Ngày 27-01-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:59 27/01/2010
LÍNH NHẢY DÙ

N2T


Một ngày nọ gió lớn, một anh lính nhảy dù từ trong máy bay nhảy xuống, bị gió mạnh thổi bay cách xa địa điểm đã được chỉ định mấy trăm mét. Sau đó, cánh dù bị mắc trên cây khi đáp xuống nên anh ta bị treo tòn ten trên cây và lớn tiếng kêu cứu, không biết mình treo ở hướng nào.

Có người đi qua đường hỏi anh ta: “Làm sao anh bị treo trên cây vậy ?”

Người lình nhảy dù thành thực kể lại chuyện nhảy dù, và hỏi: “Tôi ở đâu đây ?”

- “Ở trên cây.” Người đi đường trả lời.

- “Ừ, ông nhất định là một nhà truyền giáo.”

Người qua dường nhướng mày: “Đúng vậy, anh làm sao biết được ?”

- “Bởi vì lời ông nói đương nhiên là sự thật, chỉ có điều là chỉ nói mà không làm.”


(Lắng nghe của loài ếch)

Suy tư:

Nhà truyền giáo đương nhiên là phải nói sự thật, nhưng nói mà thôi thì vẫn chưa đủ mà còn phải thực hành nữa.

Mỗi một người Ki-tô hữu là một nhà truyền giáo, bởi khi khi họ lãnh nhận bí tích Rửa Tội là đồng thời họ cũng được Chúa Giê-su –qua Giáo Hội- trao cho sứ mạng truyền giáo, tức là cuộc sống làm chứng nhân cho Chúa Giê-su Ki-tô trong cuộc sống của họ.

Thời nay có những người Ki-tô hữu nói Lời Chúa rất hay, có khi hay hơn cả linh mục nữa, nhưng họ không đến nhà thờ tham dự thánh lễ và không thường xuyên đón nhận các bí tích; thời nay có những người Ki-tô hữu miệng nói Lời Chúa, nhưng cuộc sống của họ thì hoàn toàn trái ngược với tinh thần Phúc Âm và với những gì họ nói.

Truyền giáo là công việc của Chúa Giê-su trao cho Giáo Hội của Ngài, với mệnh lệnh: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần...” (Mt 28, 18-19)

Truyền giáo là đem những gì mình đã tin và đã sống như mình đã tin cho người khác, cho nên lời nói phải đi đôi với hành động, hành động phải phát xuất từ tâm hồn thành thật muốn đem Tin Mừng đến cho mọi người.

Truyền giáo là lấy cuộc sống lành thánh của mình để làm chứng cho tình yêu của Chúa Giê-su.

---------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:01 27/01/2010
N2T


12. Nếu con không làm việc thiện thì không thể hoan lạc.

(sách Gương Chúa Giê-su)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:03 27/01/2010
N2T


353. Không có kho táng quý báu nào so với học vấn, khi có thể thì bạn nên yêu quý, cất giữ.

 
Can đảm chấp nhận lỗi lầm
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
12:32 27/01/2010
Can đảm chấp nhận lỗi lầm (Suy niệm Tin Mừng Luca (Lc 4, 21-30) trích đọc vào Chúa Nhật 4 thường niên )

Hôm ấy, Chúa Giê-su trở về quê hương Na-da-rét. Vì ưu ái người đồng hương, Người tỏ cho họ biết vai trò và sứ mạng của Người là Đấng được Thiên Chúa xức dầu, được sai đi loan Tin Mừng cho người nghèo khó…với hy vọng là những người đồng hương cốt nhục của mình sẽ sẵn lòng đón nhận Tin Mừng cứu độ.

Thế nhưng, vì in trí rằng Chúa Giê-su chỉ là một anh thợ mộc bình thường con của bác thợ Giu-se, bà con thân thích của Người đâu có ai sáng giá... nên họ đã không tin vào Người. Họ đã để tuột khỏi tầm tay một cơ hội ngàn vàng, đã đánh mất hồng ân vô giá.

Để cảnh tỉnh họ, Chúa Giê-su chỉ cho họ thấy chỉ vì tổ tiên họ ngày trước đã không đón nhận các ngôn sứ Thiên Chúa gửi đến, nên đã đánh mất những ân huệ lớn lao. Cụ thể là vào thời ngôn sứ Isaia, khi trời hạn hạn suốt ba năm sáu tháng, dân Ít-ra-en phải lâm vào cơn đói khát trầm trọng, vậy mà ngôn sứ Isaia được sai đến, không phải để cứu giúp các bà goá trong dân Ít-ra-en thời đó, mà là để cứu đói cho hai mẹ con bà goá ngoại giáo nghèo khổ thành Xa-rép-ta, miền Xi-đôn.

Một sự kiện khác tương tự là vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, đang khi có nhiều người phong cùi trong dân Israen cần được cứu chữa, thế mà không ai trong bọn họ được vị ngôn sứ chữa lành, ngoại trừ tướng Na-a-man ngoại giáo, người nước Sy-ri.

Thế nhưng, những lời cảnh tỉnh của Chúa Giê-su không làm cho họ tỉnh ngộ, trái lại càng khiến họ oán ghét Người khủng khiếp!

Họ nổi cơn phẫn nộ chỉ vì Người đã chỉ cho họ thấy những sự thật phũ phàng liên quan đến họ. Họ nhất tề đứng dậy, xông vào túm lấy Chúa Giê-su, lôi Người ra khỏi hội đường rồi kéo ra khỏi thành.

Thế mà vẫn chưa hả giận, họ còn kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực, cho Người nát thịt tan xương, để vĩnh viễn loại trừ Người khỏi cuộc sống, vì Người đã dám nói lên sự thật, một sự thật phũ phàng liên quan đến họ...

Ôi, khủng khiếp thay cơn giận của đám dân thành Na-da-rét!

* * *

Cái tôi kiêu căng tự phụ trong mỗi người là nguyên nhân chính khiến người ta nổi giận với những ai chỉ lỗi cho mình. Cái tôi tự phụ nầy đã khiến con người trở nên mù tối trước những lầm lỗi của mình và tìm cách biện minh cho những sai trái của mình đủ mọi cách, kể cả việc dập tắt tiếng nói của người chỉ lỗi cho mình.

Nếu ngôi nhà chúng ta đang bị bén lửa từ phía sau, bỗng có người phát hiện và báo cho ta biết để kịp thời chữa cháy, hẳn chúng ta sẽ rất biết ơn người ấy và cấp tốc chữa cháy cho ngôi nhà.

Còn nếu trong hoàn cảnh đó, thay vì cám ơn và lo chữa cháy, chúng ta lại quay ra căm giận, hành hung người báo cháy cho mình thì thật là điên rồ không thể chấp nhận được.

Thói hư tật xấu và những đam mê tội lỗi cũng là những ngọn lửa âm ỉ đốt cháy đời mình mà chúng ta không hay biết. Vậy nếu có ai đó báo cho chúng ta biết lỗi của mình, tức là báo cho biết có 'lửa' đang bén vào 'căn-nhà-cuộc-đời' của ta, thì đừng phẫn nộ với người đó như người dân thành Nadarét năm xưa. Cần biết ơn họ sâu sắc vì nhờ họ cảnh báo mà chúng ta biết được những 'ngọn-lửa-lầm-lỗi’ âm ỉ đốt cháy cuộc đời mình, để rồi cấp tốc cứu đời mình khỏi cháy.

* * *

Lạy Chúa Giê-su, xin cho Lời Chúa soi dọi vào những ngóc ngách đen tối trong tâm hồn chúng con để vạch cho chúng con thấy những sự thật đen tối trong đời mình, để nhận ra cái TÔI của mình thật tăm TỐI, nhiều khi rất TỒI và cũng lắm TỘI.

Xin cho chúng con can đảm lắng nghe những lời phê bình chân thực của người khác mà không tìm cách biện minh hay chống chế.

Xin cho chúng con dám nhìn thẳng vào những thói xấu của mình, gọi đúng tên chúng, quan sát cách vận hành hay biểu lộ của chúng qua hành vi, lời nói, và cách cư xử hằng ngày của chúng con...

May ra lúc đó, chúng con mới có thể cải thiện và đổi đời
 
Đột tử: Hãy quan tâm tới sức khoẻ từ tâm hồn lẫn thể xác
Kim Hoa
12:50 27/01/2010
Mười hai giờ đêm rạng ngày 27 tháng 11 năm 2009 có một tin nhắn của Mẹ Bề Trên gửi về báo cho tôi cha Nguyễn Hữu Hòa đang phục vụ ở Dòng Chúa Cứu Thế bên Rô-Ma, đột tử trong phòng ngủ, khi Nhà Dòng phát hiện thì Cha đã qua đời hơn 12 tiếng đồng hồ. (Lời BS).

Sự ra đi đột ngột của Cha làm nhiều người bàng hoàng xúc động, nhất là Nhà Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt Nam, cũng vào giờ đó họ cũng nhật được tin buồn ấy, nhưng đột xuất không làm sao báo được về cho gia đình Bà Cố, và thân nhân của Cha.

Không ai nghĩ là phải lưu số điện thoại của gia đình Cha cho giờ phút khẩn cấp này.

tôi cũng thế, chỉ biết một chị, bà con của Cha tại Sài Gòn, nhưng khi lục được số điện thoại của chị, thì số này đã không còn sử dụng nữa, email cho chị thì chị đã đi ngũ từ lâu, đành phải gọi điện cho chị khác báo lại giùm.

Cuối cùng gia đình biết tin là nhờ một Cha bà con của Cha Hòa ở nước ngoài gọi về.

Cha Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế giải thích sự phát hiện trể cái chết của Cha là do Cha không quen ăn món ăn của Ý, thường ở trong phòng tự nấu ăn, nên sự vắng mặt của Cha trong giờ ăn trở thành bình thường nơi cộng đoàn Cha ở …

Dù sao thì sự ra đi đột ngột ấy đã làm trăn trở nhiều người.

Khi tôi trình bày qua về cái chết của cha, để xin Ca đoàn giúp lời cầu nguyện thì có một ý kiến: “Là LM, nhưng cha chết bắt đắc kỳ tử như vậy đương nhiên không lảnh nhận được Bí tích sau cùng, … nên chúng ta phải cầu xin cho Ngài nhiều”

tôi ngẫm nghĩ lời nói ấy mãi …. “Không thể được, không lẽ nào mình có thể nghi ngờ cha không ăn năn tội trước giờ ra đi, là LM đêm nào cha lại không đọc kinh, xét mình, ăn năn tội và cầu nguyện trước khi đi ngủ ?

Chắc chắn là cha phải làm việc đó. Vì như tôi đây là một người giáo dân bình thường, cũng luôn xét mình xin Chúa tha thứ mọi tội lỗi cho mình, cho chồng và con cái mình đã lỡ phạm trong ngày, trước khi đi ngủ huống gì đã là LM ?

tôi còn nhớ ngày còn nhỏ, lúc 11 tuổi đi vào Dòng Tu, đêm nào trước khi đi ngủ, tất cả Đệ tử cùng đọc kinh tối, có kinh này mà tôi vẫn còn nhớ:

“Lạy Chúa con, con biết thật con sẽ chết, có khi hôm nay con vào giường nằm ngủ mà sáng mai chẳng còn chổi dậy nữa. Cho nên Chúa dặn bảo con, phải dọn mình vào giường nằm ngủ như là vào Mồ chết vậy …”

Vì thế người tu trì nào cũng luôn nhớ: Vào giường nằm ngủ là đi vào Mồ chết, nên ai cũng dục lòng ăn năn sám hối tội lỗi của mình, để mong giờ nào Chúa gọi cũng sẳn sàng … thế nên tôi tin là Cha đã ra đi bình an đến với Chúa.

Gần đây, vào ngày 20-01-2010, tôi hân hạnh được Ban Tổ Chức Đồng Xanh Thơ và Vườn Ô-Liu mời tham dự buổi họp mặt của Văn, Thi sĩ Công Giáo tại TGM Phan Thiết.

Buổi họp bắt đầu lúc 8g30’, thì 8g50’ có tin Cha Phêrô Nguyễn Hữu Nhường Chánh xứ Hiệp Đức, GP Phan Thiết đang ngồi làm việc, tay cầm bút, thì gục đầu xuống bàn, ra đi trong vòng 5,3 phút. Mọi người phải ngưng thảo luận để dâng lời cầu nguyện cho Linh hồn Phêrô.

Sự ra đi của Ngài làm sững sờ nhiều người, từ giáo dân, gia đình, đến bạn bè, và đến bạn trường cũ GHHV của Ngài ở khắp mọi nơi trên thế giới, ai cũng bần thần …. Không khác gì cái chết của Cha Hòa ở một nơi xa xôi quê nhà, mà Cha Nhường ở ngay trong Giáo xứ, đang làm việc, cũng không gặp ai, nói với ai được lời cuối cùng trước khi ra đi, để lại sự buồn đau nhân lên thật nhiều cho người ở lại.

LM Phêrô Trần Minh Trương quản xứ kế bên, cũng đau buồn khi nghe tin, đến viếng xác Ngài trước tiên, ngậm ngùi cho sự ra đi đột ngột của người Anh em.

Thì cũng ngay trong đêm đó Ngài cũng theo chân người anh em mình lặng lẽ ra đi.

Để lại cho 2 Giáo xứ cạnh nhau, sự bàng hoàng đau thương của đám con chiên bổng dưng mất đi hai vị Chủ chăn thân yêu… Họ mồ côi Cha ngay khi họ chưa sẳn sàng chấp nhận tin dữ ấy, họ đau đớn vì tin rằng Cha họ vẫn còn ở với họ nhiều năm nữa, để họ còn có thời gian chuẩn bị cho mình và lo toan chuyện hậu sự cho các Ngài ngày các Ngài về bên Chúa.

Thế mà không một lời nào, không trăn trối, không nhắc nhở, gởi gắm điều gì… các Ngài đã ra đi, làm cho 2 đám tang của 2 Ngài tràn đầy tiếng khóc, dẫu biết rằng người Kytô hữu ngày ra đi không phải là ngày mất đi, mà chính là ngày sẽ được sống mãi muôn đời bên Chúa … họ cũng không dằn được sự tấc tưởi đau thương.

tôi cũng mong ước cho mình được sự ra đi nhanh chóng như thế, nhưng nghĩ cho cùng, sự ra đi như thế chỉ làm nhẹ tấm thân của mình, còn sự đau thương cho người ở lại thì hầu như luôn luôn nhiều hơn bình thường.

Vững tin và phó thác vào Quyền năng của Thiên Chúa.

Vì thế trước sự kiện Đột tử xảy ra liên tục hôm nay, tôi muốn gởi bài này đến quý vị thân quen xa gần, mong mọi người luôn để ý đến sức khỏe, chuẩn bị cho mình một cuộc sống tốt từ tâm hồn lẫn thể xác, nhất là những vị cao tuổi có dấu hiệu gần kề với bệnh tật. Để đến giờ bước đi ta không ngỡ ngàng, lo lắng vì những điều thiếu sót chưa hoàn tất, chưa chu toàn hết bổn phận.

Điều quan trọng trước tiên là luôn thấy mình đang đối diện với bước đi cuối cùng. Đã chuẩn bị một cách hoàn hảo cho cuộc hành trình mới. Hân hoan với sức khỏe mới, tâm hồn mới, bước vào cuộc đời mới một cách thư thái, nhẹ nhàng.
 
Chúa Tình Yêu
Lm Jb Nguyễn Minh Phương, C.Ss.R
13:16 27/01/2010
Dẫn

Nhắc đến trình thuật Tin Mừng (Lc 4, 21-30), người ta dễ liên tưởng ngay đến việc Đức Giê-su bị người đồng hương Na-da-rét tẩy chay, bởi sự thật là thế.

Tuy nhiên, sự kiện này càng chứng thực: Thiên Chúa không như ý tưởng của con người.

Thiên Chúa là Tình yêu.

I. Làm người

Từ sông Gio-đan bước lên, được Chúa Cha công khai tuyên bố Ngôi Vị là Con và trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đức Giê-su đã trở về quê hương Na-da-rét.

Tại đây, những người đồng hương của Đức Giê-su đã sớm nhận ra Người và họ hỏi nhau: “Người này không phải là con ông Giu-se sao?” (Lc 4, 22).

Câu hỏi của đồng hương đã gián tiếp cho mọi người biết Thiên Chúa đã làm người thực sự và đã bước vào một gia đình nhân lọai, chấp nhận những con người thụ tạo do Thiên Chúa dựng nên làm cha nuôi (thánh Giu-se) làm mẹ (Đức Ma-ri-a) và chấp nhận những luật lệ sinh họat tôn giáo như bao người.

Thánh Gio-an khẳng định: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 8). Là tình yêu, Thiên Chúa đã xóa đi khỏang cách xa vời vợi giữa Thiên Chúa và con người mà thay vào đó là sự dấn thân, là sự hy sinh đến quên mình.

Trong thân phận con người mang tên Giê-su, Thiên Chúa đã trở nên con người khốn khổ nhất và đã thể hiện tình yêu của Thiên Chúa hòa điệu với muôn người.

II. Thăm quê

Ngày Sa-bát Đức Giê-su vào hội đường cử hành lời Chúa. Thoạt đầu, người đồng hương hân hoan đón tiếp Người với sự kinh ngạc: “Mọi người làm chứng cho Người và thán phục Người về những lời từ miệng Người thốt ra,” (Lc 4, 22).

Tiếp đến, họ hỏi nhau: “Người này không phải là con ông Giu-se sao?” (Lc 4, 22). Như vậy, đồng hương của Đức Giê-su đã công nhận nhận thân thế của Người.

Từ sự công nhận mối liên hệ đồng hương với Đức Giê-su, người Na-da-rét tìm cách líu kéo Đức Giê-su ban riêng cho họ những đặc quyền đặc lợi: “Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm ở Ca-phác-na-um, ông hãy làm tại đây, tại quê hương xem nào!” (Lc 4, 21). Vậy là, họ đón nhận Đức Giê-su không vì đức tin mà là tìm kiếm những lợi lộc vật chất như được chữa bệnh, được ăn uống no nê…

Mặt khác Đức Giê-su đã biết được tâm ý của người Na-da-rét nên người áp dụng câu tục ngữ: “Thầy lang ơi hãy chữa lấy mình!” (Lc 4, 21) để nói lên tư tưởng của họ “Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm ở Ca-phác-na-um, ông hãy làm tại đây, tại quê hương xem nào!” (Lc 4, 21). Điều này cho thấy nơi người Na-da-rét ngầm chứa sự khiêu khích. Họ không tìm Đức Giê-su để tôn thờ Người là Đấng Cứu Thế mà đơn giản họ đến với Người vì sự hiếu kỳ. Tệ hơn nữa, họ muốn lợi dụng Người như lợi dụng một người đồng hương có tài năng xuất chúng để gây vinh vang cho làng quê Na-da-rét.

Thiên Chúa không thiên vị người nào (x Gl 2, 6); mỗi người đều có chỗ đứng trong trái tim của Chúa. Ai ai cũng là những đối tượng được Thiên Chúa xót thương và ước mong cứu rỗi. Thiên Chúa cũng không ấu trĩ trước những sự khiêu khích diễn kịch của những kẻ cực đoan. Không được như ý, đồng hương của Đức Giê-su đã thất vọng và họ đã quay lại chống đối, tìm cách xô Người xuống vực thẳm (x. Lc 4, 29).

Thường thấy, lý của người đời là sẽ tìm cách trả đũa những kẻ ngược đãi, những kẻ âm mưu sát hại mình. Ở đây lý của tình yêu Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giê-su cách nhẹ nhàng: “Người băng qua giữa họ mà đi” (Lc 4, 30).

III. Phổ quát

Đức Giê-su đã cất bước ra đi khỏi quê hương của mình vì đơn giản: “không một ngôn sứ nào được chấp nhận ở quê hương của mình” (Lc 4, 24).

Sự ra đi ấy chính là thông điệp cho người đồng hương, cũng như cho mọi người:

- Tình yêu Thiên Chúa làm chủ mọi tình huống xử sự. Khi giờ chưa đến, Người không đối đầu quyết liệt mà chỉ nhẹ nhàng: “băng qua giữa họ mà đi” (Lc 4, 30).

- Tình yêu Thiên Chúa được trao ban cho toàn thể nhân lọai chứ không cho riêng người Do Thái hay bất cứ một nhóm người nào (x. Rm 1, 16). Những tiêu chuẩn thanh lọc, chọn lựa, bè phái, chủng tộc, màu da… đều trái ngược với tình yêu của Thiên Chúa.

- Tình yêu Thiên Chúa thể hiện nơi sự trao ban sự sống “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người” (Ga 3, 16) chứ không phải là những việc đặc quyền đặc lợi riêng tư. Tất cả mọi người đều là con cái Thiên Chúa (x. 1 Ga 3, 1-2) và được thương yêu như nhau (x. Rm 2, 11).

- Tình yêu Thiên Chúa thể hiện nơi sự hy sinh “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13) chứ không phải là những trò phô diễn làm loè mắt thiên hạ theo như yêu cầu của người đồng hương Na-da-rét (x. Lc 4, 21).

- Tình yêu Thiên Chúa sẽ đổ đầy vào lòng những ai thiện chí (x. Rm 5, 5), nâng cao tầm hiểu biết, khơi dậy đức tin để khi gặp gỡ Đức Giê-su người ta không chỉ là gặp gỡ con người đơn giản “là con ông Giu-se” mà là gặp gỡ Thiên Chúa làm người và ai trông cậy vào Người sẽ không bao giờ thất vọng (x. Rm 10, 11).

- Tình yêu của Thiên Chúa sẽ làm nên sự sống “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tôi sống trong tôi” (Gl 2, 20) và là nguồn động lực dấn thân “Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi” (2Cr 5, 14).

Kết

Người Na-da-rét xác định Đức Giê-su là người đồng hương của họ là một điều đúng đắn phù hợp với lịch sử.

Tuy nhiên, vì không chịu thi thố tài năng theo ý đồng hương nên Đức Giê-su bị người đồng hương tìm cách hủy diệt.

Qua đấy, người tín hữu càng xác tín Thiên Chúa không bị giới hạn trong suy nghĩ của con người. Thiên Chúa là tình yêu! Tình yêu không bao giờ hư mất (x 1Cr 13, 8).
 
Thơ: Thập giá vào Xuân
Cao Danh Viện
13:17 27/01/2010
Thập giá vào Xuân

Thập Giá Chúa khai mở mùa hồng ân
Xuân Phục Sinh từ Thập giá huy hoàng
Cành thiên tuế xanh nhờ tấm khăn tang
Mùa hồng phúc khởi đầu bằng máu đổ

Thập Giá Chúa muôn ngàn năm loang lổ
Mãi lặng thầm tươm vết tích thương đau
Máu Thập Giá còn tươi rói,đỏ ngầu
Cứ tuôn chảy từ trên Đồi xuống Trũng

Yêu Thập Giá
Đoàn người từ lỗ Thủng: Cạnh Sườn!
Theo dấu ái vào xuân!
Ba trăm năm mươi năm, từ thuở máu Cha Ông
Đền hiện tại, đâu có gì khác biệt!

Hai ngàn năm !lưu truyền giòng Bửu huyết
Còn Giê Su, còn Thập giá vòng gai
Còn tình yêu còn nối bước chân Ngài
Còn bút vở, trang sử vàng còn viết

Sử viết rằng:
Khai mở năm hồng ân
Đoàn hành hương Lạc Việt
Đang dẫn đầu là Thánh Giá –Nến cao
Đã Sáng Trưng- soi sáng cõi đồng bào
Lời tha thiết “Kinh Hoà Bình”Công giáo

“Tôi đã thấy một đoàn người đông đảo
Giặt áo mình trong Máu Con Chiên”
Tiếp bước theo tìm Chân lý Công Binh
Bằng kiên vững, luôn bước về Tuyệt Đối

Ánh sáng Thập giá sẽ xua tan bóng tối
Sống Hiệp thông là sống với đồng bào
Thực thi Sứ vụ dầu chết cũng giảng rao
Nên Mầu nhiệm của tình yêu Thập giá

Tiến vào Năm Thánh với muôn vàn phép lạ
Đoàn hành hương không chùng bước chân đi
Thập Giá Chúa hướng đạo! có lo gì!
Về xuân mới cũng là Về XUÂN THÁNH !

Kinh cầu cuối năm
của Bà bán hàng rong


Xin Chúa thương xót chúng con
Xin Chúa thương xót chúng con
Lời kinh cầu thêm nữa một năm tròn
Ngày hai buổi theo con, đi giáp vòng thị trấn

Trong tiếng rao khản giọng gánh hàng rong
Trong quang thúng, gánh long đong
Có tin yêu hi vọng
Chúa thương xót đời con

Tháng chạp về lời kinh khẩn thiết hơn
Cho kịp lúc bản xét mình trọng thể
Của một năm hồng ân và quan hệ
Con và Người, và con với anh em

Xin xót thương xin Chúa xót thương thêm
Khi tháng chạp oằn cong đầu quang gánh
Khi giao mùa lòng con se se lạnh
Cuối năm rồi bản tổng kết chưa xong

Vì trong gánh hàng rong
Còn ế lại những hàng con số nợ
Nợ tiền, nợ tình, nợ nhân nghĩa anh em
Xin xót thương xin Chúa xót thương thêm

Bài toán cuối năm làm nhức nhối từng đêm
Trừ cộng nhân chia -chỉ đáp số tròm trèm
Không trọn vẹn -vì con quên rồi một ẩn số
Là khoản lời to lớn: Hồng Ân

Đã nên xanh trong ngày tím phong trần
Đã phớt hồng màu yêu- màu Cứu Độ
Dù màu long đong hay dù màu loang lỗ
Là món lời Ngài đã biếu nhưng không

Nhờ hồng ân, tình yêu con sống động
Dẫu lo toan là gai góc xuyên thâu
Dẫu trần gian chằng chịt lưới khổ sầu
đã cọ xát đời con thành loang lỗ

Chiếm hữu Chúa, con quyết không nhượng bộ
Nhưng sao chiều con vẫn cứ lơi tay
Để bình yên con trước gió lung lay
Con níu mãi! Chân mõi rồi Chúa ạ!

Xót thương con dù đời con tơi tả
Sau những chiều sau đến cả một năm
Xót thương con! mời Chúa hãy ghé thăm
Và ở lại cùng con làm tổng kết

Lời kinh cầu tết rồi lại đến tết
Sẽ không buồn, sẽ không chỉ van lơn
Nhưng kinh cầu có sám hối, tạ ơn
Có đổi mới để đón mừng xuân mới

Xót thương con! lạy Chúa con ca ngợi!
Năm mới về theo nhịp gánh hàng rong
Cuộc đời hàng rong, dẫu gánh có oằn cong
Đã có Chúa gánh đời con, đi khắp cùng thị trấn.
 
Chuyên mục gia đình: Thánh Gia và các gia đình
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
19:17 27/01/2010
Khi chúng ta nói về gia đình, điều đáng chú ý là gia đình ở đó Đức Giêsu được sinh ra và lớn lên. Tin Mừng về thời niên thiếu giới thiệu cho chúng ta gia đình này thoạt đầu có sự tương phản.

Một mặt, các trang sách này nhấn mạnh rằng Đức Giêsu được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần mà không hề có sự can dự của người nam (x. Mt 1, 18-25; Lc 1, 26-38). Mặt khác, chúng cũng đề cập đến bậc song thân của Đức Giêsu (x. Lc 2, 27; 2, 41), đến nguời cha cũng như người mẹ của Ngài (x. Lc 2, 33; 2, 48), hay nêu đích danh là Maria và Giuse (x. Lc 2,16). Phải chăng có một sự mâu thuẫn ? Thực ra ở đây hàm chứa một mạc phải rất sâu xa về mầu nhiệm gia đình.

Đây là một đoạn văn rất sáng nghĩa của một nhà chú giải về đề tài này: « Một gia đình không như các gia đình khác: một trẻ nhỏ không cha, một hôn phu không biết đến đời sống quan hệ vợ chồng với hôn thê của mình. Tuy nhiên, tỷ trọng nhân bản của đời sống gia đình được ghi nhận với cái nhìn về điều ẩn giấu sâu kín trong đó ».

« Maria thụ thai bởi một lời được tiếp nhận trong đức tin, mà không có sự can thiệp của người nam. Còn Giuse biết được trong giấc mộng là trở thành người chồng và người cha trong sự chấp nhận mình không là gì cả. Những trình thuật mâu thuẫn với sự lập luận của chúng ta. Thật là tốt khi để chúng tiếp tục nêu ra vấn nạn. Phải nói như thế nào về vai trò của Thánh Thần đối với ngôn ngữ về người đàn ông xác phàm ? Mối quan hệ của chúng ta với Chúa Thánh Thần trong trật tự của lời nói chứ không phải là xác thịt.

« Con Thiên Chúa không thể sinh ra giữa chúng ta nếu như con người khẳng định là có thể sinh ra Ngài. Không hề có sự kết hợp xác thịt của một người nam và một người nữ lại có thể làm nên Đức Giêsu nhập thế và mang mạc khải từ Thiên Chúa đến cho con người. Do đó, Tin Mừng xóa bỏ vai trò nhục thể để nhấn mạnh đến vai trò của lời trong việc Con Thiên Chúa giáng sinh làm người.

« Người đàn ông tin vào sức mạnh tự thân. Họ tự hào về giới tính của mình. Trong khi đó, một Giuse lại chấp nhận trở nên thụ động để đón nhận một con trẻ từ Chúa Thánh Thần. Người ta vẫn thường nói rằng người phụ nữ thụ động. Và này, một Maria khiêm hạ mang thai hài nhi, lại hoàn toàn tin tưởng một cách mãnh liệt vào lời đã triển nở trong mình hoa trái của Chúa Thánh Thần.

« Lịch sử độc nhất vô nhị như là trường hợp của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Lịch sử này làm sáng tỏ sự mạc khải của tất cả lịch sử của những người nam và nữ được nhận thiên chức làm cha mẹ. Sẽ không đủ nếu chỉ sinh ra một đứa trẻ rồi mong ước chúng là đứa con của tình yêu. Hoa trái của tình yêu sinh ra từ lời được trao ban và nhận lãnh mà các bậc cha mẹ chia sẻ cho nhau. Bậc sinh thành chỉ trở thành cha thành mẹ với điều kiện chấp nhận từ bỏ một cách liên lỉ sự chiếm đoạt người khác.

« Gia đình là nơi chốn thế trần, ở đó kinh nghiệm chín muồi về các mối quan hệ vượt qua những mối liên hệ về xác thịt và máu huyết. Sẽ không bình thường nếu không có những xung đột. Thật cần thiết để cho chúng cơ hội diễn tả, cho chúng được xả ra, như người ta thường nói, bằng sự khéo léo của cách nói, để cho các xung đột được trút bỏ, và để nảy sinh giữa vợ chồng với nhau, cũng như giữa cha mẹ và con cái mối tương giao được thiết lập trên lòng tin và sự tự do từ lời nói được trao ban và tiếp thu » (Jean Delorme).

Bản văn trên giúp chúng ta hiểu tại sao gia đình Thánh Gia, tất cả đều hiệp nhất, đương nhiên lại có nhiều điều để nói cho các gia đình khác.

Điều đó chứng tỏ rằng con trẻ, ngay từ lúc thụ thai đã là một màu nhiệm, và giống như người xa lạ đối với bố mẹ chúng, những người cần phải học bao bọc người con của mình trong tình yêu để nó thực sự trở nên con của mình và thành người. Các nhà tâm lý đã chẳng nói rằng người chồng cần đón nhận đứa con mà vợ mình sinh cho để đích thực trở nên người cha đó sao ?

Để trở nên bậc cha mẹ của một con trẻ, sẽ không đủ nếu đơn thuần chỉ là người sinh thành. Không hiếm những cha mẹ không bao giờ là cha là mẹ của những đứa con mà mình sinh ra. Chính vì thế, thực tế này chỉ cho thấy, những cha mẹ nuôi nấng thường xuyên là cha mẹ của đứa trẻ mà họ nhận nuôi hơn là những kẻ chỉ cưu mang và sinh hạ. Những đứa trẻ nhìn nhận những ai nuôi dưỡng, yêu mến giáo dục chúng như là cha mẹ mình hơn là những ai chỉ sinh chúng trên đời này mà không bao giờ chấp nhận và yêu mến chúng.

Theo nghĩa này, Giuse đã hoàn toàn là cha của Đức Giêsu, mà không cần phải sinh ra theo huyết nhục, trong khi ngài nuôi dưỡng như con mình, trong khi trở nên người cha hợp pháp, trong khi yêu mến, trong khi dậy nói, đi đứng, cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, lao động, trong khi làm cho người con ấy nên người, nên thành viên của dân được ưu tuyển, con của vua Đavit. Đã không có đứa trẻ nào được như vậy và sẽ không có một trẻ thơ nào được cha mẹ yêu mến như trường hợp của Đức Giêsu. Chính vì vậy Ngài đích thực trở nên Con Thiên Chúa làm người. Tin Mừng không hề sai lầm và không làm cho chúng ta lầm lẫn khi nói rằng Giuse là cha của Đức Giêsu.

Ai bảo rằng sự trìu mến đã lại không gắn kết Maria và Giuse đó sao? Mái ấm duy nhất này nói với chúng ta rằng tình yêu ngự trị, trước tất cả mọi sự, trong lời nói - mối ưu tiên hàng đầu - được trao ban, nhận lãnh, gìn giữ và không ngừng đào sâu nơi sự thủy chung. Xavier Lacroix (giáo sư Luân Lý Tính Dục, Học Viện Công Giáo Lyon) đã đề cập rất hay về vấn đề này: « Sự bền lâu chỉ có thể dựa trên hành vi ngôn ngữ như lời hứa, lòng biết ơn, sự đồng ý và tha thứ. Đó chính là ngôi nhà được xây trên đá, so với ngôi nhà xây trên cát gồm chỉ có mỗi thứ tình cảm mà thôi » (Nhật Báo La Croix, Chúa Nhật, 20, thứ hai 21 tháng 2 năm 1994).

Nếu như nhiều trẻ em có gia đình mà lại cám thấy như không gia đình, nếu như nhiều cặp vợ chồng không thành công xây dựng tổ ấm trong khi chung sống với nhau, có thể bởi vì người chồng và người vợ đã không bao giờ đạt tới sự trao đổi nêu trên về lời nói theo cách trao ban và lãnh nhận, vốn dĩ tạo nên căn tính của tình yêu.

Thái độ của Giáo Hội Công Giáo về nên một, chung thủy và bất khả phân ly trong hôn nhân trước tiên không phải là kỷ luật. Giáo Hội xác tín tận tâm can rằng tình yêu chân chính cư ngụ trong lời được trao ban, nhận lãnh và gìn giữ, và chỉ có lời ấy mới mang lại cho giới tính phẩm chất nhân bản và tinh thần.

Vì là nơi trao đổi, đón nhận và bảo tồn lời nói, gia đình trở nên nền tảng của xã hội nhân loại. Nơi đó hình thành bài học về quan hệ xã hội về đời sống chia sẻ, về lắng nghe và bảo ban giữa các thế hệ, giữa các giới tính, giữa các ý kiến mà không hề có sự căng thẳng hay xung đột, có chăng là căng thẳng và xung đột mang đậm nét lương tâm và bỏ qua. Không ngạc nhiên khi những người con, nạn nhân của sự chia ly giữa cha mẹ chúng, nhìn chung gặp khó khăn trong mối tương giao xã hội.

Theo cách hiểu ấy, gia đình là nơi đầu tiên của việc Phúc Âm hóa, ở đó Lời Chúa được truyền rao, đón nhận, cầu nguyện, thực hành. Gia đình là những cánh đồng đầu tiên cho công việc tông đồ và là những nhân tố đầu tiên của sứ mệnh. Chính vì thế chúng ta cần phải cổ võ và bảo vệ những phong trào mà mục tiêu nhắm tới là thăng tiến và ủng hộ phẩm chất những gia đình công giáo.

Nguồn: http://pagesperso-orange.fr/catechisme/them/famil/famille/famill13.htm
 
Tôi đi hành hương đất Thánh #3
Phó tế JB Nguyễn Định
13:28 27/01/2010
7- Caphanaum. 8- Tabgha. 9- Núi Tám Mối Phúc.

1- Ca-phac-na-um: Hiện nay là một ngôi nhà lớn, hình quả cầu sơn mầu đỏ với nhiều thánh giá, hằng ngày khách thập phương tấp nập tới thăm. Một thành phố trung tâm rao giảng của Chúa Giêsu, thuộc miền đánh cá, một thành ven biển hồ Galilê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun. Chúa Giêsu lui về miền đất dân ngoại này để khởi sự sứ mạng rao giảng của Người. Cũng tại đây Người Người gặp ông Phêrô và các môn đệ khác, để sai họ đi rao giảng khắp nơi. (x. Mt 4, 12-13)

Từ lúc đó, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng trong thành này. Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì nói năng có thẩm quyền, người trừ qủi… Và nỗi kinh ngạc trùm lên mọi người. (x. Lc 4, 31-37). Ở đây Chúa cũng chữa bà mẹ vợ ông Phêrô: “Đức Giêsu đến nhà ông Phêrô thấy bà mẹ vợ đang nằm liệt và lên cơn sốt…(x. Mt 8, 14-17). Vài ngày sau, Chúa lại chữa người bại liệt tại đây. (x. Mc 2, 1-12). Chúa còn chữa con ông trưởng hội đường, chữa một bà bị băng huyết đã mười hai năm, chữa con bé 12 tuổi đã chết. (x. Mc 5, 21-43)

Sau cùng, Chúa Giêsu còn rủa những thành đã chứng kiến những phép lạ Chúa làm mà không chịu sám hối: “Còn ngươi nữa, hỡi Caphanaum, ngươi tưởng sẽ được nâng lên tận trời ư? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ ! (x. Mt 11, 20-24)

2- Tabgha: Thung lũng Tabgha hiện nay gọi là Hội Thánh chính của Phêrô, ở miền bắc bờ biển Galilê, cách phía nam Caphanaum 3 km, một thung lũng giầu có với nhiều tài nguyên là nơi mà Đức Giêsu gặp các môn đệ đầu tiên và kêu gọi: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người…” (x. Mc 26-20)

Ở đây, Đức Giêsu làm nhiều phép lạ như 5 chiêc bánh và 2 con cá, đi trên mặt hồ mà đến với các môn đệ: Người hỏi ông Philiphê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây.?” (x. Ga 6, 5-21)

Chúa Giêsu và các môn đệ chèo thuyền vào chỗ khác, vùng đất của người Ghê-ra-xa(Gergèse), đối diện với miền Galilê bên cạnh hồ, Người làm phép lạ chữa một người bị qủy ám, Người truyền cho thần ô uế ra khỏi anh ta: Thấy Đức Giêsu, anh la lên, sấp mình dưới chân Người và la lớn tiếng rằng: “Lạy ông Giêsu, Con Thiên Chúa, Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông? Tôi xin ông đừng hành hạ tôi !” (x. Lc 8, 26-31)

3- Núi Tám Mối Phúc: Hiện nay là một tòa nhà hình bát giác, cao đẹp, nguy nga, nằm trên một khu đất rộng rãi, gần thung lũng Tabgha. Nơi đây, ngày xưa Chúa Giêsu giảng một bài quen gọi là Bài giảng trên núi hay còn gọi là Hiến Chương Nước Trời.

Núi ở đây là gồm một trong những ngọn đồi gần Capharnaum, núi gợi lên hình ảnh Chúa ngồi lên công bố Luật Mới của Người, lập giao ước mặc khải của Thiên Chúa. Đây là lần đầu tiên Chúa tập họp tất cả các môn đệ của Người như học trò ngồi nghe Lời Thầy giảng dạy về Tám Hạnh Phúc thật. Ngày nay được Giáo hội viết lên tường trong toà nhà này được xây dựng lại từ 1938. Bài giảng này gồm có 5 phần chính là: 1/ Tinh thần của công dân Nước Trời. 2/ Nền đạo đức mới. 3/ Thái độ đối với của cải đời này. 4/ Đối với tha nhân. 5/ Phải quyết định nhập tịch và sống trong Nước Trời. (x. Mt 5, 1-12)

Chúa Giêsu dùng những công thức này để công bố khai mạc Nước Trời, trong đó có những người nghèo đói, hèn mọn, sầu khổ…sẽ tìm được hạnh phúc thật, một khi họ tin nhận sứ điệp của Người. Nghèo khó cũng như nhỏ bé nên hiểu theo nghĩa cánh chung, nói về kẻ tin thì sẽ được tái sinh trong Nước Trời. Nhờ lòng tin, con người chấp nhận sứ điệp của Chúa Giêsu thì đó là vào Nước Trời và được hạnh phúc ngay ở đời này. Tất nhiên lòng tin đó sẽ kéo theo tất cả những đòi hỏi khác về luân lý và đạo đức, kể cả khó nghèo về của cải vật chất.. Chúa Giêsu đã nhấn mạnh trong đoạn Tin Mừng này cho những ai thực hiện Tám Mối sẽ có Nước Trời ngay bây giờ.

Như đã nói ở trên, bài giảng này lớn nhất, như bài giảng được chép trong Luca 6, 20-49; nhưng dài hơn rất nhiều Chúa dành cho các môn đệ của Ngài, chính là bạn và tôi hôm nay hãy thực hiện. Đó là chức phận làm môn đệ hoặc sự sống trong Nước Thiên Đàng. Sau khi kêu gọi các mô đệ đầu tiên, thì Chúa Giêsu trình bày cho một cái nhìn khái quát nhưng cần thiết về những đặc quyền và những đòi hỏi trong hoàn cảnh mới của họ. Đó chính là trách nhiệm của giáo sĩ, giáo dân, là bạn và tôi đang sống trong trách vụ hôm nay. (x. Mt 5, 1-7)

Đây không chỉ là một luật lệ về hạnh kiểm đối với môn đệ, mà còn là một sự bày tỏ về thẩm quyền của Đấng Mê-xi-a. (x. Mt 7, 28-29).

Thính giả ở đây là những mộn đệ của Ngài, là con cái Đức Mẹ, chứ không phải là một đám đông. Vậy tôi cần xét mình xem sao??

-1* Viết cảm nghiệm theo tập sách nhỏ: DANS LES PAS DE JESUS-CHRIST, Tour Card.
 
Thánh Giá Chúa Kitô
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
13:34 27/01/2010
Giêsu ơi Ngài đã chiến thắng,
Vì uống cạn chén đắng tự tâm.
Muôn lời cung chúc ca vang,
Con đường Ngài dẫn chứng nhân về Trời.

Đường Thập Giá cao vời khôn xiết
Dấu tình yêu thắm thiết vô ngần
Chúa Cha ban tặng thế gian
Giêsu chí ái đến mang phận người.

Sống lầm than cuộc đời nhân thế
Nên của lễ thượng tế toàn thiêu.
Tấm thân ngọc lụa mĩ miều
Thịt tan xương nát lòng nhiều đơn côi.

Máu cạn trong tàn hơi hấp hối
Cất lên lời trăn trối thều thào
Rằng yêu nhân loại lao đao
Chìm trong biển khổ ba đào mênh mang.

Gánh tội tình thế gian lầm lỗi
Chết đớn đau quá đỗi nhục nhằn.
Kinh qua khổ giá gian nan
Mở ra đường sống bình an Nước Trời.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Giáo Hoàng nói Linh mục: Hãy mang “hồn” lên mạng
Peter Nguyễn Minh Trung
14:04 27/01/2010
VATICAN, 27-01-2010 -- Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã thúc giục các Linh mục sử dụng Internet “một cách khôn ngoan” và xem công nghệ truyền thông hiện đại như “công cụ hiệu quả hơn bao giờ hết để phục vụ Ngôi Lời.”

“Do đó, các linh mục được thách đố để loan báo Tin Mừng bằng cách sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại nhất (hình ảnh, video, hiệu ứng động, blog, website, v.v…) cùng với các phương tiện truyền thống để mở rộng những viễn cảnh mới về đối thoại, truyền giáo và dạy giáo lý”, Đức Giáo Hoàng nói.

Trong Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông lần thứ 44 hôm thứ bảy, Đức Benedict XVI nói các linh mục cần phải đáp trả những thách thức mà nền văn hóa đương đại đặt ra, nếu như họ muốn tiếp cận giới trẻ.

Đức Giáo Hoàng nói các Linh mục: “Hãy sử dụng một cách khôn ngoan những tính năng của các phương tiện truyền thông hiện đại.”

Vị Giám mục 82 tuổi thành Rôma cho biết: “Các linh mục đang đứng trước ngưỡng cửa của thời đại mới - thời đại công nghệ thông tin. Những phương tiện kỹ thuật hiện đại đã tạo ra nhiều mối quan hệ sâu sắc bất chấp khoảng cách về địa lý, vì thế người linh mục phải đáp lại lời mời gọi dấn thân làm mục vụ bằng cách xem truyền thông như một phương thế hữu hiệu hơn bao giờ hết để phục vụ Ngôi Lời.”

“Hãy nắm bắt lấy những chức năng có ý nghĩa gần như không giới hạn của các truyền thông kỹ thuật số”, Đức Benedict XVI nói. “Kỹ thuật mới đòi hỏi (các linh mục) phải trở nên tập trung, cho thấy hiệu quả và tạo ra hấp dẫn hơn trong năng lực của mình.”

Tuy nhiên, Vị Giáo chủ Tối cao Giáo hội Công giáo La Mã cũng thôi thúc các linh mục phải sống đúng với Ơn Gọi của mình. Việc nắm bắt truyền thông kỹ thuật số của thời đại mới phải được hướng dẫn bởi một nền thần học và linh đạo vững vàng nơi người linh mục.

Đức Thánh Cha nói: “Các linh mục sống trong thế giới truyền thông kỹ thuật số đừng quá chú trọng vào kiến thức truyền thông, nhưng phải lo nhiều hơn đến trái tim mục tử và sự gần gũi giữa mình với Đức Kitô. Được như vậy, linh mục không chỉ thành công về phương diện mục vụ, nhưng còn giúp cho mạng lưới truyền thông và Internet có được một ‘linh hồn’.”
 
Nhà thần học giáo dân Mỹ đoạt giải Hội đồng Giáo Hoàng Học Viện
Peter Nguyễn Minh Trung
14:20 27/01/2010
RÔMA, 26-01-2010 (ZENIT) -- Một nhà thần học giáo dân đến từ Mỹ đã được chọn làm người chiến thắng và lãnh 20.000 Euro (28.000 USD) giải thưởng của Hội đồng Giáo Hoàng Học Viện nhờ luận án tiến sĩ của ông, có tựa đề “Hiểu biết về Thánh Tôma qua phép loại suy”.

John Mortensen, một giáo sư tại Đại học Công giáo Wyoming, đã được chọn để nhận giải do Hội đồng Điều hành các Giáo hoàng Học viện trao tặng. Đức Tổng Giám Mục Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, đã công bố như vậy hôm nay.

Đức TGM Ravasi, kiêm chủ tịch của Hội đồng Điều hành, nói giáo sư Mortensen sẽ nhận giải thưởng vào ngày thứ năm này trong cuộc hội kiến riêng với Đức Giáo Hoàng và có sự tham dự của đại diện các Học viện Giáo hoàng khắp thành Rôma.

TGM Ravasi giải thích rằng giải thưởng của Hội đồng Điều hành các Giáo hoàng Học viện công nhận đóng góp của “những nhà nghiên cứu trẻ, nghệ sĩ, cá nhân hay các định chế xuất sắc trong việc thúc đẩy chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo.”

Giáo sư Mortensen đạt học vị tiến sĩ tại Đại học Giáo hoàng Thánh Giá ở Rôma năm 2006.

Từ năm 2002 đến 2007, ông là phó giáo sư tại Học viện Thần học Quốc tế thuộc quyền Giáo hoàng ở Gaming, Áo. Nơi đây, ông giảng dạy bộ môn logic học, triết học tự nhiên, siêu hình học, thần học cơ bản, và thần học Chúa Ba Ngôi.

Giải thưởng danh giá trên của Hội đồng Điều hành các Giáo hoàng Học viện được Đức Gioan Phaolô II thiết lập năm 1996.
 
Giáo Hội Công Giáo Úc và người di dân tị nạn (2)
Vũ Văn An
00:22 27/01/2010
5. Người Di Dân Trở Thành Giáo Hội

Naomi Turner, trong cuốn Catholics In Australia, cho rằng từ thập niên 1870, người dân thường Úc Châu không muốn có thêm di dân nữa vì họ sợ những người này sẽ tràn ngập thị trường nhân công, lấy mất công ăn việc làm của người Úc và hạ thấp tiêu chuẩn sống. Sau Thế Chiến II, vì thấy mình quá gần với một Á Châu đông dân đầy đe dọa, người Úc đành phải mở cửa tiếp nhận số đông di dân, phần lớn đến từ Âu Châu… Trong số các di dân này, nhiều người là Công Giáo và họ tác động mạnh trên đạo Công Giáo có tính Ái Nhĩ Lan mà hầu hết người Công Giáo ở đây tin là căn bản cho Giáo Hội Công Giáo hoàn cầu. Số di dân được nhận vào Úc lên cao nhất vào thời kỳ 1969-1970 và xuống thấp nhất giữa các năm 1975 và 1976; từ đó, con số di dân lại chậm chạp gia tăng, nhưng con số di dân từ Âu Châu thì ít đi hẳn.

Các thay đổi trong thành phần học sinh tại các trường Công Giáo tại Sydney cho thấy nhiều thay đổi lớn trong thành phần dân số Công Giáo nói chung. Năm 1978, 36.9% tổng số học sinh có một hoặc cả hai cha mẹ là di dân và có hơn 18% học sinh nói một ngôn ngữ không phải là tiếng Anh tại nhà. Trong khi có đến hơn 100 đại diện sắc dân, số học sinh sinh tại Úc vẫn chiếm 62% và 27% khác đến từ 8 sắc dân chủ chốt sau đây: Ý, Libăng, Anh, Malta, Nam Tư, Ái Nhĩ Lan, Hy Lạp và Hòa Lan. Tuy nhiên tới năm 1989, các con số kia đã thay đổi đáng kể và con số học sinh từ nguồn không nói tiếng Anh chiếm đến 50.42%, trong đó phải kể đến các học sinh từ nguồn nói tiếng Tây Ban Nha và Á Châu như Phi Luật Tân, Trung Hoa và Việt Nam.

Cuộc Kiểm Tra Dân Số năm 1986 của Văn Phòng Thống Kê Úc cho thấy những con số người Công Giáo Úc sinh tại hải ngoại như sau:

Nơi Sinh Dân Số Công Giáo Phần Trăm
Úc 3,066,801 75.45
Tân Tây Lan 31,005 0.76
Đại Dương Châu 5,943 0.15
Ái Nhĩ Lan 30,421 0.75
Vương Quốc Anh 17,704 0.44
Hy Lạp 759 0.02
Ý 238,017 5.86
Li Băng 21,430 0.53
Malta 50,789 1.25
Hòa Lan 31,789 0.78
Ba Lan 47,905 1.18
Nam Tư 69,346 1.71
Các Nước Âu Châu khác 215,066 5.29
Các Nước Á Châu khác 116,180 2.86
Châu Mỹ 47,232 1.16
Châu Phi 37,067 0.91
Tổng Số Sinh Ở Hải Ngoại 936,653 23.64
Không nêu rõ nguồn gốc 36,958 0.91
Tổng Số 4,064,412 100.00
Theo linh mục Adrian Pittarello, nếu kể cả con cái di dân sinh tại Úc nữa, thì tỷ lệ di dân Công Giáo tại Sydney lên tới gần 60%. Nên ngài kết luận: không thể kể họ như những người được thêm vào cho Giáo Hội ở đây mà thực ra họ đã trở thành Giáo Hội ở đây rồi… Tuy nhiên, cả hàng giáo sĩ lẫn hàng giáo dân gốc Úc hình như chưa ý thức được các thách đố do hoàn cảnh mới tạo nên.

Dù Vatican, với Tông Hiến Exsul Familia năm 1952, ra chỉ thị cho các giáo phận có người di dân phải thiết lập ra các giáo xứ di dân do các linh mục của người di dân đảm nhiệm hoặc ít nhất cũng là những chuẩn giáo xứ (quasi-parish) trong đó các tuyên úy di dân làm việc trong các khu vực đã qui định trước, song hành với các cha xứ trong tư cách đồng trách nhiệm săn sóc phần hồn cho các di dân, nhưng các chỉ thị này đã không được hàng giáo phẩm của Úc thi hành. Các ngài buộc người di dân phải vào khuôn phép các giáo xứ trong cả tổ chức lẫn việc sùng kính.

Phần lớn người giáo dân Úc không thích di dân nào không chịu đóng góp đầy đủ về phương diện tài chánh cho giáo xứ và trường nhà xứ. Tháng 8 năm 1972, Giám Đốc Văn Phòng Di Trú Công Giáo Sydney nhìn nhận rằng có rất ít liên lạc chuyên nghiệp hay nâng đỡ thân ái giữa các cha xứ địa phương và các cha tuyên úy di dân. Các tuyên úy này cảm thấy “các tổ chức giáo dân của giáo xứ đã không cố gắng đủ để làm người di dân cảm thấy dễ chịu trong giáo xứ”. Chính các cha xứ thấy người di dân như một yếu tố gây chia rẽ trong cộng đoàn giáo xứ, nên không muốn họ can thiệp vào các chương trình của giáo xứ. Người di dân vì thế cảm thấy mình chỉ như khách trọ, và do đó lại càng co cụm lại với nhau. Đến tận những năm 1990, linh mục Frank Mecham vẫn còn có thể tường thuật lại như sau: “Gần đây tôi khá buồn về nhận xét của một linh mục Úc gốc Ý lúc ấy đang mừng kỷ niệm 40 năm đời linh mục… Ngài tâm sự với tôi rằng với cái tên và gốc gác Ý, dù ngài từng theo học một trong các chủng viện của chúng ta, nhưng ngài cảm thấy không bao giờ được chấp nhận hoàn toàn nơi các giáo xứ ngài từng làm việc qua".

Thái độ của hàng giáo phẩm Úc buộc Vatican phải duyệt lại Tông Hiến Exsul Familia của mình qua tự sắc Pastoralis Migratorum năm 1969. Nhưng cho đến tận năm 1987, vẫn có lời chỉ trích cho rằng hàng giáo phẩm Úc chỉ giải thích cách hạn chế tối đa tự sắc này bằng cách không chịu ban cho các tuyên úy di dân tư cách pháp lý như các cha xứ địa phương. Điều ấy cho thấy hàng giáo phẩm Úc phần nào vẫn chỉ phản ảnh lại thái độ của xã hội Úc nói chung đòi người di dân phải đồng hóa (assimilated) vào quê hương mới.

Các di dân Công Giáo gốc Ý, mà phần lớn xuất thân từ vùng quê Miền Nam nước này, cảm thấy các nghi lễ tại nhà thờ Úc thiếu hẳn cái ấm áp và lôi cuốn nhân bản. Họ nhớ da diết nét chồng chéo lên nhau của những ngày lễ hội và ăn chay tại quê nhà, cũng như những hình thức sùng kính tôn thờ theo truyền thống của cái quê hương nay đã xa vời kia. Cái truyền thống Ái Nhĩ Lan từng tạo nên bản sắc Công Giáo Úc, đối với họ, chẳng ăn nhập vào đâu.

Adrian Pittarello đưa ra nhận định rằng: thực sự làm gì có niềm tin Ý hay niềm tin Ái Nhĩ Lan, chỉ có niềm tin Công Giáo mà thôi: bản sắc định chế dưới quyền lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng chỉ là một; tổ chức các giáo xứ và các học thuyết do các linh mục dạy dỗ chỉ là một; Thánh Lễ và các Bí Tích như nhau hoàn toàn. Kinh sách và việc sùng kính cũng như nhau. Khác nhau chỉ là các yếu tố văn hóa xã hội mà thôi. Thành ra, “tôn giáo, trong yếu tính, là một gia tài văn hóa, và cũng giống như bất cứ tôn giáo nào khác, đức tin Công Giáo đã được tiếp nhận nhờ văn hóa, chứ không trực tiếp phú ban nhờ ơn Thánh Chúa”. Không lạ gì, một số hành vi và tác phong tôn giáo có một ý nghĩa và tầm quan trọng cao ở một lãnh vực xã hội nhất định nào đó lại mất đi hẳn cái ý nghĩa và tầm quan trọng ấy khi cái lãnh vực xã hội kia thay đổi.

6. Một Số Cộng Đoàn Di Dân Công Giáo Tiêu Biểu

A. Ba Lan: Di dân Ba Lan tới Úc theo hai đợt: ngay sau Thế Chiến II và cuối thập niên 1970, Năm 1986, có gần 48,000 người di dân Công Giáo Úc sinh tại Ba Lan, 8 tuyên úy Ba Lan. Các thánh Lễ Ba Lan được cử hành tại các nhà thờ Úc nhưng người Công Giáo Ba Lan xây nhà thờ riêng tại Sydney, Melbourne và Perth.

Năm 1957, một phụ nữ Ba Lan thắc mắc tại sao lại buộc các phụ nữ phải trùm đầu trong nhà thờ, một việc ở Ba Lan không hề có. Câu trả lời của linh mục tiến sĩ Leslie Rumble cho thấy thái độ chính thức của hàng giáo phẩm Úc thời đó. Ngài cho hay đây là một biện pháp kỷ luật mà nếu bất tuân sẽ phạm tội nhẹ. Những phong tục ngược lại có thể là do không chịu tuân giữ luật chung của Giáo Hội. Phụ nữ di dân buộc phải chấp nhận phong tục phù hợp với luật lệ và trật tự của Giáo Hội…”Bà sẽ không sai lầm khi chấp nhận các phong tục có sẵn hiện hành nơi người Công Giáo của xứ sở này” (Catholic Weekly, số ngày 2 tháng 5 năm 1957).

Nina Skoroszewski, một phụ nữ 70 tuổi, di dân Công Giáo từ Ba Lan nhận xét về buổi đầu khi mới tới Úc: “Mọi cấp bậc trong hàng giáo phẩm Úc đều có chung một thái độ với quảng đại quần chúng: phần lớn đó là ngờ vực những người họ cho là khác biệt và xa lạ. Hàng giáo phẩm Úc ủng hộ chính sách đồng hóa của chính phủ dựa trên giả thiết cho rằng những người mới đến phải nhanh chóng thành thạo tiếng Anh, vứt bỏ quá khứ và tiếp nhận lối sống mới của xứ sở mới, và không được đòi hỏi bất cứ trợ giúp nào để thực hiện các việc ấy. Nhìn nhận bất cứ nhu cầu đặc biệt nào của họ chỉ là làm chậm trễ diễn trình trên. Tại bình diện giáo xứ, linh mục và giáo dân Công Giáo cho rằng chỉ có một cách phát biểu đức tin của mình và tình yêu của Chúa. Cách đó là cách của người Úc, cách mà người mới tới phải tuân theo. Họ quên sự kiện này là ở trong các xứ Công Giáo lớn, Giáo Hội và giáo huấn của Giáo Hội đã trở thành một phần trong nền văn hóa của họ, trong đó các truyền thống hàng thế kỷ đã hòa nhập vào các lễ nghi của Giáo Hội và hết sức gần gũi với tâm hồn dân chúng và sinh hoạt cộng đồng…Đối với nhiều người Ba Lan, các lễ nghi của Giáo Hội Úc xem ra lạnh lùng, thiếu hẳn tinh thần cộng đoàn và xa lìa kinh nghiệm nhân bản…

Trước thời Cộng Sản, ở Ba Lan sinh hoạt tôn giáo là sinh hoạt của cả nước, cả Tổng Thống cũng tham dự những cuộc Rước Kiệu Mình Thánh Chúa trên các đường phố… “Người Ba Lan rất lấy làm lạ khi thấy khuôn mặt Giáo Hội tại Úc ít có trong đời sống công ở đây”. Người Công Giáo Ba Lan, dưới chế độ Cộng Sản, thường chạy tới với Giáo Hội để được chở che và hướng dẫn cả trong phạm vi nhân bản và Giáo Hội không làm họ thất vọng. Ở Úc, hình như họ chỉ tiếp xúc với các linh mục Úc để dự thánh lễ! Và tìm gặp các tuyên úy Ba Lan để tham dự các sinh hoạt khác có tính tôn giáo xã hội hơn…

Krystyna Scislowski, một phụ nữ khác, 32 tuổi, đến Úc năm 1980 cùng với chồng. Theo cô, tại Ba Lan nhà thờ luôn luôn chật người, tại Úc, trái lại ghế trống nhiều quá. Tại Ba Lan, người ta đi tham dự thánh lễ với áo quần tươm tất nhất và chỉ rước lễ sau khi đã xưng tội. Cô rất ngỡ ngàng khi thấy tại Úc, ai cũng lên rước lễ cả, dù chả thấy xưng tội chi hết!

B. Nam Mỹ: Thống kê 1986 cho thấy có 47,232 người công giáo di dân đến từ Nam Mỹ, phần lớn nói tiếng Tây Ban Nha.

Cặp vợ chồng người Chilê Georgina và Clemente, đến Úc năm 1980 với ba con nhỏ, thấy người công giáo Úc không thân thiện mấy. Như muốn treo một số biển ngữ bằng tiếng Tây Ban Nha ở bàn thờ nhân ngày Giáng Sinh nhưng người công giáo Úc không cho. Họ bảo Clemente: “đừng quên các anh là khách tại Úc”. Clemente giận, nói lại “tôi không phải là khách trong chính Giáo Hội của tôi”. Theo Clemente, Giáo Hội phải là một cộng đoàn chia sẻ chứ không phải là một toà nhà. Người Úc hình như không muốn nghĩ như thế.

Christina bỏ Uruguay qua Úc năm 1978 cùng với chồng và 3 con. Sáu năm sau, chồng bà qua đời. Vốn là 1 giáo lý viên, bà tiếp tục công việc ấy khi đến Úc, giúp các trẻ nói tiếng Tây Ban Nha chuẩn bị lãnh nhận bí tích Thánh Thể và Thêm Sức. Các linh mục ở ba khu vực ngoại ô cấm Christina không được trang hoàng nhà thờ với các kiểu trang trí Tây Ban Nha, dù là trong các dịp đặc biệt. “Các ngài nói với tôi rằng đó không phải là nhà thờ của chúng tôi. Nhưng tôi thiết nghĩ vì chúng ta hết thẩy đều chia sẻ một Hiệp Lễ, thì ta nên chia sẻ cả những điều khác nữa mới đúng chứ… Người Công Giáo Úc không nhận chúng tôi như thành viên của họ. Chúng tôi tham dự Thánh Lễ Thứ Năm Tuần Thánh với người Công Giáo Úc, nhưng họ không tự động tỏ dấu bình an với chúng tôi. Họ nhận dấu bình an của chúng tôi, nhưng không khởi sự tỏ dấu hiệu ấy trước tiên. Dù chúng tôi lắng nghe cùng một Phúc Âm và chia sẻ cùng một Hiệp Lễ. Tôi không thể nào hiểu nổi thái độ của họ”.

C. Người Croatia: Năm 1986, có tất cả 60,000 di dân Công Giáo Úc sinh tại Croatia. Họ giống người Ba Lan ở cả ba điểm: Công Giáo, tinh thần quốc gia và chống Cộng. Họ không thích khi thấy các linh mục gốc Úc đòi họ phải hòa nhập vào cộng đồng địa phương.

Marica lên 13 lúc đến Úc năm 1965. Bà nhận xét “Tôi thấy Giáo Hội tại Úc quá dễ dãi và hết sức ngỡ ngàng về cách một số người ăn vận lúc tham dự Thánh Lễ”.

Nada, 40 tuổi, đến Úc năm 1971 cùng với chồng. Bà cho hay: “Bước vào một nhà thờ Công Giáo ở Croatia, tôi cảm thấy một bầu không khí bình an và không có tiếng nói chuyện làm tôi chia trí. Mọi sự đều trang trọng. Người ta ăn vận quần áo đẹp nhất và tỏ lòng kính trọng các linh mục hết mực… Trái lại khi viếng một nhà thờ Úc, ít khi tôi cảm thấy mình đang ở trong nhà thờ: kiểu nhà thờ đã khác, người ta lại nói chuyện ồn ào. Một số người còn mang cả dép quai vào nhà thờ nữa”.

D. Người Việt: Khó mà nói con số chính xác người Việt ở Úc. Nhưng Thống Kê năm 1986 cho biết có 16,000 di dân sinh tại Việt Nam; khoảng 1/3 số ấy là người Công Giáo. Như thế, nếu tỷ lệ kia vẫn còn giá trị, thì hiện nay con số người Việt Nam Công Giáo tại Úc phải vào khoảng trên dưới 40,000 người.

Kim sinh tại Bắc Việt Nam năm 1950, di cư vào Nam, rồi cùng chồng và 2 đứa cháu trốn khỏi Việt Nam năm 1980 qua Indonesia, và từ đó qua Úc định cư năm 1981. Bà cho hay: “Ở Việt Nam đi lễ hàng ngày là chuyện dễ thực hiện vì nhà thờ khá nhiều, cách nhau chừng 2 cây số, và rất gần với dân chúng. Thường có ba linh mục chăm sóc cho khoảng 5 ngàn giáo dân. Trong nhà thờ, đàn ông ngồi một bên, đàn bà ngồi một bên, con nít thì ngồi phía trên, được các thiện nguyên viên canh chừng để cha mẹ chúng có thể dễ dàng cầu nguyện hơn. Giáo dân cầu nguyện trước và sau Thánh Lễ, nên họ có mặt trong nhà thờ ít ra cũng 1 tiếng rưỡi. Bàn thờ được trang trí nhiều hơn ở Úc. Ít người Úc chịu đi nhà thờ, nên các nhà thờ Úc đối với chúng tôi xem ra trống vắng và lạnh lẽo. Nhiều người Công Giáo Việt Nam thoạt đầu đi nhà thờ Anh Giáo vì họ thấy các nhà thờ ấy chẳng khác nào các nhà thờ Công Giáo. Không người Công Giáo Úc nào tới giúp chúng tôi khi chúng tôi đến đây nhưng bây giờ chúng tôi thấy mình đã được chấp nhận”.

Mạnh đến Úc năm 1980, nay vào tuổi trên 30. Anh nhận xét: “Tôi thích đi lễ Chúa Nhật do linh mục người Việt cử hành vì tôi thích các phong tục Việt Nam được bảo tồn trong Thánh Lễ. Thí dụ, chúng tôi dùng các lư hương được trang trí bằng các hình thù Việt Nam và các thẻ hương. Và tôi muốn các con tôi biết nhiều kinh hơn là chỉ biết Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng. Người Việt thường đọc kinh trước và sau Thánh Lễ. Tôi muốn các con tôi tỏ ra cung kính trong nhà thờ nhiều hơn các trẻ người Úc. Tôi muốn chúng duy trì phần nào nền văn hóa Việt Nam”.

E. Người Ý: Theo thống kê năm 1986, có 261,879 người sinh tại Ý ở Úc, trong đó hết 238,017 tự cho mình là Công Giáo. Dù số đông như thế, nhưng vì thiếu thống nhất, nên họ không gây được nhiều ảnh hưởng đối với Giáo Hội Công Giáo tại đây. Sở dĩ như thế là vì phần lớn họ xuất thân từ những làng quê biệt lập, nên thích đồng hóa mình với những làng quê ấy chứ không với nước Ý nói chung. Hơn nữa, giữa người Ý miền Bắc và người Ý miền Nam, có khác biệt về văn hóa. Lý do thiếu thống nhất nữa là vì con cái di dân Ý thường thích đồng hóa mình với bạn bè người Úc hơn.

Nói chung, di dân Ý thấy khó hòa mình và đóng góp cho các giáo xứ Úc. Lý do thông thường nhất là ngôn ngữ. Hơn nữa, phần lớn họ không được học nhiều lúc còn ở quê nhà.

Chính vì thế, các tuyên úy Ý hay nhấn mạnh đến hình thức tổ chức mục vụ sao cho phù hợp với nhu cầu di dân Ý. Họ đề nghị hình thức mục vụ miền, giống như hình thức của Exsul Familia, vì hình thức giáo xứ quá nặng yếu tố lãnh thổ, một yếu tố không thích hợp với người Ý tại Úc. Chính vì lẽ đó, ít người Công Giáo Ý tại Úc chịu đi lễ Chúa Nhật tại các nhà thờ Úc.

Pittarello cho hay: “Đối với người Ý, thiên hướng nội tâm không đủ… Cả con người phải biểu lộ thái độ tôn giáo… Đối với người Úc… thờ phượng là một trong nhiều điều người ta phải làm, và việc ấy có thể làm được mà không cần phải can thiệp vào các sinh hoạt khác… Ở Úc, tôn giáo không có tính bàng bạc (pervasive) như ở Ý, nhưng nó đã đạt tới một mức độ “nội tâm hóa” hơn là ở nước kia… Người Công Giáo ở Úc, dù tụ tập với nhau để thờ phượng công khai, vẫn nhấn mạnh đến lối cầu nguyện riêng tư… khi người ta đi nhà thờ ở Ý… cả cộng đoàn thờ phượng, chứ không phải các cá nhân.

Ngày nay, tình thế đã ra khác nhiều lắm. Sự đóng góp của người di dân Công Giáo vào xã hội và giáo hội Úc về mọi phương diện, kể cả lối sống đạo đặc thù của họ, càng ngày càng được đánh giá cao. Riêng người Công Giáo Việt Nam càng ngày càng có nhiều đóng góp nhân sự hơn cho Giáo Hội ở vùng đất này. Không ai có thể phủ nhận sự đóng góp to lớn của họ. Ảnh hưởng Công Giáo Ái Nhĩ Lan đương nhiên vẫn còn đó, nhưng dần đã mất đi tính độc chiếm và cũng như diễn trình đối thoại đang rầm rộ khai mở ở mọi ngả đường trong Giáo Hội hoàn cầu, đối thoại không riêng với các hệ phái Kitô Giáo khác, mà còn cả với các tôn giáo hoàn cầu khác, và nhất là với các nền văn hóa khác nhau của nhân loại, người ta có quyền kỳ vọng nhìn về tương lai để thấy một Giáo Hội Úc với rất nhiều sắc thái khác nhau nhưng vẫn là một Giáo Hội Công Giáo, Duy Nhất, Thánh Thiện và Tông Truyền.

Tài liệu

1. Mechem, Rev. F., The Church And Migrants, 1946-1987, St Joan Of Arc Press, 1991

2. Pittarello, A. ‘Multiculturalism and the Catholic Church’, CCJP Occasional Papers, no.8, 1986.

3. Naomi Turner, Catholics In Australia, CollinsDove, Melbourne 1992, Vol 2.
 
Công Giáo và Chính Thống Giáo: hiện nay chưa có một văn kiện thần học chung nào
Bùi Hữu Thư
07:26 27/01/2010
Minh định sau khi có sự tiết lộ cho giới báo chí

Rôma, Thứ Ba 26 tháng 1, 2010 (Le Monde vu de Rome) – Một thông cáo của Hội Đồng Giáo Hoàng về Hiệp Nhất Kitô Giáo hôm nay lưu ý: Bản văn chứa đựng việc đối thoại giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo được báo chí đăng tải không có “hiệu năng”, và “tính cách chính thức”. Hội đồng nhấn mạnh, thực ra chưa có một văn kiện chung nào.

Hội đồng than phiền về việc phổ biến bản văn “hãy còn đang được duyệt xét toàn vẹn” bởi “Ủy Ban hỗn hợp Quốc Tế về Đối Thoại Thần Học giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống.”

Hội đồng xác nhận đây chỉ là một tài liệu chuẩn bị “bao gồm một danh sách các chủ đề phải nghiên cứu và đào sâu,” và sự thảo luận của Ủy Ban cho tới nay mới chỉ đề cập đến “một phần rất nhỏ” của các chủ đề này.

Thông cáo của Uỷ Ban cho hay: trong buổi họp cuối cùng tại Paphos, bên Nước Cộng Hòa Cyprus, vào tháng 10 năm ngoái, người ta đã “quyết định rõ ràng là sẽ không phổ biến gì cả trước khi Ủy Ban đã duyệt xét toàn vẹn.”

Thông cáo kết luận: Thực ra, hiện thời chưa có “một văn kiện đã thỏa thuận nào, do đó “bản văn được phổ biến cho quần chúng không có hiệu năng và tính cách chính thức.”
 
Giáo phận Paris sẽ hành hương Torino nhân dịp trưng bày Tấm Khăn Liệm Thánh
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
13:31 27/01/2010
Nhân dịp trưng bày ngoại lệ tấm Khăn Liệm Thánh, dự kiến từ ngày 10/04 đến ngày 23/05 tới đây tại Turino, Italia, giáo phận Paris dưới sự dẫn dắt của Đức Hồng Y André Vingt-Trois sẽ đến hành hương vào cuối tuần của dịp lễ Chúa Thăng Thiên từ ngày 12 đến 16 tháng 5 năm 2010.

Với chủ đề « Thầy sẽ không để anh em mồ côi » (Ga 14, 18), chuyến hành hương này cho phép « chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Kitô, và thưởng ngoạn hai khuôn mặt khác, mà cả hai đều đáp lại tiếng Chúa gọi, một là linh mục: thánh Don Bosco, và một là giáo dân: chân phước Pier Giorgio Frassati », các nhà tổ chức hành hương khẳng định.

Trong suốt 4 ngày, được phân chia thành bốn ngả đường - giới trẻ, sinh viên và giới công chức trẻ, người trưởng thành, và những ai không đi bộ - những khách hành hương sẽ khám phá thế giới tâm linh của Torino và những vùng phụ cận.

Tại Paris, để chuẩn bị kỹ càng cho chuyến hành hương này cũng như để tham gia vào bước khởi động, có thể tham dự một trong năm buổi hội thảo về Tấm Khăn Liệm Thánh sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng hai đến tháng năm tại các giáo xứ khác nhau thuộc giáo phận Paris. Ban tổ chức hành hương của giáo phận sẽ ủy thác cho hiệp hội « Hãy chỉ cho chúng con Thánh Nhan Ngài » phụ trách các buổi hội thảo, nhằm đem lại sự hiểu biết về Tấm Khăn Liệm Thánh theo khía cạnh khoa học cũng như chiều kích tâm linh.

Còn ba cuộc hội thảo khác đương nhiên được dự kiến xoay quanh những khuôn mặt của Don Bosco và Pier Giorgio Frassati.

Ngày 2 tháng 6 năm 2008, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI có thông báo về cuộc trưng bày tấm Khăn Liệm Thánh: « Cuộc trưng bày này sẽ là một cơ hội thuận tiện, tôi đoán chắc như vậy, để chiêm ngắm màu nhiệm Thánh Nhan Đức Kitô, nói trong thinh lặng nơi con tim của loài người, qua đó lại vừa mời gọi họ nhận biết khuôn mặt của Thiên Chúa ».

(Nguồn: http://zenit.org/article-23329?l=french)
 
Ngày gặp gỡ dành cho những người có anh chị em của mình là người khuyết tật
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
13:33 27/01/2010
Chúa nhật ngày 21 tháng 3 năm 2010 sẽ diễn ra ngày của những ai có người thân là anh, chị, hay em bị ốm đau hay tàn tật (bất cứ dưới dạng khuyết tật nào) trong 7 thành phố tại Pháp.

Những thành phố liên quan bao gồm Paris, Bordeaux, Lyon, Marseille, Nantes, Ste Anne-d'Auray, Tours. Theo một thông cáo của Hiệp Hội Công Giáo của người tàn tật (OCH), tất cả sẽ cùng sống một thời khắc trao đổi quý báu giữa các anh chị em, xung quanh những nhân chứng tên tuổi, những diễn đàn được điều phối bởi các nhà chuyên môn về tư pháp, y khoa, tâm lý, Kitô giáo, giáo dục…

Chủ đề của ngày lần thứ 15 này là: « Đối với chúng ta tương lai nào cho anh chị em của mình ? ». Trang mạng điện tử của Hiệp Hội cung cấp tất cả những thông tin cần thiết liên quan đến sự kiện này.

Đó là một ngày mở rộng cho tất cả, với đủ các lứa tuổi tính từ 12 tuổi và khuyết tật của anh chị hay em của mình về vận động, tinh thần, tâm lý hay giác quan. Ngày này sẽ được bắt đầu bằng thời gian đón tiếp quanh bàn trà, café, tiếp đến là chia sẻ của những nhân chứng tầm cỡ kèm theo sự trao đổi và chia sẻ giữa các anh chị em, sau đó là làm việc theo nhóm được phân chia theo loại khuyết tật khác nhau. Sẽ có các nhân chứng tiếng tăm giữ trịch tại các thành phố như sau:

Tại Paris, đại nhân chứng là đức cha Michel Dubost, giám mục giáo phận Évry-Corbeil-Essonnes, Thành viên Ủy Ban Gia Đình và xã Hội trực thuộc HĐGM Pháp, Chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình HĐGM Pháp, Tư vấn Hội Đồng Tòa Thánh về Giáo dân, và là anh trai của François, khuyết tật thể lý.

Còn Bordeaux, ông Philippe de Lachapelle, Giám đốc của OCH.

Tại Lyon, nữ giám đốc Sylvie de Kermadec, bác sĩ sản phụ khoa.

Tại Marseille, nhà văn Laurent de Cherisey, dấn thân trong thế giới của người khuyết tật và có người em gái khuyết tật.

Tại Nantes, Giám đốc Jean-Louis Bavoux, cựu giám đốc của hội « Trạm tiếp sức tình bạn và cầu nguyện » dành cho những gia đình và bạn bè của những bệnh nhân tâm thần.

Tại Sainte Anne d'Auray, thầy Samuel Rouvillois, tu sĩ thuộc hội dòng Saint-Jean, rất gần gũi với những bệnh nhân tâm thần.

Nguồn: http://zenit.org/article-23315?l=french
 
Ấn Độ: Bộ phim của một Linh mục Dòng Salesian đoạt giải điện ảnh quốc gia
Peter Nguyễn Minh Trung
14:02 27/01/2010
AGARTALA, ẤN ĐỘ, 27-01-2010 (UCAN) -- Một bộ phim truyện, do Linh mục Joseph Pulinthanath thuộc Dòng Salesian đạo diễn, đã mang về giải nhất lần đầu tiên cho bang Tripura tại liên hoan phim quốc gia Ấn Độ.

Hình từ trái qua là LM Joseph Pulinthanath, LM Joseph Kizhakechennadu và nữ tài tử Tripura tại Đại Hội International Film Festival 2008 ở Goa, Ấn Độ.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Liên bang Ambika Soni đã công bố kết quả trên hôm 23-01-2010 tại New Delhi.

Bộ phim của cha Pulinthanath, mang tên “Yarwng” (nghĩa là: Gốc rễ) trong ngôn ngữ Kokborok, đã được chọn là phim hay nhất thuộc thể loại ngôn ngữ không chính thức ở Ấn Độ.

Đây là giải nhất điện ảnh quốc gia đầu tiên dành cho một bang miền Đông Bắc.

Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil sẽ hiện diện trong đêm trao giải vào tháng ba tới.

Bộ phim trên được sản xuất bởi Linh mục Joseph Kizhakechennadu, Dòng Salesian, thuộc Hãng phim Sampari Don Bosco và do Linh mục Pulinthanath, SDB làm đạo diễn. Phim này nói về đời sống của hàng ngàn người dân bản địa phải di cư tới nơi khác ở do đất của họ bị chính phủ lấy làm dự án nhà máy thủy điện Gumti.

Cái nhìn hiếm hoi về bộ lạc Ấn Độ

Các diễn viên trong “Yarwng”, được tờ New York Times mô tả như “một cái nhìn hiếm hoi vào bộ lạc của Ấn Độ”, hầu hết là những người dân bản địa bị hất cẳng đi nơi khác vì các dự án xây đập ngăn nước. Họ chưa từng có kinh nghiệm diễn xuất trước đây.

“Giải thưởng đã làm cho tiếng Kokborok và những người nói thứ ngôn ngữ này tự hào”, Cha Pulinthanath phấn chấn nói với UCAN.

Cha nói thêm: “Cũng như tất cả những ai đã góp phần làm nên bộ phim ‘Yarwng’, tôi cảm thấy hạnh phúc khi mọi người chúng ta đã mang về cho Tripura và người dân bang này giải nhất điện ảnh quốc gia.”

Vị linh mục còn hy vọng sẽ thấy “nhiều giải thưởng như vậy hơn nữa” về điện ảnh trong tương lai.

Cha Pulinthanath nói giải thưởng không chỉ góp phần thúc đẩy nền công nghiệp điện ảnh non trẻ ở Tripura, nhưng còn giúp giới thiệu và bảo vệ các bộ lạc cộng đồng của bản địa, cũng như ngôn ngữ Kokborok mà họ nói.

Bộ phim được dựng nhờ sự tài trợ kinh phí từ các tổ chức Công giáo như Signis (Brussels, Bỉ), Missio (Đức) và Hội Dòng Salesian.

Cha Pulinthanath đã cho ra mắt bộ phim dài 95 phút vào tháng 9 năm 2008, và từ đó nó được trình chiếu rộng rãi ở hơn 40 liên hoan phim quốc tế, bao gồm: New York, Stuttgart, Moscow, Brisbane, Dhaka và Đài Loan.

Đó cũng là bộ phim mở màn thuộc hạng mục phim toàn cảnh đời sống Ấn Độ, được công chiếu tại Liên Hoan Phim Quốc Tế Ấn Độ 2008 ở thành Goa, nơi Thánh Phanxicô Xaviê qua đời.

“Yarwng” cũng đã từng đoạt giải thưởng được bình chọn đặc biệt của ban giám khảo tại Liên Hoan Phim Châu Á Con Mắt Thứ Ba lần thứ bảy tại thành phố Mumbai (Bombay) năm 2008.
 
Top Stories
“I Redentoristi in Vietnam operano per la pace e per il bene della gente”, dice il Superiore Generale della Congregazione
John Trung
07:28 27/01/2010
Roma – “Siamo molto dispiaciuti per essere ingiustamente accusati di essere ‘istigatori di disordini’, come riportano alcuni mass-media vietnamiti. Vorrei che il mondo sapesse che i Redentoristi in Vietnam sono una presenza di pace, lavorano per il bene della gente, pregano e vivono a servizio del Vangelo. Ho chiesto ai confratelli in Vietnam di pregare per la riconciliazione e di invitare i fedeli a farlo, alla fine di ogni celebrazione liturgica”: lo ha detto p. Michael Brehl, Superiore Generale della Congregazione del Ss. Redentore, in seguito alle accuse diffuse in Vietnam contro i religiosi Redentoristi.

“Siamo in Vietnam da circa un secolo – ricorda – al servizio del popolo di Dio, celebrando i Sacramenti, attraverso l'apostolato, il servizio sociale e l'istruzione: la nostra missione è sempre quella di portare la pace”.

P. Michael aggiunge: “Siamo comunque preoccupati per la situazione attuale. Speriamo non vi sia un’ulteriore escalation di violenza”, di cui ha fatto le spese – dopo gli eventi della parrocchia di Dong Chiem ad Hanoi – un Redentorista, fratel Anthony. Il Superiore dà a Fides una buona notizia: “Fratel Anthony ora è a casa, è fuori pericolo e si sta riprendendo, dopo le percosse subite. Ne siamo felici”. Tutti i Redentoristi esprimono oggi solidarietà e sostegno ai confratelli e ai fedeli in Vietnam. “La mia speranza – conclude p. Brehl – è poter un giorno visitare il Vietnam”.

Alla fine del XIX secolo molti ordini e congregazioni (fra le quali i Redentoristi) si stabilirono in Vietnam, costruendo scuole, ospedali, università, seminari e conventi. I Redentoristi giunsero in Vietnam nel 1925.

La Provincia Redentorista in Vietnam è la più grande dell'Asia. Negli ultimi vent’anni la Provincia è cresciuta: nel 1983 aveva 179 confratelli professi, oggi ne ha 278, fra i quali 168 sacerdoti, che vivono in circa 20 case sparse in tutto il paese, nel Nord, Centro e Sud Vietnam. Vi sono inoltre 222 postulanti, e la crescita delle vocazioni rappresenta una grande speranza per tutta la Chiesa in Vietnam.
 
Báo Ba Lan - Nasz Dziennik: Cộng sản Việt Nam ghét Dòng Chúa Cứu Thế
Nasz Dziennik
12:31 27/01/2010
Z o. Peterem Nguyenem Van Khaiem, wietnamskim redemptorystą, rozmawia Łukasz Sianożęcki

Chociaż parafianie w Dong Chiem chcą jedynie gromadzić na modlitwie, ze strony władz spotyka ich przemoc. Dlaczego doszło do pobicia br. Antonia Nguyena Van Tanga CSsR?

- Powodów pobicia brata Antonia było kilka. Po pierwsze, policja lubi używać także wobec zwykłych obywateli brutalnej siły. Chyba wszystkim Wietnamczykom policja kojarzy się w pierwszym rzędzie z przemocą, a także z wszystkimi innymi odrażającymi sprawami. Dzieje się tak dlatego, że od bardzo dawna nie doświadczyli ze strony policji jakichkolwiek innych zachowań niż agresja i przemoc. Drugi powód to nienawiść, jaką komunistyczne władze żywią do redemptorystów. Brat Tang był na jednym z pierwszych miejsc w policyjnych notatkach, jako ten do "wytępienia", ze względu na to, że jest fotografem. Jest też bardzo odważnym człowiekiem. Zrobił naprawdę mnóstwo zdjęć dokumentujących przemoc, jakiej dopuszczali się funkcjonariusze wobec parafian.

Jak długo mogą jeszcze trwać te prześladowania?

- Nie mam pojęcia. Wszystko w rękach władz. Z naszej strony, czyli parafii w Dong Chiem, diecezji w Hanoi i całego Kościoła Wietnamu, będzie to jedynie modlitwa. Sporo w tej kwestii zależy od postanowień krajowego Episkopatu, no i reakcji społeczności międzynarodowej.

Kiedy oglądamy zdjęcia czy słuchamy relacji z Dong Chiem, wygląda to naprawdę poważnie. Do czego jeszcze mogą się posunąć władze? Przecież nie mogą aresztować wszystkich parafian...

- Policja zatrzymuje tych najbardziej odważnych. Pozostali parafianie to głównie kobiety. Młodzież i silni mężczyźni rzadko kiedy bywają w rodzinnej wiosce ze względu na pracę, którą podejmują gdzieś z dala od niej. Tak więc władzom pozostaje dalsze przesłuchiwanie księży, kobiet, a także dzieci. Nie wydaje mi się, aby jednak odważyli się aresztować wszystkich. Zdolni są jednak do zrobienia wielu innych rzeczy, tak jak to było ze zniszczeniem bambusowego krzyża. Aby złamać parafian, mogą także aresztować ojców utrzymujących rodziny. Już w kwietniu zbiorą się także władze partii komunistycznej, aby omawiać sprawę stosunków z Kościołem. To jak będziemy traktowani, zależy w dużym stopniu od ustaleń w czasie tego zjazdu.

Oprócz zwykłych obywateli w krajach Europy, także instytucje europejskie (np. Parlament Europejski) wyrażają zaniepokojenie sytuacją chrześcijan w Wietnamie. Jakie znaczenie dla katolików w tym kraju mają takie sygnały solidarności?

- Rozumiem, że Unia Europejska i inne międzynarodowe organizacje wyrażają głos sprzeciwu wobec naszej sytuacji. Myślę, że jest to dobra rzecz dla nas samych, jak i dla wszystkich, którzy cierpią z powodu niesprawiedliwości. Jednocześnie nie dostrzegam zbyt wielkiej nadziei, by ten głos mógł wiele zmienić w naszym przypadku. Dlaczego? Po pierwsze, reżim komunistyczny rzadko kiedy przejmuje się opinią społeczności międzynarodowej. Po drugie, nie wiem, czy istnieje jakiś mechanizm kary, który można by zastosować wobec wietnamskiego rządu. A po trzecie, bardzo często interwencja niektórych krajów jest oparta nie na chęci walki o prawa człowieka, ale na własnych interesach. Bazując na tych przesłankach, tak bardzo nie liczymy na efekty jakiejś interwencji z zewnątrz. Jednocześnie nie porzucamy naszej nadziei w Bogu. Zrobimy wszystko, by osiągnąć w Wietnamie sprawiedliwość, prawdę i poszanowanie praw człowieka i wolności religijnej.

Dziękuję za rozmowę.

(Source: http://www.naszdziennik.pl/index.php?dat=20100127&typ=wi&id=wi12.txt)
 
Modlitwa odpowiedzią na nienawiść (Ba Lan: Cầu nguyện là câu trả lời cho hận thù)
Nasz Dziennik
12:34 27/01/2010
Tysiące ludzi solidaryzuje się z brutalnie prześladowanymi katolikami w Wietnamie
W całym Wietnamie tysiące katolików modli się za oblężoną przez służby bezpieczeństwa parafię Dong Chiem. Czuwania w intencji wiernych i duszpasterzy, ale także wietnamskiego rządu, odbyły się w Hanoi i w Ho Chi Minh City. Mimo prób zastraszenia uczestników nabożeństw i mimo licznej obecności policjantów oraz prób prowokacji z ich strony, nie doszło do poważniejszych incydentów.

