Ngày 14-02-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:13 14/02/2010
CẦN DẤU CHỈ (1)

N2T


Vị giám mục đang trắc nghiệm các dự tòng để coi ai xứng đáng được lãnh nhận bí tích Rửa Tội, ngài hỏi các dự tòng:

- “Người ta dựa vào dấu chỉ nào để nhận biết các con là người Công Giáo ?”

Không ai trả lời, hiển nhiên không ai ngờ được lại có câu hỏi này. Vị giám mục hỏi lại lần nữa, và lấy tay làm dấu Thánh Giá ám chỉ nhắc cho họ biết để họ trả lời chính xác.

Đột nhiên, một người dự tòng có linh cảm nói: “Yêu thương.”

Vị giám mục khựng lại một chút, rất muốn mở miệng nói “sai rồi”, nhưng may mắn cấp thời tự kiểm chế được mình.

(Lắng nghe của loài ếch)

Suy tư:

Thánh Giá là dấu hiệu của người Ki-tô hữu, nhưng có rất nhiều người mang thánh giá trên mình mà không phải là người có đạo, có rất nhiều người có đạo mang thánh giá trên mình, nhưng không biểu hiện mình là người có đạo: họ không đi lễ nhà thờ, không tham gia các sinh hoạt ở giáo xứ, không ước ao đón nhận các bí tích như bí tích Hòa Giải và bí tích Thánh Thể.v.v...

Dấu chỉ rõ ràng nhất để người khác nhận ra mình là người Công Giáo, là người Ki-tô hữu chính là “yêu thương”, bởi vì Chúa Giê-su đã dạy chúng ta: người ta cứ dấu này mà nhận ra các con là môn đệ Thầy, đó chính là các con yêu thương nhau.

Yêu thương chính là bác ái, yêu thương chính là phục vụ vô vị lợi, yêu thương chính là tha thứ, yêu thương chính là hy sinh.v.v...và còn rất nhiều điều tốt là do yêu thương mang đến.

Người ta có thể nhìn thấy rất nhiều cây thánh giá bằng các loại chất liệu và chất lượng, nhưng họ không nhìn thấy Chúa Giê-su nơi người Ki-tô hữu, trái lại người ta sẽ nhìn thấy Chúa Giê-su nơi người Ki-tô hữu khi họ hết lòng yêu thương nhau và yêu thương tha nhân như chính mình.

-------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:14 14/02/2010
N2T


26. Làm việc thiện, nếu như không có đức ái thì là không giúp gì cả, phút chốc qua đi.

(Thánh Christina)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:16 14/02/2010
N2T


367. “Kinh nghiệm” là quá khứ thất bại của con người đối với bản thân mà đặt cho nó một tên gọi.

 
Xin Và Tìm Được Hạnh Phúc
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
16:18 14/02/2010
SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA

Chúa nhật 6 TN-C Ngày 14-02-2010

Dành cho Cá nhân, Gia đình, Nhóm, Hội đoàn

Chủ đề: XIN VÀ TÌM HẠNH PHÚC NƠI CHÚA

A- Cảm nghiệm Sống và chia sẻ ba bài đọc sau: (Reflections)

Bài đoc 1: Giêrêmia (17:5-8). Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa, và có Đức Chúa làm chỗ nương tựa.” (câu 7)

1/ Tại sao tôi không đặt tin tưởng vào người đời, mà tin vào Chúa?

2/ Khi đời sống bạn nương tựa vào Chúa, sẽ thấy gia đình thế nào?

Bài đọc 2: 1 Cor (15:12;16-20). “Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người.” (câu 19)

1/ Chia sẻ những hy vọng nơi Chúa khi tôi gặp đau khổ và thử thách?

2/ Chiến tranh, khủng bố, lụt lội… giúp bạn có ý niệm sống thế nào?

Tin Mừng: Luca (6:17; 20-26). “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ và xỉ vả và bị xóa tên…” (câu 22)

1/ Cho biết hạnh phúc tôi khi bị người ta oán ghét, vu oan vì Chúa?

2/ Bốn phúc và bốn họa trong bài Tin Mừng Chúa muốn nói về gì?

3/ Tại sao những đau khổ ở đời này lại giúp bạn có hạnh phúc thật?

B- Ý Chúa Thánh Linh muốn dạy tôi qua ba bài đọc trên:

1- Ích lợi khi tin Chúa: Nếu bạn tin hết vào người đời thì thật đáng nguyền rủa, vì tất cả mọi sự sẽ qua đi như hoa cỏ, bạn sẽ như buị cây trong bãi sa mạc, chẳng thấy được gì! như sống trong một đồng cháy. Còn khi bạn tin vào Chúa sẽ như một cây trồng bên dòng nước, chẳng sợ hạn hán và nóng nực, lúc nào cũng trổ hoa lá xanh tươi.

2- Đời sống mới trong Chúa: Cái hủy diệt được tội lỗi chính là đời sống đổi mới của bạn, đã tham dự vào sức sống lại của Đức Kitô. Vì nếu Ngài không sống lại thì tội lỗi vẫn còn nguyên, vậy sống lại là hoàn toàn đổi mới con người cũ. Người đời cho chết rồi là hết, cứ hưởng thụ đi. Nhưng Chúa là Đấng công bằng, có thưởng có phạt.

3- Chân dung người Tín hữu: Chúa dạy các môn đệ xưa là cho chính bạn hôm nay, về chân dung của người Tín hữu chân chính gồm bốn phúc và bốn hoạ. Bạn đã lãnh nhận ơn Chúa thì phải lấy tình yêu quảng đại mà đáp lại tình Chúa thương, vì những lời chúc mừng này đã được Chúa ban cho những ai đang đón nhận sứ điệp của Người.

4- Chuyện kể mẫu người tin tưởng và hy vọng: Corie Ten Boom sống sót qua quãng đời hỏa ngục của những ngày trong trại tập trung Đức Quốc Xã, đa số nơi đây mọi người đều mất hy vọng. Bà được sống sót kể lại đời mình trong một niềm tin không nao núng và hy vọng nắm chặt trong Chúa. Bà nhìn thấy gương mặt gian ác thật kề cận và riêng tư, bà chứng kiến một số hành động nhẫn tâm nhất mà con người đã làm đối với con người, Và khi thoát khỏi cảnh đó, bà nói: “Nếu nhìn vào thế giới, bạn sẽ đau đớn; nhưng nếu nhìn vào Đức Kitô, bạn sẽ được tràn trề bình an và hy vọng.” Lời Chúa trong sách Tiên tri Isaia nói: “Kẻ nào để trí mình nương tựa nơi Ngài, thì ngài cho kẻ ấy sự bình an trọn vẹn, vì kẻ ấy cậy nhờ Ngài.”.(Is 26,3)

* Bạn đang nhìn vào đâu? Bạn đang chú ý vào thế gian và những nguy hiểm của nó chăng? Bạn đang chú ý nhìn bản thân để hy vọng tìm ra lời giải đáp riêng chăng? Hay bạn đang nhìn vào Chúa Giêsu, niềm hy vọng cuối cùng của đức tin bạn? (x. Do thái 12,1-2)

Ngày Tết Việt nam, Năm Mới người đời hay chúc nhóm từ: “mọi sự như ý, hay là “xin gì được nấy”. Tôi thấy, họ đã không chúc theo Lời Chúa dạy, vì nếu không được vừa ý, xin không được thì sao?

C- Câu Kinh Thánh đánh động bạn và tôi chọn Sống tuần này:

PHÚC CHO ANH EM KHI VÌ CON NGƯỜI MÀ BỊ NGƯỜI TA ÓAN GHÉT, KHAI TRỪ, XỈ VẢ VÀ BỊ XOÁ TÊN… (C.22)

(Blest shall you be when men hate you, when they ostracize you, insult you and proscribe your name as evil because of the Son of Man)

D- Bạn và tôi cùng dựa vào Lời Chúa Cầu nguyện và Sống:

Lạy Cha, Đức Kitô đã nói: Phúc cho anh em là những người bây giờ đang phải khóc. Xin dạy con biết chịu đựng vu oan, bỏ vạ, hiểu lầm, lên án vì Chúa, trong khi thi hành nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng. Xin mẹ Maria giúp con hoàn thành sứ vụ như Mẹ đã làm.

Hoa thơm cỏ lạ: HÃY CẬY NHỜ CHÚA RỜI NÚI CHO BẠN, NHƯNG HÃY TIẾP TỤC LEO./ Trust God to move your mountain, but keep on climbing.

CHÚA PHẢI ĐƯỢC LỚN LÊN, CÒN TÔI NHỎ ĐI. (Ga 3, 30)

Phó tế GB. Maria Nguyễn văn Định * johndvn@yahoo.com
 
Con là thân tro bụi - (Thứ Tư Lễ Tro)
Lm Giuse Đinh lập Liễm
19:16 14/02/2010
Hôm nay là Thứ Tư lễ Tro, ngày khai mạc Mùa Chay thánh. Theo lời thánh Phaolô: ”Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ” (2Cr 6,2b)). Mùa Chay giúp chúng ta thực hành tinh thần thống hối, điều chỉnh lại hướng đi của mình và biết quay trở về với Chúa.

Mỗi người được xức tro trên đầu để chỉ sự khiêm nhường thống hối. Chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa việc xức tro, đồng thời cầu xin Chúa giúp sức để thi hành trong Mùa Chay này những lời Chúa dạy trong bài Tin Mừng hôm nay là cầu nguyện, ăn chay và làm phúc bố thí.

I. TÓM TẮT VỀ LỄ TRO

Ngày Thứ Tư lễ Tro, chúng ta nghe văng vẳng lời thánh ca từ sách Sáng thế: ”Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro và sẽ trở về bụi tro”. Lời Kinh Thánh này nhắc nhở chúng ta ý thức về thân phận con người, biểu hiệu “bụi tro” được dùng trong Kinh Thánh và trong lễ nghi Thứ Tư đầu Mùa Chay.

Về nghi thức làm phép tro và xức tro, qua thời gian lễ nghi này đã có sự biến đổi từ một nghi thức thống hối trong định chế về tập tục thống hối công cộng ngày xưa. Theo đó, những người đã phạm một số tội nặng công khai, mà mọi người biết, như chối bỏ đức tin, giết người, ngoại tình… là những người bị loại ra khỏi cộng đoàn tín hữu. Để được nhận lại trong cộng đoàn, họ phải làm việc thống hối công cộng: vào ngày thứ tư trước Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay, họ tập trung tại nhà thờ chính tòa để, sau khi xưng thú tội mình, Đức Giám mục trao cho chiếc áo nhâm mang trên mình, rồi lãnh nhận tro trên đầu và trên mình.

Sau đó họ bị đuổi ra khỏi nhà thờ và được chỉ định tới một tu viện để ở đó và thi hành một số việc thống hối đã ra cho họ. Vào sáng thư Năm Tuần thánh, các hối nhân này tụ tập tại nhà thờ chính tòa, được Đức Giám mục xem xét việc thực hành sám hối của họ trong Mùa Chay, sau đó ngài đọc lời xá giải tội lỗi của họ để giao hòa với cộng đoàn. Từ dây, họ được quyền tham dự các buổi cử hành bí tích.

Sau một thời gian lễ nghi tiếp tục biến chuyển. Vào năm 1091, công đồng Benevento (Nam Italia) đã truyền cử hành nghi lễ xức tro cho tất cả các nơi trong Giáo hội. Trong khi xức tro, vị Linh mục đọc: ”Ta là thân cát bụi và sẽ trở về cát bụi” (St 3,19). Tro này lấy từ những cành lá đã được làm phép trong ngày Lễ Lá năm trước để lại.

Trước công cuộc canh tân phụng vụ của công đồng Vatican II, lễ nghi làm phép tro và xức tro được cử hành trước lễ. Vào năm 1970, khi công bố sách lễ Rôma được tu chỉnh, thì lễ nghi này được cử hành sau phần phụng vụ Lời Chúa. Ngoài câu trích từ sách Sáng thế, còn có thêm một công thức khác dùng khi xức tro, lấy từ Phúc âm: ”Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng”(Mc 1,15).

II. Ý NGHĨA VIỆC XỨC TRO

1. Tro chỉ sự thống hối.

Trong Cựu ước, việc xức tro và mặc áo nhâm được dùng để thực hành và biểu lộ lòng thống hối cá nhân hay toàn thể cộng đoàn dân Israel.

Ngày xưa, khi ai làm việc gì không chính đáng, họ thường xức tro trên đầu để tỏ dấu chỉ ăn năn hối lỗi, quyết tâm làm điều lành, lánh sự dữ.

Tro là tập tục biểu hiệu của lòng ăn năn sám hối bên Trung Đông. Theo tập tục bên Do thái, trong Kinh Thánh còn ghi lại: Tro được dự trữ làm nước tẩy uế (Ds 19,9). Ông Abraham đã khiêm hạ trước mặt Thiên Chúa nhận mình là thân tro bụi (St 18,27). Rắc tro trên đầu cũng là lễ nghi sám hối trong niềm tin đạo giáo văn hóa thời xa xưa bên Do thái (2Sm 13,19; Mac 3,47). Mặc áo vải thô và rắc tro trên đầu là dấu chỉ lòng ăn năn thống hối của con người với Thiên Chúa (Eth 4,1; Mt 11,21).

Từ đây chúng ta nhận ra, trước tiên Giáo hội đã đặt nền tảng cho việc thống hối, đó là nhìn nhận lại tình trạng nguyên tuyền của ơn thánh đã bị mất do tội nguyên tổ, và hậu quả là con người xa Chúa, trốn tránh Thiên Chúa. Con ngươi sẽ phải chết như là hậu quả của tội lỗi. Vì thế cần phải “quay trở lại” một cách tận căn, như ý nghĩa diễn tả qua từ “canh tân” trong ngôn ngữ Do thái, là quay ngược lại với 360 độ.

2. Tro chỉ sự chóng qua.

Việc xức tro mời gọi chúng ta ý thức về thân phận nhỏ nhoi mỏng dòn nơi bản tính con người của mình, vốn dễ bị tội lỗi thống trị. Nghi thức xức tro chính là nghi thức khai mạc Mùa Chay, nó là hành động hữu hiệu và cụ thể nhất nhắc nhở ta về thân phận và kiếp người mỏng dòn ấy: thân phận con người là tro bụi.

Trong lễ an táng, chúng ta thường hát bài thánh vịnh đáp ca 102. Bài thánh vịnh nói lên sự mong manh của kiếp con người, đời sống con người giống như loài hoa sớm nở chiều tàn, không có gì là bền vững:

Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi,

Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,

Một cơn gió thoảng là xong

Chốn xưa mình ở cũng không biết mình.

(Tv 102, 15-16)

Thi sĩ Nguyễn Khuyến, nhìn cuộc đời chóng qua của kiếp người cũng phải kêu lên bằng những hình ảnh sống động:

Ôi ! nhân sinh là thế ấy !

Như bóng đèn, như mây nổi,

Như gió thổi, như chiêm bao !

Trong bài “Cát bụi” nhạc sĩ Trịnh công Sơn cũng nói lên kiếp mong manh của con người: Cát bụi, con người chỉ là cát bụi. Hạt bụi tuyệt vời khi hóa kiếp thân tôi. Hạt bụi mệt nhoài khi tôi trở về làm cát bụi. Một vòng quay. Trăm năm một kiếp người có là mấy: ”Chợt một chiều tóc trắng như vôi”…

Trịnh công Sơn không bi quan. Ông chỉ nói lên điều ông cảm nghiệm thấm thía về sự mong manh của kiếp người. Cuộc đời đẹp biết bao ! Sự sống cao quí biết bao ! Nhưng cũng chỉ như một “đóa hoa vô thường” như tên gọi của một bài hát khác của ông. Đó là thực tế, nhìn nhận đúng thực tế đó, đối diện với nó một cách can đảm có thể đưa đến một cuộc sống tốt đẹp và hữu ích hơn.

Tro không những chỉ được dùng trong lễ nghi thống hối xức tro hằng năm, mà còn được dùng trong nghi lễ nhậm chức đăng quang của Đức Giáo hoàng mới được bầu lên. Theo tập tục lễ nghi, vị hồng y niên trưởng đốt những sợi chỉ ra tro để nhắc nhở vị tân Giáo hoàng với câu: ”Sic transit mundi gloria”: vinh quang thế gian cũng mau qua như thế.

3. Tro nhắc nhở về sự chết.

Trong Cựu ước, tro chỉ thân xác chúng ta là tro bụi và sẽ phải chết: ”Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,19. x. Gb 34,4; Gr 6,26; Is 58,5).

Chết là án lệnh của Thiên Chúa sau khi nguyên tổ phạm tội: ”Người sẽ trở về với bụi đất”(St 3,19). Vì thế không ai có thể tránh được cái chết.

Người Á Đông quan niệm: con người phải trải qua 4 giai đoạn là sinh, lão, bệnh, tử. Có người thoát được lão và bệnh vì chết quá sớm, còn không ai thoát được tử, vì đã có sinh thì phải có tử, sinh tử luôn nối kết với nhau.

Kinh nghiệm ngàn đời đã giúp ông Văn Thiên Trường suy nghĩ về cuộc sống mong manh của con người nên đã phát biểu ý kiến bằng một câu để đời:

Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,

Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.

Ngàn xưa, người thế ai không chết,

Chết, để lòng son rạng sử xanh.

Vì thế, trong truyền thống các đan sĩ và tu viện, tro được dùng để nói lên mối liên hệ với sự chết và khiêm nhường thống hối trước mặt Chúa. Do đó, các tu sĩ, các đan sĩ có tục lệ tại một số nơi, muốn nằm trên đống tro với chiếc áo nhặm để chết. Thánh Martinô thành Tours ở bên Pháp đã nói: ”Không gì xứng hợp hơn cho một tu sĩ là việc nằm chết trên đống tro bụi”. Các vị này lấy tro đã được làm phép trong ngày Thứ Tư Lễ Tro, rồi vẽ hình thánh giá trên đất, trên đó con trải thêm áo nhặm và rồi các vị nằm trên đó khi hấp hối và khi chết.

Chớ gì việc xức tro trên đầu khiến cho chúng suy nghĩ về sự chết để biết dọn mình sẵn sàng vì giờ chết đến như kẻ trộm, luôn có tinh cách bất ngờ như người ta nói:

Sinh hữu hạn, tử bất kỳ.

Ai cũng mong đời sống của mình được trở thanh “cây bách niên” (agavé). Người ta cho biết: cứ một trăm năm một lần nở hoa, nhưng hoa đẹp lạ lùng. Trong một thế kỷ cây ấy đã sửa soạn cho cái ngày tươi đẹp ấy, nó dồn sức lực, nó trang điểm, nó làm cho đẹp, bằng công việc kín đáo, không ai trông thấy. Cả một thế kỷ ! Và khi đã hết thời nó nở những cánh hoa trắng muốt để làm đẹp lòng người đến xem cái phi thường của nó.

III. MÙA CHAY VÀ THÂN TRO BỤI

Trong việc xức tro hôm nay Giáo hội đã đặt nền tảng cho việc thống hối, đó là nhìn nhận lại tình trạng nguyên tuyền của ơn thánh đã bị mất do tội nguyên tổ, và hậu quả là con người lìa xa Chúa, trốn tránh Thiên Chúa. Con người sẽ phải chết như là hậu quả của tội lỗi. Vì thế, phải “quay trở lại” một cách tận căn, như ý nghĩa diễn tả qua từ “canh tân” trong ngôn ngữ Do thái, là quay ngược lại với 360 độ.

Để thể hiện sự thống hối trong Mùa Chay, chúng ta phải làm gì ? Chắc chắn có nhiều việc phải làm và mỗi người có một chương trình riêng, nhưng thiết tưởng chúng ta phải thực hiện 3 điều mà Chúa Giêsu muốn cho chúng ta thực hành theo bài Tin Mừng hôm nay: đó là cầu nguyện, ăn chay và làm phúc bố thí.

1. Hãy cầu nguyện.

Cầu nguyện là một việc làm đẹp ý Chúa, mà ai cũng có thể làm được, ở đâu ta cũng có thể cầu nguyện được; chính vì thế Chúa Giêsu đã dạy: ”Các con hãy cầu nguyện luôn kẻo sa chước cám dỗ”(Lc 22,40). Mà không những Chúa chỉ dạy chúng ta cầu nguyện, mà Chúa còn làm gương cầu nguyện nữa, nhiều chỗ trong Tin Mừng đã nói rõ (Lc 22,42; Ga 11,41-42). Còn rất nhiều đoạn khác trong Tin Mừng nói về việc Chúa Giêsu cầu nguyện, đặc biệt Chúa dạy chúng ta kinh Lạy Cha (Mt 6,9-13).

Cầu nguyện là một vấn đề cần thiết và rất quan trọng, nó là vấn đề sinh tử.

Thánh Gioan Kim Khẩu đã so sánh sự cần thiết của lời cầu nguyện với chuyện cá trong nước. Bao lâu cá ở trong nước, nó vẫn sống, hoạt động và tăng trưởng, nhưng nếu nó bị bắt ra ngoài, chắc chắn nó sẽ chết. Cũng vậy, con người muốn sống siêu nhiên thì phải cầu nguyện, nếu không cầu nguyện họ sẽ mất ơn Chúa giúp, rồi dần dà họ sẽ mất sự sống siêu nhiên không khác nào cá phải chết vì không có nước.

Thánh Bênađô cũng đã so sánh sự hô hấp cần thiết cho con người như thế nào, thì lời cầu nguyện cũng cần thiết cho con người như vậy. Đối với linh hồn, cầu nguyện cần thiết cũng như hô hấp cần cho cơ thể con người. Nếu con người hô hấp khó khăn thì thân xác sẽ trở thành tiều tụy, và nếu hô hấp đình chỉ thì con người sẽ chết. Cũng thế, khi ta ít cầu nguyện, thì linh hồn biến thành bạc nhược, và khi ta không cầu nguyện tí nào, thì linh hồn ta sẽ chết trước mặt Chúa.

Thế nào là cầu nguyện ?

Các nhà tu đức học thường định nghĩa cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa, hay cầu nguyện là cuộc trò chuyện giữa ta với Chúa. Thật thế, cầu nguyện là tâm tình với Chúa, thưa truyện với Chúa bằng tâm tư và ngôn ngữ của chính ta, như con cái thỏ thẻ với cha mẹ những tình cảm yêu mến, những nhu cầu xin Chúa thương ban, hoặc kể cho Chúa nghe những tâm sự vui buồn, lòng biết ơn…

Có những khi ta vui quá, hay buồn quá tự lòng ta không biết nói gì với Chúa, hoặc khi có đông người muốn có chung một lời cầu nguyện thì Giáo hội mới lập nên những lời kinh chung giúp chúng ta cùng nhau cầu nguyện. Do đó, cầu nguyện không chỉ là đọc kinh, đọc những công thức một cách máy móc, còn lòng trí thì để vào chuyện đâu đâu. Với kinh nguyện thì miệng đọc lòng ta phải kết hợp với lời kinh để suy gẫm với Chúa, với Đức Mẹ, các thánh… theo nguyên tắc “khẩu tụng tâm suy”.

Chúng ta thường nghe rất nhiều, đôi khi đã tham dự buổi cầu nguyện nhờ những kỹ thuật như: thiền, yoga, cầu nguyện theo cách của cộng đoàn Taizé, Béatitude (cộng đoàn Phúc thật), Chemin neuf (Con đường mới)… Những buổi tổ chức cầu nguyện như thế càng ngày càng được nhiều nơi tổ chức và hấp dẫn nhiều người vì những lợi ích sau: làm cho chúng ta “dễ nâng lòng lên với Chúa”, tạo cho chúng ta những bầu khí và tâm tình sốt sắng, ham thích cầu nguyện và thấy như Thiên Chúa ở bên chúng ta, lắng nghe chúng ta và an ủi chúng ta thật nhiều. Tóm lại, những kỹ thuật này góp phần tích cực vào cho buổi cầu nguyện. Điều này không ai có thể chối cãi được.

Nhưng nếu, cầu nguyện là trò chuyện với Chúa như bạn bè, cũng như tình bạn bè không cần kỹ thuật, thì cầu nguyện cũng không cần theo một kỹ thuật nào mà nó phải phát xuất tự trong lòng với những tâm tình riêng tư một cách tự nhiên và chân thành.

Truyện: Con chỉ nghe.

Một cụ già có thói quen ngồi bất động hằng giờ ở cuối nhà thờ. Một ngày nọ, cha xứ hỏi cụ là Chúa đã nói gì với cụ. Cụ trả lời:

- Thưa cha, Chúa chả nói gì cả, Ngài chỉ nghe con.

- Vậy à ? Thế thì cụ nói gì với Chúa ?

- Dạ, con cũng chẳng nói gì, con chỉ nghe Chúa !

Thực ra, đỉnh cao của cầu nguyện là hoàn toàn kết hợp với Chúa, lúc đó không còn ai nói ai nghe mà chỉ có sự im lặng, để con tim nói với nhau. Chúng ta có thể nói đây là một sự thinh lặng hùng biện, không nói gì mà lại nói rất nhiều. Vì thế cầu nguyện có 4 mức độ:

- Tôi nói, Chúa nghe.

- Chúa nói, tôi nghe.

- Không ai nói, cả hai cùng nghe.

- Không ai nói, không ai nghe. Đây là sự thinh lặng tuyệ đối.

Phải chăng người đời cũng hiểu sự thinh lặng hùng biện là thế nào:

Nước mắt nói lời của mắt,

Hương hoa nói lời của hoa,

Lặng im nói lời đôi ta !

Ngoài ra chúng ta còn thực hiện lời Chúa dạy: ”Các con hãy cầu nguyện luôn kẻo sa chước cám dỗ”(Lc 22,40). Làm sao chúng ta có thể cầu nguyện luôn khi chúng ta có trăm ngàn công việc phải làm ? Cầu nguyện ở đây là biến mọi công việc thành lời nguyện.

Cầu nguyện đẹp lòng Chúa nhất là trong mọi công việc hằng ngày, ta hãy có tâm lòng cùng làm việc với Chúa, và làm vì yêu mến Chúa và phục vụ tha nhân. Qua đó những việc ta làm, những lời ta nói luôn luôn hướng về Chúa, cho Chúa và cho tha nhân… biến những lời nói việc làm của ta thành những việc lành, việc thiện như thánh nữ Têrêsa Hài Đồng nhặt một cọng rác, khâu một mũi kim cũng làm vì mến Chúa. Chúa muốn ta cầu nguyện liên tục là như vậy, chứ Chúa không bảo ta đọc kinh liên tục để khỏi sa chước cám dỗ đâu !

2. Hãy ăn chay.

Chúng ta bắt đầu bước vào Mùa Chay, đã là Mùa Chay thì phải ăn chay. Nhưng phải ăn chay như thế nào thì mới đúng cách và hữu ích ?

Mùa Chay gợi nhớ 40 ngày chay tịnh của Chúa Giêsu trong hoang địa, mà Ngài đã trải qua trước khi đi vào sứ vụ công khai. Chúng ta đọc thấy trong Tin mừng: ”Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào trong hoang địa, để chịu quỉ cám dỗ. Ngài ăn chay ròng rã 40 đêm ngày, và sau đó, Ngài thấy đói” (Mt 4,1-2).

Giống như ông Maisen đã ăn chay trước khi đón nhận những tấm bia lề luật (x.Xh 34,28), và việc ông Êlia ăn chay trước khi gặp Chúa ở núi Horép (x. 1V 19,8). Đức Giêsu cũng vậy, qua việc cầu nguyện và ăn chay, đã chuẩn bị cho sứ vụ đặt trước mặt Ngài, sứ vụ được đánh dấu vào lúc khởi đầu, bằng một cuộc chiến đấu nghiêm trọng với kẻ cám dỗ.

Tôn giáo nào cũng có ăn chay như Do thái giáo, Hồi giáo, Phật giáo… nhưng phương cách và mục đích của họ lại khác nhau.

Người Do thái ăn chay bằng cách nhịn ăn từ sáng đến chiều (Giona 3,7-8; Samuel 14,24). Tập tục ăn chay bằng cách nhịn ăn từ rạng đông cho đến khi mặt trời lặn, ngày nay vẫn còn được anh chị em Hồi giáo tuân giữ trong suốt tháng Ramadan. Trong khi ấy, anh chị em Phật giáo lại ăn chay vào mồng một và ngày rằm, bằng cách vẫn ăn no, nhưng kiêng không ăn thịt của bất cứ động vật nào, chỉ ăn thực vật.

Ngày xưa, người Công giáo cũng ăn chay giống như người Do thái là nhịn ăn từ sáng cho đến chiều. Ngày nay người Công giáo chúng ta ăn chay một năm có hai lần vào ngày thứ Tư Lễ Tro và Thứ sáu Tuần thanh, và chỉ cần ăn ít đi vào buổi sáng và buổi chiều, đồng thời kiêng thịt vào hai ngày đó.

Chúng ta thấy việc ăn chay ngày nay rất đơn giản, đơn giản hơn các tôn giáo khác, nhưng việc ăn chay này có ý nghĩa nào đối với người Kitô hữu ? Thánh Tôma tiến sĩ đã giải thích cho chúng ta:

- Thứ nhất: để kềm chế sự thèm muốn của xác thịt. Nhờ chay tịnh, sẽ giữ được sự trong sạch. Trong Cựu ước cũng đề cập đến: ”Sự thèm muốn bị kềm chế lại bởi kiêng rượu, thịt”.

- Thứ hai: nhờ vào sự chay tịnh để tâm hồn chúng ta gia tăng một cách tự do, hướng đến sự chiêm niệm về những điều thiện hảo của thiên đàng. Tiên tri Daniel cũng được Thiên Chúa mạc khải sau khi ăn chay ba tuần lễ.

- Thứ ba: ăn chay để đến bù cho những tội lỗi của mình. “Hãy đến với ta bằng cách thay đổi hoàn toàn tâm hồn ngươi, trong chay tịnh và trong khóc lóc”.

Thánh Augustinô cũng đã nhấn mạnh trong một bài giảng về cầu nguyện và ăn chay: ”Chay tịnh làm sạch sẽ tâm hồn, gia tăng trí khôn, hướng xác thịt đến thần linh, thể hiện con tim thống hối và khiêm nhường, chẻ nhỏ những đám mây thèm muốn, dập tắt đám lửa dâm dục và đốt lên ánh sáng thật sự của đức ái”.

Từ xa xưa, tiên tri Isaia đã có ý kiến về việc ăn chay và đã vạch vẽ cho dân Do thái biết cách ăn chay cho đẹp lòng Thiên Chúa: ”Chính ngày các ngươi muốn ăn chay để tiếng các người kêu tới trời cao thẳm, thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách. Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng trong ngày các ngươi phải thực hành khổ chế ? Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chăng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng Đức Chúa” ?

“Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm ? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ, thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục ? Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành”(Is 58,4-8).

Trong sứ điệp Mùa Chay 2009, Đức Thánh Cha bênêdictô XVI đã nói: ”Trong thời đại chúng ta, chay tịnh dường như đã đánh mất điều gì thuộc về ý nghĩa thiêng liêng, và trong một nền văn hóa có đặc điểm là tìm kiếm hạnh phúc vật chất, nó đảm nhiệm vai trò chữa bệnh để chăm sóc thân thể. Chắc hẳn chay tịnh đem lại lợi ích cho hạnh phúc thể lý, nhưng đối với người tín hữu, trước tiên nó là “một phương thế chữa trị” để chữa lành tất cả những gì ngăn cản họ sống phù hợp với thánh ý Thiên Chúa. Trong tông hiến Paenitemini năm 1966, Người Tôi Tớ Thiên Chúa Phaolô VI thấy nhu cầu trình bầy chay tịnh trong khuôn khổ ơn gọi của mọi Kito hữu “không còn sống cho chính mình, nhưng cho Đấng đã yêu thương và hiến thân vì mình, và sống cho anh chị em của mình”(x. Ch. 1).

Như vậy ăn chay thể xác không quan trọng bằng ăn chay tinh thần, nghĩa là từ bỏ ý riêng của mình để sống theo ý Chúa, loại bỏ tính ích kỷ và mở rộng con tim để yêu mến và đón nhận tha nhân, phục vụ anh chị em và đem hạnh phúc đến cho mọi người. Đúng là:

“An mặn nói ngay, còn hơn ăn chay nói dối” (Tục ngữ).

3. Hãy làm phúc bố thí.

Mùa Chay là thời gian khám phá ra các nhu cầu của anh chị em mình và nhắc nhở chúng ta tìm mọi cách để gặp gỡ và giúp đỡ những người đau khổ thể xác cũng như tinh thần.

Trong sứ đệp Mùa Chay năm 2002, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II trích dẫn câu nói của thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi cho tín hữu Côrintô: ”Bạn có gì mà bạn đã không lãnh nhận(1Cr 4,7). Và ngài tiếp: ”Một khi đã nhìn nhận như thế thì bạn phải yêu mến anh chị em và hy sinh cho họ”.

Làm phúc bố thí và ăn chay là những phương thế liên hệ mật thiết với nhau để giúp chúng ta ăn năn hối cải. Làm phúc bố thí có nghĩa là chia vui sẻ buồn với người khác, giúp đỡ người ta, nhất là những ai lâm cảnh thiếu thốn, phân phát cho người ta không nguyên của cải vật chất mà cả tinh thần nữa. Chính vì thế, chúng ta phải tỏ ra cởi mở đối với người khác, biết nhận ra những nhu cầu của họ và cảm thông những nỗi đau buồn của họ, đồng thời tìm cách đáp ứng những nhu cầu đó và làm cho những đau thương của họ vơi nhẹ đi.

Như vậy, cầu nguyện để kết hợp với Thiên Chúa đồng thời cũng hướng chúng ta tới tha nhân. Khi chúng ta đòi hỏi đối với bản thân và quảng đại đối với tha nhân, nhất là đối với những ai đau khổ và thiếu thốn là chúng ta sống kết hợp với Đức Kitô chịu đau khổ và bị đóng đinh vì Người tự đồng hóa với họ như Người nói: ”Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi từ thưở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát các ngươi đã cho uống; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm; Ta ngồi tù, các ngươi đã hỏi han”(Mt 25,35-36).

Truyện: Cho đi tất cả.

Một người kia rất nghèo và vẫn thường nghĩ mình là người nghèo khổ nhất trên khắp mặt đất này. Thế rồi, một hôm ông ta lên đường và gặp một người hành khất khác còn nghèo khổ hơn mình hơn nữa. Ông dừng lại chào hỏi và nói:

- Từ trước tới nay tôi vẫn tưởng mình là người nghèo khổ nhất trong thiên hạ, thế mà hôm nay gặp anh tôi thấy anh còn nghèo hơn tôi nữa, vì đến cái che nắng che mưa trên đầu anh cũng không có.

Người hành khất đáp:

- Này ông bạn ơi, xin ông đừng quên rằng mỗi người nghèo trên đường đi của mình đều gặp thấy những người khác còn nghèo khổ hơn nữa. Đó là điều duy nhất an ủi chúng ta hơn cả, bởi vì mình vẫn còn có thể cho đi người khác một cái gì đó.

Nghe vậy, người ấy liền giơ tay lên đầu lấy mũ trao cho người nghèo không có mũ. Dọc đường, người ấy lại gặp một người khác nghèo hơn nữa không có manh áo che thân, và người ấy liền cởi áo mình ra trao cho người kia. Tiếp tục con đường hành trình, người ấy lại gặp những người khác nghèo hơn nữa và trao cho mỗi người một chút cái mình có. Sau cùng, người ấy chỉ còn đôi dép trong chân và cảm thấy hài lòng sung sướng vì còn có thể tiếp tục đường đi.

Khi hoàn tất cuộc hành trình, người nghèo ấy thấy mình đến trước cửa thiên đàng và nhận ra mình chỉ còn hai bàn chân đi đất, thân mình hoàn toàn ở trần

Mẩu truyện trên đây nói lên ý nghĩa sâu xa của tinh thần nghèo khó là gì. Thật vậy, chúng ta thường nghe nói: ”Không ai nghèo khó đến nỗi không có gì để cho đi và cũng không ai giầu có đến nỗi không có thể lãnh nhận được gì thêm nữa”.

Cái phải cho đi khó hơn là chính bản thân mình, khi nào chúng ta chưa biết cho đi chính mình chúng ta vẫn chưa phải là người nghèo khó nhất. Cho đi chính bản thân mình mới là điều kiện căn bản không thể thiếu sót để nhận lãnh tất cả, tức là nhận lấy tình yêu và chọn con đường yêu thương.

Làm sao có thể chọn yêu thươngkhi chúng ta cảm nghiệm được tình thương quá ít ỏi, khi chung quanh chúng ta vẫn còn nhiều hận thù và mọi hình thức ích kỷ ?

Phải, chúng ta vẫn có thể chọn yêu thương bắt đầu từ những bước nho nhỏ có thể được. Có thể bắt đầu từ một nụ cười, từ một lời nói âu yếm, một lời khích lệ cảm thông, một lời chào hỏi thân tình, một sự quan tâm chú ý, một đồng tiền nhỏ bé, một món quà đơn sơ. Đó là những bước tiến nho nhỏ trên con đường yêu thương, như những cái chấm nối lại thành một đường thẳng. Cũng vậy, những hành động yêu thương nho nhỏ sẽ ghép lại thành con đường yêu thương dài cho đến khi đạt tới nguồn tình yêu là chính Thiên Chúa (R. Veritas).

Mùa Chay đòi hỏi chúng ta thống hối để kết hiệp mật thiết vào cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, để cùng hưởng sự Phục sinh vinh hiển của Người. Vì vậy, cầu nguyện, ăn chay và làm phúc bố thí là thực hành sống những điều cốt yếu của tinh thần Mùa Chay.
 
Thứ Tư Lễ Tro: Ý nghĩa của lửa và tro
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
19:29 14/02/2010
Lửa và tro là hai biểu tượng ghi dấu để bước vào Mùa Chay. Nhúm tro tàn một cách bột phát gợi lên sự sầu khổ thiêng liêng, sự điêu tàn. Nhưng ở đây, người ta thấy sự khởi đầu một sự bắt đầu lại, một sự sám hối. Đó là nội dung bài chia sẻ của Đức Hồng Y Pierre Eyt cho các bạn trẻ về ý nghĩa Mùa Chay tại nhà thờ chính tòa Thánh Anrê, giáo phận Bordeaux, Pháp.

Thứ Tư lễ Tro không phải chỉ là ngày hôm sau của Thứ Ba Béo. Trước tiên, nó không phải là một ngày mang nét dân gian. Thứ Tư lễ Tro đối với các Kitô hữu là dịp bước vào Mùa Chay. Nó diễn tả một con đường thiêng liêng, được biểu hiện và hỗ trợ bởi những dấu chỉ, những biểu tượng như lửa và nhúm tro xức trên trán.

Hình ảnh lửa mà chúng ta sẽ lại thấy trong đêm Vọng Phục Sinh có ý nghĩa là chúng ta muốn thiêu đốt những gì cản bước chúng ta, và rồi chúng ta muốn hủy diệt tội lỗi vốn làm cho con người bị tổn thương và dị dạng. Thánh Phaolô nói rằng cần phải phá bỏ trong chúng ta con người cũ để mang lấy con người mới (x. Col 3,1-11). Lời gọi thật rõ ràng. Nó chứa đựng lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu là: « Hãy sám hối ». Điều này còn có nghĩa là thay đổi tinh thần, thay đổi tâm hồn, thay đổi não trạng. Tất cả những ích kỷ, lười biếng, lề mề, tham lam, giận dữ, bạo hành, kiêu ngạo là những thứ cần phá hủy và thiêu rụi.

Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm về tội. Làm thế nào để dũ bỏ nó ? Chúa Giêsu dạy bảo trong Tin Mừng rằng chúng ta sẽ là những kẻ chiến thắng tội lỗi khi biết thay thế lửa của sự xấu bằng lửa của Tình Yêu. Bởi vì, trước tiên lửa ở đây bừng cháy để thiêu hủy, nhưng cùng lúc nó còn chiếu sáng, sưởi ấm, củng cố, hướng dẫn và động viên. Như một ngọn lửa sống động, Đức Kitô là ánh sáng, là hơi ấm, là tiếng gọi, là sự an ủi. Ước chi ngọn lửa này tiếp tục bừng cháy trong tâm hồn chúng ta.

Tro được xức trên trán đối với chúng ta còn minh nhiên kêu gọi sám hối, nói cách chính xác là bằng con đường khiêm nhường. Nắm tro là những gì còn lại sau khi ngọn lửa thiêu rụi chất liệu mà nó đã chiếm lĩnh hoàn toàn. Chúng ta nhận thấy rằng khi có những nắm tro tàn, điều đó hẳn là không còn gì nữa từ cái mà đã bị lửa thiêu hủy. Đó còn là hình ảnh về sự nghèo khó của chúng ta. Nhưng tro cũng còn có thể làm cho đất đai màu mỡ, giúp tái tạo thiên nhiên và sự sống có thể tái sinh dưới đống tro tàn.

Khi chúng ta lưu ý đến những gì mang ý nghĩa từ tro tàn là chúng ta được dẫn vào bí tích giao hòa và thống hối. Nói rằng mình có tội là để được đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Nói rằng chúng ta hung bạo và hối tiếc về điều ấy, rồi ăn năn hối lỗi là để đến lượt mình chúng ta cũng biết bắt chước Thiên Chúa trong việc tha thứ. Bí tích giao hòa định hướng nội tâm, cũng giống như ngọn lửa có thể soi tỏ cho chúng ta từ bên ngoài trước bóng đêm tội lỗi. Do đó, con đường Phục Sinh nhìn bề ngoài gồm sáu tuần lễ và bốn mươi ngày của Mùa Chay, nhưng cách đặc biệt còn là con đường của trái tim, con đường của nội tâm, con đường của sám hối.

Lửa, tro, thống hối…nói lên sự phá bỏ và thiêu rụi « con người cũ », nhưng một điều rất rõ ràng, người ta chỉ hủy bỏ và thiêu rụi để thay thế bằng cái khác. Vậy thì tất cả nghĩa cử, hành động, và dấn thân mà Giáo Hội đề nghị thực hành cho Mùa Chay mà trong Tin Mừng chính Đức Giêsu đã giảng giải cho chúng ta về tính khẩn thiết như: bố thí, cầu nguyện, ăn chay. Điều này đề cập đến việc xây dựng lại những gì đã bị phá hủy. Đó chính là xây dựng bằng ân sủng của Đức Kitô, và bằng cách đưa bàn tay của mình cho Ngài dẫn dắt. Đó còn là xây dựng bằng Thần Khí của Đức Kitô tác tạo nên con người mới. Ở đó hội tụ ba phương hướng mà Tin Mừng nói với chúng ta: bố thí, cầu nguyện và chay tịnh.
 
Chuyện Peter, Michelle, Andy: Mùng Một Tết, Lời Chúc Tuổi
Nguyễn Trung Tây, SVD
19:47 14/02/2010
Chuyện Peter, Michelle, Andy
Mùng Một Tết: Lời Chúc Tuổi


Đầu Xuân Hái Lộc, Ảnh Nguyễn Trung Tây


Peter, Michelle, Andy, ba anh em đang sống với mẹ ở Quận Cam. Andy sinh ra và lớn lên bên Mỹ...

Thấy Michelle đang ngồi đếm một cọc tiền, toàn là tiền giấy lớn, Andy trợn tròn mắt,

Wow! Sư tỉ, ở đâu mà you có nhiều tiền vậy? Ăn tiền bầu cua hả?

— Có mà! Đại ca lì xì tao đó.

Andy quay sang Peter,

— Hey, Peter. Happy New Year! Lì xì đi...

Peter trợn mắt lườm Andy, yên lặng bỏ đi. Michelle kéo Andy sang một bên, miệng nói nho nhỏ,

— Mi ăn nói cộc lốc như vậy, làm sao mà có tiền.

Andy nhăn nhăn mặt, gãi gãi đầu,

— Chớ nói làm sao mới có tiền lì xì?

— Mi đã chúc tuổi mạ chưa?

— Rồi...

— Mi chúc tuổi mạ như thế nào?

— Thì tui cũng nói, “Happy New Year, Mommy”...

Michelle ngạc nhiên,

— Mi nói có vậy thôi...

Andy gật đầu,

— Ừ, có vậy thôi...

— Rồi mạ lì xì cho mi bao nhiêu?

— Thì cũng một tờ 100... Không tin tui móc ra cho you coi... Đó, nhìn đi... Thấy chưa?

Michelle kết luận,

— Tại mạ dễ… Chứ gặp người khác thì đừng có hòng. Đó, mi thấy đại ca Peter chưa?

Andy cầu viện,

— Vậy tui phải nói làm sao?

Michelle lên giọng dạy dỗ em út,

— Chúc tuổi là mi phải nói như ri nè, “Năm mới, chúc tuổi đại ca, sang năm mới lên lương, có nhiều tiền mua xe mới, lấy được vợ đẹp”. Mi chúc tuổi như vậy, đại ca mới vui cái bụng. Mà khi đại ca vui, đại ca mới lì xì cho mi nhiều tiền. Chứ ai lại nói cộc lốc, “Hey, Peter. Lì xì đi”. Mi mà chúc tuổi như vậy, mi tiếp tục nghèo mạt rệp. Mà hên cho mi đó, hôm nay Mùng Một Tết cho nên người ta kiêng cử, chứ gặp phải ngày thường, mi mà nói như vậy là bị đục cho phù mỏ…

Andy nhăn nhăn trán,

You nói cái gì mà tui không hiểu, cái gì mà chó cắn ma, rồi nghèo mạt rệp, đục cho phù mỏ! What do they mean?

Michelle cự nự,

What do they mean? They mean you đi học tiếng Việt đi cho tui nhờ… Mệt mi quá! Đầu năm đầu tháng gặp mi càm ràm, năm nay dám thúi hẻo cả năm.

Andy trợn mắt,

— Thúi hẻo? What does it mean?

Suy Niệm

Ngày Mùng Một Tết, trần gian mở miệng chúc tuổi Chúa Xuân để được Ngài lì xì, ban phát lộc mới. Một trong những lời chúc tuổi Chúa Xuân hay nhất cũng chính là lời kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu đích thân dạy dỗ môn đệ năm xưa:

Lời Nguyện

Lạy Chúa, hôm nay Mùng Một Tết, chúng con xin được chúc tuổi Chúa. Nguyện xin danh thánh Chúa tiếp tục vinh danh trên các tầng trời và chiếu sáng trên khắp cùng bờ cõi trái đất. Lạy Chúa, năm mới Canh Dần đã tới, xin cho mọi người Việt Nam no thỏa lương thực thiên đàng và lương thực trần gian. Lạy Chúa, xin hãy tha cho những lỗi lầm yếu đuối của chúng con trong năm vừa qua. Lạy Chúa, xin hãy lì xì cho chúng con một năm mới với nhiều hạnh phúc, bình an và sức khỏe.

www.nguyentrungtay
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thế vận hội Olympia mùa Đông 2010
Lm Đaminh Nguyễn Ngọc Long
08:52 14/02/2010
Thế vận hội Olympia mùa Đông 2010

Ngày nay những cuộc tranh tài thi đấu thể thao càng ngày càng phồ thông trên khắp thế giới ở mọi nước.

Những tranh tài thể theo mức độ quốc gia hầu như diễn ra hằng năm trong nước. Những tranh tài ở mức độ trong lục địa hay liên lục địa thường diễn ra bốn năm một lần. Tranh tài thể thao Olympia bao gồm mọi bộ môn thể thao cho toàn thế giới có hai thể loại: mùa Hè và mùa Đông.

Để kịp tổ chức không trùng cùng vào một năm, thế vận hội mùa Hè diễn ra và hai năm sau vào mùa Đông diễn ra thế vận hội mùa Đông, và cứ xen kẽ như thế để cuộc tranh tài thế vận hội Olympia nào cũng diễn ra như đã qui định bốn năm một lần.

Olympia thế vận hội mùa Đông lần thứ 21. diễn ra từ ngày 12. đến 28. 02.2010 ở Vancouver nước Canada.

1.Thế vận hội trong lịch sử thời xưa

Nguồn gốc thế vận hội có từ thời xa xưa có lẽ từ thời thế kỷ thứ hai trước Công nguyên (trước Chúa giáng sinh). Người ta còn tìm được danh sách những người thắng giải những trò chơi Olympia thế vận từ thế kỷ thứ 4 sang đến năm 776 trước Chúa giáng sinh, bên nước Hy Lạp.

Thuở ban đầu cuộc thi tranh tài chạy đua diễn ra ở vận động trường dài 192,24 mét. Cuộc thi đấu không có ý nghĩa thể thao như bây giờ quan niệm, nhưng thời đó mang đặc tính lễ hội tôn giáo để tôn kính những vị thần cha của thần Zeus và vị thần anh hùng Pelops bên Hy Lạp.

Thời gian lễ hội tranh tài kéo dài 5 ngày. Ngày thứ nhất diễn ra những nghi lễ tôn giáo, khánh thành phong chức tước và diễn hành của các lực sĩ, những huấn luyện viên, trọng tài và khán gỉa tiến vào sân vận động Olympia kính thờ thần Hain. Với thời gian dần dần có thêm những bộ môn thi đấu tranh tài vào cuộc thi chạy đua nữa. Sau cùng có tất cả 18 bộ môn thể thao tham dự thi đấu tranh tài, có cả âm nhạc nữa. Nhưng trung tâm những tranh tài thi đấu không thuần túy là thể thao, nhưng chủ yếu là yếu tố tôn giáo.

Những vận động viện tham dự tranh tài trước hết tham dự vào đoàn rước kiệu tới đền thờ kính thần Zeus. Ở đó các vận động viên tuyên thệ tuân giữ luật lệ thi đấu nghiêm chỉnh. Người nào thắng cuộc thi tài sẽ được choàng một vòng chiến thắng bện bằng nhánh cành Oliu và một băng dải trên trán chung quanh đầu. Họ trông giống như được ân sủng vinh thăng đặc biệt do Thần thánh ban cho, và được ca tụng khắc ghi bằng những lời thi ca cùng tạc tượng.

Năm 148 trước Chúa giáng sinh người Rôma tiến quân xâm lăng Hy Lạp, những trò chơi thế vận hội Olympia mất đi đặc tính của người Hy Lạp. Từ lúc đó, những vận động viên không phải là người Hy lạp được phép tham dự tranh tài thế vận hội. Cuộc thi đấu tranh tài lần cuối cùng theo dự đoán diễn ra năm 393 trước khi hoàng đế Theodor thứ nhất ra chiếu chỉ cấm những nghi lễ của ngoại giáo được thi hành. Nhưng điều chắc chắn, những tranh tài thế vận hội Olympia từ sau năm 426 sau Chúa giáng sinh không được diễn ra, vì hoàng đế Theodor thứ hai hạ lệnh phá hủy các đền thờ của người Hy lạp, và tiếp theo sau những trận lụt, động đất, đã phá hủy những phần còn lại của đền thờ bên Hy Lạp.

2. Olympia trong lịch sử cận đại

Sau hàng thế kỷ dài không có Olympia thế vận hội như đã diễn ra từ thời xa xưa, mãi đến năm 1894 do sáng kiến của Ông Pierre de Coubertin thế vận hội Olympia được tổ chức làm cho sống lại theo ý nghĩa lễ hội thời xa xưa. Thế vận hội Olympia mang mầu sắc cuộc gặp gỡ người trẻ thế giới qua những tranh tài thi đấu thể thao.

Từ năm 1896 cứ bốn năm diễn ra thế vận hội Olympia mùa Hè cho những bộ môn thể thao mùa hè như banh chuyền, đá bóng, chèo thuyền…. Và từ năm 1924 thế vận hội Olympia mùa Đông bắt đầu có, cho những bộ môn thể thao mùa Đông như trượt tuyết, đi bộ nhảy xa trên tuyết...

Tù năm 1994 Thế vận hội Olympia mùa hè và mùa Đông được tổ chức xen kẽ cách nhau hai năm một.

Ủy Ban thế vận hội Olympia thế giới viết tắt là IOC là người đứng ra tổ chức điều hợp thế vận hội Olympia cho toàn thế giới mùa Hè từ 1960 và từ năm 1976 có Thế vận hội Olympia cho người tàn tật.

Và Ủy Ban sẽ bình bầu chọn địa điểm tổ chức Thế vận Hội Olympia tại các nước khác nhau xét theo những tiêu chuẩn đã quy định với nhau.

Thế vận hội Olympia bao gồm hầu hết những bộ môn thể thao, và mọi quốc gia đất nước đều có quyền cử vận động viên lực sĩ tham dự tranh tài.

Thế vận hội Olympia mùa Hè cũng như mùa Đông càng ngày càng trở nên phổ thông cho mọi đất nước. Nhưng cũng có những mặt tiêu cực xuất hiện chen lẫn như vì tranh tài muốn dành thắng lợi người ta đã dùng mọi hình thức như Doping, mua chuộc, thương mại buôn bán…để mong sao đạt được nhiều huy chương hạng nhất hạng nhì hạng ba mang danh tiếng lợi điểm về cho hội đoàn quốc gia mình.

3. Biểu tượng của Olympia

Hội Thế vận hội điền kinh thế giới tổ chức thế vận hội Olympia mùa Hè và mùa Đông nhằm khuyến khích phong trào thể thao luyện tập sức khoẻ, khuyến khích các tài năng phát triển, nâng đỡ kỹ thuật phát triển những bộ môn thể thao sao cho tốt đẹp cùng hữu ích hơn cho vận động viện về thể xác lẫn tinh thần, tạo điều kiện cho mọi dân tộc, nhất là người trẻ xích lại gần nhau, hiểu nhau hơn qua thể thao.

Trên lá cờ Olympia mầu trắng có thêu năm vòng tròn liên kết đan bện vào nhau. Năm vòng tròn với năm mầu sắc khác nhau nói lên đặc điểm của mỗi châu lục trên thế giới:

Vòng tròn mầu xanh da trời tượng trưng cho châu Đại đương hay còn gọi là Úc châu.

Vòng tròn mầu vàng tượng trưng cho Á châu

Vòng tròn mầu xanh lá cây tượng trưng cho Âu châu

Vòng tròn mầu đen tượng trưng cho Phi châu

Vòng tròn mầu đỏ tượng trưng cho Mỹ châu

Năm vòng tròn với năm mầu sắc tượng trưng cho mỗi châu lục cũng nói lên đặc tính của Olympia: Hòa bình, vui tươi, khỏe mạnh, chân thành và tình bằng hữu.

Khẩu hiệu chính thức của Olympia là:“ citius, altius, fortius - nhanh lẹ hơn, cao hơn và mạnh mẽ hơn“.

Ý tưởng của khẩu hiệu này bắt nguồn từ linh mục người Pháp thuộc dòng Đaminh Henri Didon đã nghĩ ra viết bằng tiếng Latin cho hội thể thao trường học ở Arceuil của nhà Dòng. Khẩu hiệu đó trở thành thời danh và phổ thông trong ngành thể thao, nên về sau Pierre Courbetin và IOC đã lấy làm khẩu hiệu chính cho Thế vận hội Olympia.

Pierre de Coubertin, người đã đưa ra sáng kiến phục hồi thế vận hội Olympia trở lại trong lịch sử thời cận đại năm 1894, đã thảo viết ra bản tuyên tín về thế vận hội Olympia: „Điều quan trọng nhất cho các vận động viên tham dự thế vận hội Olympia không phải là chiến thắng đọat giải, nhưng là cùng tham dự vào lệ hội. Cũng như điều quan trọng trong nhất đời sống không phải là thắng thua, nhưng là cố gắng đạt tới đích điểm. Điểm quan trọng nhất không phải là chiếm đoạt, nhưng là chiến đấu.“

Một hai tháng trứơc khi thế vận hội Olympia diễn ra, trong một lễ nghi ở sân vận động Olympia bên Hy lạp ngày xưa, những diễn viên đóng vai những nữ thầy cả thời Hy Lạp cổ xưa sẽ châm lửa lấy từ ánh nắng mặt trời chiếu xuống đốt ngọn đuốc Olympia rực cháy. Ngọn đuốc cháy sáng được gìn giữ bảo vệ đem về tận địa điểm ở quốc gia tổ chức thế vận hội Olympia. Vào đúng ngày khai mạc thế vận hội Olympia ngọn đuốc Olympia sẽ được rước trọng thể trong không khì vui mừng cảm động tiến vào vận động trường châm vào cột lửa ở đó cho cháy sáng trong suốt thời kỳ thi đấu diễn ra Thế vận hội Olympia. Và ngọn lửa Olympia này sẽ được dập tắt ngày lễ bế mạc.

4. Olympia và đạo đức

Olympia là lễ hội thể thao có nguồn gốc xuất xứ từ thời cổ Hy lạp để tôn kính các Thần Thánh của họ. Người Hy Lạp ngày xưa tổ chức lễ hội thi đấu thể thao vừa để giải trí và vừa hướng tới luyện tập thân xác cho tráng kiện.

Họ tổ chức lễ hội thể thao không chỉ nghĩ đến thể thao cho giải trí vui mừng, nhưng họ chú trọng đến khía cạnh đạo giáo tinh thần hơn. Vì thế giữa các cuộc thi đấu thể thao, họ dành thời giờ rước kiệu ca hát tôn kính các Thần Thánh của họ.

Họ còn đặt ra luật lệ trong suốt thời gian diễn ra lễ hội tranh tài thể thao phải giữ nền hòa bình trong đời sống không được gây ra chiến tranh. Các vận động viên tham dự tranh tài phải có bộ mặt vui tươi, Và khi luyện tập cũng như khi thi đấu, họ phải biểu lộ sự chân thành, cái đẹp cái hay của nghệ thuật, họ không được tìm cách chơi xấu. Vì thể thao là môn nghệ thuật nói lên sự dẻo dai uyển chuyển của bắp thịt thân xác và tinh thần con người.

****************

Thế vận hội Olympia lần này diễn ra từ ngày 12. đến 28. 02.2010. Các vận động viên các bộ môn thể thao mùa Đông từ khắp các quốc gia trên thế giới kéo về cùng thi đấu tranh tài giành đoạt giải huy chương vàng hay bạc hay đồng về cho quốc gia đất nước cử đi thi đấu.

Tham dự thi đấu tranh tài kỳ Thế vận hội Olympia mùa Đông lần thứ 21. này có 81 quốc gia gửi các Vận động viên đến, tất cả khoảng 2630 người, cho 15 bộ môn thể thao mùa Đông.

Olympia mùa Đông hay mùa Hè trong thế giới ngày hôm nay là cơ hội thuận tiện giúp các dân tộc các châu lục gặp gỡ nhau qua sống chung trong những ngày thi đấu. Đức giáo hoàng Benedicto thứ 16. trong lá thư gửi Đức tổng giám mục Vancouver, nơi diễn ra Thế vận hội Olympia lần thứ 21., gửi lời chào thăm Ban tổ chức cũng như mọi vận động viên tham dự: „ Thể thao có thể góp phần vào kiến tạo hòa bình cho mọi dân tộc cùng xây dựng nền văn minh tình yêu…Thể thao mang đến nền tảng xây dựng hòa bình và tình bằng hữu giữa các dân tộc. „( Kath.net ngày 06.02.2010)

Còn trong đời sống hằng ngày nơi gia đình, ngoài xã hội, trong Giáo Hội „ Người khác là một nhân tố cần thiết trong đời sống. Con người nhìn vào mình và nhìn sang người khác. Nhìn sang người khác để tìm một khích lệ, một giúp đỡ, một đồng hành. Nhưng bên cạnh cái nhìn nhẹ nhàng đó, đôi khi cũng có một cái nhìn nặng nề. Đó là cái nhìn cạnh tranh, cái nhìn ghen tương, cái nhìn cảnh giác. Người khác vừa có thể là bông hoa của tôi, vừa có thể là cái gai cho tôi. Đối với một số người, ai đó có thể là thiên đàng êm đềm và cũng có thể là địa ngục hãi hùng kinh khủng.“ (Đức giám mục J. B. Bùi Tuần).

Nên Thánh Phaolô nhắn nhủ: „Đừng làm chi vì ganh tỵ, vì hư danh, nhưng hãy vì lòng khiêm nhượng kính trọng nhau.“ ( Phil 2,3).
 
Tòa Thánh cho các tài liệu mật lên mạng
Vũ Văn An
19:19 14/02/2010
Trong Bài Vatican Và Vấn Đề Tài Liệu (VietCatholicNews, các ngày 21, 22 và 24 tháng 1 năm 2009), chúng tôi có nhắc đến bộ Actes et Documents du Saint Siège Relatifs à la Seconde Guerre Mondiale (Các Văn Kiện và Tài Liệu của Tòa Thánh Liên Quan Tới Thế Chiến Hai) do Tòa Thánh cho công bố liên tiếp từ thập niên 1960 tới thập niên 1980 nhằm cung cấp tài liệu cho các học giả muốn nghiên cứu về triều giáo hoàng của Đức Piô XII và thái độ của ngài đối với chính sách diệt người Do Thái của Đức Quốc Xã. Tiếc rằng, bộ tài liệu đồ sộ và công phu này đã bị số lớn các học giả Do Thái bác bỏ và nằng nặc đòi Tòa Thánh phải mở tung mọi văn kiện liên quan tới vị giáo hoàng khả kính, dù họ chưa đọc bộ tài liệu nói trên và việc mở tung kia hết sức đi ngược lại nguyên tắc quản trị văn khố.

Thái độ quá đáng và thiếu khoa học ấy đã được một tổ chức của người Do Thái Giáo lên tiếng chỉ trích và tìm cách điều chỉnh. Tổ chức đó chính là Qũy Dọn Đường (Pave the Way Foundation) hiện do ông Gary Krupp làm sáng lập viên kiêm chủ tịch. Qũy này không hẳn là một tổ chức đối thoại liên tôn, nhưng là một tổ chức bất vụ lợi, không phe phái, nhằm nhận dạng và loại bỏ các trở ngại không có tính thần học giữa các tôn giáo với nhau, hòng khởi xướng các công trình lịch sử để cải tiến các quan hệ liên tôn, loại bỏ bạo động và lạm dụng tôn giáo. Gần đây, các hoạt động của họ nhằm vào mối liên hệ giữa Do Thái Giáo và Công Giáo, cụ thể nhất là vấn đề tranh cãi chung quanh vai trò của Đức Piô XII trong biến cố Diệt Chủng thời Thế Chiến II. Qũy Dọn Đường cực lực phê phán những đầu óc cố chấp, một chiều, thiển cận và kỳ thị chống lại vị Giáo Hoàng từng làm tất cả những gì có thể làm được để giúp đỡ, và thực tế đã cứu sống trên nửa triệu nạn nhân Do Thái của chính sách diệt chủng.

Riêng về vấn đề tài liệu, Qũy đã xin phép Vatican để được mã số hóa và sau đó công bố 5,125 tài liệu của bộ tài liệu mật tại văn khố Vatican thuộc thời kỳ từ tháng Ba năm 1939 tới tháng Năm năm 1945.

Trong một cuộc truyện trò với Hãng Zenit mới đây, Gary Krupp cho biết Bộ 'Actes et Documents du Saint Siège relatifs à la Seconde Guerre Mondiale [Các Văn Kiện Và Tài Liệu Của Tòa Thánh Liên Quan Tới Thế Chiến Hai],' từng được ấn hành trước đây nhưng phần lớn bị làm ngơ, chẳng bao lâu nữa sẽ sẵn sàng để công chúng nghiên cứu học hỏi trên mạng mà không phải tốn phí chi cả. Các tài liệu qúy giá này sẽ được đưa lên trang mạng của cả Qũy Dọn Đường và của Tòa Thánh.

Dự án này vốn là một thành phần trong sứ mệnh của Qũy, một cơ quan bất bè phái nhằm loại bỏ các chướng ngại vật giữa các tôn giáo với nhau, cổ vũ sự hợp tác và chấm dứt việc lạm dụng tôn giáo cho các nghị trình riêng tư.

Vị chủ tịch gốc Do Thái và hiện làm việc tại Nữu Ước này cho rằng: để phát huy sứ mệnh của mình, Qũy thừa nhận: triều giáo hoàng thời chiến của Đức Piô XII (Eugenio Pacelli) là nguồn gốc tạo ra sự cọ sát có ảnh hưởng tới hơn một tỉ người.

Âm mưu

Ông Krupp cho rằng có nhiều tranh cãi chung quanh việc ngài có làm đủ hay không để ngăn chặn bàn tay đẫm máu của Quốc Xã khỏi tàn sát người Do Thái. Tuy nhiên “các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy: 5 năm sau ngày Đức Piô XII qua đời, cơ quan mật vụ KGB [của Liên Xô] đã đưa ra một âm mưu để hủy hoại kẻ thù của họ là Giáo Hội Công Giáo Rôma, mà họ gọi là ‘Tòa 12’, một âm mưu bẩn thỉu dưới hình thức vở kịch giả tưởng năm 1963 của Rolf Hochhut tựa là ‘Vị Đại Diện’, nhằm lên án Đức Piô XII đã ‘im lặng’ trong thời Diệt Chủng. Kết quả là vụ hạ sát nhân vật tồi tệ nhất của thế kỷ 20”.

Theo ông Krupp, năm 1964, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã yêu cầu một nhóm gồm 3 sử gia Dòng Tên là các linh mục Pierre Blet, Burkhart Schneider, và Angelo Martini, “tiến hành một cuộc sưu tầm sâu rộng nhằm nhận diện các tài liệu có liên quan tới các năm thời chiến trong phần tài liệu mật của Văn Khố Vatican. Sau đó ít năm, linh mục Robert Graham đã tham gia nhóm. Cuốn đầu tiên trong bộ sưu tầm này được công bố năm 1965 và cuốn cuối cùng được công bố năm 1981”.

Cũng theo ông Krupp, năm 1999, Đức Hồng Y Edward Cassidy, lúc đó là chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Hợp Nhất Kitô Giáo, đã tổ chức một ủy ban đặc biệt gồm các học giả Do Thái và Công Giáođể cùng nhau nghiên cứu các tập tài liệu nói trên. Nhưng ông tiếp rằng: “sáng kiến tích cực ấy chẳng may đã kết thúc thảm hại vào ngày 21 tháng Bẩy năm 2001, một phần vì các học giả đã không chịu đọc chính ngôn ngữ của bộ tài liệu. Trái lại, họ đã công bố một bảng 47 câu hỏi và đòi phải mở phần văn khố chưa được lên danh mục thuộc thời kỳ 1939-1958” tức thời giáo hoàng của Đức Piô XII.

Ông Krupp cho hay: Qũy của ông “tìm cách được phép mã số hóa bộ tài liệu nói trên giúp mọi người rộng rãi học nghiên cứu nhằm phát huy sứ mệnh của chúng tôi là công bố công khai càng nhiều tài liệu bao nhiêu càng hay để giúp mọi người loại bỏ chướng ngại vật nói trên giữa người Do Thái và người Công Giáo dưới ánh sáng chân lý có tư liệu”.

Dã sử đen

Theo ông Krupp, “cố gắng trên chỉ để trình bày chứng cớ rõ ràng cho thấy các cố gắng của Đức Piô XII nhằm giảm thiểu hóa nỗi đau khổ trong cuộc chiến và cho thấy cái ‘dã sử đen’ vốn nhằm nhục mạ tên tuổi của ngài kia không đúng chút nào”. Ông quả quyết rằng sáng kiến này không nhằm thay thế cho việc công bố toàn diện các văn khố mật, nhưng tuyệt đối cho thấy các cố gắng độc đáo của Đức GH Piô XII và các nguy hiểm khiến ngài buộc phải hành động dưới sự đe dọa trực tiếp của chuế độ Quốc Xã”. Ông nói tiếp: “Nghịch lý thay, Văn Khố Mật của Tòa Thánh thuộc thời kỳ từ trước cho tới năm 1939, vừa được mở cho công chúng cách nay 2 năm, cho thấy 65% thừa tác vụ của Pacelli đã bị những nhà phê bình từng đòi cho các năm ấy phải mở ra coi thường”.

Nhân danh Qũy, ông cám ơn Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh và Nhà Xuất Bản Vatican “đã tin tưởng cho phép chúng tôi được hưởng đặc ân này. Chúng tôi thành thực hy vọng rằng các sử gia quốc tế sẽ thận trọng lục lọi các hồ sơ này. Chúng tôi mong diễn trình mã số hóa hơn 9,000 trang này sẽ kéo dài chừng 4 tuần lễ và sau đó chúng tôi sẽ loan báo việc tải chúng lên Liên Mạng”.

Trong khi ấy, Qũy đã có hàng ngàn tài liệu và video chứng tá trên trang mạng của mình để độc giả nghiên cứu tìm tòi. Nhân cơ hội này, ông kêu gọi “các học giả Pháp, Ý và Đức xem sét việc giúp chúng tôi dịch các tài liệu này sang tiếng Anh và chuyển công trình dịch thuật ấy cho Qũy Dọn Đường để chúng tôi có thể cung cấp tư liệu cho nhiều học giả nghiên cứu hơn. Chúng tôi cũng muốn nhận được bất cứ nhận định nào, dù là tích cực hay tiêu cực, liên quan tới nội dung các tài liệu này”. Trang mạng của Qũy như sau: http://www.ptwf.org
 
Đức Thánh Cha nói: Chúa Giêsu đem lại công lý xây dựng trên tình yêu
Bùi Hữu Thư
22:21 14/02/2010
Ngài khuyến khích làm việc với người nghèo

VATICAN, ngày 14 tháng 2, 2010 (Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI khẳng định là Chúa Giêsu thỏa mãn “khát vọng về công lý,” qua tình yêu thiêng liêng của Người thay vì qua các cuộc cách mạng chính trị.

Đức Thánh Cha nói như vậy trong một bài diễn từ trước công chúng trước khi ngài cầu nguyện Kinh Truyền Tin buổi trưa với các khách hành hương tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô.

Ngài suy niệm về phụng vụ hôm nay và bài Phúc Âm về Tám Mối Phúc Thật.

Đức Thánh Cha khẳng định, "Tám Mối Phúc Thật dựa trên sự hiện hữu của một công lý thiêng liêng, nâng đỡ những ai đã bị sỉ nhục vô cớ và dìm xuống những ai đã được tôn vinh lên.”

Ngài nói: “công lý này và các mối phúc thật được thể hiện tại “vương Quốc Thiên Đàng’ hay ‘Vương Quốc của Thiên Chúa,’ và sẽ được thể hiện vào thời cánh chung nhưng đã hiện diện ngay trong lịch sử.”

Đức Thánh Cha nói, "Nơi đó người nghèo khó được ủi an và được ngồi vào bàn tiệc của sự sống, nơi công lý của Thiên Chúa được thể hiện. Đây là trách vụ các môn đệ của Chúa Giêsu được mời gọi để thi hành ngay cả bây giờ trong xã hội hiện tại.”

Nhắc đến cuộc viếng thăm sáng hôm nay của ngài tại một nhà tạm trú của Caritas ở Rôma, ngài nói, “Từ thâm tâm tôi khuyến khích những ai đang làm việc trong các cơ sở xứng đáng này, và những ai, tại khắp mọi nơi trên thế giới, đang tự nguyện dấn thân vào các công trình tương tự về công lý và tình yêu."

Mùa Chay

Đức Thánh Cha Benedict XVI tiếp: "Công lý là chủ đề tôi đã chọn cho sứ điệp Mùa Chay năm nay, sẽ khởi sự ngày Thứ Tư – ngày chúng ta gọi là Thứ Tư Lễ Tro.

"Hôm nay tôi muốn gửi đến tất cả mọi người, cùng mời mọi người đọc và suy niệm.”

Ngài nói, "Phúc Âm của Chúa Kitô đáp ứng tích cực cho khát vọng về công lý của con người, nhưng theo một cách thức bất ngờ và lạ lùng."

Đức Thánh Cha trình bầy, "Chúa Giêsu không đề nghị một cuộc cách mạng kiểu xã hội hay chính trị, mà là một cuộc cách mạng tình yêu; chính Người đã thực hiện bằng thánh giá và sự phục sinh của Người.”

Ngài tiếp, "Trên đó được xây dựng các mối phúc thật, để đề nghị một chân trời công lý mới, được khởi xướng bởi Lễ Phục Sinh, nhờ đó chúng ta có thể trở nên công chính và xây dựng được một thế giới tốt đẹp hơn.”

Đức Thánh Cha kết luận bằng việc khuyên các thính giả: “Chúng ta hãy để cho Mẹ Maria hướng dẫn chúng ta qua hành trình Mùa Chay, để được giải thoát khỏi ảo tưởng của sự khả dĩ có thể tự túc, và để ý thức rằng chúng ta cần đến Thiên Chúa, đến lòng thương xót của Người, và bằng cách này có thể bước vào vương quốc của công lý, của tình yêu và hoà bình của Người.”
 
Top Stories
The Archbishop of Toronto expresses his grave concern about the increasing persecution of Catholic citizens in Vietnam
+ Thomas Collins
14:43 14/02/2010
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phóng Sự Lễ Giao Thừa tại Melbourne - Australia
Huy Hoàng
06:22 14/02/2010
 
Đại Lễ Tết Canh Dần tại Cộng Đoàn CGVN Thánh Antôn giáo phận Oakland, California
Lê Lâm
08:41 14/02/2010
OAKLAND - Vào lúc 5:00 giờ chiều ngày 13 tháng 2, 2010, Đại Lễ Tết Canh Dần đã được cử hành trọng thể tại Thánh Đường Anthony, Giáo Phận Oakland, California, Hoa Kỳ. Chủ Tế do Linh Mục Peter Võ Ngọc Sơn, Quản Nhiệm Cộng Đoàn. Cùng đồng tế với ngài, có Lm Đinh Khánh Văn, Tuyên Úy Không Quân Hoa Kỳ vừa về Giáo Xứ từ Germany, ngài cũng là Cựu Quản Nhiệm, Lm Phan Văn Đương, Giám Đốc Người Đi Biển, ngài cũng là cựu Quản Xứ, Lm Đồng Minh Quang, Rector Nhà Thờ Chính Tòa Ánh Sáng Chúa Kitô, Lm Nguyễn Trung Khuê, Cha Phó Nhà Thờ Holy Spirit ở Fremont, Lm Nguyễn Hữu Thiệu, Đại Học Berkeley, Lm Jesus Ruis-Nietto, Chính Xứ Nhà Thờ St. Anthony, Lm Nguyễn Thảo, SJ, Đại Học Berkeley, cùng với hai Thầy Phó Tế Nguyễn Tập, OP và Thomas R. McGowan.

Những hình ảnh đẹp mừng Xuân mới

Cùng hiệp dâng Thánh Lễ Tết, rất đông đảo Quí Tu Sĩ Nam Nữ: Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn Hải Ngoại, Dòng Thánh Phanxico, và Dòng Dominicô và bà con giáo hữu trong Giáo Xứ, trong Giáo Phận Oakland và các vùng lân cận Bay Area.

Sau Thánh Lễ, Giáo Xứ có Tiệc Mừng Xuân và Chương Trình Văn Nghệ tại Hội Trường Giáo Xứ. Cũng như hằng năm, mọi người đều vui mừng có được Thánh Lễ Tết Truyền Thống rất trang trọng sốt sắng, và tiệc mừng xuân rất vui nhộn.
 
Thánh lễ minh niên tại nhà thờ chính tòa Hà nội
Giuse Trần Ngọc Huấn
09:29 14/02/2010
HÀ NỘI - Trong không khí những giờ khắc đầu tiên của năm mới Âm lịch, vào lúc 9h00 sáng ngày 14 tháng 2 năm 2010 (tức ngày mùng 1 Tết Canh Dần 2010), Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã chủ sự thánh lễ minh niên tại nhà thờ Chính Tòa Hà nội.

Cùng đồng tế với Đức Tổng Giám mục Giuse là Đức cha Lôrensô Chu Văn Minh, cha Giacôbê Nguyễn Văn Lý – quản hạt Hà nội và quý cha trong miền Hà nội.

Đã thành thông lệ, vào mỗi buổi sáng mùng 1 tết hàng năm, mọi người cùng quy tụ về nhà thờ chính tòa để hiệp ý với Bề Trên giáo phận để cảm tạ hồng ân Thiên Chúa ban trong một năm qua và cầu bình an cho năm mới, cho quốc thái dân an. Thánh lễ hôm nay có sự tham dự của đông đảo bà con giáo dân từ các giáo xứ trong nội thành Hà nội.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Cha Giacôbê Nguyễn Văn Lý – quản hạt Hà nội và một vị đại diện cộng đoàn đã dâng lên Đức Tổng Giuse, Đức Cha Lôrensô và quý Cha những lời chào chúc tốt đẹp nhất nhân dịp đầu xuân mới và những bó hoa tươi thắm. Trong tâm tình con thảo, cộng đồng dân Chúa cầu chúc cho Đức Tổng một năm mới an lành, sức khỏe mau chóng hồi phục để tiếp tục chèo lái con thuyền giáo phận tới bến bờ bình an.

Đức Tổng Giuse đã bày tỏ niềm vui khi cùng với cộng đoàn dân Chúa quy tụ nơi đây, trong ngôi nhà thờ chính tòa này, để cùng nhau cảm tạ Chúa và chào đón năm mới. Ngài nhấn mạnh về tình hiệp thông và sự biểu dương đức Tin của mọi thành phần dân Chúa trong tổng giáo phận trong một năm qua. Hy vọng trong năm mới, với ơn Chúa, mọi công việc của giáo phận sẽ ngày một tiến triển, đức tin được kiên vững và đời sống đạo đức thăng tiến.

Theo truyền thống dân tộc, mọi thành phần dân Chúa cùng lên hái lộc Lời Chúa đầu năm. Cộng đoàn vui mừng khi Đức Tổng Giuse đọc câu Lời Chúa của ngài: Đức Tin phải trải qua thử thách mới trở nên kiên vững.

Sau thánh lễ, mọi người cùng chào chúc và dành cho nhau những tình cảm thân thương nhất trong dịp đầu năm mới.
 
Chúc mừng Năm Mới
Thanh Thanh
09:37 14/02/2010
CHÚC MỪNG NĂM MỚI

- Chúc mọi người có 1 năm vui vẻ, 12 tháng hạnh phúc, 52 tuần sung sướng, 365 ngày thành công, 8.760 giờ bình an, 525.600 phút ấm áp, 33.936.000 giây hạnh phúc.

- Chúc mọi người có 1 bầu trời sức khỏe, 1 biển cả tình thương, 1 đại dương tình cảm. 1 điệp khúc tình yêu, 1 người yêu chung thủy, 1 tình bạn mênh mông, 1 gia đình thịnh vượng, chúc cả gia đình sang năm mới vạn sự như ý, tỷ sự như mơ, triệu điều bất ngờ, trăm năm hạnh phúc!!!

- Chúc mọi người buổi sáng an lành, buổi trưa may mắn, buổi chiều tốt đẹp, buổi tối vui vẻ, cả ngày hạnh phúc, cả tháng phát tài, cả năm thắng lợi, cả đời thành công.

- Chúc mọi người luôn khoẻ mạnh về thân xác, để có thể dấn thân vào đời xây dựng thế giới tình thương, kiến tạo hoà bình, và biến thân xác thành đền thờ Chúa Thánh Thần, biểu lộ vinh quang Thiên Chúa nơi con người.

- Chúc mọi người luôn khoẻ mạnh về nhân cách, biểu lộ được tình thân nghĩa thiết, xây dựng tương quan, tạo cơ hội gặp gỡ, thành công, thánh hoá và thăng tiến.

- Chúc mọi người khoẻ mạnh về trí thức. Nhờ vậy có đủ nhạy bén, sáng suốt với thời cuộc để có thể hội nhập nhanh chóng vào cuộc sống, nhưng vẫn giữ được nền tảng của chân lý, công bằng và bác ái.

- Chúc mọi người luôn khoẻ mạnh về tình yêu, vì tình yêu mới mang lại sức mạnh cho ta để vượt qua mọi trở ngại và chiến thắng mọi cám dỗ của ma quỷ, của sự chết.

- Chúc mọi người luôn bao dung bác ái, để người khác có thể đón nhận được sự ấm êm, bình an khi có ta xuất hiện.

- Chúc cho mọi người, luôn canh tân bản thân, phát huy ơn ích Chúa ban để làm lợi cho tha nhân.

- Chúc cho mọi người đi theo con đường các tông đồ đã đi để mỗi ngày giống Chúa Kitô hơn.

- Chúc mọi người năm mới này luôn mạnh mẽ như hổ, nhanh nhẹn như hổ, và mặc lấy tâm tình từ bi nhân hậu của Chúa Kitô, mang lấy nhân cách toả sáng của Chúa Kitô.

- Chúc mọi người học được và chiếm lấy sự hiểu biết, khôn ngoan tuyệt vời của Đức Kitô.

- Chúc mọi người có được sức mạnh của Thánh Thần để biến đổi, thăng tiến cuộc sống, để mỗi ngày một gần Chúa và anh em hơn.

- Chúc mọi người đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu là luôn ra khơi thả lưới tình thương. Giúp mọi người hưởng được lòng thương xót và ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Thiên Chúa là Tình yêu. Thập giá Đức Kitô chứng minh tình yêu. Có Chúa Kitô là có tình yêu, có tất cả. Có Chúa Kitô, ta không còn phải bận tâm lo lắng xem hôm nay ăn gì, ngày mai uống gì, ngày mốt mặc gì. Cha trên trời biết rõ những nhu cầu ấy. Tiên vàn ta hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã, mọi sự Ngài sẽ ban cho.
 
Giáo xứ Thượng Lôc đón Đức Giám mục giáo phận Vinh trong ngày đầu năm mới
Joseph Trần Huyền
09:46 14/02/2010
VINH - Lúc 7g sáng ngày 14/02/2010 (Mùng một tết âm lịch) Đức Cha Phaolô Cao Đình Thuyên dâng thánh lễ cầu bình an cho bà con giáo dân giáo xứ Thượng Lôc trong ngày đầu năm mới.

Hình ảnh Đức GM Vinh dâng lệ Minh Niên tại Thượng Lộc

Trong niềm vui đón xuân về giáo dân giáo xứ Thượng Lộc niềm vui như được nhân lên theo cấp nhân khi được ĐGM giáo phận về dâng thánh lễ trong ngày mùng một Tết.

Trước thánh lễ giáo dân nắm chặt tay nhau trao nhau những lời chúc tốt đẹp nhất của năm mới và cầu chúc những điều may mắn sẽ đến trong năm mới với tất cả mọi người.

Thánh lễ có mặt đông đủ bà con giáo dân trong giáo xứ, trong số đó có những người đi học đi làm ăn ở xa về quê ăn tết.

Đoàn rước được hình thành bắt đầu là Thánh giá và bình hương do các chủ giúp lễ dẫn đầu, tiếp theo là đội kèn tây tước hiệu Thánh Phaolô do ĐGM Gp thành lập, tiếp đến đội đội dâng lễ vật, các tu sĩ trong giáo xứ, các chú lễ sinh và ĐGM chủ tế.

Dẫn nhập vào thánh lễ Đức Cha chúc mừng năm mới tới mọi người mọi thành phần mọi gia đình dân Chúa trong giáo xứ."Nguyện xin Chúa tuôn đổ muôn phúc lành năm mới cho tất cả anh chị em". Và kêu gọi mọi người cùng dâng thánh lễ tạ ơn Chúa thương ban cho mọi người có cơ may làm lại cuộc đời trong năm mới theo ý Chúa.

Kết thúc thánh lễ, đại diện giáo dân trong toàn xứ ông chủ tịch hội đồng mục giáo xứ Antôn Trần Xuân Dần chúc Đức Cha tạ ơn Đức Cha và nguyện xin Chúa xuân luôn ban bình an, sức khỏe và thánh thiện xuống cho Đức Cha.

Sau lời cám ơn của HĐMV giáo xứ cộng doàn giáo xứ vỗ tay chúc mừng năm mới Đức Cha và ra về trong không khì vui mừng của một ngày mưa xuân trần đầy hồng ân và hạnh phúc.
 
Đức TGM Ngô Quang Kiệt thăm và Chúc Tết gia đình các ông bà thân sinh của linh mục tại Hà Nội
Giuse Trần Ngọc Huấn
09:53 14/02/2010
HÀ NỘI - Chiều ngày mùng 1 Tết Canh Dần, khi mọi người còn đang sum họp trong mái ấm gia đình, Đức Tổng Giám mục Giuse đã đến thăm và chúc tết các ông bà cố của các linh mục trong nội thành Hà Nội.

Đã thành thông lệ, từ mấy năm nay, vào chiều ngày mùng 1 và sáng mùng 2 Tết, gia đình ông bà cố của các cha được vui mừng chào đón Đức Tổng đến chào thăm và chúc lành nhân dịp đầu năm mới.

Sau những giây phút gặp gỡ, chào thăm thân mật, mọi người trong gia đình cùng hiệp ý với Đức Tổng cầu nguyện cho năm mới bình an và đón nhận phép lành.

Những cuộc thăm viếng nay tuy thật ngắn ngủi nhưng có nhiều ý nghĩa, thể hiện tình cảm gia đình thiêng liêng tốt đẹp và sự quan tâm của Đức Tổng tới mọi thành phần dân Chúa.
 
Vài nét về Cộng đoàn CGVN Mẹ La Vang ở TGP Boston
Mai Qúy
11:15 14/02/2010
BOSTON - Cộng đoàn Công Giáo Việt nam Mẹ La Vang được Đức Hồng y TGP Boston cho thành lập sau khi tái phối trí hai Cộng đoàn Việt tại Giáo xứ St. Peter và St. Williams về Giáo xứ Thánh Ambrosio năm 2005.

(Xem hình ảnh sinh hoạt của Cộng đoàn CGVN ở Boston)

Cộng đoàn hiện có khoãng 400 gia đình ghi danh và khoảng hơn một ngàn giáo dân đang sinh hoạt dưới sự hướng dẫn và trách nhiệm của các Linh Mục phụ trách với một Ban Mục vụ gồm các Ủy ban Mục vụ, Phụng vụ Lời Chúa, Thừa tác viên Thánh Thể, Lể nghi, Trật Tự, Phối kết và Thánh Ca.

Các hội đoàn gồm có: Ba Tiểu đội Legio Mariae, Đoàn Liên Minh Thánh Tâm, Đoàn Thanh niên Thánh Linh, Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể, Phong trào Cursillo. Ngoài ra, Cộng đoàn còn có một Trường Giáo Lý hàng tuần hướng dẫn cho khoãng hơn 250 em tuổi từ 7 đến 15, có chương trình dạy Việt ngữ mỗi mùa hè. Hàng năm đều có lớp Dự bị hôn nhân, Lớp giáo lý cho tân tòng, Rước lể lần đầu, Thêm sức.

Sinh hoạt của Cộng đoàn CGVN tại Giáo xứ Saint Ambrose, Tổng Giáo Phận Boston, do Linh mục Anton Lê Văn Hoàng phụ trách và có Linh mục Giuse Nguyễn Chính trợ giúp.

Thánh Lễ tiếng Việt Nam:
- Chúa nhật 8 giờ sáng và 4 giờ chiều.
- Thứ bảy 5 giờ chiều.
- Ngày thường thứ 2-6: 6 giờ chiều.
địa chỉ: Saint Ambrose Church
240 Adams Street, Dorchester MA 02122
Điện thoại: (617) 265-5302


 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Tình Xuân Hoa Vàng
Trầm Tĩnh Nguyện
23:34 14/02/2010

TÌNH XUÂN HOA VÀNG



Ảnh của Trầm Tĩnh Nguyện, Việt Nam

Hoa xuân đón ánh mặt trời,

Lòng xuân đón nắng tình người mênh mang,

Hồn xuân đón Chúa Xuân sang.

(Trầm Tĩnh Nguyện)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền