Ngày 13-02-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Nổi đau tâm linh
Lm. Minh Anh
23:42 13/02/2022

NỖI ĐAU TÂM LINH
Chúa Giêsu thở dài mà nói, “Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ?”.

Một người kia, sau 25 năm, vẫn một công việc với một mức lương cố định; anh đến gặp ông chủ và than phiền, “Tôi cảm thấy mình đã bị lãng quên, tôi đã có một phần tư thế kỷ kinh nghiệm”. Ông chủ anh thở dài và nói, “Bạn thân mến, bạn chưa có một phần tư thế kỷ kinh nghiệm; bạn chỉ có một kinh nghiệm trong một phần tư thế kỷ!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Bạn chưa có một phần tư thế kỷ kinh nghiệm!”. Một trùng hợp đầy thú vị, Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay cũng thở dài, vì xem ra, giới biệt phái cũng chưa có kinh nghiệm về Ngài. Ngài thở dài khi họ kéo nhau đến tranh luận với Ngài; và sau đó, đòi Ngài một dấu lạ từ trời. Tiếng thở dài của Ngài đã tiết lộ một ‘nỗi đau tâm linh’ sâu sắc bên trong!

Rất giống với bản dịch BJ của Pháp và NAB của Hoa Kỳ, cha Nguyễn Thế Thuấn dịch câu này là, “Tự tâm thần, Ngài rên lên”. Rõ ràng, đây không phải là một tiếng rên hay một tiếng thở dài bình thường; nó nói lên nhiều điều hơn là một cảm xúc. Vậy thì điều gì đã xảy ra với Chúa Giêsu khiến Ngài não nuột đến thế? Tiếng thở dài này cho thấy một nỗi xót xa bên trong con người Ngài; đó là một ‘nỗi đau tâm linh’ đến từ việc một tình yêu bị từ chối, một nỗi đau vì yêu. Đó là kết quả của việc Ngài chân thành yêu thương những con người này; nhưng đáp lại, họ từ chối ân điển Ngài đem đến và thay vào đó, là sự thù hận, giết chóc. Chính điều này khiến Chúa Giêsu tê tái; Ngài đau đớn vô cùng khi tình yêu vô bờ Ngài dành cho họ hoá ra công cốc!

Một điều lý thú là, hiếm khi chúng ta nghĩ đến tình yêu Chúa Giêsu dành cho những người biệt phái và ký lục! Sự thường, chúng ta chỉ nghĩ đến những lời khắt khe thẳng thừng của Ngài; thế nhưng, mọi lời mạnh mẽ Ngài hướng đến họ không ngoài mục đích biến đổi họ, để họ có thể nhận ra tình yêu của Ngài. Về phần Ngài, đó là một nỗ lực để lay động và thức tỉnh họ khỏi sự thờ ơ và từ chối ân điển Ngài tặng ban. Hành động của Ngài là một hành động của tình yêu!

Câu hỏi đặt ra hôm nay là, ‘Có bao giờ Chúa Giêsu phải thở dài vì sự thờ ơ hay cứng lòng nơi mỗi người chúng ta?’. Thật bất ngờ, phải chăng Ngài cũng thở dài vì chúng ta ‘hoài nghi’, ‘giao động’ hoặc ‘hai lòng’ như gợi ý của thánh Giacôbê trong bài đọc thứ hai hôm nay, “Ai hoài nghi, thì giống như sóng biển bị gió cuốn đi và giao động!”; “Con người hai lòng, do dự trong mọi đường lối, con người ấy đừng mong lãnh nhận gì nơi Chúa!”. Thật ý nghĩa với tâm tình thống hối của Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, xin chạnh lòng thương cho con được sống!”.

Anh Chị em,

“Bạn chưa có một phần tư thế kỷ kinh nghiệm!”. Phải, cả chúng ta, phải chăng chúng ta cũng chưa có một phần tư thế kỷ kinh nghiệm về Chúa Giêsu! Nếu có một kinh nghiệm già dặn về Ngài, kinh nghiệm về ân sủng, kinh nghiệm về cầu nguyện, kinh nghiệm về thống hối… hẳn chúng ta đã nên thánh từ lâu! Tắt một lời, Chúa Giêsu chưa được chúng ta yêu mến! Vậy mà Chúa Giêsu sẽ không để cho Ngài được yêu mến nếu Ngài không phải là Ngài, là một Giêsu nào đó; cũng như Ngài sẽ chẳng khát khao chúng ta khi chúng ta không phải là chính mình! Ngài phải là Ngài và chúng ta phải là chính mình! Chúng ta có thể muốn nhiều điều cho hạnh phúc của mình, nhưng Chúa Giêsu lại muốn chúng ta chấp nhận rằng, ý muốn của Thiên Chúa phải là trọng tâm của ‘đỉnh cao toàn thiện’ nơi mỗi người chúng ta!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con biết yêu mến Chúa bằng một tình yêu trong sáng và thánh thiện. Cho con biết cảm nhận một ‘nỗi đau tâm linh’ về tội lỗi mình và tội lỗi người khác, mà vì đó, Chúa phải thở dài!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày 14/02: Ơn Chúa thật lạ lùng – Lễ Nhớ Thánh Cyrillô và Metôđiô - Lm. Giuse Trần Châu Đông
Giáo Hội Năm Châu
04:11 13/02/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Chúa Giê-su chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Người bảo các ông : “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: ‘Bình an cho nhà này !’ Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: ‘Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông’.”
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:26 13/02/2022

9. Chúng ta cùng nhau đọc Kinh Thánh nhé, nhưng chúng ta phải giống như các thánh tiên tri đã chỉ thị là phải nắm vững tinh hoa để đọc ! Chúng ta quỳ xuống để đọc nhé, không nên mang sự phê bình trong lòng, không nên vì lòng hiếu kỳ, bởi vì nó sẽ dẫn chúng ta đến chỗ hư vô ! Chúng ta nên mang một tâm hồn ấm áp và tâm tình để đọc. Người ta nói với chúng ta ở đó có sự sống, có sự sáng, thế thì tại sao chúng ta không bỏ ra chút công sức để nếm mùi vị đó chứ?

(Thánh Paul of Claud)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:32 13/02/2022
97. GIẢNG SÁCH CỔ HAY

Lưu Dực Trung là người ở Thương Châu, thường ngày rất thích đọc truyện, cái mê tín của người xưa thì lấy kinh cổ ra giảng giải.

Một hôm, ngẫu nhiên được một quyển binh pháp cổ, bèn nằm phục trên bàn đọc luôn cả một năm, tự cho mình có thể chỉ huy mười vạn binh sĩ tác chiến. Năm ấy gặp địch quân xâm chiếm, ông ta bèn thao luyện binh sĩ và đem quân ra trận, kết quả bị đại bại và ông ta suýt bị bắt làm tù binh.

Về sau, ông ta lại nhặt được một quyển sách dạy về thủy lợi của người xưa, lại nằm phục trên bàn cẩn thận đọc thêm một năm nữa, và tự cho mình có thể hô ngàn vạn thổ đất biến thành ruộng vườn.

Quan huyện nghe được tin ông ta khoác lác như thế, bèn bổ nhiệm ông ta đến một thôn làng để lãnh đạo dân chúng làm thủy lợi. Gặp lúc thủy triều dâng cao tàn bạo, nước chảy ngập ven đê, ông ta cho đào các ngòi rãnh để dẫn nước vào trong, dân trong làng suýt bị ngập chết, biến thành những con ba ba.

(Duyệt Vi Thảo Đường bút ký)

Suy tư 97:

Có những quyển sách mà đọc xong thì hiểu được ý nghĩa ngay; có những quyển sách đọc xong phải ngẫm nghĩ cả hai ba ngày mới hiểu được nghĩa của nó; và có những quyển sách phải đọc lui đọc tới cả trăm lần mới hiểu được.

Có người mới đọc được vài quyển sách thì đã vỗ bụng khoe khoang là cả bụng chữ nghĩa, nhưng viết không nổi một lá đơn xin việc; có người khoe khoang mình học Tây học Tàu, thông làu văn chương kim cổ, nhưng cuộc sống thì như người chưa hề biết đến chữ nghĩa; lại có người có thực chất học cao biết rộng nhưng thiếu cái tâm khiêm tốn, nên trở thành nỗi lo nỗi buồn của người khác.

Đọc hết tất cả các sách của thế gian mà không đọc Kinh Thánh thì chẳng khác chi người đọc sách binh thư cổ, không hiểu gì cả về Thiên Chúa và tình thương của Ngài; hiểu biết các khoa học vũ trụ trên trời dưới đất và trong biển khơi, nhưng coi thường Lời Chúa trong sách Kinh Thánh, thì giống như đứa học trò nói mình đã giỏi hơn thầy...

Suy tư khi đọc Kinh Thánh để nhìn thấy Thiên Chúa trong các công trình khoa học của mình, đó là tâm tình của tất cả người Ki-tô hữu.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Người Quân Tử Trong Dáng Đứng Tin Mừng
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
09:38 13/02/2022
Người “Quân Tử” Trong Dáng Đứng Tin Mừng

(Chúa Nhật 6 TN C 2022)

Nếu đem chân dung “người quân tử” của văn hóa “khổng Nho” soi vào hình tượng “Người nghèo” của “văn hóa Kinh Thánh”, hình như chúng ta thấy có một số điểm tương đồng; mà điểm tương đồng nổi trội nhất đó chính là sự “buông bỏ” khỏi cái “giàu sang nhầy nhụa thế tục” để tìm về sự thanh thoát, giản đơn của “cái tôi đúng nghĩa”. Và nếu “cái tôi thanh thoát, giản đơn” của người quân tử luôn hòa mình, đồng điệu với thiên nhiên, đất trời, cây cỏ…, như kiểu:

“…Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao

Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhắp

Nhìn xem phú quí, tựa chiêm bao.”

thì “Người nghèo” của Kinh Thánh lại tìm nương tựa nơi chính Thiên Chúa, như sứ điệp của ngôn sứ Giêrêmia được trích đọc trong Bài đọc 1 Chúa Nhật hôm nay: “Phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa, và Chúa sẽ là niềm cậy trông của họ. Họ sẽ như cây trồng nơi bờ suối, cây đó đâm rễ vào nơi ẩm ướt, không sợ gì khi mùa hè đến, lá vẫn xanh tươi, không lo ngại gì khi nắng hạn mà vẫn sinh hoa kết quả luôn…”.

Thật vậy, người “quân tử” đúng nghĩa của văn hóa Việt Nam thời phong kiến được thể hiện qua những chân dung như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Bỉnh Khiêm…; những người luôn thể hiện “đạo xuất xử” cách nghiêm túc: Khi nắm giữ chức quyền, sứ mệnh thì đem hết tài “lương đống, can tương” để phục vụ quên mình; nhưng khi đã xong nhiệm vụ thì dứt khoát buông bỏ, chọn kiếp sống của một “hàn nho”, chỉ cần:

“Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bịch bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no,

Đêm năm canh, an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ…”.

Nhưng “nhân sinh quan” của Kinh Thánh không dừng lại ở “đạo xuất xử” mà là một lựa chọn sinh tử cho cả một đời người, một chương trình quyết định; một sự lựa chọn hoặc “đứng về phía của Thiên Chúa” để “thực thi chương trình của Ngài”; hoặc lựa chọn “cái tôi” và những “giải pháp trần tục” vắng bóng Thiên Chúa.

Kinh Thánh Cựu ước đã chỉ cho chúng ta hai “hình tượng mẫu” đại diện cho “hai lựa chọn nầy; đó là cuộc đọ sức của một “đại tướng Goliat” dũng mãnh và được “trang bị đến tận răng” và một chàng “Đavít chăn chiên với chiếc ná và vài viên đá cuội lượm dưới suối”. Chân dung “người nghèo của Thiên Chúa” đã được minh họa tóm tắt nhưng đầy đủ qua lời tuyên ngôn của Đavít khi tiến ra đối đầu với Goliat: “Mầy mang gươm, mang giáo, cầm lao mà đến với tao. Con tao, tao đến với mầy nhân danh Đức Chúa…” (1 Sm 17,45).

Qua hình tượng của Đavít, Kinh Thánh sẽ cho chúng ta liên tưởng đến một loạt các hình tượng khác trong chuỗi dài lịch sử cứu độ thời Cựu ước như Abraham, Môse, Êlia, Giuđitha, Esther…, hay Tân ước như Giuse, Maria, Gioan Tẩy Giả, các Tông đồ…; những “kẻ nghèo”, những kẻ bị trù dập, săn đuổi, áp chế, buồn sầu khóc lóc…, để dẫn tới “một người nghèo vĩ đại”, cũng thuộc hàng “con cháu Đavít”, là điểm đến cuối cùng: Người nghèo Giêsu Nadarét bị lột trần truồng và đóng đinh thập giá.

Không phải đợi đến phút cuối cùng khi bị đóng đinh thập giá Đức Giêsu mới bất đắc dĩ chọn lựa “con đường nghèo khó”, mà ngay từ lúc sinh vào đời, Ngài đã chọn “hang lừa máng cỏ Bêlem”; với ba mươi năm ẩn dật, Ngài đã chọn kiếp thợ mộc bần hàn; và trong suốt ban năm đi rao giảng Tin Mừng, Ngài đã chọn phong cách sống và hiện diện giữa những người nghèo, yêu thương người nghèo, rao giảng về cái “phúc khó nghèo”, như Tin Mừng Luca hôm nay vừa được công bố: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương…”. Và có lẽ, để giúp cho độc giả hiểu tường tận ý nghĩa của “bốn cái phúc” khá “lạ kỳ” và cũng “khó chấp nhận” trên, Luca đã khéo léo trưng ra “bốn cái họa” hay “cái khốn” đối nghịch, là những “lựa chọn” khá phổ thông cho nhân loại muôn nơi muôn thuở. Nhà chú giải Kinh Thánh Noel Quesson đã cắt nghĩa về sự đối lập của hai “lựa chọn” căn bản nầy như sau: “người nghèo vốn không có chỗ nương tựa nơi con người, vì thế được mời gọi hướng về Thiên Chúa. Chính sự giàu có đặt người giàu vào sự nguy hiểm, khi cất đi khỏi người ấy mọi “sự đói khát Thiên Chúa”, người ấy bị giam hãm trong “căn phòng đóng kín” của những hạnh phúc nhỏ bé phàm tục của mình. Bất hạnh của những người giàu chính là họ đặt cược quá thấp và quên rằng chỉ Thiên Chúa mới có thể lấp đầy khát vọng hạnh phúc vô cùng trong mỗi con người.”.

Thánh sử Luca đã lặp đi lặp lại nội dung ý nghĩa nầy trong Tin Mừng của Ngài, như chúng ta thấy nơi dụ ngôn người nghèo Ladarô (Lc 16,19-31); người thu thuế tội lỗi (Lc 18,9-14); Ông Giakêu trở nên con người mới (Lc 19,1-10); bà góa nghèo với hai đồng xu nhỏ (lc 21,1-4)…; và nhất là chân dung của Đức Maria nơi bài ca Magnificat:“… Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng…” (Lc 1,51-53).

Đứng trước một trào lưu xã hội “thượng tôn vật chất”, thực dụng và hưởng thụ tiện nghi, những lời công báo “Phúc-Hoạ” của Tin Mừng Luca chưa bao giờ lỗi thời. Bởi chưng, con người muôn nơi muôn thuở vẫn còn đó nguyên cơn cám dỗ “trái cấm nơi vườn địa đàng”, hay cơn cám dỗ “bánh mì, sự giàu có thế gian và vinh quang trần tục nơi hoang mạc” !

Trong lãnh vực đức tin, mục vụ, Giáo Hội, được mệnh danh là “Đoàn chiên nhỏ”, đâu đã thoát hẳn những cơn bệnh “thế tục hoá” của những “ông phú hộ”, của “chàng trai giàu có”: muốn Giáo Hội mình, cộng đoàn mình, Hội Dòng mình, nhà thờ mình, gia đình mình… phải to lớn khang trang, phải huy hoàng hoành tráng, phải hiện đại hợp thời…; và bao nhiêu cái “phải” để rốt cuộc, “chẳng khác gì thế gian”.

Cuối cùng, khi chọn cái “Phúc nghèo” của Tin Mừng cũng có nghĩa chọn “Con đường thập giá”, chọn phương án “tự huỷ” để chiếm hữu “NƯỚC THIÊN CHÚA”, để đạt được niềm hạnh phúc “PHỤC SINH”. Sự phục sinh của Đức Kitô chính là đích điểm của sự chọn lựa “khó nghèo thập giá”; đó chính là chân lý đã được Thánh Phaolô cùng với cộng đoàn tín hữu Côrintô xác tín và tuyên xưng ngay từ những buổi đầu khai sinh Giáo Hội mà chúng ta vừa nghe lại trong Bài đọc 2: “Nếu chúng ta chỉ hy vọng vào Đức Kitô trong cuộc đời này mà thôi, thì chúng ta là những người vô phúc nhất trong thiên hạ. Nhưng không, Đức Kitô từ cõi chết sống lại là hoa quả đầu mùa của những người đã yên giấc”.

Chúng ta đừng quên, Giáo Hội Công Giáo đã từng có một thời (“Trung cổ” của thế kỷ 12-13) rơi vào tình trạng băng hoại, biến chất Tin Mừng…; nhưng đã được củng cố và phục hưng nhờ một trong những vị thánh được mệnh danh là “đính hôn với cô nghèo” (Lady Poverty), thánh Phanxcicô Assisi, hay “Phanxicô khó khăn” (1181-1226), một chứng nhân tuyệt vời của sứ điệp Tin Mừng về “phúc khó nghèo” vẫn còn sống và mới mãi giữa lòng Hội Thánh cùng với “bài ca đi cùng năm tháng bất hủ” của Ngài: Kinh Hòa Bình.

Vâng, để canh tân và góp phần xây dựng một Giáo Hội mang căn cước Tin Mừng cho thời đại hôm nay, không gì khác hơn, đó là cùng chọn lựa đi chung một con đường (Synode), con đường khó nghèo của Phúc Âm, “con đường Kitô”, một thứ gia sản quý hiếm, một “bảo vật” mà chỉ có Giáo Hội, hay đúng hơn, Giáo Hội “chỉ có bấy nhiêu để cho”, như lời khẳng định ngày nào của Tông Đồ Phêrô: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nadarét, anh đứng dậy mà đi” (Cv 3,6). Đúng vậy, Kitô hữu, thật ra, chỉ là một kẻ nghèo”; hay “Hán Nho” một chút, chỉ là một “quân tử mang dáng đứng Tin Mừng” !

Trương Đình Hiền (13.2.2022)
 
Lại Thở Dài
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:39 13/02/2022
Lại Thở Dài

(Thứ Hai sau Chúa Nhật VI TN – Mc 8,11-13)

Quý ông có vợ hay ghen thường kháo nhau câu chuyện sau: Có ông nọ là dân văn phòng. Hôm kia sau khi làm việc cả ngày vất vả về nhà áo quần hơi xộc xệch. Bà vợ la toáng lên: “Chắc là hú hí, hẹn hò đâu đó khiến áo quần xộc xệch thế kia. Chồng ơi là chồng!”. Nhịn vợ. Hôm sau đi làm trước khi về nhà ông ghé tiệm giặt ủi, ủi sơ cái áo và tươm tất về nhà. Bà vợ thấy thế thì cũng la toáng lên: “Khốn thân tôi. Có ông chồng đã ăn vụng lại còn biết chùi mép tươm tất. Trời ơi là trời!”.

Tin mừng ngày thứ Hai sau Chúa Nhật VI mùa Thường Niên tường thuật sự kiện nhiều người biệt phái sau khi chứng kiến phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều cho khoảng bốn ngàn người ăn no nê từ bảy chiếc bánh nhỏ đã kéo nhau ra tranh luận với Chúa Giêsu và đòi Người cho một dấu lạ từ trời. Chúa Giêsu đã thở dài ngao ngán não ruột và nói: “Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông biết: Thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả”. Nói thế rồi Người bỏ họ đó, xuống thuyền qua bờ bên kia (x.Mc 8,11-13).

Thánh sử Maccô đoạn trước đó tường thuật chuyện Chúa Giêsu trước khi nói “Epphata” (hãy mở ra) chữa lành một người điếc và ngọng cũng đã thở dài (sigh). Người thở dài vì thấy có đó nhiều người không tật bệnh gì về thể lý vậy mà “có tai mà vẫn không chịu nghe”, “có miệng mà không biết nói rõ ràng”. Trước sự cố chấp, cứng lòng của nhiều biệt phái trong trường hợp sau thì thánh sử Maccô ghi Chúa Giêsu “thở dài não ruột” (sigh deeply).

Khi đã cứng lòng thì dẫu Chúa Giêsu có làm thêm dấu lạ nữa họ cũng cố chấp biện bạch với nhiều lý lẽ theo cách nghĩ của họ. Trong một vài trường hợp xem ra khá tỏ tường và lặp đi lặp lại, có lẽ chúng ta khó làm thay đổi những người đã cố chấp, cứng lòng. Và thái độ phản đối hay từ chối cách dứt khoát, rõ ràng cũng là một biện pháp. Chúa Giêsu đã từng khuyên các môn đệ rằng: “Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em.” (Mt 7,6).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
CN 6C : Ngẫm Về Chữ Phúc.
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, OFM
09:42 13/02/2022


Nhiều chữ “phúc” vang lên trong bài Tin Mừng hôm nay, lại là liền ngay sau Tết Nhâm Dần, nên suy tư về chữ “phúc” quả là xứng hợp.

Khổng Tử một ngày kia đi dạo núi Thái Sơn, gặp ông Vĩnh Khải Kỳ cũng đang ngao du tại đó. Ông này mặc áo da cừu, lưng thắt dây đai, tay gảy đàn cầm, vừa đi vừa hát. Khổng Tử hỏi: Tiên sinh làm thế nào mà thường xuyên vui vẻ thế?

Vinh Khải Kỳ trả lời : Trời sinh muôn vật muôn loài, mà loài người là quí nhất. Ta được làm người đó là một điều quý, đáng vui. Trong loài người, đàn ông quí hơn đàn bà, mà ta được làm đàn ông, đó là hai điều quí, đáng vui. Người ta sinh ra có người đui người què có người sống yểu chết non, còn bọc trong tã mà đã chết rồi, mà ta đây hoàn toàn khoẻ mạnh, nay đã 90 tuổi, thế là ba điều quý, đáng vui. Còn cái nghèo là sự thường của thế gian, cái chết là sự hết của đời người, ta nay xử cảnh thường như nhiều người, đợi lúc hết như mọi người, thì có gì là lo là buồn.

Đức Khổng Tử nói: Phải lắm, tiên sinh thế là biết cách hưởng sự vui sướng ở đời.

Vinh Khải Kỳ quả đang sống những cái phúc ở đời.

Bài Tin Mừng hôm nay của Luca tuy chỉ vang lên 4 chữ phúc, chứ không như của Matthêu đến 8 chữ phúc, nhưng như thế cũng là phúc lắm rồi, bởi có kẻ được phúc này, có kẻ được phúc kia, có kẻ hai ba bốn phúc, có kẻ nửa chữ phúc cũng tìm không ra.

Trong cuộc sống thường ngày ta cũng dễ thấy cái Phúc nằm ở nhiều lớp người, nhiều hoàn cảnh. Lm Cao Siêu ghi :

“Chẳng có gì dễ hiểu như hai từ hạnh phúc.

Nhưng định nghĩa hạnh phúc lại là điều không dễ.

Mỗi người có một quan niệm về hạnh phúc,

và nơi mỗi người, quan niệm này cũng biến đổi theo thời gian.

khi thì hạnh phúc là cái này lúc thì hạnh phúc là cái kia.

Đói, hạnh phúc là cơm canh. Đau, hạnh phúc là chạy nhảy

Thường ta hay chạy theo những cái bóng của hạnh phúc,

để rồi vỡ mộng, nhưng nhờ đó ta dần dần hiểu hơn

thế nào là hạnh phúc đích thật.

Hạnh phúc không nằm nơi của cải, kiến thức, quyền uy.

Hạnh phúc không do chiếm được những gì mình muốn,

nhưng do trao hiến điều quý nhất của mình.

Hạnh phúc là sự ổn thỏa giữa tôi với Chúa,

giữa tôi với anh em, giữa tôi với chính tôi...” (Lm Cao Siêu)

Có những lúc hạnh phúc thật đơn sơ dễ thấy nhưng mà cũng khó đạt :

Nhà kia có người con ngoan ngoãn hiếu đễ – ta khen : ông bà là người có phúc.

Gia đình nọ, vợ chồng chí thú làm ăn, nuôi dạy con cái nên người, ta khen : anh chị là người hạnh phúc.

Nhà nọ, đầm ấm sum vầy, ta bảo : họ có phúc.

Và cũng có cái phúc thật giản đơn: Ăn được ngủ được là tiên, không ăn không ngủ mất tiền thêm lo, tức là mất phúc !

Vậy là cái phúc ở đời nằm trong tay nhiều hạng người, nhiều hoàn cảnh chứ không giới hạn ở một vài dăm ba. Thì cái phúc của người theo Đức Kitô, (Kitô hữu) cũng nằm trong tay nhiều hạng, chứ không chỉ 4 như Luca, hay 8 như Matthêu, hay thêm cái phúc tin không có trong bộ tứ, bộ bát trên, như trong Gioan, không thấy mà tin cũng phúc. “Phúc cho ai không thấy mà tin,” “phúc cho bà là người đã tin,” “phúc cho ai nghe và giữ lời Thiên Chúa”.… Do đó cái chính không phải là xem hạng người nào có phúc, nhưng xem coi : người có phúc thì họ được gì.

Cả 4 mối Phúc của Luca lẫn 8 mối Phúc của Matthêu cũng đều nhắc tới cái được. Gom tất cả các cái được đó lại và nhại theo câu chuyện giữa Khổng Tử và Vinh Khải Kỳ mà chúng ta nghe đầu bài, ta có thể thuật như sau :

“Một ngày kia, Đức Khổng Tử đi chu du thiên hạ, gặp một nhóm người ngực mang khổ giá nhưng nét mặt vẫn tươi vui. Bảng tên của họ ghi “Kitô hữu.” Đức Khổng Tử hỏi một người trong nhóm: Này anh, kẻ hậu sinh, nhóm của anh tìm được cái gì mà sao anh và họ vui tươi hớn hở như thế? Nét mặt các anh biểu lộ tâm hồn của những phúc nhân, những chân phước.

“Chàng Kitô hữu trả lời:

“Chúa trời sinh muôn vật muôn loài mà loài người là quí nhất. Chúng tôi được làm người, đó là một điều phúc.

“Chẳng những chỉ là người bình thường mà chúng tôi còn được làm người con của Trời, con của Chúa, làm thiên tử. Về điều phúc này lớn lao quá, đến nỗi khổ mấy để đạt được cũng không quản, đạt được rồi, vui mấy cũng không vừa. Không bút nào tả cho xiết, không lời nào nói cho cùng. Chúng tôi là thiên tử, là con trời. Đó là 2 điều Phúc.

“Là con trời nhưng Trời không là vị Chúa tể oai phong cho bằng Trời là Cha, Chúa là mẹ. Chúa là Cha, cũng không phải là cha nghiêm khắc công thẳng mà là Cha nhân từ. Cha chúng tôi nhân từ đến độ có người cho là nhu nhược, nhưng Ngài vẫn cứ giữ nhân từ vô cùng như thế. Dù chúng tôi có tội lỗi bao nhiêu, dù chúng tôi có xúc phạm Ngài thế nào, chỉ cần một tiếng khóc ăn năn: Phúc cho kẻ than khóc, thì Ngài liền quảng đại thứ tha. Cha chúng tôi quyền phép vô cùng nên mới nhân từ vô hạn được như vậy. Đó là 3 điều phúc.

“Rồi khi cái chết là sự hết của đời người, chúng tôi sẽ được về cùng Cha, không phải chỉ mãi là tâm linh là khí phách sống trong nhà Cha, mà cả xác của chúng tôi cũng được phục sinh trong ngày sau hết để vui hưởng hạnh phúc trong nhà Cha như nhà mình : đó là 4 điều phúc.”

Nghe chàng Kitô hữu trả lời, Khổng Tử liền nói: “Được 4 chân phúc như các anh các chị, làm sao các anh các chị không vui, không mừng được. Lời của các anh chị nghe là lời phúc: Phúc âm. Tin mà các anh chị nhận là Tin Mừng : Tin Mừng Đức Giêsu Kitô.”

Cứ đón, cứ nhận những Tin Mừng mà Đức Kitô loan báo,

Cứ nghĩ tới cứ nhớ về những cái Phúc mà chúng ta được đó :

-phúc làm người,

-phúc làm người con Chúa,

-phúc làm người con Chúa mà Chúa là Cha nhân từ,

-phúc được về nhà Cha cả hồn lẫn xác,

Chúng ta sẽ đủ sức mạnh đủ nghị lực để sống vui sống hạnh phúc chẳng những đời sau mà đời này nữa, cho dù có nhiều nghịch cảnh vây quanh ta, ta vẫn vang lên những lời chúc phúc mà chắc chắn Chúa đã hứa và Chúa sẽ thực hiên. Amen.

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Trường thọ thứ hai thế giới và thứ nhất Âu Châu là nữ tu người Pháp
Nguyễn Long Thao
10:54 13/02/2022
Sơ Andre Randon, một nữ tu người Pháp, đã mừng sinh nhật lần thứ 118 vào ngày 11 tháng 2 năm 2022. Theo Nhóm nghiên cứu về tuổi thọ.Bà là người sống lâu thứ hai trên thế giới và là người cao tuổi nhất châu Âu.

Trước kỷ niệm sinh nhật thứ 118 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gửi lời chúc mừng trân trọng đến vị nữ tu

Lucile Randon sinh ngày 11 tháng 2 năm 1904 tại Alés, Pháp. bà từ đạo Tin lành chuyển sang đạo Công Giáo năm 19 tuổi. Trước khi trở thánh nữ tu ở tuổi 40, bà phục vụ trẻ nhỏ và người già tại một bệnh viện ở Pháp

Năm 40 tuổi, bà gia nhập Dòng Nữ Tử Bác Ái - do Thánh Vincent de Paul thành lập. Bà lấy tên là Sơ Andre để vinh danh người anh ruột đã khuất.

Bảy mươi sáu năm sau, Sơ Andre chuyển đến Toulon, miền nam nước Pháp, để ở tại nhà hưu dưỡng Sainte Catherine Labouré. Tại đây vào năm 2021,bà bị nhiễm Covid 19, bà bị cách ly nhưng không có biểu hiện gì về bệnh dịch.

Khi được hỏi Bà có sợ Covid không, Bà Andre nói với kênh truyền hình BFM của Pháp:

"Không, tôi không sợ hãi vì tôi không sợ chết... Tôi rất vui khi được ở bên qúy vị, nhưng tôi ước được ở với anh trai tôi và ông bà tôi. ”

Lần sinh nhật lần thứ 115 vào năm 2019, Sơ Andre đã nhận được một tấm thiệp và một tràng hạt mân côi từ Đức Thánh Cha Phanxicô. Tràng hạt ấy bà đã sử dụng hàng ngày.

Bước sang tuổi 116 vào năm 2020, vị nữ tu đã chia sẻ “công thức để có một cuộc sống hạnh phúc” là hãy- cầu nguyện và uống một tách ca cao nóng mỗi ngày.

Nguyễn Long Thao
 
Bách hại công khai: Ấn Độ bắt giam một Giám Mục và 5 linh mục
Đặng Tự Do
17:05 13/02/2022


Một giám mục Công Giáo và ít nhất 5 linh mục được báo cáo là đã bị bắt ở Ấn Độ. Cảnh sát cáo buộc các vị có các hoạt động khai thác bất hợp pháp trên đất thuộc sở hữu của giáo phận.

UCA News đưa tin: Những người bị bắt bao gồm Đức Cha Samuel Irenios Kaattukallil của giáo phận Pathanamthitta của Công Giáo nghi lễ Syro-Malankara và 5 linh mục của giáo phận, trong đó có cả cha tổng đại diện.

Các giáo sĩ bị cáo buộc đã tạo điều kiện cho việc khai thác cát dưới dòng sông quy mô lớn từ một khu đất rộng 300 mẫu Anh thuộc sở hữu của giáo phận được cho thuê làm đất nông nghiệp. Cảnh sát cáo buộc người thuê đất của giáo phận đã lấy đi khoảng 787 mét khối cát, nằm trên bờ sông Thamirabarani ở bang Tamil Nadu.

Khai thác cát là một ngành kinh doanh có lãi ở Ấn Độ, vì cát thường được bán để sử dụng trong ngành xây dựng. Tuy nhiên, hoạt động này bị cấm ở hầu hết các khu vực do thiệt hại nặng nề về môi trường và sinh thái, vì các con sông có thể bị mất một phần lòng sông.

Giáo phận nói rằng bên thuê là người đã tham gia vào các hoạt động khai thác bất hợp pháp và do đại dịch COVID-19, giáo phận không thể kiểm tra khu đất trong thời gian hai năm.

Một linh mục của giáo phận nói với UCA News rằng khu đất nông nghiệp rộng 300 mẫu Anh, có trồng dừa và cây lý gai, đã thuộc sở hữu của giáo phận trong 40 năm qua.

787 mét khối cát không phải là con số lớn, và giáo phận không trực tiếp làm nên việc bắt giữ một Giám Mục và 5 linh mục được xem là một hành động không tương xứng, nếu không muốn nói là bách hại ra mặt.
Source:Catholic News Agency
 
Dùng tà giáo và các pháp sư trong chiến dịch tranh cử tại Nam Hàn
Đặng Tự Do
17:06 13/02/2022


Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết một cuộc điều tra đã được mở ra nhắm vào ứng cử viên bảo thủ Doãn Tích Duyệt (Yoon Suk-yeol,윤석열), người đã bị buộc tội thiên vị đối với một giáo phái có liên hệ với một pháp sư thân cận với anh ta. Tiền lệ dùng tà giáo và các pháp sư trong việc công đã được đặt ra bởi cựu Tổng thống Phác Cận Huệ (Park Geun-hye, 박근혜), là người đã bị cách chức vì cho phép một nhà thần bí can thiệp vào công việc của nhà nước, gây ra một số tổn thất nặng nề.

Trong khoảng thời gian non một tháng nữa, vào ngày 9 tháng 3, Hàn Quốc sẽ đi bỏ phiếu để bầu ra tổng thống mới, điều mà một số nhà bình luận gọi là “cuộc bầu cử phiền toái”. Bầu không khí trong đó chiến dịch bầu cử đang được tổ chức đã bị hoen ố bởi vô số cuộc tấn công cá nhân, trong khi các ứng cử viên chính đã không thu hút được sự ủng hộ của công chúng về mức độ được ưa chuộng trong các cuộc thăm dò. Trong bối cảnh thờ ơ của cử tri hiện nay, sự xuất hiện trở lại của các mối liên hệ giữa chính trị và đạo giáo là mối quan tâm lớn của công chúng Hàn Quốc.

Sau tiết lộ của một tờ báo địa phương, các công tố viên của Hán Thành đã mở một cuộc điều tra về ứng cử viên bảo thủ Doãn Tích Duyệt trong những tuần gần đây. Các cáo buộc bắt đầu từ tháng 2 năm 2020, khi Hàn Quốc đang trải qua làn sóng nhiễm Covid đầu tiên do sự bùng phát trong giáo phái Tân Thiên Địa (Shincheonji, 신천지). Ông Doãn, tổng trưởng Bộ Tư Pháp vào thời điểm đó, bị cáo buộc đã ngăn cản cảnh sát thực hiện cuộc khám xét tại trụ sở của giáo phái này theo lời khuyên của một pháp sư có họ là Tiên (Jeon,전) được cho là có quan hệ thân mật với Ông Doãn.

Ứng cử viên và Đảng Bảo thủ đã phủ nhận các cáo buộc, nhưng mối quan hệ giữa Doãn và Tiên sâu sắc hơn nhiều so với các cáo buộc ban đầu. Vào đầu tháng Giêng, ủy ban bầu cử của đảng Bảo Thủ đã phải giải tán một tiểu ban của mình sau khi một video được tung ra cho thấy Tiên thân thiện hướng dẫn Doãn đến gặp các thành viên của tiểu ban, mặc dù thực tế là pháp sư không có vị trí chính thức nào trong chiến dịch tranh cử. Để tránh nghi ngờ rằng pháp sư có thể xuất hiện như một cố vấn ma thuật cho ứng cử viên, Đảng Bảo thủ do đó đã quyết định giải tán tiểu ban.

Theo một số báo cáo từ Hán Thành, mối quan hệ của Doãn với đạo giáo không phải là một sự kiện gần đây. Một tấm danh thiếp từ công ty của vợ Doãn có từ năm 2014 ghi tên Tiên là một nhà tư vấn. Hơn nữa, ứng cử viên bảo thủ đã thừa nhận đã có các cuộc gặp gỡ với các nhà thần bí khác. Những nghi ngờ về mối quan hệ của Doãn với các nhà thần bí đã xuất hiện trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Bảo thủ vào mùa thu năm ngoái, khi cựu công tố viên khi đó đang dẫn đầu cuộc đua để được đề cử đã xuất hiện trong một cuộc tranh luận trên truyền hình với nhân vật Trung Quốc được vẽ trên lòng bàn tay của anh ta, mà nhiều người giải thích như một lá bùa hộ mệnh.

Liên kết với tà giáo là một chủ đề rất nhạy cảm, đặc biệt là sau vụ bê bối làm rung chuyển chính trường Hàn Quốc trong hai năm 2016 và 2017. Vào dịp đó, cựu tổng thống bảo thủ Phác Cận Huệ đã bị cách chức vì cho phép Thôi Tất Nữ (Choi Soon-sil, 최필녀) bạn thân của bà và là con gái của một nhà thần bí nổi tiếng của Hàn Quốc, can thiệp vào các công việc nhà nước.

Tuy nhiên, việc dùng tà giáo và các pháp sư đã là một yếu tố của chính trị Hàn Quốc kể từ thời kỳ dân chủ hóa, mặc dù sự hiện diện của nó thường vẫn ở dưới bề mặt. Chiến dịch tranh cử của ứng cử viên đảng Dân chủ Lý Tại Minh (Lee Jae-myung, 이재명) hồi đầu tháng Giêng đã đưa ra một ủy ban gồm 17 nhân vật tôn giáo. Trong nhiều thập kỷ, giới tinh hoa chính trị của Hán Thành đã có mối liên hệ với các đạo giáo truyền thống trong văn hóa Hàn Quốc, và điểm khác biệt duy nhất lần này là những mối liên hệ này đang là trung tâm của một cuộc tranh luận công khai
Source:Asia News
 
Giám mục Á Căn Đình phải từ chức sau tranh cãi về việc đóng cửa chủng viện
Đặng Tự Do
17:07 13/02/2022


Hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Cha Eduardo María Taussig, Giám Mục của San Rafael.

Quyết định ngày 5 tháng 2 được đưa ra một năm rưỡi sau khi Vatican đóng cửa chủng viện giáo phận San Rafael. Đức Cha Taussig năm nay mới 67 tuổi.

Đức Cha Carlos María Domínguez, Giám Mục Phụ Tá của San Juan de Cuyo, hiện được bổ nhiệm làm Giám quản Tông Tòa của San Rafael.

Trong một cuộc phỏng vấn được xuất bản bởi tuần báo giáo phận De Buena Fe, phát ngôn viên của Giáo phận San Rafael, là cha José Antonio Alvarez, nói rằng “công chúng biết rằng giáo phận đã phải trải qua một cuộc khủng hoảng rất nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến việc đóng cửa chủng viện địa phương”.

“Tình hình đã được giải quyết ổn thỏa, nhưng vẫn chưa hoàn toàn. Đức Cha Taussig, ngay từ giây phút đầu tiên, đã đặt chức vụ của mình dưới quyền của Đức Giáo Hoàng”.

“Trong quá trình hai năm qua, ngài đã nhắc lại nó một vài lần và cuối cùng đã xác nhận lại nó bằng văn bản vào những tháng cuối năm 2021. Từ thời điểm đó, Đức Thánh Cha bắt đầu chuẩn bị quá trình chuyển đổi và cuối cùng hôm nay ngài đã truyền đạt những gì chúng ta biết.”

Đức Cha Taussig được phong chức linh mục của Tổng giáo phận Buenos Aires vào năm 1982, và ngài được bổ nhiệm làm Giám mục của San Rafael vào năm 2004.

Kể từ giữa năm 2020, căng thẳng đã tăng cao giữa Giáo phận San Rafael và một nhóm tín hữu đáng kể.

Vào tháng 6 năm 2020, khi thông báo về việc ngừng thờ phượng nơi công cộng do đại dịch COVID-19, Đức Cha Taussig truyền rằng chỉ có thể rước lễ khi đứng và cầm trên tay, chứ không được quỳ và rước lễ trên lưỡi.

Một số lớn các linh mục ở San Rafael đã không tuân thủ các chỉ thị về việc cho Rước lễ trên tay, trong số đó có nhiều chủng sinh cũ của chủng viện, được một số người cho là đứng sau việc các linh mục miễn cưỡng tuân thủ yêu cầu Rước lễ trên tay.

Bên cạnh những rắc rối mà điều này gây ra giữa giáo dân và các linh mục của giáo phận, quyết định của Giám mục Taussig cũng gây ra căng thẳng trong nội bộ chủng viện của giáo phận.

Đức Cha San Rafael thông báo ngày 27 tháng 7 năm 2020 theo lệnh của Bộ Giáo sĩ rằng Chủng viện Thánh Maria Mẹ Thiên Chúa sẽ đóng cửa vào cuối năm và các chủng sinh sẽ được chuyển đến các chủng viện khác của giáo phận.

Vị giám mục cho biết “quyết định đóng cửa chủng viện đã làm tôi vô cùng thất vọng và khiến tôi rất ngạc nhiên, nhưng đó là chỉ thị trực tiếp từ Tòa Thánh.”

Đức Cha Taussig giải thích rằng Bộ Giáo sĩ thông báo với ngài rằng do rắc rối mà chủng viện phải thay hiệu trưởng đến bảy người trong 15 năm qua - dường như không đáng để tiếp tục mở chủng viện”.

Chủng viện San Rafael là một trong những chủng viện thành công nhất ở Á Căn Đình và ở khắp Châu Mỹ Latinh, với một số lượng lớn các ơn gọi.

Sau cuộc triều yết Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vào cuối tháng 10 năm 2020, Đức Cha Taussig nói rằng quyết định đóng cửa chủng viện của Vatican “miễn bàn cãi”.

Một số giáo dân trong giáo phận đã tổ chức các cuộc biểu tình khác nhau và yêu cầu mọi người lần chuỗi Mân Côi trước các văn phòng của giáo phận. Nhiều đoàn xe ô tô đi qua các đường phố ở các thành phố trong giáo phận Á Căn Đình để phản đối quyết định này.

Vào tháng 12 năm 2021, chỉ hơn một năm sau khi đóng cửa Chủng viện Thánh Maria Mẹ Thiên Chúa, giáo phận đã thông báo về việc tái phân bổ các chủng sinh đã được đào tạo ở đó, và nói rằng một nhóm 12 người đã được chuyển đến “bốn chủng viện trong nhiều giáo phận ở Á Căn Đình, mà không tiết lộ có bao nhiêu quyết định từ bỏ việc đào tạo linh mục sau những tranh cãi.
Source:Catholic News Agency
 
Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 13/2
Đặng Tự Do
07:37 13/02/2022


Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trung tâm của Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay là các Mối Phúc (x. Lc 6, 20-23). Thật thú vị khi lưu ý rằng Chúa Giêsu, mặc dù bị bao quanh bởi một đám đông lớn, nhưng lại công bố các Mối Phúc bằng cách nói với “các môn đệ của Ngài” (câu 20). Ngài nói với các môn đệ. Thật vậy, các Mối Phúc xác định căn tính của người môn đệ Chúa Giêsu. Các Mối Phúc nghe có vẻ lạ, gần như không thể hiểu được đối với những người không phải là môn đệ; nhưng, nếu chúng ta tự hỏi chính mình môn đệ của Chúa Giêsu phải là người như thế nào, thì câu trả lời chính xác là các Mối Phúc. “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (câu 20). Phúc cho những người nghèo. Chúa Giêsu nói với dân Ngài hai điều: họ có phúc và họ nghèo; quả thật, họ được chúc phúc vì họ nghèo.

Theo nghĩa nào? Thưa: Theo nghĩa là các môn đệ Chúa Giêsu không tìm thấy niềm vui của mình nơi tiền bạc, quyền lực, hoặc các thứ của cải vật chất khác; nhưng trong những ân sủng mà họ nhận được mỗi ngày từ Thiên Chúa: sự sống, tạo vật, anh chị em, v.v. Đây là những món quà của cuộc sống. Họ bằng lòng chia sẻ ngay cả những thứ họ sở hữu, bởi vì họ sống theo luận lý của Thiên Chúa. Và luận lý của Chúa là gì? Thưa: là sự nhưng không. Người môn đệ đã học cách được sống nhưng không. Sự nghèo khó này cũng là một thái độ đối với ý nghĩa của cuộc sống, bởi vì các môn đệ của Chúa Giêsu không nghĩ đến việc sở hữu nó, hay cho rằng mình đã biết mọi thứ, nhưng họ biết rằng họ phải học hỏi mỗi ngày. Và sự nghèo khó là thế này: đó là ý thức phải học mỗi ngày. Người môn đệ của Chúa Giêsu, từ khi có thái độ này, là một người khiêm tốn, cởi mở, xa rời các thành kiến và não trạng không linh hoạt.

Có một ví dụ điển hình trong bài đọc Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước: Ông Simon Phêrô, một ngư dân lão luyện, chấp nhận lời mời của Chúa Giêsu để thả lưới vào một giờ bất thường, và sau đó, đầy ngạc nhiên về vụ đánh bắt kỳ diệu, rời thuyền và tất cả hàng hóa của mình để theo Chúa. Thánh Phêrô cho thấy mình là người ngoan ngoãn bằng cách bỏ mọi thứ, và theo cách này, ngài trở thành một môn đệ. Thay vào đó, những ai quá dính bén vào ý tưởng riêng và của cải của riêng mình, sẽ khó thực sự theo Chúa Giêsu. Họ theo dõi Ngài một chút, chỉ trong những điều mà trong đó “Tôi đồng ý với Ngài và Ngài đồng ý với tôi”, nhưng sau đó, đối với những phần còn lại, họ không đi xa hơn. Và đó không phải là một môn đệ. Có lẽ họ lắng nghe Ngài, nhưng họ không làm theo Ngài. Và vì vậy, họ rơi vào tình trạng buồn bã. Họ trở nên buồn bã vì mọi thứ không hợp lý, bởi vì thực tế thoát khỏi tâm lý của họ và họ thấy không hài lòng. Ngược lại, các môn đệ biết cách tự vấn mình, khiêm tốn tìm kiếm Thiên Chúa mỗi ngày, và điều này cho phép họ đi sâu vào thực tế, nắm bắt được sự phong phú và phức tạp của nó.

Nói cách khác, người môn đệ chấp nhận nghịch lý của các Mối Phúc: họ tuyên bố rằng những ai nghèo khó, thiếu thốn của cải và nhận ra điều này, thì được chúc phúc, được hạnh phúc. Về phương diện người ta thường tình, chúng ta có xu hướng nghĩ theo một cách khác: hạnh phúc là những người giàu có, nhiều của cải, những người có tất cả những sự chắc chắn, những người nhận được sự khen ngợi và là đối tượng ghen tị của nhiều người. Nhưng đây là lối suy nghĩ của thế gian, nó không phải là cách nghĩ của các Mối Phúc! Trái lại, Chúa Giêsu tuyên bố thành công thế gian là thất bại, vì nó dựa trên sự ích kỷ thổi phồng lên để rồi khiến trái tim trống rỗng. Đối mặt với nghịch lý của Các Mối Phúc, các môn đệ cho phép mình được thử thách, ý thức rằng không phải Thiên Chúa phải đi vào luận lý của chúng ta, mà là chúng ta phải đi vào luận lý của Người. Điều này đòi hỏi một cuộc hành trình, đôi khi mệt mỏi, nhưng luôn đi kèm với niềm vui. Bởi vì người môn đệ của Chúa Giêsu vui mừng, với niềm vui đến từ Chúa Giêsu. Bởi vì, chúng ta hãy nhớ, lời đầu tiên mà Chúa Giêsu nói là: phúc thay, beati, là từ ngữ hình thành tên Các Mối Phúc. Đây là từ đồng nghĩa với việc trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Chúa, bằng cách giải thoát chúng ta khỏi nô lệ của sự tự cho mình là trung tâm, phá vỡ ổ khóa của chúng ta, làm tan biến sự cứng cỏi của chúng ta, và mở ra cho chúng ta hạnh phúc thực sự, mà chúng ta thường tìm thấy ở nơi chúng ta không mong đợi. Chính Ngài là Đấng hướng dẫn cuộc sống của chúng ta, chứ không phải chúng ta, với những định kiến và những đòi hỏi của chúng ta. Cuối cùng, các môn đệ là những người để mình được Chúa Giêsu dẫn dắt, những người mở lòng đón nhận Chúa Giêsu, những người lắng nghe Người và đi theo con đường của Người.

Sau đó, chúng ta có thể tự hỏi: liệu tôi - mỗi người trong chúng ta - có sẵn sàng là người môn đệ của Chúa không? Hay tôi cư xử với sự cứng nhắc của một người tin rằng mình đúng, người cảm thấy mình quá tử tế, người cảm thấy mình đã đạt đến mức lành thánh lắm rồi? Tôi có cho phép mình “không phản kháng nội tâm” trước các nghịch lý của Các Mối Phúc, hay tôi ở trong giới hạn của những ý tưởng của riêng tôi? Và rồi, với luận lý của các Mối Phúc, chấp nhận những khó khăn gian khổ, tôi có cảm nhận được niềm vui khi bước theo Chúa Giêsu không? Đây là đặc điểm quyết định của người môn đệ: niềm vui. Đừng quên - niềm vui của trái tim. Đây là tảng đá góc để biết một người có phải là môn đệ hay không: đó là người ấy có niềm vui trong lòng không? Tôi có niềm vui trong lòng không? Đây là mấu chốt.

Xin Đức Mẹ, người môn đệ đầu tiên của Chúa, giúp chúng ta sống như những môn đệ cởi mở và vui tươi.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Tin tức từ Ukraine là rất đáng lo ngại. Tôi giao phó mọi nỗ lực vì hòa bình cho sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria và lương tâm của các nhà lãnh đạo chính trị. Chúng ta hãy cầu nguyện trong thinh lặng.

Tôi chân thành chào tất cả anh em: Những người Rôma và những người hành hương đến từ Ý và từ các quốc gia khác.

Đặc biệt, tôi chào các tín hữu của Funchal và Estreito de Câmara de Lobos, trên Đảo Madeira, Bồ Đào Nha, cũng như những người đến từ Perugia và Catanzaro.

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật nhiều may lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Holy See Press Office
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ Tân Niên xuân Nhâm Dần tại Cộng Đồng Công Giáo VN San Jose, Calfornia
Thái Phạm
12:58 13/02/2022
 
Văn Hóa
Tôi Sợ Tình Yêu Của Em
Sơn Ca Linh
19:25 13/02/2022
Có anh chàng Bob Marley nói rằng:
Em nói em yêu mưa,
Nhưng mỗi lần mưa đến em lại che dù.
Em nói em yêu nắng,
Nhưng mỗi khi nắng lên em lại tìm chỗ trú.
Em nói em yêu gió,
Nhưng mỗi lần gió đến, em lại đóng cửa sổ lại.
Chính vì những điều đó,
Mà anh cảm thấy sợ khi em nói yêu anh (1).

Còn tôi,
Không phải “cảm thấy” mà “sợ chắc luôn”,
Bởi em nói “yêu chỉ mình tôi”,
Nhưng trong điện thoại của em thấy một lô tin nhắn,
Mà ít nhất có cả chục người,
Em mặn mà tha thiết đáp lại “Anh yêu của em” !

Tôi cũng “sợ chắc luôn”,
Lần đầu gặp nhau em nói: sẵn sàng yêu anh công nhân,
Nhưng vừa thấy chiếc xe gắn máy cà tàng,
Em đã vội vã gọi taxi và dông tuốt !

Và có một lần ngày lễ tình nhân,
Em nói “Anh tặng quà gì cho em cũng được”,
Nhưng khi thấy chỉ có mỗi bông hồng,
Miệng em méo xệch và hỏi “Còn gì nữa hông?”
Cành hồng rơi… còn tôi thì ấp a ấp úng…

Và từ đó,
Tôi “sợ tình yêu của em”, thứ tình thực dụng,
Thứ tình yêu không mang sắc thắm của hoa hồng,
Không có hương vị của khó nghèo, đồng cam cộng khổ.
Không dài lâu của tín trung đợi chờ, thủy chung duyên nợ…
Nên “tôi vẫn sợ tình yêu của em”, mỗi dịp Valentine trở về !

Sơn Ca Linh (Valentine 2022)


(1) BOB MARLEY: Nguyên tác: “You said you love rain, but you use umbrella to walk under it. You said you love sun, but you seek shade when it is shining. You said you love wind, but when it comes you close your window. That’s why I’m scared when you say you love me”
 
Henri De Lubac: Tư Tưởng Của Cha Teilhard De Chardin 8
Vũ Văn An
22:12 13/02/2022

Chương Hai: tiếp và hết

Chỉ có Kitô hữu trên thế giới, hic et nunc [ở đây và bây giờ], vì được ban quyền để đặt, không những Một Điều mơ hồ và lạnh lẽo, mà là Một Người ấm áp và chính xác ở đỉnh cao của không-thời gian, mới thấy mình ở vị trí có thể tin thấu đáo và (một biến cố tâm lý còn quan trọng hơn nữa) để hiến thân một cách yêu thương cho sự biến hóa (không đơn thuần chỉ bản vị hóa mà còn được bản vị hóa) (62).

Như thế, tính cấp bách của đức tin Kitô giáo chưa bao giờ lại lớn đến thế. “Không hề mâu thuẫn với các khát vọng hiện đại đối với tương lai”, đức tin này được trình bày “như một thái độ duy nhất trong đó tinh thần hăng hái muốn chinh phục thế giới có thể tìm được sự biện minh toàn diện và đầy đủ cho niềm tin của mình” (63). Một cách tổng quát, nếu đúng là “tôn giáo đáp ứng một chức năng chủ yếu và không ngừng phát triển của diễn trình biến hóa phổ quát” — vì đức tin vào Thiên Chúa, trong khi bảo đảm một cùng đích tuyệt đối cho sự biến hóa này, là “động lực duy nhất có thể có của sự sống phản tỉnh” – thì, trong các tôn giáo hiện có ngày nay, chính Kitô giáo, vì các lý do vừa trình bầy, dường như là “hình thức duy nhất hiện có giá trị” (64). Một lần nữa, trong giai đoạn mới này của lịch sử vũ trụ, trong đó nhân loại bắt đầu tham gia, vào một thời điểm mà diễn trình biến hóa đang trở nên ý thức rõ ràng hơn và sâu sắc hơn về chính nó, do đó lần đầu tiên phải đối đầu với những vấn đề gay gắt ở một mức độ to lớn, Kitô giáo biểu lộ, cho bất cứ ai có khả năng nhìn thấy, “khả năng đặc biệt và duy nhất của mình trong việc tìm thấy ở trung tâm của chính mình và trình bày cho chúng ta, chính tại điểm đã được nêu tên, điều được bản tính của chúng ta tuyệt đối đòi hỏi, để có thể hành động và tôn thờ triệt để" (65). Khi tự bộc lộ mình có "khả năng biện minh và duy trì trong thế giới hương vị nền tảng đối với sự sống”, cũng như khi làm cho mỗi thành viên của nhân loại có khả năng thực sự yêu thương thành viên khác trong “Tiêu điểm yêu thương của mọi hội tụ”, nó “trả lời chính xác cho các nghi ngờ và khát vọng của một thời đại bỗng ý thức được tương lai của mình” (66). Nói tóm lại, “Căn cứ vào chính cấu trúc của nó, Kitô giáo là tôn giáo được tạo ra cho chính một Trái đất vừa được đánh thức để biết cảm thức về tính thống nhất hữu cơ và sự phát triển của nó”.



Trong những điều kiện đó, người ta hiểu tại sao, trong một số trường hợp, Cha Teilhard đã ca ngợi nó, trong các công thức cô đọng, như là “tôn giáo chuyên biệt của biến hóa”, hoặc là “chính tôn giáo của biến hóa” (67). Khi làm như vậy, rõ ràng ngài không có ý nói tới một loại tôn giáo biến Biến hóa thành thần linh của mình — không khác gì khi nói Công Giáo là tôn giáo của Tây Ban Nha, với ý nghĩa muốn cho rằng đó là thứ tôn giáo tôn thờ Tây Ban Nha đội lốt Thiên Chúa!

Ngài chỉ muốn nói đến tôn giáo mà biến hóa cần tới, tôn giáo hoàn toàn thích nghi với những người đã nhận thức được sự biến hóa này. Những ai biết trọn công trình của Teilhard đều biết rằng trong đó chúng ta tìm thấy công thức này hoặc các công thức tương tự theo nhiều nghĩa khác nhau, thậm chí đôi khi trái ngược nhau. Chính vì thế, trong tác phẩm đầu tiên của ngài, La Vie cosmique (1916), Teilhard nhận thấy nơi một số người cùng thời với ngài một “tôn giáo của sự biến hóa thần linh” — nhưng đây là điều cần bác bỏ ngay lập tức, vì trong một tôn giáo như vậy “con người coi như không đáng kể” (68).

Tuy nhiên, khi tiếp tục quan sát thế giới xung quanh và xem xét những định hướng sâu xa của nó, ngài tin rằng ngài có thể tri nhận được một sự kiện lớn lao buộc Kitô hữu phải suy tư: “Thế giới đang trong diễn trình bị hoán cải một cách tự phát trở thành một loại tôn giáo tự nhiên của vũ trụ quay lưng một cách không thích đáng khỏi Thiên Chúa của Tin mừng... Chúng ta đã thấy một đức tin mới đã phát sinh ra và hình thành một cách thực chứng xung quanh chúng ta trong suốt thế kỷ qua: tôn giáo của biến hóa” (69).

Điều đúng ở đây cũng đúng đối với hạn từ “thuyết phiếm thần”, mà Teilhard bác bỏ theo nghĩa hiện thời của nó nhưng là ý nghĩa mà ngài muốn giữ lại, vì muốn trung thành một cách chiểu tự với Thánh Phaolô, theo nghĩa Kitô giáo (70). Hai quan niệm đối đầu nhau, nhưng không trái ngược nhau, hình thành trên cùng một bình diện. Chân lý Kitô giáo có tính bao hàm [inclusive]: khi bác bỏ sai lầm, nó cho là mình thỏa mãn sâu sắc hơn chính điều, qua nó, đang có xu hướng xuất hiện dưới ánh sáng. Nhưng cũng giống như mọi khi, trong trường hợp như vậy, nó chỉ có thể thành công trong việc này nhờ một nỗ lực suy nghĩ buộc nó phải phát triển.

Teilhard nhớ đến Newman ở đây, người mà học thuyết được ngài cân nhắc rất nhiều. Ngài cho rằng sự phát triển thực sự không thể chỉ hệ ở một phân tích tinh tế hơn về dữ kiện tín điều, mà nó phải bao gồm một sự đóng góp tích cực, nhờ mọi yếu tố phát xuất từ kinh nghiệm nhân bản, một kinh nghiệm được chân lý thần linh đồng hóa trong những tổng hợp mới. Không có gì thay đổi trong chính sự thật thần linh này, và, ngày nay cũng như trong bất cứ thời kỳ nào khác, “hoàn toàn ngược lại” nó không mất đi bất cứ điều gì “có giá trị quyến rũ của nó một cách tuyệt đối” (71). Tuy nhiên, vẫn cần phải chứng minh điều này, bằng cách nhấn mạnh việc nó trả lời ra sao cho các vấn đề và nguyện vọng của thời đại. Khi Teilhard cố gắng làm điều này theo cách của ngài, bằng cách trình bầy Kitô giáo như “chính tôn giáo của biến hóa”, theo đó, như ngài cho chúng ta biết, ngài chỉ muốn cố gắng chứng minh “sức mạnh phi thường của nó trong khả năng thích ứng và kiểm soát”, một sức mạnh phát xuất từ "tính siêu việt" của nó (72).

Nhưng Kitô giáo không những là một tín lý, cao đến mức người ta có thể coi trọng nó; nó không những là một mớ niềm tin, nó là một thực tại, một thực tại có bản vị. Kitô giáo là Chúa Kitô. Các Kitô hữu không được trao cho trách nhiệm truyền tải cho thế giới một số ý niệm tốt đẹp và hào phóng về tình yêu: họ phải truyền bá tình yêu họ đã nhận được. Họ phải sống bằng sự sống của Chúa Kitô và làm chứng cho sự phong phú của sự sống đó.

Cha Teilhard, một người theo chủ nghĩa hiện thực, nhấn mạnh thực tại này của Chúa Kitô một cách mạnh mẽ. Trước hết, điều này có nghĩa phải nói rằng đối với ngài, toàn bộ “hiện tượng Kitô” đều dựa trên sự kiện Chúa Giêsu, sự kiện này được ngài thừa nhận như nhau cả trong thực tại lịch sử của nó lẫn trong cách giải thích mang tính tín điều của truyền thống Kitô giáo. Bằng cách thừa nhận “sự thật có thể sờ mó thấy và kiểm chứng được của sự kiện Tin mừng” (73), ngài tuyên xưng rằng, trong sự kiện này, Thiên Chúa đã “thực sự tự lồng Người vào vũ trụ” (74), “thể siêu việt đã trở thành một phần nội tại”, Người “đã đi vào thiên nhiên để siêu sinh động hóa [superanimate] nó và dẫn dắt nó đến với Người” (75). Chính khi hành động với sự nhận thức đầy đủ về trường hợp này mà ngài đã bác bỏ thuyết Duy Hiện đại, ở hình thức hai mặt của nó, phê phán và huyền nhiệm. Đối với thuyết Duy Hiện đại, Chúa Giêsu là “hoa trái của sự biến hóa nội tại, nhân bản”; đối với Teilhard, cũng như đối với bất cứ người Công Giáo nào, Người là “cuộc gặp gỡ của hữu thể tham gia đi lên và Hữu thể không tham gia mà họ đang trở lại với”. Trong khi phái Duy Hiện đại làm Chúa Kitô “bất kiên định” [volatile] và làm Người tan biến trong thế giới, thì Teilhard, người vốn cảm nhận “Một Thiên Chúa khác, hay giúp đỡ từ nền tảng”, muốn “tập trung thế giới trong Chúa Kitô”. Nhưng chúng ta có thể nói, điều này sẽ chỉ là một giấc mơ, một câu chuyện thần thoại, một thứ ngô đạo [gnosis], một ý thức hệ, hoặc, như Teilhard nói, một “trí tưởng tượng”, nếu không có thực tại lịch sử của Chúa Giêsu thành Nadarét, người thật và Thiên Chúa thật. “Nếu Chúa Giêsu Kitô của chúng ta không có thực tại bản vị và khách quan, thì toàn bộ phong trào Kitô giáo hiện nay sẽ thành mây khói” (76). Như trong vấn đề bản vị tính thần linh, có một sự hội tụ ở đây, một sự đồng lõa giữa đức tin của Teilhard và xu hướng chính trong tư tưởng của ngài: chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa sinh học, chủ nghĩa lịch sử, chủ nghĩa bản vị (77). “Nhờ chính các đặc điểm mà thoạt đầu dường như quá đặc thù hóa Người, một Thiên Chúa nhập thể thực sự trong lịch sử, ngược lại, là Đấng duy nhất có thể thỏa mãn, không những các quy tắc bất di bất dịch của một vũ trụ trong đó không có gì được tạo ra hoặc xuất hiện ngoại trừ bằng cách được sinh ra, mà còn cả các khát vọng không thể kìm nén được của tinh thần ta (78). Mặt khác, Teilhard biết rất rõ điều mà trí khôn không biết tin của thế kỷ ngài đặt đối lập với Kitô giáo. Nhưng ngài có giải đáp của ngài; ngài có những tiêu chuẩn xác đáng để xác nhận điều đó trong đức tin của ngài. Chính ngài đã giải thích lại lần cuối, không lâu trước khi qua đời, trongLe Christique. Ngài đã từng phiên dịch, theo cách riêng của ngài và để dùng cho mục đích bản thân, bản văn tuyệt đẹp của Thư gửi tín hữu Rôma: “Tôi biết rằng không có gì trên thế giới này đủ bạo lực hoặc rực rỡ hoặc quá rộng lớn để nhổ rễ chúng ta khỏi Chúa của chúng ta hoặc để làm lu mờ Người đối với chúng ta hoặc làm chúng ta rời xa Người: không phải thiên thần, sự sống cũng như cái chết, núi cao hay vực thẳm, vực thẳm của quá khứ cũng như mạc khải của tương lai (τὰ μέλλοντα) có khả năng tách chúng ta ta khỏi Đức Ái của chúng ta chúng ta” (79).

Đó là cơ sở để xây dựng học thuyết về “Chúa Kitô vũ trụ” và về “cảnh vực thần linh”: “Sự quyến rũ bao la của cảnh vực thần linh dứt khoát nợ mọi giá trị của nó ở sự tiếp xúc giữa con người và Thiên Chúa được mạc khải trong biến cố Hiển Linh của Chúa Giêsu.... Chúa Kitô huyền nhiệm, Chúa Kitô vũ trụ của Thánh Phaolô có thể có ý nghĩa và giá trị dưới mắt chúng ta chỉ như một sự mở rộng của Chúa Kitô, Đấng được sinh ra bởi Đức Maria và đã chết trên Thập giá” (80). “Nhưng cần phải thăm dò chiều sâu vũ trụ của Chúa Kitô” (81).

Như chúng ta thấy, Teilhard lấy Thánh Phaolô làm điểm tham chiếu của ngài. Có thể ngài rất vui khi tìm thấy sự xác nhận một trong những điểm chủ yếu trong học thuyết của ngài trong suy tư của một nhà chú giải gần đây, Charles Harold Dodd, tác giả của một tác phẩm nhỏ về The Meaning of Paul for To-day Ý nghĩa của Thánh Phaolô cho ngày nay]: Bản vị Chúa Giêsu Kitô, dưới mắt Thánh Phaolô “cá thể một cách thâm hậu cũng như phổ quát một cách tuyệt vời” (82). Hơn nữa, học thuyết Teilhard về “Nhiệm Thể” không bao gồm điều gì độc đáo lắm liên quan đến tín lý truyền thống vốn được xây dựng trên cơ sở các bản văn của Thánh Phaolô về “Thân thể Chúa Kitô”. Nhưng nó đi đôi với một học thuyết được phát triển rộng dài hơn, học thuyết về “Cơ thể vũ trụ”, một Cơ thể dù có cùng nguồn gốc Phaolô, nhưng lại đưa ra những nét khác biệt.

Nó bắt nguồn từ một trải nghiệm tâm linh kiểm soát được mọi khía cạnh và mọi sự phát triển của nó: “Cho người được ban ơn... biết coi Chúa Kitô như có thực hơn bất cứ thực tại nào khác trên thế giới, Chúa Kitô hiện diện ở mọi nơi và đang gia tăng mọi nơi, Chúa Kitô như là xác định tối hậu và là nguyên lý tạo hình [plasmatic] của vũ trụ, một thực tại thực sự sống trong một khu vực không có bất cứ rắc rối nào của đa phức có thể đụng tới nhưng lại là nơi việc hoàn thành của vũ trụ được theo đuổi một cách tích cực hơn cả” (83).

Nó cũng là kết quả của sự phản tỉnh được thúc đẩy bởi các khám phá của khoa học hiện đại về sự bao la của vũ trụ, dẫn đến việc đệ trình giả thuyết về tính đa nguyên các thế giới. “Qua việc Nhập thể của Người, Chúa Kitô không những chỉ tự lồng mình vào nhân loại mà còn vào vũ trụ cưu mang nhân loại” (84). Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng tất cả mọi sự đều tìm được tính nhất quán[consistency] của chúng trong Người. Người là Trung tâm của sáng thế. Do đó, liệu có đủ không khi nói rằng Người đã mang mọi người vào mình và nói tới một “thân thể trái đất” và “bản chất trái đất” dành cho Người? Teilhard không bao giờ muốn hành động trái ngược với những tuyên bố của Công đồng Canxêđoan, phân biệt trong Chúa Kitô có hai bản tính, thần linh và nhân bản. Ngài chỉ muốn, bằng một vài cách diễn đạt nghịch lý, đi kèm với các thận trọng ngữ học nhằm giới hạn phạm vi của nó (85) để “phân biệt thêm” trong “bản chất con người” của Ngôi Lời nhập thể “một bản chất ‘đất’ và một bản chất ‘vũ trụ’” (86). hoặc một lần nữa, kêu gọi sự chú ý của các nhà thần học tới “khuôn mặt” hay “chức năng” vũ trụ nơi nhân tính của Chúa Kitô. Do đó, cụm từ "Thân thể vũ trụ", thường được sử dụng trong các tác phẩm đầu tiên (87) nhưng sau đó đã bị loại bỏ. Mục tiêu của ngài trong đó rất rõ ràng, và ngài không ngừng bày tỏ điều đó: nếu Chúa Kitô chỉ duy trì Trái đất, Người sẽ nhỏ hơn thế giới; thế mà, sự vĩ đại của Người, tính độc đáo [unicity] của Người, vị trí trung tâm của Người, công quốc hoàn cầu và quyền lãnh chúa hoàn cầu của Người luôn phải được duy trì (88).

Chính mối quan tâm tương tự nhằm duy trì toàn vẹn học thuyết của Thánh Phaolô (và của Thánh Gioan) đã thúc đẩy Cha Teilhard giải thích ý niệm “Chúa Kitô vũ trụ” cũng như ý niệm “Chúa Kitô Biến hoá” (89). Việc chuyển từ ý niệm này sang ý niệm nọ khá đơn giản. Trong một vũ trụ được quan niệm như biến hóa, làm thế nào duy trì được quyền kiểm soát của Chúa Kitô đối với vũ trụ này nếu không phải bằng cách quan niệm quyền kiểm soát này như việc chỉ đạo diễn trình biến hóa của vũ trụ. Há đây không phải là cách duy nhất để tương hợp trọn vẹn với việc khẳng định về “chức năng hoàn thiện thiết yếu do Chúa Kitô phục sinh đảm nhận ở trung tâm và đỉnh cao của việc Sáng thế đó sao” (90)? Tóm lại, sau khi nêu vấn đề: “Kitô học phải trở thành gì (để vẫn còn là chính nó)?” (91), Teilhard cố gắng xác định rằng, đối với ngài, đó không phải là vấn đề gì khác ngoài việc“ duy trì trong Chúa Kitô chính các phẩm tính làm nền tảng cho quyền năng của Người và sự tôn thờ của chúng ta” (92). Đó chắc chắn không phải là chủ nghĩa duy tối thiểu [minimism]; nhưng, theo một nghĩa nào đó, như ngài vẫn tin, nếu Chúa Kitô của ngài xem ra đã tăng lên, thì, theo nhận định hữu lý của ngài, đó là “do vẫn còn là điều Người đã là, hoặc nói đúng hơn, để vẫn còn là điều Người đã là” (93).

Trong cách dùng từ ngữ hết sức hào hứng của ngài, Teilhard sau đó nói về “Đấng Siêu Kitô” [Super-Christ], khi nói về “Siêu nhân tính”. Chúng ta thừa nhận, kiểu dùng từ ngữ như vậy hầu như không có bất cứ sự hấp dẫn nào đối với chúng ta, nhưng ngài không hề có ý định qua đó dẫn nhập — nếu có bất cứ nhu cầu nào phải nói rõ điều này ra — bất cứ nhân tính nào khác ngoài nhân tính của chúng ta hoặc bất cứ Chúa Kitô nào khác, mà đối với Người, Đấng mà các Kitô hữu tôn thờ chỉ là một tiền hô! Ngài phản đối rằng “Bởi ‘Đấng Siêu Kitô’, tôi hoàn toàn không có ý nói một Chúa Kitô khác, một Chúa Kitô thứ hai khác với Đấng thứ nhất và vĩ đại hơn Người; nhưng tôi muốn nói đến cùng một Chúa Kitô, Chúa Kitô của mọi thời đại, đang tự mạc khải chính Người cho chúng ta dưới một hình thức và các chiều kích, có mức độ khẩn cấp và phạm vi tiếp xúc ngày càng gia tăng và đổi mới”. Và một lần nữa, như thể thấy trước những diễn giải sai lầm mà tư tưởng của ngài có thể nảy sinh: “Tôi xin nhắc lại không phải là một Chúa Kitô khác. Nhưng cùng một Chúa Kitô, mãi mãi và luôn luôn; và lại càng y hệt chính là để bảo vệ thuộc tính thiết yếu của Người là cùng trương độ [coextensive] với thế giới mà chúng ta được dẫn đến việc làm Người phục tùng diễn trình mở rộng phi thường này” (94).

“Cùng trương độ với thế giới”, nhưng trong tư cách thống trị nó, sinh động nó, chỉ đạo nó. Vì vậy, nếu Chúa Kitô là “vũ trụ”, thì vũ trụ có thể được yêu thương; nếu Người “biến hóa ”, như Teilhard đã trình bày ngay từ tiểu luận đầu tiên của ngài (1916), thì “biến hóa là điều lành mạnh” (95). Kitô hữu tự đặt mình, nhờ đức tin, vào “chỗ trung tâm nơi trái tim thế giới hội tụ trong tia sáng chiếu xuống từ Trái Tim Thiên Chúa” (96). Dưới mắt ngài, “vũ trụ mang hình dáng của Chúa Giêsu — nhưng, nhưng mầu nhiệm thay!, hình dáng được khám phá là Chúa Giêsu bị đóng đinh” (97). Như thế, đối với ngài, không có gì nguy hiểm khi để bản thân trở thành say sưa ngây ngất hoặc “bị cầm tù bởi một chủ nghĩa tự nhiên ngoại giáo” hoặc “bị cuốn theo cuộc chinh phục Trái đất duy nhất về phương diện vật chất [materialistic]. Há Chúa Kitô vũ trụ, trong mọi vinh quang của Người, không phải lúc nào cũng xuất hiện từ Thập giá đó sao?” (98).

Vì Chúa Kitô vũ trụ, Chúa Kitô biến hóa, luôn luôn là Chúa Kitô, Đấng cứu chuộc của truyền thống Công Giáo, được nhìn trong viễn tượng mới của diễn trình hình thành vũ trụ, một viễn tượng đem lại cho Thập giá của Người “một lực hấp dẫn và vẻ đẹp mới”. Chiến thắng cái ác, nghĩa là, "vượt qua Đau đớn, Tội lỗi và Cái chết", "Thiên Chúa bị đóng đinh" (99) xuất hiện với chúng ta, như là "Đấng chuyển động tinh thần mạnh mẽ nhất (vì lên giá trị nhiều nhất và 'duy nhất tạo yêu thương’) cho diễn trình siêu nhân hóa [ultra-hominization]”. Teilhard kết luận, “Đó là đức tin của tôi, điều mà tôi rất muốn tuyên xưng công khai trước khi chết” (100).

Học thuyết Teilhard, như chúng ta đã thấy ở trên, luôn có xu hướng tập trung nhiều hơn vào “năng lực học” [energetics]. Đến lượt nó, năng lực được tóm lược, ở đỉnh cao của nó, trong việc khám phá ra nguồn năng lực thiêng liêng phi thường phát sinh từ Thập giá” (101).

Việc hình thành chậm chạp của vũ trụ, việc biến hóa của sự sống, sự diễn tiến của lịch sử loài người, sự trưởng thành của tuệ quyển chỉ từng giai đoạn tạo nên các điều kiện tự nhiên cho việc “xuất tâm” [excentration] vốn đánh dấu bước vượt qua dứt khoát “hướng tới tương lai” (102), “biến cố độc đáo và tối cao ấy, trong đó thể lịch sử phải được hợp nhất với thể siêu việt” (103). Nỗ lực của chúng ta đặt ra các điều kiện này; nhưng cùng đích là do Thiên Chúa ban cho: chúng ta chỉ biết tiếp nhận mà thôi. Con người chỉ xây dựng điều có thể được thần linh hóa, điều "có thể được Kitô hóa" (104). Giữa "lực đẩy của con người" và "lực đi lên của Chúa Kitô", giữa "diễn trình hình thành nhân loại trong thế giới" và "diễn trình hình thành Chúa Kitô trong Giáo hội của Người", là mối liên hệ của “sự phụ thuộc gắn bó” [coherent subordination] (105); giữa tiến bộ của con người và vương quốc Thiên Chúa, là một “sự kết nối có phẩm trật” [hierarchical conjunction] (106). Hy vọng của chúng ta không được thiết lập dựa trên “các hoạt động” của chúng ta mà dựa trên “các thụ động” (passivities) của chúng ta, nếu chúng chịu hợp nhất với sự thụ động tối cao của Chúa Kitô trên Thập giá, một điều vốn trùng hợp với hoạt động tối cao (107). Và ngay lúc này, nhờ dự ứng, trước khi “sự biến chất hoàn toàn” [metamorphosis], thế giới mờ mịt mà chúng ta vẫn đang chìm đắm này có thể trở thành cho chúng ta, vượt quá chính nó, một “cảnh vực thần linh”, vì, vào ngày Nhập thể, "tia sáng tình yêu" đã đến với chúng ta (108).

Chính trong “cảnh vực thần linh” này, “Thánh Nhan” (109) đã tỏa sáng. Cái nhìn của đức tin, vốn là cái nhìn của sự tinh khiết, đã hiểu thấu nó. Trong nó, bất kể hình thức của nó, lời cầu nguyện đã được thực hiện. Trong nó “niềm hạnh phúc của sự thờ lạy”đã được phác họa, trái ngược với mọi chủ nghĩa phản loạn [titanism] hay mọi chủ nghĩa đấu tranh [prometheism] lừa dối (110). “Trên đời, không có gì sống và hành động mãnh liệt hơn sự trong sáng và lời cầu nguyện, lơ lửng như một ánh sáng êm đềm giữa vũ trụ và Thiên Chúa. Xuyên qua sự trong suốt thanh thản của chúng, làn sóng sáng tạo dập dờn, đầy nhân đức và ân sủng tự nhiên” (111).
____________________________________________

Ghi Chú

62 Introduction à la vie chrétienne. L’Énergie humaine: “... Không phải sức mạnh ở trên chúng ta, nhưng là Tình yêu — và sau đó, để bắt đầu, sự hiện hữu được công nhận của một Omega đã làm cho một Tình yêu phổ quát khả hữu. Nhược điểm của các học thuyết xã hội hiện đại là trình bày một Nhân loại vô ngã cho các tham vọng của nỗ lực con người ”, 6: 188.

63 Introduction à la vie chrétienne. L’Heure de choisir (1939), 7:26.

64 L’Esprit de la terre, 6: 52-53. Gửi Leontine Zanta, ngày 3 tháng 4 năm 1930, 114. Xem Le Christianisme dans le monde (1933), 9: 132-33.

65 L’Etoffe de l’univers (1953), 7: 406.

66 Christologie et Évolution (1933).

67 Đã dẫn.

68 Écrits, 34: “Cơn lốc đào tẩu ngay lập tức biến mất trong dòng chẩy tổng thể..., cá nhân chỉ có tầm quan trọng và tương lai trong tương quan với tiến độ chung”.

69 Response to the enquiry about the present reasons for unbelief [Trả lời câu hỏi về các lý do hiện nay khiến người ta không tin] (1933), 9: 153. Comment je crois (1934).

70 xem Pensée Relgieuse, chương 14, 215-27; Prière, 32-39. Theo chân Blondel, ngài sẽ nói về “Panchristism”: Quelques réflexions sur la convert du

monde
(1936), 9: 163; vv...

71 Le Coeur du problème, 5: 339.

72 Đã dẫn, và L’Étoffe de l’univers, 7: 406. xem Le Christianisme dans le monde, về Chúa Kitô: “Người không bao giờ có lỗi. [Người sở hữu một] khả năng không xác định phù hợp với bất cứ trật tự vật lý và tâm lý nào của vũ trụ chúng ta”, 9: 143. Để hoàn thành những lời giải thích quá vội vàng này, cũng cần phải nại tới các bản văn trong đó có vấn đề Nhập thể: Thiên Chúa đang trở nên nhập thể vào thế giới, đó là Thiên Chúa tự lồng mình vào diễn trình biến hóa và thánh hóa nó. Xem phía dưới.

73 Le Milieu divin, 141. Xem Ngày 26 tháng 10 năm 1943: “Christus mole sua stat” [Chúa Kitô đứng cạnh thánh lễ của Người].

74 Ghi chú ngày 14 tháng 7 năm 1920.

75 Esquisse d’une dialectique de l’esosystem, 7: 155-56; Que faut-il penser du transformisme? (1930), 3: 223.

76 Ghi chú của ngày 9 tháng 6 năm 1919 và ngày 12 tháng 12 năm 1920. Dẫn nhập vào đời sống Kitô hữu: “Bác bỏ tính lịch sử của Chúa Kitô (nghĩa là, thần tính của Chúa Kitô lịch sử) sẽ làm cho tất cả năng lực mầu nhiệm tích lũy cả hai nghìn năm nay trong hệ Kitô giáo biến mất ngay lập tức vào hư không. Chúa Kitô sinh ra bởi Đức Trinh Nữ và Chúa Kitô phục sinh: hai hình thức nhưng một thể không thể tách rời”.

77 Ngày 21 tháng 10 năm 1945: “Sự mặc khải cần thiết của Omega sẽ không thể tưởng tượng được về mặt sinh học, biến hóa, nếu không có sự ‘nhân hóa’ loại hình ‘Giêsu’. Tại sao đây không phải là chính Chúa Giêsu? Chúa Giêsu, đấng khởi xướng và Đối tượng của Siêu bác ái ngày càng phát triển... Không có Chúa Giêsu lịch sử và xuyên lịch sử, biến hóa mất đi tất cả sự ấm áp của sự sống thực...”

78 Le Coeur de la matière (1950).

79 Ghi chú ngày 31 tháng 10 năm 1920; Rm 8:38. Xem Christologie et Évolution (1933): “Không, cả chiều cao, chiều rộng lẫn chiều sâu đều không có nguy cơ ngăn cách chúng ta với việc thờ lạy
Chúa Giêsu... miễn là chúng ta tin tưởng vào chúng đến cùng”. Điều thích đáng là nêu ra ở đây các nét chính của Kitô học Teilhard. Chúng ta phải bỏ qua điều này, vì không có chỗ.

80 Le Milieu divin, 141.

81 Ghi chú năm 1919.

82 Bản dịch tiếng Pháp (1964), 119. Mon univers (1924). “Điều bất khả đối với tôi là đọc Thánh Phaolô mà không thấy xuất hiện bên dưới những lời của ngài, một cách chói sáng, sự thống trị phổ quát và vũ trụ của Ngôi Lời nhập thể ”: 9:84.

83 “Note sur l’Élément Universel du Monde”, ngày 22 tháng 12 năm 1918; Écrits, 362.

84 Đã dẫn.

85 Comment je voix (1948), no. 31. Le Christique (1955).

86 Gửi Cha André Ravier, ngày 14 tháng 1 năm 1955. “Gửi Đức Cha Bruno de Solages”, Ngày 2 tháng 1 năm 1955. Xem La Prière, 51-54.

87 Forma Christi (1918); Écrits; 338-39. L’Énergie humaine (1937); 6: 146. Écrits, 47, 128, 165, 196-97, 408.

88 Ghi chú ngày 24 tháng 2 năm 1918, v.v.

89 “Le Christ Évoluteur”, Cahiers Teilhard de Chardin, 5: 17-28. Xem Teilhard Missionnaire et apologiste, 24-30.

90 Đã dẫn.

91 Thư ngày 9 tháng 12 năm 1933.

92 Comment je crois (1934). Xem Teilhard missionnaire et apologiste, 37- 42.

93 “Quelques réflexions sur la conversion du Monde” (1936). Thư ngày 17 tháng 11 năm 1947. Xem “La Prière au Christ toujours plus grand”, trong Le Coeur de la Matière (1950).

94 Super-Humanité, Super-Christ, Super-Charité, de nouvelles dimensions pour I’avenir (1943), 9: 208, 212, 193: “Trong ba cách diễn đạt này, chữ đầu "Siêu" được sử dụng để đánh dấu, không phải sự khác biệt về bản tính, mà là mức độ hoàn thành và tri nhận tiến bộ hơn".

95 Écrits, 49. Về “tình yêu Biến hóa”: Du Cosmos à la Cosmogénèse (1951), 7: 275.

96 La Messe sur le monde (1923), “lời cầu nguyện cuối cùng”. Xem “Le Prêtre” (1918): “Chúa Kitô được yêu thương như một Ngôi vị và tự đặt mình như một Thế giới”; Écrits, 293.

97 “Le Prêtre”, Écrits, 288.

98 “La Parole attendue” (1940); Cahiers Pierre Teilhard de Chardin, 4:28. Le Milieu divin, 118: Thập giá là “sự thăng hoa quy luật của mọi sự sống”. Xem L’Heure de choisir (1939): “Đối với chúng ta, cuộc sống chưa bao giờ thành công trong việc vươn lên ngoại trừ qua đau khổ, vượt qua điều ác — bằng cách đi theo con đường thập giá"; 7:20.

99 Teilhard viết: "qua Đấng chịu đóng đinh", sử dụng chi tiết này mượn từ ngôn ngữ Kinh viện, để cho thấy rõ rằng ngài luôn gắn bó với mầu nhiệm Thập giá, trong tất cả Tính chuyên biệt kitô giáo của nó.

100 Gửi Cha André Ravier, Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày 8 tháng 4 năm 1955 (cha qua đời vào ngày Chúa nhật Phục sinh, ngày 10 tháng 4). “thanh tẩy” và “sinh lực hóa”: hai chức năng "vốn được trình bày với trái tim chúng ta như ngang sức và tiếp hợp" với Đấng cứu chuộc: “Le Christ Évoluteur”, Cahiers, 5:25.

101 L’Énergie Spirituelle de la souffrance (1950), 7: 256.

102 Les Articles Psychologiques de l’action humaine (1949): “Một vũ trụ không vô ngã và khép kín nhưng cởi mở, vượt quá tương lai, vào một Trung tâm thần linh”, 7: 185. Messe sur le monde (1923): "Thế giới có thể được đoàn tụ cuối cùng với Chúa, lạy Chúa, chỉ nhờ một sự đảo ngược [inversion], trở lại, của việc xuất tâm trong đó không những sự thành công của các cá nhân mà cả sự xuất hiện của chính của mọi lợi thế của con người chìm nghỉm trong một thời gian”.

103 Trois choses que je vois (1948). Le Coeur du problème (1949), 5: 348. Réflexions sur la probabilité scientifique et sur les conséquences Relgieuses d’un ultra-human: “... không loại trừ Siêu nhiên, nhưng ngược lại, yêu cầu, như một chuẩn bị cần thiết, sự trưởng thành của một Siêu nhân ”, 7: 289-90. Các bản văn khác được trích dẫn và bình luận trong La Prière, 134-40.

104 Ngài cũng nói: "có thể siêu tự nhiên hóa", "có thể omega hóa". Xem Maurice Blondel et Pierre Teilhard de Chardin, 32-33 và 74. Jacques Maritain nói rất chính đáng, trong Le Paysan de la Garonne, 381, rằng "sự xuất hiện của vinh quang sẽ không phải là kết quả từ sự biến hóa vũ trụ nhưng là kết quả của việc nó hiển dung [transfiguration] nhờ một hành động của Thiên Chúa". Đây chính là suy nghĩ của Cha Teilhard, suy nghĩ mà ngài đã nghĩ rất sai lầm là phải phản bác.

105 Trois choses que je vois. “Hérédité sociale et progrès” (1921), 5, 50-51.

106 “Le Christ Évoluteur” (1942), Cahiers Pierre Teilhard de Chardin, 5:27. Do đó, "sự kết nối kỳ diệu" mà đối với ngài dường như được thực hiện cho Kitô hữu giữa “cảm thức vũ trụ” và “cảm thức Kitô” (christic = thần vũ trụ [theocosmic]).

107 Le Milieu divin, phần thứ hai. La Signification et la valeur constructive de la souffrance (1933), 6: 64-66. Xem Maurice Blondel et Pierre Teilhard de Chardin, 75-76.

108 Le Christique (1955); Le Milieu divin, 117, 177 và 202.

109 “Jesus solus, solus Jesus [Chúa Giêsu mà thôi, Một mình Chúa Giêsu]... Xin Thánh Nhan dần dần làm con tan hoà trong Người... Xin cho những ngày này nhẹ nhàng đem con trở lại trong Người, cho Người... Cấm phòng năm 1948, ngày đầu tiên, 30 tháng 8.

110 Réflexions sur le bonheur (1943), Cahiers Pierre Teilhard de Chardin, 2: 69-70; L’Esprit de la terre, 6:54; Comment je crois (1934); Le Christique (Năm 1955); Xem Maurice Blondel et Pierre Teilhard de Chardin, 152-53.

111 Le Milieu divin (1917); Écrits, 162-63. Các bản văn khác nhau trong La Prière.

Kỳ tới: Chương ba: Ghi chú về Teilhard và Vấn đề Sự Ác
 
VietCatholic TV
Cựu Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin tố cáo các GM Đức bội giáo. Thắp nến tưởng niệm Cha Giuse Thanh
VietCatholic Media
04:20 13/02/2022

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ National Catholic Register, Đức Hồng Y nguyên tổng trưởng của Bộ Giáo lý Đức tin đã bày tỏ âu lo về tình trạng của Giáo hội ở Đức và Tiến Trình Công Nghị ở quốc gia này.

Đức Hồng Y Gerhard Müller đã nhận xét rằng những người Công Giáo trung thành ngày nay đang phải đối mặt với một thời kỳ bách hại, gian truân và “khủng bố tâm lý”, theo cách chưa từng có, đang đến từ chính những quốc gia có truyền thống Kitô giáo cổ xưa của họ.

Vị Hồng Y người Đức đã đưa ra nhận định này trong một cuộc phỏng vấn độc quyền vào ngày 5 tháng 2 với tờ National Catholic Register, trong đó ngài đã phê phán tình trạng của Giáo hội ở Đức và “Tiến Trình Công Nghị”, một quá trình cải cách kéo dài nhiều năm, gây ra rất nhiều tranh cãi, phát sinh từ cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ.

Đức Hồng Y nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là CDF, cho biết những cuộc tấn công nhằm vào các tín hữu đến từ bên trong, từ các bộ phận “tục hóa” của Giáo hội và thường xuyên xảy ra ở nơi làm việc hoặc trường học.

Đức Hồng Y Müller lưu ý rằng bây giờ là “thời kỳ đại nạn và khủng bố tâm lý,” và những người Công Giáo chính thống đang bị “bách hại; và ở một số quốc gia, điều này đang lên đến đỉnh điểm là tử đạo. Thông thường điều này đến từ bên ngoài, nhưng bây giờ là từ bên trong, ở các nước mà chúng ta có truyền thống Kitô Giáo lâu đời. Đó là một tình huống mới.”

Những lời của vị Hồng Y được đưa ra khi một cuộc họp toàn thể về “Tiến Trình Công Nghị” đang kết thúc vào cuối tuần trước.

Những người tham gia đã bỏ phiếu tại cuộc họp đó cho một loạt các quan điểm bất đồng với tín lý và kỷ luật Công Giáo bao gồm những lời chúc phúc cho các kết hợp đồng giới; những thay đổi đối với Giáo lý về đồng tính luyến ái; phong chức linh mục cho phụ nữ; bãi bỏ luật độc thân linh mục trong Giáo hội Latinh; và cho giáo dân tham gia vào việc bầu các tân giám mục.

Những lời bình luận của ngài cũng theo sau một loạt các tuyên bố gây tranh cãi từ các giám mục Đức và Âu Châu trong những tuần gần đây. Hồng Y Reinhard Marx của Munich nói vào ngày 3 tháng 2 rằng các linh mục nên được phép kết hôn "không chỉ vì lý do tình dục", nhưng để họ "không quá cô đơn," và Hồng Y Jean-Claude Hollerich của Luxembourg lập luận rằng Giáo huấn của Giáo hội về đồng tính luyến ái là "sai lầm" và cần được sửa đổi.

Tháng trước, hơn 120 nhân viên Giáo hội đồng tính luyến ái ở Đức đã đòi hỏi Giáo Hội chúc lành cho các kết hiệp đồng tính và thay đổi nội quy lao động của Giáo hội - những yêu cầu này đã được Hội đồng Giám mục Đức hoan nghênh.

'Những người bị thế tục hóa'

Đức Hồng Y Müller, 74 tuổi, là giám mục của Regensburg, Đức, từ năm 2002 đến năm 2012, cho biết nhiều người trong số những người cổ súy cho những quan điểm bất đồng như vậy là ‘những người đã bị tục hóa’, những người "muốn giữ danh xưng ‘Công Giáo’, để ở lại trong các thể chế Công Giáo và lấy tiền, nhưng họ không chấp nhận giáo huấn của lời Chúa. ”

Ngài lưu ý: “Họ tương đối hóa đức tin Công Giáo, nhưng vẫn thích các chức danh của họ: Hồng Y, giám mục, giáo sư thần học - nhưng trên thực tế, họ không tin những gì Giáo hội đang nói, và ngài mô tả những người như vậy là “những người duy vật” đặt cơ sở niềm tin không phải nơi sáng tạo và Mạc Khải mà là nơi các thứ khoa học giả.

Tương tự, ngài cho biết chương trình nghị sự “LGBT” mà nhiều người trong số họ ủng hộ “hoàn toàn ngu ngốc vì thần thoại Tân Ngộ đạo của nó hoàn toàn chống lại bản chất con người, không chỉ theo nghĩa sinh học mà còn cả triết học”.

Đức Hồng Y Müller, người từng là tổng trưởng CDF từ năm 2012 đến năm 2017, cảnh báo rằng việc chúc phúc cho các cặp đồng tính được các giám mục Đức cổ vũ “hoàn toàn là một sự báng bổ” bởi vì đó là “sự phủ định hiến pháp của con người như những người nam và nữ, và không thể có phước lành ở đó.” Ngài cũng phản bác ý tưởng, do một số người trong Giáo hội Đức đề xuất, rằng một linh mục nên quan hệ tình dục với phụ nữ để “họ không xâm phạm đến các bé trai”. Đó là một “lập luận đầy tai tiếng!”

Tuân theo lời dạy của các vị giáo hoàng trước đây, ngài cũng kiên quyết loại bỏ khả năng có nữ phó tế, nói rằng “chức phó tế bí tích là một mức độ của chức thánh gồm ba phần không thể tách biệt, không thể phong chức cho phụ nữ theo truyền thống tông đồ đã có từ ngàn xưa.”

Tuy nhiên, ngài lưu ý rằng đây là “những gì họ bỏ phiếu cho” trong “Tiến Trình Công Nghị” của Đức. Thật vậy, trong cuộc bỏ phiếu ngày 4 tháng 2, Tiến Trình Công Nghị Đức đã ủng hộ việc phong chức linh mục cho phụ nữ, mặc dù “họ không thể bỏ phiếu chống lại sự thật được mạc khải và định nghĩa không thể sai lầm của huấn quyền Hội Thánh.”

Một cách tổng quát hơn, Đức Hồng Y Müller đã cảnh báo về những cuộc tấn công kiên quyết chống lại các bí tích, đặc biệt là Mình Thánh Chúa và các chức thánh.

Ngài nhận xét: “Không ít người phủ nhận đặc tính hy tế của Bí tích Thánh Thể và Sự Hiện diện Thực sự của Chúa Giêsu. Vai trò của linh mục và bản chất của đức tin đang gặp nguy hiểm.”

Ngài nói thêm rằng những người thúc đẩy những thay đổi này không có “sự hiểu biết siêu nhiên”, và những gì họ đang kêu gọi, trên thực tế, là một “phong trào lớn chống lại Công đồng Vatican II” đi ngược lại tông hiến Lumen Gentium, là tông hiến của Công đồng Vatican II về Giáo hội, và sắc lệnh của Công đồng về thừa tác vụ và đời sống của các linh mục, Presbyterorum Ordinis, về phẩm giá của “ơn gọi linh mục và sự phục vụ trong sự hiểu biết về đời sống độc thân của linh mục.”

Chức tư tế như “nhân viên xã hội”

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng đây cũng là những người muốn “tiêu diệt chức tư tế bí tích, trước hết bằng cách chống lại luật độc thân linh mục và sau đó phủ nhận tính cách siêu nhiên của bí tích này.” Họ muốn tương đối hóa chức tư tế bí tích để giản lược chức tư tế thành “nhân viên xã hội”, khiến căn tính của linh mục bị “trống rỗng” và dễ bị phá vỡ. Vào ngày 4 tháng 2, “Tiến Trình Công Nghị” của Đức cũng ủng hộ lời kêu gọi nới lỏng luật độc thân linh mục đối với các linh mục trong Giáo hội Latinh, thúc giục đưa ra chủ đề này trong một Công Đồng đại kết trong tương lai.

Các nhà lãnh đạo Giáo hội và giáo dân thúc đẩy những quan điểm chống Công Giáo này không tin vào Ngày Phán Xét Sau Cùng. “Đối với họ, Thiên Chúa phải tự thay đổi.” Nhưng ngài cảnh báo rằng án phạt dành cho họ sẽ khắc nghiệt hơn, vì họ đã bội giáo. Đức Hồng Y cảnh cáo: “Là một kẻ bội giáo, người đó có tội hơn một người chưa bao giờ được nghe nói về đức tin Công Giáo.”

Ngài lưu ý thêm rằng những người bất đồng chính kiến này trong Giáo hội sẽ không chỉ trích sự suy đồi của thế giới, họ cũng không “dám” nói rằng “phá thai là giết trẻ em”, bởi vì sau đó “họ sẽ bị tấn công tàn bạo”.

Thay vào đó, họ tập trung vào lạm dụng tình dục trẻ em, nhưng khai thác nó để thúc đẩy chương trình nghị sự của riêng họ, mà không xem xét nguyên nhân. “Họ nói rằng họ xấu hổ vì tội lỗi lạm dụng tình dục, nhưng họ không nói đến những thiệt hại đã gây ra cho linh hồn của những người bị lạm dụng và kẻ lạm dụng, cũng như những thiệt hại gây ra cho Thân thể của Chúa Kitô. Họ công cụ hóa con người; họ không có sự tôn trọng đối với mọi người. Họ thao túng giới trẻ, rơi nước mắt vì nạn nhân bị xâm hại; nhưng đối với những người khác, họ không có hứng thú”.

Tóm lại, Đức Hồng Y nói rằng ngài tin rằng những người đòi hỏi thay đổi trong “Tiến Trình Công Nghị” “không phải là những nhà cải cách” mà là những người đang thúc đẩy “sự biến dạng của Giáo hội, sự tục hóa của ngôi nhà Thiên Chúa Ba Ngôi.”

Và ngài cho biết một vấn đề then chốt là mong muốn thỏa hiệp với thế giới của những người này. Họ không sẵn sàng sống với sự căng thẳng của đức tin trong xã hội thế tục hóa cao độ ngày nay.

Mục đích của nhiều giám mục là được xã hội yêu mến và tôn trọng, giống như ở thế kỷ 19, nhưng ngài nói rằng họ biết họ không thể thay đổi đức tin, vì vậy họ gọi những nỗ lực của họ để thực hiện điều này là “phát triển giáo lý” và do đó “phá hủy và mâu thuẫn với đức tin đã được mạc khải”.

Các cuộc tấn công vào các Giám Mục trung thành

Khi được hỏi về các cuộc tấn công không ngừng nhằm vào các giám mục như Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki của Köln, Đức Cha Rudolf Voderholzer của Regensburg và gần đây nhất là Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, Đức Hồng Y Müller nhấn mạnh rằng tất cả các giám mục bị tấn công này “hành động mạnh mẽ nhất để chống lại tội lỗi lạm dụng tính dục” trong khi các giám mục khác, các tổng đại diện và những người khác chịu trách nhiệm giải quyết các trường hợp lạm dụng “đã mắc những sai lầm lớn, nhưng họ không hề bị chỉ trích vì họ thuộc nhóm ý thức hệ tự tục hóa này.”

Đức Hồng Y Müller chỉ ra rằng các giám mục bị tấn công có một “cấp độ thần học” khác so với những người gièm pha bất đồng chính kiến, là những người “không có bất kỳ tranh luận nào, mà chỉ có các cuộc tấn công và phỉ báng cá nhân”.

Ngài chỉ ra rằng Đức Hồng Y Woelki là người “không thể bị đổ lỗi” vì ngài chưa từng giải quyết sai các trường hợp lạm dụng. Những Giám Mục người Đức khác có nhiều sai phạm lại thoát tội vì “các phương tiện thông tin đại chúng chống Công Giáo đứng về phía họ, cùng với những người Công Giáo đã bị tục hóa bên trong ”.

Đa số những cuộc tấn công này được khơi dậy bởi các phương tiện truyền thông thế tục hóa cao độ với các thành kiến chống Công Giáo lâu đời, có thể truy ngược đếm thời Kulturkampf, trong cuộc xung đột trong thời gian 1872-1878 giữa chính phủ Phổ của Otto von Bismarck và Giáo Hội Công Giáo, do Đức Giáo Hoàng Pius IX lãnh đạo..

Ngài nói: “Họ có những lập trường chống lại luật tự nhiên, và điều họ không chấp nhận cuối cùng là quan điểm siêu nhiên cho rằng quyền bính cao nhất là ở nơi Thiên Chúa yêu thương nhân từ, chứ không phải nơi chúng ta”.

Hơn nữa, ngài nói rằng những người như Hồng Y Marx, chẳng hạn, thường được báo chí ưu ái vì “ông ấy là người quảng bá tốt nhất cho các mục tiêu mà họ muốn – đó là vô hiệu hóa Giáo hội” và ngăn Giáo hội đưa ra “câu trả lời cho các câu hỏi hiện sinh sâu sắc”.

Những gì cần thiết

Nhìn về phía trước, Đức Hồng Y nhận định rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Hồng Y đoàn phải can thiệp và kỷ luật các giám mục này và “Tiến Trình Công Nghị” trước khi quá muộn.

Ngài cũng kêu gọi Đức Giáo Hoàng có thêm các nhà tư vấn người Đức để giải thích cho ngài chính xác những gì đang xảy ra. Nói rộng hơn, ngài nói việc sửa chữa những lời dạy sai lầm này “chỉ có thể được thực hiện bằng cách thúc đẩy một hàng giáo phẩm tốt hơn, có hiểu biết về mặt thần học,” như đã xảy ra “vào thời Cải cách ở Đức và ở các nước khác”.

Trong khi đó, đối với những người Công Giáo trung thành chịu đựng các cuộc tấn công liên tục vì đức tin, ngài đã khuyến khích họ bằng những lời của Chúa Giêsu trong Bài giảng trên núi (Mt 5:11):

“Phúc cho anh em khi người ta ngược đãi anh em và bắt bớ anh em và nói đủ mọi thứ ngu xuẩn chống lại anh em vì danh Thầy. Hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng của anh em trên trời; đây là cách họ bắt bớ các nhà tiên tri trước Thầy.”
Source:National Catholic Register
 
Nhà trừ tà: Có một vị thánh ma quỷ rất sợ và ghét cay ghét đắng. GH tại Tây Ban Nha gặp rắc rối
VietCatholic Media
05:09 13/02/2022


1. Chiến dịch chấm dứt đấu bò tót ở các nước Công Giáo

Catholic Concern for Animals, nghĩa là Cơ quan Công Giáo quan tâm đến động vật, gọi tắt là CCA, đã thông báo rằng họ sẽ phát động một chiến dịch lớn vào năm 2022, nhằm chấm dứt hoạt động đấu bò tót ở các quốc gia Công Giáo.

Chris Fegan viết trong bản tin mới nhất của họ: “Chiến dịch này sẽ liên quan đến các hoạt động ở tất cả những quốc gia mà chúng tôi xác định là đang đồng lõa với 'cảnh tượng' kinh hoàng này để giáo dục về tính man rợ của các trận đấu bò. Chúng tôi sẽ làm việc với tất cả các nhóm và cá nhân quan tâm để cố gắng chấm dứt hoạt động ghê tởm này”.

CCA mở đầu chiến dịch của họ bằng một bài báo mạnh mẽ của Barbara Gardner có tựa đề 'Hãy chấm dứt việc tra tấn những con bò ngay bây giờ'.

Cô viết: “Năm 1567, Đức Thánh Cha Piô V đã cấm 'các cuộc triển lãm nơi những con bò đực và thú dữ bị tấn công' trong cuốn sách De Salute Gregis của ngài. Đức Thánh Cha nói rằng 'những cuộc triển lãm đẫm máu và đáng ghê tởm này là của ma quỷ chứ không phải của con người' là 'trái với bổn phận và lòng bác ái Kitô' và phải bị bãi bỏ. Hơn nữa, bất cứ ai chết trong khi tham gia vào những cảnh tượng như vậy sẽ không được chôn cất theo các nghi thức Kitô giáo”.

“Trong thông điệp Laudato Si, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: ‘Rõ ràng Kinh thánh không có chỗ cho chủ nghĩa nhân bản chuyên chế, không quan tâm đến các sinh vật khác’ (LS: 68), và “mọi hành động tàn ác đối với bất kỳ sinh vật nào đều là trái với phẩm giá con người “( LS: 92). Ngài cũng nhấn mạnh rằng “chúng ta phải mạnh mẽ bác bỏ quan điểm cho rằng việc chúng ta được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa và được trao quyền thống trị trên trái đất biện minh cho sự thống trị tuyệt đối đối với các tạo vật khác” (LS: 67).

Các vị Giáo Hoàng đã nói như thế. “Vậy tại sao rất nhiều cuộc đấu bò và các hoạt động khác liên quan đến việc tra tấn bò tót vẫn tiếp diễn ở nhiều quốc gia Công Giáo ngày nay, bao gồm cả Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và ở Nam Mỹ?”


Source:Catholic Animals

2. Nhật ký trừ tà số 176: Quỷ ghét Gemma

Cha Stephen Joseph Rossetti là một linh mục Công Giáo người Mỹ, tác giả, nhà giáo dục, nhà tâm lý học có bằng cấp và là chuyên gia về các vấn đề sức khỏe tâm lý và tinh thần cho các linh mục Công Giáo. Ngài là giáo sư tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, giảng dạy tại phân khoa Thần học và Nghiên cứu Tôn giáo. Trong 13 năm qua, ngài cũng là nhà trừ quỷ của giáo phận Syracuse.

Đây là bài viết mới nhất của ngài: “Exorcist Diary # 176: Demons Hate Gemma”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 176: Quỷ ghét Gemma”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Trong mười năm, “Valerie” đã chìm sâu vào những điều huyền bí. Cô đến thăm những ngôi nhà của phù thủy, những ngôi đền ngoại giáo, và gắn bó với những đạo sư và các vị thần ngoại giáo. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, cô đã có một kinh nghiệm mạnh mẽ về Chúa Kitô và nhận ra rằng tất cả đều quá sức xấu xa. Nhưng con đường trở về thật chông gai.

Những phù thủy, đạo sư và ác quỷ này sẽ không buông tha cho cô ấy nếu không có một cuộc chiến. Ma quỷ của bói toán thường bám rất sâu và khó loại bỏ. Chúng đang tấn công và hành hạ Valerie hàng ngày. Nhưng sau những buổi trừ tà hàng tuần trong suốt một năm, cô ấy đã tốt hơn rất nhiều. Cô ấy đang bắt đầu thoát ra khỏi bóng tối trong tâm hồn và sự thờ ơ về tinh thần là những gì đã ngày càng nhấn chìm cô ấy trong những điều huyền bí. Giờ cô ấy đã có nhiều khoảnh khắc nhẹ nhàng và bình yên hơn.

Valerie gần đây đã có một “giấc mơ”. Cô ấy nói với tôi rằng cô ấy đã nhìn thấy một ngôi đền Công Giáo rất lớn. Trên một mặt của tòa nhà có dòng chữ: “Cầu nguyện.” Mặt khác của tòa nhà có từ: “Mân Côi.” Cô ấy coi đây là một dấu hiệu rõ ràng rằng cô ấy nên lần hạt Mân Côi hàng ngày, điều mà cô ấy hiện đang làm.

Cô cũng được biết chắc chắn rằng ngôi đền này nằm ở một thị trấn của Ý tên là Lucca. Valerie nói với tôi rằng cô ấy chưa bao giờ nghe nói về Lucca và “không biết” gì về đền thờ ấy. Vì vậy, cô ấy đã lên mạng và thấy rằng đó là nhà của Thánh Gemma Galgani. Bản thân Thánh Gemma thường xuyên phải chịu “sự tấn công dữ dội của ma quỷ vào thể xác và linh hồn của bà, quái ác và liên tục đến mức bà tưởng tượng mình bị nhập và cầu xin để được trừ tà.” * Thi thể của Thánh Gemma hiện được an táng trong tu viện Dòng Thương Khó- là đền kính Thánh Gemma ở Lucca.

Thánh Gemma đã giúp đỡ rất nhiều cho Valerie trên con đường phục hồi tinh thần của cô. Valerie thậm chí còn tuyên bố rằng Thánh Gemma đã đánh thức cô vào Chúa Nhật Phục sinh để tham dự Thánh lễ khi cô có nguy cơ ngủ quên. Cô ấy nói, “Khi con thức dậy, con tràn ngập một tình yêu to lớn dành cho Chúa Giêsu trong trái tim mình. Con biết đây là một cơ duyên đặc biệt. “ Tương tự như vậy, Thánh Gemma được ghi nhận vì tràn đầy tình yêu trong sáng như trẻ thơ dành cho Chúa Giêsu.

Valerie cũng nói rằng bất cứ khi nào cô nhìn thấy bức ảnh của Gemma xinh đẹp và cầu xin sự giúp đỡ của thánh nữ, những con quỷ phản ứng mạnh mẽ. Cô ấy nói rằng chúng “ghét” thánh nữ và có một “sự kinh sợ hoàn toàn” đối với thánh nữ. Những con quỷ hành hạ Valerie khiến cô cảm thấy muốn “nôn mửa” bất cứ khi nào Thánh Gemma được mời đến. Chúng hét lên, “Giữ người phụ nữ đó tránh xa tôi!”

Quỷ dữ ghét Gemma. Chúng ta yêu mến cô ấy!
Source:Catholic Exorcisms

3. Tổng Thanh tra Tây Ban Nha chuẩn bị điều tra lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ

Thủ tướng Tây Ban Nha muốn giao nhiệm vụ điều tra Giáo Hội Công Giáo cho Tổng Thanh tra Tây Ban Nha về mức độ sâu sắc của lạm dụng tình dục do các giáo sĩ Công Giáo gây ra.

Quyết định của Thủ tướng Pedro Sánchez, người đứng đầu Đảng Xã hội Tây Ban Nha, đã được tờ báo Tây Ban Nha El País đưa tin hôm Chúa Nhật và được chính phủ xác nhận với Associated Press.

Đề xuất giao nhiệm vụ này cho tổng thanh tra Ángel Gabilondo đứng đầu được đưa ra chỉ vài ngày sau khi các nhà lập pháp Tây Ban Nha thực hiện bước đầu tiên là mở một cuộc điều tra của quốc hội về vấn đề lạm dụng tình dục trong Giáo Hội.

Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha đã bác bỏ việc mở một cuộc điều tra toàn diện. Thay vào đó, các Giám Mục khuyến khích các nạn nhân báo cáo các cáo buộc của họ cho các văn phòng mà các ngài đã thiết lập ở mỗi giáo phận của đất nước. Các nhà phê bình nói rằng điều đó là không đủ để đưa ra một báo cáo đầy đủ về việc lạm dụng.

Tiến trình cuối cùng cho một ủy ban quốc hội phụ thuộc vào một cuộc bỏ phiếu vào cuối tháng này. Theo El País, nếu kế hoạch giành được sự ủng hộ của quốc hội, Gabilondo sẽ phải biên soạn một báo cáo dựa trên kết quả nghiên cứu của một ủy ban điều tra độc lập.

Gabilondo, 72 tuổi, được bổ nhiệm là tổng thanh tra vào tháng 11. Là giáo sư triết học, ông là bộ trưởng giáo dục của Tây Ban Nha từ năm 2009 đến 2011 cho một chính phủ theo đường lối Xã hội chủ nghĩa lãnh đạo.

Đức Hồng Y Juan Jose Omella, Tổng giám mục Barcelona và chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha, gọi tắt là SEC, nhiều lần bác bỏ ý kiến thành lập “Ủy ban độc lập” kiểu Đức vì ngài thấy đó là chuyện nực cười. Các phúc trình do cái “Ủy ban độc lập” ấy đưa ra sớm bị công chúng cho rằng chẳng qua là “vừa đá bóng vừa thổi còi” mà lại mất một số tiền lớn. Thành ra, ngài không muốn thành lập cái Ủy ban như thế, chứ không phải vì e ngại rằng Ủy ban ấy sẽ lôi ra các tội lỗi của hàng giáo sĩ.

Ngay sau khi vụ tấn công nhục mạ Đức Bênêđíctô nổ ra, liên minh cầm quyền của Tây Ban Nha lập tức đòi các vụ lạm dụng tình dục trong lịch sử tại nước này phải được điều tra. Thủ tướng Pedro Sánchez, của Đảng Công Nhân Xã Hội, với chủ trương bài Công Giáo ra mặt, cho biết ông ta sẽ gặp các nạn nhân bị lạm dụng trước khi quyết định các bước tiếp theo.

Người đứng đầu chính phủ liên minh cai trị Tây Ban Nha cho biết: “Chúng tôi sẽ nói chuyện và hình thành các cơ cấu. Chiều kích con người của vấn đề này là quan trọng.”

Ba đảng cánh tả - Unidas Podemos, ERC và EH Bildu - đã trình đơn yêu cầu thành lập một ủy ban tại Quốc hội Tây Ban Nha để khởi động một cuộc điều tra về các vụ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên trong Giáo Hội Công Giáo.

Ba bên đã trình bản kiến nghị gọi đây là “những sự kiện đáng ghê tởm” và nói rằng họ coi những nỗ lực mà Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha thực hiện cho đến nay là không đủ.

Trong một tuyên bố được Europa Press trích dẫn, Jaume Asens, chủ tịch nhóm nghị sĩ của Unidas Podemos, giải thích rằng “đây là những sự thật đáng ghê tởm không chỉ là vấn đề đối với các nạn nhân mà còn cả xã hội như một nền văn minh khi đối mặt với sự từ chối của lãnh đạo Giáo Hội Tây Ban Nha tuân theo các khuyến nghị của Giáo hoàng trong vấn đề này”.

Ông cáo buộc các giám mục có “thái độ cản trở” đối với một cuộc điều tra độc lập sẽ được thực hiện, như các trường hợp ở Pháp hoặc Đức. Ông lập luận rằng trước thái độ này, ủy ban phải được thiết lập nhằm mục đích biết “toàn bộ sự thật, để đền bù cho các nạn nhân, xác định trách nhiệm và điều này sẽ không bao giờ xảy ra nữa.”

Asens tuyên bố rằng Hội Đồng Giám Mục “đã giả điếc làm ngơ, đã nhìn theo hướng khác, và điều nghiêm trọng đối với chúng tôi, là ban lãnh đạo Giáo Hội đã không mở kho lưu trữ của mình, không thông báo dữ liệu về số lượng nạn nhân, đã từ chối trách nhiệm của mình, đã tầm thường hóa mức độ nghiêm trọng của những sự kiện này bằng cách nói về những trường hợp nhỏ”.

Đức Hồng Y Juan Jose Omella, chủ tịch SEC, cho biết vào đầu tháng này sau cuộc gặp gỡ với Đức Phanxicô rằng ngài hy vọng sẽ đưa ra ánh sáng những hành vi lạm dụng gây ra bởi các thành viên của hàng giáo sĩ Tây Ban Nha, cũng như các nam nữ tu sĩ và giáo dân, nhưng nói rằng hiện tại các giám mục không có kế hoạch triệu tập một ủy ban độc lập.

Sánchez là lãnh đạo của Đảng Công nhân Xã hội Tây Ban Nha. Hai đảng lớn khác, PP và VOX, đã lên tiếng ủng hộ SEC và bác bỏ khả năng này.

Trong tổng số 50 triệu dân Tây Ban Nha, 70% là người Công Giáo. 11% là người vô thần. Như thế, tỷ lệ người vô thần tại Tây Ban Nha thuộc loại cao nhất trong các nước Âu Châu. Tuy nhiên, nói thế cũng chưa đủ, những người vô thần tại Tây Ban Nha khác với những người vô thần ở các quốc gia khác là họ không có khuynh hướng sống chung hòa bình, nhưng quyết liệt “ăn thua đủ”. Nói theo kiểu cộng sản, họ quyết liệt muốn giải quyết vấn đề “ai thắng ai”.

Đó là bối cảnh dẫn đến cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha kéo dài từ ngày 17/7/1936 đến 1/4/1939. Trong cuộc chiến này,13 Giám Mục, 4172 linh mục triều và các chủng sinh, 2364 linh mục dòng và các nam tu sĩ cùng với 283 nữ tu đã bị Mặt Trận Bình Dân sát hại. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong 233 vị tử đạo Tây Ban Nha. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tôn phong 498 vị. Cho đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tôn phong cho hơn 600 vị tử đạo Tây Ban Nha.

Các vị Giám Mục ở Đức hô hào Tiến Trình Công Nghị thường viện dẫn tội lỗi lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ làm chiêu bài cho các cải cách cấp tiến của họ. Tội lỗi lạm dụng tính dục là một vấn đề nghiêm trọng của Giáo Hội. Chắc chắn rồi. Nhưng tại sao để giải quyết vấn đề này cần phải tái định nghĩa lại hôn nhân? Tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ thì có liên quan gì đến việc chúc lành cho các kết hiệp đồng tính? Hay có liên quan gì đến việc cho người Tin lành được rước lễ trong các thánh lễ Công Giáo? Tai tiếng lạm dụng tình dục giáo sĩ chỉ là chiêu bài cho các Giám Mục Đức tung ra những nghị trình mà họ đã ấp ủ từ lâu.

Những kẻ bày ra chiêu “Ủy ban độc lập” trong mưu toan đưa tội lỗi lạm dụng tình dục ra làm bóng ma để buộc Giáo Hội phải chạy theo các chương trình nghị sự ý thức hệ của họ phải chịu trách nhiệm về những hậu quả thê thảm do họ gây ra không chỉ ở Đức mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới.


Source:Crux
 
Bách hại trắng: Ấn Độ bắt giam một Giám Mục và 5 linh mục. Chơi bùa ngải trong tranh cử tổng thống ở Hàn Quốc
VietCatholic Media
17:04 13/02/2022


1. Bách hại công khai: Ấn Độ bắt giam một Giám Mục và 5 linh mục

Một giám mục Công Giáo và ít nhất 5 linh mục được báo cáo là đã bị bắt ở Ấn Độ. Cảnh sát cáo buộc các vị có các hoạt động khai thác bất hợp pháp trên đất thuộc sở hữu của giáo phận.

UCA News đưa tin: Những người bị bắt bao gồm Đức Cha Samuel Irenios Kaattukallil của giáo phận Pathanamthitta của Công Giáo nghi lễ Syro-Malankara và 5 linh mục của giáo phận, trong đó có cả cha tổng đại diện.

Các giáo sĩ bị cáo buộc đã tạo điều kiện cho việc khai thác cát dưới dòng sông quy mô lớn từ một khu đất rộng 300 mẫu Anh thuộc sở hữu của giáo phận được cho thuê làm đất nông nghiệp. Cảnh sát cáo buộc người thuê đất của giáo phận đã lấy đi khoảng 787 mét khối cát, nằm trên bờ sông Thamirabarani ở bang Tamil Nadu.

Khai thác cát là một ngành kinh doanh có lãi ở Ấn Độ, vì cát thường được bán để sử dụng trong ngành xây dựng. Tuy nhiên, hoạt động này bị cấm ở hầu hết các khu vực do thiệt hại nặng nề về môi trường và sinh thái, vì các con sông có thể bị mất một phần lòng sông.

Giáo phận nói rằng bên thuê là người đã tham gia vào các hoạt động khai thác bất hợp pháp và do đại dịch COVID-19, giáo phận không thể kiểm tra khu đất trong thời gian hai năm.

Một linh mục của giáo phận nói với UCA News rằng khu đất nông nghiệp rộng 300 mẫu Anh, có trồng dừa và cây lý gai, đã thuộc sở hữu của giáo phận trong 40 năm qua.

787 mét khối cát không phải là con số lớn, và giáo phận không trực tiếp làm nên việc bắt giữ một Giám Mục và 5 linh mục được xem là một hành động không tương xứng, nếu không muốn nói là bách hại ra mặt.
Source:Catholic News Agency

2. Dùng tà giáo và các pháp sư trong chiến dịch bầu cử tại Nam Hàn

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết một cuộc điều tra đã được mở ra nhắm vào ứng cử viên bảo thủ Doãn Tích Duyệt (Yoon Suk-yeol,윤석열), người đã bị buộc tội thiên vị đối với một giáo phái có liên hệ với một pháp sư thân cận với anh ta. Tiền lệ dùng tà giáo và các pháp sư trong việc công đã được đặt ra bởi cựu Tổng thống Phác Cận Huệ (Park Geun-hye, 박근혜), là người đã bị cách chức vì cho phép một nhà thần bí can thiệp vào công việc của nhà nước, gây ra một số tổn thất nặng nề.

Trong khoảng thời gian non một tháng nữa, vào ngày 9 tháng 3, Hàn Quốc sẽ đi bỏ phiếu để bầu ra tổng thống mới, điều mà một số nhà bình luận gọi là “cuộc bầu cử phiền toái”. Bầu không khí trong đó chiến dịch bầu cử đang được tổ chức đã bị hoen ố bởi vô số cuộc tấn công cá nhân, trong khi các ứng cử viên chính đã không thu hút được sự ủng hộ của công chúng về mức độ được ưa chuộng trong các cuộc thăm dò. Trong bối cảnh thờ ơ của cử tri hiện nay, sự xuất hiện trở lại của các mối liên hệ giữa chính trị và đạo giáo là mối quan tâm lớn của công chúng Hàn Quốc.

Sau tiết lộ của một tờ báo địa phương, các công tố viên của Hán Thành đã mở một cuộc điều tra về ứng cử viên bảo thủ Doãn Tích Duyệt trong những tuần gần đây. Các cáo buộc bắt đầu từ tháng 2 năm 2020, khi Hàn Quốc đang trải qua làn sóng nhiễm Covid đầu tiên do sự bùng phát trong giáo phái Tân Thiên Địa (Shincheonji, 신천지). Ông Doãn, tổng trưởng Bộ Tư Pháp vào thời điểm đó, bị cáo buộc đã ngăn cản cảnh sát thực hiện cuộc khám xét tại trụ sở của giáo phái này theo lời khuyên của một pháp sư có họ là Tiên (Jeon,전) được cho là có quan hệ thân mật với Ông Doãn.

Ứng cử viên và Đảng Bảo thủ đã phủ nhận các cáo buộc, nhưng mối quan hệ giữa Doãn và Tiên sâu sắc hơn nhiều so với các cáo buộc ban đầu. Vào đầu tháng Giêng, ủy ban bầu cử của đảng Bảo Thủ đã phải giải tán một tiểu ban của mình sau khi một video được tung ra cho thấy Tiên thân thiện hướng dẫn Doãn đến gặp các thành viên của tiểu ban, mặc dù thực tế là pháp sư không có vị trí chính thức nào trong chiến dịch tranh cử. Để tránh nghi ngờ rằng pháp sư có thể xuất hiện như một cố vấn ma thuật cho ứng cử viên, Đảng Bảo thủ do đó đã quyết định giải tán tiểu ban.

Theo một số báo cáo từ Hán Thành, mối quan hệ của Doãn với đạo giáo không phải là một sự kiện gần đây. Một tấm danh thiếp từ công ty của vợ Doãn có từ năm 2014 ghi tên Tiên là một nhà tư vấn. Hơn nữa, ứng cử viên bảo thủ đã thừa nhận đã có các cuộc gặp gỡ với các nhà thần bí khác. Những nghi ngờ về mối quan hệ của Doãn với các nhà thần bí đã xuất hiện trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Bảo thủ vào mùa thu năm ngoái, khi cựu công tố viên khi đó đang dẫn đầu cuộc đua để được đề cử đã xuất hiện trong một cuộc tranh luận trên truyền hình với nhân vật Trung Quốc được vẽ trên lòng bàn tay của anh ta, mà nhiều người giải thích như một lá bùa hộ mệnh.

Liên kết với tà giáo là một chủ đề rất nhạy cảm, đặc biệt là sau vụ bê bối làm rung chuyển chính trường Hàn Quốc trong hai năm 2016 và 2017. Vào dịp đó, cựu tổng thống bảo thủ Phác Cận Huệ đã bị cách chức vì cho phép Thôi Tất Nữ (Choi Soon-sil, 최필녀) bạn thân của bà và là con gái của một nhà thần bí nổi tiếng của Hàn Quốc, can thiệp vào các công việc nhà nước.

Tuy nhiên, việc dùng tà giáo và các pháp sư đã là một yếu tố của chính trị Hàn Quốc kể từ thời kỳ dân chủ hóa, mặc dù sự hiện diện của nó thường vẫn ở dưới bề mặt. Chiến dịch tranh cử của ứng cử viên đảng Dân chủ Lý Tại Minh (Lee Jae-myung, 이재명) hồi đầu tháng Giêng đã đưa ra một ủy ban gồm 17 nhân vật tôn giáo. Trong nhiều thập kỷ, giới tinh hoa chính trị của Hán Thành đã có mối liên hệ với các đạo giáo truyền thống trong văn hóa Hàn Quốc, và điểm khác biệt duy nhất lần này là những mối liên hệ này đang là trung tâm của một cuộc tranh luận công khai
Source:Asia News

3. Giám mục Á Căn Đình phải từ chức sau tranh cãi về việc đóng cửa chủng viện

Hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Cha Eduardo María Taussig, Giám Mục của San Rafael.

Quyết định ngày 5 tháng 2 được đưa ra một năm rưỡi sau khi Vatican đóng cửa chủng viện giáo phận San Rafael. Đức Cha Taussig năm nay mới 67 tuổi.

Đức Cha Carlos María Domínguez, Giám Mục Phụ Tá của San Juan de Cuyo, hiện được bổ nhiệm làm Giám quản Tông Tòa của San Rafael.

Trong một cuộc phỏng vấn được xuất bản bởi tuần báo giáo phận De Buena Fe, phát ngôn viên của Giáo phận San Rafael, là cha José Antonio Alvarez, nói rằng “công chúng biết rằng giáo phận đã phải trải qua một cuộc khủng hoảng rất nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến việc đóng cửa chủng viện địa phương”.

“Tình hình đã được giải quyết ổn thỏa, nhưng vẫn chưa hoàn toàn. Đức Cha Taussig, ngay từ giây phút đầu tiên, đã đặt chức vụ của mình dưới quyền của Đức Giáo Hoàng”.

“Trong quá trình hai năm qua, ngài đã nhắc lại nó một vài lần và cuối cùng đã xác nhận lại nó bằng văn bản vào những tháng cuối năm 2021. Từ thời điểm đó, Đức Thánh Cha bắt đầu chuẩn bị quá trình chuyển đổi và cuối cùng hôm nay ngài đã truyền đạt những gì chúng ta biết.”

Đức Cha Taussig được phong chức linh mục của Tổng giáo phận Buenos Aires vào năm 1982, và ngài được bổ nhiệm làm Giám mục của San Rafael vào năm 2004.

Kể từ giữa năm 2020, căng thẳng đã tăng cao giữa Giáo phận San Rafael và một nhóm tín hữu đáng kể.

Vào tháng 6 năm 2020, khi thông báo về việc ngừng thờ phượng nơi công cộng do đại dịch COVID-19, Đức Cha Taussig truyền rằng chỉ có thể rước lễ khi đứng và cầm trên tay, chứ không được quỳ và rước lễ trên lưỡi.

Một số lớn các linh mục ở San Rafael đã không tuân thủ các chỉ thị về việc cho Rước lễ trên tay, trong số đó có nhiều chủng sinh cũ của chủng viện, được một số người cho là đứng sau việc các linh mục miễn cưỡng tuân thủ yêu cầu Rước lễ trên tay.

Bên cạnh những rắc rối mà điều này gây ra giữa giáo dân và các linh mục của giáo phận, quyết định của Giám mục Taussig cũng gây ra căng thẳng trong nội bộ chủng viện của giáo phận.

Đức Cha San Rafael thông báo ngày 27 tháng 7 năm 2020 theo lệnh của Bộ Giáo sĩ rằng Chủng viện Thánh Maria Mẹ Thiên Chúa sẽ đóng cửa vào cuối năm và các chủng sinh sẽ được chuyển đến các chủng viện khác của giáo phận.

Vị giám mục cho biết “quyết định đóng cửa chủng viện đã làm tôi vô cùng thất vọng và khiến tôi rất ngạc nhiên, nhưng đó là chỉ thị trực tiếp từ Tòa Thánh.”

Đức Cha Taussig giải thích rằng Bộ Giáo sĩ thông báo với ngài rằng do rắc rối mà chủng viện phải thay hiệu trưởng đến bảy người trong 15 năm qua - dường như không đáng để tiếp tục mở chủng viện”.

Chủng viện San Rafael là một trong những chủng viện thành công nhất ở Á Căn Đình và ở khắp Châu Mỹ Latinh, với một số lượng lớn các ơn gọi.

Sau cuộc triều yết Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vào cuối tháng 10 năm 2020, Đức Cha Taussig nói rằng quyết định đóng cửa chủng viện của Vatican “miễn bàn cãi”.

Một số giáo dân trong giáo phận đã tổ chức các cuộc biểu tình khác nhau và yêu cầu mọi người lần chuỗi Mân Côi trước các văn phòng của giáo phận. Nhiều đoàn xe ô tô đi qua các đường phố ở các thành phố trong giáo phận Á Căn Đình để phản đối quyết định này.

Vào tháng 12 năm 2021, chỉ hơn một năm sau khi đóng cửa Chủng viện Thánh Maria Mẹ Thiên Chúa, giáo phận đã thông báo về việc tái phân bổ các chủng sinh đã được đào tạo ở đó, và nói rằng một nhóm 12 người đã được chuyển đến “bốn chủng viện trong nhiều giáo phận ở Á Căn Đình, mà không tiết lộ có bao nhiêu quyết định từ bỏ việc đào tạo linh mục sau những tranh cãi.
Source:Catholic News Agency