Ngày 07-02-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sự thật
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
05:28 07/02/2017
Chúa Nhật VI Thường niên, năm A
Hc 15, 15-20 1Co 2, 6-10 Mt 5, 17-37

Sự thật

Đọc Tin mừng của Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra sợi chỉ đỏ xuyên suốt về giáo huần của Ngài. Chúa Giêsu đã đến để kiện toàn các lề luật mà các Kinh sư, Pharisêu cho rằng Ngài phá đổ lề luật của Môsê, của cha ông, tổ tiên. Không, Chúa đến không phải để phá đổ nhưng để kiện toàn các lề luật dựa trên luật đức ái, yêu thương. Đối với Chúa, giới luật yêu thương, đức ái là chủ đạo trong giáo lý của Ngài. Đối với Chúa, đức ái không cho phép con người giận nhau, chửi nhau, tranh chấp, hận thù, ghen ghét nhau, không được ngoại tình dù chỉ trong tư tưởng. Đức ái cao độ, tuyệt hảo không cho phép người môn đệ Chúa ăn gian, nói dối, lọc lừa, phỉnh gạt mà họ luôn phải sống theo sự thật.

Thiên Chúa tạo dựng con người, sáng tạo vũ trụ, Ngài ban cho con người lý trí để biết phân biệt điều lành, điều dữ, cái phải, cái trái. Ngài còn cho con người ý chí để tự quyết định điều được làm và điều không được làm. Thiên Chúa yêu thương đã cho con người quyền tự do để quyết định làm điều tốt, tránh điều xấu. Tuy nhiên, ma quỷ ngay từ đầu đã cám dỗ ông bà tổ tiên Ađam-Evà làm điều cấm, phản nghịch lại Thiên Chúa là Đấng yêu thương ông bà. Do đó, trong cuộc sống hằng ngày, ma quỷ vẫn xúi giục, cám dỗ con người, đẩy con người xa sự thật, ma quỷ vẫn lợi dụng con người bản chất yếu đuối, lôi kéo con người sa vào cạm bẫy, ham mê xác thịt, dục vọng, tiền tài, chức tước, nên nhiều khi con người không dám nói sự thật, không dám sống sự thật, mà lại lọc lừa, gian dối, phỉnh gạt. Tất cả những điều xấu mà đoạn Tin mừng của thánh Matthêu kể ra như “ không sống công chính, giết người, giận anh em, chủi bới anh em, mắng anh em là đồ ngốc, đồ khùng, ngoại tình, nhìn người phụ nữ ham muốn điều xấu, bội thề vv…” đều là do ma quỷ. Thực tế, tất cả những điều xấu này làm cho con người sống theo giả trá, sống theo ma quỷ bởi vì ma quỷ sống dối trá, phỉnh gạt. Chúng là cha của sự giả dối…

Chúng ta đang sống trong một thế giới với những văn minh phát triển tột bậc, nhưng thế giới này vẫn đan xen vàng thau lẫn lộn, ánh sáng và bóng tối, điều lành và điều dữ, sự thật và dối trá. Thiên Chúa luôn dạy con người phải sống công chính. Chúng ta không được bắt chước thói hư nết xấu của Pharisêu, Kinh sư và Biệt phái. Bởi vì họ giả đạo đức, nhưng lòng họ đầy bẩn thỉu, đầy gian tham…Họ chất trên vai người khác những gánh nặng, nhưng chính họ lại không dám đưa ngón tay lay thử. Họ nới dài tua áo, thẻ kinh rỏng rẻng…Họ làm ra những thứ luật tỉ mỉ, chi li và bắt người khác giữ mà chính họ lại không giữ vv…Họ sống giả hình, là hiện thân của ma quỷ.

Thánh Phaolô đã viết :” Anh em hãy mặc lấy Đức Kitô “. Mặc lấy Đức Kitô nghĩa là sống con người mới, con người công chính, thánh thiện bởi vì Chúa là Đấng tuyệt đối thánh, thánh ba lần thánh. Tin mừng của Đức Giêsu là làm chứng cho sự công chính, thánh thiện, làm chứng cho Đức Giêsu là Đấng giầu lòng thương xót. Chúa mời con tất cả môn đệ của Người hãy bắt chước Người làm chứng cho sự thật. Chính vì sống cho sự thật, làm chứng cho sự thật mà Đức Giêsu đã bị người Do Thái, bị Philatô kết án bất công. Philatô đã nói với Chúa :” Sự thật là gì ? “. Philatô đang đứng trước Chúa Giêsu là sự thật nhưng ông không nhận ra sự thật. Cái bi đát là thế ! Chính vì dám nói lên sự thật với Hêrôđê không được lấy vợ của anh mình, Gioan Tẩy Giả đã bị chém đầu…

Chúa Giêsu luôn kêu gọi chúng ta sống như Người, làm chứng cho sự thật trong mọi trạng huống của cuộc đời ngay cả khi phải hy sinh tính mạng như các tông đồ, như các thánh tử đạo vv…Giáo Hội cũng luôn mời gọi mọi Kitô hữu phải sống và làm chứng cho sự thật giữa một thế giới còn nhiều khiếm khuyết, bất toàn…

Lạy Chúa Giêsu, Đấng giầu lòng thương xót, Đấng là Sự thật, là Chân lý, là Sự sống, xin ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con can đảm sống sự thật, làm chứng cho sự thật như Ngài đã sống, đã chết cho sự thật. Amen.

Gợi ý để chia sẻ :

1.Sự thật là gì ?
2.Tại sao chúng ta phải bảo vệ sự thật ?
3.Ma quỷ là cha của sự gì ?
4.Tại sao lại gọi ma quỷ là cha của sự dối trá ?
5.Chúa mời gọi chúng ta phải làm gì ?
 
Chúa Nhật 6 thuờng niên A
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:26 07/02/2017
Chúa Nhật 6 THƯỜNG NIÊN. A

(Mt. 5, 17-37)

HÒA GIẢI

Con người bản tính mỏng dòn,
Dễ dàng sa ngã, xói mòn chánh tâm.
Luật điều Chúa dậy uyên thâm,
Mở đường dẫn lối, tránh lầm thế gian.
Giết người tội ác phá tan,
Nơi tòa luận phạt, khóc than khổ sầu.
Nếu ai phẫn nộ thẳm sâu,
Trước bàn công nghị, xét hầu tội khinh.
Nói ai khùng ngốc dối mình,
Lửa thiêu địa ngục, cực hình tấm thân.
Khi dâng của lễ dự phần,
Thành tâm hòa giải, tinh thần bình an.
Ngoại tình phản bội liên can,
Tránh xa dịp tội, yên hàn tấm thân.
Tay chân mắt mũi góp phần,
Thà rằng cắt chặt, cứu thân tội đời.
Thề gian dối trá đầy vơi,
Lòng người độc ác, gọi mời đổi thay.
Có thì nói có mới hay.
Là người công chính, thẳng ngay sống đời.

Hãy làm hòa với anh em trước khi dâng của lễ trên bàn thờ. Truyện kể: Có hai ông bà già giận nhau đòi ly thân. Dù khuyên thế nào, ông già nhất định không chịu hòa giải với bà cụ. Sau lời khuyên của cha xứ, bà cụ đã sám hối, sẵn sàng bỏ qua, tha thứ và hòa giải nhưng ông chồng nhất định không chịu. Ông thì cứ khăng khăng bắt lỗi bà. Linh mục hỏi rằng vậy nếu khi bà cụ chết trước, được lên thiên đàng, rồi sau ông cũng chết, Chúa cho ông lên thiên đàng gặp bà cụ. Ông tính thế nào? Chưa hết giận, ông liền nói: Nếu gặp bà ở đó, tôi sẽ đi ra.

Hòa giải là một ơn huệ giúp tâm hồn chúng ta thanh thản và mang lại cuộc sống an vui thư thái. Nếu chúng ta không biết bỏ qua và tha thứ những lỗi lầm cho nhau, cuộc sống tự nó sẽ trở thành gánh nặng. Chúng ta phải vác và phải mang nó đi mọi nơi. Nó sẽ âm thầm gặm nhấm cuộc đời qua cách cư xử, qua sự lộ diện và mọi biểu tỏ cuộc sống. Chúng ta cứ phải nghĩ đến nó và đau khổ với nó. Cách tốt nhất hãy rời nó lại đàng sau và tiến bước.

Truyện kể: Người Ấn Độ muốn bắt khỉ, người ta lấy một chiếc hộp rồi cắt một lỗ nhỏ vừa đủ. Để những hạt đậu rang thơm phức bên trong. Chú khỉ ta đi qua, bắt mùi, thò tay vào bốc một nắm đầy. Vì tham, chú khỉ không rút tay ra được, đành chịu đứng đó cho người ta bắt. Chỉ vì chú khỉ không muốn buông nắm mồi. Để được tự do, chú khỉ chỉ việc buông tay và chạy thoát. Cuộc đời chúng ta cũng thế, chúng ta cần buông bỏ những thứ không cần thiết để được tự do.

Trong bài phúc âm dài Chúa Giêsu dậy chúng ta rất nhiều điều và nhiều luật. Luật bác ái và yêu thương là quan trọng nhất. Mọi điều luật đều qui về hai giới răn này là yêu mến Thiên Chúa và yêu thương mọi người. Chúa nói rằng ai giữ và dạy người khác chu toàn lề luật là người cao trọng trong Nước Trời.

Chúa dạy rằng không được giết người, không nên phẫn nộ, không gọi anh em mình là ngốc và không rủa anh em là khùng, không ngoại tình và không thề gian dối. Nếu có chuyện bất bình, hãy làm hòa với nhau. Hòa thuận là mối phúc thật. Anh em xum họp một nhà bao la tốt đẹp, bao là sướng vui.

Hãy hòa giải với chính mình, với người khác và với Thiên Chúa. Chúng ta sẽ tìm được nguồn vui tự tại trong an bình. Hãy hòa giải với nhau, đừng để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn.


THỨ HAI, TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN
(Mc 8, 11-13).

ĐIỀM LẠ

Ân thiêng hiện hữu trên đời,
Con người hồn xác, tuyệt vời thế nhân.
Càn khôn Tạo Hóa ban ân,
Xác thân giới hạn, cõi trần không gian.
Khả năng phú bẩm thương ban,
Người nhiều kẻ ít, sẻ san giúp đời.
Tự nhiên luật sống cao vời,
Không ai vượt khỏi, cõi trời riêng tư.
Hóa Công cao cả nhân từ,
Giê-su Cứu Thế, ngụ cư thế trần
Quyền năng phép tắc vô ngần,
Nhóm người Biệt Phái, đòi cần chứng minh.
Xin vài điềm lạ hữu hình,
Mọi người chứng kiến, hết tình tin theo.
Chúa rằng thế hệ làm reo,
Không ban dấu lạ, thể theo lòng người.


THỨ BA, TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN
(Mc 8, 14-21).

MEN

Muối men ướp mặn trần đời,
Tránh men Biệt Phái, gạn khơi mối thù.
Giữ mình xa tránh gương mù,
Coi chừng vấp phải, phạm trù thế gian.
Tông đồ quên bánh bỏ làn,
Chúa thương nhắc nhở, đừng than thiếu gì.
Nhớ rằng năm bánh là chi,
Năm ngàn thết đãi, đôi khi còn thừa.
Mười hai thúng vụn nhớ chưa,
Có lần bảy chiếc, cũng vừa đủ căn.
Bốn ngàn con số người ăn,
Còn dư bảy thúng, Chúa chăn từng người.
Lo gì cơm bánh trong đời,
Quan phòng cuộc sống, mọi thời trông mong.
Chúa rằng sự thật trong lòng,
Tình yêu men dậy, tinh trong rạng ngời.


THỨ TƯ, TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN
(Mc 8, 22-26).

CHỮA MÙ

Bét-sai-đa cạnh bờ hồ,
Thầy cùng môn đệ, ra vô rao truyền.
Tin mừng giảng dạy răn khuyên,
Nhiều người nhóm tụ, bên thuyền lắng nghe.
Người mù dẫn bước đâu dè,
Đặt tay Chúa chữa, chở che tháng ngày.
Ngắm nhìn thấy rõ mảy may,
Tạ ơn Chúa cứu, con nay tin Ngài.
Ra về đừng nói với ai,
Chúa đã căn dặn, đừng khai báo gì.
Việc lành cố gắng thực thi,
Hồn trong mắt sáng, từ bi sống đời.
Âm thầm Chúa giảng không ngơi,
Dục lòng sám hối, gọi mời ăn năn.
Bỏ đàng ghen ghét thù hằn,
Trở về bên Chúa, đường lành bước theo.


THỨ NĂM, TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN
(Mc 8, 27-33).

ĐẤNG KITÔ

Xê-sa-rê mạn Bắc xa,
Dọc theo làng nhỏ, khắp nhà loan tin.
Hôm nay thử thách lòng tin,
Tông đồ môn đệ, cùng xin đáp rằng.
Người đời suy nghĩ rõ ràng,
Thầy là ngôn sứ, vào làng truyền rao.
Gio-an Tẩy Giả tự hào,
Ê-li-a đến, biết bao mong chờ.
Tiên tri xứ lạ đâu ngờ,
Không ai biết rõ, lờ mờ đoán sai.
Các con chứng thực là ai?
Phê-rô xưng tụng, thiên sai bởi trời.
Ki-tô Con Chúa xuống đời,
Hy sinh chuộc tội, loài người trần gian.
Chúa liền nghiên cấm truyền lan,
Thực thi thánh ý, ơn ban cứu đời.


THỨ SÁU, TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN
(Mc 8, 34-39).

THEO THẦY

Trở thành môn đệ của Thầy,
Vai mang thánh giá, theo Thầy bước đi.
Vào đời từ bỏ tình si,
Hy sinh mạng sống, thực thi giới điều.
Chứng nhân chân lý cao siêu,
Truyền rao sứ vụ, dám liều tấm thân.
Muối men ướp mặn gian trần,
Trở nên ánh sáng, góp phần tỏa lan.
Được lời lãi cả thế gian,
Linh hồn lạc mất, gian nan được gì.
Sống đời vô nghĩa ích chi,
Hướng về cùng đích, cuộc thi cuối đời.
Triều thiên vinh sáng cao vời,
Đi vào ngõ hẹp, rạng ngời biết bao.
Tuyên xưng danh Chúa thiên cao,
Theo Thầy tới bến, dạt dào niềm vui.



THỨ BẢY, TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN
(Mc 9, 1-12).

BIẾN HÌNH

Biến hình sáng láng núi cao,
Áo Người chói lọi, như sao trên trời.
Môi-sen hiện đến cùng Người,
Ê-li-a sáng rạng ngời biết bao.
Giê-su Chúa cả trời cao,
Hiện thân giáng thế, gian lao khổ hình.
Ba Ngài đàm đạo cung đình,
Chứng từ lề luật, chương trình cứu nhân.
Phê-rô sung sướng xuất thần,
Ba lều cư ngụ, thiên nhân rạng ngời.
Con Ta yêu dấu xuống đời,
Ban ơn cứu độ, cho người trần gian.
Chứng nhân Cựu Ước thông ban,
Tông đồ hiện hữu, sẻ san Tin Mừng.
Chúa Con chịu khổ vô chừng,
Hy sinh thập giá, chúc mừng vinh quang.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York

 
Suy Niệm Chúa Nhật VI Thường Niên – Năm A
Lm. Anthony Trung Thành
20:05 07/02/2017
Suy Niệm Chúa Nhật VI Thường Niên – Năm A

Đức Giê-su là mẫu gương tuân giữ Lề Luật: Ngài giữ luật nộp thế cho đền thờ như bất cứ ai (x. Mt 17, 24-27); Ngài giữ luật hành hương lên đền thờ Giê-ru-sa-lem để dự lễ vượt qua (x. Lc 2,41-42). Cả cuộc đời của Ngài đã sống theo ý Chúa Cha, Ngài nói: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34). Trước cái chết khổ hình, Ngài đã cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin theo ý Cha đừng theo ý con”(Lc 22,44).

Đức Giê-su không những tuân giữ Lề Luật mà Ngài còn kiện toàn Lề Luật. Ngài nói: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn”(Mt 5,17). Nghĩa là, Luật Mô-sê vẫn giữ nguyên, không thể bãi bỏ dầu một chấm một phết, nhưng luật đó được Đức Giê-su kiện toàn. Ngài kiện toàn bằng cách lấy tình thương làm nền tảng và làm kim chỉ nam cho việc tuân giữ luật. Xin được nêu lên mấy dẫn chứng sau đây:

Thứ nhất, Đức Giê-su kiện toàn luật ngày Sa-bát: Ngài đã dùng câu chuyện lịch sử trong sách Sa-mu-el (x. 1Sm 3-7) để giúp cho người Do thái hiểu được tinh thần giữ luật như thế nào, Ngài nói: "Các ông chưa đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sa-bát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sa-bát mà không mắc tội đó sao?”(Mt 12, 3-5).

Chính vì chủ trương giữ luật vì tình thương nên chúng ta thấy trong ngày sa-bát: Ngài vẫn chữa lành cho người có tay khô bại (x. Mt 12,9); chữa lành cho người đàn bà bị còng lưng được đứng thẳng (x. Lc 13,10); chữa lành cho người mắc bệnh phù thũng được khỏi (x. Lc 14,1); chữa lành cho người bất toại nằm bên bờ hồ có năm dãy hành lang (x. Ga 5,1t); hóa bánh ra nhiều để nuôi hàng ngàn người dân ăn no nê (x. Ga 6,4); chữa lành cho người mù từ thuở mới sinh (x. Ga 9,16).

Tất cả những việc làm đó của Đức Giê-su nói lên việc kiện toàn lề luật của Ngài đối với ngày Sa-bát. Đúng như lời Ngài khẳng định: “Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát” (Mc 2,27).

Thứ hai, Đức Giê-su kiện toàn luật giết người: Luật Mô-sê dạy : “Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà”(Mt 5, 21). Còn Đức Giêsu dạy: “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt”(Mt 5, 22). Như vậy, Đức Giê-su không những cấm “giết” người mà Ngài còn cấm cả những thái độ “giận”, “mắng” và “chửi” anh em. Bởi vì, những hành động đó là mầm mống có thể dẫn đến việc giết người. Chính thánh Gioan đã khẳng định: “Phàm ai ghét anh em mình thì là kẻ sát nhân”(1Ga 3,15).

Thứ ba, Đức Giê-su kiện toàn luật ngoại tình: Luật Mô-sê cấm ngoại tình. Đức Giê-su không chỉ cấm ngoại tình mà Ngài còn cấm cả tư tưởng ngoại tình, tức là nguyên nhân sinh ra tội ngoại tình. Chính vua Đa-vít đã phạm tội ngoại tình nguyên do từ cái nhìn (x. 2Sm 11,2). Vì thế, Ngài nói: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi”(Mt 5,28). Cho nên, Ngài mời gọi chúng ta phải có hành động dứt khoát với nguyên nhân sinh ra tội giống như móc mắt, chặt tay, chặt chân vậy. Ngài nói rằng: “Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục”(Mt 5, 29-30).

Thứ tư, Đức Giê-su kiện toàn luật một vợ một chồng: Luật Mô-sê dạy: “Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị.” Đức Giê-su cấm hẳn ly dị hoặc đa thê. Vì thế, khi có mấy người Pha-ri-siêu hỏi Ngài có được phép rẫy vợ vì bất cứ lý do gì không? Ngài trả lời rằng: "Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ, và Người đã phán: Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly" (Mt 19, 4-6). Ngài còn cho biết rõ hơn: “Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình” (Mt 5, 32).

Thứ năm, Đức Giê-su kiện toàn luật lời thề: Luật Mô-sê cho phép thề, nhưng “chớ bội thề,” còn Đức Giê-su bảo: “Đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giêrusalem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả. Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được”(Mt 5, 34-36). Sỡ dĩ Đức Giêsu cấm thề, là vì lời nói cần phải có giá trị: “Nhưng hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37).

Ngoài ra, Đức Giêsu còn kiện toàn luật ăn chay, cầu nguyện, bố thí (x. Mt 6, 1-18), luật báo thù (x. Mt 5, 38-42), luật yêu thương (x. Mt 5, 43-48).

Như vậy, Đức Giêsu không chỉ là mẫu gương tuân giữ Lề Luật mà Ngài còn kiện toàn Lề Luật theo tiêu chí tình thương.

Ai cũng biết trong đời sống xã hội cũng như trong đời sống tôn giáo, luật lệ có tầm quan trọng rất lớn. Luật lệ để giúp cho cá nhân và tập thể sống có trật tự, có nề nếp, có nhân cách, có trách nhiệm, đồng thời ngăn chặn được cái xấu, cái ác, sự bất công. Vì thế, người sống theo luật lệ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cá nhân và tập thể. Thánh Bênađô Viện phụ nói: “Ai giữ luật thì luật gìn giữ người ấy.” Ngược lại, người sống vô kỷ luật là người thiếu nhân cách, thiếu trách nhiệm, dễ sa vào các tệ nạn, ảnh hưởng tới gia đình và xã hội cũng như Giáo Hội. Tác giả sách Huấn ca trong bài đọc I cho chúng ta biết: Con người có tự do để lựa chọn hay khước từ các điều răn của Chúa, nhưng ai nấy đều phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình. Giữ luật Chúa thì được sống, khước từ luật Chúa thì phải chết (x. Hc 15, 16-21).

Người kitô hữu chúng ta được mời gọi tuân giữ Lề luật, đặc biệt là luật Chúa. Vì “Sống theo luật là sống theo Chúa.” (Thánh Grêgôriô). Nhưng chúng ta tuân giữ luật Chúa như thế nào? Phải tuân giữ luật Chúa với tinh thần của Đức Giê-su, đó là giữ luật vì tình thương và lòng yêu mến. Tránh tình trạng giữ luật theo kiểu biệt phái và luật sĩ: Giữ luật theo hình thức bên ngoài mà trong lòng trống rỗng hay chỉ giữ những điều phụ thuộc mà quên đi những điều chính yếu, giữ những luật nhỏ nhặt mà quên đi công bình bác ái yêu thương.

Lạy Chúa, xin cho con biết giữ luật Chúa với tinh thần yêu mến. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Suy niệm Chúa nhật VI thường niên - Năm A
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
22:14 07/02/2017
Giữ Luật Chúa Với Tình Yêu Và Lòng Mến

Suy niệm Chúa Nhật VI thường niên - Năm A

(Mt 5,17 - 37)

"Thiên Chúa ban cho con người sự sống và sự chết, con người có quyền lựa chọn thích thứ nào thì được thứ ấy" (Hc 15, 17 ). Lời trên là một minh họa cụ thể cho Cây biết biết lành biết dữ và Cây Sự Sống trong sách Sáng Thế (x. St 2 , 9 ). Chúng ta không "quyết định" chọn cái ác, tội lỗi là điều không thể tránh khỏi, nhưng dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, chúng ta được mời phân biệt sự lành và sự dữ cách tự do nhờ sức mạnh Người đã trao ban: "Nếu ngươi muốn tuân giữ các giới răn: việc trung thành giữ các giới răn là tuỳ ở ngươi". Đây là Tin Mừng do Đức Khôn Ngoan công bố, Đức Giêsu thực hiện, Người chết cho tội lỗi và sống lại trong quyền năng của Chúa Thánh Thần. Khi tội lỗi bị bẻ gẫy, sự chết bị đập tan, Thiên Chúa ban lại cho chúng ta ơn gọi làm con cái Chúa, đồng thừa tự với Chúa Giêsu (x. 2 Pr 1, 4 ) . Đó là kế hoạch khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa đối với loài người : "Sự khôn ngoan đầy nhiệm mầu của Thiên Chúa vẫn được giấu kín, mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn thuở để làm nên sự hiển vinh của chúng tôi… Thiên Chúa đã mạc khải điều đó cho chúng tôi do Thánh Thần của Người " (x. 1 Cr 2, 6-10) .

Vì thế, nếu sự thật về thân phận con người là sống kết hiệp với Đức Giêsu và hiệp nhất với Ngài trong đức tin, tình yêu và lòng mến là con đường duy nhất dẫn đến Cây Sự Sống, phục hồi phẩm giá làm con Thiên Chúa và mở ra cho chúng ta tình huynh đệ phổ quát. Thì Đức Giêsu đến "kiện toàn Lề Luật và lời các Ngôn Sứ”, với mục đích soi đường chỉ lối cho chúng ta về với Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu và là Cha chúng ta nhờ sự vâng phục Lời Ngài. Tuy nhiên, sự khôn ngoan đầy nhiệm mầu của Thiên Chúa, khác với "sự khôn ngoan của thế gian" (x. 1 Cr 2, 6), như Thánh Phaolô nói với chúng ta.

Khi con người cố gắng bằng mọi cách để bảo vệ "quyền lợi" cá nhân trong công lý, nhưng dưới cái nhìn của Đức Giêsu là chưa đủ: "Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu" (Mt 5, 20). Vậy thế nào là công chính hơn các luật sĩ và biệt phái?

Đức Giêsu giải thích qua một loạt các phản đề giữa các giới răn cũ và kiểu Ngài đề nghị. Mỗi lần bắt đầu: "Các con đã nghe người xưa nói rằng... ", rồi Ngài khẳng định: "Còn Thầy, thầy bảo các con... ". Chẳng hạn: "Các con đã nghe người xưa nói rằng: Chớ giết người; ai giết người thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy Thầy bảo các con: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra tòa" (x. Mt 5,21-22). Và sáu lần như vậy. Khi nói như thế, Đức Giêsu không có ý định thêm các điều răn, nhưng Ngài tuyên bố cần phải có bước nhảy về chất lượng, Ngài chứng tỏ Ngài chu toàn các giới răn với tình yêu của Chúa Cha, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần ở trong Ngài. Đến lượt chúng ta, với niềm tin nơi Ngài, để Chúa Thánh Thần hoạt động, Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta sống tình yêu của Thiên Chúa. Vì thế, mỗi điều răn trở thành thật sự như đòi buộc của tình yêu, vì tất cả các giới răn đều tóm về hai điều này là : trước kính Đức Chúa Trời hết lòng hết sức, và sau là yêu người như mình ta vậy. Như Thánh Phaolô quả quyết: "Yêu thương là chu toàn Lề Luật" (Rm 13,10).

Đức Giêsu tiếp tục mời gọi chúng ta dứt bỏ tận căn : "Nếu con mắt phải của con nên dịp tội cho con, thì hãy móc nó mà ném xa con; vì thà mất một chi thể còn lợi hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Và nếu tay phải con nên dịp tội cho con, thì hãy chặt mà ném nó xa con; vì thà mất một chi thể còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục" (Mt 5,29-30). Hình ảnh thân thể người kitô hữu bị cắt xén cho thấy cuộc chiến khốc liệt này và báo trước những gì không phù hợp với sủng. Chỉ có Thần Khí mới có thể giúp chúng ta thực hiện việc hoán cải và lựa chọn dứt khoát, cứu mạng sống ta và ném xa ta những gì ngăn cản ta với Thiên Chúa, thậm trí tách ra khỏi chính thân mình như con mắt chẳng hạn. Liệu chúng ta có thể cân nhắc chọn lựa giữa ngọc trai quý hiếm với kho bạc duy nhất là Sự Sống đời đời không?

Thánh Phaolô nói: "lòng người cũng chưa từng mơ ước tới, đó là tất cả những điều Thiên Chúa đã làm cho những ai yêu mến Người" (1 Cr 2, 10). Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta vượt qua quán tính của con người cũ, và sống trong tình yêu, nếu chúng ta tin kính Chúa, "Chúa nhìn đến những kẻ kính sợ Người, và thấu suốt mọi hành động của con người" ( Hc 15, 19 ) ; "Chúa thích ngự trong những tâm hồn ngay thẳng" ( Lời nguyện nhập lễ ).

Đức Giêsu mời gọi chúng ta hoán cải tận căn, chúng ta là con một Cha trên Trời và là anh em với nhau. Chúng ta không đứng trước bàn thờ Chúa một mình, nhưng cùng anh em dâng lễ vật lên Thiên Chúa. Vì vậy, Cha trên Trời làm sao vui mừng được, khi con cái dâng lễ vật mà đang chia rẽ nhau ? Đó là lý do tại sao Đức Giêsu bảo: "khi ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với ngươi, thì ngươi hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ngươi trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ" (Mt 5,23-24). Ai trong chúng ta là xứng đáng với lời đề nghị trên?

Lời Chúa Giêsu gửi đến mỗi người trong chúng ta, không có chuyện cắt chân cắt tay, hay là móc mắt, nhưng là cam kết dấn thân trong tình bác ái. Với ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể vứt bỏ hay ném xa những gì đe dọa chúng ta kết hợp với Chúa và tha nhân, chọn Chúa làm gia nghiệp của đời ta. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Cuốn sách hai chữ
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
23:41 07/02/2017
Chúa Nhật 6 Thường Niên A

Cuốn sách hai chữ

Chúa Giêsu khẳng định: “Đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hay lời các Ngôn sứ.Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn”.

Luật Môsê là Luật của Thiên Chúa ban. Môsê đã làm nhiệm vụ trung gian trao lại cho dân Do thái và giải thích Luật ấy. Người Do thái từ bao đời đã giữ Luật theo lời giải thích của Môsê. Lề Luật là khuôn vàng thước ngọc để đánh giá một con người. Lề Luật có tầm quan trọng số một đối với người Do thái.

Không ai có quyền bãi bỏ luật lệ, trừ chính vị ra luật hay nhà lập luật. Trong Israel, chỉ mình Đức Chúa có quyền này, ngay cả Môsê cũng không, vì ông chỉ là trung gian truyền đạt.

Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Ngài không gạt bỏ Luật của Thiên Chúa được trao cho Môsê, nhưng Ngài giải thích lại Luật ấy cho đúng với ý Thiên Chúa, Ngài làm cho mọi luật được nên trọn hảo. Chúa Giêsu công bố lại ý hướng nguyên thuỷ của Thiên Chúa diễn tả qua Lề Luật, đó là Tình Yêu. Ngài muốn đặt tình yêu làm nền tảng cho mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau : “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương tha nhân như bản thân mình”.

Chúa Giêsu khẳng định: “Thầy đến để kiện toàn lề luật”. Lời tuyên bố quả quyết dứt khoát đến nỗi: trời đất qua đi thì lời Ngài nói vẫn tồn tại, và tất cả những ai tuân giữ lời Ngài cũng được tồn tại muôn đời trong Nước Trời. Lời tuyên bố như đinh đóng cột làm: “thiên hạ sửng sốt vì Ngài giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền” (Mt 7,28; Mc 1,22; Lc 4,31). Kiện toàn Luật Môsê và các Ngôn sứ là kiện toàn và thực hiện toàn bộ Kinh Thánh.

Chúa Giêsu kiện toàn nội dung của Luật gồm luật Sabát, luật thanh sạch, luật hôn nhân, luật báo oán…Đối với Chúa Giêsu, tất cả các khoản luật được lập ra là nhằm mục đích phục vụ con người, chứ không phải phục vụ cơ chế hay quyền lợi của một nhóm người nào. Luật phải vì con người chứ không phải con người vì luật.Luật quan trọng nhất được khắc khi trong tâm hồn mà mọi điều luật khác phải qui về, đó là luật bác ái yêu thương. Luật nào không còn phục vụ và làm thăng tiến con người trên phương diện tình yêu đều không còn lý do để tồn tại.

Chúa Giêsu kiện toàn tinh thần giữ luật. Giữ luật vì lòng yêu mến chứ không phải vì hình thức vụ luật. Óc nệ luật, vụ hình thức làm tê liệt sáng kiến và cầm chân con người trong thái độ tiêu cực, máy móc, cằn cỗi.
Như vậy, Chúa Giêsu kiện toàn lề luật bằng cách đặt cho nó một linh hồn là yêu thương. Tất cả lề luật trong đạo đều qui về một giới răn nền tảng và duy nhất, đó là yêu thương.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu làm hoàn hảo điều răn thứ 5, điều răn thứ 6 và thứ 9, điều răn thứ 2 và thứ 8.

1. Chúa Giêsu kiện toàn điều răn thứ 5

Điều răn thứ 5 dạy "chớ giết người". Giết người là có tội. Luật của Chúa Giêsu thì chi tiết hơn: giận ghét, mắng chửi người khác đã là xúc phạm đến người khác, đã là lỗi luật rồi : "Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt" (Mt 5, 22-23).

Chúa Giêsu dạy cho con người biết yêu thương và tôn trọng nhau. Yêu thương thì bao dung nhân hậu, thứ tha cảm thông, hòa nhã lịch sự. Yêu thương thì không giận không ghét, không mắng chửi. Ngài cụ thể về đức công chính là làm hòa với tha nhân trước đã, dâng lễ cho Thiên Chúa sau. Như thế, lễ dâng cho Thiên Chúa chỉ có giá trị khi lòng người ngập tràn niềm yêu mến và tôn trọng nhau. Không đợi đến mức giết người mới thành khung tội nặng, khung án nặng, mà theo Chúa Giêsu thì chỉ cần giận ghét chửi mắng anh em là đã liệt vào khung hình phạt cao nhất rồi.

Luật của Chúa Giêsu thật chí lý. Vì nếu, con người ta giữ được lòng yêu thương, tôn trọng, không giận ghét, không mắng chửi thì không có nguyên nhân dẫn đến việc giết người.

2. Chúa Giêsu kiện toàn điều răn thứ 6 và thứ 9
Điều răn thứ 6 dạy: "Chớ dâm dục", và điều răn thứ 9 dạy: "chớ ngoại tình". Chúa Giêsu dạy tích cực hơn: Giữ tâm hồn trong sạch, cả cho mình lẫn cho người.
Không đợi đến lúc vở lỡ, không đợi phải bắt quả tang những chuyện tình vụng trộm thì tội mới thành danh tội "dâm dục" hay "ngoại tình", nhưng ngay khi nhìn người phụ nữ mà thèm muốn làm chuyện xác thịt thì đã thành tội rồi.Chúa Giêsu rất có lý, vì nếu không giữ cho tâm hồn trong sạch, không kềm chế những ước muốn thấp hèn, sớm muộn con người ta cũng không tránh khỏi cái vòng tục lụy kia nó cuốn vào chỗ phạm tội làm mất đi nhân phẩm cao quí là con cái của Thiên Chúa, là Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Mọi người sống trong sạch với cái nhìn đơn sơ như chim bồ câu, sống vui tươi với nhau thật hồn nhiên như trẻ thơ, làm cho cuộc đời hạnh phúc biết bao!

3. Chúa Giêsu kiện toàn điều răn thứ 2 và thứ 8

Chúa Giêsu còn dạy thêm về sự ngay chính thật thà: "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không". Thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra" (Mt 5,37). Lòng ngay chính thật thà hỗ trợ tốt cho việc chu toàn luật yêu thương, tôn trọng tha nhân. Yêu thương chân thành là nền tảng vững chắc ngăn chận mọi âm mưu gian tà của lạc thú xác thịt, của chia rẻ hận thù báo oán.

4. Cuốn sách hai chữ : Yêu Thương.

Một câu chuyện kể rằng, có nhà vua kia lệnh cho các nhà thông thái trong đất nước của ông là hãy tóm gọn tất cả mọi chân lý vào trong một cuốn sách. Thời gian trôi qua hàng chục năm mà chưa ai thực hiện được. Vị quan được trao phó trách nhiệm công việc này đến thưa với vua, xin vua khất cho thời hạn. Một năm sau, vua hỏi, vị này vẫn chưa làm được điều gì. Vì kiến thức là một biển cả mênh mông, không thể tóm trong một cuốn sách, phương chi là một vài chục năm. Không may, nhà vua bị bệnh, mỗi ngày một suy yếu. Thời gian không còn tính theo năm nữa mà tính theo tháng. Rồi bệnh của vua càng ngày càng trầm trọng. Nhà vua hối thúc vị quan được trao phó trách nhiệm. Vị quan này gấp rút dồn lại trong một cuốn sách. Nhưng nhà vua nói: Bây giờ thì ta không thể đọc được nữa rồi, ngươi hãy thu ngắn lại nữa. Cuối cùng một cuốn sách chỉ còn lại một chương. Một chương, nhà vua cũng không còn sức để đọc được nữa. Bệnh đã nặng, hết hơi, sức đã tàn. Sau cùng, nhà vua nói với viên quan kia: ngươi hãy tóm lại trong một chữ thôi. Viên quan đã tận tâm và thưa : muôn tâu hoàng thượng, nếu tất cả chân lý chỉ tóm lại trong một chữ thì thần xin bệ hạ hai chữ là: Yêu Thương.

Thánh Phaolô biết rõ hơn ai hết sự cao đẹp của Luật Môsê, nhưng chính vì thế mà ngài càng xác tín hơn ai hết về giới hạn của nó so với Tin Mừng Chúa Giêsu (x. Gl 3,25-26). Đối với Phaolô: "Yêu thương là chu toàn lề luật" (Rm 13,10). Sống yêu thương là dấu ấn Thiên Chúa đã ghi khắc trong tâm hồn con người. Mỗi người là tạo vật duy nhất được Thiên Chúa tạo dựng theo và giống hình ảnh Ngài. Thiên Chúa là Tình Yêu cho nên con người cũng chỉ có một ơn gọi duy nhất, đó là sống yêu thương. Tất cả lề luật Giáo Hội ban hành là chỉ nhằm giúp con người sống yêu thương nhau.

Chúa Giêsu tha thiết kêu mời: Hãy yêu nhau “Như Thầy đã yêu anh em” (Ga 15,12).Chúa đã yêu bằng hành động cụ thể là hy sinh cho người mình yêu. Khi yêu nhau, người ta có thể hy sinh cho nhau thời giờ, tiền bạc, sức khỏe, công việc…Hy sinh cao cả nhất là hy sinh mạng sống: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Chúa đã thực thi sự hy sinh cao độ ấy: “Đức Kitô đã chết vì chúng ta” (x. Rm 5,6; Ep 5,2; 1Ga 3,16), để chúng ta yêu thương: “Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế thì chúng ta phải thương yêu nhau” (1 Ga 4,19), nhờ đó mà “niềm vui được nên trọn vẹn” (Ga 15,9). Đối với Chúa Giêsu, tình yêu là giới răn đứng hàng đầu trong các giới răn. Mọi lề luật đều phải hướng đến tình yêu. Ai chu toàn tình yêu là chu toàn lề luật.

Lề luật của Chúa thật nhẹ nhàng vì lề luật chính là tình yêu. Nếu yêu mến Chúa và yêu mến anh em, chúng ta sẽ thấy việc giữ luật không còn gì khó khăn nữa. Tình yêu sẽ làm cho chúng ta cảm nếm sự ngọt ngào trong việc tuân giữ lề luật. Tình yêu thật vĩ đại cho những ai sống theo gương Chúa Giêsu trong hành trình cuộc đời mình.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa giúp chúng con biết làm tất cả mọi việc chỉ vì lòng mến Chúa và yêu người. Amen.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giáo hội Nhật Bản tôn phong kiếm sĩ Justo Takayama lên hàng chân phước
Lê Đình Thông
09:51 07/02/2017
CHÂN PHƯỚC TAKAYAMA VỊ KIẾM SĨ CỦA ĐỨC KITÔ

Osaka (07/02/2017) - Ngày 11 tháng giêng Đinh Dậu, Giáo Hội Nhật Bản đã cử hành trọng thể Thánh lễ tôn phong Kiếm sĩ Justo Takayama (1552-1615) lên hàng chân phước. Ngài được nói đến với danh hiệu Hiệp sĩ Đức Kitô (Samouraï du Christ). Cách nay một năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ký sắc phong chân phước. Giáo Hội Nhật Bản chuẩn bị chu đáo cho biến cố này từ một năm nay. ĐHY Angelo Amata, bộ trưởng Thánh bộ Phong thánh đã cử hành Thánh lễ tại Osaka.

Giáo Hội Phù Tang hiện có 42 vị thánh và 393 Chân phước tử đạo (in odium fidei). Kiếm sĩ Ukon Takayama (高山右近), đọc theo âm hán việt là Cao Sơn, sinh tại Haibara (Nhật), mất tại Manila (Phi Luật Tân) ngày 04/02/1615. Xuất thân danh gia vọng tộc ở Nagasaki (長崎: Trường Kỳ). Tuy thân phụ là một nhà quý tộc (daimyo), ngài theo gương Chúa Kitô sống nghèo, vâng phục Ngôi Cha và chịu đóng đinh.

ĐHY Giacomo Biffi (1928-2015) viết về quê hương Nagasaki của thánh nhân như sau: Trong cuốn ‘‘Manuel d’histoire des missions catholiques’’ (Milan, 1929), Joseph Schmidlin thuật lại: vào năm 1549, thánh François Xavier đến Nhật truyền giáo. Nagasaki trở nên cộng đoàn Công Giáo đầu tiên ở xứ Phù Tang. Ngày 05/02/1597, Nagasaki thấm máu đào tử đạo của 30 chứng nhân gồm 6 linh mục dòng Phanxicô, 3 linh mục dòng tên người Nhật, 27 giáo dân. Năm 1637, 35 ngàn tín hữu bị sát hại. Mãi tới năm 1889, nước Nhật mới được tự do tôn giáo.

Ngày 15/06/1891, giáo phận Nagasaki được chính thức thành lập. Vào năm 1927, Đức Thánh Cha XI phong chức giáo mục tiên khởi người Nhật cho Đức Cha Hayasaka. Năm 1929, Nhật có 94 096 tín hữu, trong số có 63 698 là người Nagasaki. Theo thống kê năm 2012, nước Nhật có 537 000 tín hữu. Giáo Hội Nhật gồm 3 tổng giáo phận (Nagasaki, Osaka, Tokyo), 16 giáo phận, 840 giáo xứ và 1 589 linh mục.

Đức Mẹ Nhật Bản
Năm 12 tuổi, Takayama chịu phép thánh tẩy và được các cha dòng Tên hướng dẫn. Vào thời đại tướng quân Toyotomi Hideyoshi lên nắm quyền bính, vị tân tướng quân (shogun) ra chiếu chỉ cấm đạo. Các kiếm sĩ (samouraï) đều phải tuân lệnh, chỉ trừ Takayama. Ngài bị tước hết danh hiệu và quyền lợi dành cho quý tộc, trở nên tứ cố vô thân. Ngài cùng với 300 đồng đạo sống lưu vong ở Manila (Phi Luật Tân). Vị kiếm sĩ chết bệnh tại Phi Luật Tân ngày 04/02/1615.

Ngay từ thế kỷ XVII, các tín hữu Nhật coi ngài là bậc thánh. Hội thánh không thể tiến hành thủ tục phong thánh vì chính sách bế quan tỏa cảng của Nhật ngăn chặn việc thâu thập tài liệu. Sau nhiều thế kỷ, vào năm 1965, các giám mục Nhật Bản đệ nạp Tòa thánh tập hồ sơ 400 trang về vị kiếm sĩ quê quán ở Trường Kỳ.

Cách nay vài năm, Hội đồng Văn hóa Tòa thánh cùng với Sứ quán Nhật cạnh Tòa thánh, Hội đồng Giám mục Nhật bản và Dòng Tên đã ấn hành một tài liệu nhan đề « Ukon le Samouraï: cây thánh kiếm » thuật lại tiểu sử vị chân phước. Đây là giai đoạn mở đầu cho án phong chân phước. Huy hiệu của thánh nhân trong Thánh lễ phong chân phước do Nữ tu Ester Kitazuma, dòng Môn đệ Thầy Chí thánh, thực hiện gồm 7 ngôi sao tượng trưng cho dòng họ Takayama, đồng thời là 7 phép bí tích và 7 ơn Chúa Thánh thần.

Theo lời Đức Cha Kikuchi, giám mục Niigata, khác với các vị tử đạo Nhật Bản, Takayama chịu chết để làm chứng cho đức tin. Ngài từ bỏ cuộc sống quyền quý, tự nguyện sống nghèo, dâng hiến cuộc đời cho Chúa Kitô.

Chính quyền Tây Ban Nha chôn cất vị kiếm sĩ anh dũng trong một nghĩa trang Công Giáo ở Phi Luật Tân, sau khi cử hành lễ nghi quân cách dành cho quý tộc (daimyo). Bức tượng chân phước Justo Takayama được dựng tại quảng trường Dilao (Manila): thánh nhân mặc chiến bào, tóc búi tó, tay cầm thanh bảo kiếm đồng thời là thánh giá.

Sau đây là bài thơ tán tụng công đức của chân phước Cao Sơn:

Nhất kiếm phù tam đức

( 一 劍 扶 三 德 )

Thầy kiếm sĩ cầm gươm xuống núi

Khoác chiến bào tóc búi thân dân

Mắt nhìn khắp chốn xa gần

Kiếm thần chúc xuống cõi trần ban ân

Ba nhân đức đối thần giữ lấy

Là đức tin, đức cậy, mến thương

Cuộc đời kiếp sống vô thường

Niềm tin son sắt cậy trông ơn trời

Cây bảo kiếm thiên thời địa lợi

Tình Chúa thương diệu vợi vô cùng

Từ nay khốn khó chập chùng

Lìa xa quê cũ hiếu trung báo đền

Tên Kiếm sĩ khắc trên thiên quốc

Suốt cuộc đời mệt nhọc tấm thân

Có ba nhân đức đồi thần

Thầy luôn giữ trọn phúc ân nào bằng.

Giáo xứ Paris, ngày 07/02/2017

Lê Đình Thông
 
Lãnh đạo Công Giáo và Tin Lành mời Đức Giáo Hoàng thăm Đức
Nguyễn Long thao
11:33 07/02/2017
Ngày 07/ 2/ 2017.-Đức Hồng Y Reinhard Marx của Tổng Giáo Phận Munich, Chủ Tịch Hội Đồng Giám mục Đức, hoan nghênh tuyên bố của Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày 06 tháng 2 rằng lễ kỷ niệm 500 năm Cải Cách Tin Lành là một "cơ hội để tiến xa hơn" trong phong trào đại kết.

Đức Hồng Y Marx và Đức Giám Mục Heinrich Bedford-Strohm của Giáo Hội Tin Lành Lutheran đã cùng hội kiến với Đức Thánh Cha Phanxicô tại Tòa Thánh Vatican vào lúc 10 giờ sáng ngày 6 tháng 2 năm 2017. Nhân dịp này Đức Hồng Y tuyên bố:

“Cuộc họp hôm nay đã đưa lại phong trào đại kết một động lực mới”. Đức Hồng Y Marx nói thêm: "Chúng tôi có một trách nhiệm đặc biệt cho phong trào đại kết vì việc tách rời hai Giáo Hội đã khởi sự từ nước chúng tôi nên chúng tôi cần có một khởi động để công việc hoà giải được hoàn tất".

Đức Hồng Y và Đức Giám Mục Bedford-Strohm đã cùng mời Đức Thánh Cha Phanxicô thăm Đức.
 
Sứ điệp Mùa Chay 2017 của Đức Thánh Cha Phanxicô
J.B. Đặng Minh An dịch
17:35 07/02/2017
Mùa Chay năm nay bắt đầu từ ngày 1 tháng Ba. Sứ điệp Mùa Chay 2017 của Đức Thánh Cha Phanxicô đã được ấn ký vào ngày 18 tháng 10 năm 2016, Lễ Thánh Luca Tông Đồ Thánh Sử. Tuy nhiên, sáng ngày 7 tháng 2, 2017, Đức Ông Dal Toso, Tổng thư ký Bộ phục vụ phát triển nhân bản toàn diện, mới giới thiệu sứ điệp này trong một cuộc họp báo tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh.

Dưới đây là toàn văn Sứ điệp Mùa Chay 2017. Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An.


Lời Chúa là một hồng ân. Tha nhân là một hồng ân.

Anh Chị Em thân mến,

Mùa Chay là một khởi đầu mới, là một con đường dẫn đến mục tiêu nhất định là lễ Phục Sinh, là chiến thắng của Chúa Kitô trên sự chết. Mùa Chay khẩn thiết kêu gọi chúng ta hoán cải. Kitô hữu được yêu cầu quay về với Thiên Chúa “với tất cả tâm hồn họ” (Joel 2:12), để từ khước việc hài lòng với những điều tầm thường và lớn lên trong tình bạn với Chúa. Chúa Giêsu là người bạn trung thành, là người không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ngay cả khi chúng ta phạm tội, Ngài kiên nhẫn chờ đợi sự trở lại của chúng ta; và qua sự trông đợi kiên nhẫn như thế, Chúa cho chúng ta thấy sự sẵn sàng tha thứ của Ngài (x Bài giảng, 08 tháng 1 năm 2016).

Mùa Chay là mùa thuận lợi cho việc đào sâu đời sống tinh thần của chúng ta qua các phương tiện thánh hóa mà Giáo Hội mang đến cho chúng ta như ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Cơ sở của tất cả những điều này là Lời Chúa, mà trong suốt mùa này, chúng ta được mời gọi lắng nghe và suy ngẫm sâu sắc hơn. Giờ đây tôi muốn suy tư trên dụ ngôn người đàn ông giàu có và ông Ladarô (Lc 16: 19-31). Chúng ta hãy để mình được linh hứng trong câu chuyện đầy ý nghĩa này, vì nó mang lại chìa khóa để hiểu những gì chúng ta cần phải làm để đạt được hạnh phúc chân thật và sự sống đời đời. Câu chuyện này khích lệ chúng ta hãy chân thành hoán cải.

Tha nhân là một hồng ân

Dụ ngôn bắt đầu bằng việc giới thiệu hai nhân vật chính. Người đàn ông nghèo được mô tả chi tiết hơn: ông đã thê thảm đến mức không còn sức để đứng dậy. Nằm trước cửa nhà người đàn ông giàu có, ông sống nhờ những mảnh bánh vụn rơi xuống từ bàn của người nhà giàu. Người ông đầy những vết lở lói và chó đến liếm các vết thương của ông (x. 20-21). Đây là một hình ảnh thật quá khổ đau; nó mô tả một con người bất hạnh và đáng thương.

Cảnh này thậm chí còn gây ấn tượng hơn nữa nếu chúng ta để ý rằng con người nghèo khổ này được gọi là Ladarô: một cái tên đầy hứa hẹn, Ladarô có nghĩa là “Thiên Chúa hộ trì”. Nhân vật này không phải là vô danh. Danh tính của ông được mô tả rõ ràng và ông xuất hiện như là một cá nhân với câu chuyện của mình. Trong khi ông hầu như là vô hình đối với người giàu có, chúng ta nhận ra ông như một ai đó quen thuộc. Ông trở thành một khuôn mặt, và như thế là một hồng ân, một kho tàng vô giá, một con người mà Thiên Chúa yêu thương và chăm sóc, mặc dù tình hình cụ thể của ông không hơn gì một kẻ bị ruồng bỏ (x Bài giảng, ngày 08 Tháng 1 2016).

Ladarô dạy chúng ta rằng tha nhân là một hồng ân. Tương quan đúng đắn với con người bao gồm việc nhìn nhận giá trị của họ với lòng biết ơn. Ngay cả một người nghèo nơi cổng nhà của người giầu cũng không phải là một điều cồng kềnh gây phiền toái, nhưng là một lời mời gọi hoán cải và thay đổi cuộc sống. Dụ ngôn này trước hết mời gọi chúng ta mở cửa lòng mình cho tha nhân vì mỗi người đều là một hồng ân, dù cho người ấy là láng giềng của chúng ta hay một người ăn xin vô danh. Mùa chay là mùa thuận tiện để mở cửa cho tất cả những ai đang túng quẫn và nhận ra nơi họ khuôn mặt của Chúa Kitô. Mỗi người trong chúng ta gặp gỡ những người như thế mỗi ngày. Mỗi cuộc sống mà chúng ta gặp gỡ phải là một ân sủng đáng được đón nhận, tôn trọng và yêu thương. Lời Chúa giúp chúng ta mở rộng đôi mắt để đón tiếp và yêu mến sự sống, nhất là khi sự sống ấy yếu ớt và mong manh. Nhưng để làm được như thế, chúng ta phải suy tư nghiêm chỉnh về những gì Phúc Âm nói với chúng ta về người giầu có.

Tội lỗi làm chúng ta đui mù

Dụ ngôn mô tả không thương tiếc những điều ngược lại khi nói về người đàn ông giàu có (x v. 19). Không giống như anh Ladarô nghèo, ông không có một cái tên; ông chỉ đơn giản được gọi là “một người đàn ông giàu có”. Sự sang trọng của ông đã được nhìn thấy nơi chiếc áo choàng lộng lẫy và đắt tiền. Vải màu tím thậm chí còn quý hơn vàng và bạc, và do đó đã được dành cho các thần linh (Giêrêmia 10: 9) và các vị vua (x. Thủ Lãnh 8:26), trong khi vải len mịn được dành cho một nhân vật gần như là thánh thiêng. Người đàn ông rõ ràng phô trương về sự giàu có của mình, và có thói quen biểu diễn nó hàng ngày: “ông ngày ngày yến tiệc linh đình” (câu 19). Nơi ông, chúng ta có thể thoáng thấy sự băng hoại của tội lỗi, tiến triển qua ba giai đoạn kế tiếp nhau: yêu mến tiền của, phù hoa và tự hào (x Bài giảng, ngày 20 tháng 9 2013).

Thánh Tông Đồ Phaolô nói với chúng ta rằng “cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc” (1 Tim 6:10). Đây là nguyên nhân chính của tham nhũng và một nguồn mạch dẫn đến ghen tị, xung đột và nghi ngờ. Tiền bạc có thể thống trị chúng ta, thậm chí đến mức nó trở thành một thứ ngẫu tượng độc tài (cf. Evangelii Gaudium, 55). Thay vì là một khí cụ phục dịch chúng ta để làm điều thiện và thể hiện tình đoàn kết với người khác, tiền bạc có thể xiềng xích chúng ta và cả thế giới vào một thứ luận lý ích kỷ không còn chỗ cho tình yêu và gây trở ngại cho hòa bình.

Dụ ngôn sau đó cho thấy sự tham lam của người đàn ông giàu có làm cho ông ta ra hư không. Tính cách của ông ta được thể hiện qua dáng vẻ bề ngoài, nơi việc khoe khoang cho người khác thấy những gì ông có thể làm. Nhưng vẻ bề ngoài ấy chỉ che đậy một sự trống rỗng bên trong. Trong cuộc đời mình, ông chỉ là một tù nhân cho dáng vẻ bên ngoài, cho các khía cạnh hời hợt và phù du nhất của đời người (x. thượng dẫn., 62).

Bậc thấp nhất của sự suy thoái đạo đức này là niềm tự hào. Người đàn ông giàu có này ăn mặc như một vị vua và hành xử như một vị thần, mà quên rằng ông chỉ đơn thuần là một sinh linh hay chết. Đối với những người bị băng hoại vì mê mải sự giàu sang, không có gì tồn tại ở ngoài cái tôi của riêng họ. Những người xung quanh không có trong tầm mắt họ. Hậu quả của việc bo thiết với tiền bạc là một loại mù lòa. Người đàn ông giàu này không thấy những người nghèo, những người đang đói, đang bị thương, nằm ở cửa nhà mình.

Nhìn vào nhân vật này, chúng ta có thể hiểu tại sao Tin Mừng thẳng thừng lên án lòng yêu mến tiền của: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6:24).

Lời Chúa là một hồng ân

Trình thuật Phúc Âm về người đàn ông giàu có và anh Ladarô giúp chúng ta chuẩn bị tốt để tiến tới Lễ Phục Sinh. Phụng vụ Thứ Tư Lễ Tro mời gọi chúng ta đến với một kinh nghiệm khá tương tự như kinh nghiệm của người đàn ông giàu có. Khi linh mục đặt tro trên đầu chúng ta, ngài lặp lại những lời này: “Hãy nhớ rằng mình là tro bụi, một mai rồi sẽ trở về bụi tro”. Cuối cùng, cả người đàn ông giàu có và người nghèo đều qua đời, và phần quan trọng của dụ ngôn này nằm ở đoạn nói về những gì diễn ra ở thế giới bên kia. Hai nhân vật đột nhiên phát hiện ra rằng “chúng ta đã chẳng mang gì vào cõi đời này, thì cũng chẳng mang ra được gì” (1 Tm 6: 7).

Chúng ta cũng thấy những gì xảy ra ở thế giới bên kia. Ở đó người đàn ông giàu có nỉ non cùng Abraham, là người mà ông gọi là “cha” (Lc 16: 24,27), như một dấu chỉ cho thấy ông ta thuộc về dân Chúa. Chi tiết này làm cho cuộc sống của ông ta xem ra mâu thuẫn đến tột cùng, vì cho đến thời điểm này, chưa hề có chỗ nào đề cập về mối quan hệ của ông với Thiên Chúa. Trong thực tế, không có chỗ cho Thiên Chúa trong cuộc sống của ông. Thần minh duy nhất của ông là chính mình.

Người đàn ông giàu có chỉ nhận ra Ladarô giữa những đau khổ của thế giới bên kia. Ông muốn người đàn ông nghèo này làm giảm bớt đau khổ của mình bằng một giọt nước. Những gì ông van xin Ladarô cũng tương tự như những gì ông đã có thể làm nhưng không bao giờ làm. Abraham nói với ông: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.” (c. 25). Trong thế giới bên kia, một loại công lý đang được phục hồi và những điều bất hạnh trong cuộc đời được cân bằng bởi điều tốt lành.

Dụ ngôn tiếp tục với việc đưa ra một thông điệp cho tất cả các Kitô hữu. Người đàn ông giàu có xin Abraham gửi Ladarô về cảnh báo các anh em của mình, là những người vẫn còn sống trên dương thế. Nhưng Abraham trả lời: “Chúng đã có Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó” (câu 29). Bác bỏ lời phản đối của người đàn ông giàu có, Abraham nói thêm: “Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin đâu” (câu 31)..

Vấn đề thực sự người đàn ông giàu có vì thế được đặt lên hàng đầu. Cội rễ của tất cả căn bệnh của ông là sự thất bại không chú ý đến lời Thiên Chúa. Kết quả là, ông không còn yêu mến Thiên Chúa và càng ngày càng coi thường người láng giềng của mình. Lời Chúa sống động và mạnh mẽ, có khả năng chuyển đổi trái tim và dẫn chúng ta trở về với Chúa. Khi chúng ta đóng kín con tim chúng ta trước hồng ân Lời Chúa, chúng ta cũng đóng kín con tim của chúng ta trước ân sủng là các anh chị em của chúng ta.

Anh chị em thân mến,

Mùa Chay là mùa thuận lợi cho việc đổi mới cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa Kitô, cho việc sống trong lời Ngài, trong các phép bí tích và nơi những người láng giềng của chúng ta. Chúa, là Đấng đã chiến thắng sự lừa dối của tên cám dỗ trong bốn mươi ngày trong sa mạc, chỉ cho chúng ta thấy con đường chúng ta phải đi. Nguyện xin Chúa Thánh Thần dẫn đưa chúng ta vào một cuộc hành trình thực sự của hoán cải, qua đó chúng ta có thể tìm lại hồng ân lời Chúa, được thanh tẩy khỏi những tội lỗi làm mờ mắt chúng ta, và phục vụ Chúa Kitô hiện diện nơi những anh chị em cùng quẫn của chúng ta. Tôi khuyến khích tất cả các tín hữu thể hiện tinh thần đổi mới này bằng cách chia sẻ trong các Chiến dịch Mùa Chay được thúc đẩy bởi nhiều tổ chức Giáo Hội tại những miền khác nhau trên thế giới, và nhờ thế sẽ làm thuận lợi cho nền văn hóa gặp gỡ trong cùng một gia đình nhân loại của chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau để khi chia sẻ trong chiến thắng của Chúa Kitô, chúng ta có thể mở cửa lòng chúng ta đối với người yếu thế và người nghèo. Khi đó chúng ta sẽ có thể trải nghiệm và chia sẻ đầy đủ niềm vui Phục Sinh.

Từ Vatican, ngày 18 tháng 10 năm 2016
Lễ Thánh Luca Tông Đồ Thánh Sử
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Văn Nghệ Mừng Xuân Đinh Dậu Cộng Đoàn Thánh Linh Fountain Valley, California
Lê Sự
17:44 07/02/2017
Phần I
 
Phần II
 
Phần III
 
Phần IV
 
Thánh lễ tạ ơn mừng tuổi thọ các vị cao niên tại giáo xứ Việt Nam Seattle 2017.
Nguyễn An Quý
22:23 07/02/2017
Thánh lễ tạ ơn mừng tuổi thọ các vị cao niên tại giáo xứ Việt Nam Seattle 2017.

Tukwila. Tri ân các vị cao niên trong giáo xứ là truyền thống tốt đẹp của giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam từ khi còn Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam. Hằng năm cứ mỗi dịpTết vào Chúa Nhật gần nhất sau lễ Tết, giáo xứ cử hành thánh lễ tạ ơn một cách long trọng để chúc mừng tuổi thọ của các Cụ Ông, Cụ Bà trong giáo xứ tuổi từ 70 trở lên. Năm nay lễ chúc thọ được cử hành trọng thể vào lúc 11:30 Chúa Nhật ngày 05 tháng 02 năm 2017 nhằm ngày Mồng Chín Tết Đinh Dậu.

Xem Hình

Từ 11 giờ sáng nhiều cụ già yếu đã được con cháu đưa đến nhà thờ để tham dự thánh lễ kể cả các ông bà ngồi xe lăn. Trên 160 ông bà cụ đã hiện diện trong thánh lễ tạ ơn hôm nay.

Đúng 11:30 từ Ca Đoàn, một ca viên đọc lời dẫn lễ Chúa Nhật V Mùa Thường Niên đặc biệt có đoạn:. .."hôm nay giáo xứ chúng ta cử hành thánh lễ mừng thượng thọ quí cụ, trong tâm tình tri ân Thiên Chúa, Xin Chúa ban cho quí cụ luôn được bình an và hạnh phúc khi nhìn thấy sự phát triển của giáo xứ và niềm vui với con cháu trong gia đình". Lời dẫn lễ dứt, vị MC từ ca đoàn nói: "Xin ba hồi chiêng trống ". Tiếng chiêng trống ngân vang kéo dài khá lâu làm tăng thêm sự thiêng liêng và trang trọng. Ba hồi chiêng trống vừa dứt, ca đoàn hát bài ca nhập lễ, nghi đoàn gồm một số vị cao niên khỏe mạnh, ban nghi lễ cùng các thừa tác viên và quý linh mục đồng tế cung nghinh thánh giá tiến lên bàn thánh. Đoàn đồng tế gồm cha chánh xứ Đào Xuân Thành chủ tế, cha Nguyễn Sơn Miên, cha Trần Hữu Lân, cha Trần Đức Phương, cha khách đồng tế, và thầy phó tế Nguyễn Đức Mậu phụ tế thánh lễ. Cha Trần Đức Phương ngồi xe lăn cùng với linh mục đoàn trong thánh lễ tạ ơn này. Cha Trần Đức Phương là cựu Quản Nhiệm Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam hơn 10 năm từ năm 1990. Ngài đã trải qua nhiều lần bị tai biến nên hiện nay sức khoẻ của ngài không được khả quan, ngài phải ở tại một trại dưỡng lão ở khu vực Everett, ngài luôn liên kết với giáo xứ nên hôm nay ngài cũng đã có mặt để cùng với các vị cao niên trong giáo xứ mừng tuổi thọ đến năm Đinh Dậu 2017.

Mở đầu thánh lễ cha chủ tế ngỏ lời chào mừng quý cha, và quý vị cao niên cùng toàn thể cộng đoàn dân Chúa hiện diện. Ngài nói: giáo xứ chào đón quý cha, chào đón quý cụ cao niên trong giáo xứ đã hiện diện trong thánh lễ tạ ơn mừng thuợng thọ hôm nay. Xin chúc mừng quý cụ đã sống đến tuổi 70 trở lên mà giáo xứ dâng thánh lễ cầu nguyện hốm nay, đặc biệt giáo xứ chúng ta nay cũng đã có 2 vị đạt đến 100 tuổi và hơn. Cám ơn Cha Phương đã luôn hướng về giáo xứ chúng con dù sức khỏe không như xưa. Xin Chúa chúc lành cho cha, quý cha đang mừng tuổi thọ cùng tất cả các cụ có mặt hay vắng mặt luôn được an mạnh hồn xác và trường thọ. Xin cho một tràng pháo tay để chúc mừng quý cha và quý cụ.( tiếng vỗ tay kéo dài khá lâu)

Thánh lễ được tiếp nói qua phần phụng vụ Lời Chúa theo Chúa Nhật V mùa thường niên. Tin Mừng hôm nay thánh Matthêu thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ: "Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn sử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó. Các con là sự sáng thế gian. Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời.

Bài chia sẻ tin mừng trong thánh lễ cha chủ tế cũng nhấn mạnh về ý nghĩa của muối men, của ánh sáng mà mọi người Kitô hữu phải sống làm sao để trở nên ý vị cho trần gian như muối đã làm tăng thêm cho thức ăn được trở nên ngon lành, hấp dẫn với lời dẫn dụ: Việt Nam ta có câu: "Cá không ăn muối cá ươn, con cải cha mẹ trăm đường con hư " Qua đó chúng ta cũng phải sống theo đường hướng của Chúa dạy, sống với Lời Chúa để mỗi người Kitô hữu là muối men là ngọn đèn soi cho trần gian, hầu xây dựng một thế giới đầy sức sống của thiện hảo và tình người..."

Sau bài giảng lễ là nghi thức Xức Dầu Bệnh Nhân cho toàn thể quý cụ cao niên hiện diện trong thánh lễ. Linh mục đoàn đã Xức Dầu Thánh cho từng vị nơi trán, nơi 2 bàn tay của mỗi vị một cách trân trọng.

Trước khi kết thúc thánh lễ quý cha đã cùng chúc lành cho toàn thể quý vị cao niên hiện diện, tất cả quý cụ đã đứng lên để đón nhận phép lành một cách trân trọng.

Sau thánh lễ là phần tiệc mừng được tổ chức cho toàn thể quý cụ tại Hội trường giáo xứ. Ban phục vụ bữa tiệc đã phục vụ quý cụ bằng những tô Bún Bò Huế, Bún Riêu từ quán ăn giáo xứ đến từng vị theo yêu cầu của từng vị tại các bàn tiệc một cách nhanh chóng. Bữa tiệc vui mang tính cách tri ân được tổ chức tuy đơn giản nhưng khá trang trọng với phần văn nghệ phụ diễn do các em trường Việt Ngữ Đắc Lộ trình bày. Các em đã hát những khúc nhạc tuổi thơ, nhưng vũ điệu hồn nhiên nên đã đưa các cụ hồi tưởng lại tuổi xuân của mình trong một thời đã qua để hôm nay hướng đến tương lai của thế hệ trẻ với niềm hy vọng mới cho giáo xứ.

Tưởng cũng nên nhắc lại, trong ngày lễ chúc thọ giáo xứ cũng mở khu vực Chợ Quê để những giáo dân chưa có dịp tham dự các ngày Hội Chợ Tết được dịp thăm viếng khu Chợ Quê. Nhiều thành viên của Ba Miền Bắc Trung Nam cũng bày bán một vài món ăn đặc sản của mỗi miền làm cho bầu khí Tết vẫn còn kéo dài nơi giáo xứ thật thú vị.

Trong bữa tiệc quý cụ cũng nhận được nhiều lời cám ơn và tri ân các cụ từ cha chánh xứ, từ ông chủ tịch và phó chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ, Hội Đồng Tài Chánh. Tất cả đã nói lên lòng tri ân chân thành của giáo xứ đối với tất cả các đấng bậc cao niên trong giáo xứ. Cha chánh xứ cũng ân cần đến từng bàn để trao tận tay từng vị món quà của giáo xứ trao tặng đầu Xuân với những bức câu đối Tết rất đẹp

Buổi tiệc mừng kết thúc vào khoảng 3 giờ chiều, mọi người chia tay ra về trong tâm tình tạ ơn.

Nguyễn An Quý
 
Thánh lễ Minh Niên và ra mắt Tân Ban Chấp Hành Liên Đoàn Công Giáo Tây Nam Hoa Kỳ
Lê Sự
23:51 07/02/2017
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Thánh lễ ngoại lịch cho lễ Thánh Gia được cử hành thế nào?
Nguyễn Trọng Đa
09:57 07/02/2017
Giải đáp phụng vụ: Thánh lễ ngoại lịch cho lễ Thánh Gia được cử hành thế nào?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Trong danh sách các Thánh lễ ngoại lịch của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ, không có Thánh lễ ngoại lịch cho lễ Thánh Gia. Con muốn hỏi: Có thể Lễ Thánh Gia được cử hành như một Thánh lễ ngoại lịch vào thời điểm khác, theo qui định dành cho các Thánh lễ ngoại lịch không? Con đoán là không. Nhưng xét đến tầm quan trọng của gia đình trong Giáo Hội hiện nay, con xin hỏi thêm câu hỏi khác: Làm thế nào khả năng của một Thánh lễ ngoại lịch của lễ Thánh Gia có thể được đề xuất, và được đề xuất với vị nào? - A. B., Kemerovo, Nga.


Đáp: Tôi nghĩ rằng một giải pháp có thể được sử dụng là dùng Thánh Lễ tùy nhu cầu và ngoại lịch, số 12, “cầu cho gia đình”. Các lời nguyện của Thánh lễ này qui chiếu rõ ràng đến Thánh Gia. Xin mời đọc:

"Ca Nhập Lễ: (Êphêxô 6: 2-3) Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này".

Lời nguyện nhập lễ: "Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn đề cao Thánh Gia như tấm gương xán lạn để mọi người bắt chước. Xin làm cho chúng con biết noi gương để ăn ở đúng lễ nghĩa gia phong, sống đùm bọc lẫn nhau trong tình yêu mến, hầu được chung hưởng niềm an vui vĩnh cửu trong nhà Chúa trên trời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa và là Chúa chúng con. Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời".

Lời nguyện tiến lễ: "Lạy Cha nhân từ, chúng con dâng lên Cha hy lễ hòa giải này. Chúng con khiêm nhượng cầu xin Cha thiết lập các gia đình vững mạnh trong ân sủng và bình an của Cha. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Kitô Chúa chúng con".

Ca hiệp lễ: (Isaia 49: 15) "Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ”.

Lời nguyện hiệp lễ: "Lạy Cha nhân từ, Cha đã nuôi dưỡng chúng con nơi bàn tiệc thánh thể, xin cho chúng con hằng noi gương Thánh Gia Thất, để sau đời khổ ải, được cùng Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh cả Giuse hưởng vinh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Kitô Chúa chúng con".

Tôi có thể nói rằng sự hiện diện của Thánh Lễ mới này, cho các nhu cầu khác nhau, phòng ngừa nhu cầu trở lại với các lời nguyện của lễ Thánh Gia, và đó có lẽ là lý do tại sao nó không được kể một cách minh nhiên như là một khả năng.

Hình thức ngoại thường không cho phép khả năng sử dụng lễ Thánh Gia như một Thánh Lễ ngoại lịch, nhưng lại không có một Thánh Lễ nào giống như lễ trên đây. (Zenit.org 7-2-2017)

Nguyễn Trọng Đa
 
Văn Hóa
Trang phục trong thánh lễ - Đã qua rồi chuyện y phục xứng kỳ đức ?
Lm Phêrô Nguyễn Đức Thắng
12:30 07/02/2017
TRANG PHỤC TRONG THÁNH LỄ - ĐÃ QUA RỒI CHUYỆN Y PHỤC XỨNG KỲ ĐỨC?

Xã hội đa nguyên ngày hôm nay tôn trọng mọi sự khác biệt. Chính sự khác biệt làm cho thế giới phong phú đến độ kỳ thú. Cuộc sống sẽ trở nên nhàm chán nếu mọi sự việc cứ na ná như nhau, cuộc đời sẽ đơn điệu khi hành vi mỗi người thảy đều tương tự.

Về điều này thì thời trang là một lãnh vực đặc thù rõ nét, linh hoạt nhất. Giới trẻ, với sự năng động và sức sống mãnh liệt của nó lại càng bị thời trang cuốn hút và là chất kích thích cho sự sáng tạo không mỏi mệt cho sự khác biệt.

Là một linh mục, không phải chuyên viên và càng không là tín đồ thời trang, tôi không muốn tìm hiểu: Thời trang phải khác biệt như thế nào, và tới mức nào thì được coi là đẹp, được xã hội chấp nhận? Nhưng tôi muốn đặt câu hỏi: Giới hạn nào cho sự khác biệt thời trang?

Câu hỏi được đặt ra, bởi trong Thánh Lễ thêm sức vừa qua tại một nhà thờ vùng quê sông nước, tôi nhận thấy dân ở đó ăn mặc thật khác biệt, hay theo ý của tôi là rất hỗn tạp: người thì không giấu nổi nét “chân quê”, kẻ lại rất ư “à la mode”; vẫn còn đó các nam-thanh lụng thụng trong đồ bộ pijama, và rồi kia là các nữ-tú ngượng ngịu áo hai dây, hay tung tăng sơ mi giấu quần.

Dẫu biết phong trào “Việt Nam nói là làm” hay “mình thích thì mình mặc thôi”, nhưng tưởng nghĩ thời trang đường phố chỉ xuất hiện nơi phố thị đô hội, đầu thôn cuối xóm, như chính cái tên gọi, không ngờ nó lại hiện diện ngay cả nơi tôn nghiêm linh thánh. Dẫu biết thời trang thuộc về cảm nhận thẩm mỹ của mỗi người, nhưng người ta cũng cần biết loại nào thích hợp với mình cũng như phải nhận định mặc nó ở đâu thì được chấp nhận. Sau thánh lễ đề cập trên, nói chuyện về trang phục trong nhà thờ, các cha ngoài xứ mới chê tôi cù lần vì không biết các xứ đạo vùng quê bây giờ văn minh cả rồi: áo hai dây đã xưa, nay là thời của quần jeans 5 phân hay quần siêu ngắn, thời của sơ mi giấu quần.

Có nên không các nhà thờ đặt các bảng hướng dẫn như nhiều Thánh đường ngoại quốc. Ở Italy chẳng hạn, nhiều vương cung thánh đường chỉ chấp nhận người có trang phục thích hợp, cấm mặc quần shorts, váy ngắn trên đầu gối, áo không tay vv…. Thế nên khi mặc áo cổ rộng hay để cánh tay trần, các nữ du khách sẽ được yêu cầu đi ra ngoài tìm mua (có nơi phát miễn phí và yêu cầu trả lại) một “scrollata di spalle” (tiếng Anh là shrug) loại áo vai có tay dài, hoặc ít nữa là một “scialle” (tiếng Anh là shawl) loại khăn lớn trùm cả vai và tay như nhiều người Việt Nam vẫn điệu đà ở các vùng lạnh.

Quy luật phụng vụ rất nghiêm ngặt, cả về lễ quy cũng như lễ phục cho các tư tế thừa tác, và bỏ ngỏ quy tắc ứng xử cũng như thời trang của các tư tế cộng đồng, tức của những người tham dự. Chỗ trống này thuộc về trách nhiệm của các vị quản đốc thánh đường. Chắc chắn nhiều linh mục rất quan tâm nhắc bảo chuyện y phục xứng kỳ đức, mong rằng những người tham dự, nam cũng như nữ, cần trang phục chỉnh tề, lịch lãm.

Hãy nhớ thời trang thuộc về mỹ cảm mỗi người, loại nào thích hợp cho ta và nơi nào mặc thì xứng hợp. Đừng để bản thân lạc lõng nơi lễ hội cũng đừng biến mình thành lố bịch nơi thiêng thánh chỉ vì cách ăn mặc lệch pha.

Lm Phêrô Nguyễn Đức Thắng
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Trái Ngon
Lê Trị
20:47 07/02/2017
TRÁI NGON
Ảnh của Lê Trị
Cỏ cây hoa trái lộc trời
Chim muông an hưởng cả đời chẳng lo.
(bt)