Ngày 17-02-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật Thứ II Mùa Chay C - 21.2.2016
Lm Francis Lý văn Ca
14:44 17/02/2016
Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,
Bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần vừa qua, chúng ta sẽ chứng kiến cảnh Chúa Giêsu bị ma quỷ cám dỗ, với bản tính con người yếu đuối, nhưng với trợ lực của Thánh Linh, Chúa Giêsu đã chiến thắng. Dựa vào bài Tin Mừng của tuần qua, chúng ta đã cầu xin Chúa ban ơn sức mạnh để chiến thắng ba địch thù: Thế gian, Xác thịt và Ma Quỷ.
Trong Chúa Nhật hôm nay, chúng ta thấy con người của Đức Kitô đã biến đổi uy nghi sáng chói trên núi Tabôrê để cho các tông đồ tin Người là Đấng Thiên Sai.
Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta cầu xin Chúa ban ơn trợ lực để tin tưởng một cách tuyệt đối vào Đấng Thiên Sai, Đấng đã đến trần gian thiết lập Nước Trời và chúng ta là những thần dân trong nước của Ngài.
Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta cùng hiệp tiếng với ca đoàn bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Abraham được Thiên Chúa tuyển chọn và hứa ban cho ông một miêu duệ đông đảo như sao trời cát biển và một miền đất chảy sửa và mật làm gia nghiệp riêng mình. Ông đã phó thác trọn niềm tin vào Thiên Chúa. Điều nầy làm đẹp lòng Thiên Chúa.

TRƯỚC BÀI II:
Cuộc sống đời nầy, luôn hướng mọi hành vi về đời sau, đó là điều mà thánh Phaolô nhắc nhở trong lá thư chúng ta sắp nghe sau đây.

TRƯỚC BÀI PÂ:
Hình ảnh Đức Kitô biến hình trên núi hôm nay, một phần vinh quang của người tín hữu mai ngày trên thiên quốc. Chúng ta cầu xin Chúa ban ơn để được hiểu biết trọn vẹn đời sống mai sau là tuyệt đích đời mình.

Lời Nguyện Giáo Dân.

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Chúng ta đã lắng nghe và chia sẻ Lời Chúa cũng như sẽ áp dụng chính Lời Chúa vào cuộc sống thực tế. Giờ đây, chúng ta dâng lên Thiên Chúa Cha, những lời cầu xin cho Cộng Đoàn Dân Chúa, cá nhân hay gia đình với những ý nguyện sau đây:
1. Chúng ta cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Xin ban cho Ngài được bình an và đầy khôn ngoan và uước gì qua những chuyến tông du mục vụ của ngài, nối kết được sự hiệp nhất với những Giáo Hội Kitô Giáo Anh Em. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin cho cộng đoàn giáo xứ của chúng ta luôn biết tìm hiểu và học hỏi Lời Chúa, để đời sống thiêng liêng được tăng trưởng nhờ ơn thánh Chúa tác động. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Xin cho việc cử hành bí tích tình thương mà Đức Kitô đã để lại như một giao ước ngàn đời của tình yêu Thiên Chúa, đem lại cho chúng ta lòng yêu mến Thánh Thể, yêu mến Nhà Chúa, yêu mến Anh Chị Em cùng quây quần chia sẻ Bánh Thánh Thể trong những ngày Chúa Nhật và Lễ Trọng. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Xin cho giới trẻ ơn sức mạnh để họ tìm gặp Chúa trong thế giới hôm nay. Với bầu nhiệt huyết hăng say, họ sẽ đem tuổi xuân biến đổi thế giới nầy thêm tươi trẻ, yêu thương và hòa bình.
Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Xin cho chúng ta biết tìm đến thăm viếng, ủi an, săn sóc những người già nua tuổi tác, những bệnh nhân trong Mùa Chay Thánh và trong Năm Thánh của Lòng Thương Xót nay. Xin cho chúng ta cũng biết ủi an những ai đang buồn phiền, cô đơn... Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

6. Xin cho các tín hữu của Chúa đã qua đời, được an nghỉ trong Nhà Chúa muôn đời. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Cha, Cha đã khuyến khích các tông đồ, vâng nghe lời Đức Kitô, Người Con Chí Ái của Cha. Chúng con lắng nghe lời Ngài trong Phúc Âm, xin nhậm những lời nguyện cầu của chúng con dâng lên Chúa trong thánh lễ hôm nay. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Phanxicô gặp gỡ các gia đình Mễ Tây Cơ
Vũ Văn An
03:02 17/02/2016
Buổi chiều thứ Hai, 15 tháng Hai, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bay tới thành phố Tuxtla Gutierrez, thủ phủ của Tiểu Bang Chiapas ở miền Đông Nam Mễ Tây Cơ, để gặp gỡ các gia đình tại vận động trường Reyna Victor Manuel của thành phố. Trước khi nói chuyện với đám đông, ngài lắng nghe các chứng từ của những người thuộc các tình huống gia đình khác nhau, bao gồm một cặp cưới nhau theo dân luật có cha mẹ ly dị, nhưng rất tích cực trong công việc bác ái, một thiếu niên khuyết tật tìm được niềm vui vì được Giáo Hội tiếp nhận và nay tích cực truyền giảng Tin Mừng cho các người trẻ khác, một bà mẹ đơn chiếc bị xã hội từ bỏ nhưng được Giáo Hội yêu thương nghinh đón, và một gia đình Công Giáo thuộc Giáo Phận Tapachula.

Trong các nhận xét của ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho rằng các chứng từ ngài vừa nghe nói lên niềm vui, niềm hy vọng và quyết tâm qua đó nhiều gia đình đã đương đầu với buồn sầu, vỡ mộng, và thất bại. Ngài nhận định rằng “sống trong một gia đình không dễ, và thường đau khổ và căng thẳng”. Ngài nói thêm rằng ngài thích các gia đình bị thương tích hàng ngày cố gắng đem tình yêu ra sống hơn là một xã hội sợ yêu thương.

Trước khi tới Tuxtla Gutiérrez, Đức Giáo Hoàng đã viếng nhà thờ chính tòa San Cristóbal, nơi ngài dâng hoa cho Đức Mẹ và tặng một chén thánh và một áo lễ ngoài (chasuble) cho nhà thờ chính tòa. Bên trong nhà thờ, ngài được một nhóm cụ cao niên và người bệnh nghinh đón. Trước khi đọc kinh kính Đức Mẹ với họ, ngài nói với họ rằng họ đang giúp Chúa Giêsu vác thập giá của Người… Ngài cầu xin Thiên Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ, ban cho họ sức mạnh và bình an tâm hồn và an ủi họ.

Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của ngài với các gia đình tại vận động trường Tuxtla Gutierrez.

Anh chị em thân mến,

Tôi biết ơn được ở đây, trên mảnh đất Chiapaneca này. Quả rất tốt được hiện diện trên mảnh đất này, tại lãnh thổ này; quả rất tốt được ở chỗ này nơi, cùng với anh chị em ở đây, có mùi vị gia đình, mùi vị tổ ấm. Tôi cám ơn Thiên Chúa vì các gương mặt và sự hiện diện của anh chị em; tôi cám ơn Thiên Chúa vì sự hiện diện với nhịp đập trái tim của Người trong các gia đình anh chị em. Tôi cũng cám ơn anh chị em, các gia đình và bạn hữu, vì đã cho chúng tôi các chứng tá của anh chị em, vì đã mở cửa nhà và cửa đời sống của anh chị em cho chúng tôi; anh chị em đã cho phép chúng tôi được ngồi với anh chị em để chia sẻ cả cơm bánh vốn nuôi dưỡng anh chị em lẫn mồ hôi trán khi anh chị em đương đầu với các khó khăn hàng ngày. Chính nhờ cơm bánh tượng trưng cho niềm vui, niềm hy vọng và mồ hôi lao nhọc mà anh chị em đã đương đầu được với buồn sầu, vỡ mộng và thất bại. Tôi cám ơn anh chị em đã cho phép tôi được bước vào gia đình anh chị em, tổ ấm anh chị em, và ngồi vào bàn ăn của anh chị em.

Manuel này, cha cám ơn con vì chứng tá của con và nhất là vì gương sáng của con. Cha thích kiểu nói con sử dụng “đặt trái tim con vào đó” [echarle ganas], nói lên thái độ con có sau khi nói chuyện với cha mẹ con. Con bắt đầu đặt trái tim con vào cuộc sống của con, gia đình của con, bạn hữu của con; con đặt trái tim con vào tất cả chúng ta đang tụ họp nhau ở đây. Cha tin rằng đó là điều Chúa Thánh Thần luôn muốn thực hiện nơi chúng ta: đặt một trái tim mới vào trong chúng ta, cho chúng ta các lý lẽ để tiếp tục tiếp nhận rủi ro, mơ ước và xây dựng một cuộc sống có ý hướng tổ ấm, ý hướng gia đình.

Đó là điều Thiên Chúa Cha luôn mơ ước và tranh đấu lâu dài để đạt được. Buổi chiều kia trong Vườn Eden, khi mọi sự xem ra không còn cứu vãn, Thiên Chúa Cha đã đặt một trái tim mới vào cặp vợ chồng trẻ ấy và nói với họ rằng mọi sự vẫn còn cứu vãn được. Khi dân Israel cảm thấy không thể tiếp tục cuộc hành trình qua hoang địa nữa, Thiên Chúa Cha đã đặt trái tim của Người vào đó bằng cách ban cho họ manna từ trời. Khi thời viên mãn đã tới, Thiên Chúa Cha đã đặt trái tim của Người vào đó bằng cách ban cho nhân loại hồng phúc trường cửu là Con Một của Người.

Cũng thế, tất cả chúng ta ở đây cũng có trải nghiệm ấy, trong những lúc khác nhau và những cách khác nhau; Thiên Chúa Cha đặt trái tim Người vào đó cho chúng ta. Chúng ta có thể tự hỏi: tại sao? Vì Người không thể làm khác. Người biết cách đặt những điều tốt nhất của Người vào trong chúng ta; tại sao? Vì tên Người là tình yêu, tên Người là hồng ân, tên Người là tự hiến, tên Người là thương xót. Điều này Người tỏ cho chúng ta một cách hoàn toàn mạnh mẽ và rõ ràng trong Chúa Giêsu, Con của Người, Đấng liều mọi sự cho đến cùng để một lần nữa làm cho Vương Quốc Thiên Chúa khả hữu. Một Vương Quốc mời gọi chúng ta chia sẻ một tâm thức mới, khởi động một sức mạnh năng động có khả năng mở cửa các tầng trời, có khả năng mở cửa các trái tim, các trí khôn, các bàn tay và có khả năng thách thức chúng ta với những khả thể mới mẻ. Đây là một Vương Quốc có tâm tư gia đình, mùi vị cuộc sống sẻ chia. Trong Chúa Giêsu và với Chúa Giêsu, Vương Quốc này luôn khả hữu. Người có khả năng thay đổi các viễn ảnh, thái độ và tâm tư của chúng ta, những điều thường nhạt nhẽo và tẻ ngắt, thành rượu hân hoan và mừng rỡ. Người có khả năng chữa lành trái tim chúng ta và mời gọi ta, hết lần này tới lần khác, cả hàng 70 lần 7, hãy bắt đầu lại. Ngài có khả năng khiến mọi sự ra mới.

Này Manuel, con xin cha cầu nguyện cho nhiều thiếu niên đang vỡ mộng và theo đường lầm lạc, những người đang xì hơi, mệt mỏi và hết hoài vọng. Và như con nói rất đúng, thái độ này thường phát sinh từ tâm tư cô độc, từ việc không có ai để chuyện trò. Và điều này nhắc cha nhớ đến chứng tá mà Beatrice vừa trình bầy với chúng ta. Này Beatrice, nếu cha không lầm, thì con đã nói rằng: “cuộc chiến đấu luôn khó khăn vì bất trắc và cô đơn”. Không chắc chắn, không đủ, và thường không có những điều chủ yếu tối thiểu, có thể dẫn ta tới tuyệt vọng, có thể làm ta lo âu sâu xa vì chúng ta không nhìn thấy đường tiến, nhất là khi ta có con cái phải săn sóc. Bất trắc không những chỉ là một đe doạ đối với dạ dầy chúng ta (tuy rất nghiêm trọng) nhưng cũng có thể đe dọa cả linh hồn chúng ta nữa, làm chúng ta nản lòng và lấy hết năng lực của chúng ta đến nỗi ta đành đi tìm các giải pháp biểu kiến mà cuối cùng không giải quyết được chi. Có một loại bất trắc có thể rất nguy hiểm, vì có thể lén lút lẻn vào: đó là sự bất trắc phát sinh từ cô đơn và cô lập. Mà cô lập luôn là người huấn đạo tồi.

Một cách vô thức, cả hai các con đã sử dụng cùng một biểu thức; cả hai đã tỏ cho chúng ta thấy: cơn cám dỗ lớn nhất mà ta rất thường phải đối đầu là tự tách mình ra, và không đặt trái tim ta vào các sự việc, thái độ cô lập này, giống như một con mọt ăn vải, kết cục sẽ gặm nhấm hết linh hồn ta.

Cách vượt thắng bất trắc và cô lập từng khiến ta dễ bị thương tổn trước nhiều giải pháp biểu kiến, có thể được tìm thấy ở nhiều bình diện khác nhau. Một là qua ngả lập pháp nhằm che chở và bảo đảm các nhu cầu tối thiểu của cuộc sống để mọi tổ ấm và mọi con người có thể phát triển nhờ giáo dục và việc làm xứng đáng. Đàng khác, có điều được chứng tá của Humberto và Claudia làm cho hiển nhiên khi họ giải thích việc bằng cách nào họ đã thông chuyển tình yêu Thiên Chúa cho người khác, một tình yêu chính họ trải nghiệm qua việc phục vụ và cho đi cách đại lượng. Luật lệ và cam kết bản thân làm cho cặp này có khả năng bẻ gẫy vòng bất trắc.

Ngày nay, trên nhiều trận tuyến khác nhau, ta thấy gia đình đã yếu đi và bị tra vấn. Nó bị coi như một mô thức đã hết thời, không còn chỗ đứng trong các xã hội của ta nữa; các xã hội này, tự nhận là hiện đại, càng ngày càng ủng hộ một mô thức đặt căn bản trên cô lập.

Quả thực, sống trong gia đình là điều không luôn dễ dàng, và thường có thể đau đớn và căng thẳng nhưng, như tôi thường nói khi nhắc tới Giáo Hội, tôi thích một gia đình bị thương tích hàng ngày cố gắng đem tình yêu ra sống hơn là một xã hội bệnh hoạn vì chủ nghĩa cô lập và quen sợ yêu thương. Tôi thích một gia đình luôn cố gắng để bắt đầu lại hơn là một xã hội yêu mình thái quá và bị ám ảnh bởi xa hoa và dễ chịu. Tôi thích một gia đình có những khuôn mặt mệt mỏi vì đại lượng cho đi hơn là những khuôn mặt trang điểm không biết chút gì về âu yếm và cảm thương.

Tôi được yêu cầu cầu nguyện cho anh chị em và tôi muốn làm việc này ngay bây giờ với anh chị em. Anh chị em Mễ Tây Cơ có một điều đặc biệt; anh chị em chạy trước với một lợi điểm. Anh chị em có Đức Mẹ, Đức Mẹ Guadalupe. Ngài muốn thăm lãnh thổ này và việc này đem lại cho chúng ta sự chắc chắn được ngài cầu bầu để giấc mơ của chúng ta, giấc mơ mà chúng ta gọi là gia đình, không bị mất đi vì bất trắc hay cô độc. Ngài luôn sẵn sàng bảo vệ các gia đình của chúng ta, tương lai của chúng ta; ngài luôn sẵn sàng đặt trái tim ngài vào đó bằng cách ban Con ngài cho chúng ta. Vì thế, tôi mời anh chị em nối tay nhau và cùng đọc: Kính Mừng Maria…
 
Thánh lễ Giáo Hoàng tại nơi Chúa cũng ngậm ngùi Ecatepec, Mễ Tây Cơ
VietCatholic Network
11:11 17/02/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Bước sang ngày thứ ba trong chuyến tông du Mễ Tây Cơ của ngài, sáng Chúa Nhật 14 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đáp trực thăng tới khu nghèo nàn, đầy tội ác Ecatepec của thủ đô Mexico City, để cử hành Thánh Lễ với những người “ở ngoại vi”, tương phản hoàn toàn với ngày hôm trước khi ngài gặp gỡ chính phủ và các nhà cầm quyền Mễ Tây Cơ tại Dinh Quốc Gia và sau đó, gặp các giám mục Mễ Tây Cơ tại Nhà Thờ Chính Tòa Mông Triệu lộng lẫy rồi cử hành Thánh Lễ tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Guadalupe.

Theo tiếng thổ dân Nahunta, Ecatepec có nghĩa là “đồi gió”. Nó vang danh thời Đế Quốc Aztec, nhưng nay chỉ là một khu nghèo nàn rác rưởi, biệt danh là “barrio bravo”, một mỹ từ thay cho khu vô luật pháp nơi tội ác có tổ chức mặc sức tung hoành, nơi “phần lớn người ta không dám đặt chân tới”.

Nhưng Đức Phanxicô đã đặt chân tới, nó là địa điểm của lòng thương xót trong Năm Thương Xót, ngài không thể không tới. Năm 2014, công nhân ống cống đã phát giác hàng trăm xương người và cơ thể của 5 người đàn ông và 16 phụ nữ vùi dập ở đây. Các thiếu nữ đặc biệt bị chiếu cố: bị hiếp hoặc buộc phải làm điếm và khi không chịu, bị tạt acxít vào mặt hoặc bị giết trước sự dửng dưng của cảnh sát. Còn thanh niên thì được các ông chúa buôn bán ma túy tuyển dụng ngay lúc còn nhỏ, lúc lên 18, trở thành “pozoleros” chuyên giấu xác người, hay “sicarios” sát nhân.

Trong Thánh Lễ tại đây, Đức Phanxicô nói tới 3 cơn cám dỗ của Chúa Kitô (Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay), cũng là 3 cơn cám dỗ của Kitô hữu: cám dỗ giầu sang, cám dỗ phù hoa và cám dỗ vênh vang. Sau đây là nguyên văn bài giảng của ngài: (Bản dịch của Vũ Văn An)

Thứ Tư vừa qua, chúng ta đã bắt đầu mùa Chay phụng vụ, trong mùa này, Giáo Hội mời gọi chúng ta chuẩn bị cử hành đại lễ Phục Sinh. Đây là một thời gian đặc biệt để nhắc nhớ hồng ân rửa tội của chúng ta, khi chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Giáo Hội mời gọi chúng ta đổi mới hồng ân Giáo Hội đã ban cho chúng ta, đừng để hồng ân này nằm ngủ như thể là một điều của quá khứ hoặc bị khóa cứng trong một thứ “hòm ký ức”. Mùa Chay là thời điểm tốt để tái khám phá niềm vui và niềm hy vọng khiến chúng ta cảm thấy là những đứa con yêu qúy của Chúa Cha. Người Cha này đang đợi chúng ta để ném đi những chiếc áo kiệt lực, lãnh cảm, bất tín, và sau đó mặc cho chúng ta phẩm giá mà chỉ người cha hay người mẹ mới biết phải cho con cái mình ra sao mà thôi, với những y phục dệt bằng tình âu yếm và yêu thương.

Cha chúng ta, Người là Cha của một gia đình vĩ đại; Người là Cha chúng ta. Người biết rằng Người có một tình yêu độc đáo, nhưng Người không biết cưu mang hay dạy dỗ một “đứa con một”. Người là Thiên Chúa của mái ấm, của tình huynh đệ, của bánh được bẻ ra và chia sẻ. Người là Thiên Chúa, Đấng là “Cha chúng tôi”, không phải ‘cha tôi” hay “cha kế của anh”.

Giấc mơ của Thiên Chúa làm nhà cho nó và sống trong mỗi người chúng ta để trong mọi Lễ Phục Sinh, trong mọi Thánh Thể chúng ta cử hành, chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa. Đây là một giấc mơ mà không biết bao nhiêu anh chị em của chúng ta đã có trong suốt lịch sử. Một giấc mơ được làm chứng bằng máu của rất nhiều tử đạo, cả xưa kia lẫn ngày nay.

Mùa Chay là thời hồi tâm, là thời để hàng ngày cảm nhận được trong đời mình việc giấc mơ này bị liên tục đe dọa ra sao bởi cha của mọi dối trá, bởi cái tên đang hết sức cố gắng phân rẽ chúng ta, tạo nên một xã hội chia rẽ và phe phái. Một xã hội của số ít và phục vụ số ít. Trong cuộc sống mình, trong gia đình mình, giữa bạn bè và khu xóm mình, biết bao lần, chúng ta cảm thấy nỗi đau phát sinh từ việc phẩm giá mà chúng ta mang trong mình bị bác bỏ. Biết bao lần chúng ta đã phải khóc than hay hối tiếc khi hiểu ra rằng chính chúng ta cũng không thừa nhận phẩm giá này nơi người khác. Biết bao lần, và tôi đau đớn nói ra điều này, chúng ta đã đui mù và trơ trơ không chịu thừa nhận phẩm giá của chính chúng ta và của người khác.

Mùa Chay là thời để xem xét lại các tâm tư của chúng ta, để con mắt ta mở to, nhìn rõ các bất công rất thường thấy đang đi ngược lại giấc mơ và kế hoạch của Thiên Chúa. Đây là thời để lột mặt nạ 3 cơn cám dỗ vĩ đại vốn xói mòn và xé nát hình ảnh mà Thiên Chúa muốn hình thành trong chúng ta:

Có ba cơn cám dỗ của Chúa Kitô… ba cơn cám dỗ đối với Kitô hữu, chúng tìm cách phá hủy những gì chúng ta vốn được kêu gọi trở thành; ba cơn cám dỗ cố gắng xói mòn chúng ta và xé nát chúng ta.

Giầu sang: chiếm giữ những của cải vốn dành cho mọi người, và chỉ sử dụng chúng cho “người của tôi”. Nghĩa là, chiếm “miếng bánh” do lao công của nhiều người khác, hoặc thậm chí còn gây hại cho chính mạng sống của họ nữa. Cái thứ giầu sang đầy mùi đau đớn, đắng cay và đau khổ. Đó là miếng bánh mà gia đình hay xã hội thối nát ban phát cho con cái của riêng họ.

Phù hoa: Theo đuổi uy thế dựa trên việc không ngừng, tàn nhẫn loại bỏ những ai “không giống như tôi”. Chạy theo một cách vô ích những năm phút nổi tiếng ấy, không chịu tha thứ “danh tiếng” của người khác. “Tạo củi đốt từ cây bị đốn ngã” nhường chỗ cho cơn cám dỗ thứ ba:

Vênh vang: hay đúng hơn, đặt mình lên một bậc cao hơn là bậc mình thực sự có, cảm thấy mình không cùng chung đời sống với “những kẻ thuần túy tử sinh”, và vẫn mỗi ngày mỗi đọc “con tạ ơn Chúa đã không tạo nên con giống những người khác…”.

Ba cơn cám dỗ của Chúa Kitô… Ba cơn cám dỗ mà Kitô hữu phải đương đầu hàng ngày. Ba cơn cám dỗ tìm cách xói mòn, tiêu hủy và giập tắt niềm vui và sự tươi mát của Tin Mừng. Ba cơn cám dỗ khóa cứng chúng ta vào vòng hủy diệt và tội lỗi.

Và do đó, đáng để chúng ta tự hỏi:

Ta ý thức đến đâu ba cơn cám dỗ này trong đời sống ta, trong chính con người chúng ta?

Ta đã trở nên quen thuộc đến đâu cái lối sống trong đó ta nghĩ rằng nguồn suối và sức sống của ta chỉ hệ ở giầu sang?

Ta cảm thấy tới đâu rằng quan tâm tới người khác, quan tâm tới chúng ta và việc mưu sinh của chúng ta, tới danh thơm tiếng tốt và phẩm giá người khác mới là nguồn phát sinh hạnh phúc và hy vọng?

Chúng ta đã chọn Chúa Giêsu, không chọn tên gian ác; chúng ta muốn bước theo bước chân Người, dù biết rằng điều này không dễ.

Chúng ta biết thế nào là bị cám dỗ bởi tiền bạc, danh tiếng và quyền lực.Vì lý do này, Giáo Hội cho ta hồng ân Mùa Chay, mời gọi ta hồi tâm, đem lại cho ta sự chắc chắn duy nhất này: Người đang chờ chúng ta và muốn hàn gắn trái tim ta khỏi tất cả những gì xé nát ta. Người là Thiên Chúa có tên: Thương Xót. Tên Người là sự giầu sang của chúng ta, tên Người là điều làm chúng ta nổi tiếng, tên Người là quyền lực của chúng ta và nhân danh Người, một lần nữa chúng ta nói như Thánh Vịnh rằng “Chúa là Thiên Chúa của con và con tin tưởng nơi Chúa”. Chúng ta hãy cùng nhau nhắc lại những lời ấy: “Chúa là Thiên Chúa của con và con tin tưởng nơi Chúa”.

Trong Thánh Lễ hôm nay, xin Chúa Thánh Thần đổi mới trong chúng ta sự chắc chắn này: danh Người là Thương Xót, và xin Người cho chúng ta cảm nghiệm hàng ngày rằng “Tin Mừng tràn đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp gỡ Chúa Giêsu…”, vì biết rằng “với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, niềm vui luôn luôn phát sinh như mới” (xem Evangelii Gaudium, 1).
 
Chỉ thị của Tòa Thánh: Không được phép giữ kín các vụ lạm dụng tình dục thiếu nhi
Nguyễn Long Thao
11:32 17/02/2016
Chỉ thị của Tòa Thánh: Không được phép giữ kín lâu hơn nữa các vụ lạm dụng tình dục thiếu nhi

Hôm thứ Hai 15/2/2016, Đức Hồng Y Seán O’Malley, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Bảo Vệ Thiếu Nhi, đã ra tuyên cáo nhấn mạnh đến ‘trách nhiệm luân lý và đạo đức” về việc phải báo cáo cho nhà chức trách dân sự biết tất cả các trường hợp nghi ngờ là có việc lạm dụng tình dục thiếu nhi, kể cả các trường hợp nhà chức trách dân sự không yêu cầu.

Đại diện các thành viên trong Hội Đồng, đức Hồng Y nhắc lại lời tuyên bố của ĐGH Phanxicô : “Không còn được phép giữ kín lâu hơn nữa những tội ác lạm dụng tình dục thíếu nhi. Tôi cam kết là Giáo Hội quyết tâm bảo vệ thiếu nhi, cảnh giác và cam kết nghiã vụ làm rõ tất cả các vụ lạm dụng.

Bản tuyên cáo cũng nhấn mạnh đến việc Hội Đồng gia tăng nỗ lực giáo dục giáo sĩ trong các Giáo Hội địa phương trong 2 năm qua và cung cấp tài liệu khóa học đã được giảng dây ở Roma, kể cả chương trình huấn luyện hàng năm cho các Giám Mục và các văn phòng tại Giáo Triều Roma để dùng trong nỗ lực bảo vệ thiếu nhi.

Đức Hồng Y O’Malley cũng nói đến việc Bảo Vệ Thiếu Nhi tại Hoa Kỳ. Ngài nói: Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ tuyên bố rõ ràng rằng trách nhiệm các địa phận và nhân viên là phải báo các cho chính quyền biết các vụ nghi ngờ là có giáo sĩ lạm dụng tình dục.

Ngài nói thêm vào tháng 11 hàng năm khi có khoá huấn luyện cho các tân Giám Mục, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã tái xác nhận nghiã vụ phải báo cáo các vụ nghi ngờ giáo sĩ lạm dụng tình dục. ĐHY cũng báo cáo cho Đức Thánh Cha Phanxicô biết là Giáo Hội Hoa Kỳ cũng giống như giáo triều Roma đã cung cấp tài liệu giáo dục về vấn đề lạm dụng tình dục cho các giáo sĩ trong các chương trình huấn luyện hàng năm
 
Cuộc tông du Mexico: Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu lại gửi hoa cho ĐGH?
Trần Mạnh Trác
18:24 17/02/2016


Năm ngoái trên đường đi tới Philippines, ĐTC có tâm sự với các phóng viên rằng mỗi khi Ngài có một vấn đề suy tư hay một sự rắc rối nào, thì Ngài đặt để sự rắc rối đó vào bàn tay cuả thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu để cho vị thánh giải quyết và xin gửi lại cho Ngài một cánh hoa hồng như là dấu chỉ rằng mọi sự sẽ êm xuôi. Ngài có lòng tôn kính thánh nữ một cách đặc biệt.

Sáng Chuá Nhật vừa qua, có thể vị thánh đã gửi hoa hồng cho Ngài, không chỉ một chiếc mà thôi, mà là một tá, toàn là hoa hồng trắng tinh!

Câu chuyện Ngài nhận được hoa cũng có thể liệt vào loại thần kỳ như sau:

Xem Video

Nhà 'Dòng Đức bà Thăm Viếng' ở Mexico City (Visitation Order of Holy Mary) đã không chuẩn bị để đón tiếp ĐGH, lịch trình cuả Ngài không có ghi chép về việc đó, và trước đây khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II qua thăm Mexico vào năm 2002 cũng đã có đi ngang nhưng đã không dừng lại.

Lần sau cùng mà các nữ tu cuả nhà dòng kín này (50 vị cả thảy) đi ra ngoài là để làm phận sự công dân đi bầu cử.

Chỉ vài phút trước khi sự kiện xảy ra, thì một nhân viên giữ trật tự trên đường gợi ý với nhà dòng rằng biết đâu ĐGH có thể ghé thăm, và vì thế thì việc tốt nhất là các Sơ nên mở cửa ra để đón tiếp.

Mà quả là như thế, xe cuả ĐGH đã dừng lại khi thấy các Sơ đứng lố nhố ở bên đường, ĐGH đã xuống xe để thăm hỏi trong nhiều phút.

"Thật là một sự kiện phi thường vì chúng tôi không bao giờ đi ra ngoài cả," một Sơ giấu tên (vì luật dòng) cho biết.

"Thật là một hồng phúc cho chúng tôi khi được ĐGH đến thăm ngay ở trước cửa...Chúng tôi đã chẳng chuẩn bị gì cả để đón tiếp Ngài. May quá, sáng hôm nay có một gia đình đi lễ sớm đem tới một bó hoa hồng, như người ta vẫn thường đem cho chúng tôi nhiều thứ khác, và chúng tôi đang sửa sang bó hoa để đem trưng lên bàn thờ."

"Ngay lúc đó thì ĐGH đến, Mẹ Bề Trên đang cầm bó hoa trên tay, cho nên một cách 'bất giác' Mẹ dâng bó hoa lên cho Ngài".

Các Sơ đã ngạc nhiên khi được nghe về ý nghĩa đặc biệt đối với ĐGH về những hoa hồng 'cuả Thánh Têrêsa'. Đây là lần đầu tiên họ được nghe câu chuyện ấy.

ĐGH đã dừng lại khá lâu, Ngài nói với Mẹ Bề Trên là "một hồng ân to lớn được có nhiều nữ tu đã dâng mình cho Chuá, cầu nguyện cho Giáo Hội và cho Giáo Hoàng."

Riêng về phần Sơ, Sơ (giấu tên) cho biết cuộc gặp gỡ với ĐGH là một ơn Chuá Quan Phòng đã làm cho Sơ mạnh mẽ hơn trong Ơn Gọi.

"Sự hy sinh một đời, tránh xa những việc trần thế, ẩn mình sau song sắt dòng tu là một việc xứng đáng lắm," Sơ nói.

Sau khi ĐGH đi rồi, các Sơ đã tụ hợp tại nhà nguyện để hát bài Te Deum (Tạ ơn Chuá ) cho cuộc gặp gỡ với ĐGH, hát kinh Salve Regina (Lạy Nữ Vương)cho cuộc tông du Mexico cuả Ngài, hát kinh Magnificat (hãy vui mừng) cho niềm hân hoan mà nhà dòng đã nhân được, là một sự hân hoan đang lây toả ra toàn thể hội dòng.

Hiện đang có 90 tu viện 'Đức bà Thăm Viếng' trên thế giới, riêng ở Mexico có 8 tu viện. Thống kê cho biết trong các dòng tu ở Mexico thì dòng Thăm Viếng đang có nhiều ơn gọi nhất trong năm qua.

Dòng Thăm Viếng là một dòng chiêm nghiệm được thành lập bởi thánh Francis de Sales và nữ thánh Jane Frances de Chantal hồi năm 1610 ở bên Pháp.

Trở lại việc bó hoa, những rắc rối nào mà ĐGH đã đặt vào tay cuả thánh Têrêsa để xin giải quyết vậy?

Chắc chắn không ai có thể biết được, tuy nhiên những vấn đề ở Mexico thì nhiều lắm, nào là nạn ma tuý, tham nhũng, thảm kịch nhập cư, nghèo đói, tội phạm, và ngay cả trong Giáo Hội cũng có tham quyền, nhũng lạm vv và vv.

Nhưng ĐGH đã nhận được cả một bó hoa kia mà! vậy hãy hy vọng sau cơn mưa thì trời lại sáng.
 
Cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và cộng đồng bản địa Chiapas
VietCatholic Network
16:03 17/02/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Bản dịch Việt Ngữ của Vũ Văn An - ‘Li smantal Kajvaltike toj lek’ – lề luật của Chúa thì hoàn hảo; nó làm linh hồn sống lại. Thánh vịnh chúng ta vừa nghe đã bắt đầu như thế. Lề luật của Chúa thì hoàn hảo và thánh vịnh gia đã sốt sắng liệt kê mọi điều lề luật đề xuất với những ai chịu nghe và tuân theo nó: nó làm linh hồn sống lại, nó đem khôn ngoan tới cho người đơn sơ, nó làm tâm hồn ta hân hoan, nó cho mắt ta ánh sáng.

Đó là lề luật mà Dân Israel đã tiếp nhận từ tay Môsê, một lề luật sẽ giúp Dân Thiên Chúa sống trong tự do mà họ được kêu gọi bước vào. Một lề luật nhằm làm ánh sáng dẫn đường và đồng hành với cuộc hành hương của dân Người. Một dân tộc từng cảm nghiệm cảnh nô lệ và bạo chúa của Pharaô, chịu đau khổ và áp bức đến nỗi Thiên Chúa phải nói: “Đủ rồi! Không được nữa! Ta đã thấy sự thống khổ của chúng, Ta đã nghe thấy tiếng kêu của chúng, Ta biết các đau khổ của chúng” (xem Xh 3:9). Và ở đây, người ta đã thấy gương mặt thực sự của Thiên Chúa, gương mặt của Người Cha đau khổ khi thấy con cái mình chịu đau khổ, ngược đãi và bất công. Lời lẽ, lề luật của Người, do đó, trở thành biểu tượng của tự do, biểu tượng của hạnh phúc, khôn ngoan và ánh sáng. Nó là một cảm nghiệm, một thực tại được chuyên chở bằng câu kinh cầu trong ‘Popol Vuh’ và phát sinh từ sự khôn ngoan tích lũy trên các lãnh thổ này từ những thời không ai nhớ được: “Hừng đông mọc lên trên mọi bộ lạc. Mặt trái đất tức khắc được mặt trời chữa lành” (33). Mặt trời mọc lên để dân, ở các thời điểm khác nhau, tiến bước giữa các thời khắc đen tối nhất của lịch sử.

Trong cách phát biểu trên, người ta nghe thấy khát vọng được sống trong tự do, khát mong được ngắm nhìn đất hứa nơi áp bức, ngược đãi và nhục mạ không còn là chuyện thường ngày. Trong trái tim con người và trong ký ức nhiều người thuộc các dân tộc anh chị em đã có in sẵn lòng hoài mong ấy, lòng hoài mong đất đai, lòng hoài mong đến lúc thối nát của con người sẽ được lướt thắng bằng tình anh em, bất công sẽ bị chinh phục bởi tình liên đới và bạo lực sẽ bị hòa bình làm câm họng.

Cha chúng ta không những chia sẻ hoài mong trên, Người còn linh hứng nó và tiếp tục linh hứng như thế bằng cách ban cho ta Con của Người là Chúa Giêsu Kitô. Nơi Người, ta khám phá ra tình liên đới của Chúa Cha, Đấng vẫn đi cạnh ta. Nơi Người, ta thấy lề luật hoàn hảo đã mang lấy xác thịt, đã mang khuôn mặt người, đã chia sẻ lịch sử ta để cùng sánh bước và nâng đỡ dân của Người ra sao. Người đã trở nên Đường, Người đã trở nên Sự Thật, Người đã trở nên Sự Sống, để bóng tối không có lời nói cuối cùng và hừng đông sẽ không ngừng mọc lên trên đời sống con cái nam nữ của Người.

Bằng nhiều cách, người ta từng mưu toan làm cho lòng hoài mong trên im lặng và lu mờ, và bằng nhiều cách, người ta đã cố gắng chuốc mê linh hồn chúng ta, và bằng nhiều cách, người ta đã gắng sức khuất phục và ru ngủ con cái và giới trẻ chúng ta vào một thứ uể oải bằng cách gợi ý rằng không điều gì có thể thay đổi, các giấc mơ của chúng không bao giờ có thể trở thành thực tại. Đối đầu với những mưu toan này, chính tạo thế cũng phải lên tiếng phản đối: “Người chị này đang kêu gào vì sự hủy hoại do chúng ta, vì việc sử dụng vô trách nhiệm và bóc lột các tài nguyên. Vì cứ đinh ninh rằng, chúng ta chính là chủ nhân và sỡ hữu chủ, nên được quyền tận dụng. Bạo lực nằm trong trái tim bị tội lỗi gây thương tích của con người, xuất hiện rõ ràng qua các hiện tượng bệnh lý, mà chúng ta có thể ghi nhận trong đất đai, trong không khí và nơi các sinh vật. Vì thế, giữa những người nghèo bị bỏ rơi và bị đối xử tàn tệ nhất, chúng ta sẽ thấy trái đất của chúng ta bị bóc lột và bị tàn phá, “đang rên siết và quằn quại trong cơn sinh nở”(Rm 8, 22) (Laudato Si’, 2). Thách đố môi trường mà chúng ta đang trải nghiệm và các nguyên nhân nhân bản của nó, ảnh hưởng tới mọi người chúng ta (xem Laudato Si’, 14) và đòi chúng ta phải trả lời. Chúng ta không thể giữ im lặng được nữa trước một trong các cuộc khủng hoảng môi trường lớn nhất trong lịch sử thế giới.

Về phương diện trên, anh chị em có nhiều điều để dạy dỗ chúng tôi. Như các giám mục Mỹ Châu Latinh vốn thừa nhận, các dân tộc của anh chị em biết cách tương tác một cách hòa hợp với thiên nhiên, một thiên nhiên mà họ tôn kính như là “nguồn thực phẩm, căn nhà chung và là bàn thờ của chung nhân loại” (Aparecida, 472).

Ấy thế nhưng, nhiều dịp, trong một đường lối có hệ thống và tổ chức, dân chúng của anh chị em đã bị hiểu lầm và bị loại ra khỏi xã hội. Một số người coi các giá trị, nền văn hóa và các truyền thống của anh chị em là thấp kém. Nhiều người khác, vì say sưa với quyền lực, tiền bạc và khuynh hướng thị trường, đã đánh cướp các đất đai của anh chị em và chuốc độc chúng. Điều này đáng buồn xiết bao! Điều đáng làm xiết bao là mỗi người nên xét lương tâm mình và học cách nói: “xin tha thứ cho tôi!” Thế giới ngày nay, bị nền văn hóa vứt bỏ làm cho tan nát như hiện nay, rất cần anh chị em!

Bị đẩy vào một nền văn hóa luôn tìm cách giập tắt mọi di sản và đặc điểm văn hóa nhằm theo đuổi một thế giới đồng nhất hóa (homogenized), tuổi trẻ ngày nay cần bám chặt vào sự khôn ngoan của các bậc trưởng thượng!

Thế giới ngày nay, bị khuất phục bởi tiện lợi, cần học lại giá trị của lòng biết ơn!

Chúng ta hân hoan vì biết chắc rằng “Đấng Tạo Hóa không bỏ rơi chúng ta; Người không bao giờ từ bỏ kế hoạch đầy yêu thương của Người hay hối hận vì đã dựng nên ta” (Laudato Si’, 13). Chúng ta hân hoan vì Chúa Giêsu tiếp tục chết và sống lại trong mọi cử chỉ ta hiến tặng cho những người bé nhỏ nhất trong anh chị em của chúng ta. Chúng ta hãy quyết tâm làm chứng cho sự Thống Khổ và sự Phục Sinh của Người, bằng cách lên xương thịt cho những lời này: Li smantal Kajvaltike toj lek – lề luật của Chúa thì hoàn hảo và khích lệ linh hồn.
 
Đức Phanxicô tới Ciudad Juárez thăm các tù nhân
Vũ Văn An
18:02 17/02/2016
Ngày cuối cùng của Đức Phanxicô tại Mễ Tây Cơ đã được dành để viếng thăm Ciudad Juárez, rất gần với biên giới Hoa Kỳ, nơi ngài thăm hỏi các tù nhân, gia đình họ và các nhân viên nhà tù tại Trung Tâm Điều Chỉnh Xã Hội Số Ba của thành phố.

Cho tới gần đây, Juárez được coi là thủ đô sát nhân của thế giới khi cuộc chiến băng đảng do các tổ hợp ma túy hỗ trợ làm gia tăng tỷ lệ giết ngưởi và thủ tiêu người lên cao vút.

Với khoảng 700 tù nhân tụ tập tại sân nhà tù, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho hay: ngài sắp sửa kết thúc chuyến viếng thăm Mễ Tây Cơ, nhưng ngài không thể tạm biệt nước này mà không đến thăm hỏi họ và cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót với họ.

Ngài nói rằng việc cử hành Năm Thánh trên nhắc ta nhớ tới “cuộc hành trình cấp bách mà chúng ta phải thi hành để bẽ gẫy vòng bạo lực và tội ác”.

Theo ngài, ta đã mất nhiều thập niên “nghĩ và tin rằng mọi sự sẽ có thể giải quyết bằng cách cô lập, phân ly, tống giam (…) và tin rằng các chính sách thực sự giải quyết được các vấn đề”.

Ngài cho rằng việc săn sóc các tù nhân là một mệnh lệnh luân lý đối với toàn bộ xã hội và việc tái hội nhập không bắt đầu “bằng những bức tường này”, nhưng “trước đó, ở bên ngoài, trên các con đường của thành phố” bằng cách “tạo ra một hệ thống mà ta có thể gọi là sự lành mạnh xã hội, nghĩa là, một xã hội không tìm cách gây ra bệnh tật, các mối liên hệ làm ô nhiễm khu xóm, trường học, công trường, phố xá, tổ ấm và toàn bộ xã hội. Một hệ thống xã hội lành mạnh cố gắng cổ vũ một nền văn hóa biết hành động và tìm cách ngăn ngừa các hoàn cảnh và nẻo đường nào kết cục chỉ làm hại và làm suy yếu cơ cấu xã hội”.

Và trong khi thừa nhận rằng những người đang hiện diện từng biết thế nào là sức mạnh của sầu khổ và tội lỗi, và không có khả năng cởi bỏ những gì họ đã làm, Đức Giáo Hoàng cho biết: nay họ phải học để biết mở cửa cho tương lai, cho ngày mai và tin rằng điều gì cũng có thể thay đổi.

Ngài nói: “cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót với anh chị em nghĩa là mời gọi anh chị em ngẩng cao đầu lên và làm việc ngõ hầu đạt được cái không gian tự do hằng mong ước”.

Nhấn mạnh rằng ai từng chịu những đau đớn lớn nhất, “từng kinh qua hỏa ngục”, đều có thể trở thành một tiên tri trong xã hội, Đức Phanxicô thúc giục những người hiện diện cố gắng để “xã hội vốn sử dụng con người rồi vứt bỏ họ này sẽ không tiếp tục sản sinh thêm các nạn nhân”.

Ngài cũng cám ơn và khuyến khích những người đang làm việc tại Trung Tâm này hay những trung tâm giống như thế và bầy tỏ lòng biết ơn đối với các cố gắng của các linh mục, tu sĩ và giáo dân đã hiến đời mình duy trì sống động Tin Mừng Thương Xót trong nhà tù.



Ngài nói: “Đừng bao giờ quên rằng tất cả anh chị em đều có thể là dấu chỉ trái tim Chúa Cha. Chúng ta cần nhau để tiếp tục tiến về phía trước”.

Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của ngài:

Anh chị em thân mến,

Tôi sắp sửa kết thúc chuyến viếng thăm Mễ Tây Cơ của tôi, và tôi không thể chia tay mà không thăm hỏi anh chị em và cử hành Năm Lòng Thương Xót với anh chị em.

Tôi hết sức biết ơn về những lời nghinh đón của anh chị em; những lời này nói lên nhiều hy vọng và khát vọng của anh chị em, cũng như nhiều sầu khổ, sợ sệt và bất trắc của anh chị em.

Lúc thăm Phi Châu, tôi đã có thể mở cửa thương xót cho toàn thế giới tại thành phố Bangui. Hôm nay, hợp nhất cùng anh chị em và với anh chị em, tôi muốn nhắc lại một lần nữa niềm tin tưởng mà chính Chúa Giêsu thúc giục ta nên có: đó là lòng thương xót ôm lấy hết mọi người và hiện diện ở mọi ngõ ngách thế giới. Không có chỗ nào mà lòng thương xót không vươn tới, không có không gian nào hay con người nào mà nó lại không đụng tới.

Cử hành Năm Lòng Thương Xót với anh chị em là nhắc nhớ đến cuộc hành trình cấp bách mà chúng ta phải thi hành để bẽ gẫy vòng bạo lực và tội ác. Chúng ta đã mất nhiều thập niên nghĩ và tin rằng mọi sự sẽ có thể giải quyết bằng cách cô lập, phân ly, tống giam và giải thoát khỏi nhiều vấn đề vì tin rằng các chính sách thực sự giải quyết được các vấn đề. Chúng ta đã quên không tập chú vào những điều phải thực sự là quan tâm của ta: đời sống người ta; đời sống họ, đời sống gia đình họ, và đời sống của những người đau khổ vì cái vòng bạo lực này.

Lòng Thương Xót của Thiên Chúa nhắc chúng ta nhớ rằng các nhà tù cho ta thấy xã hội của chúng ta là loại xã hội nào. Trong nhiều trường hợp, chúng là dấu chỉ im lặng và quên sót từng dẫn tới nền văn hóa vứt bỏ, là triệu chứng của một nền văn hóa đã ngưng việc hỗ trợ sự sống, của một xã hội đã bỏ rơi con cái của mình.

Lòng thương xót nhắc chúng ta nhớ rằng tái hội nhập không bắt đầu ở đây bên trong những bức tường này, đúng hơn nó bắt đầu trước đó, nó bắt đầu “ở bên ngoài”, trên các con đường của thành phố. Tái hội nhập và tái phục hồi bắt đầu bằng cách tạo ra một hệ thống mà ta có thể gọi là sự lành mạnh xã hội, nghĩa là, một xã hội không tìm cách gây ra bệnh tật, các mối liên hệ làm ô nhiễm khu xóm, trường học, công trường, phố xá, tổ ấm và toàn bộ xã hội. Một hệ thống xã hội lành mạnh cố gắng cổ vũ một nền văn hóa biết hành động và tìm cách ngăn ngừa các hoàn cảnh và nẻo đường nào kết cục chỉ làm hại và làm suy yếu cơ cấu xã hội.

Có lúc, xem ra các nhà tù nhằm mục đích ngăn ngừa người ta phạm tội ác nhiều hơn là cổ vũ một diễn trình tái phục hồi cho phép ta giải quyết các vấn đề xã hội, tâm lý và gia đình từng dẫn người ta tới chỗ hành động cách nào đó. Vấn đề an ninh không chỉ được giải quyết bằng việc tống giam; đúng hơn, nó kêu gọi chúng ta can thiệp bằng cách đương đầu với các nguyên nhân cơ cấu và văn hóa của bất an từng tác động lên toàn bộ khung cảnh xã hội.

Quan tâm của Chúa Giêsu đối với việc săn sóc người đói ăn, người khát uống, người không nhà và tù nhân (xem Mt 25:34-40) muốn nói lên cốt lõi của lòng thương xót Chúa Cha. Điều này đã trở thành một mệnh lệnh luân lý cho toàn bộ xã hội nào muốn duy trì các điều kiện cần thiết cho một cuộc sống chung tốt đẹp hơn. Chính trong khả năng bao gồm người nghèo, người tàng tật và tù nhân của xã hội, mà ta nhìn ra khả năng của nó trong việc hàn gắn các vết thương của họ và biến họ thành những người xây dựng cuộc chung sống hòa bình.

Việc tái hội nhập xã hội bắt đầu bằng việc bảo đảm rằng mọi con cái của ta được đến trường và gia đình các em có việc làm xứng đáng, bằng việc tạo ra các nơi vui chơi và giải trí công cộng, và bằng việc cổ vũ việc tham gia của các công dân, các dịch vụ y tế và quyền được hưởng các dịch vụ căn bản, ấy là mới chỉ kể ra một số ít các biện pháp có thể có.

Cử hành Năm Lòng Thương Xót với anh chị em có nghĩa không học làm người tù của quá khứ, của ngày qua. Nó có nghĩa: học mở cửa cho tương lai, cho ngày mai; nó có nghĩa tin rằng điều gì cũng có thể thay đổi. Cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót với anh chị em có nghĩa: mời gọi anh chị em ngẩng cao đầu lên và làm việc ngõ hầu đạt được cái không gian tự do hằng mong ước.

Chúng ta biết rằng ta không thể quay lại, chúng ta biết rằng điều gì đã làm là đã làm. Đó là cách tôi muốn cử hành Năm Thương Xót với anh chị em, vì nó không loại bỏ khả thể viết nên một câu truyện mới và tiến về phía trước. Anh chị em đã chịu cái đau của thất bại, anh chị em cảm thấy hối hận vì các hành động của mình và trong nhiều trường hợp, với rất nhiều giới hạn, anh chị em tìm cách làm lại đời mình giữa cô đơn lẻ loi. Anh chị em đã biết sức mạnh của buồn sầu và tội lỗi, và chưa quên rằng trong tầm với của anh chị em vẫn còn sức mạnh của phục sinh, sức mạnh của lòng Chúa thương xót vốn làm moi sự nên mới. Hôm nay, lòng thương xót có thể vươn tới anh chị em tại nơi khốn cực và khó khăn nhất này, nhưng hoàn cảnh này cũng có thể đem lại nhiều kết quả thực sự tích cực. Từ bên trong nhà tù này, anh chị em phải cố gắng rất nhiều để thay đổi các tình huống từng tạo ra nhiều loại trừ hơn cả. Anh chị em hãy nói với những người thân yêu, kể cho họ nghe các trải nghiệm của anh chị em, giúp họ chấn dứt vòng bạo lực và loại trừ này. Những ai từng chịu những đau đớn lớn nhất, và ta có thể nói “từng kinh qua hỏa ngục”, đều có thể trở thành một tiên tri trong xã hội. Anh chị em hãy cố gắng để xã hội vốn sử dụng con người rồi vứt bỏ họ này sẽ không tiếp tục sản sinh thêm các nạn nhân.

Tôi cũng muốn khuyến khích những ai đang làm việc tại Trung Tâm này hay những trung tâm giống như thế: các vị giám đốc, các vệ binh nhà tù, và mọi người thi hành bất cứ việc làm nào tại Trung Tâm này. Và tôi cũng biết ơn các cố gắng của các linh mục, tu sĩ và giáo dân đã hiến đời mình duy trì sống động Tin Mừng Thương Xót trong nhà tù. Đừng bao giờ quên rằng tất cả anh chị em đều có thể là dấu chỉ trái tim Chúa Cha. Chúng ta cần nhau để tiếp tục tiến về phía trước.

Trước khi ban phép lành của tôi cho anh chị em, tôi muốn chúng ta cầu nguyện giây lát trong thinh lặng. Từ tận đáy tâm hồn mình, mỗi người chúng ta hãy xin Thiên Chúa giúp ta tin vào lòng thương xót của Người.

Và tôi xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi.
 
Cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và các gia đình Mễ Tây Cơ
VietCatholic Network
17:57 17/02/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Buổi chiều thứ Hai, 15 tháng Hai, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bay tới thành phố Tuxtla Gutierrez, thủ phủ của Tiểu Bang Chiapas ở miền Đông Nam Mễ Tây Cơ, để gặp gỡ các gia đình tại vận động trường Reyna Victor Manuel của thành phố. Trước khi nói chuyện với đám đông, ngài lắng nghe các chứng từ của những người thuộc các tình huống gia đình khác nhau, bao gồm một cặp cưới nhau theo dân luật có cha mẹ ly dị, nhưng rất tích cực trong công việc bác ái, một thiếu niên khuyết tật tìm được niềm vui vì được Giáo Hội tiếp nhận và nay tích cực truyền giảng Tin Mừng cho các người trẻ khác, một bà mẹ đơn chiếc bị xã hội từ bỏ nhưng được Giáo Hội yêu thương nghinh đón, và một gia đình Công Giáo thuộc Giáo Phận Tapachula.

Trong các nhận xét của ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho rằng các chứng từ ngài vừa nghe nói lên niềm vui, niềm hy vọng và quyết tâm qua đó nhiều gia đình đã đương đầu với buồn sầu, vỡ mộng, và thất bại. Ngài nhận định rằng “sống trong một gia đình không dễ, và thường đau khổ và căng thẳng”. Ngài nói thêm rằng ngài thích các gia đình bị thương tích hàng ngày cố gắng đem tình yêu ra sống hơn là một xã hội sợ yêu thương.

Trước khi tới Tuxtla Gutiérrez, Đức Giáo Hoàng đã viếng nhà thờ chính tòa San Cristóbal, nơi ngài dâng hoa cho Đức Mẹ và tặng một chén thánh và một áo lễ ngoài (chasuble) cho nhà thờ chính tòa. Bên trong nhà thờ, ngài được một nhóm cụ cao niên và người bệnh nghinh đón. Trước khi đọc kinh kính Đức Mẹ với họ, ngài nói với họ rằng họ đang giúp Chúa Giêsu vác thập giá của Người… Ngài cầu xin Thiên Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ, ban cho họ sức mạnh và bình an tâm hồn và an ủi họ.

Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của ngài với các gia đình tại vận động trường Tuxtla Gutierrez. (Bản dịch của Vũ Văn An)

Anh chị em thân mến,


Tôi biết ơn được ở đây, trên mảnh đất Chiapaneca này. Quả rất tốt được hiện diện trên mảnh đất này, tại lãnh thổ này; quả rất tốt được ở chỗ này nơi, cùng với anh chị em ở đây, có mùi vị gia đình, mùi vị tổ ấm. Tôi cám ơn Thiên Chúa vì các gương mặt và sự hiện diện của anh chị em; tôi cám ơn Thiên Chúa vì sự hiện diện với nhịp đập trái tim của Người trong các gia đình anh chị em. Tôi cũng cám ơn anh chị em, các gia đình và bạn hữu, vì đã cho chúng tôi các chứng tá của anh chị em, vì đã mở cửa nhà và cửa đời sống của anh chị em cho chúng tôi; anh chị em đã cho phép chúng tôi được ngồi với anh chị em để chia sẻ cả cơm bánh vốn nuôi dưỡng anh chị em lẫn mồ hôi trán khi anh chị em đương đầu với các khó khăn hàng ngày. Chính nhờ cơm bánh tượng trưng cho niềm vui, niềm hy vọng và mồ hôi lao nhọc mà anh chị em đã đương đầu được với buồn sầu, vỡ mộng và thất bại. Tôi cám ơn anh chị em đã cho phép tôi được bước vào gia đình anh chị em, tổ ấm anh chị em, và ngồi vào bàn ăn của anh chị em.

Manuel này, cha cám ơn con vì chứng tá của con và nhất là vì gương sáng của con. Cha thích kiểu nói con sử dụng “đặt trái tim con vào đó” [echarle ganas], nói lên thái độ con có sau khi nói chuyện với cha mẹ con. Con bắt đầu đặt trái tim con vào cuộc sống của con, gia đình của con, bạn hữu của con; con đặt trái tim con vào tất cả chúng ta đang tụ họp nhau ở đây. Cha tin rằng đó là điều Chúa Thánh Thần luôn muốn thực hiện nơi chúng ta: đặt một trái tim mới vào trong chúng ta, cho chúng ta các lý lẽ để tiếp tục tiếp nhận rủi ro, mơ ước và xây dựng một cuộc sống có ý hướng tổ ấm, ý hướng gia đình.

Đó là điều Thiên Chúa Cha luôn mơ ước và tranh đấu lâu dài để đạt được. Buổi chiều kia trong Vườn Eden, khi mọi sự xem ra không còn cứu vãn, Thiên Chúa Cha đã đặt một trái tim mới vào cặp vợ chồng trẻ ấy và nói với họ rằng mọi sự vẫn còn cứu vãn được. Khi dân Israel cảm thấy không thể tiếp tục cuộc hành trình qua hoang địa nữa, Thiên Chúa Cha đã đặt trái tim của Người vào đó bằng cách ban cho họ manna từ trời. Khi thời viên mãn đã tới, Thiên Chúa Cha đã đặt trái tim của Người vào đó bằng cách ban cho nhân loại hồng phúc trường cửu là Con Một của Người.

Cũng thế, tất cả chúng ta ở đây cũng có trải nghiệm ấy, trong những lúc khác nhau và những cách khác nhau; Thiên Chúa Cha đặt trái tim Người vào đó cho chúng ta. Chúng ta có thể tự hỏi: tại sao? Vì Người không thể làm khác. Người biết cách đặt những điều tốt nhất của Người vào trong chúng ta; tại sao? Vì tên Người là tình yêu, tên Người là hồng ân, tên Người là tự hiến, tên Người là thương xót. Điều này Người tỏ cho chúng ta một cách hoàn toàn mạnh mẽ và rõ ràng trong Chúa Giêsu, Con của Người, Đấng liều mọi sự cho đến cùng để một lần nữa làm cho Vương Quốc Thiên Chúa khả hữu. Một Vương Quốc mời gọi chúng ta chia sẻ một tâm thức mới, khởi động một sức mạnh năng động có khả năng mở cửa các tầng trời, có khả năng mở cửa các trái tim, các trí khôn, các bàn tay và có khả năng thách thức chúng ta với những khả thể mới mẻ. Đây là một Vương Quốc có tâm tư gia đình, mùi vị cuộc sống sẻ chia. Trong Chúa Giêsu và với Chúa Giêsu, Vương Quốc này luôn khả hữu. Người có khả năng thay đổi các viễn ảnh, thái độ và tâm tư của chúng ta, những điều thường nhạt nhẽo và tẻ ngắt, thành rượu hân hoan và mừng rỡ. Người có khả năng chữa lành trái tim chúng ta và mời gọi ta, hết lần này tới lần khác, cả hàng 70 lần 7, hãy bắt đầu lại. Ngài có khả năng khiến mọi sự ra mới.

Này Manuel, con xin cha cầu nguyện cho nhiều thiếu niên đang vỡ mộng và theo đường lầm lạc, những người đang xì hơi, mệt mỏi và hết hoài vọng. Và như con nói rất đúng, thái độ này thường phát sinh từ tâm tư cô độc, từ việc không có ai để chuyện trò. Và điều này nhắc cha nhớ đến chứng tá mà Beatrice vừa trình bầy với chúng ta. Này Beatrice, nếu cha không lầm, thì con đã nói rằng: “cuộc chiến đấu luôn khó khăn vì bất trắc và cô đơn”. Không chắc chắn, không đủ, và thường không có những điều chủ yếu tối thiểu, có thể dẫn ta tới tuyệt vọng, có thể làm ta lo âu sâu xa vì chúng ta không nhìn thấy đường tiến, nhất là khi ta có con cái phải săn sóc. Bất trắc không những chỉ là một đe doạ đối với dạ dầy chúng ta (tuy rất nghiêm trọng) nhưng cũng có thể đe dọa cả linh hồn chúng ta nữa, làm chúng ta nản lòng và lấy hết năng lực của chúng ta đến nỗi ta đành đi tìm các giải pháp biểu kiến mà cuối cùng không giải quyết được chi. Có một loại bất trắc có thể rất nguy hiểm, vì có thể lén lút lẻn vào: đó là sự bất trắc phát sinh từ cô đơn và cô lập. Mà cô lập luôn là người huấn đạo tồi.

Một cách vô thức, cả hai các con đã sử dụng cùng một biểu thức; cả hai đã tỏ cho chúng ta thấy: cơn cám dỗ lớn nhất mà ta rất thường phải đối đầu là tự tách mình ra, và không đặt trái tim ta vào các sự việc, thái độ cô lập này, giống như một con mọt ăn vải, kết cục sẽ gặm nhấm hết linh hồn ta.

Cách vượt thắng bất trắc và cô lập từng khiến ta dễ bị thương tổn trước nhiều giải pháp biểu kiến, có thể được tìm thấy ở nhiều bình diện khác nhau. Một là qua ngả lập pháp nhằm che chở và bảo đảm các nhu cầu tối thiểu của cuộc sống để mọi tổ ấm và mọi con người có thể phát triển nhờ giáo dục và việc làm xứng đáng. Đàng khác, có điều được chứng tá của Humberto và Claudia làm cho hiển nhiên khi họ giải thích việc bằng cách nào họ đã thông chuyển tình yêu Thiên Chúa cho người khác, một tình yêu chính họ trải nghiệm qua việc phục vụ và cho đi cách đại lượng. Luật lệ và cam kết bản thân làm cho cặp này có khả năng bẻ gẫy vòng bất trắc.

Ngày nay, trên nhiều trận tuyến khác nhau, ta thấy gia đình đã yếu đi và bị tra vấn. Nó bị coi như một mô thức đã hết thời, không còn chỗ đứng trong các xã hội của ta nữa; các xã hội này, tự nhận là hiện đại, càng ngày càng ủng hộ một mô thức đặt căn bản trên cô lập.

Quả thực, sống trong gia đình là điều không luôn dễ dàng, và thường có thể đau đớn và căng thẳng nhưng, như tôi thường nói khi nhắc tới Giáo Hội, tôi thích một gia đình bị thương tích hàng ngày cố gắng đem tình yêu ra sống hơn là một xã hội bệnh hoạn vì chủ nghĩa cô lập và quen sợ yêu thương. Tôi thích một gia đình luôn cố gắng để bắt đầu lại hơn là một xã hội yêu mình thái quá và bị ám ảnh bởi xa hoa và dễ chịu. Tôi thích một gia đình có những khuôn mặt mệt mỏi vì đại lượng cho đi hơn là những khuôn mặt trang điểm không biết chút gì về âu yếm và cảm thương.

Tôi được yêu cầu cầu nguyện cho anh chị em và tôi muốn làm việc này ngay bây giờ với anh chị em. Anh chị em Mễ Tây Cơ có một điều đặc biệt; anh chị em chạy trước với một lợi điểm. Anh chị em có Đức Mẹ, Đức Mẹ Guadalupe. Ngài muốn thăm lãnh thổ này và việc này đem lại cho chúng ta sự chắc chắn được ngài cầu bầu để giấc mơ của chúng ta, giấc mơ mà chúng ta gọi là gia đình, không bị mất đi vì bất trắc hay cô độc. Ngài luôn sẵn sàng bảo vệ các gia đình của chúng ta, tương lai của chúng ta; ngài luôn sẵn sàng đặt trái tim ngài vào đó bằng cách ban Con ngài cho chúng ta. Vì thế, tôi mời anh chị em nối tay nhau và cùng đọc: Kính Mừng Maria…
 
Đức Phanxicô gặp gỡ giới kinh doanh Mễ Tây Cơ
Vũ Văn An
19:53 17/02/2016
Vào ngày cuối cùng trong chuyến viếng thăm Mễ Tây Cơ 5 ngày của ngài, sau khi viếng Trung Tâm Điều Chỉnh Xã Hội Số Ba, Đức Phanxicô đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo giới kinh doanh và đại diện Phòng Thương Mãi tại Viện Cao Đẳng Giáo Dục Colegio de Bachilleres của tiểu bang Chihuahua.

Ngài kêu gọi họ đầu tư vào tương lai bằng cách tạo các cơ hội làm việc lâu dài và có nhiều lợi nhuận cho giới trẻ.

Sau đây là nguyên văn bài diễn văn của ngài:

Anh chị em thân mến,

Tôi muốn gặp gỡ anh chị em ở đây tại mảnh đất Juárez này vì mối liên hệ đặc biệt của thành phố này với thế giới lao động. Tôi biết ơn không những vì những lời nghinh đón và các chứng từ của anh chị em, các chứng từ nói lên các nỗi lo âu, các niềm vui và hy vọng của đời sống anh chị em, mà cả vì dịp may được chia sẻ và suy nghĩ với nhau này. Bất cứ điều gì ta có thể làm để phát huy đối thoại, gặp gỡ, và tìm các giải pháp và cơ hội tốt hơn đều đã là một thành tựu cần được đánh giá và đề cao. Hiển nhiên, vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa, và hôm nay, chúng ta không được để lỡ cơ may gặp gỡ, thảo luận, đối chất hay tìm kiếm nào. Đây là cách duy nhất ta có thể xây dựng cho ngày mai, tạo ra các mối liên hệ lâu dài có khả năng cung cấp một khuôn khổ cần thiết để, từ từ, ta có thể tái thiết các mối liên kết xã hội vốn bị hư hại quá nhiều bởi thiếu thông đạt và thiếu lòng tôn trọng tối thiểu đối với việc chung sống xã hội. Thành thử, tôi yêu cầu anh chị em, và tôi hy vọng rằng dịp này có thể giúp xây dựng tương lai. Ước chi đây là cơ may tốt để rèn đúc Mễ Tây Cơ, một việc mà nhân dân và con cái Mễ Tây Cơ xứng đáng được hưởng.

Tôi muốn bàn thêm điểm cuối cùng vừa nói. Hôm nay, ở đây, có những tổ chức công nhân khác nhau và đại diện Phòng Thương Mãi và các hiệp hội kinh doanh. Thoạt nhìn, có thể coi họ như các địch thủ với nhau, nhưng họ hợp nhất với nhau bởi cùng một trách nhiệm: tìm cách tạo cơ hội nhân dụng xứng đáng và có lợi cho xã hội và nhất là cho giới trẻ của lãnh thổ này. Một trong các đại họa lớn nhất đối với giới trẻ là thiếu cơ hội học hành và việc làm lâu dài và có lợi nhuận, một việc làm cho phép họ làm việc cho tương lai. Trong nhiều trường hợp, việc thiếu cơ hội này dẫn tới các tình huống nghèo đói. Rồi sự nghèo đói này trở thành thửa đất phát sinh khiến người trẻ sa vào vòng buôn bán ma túy và bạo lực. Đó là một xa xỉ phẩm mà không ai đủ sức mua; chúng ta không thể để hiện tại và tương lai Mễ Tây Cơ cô đơn và bị bỏ rơi.

Bất hạnh thay, thời ta đang sống đã áp đặt nhiều khuôn mẫu tiện ích kinh tế làm khởi điểm cho các liên hệ bản thân. Não trạng đương thịnh cổ vũ các lợi nhuận lớn nhất bao nhiêu có thể, ngay tức khắc, bằng bất cứ giá nào. Điều này không những khiến chiều kích đạo đức của kinh doanh bị mất đi, mà còn quên rằng đầu tư tốt nhất ta có thể làm là đầu tư vào con người, vào những con người cá thể và vào các gia đình. Đầu tư tốt hơn cả là đầu tư tạo cơ hội. Não trạng đương thịnh đặt lưu lượng người phục vụ lưu lượng vốn, trong nhiều trường hợp, kết cục là bóc lột công nhân như thể họ là các đồ vật để sử dụng rồi liệng bỏ (xem Laudato Si’, 123). Thiên Chúa muốn ta chịu trách nhiệm đối với các nô lệ ngày nay, và chúng ta phải làm mọi điều để bảo đảm rằng các tình huống này không diễn ra nữa. Lưu lượng vốn không thề quyết định lưu lượng và đời sống người ta.

Khi đối diện với các chủ trương của Học Thuyết Xã Hội Công Giáo, người ta thường phản đối rằng: “các giáo huấn này biến chúng ta thành các tổ chức bác ái hay biến các kinh doanh của chúng ta thành các định chế nhân đạo”. Khát vọng duy nhất của Học Thuyết Xã Hội Công Giáo là trông coi sự toàn vẹn của con người và các cơ cấu xã hội. Lần nào, vì bất cứ lý do nào, sự toàn vẹn này bị đe dọa hay bị rút gọn thành hàng hóa tiêu dùng, Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội đều sẽ là tiếng nói tiên tri để che chở mọi người chúng ta khỏi mất hút trong biển tham vọng đầy quyến rũ. Lần nào, sự toàn vẹn của con người bị vi phạm, xã hội sẽ bắt đầu xuống dốc, theo một nghĩa nào đó. Học thuyết này không chống bất cứ ai, nhưng mang lợi lại cho mọi người. Mọi giới có nghĩa vụ quan tâm tới lợi ích của mọi người; tất cả chúng ta đang ở trên cùng một con thuyền. Tất cả chúng ta đều phải tranh đấu để bảo đảm rằng việc làm là những giây phút nhân bản hóa luôn nhìn về tương lai; đó là một không gian để xây dựng xã hội và để mọi người tham dự vào đó. Thái độ này không những cung cấp một sự cải thiện lập tức , nhưng về lâu về dài, nó cũng sẽ biến đổi xã hội thành một nền văn hóa có khả năng phát huy một không gian xứng đáng cho mọi người. Nền văn hóa, nhiều lần phát sinh từ sự căng thẳng này, đang tạo ra một kiểu liên hệ mới, một loại liên hệ mới, một loại quốc gia mới.

Chúng ta muốn để lại cho con cháu chúng ta loại thế giới nào? Tôi tin rằng đại đa số chúng ta có thể đồng ý với nhau. Đây chính là chân trời, là mục đích của chúng ta, và chúng ta phải đến với nhau và làm việc cho mục đích này. Điều luôn luôn tốt là nghĩ về điều tôi muốn để lại cho con cháu tôi; nó cũng là cách tốt để nghĩ tới con cháu người khác. Anh chị em muốn để lại cho con cháu anh chị em loại Mễ Tây Cơ nào? Anh chị em có muốn để lại cho chúng ký ức bóc lột, trả lương không đủ, sách nhiễu ở chỗ làm việc không? Hay anh chị em muốn để lại cho chúng một nền văn hóa nhắc tới việc làm xứng đáng, một mái nhà riêng, và một mảnh đất để cày cấy? Chúng ta muốn thứ văn hóa nào cho những người sẽ đến sau chúng ta? Họ sẽ thở được bầu khí nào? Bầu khí nặc mùi thối nát, bạo lực, bất an và ngờ vực, hay, trái lại, một bầu khí có khả năng sản sinh các phương thức thay thế, canh tân và thay đổi?

Tôi biết rằng các vấn đề nêu trên không dễ dàng, nhưng sẽ tệ hơn nếu ta trao tương lai vào tay thối nát, tàn bạo và thiếu công bằng. Tôi biết không dễ đem mọi bên lại với nhau để thương thuyết, nhưng sẽ tệ hơn, và kết cục sẽ tạo ra nhiều thiệt hại hơn, nếu thiếu các cuộc thương thuyết và lượng giá. Tôi biết không dễ đi với nhau trong một thế giới càng ngày càng cạnh tranh với nhau, nhưng sẽ tệ hơn nếu cho phép cái thế giới cạnh tranh này phá hủy số phận con người. Lợi lộc và tư bản không phải là một điều tốt vượt quá và vượt trên con người nhân bản; chúng phải phục vụ ích chung. Khi ích chung chỉ được dùng để phục vụ lợi lộc và tư bản, điều duy nhất giành được có tên là loại trừ.

Tôi bắt đầu bằng việc cám ơn anh chị em vì dịp may được hiện diện với nhau này. Bây giờ, tôi muốn mời anh chị em mơ ước về Mễ Tây Cơ, xây dựng Mễ Tây Cơ mà con cháu chúng ta đáng được; một Mễ Tây Cơ trong đó không ai là nhất, nhì hay tư; một Mễ Tây Cơ trong đó, mỗi người nhìn thấy nơi người khác phẩm giá của con cái Thiên Chúa. Xin Đức Mẹ Guadalupe của chúng ta, đấng đã hiện ra với Juan Diego, và tỏ lộ cho thấy những người bề ngoài xem ra bị bỏ rơi đều là các chứng nhân ưu việt của ngài ra sao, giúp và đồng hành với chúng ta trong việc làm của chúng ta.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phóng sự đầu năm: đi xông đất VietCatholic.
Trần Mạnh Trác
12:51 17/02/2016
Nhờ anh Thao mai mối chúng tôi tìm được địa chỉ mới cuả cha Giám đốc VietCatholic và hẹn sẽ đến thăm Ngài vào ngày mồng Hai Tết trong dịp qua Cali ăn Tết vừa qua. Ngài hoan hỉ nhận lời nhưng báo cho biết trước là nhà cửa còn bề bộn lắm.

Vừa gặp ngài, tay bắt mặt mừng, ngài nói ngay: "Anh chị là khách đầu tiên đấy... "Các đứa cháu cũng chưa biết đâu, mỗi khi chúng hỏi thì tôi chỉ trả lời 'ở giữa Trời và Đất'". Cha nói tiếp: "Anh chị thấy đấy, nhà cửa đang còn sửa chữa cũng chưa đâu vào đâu cả..., tuy nhiên có nơi ở và chỗ sinh hoạt như thế này là quá tốt rồi, đến tuổi này như thế là hạnh phúc và tôi thấy rất thơ thái an bình... Trong khu đất rộng có thể đi dạo mát đọc kinh lần chuỗi. Khu này rất yên tĩnh".

Ngài cho biết sẽ có một vài sửa sang nhưng cũng chỉ giới hạn thôi, Ngài tâm sự "Mình già rồi đấy, Cha Chi còn trẻ, nếu Ngài muốn thì Ngài sẽ xây dựng thêm lên".

Cha Chi, vị kế thừa VietCatholic, vẫn còn ở bên Úc, tuy nhiên đã có một căn phòng dành sẵn cho Ngài tại ngôi nhà trệt đang xây dang dở.

Trong nhà này này cũng có một phòng rộng có thể chứa đến 50 người dành cho sinh hoạt của VietCatholic, và là nơi hội họp, như trong 2 tuần cuối tháng Giêng vừa qua đã tổ chức Khóa Huấn Luyện kỹ thuật phòng thu hình và edit video và TV cho 12 nhân viên và thiện nguyện viên VietCatholic.

Ngài lập đi lập lại "Mình già rồi đấy, các cha trẻ sau này nếu có sức thì phát triển thêm."

Phát triển thêm có nghiã là có khả năng mở rộng thêm 2 căn nhà ngay tại khu đất này, tổng cộng rộng chừng một mẫu tây. Hiện tại căn nhà trong cùng là nơi cha Giám đốc hưu dưỡng và cũng là 'trụ sở VietCatholic'.

Dẫn khách đi thăm ngôi nhà mới, Ngài phải luôn miệng cáo lỗi vì gạch gỗ đang xây cất vẫn còn ngổn ngang và bụi bặm vẫn chưa được quét dọn. Nơi sạch sẽ và rộng rãi nhất là căn phòng khách, ở đó sừng sững dựng lên một bức tượng Mẹ Fatima khiết tâm lớn, lớn hơn các bức tượng Fatima nguyên thủy rất nhiều.

Ngài cho biết đây là bức tượng Fatima có một không hai, dùng cả một thân gỗ sồi của vùng Fatima (các bức tượng đang du hành cũng được làm bằng gỗ sồi nhưng là gỗ nhập cảng từ Brazil). Trong tương lai bức tượng sẽ được biếu cho Trung tâm Thánh Mẫu La Vang khi có giấy phép.

Bức tượng là một bản sao y hệt bức tượng Khiết Tâm đã được rước về Việt Nam ngày xưa, nghiã là đúng với những mô tả tỉ mỉ cuả 'Chị Lucia', người được Đức Mẹ hiện ra. "Bức tượng có một điểm đặc biệt không đâu có, đó là có những chiếc răng ở trong miệng," Ngài chỉ cho biết.

Người nghệ sĩ tạc tượng đã tỉ mỉ đến nỗi đã không quên khắc cả những chiếc răng nằm ẩn trong khoé miệng. Mà thật vậy, "cái răng cái tóc là góc con người" mà, Đức Mẹ cũng phải có răng chứ? một hàm răng thật nõn nà.

Sau những giây phút trò truyện thân tình sau mấy năm gặp lại, hết việc này đến việc khác, rồi chúng tôi hỏi ngài "Cha có biết là cha ở sát nách khu Đại Hàn không và cha có biết tiệm Đại hàn nào ngon không?" Cha nói, khu Đại Hàn ngay đằng sau nhà tôi một block, nhưng mình không biết tiệm Đại Hàn nào ngon cả. Chúng tôi mời ngài đi ăn cơm Đại Hàn.

Ra trung tâm Chợ Đại Hàn, họ chỉ ngay cho một tiệm thời danh. Chúng tôi đến đó, và quả thực như vậy, dân Đại Hàn đang đứng xếp hàng, ngay cả buổi trưa mà phải chờ 30 phút mới được vào ăn. Nhờ tài khéo léo và thông thạo của bà xã mà đã gọi đúng một bữa ăn Đại hàn rất truyền thống và ngon miệng.
 
Khóa Huấn luyện Kỹ thuật phòng thu hình, edit video và TV của VietCatholic rất thành công
Đồng Nhân
16:45 17/02/2016
NAM CALI - Vào trung tuần tháng Giêng 2016, đang lúc server của VietCatholic bị hỏng vì sau mấy năm chạy liên tục, chúng tôi đã lập tức thay bằng 3 servers mới: 1 đặt ở trung tâm Đông Bắc Hoa Kỳ, 1 tại Nam Cali và 1 virtual server chuyên phát videos và hình ảnh. Cũng trong thời gian đó Cha Giám đốc và Ban Kỹ Thuật lúc đó đang tổ chức Khóa Huấn Luyện editing video và TV cho các nhân viên và thiện nguyện tại Văn phòng mới của VietCatholic ở Nam California, USA, nên không có giờ upload các data cũ lên các servers mới, vì cần thời gian viết lại các programs cho các servers mới.

Đang khi đó Khóa huấn luyện kỹ thuật phòng thâu âm thành, hình ảnh video và TV của VietCatholic được tổ chức tại Nam Cali trong hai tuần qua rất thành công. Chúng tôi đã có lần thông tin, nhưng trong thời gian chuyển tiếp các dữ kiện không lưu trữ trên được. Một số độc giả muốn biết về khóa học này, nên chúng tôi xin thông tin lại.

Hình ảnh khai mac Khóa học edit Video và TV

Thực tập edit tại trụ sở VietCatholic

Thánh lễ tạ ơn trụ sở VietCatholic

Khóa học đã khai giảng ngày 20/1/2016 tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam giáo phận Orange County, được Đức Cha Mai Thanh Lương và Cha Trần Văn Kiểm Giám đốc và Linh hướng của Trung tâm hỗ trợ và chúc lành. Khóa học được kỹ sư Đặng Minh An đến từ Úc châu và Cha Giám đốc Trần Công Nghị hướng dẫn, và anh Nguyễn Hóa, chuyên viên video phụ giúp thực tập.

Thành phần tham dự gồm có 12 người:

Cô Kim Thúy và Châu, West Covina, Los Angeles

Anh Trần Quân, San Gabriel, Los Angeles

Anh Nguyễn Sự, San Gabriel, Los Angeles

Cô Bích Vân, Garden Grove, Nam Cali

Anh Đào Đông, Westmisnter, Orange County, Nam Cali

Anh William Nguyễn Ngọc, Garden Grove, Nam Cali

Anh Trương tấn Quyền và cô Thủy, Florida

LM Nguyễn Đình Phước, du học sinh, GP Kontum, San Diego

LM Nguyễn Hạnh, du học sinh, GP Thanh Hóa,

Nữ tu Maria Xuân Hiền, Roma, Italia.

Sau 2 ngày học tập ở Trung tâm Công Giáo Việt Nam GP Orange, khóa học được chuyển về văn phòng mới của VietCatholic ở Garden Grove để qúi Cha và qúi học viên có cơ hội học biết về kỹ năng ánh sáng và âm thanh cho phòng thu hình, thực tập quay phim trong studio và eidt các videos.

Các học viên hăng say học tập, rất thích thú và hứng khởi khi đến phần thực tập editing video với các kỹ thuật tân tiến và hấp dẫn.

Chỉ sau 5 ngày học các tham dự viên đã có thể “sản xuất” chương trình Tin tức cho TV VietCatholic. Ngoài ra ca sĩ Kim Thuý còn có các ca sĩ như Thanh Lan, Trần Ngọc, Diệp Thanh Thanh, Mai Phương, Như Mai và xướng ngôn viên Thanh Thảo và Quyên Anh đã đến giúp đọc tin cho Chương trình này. Đồng thời chính các học viên cũng thực tập đọc tin, ghi hình và edit các Chương trình TV như qúi vị thấy trong các trang hình.

Ngoài phần làm video tin tức, các học viên cũng thực tập quay video các ca sĩ hát thánh ca hay nhạc mừng Xuân nhân dịp Tết Bính Thìn cho độc giả thưởng thức và hy vọng trong tương lại sẽ ra các DVD thánh ca có giá trị không những về nội dung mà còn cả về hình ảnh sáng tạo lôi cuốn.
 
Thánh lễ tạ ơn mừng thượng thọ các vị cao niên tại giáo xứ Việt Nam Seattle.
Nguyễn An Quý
17:21 17/02/2016
Thánh Lễ Tạ Ơn Mừng Thượng Thọ Các Vị Cao Niên tại giáo xứ Việt Nam Seattle.

Tukwila. Thật đáng trân quý về truyền thống tốt đẹp đã được duy trì lâu đời nơi cộng đoàn giáo xứ CTTĐVN thuộc TGP Seattle. Hằng năm cứ vào Chúa Nhật sau những ngày vui Xuân đón Tết, giáo xứ lại cùng nhau tổ chức một ngày lễ trọng đại đặc biệt để nói lên nghĩa cử cao quý diễn tả tâm tình biết ơn của thế hệ trẻ đối với các vị cao niên trong giáo xứ: Uống nước nhớ nguồn" Đó là thánh lễ tạ ơn mừng tuổi thọ các bậc cao niên từ 70 tuổi trở lên còn gọi là lễ mừng thượng thọ. Năm nay thánh lễ được cử hành trọng thể vào Chúa Nhật Mồng Bảy Tết, nhằm ngày 14 tháng 2 năm 2016, ngày lễ tình yêu Vanlentine's Day.

Xem Hình

Từ 11 giờ sáng, giáo xứ trở nên vui nhộn, các cô phụ trách ban tiếp đón trong những tà áo dài đủ màu sắc đã ân cần chào mời từng vị cao niên và cài vào ve áo của các vị chiếc huy hiệu mừng thượng thọ với màu sắc rực rỡ khi các ông bà bước vào nhà thờ. Nhìn huy hiệu thật đẹp với hình quả tim kết vài bông mai vàng và gói tròn logo Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa thật ý nghĩa. Lễ chúc thọ hằng năm giáo xứ đều có những huy hiệu khác nhau, năm nay rơi vào Chúa Nhật lễ Tình Yêu và là Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa nên có trái tim, có logo Lòng Thương Xót Chúa, 2 tua nơ dài toả xuống có ghi hàng chữ Faith-Hope-Love : "Niềm tin- Hy vọng- Yêu thương" thật ý nghĩa vô cùng.

Gần 150 cụ Ông, cụ Bà ghi danh tham dự thánh lễ mừng thượng thọ. Nhiều ông bà vui vẻ bên cạnh con cháu dẫn đi, có những vị ngồi xe lăn cũng hớn hở cười nói khi gặp nhau thật thân thiện. Thân phụ và thân mẫu của cha chánh xứ tuy không được khoẻ nhưng cũng cố gắng đến tham dự thánh lễ trong niềm vui tạ ơn với giáo xứ.

Đúng 11:30 , MC từ Ca Đoàn đọc lời dẫn lễ và mời cộng đoàn đứng cùng hiệp dâng thánh lễ. Ca đoàn hát bài ca nhập lễ, nghi đoàn cùng với qúy linh mục cung nghinh Thánh Giá tiến lên cung thánh theo nhịp hát của ca đoàn. Hôm nay Ca Đoàn Vào Đời phụ trách hát lễ. Cha chánh xứ Đào Xuân Thành chủ tế thánh lễ, cùng đồng tế có cha Nguyễn Sơn Miên, cha Trần Hữu Lân. Hôm nay Giáo Hội bắt đầu vào tuần thứ I Mùa Chay, nhưng khung cảnh nhà thờ của ngày lễ mừng tuổi thọ của quý cụ nên có đặt bàn thờ tổ tiên để tưởng nhớ đến những thế hệ cha ông nay đã có công gầy dựng cộng đoàn đức tin Việt Nam nơi đây, nay không còn nữa.

Mở đầu thánh lễ, cha chánh xứ nói: "giáo xứ hân hoan chào đón cha già NGuyễn Sơn Miên, cha Trần Hữu Lân, quý cụ cao niên trong giáo xứ từ 70 tuổi trở lên hiện diện trong thánh lễ tạ ơn hôm nay, nhìn quý cụ ông, cụ bà ai cũng đẹp cả, ai cũng vui tươi cả. Giáo xứ tri ân và cầu nguyện cho quý cụ qua thánh lễ tạ ơn này, xin cho một tràng pháo tay để chào đón quý cụ và cùng chào đón nhau trong niềm vui tạ ơn".

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Lời Chúa theo Chúa Nhật I Mùa Chay Năm.

Bài tin Mừng hôm nay Thánh Luca giới thiệu câu chuyện Chúa Giêsu đuợc Thánh Thần đưa vào hoang địa và chịu ma quỷ cám dỗ: Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, liền rời vùng sông Giođan và được Thánh Thần đưa vào hoang địa ở đó suốt bốn mươi ngày, và chịu ma quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì và sau thời gian đó, Người đói. Vì thế, ma quỷ đến thưa Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho đá này biến thành bánh đi". Chúa Giêsu đáp: "Có lời chép rằng: Người ta không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời Chúa nữa". Rồi ma quỷ lại đem Người lên cao hơn cho xem ngay một lúc tất cả các nước thiên hạ và nói với Người rằng: "Tôi sẽ cho ông hết thảy quyền hành và vinh quang của các nước này, vì tất cả đó là của tôi và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, thì mọi sự ấy sẽ thuộc về ông!" Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: "Có lời chép rằng: Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người thôi".- Ma quỷ lại đưa Người lên Giêrusalem, để Người trên góc tường cao đền thờ và bảo rằng: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống, vì có lời chép rằng: "Chúa sẽ truyền cho Thiên Thần gìn giữ ông!" Và còn thêm rằng: "Các vị đó sẽ giơ tay nâng đỡ ông khỏi vấp phải đá". Chúa Giêsu đáp lại: "Có lời chép rằng: Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi!" Sau khi làm đủ cách cám dỗ, ma quỷ rút lui để chờ dịp khác."

Cha chủ tế phụ trách giảng lễ, mở đầu ngài nói: "Hôm nay giáo xứ vui mừng chào đón quý vị cao niên trong giáo xứ từ 70 tuổi trở lên trong thánh lễ tạ ơn mừng thượng thọ quý cụ ông cụ bà. Hôm nay cũng là ngày lễ Tình yêu, ngày Valentine's. Quý cụ cũng đã sống đời sống tình yêu qua ơn gọi hôn nhân và yêu thương nhau từ lúc còn trẻ đến hôm nay đều bạc đầu vẫn giữ được tấm gương này cho con cháu. Chúc mừng quý cụ đến với giáo xứ trong niềm vui tạ ơn. Cử hành lễ mừng thượng thọ giáo xứ muốn nói lên tâm tình tri ân và luôn biết ơn những bậc già nua qua các thế hệ đã góp công sức gầy dựng cộng đoàn giáo xứ. Trong những ngày gói bánh vừa qua, nhiều vị dù già yêú vẫn thường xuyên có mặt đến giup giáo xứ nhiều công việc khác nhau. Quý cụ là gương sáng cho con cháu trong mọi công tác, có như thế, nay giáo xứ mới có được nhiều tầng lớp các bạn trẻ hăng say giúp giáo xứ một cách tích cực.

Đi vào phần phụng vụ Chúa Nhật I Mùa Chay hôm nay ngài nhấn mạnh: Hôm nay tin mừng nói Chúa Giêsu đi vào hoang địa ăn chay, cầu nguyện và đã chịu ma quỷ cám dỗ. Khi ma quỷ biết Chúa đang đói thì chúng nói Chúa hãy biến những hòn đá ra bánh mà ăn . Chúa liền nói: người ta không phải chỉ sống bằng cơm bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. Ma quỷ đời nay nhiều khi trông không có gì gọi là dữ dằn ghê gớm, nó ẩn náu dưới mọi hình thức có khi rất là hấp dẫn, lôi cuốn nên dễ cám dỗ. Xin cho chúng ta được Thánh Thần soi sáng để lướt thắng mọi cơn cám dỗ của thời đại. Xin cho ngày lễ tình yêu được đến với mọi gia đình trong tình yêu thuơng của Chúa để gìn giữ ơn gọi sống đời hôn nhân một cách trọn vẹn"

Bài giảng vừa dứt, nghi thức xức dầu bệnh nhân cho các cụ cao niên hiện diện trong thánh lễ tạ ơn hôm nay. Việc xức là dấu chỉ xin Thánh Thần Chúa tăng thêm thần lực cho những vị cao niên để tăng thêm sức mạnh phần hồn cũng như phần xác được chữa lành. Các cụ đều hân hoan vui mừng tiến lên đón nhận việc xức dấu thánh một cách trân trọng và sự phó thác nương tựa vào tình yêu của Chúa.

Sau lời nguyện kết lễ 2 em thiếu niên trường Việt Ngữ Đắc Lộ lên chúc mừng tuổi thọ các bậc cao niên từ cha già Nguyễn Sơn Miên, Cha Trần Hữu Lân đang nghỉ hưu và toàn thể quý cụ ông cụ bà những lời chúc thật phong phú qua điệu vè mà từng em đọc rất nhịp nhàng. Ông Chủ Tịch HĐMV cũng đại diện giáo xứ chúc mừng tuổi thọ cha già Nguyễn Sơn Miên, Cha Trần Hữu Lân và toàn thể quý cụ với lời cảm ơn chân tình.

Trước khi kết thúc thánh lễ cha chánh xứ chúc lành cho các đôi vợ chồng hiện diện nhân ngày lễ tình yêu với nghi thức nhắc lại những lời mà các đôi vợ chồng đã thế hứa với nhau trong ngày nhận lãnh Bí Tích Hôn Phối. Cuối cùng cha chánh xứ một lần nữa cám ơn và chúc thọ Cha Miên, cha Lân và toàn thể quý cụ, đặc biệt ngài trân trọng mời quý cụ tham dự tiệc tri ân mừng thượng thọ ngay sau thánh lễ tại Hội Trường.

Tiệc mừng được nhanh chóng khai mạc sau thánh lễ. Gần 300 người tham dự tiệc mừng kể cả quý cao niên và một số gia đình có con cháu đưa các cụ đi lễ. Đúng 1:30 cha chánh xứ khai mạc buổi tiệc bằng lời cầu nguyện và xin Chúa chúc lành cho những của ăn trong bữa tiệc.

Bữa tiệc được diễn ra trong bầu khí vui tươi xen lẫn phần văn nghệ rất phong phú do các ca sĩ Mai Thiên Hương, Đoan Trang, các em thiếu nhi trường Việt Ngữ Đắc Lộ trình diễn nhiều vũ điệu khá sinh động, những điệu múa rất điêu luyện của các em thiếu nhi làm thu hút mọi người hiện diện. Ban nhạc của gia đình Phạm Hữu cũng đã đóng góp nhiều bài ca Xuân vui nhộn, giúp cho bữa tiệc thật hào hứng. Tưởng cũng nên biết để cám ơn ban phụ trách ẩm thực bữa tiệc cũng như nhóm tiếp tân, nhóm trang trí đã tích cực lo cho bữa tiệc thật chu đáo qua những món ăn ngon lành và rất phong phú với những bình hoa đẹp trên các bàn tiệc làm tăng thêm vẻ trang trọng.

Bữa tiệc chấm dứt vào khoảng hơn 3:30, mọi ngươì chia tay ra về trong tâm tình tạ ơn.

Nguyễn An Quý
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Kinh ''Lạy Chiên Thiên Chúa'' có thể hát kéo dài thành bài ca Hiệp lễ không?
Nguyễn Trọng Đa
10:08 17/02/2016
Giải đáp phụng vụ: Kinh "Lạy Chiên Thiên Chúa" có thể hát kéo dài thành bài ca Hiệp lễ không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Con luôn hiểu rằng kinh lạy Chiên Thiên Chúa (Agnus Dei) là một phần thiết định của Thánh Lễ, bao gồm hát hai lần "Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con"; và kết thúc với "Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin ban bình an cho chúng con". Tuy nhiên, trong Thánh Lễ mà con tham dự trong giáo xứ của con, kinh này được sử dụng như một cơ hội để thể hiện sự sáng tạo, với xướng viên hát các câu như "Lạy Hoàng tử hòa bình", "Lạy Chúa các Chúa," và các câu khác khác, cho điệp khúc mỗi câu của cộng đoàn là "Xin thương xót chúng con" cho đến khi kết thúc phần rước Mình Thánh đến nhà tạm, lúc đó ca đoàn mới kết thúc với câu “xin ban bình an cho chúng con". Trong khi việc ca hát như thế là có thể rất xây dựng và làm hài lòng nhiều người, con lại xem nó dường như không đáp ứng các yêu cầu của qui chế phụng vụ. Thưa cha, cha nghĩ sao? - C. C., Dallas, Texas. Mỹ.


Đáp: Các qui chế về việc hát kinh Lạy Chiên Thiên Chúa được tìm thấy trong Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM), số 83: "... Ðang khi vị tư tế bẻ bánh và bỏ một phần vào chén thánh thì ca đoàn hay ca viên hát đối đáp hay đọc lớn tiếng kinh "Lạy Chiên Thiên Chúa", và giáo dân đáp lại. Kinh này có thể được lặp đi lặp lại, bao lâu còn cần để kèm theo việc bẻ bánh. Lần cuối cùng được kết thúc bằng câu: "Xin ban bình an cho chúng con" (bản dịch Việt Ngữ của linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Do đó, như một quy chế, các lời khần cầu có thể được lặp lại nếu như nghi thức bẻ bánh kéo dài. Nhưng không có đề cập đến việc chèn các lời khẩn cầu khác, hoặc việc kéo dài Kinh lạy Chiên Thiên Chúa như một bài ca Hiệp lễ. Do đó, lời khẩn cầu "Xin ban bình an cho chúng con" sẽ được hát khi gần kết thúc việc bẻ bánh, và sau đó không đưa thêm các lời khẩn cầu khác nữa.

Sau khi hát xong rồi, giai điệu được sử dụng trong Kinh lạy Chiên Thiên Chúa có thể được hát lại, sau khi đọc xong "Lạy Chúa, con không đáng…", và được sử dụng như một bài hát Hiệp lễ. Trong trường hợp này, không có gì trở ngại để đưa các lời khẩn cầu khác vào, như được mô tả ở trên.

Đây có thể là một cách sử dụng một số phiên bản đa âm cổ điển, vốn sẽ là quá dài đối với nghi thức hiện nay. Một hệ thống tương tự như hệ thống được mô tả bởi độc giả trên của chúng ta, là một tập tục lâu đời ở một số nhà nhà thờ chính tòa châu Âu.

Hồng Y Joseph Ratzinger khi ấy (nay là Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI) xem sự thực hành này là hợp pháp trong một hội nghị tại Regensburg, nhân dịp linh mục bào huynh của ngài thôi chức giám đốc âm nhạc của nhà thờ chánh tòa của thành phố này. (Zenit.org 14-6-2007)

Nguyễn Trọng Đa
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thánh Giá Dưới Nắng Trời
Joseph Nguyễn Tro Bụi
18:31 17/02/2016
THÁNH GIÁ DƯỚI NẮNG TRỜI
Ảnh của Joseph Nguyễn Tro Bụi
Ca tụng Thập giá Ngài vinh hiển
Dấu chỉ tình Trời yêu vĩnh viễn
Kết thành hy vọng giữa đời ta..
(Trích thơ của Trăng Thập Tự)