Ngày 22-02-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Cho nước uống!
Lm Nguyễn Hữu Thy
04:04 22/02/2008
Chúa Nhật III Mùa Chay/A:

Cho nước uống !


(Ga 4,5-42)

1. Lời dẫn trước bài Tin Mừng:

Giữa một buổi trưa nóng nực, Ðức Giêsu đã gặp một người phụ nữ xứ Sa-ma-ri tại một bờ giếng, mà theo truyền thống của dân bản xứ, người ta vẫn coi là một nơi linh thiêng. Vâng, dựa theo lưu truyền, Tổ phụ Gia-cóp đã uống nước giếng này. Ðức Giêsu đã bắt đầu câu chuyện với người phụ nữ. Bà ta nói về những việc hằng ngày, về những chuyện tranh cãi giữa người Do-thái và người Sa-ma-ri. Trong khi đó, Ðức Giêsu nói về sứ điệp của Người, về các hồng ân Thiên Chúa ban, về sự sống vĩnh cửu. Vì thế, thoạt đầu xem ra Ðức Giêsu và người phụ nữ xứ Sa-ma-ri không hiểu nhau: Câu chuyện của hai người không ăn khớp với nhau. Nhưng thật ra, câu truyện trao đổi giữa Ðức Giêsu và người phụ nữ không có gì đi ngược lại nhau. Ðức Giêsu dẫn người phụ nữ từ từ đi vào trọng tâm, đi vào sứ điệp cứu độ của Người, Ðấng ban cho con người được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa. Vậy, bây giờ chúng ta hãy lắng nghe câu chuyện chứa đựng đầy hậu ý của Ðức Giêsu với người phụ nữ tại bờ giếng Gia-cóp như sau: Bài Tin Mừng Chúa Giêsu theo thánh Gioan ….

2. Sau bài Tin Mừng:

«Làm thế nào ông là một người Do-thái lại có thể xin tôi là một người đàn bà Sa-ma-ri nước uống được?» Rất đỗi kinh ngạc, người phụ nữa Sa-ma-rie đã hỏi Ðức Giêsu như thế. Trước hết, ở đây cũng xem ra quá rõ rệt là ai có thể cho ai nước uống. Trong bài Tin Mừng còn được giải thích tiếp: «Người Do-thái không có giao lưu với người Sa-ma-ri». Qua đó, người ta đã tường thuật một cách nhẹ nhàng bớt và hòa điệu hơn, là vốn có những căng thẳng do những lý do tôn giáo và xã hội đã đưa tới những ngăn cách sâu xa giữa người Do-thái và Sa-ma-ri. Thêm vào đó, một điều không ai có thể chối cải được là xưa kia, giá trị người phụ nữ rất bị coi nhẹ. Bởi vậy, là một điều rất ngoại lệ và rất ngạc nhiên khi một người đàn ông Do-thái đi xin một người phụ nữ Sa-ma-ri nước uống một cách công khai như thế! Chắc hẳn đây phải là một sự hiểu lầm?

Ðức Giêsu đã bỏ qua vấn đề phong tục đương thời và lưu ý đến những vấn nạn người phụ nữ nêu lên; Người nói chuyện với bà ta. Câu chuyện được bắt đầu với lời xin nước uống. Nhưng câu chuyện lại được kết thúc với lời loan báo: Thiên Chúa sẽ ban ơn cứu độ qua Ðức Giêsu, một công dân Do-thái. Vấn đề ở đây không còn là việc làm phúc của một người đàn bà thuộc một dân lẻ loi cô độc, nhưng là hồng ân Thiên Chúa được ban xuống cho tất cả mọi người.

Nhiều khi những người Kitô hữu chúng ta cũng nghĩ rằng mình được yêu cầu «cho Chúa nước uống». Chính trong Mùa Chay, chúng ta càng cảm thấy thái độ đó cách rõ rệt hơn. Từ ngay trong tuổi thơ ấu, chúng ta ta đã được dạy là phải kiêng khem giữ gìn, thí dụ: để tỏ lòng mến Chúa, chúng ta phải nhịn ăn vặt các thứ kẹo bánh, và khi lớn lên, thuốc lá, rượu bia, v.v… Ðể hy sinh đền tội, chúng ta từng được kêu gọi phải siêng năng đi nhà thờ đọc kinh xem lễ hơn bình thường, không chỉ trong ngày Chúa Nhật, nhưng cả trong những ngày thường nữa. Từ lối giáo dục và sống đạo đó đã tạo cho chúng ta một quan điểm: Chúng ta phải cố gắng làm cho Chúa một việc gì đó; để làm sáng danh Chúa, chúng ta cần phải từ bỏ hay kiêng khem một vài điều gì đó. Nói cách khác, phải «cho Chúa nước uống.»

Thế nhưng, hôm nay qua câu chuyện với người phụ nữ Sa-ma-ri ở bờ giếng Gia-cóp, Ðức Giêsu đã dạy chúng ta một thái độ sống ngược lại: Không phải chúng ta làm cho Thiên Chúa điều gì đó, nhưng là Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta ơn thánh sủng và sự cứu độ của Người. Vì thế, nếu chúng ta biết chân thành và khiêm tốn đón nhận ơn Chúa, chúng ta đã thấu hiểu được Tin Mừng. Và được coi như là hiệu quả của quan điểm và sự ý thức đó là việc chúng ta luôn biết tham dự các Thánh Lễ và các giờ kinh nguyện chung/riêng, chứ không phải chỉ những việc ăn chay phạt xác. Chúng ta cần biết nghe và học hỏi lời Chúa thường xuyên hơn, biết hiệp thông với cộng đoàn các tín hữu hơn. Là những người đã được nhận lãnh ơn Chúa, chúng ta hãy đưa san sẻ cho người các ơn huệ đã được. Chúng ta hãy yêu thương giúp đỡ cách riêng những người đang đau khổ túng thiếu, hoặc bằng vật chất: tiền bạc, cơm bánh, vật dụng cần thiết, hay sự thăm viếng; hoặc về tinh thần: Lời cầu nguyện, một cử chỉ thân thiện, một lời nói đầy thông cảm, một cái mỉm cười chân tình, v.v… Dĩ nhiên, tâm tình biết san sẻ cho đồng loại như thế đòi hỏi nơi chúng ta một sự hy sinh nào đó, chẳng những tiền bạc của cải mà còn thời giờ và sức khỏe nữa. Ðó mới là ý nghĩa đúng đắn của thái độ khước từ hay cắt giảm những nhu cầu thực dụng hằng ngày, chỉ với mục đích là để giúp đỡ và san sẻ cho những người khác ơn huệ Thiên Chúa đã ban cho.

Cũng vì thế, chúng ta thường hay bị mặc cảm, hay bị ám ảnh bởi ý nghĩ tự cho mình là thiếu sót về đức ái và tỏ ra ngượng ngùng, khi phải gặp mặt những người mà chúng ta đã không đủ điều kiện để giúp đỡ, để «cho nước uống» khi họ chạy đến cầu cứu chúng ta! Nhưng chúng ta cũng đừng quên rằng, Thiên Chúa không bao giờ đòi hỏi chúng ta phải có thái độ như thế; đó chỉ là vấn đề thuần túy tâm lý của chúng ta mà thôi. Thiên Chúa chỉ muốn ban cho chúng ta tình yêu và lòng nhân hậu của Người, qua Ðức Giêsu, qua đức tin và qua cộng đoàn các tín hữu.

Vậy, thay vì đầy lo lắng trông ngắm những điều bất khả đạt tới và hoàn toàn nằm ngoài tầm tay nhân loại của mình, chúng ta hãy đưa mắt nhìn quanh chúng ta để xem chỗ nào và bằng cách nào chúng ta có thể san sẻ hồng ân Thiên Chúa cho người khác được!
 
Ai là người đàn bà Samaria, ai là Chúa Giêsu đối với tôi?
Lm. Peter Hoàng Xuân Nghiêm
11:14 22/02/2008
Chúa nhật III Mùa Chay A

AI LÀ NGƯỜI ĐÀN BÀ SAMARIA, AI LÀ CHÚA GIÊSU ĐỐI VỚI TÔI?

1. Bờ giếng Gacóp là môi-trường sống riêng biệt của mỗi cá nhân.

Môi trường nầy có thể là gia đình, là một Phong trào tôi đang sinh hoạt, một Hội đoàn Công giáo tiến hành tôi đang tham dự, là môi trường giáo xứ, môi trường công tư sở mà tôi đang là một thành viên trực thuộc. Bờ giếng Giacóp như một quán nước bên đường, một Rest Area bên xa lộ cuộc đời cho người lữ khách đường xa dừng lại, nghỉ ngơi, bồi đưỡng để lên đường đi tiếp đích điểm cuối cùng của cuộc hành trình.

Tôi là một người đàn bà Samaria đang làm chủ hay đang tiếp xúc, tiếp cận với môi trường riêng tư hay công cộng mỗi ngày hay mỗi tuần khi có dịp.

Chúa Giêsu có thể hiện thân là một trong những thành viên của gia đình tôi, một người bạn đồng sở làm với tôi, một hội viên, một đoàn viên, một thành viên cùng giáo xứ với tôi.

2. Người đàn bà Samaria đã cho Chúa Giêsu nước uống khi Ngài xin.

Muốn tặng nước cho Chúa Giêsu uống, người đàn bà Samaria phải có nước hay phải có gàu để múc nước từ dưới giếng Giacóp lên mà biếu tặng Chúa Giêsu. Muốn cho, muốn tặng thì phải có cái để tặng, để cho. Không ai cho cái mình không có bao giờ cả. Cái nguyên lý căn bản nầy ai cũng biết hết.

Tôi là một người Samaria mới trong vai trò làm vợ tại môi trường gia đình. Chồng tôi là một Giêsu đang tiến lại gần, tiếp cận với tôi và thành khẩn xin tôi thứ nước cảm thông, tha thứ để giúp anh bắt đầu làm tốt lại từ đầu vai trò của một người chồng, người cha mà cả hơn một năm nay đã bỏ bê không ngó ngàng tới. Anh rất ân hận, lúng túng. Anh muốn sửa lại mọi sự trong ngoài. Thứ nước cảm thông, tha thứ từ chị bên bờ giếng Giacóp là môi trường gia đình. Chị có sẵn sàng như người đàn bà Samaria làm cho Chúa Giêsu không?

Tôi là một người chồng trong một hoàn cảnh tương tự như trên đây, tôi có sẳn sàng ban tặng người số một của tôi thứ nước hòa giải để nối lại tình xưa nghĩa cũ đã một thời gián đoạn vì hiểu lầm, để vợ chồng, con cái cùng đoàn tụ trong một môi trường gia đình đấm ấm, hạnh phúc như xưa, được không?

Tôi là một đứa con trong một gia đình. Bố mẹ tôi đã luống tuổi, lại chịu ảnh hưởng của nền văn hoá lâu đời của Việt-Nam. Tôi sinh ra và lớn lên ở Mỹ, chịu ảnh hưởng một nên văn hóa và giáo dục sâu đậm của Hoa-Kỳ. Giữa tôi và bố có sự xung khắc, vì bố tôi chỉ nói tiếng Việt, còn tôi chỉ biết nói tiếng Anh. Hai bố con không gặp nhau trong quan niệm sống và không hoà hợp nhau trong đời sống gia đình. Tôi nghe cha sở của tôi giải thích rằng giưã bố mẹ và con cái có thể không hiểu và không thông cảm nhau vì khả năng ngôn ngữ. Cho nên bố mẹ cần cập nhật-hoá tiếng Anh và con cái cần trau dối thêm tiếng Việt để dễ dàng thông cảm với nhau, nhưng về tình yêu thương bố mẹ Việt-Nam dành cho con cái thì không cần “ấp đết”. Tôi đang ngồi bên giếng Giacóp của gia đình trong Mùa Chay như một cơ-hội. Chiếc gầu cảm thông tôi đang cầm trong tay. Tôi chỉ cần thả xuống... kéo lên nuớc “I’m sorry” và đổ vào thùng yêu thương của bố tôi có sẵn thì tôi sẽ trở thành một người Samaria thứ thiệt, bắt đầu từ Mùa Chay thánh năm nay

Tôi là một thành viên có hạng trong Phong Trào. Tôi đang ở trong Ban điều hành cuả Phong Trào. Nhưng tôi ghét cay ghét đắng những người không ủng hộ tôi trong những kế hoạch tôi đề nghị. Tôi muốn loại bỏ và khai trừ hết những người chống đối. Cha Sở của tôi và cũng là linh hướng của Phong Trào nói với tôi rằng ngày xưa tại Nam Việt-Nam, Phó Tổng Thống Trần Văn Hương có nói mọt câu chua cay nhưng để đời: “Trong hoàn cảnh của xã hội Miền Nam hôm nay, nếu sa thải hết những người hối lộ thì lấy ai làm việc công”. Cha sở khuyên tôi hãy chấp nhận hợp nhất trong khác biệt và ngài thêm: Biết đâu nhờ những chống đối ấy mà người trong cuộc sẽ cẩn trọng hơn trong các phương án. Âu đó cũng là một điều hay. Bây giờ Mùa Chay là một cơ-hội. Hội Họp của Phong Trào như quán nước Giacóp bên đường. Giếng đây, gàu đây tôi có vui lòng cúi xuống... kéo lên để biến tôi thành một người Samaria mới ở dây và bây giờ không?

Tôi là một thành viên năng nổ của cộng đồng xứ đạo của tôi. Tôi đang giữ một vai trò tương đối có ảnh hưởng. Một ngày kia, có thể là Cha Sở, có thể là một thành viên khác vì thiếu tế nhị cũng có hay vô tình cũng có, đã nói một lời hay tỏ một thái độ. .. đụng chạm đến tôi. Thế là tôi buồn, tôi giận, tôi bỏ xứ và bỏ luôn cả việc đi lễ tại nhà thờ giáo xứ trong một thời gian dài. Mùa Chay là một cơ hội. Giếng Giacóp là quán nước bên đường mời tôi là một lữ khách dừng lại. Tự nhiên tôi suy nghĩ. Tôi giận người khác, tôi giận luôn cả Chúa được sao? Thiệt là vô lý. Tôi chỉ cần tra tay vào chiếc gầu cảm thông và thả xuống giếng rồi múc lên nước tha thứ là tôi có thể trở thành một người Samaria mới bên bờ giếng Giacóp của giáo xứ.

Người phụ nữ Samaria đã múc nước cho Chúa Giêsu uống khi Người ngồi bên bờ giếng Giacóp ngày xưa. Chúa Giêsu đang ngồi đấy bên bờ giếng Giacóp của cuộc đời. Ngài đang hiện thân trong những người khác đang có nhiều liên hệ đến cuộc đời bạn và tôi. .. và Ngài đang nói với mỗi chúng ta: “Cho tôi uống nước với”. Liệu chúng ta có sẵn sàng không?
 
Chỉ có Chúa mới lấp đầy được trái tim khao khát của con người
LM Inhaxiô Trần Ngà
11:16 22/02/2008
Chúa Nhật 3 mùa chay

Chỉ có Chúa mới lấp đầy được trái tim khao khát của con người.

Có đi cả ngày trời trong sa mạc khô cháy, trên đầu là nắng lửa, dưới chân là cát nung như đoàn dân Do-Thái ngày xưa trong hoang địa mới cảm nhận được cái khát hành hạ người ta như thế nào và nhu cầu được uống cho đã cơn khát mới bức xúc làm sao. Thế nên khi bị cơn khát dày vò, họ đổ lỗi cho Mô-sê đã đưa họ vào nơi hoang địa khô cháy và đòi đem vị lãnh tụ nầy ra mà ném đá. (bài đọc I, sách xuất hành 17. 3-7)

Thế nhưng ngoài cơn khát tự nhiên là khát nước, con người luôn có những khao khát mà không có gì trên thế gian có thể làm cho họ được no thoả. Người ta gọi đây là khát vọng vô biên. Đây là cơn khát về mặt tâm linh nên chẳng có thứ nước nào trên đời có thể làm dịu bớt.

Người phụ nữ xứ Samari trong Tin Mừng hôm nay (Gioan 4, 4-42) cũng đã từng trải qua cơn khát tương tự. Chị đã mưu tìm hạnh phúc qua năm đời chồng rồi nhưng lại phải chia tay để tìm hạnh phúc với người thứ sáu; mà cũng chẳng ai trong họ có thể đem lại cho chị hạnh phúc thực sự trong cuộc đời. Chị đi tìm hạnh phúc cũng y như đi múc nước. Ngày nào cũng phải lặn lội tìm đến giếng nước xa, múc cho đầy vò rồi ngày hôm sau lại khát và tiếp tục đội vò đi tiếp.

Chính vì thế mà Chúa Giê-su khẳng định với người phụ nữ Samari: “Ai uống nước nầy sẽ còn khát lại”. Ngài muốn nói không gì trên đời có thể đáp ứng khát vọng của con người.

Triết gia người Đức, ông Schopennauer khám phá: “những lạc thú mà thế gian cống hiến cho con người cũng chỉ như nắm cơm bố thí cho người hành khất, chỉ làm dịu cơn đói hôm nay, rồi ngày mai lại đói.”

Cha Anthony de Mello cũng nhận định tương tự: “Việc thoả mãn dục vọng không giải thoát chúng ta khỏi dục vọng, nhưng tạo thêm một dục vọng khác còn mãnh liệt hơn để rồi cái vòng lẩn quẩn: khát khao - thoả mãn, thoả mãn - khát khao… cứ tiếp diễn mãi không cùng”…lại càng ngày càng tăng “đô” hơn. Và cứ thế, người ta phải chịu dày vò, thiêu đốt vì sự ngọn lửa khao khát trong lòng mình.

Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su chỉ cho người phụ nữ Samari cũng như cho chúng ta một Nguồn Suối mang lại hạnh phúc: “Ai uống nước nầy sẽ lại khát, còn ai uống nước Tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước Tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.” (Gioan 4, 13-14)

Augustinô là người mải mê tìm kiếm lạc thú trần gian suốt nhiều năm trường nhưng không gì trên thế gian có thể lấp đầy trái tim khao khát của ngài, mãi đến tuổi 33, nhờ ơn soi sáng và lời nguyện cầu liên lỉ của người mẹ thánh thiện là Mônica, Augustinô mới tìm được Thiên Chúa là Đấng đem lại cho ngài niềm hoan lạc vô biên. Bấy giờ lòng đầy hoan hỉ, Augustinô thưa với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, vì thế hồn con mãi thổn thức khôn nguôi, cho đến khi được nghỉ yên trong tay Ngài”.

Chỉ trong Thiên Chúa, khát vọng của Augustinô mới được lấp đầy. Quả đúng như Lời Chúa Giê-su nói: “Ai uống nước nầy sẽ còn khát lại, còn ai uống nước Tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước Tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.” (Gioan 4, 13-14)

Lạy Chúa Giê-su, chúng con sung sướng được đón nhận Chúa là Mạch Suối thiêng liêng làm tươi mát đời chúng con. Chúng con như những lùm cây trồng bên suối nước. Chúng con được xanh tốt là nhờ giáo huấn của Chúa đem lại sức sống thiêng liêng cho chúng con. Chúng con thật sự hạnh phúc vì có Chúa ở cùng. Chúng con cảm thấy bình an và hoan lạc vì Chúa đã lấp đầy trái tim khao khát của chúng con.

Nhưng chúng con biết rằng còn rất nhiều người đang khát Chúa mà vẫn chưa tìm thấy Chúa. Xin thương đến với họ như xưa Chúa đã đến với người phụ nữ Samari.

Xin cho chúng con, như người phụ nữ Samari xưa, sau khi nhận được Mạch Suối Chúa ban, thì cũng giới thiệu cho cả thành ra gặp Chúa, để họ cũng được no thoả nơi Chúa là Mạch Suối mang lại sự sống đời đời. Amen
 
Sống đức tin giữa chính trường và sống bác ái giữa xã hội
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
14:14 22/02/2008
SỐNG ĐỨC TIN GIỮA CHÍNH TRƯỜNG VÀ SỐNG BÁC ÁI GIỮA XÃ HỘI

... Bà Jeanne Mathilde Sauvé (1922-1993) là tín hữu Công Giáo Canada sùng đạo. Lúc sinh thời bà từng hoạt động trong phong trào Thanh-Sinh-Công và trong giới báo chí. Năm 1972, bà là một trong 3 phụ nữ đầu tiên bước vào chính trường và trở thành Chủ Tịch Hạ Nghị Viện Canada. 12 năm sau - 1984 - bà được bầu làm Thống Đốc Toàn quyền thứ XXIII của Canada (1984-1990).

Thế nhưng điểm đặc biệt nơi bà lôi kéo chú ý của người khác, không phải địa vị chính trị cho bằng Đức Tin Công Giáo ngời sáng của bà. Bà sống Đức Tin và tuyên xưng Đức Tin. Chính bà kể lại kinh nghiệm sống Đức Tin trong cuộc phỏng vấn dành cho nguyệt san ”Je Crois - Tôi Tin” của Canada. Bà nói:

Khi còn là sinh viên, tôi gia nhập phong trào Thanh-Sinh-Công. Phong trào có mục đích khuyến khích học sinh sinh viên Công Giáo nỗ lực củng cố Đức Tin Kitô và làm cho Đức Tin sinh động. Đức Tin sống động là Đức Tin cụ thể hóa qua hoạt động thường ngày. Đi xa hơn thì Đức tin sống động lan tỏa ngời sáng ra chung quanh: nơi gia đình, ở học đường và giữa xã hội.

Ý niệm về Đức Tin Kitô sống động ăn rễ sâu nơi tâm hồn tôi. Sau này khi rời ghế nhà trường, bước vào các hoạt động thuộc lãnh vực xã hội và chính trị, tôi vẫn mang theo tâm tình sống Đức Tin Kitô sống động của thời xuân trẻ đó. Đối với tôi, không hề có sự tách biệt giữa Đức Tin và cuộc sống. Trái lại, cả hai phải hòa hợp ăn khớp với nhau. Một tín hữu Công Giáo chân chính sống nghiêm chỉnh theo các luật lệ luân lý tự nhiên.

- Bà từng bị một cơn bệnh thập tử nhất sinh, bà có khám phá ra ý nghĩa của đau khổ không? Bà Jeanne Sauvé trả lời:

Dĩ nhiên là có. Khi gặp đau khổ, tự nhiên người ta khám phá ra ý nghĩa của đau khổ và giá trị của sức khoẻ. Bạn khó có thể thực hiện nhiều lý tưởng cao đẹp, nếu bạn không có sức khoẻ! Đau khổ cũng giúp chúng ta trở nên nhạy cảm hơn đối với những người đang sống cảnh khổ đau.

Trong cơn bệnh ngặt ngèo đó, tôi đã dọn mình chết. Nhưng rồi tôi khỏi bệnh cách lạ lùng. Lý do tại sao, tôi không hề biết! Đây chính là lúc Đức Tin dạy tôi biết rằng tôi lãnh nhận hồng ân sự sống từ THIÊN CHÚA. Tôi vô cùng cảm tạ tri ân Ngài. Và Đức Tin của tôi nơi THIÊN CHÚA trở nên vững mạnh hơn nữa.

- Bà có hoàn toàn ý thức việc bà làm, mỗi khi bà công khai tuyên xưng Đức Tin Công Giáo của bà không? Bà Jeanne Sauvé đáp:

Khi có, khi không. Điều chắc chắn là bất luận tín hữu Công Giáo chân chính nào, trong cuộc sống của mình, cũng gặp một lúc nào đó cần phải công khai tuyên xưng Đức Tin. Riêng tôi, có những lúc tôi hoàn toàn chủ ý tuyên xưng Đức Tin Công Giáo của tôi. Chẳng hạn như khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II viếng thăm Canada vào năm 1984. Rồi thỉnh thoảng khi có dịp nói trên truyền hình, tôi cũng chủ ý tuyên xưng Đức Tin Công Giáo của tôi. Tuy nhiên, tôi không thể luôn luôn tuyên xưng Đức Tin, bởi vì tôi không phải là Linh Mục, có nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa. Nhưng thỉnh thoảng nên làm chứng cho người khác thấy là động lực nào, sức mạnh nào đã thúc đẩy và bồi bổ đời sống tinh thần của chúng ta, thì theo tôi, đây là một điều tốt đẹp mà một tín hữu Công Giáo nên làm và phải làm, nếu cần.

... Chứng từ thứ hai liên quan đến lòng bác ái vị tha của bà Colette L. Samson (1923-1991) từng được mệnh danh là ”Mẹ Têrêsa Québec”.

Bà Colette L. Samson sống ở thành phố Québec bên Canada. Vào năm 1979 bà thành lập ”La Maison Revivre - Căn Nhà Tái Sống” tiếp nhận những người không nhà không cửa: cho họ ăn và ngủ. Mỗi ngày có khoảng 110 người đến ăn và 50 người ở lại ngủ.

Lý do nào thúc đẩy bà Colette mở Nhà, dấn thân giúp người nghèo khổ, bất hạnh? Câu chuyện bắt đầu với cuộc viếng thăm một nhà tù. Tại đây bà gặp những tù nhân trẻ khốn khổ và thất vọng. Bà thấy có những tù nhân sau khi được thả ra, không biết đi về đâu, vì họ không có nhà, cũng không có đồng xu dính túi. Những người này chắc chắn sẽ tiếp tục nghề du côn du đảng, trộm cắp, để rồi bị bắt và bị giam trở lại. Sau khi suy nghĩ chín chắn và cầu xin cho biết đâu là thánh ý Chúa thật, bà Colette vận dụng mọi khả năng và nhờ ơn THIÊN CHÚA Quan Phòng, bà đã mở một ngôi nhà chuyên việc tiếp nhận những người nghèo không nhà không cửa. Tất cả công việc bác ái của bà được xây dựng trên Đức Tin và thánh ý THIÊN CHÚA. Bà Colette tâm sự:

Nếu không phải vì Đức Tin Công Giáo thì tôi không làm công việc này và ngôi nhà tiếp rước cũng không thành hình. Và nếu không có THIÊN CHÚA thì cũng không có Căn Nhà này. Chính THIÊN CHÚA ban cho tôi sức mạnh để tôi hoạt động. Không một ai có thể giải thích được tại sao: mặc dầu sức khoẻ yếu kém, mặc dầu gặp đủ mọi thử thách, vậy mà tôi vẫn đứng vững, vẫn dẻo dai làm việc hơn một người trẻ. Tôi làm việc từ sáng sớm mãi cho đến thật khuya. Tôi làm được như vậy là vì THIÊN CHÚA muốn như thế. Tôi tin tưởng vững chắc như vậy.

Đối với tôi, điều quan trọng nhất trong cuộc sống là thi hành thánh ý THIÊN CHÚA. Mọi sự đều trở nên dễ dàng khi chúng ta biết nhận ra thánh ý THIÊN CHÚA: trong niềm vui cũng như trong nỗi khổ, trong điều may mắn cũng như trong nỗi bất hạnh. Tất cả đều là thánh ý THIÊN CHÚA. Bổn phận chúng ta là phó thác trọn vẹn trong bàn tay yêu thương quan phòng của Ngài.

Chính vì niềm tin này mà tôi mong muốn rằng, tất cả người nghèo, đặc biệt giới trẻ, khi đến đây xin ăn hoặc xin trọ đêm, đều có thể hiểu hồng ân cứu độ do Đức Chúa GIÊSU KITÔ mang đến. Tôi ở đây là để loan báo Tin Mừng Cứu Rỗi. Dĩ nhiên công tác loan báo Tin Mừng không phải chuyện dễ. Nó đòi hỏi rất nhiều nhẫn nhục và kiên trì.

Tôi cũng ý thức điều này: Không phải ai cũng được mời gọi làm công việc tôi đang làm, nghĩa là mở cửa và tiếp nhận người nghèo. Nhưng có một điều ai cũng làm được, đó là yêu thương người khác như giới răn Đức Chúa GIÊSU truyền: ”Các con hãy yêu thương nhau”. Không ai trên cõi đời này lại không có một người nào đó để yêu thương, săn sóc hoặc chú ý đến. Điều quan trọng là chúng ta phải biết mở rộng con tim, mở rộng đôi tay để đón tiếp người khác.

... “Những ai kính sợ THIÊN CHÚA thì tìm điều Người ưa thích, và những ai kính mến Người thì no thỏa Lề Luật. Những ai kính sợ THIÊN CHÚA thì chuẩn bị tâm hồn, và hạ mình xuống trước mặt Người. Chúng ta hãy phó mình trong tay THIÊN CHÚA, chứ đừng phó mình trong tay phàm nhân, bởi vì Người cao cả thế nào thì cũng lân tuất như vậy. . Nước dập tắt lửa hồng, bố thí đền bù tội lỗi. Ai đền ơn đáp nghĩa là biết lo xa, lúc sa cơ, người ấy sẽ tìm được nơi nương tựa. . Con ơi, kẻ khốn khổ nài xin, con đừng từ chối, gặp người nghèo, con đừng ngoảnh mặt đi” (Sách Huấn Ca 2,16-18 + 3,30-31 + 4,4)

(”JE CROIS”, 10/1987 + 12/1987)
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:32 22/02/2008
LÊ THƯ TRỪ KHỬ KHỔNG TỬ

N2T


Khi Khổng tử quản lý nước Lỗ thí quốc gia rất tốt đẹp, bá tánh an cư lạc nghiệp, Cảnh công của nước Tề thấy tình huống như vậy thì rất ưu tư, không hy vọng nước Lỗ trở thành cường quốc.

Lê Thư nói với Cảnh công: “Vương thượng, muốn trừ khử Khổng tử thì rất dễ, chỉ cần ngài chọn một số ca kỷ rất ưu tú rồi đưa đến nước Lỗ tặng cho Định công, bảo đảm có thể khiến cho Khổng tử tự mình rời bỏ nước Lỗ.”

Tề Cảnh công nghe theo mưu kế của Lê Thư, đem mười sáu ca kỷ tặng cho Lỗ Định công. Định công thích ca kỷ, quả nhiên không màng đến quốc sự, suốt ngày cùng với các ca kỷ chơi bời hoan lạc. Khổng tử khuyên răn rất nhiều lần mà Định công không nghe, ông ta nhìn thấy thế cuộc vô phương xoay chuyển, bèn rời bỏ nước Lỗ mà qua nước Vệ.

(Hàn Phi tử: Nội các thuyết hạ - Lục vi)

Suy tư:

Ma quỷ có rất nhiều cách để đánh phá cộng đoàn, giáo xứ hay một cá nhân nào đó, nhưng cách công hiệu nhất là vu khống và bôi nhọ danh dự cá nhân:

- Muốn đổi ông cha sở, nó xúi giục giáo dân này vu khống cha sở, giáo dân nọ chửi bới thóa mạ cha sở và cuối cùng thì vì danh dự mà ngài xin chuyển đi nơi khác.

- Muốn đổi ông cha sở ra khỏi nhiệm sở vì ngài không hề làm theo lời của một số người, thế là rình mò, vu khống cáo gian, để làm cho cha sở chịu không nổi mà đi nơi khác.

- Muốn hạ bệ bề trên, thì ma quỷ có hai cách: một là xúi giục lòng kiêu ngạo của các thành viên trong cộng đoàn; hai là lập phe cánh để liên kết chống lại bề trên...

Lê Thư rất hiểu tính tình yêu mến lễ giáo của Khổng tử, nên đã bày trò để Khổng tử xốn con mắt mà bỏ đi khỏi nước Lỗ.

Người Ki-tô hữu cần phải cảnh giác đề phòng những cách phá hoại cộng đoàn rất tinh vi của ma quỷ, cảnh giác trước những vu khống, cáo gian cho cha sở hay bề trên của mình; cảnh giác trước những phe phái trong cộng đoàn giáo xứ, bằng không thì chính ngay cả bản thân mình cũng sẽ phải trả lời trước mặt Chúa về tội hùa vào với ma quỷ để “chơi” ông cha sở hoặc bề trên của mình.
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:34 22/02/2008
CHỦ NHẬT III MÙA CHAY

Tin mừng: Ga 4, 5-42.

“Mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.”

Bạn thân mến,

Đọc bài Phúc Âm hôm nay bạn thấy Chúa Giê-su có tài giỏi không ? Ngài luôn truyền giáo mọi nơi và mọi lúc, Ngài đang ngồi trò chuyện bên cái giếng Gia-cóp với người đàn bà xứ Sa-ma-ri, cái xứ sở rất không thích người Do Thái, và với một cái giếng, một cái gầu múc nước, mà Chúa Giê-su đã khéo léo lái câu chuyện đến nước hằng sống đời đời cho những kẻ tin vào Ngài, làm cho người đàn bà và dân thành Sa-ma-ri tin tưởng Ngài là Đấng Messia, Đấng Thiên Chúa sai đến...

Chúa Giê-su không những là nước mà còn là mạch nước, không phải chỉ làm cho linh hồn những kẻ tin vào Ngài được tươi mát sống động, mà còn khiến cho linh hồn họ được sự sống đời đời. Mạch nước hằng sống này -Chúa Giê-su- vẫn hằng ngày tuôn chảy trên bàn thờ và sẽ chảy đến những tâm hồn sẵn sàng đón nhận nước hằng sống ấy. Bởi vì như lời tiên tri I-sai-a đã nói: “Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn cứu độ” (Is 12, 3)w nguồn nước cứu độ này không ở nơi nào xa xôi khó tìm, nhưng đang ở trong lòng bạn khi bạn rước Thánh Thể, đang cùng chia sẻ với bạn những niêm vui nổi buồn...

Mạch nước hằng sống vọt lên không phải từ trong giếng Gia-cóp, nhưng là từ nơi Chúa Giê-su, và người phụ nữ Sa-ma-ri đã xin Ngài ban cho nước hằng sống ấy, và Chúa Giê-su đã mặc khải cho bà biết về Đấng Messia không ai xa lạ, nhưng chính là người đang nói chuyện với bà.

Bạn thân mến,

Chúa Giê-su đang truyền giáo, người phụ nữ Sa-ma-ri sau khi nhận biết Chúa Giê-su cũng đã truyền giáo, bà đi kêu mọi người trong thành đến nghe Chúa Giê-su giảng, và mọi người tin vào Ngài, họ cũng đang truyền giáo cho những người không đến được để nghe Chúa Giê-su nói về tình thương của Cha trên trời.

Mạch nước hằng sống luôn tuôn chảy, không ngừng chảy và không một thế lực nào –ngoại trừ tội lỗi- ngăn cản được dòng chảy của nó vào trong tâm hồn bạn, do đó, bạn và tôi hãy trở thành khí cụ khơi nguồn để mạch nước hằng sống ấy chảy qua nơi tâm hồn của những người khác, để họ cũng được nước hằng sống này tưới gội, làm cho linh hồn trở nên đẹp đẽ tốt lành, trở nên con cái của sự sáng. Đó chính là truyền giáo theo phương pháp của Chúa Giê-su vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

---------------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:35 22/02/2008
N2T


7. Có hai hạng người cần phải luôn rước lễ: một là người hoàn mỹ, Thánh Thể có thể gìn giữ lòng nhiệt tâm của họ; hai là người không hoàn mỹ, Thánh Thể có thể làm cho họ đạt tới từng bước hoàn mỹ.

(Thánh Francis de Sales)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sứ điệp ĐTC gửi tín hữu Cuba: Hy vọng vào Chúa, và rao truyền Tin Mừng
Phụng Nghi
11:55 22/02/2008

Sứ điệp của ĐTC gửi tín hữu Cuba: Hy vọng vào Chúa, và rao truyền Tin Mừng



Havana (CNA) – Sáng ngày thứ năm vừa qua, Đức hồng y Tarcisio Bertone đã gặp gỡ Hội đồng Giám mục Công giáo Cuba và chuyển giao một sứ điệp của Đức giáo hoàng Bênêđictô gửi dân tộc Cuba. Trong sứ điệp này ngài khen ngợi di sản Kitô giáo và đồng thời kêu gọi giáo hữu Cuba đổi mới các nỗ lực truyền bá Tin Mừng.

Ảnh kỉ niệm ĐGH John Paul thăm Cuba 1998
Buổi gặp gỡ với các giám mục Cuba đánh dấu ngày khởi đầu chuyến viếng thăm 6 ngày của vị Quốc Vụ khanh Tòa thánh Vatican. Ngài tới đây để mừng kỷ niệm 10 năm ngày Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II tới thăm đảo quốc này năm 1998.

Mở đầu bài diễn từ đọc tại Trụ sở các Linh mục mang tên thánh Gioan Maria Vianney tại Havana, Đức hồng y Bertone nhắc nhớ lại cuộc viếng thăm của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô.

Sứ điệp của Đức thánh cha mở đầu: “Mười năm sau, khi nhớ lại những ngày mà Giáo hội Cuba và dân chúng Cuba không thể quên được, như sống động trước con mắt hứng khởi của toàn thế giới, chúng ta chắc phải có nghĩa vụ tri ân vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, và là cơ hội để “làm mới lại động lực truyền bá Tin Mừng đã để lại dấu ấn sâu xa nơi trái tim mỗi người. ”

ĐGH Bênêđictô viết: “Tôi cảm nghiệm trong tâm linh đang ở giữa anh chị em, được chứng tỏ bằng sự hiện diện của Hồng y Tarcisio Bertone.” Ngài bày tỏ lòng “ưu ái” đối với hàng giáo sĩ địa phương và “cảm tình với những khát vọng và quan tâm của mọi người Cuba.”

Dân chúng Cuba niềm nở đón tiếp Đặc sứ Giáo Hoàng
ĐTC cũng có lời khen ngợi di sản Kitô giáo của Cuba. Ngài viết: Đức tin này “đã bắt rễ nơi linh hồn người Cuba” bởi vì “các giá trị” của Tin Mừng được đưa tới đảo năm thế kỷ trước “đã có ảnh hưởng lớn lao trong việc khai sinh ra quốc gia này” và vẫn còn là “một yếu tố sống động không nhỏ cho sự hài hòa và tương lai hạnh phúc của xứ sở.”

Trong sứ điệp, Đức thánh cha nhắc lại: “Nhiệm vụ của các tín hữu là chứng tỏ rằng Giáo hội – khi chăm chú nhìn lên Đức Giêsu – có khuynh hướng làm điều thiện hảo, đề cao phẩm giá con người, và, trong khi gieo rắc niềm thông cảm, tình thương và hòa giải, Giáo hội giúp cải tiến con người và xã hội.”

ĐTC cũng nói về những ưu tiên mà Giáo hội Cuba phải nhắm tới: “Loan truyền học thuyết chân chính, giới thiệu, lắng nghe và học hỏi nhiều hơn về Lời Chúa, thúc đẩy sự tham dự các Nhiệm tích và đời sống cầu nguyện” bởi vì “đem sự cứu độ của Chúc Kitô đến cho mọi người chính là cốt lõi trong sứ vụ của Giáo hội.”

Các khó khăn Giáo hội Cuba phải đương đầu cũng được Đức thánh cha đề cập trong thư của ngài: “Đôi khi một số cộng đồng tín hữu cảm thấy bị ngột ngạt vì những khó khăn, vì thiếu tài nguyên, vì sự thờ ơ hoặc ngay cả vì sợ sệt, tất cả đều đưa họ tới chỗ nản lòng”, nhưng người tín hữu “biết rằng họ có thể luôn luôn đặt niềm hy vọng vào Chúa Giêsu Kitô, đấng không bao giờ làm ai thất vọng.”

Với lời khuyến khích này, Đức thánh cha chỉ ra “sự quan trọng lớn lao nơi sứ vụ của Giáo hội Cuba phải thực thi để phục vụ người túng quẫn, săn sóc mọi người nam nữ thuộc mọi hoàn cảnh, những người không chỉ xứng đáng được trợ giúp bằng các nhu cầu vật chất mà còn phải được đón mời bằng cảm tình và yêu thương.”

ĐTC Bênêđictô kết thúc lá thư của ngài bằng việc nhắc nhở người Cuba nên nhìn vào tấm gương của tôi tớ Chúa là Félilx Varela và José Marti “những người đã truyền bá tình yêu thương nơi dân tộc Cuba và nơi mọi người.”
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội Thánh Phêrô
LM. Trần Đức Anh OP
14:08 22/02/2008
VATICAN. Sáng 22-2-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã tiếp kiến 40 đại diện Hội Thánh Phêrô Tông Đồ và nhiệt liệt cám ơn Hội vì các hoạt động tông đồ bác ái.

Ngày 22-2 cũng là lễ kính Tòa Thánh Phêrô. Các đại diện của Hội đã trao cho ĐTC số tiền lạc quyên được hằng năm tại Roma để hỗ trợ các công tác bác ái của ngài.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, ĐTC nhắc đến lịch sử kỳ cựu của Hội Thánh Phêrô, chuyên cộng tác và hỗ trợ người Kế Vị Thánh Phêrô trong các công tác bác ái, giúp đỡ người nghèo, giữ trật tự trong các buổi lễ phụng vụ do ĐTC cử hành, tổ chức các cuộc gặp gỡ có tính cách huấn luyện và tu đức để giúp các hội viên trên con đường nên thánh.

ĐTC nói: ”Tôi cũng biết trong những năm gần đây, anh chị em gia tăng nỗ lực để đáp ứng nhu cầu của bao nhiêu người ở trong hoàn cảnh khó khăn, qua các sáng kiến từ thiện quảng đại và dấn thân của anh chị em.. Ngoài ra, hôm nay cũng như mọi năm, anh chị em đến trao cho tôi đồng tiền thánh Phêrô mà anh chị em đã đích thân quyên góp. Đây là một sự giúp đỡ cụ thể dành cho Giáo Hoàng để Người có thể đáp ứng bao nhiêu lời xin giúp đỡ, nhất là từ các nước nghèo nhất. Vì thế tôi cám ơn anh chị em vì sự phục vụ mà anh chị em hy sinh quảng đại thực hiện”.

Hội thánh Phêrô (Circolo San Pietro) được thành lập cách đây gần 140 năm. Cách đây 10 năm Hội này đã thành lập gần Đền thờ thánh Gioan Laterano một viện tiếp đón và săn sóc các bệnh nhân cuối đời. Từ đó đến nay đã có hơn 1 ngàn bệnh nhân được săn sóc, chống đau, và được giúp đỡ để qua đời xứng đáng với nhân phẩm. (SD 22-2-2008)
 
Sứ điệp của ĐTC nhân Ngày Thế Giới cầu cho ơn gọi lần thứ 45: ''Ơn gọi phục vụ Giáo Hội - truyền giáo”
LM. Trần Đức Anh OP
14:11 22/02/2008
Sứ điệp của ĐTC nhân Ngày Thế Giới cầu cho ơn gọi lần thứ 45: "Ơn gọi phục vụ Giáo Hội - truyền giáo”

Chúa nhật thứ 4 sau Phục Sinh: 13-4-2008

Chủ đề: "Ơn gọi phục vụ Giáo Hội - truyền giáo ”

Anh chị em thân mến!

1. Tôi đã chọn đề tài ”Ơn gọi phục vụ Giáo Hội-truyền giáo " cho Ngày Thế Giới cầu cho ơn gọi sẽ được cử hành ngày 13-4-2008. Chúa Giêsu phục sinh đã ủy thác cho các Tông Đồ mệnh lệnh: ”Vậy các con hãy đi giảng dạy tất các các dân nước, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19), và Ngài hứa với họ: ”Này đây Thầy ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Giáo Hội là thừa sai trong toàn bộ và trong mỗi phần tử của mình. Nếu, do bí tích Rửa tội và Thêm sức, mỗi tín hữu Kitô được kêu gọi làm chứng tá và rao giảng Tin Mừng, thì chiều kích truyền giáo càng được gắn liền với ơn gọi Linh Mục một cách đặc biệt và thâm sâu hơn. Trong giao ước với Israel, Thiên Chúa đã ủy thác sứ mạng làm ngôn sứ và tư tế cho những người được Ngài tuyển chọn, kêu gọi và gửi tới toàn dân nhân danh Ngài. Ví dụ Chúa đã làm như thế với Môisê: Yahvê nói với ông: ”Giờ đây ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến gặp Pharaon. Ngươi hãy đưa dân Ta ra khỏi Ai Cập.. sau khi ngươi đã đưa dân ra khỏi Ai Cập, các ngươi sẽ phụng sự Thiên Chúa trên núi này” (Xh 3,10.12). Chúa cũng làm như vậy với các ngôn sứ.

2. Những lời hứa với các Tổ Phụ chúng ta đã được thể hiện viên mãn trong Chúa Giêsu Kitô. Về vấn đề này, Công đồng chung Vatican 2 đã quả quyết: ”Vì thế, Chúa Con đã đến. Ngày được Chúa Cha sai đi, nơi Người, trước khi tạo thành vũ trụ, Chúa Cha đã chọn và tiền định cho chúng ta trở nên dưỡng tử.. Vì thế, để chu toàn ý Chúa Cha, Đức Kitô đã khai mạc Nước Trời trên mặt đất này và đã mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm Nước ấy, và đã cứu chuộc bằng sự vâng phục của Người” (Lumen gentium, 3). Và trong đời sống công khai, khi rao giảng tại Galilea, Chúa Giêsu đã chọn các môn đệ như những cộng tác viên thân tín của Ngài trong sứ vụ thiên sai. Ví dụ, trong dịp hóa bánh ra nhiều, khi Ngài nói với các Tông Đồ: ”Chính các con hãy cho họ ăn đi” (Mt 14,16), qua đó Ngài khích lệ các ông hãy đảm trách nhu cầu của đám đông mà Ngài muốn cho họ lương thực để ăn no nê, nhưng đồng thời Ngài cũng mạc khải ”lương thực trường tồn cho đời sống vĩnh cửu” (Ga 6,27). Chúa động lòng thương đối với dân chúng, vì trong khi rảo quanh các thành thị và làng mạc, Ngài gặp thấy những đám đông mệt mỏi và kiệt lực, ”như những chiên không có người chăn” (cf Mt 9,36). Từ cái nhìn yêu thương ấy nảy sinh lời Chúa mời gọi các môn đệ: ”Vậy các con hãy xin chủ mùa gặt để Người sai thợ đến trong mùa gặt của Người” (Mt 9,38), và Ngài sai Nhóm 12 trước tiên đến 'với các chiên lạc Nhà Israel', với những lời dặn dò kỹ lưỡng. Nếu chúng ta dừng lại để suy niệm về trang này của Tin Mừng theo thánh Mathêu, thường được gọi là ”diễn văn truyền giáo”, chúng ta nhận thấy tất cả các khía cạnh nói lên đặc tính hoạt động truyền giáo của một cộng đồng Kitô, muốn trung thành với mẫu gương và giáo huấn của Chúa Giêsu. Việc đáp lại tiếng gọi của Chúa bao hàm sự đương đầu, một cách thận trọng và đơn sơ, với mọi nguy hiểm và cả những cuộc bách hại nữa, vì ”một môn đệ không cao trọng hơn Thầy, một đầy tớ không trọng hơn chủ” (Mt 10,24). Được nên một với Thầy, các môn đệ không còn đơn độc trong khi rao giảng Nước Trời, vì chính Chúa Giêsu hành động trong họ: ”Ai đón nhận các con là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Đấng đã sai Thầy” (Mt 10,40). Và ngoài ra, trong tư cách là những chứng nhân đích thực, ”có quyền năng từ trên cao” (Lc 24,49), họ rao giảng cho mọi dân ”sự hoán cải và sự tha thứ tội lỗi” (Lc 24,47).

3. Chính vì được Chúa sai đi, Nhóm Mười Hai mang danh hiệu là ”Tông Đồ”, được sai đi, rảo bước trên các nẻo đường thế giới, loan báo Tin Mừng như những chứng nhân về cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô. Thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu Corinto: ”Chúng tôi - nghĩa là các Tông Đồ - rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đanh” (I Cor 1,23). Trong tiến trình truyền giảng Tin Mừng này, sách Tông đồ Công Vụ cũng dành một vai trò rất quan trọng cho các môn đệ khác, những người có ơn gọi thừa sai nảy sinh từ những hoàn cảnh do Chúa Quan Phòng thiết định, nhiều khi đau thương, như sự trục xuất khỏi lãnh thổ của họ vì là môn đệ Chúa Giêsu (cf 8,1-4. Chúa Thánh Linh cho phép biến thử thách ấy thành cơ hội hồng phúc, và rút ra từ đó một điều lợi ích để danh Chúa được rao giảng cho dân ngoại và cộng động Kitô được mở rộng. Như thánh Luca đã viết trong sách Tông Đồ Công Vụ, đó là những người nam nữ ”hiến dâng cuộc sống cho chính nghĩa Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (15,26). Người đầu tiên trong mọi người khác, được chính Chúa kêu gọi để trở thành Tông Đồ thực sự, chắc chắn là thánh Phaolô thành Tarso. Tiểu sử thánh Phaolô, nhà truyền giáo lớn nhất trong mọi thời đại, làm nổi bật, dưới mọi khía cạnh, mối liên hệ giữa ơn gọi và sứ mạng truyền giáo. Bị những đối phương tố cáo là không được phép thi hành việc tông đồ, thánh nhân thường nại tới ơn gọi đã nhận lãnh trực tiếp từ Chúa )cf Rm 1,1; Gal 1,11-12.15-17).

4. Ngay từ đầu, cũng như sau đó, yếu tố ”thúc đẩy” các Tông Đồ (cf 2 Cor 5,14) vẫn luôn là ”Tình yêu Chúa Kitô”. Trong tư cách là những đầy tớ trung thành của Giáo Hội, ngoan ngoãn đối với hoạt động của Chúa Thánh Linh, vô số các thừa sai, qua các thế kỷ, đã theo vết của các môn đệ đầu tiên. Công đồng chung Vatican 2 đã nhận xét: ”Tuy nghĩa vụ truyền bá đức tin thuộc về bất kỳ môn đệ nào của Chúa Kitô theo khả năng của họ, nhưng Chúa Kitô không ngừng kêu gọi từ đám đông các môn đệ của Ngài những người mà Ngài muốn, để họ ở với Ngài và để sai họ đi rao giảng cho muôn dân (cf Mc 3,13-15)” (Ad Gentes, 23). Thực vậy, tình yêu Chúa Kitô phải được thông truyền cho anh chị em bằng gương lành và lời nói; bằng trọn cuộc sống.

Như vị Tiền Nhiệm Đáng kính của tôi Gioan Phaolô 2 đã viết: ”Ơn gọi đặc biệt của các thừa sai trọn đời vẫn duy trì vọn vẹn giá trị: ơn gọi này là mẫu mực sự dấn thân truyền giáo của Giáo Hội, Giáo Hội luôn cần sự hiến thân quyết liệt và trọn vẹn, cần những động lực mới mẻ và táo bạo” (Thông điệp Redemptoris missio, 66).

5. Trong số những người hoàn toàn dấn thân phục vụ Tin Mừng đặc biệt có những linh mục được kêu gọi ban phát Lời Chúa, cử hành các bí tích, đặc biệt là Thánh Thể và Hòa giải, hiến thân phục vụ những người bé mọn nhất, các bệnh nhân, người đau khổ, người nghèo và những người đang trải qua những giờ phút khó khăn tại những vùng trên trái đất, nơi mà đôi khi có nhiều người ngày nay vẫn chưa được thực sự gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô. Các thừa sai rao giảng lần đầu tiên cho họ về tình yêu cứu độ. Các thống kê cho thấy rằng con số những người được rửa tội hằng năm vẫn gia tăng nhờ hoạt động mục vụ của các linh mục ấy, những người hoàn toàn hiến thân cho phần rỗi của anh chị em. Trong bối cảnh đó, cần đặc biệt ghi ơn các ”linh mục 'fidei donum' (hồng ân đức tin), đang quảng đại và tận tụy khéo léo xây dựng cộng đoàn và rao giảng Lời Chúa cho họ, bẻ Bánh Sự Sống, mà không dè xẻn năng lực trong việc phục vụ công cuộc truyền giáo của Giáo Hội. Cần cảm tạ Chúa vì bao nhiêu linh mục đã chịu đau khổ đến độ hy sinh mạng sống để phụng sự Chúa Kitô.. Đó là những chứng tá cảm động có thể gợi hứng cho bao nhiêu người trẻ bước theo Chúa Kitô và hiến thân cho tha nhân, và nhờ đó tìm được sự sống đích thực” (Tông thư Sacramentum caritaris, 26). Vì vậy, qua các linh mục của Ngài, Chúa Giêsu hiện diện giữa con người ngày nay, cho đến những góc trời xa xăm hẻo lánh nhất.

6. Trong Giáo Hội vẫn luôn có nhiều người nam nữ, được Chúa Thánh Linh thúc đẩy, quyết định sống Tin Mừng một cách quyết liệt, tuyên xưng các lời khấn khiết tịnh, thanh bần và vâng phục. Hàng ngũ các tu sĩ nam nữ ấy, thuộc về vô số các dòng tu chiêm niệm và hoạt động, vẫn còn ”giữ một phần rất quan trọng trong việc truyền giảng Tin Mừng cho thế giới” (Ad Gentes, 40). Nhờ kinh nguyện liên lỷ và chung, các tu sĩ sống đời chiêm niệm không ngừng chuyển cầu cho toàn thể nhân loại; các tu sĩ sống đời hoạt động, với những hoạt động bác ái đa diện, đang mang lại cho mọi người chứng tá sinh động về tình yêu và lòng từ bi của Thiên Chúa. Vị Tôi Tớ Chúa Phaolô 6 đã nói về các vị tông đồ ấy của thời đại chúng ta rằng: ”Do sự thánh hiến tu trì của họ, họ là những người thiện nguyện tuyệt hảo và tự do từ bỏ mọi sự, để ra đi rao giảng Tin Mừng cho đến tận bờ cõi trái đất. Họ có tinh thần biến báo và hoạt động tông đồ của họ thường có sắc thái đặc sắc, một thiên tài khiến người khác phải ngưỡng mộ. Họ quảng đại: họ thường ở tiền tuyến trong sứ mạng truyền giáo và chấp nhận những rủi ro nguy hiểm nhất cho sức khỏe và cho cả mạng sống của họ nữa. Đúng vậy, Giáo Hội mang ơn họ rất nhiều” (Tông huấn Evangelii nuntiandi, 69).

7. Ngoài ra, để Giáo Hội có thể tiếp tục thi hành sứ mạng Chúa Kitô đã giao phó và không thiếu các nhà truyền giảng Tin Mừng mà thế giới đang cần, điều cần thiết là, trong các cộng đồng Kitô, cần phải liên tục giáo dục đức tin cho các trẻ em và người lớn, cần duy trì ý thức sinh động về trách nhiệm truyền giáo nơi các tín hữu và về sự liên đới với các dân tộc trên thế giới. Hồng ân đức tin mời gọi tất cả các tín hữu Kitô cộng tác vào công cuộc truyền giảng Tin Mừng. Cần nuôi dưỡng ý thức ấy bằng việc giảng thuyết và huấn giáo, phụng vụ và huấn luyện liên tục về cầu nguyện; ý thức ấy cũng tăng trưởng nhờ thực thi việc đón tiếp, bác ái và tháp tùng thiêng liêng, cũng như bằng một dự án mục vụ, trong đó có phần quan tâm đến các ơn gọi.

8. Ơn gọi linh mục thừa tác và đời sống thánh hiến chỉ triển nở trong một thửa đất được vun trồng kỹ lưỡng về mặt thiêng liêng. Thực vậy, những cộng đồng Kitô nào sống khẩn trương chiều kích truyền giáo trong mầu nhiệm Giáo Hội, sẽ không bao giờ co cụm vào mình. Sứ vụ truyền giáo, như chứng tá về tình yêu của Chúa, đặc biệt trở nên hữu hiệu khi được chia sẻ trong cộng đồng, để cho thế giới tin” (cf Ga 17,21). Ơn gọi là hồng ân mà Giáo Hội hằng ngày phải cầu xin Chúa Thánh Linh. Giống như thủa ban đầu, quây quần quanh Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương các Tông Đồ, Cộng đồng Giáo Hội đang học hỏi nơi Mẹ cách thức cầu xin Chúa cho có thêm nhiều tông đồ mới, biết sống nơi mình niềm tin và tình yêu cần thiết cho sứ vụ truyền giáo.

9. Trong lúc tôi gửi những suy tư này đến tất cả các cộng đồng Giáo Hội, để họ đón nhận làm của mình và nhất là gợi hứng từ đó để cầu nguyện, tôi khích lệ sự dấn thân của tất cả những người đang hoạt động trong tin tưởng và quảng đại để phục vụ ơn gọi và tôi thành tâm gửi Phép lành đặc biệt của tôi đến các nhà đào tạo, các giáo lý viên và tất cả mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ đang tiến bước trong hành trình ơn gọi.

Vatican ngày 3 tháng 12 năm 2007

Bênêdictô XVI, Giáo Hoàng

(LM Trần Đức Anh OP chuyển ý)
 
Trung Cộng nói tới ngoại giao với Tòa Thánh: một đòn tuyên truyền?
Đồng Nhân
17:59 22/02/2008
Roma – Nguồn tin của CWN phát đi từ Roma hôm nay cho biết những lời tuyên bố của các viên chức chính quyền Trung Cộng gợi ý cho biết là có thể có những bước đột phá trong quan hệ ngoại giao với Vatican hình như chỉ với mục đích đáp ứng nhu cầu tuyên truyền của Bắc Kinh hơn là có những tiến triển thực sự về liên hệ ngoại giao. Đó là theo lời nhận định của giám đốc hãng tin AsiaNews.

Trong tuần này hai viên chức Trung Cộng là ông Ye Xiaowen, giám đốc Tôn giáo vụ thuộc chính quyền Trung Cộng và Lưu Bách Niên là chủ tịch Hội Công Giáo Yêu Nước, đã cổ võ rằng tin về việc nôí lại ngoại giao giữa Vatican và Trung Cộng có thể và ngay cả việc Bắc Kinh muốn mời ĐTC Benedictô XVI tham dự Thế Vận Hôị Thể Thao 2008. Thế nhưng LM Father Bernardo Cervellera, giám đốc AsiaNews, cho rằng “những tuyên bố của những viên chức nêu trên chỉ là một phần trong chiến dịch tuyên truyền nhằm lấp đi sự lúng túng và bể mặt sau khi đạo diễn Steven Spielberg tuyên bố rút lui không làm việc cho thế Vận Hội Olympics nữa."

Trong bài phận tích sâu rộng hơn về những lời tuyên bố của Trung Cộng, Cha Cervellera tiết lộ cho biết rằng: “Các viên chức mà AsiaNews đã tiếp xúc được xác nhân rằng không có những dấu hiệu lớn nào cho thấy có tiến triển về ngoại giao trong viễn tượng tương lai gần, cũng không có tự do tôn giáo tiến triển gì tại Trung Công”.

Những luận điệu và tuyên bố về bang giao Trung Cộng – Vatican có thể chỉ cho thấy là hiện đang có sự căng thẳng giữa những viên chức thuộc Tôn Giáo Vụ của chính quyền Trung Cộng. Cha Cervellera cho biết những tuyên bố công khai của ông Ye và Lưu Bích Niên coi như là cố gắng quyết liệt nhằn cứu vãn địa vị của chính cá nhân họ mà việc bỏ rơi các tổ chức tôn giáo yêu nước xem như đang sắp sửa xẩy ra và ngay cả Tôn Giáo Vụ cũng bị cho qua mặt”.

Linh mục Cervellera nhận định rằng hai viên chức chính quyền này là những người kịch liệt chống đối nỗ lực của Vatican nhằm đẩy mạnh quyền tự do cho Giáo hội Công giáo tại Trung Cộng. Đang khi các viên chức chính quyền khác tỏ ý muốn nhưọng bộ những đòi hỏi của Vatican thì Ye và Lưu da94 từng cương quyết chống lại hầu họ có thể tiếp tục duy trì sự kiểm soát trên Giáo hội. Thế đứng của họ với lãnh đạo Cộng sản Trung hoa hầu như đang bị cô lập khi mà càng ngày càng có nhiều các Giám mục Trung hoa công khai tuyên bố trung tín với Tòa Thánh.

Cha Cervellera kết luận: "Dường như là những quan hệ giữa Trung Cộng và Vatican sẽ được cải tiến, nhưng điều này chỉ đến khi hai viên chức nêu trên về nghĩ hưu thôi”.
 
ĐTC: Cầu cho các tín hữu Kitô bị bách hại can đảm làm chứng cho Lời Chúa
Linh Tiến Khải
22:46 22/02/2008
Cầu cho các tín hữu Kitô bị bách hại can đảm làm chứng cho Lời Chúa

Cầu xin cho các tín hữu Kitô bị bách hại vì Tin Mừng bằng nhiều cách tại nhiều vùng trên thế giới, được Chúa Thánh Thần trợ giúp tiếp tục can đảm thẳng thắn làm chứng cho Lời Chúa” (Ý chỉ truyền giáo tháng 3/2008)

Trong tháng 3 tới đây Đức Thánh Cha Biển Đức XVI mời gọi chúng ta hiệp ý với tín hữu công giáo toàn thế giới "cầu xin cho các tín hữu Kitô bị bách hại vì Tin Mừng bằng nhiều cách tại nhiều vùng trên thế giới, được Chúa Thánh Thần trợ giúp, tiếp tục can đảm thẳng thắn làm chứng cho Lời Chúa”.

Như đã biết, trên thế giới hiện nay Kitô hữu vẫn tiếp tục bị bách hại bằng nhiều cách, tại nhiều vùng trong đó có Trung Quốc, Bắc Hàn, Cuba và Việt Nam, là những nước còn đang phải sống dưới chế độ cộng sản vô thần, cũng như tại nhiều bang bên Ấn Độ, nơi có các nhóm ấn giáo cuống tín hoạt động, hay tại Irak, Pakistan và nhiều nước Arập, có đa số dân theo Hồi giáo. Bên Ấn Độ, đặc biệt trong hai bang Gujarat và Orissa, các lực lượng Ấn giáo cuồng tín liên tục tấn công các tín hữu Kitô, đốt phá thờ thờ, nhà xứ trường học và các cơ sở của Giáo Hội. Trong khi tại nhiều quốc gia A rập các nhóm hồi cuồng tín liên tục sách nhiễu, bách hại và ức hiếp các Kitô hữu. Điển hình là tại Arập Sauđi, nơi hằng trăm ngàn Kitô hữu công nhân không có quyền có nơi thờ tự, cũng không được quyền tụ tập nhau cầu nguyện hay chia sẻ Lời Chúa.

Nhưng không cần phải nói đâu xa, ngay tại vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên Trung Phần tại Việt Nam, từ nhiều năm nay các tín hữu dân tộc thiểu số gặp rất nhiều bắt bớ, sách nhiễu, khó khăn trong việc sống lòng tin của họ. Điển hình như tín hữu công giáo H'Mong tỉnh Sơn La bị tra khảo, giam giữ vu oan là thổ phỉ và bị ép buộc bỏ đạo. Nhà nước thường xuyên cho cán bộ đến để thuyết phục họ bỏ đạo. Không bỏ đạo thì con cái không có tương lai, không được đi học, không được trợ giúp. Không bỏ đạo thì nhà nước không đầu tư, không cho vay tiền, không có các chương trình phát triển an sinh. Để có thể giữ đạo nhiều gia đình phải bỏ bản, bỏ làng, trốn vào rừng sâu, xa xôi, hẻo lánh. Tỉnh Sơn La có 10 huyện và có 12 bộ tộc sinh sống: người Thái chiếm 55% dân số, người Kinh chiếm 18%, người H'Mong chiếm 12% và người Mường chiếm 8%.

Sơn La thuộc giáo phận Hưng Hóa, nhưng vì các cuộc bắt đạo gắt gao từ 50 năm qua không còn một giáo xứ hay linh mục nào và số tín hữu chỉ còn khoảng 3000 người, trong đó có 2000 người Kinh và 1000 người H'Mong. Một số tín hữu đã tạm ngưng giữ đạo, số khác không dám xưng mình là người có đạo.

Cuối năm 2007 tuy có thông tư của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu không được ngăn cản việc cử hành các lễ nghi tôn giáo, chiều ngày 24-12-2007, chính quyền địa phương đã mở các cuộc hành quân vũ trang bố ráp khắp nơi và ngăn chận giáo dân tổ chức mừng lễ Giáng Sinh.

Tại Mộc Châu và Hát Lót công an chặn tất cả mọi nẻo đường và bao vây nhà của một giáo dân từ trước tới nay vẫn là nơi tụ họp cầu nguyện, để không cho giáo dân tụ họp nhau để đọc kinh hay tham dự thánh lễ. Suốt ngày 24 tháng 12 nhiều giáo dân đã phải đi làm việc tại Ủy ban nhân dân xã, và nhà nước bắt họ cam kết không tụ tập đọc kinh.

Dựa trên Pháp lệnh về hoạt động tín ngưỡng tôn giáo được ban hành ngày 24 tháng 6 năm 2004 và dựa trên Hiến Pháp bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của công dân, nhiều cộng đoàn nhỏ đã thành hình và yêu cầu chính quyền địa phương cho họ sinh hoạt. Cuối năm 2005 các cộng đoàn công giáo tại Sơn La đã đệ đơn đến các cấp chính quyền xin đăng ký các sinh hoạt tôn giáo như Pháp Lệnh quy định. Tòa Giám Mục Hưng Hóa cũng đã gửi văn thư cho chính quyền Sơn La yêu cầu cho các linh mục đến Sơn La làm việc mục vụ, nhưng chính quyền địa phương trả lời là ”Sơn La không có nhu cầu tôn giáo”.

Tại Tây Nguyên Trung Phần tín hữu sắc dân thuộc các Giáo Hội Tin Lành, trong đó có Giáo Hội Tin Lành Menonít, thường xuyên bị đàn áp và sách nhiễu. Nhà thờ của họ bị giật sập, các mục sư và truyền đạo bị bắt nhốt.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin chung với tín hữu và du khách hành hương ngày 26-3-2006, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nhắc lại Mật Nghị Hồng Y triệu tập ngày 24 trước đó, là ngày tưởng niệm các thừa sai đã bỏ mình vì Tin Mừng trên cánh đồng truyền giáo năm châu. Đức Thánh Cha nói: ”Như thế, Mật Nghị Hồng Y cũng là một dịp để cảm thấy gần gũi hơn bao giờ hết với các tín hữu Kitô đang chịu khổ đau vì bị bách hại vì lòng tin. Chứng tá của họ mà chúng ta nhận được tin tức mỗi ngay, và nhất là sự hy sinh của các người đã bị giết, củng cố và khích lệ chúng ta dấn thân cho Tin Mừng một cách chận thành và quảng đại hơn. Tôi đặc biệt nghĩ tới các cộng đoàn sống trong các quốc gia nơi tự do tôn giáo vắng bóng hay chịu nhiều hạn chế, mặc dù có các bản tuyên ngôn khẳng định tôn trọng tự do tôn giáo. Tôi nhiệt liệt khích lệ các cộng đoàn đó kiên trì trong kiên nhẫn và tình bác ái của Chúa Kitô, là hạt giống Nước Thiên Chúa đến và đã hiện diện trong thế giới. Nhân danh toàn thể Giáo Hội, tôi muốn bầy tỏ tình liên đới sống động nhất với các người đang làm việc phục vụ Tin Mừng trong các tình trạng khó khăn này và bảo đảm nhớ tới họ trong lời cầu nguyện mỗi ngày của tôi... Chúng ta hãy xin Mẹ Maria hướng dẫn chúng ta trên đường đời mỗi ngày và xin Mẹ đặc biệt yêu thương che chở các cộng đoàn Kitô đang sống trong các hoàn cảnh rất khó khăn và khổ đau”.

Với các tâm tình trên đây, trong tháng 3 tới này, hiệp ý với Đức Thánh Cha và tín hữu công giáo toàn thế giới chúng ta ”cầu xin cho các tín hữu Kitô bị bách hại vì Tin Mừng bằng nhiều cách tại nhiều vùng trên thế giới, được Chúa Thánh Thần trợ giúp tiếp tục can đảm thẳng thắn làm chứng cho Lời Chúa”.
 
Top Stories
Vietnam Buddhists claim ownership of Hanoi nunciature
J.B. An Dang
04:34 22/02/2008
Hanoi Catholics face uphill battles to regain the former nunciature when state-approved Buddhist Church claims the ownership of the land.

In a letter sent to Vietnam Prime Minister, dated February 16, but only published a few days ago, Venerable Thích Trung Hậu, a leader of the Vietnam Buddhist Church setup by the communist government in 1982, stated that all the settlements regarding the former nunciature must be approved by his Church as the Buddhists are the authentic owner of the land.

The incident occurred right after Lê Quang Vịnh, former Chief of Vietnam Religious Affairs Committee suggested that the Buddhist Church is the true owner of all the area including Hanoi archbishopric house, the former nunciature, the St. Joseph Cathedral and the St. Joseph Major Seminary. He stated that the French colonists seized the land and transferred it to Catholic Church.

Venerable Hậu claimed that on the land in dispute, there was a pagoda named Báo Thiên built in 1054. In 1883, “The French colonists seized and gave it to Bishop Puginier”, he stated.

The last episode is seen by Hanoi Catholics as a plot from the government to hollow their promise with Archbishop Joseph Ngô Quang Kiệt on February 1.

In a public statement on February 1, Archbishop Joseph Ngô confirmed reports that the government had agreed to restore the nuncio's offices, after more than a month of public protests by Catholics which drew significant international attention to the situation. In return for the government's promise, the Catholic protestors agreed to remove a cross and tents from the land adjacent to the building where they had been conducting regular prayer vigils.

Public workers have repainted the fence surrounding the building that once housed the nunciature, before it was seized by the Communist government in 1959. The gates have been strengthened, and new panels have been set in place, carrying Communist symbols and slogans, underlining the point that the building is state-owned. Meanwhile, security officers have been quick to respond to anyone who pauses to pray outside the building, and candles have been removed from the fence.

Some days ago, Catholics voice their concerns that the latest moves by government officials suggest that a quick transfer is out of the question. Now, they begin to fear that they may probably never be able to get the nunciature back.

Fr. Joseph Nguyễn from Hanoi reported that “Hanoi Catholics are now facing uphill battles to regain the former nunciature”. However, he was still full of hope: “Except the strong support from the government, Venerable Hậu has nothing to prove what he said. On the contrary, we do have all legal land titles”.
 
Spinti dal governo, i buddisti di Hanoi si dicono i veri proprietari della nunziatura
Asia-News
07:10 22/02/2008
di J.B. An Dang

L’idea è stata suggerita dall’ex capo del Comitato per gli affari religiosi ed appare come una mossa per rimettere in discussione la decisione del governo di restituire l’uso del complesso ai cattolici.

Hanoi (AsiaNews) – La Chiesa buddista vietnamita afferma di essere il vero proprietario del terreno ove sorge la ex delegazione apostolica di Hanoi che il governo aveva verbalmente promesso di restituire alla Chiesa, a conclusione di 40 giorni di pacifica protesta dei cattolici della capitale.

In una lettera inviata al primo ministro il 16 febbraio, ma resa pubblica solo in questi giorni, il venerabile Thích Trung Hậu, esponente di una organizzazione “approvata” dal governo nel 1982, afferma che ogni disposizione riguardante la ex delegazione deve avere il consenso della sua Chiesa, vera proprietaria del terreno. L’idea della proprietà buddista era stata lanciata da Lê Quang Vịnh, ex capo del Comitato per gli affari religiosi. A suo avviso, anzi, l’area di proprietà buddista comprende anche la cattedrale di San Giuseppe, l’arcivescovado e il seminario maggiore.

Forte dell’appoggio, il venerabile Hậu sostiene che sul terreno contestato, un tempo c’era una pagoda, chiamata Báo Thiên, costruita nel 1054. Solo nel 1883 “i colonialisti francesi la presero e la dettero al vescovo”.

In realtà, replica da Hanoi padre Joseph Nguyễn “a parte il forte sostegno del governo, il venerabile Hậu non ha nulla per provare ciò che dice. Noi invece abbiamo i documenti legali”. Per il religioso la vicenda appare come “una tappa della difficile lotta dei cattolici per riavere l’edificio”.

Nel complesso - lasciato libero in seguiti ad una lettera dell’arcivescovo Joseph Ngô che confermava la notizia della decisione del governo di restituire l’uso dell’edificio alla Chiesa - operai pubblici hanno rinforzato le porte e collocato pannelli con simboli e slogan del Partito comunista, ad indicare la proprietà pubblica dell’edificio. Uomini della sicurezza allontanano chi si ferma a pregare e le candele poste sul muro dai fedeli vengono rimosse.
 
Prompted by the government, the Buddhists of Hanoi claim to be the true owners of the nunciature
Asia-News
09:52 22/02/2008
The idea was suggested by the former head of the committee for religious affairs, and appears to be an attempt to bring back into question the government's decision to restore the use of the complex to the Catholics.

Hanoi (AsiaNews) - The Vietnamese Buddhist Church asserts that is the real owner of the property where the former apostolic delegation of Hanoi stands. The government had given the Church a verbal promise to give it back, after 40 days of peaceful protests by Catholics in the capital.

In a letter sent to the prime minister on February 16, but made public only in recent days, the venerable Thích Trung Hậu, a representative of an organisation "approved" by the government in 1982, affirms that any arrangement for the former delegation building must have the agreement of his Church, the true owner of the property. The idea of Buddhist ownership was raised by Lê Quang Vịnh, the former head of the committee for religious affairs. In his opinion, the area of Buddhist ownership would also include the cathedral of St. Joseph, the archbishop's residence, and the major seminary.

With strong support, the venerable Hậu maintains that on the contested property there was once a pagoda called Báo Thiên, built in 1054. It was only in 1883 that "the French colonists seized it and gave it to the bishop".

In reality, Fr Joseph Nguyễn replies from Hanoi, "Except for the strong support from the government, the venerable Hậu has nothing to prove what he said. On the contrary, we do have all legal land titles". For the priest, this affair appears as "another stage in the difficult battle of the Catholics to get the building back".
 
Après la double défaite du président Musharraf et des partis islamistes, les responsables des Eglises chrétiennes appellent au retour de la démocratie
Eglises d’Asie
13:29 22/02/2008
Après la double défaite du président Musharraf et des partis islamistes, les responsables des Eglises chrétiennes appellent au retour de la démocratie

Après la confirmation que les élections législatives du 18 février dernier marquent la défaite du président Musharraf et celle des partis islamistes, les responsables des Eglises chrétiennes font part d’un optimisme prudent quant aux perspectives d’avenir du pays. Ils appellent de leurs vœux au retour de la démocratie, après huit années d’un régime dirigé par un militaire, et expriment l’espoir que le nouveau gouvernement – qui reste à former – se montrera plus favorable aux chrétiens et aux autres minorités que l’équipe dirigeante sortante.

Caractérisées par un faible taux de participation – 40 % de votants –, menées dans un climat de violences – 24 personnes ont trouvé la mort le 18 février dans des actions directement liées aux opérations électorales –, les élections ont vu la nette défaite tant du parti du président Musharraf, le Pakistani Muslim League (PML-Q), arrivé en troisième position avec 41 sièges au Parlement fédéral, que de la coalition de partis islamistes, la Muttahida Majilis-e-Amal. Depuis 2002, cette alliance de six partis religieux gouvernait la Province de la Frontière du Nord-Ouest; elle en a perdu le contrôle en passant de 69 sièges à 9.

Ce sont les deux grandes formations qui se disputaient le pouvoir avant le coup d’Etat de 1999 du général Musharraf qui sont sorties en vainqueur des urnes. Le Pakistan People’s Party (PPP) de feue Benazir Bhutto, assassinée le 27 décembre dernier peu après son retour d’exil, arrive en tête, avec un décompte, au 20 février, de 87 députés sur les 272 sièges que compte l’Assemblée nationale. La Pakistan Muslim League (PML-N), le parti de Nawaz Sharif, autre ancien Premier ministre, arrive en seconde position, avec 66 sièges. Les deux formations ont annoncé le 21 février qu’elles formeraient un gouvernement de coalition, perspective immédiatement dénoncée par le parti pro-Musharraf comme « un mariage d’intérêts ».

A Lahore, le Rév. Shaid Meraj, curé de la cathédrale anglicane, a estimé que la victoire des partis « libéraux » était une nouvelle positive pour les minorités religieuses. Dans un pays où les chrétiens représentent 2 % des 155 millions de Pakistanais, très majoritairement musulmans, « nos espérances sont fortes: nous attendons du PPP qu’il honore l’engagement, pris lors de la campagne électorale, de supprimer les lois à caractères discriminatoires, notamment les lois anti-blasphème de funeste réputation », a ajouté le P. Aftab James Paul, responsable de la Commission pour le dialogue interreligieux du diocèse catholique de Faisalabad.

Selon le P. Aftab James Paul, en votant comme ils l’ont fait, les Pakistanais ont signifié leur rejet du mode de gouvernement incarné par le général Musharraf. Si le PML-Q a perdu du terrain partout sauf dans la province du Baloutchistan, en proie à une insurrection larvée, c’est bien parce que les Pakistanais ont dit « leur ras-le-bol » d’un gouvernement incapable d’assurer le fonctionnement normal des services publics et l’approvisionnement régulier des marchés en farine de blé. Les électeurs ont également sanctionné un climat marqué par des attentats-suicide à répétition. Le prêtre catholique remarque aussi que le faible taux de participation est à mettre au compte de cette violence, les partis islamistes ayant appelé à boycotter ces élections. « Pour ma part, j’ai essayé de convaincre les chrétiens autour de moi d’aller voter. »

Dans un message daté du 21 février, la Conférence des évêques catholiques du Pakistan a salué le résultat sorti des urnes. Les Pakistanais « se sont clairement prononcés pour le retour à un gouvernement civil et constitutionnel, l’indépendance de la justice, des médias libres, plus d’autonomie provinciale et une coexistence pacifique entre les religions et les cultures », a déclaré Mgr Lawrence Saldanha, archevêque de Lahore et président de la Conférence épiscopale (1). « Les partis politiques et la société civile doivent faire en sorte que le verdict des urnes soit respecté et que la transition vers la démocratie se déroule sans heurt », a-t-il ajouté.

(1) A propos de précédentes prises de position de l’Eglise catholique sur les questions politiques, voir EDA 465, 476.

Source: Eglises d’Asie - Dépêches du 22 FEVRIER 2008
 
Vietnam: 'Buddhist Church' claims ownership of Catholic property
Independent Catholic News
14:25 22/02/2008
Hanoi Catholics face uphill battles to regain the former nunciature when state-approved 'Buddhist Church' claims the ownership of the land.

In a letter sent to Vietnam Prime Minister, dated February 16, but only published a few days ago, Venerable Thich Trung Hau, a leader of the Vietnam Buddhist Church set up by the communist government in 1982, stated that all the settlements regarding the former nunciature must be approved by his Church as the Buddhists are the authentic owner of the land.

The incident occurred right after Le Quang Vinh, former Chief of Vietnam Religious Affairs Committee suggested that the Buddhist Church is the true owner of all the area including Hanoi archbishopric house, the former nunciature, the St Joseph Cathedral and the St Joseph Major Seminary. He stated that it was the French who seized the land and transferred it to Catholic Church.

Venerable Hau claimed that on the land in dispute, there was a pagoda named Bao Thien built in 1054. In 1883, "The French colonists seized and gave it to Bishop Puginier", he stated.

This development is seen by Hanoi Catholics as a government ploy to undermine their agreement with Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet reached on 1 February.

In a public statement on February 1, Archbishop Joseph Ngo confirmed reports that the government had agreed to restore the nuncio's offices, after more than a month of public protests by Catholics which drew significant international attention to the situation. In return for the government's promise, the Catholic protestors agreed to remove a cross and tents from the land adjacent to the building where they had been conducting regular prayer vigils.

Public workers have repainted the fence surrounding the building that once housed the nunciature, before it was seized by the Communist government in 1959. The gates have been strengthened, and new panels have been set in place, carrying Communist symbols and slogans, underlining the point that the building is state-owned. Meanwhile, security officers have been quick to respond to anyone who pauses to pray outside the building, and candles have been removed from the fence.

Some days ago, Catholics voice their concerns that the latest moves by government officials suggest that a quick transfer is out of the question. Now, they begin to fear that they may probably never be able to get the nunciature back.

Fr Joseph Nguyen from Hanoi reported that "Hanoi Catholics are now facing uphill battles to regain the former nunciature". However, he was still full of hope: "Except the strong support from the government, Venerable Hau has nothing to prove what he said. On the contrary, we do have all legal land titles".

© Independent Catholic News 2008
 
Viet Buddhists claim land promised to Catholics in Hanoi
Catholic World News
17:28 22/02/2008
Hanoi, Feb. 22, 2008 (CWNews.com) - Catholics in Hanoi, who earlier this month won a government promise to restore Church control of the building that once housed the apostolic nunciature, now face a serious complication in their quest, as a state-approved Buddhist Church has claimed ownership of the land.

In a letter sent to Vietnam prime minister-- dated February 16 but only published a few days ago-- Thich Trung Hau, a leader of the Vietnam Buddhist Church set up by the Communist government in 1982, stated that all the settlements regarding the former nunciature must be approved by his church, since he claims that the Buddhists are the authentic owners of the land.

The Buddhist leader's letter was written soon after Le Quang Vinh, the Vietnamese government's former religious-affairs chief, suggested that the Buddhist group was the lawful owner of the plot of land on which the archbishop's residence, the city's Catholic cathedral, and St. Joseph seminary are located. The office of the papal nuncio, which was seized by the government in 1959, is on the same property.

Le Quang Vinh argued that the land was seized from the original Buddhist owners by French colonial rules and transferred to the Catholic Church. Hau, the Buddhist official, backed that argument, claiming that on the land in dispute there had been a pagoda named Bao Thien which was built in 1054. In 1883, “The French colonists seized and gave it to Bishop Puginier”, he stated.

Catholic activists in Hanoi, already worried about the willingness of the government to restore the property, fear that the Buddhists' argument was raising at the prompting of religious-affairs officials. They see the claim as a government excuse for reneging on the promise made to Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet on February 1.

In a public statement on February 1, Archbishop Joseph Ngo confirmed reports that the government had agreed to restore the nuncio's offices, after more than a month of public protests by Catholics which drew significant international attention. In return for the government's promise, the Catholic protestors agreed to remove a cross and tents from the land adjacent to the building where they had been conducting regular prayer vigils.

Father Joseph Nguyen from Hanoi reported that “Hanoi Catholics are now facing uphill battles to regain the former nunciature”. However, he was still full of hope: “Except the strong support from the government, Hau has nothing to prove what he said. On the contrary, we do have all legal land titles."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Tư Đình giáo phận Bắc Ninh đón Cha xứ mới
Dom Nguyễn Thành Công
11:37 22/02/2008
BẮC NINH -- Ngày 22/02/2008, giáo xứ Tư Đình thuộc phường Tư Đình, quận Long Biên, Hà Nội đón nhận cha xứ mới. Thánh lễ giao nhận xứ do cha đại diện Giuse Trần Quang Vinh chủ tế cùng với gần 30 linh mục đồng tế đến từ trong và ngoài giáo phận.

Được biết, giáo xứ Tư Đình trước đây là một giáo xứ có truyền thống đạo đức, đông dân. Nhưng biến cố di cư vào Miền Nam năm 1954 đã làm cho giáo xứ trở nên thưa thớt, tinh thần sống đạo cũng như việc duy trì đức tin đã gặp phải rất nhiều khó khăn, thử thách vì thiếu nhân sự. Nhưng cho đến hôm nay, giáo xứ cũng đã lần lượt được đón đến ba vị mục tử về coi sóc: cha Đaminh Bùi Văn Sáu nhận xứ từ ngày 7/9/2003 cho đến ngày 14/1/2007, cha Giuse Trần Quang Khiêm về tiếp quản. Rồi đến hôm nay, giáo xứ Tư Đình lại một lần nữa theo sự phân bổ của bề trên giáo phận: Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, giám quản giáo phận đã cắt đặt cha Đaminh Bùi Quang Mỹ (Chí) về làm cha chính xứ, coi sóc giáo xứ.

Giáo xứ Tư Đình được khởi sắc như hôm nay đó là nhờ những phần đóng góp, hy sinh không nhỏ của các cha xứ tiền nhiệm. Tuy nhiên, tương lai phía trước còn có biết bao những khó khăn cũng như những công việc mới lại phát sinh đang chờ đợi vị mục tử mới.

Với tâm tình: “đến để phục vụ” theo gương Thầy Giêsu, cha xứ mới Đaminh Vũ Quang Mỹ đã bộc bạch trong lời cảm ơn quí cha và cộng đoàn như vậy. Hy vọng, với lòng yêu mến trong tinh thần phục vụ Chúa, Giáo Hội và giáo xứ như thế, con thuyền giáo xứ Tư Đình sẽ cập bến trong bình An.

 
Người Công giáo thương tiếc vị linh mục qua đời do làm việc quá tải
UCAN
14:31 22/02/2008
DƯƠNG CƯỚC, Việt Nam (UCAN) – Các lãnh đạo Giáo hội và giáo dân tại một giáo phận miền bắc thiếu linh mục vừa thương tiếc và ca ngợi một linh mục xứ đã qua đời do bị kiệt sức khi coi sóc mục vụ cho người Công giáo trong thời tiết giá rét.

Linh mục Tôma Phạm Vấn qua đời do bị đột quỵ hôm 6-2 ở tuổi 67. Ngài làm chánh xứ Dương Cước ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, cách Hà Nội 120 km về phía đông nam, và còn phục vụ người Công giáo trong các giáo xứ không có linh mục. Đức Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang của Thái Bình và 35 linh mục đã đồng tế lễ an táng cho cha Vấn, với sự tham dự của 4.000 giáo dân và chủng sinh hôm 9-2 tại nhà thờ giáo xứ.

“Chúng ta đau buồn và tiếc thương người cha, người thầy, người anh, người bạn của tất cả chúng ta vừa mới ra đi trong giấc ngủ ngàn thu”, Đức cha Sang, 77 tuổi, nói với cộng đoàn.

Đức cha cho rằng cha Vấn chết là do vất vả làm mục vụ cho giáo dân trong giáo xứ ngài và các giáo xứ khác, ngài thường giải tội suốt cả ngày. Tại đây nhiều nơi nhiệt độ xuống tới 7-8 độ C.

Đức cha Sang kể ngài đã viếng thăm cha Vấn tại bệnh viện địa phương sau khi nghe tin cha bị đột quỵ và đã cho chuyển ngài đến một bệnh viện ở Hà Nội. Vị giám chức đã nhờ một người bạn làm bác sĩ ở đó điều trị cho cha Vấn, nhưng vị linh mục đã không qua khỏi.

Giuse Đỗ Thanh Đình, ứng sinh chủng viện 20 tuổi làm việc tại giáo xứ Dương Cước, cho biết cha Vấn đã ngồi toà giải tội cho giáo dân giáo họ Thiên Định của giáo xứ và giáo xứ Văn Lăng gần đó 10 ngày trước khi qua đời.

Anh Đình cho biết, anh lái xe máy chở vị linh mục đi làm lễ tại nhiều giáo xứ không có linh mục. Cha Vấn còn viếng thăm các linh mục khác và giới chức chính quyền trước Tết, anh nói thêm.

Anh kể vị linh mục đã ngồi toà hàng ngày tại nhà thờ giáo xứ như thế nào trước khi qua đời. Giáo xứ này có ba giáo họ, và tổng cộng 1.000 giáo dân. Theo truyền thống, người Công giáo địa phương đi xưng tội trước Tết và thứ Tư Lễ tro, năm nay rơi vào 6-2.

Ứng sinh chủng viện cho biết, hôm 2-2 cha Vấn bị đau đầu dữ dội và mắt bị mờ. Các bác sĩ nói ngài bị cao huyết áp và cho ngài uống thuốc. Hai ngày sau, cố linh mục cảm thấy mệt, không nói và không nhìn thấy được, vì thế giáo dân đã đưa ngài đến bệnh viện địa phương. Các bác sĩ ở đó nói ngài đã bị đột quỵ và bị tiểu đường. Sau đó cha Vấn bị bất tỉnh.

“Cha Vấn đã sống hết mình vì đoàn chiên, không những cho giáo xứ Dương Cước mà còn dành thời giờ tới giúp các cha khác để làm mục vụ và giải tội cho giáo dân. Ngài làm việc rất năng động, nhiệt tình, không ngại khó ngại khổ, hầu mong cứu được nhiều linh hồn về cho Chúa”, Đức ông Tôma Aquinô Trần Trung Hà phát biểu với UCA News sau lễ tang. Ngài nói thêm cố linh mục “đã sống một cuộc đời khiêm tốn hiền hoà, trung kiên với ơn gọi, vượt qua mọi thử thách để luôn gắn bó với Thiên Chúa”.

Sinh năm 1941 tại tỉnh Thái Bình, bố mẹ cha Vấn bị cộng sản giết chết khi ngài lên tám. Ngài phải mò cua bắt ốc để kiếm sống cho đến khi vào Chủng viện Mỹ Đức năm 1957. Sau khi Nhà nước đóng cửa chủng viện, ngài học thần học và triết học tại toà giám mục.

Sau đó ngài bị bỏ tù sáu năm và bị quản thúc đến năm 1995, ngài được Đức ông Hà mời làm việc tại giáo xứ Dương Cước. Đức ông Hà coi sóc giáo xứ Giáo Nghĩa và Văn Lăng.

Trong chín năm phục vụ giáo xứ Dương Cước – hồi còn chủng sinh ngài làm nông – cha Vấn đã khôi phục đời sống đức tin cho giáo dân và các đoàn thể và giúp xây dựng nhà thờ giáo xứ, Đức ông Hà kể lại. Giáo xứ này trước đó đã không có linh mục nhiều năm.

Ông Giuse Đỗ Văn Cừ, chủ tịch hội đồng giáo xứ, nói rằng cha Vấn đã bán xe máy của ngài để lấy tiền xây dựng nhà thờ giáo xứ.

Sau khi tham dự khoá bổ túc thần học hai năm tại Đại Chủng viện Sao Biển ở Nha Trang, miền trung Việt Nam, cuối cùng ngài đã được Đức cha Sang phong chức linh mục ngày 22-2-2006.

Theo số liệu thống kê của giáo phận, giáo phận Thái Bình có 117.000 người Công giáo và 62 linh mục, trong đó có một vị đã về hưu và ba vị đang du học. Giáo phận có 90 giáo xứ, trong đó 45 giáo xứ và hàng trăm giáo họ không có linh mục coi xứ.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Bài nhạc: Kết đoàn Ta đòi Công lý cho toàn dân
Lã Mộng Thường
14:44 22/02/2008
 
Xin hãy dừng lại trước khi quá muộn!
Lê Tuấn Huy
16:19 22/02/2008
Xin hãy dừng lại trước khi quá muộn!

Lê Tuấn Huy

Sau khi post bài Nhà nước, tôn giáo, thông tin và công dân – vài lý lẽ đời thường tại blog của mình, trong số những comment tôi nhận được có một link đến bài Tiếng nói của Phật tử trước cái gọi là "cầu nguyện" đòi lại Toà Khâm sứ - ý kiến độc giả. Đọc vào, tôi thật sự hết sức kinh hãi, cho dù trước đó cũng đã lờ mờ nhận ra một bước đi nào đó có thể dụng đến Phật giáo!

Không thừa khi điểm lại những điểm đáng lưu ý:

• Ảnh nhỏ một nhà thờ cùng với chú thích Đất bị thực dân Pháp và tay sai Ki-tô giáo cưỡng đoạt xây Nhà thờ Lớn được dùng để mở đầu cho bài viết có một phần nội dung là kết án Công giáo Việt Nam đi với thực dân, và có hàm ý rất rõ rằng nay họ lại đi ngược lại với dân tộc.

• Cũng ngay đầu bài: Xét một cách chính danh nhất thì Phật giáo mới đủ tư cách để đòi lại đất bị nhà thờ và thế lực tay sai xâm chiếm. Và cứ nếu xét theo sự thật lịch sử thì không chỉ có Nhà thờ Lớn tại Hà Nội mà Nhà thờ Lớn tại TP. HCM cho đến cái gọi là thánh địa La Vang cũng phải trả về cho Phật giáo.

• Từ chỗ khẳng định chính danh hơn, cuối bài đi đến công khai thách thức rằng có thể hành động để tranh giành: Người Công giáo sẽ nghĩ gì, nếu những người Phật tử cũng thắp hương cầu nguyện, ký tên đứng bao quanh Nhà thờ Lớn Hà Nội và những nơi người Công giáo đã chiếm đoạt để đòi lại những danh thắng nổi tiếng của dân tộc và Phật giáo đã bị chính nhà thờ và tay sai tàn phá? Nhưng người Phật tử sẽ không bao giờ làm thế nếu người Công giáo không tiếp tục có những hành động quá đáng như vậy.

• Chẳng những bác bỏ gỉải pháp (nếu có) giữa Chính phủ với Giáo hội mà còn vu khống một cách lố bịch khi quy kết việc làm của Giáo hội là cùng loại với hành động của Trung Quốc, với thâm ý dùng lòng yêu nước của người Việt để chống Công giáo: Nếu hành động “trả lại” Toà Khâm xảy ra, tin chắc sẽ gặp phải những phản ứng quyết liệt của người Phật tử trong nước và nước ngoài. Và nếu điều đó xảy ra sẽ là tiền lệ nguy hiểm cho những hành vi học “đòi” một cách lố bịch như Trung Quốc và là một cách hành xử không công bằng đối với Phật giáo.

Những lời lẽ và thái độ như vậy có phải xuất phát từ sự từ, bi, hỉ, xả và diệt tham, sân, si của nhà Phật hay không, xin mời độc giả tự nhận định. Ở đây, tôi chỉ xin nói đến những vấn đề có liên quan khác.

1. Lẫn lộn (vô tình hay hữu ý) trong việc đặt vấn đề về những nhà thờ mới trên các nền chùa cũ

Trước hết là lẫn lộn giữa lịch sử với hiện thực.

Có thể xem “lịch sử” là khái niệm về sự kiện đi với thời gian của quá khứ và gắn kết với một không gian, và là một khái niệm tương đối ở các “điểm nút”. Có lịch sử xa mà cũng có lịch sử gần, có lịch sử đã qua mà cũng có thể lịch sử ngay hôm nay (khi nó tức thời bị vượt qua về sự kiện).

Vậy vấn đề là quy chiếu nào để xem đâu là lịch sử, đâu là hiện thực? Theo tôi thiển nghĩ, khi các chủ thể tương ứng nhau, cùng làm nên một sự kiện mà còn tồn tại trong thực tế, khi đó hiện thực này vẫn tồn tại. Khi một trong các bên chủ thể đó đã không còn tồn tại; hoặc khi đã qua một thời gian đủ lâu, lúc mà các chủ thể trực tiếp đều biến chuyển thành các chủ thể hậu duệ, thì xem như lịch sử đã được xác lập.

Hiện thực là cái ta phải đối mặt trong hiện tại và có thể thay đổi. Lịch sử là cái chỉ ta ghi nhận và rút ra bài học khả dĩ từ đó, chứ không phải là cái có thể thay đổi, tuy có thể ít nhiều giải quyết hậu quả lịch sử. Nhưng không phải hậu quả nào của lịch sử cũng có thể giải quyết được, mà chỉ là lịch sử lân cận nhất mà thôi và khi hiện thực “xác nhận” về hậu quả đó cũng như có nhu cầu giải quyết nó; ngoài ra, đều thuộc phạm vi của ảo tưởng thay đổi lịch sử. Đòi hỏi thay đổi lịch sử, dù lịch sử đó tốt hay xấu, vinh hay nhục, của mình hay của người, đều là đòi hỏi vô lối và thiếu lý lẽ.

Đúng là sự thật ở Việt Nam có những nhà thờ được xây trên nền chùa, nhưng điều đó đã đi vào lịch sử chứ không còn là vấn đề của hiện thực. Vì sao? Đơn giản là những chủ thể của sự kiện dỡ chùa nay đã không còn tồn tại. Phật giáo Việt Nam từ bấy đến nay, qua bao nhiêu thăng trầm là bấy nhiêu lần thay đổi về mặt tổ chức và chủ thể rồi (sự phân tán của nhiều hệ phái Phật giáo dưới thời Pháp thuộc để rồi thống nhất dưới cùng một Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; sau năm 1975 lại là Giáo hội Phật giáo Việt Nam và một Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất khác không chấp nhận đặt dưới sự chi phối của chính quyền). Cho dù cố nại rằng chủ thể là toàn bộ Phật tử Việt Nam chăng nữa, thì chủ thể dứt khoát cần phải có ở phía bên kia, trong sự kiện này, là chính quyền thực dân, nay đã hoàn toàn đi vào lịch sử. Ngoài ra, cho dù có thăng trầm như thế nào dưới chế độ thuộc địa, thì xuyên suốt, Phật giáo Việt Nam vẫn luôn chứng tỏ sức sống của nó, vẫn sống an lạc trong toàn bộ cộng đồng xã hội, trong đó có cộng đồng Công giáo, và mọi “phạm vi ảnh hưởng” tinh thần lẫn tổ chức của mỗi tôn giáo đều đã “an bài” mà không hề có tranh chấp với nhau, nên khách quan mà nói, không hề có nhu cầu “sửa chữa” lịch sử trên mọi phương diện.

Ngược lại, trong vấn đề tranh chấp của các giáo phận thuộc Giáo hội Công giáo với Chính quyền hiện nay về tài sản – chưa cần xét về thời gian khi mà thời gian xa nhất trong sự việc này cũng chỉ là năm 1959, ngoài ra là rải rác từ đó, trước 1975 và từ 1975 về sau – cả hai phía chủ thể đều còn tồn tại. Giáo hội Công giáo vẫn là giáo hội đó, Chính quyền Việt Nam vẫn là chính quyền đó, còn chuyện chuyển tiếp con người cụ thể cai quản Giáo hội hay nắm quyền Nhà nước thì không cần bàn, đó là điều đương nhiên theo thời gian của bất kỳ một chủ thể thiết chế nào. Do vậy, đây là vấn đề hiện thực của Giáo hội Công giáo với Chính quyền, không phải là vấn đề lịch sử. Và nó, trong phạm vi các vụ việc có liên quan, càng không phải là vấn đề hiện thực giữa Công giáo và Phật giáo, cũng không phải là vấn đề giữa Chính quyền với Phật giáo!

Nếu cứ lập luận rằng Công giáo đòi Toà Khâm sứ mà hiện Chính quyền đang quản lý thì Phật giáo có quyền đòi Nhà thờ Lớn hay những cơ sở, vùng đất khác của Công giáo vì trước đây là của nhà chùa, với thái độ bất chấp lý lẽ, bất chấp giới hạn lịch sử, sự thật (đã thành) lịch sử, bất chấp hiện thực, thì liệu trả lời sao với những điều sau đây: Người Việt đến đòi đất tại khu Chợ Lớn của người Hoa vì người Việt mới chính danh về lịch sử (!). Chính quyền Cambodia đòi lại Sài Gòn và Tây Nam bộ vì người Khmer mới chính danh là chủ vùng đất này trong lịch sử [1] (!). Các gia tộc trên khắp nước đi đến những khu đất xa xưa để đòi người khác phải ra khỏi vì trước đây nó là của gia tộc mình (!). Xa hơn nữa, Trung Quốc có thể căn cứ vào lịch sử Giao Chỉ để đòi lại vùng đất xưa (!)… Hoặc gần nhất, là câu hỏi ai sẽ dám chắc những nền chùa mà nay toạ lạc nhà thờ, là của Phật giáo ngay từ thuở khai thiên lập địa để không bị một người chủ chính danh giả định khác lên tiếng đòi?

Sự lẫn lộn giữa lịch sử và hiện thực này lại gắn kết chặt chẽ với lẫn lộn giữa lịch sử với pháp lý.

Sự kiện đất chùa xưa bị chiếm đoạt cho dù có là thực tế lịch sử, nay cũng đã nằm ngoài khuôn khổ pháp lý hiện hành, một phần cũng vì các chủ thể pháp lý đặt trong tình hình thực tế lịch sử như vừa nói. Trong khi đó, đối với Giáo hội, mà tiêu biểu là vụ Toà Khâm sứ, thì lại khác. Ngoài việc sự vụ xảy ra ngay dưới chế độ hiện hành, theo những thông tin được đưa ra từ phía Giáo hội, họ có các văn bản cần thiết làm cơ sở cho yêu cầu của mình. Vấn đề còn lại giờ đây là giá trị thực của các chứng thư đó và hiệu lực của chúng có nằm trong khuôn khổ thừa nhận của hệ thống quy định pháp luật hay không.

Nếu có ai đó đặt vấn đề về tài sản của Phật giáo tại những vị trí của Công giáo hiện nay, về lý, đương nhiên sẽ là có một chủ thể đại diện để chính thức đặt ra yêu cầu tranh chấp của mình, bằng những chứng thư xác thực tương tự, chứ không thể khẳng định suông về mặt lịch sử, rằng vì dưới thời thực dân đó đã là nền đất của nhà Phật, rằng đã được nhà Lý, nhà Trần gì đó giao cho Phật giáo…

Lẫn lộn này lại tương quan với sự ẫn lộn giữa lịch sử với sở hữu, giữa tình cảm (tôn giáo) với pháp lý và sở hữu, thậm chí là giữa chiếm hữu (trong lịch sử) với sở hữu (của hiện thực) .

2. Từ chỗ lẫn lộn giữa các phạm vi đi đến chỗ đánh tráo các vấn đề

Đầu tiên chính là việc đánh tráo tương quan chủ thể. Đây hoàn toàn là việc giữa Công giáo với Chính quyền lại biến thành việc giữa Công giáo với Phật giáo. Và nếu muốn mở rộng ra, Phật giáo (và có thể cả những tôn giáo khác trong nước) cũng có vấn đề về tài sản với Nhà nước, thì việc bỗng dưng Phật giáo trở thành đối trọng với Công giáo trong vấn đề tài sản rõ ràng là đánh tráo cả chủ thể tương quan trong vấn đề này của chính Phật giáo.

Một thực tế khó mà không thừa nhận, là chính sách trưng thu, sung công được áp dụng rộng rãi đối với tài sản của các tôn giáo, ở cả hai miền Nam, Bắc tuỳ vào thời điểm nắm chính quyền. Lý luận “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” đã khiến trong thực tế việc thu hẹp “địa bàn gieo trồng và chế biến thuốc phiện” là một trong những nhiệm vụ không nhỏ. Phải thừa nhận rằng chính sách đối với tôn giáo hiện đã có những thay đổi, tuy nhiên, cùng với sự thiếu minh bạch khi nhìn nhận những sai lầm của quá khứ, cộng thêm tư duy và hành xử cũ vẫn chiếm ưu thế, khiến vấn đề không đi đến thấu đáo. Trong vấn đề tài sản này, nếu tiếp tục né tránh, đánh tráo các quan hệ chủ thể đối ứng với nhau, không những không giải quyết được mà còn phát sinh những vấn đề khác, trầm trọng hơn nhiều.

Một sự đánh tráo cực kỳ nguy hiểm là từ chỗ thuần tuý tài sản, vấn đề được lái sang thành quan hệ… dân tộc – thực dân. Cho dù thực tế lịch sử có việc Công giáo được sự ưu ái của chính quyền thực dân, có việc nền đất chùa được lấy xây nhà thờ, có việc một bộ phận người Công giáo làm tay sai cho giặc, thì tất cả những điều đó nay cũng chỉ còn giá trị là ghi nhận đối với quá khứ, trong toàn bộ quá trình du nhập và phát triển của Công giáo tại Việt Nam, chứ hoàn toàn không có giá trị phán xét trong hiện tại.

Đem lịch sử – một lịch sử đã hoàn toàn sang trang ra để quy kết về tính dân tộc trong tranh chấp hiện nay rõ ràng là đánh lận con đen và đặt Công giáo trước một tấm bia nhiều người nhắm cùng lúc. Vả lại, cũng cần phải hết sức công tâm với lịch sử, rằng có phải duy nhất những người Công giáo có quá khứ câu kết với thực dân? Không có người Phật giáo sao? Không có người theo những đạo khác hay không theo đạo sao? Trong một đất nước mà tín ngưỡng chủ đạo là thờ Ông Bà và Phật giáo, liệu có phải tính theo tỷ lệ thì người ngoài Công giáo câu kết với giặc là không đáng kể không?

Dấn thêm một bước nữa trong hướng này là đánh tráo tới mức từ chỗ chỉ là tranh chấp tài sản trong hiện tại, lại viện đến văn hoá dân tộc liên quan đến những công trình Phật giáo xưa mà nay trên nền là công trình Thiên Chúa giáo, viện đến vai trò lịch sử của Phật giáo trong những giai đoạn chưa có Công giáo, xem đó là duy nhất của văn hoá Việt cho đến nay, với hàm ý loại hẳn Công giáo ra khỏi tiến trình văn hoá dân tộc đó.

Không ai có thể bác bỏ được những đóng góp mang tầm văn hoá dân tộc của Phật giáo giai đoạn cực thịnh thuộc trung đại của lịch sử Việt Nam, thì cũng sẽ như thế đối với những đóng góp từ phía Công giáo cho văn hoá Việt Nam thời kỳ cận và hiện đại. Chữ Quốc ngữ là một điển hình quá rõ. Kiến trúc Thiên Chúa giáo đã là một phần của kiến trúc Việt Nam hiện đại. Các hoạt động lễ hội có nguồn gốc Thiên Chúa giáo đã hoàn toàn đi vào đời sống của đất nước phương Đông này mà không ai mảy may đặt vấn đề xét lại tính văn hoá dân tộc của chúng. Một điều hoàn toàn phi lý là để tôn vinh danh thắng của dân tộc trong quá khứ thì phải đập bỏ danh thắng của đất nước thời hiện đại để dựng lại cái cũ sao? Vậy thì xem ra Hoàng thành Thăng Long phải được dựng lại nguyên như xưa bằng mọi giá chứ không thể tính đến chuyện gì khác cho các công trình kiến trúc mới của thủ đô đâu!

Chỉ có những người cực đoan mới nói rằng Phật giáo là quốc giáo của Việt Nam từ thời lập quốc và hàm ý rằng do đó nay phải đòi lại từ Công giáo những địa điểm văn hoá Phật giáo xưa để thể hiện tinh thần quốc giáo của dân tộc. Trong số hàng chục vạn người hàng năm vui đón Giáng sinh tại khu vực Nhà thờ Lớn TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, mà hẳn người không có đạo phải hơn về tỷ lệ so với người có đạo, chắc chắn không ai điên rồ tới mức cho rằng đây là văn hoá Công giáo phải tẩy chay, hay cái nhà thờ trung tâm ấy không thể hiện văn hoá dân tộc cần phải đập bỏ để dựng lên nhà chùa (tháp Báo Thiên ở Hà Nội chẳng hạn) vì đạo Phật là quốc giáo của ta từ trước!

Văn hoá Thiên Chúa giáo đã thật sự là một bộ phận trong tổng thể văn hoá Việt và đã hoà quyện vào đó. Lấy văn hoá của một thời kỳ lịch sử đã qua, cho dù là thời kỳ của một đỉnh điểm nào đó, để quy kết bất biến cho ngày nay nhằm loại bỏ văn hoá Thiên Chúa giáo, là quan điểm thiếu tầm nhìn và kỳ thị tôn giáo không hơn không kém.

Dùng vấn đề văn hoá dân tộc được thể hiện dưới hình thức cực đoan để thay cho chuyện tranh chấp tài sản thì thật sự là một vốc bùn đã được đánh vào đại dương mênh mông – chứ không phải vào ao nữa. Và nếu khai thác cái đại dương đó, nó có thể sẽ nhấn chìm không chỉ vốc bùn, mà còn cả con người có bàn tay nắm vốc bùn cũng như tất cả những gì thuộc cảnh quang xung quanh!

3. Có chăng một ý định dùng đến Phật giáo để chống Công giáo trong vấn đề tài sản?

Câu hỏi này đặt ra không thừa trước những gì mà bài viết được đề cập ở trên đã thể hiện, cũng như vài biểu hiện khác mà có thể xâu lại thành một dây liên hệ.

Vượt lên trên xung đột về chính trị, vượt cả lên xung đột về sắc tộc, vốn đã là những xung đột mà khi diễn ra sẽ cực kỳ gay gắt và hậu quả sẽ nhiều tang thương, xung đột tôn giáo là xung đột có tầm mức kinh khủng nhất trong các loại xung đột có ở loài người. Lịch sử đã chứng minh điều đó! Hiện tại càng chứng minh điều đó!

Ngày nay, sự liên kết toàn cầu trên nhiều lĩnh vực bao gồm cả liên kết về đức tin, không chỉ về mặt tinh thần, mà cả về mặt thông tin, tổ chức. Mặt trái của điều tích cực này chính là tình cảm tôn giáo, nhiều khi là thiếu lý lẽ và thiếu kiềm chế, lan toả hết sức nhanh chóng, trở thành một xung lực tàn phá ngay tức thời những gì thuộc phạm vi sự việc lẫn về lâu về dài. Trong bối cảnh có nhiều xung đột toàn cầu mà lại khơi gợi sự cách biệt tôn giáo, đưa ra sự phán xét không đúng chỗ và vô trách nhiệm về quá khứ của một tôn giáo trên cơ sở đối lập với một tôn giáo khác, thì nếu không có động cơ xấu cũng là một thái độ hết sức thiển cận và hồ đồ!

Mấy chục năm qua, Phật giáo và Công giáo – hai tôn giáo lớn và có ảnh hưởng nhất trong đời sống tâm linh ở nước ta – cùng với các tôn giáo khác, luôn sống hoà hợp, không hề có ngăn cách nào với nhau trong cuộc sống và giao tiếp cộng đồng giữa những con người theo những tín ngưỡng (hay không tín ngưỡng) khác nhau. Có được điều đó phần lớn là do dân tộc ta có truyền thống hiền hoà, dung nạp và khoan dung lẫn nhau về tín ngưỡng giữa các tôn giáo. Phần khác thì nhờ bản thân mỗi tôn giáo, trong đó vai trò lớn ở hàng giáo phẩm cao cấp, không hề tạo ra sự phân cắt xã hội trên cơ sở tôn giáo. Một phần nữa, cũng hết sức quan trọng, là chính sách đúng đắn của chính quyền trong việc không chủ trương gắn công quyền với tôn giáo nào, hay việc dùng tôn giáo chống tôn giáo nhằm phục vụ cho việc củng cố quyền lực hoặc giải quyết các vấn đề chính trị đang phải đối mặt.

Từ cuộc tranh chấp của Chính quyền với các giáo phận Công giáo ở từng vụ việc cụ thể, lại bỗng nhiên có sự “tự nguyện” nào đó để biến sự việc thành ra cuộc tranh chấp của (một số) người “nhà Phật” nhắm vào Công giáo, trên bình diện chung về lịch sử và văn hoá, thậm chí trên bình diện dân tộc và ngoại bang – phải hiểu sao đây?

Chưa có cơ sở để khẳng định có người của Ban Tôn giáo “nào đó” dính vào. Cũng chưa thể căn cứ vào nhân thân của ai đó, của những người quản lý website nào đó – những người và nơi hăng hái dùng danh nghĩa Phật giáo để công kích Công giáo – có một ít liên hệ với yếu tố Trung Quốc, để kết luận rằng có một âm mưu thâm độc hơn nhằm tạo sự xung đột từ trong lòng, phục vụ cho kế hoạch lâu dài của quốc gia phương Bắc. Từ thâm tâm, tôi chỉ mong sao các động thái có liên quan chỉ là tự phát từ những tình cảm tôn giáo đặt nhầm chỗ, hay thậm chí là một sự bất khoan dung về mặt cá nhân, chứ không phải là những hành động được tính toán và có tổ chức.

Thẳng thắn mà nói, bất kỳ ai có chút tầm nhìn chính trị đều thấy ngay những cuộc thắp nến cầu nguyện của người Công giáo có mối đe doạ tiềm tàng về chính trị đối với Chính quyền. Đó là khi ý thức thể hiện niềm tin tôn giáo chuyển thành ý thức thể hiện niềm tin chính trị, và ý thức đó lan ra, vượt khỏi cộng đồng giáo dân. Đó là khi các tôn giáo khác “noi gương” Công giáo trong vấn đề tài sản và cũng có những động thái tương tự… Cũng thẳng thắn mà nói, để hoá giải toàn bộ nguy cơ này, tức không cho có sự lan tràn, giải pháp tốt nhất là cô lập người Công giáo, mà cô lập tốt nhất từ đâu, từ lực lượng nào và từ những công cụ nào, chỉ cần một chút nhìn vào những bối cảnh có liên quan ở nước ta là có thể nhận ra ngay…

Chắn chắn không ai mong muốn trên đất nước này có xung đột giữa Công giáo và Phật giáo. Xin hãy thử hình dung cảnh tượng một ngày nào đó ta bước vào chỗ làm hay trường học…, những con người vẫn tay bắt mặt mừng với nhau hôm trước, hôm nay bỗng nhìn nhau dè chừng khi biết “nó khác (đạo) mình”! Hãy thử hình dung một viễn cảnh kinh khủng, khi một ngày nào đó ta hay đời con cháu ta ra đường trong nỗi hoang mang, lo sợ bị tấn công chỉ vì tin vào Chúa hay Phật!

Muốn chấm dứt việc người Công giáo cầu nguyện đòi tài sản mà không can dự đến Phật giáo, trước những viễn cảnh tồi tệ giả định, tại sao không xúc tiến giải pháp đơn giản hơn rất nhiều, là có bước đi pháp lý thích hợp và một ít thoả hiệp để giải quyết rốt ráo vấn đề? Nhà nước “mất” về tay các giáo phận một vài toà nhà hay khu đất mà trong quá khứ không lâu đã là của họ, chẳng tốt hơn là mất đi khối đoàn kết dân tộc và sự bình yên trước viễn cảnh xung đột tôn giáo sao? Về phía (những người lấy danh nghĩa) Phật giáo, đã mấy trăm nay mất những chùa chiền nào đó, nay nếu tiếp tục “mất” thì có tăng thêm chút mất mát nào không, thay vì lại “tự nguyện” nhảy vào thế chân Nhà nước trong cuộc tranh chấp này, để mất đi cả căn tính vốn có của đạo Phật? Nếu những tài sản mà phía Công giáo chứng minh được sở hữu có về với họ, thì cũng chỉ là thêm cho một bộ phận con dân nước Việt được có được những cơ sở vật chất mới phục vụ cho đời sống tâm linh, cho việc giáo dục, giải trí, hay làm từ thiện…, không phải là điều Nhà nước ta cũng chủ trương hay sao? Và thêm một bộ phận chúng sanh có được niềm hoan hỉ như thế, nào có khác chăng với tinh thần nhà Phật?

Sẽ là một sai lầm kinh khủng nếu cứ khư khư ôm lấy uy quyền chính trị của mình trong việc giải quyết vấn đề, cũng như khăng khăng tự nguyện tham gia tranh chấp về mặt tôn giáo, để rồi dẫn đến xung đột tôn giáo trên bình diện xã hội. Một khi điều đó đã bén rễ, sẽ không thể nào cứu vãn nổi vì thực tế cho thấy xung đột loại này luôn vượt qua mọi tầm kiểm soát của bất kỳ thế lực nào, cả trong ngắn hạn và dài hạn.

4. Tỉnh táo, khách quan và lẽ phải

Hẳn sẽ có người nghĩ tôi là người Công giáo. Không, tôi vô thần 100%, điều này đã được “giải trình” từ lâu. Đời người không ai tránh khỏi có những lúc gặp chuyện buồn đau. Tôi cũng thế, và thật tình, có khi tôi mong tìm đến một bến đỗ tâm linh để có chút bình yên. Nhưng không, chưa bao giờ tôi từng có thể là một người hữu thần.

Tôi không ngại mà cũng không phản đối hay bất bình khi đọc ở đâu đó rằng người vô thần thì thế này thế kia. Friend nào đó trong blog, thấy tôi “bênh” Công giáo, vào comment “chửi” vô thần, tôi xem là bình thường. Bởi lẽ rất đơn giản, tôi không hề bị tình cảm vô thần chi phối đến lý trí của mình để mà lập tức phản ứng lại bằng cách phủ định tín ngưỡng. Cũng bởi đơn giản là tôi hiểu người vô thần thì có người này người kia – và tự hiểu tôi không phải là loại người vô thần họ nói – cũng như người theo bất kỳ tôn giáo nào đó cũng có người này người nọ. Đọc, nghe những phê phán như thế, tôi chỉ thầm nhủ rằng họ bị chi phối bởi tình cảm tôn giáo, còn thiếu sự khoan dung, thế thôi.

Trong các quan hệ, tôi sống bằng lẽ phải và lương tâm, không thể thấy đúng nói sai hay thấy sai nói đúng. Ở đây tôi “bênh vực” Công giáo, nhưng tôi sẽ sẵn sàng phê phán họ một cách gay gắt – cũng như phê phán bất cứ chủ thể nào khác – nếu sai trái ở phía họ. Bản thân tôi có nhận định rằng trong giáo luật và trong đời sống xã hội, Phật giáo có độ khoan dung cao hơn Công giáo (không có nghĩa là Công giáo không khoan dung). Khi nghiên cứu triết học chính trị, thực tiễn chính trị tại các nước dân chủ là một trong những điều tôi lưu tâm. Việc những năm gần đây Công giáo La Mã, mà đại diện là Giáo hội tại các nước, có xu hướng tăng cường can thiệp vào dân luật bằng giáo luật, là điều tôi hoàn toàn không đồng tình (như việc chống dùng bao cao su và thuốc tránh thai, chống nghiên cứu và ứng dụng tế bào dòng vào y học và dược học, vấn đề li dị trong hôn nhân dị tính và chống người đồng tính luyến ái…, hay ngay cả chuyện nội bộ Giáo hội khi tranh cãi quanh việc phong linh mục cho phụ nữ…). Chỉ vì ảnh hưởng của những chủ trương này ở Việt Nam hết sức nhỏ bé nên tôi không lên tiếng.

Một chút bày tỏ như thế để thấy rằng yếu tố tình cảm tôn giáo hay vô thần, dù rất quan trọng nhưng cũng không thể để nó chi phối đến lý trí và sự khách quan, đặc biệt là ở người trí thức, thành phần mà thái độ của họ có thể ít nhiều định hướng cho công chúng. Để cho loại tình cảm này chi phối, rồi vô tình hay cố ý kết hợp vào đó tình cảm dân tộc, kết quả là căm ghét niềm tin tôn giáo khác với mình, là sự thù hằn dân tộc vô lối dành cho người khác.

Vài ngày gần đây, chỉ quanh blog của mình thôi, tôi lại chứng kiến loại tình cảm này bộc phát khiến có người chệch choạng trong lý trí, ngả nghiêng trong lời nói, kỳ quặc trong tính khí. Tôi mừng vì có những người trẻ dù bị tình cảm tôn giáo chi phối nhưng lập tức nhận ngay rà vấn đề và tỉnh táo xử trí một cách khách quan. Ngược lại, tôi có phần hoảng khi thấy có trí thức không còn nhỏ tuổi lại thể hiện thái độ cực kỳ cố chấp và cực đoan… Thế mới biết mối đe doạ này đầy tiềm năng!

Tôi mong muốn thông qua bài này gửi lời kêu gọi đến tất cả mọi người, người có đạo và không có đạo, người Công giáo, Phật giáo hay những tôn giáo khác, dân thường cũng như chức sắc, và đặc biệt đến người trí thức…, cần tỉnh táo và dựa vào lý lẽ khách quan, vào lẽ công chính để nhìn nhận vấn đề.

Lời này cũng xin được nhắn gửi đến những nơi nào đó, những nhóm người thuộc “tôn giáo” nào đó đang hoạch định sách lược và những biện pháp trước diễn biến đang có. Lợi ích dân tộc là lợi ích của toàn thể khối nhân dân, của tất cả các tôn giáo và người không theo đạo sống trên mảnh đất hình chữ S này, không phải của riêng ai, riêng một đảng phái nào hay một tôn giáo nào. Vì lợi ích riêng mà bất chấp viễn cảnh được giả định của một cuộc xung đột tôn giáo và xã hội, vốn sẽ đi kèm – không tránh khỏi trong thời đại ngày nay – với giải pháp khắc chế lẫn nhau giữa các tôn giáo, sẽ dẫn đến một đại hoạ, và là một tội ác!

Xin hãy dừng lại trước khi quá muộn!

[1]Đây là ý của một bạn comment trên blog tôi, trong bài được nói đến.

(Nguồn: © 2008 talawas
 
Kích động mâu thuẫn tôn giáo: Trò đùa với lửa
Đặng Tự Do
17:18 22/02/2008
Cuộc đấu tranh cho công lý của người giáo dân Hà Nội đang bước qua một ngã rẽ khác sau khi có những tuyên bố của Phật Giáo về chủ quyền liên quan đến đất đai Tòa Khâm Sứ. Ngay từ những ngày đầu tiên, cuộc biểu tình của hàng ngàn giáo dân Hà Nội đã thu hút được sự chú ý rộng rãi của dư luận thế giới. Giờ đây, công luận đông đảo ấy của thế giới đang ngày càng thấy rõ người cộng sản Việt Nam “nhiều chiêu quá”, chỉ có một mảnh đất chút xíu lại đi bày đặt ra đủ trò. Vụ này cứ tiếp diễn với những trò ma mãnh như thế không biết còn ai muốn làm bạn, muốn làm ăn buôn bán với Việt Nam không? Những người có chút tâm huyết với dân tộc không khỏi đau lòng nhìn thấy tầm nhìn hạn hẹp của một nhà nước vẫn tự coi mình là “đỉnh cao trí tuệ”, và không khỏi băn khoăn trước những tuyên bố “man dại” gây sỉ nhục quốc thể của những Nguyễn Thế Doanh, Ngô Thị Thanh Hằng, và giờ đây là Trương Bá Cần.

Linh mục Trương Bá Cần, tổng biên tập của tờ Công Giáo và Dân Tộc, một tờ báo được khai sinh rất sớm (10/7/1975) và tồn tại liên tục từ sau khi cộng sản chiếm Miền Nam đến nay, trong số 1644 (15/2-21/2) đã chạy tít lớn với bài tấn công tuy mang tính chất thăm dò nhưng đầy những luận điệu thâm hiểm nhắm vào cuộc đấu tranh đòi công lý của anh chị em giáo dân Hà Nội nói riêng và tất cả những cuộc đấu tranh đã xảy ra hay đang nhen nhúm muốn xảy ra.

Người Công Giáo tại Việt Nam không lạ gì trước những luận điểm gần gũi với chính sách của đảng cầm quyền và xa lạ, nếu không muốn nói là thù địch, với quan điểm của Giáo Hội trong vụ tranh chấp tại Tòa Khâm Sứ. Điều đó cũng đã từng xảy ra với hàng loạt những vụ việc khác mà vụ án Phong Thánh cho 117 vị Tử Đạo Việt Nam là một.

Hàng tháng trước, một linh mục ở Sàigòn đã nói với chúng tôi là tờ Công Giáo và Dân Tộc sẽ tấn công vào cuộc đấu tranh đòi công lý của anh chị em giáo dân Hà Nội. Đó là một điều có thể tiên đoán trước, thành ra chúng tôi không lấy làm lạ khi linh mục Cần làm điều đó nhưng một sự lạ không thể không để ý đến đó là sự trùng hợp với tuyên bố của Hòa Thượng Thích Trung Hậu về chủ quyền của Phật Giáo tại Tòa Khâm Sứ. Một sự trùng hợp đáng ngạc nhiên cả về nội dung và thời điểm. Tất cả như trong một dàn hợp xướng với những âm binh múa nhảy dưới sự điều khiển của một cây đũa thần.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 3/1/2008 dành cho đài BBC, ông Nguyễn Thế Doanh, Trưởng Ban Tôn Giáo Chính Phủ, tuyên bố: "Từ khi có luật đất đai, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý và nhà nước, căn cứ vào nhu cầu sử dụng thực sự của nhân dân và quỹ đất, cấp đất cho nhân dân, các tổ chức để sử dụng ổn định, lâu dài."

Tuyên bố này được dịch ra nhiều thứ tiếng, được đăng rộng rãi trên các báo lớn, kể cả những tờ có tính chất “economic intelligence” như tờ Financial Review để quảng bá rộng rãi cho một luật lệ mà tục dao pháp lý tiếng Latin gọi là “Lex barbara”, tức “Luật man rợ”; và thẩm phán Lữ Giang gọi thẳng thừng là “Luật ăn cướp”.

Trong số báo 1644, linh mục Cần viết: “Trong cuộc di cư năm 1954-1955 cũng như trong cuộc di tản sau 30/4/1975, tất cả các ngôi nhà vắng chủ mà không có người được sở hữu chủ ủy quyền, trên nguyên tắc, đều do Nhà nước quản lý, cả những ngôi nhà cho người nước ngoài thuê.”

Làm sao một linh mục Công Giáo lại có thể lên tiếng bênh vực cho một sự bất công trắng trợn như thế? Nhà nước dựa vào lý gì để tự coi mình là người đương nhiên có thẩm quyền quản lý những ngôi nhà vắng chủ? Nguyên tắc "ăn cướp" như thế thật là một sỉ nhục.

Một bài tường thuật từ Hà Nội đưa ra có đoạn viết “Nhà nước là cha mẹ dân..” Khái niệm này thật là lạ lùng và man rợ gây kinh ngạc không ít cho những người sống trong các nước dân chủ trên thế giới. Trong khi ở hầu hết các nước trên thế giới người ta gọi các công chức trong guồng máy công quyền là “public servants”, “nô bộc của nhân dân”, thì ở Việt Nam bác và đảng đã ra sức biến hóa những “nô bộc của nhân dân” này thành “bố mẹ nhân dân”.

Bố mẹ đặt đâu thì con phải ngồi đó, không được cãi. Cãi lại là mất dạy, là làm xấu đi hình ảnh của mình trong lòng dân tộc. Đó là những điều linh mục Cần muốn nhắn gởi cho Đức Tổng Kiệt và anh chị em giáo dân Hà Nội.

Ngay trong câu đầu tiên của bài báo linh mục Cần nhập đề thẳng: “Tòa Khâm Sứ cũ ở Hà Nội tọa lạc tại số 42 phố Nhà Chung – Quận Hoàn Kiếm, từ năm 1959, sau khi Đức Khâm Sứ Dooley rời Hà Nội, thuộc quyền quản lý của nhà nước.”. Qua đó, linh mục Cần đã minh định thế đứng rõ rệt xa cách với những người ông ta vẫn lớn tiếng coi là đồng đạo của mình. Trong khi anh chị em giáo dân Hà Nội khẳng định nhà nước đã chiếm đoạt trái phép Tòa Khâm Sứ và “đây là đất đai thuộc quyền sử dụng của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, chưa hề cho, nhượng, hay bán vào bất cứ thời điểm nào cho bất cứ ai. Thậm chí cũng không có văn bản tịch thu.”, linh mục Cần kiên quyết cho rằng Tòa Khâm Sứ “thuộc quyền quản lý của nhà nước” để rồi sau đó trịch thượng tuyên bố như một đảng viên cộng sản, hay một cán bộ nhà đất rằng “Vấn đề là cần phải có yêu cầu, có thương thảo, xem xét trong xây dựng, trong tinh thần luật pháp,” nghĩa là phải qua một cơ chế xin-cho chứ không phải theo cách thế mà anh chị em giáo dân đã làm từ tháng 12 năm ngoái, một phương thế đã gây nên căng thẳng giữa giáo quyền và cái chính quyền mà linh mục Cần đang ra sức bảo vệ. Cái phương thế ấy, theo như lo ngại của linh mục Cần, cũng đã kéo cái nhìn của Phật Giáo đối với người Công Giáo lui lại hàng thế kỷ!

Để bênh vực và cổ xúy cho chủ trương quản lý nhà đất man rợ của chế độ, linh mục Cần viết: “Nhà vắng chủ, không được ủy quyền cho ai đều do nhà nước quản lý. Nhà nước quản lý, chứ không phải tịch thu: quản lý nhà vắng chủ có nghĩa là trông nom bảo quản cho tới khi chủ cũ trở về sẽ trao trả”

Trong tình hình cụ thể của Việt Nam hiện nay với hàng loạt những vụ cướp bóc đất đai dẫn đến những vụ khiếu kiện đông đảo, phải trâng tráo lắm một cán bộ văn hóa thông tin phường khóm mới dám nói câu này. Thế mà câu ấy lại được viết ra từ một vị linh mục. Ông ta viết lách kiểu này, nếu bây giờ cho “vote” ở đây, tôi dám bảo đảm với các chư tôn huynh, khối người sẽ đề nghị gọi người viết câu ấy là “thằng” - "thằng mõ" – nhân vật mạt hạng trong làng chỉ biết mù quáng lặp đi lặp lại những mệnh lệnh của quan trên bất kể đúng sai. Nếu tôi cứ tiếp tục xưng hô linh mục với “ngài”, xem ra có nhiều người sẽ nóng giận. Gọi là “thằng” xem ra cũng kỳ. Vậy xin thưa là cán bộ - theo như đề nghị trong cuốn Prêtres et commissaires. Chữ đó nói đúng bản chất của con người này hơn là chữ “linh mục”. Vả chăng, tôi thiết nghĩ, dùng chữ “linh mục” với con người này xem ra là một sỉ nhục đến cơ man những con người thánh thiện, sống cuộc đời hiến thân, quên hết bản thân mình để sống với tình yêu Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.

Cán bộ Cần coi Tòa Khâm Sứ ở Hà Nội và Sàigòn là những “nhà vắng chủ”. Mặc dù cán bộ Cần rõ hơn ai hết ông ta chính là một trong những người hung hăng đòi trục xuất Đức Khâm sứ Henri Lemaitre cuối tháng Năm – đầu tháng Sáu 1975. Đức Khâm sứ John Dooley và Đức Khâm sứ Henri Lemaitre đều đã không tự ý bỏ đi, cũng chẳng ai bị kết án và tịch thu tài sản, nhưng chỉ bị trục xuất khỏi Việt Nam.

Câu chuyện “nhà vắng chủ” được cán bộ Cần cho tiếp diễn như sau: “Tòa Khâm Sứ cũ do nhà nước quản lý trên nguyên tắc khi quan hệ ngoại giao được thiết lập giữa Việt Nam và Tòa Thánh vấn đề trao trả sẽ được đặt ra. Nhưng hiện nay khi quan hệ ngoại giao chưa được thiết lập, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam hay Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, nếu thực sự có nhu cầu sử dụng cũng có thể xin Nhà Nước giao cho mình quản lý”.

Qua câu này, cán bộ Cần công khai cổ xuý cho cái cơ chế xin-cho giữa các tôn giáo và nhà nước, kể cả với những cái lý ra là thuộc về mình theo lẽ phải và lẽ công bằng. Nếu có nhu cầu thì cứ xin. Bố mẹ sẽ cho. Mặc dù cán bộ Cần thừa biết rằng cái cơ chế xin-cho ấy không “work”. Chính Cần viết: “Từ năm 2000, ĐHY Trịnh Văn Căn, rồi từ năm 2003, Đức TGM Ngô Quang Kiệt hàng năm đều có văn bản xin Chính phủ giao lại …nhưng chưa được đáp ứng”.

Đểu hơn nữa, trong tư cách là cán bộ, Cần tỏ ra hoài nghi không biết Giáo Hội “thực sự có nhu cầu sử dụng” hay không. Cán bộ cũng lập lờ đánh lận con đen nói đến chuyện đất đai một mét vuông đất lên tới hàng chục triệu đồng. Ông vừa nói vừa cải chính. Thế nói ra để làm gì? Để ai muốn hiểu sao thì hiểu chứ gì? Trò hèn hạ này của ông đã chơi nhiều lần trong vụ Phong Thánh. Cán bộ còn trò nào khá hơn không?

Một tác giả đã nhận định chí lý:

“Để củng cố cho luận điểm rất mâu thuẫn đầu gà đít vịt của mình cán bộ Cần phải cẩn thận lôi cả Phật Giáo vào. Ông nói những buổi cầu nguyện đang diễn ra ở Hà Nội đang kéo cái nhìn của người Phật Giáo đối với người Công Giáo ‘lui về 100 năm trước’. Có thể, có một anh chị em Phật tử nào đó đã viết như thế thật, nhưng lấy một phát biểu quá đặc thù như thế làm tiêu biểu cho cả một tôn giáo thì đó là trò lưu manh hạ cấp của những kẻ lợi dụng tôn giáo. Làm sao một cuộc đấu tranh cho công lý, cho lẽ phải lại kéo cái nhìn “lui về 100 năm trước”? Cái tiêu biểu là thế này, người Công Giáo và người Phật Giáo gắn bó và thông cảm với nhau hơn bao giờ hết trong sự nghiệp đấu tranh cho công lý. Trong cuộc đấu tranh cho lẽ phải này anh chị em Phật tử thấy rõ rằng Pháp Nạn của Phật Giáo cũng là đại họa của người Công Giáo. Chính những kẻ đội lốt tôn giáo như Trương Bá Cần, những kẻ tiếp tay cho việc chà đạp công lý, đang làm cho hình ảnh người Công Giáo bị méo mó nơi anh chị em Phật Giáo, Cao Đài và Hòa Hảo.”

Cái chiêu của cán bộ Cần và nhà nước hiện nay là muốn phân hóa các tôn giáo, gây mâu thuẫn giữa hai tôn giáo lớn. Cái mà nhà nước Việt Nam đang sợ nhất là sự hợp tác đồng lòng đứng lên đòi lại tài sản của tất cả các tôn giáo tại Việt Nam. Chính vì thế, cán bộ Cần theo lệnh đảng đang ra sức kích động gây chia rẽ.

Trong số 1645 mới vừa cho ra lò hôm qua, cán bộ Cần lại tung thêm một tin xưa ơi là xưa: “Phải chăng Nhà Thờ Đức Bà Sàigòn cũng đã được xây trên đất của Phật Giáo?” Những chuyện nhảm nhí như thế chẳng ai muốn đăng, nhưng Cần cứ hô hoán lên trong âm mưu gây chia rẽ tôn giáo do nhà nước đạo diễn. Trong số báo này, những đoạn nói về Nhà Thờ Đức Bà Sàigòn, Đại Chủng Viện Thánh Giuse … đều chỉ là đòn hỏa mù để che đậy thâm ý mà Cần đã đề cập trong đoạn đầu khi mượn Nguyễn Đình Đầu để khẳng định chủ quyền của Phật Giáo đối với Tòa Khâm Sứ. Tuy cái tựa là nói về Nhà Thờ Đức Bà Sàigòn nhưng chẳng mấy câu nói về chuyện ấy. Cái chính vẫn là Tòa Khâm Sứ ở Hà Nội.

Vấn đề tôn giáo là vấn đề rất nhạy cảm ở Việt Nam. Nhà nước cộng sản chỉ vì một mảnh đất nhỏ xíu đang đùa với lửa!
 
Tháp Báo Thiên (1057) trong bối cảnh lịch sử thăng trầm của đất nước
LM Hồng Kim Linh
18:37 22/02/2008
Tháp Báo Thiên (1057) trong bối cảnh lịch sử thăng trầm của đất nước
hay Tháp Báo Thiên và mối liên hệ với quan niệm Trời trong tâm thức dân gian.

Ngôi tháp Báo Thiên là một trong tứ đại khí (bốn vật lớn: tháp Báo Thiên, Tượng Di lặc, chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh) làm thành bảo vật của lịch sử và quốc bảo của dân tộc. Tháp nầy xây dựng riêng rẻ hay làm thành một quần thể kiến trúc nào khác; xây dựng thời nào, bởi ai, và tại sao lấy tên là Báo Thiên. Vấn đề đưa đến việc đặt ngữ nghĩa của tên gọi. Điểm cứ xây dựng và sự hiện hữu xuyên lịch sử, tới giai đoạn nào là không còn dấu vết?

Đó là những câu hỏi mà bài sưu tra nầy muốn thử đặt ra để tự tìm hiểu, nhân thể bàn rộng ra theo mối tương quan của tháp có tên là Báo Thiên với chữ Thiên (Trời) mà dân gian Việt nam rất quen thuộc.

Năm xây cất và việc đặt tên:

Trong khuôn khổ bài nầy chúng tôi dựa sát tài liệu Đại Việt sử lược (VS) và Đại Việt Sử ký Toàn Thư (ĐST). Quyển Đại Việt Sử Lược, khuyết danh, người dịch: Nguyễn Gia Tường, hiệu đính Nguyễn khắc Thuần, nhà xuất bản TP Hồ chí Minh năm 1993 (sẽ dùng chữ tắt: VS) là một cổ thư về lịch sử Việtnam có khoản 1127-1140, trước Đại Việt sử ký (Lê văn Hưu, 1272) và Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô sĩ Liên, 1470). Theo hai sách sử đó thì Năm Đinh Dậu (1057), mùa xuân tháng 3, xây bảo tháp Đại Thắng Tự Thiên, 30 tầng. Có sách sử khác ghi tháp có 12 tầng cao vài chục trượng (60-80m) (xem Hà Nội nghìn xưa của Trần quốc Vượng và Vũ Tuấn San, Sở Văn Hóa Thông Tin Hà Nội 1975 xb tr.176). Tháp không đứng riêng, mà nằm bên cạnh ngôi chùa xây trước đó một năm tức là năm 1056 nhằm năm Long Thụy Thái Bình.

Sách ĐạiViệt sử ghi: Dựng chùa Sùng Khánh Báo Thiên. Lấy 11000 cân đồng (nhiều bộ sử ghi 12000 cân đồng ở trong phủ ra đút chuông đặt tại chùa ấy (xem chú thích số 322 sách VS tr.144). Nhà vua (Lý Thánh Tông) thân hành làm bài minh khắc vào chuông. Sự việc xảy ra sau khi vua được nhà Tống phong làm Quận Vương (!) và tiếp sứ Chân Lạp sang cống (tháng 8 năm 1056). Như vậy chùa và tháp xây xong chỉ cách nhau 5, 6 tháng. Phải chăng để đánh dấu biến cố mà chùa và tháp hoàn thành vào thời điểm nầy. Danh gọi Báo Thiên, Tự Thiên gợi đến có ý nghĩa gì?

Chữ Thiên trong truyền thống đặt tên qua các triều đại.

Lý Nam Đế (544-548) mở đầu truyền thống với chữ ‘Thiên’ đặt cho niên hiệu mình là Thiên Đức. Bẵng đi một thời gian tới thời tự chủ với Lê đại Hành (941-1006), chữ Thiên bắt đấu tái xuất hiện, rồi kinh qua suốt đời Lý, chữ Thiên đã được các vua dặt cho niên hiệu và cung điện, đền, chùa, và các công chúa.

Niên hiệu Thiên Phúc (980-988) đánh dấu năm tức vị và kế tiếp của vua Lê Đại Hành và niên hiệu Ứng Thiên (994-1005) để ghi dấu các thắng lơi về binh bị và chính trị của Vua. Đặc biệt Đại Việt sử lược còn ghi khi lâm nguy trong chiến trận, vua bị giặc bao vây, con vua (Vệ Vương Đinh Tuệ) bị trúng tên chết: Nhà Vua kêu ‘Trời’ ba tiếng, giặc tự nhiên thua (VS tr103). Đại Việt sử ký toàn thư (ĐST) ghi thêm: “Vua kêu trời ba tiếng rồi thúc quân đánh, giặc tan vỡ” (Bản kỷ, q1, kỷ nhà Lê, tờ 23a) Cũng năm Ứng Thiên thứ 8 (1002) quân đội Đại Việt giàu mạnh đến đổi vua sai chế tạo mũ trận bằng bạc hơn vài nghìn cái, đem phân phát cho quân nhân(VS,103). Chùa Ứng Thiên ở làng Cổ Pháp có lẽ cũng được xây dựng thời nầy, có liên hệ với việc sinh ra của Lý Công Uẩn sau nầy (xem thêm Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ).

Đến năm 1006, con vua Lê Đại Hành là Long Đĩnh tuy không có quân cách và quân phong như vua cha nhưng theo truyền thống? cũng mang tôn hiệu là “Khai thiên ứng vận thánh thần võ tắc thiên sùng đạo (VS). Ông vua hoang độ nầy không sống theo tôn hiệu có hai chữ thiên làm hộ mạng nên vắng số tiêu vong để triều Lý lên thay.

Triều Lý (mà sách Đại Việt sử lược ghi triều Nguyễn theo lệnh của nhà Trần sau đó) mở đầu với Lý Công Uẩn (1009-1028) một đệ tử thuần thành của thiền sư Vạn Hạnh, đã nghe lời khuyên của quần thần lên làm vua (xưng là Lý Thái Tổ) ‘để cho trên thuận lòng trời, dưới theo nguyện vọng của dân’ (VS và ĐST q1, tờ 33b) lấy tôn hiệu là:

Phụng thiên chí lý ứng vận tự tại thánh minh Long hiển duệ văn anh võ sùng nhân quảng hiếu, thiên hạ thái bình khâm minh quang trạch chiêu ngưỡng vạn bang hiển ứng phù cảm oai chấn phiên man duệ mưu thần công thánh trị tắc thiên đạo chánh. “ (chúng tôi gạch dưới).

Ông vua nhân ái vì theo Thiên Đạo Phụng Thiên nên khi lên ngôi tháng 11 tha hết những người bị tù tội, đốt bỏ những dụng cụ tra tấn (VS và ĐST q1, tờ 33b) đổi niên hiệu là Thuận Thiên (1010) và ra lệnh qui định lại luật pháp họp với lẽ nhân đạo cho thuận lòng Trời, đổi sông Bắc giang là sông Thiên Đức và làng Cổ Pháp là phủ Thiên Đức...

Trong thành dựng chùa Hưng Thiên (VS)... Năm 1011 dựng chùa Tứ Thiên Vương.

Năm 1012 “Vua thân đi đánh Diễn Châu. Khi về đến Vũng Biện gặp lúc trời đất tối sầm, gió sấm dữ dội, vua đốt hương khấn trời rằng: “Tôi là người ít đức, lạm ở trên dân’ nơm nớp lo sợ như sắp sa xuống vực sâu, không dám cậy binh uy mà đi đánh dẹp càn bậy. Chỉ vì người Diễn Châu không theo giáo hoá, ngu bạo làm càn, tàn ngược chúng dân, tội ác chồng chất, đến nay không thể dung tha không đánh. Vòn như trong khi đánh nhau, hoặc giết oan kẻ trunghiếu, hoặc hại lầm kẻ hiền lương, đến nổi hoàng thiên nổi giận phải tỏ cho biết lỗi lầm, dẫu gập tổn hại cũng không dám oán trách. Đến như sáu quân thì tội lỗi có thể dung thứ, xin lòng trời soi xét“ (ĐST q2, tờ 5b: Chúng tôi gạch dưới).

Năm 1016, năm Thuận Thiên thứ 7, được mùă to, miễn thuế cho trong cõi ba năm (VS 119 và ĐST q2, tờ 7b) dựng chùa Thiên Quang, chùa Thiên Đức và đắp tượng Tứ Thiên Đế. Giúp cho hơn 1000 người chốn kinh sư làm tăng đạo (VS 119 và ĐST q2,tờ 9a). Năm 1021 nhằm sanh nhựt của vua, vua cho dùng ngày ấy là tiết Thiên thành (VS từ tr.109-122).

Vua Lý Thái Tông năm Mậu Thìn (1028) đổi niên hiệu Thuận Thiên của vua cha làm năm Thiên Thành thứ nhất (ĐST q2, tờ 14b), đặt tôn hiệu mở đầu bằng 4 chữ Khai Thiên thống vận tôn đạo... (VS t.124 và ĐST q 2 tờ 14b)), lấy ngày sinh nhật vua làm tiết Thiên Thánh (VS 125 và ĐST q2, tờ 16b), dựng chùa Thiên thắng (VS 126); đổi diện Càn Nguyên thành điện Thiên An (VS tr.126 và ĐST tờ 19b), xây điện Phụng Thiên (ĐST tờ 20a) trước lầu chuông cho dân chúng đánh kêu oan. Năm 1030, năm Thiên Thành thứ ba, cho dựng điện Thiên Khánh. Năm Thiên thành thứ 4 (1031) dân Châu Hoan (Nghệ An) làm phản, vua dẹp yên giặc Xây cất chùa chiền 150 ngôi (VS 127 và ĐST tờ 20b)., Ruộng Đỗ Động Giang cho giống lúa chín bông, vua xuống chiếu đổi tên ruộng là Ứng Thiên (ĐST tờ 20b) Năm 1035 lập người thiếp yêu làm Thiên Cảm hoàng hậu(ĐST tờ 23a).

Năm 1037, dựng đền Hoàng Thánh Đại Vương. Trước đây vua thấy phủ Đô hộ để nhiều án ngờ, quan sĩ sư không xé đoán được’ muốn tỏ rõ sự linh htiêng sáng suốt để tiệt diệt kẻ gian trá, bèn tắm gội đốt hương khấn Thiên Đế’(ĐST tờ 25a).

Mùa đông 1041, vua ngự đến núi Tiên Du xem làm viện Từ Thị Thiên Phúc. Khi về, xuống chiếu phát 7560 cân đồng trong kho để đúc tượng Phật Di Lặc và hai vị Bồ tát cùng chuông để ở viện ấy’(ĐST tờ 29a).Năm 1043 dẹp yên giặc châu Văn, bắt được ngựa tốt, vua đặt tên cho một con tên là Tái Thiên (ĐST tờ 31b).

Năm 1045, tháng 7 vua thân chinh vào thành Phật Thệ của Chiêm Thành (bị đổi là Thừa Thiên), tháng 10 đổi niên hiệu là Thiên Cảm Thánh Vũ và tăng tôn hiệu thêm tám chữ là Thánh Đức Thiên cảm Tuyên Uy Thánh Vũ (ĐST tờ 36a). Năm ấy được mùa to (VS136). Năm 1054 vua băng hà Vua đưọc táng ở Thọ Lăng phủ Thiên Đức(VS 141).

Vua Lý Thánh Tôn (1054) lên ngôi lấy tôn hiệu với câu đầu: Pháp Thiên ứng vận sùng nhân chí đức. truy tôn mẹ họ Mai là Kim Thiên Hoàng Thánh hậu. Đặt quốc hiệu là Đại Việt (ĐST tờ 39b)... Xuống chiếu bỏ những hình cụ tra tấn (VS 142) để sống đúng với tôn hiệu sùng nhân chí đức,theo luật Trời. Năm 1055 lấy ngày sinh nhật làm thành tiết Thừa Thiên. (ĐST q3 tờ 1a). Vua Thánh Tôn cho hậu thế một câu để đời, đó là câu mà VS ghi:

“Mùa đông, tháng 10 lạnh lắm, vua bảo kẻ tả hữu rằng: Ta ở trong cung sâu, sưỡi lò than, mặc áo hồ cừu mà còn lạnh như thế nầy, huống chi những kẻ ở trong tù, khốn khổ vì trói buộc, phải trái chưa phân minh mà quần áo không đủ, thân thể không có gì che, nên mỗi khi cơn gío lạnh khắc nghiệt thì há không chết được người vô tội hay sao! Ta vô cùng thương xót Rồi lệnh vua truyền xuống quan Hữu ty phải cấp phát chăn chiếu ở trong kho phủ ra cho tù nhơn, luôn luôn cung cấp cơm ngày hai bữa (ĐST q3 tờ 1b).

Năm nay (năm Ất mùi) trong cõi được miển tiền thuế một nửa (VS 143). Năm sau (1056) bày ra hội La Hán ở điện Thiên An, dựng chùa Sùng Khánh Báo Thiên, ‘phát một vạn 2 nghìn cân đồng để đúc chuông lớn Vua thân làm bài minh. Mùa xuân (1057) xây tháp Đại Thắng Tự Thiên cao vài chục trương, theo kiểu 12 tầng (tức là tháp Báo Thiên) (ĐST q3,tờ 1b. tờ 2a): trong vòng nửa năm xây dựng hai công trình kiến thiết có tiếng vang để đời (ta sẽ đề cập tiếp phần cuối).

Tháng chạp năm ấy dựng chùa Thiên Phúc và chùa Thiên Thọ, đúc tượng Phạn Vương’ tượng Đế Thích để an vị vào chùa ấy (VS 144) Năm 1058 dựng điện Bát giác Khổn Thiên (có sách chép là Hồ Thiên xem chú thích số 325 sách VS145).

Mùa hạ, tháng 6 (năm 1065) VS còn thuật một câu nói đượm tình nhân ái khi nhà vua ngự ở điện Thiên Khánh nghe việc kiện tụng, bên cạnh có công chúa Động Thiên đứng hầu,: Vua nhìn công chúa rồi bảo viên ngục lại rằng: Ta yêu thương ta cũng như yêu thương thiên hạ. Ta yêu thiên hạ như bậc cha mẹ yêu thương con của họ vậy. Nhưng trăm họ có nhiều kẻ không hiểu biết, tự dấn thân vào đưòng phạm pháp, ta thương xót lắm vậy. Vậy từ nay tội trạng bất kể nặng nhẹ cũng nên theo một cách là khoan thứ cho họ(VS 150 và ĐST q3 tờ 3b)).

Muà xuân 1066 đổi niên hiệu là Long Chương Thiên Tự năm thứ nhất... Gả công chúa Thiên Thành cho Thân đạo Nguyên.

Năm Mậu thân (1068) đổi niên hiệu là Thiên Huống Bảo tượng thứ nhất sau khi nhận 2 con voi trắng (Trời cho con voi trắng) (ĐST tờ 4b).

Năm Kỷ Dậu (1069) bỏ niên hiệu Thiên Huống lấy niên hiệu Thần Võ thứ nhất: thân chinh chiếm thành Phật Thệ (quốc đô Chiêm Thành nay là làng Nguyệt Bậu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên), phá rụi hơn 2660 căn nhà dân, bắt vua Đệ Củ của Chiêm Thành về Thăng Long (ĐST tờ 4b). Năm Thần Võ thứ 2 (1070) xây chùa Đông nam Nhị Thiên Vương. Năm Thần Võ thứ 3(1071) vua viết chữ Phật dài 6 trượng” có sử ghi dài 1 trượng 66 thuớc (VS 156 với chú thích số 356). Năm 1072 vua qua đời, an táng tại Thọ Lăng thuộc phủ Thiên Đức.

Vua Lý Thánh Tôn được sử sách ghi nhiều câu nói đầy lòng nhân ái suốt những năm lấy thiên đạo làm kim chỉ nam. Chỉ những năm cuối đời, lúc bỏ chữ Thiên làm niên hiệu để mặc lấy chữ Võ thay vào thì thấy để lại những sự việc đáng tiếc, nhứ t là đối với dân tộc Chiêm Thành.

Vua Thánh Tôn băng được dâng tôn hiệu với câu đầu là: ’Ứng Thiên Sùng Nhân chí đạo... ’

Vua Lý Nhân Tông sanh năm Long Chương Thiên Tự thứ nhất (1066) bởi Nguyên phi Ỷ Lan, khi lên ngôi, lấy tôn hiệu mở đầu bằng câu: Hiển Thiên Thể Đạo Thánh... lấy sanh nhựt làm tiết Thọ Thiên và tôn mẹ lên bậc Thái Phi. BàThái Phi Ỷ Lan sau nầy vì chuyện tranh quyền hành hay vì có tính hay ghen ghét (VS 161 va ĐST tờ 7a) đã nhúng tay vào việc giam giữ Thái Hậu Thượng Dương và 72 thị nữ rồi bức bách bắt đem chôn sống theo vua Thánh Tông (VS 162 và ĐST tờ 7b) Sau vụ việc nầy bà nghiểm nhiên làm Thái Hậu lấy tên là Linh Nhân. Sử ghi là bà giỏi về chính sự: như việc ở nhà yên trị giữ nước để cho vua (Thánh Tôn) đi đánh giặc (ĐST tờ 4 b), và vào cuối đời (1103) Bà hay làm việc tế bần như xuất tiền trong kho ra để chuộc lại số con gái nhà nghèo bị cầm thế, đem về gả cho những người góa vợ (VS 177 và ĐST 14a) và cho xây nhiều chùa chiền thờ Phật như để sám hối về việc đã lở lầm xưa (VS chú thích 393 tr.177).

Triều đại nầy sử nhắc nhiều đến việc Chiêm Thành đi cống 2,3 lần trong năm: cống mùa đông, mùa thu, có khi cả mùa hè và Chân Lạp cũng cống mỗi năm 1,2 lần. Không thấy nhắc nhiều tên gọi có chữ Thiên như các đời vua truớc, chỉ có 2 lần kể trên và 2 lần cuối với niên hiệu là Thiên Phù Duệ Vũ thứ nhất (Canh Tý 1120, ĐST 20a) ) sau khi nhà Tống phong cho chức Thủ Tư Không, và Thiên Phù Khánh Thọ (1127, ĐST 24b) sau khi nước Tống loạn to. Cũng năm ấy vua từ trần và an táng tại Phủ Thiên Đức.

Vua Lý Thần Tông lên ngôi năm Thiên Phù thứ nhất (1127) ở điện Khổn Thiên, lấy tôn hiệu Thuận Thiên Quảng vận khâm minh nhân hiếu Hoàng đế (29b). Năm 1128 lấy niên hiệu Thiên Thuận (ĐST 28b), sách lập con gái của Lý Sơn là Lệ Thiên hoàng hậu(ĐST 30b). ‘Lá phướn của hai chùa Thiên Long và Thiên Sùng không gió mà tự lay động như múa. Vua ngự xa giá đến hai chùa ấy để lễ tạ’(ĐST 29a) An táng vua Nhân Tông ở lăng Thiên Đức. Lấy ngày sinh nhựt của vua làm tiết Thiên thụy. (ĐST 31b).Năm 1129, Chân Lạp đánh phá Nghệ An, dẹp được giặc, năm 1129 làm lễ mừng tại gác Thiên Phù về việc 84000 bảo tháp đã hoàn thành (tháp nhỏ bằng đất nung VS 194và ĐST 32b). Năm 1132 sinh hoàng thứ trưởng tử đặt tên là Thiên Lộc (ĐST 37a). Dựng điện Cảm Linh và gác Phụng Thiên (ĐST 37b) Năm 1133 đổi niên hiệu là Thiên Chương Bảo Tự thứ nhất. Năm 1134 dựng hai chùa Thiên Ninh và Thiên Thành (ĐST 38a). Vua được rùa mắt có 6 ngươi, bèn xuống chiếu cho các học sĩ và các tăng đạo biện nhận, đọc thành tám chữ: Thiên thư hạ thị thánh nhân vạn tuế ‘ (ĐST 38b). Năm 1136 Hoàng trưởng tử sinh được đặt tên là Thiên Tộ (ĐST 40a).Tô Vũ dâng rùa thần. Các quan nhận ra bốn chữ “Nhất thiên vĩnh thánh” (40a) Năm 1137 vua ngự đến chùa Báo Thiên, làm lễ Phật Pháp Vân để cầu mưa. Đêm ấy mưa to’(ĐST 40b). Năm 1138 vua qua đời (ĐST 42a), an táng tại phủ Thiên Đức.

Vua Lý Anh Tông tên húy là Thiên Tộ lấy tôn hiệu bằng câu đầu: Thể Thiên thuận đạo... Năm 1147 dựng 6 sở kho Thiên Tư. Tháng 11 làm nhà cho công chúa Thụy Thiên ở châu Lạng (ĐSTq4,6a). Năm 1149 công chúa Thiên Thành mất (ĐSTq4, 6b).Năm 1153 xây cung điện Ngự Thiên (VS 107) Năm 1155 làm cung Lệ Thiên (ĐST,12a). Tháng 12 làm hành cung Ngự Thiên (12 b).

Năm 1158, xây chùa Chân Giáo ở Hà nội. Nhà vua hạ chiếu lấy vàng ở trong kho ra mạ tượng Phạn Vương và tượng Đế Thích rồi cho đặt vào chùa Thiên Phù, chùa Thiên Hỗ (có sách chép là Thiên Hựu (VS 210). Cây cột chùa Thiên Phù, Thiên Hỗ chảy máu. Năm 1164 sửa lại điện Thiên An.

Nhà Tống phong vua làm An Nam Quốc Vương, đổi Giao Chỉ làm An nam quốc. Trước đó gọi là Giao chỉ Quận Vương (ĐST 14a). Thật ra quốc hiệu vua Lý Thánh Tôn đã đặt là Đại Việt từ năm 1054. Năm 1168 công chúa Thiên Cực về với quan Lạng châu mục là Hoài Trung Hầu (VS 213). Sau khi trao 10 con voi cho nhà Tống làm lễ Nam Giao, đổi niên hiệu năm 1174 là Thiên Cảm Chí Bảo thứ nhứt. (VS 215) Theo VS thì Nhà Tống gọi nước Việt ta là nước An Nam, vua là Quốc Vương quốc hiệu được lập bắt đầu từ đó (VS 215). Vua băng năm Thiên Cảm chí bảo thứ hai và an táng tại phủ Thiên Đức.

Vua Lý Cao Tông lên ngôi’ tôn mẹ là Thái Hậu Chiếu Thiên Chí Lý, và lấy tôn hiệu là Ứng Thiên ngự cực hoành văn hiến vũ.... đạo chí nhân ái (VS217)

Năm 1179, có động đất. Thái úy Tô HiếnThành chết. Vua bớt ăn 3 ngày’ nghỉ thiết triều 6 ngày (ĐST q4,18b). Nhà vua và Thái hậu xem con em các bậc tăng quan (thày tu làm quan) thị tụng kinh Bát Nhã. Coi khoa thi Tam giáo. Năm 1180: nhà vua xuống chiếu cho hàng Tam giáo (Nho Phật Lão) sửa sang các văn bia ở trong đại nội (VS 223). Năm 1186, tháng giêng, nhà Tống phong vua làm An Nam Quốc Vương, chế thư đại khái nói: “Ngay bắt đầu đã phong cho tước ấp ở một nước yên vui, được theo lệ cha truyền con nối ban sắc mệnh cho được thực thụ tước vương’ cần gì phải đợi thăng dần theo thứ tự” (ý nói không theo thứ tự thăng dần từ Qiao chỉ Quận Vương rồi Nam Bình Vương rồi An Nam Quốc Vương). Năm 1187, tháng 7, bắt được voi trắng đặt tên là Thiên Tư (của Trời). Xuống chiếu đổi niên hiệu là Thiên Tư Gia Thụy năm thứ nhất. (ĐST q4,20b và VS227). Năm 1188, đại hạn, vua đến chùa Pháp Vân để đảo vũ, nhân rước tượng Phật Pháp Vân về chùa Báo Thiên (ĐST 20b). Năm 1194, mưa đá, có tảng to bằng đầu ngựa. Đóng thuyền Thiên Long. Năm 1195: động đất. (ĐST 22a). Năm 1197, vua ngự ở điện Thiên Khánh để cân nhắc phán xét các tội ngục hình (VS 235) Năm 1202, động đất, hoàng tử Thầm sinh. Đổi niên hiệu là Thiên Gia Bảo Hựu năm thứ nhất (ĐST 22b). Năm 1203, Thiên Gia Bảo Hựu thứ hai xây cất cung mới ở phía tây tẩm điện. Ở giữa dựng điện Thiên Thụy. Bên tả dựng điện Dương Minh. Bên hữu dựng điện Thiên Quang. Phía trước là điện An Chánh Nghi. Ở trên lại dựng điện Kính Thiên (VS 237 và ĐST 23a) Năm 1205 Điện Thiên Thủy xây cất hoàn thành, nhà vua cho quần thần ba ngày dự yến tiệc (VS245) Năm 1206, nhà vua ngự ở gác Kính Thiên, tháng ba cung Phụng Thiên bị cháy. Năm 1207-8: giặc cướp nổi như ong. Đói to, người chết nằm gối lên nhau (ĐST24b,25a). Năm 1210 vua băng.

Vua Lý Huệ Tông kế vị (1211-1224) không thấy có chữ Thiên, loạn lạc: giặc trong giặc ngoài tứ tung. Năm cuối đời có lúc phát điên. Quyền trong nước dần dần về tay người khác. Vua xuất gia ở chùa Chân Giáo truyền ngôi cho công chúa Chiêu Thánh.

Vua Lý Chiêu Hoàng (1224) công chúa Chiêu Thánh với tên húy là Phật Kim sau đổi là Thiên Hinh lên ngôi lấy tôn hiệu là Chiêu Hoàng và đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo. Ở ngôi được hai năm rồi truyền ngôi cho họ Trần (ĐST 32a).

Kết thúc một triều đại mà chữ Thiên được đặt lên hàng đầu trong các danh gọi: từ tôn xưng, niên hiệu, sanh nhựt, tên công chúa chí đến cung, điện, chùa chiền, lăng phủ, sông rạch.

Qua đến đời Trần: chữ Thiên được nhắc ở tôn hiệu năm đầu (1225) là “Khải Thiên lập cực chí nhân chương hiếu hoàng đế” (ĐST 34b) và năm 1232 vua Trần lấy niên hiệu là Thiên Ứng Chính Bình và năm 1369 là năm Thiên định. Được một năm là dứt điểm.

Thế là chấm dứt cả mấy thế kỷ liên tục lấy chữ Thiên làm chủ đạo trong việc cai trị đất Đại Việt (216 năm triều Lý). Kết thúc trang sử đời Lý, sử thần Ngô sĩ Liên viết như sau: ’Từ đời Huệ Tông trờ lên đến Thái Tổ là tám đời mà Huệ Tông tên là Sảm, tức là mặt trời gác núi, hết bóng. Thế thì nhà Lý được nước là tự trời, mất nước cũng là tại trời vậy” (ĐST 35a, 35b)

“Thiên” một chữ gợi nhiều âm hưởng trong tâm thức dân gian.

Các vua thời đại cựờng thịnh của Đại Việt đã hiểu thấu tâm cảm của dân gian nên chi đã chẵng ngần ngại coi việc mình lên trị vì thiên hạ là một việc Ứng Thiên, Thiên định, Thiên Hựu do vậy phải chăm lo săn sóc dân chúng cho họp đạo Trời: Thiên đạo. Phải lo xây cất những chùa chiền Phụng Thiên, điện đài Kính Thiên, để tỏ bày lòng thành kính cho thuận với lòng Trời: Thuận Thiên. Như vậy Thiên Ý mới được Thiên Thành. Trong ý hướng đó điện Kính Thiên (1202) phải ở trên trước các điện khác, không phải ở bên tả hữu hay ở giữa mà phải ở trên trước (xem phần lịch sử ở trên). Và để kiểm chứng hành vi cai trị có họp Thiên ý và Thiên đạo hay không, ngoài việc tế Nam Giao còn phải báo đáp, báo ân Trời và tường trình báo cáo Trời về công việc của mình. Nơi thể hiện tâm tìnhỳ báo đáp, báo ân, báo cáo đó phải ở trên trước cao tận Trời với Tháp Báo Thiên (xây năm 1057). Tính cách nổi vượt nầy đã được nhà thơ lớn Phạm Sư Mạnh (đời Trần) diển tả như sau:

Trấn áp đông tây củng đế kỳ,
Khuy nhiên nhất tháp độc nguy nguy
Sơn hà bất động kình thiên trụ
Kim cổ nan ma lập địa chùy

(Đề Báo Thiên tháp)

Trấn áp đông tây, giữ vững kinh kỳ,
Ngọn tháp sừng sững trội vượt hẳn lên.
Chiếc cột chống trời đứng đó làm cho non sông yên ổn,
Như mũi dùi trên đất xưa nay chẳng hề mòn.


Bài thơ nầy diển tả được tính cách trổi vượt của Tháp, nhưng chưa chắc diển đúng ý nghĩa của tên Tháp là Báo Thiên, bởi lẽ trên đĩnh tháp có hàng chữ Đạo Lý Thiên một thể hiện cung kính rõ rệt về đạo lý của Đấng Tối Cao (Ông Trời) mà từ vua tời chí dân cả nước cần chiêm bái và tuân thủ vâng phục, chứ có lẽ nào dựng cột để chống Trời như thi sĩ đời Trần kia!

Chữ Thiên qua suy nghiệm trên không thể hiểu một cách hời hợt phiến diện: tức không thể vì nhà Tống qua hai triều đại Tống Thiên Hy và Tống Thiên Thánh (1012-1031) có dùng chữ Thiên mà nhà Lý bắt chước dùng theo. Cũng không thể coi rằng đây chỉ là do ảnh hưởng Khổng Nho, vì theo thờI điểm lịch sử nầy Phật Giáo mớI thịnh hành, chiếm địa vị độc tôn, khiến các sữ gia Lê văn Hưu và Ngô sĩ Liên về sau đã đem lờI phê phán (như sẽ bàn sau) chứ Khổng Nho chưa hẳn được thịnh hành và ảnh hưởng sâu rộng ở Đại Việt. Vả lại nếu coi là nhờ ảnh hưởng của các Nho thần đi nữa thì cũng phải hiểu Khổng Nho cũng không sáng tạo quan niệm từ không không mà là làm công việc kết đúc định hình hệ thống hóa từ quan niệm “Trời” có sẳn của dân gian, như vậy mớI có sức phổ biến và dân gian mớI dễ dàng chấp nhận. Hẳn là dân gian Đại Việt đã sống theo tín niệm nầy (chứ không phải nhờ đọc chữ Nho mà biết Trời vì đa số còn ít chữ) nên chi các vua Triều Lý đã nắm bắt được tâm lý ấy để làm nổI bật việc mình lên ngôi vua là “ứng mệnh trời, thuận lòng người “theo như sữ thần Ngô sĩ Liên nhận định (ĐST q2,tờ 1a). Và khi lên ngai trị vì, gặp lúc nguy nan thì kêu trời, lúc đánh giặc gặp bất trắc,” biết đốt hương khấn trời, xin lòng trời soi xét” (ĐST q2,tờ 5b) Ngô Sĩ Liên nhận ra niềm tin tưởng đó của vua nên đưa ra lờI nhận định rằng:” Trời và người cảm ứng nhau rất nhỏ nhạy, ảnh hưởng rất chóng, ai bảo là trong chỗ tối tăm mặt trời không soi đến ta mà dám dối trời chăng?” (ĐST q2, tờ 6a).

Dù sao nếu các nho thần của Triều Lý có đóng góp phần mình để làm nên những niên hiệu, tôn hiệu, danh hiệu, danh tánh có ngữ nghĩa “siêu linh” như thế thì cũng là một việc họp lẽ Trời và thuận lòng dân vậy.

Tháp Báo Thiên một công trình vĩ đại lưu danh thiên cổ.

Đây là một công trình kiến thiết quy mô vĩ đại với bao nhiêu vật liệu đặc sản đồ đồng của nước có Núi đồng (Đồng sơn: phải chăng văn hóa Đông sơn (culture dongson-nienne) là cách nói trại không dấu của tây phương). Núi đồng là quốc thổ và đồ đồng làm nên trống đồng chủ hữu, chủ địa của dân tộc từ ngàn xưa.

Dựng Tháp để tôn vinh đạo lý của Trời cách công khai thanh thiên bạch nhựt, xây trên thửa đất cao ráo (gò nổng) và có nhiều tầng để ai dù ở xa cũng phải thấy, phải biết: tính cách đạo lý phải nêu cao. Ngoài ra đạo lý đó còn phải được khắc ghi trong tâm khảm mọi người. Từ vua tới chí dân, phải lấy luật trời Pháp Thiên làm mẫu mực đức độ, làm ánh sáng chiếu soi: các ngôi Chùa Thiên Đức, Thiên Quang được xây dựng với các tên gọi có ngữ nghĩa tỏ rõ đức sáng của Trời phải chăng là để nhắc nhỡ dân chúng tề tựu cúng bái ở chùa chiền noi theo đức độ sáng soi chiếu giọi của Trời. Ngoài ra tên gọi Báo Thiên của ngọn tháp cao tận trời nầy tự nó nói lên ý thức của việc báo đáp, báo ân, báo cáo với trời những việc trong nhân gian mà nhà Vua là bậc Thiên tử con trời phải lo chu tất để thi hành nghĩa vụ của mình. Trời là trên trước cần nhắc nhỡ và kêu gọi nên danh tánh Trời đã được gọi trong tôn hiệu như Ứng Thiên, Thuận Thiên, Thể Thiên, Phụng Thiên, Pháp Thiên; trong niên hiệu như Thiên cảm, Thiên Thuận, Thiên Phù, Thiên Huống, Thiên Thành; trong các ngày sanh nhựt, khánh tiết của vua như Thừa Thiên, Thiên Thụy, Thiên Thánh; trong việc đặt tên hoàng hậu như Chiếu Thiên, Thiên cảm, Lệ Thiên; đặt tên con cái vua như điện hạ Khai Thiên, công chúa Thiên Thành, công chúa Động Thiên, công chúa Thánh Thiên và tất cả những đền chùa cung điện v.v... Tất cả như đều hàm ngụ ý hướng cao cả hướng thượng quy Thiên nầy.

Vị trí xây dựng: Tháp có tên đầu tiên là “Đại Thắng Tư Thiên Bảo Tháp” dựng kế bên ngôi chùa có tên là ‘Sùng Khánh Báo Thiên” nên sau được gọi là Tháp Báo Thiên. Đất Thăng Long nguyên là đồng bằng có nhiều ao hồ sông rạch và đầm lầy mà nay vẫn còn dấu vết. Tìm chổ cao ráo để xây dựng một công trình to lớn như chùa và Tháp có tầm cở bực nhứt như thế, Vua Thánh Tôn phải chọn một qủa đồi gần Bờ Hồ Lục Thủy (hồ quanh năm có màu lục). Hồ nầy trước kia lớn, vua có thể tổ chức đua thuyền, tổ chức trò chơi các dịp lễ lớn, sau vì nhiều công trình kiến thiết Thăng Long làm cho hồ thu hẹp dần diện tích, nay chỉ còn là một hồ nhỏ ta gọi là hồ Hoàn Kiếm.

Vật liệu kiến trúc: Hai vật liệu nặng nhứt có thể tìm thấy vào thời nầy là đá và gạch nung. Nền tháp bằng đá có 4 góc, tức là theo hình vuông có bốn cửa ăn thông. Gạch xây trên nền đá đều có khắc ghi chữ “Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo”: tức là làm đời vua Lý thứ ba có niên hiệu là Long Thụy Thái Bình. Tường vách trang trí còn có những mẩu đá tạc tượng người, tiên, chim muông và các vật dụng như chén bát, giường ghế ‘không thể kể xiết, toàn bằng đá cả ‘(sd Hà nội nghìn xưa tr.176).

Chiều cao và các tầng: Theo Đại Việt sử lược thì tháp cao tới 30 tầng, nhưng nhiều sách khác cho là 12 tầng với bề cao vài chục trưọng(60-80 m). các tầng trên cùng làm bằng đồng, vật sản văn minh bản địa. Tầng thứ ba trên cửa tháp có khắc chữ “Thiên tử vạn thọ” một lời ước chúc Vua sống trường thọ muôn tuổi. Trên chót đỉnh tháp có hàng chữ “Đạo Lý Thiên” để tỏ rõ Đạo Lý của Đấng tối cao chiếu rọi kháp nhân gian thiên hạ. Vì ở chổ cao ngất tầng mây không có gì che khuất: từ xa ai cũng trông thấy. Thiền sư Nguyễn Minh Không từ chùa Keo xứ nam, thuyền giăng ba ngọn ngược dòng sông Hồng Hà để tới bến An Duyên (Yên sở, Thanh Trì) đã cho biết nhìn thấy tháp Báo Thiên từ xa, đã để lại bài cảm thán với câu mở đầu như sau:

“Tằng tằng bảo sái nhập vân yên... ”
(Tầng tầng bảo tháp quyện mây trời!)


Tháp cao bằng đồng với giông tố sấm sét và thời gian:

Sách sử đã ghi lại nhiều cảnh mưa lũ, lụt lội, mưa đá giông bảo sấm sét xảy ra thưòng xuyên trên vùng đất nước nầy. Suốt chiều dài lịch sử với thời tiết bảo táp như vậy, không lạ gì một ngôi tháp cao với đỉnh bằng đồng khối bị sét đánh làm gây hư hại nhiều phen. Dù có xuất công quỹ sửa chữa nhưng kinh phí qúa nặng: qua đời Lý, đời Trần không đủ sức để trùng tu. Ngay cả những công trình ít tốn kém hoặc dể hơn, như Chùa Một Cột cũng không khôi phục như nguyên thủy nổi, huống chi ngôi bảo tháp nhiều tốn kém mà sử thần Ngô sĩ Liên phê là làm “nhọc sức dân, phí của dân” (ĐST q3,tờ 1a). Vã lại ngay từ cuối đời Lý giặc giã tứ tung, nhiều vụ động đất thiên hạ chết qúa nữa, “trời đổ mưa đá, từng tảng đá lớn như dầu ngựa’(VS tr.233), hoả hoạn, cung điện lớp bị cháy lớp bị phá, đổ nát hoang tàng(VS tr 280), nạn đói người chết xác nằm gối lên nhau, nội loạn nổi lên khiến vua Huệ tông phải ta thán trong một chiếu thư mô tả rằng” chúng đốt sạch cung thất của ta. Cho đến nổi các khu xóm ở kinh thành hoá thành đóng tro tàn” (năm 1215 VS tr281) khiến cả Vua và Thái hậu phải sai cất một “ngôi nhà tranh để ỏ” (VS tr 280)... bằng ấy cho thấy một công trình vĩ dại như tháp Báo Thiên mà sử thần Lê văn Hưu gọi là “tháp cao ngất trời” (SKT q2,tờ 3b) khó mà bảo tồn trọn vẹn lâu dài.

Lược kê những thiên tai, mà lịch sử còn ghi trong giai đọan nầy:

Về động đất xảy ra biết bao nhiêu lần, đó là những năm 1016 hai lần, 1153 (2 lần), 1162,1171, 1178, 1180,1181,1185,1187,1188,1190,1192,1195(2lần),1199,1200,10204,1205,1207,1208,1210,1213,1215,1218,1219,1220. Ngoài ra còn cảnh lụt lội, đá sụp, gió to dữ dội, sấm sét (1207, 1215) đến đổi vua kinh sợ phải sai cận thần Nguyễn Dư đọc ‘chú’ mà cũng không trị được sấm (VS tr.248), dịch tả, nạn đói năm 1181 khiến ‘dân chết đến gần một nửa’(VS tr224) còn năm 1208 thì’ nạn đói lớn, người chết nằm gối lên nhau’(VS t.250). Thêm vào đó những đám hỏa hoạn, khi thì cung điện nầy cháy, hành cung kia bị thiêu, chùa nọ bị làm mồi bà hoả...

Thế nên các công trình xây cất nhà Lý bị hư haị vì thời gian vì thiên tai, nhân tai vừa kể thì khó lòng được khôi phục trùng tu nguyên vẹn. Một phần lớn vì nước nhà bị loạn lạc, công qũy bị hao hụt, không còn đủ sức để bảo trì nói chi là trùng tu cái củ xây đựng cái mới. Thêm vào đó là yếu tố nhân tâm bất thuận hoặc đã thay đổi, các triều đại sau không còn sũng mộ Phật giáo và ưu đãi tăng chúng nữa, chưa kể những công kích những tiêu pha công qũy của đời trước. Sử liệu còn ghi lại một số phê phán phản ánh tâm thức đó qua hai sử thần như Lê văn Hưu và Ngô sĩ Liên.

Lược kê những đoạn phê phán về Triều Lý liên quan đến chùa chiền:

Đây là những lời phê của Lê văn Hưu: (ĐST q2, tờ 3b, 4a): “Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đã dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ cho làm Tăng hơn nghìn người ở Kinh sư, thế thì tiêu phí của cải sức lực vào việc thổ mộc không biết chừng nào mà kể. Của không phải là trời mưa xuống, sức không phải là thần làm thay, há chẳng phải là vét máu mỡ của dân ư? Vét máu mỡ của dân có thể gọi là làm việc phúc chăng? Bậc vua sáng nghiệp, tự mình cần kiệm, còn lo con cái xa xỉ lười biếng, thế mà thái Tổ để phép lại như thế, chả trách đời sau xây tháp cao ngất trời, dựng cột chùa đá, điện thờ Phật lộng lẫy hơn cung vua. Rồi người dưới bắt chước, có kẻ hủy thân thể, đổi lối mặc, bỏ sản nghiệp, trốn thân thích, dân chúng qúa nửa làm sư sãi, trong nước chỗ nào cũng chùa chiền, nguồn gốc chẳng phải từ đấy?”

Sử thần Ngô sĩ Liên thì một đàng khen vua ở chổ thuận lòng trời được lòng dân, nhưng chê vì chỗ ham thích đạo Phật’ đạo Lão: “Lý Thái Tổ dấy lên, trời mở điềm lành hiện ra ở vết cây sét đánh... trời thường tìm chủ cho dân, dân theo về người có đức... lòng nhân thương dân, lòng thành cảm trời... Nam Bắc thông hiếu, thiên hạ bình yên... Duy có việc ham thích đạo Phật, đạo Lão là chỗ kém” (ĐST q2,tờ 17b và 18a).

Nơi khác, nhân về việc vua xuống chiếu phát 6 nghìn đồng để đúc chuông chùa Trùng Quang. Chuông đúc xong, không đợi sức người tự di chuyển đến chùa, sử thần Ngô sĩ Liên sao chép đoạn nầy xong bèn phê thêm như sau:

“ Phàm vật hình vuông thì đứng, hình tròn thì đi, chuông có thể đi đuợc là vì hình tròn. Có lẽ là kéo nó đi, không nhọc đến sức người như có thần giúp vậy. Nay ta hãy xem như cây gỗ lớn mười mấy người khiên không nổi, một người đẩy ngang thì nó lăn tròn mà đi. Chuông cũng thế, sư chùa muốn làm cho đạo mình có vẻ thần diệu, mới nói phao lên như thế để đánh lừa mà thôi. Những chuyện như dấu vết người thần,, ánh sáng xá lỵ, cây ưu đàm nở hoa, tượng Phật cổ nổi lên v.v... đều do bọn các nhà sư ra cả. Ngưòi cầm bút chép sử đương thời không xét lý lẽ, cứ theo thế mà chép vào sử sách.” (ĐST q2,tờ 24a và b).

Về việc vua Lý Thần Tông được tin quân triều đình thắng trận, vào cung Thái Thánh Cảnh Linh, vào chùa quán trong thành để tạ ơn Phật và Đạo, Lê văn Hưu phê như sau:

“Phàm việc trù tính ở trong màn tướng, quyết định được chiến thắng ở ngoài nghìn dặm, đều là công người tướng giỏi cầm quân làm nên thắng lợi. Thái phó Lý công Bình phá được quân Chân lạp cướp châu Nghệ An, sai người báo tin thắng trận. Thần Tông đáng lẽ phải cáo thắng trận ở Thái Miếu, xét công ở triều đường để thưởng cho bọn Công Bình về công đánh giặc. Nay lại quy công cho Phật và Đạo, đi các chùa quán để lạy tạ, như thế không phải là cách để ủy lạo kẻ có công, cổ lệ chí khí của quân sĩ.” (ĐST q3, tờ 30b và31 a).

Về việc xuống chiếu tha những người phạm tội trong nước, sủ thần Ngô si Liên có lời phê như sau:

“Nhân Tông thường nhân việc mở hội [Phật] mà tha cho người có tội, là không phải lẽ, nhưng mà còn mưọn tiếng hội Phật. Còn như vua [Thần Tông] thì không có việc gì mà cũng tha bổng. Phàm người có tội phạm pháp, có kẻ nặng người nhẹ... sao lại có thể tha bổng được... Tha lỗi thì đuợc, tha tội thì không được.” (ĐST q3, tờ 32a, và b).

Qua những sử liệu ghi các lời phê trên, ta thấy được lòng dân cũng như vua quan sau thời Lý đã quy trách về việc nhà Lý tiêu pha trong việc xây cất chùa chiền, bảo tháp. Vì thế những cơ sở nầy nếu bị hư hại, chắc khó lòng đuợc ủng hộ để trùng tu nguyên vẹn... từ đó suy ra một bảo tháp có tầm vóc bực nhứt về kiến trúc về công sức, công sản như tháp Báo Thiên nếu bị sét dánh hư hại hoặc bởi thời gian soi mòn thì hết đời Trần qua đời Minh, Báo Thiên chưa chắc là còn sừng sững nguyên hiện như xưa. Việc lấy đồng để đúc binh khí là việc không cần phá tháp cũng có thể lấy đưọc?

Thật vậy, sau đời Trần, nhà Minh xâm phạm quốc thổ, lúc bị nghĩa quân Lam Sơn của Lê Lợi vây hãm ở thành Đông quan năm 1426, quân Minh đã phá tháp (lúc ấy không biết còn nguyên vẹn hay đã bị hư hại cách nào với sấm sét thời gian, không có sách sử nào ghi rõ) lấy số đồng khối để đúc khí giới chống lại nghĩa quân. Như vậy là tháp Báo Thiên đã bị phá hủy thời nầy. Và đời Tiền Lê "đắp núi đất phủ lên nền cũ. Chùa bỏ hoang, cuối thế kỷ XVIII làm chợ Báo Thiên, núi làm chỗ xử tử người có tội. Năm 1791, đào lấy những gạch đá nền tháp để tu bổ thành Thăng Long.” (sách Hà nội nghìn xưa tr.177). Coi như vào thời Tây sơn nơi nầy đã ra hoang tàn. Sau khi nhà Tây Sơn đổ, sử ghi là nhà Nguyễn đã lưu chuyển nhiều vật liệu Thăng Long vào Phú Xuân Huế để xây quốc đô mới đẹp đẻ xứng đáng cho một nước Việt nam thống nhứt, vì thế di tích giá trị của cựu đô Thăng Long đương nhiên là bị dời đi thời nầy... và sau đó còn bao nhiêu biến cố khác gây tổn hại tiêu hủy những gì còn sót. Sách đã dẫn trên còn cho biết ở mục chú thích số 1 tr. 177 như sau: Bà chủ nhà số 10 đường Nhà Chung vừa qua (? phải chăng là tháng 10.1974 năm xuất bản sách?) đào đuợc con sấu cá, hẳn có liên quan đến nền tháp Báo Thiên”.

Qua chứng liệu về năm tháng xây dựng, về các biến cố, thiên tai hoặc nhân tạo làm hủy hoại. Thời điểm di tích cơ sở nầy bị tiêu hủy hẳn phải kể là trước hoặc đầu thế kỷ XVIII. Về lịch sử thì coi như Vua Quang Trung Nguyễn Huệ không còn thấy nơi đây một di tích kỳ quan của lịch sử, ngoại trừ là cái gò đất chổ xử tử tội của thời truớc trong những năm loạn lạc Trịnh Nguyễn phân tranh và giặc giã nội ngoại. Do vậy luận chứng theo đó dời thực dân Tây, ngưòi ta phá Tháp Báo Thiên để xây dựng Nhà Thờ Lớn Hà nội qủa là một quyết đoán hàm hồ phi lịch sử, và có thể là một quyết đoán có ác ý (!) để mong tạo một sự đối chống giữa Phật giáo và Kitô giáo chăng, hay tệ hại hơn nữa là gieo rắc thành kiến cho rằng Công giáo dã phá hủy những gì thuộc về văn hoá dân tộc!

Bài nầy muốn thiêt lập một cái nhìn lịch sử chân thật đồng thời tuyên dương một ý hướng quy Thiên tin tuởng Trời của một triều đại mà mọi ngưòi Việtnam đều hãnh diện vì dã cho Việt nam đi vào một đoạn lịch sử dài kiến tạo đất nước ánh ngời nhiều hào quang. Sự thật lịch sử giải thoát chúng ta khỏi những nghi kỵ cáo buộc bất công khiến tình tự dận tộc của toàn khối đồng bào được bảo toàn: một nhu cầu khẩn thiết để cùng nhau xây đựng đất nước cho tiến kịp với các nước khác trên thế giới trong Thiên niên Kỷ sắp tới.

Mùa Vọng Giáng Sinh tiến về Thiên kỷ III
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Người phụ nữ Samaria: Nghĩa đen? Nghĩa bóng?
LM Nguyễn Trung Tây, SVD
01:59 22/02/2008

Người phụ nữ Samarita:
Nghĩa đen? Nghĩa bóng?

Câu chuyện bắt đầu xẩy ra vào một buổi trưa khi người đàn bà xứ Samaria một mình đi tới giếng nước đầu làng. Thật bất ngờ, người phụ nữ nhận ra một người đàn ông Do Thái lạ mặt, dáng vẻ mệt nhọc, đang ngồi nghỉ mệt tại bờ giếng. Bất ngờ này nối tiếp kinh ngạc kia, bởi người đàn ông cất giọng gợi chuyện với người phụ nữ, một điều hiếm khi xảy ra giữa hai giới tính và hai sắc dân của hai nền văn hóa thù nghịch chống đối nhau. Câu chuyện bên bờ giếng tiếp nối cho tới khi người đàn ông Do Thái bất chợt đổi hướng câu chuyện. Ông nói với người phu nữ Samaria, “Cô hãy về nhà và gọi chồng cô ra đây”. Người đàn bà trả lời, “Tôi không có chồng”. Người khách lạ mặt gật đầu xác nhận, “Đúng, cô nói ‘Tôi không có chồng’ là rất đúng, bởi vì cô đã có năm đời chồng, và người đàn ông cô đang chung sống không phải là chồng cô. Cô nói rất đúng” (Gioan 4:16-17).

Bài Phúc Âm người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacóp xuất hiện trong tuần lễ Chúa Nhật Thứ 3 Mùa Chay Năm A. Dựa vào hiểu biết căn bản của những lớp Giáo Lý, nhiều người Kitô hữu nói chung, và người Kitô hữu Việt Nam nói riêng vẫn có những ấn tượng không tốt đẹp về người đàn bà xứ Samaria. Họ nghĩ người thiếu phụ trong bài Tin Mừng đã hơn một lần thất bại với đời sống hôn nhân. Có người còn nghĩ là vào giây phút gặp gỡ Đức Giêsu bên giếng nước, người phụ nữ Samaria đang chung sống với một người đàn ông ngoài vòng lễ giáo.

Thật sự ra câu chuyện về người phụ nữ bên bờ giếng không đơn giản như chúng ta đã từng nghĩ. Câu trả lời, “Tôi không có chồng” của người phụ nữ cũng như câu nói, “Đúng, cô nói, ‘Tôi không có chồng’ là rất đúng…” của Đức Giêsu đã gây ra nhiều tranh luận trong giới thần học gia. Trường phái nghĩa đen tin rằng câu trả lời “Tôi không có chồng” và lời xác nhận của Đức Giêsu về tình trạng hôn nhân của người đàn bà nên được hiểu theo nghĩa đen. Trường phái thần học nghĩa bóng thì ngược lại. Họ tin rằng cả hai câu nói này đều phải hiểu theo nghĩa bóng.

Nhằm trình bày tới độc giả Kinh Thánh những tranh luận sôi nổi giữa hai trường phái nghĩa đen và nghĩa bóng về câu chuyện người phụ nữ bên bờ giếng Giacob, trong bài tham khảo này, chúng ta sẽ tìm hiểu những dữ kiện và những lập luận đã khiến trường phái nghĩa đen tin rằng người đàn bà Samaria là một người sống ngoài vòng lễ giáo; và ngược lại, dựa vào những bằng chứng nào, trường phái nghĩa bóng lại tin rằng câu chuyện về người thiếu phụ Samaria bên bờ giếng phải được phân tích theo nghĩa bóng? Đặc biệt bài tiểu luận sẽ phân tích bài Tin Mừng Gioan 4:1-42 dưới lăng kiếng hòa giải và tâm lý xã hội, qua đó độc giả sẽ nhận ra người phụ nữ bên bờ giếng chính là mẫu gương cho người biết chấp nhận những nghịch cảnh và bất hạnh đã xảy đến trong cuộc đời.

I. Xứ Samaria

Thánh sử Gioan bắt đầu câu chuyện tao ngộ bên bờ giếng bằng một lý do chính trị pha lẫn với tôn giáo (Gioan 4:1-3). Theo như Gioan, sau khi biết rằng những người Biệt Phái hiểu lầm là Ngài rửa tội cho nhiều người, nhiều hơn cả Gioan Tẩy Giả, Đức Giêsu quyết định lên đường, rời bỏ xứ Giuđê quay về lại xứ Galilê.

Trên con đường thiên lý, Đức Giêsu và các môn đệ đi tới thành phố Saikar. Lúc đó buổi trưa, trời nắng gay gắt. Mệt mỏi vì con đường thiên lý, Đức Giêsu quyết định dừng chân tại giếng nước Giacóp; trong khi đó, các môn đệ đi vô thành phố mua lương thực. Trong khi đang ngồi nghỉ tại giếng nước, Ngài nhìn thấy một người phụ nữ xứ Samaria đang đi tới bờ giếng nước một mình vào đúng 12 giờ trưa.

Tương tự như Việt Nam, Do Thái kéo dài từ Bắc xuống Nam, và cũng phân chia ra làm ba miền: Bắc, Trung, và Nam. Miền Bắc xứ Galilê. Miền Trung xứ Samaria. Miền Nam xứ Giuđê. Người Do Thái vào thời Đức Giêsu định cư trên cả hai vùng, Bắc Galilê và Nam Giuđê. Nhưng miền Trung thuộc về người Samaria. Nói một cách khác, Trung Phần Do Thái vào thế kỷ thứ nhất Công Nguyên không thuộc về người Do Thái nhưng người xứ Samaria.

A. Lịch Sử Nước Samaria

Người Samaria nguyên thủy là người Do Thái trộn lẫn với 5 sắc dân lân bang: Babylon, Cuthah, Avva, Havath, Sepharvaim (2Các Vua 17:24).

Sau khi vua Salômon băng hà năm 930 B.C., đế quốc Do Thái tách ra làm hai vương quốc, Bắc Quốc Israel và Nam Quốc Giuđê. Vào năm 721 B.C. Bắc Quốc Israel bị đế quốc Assyria tấn công và tiêu diệt. Vua Sargon II lưu đầy phần lớn người Israel sang những thành phố lớn của đế quốc Assyria (2Các Vua 17:6). Ông cũng mang những người dân của năm thành phố lớn trong đế quốc Assyria tới tái định cư tại Bắc Quốc Israel. Bởi thế người Samaria chính là con cháu của một số người Israel còn lưu lại trên mảnh đất cũ pha trộn với năm sắc dân mới.

Vào năm 586 B.C. tới phiên Nam Quốc Giuđê bị đế quốc Babylon tấn công và tiêu diệt. Tương tự như người Assyria, nhổ cỏ là nhổ tận gốc, người Babylon cũng lưu đày phần lớn cư dân của Nam Quốc Giuđê sang Babylon. Thời gian trôi qua, tới phiên đế quốc Babylon sụp đổ dưới vó ngựa Ba Tư. Năm 539 B.C., hoàng đế Cyrus của đế quốc Ba Tư ký sắc luật cho phép tất cả dân chúng sống trong đế quốc được phép quay trở về lại nguyên quán của mình. Người Do Thái của Nam Quốc Giuđê quay về quê hương, tái thiết quốc gia, xây dựng Đền Thờ Giêsuralem đã bị tiêu diệt vào năm 587 B.C. Người Samaria lúc đó cũng muốn đóng góp vào công cuộc tái xây dựng Đền Thờ, bởi họ nghĩ mình cũng là con cháu của tổ phụ Abraham. Nhưng rất tiếc, người Do Thái từ chối lời đề nghị của người Samaria, bởi dân hồi hương coi người Samaria là dân tạp chủng, không phải chính gốc Do Thái. Từ đó mầm mống hận thù giữa hai dân tộc bắt đầu nhen nhúm, âm ỉ, cuối cùng bùng cháy vào thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên, khi người Samaria liên kết với người Syria tấn công người Do Thái. Cuối cùng người Samaria quyết định xây dựng riêng cho mình ngôi đền thờ trên núi Gerizim. Năm 128 B.C. thầy Tư Tế Gioan Hyrcanus tấn công và tiêu hủy đền thờ của người Samaria. Từ đó người Samaria và người Do Thái tuyệt giao.

Vào thời Đức Giêsu, có hai mạch lộ chính nối liền Bắc Galilê và Nam Giuđê. Con đường ngắn băng ngang qua xứ Samaria. Con đường dài chạy ngang qua xứ Decapolis (Thập Phố), nằm về phía đông Do Thái. Vào thế kỷ thứ nhất Công Nguyên, người Do Thái từ Bắc Galilê muốn đi xuống Nam Giuđê, hoặc ngược lại, thường họ tránh né không muốn sử dụng đường ngắn, bởi con đường này băng ngang qua xứ Samaria. Thông thường, người ta chọn con đường dài.

Tình trạng căng thẳng giữa hai sắc dân thù nghịch cũng được ghi lại trong Luca 9:51-56. Theo như thánh sử Luca, một ngày kia, từ Bắc Galilê, trong khi Đức Giêsu đang trên con đường ngắn dẫn về thành phố Giêrusalem, Ngài và những người môn đệ đi tới một thôn làng của người Samaria. Nhận ra gốc gác Do Thái của Đức Giêsu và các môn đệ, người Samaria từ chối, không tiếp đón Đức Giêsu và các môn đệ. Trước thái độ bất thân thiện của người trong thôn, Gioan và Giacôbê nổi giận. Hai anh em con ông Zêbêđê muốn gọi lửa từ trời xuống thiêu đốt cả thôn làng của người Samaria. Nhưng Đức Giêsu trách mắng hai ông, rồi Ngài chọn con đường dài hơn dẫn về phố Giêrusalem. Bởi mối liên hệ thù địch giữa hai sắc dân, người đàn bà Samaria rất ngạc nhiên bởi người đàn ông bên bờ giếng mở miệng xin nước uống lại là người Do Thái. Bởi thế, bà ta hỏi ngược lại Đức Giêsu,

— Tại sao ông, một người Do Thái, lại hỏi tôi, một người phụ nữ Samaria “Cho tôi miếng nước”?

B. Tôn Giáo của Người Samaria

Khi cư dân của năm sắc dân lân bang của Bắc Quốc Israel tái định cư trên vùng đất mới, họ mang theo những vị thần của riêng họ tới lãnh thổ Israel. Người Babylon có thần Succoth-Benoth. Người Cuthah có thần Nergal. Người Avva có hai thần, thần Nibhaz và thần Tartak. Người Havath có thần Ashima. Và người Sepharvaim có thần Adrammelech và Anamelech (2Các Vua 17:30). Tổng cộng tất cả là bẩy vị thần. Cho nên ngoài Giavê Thiên Chúa, người Samaria cũng thờ phượng bẩy vị thần ngoại bang do cha ông của họ đã mang tới (2Các Vua 17:29-33).

Bởi hoàn cảnh lịch sử, tôn giáo của người Samaria có những nét khá đặc biệt. Trong khi người Do Thái công nhận 39 cuốn sách Cựu Ước, người Samaria chỉ công nhận Ngũ Thư, 5 quyển sách đầu tiên của Cựu Ước, tương truyền do chính tay đại ngôn sứ Môisen sáng tác. Trong khi người Do Thái mong chờ Đấng Xức Dầu (Anointed One), hay Mêsaia, người Samaria mong chờ Ta’heb, Đấng Quay Lại (Returned One). Trong con mắt của người Samaria, Đấng Ta’heb là một người ngôn sứ có những vai trò tương tự như đại ngôn sứ Môisen; bởi Ngài sẽ giải quyết những dị biệt, bất đồng, và tranh chấp về tôn giáo giữa người Samaria và người Do Thái. Trong khi người Do Thái tin vào Mười Điều Răn, người Samaria tin rằng Giavê Thiên Chúa đã trao cho đại ngôn sứ Môisen Mười Một Điều Răn. Điều Răn bị người Do Thái cố tình bỏ quên là “Ngươi sẽ xây dựng Đền Thờ trên núi Gêrizim”. Bởi thế, trong khi người Do Thái tin rằng đền thờ Giêrusalem là nơi duy nhất xứng đáng để thờ phượng Giavê Thiên Chúa, người Samaria tin rằng đền thờ trên núi Gêrizim là nơi xứng đáng nhất để thờ phượng Giavê (1).

II. Giếng Nước Trung Đông

A. Vị Thế của Giếng Nước Trung Đông


Giếng nước trong văn hóa Do Thái có vị thế tương tự như quán nước đầu làng của người Việt Nam. Bên Việt Nam, nhất là những thôn làng ngoài Bắc, nếu muốn tìm kiếm hỏi thăm những người cư ngụ trong làng, người ta ghé vào quán nước đầu làng. Một cách tương tự, khách lữ hành người Do Thái, nếu muốn hỏi thăm tin tức về những người thân quen sinh sống trong làng, người ta dừng bước tại giếng nước. Họ ngồi đợi chờ dân chúng trong thôn xóm ra giếng lấy nước về nhà. Minh họa về điều này, chúng ta có câu truyện trong Sáng Thế Ký về ông quản gia của tổ phụ Abraham đã gặp cô Rêbêca vợ tương lai của Isaaic tại giếng nước trong vùng Aram Naharagim (Sáng Thế Ký 24:10-27). Một cách tương tự, tổ phụ Giacóp đã gặp cô Rachael, vợ tương lai tại giếng nước vùng Haran (Sáng Thế Ký 29:1-14), và đại ngôn sứ Môisen cũng đã từng gặp cô Zippôrah, vợ tương lai tại Midian (Xuất Hành 2:15-22).

Nhưng thông thường, trừ trường hợp bất ngờ, không bao giờ người trong thôn làng đi ra giếng lấy nước vào buổi trưa và đi một mình. Nước giếng buổi trưa, đặc biệt trong vùng sa mạc, không mát và ngọt như nước giếng vào buổi chiều. Bởi thế, thông thường chỉ khi mặt trời dần dần khuất bóng, người trong thôn mới đi ra giếng. Và bao giờ cũng vậy, những người phụ nữ dẫn nhau đi thành từng đoàn để đề phòng những bất trắc nguy hiểm có thể xảy ra bên bờ giếng. Minh họa về điều này có câu truyện về Môisen. Sau khi trốn khỏi Ai Cập, ông dừng chân tại một giếng nước đầu làng vùng Midian, Trung Đông. Tại giếng nước Midian, Môisen đã đánh đuổi những người chăn chiên giải cứu bẩy chị em của cô Zippôrah, người vợ tương lai của ông sau này.

Một cách tương tự, giếng nước Trung Đông cũng chính là những trạm dừng chân của khách bộ hành. Khách lữ hành mệt mỏi với con đường thiên lý, có thể ghé vào giếng nước đầu làng nghỉ ngơi. Chi tiết này cũng được tác giả Gioan nhắc đến trong câu chuyện về người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacob. Theo như Gioan, bởi đường xa, Đức Giêsu mệt mỏi. Ngài quyết định dừng chân nghỉ ngơi tại giếng nước Giacóp (4:6).

B. Đức Giêsu và Người Phụ Nữ Bên Giếng

Và bất chợt, theo như Gioan 4:4-42, trong khi đang ngồi nghỉ tại giếng nước của thành phố Saikar, Đức Giêsu thấy người phụ nữ xứ Samaria đi ra giếng. Ngài nói,

— Cho tôi miếng nước.

Người phụ nữ trả lời,

— Tại sao ông, một người Do Thái, lại hỏi tôi, một người phụ nữ Samaria, “Cho tôi miếng nước”?

Câu chuyện giữa hai người tiếp tục cho tới khi Đức Giêsu nói,

— Cô hãy về gọi chồng cô ra đây.

Người phụ nữ trả lời,

— Οὐκ ἔχω ἄνδρα (2), Tôi không có chồng.

Đức Giêsu tiếp lời,

— Cô nói “Οὐκ ἔχω ἄνδρα” là rất phải, bởi cô đã có năm đời chồng, và người hiện giờ cô đang chung sống không phải chồng của cô. Cô nói đúng (Gioan 4-17).

Tác giả Gioan không nhắc nhở lý do nào đã khiến người phụ nữ Samaria có những hành động lạ kỳ như thế.

III. “Tôi Không Có Chồng”

A. Nghĩa Đen


Tuy nhiên dựa vào phong tục địa phương, vị thế của giếng nước trong nền văn hóa Trung Đông, và câu trả lời của Đức Giêsu, một số thần học gia của trường phái nghĩa đen tin rằng một trong những nguyên nhân chính khiến người phụ nữ quyết định đi ra giếng nước một mình và đi vào buổi trưa là tại vì cô ta cố tình tránh né không muốn tiếp xúc với những người hàng xóm bên bờ giếng. Nói một cách ngắn gọn, người đàn bà Samaria chính là một người tội lỗi.

Theo như trường phái nghĩa đen, người đàn bà Samaria đã có năm đời chồng, và người cô hiện đang chung sống không phải là chồng của cô. Năm người chồng trước của cô hoặc đã qua đời hoặc đã ly dị. Liên hệ giữa cô và người đàn ông thứ sáu, người mà cô đang chung sống là một quan hệ bất chính đi ra ngoài vòng lễ giáo. Bởi vậy khi bị Đức Giêsu chất vấn, người đàn bà đã trả lời, “Οὐκ ἔχω ἄνδρα, Tôi không có chồng”. Đặc biệt dựa vào ý nghĩa của hai danh từ, “ἀνήρ, tình nhân” và “ἄνδρα, phu quân” được sử dụng trong bản văn, Charles Giblins khẳng định rằng người đàn bà Samaria chưa bao giờ lập gia đình. Do đó, tất cả những mối liên hệ mà cô đã từng có với tất cả sáu người đàn ông hoàn toàn đi ra ngoài cương thường đạo lý. Nói một cách ngắn gọn, người phụ nữ xứ Samaria là một người sống ngoài vòng lễ giáo.

B. Nghĩa Bóng

Trường phái thứ hai thì ngược lại, họ tin rằng câu nói, “Οὐκ ἔχω ἄνδρα” và câu trả lời của Đức Giêsu phải được phân tích theo nghĩa bóng. Dựa vào chữ phu quân trong tiếng cổ Do Thái là ba’al, cũng là tên của một vị thần mưa nổi tiếng trong Cựu Ước, và dựa vào hình ảnh Giavê Thiên Chúa là một người chồng trung tín trong sách Ngôn Sứ Hôsêa, thần học gia của trường phái nghĩa bóng tin rằng năm người chồng của người phụ nữ tượng trưng cho năm vị thần của năm sắc dân đã được những cư dân của năm thành phố mang vào vùng đất mới; riêng người đàn ông thứ sáu, hiện đang chung sống với người phụ nữ Samarita chính là Giavê Thiên Chúa. Một số thần học gia khác còn tin rằng năm người chồng của người phụ nữ tượng trưng Ngũ Thư, năm cuốn sách Cựu Ước duy nhất mà người Samaria tin.

Đặc biệt Sandra Schneiders, ngoài hai dữ kiện vừa được trình bày ở trên, đề nghị rằng câu chuyện về cuộc hội kiến giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Samaria phải được hiểu theo nghĩa bóng bởi hai lý do:

(1). Tính lịch sử của câu chuyện Gioan 4:1-42,

(2). Thần học của giếng nước trong dòng lịch sử ơn cứu độ.

1. Tính Chất Lịch Sử

Schneiders tin rằng câu chuyện bên bờ giếng Gioan 4:1-42 không phải là một câu chuyện có tính lịch sử, bởi vì Đức Giêsu không bao giờ đi rao giảng Tin Mừng tới dân ngoại. Và chính Ngài cũng đã từng truyền dậy các môn đệ điều này; thí dụ, trong Mátthêu 10:5, trước khi sai các môn đệ mang hạt giống Tin Mừng tới các thôn làng nước Do Thái, Ngài đã căn dặn, “Các con đừng đi tới các dân ngoại, cũng đừng đi vào thành của người Samaria”. Schneiders tin rằng người đầu tiên mang ánh sáng Tin Mừng tới vùng đất Samaria có lẽ không phải ai khác mà là thầy Sáu Philip (Tông Đồ Công Vụ 9). Bởi vậy, cuộc tao ngộ giữa Đức Giêsu và người đàn bà xứ Samaria, theo như Schneiders, phải được hiểu và phân tích theo nghĩa bóng.

Theo như Schneiders, cuộc hội ngộ giữa Đức Giêsu và người đàn bà Samaria đã ra đời bởi hai nguyên nhân:

(1). Đây là một trong những cố gắng của Kitô hữu thời tiên khởi để hợp thức hóa công cuộc truyền giáo cho người Samaria,

(2). Khẳng định vị thế bình đẳng giữa người Kitô hữu gốc Do Thái và Kitô hữu gốc Samaria trong những cộng đoàn Kitô thời tiên khởi (3).

2. Thần Học Giếng Nước

Cũng theo Schneiders, trong khi đọc câu chuyện của người đàn bà bên bờ giếng nước trong câu chuyện của Gioan, độc giả không thể nào gạt bỏ qua một bên những câu chuyện có liên quan tới những giếng nước của tổ phụ Isaac, Giacob, và đại ngôn sứ Môisen. Những nhân vật tiên phong và lừng danh của dòng lịch sử ơn cứu độ này cũng đã từng xuất hiện bên giếng nước, và cũng chính tại giếng nước họ đã gặp gỡ những vị hiền thê của họ. Bởi thế, giếng nước Saikar Samaria nhắc nhở độc giả Kinh Thánh về giếng nước Aram Naharagim, nơi người hầu cận thân tín của tổ phụ Abraham đã gặp gỡ Rebecca, vợ tương lai của Isaac. Cũng chính tại giếng nước đầu làng Haran, tổ phụ Giacob hội ngộ Rachael, vợ tương lai và mẹ của Giuse và Benjamin sau này. Giếng nước Saikar cũng nhắc nhở độc giả Kinh Thánh về giếng nước Midian, nơi đó Môisen đã giải cứu bẩy người con gái của Reuel thoát khỏi bàn tay của những người chăn chiên (Xuất Hành 2:15-22).

Cho nên, theo như Schneiders, cuộc hội ngộ giữa Đức Giêsu và người phụ nữ xứ Samaria đã được tác giả Gioan xây dựng lớp lang và chuẩn bị ít ra trong ba chương.

(1). Trong chương 2, qua câu chuyện tiệc cưới Cana (2:1-11), Gioan đã giới thiệu và minh họa Đức Giêsu qua hình ảnh Chú Rể, người đã ban phát rượu thượng hảo hạng cho những tân khách tham dự tiệc cưới;

(2). Trong chương 3, ngôn sứ Gioan Tẩy Giả cũng giới thiệu tới các người môn đệ của ông về căn tính Chú Rể trời cao của Đức Giêsu (Gioan 3:25-30).

(3). Trong chương 4, qua câu chuyện bên bờ giếng Giacóp, tác giả Gioan đã xếp đặt cho Chú Rể trời cao Giêsu có cơ hội gặp gỡ người phụ nữ Samaria bên bờ giếng để Chú Rể Giêsu chào đón cô dâu Samaria tham dự tiệc cưới Nước Trời.

3. Khó khăn

Tới ngày hôm nay, hai trường phái nghĩa đen và nghĩa bóng vẫn còn đang trong vòng tranh luận về những phương cách để hiểu những lời đối thoại của Đức Giêsu và người đàn bà Samaria trong Gioan 4:16-18. Tuy nhiên, trường phái nghĩa bóng gặp một cản trở trong khi cố gắng tìm cách thuyết phục độc giả đứng về phe mình. Không ai có thể từ chối được người Samaria là do năm sắc dân khác nhau hòa trộn vào với dân Do Thái của Bắc Quốc Israel. Năm sắc dân, nhưng họ lại thờ phượng bẩy vị thần. Do đó, rất khó để mà nói là năm người chồng của người đàn bà chính là năm vị thần mà người Samaria thờ phượng. Con số bẩy của bẩy vị thần chính là một trong những trở ngại mà trường phái nghĩa bóng gặp phải.

C. Thần Học Hòa Giải

Một chi tiết xuất hiện trong Gioan 4:1-42 mà thông thường độc giả ít chú ý tới trong khi lắng nghe lời đối thoại giữa Đức Giêsu và người đàn bà xứ Samaria. Câu nói “Cô hãy về nhà gọi chồng cô ra đây” thật sự ra là một câu nói hơi đường đột và bất lịch sự.

Titanic là một bộ phim nổi tiếng dài ba tiếng lấy biết bao nhiêu giọt nước mắt của khán giả. Sau khi cứu nhân vật nữ Rose thoát khỏi cảnh hiểm nghèo, sáng hôm sau, Jack Dawson và Rose gặp gỡ nhau. Chuyện qua chuyện lại, bất ngờ Jack nhắc đến vị hôn phu của Rose. Anh chàng Jack hỏi người đẹp Rose,

— Cô có yêu vị hôn phu của cô hay không?

Ngỡ ngàng trước câu hỏi quá đường đột, thẳng như ruột ngựa đó, Rose khó chịu, phản ứng ngay,

— Anh là một người bất lịch sự. Tôi không biết anh. Anh không biết tôi… Anh hỏi tôi một câu anh không nên hỏi. Anh đúng là một người bất lịch sự…

Hai người, Jack và Rose, chỉ mới một lần gặp nhau. Dù rằng chàng thanh niên Jack đã có cử chỉ hào hùng cứu lấy mỹ nhân Rose, nhưng thật sự ra, hai người vẫn không chưa trở thành thân cho lắm để tâm sự hoặc chia xẻ riêng tư.

Chuyện vợ chồng trong nền văn hóa nào cũng là một câu chuyện riêng tư mà một người lịch sự không nên mở miệng hỏi, trừ khi người đối diện tự động nhắc đến. Gặp một người phụ nữ sơ giao trong một bữa tiệc, một người con trai lịch sự không bao giờ hỏi, “Cô đã có chồng chưa? Cô được mấy cháu rồi?” Câu này là một câu hỏi thiếu tế nhị, bởi nó có thể bị người đối diện hiểu lầm.

Khi gặp một người đàn ông và một người đàn bà đang đứng nói chuyện với nhau nơi đồng không mông quạnh, rất khó cho chúng ta không có những tư tưởng xấu về họ. Chắc chắn chúng ta sẽ không nghĩ là hai người này đang tranh luận hoặc bàn thảo về chuyện tôn giáo, chính trị, hay là họ đang lần hạt Mân Côi chung với nhau.

Thế mà giữa đồng không mông quạnh gần thành phố Saikar, Đức Giêsu gợi chuyện với người phụ nữ Samaria. Sau cùng Ngài hỏi người đàn bà sơ giao một câu hỏi về đời sống riêng tư của bà, “Hãy về và gọi chồng cô ra đây”.

Trước tình cảnh này, người phụ nữ xứ Samaria có ba chọn lựa.

Thứ nhất, có thể cô ta sẽ nói,

— Ông là một người bất lịch sự. Ông không biết tôi. Tôi không biết ông. Ông hỏi tôi một câu hơi thiếu tế nhị. Tôi từ chối trả lời câu hỏi này bởi ông là một người bất lịch sự.

Thứ hai, người đàn bà có thể chọn lựa im lặng không nói gì bởi câu hỏi của Đức Giêsu hơi đường đột, quá bất ngờ.

Thứ ba, người đàn bà xứ Samaria chọn lựa trả lời câu hỏi của Ðức Giêsu.

Theo như thánh sử Gioan, cuối cùng cô ta chọn, chọn lựa thứ ba, bởi cô nói,

— Tôi không có chồng.

Nhìn trong lăng kiếng hòa giải, “Tôi không có chồng” là câu nói mà người phụ nữ đang nói với chính cô ta chứ không phải ai khác. Bị chất vấn, bị đặt vấn đề, người thiếu nữ cuối cùng chọn lựa thành thật với chính mình. Thứ nhất, cô chấp nhận có một thời cô đã sống trong tội lỗi. Thứ hai, người phụ nữ Samaria hòa giải với chính mình bằng cách thú nhận với cô rằng người đàn ông cô đang sống chung không phải là chồng của mình. Bởi thế cô mới bật miệng nói, “Tôi không có chồng”. Câu nói này, cô ta nói với chính mình. Thứ ba, “Tôi không có chồng” cũng là câu trả lời cho câu hỏi của người khách lạ mặt, câu nói hòa giải với Thiên Chúa qua hình ảnh của Con Một Của Người là Ðức Kitô.

Chỉ trong một câu nói đơn giản, ngắn gọn bốn chữ, “Tôi không có chồng”, người phụ nữ xứ Samaria vô danh đã bước qua liền một lúc ba giai đoạn của Mô Hình Chấp Nhận (4), chấp nhận lỗi lầm, chấp nhận hòa giải với chính mình, và chấp nhận hòa giải với Thiên Chúa.

Và cuộc đời cô ta đổi thay sau hành động hòa giải này. Người phụ nữ bỏ lại bên bờ giếng bình đựng nước. Chạy về làng, cô gọi những người trong thôn làng ra gặp Đức Giêsu. Người trong thôn làng, theo lời mời gọi của cô ta, chạy ra bờ giếng. Họ gặp gỡ người khách lạ bên giếng nước, và họ trở thành những người Kitô hữu. Bỏ lại bên bờ giếng bình đựng nước và chạy về làng gặp người trong thôn xóm là hai hình ảnh tượng trưng cho hành động chấp nhận đóng lại một trang sách cũ, mở ra một trang sách mới. Khi người đàn bà đi ra bờ giếng, cô ta mang theo trên người bình đựng nước tượng trưng cho một quá khứ nặng nề đè nặng trên vai. Ði ra giếng, người phụ nữ đi một mình. Khi bỏ lại bình nước bên bờ giếng, người phụ nữ Samaria chấp nhận bỏ lại sau lưng một trang sách cũ. Cô đóng lại trang sách của quá khứ để mở ra trang sách mới. Trong trang sách mới này, cô gặp gỡ những người dân trong làng mà có lẽ có một thời cô tránh né không muốn gặp mặt.

Người phụ nữ Samaria trong câu chuyện của Gioan 4:1-42 đã đi qua cả bốn giai đoạn của Mô Hình Chấp Nhận. Cô là một mẫu người điển hình của con người mới, con người biết chấp nhận những lỗi lầm và hòa giải với một khoảng thời gian của lạc loài với chính mình.

IV. Người Phụ Nữ Bên Giếng Nước

Như đã được trình bày ở ngay phần đầu của bài tham khảo, câu chuyện của người đàn bà bên giếng nước không chỉ đơn thuần là câu chuyện của một người phụ nữ thất bại với đời sống hôn nhân. Ông Biệt phái Nicôđêmô trong chương 3 đã đi tìm gặp Đức Giêsu vào ban đêm. Và trong suốt câu chuyện, Đức Giêsu càng nói, ông Biệt Phái càng trở nên ngớ ngẩn không hiểu điều Ngài đang trình bày. Ngược lại, phụ nữ xứ Samaria đã đến tìm gặp Đức Giêsu vào ngay giữa ban ngày và giữa trưa. Thoạt tiên người đàn bà không hiểu tư tưởng Đức Giêsu muốn trình bày. Nhưng cuối cùng cô đã nhận ra người bên bờ giếng chính là Đấng Mêsia/Ta’heb mà cô đang mong đợi. Cô bỏ lại bên bờ giếng bình nước, và chạy về làng làm chứng nhân cho Tin Mừng mà cô mới vừa gặp gỡ bên bờ giếng. Bởi chứng nhân của cô, tất cả người trong thôn đã chạy tới bờ giếng gặp Đức Giêsu, và họ trở thành Kitô hữu.

Trong suốt câu chuyện, người đàn bà không than van hay oán trách bất cứ một người nào khác cho một khoảng thời gian quá khứ của mình. Thật sự ra người đàn bà bên bờ giếng biết thứ tha và hòa giải với chính mình. Bởi biết chấp nhận và hòa giải, cô ta đã đóng lại được một trang sách cũ của cuộc đời và mở ra một trang sách mới với niềm tin vào Đức Giêsu.

Thánh Gioan không nhắc tới tên của người phụ nữ Samaria, nhưng theo như Hạnh Các Thánh viết thời trung cổ, tên của bà là Photina. Bà đã rửa tội cho công chúa con gái của hoàng đế Nêrô, sau cùng đã chết tử vì đạo trong ngục thất tại thành phố Carthage của Ai Cập (5).



Chú thích

(1). Câu nói của người thiếu phụ Samarita, “Cha ông chúng tôi đã thờ phượng [Giavê Thiên Chúa] trên núi này [Gêzirim], nhưng các ông lại nói ở thành phố Giêrusalem” (4:20), đã phản ảnh Điều Răn Thứ Mười Một mà người Samaria tin.

(2). Tiếng cổ Hy Lạp, phiên âm tiếng Việt: Úk é-kô án-dra.

(3). Trong The Revelatory Text, Schneiders viết, “The basic purpose of the Samaritan Woman story in the gospel itself is to legitimate the Samaritan mission and to establish the full equality in the community between Samaritan Christians and Jewish Christians”. Coi Schneiders, The Revelatory Text (New York, NY: HarperCollins Publishers, 1991) 186.

(4). Để biết thêm về Mô hình của Khái Niệm Chấp Nhận, mời lắng nghe, www.nguyentrungtay.com/cmot.html

(5). C. Farmer, “Changing Images of the Samaritan Woman in Early Reformed Commentaries on John,” 365.



Thư mục tham khảo

Aston, John. Understanding The Fourth Gospel. New York, NY: Oxford University Press Inc., 1991.

Ball, David. ‘I Am’ in John’s Gospel: Literary Function, Background and Theological Implications. Sheffield, England: Sheffield Academic Press, 1996.

Barrett, C. K. The Gospel According to St. John. 2ed; Westminster, 1978.

Brown, Raymond. E. The Gospel According to John. AB 29, 29A; Garden City, NY: Doubleday, 1970.

Bruce, F. F. The Gospel Of John. Grand Rapids, MI: William B. Eerdmans Publishing Company, 1983.

Farmer, Craig. “Changing Images of the Samaritan Woman in Early Reformed Commentaries on John,” Church History 65 (1996) 365-375.

Giblin, Charles. “What Was Everything He Told Her She Did? (John 4.17-18, 29, 39),” New Testament Studies (1999) 148-152.

Marrow, Stanley. The Gospel Of John: A Reading. Mahwah, NJ: Paulist Press, 1995.

Moloney, Francis. Belief In The Word: Reading the Fourth Gospel: John 1-4. Minneapolis, MN: Augsburg Fortress, 1993.

Neyrey, Jerome. “Jacob Traditions and the Interpretation of John, 4:10-26,” Catholic Biblical Quarterly 41 (1979).

Perkins, Pheme, “The Gospel According to John,” in The New Jerome Biblical Commentary. Ed. Raymond Brown, Joseph Fitzmyer, and Roland Murphy. Englewood Cliffs, NJ: Prentice Hall, 1990. Pp. 942-985.

Pilch, John, “Jesus and the Samaritans,” The Bible Today 40 (2002) 172-177.

Koester, Craig R. Symbolism in the Fourth Gospel: Meaning, Mystery, Community. Minneapolis, MN: Augsburg Fortress, 1995.

Schneiders, Sandra. The Revelatory Text. New York, NY: HarperCollins Publishers. 1991. Pp. 180-199.

Smith, D. Moody. John Among The Gospels: The Relationship in Twentieth-Century Research. Minneapolis, MN: Augsburg Fortress, 1992.

The Women’s Bible Commentary: Expanded Edition. Ed. Carol A. Newsom & Sharon H. Ringe. Louisville, Kentucky: Westminster John Knox Press, 1998.

www.nguyentrungtay.com
 
Người Việt Nam Công Giáo: Kinh tế Việt Nam (11)
Hà-Minh Thảo
14:06 22/02/2008
NGƯỜI VIỆT NAM CÔNG GIÁO (9)

CHƯƠNG VII: KINH TẾ VIỆT-NAM 2007 (tiếp theo)

I.- THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN.

1. Định nghĩa. Đó là chợ nơi đó người ta mua bán, chuyển nhượng chứng khoán để kiếm lời. Đây có thể là thị trường tập trung hay không tập trung tại một địa điểm:

- thị trường tập trung là Sở Giao dịch Chứng khoán (stock exchange, tiếng Anh, và Bourse, tiếng Pháp), nơi các giao dịch chứng khoán được thực hiện: các lệnh được chuyển tới sàn giao dịch và tham gia vào quá trình khớp lệnh để tạo thành giá giao dịch.

- thị trường không tập trung còn được gọi là OTC (over the counter, tiếng Anh, và Hors Bourse hay ‘marché de gré à gré, tiếng Pháp). Sự giao dịch được thực hiện qua mạng lưới các công ty chứng khoán khắp nước nhờ nối nhau qua mạng điện tử. Giá giao dịch được ấn định theo sự thỏa thuận.

2. Cơ cấu.

Về sự lưu thông của chứng khoán trên thị trường, thị trường chứng khoán có hai loại:

a. Thị trường sơ cấp (IPO, Initial Public Offering, tiếng Anh, và investisseur professionnel en capital dans des entreprises non cotées, tiếng Pháp). Chợ mua bán chứng khoán mới phát hành. Tại chợ này, vốn đầu tư được chuyển sang nhà phát hành thông qua việc mua chứng khoán mới phát hành.

b. Thị trường thứ cấp. Nơi giao dịch các chứng khoán đã được phát hành trên thị trường sơ cấp. Thị trường này bảo đảm tính thanh khoản cho các chứng khoán đã phát hành.

3. Nhiệm vụ:

a. Huy đông vốn đầu tư cho nền kinh tế. Khi các nhà đầu tư mua chứng khoán của công ty phát hành, số tiền tiết kiệm của họ được đưa vào kinh doanh, sản xuất. Nhờ thị trường chứng khoán (TTCK), chính phủ và chính quyền địa phương có thể huy động tiền cho việc sử dụng vào việc phát triển hạ tầng cơ sở, phục vụ những nhu cầu chung của xã hội.

b. Tổ chức môi trường đầu tư cho mọi người. TTCK tạo cho mọi người một môi trường đầu tư với nhiều cơ hội để lựa các loại chứng khoán khác nhau về tính chất, thời hạn và độ rủi ro hầu các nhà đầu tư có thể chọn theo khả năng, mục tiêu và sở thích của mình.

c. Tạo tính thanh khoản của các chứng khoán. Nhờ TTCK, nhà đầu tư có thể chuyển chứng khoán đang nắm giữ thành tiền mặt hay đổi thành các loại chứng khoán khác khi họ muốn. Khả năng thanh toán là đặc tính hấp dẫn của chứng khoán đối với nhà đầu tư nhờ tính linh hoạt và an toàn của tiền đầu tư.

d. Đánh giá hoạt động của doanh nghiệp. Qua chứng khoán, hoạt động doanh nghiệp được phản ảnh cách tổng hợp và chính xác, giúp việc đánh giá và so sánh hoạt động của doanh nghiệp được nhanh chóng và thuận tiện, từ đó tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, kích thích áp dụng công nghệ mới, cải tiến sản phẩm.

e. Lập môi trường giúp chính phủ thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô. Chỉ báo của TTCK phản ảnh động thái của nền kinh tế cách nhạy bén và chính xác. Giá các chứng khoán tăng lên cho thấy đầu tư đang mở rộng, nền kinh tế tăng trưởng, nhưng nếu giá chứng khoán giảm cho thấy dấu hiệu không tốt cho nền kinh tế. TTCK, do đó, là thước đo nền kinh tế hầu Chính phủ đề ra các chính sách kinh tế vĩ mô. Qua TTCK, Chính phủ sẽ mua và bán trái phiếu Chính phủ Nhà Nước để tạo nguồn thu động vào thị trường chứng khoán nhằm định hướng đầu tư bảo đảm cho sự phát triển cân đối của nền kinh tế.

4. Nguyên tắc hoạt động:

a. Cạnh tranh. Giá cả trên TTCK phản ảnh quan hệ cung cầu về chứng khoán và thể hiện tương quan cạnh tranh giữa các công ty. Trên thị trường sơ cấp, các nhà phát hành cạnh tranh với nhau để bán chứng khoán của mình cho các nhà đầu tư. Họ được tự do lựa chọn các chứng khoán theo các mục tiêu của mình. Trên thị trường thứ cấp, các nhà đầu tư cũng cạnh tranh tự do để tìm kiếm số tiền lời nhiều nhất, và giá cả được hình thành theo phương thức đấu giá.

b. Công bằng. Mọi người tham gia thị trường đều phải tuân thủ những quy định chung, được bình đẳng trong khi tiếp thu thông tin và trong việc gánh chịu các hình thức xử phạt nếu vi phạm vào những qui định đó.

c. Công khai. Chứng khoán là hàng hóa vô hình nên TTCK phải được xây dựng trên cơ sở hệ thống công bố thông tin rõ ràng. Các tổ chức phát hành có bổn phận cung cấp thông tin đầy đủ theo chế độ thường xuyên và bất thường thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, sở giao dịch, các công ty chứng khoán và các tổ chức liên hệ.

d. Trung gian. Các giao dịch chứng khoán được thực hiện thông qua các tổ chức trung gian là các công ty chứng khoán. Trên thị trường sơ cấp, các nhà đầu tư không mua trực tiếp từ các nhà phát hành mà nơi các nhà bảo lãnh phát hành. Trên thị trường thứ cấp, thông qua các nghiệp vụ môi giới, kinh doanh, các công ty chứng khoán mua, bán chứng khoán thay khách hàng, hay kết nối khách hàng với nhau qua việc thực hiện các giao dịch mua bán chứng khoán qua tài khoản của mình.

e. Tập trung. Các giao dịch chứng khoán chỉ diễn ra tại sở giao dịch và trên thị trường OTC dưới sự kiểm tra giám sát của cơ quan quàn lý nhà nước và các tổ chức tự quản.

5. Chứng khoán là gì?

Đó là hàng hoá trên TTCK bao gồm: cổ phiếu, trái phiếu và một số loại phiếu khác như quyền mua cổ phiếu mới, chứng chỉ quỹ đầu tư… Ở đây, chúng ta chỉ đề cập tới cổ phiếu và trái phiếu.

a. Cổ phiếu là phiếu xác nhận quyền sở hữu số cổ phần (action, tiếng Pháp, và share, tiếng Anh) của từng sở hữu chủ và những lợi ích hợp pháp của họ đối với vốn của công ty cổ phần. Sở hữu chủ cổ phiếu được gọi là cổ đông của công ty đó và có các quyền lợi sau:

- Nhận cổ tức. Cổ tức (dividende, tiếng Pháp, và dividend, tiếng Anh) là số tiền lợi nhuận kinh doanh mà công ty chia cho mỗi cổ đông tùy theo số cổ phần mà họ có. Mức chi trả cũng như hình thức chi trả cổ tức tùy thuộc vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty và do Đại hội cổ đông thường niên quyết định. Thí dụ: công ty cổ phần may mặc Mùa Xuân có Vốn là 500 triệu đồng, góp bởi 10.000 cổ phần có mệnh giá là 50.000 đồng. Năm 2007, lợi nhuận kinh doanh 120 triệu đồng. Trả thuế công ty 16,67% hết 20 triệu đồng. Còn lại 100 triệu, Công ty Mùa Xuân phải để ra 5% số tiền đó để làm Dự trữ pháp định tức 5 triệu. Như vậy, mỗi cổ phần nhận cổ tức là: 95 triệu/10.000 = 9.500 đồng. Cổ đông tên Nguyễn là sở hữu chủ cổ phiếu có ghi 1.000 cổ phần nhận được: 9.500*1.000 = 9,5 triệu đồng, tức số vốn 50 triệu với lợi suất là 19%, cao hơn nhiều so với gởi tiết kiệm chỉ có khoảng 8,5% (trong tháng 02.2008, lãi suất tiết kiệm ‘đua nhau’ tăng vì các ngân hàng và tổ chức tín dụng cần tiền để mua tín phiếu bắt buộc do Ngân hàng Nhà Nước Việt-Nam phát hành, trị giá 20.000.300 tỷ đồng, tương đương với 1,270 tỷ mỹ kim để rút bớt số tiền lưu hành). Tuy nhiên, phải coi chừng, nếu công ty Mùa Xuân kinh doanh thua lỗ thì chẵng những cổ tức là số 0 mà mệnh giá cổ phần còn có thể bị giảm. Để tránh tình trạng đó, các công ty thường không chia hết lời mà trích ra một phần để làm dự trữ nhiệm ý như 5% (= 5 triệu đồng) trong nhiều năm đủ để có thễ trả trong những năm không có hay có lợi nhuận ít. Trong thí dụ này, công ty Mùa Xuân chỉ dem chia 90 triệu/10.000 = 9.000 đồng. Cổ đông tên Nguyễn nhận được: 9.000*1.000 = 9 triệu đồng cổ tức, tức lợi suất 18%.

Ngoài ra, cổ đông còn có những quyền khác như: mua cổ phần mới, bỏ phiếu trong các cuộc họp Đại hội cổ đông và được tiếp cận thông tin (thông báo mọi diễn biến trong công ty, đặc biệt những sự kiện có khả năng tác động mạnh đến giá cổ phiếu, các báo cáo tài chính định kỳ...)

Cổ tức và các quyền trên không phải là nguồn lợi duy nhất do cổ phần mang lại. Cổ đông còn hy vọng vào một khoản chênh lệnh giữa giá mua và giá bán cổ phần. Nếu cổ phần tăng giá so với thời điểm mua vào thì khi bán ra ta sẽ có lãi, còn ngược lại, nếu cổ phần xuống giá thì sẽ lỗ vốn. Tuy nhiên việc lỗ và lãi này chỉ mang tính chất sổ sách nếu bạn chưa bán cổ phần. Trị giá các cổ phần một người đang sở hữu tượng trưng một tỷ lệ nhất định vốn công ty cổ phần. Đó có quyền làm chủ một phần của công ty đó.

Người cầm trái phiếu là chủ nợ của doanh nghiệp với trị giá trái phiếu người ấy đang nắm giữ. Tiền lời được trả hàng năm theo một lãi suất cố định thường cao hơn lãi suất tiết kiệm dịnh kỳ vì thời gian dài hơn. Khi cần tiền, người cầm trái phiếu có thể đem bán các phần trái khoán (obligation) tại TTCK. Có những trái khoán có thể chuyển đổi thành cổ phần. Người sở hữu trái phiếu (còn gọi là trái chủ) sẽ được ưu tiên thanh toán khi thanh lý tài sản, lúc công ty bị tuyên bố phá sản trước các cổ đông.

II.- THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM.

1. Lịch sử.

a. Công cuộc chuẩn bị thành lập TTCKVN đã do Uỷ Ban Chứng khoán Việt Nam, ra đời bởi Nghị định 75/CP ngày 28.11.1996, phụ trách. Ngày 11.07.1998, Nghị định số 48/CP được ban hành về chứng khoán và TTCKVN. Cùng ngày, Chính phủ cũng ký quyết định thành lập Trung tâm Giao dịch Chứng khoán (TTGDCK) đặt tại Sài gòn và Hà Nội. TTGDCK Sài gòn khai trương ngày 28.07.2000 chiếu Quyết định số 127/1998/QĐ-TTg ngày 11.07.1998 với 2 loại cổ phiếu (REE và SAM) và một số ít trái phiếu Chính phủ được niêm yết giao dịch.

b. Chỉ số VN–Index thể hiện biến động giá cổ phiếu giao dịch tại TTGDCK Sài gòn. Công thức tính chỉ số áp dụng đối với toàn bộ các cổ phiếu niêm yết tại TTGDCK nhằm thể hiện xu hướng giá cổ phiếu hàng ngày, so với trị giá TTCK gốc vào ngày 28.07.2000, được ấn định là 100 làm cơ bản. VN–Index được điều chỉnh trong các trường hợp như niêm yết mới, hủy niêm yết và các trường hợp có thay đổi về vốn niêm yết. Cuối năm 2006, chỉ số đã lên tới 751, tăng hơn gấp đôi, từ hơn 300 lên 750. Từ đầu năm 2007, chỉ số VN–Index gia tăng với tốc độ. Ngày 05/01 tăng tới 800, chỉ một tuần sau đã đến 900 và đạt đỉnh 1170,67 điểm ngày 12.03.2007, cao nhất trong lịch sử 7 năm hình thành TTCK. Nhưng, trong những tháng sau đó, Vn-Index liên tục sụt giảm và chỉ ở khoảng 900 đến 1000 điểm, thậm chí có lúc tụt xuống dưới 800 điểm.

Một so sánh, chỉ số Dow Jones của TTGDCK New York ra đời năm 1896, năm 1906 lên đến 100. Từ số 100, muốn lớn gấp 5 lần, Dow Jones phải đợi tới năm 1956 (50 năm sau) mới đạt tới con số 500. Năm 1972, Dow Jones mới lên được tới 1000 và năm 1972 tăng đến 2000.

2. Làm sao để mua bán chứng khoán ?

Tại TTGDCK, nhà đầu tư có thể:

a. Mua chứng khoán trực tiếp tại tổ chức phát hành: nhà đầu tư phải đăng ký mua và nộp tiền trực tiếp tại tổ chức phát hành chứng khoán, nhưng không thuận vì phải di chuyển.

- Mua chứng khoán gián tiếp thông qua trung gian, tức các nhà đại lý hoặc các nhà bảo lãnh phát hành, thường tại các công ty chứng khoán và các ngân hàng thương mại. Nếu bạn mua chứng khoán của tổ chức phát hành chưa niêm yết trên TTGDCK thì việc chuyển nhượng hoặc bán lại chứng khoán đó cho người khác gặp nhiều khó khăn vì không dễ tìm được người mua. Hơn nữa, bên bán phải trực tiếp đến công ty (hoặc uỷ quyền) để thực hiện chuyển nhượng cho người mua.

b. Mua bán chứng khoán niêm yết trên TTGDCK. Chứng khoán niêm yết có đủ điều kiện và tiêu chuẩn được đăng ký để mua bán tại TTGDCK, thường là các công ty kinh doanh có hiệu quả phát hành, tình hình tài chính đã được kiểm toán và thông tin về doanh nghiệp được công bố công khai cho mọi người biết. Tiến trình giao dịch chứng khoán niêm yết tại TTGDCK nhu sau:

Bước l: Nhà đầu tư mở tài khoản và đặt lệnh mua hay bán chứng khoán tại một công ty chứng khoán.

Bước 2: Công ty chuyển lệnh đó cho đại diện của công ty tại TTGDCK. Người đại diện này sẽ nhập lệnh vào hệ thống của TTGDCK.

Bước 3: Trung tâm gian dịch chứng khoán thực hiện ghép lệnh và thông báo kết quả giao dịch cho công ty chứng khoán.

Bước 4: Công ty chứng khoán thông báo kết quả giao dịch cho nhà đầu tư.

Bước 5: Nhà đầu tư nhận được chứng khoán (nếu là người mua) hoặc tiền (nếu là người bán) trên tài khoản của mình tại công ty chứng khoán sau 3 ngày làm việc kể từ ngày mua bán.

Như vậy, nhà đầu tư chỉ có thể mua bán chứng khoán thông qua công ty chứng khoán trung gian chứ không được giao dịch trực tiếp tại TTGDCK hoặc trực tiếp với nhau.

3. Nguyên lý Cung (cấp) – (nhu) Cầu (offre – demande, tiếng Pháp, và offer hay supply – demand, tiếng Anh).

Thí dụ, đầu mùa sầu riêng, vì mức cung trái sầu riêng đem ra chợ còn ít và số cầu của người tiêu thụ nhiều, nên giá thỏa thuận mua bán sầu riêng ở mức cao (mắc). Khi giữa mùa, số trái sầu riêng đem bán tăng so với số người tiêu thụ thì giá hạ xuống (rẻ). Muốn thỏa mãn nhu cầu, người mua phải có tiền (ngân khoản) để mua. Do đó, khi Cung tăng -> Giá hạ. Trái lại, khi Cung giảm -> Giá (= Cầu) tăng.

Trên TTCK, nguyên lý Cung – Cầu được thể hiện hoàn toàn vì đây là ‘trò chơi’ của nền kinh tế tư bản (phe chống tư bản Pháp cho là ‘gagner en dormant’ (thu lời tiền khi ngủ) trái với ‘lao động là vinh quang’). Cổ phần Công ty Mùa Xuân vẫn ghi mệnh giá 50.000 đồng, nhưng trong thực tế nó là: 50.000 (vốn) + 1.000 (dự trữ) = 51.000 đồng (trị giá thực vì nếu Công ty Mùa Xuân giải tán, thì chủ mổi cổ phần lấy về 51.000, thay vì 50.000 đồng đã mang vào khi gọi vốn). 51.000 là giá phải chăng của cổ phần Mùa Xuân ở TTCK nơi niêm yết, thí dụ Sài gòn.

Bây giờ, chúng ta tưởng tuợng đang sống năm 2010 và coi kết quả năm 2007 là kết quả năm 2009. Chọn năm 2010 vì là năm Giáo hội Công giáo Việt-Nam mừng 50 năm Thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt-Nam và Đức Thánh Cha chấp thuận đến Việt-Nam để chủ tọa Thánh Lễ tại Sài-gòn, La-vang và gặp giới trẻ Việt-Nam ở Hà nội. Công ty Mùa Xuân đăng ký thương hiệu để sản xuất khăn quàng dùng trong các dịp nầy. Công ty trình dự hoàn thành 1 triệu khăn quàng nhiều màu vào tháng 10, kịp lễ Kỷ niệm vào 24.11.2010. Giá thành một khăn quàng được chiết tính là 600 đồng. Như vậy, phải bán với giá nào để bảo đảm lãi suất 18% cho cổ đông ?

Năm kinh doanh trước, với 500 triệu vốn đã có lợi nhuận kinh doanh 120 triệu, tức lời 24% hay 0.24. Như vậy, chúng ta có hệ số: 1 (vốn) + 0,24 (lời) = 1,24. Như vậy, mỗi khăn quàng phải bán với giá: 600 * 1,24 = 744 đồng và hy vọng thu được 744 triệu đồng khi bán hết. Dự án được cổ đông đồng ý tiến hành thực hiện. Kết quả bán được 0,97 triệu khăn quàng và thu: 744 đồng x 0,97 triệu = 721,68 triệu đồng. Lợi nhuận kinh doanh 121,68 triệu đồng. Trả thuế công ty 16,67% hết 20,28 triệu đồng. Còn lại 101,40 triệu, Công ty Mùa Xuân phải để ra 10% số đó để làm Dự trữ pháp định (5%) và nhiệm ý (5%): 10,14 triệu. Như vậy, tổng số tiền đem chia là 91,26 triệu đồng và mỗi cổ phần nhận cổ tức là: 91.26 triệu/10.000 = 9.162 đồng, tức lãi suất 15,27% so với vốn. Lãi suất có thấp hơn kinh doanh may mặc không ?

Lãi suất may mặc là 18% nhưng trong 12 tháng. Lãi suất may khăn quàng tuy chỉ là 15,27%, nhưng trong 9 tháng (từ tháng 03 tới tháng 11.2010) mà thôi. Nếu tính 12 tháng thì lãi suất sẽ là (15,27% x 12) / 9 = 20,36%. Cuối tháng 11.2010, trị giá một cổ phần công ty Mùa Xuân có thể là: 51.000 đồng (2007)

+ (cổ tức và dự trữ may khăn quàng 9.126 + 1.014) …… 10.140 đồng

+ [lời do may mặc dự đoán cho 11 tháng 2010, căn cứ

theo 2007: (9500 x 11) / 12] …………………………………………. 8.708 đồng

69.848 đồng.

Giá một cổ phần công ty Mùa Xuân trên TTGDCK Sài gòn khi niêm yết là 50.000 đồng đến ngày 30.11.2010 có thể là 69.848 đồng. Cho đến lúc này, các cổ phần công ty Mùa Xuân thuộc quyền sở hữu của 275 cổ đông người Việt.

Ngày 01.12.2010, quỹ đầu tư ngoại quốc ECU tung 71 triệu đồng để mua 1.000 cổ phần, tức giá 71.000 đồng/cổ phần. Nhiều cổ đông thấy có lời vì giá mỗi cổ phần mua 50.000 nay bán được 71.000 đồng. Nhiều nhà đầu tư nhỏ tin rằng khi ECU mua cổ phần công ty Mùa Xuân vì việc kinh doanh may mặc của Mùa Xuân có khả năng lời lớn. Họ sẳn sàng trả cao hơn để mua 74.000 đồng/cổ phần và mua 5.000 cổ phần. Giá đã tăng theo nguyên tắc Cung-Cầu: khi số người muốn mua (Cầu) cổ phần Mùa Xuân tăng, thì những cổ đông (Cung) chỉ thuận bán khi số tiền mua lớn hơn lợi nhuận công ty Mùa Xuân đang đem lại. Cuối ngày 01.12.2010, giá một cổ phần là 74.000 đồng. Trong đó có 69.848 đồng là giá thực và 4.152 đồng là giá ảo hay không khí trong một cái bong bóng.

4. Qui định giao dịch chứng khoán:

a. Giá tham chiếu những chứng khoán đang giao dịch thường là giá khớp lệnh của phiên giao dịch trước và được chọn làm căn bản cho việc tính giới hạn dao động giá chứng khoán.

b. Biên độ dao động giá là khoảng dao động giá chứng khoán qui định trong ngày giao dịch. Biên độ được áp dụng hiện ở Việt-Nam là cộng trừ 5% giá tham chiếu đối với cổ phiếu phiên giaoi dịch trước. Thí dụ: Giá giao dịch của cổ phiếu Mùa Xuân trong ngày 02.11.2010 sẽ nằm trong khoảng từ 70.300 đến 77.700 đồng.

c. Giá khớp lệnh. Trong mỗi phiên giao dịch, giá giao dịch của mỗi loại chứng khoán được hình thành sau khi khớp các lệnh được nhập vào hệ thống theo trình tự nguyên tắc ưu tiên sau:

- Ưu tiên về mức giá:

+ Lệnh MUA có mức giá CAO hơn sẽ được ưu tiên thực hiện trước.

+ Lệnh BÁN có mức giá THẤP hơn sẽ được ưu tiên thực hiện trước.

- Ưu tiên về thời gian: các lệnh mua bán có cùng mức giá thì lệnh nào nhập trước vào hệ thống giao dịch được ưu tiên thực hiện trước.

- Ưu tiên về khối lượng: nếu cả mức giá và thời gian đều như nhau thì lệnh nào có khối lượng lớn hơn sẽ được ưu tiên thực hiện trước.

Giá giao dịch được xác định theo nguyên tắc:

- mức giá thực hiện với khối lượng giao dịch lớn nhất;

- nếu có nhiều mức giá cùng thuận với khối lượng giao dịch lớn nhất thì chọn mức giá gần với giá tham chiếu.

II.- THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT-NAM NĂM 2007.

a. TTCK Việt-Nam tăng rất mạnh năm 2007, giá trị giao dịch tăng rất cao, tương đương 3 lần so với năm 2006. Tổng giá trị vốn hóa thị trường đến ngày 28.12.2007 đã đạt gần 500 ngàn tỷ đồng (sàn Sài gòn 370 ngàn tỷ đồng và tại Hà nội 130 ngàn tỷ đồng). So với GDP (xem Người Việt-Nam Công Giáo 8) năm 2007 (ước đạt 1.140 ngàn tỷ đồng) thì tổng giá trị vốn hóa TTCH Việt-Nam đạt 43,9%, cao hơn rất nhiều so với năm 2006 chỉ đạt 22,7% và năm 2005 là 1,21%. Tuy nhiên, tính bằng mỹ kim thì tổng giá trị vốn hóa thị trường của Việt-Nam mới đạt khoảng 31,25 tỷ mỹ kim, còn thấp xa so với quy mô của các TTCK các quốc gia trong khu vực, thì nói chi so với ở châu Á hay thế giới.

b. Việc huy động vốn trong năm 2007 được xem là đặc điểm của TTCK Việt-Nam ước đạt 90.000 tỷ đồng thông qua đấu giá, phát hành thêm trên thị trường chính thức, tăng gấp 3 lần so với tổng mức huy động vốn của năm 2006. 179 doanh nghiệp được phép chào bán 2,46 tỷ cổ phần trên TTCK trị giá khoảng 48.000 tỷ đồng, gấp 25 lần so với năm 2006. 3.468 triệu trái phiếu tương ứng với 3.750 tỷ đồng cho ba ngân hàng thương mại cổ phần.

c. TTCK Việt-Nam hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại quốc. Số tài khoản giao dịch của họ đạt trên 7.500 tài khoản, trong đó nhà đầu tư tổ chức khoảng 300 tài khoản, tăng gấp 3 lần so với năm 2006, nắm giữ từ 25-30% cổ phần của công ty niêm yết và doanh số giao dịch chiếm khoảng 18% giao dịch toàn thị trường. Mức đầu tư ngoại quốc đạt gần 20 tỷ mỹ kim (thị trường chính thức là 7,6 tỷ mỹ kim và thị trường không chính thức 16,4 tỷ.)

Các nhà đầu tư lẫn các quỷ tài chính ngoại quốc vừa lắm tiền vừa nhiều kinh nghiệm giá cả cổ phần của nhiều quốc gia nên họ biết phải đầu tư vào đâu để sinh lợi và sinh lợi. Tại TTCK, nếu có những người có lời bao nhiêu thì, đồng thời, cũng phải có những người bị thua lỗ một số tiền tương đương. Vậy, ai là những người bị thua lỗ đó?

Đó là những người Việt-Nam đang làm việc và sinh sống trẽn Quê hương mình. Một cách trực tiếp như tường thuật Thời báo kinh tế Việt-Nam ngày 08.01.2007:

« Chị Hoàng Thị Mai, một nhà đầu tư cá nhân than thở: ‘Do “thắng” trong tháng 11 nên quyết định thế chấp một căn nhà ở quận 3 để vay tiền ngân hàng mua cổ phiếu, trong đó mua nhiều nhất là cổ phiếu TDH trong 2 phiên giao dịch đầu tiên với giá 300 và 315.000 đồng/cổ phiếu’.

Tổng cộng chị Mai mua được 10.000 cổ phiếu TDH với số tiền hơn 3 tỷ đồng. Khi giá liên tục rớt xuống sàn, chị Mai quá hoảng sợ, liên tiếp đặt lệnh bán nhưng không sao bán được do nhiều nhà đầu tư ào ạt bán ra, mãi đến phiên 4/1 chị mới bán được 10.000 cổ phiếu TDH với giá sàn (166.000 đồng/cổ phiếu) và lỗ hơn 134.000 đồng/cổ phiếu (tổng lỗ hơn 1,34 tỷ đồng, chưa kể tiền lãi ngân hàng).

‘Tại sao chị lại “chạy đua” vào cổ phiếu TDH với giá quá cao như vậy?’ Trả lời câu hỏi này, chị Mai bộc bạch: ‘Quá tin vào thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về kinh doanh của Công ty Phát triển nhà Thủ Đức cùng với đi coi một số dự án cao ốc mà Thủ Đức liên doanh với công ty của Hàn Quốc xây dựng, tôi đã quyết định vội vàng mua ngay cổ phiếu TDH với giá quá cao, tôi bị những cổ đông lớn của Thủ Đức quật ngã quá đau’.

Ý kiến chúng tôi là: chỉ nên dùng tiền tiết kiệm để ‘chơi’ chứng khoán, nhất là cổ phần. Nếu bị lỗ chỉ mất tiền tiết kiệm thôi, chứ thế chấp nhà để vay tiền ngân hàng mua cổ phiếu là một việc vô cùng nguy hiểm vô cùng vì có thể mất nhà và trở thành ‘dân oan’ trong thời giá thuê nhà đất cao vô lý và bất công: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu (Điều 5.1 luật Đất đai ngày 26.11.2003)???

Ngoài ra, VietNamNet ngày 09.10.2006, dưới tiểu tựa ‘Trả giá cho nguyện vọng đầu tư chính đáng’ đã viết « Mới đây, Công An Hải Phòng đã bắt quả tang một nhóm tổ chức lừa đảo bằng cách dựng lên phiên chợ giới thiệu và bán cổ phiếu phổ thông. Điều tra cho thấy, Lý Hữu Hoàng là một Việt kiều tại Mỹ, về Hải Phòng móc nối một số người Việt tổ chức làm giả con dấu của một công ty cổ phần rồi tổ chức phát hành cổ phiếu phổ thông với tổng mệnh giá lên đến 800 tỷ đồng. »

Một cách gián tiếp, người Việt đã phải gánh chịu lạm phát tăng cao 12,63% tháng 12/2007 so với tháng 12/2006 (xem Người Việt-Nam Công Giáo 8).

d. Ngày 28.05.2007, Ngân hàng Nhà nước Việt-Nam ban hành Chỉ thị số 03/2007/CT – NHNN quy định tỷ lệ dư nợ vốn cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá,… để khách hàng đầu tư, kinh doanh chứng khoán của tổ chức tín dụng ở mức dưới 3% tổng dư nợ của tổ chức tín dụng đó. Mức quy định dưới 3% các Tổ chức tín dụng phải thực hiện với thời điểm cuối cùng là 31.12.2007. Theo chúng tôi đây là biện pháp chính đáng vì vừa tránh tình trạng rủi ro do con nợ không có khả năng hoàn trái (trả nợ) và vừa cần dành tín dụng cho việc sản xuất để cân đối tiền – hàng hầu giảm mức lạm phát. Ngân hàng Nhà nước cho rằng đây là biện pháp cần thiết để hạn chế vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào TTCK vì gây tiềm ẩn rủi ro cho cả Ngân hàng thương mại cho vay và cả TTCK Việt-Nam. Nhưng, cuối cùng, chỉ thị này có được áp dụng không khi VN-Index ngày 22.02.2008 xuống chỉ còn 673,32 điểm?

Cùng ngày, theo tin của hãng thông tấn Dow Jones, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa thông qua đề nghị của Bộ Tài Chánh Việt-Nam cho phép các nhà đầu tư nước ngoài dùng đôla để mua cổ phiếu IPO của các công ty. Chúng ta biết rằng đồng tiền Việt-Nam tượng trưng cho chủ quyền quốc gia.
 
Văn Hóa
Nghĩa địa vô hình!
Sa Mạc Hồng
11:20 22/02/2008
Nghĩa địa vô hình!

Mùa Xuân này ai muốn đi thăm?
Một nghĩa địa không có người chôn
Không xác người an nghỉ
Như những nghĩa địa bình thường
Chỉ có linh hồn
Đã bay lên chín tầng mây cao thẳm
Hãy tìm đến những người
Đang làm việc trong nghĩa địa đó
Và nói với họ
Xin ngừng tay
Đừng đào thêm những huyệt lạnh
Giữa cuộc đời đã lắm chua cay!

Hãy nói với họ
Thật là nghiệt ngã
Khi xây lên những nghĩa địa vô hình
Khắp nơi, trong lòng mình
Mà không hề có một xác chết
Được chôn cất
Nó đang trở thành một nơi
Cho ma quỉ ẩn trong tính người
Làm đồn trú tấn công thế giới

Hãy nói với họ
Khắp hoàn cầu, sự dữ đang bùng nổ
Và ma quỉ dùng loài người
Để tiêu diệt loài người
Nó dùng người hiểu biết
Những nhà trí thức khoa học có tài
Những nhà chính trị
Đẩy Thượng Đế ra khỏi cõi đời
Giết lần mòn lương tri con người
Trong những nghĩa địa
Không xác người chôn
Nhưng vùi lấp lương tâm
Của lớp người đó
Cả những người theo họ

Mùa Xuân này có ai?
Rảo bước chân khắp cuộc đời
Tìm đến những người
Mò mẫm trên con đường sống
Thơ thẩn bên nghĩa địa vô hình
Đưa về nơi trú ngụ an bình
Bên tình người, tình Chúa
Thắp sáng lên niềm tin vào Thượng Đế
Để sự sống đích thực của con người
Vẫn mãi trường tồn trên cõi đời
Và an bình hạnh phúc
Với ơn Trời!
 
Tờ Giấy Cuộc Đời
Tuyết Mai
11:22 22/02/2008
Tờ Giấy Cuộc Đời

Con gái cưng của Mẹ!
Con có muốn biết một ngày "Sống" của Mẹ ra làm sao không?

Sáng thức dậy Mẹ Đọc Kinh Cảm Tạ Thiên Chúa.
Mỗi một ngày của Mẹ được bắt đầu như một tờ giấy trắng.
Mẹ cố gắng để lên đó tất cả những điều tốt đẹp trong một ngày của Mẹ.

Mỗi sáng Mẹ Cảm Tạ Thiên Chúa ban cho tất cả chúng ta Tình Yêu, Bình An, và Sức Mạnh của Ngài để chúng ta chu toàn bổn phận và trách nhiệm từ nơi mình, gia đình, nơi công sở, và đối với tất cả anh chị em mà hằng ngày chúng ta gặp gỡ. Mẹ cố gắng đem Tình Yêu và Bình An của Chúa đến với tất cả mọi người mà Mẹ có thể con ạ! Từ cái bắt tay, nụ cười thân thiện, ánh mắt thông cảm, một lời nói ngọt ngào, đôi tai kiên nhẫn lắng nghe những lời than vãn do buồn phiền con cái gia đình hoặc đau bệnh trong thân xác già nua, một cái xoa nhè nhẹ an ủi tinh thần, một câu nói diễu cợt làm tươi thắm nụ cười cho các ông bà và cụ ông cụ bà, và vui vẻ với tất cả đồng nghiệp của mình.

Có ngày Mẹ cảm thấy rất ngọt ngào.
Có ngày Mẹ cảm thấy mằn mặn cay cay nơi khoé mắt.
Có ngày Mẹ cảm thấy đắng nghét trong cuống cổ,
Khi cố ngăn dòng nước mắt vì nhịn nhục anh chị em của mình.

Mẹ cố gắng hết sức mình.
Tất cả những bất toàn và khiếm khuyết,
Mẹ dâng lên cho Chúa và Đức Mẹ để tính sổ.
Chỉ mong Chúa cho Mẹ đổi những việc làm của Mẹ,
Thành giấy vé thông hành để được trở về Quê Trời.
Nơi mà Mẹ, con, và tất cả mọi người cùng khao khát tìm về.

Con có biết không, Mẹ biết khả năng của Mẹ Chúa ban cho rất ít ỏi và rất khiêm nhường so với mọi người, nên Mẹ chỉ làm được những việc thật nhỏ mọn và vặt vẵn mà thôi!

Chúa ban cho Mẹ có mỗi một nén bạc nhưng Mẹ sẽ không chôn nén bạc đó mà ngược lại Mẹ sẽ cố gắng làm lời lãi cho Chúa càng nhiều càng tốt.

Bây giờ con có hiểu, đó là tờ giấy cuộc đời của Mẹ mỗi ngày là như vậy!
Không tiếc nuối và không ân hận những điều gì Chúa đã cho xảy ra trong quá khứ.
Không sợ chết vì Mẹ đã dâng hết tất cả mọi việc cho Chúa hôm qua, hôm nay, và ngày mai.
Cuối đời, nguyện ước của Mẹ là được nghỉ yên trong Chúa, Amen.

Y Tá Của Chúa
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Sắt Cầm
Nguyễn T. Hoà
00:27 22/02/2008

SẮT CẦM



Ảnh của Nguyễn T. Hoà.

..Lui về thăm lại bến thu xa

Thì đôi mái tóc không xanh nữa

Mây bạc, trăng vàng vẫn thiết tha..

(Trích thơ của Hoàng Cầm)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền