà không có tiền thì không giải quyết được gì cả! Quả thật nếu chúng ta là con người bi quan thì nhìn bất cứ một biến chuyển gì chúng ta cũng có thể trở thành điên được. ... nhưng nếu chúng ta luôn là con người lạc quan thì sự gì không cũng có thể trở thành có và sự gì có chúng ta lại càng lạc quan yêu đời và yêu người đồng loại của mình hơn, thưa có phải không?

Vâng, bộ mặt của thế gian đang qua đi báo cho chúng ta biết điều gì chúng ta nên làm và điều gì không nên làm?

Và đây là Lời của Chúa Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta, Người nói: "Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm". (Mc 1, 14-20).

Lậy Chúa Giêsu!

Vâng thưa lậy Chúa, xin cho chúng con luôn ăn ở giống Chúa, có nghĩa là, dù thế gian có qua đi, nhưng trong lòng chúng con một mực theo Chúa đến cùng. Chỉ xin Chúa cho chúng con thêm sức mạnh để chống trả ba thù, để biết đâu là chước của ma quỷ, để biết đâu là Chân, Thiện, Mỹ, để đường tìm về Quê Trời không khó nếu chúng con để Chúa định liệu và luôn được theo Thánh Ý Chúa hơn là ý riêng của chúng con. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Benedict XVI là minh tinh mới nhất trên YouTube
Bùi Hữu Thư
02:27 24/01/2009

Đức Thánh Cha Benedict XVI là minh tinh mới nhất trên YouTube



VATICAN ngày 23, tháng 1, 2009
(Zenit.org).- Hôm nay, Vatican khai mạc một kênh Video trên YouTube để cung cấp các phim ảnh về các sinh hoạt của Đức Thánh Cha bằng 4 thứ tiếng, kể cả tiếng Anh.

Một hay hai phim video sẽ được cung cấp mỗi ngày tại: www.youtube.com/vatican.

Theo linh mục Dòng Tên Father Federico Lombardi, giám đốc văn phòng truyền thông Vatican, Đức Thánh Cha là người đầu tiên ủng hộ sáng kiến này.

Cha nói, " Đức Thánh Cha đã được chúng tôi đích thân thông báo về dự án và đã hài hòa và vui vẻ chấp thuận. Đối với chúng tôi, đây là một khích lệ lớn lao."

Linh mục Dòng Tên nói, Dự án đã được chuẩn bị trên một năm rưỡi, ngay từ khi Đài Phát Thanh và Trung Tâm Truyền Hình Vatican bắt đầu cho phổ biến các phim video trên mạng lưới toàn cầu của họ, và phổ biến đến các đài truyền hình và gia trang khác.

Linh mục Lombardi nói cơ quan thông tấn H2O đã đóng góp các hợp tác quan trọng “trong việc loan truyền cho thế giới các truyền thông xã hội Công Giáo."

Kênh Video YouTube của Vatican được nối kết với H2O, dưới tiết mục “thêm nhiều video về Giáo Hội Công Giáo trên thế giới."

Lấp đầy chỗ trống

Linh mục Lombardi ghi nhân là trên toàn thế giới, có những người “chú ý đến các bản tin và đề nghị từ những giới chức có thẩm quyền về luân lý – như Đức Thánh Cha, và nói chung trong Giáo Hội Công Giáo – về các vấn đề lớn lao trong thế giới hôm nay.

Cha nói, "Chính vì vậy mà YouTube đã được lựa chọn là một diễn đàn thích nghi để hiện diện trên mạng lưới, như một thẩm quyền tối cao về truyền thông trong thế giới hôm nay, để thường xuyên hiện diện, để cung cấp một địa điểm tham khảo đáng tin cậy, và để tiếp tục thông báo nhiều chi tiết hơn về sự hiện diện của Đức Thánh Cha và Tòa Thánh trên mạng lưới toàn cầu một cách nhẹ nhàng và rộng rãi hơn."

Ngoài việc nối kết với H2O link, YouTube cũng được nối kết với gia trang chính thức của Tòa Thánh, cũng như của Đài Phát Thanh và Truyền Hình Vatican.

Mạng lưới này cũng cung cấp khả năng để gửi các điện thư cho Tòa thánh, sẽ do nhân viên của cha Lombardi tiếp nhận.

Vị phát ngôn viên nói, "Việc khai mở đường lối thông tin này hiển nhiên là sự khai mào của một con đường. Với sự hợp tác của Google […] chúng ta có thể tiên đoán sẽ có nhiều phát triển và cải tiến cả về nội dung lẫn kỹ thuật.

"Chúng tôi tin tưởng đã cung cấp một dự án tốt đẹp và xây dựng cho những người sử dụng mạng lưới và khởi sự con đường này với niềm tin, và với một thái độ than hữu và đối thoại với tất cả mọi người, và chúng tôi cũng sẵn sàng học hỏi thật nhiều."
 
Người bạn trung tín nhất của các trẻ vô sinh
LM. Nguyễn Hữu Thy
15:32 24/01/2009

Người bạn trung tín nhất của các trẻ vô sinh



Bản chất tự nhiên của con người là biết đồng cảm và muốn được cảm thông. Nhưng trong cuộc sống đời thường lại có lắm điều nghịch lý khiến người ta không thể thông cảm được, và vì thế người ta cũng bỏ quên luôn cả những điều thiện hảo và chân chính khác kèm theo.

Đó chính là trường hợp xảy đến cho Tổng thống Hoa Kỳ vừa mãn nhiệm Georg W. Bush. Thật vậy, vì do thái độ phản đối găy gắt chống lại chính phủ Tổng Thống Bush về các cuộc chiến ở Afghanistan và Irak, cũng như những cách đối xử quá khắt khe đến tàn nhẫn với các tù nhân thuộc các thành phần khủng bố tại đảo tù Guantánamo (thuộc Cuba), dư luận thế giới hầu như không còn muốn biết đến vô số các thành quả tích cực khác mà chính phủ Bush đã thực hiện cho quê hương ông cũng như cho cả nhân loại nói chung, trong số đó trước tiên phải kể đến chính sách bênh vực triệt để quyền sống của các thai nhi, của những con người sắp được sinh ra. Trong chính sách này, chính cá nhân Tổng thống Bush là người đã chủ trương và thực thi một cách đầy xác tín việc bảo vệ các trẻ vô sinh, những con người sắp được cất tiếng chào đời như bao người khác.

Vâng, một điều quá nhiển nhiên khiến không ai có thể chối cãi được, đó là trên thế giới nói chung và tại Hoa Kỳ nói riêng, chưa hề có một vị quốc trưởng hay một vị Tổng thống nào đã dấn thân một cách mạnh mẽ và đầy xác tín trong việc bảo vệ mạng sống các người đồng loại vô sinh như vị Tổng thống thứ 43 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ Georg W. Bush. Vì thế, ông đã không ngần ngại sử dụng ngay cả kiểu nói chuyên biệt «văn hóa sự sống» của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong ngôn từ của mình. Tuy nhiên, TT Bush không hề dừng lại nơi những mỹ từ có tính cách mị dân, nhưng ông đã can đảm, dứt khoát và trường kỳ tranh đấu cho quyền sống của các trẻ vô sinh mà Thiên Chúa đã bạn tặng cho các em. Do đó ông đã chủ trương một đường lối chính trị về luân lý sinh học phù hợp với luân lý Kitô giáo.

1. Sự can đảm trước các phản kháng quá khích

Trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên (2000-2004) của Tổng thống Bush, việc phá thai ở Mỹ hằng năm đã giảm vào khoảng từ 1,6 triệu xuống 1,1 triệu trường hợp. Nhưng theo sự phỏng đoán của các nhà chuyên môn, thì ở Mỹ mỗi năm vẫn còn có khoảng 1,3 triệu bào thai bị giết chết một cách đau đớn và vô nhân đạo.

Sau khi được đắc cử Tổng thống vào năm 2000, công việc đầu tiên của ông Bush trên cương vị Tổng thống Hoa Kỳ là với chương trình được gọi là «Mexico City Policy», ông đã đem áp dụng trở lại những chỉ thị mà Tổng thống Ronald Reagen ban hành năm 1984 và sau đó đã bị Tổng thống Bill Clinton thuộc Đảng Dân Chủ loại bỏ, là cho rút lại tất cả mọi chi viện của chính phủ cho các tổ chức phi chính phủ có khuynh hướng ủng hộ và tuyên truyền việc phá thai ở các nước đang trên đường phát triển. Mặc dù bị Đảng Dân Chủ và những phần tử chủ trương phá thai quá khích chống đối kịch liệt, Tổng thống Bush vẫn cương quyết giữ vững lập trường.

Và cuối cùng, ngày 5.11.2003, Tổng thống Bush đã chính thức ký nhận và ban hành khoản luật tuyệt đối cấm hình thức phá thai cực kỳ dã man và vô nhân đạo, được gọi là «Partial Birth Abortion Ban Act» (thai nhi vì đã quá lớn, nên bị bác sĩ phá thai dùng kềm cắt nhỏ ra từng mảnh trước khi dùng máy hút ra khỏi bụng mẹ». Đây là lần thứ ba dự luật cấm phá thai này lại được Quốc hội thông qua và tiếp đến đã được Tổng thống ký chấp nhận và tuyên bố có hiệu lực. Trong khi hai lần trước tuy cũng đã được Quốc hội thông qua nhưng sau đó đã bị ông Bill Cliton, vị tiền nhiệm của Tổng thống Bush, dùng quyền phủ quyết Vê-tô của Tổng thống để bác bỏ, nên hoàn toàn vô hiệu lực.

Do đó, điều luật cấm phá thai nói trên được gắn liền với tên tuổi Tổng thống Georg W. Bush. Vì tại Hoa Kỳ, từ trên 30 năm qua, đây là lần đầu tiên một điều luật cấm phá thai như thế được Tổng thống ban bố để hạn chế tất cả những lạm dụng trong việc giết chết một cách cực kỳ vô nhân đạo những mạng người vô sinh và bất khả tự vệ. Và mặc dù bị các dân biểu Đảng Dân Chủ và các phần tử chủ trương phá thai quá khích điên cuồng chống đối, Tổng thống vẫn không thay đổi quyết định hợp đạo lý của mình.

Tiếp đến, mặc dù việc đề cử các thẩm phán cho «Toà án tối cao» nước Mỹ đã gây nên những xung đột và bất đồng nặng nề trong đời sống chính trị quốc gia, nhưng Tổng thống Bush đã không bỏ qua hai dịp thuận tiện để đề cử hai thẩm phán có quan điểm «pro life» là John Roberts và Samuel Alito vào Tối cao pháp viện của Hoa Kỳ.

Với điều luật «Born-Alive Infants Protection Act», tất cả mọi thành phần dân chúng hành nghề thuộc ngành y tế ở Mỹ trong suốt hai nhiệm kỳ Tổng thống Bush đều bó buộc phải chăm sóc và bảo vệ những trẻ em khi sinh ra còn sống. Việc «sửa chữa» những trường hợp phá thai «bất thành» (tức nếu đã phá thai, nhưng thai nhi khi sinh ra vẫn còn sống, thì để cho chết, chứ không được hưởng sự săn sóc y tế cần thiết) đều bị nghiêm cấm.

Tổng thống Bush còn tăng cường việc dấn thân nghiêm chỉnh trong việc bảo vệ các bào thai. Với ban cố vấn «President’s Council on Bioethics», Tổng thống Bush đã thiết lập trước hết một Ủy ban gồm các nhà chuyên môn hàng đầu do tiến sĩ Leon Kass làm chủ tịch, nhưng một điều đáng tiếc là những thành quả vô cùng quý giá và quan trọng do các công trình nghiên cứu của Ủy ban hàng đầu này mang lại, mãi cho tới nay đa số người ở ngoại quốc vẫn chưa biết đến.

Đặc biệt nhất là mặc dù Hoa Kỳ, một quốc gia vốn được coi là có truyền thống tự do nghiên cứu và khảo sát trong lãnh vực khoa học, nhưng vào năm 2001 Tổng thống Bush đã ra lệnh hạn chế tối đa các phương tiện thuộc nhà nước trong việc nghiên cứu tế bào sống. Vì thế, tiền tài trợ của nhà nước chỉ dành cho những công trình khảo cứu có tính cách bảo vệ các thai nhi mà thôi.

Nhưng dĩ nhiên đường lối chính trị về sinh học «pro life» của Tổng thống Bush đã bị Đảng Dân Chủ - một Đảng chính trị lớn thứ hai ở Mỹ mà có lần Đức TGM Raymond Burke, người Mỹ, Tổng trưởng Thánh bộ Tối cao pháp viện (Apostolic Signature) đã gọi là «Đảng của sự chết chóc» – hoàn toàn bác bỏ. Vì thế, vào tháng 7 năm 2006, trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Bush, Đảng Dân Chủ đã lợi dụng quyền đa số của họ trong Quốc hội, ở Hạ viện cũng như Thượng viện, để cho thông qua một dự luật nhằm bãi bỏ điều luật hạn chế việc nghiên cứu tế bào sống. Nhưng Tổng thống Bush đã dùng quyền phủ quyết Vê-tô của Tổng thống và từ chối không ký nhận một dự luật như thế. Và đó là lần đầu tiên trong suốt 6 năm trời trên cương vị Tổng thống, ông Bush đã sử dụng quyền Vê-tô của mình để phủ nhận một dự luật do Quốc hội đệ trình. Đây quả thực lại thêm một minh chứng rõ ràng nữa để khẳng định một cách hùng hồn rằng Tổng thống Georg W. Bush thực sự là một người bạn trung tín nhất của những trẻ em vô sinh.

2. Can đảm hành động theo lương tâm

Cũng vì lý do tôn trọng quyền sống của con người như thế, nên vào năm 2005 Tổng thống Bush đã can đảm can thiệp vào một quyết định hết sức tế nhị có liên quan trực tiếp đến sự sống/chết của một nữ bệnh nhân bị hôn mê.

Thật vậy, sau một tai nạn vào năm 1990, bà Terri Schiavo đã bị hôn mê và trong suốt 15 năm qua bà chỉ sống nhờ vào các phương tiện máy móc y khoa tối tân mà thôi. Nhưng bây giờ chồng bà xin nhà thương tháo gỡ các máy móc để vợ ông được chết bình an, trong khi đó cha mẹ của bà Schiavo lại cương quyết đòi phải duy trì sự sống của con gái mình. Đứng trước một quyết định đầy tế nhị và quan trọng như thế, số phận của bà Schiavo đã từng làm xúc động cả thế giới. Và Tổng thống Bush đã đứng về phía cha mẹ của bà Schiavo, vì ông cho rằng sự sống/chết của con người chỉ thuộc về quyền quyết định của một mình Thiên Chúa mà thôi. Nhưng tất cả đã vô ích. Tòa án trực thuộc của Atlanta đã quyết định chấp nhận nguyện vọng của ông chồng bà Terri Schiavo.

Riêng đối với phương pháp thụ thai nhân tạo, đã trở thành một ngành kỷ nghệ quan trọng tại Hoa Kỳ, thì Tổng thống Bush chưa dám động tới, nhưng có lẽ chỉ vì ông chưa có đủ thời giờ mà thôi.

3. Kết luận

Sau khi nhìn qua lại những hoạt động chính trị về luân lý sinh học của Tổng thống Georg W. Bush trong hai nhiệm kỳ tại toà Bạch Ốc, người ta phải công nhận rằng ông là người đã nổ lức hết sức trong việc tranh đấu và bảo vệ sự sống cho các trẻ em vô sinh hơn bất cứ vị Tổng thống Hoa Kỳ náo trước ông. Đó là một đặc điểm hoàn toàn tích cực và đánh kính nể của Tổng thống Bush. Và người càng kính nể ông hơn nữa khi biết rằng đường lối chính trị về luân lý sinh học như thế của ông không chỉ bị Đảng Dân Chủ và đông đảo các phần tử chủ trương phá thái đả kích và chống đối quyết liệt, nhưng chính trong Đảng Cộng Hòa, ông cũng không hoàn toàn được nhất trí ủng hộ. Tuy thế, ông vẫn can đảm và kiên trì tranh đấu cho quyền sống của tất cả các trẻ vô sinh, những con người bất khả tự vệ.

Nếu giả như các hoạt động chính trị của một vị Tổng thống chỉ dừng lại ở phương diện chính trị về luân lý sinh học, thì người ta phải quả quyết một cách chắc chắn rằng ông Georg W. Bush là một vị Tổng thống vĩ đại, và có lẽ là một vị Tổng thống vĩ đại nhất trong suốt trên dưới ba trăn năm lịch sử của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Nhưng trên thực tế, các hoạt động chính trị không chỉ dừng lại ở phạm vi luân lý sinh học mà thôi. Vì thế, trong các hoạt động chính trị của vị Tổng thống thứ 43 của Hoa Kỳ xuất thân từ Tiểu bang Texas đã không tránh được những mâu thuẩn và nghịch lý không thể dung hòa với nhau được, tương tự như: ánh sáng và bóng tối, thiện và bất thiện, hòa bình và chiến tranh. Nhưng trên hết, Tổng thống Georg W. Bush là một người bạn trung tính nhất của các trẻ vô sinh. Đó là một sự thật minh nhiên!

Lm Nguyễn Hữu Thy
 
Một cử chỉ đầy khoan dung của Tòa Thánh đối với nhóm Lefebvre
LM. Nguyễn Hữu Thy
15:54 24/01/2009
Roma-Vatican. Những tin đồn có tính cách khả tín đang lan truyền khắp thành Vatican là Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI sẽ cất vạ tuyệt thông cho bốn vị Giám Mục thuộc huynh đoàn bảo thủ Piô mà Đức TGM Marcel Lefebvre đã truyền chức cho vào ngày 30.6.1988 tại Thụy Sĩ, mặc dù không có phép của Tòa Thánh. Đó là các GM Bernhard Fellay, Alfonso de Gallareta, Tissier de Mallerais và Richard Williamson.

Phóng viên Andrea Tornielli, một người rất thân cận và biết rõ các tin tức từ Vatican, đã đã loan tin trên trong tờ nhật báo Ý «Il Giornale». Theo Andrea Tornielli, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã có quyết định này cách đây đã mấy tháng, sau khi GM Fellay, đương kim Bề Trên của huynh đoàn Piô, đã viết thư khẩn khoản xin tha vạ tuyệt thông cho bốn Giám Mục thuộc huynh đoàn mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã kết án cách đây 21 năm.

Phóng viên Tornielli viết: đây quả thực là một «hành động khoan dung và quảng đại ngoại lệ» của Tòa Thánh, nếu Đức Giáo Hoàng tha vạ tuyệt thông cho bốn vị Giám Mục thuộc huynh đoàn Piô đã được truyền chức bất hợp pháp này.

Phóng viên Paolo Luigi Rodari của tờ nhật báo Ý «Il Riformista» còn dự đoán là vào ngày chúa nhật 25.1.2009, Tòa Thánh sẽ công bố một Sắc lệnh về vấn đền này. Ông Rodari còn nói rõ là Đức TGM Francesco Coccopalmerio, Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Luật, đã «soạn thảo xong một bản văn theo đúng với ý Đức Thánh Cha và đã ký vào bản văn đó rồi». Đó cũng là tin mà một số các vị Giám Mục làm việc tại Tòa Thánh Vatican, không muốn cho biết tên, đã phê nhận.

Nhưng ở Roma, tin này cũng gây nên kinh ngạc cho không ít người. Bởi vì trong những năm vừa qua bốn vị giám Mục thuộc phái Lefebvre đã thường có những thái độ vẻ kiêu căng, hiếu chiến và có những lời tuyên bố đầy vẻ khiêu khích và chống đối Tòa Thánh cũng như Đức Thánh Cha. Ngay trong thánh 12.2008, qua một tờ báo GM Tissier de Mallerais đã thoá mạ Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI là «đồ đệ của phái duy tân» và «kẻ theo tà giá»: «Đức Giáo Hoàng đương kim thực sự là một đồ đệ của phái duy tân, chủ trường toàn bộ lý thuyết duy tân.» Tiếp đến, qua một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình Thụy Điển, GM Richard Williamson cũng đã tuyên bố rằng những lò sát sinh bằng hơi độc của chế độ Đức Quốc Xã chỉ là những chuyện bịa đặt. GM Williamson quả quyết rằng những người Do-thái bị Đức Quốc Xã giết hại chỉ vào khoảng hai trăm hoặc ba trăm ngàn người mà thôi, chứ không phải sáu triệu, hơn nữa những người Do-thái không bị giết hại bằng hơi độc. GM Williamson tuyên bố những điều này ngay khi có tin đồn Tòa Thánh sẽ cất vạ tuyệt thông cho bốn vị Giam Mục thuộc huynh đoàn Piô, trong đó có ông.

Nhiều người quan sát vụ việc cũng cho hay là rất có thể cộng đồng huynh đoàn bảo thủ Piô sẽ chống lại việc họ quay trở lại với Giáo Hội Công Giáo cũng như việc bốn vị GM của họ hoàn toàn thuần phục Đức Thánh Cha.

Trước đây, chính Đức HY Josef Ratzinger, Tổng trưởng Thánh bộ Đức tin cũng đã gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với Đức TGM Marcel Lefebvre, và TGM Lefebvre đã đồng ý chịu làm hòa lại với Giáo Hội. Nhưng sau đó, chẳng những Đức TGM Lefebvre đã rút lại chữ ký của mình mà còn cùng với GM Antonio de Castro Mayer, một vị GM về hưu, đã truyền chức Giám Mục trái phép cho vị Linh Mục thuộc huynh đoàn Piô của ngài. Vì thế cả hai cùng bị dứt phép thông công cùng bốn vị tân GM do hai vị mới truyền chức.

Thật ra, việc chấm dứt tình trạng lạc giáo của huynh đoàn Lefebvre luôn là nổi lo lắng trăn trở của Đức HY Ratzinger. Và nay với tư cách là Giáo Hoàng, Đức Bênêđíctô XVI càng mong muốn «qui tất cả về một mối» hơn nữa, chứ không không muốn để cho bất cứ người con cái nào của Giáo Hội phải sống chia lìa với Giáo Hội. Vì thế, sau khi lên ngôi được vài tháng thì ngài đã tiếp kiến ngay GM Fellay, Bề trên của huynh đoàn Piô.

«Lạy Cha, xin cho chúng nên một, như Con và Cha là một, để thế gian nhận biết Cha đã sai con xuống thế.»
 
Top Stories
Vietnam awards media outlets for skewed coverage of Catholics' trial
Catholic World News
01:20 24/01/2009
Lay Catholic activists in Hanoi are expressing outrage that the government has honored two media outlets for their coverage of property disputes with the Church. The awards to the New Hanoi newspaper and VTV1 television station came after the two outlets flagrantly distorted their coverage of the December trial of several Catholic activists on charges of destroying state property.

Both outlets reported that the defendants confessed and apologized for their behavior, when in fact the defendants entered "not guilty" pleas, insisted that their actions were justified, and have appealed their conviction. The defendants have now sued the media outlets for libel.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội Tu Sĩ – Sinh Viên Giáo Xứ Cẩm Trường Họp Mặt Truyền Thống Xuân Kỷ Sửu.
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
03:56 24/01/2009
Trong bầu khí vui tươi, phấn khởi chào đón Xuân Kỷ Sửu, sáng nay, 23 – 1 – 2009 (tức ngày 28 – 12 – năm Mậu Tý), Hội Tu Sĩ - Sinh viên giáo xứ Cẩm Trường đã long trọng tổ chức buổi họp mặt truyền thống Xuân Kỷ Sửu.

Với lần họp mặt truyền thống này, Hội Tu sĩ - Sinh viên Cẩm Trường bước sang tuổi thứ 11. Dịp gặp gỡ truyền thống (28 – 12 – năm Mậu Tý) là cơ hội quý giá, giúp anh chị em Tu sĩ - Sinh viên Cẩm Trường nhìn lại tình hình hoạt động một năm qua của Hội; đồng thời nói lên tâm tình cảm tạ tình thương Thiên Chúa, sự tâm huyết giúp đỡ của Cha xứ, các đấng bậc sinh thành, các ban ngành trong giáo xứ đã cưu mang, đồng hành cùng Hội trong sứ vụ sống chứng tá Tin Mừng giữa lòng đời hôm nay, cũng như việc góp phần xây dựng quê hương Cẩm Trường ngày thêm giàu đẹp.

Mặc dù bận rộn nhiều công việc trong dịp Tết, đặc biệt phải đảm đương công trình thánh đường giáo xứ đang trong thời gian thi công, Cha quản xứ Antôn Nguyễn Văn Thanh đã tới dự và dành nhiều tâm tình chia sẻ bổ ích thiết thực đối với Hội. Cha cũng khích lệ, động viên mọi thành viên trong Hội hãy kiên tâm, đặt hết niềm tín thác vào Thiên Chúa trước những khó khăn, thúc bách mà anh chị em đang phải đối diện. Theo Cha, người tu sỹ - sinh viên hôm nay “muốn thành đạt phải biết vác thập giá theo Đức Kitô”, phải biết khước từ trước những ma lực của đời sống vật chất, những mê lầm của lối sống hưởng thụ... Cha mong muốn các thành viên trong Hội hãy dành những thời khắc vàng ngọc cuối năm để hồi tâm và cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa, cảm nghiệm sứ vụ cao cả của thiên chức linh mục, của đời sống tu trì và niềm vinh hạnh góp phần mở mang Giáo hội bằng con đường tri thức; hãy sống sao cho xứng với truyền thống của quê hương, với niềm mong mỏi của gia đình, đừng để phụ lòng cha mẹ, đừng làm điều bất chính kẻo ân hận suốt đời... Cha đã mượn lời Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II để kêu gọi và khích lệ các thành viên: “Đừng sợ !...hãy sợ những gì làm trái lương tâm con !”.

Thay mặt cho Hội, Thầy F.x Nguyễn Hồng Ân (chủng sinh khoá X, ĐCV Vinh – Thanh), đã bày tỏ tâm tình biết ơn sâu nặng của anh chị em trong Hội trước sự tâm huyết đầy yêu thương mà Cha Antôn đã dành trọn cho Hội trong thời gian gần ba năm kể từ ngày Cha về quản nhiệm xứ; tin tưởng và hy vọng Cha tiếp tục đồng hành nâng đỡ Hội trong năm mới. Toàn thể anh chị em trong Hội gửi đến Cha ước mong và nguyện chúc Cha được tràn đầy sức khoẻ, bình an, hạnh phúc và dồi dào nghị lực trong năm mới để Cha chu toàn sứ vụ mà Chúa và Giáo hội đã trao mời. Lẵng hoa tươi thắm là biểu tượng cho tấm lòng thành của Hội kính dâng lên Cha.

Sau lời chúc tết Cha xứ, Thầy Nguyễn Hồng Ân đã đọc “BẢN TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI TU SĨ – SINH VIÊN GIÁO XỨ CẨM TRƯỜNG NĂM 2008”. Năm qua, nhờ sự giúp đỡ tận tình của Cha xứ và Hội khuyến học giáo xứ, sự nỗ lực và tình thần tự nguyện của các thành viên, Hội đã tổ chức được một số lớp học nhằm nâng cao kiến thức cho các em trong giáo xứ và đã đạt được những thành quả nhất định. Số em đạt tốt nghiệp PTTH rất cao ( 77 % số dự thi). Năm học 2008 – 2009, số sinh viên Cẩm Trường học tại các trường ĐH – CĐ – THCN là 38 người... Bên cạnh những kết quả khả quan của phía sinh viên là sự lớn mạnh của giới tu sĩ trong giáo xứ. Ngày càng có nhiều bạn trẻ Cẩm Trường nghe tiếng Chúa gọi, đã lên đường dấn thân theo sứ vụ tông đồ, dâng hiến trọn đời cho Chúa, phục vụ tha nhân. Số nam nữ tu sĩ Cẩm Trường hiện tại là 96 người... Bên cạnh những thuận lợi và thành quả đạt được, Hội vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại cần khắc phục. Đó cũng là những kinh nghiệm tốt cho Hội trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động và có những đóng góp tích cực cho sự vươn lên của giáo xứ trong năm mới.

Hội ngộ trong ngày truyền thống, đa số tu sĩ – sinh viên Cẩm Trường đã trở về từ khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam. Các anh chị em đã đem về đây những hương vị riêng từ những vùng miền, đã bộc bạch nhiều tâm sự quý báu, những kinh nghiệm bổ ích mà mỗi thành viên được cảm nếm từ thực tiễn của cuộc sống nói chung, và nói riêng trong môi trường tu trì và giảng đường. Tất cả được gói trọn trong món quà thiêng duy nhất, hàm chứa những thao thức trăn trở, nguyện ước của mỗi người dâng lên Thiên Chúa trong ngày đầu xuân.

Buổi họp mặt Tu sĩ – Sinh viên Cẩm trường kết thúc trong lời Kinh Tạ ơn và Kinh Hoà Bình. Mọi người cùng xích lại bên nhau, đồng cất lên tiếng lòng tri ân, tán tạ Thiên Chúa đã thương ban muôn phúc lành cho quê nhà Cẩm Trường và Hội trong suốt năm qua; cùng nguyện cầu cho quê hương, cho mỗi người được vui sống và dấn thân bước đi trên con đường Sự Thật – Công Lý – Hoà Bình trong năm mới.

Cẩm Trường ơi, Xuân đang về đẹp lắm

Đẹp Tình Chúa, Đẹp tình nghĩa con người

Đẹp quê hương, hồng tươi Xứ sở

Đẹp bước chân muôn người trẻ ra khơi...

Xin một lòng ghi tâm, khắc cốt:

TÔ ĐẸP QUÊ HƯƠNG, TÔ ĐẸP TÌNH NGƯỜI !!!

(Khoá IX - Đại Chủng viện Vinh – Thanh)



 
Như Một Thoáng Thời Gian - Dừng Chân Tạ Ơn Kim Khánh - Đa Minh Thánh Tâm
Lm Lý Phan Sinh
11:08 24/01/2009
50 Năm 21.1.1958 - 21.1.2008

Như Một Thoáng Thời Gian - Dừng Chân Tạ Ơn Kim Khánh - Bế Mạc Năm Thánh 2008-2009

Từ tờ mờ sáng của ngày hôm nay, 21.1.2009, từ Nguyện Đường - Nhà Mẹ - của Hội Dòng Nữ Đa Minh Thánh Tâm, Biên Hòa, Đồng Nai, thuộc Giáo Phận Xuân Lộc đã vang lên những lời Kinh Ban Mai với cung điệu trầm bỗng của ‘Các Thiên Thần Áo Trắng Đa Minh’ cùng với tiếng đàn vượt không gian đã dẫn đưa tâm hồn người khách vãng lai qua đêm đi vào “Tâm Tình của Ngày Hồng Ân “ để đánh dấu cuộc hành trình của Hội Dòng đã đặt chân trên Miền Đất Xuân Lộc 50 năm trước đây:

“Ngày Hồng Phúc Chúa Ơi…

Cuộc Giao Duyên Đất Trời…

Đưa con vào Tình Sử…

Để hiến dâng muôn đời…”

Ngày Hồng Ân không phải chỉ bắt đầu từ sáng sớm hôm nay, nhưng ngày hôm nay phải được nói là Ngày Khởi Hành Một Hành Trình Mới cho chặng đường kế tiếp. Chặng đường tương lai đặt để trong Bàn Tay của Chúa Xuân và Sự Quan Phòng Kỳ Diệu của Ngài. Ngày hôm nay được đánh dấu bằng Thánh Lễ Tạ Ơn do Đức Giám Mục Đa Minh Nguyễn Chu Trinh, Giám Mục Chính Tòa Giáo Phận Xuân Lộc và sự Đồng Tế của Linh mục Tổng Đại Diện của Giáo Phận Xuân Lộc và đông đảo quý Cha trong cũng như ngoài Địa Phận và sự tham dự của nhiều Đại Biểu của Các Hội Dòng Bạn và Gia Đình Quý Ông Bà Cố của Quý Chị Đa Minh Thánh Tâm, Quý Quan Khách, Ân Nhân, Thân Nhân, Quý Ban Hành Giáo…

Đặt biệt trong thánh lễ Tạ Ơn và Mừng Ngân Khánh Hội Dòng nầy, Đức Giám Mục của Giáo Phận sẽ làm phép Hội Trường Mới và Những Căn Phòng Mới để cung ứng cho Nhu Cầu Phục Vụ của Hội Dòng trong Ngôi Nhà Mẹ nầy và Cha Tổng Đại Diện Vinh Sơn Đặng văn Tú sẽ làm phép tượng đài Đức Mẹ Đức Mẹ La Vang cũng trong dịp Kỷ Niệm Đặc Biệt Nầy.

Tối hôm qua vừa đặt chân đến ngôi Nhà Mẹ nầy tôi đã thấy các em Thỉnh Sinh đang còn chuẩn bị những dán những hàng chữ… “Mừng Kim Khánh Thành Lập Hội Dòng… ” Sáng nay bầu khí Ngôi Nhà Mẹ rộn hẳn lên qua những bài thánh ca được phát ra từ những loa phóng thanh với những Ca Khúc Cảm Tạ Hồng Ân đã dẫn lần tâm hồn của những ai đã và đang đến Ngôi Nhà Mẹ nầy để tham dự Ngày Hồng Ân của Hội Dòng. Các Nữ Tu, Khấn Tạm, Thỉnh Sinh xinh xắn nhanh nhẹn trong tu phục ‘Áo Trắng Đa Minh’ cùng với sự niềm nỡ và hiếu khách đã làm cho những Ân Nhân, Thân Nhân, Ông Bà Cố, Quý Linh Mục Tu Sĩ, Quan Khách đều cảm nhận niềm vui và sự thân tình đã làm cho họ quên đi phần nào của một chuyến đi thật sớm bằng phương tiện công cộng, tư nhân hay Honda để đến kịp tham dự Ngày Hồng Phúc của Hội Dòng hôm nay.

Theo tôi được biết, Hội Dòng Nữ Đa Minh Thánh Tâm vừa được hưởng MỘT NĂM đặc biệt 2008-2009 - Năm Thánh - 50 Năm: 1958 - 2008 - một điểm dừng đáng ghi nhớ trong hành trình sứ vụ của Hội dòng. Vâng:

“Hồng ân Chúa đời đời con ca tụng Đến muôn đời con vẫn truyền rao vĩ nghiệp của Người”

Suốt một năm qua, từng trang sử thánh của Hội Dòng được lần lật lại, những kỳ công Chúa đã thực hiện cho Hội Dòng từ thuở khai sinh được loan đi kể lại cho các thế hệ tiếp nối. Hồng ân Chúa cũng được Hội Dòng chia sẻ rộng rãi với Cha Mẹ, Thân Nhân, Ân Nhân và các Tín Hữu Thành Tâm đến lãnh nhận Ân Sủng Chúa ban qua Hội Dòng.

Đồng thời, Hội Dòng cũng được hưởng muôn phúc lành từ Quý Ðức Cha, Quý Cha, Quý Nam Nữ Tu Sĩ, Quý Thân Nhân, Ân Nhân và Quý Khách Hành Hương đến cầu nguyện cho Hội Dòng trong năm qua. Trong phần Dẫn Nhập vào Thánh Lễ Tạ Ơn, chúng tôi đã nghe những tâm tình ”Uống Nước Nhớ Nguồn” do một thành viên của Hội Dòng đọc trong phần Dẫn Nhập như sau:

“Xin Tạ Ơn Thiên Chúa, Tri Ân Mẹ Maria cùng Các Thánh và xin cầu muôn phúc lành cho tất cả Cộng Đoàn chúng ta. Nguyện xin Chúa tiếp tục dẫn bước Hội Dòng trong hành trình sứ vụ mới. Xin Ngài cũng liên kết chúng ta nên một trong đại gia đình Thiên Chúa, để mỗi chúng ta luôn là khí cụ loan báo Tin Mừng Tình yêu Chúa cho muôn người.

Hôm nay, cộng đoàn quy tụ nơi đây còn được chứng kiến những công trình vật chất của Hội Dòng vừa được hoàn thành trong sự quan phòng của Thiên Chúa, cùng sự bầu cử không ngừng của Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse và Các Thánh. Đức Giám Mục Giáo Phận thay mặt Giáo Hội làm phép nhà, hội trường mới và Cha Tổng Đại Diện của Giáo Phận sẽ làm phép tượng đài Đức Mẹ La Vang. Ước gì những nơi này trở thành nơi tôn vinh và cao rao danh Thánh Chúa...”


Thánh Lễ Bế Mạc Kim Khánh với Thánh Lễ Tạ Ơn được bắt đầu bằng Nghi Thức Cắt Băng Khánh Thành và Làm Phép Hội Trường và những phòng ốc hầu đáp ứng nhu cầu cho Quý Chị Em Hội Dòng trong hoàn cảnh hiện nay.

Trong Nguyện Đường của Hội Dòng, trên gian cung thánh chúng tôi nhận thấy có Linh Mục Tổng Đại Diện của Giáo Phận, các Bề Trên Dòng và khoảng 40 Linh Mục trong và ngoài Giáo Phận cùng đồng tế với Đức Giám Mục Chính Tòa của Giáo Phận Xuân Lộc.

Trong bài chia sẻ đầy xúc tích, Đức Cha Đa Minh đã giúp Cộng Đồng Phụng Vụ nhìn lại cuộc hành trình của Quý Chị Em Dòng Thánh Tâm Đa Minh dù phải vật lộn với những thách đố của một xã hội lắm đa đoan và đối diện với những đổi thay của cuộc đời và ngay cả những hiểu lầm nghi kỵ của lòng người nhưng dưới sự dìu dắt của tình yêu Thiên Chúa, Quý Chị Em của Hội Dòng Đa Minh Thánh Tâm đã trải qua những tháng ngày đầy ý nghĩa và hạnh phúc. Đức Cha Đa Minh đã gọi đó là “Những Chuỗi Ngày Hồng Ân”. Nói tóm lại, 50 năm qua là những Chuỗi Ngày Ân Tình và Hạnh Phúc. Ngài mời gọi Quý Chị Em cảm tạ và tán dương Chúa về những gì Ngài đã làm cho Hội Dòng để qua đó Quý Chị Em thấy được Thiên Chúa đã yêu thương Hội Dòng biết là dường bao.

Một khía cạnh thứ 2 mà Đức Cha Đa Minh đã chia sẻ cũng rất cần ghi lại nơi đây đó là ‘Năm Thánh’ mà Quý Chị Em đã dành nhiều thời gian để sống tương quan và cảm mến trong tình yêu của Chúa. Quý Chị Em sẽ không dừng lại nơi đây và bằng lòng với hiện tại, nhưng từng bước từng ngày các Chị Em sẽ nỗ lực để nhận ra những việc Chúa đã thực hiện cho Hội Dòng và sẽ loan báo cho mọi người biết tình thương của Chúa đã dành cho Các Chị Em bằng chính đời sống Chứng Tá Tin Mừng trong cuộc sống Hiến Dâng một cách cụ thể… nhất là trong tinh thần Hiệp Nhất.

Nhìn lại một chặng đường đã qua của Hội Dòng với tâm tình Tri Ân và Phó Thác, Đức Cha Đa Minh đã mời gọi Cộng Đồng Phụng Vụ trong phần kết thúc bài chia sẻ là cùng dâng lên Thiên Chúa Tâm Tình Tạ Ơn vì Ngài đã dẫn dắt Hội Dòng qua chặng đường 50 Năm Đầy Ấp Tình Yêu. Tri ân Thiên Chúa vì biết bao điều tốt lành Ngài đã thực hiện cho Hội Dòng. Nhờ sự Bầu Cử của Cha Thánh Đa Minh Tổ Phụ, Đức Cha đã thay mặt Cộng Đồng Phụng Vụ để cầu chúc cho Hội Dòng sẽ trở nên Lời Chứng Sống Động để loan báo những kỳ công của Thiên Chúa đã thực hiện và tình thương của Ngài luôn phủ lấp không những cho Hội Dòng Đa Minh Thánh Tâm mà còn cho mỗi người trong Cộng Đồng Phụng Vụ tham dự Ngày Hồng Phúc hôm nay.

Trong phần đáp từ sau Thánh Lễ Tạ Ơn Ngày Bế Mạc Mừng Kim Khánh, Chị Therese Phạm Thị Bạch Tuyết, Tổng Phụ Trách đã thay mặt tất cả những Chị Em của Hội Dòng Đa Minh Thánh Tâm Tri Ân…

Ðức Cha Ða Minh, Giám Mục Giáo Phận Xuân Lộc, Cha Tổng Ðại Diện, Cha Bề Trên Giám Tỉnh, Quí Cha Quản Hạt, Quí Cha Đồng Tế, Quý Bề Trên Các Hội Dòng, Quý Tu Sĩ Nam Nữ, Thân Nhân và Ân Nhân… với những tâm tình sau đây.

“Ngày lại ngày con xin chúc tụng Chúa

Và ca ngợi thánh danh muôn thuở muôn đời”

(TV 145,2)

Hội Dòng chúng con Cảm Tạ Hồng Ân Thiên Chúa đã tuôn đổ xuống chan hòa trong 50 năm qua nhờ lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria rất thánh, của thánh Cả Giuse đầy thần thế, trong tình hiệp thông Giáo Hội và gia đình thiêng liêng của cha thánh Đa Minh, thánh nữ Catarina Siena bổn mạng Hội Dòng và các anh chị thánh dòng. 50 năm qua là 50 năm của ân tình, ân tình của Chúa và của mọi người dành cho Hội Dòng chúng con.

Thật vậy, Hội Dòng chúng con được Thiên Chúa thiết lập trong sự quan phòng đầy yêu thương, Ngài đã cho chúng con sinh ra và lớn lên nơi phần đất của Giáo Phận, được sự hướng dẫn giúp đỡ vun tưới của Quí Đức Cha, Quí Cha và Quí Vị Ân Nhân để Hội Dòng chúng con có thể phát triển như ngày hôm nay. Không có lời tạ ơn nào có thể đáp đền được hết ân tình trong 50 năm ấy.

Vì thế, Hội Dòng chúng con đã dành một năm Mừng Kim Khánh Thành Lập, để tri ân Thiên Chúa và cám ơn mọi người. Chúng con cảm nghiệm thời gian 365 ngày qua, là thời gian đặc biệt của ân sủng mà Thiên Chúa ban cho chúng con qua Đức Cha, Quí Cha và Quí Vị. Chúng con tri ân Mẹ Hội Thánh đã ban cho chúng con một năm Toàn Xá để tăng cường sức sống mới và làm tươi trẻ đời thánh hiến của chúng con.

Chúng con tri ân Quí Đức cha và Quí Vị trong năm qua và đặc biệt trong Thánh Lễ Tạ Ơn hôm nay đã đến hiệp thông ân sủng và cầu nguyện cho Hội Dòng chúng con. Thánh lễ Tạ Ơn hôm nay, kết thúc Năm Thánh mừng 50 Năm và Hội Dòng chúng con bước sang năm thứ 51 kỷ niệm ngày thành lập. Chúng con xin dâng lên Đức Cha, Quí Cha, Quí Bề Trên và Quí Vị tâm tình cảm mến tri ân sâu xa nhất vì đã không quản ngại đường xá xa xôi, những ngày cuối năm thật bận rộn; vì tình thương yêu đến hiệp dâng thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cho Hội Dòng chúng con.

Chúng con xin ghi khắc sâu xa ân tình cảm tạ Đức Cha Đa Minh, Giám Mục giáo phận Xuân Lộc vì tấm lòng ưu ái đã đến chủ sự thánh lễ Tạ Ơn, khánh thành và làm phép Hội trường và khu nhà mới và Cha Tổng Đại Diện Vinh Sơn Đặng văn Tú đã làm phép tượng đài Đức Mẹ như dấu ấn kỷ niệm 50 ân sủng của Thiên Chúa cho Hội Dòng chúng con và ban cho chúng con những lời nhắn nhủ, hướng dẫn quí báu. Chúng con xin chân thành cảm tạ cha Tổng Đại diện, Cha Bề Trên Giám Tỉnh, Quí Cha Quản Hạt, Quí Cha Đồng Tế vì sự hy sinh và lòng ưu ái dành cho Hội Dòng chúng con đã đến hiệp dâng Thánh Lễ Tạ Ơn Chúa và Cầu Nguyện cho chúng con. Đặc biệt chúng con xin cám ơn cha Francis Ca từ vùng đất Úc Châu đã đến hiệp thông trong Thánh Lễ nầy. Chúng con xin cám ơn quí Bề Trên các Hội Dòng và Tu Sĩ Nam Nữ. Xin cám ơn Quí Vị Ân Nhân, Quí Ông Bà Cố và Thân Nhân, Quí Bác Sĩ và Quí Khách đã đến tham dự thánh lễ và cầu nguyện và chung vui với Hội Dòng chúng con. Xin cám ơn Chính Quyền Các Cấp đã tạo mọi điều kiện dễ dàng cho việc tổ chức lễ hôm nay. Xin cám ơn Ban Hành Giáo, ban trang trí Giáo Xứ Thánh Tâm, ban Âm Thanh Ánh Sáng, Ca Đoàn, các Nhạc Công và Mọi Người đã cộng tác với chúng con để giúp cho buổi lễ hôm nay được tổ chức long trọng và tốt đẹp.

Nhờ sự hiệp dâng của Đức Cha, Quí Cha và Quí Vị trong Thánh Lễ cao quí này, lời ca ngợi, tạ ơn và chúc tụng của chúng con dâng lên Thiên Chúa Cha qua hiến tế của Chúa Con và sự thánh hóa của Chúa Thánh Thần, không dừng lại trong ngày Bế Mạc Năm Thánh mà sẽ còn vang xa bất tận trong đời sống thánh hiến của chị em.

Trước thềm năm mới Kỷ Sửu, chúng con nguyện xin Thiên Chúa là mùa Xuân vĩnh cửu ban tràn đầy phúc lộc thánh, ân sủng, bình an, sức khỏe và sự khôn ngoan trên Đức Cha, Quí Cha, Quí Bề Trên, Quí Tu Sĩ Nam Nữ và toàn thể Quí Vị trong năm mới này.

Giờ đây để bày tỏ tấm lòng con thảo, chúng con xin kính dâng lên Đức Cha và Quí Cha bó hoa tượng trưng lòng yêu mến tri ân của toàn thể Hội Dòng chúng con. Đặc biệt, chúng tôi xin tuyên dương hai vị ân nhân đã góp phần xây dựng cơ sở của Hội Dòng trong hơn một năm qua. Đó là Kiến Trúc Sư Đỗ Quốc Hiệp, Giám Đốc công ty Kiến Trúc Việt và Kiến Trúc Sư Kỹ Sư Nguyễn Phùng Thế Bảo, Giám Đốc Công Ty Xây Dựng Bảo Nguyên. Dịp này, Hội Dòng chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đến Ban Giám Đốc và toàn thể nhân viên, công nhân của hai công ty Kiến Trúc Việt và Bảo Nguyên đã tận tình giúp chúng tôi xây dựng Hội Trường và khu nhà mới khang trang, đẹp đẽ và vững chắc. Xin kính chúc Ban Giám đốc và toàn thể công ty một năm mới phúc lộc và thịnh vượng.

Sau đây, chúng con cũng xin phép được có lời chào mừng và cám ơn đến Cha Francis Ca, Sơ Toni Harris, đại diện Nữ Tu Đa Minh Thế Giới và thầy Rene Stockman Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tu Huynh Bác Ái và Các Khách Quí.


Dear Rev. Sister Toni Harris, DSI, In charge of Justice in Peace. Rev. Brother Doctor Rene Stochman, Superior General, Brothers of Charity Rev. Brother Joel Ponsaran, Vicar General for Asia, Brothers of Charity, Rev. Fathers, Sisters, Brothers and Distinguished Guests,

We are very honour and have privilege to welcome you to join us in the Golden Jubilee Celebration of the Foundation of our Congregation today. We are appreciated for your precious presence, your prayers which bring much blessing, joy and happiness to us. It also expresses your solidarity and communion in fraternal sharing our graces and joy. We would like to say thank you with our deep gratitude and appreciation of the whole congregation to you.

Please continue to pray for our congregation to grow in service of the Church and of our society as you wish and as God’s will for us. We wish you a joyful life in service of the Lord and of the Order. We wish you have a good time during this day in our country.

Happy Lunar New Year! Thank you.

Sr Therese Phạm Thị Bạch Tuyết, OP

The Superior of Dominican Sisters of Catherine of Siena,

Ho Nai, Xuan Loc, Viet Nam.

Lm Lý Phan Sinh

(Ghi Nhanh)

21.1.2009
 
Tòa Giám mục Kontum và đường hướng đào tạo ơn gọi
+ GM Micae Hoàng Đức Oanh
15:38 24/01/2009
Toà Giám Mục Kontum
56 Trần Hưng Đạo - Kontum
Email abrahamvn@yahoo.ca


Số 09/VT/’09/Tgmkt

Kontum, ngày 22 tháng 01 năm 2009

Kính gửi: Quý Thành Viên Gia Đình Phanxicô Xaviê Kontum.

Anh chị em thân mến,

Trước thềm Năm Mới Kỷ Sửu 2009, chúng tôi xin kính chúc anh chị em và quý quyến một năm chan hoà ân thánh và có nhiều sáng kiến góp phần xây dựng gia đình đượm thấm tinh thần thừa sai. Chúng tôi cũng xin chân thành cám ơn anh chị em đã nồng nhiệt tham gia và đóng góp thiết thực cụ thể cho công cuộc đào tạo linh mục - tu sĩ trong Giáo Phận qua Gia đình Phanxicô Xaviê.

Vâng, thưa anh chị em, Gia đình Phanxicô Xaviê – trước đây thường gọi là Hội Phanxicô Xaviê – vừa sinh hoạt lại tròn một năm. Hiện có 1.916 thành viên trong và ngoài nước ghi tên tham gia. Hy vọng năm 2009 số người tham gia sẽ đông đảo hơn. Khi điều kiện cho phép, chúng tôi sẽ trình bày cùng anh chị em chi tiết của một năm hoạt động này. Nhu cầu đào tạo nhân sự của Giáo phận hiện vẫn còn cấp bách và lớn lao.

1. Nhu cầu thật cấp bách và lớn lao.

Giáo Phận Kontum với diện tích 25.110 km2 và dân số “tạm” nằm ở mức 1.500.000 - vì luôn có di dân mới tìm đến lập nghiệp tại vùng đất màu mỡ và yên lành này – đang cần số linh mục và tu sĩ đông gấp 4-5 lần con số hiện nay. Khắp nơi xin gửi linh mục, tu sĩ, giáo lý viên đến. Khắp nơi khát khao được nghe Lời Chúa, Lời Sự thật, Lời Sự sống, Lời Yêu thương. Họ đang phải đứng trước nhiều cám dỗ, cạm bẫy của “đêm tối linh hồn”. Họ đói tình thương, đói sự thật. Như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã viết trong Sứ Điệp Ngày Thế giới Hòa Bình 2009 như sau: “Cần có cái nhìn bao quát và rõ ràng về nạn nghèo đói... nghèo đói vật chất... nghèo đói không thuộc vật chất...” (số 2). Một trong những phương cách giải quyết ưu tiên là “chăm lo vun trồng những con người mới cho Giáo Hội và Xã hội trong đó phải kể đến vun trồng ơn gọi linh mục, tu sĩ”.

2. Đường hướng đào tạo ơn gọi.

Con đường đào tạo ơn gọi là cuộc hành trình xuyên suốt khởi đi từ đào tạo con người, đào tạo con người giáo dân nên trưởng thành và nhiệt tình phục vụ cho Tin Mừng cứu độ. Nó sẽ được thực hiện từ gia đình, giáo xứ, giáo hạt đến giáo phận. Đây là một lựa chọn hàng đầu trong chương trình mục vụ của giáo phận.

* Từ gia đình. Gia đình là cái nôi đào tạo ơn gọi. Gia đình là “tiểu chủng viện, là đệ tử viện đầu tiên”. Gia đình là trường đào tạo con người có nhân bản, có nhân cách, có tính xã hội, có tâm tình cầu nguyện, biết quên mình hy sinh cho Giáo Hội và Xã hội. Gia đình cần cho con em thấy nhu cầu ơn gọi linh mục, tu sĩ của Giáo Phận, của Giáo Hội. Các gia đình Samson, Samuel, cách riêng Gia đình Nazareth... là những tấm gương sáng cho các gia đình suy gẫm noi theo bắt chước.

* Từ giáo xứ. Giáo xứ là Giáo Hội thu gọn. Con em được làm quen với Giáo Hội qua giáo xứ, cách riêng với Giáo Hội địa phương. Được huấn luyện tham dự vào các công việc của giáo xứ theo lứa tuổi, các em sẽ gắn bó và ý thức trách nhiệm xây dựng giáo xứ, từ đó, xây dựng Giáo Hội. Gia đình ơn gọi giáo xứ là nơi chuẩn bị cho các con em biết lắng nghe, biết đáp trả tiếng Chúa mời gọi dấn bước.

* Từ giáo hạt. Vì chưa có tiểu chủng viện, Giáo hạt giữ vai trò giúp cho các ơn gọi cấp 3 làm quen với nhau và đi sâu hơn vào công cuộc tìm hiểu ơn gọi. Tuổi này rất cần được chăm sóc đặc biệt. Giáo Phận đã trao phó giai đoạn này cho quý cha quản hạt chăm sóc. Thời gian qua, mặc dầu phương tiện eo hẹp, các ngài cũng đã cố gắng rất nhiều.

* Từ giáo phận. Khi bước lên bậc đại học hay cao đẳng, các con em sẽ được ban đào tạo giáo phận quan tâm chăm sóc. Vì thế hằng năm, cứ vào ngày mồng 4 Tết, các sinh viên cả giáo phận đều có dịp gặp nhau để hun đức tinh thần gia đình, tinh thần huynh đệ, tinh thần thừa sai.

3. Con đường đi tới.

Theo hướng mục vụ trên đây, dưới ánh sáng của Lời Chúa, Giáo Phận Kontum sẽ triển khai Thư Mục Vụ của HĐGMVN năm 2009 về Gia đình và Sứ Điệp Ngày quốc tế Hoà Bình 2009 của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Một trong các điểm cần đào sâu là gia đình với công việc loan báo Tin Mừng. Từ gia đình các con em được tập luyện đời sống cầu nguyện và thừa sai qua tiếp cận với những tầng lớp “nghèo khổ”. Đẩy mạnh việc chăm lo cho các con em chăm học và ham học “làm người”, làm người thừa sai. Tạo nhiều cơ hội thuận tiện cho con em tham gia tích cực và thiết thực vào các sinh hoạt của xứ đạo, nhất là với những tầng lớp nghèo khổ, đang sống như thể bên lề xã hội (x. Sứ điệp Hòa Bình 2009, số 2). Các em cần được hun đúc từ xã hội cụ thể để phục vụ tích cực.

Vì thế, anh chị em thân mến,

Một lần nữa chúng tôi xin chân thành cám ơn sự hưởng ứng tham gia tích cực của anh chị em trong năm qua và tiếp tục tham gia đóng góp dồi dào hơn nữa trong những năm tới. Cũng mong qua anh chị em, sẽ có thêm nhiều thành viên mới của Gia đình Phanxicô Xaviê.

Ở đây, chúng tôi cũng không quên nhớ tới những anh chị em thành viên đã qua đời trong năm qua. Nguyện xin Chúa đón nhận anh chị em vào hưởng Quê Trời.

Hằng ngày chúng ta nhớ gặp nhau qua Kinh nguyện Gia đình Phanxicô Xaviê. Giáo Phận Kontum đặc biệt nhớ tới tất cả, và từng thành viên trong thánh lễ đầu tháng cũng như các thánh lễ đã qui định trong Bản hướng dẫn.

Nguyện xin Chúa Giêsu, Vị Mục Tử nhân lành, chúc phúc chương trình và công việc đào tạo này ngày càng phát triển, ngõ hầu Danh Chúa được tôn vinh và ý Chúa được thể hiện trên khắp cánh đồng truyền giáo Tây Nguyên này.

Cùng anh chị em Mừng Xuân Kỷ Sửu trong tâm tình tôn vinh tạ ơn Thiên Chúa.

Giám Mục Giáo Phận Kontum
 
Giáo phận Thái Bình khai mạc Năm Giáo Dục và công bố 5 giáo xứ mới
Thanh Quang CSsR
18:43 24/01/2009
THÁI BÌNH - 4 giờ chiều hôm nay ngày 26 Tết (tức ngày 21.1.2009), quý cha, quý thầy, quý sơ và anh chị em trong Hội Đồng Mục Vụ các Giáo xứ đã tề tựu đông đủ tại khuôn viên của Tòa Giám Mục Thái Bình để chúc Tết Đức cha P.X Nguyễn Văn Sang. Cha Tổng Đại Diện Đaminh Đặng Văn Cầu đã đại diện cho mọi thành phần trong Giáo Phận nói lên lời chúc Tết Đức cha trong dịp đầu xuân. Cha Ger. Nguyễn Văn Đạo (Hạt trưởng Kiến Xương, chính xứ Cao Mại) đã đọc những vần thơ chúc Tết Đức cha và mọi người, đồng thời như một bài tổng kết năm Hồng Đào đã được khởi xướng trước đó một năm. Qua những vần thơ này, ngài đã nêu lên những thành quả đã gặt hái được về việc sùng kính Thánh Thể, lòng yêu mến Đúc Trinh Nữ Maria La Vang, việc học hỏi giáo lý và Thánh Kinh, việc làm công tác từ thiện bác ái.

Trước thánh lễ lúc 6 giờ, Đức cha P.X. Sang đã tuyên bố bế mạc năm Hồng Đào của Giáo Phận và long trọng khai mở năm Giáo dục gia đình Kitô giáo trước hàng ngàn giáo dân từ khắp nơi trong Giáo Phận đổ về. Trong bài chia sẻ, ngài nhấn mạnh đến việc phải đẩy mạnh giáo dục gia đình Kitô giáo vì rằng gia đình đang bị đe dọa bởi nền văn hóa sự chết nơi nhân loại, các tệ nạn xã hội đã và đang xâm chiếm mọi lĩnh vực của đời sống. Ngài cũng khuyên con cái hãy noi gương Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, noi gương gia đình thánh là Đức Maria, thánh Giuse và Chúa Giêsu hầu kiến tạo một gia đình Công giáo hạnh phúc và thánh thiện để cùng tiến bước trên hành trình tiến về quê hương thật của mình là Nước Trời.

Cha con đã cùng nhau tự hứa và hô vang lời quyết tâm sống thánh thiện và trọn vẹn trong năm Giáo dục gia đình Kitô giáo đúng theo sự chỉ dẫn của Hội Đồng Giám mục Việt Nam đã đề ra.

Ngay sau bài chia sẻ, Đức cha P.X. Sang đã dõng dạc tuyên bố 5 Giáo họ trong Giáo Phận được nâng lên hàng Giáo xứ. 5 Giáo xứ mới đó là:

1. Giáo xứ Danh Giáo, xã Thái Đô, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
2. Giáo xứ Đông Khê, xã Đông Cường, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.
3. Giáo xứ Hàm Tải, xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
4. Giáo xứ Hữu Tiệm, xã Quang Hưng, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
5. Giáo xứ Nam Trạch, xã Bắc Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Như vậy, theo lời cha dẫn lễ Jos Đinh Xuân Ngọc thì hiện Giáo Phận Thái Bình đã có tổng cộng 95 Giáo xứ. Cho đến nay vẫn còn 14 lá đơn của 14 Giáo Họ xin được nâng lên hàng Giáo xứ. Hy vọng trong thời gian ngắn nhất, 14 Giáo họ này sẽ nhận được tin vui.

26 Tết hôm nay, bà con Giáo dân đã tụ họp về nhà thờ Chính tòa rất đông đảo, tay cầm cành huệ trắng tỏ sự tinh tuyền thánh thiện trong đời sống gia đình Công giáo gương mẫu. Họ đã cùng với Giám mục của mình dâng lên Chúa lời tạ ơn và xin ơn. Tạ ơn Chúa trong năm cũ và xin ơn Chúa trong năm mới. Hy vọng trong năm mới, Giáo Phận Thái Bình sẽ gặt hái được những thành quả lớn lao vì có thêm nhiều Giáo xứ và quyết tâm phấn đấu trong năm Giáo dục gia đình Kitô giáo, góp phần xây dựng Giáo Hội và xã hội mỗi ngày mỗi thêm nhân bản hơn, đạo đức hơn, tốt đẹp hơn, thăng tiến hơn, hạnh phúc hơn.
 
Chuyện con trâu và giáo xứ Langbiang
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
21:44 24/01/2009
Đến Đà lạt mà không lên núi cao Langbiang thì rất đáng tiếc. Langbiang có nhiều hoang sơ dân dã hấp dẫn du khách đến lạ lùng.

Tôi cùng lớp Học viện MTG Nha Trang đến Langbiang khi trời còn sớm. Đà Lạt đang chìm trong sương mù. Đồi núi chập chùng thấp thoáng những căn nhà khuất sau những vườn xanh ngút mắt. Sương long lanh trên từng cành cây ngọn cỏ,nhẹ nhàng rung theo gió.Khí trời se lạnh đủ làm nên nét thơ mộng của thành phố du lịch.

Ra khỏi thành phố, gió lùa qua cửa thổi vào dịu mát. Xe chạy chậm để ngắm cảnh núi rừng. Hoang vu và bình an. Vắng lặng nhưng êm đềm qua những đồi thông, trải dài những vườn hoa muôn màu. Lên núi, chúng tôi thăm Nhà Thờ Langbiang. Tìm hiểu văn hóa Dân Tộc K’ Ho, rất nhiều lôi cuốn. Nhà thờ gỗ đã xuống cấp, mang vẻ đẹp mưa nắng thiên nhiên, bình yên nét cổ kính. Bầu trời nơi đây như lời kinh chiều dâng lên cao với niềm tin tha thiết.

Langbiang là một giáo xứ Dân Tộc lớn nhất của giáo phận Đà lạt. Giáo dân đông và địa bàn rộng. Bà con sống rải rác trong 6 xã của huyện Lạc Dương: Xã Lát,Đạ Sa, Đạ Chay, Đạ Tong,Đạ Long và Đamron. Có khoảng 12.000 giáo dân trên 20.000 dân mà đa số là người Dân Tộc K’ Ho Lạch. Có thể nói Labiang là giáo xứ Dân Tộc đầu tàu của Giáo phận.Anh chị em Dân tộc và cách riêng giáo xứ Langbiang chiếm một chỗ rất đặc biệt trong trái tim Đức Giám Mục Đà Lạt. Bởi thế, khi chúng tôi vào Toà Giám Mục tham quan thì Đức Cha Phêrô liền giới thiệu và muốn chúng tôi thăm Langbiang.

Cổng Nhà thờ rộng mở.Cha Xứ, Cha Phó và đông đảo anh chị em Dân Tộc hân hoan đón chào. Vừa xuống xe,chúng tôi vào Nhà Thờ viếng Chúa.Hình ảnh nổi bật trên cung thánh là cây nêu cao đến khoảng 6 mét dựng bên Tòa giảng dưới cây Thánh giá. Hai đầu trâu với đôi sừng cong vút ôm lấy gốc cây nêu. Tôi chợt nhớ đến câu Thánh vịnh:

Ngài cho con ngẩng đầu hãnh diện,
tựa như trâu ngạo nghễ giương sừng,
thân con, Ngài xức dầu thơm mát
(Tv 92,11).

Ai cũng ngạc nhiên muốn tìm hiểu. Cha Xứ và Cha Phó tận tình giải thích những nét văn hóa độc đáo của người Dân Tộc K’Ho. Theo truyền thống từ xa xưa của người Dân Tộc thì Cây Nêu được dựng lên ở đâu thì ở đó có lễ hội tế trâu,ai cũng có thể đến dự và ăn tiệc. Cây nêu, con trâu và lễ hội đã đi vào truyền thống văn hóa của họ. Nhìn chung, đồng bào K’Ho có 3 lễ hội lớn là Tạ Ơn Thần Lúa,Chuộc Tội và Hòa Giải.

1. Tạ ơn Thần Lúa.

Người Dân tộc tỉa lúa trên nương rẫy,giống lúa dài ngày,một năm một vụ.Năng suất chỉ 1 tấn trên 1 hecta.Năm nào được mùa cũng chỉ 1,2 tấn,năm mất mùa còn 5 đến 6 tạ. Dù được hay mất mùa, họ đều tạ ơn thần lúa và cầu xin cho năm sau được nhiều thóc gạo hơn, có cái ăn cái để. Họ dựng lên cây nêu, tổ chức lễ hội giết trâu và cả làng ăn tiệc.

2. Tế trâu chuộc tội.

Đối với người Dân Tộc sống vùng cao,băng rừng lội suối,leo núi, làm nương rẫy.Họ khoẻ mạnh,bàn tay chai sần,bàn chân đi rừng không cần giày dép,nước da đen sạm càng tạo cho họ dáng vẻ rắn chắc.Tuy vậy họ cũng nhiễm vi trùng,vi rút,cũng lắm thứ bệnh tật.Đối với họ bị bệnh là do con ma bắt,do một vị thần muốn ăn người đó nên sinh ra bệnh.Các thầy lang,thầy bùa là “bác sĩ” chữa bá bệnh.Khi gia đình có người đau ốm,họ mời thầy lang đến.Sau một hồi “chần đoán”, thầy phán:bệnh nhân do con ma bắt,để hết bệnh phải tế trâu.Thầy bảo mấy trâu thì gia đình phải tế đủ lễ.Cây nêu được dựng nên,trâu bị giết,thầy lang cầu xin con ma hay vị thần đừng có ăn người bệnh mà qua ăn trâu.Con trâu tế thần, gánh lấy bệnh tật khổ đau của con người.

Lễ đâm trâu tế thần, ai đã chứng kiến cũng thấy kinh hải.

Kling tù, kling tù, kling tù… ling ling tù… Tiếng kèn trầm bổng xoáy sâu vào màn sương lạnh lẽo của rừng núi trong buổi chiều tà. Loại nhạc cụ này chỉ dùng trong lễ đâm trâu để gọi thần linh, ngoài ra không được phép dùng trong dịp nào khác.

Lễ đâm trâu là một tập tục lâu đời của các dân tộc ở Tây Nguyên. Con trâu sẽ là vật hiến tế để cầu thần phù hộ cho buôn làng được khỏe mạnh, ấm no, để mừng ngày mùa hay để mừng chiến thắng. Người Gia Rai gọi lễ đâm trâu là mnăm thu, người Bà Na gọi là xtrăng, người Lạch gọi là sa rơpu… Ở mỗi dân tộc, các nghi thức phụ của lễ hội có phần khác nhau nhưng đâm trâu vẫn là tiết mục linh đình của lễ hội.

Nghe tiếng nhạc, già trẻ trai gái rộn ràng gọi nhau đi về phía khu nhà rông, trung tâm của lễ hội. Trên bãi đất trống ở dưới sân, hai đội thanh niên nam nữ xếp hàng một đối diện nhau. Những chàng trai trong đội cồng chiêng mặc áo ló, đóng khố. Các cô gái trong đội múa mặc áo phia, váy kơteh dệt bằng thổ cẩm. Đó là lễ phục truyền thống khá đắt tiền. Giữa quảng trường có dựng một cây cột cao, ngọn cột được trang trí bằng hoa lá rừng, cờ, phướn và những lục lạc tre gọi là cù nan. Trên đỉnh cột thường gắn một con chim phượng hoàng làm bằng gỗ, chạm trỗ hoa văn tỉ mỉ. Cây cột này tương tự cây nêu của người Kinh, người Êđê gọi là blang kbâo. Một con trâu to khỏe đã được buộc sẵn vào cột bằng sợi dây rừng mềm dẻo nhưng rất bền chắc. Sợi dây này được buộc lỏng quanh cổ trâu chứ không xỏ vào mũi như khi dắt trâu đi làm đồng. Con trâu nhìn đám đông vây quanh với đôi mắt lo sợ, linh cảm điều chẳng lành. Nhưng điều chẳng lành ấy chưa đến ngay. Đám đông còn nhiều việc phải làm như ca múa, đấu võ, kể khan và ăn uống suốt đêm. Đến sáng lễ đâm trâu mới bắt đầu.

Kling tù, kling tù… rụp thì thụp, thụp thì thụp, rụp thì thụp rụp kala rụp…

Dứt hồi nhạc và các nghi thức cúng bái, người chủ tế là ông riu yàng cầm cây giáo hình mũi mác đến gần con trâu, bất thình lình đâm một nhát vào đùi trước rồi quay về chỗ ngồi. Đây chỉ là một cú đâm tượng trưng để mở màn. Tuy vậy con trâu cũng đau điếng, nhảy dựng lên, máu chảy ròng ròng.

Tiếng nhạc cồng chiêng lại tưng bừng nổi lên. Một đội hành quyết gồm 4 chàng trai bước vào quảng trường. Hai người cầm mã tấu đứng yên một chỗ. Hai người cầm lao nhọn, vừa nhún nhảy theo tiếng nhạc vừa dứ dứ ngọn lao làm như thử muốn đâm con trâu. Trâu sợ hãi chạy vòng vòng cột. Nhưng những chàng “Đam San” này chưa vội ra tay. Họ chờ cho bước chân nhún nhảy và tiếng nhạc kết hợp thật nhịp nhàng.

Rụp thì thụp rụp kala rụp! Đúng vào nốt nhạc mạnh kala rụp, khi những bàn tay của các chàng trai đấm vào vú chiêng và khi bàn tay của các cô gái trong đội múa xòe ra, một ngọn lao chí tử phóng tới đâm vào sườn trâu, chỗ dưới vai bên trái.

Nếu là nhát đâm của tay chuyên nghiệp mũi lao sẽ trúng ngay tim con vật. Trâu sẽ khựng lại, run lẩy bẩy rồi ngã lăn kềnh ra chết liền. Nếu gặp tay mơ đâm không trúng tim, trâu sẽ lồng lên dữ dội khiến đám đông hoảng sợ. Liền khi đó, hai người cầm mã tấu sẽ tiến lên, một người chém một nhát vào cổ, một người chém một nhát vào cột xương sống phía đuôi. Hai nhát chém ấy làm trâu gãy thành ba khúc. Đây là cảnh cực sốc.

Sau đó các dũng sĩ đâm trâu rút lui nhường chỗ cho một nhóm khác, kẻ hứng máu, người phân thây xẻ thịt.

Đối với đồng bào Tây Nguyên, lễ đâm trâu mang ý nghĩa thiêng liêng của cuộc tế thần. Các nhà dân tộc học người Kinh thì xếp vào loại lễ hội văn hóa. Các nhà làm phim truyện, phim tài liệu, các tua du lịch cũng thường yêu cầu tổ chức lễ đâm trâu để tìm cảm giác mạnh. Tôi cũng đã vài lần chứng kiến lễ đâm trâu và đã thấy quá hãi hùng, tàn bạo. Hằng ngày trong các lò sát sinh, trâu bò heo gà cũng bị giết nhiều hơn gấp bội nhưng không ai cho rằng đây là hành động văn hóa. Bởi vì đã gọi là văn hóa, văn minh thì không thể đồng hành để tìm thú vui với cái ác. Có một người đã nhận ra điều này rất sớm. Đó là ông Tề Tuyên Vương thời Xuân Thu Chiến Quốc (TK V trước CN). Thuở ấy dân nước Tề có tục giết trâu lấy máu để làm lễ bôi chuông cúng tế. Một lần vua được mời đến dự lễ, thấy bất nhẫn quá bèn hạ lệnh bãi bỏ tục lệ ấy (theo Hoàng Phủ Ngọc Phan).

Con trâu còn là sính lễ để thiếu nữ Dân Tộc “bắt chồng”. Giá của chồng được lượng định theo số mấy con trâu…

3. Hoà giải

Sống ở đời ai lại không một lần lầm lỗi với hàng xóm láng giềng. Người Dân Tộc cũng ý thức về lỗi lầm bản thân đã gây ra cho bà con chòm xóm.Bởi vậy trong đời người,thường là khi tuổi đời đã cao, họ dựng cây nêu,giết trâu mời bà con đến ăn tiệc xem như là xin hoà giải với mọi người,mọi lỗi lầm bỏ qua hết cho nhau.Ai đã ăn thịt trâu của gia chủ là chấp nhận xoá hết những xích mích,những oán hờn. Từ nay những thù hận không còn,tha thứ hết và lại sống an hoà với nhau.Thường những người có dư tí chút mới tổ chức lễ hoà giải này. Bởi đó có người 60 tuổi đã tổ chức,có người đến 80.Có người quá nghèo không có trâu thì sau khi chết con cháu sẽ tế trâu mời làng xóm đến xin hoà giải cho cha hay ông của mình.

Chiếc gùi, gói trọn nét đẹp văn hoá truyền thống của thiếu nữ vùng cao. Cha Khánh (trong chủng viện chúng tôi gọi già làng),làm phó xứ nhiều năm, đã sáng tác nhiều thi ca về chiếc gùi. Ngài xuất bản mấy CD thánh ca K’Ho.

Bao thế hệ đã qua đi,người Dân tộc sống với nền văn hóa cây nêu, tế trâu, chiếc gùi, rượu cần, nhảy múa…

4. Tin mừng đến với vùng núi cao.

Các vị Thừa Sai đến cao nguyên để truyền giáo. Sống với anh em Dân Tộc, các ngài hội nhập vào nền văn hoá truyền thống của họ. Thao thức của nhà truyền giáo là làm thế nào để họ biết Chúa Giêsu,họ hiểu Chúa Giêsu và tin vào Ngài? Qua dòng thời gian lâu dài cùng sống,tìm hiểu đời sống, các vị Thừa Sai đã hội nhập văn hóa của họ rồi làm cho Tin mừng sáng lên.

Chẳng có thần nào cả. Chẳng có thần lúa, không có thần rừng và thần lửa là huyền thoại.Chỉ có Thiên Chúa là Đấng ban cho con người tất cả,mưa nắng,nương rẫy,mùa màng,sức khỏe,con cái. Thiên Chúa dựng nên muôn loài. Ngài ban cho con người mọi sinh vật trên mặt đất như là quà tặng. Bông hoa cho hương sắc,bầy ong nuôi mật ngọt,dòng sông tuôn dòng nước mát,chim chóc muông thú. Tất cả là quà tặng cho con người hưởng dùng…Thiên Chúa yêu thương con người nhiều lắm, yêu như cha mẹ yêu thương chăm lo cho con cái.

Khi bị bệnh chẳng phải do con ma nào bắt cả.Phải khám bệnh,phải uống mới lành bệnh. Các bác sĩ,y sĩ được mời đến giúp khám và chữa bệnh và tập cho họ có thói quen uống thuốc khi mắc bệnh.

Dần dà, từng bước một, các nhà truyền giáo đã nói về Chúa Giêsu,nói về Đạo, bằng hình ảnh gần gũi đời thường, dễ hiểu, dễ nhớ.Dưới tác động của đặc sủng,với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, anh em Dân Tộc hiểu và tin vào Chúa Giêsu.Họ bỏ hết các hủ tục. Họ loại dần các mê tín dị đoan. Từ đó, họ sống niềm tin đơn sơ chân thành vào Thiên Chúa.

Đồng bào Dân tộc là đối tượng ưu tiên cho công cuộc truyền giáo.Năm 1927,Đức Cha Jean Cassaigne được cử lên Di linh truyền giáo.Nhờ Ngài mà nhiều người Dân tộc được biết về Chúa,biết về đạo và nhiều người cùi được chăm sóc.Trong thập niên 50,các Cha Dòng Chúa Cứu Thế đặt cơ sở truyền giáo ở Phú Sơn,giúp cho nhiều người Dân tộc vào đạo.Giáo phận Đà lạt có nhiều linh mục làm nhiệm vụ duy nhất là truyền giáo cho người Dân tộc.Rồi các Cha thuộc Hội Thừa sai Paris,các Cha thuộc Tu hội Thánh Vinh Sơn,các linh mục giáo phận,các Nữ tu thuộc nhiều hội dòng dấn thân vào hoạt động này.Lúc giáo phận được thành lập,mới chỉ có 1.547 người Dân tộc theo Đạo Công Giáo.Mười năm sau con số đó lên tới 7.142 người trên tổng số gần 100.000 người Dân tộc.Hiện nay số giáo dân Dân tộc trên dưới 65.000 người trên tổng số khoảng 150.000 người Dân tộc.Công cuộc truyền giáo cho người Dân tộc luôn phát triển,số người vào đạo không ngừng gia tăng.Ngay trong ngày được tấn phong,Đức Giám Mục đương kim đã nói lên hai mối quan tâm mục vụ ưu tiên của Ngài mà một trong hai là đồng bào Dân tộc.Mối quan tâm ấy đã được thể hiện ngay từ những ngày đầu làm Giám mục, nhất là từ khi lãnh đạo giáo phận,qua những cuộc thăm viếng,những kế hoạch thăng tiến đồng bào Dân tộc cả về tôn giáo lẫn văn hóa,những cuộc hội họp thường xuyên của các linh mục phụ trách,những sự giúp đỡ cụ thể,những vận động để có được giáo sĩ và tu sĩ người Dân tộc. Trong chiều hướng truyền giáo và phát triển văn hóa người dân tộc,có hai công trình rất đặc biệt.Đó là công trình dịch thuật và công trình bảo tồn chứng tích văn minh.Công trình dịch thuật do một số cha phụ trách đồng bào Dân tộc thực hiện như dịch Thánh kinh trọn bộ,dịch kinh lễ và nghi thức bí tích sang tiếng K’ Ho,biên soạn tự điển,sáng tác thánh ca hát trong phụng vụ.Công trình bảo tồn chứng tích văn minh do chính Đức cha Phêrô đề xướng như thu góp các dụng cụ sinh hoạt đủ loại,những sách vở và hình ảnh về đồng bào Dân tộc. Tất cả được sắp xếp thứ tự trong phòng truyền thống khang trang rộng rãi ở Tòa Giám Mục.

Cha Phạm Minh Thanh cựu quản xứ Langbiang, cha phó Khánh… là những tông đồ nhiệt thành truyền giáo cho đồng bào Dân tộc. Các ngài luôn ao ước và trăn trở viếng thăm mục vụ anh chị em giáo dân thuộc giáo xứ ở những vùng xa như Đã Tong, Đamron… nhưng còn quá nhiều trắc trở. Có một người theo Đạo,đó hạnh phúc của người truyền giáo. Ai cũng có bổn phận gieo hạt giống Tin mừng trong môi trường mình đang sống. Thiên Chúa sẽ cho mọc lên và sinh hoa kết trái.

Có dịp du lịch Đà lạt, ghé thăm Langbiang, bạn sẽ đón nhận nhiều điều bất ngờ và thú vị.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Ngày cuối năm nghĩ về hoa ở Việt Nam
Hoàng Hưng - BBC
00:48 24/01/2009

Ngày cuối năm nghĩ về hoa ở VN



Sớm ngày ông Táo chầu Trời, nhận được email của một trí thức hải ngoại dẫn vào YouTube để chia sẻ một bức xúc.

Quả tình còn hơn một bức xúc, mấy phút clip ấy là cú đấm vào mặt người Việt, sau đó là nỗi đau tê tái: những gương mặt sáng sủa roi rói vẻ “trai thanh gái lịch” Hà Nội đang miệng cười nói thật hồn nhiên tay vặt, bẻ, tước những cây anh đào rộ bông mà các bạn Nhật công phu trân trọng vận chuyển từ nước họ sang hiến cho người mình thưởng ngoạn. (Bà xã tôi xem cảnh này đã thốt lên: “Rõ là một lũ khỉ, chứ không phải người”).

Cướp phá vô tư

Clip được tung lên ít ngày sau sự cố lặp lại về Hoa nhưng ở quy mô hoành tráng gấp bội: đêm hội Hoa quanh hồ Gươm phút chốc biến thành cuộc cướp phá thoải mái không tiền khoáng hậu, lần này không chỉ “trai thanh gái lịch” mà cả những gia đình trông đàng hoàng ra phết cũng tham gia vô tư.

Tôi nhớ ngay một kỷ niệm riêng hồi Xuân 2008, một chuyện nhỏ làm mình sững sờ: trong đêm Thơ đặc biệt mà Trung tâm Văn hoá Pháp ở Hà Nội (l’Espace) tổ chức cho cha con tôi, có khoảng 20 bó hoa rất đẹp được bạn bè, người thân mang lên sân khấu tặng. Kết thúc chương trình, hai cha con vừa bước xuống khán phòng để chào cảm ơn cử toạ thì lập tức hàng chục chàng trai cô gái ào lên sân khấu lượm gần sạch hoa, chỉ để lại cho nguời được tặng vài bó xấu nhất. Mà cũng chính họ vừa mới đây lắng nghe, cổ vũ nhiệt tình và giao lưu sốt sắng với các tác giả, chứng tỏ lòng yêu thơ khá cao (mà là thơ “hiện đại” đấy!), cũng là những khách quen của l’Espace, tức có thể coi họ là những phần tử “văn minh, tân tiến, hiện đại” trong xã hội chúng ta.

Ba sự kiện lớn nhỏ về Hoa, đủ cho thấy vấn đề không hề là ngẫu nhiên, hiện tượng, bộ phận (như kiểu đổ thừa “người mới nhập cư” chưa quen nếp sống văn minh đô thị – lý giải này đã bị nhiều người phản ứng, và như tôi dẫn chứng bên trên, hoàn toàn không thuyết phục), hoặc do lỗi khách quan, hoàn cảnh cụ thể (như trình độ, kinh nghiệm tổ chức sự kiện…tuy đó cũng là nguyên nhân đáng kể). Rõ ràng đây là chuyện mang tính tất yếu, bản chất, hệ thống, sự hư hỏng từ bên trong con người Việt Nam sau một quá trình dài tích tụ phát triển đã lên đến đỉnh cao và không tránh khỏi có dịp bộc lộ ngay ở những thành phần có thể coi là ưu tú (cũng như những sự hư hỏng kéo dài về xây dựng đô thị đã đến lúc nhân một trận mưa bất thường mà đánh chìm cả trung tâm chính trị quốc gia).

Để có sự so sánh, xin ngược dòng thời gian về những ngày hội quần chúng ở Hà Nội những năm hoà bình đầu tiên sau 1954. Người Hà Nội thế hệ chúng tôi làm sao quên được những đêm Giao thừa nườm nượp người hân hoan vũ hội tưng bừng quanh Hồ Gươm, những đêm sẽ sống mãi như kỷ niệm một thời thanh xuân lãng mạn của chúng tôi và của chế độ, những đêm sẽ sống mãi trong lời ca của Đoàn Chuẩn, trong tranh Nguyễn Tư Nghiêm?

Như vậy vấn đề chắc phải nằm ở đâu đó, nếu không trong toàn bộ quá trình thì cũng trong một giai đoạn dài của đường lối giáo dục – văn hoá, tổ chức xã hội.

Nếu xét rằng những đêm Giao thừa phơi phới, văn hoá nhất ở Hà Nội diễn ra vào những năm đầu thập kỷ 1960 (“Chào 61, đỉnh cao muôn trượng…” (Tố Hữu), ta có thể nêu câu hỏi: phải chăng vào thời điểm ấy, khi cuộc “cải tạo tư sản” chỉ vừa mới diễn ra, những chủ nhân lâu đời của các ngôi nhà ống chỉ vừa mới bị xua vào hốc tối tận cùng, những người từ đâu đến chiếm lĩnh mặt tiền vẫn còn chưa đủ thời gian để phất lên và vênh mặt với chủ cũ, và nếp sống thanh lịch của người Hà Nội truyền thống vẫn chưa phai nhạt, vẫn còn là cái chuẩn để người mới nhập cư ngưỡng mộ và cố noi theo?

Ta cũng cần nhớ: đó là thời kỳ tương đối cởi mở của chế độ do ảnh hưởng của “chủ nghĩa xét lại hiện đại”, “chủ nghĩa xã hội mang bộ mặt người”, thời kỳ những bộ phim Xô viết đầy nhân bản Người thứ 41, Đàn sếu bay qua cuốn người ta đến rạp, thời kỳ các sứ quán ở Hà Nội mở rộng cửa đón người dân vào khiêu vũ, thời kỳ “quốc tế vũ” trở thành phong trào toàn quân toàn dân (Đại tướng Võ học chơi piano và tham dự các vũ hội; bản thân tôi lúc đó, trong ban lãnh đạo Chi đoàn Thanh niên Lao Động ở một đơn vị quân đội trên miền núi cao Tây Bắc, đã được giao nhiệm vụ về Hà Nội mua đĩa nhạc cổ điển và dạy quốc tế vũ (valse, tango) cho đoàn viên mà hầu hết là con em nông dân miền xuôi và dân tộc Thái bản địa.

Nhưng chẳng bao lâu, ập tới những năm “chống xét lại” rồi chiến tranh, mọi biểu hiện văn hoá cởi mở, nhân bản, hữu nghị bị loại trừ vì “hữu khuynh”, “tạch tạch sè”, “hoà bình chủ nghĩa”, thay vào đó là một nền văn hoá thấm nhuần 3 “tính” (tính Đảng, tính giai cấp, tính nhân dân, mà “tính Đảng” được xác định là tập trung cao nhất của 2 tính kia!), hướng về mục đích tuyên truyền chiến đấu; người Hà Nội vứt bỏ rất nhanh nếp sống thanh lịch để làm quen với cuộc sống chui hầm và sơ tán, bắt đầu giai đoạn “tự bình dân hoá” về tinh thần trước khi thành phố của họ bị nông thôn hoá mạnh mẽ về thành phần dân cư và tổ chức xã hội sau chiến tranh; con người cá nhân vốn đã bị bài bác từ 1954 đến lúc này hoàn toàn bị dìm xuống cho chìm hẳn vào đội ngũ tập thể.

Khủng hoảng văn hóa

Đến giai đoạn sau 1975 thì các giá trị văn hoá Hà Nội hoàn toàn khủng hoảng với sự biến động liên tục của dân cư kèm theo đó là sự thay bậc đổi ngôi những thế lực thượng phong. Nhiều người đã nói đến sự hỗn tạp của dân Hà Nội hiện nay như nguyên nhân mất đi nét thanh lịch của người Tràng An, nhưng điều chưa được chỉ ra đúng mức (có lẽ do “nhạy cảm”) là sự mất chuẩn văn hoá bởi việc giới tinh hoa của Hà Nội truyền thống bị hạ bệ, trong khi giới mới lên về quyền và tiền còn lâu lắm mới “học làm sang” được. Chỉ cần nghe phát âm phổ biến của người Hà Nội bây giờ là biết.

Bản thân tôi đã từng sửng sốt khi nghe một ông giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội phát biểu trên Tivi với những âm “l” - “n” lộn ngược, đã từng phải nhịn cười khi nghe một vị Vụ trưởng của Bộ Văn hoá giảng giải trong một hội thảo quốc tế cũng với những âm như thế (nhà văn Dạ Ngân cùng có mặt đã phản ứng bằng cách bỏ về!), đã từng bực bội một cách vô ích khi trên Tivi lan tràn những âm “ieo” thay vì “eo” (con mìeo bíeo)… Một khi cái tinh hoa, cái đẳng cấp cao bị hạ bệ, dĩ nhiên cái dung tục, tầm tầm sẽ lên ngôi; khi không còn văn hoá gọt giò thủy tiên cho hoa nở đúng đêm 30 Tết, ắt sẽ có văn hoá bẻ cành anh đào và cướp hoa đêm hội.

Trên đây tôi đã thử truy tìm gốc rễ của thảm họa Hoa qua quá trình tha hoá của văn hoá Hà Nội. Nhìn rộng và sâu hơn, còn có thể thấy một nguyên nhân căn bản không chỉ riêng cho Hà Nội mà cho toàn xã hội Việt Nam. Đó là mâu thuẫn trong quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng.

Một thời rất dài, cái chủ nghĩa tập thể cực đoan lên ngôi ở miền Bắc, trở thành vũ khí cực kỳ hữu hiệu trong thời chiến (chính nó đã đánh bại con người cá nhân của chế độ miền Nam). Nhưng nó đã ngày càng bộc lộ tính phi lý phản tự nhiên trong một đời sống làm ăn bình thường sau chiến tranh. Cho đến nay, đã trên 30 năm, mặc dù xã hội “xã hội chủ nghĩa” đang được điều chỉnh thành xã hội “thị trường định hướng (thực chất đang rất chệch hướng) xã hội chủ nghĩa”, thứ vũ khí nhất thời ấy vẫn chưa được xếp vào bảo tàng. Hậu quả là nó đã ngăn cản sự khẳng định cá nhân vốn là cơ sở sâu xa của một xã hội công dân - dân sự hiện đại trong đó cá nhân là thực thể duy nhất hoàn toàn chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình cũng như đơn vị cơ bản có toàn quyền độc lập hành xử theo pháp luật.

“Chủ nghĩa cá nhân” – individualism – cho đến nay vẫn bị coi là tiêu cực, xấu xa, đồng nghĩa với ích kỷ, duy ngã, chứ không được nhìn nhận là động lực của phát triển xã hội, là xuất phát điểm hiện thực để xây dựng một tinh thần tập thể hiện thực theo khế ước xã hội (các nhà cách mạng Nga tiền Bolchevik gọi nó là “chủ nghĩa ích kỷ hợp lý”). Toàn bộ đường lối văn hoá – giáo dục, tổ chức xã hội cho đến nay, tuy có sự điều chỉnh nhất định (như kiểu chiết trung: “ba lợi ích”), về căn bản vẫn dựa trên sai lầm rất căn bản ấy. “Cái tôi” không được tôn trọng thực sự, thì làm sao có được lòng tự trọng và sự tôn trọng người khác, làm sao có được ý thức kỷ luật tự giác, ý thức công dân tự giác, cam kết xã hội tự nguyện của từng con người cụ thể?

Một điều dễ thấy nhất: Để bù đắp lại cái quyền tự nhiên của mình bị ngăn trở, cái tôi bèn tìm mọi cách trốn tránh trách nhiệm, và “nhanh mắt, nhanh tay” ăn cắp, thậm chí ăn cướp mỗi khi “cái ta” sơ hở; nhưng cách hay nhất, thực tế đã chứng tỏ hiệu quả nhất, là lẩn trốn trong bóng “cái ta”, núp ngay dưới danh nghĩa “cái ta” mà ăn cắp, ăn cướp của chính “cái ta” và của những “cái tôi khác” yếu hơn mình (về thủ thuật này, nêu gương một cách xuất sắc chính là những vị có chức có quyền).

Mức độ nhẹ hơn nhưng hết sức phổ biến từ trên xuống dưới: khi không có điều kiện hoặc chưa đủ tâm địa ăn cắp/ ăn cướp, người ta chọn lối sống “cha chung không ai khóc”,“mackeno”. Và một trong những hậu quả của việc “cái tôi” phải “sống chui” ấy là thói đạo đức giả lan tràn trong xã hội đến mức có lần trong một hội thảo khoa học, GS Phan Đình Diệu phải cay đắng nói rằng: sự giả dối đang trở thành “bản sắc dân tộc”!

Có một chi tiết thú vị về sự đối đầu cái tôi - cái ta trong cuốn sách “Giải phẫu cái tự ngã” của chuyên gia tâm thần Nhật Bản Takeo Doi (mà tôi mới dịch cho NXB Tri thức): các nhà quan sát tâm lý xã hội Nhật nhận thấy rằng: người Nhật sống trong nước Nhật rất tuân phục kỷ luật của tập thể “nhóm” - nhiều khi đến mức có thể nói là mê muội, nhưng khi ra nước ngoài du lịch, họ thường là thành phần “quậy” nhất, có lẽ là để bù lại sự nhẫn nhịn kéo dài mà mình phải chịu trong vòng cương toả của nhóm. Phải chăng sự quậy phá mang tên Hoa của ta cũng là một cách giải toả tâm lý tương tự của người Hà Nội sau những tháng ngày chịu sự cai quản nhiều khi khiên cưỡng của cả một hệ thống từ nhà trường, đoàn thể, đến khu phố, làng xóm, gia đình?

Tất nhiên, nói đến lòng tự trọng và phẩm giá của cá nhân như cái gốc bên trong của văn hoá ứng xử trong đời sống xã hội, cũng phải đồng thời nói đến sự chế tài của xã hội như môi trường nuôi dưỡng và uốn nắn cái gốc ấy. Nếu như ở thôn quê, sự chế tài này nhiều khi được thực hiện qua các thiết chế nhỏ sát sườn với cá nhân như dòng họ, chòm xóm… thì trên những đường phố, quảng trường đô thị, nơi cá nhân có thể được thả mình tự do trong tư cách incognito, chỉ có sự chế tài duy nhất hữu hiệu là một luật pháp nghiêm minh (minh: công bằng, vô tư, minh bạch) đi đôi với một phản ứng cộng đồng nhanh nhạy. Phản ứng cộng đồng thì như trên đã nói, bị tê liệt từ lâu vì lối sống “mackeno”.

Còn luật pháp, nguyên tắc là muốn nghiêm thì phải minh. Thử hỏi: truớc thực trạng thi hành luật pháp vừa lỏng lẻo vừa tùy tiện lại nhiều khi bất lực, với sự thao túng lắm lúc rất lộ liễu của quyền lực, với những cảnh tham nhũng của chính lực lượng chế tài diễn ra hàng ngày trước mắt người dân, liệu cá nhân có đủ lòng tin lẫn sự nể trọng luật pháp để tự điều chỉnh hành vi của mình? Phải chăng vì thế mà Hà Nội lâm vào một tình trạng mà nhà thơ Lê Đạt trong buổi trò chuyện cuối cùng trước khi qua đời ít lâu đã gọi là “vô chính phủ”? Ông đã không quá lời: sự cố đêm hội Hoa vừa qua chứng minh sự tinh tường của ông.

Nghĩ lan man từ thảm hoạ mang tên Hoa ở Hà Nội, cuối cùng cũng phải đụng chân tường, đó là những vấn đề thuộc bản chất thể chế cần có sự dũng cảm để thay đổi, mà thảm họa Hoa là lời báo động có thể là tối hậu. Không thể để cho nhân cách của người Việt mình xuống thấp hơn nữa.
 
Thời đại đồ đểu (thơ)
Thái Hà
01:13 24/01/2009
Đảng cộng sản “ơ wo” (award) nhà báo
Vì những bài nói láo hại đời
Lãnh đạo xảo trá, tanh hôi
Nhờ ơn bác đảng “trồng người” mà nên

Kẻ bán nước lấy tên “Ái Quốc”
Kẻ khiêm nhường viết sách tự khen
Thật thà như bác Dân Tiên
Vì dân vì nước: “trinh nguyên” tới già!

Nên bố láo, thế mà được giải
Nên trung can thì phải đi tù
Một trò bẩn thỉu ruồi bu
Để cho thế giới, năm châu chê cười!

Quả Việt Nam đang thời “đồ đểu”
Đảng cầm đầu trân tráo mặt dầy
Ăn dơ, nói bẩn, bầy hầy
“Thần kinh mắc cở đứt dây lâu rồi!”
 
Cung đàn đất nước trầm hương
Nắng Sàigòn
16:10 24/01/2009
CUNG ĐÀN ĐẤT NƯỚC TRẦM THƯƠNG…

À ơi! Đất nước lời ru,
Gió xuân lạc chốn ngục tù bao la.
Cung đàn khắc khoải ngân nga,
Cung thương tiếng mẹ, giọng cha cung trầm.

Đất nước tôi biết có còn nồng ấm,
Giọt đàn bầu xoa dịu nỗi thương đau.
Nước mắt mẹ tôi,
Cung thương nức nở nguyện cầu,
Khóc thương con gái làm dâu xứ người.

Kiếp Nàng Kiều ! Sống trong tức tưởi,
Cung thương sầu nức nở năm canh.
Mơ trời tự do, mơ đất yên lành,
Tiếng đàn oan nghiệt chòng chành tái tê.

Cung trầm cha giữa lòng nhân thế,
Thương con trai rớt lệ từng đêm.
Nhớ con máu chảy ruột mềm,
Tha phương cầu thực trước thềm xuân sang.

Cung đàn buồn rung bao năm tháng,
Nhịp công bằng, công lý ngân vang.
Bao năm mòn mỏi bẽ bàng,
Đất đai, đồng ruộng phũ phàng xót xa.
Cung đàn “nghị quyết 23”,
Dập tắt khát vọng lời ca thêm sầu.

Cung tủi hờn lòng cha, ai thấu !!?
Thương lũy tre xanh,
Giữa trưa nắng lửa,
Giữa chiều bão giông,
Cung đàn “ quy hoạch” đất công,
Lúa chín vàng đồng chuyển hoán sân golf.

Não nuột đường tơ trầm thương khốn đốn,
Sống kiếp lưu vong ngay đất quê mình.
Ngày xưa dáng mẹ đẹp xinh,
Dáng cha oai dũng đẹp tình nên duyên.

Nay dáng mẹ như thuyền nan rách,
Khập khiễng thân cha khô hắt héo hon.
Hao gầy kiếm gạo nuôi con,
Gừng cay muối mặn vuông tròn nghĩa ân.

Tình mẹ nghĩa cha dù gian nan lận đận,
Chung thủy vẹn tình dẫu uất hận sầu thương.
Lời ru nước mắt quê hương,
Cung trầm quyện với cung thương xuân tình.

- Xuân Kỷ Sửu buồn 2009
 
Nỗi buồn trâu đen
Nắng Sàigòn
16:16 24/01/2009
NỖI BUỒN TRÂU ĐEN.
- Tết con trâu lại về! Có nhiều người vui nhưng cũng có lắm người buồn với nhiều nguyên nhân khác nhau. Xin chia sẻ niềm thương cảm với nỗi buồn của anh chị em Việt Nam xa xứ đang phải lao động cực nhọc tại xứ người theo diện “xuất khẩu lao động”.

Trâu đen ăn cỏ.
Trâu đỏ ăn gà (*).
Trâu ta ăn cỏ đồng ta,
Đồng ta hết cỏ, trâu ra đồng người.
Trâu cày trong nước tả tơi,
Lao động xứ người trâu khóc từng đêm.

Trâu nhớ thưở êm đềm ngày ấy,
Đất quê nhà cày cấy vui sao.
Nay trâu kiếp sống lao đao,
Bán sức lao động lệ trào hoen mi.

Đất quy hoạch, sầu bi tê tái,
Trâu đành ăn cỏ dại đồng xa.
Đêm đêm nằm nhớ quê nhà,
Nhớ về kỷ niệm mẹ cha khóc thầm.

Nhớ ruộng lúa, ao đầm trâu tắm,
Nhớ con kênh, nhớ lắm bờ tre.
Nhớ lời ru nhẹ trưa hè,
Nhớ bến sông nhỏ thuyền ghe dập dìu.

Nắng xuân về, buồn hiu thương nhớ,
Sống xứ người nặng nợ tình quê.
Ước mong ngày ấy trâu về,
Chung thủy lời thề, cày cấy vui ca.

(*) Trâu đỏ là danh từ mà người nông dân ám chỉ máy cày, người lái máy cày thường hay đòi hỏi người nông dân giết gà, vịt để ăn nhậu mỗi khi đến cày xới.

- Xuân Kỷ Sửu buồn 2009
 
VN: Giáo dân 'sửng sốt' trước tin về Giải thưởng Báo chí 2008
VOA
18:55 24/01/2009
Tín đồ Công Giáo tại Việt Nam đã phản ứng mạnh mẽ trước tin giải thưởng báo chí xuất sắc được trao cho hai cơ quan truyền thông từng loan những tin bôi nhọ giáo dân Hà Nội, đức Tổng Giám Mục Giáo phận Hà Nội và Giáo Hội Công Giáo nói chung.

Catholic News Agency trích tin của Thông Tấn Xã Công Giáo Việt Nam cho hay chính phủ Việt Nam đã trao tặng giải thưởng báo chí xuất sắc trong năm 2008 cho nhật báo Hà Nội Mới và Đài Truyền Hình VTV1 vì những bài tường thuật liên quan tới các cuộc tranh chấp đất đai giữa giáo dân và chính phủ Việt Nam.

Tin nói rằng Nhật báo Hà Nội Mới đoạt giải thưởng nhờ loạt bài tường thuật vụ tranh chấp đất đai tại giáo xứ Thái Hà, trong khi đài truyền hình VTV1 chiếm giải nhờ loạt bài mà người ta cho lả đã bóp méo sự thật về những lời tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt trong một phiên họp với Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội.

Tin cho biết Đài truyền hình đã bôi nhọ Đức Tổng Giám Mục trong nhiều tuần lễ.

Cả hai cơ quan truyền thông này đang bị hai nữ giáo dân kiện, đòi xin lỗi, cải chính và bồi thường thiệt hại vì đã loan tin hai nữ giáo dân này nhận tội gây mất trật tự công cộng và phá hoại tài sản của nhà nước trước tòa, trong khi đúng ra hai người này đã bác bỏ những tội danh vừa kể khi bị mang ra xử cùng với 6 giáo dân khác tháng trước.

Ông Lê Trần Luật, luật sư biện hộ cho hai phụ nữ này, xác nhận với Thông Tấn Xã AFP rằng cả hai người đã bác bỏ những tội danh do tòa đưa ra, nhưng nhật báo Hà Nội Mới và đài truyền hình VTV1 lại tường thuật rằng mọi bị cáo đều cúi đầu nhận tội.

Linh mục Joseph Nguyễn ở Hà Nội đã chỉ trích vụ trao giải thưởng cho hai cơ quan truyền thông vừa kể và nói rằng giải thưởng này đã sỉ nhục các nạn nhân.

Theo linh mục, giáo dân tại Hà Nội đã sửng sốt trước tin về hai giải thưởng này vì nhiều độc giả và thính giả đã thấy rõ đường lối hoạt động thiếu đạo đức của hai cơ quan truyền thông vừa kể.

Thông Tấn Xã Công Giáo Việt Nam còn cho biết không phải chỉ riêng tín đồ Công Giáo, nhiều nhà báo khác cũng cảm thấy bị sỉ nhục trước tin về giải thưởng báo chí xuất sắc năm 2008.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Vatican và Vấn Đề Tài Liệu (3)
Vũ Văn An
01:28 24/01/2009
Vatican Và Vấn Đề Tài Liệu(tiếp theo và hết)

Lý do ngưng hoạt động

Tưởng nên nhắc lại các biến cố chung quanh việc Ủy Ban ngưng hoạt động. Ngày 21 tháng 6 năm 2001, Hồng Y Walter Kaspar, Chủ Tịch Ủy Ban Giáo Hoàng về Các Liên Hệ Liên Tôn với Do-Thái Giáo gửi thư cho Ủy Ban yêu cầu các sử gia cho soạn phúc trình sau cùng, sau khi cho các học giả hay các văn khố của Vatican từ 1923 trở về sau chưa có thể mở cho các học giả được vì lý do kỹ thuật. Ngày 20 tháng 7, các thành viên Ủy Ban trả lời bằng cách cho đức hồng y thấy “không đáp ứng tích cực đối với yêu cầu kính cẩn của chúng tôi” được phép nghiên cứu các văn khố này, các kết luận của Ủy Ban không có giá trị gì. Cho nên họ xin đình chỉ nhiệm vụ.

Hãng tin Zenit cho hay Giáo sư Michael Marrus nhân dịp này phát biểu việc đó “không nhất thiết có nghĩa chúng tôi chấm dứt công việc. Tôi tin rằng chúng tôi phải tiếp tục ở một bình diện nào đó”. Eugene Fisher, phối trí viên của ủy Ban và là cố vấn của Hội Ðồng Giám Mục Hoa-Kỳ, cho hay hai thủ văn khố đang làm việc hết sức nhanh để lên danh mục các tài liệu sau 1922. Ông thêm: “vấn đề không phải là liệu các tài liệu có được công bố hay không mà là lúc nào thôi. Ðó chỉ là vấn đề thời gian”. Về phần mình, theo yêu cầu của Phủ Quốc Vụ Khanh, linh mục Peter Gumpel cho công bố một lời phát biểu trong đó ông tố cáo một số thành viên của Ủy Ban đã phản bội lòng tin tưởng đặt nơi họ, gồm cả việc tiết lộ những tin tức không chính xác. Ngài cũng đưa ra một vấn đề khác liên quan đến bộ ADSS: “mỗi thành viên trong nhóm khảo sát hai cuốn, nên mỗi thành viên đáng lẽ nên viết một phúc trình. Khi công việc sơ khởi chấm dứt, sự khác biệt trong phán đoán lớn đến độ Eugene Fisher, phối trí viên của nhóm, phải nói: ‘chúng khác nhau về hình thức cũng như chất lượng đến nỗi một phúc trình tóm lược chung thật rất khó mà viết được’. Chính lúc này, nhóm quyết định đưa ra và chuyển đến Tòa Thánh 47 câu hỏi, trong đó họ yêu cầu được phép khảo sát tất cả các tài liệu hiện lưu giữ tại Vatican và cho đến nay chưa được công bố. Nhóm này tới Rome tháng 10 năm 2000 và gặp Hồng Y Edward I. Cassidy, Hồng Y Pio Laghi, Ðức ông (nay là Hồng Y) Jorge María Mejía và linh mục Gumpel trong tư cách một chuyên viên do Hồng Y Cassidy cử nhiệm. Mục đích của buổi gặp gỡ là trả lời các câu hỏi đã được đặt ra và xác minh các biến cố lịch sử. Cha Gumpel gặp nhóm này ngày 24 tháng 10 năm 2000, sau khi soạn 47 tập hồ sơ (dossiers) để trả lời một cách đặc thù và trong chi tiết từng câu hỏi đã được gửi cho ngài 15 ngày trước cuộc gặp mặt. Với một nỗi thất vọng sắc cạnh, ngài nhận thấy việc đọc các cuốn sách trong bộ tài liệu đã được thực hiện một cách hời hợt, với những giải thích về ngày giờ và sự kiện hoàn toàn bị đảo ngược lại. Ngài cho rằng nếu chịu đọc các giải thích của ngài và các tài liệu đính kèm, các thành viên của nhóm sẽ không còn phản đối điều chi.

Cuối buổi gặp mặt, trong khi mới chỉ có dịp bàn qua 10 trong số 47 câu hỏi, linh mục Gumpel cho hay ý định tuyệt đối sẵn sàng tiếp tục cuộc thảo luận. Không may, đề nghị ấy không được chấp thuận, và cũng vì tiếp theo việc tiết lộ tin tức, thời gian còn lại đã được sử dụng để giải quyết các vấn đề khủng hoảng nội bộ. Vì hoàn cảnh ấy, mà cuộc tham khảo của hai thành viên trong nhóm với sử gia linh mục Blet cũng đã bị hủy bỏ.

Quả không đẹp tí nào khi, trong các tháng kế tiếp, một số thành viên Do-Thái của nhóm nghiên cứu đã phao tin tức một cách có hệ thống cho rằng họ không bao giờ nhận được câu trả lời nào cho các câu hỏi của họ. Hơn nữa, cho đến nay, nhóm chưa bao giờ đệ trình Phúc Trình chung quyết đối với công việc của họ và do đó chưa hoàn tất công việc được trao phó.

Thay vào đó họ quyết định ngưng công việc lấy lý do không được đọc một cách không hạn chế các văn khố của Vatican. Về phương diện này, người ta biết văn khố trưởng là đức hồng y Jorge María Mejía đã giải thích cặn kẽ cho nhóm này hay vì lý do kỹ thuật, không thể coi các tài liệu sau 1922, vì do số lượng tài liệu quá nhiều, hơn 3 triệu trang, không thể nào lên danh mục kịp.

Học giả nào cũng biết rằng không văn khố nào có thể tham khảo nếu các tài liệu chưa lên danh mục và xếp loại. Trong một công kích đáng khiếp mới đây chống lại Tòa Thánh, người ta còn nói rằng Tòa Thánh không có ý định mở các văn khố. Tin này rõ ràng là thất thiệt vì các thành viên của nhóm đã được thông báo rằng tất cả các tài liệu nhắc đến Thời giáo hoàng của Ðức Piô XII sẽ được mở, càng sớm càng tốt, không những cho riêng họ mà cho tất cả mọi học giả khác. Tòa Thánh không đặt để bất cứ giới hạn nào như thể lệ hiện hành của các văn khố khác, thí dụ văn khố Anh, Mỹ... Về phương diện này, một số cộng sự viên của cha Gumpel, vốn là các sử gia tăm tiếng, từng tham khảo các văn khố kia, cho rằng họ thường được các văn khố kia thông báo là các tài liệu họ yêu cầu đã hoặc bị dẹp bỏ hoặc còn đang bị cấm phổ biến (embargo). Chính một thành viên trong nhóm trong một buổi gặp mặt tại Rome đã xác nhận một cách tuyệt đối hoàn cảnh nêu trên qua kinh nghiệm bản thân lúc ông tìm tòi nghiên cứu tại Văn Khố Mỹ.

Theo cha Gumpel, rõ ràng những tin tức thiên kiến phổ biến trong những ngày gần đây là không có cơ sở, mục tiêu rõ ràng là để quảng cáo (publicity) gây hại cho Tòa Thánh… Như thế sáng kiến từng nhằm để cải thiện các liên hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và Cộng Ðồng Do-Thái đã thất bại, và đây là trách nhiệm của những người, bất chấp các qui phạm sơ đẳng nhất của khoa bảng và nhân văn, đã phạm cái lỗi vô trách nhiệm.

Qui luật biên soạn bộ ADSS

Trên đây, linh mục Gumpel có nhắc đến linh mục Blet, người duy nhất trong nhóm biên tập bộ ADSS hiện nay còn sống. Chúng tôi không có tài liệu gì về nhận định của Linh Mục Blet đối với công việc của Uỷ Ban. Nhưng năm 1998, ngài có đăng một bài trên tờ La Civilta Cattolica và sau đó trên L’Osservatore Romano tựa là Thần Thoại đối đầu với Sự Kiện Lịch Sử, trong đó ngài diễn tả quá trình hình thành bộ ADSS. Ðiểm quan trọng ngài nêu ngay ở phần đầu bài báo là: “Những người được tín nhiệm trao phó cho nhiệm vụ này bị trói buộc bởi một số quy luật: không được cống bố những tài liệu nhắc đến những người còn đang sống hay những tài liệu, nếu tiết lộ, có thể cản trở các cuộc thương thảo hiện đang tiến hành. Các cuốn trong bộ Các Liên Hệ Ngoại Giao của Hoa Kỳ liên quan đến thập niên 1940 đã được công bố trên căn bản những tiêu chuẩn này, và cũng những tiêu chuẩn ấy đã được sử dụng trong việc công bố các tài liệu của Toà Thánh.

Linh mục Blet cũng cho hay rất tiếc, nhiều người đã không những không đọc bộ tài liệu trong tinh thần khách quan mà còn chỉ trích bộ tài liệu này không đầy đủ và trung thực. Linh mục Blet nhắc đến một bài trên tờ nhật báo Paris ngày 3 tháng 12 năm 1997 cho rằng: “bốn ông Dòng Tên kia đã sản xuất (!) ra các bản văn Actes et Documents để miễn trừ Piô XII khỏi tội quên sót mà ông từng bị tố cáo… Nhưng những tài liệu Actes et Documents kia còn xa mới đầy đủ”. Bài báo có ý cho rằng các nhà biên tập cố ý bỏ qua các tài liệu có hại cho thanh danh của Ðức Piô XII và Toà Thánh.

Linh mục Blet cho hay: trước nhất, người ta không rõ làm thế nào việc bỏ qua một số tài liệu nào đó lại có thể miễn trừ Ðức Piô XII khỏi tội quên sót mà ngài từng bị tố cáo. Mặt khác, độc đoán cho rằng các công bố của Toà Thánh không đầy đủ, là dựa vào đâu mà nói được như thế?. Vì muốn nói được như thế, cần phải so sánh các công bố của ADSS với các văn khố và chứng tỏ tài liệu nào trong văn khố đã không có trong ấn phẩm của ADSS. Nhưng các văn khố đối chiếu hiện chưa tới tay công chúng, thế mà họ vẫn cứ cho rằng mình có bằng chứng có sự thiếu sót trong bộ Actes et Documents. Làm như thế, họ chỉ cho thấy ý nghĩ nghèo nàn của họ về việc khai thác sâu sắc các tài liệu văn khố, mà một số được họ đòi phải mở ngay bây giờ.

Thư từ giữa Đức Piô XII và Hitler?

Nhắc lại nguyên văn tuyên bố của một tờ báo Roma ngày 11 tháng 9 năm 1997, bài báo được trích dẫn ngày 3 tháng 12 kia cho hay thư từ giữa Ðức Piô XII và Hitler đã không được công bố. Cha Blet cho hay: “Chúng tôi xin nói ngay rằng bức thư của Ðức Giáo Hoàng thông báo việc Ngài đắc cử cho người đứng đầu Reich (chính phủ liên bang Ðức) là tài liệu cuối cùng được đăng trong cuốn 2 bộ ADSS. Còn ngoài ra, nếu chúng tôi không công bố các thư từ của Ðức Piô XII với Hitler, thì chỉ là vì các thư từ ấy chỉ có trong trí tưởng tượng của nhà báo. Ông ta nhắc đến các tiếp xúc của Pacelli với Hitler lúc làm sứ thần tại Ðức, nhưng đáng lẽ ông ta nên kiểm soát ngày giờ mới đúng: Hitler lên cầm quyền năm 1933 và chắc chắn có gặp sứ thần Toà Thánh thì phải là sau niên biểu ấy. Nhưng tổng giám mục Pacelli đã trở về Rome từ tháng 12 năm 1929. Pius XI phong ngài làm hồng y ngày 16 tháng 12 và Quốc Vụ Khanh ngày 16 tháng Giêng năm 1930. Hơn thế nữa, nếu việc thư từ kia có thật, thì các thư của Ðức Giáo Hoàng phải còn được lưu giữ trong các văn khố của Ðức chứ và cứ sự thường là phải được ghi chép trong các văn khố của Bộ Ngoại Giao Liên Bang. Các thư của Hitler có thể nằm tại Vatican đã đành, nhưng người ta phải thấy chúng được nhắc đến trong các chỉ thị gửi cho các đại sứ, Bergen rồi Weizsacker, là những người có nhiệm vụ chuyển giao chứ, và trong các phúc trình của họ họ phải ghi chú là họ đã chuyển giao các thư ấy cho Ðức Giáo Hoàng hay Quốc vụ khanh chứ! Ðàng này không hề có một dấu tích chuyện đó. Khi không có những ghi chú như thế, thì phải nói rằng sự nghiêm chỉnh trong các ấn phẩm của chúng tôi đã bị nghi vấn mà không hề có một chút chứng cớ nào”.

Những nhận xét về việc thư từ nói trên giữa Ðức Giáo Hoàng và Fuhrer cũng áp dụng đối với các tài liệu hiện có thực. Các tài liệu của Vatican thường được chứng thực bởi các văn khố khác: thí dụ, các thư từ trao đổi giữa các đại sứ với nhau. Người ta có thể giả thiết rằng nhiều điện tín của Vatican đã bị đọc lén (intercepted) và giải mã bởi các sở tình báo của các bên lâm chiến và do đó các bản sao có thể tìm thấy trong các văn khố của họ. Bởi thế, nếu Toà Thánh cố tình giấu diếm một số tài liệu, người ta vẫn có thể biết được sự hiện diện của chúng và như thế mới có căn bản để nghi vấn tính nghiêm chỉnh trong các ấn phẩm của Toà Thánh.

Vàng Quốc Xã hay vàng Tòa Thánh

Cũng cùng bài của tờ nhật báo Paris kia, sau khi bịa ra các liên lạc giữa Hitler và Sứ Thần Pacelli, đã nhắc đến một bài báo trên tờ Sunday Telegraph số tháng 7 năm 1997 tố cáo Tòa Thánh sử dụng số vàng của Quốc Xã trong việc giúp các tội phạm chiến tranh trốn qua Châu Mỹ Latinh, đặc biệt là Ante Pavelic, một người Croat: ‘Một số nghiên cứu cho thuyết này có giá trị [!]’. Quả là đáng lưu ý khi các nhà báo tự thoả mãn với việc tài liệu hóa chính các xác quyết của mình một cách dễ dàng đến như vậy. Các sử gia, có khi dành hàng giờ để kiểm tra các tham khảo của mình, chắc phải thèm thuồng sự dễ dàng ấy quá. Người ta có thể hiểu sự tin tưởng của một nhà báo đối với một đồng nghiệp của mình, nhất là khi tựa đề tiếng Anh của tờ báo đem lại cho nó một giáng dấp đáng kính nào đó. Tuy nhiên ở đây có hai xác quyết cần phải được khảo sát riêng rẽ: số vàng của Quốc Xã, hay chính xác hơn, số vàng của Do-Thái do Quốc Xã ăn cướp được ký thác vào chương mục Vatican, và sau đó được sử dụng để giúp các tội phạm chiến tranh Quốc Xã trốn qua Châu Mỹ Latinh.

Quả thực, một số báo chí Mỹ có đưa ra một tài liệu của Bộ Ngân Khố trong đó Bộ được thông báo là Vatican đã nhận số vàng của Quốc Xã có gốc gác Do-Thái qua ngả Croatia. Một ‘tài liệu từ Bộ Ngân Khố’ quả là đáng nể! Nhưng người ta đâu có chịu đọc những dòng ghi bên dưới cái tít lớn ấy để thấy rằng nó chỉ là một thư ngắn (note) từ ‘thông tin của một chỉ điểm viên đáng tin tại Rome’. Những ai sẵn sàng tin những khẳng định trên là sự thật, thì nên đọc điều mà Cha Graham đã viết về xảo thuật của Scatolini, một chỉ điểm viên (informer), từng sống nhờ những tin tức anh ta tạo ra và chuyển đến các tòa đại sứ, gồm luôn cả Mỹ, và những tin tức ấy được chuyển nguyên vẹn tới Bộ Ngoại Giao. Trong khi nghiên cứu tại văn khố Phủ Quốc Vụ Khanh, các nhà biên tập bộ ADSS không thấy nhắc gì đến số vàng ăn cướp của người Do-Thái mà người ta cho là được ký thác trong chương mục Vatican. Rõ ràng những người xác quyết điều trên có bổn phận phải đưa ra các chứng cớ có tài liệu, thí dụ một biên nhận chẳng hạn. Một tài liệu như thế chắc chắn phải được lưu giữ tại văn khố Vatican, y như trường hợp các lá thư của Ðức Piô XII gửi cho Hitler. Ðiều thực sự được ghi chép chỉ là việc can thiệp nhanh chóng của Ðức Piô XII khi các cộng đồng Do-Thái tại Rome bị Công An Quốc Xã (SS) tống tiền 50 kí lô vàng. Dịp này, Ðại Ðạo Trưởng Do-Thái đã chạy tới Ðức Giáo Hoàng để yêu cầu giúp đỡ 15 kí lô mà họ còn thiếu, và Ðức Piô XII đã lập tức ra lệnh cho các viên chức của mình lo việc ấy. Các cuộc điều tra mới đây không phát hiện điều gì thêm.

Hơn nữa, phúc trình về việc cho rằng Vatican giúp các tội phạm Quốc Xã trốn qua Châu Mỹ Latinh là điều không mới. Hiển nhiên chúng tôi không loại bỏ sự kiện có những giáo sĩ tại Rome lợi dụng chức vụ của mình giúp đỡ các tội phạm này trốn thoát. Những cảm tình của giám mục Hudal, viện trưởng nhà thờ quốc gia Ðức, dành cho Liên Bang Ðại Ðức, ai cũng biết; nhưng nếu dựa vào đấy để tưởng tượng ra rằng Vatican tổ chức một cuộc chạy trốn quy mô cho các viên chức Quốc Xã qua Châu Mỹ Latinh là đã gán một hành vi bác ái anh hùng cho các giáo sĩ Rome! Tại Rome, các kế hoạch của Quốc Xã đối với Giáo Hội và Tòa Thánh ai cũng biết. Ðức Piô XII nhắc đến các kế hoạch này trong diễn văn trước Mật Nghị Viện (consistory) ngày 2 tháng 6 năm 1945 rằng ‘một khi chiến thắng quân sự đã đạt được, họ sẽ tiêu diệt Giáo Hội mãi mãi’. Ấy thế mà các tác giả mà nhà báo nhắc đến lại có cái ý tưởng cao thượng về lòng tha thứ bởi những người bao quanh Giáo Hoàng, nếu họ tưởng tượng có một số Quốc Xã được Vatican che giấu, dẫn đường qua Argentina, được độc tài Peron che chở, rồi từ đó qua Brazil, Chile và Paraguay, để cứu vãn điều được coi là còn vớt vát được của Ðệ Tam Reich...

Ðộc giả chắc chắn sẽ hiểu rằng Văn Khố Vatican không có những thứ tài liệu như thế, ngay cả khi những chuyện kể có một phần sự thật. Nếu giám mục Hudal đã giúp một nhân vật Quốc Xã nổi tiếng nào đó trốn thoát, chắc chắn ông đã chẳng cần phải xin phép Ðức Giáo Hoàng. Mà nếu ông có thông báo cho Ðức Giáo Hoàng sau khi biến cố đã xẩy ra, chúng ta cũng chả biết gì về chuyện đó. Cha Blet cho hay: “Trong số những điều không bao giờ được các văn khố tiết lộ, ta phải nhớ những cuộc đàm thoại giữa Ðức Giáo Hoàng và các khách thăm viếng, ngoại trừ đối với các đại sứ khi họ phúc trình những cuộc đàm thoại ấy cho chính phủ của họ, hay đối với De Gaulle là người đã đề cập đến chúng trong Nhật Ký của ông ta”.

Nhân vụ đảo chính hụt

Nhân nói đến việc Ủy Ban đòi xem cho bằng được một số tài liệu mà họ cho rằng Vatican hiện giấu kín, Gerald Fogarty, thành viên Công giáo của Ủy Ban, nhận định rằng “Ủy Ban chưa vượt qua được cái huyền thoại phổ biến trong nền văn hóa Anglo-Saxon cứ tin là có những tài liệu quan trọng chưa được công bố trong các Văn Khố Vatican. Nếu những tài liệu ấy có thực, thì các chứng cớ khác về chúng phải được tìm thấy trong các nghiên cứu của tôi qua khắp các Văn Khố Âu Châu mới đúng chứ”. Ông đơn cử một trường hợp cho thấy có những biến cố thật quan trọng mà Văn Khố Vatican không hề có tài liệu nào nói đến. Ðó là vụ mùa Xuân 1940, một số sĩ quan cao cấp của Ðức nhờ đức Piô XII làm trung gian trong mưu toan lật đổ Hitler. Fogarty cho hay tài liệu về vụ này chỉ tìm thấy trong Văn Khố Bộ Ngoại Giao Anh, văn khố Vatican không có! …

Dĩ nhiên khi các sử gia nghiêm chỉnh muốn tự mình khảo sát các văn khố từng cung cấp các tài liệu ấn hành, không ai dám nói ý muốn của họ không chính đáng và đáng khen: dù theo thật chính xác một ấn phẩm bao nhiêu đi chăng nữa, thì việc tham khảo hay trực tiếp tiếp xúc với chính các tài liệu là điều rất hữu ích cho việc hiểu biết về lịch sử. Ở đây, có hai vấn đề khác nhau: nghi vấn về sự nghiêm chỉnh trong các tìm tòi của các nhà biên tập là một chuyện, mà thắc mắc không hiểu liệu họ có bỏ qua điều gì hay không lại là chuyện khác. Cha Blet cho hay: “chúng tôi không cố tình bỏ sót bất cứ tài liệu nào quan trọng hết, bởi chúng tôi coi việc đó gây hại cho hình ảnh của Ðức Giáo Hoàng và thanh danh của Giáo Hội. Nhưng trong khi đảm nhiệm loại công việc này, những người nghiên cứu là những người trước nhất tự hỏi mình là liệu mình có bỏ sót điều gì hay không. Không có Cha Leiber, sự hiện hữu các bức thư Ðức Piô XII gửi hàng giám mục Ðức rất có thể đã không được chúng tôi biết tới và do đó bộ tài liệu mất đi điều có thể được coi như những văn bản giá trị nhất để hiểu tâm tư của Ðức Cố Giáo Hoàng. Tuy nhiên, toàn bộ phần này không hề mâu thuẫn đối với điều các thư ngắn và các trao đổi ngoại giao từng cho ta biết. Trong các thư ấy, ta có ý niệm rõ hơn về sự quan tâm của Ðức Piô XII trong việc sử dụng các lời giảng dậy của các Giám Mục để canh chừng các tín hữu chống lại các phỉnh gạt của chủ nghĩa Quốc Xã, đã trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết trong thời chiến. Các thư từ này được công bố trong cuốn II bộ ADSS, đủ cho thấy Giáo Hội trì chí chống đối chủ nghĩa Quốc Xã; nhưng những cảnh cáo đầu tiên từ các giám mục Ðức như Faulhaber, von Galen, từ nhiều tu sĩ và linh mục và, sau cùng, từ tông thư Mit brenneder Sorge, từng được đọc trong tất cả các nhà thờ tại Ðức trong Chúa Nhật Lễ Lá năm 1937 bất chấp Gestapo, thì mọi người đã biết”.

Như thế ta chỉ có thể coi là hoàn toàn dối trá không hơn không kém lời khẳng định cho rằng Giáo Hội ủng hộ Quốc Xã, như nhật báo tại Milan ngày 6 tháng Giêng năm 1998 đã viết. Thêm vào đấy, các văn bản đăng trong cuốn V bộ ADSS hoàn toàn bác bỏ ý niệm cho rằng Toà Thánh có thể đã ủng hộ Ðệ Tam Reich vì sợ Nga Sô Viết. Khi Roosevelt yêu cầu được Vatican giúp đỡ để vượt qua sự chống đối của người Công Giáo Mỹ đối với kế hoạch bắt tay với Nga của ông ta lúc đó đang lâm chiến chống lại Ðức, ông ta được trả lời là sự giúp đỡ ấy đã được đưa ra đối với Anh Quốc rồi. Phủ Quốc Vụ Khanh sau đó đã ra lệnh cho Sứ Thần Tòa Thánh tại Washington phải làm thế nào để các Giám Mục Mỹ giải thích cho giáo dân Mỹ biết tông thư Divini Redemptoris, một tông thư khuyên người công giáo không được ủng hộ các đảng cộng sản, không áp dụng trong hoàn cảnh hiện nay và do đó không ngăn cấm người công giáo Mỹ giúp đỡ nước Nga trong nỗ lực chiến tranh của họ chống Ðệ Tam Reich. Ðây là những kết luận không thể bác khước được.

Cha Blet kết luận như sau: “Chính vì thế, dù không muốn làm nản lòng những nhà nghiên cứu tương lai, tôi rất hoài nghi việc mở các văn khố Vatican liên quan đến thời chiến sẽ gia tăng sự hiểu biết của chúng ta về thời kỳ này. Như tôi đã giải thích trước đây, trong các văn khố này, các tài liệu ngoại giao và hành chánh được xếp chung với các tài liệu hoàn toàn có tính cách tư riêng; và điều này đòi hỏi một diễn trình dài hơn so với các văn khố của các bộ ngoại giao các nước. Những ai muốn đào sâu hơn lịch sử về giai đoạn nhiễu nhương này mà không muốn chờ đợi thêm nữa, họ có thể làm việc cách hũu hiệu tại các văn khố của Bộ Ngoại Giao Anh, Bộ Ngoại Giao Pháp, Bộ Ngoại Giao Mỹ và các Bộ Ngoại Giao khác vốn có đại diện tại Toà Thánh. Hơn hẳn các văn kiện của Phủ Quốc Vụ Khanh Vatican, các tường trình của Bộ Trưởng Anh Quốc Osborne đã làm sống lại hoàn cảnh của Toà Thánh, bị Phát Xít Rome bao vây, và sau đó sống dưới sự kiểm soát của quân đội và cảnh sát Ðức một cách sống động hơn nhiều. Chỉ khi nào chịu lao mình vào những nghiên cứu như thế thay vì đòi hỏi Văn Khố Vatican phải mở cửa trước thời hạn, họ mới chứng tỏ được là họ thực sự đi tìm sự thật.”
 
Tin Đáng Chú Ý
Obama dành cho Việt Nam sự quan tâm nào ?
Công Dân
15:49 24/01/2009
Bài diễn văn nhậm chức của Tổng Thống B. Obama không những gây sự chú ý cho dân mỹ mà còn là mối quan tâm của toàn thế giới. Điều này thật dễ hiểu vì Hoa Kỳ có tầm ảnh hưởng và vai trò rất lớn trong việc duy trì ổn định về kinh tế và hòa bình trên toàn cầu. Hơn nữa bài diễn văn của bất cứ vị tân tổng thống nào cũng đều hoạch định chung hướng đi trong suốt nhiệm kỳ của mình. Diễn văn nhậm chức của TT Obama cũng không nằm ngoài thông lệ này.

Trước hết, với vấn đề trong nước, ông đề cập ngay đến những khó khăn về cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế tại Mỹ cũng như trên toàn cầu. Đây là một thực tế không thể phủ nhận. Ông mời gọi mọi người vào cuộc để vực dậy nền kinh tế cũng như xây dựng quốc gia về mọi mặt. Tân Tổng thống cũng ca ngợi trang sử hào hùng của thế hệ tiền nhân trong việc khai phá và xây dựng nước. Đối với ông, hiến chương lập quốc là điểm son của Hoa Kỳ về việc tôn trọng quyền tự do, bình đẳng và dân chủ của con người. Đây là nguyên lý sống mà ông và công dân Hoa Kỳ quyết tâm duy trì cho đến cùng.

Chuyển sang những mối quan hệ quốc tế, TT Obama lặp lại vai trò quan trọng của Hoa Kỳ đối với nền dân chủ và kinh tế trên thế giới. Có thể nói đến 3 cấp độ của những mối quan hệ mà Hoa kỳ đáng quan tâm như sau:

Thứ nhất: tiếp tục trợ giúp trong các chương trình giúp đỡ phát triển chăn nuôi trồng trọt cho các quốc gia nghèo đói, nhằm cải thiện đời sống cho các người dân trong các quốc gia này. Ông cũng kêu gọi các quốc gia tiên tiến tham cuộc, đừng thờ ơ với những nỗi thống khổ và thiếu thốn của đồng loại đang phải chịu bên ngoài quốc gia của mình.

Thứ hai: cùng với những liên minh vững chắc tình xưa nghĩa cũ kết hợp với sự hợp tác với các quốc gia trên nguyên tắc hiểu biết lẫn nhau để diệt trừ tận gốc nạn khủng bố và hiểm họa hạt nhân và bảo vệ sự sống còn của địa cầu.

«Cùng với bạn cũ thù xưa, chúng ta sẽ làm việc không ngừng nhằm giảm bớt đe dọa hạt nhân và đảo ngược tiến trình ấm nóng toàn cầu. Đối với những kẻ muốn đạt mục tiêu bằng cách khủng bố và giết người vô tội, thì các người hãy nghe đây: tinh thần của chúng ta mạnh hơn của các người, các người không thể bẻ gãy ý chí của chúng ta, các người không thể tồn tại lâu chúng ta, và chúng ta sẽ đánh bại các người ».

Mối quan hệ thứ ba mà tân Tổng Thống Obama nói đến đó là sự bao dung của Hoa Kỳ trong việc dang tay đón nhận những thể chế tiếm quyền nhờ tham nhũng, dối trá và triệt hạ tiếng nói đối lập với điều kiện nếu họ biết « thay lòng đổi dạ». Đối với những người bám lấy quyền lực nhờ tham nhũng, dối trá và bịt miệng tiếng nói đối lập, hãy biết rằng quý vị đang đi ngược lịch sử, nhưng chúng tôi sẽ chìa tay ra nếu quý vị biết từ bỏ nắm đấm.

Một câu hỏi chung được đặt ra, các nước cộng sản có những quan điểm như thế nào về diễn văn nhậm chức Tổng Thống của Obama? Phía Việt nam đã cắt xén những dự kiện lịch sử liên quan đến cuộc chiến của Mỹ chống cộng sản nói chung và chiến trường Khe Sanh tại Việt nam nói riêng. Cũng phải kể đến sự cắt xén khi Tân Tổng thống đề cập đến thể chế quyền lực nhờ dối trá nêu trên. Tại sao có sự cắt xén như vậy ? Câu trả lời là phía chính quyền Việt nam không dám nhận vào sự thật, về cách thức cướp chính quyền của mình, về sự sụp đổ của cộng sản. Có lẽ phía Việt nam muốn chính phủ của Tân Tổng thống Obama chiếu cố đến mình theo mối quan hệ nêu trên ở phần thứ ba. Gió đã đổi chiều. Thay vì giọng điệu lên án Hoa Kỳ là Đế Quốc, tên xen đầm quốc tế như trước đây, nay Việt nam đã bỏ « nắm đấm » để đón nhận cái chìa tay của Hoa Kỳ. Trong cuộc trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu tự do hôm 19 tháng 1 vừa qua, ông Lê Công Phụng, Đaị sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết: « Trong mối quan hệ với Việt Nam thì tôi cũng rất tin tưởng là chính quyền mới của ông Obama sẽ cùng với chúng tôi thực hiện những thỏa thuận mà hai bên cần thiết phục vụ cho lợi ích của mỗi bên"

Quý vị nào biết Tiếng Hàn coi giùm, không biết báo chí cộng sản nước này có cắt xén những phần mà Việt nam đã làm và đặc biệt là phần Tân Tổng thống đề cập đến quyết tâm triệt tiêu hiểm họa hạt nhân.
 
Subprimes và Liên Hiệp Âu Châu
Hà-Minh Thảo
20:24 24/01/2009
SUBPRIMES, sau nhiều năm phát đạt, đã đem lại những số tiền lời lớn chia cho các ngân hàng hoặc những quỹ đầu tư (Investment Funds) và, qua các định chế này, đến tay các nhà đầu tư và khách hàng ở khắp Âu châu. Từ giữa năm 2007, các ngân hàng và những quỹ đầu tư bắt đầu bị lỗ vốn vì lãi suất subprimes tại Hoa kỳ tăng cao, con nợ không còn khả năng thanh toán. Do đó, từ đầu tháng 08.2007, nhiều ngân hàng và định chế tài chính Âu châu nhận được những báo cáo lỗ vốn về chứng khoán thế chấp subprimes.

I. VÀI SỰ LỖ VỐN LỚN TẠI ÂU CHÂU.

Tin loan truyền ngày 03.08.2007 cho biết: Hãng Bảo Hiểm AAA của công ty Allianz (Đức quốc) bị thiệt mất 2 tỉ mỹ kim vì đầu tư vào US Subprime Mortgage Market. Kế tiếp, ngày 06.08.2007: Hãng Tái Bảo Hiểm AAA, Munich Re (Đức quốc), bị lỗ vốn một tỉ mỹ kim.

Đến ngày 01.11.2007, Crédit Suisse (Thụy sĩ) mất đi một tỉ mỹ kim và UBS (Thụy sĩ) mất vốn tất cả là 13,7 tỉ mỹ kim từ tháng 9 đến 12.12.2007.

Nhiều ngân hàng mất vốn nhưng không nói ra vì muốn giữ thanh danh, nên thanh khoản trở thành khan hiếm, nên các Ngân hàng Trung ương phải can thiệp bằng cách ứng vốn (US Federal Reserve tung ra thị trường tiền tệ 17 tỉ mỹ kim, Ngân hàng Trung ương Âu châu 130 tỉ mỹ kim và Ngân hàng Trung ương Anh quốc đã trợ lực 25 tỉ mỹ kim).

A. THỤY SĨ.

Ngày 12.04.2008, UBS (Union de Banques Suisses kết họp với Société de banques suisses từ 1998), với gần 81.000 nhân viên làm việc tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đang quản lý tới hơn 3.100 tỉ francs suisses (gần 3.000 tỉ mỹ kim) của các khách hàng giàu và được coi là ‘thần giữ của’ lớn nhất thế giới, đã cho biết: trong tam cá nguyệt I/2008 bị lỗ kỷ lục 12 tỉ francs suisses (gần 11,9 tỉ mỹ kim).

Tuy nhiên, giới phân tích tài chánh tin rằng: Do hoạt động thận trọng vững chắc và uy tín, nên dù bị mất tới 37,4 tỉ mỹ kim, UBS vẫn còn đứng vững nhờ các khoản dự phòng cho các rủi ro về tín dụng, về thị trường và do những bất trắc về nghiệp vụ. Thêm vào đó, Tập đoàn quản lý và đầu tư vốn quốc gia GIC của Singapore đã đầu tư 11 tỉ bằng mua 9% cổ phần của UBS.

Khi khủng hoảng ngân hàng và tài chánh xảy ra từ 2007, chính phủ liên bang Thụy sĩ đã thảo luận với Ngân hàng Quốc gia Thụy sĩ (Banque Nationale Suisse) để hỗ trợ UBS và Crédit Suisse, không cần tuyên bố khoe khoang. Ngoài ra, Ngân hàng Quốc gia Thụy sĩ cũng bán đi 300 tấn vàng dư thừa để làm việc xã hội (giúp người nghèo và thất nghiệp).

Chánh phủ Thụy sĩ bảo đảm cho người tiết kiệm và có hệ thống Ngân hàng tại mỗi Hạt (Banque Cantonale) để bảo đảm 100% số vốn cho những người ký thác tiền tại ngân hàng. Nhờ sự yên lặng đó, các ngân hàng Thụy sĩ tiếp tục thu tiền gửi của khách hàng khắp nơi.

Thụy sĩ là một quốc gia với 7 triệu dân, nhưng trung lập và ảnh hưởng quốc tế. Luật pháp minh bạch. Dân chủ trực tiếp từ dân (chỉ cần có 200.000 chữ ký, chính quyền Hạt phải tổ chức Trưng cầu Dân ý cho Dân bầu phiếu quyết định.

Thêm vào đó, Đồng francs suisses rất có giá trên thị trường tiền tệ thế giới và ngân hàng Thụy sĩ bảo đảm ‘hoàn toàn’ Bí mật ngân hàng (secret bancaire) của khách hàng.

B. LIÊN HIỆP ÂU CHÂU.

1. Chúng ta cần phân biệt:

a. Liên hiệp Âu châu (viết tắt: Liên Âu), hiện nay, bao gồm 27 quốc gia thành viên:

- Ngày 25.03.1957, Hiệp ước Rô-ma đã được ký kết giữa 6 quốc gia sáng lập Bỉ, Hòa-lan, Pháp, Ý-đại-lợi, Đức và Lục-xâm-bảo đã ký kết để thành lập Cộng đồng kinh tế Âu châu (Communauté économique européenne, viết tắt C.E.E), còn gọi là Thị trường chung Âu châu (Marché commun européen);
- và 21 quốc gia gia nhập: Anh-quốc, Ái-nhỉ-lan và Đan-mạch (gia nhập ngày 01.01.1973), Hy-lạp (01.01.1981), Bồ-đào-nha và TÂy-ban-nha (01.01.1986), Thụy-điển, Áo-quốc, Phần-lan (01.01.1995). Hung-gia-lợi, Lettonie, Lituanie, Estonie, Ba-lan, Cộng-hòa Tiệp (Slovaquie). Slovénie, Chypre, Cộng-hòa Séc (Tchèque) và Malte (01.05.2004), Bảo-gia-lợi và Lỗ–ma-ni (01.01.2007).

b. Khu vực EURO (Zone Euro)

Không phải tất cả 27 quốc gia thành viên Liên Âu đều là thành viên sử dụng đồng tiền ‘chung’ EURO. Khu vực Euro chỉ bao gồm 16 quốc gia: Bỉ, Hòa-lan, Pháp, Ý-đại-lợi, Đức, Lục-xâm-bảo, Ái-nhỉ-lan, Bồ-đào-nha, Tây-ban-nha, Áo-quốc, Phần-lan, (01.01.1999), Hy-lạp (01.01.2001), Slovénie (01.01.2007), Chypre (phần Hy-lạp) và Malte (01.01.2008), Cộng-hòa Tiệp (01.01.2009).

Bên cạnh những quốc gia này, Euro cũng được lưu hành tại các những quốc gia khác:
- Saint-Marin và Tòa Thánh Vatican, do có những thỏa hiệp để có những tiền giấy và kim loại riêng, tương đương giá với đồng lire Ý;
- Monnaco cũng có những thỏa hiệp với Pháp để sử dụng đồng franc Pháp.
Trái lại, Andorre đã dùng franc Pháp và pesata Tây-ban-nha khi euro ra đời, nhưng tạm thời chưa được phát hành những đồng kim loại riêng.

Ba quốc gia thành viên Liên Âu, dù hội đủ các điều kiện, không tham gia đồng tiền chung Euro là:
- Đan-mạch vì cử tri đã trả lời ‘không’ trong cuộc Trưng cầu dân ý tháng 09.2000;
- Thụy-điển từ chối tham gia vì người dân không chấp thuận qua Trưng cầu dân ý tháng 09.2003;
- Anh-quốc vì chánh phủ từ chối sau khi thấy các Thăm dò ý kiến cho thấy dư luận dân Anh chống lại sự gia nhập.

Liên hiệp Âu châu không phải là một liên bang như Hoa kỳ mà là một tập hợp các quốc gia có chủ quyền và có những quyền lợi khác nhau, nhưng không trái với những chỉ đạo (directives) của Liên Âu và Nhóm Euro (Eurogroupe) cùng Ngân hàng Trung ương Âu châu (BCE, Banque Centrale Européenne, tiếng Pháp, hay ECB, European Central Bank, tiếng Anh). Do đó, để đối phó với những khủng hoảng tài chánh và kinh tế, Liên Âu có những quyết định chung và các quốc gia thành viên có những biện pháp riêng cho nước mình.

2. Vài trường hợp đối phó với khủng hoảng tài chánh.

a. Anh-quốc. Ngày 17.02.2008, lần đầu tiên từ năm 1970, Tổng trưởng Tài chính Anh quốc đã tuyên bố quốc hữu hóa tạm thời ngân hàng Northern Rock, chuyên cấp tín dụng bất động sản, đang bên bờ phá sản vì mất nợ do subprimes từ Hoa kỳ. Nhà Nước chi 26 tỉ bảng Anh (livre sterling, tương đương 35 tỉ euros) với mục đích để bảo đảm các số tiền ký thác tại các ngân hàng này và cử ông Ron Sandler, cựu Tổng Giám đốc công ty bảo hiểm nổi tiếng Lloyd’s, điều khiển Northern Rock.

Sau đó, ngày 08.10.2008, Anh quốc phải quốc hữu hóa từng phần ngân hàng Bradford & Bingley với số tiền 50 tỉ bảng Anh (65 tỉ euros). Chánh phủ Anh cũng dành ra 52 tỉ bảng Anh (68 tỉ euros) để cấp vốn lưu động cho các ngân hàng Lloyds TSB, HSBC, Royal Bank of Scotland, Standard Chartered, Barclays.

b. Băng đảo (Islande, tiếng Pháp, và Iceland, tiếng Anh), một đảo quốc nhỏ ở Bắc Âu, với 300.000 dân, giàu hàng nhì trong vùng, sau Na-uy, là nước đầu tiên phá sản. Tổng số nợ của người dân Băng đảo tương đương 12 lần Tổng sản lượng nội địa (GDP, tiếng Anh và PIB, tiếng Pháp) của Băng đảo (đúng vậy, phải giàu có, người ta mới cho vay!).

Hai nguyên nhân đã đưa đến tình trạng nầy:

- chánh phủ quốc hữu hai ngân hàng Landsbanki (số 2 của Băng đảo) và Glitnir (số 3) vì thiếu thanh khoản do mất tiền vì subprimes;

- quốc tệ (đồng Króna) bị mất giá 45% đối với mỹ kim, so với trị giá 30 ngày trước đó.

Ngày 06.10.2008, chánh phủ tuyên bố bảo đảm các số tiền ký thác tại các ngân hàng Băng đảo và đang làm thủ tục vay tiền Quỹ Tiền tệ quốùc tế. Cùng lúc, Ngân hàng Quốc gia Băng đảo cho biết Liên bang Nga đồng ý cho Băng đảo vay 4 tỉ euro.

Mới đây, ngày 21.01.2009, những cuộc biểu tình chống khủng hoảng kinh tế kéo dài đưa đến tình trạng thất nghiệp tăng cao, khởi đầu từ bốn ngày trước, tại Reykjavik, đã trở nên bạo động khiến cảnh sát phải sự dụng lựu đạn cay để giải tán.

Đây là lần đầu tiên từ năm 1949 (đã 40 năm), cảnh sát phải dùng lựu đạn cay để giải tán. Cuộc biểu tình năm 1949 nhằm chống việc Băng Đảo định tham gia Minh ước Bắc đại tây dương (NATO). Do đó, đảo quốc này có thể phải tổ chức bầu cử Quốc hội trước kỳ hạn bình thường năm 2011.

c. Ngày 09.10.2008, trả lời phỏng vấn đài truyền hình France 2 (Pháp), ông Dominique Strauss-Kahn, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đã ước tính tổng số nợ xấu có thể lên đến khoảng 1.400 tỉ mỹ kim, phân nửa do các ngân hàng tại Hoa kỳ nắm giữ, phần còn lại nằm trong các ngân hàng ở Âu châu và một vài nơi khác (Trung quốc, Nhật bản…). Nhiều ngân hàng và cơ sở tài chính này có nguy cơ bị phá sản vì không còn phương tiện thanh toán, trong lúc chính các ngân hàng không còn tin tưởng lẫn nhau, không cho nhau vay mượn nữa, hoặc phải xin chính phủ cứu trợ. Bởi vậy, các chuyên gia phân tích tài chính cho rằng những biện pháp mà các chính phủ đưa ra vẫn chưa đủ.

d. Trong hai ngày 11 và 12.10.2008, các Tổng trưởng Tài chánh và Thống đốc các Ngân hàng Trung ương Nhóm G7 (Hoa kỳ, Anh, Pháp, Đức, Ý-đại-lợi, Canada và Nhật bản) đã tham dự phiên họp tại Bộ Ngân khố Mỹ, ở Washington (Hoa kỳ) và cam kết sẽ có những biện pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chánh.

Bộ trưởng Ngân khố Hoa kỳ, ông Henry Paulson, đề ra Hành động Cấp bách và Đặc biệt (Action Urgente et Exceptionnelle) gồm 5 điểm:

1/ Ngăn cản việc phá sản các ngân hàng và cơ quan tín dụng;
2/ Cung cấp phương tiện để các ngân hàng và cơ quan tín dụng có thêm vốn lưu động;
3/ Khuyến khích và tạo điều kiện để các ngân hàng và cơ quan tín dụng cho các công ty vay vốn;
4/ Bảo đảm an toàn cho những người tiết kiệm gửi tiền vào các ngân hàng;
5) Kiểm soát những khoản nợ nghi ngờ tại các ngân hàng và cơ quan tín dụng.

G7 cũng chấp nhận trong Hành động Cấp bách và Đặc biệt này việc quốc hữu hóa bán phần những ngân hàng và cơ quan tín dụng.

Trong khuôn khổ G7, Hoa kỳ là quốc gia, trong những năm qua, thường xuyên giảng các bài học về kinh tế tự do và việc quản trị điều hành tài chánh tốt. Lần này, Washington khó mà thuyết phục được các đối tác khác nghe theo. Do đó, tâm lý đang căng thẳng trên thị trường hiện nay, một sự bất đồng giữa các thành viên G7 sẽ càng làm cho cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng.

d. Ngày 04.10.2008, hội nghị thượng đỉnh bốn quốc gia Pháp, Đức, Ý và Anh quốc đã nhóm và thông qua những quyết định nhằm đối phó với khủng hoảng. Nhưng các vị đã không đồng thuận về một kế hoạch chung cho Liên Âu nhằm cứu nguy các ngân hàng, vì Thủ tướng Đức Angela Merkel không muốn bàn đến một kế hoạch như vậy và đề nghị mỗi nước cần đề ra những biện pháp riêng. Chính vì thế mà cuộc họp nói trên đã không thể giúp ngăn chận đà xuống dốc của các thị trường tài chính.

e. Ngày 12.10.2008, lãnh đạo các quốc gia trong khu vực Euro và Anh-quốc đã họp tại Paris nhằm thảo luận các biện pháp phối hợp để đối phó với khủng hoảng tài chính. Tham dự phiên họp, còn có sự hiện diện của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Âu châu, ông Jean-Claude Trichet, Chủ tịch Ủy ban Âu châu, ông José Manuel Barroso, và Trưởng Eurogroupe, ông Jean-Claude Juncker.

Các lãnh đạo nhóm Eurogroupe đã thỏa thuận Chương trình Cứu giúp các ngân hàng và hỗ trợ vốn lưu động để các ngân hàng có thể cho vay lẫn nhau (tín dụng liên ngân hàng, prêts interbancaires).

Các thành viên tham dự phiên họp đồng ý để các quốc gia trong khu vực đồng Euro củng cố tầm quan trọng số lượng vốn của các ngân hàng Âu châu, đưa một khối lượng lớn tiền mặt vào hệ thống ngân hàng, bảo đảm tiền ký thác và các khỏan nợ của những định chế tài chính. Nhưng mỗi nước tự do can thiệp vào từng trường hợp tùy theo nhu cầu, tùy mức cấp bách và theo những qui định riêng của mình, với điều kiện phải cho các đối tác biết trước khi can thiệp. Mỗi quốc gia phải lưu ý không để hành động cứu vớt của mình ở trong nước kéo theo những vụ phá sản của các ngân hàng nước khác.

Còn số phận những ngân hàng có khối lượng họat động lớn tại nhiều nước cũng sẽ được các nước liên quan cùng ấn định. Phản ứng của các quốc gia như vậy sẽ được hài hòa trong phạm vi khu vực Euro, tuy nhiên được điều tiết tùy theo từng nước.

Các lãnh đạo này hứa bỏ chung vào quỹ Chương trình như sau:
- Đức quốc: 480 tỉ Euro;
- Anh quốc: 380 tỉ Euro;
- Pháp quốc: 360 tỉ Euro;
- Hòa-lan: 200 tỉ Euro;
- TÂy-ban-nha: 100 tỉ Euro;
- Ý-đại-lợi: 40 tỉ Euro;
- Bồ-đào-nha: 20 tỉ Euro.

(Còn tiếp)

Hà-Minh Thảo
 
Văn Hóa
Lời Chúc Năm Mới Kỷ Sửu: Sức khỏe !
LM. Nguyễn Hữu Thy
15:38 24/01/2009
Lời Chúc Năm Mới Kỷ Sửu: Sức khỏe !

Đối với cuộc sống con người nói chung - dù thuộc đấng bậc, giai cấp, địa vị hay tuổi tác nào đi nữa - sức khỏe luôn luôn là một điều tối quan trọng và tối cần thiết. Có sức khỏe là có tất cả. Không có sức khỏe thì tất cả kể như mất hết giá trị. Bởi vậy, ai ai cũng đều mong muốn có sức khỏe, đều ước ao luôn được sống khỏe mạnh an vui. Đó cũng là lý do tại sao những người thân quen bạn bè mỗi khi gặp gỡ nhau, nhất là sau một thời gian xa vắng lâu, câu hỏi đầu tiên bao giờ cũng là: Anh/chị có khỏe không? How are you? Comment vas-tu? Wie geht’s Dir? Vì thế, người ta thường chúc cho nhau sức khỏe, nhất là vào dịp đầu Xuân Năm Mới.

Nhưng mong muốn có sức khỏe và ước ao được sống khỏe mạnh mà thôi thì hoàn toàn chưa đủ. Để có sức khỏe và để luôn được sống khỏe mạnh, người ta còn phải luôn luôn biết chăm lo, giữ gìn và trau dồi sức khỏe.

Vì thế, sau đây tôi xin được phép gửi tới quý vị và các bạn những đề nghị sau đây trong việc bảo vệ và trau dồi sức khỏe mà tôi đã nhận được từ một người bạn.

I – Sức khỏe:

Tổ chức y tế thế giới định nghĩa: Sức khỏe là một tình trạng thoải mái hoàn toàn về thể chất và hoàn cảnh, chứ không phải là một tình trạng không có bệnh tật hay tàn tật.

II – Bí quyết trường thọ:

1. Chấp nhận: với những gì mình đang có.
2. Thích nghi: với hoàn cảnh của mình.
3. Điều chỉnh: để đạt được điều mong muốn.

III ­– Phòng ngừa bệnh tật:

1. Không vui quá = hại tim.
2. Không buồn quá = hại phổi.
3. Không tức quá = hại gan.
4. Không sợ quá = hại thần kinh.
5. Không suy nghĩ quá = hại tỳ.
- Xua tan hoài niệm cay đắng bằng tha thứ và lẵng quên.
- Với người cao tuổi tránh tranh luận hơn thua.

VI – Thức ăn uống hằng ngày:

- Một củ hành: chống ung thư.
- Một quả cà chua: chống tăng huyết áp.
- Một lát gừng: chống viêm nhiễm.
- Một củ khoai tây: chống sơ vữa động mạch.
- Một quả chuối: làm phấn chấn thần kinh, giảm bớt lo âu, chẳng táo bón, giảm béo.
- Một quả trứng hay ít thịt nạc: chống suy dinh dưỡng.
- Uống một đến hai lít nước mỗi ngày: giải độc cơ thể.

V –Triết lý người Trung Hoa hiện tại:

1. Trung tâm là sức khỏe.
2. Hai tí: một tí thoải mái - một tí nhiệt tình.
3. Ba quên: quên tuổi tác – quên bệnh tật – quên hận thù. .
4. Bốn có: có nhà ở - có bạn đời – có bạn tri âm – có lòng vị tha.
5. Năm phải: phải vận động – phải biết cười – phải lịch sự hòa nhã – phải biết nói chuyện và phải coi mình là người bình thường.

Nguyện xin Thiên Chúa chúc phúc cho quý vị và các bạn trong ngày Đầu Xuân và trong suốt Năm Mới Kỷ Sửu. Và chúc quý vị và các bạn thành công trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của mình.
 
Con Trâu trong đời sống
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
15:50 24/01/2009
Hình ảnh con Trâu kéo cày bừa trên ruộng đồng trồng lúa, hay con trâu đứng nằm gặm nhai cỏ trên bãi cỏ, cùng đầm mình trong vũng ao hồ nước là hình ảnh quen thuộc, gợi lên cảm gíac thị vị thanh bình vùng miền quê bên các nước Á châu, nhất là miền quê Việt Nam.

1. Con Trâu loài động vật có sức dẻo dai

Trâu là loài động vật có bốn chân, da đen bóng với làn lông thưa thớt– ít có con trâu nào da mầu trắng hay vàng - Trâu thân hình cao lớn, đôi mắt to lớn, da dầy rắn chắc, có đuôi dài ngoe nguẩy đuổi ruồi muỗi côn trùng, đầu có mõm dài, phía trên đôi vành tai to vểnh ra bên ngoài là cặp sừng cứng khô, mỗi sừng uốn thành hình vòng cung như hình mặt trăng lưỡi liềm tạo nét cân đối gần như vòng tròn cho hình dạng của Trâu. Những chi tiết này tạo nên vẻ uy nghiêm chững chạc cho Trâu.

Bề ngoài xem ra Trâu cứng nhắc, không có gì hấp dẫn. Nhưng Trâu là loài động vật sống thanh đạm đơn giản, chỉ uống nước lạnh, nước lã ở vũng ao hồ. Thực phẩm của Trâu là cỏ rơm tươi hoặc khô. Trâu có sức khoẻ dẻo dai chịu đựng bền bỉ, kéo chở đồ nặng, chăm chỉ làm việc lao động nặng nhọc, cùng xem ra tính khí hài hòa thong thả. Khi Trâu nằm nghỉ mắt nhắm mơ màng mang nét vẻ bình an vô tư lự. Trâu không nói được nhưng lại biết tuân nghe theo sự hướng dẫn hò hét của người điều khiển.

Tính tình của Trâu lầm lì rất ít khi kêu rống, chỉ phì hà hơi to thôi.Thịt Trâu, nhất là Trâu còn non trẻ - thường gọi là nghé -, ngon không thua kém gì thịt bò.

Nguyên điểm này cũng phát tỏa ra nơi Trâu vẻ đẹp tích cực ẩn kín thâm trầm nhiều rồi.

Nhưng khi lên cơn lôi đình nổi giận, Trâu cũng rất bướng bỉnh cứng nhắc, rồi đôi khi còn tìm cách trả thù dùng cặp sừng húc quăng hất lên cao xa nữa. Vì thế tính tình thâm trầm của Trâu đôi khi cũng nham hiểm không thể tính lường trước được cho người nuôi chăn Trâu.

2. Hình ảnh con Trâu trong sử sách huyền thoại

Theo tương truyền bên xứ đất nước Hy Lạp và những đất nước vùng Đông Nam châu Á, Trâu là con vật thánh thiêng dùng vào việc lễ tế thần thánh.

Có bức tranh vẽ nhà hiền triết Lão Tử cỡi Trâu xuyên khắp cánh đồng đi về hướng Tây. Hình ảnh này diễn tả triết lý sống thanh bình, nhưng cũng đầy lòng thao thức của người khôn ngoan đi tìm chân lý từ Đông sang Tây.

Người chăn nuôi Trâu, giống như những người mục đồng chăn Chiên Cừu Dê bên vùng Trung Đông hay bên Âu châu, Mỹ châu, thường bị nhìn bằng con mắt coi thường. Vì cuộc sống lam lũ của họ quanh năm ngày tháng chỉ sống với đàn súc vật, hầu như cách biệt xa vời với đời sống văn minh phát triển ngoài xã hội. Nhưng trái lại, trong văn chương bình dân của Việt Nam có câu hát hò của chú bé chăn Trâu:“ Ai bảo chăn Trâu là khổ? Chăn Trâu sướng lắm chứ ơi!“, nói lên nét đẹp thi vị thanh thản cùng bằng lòng thỏa mãn của người chăm sóc nuôi Trâu nhai gặm cỏ ngoài đồng. Phải chăng đó không là một cung cách thấm nhuần triết lý sống sao?

Theo tương truyền từ thời Vua Hùng dựng nước Việt Nam, con Trâu góp phần xây dựng căn bản cho nền văn minh nông nghiệp trồng cấy lúa mạ. Và đó cũng là hình ảnh ăn sâu vào đời sống trong dân gian ViệtNam miền thôn quê đồng ruộng:

„ Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,
Chồng cày vợ cấy con Trâu đi bừa!“


Hình ảnh này từ cuối thế thể kỷ 20. càng ngày chỉ còn là bức tranh nếp sống của thời qúa khứ, hay là trong văn chương thôi. Vì đời sống xã hội Việt Nam đang trên đà phát triển công nghiệp hóa ngành nông nghiệp với đủ lọai máy móc thay thế cho người lao động vất vả trên ruộng đồng, thay cho con Trâu đi cày bừa, kéo cộ lúa.

Theo huyền sử ngày xưa anh hùng Đinh Bộ Lĩnh thuở còn bé đã cùng đám trẻ chăn Trâu trong vùng Hoa Lư cưỡi Trâu rước cờ lau tập trận. Sau này Ông là người đã dẹp loạn 12 sứ quân và xây dựng nên triều đại nhà Đinh năm 968.

3. Con Trâu trong tục ngữ, ca dao

Trong Tục ngữ ca dao Việt Nam hình ảnh con Trâu đi đôi với đời sống hằng ngày của con người:

“Con trâu là đầu cơ nghiệp
Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà
Trong ba việc ấy ắt là khó thay.”


Nó cũng là hình ảnh nói lên sự sung túc, thành công của nhà nông: „Ruộng sâu, trâu nái“

Ở vùng miền nông thôn, công việc chăn Trâu ăn cỏ thường là việc của các trẻ em trai. Vì thế con Trâu và em bé chăn Trâu gắn bó thân thiết với nhau: chăn gần gũi với trâu, vui đùa với trâu, tắm trâu, phơi áo trên lưng trâu, thả diều

"Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta,
Cấy cày nối nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy ai mà quản công.“


4. Con Trâu trong niên lịch dân gian

Theo cách phân chia thời gian năm tháng bên vùng Á châu chịu ảnh hưởng văn hóa Trung hoa thời xưa, con Trâu cũng là một biểu tượng cho một năm. Một năm có 12 tháng. Một vòng chu kỳ năm âm lịch bao gồm 12 năm. Mỗi năm âm lịch có tên của một con thú vật: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.

Con Trâu đứng hàng thứ hai trong vòng chu kỳ 12 năm âm lịch. Năm nay bắt đầu từ ngày Mồng Một tháng Giêng âm lịch theo mặt trăng, trùng vào ngày 26.01.2009 năm Dương lịch theo mặt trời, là năm của con Trâu: Kỷ Sửu.

Phải chăng những ai sinh ra đời nhằm vào năm con Trâu có đời sống vất vả, phải nhẫn nhục chịu đựng như con Trâu phải lam lũ đi cày ruộng?

Điều này không ai có thể qủa quyết được.

Và phải chăng năm con Trâu có những đặc thái tính tốt của loài thú vật như trầm lặng, hiền hòa, thuần thục nghe lời,trong đời sống xã hội con người?
Điều này cũng không có gì làm bằng chứng xác định được.

Cùng năm con Trâu cũng bị ảnh hưởng xảy ra những biến cố bất thường, như khi Trâu nổi cơn lôi đình thành ra hung hăng cứng nhắc bướng bỉnh trong cuộc sống xã hội?

Điều này cũng không thể dựa vào đó nói được đúng hay sai.

Cách tính phân chia đặt tên cho mỗi năm với một con vật, mang ảnh hưởng nhiều của nền văn hóa phong tục đời sống, và cũng ẩn hiện điều tin bình dân thôi. Nó cũng tiềm tàng mang chút tính chất huyền bí đoán vận mạng cung số tử vi của con người thôi.

5. Con Trâu trong Kinh Thánh Công giáo

Trong Kinh Thánh không nói đến tên con Trâu. Có lẽ ở vùng Trung Đông không có loài thú vật hình dạng giống Trâu như bên Á châu.

Nhưng theo khoa học ngành động vật học Trâu Bò là loài thú vật cùng chủng loại: “Trâu là một loài động vật thuộc họ Trâu bò (Bovidae). Chúng sống hoang dã ở Nam Á (Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Bhutan) và Đông Nam Á. Ngoài ra trâu cũng sống hoang dã ở phía bắc Úc. Tuy trâu rừng vẫn còn tồn tại trong thiên nhiên nhưng số lượng trâu hoang dã không còn nhiều. Giới khoa học lo rằng trâu rừng hoang dã thuần chủng không còn tồn tại nữa. Riêng tại Việt Nam số lượng trâu rừng còn rất ít, chủ yếu phân bố dọc dãy Trường Sơn, trong đó có khu vực miền tây Thanh Hóa giáp với Lào. Nhiều đàn trâu đã được thuần dưỡng và lai với trâu nhà. Trâu có 2 loại: loại màu da xanh đen (trâu đen) và loại màu da sáng hồng (trâu trắng).“ ( Theo Wikipedia: chữ Con Trâu).

Nếu Trâu Bò cùng thuộc một chủng họ Bovidae, tuy chúng có khác biệt nhau nhiều, thì Trâu cũng có chỗ đứng, nói cách khác nó cũng đựơc nói đến trong Kinh Thánh với tên Bò.

Trong hang đá ngày lễ giáng sinh hình tượng các con thú vật đứng nằm chung quang hài nhi Giêsu được dựng bày chung quanh luôn luôn có một hai con Bò. Vì theo Kinh Thánh thuật lại, Chúa Giêsu giáng sinh làm người trong chuồng súc vật giữa cánh đồng Bethlehem ( Lc 2, 1-20). Như thế con Trâu Bò cũng như con Cừu, con Lừa là „nhân“ chứng mắt thấy tai nghe lúc Chúa Giêsu sinh ra làm người khi xưa!

Sau này đi rao gỉang nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu cũng nói đến hình ảnh con Bò: „ Thế ngày Sabát, ai trong các ngươi lại không cởi dây dắt Bò lừa rời máng cỏ đi uống nước“ ( Lc 13,15).

Trong sách Khải Huyền của Thánh Gioan nói đến hình con vật thứ hai giống như con Bò có cánh dương rộng ra đang đứng bên ngai Thiên Chúa ngày đêm hát ca tụng Người. (KH 4,7-8).

* * * *

Thế giới đang lâm vào cơn khủng hoảng ngân hàng tiền tệ từ hồi tháng Mười 2008 năm Mậu Tý, cùng kéo theo hậu qủa không mấy tốt thuận lợi, khiến nền kinh tế thế giới bị trì trệ.

Đời sống hầu như lúc nào cũng trôi nổi trong những biến chuyển tiêu cực nhiều hơn tích cực từ trong gia đình ra ngoài xã hội.

Nhất là đời sống tinh thần đạo giáo cùng nền luân lý như lu mờ trong làn sương mù che khuất tầm nhìn của con mắt tinh thần.

Có lẽ gương tính tình chất khí của con Trâu về chăm chỉ, bền bỉ cùng sống đơn giản làm việc là phương cách sống giúp có bình an, cùng tìm thấy con đường ra khỏi làn sương mù khi gặp khó khăn khủng hoảng!

Chúc mừng Năm Mới Kỷ Sửu!

 
Chuyện con trâu và giáo xứ Langbiang, Đà Lạt
LM. Giuse Nguyễn Hữu An
23:46 24/01/2009

CHUYỆN CON TRÂU VÀ GIÁO XỨ LANGBIANG



Đến Đà lạt mà không lên núi cao Langbiang thì rất đáng tiếc. Langbiang có nhiều hoang sơ dân dã hấp dẫn du khách đến lạ lùng.

Tôi cùng lớp Học viện MTG Nha Trang đến Langbiang khi trời còn sớm. Đà Lạt đang chìm trong sương mù. Đồi núi chập chùng thấp thoáng những căn nhà khuất sau những vườn xanh ngút mắt. Sương long lanh trên từng cành cây ngọn cỏ,nhẹ nhàng rung theo gió.Khí trời se lạnh đủ làm nên nét thơ mộng của thành phố du lịch.

Ra khỏi thành phố, gió lùa qua cửa thổi vào dịu mát. Xe chạy chậm để ngắm cảnh núi rừng. Hoang vu và bình an. Vắng lặng nhưng êm đềm qua những đồi thông, trải dài những vườn hoa muôn màu. Lên núi, chúng tôi thăm Nhà Thờ Langbiang. Tìm hiểu văn hóa Dân Tộc K’ Ho, rất nhiều lôi cuốn. Nhà thờ gỗ đã xuống cấp, mang vẻ đẹp mưa nắng thiên nhiên, bình yên nét cổ kính. Bầu trời nơi đây như lời kinh chiều dâng lên cao với niềm tin tha thiết.

Langbiang là một giáo xứ Dân Tộc lớn nhất của giáo phận Đà lạt. Giáo dân đông và địa bàn rộng. Bà con sống rải rác trong 6 xã của huyện Lạc Dương: Xã Lát, Đạ Sa, Đạ Chay, Đạ Tong,Đạ Long và Đamron. Có khoảng 12.000 giáo dân trên 20.000 dân mà đa số là người Dân Tộc K’ Ho Lạch. Có thể nói Labiang là giáo xứ Dân Tộc đầu tàu của Giáo phận.Anh chị em Dân tộc và cách riêng giáo xứ Langbiang chiếm một chỗ rất đặc biệt trong trái tim Đức Giám Mục Đà Lạt. Bởi thế, khi chúng tôi vào Toà Giám Mục tham quan thì Đức Cha Phêrô liền giới thiệu và muốn chúng tôi thăm Langbiang.

Cổng Nhà thờ rộng mở.Cha Xứ, Cha Phó và đông đảo anh chị em Dân Tộc hân hoan đón chào. Vừa xuống xe,chúng tôi vào Nhà Thờ viếng Chúa.Hình ảnh nổi bật trên cung thánh là cây nêu cao đến khoảng 6 mét dựng bên Tòa giảng dưới cây Thánh giá. Đầu trâu với đôi sừng cong vút ôm lấy gốc cây nêu. Tôi chợt nhớ đến câu Thánh vịnh:

Ngài cho con ngẩng đầu hãnh diện,

tựa như trâu ngạo nghễ giương sừng,

thân con, Ngài xức dầu thơm mát (Tv 92,11).

Ai cũng ngạc nhiên muốn tìm hiểu. Cha Xứ và Cha Phó tận tình giải thích những nét văn hóa độc đáo của người Dân Tộc K’Ho. Theo truyền thống từ xa xưa của người Dân Tộc thì Cây Nêu được dựng lên ở đâu thì ở đó có lễ hội tế trâu,ai cũng có thể đến dự và ăn tiệc. Cây nêu, con trâu và lễ hội đã đi vào truyền thống văn hóa của họ. Nhìn chung, đồng bào K’Ho có 3 lễ hội lớn là Tạ Ơn Thần Lúa,Chuộc Tội và Hòa Giải.

1. Tạ ơn Thần Lúa.

cha xứ giải thích
Người Dân tộc tỉa lúa trên nương rẫy,giống lúa dài ngày,một năm một vụ.Năng suất chỉ 1 tấn trên 1 hecta.Năm nào được mùa cũng chỉ 1,2 tấn,năm mất mùa còn 5 đến 6 tạ. Dù được hay mất mùa, họ đều tạ ơn thần lúa và cầu xin cho năm sau được nhiều thóc gạo hơn, có cái ăn cái để. Họ dựng lên cây nêu, tổ chức lễ hội giết trâu và cả làng ăn tiệc. 2. Tế trâu chuộc tội.

Đối với người Dân Tộc sống vùng cao,băng rừng lội suối,leo núi, làm nương rẫy.Họ khoẻ mạnh,bàn tay chai sần,bàn chân đi rừng không cần giày dép,nước da đen sạm càng tạo cho họ dáng vẻ rắn chắc.Tuy vậy họ cũng nhiễm vi trùng,vi rút,cũng lắm thứ bệnh tật.Đối với họ bị bệnh là do con ma bắt,do một vị thần muốn ăn người đó nên sinh ra bệnh.Các thầy lang,thầy bùa là “bác sĩ” chữa bá bệnh.Khi gia đình có người đau ốm,họ mời thầy lang đến.Sau một hồi “chần đoán”, thầy phán:bệnh nhân do con ma bắt,để hết bệnh phải tế trâu.Thầy bảo mấy trâu thì gia đình phải tế đủ lễ.Cây nêu được dựng nên,trâu bị giết,thầy lang cầu xin con ma hay vị thần đừng có ăn người bệnh mà qua ăn trâu.Con trâu tế thần, gánh lấy bệnh tật khổ đau của con người.

Lễ đâm trâu tế thần, ai đã xem qua sẽ thấy kinh hãi.

Kling tù, kling tù, kling tù… ling ling tù… Tiếng kèn trầm bổng xoáy sâu vào màn sương lạnh lẽo của rừng núi trong buổi chiều tà. Loại nhạc cụ này chỉ dùng trong lễ đâm trâu để gọi thần linh, ngoài ra không được phép dùng trong dịp nào khác.

Lễ đâm trâu là một tập tục lâu đời của các dân tộc ở Tây Nguyên. Con trâu sẽ là vật hiến tế để cầu thần phù hộ cho buôn làng được khỏe mạnh, ấm no, để mừng ngày mùa hay để mừng chiến thắng. Người Gia Rai gọi lễ đâm trâu là mnăm thu, người Bà Na gọi là xtrăng, người Lạch gọi là sa rơpu… Ở mỗi dân tộc, các nghi thức phụ của lễ hội có phần khác nhau nhưng đâm trâu vẫn là tiết mục linh đình của lễ hội.

Nghe tiếng nhạc, già trẻ trai gái rộn ràng gọi nhau đi về phía khu nhà rông, trung tâm của lễ hội. Trên bãi đất trống ở dưới sân, hai đội thanh niên nam nữ xếp hàng một đối diện nhau. Những chàng trai trong đội cồng chiêng mặc áo ló, đóng khố. Các cô gái trong đội múa mặc áo phia, váy kơteh dệt bằng thổ cẩm. Đó là lễ phục truyền thống khá đắt tiền. Giữa quảng trường có dựng một cây cột cao, ngọn cột được trang trí bằng hoa lá rừng, cờ, phướn và những lục lạc tre gọi là cù nan. Trên đỉnh cột thường gắn một con chim phượng hoàng làm bằng gỗ, chạm trỗ hoa văn tỉ mỉ. Cây cột này tương tự cây nêu của người Kinh, người Êđê gọi là blang kbâo. Một con trâu to khỏe đã được buộc sẵn vào cột bằng sợi dây rừng mềm dẻo nhưng rất bền chắc. Sợi dây này được buộc lỏng quanh cổ trâu chứ không xỏ vào mũi như khi dắt trâu đi làm đồng. Con trâu nhìn đám đông vây quanh với đôi mắt lo sợ, linh cảm điều chẳng lành. Nhưng điều chẳng lành ấy chưa đến ngay. Đám đông còn nhiều việc phải làm như ca múa, đấu võ, kể khan và ăn uống suốt đêm. Đến sáng lễ đâm trâu mới bắt đầu.

Kling tù, kling tù… rụp thì thụp, thụp thì thụp, rụp thì thụp rụp kala rụp…

Dứt hồi nhạc và các nghi thức cúng bái, người chủ tế là ông riu yàng cầm cây giáo hình mũi mác đến gần con trâu, bất thình lình đâm một nhát vào đùi trước rồi quay về chỗ ngồi. Đây chỉ là một cú đâm tượng trưng để mở màn. Tuy vậy con trâu cũng đau điếng, nhảy dựng lên, máu chảy ròng ròng.

Tiếng nhạc cồng chiêng lại tưng bừng nổi lên. Một đội hành quyết gồm 4 chàng trai bước vào quảng trường. Hai người cầm mã tấu đứng yên một chỗ. Hai người cầm lao nhọn, vừa nhún nhảy theo tiếng nhạc vừa dứ dứ ngọn lao làm như thử muốn đâm con trâu. Trâu sợ hãi chạy vòng vòng cột. Nhưng những chàng “Đam San” này chưa vội ra tay. Họ chờ cho bước chân nhún nhảy và tiếng nhạc kết hợp thật nhịp nhàng.

Rụp thì thụp rụp kala rụp! Đúng vào nốt nhạc mạnh kala rụp, khi những bàn tay của các chàng trai đấm vào vú chiêng và khi bàn tay của các cô gái trong đội múa xòe ra, một ngọn lao chí tử phóng tới đâm vào sườn trâu, chỗ dưới vai bên trái.

Nếu là nhát đâm của tay chuyên nghiệp mũi lao sẽ trúng ngay tim con vật. Trâu sẽ khựng lại, run lẩy bẩy rồi ngã lăn kềnh ra chết liền. Nếu gặp tay mơ đâm không trúng tim, trâu sẽ lồng lên dữ dội khiến đám đông hoảng sợ. Liền khi đó, hai người cầm mã tấu sẽ tiến lên, một người chém một nhát vào cổ, một người chém một nhát vào cột xương sống phía đuôi. Hai nhát chém ấy làm trâu gãy thành ba khúc. Đây là cảnh cực sốc.

Nhà thờ Langbiang
Sau đó các dũng sĩ đâm trâu rút lui nhường chỗ cho một nhóm khác, kẻ hứng máu, người phân thây xẻ thịt.

Đối với đồng bào Tây Nguyên, lễ đâm trâu mang ý nghĩa thiêng liêng của cuộc tế thần. Các nhà dân tộc học người Kinh thì xếp vào loại lễ hội văn hóa. Các nhà làm phim truyện, phim tài liệu, các tua du lịch cũng thường yêu cầu tổ chức lễ đâm trâu để tìm cảm giác mạnh. Tôi cũng đã vài lần chứng kiến lễ đâm trâu và đã thấy quá hãi hùng, tàn bạo. Hằng ngày trong các lò sát sinh, trâu bò heo gà cũng bị giết nhiều hơn gấp bội nhưng không ai cho rằng đây là hành động văn hóa. Bởi vì đã gọi là văn hóa, văn minh thì không thể đồng hành để tìm thú vui với cái ác. Có một người đã nhận ra điều này rất sớm. Đó là ông Tề Tuyên Vương thời Xuân Thu Chiến Quốc (TK V trước CN). Thuở ấy dân nước Tề có tục giết trâu lấy máu để làm lễ bôi chuông cúng tế. Một lần vua được mời đến dự lễ, thấy bất nhẫn quá bèn hạ lệnh bãi bỏ tục lệ ấy (theo Hoàng Phủ Ngọc Phan).

Con trâu còn là sính lễ để thiếu nữ “bắt chồng”. Giá của chồng được lượng định theo số mấy con trâu…

3. Hoà giải

Sống ở đời ai lại không một lần lầm lỗi với hàng xóm láng giềng. Người Dân Tộc cũng ý thức về lỗi lầm bản thân đã gây ra cho bà con chòm xóm.Bởi vậy trong đời người,thường là khi tuổi đời đã cao, họ dựng cây nêu,giết trâu mời
Trong nhà thờ Langbiang
bà con đến ăn tiệc xem như là xin hoà giải với mọi người,mọi lỗi lầm bỏ qua hết cho nhau.Ai đã ăn thịt trâu của gia chủ là chấp nhận xoá hết những xích mích,những oán hờn. Từ nay những thù hận không còn,tha thứ hết và lại sống an hoà với nhau.Thường những người có dư tí chút mới tổ chức lễ hoà giải này. Bởi đó có người 60 tuổi đã tổ chức,có người đến 80.Có người quá nghèo không có trâu thì sau khi chết con cháu sẽ tế trâu mời làng xóm đến xin hoà giải cho cha hay ông của mình. Bao thế hệ đã qua đi,người Dân tộc sống với nền văn hóa ấy, cây nêu,tế trâu và ăn tiệc.

4. Tin mừng đến với vùng núi cao.

Các vị Thừa Sai đến cao nguyên để truyền giáo. Sống với anh em Dân Tộc, các ngài hội nhập vào nền văn hoá truyền thống của họ. Thao thức của nhà truyền giáo là làm thế nào để họ biết Chúa Giêsu,họ hiểu Chúa Giêsu và tin vào Ngài? Qua dòng thời gian lâu dài cùng sống,tìm hiểu đời sống, các vị Thừa Sai đã hội nhập văn hóa của họ rồi làm cho Tin mừng sáng lên.

Chẳng có thần nào cả. Chẳng có thần lúa, không có thần rừng và thần lửa là huyền thoại.Chỉ có Thiên Chúa là Đấng ban cho con người tất cả,mưa nắng,nương rẫy,mùa màng,sức khỏe,con cái. Thiên Chúa dựng nên muôn loài. Ngài ban cho con người mọi sinh vật trên mặt đất như là quà tặng. Bông hoa cho hương sắc,bầy ong nuôi mật ngọt,dòng sông tuôn dòng nước mát,chim chóc muông thú. Tất cả là quà tặng cho con người hưởng dùng…Thiên Chúa yêu thương con người nhiều lắm, yêu như cha mẹ yêu thương chăm lo cho con cái.

Khi bị bệnh chẳng phải do con ma nào bắt cả.Phải khám bệnh,phải uống mới lành bệnh. Các bác sĩ,y sĩ được mời đến giúp khám và chữa bệnh và tập cho họ có thói quen uống thuốc khi mắc bệnh.

Dần dà, từng bước một, các nhà truyền giáo đã nói về Chúa Giêsu,nói về Đạo, bằng hình ảnh gần gũi đời thường, dễ hiểu, dễ nhớ.Dưới tác động của đặc sủng,với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, anh em Dân Tộc hiểu và tin vào Chúa Giêsu.Họ bỏ hết các hủ tục. Họ loại dần các mê tín dị đoan. Từ đó, họ sống niềm tin đơn sơ chân thành vào Thiên Chúa.

Đồng bào Dân tộc là đối tượng ưu tiên cho công cuộc truyền giáo.Năm 1927,Đức Cha Jean Cassaigne được cử lên Di linh truyền giáo.Nhờ Ngài mà nhiều người Dân tộc được biết về Chúa,biết về đạo và nhiều người cùi được chăm sóc.Trong thập niên 50,các Cha Dòng Chúa Cứu Thế đặt cơ sở truyền giáo ở Phú Sơn,giúp cho nhiều người Dân tộc vào đạo.Giáo phận Đà lạt có nhiều linh mục làm nhiệm vụ duy nhất là truyền giáo cho người Dân tộc.Rồi các Cha thuộc Hội Thừa sai Paris,các Cha thuộc Tu hội Thánh Vinh Sơn,các linh mục giáo phận,các Nữ tu thuộc nhiều hội dòng dấn thân vào hoạt động này.Lúc giáo phận được thành lập,mới chỉ có 1.547 người Dân tộc theo Đạo Công Giáo.Mười năm sau con số đó lên tới 7.142 người trên tổng số gần 100.000 người Dân tộc.Hiện nay số giáo dân Dân tộc trên dưới 65.000 người trên tổng số khoảng 150.000 người Dân tộc.Công cuộc truyền giáo cho người Dân tộc luôn phát triển, số người vào đạo không ngừng gia tăng.Ngay trong ngày được tấn phong,Đức giám mục đương kim đã nói lên hai mối quan tâm mục vụ ưu tiên của Ngài mà một trong hai là đồng bào Dân tộc.Mối quan tâm ấy đã được thể hiện ngay từ những ngày đầu làm Giám mục, nhất là từ khi lãnh đạo giáo phận,qua những cuộc thăm viếng,những kế hoạch thăng tiến đồng bào Dân tộc cả về tôn giáo lẫn văn hóa,những cuộc hội họp thường xuyên của các linh mục phụ trách,những sự giúp đỡ cụ thể,những vận động để có được giáo sĩ và tu sĩ người Dân tộc. Trong chiều hướng truyền giáo và phát triển văn hóa người dân tộc,có hai công trình rất đặc biệt.Đó là công trình dịch thuật và công trình bảo tồn chứng tích văn minh.Công trình dịch thuật do một số cha phụ trách đồng bào Dân tộc thực hiện như dịch Thánh kinh trọn bộ,dịch kinh lễ và nghi thức bí tích sang tiếng K’ Ho,biên soạn tự điển,sáng tác thánh ca hát trong phụng vụ.Công trình bảo tồn chứng tích văn minh do chính Đức cha Phêrô đề xướng như thu góp các dụng cụ sinh hoạt đủ loại,những sách vở và hình ảnh về đồng bào Dân tộc. Tất cả được sắp xếp thứ tự trong phòng truyền thống khang trang rộng rãi ở Tòa Giám Mục. Cha Phạm Minh Thanh cựu quản xứ Langbiang, cha phó Khánh… là những tông đồ nhiệt thành truyền giáo cho đồng bào Dân tộc. các ngài luôn ao ước và trăn trở viếng thăm mục vụ anh chị em giáo dân thuộc giáo xứ ở những vùng xa như Đã Tong, Đamron… nhưng còn quá nhiều trắc trở. Có một người theo Đạo,đó hạnh phúc của người truyền giáo. Ai cũng có bổn phận gieo hạt giống Tin mừng trong môi trường mình đang sống. Thiên Chúa sẽ cho mọc lên và sinh hoa kết trái.

Có dịp du lịch Đà lạt, ghé thăm Langbiang, bạn sẽ đón nhận nhiều điều bất ngờ và thú vị.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Đóa Mai Xuân
Bro. Phạm Ngọc Thạch, cmc.
06:07 24/01/2009

ĐÓA MAI XUÂN



Ảnh của Bro. Phạm Ngọc Thạch CMC, Carthage, MO.

Ước gì em hóa ra tranh

Anh hóa ra bút vẽ cành hoa mai.

(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền