Ngày 04-02-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lịch sử Mùa Chay Thánh
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
10:55 04/02/2015
LỊCH SỬ MÙA CHAY THÁNH

Tứ thời bát tiết Xuân, Hạ, Thu, Đông, thay đổi tuần hoàn luân vòng chuyển đổi. Niên lịch phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo cũng có chu kỳ xoay vòng luân chuyển.

Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh qua đi, Mùa Thường niên tiếp nối, chúng ta chuẩn bị bước vào Mùa Chay Thánh, cao điểm là Đêm Vọng Phục Sinh. Vậy Mùa Chay có từ bao giờ, kéo dài bao lâu ? Những việc chúng ta làm trong Mùa Chay có ý nghĩa thế nào ? Mùa Chay đến rồi lại đi, chúng ta làm gì để Mùa Chay không trở nên nhàm chán và có ý nghĩa ?

Vậy Mùa Chay có từ bao giờ, kéo dài bao lâu ?

Vào những thế kỷ đầu Kitô giáo, để sống đạo và thực hành đạo, các kitô hữu tiên khởi đã quan sát những người chung quanh xem họ sống đạo và thực hành đạo thế nào, cụ thể như việc người Dothái giữ ngày Sabát, hay lên Đền thờ cầu nguyện. Tuy các kitô hữu tiên khởi họp nhau thành một cộng đoàn tế tự, cử hành phép rửa nhân danh Cha và Con và Thánh Thần theo một công thức tuyên xưng đức tin. Nhưng khi cử hành các ngày đại lễ như lễ Vượt Qua, lễ Năm Mươi, dù vẫn giữ nguyên những ngày lễ của người Dothái nhưng lại mặc cho các ngày lễ ấy một ý nghĩa mới, chẳng hạn : khi cử hành, họ không chỉ nhắc lại các biến cố Cựu Ước, mà còn tưởng nhớ cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Kitô, cũng như việc Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông đồ. Mãi đến thế kỷ thứ IV, trong Giáo Hội mới nảy sinh những ý kiến khác nhau như : liệu có cử hành lễ Phục Sinh vào ngày lễ Vượt Qua của người Dothái không ? Tại các Giáo đoàn thuộc Tiểu Á, họ vẫn giữ nghi lễ chiên vượt qua. Riêng Giáo đoàn Antiokia lại ấn định lễ Phục Sinh vào ngày Chúa Nhật sau lễ Vượt Qua của người Dothái, trong khi đó, các kitô hữu tại Alexandria do các nhà chiêm tinh tính toán nên đã chuyển rời lễ Phục Sinh vào dịp phân xuân.

Cho dù có sự khác nhau về ngày cử hành các ngày lễ, nhưng lễ Phục Sinh vẫn là lễ chung của toàn thể cộng đoàn Kitô giáo, vì lễ Phục Sinh dựa trên nền tảng đức tin, trước lễ Phục Sinh, có một thời gian chuẩn bị tương đối dài gọi là Mùa Chay hay « 40 ngày », tưởng nhớ 40 Chúa Giêsu ở trong hoang địa 40 đêm ngày.

Việc thực hành Mùa Chay đã có từ thời thì đầu Kitô giáo, nhưng trải qua những bước thăng trầm, mãi tới thế kỷ thứ II, thời thánh Irênê, giám mục thành Lyon, việc giữ chay ngắn hạn từ hai đến ba ngày, không ăn bất kỳ thức ăn nào mới được phổ biến. Sang kỷ thứ III tại Alexandria, người ta kéo dài việc ăn chay ra hết một tuần. Những dấu tích của Mùa Chay hay « 40 ngày » được tìm thấy ở thế kỷ thứ IV, trong lễ qui của Công Đồng Nicêa. Đây là thời gian chuẩn bị mừng lễ, nhưng ưu tiên vẫn là việc giúp các tân tòng chuẩn bị lãnh Phép Rửa Tội và Đêm Vọng Phục Sinh.

Cuối thế kỷ thứ IV, Giáo đoàn tại Giêrusalem bắt đầu giữ chay 40 ngày hay còn gọi là Mùa Chay 8 tuần, người ta ăn chay suốt thời gian này, trừ thứ Bẩy và Chúa Nhật. Sang thế kỷ thứ V, tại Aicập người ta cũng giữ chay, tiếp đến là xứ Gô-lơ, người ta ăn chay ngày thứ Bẩy và thứ Sáu tuần trong Mùa Chay. Trong khi giữ chay, các kitô hữu chỉ ăn một bữa mỗi ngày, thức ăn gồm có bánh, rau và nước. Giữ nghiêm ngặt nhất là ngày Thứ Sáu và Thứ Bẩy Tuần Thánh, người ta không ăn một chút thức ăn nào. Giờ ăn chay được qui định tùy theo sự khác nhau của mỗi giáo đoàn. Vì mùa chay gồm 6 tuần không thể tương ứng với 40 ngày được. Nên sang thế kỷ thứ VII, người ta đã lùi về trước mùa chay mấy ngày, cụ thể như bắt đầu từ ngày thứ Tư cho đến ngày thứ Bẩy tuần trước khi bước vào Mùa Chay, ngày mà hôm nay chúng ta gọi là Thứ Tư Lễ Tro, ngày ăn chay. Đồng thời, ba Chúa Nhật trước Mùa chay, Chúa Nhật bẩy tuần, Chúa Nhật sáu tuần và Chúa Nhật năm tuần, là gồm tóm thời gian chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh, cách lễ Phục Sinh chín tuần. Việc giữ chay ngày càng đòi hỏi nghiêm ngặt hơn, chẳng hạn như buộc chỉ ăn bữa tối. Nhưng đến thế kỷ thứ VIII, việc giữ chay được nới rộng ra, nghĩa là cho phép những người ốm đau bệnh tật được ăn chứng, bơ, sữa, cá và cả rượu nữa. Sang thế kỷ XII và XIII, bữa ăn ngày chay được ấn định là trước giờ trưa 3 giờ tức 9 chín giờ sáng, tiếp theo được ăn « bữa ăn nhẹ » vào buổi tối. Sang thế kỷ XVII việc ăn chay giảm dần và các nhà thần học cho phép được ăn cháo, sữa và cá nhỏ. Trong ngày chay, tại các hoàng gia, nhà bếp thi nhau trổ tài làm ăn với những thực đơn sao cho dồi dào phong phú hơn ngày thường.

Từ năm 1949, Giáo Hội Công Giáo qui định việc giữ chay và kiêng thịt là ngày Thứ Tư lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh mà thôi. Lý do vì hai ngày đó là ngày tưởng nhớ sự chết : ngày thứ tư lễ Tro, linh mục chính thức làm phép tro được đốt từ những cành lá đã làm phép vào ngày Lễ Lá năm trước rồi vẽ hình thánh giá trên trán người nhận tro và nhắc lại rằng « ngươi là tro bụi, và người sẽ trở về tro bụi », nhắc lại cái chết của mỗi người chúng ta, tiếp đến, ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá.

Trong phụng vụ của Giáo Hội Chính Thống, thời gian chuẩn bị bước vào Mùa Chay kéo dài năm tuần liền, mỗi tuần đọc một đoạn Tin Mừng riêng, với cách thức sám hối sâu xa. Tuần thứ bốn, được ấn định là ngày kiêng thịt và ăn chay trong toàn Giáo Hội. Chúa Nhật thứ năm được gọi là Chúa Nhật Hòa giải, mỗi người hòa giải với người bên cạnh trước khi toàn thể cộng đoàn xin lỗi Chúa.

Cảm tưởng chung là một bầu không khí « vui và buồn ». Mỗi tín hữu, với sự hiểu biết có giới hạn và khác nhau về phụng vụ, nên khi bước vào nhà thờ với các kinh nguyện của Mùa Chay, mỗi người mỗi cảm tưởng khác nhau. Một phần vì những lời kinh tiếng hát mang đậm nét buồn, màu áo tím, những bài đọc dài hơn, đơn điệu hơn ngày thường, và hầu như không có nét vui tươi. Một nét đẹp nội tâm rực sáng, tựa như ánh sáng ban mai chiếu rọi từ thung lũng tối tăm lên tận đỉnh cao của núi đồi.

Niềm vui ầm thầm, êm dịu và toàn bộ các bài Sách thánh trong Mùa Chay nghe thật đơn điệu cho thấy sự bình an đã dẫn đưa người ta tới những điệp ca hòa tấu Allêluia trong Đêm Vọng Phục Sinh.

Chúa Nhật lễ Lá là thời gian không còn dành riêng cho việc tưởng niệm cuộc khổ nạn nữa, bước vào một Tuần Thánh, với những bài đọc nhắc lại những ngày sau hết của Chúa Kitô trên trần gian và sự Phục Sinh của Ngài.

Tại sao lại gọi là 40 ngày chay thánh ?

Từ « Mùa Chay » là một từ tương phản với từ gốc latinh là « quadragesima » có nghĩa là 40. Trong Kinh thánh, con số 40 có ý diễn tả một khoảng thời gian chờ đợi, một quá trình, tượng trưng cho việc chuẩn bị gặp gỡ Thiên Chúa. Số 40 còn diễn tả hành trình trong sa mạc trên đường về Đất hứa của Dân Dothái kéo dài 40 năm. Ông Môi-Sen đã ở trên núi Chúa 40 ngày (Xh 24,18; 34,28). Những người trinh sát đã ở trong vùng đấy 40 ngày (Ds 13, 25). Elia đã đi 40 ngày trước khi tới được hang ở đó Ngài được thị kiến (1V 19,8). Ninivê đã được cho 40 ngày để sám hối (Gn 3,4). Và quan trọng nhất là Chúa Giêsu được Chúa Thánh Thần thúc đẩy vào trong hoang địa 40 ngày để ăn chay cầu nguyện trước khi thi hành sứ vụ công khai (Mt 4,2).

Như vậy Mùa chay là mùa nhắc nhớ 40 năm hành trình trong sa mạc của dân Dothái, 40 ngày trong hoang địa của Chúa Giêsu. Con số 40 ngày, là thời gian đi vào hoang địa của cõi lòng, thinh lặng để chuẩn bị gặp gỡ Chúa. Đây là thời gian phụng vụ cao điểm thuân tiện thích hợp cho các Kitô-hữu noi gương Đức Kitô dùng 40 ngày để ăn năn đền tội và dấn thân phục vụ anh chị em. Và bằng 40 ngày long trọng của Mùa Chay, mỗi người được liên kết mật thiết hơn với các Mầu Nhiệm của Chúa Giêsu, Đấng đang tiến đến cái chết và sự sống lại.

Mùa chay mang lại cho chúng ta điều gì?

Phần lớn người kitô hữu không thực hành việc ăn chay, nguyện ngắm, nên Mùa Chay không có ảnh hưởng tới đời sống của họ là bao? Khi nói về Mùa Chay, người ta thường hiểu một cách không tích cực lắm. Đại đa số dân chúng cho rằng trong Mùa Chay việc kiên ăn, kiêng uống giữ chay chiếm vị trí hàng đầu.

Tuy nhiên điều đáng lưu ý là đại đa số người kitô hữu không thực hành đạo trong đời sống nhưng họ vẫn đến nhận tro vào Thứ Tư Lễ Tro. Đây là một nghi thức giầu tính biểu tượng, nó tác động đến tận đáy lòng con người, nhắc nhớ người ta suy nghĩ về thân phận của mình khi nhận tro và mời gọi con người trở về với Chúa. Vì nhiều khi con người quên đi thân phần yếu hèn, mỏng giòn của mình, dẫn đến đau thương và đổ vỡ. Bi kịch cuộc đời con người đều từ đó mà ra. Con người phạm tội, tội cắt đứt sự hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa, làm cho con người mất đi hạnh phúc, phải đau khổ và phải chết. Chuyện sa ngã của Nguyên tổ đã chứng minh điều đó. Lịch sử cứ độ của Dân Chúa, tội thì Chúa phạt, hối cải thì Chúa tha và cứu. Nên mỗi khi lâm vào hoàn cảnh bi đát đau thương hay thất vọng, Dân Chúa đều nhận ra rằng cần phải sám hối trở về giao hòa với Thiên Chúa để được chữa lành. Mùa Chay là mùa sám hỗi, chúng ta hãy ra sức làm những việc cần thiết để được giao hòa và hiệp thông với Chúa, hầu được Chúa ban ơn.

Trong đời sống người kitô hữu, nhiều khi lắng nghe lời Chúa xong, chúng ta đã có quyết tâm đi xưng tội, làm việc đền tội, nhưng rồi kết quả không mấy khả quan, thì Mùa Chay là cơ hội rất thuận lợi. Thư thánh Phaolô nói với chúng ta : « Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ» (2 Cr 6,2). Đây là thời gian khẩn trương trong năm phụng vụ, thời gian thuận tiện được ban cho chúng ta để đẩy mạnh quyết tâm hoán cải, tăng cường việc lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện, thống hối, mở rộng tâm hồn đón nhận thánh ý Chúa, thực hành khổ chế một cách quảng đại hơn, để đi tới và giúp đỡ tha nhân đang túng thiếu: đó là một hành trình tinh thần giúp chúng ta chuẩn bị sống Mầu Nhiệm Phục Sinh. Vậy chúng ta hãy tin tưởng điều đó và bước vào Mùa Chay Thánh.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Có hàng triệu trẻ em vô tội tử đạo ngày nay
Linh Tiến Khải
11:13 04/02/2015
Phỏng vấn Linh Mục Fortunato Di Noto, người thành lập Hiệp hội Meter, chống nạn lạm dụng tính dục trẻ em và phim ảnh trẻ em mại dâm trên mạng

** Chúa Nhật 28 tháng 12 vừa qua là lễ Các Thánh Anh Hài, tưởng niệm biến cố các trẻ em Bếtlêhem đã bị vua Hêrốt tàn sát xưa kia, vì nhà vua tin rằng trong số các trẻ em từ hai tuổi trở xuống cũng có Hài Nhi Giêsu, Vua Cứu Thế, là Đấng khiến cho nhà vua lo sợ cho địa vị của mình. Tuy nhiên trong ngày này Giáo Hội cũng tưởng niệm tất cả các trẻ em tử đạo vô tội thuộc mọi thời đại. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Cả ngày nay nữa sự thinh lặng bất lực của các em kêu khóc dưới lưỡi gươm của biết bao nhiêu Hêrốt”. Đức Thánh Cha đã nhắc tới biết bao nhiêu trẻ em bị giết trước khi chào đời, bị tàn sát dưới các trận mưa bom, phải di tản, bị lạm dụng, khai thác bóc lột, bị đối xử tàn tệ, và không có cha mẹ trong sự ích kỷ của một nền văn hóa không yêu thương sự sống.

Qủa thật, đã không có thời đại nào trong lịch sử nhân loại trong đó trẻ em lại bị đối xử tàn nhẫn như trong thời đại tân tiến của ngàn năm thứ ba. Theo tổ chức UNICEF nạn bạo hành trẻ em xảy ra tại khắp nơi, trong mọi quốc gia và xã hội trên thế giới này. Chính các trẻ em cho biết cả các hành động bạo lực nhỏ và lạm dụng lập đi lập lại trong cuộc sống thường ngày cũng khiến cho các em đau khổ, gây chấn thương cho sự tự trọng, sự an bình thanh thản và lòng tin tưởng của các em nơi người khác. Đa số các bạo hành chống lại trẻ em là do chính cha mẹ, các hôn phu và hôn thê, các người chồng vợ hay người chung sống, các bạn học cùng lớp cùng trường, các thầy giáo cô giáo và các người cho việc.

Đa số các vụ bạo hành trẻ em bị dấu nhẹm: các trẻ em nạn nhân cũng như những người chứng kiến cảnh bạo lực thinh lặng vì sợ hãi bị trừng phạt hay vì sợ dư luận xã hội lên án. Rất nhiều người, trong đó có các trẻ em, chấp nhận bạo lực như một khía cạnh không thể tránh dược của cuộc sống. Thường khi các trẻ em bị bạo hành im lặng, vì các em không có phương cách chắc chắn hay đáng tin cậy để tố cáo hay kêu cứu.

** Trên bình diện quốc tế không có các dữ kiện thường xuyên được thống kê, do đó các con số chỉ có tính cách phỏng đoán. Dựa trên các nghiên cứu và các dữ kiện dân số năm 2000 tổ chức Sức Khỏe Thế Giới ước tính có khoảng 73 triệu trẻ nam và 150 triệu trẻ nữ là nạn nhân của các giao hợp tính dục cưỡng bách, và các hình thức bạo lực khác bao gồm các đụng chạm tới thân xác.

Tại 16 nước phát triển trên thế giới được phân tích do một nghiên cứu toàn cầu về sức khỏe, do tổ chức Sức Khỏe Thế Giới và Trung tâm Hoa kỳ kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật đảm trách, có từ 20 tới 65% trẻ em là nạn nhân của các hành động hay lời nói ức hiếp xúc phạm của người khác.

Hằng năm có khoảng 275 triệu trẻ em chứng kiến các cảnh bạo lực trong gia đình. Các cảnh bạo lực này ảnh hưởng tiêu cực trên sự phát triển của các em trong thời gian gần và trong thời gian xa.

Trong số 218 triệu trẻ em lao động trong năm 2004 có 126 triệu em phải làm các việc nguy hiểm tới tính mạng. Các thống kê mới của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế cho biết trong năm 2000 có 5,7 triệu trẻ em bị cưỡng bách lao động để trừ nợ nần cho gia đình, 1,8 triệu trẻ em là nạn nhân của kỹ nghệ tình dục mại dâm hay phim ảnh dâm ô, khoảng 1,2 triệu trẻ em nạn nhân của dịch vụ buôn bán trẻ em; và có hàng triệu trẻ em lao công khác hàng ngày bị bạo hành tại nơi làm việc bởi các chủ nhân hay bạn bè.

Ngoài ra tổ chức Sức Khỏe Thế Giới cũng cho biết hàng năm có từ 100 tới 140 triệu bé gái và phụ nữ bị chặt cắt bộ phận sinh dục. Và chỉ nội trong năm 2002 đã có 53.000 trẻ em từ 0 tới 17 tuổi bị sát hại.

Các bé trai thường bị bạo hành trên thân xác, trong khi các bé gái thường bị bạo hành tính dục, bị bỏ rơi và sa vào vòng mại dâm. Theo một nghiên cứu tại một vài quốc gia có tới 21% nữ giới bị lạm dụng tình dục trước khi lên 15 tuổi. Trẻ em các nước có lợi tức thấp và trung bình có nguy cơ bị giết cao gấp đôi trẻ em các nước có lợi tức cao. Các thanh thiếu niên lứa tuổi 15-17 và trẻ em 0-4 tuổi thường gặp nguy hiểm hơn cả. Sau cùng có một vài nhóm trẻ em đặc biệt dễ bị thương tích hơn cả, trong đó có các trẻ em tàn tật, các trẻ em thuộc các nhóm thiểu số, các trẻ em bụi đời, các trẻ em có vấn đề pháp lý và các trẻ em di cư tỵ nạn.

Hiện nay có ít nhất 106 quốc gia không cấm các hình phạt thể lý trong các trường học. Có 145 nước không cấm các hình phạt thân xác trong các trung tâm trợ giúp; tại 78 nước các hình phạt thể lý được chấp nhận như biện pháp kỷ luật; và tại 31 nước chúng được chấp nhận như phần của các án hình sự.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị một số nhận định của linh mục Fortunato Di Noto, người thành lập Hiệp hội Meter, chống nạn lạm dụng tính dục trẻ em và phim ảnh trẻ em mại dâm trên mạng.

Hỏi: Thưa cha, ngày nay có biết bao nhiêu trẻ em vô tội tử đạo, có đúng thế không?

Đáp: Chắc chắn rồi, các trẻ em vô tội tử đạo ngày nay là các trẻ em bị chết dưới các vụ bỏ bom, khi các em ở trong nhà mình, khi các em đang học hành, khi các em đang ngủ trong giường. Các trẻ em tử đạo vô tội cũng là các trẻ em bị xung vào quân ngũ để chiến đấu, bị tra tấn, bị hãm hiếp bạo hành, bị bán đi như nô lệ, hay trở thành nạn nhân của các hình thức nô lệ mới là nạn lạm dụng tính dục trẻ em và phim ảnh dâm ô trẻ em trên mạng. Các thánh anh hài tử đạo ngày nay cũng là các trẻ
em bị giết vì niềm tin kitô của mình.

Hỏi: Các trẻ em tử đạo cũng là các trẻ em bị giết vì nạn phá thai và không bao giờ được chào đời, có phải vậy không thưa cha?

Đáp: Vâng đúng thế. Có biết bao nhiêu trẻ em không được sinh ra, hàng triệu và hàng triệu nạn nhân trên thế giới này. Và phá thai không phải là một lựa chọn văn hóa, lại càng không phải là kế hoạch hóa gia đình. Người ta biện minh cho phá thai bằng cách nói rằng có lẽ các trẻ em sinh ra sẽ không có gì ăn, sẽ thiếu dinh dưỡng, nhưng đó là một biện minh vô lý mà chúng ta không thể im lặng chấp nhận được, chúng ta phải lên tiếng, chúng ta phải nói to lên.

Hỏi: Sự thinh lặng của biết bao nhiêu trẻ em – Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói – kêu khóc dưới lưỡi gươm của biết bao nhiêu vua Hêrốt ngày nay nữa, cha nghĩ sao?

Đáp: Quý vị hãy nghĩ tới tệ nạn buôn cơ phận trẻ em, nạn khai thác tình dục trẻ em, hay khi các vua Hêrốt đi cả tới chỗ kế hoạch hóa giết trẻ em một cách êm dịu. Đó, biết bao nhiêu vua Hêrốt của thế giới ngày nay. Họ không chỉ không cúi đầu trên nhân loại như Đức Thánh Cha nói, mà họ chỉ cúi đầu trước các lợi nhuận là tiền bạc. Và tiền bạc chúng ta biết – như thánh Phaolô nói – là rác ruởi, là rác rến của ma qủy.

Hỏi: Nhưng mà sự vô tội còn có thể bị hãm hiếp, bị giết chết cả trên bình diện tâm lý nữa thưa cha…

Đáp: Chắc chắn rồi. Chỉ cần nghĩ tới sự kiện truyền hình lèo lái con người làm sao, khi chuyển tải các sứ điệp bạo lực. Thế rồi còn có các khu xóm ổ chuột mới hiện hữu trên mạng vi tính nữa. Nghĩa là các trẻ em là đối tượng của một cuộc sống bị xâm lăng bởi kỹ thuật không biết quản lý, và thế là các em bị đắm tầu trong các vùng ngoại biên vi tính. Các người thiện chí phải ở trong các vùng ngoại biên đó, không phải chỉ để truyền thông, mà cũng để đồng hành với nỗi khổ đau của các trẻ em vị thành niên bị đắm chìm trong thế giới vi tính ấy.

Hỏi: Thưa cha Di Noto, khi năm 2014 kết thúc và nó đã là một năm khủng khiếp, cha tố cáo biết bao nhiêu nạn nhân vô tội...

Đáp: Chúng ta có thể liệt kê chúng ra như một loại chuỗi hạt của khổ đau… Tôi tin rằng chính vì lễ các Thánh Anh Hài mà chúng ta phải nâng lời cầu nguyện và khẩn nài lên Chúa và lãnh nhận một dấn thân cụ thể. Thật thế, không bao giờ được thiếu hy vọng đứng trước các vấn đề kinh khủng này, trong đó các trẻ em không được sống cả ngày trong đó các em sinh ra. Cần hy vọng rằng có biết bao nhiêu người thiện tâm… Tôi xin chấm dứt bằng cách kể cho qúy vị nghe một điều. Tôi đã trồng các cây trước giáo xứ của tôi, và người ta thường nhổ mất chúng. Vậy tôi làm gì? Tôi trồng chúng trở lại. Và người ta lại nhổ chúng đi. Và tôi đã làm gì? Tôi lại trồng chúng trở lại nữa. Thật thế, trong cuộc sống người ta nhổ các trẻ em đi. Nhưng chúng ta không bao giờ có thể quên tiếp tục hy vọng và tiếp tục làm sao để các trẻ em ở chỗ nhất, vì các em được Chúa Giêsu đặc biệt yêu thương, các em là các người có đặc ân trong một xã hội không được trở thành vô nhân, nhưng phải luôn luôn hy vọng nơi con người.

Hỏi: Thưa cha, Giáo Hội mời gọi chúng ta tưởng niệm các Thánh tử đạo vô tội. Các vị có giá trị nào đối với chúng ta?

Đáp: Giáo Hội đã luôn luôn có một tình yêu lớn đối với trẻ em. Chính Đức Chân phước Giáo Hoàng Phaolô VI trưóc khi chết có nói rằng dấn thân của Giáo Hội cho nhi đồng không phải là một mốt mau qua, nhưng là một dấn thân thường xuyên, chính vì một trẻ thơ đã được sinh ra cho chúng ta. Quý vị hãy tưởng tượng rằng trong Giáo Hội ngoài các Thánh Anh Hài, đã có biết bao nhiêu trẻ em tử đạo. biết bao nhiều trẻ em chứng nhân của đức tin, biết bao nhiêu trẻ em được nâng lên danh dự bàn thờ như là các vị tử đạo, như là các Thánh, các Chân phước, các Tôi tớ Chúa. Điều này chứng minh cho thấy một cuộc cách mạng có thể xảy ra cả qua các trẻ em nữa. Thật đúng thế, người ta có thể xúc phạm đến các trẻ em, nhưng cũng đúng thật là chúng ta có thể tưởng niệm các em vì các em là thí dụ sống cho tất cả mọi người. (RG 28-12-1014)
 
Người cha phải luôn luôn hiện diện trong gia đình, trợ giúp vợ, và gần gữi với con cái
Linh Tiến Khải
11:14 04/02/2015
Điều cần thiết đầu tiên là à người cha phải luôn luôn hiện diện trong gia đình. Ước chi ông gần gũi vợ để chia sẻ mọi sự vui buồn, mệt nhọc và hy vọng. Ước chi ông gần con cái trong sự lớn lên của chúng: khi chúng chơi đùa và khi chúng dấn thân, khi chúng vô tư và khi chúng lo lắng, khi chúng tự diễn tả và khi chúng nín lặng, khi chúng dám liều lĩnh và khi chúng sợ hãi, khi chúng đi sai một bước và khi chúng tìm lại đường đi

ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong buổi tiếp kiến chung các tín hữu và du khách hành hương sáng thứ tư 4-2-2015 trong đại thánh đường Phaolo VI.

Ngài đã tiếp tục trình bầy phần hai gương mặt của người cha trong gia đình. Lần trước ngài đã nói tới các người cha vắng mặt, lần này ĐTC nhìn khía cạnh tích cực. Cả thánh Giuse cũng đã bị cám dỗ bỏ Đức Maria, khi khám phá ra là Mẹ đã mang thai, Nhưng thiên thần Chúa can thiệp và vén mở cho thánh nhân biết chương trình của Thiên Chúa và sứ mệnh là cha nuôi. Và thánh Giuse, người công chính, “đã đón vợ về nhà mình” (Mt 1,24) và trở thành cha của gia đình Nagiarét. ĐTC nói:

Mỗi gia đình cần có người cha. Hôm nay chúng ta dừng lại trên giá trị vai trò của người cha, và tôi muốn khởi hành từ vài kiểu diễn tả trong sách Châm Ngôn, các lời mà một người cha nói với con mình: “Hỡi con, tâm trí con khôn ngoan, thì lòng dạ cha cũng vui sướng. Môi miệng con nói những lời chân thật, thì tâm hồn cha sẽ mừng rỡ hân hoan” (Cn 23,15-16). Không thể diễn tả tốt hơn sự hãnh diện và cảm động của một người cha thừa nhận đã thông truyền cho con trai điều thực sự quan trọng trong cuộc sống, hay một trái tim can đảm. Người cha này không nói: “Cha hãnh diện vì con, bởi con hoàn toàn giống cha, bởi vì con lập lại những điều cha nói và cha làm”. Không, ông không chỉ nói với con một điều gì thôi. Ông còn nói với con một cái gì quan trọng hơn nhiều, mà chúng ta có thể giải thích như sau: “Cha sẽ hạnh phúc, mỗi lần thấy con hành động khôn ngoan, và cha sẽ cảm động, mỗi khi nghe con nói với sự thẳng thắn. Đó là điều cha đã muốn để lại cho con , để nó trở thành của con: đó là thái độ cảm nhận và hành động, ăn nói và phán xử khôn ngoan và ngay thẳng. Và để cho con được như vậy cha đã dậy con những điều con không biết, cha dã sửa chữa các lầm lỗi mà con không thấy. Cha đã làm cho con cảm nhận được lòng trìu mến sâu thẳm và kín đáo, mà có lẽ con đã không hoàn toàn thừa nhận khi con còn trẻ và không chắc chắn. Cha đã cho con một chứng tá của sự nghiêm ngặt và cứng rắn mà có lẽ con đã không hiểu, khi con đã chỉ muốn sự đồng loã và che chở. Chính cha đã là người đầu tiên phải thử thách sự khôn ngoan của mình và canh chừng trên các thái qủa của tình cảm và oán hờn, để mang gánh nặng của các hiểu lầm không thể tránh được và tìm ra các lời nói đúng đắn để làm cho mình được hiểu. Giờ đây cha cảm động, khi cha thấy con tìm sống như vậy với các con của con và với tất cả mọi người. Cha hạnh phúc và thỏa mãn”. Đó là điều mà một người cha khôn ngoan và trưởng thành nói với con mình.

** ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: Một người cha biết rõ việc thông truyền gia tài này cho con mắc mỏ chừng nào: biết bao nhiêu sự gần gũi, biết bao nhiêu dịu hiền và biết bao nhiêu cứng rắn! Tuy nhiên ông nhận được biết bao an ủi và phần thưởng, khi các con vinh danh gia tài đó. Thật là một niềm vui chuộc lại mọi mệt nhọc, cao vượt hơn mọi hiểu lầm và chữa lành mọi vết thương. Tiếp đến ĐTC nhấn mạnh sự hiện diện của người cha trong gia đình như sau:

Như thế, sự cần thiết đầu tiên là điều này: đó là người cha hãy luôn luôn hiện diện trong gia đình. Ước chi ông gần gũi vợ để chia sẻ mọi sự vui buồn, mệt nhọc và hy vọng. Ước chi ông gần con cái trong sự lớn lên của chúng: khi chúng chơi đùa và khi chúng dấn thân, khi chúng vô tư và khi chúng lo lắng, khi chúng tự diễn tả và khi chúng nín lặng, khi chúng dám liều lĩnh và khi chúng sợ hãi, khi chúng đi sai một bước và khi chúng tìm lại đường đi. Người cha hiện diện, luôn luôn hiện diện.
Nói hiện diện không giống như nói kiểm soát. Bởi vì các người cha kiểm soát quá thì huỷ diệt con cái, không để cho chúng lớn lên.

Phúc Âm nói với chúng ta mẫu gương của Người Cha ở trên Trời, Chúa Giêsu nói là Cha duy nhất, có thể gọi được là “Người Cha nhân hậu” (x. Mc 10,18). Tất cả đều biết dụ ngôn ngoại thường gọi là dụ ngôn “người con hoang đàng” hay đúng hơn “người cha thương xót” trong chương 15 Phúc Âm thánh Luca (x. 15,12-32). Biết bao nhiêu phẩm giá và hiền dịu trong việc chờ đợi của người cha đứng ở cửa nhà để chờ đứa con trở về! Các người cha phải kiên nhẫn. Biết bao lần có việc khác phải làm đang chờ; cầu nguyện, và chờ đợi với lòng kiên nhẫn, sự dịu hiền, độ lượng và thương xót.

**ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Một người cha tốt biết chờ đợi và tha thứ, từ tận cùng thẳm con tim. Chắc chắn rồi, ông cũng biết sửa dậy con với sự cứng rắn: ông không phải là người mềm yếu, hay đầu hàng và tình cảm, Người cha biết sửa dậy không làm mất phẩm giá cũng là người cha biết che chở không tiết kiệm sức lực của mình.

Có một lần trong một cuộc họp hôn nhân tôi đã nghe một người cha nói: “Đôi khi con cũng phải đánh các con con một chút, nhưng không bao giờ đánh trên mặt để không làm mất phẩm giá của chúng. Thật đẹp biết bao. Ông ta có ý thức về phẩm giá. Ông phải phạt con, nhưng làm một cách đúng đắn và tiếp tục tiến bước.

Như vậy, nếu có người nào đó có thể giải thích tường tận kinh “Lậy Cha chúng con”, Chúa Giêsu đã dậy, thì đó chính là người đã sống chức làm cha. Nếu không có ơn thánh đến từ Cha trên trời, thì các người cha sẽ mất can đảm và bỏ cuộc. Nhưng con cái cần tìm thấy một người cha chờ đợi chúng, khi chúng trở về từ các thất bại của chúng. Chúng sẽ làm tất cả để không thừa nhận cha và để đừng thấy ông, nhưng chúng cần ông, và sự kiện không tìm thấy cha mở ra trong chúng các vết thương khó mà chữa lành.

Giáo Hội là mẹ chúng ta dấn thân nâng đỡ với tất cả sức lực của mình sự hiện diện nhân hậu quảng đại của các người cha trong các gia đình, bởi vì đối với các thế hệ mới họ là những người giữ gìn và trung gian không thể thay thế được của niềm tin nơi lòng tốt, công lý và sự chở che của Thiên Chúa, như thánh Giuse vậy.

** ĐTC đã chào các đoàn hành hương hiện diện đặc biệt DHY André Vingt-Trois TGM Paris, ba GM Phụ tá và các đại chủng sinh Paris đang dọn mình chịu chức Linh Mục. Ngài phó thác các gia đình cho sư bầu cử của Thánh Giuse, nhất là các người cha gia đình để họ là những người gìn giữ và là trung gian cho các thế hệ trẻ trong lòng tốt, sự công bằng và dưới sự chở che của Thiên Chúa.

Ngài cũng chào các tín hữu Mỹ, Phần Lan Anh quốc và Sri Lanka. Chào các tín hữu nói tiếng Đức ĐTC tái khẳng định vai trò không thể thay thế được của các người cha trong gia đình, và xin mọi người đồng hành với họ trong lời cầu nguyện để họ luôn gìn giữ các thế hệ tương lai.

Ngài cũng chào các tín hữu Tây Ban Nha, Argentina, và Mêhicô và khích lệ họ cầu nguyện để trong gia đình không bao giờ vắng bóng một người cha tốt.

Chào các tín hữu Ba Lan ĐTC nhắc nhở rằng ngày mùng 2-2 vừa qua là Ngày Đời Thánh Hiến, Ngài tín thác cho lời cầu nguyện của họ cuộc sống của tất cả những người sống đời thánh hiến, được Chúa Kitô hướng dẫn trung thành phục vụ Thiên Chúa và tha nhân qua lời cầu nguyện, qua việc ăn chay hãm mình để kéo đổ ơn hoán cải, hòa bình và thịnh vượng xuống trên thế giới.

Ngài cũng đặc biệt chào các GM tham dự đại hội do cộng đồng thánh Egidio tổ chức tại Trung tâm quốc tế linh hoạt truyền giáo. ĐTC cầu chúc đại hội giúp làm sống dậy niềm tin nơi Chúa và hăng say làm chứng cho công tác rao truyền Tin Mừng trong các vùng ngoại biên.

ĐTC chúc mọi đoàn hành hương canh tân sự gắn bó với Tin Mừng, liên đới với các anh chị em khác, và tái khám phá ra niềm hy vọng kitô.

Nhắc đến lễ kính thánh nữ Agata tử đạo Giáo Hội mừng ngày 5-2, ĐTC cầu mong thánh nữ giúp người trẻ hiểu giá trị cuộc sống tận hiến cho Thiên Chúa. Ngài xin gương đức tin không lay chuyển của thánh nữ giúp các anh chị em đau yếu tín thác các khổ đau cho Chúa; và sự mạnh mẽ của thánh nữ chỉ cho các đôi tân hôn các giá trị đích thật của cuộc sống gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi người.
 
Những ánh đèn pha hy vọng cho năm 2015 trên thế giới
Linh Tiến Khải
11:17 04/02/2015
** Năm 2014 vừa qua đi với biết bao căng thẳng gây ra bởi chiến tranh, xung đột và bạo lực đủ loại, trong đó có thảm cảnh các cuộc nội chiến tại Irak, Siria và Ucraina, cũng như tại Trung Phi, Somalia, Afghanistan và nhiều nơi khác. Biến cố Hoa Kỳ tái lập ngoại giao với Cuba, mở lại tòa đại sứ và bỏ cấm vận sau 53 năm đoạn tuyệt ngoại giao và thù hận, như được hai quốc trưởng tuyên bố ngày 17 tháng 12 xem ra là tin vui duy nhất của năm 2014. Có ánh sáng hy vọng nào cho năm 2015 vừa mới bắt đầu hay không?

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị một số nhận định của ông Natalino Ronzitti, nguyên giáo sư Luật quốc tế đại học Luiss và cố vấn khoa học Học viện bang giao quốc tế Italia.

Hỏi: Thưa giáo sư Ronzitti, năm 2014 đã có quá nhiều chiến tranh xung khắc gây chết chóc thương đau cho người dân trên thế giới, đặc biệt trong vùng Trung Đông. Không có sự kiện nào tích cực hay sao?

Đáp: Có chứ. Ít nhất có thể nêu bật hai sự kiện: trước hết là việc Hoa Kỳ và Cuba tái lập liên lạc ngoại giao với nhau sau hơn nửa thế kỷ cấm vận. Thứ hai là sự cởi mở của Hoa Kỳ đối với Iran. Khi nào Iran vĩnh viễn từ bỏ ý muốn có vũ khí nguyên tử, thì Hoa Kỳ cũng sẽ bỏ cấm vận đối với Iran.

Thế rồi khi nhìn vào tình hình thế giới, chúng ta cũng thấy có các sự kiện tích cực khác, chẳng hạn như liên quan tới việc chiến đấu chống lại nạn cướp biển, đã có các tiến bộ hữu hiệu khiến cho nạn cướp biển giảm nhiều. Điều này là một thiện ích cho các dịch vụ thương mại quốc tế. Còn có một sự kiện khá quan trọng khác nữa, thường không được biết tới: đó là Thỏa hiệp quốc tế về buôn bán vũ khí đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 24 tháng 12 vừa qua. Thỏa hiệp này không loại bỏ việc buôn bán khí giới, nhưng điều hợp nó. Đây là một bước tiến tích cực, bởi vì người ta đã thử đưa ra một Hiệp ước tương tự vào thời của Hiệp hội các quốc gia, nhưng nó đã không bao giờ có hiệu lực. Trái lại, lần này Thỏa hiệp đã có hiệu lực, tất cả mọi nước thành viên của Liên Hiệp Âu châu đã phê chuẩn, và người ta hy vọng rằng có sự tuân giữ đại đồng.

Hỏi: Thưa giáo sư, 2015 cũng là năm của Hội nghị tái duyệt xét Thỏa hiệp không để vũ khí hạt nhân lan tràn triệu tập vào mùa xuân bên New York. Có dấu hiệu nào đến từ hội nghị này hay không?

Đáp: Rất tiếc là trong lãnh vực này thì không có nhiều hy vọng. Tuy nhiên, có một sự kiện tích cực đó là ít nhất chương trình nghị sự đã được chấp nhận, và như thế Hội nghị sẽ tiến hành. Sẽ rất ư là nguy hiểm, nếu các hội nghị loại này không được triệu tập.

Hỏi: Trong trường hợp có các dấu hiệu xích lại gần nhau giữa Hoa Kỳ và Iran, theo giáo sư, nó có tạo ra một hậu quả domino trong vùng hay không?

Đáp: Liên quan tới hiệu quả domino thì khó mà nói, nhưng nó có thể gây ra một hiệu qủa đáng kể đối với việc tái lập hòa bình, đặc biệt trong vùng Vịnh Ba Tư, là vùng đã trải qua các tranh cãi biên giới, tranh cãi đường thủy, và sự kiện các quốc gia thứ ba muốn nhảy vào vùng Vịnh. Vì thế có thể nói nó có một hiệu qủa nào đó. Nhưng nếu quý vị ám chỉ một giải pháp khả thể cho cuộc xung đột gây hậu qủa domino liên quan tới Nhà nước Hồi IS và liên quan tới Siria và Irak, thì đương nhiên là khó mà nói được. Bởi vì ở đây các xung khắc vẫn đang tiếp diễn, và phong trào khủng bố này đang kiểm soát một vùng rộng lớn. Ngoài chuyện liên quan tới “Bin Laden” thực tế mà nói đây là lần đầu tiên một phong trào nổi loạn mang huy hiệu khủng bố kiểm soát được một vùng đất đáng kể. Theo tôi, trong trường hợp này sẽ không có một hiệu qủa domino, nếu không phải là trong nghĩa tất cả các quốc gia trong vùng cùng liên minh với nhau giúp đánh bại phong trào quốc gia hồi IS này. Nhưng đương nhiên liên quan tới điều này chúng ta không thể nói tới hòa bình, bởi vì nó sẽ bị thua sức mạnh của vũ khí. Và không có phương thế nào khác giúp đánh bại phong trào khủng bố này cả.

** Trong khi đó bên châu Mỹ Latinh có một mặt trận khác, trong đó tiến trình hòa bình tiếp tục được củng cố, mặc dù hiện nay vẫn không thiếu các vụ bạo lực và đó là trường hợp nước Colombia. Sau đây là một vài nhận xét của ông ông Raul Caruso, giáo sư khoa Chính trị kinh tế Đại học Công Giáo Milano, kiêm giám đốc mạng lưới âu châu các “Khoa học gia cho hòa bình”.

Hỏi: Thưa giáo sư Caruso, giáo sư nghĩ gì về trường hợp của Colombia, là quốc gia đã có cuộc nội chiến lâu nhất thế giới, kéo dài 60 năm qua?

Đáp: Nước Colombia là một quốc gia đã bị xâu xé bởi một cuộc xung khắc triền miên hết thập niên này sang thập niên khác giữa quân chính phủ và các lực lượng bán quân sự và phiến quân, với những giai đoạn khó khăn và vài lúc gia tăng. Tuy nhiên, cũng đã có các cuộc thương thuyết hòa bình đang tiến hành bên Cuba, và xem ra Cuba trong lúc này là vùng phân chia ranh giới của biết bao nhiêu hy vọng. Rõ ràng là Colombia khiến cho chúng ta cũng nghĩ tới một khía cạnh khác nữa: đó là quốc gia này đang ở trong một tình trạng rất khó khăn về mặt chênh lệch giữa người giầu và người nghèo, bất công xã hội, và đương nhiên là các nút thắt chính của tiến trình hòa bình đi qua việc giải quyết nạn bất công xã hội sâu xa, đã biến thành tinh thể tại Colombia từ nhiều năm qua.

Hỏi: Thưa giáo sư, các cuộc thương thuyết tiếp tục, thực ra chúng đã không bao giờ bị gián đoạn, nhưng mặc dù vậy đã không có đình chiến giữa các phe liên hệ, như vậy là thế nào?

Đáp: Cuộc xung đột tại Colombia rất đặc biệt, bởi vì các cuộc hòa đàm đã bắt đầu từ lâu, nhưng tổng thống Santos và cả các phiến quân đã luôn luôn khẳng định rằng các hoạt động chiến tranh bình thường vẫn tiếp tục. Đã không có cuộc ngưng chiến thực sự nào, chỉ có một cuộc ngưng bắn đơn phương thực sự từ phía các Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia FARC và Quân đội giải phóng quốc gia ELN là tổ chức du kích mác xít, nhân dịp bầu cử tổng thống cách đây vài tháng. Nhưng một cách kỹ thuật đã không có các cuộc thương thuyết hòa bình theo sau một cuộc ngưng bắn đích thực, như chúng ta thường nghĩ. Do đó, khi xảy ra các vụ bạo lực không cần tưởng tượng rằng chúng gây thiệt hại cho các cuộc thương thuyết hòa bình đang diễn tiến.

Hỏi: Đức Thánh Cha Phanxicô đã công du Sri Lanka, là quôc gia cũng đã bị xâu xé bởi cuộc nội chiến trong bao nhiêu năm trời. Trong các thời gian qua xem ra đã có tiến trình hòa giải giữa các lực lượng đối nghịch, có đúng thế không thưa giáo sư?

Đáp: Quốc gia đảo Sri Lanka tuy bé nhỏ, nhưng là một trường hợp rất đặc biệt, bởi vì cuộc nội chiến đã kéo dài tại đây ít nhất 25 năm. Hiện nay tình hình đang trở lại bình thường liên quan tới hòa bình, đến độ tin tức mấy ngày vừa qua cho biết đường xe lửa nối liền Bắc Nam đã được mở trở lại. Như thế tiến trình hòa bình tiếp tục, cả trong viễn tượng tái hội nhập đang thành hình trong xã hội Sri Lanka. (RG 1-1-2015)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội Cao Niên Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm mừng bổn mạng.
Trần Văn Minh
03:17 04/02/2015
Melbourne, lúc 10 giờ sáng Thứ Tư Ngày 4/2/2015. Tại Trung Tâm Công giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm, Hội Cao Niên của cộng đoàn đã hiệp dâng Thánh lễ mừng kính Thánh Simone và Anna trong dịp Lễ Dâng Con vào Đền Thánh.
Mời coi hình

Thánh lễ mừng bổn mạng hội do Linh mục Giuse Trần Ngọc Tân SSS. Quản nhiệm cộng đoàn cùng hiệp dâng cùng các hội viên cao niên của công đoàn. Thánh lễ đặc biệt mừng bổn mạng của hội, linh mục đã cầu nguyện cho quý cụ có sức khỏe để có nhiều thời giờ đến nhà thờ cầu nguyện, vì giờ đây, các cụ đã không còn phải dùng nhiều thời gian để lo cho sinh kế, hay lo cho gia đình. Nên xin các cụ dùng hết thời gian còn lại mà thờ phượng Chúa.

Sau Thánh lễ, Hội cũng tổ chức bữa tiệc nhẹ để các cụ ngồi lại bên nhau sinh hoạt, phổ biến tin tức trong hội, chúc mừng năm mới Ất Mùi sắp tới đến các hội viên, báo cáo công tác trong tháng qua, công tác trong tháng tới, như đi thăm viếng các hội viên và chúc mừng các hội viên có ngày sinh trong Tháng 1 và 2, tháng này có sự trùng hợp thích thú là có nhiều hội viên có chung ngày sinh 1/1 bao gồm các hội viên:
Bà Maria Đỗ Thị Chiêm.
Ông Phạm Văn Hóa.
Bà Maria Lê Thị Nhẹ.
Ông Anthony Phan Đức Gioan
Bà Maria Lưu Thị Nhị.
Ông Giuse Vũ Văn Rỵ.
Hội cũng chúc mừng kỷ niệm 55 ngày thành hôn của ông bà phó hội.

Buổi tiệc nhẹ kết thúc sau khi các hội viên dùng tiệc trà và ăn bánh chưng mừng Xuân và trao qùa Xuân của hội đến cho các hội viên.

Được biết, Hội Cao Niên Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm có gần 30 hội viên, hiện do Bác sĩ Liên On làm trưởng hội và mỗi tuần cộng đoàn có một Thánh lễ vào 10 giờ sáng Ngày Thứ Tư dành cho các hội viên cao niên trong cộng đoàn tham dự.


 
Giáo xứ Tam Tòa, Quảng Bình, hy vọng mới trên mảnh đầy dấu ấn lịch sử
Peter Thái Hùng
10:31 04/02/2015
Giáo xứ Tam Tòa, Quảng Bình, hy vọng mới trên mảnh đầy dấu ấn lịch sử

Dưới cơn mưa bụi phảng phất trong những ngày giao thời cuối năm, tháp chuông nhà thờ Tam Tòa hiện lên vẻ cổ kính và trầm mặc như muốn gửi gắm bao nỗi niềm tâm sự. Thời gian trôi qua với bao biến cố thăng trầm của lịch sử, Tam Tòa vẫn đậm đầy dấu ấn như một minh chứng hùng hồn đại diện cho niềm tin yêu son sắt của người giáo dân Quảng Bình đối với Thiên Chúa và Giáo hội.

Dấu ấn cũ…

Từ “sự kiện Tam Tòa” năm 2009, những người con của mảnh đất đầy mộng mơ bên bờ sông Nhật Lệ trên khắp mọi miền đất nước và cả năm châu lại hướng về đây như để tìm về quá khứ mà tri ân, sống tình hiệp nhất anh em và hướng đến một trang sử mới đầy niềm hy vọng.

Xem Hình

Dọc bờ sông Nhật Lệ mộng mơ và xinh đẹp, di tích ngôi thành đường cũ Tam Tòa còn sót lại cho ta một cảm giác thật an bình mà cũng đầy nuối tiếc. An bình vì thánh đường là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa và sự hiệp nhất của con người. Tháp chuông ngôi thánh đường cũ còn đó như một dấu chứng về quá khứ đẹp của mảnh đất thấm đượm máu hồng các thánh tử đạo. Chúng ta cũng có thể hình dung được cảnh người người sáng chiều tản bộ đến nơi đây, để làm việc thờ phượng và cầu nguyện xưa kia. Đan xen trong cái cảm giác an bình ấy là nỗi nuối tiếc khi một vùng đạo sầm uất trước kia nay chỉ còn lại chút dấu ấn nhỏ nhoi. Hơn thế nữa, là việc biết bao người tín hữu tại thành phố Đồng Hới chưa có nơi đủ đáp ứng nhu cầu tâm linh và sinh hoạt đạo đức. Hay nói cách khác là việc khôi phục lại giáo xứ Tam Tòa còn đó những khó khăn chồng chất sau khi phải trải qua biết bao biến cố đau thương.

Là mảnh đất mà Tin Mừng Chúa Kitô đã được gieo vãi khá sớm so với các vùng khác tại tỉnh Quảng Bình, Tam Tòa có thể nói được là mảnh đất đậm dấu ấn lịch sử truyền giáo. “Khoảng năm 1629, những hạt giống đầu tiên của Đạo Chúa được ươm mầm và vun đắp nơi đây. Rồi rất nhanh sau đó, một xứ đạo dần được hình thành khoảng năm 1631 với tên gọi là xứ đạo Ðông Hải, còn gọi là Họ Lũy… Khoảng năm 1774, sau khi lực lượng Chúa Trịnh chiếm được Ðàng Trong và san bằng nơi thường được gọi là "Lũy Thầy", nhà thờ này được chuyển về khu vực Cầu Ngắn, nay thuộc phường Phú Hải, và được gọi là giáo xứ Sáo Bùn. Đến năm 1886, Sáo Bùn có khoảng 200 nóc nhà với khoảng 1200 giáo hữu. Ở đây có Viện Dục Anh để giúp nuôi trẻ em nghèo và có tu viện dòng Mến Thánh Giá phục vụ từ thiện và giáo dục. Cũng trong năm này, giáo xứ bị quân Văn Thân đột kích và phải chuyển về Đồng Hới lánh nạn, dựng nhà thờ bên bờ sông Nhật Lệ, làng Mỹ Lệ (lần đầu năm 1887, tái thiết năm 1940) và lập thành giáo xứ với tên gọi mới Tam Tòa.. Từ năm 1850 đến ngày 15.5.2006, giáo xứ Tam Tòa thuộc quyền quản lý của Giáo phận Huế. Sau đó thì cùng với các giáo xứ Nam Quảng Bình, Tam Tòa được chuyển giao cho Giáo phận Vinh...” (theo Catholic.org). Hơn nữa, với vị trí và vai trò lịch sử của mình, Tam Tòa là nơi chứng kiến biết bao đau thương nhưng đầy phúc ân, bởi những giọt máu đào của các thánh tử đạo đổ ra. Thánh Tertulianô đã nói:" Máu các thánh Tử Đạo đổ ra là hạt giống trổ sinh các tín hữu", câu nói này quả đúng với những gì mà Tam Tòa đã chứng kiến và trải qua. Hơn một trăm ngàn giáo hữu trên khắp tỉnh Quảng Bình hiện nay là hoa quả xứng đáng với những sự hy sinh anh dũng của các bậc tiền nhân.

Khoảng cuối năm 1954, do hoàn cảnh lịch sử đưa đẩy, giáo dân Tam Tòa phải di cư và chuyển đến những vùng đất mới sinh sống. Khó khăn chồng chất trong thời kỳ mưa bom bão đạn và nhiều bất cập xã hội sau biến cố 1975 đã khiến mảnh đất linh thiêng của Giáo hội, cách riêng là của các thế hệ con em Tam Tòa không còn giữ được trọn vẹn như mong muốn.

… mới niềm mong ước!

Mang niềm hy vọng khôi phục và phát huy những giá trị tốt đẹp trong cái kho tàng lớn lao mà ông cha để lại, mỗi người con Tam Tòa đã và đang cố gắng từng ngày. Sự kiện năm 2009 đã không làm nhụt chí của họ, nhưng còn giúp cho mối dây liên kết tình anh em khắp nơi thêm bền chặt và cũng mở ra một trang sử mới cho tương lai của Tam Tòa.

“Tri ân quá khứ là cách mà con người tìm thấy những bước đi đúng đắn trong hiện tại và tương lai. Dòng lịch sử đã qua còn ghi lại những sự hy sinh bi hùng của các bậc tiền nhân trên mảnh đất Tam Tòa không bao giờ bị xóa đi hay phai mờ. Đó là nền tảng vững chắc để chúng ta bắt đầu dựng xây nhằm tiếp nối và lưu giữ cho tương lai “công trình” tốt đẹp mà Thiên Chúa đã thực hiện”, lời nhắn nhủ ấy của cha Phêrô Trần Văn Thành trong ngày về tiếp quản giáo xứ khiến mỗi người con Tam Tòa như thêm niềm hy vọng và tin tưởng.

Vào lúc 9 giờ, sáng 03.02.2015 vừa qua, tại ngôi nhà riêng của ông Nguyễn Văn Lý (58 Nguyễn Du, Tp. Đồng Hới, Quảng Bình, cách dấu tích nhà thờ cũ chừng 200m) – nơi mà bấy lâu trở thành nhà nguyện của bà con giáo xứ Tam Tòa, đã diễn ra một thánh lễ trang trọng và đan xen nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Đã khá lâu rồi, bà con giáo dân giáo xứ Tam Tòa mới có dịp tham dự một thánh lễ trang trọng, vui tươi và đầy phấn khởi như ngày hôm nay. Thánh lễ đồng tế của 22 cha trong và ngoài giáo hạt Nguồn Son đã quy tụ hơn một ngàn giáo dân đến từ các giáo xứ Kinh Nhuận (nơi cha Phêrô từng quản nhiệm), Sen Bàng, Tam Tòa và đông đảo các bạn sinh viên Công Giáo thuộc Đại học Quảng Bình. Dù phải tham dự thánh lễ dưới cơn mưa bụi phảng phất và đứng giữa đường phố, nhưng tất cả mọi người đều hướng về lễ đài với sự trang nghiêm và chú tâm cao độ.

Những người con của Tam Tòa đang tản mác khắp nơi ắt hẳn cũng dõi theo sự thay đổi nơi mảnh đất “chung” mà một thời ghi đậm dấu ấn các bậc ông cha mình. Sự hiệp nhất trong tấm lòng con thảo và niềm yêu mến sắt son hẳn là nét đẹp đáng quý của con người Tam Tòa. Nhìn rộng ra khắp đất nước này và cả hải ngoại xa xôi chúng ta có thể thấy rõ điều đó. Bởi lẽ, nơi đâu có người gốc Tam Tòa sinh sống và làm việc thì nơi đó lại có một giáo xứ, một cộng đoàn hay một nhóm đồng hương với một tên chung duy nhất: Tam Tòa.

Với những biến chuyển mới trong tình hình hiện nay và với những gì mà bà con giáo dân Tam Tòa đã và đang thể hiện, chúng ta có thể tin tưởng vào một sự chỗi dậy mạnh mẽ của giáo xứ. Đặc biệt, với sự quan tâm của Giáo phận nhà khi ủng hộ và vạch ra những hướng đi phù hợp thì tương lai Tam Tòa sẽ lấy lại vị trí, cũng như vai trò quan trọng của mình trước đây. Đó cũng là lời tạ ơn đẹp nhất dâng lên Thiên Chúa; là lời tri ân và sự đền đáp đối với các bậc tổ tiên; và là cách góp phần tô điểm thành phố xinh đẹp bên đôi bờ Nhật Lệ…

Được biết, sau nhiều cuộc bàn thảo với những sự kiện mà ai ai cũng biết, chính quyền tỉnh Quảng Bình đã cấp phần đất mới cho việc xây dựng thánh đường Tam Tòa cách khu nhà thờ cũ 2,5 km về hướng Tây Nam. Với hơn 6200m2 này, tương lai thánh đường Tam Tòa được xây dựng sẽ là trung tâm hội ngộ yêu thương của người giáo dân trên mảnh đất Quảng Bình và là biểu tượng niềm tin mà ai ai cũng chờ đón. Nhưng để thực hiện được mong muốn ấy, những người con đang sống trên mảnh đất Tam Tòa hiện nay khó lòng thực hiện được, mà cần đến sự chung tay góp sức của tất cả mọi người khắp nơi.

Peter Thái Hùng
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Rễ Đắng
Trần Đoan Hùng
10:05 04/02/2015
RỄ ĐẮNG

(Kỷ niệm 85 năm cộng sản vào Việt Nam)

“Anh em phải coi chừng, … kẻo có ai trở nên rễ đắng nảy mầm, gây xáo trộn và do đó làm hư hỏng nhiều người” (Hr 12,15)

Đất nước tôi,
Không biết tự lúc nào !
Đã mọc ra một loài “rễ đắng”.
Rễ dối gian, rễ bạo tàn, ghét ghen và thù hận.

Kể từ lúc loại rễ nầy hiện diện,
Nói làm sao cho xiết,
Những chuyện lạ đời cứ thế xảy ra…

Trên thế giới nầy,
Làm ơn chỉ đâu ra,
Cái ngữ con tố cha: “Chính mầy đã hiếp dâm mẹ tao”
Trong cái phong trào,
Mang danh cái mỹ từ “cải cách ruộng đất”.

Làm ơn chỉ cho tôi,
Có quê hương nào,
Mà anh em sấn sổ giết nhau,
Trong chính lễ tang cha,
Chỉ để tranh giành những đồng tiền phúng điếu !

Làm ơn chỉ cho tôi,
Có đất nước nào,
Mà bác sĩ làm nghề phục vụ cho cái thiện cái “mỹ”,
Lại vất xác người sau khi làm chết để phi tang ?

Làm ơn chỉ cho tôi,
Có địa chỉ nào,
Mà thiếu nhi với cải tuổi còn non,
Nhưng đã dám manh tâm giết bà
để lấy tiền chơi game cho đã !

Làm ơn chỉ cho tôi,
Có loại đàn ông nào,
Lấy cán chổi đâm vào cửa mình vợ đến chết
Để chứng tỏ cái quyền
của một thằng chồng say xỉn cuồng ghen.

Làm ơn chỉ cho tôi,
Có học đường nào,
Mà thầy giáo, với đầy đủ học hàm học vị,
Kẻ rao bán 200 triệu một bằng tiến sĩ,
Kẻ dụ dỗ cả học trò 5, 6 tuổi làm trò bỉ ỗi hiếp dâm…

Làm ơn chỉ cho tôi,
Có vị nguyên thủ quốc gia nào,
Mà phải cúi đầu đi lối sau,
Vì sợ chính nhân dân mình ném cà chua trứng thối !

Làm ơn chỉ cho tôi,
Có dân tộc nào,
Đã sản sinh ra những tên công an cảnh sát,
Sẵn sàng đạp vào mặt đồng bào và nhỗ toẹt:
“Tự do cái con cặt”,
Đồng thời vỗ ngực xưng hùng: “luật pháp chính là tao” !

Làm ơn chỉ cho tôi,
Có luật pháp của một thể chế chính trị nào,
Mà “cán cân công lý”
chỉ là một “tên hề” trần truồng dị hợm.

Làm ơn chỉ dùm tôi,
Có không trên thế giới nầy,
Một người mẹ lăng loàng đến độ,
Xúi chính con ruột của mình:
“Con hãy cứ thay mẹ,
Mà tự nhiên ăn nằm cùng cha dượng” chẳng sao !

Làm ơn chỉ cho tôi,
Trên những nẻo đường thế giới, ngược xuôi,
Có tai nạn giao thông kinh khủng nào,
Mà bụng mẹ bị xe cán
đến độ thai nhi lòi cả ra ngoài !

Làm ơn chỉ dùm tôi,
Có thành phố nào,
Lại quy định một luật lệ đi đường:
“Vượt đèn đỏ chỉ dành cho những người ít học”…

ÔI ! Đất nước tôi,
Một lịch sử hào hùng, non sông gấm vóc.
Cớ làm sao ra nông nổi thế nầy ?
Cớ làm sao còn bao chuyện đắng cay,
Còn chia rẽ, hận thù, dối gian, đểu cáng…

Có phải chăng,
Một ai đó đã mang vào “rễ đắng”,
Đã đem về một thứ nấm độc kinh hoàng,
Một ý thức hệ như “loài cỏ dại hoang tàn”
Mọc trên những cánh đồng chiến tranh nồi da xáo thịt !

Biết bao giờ, biết bao giờ, Đất nước tôi sạch hết,
Những loài “rễ đắng” chằng chịt ngoài kia !

 
Văn Hóa
Chuyện Ông Tư Dì Tư: Ba Mươi Tết: Lễ Vật Tiến Dâng
Nguyễn Trung Tây
11:17 04/02/2015
□ Nguyễn Trung Tây
Chuyện Ông Tư Dì Tư: Ba Mươi Tết: Lễ Vật Tiến Dâng


□ Ông Tư dì Tư, một đôi vợ chồng người miền Nam, định cư tại Quận Cam từ những ngày cuối năm 75. Ông Tư hồi xưa người trong thôn gọi cậu Tư Cường, răng cậu Tư bịt vàng sáng chóe.


Sáng Ba Mươi Tết, không khí Tết rộn ràng thổi về Quận Cam với pháo đỏ nổ ròn vang vang một góc trời thương xá Việt Nam. Nguyên một khu phố bình thường sạch bóng sáng nay xác pháo đỏ xếp lớp chồng chất. Gió Xuân thổi xác pháo quay quay lăn tròn trên hè phố nhìn như trẻ em chơi trò cút bắt. Xác pháo đỏ xả rác cả một vùng, nhưng thật lạ, nhìn sao vui mắt, nhìn thật Tết.

Tết về, cửa hàng bên này vừa đốt xong một tràng pháo, cửa hàng phía đối diện nối tiếp theo sau bằng một băng pháo dài hơn năm thước, đầu pháo được treo tít trên ngọn cây nêu cao có chuông khánh kêu leng keng, bao lì xì đỏ, và chữ Nho viết chữ Điền, chữ Tài, chữ Phúc. Tràng pháo vừa đốt xong, khói pháo chưa kịp tan, chủ nhân tiệm ăn bên cạnh mặc khăn đống áo dài truyền thống bước ra sân. Thoạt tiên ông cúi đầu trước bàn thờ Ông Địa, sau những lời khấn vái cho một năm mới buôn may bán đắt, ông chủ quay ra bật quẹt đốt liền tràng pháo đỏ gắn pháo đùng. Tạch! Tạch! Tạch! Đùng! Người dạo phố Xuân không ai rủ ai, đều dừng nhịp chân, miệng cười nhìn pháo đỏ cả một dãy phố Việt thi đua nổ vang. Vừa hết tràng pháo này, xa xa khoảng mấy thước, lại thêm một tiệm. Lần này, chủ nhân là một cô gái trong áo ba tà, cổ yếm thắm, đầu đội nón thượng quai thao. Cô chủ gỡ nón cúi chào bàn thờ tổ tiên, sau đó quay ra đốt pháo. Pháo đỏ nổ rộn vang một cõi hồn và một cõi đời. Pháo đỏ phố Việt như người lính thú tay cầm loa thông báo bản tin, “Loa! Loa! Xuân về!”

Khu thương xá Phước Lộc Thọ không chịu kém, hàng bánh tét, bánh chưng, dưa hấu, kẹo mứt đủ loại san sát cạnh kề bên nhau. Người đi chợ Tết nhộn nhịp, rộn ràng! Đặc biệt nhất là chợ hoa; nơi đây xếp lớp bạt ngàn là những chậu lan, chậu mai, chậu đào, và hoa cúc. Hoàng Lan hình cô gái mặc đầm xòe đang nhảy múa trên sàn nhảy, Hồng Huyết Lan mầu đỏ bầm hương thơm ngào ngạt, Hổ Lan mang bộ da vằn nâu nâu đen, đẹp tuyệt! Đặc biệt nhất là hoa mai và đào, mai sáu cánh tươi thắm khoe mầu với hồng đào mầu phấn hồng phơn phớt nhắc nhở thi sĩ Vũ Đình Liên, “Mỗi năm hoa đào nở! Lại thấy ông đồ già…”. Nhạc phẩm Xuân bất hủ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương vui tươi phát ra từ tiệm nhạc cạnh đó tô thêm đậm nét bức tranh Xuân dân tộc, “Ngày Xuân nâng chén, ta chúc nơi nơi…” Hoa và nhạc Xuân trộn vào, quyện lẫn, báo tin, “Loa! Loa! Xuân về!”

Gió Xuân hây hây thổi lay nhẹ những nụ hoa đào bám chi chít trên cành đào mọc trên sân vườn nhà dì chú Tư. Tiếng chim se sẻ ríu rít chuyền cành rộn ràng một khoảng sân. Hương thơm hoa đào ngan ngát quyện bay nhè nhẹ theo gió thắm sâu vào hai buồng phổi. Nắng vàng rực rỡ chiếu sáng một khoảng sân vườn. Dưới hàng hiên, dì chú Tư ngồi uống trà, ăn thèo lèo. Nhìn bầu trời xanh lơ Nam Cali gió mát thổi hây hây lòng người, ông Tư tâm sự,

— Chà! Lục đục loay hoay, lại một năm nữa trôi qua. Hôm nay Ba Mươi Tết rồi bà ơi...

Dì Tư vừa nhai miếng trầu vừa góp chuyện,

— Ừ, không nhắc thì thôi, nhắc tới Giao Thừa mới thấy thời gian trôi qua thiệt lẹ. Tối nay cúng Giao Thừa rồi. Giờ bên Việt Nam chắc phố xá đang tưng bừng đón Tết. Không biết đình làng mình năm nay, mấy ông hương chức hội tề cúng con gì đây?

Ông Tư nói ngay,

— Thì còn cúng con gì? Năm nay Ất Mùi, họ cúng con dê đực.

Dì Tư gật đầu,

— Ừ hén, năm dê, làng cúng con dê.

Dì Năm mặt tươi như hoa,

— Làng mình có phong tục cúng Giao Thừa nghĩ thấy cũng lạ hén. Năm ngựa, cúng con ngựa. Năm gà, làng cúng gà trống thiến. Năm mèo, thì có mèo mun nằm gọn trong mâm bạch ngọc. Năm con rồng, họ lấy nếp nặn nguyên hình con rồng vờn châu cúng thần.

Dì Tư nhai nhai miếng trầu thuốc,

— Ông à! Tại sao làng mình lại có phong tục cúng gà, năm con gà, năm dê, cúng con dê vậy hả ông?

Ông Tư góp chuyện,

— Ừ, thì đâu…hồi đó tui có nghe ông Hương Chủ Hội nói, làng mình thời tân lập, đêm đêm có ông ba mươi hay về, bắt bò bắt heo. Sau hội hương tề họp, làm biên bản trình lên tổng. Quan tổng mới phái hai ông thợ săn ở chợ quận về, họ rình nguyên cả tuần mới hạ gục được ông ba mươi. Bà nhớ bộ da hổ vằn xếp trong lồng kiếng ngay bệ thờ của đình không? Đó, bộ da của ổng đó. Rồi từ đó, làng lập đình gọi đình Ông Ba, tối Giao Thừa, cúng ổng thoạt tiên cúng con heo sữa, năm sau con nghé. Sau, làng quyết định, năm con nào, làng cúng ông con vật đó. Thì bà cũng vừa nói rồi đó, gặp năm rồng, làng nấu nếp, nặn hình rồng cúng ổng…

Dì Tư thắc mắc,

— Ủa, tui tưởng hồi đó có ông đạo Dừa đi ngang nói làng có cá sấu chuyên ăn thịt người, cho nên ổng mới bày cho làng tục cúng thần Cá Sấu năm nào, vật đó...

Ông Tư lắc đầu,

— Hổng phải, chuyện bà nói tui cũng có nghe qua. Nhưng ông Chủ Hội hồi đó khẳng định với tui chuyện không phải là như vậy... Mà bà biết ông Chủ Hội rồi đó, ông nội của ổng hồi đó tham gia hội kín đánh tây. Sau phải đổi tên họ, bỏ tới cù lao lập nghiệp. Làng mình, hồi ổng đặt chân tới chỉ là cái cù lao bỏ hoang, có ai ở, ổng nói trên bờ muỗi kêu nghe như sáo diều…

Ông Tư hưỡn đãi kể chuyện thời xưa,

— Rồi tới cái thời cố đạo ghé làng mình. Thoạt tiên làng chỉ là họ đạo nhỏ của xứ đạo Cù Lao Giềng. Sau làng ngày càng đông người rửa tội. Chèo thuyền đi lễ bên nhà thờ Cù Lao Giềng xa xôi quá, ở trên Đức Giám Mục mới cử cha xứ về cất nhà thờ. Từ đó, mình mới thành xứ đạo Cù Lao Mộc. Cái năm 75, trước khi mình di tản, nhà thờ Cù Lao Mộc là nhà thờ Hạt trưởng, bà còn nhớ không?…

Dì Tư nhận xét,

— Ừ! Tôi nhớ! Mà tôi còn nhớ tối Giao Thừa, đình Ông Ba thì rộn ràng cúng Giao Thừa, nhà thờ thì giật chuông Lễ Giao Thừa. Rồi ông cha xứ cũng lập cái bàn thờ gia tiên đốt nhang tưởng niệm ông bà tổ tiên...

Dì Tư xuống giọng thì thào, tuồng như sợ người ngoài nghe thấy,

— Ông là người có ăn học, chắc cái tuồng này ông rành hơn tui. Hồi đó thấy ông cha xứ lập bàn thờ gia tiên trong nhà thờ, rồi đốt nhang cúi cúi lạy lạy ba cái, người ta xì xào nói cha xứ mình sao mà…kỳ cục! Ai đời cha cụ mà lại lập bàn thờ cúng ngay trong nhà thờ, rồi lại còn đốt nhang xì xụp khấn vái. Nhìn không ra đâu vào với đâu. Có mấy người còn thì thào bàn với nhau viết thư lên tòa Tổng báo Đức Giám Mục biết ông cha xứ mình…lạc đạo…

Ông Tư lắc lắc đầu,

— Thiệt tình! Ta nói học không thông, vác gối bông không xong là vậy…

Ông Tư giảng giải mạch lạc tuồng như thầy đồ ngồi trên sạp,

— Hồi đó công đồng Va-ti-căng II họp...

Ông Tư dừng lại, nhìn dì Tư,

— Cái chuyện công đồng Va-ti-căng II bà chắc rành sáu câu vọng cổ rồi chớ gì? Có cần tui phải nói thêm không?

Dì Tư nhai miếng trầu thuốc đỏ tươi gật gật đầu,

— Ừa, chuyện đó tôi biết. Ông cứ nói tiếp đi…

Ông Tư an tâm, nhẩn nha nói,

— Ờ! Công đồng Va-ti-căng hồi đó kêu gọi người tín hữu hội nhập văn hóa. Sau công đồng, các vị Giáo Hoàng kế vị cũng kêu gọi người Công Giáo diễn tả niềm tin Kitô trong nền văn hóa riêng biệt của mình. Cho nên bà mới thấy mình không có lễ tiếng La Tinh sau công đồng nữa, mà cử hành thánh lễ Misa trong tiếng Việt. Đặc biệt người Việt mình có phong tục từ cả ngàn năm rồi, đêm Giao Thừa, nhà nhà xum họp, rồi gia trưởng đốt nhang bàn thờ gia tiên khẩn mời ông bà về lại trần gian ăn Tết xum họp với con cháu.

Ông Tư giọng chắc nịch,

— Cho nên bà mới thấy, ông cha xứ lập bàn thờ gia tiên trong nhà thờ trong thánh lễ Giao Thừa…

Ông Tư hỏi vợ,

— Chớ bà nghĩ coi, Mười Tám đời Vua Hùng, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Vua Lý, Vua Trần, Vua Lê, họ có phải tổ tiên của người Việt mình hay không?

Di Tư nhai dập miếng trầu thuốc, gật gật đầu,

— Ông nói đúng!

Ông Tư tiếp,

— Cho nên, giờ Giao Thừa, hoặc ba ngày Tết, người Công Giáo Việt Nam mới lập bàn thờ gia tiên, đốt nhang tưởng nhớ công ơn của tổ tiên ông bà, đó cũng là lẽ thường tình. Làm sao lại dám nói đó là lạc đạo! Còn chuyện thờ phượng, đương nhiên mình chỉ có thờ Chúa. Chúa là trên hết, là thủy là chung. Chứ đâu phải thấy ông cha hoặc chủ nhà lập bàn thờ gia tiên, mặc khăn đống áo dài thắp nhang cúng vái, rồi đứng ngoài dè bỉu nói lạc đạo, thờ lạy tổ tiên.

Dì Tư nhai dập dập miếng trầu thuốc, e hèm cần cổ,

— Ừ, thì ai biết đâu. Cái này cũng là chỉ tui nghe người ta nói, rồi tiện đây, hai vợ chồng mình ngồi nói chuyện ăn Tết, tui vui miệng thuật lại cho ông nghe mà thôi.

Dì Tư dường như muốn đổi đề tài,

— Ông! Nhắc tới cái vụ cúng kiến tui mới chợt nhớ. Ta nói hồi đó Giao Thừa bên Việt Nam sao mà vui. Từ sau cái bữa cúng Ông Táo, làng dựng cây nêu ở sân đình Ông Ba, hàng xóm bắt đầu rộn ràng đốt pháo, tui đã thấy nao nao cái bụng. Sáng nào cũng vậy, tui với mấy đứa bạn dẫn nhau ra chợ làng sắm đồ Tết. Ta nói ôi thôi hoa mai, mứt gừng, mứt dừa, mứt bí, thèo lèo, bánh tét, bánh chưng, ê hề, tui mua về, xách nặng cả tay.

Dì Tư xuýt xoa,

— Nhắc tới bỗng dưng mắc thèm, muốn bay về Việt Nam ăn Tết liền ngay bây giờ...

Ông Tư nhắc nhở,

— Mần gì phải về Việt Nam mới thấy cảnh đón Tết. Bây giờ bà rảo rảo dưới phố Việt một vòng mà coi... Ta nói hôm qua có chuyện xuống phố, tui thấy trước cửa thương xá, người ta bầy cơ man là những chậu hoa. Hoa mai, hoa đào, hoa lan, hoa nào cũng có, đủ kiểu đủ loại. Còn nếu bà muốn thử thời vận năm mới hên xui hả, có nguyên mấy cái sòng bầu cua họp ngay cửa chợ. Thấy vui vui, tui cũng dừng xe lật đật ghé vào chợ nhặt mấy hộp thèo lèo, mấy đòn bánh tét mang về ăn Tết...

Dì Tư ăn nói mát mẻ,

— Chứ không phải ông dừng lại sòng bầu cua…

Ông Tư cự nự,

— Bà! Ở đâu mà chui ra cái vụ tui mê cờ bạc đỏ đen ở đây…

Dì Tư ăn nói lơ lửng con cá vàng,

— Tui biết đâu! Cậu Tư Cường nhà mình mà…

Nghe vợ ăn nói mát mẻ, tưởng ông Tư sẽ khó chịu mở miệng cự nự, nhưng không, ông Tư cười toe toe,

— Chà! Bà cũng nhớ dai dữ đa!

Ông Tư kể chuyện thời xưa,

— Ta nói cái thời tui đi học trên Sài Gòn, năm đó tía cho phép tui về quê ăn Tết, bởi năm đầu tiên xa nhà, tui than với tía tui nhớ nhà. Tía mới gật đầu sai người đánh xe ô tô lên Sài Gòn chở tui về quê ăn Tết. Xe mới dừng ngay cửa sân đình, thấy sòng bầu cua vui quá, tui nhào vào liền. Thiệt tình cũng thua một mớ bạc. Tối hôm đó, trước giờ cúng Giao Thừa, tía “cúng” cho tôi một trận… Tía nói, “Tư Cường chứ không phải công tử Bạc Liêu mà đòi đốt tiền luộc trứng… Tiền của ông bà là tiền mồ hôi nước mắt, chứ không phải trong nhà trồng được cây tiền mà xài phung phí, thiên hạ người ta cười chê!”

Ông Tư lại cười,

— Rồi tía đóng cửa phòng khách lại, bắt tui nằm dài ra trên phản chân ngựa, ổng dợt tui mấy roi. Sau đó, tui mới được mặc khăn đống áo dài đại diện tía má cúng ông bà gia tiên…

Dì Tư cười tủm tỉm,

— Chà! Cậu Tư Cường… cũng…ngoan quá ta…

Ông Tư tâm sự,

— Bà ở với tui bao nhiêu năm rồi. Bà biết rồi đó, má thì không sao. Chớ tía đã buông lời nói một câu, có ai dám cản ổng. Ờ, mà thôi, đang nói chuyện sắm đồ Tết…

Dì Tư liếc liếc nhìn chồng, dừng nhai miếng trầu,

— Ừ đúng đó! Chà! Biết ông sắm đồ Tết, tui nhắc ông mua mấy thứ trái cây dâng lên bàn thờ Chúa ngày đầu năm.

Ông Tư khoát tay,

— Tưởng chuyện chi, mấy thứ trái cây dâng Chúa ngày Tết tui sắm đầy đủ hết rồi. Bà đừng có lo...

Dì Tư mắt thòm lõm, nhìn chồng hỏi,

— Ông mua thứ chi vậy? Ông nói tui nghe coi…

Ông Tư hỏi cắc cớ,

— Đâu! Bà đoán thử coi?

Dì Tư liếc xéo chồng,

— Ông nói chiện lạ! Ông mua chi làm sao mà tui rành. Nhưng đừng có dâng lên bàn thờ Chúa nguyên nải chuối đó nghen.

Ông Tư cự nự vợ,

— Bà! Mình người Công Giáo, tin vào Chúa không tin. Ai lại mê tín dị đoan, tin chuyện nhảm nhí...

Dì Tư bĩu môi,

— Ông đừng có tài lanh. Có kiếng có lành... Mà ông đừng có làm bộ lơ lơ! Ông chưa có trả lời câu hỏi của tui đó nghen...

Ông Tư buông giọng,

— Ừa! Thì tui cũng ghé vào chợ mua Mãng Cầu, Dừa, Đu Đủ, và Xoài. Mỗi thứ một cặp...

Dì Tư thắc mắc,

— Lạ kỳ chưa? Lựa chi không lựa lại lựa Mãng Cầu, Dừa, Đu Đủ, và “Xài”?

Ông Tư cười móm xọm,

— Có dzậy mà bà cũng không hiểu. Ngày đầu năm mình dâng lên Chúa bốn thứ trái cây: Cầu, Dzừa, Đủ, “Xài”. Tâm ý của tui là sang năm mới, “cầu” xin Chúa ban cho hai vợ chồng mọi thứ “dzừa” “đủ” “xài”. Vậy là mãn nguyện rồi. Bà nghĩ tui nói có đúng hay không?

Dì Tư lườm chồng,

— Ông già! Thiệt tình là hết chiện nói! Chuyện tào lao khú đế như thế mà cũng ngồi nghĩ ra cho đặng! Sao ông không mua trái "xài" với cái líp ba ga xe đạp…cho tiện?

Tới phiên ông Tư cộ mắt ếch,

— Bà! Ăn nói lãng xẹt không à! Hên là hôm nay Ba Mươi Tết, chứ gặp ngày Mùng Một là xui cả năm rồi...

Ông Tư hỏi lợi,

— Mà mần chi bà xúi tui mua cái líp ba ga?... Ở bên này đi đâu một bước thì cũng leo lên xe hơi. Xe gắn máy tui còn chưa dám lái, nói chi xe đạp… Mà tui có đạp xe đạp bao giờ đâu mà bà xúi tui mua cái líp ba ga để mần chi?

Dì Tư ăn nói mát mẻ,

— Ông đó! Ông mới cự tui là mê tín dị đoan... Còn ông, ông cũng kém chi... Ba Mươi với Mùng Một! Mà thôi... Tui nhắc ông mua trái "xài" với cái líp ba ga bởi ông nói ông năm mới ông xin với Chúa cầu dzừa đủ xài...

Dì Tư kết luận,

— Còn tui, tui khác ông, tui là tui khoái “xài” líp ba ga, xài thả dàn...

Ông Tư trợn mắt nhìn vợ, đứng dậy, lắc lắc đầu, bỏ đi,

— Bà này! Già rồi sao mà còn ham hố quá! Thiệt tình!



Lời Chúa
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày…

Lời Nguyện
Lạy Chúa, trong không khí rộn ràng của Giao Thừa Ba Mươi Tết, chúng con xin dâng lên Chúa một năm mới. Xin Thiên Chúa chúc lành chúng con, gia đình yêu mến, và bạn bè thân thương một năm mới bình an và sức khỏe.

□ Nguyễn Trung Tây
www.nguyentrungtay.webs.com
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Hồng
Thérésa Nguyễn
21:41 04/02/2015
HOA HỒNG
Ảnh của Thérésa Nguyễn
Tên gọi mang ý nghĩa chi?
Gọi hoa hồng bằng bất cứ tên
gì khác thì vẫn là cái bông mang
hương thơm ngọt ngào.

What in the name?
That which we call a rose by any
other name would smell as sweet.
(Shake-Speares)
 
VietCatholic TV
Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 29/01-04/02/2015: Câu chuyện Chúa Giêsu giảng dạy trong Hội Đường Nazarét
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
20:34 04/02/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Ký ức và hy vọng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cảnh báo rằng các Kitô hữu thờ ơ, là những người đã đánh mất đi ký ức và lòng nhiệt thành về cuộc gặp gỡ đầu tiên của họ với Đức Kitô, đang đứng trước nguy cơ rước ma quỷ vào nhà mình. Đức Giáo Hoàng giải thích rằng người Kitô hữu phải luôn giữ ký ức về cuộc gặp gỡ đầu tiên của mình với Chúa Kitô cũng như niềm hy vọng của họ nơi Ngài để giúp họ tiến về phía trước với lòng can đảm của đức tin. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong thánh lễ Sáng thứ Sáu 30 tháng Giêng tại nhà nguyện Santa Marta.

Trình bày những suy tư của ngài trên Thư gửi tín hữu Do Thái, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhận định rằng một người không còn nhớ về cuộc gặp gỡ đầu tiên của mình với Chúa Giêsu là một con người trống rỗng và nghèo nàn về tâm linh, như trong trường hợp của những người nhạt đạo. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng ngày đầu gặp gỡ với Đức Kitô không bao giờ có thể bị lãng quên.

Những Kitô hữu lạnh nhạt đang trong vòng nguy hiểm

"Ký ức của chúng ta rất quan trọng để nhắc nhớ ta về những ân sủng nhận được, bởi vì nếu chúng ta xua đi lòng nhiệt thành đến từ ký ức của tình yêu đầu tiên này, thì lúc đó một nguy cơ rất lớn ập đến với các Kitô hữu: nguy cơ của một đức tin lụi tàn, một Kitô hữu thờ ơ. Họ vẫn đang ở đó nhưng bất động. Đúng họ đang là các Kitô hữu, không sai, nhưng họ đã mất đi ký ức về tình yêu đầu tiên. Và họ cũng đã đánh mất đi lửa nhiệt tình trong họ. Ngoài ra, họ cũng đã mất kiên nhẫn, không còn chịu đựng nổi những vấn đề trong cuộc sống với một tinh thần yêu thương của Chúa Giêsu, để tha thứ, và vác trên vai những khó khăn. ... Những Kitô hữu nhạt đạo, những kẻ thật tội nghiệp, họ đang trong vòng nguy hiểm. "

Đức Thánh Cha Phanxicô nói khi ngài nghĩ đến các Kitô hữu thờ ơ, ngài bị đánh động bởi hai hình ảnh đánh kinh tởm, thứ nhất là hình ảnh về con chó ăn lại những gì nói đã ói ra được mô tả bởi Thánh Phêrô; và thứ hai là câu chuyện Chúa Giêsu kể về những người đã đuổi ma quỷ đi và quyết định đi theo Tin Mừng nhưng khi ma quỷ quay trở lại với quân tiếp viện thì họ lại mở toang cửa nhà ra đón chúng. Đức Giáo Hoàng nói điều này giống như quay trở lại với thứ ô uế đã nôn ra trước đó.

"Một Kitô hữu có hai thông số là ký ức và hy vọng. Chúng ta phải gợi lên ký ức của chúng ta để đừng đánh mất đi kinh nghiệm đẹp đẽ của tình yêu đầu tiên là nguồn mạch đem đến cho chúng ta hy vọng. Nhiều lần hy vọng bị chìm ngập trong bóng tối nhưng Kitô hữu vẫn đi về phía trước. Anh chị em ấy tin và tiến về phía trước bởi vì họ biết rằng hy vọng trong việc tìm kiếm Chúa Giêsu không bao giờ làm họ thất vọng. Hai tham số này chính là những khung cảnh trong đó chúng ta có thể bảo vệ ơn cứu rỗi xuất phát từ Chúa dành cho những người lành."

Đức Giáo Hoàng nói ơn cứu rỗi này cần phải được bảo vệ để bảo đảm rằng hạt cải nhỏ bé sẽ lớn lên và sinh hoa kết quả.

"Thật buồn và đau lòng khi thấy rất nhiều người Kitô hữu - rất nhiều Kitô hữu! - nửa vời, rất nhiều Kitô hữu, những người đã thất bại trên con đường hướng tới một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, những người đang xa lánh cuộc gặp gỡ này với Chúa Giêsu; những người đã mất ký ức về tình yêu đầu tiên và không còn có bất kỳ chút hy vọng nào. "

2. Đừng tư nhân hóa đức tin

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chỉ trích một số thành phần trong Giáo Hội đang tạo ra các bè phái và khinh miệt người khác. Họ đang tư nhân hóa đức tin và không đi theo con đường của Chúa Giêsu. Ngài nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 29 tháng Giêng tại nhà nguyện Santa Marta.

Bài giảng của Đức Giáo Hoàng nói lên sự cần thiết là các Kitô hữu theo Chúa Giêsu theo đúng cách mà Người muốn, chứ đừng đi theo mô hình sai lạc như việc tư nhân hóa đức tin của chúng ta.

"Đúng là Chúa Giêsu đã cứu tất cả chúng ta, nhưng không phải một cách chung chung. Ngài cứu tất cả chúng ta, mỗi một người với họ và tên riêng của người ấy. Và đó là sự cứu rỗi cá nhân dành cho mỗi người chúng ta. Tôi thực sự được cứu rỗi, Chúa nhìn tôi, ban cuộc sống Người cho tôi, Người mở cánh cửa này, cuộc sống mới này cho tôi và mỗi người trong chúng ta có thể nói ơn cứu độ này là dành "cho tôi." Tuy nhiên, có một nguy cơ chúng ta quên đi rằng Người cứu chúng ta cách riêng rẽ cá nhân, nhưng đồng thời cũng cứu ta như là một phần của Dân Ngài hay cộng đồng của Ngài. Chúa luôn luôn cứu dân Ngài. Từ thời điểm Người gọi Abraham và hứa ban cho ông một dân tộc. Và Chúa cứu chúng ta như là một phần của dân tộc này. Đó là lý do tại sao tác giả lá thư cho người Do Thái nói với chúng ta rằng: ‘Chúng ta hãy quan tâm cho nhau.’ Không thể có sự cứu rỗi chỉ duy nhất dành cho tôi. Nếu đó là cách tôi hiểu ơn cứu rỗi, thì tôi đã nhầm lẫn và đi vào con đường sai lầm. Tư nhân hóa ơn cứu độ là con đường sai lầm. "

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng có ba tiêu chuẩn để không không tư nhân hóa ơn cứu rỗi: “Đức Tin vào Chúa Giêsu, Đấng thanh tẩy chúng ta, Đức Cậy khích lệ chúng ta nhìn tới những lời hứa và tiến đi về phía trước và Đức Mến là chăm sóc lẫn nhau, khuyến khích tất cả chúng ta thực hành bác ái và các việc lành. "

"Và khi tôi ở trong một giáo xứ, trong một cộng đồng - hoặc bất cứ trong đoàn thể gì - tôi có thể tư nhân hóa ơn cứu rỗi và chỉ dự phần trong cộng đồng ấy trên một bình diện xã hội thu hẹp. Để không tư nhân hóa sự cứu rỗi, tôi cần phải tự hỏi mình rằng tôi có nói và giao tiếp đức tin, đức tin, đức cậy và đức mến không. Nếu trong một cộng đồng cụ thể nào đó không có sự giao tiếp giữa các thành viên cũng chẳng có sự khuyến khích lẫn nhau thực hành ba nhân đức trọng yếu này, thì các thành viên của cộng đồng đó đã tư nhân hóa đức tin của họ. Mỗi người trong số họ đang tìm kiếm ơn cứu rỗi cho riêng mình, cho cá nhân của mình, không phải là ơn cứu rỗi cho tất cả mọi người, hay ơn cứu rỗi cho dân Chúa. Và Chúa Giêsu đã cứu rỗi tất cả chúng ta, nhưng như là một phần của dân Chúa, trong một Giáo Hội."

Đức Giáo Hoàng cho thấy rằng tác giả của Thư gửi tín hữu Do Thái đưa ra một số lời khuyên thực tế rất quan trọng: “Đừng vắng mặt trong Cộng đồng mà mình là thành phần, như một số đã làm”. Đức Giáo Hoàng nói điều này sẽ xảy ra khi chúng ta thuộc về một nhóm, một giáo xứ hay cộng đoàn và chúng ta phán đoán người khác, nhất là miệt thị họ. Điều này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh, không phải là con đường mới và sống động của Chúa Giêsu.

"Họ khinh miệt những người khác, họ tránh xa cộng đoàn, họ tránh xa dân Chúa, họ đã tư nhân hóa sự cứu rỗi: ơn cứu rỗi là dành cho tôi và nhóm nhỏ của tôi, nhưng không phải cho tất cả dân của Thiên Chúa. Và đây là một sai lầm rất nghiêm trọng. Đó là những gì chúng ta nhìn thấy và gọi đó là: ‘Các tầng lớp ưu tuyển trong Giáo Hội’. Khi các nhóm nhỏ như thế được tạo ra trong lòng các cộng đồng dân Chúa, những người nói trên tin rằng họ là những Kitô hữu tốt và cũng có thể cho rằng mình đang hành động trong đức tin tốt, nhưng họ là những nhóm nhỏ, những người đang tư nhân hóa ơn cứu rỗi. "

Nhắc lại rằng Thiên Chúa cứu độ chúng ta như là một phần của dân Chúa, không phải như là một phần của một nhóm ưu tú, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kết luận bài giảng của Ngài bằng cách thúc giục chúng ta phải xem xét liệu chúng ta đang có xu hướng tư nhân hóa đức tin của chúng ta theo cách này thay vì gần gũi với dân Chúa và thực hành ba nhân đức tin, cậy, mến.

3. Câu chuyện Chúa Giêsu giảng dạy trong Hội Đường Nazarét

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Ðược quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Ðức Giêsu trở về miền Galilê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy trong các hội đường của họ, và được mọi người tôn vinh.

Rồi Ðức Giêsu đến Nazarét, là nơi Người sinh trưởng.

Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.

Ðức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe". Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.

Họ bảo nhau: "Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?" Người nói với họ: "Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Caphácnaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!" Người nói tiếp: "Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.

"Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: thiếu gì bà goá ở trong nước Ítraen vào thời ông Êlia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nuớc phải đói kém dữ dội, thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xarépta miền Xiđon.

Cũng vậy, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ítraen vào thời ngôn sứ Êlisa, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Xyria thôi".

Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành - thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Câu chuyện Chúa Giêsu giảng dạy trong hội đường thành Nazarét nói lên những điều kiện cần và đủ giúp hoàn thành sứ mạng Thiên Chúa đã trao cho con người, mà Chúa Giêsu là một mẫu gương đã chu toàn cách hoàn hảo.

Trước hết người đi theo Chúa được mời gọi tiến bước vào trong môi trường và hoàn cảnh sống cụ thể của quê hương xứ sở mình. Cũng như Chúa Giêsu phải hoàn tất sứ mạng của mình trước tiên tại quê hương xứ sở là Nazarét, “là nơi Người sinh trưởng”, với tất cả niềm vui nỗi buồn, được đón nhận hay bị từ chối, được tôn vinh hay bị khinh khi… Người tông đồ cũng phải chấp nhận những thực tại ấy, sẽ bị hiểu lầm, bị chống đối, sẽ gặp nhiều khó khăn như Chúa. Có thể những khó khăn ấy lại bắt đầu từ chính nơi thân thương nhất của mình như gia đình, làng xóm, hoặc xứ đạo…

Bên cạnh đó, người tông đồ khi đi theo Chúa cũng phải trở nên giống Chúa Giêsu, phải mạnh dạn và thường xuyên công bố Lời Chúa “như Chúa vẫn quen làm”. Đây là việc phải được thực thi mọi ngày, mỗi ngày, thực thi trong từng giây phút của cuộc sống. Đây cũng phải là việc ăn vào nếp sống của từng người đến nỗi trở thành thói quen, thành điều kiện cần và đủ của cuộc sống. Lời Chúa phải là nguồn sống, là sức mạnh của người tông đồ.

Hơn nữa, người tông đồ cũng phải làm cho Lời Chúa mà mình công bố được ứng nghiệm trên chính cuộc đời của mình. Phải mạnh dạn nói được như Chúa Giêsu: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe".

4. Chúa Giêsu giảng dạy trong Hội Đường Do Thái tại Carpharnaum

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Chúa Giêsu đã rong ruổi khắp miền thập tỉnh để rao giảng về Nước Trời. Trong Tin Mừng theo thánh Máccô, câu chuyện Chúa Giêsu giảng dạy trong Hội Đường Nazarét mà Như Ý vừa trình bày ở trên là phần tiếp theo của câu chuyện Chúa Giêsu giảng dạy trong một hội đường Do Thái ở Carpharnaum.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã phân tích những khiá cạnh cuả đọan Tin Mừng này trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 1 tháng Hai.

Ngài nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em

Đoạn sách Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (Xc Mc 1,21-28) trình bày Chúa Giêsu với cộng đoàn nhỏ bé các môn đệ của Ngài đi vào Carpharnaum, là thành nơi Phêrô sinh sống và hồi đó là thành lớn nhất ở miền Galilea.

Thánh sử Marco kể lại rằng vì hôm đó là ngày thứ Bẩy nên Chúa Giêsu đi ngay tới Hội đường và bắt đầu giảng dạy (Xc v.21). Điều này làm ta nghĩ đến vị trí tối thượng của Lời Chúa, Lời cần được lắng nghe, đón nhận và loan báo. Khi đến Carphanaum, Chúa Giêsu không hoãn lại việc loan báo Tin Mừng, Ngài không nghĩ đến việc thu xếp chỗ ăn ở cho cộng đoàn bé nhỏ của Ngài, tuy là cần thiết, Chúa không nghĩ đến việc tổ chức trước tiên. Mối quan tâm chính của Ngài là thông truyền lời Chúa với sức mạnh của Chúa Thánh Linh. Và dân chúng trong Hội đường có ấn tượng mạnh, vì Chúa Giêsu ”giảng dạy họ như một người có uy quyền, chứ không phải như các nhà thông luật” (v.22).

Nhưng “giảng dạy với uy quyền có nghĩa là gì?” Thưa có nghĩa là trong lời nói nhân trần của Chúa Giêsu, người ta cảm thấy sức mạnh của Lời Chúa, cảm thấy chính thế giá của Thiên Chúa, là Đấng Linh hứng các Sách Thánh. Và một trong những đặc tính của Lời Chúa là thực hiện điều Chúa nói. Vì Lời Chúa tương ứng với ý Chúa. Trái lại, nhiều khi chúng ta nói những lời trống rộng, không có căn cội, hoặc nói những lời thừa thãi, những lời không tương ứng với sự thật. Lời Chúa tương ứng với sự thật, đồng nhất với ý chí và thực hiện điều Ngài nói. Thực vậy, Chúa Giêsu, sau khi rao giảng, đã chứng tỏ ngay uy quyền của Ngài bằng cách giải thoát cho một người bị quỷ ám đang có mặt trong Hội đường lúc ấy (Xc Mc 1,23-26). Chính uy quyền của Chúa Kitô đã khơi dậy phản ứng của Satan, ẩn nấp trong người ấy; và Chúa Giêsu nhận ra ngay tiếng nói của ma quỷ, nên Ngài nghiêm nghị truyền lệnh: “Hãy im đi! Hãy ra khỏi người này!” (v.25). Với nguyên sức mạnh của lời Ngài, Chúa Giêsu giải thoát người ấy khỏi ma quỷ. Và một lần nữa những người hiện diện kinh ngạc nói: “Ông này truyền lệnh cho cả những thần ô uế và chúng vâng phục Ông!” (v.27).

“Tin Mừng là lời sự sống: không đè nén con người, trái lại giải thoát những người nô lệ khỏi bao nhiêu thần dữ của thế gian này: sự ham ố danh vọng, quyến luyến tiền bạc, kiêu ngạo, mê dâm dục.. Tin Mừng thay đổi con tim, thay đổi cuộc sống, biến đổi những xu hướng xấu xa thành quyết tâm làm điều thiện.. Vì thế, nghĩa vụ của các tín hữu Kitô là phổ biến khắp nơi sức mạnh cứu độ, trở thành thừa sai và sứ giả của Lời Chúa. Đó cũng là điều mà đoạn Tin Mừng hôm nay gợi ý, khi kết thúc bằng cách mở ra một viễn tượng truyền giáo: ”Tiếng tăm của Ngài - danh tiếng của Chúa Giêsu - được phổ biến ngay ở các nơi thuộc miền Galilea” (v.28). Đạo lý mới mẻ mà Chúa Giêsu giảng dạy với uy quyền chính là đạo lý mà Giáo Hội mang tới thế giới, cũng với những dấu chỉ hữu hiệu về sự hiện diện của Chúa: giáo huấn với uy quyền và hoạt động cứu độ của Con Thiên Chúa trở thành những lời cứu độ và những cử chỉ yêu thương của Giáo Hội truyền giáo.

Anh chị em hãy luôn nhờ rằng Tin Mừng có sức thay đổi cuộc sống, Tin Mừng chỉ biến đổi chúng ta khi chúng ta để cho mình được Tin Mừng biến đổi. Chính vì thế, tôi xin anh chị em hãy tiếp xúc hằng ngày với Tin Mừng, mang sách Tin Mừng trong túi, trong sắc.. đễ mỗi ngày để đọc một câu, một đoạn Tin Mừng.. Đó là sức mạnh biến đổi chúng ta, thay đổi cuộc sống, thay đổi con tim”.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Chúng tay hãy cầu xin sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã đón nhận Ngôi Lời và sinh Người cho thế giới, cho tất cả mọi người. Xin Mẹ dạy chúng ta trở thành những người chăm chỉ lắng nghe và loan báo một cách có uy tín Tin Mừng của Chúa Giêsu.

5. Cần cầu xin cho biết thực thi thánh ý Chúa mỗi ngày trong đời ta

Chúng ta cần phải cầu nguyện với Chúa mỗi ngày để hiểu thánh ý muốn, tuân theo và thực hiện hoàn toàn ý muốn Ngài. Đó là thông điệp trọng tâm trong bài giảng Thánh Lễ sáng thứ Ba 27 tháng Giêng tại nhà nguyện Santa Marta.

Dựa trên bài đọc trong ngày, Đức Thánh Cha đã trình bày những suy tư của ngài về một trong những nền tảng của đức tin chúng ta: đó là sự vâng phục thánh ý Chúa. Theo Đức Thánh Cha, con đường nên thánh cho mỗi Kitô hữu là thực thi thánh ý Chúa mỗi ngày trong đời ta.

"Chiều ngược lại bắt đầu tại Vườn Địa Đàng với thất bại của Adong khi ông bất tuân thánh ý Chúa. Và sự bất tuân đó giáng tai họa lên toàn thể nhân loại. Cả tội lỗi cũng là những hành vi bất tuân đối với Thiên Chúa, không làm theo thánh ý của Thiên Chúa. Chúa dạy chúng ta rằng tuân phục thánh ý Chúa là con đường phải theo, không có con đường nào khác. Và con đường ấy bắt đầu với Chúa Giêsu trên thiên đường, trong ước muốn tuân phục Chúa Cha. Còn ở trái đất này con đường ấy bắt đầu với Đức Mẹ: Mẹ đã nói gì với các thiên thần nhỉ? ‘Xin hãy làm cho tôi như lời Thánh Thiên Thần truyền’. Và với tiếng ‘Xin Vâng’ ấy với Thiên Chúa, Chúa chúng ta đã bắt đầu hành trình của Ngài giữa chúng ta. "

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng, tuy nhiên, vâng theo thánh ý Chúa không phải là dễ dàng. Ngay cả đối với Chúa Giêsu cũng không dễ dàng khi Ngài phải đối mặt với những cám dỗ trong hoang địa hoặc trong Vườn Cây Dầu. Nó cũng chẳng phải là dễ dàng cho các môn đệ của Ngài cũng như cho chúng ta, khi mỗi ngày chúng ta phải đối mặt với một khay của rất nhiều lựa chọn khác nhau và đó là lý do tại sao chúng ta cần ân sủng của Thiên Chúa.

"Tôi có cầu nguyện xin Chúa cho tôi lòng ao uớc thực thi thánh ý Ngài không, hay tôi chỉ tìm kiếm một sự thỏa hiệp vì tôi sợ thánh ý Chúa? Một điều nữa: khi cầu nguyện để biết thánh ý Chúa dành cho tôi và cuộc sống tôi về một quyết định mà tôi phải đưa ra ngay bây giờ.. . có rất nhiều điều trong cách thức mà chúng ta hành xử mọi thứ.. .. Hãy cầu nguyện cho lòng ao ước được làm theo ý muốn của Thiên Chúa và cầu nguyện để biết ý muốn của Thiên Chúa. Và khi tôi biết ý muốn của Thiên Chúa rồi, thì hãy cầu nguyện lần thứ ba, để tuân theo thánh ý ấy. Để thực thi thánh ý ấy, chứ không phải là ý riêng tôi, nhưng là ý muốn của Ngài. Và tất cả điều này không dễ đâu. "

Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng chúng ta cần phải cầu nguyện để có lòng mong muốn làm theo thánh ý của Thiên Chúa, cầu nguyện để biết ý muốn của Thiên Chúa và một khi chúng ta biết điều này, hãy cầu nguyện cho có sức mạnh để đi tới và tuân theo ý muốn của Ngài.

"Chúa ban ân sủng của Ngài cho tất cả chúng ta để một ngày kia Ngài có thể nói về chúng ta như Ngài đã nói về nhóm đông đảo những người đi theo Ngài, những người ngồi xung quanh Ngài, cũng như chúng ta đã nghe trong bài Tin Mừng: "Đây là mẹ tôi và anh chị em của tôi. Ai thi hành thánh ý Thiên Chúa là anh em, chị em tôi và mẹ tôi." Thực thi thánh ý Chúa làm cho chúng ta trở thành một phần trong gia đình của Chúa Giêsu, gồm cha, mẹ, và anh chị em của Ngài."

6. Gương mặt và sự hiện diện của người cha trong gia đình rất quan trọng đối với sự phát triển của con cái

Sự vắng bóng gương mặt của người cha trong cuộc sống của trẻ em và người trẻ tạo ra các thiếu sót và vết thương có thể rất trầm trọng.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với 8.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ thứ tư hàng tuần trong đại thính đường Phaolô Đệ Lục. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha suy tư về gương mặt của người cha trong gia đình. Ngài nói:

Hôm nay chúng ta để cho mình được hướng dẫn bởi từ “cha”. Đó là một từ kitô hữu chúng ta yêu thích hơn mọi từ khác, bởi vì đó là tên mà Chúa Giêsu dã dậy chúng ta gọi Thiên Chúa. Ý nghĩa của từ này đã nhận được một sự sâu sắc mới chính từ kiểu Chúa Giêsu dùng để hướng về Thiên Chúa và biểu lộ tương quan đặc biệt của Người với Thiên Chúa. Mầu nhiệm sự thân tình của Thiên Chúa Cha, Con và Thần Khí do Chúa Giêsu mạc khải, là trung tâm đức tin kitô của chúng ta.

Cha là một từ phổ quát ai cũng biết. Nó ám chỉ một tương quan nền tảng mà thực tế cổ xưa như lịch sử con người. Tuy nhiên, ngày nay người ta đã đi tới chỗ khẳng định rằng xã hội chúng ta là một “xã hội không cha”. Nói cách khác, đặc biệt trong nền văn hóa tây phương, gương mặt của người cha một cách biểu tượng đã vắng bóng, đã bị biến mất, bị lấy mất. Ban đầu sự kiện được nhận thức như là một sự giải phóng: giải phóng khỏi người cha - chủ nhân, khỏi người cha như người đại diện cho luật lệ, bị áp đặt từ bên ngoài, khỏi người cha như kẻ kiểm soát hạnh phúc của con cái và như là chướng ngại vật của sự thoát ly và tự chủ của người trẻ. Thật thế, đôi khi trong các gia đình của chúng ta trong quá khứ đã ngự trị khuynh hướng độc đoán, trong vài trường hợp cả sự đàn áp nữa: cha mẹ đối xử với con cái như đầy tớ, không tôn trọng các đòi hỏi cá nhân sự trưởng thành của chúng; các người cha không trợ giúp con cái bước đi trên con đường của chúng trong tự do và lãnh các trách nhiệm riêng để xây dựng tương lai của chúng và của xã hội.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ:

Và như thường xảy ra là người ta đi từ thái cực này sang thái cực khác. Vấn đề của chúng ta ngày nay xem ra không là sự hiện diện xâm lấn của các người cha, nhưng là sự vắng bóng, sự trốn tránh của người cha. Đôi khi các người cha tập trung nơi chính mình và việc hiện thực cá nhân mình tới độ quên cả gia đình. Và họ để trẻ em và người trê con cái họ một mình. Khi còn là Giám Mục Buenos Aires tôi đã nhận ra cảm giác mồ côi mà người trẻ ngày nay sống. Giờ đây trong suy tư chung này về gia đình, tôi muốn nói với tất cả mọi cộng đoàn kitô rằng chúng ta phải chú ý nhiều hơn nữa: Sự vắng bóng gương mặt của người cha trong cuộc sống của trẻ em và người trẻ tạo ra các thiếu sót và vết thương có thể rất trầm trọng.

Và qủa thế, các lệch lạc của trẻ em và thanh thiếu niên một phần lớn có thể tìm ra trong sự thiếu sót này, thiếu sót các gương sống và các hướng dẫn uy tín trong cuộc sống thường ngày của chúng. Ý thức về sự mồ côi mà nhiều người trẻ sống sâu đậm hơn là chúng ta tưởng nghĩ. Đức Thánh Cha giải thích thêm điểm này như sau:

Chúng mồ côi trong gia đình, bởi vì các người cha thường vắng mặt, không ở nhà, cả trong thể lý nữa, nhưng nhất là bởi vì khi ờ nhà, họ lại không hành xử như là cha, họ không chu toàn nhiệm vụ giáo dục và không trao ban cho con cái các nguyên tắc, các giá trị, các luật sống mà chúng cần như cơm bánh, với gương sống đi kèm lời nói của họ. Phẩm chất giáo dục của sự hiện diện của người cha lại càng cần thiết hơn nữa, khi người cha bị bó buộc phải làm việc xa nhà. Đôi khi xem ra các người cha không biết rõ phải chiếm chỗ nào trong gia đình và phải giáo dục con cái ra sao. Và khi đó, trong sự nghi ngờ họ vắng mặt, họ rút lui và lơ là trách nhiệm của mình, có khi là trốn chạy vào trong một tương quan “ngang hàng” với con cái.

Nhưng xã hội dân sự, với các cơ cấu của mình, cũng có trách nhiệm đối với người trẻ, một trách nhiệm, mà đôi khi nó lơ là hay thi hành dở. Thường khi xã hội cũng để người trẻ mồ côi và không đề nghị với họ một viễn tượng thật. Như thế giới trẻ bị mồ côi không có các con đường chắn chắn để đi, mồ côi không có các thầy dậy để tin cậy, mồ côi các lý tưởng sưởi ấm con tim, mồ côi các giá trị và các niềm hy vọng nâng đỡ họ thường ngày. Họ được lấp đầy bởi các thần tượng, nhưng người ta ăn cắp trái tim của họ; họ bị đầy tới chỗ mơ tưởng các cuộc giải trí và lạc thú, nhưng người ta không cho giới trẻ công việc làm; họ bị ảo tưởng với thần tiền bạc và người ta khước từ trao ban cho họ các điều phong phú thực sự.

Do đó thật là tốt cho tất cả mọi người, cha và con cái, nghe trở lại lời Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ: “Thầy sẽ không để các con mồ côi” (Ga 14,18). Thật vậy, chính Ngài là Đường phải theo, là Thầy phải lắng nghe, là niềm Hy vọng rằng thế giới có thể thay đổi, tình yêu chiến thắng hận thù, có thể có một tương lai của tình huynh đệ, hòa bình cho tất cả mọi người.