Ngày 24-01-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chỉ cần một kẽ hở
Lm. Minh Anh
00:14 24/01/2022

CHỈ CẦN MỘT KẼ HỞ

“Ai nào nói phạm đến Chúa Thánh Thần, sẽ muôn đời không bao giờ được tha!”.

William A. Ward nói, “Xét cho cùng, tha thứ là một điều buồn cười! Nó làm ấm trái tim và làm dịu vết đau. Bởi lẽ, sai lầm là của con người, tha thứ là của Thiên Chúa; không cần bàn cãi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Tha thứ là của Thiên Chúa; không cần bàn cãi!”, đúng như William A. Ward nói. Vậy mà trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lại nói đến một thứ tội muôn đời không bao giờ được tha. Có thứ tội đó thật không? Câu trả lời là vừa có, lại vừa không! ‘Có’, khi con người khoá chặt lòng mình trước một Vị Thiên Chúa hết sức tôn trọng nó; và ‘không’, khi trái tim nó ‘chỉ cần một kẽ hở’ dù nhỏ đến đâu, vẫn đủ cho Thiên Chúa thổi vào đó lòng thương xót và sự tha thứ của Ngài!

Sở dĩ Chúa Giêsu tuyên bố “Ai nào nói phạm đến Chúa Thánh Thần, sẽ muôn đời không bao giờ được tha!”, vì sau khi Ngài trừ quỷ, các luật sĩ cho rằng, Ngài dùng sức mạnh của quỷ vương Bêelzêbul để trừ quỷ. Thật khó để tưởng tượng một đánh giá sai lầm hơn về Chúa Giêsu khi ai đó cho rằng, thần lực đang hoạt động trong thánh chức của Ngài là thần lực của Satan, đang khi thực tế, đó là thần lực của Chúa Thánh Thần. Như thế, tội không bao giờ được tha này sẽ là ‘có’! Không phải Thiên Chúa, Đấng hoạt động trong Chúa Giêsu, không muốn tha thứ mọi tội lỗi, nhưng đúng hơn, tình yêu thương xót của Ngài không thể xuyên thấu những trái tim cố chấp, khước từ sự hiện diện của Thiên Chúa và coi Chúa Giêsu là dụng cụ của Satan. Ai nói như thế là báng bổ Thiên Chúa, xúc phạm đến Thánh Thần. Theo truyền thống, tội này được coi là tội không hoán cải, tội kiêu căng; họ xúc phạm đến phẩm vị Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô mà sau đó, không chút đau buồn, hoặc chỉ đơn giản là lạm dụng lòng thương xót của Ngài mà không hề ăn năn. Và dẫu thế nào đi nữa, việc thiếu vắng sự đau đớn này, sẽ đóng chặt cánh cửa trái tim người ấy trước lòng khoan dung của Ngài.

Thứ đến, tội này cũng ‘không’ thể có; vì lẽ, bất cứ khi nào trái tim con người biến đổi, để tin vào Ngài; và Thiên Chúa, ‘chỉ cần một kẽ hở’ dù nhỏ đến đâu, ví dụ khi người ấy bắt đầu ý thức tội mình đã phạm, và lớn lên trong một nỗi buồn chân thành, thì Thiên Chúa ở đó, ngay lập tức chào đón người ấy trở lại với vòng tay rộng mở của Ngài. Vì Ngài sẽ không bao giờ quay lưng với một người khiêm nhường quay lại với một tấm lòng tan nát, dù tội họ nặng đến đâu!

Anh Chị em,

Các luật sĩ biệt phái tìm kẽ hở để giết chết Con Thiên Chúa; Con Thiên Chúa tìm kẽ hở để cứu lấy họ. Vậy mà, chỉ cần con người khiêm tốn nhìn nhận Thiên Chúa và hé mở trái tim của nó cho Ngài, Ngài sẽ làm nên muôn điều vĩ đại hơn những gì lòng người dám ước mong. Một bài học khác chúng ta có thể rút ra ở đây là, hãy tập nhận ra Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của mình và trong cuộc sống của người khác. Theo thánh Phaolô, Chúa Thánh Thần đang hoạt động theo mọi cách khác nhau nơi những con người khác nhau. Một số khía cạnh của hoa trái phong phú của Ngài có thể hiển hiện trong đời sống của chúng ta và trong đời sống người khác; bảy ân đức của Ngài sẽ ân sủng hoá cuộc sống chúng ta và cuộc sống của những người khác. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta chú ý đến những dấu hiệu của Thánh Thần và vui mừng trước những dấu hiệu đó ở bất cứ nơi nào, nơi bất cứ ai chúng ta tìm thấy chúng; nghĩa là làm sao có thể nhận ra những điều tốt đẹp ấy nơi anh chị em mình ngay cả khi nó bị che giấu.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa ‘chỉ cần một kẽ hở’ dù nhỏ đến đâu nơi trái tim con, xin đừng để lòng con chai cứng trước bất cứ một tội lỗi nào, dù nó nhỏ đến mấy, để con có thể đón nhận sự thứ tha của Chúa”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
25/1: Lễ Kính Thánh Phaolô Tông đồ trở lại. Linh mục Giuse Lăng Kính Luân, CS
Giáo Hội Năm Châu
03:41 24/01/2022

PHÚC ÂM: Mc 16, 15-18

“Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu (hiện ra với mười một môn đệ và) nói: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những dấu lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân được lành mạnh”.

Đó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:39 24/01/2022

2. Thánh Kinh là tấm gương soi linh hồn, có thể chiếu soi linh hồn chúng ta thiếu đức hạnh gì. Vừa chiếu soi đức hạnh của các thánh, hướng dẫn chúng ta học tập các ngài, và những nhầm lẫn của các thánh khiến chúng ta sợ hãi.

(Thánh Augustine)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:44 24/01/2022
77. LÀM CON CHIM KHÁCH

Trần Đoan Am là tiến sĩ giữa năm ất sữu thời Thuận Trị, đãm nhiệm huyện lệnh Tân Thành, vì tính tình nhân hậu nên mỗi lần sai dịch đánh tội phạm thì ông ta đều sa nước mắt.

Một lần nọ, Vương tú tài gia sản bị người khác chiếm đoạt rất lâu mà không được bồi thường gì cả, bèn nổi giận đến huyện cáo trạng.

Trần Đoan Am tiếp lấy tờ cáo trạng, nhưng suy nghĩ rất lâu mà không thể phán quyết, chỉ nuốt nước bọt chầm chậm nói:

- “Trong thơ Mao có viết rằng: Chỉ chim khách có tổ, chỉ chim ngói cư ngụ”, anh Vương tú tài, tại sao anh không làm chim khách hử?”

Mọi người nghe ông quan huyện nói ba phải như thế, bất giác câm miệng không cười nổi.

(Trì Bắc Ngẫu Đàm)

Suy tư 77:

Chim khách làm tổ chim ngói đến ở là chuyện tự nhiên của chúng nó, nhưng hỏi người bị chiếm đoạt nhà sao không làm chim khách giao nhà cho người khác là sự ngu dốt của ông quan ba phải. Cho nên, làm quan mà có lòng nhân hậu là một cái phúc cho bá tánh, nhưng làm quan mà ba phải thì là đại họa cho người dân, bởi vì khi một ông quan ba phải xét xử thì tội lớn cũng như tội nhỏ, người có tội cũng như người không có tội đều...huề cả làng.

Từ nhân hậu qua ba phải cách nhau chỉ có...một gang tay mà thôi, do đó mà người Ki-tô hữu phải có lòng nhân hậu như Đức Chúa Giê-su, tức là yêu thương mọi người và sẵn lòng cứu giúp người tội lỗi, nhưng cương quyết không bao che cho người tội lỗi.

Đó là sự khác biệt giữa lòng nhân hậu của Tin Mừng và lòng nhân hậu của thế gian. Ai hiểu được thì hiểu.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Ngã Đau Mà Lại Sáng Cho Người Tông Đồ
Thái Phạm
09:46 24/01/2022
Ngã Đau Mà Lại Sáng Cho Người Tông Đồ

(Lễ Thánh Phaolô trở lại 25-01)

Chẳng biết đang phi nước kiệu hay phi nước đại, nhưng đã ngã ngựa thì không tróc vảy cũng trầy da. Chàng thanh niên Phaolô trên đường Đamát dường như khó quên cú ngã năm nào. Chính vì thế mà ngài, thánh Phaolô sau này thường xuyên nhắc lại biến cố ngã ngựa này. Cũng có thể có đau phần nào nhưng điều chính yếu là sau cú ngã ấy ngài đã sáng ra, đã ngộ ra nhiều chân lý khiến cho cuộc đời, lối đi của ngài đổi thay hoàn toàn. Phaolô đã ngộ ra những gì sau cú ngã ấy? Thật nhiều sự, nhưng xin liệt kê đôi điều:

1. Để thành công thì nguyên lòng nhiệt thành vẫn chưa đủ: Quả thật, để hoàn tất một dự định lớn, để đạt đích lý tưởng đặt ra thì ta không thể không có lòng nhiệt thành. Người có lòng nhiệt thành là người luôn can đảm đi đầu trong những việc khó và đó là những việc phải làm và nên làm. Không ngại gian nguy, không sợ vất vả… sẵn sàng đối diện với chông gai và cả thất bại đó là những đức tính của người nhiệt thành.

Dưới góc độ này thì ta có thể nói Phaolô có thừa sự nhiệt thành. Những nghĩ rằng nhóm người theo ông Kitô là thứ lạc đạo, là mầm mống nguy hại cho dân tộc, cho tôn giáo chính truyền, chàng thanh niên Phaolô tình nguyện xông pha tiền tuyến để tiêu diệt. Sau khi trở lại thì sự nhiệt thành của Phaolô càng rõ nét hơn nhiều. Dù gian nguy, dù khốn khó, không gì ngăn được bước chân người nhiệt thành Phaolô. Trong số các tông đồ hình như ít ai chịu thử thách khốn khó nhiều như Phaolô: “năm lần bị người Do Thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh trên biển khơi” (2Cr 11,24-25).

Tuy nhiên nhờ cú ngã tại Đamát, Phaolô ngộ ra rằng chỉ nguyên sự nhiệt thành thôi vẫn chưa đủ. Một câu nói theo dạng công thức toán học như đã phổ biến với người sống trong xã hội được gọi là “xã hội chủ nghĩa”: nhiệt thành cộng với ngu dốt bằng phá hoại (nhiệt thành + ngu dốt = phá hoại). Ngu dốt ở đây không phải chỉ là không biết mà gồm cả cái sự biết không đúng, biết không đủ, biết một chiều… Nhờ cú ngã, Phaolô đã sáng ra cái sự thật này: cuồng tín là một hình thức “ngu dốt”.

2. Có lòng nhiệt thành và sự hiểu biết (có tri thức) vẫn chưa đủ: Nói về sự học hay xét về mặt kiến thức thì khó có ai bì với Phaolô. Xuất thân từ một gia đình khá giả, lại được làm môn sinh của Gamalien, một vị tôn sư lỗi lạc, Phaolô đáng làm thầy của tất cả các tông đồ còn lại. Đọc kỷ các bài giảng thuyết của ngài trong sách Công Vụ Tông Đồ hay thẩm định kiến thức và văn chương của ngài qua các bức thư lớn nhỏ, chúng ta dễ dàng chân nhận sự uyên bác của thánh nhân. Có thể nói là tài ăn nói của ngài bị hạn chế (ngài có tật nói lắp), nhưng kiến thức của ngài thật khó có ai sánh bì.

Thế nhưng Phaolô đã cảm nhận, đúng hơn là đã ngộ ra rằng nguyên chỉ sự nhiệt thành và kiến thức rộng vẫn chưa đủ cho người Tông đồ của Đức Kitô. Cần phải có sự cảm nghiệm rằng mình được yêu thương một cách nhưng không. Ngài đã xác nhận điều này nhiều lần, cách riêng với các môn đệ thân tín: “Sở dĩ tôi được xót thương là vì Đức Giêsu Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người để được sống muôn đời” (1Tm 1,16).

Chính khi cảm nghiệm mình được yêu thương một cách vô điều kiện, nghĩa là không vì sự gì tốt đẹp nơi mình, thì ta sẽ sẵn sàng quảng đại hiến dâng cho tha nhân, vì như thánh nhân xác nhận: “Tình yêu của Đức Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5,14).

3. Trong đời hoạt động tông đồ, nỗ lực một mình là không đủ, cần có sự hợp tác của nhiều người trong tinh thần hiệp nhất và sự hiệp thông. Con Thiên Chúa làm người không đơn thương độc mã trong hành trình rao giảng Tin mừng. Người đã chọn gọi 12 tông đồ góp sức, đã chọn gọi 72 môn đệ chung phần. Chứng nhân tập thể luôn có thế giá ưu việt. Phaolô đã ngộ ra rằng để xây dựng Nước Trời ngay tại trần thế này thì Chúa dùng mỗi người mỗi việc, mỗi cách thế khác nhau. Người thì làm ngôn sứ, kẻ thì làm thầy dạy, người thì chữa bệnh, kẻ thì phân biệt Thần khí… Ngài đã dùng hình ảnh các chi thể trong thân thể để minh họa sự cần thiết lẫn nhau trong việc xây dựng nước Chúa (x.1Cr 12). “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người mỗi cách, là vì ích chung” (1Cr 12,7). Trong công cuộc xây dựng Nước Chúa thì “Phaolô trồng, Apôlô tưới, còn Thiên Chúa mới làm cho mọc lên” (1Cr 3,6).

Để gìn giữ sự hiệp nhất, cần thiết phải có sự hiệp thông giữa các thành phần. Đặc biệt trong đời tông đồ chứng nhân, sự hiệp thông như là một trong những nguyên nhân quan trọng làm nên sự thành công. Người sống trong tình hiệp thông với tha nhân là người đang cùng chung một sức sống với người khác. Sống hiệp thông thì không chỉ “một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”, mà thực sự như lời thánh Công đồng Vatican II “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con nguời mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (MV số 1). Thánh Phaolô đã sống tình hiệp thông này cách cụ thể: “Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng” (1Cr 9,22-23).

4. Mọi sự đều là hồng ân: Để ngộ ra chân lý này, Phaolô cảm nghiệm và thú nhận sự hèn yếu của mình. Ngài chỉ là đứa trẻ sinh non, là vị tông đồ rốt hết và không xứng làm tông đồ của Chúa Kitô. Dù đã nỗ lực hết mình nhưng vẫn còn đó nhiều điều ngài muốn ngài lại không làm còn những điều ngài không muốn thì ngài lại làm (x.Rm 7,17-20). Hơn nữa, cái dằm trong xác thịt của ngài luôn làm ngài nhức nhối và khiến cho ma quỷ thường xuyên vã mặt ngài (x.2Cor 7-8). Chính vì thế ngài đã không ngần ngại lặp đi lặp lại rằng ngài không có gì để mà khoe khoang hay hãnh diện ngoài những yếu đuối của mình (x.2Cr 11,30; 12, 5).

Xuất phát từ thái độ khiêm nhu, chân thành nhìn nhận con người của mình, không chút che đậy hay lấp liếm thì ta sẽ dễ dàng nhận ra hồng ân nhưng không của Thiên Chúa. Từ chỗ nhìn nhận hồng ân của Chúa thì ta sẽ thấy quyền năng vô biên của Người. Phải, “điều mà thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để làm cho những người khôn ngoan phải xấu hổ; điều mà thế gian cho là yếu hèn, thì Thiên Chúa đã chọn để làm cho những gì là mạnh mẽ phải hổ ngươi” (1Cr 1, 27).

5. Yêu thương là chu toàn mọi lề luật (Rm 14,8). Trước ân tình vô biên và nhưng không của Thiên Chúa, thì chẳng có sự đáp trả nào của chúng ta được gọi là cân xứng. Tình yêu mới đáp lại tình yêu. Giả như tôi có nói được nhiều thứ tiếng, làm được nhiều phép lạ… mà không có bác ái thì thì chỉ phèng la não bạt (x.1Cr 13). “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Col 3,14).

Cú ngã của Thánh Phaolô không chỉ mở mắt thánh nhân mà con mở luôn con tim của ngài. Ngài nhân ra mọi sự rồi sẽ qua đi, kể cả đức tin lẫn đức cậy. Duy chỉ đức ái mới tồn tại vạn đại thiên thu (x.1Cr 13,13).

MỘT VÀI TÂM TÌNH TỰ KIỂM CỦA NGƯỜI TÔNG ĐỒ :

Ngã đau hay bị xây xước là chuyện như cơm bữa của kiếp người, dĩ nhiên ngoại trừ Mẹ Maria, người được Thiên Chúa ưu ái gìn giữ cách đặc biệt. Thoạt sinh ra, tôi đã ở trong tội. Chập chững bước vào đời, nhiều lần té đau, ngã nặng. “Đa thọ đa nhục; đa phú đa ưu” vốn là kinh nghiệm của người xưa xác nhận với cháu con hậu thế. Cuộc đời tông đồ không thể tránh những vấp váp, thất bại mặt này hay mặt khác, trong đời sống cá nhân hay trong các hoạt động tông đồ. Thế nhưng, sau mỗi lần vấp ngã, ta có ngộ thêm được điều gì hữu ích?

