11. Người quen phạm những tội nhẹ thì dần dần mất đi cảnh giác đề phòng phạm tội trọng.
(Thánh Augustinus)Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"
---------------
http://www.vietcatholicnews.net
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Con diều hâu truy đuổi con chim sẻ, chim sẻ bay nhảy loạn xạ và chui vào tay áo của hòa thượng, hòa thượng bắt con chim sẻ và nói:
- “A di đà phật, hôm nay ta có thịt ăn rồi”.
Chim sẻ nghe được thì vội vàng nhắm mắt lại không động đậy, hòa thượng nghĩ rằng nó đã chết nên mở tay ra, chim sẻ liền bay mất tiêu.
Hòa thượng nói:
- “A di đà phật, ta phóng sinh cho mày đó !”
(Tiếu Tán)
Suy tư 69:
Người thâm hiểm khi muốn hại ai thì hại cho bằng được, nhưng khi hại không được thì xởi lởi nói lời an ủi cách đạo đức giả, đó là lòng dạ của con chó sói với cô bé quàng khăn đỏ; người đạo đức khi giúp ai thì giúp cho đến cùng, dù cho thất bại vẫn cứ giúp chứ không chê trách người mình giúp, đó là lòng dạ của những người được Thiên Chúa ở cùng.
Con người ta chỉ có một cái lưỡi, nhưng vì tâm hồn ác độc nên một cái lưỡi trở thành hai: uốn cong lên thì nói lời đạo đức giả tạo, uốn cong xuống thì buông lời chửi rủa đủ điều, vì người khác không làm thỏa mãn cái ích kỷ tự tư tự lợi cho mình...
Việc phóng sinh của hòa thượng không phải do lòng thành nhưng là do tâm địa giả dối mà ra, nên dù cho ông ta có phóng sinh cả ngàn con chim sẻ thì vẫn cứ mang nghiệp chướng trong mình.
Người Ki-tô hữu không có “lệ” phóng sinh loài vật, nhưng có một giới răn mới phải tuân giữ đó là yêu thương người thân cận như chính mình, bởi vì khi thực hành đức ái với tha nhân, thì không những chúng ta “phóng sinh” họ phần xác mà thôi, nhưng còn “phóng sinh” phần linh hồn cho họ nữa, nghĩa là họ nhận ra Đ ức Chúa Giê-su trong ngôn hành yêu thương của chúng ta và quy thuận Ngài...
Đó là cuộc “phóng sinh” do Chúa Thánh Thần thúc đẩy giữa một thế giới hổn độn và bất an.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
----------
http://www.vietcatholicnews.net
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Nhà tâm lý Freud Sigmund có lẽ sẽ trả lời: xác thịt hay tình dục, bởi theo ông tình dục là động lực chính đẩy đưa con người đến hành động. Tôi bị cám dỗ bởi em hấp dẫn và quyến rũ. Chẳng trách chi thánh Augustine đã từng thân thưa với Thiên Chúa, “Ơi Lạy Chúa! Xin thánh hóa con, nhưng, xin hãy khoan!”
Bên cạnh xác thịt, quyền lực và tiền bạc cũng là hai điều trần gian ai ai cũng đều đã từng trải qua.
Xét trong đời thường, một người ở túp lều chăn vịt và một người bán vé xổ số, họ có nói gì cũng không có mấy người lắng nghe. Đơn giản thôi, bởi họ không có tiền bạc và họ cũng chẳng có quyền lực. Nhưng nếu gặp đại gia chạy limousine với tài xế cài nơ mở cửa, hoặc nhân vật VIP làm lớn trong bộ máy chính quyền, đại gia nhà ta hoặc ngài VIP chỉ cần ho nhè nhẹ, ngay lập tức nhiều người quay mặt, để ý, quan tâm, và cười, nụ cười làm quen. Cho nên ông bà mình vẫn hay nói, “Miệng kẻ sang có gang có thép!” Chẳng trách chi ông nhà giàu ngó lơ lơ trước người hành khất Lazarô nằm ngay cửa nhà.
Đã là con người, ai cũng bị cám dỗ ít hay nhiều, thỉnh thoảng hay liên tục, ba cái cám dỗ căn bản: xác thịt, danh vọng, và tiền bạc.
Ngay cả Đức Giêsu trong sa mạc cũng đã từng bị trải qua ba cái cám dỗ căn bản của một kiếp người. Trong sa mạc, sau khi ăn chay 40 đêm ngày, Satan hiện ra. Và hắn ba lần cám dỗ Đức Giêsu đói khát (Luke 4:2).
Cái cám dỗ đầu tiên liên quan đến Xác Thịt. Satan gợi ý với một Đức Giêsu đói nhọc hãy biến hòn đá trong sa mạc hóa ra bánh mì để Ngài ăn no lòng. Một lời cám dỗ hợp tình, hợp lý, và hợp hoàn cảnh. Thiết nghĩ, sau 40 ngày trong sa mạc ăn chay, giờ này đói nhọc (Matt 4:2), cơn cám dỗ này thiệt tình không dễ chối từ.
Cái cám dỗ thứ hai liên qua đến Danh Vọng. Satan mang Đức Giêsu lên đỉnh cao của ngôi đền thờ Jerusalem và đề nghị Ngài nhảy xuống. Đơn giản thôi, bởi Ngài chính là Con Thiên Chúa, một vị VIP có một không hai. Mà Satan không chỉ dừng lại ở đó, thần cám dỗ còn nhắc nhở với Con Thiên Chúa hình ảnh thiên thần sẽ hiện ra, sẽ đưa VIP Jesus lên cao để chân Ngài khỏi phải chạm vào đá sỏi. Một lần nữa, VIP Con Thiên Chúa cũng không dễ để mở miệng chối từ lời mời gọi danh vọng quyến rũ. Thật thà mà nói, ai mà lại muốn làm thằng mõ làng! Trần gian ai mà chẳng muốn bước chân lên kiệu hoa thảm đỏ. Nói chi đây lại là lời mời biểu dương uy lực của Con Thiên Chúa!
Cái cám dỗ thứ ba liên quan đến Tiền Bạc. Lần này Satan mang Ngài lên một đỉnh núi cao. Nơi đó, thần cám dỗ chỉ cho Ngài tất cả những vương quốc của trần thế. Satan nói với Đức Giêsu, “Tất cả những thứ này đều sẽ thuộc về Ngài nếu quỳ lạy và thờ phượng ta” (Matt 4:9). Tiền bạc không mang lại hạnh phúc. Nhưng thật thà mà nhận xét, không có tiền bạc rủng rỉnh trong tay thì cũng khó mà có hạnh phúc. Một lần nữa Đức Giêsu trong sa mạc lại bị đặt vào thế bị động.
Và Ngài phải chọn!
Suy Niệm
Eva và Adam không chống chọi nổi với ba cái cám dỗ căn bản của trần gian. Ăn trái cấm để thỏa mãn xác thịt. Ăn trái cấm để biết như Thiên Chúa, danh vọng như Ngài. Và khi có danh vọng, tiền bạc tiền vàng chất đầy trong tủ két là chuyện đương nhiên. Cám dỗ ghé vào khu Vườn. Nhưng cả hai ông bà nguyên tổ đều chọn lựa gục ngã trước con rắn tinh khôn. Từ cổ chí kim, con người rồi vẫn cứ nối gót theo bước xe đổ của hai nhân vật đã từng đổ trong Vườn Địa Đàng. Nói một cách khác, nhân sinh vẫn còn tiếp tục chọn lựa đổ gục trước lời mời quyến rũ của xác thịt, danh vọng, và tiền bạc, ba cơn cám dỗ căn bản của trần gian!
Đức Giêsu thì khác, cũng mang thân phận thân xác con người mỏng dòn. Bởi thế Ngài đói nhọc và cũng bị ba lời cám dỗ căn bản quyến rũ trong sa mạc. Nhưng ngạc nhiên thay, Ngài chọn lựa từ chối.
Mùa Chay mời gọi người tín hữu đi vô sa mạc 40 đêm ngày như Đức Giêsu, cầu nguyện như Ngài, ăn chay như Ngài. Và trên tất cả, người tín hữu cũng được mời gọi từ chối ba lời cám dỗ căn bản như Đức Giêsu! Đức Giêsu có chọn lựa, và chúng ta cũng thế!
Lời Nguyện
Lạy Thiên Chúa của Mùa Chay! Xin cho chúng con trung thành với tâm nguyện Mùa Chay như Đức Giêsu Con Thiên Chúa trong sa mạc!
Nguyễn Trung Tây
Cộng đoàn dân Chúa đã long trọng tiến vào Mùa Chay, tiến vào một giai đoạn phụng vụ đặc biệt để sửa soạn tâm hồn sống lại những “biến cố quan trọng cuối cùng” của Chúa Giêsu trong mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài và cũng là những biến cố liên quan mật thiết đến đức tin và thân phận của mỗi người chúng ta. Đặc biệt, liên quan đến cuộc dấn thân chuẩn bị “nhập đạo” của vô số anh chị em dự tòng trên khắp thế giới trong dịp Đại Lễ Phục Sinh sắp tới.
Với hình ảnh của cuộc hồng thủy tẩy sạch tội trần và con tàu Noe đem lại ơn cứu thoát, với cuộc chay tịnh 40 đêm ngày trong hoang mạc và lời rao giảng “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” của Chúa Giêsu, sứ điệp phụng vụ hôm nay đang gọi mời chúng ta luôn sống trọn vẹn hồng ân bí tích Rửa tội bằng cuộc dấn thân canh tân cuộc đời trong sám hối và chay tịnh.
Nội dung ý nghĩa trên đã được Phụng vụ Lời Chúa trình bày cách sinh động thông qua các Bài đọc vừa mới được công bố.
Trước hết: Bài đọc 1 với câu chuyện “Thiên Chúa ký kết Giao ước với Noe” sau khi đã cứu dòng tộc ông “vượt qua” cơn hồng thuỷ; một cuộc cứu sống và một Giao ước liên quan đến “nước”; đúng hơn, đó chính là “hình ảnh tiên trưng của một “dòng nước khác”: Nước Thanh Tẩy: “Đây Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi và con cháu các ngươi, với tất cả sinh vật đang sống với các ngươi, … Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi: nước lụt không còn tiêu diệt mọi loài nữa, cũng không khi nào còn lụt tàn phá trái đất nữa”.
Hoàn toàn đối nghịch với “nước”, trích đoạn Tin Mừng Máccô lại cho thấy một “hoang địa khô cằn” gợi nhớ về cái thuở “xuất hành xa xôi với 40 năm trường hành về Đất hứa”: Khi ấy, Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và Người ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Người.
Thật vậy, “40 ngày hoang địa chịu cám dỗ” của Chúa Giêsu là hiện thực hoá cuộc “Vượt Qua” với “40 năm trường hành về Đất Hứa” của “Dân cũ”; và cũng là “điểm khởi đầu” cho cuộc “Vượt Qua Mới” của Chúa Giêsu mà đích điểm chính là cuộc Khổ nạn và Phục Sinh của Ngài mà Phụng vụ sẽ “tưởng-niệm-tái-diễn (Anamnèse) ở cuối “độ đường Mùa Chay”.
Là thầy dạy và là chứng nhân đức tin về chính mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, hơn ai hết, chính Thánh Tông Đồ Phêrô đã cảm nghiệm thật chính xác mối tương quan giữa “Ơn Cứu Độ nhờ dòng nước Thanh tẩy của Nhiệm tích Rửa Tội và cuộc Khổ nạn – Phục sinh của Đức Kitô” mà chúng ta vừa nghe nơi Bài đọc 2: “Chúa Kitô đã chết một lần cho tội lỗi chúng ta, Người là Đấng công chính thay cho kẻ bất công, để hiến dâng chúng ta cho Thiên Chúa… lúc ông Nôe đóng tầu, nhờ đó một số ít người, gồm tất cả tám người, được cứu khỏi nước lụt. Và hiện giờ, phép thánh tẩy cũng cứu thoát anh em cũng giống như thể thức ấy, vì phép ấy không phải chỉ rửa sạch thân xác, mà đó là lời cầu xin Thiên Chúa ban cho một lương tâm ngay thẳng, nhờ sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô…”.
Nếu trong buổi hồng hoang của nhân loại, chỉ cần một dúm người, gia đình của ông Noe với con tàu được chuẩn bị nghiêm túc, đã cứu thoát nhân loại khỏi án diệt vong, thì hôm nay, con tàu của Hội Thánh với hàng hàng lớp lớp thế hệ kitô hữu được tái sinh nhờ dòng nước Thánh Tẩy, chắc chắn thế giới có đủ lý do để chứa chan hy vọng một ngày không xa tội lỗi và sự dữ sẽ bị đẩy lùi để nhường chỗ cho một thế giới mới tràn trề thánh ân và hạnh phúc.
Nhưng để ơn của Nhiệm tích Rửa tội đơm hoa kết trái giữa đời thường, không phải cứ “ngồi chờ sung rụng” hay áp dụng chiến thuật “bất chiến tự nhiên thành” là mọi sự sẽ được giải quyết. Trích đoạn “phần hai” của Tin Mừng ngắn gọn của Máccô hôm nay lại là một câu trả lời thích đáng: “Thời giờ đã mãn, và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.
Trong biến cố Chúa Giêsu để Chúa Thánh Thần “đẩy vào hoang địa 40 ngày để cầu nguyện và tĩnh tâm”, chấp nhận đương đầu với những cơn cám dỗ của ác thần, chúng ta nhận ra rằng: Ngài muốn đồng hành và liên đới với toàn thể nhân loại, một nhân loại bất trung, phản bội và đầy tính hư tật xấu; và Ngài cũng muốn dạy cho chúng ta rằng: những kẻ không chịu chiến đấu trong mặt trận của Thiên Chúa sẽ không đi tới chiến thắng cuối cùng; cũng giống như cuộc “trường hành 40 năm về đất hứa của Dân Israel”, những kẻ không tin vào Lời Thiên Chúa và không chịu “đặt mình dưới Lề Luật của Giao ước Sinai” sẽ gục ngã trong sa mạc và không được bước vào “Hứa địa” ! Cũng vậy, những kẻ không biết ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng để hoán cải đổi đời, sẽ mãi mãi cách xa nghìn trùng với Vương quốc Thiên Chúa”.
Tuy nhiên, không phải chỉ có thời Noe mới có những người dửng dưng trước những chuẩn bị đóng tàu của ông để rồi sau đó bị hồng thủy cuốn trôi; cũng vậy, ở dưới chân thập giá vào buổi chiều thứ sáu trên đồi Sọ, cũng đã có rất nhiều kẻ vô tín và xúc phạm tới “Đấng bị đóng đinh”. Thế giới hôm nay vẫn còn đầy dẫy những người thờ ơ và lãnh đạm trước những dấu chỉ và tiếng gọi mời của Thiên Chúa để buông thả cuộc sống trong kiêu ngạo chủ quan, trong hưởng thụ mù quáng. Phải chăng, “nạn hồng thuỷ Covid-19” đang tàn phá khắp thế giới, đã vượt qua cái ngưỡng thời gian không phải “40” và là “400” ngày đêm, lại không là một “tín thư” để cảnh báo và thanh tẩy địa cầu đó sao? Biến cố “Covid” đang diễn ra trong Mùa Chay có lẽ nhắc chúng ta nhớ lại cách hành xử của vua Edward III của vương quốc Anh và một số người thuộc các tôn giáo khi đối diện với cơn đại dịch “Cái Chết Đen”[1] vào thế kỷ 14: “Một số người, như vua Anh Edward III, quay sang ăn chay và cầu nguyện, và Edward đề nghị các Giám Mục của ông cũng làm theo. Những sổ tay tiêng Á Rập viết vào khoảng 1350 chỉ dẫn các tín hữu Hồi Giáo làm tương tự, khuyên họ rằng đọc một bài kinh cụ thể 11 lần sẽ có ích, và rằng ca vang những bài liên quan tới cuộc đời Muhammad sẽ giúp bảo vệ họ khỏi nhọt dịch hạch. Ở Rome, những lễ rước nghiêm trang được tổ chức nơi những người sám hối và sợ hải đi chân trần, mặc áo tang, tự lấy roi đánh mình để cho thấy sự ăn năn tội lỗi của họ”[2]. Và trong cuộc chiến thắng đại dịch “Cái Chết Đen” cũng cần phải kể đến những nghĩa cử anh hùng của làng Công Giáo Eyam miền Bắc nước Anh mà lời khuyên của vị linh mục vẫn còn lưu lại: “Không ai trong chúng ta biết rằng dân phía bắc có nhiễm bệnh hay không. Nếu đã nhiễm bệnh, dù chạy trốn hay không đều phải chết, thoát khỏi nơi đây nhất định sẽ làm nhiều người hơn nữa bị lây nhiễm. Xin mọi người hãy ở lại, mang sự thiện lương của chúng ta truyền tới đời sau, để các thế hệ tương lai được ban phước lành, nhân họa đắc phúc”[3].
Đối với chúng ta, những người đã được nhận lãnh hồng ân của Nhiêm Tích Thanh Tẩy, chúng ta luôn ý thức rằng: dòng nước Rửa tội không chỉ chảy một lần trên trán, trên đầu, để sau đó cuộc sống Kitô hữu là những chuổi ngày lười biếng, đam mê, không sinh quả phúc đức “như cây vả không trái, nho cành nho trơ trọi, như căn nhà xây trên cát…”…mà phải là một cuộc đời luôn luôn được đâm chồi nẩy lộc, được sinh hoa kết trái đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến; hay như ngôn ngữ của ThánhTông Đồ Phêrô trong bài đọc 2 hôm nay: “vì phép ấy không phải chỉ rửa sạch thân xác, mà đó là lời cầu xin Thiên Chúa ban cho một lương tâm ngay thẳng…” (BĐ 2).
Vâng, một lương tâm ngay thẳng và thiện lương như những người Công Giáo làng Eyam: chấp nhận ở lại, cho dù phải chết để anh em mình được sống. Nhưng đừng quên, đó là “những cái chết đã trở thành bất tử” ! Amen.
Giuse Trương Đình Hiền
[1] PETER FRANCOPAN, The Silk road, a new history of the world. Những con đường tơ lụa, một lịch sử mới về thế giới. Trần Trọng Hải Minh dịch và Huỳnh Hoa hiệu đính. NXB. Đà Nẵng 2019. PHẦN 10: CON ĐƯỜNG CỦA CÁI CHẾT VÀ SỰ HUỶ DIỆT. Tr. 310-352.
[2] Ibid. Tr. 333.
[3] KHUYẾT DANH: Thống khổ lớn nhất của người Vũ Hán không phải trên thể xác, mà là ở tâm hồn. Đăng lại từ Facebook Pham Thi Thuy, do Facebook Vũ Thế Minh dẫn lại. Tựa bài do TTVN đặt. Vui lòng xem bài dẫn lại tại đây.
Cha Mitchel Roman, một linh mục trẻ, là Cha Sở nhà thờ Thánh Phanxicô ở thành phố Traverse, đã là nạn nhân mới nhất của các cuộc tấn công vu cáo chỉ vì bênh vực giáo lý Công Giáo.
Trong thánh lễ sáng thứ Năm ngày 26 tháng Giêng, được cử hành có giáo dân tham dự và cũng được phát trực tuyến. Trong bài giảng của mình, ngài đã lên tiếng chỉ ông Joe Biden vì các sắc lệnh hành chánh liên quan đến phá thai và ý thức hệ giới tính.
Sau khi chỉ trích ông Joe Biden, trong đó chủ yếu ngài cho rằng ông Joe Biden không hành động đúng với giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo, Cha Roman đã khuyên bảo anh chị em giáo dân như sau:
“Kế hoạch Thiên Chúa dành cho chúng ta là sự hiệp nhất yêu thương và truyền sinh của người nam và người nữ trong bí tích hôn phối. Chỉ trong tương quan hôn nhân mà việc sử dụng năng lực tình dục mới có thể là tốt lành về mặt luân lý. Vì thế, một người thực hiện hành vi đồng tính luyến ái là hành động vô luân.
Chọn một ai đó cùng phái tính để có các hoạt động tình dục là phá hủy biểu trưng và ý nghĩa phong phú của tạo dựng tính dục của Tạo Hóa, đó là chưa nói đến mục tiêu của hành vi tình dục. Hoạt động đồng tính không phải là sự kết hợp bổ sung có thể thông truyền sự sống; và vì vậy nó phá vỡ lời mời gọi đi đến sự sống mang hình thức tự hiến mà Tin Mừng nói đến, là tinh hoa của đời sống Kitô hữu. Điều này không có nghĩa là các người đồng tính thường không quảng đại và tự hiến chính mình, nhưng khi họ dấn thân vào hoạt động đồng tính luyến ái, họ khẳng định bên trong họ một khuynh hướng tình dục rối loạn, một cách thế chủ yếu là đam mê chính mình.
Như mọi rối loạn luân lý, hoạt động đồng tính luyến ái ngăn trở người đó hoàn thành viên mãn và hạnh phúc riêng của người đó, bằng cách hành động trái nghịch với sự khôn ngoan sáng tạo của Thiên Chúa. Giáo Hội, khi khước từ các ý kiến sai lạc đối với đồng tính luyến ái, không giới hạn nó, nhưng đúng hơn là bảo vệ tự do và phẩm giá con người được hiểu một cách thực tế và đích thật.”
Tất cả những điều Cha Roman nói đều là đúng với giáo lý Công Giáo. Tuy nhiên, ngay lập tức tờ Record-Eagle của Traverse City, Michigan lập tức làm ầm lên.
Tờ này tường trình rằng nó đã có cuộc phỏng vấn với những người như bà Jan Renollet Chapman, 73 tuổi, được tường thuật là người Công Giáo từ bé nhưng nghe Cha Roman giảng như thế thì từ nay không đi nhà thờ nữa. Rồi cũng có một người đàn bà là Sherri Glezman cho rằng Cha Roman xúc phạm đến cả nhà bà ta.
Tờ Record-Eagle đã yêu cầu Cha Roman cho một cuộc phỏng vấn, nhưng ngài đã từ chối và gởi cho tờ báo một bản tuyên bố.
Tuyên bố của Cha Mitchel Roman
Tuyên bố của Cha Mitchel Roman viết như sau:
“Chúng tôi đã nhận được những lo ngại về bài giảng của tôi thảo luận về các giáo lý luân lý Công Giáo và mối tương quan giữa những giáo lý đó với các chính sách chính trị gần đây. Kể từ đó, chúng tôi đã xóa video khỏi internet vì phản ứng tiêu cực trong cộng đồng, điều này là ngoài ý muốn”.
“Tôi lấy làm tiếc rằng thông điệp này đã gây ra tranh cãi trong cộng đồng của chúng ta, vì mục tiêu của tôi là giải quyết các tình huống phức tạp của thời đại chúng ta và không gây chia rẽ.”
“Giáo Hội Công Giáo không bao giờ bị tách rời khỏi các vấn đề xã hội và đạo đức trong thời đại của mình, và điều quan trọng là phải phân định tất cả các bên. Giáo hội và các linh mục luôn có ý định là tiếng nói của nhiều vấn đề đạo đức quan trọng hiện nay, chia sẻ những giáo huấn của Giáo hội, và truyền cảm hứng cho chúng ta sống theo Tin Mừng. Điều quan trọng là điều này được thực hiện theo cách gieo tình yêu thương trong bối cảnh tôn trọng chân lý và giáo huấn Công Giáo. Chúng tôi hỗ trợ cộng đồng và mời tất cả mọi người chấp nhận tình yêu sâu sắc hơn đối với Chúa Giêsu, và trở thành những thành viên tích cực của cộng đồng”.
“Các thành viên LGBTQ phải được chào đón với sự tôn trọng, từ bi và nhạy cảm, theo giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, nhưng điều này cũng phải đi kèm với kỳ vọng về đức khiết tịnh.”
Thị trưởng thành phố Traverse yêu cầu Đức Giám Mục cách chức Cha Mitchel Roman
Thị trưởng thành phố Traverse, là Jim Carruthers, đã nhanh chóng chụp lấy cơ hội này để đầu cơ chính trị. Ông ta đăng trên Facebook cá nhân của mình rằng “nhiều người trong cộng đồng đã khó chịu và thất vọng với những lời nói của Cha Roman và đã liên hệ với tôi [Carruthers]”.
Đề cập đến bài giảng của Cha Roman, Carruthers nói: “Nó rất chính trị. Đó là một kiểu cánh hữu điển hình của Trump. Nó rất là kỳ lạ”.
Carruthers, không phải là người Công Giáo, cho rằng Cha Roman đã hạ thấp cộng đồng LGBTQ. Nói một câu chẳng nhằm nhòi gì đến vấn đề mà chỉ cốt lợi dụng tranh cử, Carruthers viết:
“Thành phố trong nhiều năm đã cố gắng thu hút những người có kỹ năng công nghệ cao vào cộng đồng và điều này không giúp ích gì cho thông điệp được truyền đi.”
Kỹ năng công nghệ cao thì liên quan gì đến LGBTQ.
Carruthers cho biết đã viết một lá thư cho Cha Roman để cho ngài biết về mối quan tâm của mình và yêu cầu vị linh mục xin lỗi.
“Với tư cách là thị trưởng và là một công dân, tôi đã làm việc lâu dài và chăm chỉ để phát triển một cộng đồng hỗ trợ tất cả các công dân của mình,” Carruthers viết. “Làm việc cùng với nhiều nhà lãnh đạo dựa trên đức tin của chúng ta, chúng tôi đã ủng hộ sự khoan dung, đa dạng và chấp nhận tất cả những khác biệt con người của chúng ta. Những tuyên bố của cha phớt lờ các khía cạnh của công việc này và sắc lệnh liên quan đến nhân quyền trong thành phố của chúng ta và tất cả những nỗ lực của chúng ta nhằm xây dựng một cộng đồng chào đón tất cả mọi người”.
Bức thư của Carruthers, cũng được gửi đến Đức Cha Walter A. Hurley, Giám Mục Giáo phận Gaylord, yêu cầu Đức Cha phải đưa ra một lời xin lỗi đến cộng đồng.
“Cộng đồng Thành phố Traverse nói chung của chúng tôi không chấp nhận sự chia rẽ mà các bạn gây ra và các bạn nên làm điều đúng đắn bằng cách hỗ trợ một thông điệp bao hàm, không phải một thông điệp chia rẽ chúng tôi,” Carruthers viết.
Cho đến nay, Đức Cha Walter A. Hurley và Cha Mitchel Roman đã từ chối không trả lời. Các quan sát viên Công Giáo cho rằng vụ này thể hiện một mức độ đàn áp tự do tôn giáo mới ở Hoa Kỳ.
Anh Giáo và Tin Lành đánh hôi
Linh mục Kurt Henle của giáo xứ Anh giáo All Saints – nghĩa là Các Thánh - cho biết xu hướng của nhiều Giáo Hội ngày nay là thay đổi giáo huấn của mình cho phù hợp với văn hóa, thay vì kiên trì diễn giải đúng như Thánh Kinh.
Mục sư Bill Myers của Giáo Hội Trưởng Lão tại Thành phố Traverse, nơi cho phép đàn ông và phụ nữ thuộc mọi khuynh hướng tình dục được làm mục sư.
Myers quảng cáo rằng Giáo Hội của ông ta cử hành lễ cưới cho hôn nhân đồng giới và chào đón tất cả mọi người
“Khi bạn nói chuyện với hầu hết mọi giáo phái Kitô, bạn sẽ tìm thấy rất nhiều khác biệt về quan điểm liên quan đến nhiều vấn đề văn hóa mà chúng tôi đã giải quyết,” Myers nói.
Ông nói, nhiều tôn giáo sử dụng các đoạn Kinh thánh theo nghĩa đen mà không có ngữ cảnh, và các Kitô hữu sẽ không đồng ý.
Myers nói: “Nhưng chúng ta không sống cùng thời với Chúa Giêsu hay bất kỳ người nào khác trong Kinh thánh.
Source:Record Eagle
Thứ Bảy 20-2-2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã châu phê tám sắc lệnh của Bộ Phong thánh, trong đó có một sắc lệnh xác nhận một phép lạ.
(Tin Vatican - Robin Gomes)
Hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh, người đã đệ trình bày các sắc lệnh để ĐTC châu phê những nguyên nhân của một số ứng viên trong tiến trình phong thánh.
Đức Thánh Cha đã đã châu phê sắc lệnh về phép lạ do một nữ giáo dân người Ý, để nân bà lên hàng chân phước. Một trong bảy sắc lệnh về các nhân đức anh hùng liên quan đến một linh mục người Anh.
Armida Barelli, Ý
Một sắc lệnh phê chuẩn một phép lạ được thể hiện nhờ sự chuyển cầu của một nữ giáo dân người Ý, Tôi tớ đáng kính của Chúa Armida Barelli, một thành viên của Dòng Phan sinh tại thế. Bà sinh ngày 1 tháng 12 năm 1882 tại Milan và mất tại Marzio, Ý vào ngày 15 tháng 8 năm 1952.
Trong thời gian học tại trường nội trú dưới sự quản trị của các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Phanxicô từ năm 1895 đến năm 1900, cô đã khám phá ra ơn gọi tu trì của mình và sống đặc sủng Phan sinh. Từ chối một số lời cầu hôn, cô quyết định dâng mình phục vụ tha nhân, đặc biệt là người nghèo và trẻ em mồ côi. Cùng với Cha Agostino Gemelli, OFM, cô đã đồng sáng lập Học viện cho những người dấn thân trở nên những Thừa sai cho Vương quyền của Chúa Kitô, hiện nay có hơn 2.200 thành viên tại hơn 30 quốc gia trên thế giới.
Phép lạ được bà chuyển cầu sẽ nâng bà lên hàng chân phước. Bà cần thê hiện một phép lạ khác để được phong hiển thánh.
Linh mục Ignatius Phaolô, Anh Quốc
Trong số các ứng cử viên mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn vào thứ Bảy (20-2-2021) là Tôi tớ của Chúa Ignatius Thánh Phaolô, một linh mục Dòng Thương khó Chúa ở Anh quốc. Ngài sinh ra được đặt tên là George Spencer vào ngày 21 tháng 12 năm 1799 tại Luân Đôn, là con trai của Bá tước Spencer thứ hai.
Ngài chuyển từ Anh giáo sang Công Giáo vào năm 1830 tại Rôma và được thụ phong linh mục năm 1832.
Năm 1847, ngài nhập Dòng Passionist. Sau cái chết năm 1849 của Chân phước Đaminh Barberi, Cha Inhaxiô trở thành người phụ trách của Tu hội Truyền giáo ở Anh và Bỉ.
Cha Ignatius đã dành phần lớn cuộc đời mình để làm việc cho việc giúp các người theo Anh giáo trở về với đức tin Công Giáo. Cha qua đời tại Carstairs, Scotland, vào ngày 1 tháng 10 năm 1864, và được chôn cất cùng với người tiền nhiệm của cha là Linh mục Barberi. Với sự thừa nhận các nhân đức anh hùng, Cha Inhaxiô Thánh Phaolô bây giờ được nâng lên hàng Tôi tớ Chúa.
Các Nhân Đức tính anh hùng
Các nhân đức anh hùng của những ứng viên sau đây cũng đã được Đức Thánh Cha công nhận vào thứ Bảy 20/2/2021:
- Tôi tớ Chúa Albino Alves da Cunha Silva, linh mục triều, sinh ngày 22 tháng 9 năm 1882 tại Codeçôso, Bồ Đào Nha, và qua đời tại Catanduva, Brazil, ngày 19 tháng 9 năm 1973.
- Tôi tớ của Chúa Maria Felicita Fortunata Baseggio (tên tục là Anna Clara Giovanna), một nữ tu Dòng Thánh Augustinô. Bà sinh ngày 5 tháng 5 năm 1752 tại Ferrara, Ý và mất tại Rovigo, Ý vào ngày 11 tháng 2 năm 1829.
- Tôi tớ của Chúa Floralba Rondi (tên tục là Luigia Rosina), một thành viên của Tu đoàn các chị em Poverelle. Bà sinh ngày 10 tháng 12 năm 1924 tại Pedrengo, Ý và mất tại Mosango, Cộng hòa Dân chủ Congo, ngày 25 tháng 4 năm 1995.
- Tôi tớ Chúa Clarangela Ghilardi (tên tục là Alessandra), một thành viên của Tu đoàn các chị em Poverelle. Sinh ngày 21 tháng 4 năm 1931 tại Trescore Balneario, Ý, bà mất tại Kikwit, Cộng hòa Dân chủ Congo, ngày 6 tháng 5 năm 1995.
- Tôi tớ của Chúa Dinarosa Belleri (tên tục là Teresa Santa), một thành viên của Tu đoàn các nữ tu Poverelle. Sinh ngày 11 tháng 11 năm 1936 tại Cailina di Villa Carcina, Ý, bà mất tại Kikwit, Cộng hòa Dân chủ Congo, ngày 14 tháng 5 năm 1995.
- Tôi tớ của Chúa Elisa Giambelluca, một thành viên giáo dân của Hội dòng Teresian. Cô sinh ngày 30 tháng 4 năm 1941 tại Isnello, Ý và mất tại Rome vào ngày 5 tháng 7 năm 1986.
Hôm thứ Bảy 20 tháng Hai, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Hồng Y Robert Sarah khỏi chức vụ tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích.
Tờ Catholic Pillar có bài nhận định sau. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Sự ra đi của Đức Hồng Y đã được Phòng Báo Chí Tòa Thánh thông báo mà không đề cập đến việc ai sẽ thay thế vị trí của ngài. Động thái bất thường này đã thúc đẩy các giả thuyết đối kháng nhau giữa những người theo dõi và các quan chức Vatican: Một số cho rằng Đức Hồng Y Sarah đang bị trừng phạt công khai, trong khi những người khác hỏi liệu thông báo này có phải là dấu hiệu của đợt cải cách cơ cấu đang còn trong vòng suy tính ở Vatican hay không. Không có lý thuyết nào đưa ra câu trả lời hoàn toàn thỏa mãn.
Vào tháng 6 năm 2020, Đức Hồng Y Sarah bước sang tuổi 75, độ tuổi mà tất cả các Hồng Y và giám mục bắt buộc phải từ chức. Cho đến sáng 20 tháng Hai, ngài là một trong số các nhà lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh phục vụ quá tuổi nghỉ hưu trên danh nghĩa.
Theo nghĩa đó, sự ra đi của Đức Hồng Y Sarah là một phần của cuộc sống bình thường tại Rôma. Nhưng thời gian và cách thức ra đi của ngài làm dấy lên những câu hỏi, mà vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.
Điều đặc biệt đáng chú ý là mặc dù Đức Hồng Y Sarah đã 75 tuổi, nhưng ngài vẫn trẻ hơn những người đứng đầu các cơ quan khác mà đến nay Đức Giáo Hoàng vẫn tiếp tục lưu nhiệm, ít nhất là vào thời điểm này:
Người đứng đầu Bộ Giáo sĩ, Đức Hồng Y Beniamino Stella, gần 80 tuổi và được Đức Giáo Hoàng triệu tập đến yết kiến vào tuần trước, làm dấy lên suy đoán rằng ngài có thể sớm nghỉ hưu.
Đức Hồng Y Marc Ouellet lãnh đạo Bộ Giám mục và ở tuổi 76, hơn Đức Hồng Y Sarah một tuổi. Ngài được cho là sẽ rời nhiệm sở trong năm nay.
Sự ra đi của Đức Hồng Y Sarah có thể chỉ là quân cờ đầu tiên trong một loạt các quân cờ domino của giáo triều sẽ bị đổ trong một cuộc cải tổ rộng lớn hơn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đây là kịch bản có thể xảy ra nhất. Nhưng thời gian và cách thức ra đi của ngài vẫn còn chỗ cho những câu hỏi.
Tuổi tương đối trẻ của Đức Hồng Y Sarah, cách thức thông báo về việc nghỉ hưu của ngài là rất bất thường.
Những người đứng đầu sắp mãn nhiệm thường không được thông báo một cách chính thức về việc ra đi của họ như trong trường hợp của Đức Hồng Y Sarah. Thay vào đó, văn phòng báo chí Tòa Thánh loan báo người thay thế cho họ, trong khi người tiền nhiệm ra đi một cách lặng lẽ và không ồn ào.
Và điều đáng ngạc nhiên là Đức Giáo Hoàng sẽ để cho cơ quan trung ương Tòa Thánh chịu trách nhiệm về kỷ luật bí tích rơi vào tình trạng không có người lãnh đạo trong Mùa Chay cho đến Tuần Thánh - đặc biệt là khi đại dịch coronavirus vẫn làm dấy lên các vấn đề và những câu hỏi liên quan đến phụng vụ ở nhiều nơi.
Trong số các nhân viên của Vatican và những người theo dõi Rôma khác, có hai giả thuyết đối kháng chủ yếu, nhưng rất ít câu trả lời chắc chắn, về lý do tại sao Đức Phanxicô lại đưa ra quyết định này.
Một số nhà quan sát đã suy đoán rằng Đức Giáo Hoàng muốn việc từ chức của Đức Hồng Y Sarah được công bố công khai: Đó là một kiểu sỉ nhục rõ ràng đối với một Hồng Y được cho là “cực kỳ bảo thủ” và mâu thuẫn với Đức Giáo Hoàng về một loạt vấn đề.
Nhưng ý tưởng Đức Giáo Hoàng muốn làm nhục công khai Đức Hồng Y Sarah trước công chúng vì những khác biệt ý thức hệ được giả định - có thể đã được cường điệu hóa nơi những người quảng bá các khác biệt ấy hơn là có những khác biệt thực sự về quan điểm giữa Đức Giáo Hoàng và Đức Hồng Y Sarah.
Lý thuyết này phổ biến nhất trong số những người đã coi Đức Hồng Y Sarah là một cản trở đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong các cuộc tranh luận về các vấn đề như bảo lưu việc phong chức linh mục cho nam giới mà thôi, và về bản chất của hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, cả hai đều là những vấn đề đã được xác lập trong giáo lý Công Giáo..
Nhưng mặc dù thường xuyên được các phương tiện truyền thông mô tả ngược lại, Đức Phanxicô đã không nỗ lực thúc đẩy một thách thức nào đối với các đạo lý của Giáo hội về cả hai chủ đề này. Và về vấn đề luật độc thân linh mục, Đức Hồng Y Sarah và Đức Giáo Hoàng đã đồng ý với nhau một cách rõ ràng về tầm quan trọng của thực hành này - trước sự thất vọng của nhiều người trong cuộc họp Thượng Hội Đồng gần đây về Amazon.
Hơn nữa, trong khi Đức Hồng Y Sarah được nhiều người coi là một người theo chủ nghĩa truyền thống phụng vụ, có rất ít bằng chứng trong bảy năm qua cho thấy phụng vụ là một chủ đề tập trung của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cách này hay cách khác.
Đồng thời, có một cuộc tham vấn đang được tiến hành về việc sử dụng Hình thức Ngoại Thường của Thánh lễ, và sự ra đi và thay thế của Đức Hồng Y Sarah, dường như chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cách kết thúc cuộc tham vấn đó.
Cũng cần lưu ý rằng khi Đức Phanxicô chấp nhận sự từ chức của Đức Hồng Y Gerhard Müller trong tư cách là người đứng đầu Bộ Giáo Lý Đức Tin vào năm 2017, khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm của ngài, một người kế nhiệm đã ngay lập tức được nêu tên, và động thái đó vẫn được cho rằng là việc Đức Giáo Hoàng công khai “sa thải”. Việc đóng khung cả hai hoàn cảnh Đức Hồng Y Sarah nghỉ hưu và việc Đức Hồng Y Muller không tiếp tục tại vị như những dấu hiệu chắc chắn của một vụ sa thải – cho dù các hoàn cảnh đối lập nhau - chỉ ra nguy cơ diễn giải các sự kiện thông qua các thành kiến định trước về ý thức hệ hoặc đảng phái.
Một giả thuyết khác về lý do tại sao Đức Giáo Hoàng chấp nhận đơn từ chức của Đức Hồng Y Sarah mà không nêu tên người kế vị là điều này có thể báo trước một giai đoạn mới trong cải cách giáo triều Rôma.
Một hiến chế mới cho Giáo triều Rôma đã được thực hiện trong nhiều năm, và hiện đang được dự thảo lần thứ ba. Mặc dù tài liệu cuối cùng dự kiến sẽ không sẵn sàng để công bố trong một số tháng tới, nhưng nó được cho là sẽ bao gồm việc hợp nhất một số cơ quan trung ương Tòa Thánh.
Một số người ở Rôma đã suy đoán rằng sự ra đi của Đức Hồng Y Sarah có thể dọn đường cho Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích được kết hợp với một bộ khác trong thời gian ngắn, như Bộ Tuyên Thánh, với một vị tân tổng trưởng được xác nhận vào thời điểm thông báo về sự hợp nhất này.
Nhưng với tất cả các dấu hiệu cho thấy hiến chế mới còn vài tháng nữa may ra mới được công bố, việc kết hợp hai bộ phận tương đối quan trọng trước một cuộc cải cách rộng lớn hơn sẽ rất bất ngờ, và cho thấy dự án đã gặp phải một rào cản lớn và Đức Giáo Hoàng đã quyết định ban hành những cải cách của ngài từng phần một, thay vì chờ đợi một văn bản cuối cùng.
Không có lý thuyết nào có vẻ thuyết phục trong việc giải thích tại sao, khi nào và bằng cách nào việc từ chức của Đức Hồng Y Sarah được chấp nhận. Thời gian có thể khiến lý do và hoàn cảnh ra đi của Đức Hồng Y Sarah trở nên rõ ràng hơn.
Nhiều người ở Rôma nhấn mạnh rằng, trong khi Đức Hồng Y Sarah trung thành với Đức Giáo Hoàng trước công chúng, thì Đức Phanxicô không quan tâm cá nhân đến vị Hồng Y người Guinea và rằng hai người không hòa hợp với nhau.
Nếu điều đó là đúng, và không có dấu hiệu nào về bất kỳ xung đột giáo lý hoặc kỷ luật nào gần đây giữa hai người có thể giải thích cho quyết định của Đức Giáo Hoàng khi loại bỏ Đức Hồng Y Sarah mà không có người thay thế, xung đột về tính cách chắc chắn có thể là một yếu tố - và đó là một điểm quan trọng.
Các nhà bình luận vội vã biến một quyết định nhân sự thành một cuộc đụng độ ý thức hệ về các vấn đề lớn hơn có thể bỏ qua mức độ quan trọng của các mối quan hệ cá nhân trong khi vội vàng đóng khung các sự kiện như là biểu tượng của những câu chuyện rộng hơn, gần như là một biến cố bước ngoặt.
Trong khi đó, câu trả lời rõ ràng nhất có thể là Đức Thánh Cha Phanxicô có thói quen hành động tự phát. Có thể không có lời giải thích nào tốt hơn hay tồi tệ hơn cho việc Đức Giáo Hoàng chấp nhận đơn từ chức của Đức Hồng Y Sarah hơn là ngài đã quyết tâm làm điều đó.
Source:Catholic Pillar
Nhà thờ Thánh Tâm ở thành phố Nghi Ninh, Trung Quốc đang bị bọn cầm quyền triệt hạ để lấy đất xây khu thương mại. Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, có bài tường trình sau.
Bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Vương Chí Thành (Wang Zhicheng, 王志成)
Nhà thờ Thánh Tâm ở thành phố Nghi Ninh sắp bị triệt hạ
Kể từ hôm 19 tháng Hai, người Công Giáo ở Nghi Ninh (Yining, 义宁), Tân Cương (Xinjiang, 新疆) phải dọn sạch mọi thứ của nhà thờ Thánh Tâm. Theo lệnh của bọn cầm quyền địa phương, nhà thờ phải bị phá hủy. Một nguồn tin của Asia-News cho biết “có lẽ từ tuần tới, nhà thờ Công Giáo ở biên giới phía Tây Trung Quốc này sẽ tan thành cát bụi”.
Cộng đồng Công Giáo Nghi Ninh, ở huyện Y Lợi (Yili, 伊利) 700 km về phía tây của Ô Lỗ Mộc Tề (Urumqi, 乌鲁木齐), thủ phủ của Tân Cương, có khoảng 2 nghìn người - gồm những cựu tù bị phát vãng từ thời Đế chế nhà Thanh, và những tù nhân chính trị sau năm 1949 của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, cùng với những người nhập cư khác và những người bị giam giữ trong các trại lao động cưỡng bức trong khu vực.
Sự thật kỳ lạ là nhà thờ đang sở hữu tất cả các giấy phép cần thiết từ Cục Quản lý Tôn giáo mà vẫn bị triệt hạ. Được xây dựng vào năm 2000, các quan chức huyện Y Lợi và bọn cầm quyền ở Nghi Linh thậm chí đã tham dự lễ khánh thành và ca ngợi công trình này.
Bọn cầm quyền địa phương không tiết lộ lý do triệt hạ. Nhưng hầu hết người dân nghi ngờ rằng nhà thờ bị phá hủy để lấy đất xây dựng khu thương mại ở vị trí này. Trên thực tế, nhà thờ đứng dọc con đường dẫn đến sân bay và trong quy hoạch đô thị, con đường này sẽ ngày càng trở nên quan trọng.
Vấn đề là nơi đặt nhà thờ đã được bọn cầm quyền thành phố chọn vào năm 1993 vì nó cách xa trung tâm sinh sống và họ không muốn nhà thờ “quá lộ liễu”. Nhưng tất nhiên, theo thời gian, thành phố đã phát triển và khu đất đó giờ đây đã làm dấy lên sự thèm muốn của giới đầu cơ và bọn cầm quyền địa phương.
“Quá nổi bật” là cụm từ đã ám ảnh nhà thờ này ngay từ đầu. Dự án được trình lên bọn cầm quyền vào năm 1993 đã phải sửa đổi lại và kích thước của nhà thờ giảm đi 5 mét vì nó “quá cao”. Trong quá trình xây dựng vào năm 2000, các mái vòm được sơn màu sáng bị cho là “quá lòe loẹt” và bị buộc phải sơn lại bằng màu xám.
Các tín hữu tin rằng các Quy định đang bị lợi dụng với mục đích bóp nghẹt cuộc sống của các tín hữu Kitô. “Điều này - một người nói - xác nhận thêm rằng đất nước không tôn trọng tự do thờ phượng và lợi ích hợp pháp của các tín hữu”
Tình hình đối với Giáo hội tại Tân Cương đã trở nên tồi tệ hơn kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2013 và kể từ khi Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo, 陈全国) được đưa về làm bí thư tỉnh này. Y là người đã thề thi hành một chính sách “nhổ sạch” người Hồi giáo và tín hữu các tôn giáo khác.
Nhân danh thương mại hóa đất đai, ít nhất bốn nhà thờ khác đã bị phá hủy ở Tân Cương trong những năm gần đây: một nhà thờ ở Hà Mễ (Hami, 哈米), một nhà thờ ở Khuê Đốn (Kuitun, 奎顿) và hai nhà thờ ở Tháp Thành (Tacheng, 塔城). Tất cả đều có giấy phép, nhưng tất cả đã bị san thành bình địa mà không hề được bồi thường.
Cha sở của Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Tháp Thành đã bị bắt và biến mất gần hai năm qua. Giờ đây, mặc dù đã được trả tự do, nhưng ngài không được phép tham gia vào bất kỳ hoạt động tôn giáo nào.
Trong những năm gần đây, nhiều đền thờ Hồi Giáo cũng đã bị phá hủy dưới danh nghĩa “Trung Hoa hóa”. Người ta ước tính rằng ít nhất 16,000 đền thờ Hồi Giáo đã bị phá hủy hoặc hư hại.
Phương pháp phá hủy các nhà thờ và thánh giá, dưới chiêu bài xóa bỏ “vẻ nổi bật”, đã được Hạ Bảo Long (Xia Baolong, 夏宝龙) bí thư tỉnh ủy và là một người bạn lớn của Tập Cận Bình, khai trương vào năm 2014 tại Chiết Giang (Zhejiang, 浙江). Kể từ tháng 2 năm 2020, Long là người đứng đầu Văn phòng các vấn đề Hương Cảng và Macao.
Một linh mục thở dài với AsiaNews: “Chúng tôi tự hỏi chúng tôi còn phải chịu đựng thêm bao nhiêu nữa để Đức Giáo Hoàng và Vatican nhận ra sự ngược đãi chúng tôi phải chịu và sự vô ích của Thỏa thuận giữa Tòa thánh và Trung Quốc?”.
Source:Asia News
Sắc lệnh ngày 8 tháng 2 từ Hồng Y Giuseppe Bertello, chủ tịch Phủ Thống Đốc Quốc Gia Thành phố Vatican, đã ban hành cho các nhân viên, công dân và quan chức của Vatican các quy định của Giáo triều Rôma nhằm kiểm soát sự lây lan của coronavirus trên lãnh thổ Vatican, chẳng hạn như đeo khẩu trang y tế và duy trì khoảng cách xã hội.
Một trong những biện pháp bao gồm trong sắc lệnh này là quy trình chích vắc xin COVID của Vatican. Vào tháng Giêng, Tòa Thánh đã bắt đầu cung cấp vắc-xin Pfizer-BioNtech cho các nhân viên, người dân và các quan chức Tòa Thánh.
Theo sắc lệnh của Đức Hồng Y Bertello, cơ quan quyền lực tối cao cùng với văn phòng sức khỏe và vệ sinh đã “đánh giá nguy cơ lây nhiễm” COVID-19, khả năng lây lan của nó cho các nhân viên khi thực hiện các hoạt động hàng ngày của họ và “có thể thấy cần thiết để đưa ra biện pháp phòng ngừa như việc sử dụng vắc xin để bảo vệ sức khỏe của công dân, cư dân, người lao động và cộng đồng lao động”.
Sắc lệnh nêu rõ rằng những nhân viên không thể nhận vắc-xin vì “lý do sức khỏe đã được chứng minh” có thể tạm thời được giao “nhiệm vụ khác, tương đương hoặc thấp hơn” để ít nguy cơ lây nhiễm hơn, trong khi vẫn duy trì mức lương hiện tại của họ.
Sắc lệnh này cũng nói rằng “người lao động từ chối chích ngừa, mà không có lý do sức khỏe đã được chứng minh”, “phải tuân theo các quy định” được nêu trong điều 6 của các quy định của Thành phố Vatican năm 2011 về phẩm giá của con người và các quyền cơ bản của họ liên quan đến kiểm tra sức khỏe trong mối quan hệ lao động.
Điều 6 của tiêu chuẩn nói rằng việc từ chối có thể dẫn đến “hậu quả ở nhiều mức độ khác nhau có thể kéo dài đến mức gián đoạn quan hệ việc làm”.
Thống đốc của Nhà nước Thành phố Vatican đã đưa ra một lưu ý vào thứ Năm liên quan đến sắc lệnh ngày 8 tháng 2, nêu rõ rằng việc đề cập đến những hậu quả có thể xảy ra khi từ chối tiêm vắc-xin “trong mọi trường hợp không có tính chất thúc bách hoặc trừng phạt”.
Bản lưu ý cho biết “quy định này chỉ nhằm mục đích cho phép một phản ứng linh hoạt và tương xứng với sự cân bằng giữa bảo vệ sức khỏe của cộng đồng và quyền tự do lựa chọn của cá nhân mà không đưa ra bất kỳ hình thức đàn áp nào đối với người lao động”.
Source:Catholic News Agency
Đức Hồng Y Sarah đã bước sang tuổi 75 vào ngày 15 tháng 6 năm ngoái 2020, và theo luật định, ngài đã làm đơn từ chức. Đức Hồng Y Sarah là giám mục người Phi Châu cao cấp nhất tại Vatican, được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm người đứng đầu Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích vào tháng 11 năm 2014.
Vị Hồng Y người Guinea đã viết một bộ ba cuốn sách được đọc rộng rãi trên khắp thế giới Công Giáo: “God or Nothing” - “Có Chúa hay chẳng còn gì” xuất bản năm 2015, “The Power of Silence” - “Sức mạnh của sự im lặng” xuất bản năm 2016, và “The Day Is Now Far Spent” - “Ngày đã tàn” xuất bản năm 2019.
Trong một Tweet vào hôm thứ Bẩy 20 tháng 2, Đức Hồng Y cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức sau sinh nhật lần thứ 75 của ngài.
Trong nhiệm kỳ của mình tại Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Đức Hồng Y Sarah đã tạo dựng được danh tiếng với những bình luận thẳng thắn về Giáo hội và thế giới.
Năm 2016, ngài khuyến khích các linh mục cử hành Thánh lễ quay mặt về hướng đông, khiến một phát ngôn viên của Vatican nói rằng những lời của ngài đã “bị hiểu sai”.
Trong Thượng Hội Đồng đầu tiên về Gia đình vào năm 2014, Đức Hồng Y Sarah đã phản đối những gì ngài nói là những nỗ lực của giới truyền thông nhằm “thúc đẩy Giáo hội thay đổi đạo lý của mình” về các kết hiệp đồng tính.
Tại Thượng Hội Đồng Gia Đình năm 2015, ngài nói về những đe dọa đối với thể chế hôn nhân và gia đình rằng “những gì chủ nghĩa phát xít Đức và chủ nghĩa cộng sản đã làm trong thế kỷ 20, là những gì ý thức hệ đồng tính luyến ái và phá thai của Tây phương và chủ nghĩa cuồng tín Hồi giáo đang làm ngày nay”.
Cuốn sách “Từ sâu thẳm trái tim chúng ta”, viết chung với Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 vào tháng Giêng năm 2020, đã là trung tâm của những tranh cãi rất lớn trong giới Công Giáo, và chỉ được dập tắt bởi đại dịch coronavirus.
Cuốn sách, có phụ đề là “Chức linh mục, luật độc thân và cuộc khủng hoảng của Giáo Hội Công Giáo” được đưa ra vào thời điểm Đức Thánh Cha Phanxicô đang sắp đưa ra quyết định về việc phong chức linh mục cho các viri probati, tức là những người nam đã có gia đình và có đức hạnh trong các cộng đoàn vùng Amazon.
Đức Hồng Y Claudio Hummes, người cổ vũ hăng hái cho việc phong chức cho các viri probati, đã sắp xếp cả một kế hoạch rất công phu, được báo chí gọi là kế hoạch đảo chính luật độc thân linh mục, và đã gởi một lá thư cho các Giám Mục trong vùng Amazon.
Bức thư, tìm cách chuẩn bị cho các giám mục trước ngày công bố Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Amazon, đưa ra cho các ngài một số gợi ý để “kín đáo giúp các ngài, như một đấng bản quyền, trong tình hiệp thông với Đức Giáo Hoàng Phanxicô,” trong ngày xảy ra vụ đảo chính luật độc thân linh mục.
Cuốn sách “Từ sâu thẳm trái tim chúng ta” bị những người ủng hộ viri probati cáo buộc là sự can thiệp của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 vào quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Bất chấp những chuẩn bị ráo riết của Đức Hồng Y Claudio Hummes, trong Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Amazon được công bố ngày 12 tháng 2, 2020 có tựa đề Querida Amazonia, Đức Thánh Cha Phanxicô đã không tán thành đề xuất phong chức cho những người đàn ông đã có gia đình.
Đức Hồng Y Sarah đã từng được coi là một papabile, tức là ứng viên sáng giá cho chức giáo hoàng, trong mật nghị năm 2013 bầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Sinh năm 1945 tại Guinea thuộc Pháp, Đức Hồng Y Sarah được thụ phong linh mục ngày 20 tháng 7 năm 1969 cho Giáo phận Conakry, sau thời gian tu học tại Bờ Biển Ngà, Guinea, Pháp, Senegal, Rôma và Jerusalem.
Ngài được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Tổng giám mục Conakry năm 1979, ở tuổi 34, một vị trí mà ngài giữ cho đến năm 2001, kể cả trong thời kỳ độc tài của Ahmed Sékou Touré.
Đức Hồng Y Sarah đã được ca ngợi vì đã chống lại chế độ độc tài Mác xít của Sékou Touré và vì đã duy trì sự thống nhất của Giáo hội như một thể chế độc lập khi các giáo sĩ và giáo dân Công Giáo bị đàn áp.
Năm 2001, ngài được Thánh Giáo Hoàng bổ nhiệm làm thư ký Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc. Năm 2010, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 bổ nhiệm ngài làm chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng “Cor Unum” nghĩa là “Ðồng Tâm”, và thăng ngài làm Hồng Y phó tế hiệu tòa Ðền thờ Gioan Bosco ở Via Tuscolana.
Ngày 23 tháng 11 năm 2014, Ðức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm ngài làm Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích.
Trong đại dịch coronavirus vào tháng 4 năm 2020, Đức Hồng Y Sarah cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí “Valeurs Actuelles” nghĩa là “Các Giá Trị Hiện Tại” của Pháp, rằng những người bệnh và sắp chết không thể bị từ chối sự trợ giúp bí tích của một linh mục.
Ngài nói: “Các linh mục phải làm mọi cách để luôn gần gũi với các tín hữu. Các ngài phải làm mọi thứ trong khả năng của mình để hỗ trợ những người sắp chết, mà không làm phức tạp thêm nhiệm vụ của những người chăm sóc và chính quyền dân sự”.
“Nhưng không ai có quyền tước đi sự trợ giúp thiêng liêng của một linh mục. Đó là một quyền tuyệt đối và bất khả xâm phạm”.
Source:Catholic News Agency
Ngài đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Mauro Gambetti, O.F.M. Conv., kế nhiệm Đức Hồng Y Angelo Comastri với tư cách là Giám Quản Đền Thờ Thánh Phêrô và là tổng đại diện của Quốc Gia Thành Vatican.
Đức Hồng Y Comastri, năm nay 77 tuổi, đã đảm nhiệm chức vụ này từ năm 2005.
Đức Hồng Y Gambetti, vừa được nâng lên hàng Hồng Y vào tháng 11 năm 2020, là bề trên tu viện trực thuộc Vương cung thánh đường Thánh Phanxicô ở Assisi từ năm 2013 đến năm 2020.
Cùng với các chức vụ Giám Quản Đền Thờ Thánh Phêrô và là tổng đại diện của Quốc Gia Thành Vatican, Đức Hồng Y Gambetti cũng được bổ nhiệm làm chủ tịch Fabbrica di San Pietro, là văn phòng chịu trách nhiệm bảo trì Đền Thờ Thánh Phêrô.
Năm nay 55 tuổi, Đức Hồng Y Gambetti là thành viên trẻ thứ ba của Hồng Y đoàn.
Ngài là thành viên của Dòng Anh Em Hèn Mọn từ năm 1992, và là tu sĩ dòng Phanxicô đầu tiên trở thành Hồng Y kể từ năm 1861.
Chào đời tại một thành phố nhỏ bên ngoài Bologna vào năm 1965, ngài đã lấy bằng kỹ sư cơ khí tại Đại học Bologna – là trường đại học lâu đời nhất trên thế giới - trước khi gia nhập Dòng Phanxicô ở tuổi 26.
Ngài khấn trọn năm 1998 và thụ phong linh mục năm 2000. Sau khi thụ phong linh mục, ngài phục vụ trong mục vụ giới trẻ ở vùng Emilia Romagna của Ý trước khi được bầu làm Bề trên Dòng Phanxicô ở tỉnh Bologna vào năm 2009.
Vị Giám Quản Đền Thờ Thánh Phêrô phụ trách việc thờ phượng và hoạt động mục vụ của đền thờ. Chức vụ này đã có từ lâu đời và luôn được giao cho một vị Hồng Y. Kể từ năm 1991, Giám Quản Đền Thờ Thánh Phêrô cũng là đại diện của Đức Giáo Hoàng tại Quốc Gia Thành Vatican.
Vị Giám Quản Đền Thờ Thánh Phêrô là một trong những cộng tác viên thân cận nhất của Đức Giáo Hoàng, đồng thời quản lý và tổ chức việc thờ phượng đền thánh mang tính biểu tượng nhất trong thế giới Công Giáo, với 45 bàn thờ và 11 nhà nguyện, cùng với các nhà nguyện bổ sung bên dưới đền thờ.
Lịch trình Thánh lễ của Đền Thờ Thánh Phêrô thường bao gồm sáu thánh lễ vào các ngày trong tuần và năm thánh lễ vào ngày Chúa Nhật. Bên cạnh lịch trình thông thường, các linh mục và giám mục có thể dâng thánh lễ tại mọi nhà nguyện của Đền Thờ Thánh Phêrô, có thể được đặt trước bởi các nhóm hoặc cá nhân hành hương.
Đức Hồng Y Comastri là một nhà thuyết giáo nổi tiếng. Trong đại dịch coronavirus ở Ý vào mùa xuân năm 2020, ngài bắt đầu chủ sự một buổi phát trực tiếp hàng ngày lần chuỗi Mân Côi để cầu nguyện cho đại dịch sớm kết thúc.
Từ một thị trấn ở miền nam Tuscany, ngài được thụ phong linh mục năm 1967. Vị trí đầu tiên của ngài tại Vatican là vào năm 1968 với tư cách là một quan chức trong Bộ Giám mục.
Ba năm sau, ngài trở lại giáo phận của mình để lãnh đạo chủng viện của giáo phận. Sau đó, ngài đã trải qua 11 năm làm cha sở của một giáo xứ trước khi được phong làm giám mục của Massa Marittima-Piombino vào năm 1990.
Năm 1994, ngài phải từ chức giám mục vì bệnh tim đột ngột, nhưng sau khi hồi phục hai năm sau đó, ngài được bổ nhiệm làm giám mục Loreto và đại diện Đức Giáo Hoàng tại Vương cung thánh đường Loreto.
Đức Hồng Y Comastri đã giảng tuần tĩnh tâm Mùa Chay 2003 cho Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Giáo triều Rôma.
Source:Catholic News Agency
Xem Hình
Dâng rượu và trầu cau trong lễ tế tổ. |
Xem hình
Thánh lễ đồng tế do Linh mục Nguyễn Bảo Quốc SSS, Tuyên úy cộng đoàn chủ tế, cùng với Linh mục Nguyễn Thế Nhân SSS cùng đồng tế. Ca đoàn Vô Nhiễm phụ trách thánh ca đặc biệt với những bản thánh ca với chủ đề Xuân và nhớ đến tổ tiên thật đặc sắc, mặc dù các ca viên không đầy đủ do bị giãn cách. Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Xứ đoàn Vinh Sơn Liêm phụ trách phần tế tổ mang đầy ý nghĩa và là bài học sống dậy cho các em thiếu nhi biết sống hiếu nghĩa với cha mẹ. Điều đặc biệt là thánh lễ chúc thọ được tổ chức vẫn phải tuân thủ theo điều kiện an toàn của chính phủ và của Tổng Giáo Phận Melbourne. (Mọi người phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn.)
Trong bài chia sẻ lời Chúa. Linh mục Nguyễn Thế Nhân đã dùng một câu của tiền nhân chúng ta để lại với một thắc mắc là sao: “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” để khai mở bài chia sẻ về Tin mừng Chúa Giêsu được thần khí dẫn vào hoang địa, nơi mà thú dữ và những hiểm họa cám dỗ luôn rình rập. (Xin tóm ý lại là) Con Chúa đã chiến thắng mọi sự cám dỗ và chịu chết theo Thánh ý của Đức Chúa Cha.
Sau khi đọc lời nguyện cuối lễ. Hai cha đồng tế đã có lời chúc thọ đến quý cụ cao niên, những vị đã đóng góp công lao xây dựng nên cộng đoàn, trung tâm, và là những cây đa, cây đề về sự sống đạo, giữ vững đức tin ở cộng đoàn, cho con cháu noi theo. Tiếp theo, các em Thiếu Nhi Thánh Thể của Xứ đoàn Vinh Sơn Liêm trong các bộ quốc phục áo dài, khăn đóng. Nam áo thụng xanh, nữ áo dài đỏ tiến vào các vị trí tế tổ. Sau ba hồi chiêng trống trang nghiêm. Các em theo hướng dẫn nghi lễ tế tổ, nhịp nhàng theo tiếng trống, tiếng chiêng, tay cung kính bưng lễ vật tiến lên trước bàn thờ, từng cặp một nam, một nữ dâng hương, dâng rượu, dâng bánh, dâng hương hoa. Và kết thúc bằng một bài văn tế rất xúc tích và hát dâng lên quý cụ những bài hát nhớ ơn đầy ý nghĩa, nói lên sự hiếu kính tổ tiên ông bà, làm cho quý cụ, quý ông bà hiện diện rất cảm động.
Dưới các hàng ghế, quý cụ ông, cụ bà cũng trong các bộ trang phục đẹp nhất, trong cái mát mẻ của máy lạnh, xua tan cái nóng ngoài trời, để quý cụ ngồi thoải mái. Quý cụ cũng được con cháu chở đến nhà thờ trong niềm vui tươi, những mái đầu tóc trắng bên những mái đầu xanh, đến để hiệp dâng thánh lễ cảm tạ Thiên Chúa, cầu cho các bậc tổ tiên của mình, sau đó, đón nhận những lời thành kính chúc thọ của con cháu dâng lên cảm nhận một niềm vui quá lớn.
Quý cụ ông, cụ bà, từ 70 tuổi trở lên được Linh mục tuyên úy, và Linh mục Nguyễn Thế Nhân đích thân trao quà cho quý cụ cao tuổi, hoặc quý cụ đã không đến dự sẽ nhận một phần quà, bao gồm một hộp bánh, nhưng quý nhất là một thư Ân xá đặc biệt của Tòa Ân Giải Tối Cao ban hành theo ý của Đức Thánh Cha ban ân xá trong Năm Thánh Giuse, và cuốn sách nhỏ: Tuần Cửu Nhật Kính Thánh Giuse.
Đây là một sinh hoạt hằng năm của cộng đoàn mỗi khi xuân về, tết đến. Cộng đoàn thường tổ chức chung vào Mùng Hai Tết, lễ kính nhớ tổ tiên. Năm nay, do dịch bệnh và do bị lockdown, lễ chúc thọ cũng bị ảnh hưởng, nên đơn giản hơn và bị dời lại, nhưng mọi sự đều đẹp trong niềm vui, với lòng biết ơn và cảm tạ Thiên Chúa.
Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,
Đây là lần cuối cùng tôi có dịp gửi đến quý Cha và quý Tu sĩ những chia sẻ hằng tháng trong phần Lời Chủ Chăn. Trong lần chia sẻ này, tôi không muốn nói một điều mới, chỉ xin chia sẻ với quý Cha và quý Tu sĩ điều đã trở thành nguồn gợi hứng cho tôi trong việc đề nghị các chương trình mục vụ và đã là sức mạnh thúc đẩy tôi dấn thân trong các hoạt động mục vụ suốt 4 năm trong sứ vụ Giám mục của Giáo phận. Điều đó chính là LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
Tâm tình đầu tiên gửi đến Giáo phận
Sau khi được bổ nhiệm làm Giám mục chính tòa Giáo phận Xuân Lộc ngày 07/5/2016, ngày 31/5/2016 tôi đã dâng Thánh Lễ khởi đầu Sứ vụ tại Nhà thờ Chính Tòa để xin mọi người hiệp ý cầu nguyện cho tôi trong Sứ vụ vừa lãnh nhận. Khi sắp xếp chương trình cho Thánh Lễ nói trên, tôi giữ trong lòng một mục đích thầm kín là muốn có cơ hội thích hợp để gửi đến toàn thể Giáo phận một sứ điệp sẽ là nguồn gợi hứng cho các chương trình mục vụ tương lai và mời gọi mọi người dấn thân canh tân đời sống Đức Tin và thắp lên nhiệt huyết tông đồ.
Yếu tố căn bản của sứ điệp tôi đã gửi đến Giáo phận là “Lòng Thương Xót” và tôi đã diễn tả như sau trong phần chia sẻ cuối Thánh Lễ nói trên: “Ước chi Giáo phận Xuân Lộc chúng ta sẽ là nơi mọi người, kể cả anh chị em lương dân và di dân, đều cảm nghiệm được sự ngọt ngào của lòng thương xót và không ai không là chứng nhân của lòng Chúa thương xót. Nhờ đó, người nghèo, người đau khổ, bệnh tật, các cụ già neo đơn, các gia đình tăm tối, những cha mẹ khổ đau vì con cái, sẽ tìm được sự cảm thông và an ủi, những người lỡ lầm vẫn được đón nhận và khích lệ để hối cải và biến đổi. Con cái giáo phận Xuân Lộc, chúng ta hãy cùng nhau hăm hở cộng tác để biến các gia đình, các cộng đoàn giáo xứ của chúng ta thành những cộng đoàn có chất lòng thương xót”. Sau đó, trong Thư Chung ngày 21 tháng 12 năm 2016 gửi Giáo phận dịp lễ Chúa Giáng Sinh, tôi đã lặp lại lòng mong ước trên như sau: “Ước chi trên mảnh đất Giáo phận Xuân Lộc chúng ta, mọi thành phần dân Chúa trong Giáo phận cũng như mọi người thuộc các Tôn giáo bạn hay không thuộc tôn giáo nào, mọi tầng lớp xã hội, tất cả đều ‘có lòng’ với nhau; mỗi người sẽ tùy khả năng và chức vụ của mình mà thi thố lòng thương xót, xây đắp hạnh phúc cho tha nhân để biến mảnh đất Giáo phận Xuân Lộc thành “Thánh địa lòng thương xót”. Nơi đây, mọi người đều được đón nhận và sống an lành như cá bơi lội tung tăng trong dòng nước mát, như bầy chim bay lượn và ca hát líu lo trên bầu trời xanh.”
Thấu cảm lòng Chúa thương xót qua cuộc đời Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II
Khi tôi lãnh nhận sứ vụ Giám mục Giáo phận, Năm Thánh ngoại thường “Lòng Thương Xót” do Đức Giáo Hoàng Phanxicô quyết định đã diễn ra được 6 tháng. Nhận biết biến cố này như ân huệ thiêng liêng của Chúa Quan Phòng, tôi đã quyết định chọn Lòng Thương Xót như yếu tố nòng cốt để quy hướng tất cả các suy tư, chương trình và hoạt động của sứ vụ Giám mục của tôi. Đối với tôi, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa là tinh thần thiết yếu cần thấm nhuần vào con tim và khối óc của mọi người trong Giáo phận, nhất là các Linh mục và Tu sĩ, để nuôi dưỡng đời sống đức tin của mỗi người và rồi trở thành nguồn gợi hứng, chiếu soi và hướng dẫn các công tác mục vụ, vốn rất đa dạng, nhằm đáp ứng nhu cầu của những con người cụ thể trong những hoàn cảnh khác nhau của thế giới ngày nay. Như vậy, Lòng Thương Xót không đơn thuần là một chương trình mục vụ mà còn là “định hướng” và “linh hồn” của tất cả chương trình mục vụ tại giáo phận.
Sau Thánh lễ khởi đầu Sứ vụ, với sự góp ý của quý Cha trong Ban Tư Vấn và quý Cha Quản hạt, tôi đã mời gọi tổ chức Tuần Đại phúc “Lòng Thương Xót” tại các Giáo xứ và Đại Lễ “Lòng Thương Xót” theo cụm các Giáo hạt. Các sinh hoạt đạo đức này đã khơi lên niềm vui Đức Tin trong các Giáo xứ cũng như các Cộng đoàn Dòng tu và vun trồng lòng cậy trông nơi các giáo hữu, nhất là những người đau khổ phần hồn, phần xác và những người đã lâu năm xa lìa Chúa và từ bỏ Giáo Hội.
Giáo Hội hoàn vũ đã kết thúc Năm thánh ngoại thường “Lòng Thương Xót” ngày 24 tháng 11 năm 2016, nhưng Giáo phận Xuân lộc vẫn tiếp tục chương trình “Lòng Thương Xót” cho đến nay. Được ơn Chúa Thánh Thần soi sáng và thúc đẩy, tôi chọn linh đạo Lòng Thương Xót làm định hướng và linh hồn cho mọi chương trình mục vụ giáo phận. Đây không phải là một lựa chọn ngẫu nhiên, nhưng là một xác tín đã được thành hình qua những năm tháng ở Roma, được chiêm ngắm và cảm nghiệm, từ một góc độ rất gần, những bước chân mục tử của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.
Trong 26 năm làm chủ chăn Giáo Hội, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết rất nhiều văn kiện để hướng dẫn Giáo Hội sống Đức Tin và làm chứng cho Chúa Kitô trong những hoàn cảnh cụ thể. Tôi đặc biệt chú ý đến thông điệp “Dives in Misericordia” (Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót) là thông điệp thứ hai trong sứ vụ Giáo hoàng của ngài. Danh xưng “Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót” sau này được Đức Giáo Hoàng Phanxicô diễn tả thành “Danh Ngài là thương xót”. Thông điệp “Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót” là một bài suy gẫm thần học - mục vụ rất phong phú về lòng thương xót của Thiên Chúa trong đó có một câu xác quyết đáng được chú ý đặc biệt liên quan đến sứ mệnh giữa những hoàn cảnh của thế giới đầy dẫy bất công ngày nay: “Công bằng mà không có Lòng thương xót thì trở thành độc ác. Lòng thương xót mà không có Công bằng thì trở thành nhu nhược, yếu đuối”.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II được bầu làm Giáo hoàng khi còn rất trẻ, lúc 58 tuổi. Triều đại Giáo hoàng của Ngài kéo dài 26 năm, với rất nhiều sáng kiến mục vụ và giáo huấn phong phú, hợp thời đại. Ngoài ra, ngài đã đi thăm viếng mục vụ hơn một trăm quốc gia để rao giảng Tin Mừng và khơi lên niềm hy vọng trong lòng mọi người; ở khắp nơi, sự hiện diện của ngài luôn lôi cuốn đông đảo đoàn dân Chúa và cả những anh chị em không thuộc Giáo Hội Công Giáo. Các giáo huấn của ngài có tầm ảnh hưởng rộng lớn khắp thế giới và tác động không nhỏ đến cả môi trường xã hội và chính trị. Bằng chứng là dịp lễ an táng ngài, dù Tòa Thánh không có thư mời chính thức gửi đến các chính phủ và tôn giáo, nhưng trong Thánh lễ tại quảng trường Đền thờ Thánh Phêrô, người ta thấy rất đông các vị nguyên thủ quốc gia trên khắp thế giới và các vị đại diện các tôn giáo lớn. Điều này nói lên tầm ảnh hưởng sâu rộng của ngài và của Giáo Hội Công Giáo trên thế giới.
Thế mà cũng chính trong thời gian này, khi mà triều đại Giáo hoàng của ngài đang rạng rỡ và khởi sắc, người ta thấy bắt đầu dấy lên khắp nơi những phong trào bạo lực, hận thù, tàn phá, chết chóc làm cho thế giới trở thành nơi bất an và chia rẽ, dân chúng sống trong lo âu, sợ sệt. Ngay cả trong lòng Giáo Hội Công Giáo người ta cũng thấy nhen nhúm những dấu hiệu của sự dữ mà sau này trở thành những cơn bão làm cho Giáo Hội phải điêu đứng. Nhìn thấy sức mạnh của sự dữ dấy lên và lan rộng khắp nơi, cũng như chứng kiến sự yếu đuối của nhiều con cái Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phải thốt lên một lời, mà đối với tôi, là ánh sáng chiếu soi cho cuộc chiến đấu trong đời sống thiêng liêng và dấn thân mục vụ: “Sức mạnh của sự dữ quá lớn mà con cái loài người lại quá yếu đuối, nên chúng ta chỉ còn trông cậy nơi Lòng Thương Xót của Chúa mà thôi”. Cũng trong thời gian này, tôi đã đọc cuốn “Before the living God” (Trước nhan Thiên Chúa hằng sống) của nữ tu Ruth Burrows, trong đó, tác giả nhận xét về con người: “Người tội lỗi không luôn luôn là những con người ác độc, nhưng là những người yếu đuối, bị sức mạnh của sự dữ lôi cuốn”.
Như thế, sống trong khoảng thời gian dài tại chính trung tâm của Giáo Hội tôi đã trải nghiệm và dường như tôi đã “đụng chạm” đến những nỗi đau quằn quại của thế giới và của Giáo Hội dưới sức mạnh của sự dữ. Đúng là “sức mạnh của sự dữ quá lớn mà con cái loài người lại quá yếu đuối” nên tôi cũng cảm thấy chỉ có lòng thương xót của Thiên Chúa mới là nơi nương náu và là nguồn hy vọng của loài người. Sức mạnh của sự dữ thật khủng khiếp, nhưng sức mạnh quyền năng của lòng Chúa thương xót còn mạnh hơn và đã chiến thắng sức mạnh của sự dữ (x. Rm 5,20-21; Rm 6,6). Chính lòng thương xót của Chúa là sức mạnh nâng dậy nhân loại yếu đuối đang bị sức mạnh của sự dữ nghiền nát và đè bẹp. Đối với tôi, điều này không còn là lý thuyết thần học, nhưng là kinh nghiệm sống, tạo nên trong tôi một xác tín không gì có thể lay chuyển và đã trở thành tâm niệm đời Giám mục của tôi: “Này là Mình Thầy…”. Chúa đã chiến thắng sức mạnh sự dữ bằng tình yêu thương xót qua sự dâng hiến trọn vẹn trên Thập Giá đã được Chúa loan báo trong Nhà Tiệc Ly: “Này là Mình Thầy, các con hãy nhận lấy mà ăn; này là chén máu Thầy, các con hãy nhận lấy mà uống” (Mc 14,22-25).
Người ta thường nói: “Thiên Chúa yêu nhân loại” và thánh Gioan đã định nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu - Deus Caritas Est” (1Ga 4,16). Đúng là như vậy, nhưng trong thinh lặng của những giờ chiêm niệm và gẫm suy, tôi nhận thấy là nói “Thiên Chúa yêu nhân loại” thì không đủ và còn quá nhẹ nên phải nói là “Thiên Chúa thương xót nhân loại”. Tình yêu diễn tả như sự quảng đại, cởi mở đón nhận tha nhân và có lòng tốt đối với mọi người, còn lòng thương xót thì mạnh hơn, nói lên tình yêu đối với những người không đáng được yêu, những người không có gì để đáp trả, những người từ khước tình yêu, chống đối và làm khổ mình nhưng vẫn sẵn sàng chấp nhận chịu đau khổ và thiệt thòi để họ được cứu sống. Đó chính là tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Con Thiên Chúa xuống thế làm người, chịu khổ, chịu chết để cứu chuộc nhân loại lầm than tội lỗi: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.” (Lc 5,31-32; x. Mc 2,17).
Khi một người được lòng Chúa thương xót thấm nhuần và chiếu soi thì tâm tình, cách nhìn, cách sống và tất cả cuộc đời sẽ thay đổi:
Thường tình, ít ai thực sự nhìn nhận mình tội lỗi và yếu đuối, mặc dù có nói công khai mình là kẻ có tội. Nhờ được lòng Chúa xót thương đụng chạm, chúng ta dám thật lòng nhìn nhận mình là kẻ yếu đuối và tội lỗi, đồng thời cũng cảm nghiệm niềm hạnh phúc vì được Chúa xót thương. Nhờ đó, chúng ta sẽ trở nên những con người khiêm nhường, dịu hiền, an bình, bao dung và sẵn sàng tha thứ những lỗi lầm và yếu đuối của tha nhân.
Lòng Chúa xót thương sẽ thay đổi tất cả tâm tình, cách ứng xử và cách làm mục vụ, nhất là đối với những người khó tính, gây phiền toái và chống đối. Cảm nghiệm về lòng Chúa xót thương dẫn đưa chúng ta vào chiều sâu của con người và của công việc mục vụ để nhận ra được sứ mệnh của Giáo Hội và trong Giáo Hội sứ mệnh của các Linh mục và Tu sĩ luôn luôn là sứ mệnh xót thương và cứu rỗi “nhân loại lầm than, tội lỗi”. Lòng thương xót phải mạnh đủ để giúp chúng ta biết kiên nhẫn, bao dung, tha thứ và khi cần còn biết chấp nhận đau khổ để giải thoát những con người đang bị chi phối và lôi cuốn bởi sức mạnh của sự dữ như ích kỷ, thú vui, đam mê, thù hận, bạo động.
Lòng thương xót mở ra cho chúng ta viễn tượng của hy vọng là các gia đình trong Giáo phận chúng ta sẽ trở nên “Mái ấm của lòng Chúa thương xót”, các giáo xứ sẽ là nơi an bình và chính Giáo phận chúng ta sẽ trở thành “Thánh địa lòng thương xót”. Nhờ đó, gia đình, Giáo xứ, Dòng tu và chính Giáo phận sẽ là nơi hạnh phúc, không phải vì tất cả đã hoàn hảo, nhưng vì mọi người đều thấm nhuần và có “chất lòng thương xót” nên biết kiên nhẫn, thông cảm, bao dung và tha thứ cho nhau.
Bí quyết để sống lòng thương xót
Tục ngữ nước Ý có câu: “Tra sapere e fare, c’è in mezzo un mare” (Giữa “biết” và “làm”, có một khoảng cách là cả một đại dương”. Người ta có thể nghe nhiều, nói nhiều về lòng Chúa thương xót, nhưng sống theo lòng thương xót lại chẳng được bao nhiêu. Nhu cầu thiết yếu là phải chấp nhận luyện tập để sống theo lời thánh Giacôbê đã căn dặn: “Anh em hãy đem Lời ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.” (Gc 1,22). Dưới đây là hai điểm cần được lưu tâm luyện tập:
Thanh thoát khỏi tất cả
Để có thể thực hiện và sống theo lòng thương xót, cần phải luyện tập để lòng được tự do, thanh thoát khỏi tất cả vì “tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1,14). Mặc dù cần trân trọng những gì là tốt (x. 1Tx 5,21), nhưng trước tiên phải tìm kiếm Nước Thiên Chúa (x. Mt 6,33) và sẵn sàng bỏ tất cả để được Chúa Kitô vì có Chúa là có tất cả (x. Pl 3,7-9). Ý tưởng này ai cũng biết, nhưng vấn đề ở đây là biến chữ “biết” thành chữ “sống”.
Thế nên, cần phải luyện tập để sẵn lòng buông bỏ tất cả cho lòng được thanh thoát khỏi tất cả: lợi lộc, danh vọng, tình nghĩa, ngay cả những việc tốt, việc của Chúa. Tôi tớ Chúa, Cố Hồng Y Phanxicô X. Nguyễn Văn Thuận, sau nhiều năm hăng say hoạt động tông đồ, khi ngồi tù đã khám phá ra sự thật này và đã truyền lại cho hậu thế những lời tâm huyết trong cuốn “Đường Hy Vọng”: “Con hãy tìm Chúa chứ đừng tìm việc của Chúa”. Thành công cũng tốt, thất bại chẳng sao, được người đời quý mến thì tốt, nhưng bị quên lãng cũng chẳng sao, miễn có Chúa là đủ: “Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.” (Pl 3,8-9).
Nối nguồn Giêsu
Nếu chỉ thanh thoát khỏi tất cả thì kết quả chỉ là trống rỗng, lòng không có sức sống. Mục đích của việc luyện tập là làm cho lòng trống rỗng khỏi chính mình và khỏi mọi tạo vật để được đầy tràn Chúa là nguồn sức sống và yêu thương. Trong mùa lễ Chúa Giáng Sinh, nơi nơi người ta làm Hang Đá với những ngôi sao và dây đèn đủ mầu sắc. Ban ngày thì chúng im lìm, nhưng đến tối, khi các ngôi sao và dây đèn được nối vào nguồn điện thì tất cả trở nên sống động, rực rỡ muôn mầu sắc và lung linh làm lan tỏa niềm vui và sức sống.
Cũng vậy, để yêu thương mọi người, cả những người không đáng được yêu thương, chúng ta cần được kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa giàu lòng thương xót thì mới biết xót thương nhân loại như chính Chúa. Nhờ đó, kẻ tội lỗi sẽ không còn phải là người cần loại trừ, nhưng là người đang cần được giải thoát và nâng dậy bởi lòng thương xót.
Để kết thúc bài chia sẻ này, tôi mời quý Cha và quý Tu sĩ cùng ngước nhìn lên Đức Mẹ là người Mẹ của Lòng Thương Xót: xin Mẹ dẫn dắt chúng ta đến Trái Tim cực thánh Chúa Giêsu, suối nguồn của Lòng Thương Xót để xác tín mãnh liệt và cảm nếm sâu thẳm về Lòng Chúa Thương Xót. Nhờ đó, chúng ta biết lấy Lòng Thương Xót mà đối xử với mọi người trong cuộc sống cũng như trong sứ vụ tông đồ của chúng ta.
Thân mến chào quý Cha và quý Tu sĩ.
+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc
" Enricô con ơi! Việc học đối với con hình như khó nhọc, mẹ con nói phải đấy. Cha chưa bao giờ trông thấy con đi học với cái dáng quả quyết và nét mặt hớn hở như cha mong muốn ! Con thử tưởng tượng nếu con ngồi không ở nhà thì ngày giờ của con sẽ trống trải biết là dường nào ! Cha chắc chỉ trong vòng một tuần lễ là con lại muốn trở lại nhà trường. Con ơi ! Hiện thời, không một đứa trẻ nào là không đi học. Con hãy nghĩ đến những người thợ làm lụng cặm cụi cả ngày, tối đến còn phải cắp sách đi học, những cô thiếu nữ suốt tuần lễ bị giam giữ trong xưởng, chủ nhật đến cũng rủ nhau đi học, những binh lính hết giờ luyện tập cũng đem ra học, viết. Cho đến những trẻ mù, trẻ câm, chúng cũng đều học cả.
Mỗi buổi sáng, lúc con ra trường, con hãy nghĩ cùng giờ ấy, trong thành phố ta có tới 3 vạn đứa trẻ cũng như con đi "chầu" lớp học trong ba tiếng đồng hồ để được mở mang trí tuệ. Con lại nghĩ : xấp xỉ giờ này, con trẻ trong các nước trên hoàn cầu đều đi học cả. Con hãy tưởng tượng những trẻ lếch thếch trên những đường hẽm nhà quê, rảo bước trong các phố phường huyên náo, dưới bầu trời oi ả hay trong cơn mưa tuyết lạnh lùng : chúng đi thuyền ở những xứ lắm sông ngòi, cưỡi ngựa qua những cánh đồng mông quạnh, hoặc ngồi "xe trượt" trên những bãi băng giá lanh. Chúng xuống lũng, lên đồi, chúng xuyên rừng lội suối, chúng vượt qua những ngọn đồi hẻo lánh hoang vu. Ăn mặc hàng nghìn lối khác nhau, nói bằng trăm thứ tiếng khác nhau, chúng đi một mình hay lũ năm lũ ba, sách cắp trong tay hay cặp đeo dưới nách.
Từ ngôi trường cùng tột lấp trong ánh tuyết nước Nga cho tới nóc trường hẻo lánh lẩn trong khóm gồi xứ Ả rập, có tới hàng triệu triệu đứa trẻ cùng học một điều bằng những thể thức khác nhau.
Con lại tưởng tượng cái tổ kiến học sinh ấy gồm có hàng trăm dân tộc khác nhau và cái trường hoạt động ấy, con có cái hân hạnh dự phần rồi con tự nhủ : ví phỏng một mai sự hoạt động ấy ngừng hẳn thì nhân loại sẽ trở lại đời mọi rợ, sẽ sa vào cõi tối tăm, sự hoạt động ấy là sự tiến bộ, là mối hy vọng, là ánh sáng vinh quang của thế giới vậy.
Cố lên ! Tên lính nhỏ trong đạo quân lớn lao kia ! Cố lên ! Con ơi ! Lấy sách vở làm khí giới, lấy lớp học làm quân đội, lấy thế giới làm bãi chiến trường, coi sự ngu dốt là cứu địch và lấy sự văn minh của nhân loại làm cuộc khải hoàn, con phải phấn đấu luôn luôn và chớ hề làm tên lính hèn nhát. "
*Sơ lược về Tác giả.
Trong những năm còn ngồi trên ghế học đường, tôi rất say mê những tác phẩm mang tính giáo dục như : Le Livre de Mon Ami (Quyển truyện của bạn tôi), Anatole France - Les Miserables (Những kẻ khốn cùng), Victor Hugo – Sans Famillies (Vô gia đình) và En Famillies (Trong gia đình) của Hector Malot. Thơ ngụ ngôn Jean de la Fontain-… và đặc biệt Nhật ký Les Grands Coeurs của Edmond de Amicis được Hà Mai Anh dịch sang Việt ngữ tựa đề ‘Tâm Hồn Cao Thượng’.
Vì là người Ý, nên tác phảm ‘Les Grands Coeurs’ xuất bản đầu tiên năm 1886 dịp khai trường chỉ có một chữ tiếng Ý ‘Cuore’ (trái tim), được nhiều người chú ý và chuyển qua nhiều thứ tiếng.
Văn hào Amicis người Ý sinh năm 1846 tại Ý Đại Lợi, là sĩ quan quân đội. Sau khi xuất ngũ ông viết văn và cộng tác với một số báo chí, sáng tác nhiều tác phẩm giá trị được dịch sang nhiều ngôn ngữ. Ngoài những tác phẩm trên còn sáng tác một loạt truyện du ký : Tây Ban Nha, Hà Lan, Luân Đôn, Ba Lê, Maroc…và viết lại ghi nhớ về Đời quân ngũ.
Tác phẩm ‘Tâm Hồn Cao Thượng’ dưới thời VNCH được đưa vào dạy tại học đường, như kim chỉ nam qua nhiều thế hệ, đầy tính nhân bản cho cha mẹ và tuổi trẻ về lòng yêu ông bà, cha mẹ, con cái, bạn bè, tình người, tình nhân loại, lòng ái quốc, yêu người nghèo khổ …
Truyện viết theo lối nhật ký ghi lại từng ngày những điều tầm thường xảy ra, gồm 60 truyện với những nhân vật chính là Enrico và cha mẹ cậu. Nhưng dưới bút pháp tài tình, ý tưởng mạch lạc, lời văn chân thật trong sáng, không tầm thường nhàm chán dễ lôi cuốn người đọc. Đọc mỗi truyện nhiều khi ta tìm thấy chính mình hiện diện trong đó. Trong 60 truyện ngắn, tôi thích nhất 3 truyện ‘Thày dạy cha tôi- Chú bé trinh sát và Quê người tìm mẹ’ rất cảm động đầy tình người thiện hảo, đọc hết truyện thấy lòng còn vấn vương chưa muốn dứt.
Những tình tiết mô tả thật phong phú như tình yêu cha mẹ đối với con cái qua 2 truyện ‘Mẹ tôi và cha tôi’. Kỷ niệm trường lớp, thày dạy, bạn học ‘Ngày khai trường- Thày giáo mới- Cô giáo trường tôi- Học đường- Thày học của cha tôi.’ Tình người bao dung hào hiệp đồng cảm ‘Học trò nghèo- Kẻ khó- Một tai nạn-Thăm trường mù- Chú bé quét mồ hóng.’ Lòng yêu quê hương tổ quốc ‘Lòng ái quốc- Cậu bé Miền nam- Cậu bé đánh trống- Cậu bé Padova-Cậu bé trinh sát’
*Dịch giả Hà Mai Anh. Sinh năm 1905 tại Thái Bình Bắc Việt, tốt nghiệp Cao đẳng và Sư phạm, từng là nhà giáo và hiệu trường. Ông dịch bản Les Grands Coeurs từ tiếng Pháp qua Việt ngữ tựa đề ‘Tâm hồn cao thượng’ đã đọat giải văn chương Hội Alexandre de Rhodes và sách thuộc loại luân lý giáo khoa, đưa vào chương trình giáo dục học đường. Ngoài quyển Tâm hồn cao thượng, ông còn dịch nhiều truyện khác như : Sans Famillies- & En Famillies (Vô gia đình & Trong gia đình), Hector Malot- Du ký Guilliver’s Travels của Jonathan Swift- Le Tour du Monde en quatre-vingts Jours (80 ngày vòng quanh thế giới), Jules Verne. Năm 1954 dư cư vào Nam làm hiệu trưởng Trung học Trần Quí Cáp, sau qua làm tại ban Tu thư Học liệu Bộ Quốc Gia Giáo Dục VNCH. Sang định cư tại Hoa Kỳ và mất năm 1975.
Trích đoạn ‘Học đường’ nêu trên là thư người cha gởi cho con mình, chứng minh cho ta thấy sự cần thiết và đa dạng trong việc đào tạo lớp tuổi trẻ rường cột tương lai cho quốc gia và nhân loại.
Để kết thúc bài viết về ‘Học đường’, xin mượn đọan cuối Lá thư mẹ Enrico viết cho cậu : ‘Enrico con ơi ! Trường học ví như người mẹ đã dứt con ở trong ta khi con chưa nói sõi, để trả lại ta một đứa con khỏe mạnh tử tế và siêng năng. Lạy Thương Đế giáng phúc cho người mẹ khoan từ ấy! Này con, con đừng quên vị ân nhân ấy, con ơi ! Mai sau nên người, con sẽ du lịch trên thế giới, con sẽ trông thấy những thị thành hoa lệ, những lâu đài nguy nga. Nhưng con phải nhớ luôn luôn đến nếp nhà trắng tầm thường kia với cửa chớp khép, với vườn cây xanh, vì đây là nơi bông hoa trí tuệ đầu tiên của con đã nảy nở. Mẹ tin rằng hình ảnh trường cũ của con sẽ in vào ký ức cho đến lúc cần hơi thở, cũng như không bao giờ mẹ quên được dáng cái nhà cũ kỹ ở đấy, mẹ đã nghe những lời nói ban đầu của con. Mẹ con.’
*Giáo dục dưới chế độ Việt cộng.
‘ Theo mạng báo Soha.vn, ngày 17/2/21 đã phát đi video với nội dung một học sinh trung học phản ứng mang tính bạo lực khi bị cô giáo thu điện thoại trong giờ học. Cậu học sinh lớn tiếng yêu cầu cô giáo trả lại điện thoại, chửi bậy trong lớp. Đồng thời đi thẳng lên bàn cô giáo lấy lại điện thoại và tát vào mặt cô giáo trong sự sửng sốt của các bạn học cùng lớp.
Đó là nguyên văn 1 đoạn trich dẫn trong bản tin trên của Soha.vn.
Tôi là một nhà giáo trước đây và đã viết nhiều bài về tình Thày Trò dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, với một nền giáo dục nhân bản ảnh hưởng rất sâu đậm đến lớp trẻ thời đó. Và ngày nay tại hải ngoại qua ½ thế kỷ dù học sinh cũ đã trên dưới 70 vẫn còn giữ được lòng tôn kính thân thương giữa thày và bạn học cũ qua các buổi họp mặt đầm ấm thân tình, mà chính tôi cũng được thừa hưởng.
Còn dưới chế độ tà quyền Việt cộng ngày nay, nền giáo dục suy đồi trầm trọng làm băng hoại lớp tuổi trẻ.
Thày không còn được học trò kính trọng, bạn học hành động tàn ác trước sự bất lực của thày và sự cổ võ của bạn học.
Tôi phải viết vội bài ‘Học đường’ trích trong tác phẩm ‘Tâm Hồn Cao Thượng’ để so sánh nền giáo của nước Ý và VNCH với nền giáo dục hiện nay để rút ra bài học làm người. Nhưng không biết bọn VC hay khoe khoang là ‘Đỉnh cao trí tuệ’ có thấy xấu hổ về nền giáo dục khuôn đúc vô giáo dục hiện nay không?
Than ôi ! Chỉ khi nào bọn tà quyền VC sụp đổ chúng ta mới tìm lại được nền giáo dục VNCH xưa !
Đinh văn Tiến Hùng
Chúng ta đã bước vào Mùa Chay được ít ngày, Giáo Hội kêu gọi chúng ta dùng thời gian này để thực hiện các việc Giữ Chay, Cầu Nguyện và Bố Thí, thường gọi là Làm Việc Bác Ái.
Trong Sứ Điệp Mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô viết rằng, “con đường khó nghèo và từ bỏ chính mình qua việc giữ chay, quan tâm và yêu thương chăm sóc người nghèo qua việc làm bác ái, và trò chuyện như trẻ thơ với Chúa Cha qua việc cầu nguyện giúp chúng ta có thể sống đức tin chân thành, đức cậy sống động và đức ái hiệu quả.” (Bản dịch của Vietcatholic)
Chúng ta có thể dành nhiều thời gian để chỉa về ý nghĩa của ba việc làm này. Tuy nhiên trong khuôn khổ của bài viết, tôi muốn chia sẻ thêm chút ít về ý nghĩa của việc bố thí.
Trước hết việc bố thí hay việc làm bác ái là thể hiện tình yêu và sự quan tâm của chúng ta đối với người khác. Nói theo lời của Thánh Thomas Aquinas, bác ái đó là “ước muốn hoặc làm điều gì tốt đẹp và mang lại hạnh phúc cho người khác” (Tổng Luận Thần Học, II.II.26.2). Vậy việc làm tốt đẹp đây là gì? Hay nói cách khác, chúng ta nên bố thí điều gì để mang lại lợi ích và hạnh phúc cho người khác?
Thứ nhất, đó là bố thí vật chất. Thực thi việc bác ái cho người nghèo (almsgiving) là một việc làm rất thông dụng của chúng ta từ trước đến nay. Nhất là trong dịp Mùa Chay, Giáo Hội kêu gọi chúng ta ăn chay kiêng thịt, giảm bớt chi tiêu để dành tiền giúp cho người nghèo và những ai già nua bệnh tật. Tuy nhiên, đây chỉ là việc bố thí sơ đẳng nhất, ngoài ra chúng ta còn cách bố thí có giá trị cao đẹp hơn và mang ý nghĩa sâu xa hơn nữa.
Thứ hai, là bố thí tinh thần. Việc bố thí này được hiểu như là sự quan tâm, cảm thông, chăm sóc người khác hay dành thời gian quý báu của chúng ta cho họ. Ví dụ, trong Mùa Chay này chúng ta giảm bớt thời gian giải trí, cắt giảm thời gian xem tivi, dùng vi tính hay dùng điện thoại, để thăm viếng nhau, gọi điện quan tâm những anh chị em cao niên, bệnh tật và nhiều trường hợp neo đơn khác.
Cuối cùng, có một món quà mà chúng ta đang có và có thể bố thí cho người khác, đó là món quà đức tin. Đây là việc bác ái quan trọng nhất và có giá trị cao thượng nhất, là khi chúng ta sẵn sàng chia sẻ đức tin Công Giáo ta cho anh chị em khác. Nếu tôi nói chia sẻ món quà đức tin có nghĩa là tôi muốn nhấn mạnh đến tính cần thiết và cấp bách của công việc truyền giáo, sứ vụ mà chúng ta lãnh nhận từ Thiên Chúa: “hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, luôn báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” Mt, 16, 15).
Đối với các tín hữu, việc loan báo Tin Mừng hay hay sứ vụ truyền giáo nói lên căn tính của chúng ta và của Giáo Hội. Công Đồng Vatican II khẳng định cho ta điề này: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành là truyền giáo, vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha” (AG 2).
Mùa Chay về, Giáo hội một lần nữa kêu gọi chúng ta gia tăng việc cầu nguyện, giữ chay và thực thi việc bác ái. Đâu đâu chúng ta đều nhìn thấy người nghèo, số người nghèo không bao giờ giảm bớt, thậm chí còn gia tăng. Nghèo ở đây không chỉ nghèo về vật chất nhưng còn nghèo về tinh thần, nghèo tình thương và nghèo về niềm tin tôn giáo.
Vậy, xin Thiên Chúa chúc lành cho mọi người chúng ta, giúp chúng ta sống một Mùa Chay sốt sắng, quảng đại và nhiệt thành, để chúng ta tiếp tục thực thi công việc bác ái, bố thí những điều cần thiết và tốt đẹp cho anh chị em mình.
CHÚA GIÊSU MỈM CƯỜI
(Nguyên bản: Le Sourire de Jésus
par Pierre Descouvemont
Bản tiếng Việt của Vũ Văn An)
2. Lạy Chúa Giêsu, nụ mỉm cười của con góp phần cứu rỗi thế giới
Việc phát biểu tình yêu của ta với Thiên Chúa, ước nguyện ta được yêu Người cách tinh tế (hết tâm hồn ta) và với mọi nét trên khuôn mặt ta (hết sức ta), nụ cười ta duy trì giữa sóng gió cuộc đời có một hiệu năng tông đồ đáng lưu ý. Một hiệu năng vượt xa mọi giới hạn vây quanh ta: Nó nhận được từ Thiên Chúa việc hoán cải của những kẻ tội lỗi xa cách nhất.
Lúc còn rất trẻ, Thánh Têrêxa vốn hiểu sự tỏa sáng tông đồ của cuộc trao đổi nụ mỉm cười giữa Chúa Giêsu và linh hồn luôn hướng về Người. Thánh nữ viết cho chị Céline bằng một văn phong “đượm hoa” nhưng không làm ta quên những gai góc mà ở giữa đó vị nữ tu Cát Minh và người chị vốn tiến bước. Hai chị em lúc đó đang ngỡ ngàng vì gương mù gương xấu gây ra bởi các hội nghị ở Normandie của Cha Hyacinthe Loyson, cựu giảng thuyết viên của Nhà Thờ Notre-Dame và là sáng lập viên của Giáo Hội Công Giáo Pháp Quốc, ngay sau Công Đồng Vatican I. Thánh nữ viết cho chị Céline ngày 26 tháng 4, năm 1891, “Người muốn bông hoa nhỏ của Người cứu các linh hồn cho Người, vì điều này, Người chỉ muốn một điều: bông hoa nhỏ của Người nhìn Người trong lúc chịu tử đạo. Và chính cái nhìn mầu nhiệm trao đổi giữa Chúa Giêsu và bông hoa nhỏ của Người này tạo ra các điều kỳ diệu và đem lại cho Chúa Giêsu vô số các bông hoa khác”. Và sau đó, thánh Têrêxa nhắc đến cha Loyson, “Là bông huệ khô héo, ngài phải thay đổi thành bông Hồng Yêu thương và hối cải” (61).
Và trong lá thư hồi tháng 9 năm 1896 gửi cho nữ tu Maria Thánh Tâm, thánh Têrêxa tuyên bố niềm hy vọng của ngài được làm việc hữu hiệu cho phần rỗi thế giới bắng cách dâng cho Chúa một bó đầy những cánh hoa đẹp đẽ:
“A, con biết rõ điều đó, trận mưa ướp thơm này, nhưng cánh hoa mảnh mai và không giá trị này, những ca khúc yêu thương của tâm hồn nhỏ bé nhất này không làm Chúa mê mẩn, đúng, nhưng những cái không ra gì này hẳn sẽ làm Chúa vui lòng, hẳn sẽ làm Giáo Hội Chiến Thắng mỉm cười, Giáo Hội này sẽ lượm những cánh hoa của con được hái bằng tình yêu và, lạy Chúa Giêsu, sau khi đã làm chúng được bàn tay thần thánh của Chúa chuyển tung, Giáo Hội trên trời này, như muốn chơi với đứa con nhỏ của mình, đã tung các cánh hoa đã nhận được một giá trị vô tận do bàn tay thần thánh của Chúa đụng tới này xuống cho Giáo Hội Đau Khổ để dập tắt các ngọn lửa ở đó, Giáo Hội ấy cũng tung những cánh hoa này xuống Giáo Hội Chiến Đấu để Giáo Hội này mang về vinh quang chiến thắng!” (62).
Kỳ tới: 3. Lạy Chúa Giêsu, nụ mỉm cười của con làm chứng cho Chúa
1. Tác giả Hoa Kỳ có sách bán chạy nhất trên New York Times cho rằng đó là nhờ Đức Mẹ Lộ Đức
Anthony DeStefano tin rằng Đức Mẹ đứng sau thành công mà anh có được với tư cách là tác giả bán chạy nhất của Thời báo New York. Mối quan hệ của anh với Đức Mẹ bắt đầu với Đức Mẹ Lộ Đức. “Kể từ khi tôi xem bộ phim Bài ca của Bernadette khi còn là một cậu bé, tôi đã bị cuốn hút bởi câu chuyện Đức Mẹ Lộ Đức”, anh giải thích với tờ Register.
Bắt đầu từ tuổi thiếu niên và đầu đôi mươi, DeStefano bắt đầu cầu nguyện để được xuất bản dù chỉ một cuốn sách thôi cũng đã là mãn nguyện lắm rồi. “Tôi chỉ muốn trở thành một tác giả có sách được xuất bản”, anh nói. “Tuy nhiên, trong nhiều năm, tôi không thể nghĩ ra bất kỳ ý tưởng hay nào để viết một cuốn sách cho ra hồn. Nhưng rồi tôi đã dâng mình cho Đức Mẹ, sau khi đọc cuốn sách Lòng sùng kính Đức Mẹ Chân Thật của Thánh Louis de Montfort, và tôi không thể ngăn được các ý tưởng lũ lượt đến trong đầu tôi”.
DeStefano đã là tác giả của hơn 20 cuốn sách bán chạy nhất. Cuốn sách mới nhất của anh là cuốn sách dành cho trẻ em, đó là một Sách hình về Đức Mẹ mà anh dành tặng cho Đức Mẹ Lộ Đức. Nó là cuốn tiếp theo của cuốn Our Lady's Wardrobe, nghĩa là “Tủ quần áo của Đức Mẹ”. Cuốn sách mới nêu bật vai trò độc đáo của Đức Maria trong lịch sử cứu độ bằng cách giải thích một số danh hiệu nổi tiếng nhất của Đức Mẹ cho trẻ em. Mỗi danh hiệu của Đức Mẹ được anh gọi là một chiếc áo của Đức Mẹ. Cả hai cuốn sách đều truyền cảm hứng cho trẻ em bằng những hình ảnh đẹp và sự hiểu biết rằng Đức Maria luôn dẫn chúng ta đến với Con Mẹ là Chúa Giêsu Kitô.
“Cuối cùng tôi đã thực hiện được một chuyến thăm tới Lộ Đức một vài năm trước đây, trong cái giá rét của mùa đông, khi tất cả các khách sạn đều đóng cửa và là thực tế không có khách du lịch”, DeStefano nói. “Trong ba ngày, vợ chồng tôi dậy từ sáng sớm - khoảng 5 giờ sáng – và lúc trời còn tối băng qua những con đường ngoằn ngoèo, chật hẹp để đến khu hành hương”.
“Mỗi buổi sáng, chúng tôi có thể đến địa điểm chính xác nơi Bernadette nhìn thấy Đức Mẹ lần đầu tiên. Chỗ đó được đánh dấu rõ ràng. Chúng tôi quỳ ở đó trong bóng tối, cầm một ngọn nến và đọc kinh Mân Côi - giống như Bernadette đã làm - trong khi nhìn lên hang động được thắp sáng nhẹ nhàng và bức tượng trắng của Đức Mẹ Maria. Đó là một khoảng thời gian tuyệt vời, và cho đến ngày nay tôi cảm thấy Đức Mẹ đang chăm sóc chúng tôi một cách đặc biệt”.
Source:National Catholic Register
2. Bênh vực giáo lý Công Giáo về đồng tính luyến ái một linh mục bị tấn công tàn bạo
Cha Mitchel Roman, một linh mục trẻ, là Cha Sở nhà thờ Thánh Phanxicô ở thành phố Traverse, đã là nạn nhân mới nhất của các cuộc tấn công vu cáo chỉ vì bênh vực giáo lý Công Giáo.
Trong thánh lễ sáng thứ Năm ngày 26 tháng Giêng, được cử hành có giáo dân tham dự và cũng được phát trực tuyến. Trong bài giảng của mình, ngài đã lên tiếng chỉ ông Joe Biden vì các sắc lệnh hành chánh liên quan đến phá thai và ý thức hệ giới tính.
Sau khi chỉ trích ông Joe Biden, trong đó chủ yếu ngài cho rằng ông Joe Biden không hành động đúng với giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo, Cha Roman đã khuyên bảo anh chị em giáo dân như sau:
“Kế hoạch Thiên Chúa dành cho chúng ta là sự hiệp nhất yêu thương và truyền sinh của người nam và người nữ trong bí tích hôn phối. Chỉ trong tương quan hôn nhân mà việc sử dụng năng lực tình dục mới có thể là tốt lành về mặt luân lý. Vì thế, một người thực hiện hành vi đồng tính luyến ái là hành động vô luân.
Chọn một ai đó cùng phái tính để có các hoạt động tình dục là phá hủy biểu trưng và ý nghĩa phong phú của tạo dựng tính dục của Tạo Hóa, đó là chưa nói đến mục tiêu của hành vi tình dục. Hoạt động đồng tính không phải là sự kết hợp bổ sung có thể thông truyền sự sống; và vì vậy nó phá vỡ lời mời gọi đi đến sự sống mang hình thức tự hiến mà Tin Mừng nói đến, là tinh hoa của đời sống Kitô hữu. Điều này không có nghĩa là các người đồng tính thường không quảng đại và tự hiến chính mình, nhưng khi họ dấn thân vào hoạt động đồng tính luyến ái, họ khẳng định bên trong họ một khuynh hướng tình dục rối loạn, một cách thế chủ yếu là đam mê chính mình.
Như mọi rối loạn luân lý, hoạt động đồng tính luyến ái ngăn trở người đó hoàn thành viên mãn và hạnh phúc riêng của người đó, bằng cách hành động trái nghịch với sự khôn ngoan sáng tạo của Thiên Chúa. Giáo Hội, khi khước từ các ý kiến sai lạc đối với đồng tính luyến ái, không giới hạn nó, nhưng đúng hơn là bảo vệ tự do và phẩm giá con người được hiểu một cách thực tế và đích thật.”
Tất cả những điều Cha Roman nói đều là đúng với giáo lý Công Giáo. Tuy nhiên, ngay lập tức tờ Record-Eagle của Traverse City, Michigan lập tức làm ầm lên.
Tờ này tường trình rằng nó đã có cuộc phỏng vấn với những người như bà Jan Renollet Chapman, 73 tuổi, được tường thuật là người Công Giáo từ bé nhưng nghe Cha Roman giảng như thế thì từ nay không đi nhà thờ nữa. Rồi cũng có một người đàn bà là Sherri Glezman cho rằng Cha Roman xúc phạm đến cả nhà bà ta.
Tờ Record-Eagle đã yêu cầu Cha Roman cho một cuộc phỏng vấn, nhưng ngài đã từ chối và gởi cho tờ báo một bản tuyên bố.
Tuyên bố của Cha Mitchel Roman
Tuyên bố của Cha Mitchel Roman viết như sau:
“Chúng tôi đã nhận được những lo ngại về bài giảng của tôi thảo luận về các giáo lý luân lý Công Giáo và mối tương quan giữa những giáo lý đó với các chính sách chính trị gần đây. Kể từ đó, chúng tôi đã xóa video khỏi internet vì phản ứng tiêu cực trong cộng đồng, điều này là ngoài ý muốn”.
“Tôi lấy làm tiếc rằng thông điệp này đã gây ra tranh cãi trong cộng đồng của chúng ta, vì mục tiêu của tôi là giải quyết các tình huống phức tạp của thời đại chúng ta và không gây chia rẽ.”
“Giáo Hội Công Giáo không bao giờ bị tách rời khỏi các vấn đề xã hội và đạo đức trong thời đại của mình, và điều quan trọng là phải phân định tất cả các bên. Giáo hội và các linh mục luôn có ý định là tiếng nói của nhiều vấn đề đạo đức quan trọng hiện nay, chia sẻ những giáo huấn của Giáo hội, và truyền cảm hứng cho chúng ta sống theo Tin Mừng. Điều quan trọng là điều này được thực hiện theo cách gieo tình yêu thương trong bối cảnh tôn trọng chân lý và giáo huấn Công Giáo. Chúng tôi hỗ trợ cộng đồng và mời tất cả mọi người chấp nhận tình yêu sâu sắc hơn đối với Chúa Giêsu, và trở thành những thành viên tích cực của cộng đồng”.
“Các thành viên LGBTQ phải được chào đón với sự tôn trọng, từ bi và nhạy cảm, theo giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, nhưng điều này cũng phải đi kèm với kỳ vọng về đức khiết tịnh.”
Thị trưởng thành phố Traverse yêu cầu Đức Giám Mục cách chức Cha Mitchel Roman
Thị trưởng thành phố Traverse, là Jim Carruthers, đã nhanh chóng chụp lấy cơ hội này để đầu cơ chính trị. Ông ta đăng trên Facebook cá nhân của mình rằng “nhiều người trong cộng đồng đã khó chịu và thất vọng với những lời nói của Cha Roman và đã liên hệ với tôi [Carruthers]”.
Đề cập đến bài giảng của Cha Roman, Carruthers nói: “Nó rất chính trị. Đó là một kiểu cánh hữu điển hình của Trump. Nó rất là kỳ lạ”.
Carruthers, không phải là người Công Giáo, cho rằng Cha Roman đã hạ thấp cộng đồng LGBTQ. Nói một câu chẳng nhằm nhòi gì đến vấn đề mà chỉ cốt lợi dụng tranh cử, Carruthers viết:
“Thành phố trong nhiều năm đã cố gắng thu hút những người có kỹ năng công nghệ cao vào cộng đồng và điều này không giúp ích gì cho thông điệp được truyền đi.”
Kỹ năng công nghệ cao thì liên quan gì đến LGBTQ.
Carruthers cho biết đã viết một lá thư cho Cha Roman để cho ngài biết về mối quan tâm của mình và yêu cầu vị linh mục xin lỗi.
“Với tư cách là thị trưởng và là một công dân, tôi đã làm việc lâu dài và chăm chỉ để phát triển một cộng đồng hỗ trợ tất cả các công dân của mình,” Carruthers viết. “Làm việc cùng với nhiều nhà lãnh đạo dựa trên đức tin của chúng ta, chúng tôi đã ủng hộ sự khoan dung, đa dạng và chấp nhận tất cả những khác biệt con người của chúng ta. Những tuyên bố của cha phớt lờ các khía cạnh của công việc này và sắc lệnh liên quan đến nhân quyền trong thành phố của chúng ta và tất cả những nỗ lực của chúng ta nhằm xây dựng một cộng đồng chào đón tất cả mọi người”.
Bức thư của Carruthers, cũng được gửi đến Đức Cha Walter A. Hurley, Giám Mục Giáo phận Gaylord, yêu cầu Đức Cha phải đưa ra một lời xin lỗi đến cộng đồng.
“Cộng đồng Thành phố Traverse nói chung của chúng tôi không chấp nhận sự chia rẽ mà các bạn gây ra và các bạn nên làm điều đúng đắn bằng cách hỗ trợ một thông điệp bao hàm, không phải một thông điệp chia rẽ chúng tôi,” Carruthers viết.
Cho đến nay, Đức Cha Walter A. Hurley và Cha Mitchel Roman đã từ chối không trả lời. Các quan sát viên Công Giáo cho rằng vụ này thể hiện một mức độ đàn áp tự do tôn giáo mới ở Hoa Kỳ.
Anh Giáo và Tin Lành đánh hôi
Linh mục Kurt Henle của giáo xứ Anh giáo All Saints – nghĩa là Các Thánh - cho biết xu hướng của nhiều Giáo Hội ngày nay là thay đổi giáo huấn của mình cho phù hợp với văn hóa, thay vì kiên trì diễn giải đúng như Thánh Kinh.
Mục sư Bill Myers của Giáo Hội Trưởng Lão tại Thành phố Traverse, nơi cho phép đàn ông và phụ nữ thuộc mọi khuynh hướng tình dục được làm mục sư.
Myers quảng cáo rằng Giáo Hội của ông ta cử hành lễ cưới cho hôn nhân đồng giới và chào đón tất cả mọi người
“Khi bạn nói chuyện với hầu hết mọi giáo phái Kitô, bạn sẽ tìm thấy rất nhiều khác biệt về quan điểm liên quan đến nhiều vấn đề văn hóa mà chúng tôi đã giải quyết,” Myers nói.
Ông nói, nhiều tôn giáo sử dụng các đoạn Kinh thánh theo nghĩa đen mà không có ngữ cảnh, và các Kitô hữu sẽ không đồng ý.
Myers nói: “Nhưng chúng ta không sống cùng thời với Chúa Giêsu hay bất kỳ người nào khác trong Kinh thánh.
Source:Record Eagle
Trong các ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, Dòng Anh Em Hèn Mọn, Giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng, luôn là người thuyết giảng trước Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma.
Trong chương trình hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em một bài giảng xuất sắc của ngài về Giuđa Iscariốt.
Mở đầu bài giảng, ngài nói:
Lịch sử Thiên Chúa – loài người trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu bao gồm nhiều câu chuyện nhỏ về những người nam nữ tham gia vào những mảng sáng, tối của biến cố này. Câu chuyện bi thảm nhất là câu chuyện của Giuđa Iscariot. Đây là một trong số ít các sự kiện được đề cập với cùng một mức nhấn mạnh như nhau bởi cả bốn sách Phúc Âm và phần còn lại của Tân Ước. Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đã suy tư rất nhiều về sự kiện này và chúng ta thật là bất cẩn nếu không làm như thế. Câu chuyện này có nhiều điều để nói với chúng ta.
Giuđa đã được lựa chọn ngay từ đầu trong Nhóm Mười Hai. Khi đưa tên ông ta vào trong danh sách các tông đồ, Thánh Sử Luca viết “Giuđa Iscariot, người trở thành (egeneto) một kẻ phản bội” (Lc 6:16). Như thế, Giuđa đã không phải là một kẻ phản bội từ lúc lọt lòng mẹ, và cũng chẳng phải là một kẻ phản bội lúc Chúa Giêsu chọn ông; sau này ông mới trở thành một kẻ phản bội! Chúng ta đang đứng trước một trong những thảm kịch bi đát nhất của tự do con người.
Tại sao anh ta trở thành một kẻ phản bội? Cách đây không lâu, khi luận đề về “Chúa Giêsu cách mạng” đang cuốn hút nhiều người, người ta cố gắng để gán cho hành động phản bội của Giuđa những động cơ mang tính lý tưởng. Có người nhìn thấy trong tên của ông ta “Iscariot” một chút biến tướng của từ sicariot, nghĩa là anh ta thuộc về một nhóm cuồng tín cực đoan chuyên sử dụng một loại dao găm (sica) để chống lại người La Mã. Lại có những người khác nghĩ rằng Giuđa đã thất vọng với Chúa Giêsu về cách Ngài trình bày “vương quốc Thiên Chúa” và muốn buộc Ngài ra tay hành động chống lại các dân ngoại cả trên bình diện chính trị. Đây là Giuđa của vở nhạc kịch nổi tiếng Jesus Christ Superstar và của những bộ phim và tiểu thuyết khác được chào đời gần đây - một Giuđa giống như một kẻ nổi tiếng đã phản bội ân nhân mình, là Brutus, người đã giết Julius Caesar để cứu nền Cộng hòa La Mã!
Đây là những tái tạo lại câu chuyện phải được tôn trọng nếu như chúng có giá trị văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, chúng không có bất kỳ cơ sở lịch sử nào. Những sách Phúc Âm là các nguồn đáng tin cậy duy nhất mà chúng ta có về nhân vật Giuđa đều đồng thanh nói về một động cơ rất trần tục: đó là tiền. Giuđa đã được giao phó giữ tiền của nhóm; khi bà Maria Mađalêna xức dầu thơm cho Chúa tại Bethany, Giuđa đã phản đối việc dùng dầu thơm quý giá để đổ lên chân Chúa không phải vì ông quan tâm đến người nghèo nhưng, như thánh Gioan lưu ý, “vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung.”(Ga 12:6 ). Đề nghị của ông với các thượng tế thật là rõ ràng: ‘Các ông định cho tôi bao nhiêu, nếu tôi giao nạp Người cho các ông? Và các thượng tế ấn định số tiền là 30 đồng bạc’” (Mt 26,15).
Nhưng tại sao người ta lại ngạc nhiên trước lời giải thích này, câu trả lời hiển nhiên quá mà? Chẳng phải chuyện như thế vẫn luôn xảy ra trong lịch sử và vẫn xảy ra ngày hôm nay sao? Mammon, thần tài, không chỉ là một ngẫu tượng trong số rất nhiều những ngẫu tượng: nhưng đó là thứ ngẫu tượng trỗi vượt nhất, đó là thứ “thần được người ta đúc lên” (xem Xh 34:17 ) Và chúng ta biết lý do tại sao. Khách quan mà nói ai là kẻ thù thực sự, là đối thủ của Thiên Chúa trong thế giới này? Không phải Satan sao? Chẳng ai quyết định phụng sự Satan mà không có một động cơ. Bất cứ ai quyết định làm như vậy đều tin rằng họ sẽ có được một số quyền thế hoặc lợi ích trần tục nào đó từ hắn ta. Ngoài Thiên Chúa ra, một số người lại có một ông chủ khác đối nghịch với Thiên Chúa, Chúa Giêsu nói với chúng ta rõ ràng người chủ khác ấy là ai: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được “(Mt 6:24 ). Tiền của là thứ “thần có thể nhìn thấy được” trái ngược với Thiên Chúa là Đấng vô hình.
Thần tài chống lại Thiên Chúa vì nó tạo ra nơi con người một vũ trụ tinh thần khác; nó thay đổi mục đích của nhân đức đối thần. Đức tin, hy vọng và lòng bác ái không còn được đặt vào Thiên Chúa nhưng vào tiền. Một đảo ngược nham hiểm của tất cả các giá trị xảy ra. Kinh Thánh nói: “ Cái gì cũng có thể, đối với người có lòng tin “ (Mc 9:23), nhưng thế gian nói: “Có tiền mua tiên cũng được.” Và trên một bình diện nhất định, mọi thứ dường như là như thế thật.
Kinh Thánh nói: “Lòng yêu mến tiền bạc là căn nguyên của mọi tội lỗi” (1 Tim 6:10). Đằng sau mọi sự dữ trong xã hội của chúng ta là tiền bạc, hay ít nhất cũng có dính líu đến tiền. Chúng ta nhớ lại trong Kinh Thánh câu chuyện các thanh niên nam nữ đã phải hy sinh cho thần Mo-lóc (x. Gr 32:35 ) hay câu chuyện thần Aztec mà hàng ngày một số lượng nhất định dân chúng bị giết để lấy tim dâng lên thần. Những gì nằm phía sau nạn buôn bán ma túy phá hủy rất nhiều cuộc sống của con người, đằng sau hiện tượng mafia, đằng sau việc tham nhũng của các chính trị gia, đằng sau việc sản xuất và bán các loại vũ khí, và thậm chí đằng sau một điều thật khủng khiếp - khi phải đề cập đến - là việc bán nội tạng con người lấy từ trẻ em? Và còn cuộc khủng hoảng tài chính mà thế giới đã và đang trải qua cũng như đất nước này vẫn còn đang gánh chịu, không phải phần lớn là do “sự ham hố tiền của đáng nguyền rủa” của một số người sao? Giuđa đã bắt đầu nhón khỏi ví chung cuả cả nhóm. Còn một số các quản trị viên công quỹ thì sao?
Tuy nhiên, bên cạnh những tội phạm hình sự để có tiền, còn có cả những xì căng đan trong đó một số người kiếm được tiền lương và hưu trí đôi khi cao hơn so với những người làm việc cho họ 100 lần và họ ồn ào phản đối khi một đề nghị được đưa ra để giảm tiền lương của họ ngõ hầu xã hội có thể công bằng hơn?
Trong những thập niên 1970 và 1980, tại Ý, để giải thích cho những thay đổi chính trị bất ngờ, những hành xử quyền lực bí ẩn, khủng bố, và tất cả các loại bí ẩn gây phiền hà cho cuộc sống dân sự, người ta bắt đầu đề cập đến ý tưởng bán thần thoại về sự tồn tại của một “Bố Già”, một nhân vật quỷ quyệt và quyền thế là kẻ đứng sau hậu trường giật dây cho tất cả mọi chuyện để đạt đến những mục tiêu chỉ mình hắn ta biết mà thôi. “Bố Già” quyền uy ngất ngưởng này thực sự tồn tại và chẳng phải là một huyền thoại đâu. Tên hắn ta là tiền!
Giống như tất cả các ngẫu tượng khác, thần tài quỷ quyệt gian ngoa: nó hứa hẹn an ninh nhưng thay vào đó nó lấy đi; nó hứa hẹn tự do nhưng thực tế lại phá hủy tự do. Thánh Phanxicô Assisi, với một mức độ nghiêm khắc không thường thấy nơi ngài, đã mô tả giờ phút kết thúc cuộc đời của một người đã sống chỉ để làm tăng “vốn liếng” của mình. Khi gần chết ông ta mời linh mục đến. Vị linh mục hỏi người sắp chết, “Ông có muốn được tha thứ tất cả tội lỗi của ông không?” Và ông trả lời: “Thưa có.” Linh mục hỏi tiếp: “Ông có sẵn sàng để sửa chữa những sai lầm ông đã gây ra, khôi phục lại những thứ ông đã lừa đảo của những người khác không? “người đàn ông sắp chết thều thào trả lời: “không, không thể được.” “Tại sao lại không thể được?” “Bởi vì tôi đã giao phó mọi sự trong tay của người thân và bạn bè của tôi.”. Như thế, ông ta chết đi mà không ăn năn hối cải, và trong khi thi hài ông bắt đầu lạnh dần người thân và bạn bè của ông tụ họp lại bên cạnh. Họ nói, “Thằng chết tiệt này! Lẽ ra nó nên kiếm nhiều tiền hơn để lại cho chúng ta mới phải chứ.”
Bao nhiêu lần trong thời buổi này chúng ta lẽ ra phải suy nghĩ lại một lần nữa tiếng Chúa Giêsu kêu lên với người phú hộ trong dụ ngôn về người cứ lo thu tóm của cải bất tận và nghĩ rằng phần còn lại của cuộc đời mình sẽ được an toàn: “Đồ ngu! Nội đêm nay, mạng ngươi bị đòi lại, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? “(Lc 12:20)
Những người có quyền chức tham ô đến nỗi hết nhớ nổi ngân hàng nào, thiên đường tài chính nào tàng trữ bao nhiêu tiền tham nhũng của mình đã nhận ra bản thân mình đang bị xét xử tại tòa án hoặc tại một nhà tù đúng ngay vào lúc họ tự nhủ với lòng mình: “Yên tâm mà hưởng đi, hồn tôi ơi.” Họ làm điều đó cho ai? Nó có đáng không? Phải chăng họ làm như thế vì lợi ích của con em và gia đình của họ, hoặc đảng phái của họ, nếu thực sự họ nghĩ như thế? Hay là chỉ hủy hoại bản thân và những người khác?
Sự phản bội của Giuđa vẫn tiếp tục xuyên suốt trong lịch sử, và người bị phản bội luôn luôn là Chúa Giêsu. Giuđa bán Đầu [ý chỉ Chúa Giêsu – chú thích của người dịch], trong khi những kẻ bắt chước ông bán phần thân mình, vì người nghèo là chi thể của nhiệm thể Chúa Kitô, cho dù họ biết điều đó hay không. “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy “ (Mt 25:40 ). Tuy nhiên, sự phản bội của Giuđa không chỉ tiếp tục trong phạm vi các nhân vật cao cấp các loại mà tôi vừa đề cập. Thật là an ủi cho chúng ta nếu được như thế, nhưng không phải vậy đâu. Bài giảng mà cha Primo Mazzolari vào Thứ Năm Tuần Thánh năm 1958, về “Anh Giuđa của chúng ta” vẫn còn rất nổi tiếng. Ngài nói với vài giáo dân ngồi trước mặt ngài, “Hãy để tôi suy nghĩ về cái tên Giuđa trong người tôi đây một lúc, về cái tên Giuđa, có lẽ cũng có cả bên trong anh chị em. “
Người ta có thể phản bội Chúa Giêsu để đổi lấy những thứ khác hơn là 30 đồng bạc. Một người đàn ông phản bội vợ mình, hoặc người vợ phản bội chồng, là phản bội Chúa Kitô. Các thừa tác viên của Chúa không trung thành với đấng bậc của mình trong cuộc sống, hoặc thay vì nuôi dưỡng những con chiên được giao phó cho ngài lại dùng những con chiên ấy như nguồn vỗ béo cho chính mình, là phản bội Chúa Giêsu. Bất cứ ai phản bội lương tâm của họ đều phản bội Chúa Giêsu. Thậm chí tôi có thể phản bội Ngài ngay lúc này đây- và điều này làm cho tôi run sợ - nếu như trong khi giảng về Giuđa tôi quan tâm đến sự đồng thuận của khán giả hơn là dự phần trong nỗi buồn bao la của Đấng Cứu Thế. Có một trường hợp giảm khinh trong trường hợp của Giuđa mà tôi không có. Ông ta không biết Chúa Giêsu là ai và chỉ coi Ngài là “một người công chính”; ông không biết rõ như chúng ta rằng Ngài là Con Thiên Chúa!
Mỗi năm khi Mùa Phục Sinh đến gần, tôi đều muốn nghe lại bản “Cuộc thương khó Chúa Kitô theo Thánh Matthêu” của Bach. Nó bao gồm một chi tiết khiến tôi rùng mình mỗi lần. “Ðang bữa ăn, Người nói: Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Mt 26:21). Khi Chúa Giêsu thông báo như thế, tất cả các tông đồ đều hỏi Chúa Giêsu : “Có phải con không, thưa Thầy?” Trước khi chúng ta nghe câu trả lời của Chúa Kitô, nhà soạn nhạc - xóa đi khoảng cách giữa biến cố và việc tưởng niệm biến cố ấy - thêm vào một hợp xướng bắt đầu như thế này: “Đó là con; Con là kẻ phản bội! Con cần phải đền bù tội lỗi con.” Giống như tất cả các hợp xướng thánh ca trong tác phẩm âm nhạc này, nó thể hiện tình cảm của những người đang lắng nghe. Nó cũng là một lời mời gọi chúng ta xưng thú tội lỗi mình.
Tin Mừng mô tả cái kết cục khủng khiếp của Giuđa: “Bấy giờ, Giuđa, kẻ nộp Người, thấy Người bị kết án thì hối hận. Hắn đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế và kỳ mục mà nói: “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan”. Nhưng họ đáp: ‘Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh!’ Giuđa ném số bạc vào Ðền Thờ rồi lui ra và đi thắt cổ” (Mt 27:3-5). Nhưng chúng ta không nên đưa ra một phán quyết vội vàng ở đây. Chúa Giêsu không bao giờ bỏ rơi Giuđa, và không ai biết, sau khi ông treo mình lên cây với một sợi dây thừng quanh cổ, ông ta sẽ đi về đâu: trong tay của Satan hay trong bàn tay của Thiên Chúa. Ai có thể biết được điều gì đã loé lên trong tâm hồn ông trong những giây phút cuối cùng này? “Bạn” là từ cuối cùng mà Chúa Giêsu gọi ông, và ông không thể quên được, cũng giống như ông không thể quên ánh mắt của Chúa Giêsu nhìn ông.
Đúng là khi nói chuyện với Chúa Cha về các môn đệ của Ngài, Chúa Giêsu đã nói về Giuđa, “không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng”(Ga 17:12). Nhưng ở đây, như trong rất nhiều trường hợp khác, Ngài đang nói từ quan điểm của thời gian và không phải vĩnh hằng. Tầm cỡ của sự phản bội này tự mình đã đủ, không cần phải tính đến sự thất bại đó là vĩnh cửu để giải thích một bản án đáng sợ khác nói về Giuđa: “Ðã hẳn, Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người. Nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!” (Mc 14 : 21). Số phận đời đời của một con người là một bí mật bất khả xâm phạm được gìn giữ bởi Thiên Chúa. Giáo Hội bảo đảm với chúng ta rằng một người nam hay một người nữ được công bố là một vị thánh đang được nếm hưởng niềm hạnh phúc vĩnh cửu, nhưng Giáo Hội không biết chắc chắn rằng một người cụ thể nào đó đã phải sa hoả ngục hay không.
Dante Alighieri, là một nhà thơ, là người đã đặt Giuđa trong tầng cuối cùng sâu nhất của địa ngục trong tác phẩm Divine Comedy của mình, đã kể về việc hoán cải vào giờ phút cuối cùng của Manfred, con trai Hoàng Đế Frederick II và là vua xứ Sicily, người mà tất cả mọi người vào thời điểm đó đều coi y là đáng nguyền rủa vì ông đã chết trong vạ tuyệt thông. Bị thương chí mạng trong một trận chiến, Manfred tâm sự với nhà thơ rằng vào thời điểm cuối cùng của cuộc đời mình, “... trong than khóc, tôi đã phó linh hồn tôi cho Đấng đã sẵn sàng tha thứ” và ông đã gửi một tin nhắn từ Luyện Ngục về trái đất mà ngày nay vẫn còn có liên quan tới chúng ta:
Khủng khiếp là bản chất của tội lỗi tôi, nhưng lòng thương xót vô biên mở rộng vòng tay của mình cho bất kỳ người nào tìm kiếm nó.
Đây là điều mà câu chuyện về người anh em Giuđa của chúng ta nên khiến chúng ta phải làm: ấy là sấp mình trước Đấng sẵn lòng tha thứ cho chúng ta cách nhưng không, là ném mình tương tự như vậy vào cánh tay đang dang ra của Đấng chịu đóng đinh. Điều quan trọng nhất trong câu chuyện của Giuđa không phải là sự phản bội của ông ta nhưng là phản ứng của Chúa Giêsu đối với ông. Ngài biết rõ những gì đã phát triển trong trái tim người môn đệ mình, nhưng Ngài không phơi bày ra; Ngài muốn cho Giuđa cơ hội cho tới tận phút cuối cùng để quay trở lại, và gần như che chắn cho anh ta. Ngài biết lý do tại sao Giuđa đến vườn ô liu, nhưng Ngài không từ chối nụ hôn lạnh lùng của y và thậm chí còn gọi y là “bạn” (xem Mt 26:50 ). Ngài đã tìm ra Phêrô sau khi chối Chúa để tha thứ cho ông, vì vậy Ngài có thể đã tìm ra Giuđa tại chỗ nào đó trên đường lên núi Sọ! Khi Chúa Giêsu cầu nguyện từ trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho chúng; vì chúng không biết việc chúng làm “(Lc 23:34), Chúa chắc chắn không loại trừ Giuđa trong số những người mà Ngài cầu nguyện cho.
Vì vậy, những gì chúng ta sẽ làm là gì? Ai là người mà chúng ta nên noi theo, Giuđa hay Phêrô? Phêrô đã hối hận vì những gì ông đã làm, nhưng chẳng phải Giuđa cũng đã hối hận đến mức bật khóc sao? “Tôi đã phản bội máu người vô tội!” Và ông đã trả lại ba mươi đồng bạc. Vậy đâu là sự khác biệt? Chỉ là một điều này thôi: đó là Phêrô thì tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa Kitô, còn Giuđa thì không! Tội lỗi lớn nhất của Giuđa không phải là phản bội Chúa Kitô nhưng là đã nghi ngờ lòng thương xót vô biên của Ngài.
Nếu chúng ta đã bắt chước Giuđa ít nhiều trong sự phản bội của ông, chúng ta đừng bắt chước ông trong sự thiếu niềm tin vào sự tha thứ. Có một bí tích mà qua đó chúng ta có thể kinh nghiệm chắc chắn về lòng thương xót của Chúa Kitô: đó là bí tích hòa giải. Bí tích này tuyệt vời là ngần nào! Thật là ngọt ngào để cảm nghiệm về Chúa Giêsu là Thầy, là Chúa, nhưng thậm chí còn ngọt ngào hơn để cảm nghiệm Ngài là Đấng Cứu Thế, là Đấng lôi anh chị em ra khỏi vực thẳm, như Ngài đã kéo Phêrô khỏi chìm xuống biển, để cảm nghiệm Ngài là Đấng đã chạm vào anh chị em như Ngài đã làm với người bị bệnh phong, và nói với anh chị em, “Tôi muốn, anh sạch đi” (Mt 8:3).
Bí tích Hòa Giải cho chúng ta cảm nghiệm chính bản thân mình những gì Giáo Hội nói về tội lỗi của A Dong vào đêm Phục Sinh trong bài “Vinh Tụng Ca”: “Ôi tội hồng phúc vì đã đem đến một Đấng Cứu Chuộc vĩ đại và vinh quang” Chúa Giêsu biết làm thế nào để lấy đi tất cả tội lỗi của chúng ta, khi chúng ta có lòng ăn năn, và làm cho những tội lỗi này thành “tội hồng phúc”, những tội lỗi đó sẽ không còn được nhớ đến, chúng chỉ là dịp để chúng ta cảm nghiệm lòng thương xót và sự dịu dàng của Thiên Chúa.
Tôi có một mong muốn cho bản thân mình và cho tất cả những người cha, người anh, người chị, người em đáng kính: đó là cầu xin cho vào sáng Phục Sinh, chúng ta có thể thức giấc và để cho những lời của một người cải đạo vĩ đại trong thời hiện đại là Paul Claudel, vang vọng trong trái tim của chúng ta.
Thiên Chúa của con, con đã được hồi sinh, và con sống với Chúa một lần nữa!
Con đang mê ngủ, duỗi thẳng tứ chi như một người đã chết trong đêm. Chúa nói: “ Hãy có ánh sáng!” Và con tỉnh dậy òa khóc!
Cha của con, Chúa là Đấng đã ban cho con cuộc sống trước lúc rạng đông, con đặt bản thân con trong sự hiện diện của Chúa.
Con tim con tự do và miệng của con sạch sẽ; cơ thể và tinh thần của con đang chay tịnh. Con đã được xá khỏi tất cả các tội lỗi của con, những tội con đã thú nhận từng tội một.
Chiếc nhẫn cưới trên ngón tay con và khuôn mặt của con được rửa sạch. Con giống như một con người vô tội trong ân sủng mà Ngài ban cho con.
Đây là những gì lễ Vượt Qua của Chúa Kitô có thể làm cho chúng ta.