Ngày 24-02-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:24 24/02/2009
KHÔNG KINH NGHIỆM

N2T


Lại một lần nữa trong khi thảo luận về việc thể nghiệm về Thiên Chúa thì sư phụ nói: “Khi chúng ta có kinh nghiệm về Thiên Chúa, thì cái tôi liền biến mất. Vậy xét cho cùng thì ai đang thể nghiệm về Thiên Chúa ?”

- “Vậy thì thể nghiệm về Thiên Chúa không phải cho là một loại kinh nghiệm sao ?”

- “Thì giống như ngủ vậy.”
Đại sư nói tiếp: “Sau khi ngủ dậy, thì mới biết kinh nghiệm của khi ngủ.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Không ai có thể thể nghiệm về Thiên Chúa, nếu họ không có lòng yêu mến Thiên Chúa; không ai có kinh nghiệm về Thiên Chúa cả, nếu cuộc sống của họ chỉ toàn là oán trời trách người, bởi vì Thiên Chúa không phải là một công thức khoa học trừu tượng để thể nghiệm thành hiện thực, bởi vì Thiên Chúa không phải là một sản phẩm do con người tao ra.v.v...

Chỉ khi nào con người ta gặp phải đau khổ thử thách thì mới thể nghiệm được Thiên Chúa là tình yêu đang hiện diện trong vũ trụ này, và càng đau khổ thử thách thì con người ta càng có kinh nghiệm về Thiên Chúa hơn...

Khi đã có kinh nghiệm về Thiên Chúa rồi, thì con người ta quên mất cái tôi của mình, và chỉ để cho Thiên Chúa chiếm hữu mình mà thôi. Đó là hạnh phúc và là mục đích sống ở đời này của chúng ta -người Ki-tô hữu.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:26 24/02/2009
N2T


90. Bạn không thể chỉ nghĩ rằng việc gì là quang vinh, nhưng cần phải suy nghĩ rằng, việc gì mình có thể làm được.

(Thánh Ambrosius)
 
Mỗi ngày một câu Cách Ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:27 24/02/2009
N2T


34. Trí thức là kho vàng của hiền giả, phán đoán chính là xuất nạp của nó.

 
Thứ Tư Lễ Tro (B)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:29 24/02/2009
THỨ TƯ LỄ TRO (B)

Tin mừng: Mt 6, 1-6; 16-18.

“Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”


Bạn thân mến,

Thói giả hình của bạn và tôi làm cho Chúa Giê-su buồn bực trong vuồn Giết-sê-ma-ni, lòng kiêu ngạo của chúng ta làm cho Chúa Giê-su phải chết trên thập giá, duy chỉ có lòng chân thành của chúng ta đối với Chúa và đối với anh em, mới làm cho Chúa Giê-su phục sinh mỗi ngày trong tâm hồn chúng ta, và trong tâm hồn của tha nhân mà thôi.

Khởi đầu mùa chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta tin vào Phúc Âm của ngày hôm nay: sống chân thực và chân thành với anh chị em của mình, không giả hình giả bộ, không đạo đức giả như những người Pha-ri-siêu mà Chúa Giê-su vẫn thường quở trách, bởi vì thói giả hình chỉ làm cho chúng ta như cái mả tô vôi bên ngoài thì sơn phết đẹp đẽ, nhưng bên trong thì hôi thối xấu xa.

Có nhiều lần bạn và tôi sống giả hình với tha nhân khi chúng ta trong lòng rất oán ghét họ, nhưng bên ngoài thì làm bộ thân thiện, miệng nói lời ngon ngọt nhưng trong lòng thì chất chứa những mưu thâm hại người; đã nhiều lần bạn và tôi ăn chay bên ngoài như làm việc thiện, đọc kinh, thân thiện, nhưng bên trong tâm hồn thì ăn mặn những thức ăn như kiêu ngạo, ghét ghen, giận hờn, vu khống hàm hồ cáo gian.v.v...tất cả những điều đó, đã làm cho chúng ta trở thành những tên quân dữ đóng đinh tha nhân vào thập giá với Chúa Giê-su rồi.

Bạn thân mến,

Mùa chay là mùa của cầu nguyện, sám hối và hy sinh. Nếu bạn và tôi không cầu nguyện thì sẽ có ngày muốn cầu nguyện mà không được; nếu bạn và tôi không sám hối thì tất sẽ có ngày hối không kịp; nếu bạn và tôi không hy sinh thì sẽ có ngày muốn hy sinh mà cũng không có cơ hội, bởi vì ngày giờ của Chúa Giê-su đến thì không ai biết được cả.

Mùa chay thánh năm nay, bạn và tôi –ít nữa- cũng có một quyết tâm cho mình, đó là phải sống tốt lành hơn mùa chay năm ngoái, phải sống làm chứng nhân cho Chúa hơn những ngày khác, bằng cách sống rất chân thực và chân thành với anh chị em của mình.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

---------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mùa Chay Mở Rộng Tâm Hồn Và Tấm Lòng
Tuyết Mai
05:03 24/02/2009
Mùa Chay Mở Rộng Tâm Hồn Và Tấm Lòng

Càng lớn tuổi, mỗi một Mùa Chay trở về lại cho tôi thật nhiều ý nghĩa, thật nhiều ý tưởng sâu đậm, về cuộc đời của mình đã sống như thế nào trên cõi tạm trần gian này!? Mùa Chay giúp cho tôi khao khát để tìm và muốn được gần gũi Chúa của tôi hơn bao giờ hết. Mùa Chay cho tôi thật nhiều tâm tình để biết sống thật với lòng mình. Mùa Chay giúp cho tôi cởi mở tấm lòng để đón nhận Chúa vào tâm hồn của tôi. Mùa Chay giúp cho tôi tìm đến để sống gần gũi với anh chị em của tôi. Mùa Chay nhắc nhở cho tôi thấy rằng cuộc sống đời này chỉ là cõi tạm và mọi thứ sẽ không còn là của tôi, khi được Chúa gọi tôi ra khỏi đời này để được đi về Nhà Chúa của tôi. Tôi biết rằng Nơi tôi đi đây, tôi sẽ hoàn toàn chẳng đem theo được một thứ gì mà cả cuộc đời tôi đã từng vất vả, lo toan, và đã làm cho tôi ra lao lực, lao tâm, và kiệt sức mới có được. Mùa Chay đã nhắc nhở cho tôi biết rằng tấm thân hay chết này của tôi rồi thì cũng sẽ trở về với đất. Nhắc nhở cho tôi hãy biết dừng lại và luôn kiểm điểm nơi chính mình; hãy biết dừng lại những hành vi xấu xa mà tôi đang làm trên anh chị em tôi; hãy dừng lại những thú vui xác thịt dâm ô quá trớn; hãy dừng lại những lời lẽ giết chết anh chị em tôi từng ngày một; hãy dừng lại những cuộc chơi trác táng; hãy dừng lại đôi bàn tay nham nhúa dầy vò trên những tấm thân yếu đuối vì cuộc đời đưa đẩy; hãy dừng lại cách sống giả dối của phường đạo đức giả; hãy dừng lại những sự lợi dụng vì danh Đức Chúa mà lừa gạt anh chị em; hãy biết ăn năn sám hối và tìm đường trở về cùng Chúa là Đấng luôn yêu thương con cái nhân loại của Ngài. Để đem tình yêu chân thật của Chúa đến cho mọi người, để Chúa sẽ dùng chúng ta làm khí cụ hữu dụng cho chương trình của Ngài được hoàn tất trên trần gian này, và để ngày Chúa quang lâm thì mọi người khắp mọi nơi từ phương đông cho đến phương tây, sẽ được Chúa thưởng ban cho Nước Trời, sống muôn đời thiên thu hạnh phúc bên cạnh Ba Ngôi Thiên Chúa.

Tôi nghe rất nhiều người thường đến với Chúa để than thở ỉ ôi và khẩn cầu với Ngài tha thiết lắm! Rằng sao những lời của họ van xin không được Thiên Chúa chấp nhận và ban ơn? Tôi cũng được biết có rất nhiều người họ không có bền tâm chí trong những gì họ đã xin với Chúa. Họ dễ ra thất chí. Họ dễ than trách. Họ dễ ra nản lòng. Họ dễ ra chai đá và kiếm cớ để làm những điều tội lỗi và đổ thừa rằng tại vì Chúa không ban cho họ những gì họ xin, nên buộc lòng họ phải làm những điều phạm lỗi cùng Chúa, cho dù việc làm đó là phạm tội trọng, nhưng họ vẫn lao thân vào mà làm những điều bất chính đó để được thỏa mãn gấp những điều họ ham muốn và thích có.

Mùa Chay giúp cho tôi tu luyện thêm về đức tin. Mùa Chay giúp cho tôi hiểu thêm về tín lý và giáo điều của Chúa. Mùa Chay giúp cho tôi cứng rắn hơn nữa để không chìu theo thân xác yếu hèn đầy tội lỗi này! Mùa Chay giúp cho tôi hướng lòng lên với Chúa nhiều hơn. Vâng, Mùa Chay là dịp giúp cho tôi hiểu hơn về cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Vì ai mà Ngài đã phải xuống trần? Vì sao mà Ngài đã phải chịu chết trong nhục nhã trong đớn đau tột cùng? Vì ai và với mục đích gì mà Chúa Giêsu đã tỏ lộ sự phục sinh của Ngài cho môn đệ của Ngài được thấy và được chứng kiến?.

Ai đã hiểu được trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa? Ai đã hiểu được sự lựa chọn một cách điên rồ của Ngài muốn chết cho nhân loại mang đầy tội lỗi? Ai đã cảm thông được cái giá Ngài phải trả vì quá yêu nhân loại? Ai, ai trong con người có trí hiểu biết để hiểu tường tận vì sao mà Ngài là Con Một Thiên Chúa Cha, lại muốn xuống thế làm người, chịu nạn chịu chết mà chuộc tội cho thiên hạ? Có phải trí hiểu biết hạn hẹp của con người chỉ hiểu được rằng vì Chúa yêu con người, có thế thôi không? Và có phải hiểu được như thế ắt đã đủ cho cái chết tang thương của Ngài????

Con người của chúng ta quả thật chỉ luôn sống trong tâm tình vô ơn và bội bạc. Chúng ta thường chỉ chạy đến Ngài qua sự xin xỏ, đơn thuần thật chỉ có thế! Nếu được Ngài ban cho thì Ngài chỉ nhận được một tiếng cám ơn rối rít rồi thôi! Sau đó chúng ta lại tiếp tục xin nữa! Nếu được tiếp thì vui vẻ đi nhà thờ, xem như đi xem lễ là hình thức đáp trả cho Chúa rồi đó! Còn không thì không thèm đi nhà thờ vì Chúa đã không ban cho mình những điều mình muốn. Rồi thì lại chạy theo cái con đường cũ đầy tội lỗi mà không cần gì đến Chúa nữa! Vì Chúa quá eo hẹp đối với những điều xin của mình, bởi nghĩ Chúa quá hà tiện, xin có thế mà Chúa cũng chẳng cho? Con đâu có xin gì nhiều chỉ cần Chúa cho con được căn nhà đẹp. Có vợ đẹp, con ngoan. Chiếc xe xịn láng để đi chơi. Công ty thì lúc nào cũng thành công theo như ý muốn. Xin cho trả được hết nợ hết nần. Đấy, như vậy có là bao nhiêu trong quyền năng của Chúa chứ!? Thế mà Ngài chẳng ban cho con được theo ý muốn ư!?

Quả thật cho đến ngày hôm nay, chúng ta vẫn thấy nhan nhãn những con người đến nhà thờ như là cái nợ, chứ chẳng phải có tâm tình muốn được đến với Chúa. Đến nhà thờ thì để dòm ngó người nọ người kia? Đến nhà thờ để quan sát để phê bình? Đến nhà thờ vì sợ mang tội bỏ Lễ ngày Chúa Nhật. Đến nhà thờ là để được diện quần diện áo? Đến nhà thờ là vì ý riêng. Đến nhà thờ thì đứng mãi tận cuối sân chứ có phải đến là vì Chúa đâu!? Tội nghiệp cho Chúa của tôi. Cả bao nhiêu thế kỷ nay con người vẫn không thay đổi??

Nói thì nói thế, để Chúa hiểu được lòng dạ con người của chúng con, nhưng có phải Chúa chỉ muốn đến với những ai đang bệnh hoạn? Có phải Chúa chỉ thương những ai yếu hèn và bại liệt? Bại liệt từ trong tâm thần, tâm hồn, cho đến thân xác? Bại liệt và bất toại trong tội lỗi của chúng con? Có phải Chúa đến để tìm kiếm những con chiên lạc? Có phải Chúa đến đễ chữa lành thân xác bị quỷ nhập của chúng con? Có phải Chúa đến để đem những phường thu thuế, gái điếm, và tất cả những con người tội lỗi trở về với Chúa? Và lậy Chúa con cũng không ngoại lệ, vì con thật là con chiên lạc đã được Chúa mang trở về băng bó và thương yêu hết mực hay không? Có phải con cũng là đứa con hoang đàng ăn chơi trác táng, phung phí nay chỉ còn là tấm thân tàn tạ, được Chúa đón trở về trong bàn tay yêu thương tha thứ?

Lậy Chúa Giêsu!

Mùa Chay năm nay, xin cho chúng con biết trở về, khao khát tình yêu của Chúa, mà chúng con đã đánh mất từ lâu. Chúa ơi! Xin cho chúng con biết ngoài Chúa ra, chúng con bất lực, không làm được gì nếu không có Chúa. Chúng con ngu lắm Chúa ơi! Cứ tưởng tài năng và tiền của chúng con có, sẽ cho chúng con hạnh phúc. Chúng con không biết rằng tất cả những thứ phù du ấy, chẳng khác nào như cơn gió thoảng, như một cái chớp mắt, như tòa nhà cao ốc xẩy ra ngày 911 trước đây. Có phải tòa nhà cao ốc đó toàn là những con người giầu tiền lắm của, nhưng ai trong số đó đã biết được chữ ngờ? Rồi thì Chúa đã cho chúng con nhìn thấy rõ bao nhiêu con người đã mất bao nhiêu của cải trong những trận bão tố những năm vừa qua xẩy ra trên khắp cùng thế giới. Và muôn đời chúng con vẫn luôn chứng kiến những con người ra đi bất đắc kỳ tử không kịp trao lại một lời trăn trối cho gia đình cho người thân yêu.

Xin cho chúng con biết giá trị của một con người đối với một con người, bởi chẳng có ai giầu đến ba họ, và cũng chẳng có ai khó đến ba đời, nên ăn ở sao cần thiết nhất là luôn sống đẹp lòng Thiên Chúa và được mọi người yêu mến, thì Nước Trời của những anh chị em này là ngay trong lòng trong tâm hồn của họ và Thiên Đàng là ngay tại thế gian này chứ chẳng phải đợi cho đến khi Chúa đến. Và Tình Yêu của Chúa cũng luôn hiện diện trong tâm hồn, trái tim, và trong cuộc đời của họ từng ngày một. Hãy luôn sống tha thứ cho anh chị em, để cũng được Chúa tha thứ tội cho chúng ta. Amen.

Tuyết Mai
 
Cám dỗ được xức tro
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
13:15 24/02/2009
Thứ Tư Lễ Tro

Vừa đọc cái tựa bài viết, hẳn nhiên không ít người phân vân tự hỏi: người viết có ấm đầu chăng hay người viết đã lạc đạo ? Để có thể phân bua hay gọi là giải thích cho nổi thắc mắc thường tình trên, xin được cùng nhau xem xét một vài hiện tượng rất phổ biến trong sinh hoạt nhà đạo chúng ta. Đó là việc người người tranh nhau hôn kính Thánh Giá Chúa ngày Thứ Sáu tuần Thánh và người người đua nhau đến để được xức chút muội than trên đầu vào ngày Thứ Tư Lễ Tro, ngày khởi đầu mùa Chay thánh.

Nói rằng người người thì cũng chẳng hàm hồ, vì ngay một trong những hình ảnh của Nước trời mà Chúa Giêsu đã từng ví là các bé thơ trong trắng vẫn được bố mẹ hay anh chị bồng đến để lãnh nhận chút tro hay được bố mẹ “dí mũi” vào tượng chuộc tội để chúng được hôn chân Chúa. Nói rằng người người thì cũng chẳng là phóng đại theo hình thái văn chương ngoa ngữ, vì không ít người đang ngần ngại đến toà cáo giải nhưng vẫn không thể bỏ việc hôn chân Chúa hay cúi đầu nhận tro. Vậy thử hỏi cớ nguyên nào có các hiện tượng ấy ? Xin được mạo muội vạch ra một vài lý do, cho dù chưa hẳn là xác đáng nhưng hy vọng có thể giúp chúng ta suy nghĩ thêm chút gì.

1.Tâm lý chung thường xem cái gì hiếm thì quý: Mỗi năm chỉ một lần được hôn chân Chúa giữa cộng đoàn. Cũng thế mỗi năm chỉ một lần cử hành nghi thức xức tro. Tượng chuộc tội, có thể nói là không còn hiếm với ngày nay. Đã là Kitô hữu Công giáo thì hầu như nhà nào cũng có tượng chuộc tội vì dư khả năng để mà có. Các tượng đời mới lại xem ra có mỹ quan hơn so với trước đây. Trừ một số người có thói quen đạo đức, thì ít có ai “hôn Chúa” dăm bảy lần trong năm chứ đừng nói gì là hằng ngày. Cái tượng mà hằng năm được trưng ra để tín hữu hôn chân vẫn để hay treo đâu đó trong phòng thánh, nhưng thử hỏi có mấy ai đến “hôn chân” ngoài ngày Thứ Sáu tuần thánh.

Giả như nghi thức xức tro diển ra hằng ngay hay hằng tuần, giả như nghi thức “hôn chân Chúa” cũng được cử hành hẳng tuần hay hằng ngày thì chắc chắn có chăng chuyện người người tranh dành nhau vì không thể bỏ ?

2.Tâm lý không muốn bị mất phần trong những sự gọi là của chung: “Một miếng giữa làng bằng cả sàng trong bếp”. Câu ngạn ngữ này dù chưa phản ánh cách sít sao nhưng cũng nói lên cái tâm lý không muốn bị mất phần. Đêm tiệc ly, khi Chúa Giêsu nói với Phêrô rừng nếu không để Chúa rửa chân thì sẽ không được dự phần với Người thì dù chẳng biết là phần gì, Phêrô đã sợ mất phần nên vội xin không chỉ rửa chân mà rửa cả tay và đầu ! ( x. Ga 13,6-11 ). Trong một cuộc họp hay hội chung, có phát một tờ giấy tài liệu đơn giản, nếu mình không có thì cũng cảm thấy thiếu thiếu gì đó. Đúng là chuyện bình thường kiếp người cho dù bản thân là linh mục hay tu sĩ.

3.Tâm lý muốn biểu hiện tâm tình cách chung chung, như mọi người: để biểu lộ tâm tình sám hối cách chung chung như lên chịu chút tro thì hầu như rất dễ thực hiện. Vừa nhanh, vừa chẳng cần xưng thú điều gì cách cụ thể, thì việc chịu tro đã trở thành “một cám dỗ” khó bỏ qua. Giả như Hội Thánh thay đổi hình thức lãnh nhận bí tích hoà giải bằng việc chịu tro thì người người, nhà nhà sẽ nô nức lãnh nhận “bí tích hoà giải kiểu này” hằng ngày không chừng. Cái tâm tình chung chung tuy vẫn có tác dụng của nó nhưng hiệu quả thì hạn chế và chóng qua. Sám hối là để đổi thay, không biết có được bao nhiêu người nhận tro bày tỏ sự sám hối đã có được quyết tâm thay đổi ? Yêu mến Chúa là để dõi theo chân Chúa, nên một với Chúa, sống như Chúa sống. Không biết có được bao nhiêu người bày tỏ sự mến yêu Chúa qua việc hôn chân Chúa đã có được nỗ lực đi theo chân Chúa, sống và yêu thương như Chúa đã sống và yêu thương ?

Mùa chay thánh lại về. Các nghi thức, nghi lễ, các cách thức sống đạo được lập ra nhằm giúp ta sám hối ăn năn, thay đổi cuộc sống như xức tro, ăn chay, hôn chân Chúa, ngắm đàng Thánh giá, ngắm nguyện các sự thương khó Chúa Giêsu…quả là tốt đẹp đáng trân trọng và phát huy. Những tâm tình đạo đức vốn có giá trị và chỗ đứng của chúng trong đời sống đạo, đời sống đức tin. Tuy nhiên, lời dạy của Mẹ Hội Thánh về việc tôn kính Đức Maria chắc chắn cũng không thể sai khi áp dụng với những hình thức đạo đức của mùa Chay. “Các tín hữu hãy nhớ rằng lòng tôn sùng chân chính không hệ tại ở tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại ở một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật…” ( GH 67 ).

Chước cám dỗ luôn có đó. Ma quỷ như sư tử luôn rảo quanh chúng ta như tìm mồi cắn xé. ( x. 1P 5,8 ) Chước cám dỗ mà ẩn sâu trong các hình thức đạo đức thì lại càng khó nhận diện để chống trả. Nếu chỉ hài lòng với một vài tình cảm đạo đức như “thấy thương Chúa”, “thấy mình là kẻ tội lỗi”…mà thôi chứ không thay đổi cuộc sống để nên tốt hơn, quảng đại hơn, thánh thiện hơn…thì cũng rất dễ sa chước cám dỗ. Quả thật, những câu chuyện thật như bịa “cười ra nước mắt” về việc sống đạo mùa chay vẫn chưa có hồi kết.

“Tên kia, đứng lại, lấy tiền ra, nộp ông đây.” Cha thánh Gioan Vianey nhân một buổi đi kẻ liệt trong ngày thứ Tư Lễ tro về, cảm thấy có cái gì lành lạnh như con dao nhọn dí ở sau lưng, ngài nói: “Tôi không có tiền, nhưng hôm nay trời lạnh qua, mời anh điếu thuốc.” “Ồ, xin lỗi cha, trời tối quá, con không nhận ra cha. Xin cám ơn cha, hôm nay thứ Tư lễ Tro, ngày ăn chay, con không dám hút thuốc, kẻo phá chay.”

Một chuyện khác: “Sao chúng con đánh nhau ?” Cha xứ hỏi hai thiếu niên. “ Một em thút thít trả lời: “Thưa cha, bạn ấy dành hôn chân Chúa, xô con té”.

Lại một chuyện khác nữa: Đêm thứ Tư lễ tro, cha xứ thấy đèn một phòng học giáo lý còn sáng, ngài đến để tắt đèn bổng thấy năm, sáu giáo lý viên còn ở đó. “Sao giờ này chúng con còn ở đây ? Họp hành gì khuya thế ! “ Thưa cha - Một giáo lý viên gãi đầu thú nhận - dạ chúng con chờ đồng hồ điểm 12 giờ đêm để nhậu mà khỏi phá chay.” Cha xứ chào thua, tuy nhiên, vốn quá cẩn thận việc giữ luật, ngài căn dặn: “Nhưng cha cấm chúng con không được vặn đồng hồ chạy nhanh đó nghen, nhanh một phút cũng không được !”. Chuyện mùa chay còn tiếp…
 
Hỡi người là tro bụi
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
14:04 24/02/2009
THỨ TƯ LỄ TRO, năm B

Mt 6, 1-6.16-18

Mỗi năm vào thứ tư lễ tro để khai mạc mùa chay thánh đều gợi cho tôi những kỷ niệm khó phai mờ. Sở dĩ tôi có nhiều kỷ niệm bởi vì mỗi tuổi lễ tro lại giúp tôi hiểu rõ hơn thân phận làm người và thân phận bụi tro của mình. Những lời: ” hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro, một mai này sẽ trở về bụi tro “ đã trở nên gần gũi và hầu như rất quen thuộc với mỗi Kitô hữu. Đây là lời nhắn nhủ mọi Kitô hữu hãy có tâm tình thống hối ăn năn, ý thức thân phận yếu hèn, tội lỗi của mình mà còn khơi lên nơi mỗi Kitô tâm tình hồi tỉnh, quay trở về với Thiên Chúa tình thương đang chờ đón họ.

TRỞ VỀ VỚI CHÚA CHA: Trong cõi sâu thẳm của tâm hồn mỗi Kitô hữu đều có một mẫu số chung là sống hạnh phúc. Tuy nhiên, hạnh phúc không tự con người tạo ra được. Nhưng duy chỉ có Thiên Chúa tình thương mới làm con người thỏa mãn những ước mong, mới khỏa lấp được tất cả mọi sự, mới làm cho con người được tràn đầy hạnh phúc và vui sướng.Bởi vì, Thiên Chúa là người Cha nhân từ, luôn chạnh lòng xót thương. Chỉ mình Ngài mới ân cần, thúc bách con người bỏ đàng tội lỗi để trở về với Ngài.Tội lỗi làm con người xa Chúa, làm con người trở nên gian tham,ích kỷ, sống nhỏ nhen.Thiên Chúa là nguồn sống, nguồn sống vĩnh cửu, là hạnh phúc vô biên.Như người con hoang đàng thật lòng trở về, người Cha mở rộng vòng tay để ôm ấp người con, tạo cơ hội cho người con sống tốt, sống đẹp hơn. Và chính Thiên Chúa đã sai Con của Ngài đến trần gian để dẫn đường đưa con người về với Chúa Cha. Chúa Thánh Thần là sức mạnh, là ơn khôn ngoan, sự soi sáng để giúp con người khám phá ra tình yêu vô biên của Thiên Chúa Cha.

HỠI NGƯỜI LÀ TRO BỤI: Lời ca vang lên trong ngày thứ tư lễ tro nhắc nhở mọi người về thân phận tro bụi của mình. Lời này gợi lên cho mọi người hay rằng con người được Chúa dựng nên theo hình ảnh của Người, do đó, con người phải sống đời sống của Thiên Chúa.Ý thức thân phận mỏng dòn của mình, người Kitô hữu muốn cho con đường của mình được trong sáng, nở hoa, họ phải chay tịnh, sám hối, thật lòng quay trở về với Thiên Chúa, đồng thời họ phải xây dựng những con đường trong sáng như hòa giải, chia sẻ, hòa giải với anh em, đặc biệt đối với những người nghèo khó, thấp cổ bé họng, những người neo đơn, góa bụa và những người gặp những thử thách ở trần gian này.

Ý NGHĨA CỦA BÀI TIN MỪNG HÔM NAY: Bài học Chúa dạy thật rõ ràng: theo thói thường ở đời, bất cứ con người làm việc gì, kể cả những việc đạo đức như ăn chay, bố thí, cầu nguyện, chúng ta thường thích được người khác biết, để ý và khen ngợi. Tuy nhiên, Chúa bảo chúng ta không được làm với ý hướng đó, nhưng phải có ý ngay lành. Bởi vì, những việc đạo đức hoặc những việc khác, chúng ta làm có ý khoe khoang, phô trương công đức trước mặt người đời, nếu chúng ta đã được khen ngợi, đề cao thì chúng ta cũng chẳng có công phúc trước mặt Thiên Chúa. Chính vì thế, dù công việc nhỏ mấy đi nữa chúng ta làm vì Chúa, cũng được Chúa ghi công. Còn việc nào chúng ta làm dù lớn mấy đi nữa mà làm vì hư danh, cũng chẳng có công phúc nào trước mặt Thiên Chúa.

ÁP DỤNG VÀO THỰC TẾ: Ngôn sứ Isaia nói về việc ăn chay đích thực:” Đó là chia sẻ cơm bánh cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ, thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục “ ( Is 58, 7 ). Những hoàn cảnh ngôn sứ Isaia mô tả ngày xưa, chúng ta vẫn thường gặp ngày hôm nay và nhiều nơi trên thế giới còn có những hoàn cảnh bi đát hơn thế nữa. Do đó, ý thức thân phận bọt bèo, mỏng dòn của con người, chúng ta phải quyết tâm sống bác ái, sống yêu thương như Chúa đã yêu.Mọi Kitô hữu hãy trao tặng cho thế giới nụ cười và tình bác ái của những con người đã được Chúa cứu chuộc bởi cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu và sống lời của Chúa: ” Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng “. Amen.
 
Thư Mục Vụ Mùa Chay 2009 của đức Giám mục Kontum
+ GM Micae Hoàng Đức Oanh
14:21 24/02/2009


Số 18/VT/’09/Tgmkt

THƯ MỤC VỤ MÙA CHAY 2009

Boston - Massachusetts - USA, ngày 24 tháng 02 năm 2009

Anh chị em thân mến,

Mùa Chay đã tới. Mùa chuẩn bị tâm hồn để cùng sống biến cố Vượt Qua của Chúa Giêsu. Chúng ta cùng suy niệm và giúp nhau sống Mùa Chay cách tích cực và hữu hiệu.

1. MẦU NHIỆM VƯỢT QUA

Thiên Chúa tạo dựng con người và cho con người chia sẻ sự sống của Ngài, nhưng vì nghe lời satan xúi giục, với tham vọng "muốn bằng trời" nên con người đã không tuân giữ lệnh Chúa truyền. Tội kiêu căng ngạo mạn này đã ăn sâu trong mọi con người suốt dòng lịch sử. Mùa Chay, mùa “chữa trị con người”, mùa “phục hồi lại tình bạn với Thiên Chúa”, mùa “thi hành ý Chúa”, mùa giúp “mở mắt” thấy đám đông anh chị em chung quanh đang đói. Đói của cải vật chất, đói kiến thức, đói tình thương và đói lòng tin. Mùa chay là Mùa đặc biệt nhắc nhở và giúp chúng ta "trở lại" đúng địa vị của con người được tạo dựng theo hoạ hình của Thiên Chúa, đúng địa vị trong mọi tương hệ với Thiên Chúa là Cha, với mọi người là anh chị em, với vũ trụ tạo thành là người quản lý. Con người, vì thế, chỉ là người quản lý chứ không phải là người chủ của vũ trụ. Chỉ có Chúa mới là Đấng làm chủ duy nhất và độc nhất. Tội là hành động và tình trạng phá huỷ mọi tương hệ hài hoà lành thánh này. Thánh là được sống trong mối tương hệ chân thành và thân thiết này. Vì thế, Chúa Giêsu đã đưa ra 3 việc cụ thể để giúp chúng ta “quay lại địa vị ban đầu khi được tạo dựng”: Ăn chay, cầu nguyện và chia sẻ hay “trả món nợ với Chúa”.

2. MÙA CHAY, MÙA HÀNH ĐỘNG

Mùa Chay, mùa hành động. Từ ý thức bước qua hành động với 3 việc rất cụ thể trong Mùa Chay mà chính Chúa Giêsu đã đề cập tới: ăn chay, cầu nguyện và chia sẻ.

2.1. Ăn Chay: Ăn chay là hành động bớt ăn uống, bớt chi tiêu trong Mùa Chay nhờ đó con người biết tỉnh thức, mở lòng mở trí hướng về Thiên Chúa và biết dang tay đón tiếp giúp đỡ tha nhân. Ăn chay là thay đổi con người thoát khỏi tính ích kỷ, để cho tâm hồn, trái tim và cả con người biết quay về với Chúa và với tha nhân, cách riêng người nghèo khó. Vì người nghèo cũng là người, nên họ có quyền sống đúng phẩm giá con người và được chia sẻ của cải vật chất mà Thiên Chúa đã trao cho con người quản lý. Từ năm 2007, 115 triệu người đã gia nhập thêm vào hàng ngũ những người nghèo đói và nâng con số người nghèo trên thế giới lên gần 1 tỷ người (X. Catholic Advance, The Offical Newspaper of the Docese of Wichita, Freb 6, 2009, p.1).

2.2. Chia Sẻ: Thánh Phêrô Kim ngôn đã viết: “Chay tịnh là hồn của lời cầu nguyện, lòng thương xót là máu đem lại sự sống cho chay tịnh. Vì thế nếu bạn cầu nguyện, hãy ăn chay; nếu bạn ăn chay, hãy tỏ lòng thương xót; nếu bạn muốn lời cầu xin được lắng nghe, hãy lắng nghe lời cầu xin của kẻ khác. Nếu bạn không bịt tai trước kẻ khác, bạn mở được tai Thiên Chúa cho chính bạn” (Sermo 43: PL 52, 320. 322) (trích từ Sứ Điệp Mùa Chay 2009, ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVI). Như thế, Chay tịnh dẫn theo việc chia sẻ của cải vật chất cũng như không vật chất cho tha nhân theo đúng chương trình yêu thương của Thiên Chúa; Chay tịnh còn đưa con người đến nhận thức rõ hơn về tình trạng bất công chung quanh và trên thế giới; và Chay tịnh cũng giúp con người nhận thức trách nhiệm về tình trạng nghèo đói ngày nay. Từ nhận thức tới trách nhiệm, từ trách nhiệm tới hành động thiết thực và cụ thể.

