Ngày 04-02-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:54 04/02/2012
CƯỚP HÔN
N2T

Có hai gia đình thông gia, bên nhà gái thì giàu có mà bên nhà trai thì nghèo, cho nên bên nhà trai sợ nhà gái sau này không muốn kết hôn, thế là chọn ngày tốt và mời một vài thanh niên đến nhà gái để cướp hôn.
Trong lúc vội vã lật đật thì bắt lầm em gái của cô dâu, bên nhà gái đuổi phía sau la lớn: "Cướp lầm rồi”.
Cô em gái bị cõng sau lưng vội nói:
- “Đừng nghe họ nói, không sao cả, không sao cả, mau chạy nhanh lên”.

Suy tư:
Ma quỷ vì ghen tức với con người về ơn cứu độ mà Thiên Chúa dành cho họ, cho nên chúng nó tìm mọi cách, mọi phương thế để cám dỗ lôi kéo linh hồn con người ta xuống hỏa ngục trầm luân với nó.
Có những người Ki-tô hữu khi lỡ lầm phạm tội thì ngã lòng trông cậy vào lòng nhân từ của Chúa, cho nên không muốn đứng lên trở về với tình yêu của Cha mình, họ nghe rất rõ lời mời gọi của Đức Chúa Giê-su: Nước trời đã đến, hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm, nhưng ma quỷ đã nói với họ rằng đừng nghe lời ấy, không sao cả, không sao cả, cứ ăn chơi cho sướng cái thân…
Ma quỷ không thể khơi khơi đi cướp linh hồn con người, nhưng nó rất sợ những ai cậy trông vào Chúa và tin tưởng ở lời Ngài, nhất là những ai thường xuyên rước lễ và lãnh nhận bí tích hòa giải.
----------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 5 TN B)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:55 04/02/2012
CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng: Mc 1, 29-39
“Đức Chúa Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật”.


Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su xuất hiện như vị cứu tinh của người nghèo, người bệnh tật và người bị quỷ ám, Ngài đã trở thành vị cứu tinh của họ, bởi vì không một ai chạy đến với Ngài mà trở về tay không. Nhưng đồng thời Đức Chúa Giê-su xuất hiện cũng như là cái gai trong mắt của những người biệt phái và những người kinh sư thông luật, bởi vì lời giảng dạy của Ngài làm cho dân chúng thích thú tin theo, và lòng họ nhận được một niềm an ủi trong kiếp sống lầm than khổ cực và đầy bệnh tật.

Đức Chúa Giê-su chữa bệnh
Ngài chữa bệnh không như các lương y thời ấy và các bác sĩ thời nay. Các lương y và bác sĩ chữa bệnh nơi thân xác, còn Ngài chữa lành tâm hồn trước và đồng thời cũng làm cho thân xác được khỏe mạnh; các bác sĩ và lương y thì cho hết toa thuốc này đến phương thuốc nọ, mà bệnh nhân đôi lúc vẫn không thuyên giảm, còn Ngài chỉ nói một lời, đụng đến người bệnh, thì họ lập tức lành bệnh, Ngài không nại đến quyền năng của ai cả, nhưng tự nơi Ngài một quyền uy phát ra làm cho mọi bệnh tật tiêu tan, vì Ngài chính là Thiên Chúa.

Các lương y và bác sĩ thì treo bảng quảng cáo tài nghệ của mình để chiêu dụ bệnh nhân, còn Ngài thì lại cấm bệnh nhân không được nói với ai về việc mình đã được lành bệnh, nhưng càng cấm thì thiên hạ càng đua nhau loan truyền công việc kì diệu mà Ngài đã làm cho họ, chính vì điểm này mà người biệt phái tức tối, ghen tương và giết chết Ngài trên thập giá. Người ta sợ Ngài tranh giành ảnh hưởng với họ.

Đức Chúa Giê-su là người linh mục hôm nay
Người ta mua một chiếc xe mới liền đến xin linh mục làm phép xe cho họ; người ta mua một ảnh tượng mới cũng tới xin Linh mục làm phép cho họ; người ta mới cất một căn nhà đẹp cũng đến xin Linh Mục làm phép nhà cho họ; linh mục đến thăm nhà, họ cũng mời linh mục chúc lành cho họ và gia đình. Không phải người ta tin dị đoan, nhưng người ta tin Đức Chúa Giê-su nơi con người của Linh Mục, người ta xác tín linh mục là người của Đức Chúa Ki-tô đang thay mặt Ngài để giáng phúc cho họ, do đó, dù biết rằng linh mục vẫn chỉ là một con người như họ, có những bất toàn và những thói hư tật xấu, nhưng họ vẫn tin tưởng và yêu mến Đức Chúa Ki-tô nơi vị mục tử của mình.

Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su chính là người linh mục hôm nay, Ngài đang vất vả khó nhọc kiếm tìm con chiên lạc trong giáo xứ của mình; Ngài đang âm thầm cầu nguyện cho những con chiên nghèo đói của mình có được cuộc sống hạnh phúc; Ngài đang bị sỉ nhục trên đường công tác mục vụ, Ngài đang bị chống đối bởi những thế lực ma quỷ nơi những con người đã từng chống đối Giáo Hội, Ngài đang buồn sầu vì có những mục tử không như Ngài biết yêu mến và phục vụ đàn chiên của mình...

Đức Chúa Giê-su cũng chính là các linh mục, là lương y chữa lành các tâm hồn bệnh hoạn bởi tội lỗi, bởi vì khi cử hành các mầu nhiệm thánh và các bí tích thì các ngài nhân danh Đức Chúa Giê-su, chứ không nhân danh chính cá nhân mình để cử hành, do đó mà Đức Chúa Giê-su hành động trong hành động cử hành của linh mục, để tuôn đổ ơn sủng của Ngài trong mỗi cử hành mầu nhiệm cứu độ.

Gợi ý suy tư :
1- Tôi là linh mục của Đức Chúa Giê-su, trong công tác mục vụ, đôi lúc tôi bị ngay chính giáo dân của tôi chống đối, phê bình, tôi có nhận thấy Ngài nơi con người họ hay không ?
2- Tôi là người Ki-tô hữu, có những lần tôi nghe nói linh mục này bê bối lăng nhăng, linh mục kia không chu toàn bổn phận của một mục tử, và thậm chí tự mắt tôi nhìn thấy linh mục nọ hạnh kiểm không tốt... Những lúc như thế, tôi có nhìn thấy được Đức Chúa Giê-su nơi các ngài không ?
----------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:01 04/02/2012
N2T

15. Không có người nào không phải vì muốn xuống địa ngục mà xuống địa ngục; cũng không có ai không phải vì muốn bị lừa mà bị lừa.

(Thánh nữ Terese of Lisieux)
 
Mỗi tuần một ''Chuyện Rất Ngắn''
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:07 04/02/2012
VIỆC BÁC ÁI
Ngài làm quản lý một trung tâm to lớn của giáo phận, được một cha sở của một giáo xứ lớn mời đến dâng lễ và giảng, ngài giảng rất dài nhưng giáo dân chỉ chú ý câu ngài nói:
- “Anh chị em đừng bố thí cho người nghèo…, nên cho họ cái cần câu chứ đừng cho họ con cá…”
Lễ xong có nhiều giáo dân bàn tán: ổng có nhiều tiền thì ổng cho cái cần câu, người nghèo như tụi mình thì giúp đỡ người nghèo được cái gì thì hay cái đó, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã dạy ai xin thì con cứ cho…
Làm việc bác ái thì không cần có “cần câu” để cho, mà chỉ cần có tấm lòng “yêu người như mình vậy”.
-----------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Một Ngày Làm Việc Của Chúa Giêsu
Lm. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
20:47 04/02/2012
MỘT NGÀY LÀM VIỆC CỦA CHÚA GIÊSU

Hôm nay chúng ta được chứng kiến một ngày “thu nhỏ” phản ánh cuộc đời của Chúa Giêsu. Từ sáng sớm, Đức Giêsu đã tìm đến nơi thanh vắng để cầu nguyện. Không phải vì Ngài thiếu ơn để xin ơn như chúng ta, nhưng Ngài cầu nguyện để sống sức sống sâu xa với Thiên Chúa Cha. Sức sống ấy sẽ là sức mạnh, sẽ là quyền năng để Ngài trao ban cho tất cả những người mà các tông đồ nói “mọi người đều đi tìm Thầy”(Mc 1,37), họ là những người ốm đau, bệnh tật, đủ thứ bệnh; họ là những người bị ma quỉ ám hại, họ là những người không những thể xác ốm đau mà tinh thần cũng yếu ớt. Chúa Giêsu đến với họ vì tình thương, Ngài chữa lành những người ốm đau bệnh tật, Ngài đã xua trừ ma quỉ, Ngài rao giảng Tin Mừng để tất cả những ai thành tâm thiện chí được đón nhận ơn cứu độ. Cuộc đời của Đức Giêsu như được tóm lại trong một ngày để chúng ta thấy rõ Người vất vả như thế nào. Nhưng sự vất vả ấy là tất cả những gì phục vụ trong yêu thương.

Chúa Giêsu phục vụ như tấm lòng của người mẹ với cánh tay săn sóc của người cha và với bước chân của người tông đồ đi loan báo cho các thành lân cận, cho các làng còn ở xa. Ở đâu Ngài cũng chú trọng đặc biết tới việc loan báo Tin Mừng cứu độ, vì đó là đối tượng để Ngài phục vụ. Những linh hồn còn chìm trong bóng tối phải được thấy ánh sáng. Những người nằm trong bóng của sự chết phải được nhìn thấy sự sống xuất hiện. Vì vậy, loan báo Tin Mừng là đưa ánh sáng vào nơi tối tăm, đem sự sống chiếu soi những nơi chết chóc. Loan báo Tin Mừng cũng có nghĩa là để cho những người khiêm tốn bé mọn thấy mình được chúc phúc. Loan báo Tin Mừng cũng còn là để con người nhận ra phương thế đạt tới ơn cứu độ đời đời, khi họ biết sám hối và tin vào Tin Mừng. Loan báo ơn cứu độ, nhưng Đức Giêsu không chỉ nói mà không thực hành. Cánh tay của Ngài đặt trên những bệnh nhân cho họ được khỏi, để không phải là thi thố quyền năng cho bằng tình thương giãi tỏa.

Bằng tình yêu thương, Đức Giêsu đã dùng tất cả quyền năng để trao cho họ. Họ được khỏi bệnh tật, đó là những người bị quỉ ám được lành bệnh và tỉnh táo. Tất cả những điều đó không phải là mục đích Chúa đến trong trần gian nhưng là những hoa trái dồi dào của lòng thương xót. Chúa đi qua nhưng không vô tình. Chúa luôn luôn để ý tới những đàn chiên còn chưa thuộc đàn này, những thành phố và làng mạc chưa được nghe loan báo Tin Mừng, nhưng Chúa không bỏ rơi những người xung quanh. Vừa chữa lành bệnh, vừa loan báo Tin Mừng, vừa yên ủi những người ở gần, vừa hướng tới những người ở xa. Một ngày làm việc của Chúa không có lúc nào nghỉ ngơi, mặc dù Chúa luôn dặn các tông đồ “Các con hãy biệt riêng ra, tìm nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”(Mc 6,31). Không phải là để thoái thác nhiệm vụ nhưng là để tâm hồn kết hợp với Thiên Chúa. Lấy sức mạnh từ trời, lấy sự hiệp thông làm nguồn ơn để trao ban. Một ngày của Chúa, từ sức sống sâu xa trong Ba Ngôi Thiên Chúa, đến việc trao ban và loan báo Tin mừng, tất cả đều cho chúng ta thấy đối tượng phục vụ của Chúa Giêsu là vô biên giới và cũng vượt mọi thời gian.

Vượt thời gian vì một ngày làm việc của Chúa không có ngơi nghỉ, không có giờ riêng. Một không gian làm việc của Chúa không cố định ở một nơi, tất cả đang ở phía trước. Những lời mời gọi, những vùng tối tăm, những nơi chưa nghe loan báo Tin Mừng. Đức Giêsu luôn luôn là trao ban, là bước tới, là cứu vớt và là chiếu giãi. Ánh sáng của Ngài là ánh sáng cứu độ. Vì thế Chúa muốn cho tất cả những ai đến với Chúa đều làm con cái ánh sáng. Ngài không cho ma quỉ nói vì nó là con cái của tối tăm, Ngài đuổi chúng ra khỏi những người mà nó ám, bởi vì con cái tối tăm không được làm hại con cái ánh sáng. Một ngày làm việc của Chúa là một ngày của lòng thương xót. Vì vậy Chúa quát nạt chúng khiến cho chúng im lặng, không cho tiếng nói của giận hờn, oán ghét vang lên.

Quan sát một ngày làm việc của Chúa, chúng ta cũng thấy bản thân chúng ta được lôi kéo đến với trung tâm tình thương. Mắt chúng ta cũng được mở ra để nhìn thấy ánh sáng từ nơi Chúa giãi tỏa. Có nhiều người nghĩ rằng, tiếc thay vì tôi không được sống đồng thời với Chúa Giêsu, tôi không được ở trong số đám đông để quan sát Chúa làm, để nghe lời Chúa dạy và để được Chúa chữa lành. Họ quên mất lời thư Do Thái khẳng định: “Đức Kitô hôm qua cũng như hôm nay và mãi mãi”(Dt 13,8). Những gì Chúa làm trong Tin Mừng thì Chúa cũng đang thực hiện ngay ngày hôm nay với mỗi người chúng ta. Điều quan trọng là, người ta phải biết mình là bệnh nhân mới tìm đến thầy thuốc, biết mình yếu đuối tật nguyền mới chạy đến để Chúa chữa cho, biết mình là người thiếu thốn mới chạy đi để tìm Thầy. Vào thời Chúa Giêsu, các tông đồ nói: “Mọi người đều đi tìm Thầy”, và thế kỷ XX này tiếng nói đó vẫn vang lên: “Mọi người đều đi tìm Thầy”:

- Những người đi tìm tiền của vật chất rồi kết thúc trong một cái kết lạnh lùng, bội bạc mới vội vàng đi tìm Thầy;
- Những người đi theo những công danh sự nghiệp, để rồi cuối cùng rơi xuống như một cái bóng, vội vã đi tìm Thầy;
- Những người suốt đời mải mê với sự nghiệp, thao thức với những ham thanh chuộng lạ, cuối cùng mở mắt thấy con số không (0), vội đi tìm Thầy;
- Những người gồng gánh nặng nề ở mọi thời đại đã cảm thấy cuộc đời nặng trĩu những âu lo, cần được nghỉ ngơi, cần được bình an liền đi tìm Thầy;
- Những người hôm nay bệnh Stress của thời đại, thấy mình căng thẳng thần kinh, thấy mình không còn đủ sức để bước tới, liền vội vã đi tìm Thầy;
- Những người tin tưởng vào khoa học, tin tưởng vào tương lai thấy tất cả chỉ là giả thuyết, vội vã đi tìm chân lý. “Mọi người đều đi tìm Thầy”!.

Thế giới của chúng ta hôm nay, có quá nhiều những người nghĩ rằng, cuộc sống sẽ tươi đẹp khi tôi có tiền và có sức khỏe để đi du lịch. Cuộc sống của những người hôm nay, tưởng rằng mình sống một thế giới ảo trong internet, có thể làm cho họ trở thành tiên, thành phật, họ vội vã trở về với thực tế và đi tìm Thầy. Nói tóm lại, ở mọi thời đại, con người ham thanh chuộng lạ, đứng núi nọ, trông núi kia cao, bỏ mồi bắt bóng, sớm muộn rồi cũng sẽ nhận ra và rồi họ vội vã đi tìm Thầy. Điều quan trọng là, đừng để thời gian quá muộn, vì như người ta nói: “Cả đời không chịu mở mắt, đến lúc mở mắt thì thấy người ta đang vuốt mắt cho mình rồi”.

Không! Hãy biết đi tìm Thầy ngay hôm nay, ngay giờ này. Mỗi người chúng ta hãy đứng dậy. Trỗi dậy là động thái của những người con biết hối lỗi, biết tin vào Tin Mừng, biết khám phá ra sự thật không có toàn vẹn trong chân lý từng mảnh ở thế gian này, biết tiền của vật chất và mọi sản phẩm của nó đều từ bùn đất mà ra. Họ cần phải đi tìm Lời của chân lý, sức sống vĩnh cửu và con đường dẫn tới sự sống đời đời ấy. Họ biết đi tìm Thầy!

Vâng, hôm nay chúng ta cũng hãy chạy đi tìm Thầy khi thời gian còn kịp. Sớm, không phải là sớm, nhưng muộn thì chưa đến nỗi. Hãy trỗi dậy ngay để đi tìm Thầy, bởi lẽ Thầy đang chờ đợi chúng ta. Xin đừng để thời gian qua đi và đêm đen sập xuống, lúc đó không còn gì để nói được nữa. Lúc người ta vuốt mắt mình rồi thì còn đâu để mở mắt lại lần nữa? Đời con người ngắn ngủi. Victor Hugo (1802 -1885) nói: “Đời người là: “Thở ra, hít vào, thở hắt ra!”. Đừng để đến lúc thở hắt ra mới phàn nàn thì không kịp nữa.

Lạy Chúa Giêsu Kitô,
Mọi người đều đi tìm Thầy.
Hôm qua, hôm nay hay mai ngày, con vẫn tìm Thầy.
Vì Thầy là thầy thuốc chữa bệnh.
Vì Thầy là chân lý dạy cho con đường đi.
Vì Thầy là ánh sáng để xóa tan tối tăm trong chúng con.
Vì Thầy là tiếng nói của đời đời,
phá tan sự điếc lác của chúng con.
Vì Thầy là sự sống vĩnh cửu,
đem lại cho chúng con sự sống đích thật.
Xin Thầy hãy đến,
chữa lành vết thương tật bệnh thiêng liêng trong linh hồn chúng con.
Xin Thầy hãy đến,
để nói cho chúng con những lời hằng sống,
để chúng con khỏi nghe những lời phỉnh phờ của thế gian.
Xin Thầy hãy đến,
nói cho chúng con lời Tin Mừng
để chúng con khỏi chìm trong tin tức.
Và cuối cùng, xin Thầy hãy đến,
cho chúng con một mùa xuân vĩnh cửu,
một mùa xuân bất diệt để chúng con
khỏi đắm chìm trong một mùa xuân chóng tàn phai,
một mùa xuân sẽ kết thúc vào một mùa đông tàn héo trong tương lai.
Xin Thầy hãy đến, cho chúng con tìm được đường, sự thật và sự sống đời đời. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các Giám mục Ấn Độ họp về ''Vai trò của Giáo Hội cho một Ấn Độ tốt đẹp hơn''
Lã Thụ Nhân
09:58 04/02/2012
Các Giám mục Ấn Độ họp về "Vai trò của Giáo Hội cho một Ấn Độ tốt đẹp hơn"

Bangalore, Ấn Độ (Zenit.org, AsiaNews) - Khoảng 170 giám mục đại diện cho 164 giáo phận Ấn Độ đang tham gia Hội nghị Khoáng đại hai năm một lần trong tuần này, nơi họ suy tư về chủ đề "Vai trò của Giáo Hội cho một Ấn Độ tốt đẹp hơn" kéo dài từ ngày 01 đến 08 tháng Hai.

Chủ trì Thánh lễ khai mạc hôm 01/02, Sứ Thần Tòa Thánh, Đức Tổng Giám mục Salvatore Pennacchio, kêu gọi một kế hoạch mục vụ đáp ứng những thách đố xã hội hiện nay và Giáo Hội tại Ấn Độ đang phải đối mặt. Ngài kêu gọi sự cần thiết cho cuộc đối thoại nhẫn nại, bác ái và cởi mở.

Trong diễn văn nhậm chức, Đức Sứ Thần nhắc lại những vấn đề chính được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đề cập đến trong cuộc viếng thăm ad limina của các giám mục Ấn Độ vào năm ngoái.

Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ (CBCI), Đức Hồng Y Oswald Gracias, chào đón các tham dự viên Hội nghị khoáng đại và nhấn mạnh sự xác đáng của chủ đề được chọn để nghiên cứu và suy tư. Ngài mô tả Giáo Hội như là lương tâm của dân tộc.

Bình luận về tình hình đất nước ngày nay, Đức Hồng y Gracias nói rằng có hai Ấn Độ - một bao gồm những người giàu có, và một kia bao gồm người nghèo và người bị thiệt thòi. Ngài cho hay mặc dù là một thiểu số, các thành viên của Giáo Hội có thể tạo sự khác biệt lớn trong việc xây dựng một Ấn Độ tốt hơn. Kitô hữu chỉ chiếm khoảng 2% dân số của Ấn Độ.

Phó Chủ tịch CBCI, Đức Giám Mục George Punnakottil, đọc sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi đến nhân dịp hội nghị. Sứ điệp do Đức Hồng Y Tarcisio Bertone ký tên cho hay: "Đức Giáo Hoàng hy vọng rằng các cuộc thảo luận của chư huynh đệ, vốn sẽ chú trọng đến việc làm thế nào Giáo Hội tại Ấn Độ có thể tiếp tục đóng một vai trò tích cực trong đời sống của dân tộc, sẽ sinh hoa quả nhiều vì Giáo Hội giúp đỡ nhân loại bằng cách 'đọc các dấu hiệu của thời đại và ... giải thích chúng dưới ánh sáng của Tin Mừng'".

Hội nghị cũng chúc mừng Đức tân Hồng y George Alencherry, người đứng đầu Giáo Hội Syro-Malabar, sẽ được vinh thăng hồng y vào ngày 18 tháng Hai.

Đức Hồng y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình đã có bài phát biểu tại Hội nghị: "Để có để phát triển con người thực sự, tăng trưởng kinh tế không thôi chưa đủ: con người cần các giá trị tinh thần". Ngài cho hay thêm: "Mặc dù Ấn Độ đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới, đất nước ngày còn một chặng đường dài để đi. Thống kê về Chỉ số Phát triển Con người cho thấy rằng những lợi ích của tự do hóa chỉ ảnh hưởng đến 25% dân số, trong khi 75% dân số còn lại vẫn sống với 2 rupi một ngày. Hơn nữa, có dấu hiệu của sự bất mãn trong dân. Lý do thì khác nhau và trong số đó là sự thất bại của nhà nước để thực hiện lời hứa về sự bình đẳng và công lý cho tất cả các phân đoạn của xã hội".

Theo Đức Hồng y, trong bối cảnh này chúng ta phải xem xét vai trò của Giáo Hội để cải thiện Ấn Độ, bởi vì "bệnh tinh thần tạo ra sự bất bình đẳng và bất công". Do đó, "viễn tượng Kitô giáo phải được dưỡng nuôi, đặt con người vào trung tâm. Chỉ điều này mới có thể mang lại một sự phát triển toàn diện cho xã hội. Thiết lập các giá trị Kitô giáo của tình yêu và phục vụ đối với tha nhân là con đường hướng tới phát triển xã hội ở Ấn Độ ". Kết thúc bài phát biểu của mình, Đức Hồng Y Turkson nói rằng "chúng ta phải tìm cách thế mới để xây dựng Nước Thiên Chúa ở Ấn Độ".

Lã Thụ Nhân
 
Giáo Hội Pakistan kiện lên tòa án vụ phá hủy một học viện Công Giáo
Lã Thụ Nhân
09:58 04/02/2012
Giáo Hội Pakistan kiện lên tòa án vụ phá hủy một học viện Công Giáo

Lahore (AsiaNews) - Giáo hội Pakistan đã kiến nghị Tòa án Tối cao ở Lahore chống lại việc phá hủy bất hợp pháp Viện Gosh-e-Aman của chính quyền tỉnh Punjab hôm 10/01. ‘Nơi của Anh bình’ được mở ra cho Kitô hữu và người Hồi giáo.

Cha Emmanuel Yousaf Mani, giám đốc của Ủy ban Quốc gia về Công Lý và Hòa Bình, đang dẫn đầu cuộc phản đối chính thức tại tòa án. Ngài cho hay: "Chúng tôi có đủ tự tin vào hệ thống pháp luật của chúng ta. Chúng tôi đã nộp hồ sơ trường hợp phá hủy bất hợp pháp Học viện Gosh-e-Aman" và "đang cố gắng làm bất cứ điều gì chúng tôi có thể làm cho người mất chỗ".

Nhà lập pháp cấp tỉnh Pervaiz Rafique cho hay ông sẽ nêu vấn đề trong Quốc hội Punjab và yêu cầu các quan chức chính phủ yêu cầu giải thích lý do tại sao họ đã phá hủy tài sản Giáo hội một cách bất hợp pháp.

Các cư dân cũ của cơ sở này cũng tranh đấu cho việc trả lại tài sản. Zenobia Richards, 61 tuổi, là một trong số họ và bà không cần đến giáo quyền Công Giáo địa phương để tự đi kiện.

Bà cho hay trong thực tế, "Giáo Hội Công Giáo chỉ nộp đơn kiện về phá hủy bất hợp pháp, chứ không kiện về phỉ báng Giáo Hội. Điều này là không thể chấp nhận được. Tôi đã nộp hồ sơ tại Tòa án Tối cao Lahore để chống lại sự báng bổ Kinh Thánh, tượng Đức Maria và tràng hạt Mân Côi". Bà đấu tranh cho quyền lợi của mình và quy trách nhiệm cho Bộ trưởng cấp tỉnh Kamran Michael, một Kitô hữu, người có vai trò quan trọng trong toàn bộ sự việc đáng ngờ.

Được thành lập vào năm 1887, Học viện Gosh-e-Aman nằm trên một khu vực rộng 2 mẫu Anh hiện trị giá hàng tỷ rupee. Nó bao gồm nhà cho người cao tuổi, một trường nữ, một tu viện và một nhà nguyện. Theo lệnh của chính quyền tỉnh, công trình đã bị phá hủy hôm 10/01.

Những tranh luận pháp lý đối với người sở hữu các tòa nhà và đất đai đã diễn ra trong một thời gian, ít nhất là kể từ khi một phụ nữ cải đạo sang Hồi giáo đã tìm nơi trú ẩn trong cơ sở.

Một quan chức thuộc Cơ quan Phát triển Lahore cho biết chính phủ sở hữu khu đất vốn đã bị chuyển đổi bởi người có liên quan đến mafia đất đai, bao gồm cả người phụ nữ Kitô giáo cải đạo sang Hồi giáo, Agnus, cô cho rằng mình sở hữu khu đất và có giấy tờ để chứng minh điều đó. Tuy nhiên, cô đã sống trong một phần của tòa nhà và khi việc phá hủy bắt đầu, cô bỏ trốn mà không để lại bất kỳ dấu vết.
 
Các đại diện của giáo Hội xin tha thứ vì đã bao che các người lạm dụng
Bùi Hữu Thư
14:43 04/02/2012
ROME (CNS) -- Một Hồng Y tại Vatican sẽ chủ sự một buổi canh thức để bầy tỏ sự thống hối về những lạm dụng tính dục trẻ em bởi các linh mục và hành động của các giới chức Công Giáo đã bao che những kẻ vi phạm trước pháp luật.

Đức Hồng Y Marc Ouellet, bộ trưởng Thánh Bộ Giám Mục, sẽ chủ sự buổi canh thức ngày 7 tháng 2, trong một tuần hội thảo có sự tham dự của 110 hội đồng giám mục và 30 dòng tu.

Hội nghị "Để Tiến Tới việc Chữa Lành và Canh Tân," sẽ khởi xướng một dự án nhằm cải tiến các nỗ lực để ngăn chặn các vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục và bảo vệ tốt đẹp hơn các trẻ em và những người lớn yếu đuối. Hội nghị từ ngày 6 đến ngày 9 tháng 2 sẽ được tổ chức tại Giáo Hoàng Học Viện Gregoria và được yểm trợ bởi Tổng Trưởng bộ Ngoại Giao và các văn phòng khác nhau tại Vatican.

Linh mục Dòng Tên Hans Zollner, một tâm lý gia, một bác sĩ điều trị bệnh tâm thần, và là một thành viên của ban tổ chức, nói: Trong đêm canh thức thống hối được tổ chức tại nhà thờ Thánh Inhatiô tại Rôma, một bản văn "rất sâu xa, rõ ràng và đầy đủ," sẽ được tuyên đọc.

Cha Zollner đã nói trong một buổi họp báo ngày 3 tháng 2: Bẩy cá nhân trong giáo hội, đại diện cho các nhóm đã "vi phạm hay đã sao lãng bổn phận sẽ xin được tha thứ" bởi Thiên Chúa và các nạn nhân, trong khi một nạn nhân bị lạm dụng sẽ "đứng kế bên Thánh Giá Chúa Giêsu và sẽ xin cho có sức mạnh để tha thứ" những kẻ vi phạm đã được bao che và các vị lãnh đạo đã sao lãng trong việc báo cáo các vụ vi phạm.

Cha Zollner nói: Những nhóm nào sẽ được lựa chọn để đại diện cho những người "vi phạm hay sao lãng" vẫn chưa được biết, vì ban tổ chức vẫn đang yêu cầu các đại biểu tình nguyện.

Marie Collins, một nạn nhân người Ái Nhĩ Lan bị lạm dụng, nói: các nạn nhân bị bạo hành vẫn còn hết sức đau buồn và tức giận vì "mặc dầu đã có những lời xin lỗi của các kẻ vi phạm, vẫn không có mấy lời xin lỗi của các cấp trên đã bao che cho họ."

Bà nói: "Dường như thiếu các hình phạt cho những người trong giai cấp lãnh đạo cố tình bao che các kẻ vi phạm, khiến cho họ tiếp tục tự do lạm dụng."

Bà nói: "Chúng tôi có một thí dụ điển hình tại Ái Nhĩ Lan với chính vị hồng y của chúng tôi," Hồng Y Sean Brady thuộc Armagh, Bắc Ái Nhĩ Lan, cũng đã dự trù tham gia cuộc hội thảo tại Rôma này.

Bà nói: "Điều có thể chữa lành nhiều nhất" cho bà và nhiều nạn nhân là được nghe thấy các vị lãnh đạo giáo hội xin tha thứ cho việc bao che các kẻ vi phạm.

Bà nói: "Chúng tôi đã nhận được những lời xin lỗi, nhưng tha thứ là một phần của Kitô giáo, một phần của Giáo Hội Công Giáo," và đó là điều quan trọng.

Cha Zollner nói có những thái độ đối chọi trong giáo hội về cuộc khủng hoảng về lạm dụng.

Cha nói: "Có những lực lượng chống đối, và cũng có những người hoạt động để mong có sự tốt đẹp hơn, và đây là mục tiêu của chúng tôi: là chúng ta kết hiệp các lực lượng muốn hoạt động để cải tiến, "cho việc ngăn chặn và bảo vệ những kẻ yếu đuối.

Đức Hồng Y Hoa Kỳ William J. Levada, Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, đặc trách việc xử lý các linh mục bị tố cáo là lạm dụng, sẽ đọc diễn văn khai mạc hội nghị, và Đức Thánh Cha Benedict XVI sẽ gửi đến hội nghị một diễn từ để được tuyên đọc. Các diễn giả khác gồm có một nạn nhân bị lạm dụng; các chuyên viên về bệnh tâm thần đã hoạt động trong lãnh vực ngăn ngừa và chữa trị; và các giám mục từ khắp nơi trên thế giới, sẽ nói về cách đáp ứng đối với cuộc khủng hoảng về lạm dụng tại quốc gia của họ.

Hội nghị được phác họa để trợ giúp các hội đồng giám mục và các bề trên của các Dòng Tu đáp ứng với một lá thư luân lưu của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin năm 2011, yêu cầu tất cả mọi giáo phận trên thế giới phải phát triển các hướng dẫn về cách hành xử các vụ vi phạm.

Sau hội nghị, Giáo Hoàng Học Viện Gregoria và các cơ sở khác sẽ khởi xướng một Trung Tâm Học Hỏi trên mạng -- Trung Tâm Bảo Vệ Trẻ Em -- sẽ cung cấp trên mạng các nguồn tư liệu bằng 5 thứ tiếng. Trung tâm sẽ có trụ sở tại Munich và được thiết lập để giúp các vị lãnh đạo giáo hội trên thế giới đáp ứng về mục vụ đối với vấn để lạm dụng tính dục trong giáo hội và trong xã hội nói chung. Trung tâm đã được tài trợ cho ba năm đầu và đã nhận được các ngân khoản trực tiếp từ Đức Thánh Cha Benedict qua Qũy Tài Trợ Giáo Hoàng.

Theo chương trình của hội nghị, các tham dự viên có cơ hội để tham gia vào các hội thảo bằng ngôn ngữ của mình, kể cả một buổi được tổ chức cho những ai không phải là giám mục hay linh mục, "để suy niệm và đề ra những viễn tượng có thể bị bỏ sót bởi các lãnh đạo có chức thánh vì vai trò đặc biệt họ đang giữ trong giáo hội.."

Các buổi hội thảo khác sẽ chú trọng vào "mạng lưới toàn cầu và hình ảnh khiêu dâm," bảo vệ các người lớn yếu đuối, các thực hành điạ phương tốt nhất, và phí tổn tài chánh vì các vụ lạm dụng, theo chương trình đã lên đến "trên 2 tỷ Mỹ Kim về lệ phí pháp lý."
 
Top Stories
Vatican refutes top archbishop's corruption claims
AFP
17:07 04/02/2012
VATICAN CITY (AFP) - The Vatican on Saturday fiercely refuted claims by one of its top officials of widespread corruption and waste in the management of the Holy See, rejecting the accusations as utterly groundless.

"The claims are the fruit of erroneous judgements, or based on groundless fears, openly contradicted by those called as witnesses," the head of the Vatican's governorate, Cardinal Giovanni Lajolo, said in a statement.

Archbishop Carlo Maria Vigano, former secretary general of the governorate and current envoy to Washington, had sent strongly-worded letters warning Pope Benedict XVI of corruption, which were published in January in Italian media.

In a rare public rebuke of another top Vatican official, Lajolo said he was "greatly embittered" by the publication of the letters and accusations made.

"The claims cannot help but give the impression that the Vatican governorate, instead of being an instrument of responsible governing, is an untrustworthy entity, controlled by dark forces," he said.

Lajolo rejected the "baseless suspicions and accusations" the claims had provoked in the media on publication, describing some as "laughable" and pointing the finger at "a certain type of unprofessional journalism."

In extracts from the letters to the pope written in 2011, Vigano said he had faced a "disastrous" situation when he became head of the governorate in 2009 and said his transfer to Washington was "punishment".

"My transfer is causing disarray and discouragement among those who believed it was possible to resolve the numerous situations of corruption and waste" in the Vatican, he said.

Much of his criticism was focused on a Vatican financial committee that includes the head of the Vatican bank, Ettore Gotti Tedeschi. He said the bankers were favouring "their interests" more than the Vatican's.

In one financial operation by the bankers that went wrong, the Vatican made a net loss of 2.5 million euros ($3.2 million), the archbishop said.

He was also highly critical of the cost of basic technical services and said construction contracts for Vatican buildings were always going to the same companies for tariffs that were more than twice as high as in Italy.
He said other cardinals in the Vatican "knew the situation well".

(Source: http://au.news.yahoo.com/thewest/a/-/world/12811019/vatican-refutes-top-archbishop-s-corruption-claims/)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ Tiên Khấn của 13 khấn sinh Dòng Thánh Phaolô thành Chartres Mỹ Tho
Bảo Lộc
10:23 04/02/2012
MỸ THO - Ngày 02.02.2012, một ngày ghi đậm dấu ấn tình yêu Thiên Chúa của Dòng Thánh Phaolô thành Chartres, tỉnh Dòng Mỹ Tho, số 14 Hùng Vương, phường 7, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang; Ngày hân hoan vì HỒNG ÂN TIÊN KHẤN của 13 Tân Khấn Sinh.

Xem hình ảnh

Vào lúc 9 giờ 30 phút Thánh Lễ bắt đầu trong bầu khí trang nghiêm và sốt sắng. Tất cả 13 Tập Sinh trong bộ tu phục trắng tinh, tay cầm nến cháy sáng, cùng với đoàn đồng tế tiến vào nguyện đường giữa tiếng hoan ca chúc tụng hồng ân Thiên Chúa. Cha Tổng Đại Diện Giáo Phận Mỹ Tho, Cha Phaolô Trần Kỳ Minh, chủ sự Thánh Lễ với sự hiện diện đặc biệt và đồng tế của Đức Ông François Borgia Trần Văn Khả - vị giảng phòng cho 13 Tập sinh, cùng 27 Linh mục trong và ngoài Giáo phận. Tham dự thánh lễ có đông đảo thân nhân, ân nhân của các Chị tiên khấn và cộng đoàn nữ tu Phaolô Mỹ Tho.

Sau bài Tin Mừng, Soeur phụ trách Tập viện xướng danh các Thỉnh khấn. Trong niềm tin yêu dạt dào, với ước muốn đáp trả tình yêu của Đấng đã thương chọn gọi, các Thỉnh khấn mạnh dạn thân thưa: “Lạy Chúa, con đây, Chúa đã gọi con.” Đáp lời của vị Chủ tế: “Chúng con xin Thiên Chúa và Hội Thánh điều gì?” Xác định lại ước muốn của mình, các Thỉnh khấn thưa lên: “Chúng con xin lòng thương xót Chúa và ơn được phụng sự Ngài cách hoàn hảo trong Hội Dòng Chị Em Thánh Phaolô thành Chartres.” Cộng đoàn cùng tung hô: “Amen”

Trong bài giảng, Cha Chủ tế gợi lên cho cộng đoàn hình ảnh Mẹ Maria trong ngày Mẹ dâng Chúa Giêsu vào đền thánh và để dâng lễ vật cho Chúa, như đã nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non; thì hôm nay, những bậc sinh thành của các Tập sinh cũng dâng con mình cho Chúa như Mẹ; nhưng chắc chắn một điều là không bậc cha mẹ nào muốn chuộc con mình lại. Với tâm tình của một vị mục tử nhân hiền dầy kinh nghiệm trên đường tu đức, Cha chia sẻ với các Chị về ơn gọi của Cha; Cha nhắn nhủ các Chị hãy luôn trung thành với lời cam kết; Cha khuyên các Chị, trước những thử thách, hãy nhớ lại phút giây thề hứa hôm nay để thêm can đảm và nghị lực.

Sau bài giảng, đến phần thẩm vấn các thỉnh khấn. Kế đến là nghi thức Tuyên Khấn: Trước Vị Đại Diện của Mẹ Hội Dòng, Soeur Augustin - Bề Trên Giám Tỉnh và cộng đoàn Dân Chúa, các Thỉnh khấn đầy xác tín, tay trong tay Chúa Giêsu, biểu trưng qua cây Nến Phục Sinh, các Chị long trong tuyên khấn sống khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục trong một năm và cam kết sống theo Hiến Pháp của Hội Dòng. Tiếp theo là nghi thức trao Ảnh Chúa Chuộc Tội. Từ đây, mầu nhiệm Phục Sinh, chết và sống lại của Chúa Giêsu, sẽ là linh đạo hướng dẫn và đồng hành với các Chị.

Sau phần nghi thức Tuyên Khấn, cộng đoàn cùng với các Tân Khấn Sinh tiếp tục hiệp dâng Thánh lễ trong tâm tình cảm tạ, tri ân và dâng lên Thiên Chúa “13 Vé Lúa Của Mùa Gặt Mới”.

Thánh lễ kết thúc lúc 10 giờ 45 phút với lời cảm ơn chân tình của Soeur Giám Tỉnh Augustin Trần Thị Phụng. Sau Thánh lễ Đức Ông François Borgia, Cha Tổng Đại Diện Giáo Phận Mỹ Tho, Quý Cha, Quý khách và thân nhân của các Tân Khấn Sinh đã chia sẻ niềm vui với Nhà Dòng qua tiệc mừng Agapé trong khuôn viên Nhà Giám Tỉnh.
 
Đoàn Y Bác Sĩ Tâm Việt Sài Gòn khám bệnh và phát quà tại Gx. Kim Ngọc
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
10:28 04/02/2012
PHAN THIẾT - Ngày 13 Tết Nhâm Thìn, đoàn Y Bác Sĩ Tâm Việt, Sài Gòn đến khám và phát thuốc cho 1.577 bệnh nhân nghèo trong địa phương các Xã Hàm thắng, Hàm đức và Hàm nhơn, Hàm liêm, Hàm chính, Phú long, Thánh Mẫu, Phú hài. Đoàn cũng phát 100 phần quà, mỗi phần gồm 7kg gạo, mì tôm, bột ngọt cho 100 người tàn tật già cả neo đơn. Caritas Kim Ngọc nhiệt thành cộng tác từ việc phát phiếu khám bệnh cho đến việc hổ trợ các Bác sĩ giúp các bệnh nhân và người nghèo.

Xem hình ảnh

Với phương châm: “Đầu năm gieo phước rước lộc cả năm”, đội ngũ đông đảo 180 thành viên của đoàn Tâm Việt khởi động đầu xuân chương trình hoạt động từ thiện năm 2012.

Bs Hồ Hoàng Tuấn, trưởng đoàn cùng với 20 bác sĩ, các y sĩ dược sĩ nha sĩ và các thiện nguyện viên đi từ Sài gòn lúc 9giờ đêm, vượt qua 200km đến Kim ngọc lúc 2giờ sáng.Tranh thủ ngũ vài tiếng đồng hồ để bắt đầu công việc từ sáng sớm. Nhiều bệnh nhân đang chờ đợi từ tinh mơ để được khám trước. Đoàn làm việc tích cực, khám và phát thuốc cho đến bệnh nhân cuối cùng. Kết thúc ngày làm việc, có chương trình văn nghệ mừng xuân với sự tham gia của giáo xứ và các Y Bác sĩ. Sau đó đoàn về khu du lịch Hòn Non Nước – Đồi Sứ đốt lửa trại sinh hoạt rồi ngày mai tắm biển và về lại Sài gòn.

Những người nghèo khi bị bệnh hoạn, thường là không có tiền để đi bệnh viện để khám và mua thuốc chữa bệnh. Nhờ các Bác sĩ đến khám bệnh và phát thuốc miễn phí, họ vui mừng và tri ân.

Tấm lòng quảng đại của đoàn Y Bác sĩ Tâm Việt gợi cho tôi suy niệm Tin Mừng Chúa nhật thứ 5 hôm nay.

Chúa Giêsu chọn tha nhân làm đối tượng phục vụ. Chúa Giêsu làm tất cả những gì có thể để mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại. Chúa Giêsu sống vì người khác, sống để cứu độ người khác đến độ hiến trao cả mạng sống mình.

Chúa Giêsu chữa lành các bệnh tật.Trong cuộc đời công khai, Ngài đã từng chữa lành biết bao nhiêu bệnh nhân thuộc đủ mọi loại, biết bao người bị quỷ ám, và làm một số người chết sống lại... Chúa đến thế gian để cứu chuộc nhân loại và loan báo Tin Mừng cho họ. Khi thực hiện sứ mạng ấy, Ngài đã phải đối diện với biết bao nhiêu cảnh đau thương của con người, về tinh thần cũng như thể chất. Tình thương chan chứa của Ngài đối với con người khiến Ngài đã bao lần “chạnh lòng thương” và ra tay cứu giúp (x. Mt 9,36; 14,14; 15,32; Mc 1,41; Lc 7,13). Sách Công vụ Tông đồ còn cho biết: “Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người “ (Cv 10,38).

Noi gương Chúa, nhiều người đã “chạnh lòng thương” trước những đau khổ của tha nhân. Khi đã biết “chạnh lòng thương” thì tình thương sẽ thúc đẩy và dần dần tạo cho chúng ta khả năng hành động phù hợp với sự đòi hỏi của tình thương. Khi đã có tình thương chúng ta có nhiều khả năng cứu giúp người khác.

Chúa Giêsu là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa. Ai sống trong tình yêu thì thuộc về Chúa Kitô và là công dân của Nước Thiên Chúa. Tình yêu, nói được là như “chứng minh nhân dân”, như “thẻ căn cước” của Nước Thiên Chúa. Tình yêu không đòi hỏi nhiều lời nói cho bằng nhiều hành động thiết thực, sống động. Cụ thể là chia sẻ chính những lo lắng, khó khăn, khốn khổ, cùng cực của đồng bào trong hoàn cảnh xã hội chúng ta đang sống. Lời nói đi đôi với việc làm. Đó chính là yếu tố làm cho lời nói có sức thuyết phục. Làm chứng cho lời rao giảng bằng chính đời sống yêu thương bác ái. Ai sống yêu thương sẽ được Chúa Kitô mời gọi: “Hãy đến, hỡi những người Cha Ta chúc phúc. Hãy đến thừa hưởng vương quốc đã dành sẵn cho anh em từ thuở đời đời”.
 
Kỷ Niệm 25 Năm Thành Lập Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình Tại Linh Địa La Vang, Huế
Lê Xuân Hào
20:56 04/02/2012
Kỷ Niệm 25 Năm Thành Lập Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình Tại Linh Địa La Vang, Huế


Giữa tiết trời mùa Xuân tràn trề sức sống, nối tiếp không khí vui tươi của những ngày Tết Nhâm Thìn, Đại Hội Song Nguyền Thế Giới kỳ IV với chủ đề "Ngân Khánh Bên Mẹ, Song Nguyền Yêu Thương" đã được tổ chức tại Linh địa La vang vào ba ngày 30,31/1 và 1/2/2012.

Đại Hội lần nầy là cột mốc đáng ghi nhớ đánh dấu chặng đường 25 năm (1987–2012) Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình phục vụ các Gia đình trên khắp các châu lục, và 9 năm phục vụ tại Quê Nhà, hiện diện ở trên 20 trong 26 Giáo Phận cả ba Miền Bắc, Trung và Nam. Thật ra, 25 năm so với lịch sử của các Đoàn thể Công giáo Tiến hành kỳ cựu khác chỉ là quãng thời gian rất khiêm tốn. Tuy nhiên, nhờ ơn Chúa, 25 năm nổ lực góp phần đem lại hạnh phúc đầm ấm cho các gia đình khi định chế căn bản nầy đang bị xói mòn lung lay, là điều đáng ghi nhận; 25 năm, nhờ sự phù trì của Thánh Gia, bền bỉ làm chứng tá Gia đình Kitô giáo giữa một xã hội tục hóa vô luân là nổ lực cần khuyến khích; 25 năm theo học trường Giêsu - Ngôi Hai Nhập Thể, lấy đức Khiêm Nhường làm nền tảng để tìm lại “cái hay ban đầu” và giúp mọi người có được sự “Yêu thương gần gũi bằng việc làm” là một việc làm cần thúc đẩy.

Nhưng trên hết, qua một phần tư thế kỷ trên đường trần gian nhiều giông bão mà đến nay Chương Trình vẫn còn hiện diện và tiếp tục phát triển, thì chắc chắn đó phải là quãng thời gian đầy ân sủng và là công việc của Thiên Chúa Tình Yêu.

Vì thế, Đại Hội IV là thời gian Song Nguyền khắp nơi quây quần trong Nhà Mẹ để ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa; là lúc phủ phục dưới chân Từ Mẫu để cám ơn và xin ơn; là dịp bày tỏ lòng hiếu thảo với Mẹ Giáo Hội và tri ân các vị Chủ Chăn; là cơ hội trang trọng để nói lên lòng biết ơn Cha Sáng lập, người đã khai sinh và dấn thân sống chết để phát triển Chương Trình nhằm mưu cầu hạnh phúc cho các Gia đình và ích lợi cho các linh hồn.

Mừng Ngân khánh Chương Trình cũng là dịp các anh chị em Song nguyền khắp nơi quy tụ gặp gỡ, tâm tình, trao đổi cảm nghiệm, nâng đỡ và động viên nhau trong các hoàn cảnh buồn vui của đời sống.

Đồng thời đây cũng là lúc lắng nghe giáo huấn của Chủ chăn, hâm nóng Đoàn sủng của Chương Trình, và bàn thảo góp ý những "Cách Mới" để thích ứng với thời đại và hoàn cảnh hiện nay.

Với ý nghĩa và mục đích trên, Ban Tổ Chức đã xếp đặt nội dung cho 3 ngày Hội, mà các Thánh Lễ là cao điểm. Thánh Lễ Khai mạc có chủ đề "Ngân khánh bên Mẹ, song nguyền Yêu thương", Thánh Lễ Tạ Ơn vào ngày thứ 2 của Đại hội với ý nghĩa "Ngân khánh bên Mẹ, song nguyền Tạ ơn", và Thánh Lễ Bế mạc vào ngày cuối cùng là "Ngân khánh bên Mẹ, song nguyền Ra đi".

***

Những cơn mưa dai dẳng trái mùa của xứ Huế làm những con đường đất đỏ dẫn vào Linh địa trở nên lầy lội. Tuy nhiên, những khó khăn bên ngoài không ngăn được bước chân của các Song nguyền; sự khắc nghiệt của thời tiết và trở ngại lối đi chỉ làm tăng thêm giá trị của lòng mộ mến Thánh Mẫu và sự nhiệt tình dành cho Đại Hội.

Rải rác từ chiều Chúa nhật 29/1/2012, trên quốc lộ 1 đã có nhiều chuyến xe chở hàng trăm Song nguyền từ hai hướng Bắc và Nam trực chỉ Trung tâm Thánh Mẫu. Đến 2 giờ chiều ngày 30/1 thì bãi đổ xe của Trung tâm không còn một chổ trống.

Vừa đặt chân vào sân Nhà Hành hương, một biểu ngữ lớn được định vị phía trên tiền sảnh đập vào mắt mọi người "Đại Hội Song Nguyền Thế Giới kỳ IV – Kỷ Niệm Ngân Khánh Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình". Câu "Chào Mừng Quý Đức Cha, Quý Cha, Quý Tu sĩ và Gia Đình Song nguyền" treo ở đường chính ra Linh đài Đức Mẹ, dọc 2 bên lối đi có rất nhiều pa-nô với nội dung thắm đượm Đoàn sủng của Chương Trình.

Đại Hội lần nầy quy tụ gần 1.600 Song nguyền từ khắp 3 miền Bắc Trung Nam, trong đó có khoảng 150 anh chị đến từ các tiểu bang Hoa Kỳ, Canada, Đan Mạch, Úc châu, Nhật Bản và Singapor. Cuộc hành hương cũng được sự đồng hành của 23 Cha Linh nguyền, một Thầy Phó tế và nhiều nữ tu, có nhiều vị đến từ bên kia bờ đại dương.

Không khí ở khu vực Nhà Hành Hương thật náo nhiệt, vui tươi và gần gũi. Ban Lễ tân làm việc khá vất vả vì có quá nhiều người đến đăng ký cùng một lúc. Khắp nơi, từng nhóm song nguyền, người tay bắt mặt mừng chào hỏi, kẻ giới thiệu làm quen, có anh chị tranh thủ ghi hình kỷ niệm...

Đúng 4 giờ 30 pm, Thánh lễ Khai mạc Đại Hội "Ngân khánh bên Mẹ, Song nguyền yêu thương" được cử hành do Đức Cha Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng, GM Phụ tá TGP Huế thay mặt Đức TGM Têphano, chủ sự. Cùng đồng tế với ngài có Cha Sáng lập Phêrô, Cha Quản nhiệm Giacôbê Lê Sĩ Hiền, Cha Tổng Linh nguyền VN Giuse Vũ Dần, Quý Cha TLN các nơi và các Cha Linh nguyền.

Đầu Thánh lễ, Cha Phaolô Nguyễn Luận, Giám nguyền VN, đọc diễn từ khai mạc Đại Hội. Sau khi thay mặt Ban Tổ chức chào mừng Đức Cha Phụ tá TGP Huế, Quý Đức Cha, Cha Sáng lập, Cha Quản nhiệm và Quý Cha, cùng Quý tu sĩ và toàn thể anh chị em Song nguyền, ngài nói:

"Từ ngày Chương trình được thành lập năm 1987, nay đã lan rộng đến nhiều quốc gia, và đã hiện diện trên Quê Hương yêu dấu VN khắp Bắc Trung Nam. Có hơn 20 trên 26 giáo phận đã sinh hoạt trong Chương trình. Đó là do sáng kiến và công lao của Cha Phêrô Chu Quang Minh, người sáng lập Chương trình. Nhưng trên hết, Chương trình được mở rộng ra khắp nơi như thế, là nhờ các Đấng Bản quyền chuẩn nhận, giới thiệu … cũng như sự hưởng ứng nồng nhiệt của các gia đình, vì mọi người đều cảm nhận được Chương trình đã mang lại một sức sống mới, niềm vui mới cho đời sống hôn nhân gia đình của mình, theo mục đích của CT là “YÊU THƯƠNG GẦN GỦI BẰNG VIỆC LÀM…”

Trong lời dẫn lễ, Đức Cha Phụ tá xác định:

"Hôm nay, chúng ta qui tụ về đây, bên linh đài của Mẹ La Vang, để cử hành Đại Hội Song Nguyền, dịp ngân khánh của chương trình thăng tiến đời sống hôn nhân và gia đình Công giáo.

Gia đình và hôn nhân là hai yếu tố nền tảng có tính cách quyết định cho sự sống còn và phát triển của xã hội và Giáo Hội. Vì thế, từ sau công đồng Vaticanô II, Giáo Hội đã đặt mục vụ gia đình lên một tầm cao mới, đã gọi gia đình là Giáo Hội thu nhỏ…"

Phần giảng lễ, căn cứ trên bài Phúc âm "Tiệc cưới Cana" (Ga 2,1-11), sau khi nhấn mạnh và triển khai 2 điểm cần lưu ý: đây là phép lạ đầu tiên của Đức Giêsu và sự hiện diện của Đức Maria, Đức Cha chủ tế nói tiếp: "Bữa tiệc vui nào rồi cũng phải kết thúc sau vài giờ ngắn ngủi, nhưng bữa tiệc hôn phối, giữa đôi song nguyền phải kéo dài cả một đời người. Để duy trì được niềm vui, để có đủ rượu nồng sưởi ấm cho tình yêu đôi lứa suốt đời là một điều khó khăn." Rồi dựa vào Thư thánh Phaolô gửi giáo đoàn Côlosê (Col 3, 12-13), ngài quả quyết: Tình yêu trong hôn nhân phải là một tình yêu dựa trên sự hy sinh, nhẫn nhục và tha thứ. Cuối cùng ngài kết luận: Như trong tiệc cưới Cana, "Hôm nay, trong đời sống hôn nhân, Chúa Giêsu và Mẹ Maria cũng đang hiện diện giữa gia đình anh chị em… Hãy lắng nghe lời của Mẹ Maria 'Ngài bảo gì các anh cứ việc làm theo' …"

Cuối Thánh lễ đại diện các song nguyền đã dâng lên Đức Cha và Quý cha lời cám ơn, đồng thời mừng tuổi và chúc Tết các ngài nhân dịp đầu Năm Mới. Các song nguyền cũng không quên kính xin Đức Cha Phụ tá chuyển đến Đức Tổng Têphanô tâm tình biết ơn, thảo hiếu và vâng phục.

Sau cơm tối, mọi người trở lại Nhà Thờ để Cung nghinh và chầu Thánh Thể do Cha TLN VN chủ sự. Nội dung cuộc rước được Cha FX Trần Văn Sỹ, Giám nguyền GP Bùi Chu biên soạn và hướng dẫn. Các song nguyền đã phủ phục trước Thánh Nhan để thờ lạy, ca ngợi, và cầu xin ơn bình an, niềm hạnh phúc.

Sinh hoạt cuối cùng trong ngày là "Hội thi Chuông vàng Thăng tiến". Hơn 1.000 người tập trung về khu nhà hội rộng rãi và thông thoáng để cổ động cho Đội nhà. Sau phần giới thiệu Quan khách và các Chủ nguyền khắp nơi, 100 song nguyền đại diện cho các Quốc gia và Giáo phận được sắp xếp ở vị trí đã định sẵn trước sân khấu để tham dự cuộc thi. Nội dung cuộc thi được BTC chuẩn bị và thông báo rộng rãi từ trước, với 100 câu hỏi trắc nghiệm nhằm giúp các song nguyền học hỏi Giáo huấn của Giáo hội về Gia đình và ôn tập, hâm nóng Đoàn sủng của Chương Trình. Cuộc thi diễn ra thật hào hứng, đơn vị đoạt giải cuộc thi nầy là song nguyền GP Đà Nẵng.

22 giờ 30, Cha Tổng Linh nguyền xướng Kinh Sáng Danh và ban phép lành của Chúa cho mọi người kết thúc ngày đầu tiên của Đại Hội thật tốt lành …

Lê Xuân Hào
 
Văn Hóa
Ví von 2
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
10:30 04/02/2012
1. Dòng chảy thời gian, gian nan không ngừng.
2. Nước mắt chảy xuống, như xuồng trôi sông
3. Bên tình bên hiếu, nương chiều đôi bên.
4. Giây phút đã qua, đi qua mãi mãi.
5. Xuôi dòng nước chảy, hết thảy về nguồn.
6. Vận mệnh an bài, hài lòng số phận.
7. Số mệnh nổi trôi, phôi phai tình đời.
8. Sinh ra khởi đầu, nhiệm mầu kiếp sống.
9. Chết về qui tổ, tận số mỗi người.
10. Lữ hành cuộc sống, ngước trông thành đạt.

11. Đời sống đổi thay, nay còn mai mất.
12. Sống là chạy đua, hơn thua thời gian.
13. Đồng hồ thời gian, giới hạn cuộc đời.
14. Long đong lận đận, số phận an bài.
15. Phiền muộn u uẩn, luẩn cuẩn riêng mình.
16. Hít vào thở ra, hai ba nhịp sống.
17. Sông không gợn sóng, cõi lòng buồn tênh.
18. Cô đơn giá lạnh, bất hạnh tâm can.
19. Buồn sầu khổ cực, hao mòn sức lực.
20. Vũ trụ chuyển động, mầm sống phát sinh.


21. Sóng vỗ dập dồn, tồn tại biển khơi.
22. Buông bỏ hận thù, chu du hoan lạc.
23. Ôm mối sầu thương, vương vấn muộn phiền.
24. Truyện người thông tỏ, bỏ bê truyện nhà.
25. Lòng người thẳm sâu, thước đâu đo lường.
26. Lời êm giọng nhẹ, khe khẽ hại người.
27. Thiền định tịnh tâm, trầm ngâm suy nghĩ.
28. Tránh rời sắc giới, cả đời thanh thoát.
29. Lênh đênh tình đời, chơi vơi bến lạ.
30. Yêu thương cảm mến, về bến bình an.