1. Lòng nhiệt thành của ta có gia tăng hay bị giảm sút sau những cái ngã? Tôi có quên đi và bỏ lại đằng sau những thất bại, vấp ngã để lao mình về phía trước? Để có được điều này, xin ghi nhớ một trong những tính cách của Chúa là “hay quên tội lỗi của con người”. Tâm tình của tác giả Thánh Vịnh và hầu chắc đây là tâm tình của vua Đavít: “Nếu Chúa tôi nhớ hoài sự lỗi, thì nào ai chịu nỗi được ư?” (x.Tv 129). Tuy nhiên cũng cần xét lại cung cách sống được gọi là nhiệt thành. Không dám so sánh với các thánh Tông đồ ngày xưa, chỉ cần nhìn lại sự dấn thân của các nhà truyền giáo đã gieo rắc Tin mừng trên quê hương đất Việt chúng ta thì cũng đủ thấy. Người tông đồ hôm nay có thực sự bị tiện nghi vật chất hay tâm lý hưởng thụ làm chùn chân bước?

2. Tôi có thấy ra một trong những nguyên nhân khiến tôi gặp thất bại hay bị vấp ngã đó là vì tôi không biết hay biết không đúng, biết chưa đủ? “Sự học như con thuyền đi nước ngược. Không tiến, ắt lùi”. Với người tông đồ thì việc không ngừng nâng cao kiến thức, không ngừng hoàn thiện tri thức là một đòi hỏi có tình tất yếu. “Mù dẫn mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố” (Mt 15,14). Nếu ta mù thật thì có lẽ tác hại có phần hạn chế. Đằng này ta bị lệch lạc trong cái nhìn mà cứ tưởng mình thấy rõ, nhìn đúng thì thật tai hại khó lường. Một thánh Giám Mục đã từng nói: Một linh mục tội lỗi thì làm thiệt hại cho Hội Thánh ít hơn là một linh mục lầm lạc, vì thiếu học hỏi, vì ngài ở trong vị thế lãnh đạo. Đã là linh mục thì dường như có tâm lý là đã biết hết mọi sự? Không ai dám to gan vỗ ngực về điều này, thế nhưng việc ít trau dồi kiến thức, ít rèn luyện tri thức là một thiếu sót. Các giáo phận đã nỗ lực bù đắp thiếu sót này bằng một hai dịp “thường huấn” cho các linh mục. Tuy nhiên, chừng ấy vẫn không đủ so với đà tiến bộ và phát triển của xã hội hôm nay, chưa kể thực chất và hiệu quả những lần thường huấn như thế nào. Phải công nhận rằng các chuyên gia về các lãnh vực đạo, đời hiện nay không là hiếm. Tuy nhiên vẫn còn đó tâm lý đồng hóa các chuyên gia với người chức trọng, quyền cao hoặc với người lãnh đạo. Đang là chủng sinh, vốn liếng âm nhạc của tôi ở bậc thường. Bỗng sau khi lãnh nhận thiên chức, người ta phong tôi lên hàng nhạc sư. Căn bản thần học của tôi năm cuối ở Chủng Viện có thể chưa đủ điểm trung bình, thế nhưng sau khi thụ phong linh mục, tôi có thể đinh ninh rằng mình nói gì cũng đúng. Dù rằng cần phải tin vào ơn hiện sủng (ơn đấng bậc – grace d’ état), nhưng ân sủng của Chúa không loại bỏ tự nhiên.

3. Tinh thần hợp tác, hiệp nhất và sự hiệp thông giữa những người tông đồ như thế nào? Đã từng có nhận định: một người Việt Nam làm việc độc lập có thể bằng ba, bốn người Tây phương. Nhưng mười người Việt Nam làm việc chung thì chỉ bằng một phần ba của năm, sáu người Tây phương cộng tác. Không biết lời nhận định ở trên có phản ánh đúng thực trạng hoạt động tông đồ của Hội Thánh Việt Nam chăng? Dẫu sao, chúng ta cũng cần giật mình để tự kiểm về tinh thần hợp tác, hiệp nhất. Có lẽ điều cần tự kiểm trước tiên đó là sự hiệp thông giữa những người muốn theo sát Chúa Kitô trên con đường rao giảng Tin Mừng, phụng sự Chúa, phục vụ tha nhân.

4. Thái độ khiêm nhu, tâm tình cảm tạ: Ngay sau ngày tuyên khấn hay lãnh nhận thiên chức Linh mục, Giám mục là những ngày “đại Lễ tạ ơn”. Các bài diễn văn cám ơn của tân khấn sinh hay của tân chức luôn đượm nét khiêm nhu và tâm tình cảm tạ. Dường như ngay sau khi đón nhận một hồng ân vô giá người ta dễ thấy sự “nhưng không” từ trời và sự bất xứng của bản thân. Thế rồi năm tháng dần trôi, cùng với nhiều thành công trong cuộc sống, trong đời hoạt động tông đồ, cùng với sự trân trọng và tôn kính có phần “thái quá” của giáo dân, thì sự khiêm nhu và tâm tình cảm tạ vơi dần. Sự hống hách, độc quyền, độc đoán… là những biểu hiện của thực trạng này.

5. Thiên Chúa là Tình yêu. Chính vì thế Đức ái phải là điểm tới của mọi hoạt động tông đồ. Là người tông đồ, có khi nào tôi tự kiểm về trái tim của mình đã lớn rộng thêm được bao nhiêu sau nhiều năm tháng hoạt động tông đồ? Khi đánh giá một chương trình hành động, một công trình thực hiện hay một quá trình xây dựng cộng đoàn, xây dựng giáo xứ, giáo phận, tôi có đặt tiêu chí đức ái lên hàng đầu không? Một giáo xứ lớn mạnh không phải là một giáo xứ đã có những công trình xây dựng đồ sộ… mà là đã có tâm tình yêu thương, liên đới, chia sẻ không chỉ với bà con đồng đạo mà còn với anh chị em lương dân, bà con khác đạo, khác niềm tin, khác chính kiến. Có chăng sự kiện càng xây dựng thì càng thêm sự chia rẽ, bất đồng? Càng ở lâu một xứ nào đó thì càng chất gánh nặng lên bà con tín hữu?

Lm. Giuse Nguyễn văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 
Không được chấp nhận
Lm. Thái Nguyên
19:33 24/01/2022
KHÔNG ĐƯỢC CHẤP NHẬN

Chúa Nhật 4 Thường Niên năm C: Lc 4, 21-30

Suy niệm

Dân làng Nadarét chắc rất hãnh diện vì có Đức Giêsu là một thành viên lẫy lừng danh tiếng trở về thăm quê. Thế nhưng để đón nhận Ngài là một vị ngôn sứ thì lại là vấn đề khác, vì họ thấy Ngài cũng không có một uy thế hay quyền hạn gì lớn lao: "Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?" Dân làng vẫn còn giữ nguyên những hình ảnh của Đức Giêsu đã từng sống với họ ba mươi năm qua. Một cuộc sống quá đỗi bình thường, chẳng có gì để nói, chỉ là con ông thợ mộc.

Đức Giêsu chắc không lạ gì với phản ứng thường tình của dân chúng, nên Ngài nhắc lại câu ngạn ngữ quen thuộc:“Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”. Họ đã có sẵn định kiến về gia thế và bản thân Ngài, không muốn nhìn khác đi. Đúng là“Phá vỡ một định kiến còn khó hơn phá vỡ một hạt nhân nguyên tử” (Einstein). Con người quả khó thoát ra khỏi mình, nên cũng khó đón nhận ơn giải thoát mà Chúa Giêsu mang lại. Đúng là “Quen quá hóa nhàm”, “Gần chùa gọi Bụt bằng anh”. Người ta hay có xu hướng tin vào những điều đồn đoán, được tô vẽ quá đáng từ tận đâu xa xôi, chạy theo những điều huyền bí, chứ không chịu tin vào sự thật ngay trước mắt.

Thật ra cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với dân làng Nadarét ban đầu rất tốt đẹp: "Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Ngài". Nhưng tình cảm bị rạn nứt, không chỉ do định kiến của dân làng mà còn do họ đòi Chúa Giêsu phải ưu tiên cho họ: "Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Caphanaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!". Nhưng phép lạ đâu phải là điều để coi chơi, hay để thử quyền phép xem thế nào, mà chỉ khi có lòng tin mới đưa đến phép lạ. Đức Giêsu không thể ưu tiên theo tình cảm, mà ưu tiên theo sứ mạng. Ngài không đến để thỏa mãn những đòi hỏi riêng tư của người thân, mà để chu toàn thánh ý Cha.

Sự rạn nứt đưa tới đổ vỡ khi Đức Giêsu kể chuyện hai ngôn sứ Êlia và Êlisa. Hai vị này được Thiên Chúa sai đến thi ân cho dân ngoại, mà không dành riêng cho Israel. Dân làng không thể chấp một sự thật quá mỉa mai. Điều này chạm mạnh đến lòng tự hào và tự mãn của họ, là những người tự coi mình là dân độc nhất của Thiên Chúa, nên thay vì chân nhận ra sự thật, họ chuyển thành sự phẫn nộ đối với Chúa Giêsu. Khi có cảm tưởng mình bị coi thường, không còn chiếm giữ những đặc quyền, đặc lợi, thì họ tìm cách thủ tiêu Ngài. “Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi".

Lắm lúc đời sống chúng ta cũng sao chép lại lối sống đạo của người Do Thái: lo đi tìm những cái xa lạ mà không nhìn ra những điều tốt đẹp nơi những người thân quen; không chịu khám phá ra ý nghĩa của biến cố, mà chỉ suy nghĩ và sống theo người khác; không mở lòng để đón nhận sự thật mà chỉ khư khư nắm giữ lập trường và quan điểm hẹp hòi của mình; coi đức tin chỉ là một mớ những kiến thức, chứ không phải là tâm tình và thái độ sống chân tình với Chúa và với nhau.

Ðức cố Hồng Y Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta như sau: “Nhiều người nói: ‘Tôi có đức tin...’. Có lẽ đức tin ấy là đức tin của giấy khai sinh, không phải là đức tin của đời sống. Con đừng bao giờ mãn nguyện với một đức tin hình thức và lý thuyết. Nhưng con phải sống một đức tin chân thật và trung thành. Tự mãn với chính mình mà không chịu mở lòng đón nhận, khiến người Do thái đã mất Chúa Giêsu, nền tảng của niềm tin, Ðấng mà họ đang ngóng chờ".

Chỉ đóng khung trong những quan niệm, nghi thức và luật lệ, thì sớm muộn gì ta cũng xa rời đức tin chân chính. Sống là gì, nếu không là một sự hoán chuyển thường xuyên. Con người sẽ chết khi hệ tuần hoàn không lưu chuyển, hay hệ thần kinh không vận động. Ðối với đức tin cũng vậy, luôn đòi hỏi một sự biến chuyển. Tin Chúa Giêsu là chấp nhận vô điều kiện, nên đòi ta phải thay đổi quan điểm, đường hướng và lập trường cho phù hợp với ước muốn của Thiên Chúa. Ta cần phá vỡ những định kiến, nhất là những cái nhìn sai lệch về các giá trị, để đón nhận Thiên Chúa và tha nhân một cách sâu xa và trọn vẹn hơn.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!

Làm người ai cũng ước mong,

được chấp nhận và yêu thương tôn trọng,

để thấy tự tin và an vui trong cuộc sống,

nếu không, sẽ dễ buông xuôi và thất vọng.

Nhưng Chúa lại nhiều lần bị từ khước,

không chỉ bởi thiên hạ quá hiểu lầm,

còn bị phủ nhận bởi những người thân,

vì ít ai dám nhận điều chân thật,

bởi nó đòi người ta phải hy sinh,

phải xoay lại hướng đi của đời mình.

Dân chúng ai cũng biết điều sai trái,

và ngỡ ngàng thán phục trước Lời Ngài,

nhưng lòng người vẫn kiêu căng tự ái,

không chấp nhận những gì mình đã sai,

nhất là khi đã mang nặng thành kiến,

và coi mình như những kẻ có quyền.

Chúa không chỉ bị thiên hạ loại trừ,

mà còn bị người ta muốn thủ tiêu,

chỉ vì đặt lại những gì người ta hiểu,

không thể sống theo kiểu của phàm nhân,

mà phải dám cải đổi lại bản thân,

để sống với tinh thần con cái Chúa.

Con vẫn luôn có nguy cơ sai lạc,

mỗi khi nhìn về Chúa và anh em,

với hiểu biết hời hợt và non kém,

với tự mãn và định kiến hẹp hòi.

Xin cho con có sức mạnh dám đổi thay,

biết ham chuộng những điều hay lẽ phải,

biết đón nhận và tôn trọng bất cứ ai,

để tim con được trở nên giống Ngài. Amen.
 
Vượt thắng mọi thành kiến
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
19:44 24/01/2022

CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN
VƯỢT THẮNG MỌI THÀNH KIẾN
Gr 1,4-5.17-19; 1Cr 12,31 – 13,13; Lc 4,21-30

1- Từ chuyện con bọ cạp

Chuyện kể, có một thiền sư ngắm nhìn dòng suối hiền hòa, bỗng nhiên trông thấy một con bọ cạp rớt xuống suối. Thầy đưa tay vớt nó và nhẹ nhàng để nó lên mặt đất. Con bọ cạp theo phản ứng tự nhiên: cong đuôi chích bất cứ ai đụng đến nó. Mặc dù bị nó chích rất đau, nhưng thầy không hề tức giận.

Sau đó, thầy đứng lên, đi được vài bước và quay lại nhìn con bọ cạp, thấy nó lại té xuống suối. Thiền sư vội vàng chạy lại cứu nó, rồi cẩn thận đưa nó lên mặt đất. Lần này, nó cũng chích thầy phát nữa.

Một người đi ngang qua, thấy vậy bực mình lớn tiếng: “Con bọ cạp vô ơn bạc nghĩa như vậy, cứu nó làm gì cho mệt. Kệ xác nó.”

Thiền sư nghe vậy thản nhiên trả lời: “Chích người là bản năng của con bọ cạp, còn lương thiện là bản năng của ta, sao ta có thể vì bản năng của nó, mà vứt bỏ bản năng của ta?”

Câu chuyện trên diễn tả lòng từ bi và cao thượng của vị thiền sư đối với con bọ cạp. Lòng từ bi khiến vị thiền sư sẵn sàng cứu vớt con bọ cạp chết đuối dẫu biết rằng rất có thể bị nó quay lại chích vào tay. Một cách nào đó, câu chuyện này giúp chúng ta hiểu hơn câu chuyện Tin Mừng hôm nay.

2- Đến câu chuyện Tin Mừng

Tiếp nối câu chuyện Tin Mừng Chúa Nhật vừa rồi, Chúa Giêsu trở về Nadarét. Đây là lần đầu tiên Người trở về thăm quê sau khi bắt đầu sứ vụ công khai. Chúa Giêsu vào hội đường, đọc và giải thích Sách Thánh. Dân chúng ngạc nhiên và thán phục những lời của Người. Nhưng sau đó, những người đồng hương của Chúa thắc mắc: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao? Họ thách thức Chúa làm phép lạ như đã làm tại Caphanaum để họ tin. Trước sự khước từ của người đồng hương, Chúa Giêsu nói rằng: “Không một tiên tri nào được tôn trọng ở chính quê hương mình” (Lc 4,24). Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy và lôi Người ra khỏi thành, rồi đưa Người lên núi để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi (Lc 4,21-30).

Khi tường thuật lại sự kiện này, thánh sử Luca muốn cho chúng ta thấy rằng, những gì Kinh Thánh báo trước nay đã ứng nghiệm; những gì đã được hứa trong Cựu Ước nay được thực hiện nơi Đức Giêsu. Người đến khai mở một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên cứu độ. Và cả những lời tiên báo của ông già Simêon về sự chống đối Đức Giêsu hôm nay cũng ứng nghiệm. Thánh Máccô còn cho thấy rằng sự chống đối này bắt nguồn từ ngay trong gia đình họ hàng của Người, khi họ nghĩ rằng Chúa Giêsu “bị mất trí và đi bắt Người về.” Còn thánh Luca liên hệ đến số phận của các tiên tri trong Cựu Ước, những người bị từ chối, bách hại, tù đày và bị giết chết. Đây cũng là số phận của Đấng Cứu Thế phải trải qua khi thực thi sứ mạng cứu độ.

Nguyên nhân của sự khước từ này là do sự thành kiến của những người đồng hương của Chúa. Họ bị giới hạn tầm nhìn của mình nơi sự hiểu biết hẹp hòi về lý lịch gia đình của Người. Họ chỉ nhìn nhận Đức Giêsu là một con người chứ không nhận ra Người là Con Thiên Chúa, Đấng Thiên Sai. Nên họ không tin vào Người và không nhận ra căn tính đích thực của Người.

Vì thế, Đức Giêsu không làm một phép lạ nào tại chính quê hương mình. Điều đó không có nghĩa là vì Người đã bị tước đoạt quyền năng làm phép lạ, nhưng vì sự cứng lòng, thành kiến và thiếu niềm tin của người đồng hương. Những thái độ đó ngăn cản Chúa không muốn thực hiện những dấu lạ cho họ. Bởi lẽ, dẫu Thiên Chúa quyền năng, phán một lời liền có trời đất, nhưng Người phải dừng bước trước thái độ cứng lòng và thiếu cộng tác của con người. Chúa Giêsu không bao giờ làm phép lạ để lòe mắt thiên hạ, hay ra oai quyền phép thần thánh của mình. Phép lạ Người thực hiện như là kết quả và phần thưởng cho những ai đã tin. Như Chúa thường nói: “Đức tin con cứu chữa con.”

Như thế, khi bắt đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu phải đối diện với sự khước từ và chống đối. Điều đó cho thấy mầu nhiệm thập giá luôn xuất hiện trong cuộc đời và sứ vụ của Người. Đỉnh cao của sự chống đối và khước từ đó chính là thập giá. Nơi đó, sự phản trắc, tệ bạc và độc ác của con người được phơi bày đến mức tột đỉnh. Nhưng nơi đó, lòng từ bi, nhân hậu và tình yêu của Thiên Chúa cũng đạt tới sự viên mãn vô biên. Một Thiên Chúa bị con người từ chối và đóng đinh vào thập giá. Một Thiên Chúa đón nhận tất cả sự bạc nhược vô ân đó bằng một tình yêu không bờ bến, nhờ đó để chữa lành và cứu độ con người.

3- Thái độ của người Kitô hữu

Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi người chúng ta có thể mắc phải thái độ thành kiến, hẹp hòi và vô ơn đối với Thiên Chúa và tha nhân như người Do Thái trong Tin Mừng hôm nay. Thái độ thành kiến là một hàng rào ngăn cản con người tới việc khám phá chân lý và những gì mới mẻ của cuộc sống do Chúa Thánh Thần mang lại. Thành kiến nhốt con người trong tầm nhìn hạn hẹp của mình, như cóc ngồi ở đáy giếng chỉ nhìn trời bằng cái vung. Nên nó làm cho con người không nhận ra những điều kỳ diệu và tốt đẹp nơi người khác. Vì thế, chúng ta loại bỏ nơi mình thành kiến khi tiếp cận cuộc sống bằng cách biết mở rộng tầm nhìn, cởi mở và tôn trọng người khác, biết đón nhận và học hỏi những điều mới mẻ từ người khác, cũng như biết bao dung và chấp nhận những khác biệt của họ mà không hề có thái độ loại trừ. Cuộc sống này đáng ngưỡng mộ và có nhiều điều mới mẻ đối với ai biết sống tích cực và ngạc nhiên.

Đối với Thiên Chúa, mỗi ngày chúng ta được mời gọi luôn có thái độ ngoan ngùy trước những tác động của Chúa Thánh Thần, trở nên dễ bảo và sẵn sàng để được Người hướng dẫn. Bởi lẽ, Người không thể làm gì trước sự chai lì của chúng ta và phép lạ không thể xảy ra với những người không có niềm tin như Tin Mừng hôm nay minh chứng.

Nguyện xin Chúa biến đổi lòng trí chúng ta theo thánh ý của Người. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Lòng thương xót của Thiên Chúa...
Lm. An-rê Đỗ Xuân Quế O.P.
22:52 24/01/2022
Lòng thương xót của Thiên Chúa...

Cũng gần đến Tết. xin kính chúc cha được Chúa cho gặp thầy gặp thuốc để sức khỏe sớm được phục hồi.

Mừng Tết Năm Nhâm Dần
Bầu khí ngát hương xuân
Chúc bình an Năm Mới
Ơn thánh tựa mưa tuôn

Lòng Thương Xót của Thiên Chúa

Lòng Thương xót được hiểu theo hai nghĩa : lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người và lòng thương xót của con người đối với nhau.

Lòng thương xót là cụm từ rút ra từ Tông Huấn Misericordiae vultus, ban hành ngày 11.4.2015 và ấn định ngày 8.12.2015 làm ngày khai mạc Năm Thánh Ngoại Thường cho toàn Giáo Hội. Giáo Hội được kêu mời học hỏi, suy nghĩ, cầu nguyện để cảm nhận lòng thương xót của Thiên Chúa và thực thi lòng thương xót đó đối với anh em đồng loại.

Phần chúng ta, chúng ta phải hiểu và sống lòng thương xót đó như thế nào. Điều này thiết tưởng không khó khăn lắm, vì ở đời ai cũng hiểu thương xót là gì rồi, bây giờ chỉ cần đem sự hiểu biết ấy áp dụng vào Thiên Chúa ở mức độ cao nhất thôi..

Thương và thương xót khác nhau. Thương là thích ai và yêu nguòi đó như thương cha mẹ, thương con cái. Còn thương xót có nghĩa là vừa thương vừa xót. Thương gắn liền với trái tim, còn xót gắn liền với lòng dạ hay ruột gan. Ta thương ai là vì thấy người ấy dễ thương, ngoại hình hấp dẫn, có tài, có tiền v.v… nên trái tim ta xúc động. Còn thương xót ai là vì người ấy đáng thương, bởi nghèo đói hay ốm đau bệnh tật, hoặc gặp tai ương hoạn nạn, buồn phiền, đau khổ. Đưa hai mặt vấn đề này áp dụng vào Thiên Chúa, chúng ta có thể hiểu ngay được thế nào là lòng thương xót của Người.

Con người là kẻ tội lỗi đã bất trung với lời cam kết khi chịu phép Rửa Tội, đã xúc phạm đến Chúa khi không tuân giữ các diều răn của Người, khi ngã thua các cơn cám dỗ và khi không quyết liệt chống trả và để cho mình sống trong cảnh tối tăm mù mit về đường đao nghĩa. Đó là tình trạng đáng thương của con người chúng ta.

Chúng ta mang gánh nặng nề vì những thói hư tật xấu, vì không làm những điều muốn làm, không có khả năng vươn lên khi thấy mình yếu đuối. khi thất vọng không thể sống trong đường ngay nẻo chính, hay khi thấy mình trì trệ, không tiến bộ gì trên đường đạo đức v.v… Dù vậy, Chúa vẫn yêu thương chúng ta. Biểu hiện rõ rệt nhất là Người đã cho chúng ta được làm con cái của Người trong Giáo Hội.

Ơn phúc này, nhiều người có đạo ít nghĩ tới hay không nhận ra. Nhưng đó chính là dấu chỉ, chứng tỏ tình thương của Chúa. Biết bao người sống vật vờ, vô vọng, không có một niềm tin nào hết, trong khi người “có đạo”, được đón nhận đức tin, biết tại sao mình sống, chết rồi đi về đâu. Nhờ đức tin, tín hữu có thể đương đầu được với nhiều nỗi đau khổ, bất công, tàn ác là điều làm cho nhiều kẻ chán đời không muốn sống. Nhưng người có đạo như chúng ta thì vẫn còn niềm tin vào Chúa là Đấng Chí Công, thưởng người lành, phạt kẻ dữ vào thời Người ấn định. Tại sao chúng ta là người mà lại là người có đạo để đón nhận được sức mạnh của đức tin, hầu chịu đựng đươc các nghịch cảnh và cuối cùng nhờ ơn Chúa, vượt qua được tất cả, nếu không phải là được Chúa thương. Ngoài ra, chúng ta lại còn có niềm hy vọng lớn lao được sống muôn đời

Sự sống muôn đời trên thiên quốc là mục đích tối hậu của mọi người tin Chúa. Chúng ta đi đạo, giữ các điều răn của Chúa, sống một cuộc đời không giống những người không có đức tin, để được sống muôn đời trong Nước Thiên Chúa. Đó là một biểu hiện mãnh liệt về lòng thương xót của Chúa. Chúa có thương mới dành cho chúng ta một hạnh phúc muôn đời như thế.

Cuối cùng là các ơn lành Chúa ban. Ai trong chúng ta cũng nhận được những ơn lành của Chúa dưới nhiều hình thức khác nhau về tinh thần cũng như vật chất. Bằng chứng là những lễ tạ ơn, Người ta xin dâng để tạ ơn Chúa, vì những ơn lành đã nhận được. Trong các thánh vịnh, có một câu chứng tỏ điều này, đó là :

Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ

Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương (Tv 105, 1)

Nhưng bên cạnh những biểu hiện về tình thương lại có những sự dữ. Sự lành và sự giữ giao nhau. Tình thương của Chúa thi dã rõ như nói trên, còn sự dữ thì sao? Tình thương và sự dữ có đi đôi được vói nhau không? Chắc là không rồi.

Vây phải hiểu thế nào về sự dữ bên cạnh sự lành. Chúa giầu tình thương mà sao lại để cho sự dữ hoành hành ghê gớm như thế? Liệu có thể giải quyết được sự trái ngược này hay không? Làm sao sự lành và sự dữ hòa hợp với nhau được? Tình thương là sự lành, còn tai ương, hoan nạn, nghèo khổ, bệnh tật là sự dữ. Hai thứ đó không thể đi đôi với nhau, huống hồ là tương nhượng. Có cái này thì không thể có cái kia, hay có chăng là có cả hai cùng một lúc nơi một người, như nghèo khổ nhưngkhỏe mạnh, giầu có nhưng bệnh tật. Có cả hai cùng một lúc, nhưng vẫn thấy bất an. Nỗi bất an làm cho người ta buồn sầu và lo sợ, và như vậy, không thể nói là có đươc sự lành hoàn toàn. Do đó vẫn khổ. Và nỗi khổ bị coi là sự dữ.

Đó là điều hiển nhiên theo sự cảm nhận của con người. Từ bao đời nay, loài ngưòi vẫn tìm cách tránh khổ và diệt khổ. Đức Phật dạy nếu diệt dục thì khỏi khổ. Còn giáo lý Công Giáo thì dạy rằng sự dữ là bởi tội mà ra. Có tội nên mới có sự dữ. Nay muốn tránh sự dữ thì phải triệt tội. Nhưng có những trường hợp triệt tội rồi mà sự dữ vẫn còn nơi những nguòi nhân đức ăn ngay ở lành, như ông Gióp trong Cưu Ước hay rõ rệt và hùng hồn hơn cả nơi chính Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa. Người không có tội mà lại phải mang án phạt của tội là những sự đau khổ trong Cuộc Thương Khó và cuối cùng là cái chết thảm nhục trên thập giá. Thế nghĩa là thế nào? Thưa chính là vì sự dữ sinh ra đau khổ.. Mà đau khổ là một mầu nhiệm.

Đã là mầu nhiệm thì bản chất là khó hiểu hay không hiểu được. Chúng ta biết có sự dữ là đau khổ và nó hoành hành khắp nơi. Ta muốn tránh xa và loại trừ nó, nhưng không được. Vậy phải làm sao?

Chúng ta chỉ giải quyết được sự dữ một phần nào nhờ dựa vào đức tin. Chúng ta tin rằng vì tội mà có sự dữ. Trước khi bất tuân lệnh Chúa, ông bà nguyên tổ được sống trong Vườn Địa Đàng, nơi không có sự dữ mà chỉ có sự lành. Chỉ khi bất tuân lệnh rồi, ông bà mới phải lãnh án phạt và truyền lại cho con cháu đến ngày nay. Chính Dức Ki-tô Giê-su đã xuống trần tình nguyện chịu cực khổ, để gánh tội cho thiên hạ và nhờ đó, cứu chuộc loài người. Đấng vô tội đã phải chịu tội do ý nhiệm mầu của Thiên Chúa Cha, để dạy cho loài người một bài học về giá trị thanh luyện và đền tội của những sự đau khổ, nếu người ta vui lòng chấp nhận để đền tội mình và tội những người khác, vì tội cũng như phúc có một chiều kích xã hội trong mầu nhiệm các thánh cùng thông công, nghĩa là tội của người này gây họa cho người kia và phúc của người này cũng mang lại điều tốt lành cho người kia.

Tại sao Đức Giê-su lại tự nguyện chọn cho mình những sự đau khổ và cái chết thảm thương như thế? Đó là vì loài người và để cúu rỗi chúng ta. Ở đời không có sự cao cả nào mà không phải hy sinh. Mà hy sinh thì phải trả giá. Tất cả những sự hy sinh của Đức Ki-tô là cái giá mà Người đã bỏ ra để cứu chuộc chúng ta.

Dù làm người mà phải cực phải khổ như nhiều người trong chúng ta, nhưng lại có niềm hy vọng lớn lao là được ở trong Nước Thiên Chúa khi nhắm mắt lìa đời, thì còn hơn là cỏ cây gỗ đá, tuy không phải khổ, nhưng không có được cuộc đời mai hậu tràn trề hạnh phúc như chúng ta. Ở đây chúng ta nên nhớ lại chuyện ông nhà giàu và người nghèo khổ La-gia-rô. Ở đời thì La-gia-rô khốn khổ, nhưng sau khi chết rồi thì số phận đôi bên hoàn hoàn toàn đảo ngược : “ Con ơi ! Hãy nhớ lại suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-gia-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ La-gia-rọ được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.” Lc 16, 25).

Có những người vấn nạn rằng Thiên Chúa là Đấng giầu tình thương và đầy lòng trắc ản mà sao lại để cho xảy ra tai ương hoạn nạn như cháy rừng, động đất. lụt lội, sóng thần. dịch hach, hạn hán, nghèo khổ v.v… Thưa Thiện Chúa không để cho xảy ra, hay có chăng là để trừng phạt như đã trừng phạt loài người trong cơn lụt Đại Hồng Thủy, nhưng sau đó, Người đã dựng cây cầu vồng lên và hứa sẽ không trừng phạt như thế nữa. Tuy vậy, vẫn xẩy ra tai ương hoạn nạn, nhưng đó một phần là do sự vận hành của các yếu tố thiên nhiên, một phần do hành dộng của con người. Thiên Chúa tôn trọng trật tự thiên nhiên do Người đã đựng nên, còn loài người lại hành động xâm phạm đến sự hài hòa của mội trường tự nhiên, như phá rừng, làm nhiễm bầu khí quyển bằng các chất thải của các nhà máy, khiến cho khí hậu thay đổi. Nếu phá rừng thì lụt lội xẩy ra. Nếu không hạn chế khí thải thì khí hậu biến đổi, bầu khí quyển nóng lên, mực nước biển dâng cao.

Vì vậy, không đổ lỗi cho Thiên Chúa được vì ban đầu Người dựng nên, mọi sự đều tốt đẹp : “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra là rất tốt đẹp ! * (St 2, 31).

Tóm lại, sự dữ là có thật và lan tràn trên mặt đất. Không thể dựa vào lý luận thông thường của loài người mà giải quyết được, nhưng phải căn cứ vào những lý lẽ siêu nhiên. Lý lẽ này chỉ có nơi những người tin. Người tin thì mới cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa một cách vững vàng và xác tín.

Vậy về Lòng Thương Xót nơi Thiên Chúa, chúng ta có thể dưa vào câu : “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn” trong Tin Mừng theo Thánh Lu-ca chương 1, câu 78 và toàn chương 1, qua hai bài thánh ca hết sức đặc biệt vẫn đươc đọc hàng ngày trong giờ Kinh Sáng và Kinh Chiều. Hai bài thánh ca đó thu tóm tất cả lòng thương xót của Chúa đối với Đức Mẹ Ma-ri-a và dân của Người là chúng ta. Ngoài ra là các lời Kinh Thánh rải rác ở nhiều nơi và đặc biệt trong các thánh vịnh.

Muốn thấm nhuần và xác tín về lòng thương xót nơi Thiên Chúa, chúng ta nên năng đọc và suy gẫm những lời trong hai bài thánh ca và những câu thánh vịnh như “Muôn ngàn đời, Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 83,6) hay “Người nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương cả ngàn đời” (Tv 29,5). Đây là những lời trong Kinh Thánh. Mà sách thánh là lời mặc khải, có giá trị đích thật và bền vững làm nền tảng cho lòng tin của chúng ta.

Vậy, chúng ta hãy tin vào lòng thương xót của Chúa và sẵn sàng đón nhận lòng thương xót ấy qua mọi cảnh huống của cuộc đời. Tin tưởng ở lòng thương xót, nhưng cũng phải bày tỏ ra bằng lòng yêu mến Chúa và thương xót đối với tha nhân cho xứng với danh hiệu là con cái Thiên Chúa.

Lm. An-rê Đỗ xuân Quế o.p.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tại sao Giáo Hội Công Giáo đang mất dần Mỹ Châu Latinh
Đặng Tự Do
04:01 24/01/2022


Tờ Wall Street Journal có bài nhan đề “Why the Catholic Church Is Losing Latin America”, nghĩa là “Tại sao Giáo Hội Công Giáo đang mất dần Mỹ Châu Latinh”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Tatiana Aparecida từng đi dạo trên các con phố của thành phố Rio de Janeiro với tư cách là một người hành nghề mại dâm, nghiện cocaine. Năm ngoái, bà mẹ 5 con gia nhập một hội thánh Ngũ tuần nhỏ ở trung tâm thành phố Rio có tên là Thánh hóa trong Chúa và bỏ lại cuộc sống cũ của mình.

Tatiana Aparecida nói: “Mục sư ôm tôi mà không hỏi gì cả”. Tatiana, 41 tuổi, lớn lên là một người Công Giáo và là một trong hơn một triệu người Công Giáo Brazil đã bỏ đạo để gia nhập một nhà thờ Tin lành kể từ đầu đại dịch. Cô nói “Khi bạn nghèo, sẽ có rất nhiều khác biệt khi ai đó chỉ cần nói ‘chào buổi sáng’ với bạn, ‘buổi chiều tốt lành’ hoặc bắt tay bạn”. Trong nhiều thế kỷ, người Mỹ Latinh thường có nghĩa là theo Công Giáo; Công Giáo hầu như không phải đối mặt với sự cạnh tranh. Ngày nay, Công Giáo đã mất đi các tín hữu cho các tín ngưỡng khác trong khu vực, đặc biệt là giáo phái Tin lành Ngũ tuần, và gần đây là cho một làn sóng vô thần. Sự thay đổi đã tiếp tục dưới thời vị giáo hoàng người Mỹ Latinh đầu tiên.

Vào năm 2018, bảy quốc gia trong khu vực — Uruguay, Cộng hòa Dominica và năm quốc gia ở Trung Mỹ — trở thành các quốc gia nơi người Công Giáo trở thành thiểu số, theo một cuộc khảo sát của Latinobarómetro, một nhà thăm dò có trụ sở tại Chí Lợi.

Trong một cột mốc mang tính biểu tượng, Brazil, quốc gia có nhiều người Công Giáo nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, dự kiến sẽ trở thành quốc gia nơi người Công Giáo trở thành thiểu số ngay trong năm 2022 này, theo ước tính của các học giả theo dõi tín ngưỡng tôn giáo. Ở bang Rio, nó đã xảy ra. Người Công Giáo chỉ còn có 46% dân số, theo điều tra dân số quốc gia mới nhất vào năm 2010, và chỉ còn hơn một phần ba dân số ở các khu ổ chuột hoặc các vùng nghèo đói.

José Eustáquio Diniz Alves, một nhà nhân khẩu học hàng đầu người Brazil và là cựu giáo sư tại cơ quan thống kê quốc gia, cho biết: “Vatican đang mất đi quốc gia Công Giáo lớn nhất trên thế giới - đó là một mất mát to lớn, không thể thay đổi”. Với tỷ lệ hiện tại, ông ước tính người Công Giáo sẽ chiếm dưới 50% tổng số người Brazil vào đầu tháng Bảy năm nay.

Các lý do cho sự thay đổi này rất phức tạp, bao gồm những thay đổi chính trị làm giảm lợi thế của Giáo Hội Công Giáo so với các tôn giáo khác, cũng như việc thế tục hóa ngày càng gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới. Ông Diniz Alves cho biết: Trong thời kỳ đại dịch, các nhà thờ Tin Lành đã đặc biệt hiệu quả trong việc sử dụng mạng xã hội để thu hút mọi người tham gia.

Các nhà phê bình trong và ngoài Giáo Hội Công Giáo cũng chỉ ra rằng Giáo Hội Công Giáo không thỏa mãn được các nhu cầu tôn giáo và xã hội của nhiều người, đặc biệt là ở những người nghèo. Người Mỹ Latinh thường mô tả Giáo Hội Công Giáo là xa cách với các cuộc đấu tranh hàng ngày của anh chị em giáo dân.

Sự trỗi dậy của thần học giải phóng trong những năm 1960 và 1970, thời điểm mà Giáo Hội Công Giáo ở Mỹ Latinh ngày càng nhấn mạnh sứ mệnh của mình là công bằng xã hội, trong một số trường hợp, dựa trên những ý tưởng cộng sản của Mark, đã không chống lại được sức hấp dẫn của các giáo phái Tin lành. Người nghèo cần tiền và của ăn hàng ngày, họ không cần đấu tranh giai cấp, họ không hứng thú với các cuộc biểu tình, với ý tưởng công bằng xã hội xa vời. Hoặc, theo cách nói của một câu thơ đã trở thành huyền thoại, được cho là từ các nguồn Công Giáo và Tin lành khác nhau: “Giáo Hội Công Giáo chọn người nghèo, nhưng người nghèo chọn Tin lành Ngũ tuần.”

Sự suy giảm ảnh hưởng của Công Giáo ở Mỹ Latinh đã gây ra những hậu quả chính trị và xã hội sâu rộng. Ở các quốc gia như Brazil, việc chuyển đổi sang Tin lành Ngũ tuần đã thúc đẩy các quan điểm bảo thủ về mặt xã hội từ các khu ổ chuột đến hội trường Quốc hội, giúp thúc đẩy Tổng thống cánh hữu Jair Bolsonaro lên nắm quyền vào năm 2018.

Trong khi Tổng thống Bolsonaro vẫn xác định mình là Công Giáo, ông đã nhận phép rửa tội bởi một mục sư Ngũ tuần ở sông Jordan vào năm 2016 trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông. Những người theo phái Ngũ tuần và những người theo đạo Tin lành được đại diện nổi bật trong nội các của ông và chiếm một phần ba Quốc Hội của Brazil. Vợ của ông tham dự thường xuyên một nhà thờ Tin Lành.
Source:Sismografo
 
Đức Tổng Giám Mục San Salvador lên tiếng về trường hợp các linh mục Dòng Tên bị giết hại
Đặng Tự Do
04:02 24/01/2022


Đức Tổng Giám Mục José Luis Escobar Alas của San Salvador, hoan nghênh việc mở lại vụ thảm sát các tu sĩ Dòng Tên, và nhấn mạnh rằng đó là một hành động công lý cho các nạn nhân, chứ không phải trả thù.

Nhà lãnh đạo Công Giáo nhấn mạnh rằng bằng cách mở vụ án, người dân San Salvador mới có hy vọng phát hiện ra ai đứng đằng sau sự kiện.

Theo Đức Tổng Giám Mục, vụ án nên được mở ra như tội ác chống lại nhân loại và cần có công lý, bởi vì các nạn nhân và gia đình có quyền được bồi thường và sẽ không bao giờ có hòa bình nếu các nạn nhân không được trả lại công lý.

“Với toàn bộ tình tiết mới nhất dẫn đến quyết định mở lại vụ án, chúng ta vui mừng vì rất nhiều yêu thương có lợi cho công lý, nhưng liệu công lý có được thực hiện hay không? Đó là vấn đề, nếu vụ án được mở lại, người dân mong công lý được thực hiện, tất cả mọi người đều kỳ vọng điều đó. Nếu không thì những phiên tòa sắp tới sẽ vô nghĩa”.

Vụ sát hại sáu tu sĩ Dòng Tên và hai cộng tác viên xảy ra vào năm 1989 bên trong Đại học Trung Mỹ José Simeón Cañas. Trong 6 tu sĩ Dòng Tên, có 5 vị là linh mục người Tây Ban Nha.

Tháng 9 năm 2020, một tòa án ở Tây Ban Nha đã kết án một cựu đại tá người Salvador 133 năm tù về tội giết 5 linh mục người Tây Ban Nha ở El Salvador hơn ba thập kỷ trước.

Tòa án quốc gia của Tây Ban Nha đã ra phán quyết rằng Inocente Orlando Montano, một cựu đại tá từng là thứ trưởng bộ nội vụ của El Salvador trong cuộc nội chiến từ năm 1979 đến năm 1992, phải chịu trách nhiệm về “vụ ám sát khủng bố” năm 1989.

Montano, 77 tuổi, ngồi trên xe lăn khi các thẩm phán đọc bản án, phạt ông 26 năm, tám tháng và một ngày cho mỗi cái chết.

Mỹ đã dẫn độ Montano sang Tây Ban Nha vào năm 2017. Trong phiên xét xử đầu năm 2020, Montano phủ nhận đã tham gia hoặc ra lệnh thực hiện các vụ thảm sát dẫn đến cái chết của 8 người trong khuôn viên Đại học Trung Mỹ José Simeón Cañas.

Trước tòa Montano nhìn với vẻ mặt bàng quang, mặt lạnh như tiền, không để lộ cảm giác nào khi tòa tuyên án.

Người ta tin rằng còn có các nhân vật khác ngoài Inocente Orlando Montano dính líu đến quyết định thảm sát các tu sĩ Dòng Tên tại San Salvador.
Source:diariolahuella.com
 
CDC đã cập nhật các nguyên tắc về khẩu trang y tế. Những điều cần biết về mức độ bảo vệ cao nhất
Đặng Tự Do
04:03 24/01/2022


Thông tấn xã CNN vừa có bài báo nhan đề “The CDC updated its mask guidelines. What to know about 'the highest level of protection'“, nghĩa là “CDC đã cập nhật các nguyên tắc về khẩu trang y tế. Những điều cần biết về 'mức độ bảo vệ cao nhất'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ đã thay đổi hướng dẫn về khẩu trang của mình để khuyến cáo mọi người “hãy đeo khẩu trang bảo vệ tốt nhất có thể, loại vừa vặn và bạn sẽ đeo một cách nhất quán.” Cơ quan này mô tả khẩu trang phòng độc vừa vặn đã được Viện Quốc gia về An toàn & Sức khỏe Nghề nghiệp, gọi tắt là NIOSH, phê duyệt - chẳng hạn như khẩu trang N95 - mang lại “mức độ bảo vệ cao nhất”.

Các hướng dẫn cập nhật được đưa ra sau khi nhiều chuyên gia sức khỏe cộng đồng đã khuyến cáo trong nhiều tháng rằng mọi người nên đeo khẩu trang hiệu quả hơn - đặc biệt là N95 - và CDC thay đổi hướng dẫn của mình về việc đeo khẩu trang.

“Khẩu trang vải không hơn gì đồ trang trí trên khuôn mặt. Nhà phân tích y tế của CNN, Tiến sĩ Leana Wen, bác sĩ cấp cứu và là giáo sư thỉnh giảng về chính sách và quản lý y tế tại Trường Y tế Công cộng Milken thuộc Đại học George Washington, gần đây cho biết như trên trong “CNN Newsroom.”

Ở những nơi đông người, “bạn nên đeo mặt nạ KN95 hoặc N95,” mỗi chiếc có thể tốn vài đô la, Wen nói thêm. Do một số vật liệu nhất định - chẳng hạn như sợi polypropylene - hoạt động như các rào cản cơ học và tĩnh điện, những khẩu trang này ngăn các hạt nhỏ đi vào mũi hoặc miệng của bạn tốt hơn và phải vừa khít với khuôn mặt của bạn để hoạt động bình thường.

Dưới đây là những điều bạn cần biết về khẩu trang y tế N95, nơi mua và cách sử dụng chúng an toàn.

Tại sao các chuyên gia khuyên dùng N95 ngay bây giờ?

Erin Bromage, phó giáo sư sinh học tại Đại học Massachusetts Dartmouth, nói với CNN vào tháng trước.

Khẩu trang vải - được khuyến khích trước đó trong đại dịch - có thể lọc các giọt lớn, trong khi các loại khẩu trang hiệu quả hơn, chẳng hạn như N95, có thể lọc cả những giọt lớn và những hại khí nhỏ hơn hoặc các hạt có khả năng chứa đầy vi rút trong không khí nếu có người bị nhiễm bệnh, Bromage nói.

Một khẩu trang che mặt bằng vải có 75% rò rỉ ở bên trong và bên ngoài, mà Hội nghị các nhà vệ sinh công nghiệp của chính phủ Hoa Kỳ xác định là “phần trăm hạt đi vào khẩu trang” và “phần trăm hạt thở ra bởi một nguồn thoát ra khỏi khẩu trang”.

Khẩu trang y tế N95 đã được NIOSH phê duyệt khi đeo phù hợp có thể lọc tới 95% các hạt trong không khí.

Hiện tại vẫn chưa rõ tại sao biến thể Omicron của coronavirus lại lây nhiễm sang nhiều người như vậy, nhưng điều đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang chất lượng cao, Bromage nói.

“Nếu ít vi-rút hơn đã đủ để nhiễm bệnh, hoặc nếu một người bị nhiễm đang đưa nhiều vi-rút ra ngoài, thì vai trò của một chiếc khẩu trang trong trường hợp này là, nếu chúng ta có thể cắt giảm lượng vi-rút mà bạn thực sự hít vào, bạn sẽ có được nhiều thời gian hơn” trước khi có khả năng bị nhiễm bệnh.

Sự khác biệt giữa N95s và KN95s là gì?

Theo sở y tế bang Oklahoma, sự khác biệt giữa khẩu trang N95 và KN95 là ở nơi nó được chứng nhận. N95 là loại khẩu trang y tế được kiểm tra, chứng nhận và giám sát tại Hoa Kỳ và được các chuyên gia sức khỏe cộng đồng khuyến nghị. Ngược lại, các nhà sản xuất ở Trung Quốc thử nghiệm KN95, nhưng chính phủ nước này không có cơ quan quản lý xác nhận chúng, Aaron Collins, giáo sư danh dự tại Trường Kỹ thuật của Đại học Mercer và là một kỹ sư cơ khí có nền tảng về khoa học cát hạt aerosol cho biết.

Theo CDC, khoảng 60% khẩu trang KN95 được NIOSH đánh giá trong đại dịch năm 2020 và 2021 không đáp ứng được các yêu cầu được quảng cáo.

“Nếu chúng được làm theo tiêu chuẩn và được chứng nhận bởi các hội đồng thích hợp ở quốc gia của họ như NIOSH ở đây, thì về cơ bản chúng đều hoạt động giống nhau,” Bromage nói. Các khẩu trang y tế KN95 “có thể đáp ứng các tiêu chuẩn, nhưng chúng không được chứng nhận là đáp ứng các tiêu chuẩn đó. Và có những trường hợp rõ ràng là không đạt”.

Kelly Carothers, giám đốc phụ trách các vấn đề chính phủ và tính bền vững trong Dự án N95, cơ quan trọng tài quốc gia đang làm việc để cung cấp quyền truy cập công bằng vào thiết bị bảo vệ cá nhân và các xét nghiệm coronavirus cho biết: Khẩu trang KF94 là khẩu trang của Nam Hàn được thử nghiệm và giám sát bởi Bộ An Toàn Thực Phẩm và Dược Phẩm nước này.

Nói tóm lại là như thế này: Quý vị và anh chị em đừng đeo khẩu trang vải, nhưng trước đà lây lan của biến thể Omicron, hãy dùng N95 là khẩu trang y tế của Mỹ hay khẩu trang y tế KF94 của Nam Hàn. KN95 là của Trung Quốc, không đạt tiêu chuẩn.
Source:CNN
 
Diễn Đàn Công Lý và Hòa Binh tố Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ im lặng trước bạo lực nhắm vào người Thiên Chúa Giáo
Nguyễn long Thao
11:14 24/01/2022
Điễn Đàn Công Lý và Hòa Bình thúc giục các Giám Mục Ấn Độ nêu bật các cuộc tấn công gần đây nhằm vào những người theo đạo Thiên Chúa Giáo. Trong một bức thư đề ngày 10 tháng 1, các thành viên của Diễn đàn Công lý và Hòa bình (Forum for Justice and Peace) tuyên bố rằng Hội đồng Giám mục Công Giáo Ấn Độ (CBCI) đã im lặng trước tình trạng bạo lực chống Thiên Chúa Giáo ngày càng gia tăng.

Trong thư họ viết: “Trong hai ngày 24-25 tháng 12 vừa qua, các phương tiện truyền thông đưa tin có bảy cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở Thiên Chúa Giáo trên khắp đất nước.

Lá thư viết thêm “Trên thực tế, trong năm 2021, có 486 vụ bạo lực chống lại cộng đồng Thiên Chúa Giáo ở Ấn Độ. Điều này gây sốc cho chúng tôi là sự im lặng hoàn toàn từ phía Hôi Đồng Giám Mục Ấn Độ. ”

Bức thư của Diễn đàn Công lý và Hòa bình đã được gửi tới Hồng Y Oswald Gracias, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ và là thành viên của Hội đồng Cố vấn Hồng Y của ĐTC Phanxicô.

Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới sau Trung Quốc, xếp hạng thứ 10 trên thế giới những người theo Thiên Chúa Giáo bị đối xử tàn tệ.

Theo điều tra dân số năm 2011, 79,8% trong số 1,38 tỷ dân của Ấn Độ là người theo đạo Ấn Giáo ( Hindu), 14,2% theo đạo Hồi và 2,3% theo đạo Thiên Chúa.

Quốc gia này có dân số Công Giáo lớn thứ hai ở châu Á sau Philippines. Có khoảng 20 triệu người Công Giáo ở Ấn Độ, bao gồm người Công Giáo theo nghi thức Latinh cũng như theo nghi thức Công Giáo Syro-Malabar.

Một báo cáo dân quyền công bố vào tháng 10 năm 2021 kết luận rằng ở Ấn Độ có 28 tiểu bang thì 21 tiểu bang có những người theo Thiên Chúa Giáo bị ngược đãi’

Thư của Diễn đàn vì Công lý và Hòa bình, viết: “Chúng tôi yêu cầu Hội Đồng Giám Mục ra hướng dẫn để cộng đồng Công Giáo ở Ấn Độ biết ứng phó thế nào với những phát biểu hận thù và bạo lực ngày càng gia tăng đối với người Hồi giáo và Thiên Chúa Giáo.

Thư viết tiếp: “Khi người Hồi giáo bị các nhóm cực hữu áp bức, Giáo hội Ấn Độ đã im lặng. Giờ đây đến lượt những người theo đạo Thiên chúa bị nhóm cực hữu gia tăng tấn công ”.

“Quan điểm của chúng tôi là những người Công Giáo không thể đóng vai trò khán giả im lặng khi bộ phim tấn công bạo lực chống lại các nhóm thiểu số đang diễn ra trước mắt chúng tôi. Chúng ta cần phải hành động và hoàn thành vai trò tiên tri của mình trước khi quá muộn ”.

Các tác giả bức thư đã yêu cầu Đức Hồng Y Gracias, tổng giám mục của Bombay, thông qua một kế hoạch gồm bảy điểm để giúp đỡ các người Thiên Chúa Giáo Ấn Độ bị đàn áp.

Các đề xuất bao gồm việc viết thư cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người đã mời Giáo hoàng đến Ấn Độ vào tháng 10, thúc giục ông ra lệnh cho các nhà lãnh đạo địa phương "ngăn chặn những hành động tàn bạo như vậy trong tương lai và truy tìm thủ phạm có liên quan đến những tội ác này."

Họ cũng kêu gọi nhanh chóng tố cáo các hành vi bạo lực chống lại Thiên Chúa Giáo và tổ chức và các cuộc biểu tình phản đối. Các hành động bạo lực chống lại cộng đồng Thiên Chúa Giáo và cộng đồng Hồi giáo hoặc bất kỳ nhóm thiểu số nào khác là hoàn toàn vi phạm hiến pháp Ấn Độ,”

Bức thư kết luận.

“Nếu chúng ta không phản ứng trước những hành vi như vậy, thì cấu trúc thế tục của Ấn Độ sẽ bị mất, gây ra thiệt hại không thể bù đắp cho người dân Ấn Độ, và một Ấn Độ dân chủ và đa nguyên như được hình dung trong phần mở đầu của hiến pháp Ấn Độ sẽ có thể bị mất vĩnh viễn. ”

Nguyễn Long Thao
 
Giẫm đạp tại một buổi lễ tôn giáo ở Liberia giết chết 29 người
Đặng Tự Do
16:00 24/01/2022


Ít nhất 29 người ở Liberia, bao gồm 11 trẻ em và một phụ nữ mang thai, đã chết trong một vụ giẫm đạp lên nhau tại một buổi lễ Kitô Giáo ở một khu vực đông dân cư của thủ đô Monrovia.

Phát ngôn viên cảnh sát Moses Carter nói với Associated Press rằng vụ giẫm đạp nổ ra khi một nhóm côn đồ có trang bị dao tấn công một số người trong số hàng trăm người tham dự buổi lễ vào khoảng 9 giờ tối thứ Tư.

Một người đã bị bắt. Linh mục Abraham Kromah, người đang cử hành buổi lễ và là cha sở một nhà thờ ở thị trấn Monrovia, New Georgia cũng bị đưa đến để thẩm vấn về vụ việc.

Các thi thể đã được đưa đến nhà xác của Bệnh viện Redemption, gần nơi xảy ra vụ việc ở một khu vực bãi biển có tên là New Kru Town.

Hội Hồng Thập Tự đã dựng lều gần hiện trường để các gia đình vào chụp ảnh nhận dạng thi thể người thân.

Các băng nhóm đường phố đã trở thành một vấn đề ngày càng gia tăng ở Monrovia và các thành phố khác của Liberia trong những năm gần đây.

Tổng thống Liberia George Weah đã đến thăm hiện trường hôm thứ Năm và tuyên bố ba ngày quốc tang.
Source:AP
 
Phản ứng của hàng giáo phẩm Hoa Kỳ sau khi một nhóm phò phá thai chiếu các khẩu hiệu lên Đền Thánh Quốc Gia
Đặng Tự Do
16:01 24/01/2022


Nhóm ủng hộ phá thai đã chiếu các thông điệp phò phá thai của chúng lên mặt tiền của Đền Thánh Quốc Gia Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Washington DC trong khi thánh lễ khai mạc Cuộc Tuần Hành Phò Sinh đang diễn ra bên trong ngôi thánh đường.

Từ phía bên kia đường, những kẻ phò phá thai đã dùng máy móc chiếu các thông điệp của chúng, chẳng hạn như: “Những người Công Giáo phò lựa chọn, các bạn không đơn độc”. Phò lựa chọn – Pro-Choice, là từ ngữ nói cho hoa mỹ, đánh lận con đen, thực chất nó có nghĩa là phò phá thai.

Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì thường vẫn có một số ít người phản đối Cuộc Tuần Hành Phò Sinh hàng năm, được tổ chức nhân ngày ra phán quyết của Tòa án Tối cao trong vụ Roe kiện Wade, qua đó hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn quốc Hoa Kỳ.

Điều khác biệt ở đây là bức tranh này được trải dài trên mặt tiền của Đền Thánh Quốc Gia Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Nhà thờ Công Giáo lớn nhất ở Mỹ này đang chật kín những người Công Giáo phò sinh tham dự Thánh lễ và Lễ Canh thức Cầu nguyện Quốc gia cho Sự sống.

Các thông điệp, trải khắp mặt trước của Đền Thánh Quốc Gia Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội được chiếu từ một vỉa hè dành cho người đi bộ trên Đại lộ Michigan bởi một nhóm nhỏ tự nhận là những người Công Giáo phò lựa chọn.

Có lúc những kẻ này chiếu lên hàng chữ “Cứ 4 bệnh nhân phá thai thì có 1 người theo đạo Công Giáo”. Một tuyên bố khác, lần này lên xuống trên tháp chuông có nội dung “Ngừng bêu xấu những người phá thai” và “Bắt đầu lắng nghe”.

Jack Jenkins, phóng viên quốc gia của Religion News Service, là người đầu tiên phát hiện ra trò này và đưa lên ngay Twitter và cáo buộc nhóm Catholics Pro-Choice gây ra vụ này. John Becker, phát ngôn viên của nhóm này, hãnh diện xác nhận với Aleteia rằng chính họ đã thực hiện điều đó.

“Chúng tôi đã làm điều đó song song với Cuộc Tuần Hành Phò Sinh, bởi vì chúng tôi cảm thấy điều quan trọng là phải đưa ra sự thật rằng phần lớn người Công Giáo ủng hộ việc phá thai và Cuộc Tuần Hành Phò Sinh ở DC nhận được rất nhiều sự chú ý của giới truyền thông, nhưng họ không nói thay cho chúng tôi”.

Tên John Becker huênh hoang rằng 64% người Công Giáo đảng viên Đảng Dân chủ tin rằng phá thai phải được hợp pháp hóa.

Đức Hồng Y Wilton Gregory của Washington, người giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị của Đền Thánh Quốc Gia Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, cho biết trong một tuyên bố vào sáng thứ Sáu, “Tiếng nói thực sự của Giáo hội chỉ được tìm thấy trong Đền Thánh Quốc Gia Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội vào tối hôm qua. Ở đó, mọi người cầu nguyện và dâng Thánh Thể để xin Chúa phục hồi một lòng tôn kính đích thực sự sống trong toàn thể nhân loại. Những người gây ra trò hề chiếu những từ ngữ bên ngoài mặt tiền của nhà thờ đã chứng minh bằng những trò đùa đó rằng họ thực sự là người bên ngoài Giáo hội và họ đã làm như vậy vào ban đêm.” Gioan chương 13, câu 30.

Đức Hồng Y Grêgôriô đã thêm phần tham chiếu Gioan chương 13, câu 30 vào cuối lời tuyên bố của mình. Đó là đoạn Phúc Âm thuật lại chuyện Giuđa Iscariot rời Bữa Tiệc Ly trên đường phản bội Chúa Giêsu. Đoạn văn kết luận, “Và đó là ban đêm.”

Tổng Giám mục Salvatore J. Cordileone của San Francisco viết trên Twitter: “Mưu toan báng bổ này là một xúc phạm rất lớn. Loài Satan.”

Ký giả Jack Jenkins, của Religion News Service, ghi nhận rằng đã có nhiều người phản đối nhóm báng bổ này. Một người đàn ông hét lên: “Không có cái gọi là người Công Giáo phò lựa chọn. Những kẻ phò phá thai sẽ xuống Địa ngục”.

Trong Thánh lễ đầu Canh thức, trong khi những kẻ phá đám đang trình chiếu thông điệp của mình, Đức Tổng Giám Mục William E. Lori của Baltimore, đã nói trong một bài giảng, “Phá thai là một lựa chọn bi thảm với hậu quả lâu dài. Điều cần thiết trong hoàn cảnh như vậy là một chứng tá cho tình yêu và cho sự sống… Tối nay, tôi xin gửi lời chào mừng đến những người đang thực thi sứ vụ như vậy”.

“Giáo hội không từ bỏ những người nam nữ đã chọn phá thai. Giáo hội tìm cách mang lại ánh sáng, sự chữa lành và hy vọng.”

Trò chiếu các khẩu hiệu phò phá thai trên mặt tiền của Đền Thánh Quốc Gia Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội không phải là cuộc biểu tình duy nhất trong tháng này nhắm vào một nhà thờ Công Giáo. Một tổ chức ủng hộ phá thai ở thành phố New York đã kêu gọi những người ủng hộ có mặt tại Nhà thờ Thánh Patrick ở Manhattan vào thứ Bảy để làm gián đoạn Thánh lễ lúc 5 giờ chiều “Mang theo nhạc cụ / nồi và chảo”, một thông báo trên Twitter của đám này viết.
Source:Aleteia
 
Thánh lễ canh thức Cuộc Tuần Hành Phò Sinh
Đặng Tự Do
16:02 24/01/2022


Đức Tổng Giám Mục William Lori kêu gọi người Công Giáo tiếp tục hỗ trợ phụ nữ mang thai, trẻ em và những người còn sống sót sau chấn thương phá thai.

Tâm trạng hoàn toàn khác trong Thánh lễ Canh thức năm nay được tổ chức vào đêm trước của Cuộc Tuần Hành Phò Sinh. Một sự lạc quan thận trọng về cuộc chiến thay mặt cho những đứa trẻ chưa chào đời đã được phản ánh trong bài giảng của Đức Tổng Giám Mục William Lori của tổng giáo phận Baltimore.

Đức Tổng Giám Mục Lori, tân chủ tịch Ủy ban các hoạt động phò sinh của Hội Đồng Giám Mục, gọi tắt là USCCB, cho biết: “Khi chúng ta cử hành Thánh lễ cầu nguyện vì sự sống này, chúng ta ý thức sâu sắc rằng Tòa án Tối cao đang cân nhắc trong vụ Dobbs kiện Tổ chức Sức khỏe Phụ nữ Jackson”

“Vụ án này cho Tòa án Tối cao một cơ hội để xóa bỏ sự bất công nghiêm trọng mà nó đã gây ra vào năm 1973, khi đưa ra phán quyết trong vụ Roe kiện Wade, trong đó người ta quyết định rằng cả một lớp người, cụ thể là những đứa trẻ chưa sinh, không được bảo vệ bởi luật pháp, và do đó 'không phải là con người'“. Đức Tổng Giám Mục Lori đưa ra lập trường trên khi ngài nói với những người ủng hộ sự sống tập hợp tại Đền Thánh Quốc Gia Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Washington, DC.

Đức Tổng Giám Mục Lori nhấn mạnh rằng nếu Roe bị lật ngược, người Công Giáo phải đấu tranh để có luật hỗ trợ phụ nữ và trẻ em.

Ngài nói: “Nếu việc bảo vệ bằng pháp luật được đồng hành với việc quan tâm nhiều hơn đến các bà mẹ và trẻ em, thì ngày càng có nhiều người dân chúng ta hiểu rằng việc lựa chọn cuộc sống không cản trở hạnh phúc và không tạo gánh nặng cho xã hội”.

Ngài nhấn mạnh rằng: “Ngược lại, lựa chọn cuộc sống tạo ra một xã hội hướng tới tương lai với hy vọng, một xã hội mà người phụ nữ không bao giờ bị buộc phải lựa chọn giữa tương lai của mình và đứa con chưa chào đời”.

Người Công Giáo nên đoàn kết ủng hộ một xã hội và luật lệ “bảo vệ và chăm sóc phụ nữ và trẻ em của họ, và” nhân đôi nỗ lực của chúng ta trong việc đồng hành với những phụ nữ và các cặp vợ chồng đang mang thai ngoài ý muốn hoặc đang gặp khó khăn, cung cấp cho họ sự chăm sóc yêu thương và nhân ái “.

Đức Tổng Giám Mục Lori hoan nghênh sự đóng góp của Ủy ban phò simh của USCCB như chương trình “Đồng hành với các mẹ đang cần”, các Nữ tu Phò Sinh, các trung tâm trợ giúp mang thai và Dự án Rachel, hỗ trợ cả phụ nữ mang thai và trong trường hợp của Dự án Rachel, nâng đỡ những phụ nữ bị chấn thương vì phá thai.

Ngài nói: “Bằng tất cả những cách này và hơn thế nữa, Giáo hội tìm cách mang lại ánh sáng, sự chữa lành và hy vọng, từ đó làm chứng cho vẻ đẹp của cuộc sống, và 'xây dựng một nền văn hóa sống', hướng đến các bà mẹ và trẻ em”.

“Anh chị em hãy ra đi từ Thánh lễ này với một quyết tâm mới là liên hệ với một thành viên trong gia đình, một người hàng xóm hoặc một giáo dân đồng đạo, để khuyến khích họ tham gia vào mục đích lớn lao này cho cuộc sống,” và “tiếp cận theo cách cá nhân để giúp đỡ những gia đình đang gặp khó khăn”.

Ngài nói: “Đây là thời điểm chúng ta tạo ra một nền văn hóa, một lối sống mới ở Mỹ”.
Source:Aleteia
 
VietCatholic TV
Huấn dụ và phép lành của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 23/1
VietCatholic Media
03:44 24/01/2022


Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Trong bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng (x. Lc 4:14-21): đó là bài giảng đầu tiên của Chúa Giêsu. Ngài đến Nazareth, nơi Ngài lớn lên, và tham gia cầu nguyện trong hội đường. Ngài đứng dậy để đọc và, trong cuộn sách tiên tri Isaia, Chúa Giêsu tìm thấy đoạn văn liên quan đến Đấng Mêsia, Đấng công bố sứ điệp an ủi và giải phóng cho người nghèo và những người bị áp bức (x. Is 61: 1-2). Sau khi đọc, “mọi người đều dán mắt vào Ngài” (câu 20). Và Chúa Giêsu mở đầu với những lời này: “Hôm nay lời Kinh thánh này đã được ứng nghiệm” (câu 21). Chúng ta hãy tập trung vào cụm từ này “ngày hôm nay”. Đây là những lời đầu tiên trong lời rao giảng của Chúa Giêsu được tường thuật trong Phúc Âm Luca. Từ “hôm nay” được Chúa công bố, chỉ ra một “hôm nay” vượt qua mọi thời đại và luôn luôn có giá trị. Lời Chúa luôn là “hôm nay”. “Ngày hôm nay” bắt đầu: khi anh chị em đọc Lời Chúa, “ngày hôm nay” bắt đầu trong tâm hồn anh chị em, nếu anh chị em hiểu đúng. Hôm nay. Lời tiên tri của Isaia có từ nhiều thế kỷ trước, nhưng Chúa Giêsu, “với quyền năng của Thánh Linh” (câu 14), làm cho lời tiên tri ấy trở nên hiện hành và trên hết, làm cho lời tiên tri này hoàn thiện và chỉ ra con đường tiếp nhận Lời Thiên Chúa. Không giống một truyện cổ tích, không: ngày hôm nay. Chúa nói với tâm hồn của anh chị em ngày hôm nay.

Những người dân làng của Chúa Giêsu bị đánh động bởi lời của Ngài. Ngay cả khi họ bị bao phủ bởi những định kiến, họ không tin Ngài, họ nhận ra rằng giáo huấn của Ngài khác với giáo huấn của những người thầy khác (xem câu 22): họ cho rằng có nhiều điều hơn trong giáo huấn của Chúa Giêsu. Có điều gì? Thưa: Có sự xức dầu của Chúa Thánh Thần. Đôi khi, những bài giảng và giáo lý của chúng ta còn chung chung, trừu tượng, không chạm đến tâm hồn và cuộc sống của con người. Và tại sao? Thưa: Bởi vì những lời ấy thiếu sức mạnh của ngày hôm nay, điều mà Chúa Giêsu “lấp đầy ý nghĩa” với quyền năng của Thánh Linh là ngày nay. Hôm nay Người đang nói chuyện với anh chị em. Đúng vậy, đôi khi anh chị em nghe thấy những bài giảng rất kêu, những bài phát biểu được xây dựng tốt, tuy nhiên, những điều này không làm lay động trái tim và vì vậy mọi thứ vẫn như trước. Tôi nói điều này với sự tôn trọng nhưng với nỗi đau: Nhiều bài giảng cũng thế, quá trừu tượng, và thay vì đánh thức linh hồn các bài giảng ấy đưa người ta vào giấc ngủ. Khi các tín hữu bắt đầu nhìn đồng hồ - "khi nào điều này kết thúc?" - họ đang đưa linh hồn mình vào giấc ngủ. Khi rao giảng, chúng ta có nguy cơ này: nếu không có sự xức dầu của Thánh Linh, những lời rao giảng của chúng ta sẽ làm nghèo đi Lời Chúa, nó sẽ biến mất trong chủ nghĩa luân lý hoặc trong các khái niệm trừu tượng; trình bày Tin Mừng với sự tách rời, như thể nó đã hết thời, xa rời thực tế. Đó không phải là cách. Nhưng một lời nói mà sức mạnh của ngày hôm nay không có thì không xứng đáng với Chúa Giêsu và nó không giúp ích gì cho cuộc sống của con người. Vì lý do này, những người rao giảng phải là những người đầu tiên cảm nghiệm ngày hôm nay của Chúa Giêsu, để có thể truyền đạt điều đó trong ngày hôm nay của những người khác. Và nếu anh ta muốn giảng bài học, hội thảo, hãy để anh ta làm điều đó, nhưng ở một nơi khác, không phải vào thời điểm của bài giảng, nơi anh ta phải cung cấp Lời Chúa làm rung động lòng người.

Anh chị em thân mến, trong Chúa nhật Lời Chúa này, tôi muốn cảm ơn những người rao giảng và loan báo Tin Mừng, những người vẫn trung thành với Lời làm rung động trái tim, những người vẫn trung thành với “ngày hôm nay”. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ, để họ có thể sống ngày hôm nay của Chúa Giêsu, sức mạnh ngọt ngào của Thánh Linh Ngài làm cho Kinh Thánh sống động. Thật vậy, Lời Chúa sống động và hữu hiệu (xem Dt 4:12), Lời Chúa thay đổi chúng ta, đi vào công việc của chúng ta, soi sáng cuộc sống hàng ngày của chúng ta, điều hòa và mang lại trật tự. Chúng ta hãy nhớ: Lời Chúa biến đổi mọi ngày thành “ngày hôm nay” mà Chúa nói với chúng ta. Vì vậy, chúng ta hãy cầm trên tay cuốn Phúc Âm, mỗi ngày một đoạn văn nhỏ để đọc đi đọc lại. Mang theo Phúc Âm trong túi hoặc ví của anh chị em, để đọc trong suốt cuộc hành trình, bất cứ lúc nào, và đọc một cách chậm rãi. Theo thời gian, chúng ta sẽ khám phá ra rằng những từ đó được tạo ra đặc biệt cho chúng ta, cho cuộc sống của chúng ta. Chúng sẽ giúp chúng ta đón nhận mỗi ngày với một cái nhìn tốt hơn, thanh thản hơn, bởi vì, khi Tin Mừng đi vào ngày hôm nay, thì Tin Mừng tràn ngập với Thiên Chúa. Tôi muốn đưa ra cho anh chị em một đề xuất. Vào các Chúa nhật của năm phụng vụ này, Tin Mừng của Thánh Luca, Tin Mừng của lòng thương xót, được công bố. Tại sao không đọc Tin Mừng một cách cá vị, toàn bộ, một bước nhỏ mỗi ngày? Từng bước nhỏ. Chúng ta hãy làm quen với Tin Mừng, Lời Chúa sẽ mang lại cho chúng ta sự mới mẻ và niềm vui của Chúa!

Lời Chúa cũng là ngọn hải đăng hướng dẫn con đường đồng nghị được phát động trong toàn Giáo hội. Trong khi chúng ta cam kết lắng nghe nhau, với sự chú ý và phân định - bởi vì nó không phải là để tìm hiểu ý kiến, không, mà là phân định Lời Chúa - chúng ta cùng nhau lắng nghe Lời Chúa và Chúa Thánh Thần. Và xin Đức Mẹ ban cho chúng ta sự kiên trì để nuôi dưỡng chúng ta bằng Tin Mừng mỗi ngày.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Hôm qua tại San Salvador, linh mục Dòng Tên Rutilio Grande García và hai giáo dân đồng hành đã được phong chân phước, cùng với linh mục Cosme Spessotto dòng Phanxicô, các ngài là các vị tử đạo của đức tin. Các ngài đã đứng về phía người nghèo, làm chứng cho Tin Mừng, sự thật và công lý cho đến độ đổ máu. Cầu mong tấm gương anh hùng của các ngài khơi dậy trong tất cả chúng ta ước muốn trở thành những người can đảm của tình huynh đệ và hòa bình. Một tràng pháo tay cho các tân Chân Phước!

Tôi theo dõi với lo ngại về sự gia tăng căng thẳng có nguy cơ giáng một đòn mới vào hòa bình ở Ukraine và đặt vấn đề về an ninh trên lục địa Âu Châu, với những hậu quả thậm chí còn rộng lớn hơn. Tôi thực hiện một lời kêu gọi chân thành cho tất cả những người có thiện chí, hãy nâng cao lời cầu nguyện của họ lên Thiên Chúa Toàn năng, để mọi hành động và sáng kiến chính trị có thể phục vụ tình anh em của con người, thay vì lợi ích đảng phái. Ai theo đuổi mục tiêu riêng của mình để làm tổn hại đến người khác thì coi thường ơn gọi làm người của chính mình, bởi vì tất cả chúng ta đã được tạo dựng thành anh em với nhau. Vì lý do này và với sự lo lắng, trước những căng thẳng hiện tại, tôi đề xuất rằng Thứ Tư tới, ngày 26 tháng Giêng, là một ngày cầu nguyện cho hòa bình.

Trong khuôn khổ của Tuần Cầu nguyện cho Hiệp nhất Kitô giáo, tôi đã chấp nhận đề nghị từ nhiều khu vực khác nhau và tuyên bố Thánh Irênê thành Lyons là Tiến sĩ Hội Thánh Hoàn vũ. Giáo lý của vị Thầy và Người Mục Tử Thánh thiện này giống như một cầu nối giữa Đông và Tây: đây là lý do tại sao chúng ta gọi ngài là Tiến sĩ Hiệp nhất, Tiến sĩ Unitatis. Cầu xin Chúa ban cho chúng ta, qua sự chuyển cầu của Ngài, để tất cả biết cùng làm việc vì sự hiệp nhất trọn vẹn của các Kitô hữu.

Và bây giờ tôi gửi lời chào đến tất cả anh chị em, các tín hữu thân yêu của Rôma và những người hành hương từ Ý và các nước khác. Tôi đặc biệt chào mừng gia đình thiêng liêng của Những Người Tôi Tớ Đau Khổ và Những Hướng Đạo Sinh Agesci của Lazio. Và tôi cũng thấy rằng có một nhóm đồng hương: Tôi xin chào những người Á Căn Đình có mặt tại đây. Và cả những người con của Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Phóng sự đặc biệt: Chúa Nhật Lời Chúa 23/1 - Nghi thức trao thừa tác vụ tại Vatican
VietCatholic Media
03:48 24/01/2022

Lúc 9:30 sáng Chúa Nhật 23 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã cử hành Chúa Nhật thứ Ba Mùa Quanh Năm, là Chúa Nhật Lời Chúa.

Trong thánh lễ này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trao các thừa tác vụ giáo lý viên, và đọc sách cho anh chị em giáo dân lần đầu tiên tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Các ứng viên đã đến từ ba châu lục. Hai người đến từ vùng Amazon ở Peru được Đức Giáo Hoàng trao thừa tác vụ giáo lý viên, cùng với các ứng viên khác đến từ Brazil, Ghana, Ba Lan và Tây Ban Nha.

Ngài cũng đã trao thừa tác vụ đọc sách cho anh chị em giáo dân từ Hàn Quốc, Pakistan, Ghana và Ý.

Những người được gọi đến thừa tác vụ đọc sách đã được trao tặng một cuốn Kinh thánh, trong khi các giáo lý viên được giao phó một cây thánh giá. Cây thánh giá này là một bản sao của thánh giá mục vụ được sử dụng bởi các vị Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục và Gioan Phaolô II.

Trong số các ứng viên được Đức Thánh Cha Phanxicô trao thừa tác vụ trong thánh lễ này có chủ tịch Trung tâm Phòng thí nghiệm Rôma, được thành lập bởi Arnaldo Canepa, người đã cống hiến hơn 40 năm cuộc đời của mình cho việc dạy giáo lý cho trẻ em.

Do hạn chế đi lại liên quan đến sự bùng phát của biến thể omicron COVID-19, các ứng viên từ Cộng hòa Dân chủ Congo và Uganda đã không thể tham gia Thánh lễ, như kế hoạch ban đầu. Sự tham dự tại Đền Thờ Thánh Phêrô cũng được giới hạn chỉ 2,000 người.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Trong bài đọc thứ nhất và trong bài Tin Mừng, chúng ta thấy có hai hành vi song song. Tư tế Ezra nhấc cuốn sách lề luật của Thiên Chúa lên, mở nó ra và đọc to trước dân chúng. Trong hội đường Nazareth, Chúa Giêsu mở cuộn Sách Thánh và đọc một đoạn của Tiên tri Isaia trước sự chứng kiến của tất cả mọi người. Cả hai cảnh đều cho chúng ta thấy một thực tại cơ bản này: trọng tâm của đời sống dân thánh của Thiên Chúa và hành trình đức tin của chúng ta không phải là chính chúng ta và lời nói của chúng ta. Trọng tâm đó là Thiên Chúa và lời của Ngài.

Mọi thứ bắt đầu bằng lời Chúa nói với chúng ta. Nơi Đức Kitô, Ngôi Lời vĩnh cửu của Người, Chúa Cha “đã chọn chúng ta từ trước khi sáng thế” (Ep 1: 4). Nhờ Lời đó, Người đã tạo dựng vũ trụ: “Người đã nói, và nó đã hiện hữu” (Tv 33: 9). Từ thuở xưa, Người đã nói với chúng ta qua các ngôn sứ (x. Dt 1: 1), và cuối cùng, trong thời viên mãn (x. Gl 4, 4), Người đã gửi đến chúng ta chính Lời đó, là Con một của Người. Đó là lý do tại sao trong Tin Mừng, sau khi đọc sách Isaia, Chúa Giêsu nói một điều hoàn toàn bất ngờ: “Hôm nay lời Kinh thánh này đã được ứng nghiệm” (Lc 4:21). Được ứng nghiệm: lời Chúa không còn là một lời hứa nữa, nhưng bây giờ đã được ứng nghiệm. Trong Chúa Giêsu, lời hứa đã mang lấy xác thịt. Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, Lời Chúa đã đến ở giữa chúng ta và mong muốn tiếp tục ở giữa chúng ta, để hoàn thành những mong đợi của chúng ta và chữa lành vết thương của chúng ta.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy chăm chú nhìn vào Chúa Giêsu, như những người trong hội đường Nazareth xưa (xem câu 20). Họ dán mắt vào Ngài, vì Ngài là một người trong số họ, và tự hỏi, “Sự mới mẻ này là gì? Anh ta sẽ làm gì, con người này, là người mà mọi người đang bàn tán?” Còn chúng ta, chúng ta hãy đón nhận lời Người. Hôm nay, chúng ta hãy suy ngẫm về hai khía cạnh liên kết với nhau của điều này: lời mạc khải Thiên Chúa và lời dẫn chúng ta đến với con người. Ngôi Lời là trung tâm: mạc khải Thiên Chúa và dẫn chúng ta đến với con người.

Đầu tiên, Ngôi Lời mạc khải Thiên Chúa. Khi bắt đầu sứ vụ, khi bình luận về những lời của tiên tri Isaia, Chúa Giêsu đã loan báo một quyết định rõ ràng: Người đến để giải thoát những người nghèo và những người bị áp bức (xem câu 18). Bằng cách này, chính qua thánh thư, Ngài cho thấy thiên nhan Thiên Chúa là Đấng quan tâm đến sự nghèo khó của chúng ta và quan tâm đến số phận của chúng ta. Thiên Chúa không phải là một padrone, nghĩa là một vị lãnh chúa, xa cách và trên cao - một hình ảnh xấu xí nhưng không có thật của Thiên Chúa – nhưng Ngài mà là một Padre, một người Cha, luôn theo sát từng bước đi của chúng ta. Ngài không phải là người ngoài cuộc lạnh lùng, tách biệt và vô tình, một “Vị thần toán học”. Ngài là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, nhiệt tình quan tâm đến cuộc sống của chúng ta và tham gia vào cuộc đời chúng ta, thậm chí chia sẻ những giọt nước mắt của chúng ta. Ngài không phải là vị thần trung lập và thờ ơ, mà là Thánh Linh, người yêu của nhân loại, bảo vệ chúng ta, khuyên bảo chúng ta, bênh vực chúng ta, nâng đỡ chúng ta và gánh chịu nỗi đau của chúng ta. Người luôn có mặt. Đây là “tin mừng” (câu 18) mà Chúa Giêsu loan báo trước sự kinh ngạc của tất cả mọi người: Thiên Chúa đang ở gần, và Ngài muốn chăm sóc cho tôi và cho anh chị em, cho tất cả mọi người. Cách thức của Thiên Chúa là gần gũi. Ngài thậm chí còn tự định nghĩa mình là sự gần gũi. Trong sách Đệ Nhị Luật, Thiên Chúa nói với mọi người: “có dân tộc nào được thần minh ở gần, như Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta” (Đnl 4: 7). Một vị thần của sự gần gũi, của sự gần gũi từ bi và dịu dàng. Ngài muốn giải tỏa những gánh nặng đè bẹp anh chị em, sưởi ấm cái lạnh giá mùa đông của anh chị em, để làm bừng sáng sự thê lương thường ngày của anh chị em và nâng đỡ những bước chân chùn bước của anh chị em. Ngài làm điều này bằng lời nói của Ngài, bằng lời thắp lên hy vọng trở lại giữa đống tro tàn của những nỗi sợ hãi của anh chị em, để giúp anh chị em tìm lại niềm vui khi thoát ra khỏi mê cung của nỗi buồn, để lấp đầy hy vọng vào cảm giác cô đơn của anh chị em. Người khiến anh chị em tiến về phía trước, không phải trong mê cung, mà là trên hành trình hàng ngày để tìm kiếm Người.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta có mang trong lòng mình hình ảnh giải thoát này của Thiên Chúa, Thiên Chúa của sự gần gũi, từ bi và dịu dàng, hay chúng ta nghĩ về Người như một thẩm phán nhẫn tâm, một kế toán viên luôn ghi chép từng khoảnh khắc trong cuộc sống của chúng ta? Có phải đức tin của chúng ta tạo ra hy vọng và niềm vui, hay giữa chúng ta vẫn còn một đức tin vẫn bị đè nặng bởi nỗi sợ hãi, một đức tin khiếp sợ? Khuôn mặt của Thiên Chúa mà chúng ta công bố trong Hội Thánh là gì? Đấng Cứu Rỗi giải thoát và chữa lành, hay Thiên Chúa đáng sợ, người đè nặng chúng ta với cảm giác tội lỗi? Để hoán cải chúng ta hướng đến Thiên Chúa thật, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy phải bắt đầu từ đâu: từ lời của Người. Từ đó, bằng cách kể cho chúng ta câu chuyện về tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta, Chúa Giêsu giải phóng chúng ta khỏi những sợ hãi và định kiến về Thiên Chúa đã bóp nghẹt niềm vui đức tin. Ngôi Lời đã lật đổ những thần tượng giả dối, vạch trần những dự đoán của chúng ta, phá hủy tất cả những hình ảnh quá phàm tục của chúng ta về Thiên Chúa và đưa chúng ta trở lại nhìn thấy thiên nhan đích thật của Ngài, lòng thương xót của Ngài. Lời Chúa nuôi dưỡng và đổi mới đức tin: chúng ta hãy đặt Lời Chúa trở lại trung tâm của lời cầu nguyện và đời sống thiêng liêng của chúng ta! Chúng ta hãy đặt ở trung tâm lời mạc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa là như thế nào. Lời kéo chúng ta đến gần Chúa.

Bây giờ là khía cạnh thứ hai: Lời Chúa dẫn chúng ta đến với con người. Đến với Chúa và đến với con người. Chính khi khám phá ra rằng Thiên Chúa là tình yêu thương nhân hậu, chúng ta đã vượt qua cám dỗ khép mình trong một tôn giáo chỉ dành cho sự thờ phượng bên ngoài, một tôn giáo không thể chạm đến và không thể biến đổi cuộc sống của chúng ta. Đây là sự thờ ngẫu tượng, dù được che đậy và tinh tế, nhưng nói cho cùng là tôn thờ ngẫu tượng. Lời Chúa thúc đẩy chúng ta đi ra khỏi chính mình và gặp gỡ anh chị em của chúng ta chỉ với sức mạnh âm thầm từ tình yêu giải phóng của Thiên Chúa. Đó chính là điều mà Chúa Giêsu cho chúng ta thấy trong hội đường Nazareth: Người đã được sai đến với những người nghèo - là tất cả chúng ta - để giải thoát họ. Ngài không đến để đưa ra một bộ quy tắc hoặc để cử hành một nghi lễ tôn giáo nào đó; đúng hơn, Người đã xuống đường phố của thế giới chúng ta để gặp gỡ nhân loại bị thương của chúng ta, để vuốt ve những khuôn mặt đang nhăn nheo vì đau khổ, để băng bó những trái tim tan vỡ và để giải thoát chúng ta khỏi các xiềng xích giam cầm linh hồn. Bằng cách này, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy cách thức thờ phượng đẹp lòng Thiên Chúa nhất: đó là quan tâm đến người lân cận. Chúng ta cần quay lại vấn đề này. Bất cứ khi nào trong Hội Thánh có những cám dỗ đến sự cứng nhắc, vốn là một sự đồi bại, bất cứ khi nào chúng ta nghĩ rằng việc tìm kiếm Chúa có nghĩa là trở nên cứng rắn hơn, với nhiều luật lệ hơn, những điều đúng đắn, những điều rõ ràng… thì đó không phải là cách. Khi nhìn thấy những đề xuất có phần cứng nhắc, chúng ta hãy nghĩ ngay: đây là một ngẫu tượng, không phải là Chúa. Thiên Chúa của chúng ta không phải như vậy.

Anh chị em thân mến, lời Chúa thay đổi chúng ta. Sự cứng nhắc không thay đổi chúng ta, nó che giấu chúng ta; Lời Chúa thay đổi chúng ta. Lời Chúa xuyên thấu tâm hồn chúng ta như một thanh gươm (xem Dt 4:12). Một mặt, Lời Chúa an ủi chúng ta bằng cách cho chúng ta thấy thiên nhan Chúa, mặt khác, Lời Chúa thách thức và làm phiền chúng ta, nhắc nhở chúng ta về những mâu thuẫn của chúng ta. Lời Chúa làm chúng ta rung động. Lời Chúa không mang lại hòa bình cho chúng ta bằng cái giá là chấp nhận một thế giới thống trị bởi bất công và đói kém, nơi mà cái giá luôn phải trả bởi những người yếu đuối nhất. Người nghèo luôn luôn phải trả giá. Lời Chúa thách thức thói tự biện minh cho mình khiến chúng ta đổ lỗi mọi điều sai trái cho người khác và các tình huống khác. Chúng ta cảm thấy đau đớn biết bao khi nhìn thấy anh chị em của mình chết trên biển vì không ai cho vào bờ! Và một số người làm điều này nhân danh Chúa. Lời Chúa mời gọi chúng ta bước ra ngoài trời, không che giấu sự phức tạp của các vấn đề, đằng sau cái cớ rằng “không thể làm được gì về điều đó” hoặc “đó là vấn đề của người khác”, hoặc “tôi có thể làm gì đây?”, “Hãy để yên như thế đi”. Lời Chúa thúc giục chúng ta hành động, kết hợp việc thờ phượng Chúa và chăm sóc cho con người. Vì thánh thư đã không được ban cho chúng ta để giải trí, dạy dỗ chúng ta bằng một tâm linh thiên thần, nhưng khiến chúng ta phải đi ra ngoài và gặp gỡ những người khác, đến gần vết thương của họ. Tôi đã nói đến sự cứng nhắc, rằng thuyết Pêlagiô hiện đại [dựa vào ý chí con người, đánh giá thấp tác động của ân sủng Chúa – chú thích của người dịch] là một trong những cám dỗ của Giáo hội. Và còn một cám dỗ khác nữa, đó là tìm kiếm một tâm linh thiên thần, ở một mức độ nào đó, đây là cám dỗ ngày nay: các phong trào ngộ đạo, một thuyết ngộ đạo, đề xuất một lời Chúa đưa anh chị em “vào quỹ đạo” và không làm cho anh chị em chạm vào thực tế. Ngôi Lời đã trở nên xác thịt (x. Ga 1,14) mong muốn trở nên xác phàm trong chúng ta. Lời của Người không loại bỏ chúng ta khỏi cuộc sống, nhưng đưa chúng ta vào cuộc sống, vào cuộc sống hàng ngày, lắng nghe những đau khổ của người khác và tiếng kêu của người nghèo, và nhìn ra những bạo lực và bất công đang làm tổn thương xã hội và thế giới của chúng ta. Lời Chúa thách thức chúng ta, với tư cách là các Kitô Hữu, đừng thờ ơ, nhưng hãy là những tín hữu Kitô năng động, sáng tạo, những Kitô Hữu tiên tri.

“Hôm nay” - Chúa Giêsu nói - “lời Kinh Thánh này đã được ứng nghiệm” (Lc 4:21). Ngôi Lời muốn mang xác thịt hôm nay, trong thời đại mà chúng ta đang sống, chứ không phải trong một tương lai lý tưởng nào đó. Một nhà thần bí người Pháp vào thế kỷ trước, người đã chọn trải nghiệm Tin Mừng ở vùng ngoại vi, đã viết rằng lời Chúa không phải là “một bức thư chết”; đó là tinh thần và sự sống… Sự lắng nghe mà lời Chúa đòi hỏi chúng ta là 'ngày hôm nay' của chúng ta: hoàn cảnh của cuộc sống hàng ngày của chúng ta và nhu cầu của người lân cận” (Madeleine Delbrêl, La joie de croire, Paris, 1968). Vậy chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta có muốn noi gương Chúa Giêsu để trở thành thừa tác viên giải phóng và an ủi cho người khác, đưa lời nói vào hành động không? Chúng ta có phải là một Giáo hội ngoan ngoãn với Lời Chúa không? Một Giáo hội có khuynh hướng lắng nghe người khác, nỗ lực vươn tới để nâng cao anh chị em của chúng ta khỏi tất cả những gì áp bức họ, để gỡ bỏ các nút thắt của sợ hãi, giải phóng những người dễ bị tổn thương nhất khỏi nhà tù của nghèo đói, khỏi sự chán nản nội tâm và nỗi buồn, khỏi cuộc sống ngột ngạt? Chẳng lẽ đó không phải là những gì chúng ta muốn sao?

Trong cử hành này, một số anh chị em của chúng ta sẽ được chọn làm những người đọc sách và các giáo lý viên. Họ được mời gọi tham gia công việc quan trọng là phục vụ Tin Mừng của Chúa Giêsu, loan báo về Người, để niềm an ủi, niềm vui và sự giải thoát của Người có thể đến với mọi người. Đó cũng là sứ mệnh của mỗi người chúng ta: trở thành những sứ giả đáng tin cậy, những nhà tiên tri về lời Chúa trong thế giới. Do đó, chúng ta hãy phát triển lòng say mê đối với Kinh Thánh, chúng ta hãy sẵn sàng đào sâu lời Chúa, là điều mạc khải sự mới mẻ của Thiên Chúa và dẫn chúng ta đến tình yêu thương người khác một cách không mệt mỏi. Chúng ta hãy đặt lời Chúa làm trọng tâm của đời sống và hoạt động mục vụ của Hội Thánh! Bằng cách này, chúng ta sẽ được giải phóng khỏi mọi hình thái Pêlagiô cứng nhắc, khỏi mọi sự cứng nhắc, thoát khỏi ảo tưởng về một tâm linh đưa bạn “vào quỹ đạo”, không quan tâm đến việc chăm sóc anh chị em của chúng ta. Chúng ta hãy đặt lời Chúa làm trọng tâm của đời sống và hoạt động mục vụ của Hội Thánh. Chúng ta hãy lắng nghe lời đó, cầu nguyện với Lời Chúa và áp dụng vào thực tế.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Hướng dẫn của CDC để khỏi gục ngã vì biến thể. Bí ẩn quanh vụ lấy mạng 6 linh mục Dòng Tên
VietCatholic Media
04:00 24/01/2022


1. Tại sao Giáo Hội Công Giáo đang mất dần Mỹ Châu Latinh

Tờ Wall Street Journal có bài nhan đề “Why the Catholic Church Is Losing Latin America”, nghĩa là “Tại sao Giáo Hội Công Giáo đang mất dần Mỹ Châu Latinh”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Tatiana Aparecida từng đi dạo trên các con phố của thành phố Rio de Janeiro với tư cách là một người hành nghề mại dâm, nghiện cocaine. Năm ngoái, bà mẹ 5 con gia nhập một hội thánh Ngũ tuần nhỏ ở trung tâm thành phố Rio có tên là Thánh hóa trong Chúa và bỏ lại cuộc sống cũ của mình.

Tatiana Aparecida nói: “Mục sư ôm tôi mà không hỏi gì cả”. Tatiana, 41 tuổi, lớn lên là một người Công Giáo và là một trong hơn một triệu người Công Giáo Brazil đã bỏ đạo để gia nhập một nhà thờ Tin lành kể từ đầu đại dịch. Cô nói “Khi bạn nghèo, sẽ có rất nhiều khác biệt khi ai đó chỉ cần nói ‘chào buổi sáng’ với bạn, ‘buổi chiều tốt lành’ hoặc bắt tay bạn”. Trong nhiều thế kỷ, người Mỹ Latinh thường có nghĩa là theo Công Giáo; Công Giáo hầu như không phải đối mặt với sự cạnh tranh. Ngày nay, Công Giáo đã mất đi các tín hữu cho các tín ngưỡng khác trong khu vực, đặc biệt là giáo phái Tin lành Ngũ tuần, và gần đây là cho một làn sóng vô thần. Sự thay đổi đã tiếp tục dưới thời vị giáo hoàng người Mỹ Latinh đầu tiên.

Vào năm 2018, bảy quốc gia trong khu vực — Uruguay, Cộng hòa Dominica và năm quốc gia ở Trung Mỹ — trở thành các quốc gia nơi người Công Giáo trở thành thiểu số, theo một cuộc khảo sát của Latinobarómetro, một nhà thăm dò có trụ sở tại Chí Lợi.

Trong một cột mốc mang tính biểu tượng, Brazil, quốc gia có nhiều người Công Giáo nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, dự kiến sẽ trở thành quốc gia nơi người Công Giáo trở thành thiểu số ngay trong năm 2022 này, theo ước tính của các học giả theo dõi tín ngưỡng tôn giáo. Ở bang Rio, nó đã xảy ra. Người Công Giáo chỉ còn có 46% dân số, theo điều tra dân số quốc gia mới nhất vào năm 2010, và chỉ còn hơn một phần ba dân số ở các khu ổ chuột hoặc các vùng nghèo đói.

José Eustáquio Diniz Alves, một nhà nhân khẩu học hàng đầu người Brazil và là cựu giáo sư tại cơ quan thống kê quốc gia, cho biết: “Vatican đang mất đi quốc gia Công Giáo lớn nhất trên thế giới - đó là một mất mát to lớn, không thể thay đổi”. Với tỷ lệ hiện tại, ông ước tính người Công Giáo sẽ chiếm dưới 50% tổng số người Brazil vào đầu tháng Bảy năm nay.

Các lý do cho sự thay đổi này rất phức tạp, bao gồm những thay đổi chính trị làm giảm lợi thế của Giáo Hội Công Giáo so với các tôn giáo khác, cũng như việc thế tục hóa ngày càng gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới. Ông Diniz Alves cho biết: Trong thời kỳ đại dịch, các nhà thờ Tin Lành đã đặc biệt hiệu quả trong việc sử dụng mạng xã hội để thu hút mọi người tham gia.

Các nhà phê bình trong và ngoài Giáo Hội Công Giáo cũng chỉ ra rằng Giáo Hội Công Giáo không thỏa mãn được các nhu cầu tôn giáo và xã hội của nhiều người, đặc biệt là ở những người nghèo. Người Mỹ Latinh thường mô tả Giáo Hội Công Giáo là xa cách với các cuộc đấu tranh hàng ngày của anh chị em giáo dân.

Sự trỗi dậy của thần học giải phóng trong những năm 1960 và 1970, thời điểm mà Giáo Hội Công Giáo ở Mỹ Latinh ngày càng nhấn mạnh sứ mệnh của mình là công bằng xã hội, trong một số trường hợp, dựa trên những ý tưởng cộng sản của Mark, đã không chống lại được sức hấp dẫn của các giáo phái Tin lành. Người nghèo cần tiền và của ăn hàng ngày, họ không cần đấu tranh giai cấp, họ không hứng thú với các cuộc biểu tình, với ý tưởng công bằng xã hội xa vời. Hoặc, theo cách nói của một câu thơ đã trở thành huyền thoại, được cho là từ các nguồn Công Giáo và Tin lành khác nhau: “Giáo Hội Công Giáo chọn người nghèo, nhưng người nghèo chọn Tin lành Ngũ tuần.”

Sự suy giảm ảnh hưởng của Công Giáo ở Mỹ Latinh đã gây ra những hậu quả chính trị và xã hội sâu rộng. Ở các quốc gia như Brazil, việc chuyển đổi sang Tin lành Ngũ tuần đã thúc đẩy các quan điểm bảo thủ về mặt xã hội từ các khu ổ chuột đến hội trường Quốc hội, giúp thúc đẩy Tổng thống cánh hữu Jair Bolsonaro lên nắm quyền vào năm 2018.

Trong khi Tổng thống Bolsonaro vẫn xác định mình là Công Giáo, ông đã nhận phép rửa tội bởi một mục sư Ngũ tuần ở sông Jordan vào năm 2016 trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông. Những người theo phái Ngũ tuần và những người theo đạo Tin lành được đại diện nổi bật trong nội các của ông và chiếm một phần ba Quốc Hội của Brazil. Vợ của ông tham dự thường xuyên một nhà thờ Tin Lành.
Source:Sismografo

2. Đức Tổng Giám Mục San Salvador lên tiếng về trường hợp các linh mục Dòng Tên bị giết hại

Đức Tổng Giám Mục José Luis Escobar Alas của San Salvador, hoan nghênh việc mở lại vụ thảm sát các tu sĩ Dòng Tên, và nhấn mạnh rằng đó là một hành động công lý cho các nạn nhân, chứ không phải trả thù.

Nhà lãnh đạo Công Giáo nhấn mạnh rằng bằng cách mở vụ án, người dân San Salvador mới có hy vọng phát hiện ra ai đứng đằng sau sự kiện.

Theo Đức Tổng Giám Mục, vụ án nên được mở ra như tội ác chống lại nhân loại và cần có công lý, bởi vì các nạn nhân và gia đình có quyền được bồi thường và sẽ không bao giờ có hòa bình nếu các nạn nhân không được trả lại công lý.

“Với toàn bộ tình tiết mới nhất dẫn đến quyết định mở lại vụ án, chúng ta vui mừng vì rất nhiều yêu thương có lợi cho công lý, nhưng liệu công lý có được thực hiện hay không? Đó là vấn đề, nếu vụ án được mở lại, người dân mong công lý được thực hiện, tất cả mọi người đều kỳ vọng điều đó. Nếu không thì những phiên tòa sắp tới sẽ vô nghĩa”.

Vụ sát hại sáu tu sĩ Dòng Tên và hai cộng tác viên xảy ra vào năm 1989 bên trong Đại học Trung Mỹ José Simeón Cañas. Trong 6 tu sĩ Dòng Tên, có 5 vị là linh mục người Tây Ban Nha.

Tháng 9 năm 2020, một tòa án ở Tây Ban Nha đã kết án một cựu đại tá người Salvador 133 năm tù về tội giết 5 linh mục người Tây Ban Nha ở El Salvador hơn ba thập kỷ trước.

Tòa án quốc gia của Tây Ban Nha đã ra phán quyết rằng Inocente Orlando Montano, một cựu đại tá từng là thứ trưởng bộ nội vụ của El Salvador trong cuộc nội chiến từ năm 1979 đến năm 1992, phải chịu trách nhiệm về “vụ ám sát khủng bố” năm 1989.

Montano, 77 tuổi, ngồi trên xe lăn khi các thẩm phán đọc bản án, phạt ông 26 năm, tám tháng và một ngày cho mỗi cái chết.

Mỹ đã dẫn độ Montano sang Tây Ban Nha vào năm 2017. Trong phiên xét xử đầu năm 2020, Montano phủ nhận đã tham gia hoặc ra lệnh thực hiện các vụ thảm sát dẫn đến cái chết của 8 người trong khuôn viên Đại học Trung Mỹ José Simeón Cañas.

Trước tòa Montano nhìn với vẻ mặt bàng quang, mặt lạnh như tiền, không để lộ cảm giác nào khi tòa tuyên án.

Người ta tin rằng còn có các nhân vật khác ngoài Inocente Orlando Montano dính líu đến quyết định thảm sát các tu sĩ Dòng Tên tại San Salvador.
Source:diariolahuella.com

3. CDC đã cập nhật các nguyên tắc về khẩu trang y tế. Những điều cần biết về 'mức độ bảo vệ cao nhất'

Thông tấn xã CNN vừa có bài báo nhan đề “The CDC updated its mask guidelines. What to know about 'the highest level of protection'“, nghĩa là “CDC đã cập nhật các nguyên tắc về khẩu trang y tế. Những điều cần biết về 'mức độ bảo vệ cao nhất'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ đã thay đổi hướng dẫn về khẩu trang của mình để khuyến cáo mọi người “hãy đeo khẩu trang bảo vệ tốt nhất có thể, loại vừa vặn và bạn sẽ đeo một cách nhất quán.” Cơ quan này mô tả khẩu trang phòng độc vừa vặn đã được Viện Quốc gia về An toàn & Sức khỏe Nghề nghiệp, gọi tắt là NIOSH, phê duyệt - chẳng hạn như khẩu trang N95 - mang lại “mức độ bảo vệ cao nhất”.

Các hướng dẫn cập nhật được đưa ra sau khi nhiều chuyên gia sức khỏe cộng đồng đã khuyến cáo trong nhiều tháng rằng mọi người nên đeo khẩu trang hiệu quả hơn - đặc biệt là N95 - và CDC thay đổi hướng dẫn của mình về việc đeo khẩu trang.

“Khẩu trang vải không hơn gì đồ trang trí trên khuôn mặt. Nhà phân tích y tế của CNN, Tiến sĩ Leana Wen, bác sĩ cấp cứu và là giáo sư thỉnh giảng về chính sách và quản lý y tế tại Trường Y tế Công cộng Milken thuộc Đại học George Washington, gần đây cho biết như trên trong “CNN Newsroom.”

Ở những nơi đông người, “bạn nên đeo mặt nạ KN95 hoặc N95,” mỗi chiếc có thể tốn vài đô la, Wen nói thêm. Do một số vật liệu nhất định - chẳng hạn như sợi polypropylene - hoạt động như các rào cản cơ học và tĩnh điện, những khẩu trang này ngăn các hạt nhỏ đi vào mũi hoặc miệng của bạn tốt hơn và phải vừa khít với khuôn mặt của bạn để hoạt động bình thường.

Dưới đây là những điều bạn cần biết về khẩu trang y tế N95, nơi mua và cách sử dụng chúng an toàn.

Tại sao các chuyên gia khuyên dùng N95 ngay bây giờ?

Erin Bromage, phó giáo sư sinh học tại Đại học Massachusetts Dartmouth, nói với CNN vào tháng trước.

Khẩu trang vải - được khuyến khích trước đó trong đại dịch - có thể lọc các giọt lớn, trong khi các loại khẩu trang hiệu quả hơn, chẳng hạn như N95, có thể lọc cả những giọt lớn và những hại khí nhỏ hơn hoặc các hạt có khả năng chứa đầy vi rút trong không khí nếu có người bị nhiễm bệnh, Bromage nói.

Một khẩu trang che mặt bằng vải có 75% rò rỉ ở bên trong và bên ngoài, mà Hội nghị các nhà vệ sinh công nghiệp của chính phủ Hoa Kỳ xác định là “phần trăm hạt đi vào khẩu trang” và “phần trăm hạt thở ra bởi một nguồn thoát ra khỏi khẩu trang”.

Khẩu trang y tế N95 đã được NIOSH phê duyệt khi đeo phù hợp có thể lọc tới 95% các hạt trong không khí.

Hiện tại vẫn chưa rõ tại sao biến thể Omicron của coronavirus lại lây nhiễm sang nhiều người như vậy, nhưng điều đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang chất lượng cao, Bromage nói.

“Nếu ít vi-rút hơn đã đủ để nhiễm bệnh, hoặc nếu một người bị nhiễm đang đưa nhiều vi-rút ra ngoài, thì vai trò của một chiếc khẩu trang trong trường hợp này là, nếu chúng ta có thể cắt giảm lượng vi-rút mà bạn thực sự hít vào, bạn sẽ có được nhiều thời gian hơn” trước khi có khả năng bị nhiễm bệnh.

Sự khác biệt giữa N95s và KN95s là gì?

Theo sở y tế bang Oklahoma, sự khác biệt giữa khẩu trang N95 và KN95 là ở nơi nó được chứng nhận. N95 là loại khẩu trang y tế được kiểm tra, chứng nhận và giám sát tại Hoa Kỳ và được các chuyên gia sức khỏe cộng đồng khuyến nghị. Ngược lại, các nhà sản xuất ở Trung Quốc thử nghiệm KN95, nhưng chính phủ nước này không có cơ quan quản lý xác nhận chúng, Aaron Collins, giáo sư danh dự tại Trường Kỹ thuật của Đại học Mercer và là một kỹ sư cơ khí có nền tảng về khoa học cát hạt aerosol cho biết.

Theo CDC, khoảng 60% khẩu trang KN95 được NIOSH đánh giá trong đại dịch năm 2020 và 2021 không đáp ứng được các yêu cầu được quảng cáo.

“Nếu chúng được làm theo tiêu chuẩn và được chứng nhận bởi các hội đồng thích hợp ở quốc gia của họ như NIOSH ở đây, thì về cơ bản chúng đều hoạt động giống nhau,” Bromage nói. Các khẩu trang y tế KN95 “có thể đáp ứng các tiêu chuẩn, nhưng chúng không được chứng nhận là đáp ứng các tiêu chuẩn đó. Và có những trường hợp rõ ràng là không đạt”.

Kelly Carothers, giám đốc phụ trách các vấn đề chính phủ và tính bền vững trong Dự án N95, cơ quan trọng tài quốc gia đang làm việc để cung cấp quyền truy cập công bằng vào thiết bị bảo vệ cá nhân và các xét nghiệm coronavirus cho biết: Khẩu trang KF94 là khẩu trang của Nam Hàn được thử nghiệm và giám sát bởi Bộ An Toàn Thực Phẩm và Dược Phẩm nước này.

Nói tóm lại là như thế này: Quý vị và anh chị em đừng đeo khẩu trang vải, nhưng trước đà lây lan của biến thể Omicron, hãy dùng N95 là khẩu trang y tế của Mỹ hay khẩu trang y tế KF94 của Nam Hàn. KN95 là của Trung Quốc, không đạt tiêu chuẩn.
Source:CNN
 
Các Giám Mục Hoa Kỳ mạnh mẽ lên án hành động báng bổ tại Đền Thánh Quốc Gia Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội
VietCatholic Media
15:57 24/01/2022


1. Giẫm đạp tại một buổi lễ tôn giáo ở Liberia giết chết 29 người

Ít nhất 29 người ở Liberia, bao gồm 11 trẻ em và một phụ nữ mang thai, đã chết trong một vụ giẫm đạp lên nhau tại một buổi lễ Kitô Giáo ở một khu vực đông dân cư của thủ đô Monrovia.

Phát ngôn viên cảnh sát Moses Carter nói với Associated Press rằng vụ giẫm đạp nổ ra khi một nhóm côn đồ có trang bị dao tấn công một số người trong số hàng trăm người tham dự buổi lễ vào khoảng 9 giờ tối thứ Tư.

Một người đã bị bắt. Linh mục Abraham Kromah, người đang cử hành buổi lễ và là cha sở một nhà thờ ở thị trấn Monrovia, New Georgia cũng bị đưa đến để thẩm vấn về vụ việc.

Các thi thể đã được đưa đến nhà xác của Bệnh viện Redemption, gần nơi xảy ra vụ việc ở một khu vực bãi biển có tên là New Kru Town.

Hội Hồng Thập Tự đã dựng lều gần hiện trường để các gia đình vào chụp ảnh nhận dạng thi thể người thân.

Các băng nhóm đường phố đã trở thành một vấn đề ngày càng gia tăng ở Monrovia và các thành phố khác của Liberia trong những năm gần đây.

Tổng thống Liberia George Weah đã đến thăm hiện trường hôm thứ Năm và tuyên bố ba ngày quốc tang.
Source:AP

2. Phản ứng của hàng giáo phẩm Hoa Kỳ sau khi một nhóm phò phá thai chiếu các khẩu hiệu lên Đền Thánh Quốc Gia Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

Nhóm ủng hộ phá thai đã chiếu các thông điệp phò phá thai của chúng lên mặt tiền của Đền Thánh Quốc Gia Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Washington DC trong khi thánh lễ khai mạc Cuộc Tuần Hành Phò Sinh đang diễn ra bên trong ngôi thánh đường.

Từ phía bên kia đường, những kẻ phò phá thai đã dùng máy móc chiếu các thông điệp của chúng, chẳng hạn như: “Những người Công Giáo phò lựa chọn, các bạn không đơn độc”. Phò lựa chọn – Pro-Choice, là từ ngữ nói cho hoa mỹ, đánh lận con đen, thực chất nó có nghĩa là phò phá thai.

Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì thường vẫn có một số ít người phản đối Cuộc Tuần Hành Phò Sinh hàng năm, được tổ chức nhân ngày ra phán quyết của Tòa án Tối cao trong vụ Roe kiện Wade, qua đó hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn quốc Hoa Kỳ.

Điều khác biệt ở đây là bức tranh này được trải dài trên mặt tiền của Đền Thánh Quốc Gia Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Nhà thờ Công Giáo lớn nhất ở Mỹ này đang chật kín những người Công Giáo phò sinh tham dự Thánh lễ và Lễ Canh thức Cầu nguyện Quốc gia cho Sự sống.

Các thông điệp, trải khắp mặt trước của Đền Thánh Quốc Gia Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội được chiếu từ một vỉa hè dành cho người đi bộ trên Đại lộ Michigan bởi một nhóm nhỏ tự nhận là những người Công Giáo phò lựa chọn.

Có lúc những kẻ này chiếu lên hàng chữ “Cứ 4 bệnh nhân phá thai thì có 1 người theo đạo Công Giáo”. Một tuyên bố khác, lần này lên xuống trên tháp chuông có nội dung “Ngừng bêu xấu những người phá thai” và “Bắt đầu lắng nghe”.

Jack Jenkins, phóng viên quốc gia của Religion News Service, là người đầu tiên phát hiện ra trò này và đưa lên ngay Twitter và cáo buộc nhóm Catholics Pro-Choice gây ra vụ này. John Becker, phát ngôn viên của nhóm này, hãnh diện xác nhận với Aleteia rằng chính họ đã thực hiện điều đó.

“Chúng tôi đã làm điều đó song song với Cuộc Tuần Hành Phò Sinh, bởi vì chúng tôi cảm thấy điều quan trọng là phải đưa ra sự thật rằng phần lớn người Công Giáo ủng hộ việc phá thai và Cuộc Tuần Hành Phò Sinh ở DC nhận được rất nhiều sự chú ý của giới truyền thông, nhưng họ không nói thay cho chúng tôi”.

Tên John Becker huênh hoang rằng 64% người Công Giáo đảng viên Đảng Dân chủ tin rằng phá thai phải được hợp pháp hóa.

Đức Hồng Y Wilton Gregory của Washington, người giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị của Đền Thánh Quốc Gia Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, cho biết trong một tuyên bố vào sáng thứ Sáu, “Tiếng nói thực sự của Giáo hội chỉ được tìm thấy trong Đền Thánh Quốc Gia Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội vào tối hôm qua. Ở đó, mọi người cầu nguyện và dâng Thánh Thể để xin Chúa phục hồi một lòng tôn kính đích thực sự sống trong toàn thể nhân loại. Những người gây ra trò hề chiếu những từ ngữ bên ngoài mặt tiền của nhà thờ đã chứng minh bằng những trò đùa đó rằng họ thực sự là người bên ngoài Giáo hội và họ đã làm như vậy vào ban đêm.” Gioan chương 13, câu 30.

Đức Hồng Y Grêgôriô đã thêm phần tham chiếu Gioan chương 13, câu 30 vào cuối lời tuyên bố của mình. Đó là đoạn Phúc Âm thuật lại chuyện Giuđa Iscariot rời Bữa Tiệc Ly trên đường phản bội Chúa Giêsu. Đoạn văn kết luận, “Và đó là ban đêm.”

Tổng Giám mục Salvatore J. Cordileone của San Francisco viết trên Twitter: “Mưu toan báng bổ này là một xúc phạm rất lớn. Loài Satan.”

Ký giả Jack Jenkins, của Religion News Service, ghi nhận rằng đã có nhiều người phản đối nhóm báng bổ này. Một người đàn ông hét lên: “Không có cái gọi là người Công Giáo phò lựa chọn. Những kẻ phò phá thai sẽ xuống Địa ngục”.

Trong Thánh lễ đầu Canh thức, trong khi những kẻ phá đám đang trình chiếu thông điệp của mình, Đức Tổng Giám Mục William E. Lori của Baltimore, đã nói trong một bài giảng, “Phá thai là một lựa chọn bi thảm với hậu quả lâu dài. Điều cần thiết trong hoàn cảnh như vậy là một chứng tá cho tình yêu và cho sự sống… Tối nay, tôi xin gửi lời chào mừng đến những người đang thực thi sứ vụ như vậy”.

“Giáo hội không từ bỏ những người nam nữ đã chọn phá thai. Giáo hội tìm cách mang lại ánh sáng, sự chữa lành và hy vọng.”

Trò chiếu các khẩu hiệu phò phá thai trên mặt tiền của Đền Thánh Quốc Gia Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội không phải là cuộc biểu tình duy nhất trong tháng này nhắm vào một nhà thờ Công Giáo. Một tổ chức ủng hộ phá thai ở thành phố New York đã kêu gọi những người ủng hộ có mặt tại Nhà thờ Thánh Patrick ở Manhattan vào thứ Bảy để làm gián đoạn Thánh lễ lúc 5 giờ chiều “Mang theo nhạc cụ / nồi và chảo”, một thông báo trên Twitter của đám này viết.
Source:Aleteia

3. Thánh lễ canh thức Cuộc Tuần Hành Phò Sinh: Nếu Roe bị lật ngược, người Công Giáo hãy đoàn kết để “bảo vệ và chăm sóc phụ nữ và trẻ em”

Đức Tổng Giám Mục William Lori kêu gọi người Công Giáo tiếp tục hỗ trợ phụ nữ mang thai, trẻ em và những người còn sống sót sau chấn thương phá thai.

Tâm trạng hoàn toàn khác trong Thánh lễ Canh thức năm nay được tổ chức vào đêm trước của Cuộc Tuần Hành Phò Sinh. Một sự lạc quan thận trọng về cuộc chiến thay mặt cho những đứa trẻ chưa chào đời đã được phản ánh trong bài giảng của Đức Tổng Giám Mục William Lori của tổng giáo phận Baltimore.

Đức Tổng Giám Mục Lori, tân chủ tịch Ủy ban các hoạt động phò sinh của Hội Đồng Giám Mục, gọi tắt là USCCB, cho biết: “Khi chúng ta cử hành Thánh lễ cầu nguyện vì sự sống này, chúng ta ý thức sâu sắc rằng Tòa án Tối cao đang cân nhắc trong vụ Dobbs kiện Tổ chức Sức khỏe Phụ nữ Jackson”

“Vụ án này cho Tòa án Tối cao một cơ hội để xóa bỏ sự bất công nghiêm trọng mà nó đã gây ra vào năm 1973, khi đưa ra phán quyết trong vụ Roe kiện Wade, trong đó người ta quyết định rằng cả một lớp người, cụ thể là những đứa trẻ chưa sinh, không được bảo vệ bởi luật pháp, và do đó 'không phải là con người'“. Đức Tổng Giám Mục Lori đưa ra lập trường trên khi ngài nói với những người ủng hộ sự sống tập hợp tại Đền Thánh Quốc Gia Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Washington, DC.

Đức Tổng Giám Mục Lori nhấn mạnh rằng nếu Roe bị lật ngược, người Công Giáo phải đấu tranh để có luật hỗ trợ phụ nữ và trẻ em.

Ngài nói: “Nếu việc bảo vệ bằng pháp luật được đồng hành với việc quan tâm nhiều hơn đến các bà mẹ và trẻ em, thì ngày càng có nhiều người dân chúng ta hiểu rằng việc lựa chọn cuộc sống không cản trở hạnh phúc và không tạo gánh nặng cho xã hội”.

Ngài nhấn mạnh rằng: “Ngược lại, lựa chọn cuộc sống tạo ra một xã hội hướng tới tương lai với hy vọng, một xã hội mà người phụ nữ không bao giờ bị buộc phải lựa chọn giữa tương lai của mình và đứa con chưa chào đời”.

Người Công Giáo nên đoàn kết ủng hộ một xã hội và luật lệ “bảo vệ và chăm sóc phụ nữ và trẻ em của họ, và” nhân đôi nỗ lực của chúng ta trong việc đồng hành với những phụ nữ và các cặp vợ chồng đang mang thai ngoài ý muốn hoặc đang gặp khó khăn, cung cấp cho họ sự chăm sóc yêu thương và nhân ái “.

Đức Tổng Giám Mục Lori hoan nghênh sự đóng góp của Ủy ban phò simh của USCCB như chương trình “Đồng hành với các mẹ đang cần”, các Nữ tu Phò Sinh, các trung tâm trợ giúp mang thai và Dự án Rachel, hỗ trợ cả phụ nữ mang thai và trong trường hợp của Dự án Rachel, nâng đỡ những phụ nữ bị chấn thương vì phá thai.

Ngài nói: “Bằng tất cả những cách này và hơn thế nữa, Giáo hội tìm cách mang lại ánh sáng, sự chữa lành và hy vọng, từ đó làm chứng cho vẻ đẹp của cuộc sống, và 'xây dựng một nền văn hóa sống', hướng đến các bà mẹ và trẻ em”.

“Anh chị em hãy ra đi từ Thánh lễ này với một quyết tâm mới là liên hệ với một thành viên trong gia đình, một người hàng xóm hoặc một giáo dân đồng đạo, để khuyến khích họ tham gia vào mục đích lớn lao này cho cuộc sống,” và “tiếp cận theo cách cá nhân để giúp đỡ những gia đình đang gặp khó khăn”.

Ngài nói: “Đây là thời điểm chúng ta tạo ra một nền văn hóa, một lối sống mới ở Mỹ”.
Source:Aleteia