Ngày 25-02-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay: Bài 5
VietCatholic Network
05:26 25/02/2012
Bất cứ ai kêu cầu danh Ðức Chúa sẽ được cứu thoát (Ro 10:13)

Thật là những lời khích lệ mà Thámh Kinh nói với chúng ta! Trong buổi đầu hành trình Mùa Chay này, chúng ta hãy nhớ ai đã dẫn dắt dân Do Thái ra khỏi Biển Ðỏ, và đưa họ về miền đất hứa; ai đã giữ chay trong 40 ngày, chịu mọi thứ cám dỗ của ma quỷ và cuối cùng đã chiến thắng vẻ vang; ai đã hứa ở cùng ta trong hoạn nạn và cứu giúp ta khi ta kêu cầu danh Ngài?

Câu trả lời cho tất cả các câu hỏi trên là chính Thiên Chúa. Ngài là Ðấng đã cứu chúng ta một lần và mãi mãi khỏi tội lỗi và án chết muôn đời. Ngài cũng là Ðấng mong được cứu ta hàng ngày khi ta kêu cầu danh Ngài. Cứu ta khỏi điều gì? Khỏi những cám dỗ ta đối diện hàng ngày: những ý tưởng kiêu căng và ngạo mạn, những trào lưu muốn độc lập khỏi Thiên Chúa, sợ hãi và cô độc, cảm giác muốn xa lánh Chúa và đủ các thứ cám dỗ khác.

Khi ta kêu cầu danh Chúa, ta kêu cầu đến mọi điều mà danh này tiêu biểu trên trời và dưới thế. Ta kêu cầu Vua của các vị Vua. Ta kêu cầu Con của Ðức Mẹ. Ta kêu cầu Ðấng mà sự chết và sự sống lại đã giải thoát tất cả ai tin vào Ngài và ban cho họ quyền năng chiến thắng kẻ thù. Satan sợ danh này đến mức nào| Chính danh này đã đánh bại nó nơi đồi Calvê.

Hãy bền đỗ tới cùng và đừng đánh mất đi niềm hy vọng. Hãy kêu cầu danh Ðức Giêsu. Khi bạn kêu cầu danh Ngài, Ngài sẽ giúp bạn thắng trận. Ngài sẽ dẫn bạn vượt qua những ràng buộc của tội lỗi và đưa bạn đến vinh quang tự do và phẩm giá được thừa tự trong hàng con cái Chúa. Càng kêu cầu danh Ngài, càng dễ sống trong huấn lệnh Ngài.

Bạn hãy kêu cầu danh Chúa và đợi Ngài đến với bạn - ngay cả trong những cách thế bất ngờ nhất. Bạn nên nhớ điều này: rất thường là chính trong lúc chúng ta kêu cầu danh Ngài và chờ đợi Ngài, chúng ta cảm thấy sự hiện diện của Ngài sâu sắc nhất và ơn phù trợ của Ngài mạnh mẽ nhất.

"Lạy Ðức Giêsu, con dâng Chúa trái tim con. Hãy dạy con biết kết hiệp mật thiết hơn với Chúa và phó thác vào quyền năng của danh Ngài".
Quý vị có thể xem tất cả các videos Mùa Chay tại địa chỉ http://vimeo.com/vietcatholic/videos
 
Đọc lại câu chuyện cám dỗ từ sách Sáng Thế
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
09:52 25/02/2012
Chúa nhật I mùa chay B

Hàng năm, Phúc Âm Chúa Nhật I Mùa Chay đều nói về cám dỗ. Chúa Giêsu vào hoang địa. Sau bốn mươi đêm ngày ăn chay và cầu nguyện, Satan xuất hiện và cám dỗ. Chúa Giêsu đã chiến thắng Satan.

1. Đọc lại câu chuyện Sáng Thế (St 3,1- 7) : Cám dỗ và sa ngã.

Rắn là vật tinh ranh hơn mọi dã thú (3,1a). Rắn là loài có hình thù và cách di chuyển đặc biệt; nó khôn khéo và nguy hiểm làm người ta sợ và ghê tởm. Nhiều tôn giáo (cụ thể tại Canaan) coi rắn như thần và nó có vai trò trong việc ma thuật và biểu tượng sự sinh sản phong phú. Ở đây, rắn biểu tượng cho sự độc ác và khôn khéo, tìm cách phá hoại hạnh phúc con người bằng cách phá đổ mối thân thiện giữa con người với Thiên Chúa. Sách Khôn Ngoan ví rắn là quỷ dữ (Satan): “Chính vì quỷ dữ ganh tỵ, mà cái chết xâm nhập thế gian” (St 2,24); Khải Huyền gọi là Satan, ma quỷ (Kh 12,9); (1Ga 3,8).

Rắn quỷ quyệt đưa ra một câu hỏi bâng quơ: “Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?” (3,1b). Quả là một câu hỏi khôn khéo và nguy hiểm vì có hai nghĩa:

- Không được ăn tất cả, chỉ một số nào đó thôi.
- Không được ăn cây nào cả.

Rõ ràng, lời này có ý xuyên tạc hoàn toàn ý Thiên Chúa, và như thế có tác dụng lôi kéo người nữ vào câu chuyện.

Người nữ phản kháng : Quả cây trong vườn chúng tôi được ăn. Nhưng về quả cây ở giữa vườn thì Thiên Chúa đã phán : các ngươi không được ăn, không được rờ đến kẻo phải chết (3,2). Việc đầu tiên là người nữ thấy cần phải đính chính để bênh vực Chúa, và nói quá đi (không được đụng tới) như thể xác định một lệnh truyền nghiêm nhặt để giữ mình.

Con rắn ngọt ngào dụ dỗ : Chẳng chết chóc gì đâu ! quả nhiên Thiên Chúa biết, ngày nào các ngươi ăn nó, mắt các ngươi sẽ mở ra và các ngươi sẽ nên như những Thiên Chúa biết cả tốt xấu. (3,4-5). Hết sức khôn khéo, rắn không xúi giục ăn trái cấm, nhưng tạo nên trong lòng con người sự nghi ngờ Lời Chúa. Nó quả quyết mình biết Chúa hơn người nữ và thuyết phục bà bớt tin tưởng để phán đoán rằng, biết đâu Thiên Chúa cấm vì sợ con người sẽ bằng mình. Các ngươi sẽ như Êlohim (giống Êlohim) là những kẻ biết thiện ác. Biết không nguyên bằng trí thức nhưng còn là kinh nghiệm; biết là làm chủ được sức mạnh thần bí. Rắn gợi cho con người nghĩ là họ có thể mở rộng cuộc sống vượt qua những giới hạn mà Chúa đã đặt, để họ có quyền định đoạt tốt xấu cho mình nghĩa là định mệnh cuộc đời mình, và như thế là đồng nghĩa với sự từ chối lệ thuộc Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, tức là kiêu ngạo muốn tách mình ra khỏi Thiên Chúa.

Người đàn bà đã nhìn : quả là cây ăn phải ngon. Mà nhìn thì đã sướng mắt. Nó đáng quý thực, cái cây ấy, để được tinh khôn (3,6). Rắn không nói gì thêm. Cần đi vào yên lặng để những lời cám dỗ trên được lắng sâu vào trí óc và cõi lòng. Nó tác động từ giác quan, đi vào trí khôn tạo lòng muốn. Người nữ ngắm nghía trái cây thấy ngon (giác quan - cảm giác), mát mắt (thẩm mỹ) và đáng thèm khát để được Khôn Ngoan, thông minh như Chúa, nên giống Chúa.

Và bà đã hái lấy quả mà ăn, và bà cũng trao cho chồng ở bên bà đưa cho chồng. (3,6). Người bị dụ dỗ trở hành kẻ dụ dỗ. Nàng chia cho chồng với ước mơ hão huyền là chồng được thông minh như Thiên Chúa.

Tại sao trong tình trạng sáng suốt và quân bình ban đầu, con người có thể bị sa ngã? Xét cho cùng, dầu sao họ cũng chỉ là thụ tạo bất toàn, với thân phận mỏng manh. Điều quan trọng đó là họ luôn có tự do để phán đoán và quyết định.

Và ông đã ăn (3,6). Lời Thánh Kinh thật vắn gọn diễn tả sự yếu đuối, nhu nhược của Ađam và ông đã sa ngã.

Mắt hai người mở ra (3,7). Đúng như lời rắn nói, bây giờ họ thấy một cái gì mới, nhưng cách khác hẳn họ tưởng: thay vì trở nên thần linh biết thiện ác, họ biết mình trần truồng. Tất nhiên, trước khi phạm tội, họ trần truồng nhưng coi đó là tự nhiên và không xấu hổ. Bây giờ sự vô tội đã mất, xấu hổ là dấu chỉ của ý thức tội lỗi họ có; tội đã gây nên trong thẳm sâu con người sự đổ vỡ: thế quân bình và hòa hợp giữa tinh thần và thể xác đã mất, con người không còn làm chủ được mình nữa, và vì thế cảm thấy xấu hổ trước mặt nhau.

Sau khi sa ngã, hai người lẫn trốn Thiên Chúa. Họ đi trốn chứng tỏ lương tâm hối hận vì đã không vâng lời. Tội phá vỡ sự hài hòa với chính mình. Để chạy tội, con người như đổ lỗi cho Chúa: người đàn bà mà Chúa đã đã đặt bên tôi, chính y thị đã hái nơi cây ấy cho tôi, nên tôi đã ăn ( 3,12). Người đàn ông đỗ lỗi cho Chúa : chung quy chỉ vì Chúa cho tôi người đàn bà ở với tôi.

Người nữ đổ tội cho rắn : Con rắn dụ dỗ tôi nên tôi đã ăn (3,13). Cả hai câu nói trên tỏ lộ mối rạn nứt giữa người với nhau. Sự liên đới trong tội bị phủ nhận, người ta đổ trách nhiệm cho nhau. Sự đồng phạm không liên kết con người trước mặt Chúa, nhưng làm họ ra lẻ loi. Tội bắt đầu gây chia rẽ và phá vỡ mối tương quan hài hòa giữa người với nhau.

2. Ý nghĩa “con rắn” và “trái cấm”

Tại sao Kinh Thánh chọn loài “rắn” làm hiện thân cho Satan? Còn “trái cấm” có ý nghĩa hiện sinh gì trong cuộc sống không?

a. Con rắn

Trước tiên, hình ảnh “rắn” rất quen thuộc trong Cựu Ước. Cái tên “Satan” (Quỉ Vương) có sẵn trong các tôn giáo cổ xưa, nhưng Do Thái là tôn giáo đầu tiên cho rắn đội lốt Satan đến cám dỗ con người ăn trái cây “biết lành biết dữ”. Rắn cũng xuất hiện lần nữa khi Môisen và Aaron ném gậy xuống đất hòa thành rắn để Pharao cho dân Chúa đi tự do. Trong sa mạc, Môisen đúc rắn đồng treo lên cây cao, hễ ai bị rắn cắn nhìn vào đó sẽ được khỏi. Có thể hiểu “bị rắn cắn” theo nghĩa rộng như là một sự chùn chân, chán nản, không muốn tiếp tục cuộc hành trình qua sa mạc. Trong 40 năm lưu lạc trong sa mạc, dân Do Thái có lẽ đã tiếp xúc, đụng độ hoặc muốn đồng hóa với các bộ lạc thờ rắn sống trong vùng, và Môisen phải đúc rắn đồng riêng cho dân Do Thái để họ lên tinh thần mà tiếp tục cuộc hành trình về đất hứa. Ngày nay, các nhà khảo cổ đã tìm thấy được một số rắn đồng tại vùng mỏ đồng sa mạc Araba.

Ngoài Kinh Thánh ra cũng có nhiều chuyện thần thoại khác về rắn đã được lưu hành trước đó rất lâu. Chuyện thần thoại Gilgamesh ở xứ Sumeria, kể lại vua Utnaphistim và vợ ông ta đã tìm được một loài cây trường sinh, nhưng trước khi có dịp ăn quả trường sinh thì có một con rắn đã đánh cắp cây quý khỏi tay nhà vua, và từ đó không ai có thể sống đời đời nữa. Điển tích về rắn cướp lấy cơ hội trường sinh bất tử ảnh hưởng ít nhiều vào sự tích Satan hóa thân con rắn đến cám dỗ Evà, từ đó loài người mất đi cơ hội sống đời đời. Phải đợi đến thời Kitô giáo, “trái cấm” được thay thế bằng “Mình và Máu” của Chiên Thiên Chúa. Cũng như thế, Evà , người nữ đem trái cấm đến cho Ađam ăn, sẽ được thay thế bằng Đức Trinh Nữ Maria, người “chưa hề biết đến một người nam”. Ngoài ra, cuộc chiến giữa rắn tiền sử và thần Marduk nói lên nhu cầu hy sinh đổ máu của “thần thánh” để loài người được sống. Khái niệm thần thánh trở thành của lễ hiến tế để đem lại sự sống cho nhân loại có lẽ không xa lạ cho lắm đối với hậu cảnh văn hóa và tôn giáo của Cựu Ước và Tân Ước. Tư tưởng “máu đào tử đạo là hạt giống đức tin” có lẽ cũng mang ảnh hưởng phần nào của khái niệm trên đây.

Với quan niệm của người Á Đông xem rồng như là vật linh thiêng, thì dân tộc Trung Đông cũng tôn thờ rắn vậy. Rắn đại diện cho sự khôn ngoan, nhanh nhẹn và cả sự nguy hiểm, trả thù độc địa nếu cần. Dân tộc xứ Syria xem rắn như một thần phù trợ. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy tại các đền thờ, các tạc hình “đầu rắn” vì họ tin thần rắn sẽ cắn chết những kẻ xâm lăng và bảo vệ dân chúng khỏi hiểm nguy bệnh tật. Khi thấy rắn lột da nhưng vẫn sống, người ta tin rắn có bí quyết trường sinh bất tử. Người Hy Lạp có thần Asklepios chữa bệnh mang dấu hiệu hình rắn mà ngày nay vẫn thấy tại các tiệm thuốc tây, văn phòng bác sĩ, hoặc nhà thương. Người Việt tin là rắn có trí nhớ và khả năng trả thù như trong chuyện Nguyễn Trãi giết cả một tổ rắn hổ mang và sau này bị rắn trở lại báo oán (tru di tam tộc).

b. Trái cấm

Vì sự tinh ranh của rắn, Satan đội lốt rắn để đem “trái cấm” đến dụ dỗ con người. Nhưng “trái cấm” có ý nghĩa gì không? Cũng như các ngụ ngôn Đức Giêsu dùng để giảng dạy trong Tân Ước, ngôn ngữ huyền thoại của sách Sáng Thế không phải là loại ngôn ngữ cứng rắn của siêu hình học. Muốn hiểu ý nghĩa sâu sắc của nó chúng ta cần phải đặt mình vào trong bối cảnh và ngữ cảnh của câu chuyện.

Vì thế, ở đây chúng ta hãy giải thích “trái cấm” qua lăng kính hiện sinh. Nếu xét theo kinh nghiệm trưởng thành của mỗi người, chúng ta có thể diễn đạt ý nghĩa của “trái cấm” qua ba giai đoạn sau đây.

Trước tiên, “vườn địa đàng” đại diện cho tuổi còn bé thơ, sống trong vô tư và trần truồng, mọi miếng ăn thức uống đều lệ thuộc vào cha mẹ, chỉ biết chơi đùa với thú vật, mỗi buổi chiều tà cha mẹ dẫn đi chơi hay ngồi nghỉ dưới bóng mát của hàng cây.

Giai đoạn “Ađam và Evà bị cám dỗ” nói lên những khủng hoảng thường gặp phải trong tuổi dậy thì. Đây là cái tuổi thích mạo hiểm và tự do, hay chống đối lại bề trên nhưng không màng đến hậu quả xấu. Ở giai đoạn này, tính tình thì rất nông nổi và bồng bột, dễ bị quyến rũ và sa ngã về tính dục và tình cảm.

Cuối cùng, giai đoạn “sống ngoài vườn địa đàng” nói lên sự trưởng thành, đầy đủ nghị lực và trách nhiệm để tự lập. Đàn ông tự kiếm sống với mồ hôi nước mắt của chính mình, đàn bà mang nặng đẻ đau, nhưng cả hai sẵn sàng chấp nhận mọi vất vả để tạo dựng mái ấm gia đình riêng cho họ. Vườn địa đàng có thiên thần “cầm gươm đứng gác cửa” ngăn chận không cho con người trốn chạy trách nhiệm hay trở về với tổ ấm của cha mẹ, nhưng phải đương đầu với thực tại đau khổ và biết giá trị của sự chọn lựa. Nói cách khác, “trái cấm” đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong đời người. Khi lớn lên không tránh khỏi những sai lầm hay sa ngã, nhưng chỉ qua đó, con người mới làm chủ vận mệnh và chịu trách nhiệm cho sự chọn lựa của mình. Đó có thể là lý do tại sao “trái cấm” được gọi là trái của “cây biết lành biết dữ”. (x. Nội san chia sẽ, số 52, tháng 12, năm 2006, trang 79-82).

3. Chiến thắng cám dỗ theo gương Chúa Giêsu

Trong hành trình về đất Hứa, dân Israel đi trong sa mạc một thời gian dài và đã gặp nhiều cám dỗ: cám dỗ trở lại Ai cập để có bánh ăn; cám dỗ thờ tượng con bê vàng; cám dỗ thử thách Thiên Chúa.

Thánh Gioan Kim Khẩu đã quả quyết : “Trên đời này không ai mà không bị cám dỗ”. Con người “già cái lợi cái răng, nhưng ba cái lăng nhăng không già”.

Như vậy cám dỗ là một cái gì hết sức mạnh mẽ, hết sức lôi cuốn, và rất khó chống cự.

Chúa Giêsu đã chiến thắng mọi cám dỗ của Satan bằng Lời Chúa và đời sống chay tịnh cầu nguyện, luôn tín thác vào Chúa Cha.

Lời Chúa là sức mạnh tâm linh, là lẽ sống thần linh và là lời ban sự sống. Đọc và suy gẫm Thánh Kinh sẽ đem lại cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng tội lỗi. Gương của Chúa Giêsu được Tin Mừng Thánh Luca kể rõ: mỗi lần ma quỉ đưa ra một chước cám dỗ thì Chúa Giêsu lại lấy một lời của Kinh Thánh mà đẩy lui chước cám dỗ ấy:

-Có lời chép rằng: người ta không sống bằng cơm bánh mà còn bằng lời của Thiên Chúa nữa.(Lc 4,5)

-Có lời chép rằng:ngươi phải thờ lạy Chuá là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người.(Lc 4,8)

-Có lời chép rằng: ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi.(Lc 4, 11).

Dường như suốt cả cuộc đời, Chúa Giêsu luôn bị Satan tấn công : “ Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỹ bỏ đi, chờ đợi thời cơ ”. (Lc 4,13). Nhất là vào những giây phút cuối đời của Người. Trong vườn Giêtsêmani, khi đối diện với khổ nạn và cái chết đang cận kề, Chúa Giêsu không khỏi sợ hãi đến nổi mồ hôi đổ ra như máu. Người đã thân thưa cùng Chúa Cha đến hai lần: “ Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha ”. (Mt 26, 39b) ; “ Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha ”. (Mt 26, 42b).

Chủ yếu cám dỗ của ma quỷ là làm sao tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa Cha. Mỗi người ở mỗi hoàn cảnh đều có thể bị nó cám dỗ để chia cắt tình yêu của mình với Chúa. Dựa vào sức mình, vào khả năng của mình… mà không biết cậy dựa vào tình yêu Chúa thì chúng ta đang bị rơi vào tròng của ma quỷ.

Mùa Chay là thời gian đặc biệt để xét mình, để sám hối canh tân bản thân, nhờ đó mà sống đẹp lòng Chúa mỗi ngày.

Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận có kể lại một câu chuyện về mẹ của ngài trong một diễn văn nhân lễ mở tay mừng tân chức như sau: "Cách đây khá lâu có hai linh mục đến thăm mẹ già của tôi tại Úc châu và hỏi bà: "Bà cố có muốn Đức Cha Thuận làm hồng y không?" Bà cụ (nay đã 98 tuổi) trả lời: "Không! Tôi dâng con tôi cho Chúa là để tế lễ Người, như thế là đủ! Tôi chẳng cần con tôi làm hồng y đâu" - "Nhưng lên hồng y sẽ làm vinh danh Chúa hơn!" - "Thế hai cha không làm vinh danh Chúa à?". Mới đây, sau khi Đức Cha Thuận được tấn phong hồng y thực thụ, một trong hai linh mục hôm nọ cùng một vị khác lại gặp bà cụ và hỏi: "Nay Đức Cha Thuận đã lên hồng y rồi, bà cố có vui không?" - "Dạ vui chớ!" - "Sao hôm nọ, bà cố đã trả lời là không muốn con bà làm hồng y!" - "Nay tôi vui vì đó là ơn Chúa cho. Có chức quyền to ở trần đời dễ làm bậy lắm! Còn chức quyền to trong Giáo Hội thì phải lo mà chu toàn theo ý Chúa" - "Vậy bây giờ Đức Cha đã lên hồng y, bà cố cầu nguyện gì cho đức Hồng y?" - "Tôi chỉ cầu nguyện cho con tôi sống đẹp lòng Chúa!" - "Thế thôi à?" - "Vâng, sống đẹp lòng Chúa, đó là điều duy nhất tôi luôn cầu nguyện cho con tôi!".
 
Hướng tới sự hoán cải toàn vẹn
LM Phêrô Nguyễn Văn Hương
09:58 25/02/2012
Sám hối là sứ điệp căn bản của Tin Mừng. Khởi đầu lời rao giảng, Đức Giêsu mời gọi: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,5). Lời mời gọi đó được Giáo Hội lặp đi lặp lại nhiều trong phụng vụ và đặc biệt trong mùa Chay thánh.

Từ sám hối hay hoán cải được dùng trong tiếng Hy lạp là metanoia – μετανοεῖν, metanoein, có nghĩa là thay đổi tư tưởng riêng, thay đổi ý tưởng mình. Từ này được dùng trong Kitô Giáo để nói về sự thay đổi tâm linh, đời sống, và trở về để sống gần gủi với Thiên Chúa.

Trong tác phẩm nổi tiếng Il metodo in teologia (phương pháp trong thần học) nhà thần học Bernard Lonergan[1] nói tới ý nghĩa của “hoán cải ba tầng nấc toàn vẹn (triplex conversion), đó là sự hoán cải về trí tuệ (intellectual), luân lý (moral) và tôn giáo (religious)[2]. Bài viết này khai triển và giải thích ba khía cạnh này.

1. Hoán cải về trí tuệ (Intellectual conversion)

Nói đến trí tuệ là nói đến khả năng xem xét, hiểu biết và đánh giá các sự việc. Hay nói cách khác đó là khả năng nhận biết chân lý của con người. Đây là một phẩm chất cao quý mà Tạo Hóa đã phú bẩm cho con người. Lý trí là đặc điểm phân biệt con người với con vật.

Trên phương diện nhận thức luận, sự việc hay sự thật được nhận thức qua khả năng, cách nhìn và thái độ của mỗi người. Chính vì thế, nó được dội lại và phản ánh theo cách nhìn và thái độ đón nhận của chúng ta. Bởi vậy, mỗi người có thể đạt tới một sự nhận thức khách quan hay rơi vào chủ quan và sai lạc trong nhận thức và hiểu biết của mình.

Theo nhà thần học Lonergan, chúng ta cần phân biệt: “chân lý tự thân – in se” và “sự thật đối với tôi – per me”. Chân lý tự thân là sự thật khách quan, tự nó có giá trị, không tùy thuộc vào tuổi tác, địa vị, tình cảm của tôi, cũng không tùy thuộc vào điều kiện thể lý, địa lý, không gian và thời gian. Chân lý đó luôn có giá trị và khách quan.

Còn “sự thật đối với tôi” đó là một cụm từ diễn tả những gì được nhận thức và phản ánh do khả năng, cách nhìn, thái độ đón nhận và động lực thúc đẩy của ta. Nên chúng còn mang tính chủ quan và là sự phản ánh cá vị của từng người. Chính vì vậy, trong cuộc sống hằng ngày chúng ta thường thấy: cùng một sự việc xảy ra, nhưng mỗi người đón nhận nó cách khác nhau, nên sự việc đó được phản ánh lại dưới muôn hình vạn trạng bằng những hình thù khác nhau. Từ đó có những hiểu biết, thông tin và đánh giá hoàn toàn khác nhau. Nếu không muốn nói là có sự khác biệt hay đối nghịch nhau trước cùng một vấn đề.

Ngày hôm nay các nhà thần học cho rằng: nhiều lúc viễn tượng nhìn vấn đề còn quan trọng hơn chính các vấn đề. Nếu ta nhìn đời, nhìn người bằng cặp mắt và viễn tượng “đen – negative thinking”, thì sẽ phản ánh lại theo gam màu “đen”, tiêu cực, giảm thiểu và méo mó. Cũng thế, nếu ta khởi đi từ viễn tượng, cái nhìn và thái độ tích cực – positive thinking, để đánh giá thì sẽ có những kết quả tích cực. Thế nên, muốn thay đổi cuộc sống, trước hết phải thay đổi não trạng và tư tưởng của ta.

Chính vì thế, cần phải thay đổi viễn tượng và cách nhìn của mỗi người để tiếp cận sự việc, con người và cuộc sống. Đây là sự thay đổi và hoán cải về trí tuệ: là thay đổi cách suy nghĩ, lối phán đoán và thành kiến của ta để hiểu biết và nhận thức sự việc và chân lý một cách khách quan, đúng đắn. Cũng theo nhà thần học Lonergan, sự hoán cải này dẫn chúng ta tới một sự rõ ràng tận căn (radical) trên bình diện hiểu biết. Đó là sự mở ra với chân lý khách quan trong phán đoán của ta. Hoa quả của sự hoán cải này theo bình diện nhận thức luận, là “sự đạt tới thái độ đúng đắn và lượng giá một cách khách quan và cụ thể các sự việc trong cuộc sống”.

Đây là một bước nhảy vọt trong nhận thức: từ “sự thật được hiểu như là “những gì xuất hiện và hình như đối với tôi (per me)”, ta đạt tới bước nhận thức sự thật như là “những gì là thực trong chính tự thân nó (in se)”, vượt trên biên giới của những tình cảm, tuổi tác, điều kiện nhân loại và ý kiến chủ quan mỗi người.

Trong cuộc sống, chúng ta thường sai lầm rất nhiều về mặt nhận thức và hiểu biết. Chúng ta thường hiểu và phản ánh một sự việc theo cái nhìn chủ quan của mình, nhiều lúc chúng ta gán tư tưởng riêng cho sự việc. Hoặc nhiều lúc sự việc và sự thật bị “uốn cong” và “lèo lái” theo mục đích riêng của ta. Đó là sự “bất lương” trong nhận thức và hiểu biết. Nhất là trong việc trình bày chân lý, trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Người ta nói rằng: “Nửa cái bánh mỳ vẫn là bánh mỳ, nhưng nửa sự thật thì không còn là sự thật nữa”. Cần phải để ý về điểm này để tránh những sai lạc và méo mó trong nhận thức và hơn hết là để đạt tới sự thật khách quan, sự thật tự thân nó.

2. Hoán cải về luân lý (moral conversion)

Hoán cái về trí tuệ là sự thay đổi trên bình diện hiểu biết và nhận thức. Có một sự hoán cải khác trên bình diện đời sống. Đó là hoán cải thuộc luân lý. Đây là bước đi từ việc nhận ra chân lý khách quan và các giá trị tự thân, tới việc chấp nhận, theo đuổi và sống theo chân lý và giá trị đó.

Sự hoán cải này được hiểu như là sự thay đổi tận căn các tiêu chuẩn chọn lựa riêng của mỗi người: từ những gì được thúc đẩy bởi chính những sự thỏa mãn và hài lòng mình, ta đi tới tiêu chuẩn của các giá trị luân lý, khách quan và siêu vượt. Chúng là những giá trị lý tưởng “khác tôi” và “vượt trên tôi”, hướng dẫn đời sống luân lý tôi, là điểm quy chiếu tối hậu mà tác nhân luân lý được mời gọi để làm cho mình phù hợp với chúng. Quả thế, sự hoán cải này mở ra với chọn lựa và với quyết định cho điều mà thực sự là tốt, là thiện hảo, ngay cả khi có sự đối nghịch với chính những ước muốn và thỏa mãn riêng của ta. Nó hướng tới một sự tự lượng giá liên lĩ liên hệ tới sự hiểu biết, ý hướng và hành động của ta đối với các giá trị.

Để thay đổi đời sống luân lý của ta, nhà thần học Dòng Tên cho rằng cần phải thực hiện một “bước nhảy” từ điều được coi là tốt, là quan trọng đối với tôi (importance for me), từ điều làm tôi thích tới những điều thiện tự thân nó là giá trị, là thiện hảo (importance itself); từ “sự thiện” bên ngoài xem ra tốt tới sự thiện đích thực tốt – dal bene apparente al bene reale”[3].

Một cách cụ thể, ta có thể diễn tả điều đó như sau: Tôi chọn lựa và sống theo điều thiện hảo, hay tôi làm điều thiện vì tự thân nó là một giá trị đáng làm, chứ không chỉ vì “tôi thích” hay vì nó làm thỏa mãn những nhu cầu tâm lý của tôi. Ví dụ: Tôi giúp người nghèo và làm việc bác ái, vì đó là một giá trị đáng làm, chứ không phải làm để được người khác biết đến, được khen ngợi hay vì lợi ích riêng thúc đẩy. Cùng một vấn đề nhưng hai cách làm mang lại giá trị luân lý hoàn toàn khác nhau.

Đó là lý do giúp chúng ta hiểu tại sao trong Tin Mừng Đức Giêsu mạnh mẽ lên án lối đạo đức giả và vụ hình thức của các Luật Sỹ và Nhóm Biệt Phái. Đồng thời Chúa cảnh giác các môn đệ:

“Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6,1-4).

Vì thế, một người tốt đích thực không chỉ “tỏ ra mình là người tốt” bên ngoài mà phải thực sự tốt tự bên trong, tốt tự thân. Giáo dục con người hôm nay không được dừng lại ở “trưởng thành theo bên ngoài” mà phải là đạt tới “sự trưởng thành bên trong”. Từ đó “hữu xạ tự nhiên hương”; từ đó “anh hoa phát tiết ra ngoài”!

3. Hoán cải thuộc tôn giáo (religious conversion)

Nếu niềm tin và lòng yêu mến Thiên Chúa của người kitô hữu chỉ dừng lại trên bình diện lý trí như hiểu một số điều về giáo lý, thuộc một số kinh; hoặc chỉ dựa trên những tình cảm nhân loại chóng qua; hay chỉ thực hành một số việc đạo đức, thì niềm tin đó chưa thực sự dấn thân trọn vẹn và toàn vẹn con người cho Thiên Chúa.

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI trong cuốn sách nổi tiếng Đức Tin Kitô Giáo hôm qua và hôm nay giải thích ý nghĩa của niềm tin kitô giáo:

“Tin là hình thái qua đó con người đặt mình vào mối tương quan với toàn thể thực tại, và hình thái này không thể so sánh hoặc giản lược vào bình diện tri thức. Tin là điều đem lại ý nghĩa, đem lại nền tảng cho cuộc sống con người… Tin là một cuộc gặp gỡ với một con người Giêsu, và qua cuộc gặp gỡ đó mà nhận ra rằng, ý nghĩa của thể giới là một con người, một ngôi vị sống động (Person). Qua cuộc sống bởi Cha, qua việc cầu nguyện trực tiếp, gắn bó và có thể nói hết sức thân mật với Cha mà Ngài là chứng nhân của Thiên Chúa. Qua Đức Giêsu, chúng ta có thể sờ chạm tới Thiên Chúa Đấng vô phương đạt thấu. Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa ngàn trùng cách xa giờ đây xuất hiện gần kề bên ta… Như thế, tin là tìm được một Ai đó thật gần gũi, một Đấng nâng chúng ta, tặng ban cho ta một tình yêu bất hoại… Như vậy, tin, tín thác và tình yêu rốt cuộc chỉ là một, và tất cả nội dung hàm chứa đức tin chỉ là những cụ thể hóa của biến cố làm xoay chuyển tất cả: ‘Con tin vào Chúa’ – biến cố khám phá ra Thiên Chúa nơi dung mạo một con người: Giêsu Nadarét”[4].

Theo ý nghĩa đó, cần phải có sự hoán cải về tôn giáo để sống niềm tin kitô giáo. Đây là sự thay đổi cao nhất trên hành trình hoán cải toàn vẹn con người. Theo Lonergan, nó hệ tại trong việc được thúc đẩy bởi điều đụng đạm đến chúng ta cách tuyệt đối”[5]. Có nghĩa là đạt tới sự “yêu mến trong một cách siêu thế”, hay là “sự hiến mình, phó dâng trọn vẹn và mãi mãi một cách không điều kiện và không giới hạn nào cho Thiên Chúa”. Đó là sự trở về, gắn bó và sống hoàn toàn cho Đấng Tuyệt Đối bằng một tình yêu như Kinh Thánh nói: “Yêu mến Thiên Chúa, hết lòng, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” (Dnl 6,5). Câu nói này có nghĩa như sau: trước hết, là yêu mến Thiên Chúa với toàn bộ con người chúng ta. Thứ đến, là đặt Thiên Chúa ở chỗ nhất và quan trọng nhất trong bậc thang giá trị để chọn lựa, phán đoán và hành động, và từ đó để “yêu thương anh em như chính mình vậy” (Mt 19,19).

Thế nên, sự hoán cải tôn giáo là sự trở về với Thiên Chúa và yêu mến Ngài bằng toàn bộ con người và đời sống của ta.

Sự hoán cải triệt để, tận căn và toàn vẹn là sự hoán cải của trí tuệ, con tim và toàn bộ đời sống. Mỗi người kitô hữu đạt tới tính chân thực của mình trong sự “tự siêu việt bản thân”[6]. Sự siêu việt chính mình được thực hiện trải qua ba nhịp: nhận biết chân lý khách quan, thay đổi sống theo các giá trị luân lý và yêu mến Thiên Chúa với toàn bộ con người mình.

Xã Đoài, Chúa Nhật I Mùa Chay 2012.

Sách tham khảo

1. Bernard Lonergan, Il metodo in teologia, Città Nouva, Roma 2001.
2. ĐGH Biển Đức XVI, Đức Tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2009.
3. Alessandro M. Ravaglioli, Psicologia. Studio interdisciplinare della personalità, EDB, Bologna 2006.
[1] Bernard Lonergan (1904-1984) sinh tại Québec, Canada, thuộc Dòng Tên, là một triết gia và nhà thần học thông thái của thế kỷ XX, đã đóng góp quan trọng về tư tưởng thần học cho Công Đồng Vatican II.
[2] Id., Il metodo in teologia, Città Nouva, Roma 2001, 267-275.
[3] Id., Il metodo in teologia, Città Nouva, Roma 2001, 271.
[4] Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, Đức Tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2009, 73.79-80.
[5] Bernard Lonergan, Il metodo in teologia, 271.
[6] Ibidem, 136.
 
Hình ảnh con người
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
10:05 25/02/2012
Hình ảnh con người

Thân thể con người có xương cốt từ đỉnh đầu xuống tận gót hai chân và tay. Khung xương thân thể được bao phủ bởi da thịt. Nằm lận trong làn da thớ thịt là những đường dây thần kinh nhỏ li ti, và những đường ống dẫn máu cũng nhỏ li ti lưu chuyển chằng chịt nối liền với nhau đi khắp cơ thể từ đỉnh đầu xuống tới đầu các ngón chân tay.

Tận bên trong dưới lớp xương da thịt là các cơ quan lục phủ ngũ tạng được tạo dựng rất tinh vi, rất bén nhạy cùng mang lại hiệu qủa tốt tối cao. Các cơ quan thân thể chạy hoạt động không cần nhiên liệu xăng dầu ngay từ lúc sự sống hình thể con người thành hình trong cung lòng mẹ.

Chưa hết, mỗi người là một bản vẽ riêng biệt, không ai giống ai hầu như về mọi góc cạnh. Bản vẽ thân xác đời sống của tôi chỉ có một lần, không có bản sao chép trước đó hoặc sau đó.

Đây là một công trình lạ lùng, một phép lạ của Trời cao thực hiện nơi mỗi con người và cho con người

Theo lối nhìn phân tích vạn vật học thì như thế. Nhưng dưới tầm nhìn đức tin con người được tạo dựng thế nào?

1. Từ bùn đất

Trong bài tường thuật về sáng tạo nơi sách Sáng Thế ký, Thiên Chúa lấy bùn đất nặn tạo dựng nên con người. ( St 2,7…)

Bùn đất là chất liệu căn bản trên hoàn vũ. Đất là chất liệu cao qúy cùng cần thiết cho đời sống, nhưng lại bị coi thường. Vì nó dơ bẩn, nằm dưới chân đạp lên, và một nắm bùn đất bán không có ai mua.

Đức đương kim Giáo Hoàng Benedictô 16. khi còn là Hồng Y Ratzinger đã có suy tư:

„Nhưng con người được tạo dựng từ bùn đất nói lên hai ý nghĩa: khiêm nhường và đồng thời được an ủi.

Khiêm nhường có ý muốn nói: Là con người không phải là Thiên Chúa. Con người không tự làm chế ra chính mình, không đứng trên hết mọi sự, và phải sống trong giới hạn ràng buộc. Con người là một tạo vật được tạo dựng cho sự sống và cho cả sự chết. Đất bùn là số phận của con người.

Nhưng đồng thời cũng là sự an ủi, khi nói con người được Thiên Chúa tạo dựng từ bùn đất. Điều này nói lên: con người không phải là thần dữ ma quỉ. Con người được tạo dựng không do từ những sức mạnh tiêu cực, nhưng từ bùn đất tốt lành của Thiên Chúa.

Và đàng sau sâu xa còn mang ý nghĩa sâu thẳm nữa. Tất cả mọi con người được tạo dựng từ bùn đất. Cho dù có những phân biệt giữa con người như về văn hóa, trình độ trí thức học hành, lịch sử đời sống... Nhưng ai cũng cùng được tạo dựng thành hình như nhau từ bùn đất.“

Trong dân gian xưa nay có suy tư, khi còn sống còn có sự phân biệt địa vị đẳng cấp, được tôn vinh tung hô hay bị coi thường. Nhưng sau cùng ai cũng như ai cả. Vì mọi người đều được tạo thành từ bụi đất và chặng đường đời sau cùng ai cũng phải trở về lòng bùn đất. Không có luật trừ cho bất cứ con người nào cả.

Trong mọi cảnh tượng tàn phá hoang tàn và tôn vinh tung hô vạn tuế của lịch sử nhân loại từ cổ chí kim, con người luôn mãi là tạo vật được tạo dựng từ một chất bùn đất. Con người là bùn đất và sau cùng trở về với bùn đất.

2. Một nhân loại

Con người được tạo thành do Thiên Chúa từ một bùn đất của Ngài. Do từ nguồn gốc đó nảy sinh sự hợp nhất nơi dòng giống con người.

Không có những máu và nền tảng đất khác nhau.

Không có những con người khác nhau, như những thần thoại hay những cách nhìn về thế giới vũ trụ, về nhân sinh quan, gỉa thuyết của triết học, của nhiều tôn giáo, xưa nay suy nghĩ chiết giải đưa ra gỉa thuyết diễn tả.

Không có những khuôn mẫu dòng giống khác biệt nhau tạo nên những mẫu gía trị cao thấp khác nhau.

Tất cả con người chúng ta là một nhân loại của một công trình sáng tạo do Thiên Chúa tạo thành từ một bùn đất của Ngài.

Trong lịch sử nhân loại luôn có những phân biệt kỳ thị về chủng tộc, về lớp mẫu người trong xã hội đời sống, vì ý thức hệ hay ý muốn kiêu ngạo thống trị. Nhưng Kinh Thánh, như bài tường thuật về sáng tạo con người do Thiên Chúa, không có điều đó, không có sự phân biệt, phân loại chia cách con người ra theo thứ lọai khuôn mẫu nào.

Mọi con người được tạo dựng từ một bùn đất tốt lành của Thiên Chúa theo giống hình ảnh của Ngài.

3. Hình ảnh của Thiên Chúa

Kinh Thánh nói về con người: „ Con người được Thiên Chúa tạo thành theo hình ảnh của Ngài“ ( St 1, 26).

Đức Hồng Y Giuse Ratzinger đã có suy tư: „ Được tạo thành từ bùn đất theo giống hình ảnh của Thiên Chúa muốn nói lên nơi con người trời và đất gặp gỡ sát gần nhau. Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, đi vào trong công trình sáng tạo của mình nơi con người. Con người có liên lạc trực tiếp với Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên họ. Con người được Thiên Chúa gọi từ hư không cho thành hình có mặt trên trần gian.“

Kinh Thánh cựu ước đã diễn tả: „ Cha sẽ gọi tên con. Con là con Cha“ ( Isaia 43,1). Thiên Chúa biết mỗi người và thương yêu săn sóc họ. Mỗi người là hình ảnh của Thiên Chúa do Ngài muốn tạo dựng, cũng như người con trong gia đình là hình ảnh cùng dòng máu của cha mẹ luân chuyển cho thừa hưởng.

Sâu xa hơn nữa, mỗi con người là một chương trình dự án của Thiên Chúa do từ một tư tưởng trong công trình sáng tạo của Ngài. Vì thế, ai xâm phạm khinh miệt con người là xâm phạm khinh miệt sở hữu của Thiên Chúa (St 9,5).

Đời sống con mỗi người luôn hằng được Thiên Chúa che chở gìn giữ. Thiên Thần bản mệnh của mỗi người là sứ gỉa của Thiên Chúa được sai tới cùng đồng hành che chở mỗi người ngay từ lúc thành hình sự sống là một bào thai trong cung lòng mẹ cha. Và trong suốt dọc đời sống trên trần gian, dù người nghèo hay giầu có, dù là người khoẻ mạnh hay yếu đau bệnh tật, tàn tật, dù là người đã sinh ra đời hay chưa sinh ra đời…tất cả đều mang trong mình hình ảnh, hơi thở sức sống thần linh của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa.

Đó là nhân phẩm con người. Và trên nền tảng đó nền văn minh nhân loại được xây dựng phát triển cho tới ngày sau cùng của đời sống.

*********************

Con người là hình ảnh của Thiên Chúa tỏ hiện ra nơi sức sống năng động trong đời sống. Đó là khả năng sống trong tương quan liên đới với công trình tạo dựng thiên nhiên, giữa con người với nhau, cùng khả năng tâm linh hướng về Thiên Chúa nơi con người qua biết suy nghĩ và biết cầu nguyện.

Là hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người còn nói lên khía cạnh con người là loài thụ tạo của Lời và tình yêu Thiên Chúa.

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long


 
Thời Kỳ Đã Mãn, Triều Đại Thiên Chúa Đến Gần
Lm Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
20:17 25/02/2012
THỜI KỲ ĐÃ MÃN, TRIỀU ĐẠI THIÊN CHÚA ĐẾN GẦN

Trong sách Sáng Thế nói về thời ông Noe, khi Thiên Chúa cho lụt hồng thủy lan tràn, hủy diệt tội lỗi đã xông mùi trên trái đất. Chỉ có gia đình ông Noe với 8 người trên tàu là sống sót. Sau sự kiện này, Thiên Chúa tỏ ra hối tiếc, nói chính xác hơn là “chạnh tới lòng thương xót của Chúa”. Chúa không muốn lại phải hủy diệt trái đất một lần nữa tương tự như trận lụt hồng thủy, và Thiên Chúa đã ký kết với Dân Người một giao ước để từ nay sẽ không còn xảy ra tình trạng hủy diệt trái đất bằng nước lụt như thế nữa. Nhưng để thi hành án phạt, mà lòng thương xót của Chúa không muốn thi thố trong thế giới tự nhiên, thì chính Thiên Chúa phải chịu thay vào đó. Bởi lẽ, không phải vì Thiên Chúa ký kết giao ước mà tội ác đã bị hủy diệt đi. Cho nên Con Thiên Chúa xuống thế làm người để lãnh nhận cái chết thay cho bản án chết của loài người trên trái đất này. Vì vậy, ngay sau khi ở hoang địa chịu cám dỗ thì sứ điệp đầu tiên mà Chúa gửi đến là: “Thời giờ đã mãn, Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”(Mc 1,15).

Thời giờ đã mãn, vì tình thương của Chúa đã đến tột đỉnh và lời hứa của Chúa đã viên mãn, tròn đầy. Lời hứa này đã được ban bố ngay khi nguyên tổ phạm tội. Thiên Chúa sẽ cứu dân của Ngài khỏi chết, nếu lũ lụt của đại hồng thủy không xóa hết được tội lỗi và càng không hủy diệt được cái chết, thì chính Con Thiên Chúa làm người để chiến thắng cái chết. Và Ngài đã dìm mình xuống dòng sông Gio-đan thay cho tất cả nhân loại phải dìm mình trong nước lụt của đại hồng thủy. Sau đó, Ngài bước lên, là một sự sống mới. Trời mở ra cho Đức Kitô. Nhưng Ngài không ở đó để được bao bọc bằng Nước Trời. Ngài dấn thân vào hoang địa, nhịn chay và chịu sức tấn công của ma quỉ. Đó là những bước đi của ơn cứu độ. Thời kỳ đã mãn, và triều đại Nước Thiên Chúa đang đến gần. Trời đã mở ra với Đức Giêsu Kitô. Cuộc chiến thắng cám dỗ trong hoang địa của Đức Giêsu là một hiệu cờ chiến thắng của Nước Trời. Tuy nhiên, Đức Giêsu không nói “Thời giờ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã tràn ngập”, Ngài nói: “Thời giờ đã mãn. Nước Thiên Chúa đã đến gần”. Bởi vì để cứu độ con người thì cần phải có sự cộng tác của chính mỗi người chúng ta. Do vậy, con người phải sám hối, phải tin vào Tin Mừng.

Đức Giêsu loan báo công thức ngắn gọn nhưng không ai được để sót một dấu chấm dấu phẩy. Không sám hối, không tin vào Tin Mừng, con người vẫn mãi ở trong tình trạng điếc lác, rồi cũng như lụt đã cuốn trôi tất cả những người điếc lác và mù lòa đó. Thiên Chúa không muốn cho con người bị lụt một lần nữa thì Thiên Chúa càng không muốn cho tội lỗi cuốn trôi con người như lụt năm xưa. Vì vậy, Người muốn chúng ta hãy mở bừng mắt, hãy mở rộng cõi lòng, và đó là những hành vi của sám hối, của tin vào Tin Mừng. Với những công thức ngắn gọn trên, Đức Giêsu cho chúng ta những điều kiện thiết yếu để chúng ta đạt tới ơn cứu độ.

- Điều kiện thứ nhất: chúng ta ý thức rằng “Thời giờ đã mãn”, không còn như dân Do Thái trông chờ Đấng Mesia sẽ đến, bởi đây là thời giờ đã tròn đầy lời hứa ban ơn cứu độ thực hiện qua Đức Giêsu Kitô.

- Điều kiện thứ hai: Hội Thánh do chính Chúa Giêsu thiết lập với lời hứa “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”, đã khẳng định cho chúng ta thấy Nước Trời đã bắt đầu ngay từ giữa trần gian này. Nhưng không phải tất cả chúng ta bước vào Nước Trời với giá rẻ. Chúa đã từng tuyên bố “Những người gái điếm, những người thu thuế sẽ vào Nước Trời trước cả những kinh sư và Pharisiêu”(Mt 21,31). Tất nhiên những người đĩ điếm này, những người tội lỗi này đã sám hối. Ví như Maria Madalena đã đập vỡ bình ngọc 300 đồng bạc còn gấp 10 lần giá mà Giuda đã bán rẻ Chúa cho giới thượng tế và Do Thái. Chị đập vỡ bình ngọc ấy là biểu hiệu của sự chôn vùi tội lỗi để sống một đời sống mới, nên Đức Giêsu nói: “Chị có ý làm việc này để tẩm liệm xác Ta trước”(Ga 12,7). Chị được chôn vùi trong sự chết của Đức Kitô thì chị mới được sống lại trong sự phục sinh vinh quang với Người. Ví như người trộm kia đúng là đáng chết. Chết ngay trước mặt người ta chứ chưa nói đến án của Chúa, vì anh ta bị kết án tử hình, bị đóng đinh cùng với Đức Giêsu. Nhưng anh đã sám hối, anh biết tội của mình khi nói với tên trộm thứ hai cùng bị đóng đinh, rằng: “Chúng ta bị như thế này là đích đáng” và anh tin tưởng vào Chúa Giêsu: “Lạy Ngài, khi nào về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi”.

Những điều kiện tiên quyết đó đã làm cho những cô gái điếm, những người tội lỗi lại được vào Nước Thiên Chúa. Trong khi những người không sám hối, những người không tin vào Tin Mừng, dù là kinh sư, Pharisiêu, giới đạo đức, họ vẫn là những người mà “Tôi ra đi các ông sẽ chết trong tội của các ông”(Ga 8,21). Như vậy, có bốn yếu tố quan trọng mà Chúa dạy chúng ta trong Tin Mừng, đó là:

- Yếu tố thứ nhất: Hãy ý thức “Thời gian đã mãn”, đừng trông mong vào một Tin Mừng nào khác. Thánh Phaolo nói: “Nếu có ai, kể cả chúng tôi, hoặc một Thiên Thần nào từ trời xuống, loan báo cho anh em Tin Mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã loan báo cho anh em, thì xin Thiên Chúa loại trừ kẻ ấy đi”( Gl 1,8). Tin Mừng của Đức Giêsu hôm nay là trọn vẹn của lời hứa;

- Yếu tố thứ hai: Ý thức Nước Trời đã bắt đầu hiện diện từ trần gian này. Để chúng ta tìm sự công chính và Nước Trời trước, mọi sự khác Chúa sẽ thêm cho. Đặc biệt trong mùa Chay thánh này.

- Yếu tố thứ ba là đặc tính của Mùa Chay thánh: Có nhận ra mình là người tội lỗi mới cần đến Đấng Thánh thiện. Có nhận ra mình là bệnh nhân thì mới cần đến thầy thuốc. Chính vì vậy, ơn hoán cải chỉ ban cho những người khiêm tốn, nhận biết mình là tro bụi, là tội lỗi, cần phải thống hối trở về;

- Yếu tố thứ tư: Tin vào Tin Mừng, vì chỉ có Lời Chúa là ánh sáng, Lời Chúa là ơn cứu độ mới cho chúng ta sự sống mới.

Tin Mừng theo thánh Mát-thêu thuật lại việc ma quỉ trong hoang địa nói với Đức Giêsu: “Tất cả vinh quang của các nước trên thế gian này thuộc về tôi. Nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, tôi cho ông hết!”(Mt 4, 8-9). “Quỉ ma là cha dối trá”. Nó dối trá vì tất cả vinh quang trên thế gian này đâu phải thuộc về nó, nhưng nó đúng một phần. Hiện nay, vinh quang của các nước trên thế gian này đúng là tự tôn thờ ma quỉ. Và vì vậy, ít nhất là nó đã đúng, khi nó dám nói rằng “thuộc về nó” và những người nào quì gối để thờ lạy chúng thì chúng sẽ cho để làm nô lệ cho chúng. Đức Giêsu đã tuyên bố với tên cám dỗ: “Hãy xéo đi Satan. Ngươi phải phụng sự Thiên Chúa và chỉ phụng sự một mình Người”(Mt 4,10). Tin vào một Tin Mừng, một Thiên Chúa và chỉ một duy nhất. Chính ở đây mà chúng ta thấy ý nghĩa quan trọng của việc “Tin vào Tin Mừng”.

Người ta không tin vào Tin Mừng thì người ta tin vào “tin tức”. Người ta không muốn vinh quang của Nước Trời thì người ta tìm đến vinh quang của thế gian. Người ta không muốn ngửa mặt để đọc Kinh “Lạy Cha chúng con ở trên trời” thì người ta bò xuống để quì lạy những cha đẻ ra thế gian mà ai cũng biết cha đẻ của sự gian là ma quỉ. Cho nên, nếu người ta không thuộc về ngày thì người ta thuộc về đêm. Đức Giêsu thương chúng ta khi chúng ta đang ở giữa khoảng cách đêm và ngày. Đây là một cuộc chiến đấu biết thoát ra ánh sáng nhờ Tin Mừng, nếu không thì họ sẽ mãi mãi lưu lại trong bóng tối. Một cuộc chiến không cân sức. Vậy nên, ai tin vào Tin Mừng, ai tin vào Thiên Chúa thì họ sẽ được ơn phù trợ để giải thoát. Còn những người tin vào sức mình, tin vào thế gian, họ cũng là những người buộc phải tin nhưng đặt sai đối tượng tin, họ sẽ mãi mãi chìm vào bóng tối. Vì vậy, công thức của Đức Giêsu loan báo Tin Mừng thật ngắn gọn nhưng hàm chứa tất cả những điều kiện tiên quyết để đạt tới ơn cứu độ đời đời.

Mùa Chay thánh đã bắt đầu, mùa Chay kêu mời mỗi người chúng ta vừa nhận thức, vừa mở rộng tấm lòng, vừa dấn thân đi vào thực tế và cuối cùng là sự cảm nghiệm trong chính chiều sâu của tâm hồn. Nếu mỗi người chúng ta biết thực hành như vậy thì Lời Chúa tuyên bố: “Thời giờ đã mãn. Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” sẽ luôn là khuôn vàng thước ngọc và là kim chỉ nam, để giúp chúng ta đạt tới ơn cứu độ đời đời.

Lạy Chúa Giêsu Kitô,
Trong hoang địa của tâm hồn,
Xin giúp chúng con chiến thắng chước cám dỗ.
Trong ý thức về thời gian viên mãn,
Xin dạy chúng con biết tin tưởng vào ngày cánh chung.
Trong thức tỉnh vì Nước Trời đang hiện diện,
Xin cho chúng con biết lắng nghe tiếng của lương tâm.
Trong nhận thức mình là người có tội,
Xin cho chúng con biết sám hối.
Trong đức tin toàn vẹn vào Tin Mừng,
Xin cho chúng con đạt tới ơn cứu độ đời đời của Chúa. Amen.


Lm Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
 
Làm Mới Mãi Dòng Nước Rửa Tội
LM. Jos. Trương Đình Hiền
22:41 25/02/2012
LÀM MỚI MÃI DÒNG NƯỚC RỬA TỘI

(Chúa Nhật 1 MC năm B 2012)

Dẫn nhập đầu lễ :

Kính thưa Ông Bà Anh Chi Em,

Cộng đoàn Dân Chúa đã long trọng tiến vào Mùa Chay, tiến vào một giai đoạn phụng vụ đặc biệt để sửa soạn tâm hồn sống lại những biến cố đặc biệt của Chúa Giêsu trong mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài, và cũng là những biến cố liên quan mật thiết đến đức tin và thân phận của mỗi người chúng ta. Đặc biệt, liên quan đến cuộc dấn thân chuẩn bị “nhập đạo” của vô số anh chị em dự tòng trên khắp thế giới trong dịp Đại Lễ Phục Sinh sắp tới.

Với hình ảnh của cuộc hồng thủy tẩy sạch tội trần và con tàu Noe đem lại ơn cứu thoát, với cuộc chay tịnh 40 đêm ngày trong hoang mạc và lời rao giảng “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” của Chúa Giêsu, sứ điệp phụng vụ hôm nay đang gọi mời chúng ta luôn sống trọn vẹn hồng ân bí tích Rửa tội bằng cuộc dấn thân canh tân cuộc đời trong sám hối và chay tịnh .

Giờ đây, để xứng đáng của hành thánh lễ, chúng ta cùng sám hối tội lỗi.

Giảng Lời Chúa :

Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay mở đầu bằng câu chuyện Đại Hồng Thủy được kể lại trong sách Sáng Thế.

Theo các nhà nghiên cứu, thì câu chuyện Đại Hồng Thủy không phải là câu chuyện riêng của Sách Kinh Thánh Cựu Ước. Trên toàn thế giới, xuyên qua các dân tộc, vùng miền, đã có gần 600 câu chuyện Đại Hồng Thủy với nội dung và và cách diễn tả có rất nhiều điểm tương đồng.

Đặc biệt, vào ngày 20/6/1987, Thống đốc tỉnh Agri của Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố với thế giới rằng : các cơ quan khảo cổ Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận khám phá của nhóm thám hiểm Ron Wyatt là sự thật. Vật thể hình chiếc tàu trên ngọn núi Ararat tại độ cao 2.000m trên mực nước biển ấy đã được chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ công nhận đúng thật là Con tàu Noah, và tuyên bố khu vực này đã trở thành công viên quốc gia, và là báu vật quốc gia.

Và rồi, nói đến Đại Hồng Thủy, chắc hẳn chúng ta chưa quên biến cố động đất và sóng thần tại Nhật bản cách đây chưa tới một năm : ngày 11/3/2011, miền Bắc Nhật Bản đã trải qua một trận động đất và sau đó là cơn sóng thần kinh khiếp, tàn phá gần như toàn bộ vùng Miyagi. Cũng vậy, trong mùa Thu-Đông vừa qua, nước Thái Lan đã gánh chịu một trận đại hồng thủy kéo dài trong nhiều tháng…

Qua những cứ liệu đó, chúng ta có thể quả quyết rằng, câu chuyện “Đại Hồng Thủy” được Sách Thánh hôm nay công bố phải chăng là một trải nghiệm thật sự của lịch sử nhân loại, để qua trải nghiệm nầy, Thiên Chúa muốn gởi đến cho nhân loại một sứ điệp một mặc khải và một lời tiên báo.

Trong Chúa Nhật đầu Mùa Chay hôm nay, sứ điệp mà Lời Chúa nhắn gởi cho chúng ta đó chính cuộc “vượt qua của Đức Kitô”, một cuộc Vượt Qua mạnh mẽ như cuộc “đại hồng thủy của thuở hồng hoang” càn quét sạch sẽ cái thế giới tội lỗi ô nhơ để xây dựng một trật tự thế giới mới trên nền tảng của Bí tích Rửa Tội mà con tàu cứu độ Noe đã tiên báo (BĐ 1 và BĐ 2). Cuộc Vượt Qua của Đức Kitô cũng là một cuộc “trường hành khắc nghiệt trong hoang mạc nóng cháy của cuộc đời với chay tịnh và chiến đấu” với canh tân sám hối và vững tin vào Tin Mừng (TM).

Chúng ta cùng dừng lại để đi sâu vào các gợi ý của Lời Chúa hôm nay

1. Mùa Chay và Nhiệm Tích Rửa Tội :

Chúng ta có thể đồng cảm với những gợi ý của Lời Chúa hôm nay khi đối diện với chính mình và nhìn vào thế giới để nhận ra rằng : dòng nước Rửa tội luôn phải được tuôn chảy trong tâm hồn chúng ta và giữa lòng thế giới để cuốn trôi mọi thứ rác ruởi của ươn hèn, ích kỷ, ghét ghen, dục vọng… để trả về cho Thiên Chúa một cõi lòng tinh trắng, một nhân loại tín trung. Nếu trong buổi hồng hoang của nhân loại, chỉ cần một dúm người, gia đình của ông Noe với con tàu được chuẩn bị nghiêm túc, đã cứu thoát nhân loại khỏi án diệt vong, thì hôm nay, con tàu của Hội Thánh với hàng hàng lớp lớp thế hệ kitô hữu được tái sinh nhờ dòng nước Thánh Tẩy, chắc chắn thế giới có đủ lý do để chứa chan hy vọng một ngày không xa tội lỗi và sự dữ sẽ bị đẩy lùi để nhường chỗ cho một thế giới mới tràn trề thánh ân và hạnh phúc.

Tuy nhiên, không phải chỉ có thời Noe mới có những người dửng dưng trước những chuẩn bị “đóng tàu của Noe” để rồi sau đó bị hồng thủy cuốn trôi. Thế giới hôm nay vẫn còn đầy dẫy những người thờ ơ và lãnh đạm trước những dấu chỉ và tiếng gọi mời của Thiên Chúa để buông thả cuộc sống trong kiêu ngạo chủ quan, trong hưởng thụ mù quáng.

Những lát cưa, nhát búa sửa soạn cho con tàu Noe năm xưa để đương đầu với đại hồng thủy ; thì hôm nay, đó chính là những hy sinh, cầu nguyện, làm phúc bố thí, sám hối và canh tân…để vào được “con tàu cứu độ”, con tàu của Hội Thánh, lướt qua giông tố trần gian để tiến vào thiên quốc.

Đối với chúng ta, những người đã được nhận lãnh hồng ân của Nhiêm Tích Thanh Tẩy, chúng ta luôn ý thức rằng : Dòng nước Rửa tội không chỉ chảy một lần trên trán, trên đầu, để sau đó cuộc sống Kitô hữu là những chuổi ngày lười biếng, đam mê, không sinh quả phúc đức “như cây vả không trái, nho cành nho trơ trọi, như căn nhà xây trên cát…”…mà phải là một cuộc đời luôn luôn được đâm chồi nẩy lộc, được sinh hoa kết trái đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến. Hay như ngôn ngữ của ThánhTông Đồ Phêrô trong bài đọc 2 hôm nay : “Lãnh nhận phép rửa không phải là được tẩy sạch vết nhơ thể xác, mà là lời cam kết với Thiên Chúa để giữ lương tâm trong trắng…” (BĐ 2)

2. Mùa Chay : mùa chiến đấu, canh tân sám hối :

Nhưng để ơn của Nhiệm tích Rửa tội đơm hoa kết trái giữa đời thường, không phải cứ “ngồi chờ sung rụng” hay áp dụng chiến thuật “bất chiến tự nhiên thành” là mọi sự sẽ được giải quyết. Trích đoạn Tin Mừng ngắn gọn của Mác-cô hôm nay lại là một câu trả lời thích đáng : “chiến thắng cám dỗ, sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Trong biến cố Chúa Giêsu dành ra tới 40 ngày để cầu nguyện và tĩnh tâm, để chấp nhận đương đầu với những cơn cám dỗ của ác thần, chúng ta nhận ra rằng : Ngài muốn đồng hành và liên đới với toàn thể nhân loại, một nhân loại bất trung, phản bội và đầy tính hư tật xấu ; và Ngài cũng muốn dạy cho chúng ta rằng : những kẻ không chịu chiến đấu trong mặt trận của Thiên Chúa sẽ không đi tới chiến thắng cuối cùng ; và những kẻ không biết ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng để hoán cải đổi đời, sẽ mãi mãi cách xa nghìn trùng với Vương quốc Thiên Chúa”.

Những hoang mạc khắc nghiệt của cuộc đời hôm nay vẫn còn đầy dẫy trên thế giới, nơi mọi quốc gia, gia đình và tận thâm tâm của mỗi người. Đó là những hoang mạc chất chứa bao nhiêu cơn cám dỗ để con người lạnh lùng nói “có” với bạo lực, khủng bố, chiến tranh, ly dị, ngoại tình, phá thai, ghen ghét, thù hận…, và sẵn sàng nói “không” với khoan dung và tha thứ, với liên đới và huynh đệ, với chia sẻ và bác ái, với thủy chung và trách nhiệm…

Như thế, cuộc hành trình Mùa Chay của Hội Thánh hay của mỗi người chúng ta hôm nay, nói cho cùng, chỉ là cuộc thực hành thường xuyên của đức tin, một đức tin sống động làm mới mãi dòng nước Rửa tội chảy xuyên suốt cuộc đời và tràn lan thế giới, một đức tin kiên cường chiến đấu và chiến thắng những cám dỗ và chào thua để Thiên Chúa được tôn vinh và con người được cứu độ. Amen.

LM. Giuse Trương Đình Hiền
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chân dung nhà lãnh đạo Công Giáo Hoa Kỳ: Đức Hồng Y Timothy Dolan
Trần Mạnh Trác
08:27 25/02/2012
Khi ngài lãnh mũ Hồng Y, nhiều người đặt câu hỏi phải chăng đây sẽ là vị Giáo Hòang tương lai?

Hàng ngàn người Mỹ đã bay sang Roma để tham dự lễ phong tước HY của ngài, mổi bước ngài đi kéo theo một đòan phóng viên đông đảo, máy quay phim luôn bám sát và từng cử chỉ của ngài đều được diễn giải thành một ý nghĩa nào đó.

Thông thường người ta nghĩ rằng sẽ không có một người Mỹ nào có thể được bầu làm Giáo Hoàng, vì cùng một lý do là sẽ không có người Mỹ nào được bầu làm Tổng Thư Ký Liên Hợp Quốc, vì như vậy sự quân bình chính trị sẽ bị phá vỡ, giới lãnh đạo thế giới muốn có một sân chơi bằng phẳng cho mọi quốc gia, chứ không phải là một sân chơi dành riêng cho một siêu cường.

ĐHY Dolan luôn luôn coi ý kiến có thể làm Giáo Hòang là một câu chuyện thần thọai không tưởng, nhưng nếu giả thử ngài không phải là một HY Mỹ, thì việc ngài có khả năng kế vị ĐGH Benedict là một việc suy đóan nghiêm túc. Ngài có nhiều kinh nghiệm làm việc ở La Mã, đã nghiên cứu học hỏi nhiều năm tại thành phố vĩnh cửu, và đã hướng dẫn một chủng viện Mỹ ở đó. Kể từ năm 2009, ngài làm tổng giám mục của một giáo phận phức tạp nhất thế giới là New York, và được bầu làm chủ tịch Hội Đồng các Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ. Các Hồng Y khác kính trọng ngài, và nếu có 2 hoặc 3 vị HY đang đứng cạnh nhau mà không biết phải nói chuyện gì với nhau, thì chỉ cần nhắc tới tên Timothy Dolan là mọi người đều có một giai thọai nào đó để mà hí hửng kể cho nhau nghe.

Trong lúc mà hình ảnh của giáo hội Công giáo có nhiều vấn đề, ĐHY Dolan là một nhà truyền thông có tài, biết nắm vững vấn đề và biết đâu là điểm quyết định.

Trong cuộc tranh đấu với Obama về pháp lệnh cuỡng chế ngừa thai vừa rồi, ngài tuyên bố một cách hùng hồn rằng:

"Người Amish không mua bảo hiểm y tế. Chính quyền tôn trọng nguyên tắc của họ. Những người theo phái khoa học Kitô giáo muốn chữa lành bằng lời cầu nguyện mà thôi, thì bộ luật cải tổ Y tế cũng tôn trọng họ. Người Quakers chống việc giết người kể cả lúc chiến tranh, và chính quyền cũng tôn trọng nguyên tắc đạo lý ấy. Nhưng chính phủ này, qua quyết định vừa rồi, đã không tôn trọng thỏa đáng vấn đề lương tâm của người Công giáo và của nhiều người khác là không coi việc mang thai là một căn bệnh."

Ngài đã thành công trong việc chỉ rõ ra đây là một vấn đề không đơn giản, nó lớn hơn là ngừa thai, và lớn hơn cả Giáo Hội Công Giáo nữa. Đó là lý do tại sao các nhà lãnh đạo của 40 tổ chức ngòai Công giáo - Do Thái, Chính Thống Giáo, Tin Lành, Mennonite- đã cùng ký một lá thư phản đối tới tòa Bạch Cung.

Những tôn giáo và tổ chức từ thiện, mặc dù không bị ảnh hưởng vì sắc lệnh, và mặc dù không chia sẻ quan điểm về ngừa thai của Công Giáo, nhưng đều đồng ý với ĐHY Dolan về điểm này, là nếu Công Giáo có thể bị xô đẩy đến chỗ phải cúi mình xin xỏ đặc ân của chính phủ, một đặc ân mà khi chưa có sắc lệnh thì mọi người đương nhiên đã có, thì một ngày nào đó chính phủ sẽ xô đẩy tới phiên họ.

Do đó dù là người không Công giáo, họ đã nhận ra ngay sự nguy hiểm của một vị tổng thống đang chế biến thêm pháp luật để ép buộc người công dân phải lựa chọn giữa sự tuân phục chính phủ hoặc tuân theo Thiên Chúa của họ.

Và vì vậy mà một sự "thích nghi" (accommodation) mà Obama tuyên bố sau đó cũng không đủ vì bản chất vẫn là lấy đi một quyền đã có để làm cớ ban phát ân huệ, một ân huệ mà chính phủ sẽ tùy tiện bố thí.

ĐHY Dolan nhấn mạnh rằng Tổng thống Obama "cần phải bãi bỏ pháp lệnh."

"Chúng tôi sẽ không ngừng cho đến khi nào tự do tôn giáo được phục hồi."

ĐHY Dolan không lựa chọn cuộc chiến, ngài bị bắt buộc phải tham chiến một cách miễn cưỡng, nhưng khi đã đụng trận thì ngài tỏ ra là một thiên tài.

Obama phân bua và lên giọng dậy đời:" Sống trong xã hội, mọi người đều phải thỏa hiệp chứ"

Câu trả lời là: "Chúng tôi không hề được chính phủ tham khảo"

Đúng vậy, nếu nói tới "thỏa hiệp" mà không có tham khảo với nhau thì còn có ý nghĩa gì đây? Obama từ đó hòan tòan im tiếng.

Nhưng không phải lúc nào ĐHY Dolan cũng có một bộ mặt nghiêm nghị như thế, cái tinh thần hài hước và phong cách thỏai mái của ngài đã trở thành huyền thọai, các phóng viên thích ngài vì thế. Tác giả John L. Allen Jr kể lại có lần ông hỏi ĐHY là có khi nào mà người ta có thể gặp ĐHY nằm xấp mặt và giang tay trước bàn thờ vào nửa đêm giống như ĐGH Gioan Phaolo II không?

Câu trả lời của ngài: "Không, trừ khi tôi bị rớt ra khỏi giường vì uống bia nhiều quá" (ngài uống bia)

Mới đây trong buổi tiếp tân tại Roma, người ta hỏi ngài có cảm tưởng gì khi quì trước ĐGH để được được đội mũ trong buổi lễ, ngài nói "Trong cả thời gian, tôi chỉ lo không biết mình có bị té xỉu mất không."

Khi đến dự lễ lần đầu tiên là một Hồng Y với ĐGH, ngài đến sớm nhất, hăng hái ban phép lành cho mọi người thân sơ và cho cả...các vệ binh Thụy Sỹ.

Trở về New York, ngài cho các phóng viên biết rằng ngài ngạc nhiên vì thời điểm thăng chức sao mà khéo thế, ngay cả 2 nhân viên hốt rác vào ngày thứ Bảy ở gần nhà cũng biết ngài là hồng y.

"Phải ông là Hồng Y mới không?" họ hỏi ngài như thế.

Khác với các giám mục thường có chuyên môn về Thần học hay là Giáo Luật, ĐHY Dolan có chuyên khoa về sử học. Trong diễn văn nhậm chức chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục, ĐHY (lúc đó là TGM) Dolan đã chứng tỏ một bản lĩnh trầm tĩnh không hoang tưởng của những người thông hiểu những bài học lịch sử. Sau khi liệt kê những thách thức phải đối diện, ngài nói "Tôi nhớ tới Đức ông John Tracy Ellis thường nói câu này để giới thiệu khóa học về lịch sử của giáo hội là, 'Thưa quý vị, hãy sẵn sàng mà khám phá ra rằng Nhiệm Thể của Chúa Kitô có rất nhiều mụn ghẻ. '? "

Lịch sử cung cấp nhiều bài học. ĐHY Dolan đã viết một luận án tiến sĩ về Đức Tổng Giám Mục Edwin O'Hara của Oregon, bàn về những năm 1920 khi phải đối phó với một đề nghị của nhóm Ku Klux Klan là nên hỗ trợ việc mọi trẻ em phải học tại các trường công cộng, có nghĩa là sẽ đóng cửa mọi trường học Công giáo. ĐGM O'Hara hiểu rằng nếu ngài lên án đề nghị đó là chống Công giáo, thì nhiều người lúc đó sẽ coi đó là một lời khen. Vì vậy, thay vào đó, ngài gọi đó là một cuộc tấn công vào tự do tôn giáo, một thái độ phi Hoa Kỳ (Un-American). Phải chăng bài học đó đang giúp ĐHY Dolan trong cuộc tranh đấu ngày hôm nay?

Ông John L. Allen Jr, trong cuốn sách "A People of Hope" (Một Dân Tộc Hy Vọng) kể lại những cuộc cuộc phỏng vấn dài với ĐHY Dolan cho rằng muốn hiểu về ĐHY Dolan thì phải dùng cái chìa khóa là "kiến thức lịch sử". "Ngài có ba con người", Allen nói. "Một là một người vừa mới nói chuyện điện thoại với một nhân vật tân bảo thủ Công giáo. Một người khác là người tin rằng việc truyền giáo tốt nhất xảy ra ở một bữa ăn BBQ ở sân sau nhà. Và thứ ba là một người có quan điểm lâu dài và không bối rối vì những thăng trầm của những sự kiện trong ngày. "

ĐHY Dolan đang nhanh chóng trở thành khuôn mặt của đạo Công Giáo ở Mỹ. Nhiều hy vọng đã ló dạng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội Hoa Kỳ, tòan thể 180 giám mục của 180 địa phận Công Giáo đã công khai lên tiếng chống lại pháp lệnh của Obama. Chưa bao giờ người ta thấy các Giám Mục Hoa Kỳ đòan kết như thế.

Các tôn giáo khác cũng lần lượt nhập cuộc.

Phát biểu tại hội nghị Quốc gia Các đài truyền hình tôn giáo ở Nashville, vị Chủ tịch Tony Perkins cho biết hơn 2.500 mục sư và các nhà lãnh đạo truyền giáo Tin Lành đã ký một lá thư cho Tổng thống Obama yêu cầu ông đảo ngược pháp lệnh.

Mục sư Bryant Wright, Chủ tịch Southern Baptist Convention và các cộng sự viên cũng chính thức lên tiếng ủng hộ lập trường của Công Giáo. Như vậy hầu như tất cả các giáo hội Kitô và Do Thái đã lên tiếng nhập cuộc.

Các Thống kê mới nhất cho biết số ủng hộ lập trường của Giáo Hội gia tăng, Rasmussen cho biết 65% dân Công Giáo đi bầu chống pháp lệnh của Obama. Còn thống kê của Pew Forum on Religion thì cho bíêt 55% dân chúng Mỹ ủng hộ cuộc tranh đấu của các giáo hội.

Cuộc tranh đấu dành lấy con tim đang trên đà chiến thắng.

Trở lại chuyện bầu cử Giáo Hòang, người ta chưa có lý do gì để bàn thêm bởi vì đức Benedicto trông còn khỏe mạnh lắm, tuy nhiên càng ngày người ta càng so sánh với những nỗ lực tranh đấu cho tự do tôn giáo rất cam go của Giáo Hội ở bên Đông Âu mà kết quả là cả một hệ thống cai trị sắt máu đã xụp đổ.

Giống như ngày xưa, một vị hồng y có tên là Wojtyła (ĐGH JP 2) đã phải đương đầu với một chính thể vô thần Cộng Sản coi tôn giáo là thuốc phiện, nhưng nhờ những nỗ lực kiên trì và khôn ngoan của Ngài mà thế giới Vô Thần Cộng Sản đã phải xoay chiều.

ĐHY Dolan ngày nay đang bảo vệ một giáo hội bị vây bủa bới một chủ nghĩa Thế Tục cực đoan coi tôn giáo là cổ hủ, lỗi thời. Phải chăng Chúa Thánh Thần cũng đang dùng các biến cố để tác động xoay chiều một thế giới duy Thế Tục - Duy Lợi Nhuận này chăng?
 
Trang Twitter của Đức Giáo Hoàng phát triển 400% trong vòng một ngày.
Tiền Hô
10:08 25/02/2012
VATICAN, 24 Tháng Hai 2012 (CNA/EWTN) - Số lượng người vào theo dõi trang Twitter của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã tăng thêm 400% trong vòng 24 giờ qua.

Mới hôm qua (23 Tháng Hai), chỉ có 2.500 người đăng ký theo dõi tin (subscriber), nhưng đến hôm nay thì con số đã tăng lên đến hơn 12.500 và vẫn còn tiếp tục tăng. Đức Ông Paul Tighe - thư ký của Hội Đồng Giáo Hoàng Về Truyền Thông Xã Hội nói với CNA: "Thật không thể tin được. Và đó không chỉ là số người theo dõi các "tweet" [*] của Đức Giáo Hoàng nhưng còn là số người đang "tweet" lại các thông điệp của Ngài đến cho những người khác. Đây là điều tuyệt vời".

Việc ra mắt trang Twitter của Đức Giáo Hoàng vào hôm 22 Tháng Hai - trùng khớp với thời điểm bắt đầu Mùa Chay - đã nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của mọi người. Kể từ ngày hôm đó, các viên chức Vatican đã bắt đầu "tweet" từng phần trong Sứ điệp Mùa Chay của Đức Giáo Hoàng, và sẽ tiếp tục cập nhật mỗi ngày cho đến Lễ Phục Sinh.

Twitter là một trang mạng xã hội trực tuyến cho phép người dùng gửi và đọc các thông điệp ngắn gọn trong 140 ký tự. Bất cứ ai cũng có thể đăng ký để theo dõi các thông điệp của Đức Giáo Hoàng bằng tiếng Anh, Ý, Tây Ban Nha, Đức và Pháp (sắp tới còn có cả tiếng Bồ Đào Nha) thông qua tên gọi @Pope2YouVatican. Địa chỉ: https://twitter.com/#!/Pope2YouVatican

Cha Paolo Padrini - điều phối viên của trang Pope2You nói với CNA: "Đó là một sáng kiến quan trọng cho việc phúc âm hóa và phúc âm hóa bằng truyền thông. Sáng kiến này giúp Đức Giáo Hoàng liên hệ với Dân Chúa và đặc biệt là với giới trẻ, bởi vì trang Pope2You được tạo ra chủ yếu là dành cho giới trẻ".

Hôm Thứ Tư, một thông điệp trên Twitter nói rằng: "Chúng ta hãy quan tâm đối với nhau, để khích lệ nhau trong đức bác ái và các công việc lành". Hôm nay, trang này "tweet" rằng: Mùa Chay là thời điểm "chúng ta đổi mới hành trình đức tin, trên bình diện bản thân cũng như cộng đồng nhờ sự trợ giúp của Lời Chúa và các Bí Tích".

Đức Ông Tighe cho biết: Đức Tổng Giám Mục Claudio Maria Celli - chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Về Truyền Thông Xã Hội đã nhìn nhận đúng đắn khi ngài nói rằng Twitter giống như "một hạt cải bé nhỏ được gieo để phát triển thành bụi cây làm cho chim chóc có thể đến trú ngụ".

Chiến dịch Twitter trong Mùa Chay là cố gắng mới nhất của Vatican trên phương diện truyền thông xã hội. Hồi Tháng Sáu năm 2011, Hội Đồng Giáo Hoàng Về Truyền Thông Xã Hội cũng đã ra mắt trang tin tức trực tuyến www.news.va, do chính tay Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI khởi động. Trang web này có hơn 10.000 người sử dụng mỗi ngày.
---
[*] "tweet" là từ ngữ để chỉ việc đăng một thông điệp lên trang Twitter.
 
Vua Tonga viếng thăm Đức Thánh Cha Benedict XVI
Bùi Hữu Thư
19:01 25/02/2012
Thảo luận về tình hình tại các quốc gia trên các hòn đảo Thái Bình Dương

VATICAN, ngày 24, tháng 2, 2012 (Zenit.org).- Nhà Vua của vương quốc độc nhất tại Nam Thái Bình Dương viếng thăm Đức Thánh Cha Benedict XVI hôm nay.

Hoàng Đế Siaosi Tupou V, Vua nước Tonga, tiếp xúc với Đức Thánh Cha và sau đó với Tổng Giám Mục Dominique Mamberti, bộ trưởng ngoại giao các quốc gia.

Quần đảo Tonga, tại Nam Thái Bình Dương nằm ở khoảng chừng hai phần ba khoảng cách giữa Hawaii và Tân Tây Lan. Dân số chỉ hơn 100.000 người một chút.

Theo một thông tư của Toà Thánh, cuộc đàm thoại giữa Đức Thánh Cha và nhà vua "đề cập đến các sắc thái khác nhau của đời sống xã hội và kinh tế của quốc gia, cũng như về sự đóng góp tích cực của Giáo Hội Công Giáo trong nhiều lãnh vực của xã hội, và các hoạt động của Giáo Hội để cổ võ cho con người."

Thông tư tiếp: "Sau đó là một cuộc trao đổi ý kiến về tình hình quốc tế, đặc biệt là tình hình tại các quốc gia trên các hòn đảo Thái Bình Dương."
 
Top Stories
Pope tweets Lent message in 111 characters
UPI
10:19 25/02/2012
VATICAN CITY, Feb. 24 (UPI) -- Pope Benedict XVI used his Twitter account from the Vatican to issue a Lent message to his Catholic followers.

"The Lenten season offers us once again an opportunity to reflect upon the very heart of Christian life: charity," the pope tweeted Thursday using his @Pope2YouVatican account.

Monsignor Paul Tighe, secretary of the Pontifical Council for Social Communications, told Italy's ANSA news agency the Vatican has been increasing its presence in social media, including Twitter and Facebook, in recent years.

"Many of the key Gospel ideas are readily conveyed in just 140 characters," Tighe said.

Read more: http://www.upi.com/Odd_News/2012/02/24/Pope-tweets-Lent-message-in-111-characters/UPI-25251330103002/#ixzz1nPY9EnB5
 
Vietnam - Holy See joint working group to meet at the end of the month
Fr. Federico Lombardi S.J.
16:55 25/02/2012
Vatican City, 24 February 2012 (VIS) - Holy See Press Office Director Fr. Federico Lombardi S.J. today issued the following declaration:

"In accordance with the decision taken at the end of the second meeting of the Vietnam - Holy See Joint Working Group, held in the Vatican on 23 and 24 June 2010, the third meeting of the Joint Working Group will take place in Hanoi, Vietnam, on 27 and 28 February. Following a number of visits by the non-resident Pontifical representative to Vietnam, the meeting will serve to strengthen and develop bilateral relations".
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giám Mục Kontum thăm LM Nguyễn Quang Hòa bị ba tên côn đồ đánh bầm tím...
VP GP Kontum
09:48 25/02/2012
Trưa ngày 24/02/2012, Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh cùng Cha Thư Ký TGM đã đến Giáo xứ Kon Hring để thăm hỏi Cha Hòa, sau khi bị 3 côn đồ đánh giữa rừng cao su, cha Hòa bị những vết thương bầm tím ở tay, lưng và bụng…



Theo các Cha phụ trách Giáo xứ Kon Hring kể lại, những người dân trong khu vực cha Hoa bị tấn công đã cho biết “3 côn đồ” này vừa mới từ trại tù về, khoảng 20 tuổi, đang được chính quyền Xã quản lý. Người dân còn cho biết trước khi hành động, bọn chúng đã đến một cơ sở làm cửa sắt gần đó để mua cắt 2 thanh sắt. Không biết lý do gì mà bọn chúng đón đường đánh đập Cha Hoa?!! Từ Nhà xứ Kon Hring đến làng Kon Hnong là 10km, từ làng Kon Hnong ra đường Quốc Lộ là 3km. Người dân thắc mắc tại sao chính quyền địa phương quản lý yếu kém đến nỗi không đảm bảo an ninh cho người dân giữa ban ngày?



Theo Cha Hoa thuật lại, sau khi dâng lễ an táng xong, Cha Hoa chạy xe máy về, khoảng 11giờ trưa, thì bọn lạ mặt này dùng xe máy đuổi theo, chúng dùng 2 thanh sắt đánh liên tục vào lưng, đầu cha (may mà có nón bảo hiểm). Sau khi ngã xuống đất, Cha Hoa chạy vào rừng cao su bị bọn chúng đuổi theo đánh vào đầu, mặt,… Cha đã dùng tay để đỡ che mặt và đầu, 2 tay Cha nát bầm và rơi cả đồng hồ. Chúng tiếp tục đánh vào bụng. Sau đó chúng quay lại đường lấy đồng hồ của Cha ném vào hồ nước gần đó. Các em học sinh dân tộc đi học về kể lại khi Cha Hoa quay lại xe và tìm đồng hồ, thì xe đã bị hư hỏng rất nhiều.



Được biết, từ trước đến nay vùng xung quanh Giáo xứ Kon Hring này chỉ được làm lễ Chúa Nhật tại trung tâm, hoặc những điểm được phép, các làng lân cận khác thì kể cả lễ an táng chính quyền Xã cũng không cho phép làm. Điều này rõ ràng trái với quy định Nhà Nước đã ban hành về lễ tang, giỗ, có quyền làm tại tư gia. Nhiều lần trao đổi với chính quyền Xã, họ vẫn không đồng ý. Nhưng các Cha vẫn làm theo Luật, làng Kon Hnong này Cha Hoa đã dâng lễ an táng 5 lần, lần này bị như thế. Không biết do ai chỉ đạo?



Toà Giám Mục Kon Tum cũng như toàn thể 265 ngàn tín hữu trong Giáo phận hiệp thông cầu nguyện cho Cha Hoa sớm bình phục; đồng thời mong muốn có tự do tôn giáo tại các vùng này.

(Nguồn: giaophankontum.com)
 
Giáo hội Công giáo và Đồng bào Việt Nam (2)
Hà minh Thảo
16:49 25/02/2012
Nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới ngày 01.01.2012, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã gởi đến chúng ta Sứ điệp có đề tài: “Giáo dục người trẻ về Công lý và Hòa bình”. Trong phần kết luận có tiểu tựa ‘Hướng mắt lên nhìn Thiên Chúa’, Người khẳng định với chúng ta, đặc biệt những người trẻ: “Không phải các ý thức hệ cứu vãn thế giới, nhưng là nhờ qui hướng về Thiên Chúa hằng sống, là Đấng tạo dựng nên chúng ta, là người bảo đảm tự do của chúng ta và những gì tốt đẹp và chân thật. Hãy qui hướng về Thiên Chúa không chút dè dặt vì Ngài là mẫu mực những gì là công chính và đồng thời là tình yêu vĩnh cửu. Điều có thể cứu vớt chúng ta chỉ chính là tình yêu?”… Hãy tín thác sống tuổi trẻ, giai đoạn rất phong phú và đầy phấn khởi. Hãy ý thức chính các bạn là tấm gương khích lệ cho người lớn, và cố gắng vượt thắng những bất công và tham ô, càng mong ước một tương lai tốt đẹp hơn và dấn thân xây dựng tương lai ấy, thì các bạn càng là những tấm gương cho người lớn.

Trong những ngày đầu Mùa Chay 2012, thật chính đáng khi chúng ta cùng đọc ‘Sứ điệp Mùa Chay 2012 của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI’ mà, cùng với Sứ điệp Hòa Bình nói trên, cá nhân chúng tôi cảm thấy đây chính là những giáo huấn mà vị Cha Chung Giáo hội Công giáo Thế giới nhắn nhủ đến từng Kitô hữu chúng ta trước sự oằn oại của rất nhiều đồng đạo lẫn đồng bào đang bị giam cầm không biết lý do hay đói khát vì lạm phát phi mã.

I. – TÓM LƯỢC SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2012.

Vì Mùa Chay là cơ hội thuận tiện để chúng ta suy tư về nền tảng đời sống Kitô là đức Bác ái, nên Đức Thánh Cha đề nghị mỗi người đổi mới hành trình đức Tin, nơi bản thân cùng trong cộng đoàn, nhờ cầu nguyện và chay tịnh, trong lúc chờ đợi niềm vui Phục Sinh, học hỏi từ câu Kinh Thánh “Chúng ta hãy quan tâm đối với nhau để khích lệ nhau trong đức bác ái và trong việc lành” (Dt 10,24). Tác giả câu này nhắn nhủ hãy tín thác nơi Đức Kitô, Đấng ban cho chúng ta ơn tha thứ và dẫn đến Thiên Chúa.

Chúng ta đón nhận Đức Kitô là khi có đời sống phát triển theo 3 nhân đức hướng thần: tiến đến gần Chúa ‘với con tim chân thành trong sự viên mãn của đức Tin’ (c.22), giữ vững ‘việc tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta’ (c.23) luôn chú ý thi hành ‘đức bác ái và các việc lành’ (c.24) cùng với các anh em khác. Đoạn này dạy cách cư xử theo Tin Mừng và, nhờ việc tham dự các buổi gặp gỡ phụng vụ và cầu nguyện với cộng đoàn, để hướng về sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa mai sau (c.25). Đức Thánh Cha dừng lại ở câu 24 để mời chúng ta suy nghĩ về 3 khía cạnh có tính cách thời sự của đời sống Kitô hữu là quan tâm đến tha nhân, tính hỗ tương và sự thánh thiện bản thân.

1.- “Chúng ta hãy quan tâm”: trách nhiệm đối với người anh em.

‘Hãy quan tâm’ tức quan sát kỹ lưỡng, nhìn một cách ý thức như, trong Tin Mừng, Đức Kitô mời môn đệ ‘quan sát’ chim trên trời không làm việc, nhưng vẫn được Chúa Quan Phòng ân cần chăm sóc (Lc 12,24), và hãy ‘nhận ra’ cái xà trong mắt mình trước khi nhìn thấy cọng rơm trong mắt người anh em (Lc 6,41). Trong đoạn khác, hãy ‘chú ý đến Chúa Giêsu’ (Dt 3,1), Thượng tế đạo chúng ta. Do đó, chúng ta được mời gọi chăm chú nhìn người khác, trước là nhìn Chúa Giêsu và chú ý đối với nhau, đừng dửng dưng trước số phận của các anh em.

Thực tế, ta thường thấy trái độ trái ngược: dửng dưng, không tha thiết nảy sinh từ lòng ích kỷ, được ngụy biện vì ‘tôn trọng đời tư người khác’, nhưng tiếng Chúa vang dội kêu gọi mỗi người chúng ta hãy là những người canh giữ anh em mình (St 4, 9), thiết lập những quan hệ ân cần đối với nhau, quan tâm đến thiện ích tha nhân vì mọi người đều là thụ tạo, là con và giống Thiên Chúa yêu thương vô biên. Hãy vun trồng cái nhìn này về tình huynh đệ, liên đới, công bằng, để lòng từ bi và cảm thông sẽ tự nhiên nảy sinh từ con tim chúng ta. Đức Phaolô VI khẳng định thế giới ngày nay đau khổ vì thiếu tình huynh đệ: ‘Thế giới bệnh hoạn, không phải do sự phung phí tài nguyên hoặc vì một số người vơ vét của cải, nhưng là do sự thiếu tình huynh đệ giữa con người và các dân tộc với nhau’ (Phát triển các dân tộc, số 66).

Sự lưu tâm đến người khác bao gồm ước muốn cho họ điều thiện hảo về thể lý, luân lý và tinh thần. Nền văn hóa hiện đại đã đánh mất ý thức thiện và ác, thay vì cần phải tái khẳng định rằng Sự Thiện hiện hữu và chiến thắng vì Thiên Chúa là ‘Đấng tốt lành và làm điều thiện’ (Tv 119,68). Sự thiện là điều khơi dậy, bảo vệ và thăng tiến sự sống, tình huynh đệ và hiệp thông. Trách nhiệm đối với tha nhân có nghĩa là muốn và làm điều thiện cho họ, mở mắt trước những thiếu thốn của họ. Trong dụ ngôn người Samaritano nhân lành, vị tư tế và thầy Lêvi ‘đi tránh qua bên kia’, dửng dưng với người bị cướp bóc lột và đánh đập (Lc 10,30-32), và trong dụ ngôn người giàu có, nên không nhìn thấy thân phận ông Lazzarô nghèo khổ chết đói trước cửa nhà (Lc 16, 9). Trong cả hai trường hợp chúng ta thấy thế nào điều là trái ngược với sự ‘quan tâm’, với cái nhìn yêu thương và cảm thông.

Sự giàu có vật chất, thái độ đặt tư lợi và bận tâm mình lên trên hết cũng không cho phép họ thiếu khả năng ‘có lòng từ bi’ đối với người đau khổ. Tâm hồn có kinh nghiệm bản thân về đau khổ sẽ là nguồn mạch sự cảm thông và thương cảm: ‘Người công chính nhìn nhận quyền người lầm than, trái lại kẻ gian ác không nghe tiếng nói của lý trí’ (Cn 29,7). Nhờ thế, ta hiểu hạnh phúc ‘của những người khóc lóc’ (Mt 5,4), tức có khả năng ra khỏi chính mình để cảm động trước đau khổ của tha nhân và là cơ hội để được cứu độ và hạnh phúc thật.

Sự ‘quan tâm’ đến anh em cần bao gồm thiện ích thiêng liêng của họ: Sự sửa lỗi huynh đệ nhắm đến sự sống đời đời. Chúa Kitô đã truyền phải chỉnh đốn người anh em đang phạm tội (x. Mt 18,15). Động từ ‘sửa lỗi huynh đệ’ (elenchein) chỉ sứ vụ ngôn sứ tố giác của Kitô hữu đối với một thế hệ chiều theo điều ác (Ep 5,11). Giáo hội liệt kê việc khuyên bảo tội nhân qua những hành động từ bi về tinh thần (thương linh hồn có 7 mối). Đức bác ái Kitô không im lặng trước sự ác, như thái độ của những tín hữu Kitô, vì tôn trọng người khác hoặc vì tiện ích, chiều theo não trạng chung, thay vì cảnh giác anh em về những suy nghĩ và hành động trái ngược Sự Thật và không theo con đường Sự Thiện. Thánh Phaolô quả quyết: “Nếu có ai vướng mắc tội nào, thì anh em, những người được Thần Khí thúc đẩy, hãy lấy tinh thần hiền hòa mà sửa dạy; phải tự đề phòng kẻo chính mình cũng bị cám dỗ” (Gl 6,1).

2. Ơn hỗ tương đối với nhau.

Xã hội hiện nay có thể trở nên đui mù đối với những đau khổ thể lý cũng như những đòi hỏi tinh thần và luân lý của cuộc sống. Nhưng cộng đoàn Kitô không thể như vậy! Sự hiện hữu chúng ta liên hệ với nhau, trong sự Thiện cũng như sự Ác. Thánh Phaolô mời gọi tìm kiếm điều dẫn tới ‘hòa bình và xây dựng lẫn nhau’ (Rm 14,19), giúp đỡ ‘tha nhân trong điều Thiện để xây dựng họ’ (Rm 15,2), không tìm tư lợi, ‘nhưng là lợi ích của nhiều người, để họ đạt tới ơn cứu độ’ (1 Cr 10,33). Sự sửa lỗi và khuyên nhủ nhau trong tinh thần khiêm tốn và bác ái phải là thành phần đời sống Giáo hội Đức Kitô.

Dân Chúa, kết hiệp trong Đức Kitô nhờ Thánh Thể, sống hiệp thông liên kết với nhau như chi thể của cùng một thân mình. Như vậy, tha nhân thuộc về tôi: sự sống, phần rỗi của họ liên hệ tới sự sống và phần rỗi của tôi. Giáo hội, Nhiệm thể Đức Kitô, có sự hỗ tương như thế: cộng đoàn liên tục làm việc thống hối và kêu cầu ơn tha thứ vì những tội lỗi của con cái mình, nhưng cũng luôn vui mừng hân hoan vì chứng tá nhân đức và bác ái được triển nở nơi mình. Thánh Phaolô quả quyết ‘Các chi thể chăm sóc lẫn nhau’ (1 Cr 12,25), vì chúng ta là một thân mình.

3. Khích lệ lẫn nhau trong đức Bác ái và việc lành để cùng tiến bước tới sự thánh thiện.

Sự quan tâm đối với nhau có mục đích là thúc đẩy nhau tiến đến một tình yêu thương thực sự hữu hiệu ngày càng mạnh mẽ hơn, ‘như ánh sáng bình minh gia tăng huy hoàng cho đến chiều’ (Cn 4,18), trong khi chờ đợi sống vĩnh cửu trong Thiên Chúa. Thời gian ban cho chúng ta trong cuộc sống thật quí giá để khám phá và chu toàn việc lành, trong Giáo Hội tăng triển để đạt tới sự trưởng thành trọn vẹn Đức Kitô (Xc Ep 4,13).

Đáng tiếc là luôn có cám dỗ sống trong nguội lạnh, bóp nghẹt Thánh Linh, từ khước không làm sinh lợi những nén bạc đã được ban cho chúng ta để mưu ích cho bản thân và tha nhân (x. Mt 25,25-30). Hãy nhận lãnh những phong phú tinh thần và thể chất hữu ích để chu toàn kế hoạch của Chúa, để mưu ích cho Giáo Hội và phần rỗi bản thân (x. Lc 12,21b; 1 Tm 6,18). Sự khôn ngoan của Giáo hội, khi phong chân phúc và hiển thánh cho một số Kitô hữu gương mẫu, có mục đích khơi dậy ước muốn noi gương nhân đức của các vị. Thánh Phaolô nhắn nhủ: ‘Anh chị em hãy thi đua quí chuộng lẫn nhau’ (Rm 12,10).

II. ÁP DỤNG CHO QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM.

1. Hội thảo về Bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay.

Trong khi đọc Sứ điệp Mùa Chay của Đức Thánh Cha, bản tin về buổi Hội thảo được chúng tôi chú ý nhưng không ngạc nhiên vì đã sống nhiều năm dưới chế độ vô thần, trước những bất công, gian dối mà không thấy phản ứng, không thương xót Đức Khâm sứ hay Đức Phó Tổng Giám mục Sài gòn bị những linh mục cộng sản hỗn hào mà còn cho rằng hai Đức cha ‘không thức thời’…

Buổi hội thảo ngày 19.02.2012, của nhóm các bạn trẻ lớp tìm hiểu Giáo huấn Xã hội Công giáo tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài gòn thành công ngoài dự kiến về số lượng người tham gia, mức độ sôi nổi và hiệu quả đạt được. Chính đông đảo các bạn trẻ tham dự tự tìm kiếm thông tin, xây dựng chương trình, và đặc biệt trình diễn một tiểu phẩm kịch về tình trạng vô cảm nhức nhối, xót xa trong xã hội hiện nay. Phụ giúp các bạn trẻ là các Cha, các Sơ, các anh chị lớn, và Cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng, người đã đúc kết chương trình và dâng Thánh Lễ kết thúc.

Phần khởi động thật lôi cuốn và có chiều sâu nhờ các bạn trẻ đưa ra những thông tin tổng hợp, hình ảnh về:

- Triệu chứng: Gặp người có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn mà không thấy xót xa, thương cảm, không muốn giúp dù có điều kiện; đứng trước sự bất công, xấu xa, gian dối mà không thấy phẫn nộ, nhức nhối; thấy những điều tốt đẹp, cao thượng mà không ngưỡng mộ, cảm phục.

- Nguyên nhân khách quan: Xã hội có quá nhiều lọc lừa dối trá như ăn xin giả, đau ốm giả, … làm người ta hoang mang, nghi ngờ, rồi làm ngơ. Pháp luật chưa bảo vệ những người ra tay nghĩa hiệp, nên có thể bị trả thù hay mang họa vào thân, bị công an kêu lên kêu xuống làm e ngại chuyện ‘ách giữa đàng mà mang vào cổ’.

- Nguyên nhân chủ quan: Bệnh phát sinh do ý thức sống ích kỷ, vì lợi ích bản thân theo ‘chủ nghĩa MACKENO (mặc-kệ-nó)’ hay quá bận bịu, trể giờ đến công sở, vào lớp học…

- Phương pháp ‘điều trị’: Nguyên nhân xuất phát từ đâu thì phải trị liệu từ chỗ ấy.

2. Dùng sai những chữ ‘làm chính trị’.

Sau ngày 30.04.1975, khi các linh mục ‘quốc doanh’đua nhau ra ứng cử với sự cho phép của Mặt trận Tổ quốc thì có ai nói làm chính trị đâu. Nhưng khi Linh mục Nguyễn Văn Lý và các Linh mục khác lên tiếng đòi Tự do Tôn giáo cho tín hữu thì bị đồng bào (kể cả đồng đạo hiểu sai những chữ ‘làm chính trị’ như người cộng sản) cho là làm chính trị. Thật sự, các Linh mục này chỉ hành động theo Giáo huấn của Giáo hội qua các Văn kiện của Công đồng Chung Vatican II. Ngày nay, các Văn kiện này được dùng làm căn bản để ban hành Giáo lý Công giáo và Giáo huấn xã hội Công giáo.

Về Giáo lý Công giáo, năm 1997, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cho phép phát hành nhưng kiểm duyệt bỏ phần lớn khoản số 2242 vì đề cập vấn đề Kitô hữu có quyền từ chối vâng phục chính quyền. Nguyên văn khoản số này như sau: “Theo lương tâm, người công dân không buộc phải tuân theo những chỉ thị của chính quyền dân sự khi những chỉ thị ấy trái với những đòi hỏi của phạm vị luân lý, với các quyền lợi căn bản của con người hay với các giáo huấn của Phúc Âm. Việc không chịu tùng phục các quyền bính dân sự, khi những đòi hỏi của họ trái với những đòi hỏi của lương tâm ngay thẳng, có lý do chính đáng ở chỗ việc phụng sự Thiên Chúa với việc phục vụ cộng đồng chính trị là hai việc khác nhau. ‘Hãy trả về cho Cêsa những gì của Cêsa và cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa’ (Mt 22:21). ‘Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn là loài người’ (Acts 5:29). ‘Khi người công dân bị đè nén bởi một thứ công quyền vượt quá quyền hạn của mình, họ vẫn phải cống hiến hay làm theo những gì công ích đòi buộc họ một cách khách quan; thế nhưng, họ cũng được phép bảo vệ quyền lợi riêng của họ cũng như của những người công dân như họ để chống lại việc lạm dụng của thứ quyền bính này, trong giới hạn của phạm vi luật tự nhiên cũng như Luật Phúc Âm’ (Hiến Chế Gaudium et Spes, 74.5)”.

(Còn tiếp)
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Đức Quốc: Một ngày thắp nến cầu nguyện cho Quê Hương.
Thanh Sơn
16:50 25/02/2012
Đức Quốc : Một Ngày Thắp Nến Cầu Nguyện Cho Quê Hương.

Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam của hai Giáo Phận Paderborn và Essen đã tổ chức vào ngày thứ bảy vừa qua (18.02.2012) một ngày đốt nến hiệp thông cầu nguyện hướng về Giáo Hội Mẹ Việt Nam. Nơi mà đang còn tràn lan những bắt bớ tù đày, đầy bất công và đàn áp tôn giáo, bỏ tù bao nhiêu người dám nói lên lẽ thật và sự công bằng.

Lúc 14 giờ 00 tại Thánh Đường St. Bonifatius thành phố Herne Đức Quốc bắt đầu nghi thức đốt nến với 3 Linh mục.Linh MụcTiến sỹ. Phêrô nguyễn Trong Qúy, LM.Tuyên Úy Phanxicô Nguyễn Ngọc Thủy và Linh Mục Phêrô Nguyễn Văn Khải thuộc dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà đang tu học tại Rôma.

Tiếp theo sau là khoảng 500 ngọn nến lung linh của từng giáo dận một tiến lên cung thánh với những bài hát như Kinh Hòa Bình, Mẹ ơi! đoái thương xem nước Việt Nam, Kinh Dâng nước Viêt Nam cho Đức Mẹ v.v...

14giờ 30 thánh lễ cầu nguyện cho quê Hương thật sốt sắng, trang trọng và cảm động. Bao nhiêu trái tim thôn thức hướng lòng về Quê Hương Đất Nước. Cúi xin Thiên Chúa Nhân từ và sự hộ phù của Mẹ Maria thương cứu lấy Quê Hương chúng con đang bên bờ vực thẳm. Vì nạn cộng sản vô thần đã tàn phá nát tan nền nếp đạo hạnh và luân lý xã hội và con người. Làm băng hoại tinh thần tuổi trẻ. Làm ghẻ lở tinh thần tuổi thơ. Làm bơ vơ tuổi già, và làm sa đọa cả xã hội.

Bài Phúc Âm (Mc. 2,1-12) Chúa chữa người bại liệt hãy vác chõng mà đi về :

Đã được Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải trình bày và chia sẻ thật là xuất sắc và khúc chiết. Con người chúng ta không phải bại liệt phần xác đã đau đớn và khổ sở. Nhưng lòng người bệnh muốn thì còn cố nhờ người khác khiêng ta đến với Chúa được...

Nhưng còn có phần bại liệt trong ta khổ hơn.

Đó là bại liệt phần hồn.

Khi con người ta đã bị bại liệt phần hồn thì vô càm trước sự đau khổ của đồng loại. Vô cảm khi nhìn thấy người khác bị bắt nạt, bị đánh đập, bị đàn áp, bắt bớ tù đày, áp bức bất công. Vô cảm với Đất Nước trước giặc ngoại xâm. Vô cảm với tội lỗi , tức là cứ phạm tội mà chẳng cần hối lỗi. Cứ phạm tội không một chút bận vướng lương tâm. Không cần biết tới 10 điều răn của Chúa dạy nữa. Phủ nhận cả những đìều Hội Thánh buộc.v.v...

Tất cả những thứ đó ta gọi là "Bại Liệt Phần Hồn". Vậy trong mùa chay này là cơ hội để mỗi người chúng ta nhìn ra những bệnh Bại Liệt Phần Hồn.

Bài thuốc không tốn tiền là xét mình cho kỷ trở về hòa giải với Chúa là Cha nhân từ, luôn luôn yêu thương và luôn chờ sẵn để chữa bệnh bại liệt nơi ta.

16 giờ kết lễ mọi người kéo sang chật cả hội trường để lắng nghe LM. Phêrô Nguyễn Văn Khải Chia sẽ về vấn đề "Tự Do Tôn Giáo" và thời sự biến chuyển tại Việt Nam.

Vừa xong phần chào Quốc Kỳ và hát Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa. Phút mặc niệm chấm dứt. Là LM. Khải chia sẻ ngay về cảm tưởng của mình khi đứng nghiêm chào quốc kỳ VNCH. vì có người hỏi cha có sợ không? Vì có một số Chức sắc từ VN. qua đây ngại đứng chào cờ vì sợ khi về bị vu là thành phần phản động.

Ngài trả lời ngay. Thứ nhất: là cảm tưởng thấy có một cái gì đó nó linh thiêng khi đứng chào Lá Cờ. Thứ hai là nhìn vào lá cờ và cảm nhận thấy nó rất đẹp. Rất hài hòa nói lên được sự sang trọng của màu vàng như một giải Giang Sơn gấm vóc với ba sọc đỏ như ba giòng sông, Hồng miền Bắc, sông Hương miền Trung và sông Cửu Long Miền Nam. Hay ba giòng Máu đỏ da vàng Việt Nam.

Không như lá cờ đỏ sao vàng của đảng cộng sản VN. nhìn vào chỉ thấy máu và máu và tôi cũng chẳng biết lá cờ đó nó ở đâu chui ra nữa. Còn nếu bảo là đi tới đâu đứng chào cờ nơi đó là phản động thì tôi nói thẳng là mấy ông xưng mình là chủ tịch nước hay gì gì đó mới là thuộc loại cực kỳ phản động. Vì đi tới đâu mấy ông đó đều đứng chào cờ nơi đó hết, cho nên họ mới là thành phần phản động số một.

Kể chuyện về cuộc đời đi tu của một cậu nhà quê lúc đó gian khổ như thế nào. Lúc gần mười tuổi rồi mà chưa nghe, chưa thấy và biết Cha (LM) là gì vì lúc sinh ra thì các Cha ở vùng đó đã bị cộng sản bắt đem đi đày hoặc đấu tố chết rồi. Nên chỉ nghe thấy Đức Cha thôi vì cả giáo phận lúc đó chỉ có Đức Cha chăm sóc, chứ chưa bao giờ thấy và biết Cha là gì hết.

Cho đến một hôm nhin thấy một cụ bà già chắc cũng lẫn rồi cứ đến cái cửa nhà thờ lúc đó bị công sản xây bít lại đập tay vào và hét lớn lên, nhà thờ đây mà cha ở đâu!!! bà cụ cứ đập tay cả buổi và kêu lớn như thế. Chiều về cậu hỏi bố mẹ Cha là gì vậy??? Và cậu được bố mẹ giải thích Cha là linh Mục quản xứ. Đã bị nhà nước họ bắt đem đi tù và đã chết rồi. Còn nhà thờ thì bị họ xây bít hết cửa lại

và đất xung quanh nhà thờ thì họ lấy và làm thành ruộng vào tới sát tường nhà thờ luôn. Còn nhà thờ thì giây leo bám kín nên cậu rất là thắc mắc, không biết bên trong nhà thờ là gì và nhìn ra sao???. Từ đó cậu dặn lòng và ước ao mai này lớn lên sẽ làm Linh Mục để mở lại cửa nhà thờ...

Gần bốn tiếng đồng hồ chia sẻ và trả lời những câu hỏi của khán giả rất thật, rất thẳng thắn, không quanh co. Tiếng bìng dân gọi là nói toạc móng lợn ra ý mà. Nhiều chỗ Ngài trả lời thật đến độ cười đau cả bụng. nghĩa là có sao nói vậy về tình hình Tôn Giáo tại Việt Nam, Về giáo xừ Thái Hà, về vụ tòa Khâm Sứ Hà Nội. v.v... Theo tôi thấy đây là một buổi nói chuyện vô cùng bổ ích. Lần tới vào cuối tháng ba Ngài sẽ sang Đức để nói chuyện tiếp. Chắc chắn là sẽ đông người tới tham dự, ví qúa hay...Không tới sẽ rất uổng...

Chấm dứt chương trình vào lúc 20 giờ 30 tối mà mọi người vẫn còn tiếc nuối.

Cám ơn Cha Phêrô Nguyễn Văn Khải đã chia sẻ về tình hình Giáo Hội và xã hội Quê Nhà hiện nay. Vì ngài đúng danh là một nhân chứng sống mà đã giám mạnh mẽ nói thẳng vào sự thật.

Cám ơn qúy Cha và ban tổ chức của Cộng Đồng Paderborn Và Essen.

Thanh Sơn 22.02.2012

BTV. Trang Dân Chúa Âu Châu

 
Hải Phòng - Còn đâu nữa niềm tin
Nhà Báo Nguyễn Thượng Long
12:17 25/02/2012
Hải Phòng - Còn đâu nữa niềm tin
(Hay: "Chiều mưa Tiên Lãng... anh đi về đâu?")

Rời quán Caffe internet ven con đường Hải Phòng ra Tiên Lãng, giai điệu mượt mà và quá biểu cảm của ca khúc “Chiều Mưa Biên Giới…” của Nguyễn Văn Đông qua giọng ca Giao Linh rất tự nhiên hoà quyện với non nước mây trời một vùng đất mà con người đang bền bỉ ngày đêm chế ngự thiên nhiên, trồng rừng lấn biển:

“Chiều mưa biên giới anh đi về đâu?
Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu
Kìa rừng chiều âm u rét mướt
Chờ người về vui trong giá buốt
người về bơ vơ…”


Giai điệu này cứ vương vấn, quấn quýt trong tôi như một ám ảnh thôi thúc tôi dấn bước tìm đến với những con người của nơi ngọn nguồn bờ bãi này.

***

Lần đó trong vai trò là cộng tác viên của nhiều tờ báo đang rất ăn khách về đề tài chống tiêu cực trong giáo dục, tôi bước vào phòng tổng biên tập báo Thanh Tra ngày còn ở cuối đường Đội Cấn - Hà Nội để nộp bài như đã hẹn, chưa trao đổi được gì thì tôi đã nghe thấy ở bên kia bức tường rào văng vẳng vọng đến những âm thanh rất lạ. Bằng linh cảm, tôi ngờ ngợ đó là tiếng réo chửi thì phải. Thấy tôi tò mò, ngơ ngác, người bạn biên tập giải thích:

“Chúng tôi ở đây quen với cảnh đó rồi. Đó là tiếng của một bà má Nam Bộ nhiều ngày dắt theo đàn con lếch thếch trong đám đông dân oan mất đất, mất nhà lặn lội tìm ra đây, những tưởng sẽ tìm được công bằng. Sau nhiều ngày lang thang, vạ vật đói rét, đáp lại chỉ là sự đun đẩy, hứa xuông để nay thành ra thân tàn ma dại nơi đất lạ và nỗi đau đã hoá thành những âm thanh của sự nguyền rủa ghê rợn như vậy đấy, chúng tôi ở đây lúc đầu thấy cũng lạ, thấy riết rồi cũng quen”.

Tôi thấy, chuỗi những âm thanh đó, lúc như nghẹn ngào, lúc như uất hận, như cố dướn tới toà nhà lớn cửa đóng im ỉm treo biển THANH TRA CHÍNH PHỦ nằm ngay kề bên dẫy nhà của toà soạn. Không hiểu những người đang làm việc trong toà nhà đó đã nghĩ gì về những âm thanh này? Phần tôi, tiếng người miền Tây Nam Bộ nói bình tĩnh đã khó nghe, nghe tiếng chửi của họ lúc giận dữ thì tôi chịu, chẳng hiểu bà má đó đã rủa xả những gì, nhưng tôi hiểu những âm thanh đó đã bật ra từ những khổ đau bất tận, dồn nén sau quá nhiều những dối lừa, nên dù chẳng hiểu bà má nói gì thì trong tôi đã u ám một nỗi buồn và hôm nay nỗi buồn đó theo chân tôi đến vùng đầm phá của gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn, người đã chọn cách phản ứng của những sinh linh khi bị dồn đuổi đến chân tường để giáng trả những hành vi không được pháp luật cho phép. Theo tôi, sự kiện Đoàn Văn Vươn đánh dấu một bước ngoặt trọng đại liên quan đến đời sống dân oan Việt Nam đương đại. Sự kiện này đã đi vào lịch sử vì nó nói lên được quá nhiều điều về cuộc sống này:

Trước hết để cưỡng chế một cái “Chòi”, lấy cớ rằng anh em họ Đoàn đã chống lại người thi hành công vụ, mà huy động cả một bộ sậu gồm Đại Tá giám đốc sở CA thành phố Hải Phòng cùng các PGĐ, cộng sự, hàng trăm công an, bộ đội với vũ khí, trang thiết bị hiện đại cùng đàn chó nghiệp vụ tràn ngập vùng đầm phá của gia đình Đoàn Văn Vươn, vãi đạn như mưa rồi ủi đổ tan tành ngôi nhà của người ta, thuỷ sản, hoa mầu ở đó bị cướp phá, anh em họ Đoàn lọt vòng lao lý, chưa cần biết đúng sai phải quấy thế nào đã bị cạo đầu, mặc áo sọc dưa, vợ con thì bị xích tay dong đường cho ê chề nhục nhã đã.

Đại Tá tư lệnh chiến dịch Đỗ Hữu Ca nhiều lần xuất hiện trong bộ đồ cảnh sát dã chiến rất ngầu, ăn đứt hình ảnh Thiếu Tướng Chánh Cảnh Sát Đô Thành Sài gòn Nguyễn Ngọc Loan kè súng vào mang tai đặc công Bẩy Lốp, xiết cò hạ gục ông này giữa đường phố Sài Gòn trong biến cố Mậu Thân 1968, chỉ khác là lần này ông Ca không hạ sát được ai trong gia đình ông Vươn, nhưng đã tổ chức được cuộc họp báo để hể hả tuyên bố đại ý: “Cuộc hành quân cảnh sát đã thành công, chúng tôi được quần chúng nhân dân hoàn toàn ủng hộ. Đây là một trận đánh hợp đồng tác chiến nhiều quân binh chủng đẹp chưa từng có trong các giáo án, có thể viết thành truyện!”, cùng lúc là màn phối hợp hấp tấp của Tuyên Giáo huyện Tiên Lãng để “Quán triệt tư tưởng đảng viên trong huyện”, “cảnh giác với các thế lực thù địch”. Tiếp đó báo chí “Lề Phải”, “Lề “Đảng” của Hải Phòng thì nhao nhao rằng Đoàn Văn Vươn chẳng làm gì lợi cho cộng đồng, cho xã hội ngoài tư lợi cho bản thân và gia đình mình, rằng Đoàn Văn Vươn là “Giang Hồ đất cảng có số má, vô cùng nguy hiểm”. Như cảm thấy chưa đủ, chưa yên tâm, phó chủ tịch Hải Phòng Đỗ Trung thoại đi nước cờ khoá đuôi, đón lõng sẵn, chậy tội cho đệ tử: “Do bức xúc mà người dân đã dật đổ ngôi nhà”, hai tuần sau lại đổi giọng: “…không biết ai đã dật đổ ngôi nhà?”. Và cuối cùng, ngày 10 – 2 Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng về diễn xuất luôn cả 3 vai Lập Pháp – Hành Pháp – Tư Pháp trong kết luận cuối cùng: “…vụ Tiên Lãng là trái pháp luật”, ông Dũng nhắc nhở: “…khẩn trương đưa vụ án giết người và chống người thi hành công vụ ra xét xử”. Với ban lãnh đạo Hải Phòng, chỗ dựa vững chắc cho các cái sai thì chỉ là “…kiểm điểm làm rõ trách nhiệm” và “… rút kinh nghiệm”…

Những gì mà ông Dũng đã nói trong chuyến vi hành này đã gây nên một cơn bão táp là các lời tán tụng, tung hô ông Dũng trên các trang báo “Lề Đảng”. Nhưng có một thực tế không thấy mấy ai nói tới:

Trước thời điểm 10 -2 – 2012, nếu ai ai cũng viện dẫn “Phản Biện Xã Hội không phải là việc của mình” như Giáo Sư Ngô Bảo Châu chủ trương, cũng “trùm chăn” như các ông “Trí Ngủ”, nếu không có những phản biện kịp thời của những trí thức dấn thân, các lão thành cách mạng, những chia sẻ của những người có lương tri… không biết bản chất thật của vụ cưỡng chế này còn bị đánh tráo, bị xuyên tạc, bị bóp méo, tới đâu và đã chắc gì có ngày 10 - 2 – 2012, ngày ông Dũng vì bất đắc dĩ đã phải ghé mắt đến cái bãi biển này để “Ra Tay Cứu Rỗi!” và làm gì có cơ hội để đám bồi bút múa bút tung hô. (!?)

Đến nay rất dễ thấy, sau những gì đã xẩy ra trên đất Tiên Lãng, đã le lói phát lộ một cách chân thực nhất cả một đường dây đặc quyền đặc lợi từ cơ sở Xã Vinh Quang – Huyện Tiên Lãng vắt qua Thành Phố Hải Phòng và có thể lắm, đường dây đó sẽ kết thúc ở nơi cao hơn, xa hơn Hải Phòng, nơi mà bác Lê Hiền Đức nói là “Hình ảnh phóng to của Tiên Lãng”, nơi đó sẽ lấp ló là những ai nữa đây? Vì sao đã có nghị quyết hội nghị trung ương 4 về chỉnh đốn đảng rồi mà nhiều vị “Vua” trong các vị “Vua Tập Thể”, các uỷ viên trung ương đảng, các ĐBQH của QH13 cứ 6 tháng lại nhóm họp một lần, đặc biệt là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng… đến hôm nay vẫn chưa một lần lên tiếng! Đường dây đó đang được mô tả là “Nhóm Lợi Ích” (!?). Thuật ngữ mang tính nửa vời và hết sức trung dung, trung tính này là sản phẩm của ai? Của những lý luận gia cao cấp nào, hay của những phản biện gia theo trường phái “Phản Biện Trung Thành”? Của ai thì cũng là không ổn, không thuyết phục. Tôi nghĩ nếu nói “Nhóm Lợi Ích” là đám “Cướp Ngày” thì có thể hơi quá, nhưng sẽ chẳng hề oan khi gọi đó là đường dây của những kẻ có “Đặc Quyền - Đặc Lợi”, được ăn trên ngồi chốc.

Một khi quan niệm: “Đầu tư cho chức quyền” là đầu tư sẽ có lãi khủng nhất! và điều đó vẫn mặc nhiên tồn tại như một tư tưởng chính thống của thời đại thì việc không ai phải kỷ luật cả sau khi “Quả bom nguyên tử Vinashin 4,5 tỉ USD” của nhân dân phát nổ là không có gì khó hiểu và đương nhiên ông Dũng hay bất cứ ông nào khác dính dấp tới vụ này cũng chẳng dại gì mà phải từ chức như đã hứa. Như vậy vấn nạn “Chậy Quyền – Chậy Chức” vẫn ngang nhiên thách thức, ngang nhiên tồn tại trong mọi hang cùng ngõ hẻm của cuộc sống này… thì cũng sẽ chẳng có gì là đảm bảo là không còn xuất hiện những vụ “Đoàn Văn Vươn” mới dữ dội và quyết liệt hơn nữa trong tương lai.

Chưa biết rồi những kết luận của ông Dũng có đem lại một kết quả nào cho dân Tiên Lãng nói riêng, cho dân oan Việt Nam nói chung không? Trong khi đó những đổ bể của thương vụ làm ăn này cũng đã làm bật tung ra những hình dong đích thực của những “Đầy Tớ” trung thành của dân. Hoá ra sau những danh xưng trí trá này, lại là những gương mặt nếu không cô hồn thì cũng là dị hợm, nếu không nhẫn tâm thì cũng là ác đức. Họ đang đi đứng vào ra những toà nhà, những xe hơi sang trọng, đang sở hữu những vi la, biệt thự nguy nga và họ không thôi bôi bác dè biểu những nhà “chòi trông cá”, những lều lán mà anh em Đoàn Văn Vươn cùng biết bao nông dân, dân oan Việt Nam đang nương náu. Họ là những kẻ tráo trở ở cơ quan tư pháp Tiên Lãng và Hải Phòng trong trò lừa đảo anh em nhà Đòan Văn Vươn rút đơn khởi kiện. Đó là kẻ hể hả tự sướng, coi vụ tập kích vào ngôi nhà của anh em Đòan Văn Vươn đang sở hữu hợp pháp là “Trận đánh đẹp, chưa từng thấy trong các giáo án hiện hành!”. Đó là kẻ chậy tội cho đồng bọn, bằng chiêu đổ thừa vụ phá nhà anh em Đòan Văn Vươn cho nhân dân xã Vinh Quang - Tiên Lãng…

Ngôi nhà của anh em họ Đoàn đã bị ủi đổ thì cũng làm sập đổ luôn cái huyền thoại dai dẳng lâu nay rằng, “Chính quyền là của dân, do dân và vì dân!”, phơi bầy đầy đủ luôn giữa thanh thiên bạch nhật những nỗi bất công, thiệt thòi mà người nông dân Việt Nam nhiều thập kỷ nay phải chấp nhận.

Những mất mát của anh em họ Đoàn thực ra chẳng là gì so với những bất công, mất mát, thiệt thòi, khổ đau của biết bao nông dân trong Nam, ngoài Bắc đã từng mất nhà, mất đất cho cuộc vinh thân phì gia của một nhúm những kẻ có đặc quyền đặc lợi trong cái “Mô hình Tiên Lãng phóng to” đó, nhưng… lời minh định của người em dâu ông Đoàn Văn Vươn: “Gia đình chúng em chấp nhận mất để cả xã hội được!” …là một phát lộ nhân cách, biểu đạt một thái độ sống cao đẹp hơn hẳn mấy ông lớn ở Tiên Lãng, Hải Phòng nhà cao cửa rộng và chắc là toàn sài bằng giả đang nhớn nhác lo không kịp thu hồi vốn liếng đã đầu tư vì phi vụ đổ bể này. Câu nói của người phụ nữ nông dân ít học đó xứng đáng là câu nói hay nhất trong năm và có giá trị làm tỉnh thức các “Trí Ngủ” đang ngáp ngắn, ngáp dài. Và như thế họ là hiện thân của ÁNH SÁNG đẩy lùi ĐÊM ĐEN. Hành động của họ, việc làm của họ chỉ ra một thực trạng: Điều gì phải đến rồi sẽ đến, không thể đảo ngược được.

***

Giã biệt một chiều Tiên Lãng hiếm hoi, trong tôi hỗn độn là những tạp niệm vui buồn, âu lo, hy vọng và thất vọng. Lang thang trong cái se lạnh của những đợt gió mùa Đông Bắc đang ào ạt kéo về, giữa dòng người, dòng xe cộ đang cuộn trôi… không biết những người đồng bào của tôi đang ở phía trước tôi, sau lưng tôi, bên phải tôi, bên trái tôi, những người bạn học chí thân của tôi gốc Hải Phòng từ hơn 40 năm trước đang ở rất gần nơi tôi đang đứng… những ngày này mọi người đang nghĩ ngợi gì về các địa danh Vinh Quang – Tiên Lãng – Hải Phòng quê hương mình, về những anh em và gia đình họ Đoàn, về những lời tán thán, tâng bốc quá vội dành cho những gì mà ông Dũng mới kết luận trong chuyến vi hành tới Hải Phòng ngày 10 – 2 – 2012 ? Họ đang nghĩ gì về những ông lớn mang tên họ Ngô…, họ Lê…, họ Đỗ…, họ Nguyễn… ở mảnh đất này và không biết mọi người có tin rồi mai này vấn đề Tiên Lãng sẽ được xét xử công bằng đúng pháp luật, đúng đạo lý? Nếu ai hỏi tôi câu hỏi đó, tôi sẽ trả lời thẳng:

Tin sao được khi những người làm sai, làm trái ở Hải Phòng như Đại Tá Đỗ Hữu Ca và Phó Chủ Tịch Thành Phố Hải Phòng Đỗ Trung Thoại lại là những người nhân danh công lý đi thực thi những kết luận của thủ tướng (!?)… nên không có gì là lạ, túp lều ở tạm của vợ con anh em họ Đoàn vừa dựng lên dịp tết lại vừa bị người xấu giật đổ, bàn thờ tổ tiên ông bà bị ném xuống sông (!?).

Tin sao được khi chỉ một tuần lễ sau chuyến công cán tại Hải Phòng (10 – 2) với những kết luận, thực ra cũng chỉ là nửa vời của ông Dũng thì… trong bài nói chuyện với các cán bộ trung cao tại câu lạc bộ hưu trí Bạch Đằng (17 – 2) ông Nguyễn Văn Thành – Trung Ương uỷ viên ĐCS, bí thư thành uỷ Hải Phòng chắc là có “Vua” nào đó đỡ lưng, đã dám hùng hổ phủ nhận gần như hoàn toàn những kết luận của ông Dũng, xúc phạm báo chí, coi thường người nghe… làm các lão thành cách mạng của Thành Phố Cảng nổi giận đòi Bộ Chính Trị cách chức ông này.

Tin sao được khi vấn đề nhậy cảm, hệ trọng hơn vấn đề Tiên Lãng nhiều, vấn đề liên quan đến sự vẹn toàn của lãnh thổ, đến danh dự của cả dân tộc là vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa mà chỉ mình ông Nguyễn Tấn Dũng là được nói “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam” còn những công dân yêu nước như Phạm Thanh Nghiên, Vũ Cao Quận, Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Văn Nhàn, Nguyễn Văn Túc, Phạm Văn Trội, Nguyễn Văn Hải, Vũ Hùng, Cù Huy Hà Vũ, Vi Đức Hồi, Bùi Thị Minh Hằng… và nhiều người khác cũng nói thế, lại còn nói trước ông Dũng rất lâu thì người bị đi tù, người thì phải đi phục hồi nhân phẩm? Tôi nghĩ có ngày tôi, đồng nghiệp của tôi đang còn đứng bục giảng, học trò của chúng tôi trong các nhà trường…cũng có thể lọt vòng lao lý vì thầy trò chúng tôi cũng luôn dậy nhau câu: “Hoàng Sa – Trường Sa là của người Việt Nam”.

Trong một môi trường sống loạn chuẩn như thế, điều gì cũng có thể xẩy ra và sẽ không thể có một niềm tin nào hết. Có lẽ câu cửa miệng của người đời “Hãy Đợi Đấy” và lời nhắn gửi của Juy li út Phu Xích, nhà báo cộng sản Tiệp Khắc nhiều thập kỷ trước, viết trong “Viết Dưới Giá Treo Cổ”: “ NHÂN LOẠI HỠI! HÃY CẢNH GIÁC!”… đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Vậy đến bao giờ người Việt Nam sẽ thôi phải nơm nớp lo cảnh giác để niềm tin trở lại? Trả lời câu hỏi này không khó. Đó là lúc người Việt Nam bước ra khỏi “Mê Lộ” của những giáo điều Mác – Lê đã quá sơ cứng, là lúc người trí thức Việt Nam không phải “…rụt rè gà phải cáo” và “…cố đấm ăn sôi” nữa, là lúc nông dân với 70 % dân số được trao trả quyền sở hữu thực sự trên chính mảnh đất của mình, là lúc người Việt Nam được hưởng quyền con người như các dân tộc văn minh đang được hưởng… tức là lúc xã hội Việt Nam có dân chủ thực sự.

Tôi đến với Tiên Lãng trong cảm hứng da diết của lời ca trong bài “Chiều Mưa Biên Giới…” của Nguyễn Văn Đông:

“…kìa rừng chiều âm u rét mướt
Chờ người về vui trong giá buốt…người về bơ vơ!”


Tôi giã từ Hải Phòng, trong tâm khảm phảng phất một cảm xúc rất Thiền:

“…lòng trần còn tơ vương Khanh – Tướng
Thì đường trần mưa bay gió cuốn… còn nhiều anh ơi!”


Cảm xúc này xin gửi cho các “Đầy Tớ” của nhân dân ở xã Vinh Quang, ở huyện Tiên Lãng, ở thành phố Hải Phòng và ở cả cái thực thể phóng to từ những địa danh này mà bác Lê Hiền Đức đã nói tới. Xin gửi tới những Khanh Tướng đã tham gia cuộc cưỡng chế vì “Nhóm Lợi Ích” và gửi cả Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng người đã có công vỗ về gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn những ngày vì khát vọng được sống trong tư cách NGƯỜI, được hy sinh phần cá nhân, để cả xã hội được, mà phải thành thân tàn ma dại, tan cửa nát nhà.

Tiên Lãng một chiều đầu năm Nhâm Thìn
Nhà Báo Nguyễn Thượng Long
Nơi ở: Tổ 6 Đường Văn La – Phú La – Hà Đông – Hà Nội
Điện Thoại: 0433521066
Email: nguyenthuonglong571@gmail.com

(Nguồn: http://danlambaovn.blogspot.com/ )
 
Văn Hóa
Tra trở về thôi
Tuyết Mai
10:04 25/02/2012
Suốt 40 ngày Chay Thánh của năm nay 2012, chúng ta có nên suy nghĩ hay cần phải sửa đổi điều gì, để giúp chúng ta trở nên thánh thiện hơn, và gần Chúa hơn hay không?. Tôi thiết nghĩ cũng nên lắm vì cuộc đời của chúng ta ngày lại ngày, nếu không tìm thời giờ dành cho Chúa, thì không bao giờ chúng ta có được thời giờ để thở và để nhớ đến Người trong thờ phượng và trong sự biết ơn. Vì Người mà chúng ta hiện có tất cả!. Vì Người mà chúng ta biết sống làm sao để xứng đáng với danh xưng là những Kitô hữu có Chúa trong quả tim của mình.

Trong cuộc sống hiện tại của chúng ta thì ai mà không bận rộn? Không có những lo toan?. Không có những phiền toái, nhất là không phải lo từng miếng ăn, và nơi chốn để đặt lưng mà ngủ nghỉ?. Và còn nhiều thứ cần phải có lắm!. Nhưng có phải Thiên Chúa, nếu Người chỉ cho chúng ta sống từng ngày một, thì chúng ta nghĩ cuộc sống của mình phải như thế nào đây?. Có phải lòng tham của con người là không có đáy?. Nếu Chúa ban cho chúng ta một ngày nhiều hơn 24 tiếng, mà chỉ có ban ngày chứ không có ban đêm, chắc hẳn chẳng ai trong chúng ta còn sống sót, bởi chẳng ai muốn tìm giấc ngủ về đêm mà không tham lam ôm đồm, để kiếm thêm thật nhiều tiền.

Thời giờ phải công nhận nếu chúng ta không biết cách sống, sống một cách có ý nghĩa, sống một cách tiết độ, thì đời của chúng ta thời giờ nó trở thành những uẩn khúc chán nản vô cùng tận. Đã dài lê thê vô cùng tận thì nó lại càng đưa chúng ta đi sâu vào con đường của tội lỗi và của tuyệt vọng. Chúng ta không mấy chốc trở thành những con người vô dụng và là cặn bã của xã hội. Chúng ta đương nhiên trở thành những con người ăn bám vào gia đình, bất trị của xã hội, và là con người bất xứng trước nhan Thánh Chúa.

Nếu chúng ta biết sống từng ngày một và không biết khi nào Chúa gọi chúng ta ra khỏi cuộc đời này, quả tự nhiên chúng ta sẽ biết sống ra sao cho một ngày trở thành có ý nghĩa, và chia giờ đồng đều cho tất cả mọi người, mà nhất là cho chính bản thân của chúng ta. Sống trong cuộc đời trần thế này ai cũng phải hiểu tiền là quan trọng và là thiết yếu nhất, nhưng ai cũng đồng ý rằng Nó bạc nhất. Kế đến là sức khỏe của chúng ta, dù có tiền nhưng thiếu sức khỏe thì đồng tiền sẽ đương nhiên trở thành mất giá trị.

Rồi thì hạnh phúc từ nơi gia đình của chúng ta nữa!. Có phải làm gì thì làm rồi cuối ngày chúng ta cũng phải trở về với mái ấm của gia đình?. Cả ngày chúng ta đã quá mệt mỏi trong công việc, phải tranh dành nhau, phải né tránh nhau, và quỵ lụy nhau, chỉ vì không muốn mất việc?. Đầu óc và tay chân của chúng ta phải như cái máy và rất nhiều khi, công việc và con người đã đem lại cho chúng ta sự căng thẳng không thể tránh được?.

Có nhiều gia đình của anh chị em mà chúng ta thường thấy, chẳng có một chút gì gọi là gia đình cả, mà toàn là những hải đảo con con, rất xa cách nhau. Phải đồng ý rằng những gia đình này họ rất có tiền vì họ mua nhà mỗi người đều có phòng riêng, chưa kể nhà có mấy tầng lầu lận!. Nên gia đình lại chẳng có gì gọi là ấm cúng cả!. Giầu quá thì mỗi người là một tầng lầu. Ai về cũng chẳng biết?. Ai cảm bệnh cũng chẳng biết mà thăm hỏi hay có sự chăm sóc cho nhau?. Ai không có nhà cũng mặc?. Buồn quá phải không thưa anh chị em?. Đối với những anh chị em này thì quả tiền bạc là trên hết.

Cuộc sống cứ thế kéo dài, dài cho đến chừng nào mà tiền nó cạn, thì mới thay đổi, mà thay đổi theo chiều hướng nào thì ai mà biết?. Cuộc sống của con người ở mọi thời đại thì hầu hết không có sự thay đổi. Cho nên Thiên Chúa làm gì có mặt trong cuộc đời của họ!?. Con người của chúng ta thường rất làm biếng, làm biếng trong mọi mặt, chỉ trừ cách kiếm tiền cho thật nhiều mà thôi!. Nhưng thật lạ cho những ai càng kiếm nhiều tiền thì họ càng sống xa Thiên Chúa. Cũng rất dễ hiểu vì tiền họ kiếm được là do những mánh mung và lừa đảo, cho nên chỉ có quỷ ma mới làm cho họ quên và xa lánh Chúa của họ.

Quả thật linh hồn của chúng ta thật khó mà giữ cho khỏi sa hỏa ngục đời đời kiếp kiếp!. Làm ăn đàng hoàng chân chính thì chỉ đủ ăn và đủ xài, không dư để mà sống cho bằng chị bằng em. Như chúng ta thử nhìn chung quanh chúng ta mà xem!. Bao nhiêu kiểu buôn kiểu bán trong xã hội của ngày hôm nay?. Bao nhiêu hình thức để che mắt thiên hạ và che mắt Thánh?. Ngày nay có biết bao nhiêu bộ óc thật cao siêu, có thể làm tê liệt cả một quốc gia chỉ qua cách làm ăn mánh lới trên computer. Làm việc cho chính phủ thì ăn gian ăn chận theo kiểu làm việc cho chính phủ. Lừa lọc tiền thuế đóng của dân để được hưởng đủ mọi thứ. Quả thật đủ mọi thành phần!. Vâng, trong số những con người ấy có tôi!.

Lậy Thiên Chúa rất dấu ái của chúng con! Chúng con sẽ bắt đầu từ đâu để sửa đổi lại con người tội lỗi xưa cũ của chúng con đây?. Trở về cùng Chúa là điều rất khó để làm!. Sao chúng con có thể dũ bỏ những gì chúng con đang có và sẽ có?. Sao chúng con có thể trở thành thánh thiện khi mà đường lối ma quỷ chỉ lối dẫn đường, chúng con không chịu bỏ?. Bỏ là mất đi rất nhiều những hoa lợi, quyền lực, danh lợi, và thanh thế. Ai cũng công nhận rằng đời thì còn rất dài, sao có thể chết một cách bất đắc kỳ tử cho đặng?. Chẳng phải chúng con không hiểu đâu thưa Chúa, nhưng hình như chúng con thật bất lực vì lòng tham vô đáy của chúng con.

Chỉ vì chúng con nghĩ rằng chúng con sẽ được sống đời, chẳng những đời con mình còn ăn chưa hết, thì lo chi việc trở về cùng Chúa?. Xin Thiên Chúa giúp chúng con trong mùa Chay Thánh này bỏ được từ từ những tánh hư tật xấu, chúng con cố gắng để từ bỏ. Có thể là từ bỏ những đồ vật còn tốt mà chúng con chứa trong nhà, đem chia sẻ cho những con người cùng khốn. Xin Lễ cho các linh hồn nơi Luyện Ngục. Giúp đỡ cho Ơn Thiên Triệu nơi giáo xứ của mình. Rộng rãi giúp cho những nơi cần bát cơm tình thương. Giúp người homeless không nhà cửa. Bỏ giờ đi thăm người già đơn chiếc nơi viện dưỡng lão và kẻ tù rạc.

Nhưng không gì bằng vẫn là sự cố gắng để dành cho Chúa thêm giờ kinh nguyện hằng ngày, để chúng con có thể nghe được tiếng Chúa. Tập đọc kinh Mân Côi, không cần cả chuỗi cho một ngày, nhưng đó là sự cố gắng và hy vọng có Mẹ Maria sẽ tiếp sức cho chúng con, và không bao lâu chúng con sẽ bỏ được dần những tánh hư tật xấu, tưởng chừng chúng con không thể bỏ được. Xin Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúc lành cho tất cả chúng con một Mùa Chay an lành cả hồn lẫn xác. Amen.
 
Hành trình mùa chay
Thanh Sơn
10:06 25/02/2012
TỪ trong tro bụi lặng thinh
TRONG tay Thiên Chúa tạo hình mà ra
TAY Ngài chạm đến thân ta
CHÚA phà vào chút kiêu sa phần hồn
TẠO nên sự sống trí khôn
RA thành hình ảnh phải tôn kính Ngài

KHỞI từ nguyên thủy hình hài
TỪ tình thương Chúa công khai vào đời
TRO ghi trên trán như lời
BỤI này ta đã vào đời khi xưa
THÂN ơi! tội lỗi xin chừa
TA ra tro bụi ngày xưa hữu hình
THÀNH hình con Chúa lặng thinh
HÌNH vào sa mạc hành trình mùa chay

MÙA Chay là bốn mươi ngày
CHAY là hãm lại đổi thay xác hồn
HỐI mình tâm tịnh ôn tồn
LỖI nào ta chẳng trung ngôn trước Ngài
XÉT mình thống hối phạm sai
MÌNH con qùy trước nhan Ngài xác thân

BỐN mươi ngày quyết ân cần
MƯƠI ra những tội xác thân yếu hèn
NGÀY ngày chừa bớt bon chen
SẼ nên đẹp tựa hoa sen thanh mình
PHỤC hồi lại kiếp đẹp xinh
SINH ra kiếp mới ân tình thắm tươi
KHẢI hoàn lại một kiếp người
HOÀN toàn tươi mới hoa cười PHỤC SINH.
 
Thánh ca truyền thống Mùa Chay: “God of Mercy and Compassion”.
Rev. Edmund Vanghan
19:10 25/02/2012
Trong thời gian Mùa Chay những bài thánh ca của chúng ta chuyên chở một giai điệu trang nghiêm hơn, sử gia âm nhạc Monsignor Philip Whitmore đã nói, dù đó là một mùa hân hoan, đó là là mùa khổ hạnh, và sự khổ hạnh này đả phản hồi trong nghi thức phụng vụ của chúng ta: “Vào Mùa Chay chúng ta tham gia với Chúa Giê-su của chúng ta trong việc chay tịnh hãm mình 40 ngày của Người. Chúng ta dâng lời cầu nguyện, ăn chay hãm mình và thi ân, vậy khi tự mình chuẩn bị tinh thần vào những sự kiện vĩ đại của Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh … chúng ta dùng lễ phục mầu tía, chúng ta bỏ đi kinh Gloria và Alleluia

Video bài thánh ca “God of Mercy and Compassion”

Trong số những bài thánh ca Monsignor Whitmore chọn từ truyền thống Công Giáo là bài “God of Mercy and Compassion”. Lời bài thánh ca được viết bởi linh mục Edmund Vanghan dòng Tên thế kỷ 19, bác của Hồng y Herbert sau này, người mà đặt nền móng Nhà Thờ Chánh tòa Westminter … giống như nhiều bài thánh ca thời Victoria, nó dùng điệp khúc mà ở đó chúng ta diễn tả mục đích kiên quyết của sự tu chỉnh: “Mọi tội lỗi của tôi giờ đây tôi căm ghét, tôi sẽ không bao giờ tái phạm.”