Ngày 19-02-2017
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Câu chuyện của người phụ nữ trong vụ án Roe chống Wade dẫn đến phán quyết cho phép phá thai tại Hoa Kỳ
Đặng Tự Do
16:59 19/02/2017
Bà Norma là người đứng giữa
Lúc 22 tuổi, Norma McCorvey, không chồng, sa lầy trong nghiện ngập, nghèo đói và tuyệt vọng đã có thai ngoài ý muốn và trở thành Jane Roe, nguyên đơn trong phán quyết cho phép phá thai vào năm 1973 của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Bà đã qua đời ngày 18 tháng 2, 2017 tại một trung tâm trợ giúp sinh hoạt tại Katy, Texas; thọ 69 tuổi.

Norma McCorvey sinh tại Simmesport, La vào ngày 22 tháng 9, năm 1947. Học đến lớp Chín thì nghỉ học. Ở tuổi thiếu niên, Norma đã bắt đầu một cuộc hôn nhân ngắn ngủi với một người thợ làm các tấm kim loại tên là Elwood McCorvey. Mẹ cô phải nuôi đứa con gái của họ. Đứa con thứ hai của bà sinh ra ngoài giá thú, đã được một gia đình khác nhận làm con nuôi.

Đứa con thứ ba là đứa con trong vụ án “Roe chống Wade”. Trong nhiều năm, bà tuyên bố rằng việc mang thai Roe là kết quả của một vụ cưỡng hiếp. Nhưng năm 1987, bà nói lại, và cho biết bà đã có thai “trong một quan hệ tôi nghĩ là tình yêu.”

Norma McCorvey cho biết đã mang thai em bé Roe trong một mối quan hệ ở Dallas. Khi cô tìm cách phá thai, một luật sư về vấn đề con nuôi đã hướng dẫn cô đến với hai luật sư Linda Coffee và Sarah Weddington, vừa tốt nghiệp luật khoa và đang tìm kiếm một nguyên đơn để thách thức tính hợp hiến của luật chống phá thai của tiểu bang Texas.

Norma McCorvey nói với tờ New York Times vào năm 1994 rằng lúc đó cô chỉ muốn được phá thai, thậm chí là bất hợp pháp cũng được. Cô không ngờ mình đã bị lừa để làm ra lớn chuyện như thế.

Chính luật sư Sarah Weddington là người đã từng phá thai, biết rõ đường đi nước bước, nhưng đã muốn cô giữ bào thai ấy để phục vụ cho vụ kiện của mình. Norma McCorvey cho biết:

“Sarah ngồi ngay trước mặt tôi tại tiệm bánh pizza Columbo, và tôi chỉ mới biết cách nay hai năm là người luật sư này đã từng phá thai. Khi tôi nói với cô ấy là lúc đó tôi rất cần phá thai, lẽ ra cô ta có thể chỉ cho tôi một địa chỉ nào đó. Nhưng cô ta đã không làm như thế vì cô ấy cần tôi mang thai trong vụ kiện của mình.”

Để bảo vệ tính riêng tư, nguyên đơn Norma McCorvey lấy tên là Jane Roe trong vụ kiện chống lại ông Henry Wade, thẩm phán tòa án Dallas County. Cho nên, vụ kiện này gọi là vụ kiện Roe chống Wade.

Vào ngày 22 tháng Giêng năm 1973, Tòa án Tối cao đã ra phán quyết với tỷ số 7-2 cho phép phá thai trên toàn cõi Hoa Kỳ. Tại thời điểm Tối cao Pháp viện công bố quyết định này, em bé đã 2 tuổi rưỡi.

Sau phán quyết của Tối cao Pháp viện, Jane Roe tiết lộ thân phận thật của mình trong các cuộc phỏng vấn và sau đó trong một cuốn hồi ký của Andy Meisler, “I Am Roe” (1994 ). Cô được các phong trào phò phá thai tung hô như người phụ nữ tiên phong giành quyền tự do cho nữ giới và được vào làm việc tại các cơ sở phá thai.

Trở thành người chống phá thai

Flip Benham là một mục sư Tin Lành, lãnh đạo nhóm Operation Rescue, chống phá thai và trợ giúp cho các bà mẹ gặp khó khăn để giúp họ giữ các bào thai. Ông mở văn phòng ngay bên cạnh trung tâm phá thai mà McCorvey đang làm việc. Ông tìm cách hoán cải bà và cuối cùng thành công.

Norma McCorvey tuyên bố gia nhập đạo Tin Lành và hăng say trong các hoạt động phò sinh. Chuyển biến này là một thắng lợi quan trọng cho phong trào phò sự sống tại Mỹ. Trước chuyển biến này của bà, luật sư Sarah Weddington, là người phò phá thai đã đưa đẩy bà Norma tới vụ kiện Roe chống Wade quay sang nhiếc móc thân chủ cũ của mình là một người “thực sự khao khát và tìm kiếm sự chú ý.” Tuy nhiên, Norma McCorvey nói rằng bà chỉ “lo lắng về phần rỗi linh hồn” của mình.

Sau cuốn hồi ký, “Won By Love” (1997), với tác giả Gary Thomas, cô tham gia trong việc thành lập trụ sở phò sinh ở Dallas lấy tên “Roe No More” và tuyên bố trở thành một người Công Giáo. Cô tham gia vào các cuộc biểu tình chống phá thai và đã bị bắt vào năm 2009 khi xông vào Thượng viện trong khi các thượng nghị sĩ họp để phê chuẩn việc tổng thống Barrack Obama đề cử Sonia Sotomayor vào Tối cao Pháp viện.
 
Quân Iraq tổng tấn công vào khu vực phiá Tây Mosul
Đặng Tự Do
17:39 19/02/2017
Trận chiến tại Athbah lúc 10h sáng Chúa Nhật 19/2/2017
Mờ sáng Chúa Nhật 19 tháng Hai, quân Iraq đã mở cuộc tấn công dữ dội nhằm giải phóng phần còn lại của thành phố Mosul.

Chính phủ Iraq đã phát động cuộc tấn công để chiếm lại Mosul vào ngày 17 tháng 10, năm ngoái 2016, và đã tuyên bố phần phía đông Mosul được “hoàn toàn giải phóng” vào ngày 24 tháng Giêng năm nay.

Sau gần một tháng tạm dừng, các lực lượng giải phóng Iraq đã bắt đầu phần khó khăn nhất của chiến dịch là giải phóng phần phía Tây sông Tigris nơi nhà cửa, đường phố chật hẹp trong khu phố cổ của Mosul.

“Lực lượng của chúng ta đang bắt đầu giải phóng thường dân khỏi sự khủng bố của Daesh”, Thủ tướng Haider al-Abadi cho biết như trên trong một bài phát biểu ngắn trên đài truyền hình quốc gia vào sáng Chúa Nhật.

Quân Iraq tiến từ phía Nam và phía Bắc vào khu vực phía Tây sông Tigris, chứ không thể tấn công từ phía Đông. 5 cây cầu bắc qua sông Tigris đã bị thiệt hại nặng. Hơn nữa, bọn khủng bố Hồi Giáo IS tập trung một lực lượng lớn tại các tòa nhà sát bên sông Tigris. Các nỗ lực vượt sông Tigris sẽ phải hứng chịu các thương vong rất lớn.

Một chỉ huy quân đội thông báo rằng các lực lượng cảnh sát liên bang Iraq đã tái chiếm được 10 ngôi làng phía nam thành phố Mosul, bao gồm Athbah, và bao vây sân bay Mosul.

Tướng cảnh sát Abbas al-Juburi cho biết:

“Chúng tôi đã bắt đầu chiến dịch lúc 07h sáng nay và chúng tôi đang tiến công vào sân bay Mosul”.

Phía nam bầu trời Mosul bao trùm trong màn khói đen từ các cuộc không kích của không quân và pháo binh trong khi đoàn xe bọc thép tấn công vào sân bay từ nhiều phía khác nhau.

Liên quân do Hoa Kỳ lãnh đạo cho biết đã thực hiện tổng cộng 40 cuộc không kích vào ngày thứ Bảy 18 tháng Hai vào 9 mục tiêu trong khu vực Mosul.

Liên Hiệp Quốc ước lượng có từ 650,000 đến 800,000 thường dân vẫn còn kẹt lại trong phần phía Tây của Mosul. Trong đó, có thể có đến 350,000 trẻ em.

Hôm thứ Bẩy, máy bay của Iraq đã thả hàng triệu truyền đơn xuống khu vực này để hướng dẫn thường dân và kêu gọi bọn khủng bố Hồi Giáo IS đầu hàng vô điều kiện.

Khoảng 6,000 quân khủng bố được tin là đang tử thủ bên trong phần phía Tây của Mosul. Vài ngày trước đó, bọn khủng bố bắt dân chúng phải ghi danh vào lực lượng tự vệ. Tuy nhiên, sáng Chúa Nhật không có mấy người xuất hiện. Đài truyền hình Iraq cho biết quân khủng bố dùng các xe tải có gắn các loa phóng thanh cực lớn chạy quanh thành phố đe nẹt những người không ra trình diện.

Trong một diễn biến khác, bọn khủng bố Hồi Giáo IS bao vây một chung cư nơi có ít nhất ba lá cờ Iraq được ai đó treo lên trong một cố gắng tìm ra thủ phạm. Nếu người dân ở khu vực phía Tây Mosul nổi dậy, cuộc chiến có thể sẽ kết thúc nhanh hơn dự đoán.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Đồng Trì, Tổng Giáo Phận Hà Nội, mừng kính 156 năm Cha Thánh Ven được phúc tử đạo
Giáo Xứ Đông Trì
10:48 19/02/2017
Giáo xứ Đồng Trì, Tổng Giáo Phận Hà Nội, mừng kính 156 năm Cha Thánh Ven được phúc tử đạo (1861 – 2017)

Theo truyền thống ngày 18 tháng 2 hàng năm, giáo xứ Đồng Trì (giáo hạt Chính tòa, TGP Hà Nội) mừng kính trọng thể sinh nhật trên Nước Trời của Cha Thánh Gioan Ven (Théophane Vénard) - Quan thầy Đệ nhị Giáo xứ Đồng Trì. Năm 2017 là kỷ niệm 156 năm Cha Thánh được phúc tử đạo (1861 - 2017).

Xem Hình

Trước đó, cộng đoàn Giáo xứ đã tổ chức chương trình Diễn nguyện tôn vinh Cha Thánh vào tối ngày 17 tháng 02 hôm trước ngày lễ chính. Chương trình Diễn nguyện ngoài sự tham gia của các Hội đoàn trong giáo xứ, còn qui tụ đông đảo các đoàn của các giáo họ trong giáo xứ. Cha nguyên Chính xứ Giuse Maria Vũ Thanh Cảnh đã về tham dự và khai mạc Chương trình.

Sáng 18/02/2017, chính ngày lễ mừng kính trọng thể 156 năm Cha Thánh Théophane Vénard (Ven) được phúc tử đạo. Trước Thánh lễ vào lúc 8h30, Cha bản hương Giuse Nguyễn Thực Nghiệm đã chủ sự cuộc rước hài cốt tôn vinh Cha Thánh Gioan Ven quanh làng Đồng Trì. Năm nay hiện diện trong cuộc rước tôn vinh Cha thánh còn có đoàn Cồng Chiêng của Giáo xứ Mường Riệc (Hòa Bình). Cuộc rước diễn ra trong sự trang nghiêm và sốt sắng của cộng đoàn giáo xứ và đông đảo quý khách hàng hương.

10h30, Thánh lễ mừng kính Cha Thánh đã được cử hành trọng thể do Cha Phêrô Bùi Ngọc Tuấn, nguyên chính xứ Đồng Trì chủ sự. Cùng đồng tế với Ngài còn có cha xứ Antôn Trần Duy Lương, ngoài ra còn có hiện diện của Cha nguyên chính xứ Giuse Nguyễn Văn Tuyền, quý cha giáo Đại chủng viện Thánh Giuse, quý cha trong giáo hạt Chính tòa và Dòng Vinh Sơn, quý tu sỹ nam nữ, các giáo xứ bạn cùng về hiệp dâng Thánh lễ mừng kính Cha Thánh với cộng đoàn giáo xứ Đồng Trì.

Trong bài giảng, Cha Phêrô Nguyễn Quang Tiến (dòng Vinh Sơn) đã quảng diễn Lời Chúa mà Ngài kín múc từ trong ba bài sách thánh. Đồng thời, Ngài cũng đã nhấn mạnh với cộng đoàn về sự hiến trọn cuộc đời mình cho công cuộc rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô tại Việt Nam của Cha Thánh Ven và những ân huệ mà Thiên Chúa đã ban tặng cho Giáo xứ qua lời chuyển cầu của Cha Thánh Ven trong suốt thời gian qua.

Kết thúc Thánh lễ, Cha chủ sự và đoàn đồng tế đã xông hương Thánh Tích của Cha Thánh Gioan Ven và cùng với đoàn đồng tế và giáo dân tiến đến hôn thánh tích trong tiếng nhạc và tiếng ca oai hùng ca ngợi các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

TÓM TẮT TIỂU SỬ CHA THÁNH GIOAN THÉOPHANE VÉNARD (VEN)

- Sinh ngày: 21-11-1829

- Sinh tại: Saint Loup sur Thouet, Poitiersm, Pháp

- Chịu chức Linh mục năm 1852 - thuộc Hội Thừa sai Paris.

- Truyền giáo tại Việt Nam từ năm 1854.

- Ngày 30-11-1860, Ngài bị bắt và giải về Kẻ Chợ.

- Ngày 02-02-1861, Ngài bị trảm quyết.

- Sau khi bị trảm quyết, thủ cấp của cha Ven bị bêu lên cây ba ngày, sau đó thả trôi trên sông Hồng, giáo dân xứ Đồng Trì đã vớt được và an táng cùng xác của Ngài tại Giáo xứ.

- Năm 1865, Hài cốt của Ngài được chuyển về an táng tại Hội Thừa Sai Paris, Pháp.

- Ngày 2-5-1909, Đức Thánh Cha Pi-ô X tôn phong Chân Phúc cho Cha Ven.

- Ngày 19-6-1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn phong Cha Ven lên bậc Hiển Thánh.

Sau đây là một số hình ảnh về ngày lễ:

TRUYỀN THÔNG GIÁO XỨ ĐỒNG TRÌ
 
Thánh lễ phong chức Phó tế tại Nhà Chung Giáo phận Phú Cường
Toma Đỗ Lộc Sơn
16:35 19/02/2017
Thánh lễ phong chức Phó tế cho thầy Casimia Nguyễn Ngọc Thanh, OMI tại Nhà Chung Giáo phận Phú Cường

Trong nắng sớm rực rỡ cùng một chút se lạnh của những ngày xuân còn đọng lại, khuôn viên Nhà Chung Giáo phận Phú Cường cảnh người và vật đua nhau khoe hương khoe sắc để đón chào một sự kiện vui sắp xảy ra nơi đây.

Xem Hình

9 giờ sáng ngày 18/2/2017, Nguyện đường trên lầu cao đã kín chỗ, Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước chủ sự thánh lễ phong chức phó tế cho thầy Casimia Nguyễn Ngọc Thanh thuộc Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm (OMI), Tạ ơn mừng các Chân Phước tử đạo tại nước Lào và bế mạc Năm Thánh kỷ niệm 200 năm thành lập Dòng OMI.

Cùng hiệp dâng có cha Emmanuel Trần Quang Khương, OMI – Bề trên Sứ Vụ Việt Nam, quý cha trong giáo phận Phú Cường, quý cha dòng OMI. Tham dự có quý tu sĩ và đông đảo bà con giáo dân và thân nhân, ân nhân tiến chức ước khoảng 300 người.

Đức Cha Giuse ngỏ lời cảm ơn đến tất cả mọi người hiện diện rất đông đảo trong ngày hôm nay, có những người ở rất xa từ Kontum, cho thấy nhà dòng đã thể hiện công việc loan truyền Tin Mừng một cách hiệu quả. Chúng ta cầu nguyện cho thầy Casimia được luôn trung thành với ơn Chúa cùng với sức khỏe để chu toàn sứ vụ mới.

Được biết: Ngày 11/12/2016 vừa qua, tại Viên chăn thủ đô nước Lào, Giáo Hội đã tuyên phong 17 Chân phước tử đạo tại đây, trong đó có 6 anh em Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp vào ngày thứ sáu 7 tháng 10-2016 nhân dịp kỷ niệm 200 năm thành lập. Sau cuộc Cách mạng Pháp và trước sự suy yếu đáng kể của Giáo Hội tại đây, Thánh Eugène de Mazenod (1782-1861) đau lòng trước tình trạng đức tin của các tín hữu ở Provence bị lãng quên. Khởi đi từ ghi nhận này, năm 1816 Thánh de Mazenod đã thành lập Dòng ở Aix-en-Provence. Sau này ngài là Giám mục địa phận Marseille và được Đức Gioan-Phaolô II phong thánh năm 1995.

Toma Đỗ Lộc Sơn
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Vua David
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
10:32 19/02/2017
Vua David

Trong kinh cầu Đức Bà có câu cầu xin: „Đức Bà như lâu đài Da-vít vậy“. Da-vít là ai mà sao lại so sánh ví như vậy ?

1. David được tuyển chọn làm vua dân Israel

Vào thời xa xưa bên Israel, các vị Vua có vai trò vị trí rất nổi bật quan trọng. Vua là cha của dân tộc, nên số phận dân tộc tùy thuộc vào nhà vua.

Nếu một vị vua cai trị dân với đức tính công bình chính trực, với nghệ thuật cao điều hành chính trị và có lòng đạo đức, cung cách của vua đó thuyế phục mang lại lòng tin tưởng nơi người dân. Và có thể nói nói được mọi sự việc diễn xảy ra tốt đẹp.

Từ căn bản được dân chúng tin tưởng, họ cho rằng vị vua đó được Thiên Chúa tuyển chọn.

Vai trò vị trí khác thường của vua thể hiện ở chỗ nữa, vua đứng là vị đại diện Thiên Chúa trước toàn dân , và ngược lại vua đại diện cho dân trước Thiên Chúa. Chính vì thế vua giữ vai trò lớn lao cho dân.

Trong các vị vua Israel của thời kinh thánh cựu ước vua David là vị vua có bao gồm những đặc điểm đó.

Nơi Kinh thánh Cựu và Tân ước không có tên vua nào được viết nói nhắc đến nhiều như vua David với 889 lần.

2. Triều đại vua David trong Kinh Thánh

David - theo tiếng Do Thái có ý nghĩa Người được yêu mến - mở mắt chào đời vào năm 1034 trước Chua giáng ở Bethlehem. Ông là người con thứ tám cũng con trai út trong gia đình Isai thuộc chi tộc Juda. Ông qua đời năm 971 trước Chúa giáng sinh ở Gierusalem. Ông làm Vua cai trị Israel từ năm 1004 đến 971 v.C.

David theo theo sách 1. và 2. Samuel, sách 1. Các Vua và sách 1. Biên niên sử của Kinh Thánh Cựu ước, là Vua của chi tộc Giuda và là người kế các vị Vua Sa-un.

Vua David sống vào năm 1000. trước Chúa giáng sinh , Ông cũng đồng thời là tác giả của nhiều Thánh Vịnh.

Vào thời trước David các Ngôn sứ tuyển chọn những người có uy tín làm trưởng tộc cai trị dân Israel. Nhưng với David thì khác, Ông là người được tuyển chọn cai trị làm vua cai trị dân và được Thiên Chúa kêu gọi cho công việc loan truyền đức tin của dân Israel vào Thiên Chúa, Đấng đồng hành ở giữa con người. (1. Samuel 16, 1-13).

Thiên Chúa sai ngôn sứ Samuel đi tìm tấn phong David làm Vua chăn dắt dân Israel theo tôn chỉ: „ Đừng xét theo hình dáng và vóc người cao lớn của nó, vì ta đã gạt bỏ nó. Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm. Người phàm chỉ thất điều mắt thấy, còn Thiên Chúa thì thấy tận đáy lòng. „ ( 1.Samuel 16,7).

Theo tôn chỉ này, người được kêu gọi tuyển chọn toàn thể bản chất của họ. Thiên Chúa kêu gọi chấp nhận mặt sáng cũng như bóng tối, khả năng cũng như những mặt trái tận sâu thẳm nơi họ.

Theo tôn chỉ Thiên Chúa đã qua Ngôn sứ Samuel tuyển chọn xức dầu phong Davis làm Vua cho dân Israel.

3. Vua David và Chúa Giêsu

Trong gia phả Chúa Giêsu do Thánnh sử Mattheo viết thuật lại Chúa Giêsu Kitô có liên quan dòng máu là con cháu thuộc dòng dõi Vua David.( Mattheo 1, 1-17)

Cây gia phả chia là ba khúc thời kỳ:Thời kỳ thứ nhất từ Tổ Abraham đến Vua David có 14 đời, thời kỳ thứ hai từ Vua Salomon đến thời bị lưu đày sang Babylon với 14 đời, và thời kỳ thứ ba từ sau thời lưu đầy đến Chúa Giêsu Kito sinh ra có 14 đời.

Con số 14 là một con số tượng trưng suy ra từ tên Vua David theo nguyên ngữ Do Thái - theo nguyên ngữ tiếng Do Thái những vần chữ tên David hợp chung lại thành số 14 : D=4, W = 6 và D=4.

Và dựa theo tên Vua Davit, tổ tiên của Chúa Giêsu, nên gia phả cũng chia làm ba giai đoạn. Ba giai đoạn với ba lần 14 thế hệ trong lịch sử từ gốc rễ Abraham và Vua David đến Chúa Giêsu là cung ngai vĩnh cửu.

Nói đến David, như Kinh Thánh thuật lại nhớ đến một người trai trẻ thanh niên cân chiên cừu nhưng đã chiến thắng Goliath bằng mưu kế bắn dùng chiếc nỏ dây bắn viên đá giết chết Goliath dũng mãnh có gươm giáo (1.Samuel 17, 40-54).

Từ đó trong dân gian trở thành huyền thoại“ David chiến đấu chống Goliath“ muốn nói thế kẻ yếu bé nhỏ chiến đấu với kẻ dũng mạnh to lớn.

David là vị Vua có thiên tài khả năng không chỉ về cách thức cai trị dân, nhưng Ông còn là người có tâm hồn nếp sống đạo đức kính sợ Giave Thiên Chúa nữa, nên Ông đã sáng tác nhiều bài Thánh Vịnh ca tụng Thiên Chúa đầy âm điệu thi ca cùng rất giầu hình ảnh. Ngày nay trong Kinh Thánh Cựu ước có 150 Thánh Vịnh cho là do Vua David viết sáng tác.

Và Vua David cũng được nhìn nhận là người yêu thích cùng có khả năng âm nhạc. Vì thế trong nghệ thuật Ông được vẽ khắc tượng đang chơi đàn Lục huyền cầm (Harpe)

Vua David cũng được tôn kính là vị Thánh trong dân gian. Trong nếp sống Giáo Hội Công Giáo ngày 29.12. hằng năm là ngày kính nhớ Vua Thánh David.

Câu kinh cầu ca tụng: Đức Bà như lâu đài Da-vít vậy! muốn diễn tả nói cung lòng Đức mẹ Maria đã cưu mang sinh hạ Chúa Giêsu cũng tựa như hoàng cung Vua David ngày xưa là tổ tiên của Chúa Giêsu trên trần gian.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 
Văn Hóa
Thăm Maceió một thành phố phát triển nhanh chóng mặt
John
16:32 19/02/2017
MACEIÓ, BRAZIL - Đông Bắc Brazil có một số thành phố lớn mà ít người bên ngoài đã nghe nói đến, Maceió là một trong số những thành phố này. Thành phố này là một bất ngờ thực sự cho du khách lần đầu.

Thành phố này nằm giữa Mundaú Lagoon và Đại Tây Dương. Trung tâm thành phố có tổng số dân chừng 1 triệu người (nếu tính cả ngoại ô thì chừng 1.2 triệu) sống dưới một khí hậu nhiệt đới. Maceió là nơi có nhiều bãi biển đẹp, màu sắc của biển khác nhau từ xanh ngọc lục đổi thành màu xanh, nước luôn luôn trong suốt nhìn thấu đáy. Cát có màu trắng và có nhiều đồn điền trồng dừa.

Hình ảnh

Maceió nằm trong tiểu bang Alagoas, là tiểu bang khô cằn: bụi và khô, nhưng vì Maceió nằm bên bờ biển nên mát và xanh tươi hơn. Tên Maceió theo từ ngữ bản địa có nghĩa là "vùng nước mùa xuân." Ở đây có những bãi biển đẹp, các đầm nước, các rạn san hô và các đầm lầy ngập nước mặn rộng lớn.

Kinh tế của thành phố từ lâu được tập trung vào sản xuất và xuất khẩu mía đường trong khu vực, và trong những năm gần đây thành này được biến hóa nhờ sự bùng nổ dầu ethanol tại Brazil. Và ngành du lịch bắt đầu phát triển.

Với việc thành lập các nhà máy mía đường trong thế kỷ 19 và sự xuất hiện của tàu lấy gỗ từ vịnh Jaragua, Maceió bắt đầu xuất khẩu đường, sau đó thuốc lá, dừa, da thuộc, và một số gia vị. Từ một ngôi làng đánh cá vào năm 1815, nhưng nhờ sự gia tăng liên tục phát triển ngành đường mía và nông nghiệp của nó, Maceió trở thành thủ phủ của bang Alagoas vào ngày 9 Tháng 12 năm 1839.

Về mặt văn hoá, du khách sớm làm quen với Lampião. Đó là một tên cướp cao bồi, trước đây đã từng chiến đấu chống các chủ đất trong những năm thập niên 1920 và 1930 và đã trở thành một anh hùng dân gian.

Nếu du khách đến vào giữa tháng Sáu, thì sẽ trải nghiệm Lễ Hội Festa Junina. Lễ này được người Bồ Đào Nha đem đến để kính thánh Gioan Tiền Hô vào ngày 24/6, là một trong những lễ hội lâu đời nhất và phổ biến nhất trong năm.

Các lễ hội truyền thống khác vào đêm trước Lễ kính Thánh St Anthony ngày 12 tháng 6 và kéo dài cho đến ngày 29/6, đó là ngày Thánh Phêrô. Trong vòng 15 ngày này, dân chúng đốt đống lửa, pháo hoa, múa dân gian trên đường phố, có bán giải khát và các món ăn dân gian.

Như với lễ hội Carnival ở nơi khác trên đất Brazil, bao gồm nhiều cuộc nhảy múa, uống rượu và đốt pháo hoa và dân chúng Brazil mặc trang phục lễ hội mầu sắc.

Về mặt văn hóa có Bảo tàng Théo Brandão (về dân gian và nghệ thuật nguyên thủy), Bảo tàng Lịch sử Alagoas và Geografical (về mỹ thuật và lịch sử), Bảo tàng Pierre Chalita (về mỹ thuật), Bảo tàng hình ảnh và âm nhạc (nhiếp ảnh, điện ảnh, triển lãm âm thanh), Bảo tàng thể thao, Bảo tàng lịch sử tự nhiên UFAL (bảo tàng phục vụ tra cứu và tìm kiếm các Đại học Liên bang Alagoas).

Tour đi vòng quanh Maceió:

Cảng Jaragua nằm trong một khu vực cảng tự nhiên tạo điều kiện cho các tàu đáp bến và vận chuyển hàng hóa trong suốt thời kỳ thuộc địa của Brazil, các sản phẩm quan trọng nhất xuất khẩu từ đó cổng là đường, thuốc lá, dừa và gia vị.

Từ cảng Jaragua khi tầu cập bến, chúng tôi đã lấy tour du lịch đi tham quan những nơi đáng chú ý của thành phố. Trước hết xe chở đi qua Lagoon Anta rồi đi dọc theo các bãi biển ở Pajucara, Ponta Verde và Jatiuca.

Từ đó, tiếp tục vào trung tâm thành phố đến thăm Nhà thờ Metropolitan nằm trên đồi nhìn ngay xuống quảng trường rộng có các tòa nhà chính phủ bao quanh. Gần đây cũng cũng là Tòa Tổng Giám Mục của Giáo Phận Maceió.

Các tòa nhà lịch sử bao gồm nhà thờ Our Lady of Pleasures (1840), Nhà hát Deodoro, thị trường thành phố, Bảo tàng Lịch sử Viện và Floriano Peixoto Palace,

Qua phía Bắc của trung tâm thành phố, du khách đưọc chiêm ngưỡng phong cảnh tuyệt đẹp của khu vực từ trạm Lookout trên đỉnh Mirante de Sao Goncalo Hill - điểm cao nhất của thành Maceio.

Tiếp đến là đi qua các khu dân cư của Prado và Trapiche da Barra. Đoạn dừng chân tại Trung tâm Thủ công mỹ nghệ Pontal da Barra. Ở đây, ngư dân và thợ thủ công sản xuất và bán thủ công mỹ nghệ địa phương. Trên các con đường nhỏ hẹp trước nhà ngư dân nghèo, có bầy nhiều quầy hàng bán các mặt hàng làm bằng rơm, gỗ, gốm và ren.

Cây dừa trước đây được trồng khắp nơi Maceio, nhưng gần đây các cao ốc phát triển mạnh nên đã bị lấn chiếm, tuy không còn nhiều vườn đừa nhưng trên các bãi biển vẫn còn những hàng dừa rợp bóng mát, và trên mọi nẻo đường mùa nóng đều thấy các quán bán trại dừa tươi. Nước đừa cũng giúp xác định các món ăn hải sản dựa trên sự phong phú của dừa. Hãy thử món súp “sururu” được làm bằng dầu cây cọ và nước đừa, hoặc món “bredo” tức là món rau spinach nấu chín trong nước sốt dừa.

Ẩm thực bao gồm cá, tôm, cua và tôm hùm là một số đặc sản của Maceió. Hải sản tươi sống được chế biến từ công thức nấu ăn địa phương, chẳng hạn như bột sắn, acarajé, carne-de-sol, cuscuz sắn và nhiều món ăn đặc trưng khác.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Theo Mẹ Lên Chùa
Nguyễn Bá Khanh
19:30 19/02/2017
THEO MẸ LÊN CHÙA
Ảnh của Nguyễn Bá Khanh
Tháng Giêng theo mẹ lên chùa
Em diện áo mới khăn mầu gấm xanh
Mẹ khen bé rất tinh anh.
(nbk)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 14-20/02/2017: Các nỗ lực để phục hồi Aleppo
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:12 19/02/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Một linh mục Việt Nam viết thư cho tổng thống Trump xin “nhường” quốc tịch Mỹ cho một người Syria tị nạn

Trong một diễn biến đáng kinh ngạc, một linh mục Công Giáo Việt là người đã chạy trốn cộng sản sang Mỹ sau chiến tranh Việt Nam đã viết thư cho Tổng thống Trump xin “nhường lại” quốc tịch Mỹ của ngài để ông Trump có thể trao cái quốc tịch ấy cho một người tị nạn Syria, trong số những người bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ theo một sắc lệnh gây nhiều tranh cãi của Tổng thống liên quan đến Syria và sáu quốc gia Hồi giáo khác.

Cha Nguyễn Hoài Chương, một thành viên của dòng Salêdiêng, cũng nói ông Trump rằng ngài sẽ yêu cầu bề trên của mình cho phép sang làm việc mục vụ tại một trong bảy quốc gia trong danh sách bị cấm.

Trong thư viết cho tổng thống, cha Chương, đang làm mục vụ cho cộng đồng Việt ở Los Angeles và điều hành một trung tâm thanh niên Công Giáo ở đó, viết: “Vâng! Tôi là một người tị nạn. Tôi là một người Mỹ và tôi đã đóng góp cho nước Mỹ tuyệt vời này theo cách riêng của tôi trong 42 năm qua kể từ khi tôi được cấp quy chế tị nạn tại đất nước tuyệt vời này. Nhưng bây giờ, tôi muốn từ bỏ quốc tịch Hoa Kỳ của tôi và yêu cầu tổng thống ban nó cho một người tị nạn Syria”

“Tôi chắc chắn rằng họ, cũng giống như tất cả những người tị nạn khác, sẽ không lãng phí món quà của cuộc sống này. Ngoài ra, tôi tin rằng cùng với con cháu của họ, họ sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại”.

Bức thư đã được đăng hôm thứ Sáu 10 tháng 2 trên tạp chí Công Giáo Commonweal bởi Peter Steinfels, một trí thức và là ký giả kỳ cựu trong chuyên mục tôn giáo của tờ New York Times. Một người bạn của Steinfels đã gửi bức thư này cho ông.

Bức thư đề ngày 27 tháng Giêng, ngày bắt đầu năm mới Âm Lịch, một thời gian của hy vọng và các lễ lạc kỷ niệm, như cha Chương ghi nhận.

Nhưng cũng vào đúng ngày đó ông Trump đã ký sắc lệnh ngăn chặn những người tị nạn từ 7 nước như là một phần trong kế hoạch “cấm” người Hồi giáo vào Hoa Kỳ - một động thái mà ông tin sẽ giữ cho Hoa Kỳ được an ninh và tránh được các cuộc tấn công khủng bố.

Các nhà phê bình lưu ý rằng người tị nạn gần như không bao giờ phạm vào các tội tấn công khủng bố và , như CNN ghi nhận, “thủ phạm chính của các vụ tấn công khủng bố lớn chủ yếu lại chính là các công dân Hoa Kỳ được sinh ra tại Mỹ hoặc có quyền cư trú hợp pháp vĩnh viễn từ các nước không nằm trong lệnh cấm này.”

Một tòa án phúc thẩm liên bang đã ra phán quyết nói lệnh cấm của Trump là trái hiến pháp và chính quyền được báo cáo là đang tìm cách đưa vụ này ra Tòa án tối cao hoặc sửa đổi lại sắc lệnh với hy vọng nó sẽ được những tòa án thấp hơn cho phép.

Khi cha Chương đọc sắc lệnh này, ngài đã viết cho tổng thống, “lòng tôi nặng trĩu”

Cha Chương đã trình bày với tổng thống những chi tiết cuộc hành trình gian khổ của ngài khi rời Việt Nam vào năm 1975, cùng với hàng trăm ngàn “thuyền nhân” khác, khi cộng sản chiếm được miền Nam Việt Nam sau khi Mỹ rút lui.

Cha mẹ của cha Chương đã đưa các con, ở độ tuổi từ 6 đến 21, ra đi trên một chiếc thuyền chật chội không có thuyền trưởng, với một ít thức ăn và nước uống. Một tuần sau đó, dưới sự hộ tống của các lực lượng hải quân Hoa Kỳ, họ đã đến một nơi an toàn ở Phi Luật Tân. Hàng trăm ngàn người khác đã bị chết đuối khi cố gắng thoát khỏi chế độ cộng sản Việt Nam.

Cha Chương viết: “Trở thành một người tị nạn là một lựa chọn bất đắc dĩ khi người không còn lựa chọn nào khác”.

Sau đó, cha Chương kể lại cách thức ngài đến được Hoa Kỳ, trở thành một linh mục và cống hiến cuộc sống cho việc xây dựng một đất nước đã mở rộng vòng tay với ngài và những người khác.

Bây giờ, cha Chương nói ngài sẵn sàng nhường lại quyền công dân của mình cho một người tị nạn khác, nếu ông Trump cho phép.

Cho đến ngày thứ Bẩy 11 tháng Hai, Tòa Bạch Ốc vẫn chưa có thư trả lời cho cha Chương. Các quan sát viên cũng không biết liệu việc “nhường lại quyền công dân” này có khả thi hay không theo luật pháp Hoa Kỳ.

2. Bắc Kinh tuyên bố chẳng có thỏa thuận gì với Tòa Thánh về vấn đề bổ nhiệm Giám Mục

Một quan chức cấp cao Trung Quốc đã nói thẳng thừng rằng chế độ Bắc Kinh chẳng có thỏa thuận gì với Tòa Thánh về vấn đề bổ nhiệm Giám Mục; và bác bỏ mọi khả năng công nhận các Giám Mục thầm lặng.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ South China Morning Post, Lưu Bách Niên, người đứng đầu Hiệp hội Công Giáo Yêu nước, nói các giám mục “thầm lặng” (tức là những vị được Tòa Thánh công nhận nhưng cộng sản không nhìn nhận như các Giám Mục) là “không thích hợp để làm việc với đảng cộng sản”.

Lưu Bách Niên thường được gọi là “giáo hoàng đen” ở Trung quốc vì y có toàn quyền trong việc bổ nhiệm và tấn phong các giám mục.

Đức Hồng Y Gioan Thang Hán đã tung ra một bài viết vào ngày 9 tháng Hai vừa qua với nhan đề “Tương lai của cuộc đối thoại Trung quốc - Vatican từ quan điểm Giáo Hội học”. Trong bài viết này ngài cho rằng một thỏa thuận giữa Tòa Thánh và Trung quốc về vấn đề bổ nhiệm Giám Mục đã gần kề, Vatican sẽ nhìn nhận các giám mục Trung quốc được tấn phong trái phép trong thời gian qua, ngược lại cộng sản Bắc Kinh sẽ nhìn nhận các giám mục “thầm lặng”. Phản ứng lại bài viết này, Lưu Bách Niên nói đó chỉ là những suy đoán vô căn cứ của riêng Đức Hồng Y Thang Hán.

Đức Hồng Y Thang Hán cũng đã cho rằng Hiệp hội Yêu nước, từ trước đến nay vẫn có một quyền bính tuyệt đối trên Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc, có thể được biến đổi thành một tổ chức tự nguyện. Lưu Bách Niên chế giễu ý tưởng đó và nói rằng: “Một đề nghị như thế chưa từng được nghe thấy trên đại lục này”.

3. Tổng giáo phận Lahore, Pakistan đóng cửa tất cả các nhà thờ và trường học để phản đối một vụ tấn công khủng bố

Sau khi một kẻ đánh bom tự sát giết chết ít nhất 13 người và làm bị thương 85 người khác trong một cuộc tấn công kinh hoàng hôm thứ Hai 13 tháng Hai bên ngoài trụ sở Quốc Hội bang Punjab ở Lahore, Pakistan, các nhà lãnh đạo Công Giáo đã phản ứng với sự phẫn nộ và quan tâm. Tất cả các trường học và thậm chí cả các nhà thờ ở Lahore đã bị đóng cửa như một biện pháp phòng ngừa.

Jamat-ul-Ahrar, một nhóm trong phe Taliban Pakistan đã tuyên bố chịu trách nhiệm trong vụ tấn công diễn ra trong cuộc biểu tình của Hiệp Hội Các Nhà Thuốc Tây và Các Dược Sĩ. Đây cũng chính là bọn khủng bố đã nổ bom tự sát tại công viên nơi các Kitô hữu tụ tập mừng lễ hôm Chúa Nhật Phục Sinh năm ngoái, giết chết 74 người gồm cả phụ nữ và trẻ em .

“Đây thực sự là một tin rất choáng váng và đau lòng khi thấy rằng một lần nữa Lahore đã trở thành mục tiêu của những kẻ khủng bố”, Cha James Channan, dòng Đa Minh, giám đốc Trung tâm Hòa bình Lahore nói.

“Pakistan đã là một mục tiêu dễ dàng cho các nhóm khủng bố trong nhiều năm qua. Tôi lên án hành động khủng bố này với những lời mạnh mẽ nhất”.

Cha Channan cũng đổ lỗi cho chính phủ Pakistan quá thờ ơ với các mối đe dọa và ngành an ninh Pakistan tỏ ra thiếu hiệu quả trong việc ngăn ngừa các tai ương khủng bố cũng như truy bắt các nhóm khủng bố.

“Tôi coi đó là một thất bại của chính phủ và các cơ quan thực thi pháp luật. Các biện pháp an ninh đã không được thực hiện và những kẻ khủng bố đã không bị bắt”.

Đức Tổng Giám mục Sebastian Shaw Francis Lahore tương tự bày tỏ nỗi buồn sâu sắc đối với các nạn nhân và cầu nguyện cho các gia đình. Ngài nói:

“Với nỗi buồn chân thành và sâu sắc nhất, thay mặt cho Giáo Hội tại Pakistan Tôi thông cảm với tất cả các gia đình bị thương tổn vì hành động nhẫn tâm và độc ác của chủ nghĩa khủng bố”.

4. Tình cảnh của nông dân Iraq sau khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS bị đánh bại

Sami Yuhanna đã có một cuộc sống khá giả trong việc canh tác lúa mì cho đến khi một nhóm thánh chiến Hồi Giáo kê súng vào đầu ông và tuyên bố đất đai của ông ở tỉnh Nineveh là tài sản của cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo”.

Quân đội Iraq đã giải phóng được nửa phía đông của thành phố Mosul, và các thị trấn lân cận trong đó có ngôi làng Qaraqosh của Yuhanna. Nay Yuhanna có thể về lại với mảnh đất của ông và chứng kiến một cảnh hoang tàn.

Khủng bố và quản lý yếu kém, là đặc trưng cho hai năm cai trị của bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã tàn phá trung tâm nông nghiệp của Iraq nặng nề và làm trầm trọng hơn vấn đề an ninh lương thực của đất nước.

Yuhanna, trước đây có thể bán khoảng 100 tấn lúa mì mỗi năm, hiện đang sống trong một căn chòi nhỏ và lái xe taxi ở thủ đô Erbil của người Kurd để sống còn. Ông vẫn còn bị ám ảnh bởi những ngày bọn khủng bố Hồi Giáo IS ập đến.

“Họ lấy mất tất cả mọi thứ mà tôi sở hữu,” ông nói.

Nông dân lo sợ ngành nông nghiệp có thể mất nhiều năm để phục hồi, với máy kéo bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS lấy mất, mìn chưa nổ trong mảnh đất của họ và các cơ sở nông nghiệp bị thiệt hại do các cuộc không kích của liên quân đánh vào bọn khủng bố, là những kẻ bán các mặt hàng như lúa mì với giá rẻ mạt để tài trợ cho hoạt động của chúng.

Nineveh là khu vực nông nghiệp năng suất cao nhất của Iraq trước khi xuất hiện bọn khủng bố Hồi Giáo IS, với năng xuất khoảng 1.5 triệu tấn lúa mì trong một năm, tức là khoảng 21 phần trăm tổng sản lượng lúa mì của Iraq, và 32 phần trăm tổng sản lượng lúa mạch ở quốc gia này.

Ước tính có khoảng 70 phần trăm nông dân đã bỏ chạy khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS tấn công, và những người ở lại - hoặc là tham gia vào IS hoặc phải đóng thuế rất nặng.

Là một Kitô hữu, Yuhanna lãnh đủ những đau khổ do những kẻ cực đoan Sunni gây ra.

“Những người chống lại tôi, tất cả đều là người trong khu vực này. Tôi biết mặt từng người trong số họ. Họ tham gia vào Daesh.” Daesh là tiếng Ả rập chỉ bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

5. Phục hồi các di sản văn hóa tại Aleppo

Aleppo là một trong những trung tâm văn hóa lịch sử lớn nhất Trung Đông, nơi đây đã từng là Hoàng Cung của một vương triều mạnh nhất Trung Đông. Tại đây có các nhà thờ và đền Hồi Giáo được xây từ thời Trung Cổ, nằm giữa các tòa nhà đẹp nhất của khu vực và là niềm tự hào của quốc gia cũng như tạo ra nguồn doanh thu du lịch cho Syria.

Trong đoạn video này chúng ta có thể thấy các tình nguyện viên đang thu dọn các tàn tích chiến tranh tại Khan al-Gumruk, một trong những nhà trọ từ thời Trung cổ.

Khoảng 30 phần trăm của thành phố cũ đã bị hư hại bởi thảm họa chiến tranh trong cuộc chiến kéo dài từ ngày 19 tháng 7 năm 2012 đến ngày 22 tháng 12 năm ngoái 2016.

Các viên chức của Bộ Văn Hóa chính phủ Syria nói với Reuters, sau cuộc viếng thăm lần đầu tiên thành phố này kể từ khi phiến quân đã bị buộc phải đầu hàng, rằng các quan chức đang thảo ra một kế hoạch để cứu những di tích văn hóa tại đây.

6. Các nỗ lực để phục hồi Aleppo

Một thành phố bị bom đạn tàn phá. Chính phủ Syria đang khôi phục lại một số cơ sở hạ tầng trong các khu vực của Aleppo. Có một sự yên hàn nào đó đang lơ lửng trên những đống đổ nát. Nhưng những vết sẹo của cuộc bao vây đẫm máu ở đây vẫn còn lại. Việc tái chiếm Aleppo là chiến thắng lớn nhất trong cuộc chiến của Tổng thống Bashar al-Assad cho đến nay. Nhưng để giành chiến thắng trong hòa bình, nhiều nỗ lực cần phải bỏ ra để tái thiết thành phố này. Feras Al-Shehabi, Giám Đốc Sở Công Nghiệp, nói

“Hiện nay, bạn có thể nói tình hình của chúng tôi rất tương tự như tình hình của Berlin vào năm 1945 hoặc của Tokyo vào năm 1946. Nó rất giống như thế. Trước mắt bạn là một thành phố bị phá hủy, bị phá hủy nặng nề, nhưng chúng tôi có một ý chí mạnh mẽ để tồn tại và một niềm tin mạnh mẽ trong tương lai”

Aleppo đã từng là trung tâm kinh tế của Syria. Theo thống kê năm 2010, khoảng một phần ba ngành công nghiệp của nước này đã có trụ sở tại Aleppo. Phục hồi lại Aleppo bây giờ là một ưu tiên đối với nhiều người. Nhưng nền kinh tế của Syria vẫn còn bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và các nước phương Tây.

Aleppo vẫn còn bị bao quanh bởi các nhóm phiến quân, kết nối với các khu vực khác do chính phủ kiểm soát chỉ có một con đường độc đạo.

Thành phố đã bị chia thành 2 phần với phần phía Đông bị đánh bom, trong khi phần phía Tây Aleppo ít bị tàn phá bởi chiến tranh hơn. Hai phần bị chia cách trong gần bốn năm chiến đấu đang được kết nối bằng một chuyến xe lửa ngắn. Nhưng trong cuộc đấu tranh để phục hồi, vẫn có một hố ngăn cách rất lớn.

7. Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa lên tiếng chỉ trích Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương

Trưởng ban đối ngoại Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đưa ra một bài diễn văn ở Fribourg, Thụy Sĩ, để đánh dấu kỷ niệm một năm cuộc họp lịch sử giữa Đức Thánh Cha Phanxicô với Đức Thượng Phụ Kirill ở Havana.

Sau khi thảo luận về tầm quan trọng của cuộc họp và xem xét sự phát triển đại kết trong năm qua, Đức Tổng Giám Mục Hilarion của Volokolamsk đã quay sang tấn Công Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương.

Đức Tổng Giám Mục Hilarion nói:

“Không thể thiết lập hòa bình nếu Chính thống giáo và Công Giáo Đông phương không kết hợp các nỗ lực của họ để vượt qua những hận thù lịch sử. Một lần nữa, mặc dù các thỏa thuận đã đạt được ở cấp cao giữa Chính Thống Giáo và Giáo Hội Công Giáo, vượt qua các khó khăn nghiêm trọng, Công Giáo Đông phương tại Ukraine vẫn gieo rắc hận thù và, có hệ thống và liên tục, gây trở ngại trong sự hòa giải giữa phương Đông và phương Tây”.

Căng thẳng giữa Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương và Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa chủ yếu là do cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine cũng như sự ủng hộ của Nga đối với các phiến quân muốn ly khai khỏi Ukraine.

8. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ lên tiếng về tình trạng các tín hữu Kitô Trung Đông

Chủ tịch của ba ủy ban của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, cùng với Chủ tịch hội đồng quản trị của Catholic Relief Services, đã lên tiếng bày tỏ tình đoàn kết với các Kitô hữu ở Trung Đông và các nhóm tôn giáo thiểu số khác.

Đức Tổng Giám mục William Lori (Chủ tịch Ủy ban Tự Do Tôn Giáo), Đức Giám Mục Oscar Cantu (Chủ tịch Ủy ban Công Lý và Hòa bình Quốc tế), Đức Cha Joe Vásquez (Chủ tịch Ủy ban về Di cư), và Đức Giám Mục Gregory Mansour (Catholic Relief Services) đã ra một tuyên bố chung như sau:

Một phái đoàn của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã thăm Iraq gần đây và khẳng định một lần nữa rằng cần phải thẳng thắn minh định là tội diệt chủng các tội ác gây ra trên các Kitô hữu, những người Yezidis, người Hồi giáo Shiite, và các dân tộc thiểu số khác ở Syria và Iraq, dưới bàn tay của cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo”... Việc chú ý đặc biệt đến các nhóm thiểu số là điều cần thiết để hình thành các cộng đồng biết tôn trọng quyền của tất cả mọi người, bao gồm cả các thành viên của các nhóm thiểu số.

Các giám mục kêu gọi Hoa Kỳ “chấp nhận trách nhiệm thích đáng của nước ta đối với các gia đình thuộc tất cả các tôn giáo và sắc tộc dễ bị tổn thương nhất trong việc xét cho tái định cư người tị nạn, trong đó có việc xem xét đặc biệt các nạn nhân của nạn diệt chủng và các tội ác khác.”

Các giám mục cũng kêu gọi viện trợ phát triển của Mỹ cho khu vực Trung Đông, bao gồm cả hỗ trợ của Mỹ trong việc tăng cường an ninh và hệ thống tư pháp ở Iraq.
 
Thánh Ca
Cùng Mẹ Lên Đền – Trình bày: Ca Sĩ Như Ý
VietCatholic Network
00:15 19/02/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây