Ngày 29-01-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Giêsu là ánh sáng
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
10:16 29/01/2017
Chúa Giêsu là Ánh Sáng

Suy Niệm Lễ Nến

(Lc 1, 21-28)

Cách đây bốn mươi ngày, chúng ta đã hân hoan cử hành lễ Chúa Cứu Thế giáng sinh. Hôm nay chúng ta mừng ngày Chúa Cứu Thế được Thân Mẫu và thánh Giuse dâng vào Đền Thánh, đưa chúng ta đi từ Mầu Nhiệm Nhập Thể đến Mầu Nhiệu Cứu Chuộc của Đấng Cứu Thế. Ngôi Lời, Con Thiên Chúa nhập thể làm người, sinh ra và sống trong xã hội loài người, bị luật lệ loài người chi phối, theo Luật Môisen (x. Xh 13, 11-13); "Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa" ( Lc 2, 23 ) đó là lý do Hài Nhi Giêsu được dâng cho Thiên Chúa. Đức Trinh Nữ Maria đã tuân theo nghi lễ thanh tẩy được ghi trong sách Lêvi : "Luật cho phụ nữ sinh trai hay gái" (Lv 12, 6-8). Ông Symêon người công chính và mộ đạo, được Thánh Thần linh báo cho biết, ông sẽ không thấy cái chết trước khi gặp Đức Kitô. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền, được Thần Khí thúc đẩy, hôm đó ông lên Đền Thánh, gặp gỡ Hài Nhi trên tay, ẵm trên tay và chào là " Ánh Sáng muôn dân " (Lc 2, 32).

Trong ngày này, Giáo Hội ca vang "Vui lên, hỡi Đức Trinh Nữ Mẹ Chúa Trời, Đấng đầy ân sủng, vì từ lòng Mẹ đã sinh ra Đức Kitô Chúa chúng con là Mặt Trời công chính, Ánh Sáng chiếu soi những ai ngồi trong bóng tối. Vui lên, hỡi cụ Symêon, người công chính, vì chính cụ đã bồng ẵm Đấng giải thoát muôn dân, cho muôn dân tham dự vào sự Phục sinh của Người "(x. Phụng vụ Byzantine).

Tại sao Con Thiên Chúa lại phải dâng cho Thiên Chúa và Đức Maria trinh khiết vẹn tuyền phải chịu thanh tẩy?

Theo thánh Dimitri de Rostov: "Mẹ Thiên Chúa tiến vào Đền Thánh vâng theo Luật Chúa, tay bồng ẵm chính Đấng là Lề Luật. Mẹ là Đấng vô tội, tinh tuyền không tì vết đến xin điều mà Mẹ không cần là thanh tẩy. Mẹ không nhận lãnh sự khoái lạc sung sướng của phu quân, đã sinh con mà không đau đớn, Mẹ được gìn giữ tinh tuyền không tì vết trước khi sinh và sau khi sinh Đấng là nguồn suối trong sạch, há Mẹ lại không tinh sạch sao? Đức Kitô đã sinh ra từ lòng Mẹ! Quả không bị hư hoại bởi cây, cây không bị nhơ bẩn bởi quả : Đức Trinh Nữ Rất Thánh vẫn trinh khiết vẹn tuyền sau khi sinh hạ Đức Kitô, Con lòng Mẹ. Mặt Trời công chính không làm tổn thương sự đồng trinh của Mẹ. Lẽ thường, máu không làm ô uế Cửa thiên đàng theo luật tự nhiên, Thiên Chúa ngập tràn ánh sáng thần linh đã vượt qua Cửa này, gìn giữ sự đồng trinh của Mẹ".

Thánh Phaolô nói: "Vậy bởi vì con cái có chung máu thịt với nhau, thì phần Ngài, giống y như vậy, các điều ấy Ngài cũng đã thông chia, để giải thoát những kẻ vì sợ chết mà suốt cả bình sinh sa vòng nô lệ" (Dt 2,14-15). Chúa đến với loài người là để cứu rỗi và giải thoát, chứ không phải để kết án luận phạt: " Vì thiết tưởng không phải Thiên Thần được Ngài bao bọc, nhưng Ngài bao bọc dòng giống Abraham…Ngài đã nên giống các anh em Ngài, để trở thành vị Thượng tế lo việc Thiên Chúa, vừa biết xót thương vừa trung tín, cốt để lo tạ tội cho dân" (Dt 2,16-17).

Đức Maria Trinh Nữ Rất Thánh Mẹ Thiên Chúa, cũng như Chúa Giêsu không buộc phải tuân theo nghi thức này, nhưng vì khiêm nhường và cũng để cho nhân loại noi theo mà tuân giữ luật Chúa, nhất là để cứu con người Chúa Giêsu đã làm điều đó, nên lễ này được gọi là Lễ Thanh Tẩy.

Hy Tế Cứu Chuộc

Lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh, mà chúng ta cử hành ngày 02 tháng 01 có một vị trí đặc biệt: vì lễ này loan báo Hy Tế Cứu Chuộc mang lại ơn cứu độ sau này. Đức Maria và thánh Giuse bồng Chúa Giêsu trên tay, dù là Con Thiên Chúa, Đấng giầu sang phú quí để dâng vào Đền Thánh với của lễ đơn sơ là "cặp bồ câu non"! Đây là lần đầu tiên loan báo về Hy Tế Thánh. Chính Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người mạc khải cho chúng ta, việc dâng hiến này ám chỉ tương quan giữa nhân loại với Thiên Chúa Cha, qua trung gian cần thiết của Đức Trinh Nữ Maria đồng công cứu chuộc. Đây là Hy Tế đền tội hoàn hảo duy nhất cứu chuộc nhân loại. Lễ này là "bản lề"chuyển tiếp giữa hai mầu nhiệm Nhập Thể (Truyền tin) và Cứu Chuộc (Phục Sinh). Chúa Giêsu đến trần gian (Nhập thể), để (Cứu chuộc) chúng ta.

Sao lại làm phép nến và rước nến hay gọi là Lễ Nến?

Giáo Hội Đông phương hiểu Thánh lễ này thể hiện cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và dân Người. Được Ðức Maria và thánh Giuse đem vào Ðền Thánh, Chúa Giêsu đã gặp gỡ dân người mà hai cụ già Symêon và Anna là đại diện. Ðây cũng là cuộc gặp gỡ lịch sử của dân Chúa, gặp gỡ giữa các người trẻ là Ðức Marria và thánh Giuse và các người già là Symêon và Anna. Chúa Giêsu là trung tâm, chính Người lôi kéo con người đến Ðền Thánh, nhà Cha Người. Ðây còn là cuộc gặp gỡ giữa sự vâng phục của người trẻ và lời tiên tri của người già. Việc tuân giữ Luật được chính Thần Khí linh hoạt, và lời tiên tri di chuyển trên con đường do Luật vạch ra.

Giáo Hội Tây phương lại coi đây là Thánh lễ mừng kính Đức Maria: Thanh tẩy theo luật Do thái. Khi sát nhập vào Phụng vụ Rôma, Đức Giáo Hoàng Sergiô I (678-701) lại thêm vào nghi thức rước nến. Vì thế, từ đây, lễ này được gọi là Lễ Nến. Vì trước Thánh lễ có nghi thức làm phép nến và kiệu nến vào nhà thờ như cuộc đón rước Chúa Giêsu là Ánh Sáng của muôn dân. Những cây nến được làm phép và thắp sáng trong ngày lễ này, tượng trưng cho ánh sáng và vinh quang của Chúa Giêsu. Từ cuộc canh tân Phụng vụ năm 1960, thánh lễ này cũng qui hướng về Chúa Giêsu, hơn là Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ.

Lời của cụ già Symêon nói : "Đó là Ánh Sáng chiếu soi muôn dân" (Lc 2, 32). Quả thật, hôm nay ai trong chúng ta cầm nến sáng trong tay mà không nhớ tới ngày cụ già Symêon bồng ẵm Hài Nhi Giêsu, Ngôi Lời trong xác phàm, là Ánh Sáng. Chính cụ là ngọn lửa cháy sáng, chứng nhân của ánh sáng, khi được đầy ơn Chúa Thánh Thần, cụ đã làm chứng rằng Hài Nhi Giêsu là Tình Yêu và là Ánh Sáng chiếu soi muôn dân.

Vậy hôm nay, chúng ta hãy nhìn cây nến cháy sáng tên tay cụ già Symêon, từ ánh sáng đó hãy thắp sáng cây nến của chúng ta…Như thế, chúng ta không những sẽ cầm ánh sáng trong tay, mà chính chúng ta là ánh sáng, ánh sáng trong lòng ta, cho đời ta, và cho mọi người. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:45 29/01/2017
11. GHEN CỦA TRIỆU THỊ
Vợ của Dương Lang Trung là Triệu Thị, vốn có tính ghen rất đặc biệt, làm cho các bà vợ bé không dám đến gần Dương Lang Trung.
Một hôm, Dương Lang Trung đọc bài thơ “Mao” và thơ “Châu Nam” như sau:
- “Mộc”, hậu phi ôn hòa, nói năng an hoà mà lòng không ghen ghét”, “không ghen ghét thì con cháu đông đúc, không ghen ghét thì nam nữ sẽ đứng đắn”.
Triệu Thị hỏi:
- “Đó là sách gì ?”
Dương Lang Trung nói:
- “Đây là tập thơ “Mao”.
Triệu Thị lại hỏi:
- “Sách ấy ai viết ?”
Lang Trung trả lời:
- “Ấy là do Châu công viết ?”
Triệu Thị nói:
- “Nếu là vợ của Châu công viết thì nhất định sẽ không nói như thế !”
(Tuý Ông đàm lục)

Suy tư 11:
Đối với người chồng thì không ai đẹp và dịu dàng cho bằng vợ của mình, đối với người vợ thì không ai xấu xí dị hợm cho bằng người tình của chồng mình.
Hình như đang trong thời kỳ yêu nhau và trước khi cưới nhau thì cái ghen của đàn bà con gái có “văn minh” một tí, có nghĩa là không ầm ỷ hét la; nhưng có lẽ sau khi cưới hỏi, nghĩa là đã trở nên vợ chồng rồi thì cái ghen của họ lại “man rợ” hơn, có nghĩa là họ không còn giữ kẻ nữa, mà hét la, chửi bới, mắng nhiếc bất kể...mình là ai, là thân phận gì, là người Công Giáo hay là ngoại đạo, là người biết Chúa hay là người chưa biết Chúa...
Hoa hồng không biết ghen tương khi người ta ngắm và khen ngợi hoa hướng dương đứng kề bên nó, trái lại nó vẫn tươi cười khoe sắc toả hương làm cho người khó tính cũng phải trầm trồ tán dương và thưởng thức nó. Cũng vậy, người phụ nữ được Thiên Chúa tạo dựng không như tạo dựng người đàn ông –được tạo dựng từ xương sườn của người chồng- đây là một bằng chứng rõ ràng nhất để cho chúng ta thấy ra được ý định của Thiên Chúa: dù muốn dù không ông chồng vẫn luôn luôn yêu thương vợ mình hơn bất cứ người nào, dù ông chồng có bị cám dỗ, hay bị dụ khị, thì cuối cùng ông ta vẫn thấy không ai bằng vợ con mình. Có điều, người vợ có nhận ra điều đó để thông cảm, yêu thương và giúp đỡ chồng “cải quá tự tân” không mà thôi.
Yêu thương làm cho người khác biết nhìn lại bản thân mình để đổi mới, mà ghen tương thì không thể cải hoá lòng người, nhưng càng làm cho người ta thêm bực mình và càng thêm xa lánh mình hơn...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

------------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:47 29/01/2017

25. Người không suy niệm thì không bực dọc chính mình, bởi vì họ không có cảm giác là mình không tốt, đó chính là không nhận ra được chính mình.

(Thánh Bernard)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nữ trùm khủng bố IS bỏ trốn ẵm theo hàng triệu đô la.
Đặng Tự Do
02:46 29/01/2017
Lữ đoàn phụ nữ Hồi Giáo al-Khansa của IS
Hôm thứ Bẩy 28 tháng Giêng, thông tấn xã chính phủ Iraq cho biết lữ đoàn trưởng lữ đoàn phụ nữ Hồi Giáo al-Khansa đã bỏ trốn khỏi Mosul cùng với 4 cận vệ. Nguồn tin được tiết lộ sau khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS ra lệnh truy nã người đàn bà này vì bà ta bỏ trốn ẵm theo hàng triệu đô la của bọn khủng bố.

Người đàn bà bị truy nã được tin là đã bỏ trốn về phía quận al Ba'j, nằm về phía tây Mosul, giáp giới với Syria. Trước khi bỏ trốn y thị là lữ đoàn trưởng lữ đoàn phụ nữ Hồi Giáo al-Khansa, kiêm bộ trưởng bộ phụ nữ trong cái gọi là “Nhà Nước Hồi Giáo”, do Abu Bakr al-Baghdadi thành lập cuối tháng Sáu 2014. Chức trách chủ yếu của y thị là tuyển dụng những người phụ nữ đánh bom liều chết.
 
Phát hiện kho vũ khí hóa học của Iraq
Đặng Tự Do
02:49 29/01/2017
Trong cuộc họp báo hôm 27 tháng Giêng, lực lượng Iraq cho biết họ đã phát hiện ra một kho vũ khí hóa học ở miền đông Mosul cùng với hàng chục tên lửa đất đối đất của Nga.

Các quan chức Mỹ và Iraq đã nhiều lần cảnh báo về những nỗ lực phát triển vũ khí hóa học của bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Khi các lực lượng Iraq tái chiếm Đại học Mosul vào trung tuần tháng này, họ tìm thấy các phòng thí nghiệm hóa học mà họ tin rằng đã được chuyển đổi thành những phòng thí nghiệm vũ khí hóa học dã chiến.

Chuẩn Tướng Haider Fadhil thuộc lực lượng đặc biệt của Iraq cho biết các sĩ quan Pháp tham chiến cùng với quân Iraq đã thử nghiệm các hóa chất trong tuần này và khẳng định đó là chất mù tạt (mustard).
 
Iraq mừng chiến thắng, ra lệnh truy nã viên tỉnh trưởng Mosul cũ
Đặng Tự Do
19:01 29/01/2017
Hôm thứ Sáu 27 tháng Giêng, các đơn vị quân đội và cảnh sát Iraq đã duyệt binh mừng chiến thắng tại trường đại học Mosul sau khi đã làm lễ thượng kỳ một lá cờ Iraq rất lớn.

Cũng trong ngày thứ Sáu 27 tháng Giêng, các văn phòng của chính quyền địa phương phía Đông Mosul đã được mở cửa trở lại.

Các lực lượng cảnh sát và an ninh Mosul được lệnh truy nã viên tỉnh trưởng Mosul cũ là Atheel al-Nujaifi về tội để mất Mosul vào tay giặc và tự động rước quân đội ngoại bang vào trong lãnh thổ quốc gia.

Sau khi để mất Mosul, Atheel al-Nujaifi rút lui cùng với lực lượng vệ binh Niniveh gồm chủ yếu là người Hồi Giáo Sunni về phía biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Trong hai năm qua, lực lượng vệ binh Niniveh được Thổ Nhĩ Kỳ huấn luyện và ngày 17 tháng 10 năm ngoái, khi quân Iraq và quân Kurd mở cuộc tấn công giải phóng Mosul, quân Thổ Nhĩ Kỳ tràn qua biên giới hộ tống Atheel al-Nujaifi về Mosul, gây ra một cuộc tranh cãi ngoại giao giữa Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ.

Quân Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn đóng bên ngoài thành Mosul, không chịu kéo về nước. Trong khi đó, lực lượng vệ binh Niniveh tỏ ra hợp tác rất tốt với quân Iraq. Trong tổ chức quân đội Iraq, lực lượng vệ binh Niniveh được xem là lực lượng địa phương quân của tỉnh Mosul, và dĩ nhiên phục tùng mệnh lệnh của các sĩ quan Iraq hơn là tỉnh trưởng Atheel al-Nujaifi.

Hôm thứ Năm, Atheel al-Nujaifi chỉ đạo lực lượng vệ binh Niniveh tiếp quản 30 trong số 80 quận của phần phía Đông Mosul. Ngày hôm sau, chính quyền Iraq ra lệnh truy nã ông ta.
 
Đức Giám Mục phó của Giáo Phận Newark bị tấn công khi dâng lễ.
Giuse Thẩm Nguyễn
12:23 29/01/2017
Đức Giám Mục phó của Giáo Phận Newark bị tấn công khi dâng lễ.

Newark, N.J., Jan 29, 2017 / 11:34 am (EWTN News/CNA) Theo bản tin địa phương, ĐGM phó của Giáo Phận Newark là Manuel Cruz khi đọc lời nguyện đầu lễ trong thánh lễ cầu nguyện cho ngôi sao bóng chày người Latino và lòng nhân đạo, thì một người mặc màu đỏ với chiếc khăn choàng trắng đã bước ra khỏi hàng ghế của mình, tiến về phía ĐGM trên bàn thờ và đấm vào mặt ngài. ĐGM đã bị té bật ra phía sau và đã được chuyển đến bệnh viện kịp thời. Vết thương của Ngài không gây nguy hiểm.

Kẻ tấn công là người dân địa phương Newark, 48 tuổi đã bị bắt về tội tấn công và hiện chưa biết nguyên nhân khiến người này hành động điên rồ như thế.

Thánh lễ được cử hành tại nhà thờ chính tòa Trái Tim Cực Thánh Chúa để cầu nguyện lễ giỗ lần thứ 44 cho ngôi sao Roberto Clemente, một danh thủ bóng chày của Puerto Rican. Ngoài việc nổi tiếng trong lãnh vực thể thao, Roberto còn được biết đến qua những hoạt động nhân đạo. Ông qua đời trong một tai nạn máy bay vào năm 1972 khi trên đường đi cứu trợ nạn nhân động đất ở Nicaragua.

Theo tin từ TaplntoNewark.com, sau khi ĐGM bị tấn công, thánh lễ giỗ cầu cho Roberto Clemente sẽ được cử hành lại tại nhà thờ gần đó.

Phát ngôn viên của giáo phận là James Goodness đã nói với các phóng viên rằng “Chúng tôi cám ơn các nhân viên công lực đã đến kịp thời để khống chế kẻ tấn công. Quả thực không ai ngờ sự việc lại xảy ra như thế này tại các nhà thờ của chúng ta”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Kinh Truyền Tin Chúa Nhật với Đức Phanxicô: khó nghèo trong tinh thần, phương thuốc chữa bút chiến
Vũ Văn An
18:50 29/01/2017
Elise Harris của CNA/EWNT News, khi đưa tin về bài nói chuyện của Đức Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin Chúa Nhật thứ Tư Mùa Thường niên, đã đặt chủ đề cho nó như trên.

Nữ ký giả này tường trình như sau: Vào ngày Chúa Nhật, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng sống nghèo khó trong tinh thần không nhất thiết có nghĩa từ bỏ các sự vật, mà thay vào đó, là sống khiêm nhường và cởi mở đối với người khác, một thái độ có khả năng thắng vượt được các cuộc bút chiến và chia rẽ và dẫn ta tới tình huynh đệ lớn hơn.

Ngài nói: “Người nghèo trong tinh thần là người Kitô hữu không dựa vào chính mình, vào của cải vật chất, là người không khư khư giữ ý kiến riêng, nhưng biết lắng nghe với lòng kính trọng và sự sẵn lòng chiều theo các quyết định của người khác. Nếu trong cộng đồng ta, có nhiều hơn những người nghèo trong tinh thần, thì sẽ có ít chia rẽ, tranh chấp và bút chiến hơn!”.

Ngài nói như trên với các khách hành hương tụ tập tại Quảng Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô đễ nghe bài nói chuyện nhân dịp đọc kinh Truyền Tin vào Chúa Nhật. Theo cảnh sát Vatican, số người tham dự chừng 25,000 người, trong đó có 3,000 người trẻ thuộc Công Giáo Tiến Hành Rôma đang tham dự biến cố gọi là “Đoàn Lữ Hành Hòa Bình”. Đoàn này đã đọc to lời hiệu triệu hòa bình, nhất là với giới trẻ.

Trong bài nói chuyện của ngài trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc tới bài tin mừng trong ngày, trích của Thánh Mátthêu, thuật lại các mối phúc.

Theo ngài, trong “Bài Giảng Trên Núi”, được coi như “đại hiến chương” của Tân Ước, dù Chúa Giêsu minh giải sự gần gũi của Thiên Chúa đối với người nghèo và người bị áp bức qua các Mối Phúc, nhưng Người làm điều này bằng cách theo một khuôn mẫu đặc biệt.

Ngài cho rằng Chúa Giêsu bắt đầu dùng chữ “phúc” theo nghĩa “hạnh phúc” trước khi phác họa các điều kiện cần thiết để có được nó và cuối cùng đưa ra một hứa hẹn.

Động lực của các mối phúc, tức hạnh phúc, theo ngài, “không phải là các điều kiện được yêu cầu” như nghèo trong tinh thần, bị sầu buồn, đói khát sự công chính hay bị bách hại, mà đúng hơn là “hứa hẹn tiếp theo sau đó được tiếp nhận như hồng phúc Chúa ban”.

Ngài nói rằng: bằng cách khởi đầu nói tới các điều kiện thua thiệt, Chúa Giêsu đã dẫn cử tọa của Người tới chỗ cởi mở đối với Thiên Chúa và với khả thể bước vào “một thế giới mới”. Theo ngài, diễn trình này không phải là một “cơ chế tự động, mà là một lối sống bước chân theo Chúa”.

Đức Giáo Hoàng nói rằng: đối với Chúa, thực tại của những người bị chà đạp được nhìn “dưới một viễn ảnh mới và được phát biểu theo sự hoán cải được thực hiện. Người ta không được phúc nếu không hoán cải”.

Đặc biệt nhấn mạnh tới mối phúc dành cho “người nghèo trong tinh thần”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng người thực sự sống trong mối phúc này “mang những tâm tình và thái độ của những người nghèo và họ không nổi loạn trong thân phận của họ, nhưng biết sống khiêm nhường, ngoan ngoãn, mở lòng ra cho ơn thánh Chúa”.

Ngài chỉ rõ: mối phúc hay hạnh phúc của những người nghèo trong tinh thần có hai ý nghĩa: nghèo của cải vật chất và nghèo đối với Thiên Chúa.

Nói đến nghèo của cải vật chất, Đức Giáo Hoàng nói rằng thứ nghèo này có tên là sự tiết độ (sobriety), một đức tính không nhất thiết đồng nghĩa với từ bỏ của cải của mình, mà đúng hơn là có khả năng “thưởng thức những điều chính yếu, biết chia sẻ; khả năng hàng ngày biết đổi mới sự ngưỡng phục đối với sự tốt lành của sự vật”.

Ngài cảnh cáo ta đừng rơi vào “cảnh mờ ảo của thứ tiêu thụ ngấu nghiến”, một thứ tiêu thụ nói lên thái độ “càng có, tôi càng muốn: đó là thứ tiêu thụ ngấu nghiến. Và thứ tiêu thụ này giết chết tinh thần”.

Đức Phanxicô cho biết: “Những người đàn ông hay đàn bà nào thực hành điều trên… đều không hạnh phúc và sẽ không đạt được hạnh phúc”. Còn đối với Thiên Chúa, cái nghèo này hệ ở việc “ca ngợi và nhìn nhận rằng thế giới là một chúc phúc và nguồn cội của nó là tình yêu sáng tạo của Chúa Cha”.

Theo ngài, “nó cũng là việc cởi mở đối với Chúa, vâng theo quyền chúa tể của Người”. Trong nghĩa này, người nghèo duy trì sống động mục tiêu chiếm được Nước Thiên Chúa qua thái độ huynh đệ trong cộng đồng của họ, một thái độ “ủng hộ việc chia sẻ của cải”.

Đức Giáo Hoàng nói thêm: “Anh chị em hãy luôn có trái tim và bàn tay rộng mở, đừng khép kín”. Theo ngài, khi trái tim khép kín, “nó là một trái tim chật hẹp: đến yêu, nó cũng không biết cách. Khi trái tim rộng mở, nó tiến tới trên con đường yêu thương”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phái đoàn Đức TGM Joseph Kurtz thăm học viện Công Giáo Việt Nam
Sr. Hồng Sáng
10:34 29/01/2017
PHÁI ĐOÀN CỦA ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC JOSEPH KURTZ, NGUYÊN CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC HOA KỲ THĂM HỌC VIỆN Công Giáo VIỆT NAM

Chiều 25/1/2017 Học Viện Công Giáo Việt Nam (HVCGVN) đã hân hạnh đón tiếp phái đoàn của Đức Tổng Giám mục Joseph Kurtz, Tổng giáo phận Louisville nguyên Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (nhiệm kỳ 2013-2016). Cuộc viếng này trong chương trình nhiệm kỳ chủ tịch HĐGM Hoa Kỳ của ngài. Cùng đi với Đức Tổng Giám mục có Đức ông Giuse Trịnh Minh Trí, Chủ Tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ; Linh mục Antôn Ngô Đình Chính, Phó Chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ; Hai giáo dân là anh Giuse Công Nguyễn và chị Têrêsa Lương Thanh Vân.

Về phía HVCGVN có Đức Giám Mục Giuse Đinh Đức Đạo, Viện Trưởng HVCGVN; Linh mục Louis Nguyễn Anh Tuấn, Chánh Văn Phòng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, thành viên Hội đồng Điều hành HVCGVN; Linh mục Vinh Sơn Nguyễn Cao Dũng, Tổng Thư ký HVCGVN; Linh mục Giuse Tạ Huy Hoàng, Giáo sư Anh Ngữ; Soeur Maria Nguyễn Thị Tường Oanh, Giáo Sư Tín Lý; Ban Thư ký gồm Linh mục Đaminh Quách Duy Hợp, Soeur Maria Trịnh Thị Hồng Sáng và Soeur Maria Hoàng Thị Minh Trí.

Đức Cha Giuse Viện Trưởng đã trình bày những nét chính yếu về HVCGVN: Tiến trình hình thành, ban giảng huấn, chương trình, điều kiện ghi danh, thành phần sinh viên năm học 2016-2017. Ngoài ra, Đức Cha Giuse cũng nêu lên những khó khăn mà HVCGVN đang phải đối diện trong giai đoạn khởi đầu, đặc biệt là vấn đề tài chánh và cơ sở vật chất. Hiện nay HVCGVN chưa có cơ sở riêng nên Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) đã cho phép HVCGVN sử dụng tạm tầng 5 của toà nhà Văn Phòng HĐGMVN nhằm phục vụ cho việc giảng dạy và học tập. Đức Cha Viện Trưởng cũng kêu gọi sự hỗ trợ trong chương trình giảng dạy Anh Ngữ cho sinh viên và xây dựng thư viện cho Học Viện.

Đức Tổng Giám mục Kurtz và các thành viên của đoàn đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến mục đích của HVCGVN, ứng viên của Học Viện, cách thức để hỗ trợ cho chương trình Anh Ngữ, cũng như hỗ trợ xây dựng thư viện... Đức Tổng Kurtz và Đức Ông Giuse hứa sẽ trình bày những nhu cầu của HVCGVN trước Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cũng như trước Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam.

Đức Tổng Kurtz đã thay mặt phái đoàn chúc mừng năm mới đến HVCGVN và đặc biệt mừng tuổi các thành viên có mặt. Sau buổi họp mặt, các thành viên đã có bữa ăn agape với Vị Đại Diện Đức Thánh Cha, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli cùng với Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc và Đức Cha phụ tá Đỗ Mạnh Hùng.

Sr. Hồng Sáng
 
Thánh lễ minh niên tại giáo xứ St. Elizabeth, giáo phận San jose
Nt. Maria Nguyễn Thị Minh Du, OP.
11:39 29/01/2017
Sáng mùng 1 Tết, nắng rực rỡ sau một tuần mưa bão, mây xanh, trời cao. Anh chị em giáo dân Việt Nam khắp vùng San Jose tề tựu tại nhà thờ thánh Elizabeth tại thành phố Milpitas, California cùng quây quần quanh Đức Cha Patrick McGrath, giám mục giáo phận San Jose, dâng thánh lễ Minh Niên.

Xem hình

Tưởng cũng nên nhắc lại, hiện nay Giáo phận San Jose có một giáo xứ Việt Nam và 7 cộng đoàn Việt trực thuộc các xứ đạo địa phương. Mỗi dịp đầu xuân, các giáo xứ có cộng đoàn người Việt thay nhau tổ chức thánh lễ mùng một tết và mời Đức Cha giáo phận cùng đồng tế.

Anh chị em được đón tiếp nồng hậu trong khuôn viên nhà thờ ấm cúng và rất nhiều người phải đứng vì không đủ chỗ ngồi. Ước lượng khoảng một ngàn người tham dự. Quý linh mục Việt Nam hầu như hiện diện đầy đủ.

Thánh lễ được cha Justin Lê Trung Tướng, chánh xứ Elizabeth chủ tế. Đức Cha McGrath nói đôi lời chào đầu lễ và ban phép lành cuối lễ bằng tiếng Việt rành mạch, rõ ràng.

Trong bài giảng, cha Phan Thế Lực chia sẻ những tâm tình ngắn gọn, đơn sơ và ý nghĩa. Cha mời gọi mọi người hãy sống vui, sống phó thác trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa như hình ảnh bông hoa huệ dù ở đồng, ấy vậy mà áo vua Salomon còn không sánh bằng. Sống và đặt trọn niềm hy vọng vào trong tay Chúa, kết hợp với Chúa trong mọi hoàn cảnh như thế chúng ta sẽ được bình an và hạnh phúc. Cha lấy ví dụ về việc gói bánh tét mùa tết. Những hạt gạo, những hạt đậu xanh, những miếng thịt, tiêu, đường, muối được kết dính với nhau bằng những tấm lá chuối và nấu thành bánh thơm ngon. Nếu chúng đứng riêng rời thì không thể có đòn bánh tét dền nếp. Người Ki-tô cũng vậy, chúng ta sẽ không thể nào tạo ra những hương thơm ngào ngạt, những vị ngọt êm đềm cho tha nhân nếu chúng ta không kết hợp với Đức Kitô, không sống tinh tuyền, không yêu thương và không chia sẻ.

Điều đặc biệt ở đây là: tôi mới chỉ nghe kể về cha Lực mà chưa được dịp nào đến giáo xứ của Ngài, chỉ biết Ngài hay cười hiền từ mà thôi, chưa từng nghe ai kể cha Lực hát hay hay là hay hát. Hôm nay khi Ngài bắt đầu tiến đến bục giảng thì Ngài cất tiếng hát: Xuân đã về xuân đã về kìa bao ánh…. làm cả nhà thờ ngạc nhiên lúc đầu và sau đó mọi người cùng vỗ tay hát theo. Không khí Tết thực sự về, sức sống, sức xuân đang tràn vào từng con tim, tiếng cười và những ánh mắt trao nhau ngạc nhiên lúc ấy làm bầu khí ấm hơn, vui hơn và bài giảng của Cha nghe như rót vào lòng hơn trong bầu khí đầu năm. Và kết thúc cũng là một bài hát chúc xuân quý cha và mọi người.

Tạ ơn Chúa trong ngày đầu năm, chúng con được lãnh nhận những lời giảng cho cuộc sống của mình, chúng con đươc cùng nhau tạ ơn Chúa một năm đã qua và dâng lên Chúa những thời khắc đầu tiên của ngày đầu năm mới. Người Kit-tô hữu mang dòng máu Việt trong giáo phận San Jose đã được Giáo xứ Elizabeth chuẩn bị thánh lễ sốt sáng, những người hiện diện phục vụ trên bàn thờ cũng như những anh chị em âm thầm làm nhiều công việc khác nhau mà chỉ có Chúa biết sự hy sinh âm thầm của quý anh chị.

Cuối lễ, cha Giuse Đinh Đức Hảo linh mục đại diện Mục vụ Việt nam Gp. San Jose dâng lời cảm ơn Đức Cha đã đến dâng thánh lễ đầu năm cho cộng đồng người Việt của giáo phận. Cha cũng cảm ơn các gia đình Việt Nam đã bảo tồn nền văn hóa Việt, duy trì và nuôi dưỡng đức tin trong môi trường gia đình. Đây là nét đặc sắc của người Việt mà mỗi lần có dịp dâng lễ với anh chị em Việt Nam Đức Cha McGrath thường lên tiếng khen ngợi.

Quả thực, trong ngôi nhà thờ không lớn không nhỏ này ngày hôm nay bóng dáng những tu phục của các nữ tu ngồi xen kẽ với anh chị em khắp nhà thờ. Sinh động về trang phục có lẽ phải kể đến các chị và các em thiếu nhi. Với những bộ áo dài thướt tha rất Việt và chủ dạo nhất trong ngày mùng một là màu đỏ. Các em bé cả trai lẫn gái được cha mẹ mặc áo dài gấm đỏ, xanh, vàng, hồng đi cùng khăn đóng. Một cái gì đó rất Việt, rất quê nhà. Nhưng có lẽ đội trống, đội lân và cả những tràng pháo dài hàng mấy chục mét được biểu diễn và đốt sau thánh lễ mới tái hiện đủ một ngày tết cổ truyền của người Việt. Một linh mục ở Việt Nam nhắn tin cho tôi: hy vọng tôi sẽ nhìn thấy những nét Việt Nam hơn cả ở quê nhà. Vâng. Tôi đã thấy và đã cảm nghiệm được tinh thần Việt, văn hóa Việt, hơi thở Việt, đức tin Việt sống động và vẫn chảy trong huyết quản của những em thiếu niên hôm nay lên đọc thánh thư bằng tiếng Việt, đọc lời nguyện cộng đoàn bằng hai thứ tiếng Mỹ và Việt. Giọng nào các em đọc cũng trôi chảy, nơi những em thiếu niên đeo khăn quàng và mặc áo thiếu nhi Thánh Thể đánh trống và các em múa lân.

Tết cổ truyền, chia sẻ với nhau niềm vui và lời chúc phúc trong ngày đầu năm, sống và trao chuyển những di sản văn hóa, di sản đức tin cho các thế hệ tiếp nối trong vòng tay quan phòng của Thiên Chúa. Chắc chắn mùa xuân sẽ đến và ngự vào tâm hồn mỗi người không phải chỉ trong những dịp tết mà xuân sẽ luôn reo vui và kéo dài trong cuộc sống chúng ta.

Nt. Maria Nguyễn Thị Minh Du, OP

Mùng 1 Tết Đinh Dậu

San Jose 28 tháng 1 năm 2017
 
Văn phòng Cáo Thỉnh Viên phong thánh cho Cha Trương Bửi Diệp không có phép của TGM Orange
Lm Trần Văn Kiểm
11:49 29/01/2017
THÔNG BÁO CỦA TRUNG TÂM Công Giáo VIỆT NAM TẠI GIÁO PHẬN ORANGE
VỀ VIỆC KHÔNG CÓ PHÉP CỦA VĂN PHÒNG CÁO THỈNH VIÊN XIN PHONG THÁNH CHO CHA TRƯƠNG BỬU DIỆP


Văn Phòng Cáo Thỉnh Viên là văn phòng liên lạc với Tòa Thánh trong việc xin phong thánh nên khi văn phòng này được đặt ở
đâu thì phải có phép của vị Giám Mục Địa Phận ở đó. Đặt trường hợp nếu Tòa Thánh liên lạc với Đức Giám Mục Địa Phận Orange, hỏi về Văn Phòng Cáo Thỉnh Viên nằm trong địa phận của ngài mà ngài không biết gì về sự hiện diện của văn phòng này, thì đây là một việc làm sai luật và là sự xúc phạm tới Đức Giám Mục.

Việc này đã thật sự xảy ra: Văn Phòng Cáo Thỉnh Viên xin phong thánh cho Cha Trương Bửu Diệp nằm trong Địa Phận Orange đã được cắt băng khánh thành và làm phép vào Thứ Bẩy ngày 7 tháng 1 năm 2017 nhưng chính Đức Giám Mục của địa phận lại hoàn toàn không biết gì về chuyện này. Ngài đã không cho phép và cũng đã không nhận được giấy xin phép. Như thế Văn Phòng Cáo Thỉnh Viên xin phong thánh cho Cha Trương Bửu Diệp đã không có phép của Đức Giám Mục để có thể hiện diện trong Địa Phận Orange. Khi không có phép thì không thể đưa vào hoạt động.

Một điều nữa chúng ta cũng cần nên biết đó là tất cả những văn phòng hay cơ sở có tên Cha Trương Bửu Diệp Foundation trong Địa Phận Orange này, không thuộc về Trung Tâm Công Giáo và cũng không thuộc về Tòa Giám Mục Orange. Tất cả những văn phòng hay cơ sở mang tên Cha Trương Bửu Diệp này đều ở dưới dạng hoặc hình thức tư nhân, cho nên Giáo Quyền Công Giáo tại Orange không có quyền thẩm phán hoặc thẩm xét trên họ. Nhưng nếu những cơ sở đó, vẫn mang danh là Công Giáo, mà lại làm những điều sai đức tin hoặc phụng vụ… thì Giáo Quyền ở đây sẽ có trách nhiệm và bổn phận phải lên tiếng. Việc này đã xảy ra mấy năm trước đây, khi một cơ sở mang tên Cha Trương Bửu Diệp trong Quận Orange, đã đưa một linh mục Công Giáo ở ngoài địa phận tới để dâng lễ thường xuyên mà không có phép.

Theo thông lệ đã xảy ra trong Giáo Hội là người ta đúc tượng hoặc dựng tượng các bậc đáng kính, chưa được phong thánh, tại một nơi chốn nào đó ở quê hương các vị này, hoặc một nơi nào đó trong địa phận của các vị này, để tôn kính các ngài. Bởi vì chưa được phong thánh, việc làm như thế phải được sự chuẩn nhận của Đức Giám Mục địa phương. Nhưng việc đúc tượng, làm tượng, tạc tượng các vị này, và gởi đi nơi khác, gởi đi khắp nơi, để cổ võ lòng tôn sùng các vị này, có khi còn xin làm phép tượng nữa, thì đó là điều không đúng. Lý do đơn giản là vì các ngài chưa được phong thánh theo quy luật của Giáo Hội mà đã tạc tượng hoặc làm tượng. Một vị Giám Mục Việt Nam đã nói: “Điều này giống như cái cày đặt trước con trâu.” Và nếu tiến trình phong thánh cho các vị này kéo dài thời gian, thì tội nghiệp các ngài phải đứng chờ hơi lâu.

Trừ trường hợp của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II hay Thánh Têrêsa thành Calcutta mà chúng ta thường gọi là Mẹ Têrêsa, hoặc một số vị thánh khác nữa, lịch sử đã cho thấy tiến trình phong thánh cũng rất lâu dài. Thí dụ trường hợp Thánh Martinô De Porres cho chúng ta thấy 258 năm sau ngày sinh của ngài, thì ngài mới được phong chân phước và 125 năm sau khi ngài được phong chân phước, lúc đó ngài mới được phong thánh vào năm 1962.

Khi các vị chưa được phong thánh và chúng ta muốn tỏ lòng tôn kính, việc sử dụng hình ảnh của các ngài dưới dạng tranh hoặc ảnh, hoặc một bản khắc khuôn mặt hoặc chân dung các ngài, là chuyện dễ chấp nhận. Còn đúc tượng, làm tượng, tạc tượng phổ biến mọi nơi, đó là điều không nên. Ơn quan trọng nhất mà chúng ta cần cầu khấn với các thánh, và ngay cả với những vị lành thánh chưa được phong thánh những có lẽ đang ở trên thiên quốc, đó là xin các ngài dẫn chúng ta tới với Chúa.

Xin Trân Trọng Thông Báo
Ngày 28/1/2017

LM Trần Văn Kiểm
Giám Đốc Trung Tâm Công Giáo
 
Thánh lễ mồng 2 tết tại Nghĩa trang GX Thánh Tâm GP Ban Mê Thuột
Vũ Đình Bình
17:39 29/01/2017
Thánh lễ mồng 2 tết tại Nghĩa trang GX Thánh Tâm GP Ban Mê Thuột

Thánh lễ nơi nghĩa trang, trong ngày mồng Hai Tết Nguyên Đán, để kính nhớ cầu nguyện cho ông bà tiên tổ mang tâm tình hân hoan vui tươi của sắc phục màu trắng với ý nghĩa diễn đạt sự Phục sinh của Chúa Kitô cũng như sự phục sinh của chúng ta sau này nơi bàn tiệc Thiên quốc.

Xem Hình

Chiều mồng hai tết Đinh Dậu 29.01.2017, vào lúc 16g00, tại nghĩa trang Giáo xứ Thánh Tâm - Ban Mê Thuột, Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Giáo phận, chủ tế thánh lễ cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà cha mẹ.

Cùng dâng lễ với Đức Giám Mục, có Cha quản xứ Giuse Trịnh Văn Hân, Cha phó Giuse Hoàng Quang Trí, Cha phó Phaolô Lê Văn Quyền (CSsR) và Cha Phanxicô Salêsio Lê Văn La Vinh (OP), người con của Giáo xứ.

Tham dự Thánh lễ có Quý tu sĩ nam nữ, chủng sinh, hàng ngàn tín hữu thuộc Giáo xứ Thánh Tâm và nhiều tín hữu ở xa cùng về hiện diện với cộng đoàn phụng vụ để cầu nguyện cho tổ tiên ông bà cha mẹ của mình.

Bài Ca nhập lễ Nhớ Về Tổ Tiên (của Lm. Mi Trầm) du dương, bay bổng gợi cho mọi người nhớ về Đạo Hiếu: “Xin thắp lên một nén hương trầm… nhớ về tổ tiên. Sông có nguồn, cây có cội, con người có tổ có tông, có bà có ông. Làm con phải nhớ Tổ Tiên, làm con thảo hiếu trọn niềm…”

Mở đầu thánh lễ, Đức Cha Vinh Sơn cũng nói đến tầm quan trọng trong việc hiếu kính của người tín hữu Công Giáo đối với ông bà tiên tổ: “Hôm nay, ngày mùng Hai tết Đinh Dậu, dẫu cho rơi vào ngày Chúa Nhật nhưng Giáo Hội vẫn cho phép chúng ta dâng thánh lễ theo truyền thống để kính nhớ cầu nguyện cho ông bà tiên tổ… Xin Chúa ban cho những người đã yên nghỉ được hạnh phúc muôn đời bên Chúa. Xin Chúa ban cho những vị còn sống nơi trần gian được mạnh hồn khỏe xác, luôn nhận được sự chăm sóc và tấm lòng yêu thương quý trọng của lũ cháu đàn con. Xin cho mỗi người chúng ta biết yêu thương kính trọng những bậc sinh thành dưỡng dục và biết bày tỏ lòng hiếu thảo qua những hành vi cụ thể trong đời sống hằng ngày”. (Mời nghe Bài dẫn lễ)

Trong bài giảng lễ, Đức Cha Vinh Sơn chia sẻ: Tết nguyên đán là dịp quan trọng trong văn hóa của người Việt Nam, vì thế dẫu cho bận bịu đến đâu đi nữa chúng ta cũng thu xếp để trở về sum họp với gia đình… Bởi vì gia đình là bến bờ bình yên và hạnh phúc nhất của mỗi người chúng ta, ở đó có ông bà, cha mẹ, anh chị em, những người thân yêu của chúng ta. Qua 3 bài đọc trong Thánh lễ hôm nay, Lời Chúa dạy chúng ta phải tôn kính và thảo hiếu với cha mẹ. Ước gì mỗi dịp xuân về, xin cho mỗi người chúng ta ý thức đến trách nhiệm của mình, bổn phận sống yêu thương hiếu thảo để được Thiên Chúa chúc lành. (Mời nghe Bài giảng lễ)

Sau Thánh lễ, trời đã về chiều, nhiều người còn nán lại bên ngôi mộ người thân yêu của mình thắp nén nhang thơm tạo nên khung cảnh mờ ảo diệu kỳ. Khói hương nghi ngút tỏa lên cao quyện quanh hàng thông xanh thẫm hòa với màu mây trời bàng bạc nối kết đất – trời, nối kết người sống – kẻ chết trong niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh.
 
Lễ Chúc thọ quý cụ Mùng Hai Tết Đinh Dậu Tại TT Thánh Vinh Sơn Liêm Melbourne.
Trần Văn Minh
18:49 29/01/2017
Melbourne, vào lúc 6.00 Ngày 29/1/2017. Nhằm ngày Mùng Hai Tết Đinh Dậu, Ngày Giáo Hội Việt Nam dành riêng kính nhớ tổ tiên ông bà trong ngày linh thiêng đầu năm mới. Tại Trung tâm Công giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm, đã tổ chức Thánh lể tạ ơn Thiên Chúa và chúc thọ cho quý cụ cao niên trong cộng đoàn, và cầu cho tổ tiên ông bà trong Thánh lễ Mùng Hai Tết.

Mời xem hình

Trong một buổi chiều thời tiết tốt, cái nắng chiều còn lưu luyến rọi chiếu tia nắng xuống nửa sân và trên lễ đài. Từ rất sớm, quý cụ ông, quý cụ bà đã được con cháu chở đến trung tâm. Ai cũng mặc đẹp. Quý cụ ông mặc âu phục và áo thụng xanh cổ truyền dân tộc với khăn đống, quý cụ bà cũng áo dài truyền thống đủ mầu. Phần đông, mặc dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” tuổi 70 trở lên, nhưng vẫn còn đi đứng được. Mọi người tề tựu trước lễ đài tại khuôn viên Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm để dâng lễ cảm tạ Thiên Chúa, cùng mừng lễ chúc thọ và cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà đã qua đời.

Trước lễ đài, có hai bàn dài trên trải khăn trắng để mọi người có thể mang di ảnh người thân trong gia đình về đặt lên bàn để các vị có dịp cùng dâng lễ với người thân. Trước khi cử hành mầu nhiệm thánh, Linh mục Giuse Trần Ngọc Tân đã rảy nước phép và xông hương trên bàn thờ và các di ảnh. Trong khi hai vị trưởng và phó ban mục vụ dâng hương tại Đài Thánh bổn mạng Vinh Sơn Liêm và núi Đức Mẹ.

Trong bài giảng, Linh mục Giuse Trần Ngọc Tân quản nhiệm cộng đoàn đã nhấn mạnh đến lòng hiếu thảo mà Thiên Chúa đã dậy con người phải thực hiên, để nhớ đến công lao của các đấng sinh thành, qua công ơn khó nhọc đã sinh thành dưỡng dục chúng ta nên người, được gói gọn trong “cù lao chín chữ.” Trong Mười Điều Răn Đức Chúa Trời, thì Điều Răn Thứ Bốn là thảo kính cha mẹ, chỉ đứng sau ba điều răn kính mến Thiên Chúa. Và lại được Giáo hội cho chúng ta kính nhớ tổ tiên vào các Thánh lễ Mùng Hai Tết, là ngày thiêng liêng nhất trong năm của người Á Đông nói chung và người Việt Nam chúng ta.

Ngoài việc xin lễ, đọc kinh cầu nguyện cho các linh hồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã qua đời, cộng đoàn cũng tổ chức Thánh lễ chúc mừng thọ ông bà, cha mẹ đang còn tại thế, để con cháu học được và noi theo. Và buổi lễ chúc thọ của cộng đoàn đã được giao cho Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể và Ca đoàn Cecilia phụ trách Thánh ca đã chọn các bài hát nói lên lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ.

Các cháu thiếu nhi thật giỏi, đã hoàn thành xuất sắc buổi “lễ tế tổ” lễ gia tiên thật đáng khen ngợi với trang phục cổ truyền thật đẹp, nhịp nhàng, lời văn xúc tích, lễ vật ý nghĩa, đi kèm là những bản Thánh ca nói lên lòng hiếu kính tổ tiên, ông bà, cha mẹ, khiến các cụ cũng cảm động, khi được con cháu tỏ lòng hiếu thảo, biết ơn ngay khi còn hiện tiền.

Sau Thánh lễ, các cụ mới lên hàng 70 đã vui được nhận Thư mừng thọ và toàn thể quý cụ hiện diên nhận qùa mừng của cộng đoàn. Một chút qùa tượng trưng, nhưng chắc chắn các cụ rất vui vì đã được nhớ đến trong một Thánh lễ riêng, để nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục. Buổi lễ có sự tham dự thật đông đảo của cộng đoàn,

Cuối lễ, để chung hưởng niềm vui chung của tất cả cộng đoàn, hai phong pháo dài nổ dòn dã mừng Xuân, mừng thọ, mừng tuổi nhau đã được mọi người mừng vui vỗ tay tán thưởng. Ra về, trên nét mặt các cụ rạng rỡ đi bên con cháu và chụp những tấm hình kỷ niệm ngày lễ kính nhớ tổ tiên ông bà.


 
Văn Hóa
Khai xuân thính nhạc
Lê Đình Thông
10:09 29/01/2017
KHAI XUÂN THÍNH NHẠC
開 春 聽 樂

Nhớ lại năm xưa, nhà thơ Đông Hồ khai bút qua bài Xuân bất tận :

Không quá khứ, không vị lai,
Thời gian xuân giữ thắm tươi hoài.
Từ lâu xanh vẫn mơn cành liễu,
Và mãi vàng luôn đượm cánh mai.
Cuộc thế mị thường cơn mộng lớn,
Nguồn xuân bất tận suối thơ dài.
Làm chi năm một lần khai bút,
Bút đã khai từ thiên địa khai.

Nửa đêm ngày 27/01 là tính theo giờ giấc bên nhà, bên Pháp mới 18 giờ, tôi và Thiên Ân là con trai út cùng đi hái những nốt nhạc tươi mát thay cho lộc xuân, tìm lại màu xanh dương trong họa phẩm Chagall thay cho bầu trời Paris ủ dột, trong tòa nhà Opéra de Paris. ‘‘Bút đã khai từ thiên địa khai’’. Thay vì khai bút, chúng tôi nghe tấu nhạc đầu xuân.

Trước giờ trình diễn, tôi ngước lên trần chiêm ngắm bích họa nổi tiếng của Chagall. Nhà văn André Malraux, bộ trưởng Văn hóa thời tổng thống Charles de Gaulle, giao duyên giữa âm nhạc và hội họa. Ông giao cho nhà danh họa Chagall vẽ trần nhà nhạc hát nổi tiếng của kinh thành Paris, xây cất xong vào năm 1875, đúng một thế kỷ trước ngày VNCH bị bức tử oan khiên.
Nhà danh họa 77 tuổi đời thực hiện 50 bức vẽ phác bằng chì, mực, màu bột (gouache), bút nỉ (feutre), cắt dán (collage) ; gom lại thành họa phẩm 220 mét vuông. Chagall miệt mài làm việc cùng với ba họa sĩ Roland Bierge, Jules Paschal và Paul Versteeg, theo đúng ý tưởng của Charles Garnier chọn bích họa trần nhà, lấy điển tích từ thần thoại Hy Lạp, nói lên cái đẹp được thể hiện qua âm nhạc, qua dòng thời gian với nắng sớm, trăng lên.

Chagall vẽ phác một số nhà soạn nhạc có tác phẩm trình diễn nơi đây :

- màu xanh lam chủ lực với Mozart qua tác phẩm La Flûte enchantée ;

- màu xanh lá cây với Wagner và Debussy với nhạc kịch Pelléas et Mélisande ;

- màu đỏ với Ravel và Stravinski qua Daphnis et Chloé, L’Oiseau de feu ;

- màu vàng với Tchaikovski qua Le Lac des Cygnes.

Trong diễn từ đọc ngày khánh thành bức họa, Chagall tâm sự : ‘‘Trên trần nhà, bức họa diễn tả mộng mơ, được gói ghém trong các nhạc phẩm ; còn phía dưới hội trường là y phục đủ sắc màu của các khán giả. Hát cũng như chim hót, không cần lý thuyết và phương pháp. Bức họa lói lên lòng biết ơn các nhà soạn nhạc kịch và vũ ballet.’’

Cliché du photographe Izis de 1964 dans son intégralité. Chagall travaillant sur panneau consacré à Mozart.

Trở lại với nhà hát. Hơn một thế kỷ về trước, hoàng đế Napoléon III quyết định xây cất tòa kiến trúc đồ sộ này. Có tất cả 171 đồ án của các kiến trúc sư từ khắp châu Âu tham dự cuộc thi. Sau cùng, Charles Garnier, một kiến trúc sư trẻ, hầu như chưa có kinh nghiệm, được chọn. Sau đó, Garnier mời 14 họa sĩ và các nhà điêu khắc tên tuổi trang trí cho nhà hát. Tiền diện từ trái qua phải tượng trưng cho bốn bộ môn :
- Thi do nhà điêu khắc François Jouffroy thực hiện.
- Nhạc (Eugène Guillaume).
- Vũ (Jean-Baptiste Carpeaux).
- Kịch (Jean-Joseph Perraud).

Vào đêm giao thừa âm lịch năm nay, nhà hát trình diễn các trích đoạn tiêu biểu của Otto Nicolai, Vicenzo Bellini, Friedrich Von Flotow, Hector Berlioz, Gaetano Donizetti, Richard Strauss và Jacques Offenbach, dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Patrik Lange người Đức. Các ca sĩ trình diễn xuất thân từ nhạc viện Bá Linh, Guatemala, Ba Lan, Tây Ban Nha, Bucarest, Belgrade, Nga và Pháp (Sorbonne, Poitiers).

Nhà hát chủ trương kết hợp bốn bộ môn nghệ thuật : thi, vũ, nhạc, kịch. Có thể thêm hội họa Chagall. Trong số các tiết mục, kịch bản của Friedrich Von Flotow dựa trên bài thơ Letste Rose. Tôi xin chuyển thể lục bát thay cho đoạn cuối của bài khai bút đầu xuân :

Mai sau hái một đóa hồng
Trái tim héo hắt còn trông mong gì
Bông hoa hái lúc cuối hè
Bên nhà lối xóm, ngoài hiên vườn hồng
Tả tơi lá rụng ngoài song
Cuối thu vàng lá sang đông nhạt nhòa
Cuộc tình phai lạt sắc hoa
Em ơi giữ lấy hồng hoa cuối mùa
Cuộc đời ngọn cỏ gió đùa
Hè qua thu đến sớm trưa sầu đời.

Paris, ngày mồng một Tết Đinh Dậu
GS.Lê Đình Thông
 
Lời cầu phúc trong Đêm Lễ Giao Thừa
Lm. Anrê Đỗ Xuân Quế
10:14 29/01/2017
Lời cầu phúc trong Đêm Lễ Giao Thừa

Tết là những ngày lễ rất quan trọng, đặc biệt đối với người Việt Nam. Trong những ngày này, người ta thăm viếng, tưởng nhớ đến nhau và cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp. Những câu chúc quen thuộc luôn ở trên môi và đầu lưỡi của mọi người lớn bé già trẻ. Gần đây xuất hiện một cụm từ mới gọi là Văn Hóa Tết để nói về những điều đó.

Ngoài tinh thần Văn Hóa Tết của phần chung đồng bào, Người Công Giáo lại còn có những Ngày Lễ Tết: Lễ Giao Thừa, Lễ Minh Niên, Lễ Cầu Cho Tổ Tiên, Lễ Thánh Hóa Công Ăn Việc Làm. Mỗi lễ một ý nghĩa. Lễ Giao Thừa có những lời cầu phúc riêng trong đó. Những lời người ta chúc cho nhau trong Ba Ngày Tết là những lời chúc theo lối dân gian, còn lời cầu phúc trong Đêm Lễ Giao Thừa đúng là những lời cầu để mà chúc. Người tin Chúa cầu phúc cho người thân thay vì chỉ chúc phúc. Lời chúc tự nó đã đẹp rồi, nay thêm lời cầu nữa, chắc hy vọng sẽ có kết quả thiết thực hơn, do lòng tin của người cầu và sức mạnh cùng quyền năng của Đấng được cầu xin.

Đây là những lời cầu phúc trong Đêm Lễ Giao Thừa màchủ điểm là cầu bình an và xin ơn hạnh phúc.

Thật vậy, Đức Chúa bảo ông Mô-sê nói với ông Áp-ra-ham và các con của ông này rằng khi chúc lành cho con cái của Ít-ra-en thì hãy nói thế này: “Nguyện Thiên Chúa chúc lành và gìn giữ anh em ! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và rủ lòng thương anh em ! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bìnhan cho anh em.”

Qua câu cuối cùng này, bình an là một ơn huệ. Vì là ơn huệ nên phải cầu, phải xin mới được. Xin Chúa chúc lành và gìn giữ chúng ta. Chúng ta cần được Chúa chúc lành và gìn giữ thì mới được bình an. Chúa chúc lành là Chúa ban ơn phúc, Chúa gìn giữ là Chúa bảo vệ, rồi Chúa lại “tươi nét mặt nhìn đến và rủ lòng thương”

Như vậy, bình an là một bước đường qua hai giai đoạn: giai đoạn thứ nhất là được Chúa chúc lành và gìn giữ; giai đoạn thứ hai là được Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an.Thánh Âu-tinh đã tạo điều kiện cho chúng ta đón nhận và sống trong bình an,khi đưa ra một câu định nghĩa chí lý về bình an: “Bình an là sự ổn định của trật tư”. (Pax, tranquillitas ordinis): trật tự giữa ta với Chúa, giữa ta với tha nhân và giữa ta với ta. Trật tự giữa ta với Chúa là khi chúng ta ở trong tình trạng ơn nghĩa, trật tự giữa chúng ta với tha nhân là khi chúng ta giữ đức công bình, tôn trọng danh dự và quyền lợi của người ta, còn trật tự với chình mình là khi chúng ta điều khiển được mình, không để cho mình buông theo những dục vọng bất chính hay sống một đời vô tổ chức, không nguyên tắc, không đường lối, không lý tưởng. Trong Thánh Lễ Giao Thừa, chúng ta cầu xin cho được sự bình an đó.

Sau bài Sách Dân Số nói về sự bình an thì tớiBài Tin Mừng nói đếnCác Mối Phúc Thật. Thường thì ai cũng thích được hạnh phúc và hạnh phúc thông thường thôi, chứ không phải hạnh phúc đích thật như trong Bài Giảng Trên Núi. Hạnh phúc này đối với phần đông là xa xôi, viển vông và xem ra không thực tế một chút nào. Ở đời, mấy ai cho nghèo khổ, bị ngược đãi là phúc. Thế mà Đức Giê-su lại rao giảng và cho những điềuđó là phúc mà lại là phúc thật ! Vậy cần phải hiểu chữ phúc ở đây theo lời dạy của Chúa.

Trước hết, Chúa nói đến phúc của những người có tâm hồn nghèo khó. Những người này không phải là những người nghèo khổ túng đói mà là những người đơn sơ, nghèo nàn mà không cùng khổ,nhưng khiêm tốn và biết trông cậy vào Chúa, biết giải gỡ lòng mình cho khỏi những sự ham mê tiền tài vật chất một cách quá đáng đến nỗi quên cả luân thường đạo lý. Người có tinh thần nghèo khó là người biết dùng của cải một cách hợp lý, không để cho tiến tài mê hoặc lòng mình mà làm những điều thất nhân thất đức. Người có tinh thần nghèo khó là người như vậy, chứ không phải người lang thang cùng khổ ở đầu đường, xó chợ. Những người như thế lànạn nhân của sự nghèo đói, là sự thất bại của mộtxã hội kém tổ chức và vụng điều hành,là một cái nạn trong xã hội mà những người cầm quyền trị nước và những nhà hoạt động chính trị theo đúng nghĩa có bổn phận phải lo giải quyết.

Vậy, sống nghèo nhưng là nghèo theo tinh thần Tám Mối Phúc Thật. Do đó, Chúa nhằm tới tinh thần và tấm lòng nhiều hơn.

Rồi Chúa lại cho những người sầu khổ là may lành hạnh phúc. Thường mất nhà mất của, mất công ăn việc làm, bị lường gạt, ốm đau, buôn thua bán lỗ là người ta buồn. Bây giờ bảo những người như thế là có phúc thì thật Là ngược đời. Nhưng người sầu khổ ở đây không phải là những người đó, mà là những người lo buồn vì tội lỗi của mình, thấy mình bất trung, tinh thần bạc nhược, muốn vươn lên nhưng không có sức. Họ cảm thấy mình thiếu vắng nghị lực và sức sống tinh thần. Vì vậy, họ buồn sầu khổ sở và ao ước thoát khỏi tình trạng này để được nên thân tình với Chúa. Ngoài ra, Chúa còn cho những người hiền lành, khát khao sự công chính, xót thương người và có lòng trong sạchcũng như những người bị ngược đãi vì chính đạolà có phúc. Những điều này dễ hiểu hơn và tương đối cũng ít gây ra thắc mắc. Nhưng dù sao vẫn là những điều khó hiểu và khó chấp nhận đối với phần đông loài người. Vì thế, Chúa mới nói trong Tin Mừng: ’Ai có tai thì nghe.” (Mt 11,15; Mc 4,9; Lc8,8) Chúng ta có tai nhưng không biết đã nghe chưa. Vậy xin Chúa cho chúngta biết nghe và hiểu được lời của Chúa để thực hành trong đời sống mỗi ngày.

Trong Thánh Lễ Giao Thừa, các tín hữu đã dựa vào các Bài Sách Thánh để suy nghĩ về Sự Bình An và những Mối Phúc Thật. Người Công Giáo đi lễ trong Đêm Giao Thừa cũng là để cầu nguyện cho được bình an và hạnh phúc trong Năm Mới, đồng thời cầu xin cho ông bà cha mẹ, anh em, chú bác cô dì và bạn bè thân hữu, có được những những điều người ta cầu chúc, nhờ tình thương và sức mạnh của Chúa trong Những Ngày Đầu Năm Mới này. Ước mong được như vậy.

Đinh Dậu Tân Niên đã đến rồi

Lòng người nao mức khắp nơi nơi

Lời ca tiếng hát vang vang dội

Đón đợi tương lai rực sáng ngời.

Lm. An-rê Đỗ Xuân Quế o.p.

---

Họa nguyên vận:

Con gà trống gáy Tết sang rồi

Kết giải đồng tâm khắp mọi nơi

Phúc lộc mai đào khoe sắc thắm

Mong ước một năm mới rạng ngời.

Lê Đình Thông
 
Câu đối Tết tại Giáo Xứ Việt Nam Paris
Trần Văn Cảnh
23:45 29/01/2017
Câu đối Tết tại Giáo Xứ Việt Nam Paris

Câu đối là một thể loại văn chương được ưa chuộng của người Việt Nam. Ở Giáo Xứ Việt Nam Paris, cũng như nhiều nơi khác, người Việt Nam thích chơi câu đối. Bốn loại câu đối đã được viết ra ở Giáo Xứ Công Giáo Việt Nam Paris. Câu đối sống hằng ngày trong các gia đình ; Câu dối giáo dục hằng tuần của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể ; Câu đối Tết đầu năm để chúc Tết và trang hoàng nguyện đường ; Và câu đối cổng để nhắc nhớ những lý tưởng về sứ mệnh của giáo xứ.

Nhân dịp Tết Đinh Dậu 2017, xin mời quí độc giả xem lại một số câu đối Tết đã được viết ở Giáo Xứ Việt Nam Paris. Những đôi câu đối Tết thường được viết vào dịp đại lễ Tết Nguyên Đán, vừa có tính cách trang hoàng, thêm vẻ lộng lẫy, tôn nghiêm và uy nghi cho thánh đường, vừa có giá trị văn hoá phô diễn thuần phong mỹ tục, vừa có ý nêu cao việc học đạo, sống đạo và truyền đạo của giáo xứ.

Ðúc Ông Giám Ðốc Giuse Mai Ðức Vinh tìm lại được một đôi câu đối đã được treo cạnh bàn thờ, vào một mùa xuân, không nhớ năm nào. Câu đối ấy như sau :
Vạn vật đón Xuân hữu hạn
Giáo dân mừng Chúa trường sinh (MĐV)

Dịp Xuân Đinh Hợi 2007, Luật sư Lê Ðình Thông, cựu chủ tịch Hội Ðồng Mục Vụ, không tìm lại được câu đối cũ nào, nhưng nhân dịp xuân Ðinh Hợi 2007, đã làm một đôi câu đối mới chúc Cộng Ðoàn. Ðôi câu đối ấy như sau :
Đinh Hợi giao hòa Hồng Ân hồn xác
Cộng đoàn hiệp nhất mở mang đạo đời (LĐT)

Người viết đã gởi hai câu đối nhỏ. Câu thứ nhất nhớ đến Chúa và mọi người trong Cộng Ðoàn. Câu thứ hai đặc biệt nhớ đến các anh em trong phong trào LIÊN ÐỚI NGHỀ NGHIỆP.
Năm Hồng Ân cảm tạ Chúa
Tết Ðinh Hợi nhớ ơn người (Thanh Hương)

Tết đến nguyện chúc phúc thọ
Xuân về liên đới ngành nghề (Thanh Hương)

Vào Xuân Quý Tỵ 2013, trong tâm tình đón xuân với cộng đoàn, người viết đã lấy ý bài Chia sẻ Lời Chúa của Đức Ông Mai Đức Vinh, dịp lễ Tiệc Xuân 2013 và gửi câu đối sau đây :
Cộng Đoàn Đức Tin Hiệp Nhất
Giáo Xứ Lòng Mến Thương Yêu (Thanh Hương)

Bác sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái đóng góp thêm một câu đối Tết Tết Quý Tỵ 3013:
Tết đến nhớ ai vui nguyện ước
Xuân về tỉnh giấc thắm tình xưa (Vân Uyên NVA)

Luật sư Lê Đình Thông đóng góp thêm bốn câu đối Tết Quý Tỵ 2013 :
Nhân trần mừng Tết vô thường
Già trẻ đón Xuân bất tận (LĐT)

Tết Quý Tỵ hồng ân Trời
Năm Đức Tin tràn lộc Đất (LĐT)

Xuân về hầu bao lì xì
Tết đến mở lòng bác ái (LĐT)

Cộng Đoàn Tin Cậy Yêu Thương
Giáo Xứ Gia Tăng Hiệp Nhất (LĐT)

Xuân Ất Mùi 2015, chương trình mục vụ Tổng Giáo Phận Paris xoay quanh đề tài « 2015, năm Đời sống thánh hiến : sống đạo và ơn gọi », người viết đã gửi đến Giáo xứ Việt Nam Paris, đặc biệt với nhóm mục vụ đang học hỏi về thông điệp NIỀM VUI TIN MỪNG, đôi câu đối Tết sau đây :
Xuân về, Giáo Xứ sống Tin Mừng nặng sâu,
Tết đến, Giáo Dân truyền Phúc Âm xa rộng (Thanh Hương)

Xuân Định Dậu 2017, chương trình mục vụ Xây Dựng Cơ Sở Giáo Xứ đã thiết kế từ năm 2014, đang dược tiến hành khả quan, người viết xin gửi đến các bạn bè trong giáo xứ, đặc biệt đến nhóm « GIÁO XỨ NGÀY MAI » :

Một đôi câu đối Tết
Ngày Tết dâng lễ góp công góp của xây nhà Chúa
Kiếp người sống đời tu tánh tu tâm luyện chí Mình

Một đôi câu đối Cổng
Xây dựng cơ sở thờ phượng Chúa
Thăng hoa tâm hồn mến thương người

Và một bài thơ ngắn « CHÚC XUÂN GIÁO HỮU »
Xuân về chúc bạn bình an
Gia đình ấm cúng muôn vàn vui tươi
Bạn bè giáo hữu tình người
Tin yêu cậy mến mười mươi trọn tình
Việc nhà CƠ SỞ XỨ MÌNH
Cùng nhau theo Chúa Thánh Linh chỉ bày


Paris, Xuân Đinh Dậu 2017
Trần Văn Cảnh
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Gà Gáy Đầu Năm
Đặng Đức Cương
20:20 29/01/2017
GÀ GÁY ĐẦU NĂM
Ảnh của Đặng Đức Cương
Chúc năm Đinh Dậu
Ai cũng giàu to
Sức khỏe chẳng lo
Buồn bực xếp xó
Khó khăn chuyện nhỏ
Việc chạy ro ro
Không còn nhăn nhó
Giá cả mắc mỏ
Mua gì cũng khó
Chúc năm Đinh Dậu
Bạn bè hàng họ
Muốn gì được đó!
(KD)