Ngày 07-02-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Yêu thương là chu toàn lề luật
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
00:44 07/02/2023

CHÚA NHẬT VI MÙA THƯỜNG NIÊN
Hc 15,15-20; 1 Cr 2,6-10; Mt 5,17-37.
YÊU THƯƠNG LÀ CHU TOÀN LỀ LUẬT

Trong ngày Chúa Nhật VI thường niên năm A, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy tư về chủ đề “tuân giữ luật Chúa phát xuất từ con tim chân thành.” Việc tuân giữ luật Chúa không chỉ là thực hành luật Chúa hay ý Chúa một cách bề ngoài và hình thức, nhưng phải được bắt đầu với một trái tim mà ở đó có sự vâng phục, việc làm theo thánh ý Thiên Chúa được thực hiện.

Trong bài đọc I, sách Huấn Ca nói với chúng ta rằng Thiên Chúa đã ban cho chúng ta tự do để vâng phục Thiên Chúa. Sự vâng phục không phải là điều gì đó ép buộc chúng ta. Nó cũng không phải là điều gì áp đặt trên chúng ta, nhưng nó là một phần của món quà tự do mà Thiên Chúa ban cho trái tim con người, nó phát xuất từ trong sâu thẳm của tâm hồn chúng ta. Quả thế, nhờ tự do, chúng ta có thể trung thành với Thiên Chúa, nhưng cũng nhờ tự do mà chúng ta có thể nói không với Thiên Chúa. Hy vọng mỗi người chúng ta có thể sử dụng tự do này, như một phần chính yếu của tâm linh con người, của trái tim con người để sống và trung thành với lề luật của Thiên Chúa.

Trong bài đọc II, thánh Phaolô nói với các tín hữu Côrintô về sự khôn ngoan của Thần Khí mà mỗi người có thể có nhờ sự trưởng thành tu đức. Sự khôn ngoan này rất khác biệt với sự khôn ngoan của thế gian; nó cũng khác biệt với sự khôn ngoan của những người lãnh đạo thế giới này. Sự khôn ngoan của thế gian thường đưa ra những yêu, họ bắt phải làm điều này, buộc phải làm điều kia, nhưng chúng ta đều biết rằng nghe theo những mệnh lệnh của những người lãnh đạo trần thế, hay của sự khôn ngoan thế gian có thể dẫn chúng ta tới sự diệt vong, trái lại, chúng ta được mời gọi tuân theo sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần. Bởi vì Thiên Chúa đổ vào lòng chúng ta Thánh Thần tình yêu và sự khôn ngoan của Người. Chúa Thánh Thần, Đấng thấu suốt mọi mầu nhiệm sâu thẳm của Thiên Chúa, sẽ là Thần Khí ngự trong lòng chúng ta, hướng dẫn đời sống chúng ta. Người là tiếng nói nội tâm, Người nói trong lương tâm chúng ta, nhờ đó, chúng ta có thể làm lành lánh dữ; chúng ta có thể vâng phục thánh ý Thiên Chúa và trung thành với Thiên Chúa bằng việc sống theo giới răn của Người.

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu tuyên bố rằng Người đến không phải để hủy bỏ lề luật, cũng không phải đến để dạy chúng ta sống bất tuân lề luật. Không! Người đến để hoàn tất lề luật và chỉ cho chúng ta biết lề luật sẽ được hoàn tất như thế nào. Người nói với chúng ta về ba điều liên quan đến ba giới răn. Và ở đây, đối với Chúa Giêsu rõ ràng việc vi phạm lề luật Thiên Chúa không chỉ xảy ra khi chúng ta đã có những hành động bên ngoài chống lại lề luật của Thiên Chúa. Nói một cách khác, chúng ta có thể nói rằng sự vâng phục đối với thánh ý Thiên Chúa hay với lề luật Thiên Chúa không chỉ xảy ra khi chúng ta có hành động một cách bề ngoài. Sử dụng những hành vi bên ngoài để giải thích như là sự vâng phục thôi thì chưa đủ. Không! Đối với Chúa Giêsu, yếu tố của sự chu toàn lề luật phải được bắt đầu từ trái tim, nơi mà mọi sự phát xuất, một trái tim được Thiên Chúa ban tặng sự tự do và với tự do đó, thánh Phaolô nói với chúng ta rằng tâm hồn chúng ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần và là nơi mà sự khôn ngoan Thiên Chúa ngự trị. Như thế, việc chu toàn lề luật không chỉ được đánh giá theo thước đo này là tôi đã tránh được tội lỗi một cách bên ngoài như thế nào, nhưng chúng ta phải đi vào bên trong, nơi lòng của chúng ta là căn nguyên của thiện ác, lành dữ, để chúng ta xem sự vâng phục và sự tuân giữ lề luật được thực hiện như thế nào.

Điều liên quan đến giới răn thứ nhất của lề luật đó là không được giết người. Nhưng Chúa Giêsu nói: nếu trong lòng, bạn nóng giận với anh chị em của mình, thì tội giết người đã bắt đầu rồi. Việc dùng ngôn ngữ để chửi bới đã là một tội giết người và nếu bạn không sẵn sàng để hòa giải với anh chị em, là những người đã đôi lần có điều gì đó xúc phạm đến bạn, lúc đó, bạn cũng đã vi phạm đến lề luật Thiên Chúa là không được giết người, không được làm hại người khác. Vì thế, việc giết người không chỉ dừng lại ở hành vi bên ngoài, tôi không có hành vi giết người bên ngoài nào cả, nên tôi không có tội gì. Nhưng Chúa Giêsu quả quyết đó không phải là ý nghĩa của việc chu toàn lề luật Thiên Chúa. Hãy đi vào cõi lòng bạn, ở đó nếu có giận hờn, ghen ghét, thù hận đang hướng dẫn bạn sử dụng ngôn ngữ bạo lực đối với tha nhân và sự cứng lòng không muốn hòa giải với tha nhân.

Điều thứ hai đó là tương quan với phụ nữ, người không có liên hệ với tôi, một người phụ nữ không phải là người vợ của tôi và với một người phụ nữ khác là người liên hệ với tôi như là vợ của tôi. Vâng, tôi không có tình nhân nào cả, nên tôi không có vi phạm đến luật Chúa liên quan đến điều này, tôi không có phạm tội ngoại tình. Nhưng Chúa Giêsu nói rằng: Nếu bạn nhìn một người phụ nữ không phải là vợ của bạn, mà ước muốn trong lòng, bạn đã phạm tội ngoại tình với người đó rồi, bạn đã phạm tội rồi.

Nếu bạn ly dị vợ mình, bạn đuổi vợ mình ra khỏi nhà và bạn lại sống với một người phụ nữ khác chưa lấy chồng, khi đó bạn cũng đã bắt đầu lỗi phạm đến luật Chúa rồi. Như thế, ở đây, Lời Chúa muốn nói rằng: tất cả tội lỗi chúng ta bắt nguồn từ trong lòng của mình.

Cuối cùng sự chân thành với chân lý không cần phải những người làm chứng, bạn và tôi không cần phải dùng những lời hoa mỹ hay tất cả mọi hình thức bên ngoài để che giấu sự dối trá hay thiếu chân thật của mình. Nhưng Chúa Giêsu mời gọi bạn và tôi phải một lòng thành thật, có thì nói có, không thì nói không, gian dối là do ma quỷ.

Như thế, sự chu toàn lề luật phải được bắt đầu từ trong chính trái tim của chúng ta, đó là trái tim chứa đựng một tình yêu vô vị lợi đối với tha nhân. Đó là một trái tim chứa đầy sự kính trọng đối với tha nhân, đặc biệt là đối với phụ nữ, một trái tim chân thành và trung tín. Đó là nơi mọi sự lành hay dữ phát xuất. Đó cũng là nơi mà sự vâng phục hay bất tuân phát xuất.

Như thế, Lời Chúa hôm nay trình bày sứ vụ của Chúa Giêsu là hoàn tất lề luật, Người tóm tắt lề luật vào trong giới răn mến Chúa và yêu người. Chúng ta chuẩn bị cử hành ngày lễ của tình yêu (valentine day.) Đây là ngày mà mỗi người yêu nhau bày tỏ tình yêu, hay làm mới lại tình yêu. Valentine day là ngày lễ tuyệt vời dành cho những ai đang yêu.

Nếu chúng ta không có cơ hội để tổ chức những bữa tiệc, những cuộc đi chơi lãng mạn, những chuyến du lịch bằng tàu cruise trên biển để bày tỏ tình yêu, thì bạn hãy nhìn vào trái tim mình và hãy tự hỏi mình rằng: tôi có đối xử với tha nhân và những người mình yêu thương với sự kính trọng, với lòng trong sạch, hay với sự chân thành không? Khi đó, bạn sẽ biết thế nào là tình yêu. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/



 
Lạy Trời Mưa Xuống - Stk 2:4b-9
Nguyễn Trung Tây
02:04 07/02/2023
Nguyễn Trung Tây
Lạy Trời Mưa Xuống - Stk 2:4b-9


Theo như Sáng Thế Ký 2: 4b-9, 15, từ những ngày đầu tiên của trời và đất, khi đó đất chưa nhuộm mầu xanh. Tất cả chỉ là hoang địa và sa mạc. Không có sự sống. Không có cỏ cây. Không có sinh vật. Và Giavê Thiên Chúa khiến một nguồn nước từ lòng đất đen vươn cao lên, tưới ướt đẫm khuôn mặt khô cằn của hoang địa và sa mạc. Bởi dòng nước mát, đất khô trở thành đất ướt. Từ đất ướt, Giavê Thiên Chúa bắt đầu tạo dựng nên người Đất. Thiên Chúa thổi hơi thở vào, và anh chàng Đất trở thành sinh vật sống. Từ đất ướt, Giavê Thiên Chúa cũng dựng nên cây cối xanh tươi. Và đặc biệt, Ngài dựng nên Vườn Địa Đàng chỉ dành riêng cho con người.

Trong cùng một tâm tình ngợi ca Giavê Thiên Chúa là Đấng đã tạo thành trời đất, con người, và nương đồng xanh tươi, người Việt Nam có bài đồng dao,
Lạy Trời mưa xuống,
Lấy nước tôi uống.
Lấy ruộng tôi cầy.
Lấy đầy bát cơm.
Lấy rơm đun bếp.


Trong bài đồng dao này, người tín hữu Việt Nam nhận ra Ông Trời trong nền văn hóa Việt Nam là nguyên nhân chính và động lực duy nhất đã khiến mưa trời tuôn đổ, tưới ướt đẫm sa mạc cỏ úa và hoang địa nứt khô của trái đất. Không có Ông Trời, không có mưa. Không có những hạt mưa, người ta sẽ chết nứt môi khô lưỡi. Không có những hạt nước từ trời cao tuôn rơi, đất tiếp tục khô cằn. Đất khô cằn không phải là đất mầu mỡ để người ta cầy cấy. Không cầy không cấy, không có lúa mạ xanh tươi. Không có lúa mạ xanh, không có lúa vàng. Không có lúa vàng thơm mùi lúa mới, người Việt Nam không có rơm thổi nấu những hạt gạo ngọc trời cao gửi tặng.

Lời Nguyện

Lạy Chúa, cám ơn Chúa cho những hạt mưa khiến đồng lúa Việt Nam xanh tươi, chuyển màu vàng khi lúa chín, nuôi người Việt Nam cơm ngày ba bữa.
 
08/02: Tư tưởng của bạn thế nào thì hành xử của bạn cũng như vậy – Lm. Giuse Phêrô Vũ Hải Đăng, SDD
Giáo Hội Năm Châu
03:08 07/02/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Khi ấy, Chúa Giêsu lại gọi dân chúng mà bảo rằng: "Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người ta xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Ai có tai để nghe thì hãy nghe".
Lúc Người lìa dân chúng mà về nhà, các môn đệ hỏi Người về ý nghĩa dụ ngôn ấy. Người liền bảo các ông: "Các con cũng mê muội như thế ư? Các con không hiểu rằng tất cả những gì từ bên ngoài vào trong con người không thể làm cho người ta ra ô uế được, vì những cái đó không vào trong tâm trí, nhưng vào bụng rồi xuất ra". Như vậy Người tuyên bố mọi của ăn đều sạch. Người lại phán: "Những gì ở trong người ta mà ra, đó là cái làm cho người ta ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu, ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam

Đó là lời Chúa
 
Một thiên đàng rất đỗi mong manh
Lm. Minh Anh
14:34 07/02/2023

MỘT THIÊN ĐÀNG RẤT ĐỖI MONG MANH
Những gì từ con người mà ra, đó là cái làm cho người ta ra ô uế”.

Người Bajau, Malaysia, có một cuộc sống thanh bình hoàn toàn trên nước; họ sống trên những ‘thuyền tranh’, đẹp như tranh với những vòm tranh. Nhiếp ảnh gia Chrysler Choo tìm hiểu lối sống của họ trên những chiếc xuồng đẽo từ thân cây, lướt trên mặt hồ trong tựa pha lê. Ông ghi lại cuộc sống êm ả của những con người chơn chất này qua hàng ngàn bức ảnh, một trong những tác phẩm nổi tiếng là “A Fragile Paradise”, “Một Thiên Đàng Rất Đỗi Mong Manh”.

Kính thưa Anh Chị em,

Không chỉ người Bajau của Malaysia có ‘một thiên đàng rất đỗi mong manh’, mà thiên đàng của nguyên tổ chúng ta thời hồng hoang cũng mong manh. Và thú vị thay, Tin Mừng hôm nay còn tiết lộ một thiên đàng khác vốn cũng khá mong manh là tâm hồn mỗi người!

Bài đọc Sáng Thế cho biết, Thiên Chúa đã dựng nên con người, thổi sinh khí vào mũi nó, cho nó nên giống hình ảnh Ngài; nhờ sinh khí, sự sống của Thiên Chúa đã hoạt động bên trong nó. Ngài cũng tạo Eden, chốn bồng lai; và sau đó, đem con người đặt vào giữa vườn, kèm với lời cảnh báo, “Chớ ăn trái cây biết lành dữ!”. Chuyện gì đã xảy ra? Nguyên tổ đã không vâng lời, các ngài đánh mất thiên đàng; rõ ràng, Eden cực lạc, ‘một thiên đàng rất đỗi mong manh!’.

Với Chúa Giêsu, Đấng từng tuyên bố, “Nước Trời ở trong các con!”, nghĩa là thiên đàng của Ngài ở trong mỗi người. Thế nhưng, trong Tin Mừng hôm nay, Ngài lại kèm theo một lời cảnh báo, “Những gì ở trong người ta mà ra, đó là cái làm cho người ta ô uế”. Và như vậy, thiên đàng ở trong mỗi người vẫn có thể bị đánh mất, và nó quả là mong manh! Tại sao? Nó mong manh vì lẽ, tất cả những cuộc chiến chống lại Vương Quốc đều ở trong chúng ta. Giáo Lý Hội Thánh cho biết, tội nguyên tổ là căn nguyên “tước đoạt sự thánh thiện và công chính nguyên thủy”. Và như thế, thật dễ hiểu với những gì Phaolô nói, “Điều tôi muốn, tôi đã không làm; điều tôi không muốn, tôi lại làm”. Cám dỗ này đến từ những đam mê, yếu đuối; từ những vết thương nguyên tội để lại. Cám dỗ lớn lên âm thầm như một làn gió lặng lẽ; và ai đó, nếu không ngăn cản, nó sẽ chiếm cứ tất cả và như thế, tâm hồn mỗi người chỉ còn là ‘một thiên đàng rất đỗi mong manh’.

Làm sao để nó bớt mong manh? Tạ ơn Thiên Chúa, đã có Đức Kitô. Thư Rôma quả quyết, “Nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người”. Với ân sủng Ngài, chúng ta chinh phục chúng. Bạn đừng nhìn lại, nhưng hãy cất bước trên con đường Giêsu. Thú vị biết bao! Bấy giờ, điều phát xuất từ bên trong cũng là điều làm cho con người nên thánh thiện! ‘Một thiên đàng rất đỗi mong manh’ nay trở nên một thiên đàng rất đáng ‘mong mỏi’, ‘mộng mơ’; một thiên đàng ‘mạnh mẽ’, ‘miên man’, ‘mải miết mời mọc’ bạn và tôi trong Đức Kitô. Ý nghĩa biết bao với Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, “Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng chúa!”.

Anh Chị em,

“Những gì từ con người mà ra, đó là cái làm cho người ta ra ô uế”. Thế nhưng, với một tâm hồn đầy ắp Giêsu, những gì từ con người mà ra, bấy giờ, đều làm cho con người nên thánh thiện! Vì thế, bạn và tôi cần được lấp đầy bởi Giêsu. Có Ngài, chúng ta có thiên đàng, một thiên đàng không mai một, mong manh. Có Giêsu, chúng ta có thiên đàng đích thực; tất nhiên đích thực hơn thiên đàng của người Bajau, dẫu không miễn trừ những chiến đấu. Bấy giờ, bạn và tôi thở hơi thiên đàng Giêsu, nói Giêsu, ước muốn Giêsu… không chỉ cho những du khách, nhưng cho tất cả những ai chúng ta gặp gỡ và cả những con người mà chúng ta cầu thay nguyện giúp.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ước gì lòng con đầy Giêsu, thiên đàng đích thực. Để được vậy, xin giải phóng con khỏi những ràng buộc, sợ hãi; nhờ đó, con có thể tự do sống cho Ngài!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:01 07/02/2023

23. Bản thân của tình yêu không thể không có hành động.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:03 07/02/2023
56. TÊN KỲ LẠ CỦA HAI CON TRAI

Có một ông già ở thôn quê, đặt tên cho đứa con trai lớn là Đạo[盜] (nghĩa là ăn trộm), đặt tên cho đứa nhỏ là đánh Ẩu [毆] (nghĩa là đánh). Một hôm, đứa con trai lớn đi ra ngoài, ông già có việc gấp, bèn chạy phía sau vừa chạy vừa kêu con “ăn trộm, ăn trộm”. Quan tuần đi qua đường nghe được thì cho rằng ông già đuổi theo tên ăn trộm bèn bắt thằng con trai lớn.

Ông già muốn thằng con trai nhỏ đi theo giải thích cho quan tuần biết, vì trong lòng hồi hộp, nên liên tục kêu tên đứa con thứ “đánh người, đánh người”. Quan sai cho rằng ông già muốn trừng phạt tên ăn trộm bèn đánh thằng con trai lớn một trận bán sống bán chết.

(Doãn văn tử)

Suy tư 56:

Các bậc cha mẹ trẻ thời nay thường đặt tên cho con (nhất là con gái) giống nhau, chẳng hạn như đứa chị đặt tên là Ái Linh, đứa nhỏ thì đặt tên là Mỹ Linh, thì cũng là Linh mà thôi, cho nên mỗi lần gọi tên Linh mà thôi, thì cả hai đưá đều nghe mà không chạy đến mới khổ chứ!

Cái tên cũng rất quan trọng và ảnh hưởng đến tâm lý của con cái sau này, và thường thì cha mẹ thích đặt tên cho con mình những cái tên rất hay, rất kêu. Trong Kinh Thánh, tên của các nhân vật trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa rất có ý nghĩa: chẳng hạn như A-bra-ham có nghĩa là cha của vô số người; I-sa-ác có nghĩa là ước chi Thiên Chúa cười; Mô-sê nghĩa là vớt lên; Ki-tô, Mê-si-a nghĩa là được xức dầu; Tô-bi-a nghiã là Thiên Chúa là đấng tốt lành; Gioan nghĩa là Thiên Chúa đoái thương, thánh Phao-lô trong thư gửỉ giáo đoàn Phi-lip-phê đã nói về danh thánh Đức Chúa Ki-tô như sau:

“ Chính vì thế, đã suy tôn Người

và tặng ban danh hiệu

trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu

Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su,

Cả trên trời dước đất

Và trong nơi âm phủ muôn vật phải bái quỳ, và để tôn vinh Thiên Chúa Cha.

Mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng “ Đức Chúa Giê-su Ki-tô là chúa” ( Pl 2, 9-11).


Tên Đức Chúa Giê-su cao trọng như thế, vậy mà có những lúc tôi đem tên Ngài ra đùa giỡn thề gian và làm chứng dối.

Người ta nói “văn là người”, mà cái tên càng là người hơn nữa vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nga hạn chế quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng đối với Ukraine bị chiếm đóng
Đặng Tự Do
17:09 07/02/2023


Diễn đàn 18 cho biết vi phạm tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng ở các vùng lãnh thổ Ukraine mà Nga chiếm đóng từ năm 2014 không theo một khuôn mẫu nào. Nói cách khác, tùy thuộc vào bọn cầm quyền địa phương. Có những nơi tàn bạo, và có những nơi họ không chú ý lắm.

Tại Crimea bị chiếm đóng và sáp nhập bất hợp pháp, chính phủ Nga đã dùng vũ lực áp đặt các luật lệ và hạn chế của Nga đối với việc thực thi các quyền con người, bao gồm quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng.

Tại các khu vực bị chiếm đóng ở các vùng lãnh thổ phía đông Ukraine của Luhansk, thuộc cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Luhansk, gọi tắt là LPR, do Nga thành lập; và Donetsk, thuộc cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk, gọi tắt là DPR, do Nga thành lập, các vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và các quyền con người khác đã xảy ra từ năm 2014 đến nay.

Cuộc xâm lược mới vào tháng 2 năm 2022 của Nga vào Ukraine đã chứng kiến thêm nhiều lãnh thổ Ukraine bị Nga chiếm đóng. Tính đến đầu tháng 2 năm 2023, Nga kiểm soát khoảng 17% lãnh thổ Ukraine:

- 100% Crimea (bao gồm cả Sevastopol);

- gần như toàn bộ Vùng Luhansk;

- khoảng 60 phần trăm của Vùng Donetsk;

- khoảng 70 phần trăm của Vùng Zaporizhzhia;

- khoảng 70 phần trăm của Vùng Kherson;

và các phần nhỏ của Vùng Mykolaiv và Kharkiv.

Vào ngày 5 tháng 10 năm 2022, sau cuộc trưng cầu dân ý bị cộng đồng quốc tế tố cáo rộng rãi, Nga đã sáp nhập trái phép DPR và LPR, giữ lại các tên này, cùng với các Vùng Zaporizhzhia và Kherson của Ukraine. “Cái gọi là 'trưng cầu dân ý' ở Ukraine được tiến hành ở những khu vực do Nga chiếm đóng,” Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres cho biết trên Twitter vào ngày 29 tháng 9 năm 2022. “Chúng không thể được gọi là biểu hiện chân thực của ý chí nhân dân.”

Vào năm 2023, Nga hiện đang theo một đường lối phối hợp hơn để áp đặt toàn bộ các hạn chế của Nga đối với việc thực hiện quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng trên tất cả các khu vực do Nga chiếm đóng ở Ukraine.

Trong nhiều vùng rộng lớn, đạo Công Giáo bị cấm ngặt, các linh mục bị bắt giữ, các nhà thờ Công Giáo bị tịch thu.
Source:Forum 18
 
Bất kể các cuộc biểu tình của Công Giáo, các nhà lập pháp bang Minnesota ban hành luật phá thai
Đặng Tự Do
17:11 07/02/2023


Thống đốc Tim Walz vào ngày 31 Tháng Giêng đã ký thành luật một dự luật được các nhà lập pháp Minnesota thông qua quy định quyền phá thai vì bất kỳ lý do gì và không có giới hạn về khả năng tồn tại trong luật tiểu bang.

Trong một cuộc bỏ phiếu theo đường lối của đảng, các đảng viên Đảng Dân chủ tại Thượng viện Minnesota đã thông qua dự luật với tỷ số 34-33 vào sáng sớm ngày 28 Tháng Giêng. Hạ viện đã thông qua dự luật này vào ngày 19 Tháng Giêng.

Những người ủng hộ sự sống và ủng hộ phá thai đã tập trung với số lượng lớn bên ngoài các phòng Thượng viện tại Tòa nhà Quốc hội ở St. Paul ngay trước khi cuộc tranh luận bắt đầu vào khoảng trưa ngày 27 Tháng Giêng. Trong cuộc tranh luận kéo dài hơn 15 giờ đó, các đảng viên Đảng Dân chủ đã bác bỏ nhiều sửa đổi của Đảng Cộng hòa đối với các lựa chọn bảo vệ sinh sản, hoặc Đạo luật PRO, trước cuộc bỏ phiếu cuối cùng vào ngày 28 Tháng Giêng.

Với hy vọng gây ảnh hưởng đến các nhà lập pháp và thể hiện sự ủng hộ cho chính nghĩa của họ, bài hát “Amazing Grace” của những người ủng hộ sự sống đã nổi lên giữa những tiếng hét ủng hộ phá thai “chúng tôi nói ủng hộ sự lựa chọn”. Những người cầm những tấm biển ghi “Khoa học nói rằng phá thai giết chết một con người”, “Tôi là con người” và “Tôi rất tiếc về việc phá thai của mình” đứng bên cạnh một nhóm khác với những tấm biển ghi những khẩu hiệu như “Giữ cho phá thai an toàn và hợp pháp”.

Đứng sau cuộc tụ tập chính của các phe đối lập là Angela Erickson, 30 tuổi, cùng năm đứa con của cô, tất cả đều dưới 7 tuổi. Một thành viên của Nhà thờ St. Anne ở Hamel, Minnesota, Erickson và các con của cô đã lái xe một giờ từ nhà của họ có mặt khi Thượng viện thông qua dự luật đã được Hạ viện thông qua với tỷ lệ 69-65 vào ngày 19 Tháng Giêng.

Erickson, thành viên hội đồng của các Mục vụ Hành động vì Sự sống có trụ sở tại St. Paul và là người đồng dẫn chương trình “Sống Tin Mừng Sự Sống” của Đài Phát thanh Liên quan 1330AM với Giám đốc Điều hành Brian Gibson.

Khi được hỏi sự hiện diện của cô ấy với các con có thể hữu ích như thế nào tại Điện Capitol, Erickson nói với The Catholic Spirit, “Tôi muốn những người khác thấy rằng trẻ em là một phước lành chứ không phải là gánh nặng.”

Cách đó không xa là Jon Guden, 61 tuổi, thuộc Cộng đoàn Thánh Giuse ở Rosemount, Minnesota, lặng lẽ lần chuỗi Mân Côi.

“Chúng tôi không thể làm điều đó một mình,” Guden nói với The Catholic Spirit khi đề cập đến việc thay đổi suy nghĩ của những người ủng hộ việc phá thai. “Nó đòi hỏi Chúa và Mẹ Maria phải can thiệp.”

Các biện pháp hệ thống hóa việc phá thai ở Minnesota -- HF1 và dự luật đi kèm của nó tại Thượng viện, SF1 -- đã được tiến hành nhanh chóng khi phiên họp lập pháp năm 2023 khai mạc vào ngày 3 Tháng Giêng. Hạ viện đã chứng kiến HF1 được giới thiệu vào ngày 4 Tháng Giêng. Các dự luật đã được thông qua Hạ viện và Thượng viện các phiên điều trần, với các quan chức của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Minnesota và Giám mục Chad Zielinski của New Ulm trong số những người làm chứng chống lại các dự luật này.

Đảng Dân chủ, chiếm đa số tại Hạ viện, đã giành được đa số tại Thượng viện trong cuộc bầu cử tháng 11. Thống đốc Walz cũng là một đảng viên Đảng Dân chủ.

Chỉ vài giờ trước khi toàn thể Hạ viện bỏ phiếu, Đức Tổng Giám Mục Bernard Hebda và Đức Giám Mục Phụ Tá Joseph Williams của St. Paul và Minneapolis, cùng với Đức Giám Mục Zielinski và bốn giám mục Công Giáo khác của bang, đã viết một lá thư phản đối các dự luật và trao tận tay cho mọi nhà lập pháp..

Hạ nghị sĩ Jim Nash, R-Waconia, đã đề cập đến lá thư của các giám mục trong cuộc tranh luận dài trên sàn trước cuộc bỏ phiếu của Hạ viện và trích dẫn từ lá thư đó về trách nhiệm bảo vệ sự sống: “Tuy nhiên, công việc nhằm hạn chế nhu cầu phá thai không miễn trừ cho nhà lập pháp khỏi trách nhiệm bảo vệ con người đang sống trong bụng mẹ. Không có số lượng hỗ trợ nào cho các chương trình hỗ trợ công cộng là đủ để miễn tội cho một người khỏi sự đồng lõa và hợp tác trong việc tạo ra các khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện cho cái chết của những người khác thông qua phá thai hợp pháp.”

Nash, người không theo Công Giáo, nói, nhấn mạnh sức nặng đạo đức trong lời nói của các giám mục. Ông khuyến khích các nhà lập pháp tìm đủ can đảm để bỏ phiếu chống và “hãy làm theo lương tâm trong lòng bạn.”

Khi Thượng viện chuẩn bị tranh luận về dự luật đã được Hạ viện thông qua, Đức Tổng Giám Mục Hebda đã phát hành một đoạn video và một tuyên bố kèm theo vào ngày 25 Tháng Giêng kêu gọi mọi người liên hệ với các thượng nghị sĩ của họ yêu cầu đừng phê chuẩn dự luật.

“Đạo luật PRO là một phần của chương trình lập pháp phá thai cực đoan nhất trong lịch sử Minnesota, cho phép phá thai vì bất kỳ lý do gì và bất cứ lúc nào mà không cần quy định,” Đức Tổng Giám Mục nói. “Thật đáng lo ngại khi một đứa trẻ chưa chào đời có tim còn đập, có thể cảm thấy đau và thậm chí có thể sống sót bên ngoài bụng mẹ lại bị đối xử với thái độ khinh bỉ như vậy”.

Trong lá thư gửi cho các nhà lập pháp do Hội Đồng Giám Mục Minesota công bố, các giám mục nói rằng họ thất vọng “khi thấy tốc độ nhanh chóng mà các dự luật phá hoại này đang được thông qua, và chúng tôi hy vọng các nhà lập pháp tạm dừng.”

Hội Đồng Giám Mục Minesota cho biết trong một thông cáo báo chí rằng ngoài việc hệ thống hóa việc phá thai, Đạo luật PRO không phân biệt giữa trẻ vị thành niên và người lớn vì nó chỉ đạo các tòa án tiểu bang bảo vệ “quyền cơ bản” đối với tự do sinh sản, do đó mở ra cơ hội cho một loạt các phương pháp điều trị sinh sản dành cho người trưởng thành và các trẻ vị thành niên.

Trên thực tế, dự luật có thể dẫn đến việc trẻ vị thành niên có thể được triệt sản mà không cần thông báo hoặc sự đồng ý của cha mẹ, cũng như nhận các biện pháp tránh thai nội tiết tố, điều trị y tế và liệu pháp chuyển đổi giới tính mà không cần sự đồng ý của cha mẹ.


Source:Angelus News
 
Các Hội Truyền giáo Giáo hoàng gây quỹ cho các nạn nhân động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria
Thanh Quảng sdb
17:18 07/02/2023
Các Hội Truyền giáo Giáo hoàng gây quỹ cho các nạn nhân động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ với người dân Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau hai trận động đất kinh hoàng, và Hội Truyền giáo Giáo hoàng đã phát động gây quỹ để hỗ trợ cụ thể cho các nạn nhân.

(Tin Vatican - Deborah Castellano Lubov)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ sự thương cảm của mình với dân chúng Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hôm thứ Ba với dòng chữ trên tweet: Tôi gần gửi với anh chị em “giữa thảm kịch kinh hoàng này.”

“Tôi hết lòng cảm thông với những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Tôi tiếp tục cầu nguyện cho những người đã thiệt mạng, cũng như những người bị thương, các thành viên trong gia đình và những người cứu hộ. Cầu mong sự trợ giúp cụ thể của chúng ta có thể nâng đỡ họ giữa thảm kịch kinh hoàng này.”

Hai trận động đất kinh hoàng đã xảy ra ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu ngày thứ Hai, tàn phá một khu vực rộng lớn ở nước này và nước láng giềng Syria. Trận động đất làm đổ hàng trăm tòa nhà và gây thiệt mạng hàng nghìn người

Số người chết đã lên tới 7.000, với những con số này dự kiến sẽ tăng lên đáng kể.

Ngay trong ngày thứ Hai 6/2/2023, Đức Thánh Cha đã gửi hai bức điện thư tới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để chia buồn, đồng thời yêu cầu các Sứ thần Tòa thánh, Đức Tổng Giám Mục Marek Solczynski ở Thổ Nhĩ Kỳ và Đức Hồng Y Mario Zenari ở Syria, hãy bày tỏ tình liên đới của ngài tới dân chúng.

Hỗ trợ của các Hội Truyền giáo Giáo hoàng

Cùng ngày, Hội Truyền giáo Giáo hoàng đã công bố sáng kiến mới để gây quỹ giúp đỡ các nạn nhân.

Để cứu trợ ngay lập tức cho các gia đình bị mất mát thảm khốc do trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sáng thứ Hai, Hội Truyền giáo Giáo hoàng tại Hoa Kỳ đã mở Quỹ Trợ giúp Động đất cho Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Tiền thu được từ quỹ này thường để hỗ trợ các linh mục truyền giáo, các nữ tu và giáo dân tại các vùng truyền giáo để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa, được Đức Giám Mục Antoine Audo SJ, Giám mục người Chaldean của Aleppo, Syria, cho hay thảm họa như một “quả bom nổ khủng khiếp”.

'Những ngày sắp tới sẽ rất quan trọng'

Giám đốc của Hội Truyền giáo Giáo hoàng tại Hoa kỳ, Đức ông Kieran Harrington nhấn mạnh: “Mặc dù còn quá sớm để biết toàn bộ mức tàn phá do trận động đất gây ra, nhưng kinh nghiệm cho chúng ta hay những ngày sắp tới sẽ rất quan trọng.”

Đức ông nói: “Các nhà truyền giáo sẵn sàng giúp đỡ và giám đốc quốc gia ở Thổ Nhĩ Kỳ đã làm việc với các tổ chức phi chính phủ địa phương để đảm bảo rằng mỗi đô la được gửi đi sẽ trực tiếp đến những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thảm kịch này.”

Hội Truyền giáo Giáo hoàng tại Hoa Kỳ sẽ phân phối các khoản tài trợ thông qua các giáo phận và các tổ chức đối tác đáng tin cậy để đảm bảo rằng các quỹ sẽ mang lại lợi ích cho các nhu cầu trước mắt và liên tục của các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi sự kiện tàn khốc này.

Tài nguyên cần thiết để xoa dịu đau khổ của con người

Hàng trăm người được cho là vẫn còn bị mắc kẹt dưới đống đổ nát và số người chết dự kiến sẽ tăng lên khi các nhân viên cứu hộ tìm kiếm đống đổ nát ở các thành phố và thị trấn trong khu vực động đất.

“Trong những ngày sắp tới, những con số này sẽ tiếp tục tăng lên,” Đức Ông Harrington nói. “Hy vọng của chúng tôi là người Công Giáo ở Hoa Kỳ sẽ đáp ứng một cách quảng đại, cung cấp các nguồn lực quan trọng để giảm bớt đau khổ của thân phận con người.”

Các khoản quyên góp nhằm giúp chăm sóc mục vụ, được thực hiện bởi Quỹ Hỗ trợ Động đất Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Hội truyền giáo Giáo hoàng


Các Hội Truyền giáo Giáo hoàng tại Hoa Kỳ đã hoạt động thông qua các Giám mục, Giáo phận và hội dòng truyền giáo địa phương để đảm bảo rằng các nguồn lực được phân phối công bằng và hợp lý, dựa trên nhu cầu của từng Giáo phận.

Tiền được chuyển trực tiếp từ Hoa Kỳ đến các Giám mục trong vùng truyền giáo, cho phép liên đới trực tiếp giữa hai Giáo hội địa phương.
 
Tóm lược nội dung cuốn ‘Không gì ngoài Sự thật’ của Đức Tổng Giám Mục Gänswein
Vu Van An
18:47 07/02/2023

Trên The Pillar ngày 12 tháng 1 năm 2023, Luke Copen có bài tóm lược cuốn Hồi ký của Đức Tổng Giám Mục Gänswein, thư ký riêng của Đức Bênêđictô XVI, một cuốn sách Công Giáo được nhắc đến nhiều hiện nay.



Được phát hành vào ngày 12 tháng 1, cuốn sách này kể lại những kinh nghiệm của Đức Tổng Giám Mục với tư cách là thư ký riêng của Đức Bênêđictô XVI và kết thúc với cái chết và tang lễ của vị giáo hoàng hưu trí.

Cuốn sách do Edizioni Piemme xuất bản bằng tiếng Ý, dài hơn 300 trang và được cùng viết với nhà báo Saverio Gaeta.

Nó đã gây tranh cãi vì mô tả thẳng thắn về mối quan hệ giữa Đức Bênêđictô XVI và Đức Giáo Hoàng Phanxicô, và việc trích dẫn các tài liệu bí mật trước đây.

Sau đây là hướng dẫn của The Pillar về các nhân vật và nội dung của cuốn sách.

Nhân vật

Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein: Người kể chuyện trong cuốn sách là Đức Tổng Giám Mục Gänswein, một người Đức 66 tuổi sống ở Thành phố Vatican. Được giới truyền thông mệnh danh là “George lộng lẫy” nhờ những đường nét như được tạc nên, ngài nắm giữ hai vai trò nhiều đòi hỏi trong phần lớn cuốn sách: ngài là thư ký riêng của Đức Bênêđictô XVI và đứng đầu Phủ Giáo hoàng, bộ phận của Vatican chịu trách nhiệm về yết kiến và nghi lễ giáo hoàng.

Đức Bênêđictô XVI: Vị giáo hoàng người Đức, được biết đến như là Joseph Ratzinger cho đến khi được bầu vào năm 2005, không chỉ là bề trên của Đức Tổng Giám Mục Gänswein mà còn là nhà dìu dắt của vị này. Ngài trở thành vị giáo hoàng đầu tiên từ chức sau gần 600 năm vào năm 2013, sau đó ngài nhận danh hiệu “giáo hoàng hưu trí” và lui về hưu trí tại một đan viện ở Thành phố Vatican.

Đức Gioan Phaolô II: Bề trên của Đức Hồng Y Ratzinger trong nhiều năm là Giáo hoàng người Ba Lan đầy lôi cuốn Gioan Phaolô II, người đã triệu tập ngài tới Rome vào năm 1981 để làm việc với tư cách là bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican. Ngài dành cho vị Hồng Y người Đức sự ủng hộ không mệt mỏi của mình trong vai trò không được ưa chuộng là kiểm soát các ranh giới tín lý của Giáo hội.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Vị Giáo hoàng kế vị Đức Bênêđíctô XVI vào năm 2013, trở thành giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ Latinh và thuộc dòng Tên. Ngài được trình bầy như một nhân vật lưu ý và quan tâm đến Đức Bênêđíctô, nhưng xa cách với Đức Tổng Giám Mục Gänswein.

Các chương

Lời mở đầu

Đó là năm 2003: Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, người phụ trách tín lý của Vatican, yêu cầu vị linh mục trẻ Cha Georg Gänswein làm thư ký riêng cho mình, tin rằng việc bổ nhiệm này sẽ chỉ kéo dài một thời gian ngắn vì ngài hy vọng sẽ sớm nghỉ hưu. Trước sự ngạc nhiên của ĐTGM Gänswein, ngài vẫn ở bên cạnh Đức Hồng Y khi Đức Hồng Y được bầu làm giáo hoàng, từ chức một cách đột ngột và sống những năm còn lại trong tư cách “giáo hoàng hưu trí”.

Xuyên suốt, ĐTGM Gänswein thấy “bộ mặt thật của một trong những người chủ đạo vĩ đại nhất của lịch sử thế kỷ vừa qua”, một nhân vật được biếm họa là “Panzerkardinal” và “Rottweiler của Chúa”. Ngài nói rằng những hồi ức tiếp theo sẽ đưa ra một “chứng từ bản thân” cho sự vĩ đại của Đức Bênêđíctô XVI, “làm sáng tỏ một số khía cạnh bị hiểu lầm trong triều giáo hoàng của ngài,” và “mô tả từ bên trong 'thế giới Vatican' thực sự.'"

Chương 1

Với tựa đề “Sự ‘tiền định’ bên ngoài chiếc hộp,” chương này kể lại những ấn tượng ban đầu của ĐTGM Gänswein về ĐHY Ratzinger sau khi ngài được bổ nhiệm làm thư ký riêng. Ngài trình bầy ĐHY Razinger như thờ ơ với những lời đàm tiếu của Vatican, "chuyển lên một bình diện rõ ràng là thanh tao hơn" so với các Hồng Y đồng nghiệp của ngài, và khao khát được về hưu yên tĩnh giữa những cuốn sách của Thư viện Vatican.

Chương này trình bày việc ĐHY Ratzinger thăng tiến trong hệ thống phẩm trật của Giáo hội như một công việc của Đấng Quan phòng hơn là tham vọng. Không giống như một số linh mục đánh giá cao các chức vụ ở Rôma, ĐHY Ratzinger không tập chú vào việc thông thạo tiếng Ý. Ngài học nó thời Công đồng Vatican II, “mặc dù hơi nghèo nàn, bằng cách sử dụng phương pháp sư phạm của máy ghi âm 33 vòng / phút.” Ngài chỉ nắm được ngôn ngữ này sau khi đến Rôma vào năm 1981.

ĐTGM Gänswein giải thích rằng ĐHY Ratzinger đã đồng ý phục vụ với tư cách là tổng trưởng bộ tín lý của Vatican với điều kiện là vẫn có thể công bố các suy tư thần học của riêng mình. ĐTGM Gänswein nhận xét rằng “nếu không có việc công bố sản phẩm thần học, thì ‘nồi áp suất’ trong trí tuệ của ngài sẽ không có van an toàn và sẽ phát nổ.”

Chương 2

Với tiêu đề “Triết gia và thần học gia,” chương này mô tả mối quan hệ làm việc chặt chẽ giữa ĐHY Ratzinger và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, bất chấp “sự khác biệt rõ ràng về tính cách và phong cách.” ĐTGM Gänswein trình bày hai con người này như những tính cách bổ sung cho nhau, với “sự rõ ràng về mặt thần học và sự chặt chẽ trong diễn giải” của người Đức cân bằng cho “việc tra hỏi triết học và nghiên cứu trí thức” của người Ba Lan.

Một “sự cởi mở đầy tín thác” đã giúp hai con người này hợp tác ngay cả khi họ bất đồng. Một trong những “thời điểm bất đồng” như vậy là cuộc gặp gỡ liên tôn vì hòa bình ở Assisi năm 1986, mà Đức Gioan Phaolô triệu tập nhưng ĐHY Ratzinger đã không tham dự. ĐTGM Gänswein gợi ý rằng Đức Giáo Hoàng cuối cùng đã chấp nhận những lo ngại của ĐHY Ratzinger về sự nguy hiểm của hòa đồng chủ nghĩa (syncretism).

Chương 3

Với tiêu đề “chiếc rìu bổ xuống,” chương này mô tả sự kết thúc triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II và việc bầu chọn ĐHY Ratzinger làm người kế vị. ĐTGM Gänswein lập luận rằng, với một mật nghị bầu Giáo Hoàng ở phía chân trời, vị Hồng Y người Đức đã tiến hành một chiến dịch bầu cử “'đảo ngược', nghĩa là thuyết phục những người ủng hộ gạt mình sang một bên.” Đức Tổng Giám Mục minh họa điều này bằng cách mô tả tác phong của ĐHY Ratzinger tại đám tang của người sáng lập Hiệp thông và Giải phóng, Cha Luigi Giussani. Đức Gioan Phaolô II yêu cầu ĐHY Ratzinger chủ tọa, nhưng Hồng Y Milan Dionigi Tettamanzi mong muốn “bằng mọi giá” làm điều tương tự, trong khi Hồng Y Stanisław Ryłko của giáo triều muốn đọc bức thư chia buồn của Đức Giáo Hoàng. ĐTGM Gänswein viết rằng ĐHY Ratzinger khiêm tốn giới hạn mình trong việc giảng lễ.

Tác giả không tin rằng ông xếp của mình sẽ xuất hiện từ mật nghị năm 2005 trong tư cách giáo hoàng, hoặc thậm chí đóng vai trò “người tạo ra giáo hoàng”. Ngài nói rằng bài giảng của ĐHY Ratzinger trước khi các Hồng Y bước vào Nhà nguyện Sistine là một nỗ lực để loại trừ bản thân khỏi cuộc chạy đua, với “việc mạnh mẽ nhắc lại về ‘những con ngựa chiến’ của mình.”

ĐTGM Gänswein, người đã ở tại cư sở Vatican của các Hồng Y trong thời gian mật nghị, mô tả cách ngài tháp tùng ĐHY Ratzinger đến Nhà nguyện Sistine vào chiều ngày 19 tháng 4 năm 2005. ĐHY Ratzinger, mặc một chiếc áo len đen để chống gió lạnh của nhà nguyện, tỏ ra “rất trầm ngâm” và không nói chuyện. ĐTGM Gänswein viết: “Về mặt tâm lý, đó là chuyến cuốc bộ mệt mỏi nhất trong đời tôi. Tôi cảm thấy mình đang sống trong một thời khắc lịch sử và gần như kịch tính, với ĐHY Ratzinger mang lại cho tôi có cảm tưởng rằng tôi đang đi về phía một vách đá.”

Khi tác giả nhận ra rằng người dìu dắt của mình đã được bầu, ngài đã gửi đi một tin nhắn khẩn cấp yêu cầu những người phụ trách tân giáo hoàng bảo đảm là ngài cởi chiếc áo len đen khi xuất hiện lần đầu trên ban công nhìn ra Quảng trường Thánh Phêrô. Nhưng yêu cầu của ngài đã bị lãng quên trong sự phấn khích và hình ảnh về ống tay áo màu đen lộ ra từ lễ phục của giáo hoàng đã được loan truyền khắp thế giới.

ĐTGM Gänswein gợi ý rằng chính ĐHY Ratzinger đã bỏ phiếu cho Hồng Y người Ý Giacomo Biffi.

Chương 4

Với tiêu đề “Gia đình (giáo hoàng và nghĩa khác),” chương này bao gồm hình ảnh của ĐTGM Gänswein khi còn trẻ: “hơi ngang ngược, với mái tóc xoăn dài và phong thái không phù hợp.” Người hâm mộ thể thao cuồng nhiệt của Pink Floyd và Cat Stevens mơ ước trở thành nhà môi giới chứng khoán, nhưng lại chọn làm linh mục. Mục tử của ngài khuyên ngài nên đọc cuốn sách “Nhập môn Kitô giáo” của ĐHY Ratzinger năm 1968, cuốn sách thuyết phục ngài rằng tác giả là một “người của tinh thần”. Sau khi thụ phong linh mục ở Đức, ngài được gửi đến Vatican, đầu tiên làm việc tại bộ phụng vụ và sau đó, theo lời yêu cầu của ĐHY Ratzinger, bộ tín lý.

Ngài mô tả những ngày điển hình trong tư cách thư ký của Đức Bênêđictô XVI và công việc nội bộ trong phủ giáo hoàng.

Chương 5

Với tiêu đề “Những trở ngại của phức cảm cai trị,” chương này thảo luận về cách tiếp cận của Đức Bênêđictô XVI với việc cai trị Giáo Hội Công Giáo rộng lớn, cồng kềnh. ĐTGM Gänswein phản bác khẳng định cho rằng giáo hoàng người Đức ngây thơ và thiếu kinh nghiệm khi cai trị. Ngài nhấn mạnh rằng Đức Bênêđíctô không chỉ cổ vũ những người chia sẻ tầm nhìn thần học của ngài.

Ngài hết lòng bênh vực “việc bổ nhiệm gây tranh cãi và được thảo luận nhiều nhất” của Đức Bênêđíctô: đó là việc bổ nhiệm Hồng Y Tarcisio Bertone đứng đầu Phủ Quốc vụ khanh đầy quyền lực của Vatican, điều đã bị người tiền nhiệm của vị này là Hồng Y Angelo Sodano phản đối vì Bertone không phải là một nhà ngoại giao. Tuy nhiên, trình thuật của ĐTGM Gänswein vẫn làm nổi bật nhiều thiếu sót được tri nhận của Bertone.

Tác giả mô tả tác động gây bất ổn của việc rò rỉ các tài liệu bí mật của Đức Giáo Hoàng, được mệnh danh là vụ tai tiếng “Vatileaks”. Ngài viết rằng ngài đã đề nghị từ chức với Đức Bênêđíctô sau khi nhận ra rằng những rò rỉ đến từ quản gia của Đức Giáo Hoàng, Paolo Gabriele, người mà ngài có nhiệm vụ giám sát công việc, nhưng đã bị từ chối. Ngài đã hòa giải với Gabriele ngay trước khi người này qua đời vào năm 2020.

Chương 6

Với tiêu đề “Một Huấn quyền trong mọi đường nét,” chương này trình bày những điểm nổi bật trong giáo huấn của Đức Bênêđíctô XVI, mà ĐTGM Gänswein mô tả là “di sản quan trọng nhất” của ngài. Đức Tổng Giám Mục nói rằng “tâm điểm dứt khoát” của giáo huấn này là “chứng nhân lấy Chúa Kitô làm trung tâm” của Đức Bênêđíctô, như được chứng tỏ trong việc ngài hoàn thành tác phẩm ba tập “Chúa Giêsu thành Nadarét” khi còn là giáo hoàng. Ngài nói rằng chính qua lăng kính lấy Chúa Kitô làm trung tâm này mà Đức Bênêđictô XVI đã quan niệm về chức vụ giáo hoàng. Đức Tổng Giám Mục viết: “Trong việc làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô của Đức Giáo Hoàng, ý nghĩa và sự cần thiết của thừa tác vụ Phêrô trong Giáo hội một lần nữa được làm cho hiển hiện”.

Chương này hướng dẫn người đọc qua ba thông điệp của Đức Bênêđictô XVI, các tài liệu quan trọng khác và các bài phát biểu quan trọng. ĐTGM Gänswein phàn nàn về việc người ta đọc sai lời của Đức Giáo Hoàng, đáng chú ý là bài giảng ở Regensburg năm 2006, đã gây ra phản ứng dữ dội trong thế giới Hồi giáo. Đức Tổng Giám Mục bảo vệ quyết định gây tranh cãi năm 2009 của Đức Thánh Cha về việc dỡ bỏ vạ tuyệt thông đối với bốn giám mục được Đức Tổng Giám Mục Marcel Lefebvre tấn phong. Ngài nói rằng Đức Bênêđictô đã được thông báo nhầm rằng người gây tranh cãi nhất trong bốn người, Giám mục người Anh Richard Williamson, sắp chết vì bệnh ung thư và cần được thuyên giảm khẩn cấp.

Chương 7

Với tiêu đề “Sự từ chức lịch sử đánh dấu một kỷ nguyên,” chương này mô tả quyết định từ chức của Đức Bênêđictô XVI. ĐTGM Gänswein nói rằng cam kết của Đức Thánh Cha về việc cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới tại Brazil năm 2013 đè nặng lên tâm trí ngài. Khi Đức Bênêđíctô cảm thấy sức lực của mình giảm sút, ngài đã cư xử không bình thường khi cầu nguyện: “Khi quỳ gối, ngài lấy tay ôm đầu và gần như gục xuống, một thái độ xa lạ với phong cách của ngài.” Đức Tổng Giám Mục nhớ lại rằng Đức Bênêđíctô đã thông báo cho ngài vào ngày 25 tháng 9 năm 2012 ý định nhường chỗ cho một giáo hoàng “mới, trẻ hơn và năng động hơn”. Đức Tổng Giám Mục đã vắn tắt cố gắng thuyết phục ngài ở lại, nhưng nhận ra rằng điều đó “hoàn toàn vô ích”.

ĐTGM Gänswein ngượng ngùng nhận định rằng thông báo từ chức bằng tiếng Latinh của Đức Giáo Hoàng, soạn thảo trong điều kiện giữ bí mật chặt chẽ, có một số sai sót. Ngài nói rằng sự thanh thản của Đức Bênêđíctô vào ngày thoái vị đã thuyết phục ngài rằng người dìu dắt mình có “những đặc điểm khổ hạnh huyền bí” và “mối quan hệ trực tiếp với Thiên Chúa, Đấng mà ngài cảm thấy thực sự được truyền cảm hứng và hướng dẫn liên tục.”

Tác giả lưu ý rằng nhiều tháng trước khi từ chức, Đức Bênêđíctô đã bổ nhiệm ngài làm trưởng Phủ Giáo hoàng và cử nhiệm ngài làm tổng giám mục. Ngài mô tả lễ tấn phong giám mục của ngài là “nghi thức phụng vụ long trọng nhất mà tôi từng tham dự.”

Chương 8

Với tiêu đề “Mối quan hệ giữa hai vị giáo hoàng”, chương này tập trung vào mối liên kết ngày một gia tăng giữa Đức Bênêđictô XVI và người kế vị bất ngờ của ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô người Á Căn Đình.

ĐTGM Gänswein, người đã theo dõi sát sao những ngày đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tư cách người đứng đầu Phủ Giáo hoàng, nói rằng ngài và Đức Bênêđictô rất ngạc nhiên khi vị tân giáo hoàng chọn sống tại dinh thự Santa Marta của Vatican hơn là các căn hộ của giáo hoàng trong Tông Điện. ĐTGM Gänswein bác bỏ quan điểm cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy sự thắt lưng buộc bụng của tân giáo hoàng, nhấn mạnh rằng các khu sinh hoạt có kích thước gần giống nhau và dù sao, Vatican vẫn phải trả tiền cho việc bảo trì liên tục các căn hộ giáo hoàng.

ĐTGM Gänswein nhớ lại rằng Đức Bênêđictô XVI đã rất buồn trước những nỗ lực — của cả những người ủng hộ và những người gièm pha — nhằm phóng đại sự khác biệt giữa vị giáo hoàng người Á Căn Đình và vị tiền nhiệm của ngài. Đức Tổng Giám Mục mô tả Đức Phanxicô như một vị khách siêng năng tại nơi ở mới của vị giáo hoàng hưu trí, Đan viện Mater Ecclesiae trong Vườn Vatican, mang theo những món quà là rượu vang và dulce de leche, món tráng miệng Á căn đình.

Tác giả nhớ lại rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mời Đức Bênêđíctô bình luận về cuộc phỏng vấn được hâm mộ năm 2013 của ngài “Một trái tim rộng mở với Thiên Chúa”. Vị giáo hoàng hưu trí viết rằng ngài đã đọc bản văn “với niềm vui và lợi ích thiêng liêng thực sự và hoàn toàn đồng ý,” nhưng đưa ra một số nhận xét “bổ sung” đối với các nhận xét của Đức Giáo Hoàng về phá thai và ngừa thai, và đồng tính luyến ái.

ĐTGM Gänswein báo cáo rằng Đức Bênêđíctô đã tìm thấy một vài đoạn trong tông huấn Evangelii gaudium năm 2013 của Đức Phanxicô “không liên quan”, nhưng luôn tìm cách giải thích những lời nói và hành động của người kế nhiệm ngài một cách đại lượng nhất có thể.

Vị tổng giám mục người Đức dành nhiều trang cho cuộc tranh luận năm 2020 về việc xuất bản một cuốn sách về đời sống độc thân linh mục có chứa một tiểu luận của Đức Bênêđictô XVI. Cuốn sách xuất hiện khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô được cho là (một cách sai lầm, theo ĐTGM Gänswein) đang xem xét lời yêu cầu cho phép phong chức cho những người đàn ông đã kết hôn ở vùng Amazon. ĐTGM Gänswein nói rằng cả ngài và Đức Bênêđictô đều “ngạc nhiên” khi vị giáo hoàng hưu trí được trình bày là đồng tác giả với Hồng Y bộ trưởng bộ phụng vụ Vatican lúc bấy giờ là Hồng Y Robert Sarah, người được giới thiệu dưới ánh sáng không mấy tốt đẹp và bị cáo buộc là đã “làm tổn hại rất nhiều đến cả Đức Bênêđictô và tôi.”

Đức Tổng Giám Mục mô tả sự rạn nứt trong mối liên hệ của ngài với Đức Thánh Cha Phanxicô, nhớ lại một dịp khi Đức Thánh Cha yêu cầu ngài không tham gia cùng ngài trong chuyến viếng thăm Cộng đoàn Sant’Egidio của Rôma, khiến ngài cảm thấy bị sỉ nhục. Ngài cũng bày tỏ sự thất vọng trước quyết định của Đức Giáo Hoàng rằng ngài không nên chuyển đến một căn hộ trong Tông điện theo truyền thống được phân bổ cho người đứng đầu Phủ Giáo hoàng (sau này do “bộ trưởng ngoại giao” của Vatican là Tổng Giám mục Paul Gallagher chiếm giữ).

ĐTGM Gänswein cũng bày tỏ sự buồn khổ trước yêu cầu của Đức Giáo Hoàng, sau cuộc tranh cãi về cuốn sách về độc thân, rằng ngài nên dành toàn bộ thời gian của mình để giúp đỡ Đức Bênêđíctô; ngài trưng dẫn các bức thư trong đó Đức Giáo Hoàng hưu trí khuyến cáo Đức Phanxicô cho phép ĐTGM Gänswein tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu Phủ Giáo Hoàng, nhưng vô ích. Vị tổng giám mục người Đức kể lại một cuộc điện thoại sau đó với Đức Phanxicô, trong đó ngài xin không thành công liệu ngài có thể trở lại vai trò này hay không.

Ngài kết thúc chương này bằng cách nói rằng với tư cách là thư ký của Đức Bênêđíctô, ngài mang “dấu vết của Cain,” và không thể làm gì để lay chuyển những nhận thức rằng ngài là người “rất cánh hữu” và “diều hâu”.

Chương 9

Với tựa đề “Sự im lặng cần cù trong đan viện,” chương này mô tả gần 10 năm hưu trí của Đức Bênêđictô XVI. ĐTGM Gänswein nói rằng ngài không bao giờ ngờ rằng vị giáo hoàng hưu trí lại sống lâu như vậy một khi đến Đan viện Mater Ecclesiae đã “hoàn toàn kiệt sức”. Nhưng bầu không khí yên tĩnh đã hồi sinh Đức Bênêđictô XVI, người có căn bệnh chính là mệt mỏi ở phổi, khiến ngài khó nói.

ĐTGM Gänswein giải thích rằng, với sự khuyến khích của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Bênêđictô XVI đã không sống “hoàn toàn ẩn dật”. Ngài cũng nhắc lại rằng vị giáo hoàng hưu trí đã bình luận một cách “thiện cảm” về nhận xét của Đức Phanxicô rằng ngài giống như một “người ông khôn ngoan” bằng cách nhấn mạnh rằng các ngài “chỉ cách nhau chín tuổi” và “có lẽ gọi tôi là ‘anh cả’ thì đúng hơn”.

ĐTGM Gänswein bảo vệ việc Đức Bênêđictô XVI sử dụng thuật ngữ “giáo hoàng hưu trí” và quyết định tiếp tục mặc đồ trắng của ngài trước những tuyên bố rằng chúng đã gieo rắc sự nhầm lẫn. Ngài nói rằng vào thời điểm nghỉ hưu, giáo hoàng người Đức buộc phải “đưa ra một số quyết định dù biết rõ rằng chúng không hoàn hảo”.

Vị tổng giám mục nói rằng Đức Bênêđíctô quan tâm đến việc Đức Phanxicô thể hiện sự ưu ái, khi bắt đầu triều đại giáo hoàng của mình, đối với đối tác thần học cũ của ngài là Hồng Y Walter Kasper. Ngài nêu bật những khác biệt giữa vị giáo hoàng đã nghỉ hưu và lập trường của Hồng Y về vấn đề “nghiêm túc và tế nhị” về việc cho người Công Giáo ly dị và tái hôn rước lễ, vốn là vấn đề trung tâm tại các thượng hội đồng gia đình năm 2014-2015.

ĐTGM Gänswein nói rằng Đức Bênêđíctô bày tỏ “một số bối rối” về kết quả của tông huấn về gia đình, Amoris laetitia, đặt câu hỏi về “ý nghĩa của một số ghi chú, thường báo hiệu việc trích dẫn một nguồn, trong khi trong trường hợp này, chúng phát biểu một nội dung quan trọng,” và tự hỏi tại sao “một sự mơ hồ nhất định đã được phép lơ lửng trong tài liệu đó” sau khi nó được công bố. Khi bốn vị Hồng Y đưa ra “dubia” để yêu cầu làm rõ, Đức Bênêđíctô đã rất ngạc nhiên vì họ không được trả lời, nhưng, ngài đã giữ im lặng một cách “nghiêm khắc”.

Chuyển sang một biến cố được mệnh danh là “tai tiếng thư tín” (lattergate), ĐTGM Gänswein phủ nhận việc rò rỉ toàn văn bức thư của Đức Bênêđictô XVI dẫn đến sự sụp đổ của một viên chức Vatican, điều mà ngài tin đã khiến Đức Giáo Hoàng Phanxicô khó chịu.

Ngài nói rằng Đức Bênêđíctô coi việc Đức Phanxicô đàn áp Thánh lễ Latinh truyền thống vào năm 2021 là “một sai lầm”, vì nó “gây nguy hiểm cho nỗ lực xoa dịu” các cuộc chiến phụng vụ trong tông thư mang tính bước ngoặt năm 2007 Summorum Pontificum của ngài. Ngài viết: “Đức Bênêđíctô đặc biệt cảm thấy thật sai lầm khi cấm cử hành Thánh lễ theo nghi thức cổ xưa trong các nhà thờ giáo xứ”. Ngài nói thêm rằng Đức Bênêđíctô đã chùn bước khi đề cập đến “ý định thực sự” của ngài liên quan đến Thánh Lễ Cổ trong cuộc trò chuyện giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các tu sĩ Dòng Tên của Slovakia.

ĐTGM Gänswein bảo vệ phản ứng của Đức Bênêđictô XVI đối với nạn giáo sĩ ấu dâm và những xác tín của ngài về nguyên nhân của cuộc khủng hoảng lạm dụng. Ngài mô tả phản ứng của vị giáo hoàng hưu trí đối với một báo cáo lạm dụng chỉ trích việc ngài xử lý bốn trường hợp khi còn là tổng giám mục Munich và trưng dẫn “lời cầu xin tha thứ chân thành” sau đó của ngài với những người sống sót sau vụ lạm dụng.

Đức Tổng Giám Mục dành nhiều trang cho các bài giảng “riêng tư” mà Bênêđictô XVI đã giảng trong các Thánh lễ tại cư sở của ngài, lần đầu tiên trích dẫn các đoạn từ một số bài. Ngài lưu ý rằng bài giảng cuối cùng, vào năm 2017, khi Đức Bênêđictô bắt đầu gặp khó khăn trong việc nói, đã tập trung vào cuộc sống vĩnh cửu.

Đức Tổng Giám Mục phác thảo lịch trình hàng ngày có trật tự của vị giáo hoàng hưu trí, lưu ý rằng ngài rất thích được đọc sách cho mình nghe (bao gồm cả cuốn hồi ký trong tù của Hồng Y George Pell, cuốn sách mà ngài “rất đánh giá cao”) và tiếp tục uống nước chanh “với một vài ngụm bia”.

Ngài nói rằng Đức Bênêđíctô không buồn khổ trước cái chết đang đến gần và đã chuẩn bị tốt khi sức khỏe của ngài giảm sút vào cuối tháng 12 năm 2022. “Những lời cuối cùng dễ hiểu được” của ngài là “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa.”

Ngài ghi nhận chỉ thị chắc chắn của Đức Bênêđíctô về việc tiêu hủy các giấy tờ riêng tư của ngài và nói rằng tùy Giáo hội sẽ quyết định, sau một thời gian chờ đợi thích hợp, liệu người dìu dắt của ngài có phải là một vị thánh hay không. Nhưng ngài nói rằng “không nghi ngờ gì nữa” rằng Đức Bênêđíctô đã biểu lộ “những đức tính anh hùng”, một trong những phẩm chất cần thiết để được phong thánh. Chương này kết thúc với di chúc thiêng liêng của Đức Giáo Hoàng.

Lời bạt

Nhà báo người Ý Saverio Gaeta, người đã hỗ trợ ĐTGM Gänswein viết cuốn sách, giải thích lý do tại sao nó được viết dưới dạng tường thuật ở ngôi thứ nhất chứ không phải là một cuộc phỏng vấn. Ông gợi ý rằng một nhà báo nên ít xâm phạm vào câu chuyện kể ở ngôi thứ nhất, điều này cho phép đối tượng đi “sâu hơn vào những gì ngài muốn truyền đạt”. Ông mô tả vị tổng giám mục người Đức là “nhân chứng và nhà chú giải có thẩm quyền nhất của một người có đức tin, của một linh mục theo lòng Chúa muốn, của một người chủ đạo trong lịch sử của thời kỳ khó khăn và thú vị của chúng ta.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Thánh Maria Goretti mừng xuân Quý Mão
Thái Phạm
22:06 07/02/2023
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Bên Trọng – Bên Khinh. Hữu Lý Hay Lãng Phí ?
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:21 07/02/2023
Bên Trọng – Bên Khinh. Hữu Lý Hay Lãng Phí?

Được biết có một vài ngôi nhà thờ muốn xây mới vì số tín hữu quá đông mà diện tích nhà thờ quá bé. Mỗi Chúa Nhật đã dâng đến 4 thánh lễ mà tín hữu vẫn phải đứng bên ngoài hàng trăm người. Đấng Bản Quyền nói rằng không nên xây mới vì có thể tăng thêm số Thánh Lễ trong ngày Chúa Nhật. Giải pháp nghe thật hữu lý. Mỗi năm chỉ có 52 Chúa Nhật và trên 10 lễ trọng thôi, nếu biết “co thì ấm”. Dĩ nhiên các ngày lễ trọng như Giáng Sinh hay Vọng Phục Sinh thì phải dâng Lễ bên ngoài thánh đường.

Thế nhưng cũng có đó Đấng Bản Quyền tìm đủ cách để xây thêm các “tòa nhà” lộng lẫy để phục vụ cho các linh mục chủ yếu hai dịp trong năm là tĩnh tâm năm và thường huấn. Thiết nghĩ rằng nếu chia việc tĩnh tâm năm thành hai đợt. Đợt một dành cho quý linh mục 50 tuổi trở lên, đợt hai dành cho quý linh mục 50 tuổi trở xuống thì hầu chắc các giáo phận tại Việt Nam sẽ chưa cần đến chuyện xây cất hoành tráng đầy tốn kém. Chuyện thường huấn các linh mục là chuyện cần thiết. Tuy nhiên thiển nghĩ rằng nếu cũng chia nhỏ ra thành từng đợt tùy theo lứa tuổi linh mục thì ắt sẽ đạt hiệu quả hơn nhiều và dĩ nhiên không cần đến cơ sở vật chất quá đồ sộ.

Để phục vụ cho các linh mục mỗi năm có hai dịp quy tụ, mỗi dịp chỉ ba bốn ngày mà xem ra cơ ngơi đã và đang xây dựng quá ư là chưa hợp lý. Dù rằng cơ sở vật chất chỉ là một phương thế, tuy nhiên nếu sử dụng không hợp lý thì dễ trở thành lãng phí. Tinh thần khó nghèo đòi hỏi chúng ta phải tính đến hệ số sử dụng khi muốn xây dưng cơ sở vật chất. Đã có có sở hoành tráng xây dựng lên mà mỗi năm chỉ sử dụng trên dưới 10 ngày thì quá là lãng phí. Ngoài ra còn phải tính đến các chi phí bảo trì mà chắc hẳn không là nhỏ.

Có đấng biện minh rằng để mời “người giảng thuyết” cho các dịp tĩnh tâm năm của linh mục thì khó nến cần phải gộp chung một đợt. Có một “thói quen” ở Việt Nam là việc giảng tĩnh tâm năm cho các linh mục là “dành riêng” cho hàng giám mục. Đâu phải đã là giám mục thì có “chuyên môn” giảng thuyết. Trong số hàng ngàn linh mục trên cả nước thì chắc hẳn có dư số vị có chuyên môn này. Vấn đề là các đấng bản quyền có khiêm nhu đón nhận không mà thôi.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Cấy Trồng và Chăm Sóc
Nguyễn Trung Tây
15:26 07/02/2023
Nguyễn Trung Tây
Cấy Trồng và Chăm Sóc (Stk 2:15)


Tất cả các loại thụ tạo kể cả con người đã được Thiên Chúa tạo dựng. Thiên Chúa thấy tất cả những gì Ngài tạo nên tốt đẹp. Ngài chúc phúc tất cả những loại thụ tạo do chính Ngài dựng nên. Vũ trụ, Trái đất, con người, và tất cả các loại thụ tạo do đó đều có giá trị trong con mắt của Thiên Chúa. Có chung một giá trị, nhưng riêng con người, họ có một vị thế khác so với vị thế của các loài thụ tạo. Vị thế này đã được chính Thiên Chúa tạo ra chỉ riêng tới và cho con người. Đó là, con người được tạo dựng trong hình ảnh của Thiên Chúa (Gen 1:26, 27). Chưa hết, Đấng Sáng Thế còn thổi “hơi thở của đời sống” vào lỗ mũi của con người khi còn là người đất (Gen 2:7). Sau khi con người trở thành sinh vật sống, Đấng Sáng Tạo đã tạo ra khu Vườn. Rồi Ngài đặt con người vào trong khu Vườn để “cấy trồng và chăm sóc” khu Vườn, hình ảnh của Trái đất (Gen 2:15). Cấy trồng và chăm sóc chính là trách nhiệm mà Thiên Chúa trao cho con người. “Cấy trồng” để Trái đất giữ được nét nguyên vẹn đồng thời nhân lên nét đẹp phong phú của khu Vườn. “Chăm sóc” ở đây phải được hiểu trong ý nghĩa của thương yêu và tôn trọng phẩm giá của tất cả các loài thụ tạo trên Trái đất.

Trong quá khứ, nhiều người tin rằng con người là chủ nhân tuyệt đối trên mặt đất, bởi “Thiên Chúa phán: ‘Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất’” (Gen 1:26). Cụm từ “làm bá chủ” xuất hiện một lần nữa trong câu 28 trong cùng một bối cảnh. Dựa vào Gen 1:26, 28 như một phân giải, con người đã xây dựng một xã hội hình thành trên mô hình con người là chủ nhân. Tất cả những loại thụ tạo khác kể cả Trái đất đều xoay quanh trục con người và phục vụ cho quyền lợi con người. Đây chính là mô hình “chủ nhân-đầy tớ” của thời chế độ nô lệ còn là một thực thể. Trong mô hình này, con người là chủ nhân tuyệt đối, Trái đất và các loài thụ tạo khác là đầy tớ không có tiếng nói. Trái đất trong mô hình này bị đối xử như là một đối tượng, một vật thuộc về quyền sở của con người, chứ không phải là ngược lại.

Nhưng bắt đầu từ giữa thế kỷ hai mươi, giữa những thách đố gây ra bởi hiện tượng biến đổi khí hậu, Sinh thái học, một môn học mới đã xuất hiện nhằm nâng cao ý thức của nhân loại về nét linh thiêng của mọi tạo vật. Sinh thái học đồng thời cũng nhấn mạnh đến mối liên hệ và những tương tác và hệ lụy song phương giữa con người với Trái đất. “Sinh thái học chú trọng…đến những mối tương quan” giữa những sinh vật trên Trái đất. Sinh thái học thúc đẩy con người phải xem xét lại cách thức mỗi cá nhân nhìn nhận và đối xử với những loài thụ tạo khác, đồng hiện hữu và cùng sinh sống trên mặt Trái đất. Dưới lăng kính của Sinh thái học, từ con ong, cái kiến cho tới bụi cỏ, rừng cây và đồi xanh, núi cao trong thiên nhiên, chúng đều có đời sống và/hoặc những vai trò đóng góp để quân bằng đời sống tự nhiên trên mặt Trái đất.

Trong bối cảnh của Cựu Ước, động từ “làm chủ” của Genesis 1:26, 28 không nằm trong bối cảnh “chủ nhân-đầy tớ,” nhưng “chủ chiên-con chiên” của Thánh Vịnh 23. Trong mối liên hệ “chủ nhân-đầy tớ,” chủ nhân là người duy nhất có tiếng nói quyết định tất cả. Đầy tớ và ngay cả mạng sống của họ cũng chỉ là phương tiện để phục vụ cho quyền lợi của chủ nhân. Nhưng trong mối quan hệ “chủ chiên-con chiên,” chủ chiên và con chiên liên hệ trong mối tương quan của chăm sóc và thương yêu. Chủ chiên không lợi dụng đoàn chiên cho lợi ích cá nhân, nhưng chăm sóc bầy chiên trên cả hai phương diện: tinh thần lẫn vật chất.

Phân tích dưới lăng kính của Sinh thái học và trong bối cảnh của Sáng Thế Ký 1-3, khi con người được tạo dựng trong hình ảnh của Thiên Chúa (Gen 1:26, 27), nhận được “hơi thở của sự sống” từ Ngài (Gen 2:7), được đặt vào trong khu Vườn (Gen 2:15), con người được Thiên Chúa giao cho sứ vụ đại diện cho Đấng Sáng Thế để “chăm sóc” tất cả các loại thụ tạo và “cấy trồng” trong khu Vườn-Trái đất. Nói một cách khác, Thiên Chúa yêu thương tất cả các loại thụ tạo do Ngài tạo nên. Ngài chúc phúc các loài thụ tạo. Vào ngày thứ Bẩy trong tuần Sáng Thế, Ngài nghỉ ngơi. Nhưng Ngài giao lại cho con người sứ vụ “chăm sóc” và “cấy trồng” công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Bởi thế, độc giả Kinh Thánh Cựu Ước sẽ không ngạc nhiên khi nhận ra Thiên Chúa ngăn cấm không cho con người bắt gia súc và lừa làm việc vào ngày Sabbath (Exo 23:12, Deut 5:14). Vào ngày nghỉ cuối tuần, con người và súc vật đều được nghỉ ngơi như nhau. Không phải chỉ có súc vật mới được quyền nghỉ ngơi, ngay cả vườn nho, ruộng cây ôliu, và ruộng vườn canh tác cũng được nghỉ ngơi bảy năm một lần (Exo 23:11). Vào năm thứ bảy này, tất cả những gì mọc tự nhiên trong ruộng vườn đều trở thành lương thực không chỉ riêng cho chủ nhân, nhưng còn cho nhân công và ngay cả gia súc cũng như thú hoang sinh sống trong khu ruộng (Lev 25:4-7). Con người chỉ có thể ăn trái từ cây trồng đã trên 5 tuổi (Lev 19:23-25). Trong khi một chú bò đang đạp lúa, nếu chú cúi xuống ăn lúa, chủ nhân cũng không được ngăn cản hành động ăn lúa của hắn bằng cách rọ miệng của con vật lại (Deut 25:4). Con người cũng không được quyền bắt một con lừa đánh cặp với một con bò cày bừa trên đồng ruộng, bởi thể lực và hình dạng bất cân xứng của hai con vật sẽ tạo ra gánh nặng cho chú lừa hoặc cho cả hai (Deut 22:10).

Trong Kinh Thánh Tân Ước, rất nhiều lần Đức Giêsu nhắc đến tình thương của Thiên Chúa dành cho thú vật và cây cỏ trong thiên nhiên. Trong đôi mắt của Thiên Chúa, theo như Đức Giêsu, tất cả các loại thụ tạo đều có giá trị. Ngay cả 5 con chim sẻ chỉ có giá trị 2 đồng xu, nhưng không một chú chim nào sẽ bị Thiên Chúa lãng quên theo dòng thời gian (Luke 12:6). Vô giá trị là thế, nhưng không một con chim sẻ nào rớt xuống mặt đất mà Thiên Chúa lại không hề hay biết (Matt 10:29). Trong bài giảng Tám Mối Phúc Thật, Đức Giêsu mặc khải cho con người biết chính Thiên Chúa là Đấng đã cung cấp lương thực cho tất cả mọi loài chim chóc trên bầu trời (Matt 6:26). Trong khi tranh luận với những nhà lãnh đạo Do Thái về luật nghỉ hưu trong ngày Sabbath, Đức Giêsu nhấn mạnh đến chi tiết bò và lừa cũng được cởi dây buộc trong ngày Sabbath để đích thân người chủ dẫn chúng tới nguồn nước giải tỏa những cơn khát (Luke 13:15). Ngài còn so sánh hình ảnh giữa con người và con bò khi cả hai rớt xuống giếng sâu trong ngày Sabbath. Với Đức Giêsu, người bố hoặc người chủ cũng sẽ sẵn sàng cứu vớt đứa con trai hay con bò ra khỏi giếng sâu ngay cả trong ngày Sabbath (Luke 14:5). Mà không phải chỉ có thú vật, ngay cả cây cỏ trong thiên nhiên cũng đều được Thiên Chúa thương yêu chăm sóc. Những cây hoa huệ, cỏ dại ngoài cánh đồng đều được chính Thiên Chúa mặc cho những bộ y phục rực rỡ đến nỗi hoàng bào của vua Salomon cũng không thể so sánh (Luke 12:27-28).
(Trích 13 Suy Tư Thần Học Kinh Thánh và Truyền Giáo)
 
VietCatholic TV
Công lý nhãn tiền: Sĩ quan Nga dùng đầu lâu người Ukraine làm ly uống nước, bị nữ sát thủ hành quyết
VietCatholic Media
03:10 07/02/2023


1. Tổng thống Zelensky tổ chức cuộc họp của các tư lệnh quân đội. 870 lính Nga bị loại khỏi vòng chiến

Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak cho biết “Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tổ chức một cuộc họp khác của Bộ tham mưu. Lãnh đạo các Quân khu và chỉ huy các binh chủng báo cáo tình hình mặt trận. Các thành viên của Bộ tham mưu đặc biệt chú ý đến các vị trí của Lực lượng Phòng vệ ở khu vực Bakhmut và cung cấp cho họ vũ khí và đạn dược cần thiết”.

Những người tham gia cuộc họp cũng đã nghe thông tin từ tình báo về các hành động có thể xảy ra của kẻ thù trong tương lai gần.

Cuộc họp có sự tham dự của Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Oleksiy Danilov, Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine Valeriy Zaluzhnyi, Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Kyrylo Budanov, và chỉ huy các quân khu và các binh chủng trong các khu vực tác chiến.

Các thành viên Chính phủ và người đứng đầu các cơ quan thực thi pháp luật và an ninh cũng tham gia cuộc họp.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Ba mùng 7 tháng Hai, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết trong 24 giờ trước đó, 870 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến, cùng với 11 xe tăng và 10 xe thiết giáp.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 7 Tháng Hai, Nga đã mất khoảng 132.160 quân ở Ukraine. Tổng thiệt hại chiến đấu của địch còn bao gồm 3.231 xe tăng, 6.415 xe thiết giáp, 2.231 hệ thống pháo, 461 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 227 hệ thống tác chiến phòng không, 294 máy bay, 284 trực thăng, 1.958 máy bay không người lái, 796 tên lửa hành trình, 18 tàu chiến, 5.104 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 203 đơn vị thiết bị đặc biệt.

2. Sĩ quan Nga, người đề xuất dùng chữ Z, bị biệt kích Ukraine bắn vào đầu

Sĩ quan Nga, người đã đề xuất dùng chữ Z như một ký hiệu ủng hộ cuộc xâm lược của Putin đã bị biệt kích Ukraine bắn vào đầu ở cự ly gần.

Hôm 3 tháng Ba, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, giải thích rằng biểu tượng “Z” được vẽ trên các xe quân sự của Nga trong cuộc xâm lược Ukraine là viết tắt của cụm từ “vì chiến thắng” trong khi biểu tượng “V” là viết tắt của cụm từ “sức mạnh nằm trong sự thật” và “Nhiệm vụ sẽ hoàn thành”.

Bộ Quốc Phòng Nga sau đó đã đề xuất các nghĩa thay thế cho “Z”, bao gồm “Vì hòa bình”, “Vì sự thật”, “Vì chúng ta”, và còn có một ý nghĩa nữa do Putin thêm vào là “phi quân sự hóa và phi Quốc Xã hóa”.

Một cách giải thích khác cho rằng chữ “Z” là chỉ phía tây, để chỉ Quân khu phía Tây; trong khi chữ V là từ phía đông.

Igor Mangushev, sĩ quan Nga, một người ủng hộ cực đoan cuộc xâm lược Ukraine, được tường trình là người đã đề xuất sử dụng chữ Z đầu tiên. Ông ta hung hăng đến mức đã đến một hộp đêm ở Mạc Tư Khoa với một đầu lâu của một người lính Ukraine bị giết. Trong khi mọi người đang nhảy múa, Igor kêu gọi mọi người chú ý, giơ đầu lâu lên, ông ta kể tiểu sử của đầu lâu và tuyên bố sẽ dùng nó làm ly uống nước. Có một số người cuồng nhiệt hoan hô, nhưng một số người đã bỏ về vì cảm thấy lợm giọng.

Theo các blogger quân sự Nga, vào chiều thứ Bẩy vừa qua, hai phụ nữ đi trên xe gắn máy, đã chặn đường Igor. Sau khi hỏi thăm đường, một phụ nữ đã nổ súng vào đầu Igor, ở cự ly gần, trước khi thoát đi dễ dàng.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Propagandist Shot in the Head Could Be 'Warning' to Wagner Leader”, nghĩa là “Tuyên truyền viên người Nga bị bắn vào đầu có thể là lời cảnh cáo cho nhà lãnh đạo Wagner.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đinh Nhung.

Một tuyên truyền viên và là sĩ quan đánh thuê người Nga đã là mục tiêu của một vụ hành quyết ở Ukraine vào cuối tuần qua khi anh ta bị bắn vào đầu.

Một nhà phân tích suy đoán rằng vụ nổ súng có thể là một “lời cảnh báo” nhắm tới Yevgeny Prigozhin, thủ lĩnh của Tập đoàn Wagner gồm các lính đánh thuê Nga, là người đã đóng một vai trò nổi bật trong cuộc chiến.

Igor Mangushev đã được đưa đến bệnh viện hôm thứ Bảy tại thị trấn Stakhanov do Nga chiếm đóng, nằm ở vùng Luhansk của Ukraine. Mangushev—người tuyên bố là kẻ tạo ra dấu hiệu “Z” biểu thị sự ủng hộ đối với cuộc chiến của Nga ở Ukraine—được biết đến với việc đưa ra quan điểm ủng hộ Điện Kremlin trong các lần xuất hiện trên truyền hình nhà nước Nga trước khi gia nhập quân đội Nga bằng tên gọi là Bereg.

Telegraph đưa tin, đồng nghiệp của Mangushev, ông Vladimir Rozhkin, đã đăng những bức ảnh trên Telegram về người sĩ quan đánh thuê bị thương băng bó trên giường bệnh. Tờ báo cũng viết rằng các bác sĩ cho biết Mangushev đã bị bắn vào đầu bằng một khẩu súng ngắn ở cự ly gần.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, viết rằng chính quyền Nga từ chối tiết lộ thêm thông tin về vụ việc, nhưng các blogger quân sự Nga mô tả vụ nổ súng là một vụ hành quyết. ISW cũng đề cập đến mối quan hệ bị cáo buộc của Mangushev với Tập đoàn Wagner.

Mark Galeotti, một nhà khoa học chính trị và là tác giả của cuốn sách gần đây có tựa đề “Putin's Wars: From Chechnya to Ukraine”, đã tweet về vụ việc: “Tôi nghĩ chúng ta có thể mô tả một cách an toàn đây là một vụ tử hình”.

Galeotti lưu ý rằng dù Mangushev chưa chết, anh ta “không có khả năng sống sót.” Ông cũng cho biết người Nga này không phải là thành viên chính thức của Nhóm lính đánh thuê khét tiếng Wagner, nhưng Mangushev được cho là có mối liên hệ với lãnh đạo Wagner, Yevgeny Prigozhin.

Như vậy, vụ ám sát có thể là một “cảnh báo” hoặc “một cuộc tấn công ủy nhiệm nhằm vào Prigozhin,” Galeotti viết.

Galeotti cũng nói rằng mặc dù Mangushev chính thức được liệt kê là đại úy trong hàng ngũ quân đội Nga, nhưng anh ta là thành viên của một đơn vị “chuyên gia” có thể được “tư nhân tài trợ hay điều hành”.

Galeotti đã tweet: “Có một gợi ý dai dẳng rằng 'viên đại úy' khiêm tốn này trong quân đội thực sự không chỉ là một trong những người của Prigozhin mà còn hoạt động gần như tự chủ.

Mùa hè năm ngoái, Mangushev đã thu hút sự chú ý khi một video về anh ta lan truyền trên mạng xã hội. Trong clip, Mangushev nói chuyện với một đám đông trong khi cầm một đầu lâu mà anh ta tuyên bố là của một người lính Ukraine đã chết, người đã bị lực lượng Nga sát hại.

Mangushev nói trong video: “Chúng ta không gây chiến với những người bằng xương bằng thịt. Chúng ta đang gây chiến với một ý tưởng – Ukraine là một quốc gia chống Nga. Chúng ta còn sống và anh chàng có cái đầu lâu này đã chết. Hãy để anh ta bị đốt cháy trong địa ngục. Anh ấy đã không may mắn. Chúng tôi sẽ làm một chiếc cốc từ hộp sọ của anh ấy.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để bình luận.

3. Tòa Bạch Ốc giải thích lý do lãnh đạo Tập đoàn Wagner dốc sức chiếm Bakhmut

Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu Tập đoàn Wagner, mà cả Ukraine và Hoa Kỳ đều coi là một tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, có lợi ích kinh tế cá nhân trong việc chiếm thành phố Bakhmut của Ukraine ở phía đông đất nước.

Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia, đã đưa ra lập trường trên tại một cuộc họp báo vào thứ Hai.

“Người đàn ông đẹp trai này dường như quan tâm nhất đến việc chiếm Bakhmut. Chúng ta tin rằng anh ta làm điều này vì lợi ích cá nhân - không chỉ để cải thiện địa vị của chính anh ta trong hệ thống cấp bậc của điện Cẩm Linh, mà còn vì ở đó có các mỏ thạch cao. Và ông ta có thể có những lợi ích kinh tế nhất định khi chiếm được Bakhmut”.

Tướng Kirby nhấn mạnh rằng hiện đang diễn ra giao tranh ác liệt ở thành phố Bakhmut: “Người Ukraine tiếp tục chiến đấu vì Bakhmut.”

Đồng thời, đại diện Tòa Bạch Ốc nhấn mạnh, Mỹ sẽ tập trung cung cấp cho Ukraine mọi hỗ trợ an ninh cần thiết. Mục tiêu chính của những nỗ lực này là bảo đảm thành công không chỉ cho Lực lượng Vũ trang trên chiến trường, mà còn cho chính sách ngoại giao của Ukraine trên bàn đàm phán.

Theo báo cáo của Ukrinform, một cuộc họp của Trụ sở của Tổng tư lệnh tối cao đã được tổ chức vào thứ Hai tại Kyiv, trong số các vấn đề khác, tình hình theo hướng Bakhmut đã được thảo luận.

Tướng Kirby nhấn mạnh rằng: “Hắn ta không ngại ném hết tù nhân này đến tù nhân khác vào... nên vẫn còn phải xem chính xác điều gì sẽ xảy ra trên chiến trường và các tội ác chiến tranh đi kèm”

4. Chỉ huy Ukraine nói: Khả năng phòng thủ tự nhiên của Bakhmut khiến nó trở thành một “pháo đài bất khả chiến bại”

Cảnh quan xung quanh thành phố Bakhmut phía đông Ukraine cung cấp hệ thống phòng thủ tự nhiên khiến nó trở thành một “pháo đài bất khả chiến bại”, chỉ huy lực lượng lục quân của Ukraine cho biết hôm thứ Hai.

“Cảnh quan đặc biệt này có các đặc điểm địa hình. Thành phố được bao quanh bởi những ngọn đồi và độ cao vượt trội, bản thân nó đã là một chướng ngại vật đối với đối phương,” Đại tướng Oleksandr Syrskyi, Tư Lệnh Lục Quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine, cho biết như trên.

Tướng Syrskyi nhấn mạnh rằng: “Hệ thống chướng ngại vật của quân đội cùng với cảnh quan thiên nhiên đã biến khu vực này thành pháo đài bất khả chiến bại, nơi hàng nghìn đối phương đã chết. Chúng ta đang sử dụng tất cả các phương án, năng lực công binh cũng như tự nhiên để tiêu diệt các đơn vị tốt nhất của Nga. Trận chiến đang tiếp diễn.”

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Sáu cho biết “không ai sẽ dâng Bakhmut cho Nga - chúng ta sẽ chiến đấu chừng nào còn có thể.”

Yevgeniy Prigozhin, lãnh đạo công ty quân sự tư nhân Wagner của Nga, hôm Chúa Nhật cho biết trận chiến ở Bakhmut đang diễn ra mà không có dấu hiệu cho thấy lực lượng vũ trang Ukraine sẽ rút lui: “Quân Ukraine chiến đấu đến cùng,” ông nói.

Thông tin thêm về Bakhmut: CNN đã đưa tin vào Tháng Giêng rằng các quan chức Mỹ và phương Tây đang thúc giục Ukraine chuyển trọng tâm từ cuộc chiến tàn khốc kéo dài hàng tháng ở thành phố Bakhmut phía đông sang ưu tiên cho một cuộc tấn công tiềm năng ở phía nam, sử dụng một kiểu tấn công khác, tận dụng hàng tỷ đô la trong thiết bị quân sự mới mà các đồng minh phương Tây cam kết gần đây.

5. Quan chức Ukraine tuyên bố Nga có kế hoạch huy động thêm nửa triệu binh sĩ trong năm nay

Ukraine nhận định Nga sẽ huy động thêm nửa triệu binh sĩ trong những tháng tới, theo một quan chức tình báo cấp cao.

Vadym Skibitskyi, phó giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine, khẳng định trong một cuộc phỏng vấn rằng “Nga sẽ huy động 300.000 đến 500.000 người để thực hiện các chiến dịch tấn công ở phía nam và phía đông Ukraine vào mùa xuân và mùa hè năm 2023”.

Skibitskyi cho biết: “500.000 người đó là ngoài 300.000 người đã được huy động vào tháng 10 năm 2022. Điều này chứng tỏ Điện Cẩm Linh của Putin không có ý định chấm dứt cuộc chiến này. Cuộc tấn công của Nga có thể xảy ra ở các khu vực Donetsk và Luhansk và có thể ở khu vực Zaporizhzhia. Quân đội Nga sẽ tiếp tục phòng thủ ở khu vực Kherson và Crimea. Làn sóng huy động mới này sẽ kéo dài đến hai tháng.”

Các quan chức Nga đã liên tục phủ nhận rằng một cuộc huy động khác đã được lên kế hoạch. Nhưng tại một hội nghị vào tháng 12 của các chỉ huy quân sự Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã đề xuất tăng cường lực lượng vũ trang lên 1,5 triệu binh sĩ chiến đấu từ 1,15 triệu hiện tại trong khoảng thời gian ba năm.

Điều này được yêu cầu “để bảo đảm giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh quân sự của Nga”, Shoigu nói.

Skibytskyi cũng nói rằng vào đầu năm 2022, Tình báo Quốc phòng đã biết rằng “một cuộc xâm lược toàn diện sẽ bắt đầu vào đầu tháng Hai hoặc muộn hơn một chút.... Vào tháng Giêng, chúng ta thấy quân đội từ Quân khu phía Đông của Nga bắt đầu đến Belarus, cũng như có các công tác chuẩn bị ở Crimea.”

Vào thời điểm đó, Ukraine đã công khai hạ thấp viễn cảnh về một cuộc xâm lược của Nga.

Trong cuộc phỏng vấn với “Công nghệ và Chiến lược của Ukraine,” Skibytskyi nói rằng “những ngày đầu tiên tham chiến không thuận lợi cho chúng ta, đối phương đã tiến thẳng đến Mariupol. Nhưng chính khả năng phục hồi của Mariupol đã phá hỏng các kế hoạch của Nga ở phía nam đất nước”.

Ông nói rằng việc phòng thủ Mariupol đã làm sa lầy 10.000 đến 12.000 đối phương đã được chuẩn bị cho một cuộc tấn công về phía bắc nhằm bao vây các lực lượng Ukraine bảo vệ vùng Donbas. Skibytskyi nói: “Mariupol đã đánh hết 100% sức lực của mình.”

Ông cũng tuyên bố rằng người Nga hiện đang “gặp rắc rối đáng kể với hỏa tiễn. Họ từng sản xuất ít nhất 200 hỏa tiễn mỗi năm tùy loại. Giờ đây, họ chỉ có thể sản xuất 4 hỏa tiễn Iskander mỗi tháng. Đối với hỏa tiễn Kh-101, nó có thể là khoảng 20-30 tùy thuộc vào kho linh kiện nhập khẩu”.

Iskander là hỏa tiễn hành trình mạnh và tương đối chính xác.

Các nhà phân tích phương Tây cũng cho biết họ ước tính rằng Nga sắp hết kho dự trữ một số hỏa tiễn.

Skibytskyi cũng đưa ra một phân tích của Ukraine về chương trình máy bay không người lái tấn công của Nga. “Cho đến ngày hôm nay, họ đã sử dụng khoảng 660 máy bay không người lái Shahed. Hợp đồng cung cấp cho 1.750 đơn vị. Giao hàng và chuẩn bị cũng mất một thời gian. Theo dữ liệu của chúng ta, họ sắp có một đợt giao hàng khác.”

6. Cảnh báo ảm đạm của người đứng đầu Liên Hiệp Quốc: Triển vọng hòa bình ở Ukraine đang giảm dần khi thế giới đối mặt với một cuộc chiến rộng lớn hơn

Người đứng đầu Liên Hiệp Quốc António Guterres hôm thứ Hai đã đưa ra một giọng điệu ảm đạm khi ông cảnh báo các nhà lãnh đạo được triệu tập tại Đại hội đồng ở New York của tổ chức rằng thế giới đang tiến vào một “cuộc chiến rộng lớn hơn”.

“Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đang gây ra những đau khổ không thể kể xiết cho người dân Ukraine với những hệ lụy toàn cầu sâu sắc. Triển vọng về hòa bình cứ giảm dần,” ông nói. “Nguy cơ leo thang hơn nữa và đổ máu tiếp tục gia tăng. Tôi sợ thế giới đang trong cơn mộng du bước vào một cuộc chiến rộng lớn hơn. Tôi e rằng nó đang làm như vậy với đôi mắt mở to.”

7. Điện Cẩm Linh cho biết Nga đang phát triển chương trình máy bay không người lái của riêng mình sau báo cáo về dự án chung với Iran

Nga có các chương trình riêng để sản xuất máy bay không người lái, Điện Cẩm Linh cho biết hôm thứ Hai, sau khi tờ Wall Street Journal đưa tin chi tiết về một dự án chung với Iran.

Theo các quan chức được tờ Journal trích dẫn, Mạc Tư Khoa và Tehran đã đồng ý xây dựng một nhà máy ở Nga có thể sản xuất ít nhất 6.000 máy bay không người lái do Iran thiết kế để sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine. Theo Tạp chí, hai nước đang hướng tới việc chế tạo một loại máy bay không người lái nhanh hơn có thể đặt ra những thách thức mới cho lực lượng phòng không Ukraine.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết: “Nga có một số chương trình riêng nhằm chế tạo máy bay không người lái cho nhiều mục đích khác nhau.

“Các chương trình này đang được thực hiện và một danh sách các hướng dẫn gần đây đã được Tổng thống Putin thông qua để phát triển lĩnh vực máy bay không người lái,” ông nói thêm, đề cập đến một sắc lệnh được công bố vào cuối tháng 12 vạch ra chiến lược phát triển một chương trình bay không người lái của Nga.

Trong sắc lệnh, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho chính phủ thành lập một ủy ban giám sát việc phát triển máy bay không người lái, cơ sở hạ tầng cần thiết và đào tạo nhân sự cần thiết.

Thông tin thêm về máy bay không người lái: Việc sử dụng máy bay không người lái của Nga đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc xung đột kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine.

Chính phủ Iran đã thừa nhận rằng họ đã gửi một số lượng hạn chế máy bay không người lái tới Nga trong những tháng trước khi bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine.

Tháng 11 năm ngoái, tổ chức điều tra Nghiên cứu vũ khí xung đột có trụ sở tại Vương quốc Anh đã kiểm tra một số máy bay không người lái bị bắn rơi ở Ukraine và phát hiện ra rằng 82% bộ phận của chúng được sản xuất bởi các công ty có trụ sở tại Mỹ.
 
Cuộc phỏng vấn ĐTC trên chuyến bay trở về từ Juba. Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ tại Nam Sudan
VietCatholic Media
05:43 07/02/2023
 
Đại tang của Nga 1.030 quân tử trận, cùng 14 tăng, 28 thiết giáp. Ukraine tấn công cách Moscow 150km
VietCatholic Media
16:44 07/02/2023


1. Đại tang của nước Nga 1.030 quân Nga tử trận, cùng với 14 xe tăng và 28 xe thiết giáp

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Ba mùng 7 tháng Hai, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết con số kỷ lục quân Nga tử trận trong một ngày đã bị phá kỷ lục. Con số cao nhất các binh sĩ Nga bị loại khỏi vòng chiến trong một ngày là 950 người xảy ra ngày thứ Bẩy 29 tháng 10. Con số này đã bị vượt qua trong 24 giờ qua, với 1.030 lính Nga tử trận, cùng với 14 xe tăng và 28 xe thiết giáp.

Các đơn vị thiệt hại nặng nhất là Sư Đoàn Xe Tăng Cận Vệ Số 4 và Sư Đoàn Súng Trường Cơ Giới Số 2. Cả hai đều thuộc về Tập Đoàn Quân Xe Tăng Cận Vệ số Một của Nga vừa quay lại Ukraine để phục hận sau khi đã bị đánh tơi bời ở Chernihiv và Kharkiv tronng năm 2022.

Tưởng cũng nên biết thêm là Tập Đoàn Quân Xe Tăng Cận Vệ số Một là lực lượng chủ lực của Nga nhằm chống lại một cuộc tấn công nếu xảy ra của NATO. Nó được Putin mô tả là Tập Đoàn Quân mạnh nhất thế giới.

Trước cuộc xâm lược Ukraine, cả hai sư đoàn đã được chuẩn bị kỹ lưỡng tại Pogonovo ở phía nam Voronezh. Vài tháng trước khi được tung vào chiến trường Ukraine, Bộ Quốc Phòng Nga đã thành lập Sư Đoàn Xe Tăng Cận Vệ số 47 từ Lữ Đoàn Xe Tăng Cận Vệ Số 6 của Tập Đoàn Quân này.

Sau khi cuộc xâm lược bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, Tập Đoàn Quân Xe Tăng Cận Vệ số Một đã tham gia cuộc tấn công Đông Bắc Ukraine. Vào tháng 5 năm 2022, Ukraine báo cáo rằng Tổng cục Tình báo Ukraine đã nhận được tài liệu cho thấy rằng sau 3 tuần đầu giao tranh, Tập Đoàn Quân Xe Tăng Cận Vệ số Một đã chịu 409 thương vong và 308 đơn vị thiết bị quân sự đã bị quân Ukraine tịch thu.

Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh báo cáo vào ngày 19 tháng 5 năm 2022 rằng chỉ huy Tập Đoàn Quân, Trung tướng Sergey Kisel đã bị đình chỉ vì không chiếm được Kharkiv và phải chịu trách nhiệm đối với những tổn thất quá nặng nề của Sư Đoàn Súng Trường Cơ Giới Số 2. Vào ngày 13 tháng 9 năm 2022, Tình báo Quốc phòng Vương quốc Anh xác định Tập Đoàn Quân Xe Tăng Cận Vệ số Một là lực lượng chính rút lui khỏi vùng Kharkiv trong cuộc tổng phản công Kharkiv của Ukraine.

Sau một thời gian dưỡng quân tại Belarus, và bổ sung thêm các tân binh mới bị gọi nhập ngũ, Tập Đoàn Quân Xe Tăng Cận Vệ số Một đã được điều về Svatove và Kreminna, với dụng ý đánh từ hai đầu để thông các chốt trên xa lộ P66.

Kết quả sơ khởi trong 24 giờ qua là 14 xe tăng và 28 xe thiết giáp Nga bị bắn cháy tạo thành một cảnh tượng kinh hoàng trên xa lộ P66.

2. Ukraine tấn công xuyên biên giới, máy bay không người lái phát nổ ở vùng Kaluga của Nga

Một máy bay không người lái đã phát nổ vào đầu ngày thứ Hai tại thành phố Kaluga của Nga chỉ cách Mạc Tư Khoa có 150km.

Kaluga, một thành phố và trung tâm hành chính của tỉnh Kaluga ở Nga, nằm trên sông Oka cách thủ đô Mạc Tư Khoa 150 km về phía tây nam. Với dân số 337.000 người, Kaluga là một nơi nhiều người Nga mong muốn được đến sinh sống.

Cư dân nổi tiếng nhất của Kaluga, nhà tiên phong du hành vũ trụ Konstantin Tsiolkovsky, đã làm việc ở đó với tư cách là giáo viên của một trường trung học từ năm 1892 đến năm 1935. Bảo tàng Lịch sử Du hành Vũ trụ Bang Tsiolkovsky ở Kaluga dành riêng cho những thành tựu lý thuyết của ông và có các cơ sở nghiên cứu không gian hiện đại.

Quân đội Đức đã xâm lược Kaluga trong một thời gian ngắn trong Trận chiến Mạc Tư Khoa, như một phần của Chiến dịch Barbarossa. Thành phố bị Đức xâm lược hoàn toàn hoặc một phần từ ngày 12 tháng 10 đến ngày 30 tháng 12 năm 1941. Năm 1944, nhà nước Liên Xô sử dụng các tòa nhà quân sự địa phương của mình để giam giữ hàng trăm tù nhân chiến tranh Ba Lan — những người lính của Quân đội Ba Lan — những người mà Liên Xô đã bắt giữ trong khu vực xung quanh Vilnius.

Vladislav Shapsha, thống đốc khu vực, cho biết như sau: “Cư dân ở vùng ngoại ô Kaluga đã nghe thấy những tiếng nổ lớn. Người ta xác định rằng vào lúc 5 giờ sáng, trong một khu rừng gần thành phố, một chiếc máy bay không người lái đã phát nổ trên không ở độ cao 50 mét,” Shapsha nói.

Thống đốc đã không cung cấp bất kỳ chi tiết bổ sung nào về máy bay không người lái hoặc nguồn gốc bị nghi ngờ của nó.

“Không có thiệt hại cho các cơ sở dân sự và xã hội. Không có thương vong. Đại diện của các cơ quan thực thi pháp luật đang làm việc để tìm hiểu thêm,” ông nói.

3. Báo cáo cho thấy Điện Cẩm Linh đang nâng cấp các hầm tránh bom của Nga trong bối cảnh lo ngại bị tấn công

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Kremlin Upgrading Russia's Bomb Shelters Amid Fear of Attack: Report”, nghĩa là “Báo cáo cho thấy Điện Cẩm Linh đang nâng cấp các hầm tránh bom của Nga trong bối cảnh lo ngại bị tấn công.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Điện Cẩm Linh đã ra lệnh nâng cấp các hầm tránh bom trên khắp nước Nga, theo báo cáo hôm thứ Hai của Tờ Moscow Times.

Tờ báo trực tuyến viết rằng các quan chức hiện tại và trước đây của Nga cho biết Điện Cẩm Linh đã ra lệnh kiểm tra và sửa chữa các hầm trú ẩn và boongke trong bối cảnh có sự gia tăng những lo ngại rằng nước này có thể trở thành mục tiêu của các cuộc không kích trong cuộc chiến với Ukraine.

Vào tháng 10, Điện Cẩm Linh đã ban hành một sắc lệnh chỉ đạo các khu vực ở miền tây nước Nga chuẩn bị cho khả năng xảy ra các cuộc tấn công và đưa ra các hướng dẫn liên quan đến các cơ sở bảo đảm an toàn cho người dân trong các cuộc tấn công. Tuy nhiên, Tờ Moscow Times đưa tin dữ liệu mã nguồn mở cho thấy quá trình sửa chữa các hầm tránh bom đã diễn ra trên khắp nước Nga.

Steven Myers, cựu thành viên của Ủy ban Cố vấn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về Chính sách Kinh tế Quốc tế và Ủy ban Thành viên An ninh Quốc gia, nói với Newsweek rằng ông thấy báo cáo của Tờ Moscow Times là “rất đáng tin cậy”.

“Đây sẽ là một hành động hợp lý và thận trọng mà chính phủ Nga sẽ thực hiện trong bất kỳ trường hợp nào,” ông nói. “Một trong những lỗ hổng lớn nhất của Nga là sự tập trung dân số, đặc biệt là ở hành lang Mạc Tư Khoa và Saint Petersburg.”

Tờ Moscow Times mô tả tình trạng của nhiều hầm tránh bom và boong-ke của Nga là di tích xuống cấp của thời Xô Viết “đã bị bỏ hoang trong nhiều thập kỷ”.

Phóng viên Pyotr Kozlov của Tờ Moscow Times viết: “Nhưng khi chiến tranh ở Ukraine kéo dài, chính quyền địa phương dường như đang chi hàng trăm triệu rúp để biến chúng trở thành nơi sinh sống”.

Ấn phẩm trực tuyến nêu chi tiết cách chính quyền ở các khu vực trong cả nước đã chi mạnh tay để nâng cấp các nơi trú ẩn kể từ khi chiến tranh ở Ukraine nổ ra. Các nhà chức trách được cho là đã thực hiện những hành động này sau khi nhận được lệnh từ Mạc Tư Khoa.

Câu chuyện cũng cho biết có thể tìm thấy hàng trăm lời mời đấu thầu trên một cổng thông tin trực tuyến chính thức đang tìm kiếm các công ty sửa chữa hầm tránh bom trên khắp nước Nga.

Giáo sư Mark N. Katz của Trường Chính sách và Chính phủ Schar thuộc Đại học George Mason nói với Newsweek rằng cổng thông tin có thể dẫn đến lý thuyết hoài nghi rằng “điểm chính của việc nâng cấp có thể là để lấy tiền của chính phủ Nga chi cho các nhà thầu có mối quan hệ tốt, cho họ giành được đấu thầu để tiến hành nâng cấp hầm tránh bom.”

Tuy nhiên, ông cho biết Nga có thể đã đi đến quan điểm rằng “Ukraine sẽ làm với họ những gì họ đã làm với Ukraine”.

Katz cho biết, một giả thuyết tiềm năng khác là Mạc Tư Khoa có thể đang “lên kế hoạch cho điều gì đó mà họ dự đoán có thể dẫn đến việc Nga bị ném bom”.

“Có thể Mạc Tư Khoa đang làm điều này để củng cố câu chuyện rằng Nga đang bị Ukraine và phương Tây tấn công – nếu không phải bây giờ thì sẽ sớm thôi,” Katz cũng nói.

Nhưng chiến thuật này “thực sự có thể khiến người dân Nga sợ hãi”.

William Reno, giáo sư và chủ nhiệm khoa khoa học chính trị tại Đại học Northwestern, đồng ý rằng việc nâng cấp nơi trú ẩn có thể chỉ là một cách để củng cố câu chuyện của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng cuộc xung đột Ukraine thực sự là “cuộc chiến giữa Nga và phương Tây; do đó người ta cần hầm tránh bom.”

“Không có giá trị chiến thuật nào trong việc sử dụng các nguồn lực để nâng cấp hầm tránh bom của Nga,” Reno nói với Newsweek trong một email, đồng thời nói thêm, “Ukraine không có khả năng” tấn công các mục tiêu vượt xa biên giới mà nước này chia sẻ với Nga.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để bình luận.

4. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Rất có khả năng Nga đã cố gắng bắt đầu lại các hoạt động tấn công lớn ở Ukraine kể từ đầu Tháng Giêng năm 2023. Mục tiêu hoạt động của nước này gần như chắc chắn là nhằm chiếm được các phần còn lại của khu vực Donetsk do Ukraine nắm giữ.

Các lực lượng Nga chỉ giành được vài trăm mét lãnh thổ mỗi tuần. Điều này gần như chắc chắn bởi vì Nga hiện thiếu đạn dược và thiếu các đơn vị cơ động cần thiết cho các cuộc tấn công thành công.

Các chỉ huy cấp cao có thể phải lập kế hoạch từ các đơn vị thiếu kinh nghiệm, không đủ người để đạt được các mục tiêu không thực tế do áp lực chính trị và nghề nghiệp.

Các nhà lãnh đạo Nga có thể sẽ tiếp tục yêu cầu những thành tựu chóng vánh. Không có khả năng Nga có thể xây dựng lực lượng cần thiết để tác động đáng kể đến kết quả của cuộc chiến trong những tuần tới.

5. F-16 có thể không phải là máy bay chiến đấu đầu tiên Ukraine nhận được - Kuleba

Ukraine tập trung vào các máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất do số lượng lớn của chúng trên thị trường, nhưng không loại trừ rằng chúng sẽ không phải là máy bay nước ngoài đầu tiên được các đối tác cung cấp cho nước này.

Điều này đã được công bố bởi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Dmytro Kuleba, người đã phát biểu tại cuộc họp báo hôm thứ Ba.

“Không quan trọng những máy bay nước ngoài này sẽ là gì: có thể là F-16 của Mỹ, Gripen của Thụy Điển, Mirage hay Rafale của Pháp, hay là Eurofighter – tất cả đều không liên quan. Điều chính là mở một vị thế, loại bỏ điều cấm kỵ này và nhận phi đội máy bay đầu tiên, sau đó chúng ta sẽ quyết định về tính khả dụng trên thị trường, về bảo trì và đặt cược vào mẫu nào,” ông nói.

“Hiện tại, từ góc độ số lượng lớn, tính khả dụng trên thị trường và khả năng bảo trì, mẫu cơ sở là F-16, nhưng thực tế có thể F-16 không phải là máy bay nước ngoài đầu tiên mà chúng ta sẽ nhận được,” Kuleba kết luận.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao nói rằng ông không nghi ngờ gì Ukraine cuối cùng sẽ có được các chiến đấu cơ. Ông giải thích rằng các quyết định liên quan đến máy bay chiến đấu đang bị cản trở bởi tâm lý sợ leo thang, lý luận rằng phải mất nhiều thời gian để làm chủ nó và không biết liệu vũ khí có rơi vào tay Nga hay không – không có điều nào trong số những điều này đã từng diễn ra ở Ukraine.

“Khi họ nói với chúng ta về leo thang căng thẳng, chúng ta trả lời rất đơn giản: “Còn đâu nữa? Bạn cần phải làm gì nữa để bạn ngừng nói về sự leo thang? Và các đối tác của chúng ta không có câu trả lời cho câu hỏi này. Họ hiểu rằng lập luận leo thang này nằm ngoài phạm vi của các lập luận hợp lý. Nó nằm trong khu vực quản lý nỗi sợ hãi”, người đứng đầu ngành ngoại giao Ukraine lưu ý.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov trước đây cho biết Ukraine đang đàm phán với các đồng minh về việc chuyển giao máy bay chiến đấu và hỏa tiễn tầm xa.

Chính phủ Anh coi việc bàn giao máy bay chiến đấu cho Ukraine là không thực tế do những khó khăn trong việc vận hành các thiết bị đó. Joe Biden đã trả lời “không” trước câu hỏi liệu Hoa Kỳ có chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất cho Ukraine hay không.

6. Người Nga bắt đầu xây dựng lò hỏa táng ở vùng Luhansk do thương vong nặng nề

Tại Novopskov, vùng Luhansk, người Nga bắt đầu xây dựng một lò hỏa táng do không thể di dời thi thể binh lính của họ. Thống đốc khu vực Luhansk Serhii Haidai đã cho biết như trên

“Do thất bại, cái gọi là 'Quân đoàn 2 của Dân quân Nhân dân Cộng hòa Nhân Dân Luhansk' đã bắt đầu đào một cái hố gần Novopskov. Tất nhiên, đây không phải là để xây dựng bệnh viện, trường học hay nhà trẻ. Điều này thực sự là để xây dựng một lò hỏa táng mới. Vì đơn giản là họ không có chỗ để đặt tất cả những xác chết này,” Haidai nói.

Theo ông, có một chiến thuật thú vị của bộ chỉ huy Nga. Các đơn vị mới của những người lính mới được huy động bị cô lập với nhau, cô lập với quân chính quy, với quân Kadyrovites ngăn chặn mọi liên lạc giữa những người lính mới đến.

Lý do là vì, họ có một số lượng lớn người chết và bị thương, và các chỉ huy đang cố gắng ngăn chặn sự hoảng loạn của các chiến binh mới đến.

7. Tòa Bạch Ốc cho biết Iran tiếp tục gửi máy bay không người lái tới Nga, chuẩn bị tăng cường hợp tác với Mạc Tư Khoa

Tòa Bạch Ốc đã xác nhận rằng Nga tiếp tục nhận máy bay không người lái từ Iran để sử dụng trong cuộc chiến của Điện Cẩm Linh chống lại Ukraine, nhưng vẫn chưa bình luận về ý định của Tehran trong việc xây dựng một nhà máy sản xuất máy bay không người lái kamikaze trên đất Nga.

Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia, đã cho biết như trên. Ông nói:

“Chúng ta không còn nghi ngờ gì nữa rằng Nga vẫn tiếp tục mua máy bay không người lái từ Iran, rằng họ đang sử dụng những máy bay không người lái này để giết những người Ukraine vô tội.”

Ông không xác nhận các thông tin trên các phương tiện truyền thông về ý định của Mạc Tư Khoa và Tehran trong việc xây dựng một nhà máy sản xuất máy bay không người lái ở Nga.

Tuy nhiên, ông lưu ý, mối quan hệ trong lĩnh vực quân sự giữa Liên bang Nga và Iran chỉ ngày càng sâu sắc và hiện có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy cả hai nước đang tìm cách chia sẻ công nghệ quân sự. Điều này có nghĩa là những lo ngại về an ninh và ổn định của Trung Đông đang gia tăng.

“Và do đó, mối quan hệ quốc phòng đang phát triển này không chỉ có hại cho người dân Ukraine mà còn có thể có hại cho các đối tác và bạn bè của chúng ta trên khắp Trung Đông,” Kirby lưu ý.

Tờ Wall Street Journal đã viết về kế hoạch của Nga và Iran xây dựng một nhà máy sản xuất máy bay không người lái kamikaze trên đất Nga. Theo báo cáo của phương tiện truyền thông này, vào đầu Tháng Giêng, một phái đoàn cấp cao của Iran đã đến thăm Nga, nơi họ đã đến thăm địa điểm xây dựng nhà máy ở thành phố Yelabuga và thảo luận chi tiết về việc khởi động dự án.

8. Vợ của Medvedchuk bị buộc tội tài trợ lật đổ trật tự hiến pháp

Oksana Marchenko, vợ của cựu nghị sĩ Ukraine Viktor Medvedchuk, đã bị buộc tội tài trợ cho việc lật đổ trật tự hiến pháp.

Một thông báo về tình nghi đối với Marchenko đã được công bố trên trang web của Văn phòng Tổng Công tố Ukraine.

Theo tài liệu, một điều tra viên phụ trách các vụ án đặc biệt quan trọng tại Văn phòng Cơ quan An ninh Ukraine ở vùng Ivano-Frankivsk, Yurii Bobuliak, đã thông báo với Marchenko rằng cô ta bị tình nghi tài trợ cho các hành động nhằm thay đổi bằng bạo lực và lật đổ trật tự hiến pháp, chiếm đoạt quyền lực nhà nước, thay đổi ranh giới lãnh thổ và biên giới quốc gia Ukraine, vi phạm thủ tục do Hiến pháp Ukraine thiết lập. Những hành động này đã được thực hiện nhiều lần, vì những lý do ích kỷ, với sự thông đồng trước đó của một nhóm người, tức là phạm vào những tội quy định tại Phần 3 Điều 110-2 Bộ luật Hình sự Ukraine.

Dịch vụ báo chí của Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, đưa tin rằng cơ quan này đã triệt phá một kế hoạch quy mô lớn tài trợ bất hợp pháp cho các nhóm xâm lược của Nga bởi các công dân Ukraine.

“Oksana Marchenko, vợ của Viktor Medvedchuk, bị tình nghi phạm tội phản quốc, có liên quan đến việc tổ chức kế hoạch này,” SBU cho biết.

Dịch vụ đặc biệt báo cáo rằng Marchenko là người thụ hưởng cuối cùng của một mạng lưới các công ty Kyiv và một doanh nghiệp ở Yalta đã chuyển hàng triệu đô la vào tài khoản của Lực lượng Bảo vệ Nga và Bộ Nội vụ Nga ở Crimea bị xâm lược.

Người ta xác định rằng các công ty này đã trả tiền cho người Nga được cho là để “bảo vệ tài sản của Medvedchuk” trên bán đảo.

Ngoài ra, đơn vị kinh doanh của Marchenko thường xuyên bổ sung ngân sách Nga dưới hình thức thanh toán “thuế và phí”.

Tổng số tiền thanh toán có lợi cho quốc gia xâm lược vượt quá 50 triệu tiền Ukraine.

Để thực hiện kế hoạch này, Marchenko đã ghi danh một công ty ở Yalta với vốn điều lệ hơn 1 tỷ Rúp Nga.

Để tạo ra nó, cô ấy đã sử dụng tài sản của ba công ty đầu tư được kiểm soát ở Kyiv.

Sau đó, công ty “Crimea” đã ký các thỏa thuận “an ninh” tương ứng với các thực thể của Lực lượng Bảo vệ Nga và Bộ Nội vụ Nga.

Theo điều tra, sau khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga, công ty của Marchenko vẫn tiếp tục tài trợ cho ngân sách Nga.

Trong 11 cuộc đột kích vào bất động sản của vợ Medvedchuk, văn phòng của các công ty có trụ sở tại Kyiv và nơi ở của các nhà quản lý hàng đầu của họ, các sĩ quan SBU đã tìm thấy tài liệu, máy tính, ổ đĩa flash và điện thoại di động có bằng chứng về các vụ lừa đảo, con dấu và thẻ ngân hàng được các bị cáo sử dụng trong các hoạt động bất hợp pháp của họ.

Dựa trên bằng chứng thu thập được, các nhà điều tra SBU buộc tội Marchenko và người đứng đầu công ty liên kết, Inna Paliy, ở Crimea theo Phần 3 của Điều 110-2 Bộ luật Hình sự Ukraine liên quan đến việc tài trợ cho các hành động nhằm thay đổi bằng bạo lực hoặc lật đổ hiến pháp, chiến đoạt quyền lực nhà nước, thay đổi lãnh thổ hoặc biên giới nhà nước của Ukraine.

Các nghi phạm phải đối mặt với án tù 8 năm cùng với tội tịch thu tài sản.

Trong trường hợp này, Marchenko đã bị triệu tập đến văn phòng SBU ở vùng Ivano-Frankivsk vào ngày 14 tháng 2 để điều tra.
 
Putin cấm đạo Công Giáo trong các vùng tạm chiếm. ĐTC gặp gỡ hàng giáo sĩ và chủng sinh Nam Sudan
VietCatholic Media
17:07 07/02/2023


1. Nga hạn chế quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng đối với Ukraine bị chiếm đóng

Diễn đàn 18 cho biết vi phạm tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng ở các vùng lãnh thổ Ukraine mà Nga chiếm đóng từ năm 2014 không theo một khuôn mẫu nào. Nói cách khác, tùy thuộc vào bọn cầm quyền địa phương. Có những nơi tàn bạo, và có những nơi họ không chú ý lắm.

Tại Crimea bị chiếm đóng và sáp nhập bất hợp pháp, chính phủ Nga đã dùng vũ lực áp đặt các luật lệ và hạn chế của Nga đối với việc thực thi các quyền con người, bao gồm quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng.

Tại các khu vực bị chiếm đóng ở các vùng lãnh thổ phía đông Ukraine của Luhansk, thuộc cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Luhansk, gọi tắt là LPR, do Nga thành lập; và Donetsk, thuộc cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk, gọi tắt là DPR, do Nga thành lập, các vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và các quyền con người khác đã xảy ra từ năm 2014 đến nay.

Cuộc xâm lược mới vào tháng 2 năm 2022 của Nga vào Ukraine đã chứng kiến thêm nhiều lãnh thổ Ukraine bị Nga chiếm đóng. Tính đến đầu tháng 2 năm 2023, Nga kiểm soát khoảng 17% lãnh thổ Ukraine:

- 100% Crimea (bao gồm cả Sevastopol);

- gần như toàn bộ Vùng Luhansk;

- khoảng 60 phần trăm của Vùng Donetsk;

- khoảng 70 phần trăm của Vùng Zaporizhzhia;

- khoảng 70 phần trăm của Vùng Kherson;

và các phần nhỏ của Vùng Mykolaiv và Kharkiv.

Vào ngày 5 tháng 10 năm 2022, sau cuộc trưng cầu dân ý bị cộng đồng quốc tế tố cáo rộng rãi, Nga đã sáp nhập trái phép DPR và LPR, giữ lại các tên này, cùng với các Vùng Zaporizhzhia và Kherson của Ukraine. “Cái gọi là 'trưng cầu dân ý' ở Ukraine được tiến hành ở những khu vực do Nga chiếm đóng,” Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres cho biết trên Twitter vào ngày 29 tháng 9 năm 2022. “Chúng không thể được gọi là biểu hiện chân thực của ý chí nhân dân.”

Vào năm 2023, Nga hiện đang theo một đường lối phối hợp hơn để áp đặt toàn bộ các hạn chế của Nga đối với việc thực hiện quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng trên tất cả các khu vực do Nga chiếm đóng ở Ukraine.

Trong nhiều vùng rộng lớn, đạo Công Giáo bị cấm ngặt, các linh mục bị bắt giữ, các nhà thờ Công Giáo bị tịch thu.
Source:Forum 18

2. Bất kể các cuộc biểu tình của Công Giáo, các nhà lập pháp bang Minnesota ban hành luật phá thai

Thống đốc Tim Walz vào ngày 31 Tháng Giêng đã ký thành luật một dự luật được các nhà lập pháp Minnesota thông qua quy định quyền phá thai vì bất kỳ lý do gì và không có giới hạn về khả năng tồn tại trong luật tiểu bang.

Trong một cuộc bỏ phiếu theo đường lối của đảng, các đảng viên Đảng Dân chủ tại Thượng viện Minnesota đã thông qua dự luật với tỷ số 34-33 vào sáng sớm ngày 28 Tháng Giêng. Hạ viện đã thông qua dự luật này vào ngày 19 Tháng Giêng.

Những người ủng hộ sự sống và ủng hộ phá thai đã tập trung với số lượng lớn bên ngoài các phòng Thượng viện tại Tòa nhà Quốc hội ở St. Paul ngay trước khi cuộc tranh luận bắt đầu vào khoảng trưa ngày 27 Tháng Giêng. Trong cuộc tranh luận kéo dài hơn 15 giờ đó, các đảng viên Đảng Dân chủ đã bác bỏ nhiều sửa đổi của Đảng Cộng hòa đối với các lựa chọn bảo vệ sinh sản, hoặc Đạo luật PRO, trước cuộc bỏ phiếu cuối cùng vào ngày 28 Tháng Giêng.

Với hy vọng gây ảnh hưởng đến các nhà lập pháp và thể hiện sự ủng hộ cho chính nghĩa của họ, bài hát “Amazing Grace” của những người ủng hộ sự sống đã nổi lên giữa những tiếng hét ủng hộ phá thai “chúng tôi nói ủng hộ sự lựa chọn”. Những người cầm những tấm biển ghi “Khoa học nói rằng phá thai giết chết một con người”, “Tôi là con người” và “Tôi rất tiếc về việc phá thai của mình” đứng bên cạnh một nhóm khác với những tấm biển ghi những khẩu hiệu như “Giữ cho phá thai an toàn và hợp pháp”.

Đứng sau cuộc tụ tập chính của các phe đối lập là Angela Erickson, 30 tuổi, cùng năm đứa con của cô, tất cả đều dưới 7 tuổi. Một thành viên của Nhà thờ St. Anne ở Hamel, Minnesota, Erickson và các con của cô đã lái xe một giờ từ nhà của họ có mặt khi Thượng viện thông qua dự luật đã được Hạ viện thông qua với tỷ lệ 69-65 vào ngày 19 Tháng Giêng.

Erickson, thành viên hội đồng của các Mục vụ Hành động vì Sự sống có trụ sở tại St. Paul và là người đồng dẫn chương trình “Sống Tin Mừng Sự Sống” của Đài Phát thanh Liên quan 1330AM với Giám đốc Điều hành Brian Gibson.

Khi được hỏi sự hiện diện của cô ấy với các con có thể hữu ích như thế nào tại Điện Capitol, Erickson nói với The Catholic Spirit, “Tôi muốn những người khác thấy rằng trẻ em là một phước lành chứ không phải là gánh nặng.”

Cách đó không xa là Jon Guden, 61 tuổi, thuộc Cộng đoàn Thánh Giuse ở Rosemount, Minnesota, lặng lẽ lần chuỗi Mân Côi.

“Chúng tôi không thể làm điều đó một mình,” Guden nói với The Catholic Spirit khi đề cập đến việc thay đổi suy nghĩ của những người ủng hộ việc phá thai. “Nó đòi hỏi Chúa và Mẹ Maria phải can thiệp.”

Các biện pháp hệ thống hóa việc phá thai ở Minnesota -- HF1 và dự luật đi kèm của nó tại Thượng viện, SF1 -- đã được tiến hành nhanh chóng khi phiên họp lập pháp năm 2023 khai mạc vào ngày 3 Tháng Giêng. Hạ viện đã chứng kiến HF1 được giới thiệu vào ngày 4 Tháng Giêng. Các dự luật đã được thông qua Hạ viện và Thượng viện các phiên điều trần, với các quan chức của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Minnesota và Giám mục Chad Zielinski của New Ulm trong số những người làm chứng chống lại các dự luật này.

Đảng Dân chủ, chiếm đa số tại Hạ viện, đã giành được đa số tại Thượng viện trong cuộc bầu cử tháng 11. Thống đốc Walz cũng là một đảng viên Đảng Dân chủ.

Chỉ vài giờ trước khi toàn thể Hạ viện bỏ phiếu, Đức Tổng Giám Mục Bernard Hebda và Đức Giám Mục Phụ Tá Joseph Williams của St. Paul và Minneapolis, cùng với Đức Giám Mục Zielinski và bốn giám mục Công Giáo khác của bang, đã viết một lá thư phản đối các dự luật và trao tận tay cho mọi nhà lập pháp..

Hạ nghị sĩ Jim Nash, R-Waconia, đã đề cập đến lá thư của các giám mục trong cuộc tranh luận dài trên sàn trước cuộc bỏ phiếu của Hạ viện và trích dẫn từ lá thư đó về trách nhiệm bảo vệ sự sống: “Tuy nhiên, công việc nhằm hạn chế nhu cầu phá thai không miễn trừ cho nhà lập pháp khỏi trách nhiệm bảo vệ con người đang sống trong bụng mẹ. Không có số lượng hỗ trợ nào cho các chương trình hỗ trợ công cộng là đủ để miễn tội cho một người khỏi sự đồng lõa và hợp tác trong việc tạo ra các khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện cho cái chết của những người khác thông qua phá thai hợp pháp.”

Nash, người không theo Công Giáo, nói, nhấn mạnh sức nặng đạo đức trong lời nói của các giám mục. Ông khuyến khích các nhà lập pháp tìm đủ can đảm để bỏ phiếu chống và “hãy làm theo lương tâm trong lòng bạn.”

Khi Thượng viện chuẩn bị tranh luận về dự luật đã được Hạ viện thông qua, Đức Tổng Giám Mục Hebda đã phát hành một đoạn video và một tuyên bố kèm theo vào ngày 25 Tháng Giêng kêu gọi mọi người liên hệ với các thượng nghị sĩ của họ yêu cầu đừng phê chuẩn dự luật.

“Đạo luật PRO là một phần của chương trình lập pháp phá thai cực đoan nhất trong lịch sử Minnesota, cho phép phá thai vì bất kỳ lý do gì và bất cứ lúc nào mà không cần quy định,” Đức Tổng Giám Mục nói. “Thật đáng lo ngại khi một đứa trẻ chưa chào đời có tim còn đập, có thể cảm thấy đau và thậm chí có thể sống sót bên ngoài bụng mẹ lại bị đối xử với thái độ khinh bỉ như vậy”.

Trong lá thư gửi cho các nhà lập pháp do Hội Đồng Giám Mục Minesota công bố, các giám mục nói rằng họ thất vọng “khi thấy tốc độ nhanh chóng mà các dự luật phá hoại này đang được thông qua, và chúng tôi hy vọng các nhà lập pháp tạm dừng.”

Hội Đồng Giám Mục Minesota cho biết trong một thông cáo báo chí rằng ngoài việc hệ thống hóa việc phá thai, Đạo luật PRO không phân biệt giữa trẻ vị thành niên và người lớn vì nó chỉ đạo các tòa án tiểu bang bảo vệ “quyền cơ bản” đối với tự do sinh sản, do đó mở ra cơ hội cho một loạt các phương pháp điều trị sinh sản dành cho người trưởng thành và các trẻ vị thành niên.

Trên thực tế, dự luật có thể dẫn đến việc trẻ vị thành niên có thể được triệt sản mà không cần thông báo hoặc sự đồng ý của cha mẹ, cũng như nhận các biện pháp tránh thai nội tiết tố, điều trị y tế và liệu pháp chuyển đổi giới tính mà không cần sự đồng ý của cha mẹ.


Source:Angelus News