2.3. Cầu Nguyện: Việc chia sẻ được ánh sáng đức tin soi sáng cho con người biết đặt mình vào đúng tương quan với Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành. Cầu nguyện cung cấp ánh sáng xuyên suốt cho thấy đầy đủ tương quan ba chiều với Thiên Chúa quyền năng, giàu lòng thương, với tha nhân đều là anh chị em và với vũ trụ tạo thành đều là của chung. Mùa chay là thời gian đặc biệt giúp việc cầu nguyện trở nên sốt sắng và sinh động hơn bao giờ hết, nhất là vào thời điểm Tuần Thánh với biến cố Tiệc Ly, Tử Nạn, và đặc biệt chứng kiến biến cố Phục Sinh của Chúa Giêsu. Chứng kiến các biến cố đó, làm sao con người lại không được biến đổi nên “con người mới”, nên con người “mặc lấy chính Đức Kitô”, để “có được tâm tình như Đức Kitô…” (x. Pl 2,6-11).

3. MẦU NHIỆM HIỆP THÔNG

Anh chị em thân mến,

Câu hỏi đặt ra cho chúng ta là sống Mùa Chay sao cho thật cụ thể và hữu hiệu, vì chúng ta đều là chi thể của nhau trong trong một Thân Thể duy nhất là chính Chúa Giêsu? (x. Cv 2,37). Trong Sứ Điệp Ngày Hoà Bình Thế Giới năm 2009, Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI đã đưa ra chủ đề “Chống nghèo đói, xây dựng hoà bình” mà Giáo phận đã chọn làm tài liệu sống của Năm nay. Tinh thần hiệp thông đòi hỏi chúng ta có thể làm gì?

Sau đây là một vài gợi ý với toàn thể gia đình Giáo phận:

3.1. Cùng nhau tìm hiểu để thấy rõ cảnh nghèo khổ trong cộng đoàn cũng như xã hội chung quanh và cùng nhau tìm cách giải quyết thiết thực như việc ăn, ở, môi trường sống hay nghề nghiệp nhằm cải thiện và nâng cao cuộc sống của anh chị em mình.

3.2. Nhưng đừng quên, trên đây mới chỉ là cái nghèo vật chất. Còn cái nghèo không vật chất nữa - cái nghèo kiến thức, nghèo đạo đức, nghèo lòng tin và nhất là nghèo tình thương. Đây mới thật là cái nghèo khủng khiếp. Như lời Thiên Chúa đã phán qua miệng ngôn sứ Amos: "Nầy đây sẽ đến ngày Ta gửi đói khát đến trong xứ, không phải đói cơm bánh, cũng chẳng phải là khát nước, nhưng là đói nghe Lời Chúa” (Am 8,11). Chính Chúa Giêsu cũng đã nói: “Con người không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Còn Đức Thánh Cha Bê-nê-đi-tô XVI nhắc bảo chúng ta trong Mùa Chay này thật cụ thể: “Vì thế ước chi mỗi gia đình và cộng đoàn kitô hữu biết tận dụng thời gian Mùa Chay này, để gạt bỏ một bên những điều gì gây lo ra cho tâm trí và tăng trưởng trong những điều nuôi dưỡng tâm hồn, hầu yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Tôi đặc biệt nghĩ tới một sự dấn thân lớn hơn cho việc cầu nguyện, lectio divina, chạy đến bí tích hòa giải và tham dự tích cực vào bí tích Thánh Thể, đặc biệt Thánh lễ ngày Chúa nhật. Với thái độ bên trong ấy, chúng ta hãy đi vào tinh thần sám hối của Mùa Chay.” (Bê-nê-đíc-tô XVI, Sứ Điệp Mùa Chay 2009, 11.12.2008).

Anh chị em thân mến,

Xin Thánh Thần Chúa soi sáng và dạy dỗ để chúng ta biết việc phải làm. Nguyện xin Thánh Thần Chúa giúp chúng ta đủ can đảm và khôn ngoan thực hiện điều chúng ta quyết tâm. Có Mẹ Maria cùng đồng hành với chúng ta trong suốt cuộc hành trình Mùa Chay này. Đây quả là việc làm thiết thực để chúng ta chào đón Đại Lễ Mừng 50 Năm thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam sẽ diễn ra vào năm 2010 sắp tới.

Thân ái chào anh chị em trong tình yêu của Chúa Kitô Khổ Nạn và Phục Sinh.

Giám mục Giáo phận Kontum
 
Các hành vi tôn giáo
Lm PX Vũ Phan Long, ofm
14:32 24/02/2009
Lễ Tro (Mt 6,1-6.16-18)

1.- Ngữ cảnh

Sau khi đã đề cập đến các quan hệ với kẻ khác (quan hệ hàng ngang: x. Mt 5,21-48), Đức Giêsu xác định cách thức đúng đắn phải theo mà thiết lập quan hệ với Thiên Chúa Cha (quan hệ hàng dọc: x. 6,1-18). Ba ví dụ về các hành vi tôn giáo được nêu ra: bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Đây là ba tập tục đạo đức truyền thống của Do-thái giáo.

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành bốn phần:
1) Nguyên tắc chung (6,1);
2) Ba việc đạo đức (6,2-6.16-18):
a) Bố thí (cc. 2-4),
b) Cầu nguyện (cc. 5-6),
c) Ăn chay (cc. 16-18).

Ba đoạn được kết cấu như nhau, thành hai cách song song: lệnh truyền tiêu cực – động lực – phần thưởng; lệnh truyền tích cực – động lực – phần thưởng. Các đoạn này có cùng những điểm tương phản như nhau: công khai / ẩn giấu; để người ta thấy / để Chúa Cha thấy; phần thưởng đã nhận / phần thưởng sẽ nhận từ Chúa Cha.

Cấu trúc này khiến ta thấy ý hướng của đoạn văn không nhắm khuyến khích thực thi các vệic đạo đức ấy, nhưng là đề nghị cách làm tốt.

3.- Vài điểm chú giải

- để cho thấy (1): Động từ theaomai có nghĩa là trình diễn (như diễn kịch)

- bố thí (2): Eleêmosynê là phẩm chất của một người eleêmôn, người có eleos, lòng từ bi thương xót, thông cảm, đạo đức, tức đồng nghĩa với từ Híp-ri (k)hesed.

-Bọn đạo đức giả (2): Hypokritês có nghĩa là “diễn viên”. Người hypokritês diễn kịch, họ giả bộ chú ý đến Thiên Chúa, nhưng trong thực tế, họ đặt trọng tâm nơi bản thân: họ tìm cách được người ta khen ngợi, thán phục.

-trả lại (4): Bản hy-ngữ nói trống: apodôsei, “sẽ trả lại cho người ấy” (apo hàm ý có điều gì đó ràng buộc; một món nợ). Trong ngôn ngữ thương mại, đây là việc thành toán một hóa đơn.

-phòng (6): Tameion, “phong” đây, trong ngôi nhà Paléttina, là một thứ “buồng (để thực phẩm)” thường ở dưới hầm, không có cửa sổ tức cũng không có ánh sáng (x. Is 26,20; 2 V 4,33).

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Nguyên tắc chung (1)

Câu mở đầu này nối kết ch. 6 với 5,20: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn (dịch sát: “nếu sự công chính của anh em không dồi dào hơn) các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”. Trong Kinh Thánh, từ ngữ “sự công chính” (sedeqah) được dùng để tổng hợp các tương quan của con người với Thiên Chúa, đó là sự đạo đức, tôn giáo tính, đức tin.

Vị Thiên Chúa của Đức Giêsu là Người Cha (3,17; 5,16.45; 6,1.4.6.8.9.14.15.18; 7,11.21). Các tương quan với Ngài phải mang dấu ấn là sự tín tưởng, tín nhiệm, nhất là sự chân thật. Ngài là Đấng không thể bị lừa dối bởi những chuyện bề ngoài, đóng kịch. Trước nhan Ngài, điều đáng kể là các hành vi chứ không phải là các lời nói. Sự trong sáng, sự chân thật không những là đặc tính của các tương quan với Thiên Chúa mà còn với cả anh chị em đồng loại nữa. Lời khuyên Đức Giêsu ban cho các môn đệ là “đừng phô trương công đức (= dịch sát, “làm sự công chính, dikaiosynên”) trước mặt (pros) người ta, để hòng được họ thấy (theathênai)” (x. cha Nguyễn Thế Thuấn). Người không nhắm đến các việc làm mà là ý hướng. Làm các hành vi phụng tự hoặc các điều Luật đòi hỏi để được người ta thấy có nghĩa là hành động để nhận lời khen và tiếng vỗ tay của họ. Làm như thế là nhắm tới danh thơm tiếng tốt của mình. Đây là một thứ tôn giáo giả danh, nhắm trình diễn (theaomai), thì trống rỗng, vì phá hỏng giá trị của việc làm.

Do-thái giáo quy định nhiều việc thực hành đạo đức. Mt nêu ra ba hành vi tiêu biểu của “sự công chính” của người Israel đạo đức: bố thí (6,2-4), cầu nguyện (6,5-6) và ăn chay (6,16-18).

* Ba việc đạo đức (2-6.16-18)

Cần ghi nhớ hai cách thực thi: 1) “để được người ta thấy” và “được họ khen ngợi” (cc. 2.5.16); đó là cách của bọn “đạo đức giả”; 2) trong quan hệ thân tình với “Chúa Cha, Đấng thấy trong nơi bí ẩn” (cc. 4.6.18); đây là cách Đức Giêsu chờ đợi các môn đệ theo.

Một hành vi thực hiện trước nhan Chúa Cha “nơi kín đáo: (cc. 4.16.18) không có nghĩa là một “hành vi bí mật”, mà là bất cứ hành vi nào, kể cả hành vi công khai, được thực hiện trước nhan Chúa Cha, Đấng “thấy trong nơi kín đáo”, nghĩa là Đấng thấu suốt ý hướng sâu xa nhất của các con tim.

a) Việc bố thí (cc. 2-4). Bố thí là việc làm “công chính” theo phép cải danh, tức là thay vì nói là “bố thí”, người ta nói là “sự công chính”. Lý do: sự bất bình đẳng trong xã hội trên đất nước Paléttina đặc biệt sau Lưu đày đã khiến người ta hiểu sự công chính-từ bi thương xót ưu tiên theo nghĩa là “bố thí” (x. Xh 22,20-26; 23; Lv 25; Đnl 15; Hc 29,1tt). Việc bố thí càng trở nên quan trọng hơn với các ngôn sứ và các bậc hiền giả. Vụ việc của người nghèo được Thiên Chúa coi là vụ việc của chính Ngài. Việc bố thí nằm trên đường hướng của lễ hy sinh: nó xóa tội lỗi và cho con người xứng đáng nhận ơn cứu độ (x. Đn 4,24 (LXX); Hc 35,2). “Đừng … như bọn đạo đức giả thường làm”. Các hành vi mà người đạo đức giả làm không quy hướng về Thiên Chúa hoặc về sự thiện hảo của người thân cận, nhưng cho các quyền lợi riêng tư của người ấy, cho ti61ng tăm của riêng người ấy trước mặt người đời.nếu đó là động lực thúc đẩy người ấy hành động, người ấy khôngthể nhận được bất cứ phần thưởng nào từ phía Thiên Chúa. Người môn đệ Chúa Kitô phải bố thí theo cách ngược lại với bọn đạo đức giả, nghĩa là “đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (c. 3). Hình ảnh này không muốn nói là phải nhắm mắt lại khi biếu tặng một món gì, nhưng là phảicoi mình là xa lạ với chính các hành vi tốt lành của mình.

b) Cầu nguyện (cc. 5-6). Cầu nguyện trong Đền Thờ, tại hội đường và các nôi công cộng, riêng tư hoặc trong nhà, chiếm một phần quan trọng trong đời sống người Do-thái (x. Is 58,3-7; Er 2,4; Tb 12,8; Br 1,5). Không có giờ nào trong ngày mà lại khôngcó kèm theo một lời ngợi khen (chúc tụng) dâng kên Thiên Chúa. Tân Ước cũng nói đến đòi hỏi này (x. Lc 5,33; 1 Tx 5,17). Trong bài giảng này, Đức Giêsu cảnh giác các môn đệ coi chừng những méo mó mà sự đạo đức được tổ chức, nhất là đạo đức công cộng, có thể gặp. Bổn phận phải ngỏ lời với Thiên Chúa vào những lúc nhất định trong ngàyđã đưa người Do-thái đến những thái độ đạo đức (đứng, giang tay hoặc giơ tay, cúi mình, quý gối, phủ phục, v.v.) tại bất cứ nơi nào họ hiện diện, kể cả nơi công cộng.sự khoe khoang cũng có thể len lỏi vào trong lối hành xử chủ yếu thánh thiêng này. Bọn “đạo đức giả” không phải chỉ là những người giả bộ một kiểu đạo đức thực ra không có (x. Mt 22,18), mà còn là tất cả những ai, ý thức hay không ý thức, chỉ quan tâm đến hành vi bên ngoài, đến dáng vẻ bề ngoài, đến nghi thức. Họ nghĩ rằng khi mình làm tất cả những điều này đúng luật, thì Thiên Chúa phải coi là đã được phục vụ, cho dù ý hướng của người ta có đi tới tận đâu, hoặc chỉ nhắm cho được người ta nể trọng và ca ngợi. Đức Giêsu không hề có ý sửa đổi nghi thức Do-thái về cầu nguyện, nhưng chỉ gợi ra cách cầu nguyện đúng đắn khi bào là tránh sự khoe khoang, vụ hình thức, giả hình. Lời nhắc nhở của Người cũng ở trong chiều hướng của truyền thống ngôn sứ và khôn ngoan (x. Am 5,21-25; Hs 8,11-13; Mk 6,6-8; Gr 7; Ed 18; Is 58,1-12; Ge 2,12-13; v.v.). Lời Đức Giêsu bảo “vào phòng, đóng cửa lại” (c. 6) không phải là một lời dạy phải theo sát mặt chữ. Ai cầu nguyện trong tình cảnh ấy không chắc chắn là không bị hư danh thúc đẩy. Ngay cả trong thinh lặng của phòng mình, người ta vẫn có thể cầu nguyện như làm một hành vi ích kỷ. Đức Giêsu muốn nói là phải làm sao để không xóay vào mình nhưng là một gặp gỡ với Thiên Chúa. Khi đó, người ta có thể cầu nguyện nơi công cộng, với cộng đoàn, mà vẫn đạt mục tiêu là đối thoại thực sự với Thiên Chúa, cũng như có thể cầu nguyện riêng tư, nơi phòngh kín, àm vẫn không đạt mục tiêu. Dù sao “việc cầu nguyện ẩn giấu” vẫn giúp dễ đi tới tương quan thân tình với Thiên Chúa là Cha. Vì thế, Đức Giêsu có thể kết luận: “Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh”.

c) Ăn chay (cc. 16-18). Ăn chay là một cách quan trọng để thực hành “sự công chính” cũ và mới. Kiêng cữ các thực phẩm nhiều ngày, nhiều tuần, là điều quen thuộc trong thế giới Do-thái. Nếu tính theo ngày, có thể ăn chay từ một đến 40 ngày; nếu tính theo tuần, có thể ăn chay từ một đến ba tuần. Kể từ thời Lưu đày, người ta tăng thêm các thời gian ăn chay hàng năm (Ngày Lễ Xá tội, Kỷ niệm tàn phá Đền Thờ; các tai họa công cộng; v.v.. Xem Dcr 7,3.5; 8,19; Er 4,16; Nkm 9,1). Ngày chay nổi tiếng là ngày Kippur (Lv 16,29; 23,27-32), vì việc ăn chay có kèm theo các nghi lễ nhằm nêu bật ra bên ngoài ý nghĩa thống hối của nó: than vãn, gào khóc, mặc các bộ áo thô hèn, rắc bụi và tro lên người, bỏ các quan hệ vợ chồng, bỏ săn sóc thân thể, bỏ tắm rửa, xức dầu thơm, không đi giày, không chào hỏi, ngủ trên đất, tham dự các buổi hội họp phụng vụ. Những người đạo đức ăn chay mỗi tuần hai lần. Việc ăn chay hạ thấp con người và tiêu diệt các khát vọng vô trật tự của họ, như thế, nó thanh luyện, xá tội, ban ân huệ (x. 1 Sm 7,6; 2 Sm 12,6; 1 V 21,27; Gr 36,9; Ge 1,13-14; 2,15; Gn 3,7; Er 8,21-23; Đn 9,3; Tb 12,8; Et 4,16; Tv 35,13; 69,11; v.v.).

Đức Giêsu khôngkết án việc ăn chay nhưng cách thức đôi khi người ta theo để ăn chay. Thay vì diễn tả sự hạ mình của cá nhân, nó lại trở thànhmột cơ hội để tỏ mình ra với tính kiêu ngạo, tức hoàn toàn ngược lại với những gì việc ăn chay phải diễn tả ra. Thay vì là một hành vi thống hối và quay về với Thiên Chúa, nó lại là một khẳng định về tính khoe khoang. Sứ hoán cải chỉ có ở bề ngoài, không có thật; trái tim, tâm trí vẫn như cũ, vẫn còn xa Thiên Chúa. Việc ăn chay của người môn đệ, cũng như việc bố thí và cầu nguyện, phải làm kín đáo. Đức Giêsu không hề có ý đề nghị một lối sống thẩm mỹ thống hối, nhưng mời thính giả xét lại các ý hướng từng thúc đẩy họ làm các việc đạo đức. Rửa mặt, xức dầu thơm là những hành vi mở đầu chó lễ mừng hơn là cho ngày tang ma, nên chúng che giấu được các từ bỏ mà hối nhân bắt mình phải làm. Trong thực tế, người môn đệ ăn chay có thể giữ một thái độ mừng lễ bởi vì biết giá trị của việc thống hối của mình trước nhan Thiên Chúa. Do đó, người ấy xử sự như đi đến một bữa tiệc mừng.

Toàn bản văn này cũng mang một sứ điệp như đoạn 5,13-16: mọi lối xử sự của người Kitô hữu phải tỏ lộ Thiên Chúa ra và đưa đến chỗ tôn vinh Người, chứ không phải là một cơ hội để đưa mình ra mà khoe khoang hay tự mãn.

+ Kết luận

Người nào làm một hành vi tôn giáo mà nhằm một phần thưởng nhân loại trần thế, thì mất phần thưởng thần linh và vĩnh cửu. Người nào làm vì Thiên Chúa, nghĩa là cách nhưng-không, không tìm phần thưởng, thì được phần thưởng.

Toàn bản văn và văn cảnh (x. Mt 5,43-48; 6,9-13) mời ta nối kết đề tài phần thưởng với đề tài Chúa Cha và quna hệ Cha-con. Để đáp lại những hành vi nhân loại diễn tả hữu-thể-trước-Chúa-Cha, điều sẽ được ban, trước tiên đó là quan hệ đáp lại từ phía Chúa Cha. Các hành vi tôn giáo trung thực này sẽ sản siunh hoa trái bên trong: Thiên Chúa “đáp lại” quan hệ ta thiết lập với Người. Vậy có thể nói phần thưởng nằm ngay bên trong: nó chính là dự tăng trưởng quan hệ Cha-con.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Cách thức “sống sự công chính” theo Tin Mừng, là sự kín đáo, chiều sâu nội tâm của các ý hướng, quên mình và ưu tiên cho danh dự và quyền lợi của Thiên Chúa. Một đời sống tôn giáo giả danh, quy ngã, thì đã chiếm mất chỗ của sự đạo đức thật, chũ yếu là hướng thần. Đây là một sự đảo lộn vừa phi lý vừa nguy hiểm.

2. Khi bố thí, người Kitô hữu phải coi là mình ở xa chính mình đến nỗi mình không còn có thể phân biệt những gì mình đang làm. Đức Giêsu bảo chúng ta là phải tránh mọi ý ngầm khi làm hành vi lành thánh để bào toàn được tính cao siêu và ngay thẳng của việc giúp đỡ người anh em. Sự khác biệt cốt yếu giữa việc bố thí của bọn đạo đức giả và của người Kitô hữu là một bên làm “trước mặt loài người”, còn bên kia làm “trước mặt Thiên Chúa”. Bọn đạo đức giả thì lấy loài người làm thẩm phán đánh giá việc mình làm, còn Kitô hữu thì chờ đợi sự đánh giá của chính Thiên Chúa.

3. Xu hướng dụng-cụ-hóa việc cầu nguyện là sự méo mó khó giải thích nhất của sự đạo đức, bởi vì xu hướng này vận dụng vào mà phục vụ chính ta tất cả những gì chủ yếu thuộc về Thiên Chúa. Để cầu nguyện, không phải chỉ nhìn nhận Thiên Chúa cách lý thuyết là đủ, mà phải gặp gỡ Ngài, cảm nhận về Ngài, trao đổi trò chuyện với Ngài như với người bạn, một người cha, một đồng nghiệp. Nơi cô tịch không những giúp tránh khoe khoang, mà còn giúp thông giao với Thiên Chúa.

4. Việc ăn chay, cũng như mọi đau khổ khác, là một nguồn vui cho người ăn chay, bởi vì nó cho họ được đến gần Thiên Chúa hơn. Lời Đức Giêsu mời gọi hãy có một thái độ vui tươi thay vì u ám thảm sầu nhấn mạnh đến ý nghĩa chung cuộc của việc thống hối Kitô giáo: được chịu đau khổ là một ân huệ, thì được ăn chay cũng thế.
 
Ngày trở về của Con Người
Trần Doãn
15:13 24/02/2009
Trong đời mình Đức Giê-su đã thực hiện nhiều phép lạ lớn lao để xoa dịu một số nhọc nhằn đau thương của con người. Ngài chữa lành đủ loại bệnh hoạn tật nguyền. Người mù được thấy, điếc được nghe, câm được nói, què được đi, phong hủi được sạch, thậm chí đã chết rồi mà vẫn còn được sống lại. Người chỉ cần giơ tay ra bẻ bánh thì 5 ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và con nít, được một bữa ăn no nê (x. Ga 6, 5-15). Một con người quyền năng và nhân ái như thế rất xứng đáng được nhân dân ngưỡng mộ và tôn làm vua. Nhưng đó đâu phải là con đường cứu thế của Người. Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình (Ga 6,16).

Đối với Đức Giê-su chỉ có hai điều quan trọng tuyệt đối mà Người thường nghiêm túc đề cập đến. “Thầy ra đi và đến cùng anh em” (Ga 14,28). Điều đầu tiên là Người phải ra đi. Ra đi trong một cái chết vô cùng đau đớn và ô nhục trên thập giá. Điều này hoàn toàn trái ngược với kỳ vọng của các môn đệ. Ngay cả tông đồ trưởng Phê-rô còn muốn can ngăn và dạy khôn cho Người. Lập tức Người mắng ông một cách nặng nề, gọi ông là Sa-tan (x. Mt 6,23). Cuộc ra của Người sẽ mang về một ích lợi lớn lao hơn cho người tin: được tràn đầy Thần Khí. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em (Ga 16,7). Quan trọng nhất, Người phải ra đi vì đó là ý muốn của Thiên Chúa Cha. Vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi (Ga 6,38).

Điều thứ hai cũng quan trọng không kém mà Người luôn trịnh trọng nói đến: Người sẽ trở về. Trở về ở nơi thân xác phục sinh sau khi bị chết treo trên thập giá. “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9,31) Trở về khi Người sẽ sống thực sự nơi những người tin. “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em. Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống” (Ga 14,18-19). Quan trọng nhất, Người trở về để hoàn tất ý muốn của Chúa Cha. Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết (Ga 6,40).

Giáo hội tiên khởi còn được sống với những kỉ niệm rất nóng hổi về cuộc thương khó và phục sinh của Đức Giê-su. Lời của Người về sự ra đi và cuộc trở về vẫn còn ngân vang mãnh liệt trong lòng các tín hữu. Giữa muôn bách hại gian nan trong thưở ban đầu các tín hữu vẫn vững tin mãnh liệt Người sắp trở về. Đó là biến cố tột đỉnh làm nên ý nghĩa của cuộc đời họ. Do đó họ không màng đến của cải vật chất, danh vọng và sự nghiệp với cuộc đời. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ (Cv 2,44-46).

Nhưng dần dà Giáo Hội đọc ra ý nghĩa đích thực nơi cuộc trở về trong thời sau hết của Đức Giê-su. Một đàng, đối với Thiên Chúa, Đức Giê-su Ki-tô qua khổ nạn và phục sinh đã thực sự hoàn tất trọn vẹn công trình sáng tạo và cứu chuộc con người. Không còn điều gì khác mà con người cần được Thiên Chúa mặc khải thêm. Không còn điều gì khác mà Thiên Chúa phải làm thêm để cứu chuộc con người. Chính là khi Đức Giê-su thốt lên lời “hoàn tất” trước khi tắt thở trên thập giá thì mọi cái đều đã hoàn tất, thời gian và không gian đã đi đến tận cùng. Thời gian đã tới hồi viên mãn, muôn loài trong trời đất đã được quy tụ dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô (x. Ep 1,10). Đức Giê-su nói: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí (Ga 19,28-30).

Đàng khác, đối với con người thì lịch sử vẫn còn tiếp diễn. Giáo Hội vẫn phải bước đi trong trong thời gian khi đồng hành và loan báo Tin Mừng cho con người trong mọi thời đại. Nhưng trong hành trình dương thế, lẽ sống của Giáo Hội vẫn chỉ là mong đợi Đức Giê-su trở về. Đó mới chính là ý nghĩa tột đỉnh của cuộc đời những người tin. Giáo Hội luôn lớn tiếng long trọng khẳng định điều quan trọng tuyệt đối này ngay trung tâm các Thánh Lễ: “Lạy Chúa, chúng tôi loan báo việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến.”

Khi nói trước về ngày trở về của mình, Đức Giê-su luôn cảnh báo rằng người ta sẽ bị bất ngờ và hối tiếc vì họ không biết tỉnh thức chuẩn bị thích đáng cho biến cố chung cuộc của lịch sử này. Bấy giờ, dấu hiệu của Con Người sẽ xuất hiện trên trời; bấy giờ mọi chi tộc trên mặt đất sẽ đấm ngực và sẽ thấy Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến (Mt 24,30).

Giáo Hội vì mang tính cách con người nên cũng có các lỗi lầm. Văn hào Nga Fyodor Dostoyevsky (1821–1881) trong tác phẩm nổi tiếng Anh Em Nhà Karamazov đã nặng nề phê phán chủ trương ấu trĩ của Giáo Hội thiêu sống những người ngoại giáo vào thế kỷ XV tại Tây Ban Nha. Ông giả định rằng trong bầu khí cuồng tín và hung hăng như thế, nếu Đức Giê-su có quay về vào giai đoạn đó thì cũng sẽ bị Giáo Hội mang ra thiêu sống luôn.

(Trích đoạn): Cố nhiên đấy không phải là việc Chúa đến như đã hứa vào ngày tận thế trong tất cả vinh quang thiên đình, và bất ngờ “như tia chớp lóe sáng từ Đông sang Tây”. Không, Chúa chỉ muốn đến thăm con cái mình, dù chỉ chốc lát, chính ở nơi giàn lửa thiêu sống đám người dị giáo đang nổ lùng bùng. Vốn nhân lành vô cùng, một lần nữa Chúa đi qua giữa dân chúng. Hình dạng Người vẫn như 15 thế kỷ trước khi Người sống giữa mọi người trong ba năm. Ngài giáng lâm đến “khu phố rực lửa” của đô thành. Ở đó chỉ mới hôm trước, trong “giàn lửa huy hoàng’, trước mặt đức vua, triều thần, hiệp sĩ, các giáo chủ và các mệnh phụ kiều diễm nhất trong triều, trước đông đảo dân chúng thành Seville, theo lệnh của giáo chủ Đại Pháp quan, họ đã thiêu sống luôn một lúc cả trăm kẻ dị giáo ad majirem gloriam Der (để làm vinh danh Chúa hơn). Chúa xuất hiện một cách lặng lẽ, không để ai nhận thấy, nhưng kỳ lạ thay, mọi người đều nhận ra Người. Một sức mạnh không thể cưỡng lại được khiến dân chúng ùa đến, vây quanh mỗi lúc một đông thêm, và đi theo Chúa. Chúa im lặng đi qua giữa họ, miệng mỉm cười hiền từ, thương cảm vô hạn. Ánh sáng tình yêu trong tim Người rực sáng lên như mặt trời. Sức mạnh cảm hóa từ đôi mắt Người bao trùm đám đông, khiến lòng người rung động. Chúa giang tay ra ban phước cho họ. Người ta chỉ cần chạm vào Chúa, thậm chí vào vạt áo Chúa, là đã lành được tật bệnh. Một ông già mù từ bé kêu xin: “Lạy Chúa, xin Chúa chữa lành mắt cho con, để con được nhìn thấy Chúa”, thế là dường như màng vảy bong ra khỏi mắt, và ông nhìn thấy Chúa. Dân chúng khóc lóc và hôn mặt đất nơi Chúa đi qua. Trẻ em tung hoa trước mặt Chúa, hát và reo hò: Hô-sa-na!.… “Đấy là Người, chính là Người, một người nhắc đi nhắc lại, - hẳn phải là Người, chỉ có thể là Người”. Chúa dừng lại trên sân nhà thờ Seville giữa lúc người ta khóc lóc khiêng đến một cỗ quan tài trẻ em màu trắng còn mở nắp: nằm trong đó là một bé gái 7 tuổi, con gái duy nhất của một người quyền quý. Xác đứa bé phủ đầy hoa. “Người sẽ làm con bà sống lại” đám đông reo lên với bà mẹ đang than khóc. Một linh mục đang đi về phía cỗ quan tài cau mày nhìn, dáng vẻ băn khoăn. Nhưng bà mẹ của đứa bé đã gào lên. Bà sụp xuống chân Chúa: “Nếu Ngài là Chúa thì xin hãy làm cho con tôi sống lại!” - bà ta giang hai tay cầu Chúa, kêu lên. Đám đưa tang dừng lại, đặt cỗ quan tài dưới chân Chúa. Chúa nhìn đầy vẻ thương xót, và một lần nữa Chúa khẽ thốt lên: “Ta-lia kumi!” – em gái hãy trở dậy” - Cô bé ngồi dậy trong quan tài, mỉm cười, mắt mở to ngạc nhiên nhìn xung quanh. Hai tay em cầm bó hoa hồng mà em vẫn ôm ở trong quan tài. Dân chúng nhốn nháo, la hò, nức nở, đúng lúc ấy giáo chủ Đại Pháp quan đột nhiên đi qua quảng trường trước nhà thờ. Đấy là một ông già ngót chín mươi tuổi, thân hình cao, lưng thẳng, mặt khô quắt, mắt hõm sâu nhưng vẫn sáng quắc. Ồ, ông không mặc bộ đạo phục giáo chủ lộng lẫy mà hôm qua ông còn mặc khi ra trước dân chúng trong cuộc hoả thiêu những kẻ thù của đạo Công giáo, không, lúc ấy ông chỉ mặc chiếc áo thụng cũ thô kệch của mình. Theo sau ông, cách một khoảng khá xa, là những người giúp việc mặt mày cau có, những nô lệ và đội thánh binh. Ông dừng lại trước đám đông và quan sát từ xa. Ông nhìn thấy hết. Ông nhìn thấy cỗ quan tài được đặt dưới chân Ngài, rồi con bé sống lại, và mặt ông sa sầm. Ông cau đôi lông mày sâu róm trắng bạc, ánh mắt ông lóe lên hung tợn. Ông trỏ ngón tay ra lệnh cho bọn vệ binh bắt Người. Uy quyền của ông rất lớn, dân chúng đã quen thần phục, ngoan ngoãn và run sợ tuân lệnh ông, đám đông lập tức dãn ra trước bọn vệ binh, và bọn này, trong bầu không khí im ắng như trong nhà mồ, túm lấy Người giải đi…Ngày mai họ sẽ mang Người ra thiêu sống… (hết trích)

Văn hào Ba Lan Henryk Sienkiewicz (1846–1916), giải Nobel Văn Chương 1905, đã viết cuốn tiểu thuyết lừng danh Quo Vadis (1894-1896) lấy bối cảnh đế quốc La Mã thời bạo chúa Nê-rô với sự đối đầu giữa hai thế giới: Một bên là thế giới cung đình của triều thần La Mã vây quanh Nerô bạo chúa đang ở đỉnh cao nhất của quyền lực, xa hoa và tội ác, nhưng đã thối nát cực độ và đang suy vong. Còn một bên là thế giới Công giáo của đám nô lệ và dân nghèo tập trung quanh hai tông đồ Phê-rô và Phao-lô. Thế giới Công giáo không chút quyền lực, nhỏ nhoi và yếu ớt nhưng đầy hấp dẫn bởi niềm tin mãnh liệt vào ngày trở về của Đức Giê-su. Họ đang lớn dần lên với niềm tin và lòng nhân ái Ki-tô. Họ không cam chịu quy phục bạo lực để được yên thân. Khi Nê-rô hoàng đế quyền uy cùng đám quần thần rời bỏ Roma lúc thành phố bị đốt cháy theo lệnh của hắn, trong một chớp mắt, hắn nhìn thấy, lẫn lộn trong đám dân cùng đinh đang bỏ chạy tán loạn, ánh mắt Phê-rô đang nhìn ông. Đó là giây phút đọ nhãn quang của hai vị chúa tể trái đất, một hoàng đế quyền uy tuyệt đối, ngay sau đó biến đi như một giấc mơ đẫm máu, còn người kia – một cụ già nghèo hèn ăn mặc thô kệch - sẽ chiếm lĩnh đến muôn đời sau cả thế gian lẫn thành đô Rô-ma này. Vốn hèn nhát, Nerô không dám chịu trách nhiệm bởi kinh sợ cuộc nổi dậy của quần chúng đang sục sôi căm giận, hắn bèn tìm cách trút tội cho các tín đồ Thiên chúa giáo. Hắn tháo cũi sổ lồng cho sự tàn bạo của đám quần chúng đang đòi nợ máu với tiếng thét “ném bọn Công giáo cho sư tử”, với cảnh tàn sát hàng ngàn người bằng nanh vuốt của dã thú, bằng cách đóng đinh lên thánh giá, bằng cách thiêu sống… Tàn bạo bao nhiều thì đớn hèn bấy nhiều - đó là cốt cách muôn thủa của lũ bạo chúa. Đến lượt mình, Nê-rô run rẩy không sao đâm nổi dao vào cổ tự sát, để rốt cuộc phải nhận một cái chết nhục nhã mà lịch sử vẫn dành cho lũ bạo chúa, xưa cũng như nay. Nhưng trọng tâm của Quo Vadis vẫn là cuộc trở về đột ngột của Đức Giê-su đến nỗi Tông đồ trưởng Phê-rô còn bị bất ngờ. Phê-rô cho rằng ông cần trốn tránh cuộc tàn sát các tín hữu của Nê-rô để bảo toàn mạng sống cho mình hầu tiếp tục trọng trách lãnh đạo Giáo Hội còn non trẻ. Trên đường chạy trốn ông bất ngờ gặp Đức Giê-su vác thập giá đi ngược về phía ông. Ngỡ ngàng quá ông thốt lên: Quo Vadis? Lạy Chúa, Chúa đi về đâu vậy? Đức Giê-su trả lời: Ta đi đến Rô-ma để chịu đóng đinh một lần nữa. Phê-rô hiểu ra chẳng có gì cao quý hơn đối với một người chủ chiên là được chết vì đàn chiên như Đức Giê-su đã làm. Ông quay về Rô-ma để bị bắt và chịu chết trên thập giá. Truyền thuyết kể rằng ông tự nhận không xứng đáng chết giống như thầy nên đã xin với lý hình treo ông ngược đầu xuống đất. Với những giá trị nghệ thuật lớn lao, ngay từ khi ra đời, Quo vadis đã được hoan nghênh nhiệt liệt. Từ lúc sinh thời, tác giả đã nhận được bản dịch Quo vadis bằng 20 thứ tiếng. Cho đến nay, Quo vadis đã được dịch ra trên bốn mươi thứ tiếng khác nhau. Bản dịch tiếng Việt được rất nhiều sĩ quan quân đội VNCH trong thời gian tù đầy cải tạo tại Việt Nam sau 1975 say sưa đọc, nhiều người trong số họ sau đó đã gia nhập Công giáo.

Đối với từng người tin vào Đức Giê-su không có gì quan trọng bằng tỉnh thức khao khát mong mỏi ngày trở về của Người. Đó mới là tất cả ý nghĩa cuộc đời họ. Ngỡ ngàng và bất ngờ khi Người đến chỉ nói lên rằng một cuộc sống đạo như thế đã thất bại hoàn toàn. Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ. Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức! (Mc 13,35-37).

Thật tình mà nói không ai có thể biết được mình phải tỉnh thức như thế nào cho đủ. Xét theo tiêu chuẩn phán xét duy nhất của Đức Giê-su đưa ra vào ngày tận thế khiến cho mọi người đều ngỡ ngàng: Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn…Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy (Mt 35,31-46), thì chúng ta biết rằng Người đã thực sự trở về trong thân phận những thai nhi bị giết bỏ không thương tiếc, những mảnh đời đói khổ bơ vơ vất vưởng, những thân phận phụ nữ chỉ biết sống bằng cách bán thân nuôi miệng, những dân oan mất hết nhà cửa ruộng vườn, những thanh thiếu niên lạc loài mê đắm trong các tệ nạn, không còn được ai dạy dỗ cho đường ngay lẽ phải. Mỗi một người tin dù có yếu đuối nghèo hèn đến đâu đi chăng nữa thể nào trên bước đường sống của mình cũng gặp được Người nơi một người còn có thân phận khốn cùng hơn, đói lả hơn mình, nơi một bà mẹ cùng đường sắp giết đi đứa con trong bụng mình, nơi một ông già còm cõi cả ngày lê lết khắp nơi đi bán vé số mà khi sắp đến giờ xổ xấp vé số vẫn còn nguyên, nơi những người ngoài những giọt máu nuôi sống mình không có chi khác có thể bán đi để nuôi gia đình của mình, có khi ngay cả nơi một người thân trong gia đình mình bị bệnh hoạn tật nguyền trái tính trái nết. Rất nhiều khi ngoài một ánh mắt cảm thông, một lời tử tế chia sẻ, và một giọt nước mắt nghẹn ngào, người tin vào Đức Giê-su cũng đành bất lực không làm được gì cụ thể hơn để nâng đỡ cho anh chị em đau khổ của mình. Nhưng họ vẫn phải hằng tỉnh thức vì đó luôn luôn đích thực là ngày trở về của Con Người.
 
Chứng Nhân: Thánh Jeanne Jugan
Pt Huỳnh Mai Trác
16:18 24/02/2009
Chứng Nhân: Thánh Jeanne Jugan

Chân Phước Jeanne Jugan (1792-1879), đấng sáng lập Dòng Các Chị Em Hèn Mọn của người nghèo (Petites Sœurs des pauvres) sẽ được Tòa Thánh Vatican tuyên phong hiển thánh vào ngày 11 tháng 10 năm 2009.

Với chiếc áo nữ tu màu đen và chiếc khăn trùm màu xám, hình bóng khiêm nhu của những nữ tu hèn mọn của người nghèo đôi khi thấp thoáng trên các nẻo đuờng của thành phố Bordeaux, Toulouse hay Lyon, thỉnh thoảng dừng lại lắng nghe, an ủi những người già nua nghèo khổ không nơi nương tựa, rồi các nữ tu đón nhận họ về « nhà của mình » là các dưỡng đường của nhà Dòng.

Tại nhà Dòng Mẹ ở Saint-Pern, Sơ Agnès cảm động nói với các phóng viên: « Đối với chúng tôi, Sơ Jeanne Jugan là một đấng thánh. Việc phong hiển thánh cho đấng lập dòng của chúng tôi là sự mong đợi từ lâu. Sơ Jeanne Jugan được phong Chân Phước vào năm 1982, nhưng đối với Sơ Agnes và các nữ tu của Dòng việc phong thánh là một ân sủng của Thiên Chúa và đem lại cho Dòng một niềm cảm xúc sâu xa. »

Một phép lạ đã xẩy ra trước năm 1982 trước khi được Đức Giáo Hoàng Gioan Phao lồ II phong Chân Phước. Để được phong hiển thánh thì cần phải có một phép lạ thứ hai: một người Mỹ đã lành bệnh ung thư một cách lạ lùng nhờ vào lời cầu xin cùng Sơ Jeanne Jugan.

Thánh Jeanne Jugan sinh năm 1892 tại Bretagne, nước Pháp và qua đời năm 1879, tên khấn dòng là Sơ Maria Thánh Gía (Marie de la Croix) là đấng sáng lập Dòng Các Chị Em Hèn Mọn của người nghèo (Petites Sœurs des pauvres). Hiện nay đã có hơn 2710 nữ tu và có khoảng 60 dự tập viên và hiện diện trên 32 quốc gia trên thế giới với những công việc từ thiện bác ái giúp đỡ những người nhèo khổ già nua vô gia cư. » Nhiều người Pháp đươc chứng kiến những sự khiêm nhường và công việc bác ái từ thiện vững chắc của các nữ tu đối với người nghèo, đặc biệt là những người già nua bệnh tật như lời tuyên bố gần đây của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI.

Sinh trưởng trong một gia đình khiêm tốn làm nghề đánh cà, Jeanne Jugan mồ côi cha từ năm 6 tuổi. Đến năm 15 tuổi Jeanne đã phải làm phụ bếp rồi làm phụ săn sóc bệnh nhân trong bệnh viện để giúp gia đình. Một người thanh niên làm nghề biển muốn hỏi Jeanne làm vợ nhưng Jeanne đã từ chối và trả lời: Chúa muốn tôi cho Ngài và sẽ ban cho tôi một công việc mà tôi chưa hề biết trước được.. . »

Năm 47 tuổi, cùng với một người bạn tên là Francoise Aubert, Jeanne bắt đầu công việc giúp đỡ những người già nghèo khổ trong vùng. Vào năm 1839, Jeanne đón nhận một bà già mù lòa và bất toại và Jeanne dã nhường giưòng nằm của mình cho bà ấy. Rồi tiếp đến những những người già khác. Để có phương tiện, Jeanne đã đi ăn xin rồi Jeanne thành lập Dòng Các Chị Em Hèn Mọn ở Saint Servan sur Mer và lập lời khấn là « tiếp đón ân cần những người nghèo khổ ». Trong những năm cuối đời, một tu viện trưởng trong địa phận đã giải nhiệm Jeanne. Trở thành một nữ tu tầm thường, Jeanne vui vẽ sống giữa các nữ tập viên làm chứng tá bằng những gương tốt và lời dạy dỗ đức hạnh.

Jeanne Jugan không để lại sách vỡ hoặc bài viết nhưng những lời dạy dỗ đối với các nữ tu và tập viên đã được ghi chép lại. « Sơ Agnes nói đó là những lời trong sáng. Hãy sống thật thấp kém khiêm nhường và tỏ ra mình là hèn mọn nhỏ bé. Hãy luôn luôn tỏ ra khiêm nhường và đơn sơ !Nếu chúng ta nghĩ chúng ta là một cái gì cao sang thì chúng ta sẽ vấp ngã.. . »
 
Thánh vịnh 90 nhân Lễ Tro và Mùa Chay Cả
Lê Đình Thông
16:38 24/02/2009
THÁNH VỊNH 90 NHÂN LỂ TRO VÀ MÙA CHAY CẢ:
‘‘ĐỜI NGƯỜI NHƯ CỎ ÚA’’


‘‘Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi tro từ đất nặn ra con người’’. (St, 2,7). Bụi tro vườn địa đàng còn được nhắc lại qua câu nói của Abraham: ‘‘Con là thân tro bụi’’ (St 18,27). Trong sách Giảng viên, bụi tro trở thành quy luật phổ quát: ‘‘Mọi sự chỉ là phù vân, mọi sự đều đến từ bụi đất, mọi sự đều trở về bụi đất’’ (Gv 3,20). Sau cùng, tro bụi là hiện thân của con người ‘‘Làm sao tro bụi lại dám kiêu căng’’ (Hc 10,9). Thánh Vịnh luôn nhắc nhở thân phận bụi tro của con người: ‘‘Người nhớ ta chỉ là cát bụi’’ (Tv 104,14) và ‘‘Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi, Ngài phán bảo: Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi’’(Tv 90,3). Đời người như cỏ úa (Tv 90,4).
Trong cổ văn Do thái, ‘‘apar’’ (bụi tro) vừa là đối cách (accusative), nhưng còn là đồng vị ngữ (apposition): bụi tro là chính con người. Thánh vịnh 90 là lời sám hối của nhân trần, khởi đi từ lễ tro, trải qua 40 ngày mùa chay cả. Nhân trần (人 塵): trần (塵): bụi, diễn tả trọn vẹn ý nghĩa trong Kinh Thánh. Chúng tôi chuyển thể Thánh vịnh 90 qua mấy vần thơ lục bát để giữ nguyên thể loại thi ca của Thánh vịnh. Bài thơ lục bát dựa vào bản tiếng Pháp của Marc Girard trong Les Psaumes redécouverts (Ed. Bellarmin, trang 500-501), dịch từ cổ ngữ Do Thái.

Thánh Vịnh 90 (Lời cầu nguyện của ông Môsê, người của Thiên Chúa)

Chúa là nơi chốn tựa nương,
Ngàn muôn thế hệ bước đường thảnh thơi.
Chúa tôi hằng có đời đời,
Trước khi đồi núi đất trời tạo sinh.
Chúa ban kiếp sống hữu hình,
Cũng đành quay lại hành trình bụi tro.
Ngàn năm thoáng chốc vật vờ,
Như vầng nhật nguyệt giấc mơ một ngày.
Đêm khuya thao thức canh chầy,
Đời người cỏ dại đong đầy sót sa.
Cỏ lau số kiếp người ta,
Phù du sớm tối phôi pha hững hờ.
Bao năm lầm lỗi mập mờ,
Trước nhan Thánh Chúa thẩn thơ tội trần,
Cuộc đời như tiếng than van,
Tuổi đời bẩy chục phai tàn tháng năm.
Bát tuần chẳng đáng bao lăm,
Đường trần vinh nhục tối tăm tội đầu.
Cuộc đời én liệng qua mau,
Nắng mưa từng trải dãi dầu biển dâu.
Cuộc đời lầm lỡ đã lâu,
Chúa tôi bớt giận nhiệm mầu sáng soi.
Khôn ngoan tỉnh thức một đời,
Xin Ngài ngoảnh lại ơn Trời sắt son.
Chúa ơi trở lại cùng con,
Ơn lành sớm tối mỏi mòn cỏ may.
Cuộc đời ngậm đắng nuốt cay,
Vui ca tình Chúa phúc thay tháng ngày.
Chúng con tôi tớ đời này,
Công trình cứu chuộc ngất ngây cậy nhờ.
Cháu con hiệp ý tôn thờ,
Lòng nhân từ Chúa bến bờ biển khơi.
Xin Ngài cứu giúp người đời,
Việc làm nhân thế ơn trời thắm sâu.


Sách Job so sánh đời người với thoi đưa, là hơi thở não nuột:

Cuộc đời thấm thoắt thoi đưa,
Ngọn đèn vừa tắt sớm trưa miệt mài.
Đời người như tiếng thở dài,
Niềm vui chưa thấy hình hài nát tan. (G 8,6)


Tháng ngày như bước chân qua,
Như thuyền lướt sóng nhạt nhòa tẻo teo.
Tháng ngày chim phượng bay vèo,
Cánh chim mòn mỏi trông theo cuối trời. (G 9,25-26)


Chủ đề con người phải chết được nói trong các Thánh vịnh: 8,5; 9,21; 10,18; 78,39; 104,29. Chủ đề đời người ngắn ngủi được nói trong Thánh vịnh: 39,5; 103,14; 144,3-4. Cuối đường cái chết chực chờ được nói đến trong Thánh vịnh 49,8, 82,6-7; 109,23. Cả ba chủ đề được triển khai trong Thánh vịnh 90. Chính vì sự cộng hưởng này, một số tác giả cho rằng Thánh vịnh 90 là sự tổng hợp của hai bài thơ. Tuy nhiên, cả hai liên kết chặt chẽ tạo sự nhất quán.
Cổ tục Do Thái luôn gắn bó với tổ phụ Moïse. Vì vậy, Thánh vịnh 90 mang tên ‘‘Lời cầu nguyện của Moïse’’.

1) Hai câu 1-2: ca tụng Thiên Chúa hằng cửu. Tiếp theo, chủ đề nói lên cảm nghiệm của Cựu Ước về kiếp nhân sinh và cuộc đời ngắn ngủi. Thánh vịnh mở đầu bằng lời cậy trông vào lòng lân tuất của Thiên Chúa từ đời này đến đời khác, được các thế hệ nói tiếp nhau cầu nguyện. Theo Bruna Costacurta, thành ngữ Do Thái: umeolam ‘ad ‘ôlam, lập lại hai lần ‘‘olam’’ nói lên Thiên Chúa bất diệt. Thiên Chúa là đấng vô thủy vô chung (無 始 無 終). Thiên Chúa có trước khi tạo thành vũ trụ (cosmos):

Chúa tôi hằng có đời đời,
Trước khi đồi núi đất trời tạo sinh.


Núi (harîm), đất, trời vốn có từ muôn đời, trong khi đời người thoáng qua, chỉ là nhất thời:

Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương. (Bà Huyện Thanh Quan)


Sách Giảng viên cũng nói lên sự tương phản giữa trái đất và đời người:

Bao nhiêu thế hệ một thời,
Đất lành chim đậu muôn đời náu thân. (Gv 1,4)
Chúa là nơi chốn tựa nương,
Ngàn muôn thế hệ bước đường thảnh thơi.


‘‘Nơi chốn tựa nương’’: Marc Girard phân biệt giữa: ma‘ôz (pháo đài) và mã’ôn (nhà ở). Các tác giả đều coi: Chúa là nơi chốn tựa nương, Theo Costacurta, ma‘ôn (nhà ở) có liên hệ đến núi đá ở câu kế tiếp có nghĩa Chúa là nơi trú ẩn chắc chắn.

2) Câu 3-4 :
Chúa ban kiếp sống hữu hình,
Cũng đành quay lại hành trình bụi tro.
Ngàn năm thoáng chốc vật vờ,
Như vầng nhật nguyệt giấc mơ một ngày.


Thánh vịnh 90 sử dụng một số kỹ thuật trong cổ thi Do Thái (poésie hébraïque), trong số có phép đối, được thể hiện qua các từ phản nghĩa (antonymes), tương tự như phép đối ngẫu (對 偶) trong cổ văn nước ta. Cũng đành quay lại hành trình bụi tro của câu 4 tương phản hoàn toàn với Chúa tôi hằng có đời đời. Cái chết nói lên thân phận mong manh của con người. Chúa bắt con người trở về tro bụi để nương náu trong Nhà Chúa ở chốn đời đời. Theo Costacurta, Thánh vịnh 90 sử dụng từ ngữ Do Thái: dakkã, có gốc dkk có nghĩa là nghiền nát. Từ ngữ này thể hiện ý nghĩa cái chết khiến con người trở về tro bụi hư vô trong lòng đất mẹ (terre-mère). Hình ảnh này hoàn toàn tương phản với Thiên Chúa trường tồn, ngàn năm cũng chỉ như một ngày.

3) Câu 5-6:
Đêm khuya thao thức canh chầy,
Đời người cỏ dại đong đầy sót sa.
Cỏ lau số kiếp người ta,
Phù du sớm tối phôi pha hững hờ.


Theo Robert Alter trong L’art de la poésie biblique, câu 5 được coi là một trong các câu tinh tế nhất trong Kinh thánh. Đối với Thiên Chúa, ngàn năm thoáng qua như một trống canh trong đêm dài vĩnh cửu. Đời người còn được so sánh với cơn mộng, có khi là mộng lành làm ta tiếc nuối mỗi khi hồi tưởng. Cuộc đời chỉ là giấc mộng: mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm. Nhiều khi không biết đâu là thực, đâu là mộng. Mộng đời tan biến trước cánh cửa bình minh. Sự mong manh còn được biểu hiện qua cỏ may. Ẩn dụ (métaphore) ‘‘cỏ may’’ nói lên cuộc sống ở Palestine: cỏ mọc thưa thớt trên mảnh dất khô cằn, chỉ cần một ngày nắng gắt cũng đủ làm cỏ úa. Theo Costacurta, hai thuật ngữ cổ văn Do Thái: babboqer (sớm), la’ereb (tối) nói lên kiếp sống phù du, sớm nở tối tàn.
Đời người như cỏ dại, đẹp như hoa đồng nội. Một năm có bốn mùa. Đời người có những lúc đẹp đẽ. Nhưng mộng đẹp nào rồi cũng tàn phai. Tiên tri Isaia phán rằng:

Đời người cỏ mọc xanh rì,
Vinh hoa phú quý khác gì cánh hoa. (Is 40,6)


4) Câu 7-10:
Bao năm lầm lỗi mập mờ,
Trước nhan Thánh Chúa thẩn thơ tội trần,
Cuộc đời như tiếng than van,
Tuổi đời bẩy chục phai tàn tháng năm.
Bát tuần chẳng đáng bao lăm,
Đường trần vinh nhục tối tăm tội đầu.
Cuộc đời én liệng qua mau,
Nắng mưa từng trải dãi dầu biển dâu.


Bao năm lầm lỗi mập mờ cắt nghĩa vì sao đời người lại quá ngắn ngủi. Thiên Chúa cho con người nhận biết tội lỗi để được thứ tha. Chính vì vậy, ‘‘cuộc đời như tiếng than van,’’. Cổ ngữ Do Thái hegeh gốc hgh có nghĩa là thở dài. ‘‘Murmure’’ (tiếng Pháp) hoặc ‘‘thở dài‘’ (tiếng Việt) đều là từ tượng thanh (onomatopée), nói lên phận người. Đời người là tiếng thở dài não nuột. Sau đó chỉ còn là sự yên lặng. Đời nhiều trải qua nhiều đắng cay, đau khổ, thoáng qua như cánh chim cuối trời, như bóng câu qua cửa sổ. Đổng từ wp trong cổ ngữ Do Thái nói đến chim bay: Đời người như một cánh chim, chợt đến rồi biến mất tận chân mây cuối trời. Tiếng thở dài khác nào tiếng chim trời vỗ cánh.

5) Câu 11-12:
Cuộc đời lầm lỡ đã lâu,
Chúa tôi bớt giận nhiệm mầu sáng soi.
Khôn ngoan tỉnh thức một đời,
Xin Ngài ngoảnh lại ơn Trời sắt son.


Câu 11 nói đến cơn giận Thiên đình để tiếp nối là lời cầu xin của nhân gian: khôn ngoan nhận ra tội lỗi và cái chết.

6) Câu 13-17:
Chúa ơi trở lại cùng con,
Ơn lành sớm tối mỏi mòn cỏ may.
Cuộc đời ngậm đắng nuốt cay,
Vui ca tình Chúa phúc thay tháng ngày.
Chúng con tôi tớ đời này,
Công trình cứu chuộc ngất ngây cậy nhờ.
Cháu con hiệp ý tôn thờ,
Lòng nhân từ Chúa bến bờ biển khơi.
Xin Ngài cứu giúp người đời,
Việc làm nhân thế ơn trời thắm sâu.


Thánh vịnh 90 là lời khẩn cầu của thế nhân muôn thuở (Chúng con tôi tớ đời này): Xin Ngài cứu giúp người đời, Việc làm nhân thế ơn trời thắm sâu. Đức khôn ngoan mời gọi con người cầu nguyện và cậy trong vào lòng nhân từ của Chúa. Chỉ có Chúa mới biến lệ sầu thành hoan lạc như kinh hòa bình của thánh Phanxicô. Con người như cỏ non buổi sớm tàn úa lúc xế chiều. Trải qua bao nỗi đắng cay khổ lụy tục lụy, con người mong mong đợi bình minh hồng ân cứu chuộc nơi Thiên Quốc.

Thánh vịnh 90 mang hình thức thủ vĩ ngâm (首 尾 吟) trong thi pháp Đường thi: câu đầu câu cuối giống nhau. Bốn câu đầu ca tụng Chúa là đấng hằng có đời đời là chốn tựa nương của phàm nhân:

Chúa là nơi chốn tựa nương,
Ngàn muôn thế hệ bước đường thảnh thơi.
Chúa tôi hằng có đời đời,
Trước khi đồi núi đất trời tạo sinh.
Mấy câu cuối trở lại ý nghĩa ban đầu:
Cháu con hiệp ý tôn thờ,
Lòng nhân từ Chúa bến bờ biển khơi.
Xin Ngài cứu giúp người đời,
Việc làm nhân thế ơn trời thắm sâu.


Kết luận:

Thánh vịnh 90: phận đời như cỏ úa, mở đầu mùa chay. Trong ngôn ngữ Tây phương ‘‘Carême’’ (mùa chay) gốc tiếng la tinh quadragesima(mus) (dies): ngày thứ bốn mươi. Tiếng Pháp cổ viết là quaresme, biến thể thành la carême, tiếng Ý viết là quaresima, tiếng Tây Ban Nha: cuaresma. Ngày xưa viết là (sainte) quarantaine. Ta thường gọi là mùa chay cả. Cách viết của các ngôn ngữ tây phương đều có gốc Hy Lạp: τεσσαρακοστή (tessarakostè). Mùa chay bắt đầu từ ngày thứ 40 trước lễ Phục Sinh, khác với lễ Hiện Xuống cử hành ngày thứ 50 sau lễ Phục Sinh. Pentecôte (Lễ Hiện Xuống) gốc tiếng Hy Lạp πεντηκοστή [pentèkostè] có nghĩa là ngày thứ 50. Tiếng Hy Lạp hiện nay gọi mùa chay là σαρακοστή (sarakosti).
Thuở xưa, mùa chay bắt đầu từ chủ nhật 40 ngày trước thứ năm tuần thánh. Đúc Thánh Cha Grégoire le Grand định ngày bắt đầu mùa chay vào thứ tư Lễ Tro và kết thúc vào thứ bẩy Tuần Thánh, 40 ngày ăn chay kiêng thịt, trừ các ngày chủ nhật. Thời kỳ 40 ngày là 40 ngày Chúa Giêsu sống trong sa mạc: Đức Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Giođan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, người không ăn gì cả và khi hết thời gian đó, thi Người thấy đói. (Lc 4,1-2)

Chúa Giêsu cầu nguyện 40 ngày trong sa mạc
Phụng vụ Lễ Tro diễn tả ý nghĩa Thánh Vịnh 90 về sự thống hối và niềm mong đợi Chúa quay về. Ý nghĩa của Thánh vịnh 90 được thể hiện qua ca khúc Cát Bụi của Trịnh Công Sơn, xin chép lại thay cho lời kết luận.

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai vươn hình hài lớn dậy
Ôi cát bụi tuyệt vời
Mặt trời soi một kiếp rong chơi

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi
Ôi cát bụi mệt nhoài
Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi

Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày

Mặt trời nào soi sáng tim tôi
Để tình yêu xay mòn thành đá cuội
Xin úp mặt bùi ngùi
Từng ngày qua mỏi ngóng tin vui

Cụm rừng nào lá xác xơ cây
Từ vực sâu nghe lời mời đã dậy
Ôi cát bụi phận này
Vết mực nào xóa bỏ không hay.


Paris, ngày 25 tháng 2 năm 2009
Lê Đình Thông
 
Ăn năn
Nguyễn Đức Hạnh Nhuần
17:52 24/02/2009
Ăn Năn

Lạy Chúa Trời con là kẻ có tội
Đã bao lần con bội phản lời thề
Xa cách Ngài con bê tha đắm đuối
Bụi hồng trần tiếc nuối chẳng buông lơi
Trong hoang lạc réo mời lời khiêu gợi
Xá dấu tình diệu vợi vẳng bên tai
Con yếu đuối vướng hoài vòng tội lỗi
Khóc bao lần đêm tối dấu ăn năn
Con sánh mình không bằng loài chiên nhỏ
Quay gót về từ bỏ, lại ra đi
Cứ dấu này thôi thì con thật tệ
Lãng quên lời minh thệ sám hối xưa
Đường trần gian ôi vừa vinh lắm nhục
Con lần này phủ phục trước thánh nhan
Với lòng thành khóc than điều đã phạm
Cho con được nương tạm dưới chân Ngài
Giữ con lại cho hoai cơn cám dỗ
Cho tình Ngài luôn đổ mãi trên con
Ngã kiệt quệ hao mòn thân tôi tớ
Đền tội xưa ân nợ kiếp đam mê
Van lạy Ngài dẫn về dầu đã muộn
Xiềng xích con nếu muốn bước chân đi
Muôn khao khát ôm ghì chân thập tự
Con xin Ngài hãy ngự giữa trái tim
Trong an bình lim dim con qùi khấn
Nghĩ tội mình lệ ngấn khóe đôi mi
Đấng chí thánh, từ bi ban ân phước
Đến gần Ngài mỗi bước mỗi tinh tuyền
Con chấp tay đoan nguyền xin mãi trọn
Ở bên Ngài, hèn mọn, vẫn trung trinh

 
Một Người Rơi Xuống Hố Sâu
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
19:40 24/02/2009
Bánh Sự Sống # 53:

MỘT NGƯỜI RƠI XUỐNG HỐ SÂU

Tôi nhai và nuốt Lời Chúa: Tội của con đã được tha rồi (Mc 2, 5)

* Chuyện kể: Một người đàn ông nọ té xuống hố sâu, không thể tự mình thoát ra được. Có những tình huống hư cấu giả định như sau:

1- Một người Pharisêu đi ngang và nói: “Chỉ có người xấu mới té xuống hố.”

2- Một nhà toán học đi ngang qua, và ngồi xuống tính toán thử xem người đàn ông đã ngã xuống hố bằng cách nào?

3- Một phóng viên thì muốn biết toàn bộ câu chuyện về cái hố, để ông có thể viết về toàn bộ câu chuyện và đăng lên trang nhất.

4- Người theo chủ nghĩa cá nhân thì nói: “Cái hố của anh ta thì thấm vào đâu so với cái hố của tôi.”

5- Người lạc quan nói: “Ồ! Cũng không đến nỗi, sự việc đã có thể tệ hơn.”

6- Người bi quan nói: “Ôi! Tình trạng sẽ còn tệ hơn nữa.”

7- Một nhà mô phạm đi ngang, nhìn xuống người đàn ông bất hạnh và nói: “Sao anh lại để ngã xuống dưới ấy, lần sau nên cẩn thận hơn?

8- Nếu Đức Giêsu nhìn thấy người đàn ông, chắc chắn Ngài sẽ nhẩy vội xuống hố, kéo anh ta lên vai Ngài mà thoát ra !

9- Nếu bạn đi ngang qua, bạn sẽ nói hoặc sẽ làm gì?

* Một phút suy tư: Người ta thường nhìn sự việc và giải quyết nó theo khuynh hướng quen thuộc của mình. Khi là Kitô hữu, bạn hãy thay đổi quan điểm sống và hành động giống như Chúa.

Hãy giải quyết mọi việc bằng Lời Chúa. Từ bỏ tập quán không phải là dễ dàng, nhưng trong Chúa mọi sự đều phải trở nên mới. Khi bạn phạm tội là bị rớt xuống hố sâu, trong ngày quang lâm Chúa Giêsu có quyền ân xá cho nhân loại, có quyền tha tôị. Bây giờ quyền đó hiện diện nơi Người không phải dưới hình thức án xử; nhưng dưới hình thức ân sủng đem lại ơn tha tội. Sa xuống hố sâu hay là bệnh bại liệt là dấu chỉ tội lỗi, Chúa chữa bệnh bại liệt là phá tan tội lỗi, là tha cho bạn và tôi, đang chìm sâu dưới hố và bại liệt tầm hồn.

Lời Chúa tôi ghi nhớ: “ Đứng dậy, vác chõng mà đi !”(Mc 2, 9)

Phó tế: JB Nguyễn văn Định * johndvn@yahoo.com
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:07 24/02/2009
THIÊN CƠ

N2T


Sư phụ đã có kể qua câu chuyện về cái bát. Đây là một vật cổ có giá trị lớn, trở thành vật tranh nhau của hội bán đấu giá, nhưng ai biết được chủ nhân của cổ vật này là một tên lang thang phiêu bạt trên hè phố, đã dùng cái bát ấy đi xin vài đồng bạc của người khác để sống qua ngày, cuối cùng lăn đùng xuống mà chết.

Đệ tử hỏi sư phụ: Cuối cùng cái bát ấy tượng trưng cho cái gì ? Đại sư trả lời: “Bản thân con ấy.”

Đệ tử đợi sự giải thích của sư phụ.

Sư phụ nói: “Lực chủ ý của các con vẫn là để trong sách hoặc là một vài tri thức không đáng giá do sư phụ thu góp lại. Nếu các con có thể chú ý nhiều thêm một chút cái bát mà các con cầm trong tay, thì các con mới tiến bộ cách chân chính.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Cái bát gỗ tự nó chẳng có gì là quý là hiếm, nhưng chẳng qua là vì nó có một “lịch sử” ly kỳ dính liền với tên lang thang phiêu bạt trên hè phố, thế là nó trở thành cổ vật. Nó trở thành cổ vật là vì con người ta thích tìm những điều kỳ dị, thích chơi nổi, thích được mình là người đầu tiên khám phá ra cổ vật...

Bản thân của mỗi con người quý hiếm hơn tất cả các lọai cổ vật, bởi vì nó có linh hồn, có trí tuệ để biết phân biệt làm thế nào để cho cuộc sống của họ được hạnh phúc và có ích cho mọi người. Và càng quý hiếm hơn nữa khi con người ta được Máu Thánh Chúa Giê-su đổ ra để rửa sạch những vết nhơ tội lỗi của họ.

Giá trị của bản thân mình thì vô giá, nhưng có một vài người Ki-tô hữu lại đem bán đại hạ giá bản thân mình cho ma quỷ, cho những danh vọng và dục vọng của thế gian, họ quên mất danh vọng không đổi được linh hồn, tiền tài không mua được linh hồn, và quyền uy không có thì không có chút quyền gì với linh hồn.v.v...

Cái bát gỗ tượng trưng cho bản thân mình, nhưng nó không thể quý hơn bản thân mình. Đó là thiên cơ....
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:09 24/02/2009
N2T


91. Nếu tâm hồn của chúng ta kết hợp chặt chẻ với Thiên Chúa, cảm giác ngọt ngào, thì ngay cả cái chết cũng không sợ, mà lại mong muốn được chết sớm, để được diện kiến Thiên Chúa.

(Thánh Gregory)
 
Mỗi ngày một câu Cách Ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:10 24/02/2009
N2T


35. Có thể tích cực đối diện với đau khổ, thì có thể nắm vững cơ hội trưởng thành tùy vấn đề mà đến.

 
Phẩm giá sự sống của con người
Pt Huỳnh Mai Trác
23:50 24/02/2009
Ngày 18 tháng 2, trong cuộc tiếp xúc với Bà Nancy Pelosi, Chủ Tịch Hạ Viện Hoa Kỳ, Đức Thánh Cha Benêđictô XVI nhắc nhở “định luật luân lý tự nhiện và giáo huấn của Giáo Hội về phẩm giá của sự sống của con người.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh là việc tôn trọng phẩm giá của sự sống của con người bắt đầu từ lúc thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên, bắt buộc mọi người Công Giáo, đặc biệt là những nhà luật pháp và các nhà chính trị cùng hợp tác với những người có thiện chí để thành lập một chính thể hợp pháp hòng bảo vệ sự sống của mỗi người trong mỗi giai đoạn của đời sống.”

Nhà dân chủ Hoa Kỳ gốc người Ý này là một người Công giáo nhưng là một người phò phá thai. Trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi 15 phút, trong một cuộc tiếp kiến khoáng đại, Đức Giáo Hoàng nhắc nhở Bà Nancy Pelosi và phái đoàn tháp tùng Bà về giáo huấn bất di bất dịch của Giáo Hội về sự sống mà Tổng Thống Hoa Kỳ ng Barack Obama chống đối. Ông ấy đang cổ võ quyền phá thai và khuyến khích việc nghiên cứu tế bào gốc.

Vê dư luận của một số thành viên thuộc nhóm Công Giáo “Human Life International” ở Hoa Kỳ là tại sao đến giờ phút này mà Bà ấy vẫn còn chưa bị Giáo Hội dứt phép thông công. Còn trên mạng internet www.americatho thì họ hy vọng trong bài viết ngày 17 tháng 2, thì ngoài những lời nói chính thức của Đức Giáo Hoàng Benêđictô XVI bày tỏ cho Bà ấy biết là Ngài rất thất vọng và ghê rợn việc hủy bỏ “Chính sách Mexico City” đó là một trong những biện pháp đầu tiên của Tân Tổng Thống, là cho phép dùng tiền thuế của dân chúng để hổ trợ việc phá thai trong Thế giới thứ Ba và ủng hộ kế hoạch “Tự Do Lựa Chọn Freedom of Choice (FOCA) mà Bà Nancy Pelosi là một thành viên quá khích.

Những mạng internet phò sự sống và Công Giáo chính thống ở Hoa Kỳ tự hỏi;” Bà ấy có đủ can đảm đi dự thánh lễ ở Italy và tuyên xuyên là một người Công Giáo thuần thục không? Và người ta có đủ can đảm từ khước không cho Bà ấy rước Mình Thánh Chúa không? Vì hành động phò phá thai 100% của Bà ấy không? (Nguồn Tin VIS)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha cám ơn các giám mục Tây Ban Nha sau vụ rắc rối về nhóm Lefebrve
Bùi Hữu Thư
04:01 24/02/2009

Đức Thánh Cha cám ơn các giám mục Tây Ban Nha sau vụ rắc rối về nhóm Lefebvre



Ngài bầy tỏ lòng biết ơn về những kinh nguyện cho sự hiệp nhất của sứ mệnh

VATICAN ngày 23, tháng 2, 2009
(Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI cám ơn các giám mục Tây Ban Nha về sự kết hiệp thiêng liêng sau vụ rắc rối vây quanh việc giải vạ tuyệt thông cho bốn giám mục do Tổng Giám Mục Marcel Lefebvre tấn phong.

Trong một vănthư do Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh gửi cho Đức Hồng Y Antonio María Rouco, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha, Đức Thánh Cha bầy tỏ lòng biết ơn sâu xa của ngài về “những lời cầu nguyện họ đã dâng cho ngài và cho sứ vụ của ngài là người ‘quản thủ sự hiệp nhất.'"

Đức Thánh Cha cầu xin “Thiên Chúa ban ân sủng tràn đầy cho Đức Hồng Y và tất cả các giám mục Tây Ban Nha để khuyến khích và nuôi dưỡng công tác mục vụ quý ngài đang phục vụ cho dân Chúa."

Một bản tin được gửi cho giới truyền thông ngày Thứ Năm cho hay lá thư này là sự hồi đáp của Đức Thánh Cha cho một điện văn ủng hộ do các giám mục Tây Ban Nha gửi đến cho ngài trước đó.

Việc giải vạ tuyệt thông cuối tháng Giêng đã gây nhiều xúc động, đa số vì tình trạng xoay quanh Giám Mục Richard Williamson, là một trong bốn giám mục được tha vạ. Trong một cuộc phỏng vấn vị này đã chối từ việc dùng hơi ngạt để tiêu diệt người Do Thái. Có sự trùng hợp là, cuộc phỏng vấn được phát hình vào gần cùng lúc vị giám mục này được giải vạ tuyệt thông sau 20 năm trời, trong phạm vi cố gắng liên tục của Đức Thánh Cha là hàn gắn sự nứt rạn với Hội Dòng Thánh Piô X.

Sau đó một phát ngôn viên của Tòa Thánh nói rằng sự căng thẳng do nghị định ngày 24 tháng Giêng gây nên vì có “một sự trùng hợp đáng tiếc” với việc phổ biến các nhận xét của vị giám mục này. Đức Thánh Cha không hay biết quan điểm của giám mục Williamson về Holocaust vào lúc nghị định được ban hành.
 
Con Người Không Phải Chỉ Là Tổng Số Các Gien Của Họ
Vũ Văn An
06:14 24/02/2009
Con người không phải chỉ là tổng số các gien của họ

Thứ Bẩy vừa qua, trong một diễn văn trước các tham dự viên của hội nghị quốc tế bàn về “Các Biên Giới Mới Của Di Truyền Học và Mối Nguy Hiểm của Ưu Sinh Học” do Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Sự Sống bảo trợ, Đức Bênêđíctô XVI tuyên bố rằng để bước vào mầu nhiệm sự sống con người, mọi khoa học phải đánh đổ chủ nghĩa cô lập và phải làm việc với nhau trong một ơn gọi chung đi tìm sự thật.

Ngài nhìn nhận các bước tiến khổng lồ do di truyền học thực hiện được lâu nay và vị trí đặc biệt nổi bật của nó trong khoa sinh vật học. Đức GH đặc biệt ghi nhận việc khoa học nhận diện được các diễn trình có liên hệ đến việc xuất hiện một vài khuyết điểm vốn thừa hưởng từ nơi cha mẹ song song với các diễn trình khiến một số người dễ bị mắc một chứng bệnh nào đó.

Ngài nói thêm: Nhận thức này, vốn là hoa trái do thiên tài và lao công của không biết bao nhiêu khoa học gia, đã giúp ta có khả năng dễ dàng đạt được hơn không những việc chẩn đoán hữu hiệu và sớm sủa một số bệnh di truyền, mà còn tạo ra được những phương pháp trị liệu nhằm giảm nhẹ việc mắc các chứng bệnh ấy và, trong một số trường hợp, còn có thể tái lập được niềm hy vọng khỏe khoắn trở lại vào phút chót.

Đức GH cho rằng công trrình của các nhà nghiên cứu trong các lãnh vực bí nhiệm và qúy giá này cần phải được đặc biệt hỗ trợ; việc hợp tác giữa các ngành khoa học khác nhau là một sự hỗ trợ không thể nào thiếu được nếu ta muốn đạt tới những kết quả vừa hữu hiệu vừa tạo ra tiến bộ thực sự cho toàn thể nhân loại. Tính hỗ trợ lẫn nhau này khiến ta tránh được cái nguy hiểm của chủ nghĩa giảm thiểu di truyền học (genetic reductionism), một chủ nghĩa chỉ biết nhận diện con người duy bằng tín liệu di truyền học và hành động qua lại của họ với môi trường mà thôi. Ngài nói: một lần nữa cần phải nhấn mạnh rằng con người không phải chỉ là tổng số những gì tạo ra cơ thể họ; thực ra, con người mang theo mình sức mạnh của tư tưởng, một sức mạnh luôn luôn bị lôi kéo tới chân lý về chính họ và về thế giới. Ngài tiếp: mọi con người đều lớn hơn ‘tổng thể các tín liệu di truyền học’ và không được rút gọn việc sinh ra họ vào việc đơn thuần chỉ sản sinh ra một cá thể mới cho giống người, giống như trường hợp sinh sản của loài cầm thú. Bởi “mọi cuộc xuất hiện của con người trên cõi đời này đều là một sáng tạo mới mẻ”.

Đức GH quả quyết rằng khoa ưu sinh học không hẳn là một thực hành mới, vì trong quá khứ nó từng là nguyên nhân gây ra các hình thức kỳ thị và bạo lực thực sự. Cho nên cần phải nhấn mạnh rằng mọi hình thức kỳ thị do bất cứ thế lực nào thực hiện đối với các con người, các dân tộc hay các nhóm sắc tộc dựa vào các dị biệt phát sinh từ các yếu tố thực sự hay được coi là di truyền chính là một hành vi bạo lực chống lại toàn thể nhân loại

Ngài nhấn mạnh tới “phẩm giá như nhau của mọi hữu thể nhân bản dựa trên sự kiện họ có sự sống. Cần phải củng cố nền văn hóa hiếu khách và yêu thương vốn chứng tỏ cách cụ thể tình liên đới với những người đau khổ, phá tan mọi hàng rào mà xã hội thường dựng lên để phân biệt chống lại người khuyết tật, người bệnh hoạn, và tệ hơn nữa, để lựa lọc và loại bỏ nhân danh các lý tưởng trừu tượng về sức khỏe và sự hoàn thiện thể lý”.

Cuối cùng Đức Giáo Hoàng bày tỏ ý muốn thấy việc nghiên cứu trong lãnh vực này được tiếp tục tiến hành song song với việc chú tâm tới các nguyên tắc đạo đức trong các vấn đề hệ trọng và có tính quyết định đối với việc phát triển xứng đáng cuộc hiện sinh có tính bản vị.

Zenit 22 tháng Hai
 
Biển Lửa (Cơn cháy rừng khủng khiếp tại Úc Châu)
Anthony Nguyễn Hữu Quảng sdb
14:01 24/02/2009
BIỂN LỬA



Kính dâng những nạn nhân của cuộc cháy rừng tại Victoria – Úc châu 7-2-09

Thanh Quảng sdb

Ngày 7/2/2009 vừa qua được mệnh danh là “Black Saturday”, “Ngày Thứ Bảy Đen”, ngày nóng nhất trong lịch của tiểu bang Victoria khi khí hậu tăng lên tới 46.7 độ C. Cái nóng hừng hực kèm theo gío bắc từ sa mạc thổi về làm rục hoa, cháy lá và nỏ khô cỏ cây! Còn người người ai nấy trùm đầu che cổ nếu cần phải đi ra ngoài. Người ta tuôn vào các siêu thị, hồ bơi để trốn nóng! Nếu ở nhà thì máy lạnh mở tối đa...làm các công ty điện bị qúa tải, đành phải cúp điện từng vùng. Chính trong ngày nóng nghiệt ngã đó thì lửa phát cháy. Lửa có thể phát cháy từ những cọ sát của cây cổ nỏ khô, từ tiếng sét của trời mà lửa bốt cháy ở đây do con người! Lửa đã bốc cháy từ vùng Gippsland làm thiệt mạng 11 người dân vô tội và tiêu hủy nhiều nhà cửa cùng hàng trăm ngàn mẫu rừng.

Sau một tuần tìm kiếm thủ phạm, cảnh sát đã bắt giữ và tòa bắt đầu xét xử tên James Sokaluck 39 tuổi, người mà 20 năm trước đã tình nguyện gia nhập đội lính cứu hỏa mà bị từ chối... Trong một mạng lưới điện toán của hắn, hắn có viết cho người bạn gái: “we are compelled to do what we are forbidden ” “Chúng ta cần phải làm điều mà chúng ta bị cấm!”. Ngòi lửa mà hắm châm đã lan tràn sang các vùng phụ cận như Callignee, Upper Callignee, Hazelwood, Jerralang và Koornalla giết hại thêm 21 ngươì khác nữa!

Cảnh sát Victoria còn đang truy lùng thêm những kẻ dã tâm đốt rừng. Theo Viện Học Tội Phạm của Uc (Australian Institute of Criminology thì hàng năm ơ Uc xảy ra từ 20,000 tói 30,000 vụ đốt rừng và làm thiệt hại không tính cuộc cháy rừng thảm khốc này là 1.6 tỷ đô. Riêng cuộc cháy rừng năm nay không biết con số thiệt hại sẽ tăng vọt bao nhiêu, vì đây là cuộc cháy rừng lớn nhất và thiệt hại nhất trong lịch sử tiểu bang từ trước tới nay!

I.NIỀM ĐAU

Thoáng qua cơn cháy rừng vừa qua chúng ta có thể nêu ra một vài thảm trạng như sau:

1. Vợ chồng cựu xướng ngôn viên Brian và Moiree Naylor: ông Brian nổi tiếng vì làm cho đài truyền hình số 7 10 năm, và 20 năm cho đài số 9, nên hầu hết người dân Uc đều biết đến ông. Hai ông bà đã chọn vùng Kinglake, một vùng núi hồ thơ mộng thần tiên làm nơi dưỡng gìa... Nào ngờ đâu, ngôi nhà thơ mộng trên ngọn đồi nơi đây chính là nơi an nghỉ của ông bà. Joe Ropar người hàng xóm ở bên một ngọn đồi đối diện rưng rưng hai dòng nước mắt kể: “Không như những cư dân ở đây, ông bà Naylor dọn cỏ sạch chung quanh nhà, họ chuẩn bị ngăn ngừa hỏa hoạn, ấy thế mà ngọn lửa tàn ác kia chỉ trong vòng 2 phút thôi đã di chuyển từ một khoảng cách 20 cây số, như một khối bom lửa tỏa xuống thiêu rụi toàn bộ ngôi nhà của ông bà, dù ông bà có trang bị đầy đủ máy bơm nước phòng hỏa. Hai ông bà cũng như 18 người bạn của ông Ropar đã phải chết tất tưởi trong hỏa lò mà nhiều người chỉ còn lại một nhóm tro nhỏ!”

Ngôi nhà của ông bà Naylor còn lại chiếc bàn đá và 4 chiếc ghế sắt


2. Người tài xế xe điện Arthur Enver 57 tuổi, ông sống với mẹ ở Campbellfield, một thành phố ngoại ô thành phố Melbourne và mới dọn về Kinglake được 6 tháng. Lúc cơn lửa mới bùng phát, ông dục người bạn đời dọn đồ và con chó lên xe lái về vùng an toàn, còn ông lái xe motô chạy theo, nhưng vì khói mịt mù và hơi nóng... Petra đã tới nơi an toàn nhưng chờ đợi cả 6 giờ nhưng vẫn chưa thấy Arthur tới, và bà mẹ và người bạn đường đã nhận hung tin, Arthur bị chết cháy trên đoạn đường tử thần vì cây đổ và lửa tàn phá. Arthur đã từng mạo hiểm và thoát chết khi dùng chiếc tầu buồm dài 13 mét vượt biển từ Nam Phi chèo về Uc Châu khi bị sóng biển đánh gẫy cột buồm, nhưng ông đã không thoát được ngọn lửa khốc liệt của “Ngày thứ Bảy đen” 7/2/2009 vừa qua. Chiếc môtô còn bên vệ đường nhưng ông Arthur đã bị tử thần cướp mất!

Chiếc xe moto bên đường


Núi đồi và thung lũng thần tiên Kinglake đã trở thành một thung lũng tử thần với nhà thờ, nhà trường và nhà cửa bị thiêu rụi, xe cộ bị cháy, xác người lớn nhỏ và xúc vật bị thiêu cháy trên bước đường tìm thoát khỏi biển lửa. Nguyên một buổi chiều thứ bảy đen đó đã cướp đi 35 sinh mạng, những người con ưu tú của thiên đường Kinglake.

3. “Chúng ta cùng về thiên quốc với nhau” đó là lời cầu nguyện và an ủi nhau của gia đình ông bà Mercuri và ba đứa con người Uc, trùng hợp với gia đình anh chị Hưởng Thúy và ba cháu Mi, Huy và Vi.

- Gia đình ông bà Rod và Maryanne Mercuri và ba cháu Allyson 11 tuổi và hai cháu sinh đôi Dean và Kirk 9 tuổi chạy vào một garage gạch để trốn lửa, khi garage bị bốc cháy họ núp sau bức tường cạnh bể nước và dùng chiếc sô xanh và khăn thấm nước để khỏi bị cháy. Bà Mercuri nói: “Không thể tưởng tượng được sức nóng, chúng tôi từ biệt nhau để cùng chết chung”. Các cháu kêu lên: “mẹ ơi chúng ta về trời, chúng ta chết nhưng ít nhất chúng ta cùng chết chung với nhau” (Mum, we we ‘re going to heaven together” và Allison nói: “ we ‘re all going to die, but at least we ‘re all together”. Bà Mercuri tạ ơn Chúa gìn giữ gia đình bà còn sống! Chỉ một tíc tắc cơn lửa từ trên trời ập xuống mà gia đình bà chỉ có một cái sô múc nước, một cái xẻng và tấm chăn để tự vệ!

- Một gia đình Việt Nam và gia đình hàng xóm khác cũng thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Gia đình anh chị Hưởng Thủy và ba cháu Mi 13 tuổi, Huy 9 tuổi và Vi 7 tuổi, qua Uc dưới diện tay nghề được một năm nay. Gia đình được ông bà chủ tiệm bánh mì tại vùng Kinglake bảo trợ qua. Đây là một gia đình Việt Nam duy nhất trong thị trấn nên hầu như cư dân trong vùng đều biết tới. Khi nghe biết có gia đình Việt Nam lâm nạn, cá nhân chúng tôi và Nguyệt San Dân Chúa đã liên lạc tới thăm giúp đỡ và được anh chị đưa về Kinglake thăm viếng, vì hiện nay chỉ có cư dân trong vùng mới được vào thị trấn.

Chị Thủy kể vì không có kinh nghiệm về cháy rừng, nên khi được ông bà chủ lò bánh mì báo sẽ phải di tản, và ông bà sẽ điện thoại cho hay. Anh chị thấy ngọn lửa còn cách xa hai ba cây số nên cũng bình thản thu dọn những giấy tờ cần thiết! Nào ngờ đâu lửa từ trời ập xuống, anh chị và ba cháu chỉ kịp ôm mớ hồ sơ giấy tơ tùy thân chạy ra khỏi nhà thì căn nhà bớc cháy! Chẳng biết chạy đi dâu, anh chị chạy qua nhà kế bên vì ngôi nhà này được xây bằng đá xanh kiên cố và anh chị nghĩ sẽ được an toàn. Gia đình người Uc kế bên cũng hai vợ chồng và ba đứa con mở cửa đón gia đình chị... Những tiếng nổ của chiếc xe phát cháy, tiếng nổ của bình ga hay nhà xập... ngọn lửa tàn khốc và độ nóng làm bể kính cửa sổ trong lúc anh Hưởng và ông chủ nhà cố công thấm ướt cái chăn và ngăn ngọn lửa... Nhưng khói và lửa ùa vào làm hai người đành bó tay! Ngột ngạt mọi người đành phải chạy ra khỏi nhà... Chung quanh đang cháy biết chạy đi đâu? Cuối cùng tất cả đánh liều chạy vào trú ở chiếc garage trong đó chất đầy đồ... Mười người và ba con chó chui vào những ngóc ngách trống... Hơi nóng hừng hực, người lớn nhường cho các em nhỏ được ưu tiên thấm khăn ướt đắp lên mặt để thở. Các em bé la hét hoảng hốt trong lúc đó lòng lo khôn xiết nhưng chị Thủy cố trấn an các con bằng mời gọi các con đọc kinh cầu nguyện cùng Đức mẹ và Lòng thương xót Chúa chở che, còn không xin Chúa và Mẹ giúp được chết an lành! Khoảng 1 giờ sau ngọn lửa cháy giảm dần, xe cứu lửa chạy tới... Tất cả mừng vui và xe cứu hỏa xịt nước và cung cấp cho 10 người chút nước để đỡ khát và tới tối ông bà chủ lò bánh mì tưởng cả gia đình của anh chị Hưởng đã chết, họ nhờ xe cứu hỏa vào xem và mừng vui vì thấy tất cả còn sống và được xe cứu hỏa di chuyển về nơi an toàn. Anh chị tạ ơn Chúa vì còn sống. Anh chị và các cháu nhìn nhận như một phép lạ của Lòng Thương Xót Chúa và Mẹ Maria. Dù tiêu tán tất cả tài sản. Khi đến thăm căn nhà mà nay chỉ còn là đống tro tàn đổ nát, tôi bùi ngùi thấy chị bới trong đống tro tàn nơi phòng ngủ như tìm kiếm một kỷ vật hay một cái gì đó... dù người chồng bảo ‘không còn gì đâu em!’ Tôi hiểu có lẽ đồ nữ trang hay một kỷ vật nào của gia đình mà chị mong muốn tìm lại được!

Cha chủ nhiệm cùng gia đình anh chị Hưởng Thủy


Trong hoạn nạn, qua việc gây qũy của Dân Chúa tôi gửi chị ít tiền, chị cảm động nhưng ngần ngại nói “con có xứng đáng để nhận số tiên này hay không? Có lẽ còn có người cần hơn con!”

Trong hoạn nạn cùng cực, niềm hy vọng vẫn dư tràn, khi tôi thấy ai ai trong thị trấn cũng qúy mến và quan tâm tới gia đình anh chị. Tôi vui mừng vì hôm qua thủ tương Kevin Rudd tơí thăm Kinglake, thủ tướng đã gặp anh chị và nói với bà bộ trưởng “Hãy giúp gia đình này như mọi gia đình khác và hứa sẽ cứu xét để gia đình được định cư lại xứ Uc”. Ly do vì gia đình anh chị qua Uc với diện lao động nên bình thường không được trợ cấp như các công công dân Úc.

4. Những nạn nhân tí hon: Không gì có thể ngăn được đôi dòng lệ cũng như tâm hồn thổn thức xúc động trước những trẻ thơ vô tội bị chết tất tưởi trong những ngọn lửa khốc liệt!

Nước mắt cho tuổi thơ: Trong số các nạn nhân cơn cháy rừng có nhiều em nhỏ làm thiệt mạng làm cho mọi người rơi lệ và quặn đau như trường hợp em Alexis Davey chưa đầy tám tháng tuổi, hai em Joria Davey và Brielle Brown 3 tuổi, bé Matthew Brown 7 tuổi, hai em Lyric O Shea và Eric Brown 8 tuổi, bé Neeve Bucchanan 9 tuổi, bé Trey O’Shea 10 tuổi, Nicola Roland 12 tuổi và Caitlin Rolland 14 tuổi... Ở vào tuổi xuân xanh tương lai đầy sáng chói mà đã sớm ra đi trong quằn quoại của khói lửa!

5. Những thảm trạng cá biệt: Có thể nói 209 người chết vì nạn cháy rừng là 209 câu chuyện mà lịch sử của cơn cháy rừng 2009 này sẽ ghi lại trong tâm khảm của những người thân quen, trong lịch sử thương đau của tiểu bang lẫn liên bang Uc Châu.

- Làm sao không rơi lệ được khi cặp vợ chồng trẻ Adrian và Mirrabella cùng chết với ba người con thơ Eric 8 tuổi, Matthew 7 tuổi và Brielle 3 tuổi. Gia đình Brown này thật hạnh phúc, hai vợ chồng gặp nhau trong những buổi học nhẩy từ thời niên thiếu và đã kết duyên với nhau, nay chàng là chủ biên của tập san Squares Arround Victoria!

- Lòng chúng ta chùng xuống khi biết ba người trẻ Melanee 23 tuổi cùng bạn trai Greg 22 tuổi và người em 21 tuổi đi coi nhà cho một người bà con ở Yarra Glen và bị chôn vùi dưới ngọn lửa, trong khi còn nói với ba mẹ “I love you” (con yêu ba mẹ) trước khi giây nói bị cúp và ngọn lửa tàn khốc đã cướp đi ba sinh mạng trẻ.

- Hoặc như Allan O’ Gorman, một thương gia giầu có quyết tâm về nhà để bảo vệ Caroline vợ ông và Stuart cậu con trai vừa tốt nghiệp trung học trong một căn nhà tráng lệ trên đồi ở Kinglake. Thảm thương thay cả ba bị chết khi ngọn lửa từ đâu chụp xuống trên ngôi biệt thự của họ, để lại 2 người con sinh đôi may mắn còn sống vì đi chơi xa nhà.

- Như cặp vợ chồng sắp cưới Steve Fisher và Kate Ansett rất yêu thích cây rừng và dã thú nên mua một khu đất và xây một ngôi nhà ở Toolangi State Forest. Hai người mới dọn vào căn nhà mới được dăm tháng và chuẩn bị làm lễ cưới thì cơn hỏa hoạn chiều thứ bảy đen đã cướp mạng sống họ ở trần gian để họ vĩnh viễn có nhau trong cuộc sống vĩnh hằng.

6. Nỗi khắc khoải cho những người thân bị mất tích trong cơn hỗn loạn của trận cháy rừng “Ngày Thứ bảy Đen” 7/2/2009. Cả trăm người bị mất tích hay lạc nhau trong cơn hỗn loạn bị ngọn lửa tàn khốc chia cắt hay bị chết. Có những vợ chồng hay bạn hữu bị lạc nhau và may mắn gặp được nhau trong nhà thương vì mỗi người bị phổng nặng phải đưa vào bệnh viện!

Có những trường hợp như chết đi sống lại như năm chàng thanh niên Frank Gissara, Paul Anderson, Tony Fleischer, Brett Crosby và Collin Aylett may mắn sống sót nhờ một bồn nước xây bằng ximăng, có một nắp đậy nhỏ. Frank Gissara nghe tin cháy rừng ở Gippsland liền kêu mấy bạn tới phụ bảo vệ ngôi nhà của anh, thí thình lình như một khối lửa ập xuống tiêu hủy ngôi nhà nông trại của chàng. Năm người bị lửa bao vây tứ bề nên đành mở nắp hồ nước chui vào đó rồi cưa thay nhau kẻ kặn người đứng mà thở và nhớ thế mà họ thoát được cơn lửa tàn khốc!

Có những người sau hàng tuần vẫn biệt tin, chắc họ bị chết cháy nơi nào đó trong biển lửa của một chiều rộng cả 150 cây số!

II. HY VỌNG VÀ NIỀM VUI TRONG NỖI KHỔ SẦU

Trước thảm họa của cơn cháy rừng tàn khốc tại tiểu bang Victoria làm mềm lòng mọi người công dân Uc từ một em nhỏ tới người lớn, các vị lãnh đạo tôn giáo chính trị tơí các chính khách. Đất nước Uc đã đoàn kết nên một chia cơm sẻ áo. Những tặng vật nhiều vô số kể, hiện kim được hứa tặng và mọi tầng lớp từ học sinh tới người lớn, hội đoàn lớn nhỏ tới các tổ chức tôn giáo, công ty và chính phủ.

Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI và Nữ hoàng Anh đã gửi điện văn chia buồn và cầu nguyện cho các nạn nhân. Thủ tướng Kevin Rudd đã tới tận hiện trường và rơi lệ thăm các nạn nhân của thiên tai. Ngày 15/2 ông đã tới Wandong và cảm động, ông rơi lệ khi bồng bé Bailey Lackas 8 tuổi đã mồ côi cha vì cơn lửa đã cướp đi sinh mạng của ông. Thủ tướng đã viết lên chiếc áo thung màu xanh lá cây của bé: “You are a big hero, Bailley” “Em là anh hùng”. Ông hứa xây dựng lại các thị trấn bị hủy phá: “từng viên gạch, chúng ta cùng nhau xây dựng lại từng viên gạch, từng ngôi nhà, từng con đường...” Ong yêu cầu quốc hội chuẩn y ưu tiên xử dụng số tiền 42 tỷ cứu vãn nền kinh tế Uc Châu vào việc xây dựng các vùng bị cháy.

Trong suốt thời gian cháy rừng trên ngày nào thủ hiến John Brunby của tiểu bang cũng có mặt trên hiện trường để hỗ trợ các đội lính cứu hỏa và quân đội trong công việc chữa cháy và đồng cảm với các nạn nhân mất cửa nhà. Ong kêu gọi “Chúng ta hãy coi niềm đau của anh chị em trong cơn cháy rừng như chính là niềm đau của gia đình mình!”.

Cùng ngày 15/2, 17 vị lãnh đạo các Tôn giáo khác nhau đã qui tụ cùng các chính khách và các tín hữu cầu nguyện trong cùng tâm tình và tâm lòng!

Trong cơn thảm họa, gia đình ông bà Caspar Densem và cậu bé Otto vừa trốn chạy! ngay đêm hôm đó họ vui mừng được đón chào một người con là Emma ra chào đời. Hoặc Travis và Jullian Buckland nhà cửa vừa bị cháy rụi thì hạ sinh được bé gái Gypsy

Dù đau buồn về tài sản nhà cửa bị cháy Natasha Hallas và trevor Campbell vẫy quyết tâm tổ chức ngày cưới của mình vào chính ngày lễ tình yêu: Cũng có đám cưới được tổ chức như cặp vợ chồng trẻ Ben Deventer và Elizabeth Nisbet đã bãi bỏ cuộc đi chơi tuần trăng mật để giúp đỡ các nạn nhân của cơn cháy rừng

Một cảnh đẹp tuyệt nữa là người lính cứu hỏa David Tree khi thấy chú Koala bị bỏng, đã chia sẻ hai ba chai nước của chàng để hy sinh cứu sống chú Koala. Chúa Koala sau này được đặt tên là Sam.

III. TRÁI TIM CỦA ÚC: NGÀY TANG TOÀN QUỐC 22/2/2009

Trong những ngày cháy rừng nhân dân Uc đã rộng tay quyên góp, mọi tổ chức từ thể thao văn nghệ tất tất đều hy sinh dành số tiền thu được cho các nạn nhân nên tiền quyên góp lên cả 300 triệu. Thủ tướng Kevin Rudd đã công bố ngày Chúa nhật 22/7/2009 làm ngày “Tang Toàn Quốc” cho tất cả các nạn nhân của cơn cháy rừng xuyên suốt từ ngày 7/2/2009 cho tới nay vẫn chưa ngưng tắt!

11 giờ sáng ngày 22/2/2009 chuông các thánh đường đổ dồn, mọi người ngừng tay hướng về trời cao để cầu nguyện cho các nạn nhân! Cho tới hôm nay lửa đã tiêu hủy hơn 3000 mẫu rừng, cướp đi 209 sinh mạng con người; hủy phá gần 2000 cơ sở nhà cửa và nông trại; tiêu diệt hàng triệu triệu sinh vật từ chim chóc, kangaroo, Koala tơi các con vật lớn nhỏ trên trờ cũng như như trong lòng đất. Thiệt hại về rừng sẽ làm tiểu bang Victoria đã thiếu nước trầm trọng thì nay lại còn thiếu nước hơn nữa trong những năm tháng sắp tới vì cây bị chết khô...

Tuy thế trái tim của người Uc đã luôn rộng mở giúp đỡ những nơi bất hạnh thì nay trái tim đó được lột trần để tuôn tràn thương cảm cho anh chị em đất nước của chính mình.
 
Rao giảng Tin Mừng bằng các phương tiện truyền thông tối tân
Linh Tiến Khải
15:28 24/02/2009
VATICAN - Ngày 24-1-2009 lễ thánh Phanxicô de Sales bổn mạng giới truyền thông công giáo, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã cho công bố sứ điệp gửi Ngày Quốc Tế Truyền Thông thứ 43 tựa đề ”Kỹ thuật mới, tương quan mới. Thăng tiến một nền văn hóa tôn trọng, đối thoại và thân hữu”.

Trong sứ điệp Đức Thánh Cha khẳng định rằng các phương tiện kỹ thuật truyền thông tối tân ngày nay là một món qùa qúy báu cho nhân loại, vì chúng thăng tiến sự cảm thông và tình liên đới giữa con người với nhau, đặc biệt đối với các cộng đoàn và các người cần được trợ giúp và dễ bị tổn thương nhất. Hệ thống vi tinh liên mạng và điện thoại di động cho phép con người liên lạc với nhau và trao đổi tin tức hình ảnh trong nháy mắt. Chúng giúp con người đối thoại với nhau, sống tình yêu thương hiệp thông và thân hữu giữa các thành phần trong đại gia đình của Thiên Chúa. Chúng cũng giúp con người kiếm tìm chân thiện mỹ, thăng tiến phát triển, công bằng hòa bình, các quyền con người, việc tôn trọng sự sống và thiên nhiên, cũng như tinh thần đồng trách nhiệm và sự cộng tác giữa các cá nhân và các dân tộc. Chúng giúp con người chia sẻ trao đổi các giá trị hay đẹp giữa các nền văn hóa và qua đó củng cố sự cảm thông, tinh thần đại đồng và lòng khoan nhượng. Dĩ nhiên cần phải cẩn thận trong việc sử dụng và có óc phán đoán phân định lành mạnh, vì các phương tiện kỹ thuật truyền thông tân tiến này cũng có thể bị dùng cho các mục tiêu xấu xa tha hóa con người. Chúng cũng có nguy cơ khiến cho người trẻ rơi vào thế giới ảo ảnh, bị cô lập và cắt đứt với thực tại cuộc sống.

Trong sứ điệp Đức Thán Cha đặc biệt mời gọi người trẻ trở thành các người loan báo Tin Mừng và các giá trị kitô trong thế giới vi tính.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Cha Domenico Sigalini, tổng tuyên úy phong trào Công Giáo Tiến Hành Italia, kiêm chuyên viên mục vụ giới trẻ, và của ông Stefano Martelli, giáo sư xã hội về các tiến trình văn hóa tại đại học Bologna trung bắc Italia, về sứ điệp cho Ngày Quốc Tế Truyền Thông của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI. Trước hết là Đức Cha Domenico Sigalini.

Hỏi: Thưa Đức Cha, Đức Cha có nhận xét gì về sứ điệp Đức Thánh Cha gửi Ngày Quốc Tế Truyền Thông, và xem ra một trong những điểm ý nghĩa nhất trong sứ điệp đó là việc thừa nhận thế hệ vi tính. Theo Đức Cha nó có ý nghĩa gì?

Đáp: Đây là một sứ điệp can đảm. Không phải là Đức Thánh Cha không biết các nguy cơ của hệ thống liên mạng, nhưng ngài cũng không trừ qủy các nguy cơ đó. Vì thế sứ điệp của Đức Thánh Cha sẽ đem lại thiện ích cho người trẻ là lớp người trực tiếp sử dụng hệ thống liên mạng, cũng như cho người lớn, vì ngài kêu gọi họ có trách nhiệm giáo dục lớn hơn đối với giới trẻ. Trong sứ điệp gửi Ngày Quốc Tế Truyền Thông Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh nhiều điều quan trọng.

Hỏi: Một trong những điều ý nghĩa nhất đó là Đức Thánh Cha đã thừa nhận thế hệ vi tính. Đối với Đức Cha việc thừa nhân này có ý nghĩa gì?

Đáp: Mọi người chúng ta đều nhận ra cảm quan của người trẻ đối với các kỹ thuật tân tiến ngày nay. Riêng cá nhân tôi, việc ghi nhận này đã gây ra cho tôi ấn tượng rất lớn. Lý do là vì tôi cũng nhận ra nơi đó vài đặc tính của người trẻ ngày nay.

Hỏi: Đức Cha thấy đâu là các đắc thái nổi bật nhất nơi người trẻ?

Đáp: Trước hết chính người trẻ là lớp người có nhiều kinh nghiệm nhất đối với thực tại vi tính, được hiểu như là khoảng không gian diễn tả trong đó họ có thể sống kinh nghiệm cuộc đời. Trong đó họ nối kết các liên hệ, họ đối thoại với nhau, họ tổ chức các cuộc gặp gỡ, và làm nảy nở ra các tình cảm.

Tuy nhiên hệ thống liên mạng cũng có nguy hiểm của nó: đó là nó giam cầm người trẻ trong thế giới ảo ảnh và không sống thực tại đích thật của cuộc sống nữa. Đây là nguy cơ mà chúng ta là người lớn với các trách nhiệm giáo dục của mình, chúng ta không được coi thường.

Hỏi: Thưa Đức Cha, có nhiều nhà bình luận đã bị ấn tượng mạnh vì giọng điệu Đức Thánh Cha dùng trong sứ điệp. Ngài tỏ ra rất tin tưởng nơi các kỹ thuật tân tiến. Đức Cha nghĩ sao?

Đáp: Vâng, tôi đồng ý với nhận xét của qúy vị. Đây là một sứ điệp rất tích cực, nhưng không ngây thơ. Dĩ nhiên là Đức Thánh Cha dư biết là qua hệ thống liên mạng cũng có nhiều chất liệu dơ bẩn, hay có một số người dùng Internet để phổ biến các điều dối trá chống lại Tin Mừng và chống lại Giáo Hội. Vì thế ngài mới yêu cầu chú ý tới phẩm chất của các nội dung và không dừng lại ở các khía cạnh tiêu cực. Trái lại, ngài cho biết những gì tích cực nơi các phương tiện kỹ thuật tân tiến này. Giờ đầy thế giới giáo dục phải xây nhịp cầu giữa ảo ảnh và thực tại bằng cách khích lệ người trẻ có các tương quan đích thật.

Hỏi: Thật thế, vì Đức Thánh Cha mời gọi người trẻ đừng tầm thường hóa tình bạn, có phải vậy không thưa Đức Cha?

Đáp: Đúng vậy. Người trẻ phải được giáo dục đừng sống cô lập trong một thế giới trừu tượng, vì không thể giải quyết cuộc sống tình cảm với các địa chỉ trên mạng trình bầy các áo ảnh, mà phải được giải quyết bằng các tiếp xúc và đụng chạm đích thật với thực tại, đôi khi khó khăn, nhưng chắc chắn là trung thực và nhân bản hơn.

Hỏi: Trong sứ điệp cho Ngày Thế Giới Truyền Thông 2009 Đức Thánh Cha cũng mời gọi giới trẻ công giáo rao truyền Tin Mừng trong lãnh vực liên mạng. Làm thế nào để trải dài mục vụ cho giới trẻ trên mạng thưa Đức Cha?

Đáp: Internet là một phương thế rất mạnh mẽ giúp diễn tả điều chúng ta tin và thông truyền nó cho các người khác. Nó là một cuộc đối thoại mà trong khi chúng ta thực hành thì chúng ta liên tục thay đổi kiểu diễn tả và tạo ra sự cảm thông lẫn nhau. Vì thế ai có các kho tàng nội tâm thì đưa lên mạng để chia sẻ cái phong phú nội tâm đó của mình với người khác. Nhưng điều này đòi hỏi chúng ta phải có óc tượng tưởng sáng tạo mục vụ cũng như khả năng tìm tòi khám phá, và làm trung gian thông truyền văn hóa. Người trẻ có khả năng làm được tất cả những điều này.

Hỏi: Thưa Đức Cha, tại sao Đức Cha lại ghi danh tham dự địa chỉ liên mạng Facebook?

Đáp: Bởi vì tôi nghĩ rằng sự hiện diện trong thế giới này là một việc trải dài chức thừa tác của tôi. Tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan tới những đề tài nền tảng của cuộc sống. Do đó tại sao lại không tìm cách trả lời cho các câu hỏi này bằng cách sử dụng hệ thống liên mạng?

Sau đây là một số nhận định của ông Stefano Martelli, giáo sư xã hội về các tiến trình văn hóa tại đại học Bologna trung bắc Italia, về sứ điệp cho Ngày Quốc Tế Truyền Thông của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI. Cuốn sách của giáo sư tựa đề ”Băng hình xã hội hóa” đã được in lần thứ IV. Giáo sư đã là một trong các thuyết trình viên tại đại hội do văn phòng truyền thông của Hội Đồng Giám Mục Italia tổ chức mới đây.

Hỏi: Thưa giáo sư Martelli, giáo sư nghĩ gì về sứ điệp cho Ngày Thế Giới Truyền Thông của Đức Thánh Cha?

Đáp: Sứ điệp của Đức Thánh Cha tiếp nhận tốt ý thức kinh ngạc trước các khả thể to lớn của việc tự xã hội hóa, mà các kỹ thuật tân tiến cống hiến cho trẻ em và người trẻ. Trong sự tôn trọng đối với các thế hệ đi trước, người trẻ sinh ra trong xã hội được các hệ thống liên mạng biến trở thành toàn cầu ngày nay, có thể tiếp xúc một cách dễ dàng với các người trẻ đồng trang lứa gần xa khắp nơi trên thế giới.

Đồng thời sứ điệp của Đức Thánh Cha cũng mời gọi tất cả mọi người chú ý đến các nguy hiểm của các tiếp xúc đó mà không có người lớn. Theo tôi nguy hiểm chính không phải là có các cuộc gặp gỡ xấu trên mạng, nhưng là mất thì giờ lang thang trên các mạng không được thành lập một cách tốt và bị lạc trong đó.

Hỏi: Trong mức độ nào qua phương tiện truyền thông liên mạng, chúng ta có thể thăng tiến một nền văn hóa của sự tôn trọng, đổi thoại, và tình bạn, trong một thế giới như thế giới của các địa chỉ trên mạng, trong đó sự tiếp cận nhanh chóng và thông truyền ảo ảnh khác với các tương quan ”diện đối diện” trong cuộc sống thường ngày?

Đáp: Mạng vi tính giúp nhân lên gấp nhiều lần các cuộc tiếp xúc và khả thể hiểu biết, nhưng các cuộc gặp gỡ định đoạt xảy ra trong cuộc sống thường ngày với các người có ý nghĩa đối với chúng ta, với các chứng nhân có uy tín. Chính tại đây cả trong thời đài toàn cầu, người lớn biết giáo dục có thể cống hiến cho người trẻ các dịp gặp gỡ cá nhân. Tôi nghĩ đến các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, là các dịp tạo ra các tương quan lâu dài giữa các người trẻ và các nhóm trẻ thuộc nhiều quốc gia với nhau, nhờ các phương tiện truyền thông và kỹ thuật tối tân, trong đó có hệ thống liên mạng.

Hỏi: Thưa giáo sư, theo giáo sư trong sứ điệp tựa đề ”Các kỹ thuật mới các tương quan mới”, ảo ảnh và thực tại đối chọi với nhau trong kỷ nguyên của địa chỉ trên mạng Web 2.0. Giữa hai thế giới có mối dây nối kết nào không?

Đáp: Ảo ảnh và thực tại là các từ phỏng chừng vậy để ám chỉ hai kiểu truyền thông, kiểu truyền thông ”mặt đối mặt” và kiểu truyền thông qua trung gian của máy vi tính nối với Mạng. Khuynh hướng hiện nay đối chọi chúng với nhau là điều thái qúa. Vì từ từ khi người ta tập sử dụng các kỹ thuật mới trong cuộc sống thường ngày, ngoài máy vi tính ra, thì còn có các loại điện thoại cầm tay, mà chúng ta gửi qua hệ thống thư trên mạng, rồi lấy nhạc từ trên mạng vào điện thoại di động vv... Tất cả các đối kháng này sẽ biến mất.

Thật ra, điều hiệp nhất ảo ảnh và thực tại là con người, là bản vị và kiểu nó bước vào trong tương quan với người khác. Liên quan tới điểm này sứ điệp của Đức Thánh Cha đã rất là rõ ràng. Đức Thánh Cha dùng các từ rất hay đẹp, bằng cách chỉ cho thấy trong việc truyền thông được thi hành một cách tốt đẹp, có con đường giúp con người tiến tới gần Thiên Chúa, là ”Thiên Chúa của sự truyền thông và của tình hiệp thông”.

(Avvenire 24-1-2009)
 
Đức TGM Dolan được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục New York
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
16:45 24/02/2009
Vatican (CNA) - Hôm 23/02/2009, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã quyết định bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Timothy Dolan của Milwaukee trở thành Tổng Giám Mục kế nhiệm của New York, nơi mà Toà Thánh Vatican đã hơn một lần mô tả như là "thủ đô của thế giới".

Đức Cha Timothy Michael Dolan sinh ngày 6 tháng Hai, 1950, là con trai trưởng trong gia đình có năm anh em của ông bà Robert Dolan và Shirley Dolan Radcliffe.

Năm 1964, ngài bắt đầu học trung học ở Chủng Viện Dự Bị St. Louis miền Nam Shrewsbury, MO. Sau khi theo học tại Học viện Hồng y Glennon và sau đó tại Học viện Giáo Hoàng Bắc Mỹ ở Rôma, Đức Tổng Giám Mục Dolan là được phong chức linh mục vào ngày 19 tháng Sáu, 1976.

Sau đó, Đức Cha Dolan bắt đầu thời gian phục vụ trong giáo xứ trên cương vị phụ tá ở Giáo xứ Immacolata, Richmond Heights, MO. cho đến năm 1979, khi ngài bắt đầu nghiên cứu luận án tiến sĩ về Lịch sử Giáo Hội Hoa Kỳ tại Trường Đại học Công Giáo Hoa Kỳ.

Trước khi hoàn thành luận án tiến sĩ của mình, ngài đã dành ra một năm nghiên cứu về Cố Tổng Giám Mục Edwin O'Hara, người sáng lập Hiệp Hội Thánh Kinh Công Giáo. Cuộc đời và thừa tác vụ của Tổng Giám Mục chính là là chủ đề của luận án tiến sĩ.

Khi trở lại St. Louis, Đức Cha Dolan lại tiếp tục thừa tác vụ giáo xứ (1983-87) và đồng thời phục vụ như là người liên lạc cho cố Tổng Giám Mục John L. May với nhiệm vụ cơ cấu lại các chương trình học viện và thần học của hệ thống chủng viện trong Tổng Giáo phận.

Năm 1987, ngài được bổ nhiệm trở thành thư ký của Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Washington, DC với nhiệm kỳ 5 năm.

Trở lại St. Louis vào năm 1992, ngài được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Chủng Viện Kenrick-Glennon, phục vụ như giám đốc đào tạo tâm linh và giáo sư về Lịch sử Giáo Hội.

Năm 1994, ngài trở thành Hiệu trưởng Học viện Giáo Hoàng Bắc Mỹ ở Rôma, nơi ngài phục vụ cho đến tháng Sáu năm 2001.

Trong khi ở Rôma, ngài cũng phục vụ như là một giáo sư thỉnh giảng về Lịch sử Giáo Hội tại Trường Đại học Giáo Hoàng Gregoria và là thành viên của Khoa Thần học Đại Kết tại Trường Đại học Giáo Hoàng Thánh Thomas Aquinas.

Vào ngày 19/6/2001, nhân kỷ niệm 25 linh mục của mình, Cha Dolan được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám Mục phụ tá của St. Louis, ngài lựa chọn khẩu hiệu cho mình theo lời tuyên xưng đức tin của Thánh Phêrô: Ad Quem Ibimus, "Lạy Chúa, bỏ thầy con biết theo ai?" (Ga 6,68).

Vào ngày 25/6/2002, Đức Cha Timothy Michael Dolan được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Milwaukee.

Ngài được tấn phong trở thành Tổng Giám Mục thứ 10 của Milwaukee vào ngày 28/8/2002, kế vị người lãnh đạo gây tranh cãi là Tổng Giám Mục Rembert Weakland, người đã được Tòa Thánh Vatican chấp thuận cho từ chức không đầy 24 tiếng đồng hồ sau khi đệ đơn, khi ngài thừa nhận có quan hệ giới tính với một người đàn ông trưởng thành vào những năm 80.

Trong suốt những năm ở Milwaukee, Tân Tổng Giám Mục New York có được danh tiếng là "típ người cá tẩm bột và khoai tây chiên (fish-and-chips)" - như ngài mô tả về mình khi được bổ nhiệm phục vụ ở Milwaukee - có khả năng xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp với các linh mục của giáo phận, trong khi đồng thời khôi phục ý thức về thẩm quyền và lòng trung thành đối với giáo huấn của Giáo Hội.

Vào tháng Giêng năm 2004 – ngay vào giữa cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục – Đức Tổng Giám Mục Dolan đã lập ra một "hệ thống hòa giải giáo sĩ lạm dụng tình dục" nhằm mục đích đối xử "cởi mở, đầy lòng trắc ẩn và sáng tạo đối với các nạn nhân/những người còn lại của nạn lạm dụng tình dục bởi các thành viên giáo sĩ Công Giáo".

Vào năm 2004, Đức Cha Dolan cho hay: "Trong khi hệ thống này rõ ràng sẽ có chức năng nằm ngoài cơ cấu của Giáo Hội Công Giáo, tôi vẫn sẽ phải liên quan đến các nạn nhân/những người còn lại, họ vẫn muốn gặp tôi. Lắng nghe các nạn nhân/những người còn lại không chỉ mang tầm quan trọng đối với sự bình phục của họ từ thảm kịch này, mà nó còn quan trọng đối với tôi như là người đứng đầu của Giáo Hội Công Giáo của miền Đông Nam Wisconsin.

Hăm hở sử dụng phương tiện truyền thông cho việc Tân Phúc Âm Hoá, Đức Tổng Giám mục Dolan cũng đã là người dẫn chương trình truyền hình của chương trình giải thích đức tin và giáo huấn Công Giáo được tài trợ bởi Hiệp sĩ Công Giáo Milwaukee. Loạt chương trình truyền hình thứ hai dài 30 phút, mang tựa đề "Sống Đức Tin" đã bắt đầu vào 14 tháng Hai, 2009. Mặc dù thực tế là ngài được bổ nhiệm phải rời Milwaukee để nhận nhiệm vụ mới ở New York, nhưng tám chương trình còn lại sẽ được phát vào mỗi trưa Thứ Bảy đến ngày 11 tháng tư, khi tên người kế nhiệm ngài sẽ được công bố.

Đức Tổng Giám Mục Dolan sẽ đến New York với uy tín của một người vốn dễ chịu với báo chí và có một niềm say mê đối với giáo dục Công Giáo. Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến sự tinh thông của ngài trong làm việc với các chủng viện. Theo tiểu sử chính thức của ngài đăng trên trang web Tổng Giáo phận Milwaukee thì "công việc của Đức Tổng Giám mục trong lĩnh vực giáo dục chủng viện có ảnh hưởng đến đời sống và việc mục vụ của một số linh mục của thiên niên kỷ mới."

Đức Giám Mục Robert Morlino của Madison, Wisconsin cho hay rằng: "trong khi Bang Wisconsin đang buông ra một vị chủ chăn ưu tú, tôi có thể không phản ứng bất cứ điều gì với tin tức bổ nhiệm hôm nay nhưng vui mừng! Đức Tổng Giám Mục Timothy Dolan, người mà tôi đã may mắn được biết đến trong nhiều năm qua – trên cương vị Hiệu trưởng Học viện Giáo Hoàng Bắc Mỹ, Giám Mục phụ tá của Saint Louis và trên cương vị Tổng Giám Mục của riêng tôi - là một con người, không còn nghi ngờ gì nữa, tận tâm để phục vụ Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài".

Đức Giám Mục Morlino nói thêm: "Khi ngài đến Tổng Giáo Phận New York, được trang bị bằng sự hiểu biết to lớn về lịch sử Giáo Hội chúng ta và một tình yêu sâu sắc của thiên chức linh mục, Đức Tổng Giám Mục Dolan cũng là một con người được thiên phú đặc biệt với quà tặng của bác ái và nhiệt tâm, và thật sự tận tâm cho công cuộc Tân Phúc Âm Hóa được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô vĩ đại công bố. Xây dựng công việc khổng lồ đã được thực hiện bởi tín hữu của Tổng Giáo Phận New York, gồm các vị tiền nhiệm gần đây nhất của ngài Đức Hồng y Edward Egan và Đức Hồng y John O'Connor, tôi chắc chắn rằng Đức Tổng Giám Mục Dolan sẽ là một vị chủ chăn và là người cha nổi bật, hướng dẫn đàn chiên mới của ngài vào đức tin, hy vọng và bác ái sâu sắc hơn bao giờ hết.

Trên cương vị Tổng Giám Mục của New York, Đức Cha Dolan sẽ phục vụ 2,5 triệu người Công Giáo.
 
Danh sách ân nhân yểm trợ cho nạn nhân cháy rừng tại Victoria - Úc Châu
Anthony Nguyễn Hữu Quảng sdb
23:11 24/02/2009
Danh sách ân nhân giúp cho các nạn nhân cơn cháy rừng tại Victoria - Úc Châu

- Nguyễn Thị Huyền Anh – Vic $200.00

- Nguyễn Hồng Thế – Vic $1000.00

- Uyên Trung – Vic $100.00

- Quỳnh Đào – Vic $150.00

- Bà má Quang Bích – Vic $100.00

- Trạng Tịnh – Vic $200.00

- Vân Nguyệt – Vic $50.00

- Mai Thị Thêu – Vic $200.00

- Mai Thị Thu – Vic $50.00

- Trần Mỹ Hạnh – NSW $100.00

- Nguyễn Khắc Hiếu – Vic $200.00

- Victor Lý – Vic $50.00

- AC Long Suy – Vic $200.00

- Huy Hoàng – Vic $50.00

- Nguyễn Đức Thạnh – Vic $200.00

- Nguyễn Kim Nhung – Vic $100.00

- Nguyễn Thị Minh Ánh – NSW $1000.00

- Hồ Quốc Sắc & Kim Thủy – Vic $600.00

- Hoàng Hoa – Vic $200.00

- ÔB Hinh và gia đình – Vic $300.00

- Đào Thanh Tuyền – Vic $500.00

- An Danh - UL - Vic $100.00

- Nhà hàng Thuận An – Sunshine $4000.00

- Giáo xứ St Margaret Mary’s Brunswick $1300.00

- Tuân Huyền – Vic $200.00

- Bích Anh – Vic $100.00

- Dòng Ba Đaminh huynh đoàn Thánh Đaminh Khảm – Vic $660.00

- Lưu Ngọc Sơn $50.00

- Hải Hạnh – Vic $300.00

- Sally Ann Nguyễn – Vic $100.00

- Toàn Nguyễn – Vic $100.00

- Trúc Hoa – Vic $100.00

- Đặng Thanh Liêm – Vic $50.00

- Minh Ngọc – Vic $100.00

- Quỳnh Kiều – Vic $100.00

- Gđ Trần Sữa – Vic $100.00

- Bích Liên – Vic $100.00

- Bà Mười – Vic $50.00

- Khâm Nguyệt – Vic $50.00

- Nguyễn Kim – Vic $400.00

- An danh (bà cố) – Vic $350.00

- Đào Toản – Vic $300.00

- Lê Xuân Bích – Vic $200.00

- Lê Công Trường – Vic $200.00

- Lê Quang Phẩm – Vic $200.00

- Hoàng Đức Trinh – Vic $100.00

- Phạm Văn Tá – Vic $200.00

- LittleNhi – NSW $100.00

- Đinh Xuân Cường – Vic $150.00

- Thanh Nguyễn – Vic $200.00

- Văn Nguyễn – Vic $50.00

- Nguyễn Công Tâm – Vic $50.00

- Sr Tuyên – Vic $100.00

- Nguyễn Hưng – Vic $200.00

- Vũ Thị Nguyệt – Vic $200.00

- Đinh Trinh – Vic $100.00

- CĐ Cung Chiều Cecilia – Vic $462.00

- Nguyễn Long – Vic $100.00

- Bác Châu – Vic $50.00

- Lê Thị Lệ Phương – Vic $200.00

- An Danh – Vic $300.00

- O Nội, Nam Uyên Mi – Vic $200.00

- Ai Tâm – Vic $150.00

- Phạm Thị Hiên – Vic $180.00

- OB Phạm Như Lân – Vic $100.00

- OB Khổng Hữu Lừng – Vic $100.00

- Nguyễn Chính Ích – Vic $50.00

- Hùng Thanh – Vic $50.00

- AC Sáu Án – Vic $100.00

Tổng kết $18,392.00 giúp gia đình Hưởng Thủy tại Kingslake $5,000.00; số còn lại là $13,392.00 được trao về cho Qũy cứu trợ của Tổng giáo phận Melbourne.

Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng SDB (Chủ nhiệm)
 
Top Stories
Le Saint-Siège diffuse le communiqué commun publié à l’issue de la première réunion du groupe mixte de travail Vietnam-Saint-Siège
Eglises d'Asie
14:13 24/02/2009
Le 20 février 2009, sous le titre de « Communiqué conjoint du groupe mixte de travail Vietnam-Saint-Siège sur les relations diplomatiques », le Bureau de presse du Saint-Siège a publié le texte original (en anglais) suivi de la traduction en italien du communiqué de presse qui avait paru en traduction vietnamienne dans une dépêche de l’Agence vietnamienne d’information, le 18 février 2009, et avait été repris par l’ensemble de la presse officielle vietnamienne du même jour. Aucun commentaire n'a été ajouté par le Saint-Siège au texte du communiqué, traduit ici par la rédaction d’Eglises d’Asie:

Conformément aux accords passés entre le gouvernement vietnamien et le Saint-Siège, la première rencontre du groupe mixte de travail Vietnam-Saint-Siège a été organisée à Hanoi du 16 au 17 février 2009, pour y échanger des points de vue sur l'établissement de relations diplomatiques. La réunion a été co-présidée par le vice-ministre des Affaires étrangères Nguyên Quôc Cuong, et par Mgr Pietro Parolin, sous-secrétaire au Saint-Siège pour les relations avec les Etats.

Durant la réunion, le vice-ministre des Affaires étrangères Nguyên Quôc Cuong a mis en relief la politique persistante du Vietnam de respect de la liberté de croyance, les résultats obtenus et la situation des affaires religieuses au Vietnam dans les années récentes. Le vice-ministre a exprimé le vœu que, grâce à la contribution active apportée par le Saint-Siège à la vie de la communauté catholique au Vietnam, soit renforcée l’union entre les religions et qu’ainsi, l’on parvienne à l’union nationale au Vietnam de sorte que l’Eglise catholique au Vietnam soit liée à la nation et contribue véritablement à l’édification du pays.

Au nom du Saint-Siège, le sous-secrétaire, Mgr Pietro Parolin a pris acte de l’exposé de la délégation vietnamienne sur la politique de liberté de religion et de croyance. Il a reconnu que des progrès positifs avaient été réalisés dans la vie religieuse au Vietnam et il a souhaité que les problèmes restés sans solution dans les relations bilatérales entre le Vietnam et le Saint-Siège soient réglés avec bonne volonté grâce à un dialogue sincère. Mgr Parolin a souligné que la politique du Saint-Siège consistait à respecter l’indépendance et la souveraineté du Vietnam, les activités religieuses de l’Eglise n’étant pas menées pour des raisons politiques. Il a aussi fait remarquer que les enseignements de l'Eglise invitaient les fidèles à être de bons citoyens, travaillant pour le bien commun de leur pays.

Pendant la réunion, les deux parties ont mené un débat large et profond à propos des relations bilatérales, y compris des questions en rapport avec l’Eglise catholique au Vietnam. Les deux parties ont pris acte du développement encourageant des relations entre le Vietnam et le Saint-Siège depuis 1990. Elles se sont accordées sur le fait que la première rencontre du groupe mixte de travail était un nouveau pas en avant important dans les relations entre le Vietnam et le Saint-Siège et que de plus grands efforts devront être encore réalisés pour intensifier ces liens bilatéraux.

Les deux parties se sont entendues pour organiser une seconde rencontre du groupe mixte de travail. La date et le lieu de cette nouvelle réunion seront précisés plus tard.

La réunion du groupe mixte de travail Vietnam-Saint-Siège s’est déroulée dans un climat d’ouverture, de franchise et de respect mutuel.

Durant son séjour à Hanoi où elle a participé à la réunion du groupe mixte de travail, la délégation du Saint-Siège est allée saluer le bureau gouvernemental des Affaires religieuses. Elle visitera les diocèses de Thai Binh et de Bui Chu, ainsi qu’un certain nombre de sites culturels et historiques du Vietnam.

(Source: Eglises d'Asie, 24 février 2009)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hội ái hữu điạ phận Hà Nội mừng xuân phát động chiến dịch hỗ trợ ĐCV Hà Nội
Hoàng Trác Thành
00:25 24/02/2009
Tối Chúa Nhật 15-2-2009 vừa qua, hơn 250 quan khách, hội viên, ân nhân, thân hữu và đồng hương Hà Nội đã tham dự buổi tiệc mừng Xuân Kỷ Sửu 2009 của hội Ái Hữu Địa Phận Hà Nội Hải Ngọai tại nhà hàng Paracel Seafood trong thành phố Westminster Nam California. Trong những quan khách dự tiệc đêm nay có sự hiện diện của cha Nguyễn Văn Khấn, và cha Vũ Hùng Tôn đến từ Washington State. Trong những năm gần đây, tiệc mừng Xuân đã trở nên một truyền thống tốt đẹp của Hội Hà Nội. Mỗi độ Xuân về, bà con Hà Nội luôn hỏi nhau rằng bữa nào Hội Hà Nội sẽ ăn mừng Xuân. Đó là niềm vui của những người từ bao năm qua đã bỏ biết bao công sức để gầy dựng nên thói quen tốt đẹp đó. Đây cũng là một dịp tốt để bà con Hà Nội có cơ hội gặp gỡ, thăm hỏi, chúc tuổi lẫn nhau và cùng nhau ăn mừng mùa Xuân mới. Năm nay Ban Chấp Hành cũng đã cho phát động một chương trình đặc biệt. Đó là chương trình Hỗ Trợ Ơn Gọi Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội. Nơi đào tạo Linh Mục cho 8 Gíáo Phận miền Bắc.

Được biết, do sự gợi ý của Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt trong buổi gặp gỡ Ban Chấp Hành hội Hà Nội cuối tháng tám năm ngóai nhân dịp Ngài thăm viếng chính thức Giáo Phận Orange với tính cách Tổng Giáo Phận Hà Nội và Giáo Phân Orange kết tình anh em, Ban Chấp Hành đã quyết định thiết lập một hội bất vụ lợi lấy tên là “Supporters of the Diocese of Ha Noi Việt Nam”. Thành phần nhân sự như sau theo sự đòi hỏi của luật lệ tiểu bang California.: Ông Đỗ VănLiêm (President), Ông Luơng Văn Thanh (Secretary), Bà Trần Thị Ánh ( Treasurer). Đồng thời Ban Chấp Hành cũng đã nghiên cứu lập một bản Nội quy để dễ bề sinh họat

Nay theo như sự trình bày của Ông Hội trưởng Đỗ Văn Liêm trong phần phát động chương trình Hỗ Trợ Ơn Gọi đêm nay, bản Nội Quy đã được Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt chuẩn nhận với một vài quy định chính như sau: bất cứ ai không phân biệt tuổi tác đều có thể trở thành ân nhân của Hội. Nếu đóng tối tiểu hàng tháng năm (05) Mỹ Kim hoặc nhiều hơn tùy lòng, thì sẽ trở thành Ân nhân hàng năm. Đóng hàng tháng hay hàng năm. Ân nhân nào trong vòng một năm đóng đủ một ngàn mỹ kim (1000) sẽ là ân nhân trọn đời (nếu còn sống) và là ân nhân vĩnh viễn( nếu đã qua đời và do thân nhân còn sống đóng cho.).

Và để việc liên lạc và sinh họat được dễ dàng, nơi nào có từ năm ân nhân thì có thể trở thành một Chi Hội. Ban Chấp Hành đã đề cử Ông Nguyễn Văn Khải trưởng ban Vận Động đặc trách Vùng Los Angeles và Ông Bà Cố Trần Đức Tuấn vùng Orange.

Kết qủa của buổi phát động chương trình hỗ trợ Đại Chủng ViệnThánh Giuse đã đạt được một kết qủa đáng khích lệ. Có tất cả 6 vị đã hứa trở thành ân nhân trọn đời. Đó là: Bà Maria Vũ thị Thanh Miện, Bà Maria Đỗ Trinh Thục, Ông F.X. Trịnh Ngọc Đóan, Bà Têrêsa Dương Hường Vicky, Ô. Nguyễn Văn Khải, Bà Anna Cao Kim Ngọc, Ông Nguyễn Viết Khảm, Bà Cecilia Tracy Trịnh Trang, Ông Phaolo Lương Văn Hùng và. Ông Antôn Trịnh Tiến Đạt Và có 5 vị cho biết cũng đã thu nhân được ít nhất 4 ân nhân nên có thễ sẽ trở thành những chi Hội Trưởng đầu tiên. Đó là: Ông Đỗ Văn Liêm, Ông F.X. Trịnh Ngọc Đóan, Ô.Antôn Lương Văn Thanh, Bà Catêrina Trần Thị Ánh và Ông nguyễn Văn Khải.

Với một khí thế hăng say để chuẩn bị cho việc phát động chuơng trình Hỗ Trợ Ơn Gọi, ban tổ chức đã qui tụ một chương trình trình diễn và văn nghê rất hấp dẫn. Trước hết là phần trình bày “slide show” do Ông Nguyễn Văn Chính đảm trách. Ông từng là Tổng Thư Ký trong suốt 7 năm vùa qua. Ông đã thu thập được rất nhiều hình ảnh về Hà nội mến yêu. Mở đầu cho chương trình văn nghệ năm nay là hợp ca bản: Hướng Về Giáo Phận” do nhạc sĩ Nguyễn Xuân Tùng viết riêng tặng cho Hội Ái Hữu Địa Phận Hải Ngọai. Tiếp theo là những màn ca vũ do ca đòan Saddleback với ca sĩ Phưong Loan và ca trưởng Trần YêmThông và ban nhạc Hòai Hương.phụ trách.

Tiết mục chính yếu của chương trình mừng xuân năm nay là màn trình diễn của ảo thuật gia Trần Minh đến từ Las Vegas. Đây là tiết mục lôi cuốn các em và đuợ c các em mong đợi nhất. Như thường lệ năm nay cũng có nhứng tiết mục không thể thiếu được trong ngày đầu Xuân: Sơ Táo Quân do Ông Nguyễn Ngọc Óanh phụ trách, hái lộc đầu Xuân do Bà Trần Thị Ánh phụ trách và Xổ Số lấy hên.

Buổi tiệc mừng Xuân đã kết lúc 11:00. khuya. Mọi người ra về sau 3 tiếng đồng hồ tâm sự, thưởng thức một chương trình văn nghệ đặc sắc và hẹn gặp nhau năm tới.
 
Ngày tĩnh tâm tại ĐCV Ngôi Lời: Trở về với Chúa
Peter Võ
00:58 24/02/2009
ĐẠI CHỦNG VIỆN NOG6I LỜI, Epworth, Iowa (21.2.2009) - Ðể chuẩn bị tâm hồn bước vào Mùa Chay, các chủng sinh, cùng với 15 soeurs và 4 cha Việt Nam hiện đang theo học Anh Văn (ESL), đã cùng nhau tĩnh tâm một ngày cuối tuần. Ðề tài chính cho ngày tĩnh tâm là Trở Về Với Chúa, do Cha Phêrô Võ Tá Ðề, SVD, Chánh Xứ Chúa Phục Sinh, St. Louis, Missouri hướng dẫn.

Chương trình dự định là tĩnh tâm một nơi khác ngoài khung cảnh quen thuộc của Ðại Chủng Viện, nhưng bão tuyết mùa Ðông phủ trắng đồng, đã cản bước các tâm hồn đầy thiện chí sẵn sàng vọng ngoại cho một ngày cuối tuần. Vào phút cuối Cha Giám luật, Lưu Mai Khiên, đã phải huỷ hẹn với hai xe buýt lớn và chỗ tĩnh tâm. Ai nấy đều ca:

Trời Ðông, bão tuyết, đi đâu?
Tĩnh tâm tại chỗ, càng sâu tình Ngài
.

Mở đầu chương trình bằng Kinh Sáng, do Cha Hoàng Cao Thăng hướng dẫn. Hình ảnh từ Thánh vịnh 51 với tâm tình thống hối đã nâng tâm hồn mọi người lên cùng Chúa. Kế đến, Cha Lưu Mai Khiên, giới thiệu Cha hướng dẫn tĩnh tâm, là người cũng đã tham dự lớp ESL tại Ðại Chủng Viện Ngôi Lời mùa Ðông 1981, hôm nay “trở về mái nhà xưa” với đề tài “Trở về với Chúa.”

Trở về với Chúa từ nhân,
Người đang mời gọi ân cần ngóng trông.
Bao ngày ta đã đi rông,
Về đây hưởng lấy tình nồng Chúa ban.
Ngồi chung với Chúa đồng bàn,
Rượu ngon Người rót đầy tràn cho ta.
Ân tình phúc lộc chan hoà,
Ðất Trời giao kết bao là hân hoan
.

Cha đã kỹ lưỡng dọn bài có phụ đề Việt ngữ để giúp cho các soeurs và cha Việt Nam đang trong chương trình ESL có thể lĩnh hội ý chính của ngày tĩnh tâm. Bình thường cha Ðề vẫn tóm ý bài chia sẻ với những câu hò lơ, nhưng trong hoàn cảnh đa văn hoá của Ðại Chủng Viện, cha đã không hò lơ, một chỉ để những câu hò trong phần phụ đề.

Cha lướt qua lịch sử mùa Chay trong Hội Thánh, ý nghĩa mùa Chay xưa và nay để dẫn người nghe vào tâm tình “Trở Về Với Chúa.” Ðể trở về, cần phải khước từ tội lỗi, hưởng lòng Chúa từ nhân qua Bí Tích Hòa Giải. Hình ảnh tội được diễn tả qua “hồ cá sấu” nguy hiểm và Chúa Thánh Thần là động lực chính giúp cho mỗi tội nhân bơi qua hồ cá sấu thiêng liêng, hoán cải.

Thánh Thần xin Chúa đổ tuôn,
Ơn Ngài soi dẫn suốt luôn ngày này.
Xin cho ai nấy đổi thay,
Cuộc đời hoán cải từ nay thực lòng
.

Cha giúp người nghe thay đổi ý niệm về “việc đền tội.” Rất nhiều người cho rằng đọc một vài kinh, hoặc ngay cả lần hai hay ba tràng hạt là đủ để đền tội. Cha cho biết đọc kinh không phải đền tội. Nếu đọc kinh là đền tội, thế thì cứ mỗi sáng hoặc mỗi tối chúng ta đọc kinh là làm việc đền tội hay sao? Cứ mỗi Chúa Nhật, chúng ta họp nhau đọc kinh là làm việc đền tội hay sao? Chắc hẳn không phải là thế! “Tội khi quân” là tội đáng chết, có khi bị “tru di tam tộc,” huống hồ phạm đến Chúa là Ðấng Cực Thánh, chắc hẳn là phải án chết. Thế thì, đọc kinh là để ca ngợi, chúc tụng và cảm tạ Chúa vì Chúa quá nhân từ tha thứ tội lỗi cho chúng ta, cho dẫu tội của chúng ta là tội đáng chết.

Một ý tưởng khác liên hệ đến Bí Tích Hòa Giải, là năng lãnh nhận, thay vì lười biếng hoặc khước từ. Một số người chủ trương: vì cứ xưng đi rồi phạm lại, tại sao phải xưng mãi? Chi bằng không cần xưng tội là xong! Cha dùng hình ảnh rửa chén bát sau mỗi bữa ăn. Biết rằng hôm sau chén bát sẽ bẩn trở lại, tại sao phải rửa hôm nay? Tại sao không để bẩn như vậy, rồi hôm sau sẽ dùng lại chén bát bẩn đó? Một cách tương tự, biết rằng ngày hôm sau sẽ đói trở lại, tại sao phải ăn hôm nay? Cho dẫu ngày hôm sau sẽ đói lại, nhưng cần phải ăn hôm nay, vì hôm nay đang đói, và qua tiến trình đói-no đó, con người lớn lên. Việc xưng tội cũng thế, cho dẫu biết rằng sẽ phạm tội trở lại trong tương lai, cần xưng tội, để qua những lần xưng tội đó, con người lớn lên trong đường thiêng liêng. Ðó là ý tưởng chúng ta cần có về việc siêng năng lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải, đặc biệt trong mùa Chay, để “Trở Về Với Chúa.”

Trở về với Chúa từ nhân,
Hưởng lòng từ ái muôn phần sướng vui.
Ở chi trong tội ngập vùi?
Ðể rồi đau khổ ngậm ngùi bi ai?
Ai gồng gánh nặng hai vai,
Về đây hưởng phúc lâu dài yêu thương
.

Trở về để hưởng lòng từ ái bao la của Chúa, Ðấng luôn tha thứ và yêu thương “vô điều kiện” (unconditional love) như hình ảnh trong bài đọc Chúa Nhật ngày mai (Chúa chữa lành người bất toại). Ðừng nản lòng, đừng thất vọng vì tính yếu đuối con người cứ sa đi ngã lại. Ðiều quan trọng là cố gắng trở về. Ðể hỗ trợ ý tưởng này, cha hướng dẫn cho mọi người xem một khúc video dài 2 phút 40 trong đó (www.maniacworld.com/are-you-going-to-finish-strong.html), anh thanh niên tên Nick Vujicic không có tay, không có chân, khi ngã xuống, đã cố gắng vươn dậy, ngay cả 100 lần, mãi cho đến khi đứng dậy được... Chúa vẫn yêu thương đợi chờ chúng ta trở về và trở về. Video về anh Nick Vujicic kết thúc bài chia sẻ của cha hướng dẫn, để mọi người chuyển sang phần thảo luận trong từng nhóm nhỏ. Tất cả có 6 nhóm: 1 nhóm được cha SVD Mỹ hướng dẫn; 5 nhóm còn lại đều do các cha SVD Việt Nam: Cha hướng dẫn ngày tĩnh tâm, cha Giám luật, cha Hoàng Cao Thăng, cha Nguyễn Khả (cha giáo thần học) và cha Phạm Xuân Thu (Văn phòng Phát Triển). Giờ thảo luận kết thúc, chuyển sang ăn trưa.

Trở về với Chúa để nhận sự thứ tha (forgiveness) và hưởng tình yêu vô điều kiện của Chúa (unconditional love) và đó là bài chia sẻ ban chiều.

Lòng Cha độ lượng bao la,
Sao con không biết mãi đà chạy rông?
Về đây hưởng lấy tình nồng,
Cha ban cho cả, nhọc công đâu bằng
.

Khi trở về với Chúa qua Bí Tích Hòa Giải, để giao hòa với Chúa, với tha nhân, và với chính mình, sẽ tạo ra niềm vui (Joy). Cha hướng dẫn sắp chữ tiếng Anh (J-O-Y) Jesus, Others, You “Chúa Giêsu + Tha nhân + Bạn sẽ tạo nên niềm vui.” Ðồng thời tạo ra sự hiệp nhất (Unity), được cha đánh vần và sắp chữ như sau: U-N-I-T-Y nghĩa là You & I Together Yahweh = “Bạn và tôi cùng với Giavê sẽ tạo ra hiệp nhất.” Nếu chúng ta gần Chúa, sẽ gần với anh chị em đồng loại và tạo ra hiệp nhất. Hình ảnh này được diễn tả bằng một vòng tròn các soeurs, cha, chủng sinh nắm tay nhau; khi dang tay thật rộng, sẽ xa trung tâm (biểu tượng Chúa - qua cuốn Thánh Kinh), khi mọi người thu hẹp vòng tròn, vai sát vai, và gần trung tâm (Chúa - Thánh Kinh).

Tình yêu của Chúa cũng được diễn tả qua “Lá Thư của Chúa” (God’s letter). Trong đó Chúa nói Chúa sẽ lo lắng cho từng người một cách riêng. Các soeurs cảm thấy được an ủi khi xem một “slide” trong lá thư chiếu lên với sóng biển dập dồn và hàng chữ Chúa nói: “If you struggle with English, please think of many people who do not even know how to read or write their own language” (Nếu con đang đánh vật với Anh ngữ, xin con hãy nghĩ đến biết bao người không biết đọc và viết ngay cả tiếng của họ.” Chúa hằng quan tâm cho từng người và an ủi, vỗ về, đỡ nâng. Ðiều quan trọng là mỗi người có cảm nhận được hay không. Cũng để diễn tả tình yêu của Chúa như một người cha lo lắng cho con mình, cha hướng dẫn cho mọi người xem một video 4 phút 34 giây về cha con Hoyts (Dick & Rick): người cha Dick sẵn sàng tập luyện thể dục để tham dự các cuộc thi chạy, bơi, xe đạp, v.v…cho người con tàn tật (www.teamhoyt.com)

http://www.tangle.com/view_video.php?viewkey=8cf08faca5dd9ea45513.. Kèm theo trong video này là bài hát “My Redeemer Lives” của Nicole C. Mullen và video kết thúc với câu: “I can do all things through Him who strengthens me” (Tôi có thể làm mọi sự trong Ðấng làm cho tôi nên mạnh) (Phil 4:13). Video kết thúc bài chia sẻ ban chiều.

Kế đến, giờ thinh lặng và cũng là giờ cho những ai muốn lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải. Một số soeurs vui mừng vì có dịp lãnh nhận Bí tích bằng tiếng Việt với cha hướng dẫn trong môi trường đa văn hoá của Ðại Chủng Viện.

Kết thúc chương trình ngày tĩnh tâm là Thánh Lễ. Bài đọc I với thư gửi tín hữu Do Thái (Dt 11:1-7) nói về đức tin và Phúc Âm nói về Chúa biến hình trên núi (Mc 9:2-13). “Rabbi, it is good that we are here” (Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm). Cha hướng dẫn nói ngài sung sướng có mặt trở lại trong “mái nhà xưa.” Câu Phúc Âm này cũng áp dụng cho 4 cha và 15 soeurs Việt Nam theo học Anh Văn tại Ðại Chủng Viện Ngôi Lời, một điều khó lòng hay chưa từng thấy bên Việt Nam hoặc có thể ngay cả tại Hoa Kỳ: các cha, các soeurs và chủng sinh sống chung trong một Ðại Chủng Viện [Ðương nhiên, các soeurs ở một nhà riêng trong khuôn viên Ðại Chủng Viện!]. Phải chăng đây là lãnh vực mới mà Dòng Ngôi Lời đã tiên phong dọ dẫm bước vào? Phải chăng đây là một giới tuyến mới trong khía cạnh truyền giáo? Dòng Ngôi Lời không chỉ giới hạn việc đào tạo, giúp đỡ cho thành viên của mình, nhưng muốn mở rộng ra cho các thành viên các Dòng, hoặc các Ðịa phận, nam cũng như nữ. Ðó là lãnh vực đức tin (bài đọc I) và cũng là lãnh vực truyền giáo cần được biến hình (Phúc Ấm). Xin mở ngoặc chỗ này (Phải chăng đây là lịch sử lặp lại? Mùa hè năm 1975-1976, Ðại Chủng Viện Ngôi Lời đã mở khóa học Anh Văn cho một số linh mục, tu sĩ nam nữ Việt Nam trong những ngày đầu đời tị nạn trên đất Hoa Kỳ)… Xin mọi người cầu nguyện cho chương trình mới này của Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời.

Tạ ơn Chúa, ngày tĩnh tâm với đề tài “Trở Về Với Chúa” qua mau, dường như quên cả thời gian, mặc dầu bên ngoài vẫn tuyết rơi, giá lạnh, nhưng tình Chúa hâm nóng tâm hồn những người tham dự.

Chân thành cảm tạ Chúa ơi,
Làm sao con nói nên lời?
Tình Chúa thật quá tuyệt vời
Dìu con mọi bước trong đời
,

Ðại Chủng Viện Ngôi Lời, Epworth, Iowa (www.dwci.edu)
 
Nhật ký ngày 22.2.09 về Tang Lễ ĐHY Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng
LM Phêrô Nguyễn Văn Khải
01:05 24/02/2009
HÀ NỘI ngày 22.02.2009 -- Đức Hồng Y đã chết trong Đức Kitô trong suốt cuộc đời, hôm nay ngài mới thực sự sống với Chúa.

Từ mấy năm nay, vì tuổi cao sức yếu, Đức Hồng Y hầu như suốt ngày đêm chỉ ở trong phòng. Ngài không thể tự mình đi lại được. Thậm chí các sinh họat thiết yếu của bản thân cũng cần có quý thầy giúp đỡ.

Hai tuần trước, ngài lâm bệnh nặng, sốt lên 39 0C, tưởng không qua khỏi. Toà TGM mời các bác sĩ đến cấp cứu tại chỗ, các bác sĩ cho biết phổi của ngài đã rất yếu. Các bác sĩ đã tận tình cứu chữa. Nhờ thuốc men và dịch truyền các loại ngài đã qua cơn nguy kịch.

Hai ngày qua ngài trở nên yếu hơn nữa. Sáng nay, 22/2/2009, vào lúc khoảng 8h15 có những biểu hiện cho thấy ngài trở bệnh nặng. Cơ thể ngài không còn tiếp nhận thức ăn và nước uống được nữa. Truyền nước cũng không được.

Trong khi Đức cha Phụ tá Lôrenxô đi tiễn Phái đoàn Toà Thánh trở về Rôma, thì Đức Tổng Giám Mục, Cha Tổng Quản Lý và một số quý cha, quý thầy, quý soeurs trong Tòa Tổng Giám Mục đã đến phòng Đức Hồng Y để thăm viếng ngài và cầu nguyện cho ngài trong lúc ngài lâm cảnh khốn khó.

Khoảng 9h55, Đức Tổng Giám Mục đã giúp Đức Hồng Y đón nhận bí tích xức dầu bệnh nhân. Khoảng 10h10’, sau khi nấc lên mấy cái, Đức Hồng Y đã bình an ra đi trong tình yêu thương và lời cầu nguyện của những người thân cận của ngài trong Tòa Tổng Giám Mục.

Văn phòng Toà Tổng Giám Mục lập tức nhắn tin đi các nơi trong Tổng Giáo Phận. Khoảng 1 h, hầu hết các giáo xứ, các cộng đoàn tu trì trong Tổng Giáo Phận đã được biết tin Người Cha Chung của Tổng Giáo Phận qua đời.

Đứng đầu là Đức Tổng Giám Mục, mọi người tất bật chuẩn bị tang lễ Đức Hồng Y. Một số anh chị em trang trí nhà nguyện và nơi đặt thi hài Đức Hồng Y trong khi đó, nhóm Gia trưởng Hàm Long tắm rửa và mặc lễ phục cho Đức Hồng Y rồi chuyển ngài sang nhà nguyện.

Khoảng 14h, Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã làm phép thi hài Đức Hồng Y. Ngài chia sẻ rằng: Đức Hồng Y đã chết trong Đức Kitô trong suốt cuộc đời, hôm nay ngài mới thực sự sống với Chúa.

Từ 14h, nhiều người bắt đầu đến kính viếng thi hài Đức Hồng Y, chiêm ngưỡng dung nhan thân thương thánh thiện của ngài trước khi ngài vĩnh viễn rời xa mọi người trong cõi đời này.

Khoảng 15h Toà Tổng Giám Mục họp bàn tổ chức tang lễ Đức Hồng Y. Mọi người phân chia công tác và thống nhất 9h thứ năm 26/2/2009 sẽ cử hành thánh lễ an táng tại quảng trường Nhà thờ Chính Toà.

Lúc 17h tất cả các nhà thờ trong Tổng Giáo Phận Hà Nội đồng loạt đổ chuông báo tử. Tiếng chuông nhỏ từng giọt dài kéo theo một nỗi buồn thương, lưu luyến mênh mang.

Khoảng 20h, Đức cha Lôrenxô Chu Văn Minh và Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân cùng Gia đình Gioan dâng lễ cầu nguyện cho Đức Hồng Y. Hoà với lời cầu nguyện trong thánh lễ, các học trò cũ của Đức Hồng Y đã dành cho ngài nhiều tình thương và nước mắt.

Khoảng 22h giáo dân vẫn còn tấp nập tới nhà nguyện kính viếng thi hài Đức Hồng Y. Tới nửa đêm, người thưa dần, chỉ còn lại một số thầy, một số chị em nữ tu Dòng MTG và Dòng Truyền Tin Hà Nội. Lời kinh, tiếng hát, lời nguyện cầu vẫn vang lên dặt dìu trong ngôi nguyện đường ấm cúng chan chứa tình Chúa tình người.
 
Nhật ký ngày 23.2.09 về Tang lễ ĐHY Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng
Giuse Trần Ngọc Huấn
01:51 24/02/2009
HÀ NỘI - Hôm nay là ngày thứ hai trong những ngày đại tang của Tổng Giáo Phận Hà Nội khi người Cha Chung đáng kính được Chúa gọi về.

Những tiếng chuông sầu từ các nhà thờ vẫn vang lên chậm rãi giữa không gian chứa đựng một chút gì đó phảng phất của niềm thương nhớ và đượm buồn đang trùm phủ lên toàn Tổng Giáo Phận.

Từ các giáo xứ, chúng tôi thấy đã có khá đông giáo dân đến Nhà chung từ rất sớm để được diện kiến Đức Cố Hồng Y lần cuối cùng trước khi tẩm liệm và di quan Ngài ra Nhà thờ chính tòa.

7 giờ sáng, mọi thành phần dân Chúa tề tựu xung quanh linh cữu của Đức Cố Hồng y trong nhà nguyện Fatima để cùng tham dự nghi thức tẩn liệm và nhập quan cho Ngài do Đức Tổng Giám mục Giuse chủ sự.

Lòng mọi người trào dâng niềm xúc động, thương cảm nghẹn ngào. Đặc biệt, khi Đức Cố Hồng y được chính thức mặc “chiếc áo mới” – chiếc áo sẽ bao bọc thân xác của Ngài vào lòng đất lạnh để chờ ngày Phục Sinh, những tiếng nấc nghẹn ngào và một không khí não nùng trùm phủ lên tất cả.

Sau nghi thức tẩn liệm và nhập quan, linh cữu Đức Cố Hồng y được cung kính rước ra quàn tại Nhà thờ Chính tòa Hà Nội, nơi hàng ngàn giáo dân đang cầu nguyện và chờ đợi để được diện kiến Ngài lần cuối cùng.

Linh cữu Đức Cố Hồng y từ từ đi qua những nơi đã ghi đậm dấu ấn cuộc đời Ngài: đi ngang qua Đại Chủng Viện – nơi Ngài được đào luyện và đã dạy dỗ bao lớp chủng sinh cho các giáo phận miền Bắc, qua cổng Tòa Tổng Giám mục – nơi Ngài gắn bó gần 20 năm qua, qua quảng trường Nhà thờ Chính tòa – nơi hàng ngàn giáo dân vẫn chờ đợi Ngài, chào đón Ngài sau những ngày đại lễ để được Ngài chúc lành.

Hàng ngàn con tim thổn thức và những tiếng nấc nghẹn ngào khi linh cữu Đức Cố Hồng y được chuyển vào trong lòng Nhà thờ Chính tòa của Ngài.

Thánh lễ 8 giờ sáng do Đức Tổng Giám mục chủ sự cùng với linh mục đoàn, rất đông giáo dân đã tham dự để cùng hiệp ý cầu nguyện cho vị Cha chung đáng kính của mình giờ đây đã về với Chúa.

Sau Thánh lễ là nghi thức phát tang, Đức Tổng Giám mục chủ sự nghi thức này và cũng chính Ngài đã nhận chiếc khăn trắng đầu tiên để tang vị tiền nhiệm đáng kính của mình. Trong ít phút, cả Nhà thờ Chính tòa đã tràn ngập một màu khăn tang trắng, thật cung kính nhưng cũng đượm vẻ thê lương. Mọi thành phần dân Chúa cùng xếp hàng để đến chiêm ngưỡng khuôn mặt với dáng hình nhỏ nhắn thân thương của vị Cha chung giờ đây đang yên giấc giữa đoàn chiên của Ngài.

Trong ngày hôm nay, bên cạnh các giáo dân, có nhiều đoàn thể đã đến viếng Đức Cố Hồng Y. Chúng tôi nhận thấy có sự hiện diện của các phái đoàn đến từ giáo phận Thái Bình, Bùi Chu, Hải Phòng, Hưng Hóa do các Giám mục giáo phận này dẫn đầu. Buổi chiều, có phái đoàn của chính quyền thành phố Hà Nội, UBMTTQ Ninh Bình… đến kính viếng. Ngoài ra, còn có đại diện của các giáo xứ, dòng tu trong và ngoài giáo phận cũng đến viếng và cầu nguyện cho Ngài.

Trong ngày, đã có nhiều thánh lễ cử hành tại Nhà thờ Chính tòa, bên linh cữu Đức Cố Hồng y. Chương trình ngày thứ hai đại tang Đức Cố Hồng y được khép lại với thánh lễ do Đức Cha Lorensô Chu Văn Minh chủ sự với hàng trăm chủng sinh ĐCV Hà Nội. Sau đó là giờ cầu nguyện chung của đông đảo của mọi thành phần dân Chúa, thỉnh thoảng, những giây phút thinh lặng để mọi người hoài niệm về hình ảnh thân thương gần gũi và những kỷ niệm với Đức Cố Hồng y của mình.

Linh cữu Đức Cố Hồng Y sẽ được quàn tại Nhà thờ Chính tòa này trong ba ngày để bà con giáo dân và các đoàn thể kính viếng, cầu nguyện cho Ngài. Thánh lễ an táng sẽ diễn ra vào sáng thứ Năm, ngày 26 tháng 2.
 
Thư Chia Buồn Của Hội Thừa Sai Paris (MEP)
Jean-Baptiste ETCHARREN
04:23 24/02/2009
Thư Chia Buồn Của Hội Thừa Sai Paris (MEP)

Paris ngày 22 tháng 2 năm 2009

Kính gởi: Đức Cha Giu-se NGÔ QUANG KIỆT

Tổng giám mục Hà Nội

40 Phố Nhà Chung, Hà Nội, Việt Nam

Kính thưa Đức Cha,

Tôi thật buồn khi hay tin Đức Hồng Y Phao-lô Giu-se Phạm Đình Tụng qua đời. Tôi cúi đầu tỏ lòng tôn kính vị chứng nhân vĩ đại của Chúa, người đã trải qua một giai đoạn lịch sử của Giáo Hội Việt Nam với lòng trung thành và với sự xả thân toàn diện để phục vụ Tin Mừng Chúa Ki-tô. Ngài đã hoàn thành sứ mạng người mục tử với một tình yêu thương mở rộng đối với hết mọi người và một lòng kính trọng tất cả những ai ngài đã gặp gỡ trong suốt cuộc đời dài dẳng của mình, bất kể họ theo đạo nào hay ý thức hệ nào, bất kể họ nắm giữ chức vụ nào trong xã hội.

Cùng với tất cả các anh em trong Hội Truyền Giáo Ngoại Quốc, tôi xin hiệp thông với nỗi đau khổ và lời cầu nguyện của Đức Cha, cũng như với những tình cảm hiếu thảo mà các linh mục, tu sĩ nam nữ, tất cả mọi ki-tô hữu trong giáo phận của Đức Cha đang cảm thấy dâng trào trong tâm hồn mình, đồng thời cùng hy vọng và cảm tạ Chúa đã ban cho họ một vị mục tử và một người cha đầy yêu thương và nhiệt thành tận tụy.

Đức Hồng Y đã từng dành cho chúng tôi tình thân hữu và sự quý trọng. Ngài đã vui vẻ và sốt sắng chấp nhận làm thành viên danh dự trong gia đình Hội Truyền Giáo chúng tôi. Thật là một vinh dự lớn lao cho chúng tôi khi được phép lấy ngài làm dấu biểu thị sự gắn bó vô cùng sâu xa của chúng tôi đối với Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt đối với tổng giáo phận Hà Nội. Cùng với Đức Cha, chúng tôi xin dâng lời cảm tạ về một con người tốt lành đã tận hiến trọn vẹn và dựa vào lời chứng ấy chúng ta được kêu mời hãy tiến tới tương lai trong hân hoan và tin tưởng. Ước chi Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta đổ Thánh Thần của Ngài xuống tràn ngập lòng chúng ta để đến lượt mình chúng ta cũng trở thành những nhân chứng đích thực cho tình yêu của Thiên Chúa Cha chúng ta.

Tôi rất sung sướng có người anh em của chúng tôi là cha Gilles Reithinger đến tham dự lễ an táng Đức Cố Hồng Y, thay mặt tôi cũng như tất cả anh em trong Hội. Cám ơn sự đón tiếp Đức Cha sẽ dành cho ngài.

Xin Đức Cha nhận nơi đây lòng kính trọng và tình bạn bền bỉ của tôi.

Jean-Baptiste ETCHARREN

Bề trên tổng quyền
 
Thư phân ưu của ĐGM Lạng Sơn
+GM. Đặng Đức Ngân
04:41 24/02/2009
Hà-Nội, ngày 23 tháng 02 năm 2009

Kính gửi: Đức Cha Giuse NGÔ QUANG KIỆT

Tổng Giám Mục Hà-Nội

Trọng kính Đức Tổng Giuse,

Chúng con nhận được Ai Tín: Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng đã được Chúa gọi về hồi 10h00 sáng Chúa Nhật ngày 21 tháng 02 năm 2009 tại Tòa Tổng Giám Mục Hà-Nội, hưởng thọ 90 tuổi.

Đây thực sự là Đại tang cho Giáo hội Công giáo Việt-nam và cách riêng Tổng Giáo phận Hà-Nội, vì Đức Hồng Y Phaolô Giuse là cây đại thụ, là chứng nhân của Giáo hội Việt-nam qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử Giáo hội với xã hội đương đại. Hành trình Ơn gọi phục vụ Giáo hội thật đặc biệt: 60 năm Linh Mục, 45 năm Giám Mục, 15 năm Hồng Y; với bao trách vụ: Giám mục Bắc Ninh, Giám Quản Tông Tòa Hà-Nội; Tổng Giám Mục Hà-Nội, Giám Quản Tông Tòa các Giáo phận Hải Phòng, Hưng Hóa và Lạng Sơn; thành viên của Bộ Truyền Giáo và Cor Unum Đồng Tâm, Chủ Tịch Hội Đồng Giám mục Việt-Nam. Ngài đã thực hiện các trách vụ mà Chúa trao phó qua Giáo hội, với tâm tình phục vụ của người Cha, người Thầy nơi ơn gọi của một Mục tử hiền lành can đảm, khiêm tốn càng làm cho chúng con thấy sự biệt ly và nỗi buồn càng lớn.

Xin thay mặt cho toàn thể Cộng đồng Dân Chúa Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng và cá nhân, chúng con xin Phân Ưu cùng Đức Tổng Giuse và Tổng Giáo phận Hà-Nội. Xin Thiên Chúa ban tràn đầy thánh ân và niềm an ủi trên Đức Tổng và mọi thành phần Dân Chúa Tổng Giáo phận Hà-Nội trong lúc đau buồn này, để đón nhận thánh ý Chúa và qua các thánh lễ, lời cầu nguyện, việc lành phúc đức, để cầu xin Chúa thương đón nhận linh hồn Đức cố Hồng Y Phaolô Giuse vào hưởng Tôn Nhan Ngài. Chúng con hy vọng Đức Hồng Y Phaolô được ở bên Chúa, sẽ cầu bầu cùng Thiên Chúa ban muôn ơn lành cho Đức Tổng Giuse, cho Tổng Giáo phận Hà-Nội và Giáo hội Công giáo Việt-Nam.

Xin Đức Tổng Giuse nhận nơi chúng con sự phân ưu và hiệp nhất, tin mến và cùng Tin vào Tình Yêu của Thiên Chúa, như Đức Cố Hồng Y đã sống sự chọn lựa này.

Xin Thiên Chúa đoái thương linh hồn Đức Cố Hồng Y Phaolô Giuse.

Thành kính Phân Ưu,

+ Giuse Đặng Đức Ngân

Giám Mục Giáo Phận Lạng Sơn-Cao Bằng
 
Thư phân ưu của Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam
LM Giuse Ngô Sĩ Đinh
04:49 24/02/2009
 
Thư hiệp thông của ĐGM Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục VN
+GM. Phêrô Nguyễn Văn Nhơn
04:52 24/02/2009
TÒA GIÁM MỤC
9 Nguyễn Thái Học
ĐÀLẠT – LÂM ĐỒNG
Email: tgmdalat@gmail.com



Đàlạt, ngày 22 tháng 02 năm 2009

Kính gửi: Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt
Tổng Giám mục Hà Nội


Được tin Đức Hồng Y Giuse Phaolô PHẠM ĐÌNH TỤNG vừa được Chúa gọi về với tuổi thọ cửu tuần, 60 năm linh mục, 46 năm giám mục, 15 năm hồng y: chúng ta cùng dâng lời tạ ơn Chúa về một cuộc đời đạo đức, luôn trung thành sống khẩu hiệu ”Tôi tin vào tình yêu Thiên Chúa” trong nếp sống đơn giản và đầy yêu thương đối với mọi người.

Quả thực, ngay khi nhận lãnh trọng trách giám mục tại Bắc Ninh năm 1963, Đức cố hồng y Giuse Phaolô đã cổ vũ lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, để củng cố và xây dựng Giáo Phận, ngay cả trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, vì tin vào tình yêu Thiên Chúa. Đức cố hồng y cũng tiếp tục chăm sóc Tổng giáo phận Hà Nội với niềm tin ấy cho đến cùng.

Xin được hiệp thông với Đức Tổng và quý Tổng giáo phận trong niềm tiếc thương và trong lời cầu nguyện: xin Chúa đón nhận Đức cố hồng y GIUSE PHAOLÔ vào hưởng Tình Yêu cứu độ của Ngài.


In Christo,

+ Phêrô Nguyễn Văn Nhơn
Giám mục Giáo Phận Đàlạt
Chủ tịch HĐGM Việt Nam




 
Thư phân ưu của ĐGM Bùi Ch
+GM. Giuse Hoàng Văn Tiệm
04:54 24/02/2009

TOÀ GIÁM MỤC BÙI CHU
Xuân Ngọc, Xuân Trường, Nam Định


THƯ PHÂN ƯU

Bùi Chu, ngày 22 tháng 02 năm 2009

Trọng kính Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám Mục Giáo Phận Hà Nội
Trọng kính Đức Cha Lôrenxô Chu Van Minh, Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Hà Nội
Trọng kính Đức Cha Phaolô Lê Đắc Trọng
và toàn thể Giáo Phận Hà Nội

Chúng con, hai Giám Mục Giáo Phận Bùi Chu, các linh mục tu sĩ và giáo dân xin chân thành phân ưu với tổng giáo phận Hà Nội về sự ra đi của Đức Cố Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng.

Sự ra đi của ngài để lại cho chúng con lòng thương tiếc người cha già đáng kính đã lâu năm phục vụ
cho các giáo phận miền Bắc này.

Chúng con cầu nguyện cho Đức Hồng Y về thiên đàng để kết hiệp với Chúa mà suốt cuộc đời ngài đã rao giảng về tình yêu thương của Chúa.

Xin Chúa ban ơn bội hậu cho người tôi tớ trung thành.

Toàn thể giáo phận Bùi Chu chúng con thành kính phân ưu.


Giuse Hoàng Văn Tiệm
Giám mục giáo phận Bùi Chu
 
Thư phân ưu của ĐGM Phó Nha Trang
+GM. Giuse Võ Đức Minh
04:58 24/02/2009
Tòa Giám Mục Nha Trang
22, Trần Phú
Nha trang

Nha trang, ngày 22 tháng 2 năm 2009

Kính gửi: Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt
Tổng Giám mục Giáo phận Hà Nội


Được tin Đức cố Hồng Y PHALÔ-GIUSE PHẠM ĐÌNH TỤNG
nguyên Tổng Giám mục Giáo phận Hà Nội đã được Chúa gọi về ở tuổi thọ 90 năm,
phục vụ Chúa và Hội thánh 60 năm trong thiên chức Linh mục; 46 năm ở cương vị Giám mục;

thay mặt Giáo Phận Nha Trang,

thay mặt Đức Cha chính Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám mục Giáo phận,

xin chân thành phân ưu với

Đức Tổng Giám mục Giuse,
Quý Đức Cha Phụ tá Laurensô và Phaolô,
Quý Cha, quý Tu sĩ, Chủng sinh
Quý Cộng đoàn Dân Chúa Tổng Giáo phận Hà nội;
cùng Quý gia đình huyết tộc và linh tông
của Đức cố Hồng Y PHAOLÔ-GIUSE.

Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse và Thánh Phaolô,
cùng các Thánh Tử vì đạo Việt Nam,nguyện xin Thiên Chúa Ba Ngôi,
đón tiếp và ân thưởng Đức Cố Hồng Y PHAOLÔ-GIUSE trong Nước Chúa.

Thành kính phân ưu.

+ Giuse Võ Đức Minh,
Giám mục Phó GP. Nha Trang
 
Don Bosco trẻ -Tĩnh tâm mùa chay
Antôn Vũ Duy Tư
16:50 24/02/2009
DONBOSCO TRẺ - TĨNH TÂM MÙA CHAY

Donbosco Trẻ là một nhóm sinh viên của trường ĐH KHXH & NV (TPHCM), nhóm mới được thành lập không lâu nên hiện nay chỉ có khoảng 20 thành viên đến từ các khoa khác nhau. Nhưng điều đặc biệt là tất cả đều có 1 lý tưởng chung đó là muốn bước theo Chúa KiTô đến cùng. Và hầu như mọi người đều đang sinh hoạt trong các Đại chủng viện, Dòng tu, và có cả những người đang còn trên "dòng đời" nữa...

Sau khi tổ chức buổi sinh hoạt Mừng Chúa Giáng Sinh (từ sáng đến chiều) hết sức thành công, nhóm Donbosco Trẻ đã tiếp tục tổ chức buổi tĩnh tâm mùa Chay vào ngày 23-02-2009 vừa qua (từ sáng đến trưa).

Hẹn nhau 7h30 tại Hồ Đá (khu vực ĐHQG TPHCM), hầu như mọi người cũng khá đúng giờ (không chơi giờ cao su). Sau khi có mặt gần như là đông đủ, cả nhóm vừa hát vùa nhảy vũ điệu bài hát chủ đề của nhóm: "Donbosco cùng tiến bước giữa những thiếu niên vui tươi..."

Khoảng 8h, giờ cầu nguyện bắt đầu với lời thánh hóa và bài hát xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, sau đó mọi ngưòi cùng đọc đoạn Tin Mừng của ngày thứ Tư lễ Tro. Giờ cầu nguyện kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ với những lời dẫn của người chủ sự và những lời cầu nguyện thật chân thành của mỗi người, kèm theo đó là những điệu nhạc không lời du dương, êm dịu. Giờ cầu nguyện (4 bước) kết thúc lúc 9h hơn với bài hát tạ ơn Hồng ân Chúa bao la.

Tiếp theo những giây phút nâng tâm hồn lên cùng Chúa là những giờ phút vui chơi giải trí, sinh hoạt vòng tròn...

Đến khoảng 10h30, mọi người cũng đã thấm mệt, tất cả đều nghỉ ngơi, ăn uống (nhẹ: trái cây, bánh ngọt, kẹo). Vào lúc này mọi người cũng bật mí về người mà mình đã bắt thăm trúng và có nhiệm vụ cầu nguyện cho người đó từ buổi sinh hoạt lần trước, ai cũng rất đỗi vui mừng và cám ơn nhau rối rít.

Và trước khi cám ơn Chúa để kết thúc, mọi người cũng không quên bàn "kế hoạch" cho lễ Phục Sinh sắp tới...
 
Nhớ về ĐHY Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng
Biển Xanh
17:02 24/02/2009
HÀ NỘI - Sau giấc ngủ trưa, tôi và Ngài tỉnh giấc. Tôi gọi Ngài: Cha ơi – Cha ơi, cha đáp lại “ơi” – Cha ngủ được không? Cha đáp lại “ừ ừ” – Cha ngủ được mấy tiếng? Với chút sức lực và hơi thở gấp gáp, Ngài đáp lại bằng tất cả sự cố gắng “một...một. . một tiếng”. Lòng tôi trào dâng một niềm vui khó diễn tả vì đã lâu lăm rồi tôi mới nghe được tiếng nói của Người Cha mà tôi hằng kính yêu.

Tôi được diễm phúc sống và chăm sóc Đức Hồng Y Phaolô – Giuse Phạm Đình Tụng kính yêu trong những ngày cuối cùng Ngài ở dương thế. Tôi nhận ra nơi Ngài luôn ánh lên một tâm hồn đạo đức, thánh thiện - một tâm hồn “trẻ thơ”. Cũng nơi Ngài, chân dung của một người Cha già đáng kính luôn in đậm trong tâm trí tôi có lẽ sẽ chẳng bao giờ phai nhoà.

Căn phòng Ngài ở luôn bao trùm một không gian tĩnh lặng, rất nhẹ nhàng, rất đáng mến. Chất chứa nhièu cảm xúc mà những ai đã từng đến ít nhiều cũng cẩm nghiệm được.

Cũng như bao buổi chiều bình lặng khác, chiều ngày 21/02/2009, sau giấc ngủ trưa, tôi tỉnh dậy thấy Ngài cũng đã tỉnh giấc. Tôi gọi Ngài: Cha ơi – Cha ơi, cha đáp lại “ơi”, tôi hỏi tiếp: Cha ngủ được không? Cha chỉ gật đầu và “ừ ừ”, tôi lại hỏi: Cha ngủ được mấy tiếng?Mắt cha ngời lên, Với chút sức lực và hơi thở gấp gáp, Ngài đáp lại bằng tất cả sự cố gắng “một...một. . một tiếng”. Lòng tôi trào dâng một niềm vui khó diễn tả vì đã lâu lăm rồi tôi mới nghe được tiếng nói của Người Cha mà tôi hằng kính yêu. Tôi lại ân cần nói: con mời Cha ngủ tiếp đi, Cha nhìn tôi với ánh mắt trìu mến và Ngài gật đầu.

Sáng ngày 22/02/2009, sau khi làm xong việc của những người chăm sóc người già, tình trạng sức khoẻ của Ngài rất tốt. Tôi chào Ngài và xuống ăn sáng, sau đó tôi đi lễ Chủ nhật bên nhà thờ lớn. Khi về, một anh bạn cùng tổ chăm sóc Ngài bảo tôi lên Đức Hồng đi, Ngài đi rồi. Một chút hoang mang, một chút bàng hoàng, chân tay tôi như rã rời, tôi cố chạy lên với Ngài. Lên đến nơi, tôi không tin nổi vào mắt mình nữa, không gian chết lặng đi, tôi chết lặng đi, và những ai có mặt ở đó cũng vậy. Nhưng rồi tôi cũng kịp nhận ra rằng, Ngài đã vĩnh viễn lìa xa chúng ta vào hồi 10h10’ ngày 22/02/2009 - Hưởng thọ 90 tuổi.

Cho đến hôm nay, tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên, sao Ngài có thể đi nhanh như thế! Khi quỳ bên Linh Cữu Ngài, những kí ức đẹp về Ngài cứ dần dần hiện lên đầy ắp tâm hồn tôi. Tiếng “ơi” và khuôn mặt rạng ngời của Ngài cứ vọng về tâm hồn tôi từ một nơi nào đó rất xa, rất xa - một kỉ niệm đẹp.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Cùng vui buồn với giáo phận Hà Nội
Lữ Khách
05:07 24/02/2009
Cùng vui buồn với giáo phận Hà Nội

Tổng Giáo phận Hà Nội được đông đảo mọi người không kể Lương Giáo trong và ngoài nước biết đến qua sự kiện cầu nguyện cho công lý tại Toà Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà. Sự kiện này đã khép lại. Tuy nhiên những dư âm của nó vẫn còn vang vọng và giúp giáo dân đào sâu đời sống chứng tá.

Năm Thánh nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Tu Viện Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà là dịp thuận tiện để mọi người từ khắp nơi đổ về Thái Hà để ăn mày ơn toàn xá. Dịp hành hương cũng là cơ hội để mọi người hun đúc đức tin cho mình. Những gì đã được nghe về Thái Hà thôi thúc mọi người đặt chân đến đây để cùng cảm nghiệm và cùng hiệp thông để cầu nguyện cho Giáo Hội Việt Nam và toàn thể nhân loại. Thật không quá lời khi cho rằng đây là điểm dừng chân để củng cố đức tin. Nào hãy đến mà xem.

Đức tin không phải là những mớ lý thuyết trống rỗng cũng không phải là những ý niệm mơ hồ. Nó được thể hiện qua những việc làm và những tấm gương cụ thể của Kitô hữu. Thật vậy những việc làm tốt tự nó đã là lời chứng sống động để dẫn đưa con người tiếp cận với chân lý và giới luật yêu thương.

Đến Thái Hà, người ta gặp đuợc những gương mặt đã anh dũng tuyên xưng đức tin, được nhìn tận mắt và được bắt tận tay với các chứng nhân đó. Thật vậy, đức tin là một kho tàng vô cùng quý báu. Chính vì vậy, chúng ta không được phép chôn vùi kho tàng ấy. Nó cần phải được gìn giữ một cách trân trọng và cần được nhắn gửi cho những người mà mình có mối liên hệ để tất cả đều được thừa hưởng những giá trị cao quý phát xuất từ đức tin.

Đặc biệt về lại Hà Nội trong dịp kết thúc hành trình trần thế của Cố Hồng Y Phaolô Phạm Đình Tụng, đức tin của người tín hữu lại càng được củng cố. Một người tôi trung của Chúa đã suốt đời sống, rao giảng và làm chứng cho Thiên Chúa là Chân Thiện Mỹ. Cuộc đời mục tử của Cố Hồng Y ví tựa hạt lúa được gieo vào cánh đồng của Giáo Hội và mục nát với thời gian. Những hy sinh âm thầm của ngài cộng với tấm lòng tông đồ nhiệt thành đã mang lại cho Giáo Hội Việt Nam nói chung và Tổng Giáo Phận Hà Nội nói riêng một mùa lúa bội thu. Theo gương Đức Kitô, vị mục tử nhân lành, Cố Hồng Y đã sẵn sàng hy sinh ngày qua ngày trong những dòng xoáy phức tạp của thời cuộc để bảo vệ đức tin trung trinh cho đàn chiên và giúp chúng hiệp thông trọn vẹn với vị Thủ Lãnh của Giáo Hội Chúa Kitô.

Về với Hà Nội vào thời điểm này, chúng ta cảm tạ Thiên Chúa đã soi sáng và nâng đỡ Cố Hồng Y đi hết con đường Thập Giá để bước vào chung hưởng vinh quang với Đức Kitô. Đồng thời chúng ta cũng cám ơn bàn tay quan phòng của Thiên Chúa trong những hoàn cảnh khó khăn của Giáo Hội đã gửi đến cho đàn chiên vị mục tử hiền lành, nhiệt tâm và khiêm nhường. Ôn lại những quãng đường gập ghềnh mà ngài đã đi qua trong niềm tin tưởng và phó thác, hẳn nhiên đức tin của mỗi Kitô hữu được hun đúc.

Xin Chúa đón nhận người tôi trung Chúa vào hưởng thánh nhan cùng với các thần thánh trên trời. Tin tưởng vào tín điều các thánh cùng thông công, giờ đây, Đức Hồng Y đang cầu bầu cho hết mọi con chiên, cho giáo phận Hà Nội và cho Giáo hội Việt Nam. Lạy Chúa, chúng con tin vào tình thương của Chúa
 
Mở chiến dịch đe dọa đánh hạ Luật sư Lê Trần Luật
An Dân
17:09 24/02/2009
HÀ NỘI - Sau vụ việc xử tám giáo dân Thái Hà, luật sư Lê Trần Luật bỗng chốc được mọi người chú ý.

Đối với người giáo dân, dù luật sư Luật không phải người Công giáo, nhưng nhiều người giáo dân vẫn coi ông như đồng đạo, một người thân quen và được mọi người nhắc nhớ với một tình cảm sâu nặng.

Trái lại, chính quyền thì tìm mọi cách để đánh hạ uy tín của luật sư và nếu có thể được thì tước thẻ hành nghề.

Theo luật sư cho biết, kể từ khi nhận bào chữa cho tám giáo dân Thái Hà, không chỉ bản thân luật sư mà cả những người thân của ông cũng bị chính quyền tìm cách làm khó dễ. Họ tìm mọi cách áp lực lên thân nhân của luật sư để ông không nhận bào chữa vụ Thái Hà.

Bên cạnh việc làm áp lực với thân nhân, chính quyền còn dùng các biện pháp áp lực đe dọa hèn hạ như:

“Ngày 10/2/2009, ông nhận được thư mời không số ký ngày 6/2/2009 của Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Ninh Thuận, nội dung mời về Đoàn luật sư tỉnh Ninh Thuận – nơi luật sư Luật công tác: “Nhằm làm rõ vụ việc và tính chất, mức độ sai phạm” trong hoạt động nghề nghiệp của ông”. Trong thư mời, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Ninh Thuận nêu rõ lý do “ theo công văn của công an tỉnh và Sở Tư pháp”.

Bên cạnh việc tổng động viên các cơ quan nhà nước liên hệ như sở thuế vụ, sở tư pháp…. Những ngày này, chính quyền bắt đầu sử dụng chiến dịch thông tin nhằm bôi nhọ thanh danh của ông.

Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, số ra ngày 24/2/2009, đăng bài viết của tác giả “Quốc Huy???”, nhan đề: “Gian dối, quỵt tiền đối tác”, để dọn đường dư luận và để lấy cớ chuẩn bị tấn công nhằm tước bằng luật sư của ông.

Từ Hà Nội, luật sư Luật cho biết, sáng nay ngày 24/2/2009, khi ông đang chuẩn bị lên máy bay ra Hà Nội, để khiếu nại về việc Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội tuyên bố hoãn vô thời hạn vụ án phúc thẩm các giáo dân Thái Hà và việc các cơ quan truyền thông cù nhầy trong việc khiếu nại cải chính các thông tin sai sự thật, thì luật sư nhận được điện thoại từ một số máy lạ báo cho biết báo chí nhà nước đã bắt đầu lên tiếng và yêu cầu “không được tiếp tục bào chữa vụ Thái Hà, nhất là phải ngưng ngay việc kiện các cơ quan truyền thông, nếu không sẽ dùng báo chí nhà nước chơi tới cùng”.

Từ nhiều năm nay, luật sư Lê Trần Luật và Văn phòng Luật sư của ông luôn tích cực đứng ra nhận bào chữa các vụ án “nhạy cảm”, nhất là các vụ dân oan. Chính vì thế, đối với chính quyền cộng sản, luật sư Luật là một người “nguy hiểm”, thành phần cần “chăm sóc đặc biệt”.

Tại trước cửa văn phòng luật sư của ông luôn luôn có người theo dõi, rình mò. Mỗi khi ông đi công việc, thì luôn có hai, ba, thường là 6 nhân viên an ninh theo sau.

Theo nhận định của nhiều người, hiện nay, những người liên hệ phía Nhà Nước đang rất đau đầu vụ xử phúc thẩm các giáo dân Thái Hà, nhất là vụ các giáo dân khiếu nại yêu cầu Báo Hà Nội mới và Đài Truyền hình Việt Nam cải chính các thông tin sai sự thật về vụ xử các giáo dân ngày 8/12/2008.

Bên cạnh đó, chuyến viếng thăm và làm việc của phái đoàn Tòa thánh đã không đem lại cho chính phủ Việt Nam những kết quả như họ mong muốn. Trái lại, đằng sau những buổi tiếp kiến và làm việc với phái đoàn Tòa Thánh, chính phủ Việt Nam hiểu rằng Tòa thánh hoàn toàn ủng hộ lập trường của Đức Tổng Kiệt và các linh mục, giáo dân giáo xứ Thái Hà trong cuộc đấu tranh đi tìm công lý.

Do đó, chính quyền Hà Nội phải tìm mọi cách hoãn xử phiên tòa phúc thẩm cũng như tìm cách thuyết phục các nguyên đơn và luật sư của họ không tiếp tục cuộc khiếu kiện của mình.

Sau khi thuyết phục không được, chính quyền bắt đầu tìm cách triệt hạ Luật sư Luật mong ông nghĩ lại.

Cuộc triệt hạ bắt đầu đi vào giai đoạn quyết liệt. Vị luật sư can đảm đang cần sự ủng hộ của mọi người.

Hà Nội ngày 24/2/2009
 
Thông Báo
Thành Kính Phân Ưu
Tuyên Uý Đoàn Công Giáo Việt Nam Liên Bang Úc Châu
14:22 24/02/2009

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU



Trong niềm cậy trông phó thác vào lòng nhân từ của Thiên Chúa,

Tuyên Uý Đoàn Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Liên Bang Úc Châu,

Thành kính phân ưu với thân quyến của Đức Cố Hồng Y và Tổng Giáo phận Hà Nội,

khi nhận được tin:

Đức Hồng Y Phaolô-Giuse PHẠM ĐÌNH TỤNG,

nguyên Tổng Giám mục Hà Nội

đã được Chúa gọi về lúc 10 giờ 10 phút sáng ngày 22-02-2009.

Hưởng thọ 90 tuổi.

Xin Thiên Chúa từ ái đón nhận linh hồn Đức Cố Hồng Y Phaolô-Giuse về hưởng Thánh Nhan Chúa, và trả công bội hậu cho ngài, vì cả cuộc đời đã hiến thân

phụng sự Thiên Chúa và Phục Vụ Hội Thánh.

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU

TUYÊN UÝ ĐOÀN CỘNG ĐỒNG CÔNG GIÁO VIỆT NAM LIÊN BANG ÚC CHÂU.
 
Tin Đáng Chú Ý
Vụ Khai Thác Bauxit hiện nay ở Cao nguyên Trung Việt và các hệ quả sâu rộng của nó
Đỗ Hữu Nghiêm
14:37 24/02/2009
Công luận Việt Nam đang xôn xao về một quyết định của chính quyền Cộng sản Việt Nam dưới quyền của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tưởng nên lược qua những điểm quan yếu mà nhân dân cần cùng nhận thức.

Diễn Tiến Của Sự Việc

Trong đàm phán chuyên quyền và bí mật giữa phái đoàn chính quyền Việt Nam và Trung Quốc, hai bên đã đi tới quyết định khai thác vùng bauxite (quặng nhôm), mà người ta vẫn thường gọi là đất đỏ. Chương trình khai thác kéo dài hai mươi năm với đầu tư chủ yếu của Trung quốc, với ngân khoản là hai mươi tỷ mỹ kim.

Thoạt xem qua kế hoạch này, người ta thấy một nguốn lợi lớn cho Việt Nam về kinh tế, nhưng không bảo đảm kế hoạch này sẽ đem lơi tức thiết thực cho người dân hay cho một thiểu số vì tham nhũng hay đặc quyền

Vì thế, người đầu tiến lên tiếng yêu cầu ngưng kế hoạch này là nhóm thân tín chung quanh Đại Tướng Cao Niên Võ Nguyên Giáp.

Từ đó nhiều thành phấn chính trị trí thức xã hội và quân đội nhập cuộc.

Những Nguyên Do Nên Tiến Hành

Chính quyền chưa công khai hóa được những bước đàm phán và tiến hành ký kết hoà ước, cùng các lợi hại các mặt của việc khai thác quặng mỏ bôxít Cao Nguyên. Toàn văn hiệp ước giữa Trung Hoa và Việt Nam cũng chưa được phổ biến để nhân dân phán đoán và quyết định.

Kinh tế: Một chương trình đem lại lợi tức cho quốc gia trong hai mươi năm với ngân khoản đầu tư là hai mươi tỷ Mỹ Kim. Lợi ích này được chi tiết hóa thế nào: cho ngân quỹ quốc gia và cho các thành phân người lien quan nước ngoài và trong nước.

Xã hội: Mang lại lao động cho một số nhân công lớn lại nhưng thiệt hai cho nhân dân địa phương và nhân dân các lân bang là thế nào?

Những nguyên nhân không nên tiến hành:

Kinh tế: Chương trình tuy kéo dài hai mươi năm, nhưng theo kinh nghiệm đầu tư quốc tế, nhưng thành phần chia nhau số tiền đầu tự thực tế rất nhiều: chính quyền trung ương và địa phương, những thành phần chuyên gia, các xí nghiệp thi công, các bộ phận thi công chia nhau những tỷ lệ lớn ngân khoản đầu tư. Khi được triển khai, thì thực tế chỉ có khoảng 60% tiền đầu tự được thực hiện cho nhân dân từ địa phương đến toàn quốc.

Nhưng chương trình của nhiều nước tại Nicaragua hay Guatemala và nhiều nước ở Trung Mỹ đã chứng tỏ điều đó, như những phân tích của Bergeron, Richard trong cuốn L’anti-développement, Paris, L’Harmattan, 1992, mà tôi có dịp dịch thuật ở Việt Nam

Cụ thể nhất là các vấn đề đặt ra cho việc khai thác mỏ nhôm ở Jamaica hiên nay gây nhiều khốn khó cho dân chúng và hòn đảo nhỏ bé Jamaica. Vì nhiều áp lực, Jamaica là một đảo quốc nghèo ở bên cạnh một nước lớn đã phải chấp nhận. Hoa Kỳ có nhu cầu lớn về nhôm cho nhiều ngành công nghiệp lấy nhôm làm một vật liệu cơ bản cho nhiều hoạt động kỹ thuật công nghiệp, như ô tô, máy bay và tầu không gian…

Hậu quả trước tiên là hủy hoại nặng cho môi trường sinh hoạt của khu vực dân cư ở nơi này la ô nhiễm môi trường vì caustic soda, bụi bôxít và alumina và việc chuyển dân cư khỏi vùng mỏ, lấy đất mỏ khai thác nhôm, ảnh hưởng đến các hệ thống sinh hoạt kinh tế xã hội của dân tộc sinh sống lâu năm trong vùng. Mỏ bôxít hầu như trải Rộng Khắp Cao Nguyên Miền Trung chủ yếu tập trung ở lãnh thổ và dân cư huyện Daknong và các vùng chung quanh.

Ảnh hưởng mội sinh không phải chỉ ở Cao Nguyên Việt Nam, nhưng các vùng lân cận chịu ảnh hưởng nguồn nước thải chứa các chất dẫn xuất có độc tố quặng Aluminium, chảy theo các dòng sông chung quanh. Đó là, nguồn sống ảnh hưởng lan rộng đến dân chúng Kampuchia và Lào Việt, sống trong vùng khai thác bôxít

Về chiến lược, Cao Nguyên miền Trung ở vào một vị trí cao trong miền Tam Biên Việt Miên Lảo.Vi thế ai nắm được Cao Nguyên Miền Trung là khống chế được vùng đồng bằng và biền Đông và hai nước Lào và Cao Miên kế cận ở phía Tây, làm chủ cả bán đảo Đông Dương và mở rộng tầm ảnh hưởng đến Thái Miến. Trong chiến tranh Đông Dương, đường mòn giáp biên Việt Miên, Việt Lao đã chứng tỏ những lợi hại chiến lược của nó.

Trong đối ngoại, người ta không thể nhìn thấy một nước đã lớn lại có tha vọng vượt quá tầm vóc của mình để bành trướng sang nước khác. Những vấn để biên giới Tây Bắc và Đông Bắc Việt Nam hay phía Nam với Kampuchia cùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chưa hoàn toàn thỏa đáng với Trung Hoa, thì lại vướng mắc vấn đề Cao Nguyên Trung Việt, vùng Ngả Ba Tam Biên Việt Miên Lào.

Ai dám bảo đàm làm kinh tế nhưng người Trung Hoa có điều kiện thăm dò và qui tụ những lực lượng ở vùng Cao Nguyên gồm nhiều dân tộc ít người?

Thực sự Trung quốc đang có nhu cầu lớn về công nghiệp dầu khí và không gian ở vùng Trung Á như Tân Cương và Nhiệt Hà.

Một Quyết Định Hay Hòa Ước Quốc Tế Hay Trong Nước Có Thể Điều Chỉnh Hay Hủy Bỏ Được Không?

Ít lâu nay, khi không chấp nhận ý kiến của dân chúng, chính quyền Việt Nam toàn trị độc lập thường lấy lý do là đã qyết định với đối tác đầu tư nước ngoài, hay vì lý do này khác. Nhưng chính quyến đã chuyên quyền nên bỏ qua mất tiến trình dân chủ là cần tham khảo công khai và rộng rãi quốc dân của mình, trước khi ký kết một hòa ước hay quyết định nào. Vấn đề biên giới miền Bắc Việt Nam, vấn đề Trường Sa Hoàng Sa và nhiều công trình xây dựng quan trọng đã chỉ được làm việc ngấm ngầm giữa cơ quan này nọ với nhau. Chính quyền đã không công khai và rộng mở, nại lý do bí mật quốc phòng và an ninh quốc gia!

Chúng ta là một quốc gia có chủ quyền và độc lập, không thể vịn vào những lý do kể trên được. Đã không tham khảo quốc dân qua quốc hội hay hình thức nào khác, thì càng không thể nại lý do do đã ký kết rồi. Vả chăng, một nước độc lập có toàn quyền ký hay không ký bất cứ một văn kiện nào hay sửa đổi văn kiện đó cho phù hợp với công lý và quyền lợi chính đáng của mình.

Oakland, CA 18/2/2009
 
Ủy Ban Luật Gia Việt Nam Bảo Vệ Dân Quyền Cảnh Giác Hà Nội Về Việc Phân Định Thềm Lục Địa Việt Nam
Luật Sư Nguyễn Hữu Thống
18:20 24/02/2009
Ủy Ban Luật Gia Việt Nam Bảo Vệ Dân Quyền Cảnh Giác Hà Nội Về Việc Phân Định Thềm Lục Địa Việt Nam

(Chính quyền nào rồi cũng qua đi. Nhưng dân tộc và đất nước thì vẫn còn mãi)

Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển

Từ khi biết sống hợp quần trong xã hội để thành lập quốc gia, con người đã biết đặt ra luật lệ để giải quyết các tương quan về quyền lợi và nghĩa vụ trong sinh hoạt cộng đồng.

Địa cầu gồm 3 phần đất và 7 phần nước. Nếu có luật quốc tế tại các lãnh thổ thì cũng phải có luật biển cho miền lãnh hải hay hải phận.

Ngày 10-12- 1982, 119 quốc gia đã ký Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển trong đó có Trung Quốc và Việt Nam. Muốn thành luật, Công Ước phải được đa số các quốc gia kết ước phê chuẩn. Ngày 16-11-1993, 60 quốc gia đã phê chuẩn Công Ước, và một năm sau, ngày 16-11-1994 Công Ước có hiệu lực chấp hành.

Danh từ lãnh thổ bao gồm cả lục địa, hải phận và không phận.

Tại vùng hải phận đường cơ sở (baseline) thông thường là lằn mức thủy triều xuống thấp.

Biển lãnh thổ (territorial sea) rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở ra khơi

Cần phân biệt giữa biển lãnh thổ và lãnh hải hay hải phận của quốc gia duyên hải (maritime zone).

Theo án lệ cố định của Tòa Án Quốc Tế The Hague và chiếu Điều 8 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, biển lịch sử (historic waters) chỉ là nội hải (internal waters).

Muốn có biển lịch sử phải hội đủ 3 điều kiện:

a. Quốc gia duyên hải đang hành sử chủ quyền;

b. Sự hành sử chủ quyền có tính liên tục và trường kỳ;

c. Các quốc gia kế cận và đối diện thừa nhận chủ quyền của quốc gia duyên hải.

Dầu sao biển lịch sử chỉ là nội hải tọa lạc trên đất liền, về phía bên trong đường cơ sở của biển lãnh thổ.

Như vậy biển lịch sử của Trung Hoa hay Lưỡi rồng Trung Quốc chỉ là nội hải. Nó không thể là Biển Nam Hoa hay Biển Đông Nam Á cách Hoa lục đến 2000 cây số.

Vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý để đánh cá chạy từ biển lãnh thổ ra khơi.

Thềm lục địa để thăm dò và khai thác dầu khí trùng điệp với vùng đặc quyền kinh tế để đánh cá và cũng rộng 200 hải lý (370 km).

Chiếu Điều 76 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, thềm lục địa pháp lý (legal continental shelf) của các quốc gia duyên hải dài 200 hải lý tính từ biển lãnh thổ ra khơi. Ngoài ra còn có thềm lục địa địa chất (geological continental shelf) có thể kéo dài tối đa đến 350 hải lý (650 km), nếu về mặt địa chất và địa hình, đáy biển là sự tiếp nối tự nhiên của lục địa từ đất liền ra ngoài khơi trên triền biển sâu đến mũi xa bờ nhất của nền lục địa (continental margin).

Đó là một yếu tố đặc thù của các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tại Hoàng Sa, thềm lục địa địa chất nằm trên nền lục địa, chạy thoai thoải từ dẫy Trường Sơn ra biển, phía đông Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Độ sâu nhất quanh đảo Hoàng Sa là 900 mét. Về mặt địa chất và địa hình, đáy biển Hoàng Sa là sự tiếp nối tự nhiên của dẫy Trường Sơn từ Cù Lao Ré ra các đảo Tri Tôn, Hoàng Sa và Phú Lâm. Đây là những cao nguyên của lục địa Việt Nam trên mặt biển. Nếu nước biển rút xuống 900 mét thì toàn thể các hải đảo Hoàng Sa sẽ biến thành một dẫy hành lang chạy thoai thoải từ Trường Sơn ra Biển Đông.

Năm 1925 nhà địa chất học quốc tế, Tiến Sĩ khoa học A. Krempt, Giám đốc Viện Hải Học Đông Dương, sau 2 năm nghiên cứu, phân chất đất đai, đo đạc, vẽ bản đồ các hải đảo và đáy biển đã lập phúc trình kết luận rằng: “Về mặt địa chất những đảo Hoàng Sa là thành phần của Việt Nam” (Geologiquement les Paracels font partie du Vietnam).

Trong khi đó từ quần đảo Hoàng Sa về Hoa lục có một rãnh biển sâu hơn 2300 mét. Vì đáy biển Hoàng Sa không phải là sự tiếp nối tự nhiên của lục địa từ đất liền ra ngoài biển, Trung Quốc không có hy vọng đòi nới rộng thềm lục địa Trung Hoa từ 200 hải lý đến 350 hải lý như trường hợp Việt Nam.

Vả lại các đảo Hoàng Sa tọa lạc tại các vĩ tuyến 17-15 bắc, cách bờ biển Việt Nam khoảng 160 hải lý và cách Hoa lục tới 270 hải lý, nên thuộc thềm lục địa của Việt Nam.

Tại Trường Sa cũng vậy. Về mặt địa chất và địa hình đáy biển, Trường Sa là sự tiếp nối tự nhiên từ lục địa Việt Nam ra ngoài biển. Tại bãi Tứ Chính, nơi khai thác dầu khí, biển sâu không tới 400 mét, và tại vùng đảo Trường Sa và cồn An Bang (do Việt Nam chiếm cứ), độ sâu chỉ tới 200 mét. Bãi Tứ Chính cách bờ biển Việt Nam khoảng 170 hải lý và cách Hoa lục tới 800 hải lý. Các đảo Trường Sa tọa lạc tại các vỹ tuyến 12-8 bắc (từ Cam Ranh đến Cà Mâu), cách bờ biển Việt Nam 220 hải lý và cách Hoa lục tới 750 hải lý, nên thuộc hải phận của Việt Nam.

Hơn nữa về mặt địa chất và địa hình, đáy biển Trường Sa cách bờ biển Trung Quốc bằng một rãnh biển sâu hơn 4 ngàn mét. Vì đáy biển không phải là sự tiếp nối tự nhiên của lục địa từ đất liền ra ngoài biển, Trung Quốc không có hy vọng đòi nới rộng thềm lục địa đến mức 350 hải lý. Trong mọi trường hợp, các đảo Trường Sa cách Hoa lục quá xa, từ 700 đến 800 hải lý, vượt quá mức tối đa 350 hải lý dành cho thềm lục địa địa chất, nên không thuộc chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc,

Khác với vùng đặc quyền kinh tế đánh cá, thềm lục địa (pháp lý hay địa chất) thuộc chủ quyền tuyệt đối và đặc quyền chuyên hữu của quốc gia duyên hải trong việc thăm dò và khai thác dầu khí. Các quốc gia duyên hải không phải chia dầu khí cho ai, mặc dầu chưa khai thác hay không khai thác hết (các Điều 77 và 81). Các quốc gia khác không được quyền đến thăm dò hay khai thác dầu khí nếu không có sự ưng thuận minh thị của quốc gia duyên hải. Mọi sự vi phạm bằng cách chiếm cứ, dầu có võ trang hay không, cũng đều bất hợp pháp và vô hiệu lực.

Hơn nữa, tại thềm lục địa, quyền của các quốc gia duyên hải không tùy thuộc vào điều kiện phải có sự chiếm cứ (occupation), thăm dò (exploration), khai thác (exploitation) hay công bố minh thị (express proclamation). Do đó, mặc dầu không còn chiếm cứ các đảo tại Hoàng Sa từ 1974, Việt Nam vẫn không mất chủ quyền tuyệt đối và đặc quyền chuyên hữu tại quần đảo này.

Trong những năm 1974, 1988 và 1992 Trung Quốc đã chiếm cứ võ trang một số đảo, cồn, đá, bãi tại Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là những hành động vi phạm thô bạo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Dầu sao sự chiếm cứ bất hợp pháp này cũng không có tác dụng tước đoạt chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam tại thềm lục địa. Hành vi bạo hành dầu kéo dài bao lâu cũng không làm mất tính bạo hành của nó. Và sự bạo hành võ trang không được viện dẫn quy chế tiêu diệt thời hiệu theo luật lệ hiện hành tại các quốc gia văn minh trên thế giới.

Đơn yêu cầu mở rộng thềm lục địa của Việt Nam

Chiếu Điều 4 Phụ Đính 2 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, các quốc gia duyên hải có quyền đệ đơn tại Ủy Ban Phân Định Thềm Lục Địa (Commission on the Limits of the Continental Shelf) để được hưởng quy chế thềm lục địa địa chất đến mức tối đa 350 hải lý, trong trường hợp nền lục địa của quốc gia duyên hải dài hơn thềm lục địa pháp lý (200 hải lý).

Thời hạn đệ đơn yêu cầu mở rộng thềm lục địa là 10 năm kể từ khi Công Ước có hiệu lực chấp hành (tháng 11-1994).

Qua năm 1995, nhân kỳ Đại Hội Khu Vực Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) họp tại Brunei, Ủy Ban Luật Gia Việt Nam Bảo Vệ Dân Quyền đã gửi 7 vị nguyên thủ quốc gia thuộc tổ chức ASEAN một bản tường trình về vụ tranh chấp tại Hoàng Sa Trường Sa trên bình diện công pháp quốc tế. (Lúc này Việt Nam đã gia nhập ASEAN). Trong phần kết luận, Ủy Ban Luật Gia yêu cầu Khối ASEAN đổi danh xưng Biển Nam Hoa (South China Sea) thành Biển Đông Nam Á (Southeast Asia Sea). Đồng thời đề nghị Khối ASEAN triệu tập những cuộc đàm phán đa phương để giải quyết toàn bộ vấn đề tranh chấp tại Biển Đông Nam Á giữa các Quốc Gia hội viên của Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á..

Riêng đối với Việt Nam, Ủy Ban Luật Gia cũng đề nghị nhà cầm quyền triệu dụng các luật gia và chuyên gia trong các tổ chức hải dương quốc tế (như Viện Hải Dương Đông Tây tại Hawaii) để lập bản tường trình về những yếu tố đặc thù liên quan đến địa lý, địa hình và địa chất tại Hoàng Sa và Trường Sa theo các tiêu chuẩn hướng dẫn của Liên Hiệp Quốc. Mục đích để kiện toàn hồ sơ yêu cầu Ủy Ban Phân Định Thềm Lục Địa chấp thuận cho Việt Nam được mở rộng thềm lục địa từ 200 hải lý cho đến mức 350 hải lý. Về thủ tục tố tụng Ủy Ban Luật Gia cũng lưu ý rằng thời hạn đệ đơn là 10 năm chiếu Điều 4 Phụ Đính 2 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Thời hạn này sẽ mãn vào tháng 11-2004.

Từ đó đến nay đã 14 năm, nhà cầm quyền Hà Nội vẫn im lìm bất động. Hơn nữa, năm 2000, Chính phủ Hà Nội còn ký một hiệp ước bất bình đẳng về Hợp Tác Nghề Cá với Trung Quốc. Trong hiệp ước này có điều khoản quy định rằng, khi dầu khí được phát hiện, hai bên sẽ khởi sự khai thác dầu khí chung tại thềm lục địa đồng thời với sự hợp tác đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế tại Vịnh Bắc Bộ.

Theo những tin tức mới đây, căn cứ vào thỉnh nguyện của một số quốc gia hội viên, Ủy Ban Phân Định Thềm Lục Địa Liên Hiệp Quốc đã đồng ý triển hạn cho các quốc gia kết ước hay gia nhập Công Ước trước ngày 13-5-1999 (như Việt Nam) được có thời hạn 10 năm nghĩa là đến ngày 13-5-2009 để đệ đơn yêu cầu mở rộng thềm lục địa từ 200 hải lý đến 350 hải lý.

Quyết định này căn cứ vào hai sự kiện sau đây:

1. Mặc dầu Công Ước đã có hiệu lực chấp hành từ tháng 11-1994, vậy mà 3 năm sau, mãi tới tháng 5-1997, các ủy viên trong Ủy Ban Phân Định Thềm Lục Địa mới được tuyển chọn.

2. Hơn nữa, mãi tới ngày 13-5-1999 Ủy Ban Phân Định mới soạn thảo và công bố Cương Lĩnh hướng dẫn các quốc gia hội viên về các tiêu chuẩn phải khai trình về mặt chuyên môn và về khoa học kỹ thuật.

Vì có sự chậm trễ 5 năm, Ủy Ban Phân Định đã đồng ý cho triển hạn thêm 5 năm (từ ngày 16-11-2004 đến ngày 13-5-2009) để các quốc gia hội viên đệ nạp hồ sơ.

Điều đáng lưu ý là đơn thỉnh nguyện có thể chưa viện dẫn đầy đủ các dữ kiện và yếu tố theo các tiêu chuẩn ghi trong Cương Lĩnh về Khoa Học Kỹ Thuật ngày 13-5-1999 của Ủy Ban Phân Định. Trong trường hợp này các quốc gia đệ đơn có thể dành quyền sẽ xuất trình thêm tài liệu về những yếu tố và dữ kiện bổ túc để kiện toàn hồ sơ.

Vì những lý do nêu trên, cũng như năm 1995, một lần nữa, Ủy Ban Luật Gia Việt Nam Bảo Vệ Dân Quyền cảnh giác và khuyến cáo nhà cầm quyền Hà Nội đệ đơn thỉnh nguyện tại Ủy Ban Phân Định Thềm Lục Địa Liên Hiệp Quốc trong thời hạn luật định, nghĩa là trước ngày 13-5-2009.

Mục đích để bảo vệ và tranh thủ tối đa chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam tại các thềm lục địa nơi tọa lạc các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cùng đồng bào trong và ngoài nước, Ủy Ban Luật Gia sẽ quan tâm theo dõi thái độ, hành động và tinh thần trách nhiệm của nhà cầm quyền Hà Nội trong việc thi hành nhiệm vụ lịch sử này. Nếu còn ngoan cố hay bất lực, bất cứ vì lý do gì, Chính Phủ và Đảng Cộng Sản sẽ phải chịu tội trước Quốc Dân và Lịch Sử.

Làm tại Hải ngoại ngày 20-2-2009

T.M. Ủy Ban Luật Gia Việt Nam Bảo Vệ Dân Quyền

Luật Sư Nguyễn Hữu Thống
 
Văn Hóa
Nhân dịp chầu lượt tại xứ Cao Mại Thái Bình
LM. Nguyễn Văn Đạo
05:36 24/02/2009
Chầu Cao Mại Dịp Đầu Xuân Kỷ sửu 2009
Mừng Đức cha, quý cha
và mọi thành phần dân Chúa


Đất trời vĩ đại biết bao
Vòng đi, xoay lại, trăng sao quanh mình
Sinh ra thời tiết phân minh
Xuân Hè, Thu tận, lại sinh Đông tàn
Xuân sang muôn vật lan tràn
Ngàn cây thêm lộc gần xa xanh rờn
Nụ hoa, hương sắc ngát thơm
Ong bay bướm lượn nô vườn bên nhau
Nắng vàng chiếu toả sương mầu
Đàn chim hót lượn chúc nhiều Phúc ân

*Mừng Đức Cha, Người càng Thượng Thọ
Da hồng hào, tóc bạc trắng tinh
Đức cao, tài học thông minh
Đi nhiều các nước xây tình anh em

*Mừng các Cha, Đức Ông, cha Chính
Bề Trên Dòng, tu sĩ nữ nam
Chúa ban nhân đức, tài năng
Giảng khuyên lời Chúa hăng say nhiệt tình

*Mọi bậc người được nhiều hoa trái
Mẹ cha lãnh đạo đại gia đình
Con con, cháu cháu nhiệt tình
Trai tài gái đẹp, cháu mình như tiên

*Cao Mại con công trình hiện đại
Đầu tum Thanh Giá lại to cao
Mái tường cân đối hài hoà
Cuối năm hoàn tất thật là hân hoan

*Mừng Xứ mới đây, là Hữu Tiệm
Tinh thần, vật chất lại tốt hơn
Đẹp đời tươi đạo luôn luôn
Xây đầu nhà Chúa kiện toàn nay mai

*Họ Thanh Nê gần nơi phố huyện
Bên Chàu cao, sông lúa xanh rờn
Nhà Thờ mới đẹp, đẹp hơn
Sáng danh Thiên Chúa, vẻ vang quê nhà

*Trước biển Đông, Cao Bình cây tháp
Họ Khả Cảnh cũng tháp vươn cao
Đứng bên sông nước bao la
Tiếng chuông lời Chúa vang xa, lại gần

*Cao Đường cây tháp nhà Thờ mới
Hơn trăm người người tối sớm hát kinh
Giáo lương đoàn kết chân tình
Việc đời, lễ đạo hết mình thấy vui.

***

Tất cả ơn Chúa ban cho
Sau là đoàn kết dân lo mà làm
Cái đầu ta cố phải thông
Tinh thần, vật chất Chúa thương lo gì
Đức cha, cha Chính, các cha
Tất cả quý vị gần xa thương tình
Cùng nhau cảm tạ, tri ân
Mừng vui với Xứ chúng con ngàn đời.

Linh mục Xứ Cao Mại: Hier. Nguyễn Văn Đạo
 
Giáo Dục Con Cái Trong Thời Đại Mới
Bùi Hữu Thư
18:17 24/02/2009

Giáo Dục Con Cái Trong Thời Đại Mới



Dạy Cho Con Cái Biết Các Giá Trị Tinh Thần Trong Xã Hội Hôm Nay

Dạy cho con cái biết các giá trị tinh thần của chúng ta là vấn đề hết sức quan trọng. Rất may là mọi sự khởi đầu từ chúng ta là các bậc phụ huynh và cũng chấm dứt nơi chúng ta. Cha mẹ có nhiều ảnh hưởng trong việc di chuyền các giá trị cho con cái hơn mọi yếu tố khác. Sau đây là một vài điều giản dị, và rất quan trọng chúng ta phải nhớ về các giá trị và tìm cách để chuyển giao chúng cho con cái:

  • 1. Con cái học biết cách phân định những gì là tốt hay xấu nơi những người chúng thương yêu và kính trọng. Không có một ai khác có ảnh hưởng nhiều hơn trong việc dạy dỗ các giá trị hơn bạn. Lời nói của bạn có thể làm thay đổi mọi sự.
  • 2. Khi dạy dỗ giá trị, hành động luôn luôn nói nhiều hơn lời nói. Con trẻ bây giờ có thái độ “hãy làm cho tôi xem đi” (Show me!). Chúng cần được thây các giá trị được cha mẹ biểu tượng trong cuộc sống của họ. Chúng ta cần kính trọng đời sống, kính trọng kẻ khác, ngay thẳng, công chính... Con cái sẽ có được các giá trị này khi quan sát chúng ta.
  • 3. Gia đình vẫn là công cụ hữu hiệu nhất cho việc giáo dục con cái. Một mái ấm gia đình, nơi mọi người thương yêu, đùm bọc lẫn nhau tạo được môi trường cần thiết cho con cái học hỏi cái gì là tốt, cái gì xấu, và học cả cách yêu thương nhau. Giá trị tinh thần chỉ có thể được nuôi dưỡng trong một môi trường có tình yêu và sự chấp nhận.
  • 4. Luôn luôn bỏ thì giờ ra để ngồi xuống nói chuyện với con cái. Đừng e ngại phải nói ra những điều bạn cảm thấy ( nhưng cũng đừng bao giờ không chịu nghe những gì con cái đang suy nghĩ).
  • 5. Luôn luôn cố gắng dạy dỗ con cái biết yêu thương và kính trọng nhau như những đứa con của Thiên Chúa. Một tình yêu lành mạnh và sự tự trọng hết sức quan trọng đối với con cái. Đây cũng là bước đầu cần thiết trong việc giúp đỡ con cái học biết thương yêu và kính trọng tha nhân và Thiên Chúa.
  • 6. Không có ai nói rõ hơn Chúa Giêsu. Mấy chữ này: “Yêu tha nhân...” là một sứ điệp quan trọng cho mỗi đứa con trẻ.


Vai Trò Phụ Huynh Rất Khó Khăn

Đa số chúng ta không được huấn luyện để trở thành phụ huynh. Do đó chúng ta vô hình chung cảm thấy đôi khi bất lực. Đã bao lần bạn nghe thấy mình đang nói đúng những điều bạn đã từng thù ghét phải nghe nơi cha mẹ của bạn? Và khi con bạn đến tuổi vị thành niên, mọi sự còn khó khăn hơn. Chúng dường như chối bỏ mọi điều chúng ta dạy bảo chúng. Theo chúng, chúng ta chẳng hiểu biết gì cả. Các giá trị tinh thần và những gì chúng ta tin tưởng đều bị chúng thách đố. Mọi điều chúng ta nói ra đều được coi như những trở ngại cho chúng. Có sự căng thẳng trong gia đình lên đến cao độ. Nhưng chúng ta lại quan trọng hơn bao giờ hết đối vơi các con cái vị thành niên. Trong khi chúng đang áp dụng các giá trị của bạn bè chúng, là những đứa đang ảnh hưởng đến chúng nhiều nhất, chúng ta phải hiện diện để chống lại sự lôi kéo của rượu chè và ma túy. Những độc được này càng ngày càng len lỏi vào đời sống của con cái bạn và hủy hoại chúng.

Hậu Quả Tai Hại Trẻ em vị thành niên không tìm được niềm an vui nơi gia đình sẽ đi tìm kiếm ở chỗ khác. Một số bỏ nhà ra đi. Nhiều đứa khác tìm cách chạy trốn các áp lực: một đứa con trai thông minh và vui tính tìm sự thoát ly trong ma túy, một đứa con gái khỏe mạnh và vui nhộn bắt đầu chè chén. Chúng ta thử xem xét các dữ kiện sau đây:

  • 1. Mỗi năm có một triệu học sinh bỏ học hay thường xuyên “cúp cua”.
  • 2. Cứ 10 đứa con gái vị thành niên thì có 4 đứa chửa hoang trước năm 20 tuổi.
  • 3. Mặc dù việc hút cần sa đã suy giảm trong các năm qua, việc nghiền bạch phiến, nhất là “crack cocaine” đã gia tăng gấp đôi.
  • 4. Trong 4 đứa trẻ vị thành niên có một đứa nghiện rượụ Khoảng 10.000 đứa sẽ chết vì các tại nạn liên quan đến rượu chè mỗi năm.
  • 5. Mỗi năm có khoảng từ 5.000 tới 6.000 đứa trẻ vị thành niên chết vì tự tử, và con số này ngày càng gia tăng tới mức cứ 90 phút là có một đứa tự tử. Cứ một đứa chết thì có 100 đứa mưu toan tự tử.


Trẻ Vị Thành Niên Ở Trong Giai Đoạn Sóng Gió Nhất Trong Đời

Trẻ vị thành niên phải đối phó với các áp lực người lớn không cho là quan hệ. Cơ thể chúng thay đổi, chúng phải thích nghi với con người mới chúng thấy khi soi gương. Chúng cảm thấy con ngưòi chúng khác lạ. Chúng bắt đầu chú ý đến vấn đề tính dục. Chúng thường xuyên có sự lo lắng bất an. Chúng cảm thấy có áp lực phải phù hợp với bạn bè và sẽ bị riễu cười nếu không theo. Các sự thay đổi này có thể hết sức sợ hãi, lạ lùng và buồn chán. Trẻ vị thành niên có những linh tinh tốt, nhưng chúng cũng làm cho chúng ta ngạc nhiên về khả năng xét đoán thiếu đúng đắn của chúng. Con Cái Vị Thành Niên Cần Bạn Trong khi các trẻ vị thành niên đang đòi hỏi được đối xử như người lớn, chúng vẫn cần một mái nhà êm ấm, một nơi trú ngụ. Và mặc dầu chúng không chịu công nhận, chúng cần có những khuôn phép, giới hạn, và rất nhiều sự giúp đỡ để có thể sắp xếp cuộc đời của chúng và quan trọng hơn cả là tình yêu. Trong giai đoạn trưởng thành sóng gió, điều quan trọng các phụ huynh cần nhớ (mặc dầu con cái vị thành niên của chúng ta lại muốn quên đi), đó là chúng ta yêu thương chúng và chúng cũng yêu thương chúng ta. Cuối cùng thì đây là điều làm cho mọi nỗ lực của chúng ta có ý nghiã.

Bạn Hiểu Biết Gì Về Con Cái Của Bạn?

Bạn có thể nói, “Con tôi không bao giờ làm như thế.” Đa số không. Nhưng cho dù các con bạn không làm như vậy, bạn hãy suy nghĩ về những câu hỏi sau đây:

  • 1. Con cái bạn giờ này đang ở đâu?
  • 2. Con cái bạn ghê sợ điều gì nhất?
  • 3. Ai là bạn hữu thân nhất của con cái bạn?
  • 4. Bạn hữu của con bạn có được vui đón chào vào nhà của bạn không?
Xin nhớ là một mối liên hệ mật thiết nhất đối với con cái là phương cách tốt nhất để hướng dẫn chúng, và để ngăn không cho chúng trở nên một nạn nhân trong các con số thống kê.

Sống Hòa Hợp Với Con Cái

Sau đây là một số ý kiến và phương pháp bạn có thể thử xử dụng để tăng cường mối liên hệ giữa bạn và con cái. Nếu chúng không có hiệu qủa tức thời, nên tiếp tục xử dụng vì chúng ta cần thời gian để thực hành:

  • 1. Bỏ thì giờ ra cho con cái vị thành niên. Tìm một sinh hoạt bạn thích làm với con cái và theo đuổi sinh hoạt này. Nếu lời mời gọi của bạn bị từ chối, nên tiếp tục mời.
  • 2. Lắng nghe, thật sự lắng nghe. Vì phụ huynh qúa bận rộn và có qúa ít thì giờ, chúng ta thường nghe trong khi lau chùi, rửa chén, hay sửa xe. Bỏ công việc vặt trong nhà sang một bên để con cái bạn biết rõ bạn đang lắng nghe chúng.
  • 3. Hãy nhìn xa trông rộng. Đừng coi những lỗi lầm nhỏ nhặt như nhũng tai vạ khủng khiếp. Chỉ nên chọn những vấn đề quan trọng. Không nên biến gia đình thành một bãi chiến trường.
  • 4. Hãy chấp nhận những sự dị biệt. Hãy coi các con cái vị thành niên như những cá nhân khác biệt với bạn. Đây không có nghĩa là bạn không thể nói lên ý kiến của bạn khi bạn không đồng ý.
  • 5. Hãy tôn trọng quyền tư hữu của con bạn. Đùng nghe lóm, đừng lục xoát. Nếu chúng có hành động làm bạn lo ngại thì phải nói ra.
  • 6. Để cho con cái tự thu xếp mọi việc của nó. Đừng bao giờ nói bạn biết rõ cảm nghĩ của chúng. Chúng tin rằng cảm nghĩ của chúng (qúa mới mẻ, và riêng tư) thật à duy nhất. Chúng phải tự tìm hiểu sự thật không có bạn giúp đỡ. Cũng đừng nói cảm nghĩ của chúng không ăn nhập gì và sẽ thay đổi. Vì chúng sống trong hiện tại, và nếu cảm nghĩ của chúng sẽ mau thay đổi thì cũng không quan trọng gì đối với chúng bây giờ.
  • 7. Đừng xét đoán. Hãy chỉ nêu lên các dữ kiện thay vì ý kiến khi bạn khen thưởng hay chỉ trích. Nói lên các dữ kiện như “Baì thơ của con làm cho mẹ phải mỉm cười,” hay “phiếu học bạ này toàn những con C và D.” Hãy để cho con bạn tự đi đến những kết luận thích hợp. Con cái vị thành niên hết sưc nhậy cảm về những sự xét đoán dù là tốt hay xấu.
  • 8. Hãy rộng lượng trong các lời ngợi khen. Hãy khen con cái về những cố gắng thay vì chỉ khen các thành qủa. Và đừng bình phẩm về con người. “Con thật là một họa sĩ đại tài” là một điều con cái khó có thể trở thành. “Bố rất ưa thích bức họa của con” là một dữ kiện đến từ trong tim.
  • 9. Hãy đề ra những giới hạn hợp lý. Con cái vị thành niên cần có các giới hạn này. Luật lệ của bạn phải được áp dụng đồng đều và phải dựa trên những điều bạn thực sự tin và những giá trị của bạn.
  • 10. Hãy dạy cho con cái bạn biết lấy những quyết định và những lựa chọn hợp lý bằng cách khuyến khích sự tự chủ và cho phép con bạn làm những lỗi lầm.
Đừng can thiệp trừ khi cần thiết.

Làm Sao Để Tức Giận Mà Không Làm Hỏng Mọi Việc? Cha mẹ nào cũng có lúc phát điên vì giận con cái. Chúng ta đôi khi không tránh được. Nhưng có phụ huynh lại cảm thấy hối hận khi tức giận và cố giữ im lặng. Mặc dù khi tức giận chúng ta có thể nói ra những điều không nên nói, sự tức giận có thể phát khởi những đối thoại giúp cho bạn và con cái bạn hiểu biết nhau nhiều hơn. Sau đây là một vài hướng dẫn:

  • 1. Khi bạn nóng giận đừng kết tội, đừng lên án. Chỉ nên nói cảm nghĩ và tâm tình của bạn: khó chịu, bực tức, cau kỉnh,... và tại sao? Nên nói cho rõ. Chỉ dùng những dữ kiện. Khi kết tội chúng ta sẽ làm cho con cái phải chạy tội bằng cách cãi chầy cãi cối, điều này làm cho hai bên nóng tính thêm và ngăn cản cuộc đối thoại.
  • 2. Hãy nghĩ đến những giải pháp thay vì sự thắng lợi. Đừng cố gắng để đạt đến sự thành công về lý luận của mình.
  • 3. Hãy chỉ đề cập đến biến cố hiện tại. Đem các trận chiến cũ ra đấu chỉ làm cho tình trạng tệ hại hơn.
  • 4. Hãy cẩn thận, đừng tấn công bản tính cá nhân của con bạn. Hãy nói, “Mẹ giận lắm vì con không dọn dẹp sau khi bầy bừa như vậy” thay vì, “Con là đứa lười như hủi”. Con cái bạn có thể bỏ cuộc không chịu cố gắng thay đổi nữa.
  • 5. Nếu hoàn cảnh có vẻ tế nhị, hãy viết xuống thành một lá thư. Bạn có thể nói đúng y như bạn mong muốn, và con bạn sẽ có thì giờ để suy nghĩ trước khi trả lời.


Các Dấu Hiệu Cho Biết Con Bạn Cần Những Sự Giúp Đỡ Bên Ngoài

  • 1. Khi chúng nói đến việc tự tử dù có vẻ bâng quơ. Một đứa trẻ có ý định tự tử có thể cho đi những sở hữu qúy giá, viết chúc thư, nói đến sự chết hay nói rằng gia đình sẽ bớt khổ nếu không có nó.
  • 2. Có sự thay đổi gần đây về thói quen ăn ngủ, lối suy nghĩ, cá tính, bạn bè, việc học hành, và các sinh hoạt khác. Một sự chấm dứt giai đoạn chán đời dài thường là thời kỳ đi trước mưu toan tự tử. Xuống ký nhiều có thể là dấu hiệu của sự nhịn ăn hay ăn rồi móc cổ họng cho ra.
  • 3. Dùng ma tuý hay rượu chè. Bạn có thể nhận ra: các hành vi vô lý hay vô trách nhiệm, nói dối, dấu diếm, tâm tình thay đổi luôn luôn, dễ bị tai nạn. Con cái dùng ma tuý có thể có tròng con mắt nở ra, đeo kính mát trong nhà, hay than phiền là không ngủ được hay không cảm thấy khỏe khoắn. Các đồ vật qúy giá trong nhà biến mất. Bạn có thể thấy xuất hiện trong nhà những phụ tùng của dân nghiền hay các chai rượu.
  • 4. Con bạn mới đây đổi bạn mới và chơi với những đứa bạn nghĩ rằng là dân sì- ke, là dấu hiệu cho biết con bạn có thể đi vào con đường này hay đang có những vấn đề khác.
  • 5. Có các hành vi phạm pháp, dù chưa liên hệ đến cảnh sát hay toà án. Bạn có thể thấy chúng có những sở hữu mới hay tiền nong bạn không biết đến.
  • 6. Thiếu tự trọng. Thiếu niềm tự tin là điều bình thường. Nhưng nếu triệu chứng này kéo dài lại là một vấn đề.
  • 7. Chán đời nghiêm trọng. Đứng ngồi không yên, cô đơn, rút vào cái vỏ, Khó làm quen với bạn mới.
  • 8. Nổi loạn đến mức luôn luôn chống đối.
  • 9. Có vấn đề tại nhà trường, kể cả cúp cua, vắng mặt và học bạ bỗng nhiên có điểm xuống thấp.
  • 10. Có những lo âu và sợ hãi làm ngăn trở cho các sinh hoạt hàng ngày.
  • 11. Có các vấn đề giữa các thành phần trong gia đình mà lắng nghe và ngồi xuống nói chuyện không giải quyết được. Những sự thay đổi trong gia đình, như có người qua đời, có sự ly dị, hay tái hôn là những giai đoạn con cái cần có sự giúp đỡ bên ngoài.


Bao Giờ Chính Bạn Cần Phải Được Giúp Đỡ?

  • 1. Có những chuyện trục trặc trong gia đình mà bạn không hiểu dược lý do.
  • 2. Bạn hoàn toàn bất đồng ý kiến với bạn đời của mình về những vấn đề liên quan đến con cái vị thành niên, và cả hai người không thể đi đến một sự dung hoà.
  • 3. Bạn gặp trở ngại về việc làm, hay luôn luôn mất việc.
  • 4. Bạn đang sài rượu che hay ma tuý.
  • 5. Bạn hay nổi nóng và dữ tợn đối với các con vị thành niên và không thể tự chủ được mình.
  • 6. Người bạn đời của bạn hung dữ với bạn và con cái.


Bạn Phải Làm Gì Khi Con Bạn Bỏ Nhà Ra Đi?

Đa số những đứa trẻ bỏ nhà ra đi thường trở về trong vòng 48 tiếng. Những đứa đi lâu hơn có thể gặp rất nhiều tình trạng nguy hiểm. Do đó phải làm tất cả mọi sự có thể để đem con trở về nhà.

  • 1. Giữ một cuốn sổ tay có ghi những biện pháp bạn đã làm và ngày tháng.
  • 2. Liên lạc với láng giềng, họ hàng, các bạn hữu, thầy cô, người chủ hay bạn làm cùng chỗ của con bạn.
  • 3. Liên lạc với các nhà thương, và các chỗ thanh thiếu niên hay tụ tập.
  • 4. Gọi cảnh sát. Mời cảnh sát đến nhà lấy lời khai và các hình ảnh mới nhất, các hồ sơ về răng, và các dấu tay nếu có. Ghi tên viên cảnh sát, số thẻ hành sự, và điện thoại, số biên bản, và tên của viên cảnh sát sẽ theo dõi nội vụ.
  • 5. Yêu cầu cảnh sát liệt kê con bạn trong danh sách của Trung Tâm Thông Tin Quốc Gia về Các Tội Phạm (National Crime Information Center), và trong danh sách các trẻ em mất tích của tiểu bang nếu có.
  • 6. Liên lạc với Trung Tâm Trẻ Em Mất Tích và Bị Khai Thác (National Center for Missing and Exploited Children) để được trợ giúp. Điện thoại: 1-800-843-5678.
  • 7. Gọi cho “Nhà Giao Ước” (Covenant House NINELINE) để được trợ giúp, và lấy tin tức. Để một điện văn ở đây. Đồng thời liên lạc với các số điện thoại “nóng” (runaway hotlines) tại địa phương về trẻ em bỏ nhà ra đi.
  • 8. Liên lạc với các Trại Tạm Trú cho trẻ em bỏ nhà ra đi tại địa phương và các tiểu bang lân cận.
  • 9. Làm các bích chương có hình con bạn, kê khai tuổi, chiều cao, cân nặng, mầu tóc và mắt, nước da, các đặc điểm về thể chất (các vết sẹo, nốt ruồi, hàm bịt răng, hay lỗ tai xâu), trường hợp mất tích, số điện thoại của bạn và liên lạc viên sở cảnh sát. Dán các bích chương này tại các chỗ xe vận tải nghỉ chân, các cơ sở chăm sóc cho trẻ em, các nhà thương, các cơ quan công quyền.
  • 10. Chuẩn bị để đối thoại lần đầu với con. Dù là đối điện hay trên điện thoại, tỏ ra lo lắng thay vì giận dữ. Hãy nói: “Bố mẹ yêu con.”
  • 11. Chuẩn bị nhanh chóng để giải quyết vấn đề đã làm cho con bạn bỏ nhà ra đi. Khi con bạn đã trở về, những cảm xúc sẽ rất cao. Cần có người bên ngoài đến giúp gia đình bạn đối phó với những sự căng thẳng này. Bạn có thể thấy là tạm thời nên tìm một nơi trú ngụ cho con bạn trong khi bạn giải quyết tình trạng gia đình. Do đó xin hãy liên lạc với một cố vấn bên ngoài. Số điên thoại của Covenant House NINELINE là 1-800-999-9999 (điện thoại miễn phí)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Trên Cành Chờ Xuân
Lm. Vũ Đình Huyến
06:12 24/02/2009

TRÊN CÀNH CHỜ XUÂN



Ảnh của Lm. Vũ Đình Huyến, CMC.

Một mình hót giữa trời đông

Mong cho Xuân đến, đơm bông, gọi tình.

(nđc)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền