Ngày 05-02-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Bên trong
Lm Vũđình Tường
05:24 05/02/2016
Thánh Luca bắt đầu tường thuật sứ mạng rao giảng về ơn cứu độ của Đức Kitô kêu gọi nhóm môn đệ đầu tiên. Tường thuật này bỏ qua chi tiết sứ vụ rao giảng của Thánh Gioan Tẩy Giả và chú trọng nhiều đến sứ mạng của Đức Kitô. Điểm này gây nên hiểu lầm, khiến người đọc có cảm tưởng nhóm môn đệ đầu tiên theo Đức Kitô là hai anh em ông Andrew và Peter con ông Gioan và hai anh em khác là James và John con ông Zebedê. Các ông gặp Đức Kitô lần đầu, có cảm tình sâu đặm đến độ từ bỏ mọi sự để theo Đức Kitô. Vì thế người đọc Kinh Thánh sẽ thắc mắc làm thế nào mà chỉ mới gặp qua một lần đã có quyết định quan trọng ảnh hưởng đến đời người như thế. Đây có phải là quyết định chín chắn và khôn ngoan hay là một quyết định vội vã, hời hợt để rồi sau này ân hận suốt đời. Để trả lời cho vấn nạn này chúng ta dựa vào tường thuật Phúc Âm thánh Gioan vì thánh Gioan khởi đầu Phúc Âm của ngài khởi đi từ sứ mạng của thánh Gioan Tẩy Giả, đấng đi trước mở đường cho Chúa Cứu Thế.

Thánh Gioan cho biết nhóm môn đệ đầu tiên đã cẩn trọng cân nhắc, xem xét, phán đoán, dò hỏi kĩ lưỡng trước khi đi đến quyết định từ bỏ mọi sự để đi theo Đức Kitô. Thánh Gioan cho biết bước đầu tiên Andrew là môn đệ của Gioan Tẩy Gia, khi Gioan thấy Đức Kitô đi qua ông nói với các môn đệ ông, đây là Đấng Thiên Sai và các môn đệ của Gioan đến gặp Đức Kitô. Giai đoạn hai sau khi đàm thoại với Đức Kitô các ông đã đến chung sống với Ngài một thời gian. Giai đoạn ba sau khi chung sống cùng Đức Kitô, Andrew về gặp em mình là Phêrô và hai anh em bàn bạc, thảo luận với nhau. Dù bàn bạc, thảo luận nhưng hai ông vẫn tiếp tục nghề đánh cá của mình. Giai đoạn thứ tư là Đức Kitô gặp hai ông đang giặt lưới sau một đêm không ngủ, không cá. Đức Kitô đã mượn thuyền của các ông làm chỗ đứng giảng dậy dân chúng. Những điều Ngài dậy khai tâm trí các ông và các ông càng vững tin nhận định của mình về con người Kitô là đúng. Đức Kitô Đấng Thiên Sai. Giai đoạn thứ năm là các ông vâng lời Đức Kitô thả lưới. Kinh nghiệm nghề nghiệp cho biết sau một đêm chài lưới không cá, sáng ra giặt lưới bởi biển không có cá nhưng vì Đức Kitô yêu cầu nên các ông thả lưới mà không hy vọng có cá bởi kinh nghiệm chài lưới lâu năm của các ông cho biết như thế. Bằng chứng rõ ràng là đêm qua các ông tay trắng, không cá. Nghe theo chỉ dẫn của Đức Kitô các ông vừa kinh ngạc vừa sợ hãi đến độ không nói nên lời. Lưới đầy cá, toàn cá lớn, nhiểu đến độ không ngờ, nhiều đến độ không cẩn trọng lưới có thể rách và các ông không thể kéo cá lên thuyền nhưng phải nhờ đến bạn chài đến giúp kéo cá lên thuyền. Quá kinh ngạc trước sự kiện ngoài sức tưởng Phêrô liền quì xuống trước mặt Đức Kitô thưa

Xin Ngài xa con vì con là kẻ tội lỗi. V.8

Theo lời giới thiệu của Gioan Tẩy Giả Andrew nhận biết Đức Kitô là Đấng Thiên Sai. Peter biết đến thánh danh đó nhưng nghe Đức Kitô giảng và nhìn thấy phép lạ ông nhận biết Đức Kitô là Đấng thánh, không hề vướng mắc tội nên ông đã xưng ra xin xa con vì con là kẻ có tội không xứng đáng đứng gần Đấng vô tội. Cả hai danh xưng đều đúng bởi Ngài là Đấng Thiên Sai nên không hề vướng mắc tội. Nói ngược lại Ngài không hề mắc tội bởi là Đấng Thiên Sai.

Trước khi tin vào Đức Kitô Andrew đã tin theo thánh Gioan Tẩy Giả và việc thánh Gioan Tẩy Giả giới thiệu Đức Kitô là Đấng Thiên Sai gây ảnh hưởng mãnh liệt trong tâm hồn Andrew. Việc đến đàm đạo và ở cùng Đức Kitô chứng tỏ niềm tin Andrew tin tưởng nơi thánh Gioan Tẩy Giả. Nghe Đức Kitô giảng làm cho niềm tin đã có từ trước nơi anh em Andrew thêm vững tin. Điều khiến anh em Andrew tin mãnh liệt vào Đức Kitô chính là nhận thức của các ông vì sau này chính Peter là người từ miệng thốt ra khi Đức Kitô hỏi còn các ông, các ông có dời bỏ ta không. Peter mạnh dạn thưa

Thưa Thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai? Vì Thầy có lời ban sự sống đời đời. Jn 6,68.

Anh em Andrew tin theo Đức Kitô bởi các ông nhận biết nơi Ngài có lời ban sự sống trường sinh. Đây là hấp lực chính chinh phục tấm lòng của hai ông bởi hai ông mong mỏi, khao khát đi tìm sự sống trường sinh. Khi tìm được các ông bỏ tất cả, quyết tâm đeo đuổi.

Chúng ta xin ơn khôn ngoan nhận biết Đức Kitô vì Ngài là Đấng có quyền ban sự sống trường sinh và quyết tâm theo Chúa đến cùng.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Thứ Tư Lễ Tro - 10.2.2016
Lm Francis Lý văn Ca
17:55 05/02/2016
ÐẦU LỄ: Anh Chị Em thân mến,
Hôm nay, chúng ta bắt đầu Mùa Chay Thánh của Giáo Hội qua việc ăn chay và kiêng thịt. Giờ đây chúng ta tham dự thánh lễ cũng như tham dự nghi thức làm phép và xức tro sau bài chia sẻ của linh mục chủ tế.

Mùa Chay trở về mời gọi người tín hữu sống tinh thần của việc ăn năn sám hối, trở về với Chúa qua chay tịnh và làm hòa với Ngài cũng như Anh Chị Em qua Bí Tích Hòa Giải một cách cụ thể.

Chu kỳ Phụng Vụ của Mùa Chay được bắt đầu qua nghi thức làm phép và xức tro hôm nay, có ý nghĩa kêu mời chúng ta ăn năn thống hối, qua việc làm cụ thể nầy, chúng ta sẽ nhận được sự khoan hồng thứ tha của Thiên Chúa là Cha đầy lòng thương xót.

Đặc biệt trong Năm Thánh của Lòng Thương Xót, mỗi người tín hữu chúng ta được kêu mời gia tăng những việc lành đạo đức, những nghĩa cử bác ái đối với tha nhận biểu lộ lòng thương xót của Chúa mà chúng ta đã lãnh nhận trong tinh thần chia sẻ những hồng ân Chúa ban tặngcho chúng ta trong cuộc sống hằng ngày

Giờ đây, chúng ta bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Tiên tri Giona nhắc nhở dân chúng quay trở về với Thiên Chúa Giavê, qua chay tịnh phần xác. Chúng ta cũng được Giáo Hội mời gọi hy sinh, hãm mình và đáp lại lời mời gọi của Giáo Hội trong chiến dịch tình thuơng của Mùa Chay.

TRƯỚC BÀI II:
Qua Ðức Kitô, chúng ta được giao hoà với Thiên Chúa Cha. Nhưng với thân phận yếu hèn, chúng ta chúng ta đã đánh mất ơn Chúa qua tư tưởng, lời nói và việc làm. Mùa Chay là dịp thuận lợi để chúng ta chuẩn bị làm hòa lại với Chúa và với anh chị em qua những nghĩa cử cao đẹp.

TRƯỚC BÀI PHÚC ÂM:
Chúa Giêsu nhắc nhở các tông đồ những nguyên tắc chính để thực hiện trong việc chay tịnh: Bố Thí, Cầu Nguyện và Ăn Chay Hãm Mình. Chúng ta đã thực hiện một phần nào đó trong ngày hôm nay và trong suốt lộ trình của Mùa Chay.

LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN.

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Qua phần phụng vụ đặc biệt của ngày lễ hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta trở về với Ngài, qua chay tịnh phần xác và hướng đến tha nhân trong sự bác ái. Giờ đây chúng ta dâng lên Thiên Chúa ý nguyện cầu sau đây:

1. Mùa Chay nhắc nhở chúng ta phải trở về với Chúa và làm hòa với anh em. Xin Chúa giúp mỗi nguời trong chúng ta tìm gặp được Chúa qua bí tích hòa giải và làm hòa với anh em trong thông cảm và tha thứ, đặc biệt trong Năm Thánh của Lòng Thương Xót. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Ðáp lại tiếng Chúa và Giáo Hội kêu mời, chúng ta đã bước vào ngày đầu tiên của Mùa Chay Thánh của Năm Thánh Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Xin cho chúng ta biết dùng 40 ngày của Mùa Chay Thánh của Năm Hồng Ân nầy, mưu ích cho cá nhân bằng những ích lợi thiêng liêng và tha nhân nhận được lòng quảng đại của chúng ta. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Một năm đã qua, có quá nhiều biến cố đau thương xảy đến: thiên tai, chiến tranh, hỏa hoạn, mất mùa, khủng bố gieo tang tóc kinh hoàng. Xin cho chúng ta biết dùng khả năng Chúa ban để phần nào xoa dịu những thống khổ của anh chị em kém may mắn. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Xin cho mắt tâm hồn của chúng ta rộng mở, trái tim chúng ta biết thông cảm với những nổi thống khổ của tha nhân và tay của chúng ta biết chia sẻ với anh chị em đang khốn cùng nhửng hồng ân Chúa ban tặng cho chúng ta. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Chúng con cầu nguyện cho Ông Bà Tổ Tiên, anh chị em của chúng ta đã qua đời, đặc biệt là những linh hồn mồ côi không còn ai để nguyện cầu. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Cha, là Ðấng hay thương xót và tha thứ, xin nhìn đến sự thống hối ăn năn của chúng con trong ngày lễ hôm nay. Xin tăng thêm ơn thần lực, để chúng con mạnh dạn biến đổi đời sống và hướng đến anh em trong tình bác ái. Chúng con cầu xin, nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
 
Suy niệm thánh lễ tất niên
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
22:11 05/02/2016
SUY NIỆM THÁNH LỄ TẤT NIÊN

Xin cảm tạ Chúa và xin Chúa thứ tha

Một năm với tháng ngày dần trôi, giờ chúng ta đang sống là thời khắc cuối cùng của năm cũ 2015, năm Ất Mùi và chuẩn bị bước vào năm mới 2016, năm Bính Thân, thời khắc thật linh thiêng. Vào dịp tạ ơn cuối năm, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu cảm tạ và chúc tụng Thiên Chúa vì những hồng ân đã nhận lãnh trong năm qua, đồng thời xét mình và kiểm điểm những gì xảy ra trong năm 2015. Ngài nói : “Giờ này đây, chúng ta cần đặc biệt tập trung vào những dấu chỉ Thiên Chúa đã ban, để cảm nghiệm cụ thể sức mạnh tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta không thể quên bao nhiêu ngày ghi đậm bạo lực, chết chóc, đau thương khôn tả của bao người vô tội, những người tị nạn buộc lòng phải rời bỏ quê hương, những con người nam nữ và trẻ em không còn gia cư nhất định, thiếu lương thực và kế sinh nhai. Dầu vậy cũng có bao nhiêu cử chỉ tốt lành, yêu thương và liên đới diễn ra trong những ngày tháng của năm cũ, mà không được các bản tin tức nói tới! Không thể để cho quyền lực sự ác che khuất những dấu chỉ tình thương ấy. Sự thiện luôn chiến thắng, cho dù có lúc sự thiện xem ra yếu ớt và âm thầm” (Bài giảng Kinh Chiều cuối năm 2015). Vì thế chúng ta phải dâng lời cảm tạ Chúa.

Cảm tạ

Một năm sắp kết thúc, người kitô hữu chúng ta dựa trên Thánh Kinh thấy thời gian không mang tính tuần hoàn mà là một đường thẳng: thời gian là con đường dẫn đến chung cuộc, nên một năm trôi qua là một bước đi hướng đến sự hoàn tất của lịch sử, đến cứu cánh của nhân loại là hy vọng và vui mừng được gặp Chúa, thì việc tạ ơn này thật là ý nghĩa.

Trong giờ phút linh thiêng này chúng ta dâng lời tạ ơn Chúa. Bởi lẽ, tạ ơn là thái độ căn bản của người Kitô hữu đối với Thiên Chúa, Isaia dạy chúng ta phải dâng lời ca tụng Chúa, “vì tất cả những gì Đức Chúa đã thực hiện cho chúng tôi vì lòng nhân hậu lớn lao của Người… bởi lòng Người đầy thương xót và lắm nghĩa giầu ân” (Is 63,7). Thật phù hợp với Năm Thánh Lòng Thương Xót chúng ta đang sống. Thánh Phaolô viết : “Chúc tụng Thiên Chúa, là thân phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Giêsu Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần” (Ep 1,3). Thánh Gioan khẳng định : “Mọi vật đều do Người làm nên và không có Người, thì chẳng vật chi được tác thành” (Ga 1,3) Như vậy, đứng trước một Thiên Chúa cao cả và quyền năng, đã ban cho chúng ta tất cả, việc tạ ơn Chúa là việc cần thiết và chính đáng.

Thật là đẹp, khi giờ đây chúng ta đồng thanh hiệp ý với Mẹ Maria ca tụng những điều kỳ diệu của Thiên Chúa đã và còn đang thể hiện trong lịch sử : Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, vì Người đã và còn đang biểu lộ quyền năng của Ngài... đã và còn đang làm tan rã những kẻ kiêu căng... đã và còn đang hạ xuống người quyền thế... đã và còn đang nâng dậy kẻ khiêm cung... đã và còn đang ban tràn đầy ơn lành cho người đói khát... đã và còn đang đuổi người giàu có ra về tay không... đã và còn đang cứu giúp Israel Dân Người. Ðó là bảy hành động của Thiên Chúa là Chúa của lịch sử: Người luôn đứng về phía những kẻ thấp hèn nhất, những kẻ được Thiên Chúa tuyển chọn, những ai kính sợ Người, trung thành với Lời Người; đó là những kẻ khiêm tốn, những kẻ đói khát; đó là Israel người tôi tớ trung thành của Người; đó là cộng đồng dân Chúa, được kết thành bằng những kè nghèo hèn, trong sạch và đơn sơ trong tâm hồn, như Mẹ Maria. Lời của thánh Phaolô nhắn nhủ với tín hữu Thêxalônica xưa kia, nay ngài muốn nói với mỗi người chúng ta rằng: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1 Tx 5, 16-18). Chúng ta cảm tạ Chúa, về ân huệ Người đã thương ban (1Cr 1, 3-9). Cảm tạ Chúa và xin Chúa thứ tha, kèm theo lòng phó thác cho Chúa năm mới sắp tới.

Xin ơn tha thứ

Cũng vào dịp cuối năm, cùng với việc tạ ơn, Đức Thánh Cha Phanxicô còn thức tỉnh con cái mình : “Chúng ta được kêu gọi kiểm điểm xem những thế sự có được thực hiện theo ý Thiên Chúa hay là chúng ta chỉ ưu tiên lắng nghe những dự án của con người, nhiều khi đầy những tư lợi, lòng khao khát quyền lực vô độ và bạo lực vô cớ” (Bài giảng Kinh Chiều cuối năm 2015). Nên chúng ta phải tạ lỗi với Chúa và với mọi người nữa. Tạ lỗi để nói lên lòng sám hối, ăn năn. Tạ lỗi về những điều thiếu sót, điều gì còn chưa chu toàn, điều gì chưa tốt, hoặc lỗi bác ái với tha nhân, hay chưa biết thương xót người như Chúa đã thương xót chúng ta. Xin Chúa thương tha thứ những lỗi lầm mà chúng ta đã phạm trong năm qua. Tương lai tùy thuộc ở Chúa, chúng ta phải có tinh thần phó thác.

Sống phó thác

Nhìn lại một năm đã qua, chúng ta thấy các biến cố lần lượt diễn ra : các thảm kịch về tai nạn hàng không, những vụ khủng bố người giết người giã man hơn, niềm vui và đau khổ, chiến thắng và thất bại, đạo đức con người như đang bị suy giảm tới mức báo động trong các ngành nghề, nạn tham nhũng theo cựu Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang đã trở nên giặc nội khó diệt, chúng ta đang phải đối mặt với thực tại.

Nhìn qua mọi sự, đến giờ phút này đây, chúng ta phải khẳng định rằng Thiên Chúa là chủ lịch sử, hướng dẫn các biến cố nhân loại. Chúng ta phó thác vận mệnh tương lai cho Chúa và thưa răbgf: "Lạy Chúa, chúng con đặt niềm tin tưởng nơi Chúa"!

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Suy niệm gày Mồng Một Tết : Cầu bình an năm mới
Lm Anthony Trung Thành
22:29 05/02/2016
Suy Niệm Ngày Mùng Một Tết
Cầu Bình An Năm Mới

Chúng ta đang sống trong giờ khắc linh thiêng của năm mới. Ai cũng muốn những điều may mắn đến với mình. Vì vậy, chúng ta thường chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất: Mùa xuân xin chúc – Năm mới phát tài – Vạn sự như ý; Kính chúc ông bà – Sống lâu trăm tuổi; Kính chúc ba mẹ – Sức khoẻ dồi dào; Các em bé nhỏ – Học giỏi chăm ngoan; Chúc Tết mọi người – Năm mới hoan hỉ – Gặp nhiều niềm vui. Và lời cầu chúc không thể thiếu trong ngày đầu năm mới đó là lời cầu chúc bình an. Vì sao? Vì bình an luôn cần thiết cho mọi người, mọi gia đình, mọi quốc gia và trên thế giới. Cho nên, ai cũng khát khao có được sự bình an. Có lần, người ta hỏi đại thi hào Dante của nước Italia rằng: “Đâu là điều mà ông mong mỏi và tìm kiếm nhất trong cuộc sống?”. Ông trả lời rằng: “Tôi vẫn luôn đi tìm kiếm điều mà bất cứ ai cũng tìm kiếm: Đó là sự bình an”.
Kinh Thánh vẫn đề cập nhiều đến sự bình an. Trong đêm Chúa Giêsu Giáng Sinh, Thiên thần đã loan báo sứ điệp bình an cho người thiện tâm(x. Lc 2,14). Khi sống lại, trong lúc các Tông đồ còn bối rối lo âu, Chúa Giêsu đã đem bình an đến như một liều thuốc an thần: “Bình an cho các con”(Ga 20,19). Trong các thư của Thánh Phaolô, Ngài luôn mở đầu và kết thúc bằng những lời cầu chúc bình an. Đặc biệt, Ngài mong muốn sự bình an của Chúa Giêsu đến thánh hoá mọi người, điều khiển mọi người. Trong thư 1Tx Ngài viết: "Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hoá toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm. Đấng kêu gọi anh em là Đấng trung thành: Người sẽ thực hiện điều đó" (1Tx 5, 23-24). Lời văn của Thư Côlôsê còn thiết tha hơn: "Ước gì ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó" (Cl 3, 15).
Giáo Hội cũng luôn mong muốn có sự bình an. Chính vì thế, Giáo Hội đã dùng ngày mùng một tết này để mời gọi mọi người xin Chúa ban bình an cho năm mới. Trong mỗi thánh lễ, Giáo Hội luôn cầu chúc bình an của Chúa đến với mọi người và mời gọi mọi người hãy chúc bình an cho nhau.
Vậy lời cầu chúc bình an trong năm mới trở thành hiện thực nơi mỗi người, mỗi gia đình và trong giáo xứ, chúng ta cần kiến tạo sự bình an.

Bình an trong tâm hồn: Tâm hồn có sự bình an là tâm hồn có Chúa, có mối tương quan tốt với Chúa. Để có sự bình an đó, chúng ta phải giữ tâm hồn thanh thoát, không vướng mắc tội lỗi nhất là tội nặng. Bởi vì, tâm trạng của người mắc tội sẽ không có được sự bình an. Tâm trạng của Cain ngày xưa sau khi giết Abel chứng minh điều đó. Vì vậy, nếu lỡ sa ngã phạm tội thì phải kịp thời ăn năn thống hối và tìm đến với Bí tích Giao Hoà. Mặt khác, ta phải tạo điều kiện để Chúa sống trong cuộc đời của ta và ta sống theo ý Ngài; cần phải siêng năng cầu nguyện và lãnh nhận các Bí tích. Tóm lại, phải chu toàn bổn phận Mến Chúa.
Tâm hồn có sự bình an là tâm hồn có mối tương quan tốt với tha nhân. Đó là mối tương quan tốt đối với các thành viên trong gia đình; với những người mình gặp gỡ trong cuộc sống hằng ngày. Ngoài ra, mỗi người cần phải trung thành với bổn phận hằng ngày, đặc biệt là bổn phận yêu thương bác ái. Ngoài ra, ta phải sống hoà mình với mọi người, vui tươi với nhau, không oán hờn, giận ghét ai. Mọi người cần ra sức xây dựng sự bình an trong gia đình, nơi xóm làng, trong giáo xứ và mọi môi trường mình sống.

Bình an trong gia đình: Để có sự bình an trong gia đình, các thành viên phải yêu thương nhau, trên thuận dưới hoà và trong ấm ngoài êm. Thư chung HĐGMVN năm 2014 căn dặn: “Gia đình là cộng đoàn yêu thương bằng tình yêu hợp nhất thủy chung, xuất phát từ Thiên Chúa Tình Yêu. Mối tương quan giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái cũng như giữa anh chị em với nhau, phải là dấu chỉ sống động của Tình Yêu Thiên Chúa. Vì thế, các gia đình Công Giáo phải loại bỏ mọi thứ bạo hành, “hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau” (Cl 3,12-13).
Tâm hồn có Chúa là tâm hồn có sự bình an. Gia đình có Chúa là gia đình có sự bình an. Cần xin Cha xứ làm phép thánh hoá ngôi nhà của gia đình. Trong nhà, cần phải lập một bàn thờ ở nơi trang trọng nhất. Sáng tối, cha mẹ con cái quây quần bên bàn thờ để đọc kinh nguyện cầu với nhau và cho nhau. Hãy động viên nhau giữ đạo, sống đạo và chu toàn bổn phận đối với Chúa và Giáo Hội, nhất là bổn phận loan báo Tin mừng. Loan báo Tin mừng cách hữu hiệu nhất là sống hoà thuận với nhau: Giữa vợ chồng với nhau; giữa cha mẹ và con cái; giữa anh chị em với nhau. Khi có sự hoà thuận sẽ có sự bình an. Ngược lại, thiếu sự hoà thuận sẽ không có sự bình an. Bởi vì, “Gia đình nào hòa thuận, đó là Thiên đàng; gia đình nào bất hòa, đó là Hỏa ngục”(khuyết danh).

Bình an trong giáo xứ: “Giáo xứ là gia đình của những người con cái Thiên Chúa, trong đó tất cả là anh chị em với nhau”. Thật vậy, Giáo xứ là một gia đình tuyệt diệu, có Chúa là Cha, mọi người trong Giáo xứ đều là con của Chúa, anh chị em với nhau trong Chúa.
Giáo xứ muốn có sự bình an thì mọi người phải sống hiệp thông với nhau. “Hiệp thông bằng cách tôn trọng, cộng tác và chia sẻ với nhau. Qua bí tích Rửa tội, mọi tín hữu đều bình đẳng với nhau về phẩm giá, cho nên phải tôn trọng lẫn nhau, tránh mọi hình thức phân biệt đối xử” (Thư chung HĐGMVN năm 2014). Hiệp thông trong tình làng nghĩa xóm; hiệp thông trong lời cầu nguyện, “vì ở đâu có hai ba người họp lại vì danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ”(Mt 18,20); hiệp thông trong sự chia sẻ; hiệp thông trong sự yêu thương, tha thứ; hiệp thông trong sự đoàn kết...Làm sao có sự bình an được, khi trong giáo xứ có sự chia rẽ nhau, thích nuôi hận thù và loại trừ lẫn nhau. Thánh Phaolô Tông đồ khi hay tin có sự chia rẽ trong Cộng đoàn Côrintô, Ngài đã viết trong lá thư thứ nhất gửi cho họ : “Thưa anh em, thế ra Đức Kitô đã bị chia năm sẻ bảy rồi ư ?”(1Cr 1,13).
Vì vậy, để thực sự có sự bình an, chúng ta cần phải dẹp bỏ những chia rẽ, hận thù, loại trừ lẫn nhau. Chúa Giêsu đã đòi hỏi những người lên rước lễ một cách hết sức quyết liệt khi Người nói rằng : “Khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó, trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình”(Mt 5,23).
Giáo xứ nào có sự hiệp nhất, có đời sống đạo sốt sắng, giáo xứ đó mới hưởng được sự bình an của Chúa ban.

Trên đời này, không gì quý hơn sự bình an: Có bình an là có tất cả; thiếu bình an là thiếu mọi sự. Cầu chúc cho mọi người, mọi gia đình một Năm Mới đầy tràn Bình an của Chúa. Đó là thứ bình an mà thế gian không thể ban được, như lời Chúa nói: "Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến, cũng đừng sợ hãi" (Ga 14, 27). Cầu chúc cho mọi gia đình luôn hạnh phúc vì có Chúa ở cùng. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Biến cố lịch sử: Đức Phanxicô gặp Thượng Phụ Mạc Tư Khoa tại Cuba
Vũ Van An
17:33 05/02/2016
Sau nhiều năm suy đoán, lần đầu tiên trong lịch sử, Đấng Kế Vị Thánh Phêrô và Thượng Phụ Giáo Hội Chính Thống Nga sẽ gặp nhau vào ngày 12 tháng Hai này. Đó là thông báo chính thức của Tòa Thánh vào ngày hôm nay.

Cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra tại Cuba, nơi Thượng Phụ Kirill sẽ viếng thăm chính thức. Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ dừng chân vắn vỏi tại Havana trên đường tới Mễ Tây Cơ.

Tòa Thánh cho hay cuộc gặp gỡ lịch sử nói trên “sẽ đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong các mối liên hệ giữa hai Giáo Hội”.

Phát Ngôn Viên Tòa Thánh, Cha Federico Lombardi, nói rằng cuộc gặp gỡ, hy vọng sẽ kéo dài 2 tiếng đồng hồ tất cả, sẽ bao gồm các bài diễn văn tự phát của cả Đức Giáo Hoàng lẫn Thượng Phụ; hai vị sẽ công bố bản tuyên bố chung. Cha nói thêm rằng cuộc gặp gỡ, luôn diễn ra tại một nơi trung lập, là thành quả của hai năm thương thảo.

Sau đây là nguyên văn thông cáo báo chí của Tòa Thánh:

Tuyên Bố Báo Chí Chung của Tòa Thánh và của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa:

Tòa Thánh và Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa vui mừng thông báo: nhờ ơn Thiên Chúa, Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Thượng Phụ Kirill của Mạc Tư KHoa và Toàn Nước Nga sẽ hội kiến với nhau vào ngày 12 tháng Hai này. Cuộc hội kiến của các ngài sẽ diễn ra tại Cuba, nơi Đức Giáo Hoàng sẽ dừng chân trên đường tới Mễ Tây Cơ, và là nơi Thượng Phụ sẽ tới thăm chính thức. Cuộc hội kiến sẽ bao gồm cuộc đàm thoại riêng tại Phi Trường Quốc Tế José Martí của Havana, và sẽ kết thúc với việc ký một bản tuyên bố chung.

Cuộc hội kiến của hai vị Giáo Chủ của Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống Nga, sau một chuẩn bị lâu dài, sẽ là cuộc hội kiến thứ nhất trong lịch sử và sẽ đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong các mối liên hệ giữa hai Giáo Hội. Tòa Thánh và Toà Thượng Phụ Mạc Tư Khoa hy vọng rằng cuộc hội kiến cũng sẽ là một dấu hiệu hy vọng cho mọi người thiện chí. Các ngài mời gọi mọi Kitô hữu cầu nguyện sốt sắng để Thiên Chúa chúc phúc cho cuộc hội kiến này, ngõ hầu nó đem lại nhiều hoa trái tốt lành.

Gặp nhau vì cuộc diệt chủng các Kitô hữu tại Trung Đông

“Cần phải để qua một bên các bất đồng nội bộ và kết hợp mọi cố gắng để cứu Kitô Giáo ở trong vùng nơi nó đang bị bách hại một cách nghiệt ngã hơn cả”.

Đó là lời giải thích được đưa ra ngày 5 tháng Hai, trong một cuộc họp báo của Tổng Giám Mục Hilarion, Chủ Tịch Văn Phòng Ngoại Vụ của Giáo Hội Chính Thống Nga.

Nhân dịp này, Tổng Giám Mục Hilarion cho biết lý do tại sao một cuộc hội kiến giữa Đức Giáo Hoàng và Thượng Phụ chưa bao giờ có thể diễn ra dù đã có nhiều cuộc thương thảo trong những năm qua. Ngài trình bầy một bản tóm lược các căng thẳng liên tục giữa Giáo Hội Chính Thống Nga và Giáo Hội Công Giáo.

Đầu tiên là “vấn đề Unia” một “vết thương rướm máu không bao giờ lành vốn ngăn cản việc bình thường hóa đầy đủ các mối liên hệ giữa hai Giáo Hội”.

Các căng thẳng trên liên quan tới các tín hữu “Uniates” (hợp nhất với Đức Giáo Hoàng) nhất là các vấn đề ở Ukraine, là các vấn đề gần đây đã trở nên tồi tệ hơn với các cuộc tranh chấp diễn ra tại đó.

Tổng Giám Mục Hilarion cho biết: “Tuy nhiên, tình thế như đã và đang triển khai ngày nay tại Trung Đông, tại Bắc và Trung Phi Châu và tại một số vùng khác, trong đó những người cực đoan đang phạm tội diệt chủng chống giáo dân Kitô Giáo, đòi phải có những biện pháp khẩn cấp và sự cộng tác mật thiết hơn giữa các Giáo Hội Kitô Giáo. Trong tình thế bi đát hiện nay, cần phải để qua một bên các bất đồng nội bộ và kết hợp mọi cố gắng để cứu Kitô Giáo ở trong vùng nơi nó đang bị bách hại một cách nghiệt ngã hơn cả".

Ngài nói rằng Hội Đồng Các Giám Mục Thánh Của Chính Thống Nga “kêu gọi biến năm 2016 thành năm cố gắng đặc biệt đối với khía cạnh này… Do đó, bất chấp các trở ngại thuộc bản chất Giáo Hội vẫn còn tồn tại, [chúng tôi] đã quyết rằng một cuộc hội kiến cần phải được khẩn cấp tổ chức giữa Đức Thượng Phụ Kirill và Đức Giáo Hoàng Phanxicô của Rôma. Vấn đề bách hại các Kitô Hữu sẽ là vấn đề chính tại cuộc hội kiến lần này”.

Tổng Giám Mục Hilarion cũng giải thích địa điểm của cuộc hội kiến:

“Suốt nhiều năm gần đây, nhiều đề nghị đã được đưa ra liên quan tới địa điểm của một cuộc hội kiến như trên. Tuy nhiên, ngay từ đầu, Đức Thượng Phụ Kirill đã không muốn nó diễn ra tại Âu Châu, vì lịch sử trầm trọng của các chia rẽ và tranh chấp giữa các Kitô Hữu đã có nhiều liên hệ với Châu Lục này. Sự trùng hợp về ngày tháng của cuộc viếng thăm các nước Châu Mỹ La Tinh của Thượng Phụ Kirill và cuộc tông du Mễ Tây Cơ của Đức Giáo Hoàng Rôma đã trở thành cơ hội để tổ chức cuộc hội kiến tại Tân Thế Giới, và chúng tôi hy vọng rằng nó sẽ mở ra một trang sử mới trong các mối liên hệ giữa hai Giáo Hội. Cùng với chủ đề chính, tức tình thế các Kitô Hữu ở Trung Đông và các vùng khác nơi họ đang chịu bách hại, cuộc hội kiến cũng sẽ bao gồm các vấn đề cấp bách của mối liên hệ song phương và chính sách quốc tế. Cuộc hội kiến sẽ kết thúc với việc ký một bàn tuyên bố chung”.
 
Bề Trên Tổng Quyền Dòng Salesian Don Bosco , nhắn gửi giới trẻ trên toàn thế giới nhân ngày lễ mừng Cha Thánh Gioan Bosco
Nguyễn Kim Ngân
20:34 05/02/2016
“HÃY ĐỂ CHÚA CHIẾM ĐOẠT TRÁI TIM CÁC CON”

Đó là câu chủ chốt tóm tắt nội dung sứ điệp mà Cha Ángel Fernández Artime, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Salesian Don Bosco (SDB), nhắn gửi giới trẻ trên toàn thế giới nhân ngày lễ mừng Cha Thánh Gioan Bosco—31 tháng 1 năm 2016--vừa qua. Sau đây là toàn bản văn được đăng tải trên mạng thông tấn ANS tại Roma.

“Cùng tất cả các con, thanh nam thiếu nữ, trên toàn thế giới, những bạn trẻ thương mến của Cha:

Các con có biết gì không? Cha có thể hiểu rõ tâm tình của Don Bosco trong lá thư gửi cho các thanh thiếu niên sống dưới mái trường và nguyện xá của Ngài rằng Ngài rất nhớ và chỉ mong được mau chóng trở về với họ. Riêng Cha thì lại rất muốn được mừng lễ Don Bosco tại tất cả những nơi nào có sự hiện diện của các Salesians và được chào đón từng người trong các con. Cha còn muốn được cùng với các con cầu nguyện, cười nói, sống vui, cùng các con đàn ca múa hát như chúng ta thường làm để biểu lộ niềm vui Salesian. Thật đúng như Thánh Trẻ Đaminh Savio đã nói: “Sống tươi vui hồn nhiên chính là đường lối nên thánh của chúng ta.”

Nhưng vì Cha không thể có mặt tại hai nơi một lúc, nên Cha muốn gõ vào cánh cửa trái tim các con qua dòng sứ điệp này, đồng thời tha thiết xin các con, những thanh nam thiếu nữ của Cha, cho phép Cha gửi đến từng người trong các con những lời chúc mừng thánh thiện và hạnh phúc nhất của Cha.

