Ngày 26-02-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay: Bài 6
VietCatholic Network
07:01 26/02/2012
Chúng ta thật dễ chia trí biết chừng nào trong khi cầu nguyện. Bên ngoài, môi ta mấp máy nhưng lòng trí ta lang thang đó đây. Làm sao ta cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa. Trong Thánh Vịnh 19, vịnh gia thốt lên "Lạy Chúa, xin cho lời trên miệng tôi và suy niệm trong lòng tôi được chấp nhận nơi thiên nhan Chúa" (Thánh vịnh 19:14). Ông muốn cảm nhận nhiều hơn những lời phát ra trên môi miệng. Ông muốn thấm nhập vào thái độ bên trong tâm hồn và mong mỏi những ý nghĩ sâu thẳm trong lòng làm đẹp lòng Chúa.

Cầu nguyện là một cuộc đối thoại với Thiên Chúa, Ðấng yêu thương ta nhiều hơn bất cứ ai có thể yêu ta - ngay cả chính ta cũng không yêu ta bằng Ngài yêu ta. Thiên Chúa còn muốn nhiều hơn một cuộc đối thoại siêu nhiên với ta nữa. Ngài muốn chia sẻ những cảm nhận thâm sâu của Ngài với ta cũng như muốn ta chia sẻ những cảm nhận thẳm sâu trong lòng với Ngài. Ðây là cuộc đối thoại giữa tâm hồn và tâm hồn để Thiên Chúa chữa lành cho ta và để ta càng nên giống Ngài.

Thiên Chúa đánh giá cao sự thành thật. Chúng ta có thể mở lòng ra với Ngài trong lời cầu nguyện và nhớ rằng Ngài yêu thương ta vô điều kiện. Ngài biết những vui buồn trong ngày đời ta và những lầm lỗi của ta nhưng vẫn yêu thương ta. Ngài yêu ta đến nỗi ban tặng cho ta chính Người Con Duy Nhất của Ngài.

Hãy mở rộng lòng trí ta ra với Thiên Chúa trong Mùa Chay này. Tất cả điều Chúa muốn nơi ta là một quả tim khiêm nhường và thống hối, sẵn lòng hoán cải nhờ vào hồng ân của Ngài. Hãy để Ngài làm tinh tuyền tâm hồn ta.

"Lạy Chúa, Ngài là sức mạnh và ơn cứu độ của con. Xin tẩy sạch con để lời con cầu và tâm hồn con được Chúa chấp nhận. Chúa gọi con nên thánh thiện như Ngài. Xin kéo con đến bên Chúa và biến đổi con dưới ánh sáng của tôn nhan Ngài
Quý vị có thể xem tất cả các videos Mùa Chay tại địa chỉ http://vimeo.com/vietcatholic/videos
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các cựu tín hữu Anh giáo dâng Thánh Lễ tại VCTĐ Thánh Phêrô, cảm tạ Đức Thánh Cha
Bùi Hữu Thư
08:06 26/02/2012
VATICAN (CNS) -- Có lẽ đây là lần đầu tiên các thánh vịnh, thánh ca, và kinh cầu Anh giáo đã vang dội trên các vách đá cẩm thạch của VCTĐ Thánh Phêrô trong khi một số thành viên của lãnh hạt tòng nhân đầu tiên được thành lập cho các cựu tín hữu Anh giáo cử hành Thánh Lễ để chào mừng việc họ được trở về với Giáo Hội Công Giáo.

Linh mục Len Black nói trong bài giảng: "Tuyệt vời không là tĩnh từ mãnh mẽ đủ để diễn tả cảm xúc của chúng tôi vì được đến đây, nơi Thánh tông đồ Phêrô hy sinh mạng sống và nơi những người kế vị ngài đã bảo vệ đức tin cho bao nhiêu thế hệ."

Thánh Lễ tại VCTĐ và cuộc hành hương đến Rôma tạo nên "một cảm nghĩ là được trở về nhà," đây là lời linh mục Công Giáo đã phục vụ như một cha xứ Episcopal tại vùng cao nguyên Tô Cách Lan trong 31 năm.

Nhóm này có vào khoảng 90 khách hành hương, kể cả 12 linh mục, được Đức Ông Keith Newton, quản nhiệm Lãnh Hạt Tòng Nhân Đức Mẹ Walsingham, được thiết lập tháng 1 năm 2011 cho các cựu tín hữu Anh giáo thuộc Anh quốc và Wales.

Sau khi dâng Thánh Lễ tại một nhà nguyện bên cạnh, toàn nhóm đã di chuyển tới trung tâm VCTĐ và đứng trước "Confessio" -- một nhà nguyện dưới thấp cung hiến cho việc thánh Phêrô tuyên xưng đức tin khiến cho ngài bị tử đạo -- và đọc kinh Tạ Ơn Chung là một kinh truyền thống của người Anh giáo.

Cuộc hành hương dài một tuần đề cao lời mời gọi Mùa Chay là phải hoán cải nhưng cũng là cơ hội để cảm tạ Đức Thánh Cha Benedict XVI vì đã thiết lập một cấu trúc để chào đón các cựu tín hữu Anh giáo vào Giáo Hội Công Giáo. Đức Ông Newton, đấng bản quyền, cũng được gặp gỡ Đức Thánh Cha một lát vào cuối buổi triều kiến chung ngày 22 tháng 2.

Tông hiến năm 2009 của Đức Thánh Cha "Anglicanorum coetibus" tạo cơ hội cho toàn thể một giáo xứ hay một nhóm người Anh giáo trở thành người Công Giáo trong khi vẫn duy trì được một số các di sản và nghi thức phụng vụ Anh giáo.

Đức Ông nói: "Chúng tôi cảm nhận là đây là sự đền đáp cho lời cầu xin của chúng tôi" cho việc hiệp nhất Kitô giáo.

Đối thoại đại kết dường như không còn có mục đích hiệp nhất toàn vẹn và hiện thực, ngài nói.

Đức Ông Newton nói: Đối thoại đã trở thành một hình thức để tìm những điạ bàn chung và các phương thức để hợp tác, trong khi sự Hiệp Thông Anh giáo đã xa lìa việc tìm kiếm chân lý.

Ngài nói: Chân Phước John Henry Newman đã dấn thân vào một cuộc chiến chống chủ nghĩa tự do, hay "quan điểm là điều người ta tin không quan trọng, tất cả đều quan trọng ngang nhau và không có cái gì được coi là tôn giáo đã được mạc khải."

Ngài nói: "Và tôi tin rằng đây chính là điều đang xẩy ra trong cộng đồng Anh giáo -- tất cả chỉ là các ý kiến cá nhân."

"Vấn đề phong chức cho phụ nữ và hôn nhân đồng phái tính chỉ là các triệu chứng của vấn đề -- tôi nghĩ vấn đề chính là chủ nghĩa tự do trong tôn giáo, là chủ nghĩa thế tục hóa."

Đức Ông Newton, nguyên là một Giám Mục Anh giáo, nói: nguyên nhân chính của việc ngài và nhiều người khác thoát ly Giáo Hội Anh giáo vì "chúng tôi tin vào chân lý đã mạc khải" và đức vâng lời.

Ngài nói: Việc thành lập một lãnh hạt tòng nhân, cũng giống như một giáo phận nhưng có tính cách quốc gia, là một phương cách đặc biệt của Công Giáo để xây dựng một sự hỗ tương giữa các truyền thống trong đó mỗi bên chia xẻ và đóng góp những quà tặng cá biệt cho bên kia.

Ngài nói: "Đây dường như chính là đường lối đại kết phải theo. Đây là viễn tượng của Đức Thánh Cha và chúng ta phải cám ơn ngài."

Lãnh hạt tòng nhân Anh và Wales mới kỷ niệm đệ nhất chu nhiên ngày thành lập trong khi lãnh hạt Hoa Kỳ mới được chính thức khai trương vào trung tuần tháng 2 vừa qua.

Trong khi tình trạng tại Anh quốc có đa số là Anh giáo, Đức Ông nói: có một số các bài học đã thâu lượm được cần phải chuyển tiếp.

Các thách đố to lớn nhất là các vấn đề thực tiễn, ngài nói, như ấn định là các giáo sĩ, nhất là những người đã có gia đình sẽ sống ở đâu; ấn định việc trả lương cho các linh mục bao nhiêu, và tìm được chỗ thuận tiện cho các giáo dân và giáo sĩ thờ phượng.

"Một trong các bài học chúng tôi thâu nhận là khi bắt đầu thể thức này, chúng tôi không thể biết là sẽ diễn tiến ra sao đối với các cá nhân; đây thực sự là một bước tiến của đức tin."

Michael Vian Clark, giám đốc thánh nhạc tại Tu Viện Benedictine Buckfast tại Devon, gom góp được một số ca viên trong số các khách hành hương đến từ nhiều nơi tại Anh quốc để thành lập một "ca đoàn sơ sài."

Ngài nói: Những người chưa hề biết nhau đã hát những bài thánh ca theo nghi thức Rôma và các bài ca và thánh vịnh Anh giáo hết sức hòa điệu, mà không được thực tập hay chuẩn bị, vì họ có một "thái độ 'dấn thân' trong truyền thống Anh giáo, nhất là về âm nhạc."

Vian Clark nói: "Thánh nhạc hay, trong phụng vụ là một mảnh nhỏ của Thiên Đàng. Là một thoáng nhìn về Thiên Đàng và giúp cho người ta ý thức rằng phụng vụ và Thánh Lễ là một quà tặng không thuộc về thế gian này."

Ngài nói: "Đây là điều nâng cao tâm trí chúng tôi và sai chúng tôi đi với cảm nghĩ về niềm vui Kitô giáo chân thực, và tôi nghĩ là Đức Thánh Cha đã hiểu là điều này hết sức quan trọng."
 
Trích từ cuốn sách “Em tôi, Giáo hoàng''
Nguyễn Trọng Đa
09:57 26/02/2012
Trích từ cuốn sách “Em tôi, Giáo hoàng"

"Dĩ nhiên, Ngài là Giuse ngày xưa, và nay vẫn là Giuse”

SAN FRANCISCO - Đây là một trích đoạn độc quyền của Zenit từ cuốn “Em tôi, Giáo hoàng", do Đức Ông Georg Ratzinger kể với phóng viên Michael Hesemann. Nhà xuất bản Ignatius Press sẽ phát hành bản dịch tiếng Anh của cuốn sách vào ngày 1-3.

***

Chương IX: Đức Giáo Hoàng

Cũng như đại đa số người Công giáo, tôi chăm chú theo dõi những ngày cuối đời của ĐTC Gioan Phaolô II. Tôi đã nhận thức rằng một cuộc đời tuyệt vời sắp kết thúc một cách hoàn toàn hữu cơ. Mọi người đều cảm nhận rằng Ngài sẽ không phục hồi sức khoẻ từ căn bệnh cuối cùng này, nhưng ai cũng khâm phục cách thức Ngài chịu đựng bệnh tật một cách kiên nhẫn và bình tĩnh. Thậm chí Ngài còn cổ vũ những người đã đến Roma, và bằng cách nào đó, bất chấp sự nản lòng của Ngài về căn bệnh của mình, Ngài cũng chiếu toả niềm vui và tự tin rằng sẽ sớm được về với Cha trên trời. Vì đây là sự kết thúc quý giá của một nhân vật tuyệt vời, mà từ nay tầm hoạt động còn có thể kéo dài cả sang “thế giới bên kia”.

Điều tôi ngưỡng mộ rất nhiều là đông đảo người trẻ tuổi đột nhiên đi về Roma, để tỏ tình đoàn kết một lần nữa với Đức Giáo Hoàng vĩ đại này. Người ta đã nói rằng các bạn trẻ không muốn làm gì với Giáo Hội, nhưng điều này đã bị bác bỏ cách nổi bật vào thời điểm đó. Ngược lại, có nhiều người trẻ, được thu hút một cách tự nhiên bởi Giáo Hội, từng cảm nghiệm rằng thói quen hàng ngày không thể trả lời các câu hỏi của họ và không thể cung cấp cho bất kỳ ý nghĩa nào cho cuộc đời của họ, rằng một điều khác, đó là đức tin, là cần thiết cho đời họ.

Trong hai tuần tiếp theo, tôi đã nhiều lần được nhiều người dân và cả phóng viên báo chí hỏi liệu em trai tôi sẽ trở thành Giáo hoàng mới hay không. Câu trả lời của tôi là luôn luôn giống nhau: "Không, em tôi chắc chắn không là Giáo hoàng!" Chắc Cơ mật viện sẽ không bao giờ bầu chọn một người cở tuổi em tôi – em mới mừng sinh nhật lần thứ 78. Đây là điều khác với trường hợp của ĐTC Gioan XXIII, vì Đấng tiền nhiệm của Ngài, ĐTC Piô XII, đã không tổ chức một Công nghị Hồng y trong năm năm cuối cùng của triều đại Ngài, và đã không phong chức các Hồng y mới. Do đó, Hồng Y Đoàn là có khá nhiều vị lớn tuổi, nên các Ngài buộc phải bầu một ứng cử viên lớn tuổi, những người ở tuổi 76, đa số tuổi 77, chỉ trẻ hơn một tuổi so với em trai tôi vào thời Cơ mật viện năm 2005. Bây giờ, Hồng Y Đoàn đã mạnh mẽ như đã từng mạnh mẽ tại Cơ mật viện; chưa bao giờ có nhiều vị Hồng y đến thế. Có rất nhiều nhân vật tài năng lớn lao thuộc đủ lứa tuổi, do đó không cần bầu chọn một vị lớn tuổi. Vì vậy, đối với tôi rõ ràng là một nhân vật trẻ tuổi sẽ lên ngôi Giáo hoàng.

Tôi đã theo dõi nghi thức "Habemus Papam" (Chúng ta có ĐTC) trực tiếp và sống động. Vào thời điểm đó, tôi được một nhà báo nữ gọi điện thoại, cô ấy nói cô đã nghe nói rằng khói trắng đã bay lên ở Roma, và muốn nghe tôi cho biết có điều gì đó đặc biệt chăng. "Không," tôi trả lời trung thực, "tôi không biết gì." Sau đó, tôi mở tivi và nghe tường thuật, cũng như mọi người thôi.

Sau đó, trong thực tế tên Ratzinger đã được xướng lên! Tôi trung thực nói rằng lúc ấy tôi khựng người lại. Đó là một thách thức lớn, một nhiệm vụ rất lớn cho em tôi, tôi nghĩ thế, và tôi đã rất lo lắng. Tôi không thấy sự huy hoàng hoặc vẻ đẹp của việc làm Giáo hoàng, nhưng chỉ nhìn thấy thách thức của chức vụ này, mà bây giờ đòi hỏi mọi thứ từ em tôi, và có nghĩa là một gánh nặng cho em tôi. Và tôi cũng buồn vì từ nay em tôi sẽ không còn thì giờ dành cho tôi nữa. Vì vậy, tối hôm đó, tôi đã đi ngủ, hơi chán nản. Trong suốt buổi tối hôm đó và buổi chiều hôm sau, điện thoại reo không nghỉ, nhưng bây giờ nó không hề quan trọng với tôi nữa. Tôi chỉ đơn giản không trả lời. "Lẩn thẩn thật”, tôi tự nghĩ!

Tôi không gọi điện cho em tôi. Tôi tự nhủ là không liên lạc với em tôi vào thời gian ấy, vì có quá nhiều người ở chung quanh em, và mọi người đều muốn điều gì đó từ em. Sáng hôm sau, em tôi tìm cách gọi cho tôi: em cố gắng gọi, nhưng vì điện thoại trong nhà tôi đổ chuông liên tục, và tôi bực bội nên không trả lời. "Cứ rung chuông nữa đi, các bạn có thể gọi mà không có tôi”, tôi nghĩ thế, trong khi có thể là em trai tôi đang gọi điện cho tôi! Rồi đến lúc, bà Frau Heindl, quản gia của tôi, trả lời điện thoại, và vì vậy bà nghe tiếng em tôi trước, chứ không phải tôi.

Bà tự nhiên hơi bị sốc vì người gọi điện thoại liên lỉ ấy không ai khác hơn là tân Giáo hoàng. Nếu tôi nhớ chính xác, bà đã không thể kết nối đường dây của tôi với em trai tôi được, vì lý do nào đó. Rồi cuối cùng, chúng tôi cũng nói chuyện được với nhau. Bây giờ, cảm ơn Chúa, tôi có một điện thoại thứ hai trong phòng khách ở tầng trên. Một người quen đã thu xếp việc này cho tôi, khi ông đã biết rằng tôi nhận cuộc gọi của rất nhiều người, đến nỗi đôi khi tôi không thể trả lời cho em tôi trên đường dây. Chỉ một mình Ngài biết số của điện thoại thứ hai này. Khi điện thoại reo, tôi biết rằng em trai của tôi, Đức Giáo Hoàng, đang gọi tôi. Nhưng tại thời điểm đó, tất nhiên, tôi chưa có điện thoại ấy.

Trên điện thoại, em trai tôi có vẻ khá bình tĩnh. Tuy nhiên, Ngài cho biết lúc bầu cử, Ngài có cảm giác như bị sét đánh. Chuyện không lường trước được, nó đến quá đột ngột trong cuộc bỏ phiếu, hoạt động của Chúa Thánh Thần thật là rõ ràng. Ngài đầu hàng Chúa Thánh Thần nhanh chóng, vì Ngài cũng nhận ra ý Chúa trong cuộc bầu chọn.

Ít lâu sau, Đức Giám mục Müller (Đức Cha Gerhard Ludwig Müller của Giáo phận Regensburg, Đức) đã gọi điện cho tôi, và mời tôi cùng đi với Ngài đến dự lễ nhậm chức của em trai tôi, và lẽ tất nhiên tôi vui vẻ chấp nhận. Vì vậy, tôi có đặc quyền đi xe với Ngài đến sân bay, và cùng đi với Ngài đến Roma, như một thành viên của phái đoàn giáo phận Regensburg.

Tại Roma, lúc đầu tôi sống trong căn hộ của vị Đức Hồng y lớn tuổi làm việc với em tôi, bởi vì em tôi vẫn sống với các Hồng y khác trong nhà khách của Vatican, "Domus Sanctae Marthae" (Nhà thánh nữ Martha) - vì lý do an ninh; dẫu sao, Ngài được bảo vệ nghiêm ngặt. Căn hộ nằm trực tiếp đối diện với Dinh Tông Tòa, nhưng bên ngoài thành Vatican, trên đường Piazza Città Leonina. Sáng hôm sau, tôi đã đến tìm Ngài, và sau đó chúng tôi lái xe đến căn hộ của Ngài. Một đám đông người dân đã tụ tập trước căn hộ, và họ vỗ tay hoan hô ngay lập tức; Ngài chào mừng họ cách ngắn ngủi, và sau đó chúng tôi đi vào nhà.

Dĩ nhiên, Ngài là Giuse ngày xưa, và nay vẫn là Giuse. Hoạt động của Chúa Thánh Thần được giới hạn cho hoạt động chính thức của Ngài, nhưng là một con người, Ngài vẫn không thay đổi. Ngài không đứng trên nghi thức, không cố gắng khoe khoang. Ngài tự giới thiệu mình như là con người đang là, đang sống, và không muốn rơi vào một vai trò hoặc mang mặt nạ, như các người khác có thể làm. Ví dụ, khi Peter Seewald mô tả Ngài như là một "Giáo hoàng có sức lôi cuốn" với một ảnh hưởng lớn trên thế giới, thì tôi phải nói rằng Ngài chắc chắn không thực thi ảnh hưởng này một cách có ý thức. Có lẽ trên tất cả, chính ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần trao cho Ngài một sức thu hút nhất định, khi xuất hiện công khai trước công chúng. Nếu không, bây giờ cũng như trước đây, Ngài luôn là người tốt bụng, thân thiện, khiêm tốn, không giả tạo và thân tình.

© 2012 nxb Ignatius Press cho phép (Zenit.org 24-2-2012)

Nguyễn Trọng Đa
 
Đức Thánh Cha cổ võ nghiên cứu chống son sẻ
LM. Trần Đức Anh OP
10:37 26/02/2012
VATICAN - ĐTC Biển Đức 16 cổ võ các nhà khoa học nghiên cứu các phương pháp chống son sẻ, bằng những đường lối phù hợp với luân lý đạo đức.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 25-2-2012, dành cho 200 nhà khoa học quốc tế đa ngành tham dự khóa họp toàn thể lần thứ 18 của Hàn Lâm viện Tòa Thánh về sự sống, với chủ đề ”Chẩn bệnh và trị liệu bệnh son sẻ”.

ĐTC nói: ”Tôi muốn khích lệ sự lương thiện trí thứ trong công việc của anh chị em, biểu lộ một khoa học biết giữ cho tinh thần tìm kiếm chân lý được luôn tỉnh thức, phục vụ thiện ích chân thực của con người và tránh nguy cơ chỉ là một việc thực hành thuần túy. Phẩm giá sự sinh sản về phương diện nhân bản và Kitô giáo không hệ tại tạo ra con người như ”một sản phẩm”, nhưng hệ tại liên hệ của nó với hành vi vợ chồng, diễn tả tình yêu phu phụ, sự kết hiệp của họ không những về phương diện sinh lý, nhưng cả về tinh thần nữa”.

ĐTC cảnh giác chống lại chủ trương trong việc chữa trị sự son sẻ, chỉ nhắm ”tìm kiếm lợi lộc dễ dàng, hoặc tệ hơn nữa là thái độ kiêu hãnh, tự mình thay thế Đấng Tạo Hóa.. Thực vậy, chủ trương duy khoa học và tiêu chuẩn lợi lộc ngày nay dường như đang thống trị lãnh vực son sẻ và sinh sản của con người, đến độ giới hạn nhiều lãnh vực nghiên cứu khác”.

ĐTC cho biết ”Giáo Hội rất quan tâm đến những đau khổ của các đôi vợ chồng sơn sẻ, chăm sóc họ và vì thế, Giáo Hội khuyến khích các cuộc nghiên cứu y khoa. Tuy nhiên khoa học không luôn luôn có thể đáp ứng những ước muốn của bao nhiêu đôi vợ chồng. Một lần nữa tôi muốn nhắc nhở các đôi vợ chồng sống trong tình trạng son sẻ rằng ơn gọi sống đời hôn nhân của họ không vì sự son sẻ mà bị thất bại. Do ơn gọi khi chịu phép rửa tội và thành hôn, các đôi vợ chồng luôn luôn được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa trong việc sáng tạo nhân loại mới. Thực vậy, ơn gọi yêu thương là ơn gọi hiến thân, và không có hoàn cảnh cơ thể nào có thể ngăn cản ơn gọi ấy. Vì thế, nơi nào khoa học không tìm được câu trả lời, thì câu trả lời mà ánh sáng mang lại, đến từ Thiên Chúa”.

Sau cùng, ĐTC nhắn nhủ các nhà khoa học rằng: ”Dân chúng tín nhiệm nơi anh chị em là những người phục vụ sử sống, họ tín nhiệm nơi quyết tâm của anh chị em nâng đỡ những người cần an ủi và hy vọng. Anh chị em đừng bao giờ chiều theo cám dỗ thu hẹp vấn đề của con người vào một vấn đề hoàn toàn là kỹ thuật chuyên môn! Sự dửng dưng của lương tâm đối với sự thật và sự thiện chính là một đe dọa nguy hiểm đối với tiến bộ đích thực của khoa học” (SD 25-2-2012)
 
KInh Truyền tin: ĐTC cảnh giác chống lại sự loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống con người.
LM. Trần Đức Anh OP
10:39 26/02/2012
Đức Thánh Cha chủ sự kinh Truyền Tin: 26-2-2012

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 26-2-2012, ĐTC cảnh giác chống lại sự loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống con người.

15 ngàn tín hữu hành hương đã tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô để tham dự buổi đọc kinh. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ngài diễn giải về ý nghĩa bài Phúc âm chúa nhật hôm qua về những cám dỗ Chúa Giêsu đã chịu trong hoang địa, để nhấn mạnh rằng Mùa Chay có nghĩa là xây dựng cuộc sống không phải ngoài Chúa, như thể Chúa không hề hiện hữu. Hoang địa là nơi yếu đuối của con người, nhưng cũng là nơi con người cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa. ĐTC nói:

Anh chị em thân mến

Trong chúa nhật thứ I mùa chay này, chúng ta gặp Chúa Giêsu sau khi chịu phép rửa tại sông Giordan do thánh Gioan Tẩy Giả (Xc Mc 1,9), ngài chịu cám dỗ trong hoang địa (Xc Mc 1,12-13). Trình thuật của thánh Marco thật ngắn gọn, không có những chi tiết như chúng ta đọc thấy trong hai Tin Mừng theo thánh Mathêu và Luca. Hoang địa được nói đến ở đây có nhiều nghĩa khác nhau. Nó có thể chỉ tình trạng bị bỏ rơi và cô độc, nơi yếu đuối của con người trong đó họ không có chỗ nương tựa và an ninh, nơi mà cám dỗ trở nên mạnh mẽ hơn. Nhưng hoang địa cũng có thể chỉ nơi tị nạn và nương náu, như đối với dân Israel sau khi thoát khỏi tình trạng nô lệ tại Ai Cập, tại đó họ có thể cảm nguyện một cách đặc biệt sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã ở trong hoang địa 40 ngày, chịu Satan cám dỗ” (Mc 1,13). Thánh Lêô Cả bình luận rằng ”Chúa đã muốn chịu cuộc tấn công của tên cám dỗ để bảo vệ chúng ta bằng ơn phù trợ của Ngài và để dạy chúng ta bằng gương của Ngài” (Tractarus XXXIX, 3 De ieiunio quadragesimae: CCL 138/A, Turnholti 1973, 214-215).

"Giai thoại ấy có thể dạy chúng ta điều gì? Như chúng ta đọc trong Sách Gương Phúc, ”Con người không bao giờ hoàn toàn được miễn khỏi cám dỗ bao lâu họ còn sống.. Nhưng với lòng can đảm và khiêm tốn chân thực, chúng ta có thể trở nên mạnh mẽ hơn mọi kẻ thù” (Liber I, c.XIII, Città del Vaticano 1982, 37), kiên nhẫn và khiêm tốn theo Chúa hằng ngày, học cách xây dựng cuộc đời chúng ta không phải ở ngoài Chúa, hoặc như thể Chúa chẳng hề hiện hữu, nhưng là trong Chúa và với Chúa, vì Ngài là nguồn mạch sự sống đích thực. Cám dỗ muốn loại bỏ Thiên Chúa, tự mình sắp đặt trật tự mọi sự nơi bản thân và trong thế giới, chỉ cậy dựa vào khả năng riêng của mình, đó là điều vẫn luôn hiện diện trong lịch sử loài người”.

Chúa Giêsu công bố: ”Thời gian đã viên mãn và nước Chúa gần kề” (Mc 1,15), Ngài loan báo rằng nơi Ngài có một cái gì mới mẻ xảy ra: Thiên Chúa ngỏ lời với con người một cách bất ngờ, với một sự gần gũi cụ thể đặc biệt, đầy tình yêu thương; Thiên Chúa nhập thể và đi vào thế giới của con người để gánh lấy tội lỗi trên mình, để chiến thắng sự ác và đưa loài người trở lại thế giới của Thiên Chúa. Nhưng lời loan báo này có kèm theo yêu cầu hãy đáp ứng hồng ân cao cả dường ấy. Thực vậy, Chúa Giêsu nói thêm rằng: ”Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15); đó là lời mời gọi hãy tín thác nơi Thiên Chúa và mỗi ngày biến cuộc sống chúng ta theo ý Chúa, hướng mọi hành động và tư tưởng của chúng ta về điều thiện. Mùa chay là thời điểm thuận tiện để đổi mới và làm cho quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa được vững chắc hơn, qua kinh nguyện hằng ngày, qua những việc thống hối và các hoạt động bác ái huynh đệ.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Chúng ta hãy sốt sắng cầu xin Mẹ Maria chí thánh, xin Mẹ tháp tùng hành trình mùa chay của chúng ta dưới sự bảo vệ của Mẹ và giúp chúng ta học cách ghi khắc lời Chúa Giêsu Kitô vào trong tâm hồn và cuộc sống của chúng ta, để trở về cùng Chúa. Ngoài ra, tôi cũng xin anh chị em cầu nguyện cho tuần tĩnh tâm mà tôi sẽ bắt đầu tối chúa nhật hôm nay (26-2-2012) cùng với các cộng sự viên của tôi trong các cơ quan trung ương Tòa Thánh.”

Sau khi ban phép lành, như thường lệ, ĐTC đã chào thăm các tín hữu hành hương bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, và ngài không quên nhắc nhở họ về ý nghĩa của mùa chay. Với các tín hữu nói tiếng Pháp, ngài nói: ”Mùa chay thật là có nhiều yêu sách vì mùa này mời gọi chúng ta trở về cùng Thiên Chúa. Sau khi chịu phép rửa Chúa Giêsu được dẫn vào hoang địa, vào đầu sứ vụ công khai của Ngài. Cùng với ngài, chúng ta hãy cảm nghiệm thời kỳ hoang địa và cô tịch này. Chúng ta hãy biết loại bỏ tất cả những gì có thể dẫn chúng ta đi xa Thiên Chúa và hãy tận dụng Mùa Chay này để trở về cùng Chúa. Hãy can đảm đi theo con đường cầu nguyện. Hãy tái khám phá tầm quan trọng của quan hệ chúng ta với Thiên Chúa và ”quan tâm đối với nhau để khích lệ nhau trong đức bác ái và các việc lành” (Dt 10,24).

Với các tín hữu nói tiếng Đức, ĐTC cũng nhắc nhở rằng ”mùa chay này là một lời mời gọi hãy cầu nguyện và hoán cải để biết Chúa sâu xa hơn. Mùa chay giúp chúng ta sống đức tin với một đà tiến mới, và gia tăng việc thực hành bác ái... Chúng ta hãy cùng nhau đi chung với Chúa trên con đường 40 ngày thánh thiêng này. Chúa sẽ hướng dẫn chúng ta trên những nẻo đường chắc chắn.”

Với các tín hữu nói tiếng Tây ban Nha, ĐTC nhắc đến chiến thắng của Chúa Giêsu đối với những cám dỗ, và qua đó Chúa báo trước ơn cứu chuộc, đồng thời mời gọi chúng ta hoán cải và tin tưởng. Ngài nói: ”Vào đầu mùa chay thánh này, tôi khích lệ anh chị em, hãy để cho sức mạnh của Chúa hướng dẫn, gia tăng cầu nguyện, thống hối và thực hành bác ái, nhờ đó chúng ta sẽ tiến đến lễ Phục Sinh, trong sự chiến thắng và được thanh tẩy.”
Trong lời chào bằng tiếng Ý, ĐTC nhắc đến các đoàn tín hữu đến từ các giáo phận Bologna, Vincenza, Bari e Modugno. Các thiếu niên thuộc một số giáo xứ ở giáo phận Milano.

Bắt đầu cuộc tĩnh tâm

Lúc 6 giờ chiều 26-2-2012, ĐTC và các vị lãnh đạo trong Tòa Thánh đã bắt đầu tuần tĩnh tâm mùa chay tại Nhà Nguyện Mẹ Đấng Cứu Chuộc (Redemptoris Mater) trong dinh tông tòa.

Các bài suy niệm có chủ để tổng quát là ”Sự hiệp thông của tín hữu Kitô với Thiên Chúa - Sự hiệp thông của chúng ta với Chúa Cha và Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô” (1 Ga 1,3), do ĐHY Laurent Monsengwo Pasinya, TGM giáo phận Kinshasa, thủ đô cộng hòa dân chủ Congo, đảm trách.

ĐHY Monsengwo năm nay 72 tuổi (1939), đã đậu tiến sĩ Kinh Thánh tại Giáo hoàng Học viện Kinh Thánh ở Roma, và được bổ nhiệm làm GM phụ tá giáo phận Inongo năm 1980 rồi làm TGM giáo phận Kisangani năm 1988. Từ năm 1984 đến 1992, Ngài làm Chủ tịch lần đầu của HĐGM Zaire là tên trước khi đổi thành nước Congo từ năm 1997. Cách đây 5 năm (2007), Đức TGM Monsengwo được thăng TGM thủ đô Kinshasa và được bổ làm Hồng y năm 2010. ĐHY nổi tiếng về các hoạt động bênh vực hòa bình và đã từng làm đồng chủ tịch Phong trào Pax Christi Hòa bình của Chúa Kitô.

Buổi khai mạc tuần tĩnh tâm chiều hôm qua bắt đầu với nghi thức đặt Mình Thánh Chúa, hát kinh chiều và bài suy niệm dẫn nhập. Sau đó là nghi thức chầu và phép lành Mình Thánh Chúa.
Trong những ngày tới đây, mỗi ngày có 3 bài suy niệm: ban sáng lúc 9 giờ, sau giờ kinh Ngợi khen, tiếp đến lúc 10 giờ 15 sau kinh giờ Ba, ban chiều lúc 5 giờ. Tiếp theo đó là Kinh chiều, chầu và phép lành Mình Thánh Chúa. Tuần tĩnh tâm sẽ kết thúc sáng thứ bẩy, 3-3 tới đây.
 
Top Stories
Holy See-Vietnam Working Group to meet in late February
AsiaNews
09:23 26/02/2012
The meeting will take place in Hanoi on 27-28 February. The non-residential pontifical representative has already met almost all of the country's bishops and their respective communities. Tensions remain over religious freedom, compounded by corruption in high places.

Vatican City (AsiaNews) - The Holy See-Vietnam Joint Working Group will hold its third meeting in Hanoi at the end of February. The group is tasked with setting the bases for diplomatic relations.

In a brief communiqué, the Vatican Information Service reported, "In accordance with the decision taken at the end of the second meeting of the Vietnam-Holy See Joint Working Group, held in the Vatican on 23 and 24 June 2010, the third meeting of the Joint Working Group will take place in Hanoi, Vietnam, on 27 and 28 February. Following a number of visits by the non-resident Pontifical representative to Vietnam, the meeting will serve to strengthen and develop bilateral relations."

The Working Group was set up in February 2009 after years of informal talks to study the possibility of establishing diplomatic relations between the Holy See and the Socialist Republic of Vietnam.

As a result of the group's work, Benedict XVI appointed Mgr Leopoldo Girelli as non-residential pontifical representative to Vietnam. Although not a full nuncio and based in Singapore, Mgr Girelli has been able to visit the country and meet almost of its bishops and their respective communities.

Like in China, Vietnam has embarked on economic reforms but is reticent about political change that would guarantee religious freedom to the country's Christians (and Buddhists).

In recent years, Catholics have been the victims of several episodes of violence. Evangelisation is especially discouraged in the North and Church property (land and buildings) has been confiscated.

At the same time, Catholics have become more involved in society, unofficially tolerated by the authorities to deal with issues like health care (leprosy), senior citizens and education, which are progressively disregarded by increasingly corrupt government officials.

 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phái đoàn Tòa Thánh đã đến Việt nam
Hà Như Nguyệt
09:08 26/02/2012
HÀ NỘI - Vào lúc 9g30’ ngày 26 tháng 02 năm 2012, phái đoàn Tòa Thánh Vatican do Thứ trưởng Ngoại giao Ettore Balestrero làm Trưởng đoàn đã chính thức đến Việt Nam, để tham dự cuộc họp lần thứ ba của Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam – Tòa Thánh sẽ diễn ra trong hai ngày 27 và 28 tháng 02 năm 2012 tại Hà Nội.

Xem hình ảnh

Đón phái đoàn Tòa Thánh tại phi trường quốc tế Nội Bài có Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt S.J., tổng thư kí Hội đồng Giám mục Việt Nam; Đức cha Lôrensô Chu Văn Minh, giám mục phụ tá Tổng giáo phận Hà nội; cùng một số cha trong Giáo tỉnh Miền Bắc.

Ngay sau nghi thức ngoại giao tại phi trường quốc tế Nội Bài và tại nhà khách chính phủ, phái đoàn Tòa Thánh đã về Tòa Tổng giám mục Hà nội và được đông đảo các nam nữ tu sĩ và bà con giáo dân chào đón. Sau khi thăm hỏi mọi người, phái đoàn đã có buổi gặp gỡ thân mật với tất cả các Đức cha trong Giáo tỉnh Hà Nội.

Được biết, phái đoàn Tòa Thánh sẽ dâng thánh lễ Chúa nhật thứ nhất Mùa chay cho toàn thể cộng đoàn Dân Chúa vào lúc 18g00 tại nhà Thờ lớn Hà nội.

Xin anh chị em hãy cầu nguyện nhiều cho cuộc họp lần thứ ba của Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam – Tòa Thánh để Chúa Thánh Thần soi sáng cho các ngài hầu thâu được nhiều lợi ích thiêng liêng cho Giáo Hội tại Việt Nam.
 
Những Bí Quyết Để Có Một Buổi Thuyết Trình Hay
Tạ Ân Phúc
10:15 26/02/2012
Những Bí Quyết Để Có Một Buổi Thuyết Trình Hay

“Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Từ xưa, ông bà ta đã nhận thức được rằng giao tiếp là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người để tương tác với nhau trong đời sống. Cách thức trao đổi, nói chuyện với người khác chính là cách để người ta xây dựng mối quan hệ với những người quanh mình, trong môi trường sống của mình. Cuộc sống mỗi người được hạnh phúc, bình an hay không, không phải nằm ở chỗ tiền bạc hay chức quyền, địa vị trong xã hội mà phụ thuộc vào cách họ quan hệ với tha nhân, cách cư xử và giao tiếp. Làm sao để người khác lắng nghe và quan trọng hơn là họ chấp nhận và thực hiện theo điều mình nói, đòi hỏi kỹ năng nói chuyện và rộng hơn là kỹ năng thuyết trình trước đám đông.

Nhận thấy đây là một nhu cầu cần thiết đối với các bạn sinh viên cũng như với những ai muốn thăng tiến trong đời sống và nghề nghiệp, chiều thứ Bảy 18/02/2012, Chương Trình Chuyên Đề của Ban Mục Gia Đình TGP. Sài Gòn đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “KỸ NĂNG NÓI CHUYỆN TRƯỚC CÔNG CHÚNG” (2) do Thạc sĩ Phạm Thị Thúy, giảng viên huấn luyện phương pháp sư phạm và đào tạo nhân sự trình bày tại Trung tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận.

Trong bài nói chuyện trước, diễn giả đã chia sẻ những điều căn bản nhất trong thuyết trình. Trong buổi nói chuyện này, cô chia sẻ những bí quyết, những kinh nghiệm cá nhân, những kiến thức học được từ các chuyên gia và tận tình hướng dẫn học viên thực hành làm sao để có được buổi thuyết trình hay. Qua phần chia sẻ này, cô hy vọng rằng ai cũng có thể thấy mình có khả năng thuyết trình.

Ai có thể tự tin mình có khả năng thuyết trình và thuyết trình hay? Phải chăng thuyết trình là một khả năng bẩm sinh? Thực sự thuyết trình không phải là một khả năng bẩm sinh và cũng không phải là khả năng di truyền. Kỹ năng thuyết trình là kỹ năng hoàn toàn có thể học được. Cần phải học kỹ năng này từ nhiều nguồn khác nhau: sách vở, báo chí, giáo viên, người xung quanh, bạn bè, đồng nghiệp… nhưng cần phải khẳng định rằng phong cách thuyết trình là của chính mình, một yếu tố quan trọng làm cho buổi thuyết trình thành công.

Muốn thuyết trình hay, phải luôn luôn nhớ rằng: “Thuyết trình là một cuộc đàm thoại dài”. Đó là một cuộc đàm thoại mà mọi người đều có cơ hội nói, cơ hội thực hành, hỏi đáp để cùng nhau chia sẻ, chiêm nghiệm, thực hiện những điều đang trao đổi, dù nói về bất kỳ đề tài nào. Nếu diễn giả nói một cách cường điệu, chỉ để cho hết nội dung, độc thoại từ đầu đến cuối thì đó không phải là một buổi thuyết trình thành công, dù diễn giả nói nghe hay đến mấy. Theo các chuyên gia Đức, trong một buổi giảng, nếu như giáo viên nói quá hai phần ba thời gian xem như buổi đó thất bại. Mỗi giáo viên chỉ được nói 1/3 giờ giảng, 2/3 giờ còn lại phải cho học viên được nói, thực hành, để có sự giao lưu với người nghe.

Diễn giả nói hay, khán giả nghe nhiều, nhưng điều quan trọng là hiệu quả sau đó người nghe được gì, họ có ứng dụng được không, đó mới là vấn đề cần quan tâm. Để người nghe thấm được những gì diễn giả truyền thụ thì diễn giả phải bớt nói, nói nhiều quá khán giả không tiếp thu hết, làm cho buổi thuyết trình không mang lại hiệu quả.

Để buổi diễn thuyết được thành công hay nói chuyện với bất kỳ ai, trong hoàn cảnh nào, người nói cần rèn luyện để có được 3 yếu tố cốt yếu:

Tự tin: Nếu không tự tin thì không dám đứng lên nói, và không nói được trước công chúng. Tự tin là tin vào bản thân mình, tôi là tôi, là một cá thể độc lập, từ đó nói điều mình nghĩ, chia sẻ vấn đề cần truyền đạt bằng phong cách riêng của mình.

Tự nhiên: Đây là mức độ trên cả tự tin, người tự tin chưa chắc đã tự nhiên nhưng người tự nhiên chắc chắc đã tự tin. Khi tự nhiên người ta bộc lộ con người mình một cách chân thật: không gượng ép, không hình thức, không đóng kịch, không giả vờ là ai đó, không bắt chước mà chân thật, chân thành trước mọi người. Tự nhiên là thể hiện chính mình, bộc lộ tính cách một cách thoải mái trước mọi người, tự nhiên trong lời nói, hành vi, cử chỉ, trong cách giao lưu với mọi người. Khi đó, người thuyết trình xem người nghe như là bạn bè, người thân, như người nhà của mình, và chia sẻ quan điểm một cách cởi mở đồng thời mong người đối diện cũng cởi mở lắng nghe. Có được sự tự nhiên hay không phụ thuộc nhiều vào khả năng bộc lộ được chính mình hay không, qua cá tính của bản thân người nói truyền vào bài thuyết trình nhằm gây hấp dẫn người nghe bằng sự khác biệt của bài thuyết trình.

Tự chủ: Đây là sự tự chủ về mặt cảm xúc, nghĩa là phải kiểm soát được cảm xúc chính mình, chứ không chỉ kiểm soát tình thế. Nếu đã tự tin, tự nhiên thì tự chủ rất dễ đạt được, cảm xúc không bị gò ép bởi điều gì, người nói sống với bài thuyết trình của mình, với điều mình đang nói, lên bổng hay xuống trầm là do cảm xúc tuôn trào chứ không do cố gò ép.

Trong ba yếu tố trên, quan trọng nhất vẫn là đạt được sự tự nhiên, nó sẽ chi phối hai yếu tố còn lại. Tự nhiên là kết quả của một quá trình tập luyện, dù tự nhiên chính là sự bộc lộ con người, nó không đơn giản chỉ là sống thật theo ý mình mà phải rèn luyện cách thức bộc lộ. Bởi vì, khi tập luyện nhiều thì nụ cười, lời nói, dáng đi, cử chỉ… mới trở nên thuần thục, trở thành thói quen.

Cách nói quan trọng hơn nội dung nói, để có được sự tự nhiên, cử chỉ khi nói quan trọng hơn lời nói. Cử chỉ thể hiện qua ngôn ngữ cơ thể, trong đó tập trung ở gương mặt, nhất là ánh mắt, nụ cười. Gương mặt sẽ thể hiện rõ ta đang tự nhiên, tự tin hay đang lo lắng, giả tạo. Ngoài sự biểu hiện của gương mặt, những yếu tố hình thể khác cũng không kém phần quan trọng là cách di chuyển cánh tay, dáng đi, trang phục, tư thế đứng.

Cánh tay là bộ phận hỗ trợ cho việc thuyết trình, vung tay, giơ tay hay nắm tay đều là biểu hiện của cảm xúc. Do đó, động tác tay phải tự nhiên, không bắt chước theo một kiểu mẫu nào, hãy cứ diễn tả theo những đều mình nói.

Dáng đi: Đứng yên một chỗ sẽ tạo sự cứng nhắc, nên thư thái và di chuyển hợp lý trong khán phòng, không đi quá nhanh hay quá chậm, nếu vừa đi vừa nói thì phải rất thong dong.

Trang phục: Trang phục thanh lịch và luôn đẹp hơn khán giả một chút, đừng đẹp quá sẽ tạo nên khoảng cách tâm lý với người nghe, không bộc lộ được sự cởi mở của người nói.

Tư thế đứng: Dáng chuẩn là đứng thẳng, chân, đầu và lưng phải thẳng, hai chân dang rộng vừa phải, cánh tay thả lỏng, hoàn toàn thoải mái, không gò bó.

Trong quá trình tập luyện, cần quay phim lại, để sau đó xem và sửa dần những cử chỉ xấu, cũng có thể tập trước gương để thấy được biểu hiện hình thể của mình. Cần tránh những hành động vô thức như quẹt mũi, vân vê tà áo, đút tay vào túi quần...

Để bộc lộ sự tự nhiên đồng thời tạo thiện cảm với người nghe, dù nói trước đối tượng nào cần có thái độ tôn trọng. Tôn trọng cử tọa sẽ cho phép người thuyết trình lắng nghe họ, đảm bảo buổi thuyết trình trở thành một cuộc đàm thoại dài, diễn giả là người chia sẻ chính và cử tọa cũng có cơ hội chia sẻ.

Trong thuyết trình, sức mạnh của thông điệp mà người nói muốn truyền đạt đến cử tọa có thể tóm kết theo công thức 7 - 38 - 55, thể hiện ở ngôn từ, giọng nói và hình ảnh:

Ngôn từ chỉ chiếm 7% thông điệp mà diễn giả muốn nói với cử tọa vì họ muốn lắng nghe thông điệp chứ không lắng nghe thông tin.

Giọng nói chiếm 38% thông điệp cần truyền đạt, để có được giọng nói hay cần nói rõ ràng, mạch lạc, truyền cảm, chân tình, thân ái. Giọng nói ảnh hưởng đến việc khán giả có muốn nghe điều người nói muốn đề cập đến hay không. Cần tập nói trước micro để chỉnh giọng.

Hình ảnh chiếm 55% sức mạnh điều cần truyền đạt. Thông thường diễn giả bị người nghe đánh giá, quan sát trước khi bước lên bục, trước khi cất giọng nói. Nhưng hình ảnh không chỉ đơn giản là hình thức bên ngoài, cử chỉ, điệu bộ, quần áo. Điều quan trọng nhất của hình ảnh chính là cái hồn toát ra từ bên trong người nói và nó chính là nhân cách, là phẩm chất, là tất cả mọi thứ liên quan đến con người: tính tình, sở thích, năng lực, hành vi, cách sống. Đó chính là con người bên trong của mình bộc lộ ra ngoài khi ta diễn thuyết. Hình ảnh này không phải tự nhiên mà có mà do quá trình xã hội hóa, một quá trình rèn luyện từ nhỏ đến lớn, đó là cả một quá trình các tương tác với người khác để hình thành nên nhân cách của mỗi người.

Sau những chia sẻ quý báu về kinh nghiệm và kiến thức để mọi người có thể tự tin, tự nhiên và tự chủ trong thuyết trình, cô Thúy đã nhiệt tình giải đáp những thắc mắc, băn khoăn của cử tọa để từ đó có thể tập luyện cho công việc thuyết trình hay hơn, tốt hơn:

Hỏi: Xin cô cho biết rõ khái niệm thông điệp?

Đáp: Cần nhận thức rõ ràng rằng thông điệp khác thông tin, thông điệp là điều mà người ta thực sự muốn nói, là điều đằng sau câu nói, thông điệp thật sự bộc lộ qua giọng nói và qua hình ảnh, chứ không chỉ là ngôn từ.

Hỏi: Xin cô cho biết cách xử lý câu hỏi?

Đáp: Có rất nhiều dạng câu hỏi, muốn xử lý câu hỏi tốt cần thực sự lắng nghe câu hỏi, thấu hiểu câu hỏi để tránh trường hợp hỏi một đằng, trả lời một nẻo. Kế đến, cần trả lời tuần tự, không nên trả lời quá dài và hãy hoan nghênh những câu hỏi hay. Với câu hỏi hóc búa, câu hỏi khó, câu hỏi xoáy, cần phát huy tính tự chủ vì có những câu hỏi, người hỏi chủ yếu làm khó chứ không phải thực sự cần câu trả lời. Phải giữ bình tĩnh và biết chuyển khéo léo như: “Hiện tôi chưa trả lời được, xin được tra cứu để trả lời sau, xin lại địa chỉ, điện thoại để liên lạc”; “Tôi cần suy nghĩ một chút, tôi sẽ trở lại câu hỏi này vào cuối buổi”. Không phải người ta hỏi là mình có trách nhiệm trả lời ngay. Khi cư xử lịch sự với khán giả thì họ không hỏi khó, tự tin, tự nhiên là một trong những rào cản ngăn không cho người khác phá quấy, làm hỏng buổi thuyết trình của mình.

Hỏi: Xin cô cho biết tập thuyết trình như thế nào?

Đáp: Hãy tập trước gương, tập trong phòng kín, nói một mình, tập với nhóm bạn hoặc tận dụng nhiều cơ hội giao tiếp khác nhau để nói. Thường thuyết trình trước khán phòng chỉ là những thuyết trình chính thức, thuyết trình phi chính thức thì rất nhiều: thuyết trình trước gia đình, nhóm bạn, cuộc vui, đám cưới, đám tiệc.

Hỏi: Xin cô cho biết phương pháp kiểm soát sự lo sợ trước khi thuyết trình?

Đáp: Bất kỳ ai cũng lo sợ khi thuyết trình, đây là điều bình thường, chỉ cần vượt qua được lúc lo sợ thì sẽ can đảm. “Tôi sẽ làm được, tôi tự tin”, chỉ cần vài giây kiên định, đừng bỏ cuộc, đừng chạy trốn, đứng lại nói tiếp, thế là bình tĩnh. Hãy kiên nhẫn, tỏ ra tự tin khi bạn chưa tự tin, rồi sẽ tự tin. Điều quan trọng nhất là phải nắm vững nội dung, không lo sợ không kiểm soát được nội dung. Phải tập luyện thật kỹ để nhớ mọi thứ cần phải nói, nói cái gì, vào lúc nào, trình chiếu cái gì.

Hỏi: Xin cô cho biết làm thế nào để lái người nghe khi họ không muốn nghe?

Đáp: Cần tự tin, tự nhiên, tự chủ. Làm được như vậy thì bài thuyết trình đủ hấp dẫn nên khả năng khán giả không nghe rất ít, nhưng có khi vấn đề mình nói rất say sưa nhưng không phải là vấn đề người nghe cần quan tâm. Điều này liên quan đến việc chuẩn bị, phải chuẩn bị kỹ nội dung để thành công theo nguyên tắc tư duy 5W+1H: Who (ai), What (cái gì), Where (ở đâu), Why (tại sao), When (khi nào), How (thế nào). Cần nắm bắt được chính xác mong đợi của người nghe là gì để lọc thông tin nhằm nói điều họ quan tâm.

Để hỗ trợ cho các tác giả thi thuyết trình ở Vòng Chung Kết của các cuộc thi do Chương Trình Chuyên Đề tổ chức, trong phần tiếp theo của buổi nói chuyện, Ban Tổ Chức đã ưu tiên cho các tác giả đã gửi bài dự thi cuộc thi “Viết Về Mẹ” & “Viết Về Cha” được thực tập thuyết trình mỗi người 5 phút về một chủ đề mà mình tâm đắc. Mỗi người lên thuyết trình được quay phim lại và khi thuyết trình xong, người thuyết trình cùng khán giả sẽ xem lại để quan sát nhằm phát hiện ưu điểm và điều cần cải thiện trong phong cách, giọng nói, yếu tố hình thể của người nói và cô Thúy tóm kết, góp ý về phong cách thuyết trình của mỗi người để họ rút kinh nghiệm. Để không khí không đơn điệu và không để thời gian chết khi bộ phận kỹ thuật chép file và cắt video, cô Thúy đã linh động mời gọi khán giả hát hoặc diễn trò, đó cũng là một cách để khán giả thể hiện khả năng của mình trước đám đông.

Cuối buổi chia sẻ, cô Thúy đã chốt lại những gì quan trọng nhất. Cô khuyên muốn thuyết trình hay cần tự tập với chính mình trước gương, trong những nhóm bạn khác nhau, cô tin rằng mọi người hoàn toàn có thể thuyết trình được. Cô nhấn mạnh mọi người có thể học kỹ năng ở mọi nơi, nhưng phong cách phải là của mình, nó vốn có sẵn, là nhân cách của chính mình, hãy mang nó theo mỗi khi thuyết trình. Mỗi khi thuyết trình cần nhớ rằng cả con người mình đang đứng trước người khác, và hãy bộc lộ thật tự nhiên, tự tin và tự chủ bằng cách nói chân thành nhất và nói những điều người ta mong đợi nghe nhất, chắc chắn sẽ thành công.

Tạ Ân Phúc
 
Giáo xứ Lập Thạch chầu lượt
Antôn Hoàng Cảnh Hồng
12:15 26/02/2012
VINH – Thứ tư lễ tro cũng là ngày khai mạc tuần chầu lượt giáo xứ Lập Thạch, giáo hạt Cửa Lò. Trong tâm tình đầu mùa chay thánh, giáo xứ được giáo phận phân công theo phiên thứ tuần chầu đền tạ thay cho cả giáo phận. Người người hối hả chuẩn bị về tinh thần và thể chất để bước vào “sa mạc” cùng với Chúa Giê-su.

Xem hình ảnh

Cả tuần trước đó, các giới đã được các cha trong và ngoài hạt dành chia sẻ tĩnh tâm và giải tội. Tuần chầu năm nay ngày Chúa Nhật XII tn, 19/2 được các cha dòng CCT Việt Nam về tĩnh tâm chia sẻ cho giới trẻ mãi đến chiều thứ tư lễ Tro. Sáng thứ năm sau thánh lễ các cha dòng Chúa CCT vẫn tiếp tục chia sẻ cho huynh đoàn Thánh Thể.

Sáng thứ sáu thánh lễ tạ ơn khai mạc tuần chầu gồm 19 linh mục trong và ngoài giáo phận đồng dâng thánh lễ, sau đó các cha tranh thủ giải tội giúp cho hết mọi người dọn tâm hồn bước vào mùa chay thánh, nhất là tuần chầu Thánh Thể. Chiều 14h cùng ngày, cha bề trên dòng ĐỨC MẸ VỀ TRỜI - Px Nguyễn Tiến Dâng tĩnh tâm cho giới phụ huynh nam, kết thúc bằng giờ chầu đền tạ.

Sáng thứ bảy 7h30 Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp và 19 cha trong và ngoài giáo hạt đồng dâng thánh lễ tại ơn, sau thánh lễ vị đại diện giáo xứ có lời cám ơn và lên tặng hoa. Đức cha đã thay cho đoàn linh mục chúc cho giáo xứ được sức khoẻ và bình an trong một tâm tình bác ái theo tinh thần Kytô giáo và ngài đã tặng lại bó hoa cho cha chánh xứ với câu chúc “ xin tặng lại bó hoa này để cầu chúc cha có nhiều thiết kế tốt đẹp hơn nữa”.

Sáng Chúa nhật ngày cao điểm giáo xứ lại được vinh dự đón chào Đức cha già phaolô Maria Cao Đình Thuyên và linh mục đoàn trong và ngoài giáo hạt dâng thánh lễ trong ngày cao điểm của tuần chầu.

Nhìn Lập Thạch hôm nay luôn luôn đổi thay và khởi sắc, từ đời sống đạo đến tinh thần hiệp thông đoàn kết chung quanh cha quản xứ Phaolô Nguyễn Xuân Tính, một linh mục nhiệt tình, hy sinh năng nổ về mỗi lĩnh vực, đã làm cho bộ mặt giáo xứ Lập Thạch luôn thay da đổi thịt từng ngày. Đời sống đạo được thể hiện trên tinh thần xây dựng con người về lãnh vực đời sống đức tin, với một đội ngũ giáo lý năng nỗ và đầy nhiệt huyết đã và đang dẫn dắt giới trẻ trong toàn giáo xứ đi lên. Một tinh thần đoàn kết hiệp nhất khăng khít đã làm cho khuôn viên thánh đường luôn thoáng rộng và nhiều công trình thay nhau mọc lên, nhìn ngôi nhà mục vụ của giáo xứ to lớn khang trang với tiện nghi đầy đủ và tổ chức các tầng, phòng lôgic khoa học, đã phần nào nói lên sự hiệp nhất giữa cha con trong toàn giáo xứ.

Với thao thức và ước vọng của cha con, mong muốn trong tương lai, nơi đây sẻ mọc lên ngôi nhà trường giáo lý khang trang và to đẹp.

“Tạ ơn trời, tạ ơn người” câu nói luôn được Đức Cha Phaolô dùng trong tâm tình tạ ơn. Vâng! Cám tạ tình yêu thương của Thiên Chúa, cảm ơn hết mọi tấm lòng của con Chúa, con Giáo Hội luôn một lòng trung kiên, nhiệt huyết, là chứng nhân của Đức Kytô giữa trần thế hôm nay.
 
Tháp tùng Giám mục Mỹ Tho thăm mục vụ 4 giáo điểm tại Cần Đước và Cần Giuộc
Vũ Loan
12:31 26/02/2012
MỸ THO - Chiều thứ bảy, ngày 25/02/2012, nhận lời mời của linh mục Phaolô Phạm Minh Thanh, chúng tôi đến giáo xứ Vạn Phước, giáo phận Mỹ Tho, để cùng với cha tháp tùng Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc đi thăm mục vụ bốn giáo điểm trên địa bàn huyện Cần Đước và Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Xem hình ảnh

Vùng Cần Đước, Cần Giuộc chỉ cách trung tâm Sài Gòn hơn ba chục cây số nên xe chúng tôi thong thả lăn bánh. Đường vào nhà thờ Vạn Phước đẹp vì có “hẻm nhà thờ” tráng xi-măng, hàng cây hai bên được chăm chút kỹ lưỡng nên vẻ xanh tươi, mát dịu như chào khách đến, đưa người thăm vào khuôn viên khá rộng, rất “chỉn chu” của nhà thờ.

Chúng tôi dừng chân khoảng một giờ đồng hồ thì Đức Cha đến. Những giáo dân người miền Nam đón Đức Cha vẻ đơn sơ nhưng không kém phần trịnh trọng. Câu chuyện được Đức Cha mở đầu bằng những lời rất “mục vụ” nhưng thiết tha đến từng giáo dân, nói đến việc bổ nhiệm cha chánh xứ tại đây, những thành quả cha xứ cùng giáo dân đã thực hiện được. Phút giây ngắn ngủi chầu Thánh Thể sốt sắng giữa trưa nắng trong ngôi thánh đường nhỏ trở thành khoảnh khắc thăng hoa giữa chủ chăn và giáo dân.

Giáo xứ Vạn Phước được hình thành từ 1880 trên địa bàn xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, có một lược sử ít sóng gió, bình thường theo thời gian - từ nhà nguyện bằng cây lá đơn sơ, đến nhà thờ tường gạch, có trường học, có các cha sở lần lượt coi sóc - trải qua 132 năm, hiện nay giáo xứ Vạn phước có đầy đủ điều kiện nhân sự, cơ sở để phục vụ cộng đoàn dân Chúa ở vùng này.

Điểm truyền giáo Chợ Núi

Sau vài phút giải khát, Đức Cha cùng cha xứ Vạn Phước, linh mục phụ trách truyền thông và ba người chúng tôi, lên xe đi đến điểm truyền giáo Chợ Núi. Xe Đức Cha đi trước, xe chúng tôi đi sau làm chúng tôi có cảm tưởng mình đang cùng một vị quan của Đức Vua Giêsu đi “vi hành” vùng thôn quê!

Điểm truyền giáo Chợ Núi là một căn nhà bình thường giữa một khu dân cư phố chợ. Đức Cha vào bên trong và chào hết mọi người, ân cần với cụ bà 100 tuổi, con dâu của cụ Yến - người gầy dựng điểm truyền giáo này - còn bà cụ thì nhớ rằng đã lâu rồi Đức Cha không đến nơi này.

Tại đây, Đức Cha nói về sự hồi tâm, trở về của mình bằng cách đến thăm những giáo điểm. Còn ông Nguyễn Văn Năng, 80 tuổi, cháu nội của cụ Yến đã chia sẻ một chút tâm tình của ông với điểm truyền giáo này.

Từ vùng đất gọi là Tắt Cạn, ấp Tây, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, có ông Antôn nguyễn Văn Yến, lúc đầu chưa có đạo, đã sang họ đạo Vạn Phước để tìm đạo. Sau khi biết Chúa, ông đưa cả gia đình vào đạo, rồi dâng đất để dựng một nhà nguyện và bắt đầu hình thành họ đạo Rạch Núi. Trải qua thời gian chiến tranh, nhà nguyện sụp đổ, gia đình và các con cháu vẫn kiên trì giữ đạo. Sau năm 1975, cuộc sống càng khó khăn nhưng mọi người trong gia đình vẫn tìm đến những nhà thờ ở Sài Gòn để chịu các Bí Tích. Ngày Chúa nhật, các con cháu của cụ Yến qui tụ về nhà tổ (nhà nguyện này) để đọc kinh cầu nguyện. Hiện nay, con dâu của cụ Yến đã 100 tuổi và trở thành điểm tựa có thể qui tụ con cháu giữ gìn đời sống đức tin. Và các tu sĩ tu đoàn Thừa Sai Thánh Mẫu Chúa Cứu Thế phụ trách Phụng Vụ Lời Chúa, dạy Giáo lý và những công việc mục vụ khác vào ngày Chúa nhật.

Hằng năm, vào ngày lễ Giáng Sinh, Phục Sinh, lễ trọng, Tết, Tu Đoàn cử linh mục đến dâng lễ cho bà con giáo dân ở đây. Đức tin nơi này đang ngày càng mở rộng, nhờ con cháu mạnh dạn sống đạo và nói về Chúa Giêsu cho người khác. Hy vọng vùng đất này sẽ phát triển đức tin từ nhà nguyện của cụ Yến ngày xưa.

Nhà nguyện nhỏ ở một công ty

Thú vị nhất là ngay sau đó, ông bà giám đốc và công nhân của công ty xuất nhập khẩu may thêu Thiên Đông Nghi đã đón Đức Cha dưới cái nắng của giờ thứ 15 trong ngày. Trong tay các bạn trẻ cầm lá cờ nhỏ, đủ màu. Thăm nhà xưởng lớn nơi các bạn trẻ làm việc hằng ngày, người ta có thể thấy được nhu cầu tâm linh của nhiều bạn trẻ Công giáo trong số 400 bạn trẻ từ nhiều nơi đổ về đây làm việc. Đức Cha cùng các bạn đi vào nhà nguyện nhỏ bên trong, gần nơi các bạn ở; đó là một căn nhà sạch sẽ khá sang trọng mà phần nhà nguyện là phòng khách lớn của căn nhà.

Hôm nay, trong lúc mọi người dùng tiệc trà, Đức Cha nói với các bạn trẻ rằng các bạn cần có một cách sống vui tươi, tin tưởng và gầy dựng tương lai cho mình từ công việc đang làm. Nhất là biết làm chủ, biết “hãm” con người của mình trước những cám dỗ đầy rẫy bên ngoài.

Các bạn trẻ người dân tộc Sê-đăng ở vùng Gia Lai còn đứng lên cùng hát một bài bằng tiếng dân tộc làm bầu khí thêm sôi động. Thân thiện nhất là trước khi ra về, các bạn được chụp hình chung với Đức Cha với những nụ cười khó quên.

Được biết, anh chị Đông, giám đốc công ty này khi mở xưởng đã quan tâm đến đời sống đức tin của các bạn trẻ nên tạo nhiều điều kiện cho họ giữ đức tin thuận lợi. Mặt khác, anh chị có cách cư xử đầy lòng nhân ái như hỗ trợ tiền thuê nhà ở cho các em, ân cần giúp đỡ khi đau yếu, hỗ trợ hôn nhân khi bạn trẻ cùng xưởng lập gia đình với nhau, tổ chức văn nghệ tết, cho đi tham quan nghỉ mát…nên đã thu phục nhân tâm của các bạn trẻ và việc qui tụ đọc kinh cầu nguyện tại nhà nguyện nhỏ này không có gì là khó khăn.

Điểm dừng chân đặc biệt!

Được cha xứ Vạn Phước dẫn đường, hai chiếc xe đã quẹo vào một con đường nhỏ đầy cỏ dại, lối đi chưa rõ ràng. Đức Cha và chúng tôi đã dừng chân tại một khu đất ruộng, thuộc ấp Hòa Thuận xã Trường Bình, huyện Cần Giuộc. Đây là thửa đất mà giáo dân và quí ân nhân đã cố gắng mua được. Thửa đất mà Đức Cha và chúng tôi đứng vẫn còn trơ gốc rạ, nhưng đây là nơi một thánh đường sẽ được cất lên trong nay mai. Mọi việc đang được tiến hành một cách thuận lợi và cẩn thận. Ở Cần Giuộc chưa có một nhà thờ Công giáo nào. Đã vài lần chúng tôi đến vùng Cần Giuộc này làm công tác từ thiện nhưng chẳng thấy bóng dáng nhà thờ; thoáng buồn và cảm thấy thiếu thiếu, khắc khoải gì đó, nay đôi chân chúng tôi được đứng trên thửa đất để xây nhà thờ đầu tiên của Cần Giuộc, một cảm xúc thật tuyệt vời làm sao! Công trình này cần lắm thay nhiều tấm lòng!

Nhà nguyện tạm Cần Giuộc

Chúng tôi lại đi vào một con hẻm khá sâu, nhà nguyện tạm Cần Giuộc nằm lọt thỏm trong một biệt thự, có một “lý lịch” khá đặc biệt. Tại đây, Đức Cha nhắn nhủ số giáo dân đại diện ra tiếp đón, một sự cần thiết của việc luyện tập. Bất cứ một việc tốt lành nào cũng được bắt đầu bằng việc luyện tập. Từ việc luyện tập thể dục đến những thói quen tốt, từ cách sống tốt lành đến nhân đức, việc bác ái, chia sẻ….

Họ đạo Cần Giuộc ở tổ 7, khu phố 3, thị trấn Cần Giuộc được hình thành từ rất lâu, nhưng không phát triển mạnh. Trước năm 1975, hội dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán có mở một cô nhi viện tại thị trấn này, nuôi dạy trẻ cô nhi rất đông. Sinh hoạt đức tin của giáo dân Cần Giuộc cũng tháp nhập vào đây và có một nhà nguyện nằm trong cô nhi viện này.

Sau năm 1975, cô nhi viện trở thành bệnh viện huyện Cần Giuộc và đến nay vẫn còn là trung tâm y tế của thị trấn này. Thế là bà con giáo dân phải tản mác, tự tìm nơi giữ gìn đức tin.

Ngày lễ Phục Sinh năm 2009, một thánh lễ đầu tiên được cử hành (sau hơn 30 năm không có thánh lễ) tại nhà ông Phêrô Trần Văn Luân. Từ ngày đó đến nay, gia đình ông luôn quảng đại tiếp đón giáo dân vào các ngày Chúa nhật.

Nhà nguyện Long Trạch

Để đến được điểm truyền giáo sau cùng, Đức Cha và chúng tôi phải lên xe ôm đi vào con đường nhỏ. Nhà nguyện Long Trạch hiện ra trông khá đẹp và tươm tất, chắc chắn là nhờ sự khéo léo của quí thầy trong tu đoàn. Cũng như tại ba địa điểm trước, Đức Cha và giáo dân đọc một kinh Lạy Cha, ba kinh Kính Mừng, một kinh Sáng Danh, sau đó là trao đổi với người phụ trách giáo điểm, ban huấn từ, rồi hỏi xem có ai muốn hỏi gì thì Đức Cha trả lời. Sau cùng là Đức Cha ban phép lành.

Ở nhà nguyện này, Đức Cha nhấn mạnh đến một nếp sống tránh xa tội ác. Mỗi giáo dân phải trưởng thành trong niềm tin để giáo dục đức tin cho con cái và cách sống trong xã hội.

Nhìn nhà nguyện đẹp thế này, nhưng có ai ngờ lược sử cũng có một chút sóng gió, đang cần nhiều lời cầu nguyện.

Khởi đầu, thầy Giuse Phạm Thế Hiển, thuộc tu đoàn Thừa Sai Thánh Mẫu Chúa Cứu Thế đã về vùng đất này tìm hiểu, làm quen và thực hiện công việc tông đồ. Qua nhiều hy sinh vất vả và kiên nhẫn, thầy đã tạo được một cộng đoàn nhỏ và quyết tâm xây nên một ngôi nhà nguyện (ấp Long Thanh, xã Long Trạch, huyện Cần Đước). Sau đó thầy nhận nhiệm vụ khác, các anh em của tu đoàn tiếp tục công việc của thầy và hiện nay, thầy Giuse Hoàng Văn Thành đang phụ trách chính. Hơn mười năm qua, giáo dân xung quanh qui tụ về đây đọc kinh cầu nguyện. Khoảng một năm nay, vì có tranh chấp đất đai với nhà bên cạnh nên nhà nguyện không được phép sinh hoạt nữa. Và còn một số chuyện phức tạp khác nên hiện nay, anh em trong Tu Đoàn muốn gầy dựng một cộng đoàn sống âm thầm, hiện diện giữa anh em lương dân và tiếp tục nói về Chúa Giêsu cho những người thiện chí.

Đến 17 giờ 00, chúng tôi trở về nhà thờ Vạn Phước. Trước khi dùng cơm chiều, chúng tôi phỏng vấn Đức Cha và được biết về tình hình truyền giáo trong giáo phậm Mỹ Tho.

Loan báo Tin Mừng trong giáo phận Mỹ Tho

1. Giáo phận nào cũng có những giáo điểm cần được chú ý và phát triển. Giáo phận Mỹ Tho hiện nay có khoảng bao nhiêu giáo điểm và Đức Cha có kế hoạch nào thực hiện chung cho các điểm truyền giáo này?

- Giáo phận Mỹ Tho gồm 3 tỉnh : Tỉnh Long An, Tỉnh Tiền Giang và 2/3 tỉnh Đồng Tháp. Đây là một Giáo phận mà tỷ lệ giáo dân r?t thấp so với Dân số : chưa tới 3% người công giáo, khoảng 125 nghìn người công giáo sống giữa một dân số khá lớn là gần 5 triệu người. Chính vì thế mà vấn đề loan báo Tin Mừng là một vấn đề tối quan trọng. Chúng tôi có rất nhiều giáo điểm rải rác trong cả ba tỉnh. Mỗi tỉnh đều có khoảng trên dưới 10 địa điểm truyền giáo. Mới hôm Thứ Bảy và Chúa Nhật vừa qua (18 và 19 tháng 2), tôi đã đi thăm hai địa điểm truyền giáo Giồng Găng và Gò Bói. Đây là hai giáo điểm rất nghèo và rất xa giáp giới Kampuchia thuộc huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp.

Trong Giáo phận, có một Ban Truyền giáo, với một linh mục đứng đầu và nhiều linh mục, nữ tu và giáo dân cộng tác. Chúng tôi đang thúc đẩy công việc tông đồ giáo dân, và có khá nhiều người tham gia. Mỗi giáo xứ có một ban Truyền giáo. Hằng năm chúng tôi có một khoá huấn luyện về Truyền giáo tại Trung tâm Mục vụ của Giáo phận.

2. Chương trình truyền giáo mà Giáo phận của Đức Cha sẽ thực hiện có chú ý đến những nét đặc trưng của việc truyền giáo tại Việt Nam xưa và nay không?

Cụ thể nét đặc trưng đó là có tính gia đình (giáo dục nhân bản và đức tin), tính tập thể của cộng đồng (nâng cao đời sống văn hóa xã hội ủa các cộng đồng nghèo miền nông thôn), tính sùng đạo (việc hội nhập văn hóa và giữ lại nếp sống đạo truyền thống của cha ông, đồng thời nâng cao trình độ giáo lý cho giáo dân), tính từ thiện xã hội (hoạt động bác ái để giới thiệu Chúa Kitô cho mọi người)và tính giáo dân (nâng cao phẩm giá và vai trò của giáo dân trong sứ mạng truyền giáo).

- Dĩ nhiên chúng tôi có chú trọng tới những nét cơ bản trong hoạt động Truyền giáo của Giáo hội Việt Nam, nhưng không thể thực hiện đồng bộ khắp mọi nơi, vì còn phải tùy tình hình ở mỗi địa phương, tùy vào khả năng của các nhân sự, và cũng tùy vào quan niệm của những con người truyền giáo. Nguyên tắc cơ bản đầu tiên phải là “sự mềm dẻo và đa dạng”, không thể đòi hỏi nơi nào cũng giống nhau.

Có những nơi nhấn mạnh đến việc từ thiện xã hội, vì nơi đó có những người làm việc xã hội rất tốt. Có những linh mục cũng như giáo dân rất có năng khiếu về việc này. Nhưng ở những nơi khác thì lại chưa có. Vài nơi khác lại nhấn mạnh tới việc “truyền đạo”, vì có những con người có năng khiếu thuyết phục người khác về mặt này. Cũng có nơi cần nâng cao “đời sống văn hoá và xã hội”, như khuyến khích và tìm học bổng cho các con em nghèo đi học.

Về vấn đề gia đình, thì ngày nay hơn bao giờ hết, chúng tôi chú trọng tới mục vụ gia đình, đi thăm viếng các gia đình và tổ chức những khoá huấn luyện đời sống nhân bản và đạo đức cho họ.

Việc hội nhập văn hoá là một việc rất khó, không phải ai cũng có thể làm được, nhưng Giáo phận cũng có chú trọng, dù chưa được đầy đủ.

3. Thực tế, những thuận lợi và khó khăn hiện nay của các giáo điểm truyền giáo tại giáo phận Mỹ Tho? (về nhân sự, chính quyền, việc loan báo Tin Mừng, cử hành các Bí tích, chứng tá đời sống, việc sử dụng các phương tiện truyền thông…)

- Thuận lợi hiện nay là một số linh mục và giáo dân bắt đầu ý thức mạnh mẽ hơn về sứ mạng loan báo Tin mừng của Giáo hội, và hoàn cảnh xã hội dần dần cởi mở hơn trước. Hy vọng điều kiện xã hội sẽ ngày càng trở nên dễ dàng hơn. Sự kiên nhẫn vẫn luôn luôn cần thiết. Nhưng khó khăn lớn nhất, chính là vấn đề thiếu nhân sự và tài chính. Nhân sự chưa được huấn luyện đầy đủ, để làm công tác truyền giáo. Các linh mục chưa vận dụng được sự hổ trợ của giáo dân. Nhưng tình trạng này đang được khắc phục dần dần bằng các khoá huấn luyện bổ sung của Giáo phận tại Trung tâm mục vụ. Muốn thúc đẩy việc Truyền giáo, cũng cần phải có ngân quỷ dành riêng cho việc này, nhưng hiện nay điều kiện tài chính của Giáo phận chưa cho phép có ngân quỷ riêng. Hy vọng ban Truyền giáo có thể xoay xở để có được ngân quỷ cho việc loan báo Tin Mừng.

4. Để truyền giáo, Đức Cha ưu tiên việc xây dựng các cơ sở tôn giáo trước hay chú ý đến những hoạt động thăng tiến con người (dân trí dân sinh) trước rồi mới loan báo Tin Mừng?

- Chúng tôi không tiên thiên ưu tiên cho việc xây dựng cơ sở vật chất hay thăng tiến con người. Có những nơi chúng tôi đã dành thời gian hơn 10 năm để thăng tiến con người, rồi mới bắt đầu xây dựng cơ sở vật chất, như tại giáo điểm “Gò mù” thuộc huyện Tân Phước, vùng kinh tế mới của tỉnh Tiền Giang. Nơi khác, nếu không có cơ sở vật chất tối thiểu, như một “ngôi nhà đa năng” chẳng hạn, thì không cách gì quy tụ dân chúng để giúp họ thăng tiến. Việc xây dựng những ngôi nhà nguyện vẫn rất cần thiết. Hầu như tại mỗi giáo điểm, các linh mục đều cố xây dựng một vài “cây nước” (hệ thống nước sạch), hoặc một vài căn nhà tình thương, ngoài ra còn tổ chức khám bệnh cho người nghèo.

5. Thánh Phaolô là thánh bổn mạng của Đức Cha, và Ngài là một nhà truyền giáo lỗi lạc, Đức Cha học được gì ở Ngài?

- So với Thánh Phaolo là thánh bổn mạng, tôi cảm thấy mình xấu hổ, vì chưa được một phần nhỏ sự nhiệt tâm của ngài, nhưng tôi vẫn cố gắng noi gương can đảm và mạnh dạn của ngài. Một gương sáng khác của ngài rất ảnh hưởng trên con người và cách cư xử của tôi là “trở nên mọi sự cho mọi người”, gần gũi với mọi người. Tôi tiếp xúc với mọi hạng người, từ người trí thức đến người bình dân đi ăn xin hay bán vé số. Cái nhìn phổ quát, không kỳ thị bất cứ ai của Phaolô cũng là ánh sáng không ngừng soi chiếu cho công tác mục vụ của tôi. Và cuối cùng là “sự lạc quan tin tưởng” vào Thần Khí của Đấng Phục Sinh, sự gắn bó với Chúa Kitô Phục Sinh là nguồn trợ lực cho sự yếu đuối của tôi. Tôi xác tín tuyệt đối vào lời nói của Phaolô : chính lúc tôi yếu là lúc tôi mạnh , vì sức mạnh trong tôi không phải là của tôi mà là của Đấng đã sai tôi (x. 2Cr 12,10).

Chúng tôi về Sài Gòn khi trời đã tối. Đức Cha còn ở lại giáo xứ Vạn Phước để ngày mai dâng lễ và cha sở đã mời tất cả giáo dân trong các điểm Đức Cha đã viếng thăm đến tham dự. Sau đó, Đức Cha sẽ thăm họ đạo Nha Ràm.

Đối với chúng tôi, đây là một chuyến viếng thăm thực tế thật ý nghĩa, đầy niềm vui.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Chấp nhận mất để xã hội được
Hoàng Thanh Trúc
12:39 26/02/2012
Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - Lời nói “đẹp nhất” của một phụ nữ nông thôn bình dị ở xã Vinh Quang huyện Tiên Lãng đầu xuân Canh Thìn 2012, cuối cùng thì hôm nay đã thành hiện thực!

Hải Phòng dừng thu hồi đầm nuôi thủy sản từ ngày 25/2.

- Thành phố Hải Phòng vừa có văn bản số 33/TB-UBND yêu cầu dừng thực hiện các quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản…

Văn bản số 33/TB-UBND này do ông Đỗ Trung Thoại - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng ký vào ngày 24/2.

Theo đó, UBND TP. Hải Phòng yêu cầu dừng thực hiện các quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Thành phố, chờ quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Chủ tịch UBND các quận, huyện có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi nhất và chỉ đạo, tổ chức, hướng dẫn các hộ đang sử dụng đất đẩy mạnh tổ chức nuôi trồng thủy sản theo đúng quy hoạch đã duyệt trong khi chờ quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cũng có nghĩa, cái thòng lọng “Thu hồi đất” trái pháp luật hàng chục năm trời (tính từ 2003 Luật Đất đai có hiệu lực) bị lạm dụng, treo lơ lững trên đầu hàng ngàn hộ nông ngư dân mở đất mới, bãi bồi huyện Tiên Lãng (mà cũng có thể trong các huyện duyên hải khác của TP. HP) được “ông Thủ Tướng CP” gián tiếp chỉ đạo tháo xuống... Tuy nhiên cái gián tiếp ấy nó được tạo nên bởi một hành động trực tiếp của 2 gia đình anh em ông Đoàn văn Vươn như đoan chắc với lương tri con người rằng: “Nơi nào có áp bức, tất yếu phải có đấu tranh”.

Trước Tết Nhâm Thìn, trong điêu tàn đổ nát nhà cửa, ao đầm do bị cưỡng chế trái pháp luật, chồng và anh chị bị cầm tù, em dâu ông Đoàn Văn Vươn - bà Phạm Thị Hiền (Chủ căn nhà 2 tầng bị cưỡng chế phá sập) nói với BBC rằng bà “không ân hận” về những gì xảy ra và gia đình bà “chấp nhận mất để xã hội được” (Chồng bà là ông Đoàn Văn Quý – người cầm vũ khí kháng cự lực lực lượng cưỡng chế đang bị giam giữ cùng anh ruột mình ông Đoàn Văn Vươn).

Bà Hiền nói bà không coi vụ cưỡng chế đất đai hôm 5/1 là “thi hành công vụ” mà là “cướp”, gia đình bà chỉ “tự vệ quá giới hạn”. Bà nói với Nguyễn Hùng – PV báo chí hôm 20/1: “Gia đình em chấp nhận mất để xã hội được. Có nghĩa thứ nhất là về Đảng và Nhà nước Việt Nam sẽ loại bỏ được những u nhọt đứng trong hàng ngũ của Đảng. Thứ hai là nếu nhà em không chịu mất, không chấp nhận hy sinh thì tất cả bà con trên cả nước này, những người dân thấp cổ bé họng mà đang bị áp bức như nhà em không có chỗ nào để kêu cứu. Và cái được thứ ba nữa là các hộ nuôi trồng thủy sản của Tiên Lãng, họ sẽ được rất nhiều vì họ sẽ không bị chịu cái cảnh như gia đình em nữa.”

Đúng như chị Hiền nói, gia đình chị chấp nhận gánh trọn một “đại nạn” để hôm nay “các hộ nuôi trồng thủy sản của Tiên Lãng, họ sẽ được rất nhiều”, được những cái mà theo Luật Đất đai quy định phải là của họ, những người đội đá vá trời, lấn biển tìm đất mưu sinh nhưng bị một nhóm người gọi là “Chính quyền” tự cho mình có cái quyền quản lý, áp đặt những điều kiện theo sở thích rất khắc nghiệt, vô đạo lý của riêng họ mà nếu không có sự “Hy sinh” (may mắn chưa mất mạng) của 2 gia đình anh em ông Vươn thì hàng ngàn gia đình nông dân chân lấm tay bùn chẳng thể nào chống lại được với súng AK và chó nghiệp vụ của ông Đại Ca Ca GĐ CA/TP. HP trong vấn nạn cưỡng chế thu hồi đất trái luật.

Không có xác tằm, sao có được lụa tơ?

Khi mà Ông Thủ tướng kết luận: “Cưỡng chế đầm tôm sai cả pháp luật và đạo lý. Việc phá dỡ ngôi nhà của ông Vươn, theo báo cáo có sự chỉ đạo của một số lãnh đạo địa phương, đây là hành vi vi phạm hình sự, các cơ quan chức năng cần khởi tố, xử lý nghiêm minh”.

Cũng có nghĩa chứng minh giá trị cao đẹp từ lời trần tình bộc bạch của bà Phạm Thị Hiền “Gia đình em chấp nhận mất để xã hội được. Và Đảng, Nhà nước Việt Nam sẽ loại bỏ được những u nhọt đứng trong hàng ngũ của Đảng.”

Hôm nay xã hội được là: UBND TP. HP ban hành văn bản nói trên, sửa chữa những sai trái thiếu đạo lý trước đó và cách chức một loạt các “ung nhọt đứng trong hàng ngũ Đảng”. Mà suy cho cùng hiếm có người dân hay Đảng viên nào chấp nhận hy sinh như gia đình ông Vươn để cho Đảng “trong sạch” và nhìn ra được chân lý, lẽ phải. Kết quả ấy sao lại không đẹp như những “đường tơ”? Những hà khắc với hai “xác tằm” anh em ông Vươn – Quý trong lao tù thì coi chừng Đảng và Nhà nước này lại thiếu đạo lý.

(Nguồn: http://danlambaovn.blogspot.com/)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Một thời Công Giáo Phát Diệm: Hãy cầm đèn cháy sáng trong tay
Kim Ân
18:22 26/02/2012
Hãy Cầm Đèn Cháy Sáng Trong Tay!

Sau khi tôi viết bài ghi lại chút kí ức về một lễ Giáng Sinh, vài bằng hữu đã bày tỏ ước muốn được biết thêm một số chuyện liên quan tới Hội Thánh công giáo tại miền Bắc những năm khó khăn. Chuyện này đã có vài vị đạo cao đức trọng từng làm. Tôi không có tham vọng gì lớn lao, mà chỉ ghi lại ít dòng về đôi điều tôi được biết về vài thế hệ người công giáo tại giáo phận Phát Diệm.

Chuyện nhà

Cha tôi vẫn thường kể lại rằng hồi sau năm 1954, khi mọi người trong xứ đạo quyết định rời bỏ quê hương, người đã cùng bà nội tôi đi xuống Trì Chính để lên tầu đi Nam. Khi chuẩn bị bước lên tầu, người nói với bà nội tôi: “Mẹ con mình đi thì thầy ở nhà mất linh hồn!” Vậy là hai mẹ con dắt nhau quay trở lại.

Phải nói thêm rằng ông nội tôi vốn là lính pháo binh, tham gia Thế Chiến II tại Pháp. Năm 1945, nghe nước nhà độc lập, cụ mừng quá nên về nước ngay và có cảm tình với kháng chiến. Cũng vì thế mà cha tôi lo lắng cho phần linh hồn của cụ.

Trước năm 1954, cha tôi đã hoàn tất chương trình của trường Trung Học Trần Lục. Khi ở lại miền Bắc, mấy năm đầu người được mời dạy học, nhưng rồi chỉ sau vài năm, khi bắt đầu có nhiều tác động buộc người tham gia đảng cộng sản, người đã quyết định bỏ dạy học để về cầy ruộng.

Thế nhưng công an vẫn liên tục theo đuổi dụ dỗ người cộng tác, tức là làm chỉ điểm cho họ. Ròng rã suốt 12 năm trời họ đã không ngừng mua chuộc, thậm chí dọa dẫm. Có lần cha tôi đi lễ ở Phát Diệm nhưng ba bốn ngày không về. Lúc người về nhà, mẹ tôi có hỏi người cũng chỉ nói qua loa là có việc đột xuất. Sau này người mới cho biết là người đã bị công an đưa đi mấy ngày chỉ để yêu cầu cộng tác với họ. Sau thời gian dài dụ dỗ, cuối cùng xem ra họ không còn hứng thú lôi kéo cha tôi.

Trong vòng 4 năm sau đó, họ không còn qua lại gia đình tôi nữa. Lúc đó cha mẹ tôi đã sinh được 7 anh chị em. Để nuôi sống gia đình, cha tôi đã gắng tìm mọi cách làm ăn, và chính lúc cha mẹ tôi không ngờ, năm 1974, cha tôi đã bị bắt vì tội nấu rượu và bị kết án một năm tù giam, tất cả tài sản bị tịch thu và gia đình tôi còn phải nộp thêm một khoản tiền phạt. Lúc đó mẹ tôi vừa sinh em bé được vài tháng. Những tháng năm sau đó, gia đình tôi đã trải qua những ngày quẫn bách khủng khiếp nhất!

Chuyện Hội Thánh

Vào tù, cha tôi bị giam chung với một số chủng sinh trẻ. Những ngày tháng chia cay sẻ đắng đã dệt nên giữa họ những mối tương giao sâu nặng như tình ruột thịt. Sau này ra khỏi tù, các thầy vẫn thường qua lại thăm gia đình tôi. Các thầy từng bị giam cùng cha tôi đều chịu chức linh mục một cách âm thầm vào những năm 80 của thế kỉ trước. Tôi từng được theo cha tôi tham dự Thánh Lễ cử hành tại căn buồng ở tư gia của một trong các vị đó. Đã nhiều chục năm trôi qua, nhưng những kỉ niệm đọng lại trong tôi vẫn còn rất rõ nét.

Thật ra, hầu như tất cả các chủng sinh ở lại miền Bắc sau năm 1954 đều đã chịu cảnh tù đày. Có vị bị bắt khi mới mười tám mười chín tuổi, lúc ra khỏi tù, các vị đều đã ngoài ba mươi tuổi. Điều đó cũng có nghĩa là các vị đó đã trải qua trọn vẹn tuổi thanh xuân nơi các nhà tù khắc nghiệt nhất.

Trường hợp chịu tù đày lâu nhất tại giáo phận Phát Diệm là cha Giuse Phạm Đức Tấn, năm nay đã ngoài 90 tuổi. Vào năm 1954, thầy Tấn là một Thầy Giảng. Thầy đã sống tròn mười tám năm trong các nhà tù. Khi ra khỏi tù, thầy được Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo truyền chức linh mục.

Sau này, khi tôi có dịp hỏi lại Đức Cha, ngài cho tôi biết rằng khi quyết định truyền chức cho các thầy, ngài chỉ nghĩ là để nâng đỡ và giúp các thầy tiếp tục sống ơn gọi Chúa ban.

Có thể nói rằng tất cả các linh mục hiện làm việc tại Phát Diệm hiện ở độ tuổi xấp xỉ bảy mươi đều đã trải qua ít nhất khoảng mười năm tù lúc còn là chủng sinh hay tu sinh. Khi đã là linh mục, các vị thường sống âm thầm giản dị, bình thản trước mọi khó khăn và không mấy khi kể lể dài dòng về quá khứ. Đôi khi có ai muốn xin các vị đó ghi lại những chuyện từng trải qua trong những năm đằng đẵng tù đày, các vị thường gạt đi vì cho rằng chẳng có chuyện gì đặc biệt đáng để kể lại!

Vài kí ức riêng tư

Thế hệ chúng tôi không còn phải chịu những khó khăn mà thế hệ cha anh chúng tôi từng gánh chịu. Tôi nói tới thế hệ cha anh, vì những tu sinh hơn tôi chừng năm hay mười tuổi tại quê tôi cũng từng chịu đựng thật nhiều khó khăn. Hồi hơn mười tuổi, tôi bắt đầu đi giúp lễ và trong thời gian này tôi biết có hai anh tu sinh ở mấy xứ lân cận bị bắt đi tù. Sau này, khi đi học đại học, tôi được quen biết với hai anh khác từng bị tù ba năm vì khi học đại học đã thường rủ các bạn bè công giáo đi lễ mỗi Chúa Nhật!

Ngay tại xứ tôi, những năm 80, vì thiếu linh mục, Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo cho phép một tu sinh trẻ được phép mở cửa Nhà Chầu vào thứ năm hằng tuần để giáo dân trong xứ chầu Thánh Thể. Chuyện chỉ có thế, nhưng dân quân xã đã rình rập ngay ngoài cửa nhà thờ nhằm bắt anh tu sinh này. Nhiều lần, cụ trương đã phải lên đóng cửa Nhà Chầu thay cho anh tu sinh nọ.

Lúc đó người ta có thể bị bắt vì tụ tập học kinh bổn tại tư gia. Thế hệ chúng tôi đã thuộc lòng nhiều kinh nhờ thói quen đọc kinh tối sáng nơi các gia đình.

Đến tuổi xưng tội rước lễ lần đầu, các bậc cha mẹ thường cũng tìm cách cho chúng tôi được học đôi chút kinh bổn để được chịu các phép Bí Tích. Lúc đó sách kinh sách bổn hiếm lắm. Dăm bảy đứa chúng tôi tụ tập tại một gia đình và được cô Đào dạy cho công thức xưng tội và vài kinh căn bản. Trước mỗi buổi học, gia chủ thường bày một rổ khoai trên bàn rồi cắt cử người canh gác. Gia chủ cũng dặn lũ nhóc chúng tôi là nếu các bác ở ủy ban xã có đến bất chợt thì cứ nói là mấy đứa chung tiền mua khoai luộc ăn chung với nhau.

Ngày ấn định để xưng tội lần đầu, lũ trẻ chúng tôi lại hẹn nhau để vượt quãng đường 4 km đến Tòa Giám Mục. Tới nơi, mấy người lớn chia chúng tôi thành từng nhóm để rồi từng đứa vào xưng tội với các Cha. Xưng tội xong lại ý ới hỏi nhau xem Cha có cho phép chịu lễ hay không.

Ngày chịu lễ lần đầu của chúng tôi cũng không hề có nghi thức long trọng, thậm chí cũng không có Thánh Lễ. Chúng tôi được thông báo là sẽ có Lễ Thiêng Liêng ở nhà thờ xứ vào sáng Chúa Nhật. Buổi sáng hôm đó, một tu sinh lên bàn thờ đọc một đoạn Phúc Âm, sau đó đọc kinh Lạy Cha rồi nâng Mình Thánh đã được kiệu về từ trước rồi đọc câu “Đây Chiên Thiên Chúa …”, sau đó chúng tôi lần lượt lên rước Mình Thánh.

Lúc học giáo lí để chịu phép Thêm Sức, chúng tôi đã có thể tụ tập tại nhà xứ. Trước đó, nhà xứ đã bị biến thành nhà trẻ mẫu giáo, sân nhà thờ bị biến thành sân tập thể dục của trường tiểu học!

Theo tôi, trong những hoàn cảnh khó khăn như thế, gia đình và xóm đạo đã thực sự là môi trường truyền bá đức tin một cách hiệu quả, điều mà Hội Thánh tại Âu Mĩ và nhiều cộng đoàn công giáo người Việt hình như đã và đang đánh mất.

Những điều tôi kể ra ở đây có thể trở thành hình ảnh khái quát của cả Hội Thánh tại miền Bắc. Rất nhiều con người bình dị như cha tôi, như các linh mục tu sĩ mà tôi có hân hạnh quen biết đã trải qua bao thử thách một cách hết sức bền bỉ và bình thản. Những con người bình dị ấy là những người đã luôn tỉnh thức giữa đêm trường tăm tối mịt mù, giữa bão giông vần vũ dập vùi Hội Thánh tại miền Bắc. Họ đã can đảm và kiên trì cầm ngọn đèn đức tin cháy sáng trong tay, đã truyền ngọn lửa ấy âm ỉ cháy sáng từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Năm nay Hội Thánh chuẩn bị sống Năm Đức Tin. Tôi tự hỏi ngọn đèn đức tin ngày nào liệu còn có thể chiếu lên một vài tia sáng nhỏ bé cho đời sống đức tin hiện tại của mỗi chúng ta hay không?

KIM ÂN
 
Văn Hóa
Suy Tư Trong Mùa Chay.
Giuse Thẩm Nguyễn
12:29 26/02/2012
SUY TƯ TRONG MÙA CHAY.

Trong mùa chay, Giáo Hội đưa ra ba việc chính mà chúng ta, những người tin Chúa cần lưu ý để thực hiện. Theo Phúc Âm Thánh Mathêu (Mt 6, 1-6.) được đọc trong ngày Thứ Tư Lễ Tro, ngày bắt đầu mùa chay, thì ba việc ấy là: Làm phúc, Cầu Nguyện và Ăn Chay.

Làm phúc " thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con".

Cầu nguyện," thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con".

Ăn chay," thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não: họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta... khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết con ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con".

Chúa lên án bọn giả hình. Chúng ta cũng lên án bọn giả hình. Nhưng cứ hồi tâm mà xét mình thì chúng ta cũng đang hành động như những kẻ giả hình.

Giả hình vì chúng ta không làm những việc đạo đức ấy hoàn toàn vì Chúa mà vì chúng ta, vì danh dự, vì tăm tiếng của mình và như Chúa nói kẻ giả hình đã được người đời khen ngợi rồi và không có công trạng gì trước mặt Chúa.

Đã biết danh gía ở đời chỉ là hão huyền nhưng sao người đời cứ mãi mê với cái phù du ấy? Đó là cái lắt léo của cuộc đời được sự đạo diễn tài tình lừa phỉnh của ma quỷ với sự cộng tác nhiệt tình của " cái tôi" đáng ghét. Ai cũng kinh tởm ma quỷ nhưng ma quỷ không hiện nguyên dạng với hình hài gớm ghiếc, dữ tợn, răng nanh, đuôi dài..để chúng ta tránh xa, nhưng nó phù phép che đậy với nhiều hình thức: cái tôi danh gía, quyền lực, tự ái, ghen tỵ... Nhiều khi chúng ta cứ tưởng làm việc ấy vì Chúa, nhưng nghĩ kỹ lại thì chúng ta làm vì chúng ta. Chúng ta đã vô tình lợi dụng Chúa mà thôi.Chúa bị chúng ta đánh lừa vì Chúa luôn yêu thương, sẵn sàng và kiên nhẫn đợi chờ chúng ta nhận ra lỗi lầm mà ăn năn trở lại .

Có những lễ hội tôn giáo mà trong đó người ta chúc tụng nhau, tán thưởng nhau, ghi công nhau, cám ơn nhau nhưng không thấy hình bóng Chúa Giêsu ở đâu cả. Thế mà những người vất vả tổ chức cuộc lễ cứ luôn miệng nói chúng ta hy sinh vì Chúa, làm việc này vì Chúa.Giống như gia đình giàu có kia tổ chức mừng thượng thọ ông bố, trong khi ông bố thì bị nhốt ở trong phòng riêng vì lý do thể diện với khách mời, và các con ông đều thành đạt cả, đứa thì ông này, đứa thì bà nọ, họ săn đón chào mừng khách quý của họ. Tất cả chủ, khách đều vui say nhảy nhót. Đến khuya mọi người mới biết là ông cụ đã chết trong phòng do bị nhồi máu cơ tim. Cuộc vui biến thành đám tang. Mọi người nguyền rủa những đứa con bất hiếu.

Có khi nào chúng ta cũng đã vô tình hành xử như những người con trong gia đình này đối với bố của họ không? Chúa có chiếm một vị trí quan trọng nào trong tâm hồn mình, trong nhà mình, trong hội đoàn mình không ? Chớ gì mùa chay sẽ giúp tôi nhìn lại cách sống của mình để có thể yêu mến Chúa nhiều hơn.

Nguyên nhân nào làm cho con người thích khoe khoang về mình, làm phúc cũng khoe, cầu nguyện cũng khoe và ăn chay cũng khoe? Lẽ thường tình, con người thích được ca tụng, thích được tiếng tốt cho nên cần phải khoe khoang. Tôi nhớ có một ông thích nói trước đám đông, ông nhất đình không chịu nhường cái mirco phone cho người khác đến nỗi người ta phải tắt máy đi. Chúng ta cười ông này, nhưng xét cho cùng, có lúc chúng ta cũng hành xử tương tự. Sự khoe khoang, giả dối, hợm hĩnh ấy làm tiêu tan bao công sức của chúng ta và cũng là nguyên nhân của bao nhiêu bất đồng, bao nhiêu hệ lụy nảy sinh trong các sinh hoạt nơi các giáo xứ, nơi các hội đoàn, phong trào ..

Theo các nhà tâm lý, người ta mải mê đi tìm cái mà mình thiếu. Kẻ thiếu tiền của thì tìm mọi cách để kiếm tiền, kẻ thiếu vắng danh vọng thì đi tìm danh vọng. Không phải tất cả mọi người, nhưng cũng có người đi tìm dang vọng bằng cách dấn thân làm một công việc gì đó có tích cách xã hội, hay tôn giáo để khỏa lấp cái khát vọng tâm linh của mình. Cái khát vọng tâm linh ấy là được người ta kính nể, được trọng vọng, được khen ngợi. Trong trường hợp này, thì mục đích cao đẹp của công tác xã hội, mục đích làm sáng danh Chúa chỉ là bình phong để lấp đầy cái chỗ trống vắng trong tâm hồn họ mà thôi. Mong rằng chúng ta sẽ không rơi vào trường hợp này khi tham gia công tác tông đồ.

Nếu hăng say dấn thân làm việc này việc nọ nơi nhà thờ, nơi các hội đoàn mà chỉ vì tiếng khen thì chắc là ít người tham gia lắm. Nhưng nếu khi tham gia chỉ vì lòng yêu mến Chúa, chỉ vì tinh thần phục vụ thuần túy thì e cũng không có nhiều người . Len lỏi giữa hai gianh giới đó lá cái tôi ẩn nấp dười nhiều hình thức. Làm việc thì cũng cần được đánh giá ở mức độ nào đó. Mà muốn được đánh gía là tốt thì cần phải nhiều người biết . Ma quỷ thường che dấu sự khoe khoang của chúng ta bằng cái vỏ khiêm nhường . Cái tôi là hiện thân của ma quỷ. Cái tôi thường đưa ra trăm ngàn lý do để chúng ta đánh bóng nó mà cứ như là chúng ta đang rất khiêm nhường .

Nếu tôi ở trong ban Phụng Vụ, hôm nay là đến lượt tôi đọc Phụng Vụ Lời Chúa. Tôi đã chuẩn bị đâu vào đó rồi kể cả việc lo quần áo tươm tất nữa. Thế mà vì một lý do nào đó tôi được yêu cầu nhường cho người khác. Tôi có vui vẻ chấp nhận không ? Vui vẻ nhiều hay ít, bực mình ít hay nhiều là do cái tôi trong mình nhỏ hay to? Nếu tôi thực sự không một chút bực mình mà vui vẻ chấp nhận ngay thì may ra tôi mới có lòng khiêm nhường.

Có thể lúc đó tôi sẽ lý luận như thề này."Tôi không cần phải đọc Phụng Vụ Lời Chúa ngày hôm nay, chẳng đọc cũng không sao, nhưng làm việc như thế là thiếu tổ chức, là các anh chị tự tiện quá . Tôi nói đây là vì lợi ích chung cho mọi người chứ chẳng phải vì tôi đâu...". Tôi hoàn toàn có lý, nhưng tự trong đáy tâm hồn của tôi, có phải tôi bực mình lắm không? Có phải tôi cảm thấy bị tổn thương không? Có phải tôi muốn bỏ ra về không ? Chẳng ai biết tôi bằng chính tôi. Khiêm nhường là ở chỗ chấp nhận thua thiệt vì mến yêu Chúa.

Tôi có nghĩ rằng nếu thiếu vắng tôi, hay thiếu phần đóng góp của tôi thì ban phụng vụ này, hội đoàn này, phong trào này sẽ sinh hoạt khác như hiện nay không? Nếu tôi cho rằng tôi đã giúp cho những hội đoàn này, phong trào này khá hơn là tôi đã không khiêm nhường đủ, tôi đã bắt đầu khoe khoang về thành tích của tôi rồi.

Tôi có bao giờ nghĩ mình là nhân vật quan trọng trong các hội đoàn tôi đang sinh hoạt không? Nếu tôi nghĩ là mình giữ vai trò quan trọng nào đó, nếu mà thiếu tôi thì hội đoàn này sẽ đi xuống... thì tôi đã lầm lẫn rồi. Không có tôi mọi việc vẫn tiến hành tốt đẹp như hiện nay. Nếu tôi không khiêm nhường đủ thì có thể tôi lại trở thành rào cản cho sự phát triển chung đấy.

Chúa dạy chúng ta khiêm nhường trong lòng, nhưng chúng ta lại thích khiêm nhường bên ngoài . Khiêm nhường bên ngoài là sự lừa dối chính mình, nó đánh bóng cá nhân và đang mong chờ được khen ngợi vì anh/chị ấy khiêm nhường quá!

Nơi các hội đoàn, phong trào luôn có sự kêu gọi hiệp nhất yêu thương. Mỗi người hãy mang ngọn lửa yêu thương nhỏ bé đến các nơi mình đang sinh hoạt và với lòng khiêm nhường, mơ uớc làm tông đồ của Chúa, Chúa sẽ làm cho những ngọn lửa yêu thương ấy bùng lên lan tỏa trên khắp thế giới vì chính Chúa là Cha Yêu Thương.

Để làm được những điều mơ ước trên đây, điều tối cần là chúng ta biết quên mình. Khi còn cái tôi, còn cái mình đầy tự mãn thì chúng ta cứ mãi luẩn quẩn trong vở kịch lừa dối mà không thực sự theo Chúa được. Chỉ khi nào tôi thực sự biết bỏ mình, biết chấp nhận thập giá mỗi ngày, nghĩa là tôi cam tâm chịu thiệt thòi, chịu nép vế, chịu là người sau chót...thì tôi mới có thể theo Chúa được. "Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta". (Luca 9,22-25).

Lạy Chúa, Chúa biết chúng con yếu đuối và nhiều thiếu xót. Xin Chúa thêm sức mạnh và bổ khuyết những bất toàn nơi chúng con để chúng con được kiên trì sống trong khiêm nhường, phó thác nơi Chúa và dám dấn thân cộng tác với anh chị em trong việc thánh hóa bản thân và phúc âm hóa môi trường chúng con đang sống. Chúng con tin tưởng ơn của Chúa sẽ đủ cho chúng con.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Ba thế Hệ
Dominic Đức Nguyễn
22:10 26/02/2012
BA THẾ HỆ
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
Cháu con ở đâu, tổ tiên ở đấy .
(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
VietCatholic TV
Video Truyền Giáo: Nếu bạn đã xa lìa Giáo Hội
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
07:02 26/02/2012
Giáo Hội chúng ta được tạo thành từ mọi chủng tộc.

Nam Phụ Lão Ấu

mọi thành phần trong xã hội

những người thánh thiện và cả những người tội lỗi

Giáo Hội chúng ta đã kéo dài nhiều thế kỷ. .. và lan tràn khắp hoàn cầu.

Nhờ hồng ân Thiên Chúa chúng ta đã xây dựng các bệnh viện để chăm sóc cho các bệnh nhân.

Chúng ta thành lập các viện mồ côi, và những trung tâm giúp đỡ người nghèo.

Chúng ta là tổ chức từ thiện lớn nhất trên hành tinh, đem lại ủi an và chăm sóc cho những người cần.

Chúng ta giáo dục trẻ em nhiều hơn bất kỳ tổ chức học thuật hay tôn giáo khác.

Chúng ta đã phát triển các phương pháp khoa học. ...

Chúng ta thành lập hệ thống đại học.

Chúng ta bảo vệ nhân phẩm và sự sống, đề cao hôn nhân và gia đình.

Nhiều thành phố được đặt theo tên của các vị thánh mà chúng ta tôn kính, những người theo đuổi con đường thánh thiện trước chúng ta.

Được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, chúng ta dịch thuật Kinh Thánh. Chúng ta được biến đổi bởi Thánh Kinh và Thánh Truyền, là ánh sáng đã liên tục hướng dẫn chúng ta hơn 2.000 năm qua.

Chúng ta là Giáo Hội Công Giáo. ... ..... với hơn một tỷ tín hữu cùng chia sẻ các phép bí tích và sự viên mãn của đức tin Kitô giáo.

Trong nhiều thế kỷ, chúng ta đã cầu nguyện cho thế giới và anh chị em mình, mỗi giờ mỗi ngày, bất cứ khi nào chúng ta cử hành Thánh Lễ.

Chính Chúa Giêsu đã đặt nền tảng cho đức tin của chúng ta khi Ngài nói với Thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng đầu tiên, "Con là đá, và trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy."

Trong hơn 2.000 năm qua, chúng ta đã có một dòng liên tục các mục tử hướng dẫn Giáo Hội Công Giáo trong tình yêu và sự thật, giữa một thế giới hoang mang và tan nát.

Và trong thế giới đầy khó khăn, hỗn loạn và đau thương này, thật là điều an ủi để biết rằng vẫn còn những điều là nhất quán, là chân lý, đó là đức tin Công Giáo của chúng ta, và tình yêu vĩnh cửu mà Thiên Chúa dành cho tất cả mọi loài thọ tạo.

Nếu bạn đã xa lìa Giáo Hội Công Giáo, chúng tôi mời các bạn có cái nhìn khác.

Chúng ta là một gia đình hiệp nhất trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng là Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta.

Chúng ta là Công Giáo. Chào mừng bạn quay về nhà.