Ngày 04-02-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy niệm Chúa Nhật tuần 5A Thường niên
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:35 04/02/2020
Chúa Nhật 5 THƯỜNG NIÊN. A
(Mt. 5, 13-16)
MUỐI ĐỜI


Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: Các con là muối đất và là ánh sáng thế gian. Muối và ánh sáng là hai hình ảnh sống động và thực tế trong cuộc sống.

Ngày xưa, muối là món rất qúi được dùng để trả lương cho người làm công hay lương cho người lính tại Rôma. Chữ salary (tiền lương) bởi chữ salt (muối). Ánh sáng giúp chúng ta nhìn biết môi trường sống chung quanh. Chúa Giêsu só sánh đời sống của các môn đệ như là ánh sáng. Ánh sáng cần được đặt trên giá đề soi sáng cho mọi người. Ánh sáng soi đường và đẩy lui đêm tối.

Trước khi có tủ lạnh, người ta dùng muối để ướp thức ăn cho khỏi hư thối. Muối có vị mặn giúp ta pha chế vào thức ăn cho ngon miệng. Muối cũng giúp cho cơ thể tránh bị phù thũng. Muối tự nó không giúp ích, nhưng cần được pha chế, hòa tan và ngấm dần trong các chất khác. Muối sẽ có giá trị lớn lao.

Chúa Giêsu nói rằng nếu muối mất vị mặn, muối đó không còn được sử dụng vào việc chi nữa. Các con là muối đất nghĩa là các con như chất xúc tác được trộn lẫn, hòa nhập vào trong hoàn cảnh của cuộc sống và môi trường chung quanh để ướp mặn đời. Muối sẽ đem lại ý nghĩa cho cuộc đời của người tông đồ. Hiện diện nơi trần gian, chúng ta có bổn phận ướp gian trần khỏi hư thối.

Hình ảnh cuộc đời người Kitô Hữu mang danh hiệu là muối đất. Muối của người Kitô hữu sống giữa một xã hội đang bị tha hóa bởi nhũng tệ đoan. Muối đất cần vị mặn nhiệt thành để thanh tẩy và đem lại cho xã hội cuộc sống thêm đậm đà hương vị thánh. Một lời nói, một hành động, một cử chỉ bác ái đó chính là vị mặn. Một chút muối đức tin, đức cậy và đức mến sẽ mang lại cho những người chung quanh niềm vui và hy vọng.

Là ánh sáng thế gian, chúng ta phải chiếu sáng trong tối tăm. Chúng ta hãy giới thiệu Chúa cho người xung quanh qua cách sống đạo của chúng ta. Trước hết những người gần gũi trong gia đình thân thuộc, rồi hướng tới những người chung quanh. Xin Chúa cho chúng ta luôn là muối mặn và là ánh sáng hiện diện trong đời để làm tăng thêm ý nghĩa và giá trị cho cuộc đời.

TUẦN 5 MÙA THƯỜNG NIÊN
THỨ HAI

Mc. 6: 53-56

Chúa Giêsu và các môn đệ đến miền đất Giênêsarét. Người ta nghe tin và nhận ra Chúa Giêsu. Người ta khiêng tất cả các bệnh nhân đến xin Chúa chữa. Nhiều người chỉ mong được chạm đến tua áo của Ngài và ai chạm tới đều được khỏi. Đây đúng là năm hồng ân và ân sủng. Thiên Chúa đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người.

Chúa đã cất bớt những khổ đau của họ. Nhưng điều quan trọng hơn trong sứ mệnh, đó là Chúa đến để loan truyền ơn cứu độ không chỉ trong thời điểm này mà là kéo dài đến tận cùng. Chúa không hiện diện mãi ở đó để thi ân và chữa bệnh. Con người với thân xác mỏng dòn còn phải đối diện với các khiếm khuyết của cuộc sống. Muôn ngàn thứ bệnh vẫn cứ tiếp nối đời này qua đời kia. Sinh, lão, bệnh và tử là con đường mà mọi người phải đi qua.

Chúa chữa các bệnh tật là biểu tỏ lòng thương xót của Chúa. Chúa chia xẻ những khổ đau với các bệnh nhân và Chúa dẫn họ qua sự khổ đau để đạt tới vinh quang sự sống. Chúa chỉ dạy cách thế dùng đau khổ để khắc phục và rèn luyện tinh thần. Qua đau khổ, con người sẽ học biết được những giá trị của sự phấn đấu và thành công.

Đau khổ tự nó là điều bất hạnh nhưng đau khổ được liên kết với thập giá của Chúa Kitô, đau khổ sẽ trở thành niềm vui.

THỨ BA
Mc. 7: 1-13


Tiên tri Isaia đã cảnh cáo dân Chúa trong cách sống đạo của họ: Dân này tôn kính Thiên Chúa ngoài môi miệng, còn lòng chúng thì xa Chúa. Lời của tiên tri Isaia được Chúa Giêsu nhắc lại cho dân chúng đến nghe Chúa. Các người biệt phái và luật sĩ vẫn cứ lẽo đẽo theo Chúa và các môn đệ để bắt bẻ những vi phạm hình thức và tập tục của lề luật. Chúa Giêsu nói với họ rằng: Các ngươi đã khéo bỏ các giới răn Thiên Chúa, mà nắm giữ tập tục loài người.

Họ bỏ những điều quan trọng trong lề luật để thi hành những chi tiết họ đặt ra. Cốt lõi của lề luật là giúp con người biết cách yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa cùng yêu thương tha nhân. Họ quá trọng hình thức và những cách thế bày tỏ bên ngoài như đeo nhiều tua Kinh Thánh, giang tay cầu nguyện nơi phố chợ, khoe khoang công đức hay ủ rủ khi chay tịnh. Họ làm thế cố ý để người khác thấy mà khen.

Chúa Giêsu thấu tỏ lòng họ. Chúa cũng thấu tỏ lòng mỗi người chúng ta. Chúng ta cũng thường rơi vào các yếu điểm như những người Do Thái. Chúng ta cũng thích đọc kinh dài dòng, tỏ vẻ đạo đức, làm việc bác ái cũng cần được nêu tên, hoặc ghi bảng vàng. Chúng ta thờ Chúa vì bổn phận phải chu toàn. Chúng ta thích chọn những cách giữ đạo nhẹ nhàng, thoải mái và tiện nghi. Đôi khi chúng ta giữ các giới răn của Chúa là để khỏi bị kết án luận phạt. Lạy Chúa, Chúa muốn tấm lòng của chúng con chứ không phải chỉ là môi miệng.

THỨ TƯ
Mc. 7: 14-23


Chúa Giêsu họp lại đám đông và nói với họ: Không có gì từ bên ngoài vào trong con người có thể làm cho họ ra ô uế; nhưng chính cái từ con người xuất ra, mới là cái làm cho họ ra ô uế. Chúa Giêsu nói một cách cụ thể theo quan sát bình thường. Chúa nói về của ăn nuôi sống con người. Của ăn có nhiều loại như cơm bánh, thịt cá, rau rợ…những của ăn đó vào trong bụng nuôi dưỡng thân xác rồi xuất ra ngoài.

Những thứ ở trong con người mà ra, mới làm con người ra ô uế như những tư tưởng xấu, dâm ô, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá và kiêu ngạo. Tất cả những điều xấu phát xuất từ tư tưởng làm cho người ta ra ô uế. Tư tưởng hướng dẫn hành động, chúng ta phải có tư tưởng trước rồi mới hành động.

Khi chúng ta đọc kinh cáo mình, chúng ta xưng thú rằng: Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu xót. Lòng đầy thì mới trào ra bên ngoài. Khi chúng ta nhiễm đầy ắp những tư tưởng xấu trong lòng thì dễ bị bộc lộ ra ngoài qua cách cư xử của chúng ta.

Ngày nay chúng ta chú ý nhiều đến vẻ sạch sẽ bên ngoài như cách trưng diện, đầu tóc, quần áo, bôi son đánh phấn nhưng lại thường quên mất sự sạch sẽ bên trong tâm hồn. Nhớ rằng trước khi bước ra khỏi nhà, chúng ta soi gương khuôn mặt bên ngoài, chúng ta cũng nhớ hình ảnh tâm hồn thanh sạch bên trong.

THỨ NĂM
Mc.7: 24-30


Một người đàn bà Hy Lạp đến xin Chúa trừ qủy cho cô con gái bị thần ô uế ám. Chúa đã thử thách đức tin của bà. Chúa dùng lời hơi nặng: Hãy để con cái ăn no trước đã; vì không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó. Bà ấy đáp lại: Thưa Thầy, ngay cả chó con dưới bàn cũng được ăn những mụn bánh của con cái. Có nhiều giải thích câu nói cho nhẹ nhàng và dễ nghe. Nghe qua sự đối đáp giữa Chúa Giêsu và người đàn bà Hy Lạp, chúng ta thấy bà có sự hiểu biết và thông cảm. Bà trả lời rất hay và rất khiêm tốn. Chúa đã chữa cho con gái của bà.

Bà nghe biết về Chúa và bà đặt niềm tin nơi Chúa. Bà không bị thất vọng. Biết rằng tất cả những ơn Chúa ban đều do lòng từ bi của Chúa. Không ai có quyền đòi hỏi ngay cả con cái trong nhà. Chúa ban ơn huệ cho con người vì Chúa yêu thương. Nhiều khi chúng ta cảm thấy ghen tị vì những người gian dối, tội lỗi hoặc những ngoại đạo được nhiều may mắn và lãnh nhận nhiều ơn lành hơn chúng ta.

Chúng ta không có quyền đòi hỏi gì nơi Thiên Chúa. Chúng ta chỉ là thụ tạo hư vô. Chúng ta chẳng có công cán gì trước mặt Chúa mà chỉ là một đầy tớ vô dụng. Chúng ta biết Chúa yêu thương chúng ta. Chúng ta cứ kiên trì tin tưởng, Chúa sẽ ban ân huệ cho chúng ta. Có khi chúng ta xin hoài mà không được, chúng ta buồn bã kêu trách Chúa. Nhưng nhìn lại lòng mình, Chúa đã ban cho chúng ta nhiều hơn cái chúng ta xin.

THỨ SÁU
Mc. 7: 31-37


Thánh Marcô dẫn chúng ta đi theo Chúa ra khỏi địa hạt Tyrô, ngang qua Siđon, đến biển Galilêa và giữa miền thập tỉnh. Người ta đem đến cho Chúa một người câm điếc và xin Chúa chữa. Một cách rất trìu mến, Chúa kéo anh ra khỏi đám đông, đặt tay vào tai, lấy nước miếng bôi vào lưỡi anh và nói:Hãy mở ra, Ephpheta. Tai anh mở và lưỡi anh nói.

Anh vui mừng ngợi khen Thiên Chúa. Chúng ta không biết anh bị câm và điếc khi nào, giờ đây anh nghe được và nói được. Không phải anh nghe và nói được như những người khác, anh phải bắt lại từ đầu. Anh phải học nghe và học nói như trẻ nhỏ nhưng anh rất vui được giao tiếp với thế giới con người. Chúng ta có tai thính và có lưỡi mềm, chúng ta nghe biết bao nhiêu điều và chúng ta nói biết bao nhiêu sự nhưng những điều chúng ta nghe và nói có đem lại niềm vui đích thực cho chúng ta hay không? Có khi nào chúng ta biết cảm tạ Chúa đã cho chúng ta có đôi tai biết lắng nghe và miệng lưỡi để truyền đạt những điều tốt lành không?

Hạnh phúc lớn lao của người được chữa lành bệnh câm điếc là được lắng nghe lời Chúa. Lời yêu thương đã cứu chữa anh. Những người chung quanh Chúa họ đầy lòng thán phục, họ nói: Ngài làm mọi sự tốt đẹp, Ngài làm cho kẻ điếc nghe được, người câm nói được. Đây chính là dấu chỉ của Đấng Được Xức Dầu mà tiên tri Isaia đã loan báo. Lạy Chúa, xin mở miệng lưỡi con để con ca ngợi tình thương của Chúa.

THỨ BẢY
Mc. 8: 1-10


Dân chúng đã có những cuộc hành hương dài ngày ở bên Chúa. Đã ba ngày họ ở lại với Thầy mà không có gì ăn. Chúa chạnh lòng thương xót họ, Chúa không muốn thấy họ nhịn đói trở về nhà. Chúng ta không thể tưởng tượng hoàn cảnh giảng dạy của Chúa Giêsu thời xưa. Theo Chúa có khoảng bốn ngàn người, con số thật đông. Không biết họ giải quyết thế nào về vấn đề vệ sinh, ăn uống và ngủ nghỉ. Chúa vẫn lo cho họ đầy đủ.

Ngày nay nếu chúng ta tổ chức một hội nghị vài trăm người thôi, chúng ta phải lo đủ mọi thứ tiện nghi. Đủ mọi thứ nhu cầu phải đáp ứng. Bốn ngàn người nghe Chúa, làm sao Chúa có thể thông tin. Giữa đồng hoang không có loa, không có điện, không có màn hình và không có phương tiện gì cả. Chúa đã quy tụ họ và chăm sóc nuôi dưỡng tinh thần cho họ.

Chúa hỏi các môn đệ: Các con có bao nhiêu bánh? Các ông thưa: Có bảy chiếc. Chúa truyền cho dân ngả mình xuống đất. Ngài cầm lấy bảy chiếc bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ phân phát. Bánh từ tay Chúa được nhân lên muôn vàn. Bốn ngàn người ăn no còn dư được bảy thúng. Qua bàn tay thánh thiện, Chúa đã thi ân tràn trề cho con người được no thỏa.

Lạy Chúa, Chúa đã ban bánh cho dân chúng ăn uống thỏa thuê, xin Chúa tiếp tục gia ân cho chúng con.
 
Bài Giảng Thánh Lễ Tạ Ơn Kỷ Niệm 10 Năm Thụ Phong Giám Mục Của Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
10:05 04/02/2020
NẾU TÌNH YÊU LÀ NGƯỜI…

Bài Giảng Thánh Lễ Tạ Ơn Kỷ Niệm 10 Năm Thụ Phong Giám Mục Của Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi

(Thứ Ba ngày 04/02/2020)

Tôi cứ tưởng, do hiệu ứng tâm lý ảnh hưởng bởi đại dịch Coronavirus Vũ Hán, nhà thờ Chính Toà chiều nay sẽ ít người tham dự Thánh lễ.

Tuy nhiên, tạ ơn Chúa. Cộng đoàn phụng vụ chiều nay tập họp thật đông; đông một cách bất thường trong một buổi chiều thứ ba thường niên. Cũng dễ hiểu thôi, vì lịch Công Giáo của Giáo Phận Qui Nhơn Năm Phụng Vụ 2019-2020 hôm nay ngày 4 tháng 2 có ghi thật rõ bằng những chữ đậm màu đỏ: Kỷ niệm giáp 10 năm ngày tấn phong Giám Mục của Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi.

Tuy nhiên, tôi lại nghĩ rằng: có một lý do khác, sâu xa hơn, thuyết phục hơn, để chúng ta hôm nay quy tụ đông đảo cùng hiệp dâng Thánh Lễ Tạ ơn, đó chính là TÌNH YÊU. Vâng, sách Diễm Tình Ca đã xác quyết:

“Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu,

sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp.” (Dc 8,7)

Và Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Rôma cũng đã xác quyết:

“Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.” (Rm 8,38-39).

Vâng, chính “Tình yêu của Đức Kitô đã thúc bách chúng ta” (như châm ngôn Giám Mục của Đức Cha Matthêô đã chọn cách đây 10 năm), để chúng ta vượt qua mọi lo âu, sợ hải, về đây cùng dâng lời tạ ơn Thiên Chúa trong một sự kiện đức tin mà tất cả chúng ta đều có liên quan: hồng ân thánh chức Giám Mục.

Thật vậy, việc cộng đoàn chúng ta hôm nay cùng quây quần chung quanh hai vị chủ chăn của Giáo Phận, cùng với linh mục đoàn và toàn thể dân Chúa để họp mừng lễ tạ ơn Thiên Chúa về hồng ân 10 năm Giám Mục của vị Chủ Chăn giáo phận, Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, hoàn toàn không phải là một chuyện ngẩu hứng, đột xuất, hay cá nhân, riêng lẻ của Đức Cha…, mà là một điểm nhấn đặc biệt, một hành vi cơ bản trong sinh hoạt đức tin của người Kitô hữu, đặc biệt của cộng đoàn dân Chúa giáo phận Qui Nhơn.

Quả thật chúng ta đang thực hành đúng đắn lời chỉ dạy của Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Thessalônica mà chúng ta vừa nghe trong Bài đọc 2: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (I Tx 5,16-18).

Tuy nhiên, trên cái nền tảng tạ ơn mang tính cơ bản và chung nhất đó, chúng ta, những người con cái trong đoàn chiên giáo phận, vẫn có thể hướng về Đức Cha Matthêô để chia sẻ với Ngài một niềm hoan hỷ lớn lao sau cuộc hành trình 10 năm Giám Mục, cùng với lòng biết ơn đầy tình hiếu thảo vì bao nhiêu việc tốt lành ngài đã thực hiện cho cộng đoàn dân Chúa giáo phận Qui Nhơn chúng ta. Một lòng biết ơn được thể hiện bằng những hành động cụ thể mà Thánh Phaolô gợi ý trong trích đoạn thư Rôma nơi Bài đọc 2: “chúng tôi xin anh em hãy quý trọng những ai đang vất vả vì anh em, để lãnh đạo anh em nhân danh Chúa và khuyên bảo anh em. Hãy lấy tình bác ái mà hết lòng tôn kính những người ấy, vì công việc họ làm. …”

(Trong tâm tình và ý nghĩa ấy, tôi đề nghị cộng đoàn chúng ta kính dâng về Đức cha Matthêô một tràng pháo tay thật nồng nhiệt…)

Kính thưa cộng đoàn,

Trong khung cảnh Phụng Vụ tạ ơn hôm nay, chúng ta lại tiếp tục được các bài đọc Lời Chúa soi sáng để có được những tâm tình sống đạo thật thích hợp.

Trước hết, Bài đọc 1 với trích đoạn sách Các Vua nhắc lại cho chúng ta thái độ tạ ơn đầy khiêm hạ của vua Salomon, khi ngài được Chúa cất nhắc lên ngai vàng kế vị phụ vương Đavít. Ngài đã đến Gabaôn để tiến dâng lễ tạ ơn và cầu nguyện với Chúa rằng: “Và bây giờ, lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của con, chính Chúa đã đặt tôi tớ Chúa đây lên ngôi kế vị Đavít, thân phụ con, mặc dầu con chỉ là một thanh niên bé nhỏ…”.

Tôi thiết nghĩ, không chỉ riêng Đức Cha Matthêô trong ngày kỷ niệm thụ phong đặc biệt nầy, mà bất cứ ai được Chúa chọn gọi đón nhận hồng ân bí tích Truyền Chức đều có thể cầu nguyện như Salomon: “… lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của con, chính Chúa đã đặt tôi tớ Chúa đây lên chức giám mục, linh mục, phó tế, mặc dầu con chỉ là một thanh niên bé nhỏ…”.

Mà không chỉ bí tích Truyền Chức; nếu đem thái độ và ý nghĩa tạ ơn nầy của Salomon ứng dụng vào các bí tích khác, các sự kiện khác trong nhịp sống đức tin, đều phải đạo và cần thiết. Vì chưng, xét cho cùng, mọi sự chúng ta có được, mọi bước đường chúng ta đi, mọi chọn lựa và dấn thân trong cuộc sống…đều được Chúa quan phòng, dẫn đưa và đổ đầy ân sủng: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ. Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118,1)

Và rồi, để đáp lại gợi ý của Chúa muốn ban tặng một hồng ân cho cuộc đời làm vua, Salomon đã xin Chúa một điều thật tuyệt vời, một ân huệ đã làm cho Chúa phải ngạc nhiên: “Xin ban cho tôi tớ Chúa đây một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa, một dân quan trọng như thế”.

Vâng, một lời cầu nguyện thật khiêm tốn nhưng cũng đong đầy ý nghĩa sâu xa !: “Xin cho con một tấm lòng biết lắng nghe để phục vụ dân Chúa”. Không chỉ riêng Đức Cha Matthêô hay bất cứ Đấng bậc nào trong Hội Thánh mà tất cả chúng ta đều tha thiết xin cho được điều nầy “một tấm lòng biết lắng nghe”. Bởi vì, trong đời sống đức tin nói chung, thiêng liêng cũng như mục vụ, khi chúng ta không còn một tấm lòng biết lắng nghe Lời Chúa, thánh ý Chúa, giới răn Chúa, một con tim không biết lắng nghe nhau…thì căn nhà đức tin, căn nhà của sứ vụ linh mục, giám mục, căn nhà của chọn lựa sống đời thánh hiến hay hôn nhân…tất cả sẽ bị đặt trước nguy cơ sụp đổ, trước những cuồng phong bão táp của thế gian, xác thịt, ma quỷ.

Từ hình ảnh một vị minh quân Salomon trong sách Các Vua, Lời Chúa lại dẫn chúng ta đến một hình ảnh khác của Tin Mừng Mác-cô cũng thật thích hợp cho ngày tạ ơn hồng ân Giám Mục hôm nay: hình ảnh người mục tử Giêsu chạnh lòng thương bầy chiên không người chăn dắt. Thánh Mác-cô tường thuật: “Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”.

Tôi nghĩ rằng sứ vụ của cuộc đời mục tử, linh mục hay Giám Mục, có thể gồm tóm trong câu Tin Mừng ngắn ngủi nầy: Chạnh lòng thương xót họ…và dạy dỗ họ nhiều điều. Bao nhiêu giáo huấn của Giáo Hội, của Công Đồng về đức ái mục vụ của các mục tử trong Hội Thánh phải chăng đều phát xuất từ gợi ý của câu Tin Mừng ngắn ngủi trên.

Đặc biệt, đối với riêng ơn gọi và sứ vụ dành riêng cho thiên chức Giám Mục, chúng ta đọc thấy những lời nầy trong sắc lệnh Christus Dominus của Công Đồng Vatican II (Sắc lệnh về nhiệm vụ mục tử của các Giám Mục trong Giáo Hội): “Khi thi hành phận vụ của một người cha cũng là mục tử, các Giám mục hãy sống giữa những người thuộc về mình, như những người phục vụ, nghĩa là như những mục tử tốt lành biết các con chiên của mình và được các con chiên của mình biết mình, đồng thời như những người cha đích thực đầy tình yêu thương chăm lo cho tất cả mọi người và được mọi người luôn quý mến cũng như tuân phục quyền bính của Thên Chúa đã ban cho các ngài. Các ngài quy tụ đoàn chiên của mình thành một gia đình trọn vẹn và đào tạo để tất cả mọi người, nhờ ý thức về nhiệm vụ của mình, luôn sống và hành động trong sự hiệp thông đức ái” (CD số 16).

Trong Thánh lễ tạ ơn nhân dịp kỷ niệm 10 năm thụ phong Giám mục của Đức Cha làm con nhớ lại Thánh lễ cuối cùng trong thời khắc chỉ còn một tháng là tròn 10 năm giám mục của Đức Tổng Giám Mục Oscar Rômero người El Salvador (25.4.1970 – 24.3.1980), vừa được tôn phong hiển thánh vào ngày 14.10.2018. Vâng Ngài đã kết thúc cuộc sống và sứ vụ Giám mục ngay trên bàn thờ, sau bài giảng thánh lễ chiều ngày 24.3.1980 mà những lời sau cùng của bài chia sẻ Lời Chúa hôm ấy vẫn còn lưu lại: “Bất cứ ai vì lòng yêu mến Chúa Kitô hiến thân phục vụ tha nhân, người ấy sẽ được sống giống như hạt lúa mì dù chết đi, nhưng thật ra chỉ chết về mặt bề ngoài”. Một cái chết, một chứng nhân cho tình yêu Đức Kitô, tình yêu đối với Hội Thánh, nhất là tình yêu dành cho những người nghèo, cho những giá trị của Tin Mừng Tám mối phúc thật.

Nhắc lại Vị chứng nhân Giám Mục của thời đại nầy cùng với của lễ tình yêu kết thúc 10 năm Giám Mục của ngài tại bàn thờ, con muốn liên kết Thánh lễ Tạ ơn hôm nay với chính khẩu hiệu mà Đức Cha đã chọn 10 năm về trước, khi Đức Cha lãnh nhận ân ban và sứ vụ Giám Mục: “Caritas Christi urget nos” (Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi) (2 Cr 5,14).

Nói đến tình yêu thì con đã đọc ở đâu đó những lời nầy:

Nếu tình yêu là giọt mưa, anh sẽ gửi em những cơn mưa rào;

Nếu tình yêu là cánh hoa, anh sẽ gửi em những đóa hoa;

Nếu tình yêu là nước, anh sẽ gửi em biển cả;

Nếu tình yêu là người, anh sẽ gửi anh cho em.

Vâng, Thiên Chúa là tình yêu; và tình yêu đó chính là “Lời đã hoá thành nhục thể”, nên “Ngài đã ban tặng chính Con Một cho chúng ta”. Và tới phiên “Người Con Một” đó đã hiến thân cho tất cả chúng ta. Đức Cha đã dấn thân vào sứ vụ Giám Mục với quyết tâm để “tình yêu Đức Kitô thúc bách”, cho nên chúng con xác tín rằng, cuộc đời của Đức Cha, ước vọng của Đức cha và cuộc sống mỗi giây phút trong đời của Đức Cha đó là dành để yêu thương và phục vụ.

Cùng với những ước nguyện và tâm tình đó, điều còn lại, chúng con xin Chúa ban cho Đức cha 2 điều như Lời Chúa hôm nay đã gợi ý: Xin cho Đức Cha luôn có được một tấm lòng biết lắng nghe và một trái tim luôn chạnh thương của người mục tử. Amen.

Trương Đình Hiền
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:10 04/02/2020

13. Khi dầu (lửa) hòa lẫn với các dung dịch khác thì thường nằm ở trên mặt, cũng vậy trên tất cả mọi hành động của chúng ta thì cũng phải thêm sự hiền lành trên mặt, giống như dầu nằm ở mặt trên khi hỗn hợp với các dung dịch khác vậy.

(Thánh Francis de Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:21 04/02/2020
34. MỘT TRẬN NÁO NHIỆT

Lý Trọng Nguyên ở thành Khuê Lý, bởi vì nhờ người giới thiệu nên được gọi ra và làm đến chức huyện lệnh.

Người trong làng bèn làm tiệc tiễn đưa, nhà này nhà nọ thay nhau mời đã hơn tháng, cấp trên thúc giục lên đường nhậm chức, Lý Trọng Nguyên cười nói:

- “Tôi vốn không thích ra làm quan, chỉ là mượn cơ hội này để mọi người náo nhiệt một trận ấy mà.”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 34:

Lên chức thăng tước là dịp để cho bà con bạn bè đãi tiệc chung vui, bởi vì đó là việc chính đáng của tình cảm giữa người với nhau.

Có người lâu quá không có dịp để nhậu nên bày cớ này đến cớ nọ để được uống rượu; có người anh em lâu ngày không gặp nhau (vì không có lý do) nên lợi dụng sinh nhật của vợ mình hay dịp thôi nôi của con cái mà làm tiệc mời anh em đến nhậu cho vui; lại có người muốn làm ngày lễ kỷ niệm sinh nhật của mình...trước mấy ngày để có dịp anh em bạn bè tập họp ăn uống cho vui... tất cả những cái “mượn cớ” này đều không phải là tội, cho nên không nên oán trách, bởi vì ý tốt là để mọi người gặp nhau cho vui. Nhưng sẽ là đáng trách nếu lợi dụng những dịp “mượn cớ” này để nhậu nhẹt đến say xỉn, rồi chửi rủa nói xấu và đánh nhau thì dứt khoát là không chấp nhận được...

Thiên Chúa là tình yêu, mỗi ngày Ngài đều mời gọi chúng ta đến để ăn và uống Máu Thịt của Đức Chúa Giê-su trong thánh lễ, Ngài muốn quy tụ chúng ta và những bạn bè lại chung quanh bàn tiệc thánh để chúng ta bày tỏ sự đoàn kết yêu thương nhau, và để chúng ta cùng nhau lãnh nhận nguồn ân sủng của Ngài để chúng ta đủ sức làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình.

Cứ mời bạn bè đến ăn uống dịp sinh nhật, bổn mạng hay những ngày trọng đại của mình, nhưng trước hết xin mời họ cùng nhau tham dự tiệc thánh là thánh lễ với chúng ta, sau đó chia sẻ ly bia miếng bánh thật chân thành vui vẻ...

Thật hạnh phúc cho người mời và người được mời khi chúng ta làm được như thế.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Muối và Ánh sáng
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
22:33 04/02/2020


Hiến chương Nước Trời được Chúa Giêsu công bố trong Tin mừng Chúa Nhật vừa qua. Tiếp theo bài giảng trên núi, Chúa Giêsu xác định sứ mạng của các môn đệ: “Anh em là muối cho đời… anh em là ánh sáng thế gian”.

“Anh em là muối cho đời”, một định nghĩa tuyệt vời về Kitô hữu.

“Anh em là ánh sáng cho trần gian”, một định nghĩa quá cao trọng về Kitô hữu.

1. Muối

Một chàng trai trẻ đến xin học một ông giáo già. Anh ta lúc nào cũng bi quan và phàn nàn về mọi khó khăn. Đối với anh, cuộc sống chỉ có những nỗi buồn, vì thế học tập cũng chẳng hứng thú gì hơn.
Một lần khi chàng trai than phiền về việc mình học mãi mà không tiến bộ, người thầy im lặng lắng nghe rồi đưa cho anh một thìa muối thật đầy và một cốc nước nhỏ.
- Con cho thìa muối này vào cốc nước và uống thử đi.
Lập tức chàng trai làm theo rồi uống thử.
- Cốc nước mặn chát. Chàng trai trả lời.
Người thầy lại dẫn anh ra một hồ nước gần đó và đổ một thìa muối đầy xuống nước. Bây giờ con hãy nếm thử nước trong hồ đi.
- Nước trong hồ vẫn vậy thôi, thưa thầy. Nó chẳng hề mặn lên chút nào. Chàng trai nói khi múc một ít nước dưới hồ và nếm thử.
Người thầy chậm rãi nói: "Con của ta, ai cũng có lúc gặp khó khăn trong cuộc sống. Và những khó khăn đó giống như thìa muối này đi. Mỗi người sẽ hoà tan nó theo một cách khác nhau. Những người có tâm hồn rộng mở giống như một hồ nước thì nỗi buồn không làm họ mất đi niềm vui và sự yêu đời. Nhưng với những người tâm hồn chỉ nhỏ như một cốc nước họ sẽ tự biến cuộc sống của mình trở thành đắng chát và chẳng bao giờ học được điều gì có ích".

2. Ánh Sáng

Sau một thời gian dài học hỏi và tu luyện, người học trò mới cất tiếng hỏi thầy mình:
- Thưa thầy, đâu là sự khác biệt giữa kiến thức và giác ngộ?
Thầy mỉm cười và ôn tồn giải thích:
- Khi có kiến thức, giống như con có “ánh sáng” soi đường con đi. Nhưng khi con giác ngộ, chính con sẽ trở thành “ánh sáng” soi đường cho người khác.

3. Muối và Ánh Sáng


“Chính anh em là muối cho đời”.

Muối là một sản phẩm không thể thiếu trong đời sống con người. Muối vừa làm phân bón cho đất đai màu mỡ; vừa làm gia vị cho các món ăn thêm thơm ngon đậm đà; vừa bảo quản thực phẩm cho khỏi hư thối. Khi muối muốn ướp cho “mặn đời”, muối phải biết chấp nhận hòa tan để hiến dâng cho đời hương vị thơm ngon, mặn nồng của quảng đại, của yêu thương và tha thứ. Mọi tín hữu đều có sứ vụ nên như muối ướp mặn vùng dân cư chung quanh.Nếu muối là chất gia tăng hương vị cho thực phẩm hằng ngày, thì mọi tín hữu bằng gương sáng tin cậy mến cũng phải làm gia tăng phẩm chất đời sống xã hội qua tình bác ái yêu thương, mối quan tâm giúp đỡ những người lân cận. Nhất cận lân nhì cận thân.

Vào thời Chúa Giêsu, muối tượng trưng cho tính hiếu khách. Khách đến nhà thường được tặng bánh mì và muối, biểu hiệu sự tiếp đón nồng hậu.

Ngày xưa, khi chưa khám phá ra phân bón hóa học, người ta dùng muối để làm đất đai thêm phì phiêu. Khi chưa có tủ lạnh, muối còn được dùng để ướp cá, thịt và thức ăn, cất giữ được lâu ngày hơn. Chúa Giêsu sai các môn đệ đến trong thế gian như người ta nêm muối vào thức ăn để thêm hương vị và giữ được lâu. Vị mặn của muối là yếu tố quan trọng. Mặn thuộc về bản chất của muối.Vị mặn, đó là lòng yêu mến Chúa mặn nồng. Vị mặn là tình yêu tha nhân mặn mà. Yêu Chúa mặn nồng, yêu tha nhân mặn mà, đời sống Kitô hữu sẽ ướp hương vị tình yêu mặn mòi cho cuộc đời.

“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian”.

Đây là một định nghĩa quá cao trọng về Kitô hữu, bởi lẽ chỉ Thiên Chúa mới là Ánh Sáng (1Ga1,5). Chỉ Ðức Giêsu mới dám nhận mình là Ánh Sáng (Ga 8,12). Muốn trở thành ánh sáng như Đức Giêsu, chúng ta phải ở gần Ngài: gần đèn thì sáng.

“Anh em là ánh sáng thế gian”, đây còn là lời mời gọi truyền giáo, qua đời sống, qua lời nói và hành động, Kitô hữu được mời gọi làm ánh sáng hy vọng cho những ai đang lần bước trong bóng tối tuyệt vọng, dẫn dắt họ đến với Chúa. Trong bóng đêm mịt mùng, một ánh lửa nhỏ cũng có thể được nhìn thấy từ xa.

“Anh em là sự sáng thế gian”, sự sáng này không phải do chúng ta tạo nên, nhưng phát xuất từ Chúa Kitô: “Ta là sự sáng thế gian” (Ga 8,12). Chúa Giêsu muốn chúng ta như tấm gương phản chiếu ánh sáng của Ngài, cho mọi người và cho mọi nơi. Do đó, ánh sáng được chiếu tỏa không phải cho chúng ta được vinh danh, nhưng cho vinh quang của Chúa: “Sự sáng của các con phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời”.

Muối đất, sự sáng thế gian: hai hình ảnh cùng diễn tả một lời mời gọi. Tiên tri Isaia, trong Bài đọc 1 đưa ra những phương cách để giữ muối khỏi “lạt” và ngọn đèn luôn chiếu sáng. Đó là sống bác ái, chia cơm sẻ bánh cho người nghèo đói, tiếp đón những kẻ bất hạnh vô gia cư, cho quần áo những người không đủ mặc… Khi ấy, “ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên trong bóng tối và bóng tối sẽ trở thành như giữa ban ngày”.

Có lẽ nhiều người sẽ tự nhủ: làm sao mình có khả năng và xứng đáng làm muối đất và sự sáng cho mọi người? Nắm muối gồm những hạt muối nhỏ dồn lại, đèn sáng được nhờ những giọt dầu góp lại. Những hạt muối nhỏ đó, những giọt dầu đó là những việc bé nhỏ mà chúng ta thực hiện trong đời sống hằng ngày: những nụ cười, lời nói lịch thiệp, những cử chỉ bác ái khiêm nhường, thái độ biết lắng nghe, sống tha thứ biết nghĩ đến người khác…

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh đến chứng từ muối đất và ánh sáng trần gian của Kitô hữu. Nếu chúng ta thương yêu nhau như Chúa đã yêu thương thì chính đời sống, việc làm, việc bác ái sẽ mang lại hương vị cuộc đời, hương thơm cho mọi người, chiếu tỏa ánh sáng giúp nhiều người đến với Chúa là “nguồn ánh sáng và ơn cứu độ” (Tv 2,1). Kitô hữu tiếp nhận ánh sáng từ Chúa Giêsu để rồi chiếu lên làn ánh sáng hy vọng, ánh sáng tin yêu, ánh sáng công bình bác ái. Những chứng tá đức tin cậy mến, những gương sáng đời sống gia đình, những nỗ lực thực thi các giá trị Phúc Âm chính là muối thêm hương vị đức ái cho đời, là những ánh sáng đức tin soi đường truyền giáo.



 
Muối cho đời và Ánh Sáng cho trần gian
Lm Đan Vinh
22:41 04/02/2020


CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN A
Is 58,7-10; 1 Cr 2,1-5; Mt 5,13-16

I. HỌC LỜI CHÚA:

1. TIN MỪNG: Mt 5,13-16

(13) “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc qưăng ra ngòai cho người ta chà đạp thôi. (14) Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. (15) Cũng chẳng có ai thắp đèn lên rồi lại đặt bên dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và nó soi sáng cho mọi người trong nhà. (16) Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”.

2. Ý CHÍNH:

Đây là đoạn Tin Mừng tiếp theo bài giảng về Tám Mối Phúc Thật, nhằm nói lên bản chất và sứ mệnh của người môn đệ trong xã hội trần thế. Bản chất việc tông đồ của họ là muối mặn ướp cho đời khỏi hư hỏng và là ánh sáng soi đường cho thế gian. Họ có sứ mệnh loan truyền Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người. Để chu toàn được sứ mệnh khó khăn này thì người môn đệ của Chúa phải trở thành thứ muối có chất mặn và là cây đèn có thể cháy sáng và được đặt lên đế đèn cao để soi sáng mọi vật trong nhà. Nghĩa là họ phải sống tinh thần Tám Mối Phúc Thật của Chúa Giê-su, để nhờ nếp sống tốt lành trổi vượt này, người đời sẽ được cảm hóa và đón nhận Tin Mừng do họ rao giảng.

3. CHÚ THÍCH:

- C 13: + Muối cho đời: Muối là một chất phụ gia cần cho sự sống con người. Nó có tác dụng tẩy uế và sát trùng (x. Tl 9,45). Đức Giê-su muốn cho các môn đệ trở thành những người giữ cho xã hội khỏi hư hỏng tội lỗi, cũng giống như muối ướp thịt cá khỏi hư họai. Muối cũng làm cho đồ ăn được thơm ngon, là thứ gia vị cho mọi bữa ăn (x. Lv 2,13). Đức Giê-su muốn các môn đệ của Người phải cải tạo xã hội loài người ngày một tốt đẹp hơn theo Thánh Ý Thiên Chúa, cũng như chất muối làm cho các món ăn thêm đậm đà ngon miệng. + Muối mà nhạt đi: Ở đây nói đến thứ muối bị biến chất, không còn vị mặn nữa. Nhưng thực ra muối nào mà chẳng mặn. Khi dùng kiểu nói này, Đức Giê-su muốn dạy rằng: Môn đệ nào không sống đúng vai trò muối mặn, là một môn đệ bị biến chất, không còn là môn đệ thực sự của Người nữa. + Nó đã thành vô dụng: Muối mà ra nhạt sẽ chẳng ích lợi gì, không được dùng dù chỉ là làm phân bón. Người môn đệ cũng vậy: một khi không sống theo Tám Mối Phúc Thật, là tự đánh mất d0i sự cao quý của mình, và sẽ trở thành đồ hư vất bỏ đáng bị người đời khinh dể. + Chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi: Thời bấy giờ có nhiều người thường hay đổ các đồ phế thải ra ngòai đường cho người ta dẫm đạp. Số phận của người môn đệ biến chất cũng sẽ bị người đời chà đạp khinh khi như thế.
- C 14: + Ánh sáng: Có đặc tính chiếu soi, xua đuổi bóng tối và làm cho người ta nhìn thấy đồ vật chung quanh. + cho trần gian: Môn đệ là ánh sáng soi cho thế gian, phân biệt với Đức Giê-su chính là nguồn phát ra ánh sáng như lời Người nói: “Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào Tôi, thì không ở lại trong bóng tối” (Ga 12,46), và câu khác: “Hãy tin vào ánh sáng, để trở nên con cái ánh sáng” (Ga 12,36). + Một thành xây trên núi sẽ không tài nào che giấu được: Cũng vậy, ánh sáng tự nhiên có khả năng lôi kéo sự chú ý của người ta. Đời sống người môn đệ Đức Ki-tô tất nhiên cũng ảnh hưởng tới người khác. Điều này không trái nghịch với lời cảnh giác các môn đệ Chúa phải tránh thói phô trương công đức như các người Pha-ri-sêu giả hình (x. Mt 6,1).
- C 15-16: + Cái thùng: là một dụng cụ đo lường đựng được khỏang 9 lít, dưới chân đế có ba hoặc bốn cái chân. + “thắp đèn lên rồi lại đặt bên dưới cái thùng”: cũng giống như câu “Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường? Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao?” (x. Mc 4,21). + Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi: Ở đây nhắc đến mục đích và phương cách làm việc tông đồ: Môn đệ sống tốt lành là nhằm cho người ta ngợi khen Chúa Cha trên trời, chứ không tìm tiếng khen nơi người đời. Thánh Ky-sô-lô-gô (Chrysôlôgô) nói: “Nếu người Ki-tô hữu sống xứng danh Ki-tô hữu, thì chắc sẽ không còn người ngoại giáo nữa !”.

4. CÂU HỎI:

1) Muối có đặc tính gì? Đức Giê-su muốn môn đệ làm gì khi ví các ông với muối mặn?
2) Muối nhạt đi ám chỉ điều gì nơi các môn đệ?
3) Số phận của họ sẽ thế nào nếu họ trở thành đồ vô dụng?
4) Phân biệt giữa ánh sáng của các môn đệ với ánh sáng của Đức Giê-su khác nhau ra sao?
5) Đời sống của người môn đệ sẽ có tác động thế nào đối với người khác?
6) Khi dạy môn đệ phải chiếu giãi ánh sáng trước mặt người đời bằng các việc lành, phải chăng Đức Giê-su muốn các ông bắt chước lối sống giả hình như bọn Biệt Phái?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ” (c. 16a).

2. CÂU CHUYỆN:

1) HAI CÁCH ỨNG XỬ DẪN ĐẾN HAI KẾT CỤC TRÁI NGƯỢC NHAU:

Đức cha PHUN-TƠN SIN (Fulton Sheen) đã kể lại hai câu chuyện sau:

+ CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT: Tại một nhà thờ bên Nam Tư, một em lễ sinh đang giúp lễ cho cha già, đã vô tình đánh rơi làm bể lọ rượu lễ. Ngay lúc đó, vị linh mục dù đang dâng lễ, đã không kềm nổi sự tức giận, thẳng tay đánh em một bạt tai té giập vào tường. Ông còn thét lên: “Đồ nhãi ranh, làm ăn như vậy hả? Mau cút ngay đi khuất mắt tao và nhớ đừng bao giờ vác mặt trở lại đây nữa nhé !” Cậu bé giúp lễ bị đánh rất tức giận. Cậu ta liền cởi ngay chiếc áo giúp lễ, rời khỏi nhà thờ và thề quyết sẽ không bao giờ thèm đặt chân vào nhà thờ nữa. Từ ngày đó, cậu ta trở thành kẻ thù của Giáo Hội. Về sau khi đã trở thành kẻ nắm giữ quyền hành lớn lao, ông ta luôn gây khó dễ và quyết tâm tiêu diệt Giáo Hội. Kẻ đó không ai khác hơn là thống chế Ti-tô, một thời cai trị nước Nam Tư cũ.

+ CÂU CHUYỆN THỨ HAI: Đức cha Phun-tơn tiếp tục kể câu chuyện về mình như sau: “Tôi còn nhớ rõ là hồi còn nhỏ, tôi đã ước muốn được giúp lễ phục vụ bàn thờ khi linh mục cử hành thánh lễ. Năm lên bảy tuổi, mẹ tôi rất có lòng đạo đã dẫn tôi đến gặp đức Tổng giám mục Giáo phận để xin cho tôi được vào ban lễ sinh giúp lễ tại nhà thờ. Một hôm, đến phiên tôi giúp lễ. Vì lần đầu làm công việc này, nên tôi cảm thấy lóng ngóng và lỡ tay làm rớt bình đựng rượu xuống nền cung thánh nhà thờ bể tan thành từng mảnh nhỏ. Ngay lúc đó tôi rất xấu hổ và sợ hãi, vì bọn giúp lễ chúng tôi kháo nhau rằng: Đức Tổng giám mục là một người rất nghiêm khắc. Thế nhưng biết tôi làm bể lọ rượu, mà ngài vẫn không mảy may phản ứng và cứ tiếp tục dâng thánh lễ như không có chuyện gì xảy ra cả. Sau khi thánh lễ kết thúc và cởi áo lễ xong, ngài gọi tôi đến gần. Tôi chuẩn bị tinh thần để nghe ngài quở mắng vì tội bất cẩn làm bể lọ rượu của mình. Nhưng sự thể lại diễn ra trái với tưởng tượng của tôi. Đức cha thân mật đặt bàn tay lên vai tôi rồi âu yếm nhìn thẳng vào mặt tôi và hỏi: “Này con, lớn lên con có muốn đi tu và vào đại học không? Con có bao giờ nghe nói về đại học Lu-vanh (Louvain) chưa?” Tôi đáp: “Thưa đức cha chưa ạ”. Ngài nói tiếp: “Con hãy về nhà thưa với mẹ con rằng: Đức cha bảo lớn lên con sẽ đi tu và sẽ vào học tại đai học Lu-vanh nhé”. Từ ngày đó, tôi cố gắng chăm chỉ học hành và mỗi năm đều đạt thứ hạng cao. Khi tốt nghiệp bậc trung học phổ thông, được cha mẹ đồng ý, tôi đã tự động đến gặp đức cha để xin ngài cho tôi được dâng mình cho Chúa và được vào chủng viện học làm linh mục. Vì là học sinh xuất sắc, tôi được đức cha cấp học bổng để vào đại học Lu-vanh là đại học rất danh tiếng thời đó. Sau 4 năm, tôi tốt nghiệp đại học với hạng ưu và được thụ phong linh mục, rồi một thời gian sau đó thành giám mục. Nghĩ lại cuộc đời của mình, tôi thấy phải cám ơn Chúa đã thương cho tôi có được cha mẹ thật tuyệt vời, đã yêu thương và nuôi nấng dạy dỗ tôi nên người. Nhưng người tiếp theo tôi phải đặc biệt ghi ơn chính là Đức Tổng giám mục Giáo phận. Ngài là người khoan dung độ lượng: đã không la mắng khi tôi sai lỗi mà thay mặt Chúa để kêu gọi tôi dâng mình cho Chúa ngay khi mới 7 tuổi. Cũng nhờ lòng khoan dung và sự quan tâm ưu ái của ngài, mà tôi mới được như ngày hôm nay.

2) GƯƠNG SÁNG PHỤC VỤ CỦA MỘT NỮ TU:

Gần đây một đoạn phim ngắn được chiếu trên đài truyền hình Pa-ri (Paris) nước Pháp: Đầu tiên người ta nhìn thấy trên màn ảnh nhỏ một đôi bàn tay xinh xắn và nõn nà đang săn sóc một vết thương lở loét trông thật ghê sợ. Tiếp theo là cảnh một nữ tu bác ái đội voan chùm đầu đang phục vụ một người bị bệnh phong. Rồi đến cảnh một khán giả đang ngồi xem truyền hình nói với người bên cạnh: “Có cho tôi một ngàn phờ-răng, tôi cũng không bao giờ thèm làm công việc ghê tởm ấy !”. Cuối cùng là cảnh phóng viên hỏi chị nữ tu kia: “Xin hỏi chị phục vụ các bệnh nhân phong ở đây được bao lâu rồi?” Nữ tu trả lời: “Thưa được gần 20 năm”. Phóng viên hỏi tiếp: “Thế mỗi tháng chị nhận được thù lao bao nhiêu?” Nữ tu trả lời: “Thưa không có đồng nào cả !”. Câu hỏi tiếp: “Có người nói: Dù có cho họ một ngàn phờ-răng, họ cũng không bao giờ thèm làm công việc ghê tởm này. Vậy tại sao chị lại bằng lòng làm gần hai mươi năm?” Nữ tu trả lời: Tôi cũng vậy, có cho tôi một triệu phờ-răng tôi cũng không muốn làm. Nhưng chỉ vì lòng yêu mến Chúa Ki-tô mà những người bệnh này là hiện thân của Người, nên tôi sẵn sàng làm tất cả mà không đòi bất cứ thù lao nào hết !”.

3) PHƯƠNG CÁCH HỮU HIỆU ĐỂ XUA ĐUỔI BÓNG TỐI MA QỦI:

Ngày kia, các học trò của thầy HA-XI-ĐICH tại nước Ấn Độ đến than phiền với thầy về ảnh hưởng xấu của ma quỷ trên thế gian. Họ hỏi thầy phải làm thế nào để có thể xua đuổi bóng tối của ma quỷ?
Đầu tiên thầy Ha-xi-đich dạy học trò dùng chổi để quét bóng tối ra khỏi một căn phòng dưới tầng hầm. Dù ngạc nhiên trước lời dạy đó, nhưng họ cũng vâng lời làm theo. Nhưng sau nhiều giờ làm việc vất vả, họ vẫn không thể quét được bóng tối ra khỏi căn hầm nhỏ đó.
Tiếp đến thầy dạy dùng cây gậy đập vào bóng tối để xua đuổi ma quỷ ra khỏi căn phòng, nhưng vẫn uổng công vô ích. Lần thứ ba, thầy lại bảo các môn sinh hãy la hét nguyền rủa bóng tối. Nhưng dù họ đã cố gào thét khan cả cổ và tắt cả tiếng mà căn hầm vẫn tối thui.
Cuối cùng thầy Ha-xi-đich bảo các môn sinh:
- Hỡi các con, bây giờ mỗi người hãy đốt lên một cây nến.
Họ vừa làm theo thì kìa, lập tức bóng tối đã bị xua tan. Căn hầm đang tối tăm lạnh lẽo bỗng trở nên sáng rực và ấm cúng.

4) KHÁC BIỆT GIỮA SỰ HIỂU BIẾT VÀ SỰ GIÁC NGỘ:

Sau một thời gian dài học hỏi và tu luyện, một môn đệ đã lên tiếng hỏi sư phụ:
- Thưa thầy, khác biệt giữa sự hiểu biết và sự giác ngộ là gì?
Ông thầy mỉm cười và ôn tồn giải thích cho học trò:
- Sự hiểu biết cũng giống như “ánh sáng”. Nó như cây đèn cháy sáng giúp các con nhìn thấy con đường phải đi. Còn khi các con đã giác ngộ, thì chính mỗi người các con sẽ trở thành một cây đèn cháy sáng dẫn đường cho người khác.
Tin Mừng hôm nay cũng mời gọi chúng ta hãy trở nên “Ánh Sáng và Muối Đất”. Đó cũng là lệnh Đức Giê-su truyền cho chúng ta: Một khi đã lắng nghe, suy niệm và sống Lời Chúa, thì bấy giờ chúng ta sẽ trở thành nguồn sáng, giúp tha nhân nhìn thấy Chúa Giê-su đang hiện thân qua lời nói và cách ứng xử của chúng ta. Nhờ đó họ sẽ tôn vinh Thiên Chúa trên trời là Cha chúng ta.

3. SUY NIỆM:

1) ANH EM LÀ MUỐN ƯỚP CHO ĐỜI:

Ca dao Việt Nam có câu: “Cá không ăn muối cá ươn. Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư”.

Muối là gia vị thêm vào làm cho thức ăn được đậm đà ngon miệng, Từ đó nó tượng trưng cho tình nghĩa mà con người cần phải có để cuộc đời thêm tươi đẹp và ấm áp. Nếu không, cuộc sống sẽ “lạt như nước ốc, bạc như vôi”.

Lời Đức Giê-su trong Tin Mừng hôm nay cho thấy sứ mạng của người tín hữu cũng giống như muối. Muối chỉ có giá trị khi tan ra và thấm nhập làm cho đồ ăn khỏi bị hư hỏng như câu : “Cá không ăn muối cá ươn”, hoặc làm cho các món ăn thêm đậm đà ngon miệng để tránh tình trạng “nhạt nhẽo vô vị”. Vị mặn là bản chất của muối. Nếu muối không còn vị mặn thì sẽ không còn là muối nữa và sẽ bị quăng ra đường cho người ta chà đạp. Cũng vậy, một khi người tín hữu đã mất phẩm chất là lòng nhân ái, thì họ không còn giá trị và sẽ bị người đời khinh dể.

2) ANH EM LÀ ÁNH SÁNG CHO TRẦN GIAN:

- Sứ mệnh của ánh sáng là chiếu soi cho người ta thấy đồ vật trong nhà. Nhờ có ánh sáng soi đường mà người ta mới tránh được hố sâu nguy hiểm trên đường, và cũng nhờ có ánh sáng phát ra từ ngọn Hải Đăng mà con thuyền giữa biển khơi mới có thể cập bến an toàn.

- Tác giả sách Thánh Vịnh đã viết: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119.105). Lời Chúa bài đọc một hôm nay dạy chúng ta các việc bác ái cụ thể như sau: “Hãy chia bánh của ngươi cho kẻ đói, hãy tiếp nhận vào nhà ngươi những kẻ bất hạnh không nhà ở; nếu ngươi gặp một người trần truồng, hãy cho họ mặc đồ vào, và đừng khinh bỉ xác thịt của ngươi. Như thế, sự sáng của ngươi tỏ rạng như hừng đông” (Is 58,10).

- Đức Giê-su trong bài Tin Mừng cũng dạy chúng ta: “Anh em là ánh sáng cho trần gian…. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,14.16).

3) ĐIỀU KIỆN ĐỂ MUỐI VÀ ÁNH SÁNG PHÁT HUY TÁC DỤNG:

- Muối và ánh sáng đều mang lại cho đời sự mặn mà tươi vui, mang lại cho tâm hồn niềm vui và sự an bình. Muốn vậy, muối và ánh sáng cần phải tự hủy và tan biến đi: Hạt muối phải bị hòa tan thì mới thấm nhập làm cho đồ ăn thêm đậm đà ngon miệng. Nến phải bị tiêu hao thì ánh sáng mới chiếu tỏa giúp người ta thấy đường đi.
- Nhiều người thường phàn nàn rằng: xã hội ngày nay quá nhiều tệ nạn và ngày một suy đồi xuống cấp. Nhưng họ lại không làm gì để chuyển hóa tình trạng suy đồi này nên tốt hơn.

Quả vậy, xã hội bị suy đồi là do nhiều nguyên nhân, trong đó có phần lỗi của chúng ta. Chẳng hạn: Có thể do muối trong chúng ta đã bị mất độ mặn, không còn đủ sức ướp cho tha nhân khỏi hư hỏng; Có thể do dầu trong cây đèn đức tin của chúng ta đã bị cạn, không còn cháy sáng đức ái, nên thế giới chung quanh ngày một chìm đắm trong bóng đen tối tăm tội lỗi. Điều mỗi người cần làm ngay là gia tăng độ mặn đức tin, thêm dầu ân sủng đức cậy và đức ái, và hợp tác với mọi người thiện chí chống lại ba thù là ma quỷ thế gian và xác thịt của mình.

4) PHẢI KHẮC PHỤC BÓNG TỐI TỘI LỖI CÁCH NÀO?

- Văn sĩ người Anh Locke đã nói: “Thà thắp lên một ngọn đèn còn hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối”. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su cũng khẳng định: “Chính anh em là muối cho đời, là ánh sáng cho trần gian”.
Ngày nay ma quỷ cũng đang bao phủ xã hội bằng bóng tối gian dối, hận thù, bất công, các tệ nạn xã hội cờ bạc hút xách, phim ảnh đồi truỵ… Tuy nhiều nước đã tốn bao công sức tiền bạc để chống lại các tệ nạn nói trên… nhưng đến nay kết quả vẫn như muối bỏ biển. Tuy nhiên có một phương thế hữu hiệu có thể giúp chiến thắng bóng tối tội lỗi nói trên là Lời Chúa với ơn phù trợ của Thánh Thần. Chúng ta hãy năng nghe đọc và cầu nguyện để sống Lời Chúa trong phụng vụ tại nhà thờ và trong Giờ Kinh Tối gia đình hằng ngày. Nếu mọi tín hữu đều ý thức tầm quan trọng và giá trị của Lời Chúa, thì gia đình, khu xóm và môi trường sống của chúng ta sẽ không còn tệ nạn, hận thù, ganh ghét và “Trời Mới Đất Mới” công bình nhân ái sẽ xuất hiện.
- Ngoài việc thánh hóa bản thân, mỗi tín hữu còn có sứ mạng phúc âm hóa môi trường xã hội mình đang sống, bằng việc phát hành các băng đĩa nhạc lành mạnh, lập các trang web đề cao văn hóa nhân bản, sáng tác các cuốn phim hay có sức lay động lòng người… Hội Thánh cũng rất cần có nhiều tín hữu chiếu sáng đức tin trong giới nhân sĩ trí thức, khoa học gia, văn nghệ sĩ, tại nghị trường, trường học, bệnh viện, sân thi đấu, phim trường… để làm chứng cho Chúa.

Tóm lại, để thi hành sứ mệnh làm muối ướp và ánh sáng cho trần gian, ít nhất mỗi người chúng ta cần thực hành Lời Chúa hôm nay: “Nếu ngươi loại bỏ khỏi ngươi xiềng xích, cử chỉ hăm doạ, lời nói xấu xa, khi ngươi hy sinh cho người đói rách, và làm cho những người đau khổ được vui thích, thì ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên trong bóng tối, và bóng tối sẽ trở thành như giữa ban ngày” (x. Is 58,7-10).

4. THẢO LUẬN:

1) Trong lịch sử Việt Nam, bạn có biết những nhân vật người Công giáo nào đã để lại những công trình ích quốc lợi dân, làm rạng danh Thiên Chúa trước mặt đồng bào Việt Nam hay không? Cụ thể: Đức cha A-lếch-xăng đờ Rốt đã để lại công trình nào? Ông Nguyễn Trường Tộ đã làm gì? Hàn Mặc Tử đã làm gì?
2) Mỗi người chúng ta có thể làm gì để chiếu soi ánh sáng của Chúa cho đồng bào Việt Nam hiện nay chưa nhận biết Chúa?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy chúng con phải trở thành muối mặn và chiếu ánh sáng giúp người đời nhận biết ca ngợi Chúa. Trong thực tế, xin Chúa giúp chúng con biết khuyên can bạn bè bằng lời nói chân tình phù hợp với hòan cảnh và khả năng của chúng con. Xin cho chúng con luôn quên mình yêu thương phục vụ những người nghèo khổ bệnh tật, để nên muối men cho đời, trở thành ánh sáng chiếu soi trần gian. Xin cho các bậc cha mẹ biết nêu gương sáng công chính, hòa thuận, khiêm tốn và đạo đức khi phải giáo dục đức tin cho con cái. Xin Chúa giúp chúng con biết quên mình phục vụ những người nghèo hèn bệnh tật và bị bỏ rơi… Vì họ chính là hiện thân của Chúa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON






 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sau Đông phi đến lượt Pakistan tuyên bố tình trạng khẩn trương vì Châu Chấu
Trần Mạnh Trác
14:03 04/02/2020
Nạn châu chấu là một tai ương hằng năm tại các quốc gia lân cận với sa mạc, nhưng sự biến đổi khí hậu đã làm cho loại tai ương thứ 8 (trong sách Xuất Hành) gia tăng gấp bội. Các chính quyền Đông phi như Kenya, Ethiopia, Somalia, Nam Sudan và Uganda đang kêu cầu Liên Hiệp Quốc tài trợ cho việc ngăn chặn tai ương này. Dự trù thì số lượng Cào cào Châu chấu có thể tăng gấp 500 lần hiện nay và muà màng sẽ có thể bị mất đến 90%.

Tại Pakistan chính quyền có vẻ coi thường sự kiện xày ra hằng năm này mặc dù các cơ quan nhân đạo quốc tế như Caritas đã báo động từ tháng 5 năm trước, lúc đó các bộ trưởng vô trách nhiêm còn đưa ra những lời bông đuà diễu cợt và các quan chức điạ phương tiếp tục che đậy thiệt hại. Bây giớ sau khi nạn Châu Chấu lây lan lên tới tận miền Bắc rồi, là một sự kiện chưa từng có trong lịch sử, chính quyền cuả Pakistan mới phải tuyên bố tình trạng khẩn trương vào ngày 31/1/2020 vừa qua.


Lahore (AsiaNews) - Chính quyền Pakistan đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc gia vào ngày 31 tháng 1 để chống lại sự lan tràn cuả loài châu chấu sa mạc đang phá hủy mùa màng ở tỉnh Punjab, sau khi đã phá hủy 22.000 mẫu Anh (8,900 ha) nông sản ở tỉnh Sindh.

Lần đầu tiên trong lịch sử của đất nước, loại côn trùng này đã lan đến các tỉnh miền bắc, tới tận tỉnh biên giới cuả miền Tây Bắc là Khyber Pakhtunkhwa. Trước đây các tai ương cuả những năm 1993 và 1997 chỉ ảnh hưởng đến hai tỉnh Punjab và Sindh.

Theo ông Bộ trưởng Bộ An ninh lương thực quốc gia Makhdoom Khusro Bakhtiar, sự xâm nhập của châu chấu là do biến đổi khí hậu.

Để đối phó với cuộc khủng hoảng, Thủ tướng Imran Khan đã thành lập một ủy ban liên bang cấp cao.

Các Bộ trưởng và quan chức từ bốn tỉnh đã phê duyệt kế hoạch hành động cho toàn quốc với số tiền là 7,3 tỷ rupee (48 triệu USD) để loại bỏ châu chấu.

Ông Manshad Asghar, tổng thư ký của Caritas tại Hyderabad, cho biết rằng các phương tiện truyền thông địa phương đã không công bố tin tức về các khu vực bị lâm nạn bởi vì họ lo sợ dân chúng bị báo động quá mức.



Tuy nhiên, châu chấu đã nhanh chóng tấn công "các quận nghèo, thiếu nước và thực phẩm", ông nói.

Năm 2018, Caritas đã cung cấp nhiều khóa học về quản lý chăn nuôi, bảo quản thức ăn và thức ăn gia súc, lưu trữ hạt giống, quản lý cây trồng, bảo tồn đất và quản lý nước ở các huyện sa mạc Nagarparkar và Tharparkar. Năm nghìn người đã tham gia các khóa đào tạo, kết thúc vào tháng 3 năm 2019.

Vào cuối tuần trước ông Giám đốc Caritas Pakistan Amjad Gulzar đã họp khẩn cấp với toà khâm sứ Toà Thánh ở Balochistan, là nơi cào cào xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 5 năm 2019.

Chúng tôi đang lên kế hoạch phòng ngừa, ông nói, và đã đóng một vai trò lớn hơn trong việc [nâng cao] nhận thức của những người nông dân nghèo.

Đối với họ, việc trồng vây và chăn nuôi là phương tiện sinh sống duy nhất. Việc mất mùa có thể khiến giá cà các thực phẩm thiết yếu tăng giá.

Trong khi đó, Pakistan cũng đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lúa mì nghiêm trọng ảnh hưởng đến các thành phố chính của nước này.

Giá bột và bánh mì tăng vọt vào tháng trước khi lúa mì biến mất khỏi các cửa hàng.

Để phản đối chính sách kiểm soát giá cả của chính phủ, các thợ làm bánh đã đình công.



Lúa mì là thực phẩm chính ở Pakistan, được trồng trên 60% diện tích nông nghiệp.

Theo ông Ashgar, tổng thư ký của Caritas, một ông bộ trưởng đã làm cho vấn đề tồi tệ hơn bằng những lời diễu cợt coi thường thiên tai này.

Tháng 11 năm ngoái, lan truyền ra một video của ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp ở tỉnh Sindh, là Ismail Rahu. Ông đề nghị mọi người giải quyết thiên tai bằng cách ăn châu chấu: Chúng mà đến, thì mọi người cứ việc bắt chúng mà nhậu. Cứ nướng trên vĩ để ăn với 'biryani' [cơm trộn thịt], xào với ‘karahi’ [rau xào] hoặc [nấu] cháo.

Ông Rahu nói rằng những người ở sa mạc thường ăn châu chấu, mọi người không nên lo lắng "vì chúng không có hại".
 
Đại nghịch bất đạo: Chủ tịch giáo dân chỉ trích Hồng Y của mình vì ngài bảo vệ đạo lý Công Giáo
Đặng Tự Do
16:25 04/02/2020
Trong một diễn biến được nhiều người đánh giá là một hình thái độc tài của thuyết tương đối, Chủ tịch Hội đồng giáo dân của một tổng giáo phận lại quay ra chỉ trích vị Hồng Y của mình vì ngài quyết liệt bảo vệ đạo lý Công Giáo và bày tỏ những lo ngại về cái gọi là tiến trình công nghị đang diễn ra tại Đức

Hôm thứ Hai 3 tháng Hai, Tim Kurzbach, Chủ tịch Hội đồng giáo dân của Tổng Giáo Phận Köln đã đưa ra một tuyên bố công khai chỉ trích Đức Hồng Y Rainer Woekli. Ông ta cáo buộc Đức Hồng Y đã “phá hủy quyền bính giám mục” của mình khi không hỗ trợ cho cái gọi là tiến trình công nghị.

Quy chế về tiến trình công nghị này đã được Hội Đồng Giám Mục Đức chính thức thông qua hồi tháng Chín năm ngoái, bất chấp những cảnh báo được lặp đi lặp lại và các can thiệp từ chính Đức Thánh Cha Phanxicô và các vị trong giáo triều Rôma. Tiến trình công nghị này đề xuất các tranh luận và những cải cách về giáo huấn và kỷ luật phổ quát của Giáo hội, bao gồm việc bãi bỏ luật độc thân linh mục, công nhận và chúc lành cho các cặp đồng giới và phong chức cho phụ nữ.

Sau nhiều tháng tranh cãi, bất chấp các can thiệp của Vatican, tiến trình công nghị đã khai mạc phiên khoáng đại đầu tiên vào tuần trước tại Frankfurt. Phát biểu sau phiên họp, Đức Hồng Y Woekli nói rằng các bài phát biểu tại cuộc họp đã cho ngài thấy rõ rằng hội nghị này không hoạt động như một hội nghị Công Giáo.

“Về cơ bản tôi thấy tất cả những nỗi sợ hãi của tôi đã được xác nhận. Chúng ta đã chứng kiến việc hình thành trên thực tế một công nghị của giáo hội Tin Lành,” Đức Hồng Y Woekli nói trong một cuộc phỏng vấn ngày 01 tháng 2.

“Các điều kiện tiên quyết quan trọng về mặt giáo hội học liên quan đến căn tính của Giáo Hội Công Giáo - theo ý kiến của tôi – đã bị lờ đi trong nhiều bài phát biểu,” Đức Hồng Y nói. Ngài giải thích rằng tính chất hiệp thông phẩm trật đã được thiết lập của Giáo Hội bị dẹp qua một bên để nhường chỗ cho sự hình thành đức tin dựa trên các hình thức dân chủ thế tục.

“Điều này đã là một hình ảnh rất rõ ràng trong các cử hành phụng vụ, tất cả các giám mục và giáo dân đều đi rước lên bàn thờ cùng với nhau và như nhau. Qua đó, người ta muốn nói rằng tất cả mọi người là bình đẳng trong việc quyết định các vấn đề của Giáo Hội. Và điều đó thực sự không liên quan gì đến những gì Giáo Hội Công Giáo là và có nghĩa là.”

Trong tuyên bố đưa ra hôm thứ Hai, Kurzbach nói rằng Đức Hồng Y Woekli và một vài Giám Mục bênh vực “truyền thống” bị “choáng ngợp trước thực tế là đột nhiên tất cả mọi người đều có thể nói chuyện bình đẳng như nhau trong tiến trình công nghị”, và cáo buộc Đức Hồng Y và các Giám Mục này là “sợ hãi” không muốn lắng nghe những đòi hỏi cải cách và cứ khăng khăng nhấn mạnh đến thẩm quyền giảng dạy của Giáo hội và của các giám mục.

Kurzbach lên tiếng kêu gọi các cuộc thảo luận tại tiến trình công nghị này “đừng sợ hãi” nữa, và cho rằng các giám mục như Đức Hồng Y Woekli phải thuyết phục hội nghị này tại sao người Công Giáo phải tiếp tục tuân giữ các giáo huấn truyền thống của Giáo Hội. Ông ta nói thêm rằng “lẽ ra Hồng Y Woekli phải nhận ra từ lâu rằng chức vụ Giám Mục của ông ta mà thôi không còn cấu thành quyền bính thực sự nữa.”

Theo quan điểm của Kurzbach, các giáo huấn của các Giám Mục cần phải được sự đồng thuận của giáo dân. Đây là một quan điểm rất lạ lùng. Hiến chế tín lý Lumen Gentium cho biết các Đức Giám Mục “được trao ban nhiệm vụ thánh hóa cũng như nhiệm vụ giảng dạy và cai trị” và “các nhiệm vụ ấy, do bản tính, được thực thi trong sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng và Giám mục đoàn” (số 21). Như thế, khi thực hành tác vụ giáo huấn, ngài không cần hỏi ý kiến giáo dân và càng không phải chờ đợi xem họ có đồng ý hay không.

Trong một cuộc phỏng vấn vào hôm thứ bảy, Đức Hồng Y Woekli đã được hỏi về cách bố trí chỗ ngồi trong tiến trình công nghị. Các báo cáo cho biết tất cả những người tham gia được xếp ngồi theo thứ tự bảng chữ cái chứ không phải theo nhóm hoặc tình trạng giáo sĩ hay không phải là giáo sĩ. “Tôi có thể chấp nhận được điều đó,” Đức Hồng Y nói, nhưng giải thích rằng cái gọi là tiến trình công nghị này đã được tiến hành với tính toán là làm suy yếu những lời dạy của Công Đồng Vatican II.

Cách sắp xếp chỗ ngồi chỉ là một trong “nhiều những chi tiết nhỏ khác” mà “đơn giản là cố ý đặt vấn đề đối với hiến chế về phẩm trật trong Giáo Hội, như đã được ghi nhận một lần nữa trong Công Đồng Vatican II, và được minh xác trong Lumen Gentium.”

Trong một lá thư được công bố hồi tháng Sáu năm ngoái, 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo người Công Giáo Đức cần chống lại một công nghị “chỉ tập trung vào việc xem xét các cấu trúc chứ không được linh hoạt bởi sứ mệnh thiết yếu của Giáo Hội là truyền bá đức tin.”

Ngài cảnh báo rằng tiến trình công nghị của Đức phải tránh cám dỗ chạy theo “chủ nghĩa tân Pelagiô” [dựa vào sức riêng của mình] khi “tìm cách điều chỉnh cuộc sống của Giáo Hội theo luận lý hiện tại.” Hệ quả là chúng ta có thể có “một cấu trúc giáo hội gọn gàng và thậm chí là được ‘hiện đại hóa’, nhưng không có linh hồn và hấp lực truyền giáo.”

Đức Giáo Hoàng đặc biệt cảnh báo Giáo Hội Đức đừng nên theo đuổi bất kỳ đường lối nào nhắm thích nghi với não trạng đương thời và thúc giục người Công Giáo Đức phải bảo vệ Giáo Hội cả về cơ cấu lẫn đức tin.

“Giáo Hội hoàn vũ sống trong và với các Giáo Hội địa phương, cũng thế các Giáo Hội địa phương sống và phát triển trong và với Giáo Hội hoàn vũ, và nếu chúng ta tách ra khỏi toàn thể Giáo Hội, chúng ta sẽ suy yếu, khô héo và tàn lụi. Do đó, cần phải luôn luôn sống và hiệp thông hiệu quả với toàn thể Giáo Hội,” Đức Thánh Cha viết.

Trong hai tài liệu được công bố vào tháng Chín năm ngoái, Đức Hồng Y Ouellet, tổng trưởng Bộ Giám Mục và Đức Tổng Giám Mục Filippo Iannone, người đứng đầu Hội đồng Giáo hoàng về giải thích các văn bản luật, đều cho tiến trình công nghị tại Đức là “vô giá trị về mặt giáo hội học”. Vatican đặc biệt chỉ trích sự tham gia vào các cuộc thảo luận của Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức, gọi tắt là ZdK, một nhóm giáo dân có lập trường công khai chống lại một loạt các giáo huấn của Giáo Hội và đang hô hào việc phong chức cho phụ nữ, và đòi thay đổi các giáo huấn về đạo đức tình dục.

“Làm thế nào một Giáo Hội địa phương có thể thảo luận với hiệu quả ràng buộc khi các chủ đề thảo luận có liên quan đến toàn thể Giáo Hội?”, Đức Cha Iannone viết.

Ngài nhấn mạnh rằng:

“Hội Đồng Giám Mục không thể mang lại hiệu lực pháp lý cho các nghị quyết về các vấn đề này, điều đó vượt quá khả năng của nó”.

“Tính đồng nghị trong Giáo Hội, mà Đức Thánh Cha Phanxicô thường nhắc đến, không đồng nghĩa với dân chủ hay những quyết định biểu quyết bởi đa số,” Đức Tổng Giám Mục Iannone viết, và lưu ý rằng ngay cả khi một Thượng Hội Đồng Giám Mục gặp gỡ tại Rôma, thì quyết định chung cuộc có công bố hay không, có hiệu lực thi hành hay không vẫn nằm trong thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng.


Source:Catholic News Agency
 
Tình trạng toàn cầu: Cơn gió điên rồ đang càn quét trái đất, Tổng thư ký LHQ nói
Trần Mạnh Trác
20:17 04/02/2020
Liên hợp quốc ngày 4 tháng 2 năm 2020: Ngay trước khi ông Trump, Tổng Thống Hoa Kỳ, trình bày về Tình Trạng Liên Bang cuả Hoa Kỳ thì ở trụ sở Liên hợp quốc, ông Tổng thư ký António Guterres cũng tóm tắt về các ưu tiên và các công việc của tổ chức LHQ cho năm 2020.

Sự bất ổn gia tăng và căng thẳng chính trị bất ngờ ở địa phương đã như một cơn gió điên rồ càn quét toàn thế giới, ông Tổng thư ký António Guterres cho biết hôm thứ ba trong cuộc họp báo hàng năm tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York.

Sau những đợt bùng phát ở một số điểm nóng, ông Tổng thư ký nhận thấy rằng mặc dù đã có một số tiến bộ đạt được trên những nỗ lực giảm leo thang, nhưng hiện nay thì tình hình lại đã thay đổi.

“Tôi đã đề cập về những làn gió cuả hy vọng. Nhưng hôm nay một cơn gió điên cuồng đang càn quét toàn cầu. Từ Libya đến Yemen đến Syria và xa hơn nữa - sự leo thang đã trở lại. Vũ khí đang đổ vào. Những đợt tấn công đang gia tăng,” ông nói.

Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an 'không được tôn trọng'

“Tuy mỗi tình huống thì khác nhau nhưng nói chung thì là một cảm giác bất ổn định và căng thẳng đến dựng tóc gáy, làm cho mọi sự trở nên khó lường và khó kiểm soát hơn, và nguy cơ cho những tính toán sai lầm thì trầm trọng hơn. Trong khi đó, các nghị quyết của Hội đồng Bảo an đã bị coi thường ngay cả khi mực vẫn còn chưa khô.”

Trước tình trạng này và cái vòng luẩn quẩn ác độc không thoát ra được, ông Tổng thư ký nhấn mạnh về sự cần thiết của các tổ chức đa phương như Liên Hợp Quốc phải quan tâm nhiều hơn đến các thách thức toàn cầu của thế kỷ 21.

“Trong năm tới, tôi sẽ thúc đẩy việc phá vỡ cái vòng luẩn quẩn ác độc cuả những xung đột và thúc đẩy một sự tăng tốc mạnh mẽ của ngoại giao vì hòa bình,” ông nói.

Bệnh nghiện than 'cực kỳ nguy hiểm'

Ông Guterres tiếp tục thúc đẩy các hành động về vấn đề khí hậu, bởi vì nhiệt độ đại dương tăng mà hậu quả gây ra việc tan băng đang làm cho cuộc khủng hoảng khí hậu xấu thêm.

Với nồng độ carbon dioxide đạt đến mức cao mới, ông kêu gọi các quốc gia “xử dụng năng lượng lớn,” hãy dẫn đầu trong việc thích ứng, giảm thiểu và đầu tư.

“Chúng ta cần tăng giá cho việc xử dụng carbon và chấm dứt sự trợ cấp cho các nhiên liệu hóa thạch. Chúng ta vẫn còn quá nhiều các nhà máy chạy bằng than đốt – ‘chứng bệnh nghiện than’ vẫn còn mạnh đến mức nguy hiểm,” ông nói.

Vòng luẩn quẩn của nghèo đói và bất bình đẳng cũng phải bị phá vỡ, và ông Guterres nhắc nhở các nhà báo rằng Liên Hợp Quốc năm nay vừa khởi động một chương trình mười năm để hoàn thành các Mục tiêu phát triển bền vững ( SDGs ).

17 mục tiêu bao gồm chấm dứt đói nghèo, cung cấp giáo dục chất lượng cho tất cả trẻ em và đạt được bình đẳng giới tính.

Ông Tổng thư ký nói: “Chúng ta biết rằng tiến bộ trên một Mục tiêu có thể tạo ra tiến bộ trên tất cả các mục tiêu khác- Chúng ta biết là một vòng tròn đạo đức có thể đạt được và điều đó là con đường phát triển và thịnh vượng cho tất cả mọi người”.
 
Cái nhìn đạo đức sinh học mới cùng với sự bổ nhiệm một thành viên trẻ cho Hàn Lâm Viện Sự Sống của Tòa Thánh
Vũ Văn An
21:37 04/02/2020
Charles Collins của tạp chí Crux vừa phỏng vấn một thành viên trẻ mới được bổ nhiệm vào Hàn Lâm Viện Sự Sống của Tòa Thánh, đó là ông Michael Wee. Ông vốn là một viên chức nghiên cứu và giáo dục của Trung Tâm Đạo Đức Sinh Học Anscombe đặt trụ sở tại Đại Học Oxford. Nay ông được bổ nhiệm làm Thành Viên Nghiên Cứu Trẻ của Hàn Lâm Viện Sự Sống, một chức vụ lần đầu tiên được chính Đức Phanxicô thiết lập năm 2016, cho lớp tuổi dưới 35, nhân dịp có cuộc cải tổ Viện này.



Theo Ông, việc bổ nhiệm này “cho thấy mức độ tín nhiệm cao đối với khả thể người trẻ có thể đóng góp vào đời sống trí thức của Giáo Hội”. Ông vốn là một nhà khoa bảng sinh tại Singapore và là người duy nhất thuộc một cơ quan nghiên cứu Anh được bổ nhiệm vào nhóm Nghiên Cứu Trẻ của Hàn Lâm Viện. Ngoài việc làm ở Trung Tâm Anscombe, Ông còn là Giảng viên về Đạo Đức Sinh Học tại Chủng Viện Oscott ở Birmingham và là nhà nghiên cứu tại Viện Aquinas ở Oxford.

Nhờ xuất phát từ bối cảnh triết học, Ông cho rằng “Ở một nơi như nước Anh, nơi phần lớn người ta không muốn tự nhận diện là Kitô hữu, các phương tiện triết học, nghĩa là lý lẽ tự nhiên, đặc biệt có giá trị trong việc giúp người ta làm cho giáo huấn của Giáo Hội về các vấn đề luân lý trờ nên có nghĩa. Trước khi bạn bắt đầu nói tới thần học thân xác, có lẽ bạn cần, trước nhất, nói tới cùng đích của thân xác. Để có thể đề cập tới đức tin, trước nhất bạn phải thuyết phục người ta rằng lý lẽ không mâu thuẫn với nó”.

Ông Wee cho hay “Về phương diện trên, tôi thường thấy tư duy của Thánh Thomas Aquinas đặc biệt có giá trị, vì ngài nhìn nhận rằng lý lẽ tự nhiên có thể đem ta tới 'các lời mở đầu của đức tin'. Việc lưu tâm tới tư duy của Thánh Thomas là do Ông tiếp xúc thường xuyên với các tu sĩ Dòng Đaminh, từ thời còn ở Singapore; lên đại học, ông cũng làm quen với các vị tuyên úy Dòng Đa Minh và sau đó làm việc tại Viện Aquinas ở Oxford.

Ông cho hay Trung Tâm Đạo Đức Sinh Học Anscombe phục vụ Giáo Hội Công Giáo Anh và Ái Nhĩ Lan. Việc làm của trung tâm chia thành ba loại 1) Nghiên cứu có tính khoa bảng; 2) liên hệ với các cơ quan công cộng và của chính phủ như qua các hội ý hoặc làm chứng trước nghị viện; 3) Giáo dục công chúng.

Tuy tập chú là Anh và Ái Nhĩ Lan, nơi gần đây có nhiều vụ công kích việc phản đối lương tâm trong vấn đề chăm sóc y tế và nhất là cuộc trưng cầu dân ý về phá thai, nhưng Trung tâm cũng lưu ý tới nhiều nơi khác như cuộc nghiên cứu về trợ tử tại Bỉ kết quả là cuốn Euthanasia and Assisted Suicide: Lessons from Belgium do Cambridge University Press xuất bản năm 2017.

Theo ông, Trung Tâm Anscombe nhận được nhiều câu hỏi từ các nhà chuyên nghiệp về y tế và các thành viên khác của công chúng, nhất là các linh mục Công Giáo có nhiệm vụ cố vấn cho các bệnh nhân và các gia đình. “Ở đây, ông hiểu trí thức và mục vụ gặp nhau ra sao trong đạo đức sinh học. Ông cũng có cảm thức giáo huấn của Giáo Hội có tính giải thoát xiết bao, chính bởi vì đây là lý lẽ hòa điệu với đức tin”.

Ông cho biết cá nhân ông nhận được nhiều câu hỏi liên quan tới việc đưa ra các quyết định về cuối đời, đặc biệt từ thành viên các gia đình các bệnh nhân gần chết. Khi người ta hiểu ra rằng họ không hề có nghĩa vụ phải làm mọi điều trong quyền hạn của họ để duy trì sự sống, nếu, thí dụ, việc điều trị được đề nghị gây gánh nặng quá đáng, và điều này không đồng nghĩa với trợ tử, thì đây có thể là khoảnh khắc lớn lao của ơn thánh.

Theo ông Wee, người ta thường có nỗi sợ chung này là nếu từ chối hay rút lại việc điều trị có nghĩa là bệnh nhân không còn được chăm sóc về y khoa nữa. Thực ra, chính lúc đó, việc chăm sóc giảm đau (palliative care) phải có để sự kiện rút lại việc điều trị không dẫn đến việc bỏ rơi, mà là một hình thức khác của đồng hành.

Được hỏi hiện nay đạo đức sinh học bàn đến nhiều vấn đề như bản sắc phái tính, lúc cuối đời, và nghiên cứu phôi thai, đâu là vấn đề cấp bách đối với ông? Ông Wee cho hay đạo đức sinh học Công Giáo đặc biệt tốt ở chỗ nhận diện các điều tuyệt đối về luân lý. Nhưng không tốt bằng thế khi xử lý các vấn đề không có đường ranh rõ rệt, đòi phải nghiêm ngặt áp dụng một lượng khôn ngoan (prudence) nào đó.

Ông cho rằng “khôn ngoan” trong ngôn ngữ thông thường có khuynh hướng gợi lên ý niệm thận trọng (caution) nhưng nhân đức khôn ngoan hay sự khôn ngoan thực tiễn (phronēsis trong tiếng Hy Lạp của Aristốt) thực sự nói đến việc biện phân và hành động phù hợp với các nét đặc thù của một hoàn cảnh nhất định. Có lúc điều này có nghĩa là thận trọng, lúc khác, nó lại có nghĩa một phương thức có tính chào đón hơn.

Điều quan trọng, theo ông, là đạo đức học Công Giáo, và đời sống luân lý nói chung hơn, không chỉ nói tới việc lên án mọi sự. Hãy đơn cử các tử cung nhân tạo (artificial wombs): chúng hứa hẹn rất nhiều điều tốt trong cách cứu các bé thơ đẻ non và người ta muốn chấp nhận khả thể có điều tốt ấy càng trọn vẹn bao nhiêu càng hay bấy nhiêu. Đồng thời, chúng cũng có thể phát sinh ra một sự phân cách sâu xa giữa việc sinh sản và thân xác nhiều hơn là sự phân cách hiện chúng ta đang chịu đựng. Các tử cung nhân tạo như thế có thể trở thành một giải pháp “xã hội” (nghĩa là nằm ngoài nhu cầu y tế) có lẽ nên được sử dụng ngay từ lúc thụ thai qua đường IVF. Trong trường hợp như thế, trẻ chưa sinh sẽ trở thành loại dân số dễ dàng bị vứt bỏ hay bị dùng làm thí nghiệm.

Bởi thế, chúng ta cần đức khôn ngoan thực tiễn để đương đầu với các vấn đề đạo đức sinh học của thế kỷ này. Điều này liên hệ đến việc cân nhắc các hậu quả xã hội có thể có và cũng biện phân luận lý học nội tại của các kỹ thuật này. Hiện đang có huyền thoại tân thời cho rằng kỹ thuật “trung lập về luân lý”, nó chỉ đơn giản cung cấp một thay thế khác cho các phương thế tự nhiên, nhưng hiếm khi như vậy lắm. Kỹ thuật luôn được tiên hướng (predisposed) về một số giá trị nào đó hơn các giá trị khác do cung cách nó hoạt động hay do các sự vật được nó đo lường. Trong nhiều trường hợp, các ý hướng của một người sử dụng cá thể có thể biến kỹ thuật thành một sức mạnh của điều thiện, nhưng điều này vẫn không đủ đối với một phân tích luân lý đầy đủ.

Theo ông Wee, điều nguy hiểm là đưa ra các tiên đoán, tuy nhiên, vì ích lợi của nó, ông nghĩ sửa đổi gien (gene-editing) sẽ là một trong các vấn đề đạo đức sinh học cấp bách nhất trong các thập niên sắp tới vì sự khó khăn trong việc hình thành các hướng dẫn và qui tắc đạo đức. Kể từ khi xuất hiện ngành sửa đổi gien qua kỹ thuật CRISPR-Cas9 trong thập niên vừa qua, vấn đề này càng trở nên cấp bách hơn. Hiện nay, có rất ít giáo huấn Huấn Quyền về đạo đức học của việc sửa đổi gien, và quả không có điều gì để gợi ý rằng cả việc thăng tiến con người qua việc sửa đổi gien, tự nó, là vô luân.

Tuy thế, trong văn kiện Dignitas Personae, Giáo Hội có chỉ rõ những cạm bẫy có thể có trong việc sửa đổi gien: đó là việc cổ vũ não trạng ưu sinh (eugenic), hay việc “không hài lòng nào đó hay thậm chí việc bác bỏ giá trị của hữu thể nhân bản như một tạo vật và một ngôi vị hữu hạn”. Đây là điều Ông Wee gọi là “luận lý học nội tại” của kỹ thuật. Nhưng lẽ dĩ nhiên, trong thực hành, có thể khó mà biết được khi nào các đề nghị chuyên biệt về sửa đổi gien trở thành mồi cho các cạm bẫy này, do đó, một lần nữa, nhân đức khôn ngoan là điều không thể miễn chước.

Được hỏi đâu là vai trò của Hàn Lâm Viện Sự sống trong cuộc tranh luận về đạo đức sinh học hiện nay, Ông Wee trả lời rằng “Hàn Lâm Viện Sự Sống đặc biệt lưu ý tới các kỹ thuật đang xuất hiện như việc phát triển của trí khôn nhân tạo và ý nghĩa của nó đối với việc chăm sóc sức khỏe. Một lần nữa, nhiều kỹ thuật trong số này là những phạm vi không nhất thiết chấp nhận các tuyên bố tuyệt đối về luân lý nhưng trong đó, nhân đức khôn ngoan là điều quan trọng nhất.

Đồng thời, điều quan trọng là nhìn nhận rằng là người Công Giáo, ta không thể giản lược đức khôn ngoan chỉ vào việc cân nhắc các hậu quả, chúng ta vốn không thực dụng hay chuyên theo thuyết tỷ lệ (proportionalists)! Chúng ta có nền tảng vững chắc, và đó là phẩm giá bất khả xâm phạm của nhân vị, có hồn có xác, và được ban cấp khả thể kết hợp với Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô. Bằng cách này, Giáo Hội, và nói riêng, Hàn Lâm Viện, có viễn tượng độc đáo để đóng góp vào cuộc tranh luận rộng lớn hơn về đạo đức sinh học. Chúng ta không chỉ đơn giản nghiên cứu các hậu quả xã hội của các kỹ thuật này, nhưng còn tìm cách hiểu làm một nhân vị được tạo nên gống hình ảnh Thiên Chúa có nghĩa gì.

Cũng có đấu hiệu tốt là các nhà khoa bảng và thực hành ngày càng quan tâm đến việc áp dụng đạo đức học vào các vấn đề hiện thời của ngành chăm sóc sức khỏe. Đơn cử trường hợp mới đây, ông cho hay ông vừa nhận được một tài khoản của một cơ quan không Công Giáo để hoàn tất một dự án về vai trò của nhân đức trong ngành sức khỏe tâm thần. Vì đạo đức học về nhân đức vốn nằm ở cốt lõi truyền thống luân lý Công Giáo, ông nghĩ việc này rất thích hợp với công trình của Hàn Lâm Viện.

Riêng việc thăng tiến và sửa đổi gien chẳng hạn, theo ông, nếu ta tiếp cận nó từ viễn ảnh đạo đức học nhân đức, ta có thể thấy có vấn đề điều độ và phân phối hợp tình hợp lý các tài nguyên. Có lẽ các kỹ thuật này không xấu từ trong nội tại, nhưng trong một thế giới hiếm tài nguyên, phải chăng các kỹ thuật này nên nhận được nhiều chú ý và tài trợ hơn, phải chăng cách nào đó điều này không tượng trưng một loại “chăm sóc sức khoẻ” đặt tiền đề trên ý muốn và khả năng mua bán hơn là nhu cầu y tế, một điều sẽ đem lại nhiều bất bình đẳng hơn hay sao?

Dù sao, theo Ông Wee, chúng ta vẫn phải tiếp tục nhắc lại giáo huấn Công Giáo truyền thống về những vấn đề như phá thai, trợ tử và ngừa thai, mãi luôn có đó. Nếu người Công Giáo chúng ta không hiểu tại sao phẩm giá sự sống con người và hôn nhân lại quan trọng đến nỗi một số hành động luôn phải bị loại trừ về phương diện luân lý, thì làm thế nào chúng ta thậm chí có thể bắt đầu khai triển được một viễn ảnh đích thực có tính Công Giáo về những vấn đề phức tạp hơn nữa như trí khôn nhân tạo? Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Sự Sống hiện đang ở một vị thế rất tốt để làm chứng cho giáo huấn của Giáo Hội trong các vấn đề đã được giải quyết trước thế giới rộng lớn hơn, ngay lúc đang thăm dò các lãnh vực mới của tư duy đạo đức sinh hoạt.
 
Văn Hóa
Vài suy tư: Nha Trang – mùa dịch corona
Lm. Lê Hoàng Nam, SJ
13:16 04/02/2020
Từ ngày báo chí truyền tin cho biết đã có vài trường hợp bị [nghi ngờ?] nhiễm virus corona từ Vũ Hán, người ta cũng hạn chế đến Nha Trang, bởi phần lớn khách du lịch đến đây là người Trung Quốc.

Thấy dân mạng đăng tải hình ảnh “trống vắng” của thành phố Nha Trang, tôi vội vàng vào xem. Vốn là một địa điểm du lịch nổi tiếng, Nha Trang đã luôn tấp nập người, đặc biệt là những con đường ven biển. Nay thấy vắng ngắt khắp nơi, đường sá thênh thang, tiếng ồn ít lại, bản thân tôi – một người con vùng biển này – thấy là lạ, chẳng biết nên gọi là “bình yên” hay “sợ hãi”.

Từ ngày báo chí truyền tin cho biết đã có vài trường hợp bị [nghi ngờ?] nhiễm virus corona từ Vũ Hán, người ta cũng hạn chế đến Nha Trang, bởi phần lớn khách du lịch đến đây là người Trung Quốc. Tình hình trở nên nghiêm trọng đến độ người ta chẳng dám ra đường, các quán ăn cũng ít khách, các trường học đóng cửa, những nơi công cộng chỉ toàn thấy khẩu trang… Tôi theo dõi từng trang tin, thấy đâu đâu cũng nói về dịch cúm, cảnh tang thương ở Vũ Hán, những lời nguyền rủa dành cho kẻ nào đã phát tán hay che giấu dịch bệnh, rồi có cả những trích dẫn về các lời tiên tri nào đấy về đại hoạ cho nhân loại… Có lẽ đã có quá nhiều điều để nói về tình trạng virus corona này, nhưng bản thân vẫn muốn chia sẻ vài dòng tâm sự.

Hoá ra con người vẫn còn biết sợ chết

Ai cũng biết là mình sẽ chết, chỉ là không biết mình sẽ chết cách nào, khi nào, ở đâu. Người ta có quyền uy cỡ nào, giàu sang thế nào, vẫn sẽ trở nên yếu đuối và thua cuộc trước thân phận hữu hạn và phải chết của mình. Khi cuộc sống đẩy xô người ta mưu sinh để tranh giành vật chất, ít ai nghĩ đến chuyện mình sẽ chết. Cho đến khi có cái gì đó đe mạng sống của mình, họ mới giật mình nghĩ về những cái hư ảo mà mấy lâu nay mình tìm kiếm. Đối diện với cái chết, người ta trở nên hoảng loạn vô cùng.

Con người vĩ đại là thế, nhưng vẫn khiếp sợ trước một con virus nhỏ nhoi. Chỉ vài ngày thôi mà cả thế giới phải náo loạn. Các nhà khoa học phải nỗ lực hết sức để sớm tìm ra thuốc chữa trị. Nơi đâu không có người nhiễm bệnh, ai nấy đều vui mừng. Con người chắc sẽ ít để ý đến sự mau qua của thế giới này, nếu không bị đặt vào hoàn cảnh màn trời chiếu đất như thế.

Mấy ngày qua, bản thân tôi đi đâu, làm gì cũng có chút lo ngại, ho một cái cũng mong rằng đó chỉ là cái ho thông thường. Thấy con người mình sao nhỏ bé quá, tầm thường quá! Tôi không thích con virus corona, nhưng cũng giống như bao tai hoạ khác mà nhân loại đã từng gánh chịu, đại dịch này dường như cũng cảnh tỉnh con người về cái yếu đuối và số phận thụ tạo của họ.

Phải khiêm nhường hơn, phải ý thức hơn, phải biết trân trọng từng hơi thở mà mình đang thụ hưởng, vì biết đâu có lúc mình muốn thở mà không được.

Những điều nơi thâm tâm của con người được tỏ lộ

Bên cạnh những nỗi lo lắng dành cho đại dịch, cư dân mạng còn tỏ vẻ bức xúc trước hiện tượng nhiều tiệm thuốc đã tăng giá khẩu trang.

Người ta luôn tìm cách trục lợi cho bản thân, tận dụng mọi hoàn cảnh để kinh doanh thu tích nhiều lợi nhuận. Nhưng như nhiều người đã bình luận, đồng tiền thu được từ nỗi sợ của người là loại đồng tiền bẩn thỉu, vì nó chà đạp lương tâm của mình, đánh mất đi nhân cách, quên lãng lòng thương xót dành cho đồng loại.

Cơn đại dịch xảy đến một cách bất chợt hoá ra lại làm cho nhân loại chúng ta biết rằng con người thật thâm hiểm, chỉ chực chờ cơ hội để lo cho bản thân mình, bất chấp những giá trị luân thường đạo lý. Sự ích kỷ đó đã ngấm ngầm trong xã hội chúng ta bấy lâu nay. Nó khiến cho con người càng xa nhau mà chẳng mấy ai để ý. Đến bây giờ, trước đại hoạ này, nó mới lộ diện cách rõ ràng hơn. Con “virus ích kỷ” này đâu kém nguy hiểm hơn con “virus corona”. Các nhà khoa học có thể sẽ sớm tìm ra được thuốc chữa trị thể lý, còn những căn bệnh thuộc về nhân cách, thật khó để có thể diệt trừ một sớm một chiều.

Những biến cố xảy đến sẽ giúp phơi bày lương tâm con người ra trước ánh sáng. Chắc là sau đại dịch này, sẽ còn nhiều chuyện phải làm để cuộc sống nhân loại được lành mạnh và trong sạch hơn, miễn nhiễm với mọi loại toan tính bẩn thỉu, ích kỷ nhỏ nhen mà con người đang sống.

“Một con người hoàn hảo là toàn thể nhân loại”

Hình như câu nói này của một triết gia nào đó (Socrates?). Không một con người nào là hoàn hảo, là đầy đủ. Bởi vậy, mới có người khác sống với mình, mới có cái gọi là “cộng đồng nhân loại”, “gia đình nhân loại”.

Lên án, chỉ trích kẻ ác đã gieo rắc tai hoạ cho nhân loại là điều phải làm, nhưng có lẽ chúng ta được mời gọi để ý thức hơn về trách nhiệm chung mình cần phải có với mọi anh chị em khác trong lúc này. Phần lớn những người bị bệnh là người dân vô tội. Họ hoàn toàn không nhúng tay vào việc tạo ra con virus. Họ đáng thương hơn đáng trách. Người Trung Quốc có thể bị kỳ thị vì nhiều chuyện, nhưng không phải người Trung Quốc nào cũng xấu. Đôi khi, cần phải cách ly để đảm bảo an toàn, nhưng đó là vì lý do sức khoẻ, chứ không phải vì ghét bỏ.

Đây là lúc con người phải gieo rắc tình thương chứ không phải thù hận, phải chúc lành chứ không phải nguyền rủa, phải nâng đỡ chứ không phải loại trừ. Cho đến bao giờ con người còn nắm tay nhau thì còn sự sống, buông tay nhau là tự diệt vong.

Tạ ơn Chúa vì vẫn còn đó những con người đã thể hiện một lối sống cao đẹp: biết quên mình, hy sinh bản thân, phục vụ người khác. Những chiếc khẩu trang miễn phí chẳng đáng bao nhiêu nhưng nói lên sự cao quý của tình người, rằng đâu đó giữa vũng lầy của biết bao sự xấu, tình yêu vẫn chiến thắng tất cả. Nhiều bác sĩ, y tá bất chấp tính mạng của mình để phục vụ bệnh nhân. Còn hình ảnh nào đẹp hơn thế!

Nhân loại sẽ không thể nào tránh khỏi tất cả những tai hoạ xảy đến, nhưng thế giới này sẽ trở nên đáng sống hơn biết bao khi con người vẫn để cho những nhân đức tuyệt vời toả sáng, chứ không bị những thói xấu hoành hành.

Nha Trang đang vắng người, những con đường thưa thớt. Tôi liên tưởng đến một sự thanh vắng của con tim. “Bình yên” hay “sợ hãi” là tuỳ ở mỗi người; riêng tôi, tôi chọn sự “bình yên”, vì tôi biết tôi có làm gì, ra sao vẫn không nằm ngoài sự quan phòng và yêu thương của Chúa. Ngay lúc này, tôi cầu nguyện cho mọi người, cầu cho thái bình mau đến trên thế giới, đất nước và thành phố quê hương tôi, một sự thái bình đúng nghĩa và đích thực, từ lòng người toả ra!

Lm. Lê Hoàng Nam, SJ (dongten.net)
 
Gương sáng người Nhật Bản: Thiên tai, Nhân họa hay khủng hoảng niềm tin?
FB Linh Nguyễn
13:26 04/02/2020
Cách đây vài năm, Nhật Bản xảy ra thảm họa động đất. Một bà chị lấy chồng Nhật post lên Facebook rằng.

- Hôm nay đi đổ xăng, sợ khủng hoảng nên đổ đầy bình, định đi siêu thị hốt đồ thì bị chồng Nhật mắng. "Chỉ được đổ nửa bình". Chị hỏi " Tại sao, bình thường em vẫn đổ đầy bình mà? Nhất là đang khủng hoảng, lỡ mai không còn xăng đổ thì sao? "

Chồng chị đáp " Vì là khủng hoảng nên mới chỉ được đổ nửa bình. Chừa cho những người đang bị thiếu hụt ở vùng thiên tai".

Và không phải mỗi chồng chị, mà người Nhật nào cũng làm y như vậy? Vì khủng hoảng nên mọi người đều cố gắng không tích trữ để phần lương thực dư cho những nơi đang gặp tai họa. Nhường cho ngừoi đang cần.

Và sau đó toàn thế giới nghiêng đầu trước hình ảnh dòng người Nhật xếp rồng rắn nhẫn nại nhường nhịn, che chở, chờ đợi để được cứu hộ.

Dĩ nhiên không thể so sánh người Nhật và người Việt vì trình độ xã hội, giáo dục, nhân sinh mọi thứ đều khác nhau.

Và cái chúng ta thiếu nhất chính là niềm tin cho nhau, cho chính quyền và cho xã hội. Chúng ta không có niềm tin rằng, chỉ cần mình tốt, mình sẽ được đối xử như cách mình sẽ đối xử xã hội.

Do đó chúng ta trở nên khủng hoảng.

Tuy nhiên, post bài này không phải để phân tích xã hội hay so sánh người nào. Post bài này chỉ để nói 1 chuyện. Đôi khi Thiên Tai không đáng sợ bằng Nhân Họa.

Ví dụ như khẩu trang và nước rửa tay. Thật ra theo mức độ nhà máy và tốc độ sản xuất. Nếu chúng ta mua đủ xài trong vài ngày, sau đó lại tiếp tục mua tiếp, bảo đảm sẽ không thiếu cho bất kỳ ai trong 90 triệu dân số hiện tại. Nhưng chỉ vì có rất rất nhiều người, tích trữ cả trăm hộp trong nhà nên mới tức thời xảy ra khủng hoảng. Và dự là qua cơn khủng hoảng này, lượng khẩu trang, nứơc sát trùng tích trữ đó có thể xài đến vài năm.

Thực phẩm cũng vậy. Thực ra nếu chúng ta vẫn sống theo bình thường với tốc độ sản xuất thực phẩm hiện tại chúng ta sẽ không bao giờ xảy ra khan hiếm.

Do đó, van xin các bạn đừng bước kế tiếp là điên rồ tích trữ thực phẩm. Tạo ra Nhân Họa khan hiếm, dẫn đến khủng hoảng xã hội sâu sắc, dẫn đến ngừoi không có ăn, nhưng sau đó khi mọi việc lắng xuống, lại có 1 lượng lớn thực phẩm đổ đi vì hết date.

Nên nếu có quá lo lắng. Chỉ xin tích trữ đủ dùng trong 2 tuần. Thực phẩm sẽ không thể khan hiếm nếu chúng ta vẫn tiếp tục công việc của mình và cẩn thận trong giao tiếp là được. Đừng tạo nên 1 cơn khủng hoảng dẫn đến chúng ta không bị diệt vì virus mà tự diệt lẫn nhau.

Please Bình Tĩnh. Mọi việc rồi sẽ ổn thôi.

Chúc cả nhà luôn luôn Bình An. ( Cả tâm trí lẫn hiện thực )

(Nguồn: FB Linh Nguyễn)
 
VietCatholic TV
Chứng tá mắt thấy tai nghe về tình trạng bi đát bên trong thành phố Vũ Hán của một linh mục Trung Hoa
Giáo Hội Năm Châu
00:25 04/02/2020
Một linh mục Công Giáo thầm lặng về Vũ Hán ăn tết với cha mẹ già đã bị kẹt lại trong thành phố. Ngài gởi cho Asia News, cơ quan thông tấn của Liên Hiệp Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, bài tường thuật sau trong đó có những đoạn khiến người ta rùng mình.

Những gì ‘mắt thấy tai nghe’ của linh mục Sơn Nhân thật quá đau lòng: người dân Vũ Hán bị các nơi khác xua đuổi như ‘loài chuột cống’, còn ngay tại Vũ Hán, hàng xóm lấy gỗ bịt cửa không cho những nhà có người bệnh được ra ngoài.

Một nền văn hoá tàn bạo xuất phát từ ý thức hệ vô thần đang phơi bày khuôn mặt thật sự ghê tởm của nó ra!

Sau đây là bức thư của linh mục Sơn Nhân:

Vào buổi chiều trước giao thừa, tức là ngày 24 tháng Giêng, tôi nhận được chỉ thị từ Đức Giám Mục hủy bỏ các Thánh lễ ngày Tết. Mới hai ngày trước đây, tôi đã gửi thông báo về chương trình năm mới cho những đêm 24, ngày 25 và ngày Chúa Nhật và tôi dự định về quê ngay sau thánh lễ Chúa Nhật. “Trở về nhà sau đêm giao thừa” đã trở thành một tập quán của tôi. Nhưng bây giờ vì chương trình Tết bị hủy bỏ rồi, tôi quyết định về nhà sớm hơn, vào ngày 25 tháng Giêng ngay sau khi ăn giao thừa với các tín hữu xong.

“Về nhà” đã trở thành một quyết định khó khăn trong năm nay. Trước Tết tôi nhiều lần nói chuyện với bố mẹ qua điện thoại và ông bà luôn luôn hỏi tôi khi nào thì về. Nhưng lúc đó chúng tôi chưa biết về nạn dịch Coronavirus của Vũ Hán. Khi tôi phát hiện ra, dịch bệnh đã lan tràn khắp Trung Quốc rồi. Tôi đã đảm bảo với bố mẹ rằng tôi sẽ về vào ngày 26 tháng 1 và tôi không bao giờ nghĩ rằng tôi lại về trước một ngày như thế này. Bố mẹ tôi hoàn toàn không biết gì cả. Hầu hết các linh mục anh em của tôi cũng thế, họ chưa bao giờ được đón giao thừa ở quê nhà; họ cũng trở lại ngày hôm sau Chúng tôi thường xuyên thảo luận với nhau về việc có nên về quê trong năm nay không. Mọi người đều nghĩ đó là một hành động vô trách nhiệm. Nhưng tôi đã quyết định về sớm hơn, và Chúa đã an bài cho tôi và làm cho chuyến đi được xuông sẻ.

Tôi về đến làng vào lúc đang mưa. Nhiều rào chắn đã được lắp đặt, nhưng may mắn thay, làng của tôi đã không ủi đất để đào rãnh, cũng không đắp mô để chặn đường. Nền văn minh ở đây không được xây dựng một sớm một chiều, nhưng nhờ đức tin mà đạt được tiến bộ, cho nên họ đã không áp dụng những phương sách “bạo lực đơn giản” đang được lưu hành trên internet. Các buổi lễ của làng bị hủy bỏ. Không có ai đi thăm họ hàng, cũng không có những đứa trẻ len lén đốt pháo: cả làng chìm đắm trong một sự im lặng kỳ diệu. Mọi người ở trong nhà ăn uống, xem TV, nói chuyện điện thoại di động, ngủ. Chắc chắn có nhiều bô lão đã cầu nguyện và đọc kinh Mân côi.

Tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng đã chiếm giữ tâm trí của mọi người. Trên internet, tôi không chỉ xem các bản cập nhật mới nhất về dịch bệnh và các khu vực dịch mới, mà tôi còn phát hiện ra một số tình cảm của con người xuất hiện trong xã hội. Thị trưởng Vũ Hán cho biết, 5 triệu người đã rời thành phố, một số người trở về quê, một số khác dự định lánh mặt lâu hơn và đang tạm trú trong những khách sạn. Rõ ràng là vì có sự lo sợ liên quan đến việc truyền virut, mọi người đã công khai khủng bố các công dân đến từ Vũ Hán. Những người nghèo này hiện đang bị mọi người xua đuổi trên đường phố như loài chuột cống! Tuy nhiên, cũng có nhiều người qua internet, đã mời tất cả bạn bè từ Vũ Hán, đang bị xua đuổi hoặc mắc kẹt, về nhà mình.

Trong cuộc sống luôn có hai loại người khác nhau và vì vậy thường xuất hiện hai loại ý kiến khác nhau: những người thiên về tình yêu, ôm ấp cuộc sống với một trái tim rộng mở và tình cảm; và những người thiên về hận thù, từ chối thế giới xung quanh với một trái tim lạnh lùng. Tự bảo vệ và tự cô lập chắc chắn là nhiệm vụ của chúng ta, nhưng nếu tất cả chúng ta phớt lờ nhân loại, đạo đức và thậm chí phớt lờ cả những luật lệ để ngăn chặn “virus”, thì ngay cả những người lành mạnh sống ở những nơi an toàn cũng có thể trở thành một quái thú.

Hiện tại, những người nhiễm bệnh phải tự cách ly mình để không lây nhiễm cho người khác. Thật không may, trên internet chúng ta thấy nhiều hành động hung hăng: có những bệnh nhân kinh hoàng xé rách bộ đồ bảo hộ và mặt nạ của các y tá, hét vào mặt bác sĩ và y tá: Tại chúng mày bảo vệ làm gì? Nếu chúng ta chết, chúng ta phải chết chung... Sau đó thì, rào cản dựng lên khắp nơi: người ta đóng dấu đỏ khắp nơi; người ta vác kiếm đi tuần; người ta đặt biểu ngữ trước nhà của người khác; một số người thậm chí còn đóng ván gỗ để chặn lối ra vào của hàng xóm. Đối với nhiều người, những bệnh nhân của Vũ Hán không còn là người nữa, nhưng đồng nghĩa với virus. Thật là đau lòng, bởi vì ngay cả Chúa tuy Ngài ghét tội, nhưng vẫn yêu thương mọi người. Tôi luôn muốn ôm lấy một tội nhân với một tấm lòng thương xót như vậy,

Tình hình hiện nay là thế này: tất cả những người ở ngoài Vũ Hán hô lên: Cố lên Vũ Hán! Nhưng nếu họ có một người bạn đến từ Vũ Hán, họ nói với những người này: Không chỉ bạn lây bệnh cho người khác, mà bạn còn có nguy cơ bị hành hung! Nếu quan hệ giữa mọi người tiếp tục theo cách này vì dịch bệnh, chắc chắn sự khác biệt về mặt xã hội sẽ trở thành lớn hơn.

May mắn thay, sau khi làng tôi bị đóng cửa, không ai có thể rời khỏi nhà, và với mặt nạ, bạn không có thể hát hay nói. Trong im lặng, mọi người ít nhất có thể suy tư. Các tín hữu bắt đầu cầu nguyện cho dịch bệnh, họ tự tổ chức ăn chay. Chị dâu tôi cũng tham gia, và nhịn ăn sáng!

Điều chúng ta thực sự thiếu ở Trung Quốc là việc tự phê bình: mọi người đều khóc và tuyệt vọng khi một thảm họa xảy ra, nhưng ngay khi thảm họa kết thúc, mọi thứ trở lại như trước. Vào năm 2002-2003, 17 năm trước, có Sars, ngày nay là Coronavirus. Cả hai sự kiện đều liên quan đến động vật hoang dã. Con dơi là một động vật hoang dã, vẻ ngoài của nó giống như một hiệp sĩ áo đen (một số người cho rằng con dơi là sự xuất hiện của Satan). Bây giờ thì, không thể tưởng tượng rằng bạn có thể ăn một thứ như vậy! Một người bạn của tôi đã xem một đoạn video trong đó một người đàn ông ăn một con dơi, và ngay lập tức ném bát của mình đi và nói: thật kinh khủng!

Trước khi dịch bệnh lan tràn, Cha Giáo của tôi đã gửi cho tôi một bài suy niệm. Thành thật mà nói, tôi không muốn nghĩ rằng căn bệnh này là hậu quả của sự đàn áp tôn giáo (ở Trung Quốc,) nhưng nghĩ đi nghĩ lại, những lời của ngài cũng không là quá đáng.

“Cứ nghĩ về ngày 24 tháng 12, ngày Giáng Sinh một tháng trước: người Trung Quốc chúng ta khẳng định chắc chắn rằng chúng ta phải tẩy chay các ngày lễ ngoại lai, chúng ta cấm Giáng sinh, yêu đất nước và ủng hộ các ngày lễ quốc gia. Chúng ta đã tự tát vào mặt mình, vì chỉ một tháng sau, một thảm họa đã xảy ra vào ngày 24 tháng 1. Trước một tình hình khó khăn như ngày hôm nay, tôi thực sự có cả ngàn suy nghĩ: chúng tôi đã từ chối sự bình an mà Chúa ban cho chúng tôi một cách nhưng không, và bây giờ thì tất cả chúng tôi chỉ muốn có sự an bình, nhưng chi phí rất cao. Chúng ta phải kính sợ Thiên Chúa, xin cầu nguyện cho người Trung Quốc! Chúng tôi cầu xin lòng thương xót bao la của Chúa để mọi thứ sẽ sớm được vãn hồi! “.

Tại buổi đọc kinh Truyền Tin vào ngày 26 tháng 1, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề cập đến dịch bệnh Trung Quốc, và mời các tín hữu từ khắp nơi trên thế giới cầu nguyện cho Trung Quốc. Con người có thể sai lầm và phạm lỗi, nhưng Chúa thì vĩ đại và nhân hậu. Thiên Chúa không bao giờ bỏ qua một trái tim hối cải và khiêm tốn. Ngày nay, các Kitô hữu phải cầu nguyện chân thành, vì đất nước chúng ta thực sự cần sự giúp đỡ của Chúa.


Source:Asia News