Trong khi các con đang mừng lễ Cha Thánh Don Bosco, thì Cha đang hiện diện tại Sierra Leone, một đất nước trên đại lục Phi Châu, ở giữa các thành viên Salesians, những người đã quyết tâm ở lại, bất chấp nạn dịch Ebola tối nguy hiểm, chỉ nhằm mục đích là được ở với các thanh nam thiếu nữ đã bị mất cha, mất mẹ vì nạn dịch này, giờ đây chỉ còn có các Salesians như người thân yêu trong gia đình. Khi gặp họ, Cha sẽ nói với họ rằng, tất cả các người trẻ đang sống tại những nơi có các Salesians hiện diện trên toàn thế giới cũng như toàn thể đại Gia Đình Salesian đều đang tưởng nghĩ đến họ.

Đang khi nhớ đến các con và suy tưởng về cái sứ điệp vốn có thể coi là tâm điểm suy tư nhân dịp cử hành lễ mừng Cha Thánh Don Bosco, Cha muốn nói với các con thế này: Hỡi các con thân yêu, các con hãy để cho Chúa Giêsu chiếm đoạt các con.

Đúng theo đường hướng Cha đề ra cho toàn thể Gia Đình Salesian trên toàn thế giới, Cha mời gọi các con hãy để trái tim mình được Chúa “cướp đoạt”. Các con đừng e ngại để cho Người xâm nhập trái tim mình, đi sâu vào từng ngõ ngách, khiến cho các con không còn sống nổi nếu không có Người.

Hẳn có người sẽ hỏi tại sao Cha lại nói những điều như thế. Lý do trước hết chính là bởi vì Cha yêu các con, Cha muốn tất cả các con có được cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc. Kế đến là bởi vì Cha biết rằng Don Bosco cũng sẽ nói diều này với các con y như Ngài đã nói với các thanh thiếu niên ở Valdocco ngày xưa. Nhưng điều thứ ba này mới thật sự quan trọng: bởi vì đó chính là sự

thật: với Chúa Giêsu, điều tuyệt đối chắc chắn là mọi sự đều sẽ được soi tỏ trong luồng ánh sáng đích thực của nó.

Các con đừng mong chờ lời mời gọi này từ nơi xã hội, nơi thành phố, hay nơi các con đang cư ngụ. Chẳng hề là thời trang chút nào! Thế nhưng, các con thân mến, tình yêu của Chúa đối với từng người chúng ta không phải là một thứ gì mau qua, mà là một thực tế chạm đến mọi nơi mọi chỗ và mọi người, với điều kiện là họ cho phép tiếng nói của Người được vọng vang trong thẳm sâu tâm hồn mình.

Dưới đây là những gì Cha đề nghị với các con:

• Các con nên dừng lại—lâu bao nhiêu có thế--để lắng nghe chính mình, để đi vào thế giới nội tâm và lắng nghe tiếng nói vọng lên từ thâm cung cõi lòng;

• Khi đã đi vào cõi thâm cung rồi, các con hãy tìm ra sự hiện diện của Thiên Chúa là chính Tình Yêu, là Sự Sống, và Sự Mới Mẻ: Cha mời gọi các con cảm nghiệm việc khám phá và nhận ra Người;

• Hãy mở lòng đón nhận sự giúp đỡ trong việc tìm kiếm Chúa để học lấy bài học về việc nhìn nhận cuộc sống như là phúc lành của Chúa, tỏ niềm khâm phục trước sự hiện diện và tác động của Người trong đời sống, và nhận ra Người như là Đấng đang tìm kiếm các con, hiện nay Người đang ở với các con và sống trong các con;

• Các con hãy sống cảm nghiệm điều đã xui khiến các con có được một gặp gỡ riêng tư với Chúa Giêsu, một găp gỡ vốn luôn hấp dẫn các con, và kiện cường đời sống các con.

• Các con hãy tiếp tục nuôi dưỡng đến mức trưởng thành một tình bạn chân thật với Chúa Giêsu, một tình bạn vốn được củng cố bằng lời cầu nguyện, dù là cộng đoàn hay riêng tư, cũng như bằng các bí tích Thánh Thể và Hoà Giải;

• Các con nhớ cầu xin Chúa Cha ban hồng ân của Thánh Thần Người để các con quyết tâm trở thành sở hữu của Người và là môn đệ của Chúa Giêsu;

• Các con hãy gia tăng lòng thân ái, tình bằng hữu, nghĩa huynh đệ, và sự liên đới với những ai đang đau khổ;

• Một điều quý giá nữa là các con dám đương đầu với sự thách đố chấp nhận cuộc sống như là hồng ân và phục vụ, khiến cho các con chắc chắn sẽ thăng tiến hơn và làm cho cuộc đời các con trọn vẹn ý nghĩa.

Cha mong muốn tất cả những điều trên đạt tới mức chin muồi trong kế hoạch sống của các con, biến giấc mơ của Chúa trở thành hiện thực, bởi vì giấc mơ ấy sẽ luôn luôn là nguồn bảo đảm cho hạnh phúc của các con.

Các con thân yêu, Cha muốn kết thúc những lời cầu chúc này như cách thức Cha đã mở đầu, đó là chúc các con một ngày lễ mừng kính Cha Thánh Gioan Bosco thật vui tươi. Xin Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu, là người đã làm hết mọi việc, luôn ở bên các con và trở thành bến bình an cho các con. Xin Chúa Giêsu cũng luôn đồng hành với các con, sau khi đã chiếm đoạt trái tim và đời sống các con.”

Những ngày giáp Tết Bính Thân 2016

Nguyễn Kim Ngân
 
UNESCO công nhận nơi Chúa Giêsu chịu phép rửa là 'Di sản Thế giới'
Tiền Hô
20:40 05/02/2016
UNESCO công nhận nơi Chúa Giêsu chịu phép rửa là 'Di sản Thế giới'

Trong một buổi lễ được tổ chức tại Paris (Pháp quốc) vào tối thứ Ba ngày 2 tháng 2 năm 2016, khu vực mà xưa kia Chúa Giêsu chịu phép rửa trên sông Jordan đã chính thức được UNESCO (Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc) tuyên bố công nhận là một 'Di sản thế giới'.

Buổi lễ cũng có sự tham dự của một phái đoàn đến từ Vương quốc Hashemite Jordan, bao gồm Bộ trưởng Du lịch Nayef H Al-Fayez và Đức Tổng Giám Mục Maroun Lahham - ngài là Đại diện Tòa Thượng phụ Latinh Giêrusalem đặc trách vùng Jordan.

Trong bài phát biểu tại buổi lễ, Đức Tổng Giám Mục Lahham cho rằng nơi Chúa Giêsu chịu phép rửa "vẫn còn âm vang tiếng nói của Chúa Giêsu Kitô", trong một đất nước Jordan được coi là "bình yên và an toàn ngay giữa một vùng Trung Đông chìm trong biển lửa". Ngài nói thêm: "Phúc Âm đã viết về nơi này hai ngàn năm trước, sự mộ mến bình dân đã luôn khẳng định, nghiên cứu khảo cổ học đã chứng thực, bốn vị giáo hoàng đã đến thăm, và hôm nay cộng đồng quốc tế đã chính thức công nhận."

Đức Tổng Giám Mục Lahham kết luận: "Từ hôm nay, chúng ta có thể mạnh mẽ tuyên bố rằng: Jordan cũng là Thánh Địa. Thánh Địa gồm chủ yếu là Jerusalem, Bethlehem và Nazareth nhưng không vì thế mà Jordan kém thánh thiện hơn”.

Tiền Hô
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Uỷ Ban Giáo Dục Công Giáo : Thư gửi các sinh viên học sinh Công Giáo nhân dịp Tết Nguyên Đán Bính Thân 2016
+ĐGM Giuse Đinh Đức Đạo
21:06 05/02/2016
ỦY BAN GIÁO DỤC Công Giáo

trực thuộc

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

_________________________________________________________________________

72/12 Trần Quốc Toản, phường 8, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh

Email: uybangiaoduc@gmail.com; Đt: 093 890 5015 – 096 725 7483

THƯ GỬI CÁC SINH VIÊN, HỌC SINH Công Giáo

NHÂN DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN BÍNH THÂN - 2016


Các con rất thân mến,

Trong bầu khí hân hoan của ngày Tết Dân Tộc, Cha vui mừng gửi đến các con lời cầu chúc đầy yêu thương. Xin Thiên Chúa ban cho các con mọi điều may lành trong suốt năm Bính Thân và được hưởng dồi dào sự an bình, niềm vui trong tình nghĩa đầm ấm gia đình, bên ông bà, cha mẹ và người thân. Nhân dịp này Cha cũng muốn chia sẻ với các con đôi điều tâm sự.

Gần đến ngày Tết, cuộc sống trở nên tấp nập và nhộn nhịp khác thường. Các khu phố và nhà ở được trang hoàng đẹp đẽ, tạo nên một môi trường và bầu khí rất vui tươi, làm phấn khởi lòng người. Nhưng đàng sau những quang cảnh tráng lệ đó, đâu đó vẫn còn những mảnh đời lầm than cơ cực. Biết bao người không dám nghĩ đến Tết vì sầu buồn trong hoàn cảnh nghèo đói; nhiều anh chị em đi học hoặc đi làm xa đang ủ rũ không dám về gia đình ăn Tết, vì không đủ tiền mua vé xe hay mua quà Tết; nhiều bậc cha mẹ đang buồn phiền vì không lo được một bữa ăn Tết cho con cái và không có tiền lì xì cho chúng; trên các vỉa hè đường phố, có các em bé mồ côi đang lang thang bán vé số hay ngửa tay xin của bố thí... Những hoàn cảnh thê lương tương tự kể sao cho cùng! Những con người đau khổ đếm sao cho hết! Tết năm nay, Cha thấy thương cảm đặc biệt với những người cô đơn.

Có những cụ già sống lẻ loi, buồn tủi ở những góc phố hay trong túp lều nơi thôn quê hẻo lánh, nhưng cũng có những người cô đơn dù ở giữa đám đông, chẳng hạn những anh chị em di dân ở nơi xa lạ, gặp nhiều khó khăn, không biết cậy nhờ ai, hay những gia đình sống trong các tòa nhà cao ốc, cả năm đi ngang qua nhau mà không một lời chào hay có khi còn sợ sệt, tránh mặt... Đây là thứ cô đơn mới của thời đại tân tiến. Các con có cảm thông được nỗi đau khổ day dứt của những người này không? Các sách Tin Mừng nhiều lần nhận xét là Chúa chạnh lòng thương khi thấy người ta đau khổ (x. Mt 9,35-38; Mt 14,13-14; Mt 15,32; Mc 1,40-41; Mc 8,1-3; Lc 7,11-16; Lc 10,33-36).

Dù các con là những người may mắn, có mái ấm gia đình, có tình thương yêu của cha mẹ, hay các con có bị rơi vào những hoàn cảnh khó khăn, các con vẫn có thể bắt chước Chúa Giêsu: “Chạnh lòng thương” đối với những người xấu số và tìm cách đem đến cho họ một niềm vui. Trên mạng, Cha đọc được câu chuyện của cậu bé Uudam 12 tuổi người Mông Cổ, tham dự cuộc thi tài năng.

Uudam đã mất mẹ trong một tai nạn xe hơi năm cậu lên 9 tuổi. Năm 11 tuổi, bất hạnh lại xảy đến với Uudam một lần nữa khi cha cậu bị chết cũng vì tai nạn xe hơi.

Khi được hỏi về giấc mơ, Uudam trả lời: “Giấc mơ của cháu là phát minh ra một loại mực mà khi đổ xuống đất nó sẽ biến cả trái đất thành đồng cỏ xanh tươi”.

Khi Uudam hát xong, một giám khảo đã nhận xét: “Bài hát này chính là loại mực đặc biệt có thể biến những chốn phiền muộn thành thảo nguyên xanh tươi và mọi người sẽ sống trong hạnh phúc”. Giám khảo thứ hai thì nói: “Cháu có khả năng đưa lời hát vào tim khiến cho mọi người đều xúc động khi nghe cháu hát. Chú nghĩ cháu nên tiếp tục ca hát để cái khí chất đó làm rung động lòng người”.

Nếu các con biết “chạnh lòng thương” như Chúa Giêsu, các con sẽ phát minh được “loại mực mà khi đổ xuống đất nó sẽ biến cả trái đất thành đồng cỏ xanh tươi” và làm cho tâm hồn nhiều người đau khổ được hạnh phúc.

Tiếp theo, Cha muốn tâm sự với các con về tình nghĩa gia đình. Tầm quan trọng của gia đình đối với cá nhân và xã hội ở đâu cũng được công nhận. Nhưng có lẽ không đâu gia đình được coi trọng và được xem như khuôn mẫu cho xã hội như tại quê hương Việt Nam chúng ta. Khi gặp một người dù chẳng quen biết, bằng cỡ tuổi cha mẹ mình, người Việt Nam gọi là “chú”, “bác”, “cô”... và xưng là “cháu”, hay một người cỡ tuổi mình thì xưng là “anh”, “chị”, “em”. Gia đình đúng là khuôn mẫu cho các mối tương quan trong xã hội.

Tuy nhiên, ngay chính tại quê hương Việt Nam chúng ta hôm nay, nhiều gia đình đang gặp khó khăn và có nguy cơ tan vỡ. Chính vì vậy, các giáo xứ, các hội đoàn, các Trung tâm Mục vụ đang nỗ lực tổ chức các khóa học, các chương trình để trợ lực cho các đôi hôn nhân gìn giữ sự bình an và hạnh phúc trong gia đình. Là sinh viên, học sinh Công Giáo, các con phải là chất xúc tác cho hạnh phúc gia đình nếu các con biết khắc ghi trong lòng tình yêu của cha, của mẹ. Nhiều câu ca dao và nhiều bài hát trong truyền thống văn hóa và tôn giáo đã góp phần gìn giữ hạnh phúc gia đình qua việc nhắc nhớ và nuôi dưỡng tình yêu giữa cha mẹ, con cái qua bao thế hệ. Trong các bài hát, Cha nhớ đặc biệt bài hát “Lòng mẹ” của Y Vân và các bài hát “Cầu cho Cha Mẹ” của Phanxicô. Ở đây, Cha muốn trích lại một phần câu chuyện “Lá thư của Bố” là bài làm trong lớp của một em tên Tùng về đề tài ”Hãy kể lại một kỉ niệm sâu sắc của em”. Câu chuyện cho thấy bầu khí của một gia đình nghèo, nhưng hết sức hạnh phúc nhờ tình yêu của người cha rót vào lòng và in đậm trong tâm khảm của đứa con:

“Kỉ niệm sâu sắc nhất của em là khi nhận được thư của ba em. Nhà em nghèo lắm nhưng ba má em cho ra ngoài phố học để sau này em có thể làm điều gì đó tốt đẹp hơn. Cho em ra phố, ngoài việc phải kiếm việc làm thêm để có tiền trang trải chuyện học hành của em, ba em còn phải làm những việc mà khi ở nhà em có thể đỡ đần cho gia đình. Chưa bao giờ ba má viết gì cho em cả. Hồi em còn ở nhà, mỗi khi cần thư về quê đều do tay em viết…”.

Thầy ngừng đọc nhìn cả lớp và nói: “Các em, thầy sẽ chép lại nguyên văn lá thư của ba bạn Tùng lên bảng cho chúng ta cùng đọc”. Tất cả chúng tôi hồi hộp tò mò đọc từng chữ hiện ra dưới tay thầy:

“Con iu thươn của ba. Chìu hôm qua ba kiu người báng con heo để có tiềng gưởi cho con con nhớ nhà khôn? Cả nhà nhớ con nhìu lắm cố họch nge con chừn nào mùa màn song ba má xẻ ra thăm con”.

Lá thứ vỏn vẹn 45 chữ. Khi thầy quay lại thì Tùng đã úp mặt xuống bàn, hai vai run run. Mắt thầy cũng đỏ hoe. Cả lớp im phăng phắc trước lá thư đầy lỗi chính tả trên bảng, lá thư yêu thương và đầy cảm xúc của một người cha vốn chỉ quen với cày cuốc lần đầu tiên cầm bút viết thư cho con.

Những ngày Xuân là cơ hội thuận tiện để các con cảm nghiệm và hâm nóng tình yêu gia đình, thứ tình yêu biết hy sinh, chứ không phải là thứ thú vui đem lại thỏa mãn, kéo theo sự chán chường.

Cuối cùng, Cha xin các con chuyển đến cha mẹ, ông bà, anh chị em, quý Cha Xứ, Cha Phó và quý Thầy Cô của các con lời chúc Tết của Cha: Xin cho mọi người luôn an vui, năm mới Bính Thân được Chúa chúc lành và được Đức Mẹ che chở trong bàn tay Hiền Mẫu của Ngài.

Với lòng quý mến, Cha thân ái chào tất cả các con.

Ngày 02 tháng 02 năm 2016

+ Giuse Đinh Đức Đạo

Chủ tịch Ủy Ban Giáo dục Công Giáo

Giám mục Phó Gp Xuân Lộc
 
Chia sẻ niềm vui Xuân với bà con nghèo ở Sông Phan, Phan Thiết
Mến Thánh Giá Phan Thiết
22:21 05/02/2016
CÙNG CHIA SẺ NIỀM VUI XUÂN VỚI BÀ CON NGHÈO Ở SÔNG PHAN

Thực thi tinh thần bác ái Kitô giáo: “Anh em chớ quên làm việc từ thiện, giúp đỡ lẫn nhau, vì Thiên Chúa ưa thích những hy lễ như vậy” (Dt 13, 6), sáng ngày 26 tết, tức ngày 4.2.2016, chị em Hội dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết cùng với Ban Caritas họ đạo La Vang xứ Tân Châu đã tổ chức buổi trao tặng quà tết vui xuân cho một số bà con nghèo có hoàn cảnh đặc biệt ở xã Sông Phan, huyện Hàm Tân.

Xem Hình

Đúng 10 giờ mới đến hẹn, nhưng trước đó nửa tiếng xe chở quà đã đến hội trường Nhà văn hoá thôn Tân Hoà – xã Sông Phan. Một số bà con đã có mặt để phụ giúp Ban Caritas và quý dì sắp xếp quà tặng cho ngăn nắp, trật tự.

Trước khi tiến hành chia sẻ niềm vui xuân, dì Matta Hoàng Yến đã thay mặt chị em trong Hội dòng gửi đến quý bà con lời Chúc Mừng Năm Mới, cùng những tấm chân tình mà tất cả quý vị ân nhân hảo tâm gần xa, đặc biệt gia đình chị Vivian và các anh chị trong “CO-WORKERS” đã nhiệt tình ủng hộ. Dì còn nhắn nhủ ước mong của các vị ân nhân là “mọi người hãy sống thật mạnh khoẻ, vui vẻ, hạnh phúc, luôn đoàn kết yêu thương nhau để niềm vui xuân được thêm trọn vẹn”.

Qua những lần thăm viếng, tìm hiểu các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt tại địa phương không phân biệt lương giáo, Ban Caritas đã lập danh sách kèm theo phiếu tặng quà đến 100 hộ gia đình tại 2 thôn Tân Quang và Tân Hoà xã Sông Phan. Vì gần đến tết, nên suất quà tặng hôm nay ngoài gạo và mì tôm còn có thêm bánh tét và chả giò. Dù phần quà nhỏ bé này chẳng là bao so với nhu cầu thiếu thốn của bà con hiện tại, nhưng để các thành viên trong gia đình có điều kiện cùng quây quần hưởng nếm hương vị ngày xuân nên chị em trong dòng đã tích góp từ quỹ bác ái xã hội của hội dòng, cộng với các ân nhân hảo tâm gần xa giúp đỡ để đem niềm vui xuân đến cho các hộ gia đình khó khăn. Dì Hoàng Yến cho biết, mỗi phần quà này trị giá khoảng 260 ngàn đồng.

Khi anh Hùng – Trưởng ban Caritas họ đạo La Vang – xướng tên, đại diện gia đình cầm phiếu lên nhận quà. Người người nói cười rộn ràng, vui vẻ. Cụ bà Huỳnh Thị Bí, năm nay 70 tuổi, dân làng vẫn thường gọi là bà Tư Bí vừa nệ khệ nhận quà vừa móm mém nói lời cảm ơn và cầu xin Chúa ban phước lành cho các dì cùng mọi người, dù bà vẫn chưa một lần biết đến nhà thờ hay làm con của Chúa.

Kết thúc buổi trao tặng quà tết vui xuân, thay mặt chính quyền địa phương, ông Đỗ Kim Hùng – trưởng thôn Tân Hoà – cũng gửi đến Ban Caritas và Hội dòng lời cảm ơn vì đã ưu tiên nhớ đến bà con nghèo nhân dịp xuân mới.

Mọi người chia tay nhau ra về khi trời đã xế trưa, trong cái nắng gay gắt của vùng đất lắm gió, nhiều bụi. Tuy nhiên, niềm vui vẫn ánh lên trong từng khoé mắt và nụ cười của người trao cũng như người nhận.

Ước mong sao cuộc sống của bà con nơi đây ngày càng được cải thiện và phát triển. Và ước mong sao việc bác ái Kitô giáo phản ảnh trung thực tinh thần bác ái của Tin Mừng để “họ thấy những công việc tốt anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” như lời Chúa Giêsu đã dạy. (x. Mt 5,16)

BTT.MTGPT
 
Thánh lễ tạ ơn cuối năm của CĐCGVN Melbourne
Trần Văn Minh
23:39 05/02/2016
Melbourne, Tại Nguyện đường Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm. Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long và các linh mục tu sĩ nam nữ Việt Nam trong Tổng Giáo phận Melbourne đã đồng tế dâng Thánh lễ tạ ơn tất niên và chuẩn bị chào mừng năm mới Bính Thân sắp đến thật trọng thể.

Mời coi hình lễ

Mời coi hình văn nghệ

Hiện diện trong nguyện đường ngoài các ban đại diện của 15 Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam trong Tổng Giáo phận, các ban ngành đoàn thể, còn có sự hiện diện của đông đảo giáo dân trong khu vực. Năm nay, phần phụng vụ Thánh ca do Ca đoàn Kito Vua, thuộc Cộng đoàn Holy Name, một ca đoàn hùng hậu các ca viên, còn có thêm các nhạc công trẻ dùng các nhạc cụ trống đàn và Violon giúp cho lời ca tiếng hát thêm du dương, thánh thót hòa trong tiếng nhạc giúp cho buổi lễ thêm long trọng hơn.

Trong bài chia sẻ lời Chúa, Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long đã thay mặt Cộng đồng dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ, vì Ngài đã ban cho Cộng đồng chúng ta biết liên đới cùng nhau hoạt động vì danh Chúa, thể hiện sức mạnh của sự đoàn kết, thương yêu qua những công việc đã hoàn thành trong năm qua thật tốt đẹp.

Thay mặt cộng đồng, đại diện đọc lời nguyện cầu cho Giáo Hội, cho quê hương còn đang trong tình trạng thiếu tự do, cai trị bởi chế độ độc tài, cho mọi người mau được hưởng tự do, ấm no và hạnh phúc. Nhân ngày Quốc khánh Úc Đại Lợi, cộng đồng cũng xin dâng lên Thiên Chúa đã ban cho chúng ta được hưởng những yêu thương và an bình nơi xứ sở nhiều may mắn này.

Đại diện cộng đồng ông Nguyễn Quốc Dũng lên cám ơn Đức Cha và quý cha, quý tu sĩ nam nữ, cùng toàn thể cộng đồng. Ông nhấn mạnh nhờ ơn Chúa, cộng đồng chúng ta đã có Đức Cha Vincent như ngọn hải đăng, luôn hướng dẫn và đồng hành, tạo sự đoàn kết trong mọi công việc, nhờ đó các cộng đoàn đã gắn kết với nhau chung sức, chung lòng, đóng góp tinh thần và vật chất để cho cộng đoàn tổ chức thành công nhiều lễ lớn.

Một buổi tiệc nhẹ tại hội trường trung tâm để mọi người hàn huyên tâm sự bên ly rượu Xuân, chúc mừng nhau và một buổi văn nghệ thật xôm tụ với giàn âm thanh của Bằng Uyên nổi tiếng Melbourne, để mọi người cùng hát cho nhau nghe, được Đức Cha, quý Cha, quý tu sĩ nam nữ hưởng ứng giúp vui, mở đầu là bài hát bất hủ ‘Ly rượu mừng’ làm cho không khí Xuân nhiều hơn, sau đó là những bài ca Xuân nhiều ý nghĩa, nhiều câu chuyện dí dỏm trong tiếng cười, tiếng hát mừng Xuân.
 
Văn Hóa
Ý nghiã ngày Tết
Trần Văn Cảnh
21:14 05/02/2016
Ý NGHĨA NGÀY TẾT

Tết, hay đầy đủ hơn, Tết Nguyên Đán, buổi ban mai khởi đầu của năm mới, là ngày lễ hội lớn nhất của người Việt Nam ta. Hằng năm, mỗi lần đầu năm âm lịch, Xuân về, Tết đến, giầu nghèo, sang hèn, ai cũng nghỉ việc, đón Tết, ăn Tết.

Mỗi lần đón Tết, mừng Tết, ăn Tết cũng là dịp để ta xem lại ý nghĩa của ngày Tết, vừa linh thiêng và lý tưởng, vừa thực tế và vui vẻ. Câu hỏi được đặt ra là Tết có ý nghĩa gì ? Chúng ta có thể vắn tắt gợi ra ba ý nghĩa chính sau đây : Tết là ngày giao hòa với Đất Trời ; Tết là ngày đoàn tụ gia đình ; Tết là ngày xum họp cộng đoàn.

1. Tết là ngày giao hòa với Đất Trời

Ngày Tết chính thức bắt đầu từ giao thừa, nhưng cụ thể Tết thường được chuẩn bị từ ngày 23 tháng chạp là ngày tiễn ông Táo về trời để tính sổ với Thiên Đình. Ngày Tết, như vậy là ngày tính sổ năm cũ, với những việc hay việc dở đã xẩy ra, với những kết quả tốt xấu đã thực hiện. Và cùng với việc tính sổ năm cũ, người ta làm mới năm tới, sắm sửa đồ Tết, lau nhà dọn cửa.

Người ta tính sổ và làm mới để giao hòa với Trời đất tốt hơn. Đó là cách sống Thiên thời Địa lợi Nhân hòa, ăn ở sao cho hợp với lòng người, với thời thế và với lẽ Trời, vì Trời và Người tương quan với nhau, « Thiên Nhân tương dữ ». Xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàn, mùa xuân là mùa sinh sản, mùa hạ tăng trưởng, mùa thu thâu rút lại, mùa đông ẩn tàng, chất chứa. Đó là quy luật vận hành căn bản nhất của sự sống trong thiên nhiên. Nó có một ý nghĩa đặc biệt với nền kinh tế nông nghiệp của dân tộc ta. Với niềm tin “Ơn trời mưa nắng thuận hòa”, cha ông mình còn coi Tết là dịp để tạ ơn Trời Đất, Gia Thần, Tiên sư, Nghệ sư, Thổ công, Táo quân, tạ ơn các thần Đất, thần Mưa, thần Gió, thần Nước, chúc mừng các thượng đẳng tối linh, như câu ca dao rằng :

Chúc mừng thượng đẳng tối linh

Phù trì dân xã hiền-vinh sang giàu

2. Tết là ngày đoàn tụ Gia Đình

Nhưng ngày Tết chính yếu nhất là ngày đoàn tụ gia đình. Người ta ngưng nghỉ công việc trở về đoàn tụ gia đình, như câu ca dao rằng :

Ai ơi xuôi ngược bán buôn,

Hằng năm Tết đến, về nguồn chớ quên.

Trước là nhớ đến tổ tiên,

Sau là xum họp anh em gia đình

Đêm giao thừa nhớ đến những người đã ra đi, ông bà tổ tiên. Gặp lại những người còn sống, cha mẹ, anh em, con cháu. Tưởng đến công ơn cha mẹ. Nhớ lại tình anh em huynh đệ kính nhường. Cả một thời thơ ấu với những kỷ niệm hạnh phúc khó quên lại trở về, qua những lời ca dao đã nhập tâm.

Công cha nghĩa mẹ cao dày,

Cưu mang trứng nước, những ngày còn thơ.

Nuôi con khó nhọc đến giờ,

Trưởng thành con phải biết thờ hai thân.

Thức khuya dậy sớm chuyên cần,

Quạt nồng ấm lạnh giữ phần đạo con…

Sáng ngày mồng một Tết Năm Mới, “Xuân đã đến rồi”, ai cũng thêm một tuổi. Con cháu làm lễ chúc tuổi ông bà cha mẹ. Ông bà cha mẹ mừng tuổi lì xì cho con cháu. Áo mới. Cười tươi. Pháo nổ. Hoa tươi. Nguyễn Bính (1), nhà thơ của văn hóa Tết đã vẽ lại ý nghĩa Tết đoàn tụ gia đình rằng :

Đây cả mùa xuân đã đến rồi

Từng nhà mở cửa đón vui tươi.

Từng cô em bé so màu áo

Đôi má hồng lên, nhí nhảnh cười….

Pháo nổ đâu đây, khói ngợp trời

Nhà nhà đoàn tụ dưới hoa tươi,

Lòng tôi như cánh hoa tiên ấy

Một áng thơ đề nét chẳng phai.

3. Tết là ngày xum họp Cộng Đoàn

Tết chính yếu là của gia đình. Nhưng gia đình lại thuộc vào một hay nhiều cộng đoàn, mà cộng đoàn lớn nhất là dân tộc, quốc gia. Cho nên, Tết cũng là ngày xum họp cộng đoàn, để nhớ đến xóm làng mình, nghề nghiệp mình, chí hướng mình, sinh hoạt mình, quốc gia mình. Mỗi người chọn hình thức cộng đoàn thích hợp của mình. Người thỉ chọn làng xã, đình chùa, nhà thờ, họ đạo, giáo xứ. Kẻ khác chọn hội nghề nghiệp, như hội Nha Y Dược, hội Chuyên Gia, hội Giáo Chức, thân hữu Taxi, hội Doanh Thương, hội Dịch vụ, hội Xây Dựng. Người lại chọn Cộng Đồng, Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris, Tổng hội Sinh Viên, Balê Thi Xã, đảng phái chính trị.

Xum họp Cộng đoàn đặc biệt phát triển nơi kiều bào sinh sống ở hải ngoại. Vào dịp Tết, nhu cầu gặp gỡ đồng bào, đồng hương, để cùng thấy lại những bộ áo dài tha thướt, những bộ áo tấc, áo lương quê hương, để cùng ăn với nhau một bát phở, một miếng bánh chưng, cùng đọc lại với nhau những câu ca dao cổ truyền, cùng hát với nhau một bài dân ca, cùng nhắc nhớ nhau những ý nghĩa, phong tục ngày Tết, những trang sử dân tộc,… dường như mạnh mẽ hơn, thúc bách hơn.

Ở hải ngoại, Tết là một dịp hiếm hoi, mà một cách tự nhiên, có khi ý thức, có khi không, người Việt Nam bột phát cư xử với căn tính và căn cước là người Việt Nam của mình. Những ký ức tập thể dân tộc, chôn sâu trong tiềm thức, lại nổi phình lên, thúc bách, đưa đẩy mỗi người trở về với văn hóa, truyền thống, giá trị, niềm tin Việt Nam ; Những liên lạc, nối kết rộng ra với các đồng hương, đồng bào lại đặc biệt nổi cộm to ra, dẫn đẩy, thu hút phải đến gặp gỡ, sinh hoạt với người Việt Nam.

Người ta cùng đến xum họp cộng đoàn để thấy mặt nhau, gặp gỡ nhau, chúc tuổi nhau, trao tặng quà cho nhau, trao đổi khai bút xướng họa, cùng nhau nhớ về quê hương, dân tộc, với « văn hiến, sơn hà, độc lập, hùng cứ, cường nhược, hào kiệt » của mình. Mỗi người trở thành một Nguyễn Trãi mà đại cáo rằng :

« Như nước Việt ta từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu.

Sơn hà cương vực đã chia, phong tục bắc nam cũng khác.

Từ Đinh, Lê, Lý, Trần, gây nền độc lập ;

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, hùng cứ một phương.

Dẫu cường nhược có lúc khác nhau,

Song hào kiệt đời nào cũng có (2).

Như vậy, tìm lại ý nghĩa của ngày Tết, chúng ta thấy ba ý nghĩa căn bản. Tết là lúc để mỗi người trực diện với mình mà giao hòa với Đất Trời. Tết là ngày mỗi người trở về đoàn tụ với những thành phần của gia đình mình. Và Tết cũng là dịp để mỗi người đi đến xum họp với những người cùng quê, cùng trường, cùng nghề, cùng chí hướng, cùng tôn giáo,… trong các cộng đoàn và trong Cộng Đồng của mình, mà cộng đồng lớn nhất là Nước Việt Nam.

Người Việt hải ngoại, ăn Tết (3), cảm nhận sâu rộng căn tính Việt Nam của mình. Vào một ngày thuận tiện, trong dịp Tết, chúng ta gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ và chúc tuổi nhau. Chúng ta chúc những bậc bô lão đã vào tuổi thọ, được khang an, phúc lộc. Chúng ta chúc những người lãnh đạo Cộng Đồng và trách nhiệm các cộng đoàn, ban nhóm được nhiều thành đạt trong những công trình và sứ mệnh họ dấn thân. Chúng ta chúc mỗi người trong các tầng lớp, nghành nghề : sĩ, nông, công, thương, đạt được nhiều kết quả chất lượng cao trong năm mới Bính Thân 2016, và mọi người được an, khang, phúc, lộc, thọ.

Tết Bính Thân

Paris, tháng 02 năm 2016

Trần Văn Cảnh

Chú thích

1. Nguyễn Bính, « Thơ Xuân » trong https://phanduykha.wordpress.com/2015/01/01/chum-tho-xuan-tho-tet-cua-nhieu-tac-gia/

2. Nguyễn Trãi, « Bình Ngô đại cáo », trong Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Sống Mới, Q.1, tr. 242

3. Đây là lịch trình một số địa điểm đã được loan báo sẽ tổ chức Tết Bính Thân ở vùng Paris :

a) Hội Cứu Trợ Thương Phế Bnh VNCH, ngày 23/01/16, từ 14-18 giờ

b) Thư viện Diên Hồng 24/01/2016, từ 15g00

c) Văn Phòng Liên Đới Xã Hội, ngày 30.01.2016, Từ 14 giờ đến 18 giờ

d) Tiệc Xuân Bính thân HĐMC GXVN Paris, ngày 31.01.2016, từ 11g30

e) Cộng Đoàn Marne La Vallée, ngày 07.02.2016

f) Lễ Giao thừa, GXVN Paris, ngày 08.02.2016, từ 20g00

g) Tết Giới trẻ, GXVN Paris, ngày 14.02.2016

h) Tết Việt Pháp, ngày 19/02/2016, từ 19h

i) Cộng Đoàn Villiers Le Bel, ngày 20.02.2016

j) Cộng Đoàn Cergy, Ermont, ngày 21.02.2016

k) Văn nghệ Tết Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Paris, ngày 21.02.2016, từ 11 giờ đến 18 giờ

l) Xuân Thân Hữu Taxi, ngày 21.02.2016

m) Tết Thiếu Nhi GXVN Paris, ngày 21.02.2016

n) Cộng Đoàn Antony, Sarcelles Garges, ngày 28.02.2016

o) Nhóm Xây Dựng, ngày 28.02.2016

p) Cộng Đoàn Seine Saint Denis, ngày 06.03.2016

q) Tết Cao Niên GXVN Paris, ngày 06.03.2016, từ 11g30