Ngày 09-02-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 10/02: Câm Điếc Thiêng Liêng – Nữ Tu Têrêsa Phùng Thị Yến
Giáo Hội Năm Châu
01:49 09/02/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô qua Siđon đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh, Người ta đem đến cho Người một kẻ câm điếc và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh ta và bôi nước miếng vào lưỡi anh. Đoạn ngước mắt lên trời, Người thở dài và bảo: "Ephpheta!", nghĩa là "Hãy mở ra!", tức thì tai anh ta mở ra và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được sõi sàng. Chúa Giêsu liền cấm họ: đừng nói điều đó với ai cả. Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục mà rằng: "Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được".

Đó là lời Chúa
 
Quê Hương Ruồng Bỏ - Mark 7:31-37
Nguyễn Trung Tây
02:33 09/02/2023
Nguyễn Trung Tây

Nguyễn Trung Tây
Quê Hương Ruồng Bỏ - Mark 7:31-37


Người đàn ông gặp gỡ Đức Giêsu trong Mark 7:31-37 bị khuyết tật kép: điếc và ngọng. May mắn cho một mảng đời một thời bị xã hội bỏ rơi, người đàn ông tật nguyền gặp Đức Giêsu. Ngài đưa ngón tay chạm vào tai người đàn ông khốn khổ và chạm vào lưỡi người bất hạnh. Rồi Đức Giêsu truyền lệnh, “Ephphatha/Hãy mở ra.”

Và điều kỳ diệu đã xảy ra. Người đàn ông một thời bị bỏ rơi bên lề xã hội không còn là bị người bị bỏ rơi nữa. Anh ta ngay lập tức biến đổi thành một con người mới. Anh ta không chỉ nghe thấy tiếng chim hót vang lừng trên cành cây, mà anh còn nói rõ ràng giống như anh ta chưa bao giờ có vấn đề với âm thanh giọng nói của chính mình. Bàn tay của Đức Giêsu thay đổi một cách thần kỳ dòng đời của một con người một thời bất hạnh! Không còn xấu hổ nữa! Không còn vô âm nữa! Không còn bị tẩy chay nữa! Trên tất cả, những gì Đức Giêsu đã làm với người đàn ông không chỉ là chữa lành cho anh ta khỏi hai thứ tật nguyền, mà còn để khôi phục lại nhân phẩm cho người đàn ông một thời bị “quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh.”

Không lạ gì khi những người chứng kiến phép lạ đã công bố rộng rãi Tin Mừng về Đức Giêsu, Đấng duy nhất có khả năng chữa lành tất cả những người đã, đang và sẽ bị khuyết tật về thể chất, tâm linh hoặc tình cảm. Ngợi khen Thiên Chúa vì Đức Giêsu, Đấng chữa lành. Alleluiah! Ngợi khen Thiên Chúa.

Lời Nguyện
Lạy Ngài, xin mở lưỡi và mở tai con, để con ngợi ca nét đẹp thiên đàng trên từng khuôn mặt nhân gian, và nhận ra tiếng chim hót bình dị bên khung cửa vào mỗi sáng sớm.□
(Suy Niệm Ta Thương Tổn Ta)
 
Kiện Toàn Lề Luật
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:17 09/02/2023
Kiện Toàn Lề Luật

(Chúa Nhật VI TN A)

Dù không ít lần cố tình vi phạm luật ngày lễ nghỉ và luật sạch - nhơ cũng như công khai bênh vực các môn đồ về việc không ăn chay, nhưng Chúa Giêsu đã từng nhiều lần trưng dẫn Lời Thánh Kinh Cựu Ước, đặc biệt khẳng định tính ưu việt của thập giới. Chính Người đã minh định rõ ràng: “Các con đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ lề luật hay lời các tiên tri, Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn” (Mt 5,17). Xin cùng xem xét đôi nét về việc kiện toàn lề luật của Đấng Cứu Độ.

1.Chúa Kitô trả lề luật về đúng vị trí của nó.

Lề luật là “một phương thế” chứ không phải là mục đích. “Ngày Sabbat được tạo nên cho con người chứ không phải con người cho ngày Sabbat” (Mc 2,27). Khi khẳng định điều ấy thì Chúa Kitô nhắc nhớ chúng ta vị trí vai trò của lề luật như là các phương thế. Các phương thế chỉ có ý nghĩa khi hướng đến mục đích được nhắm tới. Nếu vì lý do gì đó mà những khi chính phương thế lại làm cản trở mục đích thì chúng ta cần phải bỏ nó qua một bên. Đã nhiều lần Chúa Kitô cố tình vi phạm luật ngày lễ nghỉ là cốt dạy chân lý này.

2.Hãy giữ lề luật khởi đi từ đáy lòng.

Thời Chúa Kitô, đã và đang có đó nhiều biệt phái giữ lề luật cách hình thức bên ngoài. Dĩ nhiên điều mà họ nhắm là chứng tỏ cho người ta thấy lòng đạo đức của mình. Cái bên ngoài tuy vẫn cần thiết nhưng nếu thiếu điều bên trong thì nó thành trống rỗng, vô hồn. Những khi cố tình vi phạm luật sạch - nhơ thì Chúa Kitô đã cho thấy sự thật này. Ích gì khi rửa tay chân, chén bát bên ngoài mà lòng vẫn đầy tham lam bất chính. Ý hướng và mục đích tự đáy lòng góp phần lớn xác định tính luân lý của các hành vi bên ngoài. Nhiều khi chưa thực hiện bằng hành động bên ngoài nhưng đã có ý hướng và chủ định bên trong thì đã dệt thành giá trị tốt xấu các hành vi của chúng ta. Chúa Kitô nói rõ điều này khi khẳng định là nếu đã có chủ định phạm tội với người phụ nữ dù chưa thực hiện bên ngoài thì cũng đã phạm tội ngoại tình rồi (x.Mt 5,27-28).

3.Chúa Kitô xác định bậc thang giá trị của các loại lề luật.

Xét về nguồn gốc thì Kitô giáo chúng ta phân biệt rõ ràng nhân luật (luật do con người làm ra) với thiên luật (luật do Thiên Chúa đặt định). Thiên luật thì có giá trị trường cửu, không hề thay đổi theo thời gian, vì do chính Thiên Chúa đặt định. Lề luật của Thiên Chúa được tỏ bày qua tiếng lương tâm dưới ánh sáng của lý trí đúng và qua Lời mạc khải thì luôn có vị trí ưu tiên hàng đầu. Còn nhân luật là luật do các thể chế, các quốc gia và cả do Giáo Hội lập ra thì có tính tương đối và nó có thể thay đổi theo hoàn cảnh lịch sử. Theo nhãn quan Kitô giáo, khi nào mà luật của con người trái với luật của Thiên Chúa thì nó không còn có giá trị. Và khi ấy chúng ta không chỉ bỏ qua nó mà có khi phải hành xử ngược với nó. Chúa Kitô đã nhiều lần khẳng định điều này khi Người trách cứ các lãnh đạo Do Thái thời bấy giờ đã bỏ qua lề luật của Thiên Chúa mà quá chăm chú vào luật của nhân trần, dù cho đó là truyền thống của tiền nhân. Luật Coban mà họ dạy dân chúng là một dẫn chứng (x.Mc 7,8-13).

4.Rượu mới – bình mới.

Nhiều thể chế, luật lệ con người và cả truyền thống của Giáo Hội tuy không nghịch với luật của Thiên Chúa nhưng chúng không còn phù hợp với tinh thần Tin Mừng đặc biệt là tinh thần nghĩa tử mà Chúa Kitô truyền ban thì phải cần đổi thay hoặc thậm chí là phải bỏ đi. Các Tông đồ đã đoạn tuyệt với Lễ Nghi cắt bì là một đan cử. Thực tế vẫn còn đó nhiều vị lãnh đạo vốn thích cái bình cũ vì nhiểu lý do chưa thật chính đáng khiến Đức Phanxicô đã gọi họ là những người thường biện bạch “xưa đã như vậy, như vậy…”.

Đã là người với tính xã hội thì lề luật luôn còn đó vai trò vị trí của nó. Tuy nhiên lịch sử cho thấy rất nhiều người khi đã ở vai cao, vị trọng trong các tập thể xã hội, có khi cả trong Giáo hội, thì dễ bị cám dỗ đặt ra các luật lệ phục vụ cho lợi ích của mình. Đã và đang có đó tình trạng nô lệ lề luật thay vì làm chủ nó. Là Kitô hữu thì chúng ta phải có thái độ đúng với lề luật như Chúa Kitô truyền dạy. Nhiều hiền nhân, nhất là các thánh nhân đã từng chấp nhận mang tiếng là “chống đối”, là “phản động”, là “gây xáo trộn”… để góp phần kiện toàn lề luật như Chúa Kitô đã làm.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 
Tháo cởi và xót thương
Lm Minh Anh
14:21 09/02/2023

THÁO CỞI VÀ XÓT THƯƠNG
“Ephpheta”, “Hãy mở ra!”.

Trong cuốn “Chiều Kích Thứ Tư”, “The Fourth Dimension”, Paul Cho Yonggi viết, “Có nhiều lý do khiến Chúa không nên gọi bạn. Nhưng đừng lo! Ngài không đòi một cuộc phỏng vấn, không thuê và sa thải ai; Ngài là Chúa của bạn hơn là Sếp của bạn. Ngài không tính lãi, lỗ; thành kiến, phán xét, thù dai, hay chảnh choẹ. Chỉ cần bạn cố gắng! Quà tặng của Ngài luôn miễn phí. Satan nói, “Bạn không xứng đáng”; Ngài lại nói, “Vậy thì sao?”. Satan chỉ nhìn vào những sai lầm của bạn; còn Ngài, Ngài nhìn vào thập giá! Bởi Ngài là Đấng ‘tháo cởi và xót thương!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay nói đến Đấng ‘tháo cởi và xót thương’ mà Paul Cho Yonggi đề cập. Nhân việc Chúa Giêsu chữa lành một người câm điếc, Lời Chúa mời gọi bạn và tôi tự hỏi, “Dẫu đã có đức tin, nhưng tại sao nhiều lần, tai và miệng tâm linh của chúng ta vẫn không mở ra?”.

Có thể chúng ta đã quá quen thuộc và đắm chìm trong di sản Công Giáo của mình đến nỗi chúng ta coi những sự thật đã nhận được từ Giáo Hội là điều hiển nhiên, cũng như hầu hết mọi người coi khả năng nghe hoặc nói của mình là điều hiển nhiên! Tin Mừng hôm nay cho chúng ta cơ hội chiêm ngắm một người từ khi sinh ra đã không được hưởng trọn vẹn những khả năng thông thường này. Có những người không thể đón nhận mặc khải của Chúa không phải vì họ không được ban, nhưng vì họ không sẵn sàng đón nhận nó. Phần chúng ta, hãy vui mừng vì ân sủng đã nhận được và biết ơn nó với lòng trung thành. Tôi sẽ trở thành hoặc sẽ sớm trở thành loại người như thế nào nếu không có ân tứ đức tin Chúa ban?

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tỏ lòng thương xót đối với một người câm điếc; quyền năng Ngài làm cho anh nghe và nói được. Cũng thế, nếu không được Chúa Giêsu tháo cởi; chúng ta không thể nói lên thông điệp ý nghĩa cuộc sống, không thể hiến dâng cho Thiên Chúa và tha nhân, và cuộc sống cứ thế trôi qua! Nhưng nếu Chúa Giêsu chạm ‘vào tai, vào lưỡi’ chúng ta, nếu Ngài chữa trị và ban sức mạnh cho chúng ta bằng ân điển của Ngài, cuộc sống của chúng ta sẽ có một hướng đi và một ý nghĩa hoàn toàn mới.

Bài đọc Sáng Thế hôm nay nói đến sự điếc đặc của nguyên tổ khi các ngài không vâng lời; nhưng, đến thời viên mãn, khi các lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện thì trong Con Một, Thiên Chúa sẽ ‘tháo cởi và xót thương’ nhân loại bất tuân này. Thánh Vịnh đáp ca nói, “Phúc thay người được tha thứ lỗi lầm!”. Phải, trong Đức Kitô, Thiên Chúa tha thứ cho con người.

Anh Chị em,

“Hãy mở ra!”. Bằng việc chữa lành người câm điếc hôm nay, Chúa Giêsu tiết lộ rằng, Thiên Chúa quyết tâm hành động, không do dự, rụt rè hay nghi ngờ; Ngài dứt khoát và rõ ràng! “Ngài không tính lãi, lỗ; thành kiến, phán xét, thù dai, hay chảnh choẹ”. Ngài muốn tháo cởi cho mọi tội nhân, dù phải trả giá bằng cái chết thập tự của Con mình. Chính sự hiểu biết này sẽ mang lại cho chúng ta một niềm an ủi lớn lao rằng, Thiên Chúa sẵn lòng thi hành quyền năng để mang lại điều tốt đẹp nhất cho cuộc sống của bạn và tôi. Sau khi được chữa lành, người câm đã trở thành một đại diện cho sự cứu rỗi của Thiên Chúa; giờ đây, ai có thể giữ anh im lặng về trải nghiệm tuyệt vời này! Anh đã tin; vì thế, anh đã nói! Vậy tại sao tôi im lặng? Tôi không biết rằng, với tư cách là người Công Giáo, tôi cũng là nhân chứng cho thế giới rằng, tình yêu tồn tại?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Đấng ‘tháo cởi và xót thương’, xin mở ra không chỉ tai con, miệng con, nhưng cả trái tim con; để con là nhân chứng của Chúa, luôn cao rao lòng thương xót của Ngài!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:04 09/02/2023

25. Chúng ta nên biết rằng: chúng ta yêu người, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã vì yêu họ mà chịu khổ chịu nạn cho đến chết.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:05 09/02/2023
58. ĐÁNH DẤU THUYỀN TÌM GƯƠM

Nước Sở có người ngồi trên thuyền vì không cẩn thận nên để gươm quý rơi xuống nước mất tiêu, lập tức ông ta khắc trên mạng thuyền một dấu hiệu và nói:

- “Đây là nơi gươm quý của tôi rơi xuống nước. ”

Sau khi thuyền đã đến nơi muốn đến, ông ta bèn theo dấu khắc ấy và lặn xuống sông tìm gươm, nhưng làm sao có thể tìm được nó chứ?

( Lữ thị xuân thu )

Suy tư 58:

Các bí tích là những dấu hiệu hữu hình bên ngoài và chỉ ơn sủng bên trong mà Đức Chúa Giê-su đã lập ra để cho chúng ta được nên thánh.

Mỗi bí tích đều có một dấu hiệu riêng biệt, cách cử hành riêng biệt, và hiệu quả của ơn thánh cũng khác nhau.

Các bí tích là nguồn suối tuôn trào ơn Chúa cho chúng ta, nhưng có lúc chúng ta sống trong nguồn suối mà bị khô họng chết khát, bởi vì chúng ta quá coi thường những bí tích ấy; chúng ta nhìn mà không thấy các dấu hiệu của ơn thánh trong khi đón nhận các bí tích, bởi vì chúng ta đón nhận cách chiếu lệ, thì chẳng khác gì người kia đánh dấu trên mạng thuyền để tìm gươm dưới dòng sông sâu, đã vô ích mà lại nguy hiểm.

“Lạy Chúa, xin Chúa cho chúng con nhận ra những dấu hiệu ban ơn cứu độ qua các bí tích, để khi chúng con lãnh nhận những bí tích của Chúa trong cuộc sống, thì cũng như được tham dự vào hạnh phúc Nước Trời mai sau vậy. Amen”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Bánh Mì và Cá Sa Mạc - John 6:1-15, Mark 8:1-10
Nguyễn Trung Tây
23:31 09/02/2023
Nguyễn Trung Tây
Bánh Mì và Cá Sa Mạc - John 6:1-15, Mark 8:1-10


Lần đó trong sa mạc, đám đông dân chúng đi theo Đức Giêsu. Khi đó trời đã về chiều, đám đông dân chúng đang ở một khu vực đồi núi, xa cách thôn làng. Nhìn thấy đám đông, môn đệ biểu diễn một thái độ truyền giáo thực tế ngay lập tức, bởi thế ông Philip đáp lời Đức Giêsu,

— Có lấy hai trăm quan tiền lương cũng chẳng đủ để mua bánh mì cho từng này người!

Nhưng Đức Giêsu thì khác. Ngài thể hiện chân dung của truyền giáo dấn thân. Với Đức Giêsu truyền giáo, chuyện của đám đông cũng là chuyện của mình!

Và bởi tinh thần truyền giáo dấn thân, hiện tình thay đổi. Vùng đồi núi mênh mông bỗng dưng hóa ra vườn địa đàng! Và năm ổ bánh mì và 2 con cá chuyển động hóa ra con số bạt ngàn. Đám đông hơn 5 ngàn người đàn ông chưa kể phụ nữ và trẻ em chiều hôm đó no nê với lương thực bánh mì và cá.

Hồi đó, nếu không có Đức Giêsu, nhiều người dám đã bỏ mạng nơi hoang vắng, bởi thái độ truyền giáo thực tế (tháp ngà) của các môn đệ.

Yêu biết bao chuyện bánh mì và cá trong sa mạc. Yêu Đức Giêsu, người truyền giáo dấn thân. Và bởi dấn thân, lấm lem bùn đen, bùn dơ áo trắng, thiên đàng mơ hồ trở thành một thực thể trong vùng đồi núi hoang vắng.

Lời Nguyện
Lạy Chúa, xin dạy chúng con dấn thân như Ngài!
(Suy Niệm Lời Kinh Thật Thà, NXB Đồng Nai, 2022)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cảnh sát nói rằng kẻ phá hoại nhà thờ sắp đập phá nhà tạm nhưng nhìn thấy tượng Đức Mẹ, anh ta dừng lại
Đặng Tự Do
05:15 09/02/2023


Vào đầu Tháng Giêng, một người đàn ông bước vào tu viện Dòng Biển Đức ở Arkansas và bắt đầu đập bàn thờ bằng búa tạ.

Anh ta định bắt đầu phá tan nát nhà tạm, nơi cất giữ bánh thánh hiến, nhưng có điều gì đó đã ngăn anh ta lại: đó là một bức tượng của Đức Trinh Nữ Maria.

Jerrid Farnam, 32 tuổi, ở Sallisaw, Oklahoma, đã bị bắt vì tội phá hoại tài sản và trộm cắp tại Tu viện Dòng Biển Đức ở Subiaco, Arkansas, và hiện đang bị giam giữ chờ xét xử.

Cảnh sát trưởng Jason Massey của Văn phòng Cảnh sát trưởng Hạt Logan nói với CNA rằng khi họ đưa nghi phạm đến, anh ta đã thú nhận tội ác. Nhưng, Farnam khai với cảnh sát, sau khi nhìn lên và nhìn thấy tượng Đức Mẹ Maria, anh ta không thể tiếp tục phá nhà tạm như đã định.

“Anh ấy quyết định rằng anh ấy không thể làm được,” Massey nói. “Tôi nghĩ rằng anh ấy cảm thấy anh ta đã sai vào thời điểm đó.”

Tu viện Subiaco đã báo cáo rằng vào ngày 5 Tháng Giêng, một người đàn ông sử dụng cả “búa thông thường lẫn búa tạ” bắt đầu phá hủy bàn thờ bằng đá cẩm thạch của tu viện. Anh ta đập vỡ bàn thờ ở những nơi khác nhau. Được thành lập vào năm 1878, Subiaco là nơi sinh sống của một cộng đồng gồm 39 tu sĩ Biển Đức.

Tu viện cho biết nghi phạm đã để lại một lỗ hổng trên đỉnh bàn thờ và đập vỡ những viên đá chứa thánh tích. Hai hộp đựng thánh tích - những chiếc hộp nhỏ, màu đồng thau, mỗi hộp chứa ba thánh tích của các vị thánh từ hơn 1.500 năm trước - đã bị đánh cắp, theo Văn phòng Cảnh sát trưởng Hạt Logan.

Cha Elijah Owens, tu viện trưởng của tu viện, nói với CNA vào Tháng Giêng rằng các thánh tích chứa trong một trong những hộp đựng thánh tích là của Thánh Bonifaciô, Thánh Tiberiô và Thánh Bênêđíctô thành Nursia.

Owens cho biết hộp đựng thánh tích còn lại chứa thánh tích của Thánh Tiberiô, Thánh Marcellô và Thánh Justina.

Tu viện cho biết trong thông cáo báo chí của mình rằng người đàn ông đã tiếp cận nhà tạm và gỡ bỏ một cây thánh giá nằm trên đỉnh cũng như tấm màn che của nhà tạm trước khi bị “ngưng lại”.

Farnam bị bắt cùng ngày và ba di vật được tìm thấy trong xe tải của anh ta.

Vào thời điểm đó, hộp đựng thánh tích của Thánh Tiberiô, Thánh Marcellô và Thánh Justina vẫn chưa được tìm thấy. Văn phòng cảnh sát trưởng sau đó đã phát hiện ra chúng trong thùng rác ở nhà của cha Farnam.

Cảnh sát trưởng cho biết Farnam đã đưa hộp đựng thánh tích cho cha mình, người không biết về bản chất của các vật thể, đã ném những thứ bên trong hộp vào thùng rác, trong khi vẫn giữ hộp đựng cho riêng mình.

“May mắn là không có thức ăn hay bất cứ thứ gì trên người họ. Họ được tìm thấy trong tình trạng tuyệt vời,” ông nói thêm.

Massey nói rằng một trong bảy tội danh mà Farnam bị buộc tội là trộm cắp tài sản, một trọng tội loại B, đây là loại trọng tội cao nhất trong tiểu bang, ông nói.

“Bạn không thể định giá cho những di tích đó. Đó là những thánh tích đã 1.500 tuổi,” ông nói.

Farnam có tiền sử lạm dụng chất kích thích và say xỉn trong thời gian bị bắt.

Tu viện đang được sửa chữa, và một bàn thờ di động hiện sẽ được sử dụng cho đến khi sửa chữa xong, theo thông cáo báo chí của tu viện.
Source:Catholic News Agency
 
Vị Giám Mục được cứu từ đống đổ nát nơi ngài bị chôn vùi trong nhiều giờ
Đặng Tự Do
05:16 09/02/2023


“Giờ đây, điều quan trọng hơn là phải gần gũi với người dân, những người đang bị khủng bố bởi trận động đất này”. Đức Cha Antoine Audo, Giám mục người Chanđê của Aleppo, chi biết “trong số rất nhiều tai họa mà chúng tôi đã gặp phải, đây là một thảm họa mà có thể nói là chúng tôi chưa quen với nó. Sau 12 năm chiến tranh, đây là một quả bom khủng khiếp mới, gây chết người và không rõ nguyên nhân, rơi xuống đầu chúng tôi.”

Trận động đất làm rung chuyển miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền trung bắc Syria lúc 4:17 sáng giờ địa phương vào thứ Hai, ngày 6 tháng 2, là trận động đất dữ dội nhất trong tám thế kỷ. Điều này đã được báo cáo bởi Marlène Brax, giám đốc Trung tâm Địa vật lý Li Băng, được phỏng vấn bởi nhật báo L'Orient-Le Jour của Li Băng. Trận động đất có cường độ 7,8 độ Richter, với tâm chấn nằm ở phía nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Giám mục nghi lễ Chanđê của Aleppo mô tả với Fides “một thành phố có hai triệu rưỡi cư dân không có điện, nước và hệ thống sưởi. Trời rất lạnh, mùa đông khắc nghiệt. Tôi nhìn thấy mọi người trên đường phố hoặc trong xe hơi. Họ sợ hãi, họ không biết điều gì sẽ xảy ra, bởi vì nó có thể chưa kết thúc, và có tin đồn rằng những chấn động mạnh và tàn khốc có thể xảy ra sau đó”. Trên thực tế, một trận động đất mạnh 7,6 độ richter mới đã được ghi nhận ở tỉnh Kahramanmaras phía nam Thổ Nhĩ Kỳ lúc 13:24 giờ địa phương và cũng được cảm nhận ở Damascus.

Tại Syria, số người chết tạm thời được báo cáo bởi các nguồn tin chính thức của Syria, không may là có thể tăng lên, cho đến nay đã có 371 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương do trận động đất. Hàng trăm nạn nhân khác đã được thống kê ở các khu vực Syria nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ Damascus.

Các nhà thờ trong khu vực cũng bắt đầu đối mặt với sự tàn phá do trận động đất gây ra. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Đức Giám Mục Paolo Bizzeti, Đại diện Tông tòa của Anatolia, báo cáo rằng Nhà thờ chính tòa Iskenderun đã bị sập, và các nhà thờ của cộng đồng Chính thống giáo và Chính thống giáo Syria ở thành phố đó cũng đã bị phá hủy. “Ở đây tại Aleppo”, Đức Giám Mục Audo báo cáo với Fides, “Đức Tổng Giám Mục Melkite Georges Masri đã được kéo sống từ đống đổ nát, nhưng Vị Đại diện của ngài vẫn ở dưới tòa nhà bị phá hủy, và họ vẫn chưa tìm thấy ngài”
Source:Fides
 
Đức Thánh Cha Phanxicô có kế hoạch viếng thăm Fatima trong chuyến đi dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Lisbon
Đặng Tự Do
05:17 09/02/2023


Đức Thánh Cha Phanxicô dự định đến thăm Fatima như một phần trong chuyến đi của Ngài tới Lisbon cho Ngày Giới trẻ Thế giới tiếp theo, từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 8 năm nay, Đức Giám Mục José Ornelas Carvalho của Leiria-Fatima nói với I.MEDIA bên lề Thượng Hội đồng Giám mục Âu Châu. Cuộc họp thượng hội đồng hiện đang diễn ra tại Praha, Cộng hòa Tiệp, từ ngày 5 đến ngày 12 tháng 2 năm 2023.

Đức Giám Mục Ornelas Carvalho cho biết: “Vâng, Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài sẽ đến Fatima, ngài đã liên tục xác nhận lại sự sẵn sàng của mình để đến Fatima một lần nữa. Theo vị giám mục người Bồ Đào Nha, Đức Thánh Cha đã nói với những người tổ chức sự kiện rằng “ngay cả khi tôi đến bằng xe lăn, tôi cũng sẽ đến.”

Đức Cha Ornelas cho biết thêm Fatima không xa Lisbon lắm; tuy nhiên, cuộc hành trình cần phải thích nghi với vị Giáo hoàng 86 tuổi bị chấn thương đầu gối. Một chuyến đi bằng trực thăng có thể thực hiện được như một cách để đi hết khoảng cách dưới 100 dặm ngăn cách Lisbon và Fatima, Đức Giám Mục nói.

Đây sẽ là chuyến đi thứ hai của Đức Thánh Cha Phanxicô đến đền thờ Đức Mẹ Bồ Đào Nha kể từ khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng. Trước đó, ngài đã đến thăm đền thờ này trong chuyến tông du từ ngày 12 đến ngày 13 tháng 5 năm 2017. Trong chuyến đi đó, ngài đã phong thánh cho hai thị nhân đã chết khi còn nhỏ, tôn vinh họ như những vị thánh không tử đạo trẻ nhất của Giáo hội.

Đối với Ngày Giới trẻ Thế giới, công việc chuẩn bị đang được tiếp tục, Đức Giám Mục José Ornelas Carvalho lưu ý. “Nó đã bắt đầu trước đại dịch, sau đó với đại dịch thì thật khó khăn. Khoảng thời gian này là không tốt. Nhưng bây giờ những người trẻ tuổi đang bắt đầu lại,” ngài nói.

Tuy nhiên, số lượng người tham gia vẫn chưa chắc chắn. Đức Giám Mục giải thích: “Không ai biết có bao nhiêu người trẻ sẽ đến” trong bối cảnh không chắc chắn của “đại dịch, chiến tranh, khả năng kinh tế của các gia đình”.

Đã có khoảng 450.000 người ghi danh. “Đây là một tỷ lệ tốt, nhưng chúng tôi không biết nó sẽ phát triển như thế nào. Ví dụ, chúng tôi không biết có bao nhiêu người Tây Ban Nha trẻ tuổi, những người sẽ đông nhất, sẽ đến một cách cá nhân, không có tổ chức.”

Sau khi được lên kế hoạch ban đầu vào năm 2022 nhưng sau đó bị hoãn lại một năm do đại dịch, Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Lisbon giờ đã sắp diễn ra. Đây sẽ là Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 16 sau phiên bản đầu tiên tại Rôma vào năm 1986, dưới thời Đức Gioan Phaolô II. Ngày Giới trẻ Thế giới được cử hành hai hoặc ba năm một lần ở cấp độ toàn cầu và hàng năm ở cấp giáo phận.
Source:Aleteia
 
Tài liệu giải mật của tình báo Thụy Sĩ cho thấy nhà lãnh đạo giáo hội Nga, Thượng phụ Kirill, đã làm gián điệp cho KGB ở Geneva vào những năm 1970
Đặng Tự Do
17:39 09/02/2023

Các tờ báo Sonntagszeitung và Le Matin Dimanche của Thụy Sĩ đã công bố các tài liệu lưu trữ vừa được giải mật trong đó chỉ ra rằng Thượng phụ Kirill, tên khai sinh là Vladimir Gundyaev, người đứng đầu Nhà thờ Chính thống Nga, từng làm gián điệp cho KGB ở Geneva vào những năm 1970 với bí danh là Mikhaylov.

Năm 1971, Gundyaev, 24 tuổi, được phép chuyển đến Geneva để đại diện cho Giáo Hội Chính thống Nga tại Hội đồng Giáo Hội Thế giới. Các báo cáo được lưu trữ trong kho lưu trữ liên bang đã được Sonntagszeitung nghiên cứu xác nhận rằng vị linh mục trẻ đang làm việc cho KGB.

Có 37 hồ sơ liên quan đến Gundyaev từ tháng 7 năm 1969 đến tháng 2 năm 1989, hầu hết chỉ liên quan đến đơn xin thị thực và nhập cảnh vào Thụy Sĩ của ông. Có hai hồ sơ lưu ý rằng linh mục được đưa vào danh sách các quan chức Liên Xô mà Thụy Sĩ “đã có biện pháp chống lại họ”. Không rõ biện pháp nào đã được áp dụng.

“Chúng tôi được thông báo: hãy cẩn thận với vị linh mục này vì anh ta là đặc vụ KGB. Trong các cuộc trò chuyện với Kirill, tôi luôn có cảm giác rằng anh ấy đang tìm kiếm thông tin. Anh ấy rất thân thiện nhưng hỏi rất nhiều câu hỏi về các thành viên giáo sĩ và những người Nga lưu vong”, một nguồn tin tình báo nói với tờ báo.

Sonntagszeitung lưu ý rằng nhà thần học người Đức Gerhard Besier đã viết trong cuốn sách của mình như sau: “KGB muốn gây ảnh hưởng đến Hội đồng Giáo hội Thế giới trong những năm 1970 và 1980 để khiến tổ chức này ngừng chỉ trích các hạn chế tự do tôn giáo ở Liên Xô và thay vào đó trừng phạt Hoa Kỳ và các đồng minh của họ”.

Hơn nữa, tờ báo lưu ý rằng cháu trai của Gundyaev hiện đang là linh mục đứng đầu một nhà thờ ở khu phố Geneva. Anh ta nói với Sonntagszeitung rằng chú của anh ta có thể không phải là đặc vụ mà được đặt “dưới sự giám sát chặt chẽ của KGB”.

Thượng phụ Kirill và Nhà thờ Chính thống Nga đã từ chối yêu cầu bình luận về cuộc điều tra này. Hội đồng Giáo Hội Thế giới nói với Sonntagszeitung rằng họ không có thông tin về vấn đề này.

Novaya Gazeta đưa tin rằng Thượng phụ Kirill vẫn sở hữu một ngôi nhà nông thôn ở vùng núi Thụy Sĩ mà ông đã phục vụ kể từ khi ở Geneva. Theo tờ báo, một phụ nữ Thụy Sĩ đã tặng tài sản này cho anh ta. Vào tháng 2 năm 2020, Open Media phát hiện ra rằng Gundyaev có một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ nạm kim cương.
Source:novayagazeta.eu
 
Đức Thánh Cha Phanxicô muốn gặp Thượng phụ Kirill nhưng trong điều kiện hòa bình
Đặng Tự Do
17:41 09/02/2023


Đức Thánh Cha Phanxicô muốn gặp Thượng phụ Mạc Tư Khoa và Toàn Nga Kirill, nhưng trong một môi trường hòa bình, đó là lý do tại sao bất kỳ kế hoạch tổ chức khả thi nào của một cuộc gặp như vậy hiện không thể xảy ra, Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Quan hệ với các dân nước, nói với thông tấn xã TASS của Nga vào hôm Chúa Nhật.

Đức Giáo Hoàng muốn gặp Kirill không phải giữa lúc chiến tranh, để không gì có thể làm họ xao lãng vấn đề tôn giáo. Cho đến nay, điều đó không thể đạt được,Đức Tổng Giám Mục nói, đồng thời cho biết thêm rằng cuộc đối thoại vẫn tiếp tục, bao gồm cả với Đức Tổng Giám Mục Anthony của Volokolamsk, Chủ tịch Bộ phận Quan hệ Giáo hội Đối ngoại của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa.

Người đứng đầu ngành ngoại giao của Tòa thánh lưu ý rằng cuộc gặp gần đây với các phái đoàn của Hội đồng Tôn giáo và Tổ chức Tôn giáo toàn Ukraine có sự tham gia của đại diện Giáo Hội Chính thống Ukraine đã được tổ chức trong một bầu không khí tích cực.

Cuộc gặp đầu tiên giữa Thượng phụ Kirill và Đức Giáo Hoàng Phanxicô diễn ra tại Havana vào năm 2016. Vào tháng 12 năm 2021, Đức Giáo Hoàng nói rằng cuộc gặp thứ hai của ngài với Thượng phụ đang được chuẩn bị. Vào mùa xuân năm 2022, ngài nói với nhật báo Corriere della Sera rằng cuộc họp đã được lên kế hoạch vào tháng 6 tại Giêrusalem nhưng đã bị hoãn lại. Giáo hội Chính thống Nga khi đó cho biết họ rất ngạc nhiên trước quyết định “đơn phương” này, mà Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa biết được từ các phương tiện thông tin đại chúng.
Source:TASS
 
Đức Hồng Y Quân và Jimmy Lai trong số những người Hương Cảng được đề cử giải Nobel Hòa bình
Đặng Tự Do
17:42 09/02/2023


Một ủy ban quốc hội lưỡng đảng do Dân biểu Chris Smith, của Đảng Cộng Hòa đơn vị New Jersey chủ trì, đã công bố hôm thứ Năm việc đề cử sáu người Hương Cảng, bao gồm Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân và ông trùm truyền thông Công Giáo Jimmy Lai, cho giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực của họ vì nhân quyền.

“Jimmy Lai, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, Châu Hạnh Đồng, Hà Quế Lam, Lý Trác Nhân và Hoàng Chí Phong được đề cử vì họ là những người đấu tranh nhiệt thành cho quyền tự trị, nhân quyền và pháp quyền của Hương Cảng như được bảo đảm bởi hiệp ước Trung Quốc -Anh và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị,” thông báo từ Ủy ban Thường Trực Quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc viết.

“Những người được đề cử là đại diện của hàng triệu người Hương Cảng phản đối một cách hòa bình sự xói mòn thường xuyên các quyền tự do dân chủ của thành phố bởi chính phủ Hương Cảng và chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Thông qua việc đề cử, các thành viên của Quốc hội tìm cách tôn vinh tất cả những người ở Hương Cảng mà sự dũng cảm và quyết tâm của họ khi đối mặt với sự đàn áp đã truyền cảm hứng cho thế giới.”

Tất cả những người được đề cử đều đã tham gia vào phong trào dân chủ của Hương Cảng, đặc biệt là kể từ năm 2019, khi các cuộc biểu tình quy mô lớn chống lại sự cai trị độc tài của Trung Quốc nổ ra trên lãnh thổ, một đặc khu hành chính của Trung Quốc.

Người Hương Cảng trong lịch sử đã được hưởng quyền tự do tôn giáo lớn hơn so với ở Trung Quốc đại lục, nơi các tín hữu tôn giáo thuộc mọi thành phần thường xuyên bị chính quyền cộng sản giám sát và hạn chế. Nhưng trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã tìm cách thắt chặt việc kiểm soát các hoạt động tôn giáo ở Hương Cảng dưới chiêu bài bảo vệ an ninh quốc gia.

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, 91 tuổi, là giám mục danh dự của Hương Cảng, đã lãnh đạo người Công Giáo của lãnh thổ này từ năm 2002 đến năm 2009. Là một người thẳng thắn ủng hộ tự do tôn giáo và dân chủ, Đức Hồng Y Quân cũng là người chỉ trích gay gắt thỏa thuận năm 2018 của Vatican với Bắc Kinh về việc bổ nhiệm các giám mục, được gia hạn vào tháng 10 năm 2022 với nhiệm kỳ hai năm khác.

Đức Hồng Y Quân đã bị chính quyền Hương Cảng bắt vào tháng 5 năm ngoái và đưa ra xét xử vì cáo buộc không ghi danh dân sự một quỹ ủng hộ dân chủ. Anh ta bị kết án và phải trả tiền phạt, mà anh ta đã kháng cáo.

Đức Hồng Y đã viết trên blog của mình vào ngày 31 Tháng Giêng rằng, sau khi trở về từ Rôma để dự tang lễ của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, ngài đã được điều trị trong bệnh viện sau khi bị khó thở.

Lê Trí Anh hay vắn tắt là Jimmy Lai là một doanh nhân và ông trùm truyền thông tỷ phú đã cải đạo sang Công Giáo vào năm 1997. Lai đã ủng hộ phong trào dân chủ Hương Cảng trong hơn 30 năm và đã nói rằng đức tin Công Giáo của ông là một yếu tố thúc đẩy chính trong quá trình vận động dân chủ của mình. Tờ báo do ông thành lập, Apple Daily, đã nổi bật trong nhiều năm là một ấn phẩm ủng hộ dân chủ mạnh mẽ chỉ trích chính phủ Trung Quốc ở Bắc Kinh trước khi nó bị buộc phải đóng cửa.

Lai đã bị bỏ tù từ tháng 12 năm 2020 vì tham gia vào các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ và đối mặt với khả năng bị kết án tù chung thân vì tội phương hại an ninh quốc gia. Vào ngày 13 tháng 12 năm 2022, một tòa án Hương Cảng đã hoãn phiên tòa xét xử an ninh quốc gia đối với Lai, ban đầu được lên kế hoạch vào tháng đó, sang đến tháng 9 năm 2023.
Source:Catholic News Agency
 
Vì sao Vatican trấn an các giám mục về thượng hội đồng đồng nghị?
Vu Van An
18:14 09/02/2023

Luke Copen trên The Pillar ngày 30 tháng 1, 2023 tường trình rằng: Hai nhân vật trung tâm trong tiến trình thượng hội đồng hoàn cầu đã công bố một bức thư dài gửi cho các giám mục thế giới hôm thứ Hai.



Trong bức thư, được công bố bằng sáu thứ tiếng, Đức Hồng Y Mario Grech và Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich nhấn mạnh rằng các giám mục có vai trò quyết định trong sáng kiến, được một số nhà bình luận mô tả là sự kiện quan trọng nhất của Giáo hội kể từ Công đồng Vatican II.

Tổng thư ký của văn phòng Thượng Hội đồng Giám mục, và Tổng Tường trình viên của Thượng hội đồng về tính đồng nghị, cho biết các ngài chia sẻ những suy tư của mình với cảm thức “khẩn cấp” trước một giai đoạn mới quan trọng trong tiến trình hoàn cầu.

Sự can thiệp của các ngài theo sau những lời chỉ trích rằng các giám mục chỉ là những tác nhân hỗ trợ trong tiến trình Thượng Hội Đồng, chứ không phải là những nhân vật hàng đầu được dự kiến khi thành lập Thượng Hội đồng Giám mục của Giáo hội. Bức thư cũng xuất hiện ngay sau một loạt khiếu nại của các giáo phẩm nổi tiếng, những người đã ta thán rằng sáng kiến này đang tạo ra những kỳ vọng sai lầm về những thay đổi đối với các tín lý và thực hành gây tranh cãi của Giáo hội.

Chính xác thì bức thư nói gì? Và tại sao Hai vị Hồng Y Grech và Hollerich cảm thấy cần phải nói điều đó ngay bây giờ? The Pillar giải thích như sau:

Bức thư nói gì?

Bức thư dài khoảng 1,700 chữ nhấn mạnh trong đoạn mở đầu rằng “không có việc thực thi tính đồng nghị của giáo hội nếu không thực hiện tính hiệp đoàn giám mục”.

Nó nâng đỡ điều này với việc tham chiếu văn kiện Episcopalis communio, tông hiến năm 2018 của Đức Phanxicô về Thượng Hội đồng Giám mục, một cơ quan cố vấn thường trực cho Đức Thánh Cha do Đức Phaolô VI thành lập vào năm 1965. Bức thư nói rằng điểm mới của Episcopalis communio là nó “đã biến đổi Thượng hội đồng từ một sự kiện thành một diễn trình, được khớp nối theo từng giai đoạn.”

Bức thư lập luận rằng, như Đức Phaolô VI đã nói trong tài liệu thành lập Apostolica sollicitudo, Thượng hội đồng “có thể được cải thiện theo thời gian,” và đây là điều đang xảy ra hiện nay.

Bức thư viết, “Episcopalis communio không hề làm suy yếu định chế giám mục, trái lại, trong việc làm nổi bật bản chất định hướng theo tiến trình của Thượng Hội đồng, đã làm cho vai trò của các Mục tử và sự tham gia của các ngài trong các giai đoạn khác nhau thậm chí còn quan trọng hơn”.

Sau đó, bức thư nhấn mạnh rằng “chủ đề duy nhất” để thảo luận trong giai đoạn cao điểm của tiến trình Thượng Hội Đồng, khi các giám mục gặp nhau tại Rôma vào tháng 10 năm 2023 và tháng 10 năm 2024, là chủ đề “Đối với một Giáo hội Đồng nghị: hiệp thông, tham gia, sứ mệnh”.

Đây là chủ đề chính thức được Đức Giáo Hoàng Phanxicô chọn cho hai cuộc họp được gọi tắt là “thượng hội đồng về tính đồng nghị” và gọi đầy đủ là Đại hội đồng Thường kỳ lần thứ 16 của Thượng Hội đồng Giám mục.

Bức thư bác bỏ ý kiến cho rằng có thể “biết trước những kết luận của Thượng Hội đồng sẽ là gì” hoặc “áp đặt một chương trình nghị sự cho Thượng Hội đồng, với ý định lèo lái cuộc thảo luận và xác định kết quả của nó”.

Hai Đức Hồng Y Grech và Hollerich nói: “Những người tuyên bố áp đặt bất cứ một chủ đề nào lên Thượng Hội đồng đã quên luận lý học vốn điều hướng tiến trình của Thượng Hội đồng: chúng ta được kêu gọi vạch ra một ‘đường lối chung’ bắt đầu với sự đóng góp của tất cả mọi người”.

Sau đó, bức thư mô tả tiến trình của sáng kiến kể từ khi bắt đầu vào tháng 10 năm 2021, lập luận rằng vì các giai đoạn của nó được liên kết chặt chẽ với nhau nên “các chủ đề khác không thể được đưa ra một cách lén lút, qua đó lợi dụng Đại hội đồng và bỏ qua sự tham khảo ý kiến của dân Chúa”.

Các tác giả của bức thư thừa nhận rằng “phạm vi hoặc giới hạn của chủ đề [Thượng Hội đồng Giám mục] không được xác định rõ ràng” trong giai đoạn lắng nghe ban đầu. Nhưng họ lập luận rằng “sự thiếu rõ ràng này đã giảm đi trong các bước tiếp theo.” Họ nói rằng điều này có thể được nhìn thấy trong các đệ trình của hội đồng giám mục lên Vatican trong giai đoạn cấp giáo phận, đó là “kết quả của việc biện phân của các Mục tử về những đóng góp được thực hiện trong quá trình tham khảo ý kiến của dân Chúa.”

Hai Đức Hồng Y Grech và Hollerich sau đó giải thích cách các giám mục nên xử lý “Tài liệu cho Giai đoạn Lục địa” (DCS), một bản văn nhằm hướng dẫn các cuộc thảo luận trong giai đoạn lục địa.

Họ nói: “Các chủ đề mà Tài liệu cho Giai đoạn Lục địa đề xuất không cấu thành chương trình nghị sự của Phiên họp Khoáng đại tiếp theo của Thượng Hội đồng Giám mục, nhưng trung thành gửi lại những gì phát xuất từ các bản tổng hợp do Thượng Hội đồng/Hội đồng của các Giáo hội sui iuris [tự lập] và các Hội Đồng Giám mục gửi về’, cung cấp một cái nhìn thoáng qua về khuôn mặt của một Giáo hội đang học cách lắng nghe Chúa Thánh Thần thông qua việc lắng nghe lẫn nhau.”

Các Hồng Y nói thêm rằng các phiên họp khoáng đại cấp châu lục, sẽ được tổ chức trên khắp thế giới vào tháng tới, có nhiệm vụ xác định “các ưu tiên, chủ đề định kỳ và lời kêu gọi hành động” trong khu vực của họ thông qua phản ánh về Tài liệu cho Giai đoạn Lục địa. Các hội đồng là những sự kiện trung tâm trong giai đoạn lục địa của tiến trình đồng nghị, diễn ra giữa giai đoạn cấp giáo phận và giai đoạn phổ quát.

Bức thư đề nghị rằng không thể giải quyết các câu hỏi “thường gây chia rẽ” mà không trả lời trước điều mà nó gọi là “câu hỏi lớn” sau Vatican II: “Này Giáo Hội, bạn nói gì về chính mình?” Nó nói rằng “câu trả lời nằm trong Giáo hội ‘có tính đồng nghị trong cơ cấu’, nơi tất cả được kêu gọi thực thi đặc sủng giáo hội của mình nhằm thực hiện sứ mệnh chung là truyền giảng Tin Mừng”.

Bức thư kết thúc với ba đoạn dày đặc nói về vai trò của các giám mục trong tiến trình thượng hội đồng.

Đoạn đầu tiên nói rằng hợp đoàn giám mục trên toàn thế giới tham gia vào sáng kiến ở “hai thời điểm”: “khi mỗi giám mục khởi xướng, hướng dẫn và kết thúc việc tham khảo ý kiến của dân Chúa được ủy thác cho ngài,” và “trong các giai đoạn liên tiếp, khi Các Giám mục cùng nhau thi hành đặc sủng biện phân của mình trong các Thượng hội đồng/Công đồng của các Giáo hội sui iuris [tự lập], trong các Hội đồng Giám mục, trong các Phiên hoáng đại lục địa và đặc biệt là trong Phiên họp Toàn thể của Thượng hội đồng”.

Đoạn thứ hai thúc giục các giám mục tiếp tục đi theo con đường đã vạch ra trong giai đoạn đầu tiên, coi tính đồng nghị không phải là “một phương pháp đơn thuần” mà là “một hình thức của Giáo hội và một phong cách để hoàn thành sứ mệnh truyền giảng Tin Mừng chung”.

Đoạn thứ ba và cũng là đoạn cuối cùng, chứa đầy những tham chiếu đến các tài liệu của Công đồng Vatican II, lập luận rằng việc tham gia vào tiến trình thượng hội đồng sẽ củng cố “sự liên kết hợp đoàn” của các giám mục trên thế giới.

Việc trích dẫn nhiều lần các tài liệu của Vatican II có thể là một phản ứng gián tiếp đối với cuộc tranh luận về việc liệu tiến trình đồng nghị có phải là một sự phát triển hữu cơ của tầm nhìn của Công đồng hay mâu thuẫn với sự khẳng định mạnh mẽ của nó về quyền hạn và trách nhiệm của các giám mục. Đây là bằng chứng, mà các tác giả của bức thư dường như đang gợi ý, rằng sáng kiến này phù hợp với Công đồng Vatican II.

Tại sao bây giờ?

Hai Đức Hồng Y Grech và Hollerich giải thích rằng các ngài viết bức thư này với cảm thức “khẩn cấp” vì các phiên họp khoáng đại cấp châu lục sẽ được tổ chức trong vài ngày nữa.

Điều mà các Hồng Y khẩn thiết muốn truyền đạt là “một vài cân nhắc” mà các ngài tin là cần thiết để hình thành “một sự hiểu biết chung về tiến trình thượng hội đồng, sự tiến triển của nó và ý nghĩa của giai đoạn lục địa hiện nay”.

Một cách mặc nhiên, các ngài lo ngại rằng hiện đang thiếu “sự hiểu biết chung” giữa các giám mục.

Có lẽ cũng có những lý do không được nói ra để công bố bức thư ngay bây giờ: tiến trình thượng hội đồng đã bị Đức Hồng Y George Pell chỉ trích dữ dội ngay trước khi ngài qua đời vào ngày 10 tháng Giêng.

Trong một bài báo cho tạp chí Spectator của Vương quốc Anh, người đả kích hạng nặng người Úc đã mô tả sáng kiến này là một “cơn ác mộng độc hại” và Tài liệu cho Giai đoạn Lục địa là “một trong những tài liệu rời rạc nhất từng được gửi đi từ Rome.”

Trong khi đó, cựu bộ trưởng tín lý của Vatican, Đức Hồng Y Gerhard Müller, đã mô tả sáng kiến này là một “sự dân chủ hóa, một sự Thệ phản hóa trên thực tế”.

Cũng trong khoảng thời gian đó, Đức Hồng Y Robert McElroy của Hoa Kỳ — một người nhiệt tình ủng hộ tiến trình thượng hội đồng — gợi ý rằng các thượng hội đồng quốc tế vào năm 2023 và 2024 sẽ là diễn đàn cho các cuộc tranh luận gay gắt về các chủ đề như nữ phó tế và linh mục.

Những cách giải thích tương phản rõ rệt của các Hồng Y về sáng kiến này có thể đã thuyết phục hai Đức Hồng Y Grech và Hollerich rằng họ cần can thiệp và trao đổi trực tiếp với hàng giám mục hoàn cầu về thiết kế và nội dung của tiến trình Thượng Hội Đồng.

Ngoài những can thiệp thu hút sự chú ý, dường như có sự nghi ngờ lớn hơn trong Hồng Y đoàn về vai trò của các giám mục trong tiến trình Thượng Hội Đồng. Một số trình thuật nói rằng mối lo ngại đã được nêu ra trong cuộc họp kín của các Hồng Y ở Rome vào tháng 8.

Sự dè dặt đã được thể hiện một lần nữa vào tháng 10 năm ngoái khi các nhà tổ chức thượng hội đồng công bố Tài liệu cho Giai đoạn Lục địa, tức tài liệu làm việc cho giai đoạn lục địa.

Một phân tích của The Pillar vào thời điểm đó cho biết hướng dẫn của các nhà tổ chức thượng hội đồng gợi ý rằng, cho đến giai đoạn cuối cùng, “nhiệm vụ chính của các giám mục giáo phận là thu thập thông tin, thu thập ấn tượng, đối chiếu và tổ chức các câu trả lời cho các báo cáo, thu thập câu trả lời cho các câu hỏi”.

Phân tích trên viết: “Dường như không có chỗ cho phần biện phân được gọi là phán đoán”.

Bức thư của Vatican nhằm trấn an các giám mục rằng không ai mong các ngài khoanh tay ngồi đó trong các giai đoạn đầu của tiến trình thượng hội đồng, chỉ đóng vai trò đơn thuần làm máng chuyển cho vox populi (tiếng nói giáo dân), bất chấp hướng dẫn ban đầu từ các viên chức thượng hội đồng dường như gợi ý một vai trò hạn chế đối với các giám mục giáo phận.

Mặc dù bức thư mới dài nhưng nội dung của nó không có gì đặc biệt đột phá. Như Đức Hồng Y Grech đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn của Vatican News hôm thứ Hai, trong căn bản, ngài và Đức Hồng Y Hollerich chỉ nhắc nhở các giám mục “về những sự thật căn bản mà chúng tôi đã đề cập ngay từ đầu của diễn trình này”.

Đức Hồng Y Grech nói một cách gượng gạo “Như người ta nói, repetita iuvant [việc lặp lại có ích]”.

Các nhà tổ chức Thượng hội đồng có thể hy vọng rằng nếu họ giải quyết các dè dặt ngay bây giờ, thì một hàng giám mục hợp tác và đoàn kết hơn sẽ tập hợp tại Vatican vào tháng 10 này. Nhưng nếu nỗ lực trấn an không thành công, thì giai đoạn “hành trình đồng nghị” vào tháng 10 ở Rôma có thể là một giai đoạn không thoải mái.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh hang đá Đức Mẹ Lourdes
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
10:19 09/02/2023
Hình ảnh hang đá Đức Mẹ Lourdes

Ngày 11. 02.1858 Đức Mẹ Maria cho tới ngày 16.07.1858 đã tất cả 18 lần hiện ra với cô bé Bernadette Soubirous ở hang động vách núi đá Massabielle bên Lourdes,bờ sông Gave de Pau ở miền nam nước Pháp.

Lần hiện ra thứ 16., ngày 25.03.1858, Đức Mẹ đã nói với Bernadette bằng tiếng địa phương „Que soy era Immaculada Counceptiou - Mẹ là đấng vô nhiễm nguyên tội.“

Giáo Hội Công Giáo Roma hằng năm đã thành lập lễ mừng kính nhớ Đức Mẹ Lourdes vào ngày 11.tháng Hai.

Hình ảnh hang đá Đức Mẹ Lourdes nói lên gì trong nếp sống đạo đức?

Đức Mẹ hiện ra với Bernadette ở hang động vách núi đá Massabielle. Hang động này thời Bernadette sinh sống dơ bẩn, tối tăm, ẩm ướt và lạnh. Người ta gọi hang động này là một loại chuồng heo. Vì dân chúng ở đây thường dẫn heo ra ăn cỏ và tắm. Nhưng Đức Mẹ Maria, đấng tinh tuyền vẹn sạch không vướng mắc tội tổ tông truyền đã chọn nơi hang động dơ bẩn này hiện ra với Bernadette.

Hai hình ảnh, hai sự kiện trái ngược nhau, có thể nói như ánh sáng với bóng tối, như trắng với đen, trong sạch với dơ bẩn... Điều này nói lên Thiên Chúa qua Đức Mẹ Maria với trái tim lòng yêu mến muốn đến gặp gỡ con người trong tình trạng bơ vơ khốn quẫn, vì tội lỗi khiếm khuyết trong đời sống.

Hang đá Đức Mẹ Lourdes không phải chỉ là nơi chốn hình thể địa lý, nhưng còn là nơi chốn theo ý nghĩa tâm linh, Thiên Chúa tỏ cho con người dấu chỉ Ngài hằng yêu thương con người, dù thế nào đi chăng nữa.

Hang đá này cũng là nơi Thiên Chúa gửi cho con người sứ điệp: Ngài đến với con người, Ngài yêu mến đời sống con người với thành công và cả với những vết thương đau khổ, những đổ vỡ, những dơ bẩn trong đời sống, những hạn chế giới hạn của con người.

Hằng năm có trên dưới 6 triệu khách hành hương đến kính viếng hang đá Đức Mẹ Lourdes. Họ đến nơi đây để cầu khấn xin ơn phù hộ, nhất là xin được chữa lành bệnh tật đau khổ nơi thân xác cũng như trong tâm hồn. Vì thế hằng năm có tới hơn 60.000 bệnh nhân khắp nơi trên thế giới được đưa đến nơi này hành hương cầu khấn xin ơn chữa lành. Cho tới nay có nhiều người được ơn chữa lành nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ Lourdes. Nhưng Giáo Hội cho tới bây giờ mới chỉ công nhận là phép lạ chữa lành do Đức Mẹ Lộ Đức có 68 trường hợp thôi.

Khi đến đây hành hương hầu như ai cũng muốn sống trải qua những nghi thức đã thành nếp sống đạo đức từ hơn trăm năm nay.

Hành hương Đức Mẹ Lourdes ai cũng mong muốn đi vào hang đá, nơi ngày xưa năm 1858 Đức Mẹ đã hiện ra với Thánh nữ Bernadette. Đi vào nơi thánh địa Lourdes, ai cũng lâm râm đọc kinh cầu khấn, tay chạm sờ vào tảng đá trên đỉnh đầu ngay dưới chân Đức Mẹ ngày xưa đã hiện ta đứng trên đó.

Đụng chạm sờ vào „ tảng đá thánh thiêng“ này không phải là để cho sức mạnh chữa lành chuyền sang mình. Nhưng với tâm tình lòng mong muốn được đụng chạm gần với tảng đá, như trong Kinh Thánh diễn tả, là dấu chỉ của Thiên Chúa.

Hang động trong núi đá tựa như căn phòng che chắn cho được an toàn trong thiên nhiên. Như ở hang đá Bethlehem và mộ đá vườn Gethsemani, tảng đá nơi hang động này cũng có ý nghĩa chiều kích siêu nhiên thiêng liêng. Ngày xưa khi được Đức Mẹ hiện ra trong hang đá Massabielle, chị Bernadette đã theo trực gíac lòng tin nói lên „đây là bầu trời của tôi“.

Vì thế, những người hành hương đến nơi đây được mời gọi mở tâm hồn mình hướng về siêu nhiên thiêng liêng. Đi v ào hang núi đá đụng chạm vào tảng đá và cầu khấn cùng Thiên Chúa, xin Ngài là bến bờ vững chắc an toàn cho đời mình. Cùng hướng tầm nhìn lên nguồn nước không hề bị khô cạn trong hang đá này.

„Lạy Chúa là núi đá, là thành lũy, là Đấng giải thoát con,
Lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn, là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ.“ ( Tv 18, 3)

Nơi cửa hang đá Đức Mẹ hiện ra từ ngày 19.02.1958 không ngừng nghỉ gián đoạn ngày đêm những ngọn nến xếp thành nhiều tầng như một ngọn tháp hình khối tròn từ dưới mặt đất vươn lên trời cao được đốt thắp cháy sáng xuyên suốt. Những hàng ngọn nến cháy sáng lung linh trước hang đá Đức Mẹ Lourdes không chỉ chiếu tỏa vẻ đẹp trang trí nghệ thuật văn hóa, nhưng còn tỏa nét linh thiêng nhiệm mầu diễn tả tâm tình lòng thành khẩn yêu mến cậy trông của con người.

Năm xưa Chị Bernadette tay cầm cây nến đã được làm phép đốt cháy sáng đi vào hang đá gặp Đức Mẹ Maria hiện ra. Và sau khi diện kiến Đức Mẹ hiện ra, và Bernadette đã để cây nến cháy sáng của mình lại trong hang đá. Cũng trong ngày đó, một vài cây nến của những người khác cùng đi với Bernadette cũng được đốt sáng lên cắm tại hang đá này.

Từ ngày đó khách hành hương không ngừng nghỉ ngày và đêm thắp sáng những cây nến nơi hang đá này. Điều này đã trở thành tập tục nếp sống đạo đức ở nơi đây. Một ngọn nến của người hành hương đốt thắp nơi hang đá diễn tả hình ảnh dấu chỉ rõ nét hữu hình của lòng tin lời cầu xin hay lời tạ ơn.

Hằng năm hàng triệu người đến thắp nến cầu nguyện nơi hang đá Lourdes. Theo ước tính tất cả hơn kém 700 tấn nến được dùng đốt thắp ngày đêm trong suốt cả năm tại nơi đây.

Ánh sáng ngọn nến nhắc nhớ tới Ông Bà nguyên tổ Adong Eva đã lỗi phạm luật Thiên Chúa, nên bị xua đuổi đi vào sống trong bóng tối tội lỗi.Trái lại Chúa Giêsu Kitô đã đến trần gian mang ơn cứu độ cùng sự soi sáng cho con người khỏi bóng tối tội lỗi. Cây nến cháy sáng nhắc nhớ đến cây nến Chúa Phục sinh, và cây nến Rửa tội của mỗi người ngày lãnh nhận Bí tích rửa tội.

Hằng ngày vào buổi chiều tối ở Lourdes đều có rước kiệu Đức Mẹ, hàng chục ngàn người tay cầm nến cháy sáng lung linh trong đêm tối, vừa đi vừa đọc kinh ca hát biểu lộ rõ nét dấu chỉ niềm vui mừng hy vọng cậy trông.

Chúa Giêsu đã nói với mọi người:“ Thầy là ánh sáng trần gian. Ai theo Thầy sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.“ (Ga 8,12)

Lần hiện ra ngày 25.03.1858 Đức Mẹ Maria đã nói với Bernadette : „Con hãy uống nước này và lấy nước đó mà rửa mặt“. Lời này cũng là lời mời gọi cho mỗi người khi đến hành hương nơi dòng nước Đức Mẹ Lourdes. Vì thế, xưa nay ai đến đây cũng đều lấy nước suối Đức Mẹ Lourdes rửa mặt, uống, cùng lấy mang về, hay vào hồ dành riêng để tắm.

Đây là cung cách sống lòng đạo tốt lành. Nước suối Lourdes không là nước từ dòng sông Gave de Pau chảy vào. Nhưng là nước thiên nhiên chảy vọt lên từ nguồn dòng nước sâu trong lòng đất.

Nước suối Lourdes trở nên thời danh qua nhờ những phép lạ chữa bệnh, mà người bệnh tắm dìm mình trong nước đó, hay rửa tay, rửa mặt và uống nữa. Nước suối Đức Mẹ Lourdes là dấu chỉ của lòng tin, như chị Thánh Bernadette đã nói cho mọi người:“ Chúng ta dùng nước này như phương dược chữa lành, nhưng phải có lòng tin, và phải cầu nguyện. Nước này không mang lại hiệu qủa nếu không có đức tin“. Đức Giê-su nói: "Ai uống nước này, sẽ lại khát.14 Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời." Ga 4,14).

Nơi thánh địa Lourdes những bệnh nhân, những người tân tật được mang đưa đến hành hương. Từng đoàn người như một dòng nước chảy trên những chiếc xe đẩy khắp vùng trung tâm thánh địa. Hình ảnh một thánh địa Lourdes sẽ như thế nào, nếu không có những bệnh nhân, người tàn tật được đưa đến đây xin ơn chữa lành?

Hằng năm có hơn 60.000 người bệnh, người tàn tật từ khắp mọi nơi trên thế giới đến đây hành hương. Nơi thánh địa Đức Mẹ Lourdes, họ cảm nhận thấy đây là bến bờ sự an ủi, sự an bình và tình yêu thương chiếu tỏa từ trời cao, cùng từ những con ngươi săn sóc họ, cho tâm hồn họ. Và có nhiều người được ơn chữa lành bệnh thể xác.
Lourdes là nơi chốn của phép lạ siêu nhiên, nơi chốn sự chữa lành những vết thương đau khổ. Càng ngày có nhìều người bệnh, người tàn tật đến hành hương, nên ở Lourdes có đội ngũ những người thiện nguyện làm công việc đưa đón săn sóc những bệnh nhân, như đẩy xe di chuyển đưa họ đến hang đá cầu nguyện, đưa dẫn họ đến hồ suối nước tắm. Thánh địa Lourdes trở thành nơi chốn của dấu chỉ tình bác ái yêu thương và tha thứ làm hòa cho trái tim tâm hồn.

Trong Kinh cầu Đức Bà có câu khấn nguyện: Salus infirmorum - Đức Bà cứu kẻ liệt kẻ khốn! Nói lên lòng tin tưởng cậy trông, qua lời bầu cử của Đức Mẹ Maria, xin Thiên Chúa chữa lành bệnh nạn phần thể xác cũng như phần tinh thần tâm hồn. Và như thế, những người đau khổ vì bệnh nạn đến hay được đưa đến Lourdes cầu xin khấn nguyện với tâm nguyện đó. Thiên Chúa đã sáng tạo ban cho con người sự sống, chắc chắn Ngài cũng ban cho con người ơn chữa lành an ủi cho đời sống, nhờ lời bầu cử của Đức Mẹ Maria, mẹ Thiên Chúa.

Và từ năm 1993 Đức Thánh giáo hoàng Phaolô 2. đã thiết lập Ngày thế giới bệnh nhân trong Giáo Hội Công Giáo vào ngày lễ kỷ niệm Đức Mẹ Lourdes, ngày 11. tháng Hai hằng năm, cầu nguyện cho các người đang trong cơn bị bệnh tật nhận được ơn an ủi xoa dịu chữa lành thể xác cũng như tinh thần tâm hồn từ Thiên Chúa, Đấng là nguồn sự sống cùng ơn chữa lành bình an.

Đức Thánh Cha Phanxico kêu mời mọi người nhớ đến những người đau bệnh trong tinh thần cùng đồng hành liên đới: “ Vào Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ XXXI này, khi toàn thể Giáo hội đang trên lộ trình Hiệp hành, tôi mời gọi anh chị em cùng suy tư về sự thật rằng chính nhờ kinh nghiệm về sự mong manh và bệnh tật mà chúng ta có thể học cách cùng nhau bước đi theo phong cách của Thiên Chúa, đó là sự gần gũi, trắc ẩn và dịu dàng…

Ngày Thế giới Bệnh nhân không chỉ mời gọi cầu nguyện và gần gũi với những người đau khổ. Đồng thời, nó cũng nhằm mục đích khơi dậy nơi dân Chúa, các tổ chức chăm sóc sức khỏe và xã hội dân sự về một phương thức mới để cùng nhau tiến tới.`’ ( Đức Giáo Hoàng Phanxico, Thông điệp Ngày thế giới bệnh nhân 11.02.2023).

Đến với Đức Mẹ Lourdes là đến với nguồn ơn suối nước Bí tích thanh tẩy cầu khấn cho tâm hồn cũng như thân xác con người với lòng tin tưởng cậy trông được thoát khỏi ách bóng tối tội lỗi sự dữ đè nặng đời sống.

“-Đoàn con từ khắp năm châu, kính dâng Đức Mẹ:
lòng con yêu mến Mẹ hiền với hương hoa trước tòa
Ave, Ave Maria – Ave, ave Maria!

-Đời con nhiều nỗi thương đau, tránh sao bao suối lệ tràn!
Mẹ ơi, xin hãy ôm con xiết trong đôi cánh tay Mẹ.
Ave, Ave Maria – Ave, ave Maria!”

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Có Một Vườn Ê-Đen Như Thế
Sơn Ca Linh
18:26 09/02/2023
Có Một Vườn Ê-Đen Như Thế

Một cách áp dụng thực hành “Laudato Sí”

Thượng Đế dựng lên mặt trời…
Nhưng Ngài cũng cho bóng mát.
Ngài đã làm ra sa mạc hoang vu gió cát…
Nhưng Ngài cũng gởi về nhưng cơn gió dịu mùa xuân.
Ngài muốn A-đam
Phải đổ mồ hôi và học biết khó nhọc gian truân,
Nhưng Ngài muốn thấy E-và
Có nụ cười tươi và ánh nhìn dễ mến.

Ngài sáng tạo mênh mông đất trời bao la núi biển…
Và điểm tô vũ trụ bằng muôn vạn tinh tú ngàn hoa…
Nhưng loài người vẫn là “con mang hình ảnh của Cha”,
Để thay Ngài mà chăm sóc “vườn Ê-đen dương thế”.

Và từ đó trải muôn ngàn thế hệ,
Bàn tay con người hết phá đổ lại dựng xây !
Lấp cạn những dòng sông, phá sạch rừng cây…
Để sau đó lại tái tạo môi sinh, “phủ xanh đồi trọc”…

“Vườn Ê-đen bây giờ”,
Đêm vắng tiếng dế kêu, ngày thưa dần chim chóc…
Người ta thích “về thành” bỏ lại xóm làng vắng vẻ chân quê.
Thích thiên đường của giàu sang hưởng thụ lộng lẫy xum xoe
Nên lũy tre làng, bờ ruộng xanh… còn đâu là bóng mát !

Ai khôn mặc ai
Cố đi tìm chốn quyền quý cao sang đài các,
Ta dại ta về,
Ngồi bên ao cá đạm bạc dưới tán dừa xanh…
Vài cái bánh xèo, miếng gà nướng, một bát canh…
Thiên đường chân quê,
Vâng, đã có một vườn Ê-đen như thế !

Sơn Ca Linh (Trưa 9.2.2023 với các chị Nhà Tập Nữ tỳ tại Làng Sông)




 
VietCatholic TV
Đại tang của quân Nga. Âu Châu đón Zelenskiy như người hùng. Zelenskiy quá hay, Nga hô hào ám hại
VietCatholic Media
03:41 09/02/2023


1. Tấn công không chuẩn bị, quân Nga tiếp tục thiệt hại rất nặng: 910 quân, cùng với 8 xe tăng, 15 xe thiết giáp, một chiến đấu cơ Sukhoi 25 và một máy bay trực thăng Ka-52.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Năm mùng 9 tháng Hai, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết Nga đã tăng cường rất mạnh các vụ pháo kích vào các khu dân cư và hạ tầng cơ sở ọc theo giới tuyến, đặc biệt là trong khu vực Kharkiv do lực lượng Ukraine tái chiếm vào tháng 9 năm ngoái, cũng như ở các khu vực khác ở miền bắc Ukraine.

“Quân xâm lược tiếp tục bắn súng cối vào biên giới khu vực Sumy” 12 lần vào tối thứ Tư tại khu vực Seredyna-Buda - ngay gần biên giới Nga”.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết lực lượng Nga đã sử dụng các cuộc không kích để hỗ trợ quân đội gần Bakhmut. Một chục khu định cư trong khu vực đang bị pháo kích.

Lữ đoàn 46 của Ukraine, đã ở khu vực Bakhmut trong vài tuần qua, cho biết quân Nga đã tiến đến một đường cao tốc phía tây bắc thành phố và giao tranh đang diễn ra rất ác liệt ở đó. Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết quân Nga đã tung các chiến đấu cơ lên trợ chiến. Một chiếc Su-25 trị giá 11 triệu Mỹ Kim của Nga đã bốc cháy trên bầu trời. Những chiếc còn lại bỏ chạy trước hệ thống phòng không dày đặc của quân Ukraine.

Ông cho biết cũng có các cuộc không kích dọc theo các khu vực khác của chiến tuyến trong tỉnh Donetsk, về phía tây nam thành phố Donetsk hiện bị Nga tạm chiếm. Khu vực đó đã chứng kiến giao tranh dữ dội với sự tham gia của xe tăng và pháo binh trong những tuần gần đây khi các lực lượng Nga cố gắng phá vỡ hệ thống phòng thủ của Ukraine.

Trong tỉnh Luhansk, Sư Đoàn Xe Tăng Cận Vệ Số 4 và Sư Đoàn Súng Trường Cơ Giới Số 2 thuộc Tập Đoàn Quân Xe Tăng Cận Vệ số Một của Nga tiếp tục chịu thiệt hại rất nặng dọc theo xa lộ P66 nối Svatove và Kreminna. Quân Nga đã tấn công thị trấn Chervonopopivka, nhưng không thành công, tháo chạy bỏ lại 4 hệ thống pháo và một hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt. Nga tung máy bay trực thăng lên yểm trợ cho Sư Đoàn Súng Trường Cơ Giới số 2 rút lui. Một chiếc trực thăng Ka-52 đã bị bắn rớt.

Trong vùng Kherson cũng có các cuộc pháo kích dữ dội vào các thị trấn và làng mạc ở các vùng mới được giải phóng ở phía nam. Tổng cộng 10 khu vực đã bị pháo kích, bao gồm cả thành phố Kherson.

Trong ngày qua, không quân Ukraine đã thực hiện 21 cuộc tấn công vào các khu vực tập trung quân và thiết bị quân sự và 3 cuộc tấn công vào các vị trí đặt hệ thống hỏa tiễn phòng không. Trong nỗ lực ngăn chặn một cuộc tấn công của quân Nga tại Zaporizhzhia, pháo binh Ukraine đã bắn trúng một tổng kho xăng dầu của quân xâm lược.

Trong 24 giờ qua, Nga đã mất 910 quân, cùng với 8 xe tăng và 15 xe thiết giáp.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 9 Tháng Hai, khoảng 134.100 quân Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổng thiệt hại chiến đấu của quân xâm lược còn bao gồm 3.253 xe tăng, 6.458 xe thiết giáp, 2.236 hệ thống pháo, 461 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 228 hệ thống tác chiến phòng không, 295 máy bay, 285 máy bay trực thăng, 1.961 máy bay không người lái, 796 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.112 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 211 đơn vị thiết bị đặc biệt.

2. Tường thuật chuyến công du Vương Quốc Anh của tổng thống Volodymyr Zelenskiy

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, đã có chuyến thăm bất ngờ tới Vương quốc Anh vào hôm thứ Tư. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông kể từ cuộc xâm lược của Nga - khi ông tìm cách thu hút sự ủng hộ của phương Tây. Ông Zelenskiy đã được chào đón tại Anh như một người anh hùng.

Zelenskiy đáp xuống sân bay trên một chiếc máy bay của Lực lượng Không quân Hoàng gia vào sáng thứ Tư, mặc bộ quân phục quen thuộc, ngay sau khi Phủ thủ tướng đưa ra thông báo bất ngờ rằng ông sẽ đến Vương quốc Anh. Đây là chuyến thăm nước ngoài thứ hai của tổng thống Ukraine kể từ cuộc xâm lược của Nga gần một năm trước.

Ông Zelenskiy đã được thủ tướng Anh, Rishi Sunak ôm hôn, người đã hứa với anh ấy viện trợ quân sự bổ sung, trước khi hai người lái xe rời đi trong một đoàn xe có cảnh sát hộ tống.

Các quan chức Anh cho biết sự hỗ trợ như đã hứa sẽ bắt đầu với “sự gia tăng ngay lập tức các thiết bị quân sự” và đề xuất “tăng cường đề nghị đào tạo của Vương quốc Anh cho quân đội Ukraine, bao gồm mở rộng chương trình này cho các phi công máy bay chiến đấu” để giúp họ lái các máy bay phản lực tiêu chuẩn của NATO. Phủ thủ tướng cho biết Sunak cũng có ý định đề nghị bắt đầu một chương trình huấn luyện ngay lập tức cho Thủy Quân Lục Chiến Ukraine.

Sunak cho biết ông và Zelenskiy có “rất nhiều điều để thảo luận” khi chào đón tổng thống Ukraine đến Phủ thủ tướng. Đứng trước cờ Vương quốc Anh và Ukraine trong Phòng Trắng số 10, hai nhà lãnh đạo bắt tay trước máy quay trước khi hội đàm riêng.

Zelenskiy cho biết đây là một “vinh dự lớn” khi được đến thăm Vương quốc Anh và cảm ơn Vương Quốc Anh vì “sự hỗ trợ to lớn từ những ngày đầu tiên của cuộc xâm lược toàn diện”. Trước đó, Ông Zelenskiy và Sunak được nhìn thấy đang trò chuyện khi họ đi bộ từ xe hơi của họ đến phủ thủ tướng. Sau đó, hai người bắt tay nhau ở cửa trước và vẫy tay về phía máy quay.

3. Bài phát biểu của Tổng thống Zelenskiy tại Hội trường Westminster

Zelenskiy đã sử dụng bài phát biểu của mình tại Hội trường Westminster, trước sự chứng kiến của các nghị sĩ bao gồm Sunak và thủ lĩnh phe đối lập, Keir Starmer, để cảm ơn Vương quốc Anh sau đề nghị hỗ trợ quân sự bổ sung, bao gồm cả đề nghị đào tạo phi công vận hành máy bay chiến tranh hiện đại. Ông Zelenskiy đã đặc biệt vinh danh cựu thủ tướng Boris Johnson vì sự ủng hộ quyết liệt và kịp thời ngay từ những ngày đầu của cuộc xâm lược do Putin phát động.

Tổng thống Ukraine cũng kêu gọi Vương quốc Anh và các đồng minh phương Tây khác cung cấp “đôi cánh cho tự do” bằng cách cung cấp cho lực lượng không quân của mình các máy bay phản lực tiên tiến để những phi công đó bay.

Mở đầu phiên họp, phát ngôn nhân của Commons, Lindsay Hoyle, nói với Zelenskiy: “Hội trường này là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại. Sự hiện diện của bạn ở đây hôm nay bổ sung thêm cho những điều đó”.

Zelenskiy cho biết ông đến Vương quốc Anh “thay mặt cho mọi người cha và mọi người mẹ đang chờ đợi những đứa con trai và con gái dũng cảm của họ trở về nhà sau chiến tranh”.

Ông tặng Hoyle chiếc mũ phi công Ukraine có dòng chữ: “Chúng tôi có tự do, hãy cho chúng ta đôi cánh để bảo vệ nó”.

Kết thúc bài phát biểu của mình, ông nói với các nghị sĩ: “Rời quốc hội Anh hai năm trước, tôi đã cảm ơn các bạn vì trà Anh ngon tuyệt. Và tôi sẽ rời quốc hội hôm nay để cảm ơn tất cả các bạn trước vì những chiếc máy bay mạnh mẽ của Anh.”

Sau đó, Tổng thống Zelenskiy đã đến thăm Vua Charles Đệ Tam. Zelenskiy được chào đón bởi Trung tá Johnny Thompson, là quan thị thần của Vua Charles Đệ Tam, khi ông đến Cung điện Buckingham.

Ông gọi cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai người là một “vinh dự”. Ông Zelenskiy nói thêm: “Đó là một khoảnh khắc thực sự đặc biệt đối với tôi, đối với đất nước của chúng tôi, và đặc biệt bởi vì tôi đã chuyển đến nhà vua từ tất cả những người Ukraine những lời biết ơn vì sự hỗ trợ mà Bệ hạ đã dành cho họ khi vẫn còn là Thái tử của xứ Wales.”

Khi gặp gỡ Tổng thống Zelenskiy, Vua Charles Đệ Tam nói: “Tất cả chúng tôi đều rất lo lắng cho ông.”

4. Tổng thống Zelenskiy thăm các binh sĩ Ukraine đang thụ huấn tại Anh

Sau cuộc gặp gỡ với Vua Charles Đệ Tam, Tổng thống Zelenskiy đã đến thăm các binh sĩ Ukraine đang được huấn luyện trên Đồng bằng Salisbury, ở Wiltshire.

Tổng thống Zelenskiy và Thủ tướng Sunak đến Trại Lulworth, ở Dorset, bằng trực thăng ngay trước 5 giờ chiều. Ông đã trao huy chương cho một số quân nhân của mình và cùng với thủ tướng được xem một thiết bị mô phỏng hoạt động của xe tăng Challenger 2 mà Ukraine sắp được trang bị.

Sunak nói với các binh sĩ Ukraine đang tập hợp: “Thật vinh dự cho chúng tôi khi có tất cả các bạn ở đây và lòng dũng cảm của các bạn cũng như của gia đình các bạn đang truyền cảm hứng cho chúng tôi.”

Phát biểu tại cuộc họp báo sau đó, Sunak cho biết các quân nhân Ukraine đã học rất nhanh, và xe tăng Challenger 2 sẽ tham chiến trong vòng một tháng tới.

5. Đại sứ quán Nga chế giễu chuyến thăm của Zelenskiy tới Vương quốc Anh sau khi nhà lãnh đạo Ukraine nhận được nhiều hỗ trợ quân sự hơn. Các bloggers quân sự Nga kêu gọi thanh toán Tổng thống Zelenskiy.

Đại sứ quán Nga tại Luân Đôn đã mô tả chuyến đi của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tới Vương quốc Anh vào thứ Tư là một “sự kiện vội vàng”, “buổi biểu diễn sân khấu”, “sự kiện gây quỹ” và “cựu diễn viên hài mặc áo xanh hiện đang đi lưu diễn vòng quanh Âu Châu”.

Đáp lại việc Vương quốc Anh nói rằng họ đang “tích cực xem xét” xem có nên gửi máy bay chiến đấu tới Ukraine hay không, đại sứ quán cảnh báo rằng “Nga sẽ biết cách đáp trả bất kỳ hành động không thân thiện nào của phía Anh”.

“Chúng tôi muốn nhắc nhở Luân Đôn: trong trường hợp xảy ra kịch bản như vậy, số người chết trong một đợt leo thang khác sẽ gia tăng, cũng như những hậu quả chính trị-quân sự của nó đối với lục địa Âu Châu và toàn thế giới sẽ nằm trong tay Vương quốc Anh.” Đại sứ Andrey Kelin của Nga tại Anh cho biết trong một tuyên bố.

Trước đó vào thứ Tư, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết “khi đề cập đến việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine, không có gì phải bàn cãi” khi được hỏi liệu Anh có cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine hay không. Tổng thống Zelenskiy cũng cho biết hai nước đã đạt được thỏa thuận về “gói phòng thủ mạnh mẽ”.

Trong khi đó, các bloggers quân sự Nga cũng gióng lên một hồi chuông cảnh báo về sự lợi hại của Tổng thống Zelenskiy trong việc vận động các nước Âu Châu viện trợ cho Ukraine. Họ cho rằng Nga rất khó có thể kết thúc sớm “chiến dịch đặc biệt” ngày nào Tổng thống Zelenskiy còn sống. Nhiều bloggers phò Điện Cẩm Linh đi xa đến mức hô hào giết chết Ông Zelenskiy khi ông trở về từ Tây Âu.

6. Tường thuật chuyến công du Pháp của tổng thống Volodymyr Zelenskiy

Sau một ngày ở Vương quốc Anh, Zelenskiy đã bay từ Luân Đôn đến Paris để gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ông được chào đón tại thủ đô nước Pháp bởi Sébastien Lecornu, bộ trưởng lực lượng vũ trang của Pháp.

Volodymyr Zelenskiy đã tận dụng chuyến thăm Paris để thúc giục Âu Châu cung cấp máy bay chiến đấu và vũ khí hạng nặng cho Ukraine càng sớm càng tốt.

“Ukraine càng sớm có được vũ khí hạng nặng tầm xa, phi công của chúng tôi càng sớm có máy bay, thì sự gây hấn của Nga càng sớm kết thúc và chúng ta có thể đưa hòa bình trở lại với Âu Châu,” Tổng thống Ukraine nói khi đến Điện Elysée hôm thứ Tư sau một ngày bận rộn với các vận động ngoại giao ở Luân Đôn.

Macron kiên quyết ủng hộ Zelenskiy, nói rằng Pháp quyết tâm giúp Ukraine hướng tới “chiến thắng, hòa bình và Âu Châu” cũng như “tái lập các quyền hợp pháp của họ”. Ông cho biết Paris sẽ “tiếp tục nỗ lực” cung cấp vũ khí cho Kyiv nhưng không đưa ra thêm chi tiết. Macron nói thêm: “Nga không thể và không được phép thắng”. Ông nói rằng “tương lai của Âu Châu” đang bị đe dọa ở Ukraine.

Zelenskiy đã gặp Macron và thủ tướng Đức, Olaf Scholz, trong một bữa tối làm việc được tổ chức vội vàng tại Elysée.

Scholz gọi Ukraine là một phần của “gia đình Âu Châu”. Ông cho biết Đức và các đối tác đã hỗ trợ Ukraine “về tài chính, viện trợ nhân đạo và vũ khí”, đồng thời nói thêm: “Chúng ta sẽ tiếp tục làm như vậy chừng nào còn cần thiết”.

Đức mới đây đã bật đèn xanh cho xe tăng chiến đấu Leopard tới Ukraine sau chiến dịch ráo riết của ông Zelenskiy và các nước đồng minh. Bộ trưởng Quốc phòng Đức cho biết Berlin hy vọng sẽ chuyển giao tiểu đoàn xe tăng đầu tiên cho Ukraine vào tháng Tư.

7. Tổng thống Zelenskiy nhận định Macron đã thay đổi rất nhiều

Trong một cuộc phỏng vấn được đăng trên tờ Le Figaro vào tối thứ Tư, Zelenskiy cho biết Macron đã trải qua một sự thay đổi đáng kể về lập trường của ông đối với Ukraine sau khi tổng thống Pháp tìm cách giữ các kênh mở với Nga trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột.

Trong năm qua, Zelenskiy đã có lúc tỏ ra thiếu kiên nhẫn với Macron, người đã thường xuyên có các cuộc điện đàm với tổng thống Nga, Vladimir Putin, ngay cả sau cuộc xâm lược và đã bày tỏ lo ngại rằng Nga không nên bị bẽ mặt trong bất kỳ giải pháp cuối cùng nào.

Nhưng Macron trong những tháng gần đây đã chỉ ra rằng Pháp muốn hỗ trợ Ukraine “đến chiến thắng cuối cùng” và sẽ gửi xe tăng hạng nhẹ, trong một động thái khiến Đức cũng phải làm theo với xe tăng chiến đấu.

“Tôi nghĩ tổng thống Macron đã thay đổi,” Zelenskiy nói với Le Figaro. “Và lần này anh ấy đã thay đổi thực sự. Rốt cuộc, anh ấy đã mở ra cánh cửa cho việc vận chuyển xe tăng. Anh ấy cũng ủng hộ việc Ukraine ứng cử vào Liên Hiệp Âu Châu. Tôi tin rằng đó là một tín hiệu thực sự. Chúng tôi đã có rất nhiều cuộc trò chuyện với Pháp, Đức và các nước khác. Tôi tin rằng niềm tin của chúng tôi đã được xác nhận ngày hôm nay”.

Vào đầu tháng 2, Paris cam kết chuyển giao 12 hệ thống pháo lựu Caesar mới, bên cạnh 18 hệ thống đã được chuyển giao. Và cũng không loại trừ khả năng chuyển giao máy bay chiến đấu cho Kyiv, vốn trước đây là lằn ranh đỏ.

Trước lễ kỷ niệm cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24 tháng 2, Scholz nói rằng rõ ràng là Mạc Tư Khoa sẽ không chiến thắng và bảo đảm với Ukraine rằng tương lai của họ là ở Liên Hiệp Âu Châu. Ông nói trong một bài phát biểu trước quốc hội Đức: “Putin sẽ không đạt được mục tiêu của mình – không phải trên chiến trường và không phải thông qua một nền hòa bình đã định sẵn. Điều đó, ít nhất, là chắc chắn sau một năm chiến tranh.”

Zelenskiy sẽ qua đêm ở Paris trước khi tới Brussels vào sáng thứ Năm, nơi ông sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Âu Châu và thúc giục Hội đồng Âu Châu, gồm 27 nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu, đẩy nhanh việc giao vũ khí cho Ukraine.

8. Cuộc gặp của Zelenskiy với Macron và Scholz nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ của Ukraine với Liên Hiệp Âu Châu

Cuộc gặp của tổng thống Ukraine với các nhà lãnh đạo Pháp và Đức tại Paris nêu bật sự phối hợp chặt chẽ của Kyiv với các đồng minh Liên Hiệp Âu Châu, một phát ngôn viên của chính phủ Đức cho biết trước chuyến thăm Paris của ông Volodymyr Zelenskiy vào tối thứ Tư.

Zelenskiy có một cuộc gặp đã được lên kế hoạch với Tổng thống Pháp Emanual Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong chương trình nghị sự của ông khi ông tới Paris sau chuyến thăm Vương quốc Anh trước đó vào hôm thứ Tư.

Phát ngôn nhân của chính phủ Đức cho biết cuộc gặp của ba nhà lãnh đạo “nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các đồng minh Liên Hiệp Âu Châu… trong vấn đề hỗ trợ liên tục và chặt chẽ cho Ukraine”, đồng thời cho biết thêm rằng đây sẽ là cuộc gặp thứ ba của bộ ba kể từ khi Scholz nhậm chức.

Ba nhà lãnh đạo gặp nhau lần đầu tại Brussels vào tháng 12 năm 2021 — trước khi Nga bắt đầu xâm lược — bên lề hội nghị thượng đỉnh Đối tác phương Đông. Macron và Scholz cũng đã đến Kyiv vào tháng 6 năm 2022, cùng với Thủ tướng Ý khi đó là Mario Draghi.

Phát ngôn nhân của chính phủ Đức nói rằng có “mối quan hệ thân thiết” giữa ba nhà lãnh đạo, đồng thời nói thêm rằng “cả hai nhà lãnh đạo thường xuyên nói chuyện điện thoại với Tổng thống Zelenskiy.”

Cuộc họp hôm thứ Tư tại Paris cũng diễn ra một ngày trước hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Âu Châu tại Brussels vào thứ Năm.
 
Lạ lùng: Cảnh sát cho biết kẻ phá hoại sắp đập nhà tạm nhưng thấy tượng Đức Mẹ, không thể nhấc búa
VietCatholic Media
05:14 09/02/2023


1. Cảnh sát nói rằng kẻ phá hoại nhà thờ sắp đập phá nhà tạm nhưng nhìn thấy tượng Đức Mẹ, anh ta dừng lại

Vào đầu Tháng Giêng, một người đàn ông bước vào tu viện Dòng Biển Đức ở Arkansas và bắt đầu đập bàn thờ bằng búa tạ.

Anh ta định bắt đầu phá tan nát nhà tạm, nơi cất giữ bánh thánh hiến, nhưng có điều gì đó đã ngăn anh ta lại: đó là một bức tượng của Đức Trinh Nữ Maria.

Jerrid Farnam, 32 tuổi, ở Sallisaw, Oklahoma, đã bị bắt vì tội phá hoại tài sản và trộm cắp tại Tu viện Dòng Biển Đức ở Subiaco, Arkansas, và hiện đang bị giam giữ chờ xét xử.

Cảnh sát trưởng Jason Massey của Văn phòng Cảnh sát trưởng Hạt Logan nói với CNA rằng khi họ đưa nghi phạm đến, anh ta đã thú nhận tội ác. Nhưng, Farnam khai với cảnh sát, sau khi nhìn lên và nhìn thấy tượng Đức Mẹ Maria, anh ta không thể tiếp tục phá nhà tạm như đã định.

“Anh ấy quyết định rằng anh ấy không thể làm được,” Massey nói. “Tôi nghĩ rằng anh ấy cảm thấy anh ta đã sai vào thời điểm đó.”

Tu viện Subiaco đã báo cáo rằng vào ngày 5 Tháng Giêng, một người đàn ông sử dụng cả “búa thông thường lẫn búa tạ” bắt đầu phá hủy bàn thờ bằng đá cẩm thạch của tu viện. Anh ta đập vỡ bàn thờ ở những nơi khác nhau. Được thành lập vào năm 1878, Subiaco là nơi sinh sống của một cộng đồng gồm 39 tu sĩ Biển Đức.

Tu viện cho biết nghi phạm đã để lại một lỗ hổng trên đỉnh bàn thờ và đập vỡ những viên đá chứa thánh tích. Hai hộp đựng thánh tích - những chiếc hộp nhỏ, màu đồng thau, mỗi hộp chứa ba thánh tích của các vị thánh từ hơn 1.500 năm trước - đã bị đánh cắp, theo Văn phòng Cảnh sát trưởng Hạt Logan.

Cha Elijah Owens, tu viện trưởng của tu viện, nói với CNA vào Tháng Giêng rằng các thánh tích chứa trong một trong những hộp đựng thánh tích là của Thánh Bonifaciô, Thánh Tiberiô và Thánh Bênêđíctô thành Nursia.

Owens cho biết hộp đựng thánh tích còn lại chứa thánh tích của Thánh Tiberiô, Thánh Marcellô và Thánh Justina.

Tu viện cho biết trong thông cáo báo chí của mình rằng người đàn ông đã tiếp cận nhà tạm và gỡ bỏ một cây thánh giá nằm trên đỉnh cũng như tấm màn che của nhà tạm trước khi bị “ngưng lại”.

Farnam bị bắt cùng ngày và ba di vật được tìm thấy trong xe tải của anh ta.

Vào thời điểm đó, hộp đựng thánh tích của Thánh Tiberiô, Thánh Marcellô và Thánh Justina vẫn chưa được tìm thấy. Văn phòng cảnh sát trưởng sau đó đã phát hiện ra chúng trong thùng rác ở nhà của cha Farnam.

Cảnh sát trưởng cho biết Farnam đã đưa hộp đựng thánh tích cho cha mình, người không biết về bản chất của các vật thể, đã ném những thứ bên trong hộp vào thùng rác, trong khi vẫn giữ hộp đựng cho riêng mình.

“May mắn là không có thức ăn hay bất cứ thứ gì trên người họ. Họ được tìm thấy trong tình trạng tuyệt vời,” ông nói thêm.

Massey nói rằng một trong bảy tội danh mà Farnam bị buộc tội là trộm cắp tài sản, một trọng tội loại B, đây là loại trọng tội cao nhất trong tiểu bang, ông nói.

“Bạn không thể định giá cho những di tích đó. Đó là những thánh tích đã 1.500 tuổi,” ông nói.

Farnam có tiền sử lạm dụng chất kích thích và say xỉn trong thời gian bị bắt.

Tu viện đang được sửa chữa, và một bàn thờ di động hiện sẽ được sử dụng cho đến khi sửa chữa xong, theo thông cáo báo chí của tu viện.
Source:Catholic News Agency

2. Vị Giám Mục được cứu từ đống đổ nát nơi ngài bị chôn vùi trong nhiều giờ

“Giờ đây, điều quan trọng hơn là phải gần gũi với người dân, những người đang bị khủng bố bởi trận động đất này”. Đức Cha Antoine Audo, Giám mục người Chanđê của Aleppo, chi biết “trong số rất nhiều tai họa mà chúng tôi đã gặp phải, đây là một thảm họa mà có thể nói là chúng tôi chưa quen với nó. Sau 12 năm chiến tranh, đây là một quả bom khủng khiếp mới, gây chết người và không rõ nguyên nhân, rơi xuống đầu chúng tôi.”

Trận động đất làm rung chuyển miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền trung bắc Syria lúc 4:17 sáng giờ địa phương vào thứ Hai, ngày 6 tháng 2, là trận động đất dữ dội nhất trong tám thế kỷ. Điều này đã được báo cáo bởi Marlène Brax, giám đốc Trung tâm Địa vật lý Li Băng, được phỏng vấn bởi nhật báo L'Orient-Le Jour của Li Băng. Trận động đất có cường độ 7,8 độ Richter, với tâm chấn nằm ở phía nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Giám mục nghi lễ Chanđê của Aleppo mô tả với Fides “một thành phố có hai triệu rưỡi cư dân không có điện, nước và hệ thống sưởi. Trời rất lạnh, mùa đông khắc nghiệt. Tôi nhìn thấy mọi người trên đường phố hoặc trong xe hơi. Họ sợ hãi, họ không biết điều gì sẽ xảy ra, bởi vì nó có thể chưa kết thúc, và có tin đồn rằng những chấn động mạnh và tàn khốc có thể xảy ra sau đó”. Trên thực tế, một trận động đất mạnh 7,6 độ richter mới đã được ghi nhận ở tỉnh Kahramanmaras phía nam Thổ Nhĩ Kỳ lúc 13:24 giờ địa phương và cũng được cảm nhận ở Damascus.

Tại Syria, số người chết tạm thời được báo cáo bởi các nguồn tin chính thức của Syria, không may là có thể tăng lên, cho đến nay đã có 371 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương do trận động đất. Hàng trăm nạn nhân khác đã được thống kê ở các khu vực Syria nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ Damascus.

Các nhà thờ trong khu vực cũng bắt đầu đối mặt với sự tàn phá do trận động đất gây ra. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Đức Giám Mục Paolo Bizzeti, Đại diện Tông tòa của Anatolia, báo cáo rằng Nhà thờ chính tòa Iskenderun đã bị sập, và các nhà thờ của cộng đồng Chính thống giáo và Chính thống giáo Syria ở thành phố đó cũng đã bị phá hủy. “Ở đây tại Aleppo”, Đức Giám Mục Audo báo cáo với Fides, “Đức Tổng Giám Mục Melkite Georges Masri đã được kéo sống từ đống đổ nát, nhưng Vị Đại diện của ngài vẫn ở dưới tòa nhà bị phá hủy, và họ vẫn chưa tìm thấy ngài”
Source:Fides

3. Đức Thánh Cha Phanxicô có kế hoạch viếng thăm Fatima trong chuyến đi dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Lisbon

Đức Thánh Cha Phanxicô dự định đến thăm Fatima như một phần trong chuyến đi của Ngài tới Lisbon cho Ngày Giới trẻ Thế giới tiếp theo, từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 8 năm nay, Đức Giám Mục José Ornelas Carvalho của Leiria-Fatima nói với I.MEDIA bên lề Thượng Hội đồng Giám mục Âu Châu. Cuộc họp thượng hội đồng hiện đang diễn ra tại Praha, Cộng hòa Tiệp, từ ngày 5 đến ngày 12 tháng 2 năm 2023.

Đức Giám Mục Ornelas Carvalho cho biết: “Vâng, Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài sẽ đến Fatima, ngài đã liên tục xác nhận lại sự sẵn sàng của mình để đến Fatima một lần nữa. Theo vị giám mục người Bồ Đào Nha, Đức Thánh Cha đã nói với những người tổ chức sự kiện rằng “ngay cả khi tôi đến bằng xe lăn, tôi cũng sẽ đến.”

Đức Cha Ornelas cho biết thêm Fatima không xa Lisbon lắm; tuy nhiên, cuộc hành trình cần phải thích nghi với vị Giáo hoàng 86 tuổi bị chấn thương đầu gối. Một chuyến đi bằng trực thăng có thể thực hiện được như một cách để đi hết khoảng cách dưới 100 dặm ngăn cách Lisbon và Fatima, Đức Giám Mục nói.

Đây sẽ là chuyến đi thứ hai của Đức Thánh Cha Phanxicô đến đền thờ Đức Mẹ Bồ Đào Nha kể từ khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng. Trước đó, ngài đã đến thăm đền thờ này trong chuyến tông du từ ngày 12 đến ngày 13 tháng 5 năm 2017. Trong chuyến đi đó, ngài đã phong thánh cho hai thị nhân đã chết khi còn nhỏ, tôn vinh họ như những vị thánh không tử đạo trẻ nhất của Giáo hội.

Đối với Ngày Giới trẻ Thế giới, công việc chuẩn bị đang được tiếp tục, Đức Giám Mục José Ornelas Carvalho lưu ý. “Nó đã bắt đầu trước đại dịch, sau đó với đại dịch thì thật khó khăn. Khoảng thời gian này là không tốt. Nhưng bây giờ những người trẻ tuổi đang bắt đầu lại,” ngài nói.

Tuy nhiên, số lượng người tham gia vẫn chưa chắc chắn. Đức Giám Mục giải thích: “Không ai biết có bao nhiêu người trẻ sẽ đến” trong bối cảnh không chắc chắn của “đại dịch, chiến tranh, khả năng kinh tế của các gia đình”.

Đã có khoảng 450.000 người ghi danh. “Đây là một tỷ lệ tốt, nhưng chúng tôi không biết nó sẽ phát triển như thế nào. Ví dụ, chúng tôi không biết có bao nhiêu người Tây Ban Nha trẻ tuổi, những người sẽ đông nhất, sẽ đến một cách cá nhân, không có tổ chức.”

Sau khi được lên kế hoạch ban đầu vào năm 2022 nhưng sau đó bị hoãn lại một năm do đại dịch, Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Lisbon giờ đã sắp diễn ra. Đây sẽ là Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 16 sau phiên bản đầu tiên tại Rôma vào năm 1986, dưới thời Đức Gioan Phaolô II. Ngày Giới trẻ Thế giới được cử hành hai hoặc ba năm một lần ở cấp độ toàn cầu và hàng năm ở cấp giáo phận.
Source:Aleteia
 
Putin ép tấn công khi Ukraine chưa có Leopard: 3 ngày 3.000 quân Nga tử trận. Quân Wagner tạo phản
VietCatholic Media
16:19 09/02/2023


1. Nga tấn công dữ dội ở thành phố Kreminna bất chấp thiệt hại rất nặng

Các lực lượng Nga đã tăng cường đáng kể các cuộc tấn công ở miền đông Ukraine và đang cố gắng chọc thủng các tuyến phòng thủ của Ukraine gần thị trấn Kreminna.

Thống Đốc Miền Luhansk, Serhiy Haidai, cáo buộc như trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Năm mùng 9 tháng Hai.

“Tôi có thể xác nhận rằng đã có sự gia tăng đáng kể các cuộc tấn công và pháo kích. Và theo hướng của Kreminna, họ đang cố gắng xây dựng thành công của mình bằng cách xuyên thủng hàng phòng thủ của quân phòng thủ Ukraine,” ông nói

“Cho đến nay họ chưa có thành công nào, lực lượng phòng thủ của chúng ta đang giữ vững vị trí ở đó.”

Trong 24 giờ trước đó, quân Nga đã mất tới 910 binh sĩ, 2 xe tăng và 10 xe thiết giáp.

Kreminna, nằm khoảng 100km về phía tây bắc của thủ phủ Luhansk, có dân số khoảng 18.000 người trước cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24 tháng 2 năm ngoái.

Lực lượng đang tấn công tại thành phố Kreminna và Svatove là Tập Đoàn Quân Xe Tăng Cận Vệ số Một đã từng bị quân Ukraine đánh bại đến hai lần tại Chernihiv và Kharkiv.

“Chúng ta cần thiết bị hạng nặng và đạn pháo - khi đó chúng ta mới có thể thực hiện tốt chiến dịch phản công,” Haidai nói.

2. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ cho rằng Nga lên kế hoạch tấn công chớp nhoáng trước khi xe tăng Leopard tiếp cận chiến trường

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Tư mùng 8 tháng Hai, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết trong ngày qua, giao tranh ác liệt nhất đã diễn ra tại thành phố Bakhmut và dọc theo xa lộ nối liền thị trấn Svatove và thành phố Kreminna. Theo Thứ trưởng Hanna Maliar, con số 1.030 binh sĩ Nga bị loại khỏi vòng chiến, cùng với 14 xe tăng và 28 xe thiết giáp. Đây là tổn thất lớn nhất của người Nga trong một ngày, kể từ đầu cuộc xâm lược cho đến nay.

Nhiều quan sát viên cho rằng thất bại thê thảm này xảy ra vì Nga đã lên kế hoạch tấn công chớp nhoáng trước khi xe tăng Leopard tiếp cận chiến trường; chớp nhoáng đến mức họ không có thời giờ chuẩn bị.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Planning Rapid Offensive Before Leopard Tanks Reach Battlefield—ISW”, nghĩa là “Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ cho rằng Nga lên kế hoạch tấn công chớp nhoáng trước khi xe tăng Leopard tiếp cận chiến trường.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Nga đang tìm cách khởi động tức khắc một cuộc tấn công mới vào lực lượng Ukraine trong vòng tối đa là một tuần, trước khi các xe tăng chiến đấu chủ lực của phương Tây đến đất nước bị chiến tranh tàn phá này.

Một số quan chức Ukraine đã gợi ý rằng Mạc Tư Khoa đang chuẩn bị phát động “một cuộc tấn công quyết định quy mô lớn ở miền đông Ukraine từ giữa đến cuối tháng 2”, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, cho biết hôm thứ Hai.

Hôm Chúa Nhật, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Oleksii Reznikov, phát biểu tại một cuộc họp báo rằng Ukraine nghĩ rằng một cuộc tấn công lớn sẽ xảy ra trong những tuần tới vì “tính thích biểu tượng” của người Nga. Họ phải làm một điều gì đó để kỷ niệm một năm ngày xâm lược Ukraine.

Theo Ukrainska Pravda, Ông nói rằng một đợt tấn công mới từ các lực lượng Nga có thể sẽ diễn ra trước ngày 24 tháng 2. Điều này sẽ đánh dấu kỷ niệm một năm kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu.

Serhiy Haidai, thống đốc khu vực phía đông Luhansk, cho biết trên Telegram hôm thứ Hai rằng “cuộc tấn công của đối phương có thể bắt đầu bất cứ lúc nào sau ngày 15 tháng 2.” Cuối ngày thứ Hai, ông mô tả các cuộc tấn công gia tăng ở Luhansk, nói thêm: “Đây không phải là một cuộc tấn công toàn diện, mà là sự chuẩn bị cho nó.”

Một cố vấn giấu tên của Ukraine đã mô tả khung thời gian tương tự với Financial Times và Nataliya Humenyuk, phát ngôn viên của Bộ chỉ huy Chiến dịch phía Nam của Ukraine cho biết Mạc Tư Khoa có khả năng tập trung nỗ lực vào phía đông Ukraine hơn là phía nam.

ISW cho biết một blogger quân sự Nga, có liên kết với Tập đoàn lính đánh thuê Wagner, cho biết các lực lượng Nga có một khoảng thời gian giới hạn để có thể tiến hành bất kỳ cuộc tấn công quy mô lớn nào trước khi quá khó thực hiện.

Các bình luận khác của các “blogger quân sự” dường như cũng chỉ ra rằng các chỉ huy quân sự Nga “đang gấp rút phát động cuộc tấn công quyết định”, ISW cho biết thêm.

Điều này có thể xảy ra trước sự xuất hiện của viện trợ quân sự mới của phương Tây, bao gồm xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2, và “mùa xuân lầy lội” từ khoảng tháng 4 “cản trở các cuộc diễn tập cơ giới hóa của Nga,” tổ chức tư vấn này lập luận.

Vào ngày 25 Tháng Giêng, Thủ tướng Đức Olaf Scholz xác nhận rằng Berlin sẽ gửi 14 xe tăng Leopard 2A6 tới Ukraine và cho phép các nước bên thứ ba cũng cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực cho Kyiv.

Tổng thống Joe Biden tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ gửi 31 xe tăng M1 Abrams, mặc dù dự kiến sẽ mất vài tháng để chúng đến chiến trường và để quân Ukraine hoàn thành các khóa huấn luyện cần thiết.

Hôm thứ Hai, chiếc xe tăng Leopard 2 đầu tiên do Canada tài trợ đã đến Ba Lan, trước khi được vận chuyển đến Ukraine.

Phát biểu vào ngày 26 Tháng Giêng, Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, cho biết ông “rất hạnh phúc” và “biết ơn” về việc chuyển giao các xe tăng tinh vi, đây là bản nâng cấp đáng kể từ xe tăng chiến đấu chủ lực thời Liên Xô được sử dụng bởi các lực lượng vũ trang Ukraine.

Ông nói với Sky News: “Tôi muốn nói lời cảm ơn đến Đức, Anh, Hoa Kỳ và Ba Lan vì họ đã đưa ra quyết định này.

“Nhưng nói một cách thẳng thắn,” ông nói thêm, “số lượng xe tăng và thời gian giao hàng cho Ukraine là rất quan trọng.”

3. Hồ sơ âm thanh cho thấy 'dấu hiệu rõ ràng' về vai trò của Putin trong việc bắn hạ chuyến bay Malaysia

Một tòa án Hà Lan đã tuyên bố 3 người đàn ông phạm tội sát hại 298 người trên chuyến bay MH17, bị một hỏa tiễn đất đối không của Nga bắn hạ khi nó đang bay qua miền đông Ukraine vào năm 2014.

Trong một diễn biến mới nhất, các nhà điều tra đã tìm ra một hồ sơ âm thanh cho thấy chính Vladimir Putin đã chỉ đạo vụ bắn hạ chiếc máy bay này.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Audio Shows 'Strong Indications' of Putin's Role in Downing Malaysia Flight”, nghĩa là “Hồ sơ âm thanh cho thấy 'dấu hiệu rõ ràng' về vai trò của Putin trong việc bắn hạ chuyến bay Malaysia.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một nhóm các nhà điều tra quốc tế hôm thứ Tư cho biết họ đã phát hiện ra rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có khả năng đã ký vào quyết định cung cấp các hệ thống hỏa tiễn phòng không tầm xa đã bắn hạ chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines.

Nhóm Điều tra Chung cho biết trong một cuộc họp báo ở The Hague rằng kết luận của họ về vai trò bị cáo buộc của Putin dựa trên các cuộc điện đàm được ghi âm liên quan đến các quan chức Nga. Theo các công tố viên, các quan chức nói trong đoạn ghi âm rằng quyết định cung cấp hệ thống hỏa tiễn chỉ có thể được đưa ra bởi Putin.

Chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines, một chiếc Boeing 777, đã bị bắn hạ bởi một hỏa tiễn do Nga sản xuất vào ngày 17 tháng 7 năm 2014, trên vùng lãnh thổ phía đông Ukraine do lực lượng ly khai Nga kiểm soát. Chuyến bay đã khởi hành từ Amsterdam và hướng đến Kuala Lumpur, Malaysia. Toàn bộ 298 hành khách và thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay đều thiệt mạng.

Theo BBC, Nhóm điều tra chung cho biết các quan chức Nga trong các cuộc điện đàm được ghi âm đã tuyên bố quyết định cung cấp hỗ trợ quân sự cho lực lượng ly khai Nga vào năm 2014 “thuộc về tổng thống”.

“Có thông tin cụ thể rằng yêu cầu của phe ly khai đã được trình lên tổng thống Putin và yêu cầu này đã được chấp thuận,” các nhà điều tra cho biết.

Nhóm nghiên cứu cho biết họ đã tìm thấy “những dấu hiệu mạnh mẽ” rằng Putin đã chấp thuận vũ khí cung cấp cho phe ly khai đã hạ gục chuyến bay. Tuy nhiên, các công tố viên cho biết bằng chứng “không đủ cụ thể” để bảo đảm một vụ truy tố mới.

Trước đó, một tòa án Hà Lan vào tháng 11 đã kết án hai cựu sĩ quan an ninh Nga và một thủ lĩnh phe ly khai Ukraine về tội giết người vì vai trò của họ trong việc phá hủy chiếc máy bay. Ba người đàn ông đã bị kết án chung thân, nhưng họ đã không bị bắt hoặc dẫn độ.

Nhóm điều tra chung - bao gồm các thành viên từ Hà Lan, Malaysia, Úc, Bỉ và Ukraine - đã lưu ý trong thông báo hôm thứ Tư rằng Putin được hưởng quyền miễn trừ do vị trí của ông ta là nhà lãnh đạo của Nga. Nga từ lâu cũng phủ nhận mọi trách nhiệm về vụ việc.

Sau thông báo hôm thứ Tư từ Nhóm điều tra chung, Tổng công tố Ukraine Andriy Kostin cho biết ông có thể theo đuổi hành động pháp lý chống lại Putin vì vai trò bị cáo buộc của ông trong vụ bắn rơi chuyến bay.

Kostin đã viết trên Twitter rằng “khó khăn trong việc thu thập bằng chứng và quyền miễn trừ chức năng” ngăn cản việc truy tố Putin tại tòa án quốc gia. Tuy nhiên, ông cho biết Ukraine “sẽ tìm cách sử dụng tất cả các cơ chế pháp lý quốc tế hiện có để đưa ông ta ra trước công lý.”

“Chúng ta cũng tiếp tục tìm cách buộc giới lãnh đạo Nga phải chịu trách nhiệm về tội ác xâm lược Ukraine và các tội ác quốc tế khác,” Kostin viết. “Công lý cần có thời gian, nhưng điều quan trọng nhất, đó là công lý là điều không thể tránh khỏi. Vụ MH17 một lần nữa chứng minh điều này.”

Lawrence C. Reardon, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học New Hampshire, đã giải thích cách Kostin có thể sử dụng những phát hiện của Nhóm điều tra chung trong một trường hợp trong tương lai.

“Tổng công tố viên Ukraine Andriy Kostin đã tuyên bố vào đầu tháng 2 rằng ông ấy hy vọng sẽ thành lập một tòa án đặc biệt để truy tố hơn 65.000 tội ác chiến tranh của Nga,” Reardon nói với Newsweek trong một email. “Mặc dù chưa ủng hộ một tòa án đặc biệt, Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu đồng ý rằng phải tiến hành truy tố hình sự quốc tế, có thể bằng cách chỉ định một công tố viên tạm thời thu thập bằng chứng cho các phiên tòa trong tương lai.”

Reardon tiếp tục, “Không còn nghi ngờ gì nữa, một công tố viên lâm thời sẽ yêu cầu bằng chứng do Nhóm điều tra chung Hà Lan thu thập và vụ sát hại 298 hành khách và phi hành đoàn trên Chuyến bay 17 của Malaysia Airlines vào năm 2014.”

Ông nói rằng mặc dù các nhà điều tra Hà Lan không thể tìm thấy đủ bằng chứng chống lại Putin để bảo đảm tiến hành các công việc pháp lý tiếp theo, nhưng những gì họ thu thập được có thể hữu ích.

“Nếu Putin bị buộc phải từ chức trong tương lai, ban lãnh đạo sắp tới của Nga có thể gián tiếp cung cấp bằng chứng như vậy để đổ lỗi cho Putin chứ không phải nhà nước Nga,” Reardon nói.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để bình luận.

4. Ngoại trưởng Ukraine nêu vấn đề Kyiv yêu cầu có được máy bay chiến đấu F-16 với Ngoại trưởng Hà Lan

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho biết ông đã nói chuyện với người đồng cấp Hà Lan Wopke Hoekstra hôm thứ Tư “để phối hợp các bước quốc tế của chúng ta khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga sắp tròn một năm”.

Kuleba cho biết ông đã nêu vấn đề về yêu cầu của Ukraine đối với máy bay chiến đấu F-16.

“Tôi cảm ơn Hoekstra về quyết định mới nhất về xe tăng. Tôi cũng nêu vấn đề về F-16. Chúng ta tiếp tục đối thoại với Hà Lan và những nước khác về máy bay chiến đấu.”

Một số thông tin cơ bản: Các quan chức hàng đầu của Ukraine đang leo thang chiến dịch vận động hành lang công khai để có máy bay chiến đấu F-16, lập luận rằng họ cần chúng khẩn cấp để phòng thủ trước các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái của Nga.

Các quan chức Mỹ và Âu Châu cũng nói với CNN tương tự và nói công khai rằng máy bay chiến đấu F-16 là không thực tế, đồng thời lưu ý rằng Ukraine đã không thực hiện nhiều nhiệm vụ trên không với các máy bay chiến đấu mà họ đã có vì mối nguy hiểm do hệ thống phòng không của Nga gây ra.

Nhưng gần đây nhất, Vương quốc Anh đang “tích cực” xem xét liệu có gửi máy bay phản lực của Anh đến Ukraine hay không, phát ngôn nhân chính thức của thủ tướng cho biết hôm thứ Tư, theo hãng thông tấn PA Media của Anh. Cơ quan này cho biết vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra.

5. Thủ tướng Meloni của Ý sẽ gặp Zelenskiy tại Brussels vào hôm thứ Năm

Thủ tướng Ý Giorgia Meloni sẽ có cuộc gặp song phương với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tại Brussels vào hôm thứ Năm, văn phòng thủ tướng nói với CNN hôm thứ Năm.

Meloni sẽ có mặt tại Brussels vào thứ Tư và thứ Năm để tham gia “cuộc họp bất thường của Hội đồng Âu Châu”, theo trang web chính thức của chính phủ Ý.

Zelenskiy đã có chuyến thăm bất ngờ tới Vương quốc Anh vào thứ Tư và vào cuối ngày thứ Tư, ông đã tới Paris để gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

6. Zelenskiy nhớ lại cảm giác ngồi trên chiếc ghế bành của Winston Churchill

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã kể lại việc ông được mời ngồi trên chiếc ghế bành mà Thủ tướng Anh thời chiến Winston Churchill đã sử dụng trong chuyến thăm Vương quốc Anh.

Một người hướng dẫn đã hỏi Zelenskiy cảm thấy thế nào khi ngồi vào chiếc ghế mà Churchill ngồi để ra lệnh trong cuộc chiến chống Đức Quốc xã, tổng thống Ukraine nói với các nhà lập pháp trong một bài phát biểu tại Quốc hội.

“Tôi chắc chắn đã cảm thấy điều gì đó,” anh nói, đồng thời cho biết thêm rằng đến giờ anh mới hiểu cảm giác đó là gì.

“Đó là cảm giác về sự dũng cảm đưa bạn vượt qua những gian khổ khó tưởng tượng nhất để cuối cùng giành được chiến thắng”

7. Riksdag của Thụy Điển phê duyệt viện trợ quân sự cao kỷ lục cho Ukraine

Riksdag của Thụy Điển đã bỏ phiếu ủng hộ đề xuất của Chính phủ về ngân sách sửa đổi bổ sung, cụ thể là cung cấp gói hỗ trợ quân sự cao kỷ lục cho Ukraine, với tổng trị giá 4,3 tỷ SEK (tức khoảng 406 triệu USD).

“Các thiết bị quân sự mà Lực lượng Vũ trang Thụy Điển có thể thiếu trong một thời gian giới hạn sẽ được tặng cho Ukraine. Gói này bao gồm vũ khí chống tăng, thiết bị rà phá bom mìn, vũ khí chống tăng hạng nhẹ Robot 57 và Xe chiến đấu 90, với giá trị tối đa là 4,3 tỷ SEK,” báo cáo nêu rõ.

Xin nhắc lại rằng đây sẽ là gói hỗ trợ quân sự thứ 10 được Thụy Điển cung cấp cho Ukraine kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu.

8. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Đánh giá mới nhất của tình báo Anh cho thấy điều kiện thời tiết đóng băng, bao gồm cả mặt đất đóng băng, có nghĩa là có thể có rất ít thay đổi trong điều kiện di chuyển xuyên quốc gia ở miền đông Ukraine trong những tuần gần đây.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ

Thời tiết tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Với mặt đất bị đóng băng, có thể có rất ít thay đổi trong điều kiện di chuyển xuyên qua các vùng nông thôn ở miền đông Ukraine trong những tuần gần đây.

Vào ngày 08 tháng 2 năm 2023, nhiệt độ bề mặt khoảng 0 độ C; trong tuần tới, các dự báo cho thấy nhiệt độ đất tăng lên và tuyết tan có khả năng làm xấu đi điều kiện di chuyển trên khắp Donbass.

Điều kiện di chuyển qua các vùng nông thôn có thể sẽ ở mức tồi tệ nhất, với tình trạng cực kỳ lầy lội, từ giữa đến cuối tháng Ba. Các chỉ huy của cả hai bên rất có thể sẽ tìm cách tránh lên kế hoạch cho các cuộc tấn công lớn vào những thời điểm như vậy.

Tuy nhiên, các cơ hội được cảm nhận về mặt chính trị hoặc tác chiến có thể lấn át những lo ngại như vậy, như đã được chứng minh bằng việc Nga phát động cuộc xâm lược vào cuối tháng 2 năm 2022.

9. Không ảnh cho thấy quân Wagner đánh chỉ huy của họ bằng xẻng

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Wagner Troops Filmed Beating Their Commander With Shovels—Reports”, nghĩa là “Báo cáo cho thấy quân Wagner bị quay phim khi đang đánh chỉ huy của họ bằng xẻng.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Đoạn phim tàn bạo do Ukraine công bố cho thấy các chiến binh của Tập đoàn Wagner đánh đập chỉ huy của họ bằng xẻng ở thành phố Bakhmut ở miền đông Ukraine, nơi nhóm bán quân sự đã tập trung nỗ lực trong nửa năm qua.

Đoạn video, được quay từ một máy bay không người lái của Ukraine bởi trung đội đặc nhiệm Seneka vào đầu tuần này, đã được phát hành trên các kênh truyền thông xã hội của Ukraine vào hôm thứ Hai. Nó dường như cho thấy bốn chiến binh của Tập đoàn Wagner đang kéo chỉ huy của họ qua khu vực bị chiến tranh tàn phá, giữ chặt tay và chân của anh ta.

Ba trong số những người đàn ông được nhìn thấy trong một phần khác của clip đánh anh ta bằng thứ có vẻ là xẻng hoặc búa tạ.

Người sáng lập Tập đoàn Wagner, Yevgeny Prigozhin, đã thuê hàng chục nghìn tù nhân Nga tham gia vào cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine, hứa hẹn cho họ giảm án và nhận tiền thưởng.

Các chiến binh của ông đã lãnh đạo quân đội chính quy Nga ở Bakhmut trong nhiều tháng, nhưng họ đang dần bị thay thế khi Tập đoàn Wagner không đạt được những bước tiến đáng kể trong khu vực.

Olga Romanova, người đứng đầu Russia Behind Bars, một tổ chức bác ái ủng hộ quyền của tù nhân, cho biết vào cuối Tháng Giêng rằng trong số 50.000 tù nhân do Tập đoàn Wagner tuyển dụng, 40.000 người đã chết hoặc mất tích và chỉ 10.000 người vẫn đang chiến đấu ở Ukraine.

Luật sư người Nga Yana Gelmel nói với hãng tin độc lập của Nga là Agentstvo trong một báo cáo được công bố hôm thứ Tư rằng có rất ít tù nhân tự nguyện đồng ý gia nhập Tập đoàn Wagner so với các tháng mùa hè và mùa thu năm 2022 vì những người bị kết án đang biết về tỷ lệ tử vong cao trong chiến tranh.

Hãng tin độc lập Mediazona của Nga có trụ sở tại Latvia đã đưa tin hôm thứ Hai rằng Tập đoàn Wagner đang thiếu nhân lực sau các trận chiến giành Bakhmut và thị trấn khai thác muối Soledar gần đó. Cơ quan này cho biết Prigozhin đang phải vật lộn để thuê những người mới từ các nhà tù của Nga.

Một yếu tố trong cuộc đấu tranh của Prigozhin để chiêu mộ những tù nhân mới cho cuộc chiến của Putin có thể là cách đối xử với những người lính đồng ý chiến đấu.

Tập đoàn Wagner đã gây chú ý vào tháng 11 sau vụ hành quyết Yevgeny Nuzhin, một cựu tù nhân người Nga 55 tuổi được tuyển dụng vào tháng 7. Anh ta đã trả lời một loạt các cuộc phỏng vấn sau khi bị lực lượng Ukraine bắt vào tháng 9, trong đó anh ta chỉ trích các quan chức Nga và nói rằng anh ta muốn đầu hàng quân Ukraine.

Đoạn phim về vụ giết hại anh ta đã được đăng trên kênh Grey Zone liên kết với Wagner. Nó cho thấy một người đàn ông không rõ danh tính đang đánh Nuzhin bằng búa tạ.

Prigozhin phủ nhận những tình tiết trong video và nói rằng đoạn phim là “tác phẩm của một đạo diễn xuất sắc có thể xem được trong lúc nhàn rỗi.”

Vladimir Oschkin, một nhà hoạt động nhân quyền người Nga và là người đứng đầu dự án chống tham nhũng gulagu.net, một nhóm bảo vệ quyền của tù nhân, trước đây đã nói với Newsweek rằng các vụ hành quyết và tra tấn là những hoạt động phổ biến trong Tập đoàn Wagner và nhiều người đã bị giết vì từ chối tham gia vào cuộc chiến.

“Những chỉ huy người Nga và chỉ huy của Nhóm Wagner đã giết những tù nhân tham gia cuộc chiến nhưng giờ chót từ chối tham gia. Trong ba đến bốn tháng qua, đã có những vụ giết người và tra tấn có hệ thống đối với những người từ chối mệnh lệnh của nhóm,” Osechkin nói.

“ Ví dụ: nếu một nhóm mới từ 200 đến 400 tù nhân vào một trung tâm huấn luyện ở Ukraine, thì Tập đoàn Wagner sẽ tổ chức một cuộc gặp mặt lớn của các cựu tù nhân. Sau đó, có một cuộc chuyển giao, và họ giết một số cựu tù nhân – không phải từ nhóm mới này, mà từ nhóm gần đây đã đào ngũ.”

“Một số tù nhân chấp nhận tham gia vào cuộc chiến, nhưng khi họ nhìn thấy những gì đang xảy ra trong thực tế, và không muốn tham gia và nói rằng họ muốn quay trở lại nhà tù, thì họ sẽ bị bắt giam, và những chỉ huy trong Tập đoàn Wagner giết họ trước mắt những người mới đến để dằn mặt,” anh nói.
 
Tài liệu giải mật tình báo Thụy Sĩ: Thượng phụ Kirill làm gián điệp KGB ở Geneva vào thập niên 1970
VietCatholic Media
17:37 09/02/2023

1. Tài liệu giải mật của tình báo Thụy Sĩ cho thấy nhà lãnh đạo giáo hội Nga, Thượng phụ Kirill, đã làm gián điệp cho KGB ở Geneva vào những năm 1970

Các tờ báo Sonntagszeitung và Le Matin Dimanche của Thụy Sĩ đã công bố các tài liệu lưu trữ vừa được giải mật trong đó chỉ ra rằng Thượng phụ Kirill, tên khai sinh là Vladimir Gundyaev, người đứng đầu Nhà thờ Chính thống Nga, từng làm gián điệp cho KGB ở Geneva vào những năm 1970 với bí danh là Mikhaylov.

Năm 1971, Gundyaev, 24 tuổi, được phép chuyển đến Geneva để đại diện cho Giáo Hội Chính thống Nga tại Hội đồng Giáo Hội Thế giới. Các báo cáo được lưu trữ trong kho lưu trữ liên bang đã được Sonntagszeitung nghiên cứu xác nhận rằng vị linh mục trẻ đang làm việc cho KGB.

Có 37 hồ sơ liên quan đến Gundyaev từ tháng 7 năm 1969 đến tháng 2 năm 1989, hầu hết chỉ liên quan đến đơn xin thị thực và nhập cảnh vào Thụy Sĩ của ông. Có hai hồ sơ lưu ý rằng linh mục được đưa vào danh sách các quan chức Liên Xô mà Thụy Sĩ “đã có biện pháp chống lại họ”. Không rõ biện pháp nào đã được áp dụng.

“Chúng tôi được thông báo: hãy cẩn thận với vị linh mục này vì anh ta là đặc vụ KGB. Trong các cuộc trò chuyện với Kirill, tôi luôn có cảm giác rằng anh ấy đang tìm kiếm thông tin. Anh ấy rất thân thiện nhưng hỏi rất nhiều câu hỏi về các thành viên giáo sĩ và những người Nga lưu vong”, một nguồn tin tình báo nói với tờ báo.

Sonntagszeitung lưu ý rằng nhà thần học người Đức Gerhard Besier đã viết trong cuốn sách của mình như sau: “KGB muốn gây ảnh hưởng đến Hội đồng Giáo hội Thế giới trong những năm 1970 và 1980 để khiến tổ chức này ngừng chỉ trích các hạn chế tự do tôn giáo ở Liên Xô và thay vào đó trừng phạt Hoa Kỳ và các đồng minh của họ”.

Hơn nữa, tờ báo lưu ý rằng cháu trai của Gundyaev hiện đang là linh mục đứng đầu một nhà thờ ở khu phố Geneva. Anh ta nói với Sonntagszeitung rằng chú của anh ta có thể không phải là đặc vụ mà được đặt “dưới sự giám sát chặt chẽ của KGB”.

Thượng phụ Kirill và Nhà thờ Chính thống Nga đã từ chối yêu cầu bình luận về cuộc điều tra này. Hội đồng Giáo Hội Thế giới nói với Sonntagszeitung rằng họ không có thông tin về vấn đề này.

Novaya Gazeta đưa tin rằng Thượng phụ Kirill vẫn sở hữu một ngôi nhà nông thôn ở vùng núi Thụy Sĩ mà ông đã phục vụ kể từ khi ở Geneva. Theo tờ báo, một phụ nữ Thụy Sĩ đã tặng tài sản này cho anh ta. Vào tháng 2 năm 2020, Open Media phát hiện ra rằng Gundyaev có một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ nạm kim cương.
Source:novayagazeta.eu

2. Đức Thánh Cha Phanxicô muốn gặp Thượng phụ Kirill nhưng trong điều kiện hòa bình

Đức Thánh Cha Phanxicô muốn gặp Thượng phụ Mạc Tư Khoa và Toàn Nga Kirill, nhưng trong một môi trường hòa bình, đó là lý do tại sao bất kỳ kế hoạch tổ chức khả thi nào của một cuộc gặp như vậy hiện không thể xảy ra, Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Quan hệ với các dân nước, nói với thông tấn xã TASS của Nga vào hôm Chúa Nhật.

Đức Giáo Hoàng muốn gặp Kirill không phải giữa lúc chiến tranh, để không gì có thể làm họ xao lãng vấn đề tôn giáo. Cho đến nay, điều đó không thể đạt được,Đức Tổng Giám Mục nói, đồng thời cho biết thêm rằng cuộc đối thoại vẫn tiếp tục, bao gồm cả với Đức Tổng Giám Mục Anthony của Volokolamsk, Chủ tịch Bộ phận Quan hệ Giáo hội Đối ngoại của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa.

Người đứng đầu ngành ngoại giao của Tòa thánh lưu ý rằng cuộc gặp gần đây với các phái đoàn của Hội đồng Tôn giáo và Tổ chức Tôn giáo toàn Ukraine có sự tham gia của đại diện Giáo Hội Chính thống Ukraine đã được tổ chức trong một bầu không khí tích cực.

Cuộc gặp đầu tiên giữa Thượng phụ Kirill và Đức Giáo Hoàng Phanxicô diễn ra tại Havana vào năm 2016. Vào tháng 12 năm 2021, Đức Giáo Hoàng nói rằng cuộc gặp thứ hai của ngài với Thượng phụ đang được chuẩn bị. Vào mùa xuân năm 2022, ngài nói với nhật báo Corriere della Sera rằng cuộc họp đã được lên kế hoạch vào tháng 6 tại Giêrusalem nhưng đã bị hoãn lại. Giáo hội Chính thống Nga khi đó cho biết họ rất ngạc nhiên trước quyết định “đơn phương” này, mà Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa biết được từ các phương tiện thông tin đại chúng.
Source:TASS

3. Đức Hồng Y Quân và Jimmy Lai trong số những người Hương Cảng được đề cử giải Nobel Hòa bình

Một ủy ban quốc hội lưỡng đảng do Dân biểu Chris Smith, của Đảng Cộng Hòa đơn vị New Jersey chủ trì, đã công bố hôm thứ Năm việc đề cử sáu người Hương Cảng, bao gồm Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân và ông trùm truyền thông Công Giáo Jimmy Lai, cho giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực của họ vì nhân quyền.

“Jimmy Lai, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, Châu Hạnh Đồng, Hà Quế Lam, Lý Trác Nhân và Hoàng Chí Phong được đề cử vì họ là những người đấu tranh nhiệt thành cho quyền tự trị, nhân quyền và pháp quyền của Hương Cảng như được bảo đảm bởi hiệp ước Trung Quốc -Anh và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị,” thông báo từ Ủy ban Thường Trực Quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc viết.

“Những người được đề cử là đại diện của hàng triệu người Hương Cảng phản đối một cách hòa bình sự xói mòn thường xuyên các quyền tự do dân chủ của thành phố bởi chính phủ Hương Cảng và chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Thông qua việc đề cử, các thành viên của Quốc hội tìm cách tôn vinh tất cả những người ở Hương Cảng mà sự dũng cảm và quyết tâm của họ khi đối mặt với sự đàn áp đã truyền cảm hứng cho thế giới.”

Tất cả những người được đề cử đều đã tham gia vào phong trào dân chủ của Hương Cảng, đặc biệt là kể từ năm 2019, khi các cuộc biểu tình quy mô lớn chống lại sự cai trị độc tài của Trung Quốc nổ ra trên lãnh thổ, một đặc khu hành chính của Trung Quốc.

Người Hương Cảng trong lịch sử đã được hưởng quyền tự do tôn giáo lớn hơn so với ở Trung Quốc đại lục, nơi các tín hữu tôn giáo thuộc mọi thành phần thường xuyên bị chính quyền cộng sản giám sát và hạn chế. Nhưng trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã tìm cách thắt chặt việc kiểm soát các hoạt động tôn giáo ở Hương Cảng dưới chiêu bài bảo vệ an ninh quốc gia.

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, 91 tuổi, là giám mục danh dự của Hương Cảng, đã lãnh đạo người Công Giáo của lãnh thổ này từ năm 2002 đến năm 2009. Là một người thẳng thắn ủng hộ tự do tôn giáo và dân chủ, Đức Hồng Y Quân cũng là người chỉ trích gay gắt thỏa thuận năm 2018 của Vatican với Bắc Kinh về việc bổ nhiệm các giám mục, được gia hạn vào tháng 10 năm 2022 với nhiệm kỳ hai năm khác.

Đức Hồng Y Quân đã bị chính quyền Hương Cảng bắt vào tháng 5 năm ngoái và đưa ra xét xử vì cáo buộc không ghi danh dân sự một quỹ ủng hộ dân chủ. Anh ta bị kết án và phải trả tiền phạt, mà anh ta đã kháng cáo.

Đức Hồng Y đã viết trên blog của mình vào ngày 31 Tháng Giêng rằng, sau khi trở về từ Rôma để dự tang lễ của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, ngài đã được điều trị trong bệnh viện sau khi bị khó thở.

Lê Trí Anh hay vắn tắt là Jimmy Lai là một doanh nhân và ông trùm truyền thông tỷ phú đã cải đạo sang Công Giáo vào năm 1997. Lai đã ủng hộ phong trào dân chủ Hương Cảng trong hơn 30 năm và đã nói rằng đức tin Công Giáo của ông là một yếu tố thúc đẩy chính trong quá trình vận động dân chủ của mình. Tờ báo do ông thành lập, Apple Daily, đã nổi bật trong nhiều năm là một ấn phẩm ủng hộ dân chủ mạnh mẽ chỉ trích chính phủ Trung Quốc ở Bắc Kinh trước khi nó bị buộc phải đóng cửa.

Lai đã bị bỏ tù từ tháng 12 năm 2020 vì tham gia vào các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ và đối mặt với khả năng bị kết án tù chung thân vì tội phương hại an ninh quốc gia. Vào ngày 13 tháng 12 năm 2022, một tòa án Hương Cảng đã hoãn phiên tòa xét xử an ninh quốc gia đối với Lai, ban đầu được lên kế hoạch vào tháng đó, sang đến tháng 9 năm 2023.
Source:Catholic News Agency
 
Phản ứng dữ dội ở Mỹ trước những phát hiện chấn động về khinh khí cầu TQ. Tuyên bố của Ngũ Giác Đài
VietCatholic Media
22:17 09/02/2023


1. Ngũ Giác Đài khẳng định '100%' Khinh khí cầu Trung Quốc là tài sản do thám

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Pentagon '100 Percent' Certain China Balloon Was Surveillance Asset”, nghĩa là “Ngũ Giác Đài khẳng định '100%' Khinh khí cầu Trung Quốc là tài sản do thám.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng cho biết khinh khí cầu tầm cao của Trung Quốc bị bắn hạ ngoài khơi bờ biển phía Đông vào cuối tuần trước chắc chắn không có mục đích dân sự.

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Pat Ryder, nói với các phóng viên báo chí trong một cuộc họp báo rằng hoàn toàn không có khả năng chiếc khinh khí cầu đó là một khinh khí cầu theo dõi thời tiết, như các quan chức Trung Quốc đã khẳng định.

“Tôi có thể bảo đảm với bạn rằng đây không phải là mục đích dân sự. Chúng tôi chắc chắn 100% về điều đó,” Ryder nói. Ông đã gọi khinh khí cầu là phương tiện “thu thập thông tin tình báo.” Ông nói, nếu đó là một khinh khí cầu thời tiết, thì bất kỳ “quốc gia có trách nhiệm” nào cũng phải thông báo cho các chính phủ trước khi một chiếc máy bay đi nhầm vào không phận có chủ quyền của nước khác.

“Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã không làm điều đó. Ryder nói: “Họ đã không trả lời cho đến khi họ được gọi đích danh”.

Hoa Kỳ tin rằng khinh khí cầu là một phần của chương trình khinh khí cầu do thám lớn hơn của Trung Quốc, với mục đích do thám các địa điểm quân sự. Ông cho biết chương trình này đã hoạt động được vài năm, với những chiếc khinh khí cầu tương tự được phát hiện ở ít nhất 5 châu lục.

Theo Ryder, những khinh khí cầu thu thập thông tin tình báo này khác nhau về quy mô và khả năng. Hôm thứ Hai, Tướng Glen VanHerck, chỉ huy của NORAD và USNORTHCOM, ước tính quả khí cầu bị bắn rơi gần đây cao 61m và mang theo trọng tải có kích thước bằng một chiếc máy bay phản lực nội địa.

Ngũ Giác Đài cho biết Trung Quốc đã từ chối cuộc gọi giữa Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa ngay sau khi khinh khí cầu bị bắn hạ vào ngày 4/2.

Mao Ninh, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nhấn mạnh trong một cuộc họp ngắn trước đó vào thứ Tư rằng việc “khí cầu dân sự không người lái của Trung Quốc” xâm nhập không phận Hoa Kỳ là không cố ý và quyết định sử dụng vũ lực của Hoa Kỳ là “không thể chấp nhận được và vô trách nhiệm”.

“Phóng đại hoặc thổi phồng câu chuyện về 'mối đe dọa Trung Quốc' không có lợi cho việc xây dựng lòng tin hoặc cải thiện quan hệ giữa hai nước chúng ta, cũng như không thể làm cho Hoa Kỳ an toàn hơn,” Mao nói.

Bộ Quốc phòng đã cẩn thận về những tiết lộ của mình khi nhiệm vụ thu hồi ngoài khơi Nam Carolina vẫn tiếp tục. VanHerck cho biết ý định của Washington là cung cấp cho công chúng “càng nhiều thông tin càng tốt”.

Do đó, Bắc Kinh phải đối mặt với viễn cảnh các công nghệ nhạy cảm và phương pháp thu thập thông tin của họ bị công khai với thế giới, đây sẽ là một cuộc đảo chính đối với Hoa Kỳ và các đồng minh của họ, và có thể gây bối rối cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc, thậm chí nước này phải trả giá đắt như việc trì hoãn chuyến đi của Ngoại trưởng Antony Blinken tới thủ đô Trung Quốc.

Ngũ Giác Đài tuần này cho biết bốn vật thể bay ở tầm cao — ba vật thể trong thời chính quyền Trump và một vật thể thời kỳ đầu của chính quyền Biden — trước đây đã lảng vảng qua đất Mỹ và sau đó mới được xác định là khinh khí cầu do thám của Trung Quốc. Các quan chức đã thừa nhận “lỗ hổng nhận thức” trong quá khứ, nhưng Ryder lập luận rằng nó không thể hiện “sự thất bại tình báo”.

Ông cho biết “cơ sở tri thức” mà cộng đồng tình báo đã xây dựng dựa trên chương trình khinh khí cầu của Trung Quốc, bao gồm cả việc nghiên cứu chiếc tàu thứ năm này, có nghĩa là Hoa Kỳ “rất tự tin” rằng họ có thể phát hiện ra chúng trong tương lai.

Ông nói: “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bắt đầu đánh giá lại chương trình thu thập thông tin bằng hàng không của mình”.

2. Hạ viện thông qua nghị quyết lên án Trung Quốc sử dụng khinh khí cầu do thám

CNN có bài tường trình nhan đề “House passes resolution condemning China’s use of spy balloon” nghĩa là “Hạ viện thông qua nghị quyết lên án Trung Quốc sử dụng khinh khí cầu do thám”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết lên án việc Trung Quốc sử dụng khinh khí cầu do thám đã bị máy bay Mỹ bắn hạ vào cuối tuần qua, trong một khoảnh khắc thống nhất hiếm hoi trong một nghị trường bị chia rẽ gay gắt.

Biện pháp này được nhất trí thông qua với sự ủng hộ áp đảo của lưỡng đảng với số phiếu tuyệt đối 419 phiếu thuận trên zero phiếu chống, và nghị quyết này đóng vai trò như một lời quở trách mang tính biểu tượng đối với chính phủ Trung Quốc và không ràng buộc về mặt pháp lý.

Nghị quyết lên án “việc Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng khinh khí cầu do thám tầm cao trên lãnh thổ Hoa Kỳ là một sự vi phạm trắng trợn chủ quyền của Hoa Kỳ.”

Ngoài ra, nghị quyết kêu gọi chính quyền Biden “tiếp tục thông báo cho Quốc hội bằng cách cung cấp các báo cáo tóm tắt toàn diện” về vụ việc.

Nghị quyết này được đưa ra bởi Dân biểu Đảng Cộng hòa Michael McCaul của Texas, chủ tịch ủy ban Đối ngoại Hạ viện.

McCaul cho biết trong một tuyên bố: “Tuần trước, cả nước đã bị sốc khi chứng kiến một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay ngang qua phần lớn nước Mỹ, bao gồm cả các địa điểm quân sự nhạy cảm của Mỹ. Vị chủ tịch Ủy ban nói rằng nghị quyết gửi đi một thông điệp “rằng hành vi gây hấn này sẽ không được dung thứ.”

McCaul nói với CNN rằng ông là một trong những đảng viên Cộng hòa đã khuyến khích các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Hòa thay đổi nghị quyết để nó lên án Trung Quốc thay vì chính quyền Biden, vốn là kế hoạch ban đầu đang được xem xét.

McCaul nói: “Chúng ta muốn nước Mỹ chống lại Trung Quốc – chứ không phải đấu đá nội bộ, bởi vì Trung Quốc sẽ coi đó là một khoảnh khắc yếu đuối, rằng chúng ta bị chia rẽ về đường lối đảng phái và chúng ta không muốn thể hiện điều đó,” McCaul nói. “Chúng ta muốn thể hiện rằng chúng ta thống nhất với một tiếng nói chống lại Trung Quốc. Và tỷ lệ phiếu bầu tuyệt đối 419 chứng tỏ điều đó.”

Cuộc bỏ phiếu diễn ra theo thủ tục khẩn cấp, thường được gọi là “Suspension of the rules”, hay “bỏ qua các quy tắc”. Thủ tục khẩn cấp này đòi 2 phần 3 thành viên Hạ Viện bỏ phiếu ủng hộ việc thông qua - một thủ tục được sử dụng cho các biện pháp dự kiến sẽ giành được sự ủng hộ rộng rãi của cả hai đảng.

Các Thượng nghị sĩ phản ứng với cuộc tường trình

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đã bị chia rẽ về cách giải quyết của chính quyền đối với khinh khí cầu gián điệp sau một cuộc tường trình của Ngũ Giác Đài cho các quan chức chủ chốt vào hôm thứ Năm.

Nhiều thành viên Đảng Dân chủ tại Thượng viện hài lòng với lời giải thích và bảo vệ mạnh mẽ hành động của chính quyền, trong khi hầu hết các thành viên Đảng Cộng hòa bày tỏ sự thất vọng với câu trả lời được cung cấp và cho rằng khinh khí cầu đáng lẽ phải bị bắn hạ trước khi nó đi vào không phận lục địa Hoa Kỳ.

Một số nhà lập pháp đưa ra đánh giá khác với những người khác trong đảng của họ.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mitt Romney của bang Utah, sau khi rời khỏi cuộc tường trình mật về Trung Quốc, nói với CNN rằng ông tin rằng Hoa Kỳ đã đưa ra quyết định đúng đắn khi chờ đợi để bắn hạ khinh khí cầu gián điệp.

“Tôi tin rằng chính quyền, tổng thống, các cơ quan quân sự và tình báo của chúng ta đã hành động khéo léo và thận trọng. Đồng thời, khả năng của họ cực kỳ ấn tượng. Mọi thứ đã được thực hiện chính xác 100% chưa? Tôi không thể tưởng tượng rằng đó sẽ là trường hợp của hầu hết mọi thứ chúng ta làm. Nhưng tôi đã ra đi tự tin hơn,” ông nói.

Khi được hỏi liệu ông có đồng ý với quyết định chờ bắn hạ khinh khí cầu của họ hay không, Romney nói: “Có.”

Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Jon Tester của Montana, người sẽ tái tranh cử vào năm 2024, cho biết trước cuộc họp báo hôm thứ Năm rằng chính quyền Biden sẽ cần phải “biện minh” cho các hành động của mình liên quan đến khinh khí cầu. Ông cũng cho biết, trước cuộc họp báo, rằng chính quyền “có thể tốt hơn” khi cung cấp thông tin về khinh khí cầu.

Những hậu quả của biến cố

Theo một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao, chính quyền Biden đã xác định rằng khinh khí cầu đang hoạt động với công nghệ do thám điện tử có khả năng theo dõi thông tin liên lạc của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ cho biết họ đã có thể ngăn chặn khinh khí cầu này đánh chặn các liên lạc của Hoa Kỳ.

Tổng thống Joe Biden hôm thứ Tư đề nghị rằng quan hệ song phương với Trung Quốc không bị ảnh hưởng bởi vụ nổ khinh khí cầu, nhưng Trung Quốc đã phản ứng giận dữ trước vụ bắn hạ, từ chối cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin – và Ngoại trưởng Antony Blinken đã hủy chuyến đi nhiều rủi ro tới Bắc Kinh.

Biden cho biết hôm thứ Hai rằng Hoa Kỳ “đã làm đúng” khi bắn hạ khinh khí cầu và khẳng định rằng ông luôn muốn hạ nó “ngay khi thích hợp.”

Hôm thứ Bảy, quân đội Hoa Kỳ đã bắn hạ khinh khí cầu tầm cao sau khi nó bay đến Bờ biển phía Đông gần Carolinas.

Trung Quốc đã thừa nhận khinh khí cầu thuộc về họ, nhưng khẳng định đây là tàu nghiên cứu dân sự và không được sử dụng để do thám.

3. Các quan chức Hoa Kỳ tiết lộ những chi tiết mới về khả năng của khinh khí cầu.

Hôm thứ Năm, các quan chức chính quyền Biden đã tiết lộ thông tin mới về khả năng của khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đã bay ngang qua Hoa Kỳ vào tuần trước và những gì họ đang học được khi FBI bắt đầu phân tích các bộ phận thu hồi được sau khi khinh khí cầu bị bắn hạ hôm thứ Bảy.

Các quan chức Hoa Kỳ cũng nêu chi tiết những gì họ đã phát hiện ra về hoạt động gián điệp rộng lớn hơn mà họ nói rằng chính phủ Trung Quốc đã thực hiện bằng cách sử dụng một đội khinh khí cầu do thám tầm cao trên toàn cầu.

Các quan chức cấp cao của Biden đã phải đối mặt với những câu hỏi gay gắt trên Đồi Capitol từ các nhà lập pháp trong các phiên điều trần công khai và các cuộc họp báo cáo mật khi Quốc hội đang yêu cầu thêm thông tin về lý do tại sao quả bóng bay không bị bắn hạ sớm hơn.

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao cho biết hôm thứ Năm rằng khinh khí cầu “có khả năng tiến hành các hoạt động thu thập tín hiệu tình báo” và là một phần của hạm đội đã bay qua “hơn 40 quốc gia trên khắp năm châu lục”.

Theo quan chức này, chính quyền Biden đã xác định rằng khinh khí cầu Trung Quốc đang hoạt động với công nghệ do thám điện tử có khả năng theo dõi thông tin liên lạc của Hoa Kỳ.

Báo cáo khinh khí cầu được phân loại ban đầu không được cho là khẩn cấp. Điều này đã gây ra sự chỉ trích

Quan chức này nói: “Chúng tôi biết Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã sử dụng những khinh khí cầu này để do thám. Hình ảnh độ phân giải cao từ các chuyến bay U-2 ngang qua nó tiết lộ rằng khinh khí cầu tầm cao có khả năng tiến hành các hoạt động thu thập tín hiệu tình báo.”

Tín hiệu tình báo được đề cập đến là những thông tin được thu thập bằng phương tiện điện tử - những thứ như thông tin liên lạc và radar.

Cục Điều tra Liên bang Mỹ, gọi tắt là FBI, đã bắt đầu giai đoạn đánh giá ban đầu các mảnh vỡ của quả bóng bay đã được thu hồi và đưa đến phòng thí nghiệm của FBI ở Quantico, Virginia để phân tích. Các quan chức cấp cao của FBI cho biết như trên hôm thứ Năm.

Một quan chức cho biết, chỉ mới có những thứ nổi lên trên bề mặt đại dương được giao cho các nhà phân tích của FBI, bao gồm “bản thân mái che, hệ thống dây điện và sau đó là một lượng rất nhỏ thiết bị điện tử”. Quan chức này cho biết các nhà phân tích vẫn chưa nhìn thấy “tải trọng”, đó là nơi mà bạn có thể mong đợi nhìn thấy “phần lớn nhất” của các thiết bị điện tử.

Các quan chức nói thêm rằng việc hiểu các thành phần của khinh khí cầu là thông tin tình báo quan trọng và có thể là “những bằng chứng quan trọng cho các cáo buộc hình sự có thể được đưa ra trong tương lai.”

Bất chấp những tiết lộ mới nhất về khả năng của khinh khí cầu do thám, Ngũ Giác Đài đã khẳng định kể từ khi khinh khí cầu này lần đầu tiên được thừa nhận công khai nó đã không mang lại cho Trung Quốc những khả năng vượt trội so với những gì họ đã có từ các vệ tinh do thám hoặc các phương tiện khác.

Tướng Glenn VanHerck, chỉ huy Bộ Tư lệnh Miền Bắc Hoa Kỳ và NORAD, cho biết: “Chúng tôi không đánh giá rằng nó gây ra nguy cơ thu thập đáng kể ngoài những gì đã tồn tại trong các phương tiện kỹ thuật có thể thu thập của Trung Quốc”.

Các quan chức chính quyền từ Ngũ Giác Đài, Bộ Ngoại giao và cộng đồng tình báo đã thông báo tóm tắt cho các nhà lập pháp trên Đồi Capitol hôm thứ Năm về khinh khí cầu, điều đã khiến các đảng viên Cộng hòa chỉ trích về việc cho phép nó bay ngang qua nước Mỹ trước khi nó bị bắn hạ ngoài khơi bờ biển Đại Tây Dương.

Các quan chức nói với các nhà lập pháp rằng Hoa Kỳ đã đánh giá rằng hoạt động khinh khí cầu của Trung Quốc đã thu thập được rất ít thông tin tình báo mới vì Trung Quốc dường như ngừng truyền thông tin sau khi Hoa Kỳ biết về khinh khí cầu, bên cạnh các biện pháp của Hoa Kỳ để bảo vệ thông tin tình báo nhạy cảm khỏi các hoạt động gián điệp của Trung Quốc.

Các nguồn tin cho biết Mỹ cũng tin rằng những gì họ thu được từ khinh khí cầu bị bắn hạ có lợi cho tình báo Mỹ.

Một nguồn tin khác quen thuộc với các cuộc họp báo cho biết các quan chức cho biết khinh khí cầu sẽ cung cấp cho Trung Quốc khả năng thu thập tín hiệu và hình ảnh tốt hơn so với vệ tinh, cũng như khả năng điều hướng tốt hơn và bay lơ lửng lâu hơn trên các mục tiêu thu thập.