W czuwaniu w klasztorze Redemptorystów w Ho Chi Minh City uczestniczyło sześć tysięcy katolików. Także odbywające się prawie w tym samym czasie czuwanie w katedrze w Hanoi zgromadziło tysiące wiernych. Oprócz Mszy Świętych w intencji parafian z Dong Chiem szczególną modlitwą otoczono arcybiskupa Hanoi Józefa Ngo Quang Kieta, który znajduje się pod obstrzałem prorządowych mediów, a także przedstawicieli komunistycznej władzy domagających się rezygnacji arcypasterza. - Arcybiskup nie odbiera w tej chwili telefonów ani poczty. Stara się pozostać w odosobnieniu, aby nie dawać rządowi pretekstów do atakowania jego osoby, co mogłoby się skończyć dla niego deportacją czy więzieniem. Choć - jak sam powiadomił wiernych - udał się w spokojne miejsce, by modlić się za mieszkańców Dong Chiem, to lokalne media rozpowszechniają kłamstwa, że to właśnie on stoi na czele parafian i zachęca ich do buntu - mówi w rozmowie z "Naszym Dziennikiem" wietnamski redemptorysta o. Peter Nguyen Van Khai.
Wietnamscy katolicy właśnie przez modlitwę chcą odpowiedzieć na ataki prowadzone przez rządzących komunistów, którzy wysadzili krzyż na Górze Tho, na terenie należącym do parafii Dong Chiem, i pobili parafian, którzy chcieli do tego nie dopuścić. Parafia jest odcięta od świata, wierni są zastraszani i bici. Wszystkie dotychczas odbywające się tam zgromadzenia były pokojowe, a mimo to władze odpowiadały przemocą. W odpowiedzi na ostatnie czuwania modlitewne komuniści zagrozili "poważnymi środkami" i "aresztowaniami" uczestników. - Jeśli chcecie aresztować mnie, to zróbcie to teraz. Jestem gotowy - powiedział o. Józef Le Quang Uy minionej nocy, gdy zwracał się do setek tajnych agentów, którzy otaczali klasztor w Ho Chi Minh.
- Nie możemy zarzucać przywódcom, że nie rozumieją naszej kultury - powiedział młody ksiądz agencji AsiaNews. - Ale rzeczywistość jest taka, że to miejscowe władze z rozmysłem, na różnych szczeblach, otoczyły i sterroryzowały parafię To one zachęcały ludzi ze środowisk przestępczych do zburzenia krzyża i znęcania się nad wierzącymi i nad ich wiarą. Taka jest prawda - dodał. "Mamy nadzieję, że władze wietnamskie przeprowadzą dochodzenie w sprawie wydarzeń w Dong Chiem i będą działały według zasad sprawiedliwości" - zaapelował do rządzących w specjalnym liście o. Michael Brehl, przełożony generalny redemptorystów. Ojciec Brehl podkreślił, że jest świadomy, iż sytuacja w tym kraju jest napięta, nie tylko dla redemptorystów, ale również dla wielu ludzi świeckich, a szczególnie tych zaangażowanych w pracę duszpasterską. Jednocześnie zapewnił wietnamskich katolików o solidarności i modlitwie.
Po brutalnym pobiciu w ubiegłym tygodniu przez policję jednego z wietnamskich redemptorystów, br. Nguyena Van Tanga, polscy współbracia zaapelowali do wszystkich ludzi dobrej woli o pisanie protestów do ambasady Wietnamu. - Wobec wydarzeń w Wietnamie chciałbym zaapelować o aktywność, pisanie listów, maili, o telefony do wietnamskiej ambasady - wzywa o. Kazimierz Piotrowski CSsR, przewodniczący sekretariatu misji zagranicznych redemptorystów.
Łukasz Sianożęcki

Ambasada Socjalistycznej Republiki Wietnamu
ul. Resorowa 36,
02-956 Warszawa
tel. (22) 651 60 98 (22) 651 60 98,
fax (22) 651 60 95
(Source: http://www.naszdziennik.pl/index.php?dat=20100127&typ=wi&id=wi11.txt)
 
Vietnam: Paroisse de Dông Chiêm: trêve ou fin du conflit?
Eglises d'Asie
12:35 27/01/2010
Le 25 janvier au matin, la presse officielle déclarait en gros titre que « l’affaire de Dông Chiêm » avait été réglée. Cependant, depuis cette date, on n’a encore enregistré aucune déclaration de responsables de l’Eglise catholique, pas plus à l’archevêché de Hanoi, qu’à la paroisse où le 6 janvier dernier une croix monumentale a été détruite par les autorités locales. Bien qu’aucune source ne soit pour le moment très explicite, il semblerait cependant que la paroisse de Dông Chiêm connaisse, du moins provisoirement, un certain calme.

Des événements importants ont effectivement eu lieu le 24 janvier. Ils ont été relatés par une dépêche mise en ligne sur le site Internet des religieux rédemptoristes ce jour-là (1). Elle annonçait que les deux croix en bois et en bambou dressées sur la cime du mont Tho en remplacement de la croix détruite le 6 janvier avaient été transportées au pied de la montagne.

Après plusieurs jours de tension extrême, qui avait provoqué, le 21 janvier, une protestation officielle de l’archevêché de Hanoi (2), la police a convoqué le curé de Dông Chiêm une première fois le 22 janvier, puis une deuxième fois le lendemain, au siège de la Sécurité du district. Ce jour-là, la police l’a informé que les deux croix provisoires, dressées par la population catholique après la destruction de l’ancienne, allaient être « démantelées » et réinstallées au pied de la montagne. La décision a été annoncée par le prêtre pendant la messe du 24 janvier. Il a déclaré que « militaires et civils, administration et Parti » (3) allaient démanteler un ouvrage illégal. Peu de temps après, à 8 heures du matin, les croix ont été, comme annoncé, arrachées et transportées au bas de la montagne. La dépêche souligne qu’à l’exception de quelques personnes qui se sont laissées abuser ou ont été contraintes, les paroissiens dans leur ensemble sont restés chez eux. Dans la soirée du 24, le nombre des agents de la Sécurité dans la paroisse avait diminué et leur présence se faisait plus discrète en comparaison des jours précédents, durant lesquels les incitations, les menaces et la pression exercée par la police sur la population s’étaient intensifiées, les haut-parleurs du village ne cessant de diffuser le texte de la décision ordonnant le démantèlement des ouvrages élevés sur la cime de la montagne.

Les nombreux articles parus le 25 janvier dans la presse officielle donnent une version assez différente des événements. Ils laissent penser que les prêtres et la population se sont ralliés aux injonctions des autorités et auraient même collaboré à l’opération de démantèlement. Les journaux titrent: « La population de Dông Chiêm a démantelé elle-même l’ouvrage illégal. »

(1) http://dcctvn.net/zzweb/99907dc.html
(2) Le texte de la protestation a été traduit dans son entier par Eglises d’Asie (voir dépêche diffusée le 21 janvier 2010).
(3) Expression consacrée appartenant au vocabulaire du Parti communiste vietnamien et, sans doute, employée ironiquement.
(4) Voir par exemple: http://home.vnn.vn/nguoi_dan_dong_chiem_tu_thao_do_cong_trinh_xay_trai_phep-33619968-625278041-0 ou encore: www.cand.com.vn/vi-VN/thoisu/2010/1/125022.cand

(Source: Eglises d'Asie, 27 janvier 2010)
 
Tysiące katolików modli się za oblężoną parafię (Ba Lan: Hàng ngàn người cầu nguyện cho giáo xứ Đồng Chiêm)
Ekai.pl
13:38 27/01/2010
Modlitewne czuwania odbyły się w Hanoi i w Ho Chi Minh City w intencji wiernych i duszpasterzy oraz wietnamskiego rządu. Mimo prób zastraszenia uczestników czuwań i mimo licznej obecności policjantów wokół kościołów, nie było poważniejszych incydentów.

Modlitwy za parafian w Dong Chiem, za księży w archidiecezji Hanoi oraz za wietnamskie władze. W czuwaniu w klasztorze redemptorystów w Ho Chi Minh City, które odbyło się w niedzielę (24.01.2010), uczestniczyło 6 tys. katolików. Prawie w tym samym czasie podobne czuwanie odbyło się w katedrze w Hanoi, które zgromadziło tysiące wiernych, pod przewodnictwem ks. bpa Lawrence Chu Van Minh, biskupa pomocniczego Hanoi. Tutaj modlił się on ponadto za Arcybiskupa Józefa Ngo Quang Kiet, który znajduje się pod obstrzałem prorządowych bojówek domagających się rezygnacji arcypasterza.

Wietnamscy katolicy w ten sposób odpowiadają na ataki prowadzone przez lokalne władze, które zniszczyły krzyż na Górze Tho, na terenie należącym do parafii Dong Chiem, parafii obecnie odciętej od świata, w której wierni są zastraszani i bici. Zgromadzenia były pokojowe, a mimo to władze odpowiedziały groźbami. W Ho Chi Minh City np. miejscowe władze zagroziły „poważnymi środkami” i „aresztowaniami” uczestników modlitewnych czuwań. „Jeśli chcecie aresztować mnie, to zróbcie to teraz. Jestem gotowy.” – powiedział o. Józef Le Quang Uy minionej nocy, gdy zwracał się do setek tajnych agentów, którzy otaczali klasztor. Obawiano się napaści ze strony policji, ale nabożeństwo odbyło się bez incydentów.

O. Wincenty Pham Trung Thanh, przełożony redemptorystów w Wietnamie we wstępie do Mszy św. wyjaśnił, że „przybyliśmy tu, aby się modlić za parafię Dong Chiem, za kapłanów archidiecezji Hanoi, prosić o sprawiedliwość i pokój w naszym kraju”. Wietnamscy katolicy zamanifestowali swą łączność w całym świecie. Czuwania modlitewne w tych samych intencjach odbyły się lub są przygotowywane w Stanach Zjednoczonych, w Niemczech, w Australii.

– Nie możemy zarzucać przywódcom, że nie rozumieją naszej kultury – powiedział młody ksiądz agencji Asia News – ale rzeczywistość jest taka, że to miejscowe władze z rozmysłem, na różnych szczeblach, otoczyły i sterroryzowały parafię.

W rzeczywistości lokalne władze przybyły z „uzbrojonymi siłami” aby przestraszyć parafian, bijąc i aresztując niewinnych uczestników nabożeństw. To one zachęcały elementy przestępcze do zburzenia krzyża i znęcania się nad wierzącymi i nad ich wiarą. Taka jest prawda.

– Miejscowe władze – mówi Maria, katolicka nauczycielka – posłużyły się wynajętymi zbirami, aby napadali i zastraszali wiernych i pracujących tam duszpasterzy. Bandy zbirów łamały prawo wietnamskie, toteż prawo powinno ścigać właśnie ich. Lokalne władze powinny być pociągnięte do odpowiedzialności za swoje akcje przeciw katolikom. One nawet zastraszały niektórych księży Archidiecezji Hanoi. Miejscowi ludzie władzy pogwałcili „wiarę religijną” chrześcijańskiej ludności w Wietnamie i w świecie.”

One (lokalne władze) nie są odosobnione. Władze w Ho Chi Minh City podniosły zarzuty przeciw wspólnocie redemptorystów, oskarżając ich o wykorzystywanie kościoła Matki Bożej Nieustającej Pomocy jako punktu zaczepienia, skąd „przekręcają fakty, fałszywie oskarżają i krytykują rząd oraz utwierdzają w wiernych błędne rozumienie polityki Partii i narodowego prawodawstwa. „Celem ich oskarżeń jest o. Józef Le Quang Uy, któremu zarzucają wykorzystywanie jego przewodniej roli w modlitewnych czuwaniach do zniekształcania społecznej, politycznej i ekonomicznej sytuacji oraz o rozsiewanie pogłosek o pogwałceniach praw człowieka przez władze.

(Source: Thanh Thuy, Emily Nguyen, http://ekai.pl/wydarzenia/swiat/x25330/tysiace-katolikow-modli-sie-za-oblezona-parafie/)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại Hội Đồng Mục Vụ Việt Nam tại Tổng giáo phận Sydney
Diệp Hải Dung
13:09 27/01/2010
SYDNEY - Chiều thứ Ba 26/01/2010 (Australia Day) các anh chị em thành viên Hội Đồng Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sydney đã đến Trung Tâm Tĩnh Huấn Thánh Giuse Bringelly tham dự Đại Hội Đồng Mục Vụ Thường Niên nhân dịp đầu năm 2010.

Xem hình ảnh

Khai mạc Đại Hội, anh Trần Anh Vũ Phó Chủ tịch CĐCGVN Sydney báo cáo về Tài Chánh của Cộng Động và giới thiệu Cha Dương Thanh Liêm thuyết giảng về đề tài “Cộng Đồng” và Cha Paul Văn Chi thuyết giảng về “Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam ở Hải Ngoại.” Kế tiếp ông Giang Hoan Chủ tịch CĐCGVN Sydney lên báo cáo về những sinh hoat của Cộng Đồng trong năm 2009 vừa qua và kế hoạch phát triển sinh hoạt của Cộng Đồng trong năm mới 2010. Đặc biệt dịp Tết Nguyên Đáng trùng vào ngày cuối tuần nên Cộng Đồng sẽ có Thánh lễ mừng Xuân Canh Dần 2010 tại công viên Paul Keating Park vào tối thứ Bảy 13/02/2010. Ông còn cho biết thêm về dự án xây dựng 14 Chặng Đàng Thánh Giá trên Trung Tâm đang tiến hành xây cất và hy vọng sẽ sớm hoàn tất khánh thành vào tháng 5/2010 (Ngày Thánh Mẫu Tháng Hoa)

Sau cùng Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn thay mặt cho Ban Tuyên úy ngỏ lời cám ơn tất cả các anh chị em trong Hội Đồng Mục Vụ Sydney đã đến tham dự buổi Đại Hội, đồng thời Cha cũng khuyến khích các Giáo Đoàn nên phát huy về những ngày Lễ như Bổn Mạng của Giáo Đoàn, của Phong Trào Đoàn Thể để phát triển Giáo Đoàn nói riêng và Cộng Đồng thêm thăng tiến trong thời đại mới này.

Sau đó là giờ đền tạ Chầu Thánh Thể, tất cả mọi người cùng tiến lên quỳ trước bàn thờ và đại diện các Giáo Đoàn Bankstown, Cabramatta, Fairfield, Lakemba, Marrick ville, Miller, Mt. Pritchard, Revesby và Ban Mục Vụ Trung Tâm Bringelly dâng lời nguyện trước Thánh Thể Chúa KiTô. Ngoài ra còn có các Giáo đoàn bạn, Giáo đoàn Our Lady of Rosary Fairfield, Granville, Plumpton và Bass Hill đến tham dự. Giờ đền tạ Chầu Thánh Thể chấm dứt, mọi người cùng hướng về Đức Mẹ và cầu nguyện dâng Cộng Đồng cho Đức Mẹ và sau đó Hội Đồng Mục Vụ hội thảo đóng góp những ý kiến và nêu những thắc mắc để xây dựng và phát huy cho Cộng Đồng. Quý Cha Tuyên úy đã giải đáp những thắc mắc và ghi nhận những đóng góp hữu ích của mọi người để giúp Cộng Đồng thêm tiến triển trong tương lai, nhất là cho thế hệ Trẻ.

Đại Hội Đồng Mục Vụ kết thúc bế mạc mọi người cùng ở lại tham dự buổi tiệc liên hoan đầu năm 2010 tại sân của Trung Tâm.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Liên Đoàn CGVNHK cầu nguyện hiệp thông cho Đất Nước và Giáo Hội Việt Nam
Lm Giuse Nguyễn Thanh Liêm
09:30 27/01/2010

Năm 2010: Thay Lời Chúc Tết - Liên Đoàn Mời Gọi Cầu Nguyện
Cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam


Kính thưa: - Đức Cha Dominic Mai Thanh Lương, Giám Mục Phụ Tá Orange
- Quý Đức Ông, Linh Mục Chủ Tịch Miền và thành viên Ban Chấp Hành Miền
- Quý Bề Trên các Nhà Dòng, Cộng Đoàn, Tu Hội, Tu Đoàn
- Quý Chánh Xứ, Quản Nhiệm các Giáo Xứ và Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam
- Quý Thầy Sáu, Tu Sĩ nam nữ và quý ông bà anh chị em

Chúng ta đang cùng Giáo Hội Mẹ Việt Nam bước vào năm mới Canh Dần trong niềm hân hoan cử hành Năm Thánh kỷ niệm 350 năm thành lập hai Giáo Phận Đàng Trong và Đàng Ngoài, và 50 năm thiết lập hàng Giáo Phẩm Chính Tòa Việt Nam. Đây là cơ hội thuận tiện để tất cả chúng ta bày tỏ tâm tình Tạ Ơn Thiên Chúa vì bao nhiêu ân huệ Ngài đã ban cho Giáo Hội Mẹ và cho chính chúng ta.

Bên cạnh đó, với tâm tình Hiệp Thông, chúng ta cũng chia sẻ những đau buồn xảy ra cho Giáo Hội trong thời gian qua khi tự do tôn giáo vẫn còn bị hạn chế ở nhiều lãnh vực. Hiện nay, nhiều người bày tỏ sự quan ngại về các giải pháp áp chế và đơn phương từ chính quyền trong các vụ việc xảy ra ở Tòa Khâm Sứ, Thái Hà, Tam Tòa, Loan Lý, hoặc mới đây ngày 6/1/2010, dùng cả mìn nổ để triệt hạ và xúc phạm đến Thánh Giá tại nghĩa địa của Giáo Xứ Đồng Chiêm, song song với những biện pháp cố hữu do một số viên chức, công an địa phương thừa lệnh thi hành: đe dọa, bạo lực, trấn áp, giam giữ và đánh đập người vô tội đến thương tật trầm trọng, trong đó có linh mục, tu sĩ và giáo dân nam phụ lão ấu. Những vụ việc tương tự vẫn đang còn tiếp tục diễn ra các nơi khác.

Chắc chắn rằng những vụ việc này đang gây sứt mẻ trầm trọng đến uy tín và danh dự của Việt Nam trên trường quốc tế về mặt tự do Tôn Giáo, Dân Chủ và Nhân Quyền. Chưa kể đến những thiệt hại tài chánh ước tính nhiều tỉ đôla do không còn niềm tin vào việc thực thi công lý nghiêm chỉnh ở Việt Nam, dẫn đến sự bất cộng tác, hoặc hợp tác kèm theo những điều kiện của các nước đối tác.

Chúng con, thuận theo đề nghị của đông đảo Linh Mục và Giáo Dân ở khắp nơi trên Hoa Kỳ quan tâm đến tình hình và tương lai của đất nước và Giáo Hội Mẹ Việt Nam, xin mời gọi Quý Chủ Tịch Miền, cùng quý Chủ Chăn trách nhiệm các Giáo Xứ, Cộng Đoàn, Cộng Đồng, Hội Dòng, tổ chức thường xuyên các buổi Cầu Nguyện Hiệp Thông cho Đất Nước và Giáo Hội Việt Nam trên toàn Hoa Kỳ, có thể bắt đầu vào ngày Mùng Một Tết, năm Canh Dần. (Xin gởi kèm Lời Nguyện Giáo Dân dùng trong ngày này). Tùy theo hoàn cảnh và điều kiện tại địa phương, có thể tổ chức: Thánh Lễ, làm tuần Cửu Nhật; Viếng, Chầu Thánh Thể; Nghi Thức Tôn Vinh Thánh Giá; tổ chức Suy Niệm, Ngắm Đàng Thánh Giá; lần chuỗi Mân Côi.

Ước mong rằng, qua những lời cầu xin tha thiết và ý nguyện chân thành của chúng ta - những người con dù sống xa nhưng vẫn luôn yêu mến Quê Hương và Giáo Hội - mọi điều tốt lành nhất sẽ sớm đến với Quê Hương và Giáo Hội Mẹ Việt Nam chúng ta, đặc biệt trong năm Canh Dần này!

Ngày 26 tháng 1, 2010
Trân trọng,

LM. Giuse Nguyễn Thanh Liêm
Chủ Tịch Liên Đoàn CGVN tại Hoa Kỳ


LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN
Đề nghị các Giáo Xứ/Cộng Đoàn các nơi dùng trong ngày Tết Nguyên Đán, Năm Canh Dần 2010. Ý chỉ cầu nguyện được kết hợp cả ba Ngày Tết đầu năm - Ban Phụng Vụ Liên Đoàn.

Chủ tế: Quý Ông Bà và Anh Chị Em rất thân nến, Năm cũ đã qua và năm mới đến, chúng ta hãy dành những giây phút quý báu đầu tiên của năm Canh Dần này để chúc tụng, ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa vì muôn ơn lành Ngài đã thương ban cho chúng ta trong năm qua. Và giờ đây, chúng ta cùng nhau dâng lên Chúa Xuân những ý nguyện cầu cho năm mới, xin Ngài thương ban cho chúng ta.

1. Xin cho Đức Thánh Cha Bênêđictô, hàng Giám mục, quý Linh mục và Tu sĩ nam nữ được một năm mới dồi dào ân sủng và bình an của Chúa Xuân, để các ngài luôn hăng say trong sứ vụ Phúc Âm hóa và hướng dẫn Giáo hội sống theo chân lý của Chúa.
2. Xin cho các nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Việt Nam thân yêu của chúng ta, trong năm mới này biết dẹp bỏ sự thù hận, bất công và bạo động để xây dựng đất nước sống yêu thương, công lý và hòa bình đích thực theo tinh thần Giáo Hội mời gọi cầu nguyện và sống trong Năm Thánh này.
3. Xin cho Giáo Hội Việt Nam trong Năm Thánh này, được tiếp tục kín múc những ân sủng và ơn lành do Thiên Chúa và Mẹ La Vang ban cho, để phát triển và thăng tiến mọi mặt trong sự Hiệp Nhất và Yêu Thương.
4. Xin cho các vụ việc ở Tòa Khâm Sứ, Thái Hà, Tam Tòa, Loan Lý và Đồng Chiêm và những nơi khác có được hướng giải quyết tích cực, công bằng và hợp lý, cũng như cho các nạn nhân bị lăng mạ, kết án, trù dập, hay bị đánh đập thương tích trầm trọng sớm hồi phục, ổn định tinh thần và cuộc sống.
5. Xin cho mọi Kitô hữu trong năm mới này ý thức trách nhiệm và vai trò của mình là: Không chỉ xây dựng gia đình hạnh phúc mà còn biết thánh hóa môi trường Giáo Hội và Xã hội ngày càng vững mạnh và thịnh vượng hơn.
6. Xin cho anh chị em trong Giáo Xứ/Cộng đoàn chúng ta, trong năm mới luôn sống kết hiệp mật thiết với Chúa và với mọi người. Nhờ đó, chúng ta luôn sống đoàn kết, thương yêu nhau và làm chứng cho Thiên Chúa bằng chính đời sống Đức tin, Đức cậy và Đức mến của mình.
7. Xin cho chúng ta luôn biết kính trọng và thảo hiếu với ông bà, cha mẹ của chúng con đã dầy công sinh thành dưỡng dục. Xin Chúa chúc lành và ban cho các ngài được hồn an xác mạnh để sống đầm ấm và an vui với con cháu trong năm mới này.
8. Xin cho mọi người chúng con cũng biết sốt sắng tham dự thánh lễ và cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thân nhân, ân nhân đã qua đời và các linh hồn mồ côi. Xin Chúa thương nhận tất cả các linh hồn vào hưởng Mùa Xuân vĩnh cửu trên thiên đàng với Chúa.

Chủ tế: Lạy Cha là Chúa của Mùa Xuân trường cửu, xin thương ban cho chúng con cuộc sống bình an và hạnh phúc mà chúng con luôn chúc cho nhau nhân dịp đầu năm mới. Xin Chúa cũng thương nhận những lời nguyện của chúng con và rộng ban muôn ơn lành hồn xác cho chúng con trong năm mới này. Chúng con cầu xin nhờ danh Đức Giêsu Kitô, Amen!
 
Ai là Giona đã khiến Tam Toà, Loan Lý… Đồng Chiêm phải chịu cảnh như vậy?
HưongGiang
12:42 27/01/2010
Nhìn tình cảnh Giáo hội Việt Nam lúc này, tôi nhớ tới câu chuyện tiên tri Giona.

Xin được kể tóm tắt: Giona được Chúa sai đến thành Ninivê để nói Lời Chúa cho dân thành, nhưng ông ta đã từ chối bằng cách lẫn trốn xuống tàu đi Taxsit. Chúa cho một trận cuồng phong nổi lên, làm thuỷ thủ trên tàu vô cùng sợ hãi; họ nghi ngờ trên tàu có ai đó là kẻ có tội khiến sóng to gió lớn nổi lên để trừng phạt. Thế là người ta bắt thăm thì trúng ngay ông Giona, biết mình có tội ông đề nghị người ta ném ông xuống biển. Thế là gió yên, biển lặng.

Thời gian gần đây, trong ngoài nước ai ai cũng biết con thuyền Giáo hội Việt nam đang gặp phải “sóng to gió lớn”, phần đông các thuỷ thủ trên tàu đã tỏ ra lúng túng. Dựa theo Lời Chúa thì điều này muốn nói rằng có vị ngôn sứ nào đó đã tìm cách lẫn trốn nói Lời Thiên Chúa nên đã sinh ra cơ sự này. Bởi đó, không có cách nào khác là bây giờ chúng ta phải tìm cho ra trên con thuyền này "ai" là người đã trốn tránh nói Lời Chúa. Vậy thì chúng ta hãy làm như các thuỷ thủ ngày xưa, đó là “bắt thăm” “gieo quẻ” để tìm cho ra người đó, và khi đã tìm thấy rồi, chúng ta cũng hãy làm như họ “ném ông này xuống biển” có như vậy mới mong bình yên trở lại với giáo hội.

Cũng rất mong ai đó (Hay Là Do Lỗi Bắt Đầu Từ Tôi) chúng ta đừng sợ khi mình phải trúng thăm là Giona, bởi vì sau đó Chúa đã yêu thương ông, bằng cách cho ông đi “du lịch’ 3 ngày, 3 đêm trong lòng biển Địa Trung Hải, và cuối cùng “tàu” ông đã cập bến bình an.
 
Em Đồng Chiêm, em mơ ước những gì?
Lyý Việt Thắng
12:53 27/01/2010
Em Đồng Chiêm
mắt nhung huyền ngơ ngác
Khóc thương ai mà ngấn lệ lưng tròng ?
Vành tang trắng
giữa chiều buồn hiu hắt
Chuông giáo đường nức nở giữa hư không

Máu Mẹ đổ
đêm tàn đông giá rét
Se tủi hờn xác anh nổi biển Đông
Hồn uất hận
suốt đêm trường gào thét
Chết ngậm ngùi giữa biển cả mênh mông

Đêm mìn nổ
Thập giá bỗng chao nghiêng
Ngưới nằm xuống vẫn chưa hết muộn phiền
Ôm thương đau
thêm một lần vĩnh biệt
Tình đồng bào nghĩa nhân ái Rồng Tiên?

Bên Thánh giá
em mơ ước những gì ?
Lũ côn đồ vây hãm lối em đi
Bọn bạo quyền
quên đường ra phương Bắc ?
Đánh dân lành cứu Tổ quốc lâm nguy?
 
Không còn ngày Chúa Nhật!
LM Giuse Nguyễn kim Anh
12:57 27/01/2010
KHÔNG CÒN NGÀY CHÚA NHẬT !

1. Cách nay mấy năm….
Bẵng đi một thời gian, tôi không ngưng mua báo …vì một mình đọc cả chồng báo, tốn tiền, lại đã có mạng Internet.

Ghé tiệm tạp hóa mua đôi dép.Tiệm thường bán báo.
- Gái, lấy cho chú số báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, số Phụ Nữ Chủ Nhật…
- Dạ không có ạ !
- Sao ? Không có hả ?
- Chỉ có Tuổi Trẻ Cuối Tuần, Phụ Nữ Cuối Tuần—con bé lơ đễnh trả lời…
- Ừ cứ lấy cho hai số cuối tuần…

Chủ nhật đã biến thành cuối tuần…

2. Ngày cuối tĩnh tâm năm tôi tranh thủ ra tiệm sách để mua ít thiệp chúc Tết, lịch bàn và cuốn sổ tay 2010 vì ở Lagi mặt hàng sách ít chủng lọai.

Lịch bàn 2010 nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin, Lịch bàn đặt trên bàn. Ghi công việc vào từng ngày.

- Dạ thưa cha chúng con xin tất niên vào mồng 7 tháng Hai Tây 2010 tức 23 tháng Chạp mình. Mồng Bảy Chúa nhật 5 g chiều ạ !

Sáng nay tôi tìm tờ lịch ngày 7/2/2010 để ghi tất niên Legio. Không có. Ủa lịch mà in thiếu sao ? Hay không có tờ chúa nhật ? Đúng không có tờ Chúa nhật. Cả 52 tuần.

Ngày Chúa nhật được ghi vào dòng cuối của ngày thứ bảy. Tờ lịch ngày chúa nhật biến mất.

Chúa nhật biến thành cuối tuần
Tờ lịch ngày chúa nhật biến mất.

Chuyện nhỏ hay chuyện lớn ? Tôi là người hòai cổ chăng?
 
Đồng Chiêm - Điểm tới của chuỗi những hành động kỳ quặc khó hiểu
Nhật Hà
14:17 27/01/2010
Sau đây là bài nhận định của độc giả về biến cố Đồng Chiêm:

Biến cố Đồng Chiêm là một câu hỏi lớn không dễ trả lời đối với các nhà hoạt động tôn giáo và với cả những nhà quan sát, bình luận, nhận định về thời cuộc.

Đồng Chiêm như gáo nước lạnh thức tỉnh mọi phán đoán, suy xét, tính toán, giả thiết… Đồng Chiêm như một giọt nước làm tràn cái ly “nghi nghi hoặc hoặc” của những ai còn cố gắng tìm cớ để bao biện cho sự táng tận lương tâm của kẻ cầm quyền. Đông Chiêm làm sửng sốt những ai còn nghi ngờ về giới hạn của sự vô luân, vô đạo, vô lương…của một thể chế. Và có lẽ người ta nên nhìn nhận lại bằng con mắt khác hơn qua một chuỗi những sự việc khó hiểu mà nhà cầm quyền đã thực thi trên đất nước này lâu nay.

Thì ra, không chỉ dân nghèo, không chỉ Đồng Chiêm, không chỉ Công giáo, không chỉ đất đai… đang là đối tượng của “bạo lực chính quyền” và “khủng bố nhà nước”, mà thực ra, thể chế này đã bị một thứ quyền lực ma quỷ đang sai khiến và nó chỉ còn có mỗi việc là làm theo một cách mù quáng, vô điều kiện, như con thiêu thân, hay như một con chó trung thành... cốt vừa lòng quan thầy nó mà thôi.

Một “bàn tay lông lá” của ma quỷ đã, đang và sẽ còn điều khiển, sai khiến những kẻ cầm quyền nhà nước này và mách cho nó những cách thức để đi đến thành công trong kế hoạch đánh phá, hủy hoại dân tộc này ở tất cả mọi lĩnh vực của đời sống.

Thật thế, ta có thể nhìn nhận lại sơ lược về những phi lý, bất công trong xã hội những năm gần đây vẫn đang ngày càng nhiều lên.

Đó là những cảnh cướp đất của dân nghèo chia cho quan chức, hay làm “dự án” không phục vụ dân sinh. Là cảnh những bà mẹ Việt Nam anh hùng phải lặn lội hàng ngàn cây số đến tận Phủ Thủ tướng dầm mưa dãi nắng kêu oan. Nhưng tiếng kêu thấu trời kia sau 5 năm, 10 năm, 20 năm vẫn không tới được tai Thủ tướng?

Là cảnh những nhát cuốc vô lương đã đào xới mồ mả mấy đời của người dân chỉ vì những quy hoạch lạnh lùng chà đạp lên lợi ích của dân ở khắp nơi trên đất nước mà mới đây nhất là ở Hoàng Mai – Hà Nội.

Đó là cảnh những thanh niên, sinh viên, trí thức… bị bóp nghẹt tiếng nói yêu nước bằng các vụ đàn áp bất công cách khó hiểu – vụ biểu tình trước sứ quán Trung quốc năm 2007. Là chiến dịch khủng bố tinh thần thái độ thể hiện lòng yêu nước của các bloger Điếu Cày, Mẹ Nấm, Người buôn gió… Là hiện tượng phá hoại các trang mạng phản ánh sự thật hiện tình xã hội của các thế hệ và tầng lớp nhân dân – Bauxitvietnam, Talawas…

Đó là cảnh những người có công với dân với nước phải ra tòa chỉ vì đến nay vẫn không từ bỏ lý tưởng “vì dân” của mình – điển hình là vụ án bà Ba Sương.

Đó là quyết tâm bịt miệng, triệt hạ bằng mọi giá những tấm lòng đau đáu vì sự phát triển của đất nước và dân tộc với hàng loạt những bản án bất công, vô lương… đối với linh mục Nguyễn Văn Lý, luật sư Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Thượng tọa Thích Quảng Độ….Hay những nhân vật như nhà văn Phạm Xuân Nghĩa, Phạm Thanh Nghiên, Phạm Văn Trội, nhà giáo Vũ Hùng, bác sĩ Phạm Hồng Sơn… mà cả thế giới vẫn đang lên tiếng đòi trả tự và công bằng cho họ.

Đó là cảnh cướp đất, vu cáo gây oán thù giữa người dân với các tôn giáo, giữa các tôn giáo với nhau, gây “phân hóa nội bộ” trong lòng các tôn giáo. Từ vụ Tòa Khâm sứ, Thái Hà, Tam Tòa, Loan Lý, Bát Nhã, Thiền viện, Thánh viện, các dòng tu, mới đây nhất là biến cố Đồng Chiêm và mới hơn nữa (24/01/2010) là âm mưu cướp đất và xua đuổi sư sãi ở ngôi chùa nhỏ bé hẻo lánh ở chùa Linh Phổ, Lâm Đồng. Một đất nước mà tôn giáo, nơi trú ngụ cuối cùng để niềm tin có thể sống sót còn bị chà đạp và triệt hạ bằng mọi giá thì dân tộc đó sẽ đi về đâu?

Chào một năm mới, kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, dọn đường cho đại hội XI của đảng cộng sản là hàng loạt các vụ khủng bố và trấn áp nhân dân và bỏ tù hàng loạt những người yêu nước. Đỉnh cao của sự bất lương, thất đức đến mức khó hiểu là hành động đập phá biểu tượng tôn giáo tại Đồng Chiêm và bản án “lật đổ chính quyền nhân dân” đối với Luật sư Lê Công Định, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long và Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung. Theo mô hình vụ án Lưu Hiểu Ba của nước “bạn”, một nhân vật yêu nước bị kết tội bằng cái án “lật đổ chính quyền nhân dân”, và vu cáo họ bằng luận điệu cũ rích quen thuộc rằng “nghe theo sự xúi giục của các tổ chức phản động nước ngoài”. Một xã hội mà những kẻ cầm quyền luôn tìm cách đánh tráo khái niệm của lòng yêu nước thì hỏi rằng còn có ai dám yêu nước nữa?

Lịch sử dân tộc Việt Nam chắc chắn chưa bao giờ phải chứng kiến một sách lược, chiến lược hủy hoại nòi giống, dân tộc dưới mọi hình thức, trong mọi lĩnh vực, với mọi tầng lớp… như hiện nay.

Bằng những phương cách hạ đẳng đê hèn nhất, bất chấp đạo lý, luật pháp, lương tâm nhất, nó đã xô đẩy người dân nghèo đến tận cùng tuyệt vọng, nó làm cho các tôn giáo và nội bộ tôn giáo hoài nghi với nhau. Nó phá hủy đạo đức khiến cho nền giáo dục xuống cấp trầm trọng, tính nhân văn vốn là cội nguồn của mọi hành xử trong xã hội đã trở nên xa xỉ. Các nhà khoa học, những con người tâm huyết với sự phát triển tiến bộ của đất nước đã không có “đất dụng võ” bởi hàng loạt các quyết định, nghị định… đi ngược lại lợi ích dân tộc?

Nó sẵn sàng dùng đội quân đáng lẽ chỉ dành để phục vụ nhân dân đi đàn áp nhân dân, những hình ảnh đẫm máu của công an, quân đội dùng vũ khí đánh đập người dân lâu nay đã trở nên quá quen thuộc trên các trang mạng không chính thống. Trong khi đó nơi mà người dân mong muốn những lực lượng đó xuất hiện thì lại chẳng thấy đâu. Ngư dân đánh cá ngoài biển Đông cho rằng, bao nhiêu năm đánh cá ngoài khơi nhưng chẳng bao giờ nhìn thấy tàu của Hải quân Việt Nam hay Cảnh sát biển Việt Nam ở đâu để mà kêu cứu?

Bàn tay ma quỷ ấy đang sử dụng nhà cầm quyền VN như một sân khấu múa rối vậy, đứa trẻ tưởng rằng con rối biết đi, đứng, chạy, nhảy, nói, cười… nhưng thực ra nó được điều khiển chỉ bởi một bàn tay ở phía hậu trường.

Bàn tay ma quỷ ấy nó len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống, nó bào mòn nhận thức, tư duy, ý chí của người Việt về mọi vấn đề. Người Việt đang đánh mất chính mình mà thật khó nhận ra, hoặc có nhận ra cũng thật khó có cách nào thoát khỏi cái vòng vây vô hình quỷ quyệt ấy.

Hàng hóa kém chất lượng có hại đến sức khỏe con người nhưng không những được tràn vào ồ ạt bằng đường nhập lậu mà còn được ưu đãi về thuế khiến giết chết các ngành công nghiệp sản xuất trong nước. Nhưng khi được các chuyên gia VN ( bà Phạm Chi Lan) chỉ ra thì ngay lập tức bộ TTTT được “bạn” nhắc nhở về cách đưa tin, về thái độ không thiện chí của chuyên gia?

Cái gọi là “hợp tác khai thác bôxit ở Tây Nguyên” thực ra là trò “chó sói gửi chân”, nó là cớ cho sự xuất hiện một lực lượng lao động hùng hậu của nước ”bạn”, để biết đâu khi “bạn” cần có thể sử dụng như một lực lượng “quân nằm vùng” (vốn là chiến thuật của cộng sản)? Nhưng bất chấp mọi lời cảnh báo, kẻ nắm quyền vẫn nhắm mắt đưa chân?

Cái gọi là “hợp tác về thông tin truyền thông” thực chất là sự hướng dẫn chỉ đạo cách làm báo, cách đưa tin… như thế nào để không phương hại đến uy tín nước “bạn” ( còn uy tín của chính mình thì không tính đến, hay chỉ cần có uy tín với “bạn” là được) và quan hệ hai bên? Thực chất hơn nữa đó là một cách đe dọa “tế nhị” đối với kẻ bất chấp lợi ích dân tộc mà chỉ lo giữ được quyền lực để thỏa mãn tham vọng cá nhân. Cứ bật đài THVN lên thì biết, chẳng mấy ngày không thấy các chuyến viếng thăm nhau giữa mọi cấp của hai kẻ láng giềng. Từ ngày “hợp tác” về TTTT thì có quá nhiều chuyện kỳ lạ xảy ra, nào là thiết lập đường dây nóng giữa hai chính phủ, trang báo mạng của đảng CSVN đưa tin Hoàng Sa -Trường Sa là của tổ quốc “bạn”… Và quá nhiều, quá nhiều những bộ phim lịch sử, dã sử, rồi phim thời hiện đại với mô típ những nhân vật cư xử với nhau bằng những thủ đoạn, mưu chước, trả thù nhau hết đời này đời khác… nhiều vô thiên lủng… của anh bạn hàng xóm. Bộ máy TTTT của nhà nước VN đã trở thành công cụ đắc lực cho việc đưa chế độ này đi nhanh hơn đến chỗ tự sát – đó chẳng phải là “thâm ý” của “bạn” sao?

Cái gọi là “hợp tác trong lĩnh vực giáo dục” thực chất là đưa vào đó lối giáo dục bất chấp đạo lý “thầy- trò” của dân tộc Việt Nam từ xa xưa, một cách tinh vi, hòng phá hủy đến tận gốc rễ, đến tận nhiều thế hệ cái cốt cách văn hóa của dân tộc Việt Nam. Nó chỉ đạo một cách tinh vi thế nào đó mà các con rối cứ đưa ra hết chỉ thị này đến nghị quyết nọ ( giáo viên 8 không, quyền của học sinh là tối thượng…) đã khiến tước hết sức mạnh, uy tín, vị thế của người thầy Việt Nam để thầy không dạy nổi trò, trò sẵn sàng hành hung thầy. Khi đã thản nhiên bước qua đạo lý “tôn sư trọng đạo” thì con người đâu còn chất người nữa. Một dân tộc có những thế hệ mất chất người thì liệu có còn sức mạnh không?

Cái gọi là “hợp tác về an ninh quốc phòng” thực chất là sự chỉ đạo cả hệ thống QĐND VN mà quan trọng nhất là nắm đầu các tướng lĩnh bằng những lợi ích vật chất, bằng địa vị quyền lực… ai cũng muốn giữ và muốn có hơn nữa. Thủ đoạn và xảo quyệt hơn nữa là sự khống chế họ bằng mạng sống của vợ con, cha, mẹ và bản thân họ, thậm chí có thể là triệt hạ đến cả đời con cháu họ nữa nếu có ai đó dám trỗi dậy tinh thần dân tộc giữa vòng vây ma quái này. Mới đây QĐND VN đổi quân phục mới với màu sắc và kiểu cách giống y chang quân đội “bạn” cho thấy một sự lệ thuộc đến mức “nô lệ” rồi.

Chợt nghĩ trong thời điểm nhạy cảm này liệu rằng khi xảy ra tranh chấp, thậm chí là chiến tranh thì không lẽ quân đội hai bên với màu áo giống hệt nhau như vậy sẽ quay súng vào nhau?! Một nhà nước mà hệ thống quân đội và cảnh sát có nhiệm vụ lớn nhất, duy nhất là bảo vệ lãnh thổ của tổ quốc, nhưng đã bị tê liệt sức mạnh và ý chí thì cũng sẽ giống như An Dương Vương bị trộm mất nỏ thần! Khi ấy chỉ còn biết quay lại chém đầu con gái yêu của mình.

Và khi ấy truyền thông nhà nước lại có việc làm, tức là sẽ đưa tin “QĐND VN nổi loạn quay súng bắn vào nhau” ( cũng giống như giáo dân Đồng Chiêm đánh nhau đổ máu rồi đổ vạ cho chính quyền)… màn diễn này chắc ly kỳ đây!

Dù có tham vọng thế nào người ta cũng không thể điểm hết được những sự vô lý, kỳ quặc và khó hiểu đang diễn ra hàng ngày trên một đất nước có Chủ quyền, có Hiến pháp và Pháp luật lại đang bị rối loạn đến cỡ này.

Người dân bị khủng bố, đàn áp… tuyệt vọng không còn biết tin vào đâu, tầng lớp trí thức bị bịt miệng, tước đoạt tự do… bất lực trước bạo quyền, hệ thống quân đội và cảnh sát thì trở thành công cụ để bảo vệ chế độ, sẵn sàng quay súng trấn áp nhân dân và phục vụ cho mưu đồ của kẻ ngoại bang.

Lãnh thổ của đất nước bị ngoại bang chiếm đóng, người dân bị cướp bóc tống tiền đánh đập xua đuổi, không lên tiếng quyết liệt ngược lại vẫn hèn hạ và nhục nhã ca ngợi “tình hữu nghị 4 tốt và 16 chữ vàng”.

Nền kinh tế nhà nước phát triển bằng “vay nợ” và “xin viện trợ” nhưng khoác vỏ “hợp tác đầu tư” hoặc “liên doanh”, bằng khai thác và xuất khẩu tài nguyên thô với giá rẻ mạt, bằng phá hủy môi sinh môi trường miễn là được trả tiền để làm giàu cá nhân.

Nền giáo dục phát triển theo kiểu “con kiến mà leo cành đa…” khiến nhiều thế hệ mất gốc, suy đồi nhân cách, không có lý tưởng gì ngoài chuyện cơm áo, danh vọng, địa vị.

Các ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa bị bóp nghẹt hoặc sống thoi thóp vì không quan tâm đầu tư cho nghiên cứu, sáng tạo mà ngược lại còn thả cửa cho hàng lậu rẻ mạt, kém chất lượng ùa vào như lũ, kéo theo là sức khỏe của người dân bị hủy hoại, bần cùng hóa người dân trên mọi phương diện.

…..

Nhiều, nhiều lắm, nhưng có lẽ đau xót nhất, tang thương nhất, ấy là niềm tin Tôn giáo bị chà đạp. Suốt từ Nam chí Bắc, tất cả các tôn giáo: Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành, Phật giáo, Công giáo… đều bị đàn áp khủng bố, cướp đất, đều bị “cài đặt” vào đó những kẻ hoạt động “tôn giáo quốc doanh”, nếu “cài đặt” không thành công thì sẵn sàng bất chấp mọi thủ đoạn để triệt hạ. Bằng chứng là đã triệt hạ Làng Mai của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và nay đang dùng mọi kế sách điên cuồng để triệt hạ bằng được đạo Công giáo, đạo của Tự do - Công bình - Bác ái.

Và đây, xin trích lại một đoạn sử Việt từ giữa thế kỷ 19 để những ai quan tâm đến sự tồn vong của Nước Việt có cơ hội nhìn lại và suy ngẫm về thời thế hôm nay:

“Giữa thế kỷ 19, Pháp đưa quân sang xâm lược nước ta. Triều đình nhà Nguyễn chủ hoà chứ không chủ chiến. Mấy nhà vua yêu nước đi theo ngọn cờ khởi nghĩa cùng với nhân dân đều bị bắt. Lòng dân ly tán. Đất nước như bó đũa tháo rời. Vua Tự Đức cho là mọi khó khăn của đất nước đều do… ngoại bang gây ra. Nhà canh tân Nguyễn Trường Tộ đã hoàn toàn bác bỏ luận điệu này. Ông gửi Tự Đức bản điều trần “Thiên hạ đại thế luận”, trong đó có đoạn như sau:

“Hiện nay tình hình đất nước rối loạn. Trời thì sanh tai biến để cảnh báo, đất thì hạn hán tai ương, tiền của sức lực của ta đã kiệt quệ, việc cung ứng cho quân binh đã mệt mỏi. Trong triều đình, quần thần chỉ làm trò hề cho vui lòng vua, che đậy những việc hư hỏng trong nước, ngăn chặn những bậc hiền tài, chia đảng lập phái khuynh loát nhau, những việc như vậy cũng đã nhiều. Ngoài các tỉnh thì quan lại tham nhũng, xưng hùm xưng bá, tác phúc tác oai, áp bức tàn nhẫn kẻ cô thế, bòn rút mỡ dân, đục khoét tuỷ nước, việc đó đã xảy ra từ lâu rồi. Những kẻ giận đời ghét gian tà, những kẻ thất chí vong mạng, phần nhiều ẩn núp nơi thảo dã. Thế mà sao đối ngoại thì không có cách nào để động đến một mảy may lông của quân Pháp, cũng chẳng thuyết phục được ai để giải vây cho, lại đi tàn sát dân mình, giận cá chém thớt, khiến cho dân bị cái hại “cháy nhà vạ lây”. Thật đúng như câu nói “đào ao đuổi cá”, “nối giáo cho giặc”. Cây cối trước hết tự nó hư mục, sau mới bị sâu đục. Nước mình trước hết không biết tự giữ thể diện thì người ta mới khinh mình. Dân loạn bên trong rồi kẻ địch mới nhân đó mà vào. Như thế, loạn không phải chỉ từ bên ngoài, mà ở ngay trong nước vậy”.

Nhìn lại lịch sử nước nhà thấy mất nước thường không phải kẻ thù bên ngoài mạnh, mà chỉ vì ta yếu quá và đều do bộ máy thống trị trong nước gây nên. Trong đó thời nào tham nhũng (tham ô và lãng phí) cũng là tội phạm lớn nhất.

Yêu nước phải yêu dân, thương dân, chia ngọt sẻ bùi với dân. Nếu không, yêu nước chỉ là ngoài miệng, sớm muộn cũng bỏ dân, trở thành những kẻ bóc lột dân. Tham nhũng là bóc lột tệ hại nhất.”.


Đáng tiếc, những kẻ tự cho rằng mình được nhân dân trao quyền lãnh đạo đất nước đâu có học hành đến đầu đến đũa để biết nghe lời răn dạy của người xưa mà lấy đó làm đường lối cho việc giữ gìn và xây dựng đất nước ngày nay. Ngược lại, giang sơn này như một thứ tài nguyên vô chủ để chúng thả sức mà cả, bán buôn, trục lợi…

Vì mù quáng, chúng cũng không thể hiểu được lòng dân đang nổi sóng, không thể lường được nhận thức của người dân đã trưởng thành rất nhiều dù bị bao vây, kiềm tỏa… Chúng cũng không ngờ rằng, khi tôn giáo bị khủng bố và tiêu diệt, lòng tin của con người không chốn nương thân thì lại là lúc người ta tìm đến nhiều nhất với niềm tin thiêng liêng, sâu xa, vững bền nhất… Ấy là niềm tin Tôn giáo, ở đấy con người tìm thấy sự yêu thương, che chở nơi Con người và nơi Đấng Tối cao, ở đấy người ta gặp lại mình với bản tính Chân - Thiện - Mỹ. Biết đâu mỗi tu sinh Làng Mai khi trở về với cộng đồng lại đã nhen thêm một ngọn lửa của Đạo pháp Làng Mai. Một cây Thánh giá trên Núi Thờ - Đồng Chiêm ngã xuống đã có biết bao nhiêu Thánh giá được dựng lên trong lòng người Ki-tô hữu. Và người dân Việt vẫn sẽ tìm được con đường cho sự phát triển và trường tồn mà không phải hổ thẹn với lịch sử.

Hà Nội, ngày 27/01/2010
 
Việt Nam đang vào Xuân hay lập Đông?
Alf. Hoàng Gia Bảo
15:13 27/01/2010
Tình hình những ngày đầu 2010 này có vẻ như rất cần được đặt cho một cái tên, ‘tháng tang tóc’ chẳng hạn? Ai từng ghé vào trang BBC Vietnamese mấy hôm trước có thấy cái ‘mặt tiền’ trang mạng này toàn là những tin tức chẳng tốt lành chắc cũng sẽ phải đồng tình với ý nghĩ này.

Hai bản tin nổi bật nhất đập vào mắt người xem cũng chính là hai tai họa lớn mà nhà cầm quyền VN vừa giáng xuống hai tôn giáo lớn nhất nước Phật giáo và Công giáo còn đang làm ‘nóng’ dư luận. Bao quanh nó là những ‘vệ tinh buồn’ khác là vụ xử Ls.Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long và Nguyễn Tiến Trung bị cả thế giới lên án, bị bức cung… lại vừa thêm một người đấu tranh đòi đa đảng khác là ông Nguyễn Bá Đăng phải vào tù có vẻ như nhà nước đang lo cho qua tết các quan tòa khỏi bị thất nghiệp? Bìa phải là các bản tin về quan tham ô hối lộ, một ‘nữ dân oan’ phải ra tòa vì tội định tự thiêu trước tư dinh thủ tướng Dũng do bất công về đất đai v.v…

Nói chung là khác xa với kiểu đưa tin lúc nào cũng ‘phấn khởi hồ hởi’ của báo chí trong nước, BBC hôm 25/1 đã trình cho mọi người thấy cả một bầu trời u ám đang bao phủ lấy đất nước VN.

Nếu như cái ‘mặt tiền’ trang BBC còn có đủ chỗ chứa cho các bức xúc khác như về giáo dục, nạn mua quan bán chức, tình trạng phụ nữ VN bị mua bán sự xuống cấp của các giá trị đạo đức, nạn vô cảm giữa người với người điển hình qua vụ ‘chó dữ cắn chết người’ v.v… họ đã vẽ nên một bức tranh toàn cảnh khá chính xác về một nước VN vào tháng đầu năm 2010 này không phải là mùa Xuân, mà lại là một mùa Đông hết sức ảm đạm.

Tuy nhiên, ngay cả khi có được bức tranh như vậy nó cũng mới chỉ phản ánh được những cái ‘mặt nổi’.

Suốt tháng qua chuyện các vị trí thức chủ nhân trang bauxitevietnam.info nhất là giáo sư Huệ Chi bị công an hành tội, bị ‘mượn đểu’ ổ cứng máy tính, bị ‘mời đểu’ đến đồn làm việc, rồi chuyện các cha nhà Dòng Chúa Cứu Thế 38 Kỳ Đồng Sàigòn bị UBND Quận 3 ‘hỏi thăm sức khỏe’ vì liên quan đến trang dcctvn.net. Chuyện hai trang web này cùng nhiều trang tiếng Việt hải ngoại khác đã bị đánh phá khiến phải ‘sống dở chết dở’ ra sao mọi người đều đã biết v.v… tất cả những việc này cho thấy đang còn vô khối những cơn sóng ngầm ‘dữ dằn’ hoành hành khắp nơi, sẵn sàng chà đạp các quyền tự do căn bản của người dân. Đáng nói là những hành vi bẩn thỉu này lại được nhà cầm quyền VN thi hành nhân danh ‘pháp luật’!!!

Tai họa liền kề tai ương …

Ở bản tin thứ nhất ‘Thiền sư Nhất Hạnh nói về vụ Bát Nhã’ ông gọi vụ này là "Pháp nạn của Phật giáo Việt Nam trong những thập niên đầu của thế kỷ 21", một "công án" vì có liên quan đến các chủ mưu “công an, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ” cùng nhiều câu hỏi gây ‘nhức nhối’ cho người đọc: "Tại sao mình chỉ muốn tu thôi mà người ta không cho mình tu?"; "Tại sao phải giải tán cho được Bát Nhã dù phải áp dụng những biện pháp như thuê côn đồ, vu khống, lừa gạt, đánh đập, đe dọa?" và tại sao nhà cầm quyền phải dùng đến "những thủ đoạn gian trá, thấp hèn, trái với lương tâm con người" vào mục đích triệt hạ các tăng ni Bát Nhã không khác gì cách quân đầu gấu xử sự với nhau? tại sao và tại sao… hàng trăm nạn nhân trong cuộc cũng không ai hiểu nổi ngay cả khi nó đã trôi qua gần nửa năm kể từ cuối tháng 8/09 ???

Tuy nhiên, điều đáng lo hơn cả vẫn là câu hỏi "tại sao ta lại chịu áp lực của Trung Quốc để đàn áp và tiêu hủy ngay một nguồn sinh lực quý báu của ta?" Là một nhà sư tên tuổi trên thế giới, một khi đã nói ra điều này hẳn ông đã cân nhắc nó rất kỹ lưỡng và hẳn đã có đủ bằng chứng.

Câu hỏi đang được nhà sư đặt ra cho chế độ Csvn khiến chúng ta không khỏi không nhớ lại chuyện một Lê Chiêu Thống từng ‘cõng rắn cắn gà nhà’ hơn hai thế kỷ trước. Nếu quả thật tu viện Bát Nhã bị Csvn giải tán theo lệnh của các quan thầy TQ, vụ Bát Nhã nhiều khả năng sẽ trở thành vết nhơ lớn lịch sử đời sau khó thể bỏ qua.

Bản tin thứ hai là về Vụ Đồng Chiêm, mấy chữ ‘đã giải quyết xong’ chắc là lời của một quan chức nào đó nói với BBC khiến những người có đạo chúng ta nghĩ gì?

Phải chăng đó là việc chính quyền Tp.Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc ‘chỉ tiêu’ đập tan nát phá Thánh Giá Đồng Chiêm do họ đề ra. Họ đã ‘hạ gục’ biểu tượng tôn giáo đáng kính của không chỉ Đồng Chiêm, của giáo hội công giáo VN mà còn là biểu tượng đức tin của hơn 2 tỷ người trên toàn thế giới nhưng đã chẳng gây ra bất cứ hậu quả ‘bất ổn chính trị’ nghiệm trọng nào cho tới giờ phút này?

Nó khiến chúng ta nhớ lại vô số khẩu lệnh “khó khăn nào cũng vượt qua, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành” thời bao cấp những năm 80, chỉ có điều ‘khó khăn, trở ngại’ trong vụ Đồng Chiêm không phải là kinh tế mà là ‘luân thường đạo lý’ thế nhưng nhà cầm quyền Csvn vẫn ‘giải quyết xong’ một cách ‘xuất sắc’!!! Một đất nước được lãnh đạo bởi những con người tài hèn đức mọn như thế thử hỏi còn tai họa nào lớn hơn cho đất nước?

Nếu không vì lý do ‘chỉ tiêu’ nêu trên, lời tuyên bố ‘đã giải quyết xong vụ Đồng Chiêm’ đơn thuần chỉ còn là lời reo mừng được thốt lên như một phản xạ tự nhiên khi ai đó thấy mình sắp thoát nạn khỏi những nông nổi do chính họ gây ra. Ở đây đó là sự xúc phạm đến một biểu tượng tôn giáo thiêng liêng của hơn 2 tỷ tín đồ Thiên Chúa Giáo khắp thế giới.

Chúng ta rất muốn tin hành động xúc phạm này chỉ là một sự ‘lầm lỡ’ do thiếu hiểu biết nhưng khi xem xét lại tình tiết vụ việc lại thấy nó hoàn toàn không phải vậy.

Sự ‘ngây ngô dại dột’ trong sự chỉ đạo của ai đó cho vác bom mìn búa tạ đi đập Thánh Giá Đồng Chiêm giữa đêm khuya như muốn để tránh khỏi mọi rủi ro, nhưng lại gây ra thương tích nghiêm trọng cho ít nhất là 2 nữ giáo dân không tấc sắt trong tay chẳng đáng gì so với một đội quân hùng hổ vài trăm người, đã thế còn để vung vãi lại hiện trường vũ khí đủ loại có cả cái chưa dùng mà họ nào có thua trận đâu để bảo là do vội tháo chạy?

Tất cả những điều này khiến chúng ta không còn cách hiểu nào khác hơn là vụ triệt hạ Thánh giá Đồng Chiêm đã được các quan chức Tp.Hà Nội thực hiện nó rất có tính toán: chỉ cần muợn danh nghĩa ‘luật pháp quốc gia là thượng tôn’ (nhưng thật ra là mớ ‘luật rừng’!) kết tội giáo xứ Đồng Chiêm xây dựng Thánh Giá trái phép ắt phải bị đập bỏ mà không có bất kỳ ngoại lệ nào. Một vụ đập phá nhân danh ‘pháp luật’ như vậy chăc chắn sẽ không có bất cứ ‘đồng chí’ nào dù to đến đâu, dù không ưa kẻ ra lệnh đến đâu cũng chẳng ai dám hó hé bắt bẻ họ.

Làm sao ông chủ tịch Nguyễn Minh Triết không biết hậu quả của hành động này sẽ làm mất mặt mình khi nó xảy ra ngay sau chuyến đi Rome yết kiến Đức giáo hoàng bàn thiết lập quan hệ? Biết chắc chứ nhưng ông cũng đành phải ngậm đắng nuốt cay!

‘Độc chiêu’ của vụ Đồng Chiêm là ở chỗ Tp.Hà Nội đã cố tình không chịu vội triệt hạ cây Thánh Giá từ hồi tháng 3 lúc nó mới được đúc thay cho cây Thánh giá gỗ cũ như bao công trình xây dựng trái phép khác, khi đang còn thi công với giàn giáo như tấm hình chụp kèm được đăng trên một số báo trong nước.

Nếu thật sự vì kỷ cương phép nước và vì giáo xứ Đồng Chiêm vi phạm pháp luật ắt họ đã phải triệt hạ Thánh Giá Đồng Chiêm từ tháng 3/09. Nhưng vì Thánh Giá Đồng Chiêm chỉ là cái cớ nên có kẻ đã cố ‘để dành’ nó chờ cho đến sau khi ông chủ tịch Triết sang Rome tay bắt mặt mừng với Đức Giáo Hoàng xong họ mới chịu ra tay.

Sự vô luân vô lối của hệ thống luật phát XHCN chính là ở chỗ này. Ngay cả đến ông chủ tịch Triết, ông thủ tướng Dũng mà cũng còn bị khoá cả tay lẫn miệng trong các vụ Tòa Khâm Sứ, Đồng Chiêm thì thử hỏi công lý với dân đen là cái ‘đinh rỉ’ gì? Chẳng trách sao nhà cầm quyền Hà Nội vẫn cứ ngang nhiên muốn bắt bớ, kết tội bất cứ ai họ đều làm được cả.

Tựa như ‘con dao hai lưỡi’, luật pháp XHCN vừa có thể uy hiếp dân nhưng lại vừa có thể dùng làm công cụ để nội bộ ‘dằn mặt’ trói buộc nhau khiến bất kỳ ai đã tham gia vào đảng rồi thì dù có thức tỉnh muốn quay trở về hành xử như những người tử tế họ cũng chẳng được đảng cho phép. Đã lỡ đi với ma rồi thì đành phải mặc áo giấy suốt đời. Chính các tấn ‘bi kịch’ xảy ra cho cả hai ông Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Minh Triết ngay sau chuyến yết kiến Giáo hoàng tại Vatican cho thấy thật sự có một lưỡi dao thứ hai như vậy trong luật pháp XHCN của VN.

Nhưng bất kể vì lý do gì mấy chữ ‘đã giải quyết xong’ vụ Đồng Chiêm vẫn khiến những người có đạo chúng ta khi nghe cảm thấy nó hết sức… ‘trâng tráo’!

Canh Dần 2010 sẽ ra sao?

Nhìn hiện tại có thể đoán được phần nào tương lai. Với những điều đang xảy ra thời điểm đầu năm này, chúng ta có cơ sở để tin rằng năm Canh Dần 2010 sẽ tiếp tục là năm ‘canh cô mồ mả’ đối với người dân trong nước do sẽ sự cai trị ‘dữ dằn’ tựa loài Dần, cọp, hổ mà nhà cầm quyền Csvn sẽ áp đặt lên dân chúng.

Tối hôm 20/1 khi nghe trên VTV nhà cầm quyền tuyên án kết tội Ls.Lê Công Định tội “lật đổ chính quyền bằng đấu tranh bất bạo động” hẳn là nhiều người hiểu biết không khỏi vừa buồn cười vừa cảm thấy hổ thẹn cho lũ quan tòa.

Bởi một chính quyền nếu thật sự có thể dễ dàng bị lật đổ bằng phương pháp đấu tranh bất bạo động, chứng tỏ chính quyền ấy đúng là loại ‘sâu dân mọt nước’ rồi còn gì nên các bị can kia mới chẳng cần phải dùng đến vũ lực, mà chỉ bằng ‘lòng dân’ cũng đủ làm nên chuyện. Lật đổ một chính quyền như vậy xem ra cũng đáng làm lắm chứ!

Hơn ai hết, một chính quyền vẫn thường xưng mình là ‘của dân, vì dân’ há chẳng thấy việc bị ‘lòng dân’ lật đổ như vậy là ‘đáng tội’ lắm sao?

Đấu tranh bất bạo động mà bị kết tội trầm trọng như tòa án VN chẳng lẽ thánh Grandhi của Ấn Độ, mục sư Luther King của Mỹ những người được cả thế giới nể trọng vì khai sinh ra và thực hành ‘đấu tranh bất bạo động’ họ cũng đều là quân ‘phản động’ cả ư?

Còn nếu nhà cầm quyền VN thật sự sợ bị lật đổ thì lẽ ra họ càng không nên chuyển tội danh 4 bị can từ 88 sang 79, bởi làm thế chẳng khác gieo vào mấy chục triệu cái đầu ‘non nớt’ về chính trị của dân chúng cái khái niệm ‘lật đổ chính quyền’ vốn còn rất xa lạ, để rồi dân chúng sẽ thắc mắc hóa ra ‘chính quyền nhân dân’ này cũng đang ‘mắc tội’ hay hại dân hại nước lắm nên mới có người đòi lật đổ v.v… thử hỏi còn ‘cái dại’ nào to hơn ‘cái dại’ này?

Như vậy rõ ràng việc quân sư ‘quạt mo’ nào đó đã hiến kế cho đảng ta thay đổi tội danh nhóm Ls.Định từ điều 88 sang điều 79 (mà rốt cuộc cũng chẳng dám tử hình ai kể cả Trần Huỳnh Duy Thức phản cung không chịu nhận tội) xem ra hắn rất đáng bị tử hình lắm chứ chẳng chơi. Tạo cớ để thiên hạ gieo ‘tiếng ác’ bất lợi tai tiếng cho đảng cầm quyền đích thị hắn mới chính là kẻ đang muốn “lật độ chế độ” chứ chẳng phải Ls.Định, Tiến Trung, Duy Thức hay bất cứ ai khác.

Thật tội nghiệp cho các lãnh đạo ‘chóp bu’ xứ ta, chỉ vì muốn độc tài ham quyền lực mà đâm ra ‘mờ mắt’ không còn phân biệt nổi đâu là lợi hại, đúng sai khi dùng mấy chữ ‘đấu tranh bất bạo động’ đi kết tội người khác ‘lật đổ chính quyền’?

‘Quí vị’ đảng csvn nếu thật sự thương dân, tôn trọng dân hãy ngẫm nghĩ xem người dân chúng tôi nói như thế có gì sai?

Mà dường như đất trời cũng chẳng đồng tình với vụ xử ‘lật đổ chính quyền’ này. Ngay trước và trong ngày diễn ra phiên xử nhóm Ls.Lê Công Định, một cơn áp thấp nhiệt đới bất ngờ hình thành trên vùng biển Trường Sa tràn vào các tỉnh Trung Nam bộ hôm 19/1 khiến cho bầu trời Sàigòn tháng Giêng này lẽ ra rất nắng nóng bỗng trở nên xám xịt, gió mưa vần vũ suốt hai ngày này, như thể trời đất cũng thương khóc cho 4 bị can và cho cả hơn 80 triệu dân VN.

Hiện tượng thời tiết bất thường đầu năm như vậy diễn ra cùng với tình trạng uy hiếp của TQ mỗi lúc lộ liễu hơn ngoài biển Đông như thể là điềm báo trước sẽ có thêm nhiều ‘sóng to gió lớn’ xảy ra trong năm nay.

Một cuộc chiến với TQ là điều chẳng ai muốn nhưng với đà căng thẳng leo thang kiểu này xem chừng cũng khó có thể tránh khỏi. Trong cái rủi biết đâu lại có cái may? Một cuộc chiến thật sự nếu xảy ra biết đâu đấy lại là cơ hội giúp VN sớm thoát khỏi cái quĩ đạo độc tài cộng sản TQ.duy nhất còn lại trên thế giới.

Với sự mở màn tồi tệ của năm 2010 như vừa kể trên xem ra sẽ không có nhiều điều sáng sủa đang chờ đợi mọi người phía trước. Các quyền tự do căn bản sẽ tiếp tục bị nhà cầm quyền VN chà đạp, bất công bạo ngược vẫn lộng hành tràn lan.

Mặc dù vậy chúng ta luôn tin rằng một vật khi đã lên đến đỉnh hoặc rơi xuống đáy nó chẳng thể nào đi xa hơn được nữa. Những sự xấu xa tệ hại mà Csvn gây ra cho các tôn giáo nhất là đạo công giáo chúng ta mấy năm gần đây cùng với không biết bao nhiêu ngàn vụ vi phạm nhân quyền, tham nhũng và bất công tràn lan như đang quá sức chịu đựng với hầu hết nhân sĩ trí thức trong nước và ngay cả trong hàng ngũ đảng Csvn. Chỉ một vài biến động trong quan hệ Hà Nội – Bắc Kinh rất có thể sẽ là điều kiện thuận lợi cho một sự đổi thay nhanh chóng diễn ra.

Chúng ta cùng chờ xem… cảnh đất nước ảm đạm phải ‘lập Đông’ ngay giữa đầu mùa Xuân của đất trời này còn có thể kéo dài trong bao lâu?

Sàigòn, 28/1/2010
 
Giáo Dân Cồn Dầu Chống Lệnh Giải Tỏa
Nam Nguyên, RFA
17:21 27/01/2010
Hai ngàn giáo dân Cồn Dầu Đà Nẵng vừa gởi thư kêu cứu tới các cấp lãnh đạo Nhà nước và Quốc hội, với lý do nhà cửa đất đai của họ bị giải tỏa trắng để địa phương thực hiện dự án du lịch.

Kế hoạch giải tỏa

Quận Cẩm Lệ ở cửa ngõ tây nam thành phố Đà Nẵng, trong kế hoạch phát triển địa phương, phường Hòa Xuân giải tỏa trắng 430 ha để thực hiện dự án khu du lịch sinh thái Hòa Xuân. Nằm trong địa bàn phường, thôn Cồn Dầu với diện tích 100 ha cũng bị giải tỏa lấy mặt bằng phục vụ dự án.

Người dân ở đây đa số theo đạo công giáo với khoảng 400 hộ quây quần sinh hoạt tại Giáo Xứ Cồn Dầu. Ông Thái Văn Liên Quyền Chủ tịch Ban Đại Diện Giáo Xứ nói với chúng tôi:

“Chắc chắn rằng giáo dân Cồn Dầu sẽ kêu cứu tới cùng, có thể họ cùng sống chết với nhà thờ và đất của mình. Giáo xứ của chúng tôi sang năm này kỷ niệm 135 năm Hạt Giống Tin Mừng và 80 năm thành lập giáo xứ vào tháng 8-2010.”

Giáo xứ Cồn Dầu đã có từ lâu đời, người công giáo gắn bó với nhà thờ và cha xứ. Cách đây hai năm có một ngày người dân được biết mình sẽ phải rời bỏ ruộng vườn, từ giã nhà thờ và cha sở. Cả xóm đạo sẽ phải chuyển về khu vực tái định cư, để lại nhà thờ Cồn Dầu và cha quản nhiệm Emmanuel Nguyễn Tấn Lục với một xứ đạo không có con chiên.

Theo dự án của thành phố Đà Nẵng, thôn Cồn Dầu có thể trở thành khu biệt thự nhà vườn Hòa Xuân, một căn biệt thự như thế khi hoàn tất có thể trị giá cả triệu đô la. Đất Cồn Dầu đã trở thành đất vàng đất bạc và dĩ nhiên người dân Cồn Dầu chẳng thể chấp nhận số phận nghiệt ngã, bỏ cả ruộng vườn nhà cửa đổi lấy một số tiền đền bù ít ỏi, không thể xây dựng cuộc sống ở nơi chốn xa lạ.

Giáo dân bức xúc

Ông Thái Văn Liên cho biết lý do khiến giáo dân Cồn Dầu không chấp hành chủ trương giải tỏa đền bù và tái định cư:

“Lý do thứ nhất chúng tôi không đồng tình phải xa rời nhà thờ vì ông bí thư thành ủy nói là đưa chúng tôi đưa chúng tôi đi nơi khác, khu vực của chúng tôi để dành bán cho người khác. Thứ hai người dân chúng tôi trên 90% sống bằng nghề nông là chính, làm ruộng, nuôi gà, trồng rau màu cuộc sống rất ổn định. Thứ ba chính sách đền bù của thành phố với giáo dân chúng tôi rất bất công, đất nhà ở đền chúng tôi 250 ngàn một mét vuông, đất ruộng đền 50 ngàn một mét vuông.

Người dân chúng tôi sợ rằng đang có nhà trở thành mất nhà. Lý do lên trên kia mua lại đất của thành phố với giá 800 ngàn đồng một mét vuông nhà ở. Mà hiện giờ đất của chúng tôi rất rộng, gần 200 năm nay gánh đất dưới ruộng đổ thành nền, nhà có gác có sân có vườn có ruộng cuộc sống đang rất phát triển chúng tôi không chấp nhận phải bỏ đi.”

Sáng 27/1 theo giờ Việt Nam, ông Thái Văn Liên từ một nơi bên ngoài thôn Cồn Dầu cho chúng tôi biết là, công an và cán bộ chính quyền từ mấy ngày qua đã đóng chốt ở thôn, để tiến hành kiểm định do đạc đất đai và nhà ở của giáo dân dù không được sự đồng ý của họ:

“Hiện giờ người dân Cồn Dầu bị rất nhiều trở ngại cho cuộc sống, thứ nhất gần tới Tết rồi mà dân sợ quá, áp lực của chính quyền rất là cao đối với họ. Cho nên người dân tuy rất là bức xúc mà không biết kêu cứu với ai được, nhiều người bỏ nhà đi âm thầm cầu nguyện xin Thiên Chúa cho tai qua nạn khỏi.”

Đó là các thông tin từ người đại diện của giáo dân Cồn Dầu, về phía chính quyền Đà Nẵng, qua trang thông tin điện tử quận Cẩm Lệ chúng tôi ghi nhận ông Nguyễn Bá Thanh, bí thư thành ủy Đà Nẵng đã hơn 5 lần đối thoại trực tiếp với người dân Cồn Dầu nhưng quan điểm hai bên vẫn hoàn toàn khác biệt.

2.000 người dân Cồn Dầu muốn ở lại với ruộng vườn và căn nhà của mình, để trở thành những người tham gia vào dự án khu du lịch sinh thái Hòa Xuân.

Ông Nguyễn Bá Thanh xác định rằng không thể chấp nhận những yêu cầu không thể đáp ứng. Ngay trong phiên họp ngày 5/11/2009 ông Thanh đã răn đe: “nếu hộ dân nào không đồng ý với việc kiểm định thì chính quyền sẽ tiến hành kiểm tra hành chính về nhà cửa đất đai.”

Gần như toàn bộ giáo dân Cồn Dầu chống lại lệnh giải tỏa đền bù của chính quyền.

Theo tin địa phương, Ủy Ban Nhân Dân Quận Cẩm Lệ báo cáo là hiện vẫn còn 644 hồ sơ gồm 397 hồ sơ nhà và 247 hồ sơ đất nông nghiệp mà người dân Cồn Dầu chưa đồng ý kiểm định để chính quyền áp giá đền bù.
 
Ngọn nến không cháy...
Thanh Thanh
19:29 27/01/2010
Trong thành phố nọ có hai cha con sống với nhau rất vui vẻ, hạnh phúc. Một hôm, đứa bé gái chẳng may bị bệnh và ra đi mãi mãi. Người cha quá đau khổ, tuyệt vọng, quay lưng lại với tất cả mọi người. Ông chẳng thiết tha gì với cuộc sống nữa. Ông tự nhốt mình trong phòng và khóc mãi.

Một hôm, người cha ngủ thiếp đi và ông mơ thấy một giấc mơ kỳ lạ. Trong giấc mơ, ông gặp một đoàn người rước đèn. Tất cả ngọn đèn đều lung linh toả sáng, trừ ngọn đèn của đứa bé cuối. Đứa bé ấy cầm một ngọn nến không được thắp sáng. Nhìn kỹ hơn, ông nhận ra đứa bé ấy chính là đứa con gái bé bỏng của mình.

Ông tiến lại gần và hỏi con rằng: “Tại sao nến của con lại không cháy?". Bé gái đã đáp rằng: "Con đã cố lắm nhưng không được cha à! Mỗi lần con thắp lên ngọn nến thì những gịot nước mắt của cha lại dập tắt hết ngọn nến của con".

Đến đó thì người cha choàng tỉnh. Từ đó, ông lấy lại thăng bằng, lại sống vui vẻ, giúp đỡ mọi người xung quanh bởi ông không muốn những giọt nước mắt của ông lại dập tắt ngọn nến hi vọng của con ông.

Nước mắt chỉ có thể xoa dịu phần nào chứ không thể làm tan biến hoàn toàn nỗi mất mát lớn lao. Hãy cứ khóc khi bạn cần, nhưng hãy đứng lên vững vàng bạn nhé! Bởi ngoài kia, đâu đó, ở một nơi nào đó, người thân của bạn đang nhìn bạn mỉm cười.

Hoa thủy Tinh

Người đứng đầu, đôi khi phải đứng vững mà run, thì người dưới mới bớt khủng hoảng, thoái thác.
Người đứng đầu phải có lòng rộng lượng, quên mình, thì mới có được đơn vị của mình.
Con cái biết dựa vào đâu nếu không phải là cha mẹ. Niềm tin cậy của chúng không thể là người ngoài.
Con cái sẽ nghe từng câu, nhìn từng cử chỉ và việc làm của cha mẹ để tin, nghe và theo.
Con cái sẽ dựa vào bức tường vững chắc là cha mẹ mà sống an vui, nên chúng sẽ hoang mang, sợ hãi, thất vọng khi thấy cha mẹ không còn cứng rắn nữa.
Con cái sẽ bị gục ngã nặng nề gấp nhiều lần, nếu thấy cha mẹ bị suy sụp tinh thần.
Con cái dựa vào hướng dẫn của cha mẹ để nhìn đến một tương lai tươi sáng, dù khó khăn mấy cũng cố vượt qua. Nếu cha mẹ khi gặp đau thương mà bỏ cuộc thì chúng mất hết sức sống, nghị lực và hy vọng để chiến thắng bản thân cũng như nghịch cảnh.
Con người có thể mất mọi sự, nhưng hy vọng thì không thể đánh mất. Vì hy vọng là tia sáng cuối cùng còn lại để con người cố trườn mình qua vũng lầy cuộc đời. Và tin rằng ngày mai tốt hơn, sau cơn mưa trời lại sáng, sông có khúc người có lúc…

Mong sao mọi bậc phụ huynh luôn là chỗ dựa an toàn nhất của con cái, để tinh thần, tâm trí, lương tâm và lòng đạo đức, lòng hiếu thảo của chúng luôn được phát triển mạnh mẽ.

Ước rằng, mỗi cha mẹ luôn chỉ cho con cái thấy được ý nghĩa cuộc đời, và giúp chúng đạt được lý tưởng chúng.

Nguyện xin mỗi cha mẹ giúp cho con cái biết cách để sống, sống tốt, sống có ích, để trở thành người của kiến tạo hoà bình và yêu thương, tha thứ và nhân từ…
 
Công an đập phá hàng rào của gia đình luật sư Cù Huy Hà Vũ
Mặc Lâm, RFA
22:52 27/01/2010
Sáng 27/01/2010, ông Lê Văn Định, chủ tịch phường Điện Biện, Hà Nội dẫn một số lớn công an và dân phòng đến đập phá hàng rào của gia đình luật sư Cù Huy Hà Vũ.

Tường rào nhà Luật sư Cù Huy Hà Vũ bị chính quyền địa phương đập phá

Vụ việc này đặc biệt nghiêm trọng đối với cá nhân LS Vũ vì ông đã nộp đơn kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước đây ít lâu. Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn LS Vũ để biết thêm chi tiết về vụ việc này, trước tiên LS Vũ cho biết:

Thủ tướng chỉ thị?

LS.Cù Huy Hà Vũ: Sáng nay hơn tám giờ thì chủ tịch cái phường mà tôi đang ở tại Hà Nội, phường Điện Biên. Ông chủ tịch phường là Lê Văn Định dẫn một đám người cả công an, cả dân phòng hỗn độn có thể nói là hùng hổ đến chỗ nhà tôi số 24 Điện Biên Phủ Hà Nội, tiến hành đập phá cái hàng rào nhà của tôi.

Mặc Lâm: Luật sư có biết lý do nào mà họ tiến hành việc đập phá này hay không?

LS.Cù Huy Hà Vũ: Vào năm ngoái, trong vườn nhà tôi bị cơn bão làm ngã đổ hai cây đè sập bức tường rào. Ngay lập tức để bảo vệ tính mạng cũng như tài sản gia đình tôi đã xây lại chỗ bị sập đấy. Chuyện thiên tai làm đổ nhà cửa và người dân phải xây dựng lại hoàn toàn bình thường, thế nhưng đó lại là cái cớ để cho chính quyền kiếm chuyện với tôi vì tôi không vi phạm bất kỳ một quy định nào của nhà nước cả. Đây không phải là một công trình xây dựng thế tại sao đợi đến mãi hôm nay mới tới dập phá?

Mặc Lâm: Thưa không có lý do chính đáng mà chính quyền tiến hành việc đập phá, vậy họ có nói cụ thể ai chỉ đạo làm việc này hay không?

LS.Cù Huy Hà Vũ: Tôi cũng thấy rất là ngạc nhiên, người nhà tôi rất phẩn nộ khi hỏi đám người này thì ra một câu giải đáp thực ra đối với tôi không bất ngờ nhưng lời giải đáp này là một sự khẳng định, một sự thù địch của chính phủ đối với cá nhân tôi. Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường là Nguyễn Trọng Khanh do bị người nhà tôi hỏi riết như thế nên ông ta cho biết việc này ông ta cũng không muốn nhưng do sự chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Hành động tiểu nhân

- Xin được ngắt lời LS nhưng với thân phận một lãnh đạo đất nước liệu Thủ tướng co thể chỉ đạo làm một việc nhỏ nhặt như vậy hay không?

LS.Cù Huy Hà Vũ: Ông phó chủ tịch phường Điện Biên Nguyễn Trong Khanh nói với người nhà tôi đó là một sự thật. Thế còn tôi thì không sẵn sàng tin nhưng tôi cho rằng chuyện đấy hoàn toàn logic bởi vì sau khi tôi kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào ngày 11 tháng 6 năm 2009 về cái việc thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ra một quyết định hoàn toàn sai hiến pháp pháp luật cho phép các công ty Trung Quốc khai thác bauxite làm ô nhiễm và hơn nữa kéo theo hoạ mất nước. Cho phép các công ty Trung Quốc kéo hàng đàn người Trung Quốc sang một cách ồ ạt tại Việt Nam. Sự cay cú của Nguyễn Tấn Dũng đã được thể hiện rất rõ bằng việc sau khi tôi đã kiện thì không còn cách gì tấn công tôi về mặt pháp luật cũng như chính trị.

Thời gian gần đây đúng là tôi tiếp tục tấn công những chính sách ươn hèn của chính phủ đối với sự lấn lướt của trung Quốc ở biển Đông cũng như chống lại việc vũ trang cho ngư dân. Tôi nói thẳng ra rằng đấy là sự ươn hèn của chính phủ. Hành vi đập tường rào trái pháp luật của ngày hôm nay đã diễn ra tại nhà tôi đã thể hiện thủ tướng rất tiểu nhân, chỉ đạo các cấp thuộc quyền để mà quấy rối tôi.

- Sau khi sự việc xảy ra thì LS đã có những hành động nào để tự bảo vệ cho mình trong tinh thần luật pháp?

LS.Cù Huy Hà Vũ: Ngay sau đó tôi đã lên thẳng trụ sở của Ban chấp hành Trung ương đảng, yêu cầu gặp Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh để xử lý hành vi đập phá nhà tôi một cách trái pháp luật thế này. Lúc ấy họ chuyển tôi qua gặp anh Thành, trợ lý của Tổng Bí Thư thì anh ấy nói đây là công việc của nhà nước chứ không phải của đảng.

Tôi cáu quá tôi bảo thế đảng lãnh đạo là gì? Thì lúc ấy Thành bảo ông Tổng Bí Thư đang ngồi trước mặt và anh sẽ chuyển lời sau. Tôi lại chạy sang tìm Nguyễn Minh Triết Chủ tịch nước và yêu cầu phải tiếp tôi. Tuy nhiên không hẹn trước thì không thể tiếp được nhưng người ta cũng nhận cái đơn của tôi để chủ tịch nước nghiên cứu. Tôi hoàn toàn tin ông Nguyễn Trọng Khanh phó chủ tịch uỷ ban nhân dân phường Điện Biên nói là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo vụ này là đúng.

- Xin cám ơn LS.
 
Mừng Đảng, mừng Đất nước
Hoài Tâm
13:29 27/01/2010
Tôi được sống và lớn lên trên mảnh đất Việt Nam “dưới sự lãnh đạo đỉnh cao trí tuệ” của đảng. Tết đến, Xuân về, tôi không thể không kể lên những “thành quả” mà đảng đã đạt được trong những năm vừa qua, đảng đã “làm” cho đất nước Việt nam. Chúng ta biết, sau 80 năm "dưới sự lãnh đạo của đảng", Đất nước Việt Nam chúng ta đã đi từ "thắng lợi" này đến "thắng lợi" khác. Đảng đã dần dần đưa đất nước chúng ta tiến dần đến vị trí “đứng đầu” thế giới. Quả là một “may mắn” cho Đất nước Việt Nam. Dưới đây tôi xin kể ra một số “thành tích” đáng chú ý mà đảng ta đạt được như sau:

Về tôn giáo:

Việc trấn áp tôn giáo, đảng ta thực hiện thật quyết liệt. Chỉ trong mấy năm gần đây, đảng ta đã giải quyết được rất nhiều vụ có liên quan đến các tôn giáo. Đảng đã cướp thành công 2 mảnh đất Tòa Khâm Sứ, Thái Hà để làm 2 công viên hoang dã. Về vụ Đức Mẹ Bàu Sen-Quảng Bình, đảng ta còn thể hiện tính “bao dung, độ lượng” cao. Đảng ta tự hạ tượng Đức Mẹ Bàu Sen ở Quảng Bình xuống “giúp” hộ Giáo xứ. Đảng tốn hàng tỉ đồng mà chỉ bắt cha chính xứ nộp có sấp xỉ 276 triệu. Vụ Tu Viện Bát Nhã, đảng đã đuổi thành công 400 ni cô, tăng ni ra khỏi tu viện, không cho “tu tập” tu trì. Còn vụ Đồng Chiêm, đảng đã đập tan được cây Thánh Giá-biểu tượng đức tin của người Kitô giáo. Đảng còn bắt giữ được rất nhiều giáo dân vì đã cố cầu nguyện bảo vệ cây Thánh Giá trong ôn hòa. Đặc biệt, đảng đã đánh đập một cách dã man 2 phụ phũ Đồng Chiêm, ông Nguyễn Hữu Vinh và thầy Antôn Nguyễn văn Tặng… Một điểm đặc biệt nữa, sau nhiều vụ, đảng ta đã lập ra được “nhóm nhân dân tự phát” “nhóm côn đồ” để mỗi khi đảng “bí” thì giúp đỡ đảng.

Về kế chính sách kế hoạch hóa gia đình:

Theo phát biểu của một vị lãnh đạo hoạt động Bảo vệ bà mẹ - sơ sinh, Việt Nam đứng hàng thứ ba trên thế giới về con số nạo phá thai và tỷ lệ này đang có khuynh hướng ngày một tăng cao. Đây là một thứ hạng đáng mừng của đảng, vì con số nạo phá thai hằng năm xấp xỉ với tổng số sanh toàn quốc. Một thống kê cho thấy: năm 1997 tổng số sanh trên toàn quốc là 1.138.607 ca, thì có 1.123.620 ca nạo phá thai trong năm này. Việt Nam được như thế nhờ hệ thống giáo dục và nhờ chính sách kế hoạch hóa gia đình “rất tốt” của đảng ta. Chính vì thế mà nước Việt nam “được” đứng hàng thứ 13 thế giới về mức đông dân số.

Về tự do, dân chủ:

Chúng ta biết "Đảng ta là của dân, do dân và vì dân" và sau 80 năm đảng có mặt, dân chủ Việt Nam được xếp hạng thứ thứ 145 trong số 167 quốc gia. Đảng cộng sản được xếp hạng vào nhóm các nước có chế độ độc tài nhất trên thế giới. Dân ta tha hồ mà sử dụng tự do của mình trong khuôn khổ chính sách của đảng. Đảng hướng dẫn cứ thế mà làm không sợ sai, sợ lỗi gì. Riêng về tự do báo chí, Việt Nam đang đội sổ của thế giới, đứng vào hàng “top” từ dưới lên. Theo Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới RSF từ Paris vừa phổ biến bản xếp hạng về tự do báo chí trên toàn cầu năm 2009, trong đó Việt Nam xếp thứ 166 trong 175 quốc gia trên thế giới. Trong số 10 quốc gia đứng “đầu” bảng, được xem là “bạn” của truyền thông báo chí và internet, có 6 nước Châu Á, riêng Việt Nam thì xếp thứ 166 trên 175 quốc gia liệt kê trong danh sách. Riêng về vấn đề, Việt Nam còn bỏ xa cả anh hàng xóm của mình là Trung Quốc. Việt Nam còn đội sổ hơn cả Trung Quốc hẳn 2 bậc từ dưới lên. Việt Nam còn được trở thành 1 trong 12 nước là “kẻ thù” của Internet. Đó là chính sách của đảng.

Về tham nhũng:

Việt Nam quyết không thua kém thế giới về mức độ và quy mô. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng khi mới lên chức tuyên bố như chuông đồng, rằng quyết tâm chống tham nhũng. Và với sự quyết tâm của đảng, Việt nam “đạt được” đứng thứ 102/146 về chỉ số tham nhũng.

Về chất lượng cuộc sống:

Thạc sĩ Lê Văn Thành, Viện Kinh tế TPHCM cho biết: "Kết quả khảo sát chất lượng cuộc sống năm 2006 ở 215 thành phố lớn trên toàn thế giới, Hà Nội được xếp thứ 155 (tụt 1 bậc so với năm 2005); TPHCM được xếp thứ 148. Để cải thiện và nâng cao điều kiện sống, đảng ta đã tiến hành quy hoạch các vùng ven đô thành phố hiện nay thành các khu đô thị mới, quyết tâm loại trừ mọi kẻ nghèo đói, khố rách áo ôm ra khỏi đô thị mới.

Về kinh tế:

Việt Nam cũng đang đứng vào “đầu” bảng xếp hạng của thế giới từ dưới lên về tự do kinh tế. Hơn 20 năm đổi mới, dưới sự hướng dẫn của đảng, chỉ tính riêng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam hiện đứng thứ 33 trên 44 quốc gia về Chỉ số Tự do Kinh tế 2010. Đúng là một sự lãnh đạo quá “tài giỏi” của đảng. Có người nói, nếu cứ nhờ sự hướng dẫn của đảng cộng sản, chỉ cần 99 năm nữa Việt Nam sẽ qua mặt Hong Kong hay Singapore và tiến lên hàng số 1 nếu các nước này "Dừng lại"!

Đó là những “thành quả” mà đảng ta đạt được một cách “vẻ vang”, nhờ sự “dẫn dắt thiên tài” của đảng. Chắc trên thế giới không có nước nào, không có đảng nào đuổi được vị trí “đứng đầu” từ dưới lên của đảng cộng sản Việt nam gần như tất cả trong mọi lĩnh vực.

“Mừng đảng”

Saigòn ngày 27/1/2010
 
Tình hình Giáo Xứ Cồn Dầu ngày 27/01/2001
PV Cồn Dầu
13:42 27/01/2010
ĐÀ NẴNG - Từ 8 giờ sáng Ban Giải Tỏa đền bù Phường, Quận, Thành Phố, Công An thành phố, công an Quận, công an Phường, Cảnh sát 113 đã chia làm 4 Hướng:

- Từ Trung Lương đi lên.
- Từ Giáo Khóm 3 Cồn Dầu đi qua nhà Thờ.
- Từ ngoài bến đò xu vào Cồn Dầu.
- Và hướng từ Trường học Thôn Trung Lương lên.

Tất cả đã tập trung trước cổng Thánh Đường Giáo Xứ Cồn Dầu và phong tỏa các ngã đường không cho giáo dân tự do đi lại. Tất cả mọi người dân Giáo xứ cồn dầu quá sợ hãi trước cảnh ào ạt uy hiếp từ Cán bộ các cấp và Công an. Giáo dân đã đóng cửa nhà đi tránh sự áp lực của chính quyền về vấn đề giải tỏa khu vực của mình.

Chính quyền tự ý dán lên tường, lên cửa các nhà giáo dân trong giáo xứ bản: “Vi phạm hành chính trong lãnh vực đất đai và biên bản quyết định thu hồi đất” Điển hình là nhà của Ông Thái Văn Liên và Bà Trần Thị Thu Trâm…