Ngày 25-02-2018
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cảnh báo về “giữ chay giả hình” trong mùa Chay Thánh này.
Giuse Thẩm Nguyễn
16:20 25/02/2018
Vatican News - Trong Thánh Lễ vào Sáng Thứ Sáu tại nhà nguyện Casa Santa Marta ĐGH cũng kêu gọi hãy coi chừng cái mà ngài gọi là “ giữ chay giả hình”. Khi giữ chay, một người tín hữu đích thực phải kiên tâm bền chí, không được khoe mẽ, không bao giờ được lên mặt coi khinh kẻ khác hay là cãi vã gây nên bất đồng.

Cảnh báo về hành vi không phù hợp với tinh thần chay tịnh, ĐGH mời gọi mọi người hiện diện hãy xem lại việc mình đối xử với tha nhân như thế nào.

Bài đọc thứ nhất của ngày hôm nay nhấn mạnh đến việc giữ chay như thế nào để được Chúa chấp nhận đó là nhắm vào việc “mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm.”

Đừng giả vờ đạo đức.

ĐGH Phanxicô nhắc nhở các tín hữu rằng giữ chay hãm mình là những việc cần làm trong Mùa Chay, nhưng ngay cả “ nếu con không thể thực hiện một cuộc giữ chay toàn diện được vì việc ấy làm con quá đói” thì con vẫn có thể giữ chay với lòng khiêm nhường và quyết tâm.

Tiên Tri Isaiah nhấn mạnh đến những điều không phù hợp trong việc thực hành các việc đạo đức như “ thực hiện theo ý riêng của con, ức hiếp các người làm việc cho con, và như thế, việc giữ chay của con sẽ chấm dứt bằng cãi vã và xung khắc.”

ĐGH nói rằng, giữ chay là “ tự lột bỏ” niềm tự hào kiêu hãnh của mình. Ngài nói rằng khi con cảm tạ Chúa mà lại cùng lúc khinh chê những người làm công cho con, cắt bớt tiền công của họ để buộc họ phải sống trong nghèo đói là không phù hợp và không theo đường lối của Chúa.

ĐGH mời gọi những người hiện diện thực hiện hòa giải với Chúa và rằng “ con không thể một tay đi với Chúa và tay kia đi với ma quỷ được.”

Ngài cũng cảnh báo coi chừng rơi vào cám dỗ qua việc “chứng tỏ mình giữ chay” bằng cách làm những điều khác người, cho người ta thấy là mình đang giữ chay, đang ăn năn xám hối nhằm mục đích cho người ta nghĩ rằng “ mình là người tốt.” Đây là sự phỉnh gạt và “ nó chỉ là đạo đức giả vờ mà thôi.”

Giữ chay với một nụ cười.

ĐGH Phanxicô nói rằng “chúng ta phải dấu kín việc giữ chay bằng một nụ cười. Đừng cho người khác biết là mình đang thực hiện việc ăn năn xám hối.”

Ngài mời gọi các tín hữu hãy giữ chay bằng cách “ giúp đỡ người khác, nhưng luôn với một nụ cười.” Giữ chay là tự hạ mình vì tội lỗi của mình và xin Chúa tha thứ.

Ngài nói thêm rằng tôi sẽ cảm thấy xấu hổ đến thế nào nếu tội của tôi được phơi bày trên báo chí? Và ngài tiếp tục kêu gọi “ hãy tháo bỏ xiềng xích bất công.”

“Cha nghĩ đến những người làm công, giúp việc nhà chỉ vì miếng ăn và họ đã bị xỉ nhục và khinh bỉ…Cha không thể quên cái lần cha đến nhà một người bạn lúc còn nhỏ và đã chứng kiến cảnh một bà mẹ đã tát một bà cụ giúp việc khi cụ đã 81 tuổi …”

Khi nhắc lại câu chuyện thương tâm đó, ĐGH kêu gọi các tín hữu hãy tự hỏi xem mình có đối xử với người giúp việc nhà của mình một cách công bình không, có đối xử với họ như họ là con người hay là kẻ nô lệ, có trả tiền công đúng mức và có cho họ nghỉ lễ và có tôn trọng nhân phẩm của họ không.

Giữ chay với sự bền vững

ĐGH Phanxicô tiếp tục kể về chuyện khác qua kinh nghiệm cá nhân của ngài. Ngài kể rằng có một lần khi nói chuyện với một người có văn hóa nhưng lại có tiếng là bóc lột những người giúp việc nhà. Ngài đã giải thích cho ông ấy rằng đây là một trọng tội vì tất cả chúng ta đều được tạo nên giống hình ảnh của Thiên Chúa.

Bài đọc Thứ Nhất hôm nay dạy chúng ta “chia cơm cho người đói,rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân,không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục”, ĐGH lưu ý đến những tranh cãi hiện nay về việc có nên hay không cho người trú ngụ khi người anh em kêu cứu.

Ngài khuyến khích các Kitô hữu thực hành “ăn năn”, “cảm thấy đói một chút”, “ cầu nguyện nhiều hơn trong Mùa Chay” và xét mình về cách đối xử với tha nhân:

ĐGH nói,“Việc giữ chay của con có giúp đỡ được người khác không? Nếu không thì việc giữ chay là giả hình, nó không thích hợp và nó đưa con tới lối sống hai mặt, chỉ giả vờ là Kitô hữu thôi – giống như những người Biệt Phái và Ký Lục.”

Chúng ta hãy cầu xin ơn bền vững, ngài kết luận: “ Nếu con không thể làm được một điều gì đó, thì con đừng làm. Con chỉ nên làm những điều mà con có thể làm được với sự bền vững của một người Kitô hữu đích thực.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Đức Thánh Cha thăm một giáo xứ tại Rôma
Đặng Tự Do
21:23 25/02/2018
Chiều Chúa Nhật 25 tháng 2, Đức Thánh Cha đã đến thăm và dâng thánh lễ tại giáo xứ Thánh Giêlasiô trong vùng Ponte Mammolo ở Rôma. Trong chuyến viếng thăm này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ những người trẻ tuổi, những người đau yếu, các gia đình và các nhân viên Caritas đang hoạt động trong giáo xứ.

Đây là giáo xứ thứ hai trong giáo phận Rôma được Đức Thánh Cha viếng thăm từ đầu năm 2018 đến nay. Chiều ngày 28 tháng Giêng vừa qua, Đức Thánh Cha đã thăm Đền Thờ Thánh Sôphia của người Công Giáo Ukraine.

Được thành lập vào năm 1972, giáo xứ Giêlasiô quy tụ hàng trăm gia đình. Bên cạnh đó, còn có khoảng 250 người nghèo sống trong những nơi ẩn náu tạm thời tại công viên Aniene gần đó.

Mỗi sáng thứ Năm, Caritas giáo xứ phân phối quần áo và các gói thực phẩm cũng như các bữa ăn sáng và trưa cho hơn 50 người trong khu vực.

Đến nơi vào khoảng 4 giờ chiều giờ Rome, Đức Thánh Cha gặp gỡ các trẻ em và các gia đình, đặc biệt những người ốm đau, người cao niên, người nghèo và các công nhân làm việc tại trung tâm Caritas. Ngài cũng gặp gỡ hai người trẻ, tuổi từ 18 đến 25, đến từ Cộng hòa Gambia và đang được lưu trú tại giáo xứ.

Vào khoảng 6 giờ chiều, Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật thứ Hai Mùa Chay.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Đông Trì Hà Nội mừng lễ thánh quan thầy Théophane Vénard Ven
Giáo xứ Đông Trì
10:04 25/02/2018
THÁNH LỄ MỪNG KÍNH 157 NĂM CHA THÁNH VEN ĐƯỢC PHÚC TỬ ĐẠO (1861-2018) - QUAN THẦY ĐỆ NHỊ GIÁO XỨ ĐỒNG TRÌ

Theo truyền thống, Giáo xứ Đồng Trì sẽ mừng kính Cha Thánh Ven tử đạo vào ngày 18 tháng 02 hàng năm, nhưng năm nay do vào mùng 3 Tết nên Giáo xứ đã chuyển Lễ mừng kính Ngài vào ngày 20/02/2018.

Trước đó, Cha Giuse Maria Vũ Thanh Cảnh đã khai mạc Chương trình Diễn nguyện Mừng kính 157 năm Cha Thánh Ven được phúc tử đạo vào tối ngày 19 tháng 02 hôm trước ngày lễ chính. Các tiết mục do các hội đoàn trong giáo xứ được dàn dựng công phu, đặc biệt là phần Diễn nguyện tái hiện lại con đường mà Cha Thánh Ven từ khi con nhỏ sống trong gia đình đạo đức thánh thiện, đến khi dâng mình cho Chúa và sang Việt Nam truyền giáo và nhất là sự kiên trung can trường chịu mọi khổ đau tử đạo vì đạo Chúa trên mảnh đất Việt Nam yêu dấu mà Chúa đã trao cho Ngài.

Xem Hình

Sáng 20/02/2018, chính ngày lễ mừng kính trọng thể 157 năm Cha Thánh Gioan Théophane Vénard (Ven) được phúc tử đạo. Trước Thánh lễ vào lúc 9h30, Cha bản hương Giuse Nguyễn Thực Nghiệm đã chủ sự cuộc rước hài cốt tôn vinh Cha Thánh Ven quanh làng Đồng Trì. Cuộc rước diễn ra trong sự trang nghiêm và sốt sắng của cộng đoàn giáo xứ và đông đảo quý khách hành hương.

Vào lúc 10h30, Thánh lễ mừng kính Cha Thánh đã được cử hành trọng thể do Cha Phaolô Nguyên Trung Thiên - Quản hạt Chính tòa, nguyên chính xứ Đồng Trì chủ sự. Cùng đồng tế với Ngài còn có cha xứ Antôn Trần Duy Lương, ngoài ra còn có hiện diện của Cha nguyên chính xứ Giuse Nguyễn Văn Tuyền, quý cha giáo Đại chủng viện Thánh Giuse, quý cha trong giáo hạt Chính tòa và Dòng Vinh Sơn, quý tu sỹ nam nữ, các giáo xứ bạn cùng về hiệp dâng Thánh lễ mừng kính Cha Thánh với cộng đoàn giáo xứ Đồng Trì.

Kết thúc Thánh lễ, Cha chủ sự và đoàn đồng tế đã xông hương Thánh Tích của Cha Thánh Gioan Ven, sau đó cùng với đoàn đồng tế và giáo dân tiến đến hôn thánh tích trong tiếng nhạc và tiếng ca oai hùng ca ngợi các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Lễ mừng kính 157 năm Cha Thánh Théophane Vénard (Ven) được phúc tử đạo cũng là dịp để chúng ta cùng nhau hướng về các Thánh tử đạo Việt Nam để tôn kính và biết ơn các Ngài. Các Thánh tử đạo Việt Nam trong đó có Cha Thánh Ven đã đổ máu đào của mình để viết nên những trang sử hào hùng, để gieo trồng hạt giống đức tin nơi đất nước Việt Nam dấu yêu. Các Ngài là minh chứng hùng hồn nhất cho đức tin - đức cậy - đức mến, các Ngài là minh chứng sống cho tình yêu của Đức Giêsu Kitô nơi trần gian. Riêng với Cha Thánh Ven đó còn là minh chứng cho tình yêu, tình yêu đó ko chỉ dành cho các đoàn chiên của mình mà còn là tình yêu dành cho những kẻ bắt bớ đánh đập Ngài. Ngài cầu nguyện cho họ, ngài chúc lành cho họ. Đối với ngài gông cùm hay những cực hình đau đớn chỉ là “ách êm ái dịu dàng nhất”. Khi lên pháp trường, Ngài chẳng những không sợ mà còn hiên ngang tuyên xưng đức tin của mình “Tôi thiết nghĩ cuộc sống nơi trần gian này đâu quý báu đến nỗi phải trả bằng cái giá của sự bội giáo”. Với ngài cái án tử hình cũng chỉ nhẹ như “ngắt nhẹ một cánh hoa để dâng lên bàn thờ Đức Mẹ”.

TÓM TẮT TIỂU SỬ CHA THÁNH GIOAN THÉOPHANE VÉNARD (VEN)

- Sinh ngày: 21-11-1829

- Sinh tại: Saint Loup sur Thouet, Poitiersm, Pháp

- Chịu chức Linh mục năm 1852 - thuộc Hội Thừa sai Paris.

- Truyền giáo tại Việt Nam từ năm 1854.

- Ngày 30-11-1860, Ngài bị bắt và giải về Kẻ Chợ.

- Ngày 02-02-1861, Ngài bị trảm quyết.

- Sau khi bị trảm quyết, thủ cấp của cha Ven bị bêu lên cây ba ngày, sau đó thả trôi trên sông Hồng, giáo dân xứ Đồng Trì đã vớt được và an táng cùng xác của Ngài tại Giáo xứ.

- Năm 1865, Hài cốt của Ngài được chuyển về an táng tại Hội Thừa Sai Paris, Pháp.

- Ngày 2-5-1909, Đức Thánh Cha Pi-ô X tôn phong Chân Phúc cho Cha Ven.

- Ngày 19-6-1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn phong Cha Ven lên bậc Hiển Thánh.

Sau đây là một số hình ảnh về ngày lễ:

Hình ảnh: Song Hào

BAN TRUYỀN THÔNG GIÁO XỨ
 
Gia đình VietCatholic họp mặt mừng Xuân
Minh Thu
19:44 25/02/2018
LITTLESAIGON - Chiều ngày 24 tháng 2 năm 2018 qúi linh mục, thân hữu và anh chị em cộng tác viên của VietCatholic miền Nam Cali đã họp mặt tại trụ sở VietCatholic ở Garden Grove để mừng Xuân Mậu Tuất. Trước cuộc họp mặt, Cha giám đốc Trần Công Nghị cùng quí cha Vũ Hân, Cha Nguyễn Đức Trọng, Cha Nguyễn Quốc Dũng, CSsR, Cha Trần Văn Tân, đã dâng thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa vì biết bao nhiêu ơn lành tuôn đổ trên các gia đình qúi anh chị em trong năm qua và cầu xin ơn lành sức khỏe, an bình hạnh phúc và thành đạt trong năm mới.

Hình ảnh

Cha Bề trên Dòng Chúa Cừu Thế Long Beach Nguyển Quốc Dũng đã chia sẻ lời Chúa. Trước hết Ngài nói lên những cảm nhận của chính Ngài từ trang Truyền thông VietCatholic có biết bao nhiêu tin tức và tài liệu hữu ích. Thành quả này là do sự cộng tác làm việc của tất cả quí linh mục, tu sĩ và anh chị em cộng tác viên. Tiếp đến Ngài chia sẽ ý nghĩa bài Phúc Âm về Cúa Giêsu biến hình, tâm ý của Chúa là để các môn đệ và chúng ta hiểu dược rằng phải qua thánh giá mới tới được vinh quang, và cầu chúc cho chúng ta trong Mùa Chay thánh này ai nấy cũng sẵn sàng cùng đi với Chúa trong hành trình thánh thiện của Mùa Chay.

Sau thánh lễ đáng lẽ bữa Tiệc Mừng được tổ chức ngoài trời trong khung viên VietCatholic với khung cảnh Tết với hoa lá tự nhiên, nhưng vì thời tiết lạnh nên anh chị em phải khiêng bàn ghế vào trong nhà dùng thưởng thức bữa Tiệc gồm nhiều món ăn rất ngon và đậm bản sắc quê hương. Ngoài các món của VietCatholic như cơm hến, xôi gấc, bánh chưng, chả lụa, các anh chị em còn mang tới nào là: "rựa mận" (năm Tuất mà), thịt dê xào lăn, gỏi đủ đủ bò khô, bún mọc, dưa món, giò thủ, thạch dứa, trà trái cây, các loại trái cây... mứt, kẹo thơm ngon. Ngoài nước ngọt, rượu, bia còn có anh đưa tới cả chú XO nữa.

Trên bàn ăn truyện ngắn truyện dài, ai ai cũng vui mừng chia sẻ những cảm nghĩ và những chuyện vui cười cách nồng nhiệt.

Tiếp đến là nhập bàn chơi "Bầu cua cá cọp" để là lấy hên ngày Tết với XNV Thu Hương là chủ xòng, có tí tiền là ai cũng hăng say vui nhộn! Người được người thua! nhưng không thấy ai buồn phiền mà mọi người vui vẻ cả làng. Hứng thú nhất lại là những anh chị chầu rìa, có khi còn mạnh mẽ cổ võ hơn mấy người chơi thực với tiếng hò la vang vọng...

Phần nhạc thính phòng được nối tiếp với ca sĩ kiêm nha sĩ Diễm Khanh chủ trì với chồng là nhạc sĩ Thông đệm đàn. Tiếng hát ấm cúng truyền cảm, cách trình diễn sống động lôi cuốn của chị Diễm Khanh đã đưa anh chị em nhập hồn vào thế giới âm nhạc... nên sau đó nhiều anh chị em được mời lên trình diễn góp vui.

Xong phần nhạc thính phòng lại còn mục hát Karaoke. Dàn âm thanh khủng do anh chị Hóa Dung dàn dựng với âm thanh tuyệt vời, muốn hát bài gì anh Hóa đều có hết, nên nhiều anh chị em đã trở thành ca sĩ thượng thặng trong một sớm chiều tại Trung tâm VietCatholic.

Mỗi lần gặp nhau là mỗi lần anh chị em có cơ hội biết nhau thêm để cùng nhau làm việc tông đồ cho Chúa qua phương tiện truyền thông. Được gặp nhau, tay bắt mặt mừng, xiết chặt thêm mối giây liên kết và quí mến nhau hơn.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lời cầu nguyện của người chiêm niệm, kỳ cuối
Vũ Văn An
16:28 25/02/2018
Cầu nguyện và Dấn thân

Khi xem xét kinh nghiệm cầu nguyện của Thánh Têrêxa như “một chia sẻ thân mật giữa bạn bè,” ta có thể thấy việc cầu nguyện và lý tưởng chiêm niệm của ngài là một kinh nghiệm dấn thân và quyết tâm làm một điều gì đó. Điều này hiển hiện ngay ở các trang đầu của Đường Trọn Lành; “Tôi vốn chỉ ước mong và vẫn còn ước mong rằng vì Người có quá nhiều kẻ thù và ít bạn bè như thế, nên số bạn bè ít ỏi này phải là những bạn bè thật tốt. Thành thử, tôi quyết tâm làm ít thôi trong khả năng của mình; nghĩa là, sống theo các lời khuyên của Tin Mừng một cách hoàn hảo bao nhiêu có thể và cố gắng để số người ít ỏi đang sống ở đây này cũng làm y như vậy.” (W.1.2) Cầu nguyện đưa chúng ta vượt quá chính chúng ta. Có một sự dấn thân thâm hậu hóa muốn sống ơn gọi của mình một cách trung thành và đáp trả các đòi hỏi của hoàn cảnh lịch sử trong đó, ta đang sống.

Dấn thân và quyết tâm làm một điều gì đó cho Giáo Hội và thế giới không phải chỉ là hoa trái của cầu nguyện. Đối với Thánh Têrêxa, cầu nguyện còn là việc dấn thân và quyết tâm giúp đỡ thế giới nữa.
     
Cầu nguyện như tình bạn với Thiên Chúa là phải hòa mình vào thế giới của Thiên Chúa vì Thiên Chúa vốn dấn thân với con người và lịch sử nhân bản. Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết rằng: “tình yêu đích thực luôn có tính chiêm niệm,” vì cầu nguyện chiêm niệm thanh tẩy và giải thoát ta khỏi các dây trói của ích kỷ và biến đổi cách nhìn và cách yêu thương của ta; chiêm niệm mở đôi mắt ta để thấy vẻ đẹp của thế giới Thiên Chúa và của các anh chị em ta và đổ đầy trái tim ta lòng cảm thương đối với các đau khổ của con người. Người của cầu nguyện nào biết mình được Thiên Chúa yêu thương sẽ thấy mình được tái tạo và được Thiên Chúa cứu rỗi và nay trở nên dụng cụ cứu rỗi cho người khác. Gặp gỡ Thiên Chúa trong cầu nguyện là gặp gỡ chính ta, khám phá ra sự thật của riêng ta, và rồi ta hiến mình cho người khác, vì đời sống là về tất cả các điều ấy: tự hiến, yêu thương, hiệp thông.

Chính vì thế, ở TòaThứ Bẩy, Thánh Têrêxa bảo chúng ta rằng “Các con thân mến, đây là lý do để cầu nguyện, mục đích của cuộc hôn nhân thiêng liêng này: luôn luôn sinh ra việc làm tốt lành, việc làm tốt lành.” (7M.4.6) Người của cầu nguyện cảm nghiệm một sức mạnh ở bên trong thúc đẩy họ chia sẻ tình yêu và cảm thương của Thiên Chúa với người khác. Đây là một điều Thánh Têrêxa quan sát được từ chính kinh nghiệm của ngài. “Tôi để ý có một số người, không nhiều lắm do tội lỗi của ta, càng tiến tới trong lối cầu nguyện và hồng ân của Chúa chúng ta này, thì họ càng chú tâm tới nhu cầu của người lân cận họ, nhất là các nhu cầu của linh hồn những người này.” (MC.7.9)

Ta thấy điều đó nơi Thánh Têrêxa. Ta thường giải thích ơn gọi của các nữ tu Carmel Đi Chân Đất bằng chính lời lẽ của Thánh Têrêxa: “Trong trái tim Giáo Hội, Mẹ tôi, tôi sẽ là tình yêu” (Thủ Bản B). Là “tình yêu trong trái tim Giáo Hội” có nghĩa gì? Nghe thì đẹp quá, nhưng ở đời thực, nó tròn méo ra sao?

Như ta biết, ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa cháy rất sâu trong trái tim Thánh Têrêxa. Ngài cảm thấy những ước nguyện không tài nào thể hiện được và rất mênh mông muốn được yêu Chúa Giêsu và công bố Tình Yêu Thương Xót của Thiên Chúa cho người khác. Ngài bị dằn vặt bởi các ước muốn được làm chiến binh, thập tự quân, linh mục, tông đồ, tiến sĩ Giáo Hội, và tử đạo. 
    
“Lạy Chúa Giêsu, lạy Chúa Giêsu, nếu con muốn viết ra tất cả các ước muốn của con, thì con cần đến cả một cuốn tiểu sử: trong đó các hành động của mọi vị thánh được ghi lại.” (Thủ Bản B) Được thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô của Thánh Phaolô gợi hứng, với lời dạy rằng tình yêu là ơn phúc thiêng liêng vĩ đại nhất và kéo dài mãi mãi, Thánh Têrêxa đã khám phá ra ơn gọi làm tình yêu trong trái tim Giáo Hội. “Trong trái tim Giáo Hội, Mẹ tôi, tôi sẽ là tình yêu”. Ngài muốn được kết hợp với Chúa Thánh Thần đến độ trở thành sự hiện diện yêu thương trong Giáo Hội, trong cộng đồng của ngài, và trong thế giới. Hơn nữa, Thánh Têrêxa cũng là người hiện thực. Ngài hiểu rõ tình yêu không thể tồn tại trên bình diện mộng mị, viễn mơ và xúc cảm. Tình yêu phải được phát biểu bằng hành động. Ngài cũng biết: tình yêu là vĩnh cửu và có năng lực đi thâu qua các bức tường, các biên giới, các quốc gia, các dinh thự Giáo Hội, các gia đình, và chữa lành được các cõi lòng tan nát và hồi hướng các cuộc đời. Dùng hình ảnh “rắc hoa,” ngài nói lên sự dấn thân của ngài trong việc thực hiện các hành vi yêu thương cụ thể ngay lúc này và các hành vi yêu thương này sẽ có hiệu quả nhân thừa trong thế giới. Chúng sẽ có giá trị vô chừng trước mặt Thiên Chúa và giúp Giáo Hội chiến đấu và những người đang chịu đau khổ trong luyện ngục.    

Điều gây ấn tượng hết sức về Thánh Têrêxa là ngài sống một cách có ý hướng. Ngài áp dụng tình yêu một cách có ý hướng, có ý thức, và lưu ý đến mọi hành vi và mối liên hệ trong đời sống hàng ngày của ngài và dâng các hành vi yêu thương này vì phần rỗi của người khác. Các hành vi tin và yêu đầy tính anh hùng của ngài trong 18 tháng sau cùng của đời ngài khi ngài bị săn đuổi bởi các hồ nghi đầy ám ảnh về việc hiện hữu của sự sống đời đời, (một thứ đêm đen đức tin ngài có chung với những người tội lỗi và vô thần, những người được ngài gọi là anh em, và dâng các đau khổ của mình cho họ), chứng tỏ sự cảm thương và quan tâm sâu xa của ngài đối với phần rỗi của nhân loại.

Thánh Têrêxa thách thức ta nghi vấn tính ý hướng của ta, việc yêu thương của ta, và cách ta sống đời sống chiêm niệm của mình. Tại sao ta làm điều ta đang làm? Đâu là động lực khi ta thức dậy vào buổi sáng? Điều gì làm động lực cho các mối liên hệ của ta, cho các cuộc gặp gỡ của ta với người khác, cho việc làm, việc cầu nguyện, các hành vi đơn giản của ta? Ta đem lại ý nghĩa gì cho các đau khổ, các tranh chấp, các cám dỗ, và thử thách của ta? Ta áp dụng tình yêu ra sao trong đời sống hàng ngày và trong các tương tác cộng đồng? Đó là các câu hỏi nghiêm túc vì nếu ta nói tới đời sống chiêm niệm và giá trị tông đồ của việc ta cầu nguyện cho nhân loại, thì tính ý hướng trong việc cầu nguyện của ta, trong các liên hệ của ta và trong việc ta yêu thương hết sức quan trọng và chủ yếu.

 “Cả thế giới thẩy đang rực lửa; họ muốn kết án Chúa Kitô một lần nữa.”

 “Cả thế giới thẩy đang rực lửa; họ muốn kết án Chúa Kitô một lần nữa.” Điều này đúng xiết bao đối với thế giới Thế Kỷ 21 của ta. Thế giới của ta đang rực lửa! Khi tôi đang viết giòng này vào Ngày Lễ Lá, hai nhà thờ Coptic đang bị đặt bom ở Ai Cập, sát hại ít nhất 43 người. Hãy nghĩ tới chiến tranh hóa học từng sát hại hàng trăm đàn ông, đàn bà và trẻ em ở Syria. Thế giới quả đang rực lửa và Nhiệm Thể Chúa Kitô đang chịu một cuộc đóng đinh tại Trung Đông, Syria, Mễ Tây Cơ, và phần lớn Phi Châu. Hôm nọ, tôi đọc thấy năm nay 20 triệu người sẽ chết đói! Tình hình di dân hiện nay ở đất nước này và số phận nghiêm trọng của các di dân đang tuyệt vọng trốn thoát Trung Đông sang Âu Châu và nhiều nơi khác là một tình huống nghiêm trọng trên thế giới. Đức Giáo Hoàng Phanxicô không ngừng làm ta thức tỉnh đối với nỗi đau khổ của các di dân và kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới mở cửa biên giới và trợ giúp những người không nhà này.
     
Trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đưa ra một phân tích về thực tại hiện thời và khuyên ta “luôn tỉnh táo rò xét các dấu chỉ thời đại.” (51) 

Một số các thách đố được Đức Giáo Hoàng khám phá ra là:

-  Ta đang thấy một nền kinh tế loại trừ và bất bình đẳng. Thực phẩm bị vứt đi trong khi người ta chết đói.

- Chính các con người nhân bản bị vứt bỏ. Ta đang trải nghiệm việc hoàn cầu hóa lòng dửng dưng và con người đang trở nên không tài nào cảm nhận được lòng thương xót trước sự kêu gào của người nghèo, hay khóc trước đau đớn của người khác. Ta ngày càng trở nên vô cảm trước nỗi đau thương của con người.

- Ta đang thấy việc thờ ngẫu thần tiền bạc.

- Đang có lời kêu gọi để có nhiều an ninh hơn tại các thành phố vì sự bất bình đẳng giữa người giầu và người nghèo đang nuôi dưỡng ngày một nhiều bạo lực hơn. Bạo lực giữa người trẻ ở Hoa Kỳ đang leo thang.

- Về văn hóa, việc duy tục hóa xã hội có xu hướng thu gọn đức tin và Giáo Hội vào lãnh vực tư và cá nhân. Ta đang thấy việc bác bỏ siêu việt và việc giảm giá trị đạo đức do đó mà ra, và việc làm suy yếu cảm thức tội cá nhân và tập thể.

-Các giám mục Hoa Kỳ vốn chỉ ra rằng việc Giáo Hội nhấn mạnh tới các qui luật luân lý khách quan, có giá trị đối với mọi người, đang bị chống đối bởi nhiều người trong nền văn hóa của ta và bị coi như một giáo huấn bất công. Giáo Hội bị coi như đang cổ vũ một thiên kiến đặc thù và xen mình vào tự do cá nhân. (64)

-Các gia đình đang gặp khủng hoảng thực sự. Hôn nhân bị coi chỉ là một hình thức thỏa mãn xúc cảm có thể được xây dựng hay pha chế tùy ý.

Hiện có khá nhiều thách đố trong việc hội nhập văn hóa đức tin. Đã có sự suy sụp trong cách người Công Giáo truyền lại đức tin cho lớp trẻ. Nhiều người cảm thấy vỡ mộng và không còn tự đồng hóa với truyền thống Công Giáo nữa. Càng ngày càng có nhiều phụ huynh không thực hành đức tin, hoặc đưa con đi chịu phép rửa và dạy dỗ chúng cách cầu nguyện nữa.
    
Thánh Têrêxa sống trong “thời buổi khó khăn” nên ngài nói với con cái ngài rằng: “thế giới thẩy đang rực lửa; họ muốn kết án Chúa Kitô một lần nữa.” Thế giới hiện vẫn đang rực lửa và Chúa Kitô đang bị đóng đinh hàng ngày ở Syria, Phi Châu, Iraq, Hoa Kỳ và nhiều nơi khác. Ta có thể làm gì giúp giập tắt các đám lửa bạo lực, hận thù, bất khoan dung tôn giáo, thờ ngẫu thân tiền bạc và dửng dưng đối với người nghèo và người thiếu thốn? Thánh Têrêxa cho biết: “Đặc biệt trong các thời buổi này, các bạn bè mạnh mẽ của Thiên Chúa cần thiết để nâng đỡ các người yếu ớt.” (L.15.5) Chúng ta được kêu gọi trở nên những người bạn mạnh mẽ của Thiên Chúa bằng một đời sống cầu nguyện chiêm niệm và bác ái huynh đệ, mở tâm mở trí đón nhận năng lực biến đổi của chiêm niệm để có thể trở thành những cỗ xe chuyên chở chữa lành và cứu chuộc đến cho thế giới. Là các tu sĩ Carmel, ta tin rằng cầu nguyện có năng lực thay đổi cõi lòng và biến đổi thế giới. Ta không tận hiến đời ta cho Thiên Chúa nguyên vì lý do tìm sự cứu rỗi của riêng mình, mà là sự cứu rỗi của người khác và chia sẻ hồng ân tình yêu của Thiên Chúa, đặc sủng của chúng ta, vì sự cứu rỗi của mọi người. Thiên Chúa đã yêu ta đến độ đã ban cho ta khả năng yêu như Chúa Giêsu yêu; Chúa Giêsu, Đấng hiến đời mình để cứu chuộc mọi người và cứu ta để biến ta thành “những người cứu vớt,” cùng với Người, mang nhãn hiệu thập giá, trở nên nô lệ của mọi người như Người đã trở nên. (7M.4.8)

Các trường cầu nguyện

Trong tư cách người chiêm niệm, làm sao ta rao giảng Tin Mừng? Một cách để ta rao giảng Tin Mừng là bằng đời sống cầu nguyện. Bằng cuộc sống của mình, ta làm chứng cho chiều sâu nội tâm của con người nhân bản như là nơi cư ngụ của Thiên Chúa và sau cùng, chỉ có Thiên Chúa mới có thể thỏa mãn cõi lòng con người mà thôi. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhở ta rằng ngày nay, nhiều người không biết phải cầu nguyện ra sao. Nhiều người đơn giản không còn cảm thấy nhu cầu phải cầu nguyện hay chạy đến với Thiên Chúa lúc cần nữa. Nói cách khác, không còn mối liên hệ thực chất nào với Thiên Chúa nữa. Vì lý do này, các người chiêm niệm có thừa tác vụ cầu nguyện, có sứ vụ làm chứng cho những chiều sâu nội tâm của con người nhân bản và nỗi khát khao Thiên Chúa của ta được biểu lộ trong đời sống cầu nguyện. Không điều gì nên “làm bế tắc, làm trệch hướng, hay làm gián đoạn thừa tác vụ cầu nguyện của ta.” Bằng cách này, nhờ chiêm niệm, ta trở nên trọn vẹn hơn bao giờ hết hình ảnh Chúa Kitô và các cộng đồng của ta trở nên “các trường cầu nguyện.” (17)  Ý niệm cho rằng các cộng đồng của ta trở nên “các trường cầu nguyện” là điều quan trọng sinh tử, và tôi hiểu “trường cầu nguyện” đây là nơi người ta có thể cảm nghiệm được thánh nhan Thiên Chúa và được lôi kéo vào việc cầu nguyện và học cách cầu nguyện. Điều buồn là nhiều người không biết cầu nguyện ra sao, hay thậm chí không muốn cầu nguyện.

Số 2 của điều 5 phần kết luận và các qui luật khuyến khích việc nối vòng tay lớn thiêng liêng với các linh mục, phó tế, các tu sĩ tận hiến khác và các giáo dân như phương thế để chia sẻ kinh nghiệm biến đổi của lời Thiên Chúa và như một biểu thức nói lên tình hiệp thông đích thực trong Giáo Hội. Đây là một chỉ thị quan trọng. Làm thế nào các đan viện của qúy chị trở thành các trung tâm nối vòng tay lớn thiêng liêng và “trường cầu nguyện?” Hình thức nối vòng tay lớn thiêng liêng với các linh mục, phó tế, các người tận hiến và các giáo dân khác sẽ tùy thuộc từng cộng đồng và sự biện phân của họ. Có nhiều cách ta có thể khuyến khích một cuộc nối vòng tay lớn thiêng liêng. Thí dụ, mời người ta tham dự phụng vụ, chia sẻ sách thánh ca và cả sách Thánh Vịnh với những người tới dự Thánh Lễ và Kinh Phụng Vụ. Nếu có thể, cho phép người ta cầu nguyện trong nhà nguyện. Trong Đường Trọn Lành, Thánh Têrêxa nói với ta rằng “việc bận bịu của chị em là cầu nguyện;” “Thiên Chúa là việc để chị em bận bịu.” Nếu là thế, thì làm sao ta có thể giúp người ta cầu nguyện, làm sao đụng đến những tầng sâu nội thẳm nhất của họ?
   
Kết luận: “Đặc biệt trong các thời buổi này, các bạn bè mạnh mẽ của Thiên Chúa cần thiết để nâng đỡ các người yếu ớt.”

Thánh Têrêxa nhìn thấy sự quan trọng của các bạn bè mạnh mẽ của Thiên Chúa để nâng đỡ các người yếu ớt trong các thời buổi khó khăn của thế kỷ 16. Ngày nay, điều y hệt như thế cũng đang đúng trong thế kỷ 21 với mọi thách đố và thử thách ta đang đương đầu về phương diện bản thân, quốc gia và hoàn cầu. Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết: “Đừng bao giờ quên rằng không được sống đời sống cầu nguyện và chiêm niệm của chị em như một hình thức chỉ chăm chú đến mình: phải mở rộng trái tim chị em để ôm lấy toàn thể nhân loại, nhất là những người đau khổ.” (16)  

Tôi xin kết luận bằng những lời sau đây của Mẹ Têrêxa Chúa Giêsu trích từ chương 3 cuốn Đường Trọn Lành:

“Đừng nghĩ sẽ vô ích khi có những lời cầu xin này [1] liên tục trong lòng, vì đối với một số người, không cầu nguyện nhiều cho linh hồn của chính họ hình như là một điều khó khăn đối với họ. Nhưng có lời cầu nguyện nào tốt hơn những lời cầu xin tôi đã nhắc đến? Nếu chị em băn khoăn nghĩ rằng các đau khổ của chị em trong luyện ngục sẽ không được rút ngắn, thì chị em hãy biết cho rằng nhờ lối cầu nguyện này, chúng sẽ được rút ngắn; và nếu chị em vẫn còn phải trả một số nợ nào đó, thì cứ làm. Đâu có hệ gì nếu tôi phải ở trong luyện ngục cho đến ngày phán xét nếu nhờ lời cầu nguyện của tôi mà tôi có thể cứu được dù chỉ là một linh hồn? Càng ít hệ trọng hơn xiết bao nếu lời cầu nguyện của tôi sinh ích cho nhiều người và để vinh danh Chúa. Đừng lưu ý tới các đau khổ sẽ chấm dứt nếu qua chúng, một phục vụ lớn lao hơn được thực hiện cho Người, Đấng đã chịu quá nhiều đau khổ vì ta.

Dường như tôi quá bạo dạn khi nghĩ rằng tôi có thể đóng một vai trò nào đó trong việc có sự đáp ứng các lời cầu xin này. Lạy Chúa, con tin tưởng vào các tôi tớ của Chúa đang sống ở đây, và con biết họ muốn và không cố gắng làm điều gì khác hơn là làm vui lòng Chúa. Vì Chúa, họ từ bỏ chút ít mà họ có, và họ muốn có nhiều hơn để có thể phụng sự Chúa. Vì lạy Chúa, Đấng dựng nên con, Chúa không vô ơn, nên con nghĩ Chúa nhất định sẽ làm điều họ nài xin Chúa. Mà Chúa, lạy Chúa, khi Chúa còn sống trên thế gian, Chúa cũng không khinh miệt đàn bà; đúng hơn, với lòng xót thương lớn lao, Chúa luôn giúp đỡ họ. [Và Chúa thấy nơi họ nhiều yêu thương và đức tin hơn là nơi đàn ông. Trong số họ, có Mẹ diễm phúc nhất của Chúa, và nhờ các công phúc của ngài, và vì chúng con mặc áo của ngài, chúng con cũng đáng được điều chúng con không xứng đáng, vì các lỗi phạm của chúng con...][2] Khi chúng con xin Chúa ban vinh dự, thu nhập, tiền bạc, hay các sự thế gian, Chúa đừng nghe chúng con. Nhưng khi chúng con xin Chúa cho vinh quang của Con Chúa, thì há tại sao Chúa lại không nghe chúng con, lạy Cha trường cửu, vì Người, Đấng đã mất cả ngàn vinh dự và cả ngàn sự sống vì Chúa? Lạy Chúa, không phải cho chúng con, vì chúng con không xứng đáng, nhưng cho máu Con Chúa và các công phúc của Người.” (W.3.6-7)

------------------------------
Chú Thích

[1] Điều quan trọng cần nhớ câu hỏi và lời khuyên giữ Chúa Giêsu ở bên cạnh mình phát xuất từ chính cảm nghiệm của ThánhTêrêxa về Chúa Giêsu Phục Sinh (thị kiến Kitô Học), Đấng ngài “cảm thấy” rồi thấy bên cạnh ngài. Xem Đời Sống, 27-29.

[2] Sau khi nhìn ngắm vẻ đẹp lạ thường của Chúa, tôi không thấy có ai khi so với Người mà lại lôi cuốn được tôi hay chiếm giữ ý nghĩ của tôi. Nhờ hướng cái nhìn của tôi chỉ một chút thôi vào bên trong để nhìn ngắm hình ảnh tôi có trong linh hồn, tôi nhận được một sự tự do về phương diện này đến nỗi mọi sự tôi thấy ở dưới thế này đều đáng ghét thế nào khi so sánh với các phẩm tính trổi vượt và đẹp đẽ tôi được nhìn ngắm nơi vị Chúa này. (L.37.4)

[3] Đức Phanxicô, Misericordiae Vultus, 10.

[4] “Đây là tình yêu trong hình thức triệt để nhất của nó. Nhờ chiêm ngắm cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Kitô (xem 19:37), ta có thể hiểu khởi điểm của Thông Điệp này: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8). Chính ở đó sự thật này được chiêm niệm. Chính từ đó, định nghĩa về tình yêu của ta phải bắt đầu. Trong việc chiêm niệm này, Kitô hữu khám phá được con đường mà đời họ và tình yêu của họ phải theo.  (Deus Caritas Est, 12)

[5] Chỉ Phôngxiô Philatô và câu Chúa Giêsu trả lời, mượn của Ronald Rolheiser, The Passion and the Cross, Franciscan Media, 2015, 12.

[6] Đêm đen này là việc Thiên Chúa chẩy tràn vào trong linh hồn tẩy rửa nó khỏi những ngu dốt và bất toàn thường tình, tự nhiên và siêu nhiên, và các người chiêm niệm gọi là chiêm niệm phú bẩm hay thần học huyền nhiệm.  Qua việc chiêm niệm này, Thiên Chúa dạy linh hồn một cách bí mật và huấn giáo nó sự trọn lành của tình yêu mà không xét đến việc nó làm hay hiểu nó xẩy ra cách nào. (2N.5.1)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 26/02/2018: Nga thương tiếc các tín hữu Chính Thống bị thảm sát tại Dagestan
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
20:24 25/02/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Khủng bố Hồi Giáo thảm sát các tín hữu Nga vừa cử hành nghi thức chuẩn bị Mùa Chay

Hôm thứ Hai 20 tháng Hai, quân khủng bố Hồi Giáo IS đã tuyên bố chịu trách nhiệm về một vụ tấn công giết chết 5 người tại một nhà thờ Chính Thống Giáo ở Cộng Hòa Dagestan của Liên Bang Nga.

Các nhà chức trách Nga cũng xác nhận tên sát thủ là Khalil Khalilov, 22 tuổi, là một thành viên của quân khủng bố Hồi Giáo IS.

Ít nhất năm người đã thiệt mạng và một số khác bị thương sau khi tên sát thủ bắn loạn xạ vào một nhà thờ Chính Thống Giáo Nga vào chiều Chúa Nhật.

Thị trưởng Alexander Shuvalov nói với hãng tin TASS của Nga rằng vụ thảm sát diễn ra trong khi anh chị em tín hữu đang ra về sau buổi lễ chuẩn bị cho Mùa Chay theo truyền thống ở thành phố Kizlyar, thủ đô của Cộng hòa Dagestan.

Ông Shuvalov cho biết:

“Mọi người đang rời khỏi nhà thờ sau buổi lễ buổi tối thì tên sát thủ mở cuộc tấn công. Hai nhân viên cảnh sát và một phụ nữ đã bị thương. Bốn phụ nữ đã chết tại hiện trường sau khi tên sát thủ dùng một khẩu súng săn bắn vào đám đông và một phụ nữ thứ năm chết sau khi được đưa đến một bệnh viện để phẫu thuật”

Bộ Y tế cho biết có năm người khác bị thương và đang được điều trị tại bệnh viện.

2. Thông cáo báo chí của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc về tình trạng của giáo phận Ahiara, Nigeria

Đức Cha Peter Okpaleke đã được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Ahiara miền Nam Nigeria, bởi Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI vào năm 2012. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm này vấp phải sự phản kháng của các linh mục và anh chị em giáo dân. Họ phàn nàn rằng Đức Cha Okpaleke, là người thuộc bộ tộc Igbo, sẽ không được những người thuộc bộ tộc Mbaise tại địa phương chấp nhận.

Tháng Sáu năm ngoái Đức Thánh Cha đã đưa ra một tối hậu thư cho các linh mục giáo phận Ahira cảnh cáo rằng họ sẽ bị treo chén nếu họ không tuân phục và chấp nhận Đức Giám Mục Peter Okpaleke làm giám mục của họ.

Ngài đã ra một hạn định là 30 ngày, bắt đầu từ 9 tháng 6 đến 9 tháng 7, 2017 cho các linh mục của giáo phận Ahiara, Nigeria phải viết thư cho ngài cầu xin sự tha thứ và bày tỏ sự tuân phục. Quá hạn trên những ai không thực hiện lệnh truyền này đương nhiên bị treo chéo.

Đức Thánh Cha đã nhận được hơn 200 thư như vậy, tức là gần một nửa số linh mục triều và dòng trong giáo phận này. Trong khi đó nhiều linh mục giáo phận vẫn tiếp tục chống lại Đức Cha Okpaleke. Một tuyên bố được đưa ra năm ngoái bởi các nhà lãnh đạo giáo dân của giáo phận nhấn mạnh rằng Đức Giám Mục Okpaleke “không có chỗ trong giáo phận Ahiara.”

Tình hình này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống của Giáo Hội trong khu vực. Không có tân linh mục được thụ phong, không có trẻ em được chịu phép Thêm Sức... nên cuối cùng Đức Cha Okpaleke đành từ chức và ngài nói rằng ngài đưa ra quyết định này “vì thiện ích của Giáo Hội.”

Ngày thứ Hai 19 tháng Hai, Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Cha Okpaleke.

Trước những diễn biến này Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc vừa đưa ra một thông cáo báo chí về tình trạng của giáo phận Ahiara, Nigeria. Toàn văn bản thông báo như sau:

Đức Thánh Cha, sau khi chấp nhận đơn từ chức của Đức Cha Peter Ebere Okpaleke, đã miễn cho ngài khỏi trách vụ chăm sóc mục vụ cho Giáo phận Ahiara, đồng thời cám ơn ngài vì tình yêu đối với Giáo Hội.

Theo Chỉ thị của Đức Thánh Cha Phanxicô, trong tháng Sáu và tháng 7 năm 2017, ngài đã nhận được 200 thư cá nhân của các linh mục trong Giáo phận Ahiara, trong đó các vị bày tỏ sự vâng phục và trung thành. Tuy nhiên, một số linh mục đã cho biết họ có khó khăn về mặt tâm lý trong việc hợp tác với Đức Giám Mục sau nhiều năm xung đột. Tính đến sự ăn năn của họ, Đức Thánh Cha đã quyết định không tiến hành các hình thức trừng phạt theo giáo luật và hướng dẫn Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc viết thư hồi đáp cho mỗi người.

Thực hiện điều này, Bộ đã kêu gọi mỗi linh mục suy ngẫm về những thiệt hại nghiêm trọng đã gây ra cho Giáo hội Chúa Kitô và bày tỏ hy vọng rằng trong tương lai, họ sẽ không bao giờ lặp lại các hành động bất hợp lý này chống lại một vị Giám mục được chỉ định hợp pháp bởi Đức Thánh Cha.

Đức Thánh Cha cảm ơn tất cả các tín hữu: các linh mục, tu sĩ và giáo dân, những người đã tỏ thái độ gần gũi với Đức Cha Okpaleke, và đã nâng đỡ ngài bằng những lời cầu nguyện. Ngài cũng biết ơn các Giám mục trong Hội Đồng Giám Mục Nigeria về sự hỗ trợ dành cho người Giám Mục anh em, là người mà Đức Thánh Cha ưu ái ban Phép Lành Tòa Thánh đặc biệt.

Đức Thánh Cha cảm ơn Đức Hồng Y John Cardinal Onaiyekan vì sứ vụ của ngài trong vai trò Giám Quản Tông Tòa, Đức Tổng Giám Mục Ignatius Kaigama, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nigeria, và Đức Cha Anthony Obinna, là Tổng Giám Mục Owerri vì những nỗ lực của các ngài nhằm giải quyết tình huống đáng tiếc này.

Trong thời gian này, Đức Thánh Cha không có ý định bổ nhiệm một giám mục mới cho giáo phận Ahiara, nhưng ngài bảo lưu quyền tiếp tục có một mối quan tâm đặc biệt cho Giáo phận này, và bổ nhiệm một Giám Quản Tông Tòa mới, Sede vacante et ad nutum Sanctae Sedis, là Đức Cha Lucius lwejuru Ugorji, Giám mục Umuahia, và ban cho ngài tất cả các năng quyền của một Đấng Bản Quyền.

Đức Thánh Cha đồng hành trong lời cầu nguyện với giáo phận Ahiara trong giai đoạn mới này của cuộc sống Giáo hội tại đây, hy vọng rằng với vị Giám Quản Tông Tòa mới, Giáo hội địa phương sẽ hồi phục sức sống của mình và không bao giờ phải chịu đựng những hành động làm tổn thương Nhiệm Thể Chúa Kitô như thế.

3. Tổng Giám Mục Iraq nói: Đã đến lúc phải ‘thẳng thắn’ trong cuộc đối thoại với Hồi Giáo

Nếu các tín hữu Kitô Trung Đông “thẳng thắn” trong cuộc đối thoại với những đối tác Hồi Giáo thì người Hồi giáo sẽ phải thừa nhận rằng cuộc bách hại các Kitô hữu trong khu vực không chỉ mới bắt đầu với sự lên nắm quyền của Nhà nước Hồi giáo vào năm 2014.

“Chúng ta không chỉ mới gánh chịu điều này trong bốn năm qua, nhưng ròng rã cả hơn 1,400 năm nay rồi”

Đức Tổng Giám Mục Bashar Warda của tổng giáo phận Công Giáo nghi lễ Chanđê Irbil, ở Iraq đã nói như trên trong bài phát biểu tại Đại học Georgetown ở Washington, được tài trợ bởi Dự án Nghiên cứu Tự do Tôn giáo thuộc Trung tâm Tôn giáo, Hòa bình và Thế giới của trường đại học Berkley.

Theo lời Đức Tổng Giám Mục Warda, các Kitô hữu cũng có một phần trách nhiệm trong cuộc đối thoại hiện nay. Ngài nói: “Chúng ta đã không quyết liệt đẩy lùi tận căn những đợt khủng bố theo chu kỳ đã gây ra bao đau đớn kinh hoàng cho tổ tiên chúng ta”. Ngài nói thêm rằng Kitô giáo cần phải trở lại với một tầm nhìn “tiền Constantinô” của Giáo Hội, khi ngài nhắc lại những lời của Chúa Giêsu ngay trước khi bị đóng đinh trên thập giá: “Nước tôi không thuộc về thế gian này”.

Trước quy mô của chiến dịch xóa sạch các Kitô hữu và tất cả những người không phải Hồi giáo khỏi các vùng lãnh thổ mà Nhà nước Hồi giáo kiểm soát (trước khi xảy ra một cuộc phản công làm tan hàng bọn chúng và tái chiếm các lãnh thổ), “chúng ta không còn gì để mất, không còn gì để không dám nói mọi chuyện một cách rõ ràng. Khi không có gì để mất nữa, tình thế trở nên rất tự do.”

Đức Tổng Giám Mục Warda nói thêm: “Chúng tôi phản đối một thứ niềm tin tôn giáo cho rằng mình có quyền giết người khác. Cần có một sự thay đổi và một sự điều chỉnh trong Hồi giáo.”

Theo Đức Tổng Giám Mục, phản ứng điển hình của người Hồi giáo đối với những hành động tàn bạo của Nhà nước Hồi giáo – đã được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lên án diệt chủng vào năm 2016 – là cho rằng “ISIS không đại diện cho Hồi giáo”, nhưng hiếm khi họ chịu đi xa hơn, và tiếp tục phủ nhận sự ngược đãi các tín hữu Kitô trong quá khứ, và chẳng biểu hiện bất cứ sự ăn năn nào về những điều này.

“Trong thời kỳ hậu ISIS, sau khi ISIS đã làm bàng hoàng lương tâm thế giới, và làm rung chuyển cả lương tâm của cả thế giới Hồi giáo, phần lớn những người Hồi giáo vẫn tiếp tục coi chúng ta là ‘quân vô đạo’”

“Ở Trung Đông, chúng tôi đã chuyển từ sợ hãi đến kinh hoàng và khiếp đảm. Chuyện gì tiếp theo đây sau khi hàng trăm ngàn người vô tội đã bị giết.”

Ngài lưu ý rằng “Chúng tôi đã nghe những lời can đảm từ một số nhà lãnh đạo Hồi giáo. Điều đó cần được khuyến khích nhưng chúng ta không nên thụ động, hoặc chỉ đơn giản là cầu mong sao cho điều tốt nhất xảy ra.”

Với số tiền 3 triệu Mỹ Kim do Công Giáo Italia trao tặng, Đức Tổng Giám Mục Warda đã cho ra mắt Trường Đại học Công Giáo Irbil vào năm 2015 với 82 sinh viên, trong đó có 4 người Hồi giáo, với các chương trình cử nhân về nghệ thuật và khoa học. Mặc dù cũng có các trường Cao đẳng Công Giáo khác ở Trung Đông, nhưng nhiều trường không dám xưng mình là Công Giáo để được yên thân. Đức Tổng Giám Mục nghĩ rằng điều quan trọng là các trường cần phải dám xưng mình là “Công Giáo” trong tên gọi của nhà trường.

Hiện nay, các tín hữu Kitô Iraq và người Iraq nói chung vẫn phải tiếp tục chờ đợi các quỹ giúp tái thiết. Đức Tổng Giám Mục Warda cho biết số tiền này là rất cần thiết một cách cấp bách, nhưng các chính phủ chỉ tiếp tục “bàn tán xuông” hơn là chi tiền. Ngài ghi nhận sẽ có một hội nghị từ 14 đến 15 tháng 3 tại khu vực được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ. Nhưng ngài nhận xét cay đắng rằng “Có thể họ sẽ còn bàn tán nhiều hơn nữa. Có lẽ vào cuối năm 2020 người Iraq may ra mới thấy được những đồng tiền đã hứa”.

“Các đánh giá về chính sách của các bạn có những hệ quả sinh tử đối với chúng tôi”. Ngài nói rằng người Iraq cần những hỗ trợ vật chất chứ không phải những viện trợ bác ái. “Hãy giúp chúng tôi phát triển những cách thức bền vững để sống còn và làm ra tiền ở Iraq”, với những nhu cầu thiết yếu nhất là giáo dục và y tế.

Đức Tổng Giám Mục Warda cho hay, ước tính chỉ còn khoảng 200,000 Kitô hữu ở lại Iraq – so với con số lên đến 1.5 triệu người vào năm 2003, khi Hoa Kỳ khởi động chiến tranh Iraq.

Đức Tổng Giám Mục Warda kết luận: “Rất nhiều người của chúng tôi đã phải lưu vong, và chẳng còn mấy người dám ở lại” nhưng ngài nói thêm rằng với các gia đình đã quyết định bỏ Iraq để sống ở bất cứ nơi đâu vì sự an toàn của họ hay của con cái họ, ngài không tỏ ra buồn bực với họ. “Mặc dù con số của chúng tôi còn rất nhỏ, chúng tôi vẫn còn đông hơn con số các thánh Tông Đồ”.

4. Tin mới nhất về Đức Hồng Y Pell, tòa án Melbourne có thể không xử vụ ngài bị tố cáo lạm dụng tình dục

Theo nữ Ký Giả Elise Harris của CNA/EWTN News, tại Tòa Án Melbourne vào hôm thứ Tư, ngày 14 tháng 2 vừa qua, có tin loan báo rằng lời tố cáo liên quan đến nhân chứng chủ chốt trong vụ án chống Đức Hồng Y George Pell, bị tố phạm các hành vi lạm dụng tình dục từ những năm xa xưa, sẽ bị thu hồi.

Thực vậy, trong phiên tòa ngày 14 tháng Hai, giám đốc công tố của Tòa Án Melbourne nói rằng dù họ chưa quyết định về vấn đề này, nhưng lời tố cáo của nguyên cáo chủ chốt, người vừa qua đời hồi tháng 1, 2018, chắc phải bị thu hồi.

Luật sư bị cáo Ruth Shann đưa ra luận điểm chống lại tính khả tín của nguyên cáo; bà cho rằng nhóm luật sư của Đức Hồng Y Pell sẽ khảo sát tính khả tín của nhân chứng “bất khả tín” này khi phiên xử kéo dài 4 tuần bắt đầu vào ngày 5 tháng Ba.

Năm 2016, nhân chứng nói trên, Damian Dignan, người qua đời vì chứng ung thư máu đầu tháng 1 vừa qua, và 1 người cùng lớp thuộc trường Thánh Alipius ở Ballarat tố cáo Đức Hồng Y Pell có hành vi tính dục bất xứng khi họ còn vị thành niên. Trước đó, Đức Hồng Y từng bị tố cáo có những hành vi lạm dụng tình dục trẻ em từ năm 1961.

Luật sư Shann nói rằng những lời tố cáo của Dignan, mà ông ta đưa ra trước Ủy Ban Hoàng Gia năm 2015, gần 40 năm sau việc cho là lạm dụng, sau khi đọc các vụ khác của Ủy Ban trên báo chí, có “hiệu quả domino” theo nghĩa theo đuôi người khác trong việc tiếp xúc với cảnh sát.

Bà cho biết các luật sư của Đức Hồng Y Pell đã dùng trát hầu tòa (subpoena) đòi tư liệu từ luật sư của Dignan và họ sẽ đòi các tư liệu có liên quan tới lời tố cáo của ông ta bất kể chúng có được bao gồm như là thành phần của vụ án hay không, vì ông ta là “khởi điểm” và những người tố cáo khác, lên tiếng sau, ta sẽ không hiểu được họ nếu trước nhất không xử lý với việc họ biết lời tố cáo của Dignan.

Tuần trước, nhóm luật sự của Đức Hồng Y Pell dùng trát hầu tòa đòi các hồ sơ y khoa của các nguyên cáo khác để thiết lập lý chứng của họ, nhưng Belinda Wallington, chánh án giám sát phiên toà hôm thứ Tư vùa qua, bác bỏ lời yêu cầu vì thiếu điều bà tin là “có giá trị chứng minh có thực chất” đối với vụ án.

Theo tờ Australian, chánh án trên cũng đặt nghi vấn đối với lời yêu cầu cung cấp hồ sơ y khoa về nguyên cáo của Justice Health, một cơ quan chuyên cung cấp dịch vụ y khoa cho các tù nhân ở Victoria; bà cho rằng bà tạm hoãn đưa ra quyết định cho tới phiên tòa tới.

5. Giáo Hội Ấn Ðộ bênh vực quyền lợi của người cùng đinh Ðalít.

Trong các ngày 2 đến 9 tháng 2 năm 2018 Hội Ðồng Giám Mục Ấn Ðộ gồm ba nghi lễ Latinh, Siro Malabar và Siro Malankara đã nhóm phiên họp khoáng đại tại Bangalore. Giáo Hội Công Giáo Ấn Ðộ có 132 giáo phận, 183 Giám Mục và là Hội Ðồng Giám Mục lớn nhất Á châu và lớn thứ tư trên thế giới. Thánh lễ khai mạc đại hội đã do Ðức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám Mục Bombay, kiêm chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục, chủ sự. Ðức Hồng Y cũng là thành viên Hội đồng 9 Hồng Y cố vấn của Ðức Giáo Hoàng.

Trong các ngày nhóm họp các Giám Mục đã đặc biệt thảo luận nhiều vấn đề của Giáo Hội trong đó có việc bênh vực và bảo vệ quyền lợi của các anh chị em cùng đinh Ðalít. Trong thông cáo kết thúc đại hội các Giám Mục Ấn đã nêu bật quyết tâm dấn thân của Giáo Hội trong việc thăng tiến và bênh vực quyền lợi của lớp cùng đinh Ðalít. Tại Ấn Ðộ các kitô hữu chỉ chiếm 2.3% trên tống số 1 tỷ 200 triệu dân. Các anh chị em Ðalít chiếm 60% tổng số kitô hữu.

6. Giáo Hội Ấn Ðộ lên tiếng về nạn bạo hành nữ giới, và bạo lực nói chung trong xã hội

Trong nhóm phiên họp khoáng đại tại Bangalore, các Giám Mục Ấn cũng than phiền về con số các vụ bạo hành nữ giới, các vụ giết người, các cạnh tranh giữa các giai tầng xã hội, bạo lực tập thể, và các vụ tấn kích các cơ cấu và cộng đoàn kitô gia tăng. Một chủ trương ái quốc đích thực thì tôn trọng quyền của mỗi công dân, bất kể họ thuộc nền văn hoá, tôn giáo, ngôn ngữ, vùng miền hay hệ thống kinh tế nào.

Tiếp đến Ðức Hồng Y Cleemis đã khẩn thiết kêu gọi mọi người thiện chí ủng hộ quốc gia pháp quyền như đã được Hiến Pháp quốc gia bảo đảm. Giáo Hội đánh giá cao và muốn cộng tác với chính quyền trong mọi dấn thân duy trì luật lệ và trật tự trong nước để bảo đảm cho tiến bộ và phát triển của mọi người và bảo vệ mội sinh. Giáo Hội Công Giáo ủng hộ giá trị tuyệt đối và siêu việt của sự sống con người là ơn vô cùng quý báu Thiên Chúa ban. Vì thế việc tấn kích sự sống không bao giờ có thể do Thiên Chúa gợi hứng cũng không thể được biện minh bởi bất cứ tín ngưỡng và thực hành tôn giáo nào. Mạng sống của từng người phải được mẹ quê hương trân trọng và bảo vệ. Chỉ có lòng xót thương của Thiên Chúa mới có thể chữa lành các con tim bị thương tích, nối lại các tương quan đã bị bẻ gẫy giữa con người và các cộng đoàn với nhau và nâng những người bị sự bần cùng áp bức từ bao thế kỷ nay. Chính trong tình hình này các môn đệ của Chúa Kitô quyết định trở thành các chứng nhân đích thực của lòng thương xót, là nòng cốt của Tin Mừng và việc biểu lộ ơn gọi là môn đệ kitô như thánh nữ Terexa Calcutta và chân phước Rani Maria đã sống và nêu gương. Trong việc phục vụ của chúng ta đối với quốc gia, đặc biệt là đối với các anh chị em Ðalít, các nhóm bộ tộc và các giai tầng xã hội chậm tiến khác, kitô hữu chúng ta phải chung vai sát cánh với các công dân khác để bảo đảm cho sự phát triển nhân bản đích thật của dân tộc Ấn, được đo lường bằng mức thang nhân bản chứ không phải chỉ bằng mức độ kinh tế mà thôi.

7. Ðức Thánh Cha tiếp các chủng sinh Ðại chủng viện miền Sardegna.

Ðức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các chủng sinh thuộc miền Sardegna hãy chuẩn bị để trở thành các “Linh Mục của dân và cho dân chúng”.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 17 tháng 2 năm 2018 dành cho ban Giám đốc, Giảng Huấn và các chủng sinh Ðại chủng viện miền Sardegna ở Italia, tổng cộng là 80 người, nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Ðại chủng viện này dành cho 10 giáo phận tại đảo Sardegna.

Trong bài huấn dụ, Ðức Thánh Cha nói với các chủng sinh: “Sự nghèo nàn về vật chất và tinh thần của nhiều người ngày nay càng làm cho điều mà từ xưa đến nay vẫn được yêu cầu, đó là các mục tử phải quan tâm đến người nghèo, có khả năng ở với họ, nhờ một lối sống đơn sơ, để người nghèo cảm thấy các thánh đường của chúng ta trước tiên là nhà của họ. Tôi khuyến khích các thầy ngay từ bây giờ hãy chuẩn bị trở thành các Linh Mục của dân và cho dân, chứ không phải là những người thống trị đoàn chiên được ủy thác cho các thầy” (Xc 1 Pr 5,3), nhưng là những người phục vụ. Giáo Hội rất cần những người của Chúa, biết nhìn điều cốt yếu, sống điều độ và trong sáng, không hoài tưởng quá khứ, nhưng có khả năng nhìn về đằng trước theo truyền thống lành mạnh của Giáo Hội”.

Ðức Thánh Cha cũng nhắc nhở các vị đào tạo ở chủng viện về vai trò chủ yếu của các vị, vì chất lượng của linh mục phần lớn tùy thuộc sự dấn thân của các vị có trách nhiệm đào đạo. Các vị ấy được kêu gọi hoạt động ngay chính và khôn ngoan để phát triển nhân cách lời nói đi đôi với việc làm và quân bình, có khả năng đảm nhận sứ vụ linh mục một cách hữu hiệu và chu toàn trong tinh thần trách nhiệm.

8. Nữ trung sĩ cảnh sát Kitô đầu tiên của Bangladesh.

Bangladesh có nữ trung sĩ đầu tiên là người Công Giáo. Cô tên là Lima Chisim và xuất thân từ một gia đình nghèo ở Biroidakuni, thuộc Giáo phận Mymensingh. Cô học tại trường trung học Biroidakuni ở Mymensingh và sau đó tốt nghiệp đại học công lập tại Dhaka. Ðể có thể trở thành nữ cảnh sát đầu tiên mà không phải thông qua con đường hối lộ, cô đã được sự giúp đỡ nhiệt tình của người anh họ, các chính trị gia Công Giáo.

Sau sáu tháng huấn luyện, Lima Chisim trở thành cảnh sát vào năm 2015. Là con gái của một người cha không mệt mõi trong việc quan tâm chăm sóc các thành viên trong gia đình. Với việc trở thành nữ cảnh sát đầu tiên trong dòng họ Lima đã thay đổi số phận của các thành viên trong gia đình, đem lại niềm vinh dự cho dòng học của cô. Trong cuộc sống, cô theo một cách trung thành các giá trị của Ðức Kitô; hoạt động tích cực trong các sáng kiến của Giáo hội địa phương và thực hiện công tác xã hội với các linh mục và nữ tu. Với công việc này ước mơ của cô là giúp đỡ những học sinh nghèo có thể đến trường học.
 
Thánh Ca
Pièta - Sáng tác: Hoa Cỏ - Trình bày: Sơ Thùy Linh - Bích Hạnh
Khắc Thái
07:41 25/02/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News