Ngày 14-02-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tình Yêu Valentine
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
01:51 14/02/2017
Tình Yêu Valentine

1. Thánh Valentinô

Ngày 14 tháng 2, Giáo Hội mừng lễ Thánh Valentinô.

Người ta nghĩ rằng Thánh Valentine là linh mục ở Rôma và là một y sĩ. Trung thành với đức tin, ngài được phúc tử đạo vào ngày 14 tháng 2. Chúng ta không biết gì nhiều về ngài, nhưng ngay vào khoảng năm 350, một nhà thờ đã được xây cất nơi ngài tử đạo.

Truyền thuyết nói rằng ngài là một linh mục thánh thiện đã cùng với Thánh Marius giúp đỡ các vị tử đạo trong thời Claudius II. Ngài bị bắt, và bị điệu đến tổng trấn Rôma xét xử. Sau khi dụ dỗ mọi cách nhưng đều vô hiệu, quan tổng trấn đã ra lệnh cho lính dùng gậy đánh đập ngài, sau đó đưa đi chém đầu vào ngày 14 tháng 2, khoảng năm 269. Người ta nói rằng Ðức Giáo Hoàng Julius I đã cho xây một nhà thờ gần Ponte Mole để kính nhớ ngài.

Trang web: History.com, có bài viết “St. Valentine beheaded”. Ngày 14 tháng 2 khoảng năm 269 CN, Valentine, một vị linh mục tại La Mã dưới thời Hoàng đế Claudius II, đã bị hành hình. Dưới thời Claudius bạo chúa cai trị, La mã bị kéo vào nhiều cuộc chiến đẫm máu và không được lòng dân. Vị hoàng đế này phải duy trì một đội quân hùng mạnh, nhưng lại gặp khó khăn trong việc tuyển mộ lính tráng cho những liên minh quân sự của mình. Claudius tin rằng các chàng trai trẻ không muốn nhập ngũ là do tình cảm gắn bó sâu sắc của họ với vợ và gia đình.

Để giải quyết vấn đề này, Claudius cấm mọi cuộc hôn nhân và đính ước tại La Mã. Valentine, nhận ra sự bất công của sắc lệnh này, đã chống lại Claudius và tiếp tục cử hành các cuộc hôn lễ bí mật cho các đôi tình nhân trẻ.
Khi những hành động của Valentine bị phát hiện, Claudius ra lệnh tử hình ông. Valentine bị bắt giữ và kéo lê tới trước vị Quan trưởng thành La mã, người kết án tử hình ông bằng cách ném đá tới chết và chặt đầu. Bản án được thi hành vào ngày 14 tháng 2, khoảng năm 269.

Truyền thuyết sau này cũng kể rằng khi ở trong tù, Thánh Valentine đã để lại một lời từ biệt cho con cái của người cai ngục, người đã trở thành bạn ông, và ký bức thư là “Từ Valentine của em.”

Vì lòng phụng sự vĩ đại của mình, Valentine được phong thánh sau khi ông qua đời.

Trên thực tế, nguồn gốc và nhân thân chính xác của Thánh Valentine là không rõ ràng. Theo Bách khoa Thiên Chúa giáo, “Ít nhất có ba vị thánh Valentine khác nhau, cả ba đều tử vì đạo, được đề cập tới trong các tử đạo sử về ngày 14 tháng 2.” Một người là linh mục ở La Mã, một người là giám mục ở Interamna (nay là Terni, Ý), và vị thánh Valentine thứ ba là một người tử vì đạo ở Phi châu thuộc La Mã.

Truyền thuyết cũng ghi nhận khác nhau về cách mà tên của vị thánh này trở nên liên quan đến sự lãng mạn. Ngày ông qua đời có thể đã trùng với lễ Lupercalia, một lễ hội tình yêu của những người ngoại giáo. Vào những dịp này, tên của các cô gái trẻ được đặt trong một cái hộp, và các chàng trai trẻ sẽ lựa chọn chúng một cách ngẫu nhiên. Năm 496 CN, Giáo hoàng Gelasius quyết định chấm dứt lễ Lupercalia, và ông tuyên bố 14 tháng 2 sẽ được kỷ niệm là Ngày thánh Valentine.Dần dần, 14 tháng 2 đã trở thành một ngày để trao đổi những thông điệp yêu thương, những bài thơ, và những món quà đơn giản như hoa. (Nguyễn Huy Hoàng, biên dịch).

Nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc việc cử hành ngày Valentine. Một số cho rằng người Rôma có một tập tục vào giữa tháng 2, trong ngày ấy các con trai tô điểm tên các cô con gái để tỏ lòng tôn kính nữ thần dâm dục là Februata Juno. Các tu sĩ thời ấy muốn dẹp bỏ tập tục này nên đã thay thế bằng tên các thánh tỉ như Thánh Valentine. Một số khác cho rằng thói quen gửi thiệp Valentine vào ngày 14 tháng 2, là vì người tin rằng các con chim bắt đầu sống thành cặp vào ngày này, là ngày Thánh Valentine bị chém đầu. Dường như chắc chắn hơn cả là vào năm 1477, người Anh thường liên kết các đôi uyên ương với ngày lễ Thánh Valentine, vì vào ngày này "mọi chim đực đi tìm chim mái.". Tục lệ này trở thành thói quen cho các đôi trai gái viết thư tình cho nhau vào ngày Valentine. Ngày nay, các cánh thiệp, quà cáp và thư từ trao cho nhau là một phần của việc cử hành ngày Valentine.(x.nguotinhuu.com)

Ngày 14 tháng 2 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống để trao đổi thư tình và Thánh Valentinô đã trở thành quan thầy của những cặp uyên ương. (Macmillan Profiles: Festivals and Holidays, 1999, p. 363)

2. Tình yêu Valentine

Hàng năm vào mùa Valentine, trên khắp thế giới đã có hàng tỉ tấm thiệp được bán ra và gửi đi. Những cặp uyên ương, nhất là những người trẻ, không thể không có một tấm thiệp hoặc món quà tặng gửi cho người mình yêu. Thiệp phải thật đẹp, lời chúc phải thật thấm thía và mùi mẫm như để bày tỏ mối tình thắm thiết nồng nàn lắm.

Tình yêu cũng giống như mùa xuân. Những cảm xúc tình yêu khi xuân đến không giống như con tim yêu lãng mạn của mùa thu, không kiếm tìm sự ấm áp như mùa đông, cũng chẳng giống như suối nguồn tưới mát tâm hồn trong những ngày nắng cháy da của mùa hạ. Tình yêu trong mùa xuân là nỗi khát khao cháy bỏng, là sự trào dâng những xúc cảm mãnh liệt, nồng nàn, rộn rã…

Ngày Valentine như một kỷ niệm để nhắc nhở mọi người về Tình yêu. Một chàng trai thương mến một cô gái nhưng không dám tỏ tình, nhân ngày Valentine đã dùng một tấm thiệp hay một món quà để bày tỏ tình cảm. Một cặp tình nhân, nhân dịp Valentine để biểu lộ tình yêu đằm thắm hơn. Một đôi vợ chồng già, tình yêu đã phai nhạt với tháng ngày, nhân ngày Valentine, một bó hoa, một cử chỉ đặc biệt sẽ làm sống lại mối tình lâu ngày ngủ yên. Con cái bày tỏ tình yêu hiếu thảo với cha mẹ nhân ngày Valentine. Thật hạnh phúc khi nhận được một đóa hồng nhân ngày Valentine. Tình yêu sẽ bừng sáng, tươi mát trở lại hơn xưa rất nhiều.

Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời người bắt đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của đời người. Mùa xuân là mùa của sự sống niềm vui và hy vọng.Yêu nhau là mùa xuân đang về, cưới nhau là khởi đầu mùa xuân, một năm mới của đời sống vợ chồng. Thật hạnh phúc cho những ai đang yêu và được yêu, những rung động của tình yêu sẽ hòa chung với sắc xuân ấm áp, linh thiêng và tươi mới…!

Làm sao để vợ chồng mãi là mùa xuân của nhau?

Thứ nhất là phải biết nghe nhau.Lắng nghe bằng tất cả sự tôn trọng.
Thứ hai là phải biết nói với nhau. Nói với nhau bằng ngôn ngữ tình yêu.
Thứ ba phải biết dí dỏm, trào lộng. Hài hước sẽ làm cho bầu không khí gia đình nhẹ nhàng vui tươi.
Thứ bốn phải biết cầu nguyện với nhau và cho nhau.Cầu nguyện cho nhau, và cầu nguyện cùng nhau. Có hình ảnh nào đẹp hơn hình ảnh gia đình cùng cầu nguyện, cùng nghe lời Chúa.
Hãy tặng nhau Tình Yêu Valentine để luôn có mùa xuân hạnh phúc. Tình Yêu Valentine là Tình yêu Vị Tha Agapê. Đặc tính của tình yêu là dịu dàng như dòng nước, êm mát nhún nhường. Tình yêu có vẻ mềm yếu hơn tất cả nhưng lại mạnh hơn tất cả. Bởi vì không phải đá hay lửa thắng được nước mà là nước chảy đá mòn. Không gì có thể thắng nổi tình yêu vì Thiên Chúa là tình yêu. Vì thế mọi dòng sông vẫn tiếp tục chảy ra biển cả. Tình yêu Thiên Chúa vẫn chan hoà muôn người.

Tình yêu dạy cho con người niềm hạnh phúc lớn nhất cao cả nhất và đẹp nhất là biết trao ban, hiến dâng, cho đi, quãng đại, bao dung. Đó là đỉnh cao tình yêu Kitô giáo: Yêu là hy sinh cho người mình yêu. Yêu là tìm hạnh phúc cho người mình yêu.





 
Yêu thương ngay cả kẻ thù
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
01:58 14/02/2017
Chúa nhật VII Thường niên , năm A
Lc 19, 1-2.17-18 1 Co 3, 16-23 Mt 5, 38-48

Yêu thương ngay cả kẻ thù

Ở đời thường chúng ta có cảm tình với những ai hợp chúng ta, ủng hộ, giúp đỡ, yêu thương chúng ta. Ít khi chúng ta yêu những kẻ chống phá, hận thù, ghen ghét chúng ta. Tuy nhiên, Chúa Giêsu, Đấng thiết lập đạo Công Giáo lại có một cái nhìn, một đạo lý hoàn toàn khác, hoàn toàn siêu nhiên “ yêu kẻ thù “.

Vâng, khi Chúa Giêsu dạy giới răn này, đã có nhiều người và rất nhiều người cho rằng đó là chuyện không thể. Yêu bạn hữu, yêu ngay cả kẻ yêu, kẻ đồng môn với mình đã là khó, huống chi yêu thương kẻ thù thì thật khó mà yêu.Tuy nhiên, đó lại là cốt lõi của đạo Công Giáo, đạo tình thương.

Yêu kẻ thù là một thái độ anh hùng. Bởi vì Chúa dạy không được báo thù, không được ăn miếng trả miếng. Luật Cựu Ước dạy :” Hãy yêu đồng loại và ghét kẻ thù “. Trong cách cư xử ở đời, người ta thường phân biệt bạn và thù. Bạn chúng ta là người yêu thương chúng ta, nên chúng ta thường yêu thương họ. Kẻ thù là người chúng ta có quyền ghét bỏ và tiêu diệt vv…Đối xử và phân biệt như vậy vẫn chưa ổn, còn khiếm khuyết, còn bất toàn và còn tạo thêm thù oán. Bởi vì, luật Cựu Ước dạy :” Mắt thế mắt. Răng đền răng “. Chúa Giêsu đến làm cho lề luật trở nên hoàn thiện. Chúa dạy :” Hãy yêu kẻ thù, hãy cầu nguyện cho những người ngược đãi anh em “. Đây là một giới luật tuyệt đỉnh của đạo Công Giáo, tuyệt đỉnh của đức bác ái Kitô giáo. Đây là cốt lõi của Tin Mừng, của đạo tình thương. Chúa dạy chúng ta phải yêu thương mọi người, không được phân biệt đối xử, yêu cả những người thù ghét, bách hại chúng ta. Chúa muốn chúng ta trở nên hoàn thiện như Cha trên trời, Đấng cho mặt trời mọc lên soi sáng cho những người lành cũng như những kẻ bất lương, mưa xuống cho kẻ tốt cũng như kẻ xấu. Chúa còn dạy chúng ta phải sống siêu nhiên, sống cao thượng mới có công phúc, mới được Chúa chúc lành. Bởi vì, nếu chúng ta chỉ yêu thương những người yêu chúng ta thì thật quá dễ, quá thường. Chúng ta phải yêu cả những kẻ không có cảm tình, những kẻ chống phá chúng ta, những kẻ làm hại chúng ta mới thực tốt, thực có phúc. Phần khác nữa như Chúa nói :” Nếu chúng ta chỉ chào hỏi bạn bè, những người thân của chúng ta, chúng ta đâu có hơn được những người ngoại giáo. Chúng ta chỉ yêu những ai thuộc phe chúng ta, thuộc đạo chúng ta, đó chỉ là tình cảm tự nhiên đâu có gì là siêu nhiên, cao quý.

Yêu kẻ thù là dấu chỉ chúng ta là con Thiên Chúa. Chúa yêu thương mọi người, chúng ta là con cái Thiên Chúa, chúng ta cũng phải yêu thương kẻ thù. Mỗi lần yêu thương kẻ thù, tha thứ cho họ là chúng ta càng trở nên giống Thiên Chúa.

Một trong những cách thế tốt đẹp nhất, phương thế hoàn hảo nhất để tiêu diệt hận thù là tha thứ cho những kẻ ghét chúng ta. Biến thù thành bạn. Càng biến thù thành bạn, chúng ta càng giống Thiên Chúa. Chúa đã tha thứ ngay cho những kẻ giết mình, đóng đinh mình vào Thập giá. Chúa đã biến thù thành bạn, thành người thân của mình. Chỉ có tình thương mới xóa bỏ được hận thù. Chỉ có tình thương mới nối kết mọi người lại với nhau. Chúa Giêsu đã sống và thực hiện điều đó. Hận thù sẽ làm chúng ta mất bình an. Tha thứ giúp chúng ta sống hòa bình, sống an bình. Henri Dunant đã sáng lập Chữ Thập Đỏ để xoa dịu nỗi đau thương cho nhiều người không phân biệt bạn và thù.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết đem yêu thương vào nơi oán thù, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem niềm vui vào chốn ưu sầu vv…
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu thương chúng con khi chúng con đang là tội nhân. Xin giúp chúng con biết vượt khỏi con người ích kỷ của mình, xóa hận thù, đem lại yêu thương cho mọi người không phân biệt bạn và thù, đặc biệt những kẻ làm khổ chúng ta, hận thù, hiềm khích với chúng ta, để chúng ta càng ngày càng trở nên hoàn thiện giống như Cha ở trên trời. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Luật Cựu Ước dạy làm sao đối với kẻ thù ?
2,Chúa Giêsu dạy thế nào về kẻ thù ?
3.Chúa biến lề luật trở nên thế nào ?
4.Muốn biến thù thành bạn phải làm sao ?
5.Hận thù biến chúng ta trở nên thế nào ?
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:56 14/02/2017
15. NGƯỜI CHẬM CHẠP

Có một người tính rất chậm chạp đang cùng với người bạn vây quanh bếp lò để sưởi ấm.
Anh ta nhìn thấy góc áo của bạn bị lửa đốt, bèn chậm rãi nói từng chữ:
- “Có một chuyện tôi đã thấy trước muốn nói với anh, nhưng lại sợ tính khí của anh nóng nảy; nhưng nếu không nói cho anh biết, thì lại e rằng anh bị tổn thất, anh coi, tôi có nên nói cho anh biết hay là không nên nói cho anh biết ?”
Người bạn hỏi:
- “Có chuyện gì thế ?”
Anh ta trả lời:
- “Áo của anh bị cháy rồi đó”.
Người bạn vừa nhìn xuống thì áo đã bị cháy một mảng lớn. Anh ta vừa giập lửa vừa tức giận mắng:
- “Tại sao anh không nói sớm ?”
Người tính chậm chạp nói:
- “Tôi nói anh tính rất nóng nảy, quả thật không sai !”
(Tịch Xuyên tiếu lâm)

Suy tư 15:
Người ta nói “chậm như rùa”, nhưng trong dân gian có câu chuyện rùa chạy thi với thỏ và rùa đã thắng; người ta nói “chậm như sên” để chê những người có tính chậm chạp, nhưng chậm chạp đến độ lửa cháy đến bên mà vẫn rì rà nói vòng vo tam quốc thì không phải là chậm chạp nữa, mà là đầu óc có vấn đề.
Chậm chạp và cẩn thận thì không giống nhau, chậm chạp là làm cái gì cũng chậm rì, dù cho có phương pháp làm thì cũng thế, cũng vẫn cứ chậm, nhưng người cẩn thận thì thận trọng trong công việc, trong lời nói, và phải suy nghĩ nên công việc của họ có khi chậm đôi chút, chậm nhưng hiệu quả.
Không ai cẩn thận cho bằng các linh mục và các tu sĩ nam nữ, bởi vì những ngôn hành của họ có thể ảnh hưởng lâu dài trên người khác; bởi vì cuộc sống của họ là một chứng nhân tình yêu của Chúa, nên họ không thể tự cho mình cái quyền “bừa bải” trong cuộc sống.
Có một vài linh mục cũng có tính “chậm như rùa”, không phải chậm vì tính toán, cũng không phải chậm vì công ăn việc làm, nhưng “chậm” khi có giáo dân đến mời đi “kẻ liệt”, “chậm” khi có người ốm đau muốn xưng tội tại nhà hay tại bệnh viện, “chậm” khi giáo dân đứng xếp hàng dài trước toà cáo giải để đợi cha sở ngồi toà, nhưng ngài nói chưa đúng giờ và đang coi truyền hình đang trực tiếp chiếu trận túc cầu thế giới...
“Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con phải tỉnh thức và cầu nguyện, cũng có nghĩa là Chúa dạy chúng con phải nhanh nhẹn, mau chóng chu toàn bổn phận của mình, bổn phận của chúng con là những mục tử, nhưng có những lúc vì tính so đo hơn thiệt, vì tính ngại khó trong chúng con đã làm cho chúng con trở nên ươn lười và chậm chạp trong công tác mục vụ. Xin Chúa ban cho chúng con có tinh thần hăng hái phục vụ Chúa trong tha nhân, có tình yêu Chúa trong khi phục vụ, dù cho việc mà chúng con làm ấy không có lợi gì cho thân xác chúng con, nhưng đem lại niềm vui cho mọi người. Amen”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:58 14/02/2017

29. Trên thế giới, để an ủi và dập tắt tâm ý của chúng ta, thì ngoài việc thường xuyên suy niệm đến Chúa Cứu Thế từ khi sinh ra cho đến khi chết, và tất cả những đau khổ của Ngài, thì không có phương pháp nào tốt hơn.

(Thánh Francis de Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Hãy sống yêu thương và nên trọn lành
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
11:00 14/02/2017
Hãy sống yêu thương và nên trọn lành

Suy niệm Chúa Nhật VII thường niên - Năm A

(Mt 5,38 - 48)

Kết thúc "Bài giảng trên núi", căn tính của người kitô hữu là muối là ánh sáng. Tiếp theo sau đó, Chúa Giêsu tiếp tục mạc khải cho khi dạy các môn đệ và cũng dạy chính chúng ta về thái độ cần phải có cũng như thực hành trong đời sống: "Các con đã nghe bảo... Còn Thầy, Thầy bảo các con ". Vậy nghe bảo gì? Và cụ thể giáo huấn của Chúa Giêsu cho các môn đệ mình ra làm sao?.

Khi Chúa Giêsu khi trích dẫn câu nói của người xưa về luật công bằng khi trả thù đã được ghi rõ trong Cựu Ước "Mắt đền mắt, răng đền răng " ( Xh 21,24). Chúng ta phải thừa nhận rằng, đây là một bước tiến lớn trong tương quan hành xử giữa người với người so với thời Lamek, bởi Lamek đã từng nói với hai vợ : "Vì một vết thương, ta giết một người, (Ta) trầy da, một nam nhi toi mạng. Vì Cain sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng La-méc thì gấp bảy mươi bảy! " (St 4,23-24) Vậy là trả thù mãi mãi. Luật "Mắt đền mắt, răng đền răng" ( Xh 21,24) giúp con người khỏi rơi vào tình trạng thái quá. Trái lại, Luật của tình yêu phủ nhận sự đồng nhất với kẻ thù : "Còn Thầy, Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác" (Mt 5, 39).

Theo Chúa Giêsu, yêu thương là vượt ra khỏi vòng tròn luẩn quẩn của cái ác và sống tình huynh đệ đại đồng, nên khi Ngài bảo chúng ta "đưa má bên kia cho nó nữa, " là Ngài muốn chúng ta xây đắp tình hiệp thông anh em. Đưa má bên kia là cố tình giúp đối phương khám phá ra tình yêu và rằng thực hành bác ái là điều có thể. Đưa má bên kia còn muốn nói với kẻ ác rằng nó đã nhận được người anh em như nó là anh em. Một hành động đáng tin cậy như thế sẽ phá tan bạo lực.

Chúa Giêsu yêu cầu gia tăng thêm tình yêu và lòng tha thứ càng nhiều càng tốt! Vì tình yêu có sức mạnh giúp đối phương xích lại gần ta hơn bằng tình người. Như thế, bằng cách trao ban, chúng ta nhận nó là anh em.

Cho nó cả áo choàng, đi với nó hai dặm không phải một mà áp đặt, nhưng chứng minh con người luôn có sáng kiến về tình yêu. Vì đó là điều đẹp lòng Chúa, nên chúng ta từ bỏ điều có đi có lại và chủ động xây đắp tình hiệp thông trong tình yêu. "Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ " (Mt 5, 44).

Tình yêu phải được thực hiện theo châm ngôn: "Hãy yêu thương thù địch các con, hãy làm lành cho những kẻ ghét các con, và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con" (Mt 5, 44). Chúa Giêsu không chỉ lên án một hệ thống dùng bạo lực để trả thù cho cân, Ngài còn muốn chúng ta hủy bỏ luật ăn miếng trả miếng xưa. Tình yêu không gia tăng theo kiểu có đi có lại - người ngươi yêu mến là một người anh em ngươi, một người ngươi yêu mến là người bạn ngươi. Tình yêu là quà tặng, nhưng không dựa trên sự khác biệt tối thiểu. Sự khác biệt của tình yêu là không giống nhau, là người khác chứ không phải là người họ hàng, nhưng là người chúng ta cảm thấy gần. Như Chúa Giêsu đã nói : đó là người thân cận của ngươi. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không bác bỏ sự phân biệt của chúng ta. Người khác không phải luôn là một người bạn, nó có thể trở thành kẻ thù. Điều quan trọng là tất cả mọi người là anh em với nhau.

Thật phù hợp để người kitô hữu khẳng định căn tính là con Thiên Chúa của mình khi thực hành lời Chúa Giêsu dạy để trở nên con cái của Cha trên Trời. Giới luật yêu thương mà Chúa Giêsu để lại đã mạc khải rõ về hồng ân yêu thương. Là con cái Thiên Chúa, chúng ta phải yêu thương ngay cả kẻ thù, kẻ muốn cắt đứt tương quan là con Thiên Chúa và anh em với ta. Luật ăn miếng trả miếng không còn tồn tại. Chỉ có tình yêu mới biến đổi được hận thù, tình yêu làm cho chúng ta trở nên con Thiên Chúa và thể hiện chức phận là con đối với Người.

Như thế, chúng ta đi đến cùng lời Chúa Giêsu dạy về thánh ý Thiên Chúa trong đời sống: "Các ngươi hãy thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh" (Lv 19,1). Bằng những lời này, Thiên Chúa mời gọi dân Israel và cả chúng ta ngày hôm nay thể hiện lòng trung thành với giao ước Thiên Chúa đã thiết lập, đồng thời đặt luật lệ xã hội trên giới răn "Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình" (Lv 19,18). Tuy nhiên, phải đi xa hơn để tình yêu của chúng ta được phổ quát nhằm cho luật cũ được kiện toàn. Khi yêu như thế, ta đang thực hiện lời mời gọi của Chúa Giêsu: "Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành " (Mt 5,48).

Nhưng ai có thể nên trọn lành? Sống trọn lành là thi hành thánh ý Chúa trong tư cách là con. Thánh Xip-ri-a-nô từng viết: "Cách hành xử của con cái Thiên Chúa phải tương hợp với tình phụ tử của Thiên Chúa bởi vì Thiên Chúa được tôn vinh và ca tụng từ những việc tốt lành của con người " (De zelo et livore, 15: CCL 3a, 83). Như thế, con người có thể trở nên trọn lành khi sống tròn đầy cương vị làm con cái Thiên Chúa. Chúa Cha làm khác chúng ta là những người bỏ người này chọn người kia. Chúa Cha làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương. Chúa Cha quan tâm đến cả hai, người lành cũng như kẻ dữ ; con cái Thiên Chúa cũng phải trở nên trọn lành " như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành "(Mt 5, 48).

Xem ra có thể khó, nhưng Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta trước khi nói: "Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Ðấng ngự trên trời" (Mt 5, 44-45). Ai đón nhận Thiên Chúa trong đời sống mình và yêu mến Người hết lòng, người ấy có khả năng bắt đầu một chặng đường mới, có thể chu toàn thánh ý Thiên Chúa hầu hiện thực hoá một hiện hữu mới được nuôi sống bởi tình yêu và hướng đến sự vĩnh cửu. Tình yêu là điều vĩ đại, chúng ta đọc thấy trong sách Gương Chúa Giêsu, một điều tốt làm nhẹ đi những nặng nhọc và nâng đỡ những điều khó khăn. Tình yêu thôi thúc ta hướng lên cao mà không còn bị vướng bận vào bất cứ điều gì thuộc trần thế.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin giúp chúng con luôn sống xứng đáng là con Cha trên Trời. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Suy Niệm Chúa Nhật VII Thường Niên – Năm A
Lm. Anthony Trung Thành
19:03 14/02/2017
Suy Niệm Chúa Nhật VII Thường Niên – Năm A

Một thiền sinh hỏi: “Thưa sư phụ, con đau khổ vì cha mẹ tàn nhẫn, người yêu con ruồng bỏ, anh em phản bội, bạn bè phá hoại… Con phải làm sao để hết oán hờn và thù ghét đây?”

Vị sư phụ đáp: “Con ngồi xuống tịnh tâm, tha thứ hết cho họ.”

Vài hôm sau, người đệ tử trở lại: “Con đã học được tha thứ cho họ sư phụ ạ. Thật nhẹ cả người! Coi như xong!”

Sư phụ đáp: “Chưa xong, con về tịnh tâm, mở hết lòng ra thương yêu họ.”

Người đệ tử gải đầu: “Tha thứ thôi cũng đã quá khó, lại phải thương yêu họ thì…Thôi được, con sẽ làm. Một tuần sau, người đệ tử trở lại, mặt vui vẻ hẳn, khoe với sư phụ là đã làm được việc thương những người mà trước đây đã từng đối xử tệ bạc với mình.”

Sư phụ gật gù bảo: “Tốt! Bây giờ con về tịnh tâm, ghi ơn họ. Nếu không có họ đóng những vai trò đó thì con đâu có cơ hội tiến hóa tâm linh như vậy.”

Người đệ tử trở lại, lần nầy tin tưởng rằng mình đã học xong bài vở. Anh tuyên bố: “Con đã học được và ghi ơn hết mọi người đã cho con cơ hội học được sự tha thứ!”

Sư phụ cười: “Vậy thì con về tịnh tâm lại đi nhé. Họ đã đóng đúng vai trò của họ chứ họ có lầm lỗi gì mà con tha thứ hay không tha thứ.”

Câu chuyện trên dạy chúng ta bài học về sự tha thứ, không những tha thứ mà còn thương yêu và làm ơn cho kẻ thù của mình. Lời dạy của vị sư phụ đối với đệ tử của mình rất phù hợp với Lời Chúa hôm nay. Thật vậy, tha thứ cho kẻ thù là lệnh truyền của Thiên Chúa, là lời dạy và gương sáng của Đức Giêsu, của các thánh và của rất nhiều vị hiền nhân. Vì thế, tha thứ cũng là bổn phận của mỗi người Kitô hữu chúng ta.

Thứ nhất, tha thứ là lệnh truyền của Thiên Chúa: Khi chúng ta tha thứ và yêu thương kẻ thù là chúng ta thi hành mệnh lệnh của Thiên Chúa. Bài đọc 1, trích sách Lêvi, Thiên Chúa phán với Mô-sê: “Ðừng giữ lòng thù ghét anh em, nhưng hãy răn bảo họ công khai, để khỏi mang tội vì họ. Ðừng tìm báo oán, đừng nhớ lại lời mắng nhiếc của kẻ đồng hương. Hãy yêu thương các bạn hữu như chính mình” (Lv 19,17-18). Khi chúng ta tha thứ và yêu thương kẻ thù là chúng ta nên giống Thiên Chúa là Cha chúng ta “Đấng cho mặt trời chiếu soi kẻ dữ cũng như người lành, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương”(Mt 5,45). Thật vậy, Thiên Chúa là người Cha yêu thương hết mọi người, không phân biệt người lành kẻ dữ. Ngài đã tha thứ cho Tổ Tông sau khi hai ông bà phạm tội. Không những thế, mà Ngài còn yêu thương và hứa ban Đấng Cứu Thế. Suốt chiều dài lịch sử cứu độ, biết bao lần dân Do Thái bất trung, nhưng mỗi lần biết thống hối quay đầu trở lại, Ngài đã tha thứ và ban ơn. Sự tha thứ của Thiên Chúa được ngôn sứ Isaia diễn tả rõ ràng rằng: “Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông” (Is 1,18).

Thứ hai, tha thứ là thực hiện lời dạy và làm theo gương sáng của Đức Giêsu: Đức Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa. Ngài tiếp tục dạy cho nhân loại bài học về sự tha thứ. Bài Tin mừng hôm nay, Ngài dạy chúng ta: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.”(Mt 5,44). Chính Ngài đã nói với Thánh Phêrô: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”(Mt 18,22). Ngài còn nói thêm: “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi. Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?”(Mt 5, 46). Ngài còn dùng nhiều câu chuyện liên quan đến vấn đề tha thứ và yêu thương để dạy cho dân chúng: Dụ ngôn cỏ lùng (x. Mt 13, 24,30.36-43); ba dụ ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa (x. Lc 15,1-32); câu chuyện về người đàn bà phạm tội ngoài tình (x. Ga 8,1-11)…

Đức Giêsu không chỉ dạy về sự tha thứ mà Ngài còn làm gương cho chúng ta: Biết Giu-đa phản bội, Ngài không những tiếp tục yêu thương mà còn cho ông ngồi đồng bàn, nhiều lần Ngài cảnh tỉnh để Giu-đa từ bỏ ý đồ xấu. Khi Giu-đa dẫn quân lính đến bắt Ngài, Ngài ôn tồn nói những lời yêu thương: “Giu-đa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?”(Lc 22, 48). Ngài tha thứ cho Phê-rô khi ông chối Thầy ba lần. Ngài tha thứ cho kẻ trộm lành. Ngài tha thứ cho Phao-lô khi ông bắt bớ và chém giết người Kitô hữu. Ngài tha thứ cho những kẻ bắt bớ, đánh đập và đóng đinh Ngài trên thập giá, bằng cách cầu nguyện với Chúa Cha rằng: “Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”(Lc 23, 34).

Thứ ba, các thánh và các hiền nhân đã dạy và làm gương cho chúng ta về sự tha thứ:

Gương của các thánh để lại: Gương của Thánh Vương Đa-vít tha thứ cho Saul; Gương của Thánh Stêphanô, đã yêu thương và cầu nguyện cho kẻ giết mình: “Họ ném đá ông Tê-pha-nô, đang lúc ông cầu xin rằng: Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con. Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này. Nói thế rồi, ông an nghỉ”(Cv 7, 59-60). Gương của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II đến thăm và tha thứ cho Ali Agca, kẻ có ý giết Ngài; Thánh nữ Maria Goretti tha thứ cho Alexander…

Gương của các hiền nhân: Khổng Tử chủ trương: “Dĩ đức báo oán.” Đức Phật Thích Ca cũng dạy: “Lấy oán báo oán, oán ấy chập chồng. Lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan.” Còn ông Gandhi, vị anh hùng của dân tộc Ấn Độ thì cho biết: “Luật vàng của xử thế là sự tha thứ lẫn nhau”; “Bất bạo động là luật của loài người, bạo động là luật của loài thú.” Ngoài ra, còn biết bao nhiêu mẫu gương khác, không những chủ trương tha thứ mà còn tha thứ bằng lời nói và hành động cho những kẻ làm hại mình.

Thứ tư, tha thứ là bổn phận của mỗi người Ki-tô hữu: Theo tâm lý bình thường, thì chúng ta yêu thương kẻ yêu thương mình và chúng ta ghét kẻ thủ của chúng ta. Kẻ thù là những người bắt bớ, sỉ nhục, vu khống, đặt điều nói xấu và làm những điều bất công với chúng ta. Vì vậy, để yêu thương những kẻ chúng ta coi là xấu không phải là một việc làm dễ dàng. Nhưng vì là lệnh truyền của Thiên Chúa và lời dạy của Đức Giêsu, cũng như gương sáng của các thánh và của các hiền nhân nên người Ki-tô hữu chúng ta có bổn phận phải thi hành. Chúng ta không những tha thứ mà còn phải cầu nguyện cho họ để họ thay đổi đời sống. Đặc biệt, chúng ta phải làm ơn cho họ, giúp họ nhận ra sai trái để trở về nẻo chính đường ngay. Ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã từng nghe Thiên Chúa phán: “Nếu ngươi không báo cho kẻ gian ác biết tội lỗi của nó, không cảnh cáo nó từ bỏ lối sống xấu xa, để nó được sống, thì chính kẻ gian ác sẽ phải chết vì tội lỗi của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó” (Ed 3,18).

Tóm lại, chúng ta có bổn phận tha thứ, yêu thương và làm ơn cho kẻ thù, vì đó là lệnh truyền của Thiên Chúa, là lời dạy và gương sáng của Đức Giêsu, của các thánh và của các hiền nhân qua mọi thời đại. Vậy chúng ta hãy đặt mình vào những hoàn cảnh cụ thể trong cuộc sống để xét mình xem chúng ta đã thực hiện lời dạy về sự tha thứ như thế nào?

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết tha thứ cho anh em như Chúa đã từng tha thứ cho chúng con. Amen.

Lm. Anthony Trung thành
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bẽ bàng: Cộng sản Bắc Kinh tuyên bố chẳng có thỏa thuận gì với Tòa Thánh về vấn đề bổ nhiệm Giám Mục
Đặng Tự Do
04:35 14/02/2017
Lưu Bách Niên “giáo hoàng đen” ở Trung quốc
Một quan chức cấp cao Trung Quốc đã nói thẳng thừng rằng chế độ Bắc Kinh chẳng có thỏa thuận gì với Tòa Thánh về vấn đề bổ nhiệm Giám Mục; và bác bỏ mọi khả năng công nhận các Giám Mục thầm lặng.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ South China Morning Post, Lưu Bách Niên, người đứng đầu Hiệp hội Công Giáo Yêu nước, nói các giám mục “thầm lặng” (tức là những vị được Tòa Thánh công nhận nhưng cộng sản không nhìn nhận như các Giám Mục) là “không thích hợp để làm việc với đảng cộng sản”.

Lưu Bách Niên thường được gọi là “giáo hoàng đen” ở Trung quốc vì y có toàn quyền trong việc bổ nhiệm và tấn phong các giám mục.

Đức Hồng Y Gioan Thang Hán đã tung ra một bài viết vào ngày 9 tháng Hai vừa qua với nhan đề “Tương lai của cuộc đối thoại Trung quốc - Vatican từ quan điểm Giáo Hội học”. Trong bài viết này ngài cho rằng một thỏa thuận giữa Tòa Thánh và Trung quốc về vấn đề bổ nhiệm Giám Mục đã gần kề, Vatican sẽ nhìn nhận các giám mục Trung quốc được tấn phong trái phép trong thời gian qua, ngược lại cộng sản Bắc Kinh sẽ nhìn nhận các giám mục “thầm lặng”. Phản ứng lại bài viết này, Lưu Bách Niên nói đó chỉ là những suy đoán vô căn cứ của riêng Đức Hồng Y Thang Hán.

Đức Hồng Y Thang Hán cũng đã cho rằng Hiệp hội Yêu nước, từ trước đến nay vẫn có một quyền bính tuyệt đối trên Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc, có thể được biến đổi thành một tổ chức tự nguyện. Lưu Bách Niên chế giễu ý tưởng đó và nói rằng: “Một đề nghị như thế chưa từng được nghe thấy trên đại lục này”.

Cộng sản khét tiếng là tráo trở, viết xuống giấy trắng mực đen còn dám lật lại được. Nói quá sớm, Đức Hồng Y Thang Hán đã đặt chính mình và Giáo Hội Công Giáo vào một tình thế bẽ bàng. Bài viết của ngài cũng gây ra những tranh cãi và mất đoàn kết một cách không cần thiết trong Giáo Hội tại Hoa Lục.

Source: Catholic World News: Chinese official: underground bishops cannot be recognized
 
Một linh mục Việt Nam viết thư cho tổng thống Trump xin “nhường” quốc tịch Mỹ cho một người Syria tị nạn
Đặng Tự Do
01:18 14/02/2017
Trong một diễn biến đáng kinh ngạc, một linh mục Công Giáo Việt là người đã chạy trốn cộng sản sang Mỹ sau chiến tranh Việt Nam đã viết thư cho Tổng thống Trump xin “nhường lại” quốc tịch Mỹ của ngài để ông Trump có thể trao cái quốc tịch ấy cho một người tị nạn Syria, trong số những người bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ theo một sắc lệnh gây nhiều tranh cãi của Tổng thống liên quan đến Syria và sáu quốc gia Hồi giáo khác.

Cha Nguyễn Hoài Chương, một thành viên của dòng Salêdiêng, cũng nói ông Trump rằng ngài sẽ yêu cầu bề trên của mình cho phép sang làm việc mục vụ tại một trong bảy quốc gia trong danh sách bị cấm.

Trong thư viết cho tổng thống, cha Chương, đang làm mục vụ cho cộng đồng Việt ở Los Angeles và điều hành một trung tâm thanh niên Công Giáo ở đó, viết: “Vâng! Tôi là một người tị nạn. Tôi là một người Mỹ và tôi đã đóng góp cho nước Mỹ tuyệt vời này theo cách riêng của tôi trong 42 năm qua kể từ khi tôi được cấp quy chế tị nạn tại đất nước tuyệt vời này. Nhưng bây giờ, tôi muốn từ bỏ quốc tịch Hoa Kỳ của tôi và yêu cầu tổng thống ban nó cho một người tị nạn Syria”

“Tôi chắc chắn rằng họ, cũng giống như tất cả những người tị nạn khác, sẽ không lãng phí món quà của cuộc sống này. Ngoài ra, tôi tin rằng cùng với con cháu của họ, họ sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại”.

Bức thư đã được đăng hôm thứ Sáu 10 tháng 2 trên tạp chí Công Giáo Commonweal bởi Peter Steinfels, một trí thức và là ký giả kỳ cựu trong chuyên mục tôn giáo của tờ New York Times. Một người bạn của Steinfels đã gửi bức thư này cho ông.

Bức thư đề ngày 27 tháng Giêng, ngày bắt đầu năm mới Âm Lịch, một thời gian của hy vọng và các lễ lạc kỷ niệm, như cha Chương ghi nhận.

Nhưng cũng vào đúng ngày đó ông Trump đã ký sắc lệnh ngăn chặn những người tị nạn từ 7 nước như là một phần trong kế hoạch “cấm” người Hồi giáo vào Hoa Kỳ - một động thái mà ông tin sẽ giữ cho Hoa Kỳ được an ninh và tránh được các cuộc tấn công khủng bố.

Các nhà phê bình lưu ý rằng người tị nạn gần như không bao giờ phạm vào các tội tấn công khủng bố và , như CNN ghi nhận, “thủ phạm chính của các vụ tấn công khủng bố lớn chủ yếu lại chính là các công dân Hoa Kỳ được sinh ra tại Mỹ hoặc có quyền cư trú hợp pháp vĩnh viễn từ các nước không nằm trong lệnh cấm này.”

Một tòa án phúc thẩm liên bang đã ra phán quyết nói lệnh cấm của Trump là trái hiến pháp và chính quyền được báo cáo là đang tìm cách đưa vụ này ra Tòa án tối cao hoặc sửa đổi lại sắc lệnh với hy vọng nó sẽ được những tòa án thấp hơn cho phép.

Khi cha Chương đọc sắc lệnh này, ngài đã viết cho tổng thống, “lòng tôi nặng trĩu”

Cha Chương đã trình bày với tổng thống những chi tiết cuộc hành trình gian khổ của ngài khi rời Việt Nam vào năm 1975, cùng với hàng trăm ngàn “thuyền nhân” khác, khi cộng sản chiếm được miền Nam Việt Nam sau khi Mỹ rút lui.

Cha mẹ của cha Chương đã đưa các con, ở độ tuổi từ 6 đến 21, ra đi trên một chiếc thuyền chật chội không có thuyền trưởng, với một ít thức ăn và nước uống. Một tuần sau đó, dưới sự hộ tống của các lực lượng hải quân Hoa Kỳ, họ đã đến một nơi an toàn ở Phi Luật Tân. Hàng trăm ngàn người khác đã bị chết đuối khi cố gắng thoát khỏi chế độ cộng sản Việt Nam.

Cha Chương viết: “Trở thành một người tị nạn là một lựa chọn bất đắc dĩ khi người không còn lựa chọn nào khác”.

Sau đó, cha Chương kể lại cách thức ngài đến được Hoa Kỳ, trở thành một linh mục và cống hiến cuộc sống cho việc xây dựng một đất nước đã mở rộng vòng tay với ngài và những người khác.

Bây giờ, cha Chương nói ngài sẵn sàng nhường lại quyền công dân của mình cho một người tị nạn khác, nếu ông Trump cho phép.

Cho đến ngày thứ Bẩy 11 tháng Hai, Tòa Bạch Ốc vẫn chưa có thư trả lời cho cha Chương. Các quan sát viên cũng không biết liệu việc “nhường lại quyền công dân” này có khả thi hay không theo luật pháp Hoa Kỳ.

Source: Crux: Vietnamese refugee priest to Trump: Give my citizenship to a Syrian
 
Ấn Độ: Hội đồng Giám mục hội kiến Thủ tướng để bàn về chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô
Chân Phương
12:22 14/02/2017
Ấn Độ: Hội đồng Giám mục hội kiến Thủ tướng để bàn về chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô

Ba vị Hồng Y Ấn Độ đã hội kiến Thủ tướng Narendra Modi để thảo luận về chuyến viếng thăm khả dĩ của ĐTC Phanxicô đến đất nước này.

Đức Hồng Y Baselios Cleemis - Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ấn Độ, Đức Hồng Y Oswald Gracias của Bombay - giáo phận lớn nhất Ấn Độ, và Đức Hồng Y George Alencherry - Lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Syro-Malabar, đã cùng hội kiến thủ tướng vào hôm 7 tháng 2 tại thủ đô New Delhi.

"Thủ tướng thông báo cho chúng tôi biết rằng chính phủ đang có thái độ tán thành đối với chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng tới Ấn Độ", thông cáo báo chí của Hội đồng Giám mục Ấn Độ cho biết, nhưng không đưa thêm bất kỳ chi tiết nào về cuộc hội kiến này.

Bà Sushma Swaraj - Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Ấn Độ đã ngỏ lời mời Đức Giáo Hoàng đến Ấn Độ khi bà tới thăm Vatican nhân dịp tuyên thánh Mẹ Têrêsa Calcutta hồi Tháng Chín năm 2016. Đến Tháng Mười cùng năm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng ngài "gần như chắc chắn" sẽ thăm Ấn Độ vào năm 2017.

Giới truyền thông xã hội cho rằng buổi hội kiến này là để chốt lại thời gian và địa điểm cho cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô cùng với việc đổi tên [tổng giáo phận] thành Kolkata (hiện tên là Calcutta) - nơi Thánh Têrêsa đã sống và làm việc cho những người nghèo nhất trong số những người nghèo. Những nơi khác cũng được đề nghị tương tự, bao gồm thủ đô New Delhi và Mumbai, nơi mà hiện mang tên là Tổng Giáo Phận Bombay.

Một nguồn tin thân cận với văn phòng thủ tướng tiết lộ rằng buổi hội kiến này về bản chất là "bí mật" vì nó thảo luận vấn đề nhạy cảm như chính phủ Ấn Độ có bước đi nào để bảo đảm tự do cho Cha Thomas Uzhunallil đang bị bắt cóc.

Vị linh mục truyền giáo 58 tuổi này thuộc Dòng Salêdiêng, đã bị bắt cóc từ một nhà dưỡng lão của dòng Thừa Sai Bác Ái tại Yemen vào hôm 4 tháng 3 năm 2016, sau vụ quân khủng bố bắn chết 16 người, trong đó có 4 nữ tu.

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã trở thành vị giáo hoàng đầu tiên đến thăm Ấn Độ hồi năm 1964. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lần đầu tiên đến thăm Ấn Độ vào năm 1986 trong 10 ngày, ngài đã đi đến những vùng khác nhau của đất nước này. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô lại đến thăm Ấn Độ một lần nữa vào năm 1999 khi ngài ban hành một văn kiện bế mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu.

Chân Phương
 
Nam Hàn: Tổng Giáo Phận Seoul từ nay sẽ phụ trách phiên bản tiếng Hàn của Vatican Radio
Chân Phương
12:24 14/02/2017
Nam Hàn: Tổng Giáo Phận Seoul từ nay sẽ phụ trách phiên bản tiếng Hàn của Vatican Radio

Người Công Giáo Nam Hàn (Korea) chắc chắn sẽ được "lắng tai nghe lẽ khôn ngoan" khi Đài phát thanh Vatican thiết lập chi nhánh đầu tiên bên ngoài Tòa Thánh, đặt tại Tổng Giáo Phận Seoul - thủ đô Nam Hàn.

Tổng giáo phận Seoul sẽ phụ trách phiên bản tiếng Hàn của Đài phát thanh Vatican để người Công Giáo địa phương có thể nghe tin tức từ Vatican và trên thế giới nhanh hơn và chính xác hơn.

Hiện nay, phiên bản tiếng Hàn của Đài phát thanh Vatican đã thông dịch khoảng 30% nội dung phát sóng vào Nam Hàn. Cơ quan mới này sẽ tăng lên đến 90% và cung cấp thêm cả dịch vụ video theo yêu cầu (video-on-demand).

Cha Matthias Hur Young-yup - Giám đốc truyền thông của Tổng giáo phận Seoul sẽ giữ vai trò đạo diễn chương trình, Cha Damasus Jeong Ui-chul - Hiệu trưởng Cao đẳng Giáo Hoàng tại Nam Hàn và Cha Simon Kim Nam-kyun đang du học tại Rôma sẽ làm đại diện cho chi nhánh này.

Hiện nay, Tổng Giáo Phận đang chuẩn bị một bản ghi nhớ với Đài phát thanh Vatican, sẽ được ký kết vào cuối Tháng Hai năm 2017.

Phiên bản tiếng Hàn của Đài phát thanh Vatican được thành lập hồi năm 2015. Chi nhánh tại Nam Hàn sẽ hoạt động với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Nam Hàn cạnh Vatican, Chính phủ Nam Hàn, Hội đồng Giám mục Công Giáo Nam Hàn và Tổng Giáo Phận Seoul.

Cha Hur cho biết: "Trong thời đại truyền thông nhanh chóng và trực tiếp, thật có ý nghĩa khi cung cấp tin tức từ Vatican đến Nam Hàn một cách trung thực và nhanh chóng".

"Tin tức từ Vatican, bao gồm các thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô, sẽ được loan truyền đến các tín hữu Nam Hàn chính xác và nhất quán hơn", Cha nói thêm. (UCANEWS)

Chân Phương
 
Tổng giáo phận Lahore, Pakistan đóng cửa tất cả các nhà thờ và trường học để phản đối một vụ tấn công khủng bố
Đặng Tự Do
15:01 14/02/2017
Sau khi một kẻ đánh bom tự sát giết chết ít nhất 13 người và làm bị thương 85 người khác trong một cuộc tấn công kinh hoàng hôm thứ Hai 13 tháng Hai bên ngoài trụ sở Quốc Hội bang Punjab ở Lahore, Pakistan, các nhà lãnh đạo Công Giáo đã phản ứng với sự phẫn nộ và quan tâm. Tất cả các trường học và thậm chí cả các nhà thờ ở Lahore đã bị đóng cửa như một biện pháp phòng ngừa.

Jamat-ul-Ahrar, một nhóm trong phe Taliban Pakistan đã tuyên bố chịu trách nhiệm trong vụ tấn công diễn ra trong cuộc biểu tình của Hiệp Hội Các Nhà Thuốc Tây và Các Dược Sĩ. Đây cũng chính là bọn khủng bố đã nổ bom tự sát tại công viên nơi các Kitô hữu tụ tập mừng lễ hôm Chúa Nhật Phục Sinh năm ngoái, giết chết 74 người gồm cả phụ nữ và trẻ em .

“Đây thực sự là một tin rất choáng váng và đau lòng khi thấy rằng một lần nữa Lahore đã trở thành mục tiêu của những kẻ khủng bố”, Cha James Channan, dòng Đa Minh, giám đốc Trung tâm Hòa bình Lahore nói.

“Pakistan đã là một mục tiêu dễ dàng cho các nhóm khủng bố trong nhiều năm qua. Tôi lên án hành động khủng bố này với những lời mạnh mẽ nhất”.

Cha Channan cũng đổ lỗi cho chính phủ Pakistan quá thờ ơ với các mối đe dọa và ngành an ninh Pakistan tỏ ra thiếu hiệu quả trong việc ngăn ngừa các tai ương khủng bố cũng như truy bắt các nhóm khủng bố.

“Tôi coi đó là một thất bại của chính phủ và các cơ quan thực thi pháp luật. Các biện pháp an ninh đã không được thực hiện và những kẻ khủng bố đã không bị bắt”.

Đức Tổng Giám mục Sebastian Shaw Francis Lahore tương tự bày tỏ nỗi buồn sâu sắc đối với các nạn nhân và cầu nguyện cho các gia đình. Ngài nói:

“Với nỗi buồn chân thành và sâu sắc nhất, thay mặt cho Giáo Hội tại Pakistan Tôi thông cảm với tất cả các gia đình bị thương tổn vì hành động nhẫn tâm và độc ác của chủ nghĩa khủng bố”.
 
Tình hình DR Congo hỗn loạn: Đức Giám Mục cuả Luiza vội bỏ hội nghị để trở về giáo phận
Moses Trương Võ
17:08 14/02/2017

Kinshasa (Agenzia Fides 13/2/2017) - "Bạo lực và tội ác không thể tưởng tượng nổi đã đổ xuống trên đầu người dân hiền lành vô tội", là lời cuả đức giám mục Félicien Mwanama Galumbulula, giám mục của tỉnh Luiza ở giữa bang Kasai, nước Cộng hoà Dân chủ Congo (DR Congo)

Nơi đây đã xảy ra nhiều cuộc xung đột giữa quân đội và dân quân du kích có tên là phong trào Kamwina Nsapu.

Kamwina Nsapu là một tộc trưởng bộ lạc đã bị giết hồi tháng 8 năm ngoái. Những người theo ông đã dấy động một cuộc chiến tranh du kích để trả thù, ngày càng lan rộng.

Nhóm này đã bắt cóc trẻ em để bố xung quân số cuả họ, họ cũng dùng phụ nữ và trẻ em để làm bia đỡ đạn trong các cuộc giao tranh với quân chính phủ.

Tình trạng chiến tranh bộ lạc thường xẩy ra ở DR Congo, nhưng đã trở nên tồi tệ hơn sau khi tổng thống Joseph Kabila, đã hết nhiệm kỳ, nhưng không chịu xuôńg chức.

"Tôi nghe rằng những cuộc xung đột đã gây ra rất nhiều thương vong, chủ yếu ở Ngwema và Mubinza" theo lời ĐGM Galumbulula khi ngài gián đoạn cuộc hội nghị với một phái đoàn giám mục châu Âu để quay trở về giáo phận của mình ngay lập tức. "Con số thương vong chính xác thì chưa thể xác định được tại thời điểm này. Nhưng bạo lực và tội ác không thể tưởng tượng được đã đổ xuống trên đầu người dân hiền lành vô tội. Dân chúng đang ở trong tình trạng hoảng sợ đến nỗi không ai dám đem người chết đi chôn."

"Xứ Mubinza, Ngwema, Lubi, Kamponde, Mikele đang bị sốc" đức giám mục tiếp tục. "Một số làng đã bị bỏ hoang và người khác đã đến cướp phá". Ngwema và Mubinza đang chịu nhiều bạo lực nhất, các linh mục "đã phải di chuyển ngày đêm để tìm chỗ ẩn nấp".

Vào ngày 11 tháng 10 năm ngoái, Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ sự "quan tâm" về bạo lực ở miền trung Kasai, với ít nhất là 50 người chết ở phố Tshimbulu.
 
Một linh mục Chính Thống Giáo bị bắt về tội âm mưu đầu độc Đức Thượng Phụ Ilia
Đặng Tự Do
17:09 14/02/2017
Linh mục Georgy Mamaladze, là giám đốc ủy ban quản lý tài sản của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Georgia, đã bị bắt giữ về tội âm mưu đầu độc Đức Thượng Phụ toàn Georgia Ilia Đệ Nhị. Viện trưởng Viện Công Tố Irakly Shotadze đã cho biết như trên hôm thứ Hai 13 tháng Hai.

Trong chương trình tối Chúa Nhật 12 tháng Hai, đài truyền hình Rustavi 2 của Georgia, cho biết linh mục Georgy Mamaladze đã bị bắt giữ tại sân bay Tbilisi vào đêm thứ Sáu 11 tháng Hai, và bị câu lưu cho đến nay.

Ông Irakly Shotadze nói: “Linh mục Georgy Mamaladze đã có một mối quan hệ căng thẳng với Đức Thượng Phụ và những người bên cạnh ngài. Cuộc điều tra xác định được rằng cha Mamaladze đã chuẩn bị giết một người và đó là lý do tại sao ông đã mua cyanide từ một người chưa quen biết”.

Vị công tố viên cho biết thêm, cha Mamaladze đã âm mưu mua chất độc hại này mang sang Đức, nơi Đức Thượng Phụ Ilia II đang được điều trị.

Giáo Hội Chính Thống Georgia có khoảng 4 triệu tín hữu, và là một đối tác khó khăn trong quan hệ với Công Giáo và cả trong quan hệ với các Giáo Hội chính thống khác. Chính Thống Georgia đã từ chối tham dự Công đồng Liên chính thống giáo hồi cuối tháng 6 vừa qua ở đảo Creta bên Hy Lạp.

Tuy nhiên, trong chuyến viếng thăm Georgia của Đức Thánh Cha Phanxicô hồi cuối tháng Chín năm ngoái, Đức Thượng Phụ Ilia II, năm nay 84 tuổi, là nhà lãnh đạo Chính Thống được kính trọng nhất tại Georgia, đã ra tận sân bay đón Đức Thánh Cha và trong buổi gặp gỡ tại Tòa Thượng Phụ Georgia, tựa vào chiếc gậy chống, ngài chào đón Đức Phanxicô như là “người anh em thân mến của tôi”.

“Xin Chúa chúc lành cho Giáo Hội Công Giáo Rôma” Đức Ilia nói như thế khi chúc rượu Đức Giáo Hoàng tại Tòa Thượng Phụ. “Xin Chúa ban cho ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, được trường thọ”.
 
Tin Fatima: ''Chị Lucia'' sắp được phong Chân Phước?
Biển Đức Phan Anh
20:40 14/02/2017

Năm kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima sắp tới, liệu nhân vật lừng danh nhất và sống lâu nhất trong "3 đứa trẻ," là Sơ Lucia dos Santos, còn được gọi một cách thân ái là "Chị Lucia", sẽ có thể được phong Chân Phước chăng?

Đó rõ ràng là mục đích cuả các giới chức Công Giáo Bồ Đào Nha, Giáo Hội Bồ Đào Nha vừa công bố vào hôm thứ 2 rằng hàng ngàn văn bản đã được thu thập để làm chứng cho sự thánh thiện của Sơ Lucia.

Các tài liệu bao gồm hơn 15.000 bức thư, lời khai, và các tài liệu khác, sẽ được dùng để cổ động cho việc phong chân phước. Đức Giám Mục Virgilio Antunes cuả giaó phận Coimbra ghi nhận rằng, để kiếm chứng số tài liệu này, họ đã phải mất hơn tám năm , vì chúng bao gồm nhiều thư từ cá nhân và chứng từ cuả hơn 60 người.

Hồ sơ đã được trình bày trong một buổi lễ tại tu viện cuả Sơ Lucia ở Coimbra và sẽ được gửi đến Toà Thánh để xin chấp thuận cho việc tiến hành bước tiếp theo của tiến trình phong thánh. Vụ việc này sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô xem xét.

Nhắc lại vào ngày 13 tháng 5 năm 1917, 2 anh em là Francisco và Jacinta Marto - 9 và 7 tuối - và người chị họ của mình là Lucia dos Santos, 10 tuổi, đã thả đàn cừu gặm cỏ ở gần làng Fatima cuả Bồ Đào Nha thì họ nhìn thấy cảnh tượng một người phụ nữ ăn mặc áo trắng tinh và cầm một chuỗi tràng hạt.

Sau cuộc xuất hiện đầu tiên đó, Đức Trinh Nữ Maria còn hiện ra với các trẻ vào những ngày 13 mỗi tháng từ tháng 5 cho đến tháng 10. Thông điệp cuả Đức Mẹ được tóm tắt là những lời kêu gọi hãy ăn năn, đền tạ và cầu nguyện.

Năm 1930, Giáo Hội Công Giáo tuyên bố sự siêu nhiên của các cuộc hiện ra và một ngôi đền thờ đã được dựng lên tại Fatima. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã đến viếng thăm ngày 13-5-1967, và sau đó là các Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Benedictô XVI.

Thánh Gioan Phaolô II đã có một lòng sùng kính đặc biệt mạnh mẽ với Đức Mẹ Fatima. Sau vụ ám sát năm 1981, Ngài tuyên bố sự sống của mình đã được cứu thoát nhờ sự can thiệp kỳ diệu của Đức Mẹ. Như là một dấu hiệu của lòng biết ơn, Ngài đã đặt viên đạn cuả vụ ám sát vào vương miện của Đức Mẹ. Trong dịp đó Ngài nói:

"Xin hãy cầu nguyện cho người anh em đã bắn tôi, người mà tôi đã chân thành tha thứ. Hiệp thông với Chúa Kitô, là một linh mục và cũng là nạn nhân, tôi xin dâng những đau khổ của tôi cho Giáo Hội và thế giới."

Đức Thánh Cha Phanxicô đã có kế hoạch đến thăm Fatima trong tháng 5 để kỷ niệm 100 năm ngày Đức Mẹ hiện ra.

Hai người em họ cuả Sơ Lucia, Francisco và Jacinta Marto, đã qua đời khi còn trẻ vì chứng viêm phổi và được phong chân phước vào năm 2000. Sơ Lucia qua đời năm 2005 lúc được 97 tuổi tại tu viện kín ở Coimbra.
 
Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Các Bản Văn Pháp Luật: ý muốn thay đổi đủ để được rước lễ
Vũ Văn An
21:27 14/02/2017
Theo tin tập san Crux, Đức Hồng Y Francesco Coccopalmerio, chủ tịch cơ quan giải thích các bản văn luật lệ của Tòa Thánh cho rằng các người Công Giáo hiện sống trong các hoàn cảnh “không hợp lệ”, như ly dị và tái hôn dân sự, có thể được rước lễ miễn là họ muốn thay đổi hoàn cảnh của họ nhưng không thể hành động theo ước muốn của mình ngay được vì nếu làm thế sẽ dẫn tới tội thêm.

Nên biết Đức Hồng Y được Đức Bênêđíctô XVI cử nhiệm đứng đầu cơ quan này vào năm 2007. Theo hiến pháp Vatican, công việc của cơ quan này “chủ yếu hệ ở việc giải thích các luật lệ của Giáo Hội”.

Tuy nhiên, theo chính lời Đức Hồng Y, ngài viết cuốn “Chương Tám của Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Amoris Laetitia” không phải trong tư cách một chuyên gia giáo luật, mà là một người cố gắng “mở sứ điệp phong phú về tín lý và mục vụ [của Amoris Laetitia]”.

Đây là một cuốn sách chỉ dầy 51 trang, được phát hành vào tuần trước, do công ty xuất bản của Tòa Thánh in. Cuốn sách trích dẫn rất nhiều từ "Amoris Laetitia" và Đức Hồng Y Coccopamerio nói rằng ngài viết ra nó vì “phần này của văn kiện không được đầy đặn lắm và, có lẽ vì nội dung và hình thức, chương này đã bị phê phán một cách tiêu cực hoặc đôi chút dè dặt”.

Ngài nói thêm: “Giáo Hội có thể nhận cho Xưng Tội và Rước Lễ các tín hữu nào, trong các cuộc kết hợp bất hợp pháp, muốn thay đổi hoàn cảnh, nhưng không thể hành động theo ước muốn này”.

Ngài cũng viết rằng “tôi tin rằng chúng ta có thể chấp nhận, với một lương tâm chắc chắn và thanh thản, rằng tín lý, trong trường hợp này, được tôn trọng”.

Giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân rất rõ ràng: một người đàn ông, một người đàn bà, kết hợp với nhau trong một dây liên kết không thể hủy tiêu, nghĩa là khi ốm đau và khi mạnh khỏe, khi nghèo khó và khi thịnh vượng, cho đến chết, và chào đón sự sống.

Điều đáng chú ý là vị đứng đầu cơ quan lo về tín lý, là Đức Hồng Y người Đức Gerharld Muller, đầu tháng này, đã tuyên bố rằng việc rước lễ của những người Công Giáo ly dị và tái hôn dân sự là chống lại tín lý của Giáo Hội và không ai, kể cả Đức Giáo Hoàng, cũng không thể thay đổi được điều này.

Trích dẫn "Amoris Laetitia", Đức Hồng Y Coccopalmerio nói rằng tông huấn nói rất rõ về mọi yếu tố trong tín lý của Giáo Hội về hôn nhân, rất phù hợp và trung thành với giáo huấn truyền thống.

Rồi ngài viết: “Không có cách chi khiến Giáo Hội phải từ bỏ việc đề xuất lý tưởng trọn vẹn của hôn nhân, kế hoạch của Thiên Chúa trong mọi nét cao cả của nó […] Bất cứ hình thức nào của thuyết duy tương đối hay bất cứ sự kính trọng quá đáng nào trong lúc đề xuất nó, đều thiếu lòng trung thành đối với Tin Mừng và cũng thiếu tình yêu đối với Giáo Hội”.

Đức Hồng Y Coccopalmerio đưa ra một hoàn cảnh cụ thể làm ví dụ, đó là trường hợp một người “biết rõ tính bất hợp lệ của hoàn cảnh mình” nhưng có khó khăn lớn trong việc thay đổi hoàn cảnh này “mà không cảm thấy trong lương tâm họ rằng họ có thể rơi vào một tội mới”.

Theo Đức Hồng Y Coccopalmerio, "Amoris Laetitia" mặc nhiên dự liệu rằng để được phép nhận lãnh các bí tích, các người đàn ông hay đàn bà, vì những động lực nghiêm túc như việc giáo dục con cái, mà không thể chu toàn nghĩa vụ phải ly thân, tuy nhiên phải có “ý định hay ít nhất ước muốn” thay đổi hoàn cảnh của mình.

Tông huấn "Familiaris Consortio" của Đức Gioan Phaolô II, cũng như tông huấn của Đức Phanxicô, ra đời sau một Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình, cho rằng các cặp này được kêu gọi sống “như anh trai em gái”.

Theo Đức Hồng Y Coccopalmerio, các cặp nào có thể, nên làm như trên, nhưng cũng có thực tại này là không có sự thân mật tính dục giữa một cặp nào đó, cơn cám dỗ bất trung và đi tìm sự thân mật ở nơi khác sẽ lớn mạnh.

Trích dẫn đoạn 301 của "Amoris Laetitia", về các nhân tố giảm khinh trong việc biện phân mục vụ, Đức Hồng Y viết rằng nếu cặp nào trong hoàn cảnh bất hợp lệ thấy khó có thể sống như anh trai em gái, họ không bắt buộc phải tuân theo vì họ là các chủ thể mà đoạn này nói tới, đại diện cho “một hoàn cảnh cụ thể không cho phép họ hành động khác đi và quyết định khác đi mà không phạm tội thêm”.

Thí dụ được Đức Hồng Y Coccopalmerio đưa ra về một người không thể trở lui mà không rơi vào một tội mới là người đàn bà đang sống chung với một người đàn ông và ba đứa con của ông này, sau khi chúng bị người vợ đầu của ông này bỏ rơi.

Đức Hồng Y viết rằng người đàn bà trên “đã cứu người đàn ông khỏi một trạng thái thất vọng sâu xa, có thể là ý muốn tự tử”, đã giúp ông nuôi dạy các đứa con với thật nhiều hy sinh đáng kể, và họ đã sống với nhau 10 năm nay, có thêm một đứa con nữa với nhau.

Ngài cho rằng “người đàn bà chúng ta đang nói tới biết hoàn toàn rằng mình đang sống trong một hoàn cảnh bất hợp lệ. Bà thành thực muốn thay đổi cuộc sống mình. Nhưng hiển nhiên, bà không thể làm thế. Vì trên thực tế, nếu bà rời khỏi cuộc kết hợp này, người đàn ông có thể rơi vào trạng thái như trước, các đứa con sẽ bơ vơ không có một người mẹ”.

Rời bỏ cuộc kết hợp, do đó, có nghĩa là không chu toàn bổn phận đối với những người vô tội là mấy đứa con. “Như thế, điều hiển nhiên là việc này không thể diễn ra mà không phạm ‘một tội mới’”.

Như tông huấn "Amoris Laetitia" của Đức Phanxicô đã tuyên bố rõ ràng, việc xác định đây là trường hợp trong đó việc rước lễ được cho phép chỉ được đưa ra sau một diễn trình biện phân, luôn luôn với một linh mục. Đức Hồng Y Coccopalmerio cũng viết rằng văn phòng giáo phận nào có khả năng cho ý kiến trong các vụ hôn phối khó khăn có thể giúp ích trong vấn đề này nếu không muốn nói là cần thiết.

Theo Đức Hồng Y Coccopalmerio, một điển hình trong đó Giáo Hội không thể cho các người trong hoàn cảnh bất hợp lệ lãnh nhận các bí tích là các tín hữu “biết mình phạm tội nặng và có thể thay đổi, nhưng không có ý thành thực muốn” làm như thế.

Ra mắt sách

Đức Hồng Y Coccopalmerio, dù theo chương trình đáng lẽ có mặt trong cuộc họp báo tổ chức tại Đài Phát Thanh Vatican, nhưng ngài đã không tới, vì phải dự một phiên họp của thánh bộ phong thánh.

Nhiều quan sát viên, trong đó có Orazio La Rocca, được Đức Hồng Y đích thân chọn để ra mắt sách, gần đây đã cho rằng cuốn sách này là câu trả lời cho năm câu hỏi “có hay không” do 4 vị Hồng Y đệ lên Đức Phanxicô.

Các vị giáo phẩm trên tin rằng "Amoris Laetitia" đã tạo nên “việc mất hướng trầm trọng và việc hồ đồ lớn lao” nhất là khi nó đụng tới các người Công Giáo ly dị và tái hôn dân sự và việc họ được lãnh nhận các bí tích Thống Hối và Thánh Thể.

Các điều dubia (hoài nghi) đã được đệ lên Đức Phanxicô bởi các vị Hồng Y Raymond Burke (người Mỹ), Carlo Caffarra, Tổng Giám Mục hưu trí của Bologna (Ý), Walter Brandmüller (người Đức), chủ tịch hưu trí của Ủy Ban Giáo Hoàng về Các Khoa Học Lịch Sử, và Joachim Meisner, Tổng Giám Mục hưu trí của Cologne (Đức).

Cho đến nay, các ngài vẫn chưa được Đức Phanxicô trả lời.

Bất chấp nhận định của La Rocca, hôm thứ Ba vừa qua, linh mục Dòng Salesian là Cha Giuseppe Costa, giám đốc công ty xuất bản của Tòa Thánh nói rằng không, cuốn sách không phải là câu trả lời cho các điểm dubia, mà cũng không phải là câu trả lời chính thức của Tòa Thánh cho các điểm đó. Cha nhấn mạnh, nó chỉ là nhận định riêng của Đức Hồng Y Coccopalmerio về chương tám của "Amoris Laetitia" mà thôi.

Alfonso Cauteruccio, người đã nhận lời yêu cầu của các nhà báo muốn phỏng vấn Đức Hồng Y, nói rằng cuốn sách không ra đời từ những điểm dubia mà từ kinh nghiệm mục vụ riêng của Đức Hồng Y.

Cha Maurizio Gronchi, một tham vấn tại văn phòng của Đức Hồng Y Muller, tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, cũng có mặt trong buổi ra mắt sách. Theo ngài, văn kiện của Đức Giáo Hoàng không tạo ra bất cứ hoài nghi nào.

Giải thích về cuốn sách, Cha Gronchi cho hay: để có thể rước lễ, người ta phải ý thức tội lỗi của mình và thực sự có ý định thay đổi hoàn cảnh của mình, ngay cả khi không có thể. Ngài bảo: “nó không nói rằng phải tha thứ cho mọi người trong bất cứ trường hợp nào”.

Cha nói tiếp "Amoris Laetitia" “cố gắng ấn định ra những nẻo đường có thể có để hoán cải, chứ không giải quyết các hoàn cảnh hôn nhân tan vỡ”.

Trong buổi ra mắt sách, La Rocca dùng một đoạn trong "Amoris Laetitia" trong đó, Đức Giáo Hoàng nói rằng Phép Thánh Thể không phải là phần thưởng dành cho những người hoàn hảo nhưng là thuốc chữa dành cho người yếu đuối.

Sau khi đọc đoạn này vào hôm thứ Ba, La Rocca hỏi, “ai nói rằng Thiên Chúa không hài lòng với cách tôi sống cuộc sống của tôi?”. Theo ý kiến của các nhà báo được Đức Hồng Y lựa chọn, “quả là nhỏ mọn khi từ khước việc chịu lễ chỉ vì luật dạy thế”.

La Rocca cho rằng “ai đó sẽ phải giải thích cho tôi ai quyết định đâu là tín lý đúng đắn”. Quan điểm của ông này là Chương Tám “sẽ mở lòng” nhiều người chỉ chịu thúc đẩy bởi qui định của luật lệ mà thôi.

Ông cũng nói rằng ông có ý định tặng cuốn sách này cho hai người ông biết là không thể rước lễ vì họ đang sống trong hoàn cảnh bất hợp lệ. Ông tin rằng sau khi đọc cuốn sách này, các bạn ông sẽ cảm thấy được chào đón.

Dù một số giám mục đã lên tiếng minh nhiên hoặc ủng hộ hoặc chống lại bốn vị Hồng Y, các cuốn hướng dẫn gần đây bởi nhiều giám mục khác nhau về việc phải áp dụng chương tám của "Amoris Laetitia" ra sao cho thấy văn kiện của Đức Giáo Hoàng, một sản phẩm của gần 3 năm tham khảo với các giám mục thế giới, vẫn còn chỗ để biện phân về chủ đề này.

Một vài giám mục đã biện phân rằng luật thì rất rõ ràng, đã được phát biểu trong Tin Mừng Chúa Nhật này (“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình” Mt 5:32).

Một số vị khác, như các giám mục Malta chẳng hạn, đã quả quyết rằng người Công Giáo tái hôn nào “bình an” với Chúa có thể rước lễ.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội Chợ Tết Đinh Dậu 2017 CĐNV Tự Do Nam Úc
Jos. Vĩnh SA
18:07 14/02/2017
Hội Chợ Tết CĐNV Tự Do Nam Úc

Theo tuyền thống tốt đẹp, Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu Nam Úc hằng năm vẫn tổ chức Hội Chợ Tết nhằm duy trì và phát huy văn hóa Việt Nam nơi xứ người.

Năm nay Hội chợ tết đã được diễn ra tại Regency Park trong 2 ngày thứ Bảy mùng 4 và Chúa Nhật mồng 5/2/2017.

Bắt đầu từ 10 giờ 30 sáng thứ Bảy, cổng Hội Chợ (vào cửa tự do) đã được mở rộng để chào đón bà con đồng hương khắp nơi về tham dự. Khung cảnh nhộn nhịp hòa lẫn với mầu sắc ngày Tết mang sắc thái Việt Nam với rừng cờ vàng bay phất phới, xen lẫn với những cánh mai vàng, những chùm pháo đỏ thấp thoáng những bộ quốc phục truyền thống VN và những bộ áo dài tha thướt gợi nhớ hình ảnh một quê hương VN thân yêu giờ vẫn còn đọng lại trong ký ức của nhiều người dân Việt.

Qua thời gian chuẩn bị cùng với biết bao nỗ lực và hy sinh của Ban Tổ Chức, của nhiều đoàn thể, nhiều đồng hương…và đặc biệt là nhiều đóng góp của các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, các nhà tài trợ, mà hội chợ năm nay được hình thành.

Bước vào khuôn viên hội chợ, khách du xuân có dịp nhận ra một không gian với nhiều mầu sắc khác thường, từ ngoài cổng vào, là những biểu ngữ, bên những hàng cờ vàng, cổng tam quan lộ thiên, hoa mai vàng, tiếng nhạc xuân hòa quyện khắp nơi mang sắc màu ngày Tết truyền thống VN.

Ngay từ lúc 10 giờ 30 sáng thứ Bảy khuôn viên hội chợ đã khá đông người đến tham dự, những gian hàng thức ăn với đủ món ăn thuần tuý VN, các gian hàng thương mại, quảng cáo dịch vụ, giới thiệu văn hoá, sản phẩm..đã được trưng bày thật đẹp mắt với nhiều màu sắc chen lẫn kết thành một khung cảnh hội Xuân tưng bừng.

Trung tâm điểm của sinh hoạt hội chợ Tết Nam Úc năm nay, là một sân khấu rộng với những cảnh trí đẹp mắt, với một màn hình lớn, bên cạnh. Phía trước sân khấu là một sân rộng thiết kế một lều dành cho quan khách và khách tham dự với hằng trăm ghế ngồi thoải mái giúp cho người xem những chương trình văn nghệ trên sân khấu chính, thưởng thức trọn vẹn những tiết mục trong ngày Hội Xuân.

Đặc biệt trong hội chợ Tết năm nay uỷ ban tuyên dương cờ vàng Nam Úc đã bỏ nhiều công sức cho việc vận động ký thỉnh nguyện thư, phân phát cờ vàng, áo thun in cờ vàng và nhiều thông tin quan trọng mang ý nghĩa của là cờ vàng biểu tượng cho tập thể người Việt tự do.

Cao điểm của ngày thứ Bảy 4/2/2017 là nghi thức khai mạc vào lúc 5 giờ 00 chiều.

Khi quang cảnh hội chợ Tết đã trở nên nhộn nhịp và quy tụ đông đảo quý đồng hương, mọi người đã hiện diên bên sân khấu chính để tham dự nghi thức khai mạc hội chợ 2017.

Hiện diện trong buổi khai mạc hội chợ có sự hiện diện của thủ hiến tiểu bang Nam Úc là ông Jay Weatherill và lãnh tụ đối lập là ông Steven Marshall. Cùng nhiều vị bộ trưởng, dân biểu, nghị sĩ, thị ttrưởng thanh phố, các nghị viên trong khu vực lân cận và đông đảo quý đồng hương.

Mở đầu là nghi thức chào Quốc Kỳ Úc - Việt, tiếp đến là lời chào mừng quan khách và nói qua ý nghĩa của lễ hội mùa Xuân của ông Hoàng Thắng, phó chủ tịch kế hoạch và cũng là trưởng Ban Tổ Chức hội chợ Tết 2017.

Tiếp đến là nghi thức dâng hương trước bàn thờ tổ. Nơi đây có linh vị Quốc Tổ, Minh quân Văn thánh và Anh hùng Liệt Nữ, những nén hương trầm thơm ngát được tiến dâng do các vị đại diện cộng đồng, quý khách, nhằm ghi nhớ công đức tiền nhân. Bàn thờ được bài trí trang nghiêm trong một căn lều riêng với mâm qủa, hoa nến đèn, theo BTC thì nơi đây đón nhận những tấm lòng thành của người con dân Việt đến viếng thăm, thắp hương, trong 2 ngày hội chợ Tết, để biểu tỏ lòng con thảo với Quốc tổ trong ngày đầu năm nhớ về cội nguồn.

Tiếp theo là diễn văn khai mạc của ông Lê Quang Tín, chủ tịch CĐNVTDUC/ Nam Úc, sơ lược qua những sinh hoạt cộng đồng, những thành qủa đạt được và chương trình dự tính cho những ngày tháng sắp tới.…

Trong lễ hội đặc biệt này, ông Thủ Hiến Nam Úc cũng đã có bài phát biểu nói lên những đóng góp đáng kể vào những sinh hoạt chung cho tiểu bang trên nhiều lãnh vực một cách thành công. Cũng nhân cơ hội này lãnh tụ đảng đối lập và bộ trưởng xã hội tiểu bang cũng đã có lời phát biểu chúc mừng năm mới đến cộng đồng Người Việt và ca tụng những thành quả mà CĐNVTD/NU đã góp phần trong mọi sinh hoạt tiểu bang.

Sau các bài phát biểu là phần đốt pháo và múa lân thật ngoạn mục, một nghi thức đầu năm mang lại may mắn và là một sinh hoạt ngày Tết không thể thiếu.

Sau cùng là chương trình phát thưởng và tuyên dương thành tích học tập của các em học sinh tốt nghiệp phổ thông lớp 12 với thành tích xuất sắc. Đây là một điểm son và là một công việc cần thiết nhằm khích lệ tinh thần hiếu học của con em VN trong Cộng đồng.

Tiếp diễn cho đến khuya là chương trinh ca vũ nhạc kịch, biểu diễn võ thuật …đã thu hút đông đảo khách du xuân và mọi người đã có được những giờ phút thoải mái êm đềâm qua những hình ảnh quê hương và tình tự dân tộc trong ngày đầu năm.

XEM HÌNH

Đêm đen xuống dần mặc dù có những cơn mưa nhẹ lất phất từng hồi, nhưng nhờ vào những căn lều lớn làm mái che nên chương trình văn nghệ vẫàn tiếp diễn một cách tốt đẹp.

Sang ngày Chúa Nhật 5/2/2017chương trình sinh hoạt cũng lại tiếp diễn với nhiều sinh hoạt trên sân khấu chính và nhộn nhịp tại các gian hàng.…

Đến giữa trưa Chúa Nhật thì người ghé thăm hội chợ đông thêm giúp cho không khí hội chợ có phần tấp nập, nhất là những gian hàng ăn, có dịp phục vụ đồng hương với những món ăn đăïc biệt cho từng cá nhân hay cả gia đình đến thăm quan hội chợ và cũng là dịp gặp gỡ bạn bè thân hữu trong những dịp đầu năm.

Trong ngày Chúa Nhật, tuy mưa lớn hơn, nhưng nhờ BTC đã tăng cường thêm nhiều lều lớn cho người tham dự có nơi ngồi xem văn nghệ hay ăn uống, nên sinh họat hội chợ tết cũng vẫn được diễn ra một cách thuật lợi.

Theo ban tổ chức thì mọi tiết mục trong chương trình đã được dự trù đều được diễn ra tốt đẹp. Kết thúc hội chợ Tết Đinh Dậu 2017 là màn đốt pháo bông vào lúc 11 giờ đêm để kết thúc 2 ngày hội chợ của Cộng Đồng Người Việt Tự Do Nam Úc.

Với sự hăng say và nhiệt thành của BCH Cộng đồng, sự hy sinh công sức và thì giờ của các nhân viên, các thiện nguyện viên, các hội đoàn, đoàn thể, tổ chức, quý đồng hương…Tất cả đã góp thành một sức mạnh, vượt qua mọi trở ngại, và mang lại thành công tốt đẹp và đầy ý nghĩa trong Hội Chợ Tết Đinh Dậu 2017 của người Việt tại tiểu bang Nam Úc.

Linh Chi – Jos. Vĩnh & Đan Huyền

Camera: Thái Bình

Việtcatholic-Adelaide News
 
Cộng sản đánh đập dã man linh mục và dân đi khiếu kiện Formosa
VOA
20:24 14/02/2017
Đoàn người từ 3 xã Quỳnh Ngọc, Sơn Hải, Quỳnh Thọ tỉnh Nghệ An, đã quyết tâm đi bộ trên đoạn đường dài gần 200 km để nộp đơn kiện Formosa, ngày 14/02/2017.

Linh mục và ngư dân trong đoàn hàng trăm người đi khiếu kiện Formosa cho VOA biết họ đã bị tấn công “tàn nhẫn”, nhiều người “sống dở chết dở” khi đang trên đường, đi bộ đến Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, để nộp đơn kiện Formosa, công ty đã gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường ở vùng biển miền Trung, khiến người dân mất nguồn sinh kế.

Tin cho hay sau khi các xe hợp đồng bị chính quyền ngăn cản, đoàn người từ 3 xã Quỳnh Ngọc, Sơn Hải, Quỳnh Thọ tỉnh Nghệ An, đã quyết tâm đi bộ trên đoạn đường dài gần 200 km để nộp đơn kiện. Tuy nhiên, họ đã bị tấn công khi đến xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Linh mục Nguyễn Đình Thục, người dẫn đầu đoàn giáo dân là nạn nhân của Formosa, cho VOA biết:

“Cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông và an ninh mặc thường phục đã tràn ra và tất cả khoảng mấy trăm đến cả ngàn người tràn ra vây bắt tôi và đánh đập. Bà con giáo dân đến bảo vệ tôi thì nó bắt những người làm truyền thông cho lên xe và chở đi. Mấy xe ô tô của chúng tôi chở người, chở thực phẩm là nó câu đi hết”.

Một trong số những người đi trong đoàn cho biết chỉ trong buổi chiều 14/2, đoàn đã bị tấn công đến 2 đợt.

“Có 2 giai đoạn bị đánh đập. Lúc đầu tiên nó chận xe, ép người dân vào đường, rút chìa khóa xe xong thì lôi người xuống đánh. 4-5 người mặc thường phục đánh xong rồi còng tay ép đưa lên ô tô tải (xe thùng). Đó là lần đầu tiên. Nó cũng bắt khoảng gần 10 người. Bị ở đó xong thì nó ép dân vào một bãi đất rộng ở gần đấy. Lần hai là lúc cao trào chúng giở trò ném đá. Nó mạo danh là người dân ném đá. Nhưng đó không phải là người dân mà là công an ném đá để người dân hùa theo. Sau đó nó ném lựu đạn. Dân bắt đầu hoảng loạn chạy. Chạy thì nó đuổi và nó đánh. Nó đánh rất nhiều người bị thương”.

Những hình ảnh được cập nhật liên tục trên mạng xã hội cho thấy nhiều người đã bị đánh với những vết thương khá nặng, bị rách trán, bầm mắt, dập môi… Linh mục Nguyễn Đình Thục cho biết thêm:

“Nó đuổi, nó bắt và nó đánh đập tàn nhẫn. Nó đánh đập rất nhiều người bây giờ sống giở chết giở ngoài bệnh viện. Rất nhiều người, khoảng vài ba chục người, đã bị đánh đập”.

Linh mục Nguyễn Đình Thục cho biết hiện các nạn nhân đang được cấp cứu tại các bệnh viện, trạm xá địa phương.

Giáo dân giáo xứ Song Ngọc đa số làm nghề biển, nhiều người đã bị mất nguồn sinh kế kể từ khi xảy ra ô nhiễm môi trường. Linh mục Nguyễn Đình Thục cho biết kể từ khi ô nhiễm môi trường xảy ra, rất nhiều gia đình trong giáo xứ đã phải bán cả tàu thuyền, là gia sản và phương tiện kiếm sống duy nhất, để có thể trả nợ ngân hàng và đắp đổi qua ngày. Nhưng chính quyền Việt Nam và công ty Formosa chỉ đền bù cho người dân của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Sau khi đã gửi đơn kiện với kê khai cụ thể thiệt hại mỗi hộ gia đình hồi năm ngoái, người dân ở Nghệ An vẫn chưa được xem xét bồi thường.

Vợ của một ngư dân tham gia trong đoàn đi kiện cho VOA biết:

“Chết sống gì chúng tôi cũng phải đi để đòi lại sự thật, đòi họ đền bù cho chúng tôi, chứ chúng tôi bị thiệt hại, chúng tôi không biết phải sống bằng nghề gì. Nếu họ có đánh đập, chúng tôi chết vì sự thật, chúng tôi vẫn cứ sẵn sàng”.

Hiện đoàn người đi kiện đang tạm nghỉ ở giáo xứ Đồng Tháp, thuộc xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Trên đường đi kiện, họ được rất nhiều người dân, giáo xứ lân cận ủng hộ, trợ giúp thức ăn, nước uống.

Trong khi truyền thông lề trái và nhiều Facebooker liên tục đưa tin cập nhật tình hình, thì trên các phương tiện truyền thông chính thống vẫn chưa có thông tin về sự kiện này.

VOA đã cố gắng liên lạc với chính quyền địa phương để xác nhận thông tin nhưng không nhận được hồi đáp.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Diễn tiến bầu cử Tổng Thống Pháp năm 2017
Hà Minh Thảo
20:09 14/02/2017
DIỄN TIẾN BẦU CỬ TỔNG THỐNG PHÁP NĂM 2017

Mùa tuyển cử Tổng thống tại Pháp năm 2017 đã được bắt đầu với cuộc bầu cử sơ tuyển của Ðảng Xanh (Europe Ecologie Les Verts) vào những ngày 19.10.2016 (vòng một) và 07.11.2016 (vòng hai) để chính thức chọn ông Yannick Jadot, Dân biểu Nghị viện Âu châu, làm ứng cử viên đảng này để tranh ghế Tổng thống Pháp nhiệm kỳ 2017-2022 vào ngày 23.04.2017 (vòng 1) và ngày 07.05.2017 (vòng 2), nếu cần, giữa hai ứng cử viên đạt được số phiếu hợp lệ cao nhất.

Tiếp theo, ngày 20.11.2016, cuộc Bầu cử Sơ tuyển Hữu và Trung phái (primaire de la droite et du centre) (vòng 1), để loại từ 7 ứng viên chỉ còn 2 để bước vào vòng 2 chung ngày 27.11.2016 và thu hút sự tham dự của 4.368.321 cử tri bầu có ý nghĩa và Dân biểu François Fillon đắc cử với 66,5% tổng số phiếu bầu hợp lệ, trước ông Alain Juppé, Thị trưởng Bordeaux. Lúc đó, các cuộc điều tra dân ý đều tiên đoán ông Fillon sẽ về đầu ở vòng một cuộc Tuyển cử Tổng thống Pháp 2017 và sẽ thắng bà Marine LePen ở vòng chung kết. Tuy nhiên, đến hiện nay, các cuộc điều tra dân ý đều ‘lo ngại’ có thể ông không hiện diện ở vòng 2 cuộc bầu cử quan trọng này. Tại sao ? xin mời xem tiếp, sau khi nhắc lại cuộc bầu cử Sơ tuyển của Cánh tả.

I. BẦU CỬ SƠ BỘ CÁNH TẢ (Primaire de la Gauche).

Sau khi ông Nicolas Sarkozy bị loại khỏi sơ tuyển hữu và trung phái (primaire de la droite et du centre), nhận biết dịp may tái cử của mình đã tiêu tan vì ‘cơ hội 2012’ sẽ không tái diễn lần nữa… và trước sự hối thúc từ Thủ tướng Manuel Valls mà ông đã tiến cử vì, nếu Tổng thống không ra ứng cử thì Thủ tướng sẽ tham gia việc bảo vệ ‘màu cờ sắc áo’ đảng Xã hội, ngày 01.12.2016, bằng một diễn văn long trọng trực tiếp truyền hình, Tổng thống François Hollande thông báo không ra tranh cử cho nhiệm kỳ thứ hai trong cuộc bầu cử năm 2017, vì muốn tránh cho cánh tả bị thảm bại trước cánh hữu và phe cực hữu: « Tôi ý thức về những nguy cơ mà hành động của tôi sẽ gây ra, một hành động sẽ không tập hợp rộng rãi được. Cho nên tôi đã quyết định sẽ không ứng cử Tổng thống ». Đắc cử vào năm 2012 trước đối thủ cánh hữu Nicolas Sarkozy, uy tín của tổng thống Hollande nay đã rơi xuống đến mức rất thấp : chỉ có 13% dân còn tín nhiệm ông. Kết quả các cuộc thăm dò cho thấy là ông Hollande có rất ít khả năng tái đắc cử, vì chỉ có chưa tới 10% cử tri cho biết sẽ bỏ phiếu cho ông ở vòng đầu bầu cử tổng thống.

Trong nhiệm kỳ Tổng thống Hollande, nước Pháp đã đưa quân can thiệp vào nhiều nơi (Mali, Trung Phi, Irak, Syria), nhưng nước Pháp cũng đã hứng chịu các vụ khủng bố tàn khốc nhất từ trước đến nay, khiến tổng cộng 238 người thiệt mạng : tấn công tòa soạn ‘Charlie Hebdo’ tháng 01/2015, khủng bố ở Paris và Saint-Denis tháng 11 năm ngoái, ở Nice ngày 14/07/2016.

Sau đó, ông Valls từ chức Thủ tướng. Ðiều này không cần thiết nhưng, theo tiền lệ, các Thủ tướng đương nhiệm ra ứng cử Tổng thống đều bị đánh bại (Chirac, Balladur và Jospin). Hành động này của M. Valls buộc Tổng thống Hollande phải cử Tổng trưởng Nội vụ, Bernard Cazaneuve, vào chức vụ Thủ tướng và cử Dân biểu Bruno Le Roux điền vào chức Tổng trưởng Nội vụ. Một hành động vô ích và … đây là kết quả…

A.- Vòng một ngày 22.01.2017. Tuy giá tiền phải trả để tham dự đầu phiếu chỉ là một euro, nhưng cũng chỉ thu hút khoảng 1,6 triệu cử tri. Kết quả :

1. Benoit Hamon (Tổng trưởng từ chức) đạt 35,86% số phiếu bầu hợp lệ;

2. Manuel Valls đạt 31,22% số phiếu bầu hợp lệ;

3. Arnaud Montebourg (Tổng trưởng từ chức) với 17,86% số phiếu bầu hợp lệ, kêu gọi đầu phiếu cho Hamon ở vòng hai ;

4. Vincent Peillon (Tổng trưởng từ chức) với 17,86% số phiếu bầu hợp lệ ;

Các ứng viên khác (Sylvia Pinel, François de Rugy và Jean-Luc Bennahmias chia nhau số phiếu còn lại.

B.- Vòng hai ngày 29.01.2017. Kết quả : Benoit Hamon (với 58,65% số phiếu bầu hợp lệ) đã thắng Manuel Valls (41,35%) để đại diện đảng Xã hội tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ 2017-2022. Kết quả Hamon thắng đã gây lo ngại sẽ có nhiều đảng viên xã hội ước muốn theo và dành chữ ký giới thiệu ứng cử cho ông Macron khiến, ngày 07.02.2017, Thư ký thứ nhất đảng này Cambadélis đe dọa trục ra khỏi đảnh những đảng viên hành động như vậy.

II. CÁO GIAN HAY KHÔNG ?

Tuần báo ‘Le canard enchainé’ (Con vịt bị xích) đăng trong số phát hành ngày 25.01.2017 loan tin về việc phu nhân ông François Fillon, bà Penelope, đã lãnh tiền lương chức vụ attachée parlementaire (phụ tá lập pháp) gần 10 năm cho ông Fillon và, sau đó, cho người dự khuyết (suppléant) của ông này. Ngoài ra, bà Penelope cũng đã nhận lương từ tạp chí ‘Revue des Deux Mondes’ mà chủ là Marc ông Ladreit de Lacharrière, bạn thân của ông Fillon. Tổng số tiền nhận được trong hai vụ này lên đến 500.000 euros.

Tại Pháp, một dân biểu (député) hay nghị sĩ (sénateur) thuê mướn hợp pháp người trong gia đình làm phụ tá lập pháp, nhưng người này phải thật sự làm việc. Ở đây, người viết bài báo nghi ngờ bà Penelope lãnh lương mà không thật sự làm việc. Ngân khoản mà mỗi dân biểu hay nghị sĩ được cấp để trả lương mướn phụ tá lập pháp, là do Ngân sách Quốc gia. Nếu lãnh tiền đó mà không làm việc gì thì đúng là biển thủ công quỹ. Từ năm 1998 đến 2012, bà đã được trả lương nguyên (salaire brut) 8.000 euros/tháng.

Tại ‘Revue des Deux Mondes’, từ năm 2011 đến 2014, tạp chí chỉ thuê một người và trả lương 12 719 euros/năm. Năm 2013, số lương này tăng đến 58 453 euros và là 72 427 euros cho năm 2014 vì thuê bà Penelope Fillon làm cố vấn văn chương. Trong thời gian này, bà chỉ viết hai bài cho báo này. Do đó, Viện công tố quốc gia về tài chính (parquet national financier) liền mở cuộc điều tra sơ khởi vụ biển thủ công quỹ này mà giới truyền thông đặt cho tên ‘Penelopegate’.

Sau những phản ứng tối thiểu chống lại các tấn công ‘vì ghét phụ nữ’, ngày 25.01.2017, ông Fillon xuất hiện trên màn ảnh đài TF1, lúc 20 giờ, đã bác bỏ những sự vu khống và xác nhận hiền thê đã làm việc ‘hàng ngày và thật sự’ như mọi phụ tá lập pháp khác. Thay vì làm giảm sự chống đối, ông còn kể thêm việc ông đã trả lương cho hai người con ‘đã là Luật sư’, khi ông là nghị sĩ Thượng viện. Vấn đề là Marie và Charles Fillon, lúc đó, còn chưa có văn bằng và chỉ tuyên thệ Luật sư lần lượt vào các năm 2007 và 2010 để hoàn thành những ‘nhiệm vụ cụ thể’ (missions ponctuelles) . Ngoài ra, ôâng đã hứa, nếu bị Tư pháp điều tra (mis en examen, ông sẽ rút khỏi cuộc chạy đua vào Ðiện Elysée.

Ngày 29.01.2017, để phát động cuộc vận động, trong cuộc tập họp lớn, với 15.000 người tham dự ở La Villette, trước mặt hiền thê, ngồi ở hàng đầu, ông Fillon tự cho mình hình ảnh người đàn ông đức độ. Ông đề cao bà Penelope và chống lại những ai muốn làm nhục bà : ‘Qua vợ tôi, chúng muốn đập tan (casser) tôi’ và ‘Nếu chúng muốn tấn công tôi, hãy ra mặt, nhưng hãy để vợ tôi ngoài cuộc tranh luận chánh trị này’.

Ðể chứng thật sự minh bạch của mình, ông cho biết chỉ có một trương mục ngân hàng (compte bancaire) ở Sablé–sur-Sarthe. Vấn đề là Quốc hội đòi hỏi mỗi dân biểu có ít nhất hai trương mục. Do đó, giới thân cận của ông Fillon phải cải chính và xác nhận ông có hai trương mục trong cùng một ngân hàng.

Ngày 30.01.2017, ứng viên Tổng thống và bà Fillon bị thẩm vấn riêng rẽ bởi những điều tra viên chống tham nhủng. Sau 5 giờ đối đáp, hai ông bà cho biết mình đã cung cấp những yếu tố cần thiết cho Tư pháp. Ông Antonin Lévy, luật sư của ông Fillon, đã giải thích thêm tính chất các việc làm của bà Penelope không chắc là ‘hiển nhiên’. Hôm sau, một cuộc lục soát được thực hiện nơi văn phòng ông Fillon tạo Quốc hội. Những dữ kiện thu thập được không mang lại sự may mắn nào cho ông bà Fillon vì bà Penelope không nhớ đã có ký những hợp đồng làm việc và những phiếu lương phù hợp với việc làm của bà với ông Marc Joulaud, dân biểu dự khuyết.

Ngày 01.02.2017, báo ‘Canard enchainé’ lại loan báo số tiền lương mà bà

Penelope nhận từ Quốc hội không phải là 500.000 euros, nhưng là 831.440, vì bà bắt đầu khai từ năm 1988 và sáu tháng trong năm 2013, tổng cộng 15 năm. Hai đứa con của ông đã lãnh 84.000 euro giữa năm 2005 và 2007, không vì những ‘nhiệm vụ cụ thể’, nhưng là phụ tá lập pháp toàn thời gian.

III.- GÓP Ý.

Hành động của cử tri dồn phiếu cho Dân biểu François Fillon, ngày 27.11.2016, trong vòng hai cuộc sơ tuyển Hữu và Trung phái, để tham gia tuyển cử Tổng thống năm 2017 hầu ước mong ông đủ khả năng và đạo đức để đưa nước Pháp ra khỏi tình trạng hiện nay. Sự phấn khởi nơi người Pháp lúc đó được thể hiện, một cách tương đối, qua các cuộc khảo sát dân ý cho thấy những người được phỏng vấn tín nhiệm ứng cử viên Fillon trong chức vụ Tổng thống để, nhờ đó, Pháp quốc thoát khỏi tình trạng này. Sau gần 5 năm cầm quyền, ngày 01.12.2016, Tổng thống François Hollande cũng nhìn nhận hiện tình Quê hương và đã từ chối ứng cử nhiệm kỳ thứ hai.

Hiện nay, sự thay đổi hiện tình nước Pháp càng khẩn thiết hơn, nhất là với biến cố ‘Théo và cảnh sát’ đang tiếp diễn, và những khảo sát dân ý cho thấy không những bà Marine Lepen về đầu và Emmanuel Macron thứ nhì sẽ đưa nước Pháp vào một tình trạng nguy hiễm hơn hiện nay, sẽ được điều khiển bởi những chánh trị gia ‘tập sự’.

Kết quả cuộc khảo sát dân ý hàng ngày, thực hiện bởi Viện thống kê Ifop-Fiducial cho Paris Match, iTELE và Sud-Radio, ngày 13.02.2017, cho thấy nếu cuộc bầu cử diễn ra, thì LePen về đầu với 25,50% số người trả lời. Ở chổ thứ nhì thì không rõ ràng khi Macron đạt 19,50% và Fillon 19,80%, trong khi mức độ sai lạc từ – hay + 2% số người trả lời.

Kết quả này cũng như theo sự cho biết của các vị dân cử cũng như các vận động viên cho ứng cử viên Fillon tại hiện trường địa phương là họ gặp rất nhiều khó khăn vì sự kiêän ‘Penelopegate’ này. Hai ứng cử viên LePen và Macron cũng bị tố cáo về ‘biển thủ công quỹ’. Bà LePen đã dùng tiền của Nghị viện Âu châu để thuê mướn phụ tá lập pháp để làm việc tại trụ sở đảng Mặt trận Quốc gia (Front National). Emmanuel Macron thì bị sách ‘Dans l’enfer de Bercy, enquête sur les secrets du ministère des Finances’ (Trong địa ngục Bercy, điều tra những bí mật của bộ Tài chính) (Bercy là nơi đặt trụ sở bộ Tài chính) tố cáo lấy gần 120 000 euros để chi cho đảng ‘En Marche’, chuẩn bị cho việc tranh cử.

Hà Minh Thảo

 
Thông Báo
Xin Hiệp thông Cầu nguyện: Dì Têrêsa Trần thị Kim-Liễu qua đời tại Atlanta
LM Trần Công Nghị
16:24 14/02/2017
Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh
Gia đình chúng tôi trân trọng báo tin cùng quí cha, quí ông bà, họ hàng thân bằng quyến thuộc và thân hữu:

Dì Teresa Trần Thị Kim Liễu
sanh ngày 9/11/1958 tại Gia Kiệm Long Khánh, Việt Nam
được Chúa gọi về Nhà Cha trên trời vào ngày 12/2/2017
tại tư gia ở Riverdale, Tiểu bang Georgia.

Chương trình Tang Lễ tại Atlanta:
Viếng Xác và Đọc Kinh: Thứ Hai 13/2/2017 từ 3:00PM-5:00P
tại Tara Garden Chapel cho cả Giáo Họ Mẹ Vô Nhiễm và Giáo xứ Mẹ Việt Nam.
Thánh Lễ Tiễn biệt: Thứ Ba 14/2/2017 lúc 8:30 AM tại thánh đường Mẹ Việt Nam
91 Valley Hill Road, Riverdale, GA 30274.

Chương trình Tang Lễ tại California:
Thăm viếng và cầu nguyện:
Thứ Sáu, 17/2/2017 từ 3:00PM-7:00PM
tại Peek Funeral Home, phòng số 2, 7801 Bolsa Ave., Westminster CA 92683, Tel. 714-893-3525

Thánh lễ An táng: Thứ Bẩy 18/2/2017 lúc 10 giờ sáng tại Thánh Đường St. Polycarp
8100 Chapman Ave., Stanton, CA 90680, 714-893-2766

Sau Thánh Lễ, Linh cữu sẽ được tiễn đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng tại:
Tại Nghĩa Trang Chúa Chiên Lành (Good Shepherd Cemetery)
8301 Talbert Avenue, Huntington Beach, CA 92646, Tel. 714-847-8546

Xin bà con thân thuộc và gia đình nội ngoại hiệp thông cầu nguyện cho linh hồn Têrêsa,
nguyện Xin Chúa ban phúc trường sinh trên Thiên Quốc cho linh hồn Têrêsa.
Xin chia buồn cùng Chú Nguyễn Văn Thịnh và các cháu.

Gia đình xin chân thành cám ơn Đức ông Phạm Văn Phương
và Cha chánh xứ Peter Vũ Đức cùng Ban Chấp Hành đã lo tang lễ cho
Dì Têrêsa Kim Liễu tại Atlanta.

LM Trần Công Nghị và Gia đình
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền:Tuyết Trắng Thu Vàng Quàng Vai
Mỹ Lê
19:25 14/02/2017
TUYẾT TRẮNG THU VÀNG QUÀNG VAI
Ảnh của Mỹ Lê
Tuyết Đông đậu nhánh Thu vàng
Thiên nhiên phẩy cọ nhẹ nhàng vẽ tranh.
(nđc).
 
Thánh Ca
Hãy sống yêu thương – Trình bày: Đình Trinh
Br. Đạt Phùng
06:52 14/02/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News