Ngày 14-02-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 15/02: Cộng Tác Vào Ơn Chữa Lành – Lm. Phaolô Nguyễn Trọng Thiên, SVD
Giáo Hội Năm Châu
01:24 14/02/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ đến Bết-xai-đa. Người ta dẫn một người mù đến, và nài xin Đức Giê-su sờ vào anh ta. Người cầm lấy tay anh mù, đưa ra khỏi làng, rồi nhổ nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh và hỏi: “Anh có thấy gì không?” Anh ngước mắt lên và thưa: “Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối, họ đi đi lại lại.” Rồi Người lại đặt tay trên mắt anh, anh trông rõ và khỏi hẳn; anh thấy tỏ tường mọi sự. Người cho anh về nhà và dặn: “Anh đừng có vào làng.”

Đó là lời Chúa
 
Xin Cho Con Thấy - Mark 8:22-26
Nguyễn Trung Tây
04:26 14/02/2023
Nguyễn Trung Tây
Xin Cho Con Thấy - Mark 8:22-26


Trong một ngày bình thường hay bất cứ khi nào đó, tại một góc phố hoặc trong thương xá, ai trong chúng ta cũng có thể tình cờ bắt gặp và trò chuyện với người khuyết tật. Cũng không có mấy ai có những tư tưởng tiêu cực về lý do hoặc nguyên nhân đã dẫn tới tình trạng khuyết tật của người mà mình đang đối thoại hoặc gặp gỡ nơi công cộng. Thí dụ, người đàn ông này chắc chắn đã phạm tội gì đó. Bởi thế, anh đã bị Trời phạt để rồi trở thành người khuyết tật. Tương tự như vậy, khi nhìn thấy một người khuyết tật bẩm sinh trên đường phố, không ai thì thầm vào tai nhau những lời của ngôn sứ Giêrêmia: “Đời cha ăn nho chua, đời con răng sứt mẻ” (Giêrêmia 31:29). Không! Đó không phải là cách nhìn mà người thế kỷ XXI nghĩ về người khuyết tật.

Tuy nhiên, người khuyết tật vào thời Đức Giêsu thì khác. Khi thấy một người mù bẩm sinh, các môn đệ của Đức Giêsu đã từng hỏi Ngài: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội, người này hay cha mẹ của anh ta khiến anh ta bị mù từ thuả bẩm sinh?” (Gioan 9:2). Suy nghĩ này có thể xa lạ với độc giả đương thời, nhưng nó được coi là chuẩn mực xã hội thời Cựu Ước: “Người công chính nhận được phước lộc. Kẻ gian ác chắc chắn bị trừng phạt.”

Bởi niềm tin “người công chính được chúc phúc,” người mù, kẻ điếc, người què và phung hủi thời Cựu Ước và thời Đức Giêsu đều bị người đời nhìn vào với những con mắt đầy thành kiến. Bởi khuyết tật, những người bất hạnh bị gia đình và xã hội tẩy chay. Bởi thế, họ trở thành kẻ vô thanh vô ngôn trong xã hội Do Thái. Thậm chí, ngay cả bản thân họ, họ cũng tin rằng họ đã bị Thiên Chúa trừng phạt. Điều tồi tệ hơn, bởi bị coi là “bọn xấu,” không ai trong xã hội muốn giao du kết bạn với họ.

Nhưng ông mù trong Tin Mừng Mark 8:22-26 gặp Đức Giêsu, và ông nhìn thấy.

Lời Nguyện
Lạy Chúa, xin cho con thấy.
 
Ít nhất, một bước nhỏ
Lm Minh Anh
14:36 14/02/2023

ÍT NHẤT, MỘT BƯỚC NHỎ
Ngài lại đặt tay trên mắt người mù, anh liền thấy rõ và khỏi hẳn”.

Patrick Henry nói, “Tôi đã định đoạt toàn bộ tài sản mình cho gia đình. Một điều nữa mà tôi ước có thể cho họ, đó là niềm tin vào Chúa Kitô. Nếu họ có Ngài và dẫu tôi không đưa cho họ một đồng nào, họ cũng đã giàu có! Nhưng nếu không có Ngài, và tôi trao cho họ cả thế giới, họ vẫn thực sự nghèo! Vì thế, bạn hãy không ngừng đến gần Ngài! Mỗi ngày, ‘ít nhất, một bước nhỏ!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Hãy không ngừng đến gần Ngài! Mỗi ngày, ‘ít nhất, một bước nhỏ!”. Lời khuyên của Henry được gặp lại trong câu chuyện Chúa Giêsu chữa cho anh mù trong Tin Mừng hôm nay! Thật thú vị, lần đầu tiên, Ngài chỉ thành công một nửa! Vì sau lần đầu Ngài đặt tay, anh chỉ thấy “người ta như những cây cối đi lại”. Ngài lại phải đặt tay một lần nữa, và anh thấy hoàn toàn. Như anh mù, trong đời sống thiêng liêng, bạn và tôi cũng phải lớn lên, ‘ít nhất, một bước nhỏ!’.

Một cách nhất quán, trong các Phúc Âm, khi Chúa Giêsu chữa lành ai đó, phép lạ được thực hiện do đức tin người ấy có hoặc thể hiện. Điều đó không có nghĩa là Chúa Giêsu không thể chữa lành cho người không có đức tin; đúng hơn, đức tin là điều khiến Ngài chọn lựa chữa lành. Vì thế, chúng ta có thể nói, phép lạ Chúa Giêsu làm, phụ thuộc hoàn toàn vào niềm tin.

Trong câu chuyện này, dường như anh mù chỉ có một chút đức tin, không nhiều. Kết quả là, Chúa Giêsu chỉ cho phép anh được chữa lành một phần để minh hoạ cho sự thiếu đức tin của anh. Nhưng Ngài cũng tiết lộ cho chúng ta rằng, một ít đức tin có thể dẫn đến nhiều đức tin hơn. Khi anh có thể nhìn thấy một chút; rõ ràng, dù là ‘ít nhất, một bước nhỏ’, anh bắt đầu tin hơn. Và khi đức tin của anh lớn hơn, Chúa Giêsu lại đặt tay để hoàn tất việc chữa lành.

Đây là một minh hoạ tuyệt vời cho chúng ta! Một số người có thể hoàn toàn tin tưởng vào Chúa trong mọi sự; nếu đó là bạn, thì bạn quả thực sự may mắn! Nhưng trình thuật hôm nay đặc biệt dành cho những người có đức tin, nhưng vẫn còn đấu tranh. Đối với những ai rơi vào trường hợp này, Chúa Giêsu mang đến nhiều hy vọng. Hành động chữa lành hai lần liên tiếp cho thấy, Thiên Chúa kiên nhẫn và đầy lòng xót thương, sẽ lấy những gì chúng ta có, dù nhỏ nhoi; những gì chúng ta dâng hiến, dù hạn hẹp, để sử dụng nó một cách tốt nhất mà Ngài có thể. Ngài chờ đợi chúng ta tiến lên, ‘ít nhất, một bước nhỏ’; và Ngài sẽ hành động để biến đổi đức tin nhỏ bé của chúng ta, để sau đó mỗi người có thể tiến thêm một bước lớn đến gần Ngài!

Điều tương tự cũng có thể áp dụng đối với tội lỗi. Đôi khi chúng ta buồn phiền vì tội lỗi một cách không trọn vẹn; và đôi khi chúng ta phạm tội nhưng không buồn phiền vì nó, mặc dù biết điều đó là sai trái. Nếu đó là bạn, thì hãy cố gắng tiến lên, ‘ít nhất, một bước nhỏ’ hướng tới sự chữa lành của ơn tha thứ. Ít nhất, hãy cố gắng cầu xin rằng, bạn sẽ lớn lên trong ước muốn được hối lỗi. Đó có thể là mức tối thiểu, nhưng Chúa Giêsu sẽ làm việc với nó.

Anh Chị em,

“Ngài lại đặt tay trên mắt người mù, anh liền thấy rõ và khỏi hẳn”. Hôm nay, hãy suy gẫm về anh mù! Hãy suy gẫm về sự chữa lành gấp đôi cũng là sự ‘hoán cải gấp đôi’ mà anh mù này đã trải qua! Anh mù chính là hình ảnh của bạn và tôi; và rằng, Chúa Giêsu muốn đưa bạn và tôi tiến thêm một bước trong đức tin và cả trong sự ăn năn tội lỗi của mình đến gần Ngài. Hãy tiến lên! ‘Ít nhất một bước nhỏ!’, phần còn lại, chính Ngài sẽ tự lo.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin tận dụng chút đức tin nhỏ nhoi của con; chút đau buồn ít ỏi của con vì tội lỗi mình, hầu lôi kéo con đến gần Chúa hơn!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:05 14/02/2023
Chương 4:

THÁNH TÂM



VẾT THƯƠNG THÁNH



Đức Chúa Giê-su cho thánh nữ Ma-ga-ri-ta thấy trái tim mình và nói: “Con nhìn quả tim này, đây là trái tim của Ta yêu thương loài người quá bội, Ta vì yêu nhân loại mà không tiếc mạng sống, đổ máu ra. Nhưng có rất nhiều người không cám ơn Ta, trái lại trong bí tích tình yêu, họ khinh mạn Ta, nhục mạ Ta, lãnh đạm với Ta, và kẻ làm cho Ta buồn phiền nhất chính là những người đã dâng hiến cho Ta cũng đối xử với Ta như vậy”.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:07 14/02/2023
62. ĐÀO GIẾNG ĐƯỢC NGƯỜI

Nước Tống có một gia đình họ Đinh vì trong nhà không có giếng nước, nên thường phải sai một người đi gánh nước về dùng.

Về sau nhà họ Đinh đào một cái giếng, phấn khởi nói với người khác:

- “Nhà tôi đào giếng được một người.”

Có người sau khi nghe được câu ấy liền đồn ra “họ Đinh đào giếng được một người”. Người nước Tống coi đây là một chuyện kỳ lạ, bèn đồn đãi ầm cả lên.

Nhà vua nghe được thì rất đỗi kinh ngạc, bèn sai người đến nhà họ Đinh hỏỉ sự tình ra sao, họ Đinh trả lời:

- “Có một cái giếng thì cũng như có một người lao động giỏi, chứ không phải là được một người trong giếng”

(Lữ thị xuân thu)

Suy tư 62:

Nước là một chất thể lỏng rất cần thiết cho con người, người ta có thể nhịn ăn chứ không thể nhịn khát, không những con người cần nước, mà ngay cả các loài động vật, thực vật cũng cần phải có nước.

Nước rất hiền hoà mà cũng rất hung dữ, nó có thể khiến cho các thi nhân tuôn ra những vần thơ tuyệt vời, nhưng nó cũng nuốt không biết bao con người trong lòng nó.

Nước dùng để nuôi sống con người, và làm cho con người thêm mát mẻ vui tươi sau những giờ lao động mệt nhọc, nước cũng giúp con người tẩy sạch những vết dơ bẩn và làm cho vạn vật xinh tươi.

“Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sường Người, tức thì máu cùng nước chảy ra.” (Gn 19, 34). Máu của Đức Chúa Giê-su chảy ra để nuôi linh hồn chúng ta, nước để tẩy sạch linh hồn chúng ta, máu và nước chảy ra cùng lúc để cho chúng ta thấy rằng: tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại thật vô cùng lớn lao, Ngài không muốn một ai phải hư mất đời đời, cho nên vừa được tẩy sạch là được bồi dưỡng ngay bằng chính máu thịt trường sinh của Con Ngài là Đức Chúa Giê-su.

“Máu cùng nước” từ cạnh sườn chảy ra, hay nói chính xác hơn, từ trái tim của Đức Chúa Giê-su chảy ra để rửa chúng ta –người Ki-tô hữu- được sạch tội và được sự sống đời đời.

Tôi đã ý thức được điều đó chưa, khi tham dự bí tích Rửa Tội và khi lãnh nhận bí tích Thánh Thể?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Yêu Thương là trường nên Thánh
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
20:31 14/02/2023
Yêu Thương là trường nên Thánh

Suy Niệm Chúa Nhật Vii Thường Niên - Năm A

(Mt 5,38 - 48)

Lời Chúa qua miệng Môsê chuyển cho dân Chúa biết ý định của Chúa là : “Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 19,1-2). Chúa Giêsu, Đấng để kiện toàn Lề Luật, sau khi khuyên các môn đệ hãy yêu đồng loại như chính mình và yêu luôn ngay cả địch thù, thì Người mời gọi : "Vậy các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành " (Mt 5,48). Như thế, Chúa muốn con cái biết rằng: Ngài là Thánh và Dân của Ngài phải nên thánh để xứng đáng với Ngài.

Nên hoàn thiện như Chúa

Câu hỏi được đặt ra là : Nên hoàn thiện như Chúa như thế nào?

Thưa : Hãy yêu đồng loại như chính mình (Lv 19,2). Cụ thể: “Đừng giữ lòng thù ghét anh em” (Lv 19,2). Nghĩa là đừng thù ghét anh em trong lòng. "Thù ghét" là cắt đứt mọi liên lạc đồng bào với người anh em. Chữ "trong lòng" nói lên ý nghĩa tự ý mình, chứ không căn cứ vào các điều kiện khách quan. “Đừng giữ lòng thù ghét anh em” còn được hiểu là : người trong dân Chúa không được tự tiện cắt đứt tình đồng bào ruột thịt với người anh em, coi anh em như "kẻ ngoại". dân Chúa chọn phải bảo vệ nhau như anh em trong cùng một dạ. Đồng bào là thế. Yêu mến đồng loại như chính mình là sống theo lẽ công bình và không để "lòng" xử tệ với anh em. Không được trả thù vì trả thù là không công nhận có công lý.

Thiên Chúa là Thánh; Chúa muốn chọn một Dân thánh. Thánh tách khỏi sự phàm. Và đương nhiên Chúa muốn Dân Ngài thánh thiện, sống với khác mọi dân. Nếu người xưa bảo "Mắt đền mắt, răng đền răng " ( Xh 21,24). Như Lamek đã từng nói với hai vợ : "Vì một vết thương, ta giết một người, (Ta) trầy da, một nam nhi toi mạng. Vì Cain sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng La-méc thì gấp bảy mươi bảy! " (St 4,23-24) Vậy là trả thù mãi mãi. Nay Chúa Giêsu bảo : "Còn Thầy, Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác" (Mt 5, 39).

Con cái Chúa phải vượt ra khỏi vòng tròn luẩn quẩn của cái ác và sống tình huynh đệ đại đồng, nên khi Chúa Giêsu bảo các môn đệ "đưa má bên kia cho nó nữa, " là Người muốn họ xây đắp tình hiệp thông anh em. Đưa má bên kia là cố tình giúp đối phương khám phá ra tình yêu và rằng thực hành bác ái là điều có thể. Đưa má bên kia còn muốn nói với kẻ ác rằng nó đã nhận được người anh em như nó là anh em. Một hành động đáng tin cậy như thế sẽ phá tan bạo lực.

Cho nó cả áo choàng, đi với nó hai dặm không phải là áp đặt, nhưng chứng minh con người luôn có sáng kiến về tình yêu. "Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ " (Mt 5, 44). Từ bỏ điều có đi có lại và chủ động xây đắp tình hiệp thông trong tình yêu, dì đó là điều đẹp lòng Chúa, nên Chúa Giêsu yêu cầu gia tăng thêm tình yêu và lòng tha thứ càng nhiều càng tốt! Vì tình yêu có sức mạnh giúp đối phương xích lại gần ta hơn bằng tình người. Như thế, bằng cách trao ban, chúng ta nhận nó là anh em.

Nên thánh là trở nên giống Chúa

Hỏi : nên giống Chúa bằng cách nào?

Thưa : Tình yêu phải được thực hiện theo châm ngôn: "Hãy yêu thương thù địch các con, hãy làm lành cho những kẻ ghét các con, và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con" (Mt 5, 44). Chúa Giêsu muốn chúng ta hủy bỏ luật ăn miếng trả miếng xưa. Tình yêu không gia tăng theo kiểu có đi có lại. Người ngươi yêu mến là một người anh em ngươi, một người ngươi yêu mến là người bạn ngươi. Tình yêu là quà tặng, nhưng không dựa trên sự khác biệt tối thiểu. Sự khác biệt của tình yêu là không giống nhau, là người khác chứ không phải là người họ hàng, nhưng là người chúng ta cảm thấy gần. Như Chúa Giêsu đã nói : đó là người thân cận của ngươi.

Như thế, chúng ta đi đến cùng lời Chúa Giêsu dạy trong đời sống: "Các ngươi hãy thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh" (Lv 19,1). Bằng những lời trên, Thiên Chúa mời gọi dân Israel và cả chúng ta ngày hôm nay thể hiện lòng trung thành với giao ước Thiên Chúa đã thiết lập, đồng thời thực hành điều Chúa dạy : "Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình" (Lv 19,18). Tuy nhiên, phải đi xa hơn để tình yêu của chúng ta được phổ quát nhằm cho luật cũ được kiện toàn. Khi yêu như thế, ta đang thực hiện lời Chúa mời gọi: "Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành " (Mt 5,48).

Hãy nên thánh vì Ta là Thánh

Khi tạo dựng con người giống hình ảnh của Chúa, giống như Chúa là Chân, Thiện, Mỹ (x.St 1, 26-27). Tự bản chất, chúng ta giống Chúa, tâm hồn chúng ta đẹp như Chúa. Nhưng tội lỗi làm cho tâm hồn chúng ta ra nhem nhuốc, xấu xí, không còn giống Chúa nữa. Chúng ta bị tha hoá, bị khác đi, không còn giữ được bản chất tốt lành thủa ban đầu nữa. Nên trọn lành là trở nên giống Chúa, và ai trong chúng ta cũng có thể trở nên giống Chúa. Chúa muốn tất cả chúng ta sẽ là những vị thánh :” Bởi chưng đã viết rằng: Các ngươi hãy là thánh vì Ta là Thánh ” (1Pr 1, 16). Trở nên tốt lành là trở về với bản chất của mình là giống Chúa.

Lời mời gọi nên thánh vẫn là một thách thức cho chúng ta, giữa một thế giới có quá nhiều lôi kéo mời chào, cám dỗ, khiến chúng ta bị lạc lối hoặc nấn ná trước lời mời gọi sống thánh. Cái cám dỗ lớn nhất có lẽ là cái cám dỗ làm nhụt chí, nản lòng, khi chúng ta tự nói rằng: việc nên thánh là của ông kia bà nọ, của ai đó, chứ không phải của tôi! Lời thánh Augustinô là một khích lệ lớn cho chúng ta: “Ông kia bà nọ nên thánh, tại sao tôi lại không? ”

Chúng ta phải nên thôi, vì Chúa mời gọi chúng ta nên giống Ngài : “Các người hãy Thánh, vì Ta là Thánh“ (Lv 19,2). Công Ðồng Vatican II cũng khẳng định là ơn gọi của mọi người tín hữu là nên thánh. Vậy, hãy can đảm từ chối những lời ngọt ngào giả tạo, và quyết tâm sống theo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô và thực hành điều Chúa dạy là sống yêu thương.

Nguyện xin Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, Ðấng trọn vẹn thánh thiện, giúp chúng con trở nên trọn lành và thánh thiện như Chúa muốn. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Vạn Nẻo Yêu Thương Để Nên Hoàn Thiện
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
20:44 14/02/2023
Vạn Nẻo Yêu Thương Để Nên Hoàn Thiện

(Chúa Nhật VII TN A – Mt 5,38-48)

“Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Vì được nhận làm con cái nên Chúa Kitô truyền dạy chúng ta phải nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện. Một nét hoàn thiện của Cha trên trời mà Chúa Kitô mạc khải đó là giàu lòng từ bi, chậm bất bình và hết sức khoan dung, là luôn cho mưa rơi đều trên người lành lẫn kẻ dữ, cho mặt trời mọc lên soi sáng người công chính lẫn kẻ bất lương. Quả thật nếu chúng ta chỉ biết yêu thương những người dễ thương và thi ân cho những người thân thích thì có khác gì đâu nhiều anh em chưa biết Thiên Chúa và có khi còn chưa hơn gì những người được xem là tội lỗi. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để vượt qua mức công bình giao hoán kiểu “mắt đền mắt, răng đền răng…”, để sống yêu thương một cách quảng đại, vô điều kiện và đến cùng như Chúa Kitô mời gọi với kiểu nói “ngoa ngữ” là nếu bị vả má bên phải thì đưa cả má bên trái hoặc giả có ai muốn lấy áo trong của mình thì đưa luôn cho họ cả áo ngoài?

Trước hết cần phải hiểu rõ lối nói ngoa ngữ là kiểu nói phóng đại cốt chỉ nhằm muốn nhấn mạnh nội dung nói chứ không phải là dạy hình thức cách thế diễn tả. Khi bị bắt và bị điệu đến trước mặt Thượng tế Caipha, Chúa Giêsu đã bị một thuộc hạ ngài Caipha vả vào mặt thì Người đâu có đưa má bên kia cho anh ta vả thêm nhưng lại nghiêm giọng: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” (Ga 18,23). Với kiểu nói “má này, má kia; áo trong, áo ngoài, một dặm, hai dặm”, Chúa Kitô nhấn mạnh rằng nếu đã là yêu thì phải vô điền kiện, đã là yêu thì phải quảng đại và đi đến cùng. Và Người cho biết cái lý do duy nhất mà chúng ta được mời gọi sống yêu thương như trên đó là vì chúng ta đã được nhận làm con của Đấng là Cha của tất cả mọi người.

Nếu chúng ta tin nhận Đấng Toàn Năng là Cha của mình thì hệ quả tất yếu đương nhiên đến đó là phải nhận nhau và sống với nhau như anh chị em ruột thịt cùng chung một mái nhà. Cụm từ cùng chung một mái nhà muốn nói đến nghĩa tình huynh đệ, tỉ muội, khi còn ở trong vòng tay mẹ cha. Bởi chưng đã có đó chuyện lúc còn nhỏ thì anh bên em, khi có bánh anh lại chia, còn lớn lên có gia đình riêng thì ai giàu nấy ăn; lúc còn nhỏ thì chị ngã em nâng, nhưng khi đã lấy chồng thì có thể có trường hợp chị ngã, em lại che miệng cười!

Thiết nghĩ rằng để có thể sống yêu thương nhau như lời truyền dạy của Chúa Kitô thì không gì hơn phải có niềm tin sâu sắc vào Đấng dựng nên chúng ta là Cha Toàn Năng chí ái và tiếp bước theo chân người Anh Cả Giêsu. Xin đừng quên những lời thắm thiết của Người đêm Tiệc ly: “Thầy truyền cho anh em giới răn mới là hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”(Ga 13,34).

Yêu thương các môn đệ, Chúa Kitô không chỉ bao bọc, chở che các ngài mà còn thẳng thắn răn bảo, sửa dạy các ngài và đã có khi quở mắng là Satan. Yêu thương người đương thời thì Chúa Giêsu không chỉ chữa lành bệnh tật mà còn xua trừ ma quỷ; Người không chỉ khoan dung tha thứ cho người tội lỗi hối cải mà còn lên án, cánh báo những người cố chấp chai lì trong tội; Người không chỉ hoá bánh ra nhiều nuôi ăn dân chúng mà còn bện dây thừng thành roi đánh đuổi những người đã biến Nhà Chúa thành hang trộm cướp hay thành nơi buôn bán… Như thế yêu thương nhau không phải chỉ là bao bọc chở che nhau mà còn phải sửa bảo nhau khi cần phải sửa dạy. Thương người có 14 mối, thế mà nhiều khi chúng ta chỉ thương nhau cách bất cập, nghĩa là còn nhiều thiếu sót có khi là đáng trách. Chỉ biết trao cho nhau cơm áo gạo tiền thì cũng chưa hẳn đã là yêu nếu không biết can đảm sửa dạy kẻ mê muội, không biết răn bảo kẻ có tội.

Lời Chúa trong sách Lêvi mà Giáo Hội trích đọc Chúa Nhật này có câu: “Người không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó.” (Lv 19,17). Một sự thật mà lắm khi chúng ta vô tình hay hữu ý không dám trực diện, đó là khi người anh em lỗi phạm mà chúng ta không can đảm quở trách thì chúng ta một cách nào đó chúng ta đang “ghét” người anh em mình. Rất có thể chúng ta không minh nhiên ghét người anh em lỗi phạm nhưng chúng ta lại không dám thương họ như lời Chúa dạy vì sợ bị bách hại, sợ phải vác thập giá.

Dõi theo chân Chúa Kitô để sống yêu thương thì luôn có đó thập giá phải gánh vác. Ai không can đảm vác thập giá mình thì không xứng đáng làm môn đệ của Người. Yêu kẻ thù không phải là nhắm mắt làm ngơ hay tự bó tay chịu trận để kẻ thù mãi đắm chìm trong tội mà phải nỗ lực làm cho kẻ thù hoán cải, đổi thay. Cầu nguyện cho những người ngược đãi chúng ta không chỉ dừng lại ở động thái “lâm râm khấn vái” mà còn phải nắm tay lại giúp họ sửa đổi cung cách hành xử tàn nhẫn, bất công của họ. Tin mừng cho chúng ta hay rằng sau khi cầu nguyện thì Chúa Giêsu không ngồi đó mà chờ đợi nhưng mau mắn thực thi thánh ý Chúa Cha bằng cả mọi nỗ lực gắng công của mình, có khi sau đó lênh đênh trên thuyền giữa sóng biển mà vẫn ngủ thiếp say li bì, có khi phải toát cả mồ hôi pha lẫn máu và đến cả khi thân thể chẳng còn hình tượng người ta nữa với trái tim bầm dập nát tan.

Biên giới của tình yêu là một tình yêu không biên giới. Đã tin nhận Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Cha Toàn Năng thì phải nên hoàn thiện ngày mỗi hơn cho xứng với phận làm con.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phiên họp Lục Địa Châu Đại Dương về tính Đồng nghị tại Suva, Fiji, tiếp
Vu Van An
18:28 14/02/2023

Nhìn và lắng nghe kinh nghiệm của người dân

Sơ Bernadette Mary Reis, fsp, tường trình về ngày thứ hai của Phiên họp Châu Đại Dương tại Suva:



Hôm thứ Hai, ngày thứ hai của Phiên họp Lục địa tại Suva, những người tham gia bắt đầu thảo luận về việc trả lời cho Tài liệu về Giai đoạn Lục địa, và tiếp xúc với những người ở các vùng ngoại vi bằng cách đến thăm hai cộng đồng dễ bị tổn thương.

Mỗi một trong số bốn Hội đồng Giám mục tạo nên Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Công Giáo Châu Đại Dương đã cung cấp một video tập trung vào hành trình đồng nghị được thực hiện trong lãnh thổ của họ. Một video bổ sung nói lên một tiếng nói rất quan trọng khác đối với sự tồn tại của Châu Đại Dương – chính đại dương. Sự mất cân bằng đang được đưa ra, gây ra những hậu quả tàn khốc, không chỉ đối với thiên nhiên mà còn đối với những người có cuộc sống bắt nguồn từ thiên nhiên và các chu kỳ của nó. Nhiều người dân Châu Đại Dương tiếp tục sống hài hòa với thiên nhiên, kiên nhẫn chờ đợi và đáp ứng các chuyển động của thiên nhiên, thay vì cố gắng kiểm soát, khai thác hoặc bóc lột nó.

Để bắt đầu đặt tất cả những tiếng nói này lại với nhau, những người tham gia đã được dẫn nhập vào nghệ thuật trò chuyện tâm linh cho phép đối thoại thực sự: nói và nghe để tìm kiếm sự hiểu biết và biện phân. Sau đó, những người tham gia được giới thiệu về dự thảo Phản hồi của Châu Đại Dương đối với Tài liệu làm việc của Thượng hội đồng cho Giai đoạn Châu lục của Susan Pascoe, được soạn tác vào tháng 1 bởi Nhóm Biện phân và Soạn thảo gồm 20 thành viên.

Nói, nghe, biện phân

Đầu tiên, Susan Pascoe nhắc nhở các đại biểu rằng diễn trình Thượng hội đồng hiện tại đang phát triển hơn nữa lời kêu gọi từ Công đồng Vatican II để trở thành một Giáo hội đồng hành với Chúa của mình cùng với tất cả các dân tộc trên khắp thế giới. Sau đó, cô giải thích quy trình mà cả Tài liệu làm việc cho Giai đoạn lục địa, được viết bởi một nhóm đã gặp nhau ở Frascati, bên ngoài Rome từ ngày 23 tháng 9 đến ngày 2 tháng 10 năm 2022 và dự thảo phản hồi của Châu Đại Dương đối với tài liệu đó được xây dựng trong môi trường cầu nguyện và biện phân. Tiếp tục với phần dẫn nhập này, các Giám mục hiện diện đã suy nghĩ về bản thảo và bước vào cuộc trò chuyện thiêng liêng đầu tiên về nó, cùng với những người điều hành.



Lắng nghe sáng thế

Vào buổi chiều, nhóm hướng sự chú ý của họ đến việc lắng nghe tiếng nói của sáng thế và tiếng kêu cứu của nó. Điểm dừng chân đầu tiên là Làng Mau, nơi có một con sông mà sỏi được khai thác từ năm 1997. Kositino Tikomaibolatagane, đại diện của Caritas Fiji giải thích rằng sỏi khai thác được sử dụng để phát triển đường sá ở Suva. Nhưng do khai thác liên tục, mực nước sông đã giảm đáng kể và cũng làm thay đổi dòng chảy của nó. Một số tác động bao gồm nước nông hơn khiến việc di chuyển trở nên khó khăn hơn đối với những người phụ thuộc vào nước để di chuyển; xói mòn; ít cá hơn; sự mất mát của một số loại cá do hệ sinh thái bị thay đổi; và sự tích tụ phù sa ở cửa sông. Ngoài ra, thực sự không có lợi ích kinh tế nào, vì công ty khai thác bán một đơn vị khối sỏi với giá 70 đô la và chỉ mang lại khoảng 6.95 đô la cho làng.

Làm hỏng thiên nhiên làm hỏng các mối liên hệ

Đức Cha Peter Loy Chong, Tổng Giám mục Fiji, nhắc nhở mọi người rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường nhắc nhở chúng ta rằng những gì chúng ta làm với thiên nhiên, về lâu dài, chúng ta sẽ làm cho chính mình. Ngài cũng kể lại rằng có rất nhiều “vật tổ” ở Fiji, một thứ gì đó thiêng liêng và đặc biệt đối với mỗi gia đình để thể hiện mối liên hệ của họ với thiên nhiên. “Nhưng khi bạn bỏ vài nghìn đô la vào phong bì và đưa cho người đứng đầu, ông ta lại quên vật tổ”. Ngài mô tả đây là “hình thức mới của chủ nghĩa thực dân”. Ngài tiếp tục giải thích rằng các nguồn sỏi khác trong núi cũng có sẵn. Nhưng người ta thấy dễ dàng hơn khi lấy nó từ sông. Ngài nói, “Mối nguy hiểm lớn hơn đối với chúng tôi là thiệt hại cho dòng sông, mất đa dạng sinh học và mất tính bền vững. Nó giống như cắt dây rốn của một đứa trẻ khỏi mẹ của em”. Mặc dù việc tham khảo ý kiến phải diễn ra, nhưng một số tù trưởng đưa ra quyết định mà không hỏi ý kiến dân làng của họ. Vì vậy, ngoài việc hủy hoại môi trường, Đức Tổng Giám Mục Chong kết luận, “nó còn hủy hoại các mối liên hệ trong làng”.

Mực nước biển dâng cao buộc phải di tản

Toguru là nơi tiếp theo mà nhóm đến thăm. Tại đây, nhóm đã nghe Frances, người đại diện cho Hội nghị các Giáo hội Thái Bình Dương, tổ chức sẽ can thiệp khi các cộng đồng ven biển buộc phải di tản. Frances giải thích mức độ khó khăn khi giải pháp duy nhất để cứu một cộng đồng là tái định cư vì đất đai và đại dương của họ định hình bản sắc của họ.



Barney Dunn, hậu duệ trực tiếp của James Dunn, một người Ái Nhĩ Lan định cư ở Suva, cho biết anh nhìn thấy hậu quả của biến đổi khí hậu xung quanh mình. Barney đã cho chúng ta thấy nước biển dâng cao đang làm giảm quy mô tài sản của anh. Anh ước tính rằng 5 km đất đai của anh, mảnh đất mà anh đã đến thị trấn khi còn nhỏ, hiện đang chìm trong nước, bao gồm cả nghĩa trang nơi chôn cất tổ tiên của anh. Thay vì có hai mùa xuân như thường lệ hàng năm, Barney nói rằng anh đã chứng kiến hai mùa xuân xảy ra trong cùng một tháng. Barney cũng kể rằng một số nỗ lực đã được thực hiện để cung cấp tiền ngõ hầu có thể xây dựng một bức tường biển. Anh ấy nói, số tiền đó luôn bị chuyển hướng.

Các Giám mục châu Đại Dương nhấn mạnh đến môi trường, giới trẻ và việc đào tạo đức tin

Trên trang mạng CruxNow, ngày 11 Tháng hai, 2023, ký giả Elise Ann Allen, tường trình rằng khi kết thúc cuộc họp các giám mục ở châu Đại Dương để thảo luận về Thượng Hội đồng về tính đồng nghị đang diễn ra của Đức Giáo Hoàng, các vị giáo phẩm đã nhấn mạnh đến một số chủ đề có tầm quan trọng trong khu vực, bao gồm môi trường, giới trẻ và việc đào tạo đức tin tốt hơn.

Được tổ chức bởi Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Công Giáo châu Đại Dương (FCBCO), Phiên họp Giám mục Châu Đại Dương diễn ra tại Fiji từ ngày 5 đến ngày 9 tháng Hai. Cuộc họp đã thu hút hàng chục giám mục từ khắp khu vực, bao gồm Úc, New Zealand, Papua New Guinea, Quần đảo Solomon và nhiều quốc gia Thái Bình Dương. Đó là một phần của Thượng Hội đồng Giám mục về tính đồng nghị gồm nhiều giai đoạn đang diễn ra của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, hiện đang ở giai đoạn lục địa.

Phát động vào tháng 10 năm 2021, thượng hội đồng đã trải qua giai đoạn tham vấn cấp giáo phận ban đầu. Giai đoạn lục địa hiện tại bắt đầu một năm sau đó, vào tháng 9 năm 2022 và sẽ kết thúc vào tháng tới.

Giai đoạn cuối cùng, phổ quát của thượng hội đồng sẽ khai mạc vào tháng 10 tại Rôma, khi các giám mục từ khắp nơi trên thế giới quy tụ từ ngày 4 đến ngày 29 tháng 10 để thảo luận về kết quả của diễn trình thu thập, và nó sẽ kết thúc với cuộc họp thứ hai tại Rôma vào tháng 10 năm 2024.

Cuộc họp lục địa cho Châu Đại Dương đã được khai mạc bởi Đức Hồng Y Michael Czerny, người đứng đầu Thánh Bộ Phát triển Con người Toàn diện của Vatican, người đã kêu gọi những người tham gia có “sự táo bạo dám mơ những giấc mơ vĩ đại cho toàn thể nhân loại, cho thế giới được tạo dựng và cho Giáo hội của chúng ta.”

Các cuộc thảo luận trong 5 ngày bao gồm một loạt các vấn đề cụ thể, từ tác động của mực nước biển dâng cao và các ngành công nghiệp khai khoáng, đến việc chăm sóc thích hợp cho các đại dương, cùng với các thách thức mục vụ khu vực bao gồm làm thế nào để trở thành một “giáo hội đồng nghị” hơn, đón nhận và đem lại một cuộc đào tạo tốt hơn cho giáo dân của họ.

Trong một thông cáo, các giám mục nói rằng trong tư cách một mạng lưới gồm các đảo lớn nhỏ phong phú vì tính đa dạng sinh học, bản sắc và vị trí của Châu Đại Dương “cung cấp bối cảnh trong đó chúng ta tham gia vào sứ mệnh của Thiên Chúa”.

“Trong khu vực của chúng ta, khủng hoảng sinh thái là một mối đe dọa hiện hữu đối với người dân và cộng đồng của chúng ta,” và nó được biểu hiện theo nhiều cách khác nhau, bao gồm mực nước biển dâng cao, axit hóa đại dương, hạn hán, lũ lụt và “các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt thường xuyên hơn và nhiều hơn.”

Vì lý do này, điều gọi là “hoán cải sinh thái (là) ưu tiên truyền giáo khẩn cấp không chỉ đối với chúng ta, mà còn đối với toàn thể Giáo hội.”

Các ngài viết, “Chúng tôi cảm thấy được kêu gọi để làm cho tiếng nói của mình được lắng nghe ở các bình diện chính quyền cao nhất ở các quốc gia của chúng tôi, và cả ở bình diện hoàn cầu – trong Giáo hội và xã hội rộng lớn hơn – vì lợi ích của ngôi nhà đại dương của chúng tôi và người dân của nó”.

Lưu ý rằng châu Đại Dương là quê hương của một số Giáo Hội trẻ nhất và mới nhất trên thế giới, cũng như “nền văn hóa tiếp tục lâu đời nhất trên thế giới”, các ngài nói rằng mặc dù làm một Giáo Hội trẻ đồng nghĩa với một mức độ dễ bị tổn thương nào đó, nhưng nó cũng đi kèm với “sự tươi mới và sức sống.”

Các giám mục quả quyết, “Chúng tôi biết được rằng các giáo hội trẻ nhất trong khu vực của chúng tôi có những bài học để dạy cho các giáo hội lâu đời hơn về tính đồng nghị và về việc duy trì sự mới mẻ của cuộc gặp gỡ Tin Mừng với các nền văn hóa và xã hội địa phương”.

Các ngài nhấn mạnh sự cần thiết phải đồng hành tốt hơn với những người trẻ tuổi một cách “dũng cảm, sáng tạo và hấp dẫn hơn” như một “khía cạnh thiết yếu” của Giáo Hội trong nỗ lực truyền giảng Tin Mừng cho châu Đại Dương, và đặc biệt chào mừng việc cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới hoàn cầu sẽ diễn ra từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 8 tại Lisbon, và sẽ có sự tham dự của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Các giám mục cho biết các ngài cũng đã có những cuộc thảo luận quan trọng về cách thức các ngài sống tính đồng nghị, và làm thế nào để các Giáo Hội của các ngài có thể trở nên “đồng nghị” hơn; các ngài thừa nhận rằng đã có lúc các ngài phạm phải “lối rẽ sai lầm” khi theo đuổi con đường này, nhưng tin tưởng rằng Thiên Chúa đang hướng dẫn diễn trình.

Các giám mục cho biết họ đã làm việc để bảo đảm rằng “một tiếng nói đặc trưng của người châu Đại Dương sẽ tiếp tục vang vọng thông qua các văn kiện của Thượng hội đồng,” và tường trình của các ngài về các kết luận của Phiên họp sẽ được hoàn thành trong những tuần tới.

Những người tham gia cũng được nghe nữ tu người Pháp Nathalie Becquart, phó thư ký của Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, người đã đưa ra một cái nhìn hoàn cầu về Thượng hội đồng và nhấn mạnh rằng không có khuôn mẫu “một cỡ hợp với mọi người” về cách thức đáp ứng các thách thức mục vụ trong tư cách một Giáo Hội, vì tính đa dạng của từng khu vực và văn hóa.

“Chúng tôi cảm thấy được khẳng định trong việc đáp ứng theo cách riêng của chúng tôi trong bối cảnh của chúng tôi,” các giám mục nói thế, và nhấn mạnh sự cần thiết phải đào tạo đức tin tốt hơn ở mọi bình diện - cho giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ - nếu trật tự cho Giáo Hội ở châu Đại Dương trở thành “ đồng nghị hơn.”



Các giám mục nói rằng làm chứng cho sự sống một cách thuyết phục có nghĩa là bảo vệ sự sống “từ lúc thụ thai cho đến khi chết tự nhiên”, cổ vũ một “sự tôn trọng lớn hơn đối với tất cả mọi người”, cũng như cổ vũ công lý và hòa bình, và “một sự hoán cải sinh thái có tính bản thân, cộng đồng và cấu trúc.”

Khi tiến trình thượng hội đồng tiến triển, các giám mục châu Đại Dương nhấn mạnh sự cần thiết phải nhấn mạnh hơn đến các chủ đề bao gồm, minh bạch, trách nhiệm giải trình, các kỹ thuật mới mẻ, “năng lực liên văn hóa,” và các phương pháp lãnh đạo mới dựa trên sự tham gia và hợp tác trong các chương trình đào tạo họ.

Các ngài nói: “Những nỗ lực của chúng ta nên trang bị cho Giáo hội của chúng ta để tiếp cận và [hiện thân] một nền văn hóa hiếu khách, gặp gỡ và đối thoại trong một thế giới được đánh dấu bởi cả tội lỗi lẫn ân sủng trên con đường hành hương của chúng ta đến vương quốc của Thiên Chúa”.

Trong Thánh lễ bế mạc hội nghị, Đức Giám Mục Peter Brown của Samoa-Pago Pago ở Samoa thuộc Mỹ lưu ý rằng các giám mục là những người nắm giữ quyền lực, ảnh hưởng và địa vị trong cộng đồng giáo hội, đồng thời thách thức họ về cách sử dụng nó để “nâng cao việc chăm sóc sáng thế” và phục vụ người dân của họ.

Sử dụng hình ảnh của một người có đất đai và sinh kế bị đe dọa bởi mực nước biển dâng cao, ngài cho biết nhiệm vụ của một giám mục là “giúp mọi người tìm được chỗ đứng”.

Ngài nói, “Xin cho chúng ta từ đây ra đi với niềm hy vọng này là, qua sự lãnh đạo của chúng ta cùng với Dân Thiên Chúa, chúng ta có thể tìm được chỗ cho tất cả mọi người – một nơi mà họ có thể đứng”.
 
Văn Hóa
Nhóm Nhỏ Bên Bờ
Sơn Ca Linh
10:30 14/02/2023
Nhóm Nhỏ Bên Bờ

(Mến tặng cộng đoàn giáo họ Nhơn Hải)

Hình như ở bất cứ nơi đâu,
Hay trên mọi chặng đường lịch sử…
Thiên Chúa đều ghi dấu những “mối duyên tình tự”,
Hay những “chuyện riêng” những kỷ niệm,
Mang dáng đứng của “một tình yêu muôn đời” !

Bên bờ Địa Trung Hải, vâng, từ rất xa khơi,
Israel, “nhóm nhỏ” bèo dạt mây trôi, một “dân còn sót lại” !
Dẫu nô lệ, đọa đày… nhưng vẫn được Ngài ưu ái.
Để tới một ngày…
Cội “Giê-xe” già chợt bừng nở bông hoa !
“Huyền nhiệm đó”, “Tin Mừng đó”
Ngày lại ngày trải những tháng năm qua,
“Một nhóm nghèo”, “một dân sót”… hình như đâu cũng có !

Hai ngàn năm trước,
Giữa một Rôma uy quyền, giàu sang, rạng rỡ,
Nơi hang toại đạo,
Lặng thầm “chui rúc” nhóm anh chị em Kitô hữu đầu tiên,
Bị đặt ra ngài vòng pháp luật,
Bị kết án là những kẻ cuồng tín khùng điên,
Vâng, “một nhóm nhỏ”, “một dân sót” đã làm nên lịch sử !

Vâng, Hội Thánh, mãi mãi chỉ là “Đàn Chiên nhỏ”,
Vì Nước Trời khởi sự từ những “hạt cải nhỏ” tầm thường.
Là hạt muối, viên men bị chà đạp bên đường,
Là hạt lúa bị vùi sâu để lặng lẽ chịu âm thầm nát mục !

Cũng vậy thôi,
Giữa bao nhiêu “đô thành trần gian” giàu sang thế tục,
Vẫn còn đó những cộng đoàn hay nhóm nhỏ lặng thầm.
Họ thờ Chúa trong tim, họ giữ đạo trong lòng,
Không hào nhoáng xoe xua, không rềnh rang lễ hội…

Một căn phòng nhỏ, một mái tôn đơn… nhưng là tuyệt đối,
Bởi Lời, bởi Thánh Thể… Hội Thánh chính là đây.
Là cuộc vui đoàn tụ, hiệp nhất vui vầy,
Có Chủ chăn, có đàn chiên quay quần “Bẻ Bánh”.

Có đôi mắt trẻ thơ sáng niềm vui thiêng thánh,
Có đôi môi cụ già thắm nụ cười bình yên…
Có những cô thiếu nữ, những bạn thanh niên…
Tay chấp, gối quỳ…
Lắng nghe Lời và Rước Mình Thánh Chúa.

Và cứ thế,
Vẫn còn đó những câu chuyện trong dòng chảy Cứu độ,
Và ở đây, Nhơn Hải, Nhơn lý, Tân Thuộc, hay Ba Tơ…
Chuyện “Dân sót lại”, chuyện “một nhóm nhỏ bên bờ”…
Vì Hội Thánh, giản đơn,
Là những hạt muối, viên men… giữa lòng cuộc sống !

Sơn Ca Linh (Nhân chuyến viếng thăm giáo họ Nhơn hải của Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi – CN 12/2/2023)






 
VietCatholic TV
Công lý nhãn tiền: Tướng Nga ác ôn tự kết liễu. Cả Bộ Tư Lệnh Lữ Đoàn Nga, bị bắt, Đại Tá chạy thoát
VietCatholic Media
03:07 14/02/2023


1. Công lý nhãn tiền: Tướng Nga ác ôn bỏ tù biết bao nhiêu người, được tìm thấy đã tự kết liễu cuộc sống, nhiều người Nga vui mừng

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian General Found Dead Weeks After Being Fired by Putin”, nghĩa là “Tướng Nga được tìm thấy đã chết vài tuần sau khi bị Putin sa thải.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Một cựu quan chức quân sự cấp cao của Nga đã được tìm thấy đã chết vào thứ Hai tuần sau khi bị miễn nhiệm.

Các quan chức thực thi pháp luật được cho là đã nói với hãng truyền thông nhà nước Nga TASS rằng Thiếu tướng Vladimir Makarov, cựu Phó Tổng cục trưởng của Bộ Nội vụ Liên bang Nga về Chống Chủ nghĩa Cực đoan, đã tự kết liễu đời mình.

Nhà báo Nga Cheka-OGPU đã viết trên Telegram rằng Makarov trước đây đã tổ chức “cuộc săn lùng” những người chống đối và các nhà báo, đồng thời cho biết thêm rằng thi thể của Makarov, 72 tuổi, được phát hiện trong một ngôi nhà nông thôn ở làng Golikovo, gần Mạc Tư Khoa, bởi chính vợ ông, Valentina.

Hãng truyền thông Moskovsky Komsomolets có trụ sở tại Mạc Tư Khoa cho biết người ta biết rằng vũ khí được cất giữ trong nhà.

Hãng tin độc lập của Nga SOTA đưa tin rằng sau khi bị cách chức, Makarov rơi vào trầm cảm. Gia đình anh ấy nói rằng anh ấy “không biết phải làm gì.” Cựu tướng lãnh này bị mất việc vào tháng Giêng.

Hãng tin Meduza có trụ sở tại Latvia đưa tin rằng Trung tâm chống chủ nghĩa cực đoan, còn được gọi là “Cục E”, được thành lập vào năm 2008 để đàn áp các cuộc biểu tình chính trị ở Nga.

Hãng tin đã báo cáo vào năm 2019 cách các sĩ quan mặc quần áo dân sự quay phim những người biểu tình đông đảo và “lặng lẽ hướng dẫn cảnh sát tới từng người biểu tình”, khiến họ bị bắt giữ. Các cá nhân tương tự được cho là làm việc đằng sau hậu trường để đưa ra các vụ án hình sự chống lại những công dân Nga chia sẻ các bài đăng được cho là cực đoan trên mạng xã hội.

Vladimir Vorontsov, cựu nhân viên của Cục E, cho biết: “Mục tiêu chính của họ là lôi ra những kẻ tích cực nhất, những kẻ cầm đầu đường dây, những kẻ phá luật. Thậm chí có thể là những kẻ khiêu khích. Các quan chức Cục E cũng phải có khả năng nhận ra các nhân vật chính trị. Tất cả chúng ta đều thấy ngay khi một số người nổi tiếng bước ra ngoài, họ sẽ bị bắt ngay lập tức chỉ vì họ là ai.”

Những cái chết đáng ngờ liên quan đến Điện Cẩm Linh và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã được đồn đại từ lâu, đặc biệt là kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.

Cựu giám đốc Viện Hàng không Mạc Tư Khoa, Anatoly Gerashchenko, đã qua đời vào năm ngoái sau khi ngã xuống “nhiều tầng cầu thang”.

Những cái chết khác bao gồm các nhà khoa học Nga, đầu sỏ chính trị, ông trùm dầu mỏ, ông trùm kinh doanh, quản lý năng lượng và quan chức cấp cao trong các ngân hàng Nga.

Darya Dugin, con gái của Alexander Dugin, đồng minh của Putin, đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom xe vào mùa hè.

Vào tháng 9, giám đốc điều hành năng lượng 39 tuổi Ivan Pechorin được cho là đã rơi khỏi thuyền khi đang chạy hết tốc lực và chết cách Mạc Tư Khoa khoảng 5.800 dặm về phía đông.

Nhà lãnh đạo phe đối lập Nga bị bỏ tù và nhà phê bình lâu năm của Putin Alexei Navalny đã bị biệt giam gần đây vào đêm giao thừa.

Andrey Gurulyov, thành viên quốc hội Nga và cựu chỉ huy quân đội, cho biết vào tháng trước trên truyền hình nhà nước Nga rằng nếu các quan chức Nga muốn Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy chết, họ có thể dễ dàng làm cho điều đó xảy ra.

Newsweek đã liên hệ với Điện Cẩm Linh để bình luận.

2. Cựu chỉ huy Nga cáo buộc Trung tướng Rustam Muradov để mất một Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến

Igor Girkin, cựu chỉ huy Nga, là nhân vật gây ra vụ bắn hạ chiếc máy bay của Malaysia Airlines vào năm 2014, đã cáo buộc Trung tướng Rustam Muradov để mất Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 155, bao gồm toàn thể Bộ Tư Lệnh của Lữ Đoàn này.

Ông ta cho rằng tham ô và những tính toàn ngu xuẩn của Trung tướng Rustam Muradov đã dẫn đến thảm họa.

Theo Girkin, Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 155 là một đơn vị tinh nhuệ đã tham gia các cuộc tấn công vào Kyiv ngay khi cuộc xâm lược nổ ra vào ngày 24 tháng Hai. Sau đó, đơn vị này tham gia một cuộc tấn công đổ bộ vào bờ biển Azov và bao vây thành phố Mariupol.

Tuy nhiên, Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến này đã bị Trung tướng Rustam Muradov và em rể của ông ta là Đại Tá Zurab Akhmedov biến thành một bọn ăn cướp.

Hôm thứ Hai, 7 tháng 11, tại Kozatske, quân Ukraine đã loại khỏi vòng chiến 18 binh sĩ Nga của Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 155 đang áp tải một số lượng lớn các thiết bị gia dụng về hướng đập thủy điện Kakhovska. Trong cuộc giao tranh ngắn ngủi, quân Ukraine đã phá hủy 2 xe tăng, 5 xe chiến đấu bộ binh, và 2 hệ thống pháo do xe kéo.

Chỉ hai ngày sau đó, Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến này tấn công vào Pavlivka nhưng thất bại. Kênh Telegram của nhóm lính đánh thuê Wagner đã đăng toàn bộ một lá thư được gửi từ tiền tuyến tới một thống đốc khu vực ở Nga, trong đó các binh sĩ Nga của Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến 155 thuộc Hạm đội Thái Bình Dương nói rằng họ đã bị ném vào một “trận chiến không thể hiểu nổi” ở khu vực Donetsk, miền đông Ukraine. Bức thư, đã được gửi tới thống đốc Oleg Kozhemyako của Primorsky Krai, cho biết:

“Một lần nữa chúng tôi lại bị tướng Muradov và em rể của ông ta, cũng là người đồng hương, Zurab Akhmedov, ném vào một trận chiến không thể hiểu nổi, để Muradov có thể kiếm tiền thưởng để khiến ông ta trông đẹp trai trong mắt Tổng tham mưu trưởng Gerasimov.”

“Kết quả của cuộc tấn công được lên kế hoạch cẩn thận bởi các vị chỉ huy vĩ đại, là chúng tôi đã mất khoảng 300 người, vừa chết vừa bị thương, cùng với một số người mất tích trong cuộc giao tranh kéo dài 4 ngày qua. Chúng tôi đã mất 50% thiết bị của mình. Đó chỉ là tổn thất của một mình lữ đoàn của chúng tôi. Chỉ huy Quân Khu cùng với Akhmedov đang che giấu những sự thật này và làm sai lệch số liệu thống kê thương vong chính thức vì sợ phải chịu trách nhiệm”.

Trong thư, họ hỏi thống đốc Oleg Kozhemyako, “Liệu những kẻ tầm thường như Muradov và Akhmedov còn được phép tiếp tục lên kế hoạch hành động quân sự chỉ để giành được giải thưởng bằng cái giá là mạng sống của rất nhiều người trong bao lâu nữa?”

Tháng 12 vừa qua, Tờ New York Times đã đưa tin về việc triển khai Lữ Đoàn này tới Pavlivka. Các binh sĩ, chủ yếu là tân binh, phàn nàn rằng họ “thiếu lương thực, bản đồ, vật tư y tế quan trọng, bộ đàm, và họ buộc phải sử dụng súng trường Kalashnikov từ những năm 1970 - với một số thành viên phải sử dụng Wikipedia để tìm hướng dẫn sử dụng một số loại vũ khí”. Cũng có tình trạng thiếu đạn dược. Một người lính nói, “Đây không phải là chiến tranh. Đó là sự hủy diệt của người dân Nga bởi chính những người chỉ huy của họ.” Nhiều người đã sử dụng điện thoại di động Nga của họ để gọi về nhà, tạo điều kiện cho Ukraine theo dõi đơn vị và tấn công nó. Nhiều binh sĩ là tình nguyện viên nhưng có “ít kinh nghiệm” về việc sử dụng súng.

Vào Tháng Giêng năm 2023, Lữ Đoàn 155 đã cố gắng tấn công vào Vuhledar chống lại Lữ đoàn cơ giới số 72 của Ukraine nhưng không thành công. Theo Girkin, đơn vị đã đạt được một số thành công ban đầu, nhưng cuộc tấn công của họ bị đình trệ sau những tổn thất nặng nề về bộ binh và thiếu đạn dược để hỗ trợ hỏa lực, khiến họ phải đã sử dụng xe tăng T-80 để bắn như pháo binh.

Girkin cũng thắc mắc rằng tại sao toàn bộ Bộ Tư Lệnh của Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 155 bị bắt hay tử trận trong chiến tranh mà Đại Tá Zurab Akhmedov, em rể của Trung tướng Rustam Muradov lại chạy thoát.

3. Tòa Bạch Ốc 'quan ngại sâu sắc' về kế hoạch xâm lược Moldova của Putin.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “White House 'Deeply Concerned' About Putin's Reported Power Grab”, nghĩa là “Tòa Bạch Ốc 'quan ngại sâu sắc' về kế hoạch xâm lược Moldova của Putin”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Phát ngôn nhân của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby hôm thứ Hai cho biết các báo cáo rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin bị cáo buộc đang có âm mưu đảo chính ở Moldova gây ra “quan ngại sâu sắc” cho Hoa Kỳ.

Kirby đã đưa ra nhận xét trong một cuộc họp báo khi được hỏi về những bình luận của Tổng thống Moldova Maia Sandu trước đó trong ngày, trong đó bà cáo buộc Putin muốn lật đổ chính phủ của đất nước bà.

Theo Sandu, Putin bị cáo buộc đang lên kế hoạch sử dụng những kẻ phá hoại nước ngoài để tiêu diệt ban lãnh đạo của Moldova và ngăn cản quốc gia này gia nhập Liên minh Âu Châu. Sandu, đồng minh của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelesnky, cũng cáo buộc Putin muốn sử dụng Moldova trong cuộc chiến chống lại Ukraine.

Kirby nói rằng mặc dù Hoa Kỳ chưa xác minh các báo cáo về cuộc đảo chính, nhưng ông tin rằng Putin có khả năng thực hiện một hành động như vậy.

“Những báo cáo này là vô cùng đáng lo ngại,” Kirby nói. “Chúng ta hoàn toàn ủng hộ chính phủ Moldova và người dân Moldova. Chúng ta chưa thấy xác nhận độc lập, nhưng chắc chắn đó là một trang nằm ngay trong vở kịch của Putin.”

“Kế hoạch của Nga bao gồm phá hoại và những người được huấn luyện quân sự cải trang thành dân thường để thực hiện các hành động bạo lực, tấn công vào các tòa nhà chính phủ và bắt giữ con tin,” Sandu nói với các phóng viên trong cuộc họp báo hôm thứ Hai.

Cô ấy nói thêm, “Các báo cáo nhận được từ các đối tác Ukraine của chúng ta cho thấy các địa điểm và khía cạnh hậu cần của việc tổ chức hoạt động lật đổ này. Kế hoạch cũng dự tính việc sử dụng người nước ngoài cho các hành động bạo lực.”

Sandu đã nhắc lại những tuyên bố mà Zelenskiy đã đưa ra vào tuần trước với các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu trong hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng Âu Châu tại Brussels. Theo nhà lãnh đạo Ukraine, đất nước của ông đã chặn được thông tin cho thấy Điện Cẩm Linh có kế hoạch “tiêu diệt” Moldova.

Các cơ quan tình báo Moldovan sau đó cho biết họ đã xác nhận Ukraine đã nhận được một tài liệu nêu chi tiết âm mưu bị cáo buộc của Nga.

Một ngày sau khi Zelenskiy đưa ra tuyên bố của mình với các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu, Thủ tướng Moldova Natalia Gavrilita đã tuyên bố từ chức. Ngay trước thông báo của Gavrilita, đất nước của cô ấy đã xác nhận các báo cáo rằng một hỏa tiễn của Nga đã bay vào không phận của họ trước khi quay trở lại Ukraine.

Ngay cả trước khi có lời cảnh báo của Zelenskiy, Moldova đã ngày càng lo ngại về việc Putin can thiệp vào các vấn đề của đất nước kể từ khi ông ta xâm lược Ukraine, đặc biệt là khi Nga duy trì quân đội ở khu vực ly khai Transnistria của Moldova.

Sandu, người đã bổ nhiệm cố vấn an ninh và quốc phòng Dorin Recean của mình thay thế Gavrilita, đã kêu gọi quốc hội Moldova thông qua dự thảo luật nhằm cung cấp cho văn phòng công tố và cơ quan tình báo “những công cụ cần thiết để chống lại các rủi ro đối với an ninh của đất nước một cách hiệu quả hơn.”

“Những nỗ lực của Điện Cẩm Linh nhằm mang bạo lực đến Moldova sẽ không hiệu quả. Mục tiêu chính của chúng ta là an ninh của công dân và nhà nước,” cô nói.

Khi được liên hệ để đưa ra bình luận, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Moldova đã hướng dẫn Newsweek tới một dòng tweet mà ông viết, trong đó ông ca ngợi cuộc họp báo hôm thứ Hai của Sandu vì đã đẩy lùi các nỗ lực đưa thông tin sai lệch của Điện Cẩm Linh.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để bình luận.

4. Quân đội Ukraine cho biết các lực lượng Nga đã chuyển đổi hai bệnh viện để sử dụng cho mục đích quân sự ở vùng Luhansk

Lực lượng Nga đã chuyển đổi hai bệnh viện để sử dụng cho mục đích quân sự ở khu vực phía đông Luhansk, theo Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine.

“Do rất nhiều tổn thất về vệ sinh bị thương giữa những kẻ xâm lược, phòng khám phụ sản ở Luhansk bị xâm lược đang được sử dụng để điều trị cho quân đội Nga. Bệnh viện Nhi đồng số 3 cũng được chuyển đổi thành bệnh viện quân đội”, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết trong một bản cập nhật thường kỳ.

Trước đó vào hôm thứ Hai, lãnh đạo khu vực Luhansk của Ukraine cho biết Nga tiếp tục tấn công với tốc độ cao trong khu vực, đây là khúc dạo đầu cho “các cuộc tấn công quy mô lớn”.

5. Quan chức Ukraine bác bỏ tuyên bố chiếm ngôi làng gần Bakhmut của Nga

Ukraine hôm thứ Hai đã bác bỏ tuyên bố của Nga rằng họ đã chiếm được ngôi làng Krasna Hora gần Bakhmut ở miền đông Ukraine.

Tuyên bố rằng người Nga đã chiếm Krasna Hora “là không đúng sự thật”, Đại Tá Serhii Cherevatyi, phát ngôn viên của Nhóm phía Đông của Lực lượng Vũ trang Ukraine nói với CNN. “Có những trận chiến đang diễn ra ở đó. Chúng ta đang giữ nó dưới sự kiểm soát của mình.”

Đại Tá Cherevatyi nói thêm rằng Bakhmut vẫn là tâm điểm của các cuộc tấn công chính của Nga.

“Đối phương đã thực hiện 85 cuộc tấn công vào khu vực Bakhmut. Có 33 cuộc giao tranh. Tại khu vực thành phố Bakhmut, đã có 25 vụ tấn công và 19 vụ giao tranh,” Cherevatyi nói với CNN.

Cherevatyi cho biết các lực lượng Nga có khả năng khai hỏa trên các tuyến đường tới Bakhmut, đồng thời nói thêm rằng “chúng ta đang tham gia vào cuộc chiến chống lại các khẩu đội pháo để giảm thiểu khả năng đó”.

Ông nói: “Chúng ta có khả năng cung cấp vũ khí, thực phẩm, thiết bị, thuốc men và di tản những người bị thương khỏi đó.

Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết trong một bài đăng trên Telegram hôm thứ Hai rằng “cuộc chiến giành Bakhmut vẫn tiếp tục.”

“Đối phương liên tục thay đổi chiến thuật. Đôi khi nó tấn công bằng các nhóm xung kích nhỏ, đôi khi nó sử dụng hàng chục binh sĩ được huy động để tấn công. Đôi khi, nó tăng cường pháo kích vào ban đêm, tấn công có hệ thống vào các thành phố phía sau bằng hỏa tiễn, khủng bố dân thường và phá hoại cơ sở hạ tầng dân sự”, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết. “Đôi khi, kẻ xâm lược dường như mạnh hơn và nhiều hơn. Tuy nhiên, nó có một điểm yếu lớn: đó là chơi trên sân của người khác, tranh giành đất của người khác. Và đây là điều hứa hẹn cho kẻ xâm lược một thất bại lớn.”

Nga đang nói gì: Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Hai lặp lại tuyên bố của tập đoàn quân sự tư nhân Nga Wagner rằng Krasna Hora đã bị chiếm.

“Theo hướng Donetsk, quân tình nguyện của các đội tấn công, với sự hỗ trợ hỏa lực từ lực lượng hỏa tiễn và pháo binh của Tập Đoàn Quân miền Nam, đã giải phóng khu định cư Krasna Hora thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk,” Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov nói.

Tuyên bố của Mạc Tư Khoa được đưa ra khi các lực lượng Nga tiếp tục cố gắng bao vây thành phố Krasna Hora nằm trên con đường chính bắc-nam dẫn đến Bakhmut. Nó nằm ngay bên dưới Soledar, thị trấn mà lực lượng Nga đã chiếm được vào tháng trước.

6. Ngoại trưởng Đức kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và Hung Gia Lợi nhanh chóng phê chuẩn đề nghị gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock hôm thứ Hai kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary nhanh chóng phê chuẩn đề nghị của Phần Lan và Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.

“Tôi đã nói rõ trong những tháng gần đây đối với tất cả các thành viên NATO, đặc biệt là hai nước chưa phê chuẩn, rằng việc nhanh chóng phê chuẩn không chỉ trên tinh thần của một liên minh mà còn giúp chúng ta mạnh mẽ hơn với tư cách là một liên minh.” cô Baerbock nói trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Phần Lan ở Helsinki.

Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto nói thêm: “Về việc gia nhập NATO - chúng ta đang chờ đợi hai lần phê chuẩn cuối cùng là Hung Gia Lợi và Thổ Nhĩ Kỳ”, đồng thời nói thêm rằng ông hy vọng việc đáp ứng “tất cả những điều kiện do Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra” sẽ dẫn đến “quá trình phê chuẩn rất nhanh chóng. “

Haavisto cho biết ông hy vọng cả Phần Lan và Thụy Điển có thể trở thành thành viên NATO vào giữa mùa hè, đồng thời nói thêm rằng “cuộc xung đột không còn xa với chúng ta”.

Hai quốc gia Bắc Âu tuyên bố ý định gia nhập NATO vào tháng 5 năm 2022, chấm dứt nhiều thập kỷ trung lập sau khi Nga xâm lược Ukraine khiến thái độ đột ngột thay đổi đối với việc gia nhập khối.

Một số bối cảnh khác: Tất cả 30 quốc gia thành viên NATO phải phê chuẩn hồ sơ dự thầu của họ để gia nhập khối; tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ và Hung Gia Lợi vẫn chưa phê duyệt chúng.

Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển đã bị giáng một đòn mạnh vào cuối Tháng Giêng sau một cuộc biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Helsinki, tại đó một chính trị gia chống nhập cư đã đốt cháy một bản sao của Kinh Koran. Vụ việc đã làm dấy lên sự tức giận ở thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi những người biểu tình xuống đường và đốt cờ Thụy Điển bên ngoài đại sứ quán Thụy Điển để đáp trả.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trước đây cho biết ông có quan điểm tích cực về việc Phần Lan gia nhập NATO, nhưng không ủng hộ việc Thụy Điển “miễn là nước này cho phép tấn công kinh Koran của đạo Hồi”, theo hãng thông tấn nhà nước Anadolu. Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết Thụy Điển phải có lập trường rõ ràng hơn chống lại những gì họ coi là khủng bố, chủ yếu là các chiến binh người Kurd và một nhóm mà họ đổ lỗi cho âm mưu đảo chính năm 2016.

7. Nhiều xe tăng Nga bị mìn nổ tung chỉ trong vài phút

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Multiple Russian Tanks Blown Up By Mines in Matter of Minutes”, nghĩa là “Nhiều xe tăng Nga bị mìn nổ tung chỉ trong vài phút.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Theo một đoạn phim mới, một số xe tăng Nga đã ngừng hoạt động khi cố gắng lái xe qua một bãi mìn ở miền đông Ukraine.

Trong một video được trang web đối lập Nga Grani.ru chia sẻ trên Twitter, người ta có thể nhìn thấy ít nhất 4 phương tiện của Nga, được mô tả là sự kết hợp giữa xe tăng và xe bọc thép chở quân, đang di chuyển qua một bãi mìn. Một vụ nổ sau đó nhấn chìm một phương tiện, sau đó là một vụ nổ khác đánh vào phương tiện thứ hai.

Các nhân viên quân sự sau đó có thể được nhìn thấy rời khỏi các phương tiện trước khi đoạn clip chuyển sang một vụ nổ khác có vẻ như ở cùng hiện trường.

Các vụ nổ tiếp theo ảnh hưởng đến hai phương tiện khác trong clip, đã được xem 250.000 lần. Địa điểm được quay phim là Donetsk, nơi đã chứng kiến giao tranh ác liệt trong những tuần gần đây.

Newsweek không thể xác nhận địa điểm một cách độc lập. Tuy nhiên, Rob Lee, một tiến sĩ. sinh viên Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại Đại học King's College London, đã chia sẻ một số clip qua Twitter về những chiếc xe tăng Nga bị hư hại do mìn. Một số clip này mô tả địa điểm là Vuhledar, một thị trấn ở tỉnh Donetsk của Ukraine.

Đoạn phim được đưa ra sau một báo cáo cập nhật tình báo vào ngày 10 tháng 2 của Bộ Quốc phòng Anh cho biết các đơn vị Nga có khả năng “đã bỏ chạy và bỏ lại ít nhất 30 xe bọc thép hầu như còn nguyên vẹn trong một sự việc sau một cuộc tấn công thất bại”.

Hôm thứ Hai, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine đã chia sẻ một đoạn clip mà họ mô tả là cảnh quay từ một máy bay không người lái Ukraine nhắm vào một chiếc xe tăng Nga. Đoạn clip thể hiện góc nhìn của người điều khiển phương tiện bay không người lái, trong đó Bộ Tổng tham mưu ca ngợi “chiến công thành công” của người điều khiển máy bay không người lái.

Viết trên Facebook hôm thứ Hai, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cũng cho biết Nga đã mất tổng cộng 3.283 xe tăng kể từ khi phát động cuộc xâm lược toàn diện vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.

Con số này tăng lên 3 chiếc so với hôm Chúa Nhật, khi lực lượng vũ trang Ukraine báo cáo rằng 13 xe tăng Nga đã bị tiêu diệt trong 24 giờ trước đó.

Kiểm đếm của Ukraine cao hơn nhiều ước tính của phương Tây. Hôm thứ Hai, cơ quan tình báo nguồn mở Oryx của Hà Lan cho biết các lực lượng Nga đã mất 1.727 xe tăng kể từ tháng Hai, sử dụng bằng chứng hình ảnh và video.

Theo Oryx, 1.017 xe tăng Nga đã bị phá hủy, 78 chiếc bị hư hại và 85 chiếc khác bị bỏ rơi. Các lực lượng Ukraine đã tịch thu được 547, mặc dù Oryx cho biết con số thực sẽ “cao hơn đáng kể so với ghi nhận” trên nền tảng của họ.

Vào ngày 9 tháng 2, Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết Nga đã mất khoảng một nửa số xe tăng mà họ giao cho Ukraine khi bắt đầu cuộc xâm lược, trích dẫn dữ liệu của Oryx.
 
LM trừ tà Mỹ nói về quỷ đặc biệt khiến làm ăn lỗ lã, tiền ra ào ào. Thứ Tư Lễ Tro năm nay ở Vatican
VietCatholic Media
06:52 14/02/2023


1. Mừng kỷ niệm 55 năm thành lập Cộng đồng thánh Egidio

Ngày 10 tháng Hai vừa qua, Đức Hồng Y Matteo Zuppi, Tổng giám mục Giáo phận Bologna, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, đã chủ sự buổi lễ tại Đền thờ thánh Gioan Laterano, nhân dịp mừng kỷ niệm 55 năm thành lập Cộng đồng thánh Egidio.

Cộng đồng này do một nhóm học sinh trung học Công Giáo ở Roma thành lập ngày 07 tháng Hai năm 1968. Hồi đó, giữa lúc nhiều người trẻ ở Âu châu nổi loạn, thì nhóm học sinh này họp nhau chia sẻ lời Chúa, làm việc bác ái, đặc biệt là giúp đỡ những người di dân. Với thời gian, cộng đồng phát triển các hoạt động bác ái, đại kết và xây dựng hòa bình. Đức Hồng Y Zuppi cũng từng là thành viên và tuyên úy của Cộng đồng này. Hiện nay, cộng đồng có khoảng 70.000 thành viên tại nhiều nước trên thế giới.

Lên tiếng tại buổi lễ, Đức Hồng Y Zuppi nhận định rằng: “Chiến tranh cũng dập tắt cả những giấc mơ. Cộng đồng Thánh Egidio khơi lại, bảo vệ các giấc mơ ấy, là những mầm mống hòa bình. Nó tiếp tục nảy nở. Cộng đồng Thánh Egidio là một dân tộc những người xây dựng hòa bình, vì nó làm cho các con tim xích lại gần nhau, phá đổ những hàng rào và những bức tường chia cách, kiến tạo nhưng nơi mà tất cả anh chị em không phải chỉ là một viễn tượng to lớn, nhưng là thực tại gồm những cư xử và lời nói”.

Trong buổi lễ, Đức Hồng Y Zuppi cám ơn người sáng lập cộng đoàn là giáo sư Andrea Riccardi.

2. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh lễ Thứ Tư Lễ Tro và cuộc rước kiệu từ nhà thờ Thánh Anselmo của dòng Biển Đức đến Vương cung Thánh Đường Thánh nữ Sabina của dòng Đa Minh trên đồi Aventino ở Rôma.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh lễ Thứ Tư Lễ Tro vào ngày 22 tháng 2 năm 2023 tại Vương cung thánh đường thánh Sabina ở Roma, Văn phòng Báo chí Tòa thánh đã thông báo ngày 9 tháng 2 năm 2023. Đức Thánh Cha đã không thể giữ truyền thống này trong hai năm qua. Vào năm 2021, Đức Thánh Cha không thể chủ tọa, vì bị đau đầu gối và vào năm 2020, Ngài đã dâng lễ tại Vatican do những hạn chế liên quan đến đại dịch.

Theo truyền thống phụng vụ có từ thế kỷ thứ 7, ngày Thứ Tư Lễ Tro là một ngày quan trọng, và không một lễ nào có thể vượt lên trên. Người ta cũng gọi ngày này là “Ðầu Mùa Chay”. Việc ăn chay trong Mùa này đã có từ thời Ðức Giáo Hoàng Gregoriô Cả vào cuối thế kỷ thứ Sáu.

Những Quy luật tổng quát của Năm phụng vụ nói về ngày Thứ Tư Lễ Tro như sau: “Mùa Chay bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro và kết thúc ngay trước Thánh lễ Tiệc Ly. Ngày Thứ Tư đầu Mùa Chay có xức tro; ngày đó khắp nơi ăn chay”. Lời chỉ dẫn này cho chúng ta biết ý nghĩa của Ngày Thứ Tư Lễ Tro trong Năm phụng vụ, cũng như trong suốt Mùa Chay thánh. Với Thứ Tư Lễ Tro, Giáo hội bắt đầu Mùa Chay Thánh.

Thông thường, vào lúc 16:30 ngày thứ Tư lễ Tro, Đức Thánh Cha chủ sự cuộc rước thống hối từ nhà thờ Thánh Anselmo của dòng Biển Đức đến Vương cung Thánh Đường Thánh nữ Sabina của dòng Đa Minh trên đồi Aventino ở Rôma.

Trên quãng đường dài 500 mét, các vị vừa đi vừa hát kinh cầu các thánh, và thánh ca thống hối.

Tại Vương cung Thánh Đường thánh nữ Sabina, có từ thế kỷ thứ 5, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ đồng tế với nghi thức xức tro, cùng với các Hồng Y và Giám Mục, trước sự tham dự của các linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân, đặc biệt là các vị lãnh đạo Hội Hiệp sĩ Malta.

Năm ngoái, Tòa Thánh khẳng định Đức Thánh Cha sẽ chủ sự các nghi thức ngày Thứ Tư Lễ Tro. Tuy nhiên, giờ chót ngài bị đau đầu gối nên đã nhờ Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cử hành thay cho ngài.

3. Nhật Ký Trừ Tà số 226: Bị Nguyền Rủa Về Mặt Tài Chính

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #226: Financially Cursed”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 226: Bị Nguyền Rủa Về Mặt Tài Chính”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tiếng kêu cứu của một người đàn ông đập vào mắt tôi. Anh nói:

“Tôi sở hữu doanh nghiệp của tôi. Một số tiền lớn đến nhưng tôi không bao giờ có thể giữ bất kỳ khoản nào trong số đó. Nếu có vẻ như tôi sẽ kiếm được một ít lợi nhuận từ một công việc, thì một điều gì đó bất ngờ sẽ LUÔN ập đến và lấy đi nó, giống như một chiếc xe bị hỏng, mặc dù trước đó hoàn toàn không có vấn đề gì. Gần đây, một khách hàng muốn thanh toán khoản thanh toán cuối cùng của họ bằng thẻ tín dụng. Tôi có ba hệ thống thẻ tín dụng khác nhau, mỗi hệ thống thuộc các công ty khác nhau, nhưng ngày tôi đến nhận thanh toán thì không có hệ thống nào hoạt động…”

Đây chỉ là một vài ví dụ của anh ấy. Anh ấy đã bị nhiều vụ hơn nữa!

Một gia đình trẻ đến với tôi với một câu chuyện tương tự. Người cha có một công việc tốt trong chính phủ và là một người trưởng thành có trách nhiệm với tài chính. Nhưng gia đình liên tục tan vỡ do một loạt thất bại tài chính kỳ lạ, không bao giờ kết thúc. Đó không chỉ là một trường hợp xui xẻo. Giống như doanh nhân, anh ta cảm thấy như mình bị nguyền rủa.

Một người đang phải đối mặt với những thất bại tài chính không thể giải thích được như thế cho tôi biết anh bắt đầu tìm thấy những đồng xu tiền lẻ xung quanh nhà của mình và đôi khi trong túi của anh ta mà không biết chúng đến từ đâu. Người đàn ông nói: “Khoảng một tuần một lần, tôi tìm thấy một đồng xu trong túi bên trái của mình. Chúng tôi đã gặp khó khăn về tài chính. Vừa kiếm đủ ăn.” Cảm giác như ma quỷ đang trêu chọc anh.

Một số người không giỏi về tiền bạc và chi tiêu quá mức. Họ có thể được hưởng lợi từ sự giúp đỡ trong việc quản lý tài chính. Nhưng tôi đang gặp ngày càng nhiều trường hợp có vẻ như là một lời nguyền về mặt tài chính. Tất nhiên, bước đầu tiên để vượt qua lời nguyền tài chính là sống trong tình trạng ân sủng. Đối với người Công Giáo, điều này bao gồm thường xuyên xưng tội, Thánh lễ và Thánh Thể cộng với việc tránh tội trọng.

Thứ hai, người ta cần đóng bất kỳ cánh cổng nào có thể dẫn đến ma quỷ. Trong một trường hợp, một cá nhân bị nguyền rủa về tài chính có một lịch sử gia đình mạnh mẽ về hội Tam điểm. Không có gì ngạc nhiên khi việc ai đó tham gia vào hội Tam điểm sẽ dẫn đến những lời nguyền về tài chính, vì nhiều người tham gia với hy vọng đạt được lợi ích tài chính và thành công xã hội. Cá nhân bị ảnh hưởng được hướng dẫn thông qua nghi thức từ bỏ những lời nguyền.

Một cặp vợ chồng khác gặp vấn đề về tài chính. Cha mẹ của người chồng giận dữ không chấp nhận cuộc hôn nhân của họ. Cô ấy đến gặp một phù thủy để dùng ma thuật nguyền rủa cha mẹ chồng “Hai ông bà sẽ chẳng có gì cả.” Nhưng cuối cùng chính họ là những người không có gì cả. Thuốc giải độc cho họ bao gồm phá vỡ mọi mối liên hệ không tốt với ông bà, phù thủy và xóa bỏ mọi lời nguyền.

Bởi vì những lời nguyền này đến từ sự xấu xa và tội lỗi của ai đó, len lỏi trong dòng máu của một người, nên chúng có thể mất thời gian để xóa bỏ. Kiên trì cầu nguyện, giải cứu, sống thánh khiết và tin cậy nơi Chúa Giêsu là điều cần thiết. Nó không phải lúc nào cũng là “một lần trừ tà là xong.” Cuối cùng, sự giải phóng có thể có một thời gian khó khăn về tài chính kéo dài. Khi chúng ta tin cậy nơi Chúa trong thời gian thử thách, sẽ có nhiều sự thanh tẩy và thánh hóa xảy ra.

Một sự trợ giúp đắc lực cho tiến trình giải thoát là dâng hiến cuộc đời và của cải cho Đức Trinh Nữ Maria. Điều này có thể được thực hiện nhờ lời cầu bầu của Thánh Louis de Montfort.
Source:Catholicexorcism.org

4. Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày chống Nạn buôn người

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các bạn trẻ hiệp lực dấn thân như “những thừa sai bênh vực phẩm giá con người, chống nạn buôn người và mọi hình thức bóc lột”.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây, trong sứ điệp Video công bố ngày 08 tháng Hai năm 2023, nhân Ngày Thế giới Lần thứ IX cầu nguyện và suy tư chống nạn buôn người, năm nay có chủ đề là: “Tiến bước bênh vực phẩm giá”. Ngày này cử hành vào ngày 08 tháng Hai mỗi năm, vì đây cũng là ngày kính thánh nữ Giuseppina Bakhita, Bổn mạng các nạn nhân nạn buôn người.

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng: “Nạn buôn người làm biến thái phẩm giá. Sự bóc lột và bắt làm nô dịch, giới hạn tự do và làm cho con người trở thành những đồ vật xài rồi vứt đi. Chế độ buôn người lợi dụng những bất công và gian ác để buộc hàng triệu người phải sống trong những điều kiện dễ bị thương tổn. Thực vậy, những người nghèo đói vì cuộc khủng hoảng kinh tế, chiến tranh, những thay đổi khí hậu và bao nhiêu bấp bênh, dễ bị “chài”. Rất tiếc là nạn buôn người gia tăng với mức độ đáng lo âu, gây thiệt hại nhất là cho những người di cư, phụ nữ và trẻ em, người trẻ như các bạn, những người giàu ước mơ và muốn sống trong phẩm giá”.

Đức Thánh Cha cũng nói với những người trẻ rằng: “Chúng ta đang sống trong thời kỳ khó khăn, nhưng chính vì tình trạng này, mà tất cả chúng ta, đặc biệt là người trẻ, được kêu gọi chung sức để tạo nên những mạng lưới làm điều thiện, để chiếu giãi ánh sáng đến từ Chúa Kitô và Tin mừng của Chúa. Trong những ngày này, những ngọn đèn được trao tượng trưng cho các bạn trẻ đến Roma, đại diện các tổ chức từ nhiều năm vẫn cộng tác vào Ngày Cầu nguyện và dấn thân chống nạn buôn người. Qua cử chỉ đó, các bạn được mời gọi trở thành những thừa sai của phẩm giá, chống nạn buôn người và mọi hình thức bóc lột. Và qua đó, khai mạc một năm đặc biệt có sự can dự của người trẻ, cho đến ngày này năm tới, 2024. Các bạn hãy giữ ngọn đèn sáng đó và các bạn sẽ là một phúc lành cho những người trẻ khác. Đừng mệt mỏi trong việc tìm kiếm những con đường để biến cải cách xã hội chúng ta, phòng ngừa tệ nạn buôn người ô nhục này”.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Tôi cầu mong có đông đảo những người đón nhận lời mời gọi đồng hành của các bạn để chống nạn buôn người: đồng hành với những người đã bị hủy hoại vì bạo lực do nạn khai thác tình dục và lao động; đồng hành với những người di cư, di tản, và người đang tìm kiếm một nơi để sống trong an bình và với gia đình; và cùng với các bạn là những người trẻ, để can đảm tái khẳng định giá trị của phẩm giá con người”
 
Putin tê tái: Cháy lớn ở khu chế tạo vũ khí Moscow. Xe tăng Nga hốt hoảng bỏ chạy cán qua quân Putin
VietCatholic Media
16:59 14/02/2023


1. Đám cháy khổng lồ ở Nga bùng phát bên cạnh Viện chế tạo vũ khí tối tân

Tin tức đang lan truyền nhanh chóng trên các mạng xã hội với những nghi vấn cho rằng biệt kích Ukraine đã đánh vào Viện chế tạo vũ khí tối tân của Nga tại Mạc Tư Khoa. Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Huge Russia Fire Breaks Out by Institute That Makes Cutting Edge Weapons”, nghĩa là “Đám cháy khổng lồ ở Nga bùng phát bên cạnh Viện chế tạo vũ khí tối tân.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ..

Các video về vụ hỏa hoạn ở Mạc Tư Khoa được cho là đã thiêu rụi một trung tâm dịch vụ xe hơi gần khu liên hợp công nghiệp quân sự quan trọng của Nga đã lan truyền ở mức chóng mặt.

Hãng thông tấn Tass của nhà nước Nga đưa tin rằng một đám cháy đã bùng phát tại một trung tâm dịch vụ xe hơi trên Phố Dekabristov ở quận Otradnoe, cách Quảng trường Đỏ khoảng 12 dặm hay 20km về phía Bắc, vào lúc gần 2 giờ sáng, giờ địa phương hôm thứ Ba 14 tháng Hai.

Những người dùng các phương tiện truyền thông xã hội lưu ý rằng đám cháy gần với Viện nghiên cứu dụng cụ chính xác, một phần của cơ quan vũ trụ nhà nước Nga, Roscosmos, và các mối liên hệ có thể có của nó với nỗ lực chiến tranh của Mạc Tư Khoa ở Ukraine.

Một video về trận hỏa hoạn đã được xem hơn nửa triệu lần, tính đến sáng thứ Ba. Đoạn phim cũng khiến rất nhiều bình luận và suy đoán về nguyên nhân của vụ cháy.

“Tại Mạc Tư Khoa, một đám cháy lớn gần Viện Nghiên cứu Khoa học Dụng cụ Chính xác, nơi người Nga phát triển và sản xuất các kênh điều khiển vô tuyến cho vũ khí phản lực của hải quân và hàng không,” người dùng Twitter Maks 22 viết, bên cạnh một video cho thấy khói bốc lên bầu trời đêm.

Kênh Telegram của hãng tin Ukraine Realnaya Voina đã chia sẻ một đoạn phim tĩnh và hai đoạn phim cho thấy ngọn lửa từ các góc độ khác nhau. Nó cho biết vụ cháy xảy ra gần một tòa nhà “nơi họ đang tham gia phát triển và sản xuất các kênh điều khiển vô tuyến cho vũ khí hỏa tiễn hàng không và hải quân. Họ sẽ khám phá ít hơn,” bài đăng được thêm vào, theo bản dịch tiếng Ukraine.

Michael MacKay, người viết về cuộc chiến ở Ukraine đã tweet cho 230.000 người theo dõi của mình: “Ở Mạc Tư Khoa, căn cứ của nhà nước khủng bố Nga, đã xảy ra một vụ hỏa hoạn tại một cơ sở nghiên cứu và phát triển các thiết bị chính xác được sử dụng trong vũ khí hỏa tiễn hải quân và hàng không.”

Các dịch vụ khẩn cấp cho biết các thùng nhiên liệu đã phát nổ bên trong tòa nhà nơi cất giữ lốp xe và ngọn lửa lan ra hơn 1.500 mét vuông, khiến một phần mái nhà bị sập.

Có 51 đơn vị cứu hỏa được triển khai tới hiện trường, để đối phó với việc dập tắt đám cháy phức tạp do sự hiện diện của lốp xe, dầu và thiết bị kỹ thuật. Thông tấn xã Tass cho biết như trên, và lưu ý rằng ba người đã được giải cứu khỏi tòa nhà và đám cháy đã được dập tắt ngay trước 4 giờ sáng.

Mặc dù không có xác nhận nào về việc liệu vụ hỏa hoạn có phải do phá hoại hay không, nhưng đã có một số vụ hỏa hoạn không rõ nguyên nhân ở Nga kể từ khi nước này xâm lược Ukraine, bao gồm các vụ cháy trong các tòa nhà, kho chứa dầu và đạn dược, nhà kho và những nơi khác.

Chúng bao gồm các vụ cháy kho chứa dầu vào tháng 3 và tháng 4 năm 2022 tại các thành phố Belgorod và Bryansk, gần biên giới của Nga với Ukraine, cũng như vụ nổ tại một nhà máy đạn dược ở Perm vào tháng 5.

2. Video gây sốc cho thấy xe tăng Nga vô tình cán qua quân mình trong lúc bỏ chạy hỗn loạn

Dư luận tại Nga đang yêu cầu đưa Trung tướng Rustam Muradov và Denis Pushilin, nhà lãnh đạo của cái gọi là Cộng hòa Nhân Dân Donetsk tự xưng ra tòa án quân sự mặt trận. Lý do ngày càng tỏ tường là họ đã đưa ra một quyết định ngu xuẩn khi cho Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 155 và xe tăng đi vào một lối đi nhỏ hẹp với ý định bọc hậu quân phòng thủ Ukraine tại thành phố Vuhledar. Kế hoạch không thành vì quân Ukraine đã đợi cho quân Nga tiến vào con đường này trước khi pháo kích xối xả hai đầu, khiến quân Nga rút không được, tiến không xong. Các video từ máy bay không người lái của quân Ukraine cho thấy trong lúc hoảng loạn xe tăng Nga cán cả vào lính Nga để bỏ chạy.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Tanks Accidentally Run Over Their Own Troops in Shocking Video”, nghĩa là “Video gây sốc cho thấy xe tăng Nga vô tình cán qua quân mình.”

Một kênh Telegram liên kết với Tập đoàn Wagner, một đơn vị bán quân sự của Nga tham gia vào các cuộc tấn công hiện nay ở khu vực phía đông Ukraine, đã phát hành đoạn phim cho thấy xe tăng Nga cán qua quân đội của chính mình ở thành phố Vuhledar.

Vuhledar, ở khu vực Donbas của Ukraine, đã chứng kiến các cuộc đụng độ dữ dội trong những tuần gần đây, khi quân đội Nga cố gắng chiếm thành phố mà một quan chức do Điện Cẩm Linh đã tuyên bố có thể biến cuộc chiến theo hướng có lợi cho Mạc Tư Khoa.

Grey Zone, một kênh Telegram ủng hộ Cẩm Linh, đã đăng đoạn phim có chủ đích cho thấy các cuộc đụng độ gần đây ở Vuhledar.

“Ở Vuhledar, một vụ khốn nạn hoàn toàn đang xảy ra và nó đang diễn ra lặp đi lặp lại, thường là ở cấp chỉ huy của cùng một đơn vị đã bị phàn nàn về các vấn đề trước đây, nhưng các vấn đề này vẫn chưa kết thúc,” kênh này cho biết trong một bài đăng kèm theo các video.

“Vâng, tất nhiên, chúng ta cũng gây thiệt hại cho đối phương, nhưng cảnh quay của đối phương cho thấy một cuộc khủng hoảng khác trong việc chỉ huy và kiểm soát quân đội ở cấp chỉ huy trực tiếp.”

Bài đăng lưu ý rằng một đơn vị của Nga - một số thành viên của họ được cho là đã phàn nàn với thống đốc khu vực của họ vào năm ngoái về khả năng lãnh đạo “thiếu năng lực” sau một cuộc tấn công thảm khốc vào Pavlivka gần đó, đã chỉ ra những sai lầm nghiêm trọng một lần nữa của Tướng Rustam Muradov và Đại Tá Zurab Akhmedov.

“Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 155 khét tiếng nhưng anh hùng của Hạm đội Thái Bình Dương trong các trận chiến giành Pavlivka đã đến gặp Thống đốc Primorksy Krai, Oleg Kozhemyaka, đề cập đến tên của Muradov và Akhmedov. Bây giờ họ đang chiến đấu cho Vuhledar, cùng với lực lượng thủy quân lục chiến của lữ đoàn 40 và lực lượng đặc biệt của lữ đoàn biệt lập số 14,”

Kênh Grey Zone cho biết đoạn phim “tự nói lên điều đó”.

“Ít nhất 30 phương tiện bị mất, những người lính xe tăng tháo chạy và cảnh quay giống như trong bộ phim Luyện ngục về cuộc chiến ở Chechnya với những chiếc xe bọc thép chở quân nghiền nát binh lính của chính họ.”

Đoạn phim được kênh Telegram chia sẻ cho thấy hai người lính bị kéo lê dưới gầm một chiếc xe tăng, và một người lính bị bao phủ bởi ngọn lửa vừa chạy ra khỏi chiếc xe tăng ngay trước khi nó phát nổ.

Denis Pushilin, nhà lãnh đạo của Nga tại Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, đã nói rằng việc chiếm được khu vực Vuhledar sẽ là một yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với các nỗ lực chiến tranh của Nga.

Ông nói với hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti vào tháng trước rằng Nga đang “chờ đợi tin tốt lành từ Vuhledar”, đồng thời nói thêm rằng việc bao vây và “giải phóng” thành phố “giải quyết được nhiều vấn đề”.

Ông nói: “Việc kiểm soát khu định cư này sẽ giúp quân đội của chúng ta tiếp cận các hướng Krasnoarmiysk và Kurakhovskoye.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để xin bình luận.

3. Lực lượng Ukraine 'phá hủy cây cầu gần Bakhmut' nhưng phủ nhận kế hoạch rút lui

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Ba 14 tháng Hai, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Đại Tá Oleksandr Motuzianyk cho biết trong 24 giờ qua, có tổng cộng 37 vụ đụng độ quân sự đã xảy ra trên hướng Bakhmut. Quân đội Nga đã nổ súng vào các vị trí của lực lượng Ukraine 234 lần.

“Cuộc tấn công đã bắt đầu từ lâu. Tại đây, hơn nửa năm nay, các cuộc tấn công tàn bạo, đẫm máu của địch liên tục hoành hành. Ở hướng Bakhmut, nơi đối phương tập trung các nỗ lực chính của chúng, chỉ trong ngày qua đã có 234 lần pháo kích. Ba mươi bảy cuộc đụng độ quân sự đã xảy ra trên khắp mặt trận Bakhmut. 70 cuộc tấn công và 17 cuộc đụng độ quân sự đã được ghi nhận trong chính thành phố”.

Ít nhất 205 quân xâm lược Nga đã bị loại khỏi vòng chiến và 219 người bị thương. Tuy nhiên, theo Đại Tá Oleksandr Motuzianyk, quân xâm lược đang tập trung một lực lượng đông đảo. Trong ngày qua, đã xảy ra con số kỷ lục các vụ pháo kích.

Trong khi đó, với sự trợ giúp của vũ khí chính xác cao, Lực lượng Phòng vệ Ukraine đang nỗ lực giảm thiểu đáng kể các cơ hội hậu cần của đối phương.

Đại Tá Oleksandr Motuzianyk nhận xét rằng có vẻ như Điện Cẩm Linh đang tập trung lực lượng tối đa để đánh chiếm thị trấn Bakhmut phía đông trước lễ kỷ niệm một năm cuộc xâm lược vào ngày 24 tháng Hai.

Ukraine và các đồng minh phương Tây của họ trong tuần trước đã nói rằng Nga đã bắt đầu một cuộc tấn công mới qua giới tuyến nhằm giành lấy thành phố Bakhmut trước khi các nguồn cung cấp mới của phương Tây đến vào mùa xuân. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với các phóng viên ở Brussels: “Rõ ràng là chúng ta đang trong một cuộc chạy đua về hậu cần.”

Một chiến thắng của Nga ở Bakhmut sẽ tạo động lực cho Điện Cẩm Linh sau nhiều tháng lùi bước và là bàn đạp để chiến đấu giành hai thị trấn lớn tiếp theo do Ukraine kiểm soát.

Các lực lượng Nga hiện đang chiếm giữ các khu vực ở phía bắc và phía nam của Bakhmut và đang cố gắng áp đảo các lực lượng Ukraine bằng cách không ngừng ném thêm bộ binh vào tiền tuyến của Ukraine.

Trận chiến giành quyền kiểm soát Bakhmut bắt đầu vào tháng 6 và đã trở thành một trong những trận chiến đẫm máu nhất trong một thế kỷ qua khi Nga tập trung một lượng lớn nguồn lực để chiếm thị trấn. Cảnh quay bằng máy bay không người lái do quân đội Ukraine công bố cũng như các nghĩa địa ở miền nam nước Nga cho thấy tổn thất của Nga là rất lớn.

Đại Tá Oleksandr Motuzianyk cho biết các lực lượng Ukraine đã cho nổ tung một cây cầu gần thị trấn Bakhmut. Cây cầu bị nổ nằm giữa Bakhmut và Konstantivka, là thị trấn lớn tiếp theo vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine. Tuy nhiên, ông phủ nhận ý định rời khỏi thị trấn, bất chấp 6 tháng giao tranh ác liệt và kho dự trữ được cho là đang cạn kiệt.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết vào đầu tháng 2 rằng Ukraine quyết tâm giữ Bakhmut, mô tả thành phố này là “Pháo đài Bakhmut”.

Đại Tá Oleksandr Motuzianyk cho biết trong 24 giờ qua, 740 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng 3 xe tăng, 8 xe thiết giáp, một chiếc Su-24M và một chiếc Su-25.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 14 Tháng Hai, 139.080 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổng thiệt hại chiến đấu của đối phương còn bao gồm 3.286 xe tăng, 6.500 xe thiết giáp, 2.299 hệ thống pháo, 466 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 234 hệ thống phòng không, 298 máy bay chiến đấu, 286 máy bay trực thăng, 2.011 máy bay không người lái, 857 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.155 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 218 đơn vị thiết bị đặc biệt.

4. Trước nguy cơ Putin làm đảo chính để cướp chính quyền, Moldova đã tạm thời đóng cửa không phận.

Air Moldova, hãng hàng không quốc gia, kêu gọi hành khách “hãy bình tĩnh” và hãng “đang chờ nối lại các chuyến bay”.

Tin tức được đưa ra vào thời điểm căng thẳng giữa Moldova và Nga, và một ngày sau khi Tổng thống Moldova, Maia Sandu, cáo buộc Mạc Tư Khoa âm mưu gây bất ổn cho nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ nhằm cướp chính quyền của bà.

Sandu phàn nàn hôm thứ Hai rằng Nga đang lên kế hoạch sử dụng những kẻ phá hoại nước ngoài để bắt giữ ban lãnh đạo đất nước của cô, ngăn nước này gia nhập Liên Hiệp Âu Châu và sử dụng Moldova làm địa bàn trong cuộc chiến chống lại Ukraine.

Bình luận của bà được đưa ra sau khi tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết Ukraine đã phát hiện ra một kế hoạch tình báo của Nga “để hủy diệt Moldova”, và vài ngày sau Thủ tướng chính phủ nước này đã từ chức, có lẽ vì quá sợ hãi.

5. Nga phủ nhận kế hoạch cướp chính quyền Moldova giữa lo ngại về cuộc đảo chính của Putin

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Denies Plan to Destroy Moldova Amid Putin Coup Fears”, nghĩa là “Nga phủ nhận kế hoạch triệt hạ chính quyền Moldova giữa lo ngại về cuộc đảo chính của Putin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Mạc Tư Khoa đã bác bỏ tuyên bố rằng họ đang lên kế hoạch lật đổ chính phủ Moldova và đổ lỗi cho các báo cáo về âm mưu đảo chính là do Hoa Kỳ và Ukraine tung ra.

Tổng thống Moldova Maia Sandu nói rằng Nga đang tìm cách lật đổ một cách bạo lực giới lãnh đạo thân Âu Châu của đất nước bà với sự giúp đỡ của những người đóng giả người biểu tình chống chính phủ. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Kirby đã mô tả các cáo buộc này gây ra các “quan ngại sâu sắc.”

Đã có những lo ngại về những gì Vladimir Putin có thể làm ở Moldova kể từ khi cuộc xâm lược của ông ta vào nước láng giềng Ukraine bắt đầu vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, do sự hiện diện của quân đội Nga ở vùng ly khai Transnistria của Moldova.

Sandu nói với các nhà báo hôm thứ Hai rằng “những kẻ phá hoại” mặc quần áo dân sự sẽ tấn công các cơ quan nhà nước, bắt con tin và “lật đổ trật tự hiến pháp và thay thế quyền lực hợp pháp của Chisinau bằng một quyền lực bất hợp pháp.”

Sandu cho biết Mạc Tư Khoa đang lên kế hoạch sử dụng công dân của Nga, Belarus, Serbia và Montenegro để thực hiện các kế hoạch của mình, mặc dù bà nhấn mạnh rằng “những nỗ lực của Cẩm Linh nhằm mang lại bạo lực cho đất nước chúng ta sẽ thất bại”.

Cô đưa ra cáo buộc sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói với các nhà lãnh đạo Âu Châu vào tuần trước rằng Kyiv đã chặn một kế hoạch tình báo của Nga “để hủy diệt Moldova”.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết những tuyên bố này “hoàn toàn vô căn cứ và không có cơ sở” và dựa trên “các kỹ thuật cổ điển thường được Hoa Kỳ, các nước phương Tây khác và Ukraine sử dụng”.

Tuyên bố của bà Zakharova cho biết Kyiv đã tung ra “thông tin sai lệch” về âm mưu đảo chính nhằm đưa Chisinau “vào một cuộc đối đầu khó khăn với Nga”. Bà ta nói thêm rằng những lời buộc tội của Sandu là một mưu đồ nhằm chuyển hướng sự chú ý khỏi các vấn đề nội bộ của đất nước cô ấy và “để tăng cường cuộc chiến chống lại những người bất đồng chính kiến và các đối thủ chính trị.”

“Nga không đặt ra mối đe dọa đối với an ninh của Cộng hòa Moldova,” tuyên bố của bà nói thêm.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Moldova để xin bình luận.

Vốn đã phải đối mặt với lạm phát cao cũng như khủng hoảng năng lượng sau khi Nga giảm nguồn cung, Moldova đang rơi vào tình trạng bất ổn chính trị sau khi thủ tướng Natalia Gavrilita từ chức hôm thứ Sáu.

Điều này được đưa ra ngay sau khi có xác nhận rằng một hỏa tiễn của Nga đã đi vào không phận của đất nước. Việc bà từ chức có thể dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ Moldova, vốn thân phương Tây và liên minh với nước láng giềng Ukraine.

Vào năm 2022, Moldova đã nhận được tư cách ứng cử viên của Liên Hiệp Âu Châu nhưng đã phải đối mặt với các cuộc biểu tình chống chính phủ do nhà tài phiệt Ilan Shor tổ chức, người được cho là có mối liên hệ chặt chẽ với Mạc Tư Khoa.

Putin bị cáo buộc vũ khí hóa năng lượng chống lại chính phủ thân Liên Hiệp Âu Châu ở Chisinau và người Moldova đã phải chịu đựng tình trạng mất điện trong suốt mùa đông với giá năng lượng hộ gia đình tăng cao.

6. Na Uy gửi 8 xe tăng Leopard 2 tới Ukraine

Na Uy tuyên bố sẽ gửi 8 xe tăng chiến đấu Leopard 2 do Đức sản xuất và các thiết bị khác tới Ukraine.

Trong một tuyên bố, thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre cho biết “việc ủng hộ cuộc đấu tranh giành tự do của Ukraine là điều quan trọng hơn bao giờ hết”.

Thông báo này được đưa ra một ngày sau khi Støre nói chuyện với Volodymyr Zelenskiy trong một cuộc điện thoại, trong đó hai người thảo luận về cam kết 5 năm của Na Uy đối với Ukraine.

Ngoài 8 chiếc Leopards, Na Uy cho biết họ cũng sẽ gửi 4 xe tăng có mục đích đặc biệt được sử dụng cho việc bắc cầu, với sự lựa chọn chính xác tùy thuộc vào những gì Ukraine cần nhất.

Bộ Quốc phòng Na Uy cho biết nước này cũng sẽ dành quỹ cho đạn dược và phụ tùng thay thế. Na Uy, quốc gia có chung đường biên giới với Nga ở Bắc Cực, có tổng cộng 36 xe tăng Leopard 2.
 
Khủng hoảng Mỹ-TQ: Hoa Kỳ công bố đã vớt được các bằng chứng chấn động từ khinh khí cầu của Bắc Kinh
VietCatholic Media
22:05 14/02/2023


1. Quân đội Mỹ đã thu hồi được từ khinh khí cầu do thám Trung Quốc bị bắn rơi những bằng chứng chấn động về nỗ lực do thám của Trung Quốc, bao gồm cả một hệ thống cảm biến điện tử

Tờ New York Post có bài tường trình nhan đề “US military recovers electronic sensors from downed Chinese spy balloon”, nghĩa là “Quân đội Mỹ thu hồi hệ thống cảm biến điện tử từ khinh khí cầu do thám Trung Quốc bị bắn rơi.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các quan chức Hoa Kỳ tuyên bố rằng quân đội Mỹ đã khôi phục được từ khinh khí cầu do thám Trung Quốc bị bắn hạ hồi đầu tháng các cơ chế điện tử và các cảm biến chính - được tường trình là đã được sử dụng để thu thập thông tin tình báo.

“Các đội đã có thể phục hồi các mảnh vỡ đáng kể từ địa điểm, bao gồm tất cả các bộ phận cảm biến và thiết bị điện tử được ưu tiên tìm kiếm, cũng như các phần lớn của cấu trúc,” Bộ Tư lệnh Phương Bắc của quân đội Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố.

Khinh khí cầu khổng lồ đã bị một máy bay chiến đấu của Hoa Kỳ hạ gục ngoài khơi bờ biển Nam Carolina vào ngày 4 tháng 2 sau khi nó bay lượn trên đất nước này trong một tuần. Cho đến nay, bất chấp các bằng chứng tìm được, Bắc Kinh vẫn tiếp tục phủ nhận nó không phải là thiết bị của chính phủ được sử dụng để do thám.

Các bộ phận đã được nhân viên Hải quân thu hồi từ đại dương trong những ngày sau đó.

Kể từ đó, các thành viên của nhóm phản hồi bằng chứng của FBI đã nghiên cứu tàn dư để đánh giá mức độ mở rộng khả năng do thám của nó, nhưng không có quyền truy cập vào phần lớn “trọng tải” của khinh khí cầu là thiết bị điện tử trên tàu. Quân đội hiện đã sở hữu các thiết bị điện tử quan trọng.

Việc phát hiện ra khinh khí cầu do thám của Trung Quốc khiến các quan chức Mỹ cảnh giác cao độ đối với các thiết bị thu thập thông tin tình báo tiềm năng khác của nước ngoài đang bay trên đường hàng không của Mỹ mà radar không phát hiện được.

Các quan chức quân đội Hoa Kỳ đã xác định vị trí và bắn hạ ba vật thể trong nhiều ngày vào cuối tuần qua trong một động thái chưa từng có.

Các nhà chức trách liên bang chưa cho biết chi tiết về ba vật thể mới nhất, bao gồm cả cách chúng ở trên cao, chúng đến từ đâu và liệu chúng có được sử dụng để do thám Hoa Kỳ hay không.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin cho biết các vật thể này chưa bao giờ là mối đe dọa quân sự đối với những người trên mặt đất, nhưng đã bị bắn hạ vì chúng có thể gây rủi ro cho hàng không dân dụng và “có khả năng là mối đe dọa thu thập thông tin tình báo”.

Austin nói thêm rằng quân đội Mỹ vẫn chưa thu hồi được các mảnh vỡ từ ba vật thể bị bắn hạ – chúng nhỏ hơn đáng kể so với khinh khí cầu do thám của Trung Quốc.

Các quan chức Mỹ chưa cho biết liệu ba vật thể có liên quan với nhau hay không và có đến từ một nguồn hay không.

2. Tướng Mark Milley xác nhận hỏa tiễn đầu tiên của quân đội đã bắn hụt chiếc UFO trên Hồ Huron

Tờ New York Post có bài tường trình nhan đề “Military missed UFO with first missile shot over Lake Huron, Gen. Mark Milley says”, nghĩa là “Tướng Mark Milley xác nhận hỏa tiễn đầu tiên của quân đội đã bắn hụt chiếc UFO trên Hồ Huron.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Một phi công chiến đấu của Hoa Kỳ được giao nhiệm vụ bắn hạ một vật thể không xác định trên Hồ Huron vào cuối tuần trước đã bắn trượt mục tiêu dự định trong lần bắn đầu tiên, khiến một hỏa tiễn lao xuống Biển Hồ, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley cho biết hôm thứ Ba.

“Phát đầu tiên trượt, phát thứ hai trúng,” Milley nói về hỏa tiễn AIM9x Sidewinder do một máy bay chiến đấu F-16 bắn ở độ cao khoảng 20.000 feet trên bầu trời Michigan vào chiều Chúa Nhật. “Trong trường hợp này, hỏa tiễn đã hạ cánh an toàn xuống nước hồ Huron.”

Các hỏa tiễn không đối không siêu thanh, tự hào với đầu đạn có sức công phá cao và hệ thống dẫn đường tìm nhiệt hồng ngoại, rất tốn kém. Quốc hội vào tháng 12 đã phê chuẩn yêu cầu của Ngũ Giác Đài mua 383 hỏa tiễn trong số đó với giá khoảng 175,1 triệu đô la trong ngân sách năm 2023 - hơn 457.000 đô la cho mỗi hỏa tiễn.

Khi được hỏi liệu cú trượt vô tình có ảnh hưởng đến việc ra quyết định trong các tình huống tương tự trong tương lai hay không, Milley từ chối.

Ông nói: “Chúng tôi đã nỗ lực hết sức để bảo đảm rằng không phận và bối cảnh rõ ràng để hỏa tiễn đạt được tầm bắn hiệu quả tối đa. “Chúng tôi đã lần theo dấu vết của nó và chúng tôi bảo đảm rằng không phận không có bất kỳ phương tiện giao thông dân sự hoặc giải trí hoặc thương mại nào.”

Phát súng đầu tiên vào Chúa Nhật là phát duy nhất mà quân đội đã bắn trượt trong bốn vụ bắn hạ gần đây bắt đầu từ vụ bắn hạ một khinh khí cầu do thám Trung Quốc vào ngày 4 tháng 2 ngoài khơi bờ biển Nam Carolina.

Milley cho biết: “Chúng tôi xác định khu vực mảnh vụn có khả năng rớt xuống là gì khi một trong những mảnh vụn này rơi xuống trên bề mặt đất hoặc dưới nước. Chúng tôi rất, rất cân nhắc và kế hoạch của Bộ Tư lệnh Phương Bắc là thực hiện điều đó cùng với chính các phi công. Vì vậy, chúng tôi rất, rất cẩn thận để bảo đảm rằng những quyết định đó thực sự an toàn.”

“Và đó là hướng dẫn từ Tổng thống: Bắn hạ nó và bảo đảm rằng chúng ta giảm thiểu thiệt hại về tài sản dân sự và chúng ta bảo vệ sự an toàn của người dân Mỹ,” ông nói thêm.

Tin tức được đưa ra khi phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby nói với các phóng viên rằng các quan chức tình báo vẫn chưa chắc chắn rằng UFO này - cùng với hai chiếc UFO khác bị bắn hạ vào thứ Sáu và thứ Bảy - là một phần của chương trình khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm của cả nước trong những tuần gần đây.

John Kirby cho biết: “Ngay bây giờ chúng tôi không thấy bất cứ điều gì chỉ ra rằng những thứ này là một phần của chương trình gián điệp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hoặc trên thực tế là thu thập thông tin tình báo chống lại Hoa Kỳ dưới bất kỳ hình thức nào.”

Milley cho biết, ngay cả khi những vật thể gần đây nhất không có ý định gây hại, chúng vẫn là mối đe dọa đối với giao thông hàng không thương mại do độ cao của chúng, dẫn đến quyết định phải hạ gục chúng khỏi bầu trời. Ông lưu ý rằng máy bay phản lực trung bình bay ở độ cao khoảng 30.000 feet hay 9.1km.

“Điều quan trọng nhất đối với quân đội Mỹ là bảo vệ người dân Mỹ, vì vậy chúng tôi đánh giá các rủi ro; chúng tôi tự đánh giá rủi ro của những khinh khí cầu này,” ông nói. “Chúng có phải là mối đe dọa động học hay không? Chúng có phải là một mối đe dọa tình báo hay không? Chúng có phải là mối đe dọa đối với hàng không dân dụng không? Tất cả những điều đó chúng tôi phải trải qua rất, rất cẩn thận.”

3. Báo cáo cho biết Hoa Kỳ bắn hạ 'khí cầu kim loại nhỏ' ở phía tây bắc Canada

Tờ New York Post có bài tường trình nhan đề “US shot down ‘small, metallic balloon’ over northwest Canada: report”, nghĩa là “Báo cáo cho biết Hoa Kỳ bắn hạ 'khí cầu kim loại nhỏ' ở phía tây bắc Canada.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Ngũ Giác Đài đã viết trong một bản ghi nhớ cho các nhà lập pháp rằng quân đội Mỹ đã bắn hạ một “khinh khí cầu kim loại, nhỏ” trên bầu trời Canada hôm thứ Bảy – đưa ra một trong những mô tả đầu tiên về một trong ba vật thể bí ẩn bị bắn hạ trong những ngày liên tiếp.

Bản ghi nhớ cho biết khinh khí cầu, trước đây được mô tả là một “vật thể hình trụ”, đã bay ngang qua gần “các địa điểm nhạy cảm của Hoa Kỳ” trước khi nó bị bắn và “sau đó từ từ hạ xuống” vùng biển của Canada ngoài lãnh thổ Yukon, CNN đưa tin.

Mô tả được báo cáo là một trong những mô tả đầu tiên mà Bộ Quốc phòng đưa ra kể từ khi hạ gục bộ ba UFO vào cuối tuần qua. Quân đội Hoa Kỳ cũng đã bắn hạ một vật thể không xác định ở Alaska vào hôm thứ Sáu và một vật thể khác ở Hồ Huron, Michigan vào hôm Chúa Nhật.

Theo Fox News, máy bay phản lực F-16 của Lực lượng Không quân tham gia vụ bắn hạ Hồ Huron đã bắn trượt phát đầu tiên.

“Hỏa tiễn tầm nhiệt Sidewinder đầu tiên đã bắn trượt mục tiêu”, một quan chức Mỹ nói với hãng tin này.

Một chiếc Sidewinder được bắn lần thứ hai đã đánh trúng con tàu bí ẩn. Không rõ quả hỏa tiễn đầu tiên đã hạ cánh ở đâu.

Mỗi hỏa tiễn Sidewinder có giá hơn 400.000 USD.

Các quan chức Hoa Kỳ đã tiết lộ một số chi tiết về các vật thể mới nhất khi quân đội làm việc để thu hồi các vật phẩm. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết tính đến chiều thứ Hai, Hoa Kỳ đã “không thu hồi được bất kỳ mảnh vỡ nào từ ba vụ bắn hạ gần đây nhất”.

Canada đang dẫn đầu các nỗ lực thu hồi khinh khí cầu kim loại, trong khi Hoa Kỳ đã bắt đầu “nỗ lực mở rộng” ở Alaska và Michigan để thu hồi các mảnh vỡ từ hai thiết bị còn lại.

“Ở Alaska, vật thể đã hạ cánh trên biển băng, và do gió lạnh cũng như các tác động thời tiết khác trong khu vực, những lo ngại về an toàn đang quyết định một phần thời gian thu hồi,” Austin nói với các phóng viên ở Brussels. “Tại Hồ Huron, Bộ Tư lệnh Miền Bắc Hoa Kỳ, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ và FBI đang bắt đầu các hoạt động để xác định vị trí các mảnh vỡ, với sự hợp tác chặt chẽ với người Canada.”

Vẫn chưa rõ ai đã phóng các vật thể gần đây nhất và họ đang làm gì, nhưng Austin cho biết ông hy vọng có thể thu được câu trả lời khi những gì còn sót lại của UFO này được thu hồi.

“Chúng ta không biết liệu họ có thực sự thu thập thông tin tình báo hay không, nhưng vì lộ trình mà họ đã đi, để hết sức thận trọng, chúng ta muốn bảo đảm rằng mình có khả năng kiểm tra xem những thứ này là gì và có khả năng chúng là gì,” ông nói.

Theo Ngũ Giác Đài, các vật thể này được phát hiện sau khi NORAD điều chỉnh các thông số trên radar của họ để theo dõi kỹ hơn các nhiễu động ở độ cao sau khi một khinh khí cầu do thám Trung Quốc bay từ Alaska đến Nam Carolina suốt một tuần trước khi quân đội Hoa Kỳ bắn hạ nó vào ngày 4 tháng Hai.

Một phần “đáng kể” trọng tải của khinh khí cầu do thám đã được nâng lên khỏi đáy đại dương một cách nguyên vẹn, bao gồm cả “thiết bị điện tử mà họ đang tìm kiếm”, một quan chức quốc phòng cấp cao của Hoa Kỳ nói với Fox News hôm thứ Hai.

Austin xác nhận rằng quân đội đã thu hồi được “một lượng lớn” mảnh vỡ từ khinh khí cầu do thám Trung Quốc, mặc dù thời tiết và biển động đã làm chậm các nỗ lực tìm kiếm vào cuối tuần.

“ Ưu tiên của chúng ta là thu hồi các mảnh vỡ để chúng ta có thể hiểu rõ hơn về những vật thể này. Chúng ta đang hợp tác chặt chẽ với phần còn lại của chính phủ liên bang, bao gồm FAA, FBI, NASA và những tổ chức khác, để giải quyết những gì chúng ta có thể thấy.”

Austin nhắc lại rằng “ba vật thể bị hạ gục vào cuối tuần này rất khác” so với khinh khí cầu do thám khổng lồ của Trung Quốc được nhìn thấy vào tuần trước.

“Chúng ta biết chính xác đó là gì, một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc,” ông nói. “Như chúng tôi đã nói, chúng tôi không đánh giá rằng các vật thể gần đây gây ra bất kỳ mối đe dọa trực tiếp nào đối với những người trên mặt đất và chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào việc xác nhận bản chất và mục đích của chúng.”

4. Sau khi được Ngũ Giác Đài tường trình, các Thượng nghị sĩ nói rằng vấn đề rất nghiêm trọng đến mức NATO cũng cần phải quan tâm

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “As UFOs Breach U.S. Airspace, Senators Say NATO Should Also be 'Concerned'“, nghĩa là “Khi UFO xâm phạm không phận Hoa Kỳ, các thượng nghị sĩ nói rằng NATO cũng nên 'quan tâm'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Hôm nay, các quan chức Ngũ Giác Đài đã thông báo cho các nhà lập pháp trên Đồi Capitol về các trường hợp vật thể bay không xác định bị bắn hạ trên không phận Hoa Kỳ. Sau cuộc họp, các thượng nghị sĩ nhấn mạnh rằng đây có thể không chỉ là mối quan tâm của Mỹ mà NATO cũng cần phải quan tâm.

“Việc giám sát các vật thể không xác định trên không phận không phải là vấn đề duy nhất đối với Hoa Kỳ và chúng không phải là mới,” Thượng nghị sĩ Florida Marco Rubio, người phục vụ với tư cách là đảng viên Cộng hòa trong Ủy ban Tình báo, nói với Newsweek. “Điều duy nhất mới là chúng ta đã bắn hạ 3 chiếc, nhưng tôi nghĩ các đồng minh NATO của chúng ta cũng phải lo ngại. Rõ ràng, mỗi quốc gia có khả năng do thám khác nhau.”

Thượng nghị sĩ Roger Wicker, của Đảng Cộng Hòa đơn vị Mississippi, trong ủy ban Dịch vụ Vũ trang, đã lặp lại nhận xét của Thượng nghị sĩ Rubio.

Ông nói với Newsweek: “Tôi nghĩ các đồng minh của chúng ta đang quan tâm một cách thích hợp vì tất cả chúng ta đều ở trong đó với tư cách là đồng minh NATO”.

Báo động về các trường hợp vật thể bay lưu thông qua không phận Hoa Kỳ lần đầu tiên lên đến đỉnh điểm vào đầu tháng 2 sau khi một khinh khí cầu do thám tầm cao được cho là của Trung Quốc được nhìn thấy đang bay qua lục địa Hoa Kỳ. Cuối cùng nó đã bị bắn hạ vào ngày 4 tháng 2, cho dù Trung Quốc vẫn tiếp tục khẳng định khinh khí cầu là một khí cầu nghiên cứu dân sự đã bị thổi bay.

Tuy nhiên, vào ngày 10 tháng 2, một vật thể bay không xác định khác, chưa được rõ ràng là khinh khí cầu, đã bị bắn rơi ngoài khơi bờ biển Alaska. Vào ngày 11 tháng 2, một UFO đã bị bắn hạ ở Canada. Sau đó, vào ngày 12 tháng 2, một vật thể được nhìn thấy lần đầu tiên ở Montana đã bị bắn rơi trên Hồ Huron.

Cho đến nay, Tòa Bạch Ốc vẫn chưa đưa ra tuyên bố nào khẳng định các vật thể bí ẩn có liên quan đến khinh khí cầu Trung Quốc bị cáo buộc làm gián điệp chống lại Mỹ, hoặc bất kỳ chương trình gián điệp nào do nhà nước tài trợ.

Điều phối viên Truyền thông Chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby nói với các phóng viên hôm thứ Ba rằng “Một lần nữa, chúng tôi không thể nói dứt khoát, những vật thể này cho đến nay là gì, mà không phân tích các mảnh vỡ, và tôi muốn nhấn mạnh cụm từ 'cho đến nay', chúng tôi chưa thấy bất kỳ dấu hiệu hay bất cứ điều gì chỉ ra cụ thể ý tưởng rằng ba vật thể này là một phần của chương trình khinh khí cầu gián điệp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hoặc chúng chắc chắn có liên quan đến các nỗ lực thu thập thông tin tình báo”.

Do đó, ông cho biết Tòa Bạch Ốc “sẽ không loại bỏ khả năng đây có thể là những khinh khí cầu chỉ đơn giản được gắn với các thực thể thương mại hoặc nghiên cứu và do đó lành tính”.

Mặc dù không có thông tin rõ ràng về mục đích hoặc nguồn gốc của UFO được đề cập, Kirby nói rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã đưa ra một nỗ lực liên ngành, do cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan dẫn đầu, “để giúp chúng tôi xem xét lại các giao thức và ý nghĩa chính sách đối với các loại đối tượng này trong tương lai.” Vào cuối tuần này, các quan chức Hoa Kỳ hy vọng sẽ thiết lập được “một tập hợp các thông số về cách chúng tôi sẽ giải quyết các loại vật thể này trong tương lai như thế nào”.

Nhưng “bất kể các tham số là gì, điều sẽ không thay đổi là sự liên lạc và tham vấn của chúng tôi với các đồng minh và đối tác.”

Newsweek đã liên hệ với NATO để bình luận.

Các dấu hiệu cho thấy những lo ngại liên quan đến các nỗ lực do thám tiềm năng của Trung Quốc đã mở rộng ra ngoài biên giới Hoa Kỳ đã xuất hiện.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết hôm thứ Ba rằng họ “rất nghi ngờ” rằng họ đã bắt gặp những khinh khí cầu như vậy của Trung Quốc trong không phận Nhật Bản ít nhất ba lần từ năm 2019 đến năm 2021. Mạng tin tức Fuji của Nhật Bản trước đó đã đưa tin vào hôm thứ Năm rằng các quan chức Nhật Bản cho rằng một khinh khí cầu tương tự như chiếc khinh khí cầu của Trung Quốc vừa bị hạ gục ở Mỹ vào đầu tháng này đã được phát hiện trên không phận Nhật Bản vào Tháng Giêng năm 2022.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Ba, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân cảnh báo Nhật Bản đừng nên bắt chước phản ứng của Mỹ về vấn đề này.

“Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng Nhật Bản cần phải khách quan và vô tư trong vấn đề này thay vì làm theo cách của Hoa Kỳ trong việc kịch tính hóa nó,” ông Vương nói.

Nhưng Thượng nghị sĩ Dân chủ Kirsten Gillibrand của New York, người phục vụ trong Ủy ban Tình báo và Dịch vụ Vũ trang, cho biết bà tin rằng những diễn biến mới nhất có thể dẫn đến việc tăng cường cảnh giác đối với một vấn đề đang gây ra rất nhiều quan ngại.

“Tôi nghĩ các đồng minh của chúng ta nhận thức rõ bản chất của các vệ tinh Trung Quốc, và những nỗ lực khác của Trung Quốc nhằm theo dõi nhiều quốc gia,” Gillibrand nói với Newsweek. “Vì vậy, tôi không nghĩ điều này là đáng ngạc nhiên. Tôi nghĩ đó là điều mà mọi người đều biết, nhưng tôi nghĩ nó có thể thu hút sự chú ý của họ đến các phương pháp do thám công nghệ thấp hơn mà Trung Quốc đang sử dụng.”

Cô ấy nói thêm: “Chúng tôi đã biết về những loại hiện tượng trên không không xác định này, đó là lý do tại sao tôi thành lập một văn phòng có tên AARO, nơi thực hiện công việc khó khăn là phân tích dữ liệu và phân tích tất cả các trường hợp công chúng nhìn thấy hoặc các máy bay quân sự nhìn thấy hoặc các trường hợp nhìn thấy khác.”

Vào ngày 15 tháng 7 năm 2022, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Kathleen Hicks thông báo rằng Nhóm quản lý và nhận dạng vật thể trên không sẽ mở rộng phạm vi hoạt động và được đổi tên thành Văn phòng giải quyết bất thường toàn miền, gọi tắt là AARO.

Điều này được thực hiện do điều khoản Gillibrand đưa ra trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm 2022 giao nhiệm vụ cho Ngũ Giác Đài thành lập một văn phòng chuyên trách “xây dựng các quy trình nhằm đồng bộ hóa và chuẩn hóa việc thu thập, báo cáo và phân tích các sự việc” liên quan đến hiện tượng trên không không xác định.

AARO có thể sớm nhận thấy mình phải đối mặt với khối lượng công việc lớn hơn. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mark Kelly của bang Arizona, thành viên của Ủy ban Quân vụ, cho biết chính phủ liên bang vẫn đang trong quá trình thu thập thông tin liên quan đến ba chiếc máy bay bị bắn hạ vào cuối tuần qua.

Kelly nói với Newsweek: “Khinh khí cầu bị bắn rơi ngoài khơi bờ biển Nam Carolina rõ ràng là do sự do thám của Trung Quốc. Có rất nhiều quyết định phải được đưa ra. Chúng tôi đang tiếp tục thu thập dữ liệu đó, nhưng với ba đối tượng đã bị hạ gục vào những ngày vừa qua, chúng tôi nhận thức được một cách công khai rằng chúng tôi vẫn phải đang cố gắng thu thập thông tin về điều đó.”

Về phần mình, Trung Quốc tiếp tục phủ nhận mọi hành vi sai trái trong vụ bắn hạ ban đầu, đồng thời cáo buộc Mỹ đã phản ứng thái quá khi đưa khinh khí cầu của mình bay qua không phận Trung Quốc “hơn 10 lần” kể từ năm 2022.

“Chúng tôi đã nói đi nói lại rằng Mỹ rõ ràng đã phản ứng thái quá bằng cách sử dụng vũ lực với một khí cầu dân sự không người lái của Trung Quốc,” ông Vương nói với các phóng viên hôm thứ Ba. “Khá nhiều phương tiện truyền thông đã so sánh việc Mỹ bắn hạ các vật thể bay với việc bắn muỗi bằng súng phòng không, và gọi đó là 'nghệ thuật ứng xử chính trị kỳ quặc và tốn kém'“.

Ông ta nói thêm: “Mỹ cần cẩn thận để không kéo căng cơ bắp của mình trong khi uốn cong nó quá mạnh.