Ngày 27-02-2017
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay 26/2/2017
VietCatholic Network
19:06 27/02/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- ĐTC Phanxicô nói: Thiên Chúa yêu thương quan phòng lo lắng cho mọi thụ tạo.

2- Cử hành sáng kiến “24 giờ dành cho Chúa” tại Hoa Kỳ và Vatican.

3- Đức Thánh Cha Phanxicô có phải là vị Giáo hoàng đầu tiên bị chống đối hay không?

4- Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp thân nhân các nạn nhân vụ khủng bố ở Dhaka, Bangladesh.

5- Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn Do thái giáo.

6- Các Giám Mục Australia quyết tâm bài trừ nạn lạm dụng tính dục.

7- Đức Thượng Phụ Alexandria, Ibrahim Isaac Sidrak, nói về tình hình Công Giáo tại Ai cập sau khi xảy ra các cuộc tấn công Ki-tô Hữu: “Chúng tôi, Ki-tô Hữu thiểu số Ai-Cập, đặt trọn niềm tin nơi Thiên Chúa”.

8- Căng thẳng trong Giáo Hội Chính thống nghi lễ Syriac sau khi Đức Thượng Phụ Ignatius Ephrem II bị cáo buộc “phản bội đức tin”.

9- Đêm Văn Nghệ Gây Quỹ Bát Cơn Tình Thương Cho Biển Hồ của Ca đoàn Saint Patrick, Nam Úc.

Sau đây là phần tin chi tiết

- ĐTC Phanxicô nói: Thiên Chúa yêu thương quan phòng lo lắng cho mọi thụ tạo.

Thiên Chúa là Cha yêu thương không bao giờ quên con cái Ngài: tín thác nơi Ngài không giải quyết các vấn đề một cách kỳ diệu, nhưng cho phép đương đầu với chúng với tâm tình đúng đắn và lòng can đảm.

ĐTC Phanxicô đã khẳng định như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc kinh Truyên Tin, trưa Chúa Nhật ngày 26/2/2017. Trong bài huấn dụ, ngài đã giải thích ý nghĩa bài Phúc Âm, trong đó, Chúa Giêsu khích lệ các môn đệ đừng lo lắng cho của ăn, thức uống hay áo mặc, nhưng hãy biết tín thác nơi tình yêu thương quan phòng của Thiên Chúa, và tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước hết. Ngài nói:

Trang Tin Mừng hôm nay (x. Mt 6,24-34) là một lời nhắc nhở mạnh mẽ tín thác nơi Thiên Chúa; … Ngài là Đấng săn sóc các sinh vật trong thụ tạo. Ngài dự phòng thực phẩm cho mọi thú vật, và lo lắng cho bông huệ và cỏ của cánh đồng (cc.26-28); cái nhìn quảng đại và hiền phụ của Ngài canh thức mỗi ngày trên cuộc sống chúng ta. Cuộc sống qua đi dưới nỗi khổ tâm của biết bao âu lo, có nguy cơ lấy mất đi sự thanh thản và thế quân bình, nhưng … Chúa Giêsu tha thiết khích lệ chúng ta đừng lo lắng cho ngày mai (cc.25.28.31), bằng cách nhắc cho chúng ta biết rằng trên tất cả có một người Cha yêu thương không bao giờ quên con cái Ngài.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:

Chúng ta xa rời tình yêu của Thiên Chúa, khi chúng ta đi tìm kiếm một cách ám ảnh các của cải và giầu sang trần gian… Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng cái tìm kiếm vất vả này là ảo tưởng và là lý do của sự bất hạnh. Và Ngài ban cho các môn đệ một luật sống nền tảng: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa” (c. 33)… Phải hoạt động như là các quản lý trung thành các của cải mà Ngài đã ban cho chúng ta, kể cả các của cải trần gian… Thái độ tin mừng này đòi hỏi một sự lựa chọn rõ ràng, “Anh em không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của” (c. 24). Hoặc là Chúa, hoặc là các thần tượng hấp dẫn nhưng là ảo tưởng.

Trong khi tôn vinh các thần tượng này đưa tới các kết quả có thể sờ mó được, nhưng cũng mau qua, thì lựa chọn cho Thiên Chúa và Nước của Ngài không luôn luôn cho thấy các kết quả một cách tức khắc. Nó là một quyết định, mà ta lấy trong niềm hy vọng và để cho Thiên Chúa thực hiện tràn đầy nó. Niềm hy vọng kitô hướng tới việc thành toàn tương lai lời hứa của Thiên Chúa, và không dừng lại trước bất cứ khó khăn nào, bởi vì nó được xây dựng trên lòng trung tín của Thiên Chúa, là Đấng không bao giờ suy giảm.

Sau bài huấn dụ, ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

- Cử hành sáng kiến “24 giờ cho Chúa” tại Hoa Kỳ và Vatican.

Trong Tông Chiếu Misericordiae Vultus, nghĩa là “Khuôn mặt xót thương”, nhằm thiết định Năm Thánh Ngoại Thường Về Lòng Thương Xót, ĐTC viết:

Sáng kiến ‘24 giờ cho Chúa’ được cử hành vào ngày thứ Sáu và thứ Bảy trước tuần thứ Tư của Mùa Chay, nên được thực hiện trong mỗi giáo phận. Rất đông người, kể cả giới trẻ, đang trở lại với Bí tích Hòa giải; qua cảm nghiệm này, họ đang tái khám phá con đường trở về với Chúa khi sống một khoảnh khắc cầu nguyện mãnh liệt và khi tìm kiếm ý nghĩa trong đời họ. Chúng ta hãy đặt Bí tích Hòa giải ở trung tâm một lần nữa sao cho bí tích này giúp mọi người chạm vào sự hùng vĩ của lòng thương xót Chúa với những đôi tay của riêng họ. Với mỗi hối nhân, bí tích này sẽ là nguồn mạch của bình an nội tâm thật sự.”

Đa số các giáo phận tại Hoa Kỳ sẽ cử hành sáng kiến “24 giờ cho Chúa” vào ngày thứ Sáu 10 tháng 3. Nhiều giáo phận tại Hoa Kỳ tiếp tục cử hành sáng kiến này cả sau khi Năm Thánh Lòng Thương Xót đã kết thúc. Các buổi cử hành sẽ bao gồm việc suy niệm Lời Chúa, cử hành và tôn thờ Thánh Thể, chặng đàng Thánh giá, và đặc biệt nhất là lãnh nhận Bí tích Hòa Giải.

- ĐTC Phanxicô có phải là vị Giáo hoàng đầu tiên bị chống đối hay không?

Đầu tháng 2 năm 2017, có một số bích chương chống đối ĐTC Phanxicô xuất hiện trên các bức tường quanh thành phố Rôma. Khi được hỏi về sự kiện này, ký giả người Mỹ John Allen, vốn một chuyên gia hàng đầu về các vấn đề liên quan đến Tòa Thánh Vatican, và cũng là tác giả 2 cuốn sách về tiểu sử của ĐTC Biển Đức XVI đã trả lời đại ý như sau:

Các bích chương công khai chỉ trích một vị giáo hoàng thì trước đây chưa từng có… Tuy thế, ĐGH Phanxicô chỉ bị phe bảo thủ hay duy truyền thống chỉ trích mà thôi. Cho đến nay, vị giáo hoàng bị chống đối nhiều hơn cả và từ tứ phía phải kể ĐGH Phaolô II. Sáng kiến triệu tập Công Đồng Vatican 2 là của Thánh Gioan XIII, nhưng người lèo lái Công Đồng này qua các khó khăn trăm bề tới thành công mỹ mãn không ai khác ngoài Chân Phúc Phaolô VI. Ngài được cả Giáo Hội biết ơn. Nhưng không thiếu những người cực lực chống đối ngài.

Về phạm vi và cường độ chỉ trích, ký giả John Allen nghĩ rằng ĐGH Phanxicô cũng không bị nặng hơn các vị tiền nhiệm của ngài… Chỉ có điều khác một chút là những người chỉ trích ĐGH Phanxicô mạnh nhất phát xuất từ cánh hữu và phản ứng của ngài đối với họ không kém quyết liệt. Thứ hai, dưới thời truyền thông xã hội thống trị này, bất cứ lời chỉ trích nhân vật nổi tiếng nào cũng được loan truyền nhanh hơn vi khuẩn (viral). Thành thử nguyên điều này không thể chứng minh ngài bị chỉ trích nặng nề và phổ quát hơn. Vả lại, đại đa số tín hữu không bị nao núng bởi các chỉ trích này. Ký giả John Allen cho hay, 85 % giáo dân Mỹ vẫn rất yêu mến ngài.

- ĐGH Phanxicô gặp thân nhân các nạn nhân vụ khủng bố ở Dhaka, Bangladesh.

Vatican - Sáng thứ tư ngày 22 tháng 2, ĐGH Phanxicô đã tiếp gia đình của 9 nạn nhân vụ khủng bố xảy ra ngày 1/7/2016 tại một quán café ở thành phố Dhaka, thủ đô của Bangladesh. Ngài đã ôm chào và an ủi các gia đình. Ngài nói: Thật là dễ để đi con đường từ yêu thương dẫn đến thù hận, trong khi, thật khó để làm điều ngược lại: từ sự cay đắng hận thù đến yêu thương. ĐTC nói tiếp:

“Anh chị em bị để lại trong giận dữ, cay đắng, … nhưng anh chị em, với nỗi đau trong lòng, đã dấn thân trên con đường yêu thương để xây dựng và giúp đỡ người dân Bangladesh, đặc biệt những người trẻ để họ có thể học biết: đây là gieo trồng bình an và tôi cám ơn anh chị em, nó là một gương mẫu cho tôi.”

Có thông tin loan truyền rằng ĐGH sẽ đến thăm Bangladesh trong năm 2017 này. ĐHY Patrick D’Rozario, Hồng Y tiên khởi của quốc gia này nói rằng, cuộc viếng thăm của ĐTC là một sự kiện vĩ đại đối với toàn Giáo Hội tại đây, đặc biệt đối với sự hòa hợp tôn giáo.

Tại Bangladesh, Hồi giáo là tôn giáo chính. Thống kê năm 2013 cho thấy có tới 89% dân số là người Hồi, với chỉ 10% dân số theo Ấn giáo. Kitô hữu và Phật tử chiếm chưa tới 1% dân số.

- ĐTC tiếp phái đoàn Do thái giáo.

Trong buổi tiếp kiến một phái đoàn Do thái sáng ngày 23/2/ 2017, ĐTC đề cao cuộc đối thoại huynh đệ giữa các tín hữu Công Giáo và Do thái. Phái đoàn này gồm 89 người gồm các nhà xuất bản do Rabbi Abraham Skorka người Argentina, hướng dẫn đến trao tặng ĐTC ấn bản đặc biệt sách Torah. Rabbi cũng là ngừơi bạn của Ngài từ lâu ở Argentina. Sách này gồm 5 cuốn đầu tiên của Bộ Kinh Thánh (Ngũ Thư), nhưng cũng có nghĩa rộng lớn hơn. Vì thế, lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC nhắc lại lời Thánh Gioan Phaolô II định nghĩa sách Torah là “Giáo huấn sinh động của Thiên Chúa hằng sống”, biểu lộ tình hiền phụ và thành tâm của Thiên Chúa, một tình yêu được làm bằng những lời nói và cử chỉ cụ thể, một tình yêu trở thành giao ước. Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng:

“Cuộc đối thoại huynh đệ và có cơ chế giữa các tín hữu Kitô và Do thái ngày nay đã vững chắc và hữu hiệu, qua một cuộc đối chiếu liên tục và cộng tác với nhau. Món quà anh chị em tặng hôm nay được tháp nhập trọn vẹn trong cuộc đối thoại ấy, một cuộc đối thoại không những được diễn tả qua lời nói, nhưng còn qua các cử chỉ nữa. Phần dẫn nhập rộng rãi vào ấn bản Torah này và chú thích của Nhà Xuất Bản nhấn mạnh thái độ đối thoại ấy, biểu lộ một quan điểm văn hóa cởi mở, trong sự tôn trọng nhau, trong an bình, hòa hợp với sứ điệp tinh thần của Torah”.

- Các Giám Mục Australia quyết tâm bài trừ nạn lạm dụng tính dục.

Melbourne, Australia - Các GM Australia quyết tâm bài trừ nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành viên và không để xảy ra trong Giáo Hội những vụ như thế nữa. Lập trường trên đây được ĐC Denis Hart, TGM Melbourne, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Australia bày tỏ hôm 24/2/2017, sau 3 tuần lễ thẩm vấn của Ủy ban hoàng gia về những vụ lạm dụng tính dục. Ủy ban này đã điều tra trong vòng 4 năm qua và xác nhận rằng, trong 30 năm từ 1980 đến 2010, có khoảng 4.400 vụ xảy ra trong cộng đồng Công Giáo ở Australia; khoảng 1.880 Linh mục, tức là 7% các Linh mục tại nước này có liên lụy đến những vụ lạm dụng như thế. 70 vị lãnh đạo Giáo Hội đã điều trần trong 3 tuần lễ trước Ủy ban hoàng gia điều tra, và nói về những thiếu sót và sai lầm trong việc xử lý các vụ lạm dụng, đồng thời đề ra viễn tượng ngăn người những vụ đó trong tương lai.

Trong số các vấn đề được phân tích, có các khía cạnh giáo luật, tòa giải tội, luật độc thân giáo sĩ, thái độ duy giáo sĩ, việc đào tạo linh mục, việc nâng đỡ về nghề nghiệp và sự giám sát. Trong thông cáo, Đức TGM Denis Hart bày tỏ quyết tâm trên đây và khẳng định rằng Giáo Hội Công Giáo tại Australia sẽ tiếp tục nâng đỡ các nạn nhân bị lạm dụng. Trong khi chờ đợi phúc trình chung kết của Ủy ban hoàng gia, Giáo Hội bây giờ phải áp dụng các chính sách trong các cộng đoàn của mình để phòng ngừa.

- Đức Thượng Phụ Alexandria, Ibrahim Isaac Sidrak nói về tình hình Công Giáo tại Ai cập sau khi xảy ra Các Cuộc Tấn Công Ki-tô Hữu: “Chúng tôi, Ki-tô Hữu Thiểu Số Ai-Cập, Đặt Trọn Niềm Tin nơi Thiên Chúa”.

Theo các con số thống kê năm 1986 của chính quyền Ai-cập, có khoảng hơn 3 triệu người, tức chừng 8% dân số Ai-cập, là Ki-tô Hữu tại đất nước của các huyền thoại sư tử đầu người. Theo sổ sách Rửa Tội, Giáo Hội Ai-cập ước tính số lượng tín hữu là khoảng 11 triệu người trong tổng số 54 triệu dân chúng. Dù tính theo cách nào, thì Giáo Hội Ai-cập chỉ là một thiểu số, và là một cộng đoàn từ thời xưa cổ, đã sống qua hơn 2000 năm trên một lãnh thổ từng trải qua nhiều cuộc bách hại, như cuộc bách hại vừa xảy ra vào ngày 11 tháng 12 năm ngoái, khi một cuộc tấn công tự sát đã khiến 27 người thiệt mạng tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Mác-cô của Chính Thống Giáo Ai-cập tại thủ đô Cairo.

Ngày 6 tháng 2 vừa qua, thông tấn xã ZENIT, một cơ quan truyền thông độc lập chuyên về các thông tin Công Giáo tại Roma, đã thực hiện cuộc phỏng vấn với Đức Ibrahim Isaac Sidrak, Thượng Phụ Alexandria, nhân dịp ngài có mặt tại Vatican cùng với các giám mục thuộc Giáo Hội Chính Thống Alexandria trong chuyến viếng thăm ad Limina. Khi đề cập đến không khí căng thẳng mà các Ki-tô Hữu Ai-cập đang trải qua. Đức Thượng Phụ Sidrak nói:

“… Vụ tấn công tại Vương Cung Thánh Đường Chính Thống Giáo là một vụ khủng bố dữ dội xảy ra ngay giữa thánh lễ. Việc phụ nữ và trẻ em bị giết hại làm gia tăng niềm đau thương và sự bàng hoàng trong toàn thể dân chúng Ai-cập. Tuy nhiên, phản ứng của mọi người là một phản ứng hoàn toàn ôn hòa, thể hiện tình đoàn kết thực sự của toàn thể dân chúng. Thiên Chúa an ủi từng người chúng tôi trong lúc đau thương, đặc biệt đối với thân quyến của các nạn nhân. Bây giờ thì có thể nói rằng mọi sự đã trở lại bình thường, mặc dù chúng tôi không bao giờ có thể được hoàn toàn bình an, cũng như các nơi khác trên toàn thế giới ngày nay. Nhưng chúng tôi đặt trọn niềm tin nơi Thiên Chúa".

Khi được hỏi, về phía Tổng Thống al-Sisi, có bất cứ dấu hiệu khả quan nào cho Ki-tô Hữu Ai-cập hay không, ngài trả lời: “Tổng Thống al-Sisi là người rất cởi mở và quan tâm đến tình thế của Ki-tô Hữu. Ông đã từng tỏ ra, và tiếp tục tỏ ra gần gũi và quan tâm đến tất cả các vấn nạn xã hội, cụ thể là các vấn nạn đối với thiểu số. Vì vậy chúng tôi tạ ơn Thiên Chúa đã ban một vị Tổng Thống như vậy. Tuy nhiên, tình thế chính trị đình trệ mọi việc do bởi hệ thống hành chánh chậm chạp và bưng bít. Điều này cũng ảnh hưởng việc xây dựng nhà thờ mới.”

Về mối liên hệ đại kết giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo Ai-cập hiện nay, Đức Thượng Phụ Sidrak khẳng định: Trong thời gian gần đây, mối liên hệ đại kết giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo Ai-cập đã tiến những bước đáng kể. Đức Giáo Hoàng mới Tawadros Đệ Nhị của Chính Thống Giáo Ai-cập là một người rất cởi mở trong việc đối thoại và gặp gỡ. Tuy nhiên, chúng ta không thể chối cãi rằng ở tầm mức hành đạo thực tiễn, đặc biệt là về các Bí Tích, vẫn còn một con đường dài phía trước. Chúng tôi tiến bước với lòng tin tưởng hướng về đại kết, và hiểu rằng đại kết là điều thiết yếu để làm chứng nhân thực thụ của Tin Mừng.

- Căng thẳng trong Giáo Hội Chính thống nghi lễ Syriac, sau khi Thượng Phụ Ignatius Ephrem II bị cáo buộc “phản bội đức tin”.

Các GM của Giáo Hội Chính Thống Giáo nghi lễ Syriac, đang cân nhắc việc triệu tập một phiên họp ngoại thường của Thánh Công Đồng nhằm giải quyết những mâu thuẫn nội bộ sau những cáo buộc cho rằng Đức Thượng Phụ Ignatius Ephrem II đã “phản bội đức tin”. Căng thẳng đã nổ ra bên trong Giáo Hội Chính thống sau khi Thượng Phụ Ignatius Ephrem II kính cẩn giơ cao một bản sao của kinh Qu'ran, trong một cử chỉ tôn kính, tại một cuộc họp liên tôn ở Beirut vào đầu tháng Hai vừa qua. Ngày 8 tháng 2, sáu vị TGM của Giáo Hội Chính thống đã lên án cử chỉ này là một “sự phản bội đức tin”, và tuyên bố rằng Đức Thượng Phụ đã đánh mất danh hiệu của mình như một người bảo vệ đức tin chính thống. Những lời chỉ trích công khai của 6 vị TGM này đã bị 30 TGM khác chế riễu là “nổi loạn chống lại Giáo Hội.”

Mặc dù 6 vị TGM bất đồng chính kiến sau đó đã gửi một lá thư xin lỗi, đa số các GM đòi phải triệu tập Thánh Công Đồng nhằm giải quyết những mâu thuẫn nội bộ và có những biện pháp thích hợp.

- Đêm Văn Nghệ Gây Quỹ Bát Cơn Tình Thương Cho Biển Hồ của Ca đoàn Saint Patrick, Nam Úc.

Phát xuất từ tinh thần bác ái Kitô Giáo và cũng là niềm ước mong mang lại một chút niềm vui và an ủi cho những mảnh đời cơ cực, đầy dẫy khổ đau của những đồng hương Việt Nam đang sống ở Biển Hồ, ca đoàn Saint Patrick thuộc giáo xứ Công Giáo Croydon Park, đã tổ chức Đêm Văn Nghệ “Bát Cơm Tình Thương Cho Biển Hồ” vào lúc 6g30 ngày Thứ Bảy 18/02/2017 tại hội trường Trung Tâm sinh hoạt của Cộng Đồng Người Việt Tự Do / Nam Úc.

Đây là sinh hoạt thứ 3 trong dự án chương trình gây quỹ từ thiện mang tên "Bát Cơm Tình Thương cho Biển Hồ" sau Đêm Nhạc Sống & Karaoke Dạ Vũ (3/12/2016) và gian hàng Hội chợ Tết Đinh Dậu (4 &5 /2/2017).

Vùng Biển Hồ thuộc tỉnh Kampong Chnăng, Campuchia. Đa số người Việt sống tại Biển Hồ đều nghèo. Cuộc sống của họ chủ yếu bằng nghề chài lưới và mua bán trên nước. Họ sống trên những chiếc thuyền nhỏ lênh đênh trên Biển Hồ ở Campuchia, nhiều em bé người Việt chưa từng được đặt chân đến trường.

Trong đêm văn nghệ, BTC đã báo cáo công khai tài chánh, và mọi người đã vui mừng vỗ tay khi BTC công bố tổng số tiền quyên góp được trong suốt dự án đã lên đến trên $53,000.00 (năm mươi ba ngàn Úc kim). Tất cả số tiền này sẽ được một số anh chị em, đại diện cho ca đoàn, sẽ tự lo chi phí, trở lại Biển Hồ dự định vào tháng 7/2017, để trao tận tay cho đồng bào món qùa quý gía mà đồng hương Nam Úc châu đã rộng tay đóng góp.

Trên 400 quan khách, gồm đại diện các đoàn thể và đồng hương trong cộng đồng người Việt Tự Do tại Nam Úc, đã đến với Đêm Văn Nghệ Tri Ân.
 
Ngày 28 tháng 2 đánh dấu năm thứ tư kỷ niệm việc từ nhiệm của Đức Bênêđíctô XVI
Vũ Văn An
18:36 27/02/2017
Vào ngày 28 tháng Hai, năm 2013, như những dịp lễ lớn, mặt trời của một mùa xuân tới sớm chiếu sáng khắp công trường Nhà Thờ Thánh Phêrô đông người. Một đám đông vô số các tín hữu đã vội vã ập tới đây để nói lời tạm biệt với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI. Triều sóng âu yếm đã lấn át Vị Giáo Hoàng Người Đức; ngài xúc động trông thấy.

Tuy nhiên, những tình cảm mạnh mẽ cũng vẫn còn in đậm trong tinh thần của các tín hữu hiện diện ở công trường. Khó mà quên được tác động của chuyến bay lịch sử tới Castel Gandolfo bằng trực thăng với Đức Giáo Hoàng từ nhiệm trên đó, dưới đất là một tấm thảm gồm các cánh tay vẫy vẫy chào tạm biệt ngài.

Quả là những khoảnh khắc lịch sử, mà ký về chúng thấm sâu vào trái tim của những người chứng kiến chúng. Khi lời lẽ của Đức Bênêđictô XVI thâm nhập vào trái tim, những lời ngài ngỏ từ ban công của Điện Giáo Hoàng ở Castel Gandolfo, vào buổi chiều ngày 28 Tháng Hai năm 2013, lần xuất hiện cuối cùng của ngài ở nơi công cộng trong tư cách Giáo Hoàng.

