THÁNH THIỆN CỰC ĐOAN
“Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin dựng ba lều, một cho Thầy, một cho Môisen, và một cho Êlia!”.
Trong một nỗ lực cắt giảm chi phí văn phòng, một thanh niên muốn gây ấn tượng với sếp của mình là Edgar Hoover, giám đốc FBI; anh đã giảm kích thước của mọi giấy tờ. Hoover xem qua, tỏ vẻ không hài lòng với kích cỡ của khổ giấy; ông viết nguệch ngoạc, “Chú ý đường viền!”. Sáu tuần tiếp theo, việc nhập cảnh vào Hoa Kỳ từ Mexico hoặc Canada bằng đường bộ là vô cùng khó khăn! FBI đang theo dõi biên giới. Tại sao? Họ nghĩ, họ đã nhận được một cảnh báo từ sếp; và đã ‘cực đoan’ biến một nhận xét vô thưởng vô phạt thành một lời cảnh báo nghiêm túc!
Kính thưa Anh Chị em,
Trước sự rạng ngời vinh quang Thiên Chúa xán lạn nơi Thầy mình, dù trong chốc lát, ba môn đệ ngây ngất, đến nỗi “Phêrô không rõ mình nói gì!”. Họ vô cùng phấn khích! Cũng thế, nhiều lúc, chúng ta có thể cảm thấy mình rất gần gũi với Thiên Chúa; từ đó, mỗi người được truyền cảm hứng sâu sắc bằng cách này, cách khác. Khi điều đó xảy ra, phản ứng cảm xúc nơi chúng ta, bấy giờ, theo một nghĩa nào đó, là rất dễ đi quá đà. Đó không phải là tình yêu đối với Chúa nơi chúng ta đã đạt đến mức lý tưởng, điều đó là không thể, nhưng là một sự nhiệt thành vốn dựa trên cảm xúc nhiều hơn là dựa trên ý muốn của Thiên Chúa. Đúng hơn, đó chỉ là những phút chốc ‘sốt sắng cao độ’ mà thôi; dĩ nhiên, chúng ta ước mong trở nên thân mật với Chúa, nhưng phải luôn bảo đảm rằng, cả những cảm xúc tốt lành nhất cũng không được dẫn chúng ta đi vào sự ‘thánh thiện cực đoan’, nghĩa là đi vào ý riêng mình hơn là theo ý Chúa.
Chi tiết này gợi lên câu chuyện Thầy trò Chúa Giêsu bị một làng nọ từ chối; Giacôbê và Gioan đã lên tiếng, “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng không?”. Ôi, thiêu huỷ cả một làng! Chúa Giêsu đã khiển trách họ. Có lẽ vì đã nhớ lại phút chốc ‘sốt sắng cao độ’, có phần ‘thánh thiện cực đoan’ muốn đốt cả làng của người ta. Và chúng ta nhớ lại Chúa Giêsu đã khiển trách họ thế nào; họ không biết họ đã nói theo tinh thần nào. Rõ ràng, đó là tinh thần thế tục!
Anh Chị em,
“Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm!”. Mục tiêu của một đời sống đạo đức là sự quân bình đích thực giữa các thái cực, cả khi nguội lạnh hay khi sốt mến. Mặc dù phải cam kết 100% với Chúa và ý muốn của Ngài, nhưng cũng phải chắc chắn rằng, chúng ta không bị cuốn vào bên này hoặc bên kia; vì lẽ, ma quỷ luôn tìm dịp để kéo chúng ta vào những cạm bẫy khôn lường của nó. Ma quỷ có thể làm chúng ta ngây ngất trong việc đạo đức này, bác ái kia; nhưng thực chất, lôi chúng ta về những hậu quả nó nhắm đến. Chẳng hạn, khi thấy mình đạo đức, chúng ta khinh dể kẻ khác; hoặc khi đứng trước một thử thách lớn, chúng ta tuyệt vọng… Vậy hãy cầu xin Chúa gìn giữ chúng ta vững bước trên con đường dẫn đến Ngài và thánh ý Ngài; hầu tránh được những ‘thánh thiện cực đoan’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin giúp con có được sự quân bình nội tâm; đừng để con nản lòng trước thử thách; cũng đừng để con cuốn theo những cảm xúc sản sinh từ những ‘cực đoan thánh thiện!’”, Amen.
(Tgp. Huế)
2. Vết thương của Ngài là nơi nương dựa của con, dấu đinh của Ngài là hy vọng của con.
(Thánh Bernardus)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Nước Tề có hai người dũng sĩ: một ở thành đông và một ở thành tây. Một hôm, ngẫu nhiên họ gặp nhau trên đường, cả hai đều nói: “Đi, chúng ta đi ăn và uống chút ruợu.”
Sau khi uống vài ly thì một người nói:
- “Tôi đi mua thịt để uống ruợu, được chứ?”
Người kia nói:
- “Ái dà, anh và tôi trên người đều là thịt, mắc mớ gì phải tốn tiền mua thịt chứ?”
Thế là, hai người cùng rút dao từ thắt lưng ra, anh cắt thịt tôi, tôi cắt thịt anh, vưà chấm xì dầu, vừa uống rượu, cuối cùng hai vị tráng sĩ đều chết vì máu ra quá nhiều.
(Lã thị xuân thu)
Suy tư 65:
Có những người con vì nhà nghèo không có tiền mua thịt cho mẹ già ăn nên đã cắt thịt mình nấu cho mẹ ăn, đó là hành động của người con có hiếu, tiếng tốt để mãi cho đời sau.
Thời nay có những người tuy không uống máu và cắt thịt mình để ăn, nhưng họ dùng chức quyền để chèn ép người thấp cổ bé họng, họ dùng tiền để mua chuộc công lý làm hại người nghèo, người ta gọi những việc làm đó là hút máu nhân dân, là ăn thịt giống nòi, là giặc cướp ban ngày ác ôn.v.v...
Thời nay cũng có nhiều người “cắt thịt” mình để giúp người khác, đó là những tấm lòng hảo tâm đem những đồng tiền do mồ hôi và có khi bằng máu của mình, để bố thí giúp cho những người nghèo khó bất hạnh, những “miếng thịt đồng tiền” này sẽ làm cho những người bất hạnh nhận ra được trên đời này vẫn còn đó nhiều tấm lòng nhân ái.
Tạ ơn Chúa và cảm ơn người.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Tin mừng: Mt 5, 38-48
“Hãy yêu kẻ thù.”
Bạn thân mến,
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Chúa Giê-su đã dạy chúng ta là hãy yêu thương kẻ thù, yêu thương người ghét mình, yêu thương người bách hại mình, yêu thương người thường nói hành nói xấu mình.v.v.v…thật khó lắm thay !
1. Yêu thương kẻ thù khó lắm, nên phải nhìn lên thánh giá Chúa.
Người ta sẽ cho chúng ta là những người ngu dại khi đi yêu thương người đã từng vu khống nói xấu mình; người ta cũng sẽ cho chúng ta là đạo đức giả khi chúng ta đi tha thứ cho người giết hại cha mẹ mình; người ta cũng sẽ cho chúng ta là những người dở hơi khi chúng ta ôm hôn người đã hại mình tan gia bại sản. Họ nói đúng, bởi vì người đời không hiểu được lời dạy của Đức Chúa Giê-su là hãy yêu thương kẻ thù và hãy cầu nguyện cho những kẻ ghét mình.
Yêu thương kẻ thù không phải một sớm một chiều mà làm được, nhưng cần phải có thời gian suy ngắm đến tình yêu của Đức Chúa Giê-su dành cho nhân loại khi Ngài bị đóng đinh trên thập giá, chính trong giờ phút hấp hối này, Ngài đã xin Đức Chúa Cha tha tội cho những kẻ giết mình. Đức Chúa Giê-su đã để lại cho chúng ta một gương mẫu, mà chính Ngài đã thực hành trước, đó là yêu thương và tha thứ cho những kẻ giết mình.
Không ai có thể yêu thương kẻ thù được nếu họ không ngắm nhìn Đức Chúa Giê-su trên thập giá; không ai có thể yêu thương kẻ thù được nếu họ không suy niệm đến tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho họ, bởi vì khi chúng ta đang còn thù nghịch với Ngài, thì Ngài đã tha thứ và yêu thương chúng ta trước.
2. Muốn yêu thương kẻ thù thì phải nhớ mình là người tội lỗi.
Một người tội lỗi khi được ơn Chúa cảm hóa thì họ sẽ trở nên người công chính, do đó mà họ dễ dàng thông cảm bỏ qua những khuyết điểm của người khác, dễ dàng yêu thương và bao dung những người đắc tội với họ, bởi vì chính họ đã là người tội lỗi được thứ tha bởi lòng nhân từ và yêu thương của Thiên Chúa.
“Hãy yêu kẻ thù” là một mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su trong giới luật yêu thương của Ngài, khi mà con người chỉ biết tỏ tình cảm yêu thương với những người mà họ quen biết, nhưng lại lạnh lùng và vô cảm với những người không thích mình, thì lời dạy của Đức Chúa Giê-su như là một “quả bom” làm chấn động tâm hồn những người nghe, trong đó có các tông đồ của Ngài. Mọi người nghe mà không tưởng tượng là phải yêu thương kẻ thù như thế nào, thì chính Ngài đã thực hiện trước là tha thứ cho những kẻ giết mình.
Khi chúng ta được Chúa thứ tha tội lỗi, nếu chúng ta cảm nghiệm được việc sống trong tội lỗi là gớm ghiếc như thế nào, thì chúng ta rất sẵn lòng tha thứ và yêu thương những kẻ ghét mình, bởi vì yêu thương không phải chỉ là nói lời xin lỗi, nhưng còn là bày tỏ ra nơi hành động khi có thể được.
Bạn thân mến,
Hãy yêu thương kẻ thù là lời của Đức Chúa Giê-su dạy chúng ta thực hiện trong cuộc sống, theo sức con người thì không thể làm được, bởi vì trái ngược với quan niệm yêu thương thông thường của con người “oán báo oán”, “mắt đền mắt”, “răng đền răng”. Nhưng với ơn của Chúa giúp và với sự cầu nguyện của mỗi người, mà chúng ta quyết tâm làm cho được điều ấy là hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho họ. Đó chính là cốt lõi của luật mới, luật yêu thương mới vậy.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-------------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia cùng Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông.
Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: "Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?" Và các ông hỏi Người: "Tại sao các biệt phái và luật sĩ lại nói Êlia phải đến trước đã?" Người đáp: "Êlia phải đến trước để sửa lại mọi sự, và như có lời chép về Con Người rằng 'Người phải chịu nhiều đau khổ và khinh bỉ'. Vậy Thầy bảo cho các con hay: Êlia đã đến rồi và chúng xử với người mặc ý chúng, như đã chép về người".
Đó là lời Chúa
THA THỨ THÁNH THIỆN THƯƠNG THÙ
Người ta thường đối xử với nhau theo nguyên tắc: Mắt đền mắt, răng đền răng; Ăn miếng trả miếng. Nhưng Chúa thì khác hẳn, Ngài bảo đừng trả thù, hãy yêu cả kẻ thù. Quý vị thấy sao? Khó quá, làm sao mà yêu nổi kẻ thấy mặt nó đã ghét rồi! Con người chỉ có thể yêu được kẻ thù khi nhờ Chúa và muốn nên giống Chúa.
2. Thánh thiện thương thù. Yêu kẻ thù không chỉ làm cho đời sống ta được vui vẻ, thanh thản, mà còn giúp ta thực sự trở nên con Chúa là Đấng yêu thương hết mọi người cả tốt lẫn xấu, cả lành lẫn dữ, một tình yêu không biên giới như nắng, như mưa cho tất cả. Hơn nữa, yêu kẻ thù giúp ta đạt được điều cao nhất của đời người là trở nên giống Chúa là Đấng hoàn thiện ở trên trời. Yêu kẻ thù không làm cho ta yếu thế kém cỏi, ngược lại nâng ta lên cao tới đỉnh yêu thương hoàn thiện.
Chúa dạy yêu kẻ thù bắt đầu bằng việc cầu nguyện cho người làm hại mình. Chúa không hô hào suông, chính ngay giữa giây phút đau thương tột cùng vì bị kẻ thù đóng đinh vào thánh giá, Chúa đã cầu xin tha thứ cho kẻ thù: “Lạy Cha xin tha tội cho họ.” Gương Chúa yêu kẻ thù đã truyền cảm hứng cho nhân loại làm những cuộc cách mạng bằng việc đấu tranh bất bạo động, thay đổi hẳn bộ mặt xã hội và lòng dạ con người nhân ái hơn, tử tế hơn. Amen.
John Allen của tờ Crux chỉ ra rằng có những vị Giám Mục xứng đáng và được tín nhiệm đến mức các ngài hoàn toàn có thể trở thành Giáo Hoàng, nhưng vì những lý do nào đó các ngài không được tấn phong Hồng Y. Ông gọi đó là chính trị của mật nghị để ngăn cản các vị này trở thành Giáo Hoàng.
Ông trình bày quan điểm của mình trong bài “Pondering the ‘cardinals who aren’t’ and the politics of the next conclave”, nghĩa là “Suy ngẫm về 'những người không phải là Hồng Y' và chính trị của mật nghị tiếp theo.” Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Chúng ta biết rằng có một phe bảo thủ của Giáo Hội Công Giáo không hài lòng với một số khía cạnh trong chương trình nghị sự của Đức Thánh Cha Phanxicô, và chúng ta cũng biết rằng ngay cả trong một Hồng Y đoàn mà đa số là những người được Đức Phanxicô bổ nhiệm, tầm nhìn đó vẫn có những điều sau đây. Điều khó hiểu hơn là những cử tri “không liên tục” này có thể tập hợp xung quanh ai, vì hầu hết những người bảo thủ có thể xác định được trong số các Hồng Y hiện tại đều bị coi là quá cực đoan, hoặc đơn giản là thiếu sự nghiêm túc thích hợp để trở thành giáo hoàng.
Suy đi tính lại, thực sự có một lý do chính đáng tại sao lại xảy ra như vậy: Một số nhân vật mà phe trung hữu Công Giáo sẽ bị thu hút, và những người, trong những trường hợp khác, đã là Hồng Y, đã bị lặng lẽ loại khỏi câu lạc bộ.
Hãy xem xét năm vị giám chức này, những người, nếu là Hồng Y, sẽ là nhân vật nổi bật trong cuộc thảo luận:
Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher của Sydney, Úc, 62 tuổi
Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Los Angeles, 71 tuổi
Đức Tổng Giám Mục Ignatius Kaigama của Abuja, Nigeria, 64 tuổi
Đức Tổng Giám Mục Marek Jędraszewski của Krakow, Ba Lan, 73 tuổi
Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz của Minsk, Belarus, 77 tuổi
Tất cả năm vị giám chức này đều ở trong các tổng giáo phận thường do một Hồng Y lãnh đạo. Tất cả đều được coi là từ ôn hòa đến bảo thủ, và tất cả đều là những cá nhân nghiêm túc với sự đào tạo và kinh nghiệm được coi trọng.
Cùng với nhau, năm nhân vật này đã được duyệt xét hơn 36 lần cho chiếc mũ đỏ của một Hồng Y. Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz dẫn đầu nhóm, đã chứng kiến 12 công nghị đến và đi kể từ khi được bổ nhiệm làm tổng giám mục mà ngài không được lọt vào danh sách, tiếp theo là Đức Tổng Giám Mục Gomez, người đã 10 lần bị loại khỏi danh sách tân Hồng Y. Đức Tổng Giám Mục Fisher đã bỏ lỡ bảy cuộc bầu chọn, Đức Cha Jędraszewski năm lần và Đức Cha Kaigama hai lần.
Đức Tổng Giám Mục Fisher có thể là ví dụ thuyết phục nhất về một vị lẽ ra phải là Hồng Y, thậm chí bình thường ra, ngài có thể là ứng cử viên giáo hoàng hàng đầu.
Là một tu sĩ Dòng Đa Minh, Đức Tổng Giám Mục Fisher có học vị rất cao, đã lấy bằng tiến sĩ triết học tại Oxford, chuyên về đạo đức sinh học. Về mặt chính trị, ngài được coi là một người bảo thủ ôn hòa, đã bắt đầu sự nghiệp của mình ở Úc với tư cách là người được Đức cố Hồng Y George Pell bảo trợ - thực sự, khi Đức Cha Fisher được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá của Sydney vào năm 2003 ở tuổi 43, ngài được mệnh danh một cách không chính thức là “Cậu bé George.”
Trong những năm qua, Đức Cha Fisher đôi khi được mô tả là “George Pell với nụ cười tươi” – trong khi Đức Hồng Y Pell có thể mạnh mẽ và không ngại tranh cãi, thì Đức Cha Fisher lại tỏ ra hiền lành, khiêm tốn và cư xử hòa nhã, đồng thời không kém phần nghiêm khắc trong việc bảo vệ tính chính thống của Công Giáo.
Hơn nữa, Đức Cha Fisher cũng có một câu chuyện cá nhân hấp dẫn. Năm 2015, ngài bị Hội chứng Guillain-Barré tấn công, một chứng rối loạn tự miễn dịch gây tổn thương hệ thần kinh. Ngài bị liệt hoàn toàn từ cổ trở xuống và vô cùng đau đớn, và phải dành 5 tháng tiếp theo trong bệnh viện để học lại cách đi lại, cách cầm dao kéo và tất cả những công việc cơ bản mà hầu hết mọi người đều coi là đương nhiên.
Hôm nay đã bình phục hoàn toàn, Đức Cha Fisher trích dẫn kinh nghiệm cá nhân vào năm 2021 để giải thích sự phản đối của ngài đối với dự thảo luật trợ tử ở Úc.
Về phần mình, Đức Cha Kaigama có lẽ sẽ là một ứng cử viên được thảo luận nhiều với tư cách là “giáo hoàng da đen” nếu ngài là một Hồng Y. Ngài tốt nghiệp Đại học Grêgôriô do Dòng Tên điều hành ở Rôma và là cựu chủ tịch của cả hội đồng giám mục Nigeria và hội đồng giám mục Tây Phi.
Đức Cha Kaigama được đánh giá cao khi theo đuổi đối thoại liên tôn ở Nigeria, nơi có dân số hỗn hợp giữa Kitô giáo và Hồi giáo lớn nhất thế giới, đồng thời thẳng thắn lên án bạo lực chống Kitô giáo.
Vào năm 2014, Đức Cha Kaigama đã bảo vệ một đạo luật gây tranh cãi của Nigeria nhằm trừng phạt tội đồng tính luyến ái. Vào tháng 10 cùng năm, ngài tham gia Thượng hội đồng Giám mục về gia đình của Đức Thánh Cha Phanxicô, phàn nàn rằng các chính phủ và tổ chức phi chính phủ phương Tây thường cố gắng buộc các quốc gia Phi Châu chấp nhận một nền luân lý tình dục tự do như một điều kiện để được viện trợ nhân đạo.
“Chúng ta bị các tổ chức, quốc gia và nhóm quốc tế lôi kéo chúng ta đi chệch khỏi các tập quán và truyền thống văn hóa và thậm chí cả niềm tin tôn giáo của chúng ta vì họ nghĩ rằng quan điểm của họ nên là của chúng ta, quan điểm và quan niệm sống của họ nên là của chúng ta,” Đức Cha Kaigama nói.
“Nhưng, như họ nói, chúng ta đã đến tuổi trưởng thành,” ngài nói.
Ở Los Angeles, Đức Cha Gomez sinh ra ở Mễ Tây Cơ sẽ là người gốc Tây Ban Nha duy nhất trong số các Hồng Y người Mỹ, nếu ngài được đội mũ đỏ, và là người lãnh đạo trong Giáo Hội Hoa Kỳ về các cuộc tranh luận về nhập cư. Ngài được coi là một người bảo thủ vì xuất thân của ngài trong Opus Dei và là người được Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput bảo trợ, trong thời gian Đức Cha Gomez phục vụ với tư cách là Giám Mục Phụ Tá của Đức Tổng Giám Mục Chaput ở Denver.
Trong nhiệm kỳ 2019-2022 với tư cách là chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Gomez đã gây chú ý khi thách thức thẳng thừng Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, cảnh báo trong một tuyên bố nhân lễ nhậm chức của Biden rằng tân tổng thống ủng hộ “một số chính sách sẽ thúc đẩy các tệ nạn đạo đức, đe dọa tính mạng và phẩm giá con người, nghiêm trọng nhất là trong các lĩnh vực phá thai, ngừa thai, hôn nhân và giới tính.”
Đức Cha Jędraszewski là bạn thân của Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, và đã quen với Đức Hồng Y Karol Wojtyla lúc bấy giờ vào giữa những năm 1970 khi linh mục Jędraszewski đang sống tại Đại học Ba Lan ở Rôma và Đức Hồng Y Wojtyla là khách quen. Giống như Đức Gioan Phaolô II, Đức Cha Jędraszewski đã quan tâm đến việc nghiên cứu các triết gia thế tục đương thời, thực hiện nghiên cứu sau đại học về Gabriel Marcel, Paul Riceour, Jean-Paul Sartre và Emmanuel Levinas.
Khi Đức Cha Jędraszewski được bổ nhiệm Tổng Giám Mục Krakow vào năm 2017, một nhà bình luận đã mô tả ngài là “một chiến binh có văn hóa chính thống sâu sắc, không ngại bày tỏ bằng lời những sự thật không được ưa chuộng”. Trong những năm kể từ đó, Đức Cha Jędraszewski đã nêu rõ quan điểm bảo thủ về phá thai, phương pháp thụ thai trong ống nghiệm, lý thuyết đồng tính luyến ái và giới tính, và thậm chí cả lễ kỷ niệm Halloween.
Về phần Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz, ngài là một anh hùng trong phe chống Cộng sản của Giáo hội, đã lãnh đạo thành công cộng đồng Công Giáo nhỏ ở Nga trong hai thập kỷ, trong đó có 5 năm với tư cách là Tổng Giám mục của “Tổng giáo phận Mẹ Thiên Chúa tại Mạc Tư Khoa, và sau đó đưa Giáo Hội ở quốc gia vệ tinh Belarus của Nga tiến lên.
Trong số những người chỉ trích Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz là một anh hùng được sùng bái.
Vào tháng 8 năm 2020, ngài bị cấm nhập cảnh trở lại Belarus sau khi đến thăm Ba Lan, do ủng hộ các cuộc biểu tình phản đối cuộc bầu cử chứng kiến Tổng thống Alexander Lukashenko trở lại nắm quyền bất chấp nhiều lời phàn nàn về gian lận phiếu bầu. Cuối cùng, Đức Cha Kondrusiewicz được phép trở lại đất nước vào cuối tháng 12, và chỉ 10 ngày sau, vào ngày 3 Tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của ngài – làm dấy lên suy đoán rằng Đức Phanxicô đã thực hiện một thỏa thuận bí mật để giữ thể diện với Belarus. Đức Cha Kondrusiewicz trở lại đất nước với điều kiện ngài sẽ nhanh chóng bị tước bỏ quyền lực.
Mặc dù tuổi 77 của Kondrusiewicz có thể được coi là một nhược điểm, nhưng điều đáng ghi nhớ là hai giáo hoàng gần đây nhất, Đức Bênêđíctô XVI và Đức Thánh Cha Phanxicô, lần lượt được bầu ở tuổi 78 và 76.
Tất nhiên, về mặt lý thuyết, có thể một hoặc nhiều trong số các vị Giám Mục này có thể nổi lên như một ứng cử viên giáo hoàng ngay cả khi các ngài chưa được đội mũ đỏ. Theo luật Giáo Hội, yêu cầu duy nhất để trở thành giáo hoàng là phải là nam giới và đã được rửa tội. Tuy nhiên, lần cuối cùng một giáo hoàng được bầu từ bên ngoài Hồng Y đoàn là Đức Giáo Hoàng Urbanô Đệ Lục vào năm 1378, và đó không hẳn là tiền lệ hứa hẹn nhất vì nó đã gây ra Đại ly giáo phương Tây và “sự giam cầm của người Babylon” đối với Đức Giáo Hoàng ở Avignon.
Mặt khác, tất cả chúng ta đều nghĩ rằng việc từ chức của Đức Giáo Hoàng cũng là chuyện của quá khứ cho đến khi Đức Bênêđictô XVI làm điều đó, vì vậy không nên quá cứng nhắc. Trong khi chờ đợi, ít nhất cũng đáng suy ngẫm về chính sách kế vị giáo hoàng có thể khác biệt như thế nào nếu năm nhân vật này được đưa vào Hồng Y Đoàn.
Source:Crux
Trong Sứ điệp Mùa Chay 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô nêu bật mối quan hệ giữa hành trình Mùa Chay và hành trình đồng nghị, cả hai đều bắt nguồn từ truyền thống và mở ra cho những điều mới mẻ.
(Tin Vatican - Christopher Wells)
“Sự biến hình” của cá nhân và giáo hội là mục tiêu của hành trình khổ thanh luyện của Mùa Chay, tương tự như tiến trình đồng nghị như Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong Sứ điệp Mùa Chay 2023 của ngài.
Thông điệp, được ký vào ngày Lễ kính sự trở lại của Thánh Phaolô và được phát hành vào thứ Sáu (17/2/2023), mang tựa đề “Mùa chay sám hối và hành trình đồng nghị”.
Hành trình Mùa Chay của chúng ta là đồng nghị
Đức Thánh Cha Phanxicô lấy cảm hứng từ trình thuật Tin Mừng Chúa Biến Hình, được công bố hàng năm vào Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Chay. Như các môn đệ được tuyển chọn trong cuộc Biến Hình, Chúa Giêsu “dẫn chúng ta đến một nơi riêng biệt với Người” trong Mùa Chay.
“Việc sám hối trong Mùa Chay,” ngài viết, “là một cam kết, được duy trì bằng ân sủng, để vượt qua sự thiếu sót đức tin và sự từ khước của chúng ta trong việc theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá.”
Điều này đòi hỏi nỗ lực, hy sinh và tập trung, vốn cũng là những yêu cầu đối với Hành trình Công nghị; và do đó chúng ta có thể nói rằng “hành trình Mùa Chay của chúng ta là cùng ‘đồng nghị’ vì chúng ta cùng nhau thực hiện nó trên cùng một con đường, với tư cách là những môn đệ của một vị Thầy duy nhất.”
“Cả trong hành trình phụng vụ và trong hành trình của Thượng hội đồng, Giáo hội không làm gì khác hơn là tiến sâu hơn và trọn vẹn hơn vào mầu nhiệm Chúa Kitô Cứu thế”.
Giúp ta hiểu ý Chúa
Giống như cuộc hành trình của các môn đệ lên Núi Tabor, Đức Thánh Cha Phanxicô thừa nhận rằng tiến trình đồng nghị có vẻ khó khăn và dẫn đến sự nản lòng.
Tuy nhiên, ĐTC nói “điều chờ đợi chúng ta ở cuối cùng, chắc chắn là một điều gì đó kỳ diệu và đáng kinh ngạc, điều này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa và sứ mệnh của chúng ta trên thế giới.”
Đề cập đến sự xuất hiện của Môsê và Êlia – đại diện cho Lề luật và các Ngôn sứ – tại cuộc Biến hình, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Tương tự như vậy, hành trình đồng nghị bắt nguồn từ truyền thống của Giáo hội và đồng thời mở ra cho sáng kiến mới.” Ngài giải thích rằng “truyền thống là nguồn cảm hứng để tìm kiếm những con đường mới và để tránh những cám dỗ trái ngược của sự cứng ngắc và thử nghiệm ngẫu hứng.”
Lắng nghe và nỗ lực hàng ngày
Để đạt được mục tiêu của chúng ta là biến đổi hoặc hoán cải cá nhân và Giáo hội, Đức Thánh Cha Phanxicô đề xuất hai con đường lấy cảm hứng từ Biến cố Biến hình của Chúa Giêsu.
Đầu tiên là lắng nghe Lời Chúa và anh chị em của chúng ta. Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta rằng việc lắng nghe Chúa Kitô thường diễn ra trong việc lắng nghe anh chị em của chúng ta trong Giáo hội.
Con đường thứ hai liên quan đến việc đối diện với thực tế của những cuộc đấu tranh hàng ngày trong cuộc sống mà không bị cuốn vào những sự kiện và trải nghiệm phi thường. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta rằng Mùa Chay cũng như tiến trình đồng nghị tự chúng không phải là mục đích, nhưng đang dẫn chúng ta đến cảm nghiệm Phục Sinh.
“Vậy thì chúng ta hãy đi xuống núi,” Đức Thánh Cha nói trong phần kết luận, “và ước gì ân sủng mà chúng ta đã trải nghiệm củng cố chúng ta để trở thành ‘những nghệ nhân của tính đồng nghị’ trong cuộc sống thường nhật trong các cộng đồng của chúng ta.”
Trong Sứ điệp Mùa Chay 2023, được công bố hôm thứ Sáu 17 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh mối quan hệ giữa hành trình Mùa Chay và hành trình đồng nghị, cả hai đều bắt nguồn từ truyền thống và mở ra cho những điều mới mẻ.
Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ
Các Tin Mừng Mátthêu, Marcô và Luca đều kể lại đoạn Chúa Giêsu Biến Hình. Ở đó, chúng ta thấy phản ứng của Chúa đối với việc các môn đệ không hiểu Người. Trước đó không lâu, đã xảy ra một cuộc xung đột thực sự giữa Thầy và Simon Phêrô, người sau khi tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, đã bác bỏ lời tiên báo về cuộc khổ nạn và thập giá của Người. Chúa Giêsu đã cương quyết quở trách hắn: “Satan, hãy lui ra sau Thầy! Lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người!” (Mt 16:23). Sau đó, “sáu ngày sau, Chúa Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cao” (Mt 17:1).
Tin Mừng Chúa Hiển Dung được công bố hàng năm vào Chúa Nhật II Mùa Chay. Trong mùa phụng vụ này, Chúa cùng với chúng ta đến một nơi cách biệt. Trong khi những cam kết thông thường của chúng ta buộc chúng ta phải ở lại những nơi quen thuộc và những thói quen thường lặp đi lặp lại và đôi khi nhàm chán của chúng ta, thì trong Mùa Chay, chúng ta được mời gọi lên “một ngọn núi cao” cùng với Chúa Giêsu và sống một kinh nghiệm đặc biệt về kỷ luật thiêng liêng – đó là sự khổ hạnh – với tư cách là dân thánh của Thiên Chúa.
Sám hối trong Mùa Chay là một cam kết, được hỗ trợ bởi ân sủng, để vượt qua sự hèn tin và sự phản đối của chúng ta trong việc theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá. Đây chính là điều mà Thánh Phêrô và các môn đồ khác cần phải làm. Để đào sâu kiến thức của chúng ta về Thầy, để hiểu đầy đủ và đón nhận mầu nhiệm cứu độ của Người, được thực hiện trong sự tự hiến hoàn toàn do tình yêu thúc đẩy, chúng ta phải để cho Người tách chúng ta sang một bên khỏi sự tầm thường và phù phiếm. Chúng ta cần bắt đầu cuộc hành trình, một con đường khó khăn, giống như một chuyến leo núi, đòi hỏi nỗ lực, hy sinh và tập trung. Những điều kiện cần thiết này cũng rất quan trọng đối với hành trình đồng nghị mà chúng ta, với tư cách là một Giáo hội, cam kết thực hiện. Chúng ta có thể hưởng lợi rất nhiều từ việc suy tư về mối tương quan giữa việc sám hối trong Mùa Chay và kinh nghiệm đồng nghị.
Trong cuộc “ẩn cư” trên núi Tabor, Chúa Giêsu đem theo ba môn đệ, những người được chọn làm chứng nhân cho một biến cố độc nhất vô nhị. Ngài muốn kinh nghiệm ân sủng đó được chia sẻ, không đơn độc, cũng như toàn bộ đời sống đức tin của chúng ta là một kinh nghiệm được chia sẻ. Vì chính trong sự hiệp nhất mà chúng ta theo Chúa Giêsu. Cùng với nhau, với tư cách là một Giáo hội lữ hành trong thời gian, chúng ta trải nghiệm năm phụng vụ và Mùa Chay trong đó, đồng hành với những người mà Chúa đã đặt giữa chúng ta như những người bạn đồng hành. Giống như việc Chúa Giêsu và các môn đệ lên Núi Tabor, chúng ta có thể nói rằng hành trình Mùa Chay của chúng ta là “đồng nghị”, vì chúng ta cùng nhau đi trên cùng một con đường, với tư cách là các môn đệ của một vị Thầy duy nhất. Vì chúng ta biết rằng chính Chúa Giêsu là Đường, và do đó, trong hành trình phụng vụ cũng như trong hành trình của Thượng hội đồng, Giáo hội không làm gì khác hơn là tiến sâu hơn và trọn vẹn hơn vào mầu nhiệm Chúa Kitô Cứu thế.
Và vì vậy chúng ta đi đến đỉnh cao của nó. Tin Mừng thuật lại rằng Chúa Giêsu “đã biến hình trước mặt họ; dung nhan Người chói lọi như mặt trời và áo Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17:2). Đây là “đỉnh cao”, mục tiêu của cuộc hành trình. Vào cuối cuộc thăng thiên của họ, khi họ đứng trên đỉnh núi cao với Chúa Giêsu, ba môn đệ được ơn nhìn thấy Người trong vinh quang của Người, chói lọi trong ánh sáng siêu nhiên. Ánh sáng đó không đến từ bên ngoài, nhưng tỏa ra từ chính Chúa. Vẻ đẹp thiêng liêng của khải tượng này vĩ đại hơn tất cả những nỗ lực mà các môn đệ đã thực hiện khi leo lên núi Tabor. Trong bất kỳ chuyến leo núi vất vả nào, chúng ta phải giữ cho đôi mắt của mình dán chặt vào con đường; tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh mở ra ở phần cuối khiến chúng ta kinh ngạc và tưởng thưởng cho chúng ta bởi sự hùng vĩ của nó. Cũng vậy, tiến trình đồng nghị thường có vẻ khó khăn, và đôi khi chúng ta có thể nản lòng. Tuy nhiên, điều chờ đợi chúng ta ở cuối con đường chắc chắn là một điều gì đó kỳ diệu và đáng kinh ngạc, điều này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý muốn của Thiên Chúa và sứ mệnh của chúng ta trong việc phục vụ vương quốc của Ngài.
Kinh nghiệm của các môn đệ trên núi Tabor càng thêm phong phú khi, bên cạnh Chúa Giêsu biến hình, Môsê và Êlia hiện ra, tượng trưng cho Lề luật và các Ngôn sứ (x. Mt 17:3). Sự mới mẻ của Đức Kitô đồng thời là sự hoàn tất giao ước và những lời hứa cổ xưa; nó không thể tách rời khỏi lịch sử của Thiên Chúa với dân của Ngài và tiết lộ ý nghĩa sâu xa hơn của nó. Tương tự như vậy, hành trình đồng nghị bắt nguồn từ truyền thống của Giáo hội và đồng thời mở ra cho những điều mới mẻ. Truyền thống là nguồn cảm hứng để tìm kiếm những con đường mới và để tránh những cám dỗ trái ngược của sự bất động và thử nghiệm ngẫu hứng.
Hành trình sám hối trong Mùa Chay và hành trình của Thượng hội đồng đều có mục tiêu là một cuộc biến hình, cả cá nhân lẫn giáo hội. Một sự biến đổi, trong cả hai trường hợp, đều có khuôn mẫu của nó trong cuộc Biến Hình của Chúa Giêsu và đạt được nhờ ân sủng của mầu nhiệm vượt qua của Người. Để việc biến hình này có thể trở thành hiện thực trong chúng ta trong năm nay, tôi muốn đề xuất hai “con đường” phải đi theo để cùng lên núi với Chúa Giêsu và cùng với Người đạt được mục tiêu.
Con đường thứ nhất liên quan đến mệnh lệnh mà Thiên Chúa Cha ngỏ với các môn đệ trên Núi Tabor khi họ chiêm ngưỡng Chúa Giêsu biến hình. Tiếng từ đám mây phán: “Hãy nghe Người” (Mt 17:5). Vì vậy, đề xuất đầu tiên rất rõ ràng: chúng ta cần lắng nghe Chúa Giêsu. Mùa Chay là thời gian ân sủng trong đó chúng ta nhiệt thành lắng nghe Người khi Người nói với chúng ta. Và làm thế nào để Người nói chuyện với chúng ta? Thưa: Thứ nhất, nơi lời Chúa, mà Giáo hội cống hiến cho chúng ta trong phụng vụ. Cầu mong cho những lời đó không rơi vào những lỗ tai điếc; nếu chúng ta không thể luôn tham dự Thánh lễ, chúng ta hãy nghiên cứu các bài đọc Kinh thánh hàng ngày, ngay cả với sự trợ giúp của internet. Ngoài Kinh thánh, Chúa nói với chúng ta qua anh chị em của chúng ta, đặc biệt qua những khuôn mặt và câu chuyện của những người đang gặp khó khăn. Tôi xin nói một điều khác, điều khá quan trọng đối với tiến trình công nghị: việc lắng nghe Chúa Kitô thường diễn ra trong việc lắng nghe anh chị em của chúng ta trong Giáo hội. Việc lắng nghe lẫn nhau như vậy trong một số giai đoạn là mục tiêu chính, nhưng nó luôn luôn không thể thiếu trong phương pháp và phong cách của một Giáo hội đồng nghị.
Khi nghe tiếng Chúa Cha, các môn đệ “ngã sấp mặt xuống đất. Bấy giờ Đức Giêsu lại gần, chạm vào các ông và bảo: ‘Chỗi dậy đi, đừng sợ!’ Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giêsu mà thôi.” (Mt 17:6-8). Đây là đề xuất thứ hai cho Mùa Chay này: đừng nương tựa vào một thứ tôn giáo được tạo nên từ những sự kiện phi thường và những trải nghiệm kịch tính, vì sợ phải đối mặt với thực tế và những cuộc đấu tranh hàng ngày, những khó khăn và mâu thuẫn của nó. Ánh sáng mà Chúa Giêsu chỉ cho các môn đệ là sự báo trước về vinh quang Phục Sinh, và đó phải là mục tiêu của hành trình của chính chúng ta, khi chúng ta theo “một mình Người”. Mùa Chay dẫn đến Lễ Phục Sinh: “cuộc tĩnh tâm” tự nó không phải là mục đích, mà là một phương tiện chuẩn bị cho chúng ta cảm nghiệm cuộc khổ nạn và thập giá của Chúa với đức tin, đức cậy và đức mến, và nhờ đó tiến đến sự phục sinh. Cũng trong cuộc hành trình đồng nghị, khi Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng có một số kinh nghiệm mạnh mẽ về sự hiệp thông, chúng ta không nên tưởng tượng rằng mình đã đến nơi – vì Chúa cũng lặp lại với chúng ta rằng: “Hãy trỗi dậy và đừng sợ”. Vậy thì chúng ta hãy đi xuống đồng bằng, và xin ân sủng mà chúng ta đã trải qua củng cố chúng ta để trở thành “những nghệ nhân của tính đồng nghị” trong cuộc sống bình thường của các cộng đồng của chúng ta.
Anh chị em thân mến, xin Chúa Thánh Thần linh hứng và nâng đỡ chúng ta trong Mùa Chay này khi chúng ta lên đường với Chúa Giêsu, để chúng ta cảm nghiệm được vẻ huy hoàng thần linh của Người và nhờ đó, được củng cố trong đức tin, kiên trì đồng hành với Người, là vinh quang của dân Người và ánh sáng của các dân nước.
Rôma, Đền Thờ Thánh Gioan Lateranô, 25 tháng Giêng, Lễ Thánh Phaolô Trở Lại.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
Khác với các lục địa khác, Bắc Mỹ, gồm Hoa Kỳ và Gia Nã Đại, đã tổ chức 10 Phiên họp ảo cấp lục địa của họ từ cuối năm 2022 qua đầu năm 2023 để suy tư về Tài liệu cho Giai Đoạn Lục địa. Kết quả của các phiên họp ảo này sẽ là chất liệu để Nhóm Soạn Thảo đúc kết thành bản tổng hợp lục địa đệ trình Văn Phòng Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng. Thành thử bắt đầu từ ngày 13 tháng 2, 2023, chỉ có Nhóm Soạn Thảo sẽ bắt tay vào làm việc.
Theo Sơ Bernadette M. Reis, fsp, một nhóm đại biểu đại diện cho 268 giáo phận ở Hoa Kỳ và Canada đã tập trung tại Orlando, Florida để soạn bản phản hồi cho Tài liệu Làm việc của Giai đoạn Lục địa của Thượng Hội đồng về tính Đồng nghị.
Thực vậy, từ ngày 13 đến ngày 17 tháng 2, một nhóm soạn thảo gồm 10 đại biểu đại diện cho Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ và 7 đại biểu đại diện cho Hội đồng Giám mục Canada đang tham gia một khóa tĩnh tâm. Cùng với nhau, họ sẽ soạn thảo câu trả lời của dân Chúa ở Bắc Mỹ đối với Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Lục địa sẽ được đệ trình lên văn phòng Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng trước ngày 31 tháng Ba.
Cũng giống như Đại hội đồng lục địa Châu Đại Dương diễn ra tại Suva từ ngày 5 đến ngày 10 tháng 2, Đức Hồng Y Mario Grech, Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, đã gửi một thông điệp video tới các đại biểu quy tụ tại Orlando.
Các đại biểu sẽ dựa trên phản hồi thu được thông qua tổng cộng mười Phiên họp lục địa ảo được tổ chức từ ngày 14 tháng 12 đến ngày 25 tháng 1 bằng tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh.
Các nhà tổ chức Thượng hội đồng ở Bắc Mỹ hy vọng hình thức này sẽ cho phép mọi người tham gia, những người lẽ ra không thể tham gia do chi phí đi lại và hạn chế về thời gian. Những người tham gia vào các cuộc họp trực tuyến này có thể đưa ra phản hồi của họ về các câu hỏi được nêu trong Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Lục địa của Thượng Hội đồng.
Các phiên họp trực tuyến này có sự tham dự của 3-5 đại biểu đại diện cho 268 giáo phận ở Hoa Kỳ và Canada. Mỗi giám mục được mời tham gia vào một trong những phiên họp ảo tùy các ngài lựa chọn. Mỗi phiên họp ảo bao gồm cầu nguyện, suy gẫm thiêng liêng, các nhóm nhỏ lắng nghe và nhóm lớn chia sẻ.
Ngày đầu cuộc tĩnh tâm của nhóm soạn thảo của Phiên họp Bắc Mỹ về tính Đồng nghị
Sơ Bernadette M. Reis, fsp, cũng tường trình rằng trong ngày đầy đủ đầu tiên của cuộc tĩnh tâm, các đại biểu từ Hoa Kỳ và Canada đã cố gắng biện phân tác động của Chúa Thánh Thần, niềm vui của Tin Mừng, những người không có tiếng nói, và các bước cần thực hiện để trở thành một Giáo hội đồng nghị hơn.
Thực vậy, 17 đại biểu đại diện cho Hoa Kỳ và Canada đã bắt đầu công việc soạn thảo phản ứng của lục địa Bắc Mỹ cho Thượng hội đồng về tính đồng nghị. Các nhóm biện phân đã gặp nhau vào buổi sáng của ngày đầu tiên của cuộc họp, tập trung vào năm câu hỏi lấy từ Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Lục địa.
Bốn nhóm biện phân đã thảo luận về ba câu hỏi đầu tiên và sau đó báo cáo lại cho toàn thể Phiên họp. Một tiếng nói chính đã vang lên trong sự biện phân của nhóm đầu tiên là một tiếng vang liên tục trong suốt tiến trình của Thượng hội đồng. Rất nhiều người đã tham gia vào các giai đoạn khác nhau địa phương, quốc gia và châu lục của thượng hội đồng, bày tỏ niềm vui khi được bao gồm vào tiến trình và có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm đức tin của mình. Một cái nhìn sâu sắc khác tập trung vào lợi ích của phương pháp đàm luận tâm linh trong các buổi lắng nghe. “Mở rộng không gian trong lều của bạn” cũng đã được đưa vào các cuộc thảo luận của nhóm biện phân.
Vào giữa buổi sáng, các nhóm lại tách ra để giải quyết hai câu hỏi tiếp theo.
Sơ Leticia Salazar, Chưởng ấn Giáo phận San Bernardino, cho biết khi bà trở về từ phiên họp biện phân thứ hai, một nhóm biện phân nhỏ tươi đẹp khác đã cố gắng nhận diện các nhóm người khác nhau bị mất tiếng nói, không những chỉ để lên danh sách. Các đại biểu còn bày tỏ sự cần thiết trong Giáo hội phải biết cách tiếp cận với các nhóm khác nhau này theo những cách khác nhau để mời họ tham gia tích cực. Việc đào tạo ở tất cả các cấp cũng xuất hiện như một chủ đề căn bản liên quan đến các bước mà Chúa Thánh Thần có thể chỉ ra cho một Giáo hội đồng nghị hơn.
Buổi chiều
Trong suốt buổi chiều, các đại biểu đã biện phân các chủ đề chính mà họ nhận diện từng xuất hiện trong các Phiên họp Trực tuyến Lục địa. Một lần nữa, bốn nhóm biện phân xem xét cách tổ chức các chủ đề này. Một mối quan tâm chính nổi lên trong cuộc thảo luận nhóm là việc trung thành với ý kiến đóng góp của tất cả những người tham gia các Phiên họp lục địa trực tuyến.
Ngày đầy đủ đầu tiên đã kết thúc với việc cử hành Lễ Nhớ Thánh Cyril và Methodius.
Thật xúc động khi thấy tình yêu dành cho Giáo hội được thể hiện
Sơ Bernadette M. Reis, fsp, cũng nghe thần học gia người Canada Patrick Fletcher suy tư về giai đoạn lục địa của tiến trình đồng nghị mà ông hy vọng sẽ thực hiện những gì Công đồng Vatican II đã dạy về ơn gọi của những người đã được rửa tội.
Patrick Fletcher đã kết hôn và là cha của sáu người con. Ông cũng là một nhà thần học và Cố vấn Cao cấp về Thần học và Học thuyết Xã hội cho Hội đồng Giám mục Công Giáo Canada. Mặc dù ông không tham gia tích cực vào các giai đoạn địa phương và quốc gia của diễn trình thượng hội đồng ở Canada, nhưng ông đã tham gia tích cực vào giai đoạn châu lục.
Trong khóa tĩnh tâm của nhóm soạn thảo hiện đang diễn ra ở Orlando, FL, Patrick đã nói chuyện với Vatican News về quan điểm của ông với tư cách là một nhà thần học đối với tiến trình thượng hội đồng mà Giáo hội đang tham gia và những suy nghĩ của ông về các Phiên họp Trực tuyến Lục địa mà ông đã tham gia.
Tiến trình thượng hội đồng và những hệ lụy
“Đối với tôi, tiến trình đồng nghị liên kết chặt chẽ với ý tưởng đồng trách nhiệm. Đây là một chủ đề đã được một số vị Giáo hoàng khám phá trong vài năm qua. Và tôi nghĩ rằng sự hiểu biết nhiều hơn về ơn gọi của những người đã được rửa tội là chìa khóa để chúng ta trở thành một Giáo hội đồng trách nhiệm hơn, nơi tất cả những người đã được rửa tội có thể sống và tham gia vào sứ mệnh mà họ đã nhận được từ Chúa Kitô qua phép rửa của họ.”
Làm thế nào mọi người có thể thực thi phẩm giá rửa tội dưới ánh sáng Vatican II
“Người ta nói rằng phải mất năm mươi năm để thực thi một Công đồng. Tôi nghĩ rằng với Công đồng Vatican II, chúng ta chỉ mới bắt đầu thấy việc thực thi một số Sắc lệnh, đặc biệt là Lumen Gentium, vốn đã nói rất hay về ơn gọi của những người đã được rửa tội, và đặc biệt là giáo dân.
“Nhìn vào Giáo hội ngày nay, những điều mà Lumen Gentium nói về giáo dân không được thực hiện đầy đủ trong Giáo hội ngày nay. Tôi thấy có nhiều cơ hội để tham gia nhiều hơn vào sứ mệnh của Giáo hội, đặc biệt không chỉ là truyền giáo, mà còn hoạt động trên thế giới, mang sự hiện diện của Chúa Kitô đến với thế giới, truyền giáo cho thế giới từ bên trong. Và vì vậy, tôi hy vọng rằng đó có thể là hoa trái sẽ phát xuất từ tiến trình đồng nghị này.”
Hòa hợp các tiếng nói trong các Phiên họp Lục địa trực tuyến
“Tôi đã có thể tham gia vào một số phiên họp, tôi tin là ba. Và thật cảm động khi thấy tình yêu thương dành cho Giáo hội được các đại biểu có mặt ở đó bày tỏ. Tình yêu dành cho Giáo hội, cũng như sự hòa hợp giữa các quan điểm và tiếng nói đang hướng tới, điều này rất tốt để thấy. Thật khó để nói rằng Chúa Thánh Thần đang nói hay không, nhưng tôi chắc chắn có ấn tượng trước sự hợp nhất của những tiếng nói mà chúng tôi đã nghe thấy.”
Các Phiên họp Trực tuyến Bắc Mỹ: ‘một thao tác cùng đến với nhau như Giáo hội'
Sơ Bernadette M. Reis, fsp, cũng nói chuyện với Barbara Dowding, người từng tham gia thượng hội đồng địa phương Vancouver cách đây mười năm cũng như trong tiến trình thượng hội đồng hiện tại. Cô đánh giá cao cách 'mọi người cảm thấy khá tự do bày tỏ ý kiến, suy nghĩ và mong muốn của họ' trong các Phiên họp lục địa trực tuyến.
Thực vậy, Barbara Dowding, trợ lý đặc biệt của Đức Tổng Giám Mục Michael Miller của Vancouver, là một trong những người đóng góp vào việc biên soạn phản ứng của lục địa đối với Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Lục địa của Thượng Hội đồng.
Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News, bà Dowding đã giải thích một số điểm nổi bật trong kinh nghiệm của bà về tiến trình thượng hội đồng và từ các Phiên họp lục địa trực tuyến mà bà tham gia.
Khai mạc cuộc họp tại Rome
“Đối với tôi, điểm nổi bật nhất là được tham dự buổi khai mạc ở Rome vào tháng 10 năm 2021. Tôi là một trong năm người đến từ Canada có thể có mặt ở đó. Được tham gia vào nhóm đó là một điều phi thường. Tôi đã học được rất nhiều về nghệ thuật của thượng hội đồng. Tôi nhớ rõ ràng, chúng tôi đã có khoảng thời gian dài năm phút im lặng giữa các cuộc thảo luận và tôi thực sự học được ở đó cách không nghĩ về những gì mình sẽ phải nói tiếp theo. Và phải mất một thời gian để thực sự phát triển nghệ thuật đó, để lắng nghe một cách chân thực."
Chia sẻ từ trái tim
“Tôi đánh giá cao nhóm mà tôi đã tham gia. Nó rất lớn. Tôi nghĩ có khoảng 20 người trong những nhóm đó và bạn chỉ có khoảng hai phút, nhưng sau đó bạn phải nhớ mọi thứ. Đó là một trải nghiệm thực sự của việc chia sẻ từ trái tim và không có áp lực. Áp lực đã giảm đi vì bạn chỉ nói những gì bạn nói khi bạn nói điều đó."
“Có mặt ở đó trong hội trường Thượng Hội đồng, nơi các giám mục tụ họp bình thường, và với Đức Thánh Cha ở đó, là điều mà tôi sẽ không bao giờ, không bao giờ quên.”
Thượng hội đồng được tổ chức khoảng 20 năm trước tại Vancouver
“Rất nhiều điểm nổi bật dọc đường đi…. Tôi đã điều phối Thượng hội đồng trong giáo phận của chúng tôi một thời gian. Khoảng hai mươi năm trước, chúng tôi đã có một Thượng hội đồng. Tôi là tổng thư ký cho Thượng hội đồng đó. Đó là một điều đúng đắn được thực hiện với tất cả các quy tắc và quy định từ Vatican. Đó là một thành công to lớn và là một món quà thực sự cho giáo phận của chúng tôi. Vì vậy, mọi điều liên quan đến Thượng hội đồng đều có tên tôi trên đó, theo lời Đức Tổng Giám Mục Miller. Vì vậy, thực hiện bước tiếp theo này cho giáo phận quả là thỏa mãn. Phải mất một thời gian để có được các linh mục ở bên. Chúng tôi đã có những phiên họp thực sự chứ không phải những phiên họp ảo tại các giáo xứ. Những hoa trái tôi nhớ được quả là giai thoại. Mọi người nói những điều như: 'Tôi chưa bao giờ làm điều đó trước đây'; cảm thấy được trân qúi; có thể nói những điều trung thực và từ trái tim. Mọi người thực sự, thực sự đã cảm nhận sâu sắc điều đó."
Sự tham gia của các linh mục
“Chúng tôi đã tổ chức các phiên họp cho các linh mục của chúng tôi và điều đó đã được đón nhận nồng nhiệt. Có thể không nhiều như tôi mong muốn, nhưng những vị đã tham gia đánh giá cao diễn trình này. Một trong các linh mục nói với tôi: ‘Tôi đã biết Cha này Cha nọ đã mười năm nhưng chưa bao giờ nói chuyện với vị ấy.’ Điều đó thật sâu sắc đối với tôi. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục điều đó.
“Và ngoài ra, là một phần của nhóm soạn thảo thay mặt cho Canada thực sự là một kinh nghiệm tuyệt vời. Đi du lịch với bốn người khác là điều tôi chưa bao giờ mơ tới. Tôi vẫn không biết tại sao mình lại được tham gia, đó là một đặc ân."
Các phiên họp lục địa trực tuyến
“Tôi rất may mắn. Tôi thực sự đã tham gia vào hai Phiên họp. Điều tôi thực sự thích ở các phiên họp là thời điểm giải lao khi mọi người cảm thấy khá tự do bày tỏ ý kiến, suy nghĩ và mong muốn của mình. Tôi thấy đôi khi chúng tôi đi chệch hướng quá nhiều. Nhưng luôn luôn vào cuối phiên bằng cách nào đó, ai đó – có lẽ là người điều hành – đã đưa chúng tôi trở lại vị trí chúng tôi nên ở.
“Vì vậy, phân tích đến cùng, khi bạn nghe những gì mọi người phải nói vào ngày cụ thể nào đó, nó thực sự phản ảnh tài liệu mà chúng tôi đang sử dụng. Nói không có gì bất ngờ có lẽ cũng đúng. Đó là tất cả những điều chúng ta đã nghe trước đây.
“Thật là một thao tác tuyệt vời khi Giáo hội đến với nhau từ khắp Canada và Hoa Kỳ. Đó quả là một thao tác tốt đẹp.”
Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống tổ chức một hội nghị quốc tế về chủ đề “Các mục tử và giáo dân được kêu gọi cùng nhau tiến bước” để khám phá “sự cộng tác tích cực” giữa giáo sĩ và giáo dân trong một Giáo hội đồng nghị hơn.
(Tin Vatican)
Hội nghị thu hút 210 vị chủ tịch và đại diện của Ủy ban Giám mục về Giáo dân từ khắp nơi trên thế giới tập trung tại Vatican trong tuần này để tham dự một hội nghị kéo dài ba ngày để thảo luận về cách cải thiện và tăng cường sự hợp tác giữa giáo dân, linh mục và tu sĩ trong việc phục vụ Giáo hội.
Với chủ đề “Các mục tử và tín hữu giáo dân được mời gọi để cùng nhau tiến bước”, hội nghị do Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống tổ chức và diễn ra từ ngày 16 đến 18 tháng 2 tại Hội trường Mới của Thượng Hội đồng.
Khám phá bản chất và nền tảng của sự đồng trách nhiệm trong Giáo hội
Các cuộc thảo luận sẽ cống hiến cho những tham dự viên cơ hội khám phá bản chất và nền tảng của sự đồng trách nhiệm trong Giáo hội cũng như dưới ánh sáng của tiến trình đồng nghị đang diễn ra về tính đồng nghị.
Trong bài phát biểu khai mạc hôm thứ Năm, Chủ tịch Thánh Bộ, Đức Hồng Y Kevin Farrell, đã nhắc lại nguồn gốc và mục đích của cuộc họp bắt nguồn từ Hội nghị khoáng đại vào tháng 11 năm 2019, nhấn mạnh đến “nhu cầu nghiên cứu thêm về vai trò trách nhiệm liên quan đến mọi người đã được rửa tội trong Giáo hội”.
Cần có sự “cộng tác tích cực” giữa giáo sĩ và giáo dân
Trong bài chia sẻ, ngài giải thích, “chúng tôi cảm thấy một lời mời gọi mới từ Chúa để 'cùng nhau tiến tới' trong việc đảm nhận trách nhiệm phục vụ cộng đồng Kitô giáo” và trong việc loan báo Tin Mừng cho người trong thời đại chúng ta, mỗi người tùy theo sứ mệnh của mình, tham dự vào sứ mệnh của Giáo hội.
Do đó, chủ đề được chọn cho hội nghị nhằm mục đích nâng cao nhận thức giữa các mục tử cũng như giáo dân về “tầm quan trọng của trách nhiệm bắt nguồn từ phép rửa tội và liên kết tất cả họ”, để khuyến khích “sự hợp tác tích cực” giữa giáo sĩ và giáo dân, mà Đức Thánh Cha Phanxicô mong đợi cho Đại hội.
“Mọi thành phần dân Chúa, mục tử cũng như giáo dân, cùng chia sẻ trách nhiệm trọn vẹn vào đời sống, sứ vụ, chăm sóc, quản lý và tăng trưởng của dân Chúa. Cần phải vượt ra khỏi những quan niệm cũ như 'ủy quyền' hoặc 'thay thế' khi giáo dân được các mục tử “trao” cho một số việc lẻ tẻ, hoặc giáo dân 'thay thế' cho giáo sĩ trong một số chức năng, nhưng họ vẫn đang làm việc dưới quyền giám sát của giáo sĩ."
Giáo hội như một cộng đồng cùng nhau bước đi
Để trách nhiệm chung đó “được thực hành trên thực tế”, Đức Hồng Y Farrell nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo đầy đủ cho cả mục tử và giáo dân, những người chưa quen làm việc cùng nhau.
Đức Hồng Y Farrell lưu ý rằng chủ đề được chọn cho hội nghị rất phù hợp với lộ trình đồng nghị kêu gọi một cam kết lớn hơn của toàn thể Giáo hội để 'cùng nhau tiến bước', bao gồm tất cả dân Chúa, để mọi người đều là một 'chủ thể' tích cực của cộng đồng giáo hội.
“Mọi người trong Giáo hội phải là một ‘chủ thể’ tích cực: tất cả đều được kêu gọi đóng góp vào đời sống và sứ mệnh của Giáo hội, và tất cả đều được kêu gọi suy tư từ bản thân và sử dụng các đặc sủng tương ứng cho mình”.
Tư vấn trong việc đề ra quyết định
Theo Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, ‘Lumen Gentium’, Hiến chế của Công đồng Vatican II về Giáo hội, đưa ra một số gợi ý thực tế rất quan trọng cho các mục tử về cách thức tham gia và liên hệ với giáo dân.
Thứ nhất, Hiến chế cho thấy sự cần thiết phải tham khảo ý kiến của giáo dân, điều này “không làm mất đi trách nhiệm cá nhân của giám mục đối với các quyết định được đưa ra”, vì “quyết định là trách nhiệm cuối cùng của thừa tác viên”.
Ủy thác cho giáo dân các chức vụ giáo hội
Lumen Gentium, cũng mời gọi các mục tử hãy trao phó cho giáo dân những chức vụ trong giáo hội mà tự bản chất chúng không cần phải do hàng giáo sĩ đảm nhiệm và giáo dân có thể thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ đó. Về vấn đề này, Đức Hồng Y Farrell lưu ý rằng có nhiều lĩnh vực mà giáo dân thường có kinh nghiệm hơn linh mục và những người tận hiến, chẳng hạn như lĩnh vực quản lý kinh tế và tài chính; phạm vi luật dân sự và cả giáo luật, đối thoại giữa khoa học và đức tin, và truyền thông xã hội.
Ngài nói thêm, sự hiện diện và hành động của người giáo dân “cũng mang lại lợi ích to lớn cho Giáo hội trong các hoạt động ‘giáo hội’ đúng đắn hơn như truyền giáo và công tác từ thiện”.
Kết luận, Đức Hồng Y Farrell nhấn mạnh đến sự cần thiết của các mục tử phải có niềm tin lớn hơn “vào sự biện phân và lòng trung thành của giáo dân đối với Tin Mừng của Chúa Kitô và Giáo hội của Ngài”.
Đại biểu tham dự hội nghị
Hội nghị sẽ có bốn diễn giả chính: Luis Navarro, hiệu trưởng Đại học Giáo hoàng Holy Cross; Carmen Peña García, Giáo luật của Đại học Giáo hoàng Comillas ở Madrid, cả hai đều là cố vấn của Bộ; Hosffman Ospino, thuộc Trường Thần học của Đại học Boston và Đức Hồng Y Gérald Ciprien Lacroix, tổng giám mục Québec, là thành viên của Thánh Bộ.
Thành phần tham dự hội nghị gồm có 107 giáo dân, 36 linh mục và 67 giám mục đại diện cho 74 Hội đồng Giám mục và 29 phong trào trong Giáo hội. Các đại biểu đến từ năm châu lục, bao gồm 20 quốc gia châu Phi và 24 quốc gia châu Âu.
Trong nghệ thuật hội họa một bức tranh có mặt phía trước và mặt sau hậu cung là hai điểm làm cho bức tranh được phân biệt nổi lên rõ nét.
Trong bức tranh đời sống con người chúng ta, nếp sinh hoạt diễn xảy ra hằng ngày được hiểu như là mặt trước xem thấy bằng con mắt được. Và mặt sau hậu cung là thế giới linh thiêng bao phủ xung quanh mà không nhìn thấy được, chỉ cảm nhận được bằng trái tim cùng thần kinh. Với người có lòng tin đó là thế giới của Thần Linh, của Thượng Đế, của Thiên Chúa.
Người tín hữu Chúa Giêsu Kitô xác tín sâu thẳm về thế giới hậu cung này trong (bức tranh) đời sống của mình. Hằng ngày từ buổi sáng lúc thức dậy ra khỏi giường ngủ cho tới buổi chiều tà, lúc ăn uống, lúc đọc kinh cầu nguyện…họ luôn luôn vẽ làm dấu hình thập gía Chúa Kitô trên thân thể mình. Cử chỉ này nói lên lòng tin tưởng vào một thế giới Thiên Chúa vô hình, nhưng hằng hiện diện và cùng hoạt động với trong bức tranh thế giới hữu hình nơi thế giới trần gian.
Cùng trong suy nghĩ đó, Kinh Lạy Cha đọc cầu nguyện hằng ngày, được hiểu có hậu cung thế giới của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu Kitô dậy khi cầu nguyện hãy đọc Kinh lạy Cha ( Mt 6, 09-13 ) hằng ngày trong mọi hoàn cảnh đời sống, cụ thể là xin “ cho chúng con lương thực đủ dùng hằng ngày” cùng bày tỏ cả những lo âu, gánh nặng, buồn vui, trông mong chờ đợi trong đời sống nữa.
Những hoàn cảnh cụ thể cảm nhận, đếm đo lường được trong đời sống như thế là mặt nổi phía trước lời Kinh lạy Cha, và còn có mặt phía sau hậu cung nơi Kinh nầy nữa. Đó là một thực thể phía bên kia, phía sau không thể nhìn thấy. Nhưng người tín hữu Chúa Kitô xác tín chân nhận thực thể vô hình đó giống như thực thể vật chất của đời sống là nền tảng luôn đụng chạm vào đời sống của mình.
Thực thể phía sau hậu cung đó linh thiêng. Phải, đó là một cá nhân thần linh đã cùng luôn sáng tạo đổi mới mọi sự trong vũ trụ, trong đó có những sự lạ lùng hằng diễn xảy ra trong đời sống trên địa cầu nơi thiên nhiên, nơi sự tồn tại phát triển sự sống của thú động vật, của con người.
Thực Thể cá nhân thần linh đó không phát minh sáng tạo nên công trình vũ trụ vật chất do từ một vật thể đã có sẵn. Nhưng đã sáng tạo bằng chính tư tưởng ý muốn thần thánh của Ngài qua lời nói phán ra: Hãy có!
Đồng thời Ngài đã khắc ghi phú bẩm vào công trình sáng tạo đó khả năng mầm sống để cho tồn tại phát triển từ thệ hệ này sang thế hệ khác nối tiếp nhau không mai một cùng tận.( Sách Sáng Thế 1, 1-31)
Sức mạnh khởi sự từ nguyên thủy không thể hiểu cắt nghĩa được, cùng vượt tầm suy nghĩ được đó là phía sau hậu cung trong Kinh Lạy Cha, mà Chúa Giêsu dậy cầu nguyện, với tâm tình đầy lòng tin tưởng phó thác, bằng câu thân thưa mở đầu: Lạy Cha chúng con!
Ngôn ngữ tâm tình mở đầu thân thiết đó như lời nói của người con tỏ bày nói cùng cha mẹ mình. Ngôn từ “ Lạy Cha” đó chất chứa tâm tình lòng yêu mến cùng lòng tôn kính, tin tưởng sâu xa chân nhận người cha mình hằng luôn lo lắng che chở cho nhu cầu đời sống mình vật chất cũng như tinh thần, của ăn nước uống cũng như những vui buồn thành công thất bại mọi giai đoạn con đường đời sống.
Kinh lạy Cha là kinh Chúa Giêsu dậy để cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đồng thời khi đọc Kinh này cũng diễn tả lòng tuyên xưng vào Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa tràn đầy lòng yêu thương săn sóc tác phẩm công trình Ngài đã sáng tạo dựng nên, mà con người là triều thiên nhiệm mầu của công trình sáng tạo trong vũ trụ.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
1. Những hàng phòng thủ 'mỏng' của Nga tạo cơ hội cho Ukraine tấn công Crimea
Theo các bloggers quân sự Nga, cuộc tấn công của Ukraine vào bán đảo Crimea vào rạng sáng thứ Năm đã gây ra các tổn thất lớn cho quân đội Nga đang trú đóng tại thành phố Sevastopol. Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's 'Thin' Lines Give Ukraine an Opening to Attack Crimea”, nghĩa là “Những hàng phòng thủ 'mỏng' của Nga tạo cơ hội cho Ukraine tấn công Crimea.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.
Crimea một lần nữa có thể nằm trong tầm ngắm của lực lượng Ukraine vì quân đội Nga bị phân tán.
Một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào người Nga ở Crimea đã được phát động vào sáng thứ Năm tại thành phố cảng Sevastopol của Crimea, theo một bài đăng trên Telegram của thống đốc thành phố, Mikhail Razvozhayev, mặc dù ông không đổ lỗi rõ ràng cho Ukraine về vụ tấn công.
Ông viết rằng hai Máy bay không người lái đã “bị bắn hạ trên biển” và rằng “lực lượng phòng thủ của chúng ta tiếp tục đẩy lùi cuộc tấn công.” Ông nói thêm rằng “một số” máy bay không người lái khác đã bị bắn hạ trong cùng một vùng trời. Ngoài việc đóng cửa đường và tạm dừng dịch vụ phà, ông ấy nói rằng “mọi thứ trong thành phố đều yên tĩnh.”
Kênh Telegram Crimean Wind báo cáo rằng “vào khoảng 5 giờ sáng, một số vụ nổ đã được nghe thấy ở các khu vực có các đơn vị quân đội Nga.” Vụ nổ mạnh nhất xảy ra vào khoảng 6h15
Krym.Realii báo cáo rằng vào thời điểm xảy ra vụ nổ “người ta nghe thấy tiếng phóng hỏa tiễn và sau đó là những tiếng nổ kinh hồn khiến nhiều kính cửa sổ vỡ vụn”.
Cơ quan quân sự Nga và Liên bang Nga đã không bình luận về các cuộc tấn công được cho là do Ukraine thực hiện, hãng tin này cho biết thêm. Newsweek đã không thể xác minh độc lập các báo cáo.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nhiều lần bày tỏ mong muốn chiếm lại Crimea, tháng 8 năm ngoái nói rằng chiến tranh sẽ “kết thúc” ở đó.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thề không chỉ duy trì Crimea là của riêng mình, như đã làm kể từ khi sáp nhập năm 2014, mà còn giữ bốn vùng lãnh thổ bổ sung của Ukraine là Donetsk, Kherson, Luhansk và Zaporizhzhia—bị sáp nhập vào tháng 9 năm 2022.
Một cuộc trưng cầu dân ý diễn ra trước đó và bị đa số thành viên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cũng như các đồng minh phương Tây của Ukraine coi là một trò lừa bịp.
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken đã bày tỏ sự do dự với nỗ lực của Ukraine nhằm đòi lại lãnh thổ bị Nga sáp nhập vào năm 2014, nói rằng điều đó sẽ không “là khôn ngoan vào thời điểm này”, Politico đưa tin hôm thứ Tư.
Quan điểm đó đã được lặp lại bởi Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley, người đã gọi nó là “rất, rất khó” để đẩy quân đội Nga ra khỏi tất cả các lãnh thổ do Mạc Tư Khoa xâm lược ở Ukraine, bao gồm cả Crimea.
Các quan chức cấp cao của Ngũ Giác Đài đã chia sẻ quan điểm tương tự với Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện trong tháng này.
Hilary Appel, giáo sư chính trị tại Claremont McKenna College ở Claremont, California, nói với Newsweek rằng bất kỳ cuộc tấn công nào của Ukraine vào Crimea đều có nguy cơ nhận được phản ứng không tương xứng từ Nga. Đó là trường hợp xảy ra sau vụ nổ cầu Kerch của lực lượng Ukraine vào tháng 10.
“Việc Tổng thống Putin sáp nhập Crimea vào năm 2014 đã mang lại lợi ích chính trị to lớn cho Tổng thống Putin và ông ấy sẽ bảo vệ quyền kiểm soát của Nga đối với bán đảo này đến cùng,” Appel nói. “Kyiv biết Crimea có giá trị như thế nào đối với Putin, nhưng họ cũng biết quân đội Nga hiện đang bị phân tán rất mỏng”.
“Vì việc duy trì quyền kiểm soát Crimea là ưu tiên lớn hơn việc chiếm lại lãnh thổ ở miền đông và miền nam Ukraine, bất kỳ hoạt động nào ở Crimea là một lời nhắc nhở hữu ích để giữ binh lính đóng quân ở đó thay vì đưa họ ra mặt trận.”
Tháng trước, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, người hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với một nhà báo Nga rằng bất kỳ cuộc tấn công nào của Ukraine vào Crimea sẽ bị đáp trả bằng “các cuộc tấn công trả đũa” có khả năng bao gồm cả hạt nhân. Ông ta nói như thế để Ukraine nản lòng.
Arkady Moshes, giám đốc chương trình nghiên cứu về các nước láng giềng phía Đông của Liên Hiệp Âu Châu và chương trình nghiên cứu về Nga tại Viện các vấn đề quốc tế của Phần Lan, nói với Newsweek rằng việc Ukraine chiếm lại Crimea “rất khó tưởng tượng” vào thời điểm này, có tính đến kích thước nhỏ của eo đất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc củng cố và phòng thủ của nó, cũng như ưu thế trên không và hải quân của Nga.
“Tuy nhiên, họ cần chứng minh rằng lực lượng Nga và các đối tượng khác ở Crimea không an toàn và có thể bị tấn công,” Moshes nói thêm. “Ngay cả những thành công tương đối nhỏ trong bối cảnh này cũng sẽ tạo ra hiệu ứng chính trị và quan hệ công chúng đáng chú ý, giống như vụ nổ trên cầu Kerch vào tháng 10.”
Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Ukraine và Nga để bình luận.
2. Từ khi xảy ra cuộc xâm lược Ukraine của Putin có nhiều người Nga bất ngờ rơi từ cửa sổ tầng lầu cao xuống đất, thiệt mạng vì vỡ sọ
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Full List of Russians to Fall Out of Windows Since Putin Invaded Ukraine”, nghĩa là “Danh sách đầy đủ những người Nga sẽ rời khỏi Windows kể từ khi Putin xâm chiếm Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.
Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông địa phương, Marina Yankina, một quan chức quốc phòng Nga, được tìm thấy đã chết vào sáng thứ Tư sau khi rơi từ cửa sổ ở St. Petersburg.
Cái chết của người phụ nữ 58 tuổi, người đứng đầu Cục Hỗ trợ Tài chính của Bộ Quốc phòng Nga tại Quân khu phía Tây của St. Petersburg, là vụ mới nhất trong một loạt những cái chết bí ẩn liên quan đến các nhân vật nổi tiếng của Nga kể từ khi lực lượng của Tổng thống Vladimir Putin xâm chiếm Ukraine vào tháng Hai năm ngoái.
Dưới đây là danh sách đầy đủ tất cả các quan chức Nga đã chết sau khi rơi ra khỏi cửa sổ kể từ khi chiến tranh bắt đầu.
Marina Yankina
Cảnh sát đã tìm thấy thi thể của Yankina vào hôm thứ Tư dưới cửa sổ của một tòa nhà cao tầng trên Phố Zamshina ở quận Kalininsky của St. Petersburg.
Hãng tin tức địa phương Fontanka đưa tin rằng, dựa trên thông tin ban đầu, bà ấy sống trong tòa nhà nơi bà ấy ngã xuống và các cơ quan thực thi pháp luật không loại trừ khả năng bà ấy đã tự kết liễu đời mình.
Dịch vụ báo chí của Quân khu phía Tây xác nhận rằng bà ấy đã làm việc với quân khu.
Kênh Telegram của Nga Mash và các phương tiện truyền thông khác của Nga đưa tin rằng tài liệu và các vật dụng khác thuộc về Yankina đã được phát hiện trên tầng 16 của tòa nhà nơi bà ấy rơi xuống.
Yankina trước đây làm việc tại Dịch vụ Thuế Liên bang và từng là phó chủ tịch Ủy ban Quan hệ Tài sản của St. Petersburg.
Pavel Antov
Antov, chính trị gia Nga từng chỉ trích việc Putin xâm lược Ukraine, được tìm thấy đã chết sau khi ngã từ cửa sổ ở Ấn Độ vào ngày 25/12/2022.
Antov, thành viên đảng Nước Nga Thống nhất của Putin và là một ông trùm xúc xích giàu có, được tìm thấy nằm trên vũng máu bên ngoài Khách sạn Sai International ở quận Rayagada, bang Odisha, miền nam nước Nga.
Alexei Idamkin, tổng lãnh sự Nga tại thành phố Kolkata, nói với thông tấn xã Tass rằng Antov, 65 tuổi, “ngã” từ cửa sổ và không có hành vi ám sát nào bị nghi ngờ.
Vào tháng 6 năm 2022, anh ta được cho là đã phản ứng trước một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào một khu dân cư ở quận Shevchenkivskyi của Kyiv, thủ đô Ukraine, bằng cách viết trong một tin nhắn WhatsApp rằng “thật khó để gọi tất cả những điều này là cái gì khác ngoài khủng bố,” BBC đưa tin.
Tin nhắn sau đó đã bị xóa và Antov viết trên mạng xã hội rằng ông ủng hộ Putin, là một “người yêu nước của đất nước tôi” và ủng hộ cuộc chiến. Ông nói rằng tin nhắn là một sự hiểu lầm và được viết bởi một người có quan điểm về “chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine” mà ông hoàn toàn không đồng ý.
Ravil Maganov
Ravil Maganov, chủ tịch tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Lukoil của Nga, nhà sản xuất dầu lớn thứ hai của nước này, được phát hiện đã chết vào ngày 1 tháng 9 năm 2022 sau khi rơi từ cửa sổ bệnh viện ở Mạc Tư Khoa.
Các tình huống xung quanh cú ngã từ tầng lầu cao của người đàn ông 67 tuổi vẫn chưa được giải thích. Ông đã làm việc tại Lukoil từ năm 1993.
Hãng thông tấn Interfax của Nga đưa tin rằng anh ta “rơi từ cửa sổ tại Bệnh viện Lâm sàng Trung ương” và “chết vì vết thương.” Không rõ tại sao Maganov lại ở trong bệnh viện ngay từ đầu.
Hội đồng quản trị của Lukoil đã đưa ra một tuyên bố vào tháng 3 năm 2022 bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc nhất về các sự kiện bi thảm ở Ukraine.”
Tuyên bố kêu gọi “chấm dứt xung đột vũ trang sớm nhất có thể” thông qua đàm phán.
“Kêu gọi chấm dứt xung đột vũ trang càng sớm càng tốt, chúng tôi bày tỏ sự đồng cảm chân thành đối với tất cả các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi thảm kịch này,” tuyên bố cho biết. “Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ một lệnh ngừng bắn lâu dài và giải quyết các vấn đề thông qua đàm phán và ngoại giao nghiêm túc.”
3. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh
Trong bản tin tình báo hôm 16 tháng Hai, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:
Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga tiếp tục triển khai một số lượng máy bay tương tự để hỗ trợ cho chiến dịch ở Ukraine như họ đã làm trong nhiều tháng qua.
Tỷ lệ xuất kích của Nga đã tăng lên trong tuần qua, sau vài tuần hoạt động yên ắng hơn. Hoạt động trên không hiện gần bằng với tốc độ trung bình hàng ngày được quan sát thấy kể từ mùa hè năm 2022.
Nhìn chung, sức mạnh không quân của Nga tiếp tục hoạt động kém hiệu quả trong cuộc chiến, bị hạn chế bởi mối đe dọa liên tục từ lực lượng phòng không Ukraine và các căn cứ phân tán do mối đe dọa tấn công vào các sân bay của Nga.
Các máy bay chiến đấu của Nga hầu như chỉ hoạt động trên lãnh thổ do Nga nắm giữ, khiến chúng không thể thực hiện vai trò tấn công chính của mình một cách hiệu quả.
Trên khắp nước Nga, Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga có khả năng duy trì một phi đoàn gần như nguyên vẹn gồm khoảng 1.500 máy bay quân sự có người lái, mặc dù đã mất hơn 130 chiếc kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược.
Tuy nhiên, không có khả năng Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga hiện đang chuẩn bị cho một chiến dịch không quân được mở rộng đáng kể vì trong hoàn cảnh chiến trường hiện tại, nó chắc chắn sẽ bị tổn thất một con số máy bay không chịu nổi.
4. Tình hình căng thẳng ở miền đông Ukraine trong cuộc tấn công đang diễn ra, quan chức quốc phòng Ukraine nói
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu 16 tháng Hai, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết tình hình ở miền đông Ukraine đang “căng thẳng” khi cuộc tấn công của Nga “đang diễn ra”.
“Các cuộc tấn công diễn ra cả ngày lẫn đêm. Tình hình rất căng thẳng,” Cô Maliar nói với các phóng viên báo chí. “Vâng, thật khó cho người dân của chúng ta. Bạn có thể tự mình xem loại chiến tranh nào mà Nga đang thực hiện. Tuy nhiên, các chiến binh của chúng ta đang ngăn chặn đối phương đạt được mục tiêu của chúng và gây ra tổn thất lớn.”
Maliar tuyên bố rằng Nga đang phải đối mặt với tổn thất nhân sự “lên tới 80%” trong một số đơn vị quân đội và các đơn vị của công ty quân sự tư nhân Wagner.
“Việc di tản những người chết và bị thương bởi đối phương bị hạn chế hoặc hoàn toàn không được thực hiện,” Maliar nói. “Ngày càng có nhiều binh sĩ Nga nhận ra rằng chỉ huy của họ đánh giá không đầy đủ các tình huống chiến đấu trên chiến trường”.
Cô Maliar cũng nhắc lại tuyên bố của Ukraine rằng nhiều binh sĩ Nga có mức độ sẵn sàng chiến đấu thấp sau khi trải qua các khóa huấn luyện cơ bản “cấp tốc” chỉ từ 14 đến 21 ngày.
5. Ba mươi sáu cuộc đụng độ quân sự gần Bakhmut, khoảng 120 kẻ xâm lược bị tiêu diệt
Gần Bakhmut của khu vực Donetsk, quân đội Nga đang củng cố vị trí của họ bằng các đơn vị xe tăng và súng trường cơ giới. Chiến sự tích cực đang xảy ra. Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu 17 tháng Hai, phát ngôn nhân của Nhóm lực lượng liên hợp phía Đông Đại Tá Serhii Cherevatyi đã cho biết như trên.
“Có thể nói rằng, gần Bakhmut, cùng với tổ chức tội phạm Wagner, những kẻ xâm lược đang củng cố vị trí của chúng bằng các sư đoàn súng trường cơ giới và các đơn vị xe tăng của quân đội chính quy Nga. Và, tất nhiên, quân đội chính quy của Nga cung cấp pháo binh và hỗ trợ hàng không cho cả lính đánh thuê Wagner và lực lượng súng trường cơ giới,” Cherevatyi nói.
Theo lời của ông, tổng cộng 36 cuộc đụng độ quân sự đã xảy ra ở hướng Bakhmut trong ngày qua. Quân xâm lược Nga đã nổ súng vào các vị trí của lực lượng Ukraine bằng pháo phản lực 134 lần. Tổng cộng 117 binh sĩ Nga đã thiệt mạng và 199 người bị thương.
Theo Cherevatyi, người Nga đang chịu tổn thất lớn ở hướng Bakhmut. Tuy nhiên, quân đội Nga đang luân phiên và tăng cường với các đơn vị mới. Hiện tại, rất khó để nói liệu họ có thể tích lũy đủ sức mạnh để thay đổi hoàn toàn bất cứ điều gì ở khu vực mặt trận này trước ngày 24 tháng 2 hay không, Cherevatyi nói thêm.
6. Chỉ trong vài ngày, Putin tung hàng chục nghìn quân ở vùng Luhansk
Trong những tuần gần đây, người Nga đã tăng cường các hoạt động gần Kreminna và Bilohorivka, đưa thêm hàng chục nghìn binh sĩ tới khu vực Luhansk.
“Nga sẽ cố gắng vắt kiệt Ukraine ở tuyến đầu, tin rằng cộng đồng thế giới sẽ cảm thấy mệt mỏi khi giúp đỡ chúng ta. Hàng chục nghìn binh sĩ Nga được triển khai tại khu vực Luhansk. Khu vực khó khăn nhất hiện nay là Kreminna – Lyman”, Thống Đốc Luhansk là ông Serhiy Haidai đã đưa ra lập trường trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu 17 tháng Hai.
Theo ông, quân đội Nga tin rằng việc tiếp cận biên giới hành chính của vùng Luhansk để đánh dấu kỷ niệm cuộc xâm lược là nhiệm vụ dễ dàng nhất.
Haidai nhấn mạnh rằng Lực lượng vũ trang Ukraine cần vũ khí hạng nặng để tiến hành cuộc tấn công.
Như đã đưa tin, Mỹ và các đồng minh hoài nghi về khả năng chiếm giữ các vùng lãnh thổ mới của Mạc Tư Khoa bất chấp sự gia tăng quân số của quân đội Nga.
7. Hơn 100 người Ukraine được Nga thả tự do
Hôm thứ Năm 16 tháng 2, một cuộc trao đổi tù nhân khác đã được thực hiện giữa Ukraine và Nga. Tổng cộng có 100 quân nhân Ukraine và một dân thường đang trở về Ukraine.
Tuyên bố liên quan được đưa ra bởi Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak.
“Chúng ta tiếp tục đưa những người Ukraine bị giam cầm trở về. Hôm nay, một trăm chiến binh của chúng ta và một thường dân đang trở về nhà,” Yermak viết.
Theo lời của ông, trong số đó có các thành viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia, sĩ quan biên phòng và quân nhân của Lực lượng Vũ trang Ukraine. 94 người trong số họ là những người bảo vệ Mariupol, trong đó có 63 chiến binh từ nhà máy luyện thép Azovstal.
Nhiều anh hùng Ukraine bị thương ở nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau.
Yermak cảm ơn nhóm và Trụ sở điều phối đối xử với tù nhân chiến tranh, đồng thời nhấn mạnh rằng họ tiếp tục làm việc để giải phóng tất cả các tù nhân chiến tranh khỏi sự giam cầm của Nga.
8. Quan chức Ba Lan nói NATO có thể đẩy mạnh sản xuất vũ khí để hỗ trợ nhu cầu của Ukraine
Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Pawel Jabłoński cho biết hôm thứ Tư rằng các thành viên NATO “hoàn toàn có thể làm được” việc đẩy mạnh sản xuất đạn dược với tốc độ cần thiết để hỗ trợ Ukraine.
“Điều đó là khả thi,” Jabłoński nói trong một cuộc phỏng vấn với Isa Soares của CNN. “Đó là chi phí mà chúng ta phải chịu trong gần một năm. Đó là một chi phí mà chúng ta cần phải chịu nếu chúng ta muốn tránh những chi phí lớn hơn nhiều. Một chi phí của sự bất ổn. Một chi phí chiến tranh – khắp Âu Châu bởi vì Putin sẽ không dừng lại nếu chúng ta không làm điều đó.”
Ông nói thêm rằng “chúng tôi có các nguồn lực… chúng tôi chỉ cần ý chí chính trị để sử dụng các nguồn lực này.”
Jabłoński cũng cho biết Ba Lan cũng đang tăng cường sản xuất vũ khí, không chỉ để giúp Ukraine mà còn để bảo đảm quân đội của họ được trang bị tốt.
Về việc liệu Ba Lan có cung cấp máy bay chiến đấu cho Kyiv hay không, Jabłoński khẳng định và cho biết không có gì phải bàn cãi.
9. Thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ ngày càng lo ngại về quan hệ đối tác Nga-Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh Ukraine
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman cho biết hôm thứ Tư rằng Hoa Kỳ có “mối quan ngại ngày càng tăng” về mối quan hệ đối tác giữa Trung Quốc và Nga - và sự ủng hộ ngầm của Trung Quốc đối với cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
“Đánh giá của tôi là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đang cố gắng nâng cao vị thế của mình trong cộng đồng quốc tế bằng cách tuyên bố rằng họ sẵn sàng làm trung gian hòa giải và giúp chấm dứt cuộc xâm lược kinh hoàng này. Đồng thời, họ cam kết hợp tác không giới hạn với Nga,” Sherman cho biết tại một sự kiện ở Viện Brookings. “Và chúng ta chắc chắn có mối quan tâm và lo ngại ngày càng tăng về mối quan hệ đối tác đó và sự hỗ trợ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với cuộc xâm lược này.”
Bà nói rằng Trung Quốc đang cố gắng “được cả đôi đường”. Bà cũng bày tỏ quan ngại về quan hệ đối tác của Nga với Iran và Triều Tiên.
Tuy nhiên, Sherman cho biết thông điệp của bà gửi tới những người ủng hộ Mạc Tư Khoa là: “Rốt cuộc bạn sẽ bị một con chim hải âu quấn quanh cổ”.
“Người Ukraine sẽ mang đến một thất bại chiến lược cho Putin. Và điều đó sẽ tạo ra rất nhiều vấn đề cho những người đang hỗ trợ cuộc xâm lược xấu xa này trong tương lai,” bà nói.
1. Tranh cãi rất lớn sau khi vị Hồng Y nằm xuống trong khi con voi giơ chân đạp lên người của ngài
Các nhà hoạt động vì quyền động vật đã chống lại buổi trình diễn xiếc của Đức Hồng Y Konrad Krajewski. Họ nói rằng “Voi không nên bị khai thác và nuôi nhốt”
Màn biểu diễn xiếc bất thường của Đức Hồng Y Konrad Kraiewski, người đã liều lĩnh nằm xuống dưới một con voi để chứng tỏ những con voi của Rạp xiếc Rony Roller được huấn luyện tốt như thế nào, đã hoàn toàn không làm hài lòng các nhà hoạt động vì quyền động vật.
Nhiều người nói màn xiếc này là rất nguy hiểm. Con voi giơ chân đạp lên bụng Đức Hồng Y. Bình thường có thể là không sao vì con voi đã được huấn luyện tốt. Tuy nhiên, nếu có một tình huống bất thường xảy ra, chẳng hạn như có ai đó sợ quá hét lên, phản ứng của con voi có thể không đoán trước được.
Oipa, tổ chức quốc tế bảo vệ động vật, đã lên án hành vi man rợ trong việc nuôi nhốt động vật để sử dụng chúng trong các buổi biểu diễn: «Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn một gánh xiếc với động vật để mời người nghèo và người vô gia cư đến. Đức Hồng Y Konrad Krajewski, quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng, cũng tham gia. Giữa chiến tranh, ngài đã để mình bị một con voi giẫm lên. Chúng ta rất tiếc khi Giáo hoàng tài trợ cho rạp xiếc với động vật» chủ tịch Massimo Comparotto tuyên bố như trên. Ông là người đã đấu tranh trong nhiều năm chống lại việc sử dụng và lạm dụng động vật trong các buổi biểu diễn xiếc.
“Đức Thánh Cha thường bày tỏ sự cần thiết phải tôn trọng thiên nhiên nhiều hơn, nhất là trong thông điệp Laudato si năm 2015. Vì vậy, sự lựa chọn này dường như là một mâu thuẫn với ‘huấn quyền sinh thái’ của ngài. Đằng sau những bài tập xiếc có thể ẩn chứa sự thiếu thốn, ngược đãi và đau khổ cho những con vật sống trong điều kiện nuôi nhốt, sau song sắt, với không gian hạn chế và thường xuyên bị căng thẳng. Động vật buộc phải sống một cuộc sống không tự nhiên”.
Đức Hồng Y Kraiewski là một trong những cộng tác viên chính của Đức Thánh Cha Phanxicô để mang đến những lời an ủi cho những người thiệt thòi nhất. Ngài đã nhiều lần đến Ukraine và Phi Châu, trong các trại tị nạn ở nhiều nơi khác nhau ở Địa Trung Hải và cả ở Ischia khi ngài bị lở đất vào năm ngoái. Tại buổi biểu diễn Rạp xiếc Rony Roller, ngài đã mang đến cơ hội giải trí cho những người nghèo và người vô gia cư nhân danh Giáo hoàng. Để thể hiện kỹ năng của người thuần hóa voi, ngài nằm xuống đất và để một trong những con vật nhảy qua mình, giữ bình tĩnh khi con thú ngoan ngoãn đáp lại mệnh lệnh của người thuần phục và dùng móng vuốt lượn trên người của ngài.
Source:Sismografo
2. Đức Thánh Cha bổ nhiệm giám mục cho giáo phận lớn nhất tại Canada
Hôm 11 tháng Hai vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm giám mục mới cho Tổng giáo phận Toronto, lớn nhất tại Canada.
Đó là Đức Cha Frank Leo, 52 tuổi, cho đến nay là Giám Mục Phụ Tá Tổng giáo phận Montreal và kế nhiệm Đức Hồng Y Thomas Collins, 76 tuổi, về hưu sau 16 năm cai quản giáo phận này.
Đức Cha Frank Leo là con của một gia đình người Ý di cư sang Canada và sinh năm 1971 tại Montreal, thụ phong linh mục năm 1996 khi được 25 tuổi, rồi phục vụ trong các giáo xứ trong 10 năm trời, trước khi nhập Trường Ngoại giao Tòa Thánh năm 2006. Cha có bằng Tiến sĩ Thần học hệ thống, với chuyên ngành Thánh Mẫu Học, tại Đại học Dayton, Ohio bên Mỹ, và cử nhân giáo luật.
Cha đã phục vụ tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Australia, sứ bộ nghiên cứu của Tòa Thánh ở Hương Cảng, trước khi trở về Montreal năm 2012. Cha Frank Leo từng làm Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Canada trong 6 năm, từ 2015 đến 2021. Hồi đầu tháng Hai năm ngoái, cha làm Tổng đại diện Tổng giáo phận Montreal, trước khi được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá tại đây. Ngài thông thạo tiếng Anh, Pháp, Ý và Tây Ban Nha.
Giáo Hội Công Giáo Canada có 59 giáo phận và Tổng giáo phận Toronto có một triệu 890.000 tín hữu Công Giáo, 225 giáo xứ, gần 400 linh mục. Tại đây cũng có cộng đồng Công Giáo Việt Nam đông nhất và có một vị Giám Mục Phụ Tá người Việt, là Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Mạnh Hiếu, năm nay 57 tuổi, được bổ nhiệm làm giám mục cách đây 14 năm.
Tuyên bố sau khi có tin được bổ nhiệm, Đức tân Tổng giám mục Frank Leo nói: “Tôi cám ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô vì đã tín nhiệm tôi. Đây thật là bổ nhiệm bất ngờ nhất, nhưng tôi đã học được trong cuộc đời linh mục và phục vụ Giáo hội, rằng Thiên Chúa có những kế hoạch đặc biệt cho chúng ta trong những lúc bất ngờ, dẫn tới những phúc lành khôn tả”.
3. Tóm lược nội dung cuốn ‘Không gì ngoài Sự thật’ của Đức Tổng Giám Mục Gänswein
Người kể chuyện trong cuốn sách là Đức Tổng Giám Mục Gänswein, một người Đức 66 tuổi sống ở Thành phố Vatican. Được giới truyền thông mệnh danh là “George lộng lẫy” nhờ những đường nét như được tạc nên, ngài nắm giữ hai vai trò nhiều đòi hỏi trong phần lớn cuốn sách: ngài là thư ký riêng của Đức Bênêđictô XVI và đứng đầu Phủ Giáo hoàng, bộ phận của Vatican chịu trách nhiệm về yết kiến và nghi lễ giáo hoàng.
Đức Bênêđictô XVI: Vị giáo hoàng người Đức, được biết đến như là Joseph Ratzinger cho đến khi được bầu vào năm 2005, không chỉ là bề trên của Đức Tổng Giám Mục Gänswein mà còn là nhà dìu dắt của vị này. Ngài trở thành vị giáo hoàng đầu tiên từ chức sau gần 600 năm vào năm 2013, sau đó ngài nhận danh hiệu “giáo hoàng hưu trí” và lui về hưu trí tại một đan viện ở Thành phố Vatican.
Đức Gioan Phaolô II: Bề trên của Đức Hồng Y Ratzinger trong nhiều năm là Giáo hoàng người Ba Lan đầy lôi cuốn Gioan Phaolô II, người đã triệu tập ngài tới Rome vào năm 1981 để làm việc với tư cách là bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican. Ngài dành cho vị Hồng Y người Đức sự ủng hộ không mệt mỏi của mình trong vai trò không được ưa chuộng là kiểm soát các ranh giới tín lý của Giáo hội.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Vị Giáo hoàng kế vị Đức Bênêđíctô XVI vào năm 2013, trở thành giáo hoàng đầu tiên đến từ Mỹ Châu Latinh và thuộc dòng Tên. Ngài được trình bầy như một nhân vật lưu ý và quan tâm đến Đức Bênêđíctô, nhưng xa cách với Đức Tổng Giám Mục Gänswein.
Các chương
Lời mở đầu
Đó là năm 2003: Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, người phụ trách tín lý của Vatican, yêu cầu vị linh mục trẻ Cha Georg Gänswein làm thư ký riêng cho mình, tin rằng việc bổ nhiệm này sẽ chỉ kéo dài một thời gian ngắn vì ngài hy vọng sẽ sớm nghỉ hưu. Trước sự ngạc nhiên của Đức Tổng Giám Mục Gänswein, ngài vẫn ở bên cạnh Đức Hồng Y khi Đức Hồng Y được bầu làm giáo hoàng, từ chức một cách đột ngột và sống những năm còn lại trong tư cách “giáo hoàng hưu trí”.
Xuyên suốt, Đức Tổng Giám Mục Gänswein thấy “bộ mặt thật của một trong những người chủ đạo vĩ đại nhất của lịch sử thế kỷ vừa qua”, một nhân vật được biếm họa là “Panzerkardinal” và “Rottweiler của Chúa”. Ngài nói rằng những hồi ức tiếp theo sẽ đưa ra một “chứng từ bản thân” cho sự vĩ đại của Đức Bênêđíctô XVI, “làm sáng tỏ một số khía cạnh bị hiểu lầm trong triều giáo hoàng của ngài,” và “mô tả từ bên trong 'thế giới Vatican' thực sự.'“
Chương 1
Với tựa đề “Sự ‘tiền định’ bên ngoài chiếc hộp,” chương này kể lại những ấn tượng ban đầu của Đức Tổng Giám Mục Gänswein về Đức Hồng Y Ratzinger sau khi ngài được bổ nhiệm làm thư ký riêng. Ngài trình bầy Đức Hồng Y Razinger như thờ ơ với những lời đàm tiếu của Vatican, “chuyển lên một bình diện rõ ràng là thanh tao hơn” so với các Hồng Y đồng nghiệp của ngài, và khao khát được về hưu yên tĩnh giữa những cuốn sách của Thư viện Vatican.
Chương này trình bày việc Đức Hồng Y Ratzinger thăng tiến trong hệ thống phẩm trật của Giáo hội như một công việc của Đấng Quan phòng hơn là tham vọng. Không giống như một số linh mục đánh giá cao các chức vụ ở Rôma, Đức Hồng Y Ratzinger không tập chú vào việc thông thạo tiếng Ý. Ngài học nó thời Công đồng Vatican II, “mặc dù hơi nghèo nàn, bằng cách sử dụng phương pháp sư phạm của máy ghi âm 33 vòng / phút.” Ngài chỉ nắm được ngôn ngữ này sau khi đến Rôma vào năm 1981.
Đức Tổng Giám Mục Gänswein giải thích rằng Đức Hồng Y Ratzinger đã đồng ý phục vụ với tư cách là tổng trưởng bộ tín lý của Vatican với điều kiện là vẫn có thể công bố các suy tư thần học của riêng mình. Đức Tổng Giám Mục Gänswein nhận xét rằng “nếu không có việc công bố sản phẩm thần học, thì ‘nồi áp suất’ trong trí tuệ của ngài sẽ không có van an toàn và sẽ phát nổ.”
Chương 2
Với tiêu đề “Triết gia và thần học gia,” chương này mô tả mối quan hệ làm việc chặt chẽ giữa Đức Hồng Y Ratzinger và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, bất chấp “sự khác biệt rõ ràng về tính cách và phong cách.” Đức Tổng Giám Mục Gänswein trình bày hai con người này như những tính cách bổ sung cho nhau, với “sự rõ ràng về mặt thần học và sự chặt chẽ trong diễn giải” của người Đức cân bằng cho “việc tra hỏi triết học và nghiên cứu trí thức” của người Ba Lan.
Một “sự cởi mở đầy tín thác” đã giúp hai con người này hợp tác ngay cả khi họ bất đồng. Một trong những “thời điểm bất đồng” như vậy là cuộc gặp gỡ liên tôn vì hòa bình ở Assisi năm 1986, mà Đức Gioan Phaolô triệu tập nhưng Đức Hồng Y Ratzinger đã không tham dự. Đức Tổng Giám Mục Gänswein gợi ý rằng Đức Giáo Hoàng cuối cùng đã chấp nhận những lo ngại của Đức Hồng Y Ratzinger về sự nguy hiểm của hòa đồng chủ nghĩa (syncretism).
1. Ukraine lại đánh lớn tại Crimea. Thành phố Sevastopol rung chuyển giữa những tiếng nổ lớn. Phản ứng của Hoa Kỳ và Nga.
Còi báo động đã lại vang lên vào sáng sớm hôm thứ Sáu, là ngày thứ hai quân Ukraine tấn công vào bán đảo Crimea.
Thống đốc Mikhail Razvozhaev do Nga dựng nên cho biết “một máy bay không người lái của Ukraine đã bị bắn hạ vào sáng thứ Sáu gần một nhà máy điện ở thành phố Sevastopol của Crimea.” Theo ông, “lực lượng phòng không đã bắn hạ chiếc máy bay không người lái gần nhà máy nhiệt điện Balaklava và không có thiệt hại nào đối với cơ sở.”
Razvozhaev nhấn mạnh rằng vụ việc xảy ra sau khi hai máy bay không người lái của Ukraine bị bắn hạ vào sáng sớm hôm thứ Năm gần Sevastopol và “một số” máy bay không người lái khác bị bắn hạ trên vùng biển xung quanh Bán đảo Crimea.
Ông không nói về số máy bay không người lái của Ukraine đã đánh trúng các mục tiêu nhưng cảnh báo người dân rằng “người Ukraine không từ bỏ nỗ lực tấn công các cơ sở quan trọng của Sevastopol.” Cư dân địa phương cho biết thành phố Sevastopol rung chuyển giữa những tiếng nổ lớn rất lớn.
Sevastopol, cùng với phần còn lại của Crimea, được quốc tế công nhận là một phần của Ukraine. Đây là thành phố lớn nhất trong bán đảo và là một cảng quan trọng và là căn cứ hải quân chính của Hạm đội Biển Đen của Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tuyên bố sẽ “giải phóng” toàn bộ lãnh thổ của đất nước bao gồm cả Crimea, nơi đã bị Nga chiếm đóng từ năm 2014.
Khi được hỏi về các cuộc tấn công của Ukraine vào bán đảo Crimea, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề chính trị Victoria Nuland nói rằng: “Hoa Kỳ coi Crimea là lãnh thổ của Ukraine, bị Nga biến thành một căn cứ quân sự khổng lồ và sẽ không phản đối các quyết định của phía Ukraine tấn công các cơ sở quân sự của Nga trên bán đảo.”
“Tôi sẽ không phán xét người Ukraine chọn chiến đấu ở đâu hay cách họ chọn đối phó với Crimea trong ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn. Chúng tôi công nhận Crimea là của Ukraine”, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ nói.
Bà lưu ý rằng khi chính quyền chiếm đóng của Nga chiếm được Crimea, họ ngay lập tức sử dụng các biện pháp vi phạm nhân quyền quy mô lớn, đàn áp người Tatar ở Crimea và những người khác không đồng tình với việc chiếm đóng. Ngoài ra, Nga đã biến bán đảo này thành một cơ sở quân sự khổng lồ, được sử dụng cho một cuộc tấn công quy mô lớn vào phần còn lại của Ukraine.
Do đó, theo Nuland, các căn cứ quân sự của Nga ở Crimea nên được coi là mục tiêu hợp pháp của Lực lượng Vũ trang Ukraine.
“Những cơ sở quân sự của Nga ở Crimea là những mục tiêu hợp pháp, Ukraine đang tấn công chúng và chúng tôi ủng hộ điều đó,” quan chức này nói.
Đồng thời, Nuland lưu ý rằng Ukraine sẽ không an toàn trừ khi Crimea được phi quân sự hóa đến mức tối thiểu.
Ngoài ra, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ lưu ý rằng Washington đang xem xét khả năng cung cấp cho Ukraine không chỉ các loại vũ khí cần thiết trên chiến trường để giành chiến thắng lúc này mà còn cả các loại vũ khí để răn đe Liên bang Nga sau khi chiến tranh kết thúc.
Đáp lại các tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga, Maria Zakharova, nói rằng Mỹ đang kích động Ukraine tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Nga.
Bà Zakharova nói: “Một lần nữa, chúng ta phải nêu rõ sự can dự của Mỹ vào cuộc xung đột ở Ukraine. Họ cung cấp vũ khí với số lượng lớn, cung cấp thông tin tình báo, tham gia trực tiếp vào việc lập kế hoạch cho các hoạt động quân sự, và huấn luyện các đơn vị vũ trang Ukraine”.
“Giờ đây, những kẻ hiếu chiến của Mỹ còn đi xa hơn: họ đang kích động chế độ Kiev leo thang hơn nữa, nhằm chuyển chiến tranh sang lãnh thổ nước ta. Như thế, đây là tấn công trực tiếp. Đây là những gì chúng ta đã cảnh báo trước đây, và những gì chúng ta buộc phải khởi động một chiến dịch quân sự đặc biệt. Bây giờ họ, các quan chức Hoa Kỳ, đang nói về nó một cách cởi mở.”
Bất kể những tiếng nổ kinh hoàng và cảnh nhốn nháo rời khỏi bán đảo Crimea trong 24 giờ qua, Zakharova nói chắc như đinh đóng cột: “Crimea đang được bảo vệ một cách đáng tin cậy”
2. Tướng Nga bị chôn vùi dưới đống gạch lò mò bò dậy, vừa được thăng chức
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Sáu 17 tháng Hai, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine thừa nhận rằng Trung tướng Andrei Mordvichev chưa chết và vừa được chính thức bổ nhiệm làm tân Tư lệnh Quân khu Trung tâm, trụ sở chính tại Yekaterinburg.
Mordvichev vào năm 2017 đã lãnh đạo Đơn vị đồn trú Nam Sakhalin. Năm 2018, ông được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh thứ nhất kiêm Tham mưu trưởng Quân đoàn 41 Quân khu Trung tâm. Năm 2021, ông giữ chức Phó Tư lệnh thứ nhất của Quân đoàn Phòng không Vũ trang Liên hợp số 8.
Sau khi quân Nga chiếm được thành phố Kherson, không quân đã mở các cuộc tấn công vào sân bay quốc tế Chornobayivka, nơi các tướng lãnh Nga đặt tổng hành dinh. Ngày 18 tháng Ba, không quân Ukraine tá túc trên lãnh thổ Rumani, bất ngờ mở cuộc tấn công vào sân bay.
Các báo cáo trước đó cho rằng Mordvichev đã bị giết tại sân bay Chornobayivka của Ukraine vào tháng 3 năm 2022 đã bị bác bỏ. Trung tướng Andrei Mordvichev và các sĩ quan trong Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn tổng hợp số 8 bị oanh kích. Họ bị chôn vùi trong đống đổ nát.
Cả phía Ukraine lẫn các blogges quân sự Nga đều tin rằng Mordvichev đã chết. Nhưng sau đó, vị tướng này được lôi lên và khẩn cấp đưa sang Crimea chạy chữa.
Tình báo Ukraine biết là đã đánh hụt mục tiêu, nhưng không thể dùng không quân để tấn công một lần nữa. Nga đã triệu tập Đại Sứ Rumani tại Mạc Tư Khoa đến Bộ Ngoại Giao để cảnh cáo. Do đó, ngày 24 tháng Ba, quân Ukraine đã phải dùng pháo binh tấn công vào sân bay quốc tế Chornobayivka. Lúc đó, họ chưa có HIMARS, nhưng hay không bằng hên, họ bắn trúng được đại bản doanh của Quân Đoàn tổng hợp số 49 của Nga. Trung Tướng Yakov Vladimirovich Rezantsev tử trận,
Cuộc điều tra của Cơ quan An ninh Ukraine phát hiện rằng chính Tướng Mordvichev là người đã ra lệnh cho lực lượng Nga chiếm Mariupol và xông vào nhà máy thép Azovstal. Ông ta đã bị buộc tội vắng mặt theo ba điều khoản của Bộ luật Hình sự Ukraine.
Theo điều tra, kể từ tháng 2 năm 2022, ông ta đã lãnh đạo nỗ lực đánh chiếm các vùng lãnh thổ của vùng Donetsk và đích thân tham gia vào các hoạt động chiến sự. Trong số các đơn vị trực thuộc ông ta có “Quân đoàn 1 của Dân quân Nhân dân”, cũng như một số lữ đoàn súng trường cơ giới riêng biệt của các đội vũ trang bất hợp pháp của cái gọi là Cộng hòa Nhân Dân Donetsk, tiểu đoàn xe tăng và tiểu đoàn Somalia, tiểu đoàn trinh sát Sparta, và các đơn vị của Tập đoàn Wagner.
Mordvichev đã trực tiếp tham gia vào việc lập kế hoạch quân sự, phối hợp và chỉ huy các đơn vị này trong các hoạt động chiến đấu.
Trong số những việc khác, ông ta đã ra lệnh đánh chiếm quận Mariupol, nơi theo chỉ thị của ông ta, quân đội Nga đã phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự và quan trọng cũng như giết hại dân thường.
Khi ở trên lãnh thổ của Mariupol, Mordvichev đã tổ chức một cuộc họp với thủ lĩnh của Chechnya, Ramzan Kadyrov, thông qua kế hoạch cuối cùng đánh chiếm thành phố, phong tỏa và tấn công Azovstal, liên quan đến việc giết những người Ukraine còn ở lại bên trong nhà máy thép.
Kể từ năm 2017, Quân khu Trung tâm do Đại tướng Oleksandr Lapin lãnh đạo. Vào Tháng Giêng năm 2023, truyền thông Nga đưa tin rằng ông được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Lực lượng Lục Quân. Mordvichev về thay cho ông ta.
3. Đồng minh của Putin Lukashenko mời Biden đến Belarus 'Để ngăn chặn chiến tranh'
Trong một diễn biến khá kỳ quặc, đồng minh của Putin là tổng thống Belarus, Alexander Lukashenko, đã đưa ra đề xuất mời Putin và tổng thống Joe Biden đến thủ đô của ông ta để hòa đàm. Các quan sát viên cho rằng Putin đang ép ông ta tham chiến. Ông ta không muốn nên đã nghĩ ra kế này để có cớ thoái thác.
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Ally Lukashenko Invites Biden to Belarus 'To Stop the War'“, nghĩa là “Đồng minh của Putin Lukashenko mời Biden đến Belarus 'Để ngăn chặn chiến tranh'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã mời tổng thống Nga Vladimir Putin và tổng thống Mỹ Joe Biden, tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Minsk nhằm “chấm dứt chiến tranh” ở Ukraine.
“Ngay cả Putin cũng sẽ bay sang Minsk để họp ba bên: hai 'kẻ hiếu chiến' và một tổng thống 'yêu chuộng hòa bình'. Tại sao không? Vì mục đích chấm dứt chiến tranh. Nếu ông ấy muốn chấm dứt chiến tranh, Ba Lan ở gần đây, tôi sẽ gửi một chiếc máy bay, nếu ông ấy muốn, một chiếc Boeing cho ông ấy, và chúng ta sẽ tiếp đón ông ấy”, hãng thông tấn BelTA dẫn lời ông Lukashenko nói với các phóng viên hôm thứ Năm.
Trong khi Belarus, một đồng minh trung thành của Điện Cẩm Linh, không trực tiếp tham gia cuộc xung đột Ukraine, quân đội Nga đã được phép tập trận trên lãnh thổ Belarus kể từ trước khi bắt đầu chiến tranh. Đất nước này đã được Nga sử dụng để phát động cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.
“Tại sao Biden lại đến Ba Lan? Tại sao lại là Ba Lan?” Lukashenko cho biết, đề cập đến thông báo của Tòa Bạch Ốc trong tuần này rằng Biden sẽ đến thăm Ba Lan trong tháng này để kỷ niệm một năm cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine.
Tòa Bạch Ốc cho biết Biden đang lên kế hoạch thăm Ba Lan từ ngày 20 đến 22 tháng 2 và ông sẽ gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và các nhà lãnh đạo khác.
“Chúng tôi rất hài lòng với lời mời này. Nếu ông ấy sẵn lòng, chúng ta sẵn sàng tiếp đón ông ấy ở Minsk và có một cuộc trò chuyện nghiêm túc, hãy vui lòng chuyển lời mời này cho ông ấy qua các kênh của bạn. Nếu ông ấy muốn hòa bình ở Ukraine xin đến đây”, Lukashenko nói.
“Chúng ta có các sân bay quốc tế. Lực lượng không quân của ông ta có thể hạ cánh ở đây”, Tổng thống Belarus nói tiếp. “Clinton đã đến thăm chúng ta một lần. Tại đây, với sự hiện diện của ông ấy, ba chúng tôi, tôi bảo đảm với các bạn rằng Vladimir Vladimirovich Putin sẽ đến, sẽ ngồi xuống và giải quyết vấn đề. Chúng tôi sẽ có thể giải quyết tất cả các vấn đề ở đây.”
Lukashenko cho biết ông tin rằng Biden “sẽ không đến”, nhưng “ông ấy nên đến vì mục đích kết thúc chiến tranh, để ngăn chặn thêm thiệt hại về nhân mạng.”
“Biden sẽ ở lại Ba Lan, vì Ba Lan là con linh cẩu của Âu Châu và đóng vai trò tích cực nhất trong việc leo thang chiến tranh ở Ukraine hiện nay. Ba Lan ồn ào nhất hiện nay, thậm chí còn ồn ào hơn cả Mỹ”, Tổng thống Belarus nói.
“Vì vậy, tôi mời các bạn và tổng thống của các bạn đến Minsk. Chúng tôi sẽ bảo đảm an ninh, an toàn và thoải mái. Và quan trọng nhất, ông ấy sẽ không hối tiếc về chuyến thăm này. Hãy xem mọi thứ có thể diễn ra như thế nào.”
Lukashenko thậm chí còn gợi ý mời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tham gia các cuộc đàm phán được đề xuất, “nếu Biden sẵn sàng.”
“Zelenskiy có thể bay ngay qua biên giới, không phải mất công bay qua Warsaw làm gì. Người Nga và tôi sẽ bảo đảm chuyến đi an toàn của anh ấy tới Belarus. Bốn mươi phút và anh ấy ở đây. Từ Kyiv đến Minsk,” Lukashenko nói.
Trong một cuộc phỏng vấn khác cũng vào hôm thứ Năm, Lukashenko đã vạch ra với điều kiện để Belarud sẵn sàng tham gia cùng Nga trong cuộc xung đột.
Lukashenko nói với các phóng viên: “Tôi sẵn sàng chiến đấu cùng với người Nga từ lãnh thổ Belarus chỉ trong một trường hợp—nếu ít nhất một người lính nào đó đến lãnh thổ Belarus để giết người của tôi.”
“Nếu họ gây hấn với Belarus, câu trả lời sẽ rất tàn nhẫn,” ông nói, theo hãng thông tấn nhà nước BelTA của Belarus, đồng thời cho biết thêm rằng trong một kịch bản như vậy, “cuộc chiến sẽ mang một tính chất hoàn toàn khác”.
Lukashenko cũng nói, “chúng tôi biết chiến tranh là gì và chúng tôi không muốn chiến tranh” và rằng Nga là “đồng minh của chúng tôi, về mặt pháp lý, đạo đức và chính trị.”
Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, DC, đã lưu ý trong đánh giá hàng ngày về cuộc xung đột vào hôm thứ Năm rằng Lukashenko đã kể lại câu chuyện này như một con két kể từ tháng 2 năm 2022.
ISW cho biết: “Quyết định nhắc lại điều đó hôm nay của ông ấy có thể là một phần trong chiến dịch thông tin kéo dài của Nga cho thấy lực lượng bộ binh thông thường của Belarus có thể tham gia cuộc xâm lược Ukraine của Nga”. “Chúng ta tiếp tục đánh giá rằng các lực lượng Belarus rất khó có khả năng xâm lược Ukraine dù có hay không có lực lượng Nga.”
4. Điện Cẩm Linh nói rằng Washington “không có khả năng” hoan nghênh đề xuất của Lukashenko về hội nghị thượng đỉnh ba bên với Putin và Biden
Điện Cẩm Linh cho biết hôm thứ Sáu rằng Washington “không có khả năng” hoan nghênh sáng kiến do Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đưa ra nhằm làm trung gian cho các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Phát ngôn nhân của ông Putin, Dmitry Peskov, cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ: “Không có khả năng Washington sẽ phản ứng tích cực với sáng kiến này”.
Nhấn mạnh thêm liệu Điện Cẩm Linh có sẵn sàng cho một cuộc gặp như vậy về nguyên tắc hay không, ông Peskov nói: “Tổng thống Putin luôn sẵn sàng đối thoại với tổng thống Belarus, người sẽ có mặt ở Mạc Tư Khoa hôm nay.”
Vào hôm thứ Năm, Lukashenko cho biết ông ta muốn tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình, kêu gọi CNN chuyển tiếp thông điệp: “Nếu Biden có mong muốn, hãy chuyển cho ông ấy qua các kênh của các bạn rằng chúng ta sẵn sàng chào đón ông ấy ở Minsk và nói chuyện nghiêm túc với ông ấy nếu ông ấy muốn hòa bình ở Ukraine. Ngay cả Putin cũng sẽ bay tới Minsk, và chúng tôi có thể gặp nhau ở đây, ba người chúng tôi -- hai kẻ hiếu chiến và một Tổng thống yêu chuộng hòa bình. Tại sao không?”
Putin đã hội đàm với Lukashenko tại dinh thự Novo-Ogaryovo của ông vào hôm thứ Sáu. Theo Điện Cẩm Linh, hai vị tổng thống đang lên kế hoạch xem xét “các vấn đề chính nhằm phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược và liên minh Nga-Belarus, cũng như hợp tác hội nhập trong khuôn khổ Nhà nước Liên minh”.
5. Số quân nhân Nga thiệt mạng ở Ukraine tăng lên đến 141.260
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Sáu 17 tháng Hai, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết những kẻ xâm lược Nga không di tản những người lính bị thương của họ khỏi những vùng chiến sự nóng bỏng nhất ở Ukraine, hầu hết họ đã chết nên tổn thất của đối phương có thể cao hơn nhiều so với báo cáo chính thức.
“Tôi muốn lưu ý rằng các bản cập nhật về tổn thất của đối phương rất gần với số liệu thực tế, nhưng một số điều không được tính đến. Người Nga thực sự không di tản những người bị thương của họ và hầu hết trong số họ kết thúc với tư cách là những người bị giết trong chiến đấu. Các tù binh hiện đang bị chúng ta giam giữ cũng xác nhận điều này”, cô Maliar nói.
Cô cũng lưu ý rằng vẫn rất khó để xác định chính xác số người chết sau khi một quả đạn bắn trúng cụm nhân lực của đối phương. Do đó, cô nhấn mạnh rằng thiệt hại của đối phương có thể cao hơn so với con số đã được báo cáo.
Nhận xét về tình hình gần Vuhledar và Bakhmut, Thứ trưởng Hanna Maliar nói rằng đối phương đã chịu tổn thất lớn trong khu vực nên các nỗ lực tấn công hiện tại không quá dữ dội.
“Đối phương đang tiến lên, sử dụng lực lượng lớn nhưng họ bị tổn thất đáng kể. Hiện tại, đối phương đã tích lũy được một số lượng nhân lực nhất định có thể gây sát thương và tấn công nhưng lấn chiếm lãnh thổ thì không đủ sức. Điều duy nhất họ có thể làm là theo đuổi các nỗ lực quấy rối nhằm kìm chân quân ta. Nhưng, theo tôi, không thể có một cuộc tấn công toàn diện vào những khu vực này ngay bây giờ. Đối phương đã thực sự đau khổ, và tiếp tục hứng chịu những tổn thất to lớn mỗi ngày –cả ở Vuhledar và Bakhmut. Trong ngày hôm qua, quân Nga đã mất ít nhất hai đại đội chỉ riêng ở hướng Vuhledar.”
Trong 24 giờ qua, 800 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến, cùng với 2 xe tăng, 3 xe thiết giáp, 16 hệ thống pháo, một hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 2 hệ thống phòng không.
Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 17 Tháng Hai, 141.260 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổng thiệt hại chiến đấu của đối phương bao gồm 3.298 xe tăng, 6.520 xe thiết giáp, 2.322 hệ thống pháo, 467 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 241 hệ thống phòng không, 298 máy bay chiến đấu, 287 máy bay trực thăng, 2.013 máy bay không người lái, 871 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.187 phương tiện cơ giới, và 221 đơn vị thiết bị đặc biệt.
6. Bảo vệ sứ quán Anh làm gián điệp cho Nga lĩnh án 13 năm tù
Một nhân viên bảo vệ đại sứ quán Anh bị bắt làm gián điệp cho Nga đã bị tòa án Luân Đôn kết án 13 năm 2 tháng tù.
David Ballantyne Smith, 58 tuổi, gốc Paisley ở Tô Cách Lan, đã thu thập các tài liệu bí mật và chuyển chúng cho chính quyền Nga khi đang làm nhân viên bảo vệ tại đại sứ quán ở Berlin. Anh ta bị bắt sau một hoạt động bí mật vào năm 2021 và đã thừa nhận tám tội danh theo Đạo luật bí mật chính thức.
Smith đã nhận tội vào tháng 11 với 8 tội danh theo Đạo luật bảo mật, bao gồm một tội danh liên quan đến việc chuyển thông tin cho Thiếu tướng Sergey Chukhrov, tùy viên quân sự tòa Đại Sứ Nga tại Berlin, vào tháng 11 năm 2020.
7. Nga bổ nhiệm tư lệnh quân đội mới
Trang web của Bộ Quốc phòng Nga đã đăng một bản cập nhật xác nhận việc bổ nhiệm lãnh đạo mới của các quân khu
Trung tướng Andrei Mordvichev hiện là người đứng đầu Quân khu Trung tâm, thay thế Đại tướng Alexander Lapin. Lapin được bổ nhiệm làm tham mưu trưởng Lục Quân của Nga vào tháng trước.
Mordvichev trước đây chỉ huy quân đoàn hỗn hợp thứ 8 của quân khu phía nam của Nga. Ông đã lãnh đạo quân đội trong cuộc tấn công năm ngoái tại thành phố cảng Mariupol của Ukraine, hãng tin RBC đưa tin, đỉnh điểm là cuộc bao vây kéo dài hàng tháng tại nhà máy thép Azovstal và cuối cùng chiếm được nó.
Các lực lượng Ukraine tuyên bố hồi tháng 3 rằng họ đã giết Mordvichev. Đáp lại, truyền thông nhà nước Nga đã phát sóng một đoạn video cho thấy Ramzan Kadyrov, nhà lãnh đạo Chechnya do Điện Cẩm Linh bổ nhiệm, gọi Mordvichev là “chỉ huy giỏi nhất”.
Việc bổ nhiệm Mordvichev diễn ra sau những thay đổi sâu rộng khác đối với giới lãnh đạo quân đội Nga. Valery Gerasimov, tổng tham mưu trưởng, được bổ nhiệm làm chỉ huy chung của Nga trong cuộc chiến ở Ukraine vào tháng Giêng. Sergei Surovikin, một vị tướng khét tiếng được giới truyền thông Nga đặt biệt danh là “Tướng quân Ngày Tận Thế”, người được bổ nhiệm làm tổng chỉ huy quân đội vào tháng 10, bị giáng xuống làm phó tướng cho Gerasimov.
Yevgeny Nikiforov là Tư lệnh Quân khu phía Tây, Rustam Muradov là Tư lệnh Quân khu phía Đông và Sergey Kuzovlev là Tư lệnh Quân khu phía Nam.
8. Các nhà lãnh đạo thế giới tập trung trước ngày kỷ niệm chiến tranh để thảo luận về hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris sẽ tham gia cùng các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức, nơi cuộc chiến ở Ukraine sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nằm trong số những người phát biểu vào thứ Sáu, ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cũng sẽ xuất hiện qua liên kết video.
Hội nghị diễn ra ngay trước lễ kỷ niệm một năm ngày Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng Hai.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu Josep Borrell là một trong số các quan chức hàng đầu khác tham dự.
Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen đã viết trên Twitter vào sáng thứ Sáu: “Đã gần một năm kể từ khi Nga mang cuộc chiến tranh đế quốc đến lục địa của chúng ta. Tại Munich, chúng ta hãy tái cam kết đối với một trật tự toàn cầu được điều hành bởi pháp quyền – không phải quyền của sức mạnh.”
Các quan chức chính phủ Nga không được mời tham dự cuộc họp thường niên năm nay.
John Allen của tờ Crux chỉ ra rằng có những vị Giám Mục xứng đáng và được tín nhiệm đến mức các ngài hoàn toàn có thể trở thành Giáo Hoàng, nhưng vì những lý do nào đó các ngài không được tấn phong Hồng Y. Ông gọi đó là chính trị của mật nghị để ngăn cản các vị này trở thành Giáo Hoàng.
Ông trình bày quan điểm của mình trong bài “Pondering the ‘cardinals who aren’t’ and the politics of the next conclave”, nghĩa là “Suy ngẫm về 'những người không phải là Hồng Y' và chính trị của mật nghị tiếp theo.” Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Chúng ta biết rằng có một phe bảo thủ của Giáo Hội Công Giáo không hài lòng với một số khía cạnh trong chương trình nghị sự của Đức Thánh Cha Phanxicô, và chúng ta cũng biết rằng ngay cả trong một Hồng Y đoàn mà đa số là những người được Đức Phanxicô bổ nhiệm, tầm nhìn đó vẫn có những điều sau đây. Điều khó hiểu hơn là những cử tri “không liên tục” này có thể tập hợp xung quanh ai, vì hầu hết những người bảo thủ có thể xác định được trong số các Hồng Y hiện tại đều bị coi là quá cực đoan, hoặc đơn giản là thiếu sự nghiêm túc thích hợp để trở thành giáo hoàng.
Suy đi tính lại, thực sự có một lý do chính đáng tại sao lại xảy ra như vậy: Một số nhân vật mà phe trung hữu Công Giáo sẽ bị thu hút, và những người, trong những trường hợp khác, đã là Hồng Y, đã bị lặng lẽ loại khỏi câu lạc bộ.
Hãy xem xét năm vị giám chức này, những người, nếu là Hồng Y, sẽ là nhân vật nổi bật trong cuộc thảo luận:
Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher của Sydney, Úc, 62 tuổi
Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Los Angeles, 71 tuổi
Đức Tổng Giám Mục Ignatius Kaigama của Abuja, Nigeria, 64 tuổi
Đức Tổng Giám Mục Marek Jędraszewski của Krakow, Ba Lan, 73 tuổi
Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz của Minsk, Belarus, 77 tuổi
Tất cả năm vị giám chức này đều ở trong các tổng giáo phận thường do một Hồng Y lãnh đạo. Tất cả đều được coi là từ ôn hòa đến bảo thủ, và tất cả đều là những cá nhân nghiêm túc với sự đào tạo và kinh nghiệm được coi trọng.
Cùng với nhau, năm nhân vật này đã được duyệt xét hơn 36 lần cho chiếc mũ đỏ của một Hồng Y. Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz dẫn đầu nhóm, đã chứng kiến 12 công nghị đến và đi kể từ khi được bổ nhiệm làm tổng giám mục mà ngài không được lọt vào danh sách, tiếp theo là Đức Tổng Giám Mục Gomez, người đã 10 lần bị loại khỏi danh sách tân Hồng Y. Đức Tổng Giám Mục Fisher đã bỏ lỡ bảy cuộc bầu chọn, Đức Cha Jędraszewski năm lần và Đức Cha Kaigama hai lần.
Đức Tổng Giám Mục Fisher có thể là ví dụ thuyết phục nhất về một vị lẽ ra phải là Hồng Y, thậm chí bình thường ra, ngài có thể là ứng cử viên giáo hoàng hàng đầu.
Là một tu sĩ Dòng Đa Minh, Đức Tổng Giám Mục Fisher có học vị rất cao, đã lấy bằng tiến sĩ triết học tại Oxford, chuyên về đạo đức sinh học. Về mặt chính trị, ngài được coi là một người bảo thủ ôn hòa, đã bắt đầu sự nghiệp của mình ở Úc với tư cách là người được Đức cố Hồng Y George Pell bảo trợ - thực sự, khi Đức Cha Fisher được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá của Sydney vào năm 2003 ở tuổi 43, ngài được mệnh danh một cách không chính thức là “Cậu bé George.”
Trong những năm qua, Đức Cha Fisher đôi khi được mô tả là “George Pell với nụ cười tươi” – trong khi Đức Hồng Y Pell có thể mạnh mẽ và không ngại tranh cãi, thì Đức Cha Fisher lại tỏ ra hiền lành, khiêm tốn và cư xử hòa nhã, đồng thời không kém phần nghiêm khắc trong việc bảo vệ tính chính thống của Công Giáo.
Hơn nữa, Đức Cha Fisher cũng có một câu chuyện cá nhân hấp dẫn. Năm 2015, ngài bị Hội chứng Guillain-Barré tấn công, một chứng rối loạn tự miễn dịch gây tổn thương hệ thần kinh. Ngài bị liệt hoàn toàn từ cổ trở xuống và vô cùng đau đớn, và phải dành 5 tháng tiếp theo trong bệnh viện để học lại cách đi lại, cách cầm dao kéo và tất cả những công việc cơ bản mà hầu hết mọi người đều coi là đương nhiên.
Hôm nay đã bình phục hoàn toàn, Đức Cha Fisher trích dẫn kinh nghiệm cá nhân vào năm 2021 để giải thích sự phản đối của ngài đối với dự thảo luật trợ tử ở Úc.
Về phần mình, Đức Cha Kaigama có lẽ sẽ là một ứng cử viên được thảo luận nhiều với tư cách là “giáo hoàng da đen” nếu ngài là một Hồng Y. Ngài tốt nghiệp Đại học Grêgôriô do Dòng Tên điều hành ở Rôma và là cựu chủ tịch của cả hội đồng giám mục Nigeria và hội đồng giám mục Tây Phi.
Đức Cha Kaigama được đánh giá cao khi theo đuổi đối thoại liên tôn ở Nigeria, nơi có dân số hỗn hợp giữa Kitô giáo và Hồi giáo lớn nhất thế giới, đồng thời thẳng thắn lên án bạo lực chống Kitô giáo.
Vào năm 2014, Đức Cha Kaigama đã bảo vệ một đạo luật gây tranh cãi của Nigeria nhằm trừng phạt tội đồng tính luyến ái. Vào tháng 10 cùng năm, ngài tham gia Thượng hội đồng Giám mục về gia đình của Đức Thánh Cha Phanxicô, phàn nàn rằng các chính phủ và tổ chức phi chính phủ phương Tây thường cố gắng buộc các quốc gia Phi Châu chấp nhận một nền luân lý tình dục tự do như một điều kiện để được viện trợ nhân đạo.
“Chúng ta bị các tổ chức, quốc gia và nhóm quốc tế lôi kéo chúng ta đi chệch khỏi các tập quán và truyền thống văn hóa và thậm chí cả niềm tin tôn giáo của chúng ta vì họ nghĩ rằng quan điểm của họ nên là của chúng ta, quan điểm và quan niệm sống của họ nên là của chúng ta,” Đức Cha Kaigama nói.
“Nhưng, như họ nói, chúng ta đã đến tuổi trưởng thành,” ngài nói.
Ở Los Angeles, Đức Cha Gomez sinh ra ở Mễ Tây Cơ sẽ là người gốc Tây Ban Nha duy nhất trong số các Hồng Y người Mỹ, nếu ngài được đội mũ đỏ, và là người lãnh đạo trong Giáo Hội Hoa Kỳ về các cuộc tranh luận về nhập cư. Ngài được coi là một người bảo thủ vì xuất thân của ngài trong Opus Dei và là người được Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput bảo trợ, trong thời gian Đức Cha Gomez phục vụ với tư cách là Giám Mục Phụ Tá của Đức Tổng Giám Mục Chaput ở Denver.
Trong nhiệm kỳ 2019-2022 với tư cách là chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Gomez đã gây chú ý khi thách thức thẳng thừng Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, cảnh báo trong một tuyên bố nhân lễ nhậm chức của Biden rằng tân tổng thống ủng hộ “một số chính sách sẽ thúc đẩy các tệ nạn đạo đức, đe dọa tính mạng và phẩm giá con người, nghiêm trọng nhất là trong các lĩnh vực phá thai, ngừa thai, hôn nhân và giới tính.”
Đức Cha Jędraszewski là bạn thân của Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, và đã quen với Đức Hồng Y Karol Wojtyla lúc bấy giờ vào giữa những năm 1970 khi linh mục Jędraszewski đang sống tại Đại học Ba Lan ở Rôma và Đức Hồng Y Wojtyla là khách quen. Giống như Đức Gioan Phaolô II, Đức Cha Jędraszewski đã quan tâm đến việc nghiên cứu các triết gia thế tục đương thời, thực hiện nghiên cứu sau đại học về Gabriel Marcel, Paul Riceour, Jean-Paul Sartre và Emmanuel Levinas.
Khi Đức Cha Jędraszewski được bổ nhiệm Tổng Giám Mục Krakow vào năm 2017, một nhà bình luận đã mô tả ngài là “một chiến binh có văn hóa chính thống sâu sắc, không ngại bày tỏ bằng lời những sự thật không được ưa chuộng”. Trong những năm kể từ đó, Đức Cha Jędraszewski đã nêu rõ quan điểm bảo thủ về phá thai, phương pháp thụ thai trong ống nghiệm, lý thuyết đồng tính luyến ái và giới tính, và thậm chí cả lễ kỷ niệm Halloween.
Về phần Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz, ngài là một anh hùng trong phe chống Cộng sản của Giáo hội, đã lãnh đạo thành công cộng đồng Công Giáo nhỏ ở Nga trong hai thập kỷ, trong đó có 5 năm với tư cách là Tổng Giám mục của “Tổng giáo phận Mẹ Thiên Chúa tại Mạc Tư Khoa, và sau đó đưa Giáo Hội ở quốc gia vệ tinh Belarus của Nga tiến lên.
Trong số những người chỉ trích Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz là một anh hùng được sùng bái.
Vào tháng 8 năm 2020, ngài bị cấm nhập cảnh trở lại Belarus sau khi đến thăm Ba Lan, do ủng hộ các cuộc biểu tình phản đối cuộc bầu cử chứng kiến Tổng thống Alexander Lukashenko trở lại nắm quyền bất chấp nhiều lời phàn nàn về gian lận phiếu bầu. Cuối cùng, Đức Cha Kondrusiewicz được phép trở lại đất nước vào cuối tháng 12, và chỉ 10 ngày sau, vào ngày 3 Tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của ngài – làm dấy lên suy đoán rằng Đức Phanxicô đã thực hiện một thỏa thuận bí mật để giữ thể diện với Belarus. Đức Cha Kondrusiewicz trở lại đất nước với điều kiện ngài sẽ nhanh chóng bị tước bỏ quyền lực.
Mặc dù tuổi 77 của Kondrusiewicz có thể được coi là một nhược điểm, nhưng điều đáng ghi nhớ là hai giáo hoàng gần đây nhất, Đức Bênêđíctô XVI và Đức Thánh Cha Phanxicô, lần lượt được bầu ở tuổi 78 và 76.
Tất nhiên, về mặt lý thuyết, có thể một hoặc nhiều trong số các vị Giám Mục này có thể nổi lên như một ứng cử viên giáo hoàng ngay cả khi các ngài chưa được đội mũ đỏ. Theo luật Giáo Hội, yêu cầu duy nhất để trở thành giáo hoàng là phải là nam giới và đã được rửa tội. Tuy nhiên, lần cuối cùng một giáo hoàng được bầu từ bên ngoài Hồng Y đoàn là Đức Giáo Hoàng Urbanô Đệ Lục vào năm 1378, và đó không hẳn là tiền lệ hứa hẹn nhất vì nó đã gây ra Đại ly giáo phương Tây và “sự giam cầm của người Babylon” đối với Đức Giáo Hoàng ở Avignon.
Mặt khác, tất cả chúng ta đều nghĩ rằng việc từ chức của Đức Giáo Hoàng cũng là chuyện của quá khứ cho đến khi Đức Bênêđictô XVI làm điều đó, vì vậy không nên quá cứng nhắc. Trong khi chờ đợi, ít nhất cũng đáng suy ngẫm về chính sách kế vị giáo hoàng có thể khác biệt như thế nào nếu năm nhân vật này được đưa vào Hồng Y Đoàn.
Source:Crux
1. Ngũ Giác Đài cho biết Hoa Kỳ hoàn thành việc trục vớt khinh khí cầu do thám Trung Quốc ngoài khơi Nam Carolina
Công việc trục vớt khinh khí cầu của Trung Quốc bị bắn rơi ở Nam Carolina cho thấy hàng loạt các thiết bị điện tử và các ăngten nhằm do thám đã được thiết kế trên chiếc khinh khí cầu này. Tờ New York Post có bài tường trình nhan đề “US completes Chinese spy balloon recovery off South Carolina: Pentagon”, nghĩa là “Ngũ Giác Đài cho biết Hoa Kỳ hoàn thành việc trục vớt khinh khí cầu do thám Trung Quốc ngoài khơi Nam Carolina.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.
Ngũ Giác Đài thông báo hôm thứ Sáu rằng quân đội Hoa Kỳ đã hoàn thành việc trục vớt khinh khí cầu do thám Trung Quốc bị bắn hạ hôm 4 tháng Hai sau khi nó đã trải qua một tuần đi từ Alaska đến Nam Carolina vào đầu tháng này.
Hải quân hôm thứ Năm đã kết thúc các nỗ lực trục vớt bắt đầu sau khi Tổng thống Biden ra lệnh bắn hạ vào ngày 4 tháng 2 thiết bị do thám đã lảng vảng trên các địa điểm quân sự nhạy cảm của Hoa Kỳ dọc theo đường đi của nó.
Chỉ huy NORAD, Tướng Glen VanHerck đã mô tả khinh khí cầu cao gần 200 feet hay 61 mét với trọng tải có kích thước bằng một chiếc máy bay phản lực, khi bị bắn hạ đã tạo ra nhiều mảnh vỡ cần phải thu thập.
Khi các mảnh trọng tải được thu hồi, Hải quân đã giúp vận chuyển chúng vào bờ, nơi chúng được các nhà điều tra liên bang thu giữ và gửi đến Phòng thí nghiệm của FBI tại Quantico, Virginia.
Các quan chức Mỹ hy vọng sẽ sử dụng các mảnh vỡ để tìm hiểu thêm về khả năng và mục đích của khinh khí cầu, cũng như hiểu rõ hơn về chương trình khinh khí cầu do thám của Trung Quốc.
Hải quân phải mất 12 ngày để thu hồi các mảnh vỡ của khinh khí cầu từ đáy đại dương do thời tiết và mặt biển đầy sóng gió ảnh hưởng đến hoạt động, bắt đầu với tàu khảo sát USNS Pathfinder “sử dụng sonar và các phương tiện khác để lập bản đồ khu vực các mảnh vỡ,” Tướng VanHerck cho biết vào ngày 6 tháng 2.
Vào thời điểm đó, VanHerck ước tính mảnh vụn rơi trong khu vực có kích thước khoảng dưới một dặm vuông một chút.
Khu vực xung quanh khinh khí cầu bị rơi đã bị đóng cửa đối với giao thông hàng hải và hàng không trong quá trình phục hồi. Bộ Quốc phòng cho biết các tuyến đường đó đã được mở lại và các tàu của Hải quân và Cảnh sát biển đã rời khỏi khu vực.
Các nỗ lực phục hồi ba UFO bị quân đội bắn hạ trong nhiều ngày cuối tuần trước vẫn đang được tiếp diễn. Hoa Kỳ đang dẫn đầu các nỗ lực thu thập các vật thể bị bắn rơi ở Alaska vào hôm thứ Sáu tuần trước và trên Hồ Huron vào hôm Chúa Nhật, trong khi các quan chức Canada đang làm việc để thu hồi UFO bị bắn rơi ở tây bắc Canada vào hôm Chúa Nhật.
Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, nói với các phóng viên hôm thứ Ba rằng ông không thể đưa ra ước tính khi nào việc thu hồi sẽ hoàn tất vì các vật thể đã hạ cánh “ở địa hình rất khó khăn”.
Ông nói: “Điểm thứ hai ngoài khơi bờ biển Alaska — đó là ở một số địa hình thực sự rất khó khăn ở Vòng Bắc Cực, với nhiệt độ rất, rất thấp trong khoảng âm 40 độ. “Cái thứ hai là ở Rockies của Canada trong vùng Yukon — rất khó kiếm được cái đó. Và cái thứ ba ở Hồ Huron ở độ sâu có lẽ vài trăm feet.”
Cuối ngày thứ Năm, Cảnh sát Hoàng gia Canada cho biết họ đã đình chỉ việc tìm kiếm vật thể ở Hồ Huron, trong khi việc tìm kiếm UFO Yukon vẫn đang tiếp tục.
2. Tòa Bạch Ốc cho biết các kênh ngoại giao với Trung Quốc được mở lại nhưng các kênh quân sự với Trung Quốc vẫn bị đóng
Tờ Washington Examiner có bài tường trình nhan đề “White House says diplomatic but not military channels to China are open”, nghĩa là “Tòa Bạch Ốc cho biết các kênh ngoại giao với Trung Quốc được mở lại nhưng các kênh quân sự với Trung Quốc vẫn bị đóng.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.
Tòa Bạch Ốc cho biết các kênh ngoại giao vẫn được mở giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tuy nhiên, cho đến nay, các kênh quân sự vẫn tiếp tục bị đóng.
Khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đi qua lục địa Hoa Kỳ trước khi quân đội Hoa Kỳ bắn hạ nó ngoài khơi bờ biển Nam Carolina là sự việc mới nhất giữa hai quốc gia thù địch. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hủy chuyến công du Trung Quốc sau sự việc khinh khí cầu.
Điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby nói với các phóng viên hôm thứ Sáu rằng Blinken vẫn có đường dây liên lạc mở với người đồng cấp Trung Quốc, mặc dù ông lưu ý rằng Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đang đối mặt với một tình huống khó khăn khác.
Ông giải thích: “Tôi nhận ra rằng có những căng thẳng nhưng Bộ trưởng Blinken vẫn có một đường dây liên lạc mở với bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc. Chúng ta vẫn có một đại sứ quán ở Bắc Kinh với một đại sứ tuyệt vời, Nick Burns, và Bộ Ngoại giao cũng có thể liên lạc trực tiếp với nhân viên Đại sứ quán Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở đây, vì vậy các đường dây luôn được mở. Thật không may, các đường dây quân sự không mở. Và đó thực sự là những gì chúng ta muốn thấy được sửa đổi.”
Ngũ Giác Đài đã liên hệ với các đối tác Trung Quốc để thiết lập một cuộc điện đàm giữa Austin và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Ngụy Phượng Hòa vào ngày khinh khí cầu bị bắn rơi, nhưng phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Pat Ryder, cho biết trong một tuyên bố vài ngày sau đó rằng “Trung Quốc đã từ chối yêu cầu của chúng ta.”
Đầu tuần này, Austin cho biết Trung Quốc đóng các kênh quân sự “khi có điều gì đó xảy ra,” trong một cuộc phỏng vấn với NBC News, trong khi ông mô tả xu hướng này là “nguy hiểm”.
“Khi có chuyện gì đó xảy ra, bằng cách nào đó, họ có xu hướng tắt các kênh liên lạc quân sự của mình,” Austin nói. “Tôi nghĩ điều đó thật nguy hiểm, nhưng điều đó sẽ không ngăn cản tôi tiếp tục khuyến khích họ mở rộng các đường dây liên lạc. Tôi nghĩ đó là điều nên làm.”
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Vương Văn Bân nói với các phóng viên hôm thứ Năm rằng Hoa Kỳ “không nên phản ứng thái quá” và các quan chức Trung Quốc đã cáo buộc Hoa Kỳ thả những khinh khí cầu tương tự vào không phận Trung Quốc, một tuyên bố mà Tướng Kirby đã bác bỏ một cách quyết liệt.
3. Vật thể lạ bị hỏa tiễn Mỹ giá 400.000 Mỹ Kim bắn hạ có thể chỉ là khinh khí cầu trị giá 12 đô la của những người chơi nghiệp dư
Nhóm các nhà chơi khinh khí cầu tài tử của Illinois cho biết một khinh khí cầu của họ đã bị mất tích vào ngày hỏa tiễn quân sự trị giá 439.000 đô la phá hủy một UFO gần đó
Nhóm các nhà chơi khinh khí cầu tài tử của Illinois có thể đã giải đáp được bí ẩn về một trong những vật thể bay không xác định bị quân đội Hoa Kỳ bắn hạ vào tuần trước, một câu chuyện đã làm say mê cả nước.
Lữ đoàn Khinh khí cầu Nắp chai ở phía Bắc Illinois cho biết một trong những khinh khí cầu của họ đã “mất tích” trên bầu trời Alaska vào ngày 11 tháng 2, cùng ngày một máy bay phản lực F-22 của Hoa Kỳ bắn rơi một UFO cách đó không xa trên lãnh thổ Yukon của Canada.
Trong một bài đăng trên blog, nhóm đã không liên kết hai sự kiện. Nhưng quỹ đạo của khinh khí cầu pico được ghi lại lần cuối vào lúc 12:48 sáng ngày hôm đó cho thấy có mối liên hệ với vụ bắn hạ bởi một hỏa tiễn sidewinder vào ngày thứ 124 trong hành trình của khinh khí cầu này.
Nếu đó là những gì đã xảy ra, thì điều đó có nghĩa là quân đội Hoa Kỳ đã sử dụng một hỏa tiễn trị giá 439.000 đô la để hạ gục một khinh khí cầu vô thưởng vô phạt trị giá khoảng 12 đô la.
Vật thể phía trên Yukon là vật thể thứ hai trong số ba vật thể bị hạ gục theo lệnh của Joe Biden trong những ngày liên tiếp vào cuối tuần qua sau khi khinh khí cầu do thám Trung Quốc bị bắn rơi trên Đại Tây Dương, sau khi nó ra tới bờ biển Nam Carolina vào ngày 4 tháng Hai.
Các quan chức Mỹ trong tuần cho biết ba vật thể bị bắn hạ sau khi khinh khí cầu do thám Trung Quốc bị phá hủy có thể là vật thể lành tính và có khả năng là vật thể thương mại hoặc có liên quan đến nghiên cứu khí hậu hay giải trí.
Hôm thứ Năm, sau nhiều ngày chịu áp lực từ các nhà lập pháp Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, và trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao leo thang với Trung Quốc, Biden đã phá vỡ sự im lặng của mình. Tổng thống cho biết: “Hiện tại không có gì cho thấy chúng có liên quan đến chương trình khinh khí cầu do thám của Trung Quốc hoặc chúng là phương tiện giám sát từ bất kỳ quốc gia nào khác”.
Ông nói rằng họ đã bị loại bỏ vì các nhà chức trách coi họ là mối đe dọa đối với hàng không, mặc dù một số nhà quan sát cho rằng việc bắn rơi là một phản ứng thái quá trong bối cảnh áp lực chính trị đối với việc phát hiện ra khinh khí cầu Trung Quốc.
Thành viên của lữ đoàn Illinois là một “nhóm nhỏ những người đam mê khinh khí cầu pico” đã hoạt động từ tháng 6 năm 2021.
Lữ đoàn cho biết khinh khí cầu pico có đường kính 81 centi mét, và chúng có độ cao bay từ 9,7km đến 15km, một phạm vi tương tự như máy bay thương mại.
Chúng chứa thiết bị theo dõi, tấm pin mặt trời và gói ăng-ten nhẹ hơn cả một con chim nhỏ và những khinh khí cầu được lấp đầy bằng cách sử dụng chưa tới một 28 lít khí. Theo Aviation Week, chúng là những khinh khí cầu sở thích nhỏ có giá khởi điểm khoảng 12 đô la.
Phát ngôn nhân của hội đồng an ninh quốc gia John Kirby nói với các phóng viên rằng các nỗ lực đang được thực hiện để xác định vị trí và xác định phần còn lại của các vật thể bị bắn hạ, nhưng quá trình này bị cản trở bởi vị trí xa xôi và thời tiết băng giá.
Kirby cũng cho biết “không có bằng chứng” cho thấy hoạt động ngoài trái đất đang diễn ra ở bất kỳ vật thể nào bị bắn rơi, nhưng tổng thống đã ra lệnh thành lập một nhóm liên ngành “để nghiên cứu các tác động chính sách rộng lớn hơn đối với việc phát hiện, phân tích và giải quyết các UFO về rủi ro, an toàn và an ninh”.