Ngài nói: "Tôi chỉ đơn thuần là một kẻ hành hương bắt đầu giai đoạn cuối cùng của cuộc hành trình của mình trên trái đất này. Tuy nhiên, với trái tim của tôi, với tình yêu của tôi, với lời cầu nguyện của tôi, với sự suy tư của tôi, với tất cả sức mạnh nội tâm của tôi, tôi vẫn muốn làm việc cho lợi ích chung và lợi ích của Giáo Hội và của nhân loại. Và tôi cảm thấy rất được hỗ trợ bởi lời chúc tốt đẹp của anh chị em. Chúng ta hãy cùng nhau tiến về phía trước với Chúa vì lợi ích của Giáo Hội và của thế giới. Cảm ơn anh chị em, và bây giờ tôi xin hết lòng ban cho anh chị em Phép Lành của tôi".

Di sản cầu nguyện của Đức Bênêđíctô XVI sẽ được làm mới lại vào ngày 28 tháng 2 này, ngày kỷ niệm lần thứ tư việc kết thúc triều đại Giáo Hoàng của ngài. Hàng năm, vào ngày quan trọng này, nhiều tín hữu trên toàn thế giới tổ chức những buổi cầu nguyện trong sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô và theo các ý chỉ của ngài; tại một số nhà thờ và một số nơi, một số nhóm còn tổ chức những buỏi cầu nguyện cộng đoàn.

Ngày kỷ niệm lần thứ tư này sẽ là một thời điểm quan trọng dẫn đến sinh nhật lần thứ 90 của Đức Bênêđíctô (ngày 16 tháng 4 năm 2017), một biến cố sẽ được cử hành bởi trang mạng "Vườn nho của Chúa" cũng với việc cầu nguyện và suy tư, cũng như với lòng biết ơn to lớn đối với các ân phúc nhận được nhờ con người của ngài.
 
Huynh đoàn Thánh Piô X được sở hữu một nhà thờ làm trụ sở tại Rôma
Chân Phương
21:06 27/02/2017
Huynh đoàn Thánh Piô X được sở hữu một nhà thờ làm trụ sở tại Rôma

Tờ báo Ý Il Foglio loan tin Đức Thánh Cha Phanxicô đã giúp Huynh đoàn Thánh Piô X trong nỗ lực mua một ngôi nhà thờ đẹp và một khu phức hợp ngay tại trung tâm Rôma.

Ông Matthew Matzuzzi , một nhà bình luận ở Vatican nói rằng Đức Giáo Hoàng đã đóng "vai trò quyết định" trong việc giúp đỡ cho Huynh đoàn mua được nhà thờ Santa Maria Immacolata all'Esquilino.

Ngôi nhà thờ này nằm ngay góc đường gần Vương cung thánh đường Latêranô ở Rôma, dự kiến sẽ trở thành một trung tâm học thuật, và người ta hy vọng về sau sẽ trở thành trụ sở của Huynh đoàn Thánh Piô X.

Ông Matzuzzi còn cho biết, Đức Giáo Hoàng đã can thiệp chuyện này thông qua Đức Cha Guido Pozzo - Thư ký Ủy ban Giáo hoàng về Giáo Hội Chúa (Ecclesia Dei), nhằm mang Huynh đoàn trở về gần với truyền thống và hiệp thông đầy đủ với Giáo Hội.

Trong cuộc đàm phán hồi tháng trước, lãnh đạo Huynh đoàn là Tổng Giám mục Bernard Fellay từng lưu lại Nhà khách Santa Marta của Đức Giáo Hoàng, cùng với hai viên chức khác là Cha Alain Nely và Đức Cha Alfonso de Galarreta.

Nhà thờ này theo phong cách Tân Gothic, nằm trên đồi Esquiline - một trong bảy ngọn đồi của Rôma, được xây dựng từ năm 1896 đến 1914 cho các tu sĩ dòng Phanxicô ngành Bác ái (áo xám) mà nay đã giải tán. Khu tòa nhà phức hợp nằm bên cạnh, trước đây được sử dụng làm một trường học.

Đây không phải là lần đầu tiên mà Huynh đoàn này nhận được sự giúp đỡ của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Khi còn là Hồng Y Jorge Bergoglio, Tổng giám mục của Buenos Aires, ngài đã từng can thiệp khi chính phủ Argentina muốn khai trừ tư cách thường trú của Huynh đoàn tại quốc gia này với lý do họ không phải là Công Giáo.

Lúc đó, Cha Christian Bouchacourt – trưởng chi nhánh của Huynh đoàn đã cầu cứu đến Đức Hồng Y Bergoglio, và ngài đã nói với cha rằng: "Quý vị là người Công Giáo, đó là điều hiển nhiên. Tôi sẽ giúp quý vị".

Ông Matzuzzi cũng cho biết là theo thỏa thuận giữa Tòa Thánh và Huynh đoàn Thánh Piô X thì việc sẽ thiết lập một Giám hạt tòng nhân (personal prelature) cho họ sắp xảy ra. (Catholic Herald)

Chân Phương
 
Án xin Phong thánh cho một số Tôi tớ Chúa
Thanh Quảng sdb
21:35 27/02/2017
Án xin Phong thánh cho một số Tôi tớ Chúa

Theo Đài phát thanh Vatican ngày 27/2/2017 thì Đức Hồng Y Angelo Amato SDB, Chủ tịch Hội đồng Phong thánh đã đệ trình lên Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi Triều yết Hồ sơ xin Phong thánh cho một số các Tôi tớ Chúa.
Linh mục Tito Zeman

Tử đạo:
- Tôi tớ Chúa Linh mục Tito Zeman, một linh mục người Slovakia thuộc Tu hội Salesian Don Bosco (1915-1969).
Nhân Đức Anh Hùng của các Tôi tớ:
- Tôi tớ Chúa Giám mục Octavio Ortiz Arrieta, người Peru thuộc Tu hội Salesians Don Bosco (1878-1958);
- Tôi tớ Chúa linh mục Antonio Provolo, người Ý, là Đấng sáng lập Tu hội Đức Maria chuyên lo giáo dục cho những người mù và câm điếc (1801-1842);
- Tôi tớ Chúa linh mục Antonio Repiso Martínez de Orbe, người Mexicô thuộc dòng Tên, sáng lập Tu hội Nữ tỳ Chúa Chiên (1856-1929);
- Tôi tớ Chúa María de las Mercedes Cabezas Terrera, người Tây Ban Nha, sáng lập Tu hội Truyền giáo Thánh Tâm Chúa Giêsu (1911-1993);
- Tôi tớ Chúa nữ tu Lucia Mẹ Vô Nhiễm (tên trên giấy khai sinh là Maria Ripamonti), người Ý thuộc Dòng Nữ tử Bác ái (1909-1954);
- Tôi tớ Chúa Pedro Herrero Rubio, một giáo dân người Tây Ban Nha (1904-1978);
- Tôi tớ Chúa Vittorio Trancanelli, một người giáo dân và một ông bố người Ý (1944-1998).
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ truyền chức Phó Tế tại giáo phận Phú Cường
Tôma Đỗ Lộc Sơn
09:00 27/02/2017
Sáng thứ Hai ngày 27/02/2017, Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước chủ sự Thánh lễ truyền chức phó tế cho sáu thầy Đại chủng sinh khóa 12 thuộc Giáo phận Phú Cường.

Xem Hình

Quý tiến chức gồm:

1/ Anphongsô Nguyễn Quang Hiển.

2/ Phêrô Phạm Văn Huynh.

3/ Giuse Hoàng Đình Khải.

4/ Giuse Nguyễn Thanh Long.

5/ Phêrô Nguyễn Thanh Tâm.

6/ Gioan Maria Vinaney Trịnh Văn Thuần.

Vào lúc 9 giờ, Đức Cha Giuse, cha Tổng Đại diện, cha giám đốc Đại Chủng viện Giuse Sài Gòn, cha Đặc trách ơn gọi Giáo phận Phú Cường và khoảng 100 cha trong và ngoài giáo phận tiến vào cung thánh trong tiếng kèn đồng rộn ràng tấu lên những khúc nhạc vui tươi.

Ngỏ lời cùng cộng đoàn (khoảng 1.200 người), Đức Cha Giuse mời gọi mọi người tạ ơn Chúa vì Ngài đã luôn thương ban cho Hội Thánh những anh em có lòng quảng đại đáp lại tiếng Chúa kêu gọi. Đức Cha cũng nhấn mạnh rằng Chúa kêu gọi và tuyển chọn không phải vì khả năng tự nhiên hay vì lòng đạo đức tự nhiên của con người nhưng là tiếng gọi phát xuất từ tình yêu hoàn toàn nhưng không của Ngài. Vì thế, Đức Cha mời gọi cộng đoàn xin Chúa ban phúc lành thánh hóa và đổ đầy ân phúc cho các tiến chức.

Nghi thức truyền chức phó tế được diễn ra sau phần công bố Tin Mừng.

Sau khi cha Gioan B. Phạm Quý Trọng - Đặc trách ơn gọi, thỉnh cầu Đức Giám Mục truyền chức phó tế cho các ứng viên. Đức Giám Mục thẩm vấn xem các ứng viên này có được coi là xứng đáng để lãnh chức phó tế hay không. Sau lời thẩm vấn, Đức Giám Mục đồng ý lời thỉnh cầu của cha đặc trách. Cộng đoàn phụng vụ hân hoan đáp lời "tạ ơn Chúa".

Tiếp theo lời huấn dụ của Đức Giám Mục, các tiến chức công khai nói lên quyết tâm của mình trước những nhiệm vụ sắp được trao phó. Sau đó, cả cộng đoàn cùng hát kinh Cầu Các Thánh để nài xin các thánh chuyển cầu cho các ứng viên, trong sứ mạng sắp được trao phó.

Sau kinh Cầu Các Thánh, sáu ứng viên phó tế lần lượt tiến đến, quỳ trước mặt Đức Giám Mục. Ngài đặt tay trên từng ứng viên, rồi ngài đọc lời nguyện phong chức để nài xin Thiên Chúa ban ơn Thánh Thần trên mỗi ứng viên, hầu giúp họ chu toàn sứ mạng mà Chúa trao phó qua Hội Thánh.

Sau lời nguyện phong chức, các tân phó tế mang dây vai chéo, áo và nhận sách Phúc âm từ tay Giám mục. "Việc mang dây vai chéo và nhận sách Phúc âm, Điều này diễn tả vai trò phục vụ Lời Chúa và bàn thánh của các tân phó tế. Từ nay, các tân phó tế sẽ thi hành thừa tác vụ trong Giáo Hội dưới sự điều hành của Giám mục, trợ giúp hàng linh mục và hết lòng phục vụ dân Chúa". Khi trao sách Phúc Âm, Đức Cha cũng dặn dò các tân chức phó tế: "Con hãy nhận lấy Phúc Âm Đức Kitô mà con đã trở thành người rao giảng, và con hãy biết là phải tin điều con đọc, dạy điều con tin và thi hành điều con dạy".

Nghi thức truyền chức phó tế kết thúc với việc Đức Giám Mục chủ phong trao hôn bình an.

Thánh lễ kết thúc sau phần phụng vụ Thánh Thể và phép lành bình an. Mọi người chung vui với các tân chức trong bữa tiệc mừng.
 
Nam Úc Biểu Tình Hỗ Trợ Dân Oan miền Trung và Giáo Dân Gx Song Ngọc
Vietcatholic Adelaide
17:13 27/02/2017


Sau Thánh Lễ sáng Chúa Nhật ngày 26.02.2017, nhiều tín hữu đã rủ nhau ra bờ biển Semaphore, Adelaide, Nam Úc tham gia cuộc biểu tình, tuần hành do CĐNV Tự Do - Nam Úc tổ chức trên bãi biển, để yêu cầu chính quyền Úc Châu giúp đỡ, can thiệp, bảo vệ nhân quyền cho đồng bào Việt Nam, và hỗ trợ những người dân oan trong nước chống lại bọn công an CSVN đánh đập dã man, gây thương tích trầm trọng, trên đường đi khiếu kiện đòi công lý và quyền lợi, khi Cty Formosa xả thải hóa chất xuống biển, gây ô nhiễm phá hoại môi trường biển miền Trung Việt Nam.

Được biết, sau khi nghe tin giáo dân, giáo xứ Song Ngọc, giáo phận Vinh cùng với linh mục Nguyễn Đình Thục xuống đường đi khiếu kiện Cty Formosa, bị công an và côn đồ tập trung vào một nơi, đánh đập dã mãn, nhất là linh mục Nguyễn Đình Thục đã bị thương tích trầm trọng, phải cấp cứu, nhập bệnh viện, khiến cho các đồng hương người Việt tại Nam Úc rất bất mãn.

Lợi dụng ngày hội chợ văn hóa sắc tộc của Úc Châu trên bờ biển Semaphore, CĐNV Tự Do Nam Úc đã xin phép Hội Đồng Thánh Phố, cho phép biểu tình kêu gọi người dân Úc tiếp tay hỗ trợ, bảo vệ nhân quyền cho đồng bào Việt Nam trong nước, đã được những du khách Úc khi đi tham dự Hội Chợ đến hỏi thăm và sẵn sàng lên tiếng hậu thuẫn.

Cuộc biểu tình khởi hành từ lúc 11.00am cho đến 01.00pm.

Trước khi chấm dứt, đồng hương đã dùng cán cờ viết trên bãi cát trên bờ biển những nguyện vọng của mình và có sáng kiến dùng một cái chai to khoảng 4 lít, sơn cờ VNCH, họ viết những lời ước nguyện của từng người, bỏ vào trong chai, đóng nút chặt chẽ, cẩn thận.

Chai ước nguyện đã được BTC đem thẩy xuống biển khơi, trôi dạt đi muôn phương bất định.

Hy vọng lời nguyện cầu, sẽ được ơn trên phù hộ và đem lại thái bình, thịnh trị cho quê hương Việt Nam
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Con số huyền nhiệm trong Thánh Kinh : Những Đoản Khúc Số 40
Đinh Văn Tiến Hùng
19:34 27/02/2017
Con số huyền nhiệm trong Thánh Kinh

( Lễ Tro 1/3/17 khởi đầu 40 ngày Mùa Chay Thánh )

“ Hỡi người hãy nhớ mình là Tro Bụi và sẽ trở về Bụi Tro ” ( Sáng thế.3 : 19b )

*40 ngày Ăn chay Xám hối gột rửa Tâm Hồn,

40 ngày Cầu nguyện Chờ mong mừng Chúa Phục Sinh.

+ Những Đoản Khúc Số 40 :

Một.

Tôi thường tâm niệm ngồi trước quyển THÁNH KINH.

Qua bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu lần tôi đọc đi đọc lại trong Cựu Ước và Tân Ước.

Quyển sách xếp hạng Best Seller suốt qua nhiều thế kỷ.

Sách được dịch sang hàng trăm ngôn ngữ trên địa cầu.

Nhưng tôi đã thấy gì trong đó ?

Có phải tôi cố tâm tìm hiểu hay chỉ là một thói quen thường ngày ?

Bao nhiêu thế kỷ qua đi – Bao lời tiên tri cảnh báo – Bao Lời Chúa truyền dạy trong công cuộc cứu độ loài người.

Hai.

-Từ lũ lụt Đại Hồng Thủy thời Noe mưa đổ xuống địa cầu 40 ngày đêm liên tục, nước dâng tràn mặt đất, tiêu diệt loài người cùng sinh vật cỏ cây- nhưng gia đình Noe và muông thú trên tàu được cứu thoát.

-Tổ phụ Moisen lập giao ước cùng Đức Giavê : 40 ngày chờ đợi trên núi Sinai để Thiên Chúa ban 10 Giới răn cho nhân loại.

-Tiên tri Êlia bị hoàng hậu Jezebel truy bắt, trốn nơi sa mạc suốt 40 ngày mới thoát khi đến chân núi Horet.

-Ngôn sứ Giona cảnh báo dân thành Ninivê hãy ăn chay xám hối 40 ngày để tránh tại họa Chúa trừng phạt.

-Thiên Chúa che chở nuôi dưỡng dân Ngài suốt 40 năm lang thang trong hoang mạc trước khi vào Đất Hứa : ban ngày cho vầng mây che mát, đêm đến cột lửa soi đường, Manna và chim cút sa xuống làm của ăn hàng ngày.

-Moisen sai người do thám 40 ngày tìm miền đất màu mỡ, đầy sữa mật cho dân.

-Vua Thánh Đavit Chúa cho cai trị vương quốc 40 năm an bình thịnh trị.

-Vua Salomon thông thái khôn ngoan tuyệt vời, 40 năm trên ngai vàng, đưa đất nước Israel trở nên giáu sang quyền lực.

Ba.

-Trước khi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân Chúa Giêsu vào hoang địa ăn chay cầu nguyện 40 đêm ngày và đã chiến thắng đầy uy quyền trước cám dỗ của quỉ Satan.

-Chúa được an táng trong mồ và 40 giờ sau Sống Lại vinh quang.

-Sau Phục sinh Chúa lưu lại thế trần 40 ngày an ủi nâng đỡ các Môn đồ và khi về trời sai Chúa Thánh Thần xuống ban sức mạnh cho các Môn đồ đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi.

-Theo luật Moisen truyền dạy dân Chúa : người nữ sau khi sinh con 40 ngày phải lên Đền thờ dâng lễ vật thanh tẩy.

-Đức Trinh Nữ Maria tuân giữ lề luật : sau khi sinh Chúa 40 ngày, Mẹ dâng Chúa Hài Nhi trong Đền Thánh

cùng đôi chim câu làm lễ vật.

-Kể từ đó, sau Lễ Giáng sinh 40 ngày, Giáo Hội Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Chúa trong Đền Thờ và cũng gọi là Lễ Nến.

Bốn.

Nhưng sao lại là số 40 ?

Số 40 kết nối bởi số 4 và 10 đâu có gì đặc biệt ?

Số 0 chỉ là trống rỗng hư vô.

Số 4 bình thường vì còn nối tiếp.

Số 10 vẹn toàn viên mãn như 10 Giới Luật Chúa truyền dạy.

40 năm là tuổi trung niên dồi dào sức lực và kiến thức mở mang dễ thành đạt trong đời sống.

Thánh Augustinô suy luận số 4 biểu tượng cho thời gian thay đổi 4 mùa và kiến thức trọn vẹn 10 phần (mười phân vẹn mười)

40 ngày đủ dài cho một thời gian chuẩn bị.

40 năm lại quá mau cho một đời người tỉnh ngộ.

4 yếu tố cần cho một kiếp nhân sinh : khí- đất- nước- lửa, nhưng tất cả sẽ biến thành tro bụi.

4 thời kỳ nối tiếp đời người : thơ ấu- thanh niên- trung niên- tuổi già, rồi sẽ trở về số 0.

4 phương dù có vẫy vùng khắp nơi : nam- bắc- đông- tây, sẽ lại quay về chốn cũ.

4 mùa vẫn chỉ là thay đổi quẩn quanh : xuân- hạ- thu- đông.

Nhưng vẫn không tìm ra lối thoát cho kiếp phù sinh !

Đây Thành Đô Thiên Quốc có hình vuông 4 cạnh : khôn ngoan- công bình- tiết độ- dũng cảm, hãy học lấy để tiến thẳng vào Nước Trời từ 4 phương.

Và đây 4 cánh cửa Tin Mừng luôn mở sẵn hãy can đảm bước vào theo tiếng gọi : 4 Thánh Sử Mátthêu- Máccô- Luca – Gioan.

Năm.

Ta thấy điều gì nơi số 40 ?

Đó là thời gian : thử thách, phấn đấu, kiên nhẫn, mong chờ.

Vì sau thời gian này sẽ có Tin Mừng đổi mới, đón nhận Ân sủng :

-40 ngày đêm nước dâng ngập địa cầu, khi chim câu bay đi từ tàu Noe không trở về : tín hiệu nước rút dần, sau cơn mưa trời lại sáng.

-40 ngày Moisen chờ khắc khoải trên núi Sinai, đã được Chúa ban 10 Giới Răn Mới cho nhân loại diễm phúc hồi sinh.

-40 ngày dân thành Ninivê thiết tha thống hối theo lời Ngôn sứ Giona : Chúa đã thứ tha không trừng phạt.

-40 năm lang thang trên sa mạc : Chúa nuôi dưỡng dân Ngài trước khi vào Đất Hứa vinh quang.

-40 ngày trong hoang địa, Chúa ăn chay cầu nguyện : chiến thắng Satan cám dỗ, trước khi bước vào 3 năm rao giảng Tin Mừng cứu chuộc loài người.

-40 giờ trong hang mộ tử khí tối tăm, Chúa toàn thắng sự chết, Phục Sinh khải hoàn.

-40 ngày sau khi Sống Lại, Chúa vinh hiển Về trời.

Sáu.

-40 ngày Mùa Chay xám hối, chúng ta sẽ ca khúc Vinh Thắng cùng Chúa Phục Sinh.

-4 Thế kỷ Giáo Hội Việt Nam không khuất phục bạo quyền, dù máu chảy đầu rơi của Hơn Một Trăm Ngàn Anh Hùng Tử Đạo, để trổ hoa gần 10 triệu Tín Đồ.

-Giáo Hội Việt Nam đang mong chờ Một Moisen Mới dẫn dắt Dân Chúa trở về Cố Hương sau hơn 40 năm lưu lạc khắp 4 phương trời ( 1975- 2017 )

Hãy cầu nguyện xám hối và vui lên vì ngày ấy đã gần kề :

Ngàn năm vẫn một giấc mơ.

THÁNH KINH ấn tích bây giờ con đây,

Niềm vui Đất Hứa dâng đầy,

Tháng năm khắc khoải từng ngày chờ mong.


ĐINH VĂN TIẾN HÙNG

( Mùa Chay 2017 )

*Ghi chú: Bài sưu tầm và tham khảo theo tài liệu trong Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước.
 
Văn Hóa
Suy niệm mùa chay: Tại Chúa
Sơn Ca Linh
08:41 27/02/2017
TẠI CHÚA !

Tại Chúa là Hài Đồng,
Nên con thấy Chúa dễ thương.
Tại Chúa đi trên đường,
Nên con thấy Chúa dễ gặp.
Tại Chúa từng đã khóc,
Nên con thấy Chúa dễ cảm thông.
Tại Chúa sống độc thân,
Nên con tin Chúa dành cho tất cả.
Tại Chúa từng đói lả,
Nên con biết Chúa chọn kiếp sống nghèo.
Tại Chúa gọi chàng thu thuế đi theo,
Nên con chẳng còn gì mặc cảm.
Tại Chúa chữa phung cùi, quỷ ám,
Nên con tin Chúa là Thiên Chúa quyền năng.
Tại Chúa đãi cả 5.000 người ăn,
Nên con biết Chúa thương cả hồn lẫn xác.
Tại Chúa hay chén thù chén tạc,
Nên con mới hay Chúa nào đố kỵ, rẽ khinh.
Tại Chúa thường để trẻ em vây quanh,
Nên con hiểu Nước Trời dành cho ai bé nhỏ.
Tại Chúa từng tham dự tiệc cưới,
Nên con biết Chúa quý đôi bạn trẻ yêu nhau.
Tại Chúa bảo chèo ra chỗ nước sâu,
Nên con hiểu sứ mệnh loan Tin mừng cứu thế.
Tại Chúa bảo Cha không bỏ cánh chim, cành huệ,
Nên từ đây con tín thác vào tình Cha.
Tại Chúa luôn thứ tha,
Nên con quyết trở về ăn năn hoán cải.
Tại Chúa ghét bọn giả hình biệt phái,
Nên con tin Chúa là đường, sự thật, sự sống Thần linh.
Tại Chúa chấp nhận thập giá khổ hình,
Nên con xác tín Chúa là Tình Yêu vĩ đại.
Tại Chúa đã oai hùng sống lại,
Nên con tin Chúa chính là Thượng Đế chí tôn.
Tại Chúa đã dựng nên và cứu chuộc con,
Nên con xin từ đây yêu mến Chúa. Amen.

Sơn ca Linh
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thiên Nhiên Bình Yên
Dominic Đức Nguyễn
19:15 27/02/2017
THIÊN NHIÊN BÌNH YÊN
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
Tuổi xanh mê chốn thị thành
Bôn ba tuổi hạc thiền hành tịnh yên
Đi tìm về chốn thiên nhiên.
(nđc)
 
VietCatholic TV
Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 22 - 1/03/2017: Câu chuyện: Nụ Cười Của Bà Sarah
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:44 27/02/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Sự xấu hổ tốt lành giúp chiến thắng cám dỗ tham vọng

Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng, đó là sự xấu hổ tốt lành, để chúng ta có thể đối diện với cơn cám dỗ của những tham vọng. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 21 tháng hai tại nhà nguyện Santa Marta

Có một loại cám dỗ được nhắc đến trong bài Tin Mừng trong ngày. Khi các môn đệ đi trên đường, các ông bàn luận xem, trong các ông, ai là người lớn nhất. Nhưng họ lặng thinh khi Thầy Giêsu hỏi xem họ đang bàn với nhau về chuyện gì. Các ông lặng thinh vì các ông cảm thấy xấu hổ về cuộc luận bàn ấy.

Các ông là những người tốt. Các ông muốn theo Chúa, muốn phục vụ Chúa. Nhưng các ông không biết rằng, con đường phục vụ của Chúa quả là không hề dễ dàng. Con đường ấy không giống kiểu gia nhập một tổ chức nào đó, không như kiểu tổ chức từ thiện, nó cũng không phải chỉ là để làm điều gì đó tốt, nó là điều gì đó khác. Và điều ấy làm cho các ông sợ. Thế là có cám dỗ của thế gian. Từ xưa đến nay, trong Giáo Hội, cám dỗ này đã có và sẽ tiếp tục có. Chúng ta thử nghĩ về những cuộc tranh chấp trong xứ đạo. Người ta nói: tôi muốn trở thành chủ tịch của hiệp hội này, tôi muốn lên chức một chút, ai là người lớn nhất ở đây, ai quan trọng nhất trong xứ đạo này… tôi quan trọng hơn vì tôi đã làm cái này… Và ở đó có chuỗi tội lỗi nối tiếp nhau.

Chính chúng ta là các linh mục, chúng ta phải xấu hổ mà thừa nhận rằng, đôi khi chúng ta nói: “Tôi muốn giáo xứ như thế này… Tôi muốn thế kia…”. Và bao nhiêu điều tương tự. Nhưng Chúa có ở đó không! Những điều ấy không phải là con đường của Chúa. Những điều ấy là con đường của phù vân, của hư danh, của thế gian.

Ngay cả giữa hàng giám mục cũng xảy ra điều tương tự: thế gian đầy những cám dỗ. Nhiều lần, có vị nói: “Tôi ở giáo phận này, hãy nhìn xem điều gì là quan trọng nhất, và tôi đã xoay chuyển… vâng, tạo nên ảnh hưởng này nọ, tạo áp lực kia đó, đưa đẩy vào đúng thời điểm ấy để đạt tới điều đó…”. Nhưng Chúa có ở đó không!

Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để xấu hổ, khi chúng ta nhận thấy mình đang bị cám dỗ theo con đường của thế gian. Vì Chúa Giêsu đã đảo lộn trật tự: ai muốn làm đầu thì hãy làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người. Và Chúa đã đặt một em bé ở giữa, vì tất cả chúng ta đều dễ rơi vào cám dỗ tham vọng của thế gian là luôn muốn cảm thấy hơn người.

Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để xấu hổ, một sự xấu hổ tốt lành, một sự xấu hổ thánh thiêng, để chúng ta có thể tìm thấy bản thân trong hoàn cảnh của mình, giữa những cám dỗ, để chúng ta có thể xấu hổ thưa lên: “Con đã có thể nghĩ như thế sao? Khi con thấy Chúa ở trên thập giá…”. Xin Chúa ban cho chúng ta ơn đơn sơ của trẻ thơ, để chúng ta hiểu được con đường phục vụ khiêm nhường.

2. Câu chuyện: Nụ Cười Của Bà Sarah

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Kinh thánh thuật lại rằng, khi bà Sarah, vợ của tổ phụ Abraham, một lão bà gần đất xa trời, được Chúa cho biết là sẽ cưu mang và sinh con, bà đã có một phản ứng rất là con người và cũng thật là kỳ diệu: bà đã cười!

Phải, bà cụ già Sarah có lẽ đã cười nắc nẻ khi đứng trước một hoàn cảnh xem ra trớ trêu như thế: một người đàn bà trên 70 tuổi mà còn được Thiên Chúa cho có con!... Thiên Chúa xem ra thích khôi hài!

Và khi Thiên Chúa hỏi tại sao cười, Sarah lại chối rằng mình đã không hề cười. Có lẽ do sợ hãi mà Sarah đã nín cười. Sự sợ hãi có lẽ không còn cho con người được nhìn thấy khía cạnh đáng cười, đáng vui trong cuộc sống... Nhưng liền sau khi sinh con, bà Sarah đã tìm lại được óc khôi hài cho nên bà đã đặt cho đứa con một cái tên khá ngộ nghĩnh là Issac; Issac theo tiếng Do Thái có nghĩa là được sinh từ một người đã cười...

Cười, cười một cách lạc quan: có lẽ đó là một trong những nét nổi bật của người có niềm tin. Người ta thường định nghĩa rằng: một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn... Tất cả các vị thánh đều là những người có óc khôi hài. Các ngài là những con người đã từng biết cười với cuộc sống với tha nhân.

Thánh Phanxicô thành Assisi, vị sứ giả của Hòa Bình, đã có lần tuyên bố: “Hãy trả lại sự buồn phiền cho ma quỷ, bởi vì chỉ có ma quỷ mới có đủ lý do để buồn phiền”.

Cha sở họ Ars, là thánh Gioan Maria Vianey, mặc dù thường được người ta tạc tượng như một con người buồn bã, ảo não, nhưng kỳ thực không ai có tâm hồn vui tươi lạc quan như Ngài. Thánh nhân đã nói: “Linh hồn của những ai phục vụ Chúa đều được tràn ngập vui mừng, họ luôn luôn sống như nghỉ ngơi và luôn luôn sẵn sàng để ca hát...”

Thánh Thomas Moore khi bị đưa lên máy chém, đã nói đùa với người lý hình rằng hãy để cho ngài được giúp một tay, cho việc hành quyết được dễ dàng. Ngài còn nói thêm rằng, sau khi đã chém đầu ngài, chớ đụng đến bộ râu vì bộ râu của ngài không hề phản bội một ai...

Một vị tu sĩ nào đó vào thời Trung Cổ đã viết như sau: “Một nụ cười và óc khôi hài thu hút được nhiều người đến với tôn giáo hơn là những khuôn mặt dài vì ủ dột”.

Chúa Giêsu bảo chúng ta rằng: khi ăn chay hãm mình hãy xức dầu thơm vào người.

Còn thứ dầu thơm nào quý giá hơn để tô thắm cho gương mặt của chúng ta cho bằng niềm vui.

Cuộc sống dù có trăm nghìn vất vả, đau thương vẫn là cuộc sống đã được Chúa trao ban như một kho tàng cao quý nhất.

Tình đời có đen bạc, nhân nghĩa có phôi pha: những con người đang sống với chúng ta vẫn là những người con cái Chúa và là anh em của chúng ta.

Hãy cười với cuộc sống, hãy cười với người anh em của chúng ta: đó là sứ điệp của Kitô Giáo mà trọng tâm chính là Mầu Nhiệm Phục Sinh. Qua Mầu Nhiệm ấy, Thiên Chúa đã cười cợt, thách thức tội lỗi và sự chết. Sự Sống và Niềm Hy Vọng đã phát sinh từ cái chết của Ðức Kitô.

3. Hãy từ bỏ lối sống hai mặt

Đừng gây ra những cú sốc với lối sống hai mặt, đừng gây cớ vấp phạm cho những người bé nhỏ, vì những điều ấy hủy hoại cuộc sống; và đừng trì hoãn việc hoán cải. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 23 tháng Hai tại nhà nguyện Santa Marta

Trong bài Tin Mừng, Chúa nói đến chuyện thà “chặt tay, móc mắt” và đừng “gây cớ vấp phạm cho những người bé nhỏ”. Điều ấy có nghĩa là hãy sống ngay thẳng đơn thành và tin tưởng Thiên Chúa. Vì gây cớ vấp phạm có nghĩa là đang phá hủy.

Sống hai mặt là gì? Gây cớ vấp phạm, có nghĩa là nói một đàng làm một nẻo, là sống kiểu hai mặt, là sống hai mặt. Lối sống hai mặt là thế này. Một mặt, tôi nói tôi là người Công Giáo, tôi luôn đi Lễ, tôi tham gia hiệp hội này hội đoàn kia. Mặt khác, đời sống của tôi thì không Công Giáo chút nào, vì tôi trả lương bất công cho nhân viên, tôi chơi bẩn khi kinh doanh, tôi khai thác con người, tôi rửa tiền… Đó là cuộc sống hai mặt. Và nhiều người Công Giáo là như vậy. Đó là những thứ chướng tai gai mắt. Đã bao nhiêu lần chúng ta nghe giữa chúng ta nơi các góc phố hoặc nhiều nơi khác rằng, là người Công Giáo mà sống tệ thế, chẳng thà là người vô thần. Thế đó, những cú sốc ấy, những vụ bê bối ấy có sức mạnh hủy hoại. Những thứ đó hủy hoại bạn. Chúng ta thấy nhan nhản những vụ bê bối trên báo chí, thậm chí là những vụ lớn. Những thứ tệ hại đó đang ra sức phá hủy.

Có ví dụ về công ty lớn đang trên bờ phá sản. Các nhà hữu trách muốn tránh một cuộc đình công chính đáng, nhưng họ lại không làm tốt việc này, và họ muốn nói chuyện với giới lãnh đạo của công ty. Những ngày sau đó, người dân không có tiền để chi trả cho các nhu cầu hàng ngày vì họ không nhận được tiền lương. Trong khi đó, người có trách nhiệm giải quyết vụ việc, là một người Công Giáo, lại thản nhiên thực hiện kỳ nghỉ trên bãi biển vùng Trung Đông. Thế đấy! Đó là một vụ bê bối, đó là lối sống hai mặt.

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nói về những người sống hai mặt thế này: “Khi bạn đến Cửa Thiên Đàng, gõ cửa và nói: Con đây, lạy Chúa!” Nhưng Ta sẽ nói: “Ta không biết ngươi. Ta không nhớ ngươi.”. Người ấy có thể nói tiếp: “Con đã đi nhà thờ, con đã tham gia hội đoàn đó, con đã làm điều ấy… Chúa không nhớ sao?”. Chúa đáp lại: “Ừ. Ta nhớ. Ta nhớ tất cả những gì tệ hại, tất cả những gì ngươi ăn cắp từ người nghèo. Ta không biết ngươi.”. Thế đó, Chúa Giêsu sẽ trả lời như thế cho những kẻ sống hai mặt.

Thật là tốt cho tất cả chúng ta, cho mỗi người chúng ta, là hôm nay nghĩ về điều gì đó mang tính hai mặt trong cuộc sống chúng ta, những gì xem ra là công bằng, những gì có vẻ như là người tín hữu tốt, có vẻ là người Công Giáo tốt, nhưng thực tế lại khác. Nếu có cái gì đó còn là kiểu sống hai mặt, nếu tôi còn quá tự tin theo kiểu: “Chúa sẽ tha thứ tất cả cho tôi, nhưng tôi vẫn tiếp tục hai mặt”. Nếu có điều gì đó để tôi nói: “Vâng, điều ấy thật không tốt, tôi sẽ thay đổi, sẽ hoán cải, nhưng không phải là hôm nay, để ngày mai”. Nếu chúng ta vẫn còn nghĩ như thế, thì hãy ngẫm suy Lời Chúa ngày hôm nay, để cảm thấy rằng, khó mà có Chúa trong những thứ ấy. Vì lối sống hai mặt chỉ ra sức hủy hoại mà thôi.

4. Lời Chúa là một hồng ân. Tha nhân là một hồng ân.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong phần tiếp theo của chương trình, Như Ý và Thụy Khanh xin gửi đến quý vị và anh chị em sứ điệp Mùa Chay của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Mở đầu sứ điệp mùa chay, Đức Thánh Cha nói:

Anh Chị Em thân mến,

Mùa Chay là một khởi đầu mới, là một con đường dẫn đến mục tiêu nhất định là lễ Phục Sinh, là chiến thắng của Chúa Kitô trên sự chết. Mùa Chay khẩn thiết kêu gọi chúng ta hoán cải. Kitô hữu được yêu cầu quay về với Thiên Chúa “với tất cả tâm hồn họ” (Joel 2:12), để từ khước việc hài lòng với những điều tầm thường và lớn lên trong tình bạn với Chúa. Chúa Giêsu là người bạn trung thành, là người không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ngay cả khi chúng ta phạm tội, Ngài kiên nhẫn chờ đợi sự trở lại của chúng ta; và qua sự trông đợi kiên nhẫn như thế, Chúa cho chúng ta thấy sự sẵn sàng tha thứ của Ngài (x Bài giảng, 08 tháng 1 năm 2016).

Mùa Chay là mùa thuận lợi cho việc đào sâu đời sống tinh thần của chúng ta qua các phương tiện thánh hóa mà Giáo Hội mang đến cho chúng ta như ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Cơ sở của tất cả những điều này là Lời Chúa, mà trong suốt mùa này, chúng ta được mời gọi lắng nghe và suy ngẫm sâu sắc hơn. Giờ đây tôi muốn suy tư trên dụ ngôn người đàn ông giàu có và ông Ladarô (Lc 16: 19-31). Chúng ta hãy để mình được linh hứng trong câu chuyện đầy ý nghĩa này, vì nó mang lại chìa khóa để hiểu những gì chúng ta cần phải làm để đạt được hạnh phúc chân thật và sự sống đời đời. Câu chuyện này khích lệ chúng ta hãy chân thành hoán cải.

Tha nhân là một hồng ân

Dụ ngôn bắt đầu bằng việc giới thiệu hai nhân vật chính. Người đàn ông nghèo được mô tả chi tiết hơn: ông đã thê thảm đến mức không còn sức để đứng dậy. Nằm trước cửa nhà người đàn ông giàu có, ông sống nhờ những mảnh bánh vụn rơi xuống từ bàn của người nhà giàu. Người ông đầy những vết lở lói và chó đến liếm các vết thương của ông (x. 20-21). Đây là một hình ảnh thật quá khổ đau; nó mô tả một con người bất hạnh và đáng thương.

Cảnh này thậm chí còn gây ấn tượng hơn nữa nếu chúng ta để ý rằng con người nghèo khổ này được gọi là Ladarô: một cái tên đầy hứa hẹn, Ladarô có nghĩa là “Thiên Chúa hộ trì”. Nhân vật này không phải là vô danh. Danh tính của ông được mô tả rõ ràng và ông xuất hiện như là một cá nhân với câu chuyện của mình. Trong khi ông hầu như là vô hình đối với người giàu có, chúng ta nhận ra ông như một ai đó quen thuộc. Ông trở thành một khuôn mặt, và như thế là một hồng ân, một kho tàng vô giá, một con người mà Thiên Chúa yêu thương và chăm sóc, mặc dù tình hình cụ thể của ông không hơn gì một kẻ bị ruồng bỏ (x Bài giảng, ngày 08 Tháng 1 2016).

Ladarô dạy chúng ta rằng tha nhân là một hồng ân. Tương quan đúng đắn với con người bao gồm việc nhìn nhận giá trị của họ với lòng biết ơn. Ngay cả một người nghèo nơi cổng nhà của người giầu cũng không phải là một điều cồng kềnh gây phiền toái, nhưng là một lời mời gọi hoán cải và thay đổi cuộc sống. Dụ ngôn này trước hết mời gọi chúng ta mở cửa lòng mình cho tha nhân vì mỗi người đều là một hồng ân, dù cho người ấy là láng giềng của chúng ta hay một người ăn xin vô danh. Mùa chay là mùa thuận tiện để mở cửa cho tất cả những ai đang túng quẫn và nhận ra nơi họ khuôn mặt của Chúa Kitô. Mỗi người trong chúng ta gặp gỡ những người như thế mỗi ngày. Mỗi cuộc sống mà chúng ta gặp gỡ phải là một ân sủng đáng được đón nhận, tôn trọng và yêu thương. Lời Chúa giúp chúng ta mở rộng đôi mắt để đón tiếp và yêu mến sự sống, nhất là khi sự sống ấy yếu ớt và mong manh. Nhưng để làm được như thế, chúng ta phải suy tư nghiêm chỉnh về những gì Phúc Âm nói với chúng ta về người giầu có.

Tội lỗi làm chúng ta đui mù

Dụ ngôn mô tả không thương tiếc những điều ngược lại khi nói về người đàn ông giàu có (x v. 19). Không giống như anh Ladarô nghèo, ông không có một cái tên; ông chỉ đơn giản được gọi là “một người đàn ông giàu có”. Sự sang trọng của ông đã được nhìn thấy nơi chiếc áo choàng lộng lẫy và đắt tiền. Vải màu tím thậm chí còn quý hơn vàng và bạc, và do đó đã được dành cho các thần linh (Giêrêmia 10: 9) và các vị vua (x. Thủ Lãnh 8:26), trong khi vải len mịn được dành cho một nhân vật gần như là thánh thiêng. Người đàn ông rõ ràng phô trương về sự giàu có của mình, và có thói quen biểu diễn nó hàng ngày: “ông ngày ngày yến tiệc linh đình” (câu 19). Nơi ông, chúng ta có thể thoáng thấy sự băng hoại của tội lỗi, tiến triển qua ba giai đoạn kế tiếp nhau: yêu mến tiền của, phù hoa và tự hào (x Bài giảng, ngày 20 tháng 9 2013).

Thánh Tông Đồ Phaolô nói với chúng ta rằng “cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc” (1 Tim 6:10). Đây là nguyên nhân chính của tham nhũng và một nguồn mạch dẫn đến ghen tị, xung đột và nghi ngờ. Tiền bạc có thể thống trị chúng ta, thậm chí đến mức nó trở thành một thứ ngẫu tượng độc tài (cf. Evangelii Gaudium, 55). Thay vì là một khí cụ phục dịch chúng ta để làm điều thiện và thể hiện tình đoàn kết với người khác, tiền bạc có thể xiềng xích chúng ta và cả thế giới vào một thứ luận lý ích kỷ không còn chỗ cho tình yêu và gây trở ngại cho hòa bình.

Dụ ngôn sau đó cho thấy sự tham lam của người đàn ông giàu có làm cho ông ta ra hư không. Tính cách của ông ta được thể hiện qua dáng vẻ bề ngoài, nơi việc khoe khoang cho người khác thấy những gì ông có thể làm. Nhưng vẻ bề ngoài ấy chỉ che đậy một sự trống rỗng bên trong. Trong cuộc đời mình, ông chỉ là một tù nhân cho dáng vẻ bên ngoài, cho các khía cạnh hời hợt và phù du nhất của đời người (x. thượng dẫn., 62).

Bậc thấp nhất của sự suy thoái đạo đức này là niềm tự hào. Người đàn ông giàu có này ăn mặc như một vị vua và hành xử như một vị thần, mà quên rằng ông chỉ đơn thuần là một sinh linh hay chết. Đối với những người bị băng hoại vì mê mải sự giàu sang, không có gì tồn tại ở ngoài cái tôi của riêng họ. Những người xung quanh không có trong tầm mắt họ. Hậu quả của việc bo thiết với tiền bạc là một loại mù lòa. Người đàn ông giàu này không thấy những người nghèo, những người đang đói, đang bị thương, nằm ở cửa nhà mình.

Nhìn vào nhân vật này, chúng ta có thể hiểu tại sao Tin Mừng thẳng thừng lên án lòng yêu mến tiền của: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6:24).

Lời Chúa là một hồng ân

Trình thuật Phúc Âm về người đàn ông giàu có và anh Ladarô giúp chúng ta chuẩn bị tốt để tiến tới Lễ Phục Sinh. Phụng vụ Thứ Tư Lễ Tro mời gọi chúng ta đến với một kinh nghiệm khá tương tự như kinh nghiệm của người đàn ông giàu có. Khi linh mục đặt tro trên đầu chúng ta, ngài lặp lại những lời này: “Hãy nhớ rằng mình là tro bụi, một mai rồi sẽ trở về bụi tro”. Cuối cùng, cả người đàn ông giàu có và người nghèo đều qua đời, và phần quan trọng của dụ ngôn này nằm ở đoạn nói về những gì diễn ra ở thế giới bên kia. Hai nhân vật đột nhiên phát hiện ra rằng “chúng ta đã chẳng mang gì vào cõi đời này, thì cũng chẳng mang ra được gì” (1 Tm 6: 7).

Chúng ta cũng thấy những gì xảy ra ở thế giới bên kia. Ở đó người đàn ông giàu có nỉ non cùng Abraham, là người mà ông gọi là “cha” (Lc 16: 24,27), như một dấu chỉ cho thấy ông ta thuộc về dân Chúa. Chi tiết này làm cho cuộc sống của ông ta xem ra mâu thuẫn đến tột cùng, vì cho đến thời điểm này, chưa hề có chỗ nào đề cập về mối quan hệ của ông với Thiên Chúa. Trong thực tế, không có chỗ cho Thiên Chúa trong cuộc sống của ông. Thần minh duy nhất của ông là chính mình.

Người đàn ông giàu có chỉ nhận ra Ladarô giữa những đau khổ của thế giới bên kia. Ông muốn người đàn ông nghèo này làm giảm bớt đau khổ của mình bằng một giọt nước. Những gì ông van xin Ladarô cũng tương tự như những gì ông đã có thể làm nhưng không bao giờ làm. Abraham nói với ông: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.” (c. 25). Trong thế giới bên kia, một loại công lý đang được phục hồi và những điều bất hạnh trong cuộc đời được cân bằng bởi điều tốt lành.

Dụ ngôn tiếp tục với việc đưa ra một thông điệp cho tất cả các Kitô hữu. Người đàn ông giàu có xin Abraham gửi Ladarô về cảnh báo các anh em của mình, là những người vẫn còn sống trên dương thế. Nhưng Abraham trả lời: “Chúng đã có Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó” (câu 29). Bác bỏ lời phản đối của người đàn ông giàu có, Abraham nói thêm: “Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin đâu” (câu 31)..

Vấn đề thực sự người đàn ông giàu có vì thế được đặt lên hàng đầu. Cội rễ của tất cả căn bệnh của ông là sự thất bại không chú ý đến lời Thiên Chúa. Kết quả là, ông không còn yêu mến Thiên Chúa và càng ngày càng coi thường người láng giềng của mình. Lời Chúa sống động và mạnh mẽ, có khả năng chuyển đổi trái tim và dẫn chúng ta trở về với Chúa. Khi chúng ta đóng kín con tim chúng ta trước hồng ân Lời Chúa, chúng ta cũng đóng kín con tim của chúng ta trước ân sủng là các anh chị em của chúng ta.

Anh chị em thân mến,

Mùa Chay là mùa thuận lợi cho việc đổi mới cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa Kitô, cho việc sống trong lời Ngài, trong các phép bí tích và nơi những người láng giềng của chúng ta. Chúa, là Đấng đã chiến thắng sự lừa dối của tên cám dỗ trong bốn mươi ngày trong sa mạc, chỉ cho chúng ta thấy con đường chúng ta phải đi. Nguyện xin Chúa Thánh Thần dẫn đưa chúng ta vào một cuộc hành trình thực sự của hoán cải, qua đó chúng ta có thể tìm lại hồng ân lời Chúa, được thanh tẩy khỏi những tội lỗi làm mờ mắt chúng ta, và phục vụ Chúa Kitô hiện diện nơi những anh chị em cùng quẫn của chúng ta. Tôi khuyến khích tất cả các tín hữu thể hiện tinh thần đổi mới này bằng cách chia sẻ trong các Chiến dịch Mùa Chay được thúc đẩy bởi nhiều tổ chức Giáo Hội tại những miền khác nhau trên thế giới, và nhờ thế sẽ làm thuận lợi cho nền văn hóa gặp gỡ trong cùng một gia đình nhân loại của chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau để khi chia sẻ trong chiến thắng của Chúa Kitô, chúng ta có thể mở cửa lòng chúng ta đối với người yếu thế và người nghèo. Khi đó chúng ta sẽ có thể trải nghiệm và chia sẻ đầy đủ niềm vui Phục Sinh.
 
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay 26/2/2017
VietCatholic Network
19:04 27/02/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- ĐTC Phanxicô nói: Thiên Chúa yêu thương quan phòng lo lắng cho mọi thụ tạo.

2- Cử hành sáng kiến “24 giờ cho Chúa” tại Hoa Kỳ và Vatican.

3- Đức Thánh Cha Phanxicô có phải là vị Giáo hoàng đầu tiên bị chống đối hay không?

4- Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp thân nhân các nạn nhân vụ khủng bố ở Dhaka, Bangladesh.

5- Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn Do thái giáo.

6- Các Giám Mục Australia quyết tâm bài trừ nạn lạm dụng tính dục.

7- Đức Thượng Phụ Alexandria, Ibrahim Isaac Sidrak nói về tình hình Công Giáo tại Ai cập sau khi xảy ra các cuộc tấn công Ki-tô Hữu: “Chúng tôi, Ki-tô Hữu thiểu số Ai-Cập, đặt trọn niềm tin nơi Thiên Chúa”.

8- Căng thẳng trong Giáo Hội Chính thống nghi lễ Syriac sau khi Đức Thượng Phụ Ignatius Ephrem II bị cáo buộc “phản bội đức tin”.

9- Đêm Văn Nghệ Gây Quỹ Bát Cơn Tình Thương Cho Biển Hồ của Ca đoàn Saint Patrick, miền Nam nước Úc.

Sau đây là phần tin chi tiết

- ĐTC Phanxicô nói: Thiên Chúa yêu thương quan phòng lo lắng cho mọi thụ tạo.

Thiên Chúa là Cha yêu thương không bao giờ quên con cái Ngài: tín thác nơi Ngài không giải quyết các vấn đề một cách kỳ diệu, nhưng cho phép đương đầu với chúng với tâm tình đúng đắn và lòng can đảm.

ĐTC Phanxicô đã khẳng định như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc kinh Truyên Tin, trưa Chúa Nhật ngày 26/2/2017. Trong bài huấn dụ, ngài đã giải thích ý nghĩa bài Phúc Âm, trong đó, Chúa Giêsu khích lệ các môn đệ đừng lo lắng cho của ăn, thức uống hay áo mặc, nhưng hãy biết tín thác nơi tình yêu thương quan phòng của Thiên Chúa, và tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước hết. Ngài nói:

Trang Tin Mừng hôm nay (x. Mt 6,24-34) là một lời nhắc nhở mạnh mẽ tín thác nơi Thiên Chúa; … Ngài là Đấng săn sóc các sinh vật trong thụ tạo. Ngài dự phòng thực phẩm cho mọi thú vật, và lo lắng cho bông huệ và cỏ của cánh đồng (cc.26-28); cái nhìn quảng đại và hiền phụ của Ngài canh thức mỗi ngày trên cuộc sống chúng ta. Cuộc sống qua đi dưới nỗi khổ tâm của biết bao âu lo, có nguy cơ lấy mất đi sự thanh thản và thế quân bình, nhưng … Chúa Giêsu tha thiết khích lệ chúng ta đừng lo lắng cho ngày mai (cc.25.28.31), bằng cách nhắc cho chúng ta biết rằng trên tất cả có một người Cha yêu thương không bao giờ quên con cái Ngài.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:

Chúng ta xa rời tình yêu của Thiên Chúa, khi chúng ta đi tìm kiếm một cách ám ảnh các của cải và giầu sang trần gian… Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng cái tìm kiếm vất vả này là ảo tưởng và là lý do của sự bất hạnh. Và Ngài ban cho các môn đệ một luật sống nền tảng: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa” (c. 33)… Phải hoạt động như là các quản lý trung thành các của cải mà Ngài đã ban cho chúng ta, kể cả các của cải trần gian… Thái độ tin mừng này đòi hỏi một sự lựa chọn rõ ràng, “Anh em không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của” (c. 24). Hoặc là Chúa, hoặc là các thần tượng hấp dẫn nhưng là ảo tưởng.

Trong khi tôn vinh các thần tượng này đưa tới các kết quả có thể sờ mó được, nhưng cũng mau qua, thì lựa chọn cho Thiên Chúa và Nước của Ngài không luôn luôn cho thấy các kết quả một cách tức khắc. Nó là một quyết định, mà ta lấy trong niềm hy vọng và để cho Thiên Chúa thực hiện tràn đầy nó. Niềm hy vọng kitô hướng tới việc thành toàn tương lai lời hứa của Thiên Chúa, và không dừng lại trước bất cứ khó khăn nào, bởi vì nó được xây dựng trên lòng trung tín của Thiên Chúa, là Đấng không bao giờ suy giảm.

Sau bài huấn dụ, ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

- Cử hành sáng kiến “24 giờ dành cho Chúa” tại Hoa Kỳ và Vatican.

Trong Tông Chiếu Misericordiae Vultus, nghĩa là “Khuôn mặt xót thương”, nhằm thiết định Năm Thánh Ngoại Thường Về Lòng Thương Xót, ĐTC viết:

Sáng kiến ‘24 giờ cho Chúa’ được cử hành vào ngày thứ Sáu và thứ Bảy trước tuần thứ Tư của Mùa Chay, nên được thực hiện trong mỗi giáo phận. Rất đông người, kể cả giới trẻ, đang trở lại với Bí tích Hòa giải; qua cảm nghiệm này, họ đang tái khám phá con đường trở về với Chúa khi sống một khoảnh khắc cầu nguyện mãnh liệt và khi tìm kiếm ý nghĩa trong đời họ. Chúng ta hãy đặt Bí tích Hòa giải ở trung tâm một lần nữa sao cho bí tích này giúp mọi người chạm vào sự hùng vĩ của lòng thương xót Chúa với những đôi tay của riêng họ. Với mỗi hối nhân, bí tích này sẽ là nguồn mạch của bình an nội tâm thật sự.”

Đa số các giáo phận tại Hoa Kỳ sẽ cử hành sáng kiến “24 giờ cho Chúa” vào ngày thứ Sáu 10 tháng 3. Nhiều giáo phận tại Hoa Kỳ tiếp tục cử hành sáng kiến này cả sau khi Năm Thánh Lòng Thương Xót đã kết thúc. Các buổi cử hành sẽ bao gồm việc suy niệm Lời Chúa, cử hành và tôn thờ Thánh Thể, chặng đàng Thánh giá, và đặc biệt nhất là lãnh nhận Bí tích Hòa Giải.

- ĐTC Phanxicô có phải là vị Giáo hoàng đầu tiên bị chống đối hay không?

Đầu tháng 2 năm 2017, có một số bích chương chống đối ĐTC Phanxicô xuất hiện trên các bức tường quanh thành phố Rôma. Khi được hỏi về sự kiện này, ký giả người Mỹ John Allen, vốn một chuyên gia hàng đầu về các vấn đề liên quan đến Tòa Thánh Vatican, và cũng là tác giả 2 cuốn sách về tiểu sử của ĐTC Biển Đức XVI đã trả lời đại ý như sau:

Các bích chương công khai chỉ trích một vị giáo hoàng thì trước đây chưa từng có… Tuy thế, ĐGH Phanxicô chỉ bị phe bảo thủ hay duy truyền thống chỉ trích mà thôi. Cho đến nay, vị giáo hoàng bị chống đối nhiều hơn cả và từ tứ phía phải kể ĐGH Phaolô II. Sáng kiến triệu tập Công Đồng Vatican 2 là của Thánh Gioan XIII, nhưng người lèo lái Công Đồng này qua các khó khăn trăm bề tới thành công mỹ mãn không ai khác ngoài Chân Phúc Phaolô VI. Ngài được cả Giáo Hội biết ơn. Nhưng không thiếu những người cực lực chống đối ngài.

Về phạm vi và cường độ chỉ trích, ký giả John Allen nghĩ rằng ĐGH Phanxicô cũng không bị nặng hơn các vị tiền nhiệm của ngài… Chỉ có điều khác một chút là những người chỉ trích ĐGH Phanxicô mạnh nhất phát xuất từ cánh hữu và phản ứng của ngài đối với họ không kém quyết liệt. Thứ hai, dưới thời truyền thông xã hội thống trị này, bất cứ lời chỉ trích nhân vật nổi tiếng nào cũng được loan truyền nhanh hơn vi khuẩn (viral). Thành thử nguyên điều này không thể chứng minh ngài bị chỉ trích nặng nề và phổ quát hơn. Vả lại, đại đa số tín hữu không bị nao núng bởi các chỉ trích này. Ký giả John Allen cho hay, 85 % giáo dân Mỹ vẫn rất yêu mến ngài.

- ĐGH Phanxicô gặp thân nhân các nạn nhân vụ khủng bố ở Dhaka, Bangladesh.

Vatican - Sáng thứ tư ngày 22 tháng 2, ĐGH Phanxicô đã tiếp gia đình của 9 nạn nhân vụ khủng bố xảy ra ngày 1/7/2016 tại một quán café ở thành phố Dhaka, thủ đô của Bangladesh. Ngài đã ôm chào và an ủi các gia đình. Ngài nói: Thật là dễ để đi con đường từ yêu thương dẫn đến thù hận, trong khi, thật khó để làm điều ngược lại: từ sự cay đắng hận thù đến yêu thương. ĐTC nói tiếp:

“Anh chị em bị để lại trong giận dữ, cay đắng, … nhưng anh chị em, với nỗi đau trong lòng, đã dấn thân trên con đường yêu thương để xây dựng và giúp đỡ người dân Bangladesh, đặc biệt những người trẻ để họ có thể học biết: đây là gieo trồng bình an và tôi cám ơn anh chị em, nó là một gương mẫu cho tôi.”

Có thông tin loan truyền rằng ĐGH sẽ đến thăm Bangladesh trong năm 2017 này. ĐHY Patrick D’Rozario, Hồng Y tiên khởi của quốc gia này nói rằng, cuộc viếng thăm của ĐTC là một sự kiện vĩ đại đối với toàn Giáo Hội tại đây, đặc biệt đối với sự hòa hợp tôn giáo.

Tại Bangladesh, Hồi giáo là tôn giáo chính. Thống kê năm 2013 cho thấy có tới 89% dân số là người Hồi, với chỉ 10% dân số theo Ấn giáo. Kitô hữu và Phật tử chiếm chưa tới 1% dân số.

- ĐTC tiếp phái đoàn Do thái giáo.

Trong buổi tiếp kiến một phái đoàn Do thái sáng ngày 23/2/ 2017, ĐTC đề cao cuộc đối thoại huynh đệ giữa các tín hữu Công Giáo và Do thái. Phái đoàn này gồm 89 người gồm các nhà xuất bản do Rabbi Abraham Skorka người Argentina, hướng dẫn đến trao tặng ĐTC ấn bản đặc biệt sách Torah. Rabbi cũng là ngừơi bạn của Ngài từ lâu ở Argentina. Sách này gồm 5 cuốn đầu tiên của Bộ Kinh Thánh (Ngũ Thư), nhưng cũng có nghĩa rộng lớn hơn. Vì thế, lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC nhắc lại lời Thánh Gioan Phaolô II định nghĩa sách Torah là “Giáo huấn sinh động của Thiên Chúa hằng sống”, biểu lộ tình hiền phụ và thành tâm của Thiên Chúa, một tình yêu được làm bằng những lời nói và cử chỉ cụ thể, một tình yêu trở thành giao ước. Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng:

“Cuộc đối thoại huynh đệ và có cơ chế giữa các tín hữu Kitô và Do thái ngày nay đã vững chắc và hữu hiệu, qua một cuộc đối chiếu liên tục và cộng tác với nhau. Món quà anh chị em tặng hôm nay được tháp nhập trọn vẹn trong cuộc đối thoại ấy, một cuộc đối thoại không những được diễn tả qua lời nói, nhưng còn qua các cử chỉ nữa. Phần dẫn nhập rộng rãi vào ấn bản Torah này và chú thích của Nhà Xuất Bản nhấn mạnh thái độ đối thoại ấy, biểu lộ một quan điểm văn hóa cởi mở, trong sự tôn trọng nhau, trong an bình, hòa hợp với sứ điệp tinh thần của Torah”.

- Các Giám Mục Australia quyết tâm bài trừ nạn lạm dụng tính dục.

Melbourne, Australia - Các GM Australia quyết tâm bài trừ nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành viên và không để xảy ra trong Giáo Hội những vụ như thế nữa. Lập trường trên đây được ĐC Denis Hart, TGM Melbourne, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Australia bày tỏ hôm 24/2/2017, sau 3 tuần lễ thẩm vấn của Ủy ban hoàng gia về những vụ lạm dụng tính dục. Ủy ban này đã điều tra trong vòng 4 năm qua và xác nhận rằng, trong 30 năm từ 1980 đến 2010, có khoảng 4.400 vụ xảy ra trong cộng đồng Công Giáo ở Australia; khoảng 1.880 Linh mục, tức là 7% các Linh mục tại nước này có liên lụy đến những vụ lạm dụng như thế. 70 vị lãnh đạo Giáo Hội đã điều trần trong 3 tuần lễ trước Ủy ban hoàng gia điều tra, và nói về những thiếu sót và sai lầm trong việc xử lý các vụ lạm dụng, đồng thời đề ra viễn tượng ngăn người những vụ đó trong tương lai.

Trong số các vấn đề được phân tích, có các khía cạnh giáo luật, tòa giải tội, luật độc thân giáo sĩ, thái độ duy giáo sĩ, việc đào tạo linh mục, việc nâng đỡ về nghề nghiệp và sự giám sát. Trong thông cáo, Đức TGM Denis Hart bày tỏ quyết tâm trên đây và khẳng định rằng Giáo Hội Công Giáo tại Australia sẽ tiếp tục nâng đỡ các nạn nhân bị lạm dụng. Trong khi chờ đợi phúc trình chung kết của Ủy ban hoàng gia, Giáo Hội bây giờ phải áp dụng các chính sách trong các cộng đoàn của mình để phòng ngừa.

- Đức Thượng Phụ Alexandria, Ibrahim Isaac Sidrak, nói về tình hình Công Giáo tại Ai cập sau khi xảy ra Các Cuộc Tấn Công Ki-tô Hữu: “Chúng tôi, Ki-tô Hữu Thiểu Số Ai-Cập, Đặt Trọn Niềm Tin nơi Thiên Chúa”.

Theo các con số thống kê năm 1986 của chính quyền Ai-cập, có khoảng hơn 3 triệu người, tức chừng 8% dân số Ai-cập, là Ki-tô Hữu tại đất nước của các huyền thoại sư tử đầu người. Theo sổ sách Rửa Tội, Giáo Hội Ai-cập ước tính số lượng tín hữu là khoảng 11 triệu người trong tổng số 54 triệu dân chúng. Dù tính theo cách nào, thì Giáo Hội Ai-cập chỉ là một thiểu số, và là một cộng đoàn từ thời xưa cổ, đã sống qua hơn 2000 năm trên một lãnh thổ từng trải qua nhiều cuộc bách hại, như cuộc bách hại vừa xảy ra vào ngày 11 tháng 12 năm ngoái, khi một cuộc tấn công tự sát đã khiến 27 người thiệt mạng tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Mác-cô của Chính Thống Giáo Ai-cập tại thủ đô Cairo.

Ngày 6 tháng 2 vừa qua, thông tấn xã ZENIT, một cơ quan truyền thông độc lập chuyên về các thông tin Công Giáo tại Roma, đã thực hiện cuộc phỏng vấn với Đức Ibrahim Isaac Sidrak, Thượng Phụ Alexandria, nhân dịp ngài có mặt tại Vatican cùng với các giám mục thuộc Giáo Hội Chính Thống Alexandria trong chuyến viếng thăm ad Limina. Khi đề cập đến không khí căng thẳng mà các Ki-tô Hữu Ai-cập đang trải qua. Đức Thượng Phụ Sidrak nói:

“… Vụ tấn công tại Vương Cung Thánh Đường Chính Thống Giáo là một vụ khủng bố dữ dội xảy ra ngay giữa thánh lễ. Việc phụ nữ và trẻ em bị giết hại làm gia tăng niềm đau thương và sự bàng hoàng trong toàn thể dân chúng Ai-cập. Tuy nhiên, phản ứng của mọi người là một phản ứng hoàn toàn ôn hòa, thể hiện tình đoàn kết thực sự của toàn thể dân chúng. Thiên Chúa an ủi từng người chúng tôi trong lúc đau thương, đặc biệt đối với thân quyến của các nạn nhân. Bây giờ thì có thể nói rằng mọi sự đã trở lại bình thường, mặc dù chúng tôi không bao giờ có thể được hoàn toàn bình an, cũng như các nơi khác trên toàn thế giới ngày nay. Nhưng chúng tôi đặt trọn niềm tin nơi Thiên Chúa".

Khi được hỏi, về phía Tổng Thống al-Sisi, có bất cứ dấu hiệu khả quan nào cho Ki-tô Hữu Ai-cập hay không, ngài trả lời: “Tổng Thống al-Sisi là người rất cởi mở và quan tâm đến tình thế của Ki-tô Hữu. Ông đã từng tỏ ra, và tiếp tục tỏ ra gần gũi và quan tâm đến tất cả các vấn nạn xã hội, cụ thể là các vấn nạn đối với thiểu số. Vì vậy chúng tôi tạ ơn Thiên Chúa đã ban một vị Tổng Thống như vậy. Tuy nhiên, tình thế chính trị đình trệ mọi việc do bởi hệ thống hành chánh chậm chạp và bưng bít. Điều này cũng ảnh hưởng việc xây dựng nhà thờ mới.”

Về mối liên hệ đại kết giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo Ai-cập hiện nay, Đức Thượng Phụ Sidrak khẳng định: Trong thời gian gần đây, mối liên hệ đại kết giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo Ai-cập đã tiến những bước đáng kể. Đức Giáo Hoàng mới Tawadros Đệ Nhị của Chính Thống Giáo Ai-cập là một người rất cởi mở trong việc đối thoại và gặp gỡ. Tuy nhiên, chúng ta không thể chối cãi rằng ở tầm mức hành đạo thực tiễn, đặc biệt là về các Bí Tích, vẫn còn một con đường dài phía trước. Chúng tôi tiến bước với lòng tin tưởng hướng về đại kết, và hiểu rằng đại kết là điều thiết yếu để làm chứng nhân thực thụ của Tin Mừng.

- Căng thẳng trong Giáo Hội Chính thống nghi lễ Syriac, sau khi Thượng Phụ Ignatius Ephrem II bị cáo buộc “phản bội đức tin”.

Các GM của Giáo Hội Chính Thống Giáo nghi lễ Syriac, đang cân nhắc việc triệu tập một phiên họp ngoại thường của Thánh Công Đồng nhằm giải quyết những mâu thuẫn nội bộ sau những cáo buộc cho rằng Đức Thượng Phụ Ignatius Ephrem II đã “phản bội đức tin”. Căng thẳng đã nổ ra bên trong Giáo Hội Chính thống sau khi Thượng Phụ Ignatius Ephrem II kính cẩn giơ cao một bản sao của kinh Qu'ran, trong một cử chỉ tôn kính, tại một cuộc họp liên tôn ở Beirut vào đầu tháng Hai vừa qua. Ngày 8 tháng 2, sáu vị TGM của Giáo Hội Chính thống đã lên án cử chỉ này là một “sự phản bội đức tin”, và tuyên bố rằng Đức Thượng Phụ đã đánh mất danh hiệu của mình như một người bảo vệ đức tin chính thống. Những lời chỉ trích công khai của 6 vị TGM này đã bị 30 TGM khác chế riễu là “nổi loạn chống lại Giáo Hội.”

Mặc dù 6 vị TGM bất đồng chính kiến sau đó đã gửi một lá thư xin lỗi, đa số các GM đòi phải triệu tập Thánh Công Đồng nhằm giải quyết những mâu thuẫn nội bộ và có những biện pháp thích hợp.

- Đêm Văn Nghệ Gây Quỹ Bát Cơn Tình Thương Cho Biển Hồ của Ca đoàn Saint Patrick, Nam Úc.

Phát xuất từ tinh thần bác ái Kitô Giáo và cũng là niềm ước mong mang lại một chút niềm vui và an ủi cho những mảnh đời cơ cực, đầy dẫy khổ đau của những đồng hương Việt Nam đang sống ở Biển Hồ, ca đoàn Saint Patrick thuộc giáo xứ Công Giáo Croydon Park, đã tổ chức Đêm Văn Nghệ “Bát Cơm Tình Thương Cho Biển Hồ” vào lúc 6g30 ngày Thứ Bảy 18/02/2017 tại hội trường Trung Tâm sinh hoạt của Cộng Đồng Người Việt Tự Do / Nam Úc.

Đây là sinh hoạt thứ 3 trong dự án chương trình gây quỹ từ thiện mang tên "Bát Cơm Tình Thương cho Biển Hồ" sau Đêm Nhạc Sống & Karaoke Dạ Vũ (3/12/2016) và Gian hàng Hội chợ Tết Đinh Dậu (4 &5 /2/2017).

Vùng Biển Hồ thuộc tỉnh Kampong Chnăng, Campuchia. Đa số người Việt sống tại Biển Hồ đều nghèo. Cuộc sống của họ chủ yếu bằng nghề chài lưới và mua bán trên nước. Họ sống trên những chiếc thuyền nhỏ lênh đênh trên Biển Hồ ở Campuchia, nhiều em bé người Việt chưa từng được đặt chân đến trường.

Trong đêm văn nghệ, BTC đã báo cáo công khai tài chánh, và mọi người đã vui mừng vỗ tay khi BTC công bố tổng số tiền quyên góp được trong suốt dự án đã lên đến trên $53,000.00 (năm mươi ba ngàn Úc kim). Tất cả số tiền này sẽ được một số anh chị em, đại diện cho ca đoàn, sẽ tự lo chi phí, trở lại Biển Hồ dự định vào tháng 7/2017, để trao tận tay cho đồng bào món qùa quý gía mà đồng hương Nam Úc châu đã rộng tay đóng góp.

Trên 400 quan khách, gồm đại diện các đoàn thể và đồng hương trong cộng đồng người Việt Tự Do tại Nam Úc, đã đến với Đêm Văn Nghệ Tri Ân.
 
Thánh Ca
Thánh Ca Mùa Chay - Thánh Giá Nào Cho Con? Trình bày: Ca Sĩ Lệ Hằng.
VietCatholic Network
06:49 27/02/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây