Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”
Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. 24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?”
Đó là lời Chúa
“XÓT THƯƠNG”, TẤT CẢ CHỈ CÓ THẾ!
“Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng Chúa xót thương!”.
Giáo sư Charles H. Spurgeon đã nhấn mạnh với lớp dạy của mình về tầm quan trọng của việc làm cho nét mặt hài hoà với bài giảng. “Khi nói về thiên đàng”, ông nói, “hãy để khuôn mặt bạn sáng lên, hãy để nó rạng rỡ bởi ánh sáng mặt trời, hãy để đôi mắt bạn ngời sáng bởi ánh quang phản chiếu! Nhưng khi nói về địa ngục, cứ để tự nhiên, khuôn mặt bình thường của bạn đã làm được điều đó! Còn khi nói về Thiên Chúa, chỉ cần bạn cúi đầu, nhìn xuống đất, để biết phận mình, những con người vốn bị đuổi khỏi địa đàng; Ngài, Đấng ‘“Xót thương”, tất cả chỉ có thế!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
‘“Xót thương”, tất cả chỉ có thế!’, H. Spurgeon thật chí lý. Mùa Chay, mùa tuyệt vời để chúng ta hiểu rõ hơn về lòng thương xót! Phụng vụ Lời Chúa thứ Tư Lễ Tro hôm nay cũng chỉ nói đến ngần ấy. Xót thương là thấu hiểu, là chia sẻ và liên luỵ với; vì thế, khi chúng ta kêu lên, “Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng Chúa xót thương!” như Thánh Vịnh đáp ca, là chúng ta đang kéo ghì Thiên Chúa xuống, và Ngài phải nhập cuộc với bao truân chuyên của mỗi người.
Từ bỏ một điều gì đó thực sự mang ý nghĩa là tất cả sẽ chìm hẳn vào lòng xót thương thăm thẳm của Thiên Chúa ở một mức độ sâu hơn! Đó là được cởi bỏ khỏi tất cả những gì đang trói buộc, giúp chúng ta trải nghiệm một cuộc sống mới mà chúng ta đang hết lòng kiếm tìm. Từ bỏ một cái gì đó đơn giản như nhịn ăn, nhịn uống; hoặc, có thể bất kỳ hành động cố ý nào đó vốn đòi hỏi một sự bỏ mình nhất định. Điều này là tốt! Tại sao? Bởi việc từ bỏ đó tiếp sức cho chúng ta về tinh thần và ý chí; nó tăng lực để chúng ta quyết tâm hơn hầu có thể nói “Có” với Chúa ở mức độ Chúa muốn. Thế nhưng, từ bỏ một cái gì đó, một điều gì đó để được ‘Một Ai đó’ thì rất đáng cho chúng ta từ bỏ! Bởi lẽ, khi từ bỏ, chúng ta rời địa ngục để phản ánh thiên đàng, “Hãy để khuôn mặt của bạn sáng lên, hãy để nó rạng rỡ bởi ánh sáng mặt trời, hãy để đôi mắt của bạn ngời sáng bởi ánh quang phản chiếu!”.
Vậy mà, trong cuộc sống, chúng ta thường bị thao túng bởi những cảm xúc và ham muốn; chúng điều khiển chúng ta một cách dễ dàng! Ấy thế, việc thực hành khổ chế, từ chối bản thân sẽ giúp chúng ta củng cố và làm chủ các khuynh hướng rối loạn hơn là bị chúng kiểm soát. Và điều này áp dụng cho nhiều thứ, không chỉ đồ ăn thức uống, nhưng còn cho nhiều điều tích cực hơn; nó bao gồm các nhân đức, đặc biệt là lòng bác ái đối với tha nhân của mỗi người.
‘“Xót thương”, tất cả chỉ có thế!’; trải nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta cũng trải nghiệm Ngài chờ đợi chúng ta xót thương nhau. Đó là yêu theo cách Ngài yêu; đó là được tự do để tình yêu chiếm lấy chúng ta, chấp cánh cho chúng ta. Một khi được tình yêu chiếm lấy, chúng ta sẽ mẫn cảm hơn với Thiên Chúa; sợ mất lòng Ngài, muốn trở về làm hoà với Ngài như Gioel và Phaolô hôm nay mời gọi. Được tình yêu chiếm lấy, việc cầu nguyện, giữ chay và thực hành thương xót của chúng ta như Tin Mừng hôm nay đề nghị sẽ dễ dàng hơn biết bao!
Anh Chị em,
‘“Xót thương”, tất cả chỉ có thế!’. Đó là quà tặng miễn phí được trao hoàn toàn từ động lực của tình yêu; đó là tình yêu Thiên Chúa ban cho chúng ta, phận người tro trấu, cách đặc biệt trong Mùa Chay. Chớ gì lời khẩn xin “Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng Chúa xót thương!” không ngừng vang lên trong tâm hồn chúng ta suốt Mùa Chay này, hầu khi cảm nghiệm được lòng Chúa xót thương, chúng ta dễ dàng thương xót nhau. Hãy biến Mùa Chay này thành mùa ân sủng tuyệt vời, đừng mắc kẹt với ý nghĩ, những hy sinh là nặng nề; chúng là một phần thiết yếu trên con đường dẫn đến một cuộc sống mới mà Thiên Chúa muốn ban tặng cho mỗi người!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con hiểu, ‘“Xót thương”, tất cả chỉ có thế!’, đó là một quà tặng ân sủng Chúa ban cho con trong Mùa Chay này; để từ đó, con có thể ‘sống nó’ với anh chị em con!”, Amen.
(Tgp. Huế)
NHỮNG CƠN CÁM DỖ
Chúa Nhật 1 Mùa Chay, năm C : Lc 4, 1-13
Suy niệm
Bài Tin Mừng cho chúng ta biết rõ là Đức Giêsu được Thánh Thần dẫn vào hoang địa 40 đêm ngày để chịu quỷ cám dỗ. Hoang địa có hai ý nghĩa trong Thánh Kinh: thứ nhất là nơi gặp gỡ Thiên Chúa, nghĩa là nơi người ta có những trải nghiệm tích cực (positive); thứ hai, hoang địa cũng là nơi người ta trải nghiệm những điều tiêu cực (negative), như việc bị cám dỗ bởi ma quỷ hay thần dữ.
Cám dỗ đầu tiên là của ăn. Quỷ đánh thẳng vào điểm yếu của Đức Giêsu, vì Ngài đang đói sau khi chay tịnh 40 ngày. Cái đói đụng đến bản năng sinh tồn và làm tê liệt đời sống. Đức Giêsu không phủ nhận sự cần thiết của vật chất, nhưng con người không chỉ sống nhờ cơm bánh. Bánh quan trọng, nhưng tự do và lòng trung thành quan trọng hơn. Thực tế cho ta thấy: vì tự do và trung thành mà người ta thà chết chứ không chịu ăn uống, nhất là khi của ăn đó mang tính hèn hạ và ô nhục, đi ngược với niềm tin và lý tưởng của mình (x.1Mcb 1,62-63).
Phát triển kinh tế là điều quan trọng, nhưng nếu không nêu cao các giá trị văn hoá, luân lý, tôn giáo, thì đúng là hạ thấp con người xuống hàng sự vật, đồ vật. Vẫn luôn có những người tuyệt thực nhằm phản đối những bất công và bạo tàn để nêu cao một lẽ sống. Không tìm thấy ý nghĩa cho cuộc đời thì cơm bánh hay vật chất trở nên thừa thãi, vì vậy mà có những người rơi vào tuyệt vọng và tìm tới cái chết như một hy vọng. Lắm khi không phải vì đói khát hay thiếu thốn, nhưng vì ta để cho mình bị cồn cào bởi những thèm muốn vô độ, và nếu như vậy thì ta đã thất bại ngay trong cơn cám dỗ đầu tiên. Con người không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng còn có những giá trị cao quí khác cần chú ý, chăm sóc và phát triển, thì mới xứng đáng với phẩm cách là người.
Cám dỗ thứ hai xem ra thô bạo và cuồng ngạo nhưng đầy hấp dẫn, đó là bái lạy ma quỷ để có được quyền lực và vinh quang. Cám dỗ này đụng đến sứ mạng của Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, là Vua vũ trụ, là Đấng quy tụ muôn loài trong trời đất (x. Ep 1, 10). Đức Giêsu đã vượt thắng cám dỗ này vì nhận ra sự lừa bịp trắng trợn của ma quỷ. Vương quốc trần gian mà ma quỷ giới thiệu là một thứ vinh quang rất dễ tiêu tan, như thuật ngữ doxa trong tiếng Hy Lạp. Vinh quang đó chỉ là hình bóng, là bọt bèo. Nhiều người đã nhẹ dạ đã tin vào lời hứa hão huyền này. Bao đế quốc, bao vua chúa và các nhà độc tài cũng đã biến tan trong thoáng chốc. Xem ra lịch sử Giáo hội đã từng bị nhá nhem vì cám dỗ này. Đã có một thời thần quyền phải nép mình vào sự bảo đảm của thế quyền, và đức tin như một dụng cụ để phục vụ cho thế tục. Chẳng ai và chẳng có gì ngoài một mình Thiên Chúa để xứng đáng được ta bái lạy hay phụng thờ, vì tất cả đều là loài thụ tạo, và mọi sự sẽ chấm hết. Sự sống và vinh quang chỉ thuộc về Thiên Chúa mà thôi.
Cơn cám dỗ thứ ba là ma quỷ thách thức Chúa Giêsu gieo mình xuống từ nóc đền thờ, để chứng tỏ Ngài là Con Thiên Chúa. Cám dỗ này có vẻ đạo đức vì cậy dựa vào Thiên Chúa để tìm sự an toàn. Lý lẽ của cám dỗ này dễ thuyết phục hơn vì quỷ trích dẫn từ Kinh Thánh (Tv 91, 10-12). Chúa Giêsu cũng dùng Kinh Thánh để đối lại. Ẩn tàng trong cơn cám dỗ là sự ỷ lại, đưa mình vào tình huống ngặt nghèo để bắt Chúa hành động. Xem ra cám dỗ nào cũng mang tính ích kỷ và kiêu ngạo. Ma quỷ đã đánh vào chỗ yếu nhất của con người. Đức Giêsu là Đấng nhân ái và khiêm nhường nên ma quỷ đành chào thua.
Phải chăng ta vẫn thích được Chúa thực hiện những điều ngoạn mục cho đời mình? Phải chăng ta thích sống dưới cái nhìn của người khác? Phải chăng ta muốn thiên hạ cảm phục mình? Ít nhiều ai trong chúng ta cũng đã từng gặp những cám dỗ này, nhất là trong giai đoạn tuổi trẻ. Đó là những cách thức đánh lận con đen khiến ta dễ sa chước cám dỗ.
Thật ra mọi thứ trên trần gian như tiền tài, của cải, địa vị, chức quyền… đều đáng quí và có giá trị riêng của nó. Nhưng tất cả chỉ là tương đối, như một phương tiện chứ không phải mục đích. Nếu suy tôn những thứ tương đối đó lên hàng tuyệt đối, ta sẽ biến chúng thành ngẫu tượng, khiến cuộc sống ra thê lương, vì sai lạc với bản chất của sự vật và sai trái với bản tính của con người, khiến ta không đạt tới chính Thiên Chúa là nguồn bình an và hạnh phúc muôn đời của chính mình.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Những cám dỗ xưa kia Chúa phải chịu,
cũng chính là những điều đang quấy nhiễu,
làm cho cuộc sống con rối ren nhiều.
Cám dỗ nào xem ra cũng hấp dẫn,
ban đầu còn áy náy phân vân,
nhưng theo ngày tháng cũng quen dần,
khiến bản thân con đã bao lần thất thế,
cũng chỉ vì ham muốn với đam mê,
nên sa cơ lỡ bước lắm ê chề.
Đời con cũng chẳng thiếu thốn chi,
nhưng vẫn bị kéo ghì bởi vật chất,
muốn chạy theo lối sống phàm trần,
và tìm cách để thỏa mãn bản thân,
không thấy tinh thần mình thất bại,
và đức tin đang lâm vòng nguy hại.
Tuổi trẻ lại thích được tỏa sáng,
nên theo những hào nhoáng bên ngoài,
mà quên rằng cuộc sống đầy cạm bẫy,
chứ không như những gì chúng con thấy,
vì ma quỉ luôn giăng mắc họa tai,
khiến biết bao người ra điên dại.
Xin cho con nhìn ngắm Chúa vào đời,
rất cẩn trọng ở mọi lúc mọi nơi,
luôn khiêm tốn trên con đường đi tới,
biết tránh xa những đam mê danh lợi,
những thú vui và mời mọc của bạn bè,
phải luôn biết e dè và chừng mực.
Xin cho con chuyên cần trong bổn phận,
hăng say làm việc và kết nối tình thân,
luôn sống dưới tác động của Thánh Thần,
theo Ngài hướng dẫn để thắng cơn cám dỗ,
và đời con được bền đỗ đến cùng. Amen.
Một Nửa Sự Thật
CN I CHAY C
Hàng năm, Phúc Âm Chúa Nhật I Mùa Chay đều nói về cám dỗ. Chúa Giêsu vào hoang địa. Sau bốn mươi đêm ngày ăn chay và cầu nguyện, Satan xuất hiện và cám dỗ. Chúa Giêsu đã chiến thắng Satan.
Nói đến cám dỗ, chúng ta thường nghĩ rằng ma quỷ xúi giục, dụ dỗ mình làm một điều xấu. Thật ra nếu biết điều đó là xấu thì mình cũng phải phân định, xem xét cân nhắc trước khi làm chứ!. Chiến thuật cám dỗ ma quỷ thường là nó làm cho người ta lầm tưởng cái giả là cái thật, cái thật là cái giả, coi cái không có là cái có và coi cái có là cái không có. Khi cám dỗ, ma quỷ luôn quảng cáo trước mắt chúng ta những điều thật, điều tốt và có lợi. Nhưng thật ra đó chỉ là “bánh vẽ”, nếu có thật chỉ là một phần rất nhỏ. Nó làm cho người ta mù quáng và không nhìn thấy những mặt xấu. Đó là những “chiêu” tinh vi ma quỷ dùng trong chiến thuật cám dỗ con người. Trong vườn địa đàng, ma quỷ xúi giục Adam-Eva ăn trái cấm. Nếu ma quỷ cho thấy hậu quả của việc ăn trái cấm, chắc hẳn hai ông bà phải xét lại đề nghị của ma quỷ? Ma quỷ trưng dẫn những mặt tích cực, mặt có lợi cho hai ông bà như ăn vào “mắt ông bà sẽ mở ra và sẽ bằng Thiên Chúa” (St 3,5). Ma quỷ cũng sử dụng “chiêu thức” này đối với Chúa Giêsu như nó đã cám dỗ Adam-Eva.
1. Một nửa sự thật.
Đức cha Phêrô Nguyễn Khảm gọi “chiêu thức” ma quỷ dùng để cám dỗ Chúa Giêsu là chiêu “một nửa sự thật”.
Khi đọc trình thuật Chúa Giêsu bị cám dỗ, chúng ta dễ nghĩ đây là những cám dỗ về mặt luân lý, đạo đức cá nhân, chẳng hạn như tội kiêu ngạo, tham lam của cải…Những suy nghĩ ấy rất tốt và rất cần, nhưng ở đây thử nhìn tới một viễn tượng lớn hơn bằng cách đặt câu hỏi: Chúa Giêsu chịu cám dỗ vào lúc nào? Thưa, vào lúc Ngài bắt đầu thi hành sứ vụ công khai. Cho nên, những cơn cám dỗ mà Chúa Giêsu đối diện không chỉ là cám dỗ về mặt đạo đức cá nhân, mà là những cám dỗ về sứ vụ cứu thế, về đường lối giải thoát nhân loại. Vậy đâu là đường lối cứu thế mà ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu và nó dùng chiến thuật nào để thuyết phục Người làm theo? Chiến thuật của ma quỷ là lấy chính Lời Chúa để đánh lừa và cám dỗ con người. Lời Chúa là lời Chân Lý, Lời sự thật nhưng ma quỷ chỉ trình bày một nửa sự thật để đánh lừa con người.
Trong cơn cám dỗ thứ nhất, sau 40 ngày không ăn gì cả, Chúa Giêsu thấy đói, ma quỷ nói với Người “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi”. Ấn trong lời đề nghị đó là quan niệm cho rằng cứ có tiền bạc, cứ có của cải vật chất là giải quyết tất cả. Điều đó có đúng không? Con người cần cơm bánh, cần của cải, cần được cung ứng những nhu cầu căn bản cho cuộc sống. Nhưng tiền bạc và của cải vật chất tuy cần thật nhưng không phải là tất cả. Trong thực tế đã có bao nhiêu gia đình giàu có nhưng lại tan nát và con cái là những người phải chịu hậu quả nặng nề nhất. Biết bao gia đình giàu có, nhưng con cái trong gia đình lại vướng vào tệ nạn xã hội, gây đau khổ cho mọi người. Đó là những kinh nghiệm cụ thể trong cuộc sống, chưa nói đến những kinh nghiệm của lịch sử thế giới dạy chúng ta điều đó.
Ở cơn cám dỗ thứ hai, ma quỷ nói với Chúa Giêsu: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi và tôi muốn cho ai tùy ý. Nếu ông bái lạy tôi thì tất cả sẽ thuộc về ông”. Hàm trong lời đề nghị đó là quan điểm cứ có quyền lực là có tất cả. Tiếc rằng, điều đó chỉ đúng có một nửa. Quyền lực là cần thiết cho người lãnh đạo, nhưng không phải là tất cả. Lịch sử thế giới làm chứng biết bao nhiêu người với quyền lực gần như tuyệt đối trong tay mà chỉ gieo sợ hãi, gieo đau khổ cho biết bao thế hệ.
Cơn cám dỗ cuối cùng mà ma quỷ đề nghị với Chúa Giêsu là lên trên nóc đền thờ gieo mình xuống… “vì có lời chép rằng Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng: Thiên Chúa sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”. Ở đây xuất hiện một cơn cám dỗ đặc thù trong thời đại chúng ta, thời đại của khoa học kỹ thuật. Ngày nay người ta nói đến kỹ thuật trị hay kỹ trị, với ý nghĩ rằng kỹ thuật giải quyết được hết mọi sự. Đúng là con người cần đến khoa học và kỹ thuật, nhờ đó cuộc sống được đầy đủ tiện nghi, thoải mái, an toàn, bảo đảm hơn. Những chuyện ngày xưa tưởng chỉ có trong chuyện khoa học viễn tưởng như máy bay, tàu ngầm, điện thoại, internet…nay đều thành sự thật, làm cho cuộc sống con người phong phú hơn. Thế nhưng câu hỏi đặt ra là liệu kỹ thuật có giải quyết được hết mọi sự không? Con người có khả năng khám phá nguyên tử, nhưng từ ngày đó, nhân loại lại sợ hãi nghĩ đến chiến tranh hạt nhân có thể bùng nổ và tiêu diệt tất cả. Từ ngày internet phát triển đến nay, các phương tiện truyền thông bùng nổ, nối kết con người trong ngôi làng toàn cầu, thế nhưng tình trạng gian dối, lừa đảo, khủng bố trên không gian mạng cũng gia tăng, liệu nhân loại có cảm thấy bình an và hạnh phúc hơn chăng?
Phân tích những cơn cám dỗ này để thấy chiến thuật của ma quỷ là trình bày sự thật, nhưng chỉ là một nửa sự thật. Đấy chính là lý do khiến chúng ta dễ sa vào cơn cám dỗ vì nó xuất hiện với dáng vẻ rất ngọt ngào, đẹp đẽ, hấp dẫn. Ẩn trong dáng vẻ hấp dẫn và đẹp đẽ đó là sự chết, là tội lỗi dẫn đến sự chết mà nhiều khi mình không tỉnh thức và cảnh giác đủ. (x.Lời Chúa và cuộc sống năm 2022, ĐGM Phêrô Nguyễn Khảm, suy niệm CN I Chay).
2. Trộn sự thật với dối trá
Linh mục Minh Anh (TGP Huế) gọi ‘chiêu’ cám dỗ của ma quỷ là “Trộn sự thật với dối trá”.
Thánh Maccô kể chuyện: “Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người. Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giêsu, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: ‘Ông là Con Thiên Chúa’” (Mc 3,7–12).
Thật bất ngờ, ma quỷ vừa bái phục Ngài, vừa nói cho biết; đúng hơn, nó tuyên xưng, “Ngài là Con Thiên Chúa!”. Thế nhưng, sẽ bất ngờ hơn, khi “Ngài nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Ngài”. Tại sao? Phải chăng Ngài biết, chúng là một chuyên gia ‘trộn sự thật với dối trá?’.
Chúa Giêsu ra lệnh cho các thần ô uế giữ im lặng về Ngài; bởi lẽ, lời chứng của chúng không đáng tin, nhất là một lời chứng về sự thật Ngài là ai. Điều quan trọng chúng ta cần hiểu ở đây là, ma quỷ thường lừa dối người khác bằng cách nói ra một số sự thật theo một cách thức pha lẫn dối trá. Vì thế, không thể tin chúng được; chúng luôn ‘trộn sự thật với dối trá’; chúng không xứng đáng để nói bất cứ một sự thật nào về Chúa Giêsu.
Ma quỷ tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng lại đi nghịch với Tin Mừng của Ngài; Nó bái phục, nhưng lại tìm mọi cách để cám dỗ Ngài đi theo đường lối nó. Đây là điều Ngài đã cảnh báo: “Dân này kính Ta bằng môi miệng, nhưng lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng thờ kính Ta cách giả dối”. Chúa Giêsu muốn chúng ta sống sự thật, chọn sự thật và làm chứng cho sự thật.
Sống trong thời đại internet, thật không dễ để chúng ta phân biệt giữa sự thật và dối trá; giữa thế giới thực và thế giới ảo; đâu là ý kiến dẫn dắt con người, đâu là thao túng lương tri. Cách chung, Tin Mừng hôm nay sẽ cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về việc lắng nghe. Được lắng nghe, được rao giảng là một điều tốt, nhưng không phải mọi điều chúng ta nghe, đọc hoặc xem…đều đáng tin cậy; vì lẽ, sẽ có vô số ý kiến, lời khuyên, thầy dạy mà đôi khi những người thuyết giảng sẽ nói một điều gì đó khá đúng; nhưng sau đó, vô tình hoặc cố ý, họ ‘trộn sự thật với dối trá’, dù thoạt đầu, những sai sót ấy xem ra rất nhỏ. Điều này sẽ gây thiệt hại lớn và dẫn đến lầm lạc. Vì vậy, phải luôn lắng nghe, đọc và xem một cách cẩn thận, hầu phân biệt điều đó có hoàn toàn phù hợp với những gì Chúa Giêsu đã bày tỏ không. Đây là lý do mà chúng ta phải luôn dựa vào giáo huấn của Chúa Giêsu qua huấn quyền của Hội Thánh; Chúa Giêsu bảo đảm, chân lý của Ngài được nói qua Hội Thánh. Do đó, Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, cuộc đời các thánh và sự khôn ngoan của Đức Thánh Cha và các Giám Mục phải luôn luôn được sử dụng làm nền tảng cho tất cả những gì chúng ta thụ huấn.
Thứ đến, trong mọi đấng bậc, chúng ta là những người rao giảng; chúng ta chịu trách nhiệm về điều mình rao giảng. Lời rao giảng của chúng ta phải đặt nền tảng trên thẩm quyền của Hội Thánh, cụ thể là đấng bản quyền; nội dung chúng ta rao giảng là Chúa Giêsu, Lời Ngài và Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Nhờ hiệp thông với Hội Thánh và cầu nguyện, những gì chúng ta rao giảng phải được phân định và chiếu soi bởi Thánh Thần. Từ đó, chúng ta đọc, nghe và nói Lời Thiên Chúa trên ‘đầu gối’ của Hội Thánh và không được phép nhập nhằng ‘trộn sự thật với dối trá’ dù là vô tình; bởi lẽ, một phần sự thật, hoặc sự thật không toàn phần, không phải là sự thật.
Ngày kia, Satan đang đi cùng một trong những thuộc hạ của nó; cả hai nhìn thấy một người đàn ông đi trước nhặt một thứ gì đó bóng loáng. Thuộc hạ của Satan hỏi, “Không biết người ấy nhặt được cái gì?”; “Một mảnh của sự thật”, Satan trả lời. “Ngài không lấy làm tiếc và khó chịu khi người ấy chỉ tìm được một mảnh của sự thật sao?”, thuộc hạ hỏi. Satan trả lời, “Không! Ta sẽ giúp nó, ta sẽ ‘trộn sự thật với dối trá’ và tạo nên một tôn giáo mới từ mảnh chân lý quý giá ấy”.
Thật may mắn, Mẹ Hội Thánh của chúng ta không nhặt được một mảnh của sự thật, nhưng được trao ban một chân lý toàn vẹn bởi một Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống; đó là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô, vị “Thượng Tế thánh thiện, vô tội, tinh tuyền, tách biệt khỏi kẻ tội lỗi và đã được nâng cao trên các tầng trời” như thư Do Thái hôm nay nói đến. Ngài là “Ánh Rạng Ngời Chân Lý” như tên của một thông điệp mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết; chân lý của Ngài không bao giờ ‘trộn sự thật với dối trá’.
Đang ở trong tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Giáo Hội Kitô, chúng ta cầu xin Thánh Thần ban cho các Giáo Hội được hiệp nhất trong đức tin, hiệp nhất trong chân lý vẹn toàn, hiệp nhất trong Lời Chúa và hiệp nhất với Thánh Thần trong thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô. (Lm. Minh Anh, suy niệm ngày 20.1.2021).
3. Hãy tỉnh thức và cầu nguyện.
Chúa Giêsu đã chiến thắng mọi cám dỗ của Satan bằng Lời Sự Thật và đời sống chay tịnh cầu nguyện, luôn tín thác vào Chúa Cha.
Lời Chúa là Sự Thật nguyên tuyền, là lẽ sống thần linh và là lời ban sự sống. Đọc và suy gẫm Thánh Kinh sẽ đem lại cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng tội lỗi. Mỗi lần ma quỉ đưa ra một chước cám dỗ, Chúa Giêsu lại lấy một lời của Kinh Thánh mà đẩy lui chước cám dỗ ấy:
-Có lời chép rằng: người ta không sống bằng cơm bánh mà còn bằng lời của Thiên Chúa nữa.(Lc 4,5)
-Có lời chép rằng:ngươi phải thờ lạy Chuá là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người.(Lc 4,8)
-Có lời chép rằng: ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi.(Lc 4, 11).
Dường như suốt cả cuộc đời, Chúa Giêsu luôn bị Satan tấn công : “Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỹ bỏ đi, chờ đợi thời cơ ” (Lc 4,13). Nhất là vào những giây phút cuối đời của Người. Trong vườn Giêtsêmani, khi đối diện với khổ nạn và cái chết đang cận kề, Chúa Giêsu không khỏi sợ hãi đến nỗi mồ hôi đổ ra như máu. Người đã thân thưa cùng Chúa Cha đến hai lần: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha ” (Mt 26, 39b); “ Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha ” (Mt 26, 42b).
Chúng ta đang sống trong một xã hội có quá nhiều cám dỗ. Một xã hội đầy dẫy các tệ nạn, nhiều gian dối mưu mô lọc lừa, nhiều chiêu trò “một nửa sự thật” và “trộn sự thật với dối trá”, có nhiều lối sống buông thả. Đó là môi trường là cơ hội thuận tiện cho ma quỷ ẩn núp và tấn công. Cám dỗ ngày càng nhiều và ngày càng tinh vi dưới muôn hình dáng vẻ. Thánh Phêrô dùng một hình ảnh đáng sợ để ám chỉ Satan: “Ma quỷ là thù địch của anh em, nó như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 3,8). Với lời trên, thánh Phêrô quả quyết Satan cám dỗ chỉ để làm hại con người mà thôi. Vì thế, lời dặn dò của Chúa Giêsu ngày càng khẩn thiết: "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ".
Để tỉnh thức và cầu nguyện, chúng ta cần sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và ánh sáng soi dẫn của Sự Thật Lời Chúa.
Mùa Chay là thời gian đặc biệt để ngưới tín hữu xét mình, để sám hối canh tân bản thân dưới ánh sáng Lời Chúa và ơn soi sáng của Chúa Thánh Linh theo gương Chúa Giêsu, nhờ đó mà sống đẹp lòng Thiên Chúa mỗi ngày.
CHÚA NHẬT I MÙA CHAY C
Đnl 26,4-10; Rm 10,8-13; Lc 4,1-13
PHƯƠNG CÁCH CHIẾN THẮNG MA QUỶ CÁM DỖ
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG : Lc 4,1-13
(1) Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về, và được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa (2) bốn mươi ngày, chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói. (3) Bấy giờ, quỷ nói với Người : “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi !”. (4) Nhưng Đức Giê-su đáp lại : “Đã có lời chép rằng : Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh”. (5) Sau đó, quỷ đem Đức Giê-su lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. (6) Rồi nó nói với Người : “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tùy ý. (7) Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông. (8) Đức Giê-su đáp lại : “Đã có lời chép rằng : “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”. (9) Quỷ đem Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem và đặt Người trên nóc Đền thờ, rồi nói với Người : “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng dậy mà gieo mình xuống đi ! (10) Vì đã có lời chép rằng : “Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn”. (11) Lại còn chép rằng : “Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”. (12) Bấy giờ Đức Giê-su đáp lại : “Đã có lời rằng : “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. (13) Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi chờ đợi thời cơ.
2. Ý CHÍNH : ĐỨC GIÊ-SU CHIẾN THẮNG MA QUỶ CÁM DỖ
Tin mừng thuật lại việc Thánh Thần hướng dẫn Đức Giê-su vào sa mạc ăn chay cầu nguyện bốn mươi ngày và bị ma quỷ cám dỗ. Người đã dùng Lời Thánh Kinh để ba lần chiến thắng ma quỷ cám dỗ về thú vui nhục dục, về quyền lợi vật chất và về danh vọng chức quyền.
3. CHÚ THÍCH :
- C 1-2 : + Được Thánh Thần dẫn đi vào hoang địa : Thánh Lu-ca hay nói tới tác động của Thánh Thần trong cuộc đời Đức Giê-su (x. Lc 1,35; 3,16.22). Hoang địa là vùng sa mạc Giu-đa, một giải đất rộng nằm giữa vùng núi gần thành Giê-ri-cô. + Bốn mươi ngày : Con số bốn mươi này gợi lại bốn mươi năm dân Ít-ra-en đi trong sa mạc. + Chịu quỷ cám dỗ : Trong tiếng Do thái, cám dỗ nghĩa là thử thách, giống như một cuộc thi cử. Đứng trước cơn cám dỗ, ta phải lựa chọn giữa sự thiện và sự ác, ánh sáng và bóng tối, sự sống và sự chết. + Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó thì Người thấy đói : Nhịn ăn là một trong những hình thức chay tịnh của dân Do thái.
- C 3-4 : + “Nếu ông là Con Thiên Chúa” : Quỷ đã nhắc lại lời Chúa Cha phán sau khi Đức Giê-su chịu phép Rửa : “Này là Con Ta yêu dấu” (x Lc 3,22). + Truyền cho hòn đá này hóa bánh đi ! : Đây là cơn cám dỗ về của ăn. Quỷ đã nhận ra điểm yếu của Đức Giê-su là đang bị đói sau thời gian dài ăn chay, nên nó xúi Người làm phép lạ biến đá thành bánh để thỏa mãn nhu cầu ăn uống của bản thân ! Đây là sự cám dỗ chiều theo các đam mê lạc thú xác thịt. + “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” : Đức Giê-su dùng câu nói của Mô-sê dạy dỗ dân Ít-ra-en ngày xưa để chống trả cơn cám dỗ này của ma quỷ (x. Đnl 8,3).
- C 5-8 : + Quỷ đem Đức Giê-su lên cao : Có lẽ đây là một vị trí cao hơn mặt đất, như thường ghi trong các Khải huyền Do thái. + Trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ : Câu này cho thấy cơn cám dỗ chỉ xảy ra trong tâm trí của Đức Giê-su. + Nó nói với Người : “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này” : Ma quỷ đề nghị chia sẻ quyền cai trị để biến Đức Giê-su thành vị Mê-si-a trần thế theo kiểu vua Đa-vít ngày xưa. Người sẽ liên kết với nhóm Do thái cực đoan để chiếm lại quyền hành và vinh quang, đánh đuổi quân Rô-ma đang cai trị ra khỏi đất nước Do thái (x. Ga 6,15). Nhưng điều này không nằm trong sứ vụ cứu thế của Đức Giê-su (x. Lc 10,22). + Đã có lời chép : Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” : Bái lạy là thái độ của loài thụ tạo phục tùng Đấng Tạo Hóa (x. Mt 2,5; 8,2). Dân Do thái khi xưa đã sa ngã phạm tội khi tôn thờ bò vàng, nên đã bị phạt (x. Xh 32,1.31-35). Còn nay Đức Giê-su nhắc lại điều luật Mô-sê truyền cho dân Do thái chỉ được tôn thờ một mình Thiên Chúa mà thôi (x. Đnl 6,13).
- C 9-13 : + Quỷ đem Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem : Lu-ca kết thúc bản tường thuật các cơn cám dỗ tại thủ đô Giê-ru-sa-lem. + Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng dậy mà gieo mình xuống đi” : Sau này trong cuộc khổ nạn tại Giê-ru-sa-lem, các đầu mục Do thái, bọn lính canh và tên gian phi cũng lặp lại cơn cám dỗ này : “Hãy bước xuống khỏi thập giá để chúng ta thấy mà tin” (x. Mt 27,42b-44). + “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” : Thử thách Thiên Chúa có hai nghĩa : một là như xưa ma quỷ đã cám dỗ dân Do thái lẩm bẩm kêu trách và phản đối Đức Chúa, Đấng đã giải phóng họ thoát khỏi ách nô lệ cho dân Ai cập, đang khi lẽ ra họ phải tạ ơn và phó thác cậy trông nơi Người. Hai là quỷ cám dỗ Đức Giê-su lợi dụng lòng tốt của Thiên Chúa để tìm kiếm lợi lộc cho bản thân. Tội này cũng giống tội “trông cậy quá lẽ”, nghĩa là đòi Thiên Chúa phải làm phép lạ để thỏa mãn theo ý riêng mình thay vì phải bỏ ý riêng mà vâng theo ý Thiên Chúa (x. Mc 14,36). + Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi chờ đợi thời cơ : Thời cơ là cuộc thương khó của Đức Giê-su tại Giê-ru-sa-lem (x. Lc 22,3). Trong vườn cây Dầu, Người đã bị ma quỷ cám dỗ từ chối uống chén đắng đau khổ, nhưng Người đã chiến thắng cơn cám dỗ đó bằng lời cầu xin với Chúa Cha : “Tuy vậy, xin đừng làm theo ý Con, mà xin theo ý Cha” (Lc 22,42). Trên cây thập giá, Người bị ma quỷ cám dỗ nghĩ mình đã bị Chúa Cha bỏ rơi ! (x. Mt 27,46), nhưng Người đã chiến thắng nó qua lời cầu nguyện phó thác hòan tòan vào sự quan phòng của Chúa Cha : “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).
4. CÂU HỎI :
1) Cám dỗ là gì? Khi bị ma quỷ cám dỗ trong tâm trí thì đã có tội chưa?
2) Đức Giê-su đã dùng phương thế nào để chống lại ma quỷ cám dỗ?
3) Tội “thử thách Thiên Chúa” có đồng nghĩa với tội “trông cậy quá lẽ” không? Hãy nêu một vài ví dụ cụ thể để minh họa về tội “trông cậy quá lẽ” hay “thử thách Thiên Chúa”.
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA : “Đức Giê-su được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa bốn mươi ngày và chịu quỷ cám dỗ” (Lc 4,1b).
2. CÂU CHUYỆN :
1) CHƯỚC CÁM DỖ HIỂM ĐỘC CỦA MA QUỶ :
Ngày xưa có một thanh niên tính tình hiền lành, luôn hiếu thảo với cha mẹ, và rất yêu thương vợ mình. Một hôm, một con quỷ đã hiện ra và cám dỗ anh ta phạm tội. Quỷ cho anh được quyền chọn làm một trong ba điều xấu : Một là chửi mắng cha mẹ. Hai là giết chết cô vợ thân yêu. Ba là uống rượu. Chàng thanh niên liền suy nghĩ : Chửi mắng cha mẹ là bất hiếu, nên ta quyết không làm. Giết chết người vợ thân ỵêu là bất nghĩa, ta cũng không thể làm được. Chỉ có uống rượu là ta có thể làm được thôi, vì uống rượu đâu quá xấu ! Thế là anh ta chọn uống rượu. Quỷ liền sai người cung cấp cho anh ta đủ các thứ rượu ngon trên đời. Lúc đầu chàng thanh niên còn uống hạn chế mỗi bữa một ly nhỏ, nên không có điều gì xảy ra. Nhưng dần dần việc uống rượu trở thành thói quen, mỗi bữa anh ta phải tăng “đô” lên và uống gấp nhiều lần mới thấy “phê”. Cuối cùng, anh đã trở thành một tên bợm nhậu : lúc nào mặt cũng đỏ gay say xỉn ! Một hôm, anh ta say đến nỗi không biết trời trăng gì nữa. Trong cơn say, anh ta đập bể tất cả chén bát và vất đồ đạc trong nhà ra ngoài đường. Bị cha mẹ ngăn cản rầy la, anh ta liền to tiếng cãi lại và buông ra những lời thô tục xúc phạm đến cha mẹ. Cô vợ thấy chồng vô lễ và bất hiếu như vậy liền tới gần khuyên can liền bị anh đâm một nhát dao khiến cô ngã lăn ra chết.
Thế là từ việc uống rượu tưởng chừng vô hại lúc đầu, về sau đã trở thành nguyên nhân dẫn đến hai tội ác lớn lao là bất hiếu nói xúc phạm nặng nề đến cha mẹ, và tội bất nghĩa giết chết người vợ thân yêu của mình.
2) BỊ ÁN TỬ HÌNH KHỞI ĐẦU CHỈ TỪ TỘI ĂN CẮP VẶT :
Một tên cướp nhà băng và giết một cảnh sát viên cuối cùng đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Sáng sớm hôm ấy tại nhà tù Sing Sing nổi tiếng, tên tử tội đã bị cột trong tư thế ngồi trên ghế điện. Người ta mang những miếng kim khí cột chặt vào cái vòng trên đầu hắn ta và vào hai bắp chân của hắn. Chỉ một lát nữa thôi, khi công tắc được bật lên là một dòng điện cực mạnh sẽ làm hắn mất ý thức và bị chết ngay. Viên chức phụ trách thi hành án đã cho tử tội được gặp linh mục trước khi bị hành hình và hắn đã nói mấy lời thú tội về tiến trình phạm tội ác như sau :
”Hôm nay tôi sắp bị tử hình. Đây là hậu quả của các tội lớn lao của tôi mà bắt đầu chỉ là tội ăn cắp vặt một đồng năm xu của mẹ tôi. Sau đó do lớn lên không được dạy dỗ nên tôi đã liên tiếp phạm thêm nhiều tội khác : Từ ăn cắp các thứ vặt vãnh đến tội cướp tiệm vàng. Số tiền bất chính cướp được cũng mau chóng tan biến chỉ sau thời gian ngắn ngụp lặn trong các thói hư như bài bạc, rượu chè, trai gái, hút chích ma túy… nên khi tiêu hết tiền tôi lại phải tiếp tục đi ăn cướp. Nhất là sau khi quen biết hai thằng bạn mới ở tù ra và chúng tôi hợp lại thành một băng cướp. Lần kia chúng tôi đã lên kế hoạch lớn đột nhập vào nhà băng. Khi bị bảo vệ phát hiện truy bắt, tôi đã bắn chết một nhân viên bảo vệ rồi sau đó bị bắt ra tòa xét xử và phải lãnh án tử hình. Như vậy tội cướp của giết người và bị tử hình hôm nay khởi đầu chỉ từ ăn cắp vặt đồng năm xu của mẹ. Sau đó tăng dần lên thành tội cướp nhà băng kèm giết người thi hành công vụ và cuối cùng tôi đã bị án tử hình hôm nay”.
3) SỨC LÔI CUỐN MẠNH MẼ CỦA VÀNG BẠC :
Ngày xưa, có người ở nước Tề rất ham thích vàng bạc đến độ biến thành đam mê vàng. Một hôm đi ngang qua tiệm cầm đồ, anh thấy có người mang thỏi vàng đến bán liền động lòng tham, anh liền chạy lại cướp thỏi vàng rồi bỏ chạy. Người ta hè nhau đuổi bắt lại. Sau đó anh bị tra hỏi :
- Tại sao ngay giữa ban ngày ban mặt và chỗ có đông người mà mi dám ra tay cướp giật thỏi vàng như thế?
Anh ta trả lời :
- Lúc trông thấy vàng, thì tôi không còn tự chủ và cũng không nhìn thấy bất cứ ai khác. Trước mặt tôi, chỉ thấy thỏi vàng mà tôi phải chiếm lấy với bất cứ giá nào.
Câu chuyện trên cho thấy sức hút mạnh mẽ của vàng bạc. Chính lòng tham của cải bất chính khiến nhiều người sẵn sàng bất chấp nguy hiểm, tìm cách chiếm đoạt, dù phải dùng các thủ đoạn xấu xa gian ác, ngay cả phải đâm chém và dùng súng bắn chết nhiều người cũng không chùn tay.
4) LÀM GÌ ĐỂ CHIẾN THẮNG MA QUỈ CÁM DỖ?
Một buổi chiều nọ cha bề trên đi bách bộ trong khuôn viên tu viện, thấy một tu sĩ đang vất vả tưới nước bón phân cho vườn rau của tu viện, liền hỏi :
- Hôm nay từ sáng đến giờ thầy đã làm được những việc gì?
- Thưa cha, cũng như mọi khi, con luôn chăm chỉ làm việc bổn phận mà nếu không có ơn Chúa giúp, chắc con không sao chu toàn. Công việc bổn phận hằng ngày của con là : Canh chừng hai con chim ưng; Chăn giữ hai con nai; Quan sát hai chim diều hâu; Chiến thắng một con cá sấu; Trị một con gấu và chăm sóc một bệnh nhân.
- Con nói gì lạ thế? Trong tu viện tìm đâu ra những con vật đó?
- Thưa cha bề trên, đúng thật như thế đấy ạ. Này nhé :
Hai con chim ưng là đôi mắt của con, con phải giữ chúng luôn trong sáng, không để chúng xem những hình ảnh xấu xa.
Hai con nai là đôi chân mà con phải hướng dẫn để chúng luôn bước đi trên nẻo chính đường ngay.
Hai chim diều hâu là đôi bàn tay mà con bắt chúng phải lao động hằng ngày.
Con cá sấu là cái lưỡi của con mà con phải kiềm chế để khỏi thốt ra những lời nói xấu chỉ trích anh em.
Con gấu chính là trái tim mà con phải yêu thương hết mọi người, không ích kỷ và không sĩ diện hão.
Còn bệnh nhân là chính con đây, con phải chăm sóc bằng cách xa lánh dịp tội, năng cầu nguyện để được kết hiệp mật thiết với Chúa và yêu thương phục vụ anh em.
3. THẢO LUẬN :
1) Ma quỷ đã tấn công vào chỗ yếu của Đức Giê-su là bị đói sau khi ăn chay bốn mươi ngày. Còn chỗ yếu của bạn hiện nay là gì?
2) Để chống lại cơn cám dỗ của ma quỷ cách hữu hiệu, bạn cần sử dụng các phương thế nào noi gương Đức Giê-su như trong Tin Mừng hôm nay?
4. SUY NIỆM :
1. LOÀI NGƯỜI THƯỜNG BỊ CÁM DỖ RA SAO? :
Dân Do thái ngày xưa đã nhiều lần bị cám dỗ trong thời gian lưu lạc 40 năm trong hoang địa. Họ muốn được “ngồi bên nồi thịt và được ăn bánh thỏa thuê” (x. Xh 16,2tt). Các môn đệ Đức Giê-su cũng có lần bị cám dỗ muốn có địa vị lớn hơn anh em (x. Mc 9,34), được ngồi bên tả bên hữu Thầy Giê-su (x. Mc 10,37). Ngay chính Đức Giê-su cũng không thoát khỏi những cơn cám dỗ. Dù là Thiên Chúa nhưng cũng là con người giống như chúng ta, nên "Người cũng phải chịu trăm chiều thử thách như chúng ta" (Dt 4,15).
2. ĐỨC GIÊ-SU CÓ BỊ MA QUỈ CÁM DỖ KHÔNG? :
Tin Mừng Lu-ca thuật lại câu chuyện trước khi ra giảng đạo Đức Giê-su đã ăn chay cầu nguyện 40 ngày trong sa mạc. Sau thời gian đó Người cảm thấy đói và ma quỉ đã đến cám dỗ Người về ba phương diện như sau :
a) VỀ THÚ VUI : Ma quỉ xúi Đức Giê-su thỏa mãn cơn đói bánh ăn vật chất và các đam mê lạc thú. Nhưng Người đã chiến thắng bằng lời khẳng định : ”Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng còn sống bằng những lời do miệng Thiên Chúa phán ra”.
b) VỀ LỢI LỘC : Ma quỉ hứa ban lợi lộc và quyền lực vinh quang cho Đức Giê-su nếu Người chịu tôn thờ nó. Nhưng Người chỉ nhận quyền lực từ Thiên Chúa (x. Lc 1,32b), chỉ công nhận một mình Chúa Cha là Thiên Chúa duy nhất phải tôn thờ (x. Lc 4,8).
c) VỀ DANH VỌNG : Ma quỉ cám dỗ Đức Giê-su tìm hư danh bằng cách xúi Người nhảy từ nóc Đền thờ để được ca tụng, vì sẽ được Thiên Chúa kịp thời can thiệp cho được an toàn (x. Lc 4,10-11). Đức Giê-su đã không chấp nhận thử thách quyền năng của Thiên Chúa, bằng cách trưng dẫn lời Kinh thánh : ”Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Đnl 6,16).
Dù bị cám dỗ về mọi mặt, nhưng Đức Giê-su đã chiến thắng các cơn cám dỗ của ma quỉ. Vũ khí Người sử dụng để chống lại chước cám dỗ là lòng yêu mến Chúa Cha, luôn vâng phục thánh ý Cha và quyết tâm làm đẹp lòng Cha.
3. ĐÁNH GIÁ THẾ NÀO VỀ KẾ HOẠCH CÁM DỖ CỦA MA QUỈ? :
Ma quỉ rất khôn ngoan, chúng có những cách lừa đảo rất tinh vi, khi gây ra ảo tưởng để đánh lừa, nhằm đưa người ta vào bẫy mà không thể thối lui.
Mỗi cơn cám dỗ gồm ba thành phần: Người bị cám dỗ là mỗi người chúng ta, kẻ chủ động cám dỗ là ma quỉ, trung gian cám dỗ là người hay hoàn cảnh chung quanh. Như vậy chúng ta có ba kẻ thù là ma quỷ, thế gian và xác thịt mình,
Phương cách cám dỗ của ma quỉ rất xảo quyệt. Nó không bao giờ dụ dỗ người ta phạm ngay tội nặng, mà chỉ bắt đầu bằng các tội nhẹ. Chúng không bao giờ cám dỗ một lần rồi thôi, mà luôn lặp đi lặp lại nhiều lần, cho đến khi người ta hoàn toàn chiều theo. Chúng không cám dỗ trực tiếp mà thường qua người hay vật trung gian như dùng bà E-và để cám dỗ ông A-đam, dùng phim ảnh sách báo internet để cám dỗ người trẻ phạm tội …
4. PHẢI LÀM GÌ ĐỂ CHIẾN THẮNG MA QUỶ CÁM DỖ? :
Ma quỷ có sức mạnh và nhiều mưu mô xảo quyệt nên để đương đầu với chúng, ta cần áp dụng các phương thế như sau :
- Cần tin cậy và cầu xin Chúa ban ơn trợ giúp : Đức Giê-su đã nói với ông Phê-rô : ”Si-môn, Si-môn ơi. Kìa Xa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin» (Lc 22,31). Loài người yếu đuối dễ bị sa ngã phạm tội nên cần xin Chúa ban thêm đức tin và trợ giúp thì mới có thể chiến thắng ma quỷ như lời Chúa phán : “Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).
- Tỉnh thức cầu nguyên luôn : Đức Giê-su dạy các môn đệ : “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mt 26,41). Trong kinh Lạy Cha, Đức Giê-su cũng dạy : ”Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” (Mt 6,13). Người còn dạy môn đệ phải trừ quỉ bằng sự cầu nguyện và ăn chay : "Loại quỉ đó không thể trừ được, nếu không cầu nguyện và ăn chay" (Mc 9,29).
- Phải quyết tâm chiến đấu : Chiến đấu bằng sự khiêm hạ bỏ ý riêng mình để vâng theo ý Thiên Chúa; Bằng lối sống siêu thoát, coi thường của cải vật chất và không tham lam danh vọng chức quyền trần gian; Năng hãm mình ăn chay để làm chủ bản thân và sống tiết độ để không sa đà vào thói ăn nhậu say sưa như lời thánh Phê-rô : “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự…” (1 Pr 5,8-9).
Trong Mùa Chay này, noi gương Đức Giê-su, chúng ta hãy nghe theo hướng dẫn của Thánh Thần để vào sa mạc tâm hồn, tham dự các buổi tĩnh tâm mùa chay. Hãy cùng với Đức Giê-su giữ sự thinh lặng, siêng năng cầu nguyện và ăn chay hãm mình, để được gia tăng nội lực thiêng liêng. Hạn chế tiêu xài những gì không cần để đóng góp vào các công trình xây dựng của Hội Thánh và công tác chia sẻ bác ái. Nhờ việc chuyên cần học sống lời Chúa và nhờ ơn Chúa giúp, chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng ma quỷ cám dỗ và ngày một nên tốt lành thánh thiện hơn, có khả năng chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng làm chứng cho Chúa.
5. NGUYỆN CẦU :
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Trong những ngày chay thánh này, xin cho chúng con chiến đấu và chiến thắng ma quỷ cám dỗ nhờ năng tỉnh thức cầu nguyện, hãm mình ăn chay để làm chủ bản thân. Xin cho chúng con biết bỏ cái tôi ích kỷ của mình, vác thập giá mình mà đi theo Chúa. Cho chúng con chấp nhận đi con đường hẹp, đường nghèo khó khiêm nhu và hy sinh phục vụ. Ước gì chúng con ngày một lớn lên về đức tin cậy mến. Và nếu chẳng may chúng con có lần nào yếu đuối sa ngã phạm tội, xin cho chúng con biết noi gương tông đồ Phê-rô : lập tức trỗi dậy hồi tâm sám hối và khiêm tốn lãnh ơn giao hoà với Chúa trong bí tích giải tội.- AMEN.
NHỮNG CƠN CÁM DỖ CỦA CHÚA
Đnl 26,4-10; Rm 10,8-13; Lc 4,1-13
Hôm nay, toàn thể Hội Thánh bước vào Mùa Chay thánh. Mùa Chay là thời gian đặc biệt để chúng ta rèn luyện các nhân đức, chiến đấu chống lại các chước cám dỗ bằng cách riêng năng cầu nguyện, chay tịnh và bố thí, nhờ đó mỗi người chúng ta trở thành thụ tạo mới trong Chúa Kitô.
Để giúp thực hiện tốt mục tiêu trên, Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Chay giới thiệu với chúng ta mẫu gương Chúa Giêsu trong việc chiến thắng ba cám dỗ ở sa mạc
Thật vậy, với tư cách là con người, Đức Giêsu đã trải qua những cám dỗ. Điều này minh chứng rằng Người giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi (x. Dt 4,15). Người không xin Chúa Cha cất khỏi mình những cám dỗ nhưng Người can đảm đối diện và chiến thắng chúng một cách ngoạn mục.
Chúng ta tìm hiểu ba cám dỗ của Chúa, một đàng, để thấy sự lưu manh và nguy hiểm của ma quỷ; đàng khác, để học hỏi từ sự khôn ngoan và cách thức chiến thắng của Chúa Giêsu trong cuộc chiến thiêng liêng này.
1- Cám dỗ về vật chất
Cám dỗ thứ nhất mà Chúa Giêsu phải đối diện là cám dỗ về cơm bánh, tiền của, vật chất. Thánh Luca tường thuật: “Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói” (Lc 4,1-2). Ma quỷ tìm kiếm thời điểm nguy hiểm là lúc Người đói để sập bẫy Chúa. Với tư cách là con người, Chúa Giêsu cũng có nhu cầu ăn uống, dưỡng sức. Ma quỷ xuất hiện rất đúng lúc và đề nghị: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi!” Nhưng Chúa Giêsu trả lời: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4).
Ngày xưa dân Do Thái cũng bị cám dỗ về miếng cơm manh áo, nên họ không muốn rời bỏ kiếp nô lệ. Thà nô lệ còn hơn là chết đói. Bởi vậy, họ đã kêu trách Môsê và không muốn tiến về đất hứa.
Cũng thế, ngày hôm nay, với chủ nghĩa hưởng thụ duy vật chất và kinh tế thị trường, chúng ta cũng bị cám dỗ về vật chất. Ở phương diện cá nhân, để có tiền của, nhiều người bị cám dỗ chấp nhận bán rẻ nhân phẩm và đạo đức. Ở phương diện quốc gia, nhiều người dám bán rẻ lợi ích dân tộc, đất đai, biển cả, môi trường vì lợi ích nhóm và cá nhân. Đồng tiền thao túng lòng người và san bằng mọi bậc thang giá trị đạo đức. Họ kiếm tiền bằng mọi giá, bằng sự vô luân, lừa lọc và gian lận người khác trong sản xuất, trao đổi hàng hóa và trong các mối tương quan xã hội. Hậu quả của lối sống này là những đổ vỡ và gây ra nhiều thảm họa cho xã hội hôm nay. Chúa Giêsu nhắc nhở rằng: “Con người không chỉ sống nhờ cơm bánh.” Con người sống vì những giá trị đạo đức, luân lý và tâm linh. Không vì vật chất mà đánh mất giá trị đạo đức, tâm linh và tương quan liên vị. Đức Giêsu mời gọi chúng ta sống lời khuyên Phúc Âm: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3).
2- Cám dỗ thờ ngẫu tượng dưới nhiều hình thức
Cám dỗ thứ hai là danh vọng hay thờ ngẫu tượng. “Sau đó, quỷ đem Đức Giêsu lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. Rồi nó nói với Người; ‘tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tùy ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông” (Lc 4,5-7).
Đây là cám dỗ xuất hiện thường xuyên trong cuộc đời của Chúa Giêsu, cám dỗ về “quyền lực theo kiểu Mêsia trần thế,” lôi kéo Người đi vào con đường Mêsia theo kiểu “làm vua chính trị” để giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của ngoại bang (Ga 6,15). Chúa Giêsu từ chối kiểu Mêsia này, khi chấp nhận trở thành “người nghèo” và “người Tôi Tớ” đau khổ để cứu độ nhân loại.
Xưa dân Do Thái cũng bị cám dỗ này. Trong khó khăn, họ phàn nàn Thiên Chúa, và khi Môsê vắng mặt, họ đã đúc bò vàng và tôn thờ nó như là Thiên Chúa của họ. Họ muốn một vị Thiên Chúa theo nhu cầu và thị hiếu của mình.
Ngày hôm nay, chúng ta cũng sản xuất ra nhiều ngẫu tượng và tôn thờ chúng như đối tượng lớn nhất của đời mình: đó là tôn thờ của cải, danh vọng, quyền lực, tiền bạc, hưởng lạc...
Khi bị cám dỗ về danh vọng và quyền lực, Chúa Giêsu không coi những thứ đó như là đối tượng lớn nhất để tôn thờ. Người không sa bẫy của ma quỷ là muốn Chúa tôn thờ ngẫu tượng quyền lực và chạy theo chủ nghĩa “cứu thế” theo kiểu thế gian. Người trả lời với tên cám dỗ: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Lc 4,8).
Quả là bài học cho mỗi người chúng ta: Chỉ có Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng đáng được chúng ta tôn thờ và yêu mến trên hết mọi sự. Những thứ còn lại chỉ là thứ yếu và là phương tiện cho cuộc sống chúng ta.
3- Cám dỗ thách thức Thiên Chúa
Thua keo này bày keo khác, cuối cùng ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu bằng việc thử thách Thiên Chúa: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi” (Lc 4,9-10).
Đây là cám dỗ yêu cầu Thiên Chúa thực hiện những điềm thiêng dấu lạ nhằm thỏa mãn ước vọng cá nhân. Xưa dân Do Thái đã làm như thế khi thấy khát trong sa mạc, tại Massa (nghĩa là cám dỗ) và Meriba (nghĩa là kêu trách) họ thách thức Thiên Chúa. Thiên Chúa đã làm cho dân khỏi khát bằng cách truyền cho Môsê đập gậy trên tảng đá Hôrép, từ đó một mạch nước chảy ra dồi dào.
Ngày hôm nay, chúng ta thường bị cám dỗ muốn kéo Thiên Chúa theo nhu cầu và những sở thích của mình, muốn Thiên Chúa làm những việc lạ kỳ, ngoạn mục và ngoại thường. Chúa Giêsu không sa vào cám dỗ của chủ nghĩa “chiến thắng” và lối đạo đức chạy theo phép lạ. Bởi vì, như có lời đã chép: “Người chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Lc 4,12). Chúa Giêsu chiến thắng cám dỗ này bằng thái độ vâng phục thánh ý Chúa Cha. Cũng thế, chúng ta hãy vâng phục thánh ý Thiên Chúa và theo sự hướng dẫn của Hội Thánh, chúng ta không rơi vào cám dỗ này.
Như thế, ba cơn cám dỗ của Chúa Giêsu trong sa mạc là ba cám dỗ đặc trưng và truyền kiếp mà mỗi người phải đối diện khi sống trong thế gian này.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sống tỉnh thức trước mưu ma chước quỷ, bằng việc sống kết hợp với Chúa và nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, để chiến thắng các chước cám dỗ. Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ. Amen!
ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
4. Người lên trời nhất định không nói lời phỉ báng, người nói lời phỉ báng thì nhất định không được lên trời.
(Thánh Gregory pope)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
------------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Một nhà có hai anh em, sau khi phụ thân mất thì phân chia gia tài, người anh thông minh mẫn cán, còn người em thì ngu đần bất tài.
Người anh làm một cái nhà xí đầu đường, mỗi năm thu nhập cũng khá; người em dâu nhìn thấy như thế thì oán trách chồng mình thật bất tài.
Thế là người em cũng làm một nhà xí đầu đường, dùng vôi sơn vách tường, lại còn vẽ màu lên trông rất sặc sỡ, trang trí rất u nhã sạch sẽ.
Người qua đường cho là một cái miếu nên chẳng một ai dám vào đi đại tiện tiểu tiện...
(Quảng Đàm Trợ)
Suy tư 10:
Thời xưa, cái nhà xí là phải đúng với nhà xí, nghĩa là tầm thường hôi hám bẩn thỉu, cho nên đừng dại dột trang hoàng nhà xí sặc sỡ mà lỗ vốn.
Thời nay, có những người vì để được người khác coi trọng mình nên làm ra hình thức sặc sỡ, vẻ đạo mạo học thức, nhưng rốt cuộc chẳng ai tôn trọng mình cả vì sự dối gian ấy; có những người muốn được nổi tiếng nên đánh bóng sặc sỡ con người của mình và bôi đen hình tượng của anh em chị em, thế là chẳng ai biết họ là ai vì sự dối trá ấy của họ...
Nhà xí là nhà xí, dù có trang hoàng sặc sỡ thì cũng là nhà xí; cái nhà để ở dù là mái tranh vách đất thì cũng là cái nhà ở.
Thiên Chúa ban cho chúng ta rất nhiều tài năng, cứ kiên nhẫn mà học tập rồi trước sau gì cũng thành nhân thành tài, đừng làm như cái mả tô vôi sặc sỡ nhưng bên trong thì xác chết hôi hám, ai cũng ghê sợ tránh xa.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
-------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Suy Niệm Chúa Nhật I Mùa Chay Năm C
(Lc 4, 1-13)
Hàng năm, cứ sau Lễ Tro khai mạc Mùa Chay Thánh chúng ta bước vào Chúa Nhật thứ I Mùa Chay, những đoạn Tin Mừng Nhất Lãm tùy theo năm phụng vụ kể về những lần Chúa Giêsu bị cám dỗ trong hoang địa. Sở dĩ vậy là vì Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta rằng, nếu Chúa Giêsu Con Thiên Chúa mà con bị cám dỗ, huống hồ người Kitô hữu chũng ta bước theo Chúa, khó hòng thoát khỏi những bẫy giăng của Tên Cám Dỗ. Chúa Giêsu đã sẵn sàng đối mặt với Tên Cám Dỗ và đã chống trả quyết liệt với vũ khí là ý Chúa Cha, Người đã đánh bại hắn, còn chúng ta thì sao?
Ma Quỷ với mưu mô, có khả năng hành động trên chúng ta với những cám dỗ của nó nhằm lôi kéo chúng ta về phía hắn và tìm cách đánh bại ta khiến chúng ta bị án phạt đời đời. Để chiến thắng, chúng ta phải ăn chay, cầu nguyện, sám hối và giục lòng tin, để cùng với ơn Chúa, chúng ta sẽ chiến thắng.
Tuyên xưng niềm tin vào Chúa
Dân Israel, với những cám dỗ về củ hành củ tỏi, hồi tưởng và mơ ước sống lại kiếp thân nô lệ cho người Ai cập đã tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa, xin Chúa ban ơn để có thêm nghị lực tiến bước trên hành trình về Đất Hứa, hay đúng hơn là được sống tự do làm con cái Chúa (x. Đnl 26,4-10). Dân thành Rôma, để được cứu rỗi thì cũng phải mở miệng cất lời tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu Kitô là Chúa và “tin rằng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại” (x, Rm 10,9). Nên dù Do thái và Hy lạp nếu cùng cầu khẩn, cùng tuyên xưng thì tất cả đều được cứu độ (x. Rm 8,13).
Tin Mừng Chúa nhật I Mùa Chay trình bày cho chúng ta biến cố “Chúa Giêsu…được Thánh Thần đưa vào hoang địa ở đó suốt bốn mươi ngày, và chịu ma quỷ cám dỗ” (Lc 4,1-2). Chính Chúa Thánh Thần là Ðấng dẫn đưa Chúa Giêsu vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ (x. Lc 4,1-13). Chúng ta tin rằng, cũng chính Chúa Thánh Thần ấy hướng dẫn đời sống chúng ta. Chúng ta được mời gọi đương đầu với cuộc chiến đấu hằng ngày nhờ đức tin và ân sủng Chúa Kitô nâng đỡ.
Tên cám dỗ tìm cách kéo Chúa Giêsu ra khỏi kế hoạch của Chúa Cha, khỏi con đường hiến tế và tình yêu để đảm nhận một con đường dễ dàng hơn của thành công và quyền lực. Cả Chúa Giêsu và Satan đều trích dẫn Kinh Thánh. Thực ra, để kéo Chúa Giêsu ra khỏi con đường thập giá, quỷ đã bày ra trước mắt Chúa Giêsu một niềm hy vọng sai lạc về Ðấng Messia : sung túc về kinh tế, trong lời xúi giục hóa đá thành bánh; một kiểu biểu diễn và phép lạ thành công ngoại mục, với ý tưởng gieo mình xuống từ nóc đền thờ Giêrusalem và để Thiên Thần cứu mình; và cuối cùng là đánh đổi quyền lực và sự thống trị với việc thờ phượng Satan. Các chiêu ma quỷ dùng để cám dỗ Ađam và Evà (x. St 3,1-7), nó cũng dùng để cám dỗ Chúa Giêsu và chúng ta ngày hôm nay nữa.
Ba chiến thuật tinh vi
Bốn mươi ngày chay tịnh, Chúa Giêsu không ăn uống gì, khi sắp hết thời gian ăn chay, Tên Cám Dỗ, Satan, đã xuất hiện với ba chiến thật tinh vi.
Chiến thuật thứ nhất là ham muốn thành công : Với lý luận xảo trá, Satan khởi đi từ những nhu cầu tự nhiên nuôi sống bản thân “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy truyền cho đá này biến thành bánh” (Lc 4,3). Từ « nếu » của Satan gợi lên sự không tin như khi cám dỗ Ađam và Evà ( x. St 3,1-7). Chúa Giêsu có thể hoàn tất các phép lạ mà không cần Chúa Cha. Nhưng Chúa Giêsu đã không làm thế, Người trích dẫn sách Đệ Nhị Luật “Có lời chép rằng: Người ta không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời Chúa nữa” (Đnl 8,3). Người khẳng định làm mọi sự theo ý Chúa Cha.
Chiến thuật thứ hai là vinh quang trần thế : Satan chỉ cho Chúa Giêsu thấy vinh quang của nước thế gian và nói: “Tôi sẽ cho ông hết thảy quyền hành và vinh quang của các nước này, vì tất cả đó là của tôi và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, thì mọi sự ấy sẽ thuộc về ông! " (Lc 4). Đâu có phải là của Satan mà nó nhận về nó, lại còn trao ban nữa. Đúng là chiêu trò ma quỷ, một khi quyền lực lên ngôi, tiền bạc và thành công bong bóng chế ngự đời ta, khiến ta tự phụ, Thiên Chúa không còn chỗ nhất để ta yêu mến và tôn thờ trên hết mọi sự trong lòng ta. Với chiêu cám dỗ này, Chúa Giêsu phán : "Có lời chép rằng: Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người thôi" (Đnl 6,16).
Chiến thuật thứ ba là lợi dụng Thiên Chúa cho lợi ích của chính mình : Nó vừa nghe Chúa Giêsu trích dẫn Kinh Thánh, nó cũng làm như vậy : “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống, vì có lời chép rằng: "Chúa sẽ truyền cho Thiên Thần gìn giữ ông!" Và còn thêm rằng: "Các vị đó sẽ giơ tay nâng đỡ ông khỏi vấp phải đá " (Tv 91,11). Điều này có nghĩa là bắt Thiên Chúa phải thực hiện ý Chúa Giêsu trong khi Chúa Giêsu luôn làm theo ý Chúa Cha.
Phương dược thắng Tên Cám Dỗ
Tên cám dỗ tìm cách kéo Chúa Giêsu ra khỏi kế hoạch của Chúa Cha. Cả Chúa Giêsu và Satan đều trích dẫn Kinh Thánh. Để chiến thắng Tên Cám Dỗ, chúng ta hãy tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu Thiên Chúa, chắc chắn Thiên Chúa là Cha hằng yêu thương chúng ta và ban ơn Thánh Thần để chúng ta chiến thằng. Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ cho chúng ta bí quyết : “Trong khi chịu cám dỗ, Chúa Giêsu không tham gia vào cuộc đối thoại với tên cám dỗ mà chỉ đáp trả thách thức bằng Lời Chúa. Ðiều này dạy chúng ta rằng với ma quỷ không đối thoại, chỉ trả lời nó với Lời Chúa” (x. PHANXICÔ, Kinh Truyền Tin, 10/03/2019). Tuyệt đối không thử sức với các chiêu trò của ma quỷ, thế gian và xác thịt.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ giúp chúng con biết từ chối các điều xấu. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
“Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” (Mt 6,13). Đây là một trong những lời cầu của Kinh Lạy Cha mà chúng ta vốn thuộc nằm lòng và cũng thường xuyên đọc hằng ngày. Thiên Chúa không muốn và cũng không nỡ để bất cứ ai phải sa chước cám dỗ. Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên, kết hiệp với Thiên Chúa để yêu mến Người, nhận biết thánh ý Người mà thực thi. Có đó không ít người hễ cầu nguyện là chỉ biết cầu xin và thậm chí còn như muốn bắt Chúa làm theo ý của mình. Thiên Chúa đã biết rõ những gì chúng ta cần ngay trước khi chúng ta cầu xin. Đấng Cứu Thế dạy chúng ta cầu nguyện: “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” là để chúng ta biết rằng Thánh ý Cha trên trời muốn chúng ta phải cẩn trọng với các chước mưu cám dỗ của ma quỷ cũng như của những người xấu và những thế lực đen tối.
Biết cẩn trọng để rồi biết đề phòng các chước cám dỗ bằng cách xa lánh và tìm cách chiến đấu, chống trả cách hữu hiệu khi phải đương đầu với chúng. Để thực hiện mục đích này thì tiên vàn cần nắm rõ chiến thuật, chiến lược của ma quỷ và các thế lực xấu. Đồng thời, chúng ta cũng cần phải biết một cách nào đó các lãnh vực xung yếu mà ma quỷ thích tấn công, cám dỗ chúng ta. Sự thường, môn đệ thì không hơn thầy. Cách thế và những lãnh vực ma quỷ đã cám dỗ Chúa Giêsu thì nó cũng dùng để tấn công chúng ta. Vậy không gì hơn, chúng ta hãy xem xét những chước cám dỗ mà Chúa Giêsu đã chịu trong thời gian chay tịnh ở hoang mạc cũng như trước giờ tử nạn để nhận rõ chước mưu cám dỗ của ma quỷ.
Chiến lược: Nói đến chiến lược thì hầu như chúng ta nghĩ ngay đến sự trường kỳ, lâu dài. Thánh sử Luca cho ta thấy sự thật này: “Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Đức Giêsu, ma quỷ bỏ đi và chờ đợi thời cơ” (Lc 4,13). Trong ba năm rao giảng, Chúa Giêsu đã không ít lần bị ma quỷ cám dỗ. Nó không chỉ cám dỗ Người khi Người chay tịnh 40 đêm ngày trong hoang mạc mà còn cám dỗ Người nhiều lần và nhiều cách thế khác nhau. Sau khi Người hóa bánh ra nhiều thì ma quỷ dùng quần chúng để cám dỗ Người làm vua (x.Ga 6,1-15). Nó cũng dùng cả người môn đệ thân tín của Người là Phêrô để cám dỗ Người đừng lên Giêrusalem chịu khổ nạn (x.Mt 16,21-23). Ngay phút giây Người hấp hối trên thập giá thì ma quỷ vẫn không buông tha (x.Mc 15,29-39).
Chiến thuật: Qua câu chuyện Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong hoang mạc, chúng ta nhận ra một trong những chiến thuật tinh ranh của ma quỷ là đánh ngay vào chính khả năng của người mà nó cám dỗ. Một kiểu đánh quả là độc chiêu. Không ai lại không ít nhiều tự hào về khả năng của mình. Khi hướng được khả năng của ai đó đi theo chiều của mình, theo cung cách của mình thì chúng ta hầu chắc nắm phần thắng trong tay. Ma quỷ xúi giục Chúa Giêsu sử dụng khả năng, uy quyền của Người theo cách thế nó bày vẽ ra và dĩ nhiên là trái với thánh ý Chúa Cha. Cái tinh xảo của ma quỷ ở chỗ nó không minh nhiên làm đổi hẳn mục tiêu mà Chúa Giêsu nhắm đến. Nó chỉ làm lệch đi một chút hoặc xúi giục Chúa Giêsu đạt đến mục tiêu theo cách thức không đẹp lòng Chúa Cha mà thôi. Chiến thuật xảo quyệt của ma quỷ lộ diện cách rõ nét qua các chước cám dỗ trong hoang mạc và những giờ trước khi Chúa Giêsu chịu tử nạn. Chiến thuật này có thể xem là chiến thuật mang tính tổng lực và toàn diện.
Ngạn ngữ “biết người - biết ta, trăm trận trăm thắng” có thể nói là một quy luật mang tính phổ biến trong các cuộc chiến. Chúng ta biết về ma quỷ thì chẳng bao nhiêu, nhưng chắc chắn ma quỷ biết chúng ta nhiều và rõ hơn chúng ta biết về nó. Ma quỷ thừa biết khả năng cũng như quyền hạn của các mục tử trong giáo hội. Một điều chắc chắn đó là nó sẽ không hề bỏ lỡ một cơ hội dù nhỏ để cám dỗ chúng ta hành quyền cách lệch lạc. Dĩ nhiên nó sẽ không dại gì cám dỗ chúng ta hành quyền kiểu đi ngược đường lối của Thiên Chúa cách tức khắc, một lần, nhưng chỉ lệch một tí thôi. Từng lần, mỗi lần lệch một chút, lệch vài độ nhỏ, thì rồi sẽ đến lúc lệch 180 độ.
Trong vai vị lãnh đạo mà hành xử quyền bính cách độc đoán, độc tài, thì sẽ làm cho đoàn chiên phân đàn, chia cánh, cắn xé lẫn nhau. Sự nguy hại này thường tồn tại lâu dài và cũng rất khó khắc phục ngày một ngày hai. Lịch sử Giáo hội cho chúng ta bài học đau thương này: để gây chia rẽ, để làm đổ vỡ thì rất dễ. Trái lại để hàn gắn các đổ vỡ, xây dựng lại sự hiệp nhất thì quả là vô vàn khó khăn và đòi hỏi thời gian rất lâu dài. Lẽ thường từ chỗ độc đoán, độc tài ắt sẽ dẫn đến sự độc ác, dù nhiều khi không có chủ ý xấu nhưng hậu quả thì khó lường. Người ta thường dễ lượng thứ cho sự yếu đuối và cả sự mê muội, nhưng sự độc ác thì rất khó mà tha thứ hay bỏ qua. Tin Mừng cho thấy, ba năm theo Thầy, các tông đồ thường xuyên bị cám dỗ về quyền bính.
Căn cứ vào những lời Chúa Giêsu dùng để chống trả chước cám dỗ, đặc biệt các chước cám dỗ thưở đầu đời công khai rao giảng của Người và phút giây hấp hối trong vườn dầu cũng như trên núi sọ, chúng ta có thể thấy được các lãnh vực mà ma quỷ tấn công Người.
Chước cám dỗ về lòng mến: Một trong những sứ mạng chính yếu của Chúa Kitô khi đến thế gian đó là mạc khải cách hoàn hảo chân dung Thiên Chúa là Đấng toàn năng và đầy lòng thương xót cho nhân loại. Chân dung của Đấng Toàn Năng chí ái được biểu lộ qua chính con người, cuộc đời, những lời giảng dạy, việc làm của Người, Giêsu Kitô, vị mục tử nhân lành luôn hết tình vì đàn chiên và từng con chiên đến độ sẵn sàng hy sinh cả mạng sống mình. “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Ma quỷ đâu có cám dỗ Chúa Giêsu không yêu thương con người, nhưng nó cám dỗ Người yêu thương cách “phiếm diện”. Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy truyền cho hòn đá này hóa thành bánh đi. Chúa Giêsu đã đáp lại: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,3-4).
Không riêng gì Kitô hữu, bà con lương dân, anh chị em khác đạo, kể cả người vô thần đều công nhận rằng người ta không chỉ sống bằng cơm bánh. Ngoài chuyện cơm áo gạo tiền thì con người cũng cần đến nhiều điều khác như học hành, giải trí, nghệ thuật, tâm linh… Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể nói ngược lại câu trích dẫn của Chúa Giêsu mà không sợ sai lầm. Người ta sống không nguyên chỉ nhờ lương thực tinh thần mà còn phải cần đến bánh, cơm, gạo, tiền... Con người là hữu thể xác hồn duy nhất hay nói như các triết gia là tinh thần nhập thể. “Không ai là một hòn đảo”. Con người không hiện hữu đơn độc mà còn có tính xã hội. Để sống, tồn tại và phát triển thì con người luôn cần đến nhau, cần đến các cơ chế, luật lệ… Như thế để yêu thương con người cách toàn diện thì chúng ta không chỉ nghĩ đến luơng thực vật chất hay tinh thần mà còn phải biết nghĩ đến môi trường sống, một lãnh vực nền tảng để con người tồn tại, phát triển và đạt được hạnh phúc vốn được gọi là công ích.
Ma quỷ thừa biết điều này và nó đã, đang cũng như sẽ mãi cám dỗ con người, đặc biệt cám dỗ Hiền Thê Đức Kitô sống đức ái cách phiếm diện. Chước cám dỗ xui khiến chúng ta yêu thương nhau là chỉ giúp nhau về vật chất của cải thì dễ nhận ra. Bởi chưng cái hậu quả của việc sa chước cám dỗ này thường nhãn tiền và dễ thấy. Dòng lịch sử Giáo hội ghi lại không ít hiện tượng này đó đây. Tuy nhiên, chước cám dỗ xui khiến chúng ta yêu thương nhau là chỉ lo phần hồn, lo chuyện thiêng liêng thì quả thật khó nhận diện. Ngay cả với Mẹ Giáo hội, từ thế kỷ XIX, khi chủ nghĩa tự do chính trị bành trướng, đã dần mất hết các quyền lực trần thế thì đã tự co cụm lại trong pháo đài của mình. Chính trong hoàn cảnh này thì chước cám dỗ ma quỷ giăng ra lại hướng mục tiêu vào ngay bản thân Giáo hội. Bị hạn chế về các hoạt động trần thế thì chúng ta quay về với chuyện thiêng liêng. Vì thế Giáo hội đã quá nghiêng chiều về việc chỉ lo cứu rỗi các linh hồn. Chỉ lo cứu các linh hồn hay chỉ lo chuyện thiêng liêng thì cũng là một cách sa chước cám dỗ. Nếu chỉ thương xót linh hồn thì chưa phải là yêu thương con người đúng nghĩa.
Con người không phải là linh hồn. Hơn nữa khi chủ trương rằng chỉ lo chuyện linh hồn thì vô tình chúng ta rơi vào quan niệm nhị nguyên, chưa kể đến chuyện đánh lận con đen, tranh tối tranh sáng, khó bề kiểm chứng. Cũng có khi vì cái cớ lo chuyện linh hồn mà chúng ta đã thoái thác nhiều nghĩa vụ yêu thương phải thực thi theo giới luật mới mà Thầy Chí Thánh truyền dạy. Xin đừng quên Chúa Giêsu đã từng cụ thể hóa luật yêu thương bằng câu chuyện người Samaritanô nhân hậu (x.Lc 10,29-37). Đọc Tin Mừng chúng ta thấy rõ điều này: Chúa Giêsu trong ba năm rao giảng, công việc chính của Người là giảng dạy, chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ. Và khi sai các môn sinh đi thực tập truyền giáo, Người cũng truyền cho các vị thực thi những điều ấy: rao giảng tin mừng, chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ.
Con người không chỉ sống bằng cơm bánh, con người cũng không chỉ sống bằng nguồn dinh dưỡng tinh thần, nhưng con người còn sống nhờ tha nhân, xã hội, các thể chế chính trị, các đường lối phát triển kinh tế, xã hội… Đã yêu con người thì cần phải quan tâm đến con người cách toàn diện. Thời gian gần đây, Giáo hội đã có nhiều nỗ lực thể hiện sự quan tâm của mình trong các lãnh vực được gọi là trần thế như: lao động, công bình, công ích…, đặc biệt từ sau Công Đồng Vatican II, với các hoạt động của thánh Bộ Công Lý và Hòa Bình. Tuy nhiên chước cám dỗ vẫn còn đó với nhiều Giáo hội địa phương khi mà dường như chuyện trần thế còn được xem như là không phải công việc của mình. Quả thật, không thể nói mình yêu thương nhau khi chúng ta còn hững hờ hay bỏ qua một khía cạnh căn bản nào đó trong đời sống của nhau. Những vấn đề về xã hội đã được Giáo hội lên tiếng hướng dẫn. Nhưng thử hỏi có được bao nhiêu vị trong hàng linh mục, tu sĩ đã đọc Thông điệp Rerum Novarum của Đức Lêô XIII. Gần đây Bộ Công Lý và Hòa Bình đã tổng hợp giáo huấn của Giáo hội về các vấn đề xã hội trong quyển “Compendium of the social doctrine of the Church” xuất bản năm 2004 thì đã được bao nhiêu người nắm được nội dung. Giới linh mục và tu sĩ còn vậy, thế thì anh chị em tín hữu giáo dân sẽ ra sao đây?
Chước cám dỗ về Đức Cậy: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Mt 4,7; Lc 4,12). Khi nghe Chúa Giêsu dùng câu trích Lời Chúa trên đây để chống lại ma quỷ thì chúng ta dễ nhận ra trọng tâm của chước cám dỗ là hướng vào Đức trông cậy. Giáo lý Công Giáo dạy rằng có hai tội phạm đến Đức trông cậy: một là tuyệt vọng, thiếu tin tưởng vào tình thương của Chúa và hai là chỉ dựa vào sức mình hoặc quả ỷ lại vào tình thương của Chúa. (x.GLCG chung số 2090-2091).
Bị cám dỗ tuyệt vọng hay thiếu tin tưởng vào tình thương của Chúa thì vẫn có đó, nhưng xét cho cùng chước cám dỗ này tương đối dễ nhận ra. Chẳng biết ma quỷ có thành công nhiều trong chước mưu cám dỗ này đến đâu, tuy nhiên chúng ta thấy trong đoàn con cái Chúa, số người tuyệt vọng không mấy nhiều, nếu xét hình thức bên ngoài. Giả như có ai đó có biểu hiện tuyệt vọng thì bà con đồng đạo sớm nhận ra ngay và dĩ nhiên sẽ động viên giúp đỡ nhau cách này cách khác. Người rơi vào tình trạng này rất dễ nhận được sự cảm thông và lòng thương xót của tha nhân. Chẳng hạn với các trường hợp tự vẫn thì ngày nay người ta đã có thái độ khoan dung hơn nhiều, vì nhờ biết cảm thông hơn.
Sa vào chước cám dỗ chỉ dựa vào sức riêng mình thì tai hại khôn lường. Không riêng người Kitô hữu mà bà con lương dân, anh chị em khác đạo cũng dễ dàng thấy được cái nguy cơ của những người chỉ dựa vào sức mình. Không chỉ bất cần đến sự che chở, phù trì của trời cao, những người chỉ dựa vào sức riêng mình cũng bất cần cả sự giúp đỡ của tha nhân. Những người này thường hứng nhận hậu quả hay quả báo nhãn tiền ngay ở đời này. Chính vì thế chúng ta không quá khó nhận ra chước mưu cám dỗ của quỷ ma.
Trái lại, chước cám dỗ xui khiến chúng ta quả ỷ lại vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa thì thật tinh tế và xảo quyệt. Chước cám dỗ này thường xuất hiện dưới nhiều hình thức bên ngoài với dáng vẻ đạo đức, thành kính, kể cả cậy trông! Khi rơi vào chước cám dỗ này, đương sự khó nhận biết và tha nhân cũng khó phát hiện. Ai lại không cảm phục người tin tưởng vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa? Thế nhưng chính khi rơi vào chước cám dỗ này, một cách nào đó chúng ta đã thử thách Chúa là Thiên Chúa chúng ta. Bắt Thiên Chúa phải làm thay, giao khoán tất cả cho Thiên Chúa bằng việc phủi tay, thoái thác trách nhiệm hoặc bằng cách chỉ biết cầu nguyện, cầu xin mà thôi thì vô tình hay hữu ý chúng ta đã để mình chiều theo chước cám dỗ lỗi đức trông cậy. Có thể xác quyết rằng những người đạo đức theo “truyền thống”, những người vị trọng, chức cao trong Giáo hội rất dễ rơi vào tình trạng này. Và cái nguy hiểm lớn nhất đó là những người đang ở trong chước cám dỗ này lại chẳng biết, chẳng hay. Và rồi người ta có cớ để ẩn mình trong thái độ thụ động, thiếu dấn thân, không dám quên mình, đặc biệt khi công lý đòi hỏi phải được bảo vệ.
Người biết sống Đức Cậy không phải là chỉ biết chuyên chăm cầu nguyện, cầu xin, nhưng còn phải biết tận dụng những hồng ân Chúa ban là các khả năng trí khôn, sức khỏe, thời giờ, tiền bạc…để làm cho Danh Chúa được cả sáng, Nước Chúa trị đến, Ý Chúa được thể hiện… Tin Mừng cho chúng ta thấy rõ đó là Chúa Giêsu chuyên chăm cầu nguyện, tìm kiếm Thánh Ý Chúa Cha để rồi tích cực thực thi. Điểm đến của việc cầu nguyện là để kết hiệp với Chúa, yêu mến Chúa, nhận biết Thánh ý mà thực thi, dĩ nhiên là trong niềm tin vào tình yêu và ân sủng của Người.
Xin được nhắc lại rằng thái độ chỉ biết cầu nguyện trong sự thụ động khoanh tay cứ để cho mình hoặc mặc cho tha nhân ở lâu trong “tình trạng cheo leo” (khốn khổ, bất công, bị tước đoạt nhân vị cùng với những quyền lợi chính đáng…) rồi ngồi chờ hoặc cách nào đó “bắt” Thiên Chúa phải ra tay can thiệp, chính là một sự nghiêng chiều theo chước cám dỗ lỗi đức Trông Cậy.
Chước cám dỗ về Đức Thờ Phượng: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người thôi” (Mt 4,10; Lc 4,8). Mẹ Giáo hội dạy chúng ta: “Hành vi đầu tiên của nhân đức thờ phượng là thờ lạy Thiên Chúa, nghĩa là nhận biết Người là Thiên Chúa, là Đấng Sáng Tạo và Cứu Chuộc, là Chúa và là Thầy của mọi loài, là Tình Yêu vô biên và giàu lòng thương xót…Thờ lạy Thiên Chúa là tôn kính và tuyệt đối thần phục Người vì nhận biết “tính hư không của thụ tạo”, biết sự hiện hữu của chúng ta, hạnh phúc vĩnh hằng của chúng ta hoàn toàn nằm trong tay Người…Việc thờ lạy Thiên Chúa duy nhất, giải thoát con người khỏi thái độ khép kín, khỏi nô lệ tội lỗi và sự sùng bái thế giới ngẫu tượng.”(x.GLCG chung sô 2096-2097).
Sùng bái các loài thụ tạo, suy tôn các thế lực thụ tạo chính là hành vi lỗi phạm đến đức thờ phượng. Một trong những chước cám dỗ ma quỷ xúi giục Chúa Giêsu năm xưa cũng như xúi giục Hiền Thê của Người qua mọi thời là tin vào quyền năng của các thế lực thụ tạo. Lịch sử Giáo hội một cách nào đó cho chúng ta thấy ảnh hưởng của chước cám dỗ. Từ năm 313 với sắc chỉ Milan, Giáo hội dường như thấy được sự hữu hiệu của thế lực trần thế nên đã có phần cậy dựa vào nó. Không chỉ cậy dựa mà có khi Giáo hội còn lợi dụng thế quyền cho việc đạo và có khi chính mình hành xử như một thế lực trần tục. Với sự trở lại của Vua Clovis năm 498 khiến cho toàn dân nước Pháp bấy giờ cùng theo đạo thì chước cám dỗ như tăng phần mãnh lực.
Để có hiệu năng, có thành quả lớn trong việc thiêng thánh thì người ta cũng dễ bị cám dỗ thỏa hiệp cách nào đó với các thế lực thụ tạo, và chúng ta đã “sùng bái” thụ tạo cách vô tình mà chẳng hay. Những cuộc thánh chiến, những lần theo đoàn viễn chinh để đi truyền giáo phải chăng không cho thấy sự cậy dựa của chúng ta vào các mãnh lực trần thế này khiến cho Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhiều lần thành khẩn xin lỗi công khai? Nói rằng chúng ta đã suy tôn chúng thì quả là hàm hồ nhưng xem chúng là một trong những động lực chính của sự thành công thì dường như không sai. Chuyện “xì căng đan” của hàng giáo sĩ Hội Thánh Ba Lan trong thời cộng sản đã từng là chuyện thời sự và cũng là bằng chứng về sự hiện hữu của chước cám dỗ tinh vi và độc hại này. Hy vọng rằng bài học đau thương này không tái diễn nơi các giáo hội địa phương khác.
Đến khi không nắm được các thế lực trần gian thì chúng ta lại rơi vào việc tự thần thánh hóa chính mình. Giáo hội là một xã hội hoàn hảo (Societas Perfecta). Cái khái niệm được xem là “tự huyễn hoặc” này đã từng kéo dài cho đến Công Đồng Vatican II. Mình không thể sai lầm, chỉ có mình mới nắm giữ trọn vẹn chân lý cũng là một trong những cách thế đặt mình thành ngẫu tượng. Chước cám dỗ ấy còn len lõi vào trong cung cách sống đạo. Nhiều anh em luơng dân hay bà con khác đạo nghĩ rằng “cứ nói nhiều là sẽ được nhận lời” (Mt 6,7). Nghĩa là khi đã thực hiện đủ một số công thức, kinh kệ nào đó thì thần minh phải thực hiện điều mình muốn. Bắt Thiên Chúa tự động (automatic) thực hiện điều mình quy định hay kiểu thức mình đặt ra đúng là một cám dỗ lỗi đức thờ phuợng tinh tế. Chước cám dỗ kiểu dạng ma thuật vẫn phảng phất đâu đó trong các cử hành bí tích, á bí tích. Nếu không tỉnh táo, cẩn mật đề phòng thì cả đến đấng bậc được xem là có thánh chức cũng sa vào, nhất là với cái nhìn “bí tích học” về tính tại sự (ex opere operato) một cách máy móc.
Điều quan trọng là xem xét thánh ý Thiên Chúa. Nếu ỷ lại vào các quy chế do chính chúng ta đặt định để cho rằng mình có quyền ban ân lộc thánh thiêng thì cũng là một cách ngẫu tượng hóa bản thân. Chuyện còn tính thời sự đó là nhiều cuộc tấn phong giám mục tại Trung Quốc dù cho là có “thành sự” (valide) nhưng không “hợp pháp” (licite), dĩ nhiên bị tuyệt thông tiền kết (GL Đ.1382). Đây là tình trạng xấu, thế nhưng chỉ sau một “hiệp ước” giữa Tòa Thánh với Chính quyền dân sự thì tình trạng ấy từ xấu trở thành “tốt ngay”! Thiết nghĩ rằng nếu “dùng đức tin mà bù lại” thì cũng có phần khiên cưỡng cách nào đó. Ngẫu tượng hóa bản thân thì vẫn còn dễ nhận biết, nhưng ngẫu tượng hóa tập thể hay cơ chế thì khó phát hiện. Tôn vinh một cơ chế nào đó, một tập thể nào đó lên hàng muôn năm, lên hàng bất diệt là sa vào chước cám dỗ thờ ngẫu tượng. Chước cám dỗ xưa đã khuất phục tổ tiên chúng ta nay như mãi đeo đẳng con cái loài người, kể cả Hiền Thê Đức Kitô.
Có thể nói Đức thờ phượng là hiện thực hóa Đức Tin. Chân lý nền tảng chúng ta tin nhận đó là chỉ có một Thiên Chúa duy nhất là Đấng Tạo Thành và là Cha của hết mọi người, vì thế chúng ta phải tôn thờ, thần phục và yêu mến chỉ mình Người trên hết mọi sự, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực. Ngoài Người ra thì không có thần minh nào hết. Thế nhưng trong thực tế nhiều khi chúng ta lại suy tôn nhiều thực thể nhân loại lên hàng thần thánh! Kinh tin kính thời các thánh Tông đồ chỉ rõ ngay đến Giáo hội cũng chỉ là đối tượng của sự tin có chứ không phải là tin kính.
Thế nhưng hình như vẫn có đó việc vô tình hay vô tri, chúng ta vĩnh cửu hóa một phương thế Chúa Giêsu thiết lập vốn mang tình thời gian. Có nhiều đấng bậc cảm thấy bị xúc phạm khi nghe nói đến chước cám dỗ của Hiền thê Chúa Kitô, trong khi đó vẫn thấy bình thường khi nghe đề cập đến các chước cám dỗ của chính Đấng Sáng lập nên Giáo hội. Phải chăng đã có lúc, có khi chúng ta nói về Giáo hội nhiều hơn là nói về Thiên Chúa, nhất là khi chúng ta đón nhận một vị trí, vai trò chủ chăn nào đó? Việc đánh lận con đen cũng là một lỗi nghịch với đức thờ phượng, với đức tin. Chống cha là chống Chúa, nói đụng đến giám mục là chống phá Giáo hội, là xúc phạm đến Thiên Chúa. Những lập luận trên đây không luôn hữu lý mà nhiều khi lỗi đức thờ phượng vì chúng ta vô tình thờ ngẫu tượng mà chẳng hay.
Cơn cám dỗ cuối cùng: Ở đây, không chủ ý nói đến cuốn tiểu thuyết “Cơn cám dỗ cuối cùng của Chúa Kitô” (The last temptation of Christ) của nhà văn Hy Lạp Nikos Kazantkasis. Tuy nhiên, đọc Tin Mừng chúng ta phải chân nhận rằng quảng thời gian Chúa Kitô bị cám dỗ quyết liệt nhất đó là những giờ trong vườn dầu và trên cây thập giá. Có lẽ viễn ảnh khổ giá là một thử thách to lớn đối với Chúa Giêsu. Thế nhưng trong thời gian rao giảng, Người đã thoáng hình dung khổ hình thập giá sẽ chịu. Theo thiển ý, có lẽ điều cám dỗ Chúa Giêsu nặng nề nhất đó là sự thất bại, mất cả chì lẫn cả chài,“xôi hỏng, bỏng tay”. “Êlôi, Êlôi, lamasabacthani ! Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con!” (Mc 15,34).
Nói đến chước cám dỗ về hiệu năng. Mong nhìn thấy kết quả là chước cám dỗ phổ biến nơi nhiều người, cách riêng với những ai có chút tài và chút tâm. Dẫu biết rằng “thất bại là mẹ thành công” nhưng cũng thật khó lòng đón nhận thất bại cách thanh thản, nhất là khi vì sự thất bại ấy mà ta dường như mất tất cả. Đã làm điều gì đó thì ai cũng mong sẽ thành công, sẽ đạt kết quả. Chính vì thế, ma quỷ khôn ranh cho chúng ta thoáng thấy sự uổng công, sự thua cuộc và cả sự thất bại để rồi chúng ta e ngại, dừng bước, khoanh tay.
Đứng trước tình trạng nhiễu nhương của xã hội hôm nay, tình cảnh chiến tranh loạn lạc của thế giới, nhiều hiện tượng bất ổn trong Giáo hội, đặc biệt liên quan đến hàng giáo sĩ từ cấp nhỏ đến cấp lớn, có đó không ít người có chút tâm và chút tài đã ngần ngại, e dè vì thoáng thấy sự thất bại trước mắt nếu can đảm lội dòng nước ngược. Một con chim én khó có thể và như không thể làm nên mùa xuân. Và số phận của nó chắc gì còn cánh, còn lông! Không chừng còn bị chê bai là thiếu khôn ngoan, là nóng vội, là bốc đồng, là hiếu thắng. Có khi lại bị quy chụp là phản động, là rối đạo. Và khi đã bị thua cuộc thì rất có thể bị dè bỉu rằng nếu nó làm đẹp lòng Chúa thì Chúa phải bênh đỡ nó chứ! (x.Mt 27,39-44).
Đã không thành công lại còn có thể mất thanh danh, mất chức vị, quyền hạn… thì thật là điều khó vượt qua. Dù rằng đã phải khuất phục trước Chúa Kitô, trước các thánh tử đạo… nhưng ma quỷ cũng đã nhiều lần thành công trong chước cám dỗ này với Hiền Thê của Người theo dòng lịch sử. Cơn cám dỗ cuối cùng luôn có đó với từng người chúng ta. Mùa chay thánh lại về, theo lời mời gọi của các vị cha chung của Giáo hội, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Bênêđictô XVI đang nghỉ hưu, và Đức đương nhiệm, Phanxicô, chớ gì ta chuyên chăm ngắm nhìn thập giá mà học biết yêu thương trong sự can đảm chết đi để được phục sinh, can đảm đón nhận sự thất bại để cùng chiến thắng với Người.
Vai trò của người lãnh đạo trong các cuộc chiến:
Trong các cuộc chiến người ta dễ nhận ra quy luật này: “mạnh ở tướng chứ mạnh gì quân”. Đêm Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã từng nói rằng khi chủ chăn bị đánh tơi tả thì đàn chiên sẽ bị tan tác (x.Mt 26,31). Xin mạo muội đề nghị một giải pháp dành riêng cho các mục tử để chiến đấu với thần dữ trước các chước mưu cám dỗ của nó, đó là quy chiếu Giao ước mới, Giao ước vĩnh cửu: Mầu nhiệm Thánh Thể Chúa Kitô.
Nói đến Giao ước chúng ta có thể hiểu cách phổ thông như là một bản ký kết, một bản hợp đồng giữa hai bên tự nguyện chịu trách nhiệm một hay nhiều phận vụ nào đó và dĩ nhiên sẽ được hưởng một hay nhiều quyền lợi kèm theo. Qua bản hợp đồng thì quyết định tự do đầy tinh thần trách nhiệm được cụ thể hóa cách dứt khoát. Và rồi chính bản hợp đồng là căn cứ, là cơ sở để giải quyết những thiếu sót hay những sự tắc trách vì vô tình hay chủ tâm của bên này hay của phía kia. Các hợp đồng dân sự giữa các pháp nhân tư hay pháp nhân công thì đều có tính giới hạn. Chúng có thể bổ sung, thay đổi hay hết hiệu lực vì nhiều lý do như hết thời hạn hoặc một phía hoàn toàn không có khả năng thực hiện hoặc mất tư cách pháp nhân…
Chúa Kitô đã mình nhiên thiết lập Giao ước mới, Giao ước vĩnh cửu bằng chính thịt máu của Người. Đây là một “hợp đồng” có giá trị cho đến khi trời mới đất mới xuất hiện. Giao ước này chính là cuộc chiến thắng chung cuộc của Chúa Kitô trên thần dữ. Một hành vi được viên đầy giá trị ngay chính khi được quyết định cách dứt khoát. Giáo hội tin rằng khi lập Bí tích Thánh Thể trong đêm Tiệc Ly là lúc Chúa Kitô quyết định cách dứt khoát vâng phục thánh Ý Chúa Cha, thể hiện một tình yêu đến cùng là hiến dâng mạng sống vì nhân loại mà hy tế thập giá là điểm đến hay là sự biểu hiện. Chính vì thế mà mỗi lần Bí tích Thánh Thể được cử hành thì Giáo hội nhìn nhận là Hy tế thập giá Chúa Kitô được hiện tại hóa. Chính yếu tố “hiện tại hóa” Hy tế cứu độ của Bí Tích Thánh Thể giúp chúng ta đủ sức trường kỳ chiến đấu với thần dữ mưu ma.
“Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Giáo hội căn cứ những lời trên đây để xác quyết việc Chúa Kitô lập bí tích truyền chức thánh. Không dám mạn bàn về thần học bí tích, tuy nhiên khi nhìn vào nội hàm của lời truyền Đấng Cứu Độ đêm Tiệc Ly thì chỉ có hàng giám mục và linh mục là những người có năng cách thực thi những điều được truyền là cử hành nhiệm tích Thánh Thể mà không có hàng phó tế, dù cũng là thuộc bí tích truyền chức thánh. Xin được bỏ qua vấn đề này để tập chú vào mối liên hệ hữu cơ giữa hàng tư tế thừa tác với Giao ước mới, Giao ước vĩnh cữu. Sự hiện hữu của hàng tư tế thừa tác theo ý Đấng Cứu thế, là để cho Giao ước mới hiện diện và phát huy hiệu quả theo dòng thời gian. Chính các thừa tác viên Thánh Thể là những người thể hiện Giao ước này. Hội Thánh khẳng định chân lý này khi tuyên bố rằng lúc giám mục hay linh mục đọc lời truyền phép là đọc trong tư cách Chúa Kitô (in personna Christi) (Không đọc: “Này là Mình Chúa Kitô” mà đọc “Này là Mình Thầy”…Trước đây dịch: “Này là Mình Ta”).
Nếu lỡ vì lý do nào đó mà các tư tế thừa tác sa chước cám dỗ thì thiển nghĩ rằng không gì hơn hãy trở về với “bản hợp đồng vĩnh cửu” để quy chiếu hầu chỉnh sửa những sai lầm. Chính khi biết hiến dâng trọn xác thân của mình trong tình liên đới với nhân loại tội lỗi (Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em), thì chúng ta đang thể hiện tình yêu mến Thiên Chúa qua sự vâng phục Thánh ý Người là chọn lấy phương thế tuyệt hảo để bày tỏ tình yêu của Người cho nhân loại. Ai yêu mến Chúa thì thực thi lời người chỉ dạy. “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Nội hàm của “việc này” là noi gương Thầy Chí Thánh nhiệt thành giảng dạy chân lý, gắng công vuông tròn phận vụ người mục tử, và hơn nữa, người tư tế thừa tác cần biết can đảm dùng chính máu thịt của mình để cho tha nhân đón nhận sự sống và ơn tha thứ của Thiên Chúa. Sống bí tích Thánh Thể là một cách thế biểu lộ lòng mến và sự cậy trông tuyệt hảo.
Mọi sự lành đều bởi Chúa mà ra. Ơn cứu độ là quà tặng hoàn toàn nhưng không. “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30). “Con xin phó dâng linh hồn con trong tay Cha”(Lc 23,46). Giao ước mới minh định rằng những gì chúng ta đang có, đang là, đều do bởi lãnh nhận. Việc Chúa Kitô hiến dâng toàn thân cho Chúa Cha nhắc nhớ cho chúng ta chân lý nền tảng của đức tin để rồi biết cách thế thờ phượng Thiên Chúa cho xứng, cho phải đạo. Mọi sự đều là của Thiên Chúa và phải dâng về cho Thiên Chúa. Giáo hội khẳng định chân lý này khi dạy chúng ta rằng Thánh Lễ là trung tâm của đời sống Kitô hữu và là đỉnh cao của hành vi thờ phuợng.
Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ: một lời cầu xin mãi luôn mang tính hiện sinh và cảnh tỉnh chúng ta, mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Cầu xin là để nhận biết chước cám dỗ để mà xa lánh hay đề phòng, nhất là để biết cách thế chống trả hữu hiệu. Thánh Tông đồ cả Phêrô cảnh giác chúng ta rằng ma quỷ như sử tử gầm gừ rảo quanh chúng ta rình chờ cắn xé (x.1P 5,8). Vấn đề đặt ra đó là rất nhiều khi chính chúng ta không nhận ra tình trạng sa chước cám dỗ của mình. Là Kitô hữu, đặc biệt là những tư tế thừa tác, không gì hơn hãy luôn bám sát “bản hợp đồng” là Giao Ứớc mới, Giao Ước vĩnh cửu để chấn chỉnh, sửa sai và để biết cách thế chống trả chước mưu cám dỗ của thần dữ. Tin rằng một tư tế thừa tác thường xuyên ý thức và sống nội hàm những gì mình cử hành trong hy tế Thánh Thể hằng ngày thì chắc chắn sẽ khó lạc đường, sa chước cám dỗ mà nếu có thì cũng nhanh chóng chỗi dậy và trở về.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
YÊU CUỘC CHIẾN, ĐỪNG YÊU CHIẾN BẠI!
“Ai muốn theo Tôi, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Tôi!”.
Gilbert K. Chesterton nói, “Thập giá không thể bị đánh bại, vì tự thân, nó là thất bại!”; Samuel Rutherford thì nói, “Thập giá Chúa Kitô tựa hồ một gánh nặng không thể thiếu như cánh buồm của một con tàu, hoặc như đôi cánh của một con chim. Ngài yêu mến nó, Ngài ôm lấy nó!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thập giá và đau khổ có mặt ở mọi ngã rẽ, của mọi cuộc đời; ai cũng muốn chạy trốn nó! Chúa Giêsu thì không, dẫu thấy trước sự khước từ, đau khổ và cái chết của mình, Ngài không chạy trốn chúng; trái lại, Ngài ôm choàng chúng như một cách thức thể hiện tình yêu sâu sắc nhất. Với chúng ta, đôi khi chúng ta có thể cảm thấy choáng ngợp, mệt mỏi vì những khiếm khuyết của mình và ảnh hưởng của chúng; cuộc chiến liên tục, dai dẳng để theo Chúa có thể dần dần khiến chúng ta bải hoải. Con đường dẫn đến hoàn thiện hẳn có nhiều hứa hẹn về phần thưởng, nhưng cũng có phần xói mòn. Thế nhưng, dù gục ngã ngàn lần cũng không thành vấn đề, miễn là chúng ta ‘yêu cuộc chiến, đừng yêu chiến bại’. Do đó, tuyệt vọng sẽ là một điều xa lạ, đặc biệt, khi chúng ta chiến đấu mà biết rằng, có Chúa Kitô đứng về phe mình. Nỗ lực của trận chiến kéo dài có thể khiến Chúa Kitô hài lòng, hơn là một chiến thắng dễ dàng và thoải mái.
Với sự xuất hiện của Chúa Kitô trên thế gian, đau khổ và thập giá mang một ý nghĩa mới! Ngài cho chúng ta khả năng mặc cho đau khổ, bệnh tật và gian truân, vốn là hậu quả của tội lỗi, một ý nghĩa cứu chuộc và cứu độ của tình yêu. Vì thế, bất hạnh và yếu đuối không khiến người môn đệ Chúa Giêsu chùn bước; Phaolô đã can đảm thốt lên, “Tôi vui lòng với những yếu đuối, sỉ nhục, gian khổ, bắt bớ và giam cầm vì Chúa Kitô; vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh”. Chính việc chọn Chúa, từ chối bản thân, và nhận ra sự yếu đuối của mình; cũng như sẵn sàng đón nhận đau khổ, chúng ta có khả năng chứng tỏ cho thế gian sức mạnh của Thiên Chúa và điều kỳ diệu Ngài làm trong con cái Ngài, những người ‘yêu cuộc chiến, chứ không yêu chiến bại’.
Sách Đệ Nhị Luật hôm nay cũng nói đến chiến đấu để chọn lựa. Môisen cho dân tự do chọn; chọn Chúa hay chọn thần ngoại, “Tôi đã đề nghị với anh em về sự sống và sự chết, chúc lành và chúc dữ. Hãy chọn sự sống để anh em và dòng dõi anh em được sống”. Chọn Chúa là chọn sự sống, Thánh Vịnh đáp ca cũng đồng tình, “Phúc thay người đặt niềm tin tưởng nơi Chúa!”.
Anh Chị em,
“Ngài yêu mến nó, Ngài ôm lấy nó!”. Để có thể đón nhận thập giá, Chúa Giêsu cũng đã chiến đấu, Ngài cầu nguyện đến đổ cả mồ hôi máu; và rồi, đón nhận nó trong bình an, biến nó thành giá chuộc. Đi theo Chúa Giêsu, chúng ta tin tưởng nhìn mọi sự như Ngài; cách riêng, ôm lấy thập giá đời mình như Ngài. Nhờ Ngài, đau khổ của chúng ta cũng sẽ là một cơ hội để yêu thương, để lớn lên trong tình yêu Thiên Chúa và các linh hồn. Đây là một cuộc chiến trường kỳ, mỗi ngày và dai dẳng; nó chỉ kết thúc khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay. Ý nghĩa và giá trị của nó không phải là thắng thua, nhưng là sự kiên trì bền đỗ đến cùng vì ước mong nên giống Thầy mình và thuộc trọn về Ngài. Bởi lẽ, đạt được ơn cứu độ không là công nghiệp của chúng ta, nhưng hoàn toàn nhờ vào Chúa Kitô mà chúng ta trung thành sáp nhập vào Ngài mỗi ngày. Như vậy, đau khổ là xa lộ dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa; tuy nhiên, đó phải là một đau khổ vì Chúa Kitô; thập giá chúng ta vác lấy là một thập giá có Chúa Kitô trên đó! Kiên cường như Ngài, chúng ta ghi khắc ý lực của Ngài, hãy ‘yêu cuộc chiến, đừng yêu chiến bại!’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa Giêsu, bước vào Mùa Chay, xin giúp con nhận ra sự cấp thiết của việc chọn Chúa mỗi ngày; nhờ đó, như Ngài, con có thể chọn yêu mến và ôm trọn thập giá đời con!”, Amen.
(Tgp. Huế)
Hai linh mục Công Giáo từ Taunggyi đã bị bắt bởi binh lính của quân đội Miến Điện gần giáo phận Pekhon. Vào ngày 21 tháng Hai, Cha John Paul Lwel và Cha John Bosco thuộc Học viện Truyền giáo Thánh Têrêsa Con Đường Nhỏ, đang trên đường đi giúp một nhóm người di tản ở Bang Shan thì họ bị dừng lại tại một trạm kiểm soát. Ngoài hai linh mục, tài xế và một nam thanh niên khác ngồi trên xe cùng họ cũng bị đưa đi.
Các nguồn tin của AsiaNews cho biết tất cả các vị trên đã bị kiểm tra điện thoại của họ, một thói quen đã trở thành thông lệ. Quân đội cho rằng vụ bắt giữ là do phát hiện ra các bức ảnh có logo của Chính phủ Thống nhất Quốc gia lưu vong, do các cựu thành viên quốc hội, chủ yếu thuộc đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi thành lập, và các bức ảnh khác của những người có liên quan đến Quân đội Kháng chiến.
Việc chiếc xe nhằm chở hàng viện trợ cho những người tị nạn càng làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn: các tướng lĩnh, nghi ngờ Giáo hội đang bảo vệ các dân quân chống đảo chính. Trong năm qua, các lực lượng quân đội đã liên tục bắt giữ tùy tiện các nữ tu và linh mục ở các bang Kayah, Shan và Chin, nơi tập trung đông các tín hữu Kitô.
Tuy nhiên, “nếu quân đội muốn thực hiện một số vụ bắt giữ nhất định vào một ngày nhất định và ở một địa điểm nhất định, thì họ sẽ có cớ để làm như vậy. Ngay cả khi ở nhà cũng không còn an toàn vì việc kiểm tra diễn ra bất kỳ lúc nào ngày cũng như đêm”.
Việc bắt giữ hai linh mục diễn ra đồng thời với việc gia tăng các cuộc đụng độ ở giáo phận Pekhon, phía nam bang Shan, nơi lực lượng của quân đội tiến hành các cuộc không kích và tạo ra một làn sóng di cư khác của những người di tản.
Sau cuộc đảo chính của quân đội Miến Điện, thường được gọi là Tatmadaw, vào ngày 1 tháng 2 năm 2021, xung đột dân sự đã nổ ra khắp đất nước. Quân đội kiểm soát khu vực trung tâm, trong khi lực lượng dân quân chống đảo chính sắc tộc tập trung ở biên giới, bao vây các lực lượng quân sự.
Vào tháng 12, giáo phận Loikaw, thủ phủ của bang Kayah, bị đánh bom. Trong số gần 70,000 cư dân của nó, ít nhất 60,000 hiện đã chuyển đến các thành phố lân cận Taungoo và Taunggyi, hoặc đã vượt qua biên giới sang Thái Lan. Theo số liệu của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc, hiện có hơn 400,000 người tị nạn nội địa.
Source:Asia News
Malta gần đây đã thông báo rằng họ sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào cuối tháng 3, trước vài tháng so với kế hoạch và vài ngày trước chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến quốc đảo, có nghĩa là thông điệp của Giáo hoàng có nguy cơ bị thất lạc trong bối cảnh chính trị sa sút.
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm Malta trong hai ngày 2 và 3 tháng 4, đánh dấu chuyến tông du quốc tế đầu tiên trong năm nay của ngài. Ngài sẽ thăm các thành phố Valletta, Rabat và Floriana, cũng như đảo Gozo.
Di cư dự kiến sẽ là chủ đề trọng tâm trong chuyến thăm của Đức Phanxicô, vì Malta từ lâu đã trở thành một nhân tố chính trong cuộc tranh luận về di cư của Âu Châu. Minh họa cho điều này là khi ở Malta, Đức Giáo Hoàng dự kiến sẽ đến thăm một trung tâm chào đón người di cư khi ở trên đảo.
Tuy nhiên, chuyến thăm của Giáo hoàng có nguy cơ bị lu mờ bởi chính trị địa phương, sau thông báo gần đây của Thủ tướng Malta Robert Abela rằng cuộc tổng tuyển cử của đất nước sẽ được tổ chức vào ngày 26 tháng 3, chỉ một tuần trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô đến đó.
Abela, người thuộc đảng Lao động cầm quyền của Malta, đã nhậm chức thủ tướng Malta vào đầu năm 2020 sau sự từ chức của người tiền nhiệm và đồng thời là chủ tịch đảng Lao động, Joseph Muscat, trong bối cảnh các chỉ trích cách chính phủ giải quyết vụ sát hại nhà báo điều tra Daphne Caruana Galizia.
Giới tinh hoa chính trị của Malta vẫn đang quay cuồng với những tiết lộ vào cuối năm 2019 rằng các quan chức chính phủ hàng đầu có liên quan đến cả âm mưu giết người của Galizia, là người đã bị giết trong một vụ đánh bom xe vào năm 2017.
Được biết đến với báo cáo chuyên sâu về các trò tham nhũng của chính phủ, Galizia là một cái tên quen thuộc ở Malta, và cái chết của cô đã gây ra sự phẫn nộ trên khắp đất nước. Sau khi cô bị sát hại, các quan chức cam kết sẽ tiến hành một cuộc điều tra ngay lập tức và đầy đủ, tuy nhiên, cuộc điều tra đó phần lớn bị đình trệ cho đến cuối năm 2019, khi có thông tin cho rằng các quan chức chính phủ hàng đầu có liên quan đến cái chết của Galizia, bao gồm cả chánh văn phòng của Thủ tướng Muscat.
Vào tháng Giêng năm 2020, Muscat từ chức trong bối cảnh áp lực của dư luận, bao gồm các cuộc phản đối lan rộng, từ cả người dân và Nghị viện Âu Châu. Tháng 12 năm 2019, Nghị viện Âu Châu đã ban hành một nghị quyết thúc giục Liên minh Âu Châu đối thoại pháp lý với Malta, khiến Malta có nguy cơ mất quyền bỏ phiếu tại Liên Hiệp Âu Châu.
Ban đầu, Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến thăm Malta vào tháng 5 năm 2020 sau vụ bê bối tham nhũng, nhưng chuyến thăm đã bị hoãn lại do đại dịch coronavirus bùng phát, và Vatican đã phải vật lộn để tìm một ngày khả thi để dời lại lịch trình chuyến tông du.
Tổng tuyển cử ở Malta ban đầu dự kiến diễn ra vào tháng 6, nhưng cuối tuần trước Abela đã có động thái bất ngờ khi yêu cầu Tổng thống nước này, George Vella, giải tán quốc hội và kích hoạt một cuộc bỏ phiếu toàn quốc vào ngày 26 tháng 3, chỉ năm ngày trước chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Ngày 31 tháng 3, hai ngày trước khi Đức Giáo Hoàng đến, cũng đánh dấu Ngày Tự do của Malta kỷ niệm việc rút quân của Anh và Hải quân Hoàng gia vào năm 1979. Đây được coi là một ngày lễ với các sự kiện lớn có sự tham dự của tổng thống và các quan chức chính phủ hàng đầu khác, với các giọng điệu chính trị không thể phủ nhận.
Thông thường, Vatican hạn chế đến thăm một quốc gia trong hoặc quá gần chiến dịch bầu cử, một phần để tránh ấn tượng rằng Đức Giáo Hoàng đang can dự vào chính trị địa phương, và một phần để đảm bảo rằng thông điệp của chính ngài sẽ không bị lạc mất hoặc bị chính trị hóa bởi các nhà lãnh đạo mong muốn sử dụng chuyến thăm vì lợi ích cá nhân.
Đảng Lao động của Abela dự kiến sẽ giành được nhiệm kỳ thứ ba, có nghĩa là những ngày sau cuộc bầu cử sẽ được đánh dấu bằng sự ăn mừng hoặc thất vọng giữa các công dân, những người có khả năng sẽ bận rộn với các diễn biến chính trị hơn những gì Đức Giáo Hoàng nói.
Kể từ khi cuộc bầu cử của Malta được công bố sau khi Vatican công bố ngày của chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng, một số người đã thúc đẩy Tòa Thánh hoãn lại chuyến tông du, bao gồm cả các thành viên của cộng đồng giáo hội địa phương. Một số người nói rằng việc tổ chức một chuyến thăm của Giáo hoàng quá gần với cuộc bầu cử là không phù hợp.
Tuy nhiên, một nguồn tin của Vatican quen thuộc với chuyến thăm cho biết hiện tại, việc lập kế hoạch đang được tiến hành “như bình thường”.
Một phái đoàn của Vatican dự kiến sẽ đến thăm Malta vào thứ Sáu 4 tháng Ba, và một chương trình chính thức cho chuyến thăm, nếu không bị hoãn lại, dự kiến sẽ được công bố trong vài ngày tới.
Đây không phải là lần đầu tiên Vatican phải đối mặt với một cuộc bầu cử chớp nhoáng gần với chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng.
Vào ngày 8 tháng Giêng năm 2015, vài ngày trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm, Sri Lanka đã tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn hai năm, với việc Tổng thống đương nhiệm Mahinda Rajapaksa được nhiều người mong đợi sẽ đắc cử nhiệm kỳ thứ ba, và chào đón Giáo hoàng như một lễ kỷ niệm chiến thắng của ông.
Tuy nhiên, Rajapaksa đã phải chịu một thất bại kinh hoàng, với đối thủ của ông là Maithripala Sirisena giành được 51.3 phần trăm số phiếu bầu. Sirisena là người chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô vài ngày sau đó.
Điều gì sẽ xảy ra trong cuộc bầu cử tại Malta vẫn chưa được nhìn thấy, tuy nhiên, bất kể kết quả như thế nào, nếu chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng diễn ra như dự kiến hiện tại, Đức Phanxicô sẽ phải lội qua các vùng nước chính trị có thể có nguy cơ làm lu mờ hoặc siêu chính trị hóa bất kỳ thông điệp mục vụ nào mà ngài định đưa ra.
Source:Crux
Giọng hát của các sơ đã cất lên từ đoạn đầu đài khi các sơ đi đến cái chết vào ngày 17 tháng 7 năm 1794, trong Thời kỳ khủng bố, thời kỳ đáng sợ của Cách mạng Pháp, đã hành quyết ít nhất 17,000 người.
Theo yêu cầu của các giám mục Pháp và Dòng Cát Minh Nhặt Phép, vào ngày 22 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đồng ý mở một quy trình đặc biệt được Giáo Hội Công Giáo gọi là “phong thánh tương đương” để nâng 16 vị tử đạo Dòng Cát Minh ở Compiègne lên hàng các thánh.
Từ năm 1983, tiến trình tuyên thánh trong Giáo Hội Công Giáo trải qua các bước như sau: thứ nhất là tuyên phong lên hàng “Servus Dei” – nghĩa là “Tôi tớ Chúa”, rồi đến bậc “Venerabilis” – nghĩa là “Bậc Đáng Kính”, sau đó là “Beatus” – nghĩa là “Chân Phước”, và cuối cùng cao nhất là được tuyên Thánh - “Sanctus”.
16 vị tử đạo Dòng Cát Minh ở Compiègne đã được tuyên là Chân Phước tử đạo. Thông thường, cần có một phép lạ để được tuyên thánh. Yêu cầu đó được bỏ qua trong tiến trình tuyên thánh “tương đương”.
Tuyên thánh “tương đương”, giống như quy trình phong thánh thông thường, là sự cầu khẩn xin Chúa ban cho Đức Giáo Hoàng ơn không thể sai lầm khi tuyên bố rằng một người nằm trong số các thánh trên thiên đàng. Tuy nhiên, việc tuyên thánh “tương đương” không giống như quy trình chính thức của việc tuyên thánh cũng như các nghi lễ, vì việc tuyên thánh “tương đương” xảy ra tương đối đơn giản: chỉ cần Đức Giáo Hoàng đưa ra một sắc lệnh.
Để được tuyên thánh “tương đương”, vị thánh phải được các tín hữu sùng kính từ nhiều năm trước và thể hiện các đức tính anh hùng, và mặc dù không cần phép lạ hiện đại nào, nhưng sự nổi tiếng của các phép lạ xảy ra trước hoặc sau khi vị ấy qua đời được tính đến trong các nghiên cứu lịch sử của Bộ Tuyên Thánh.
Quá trình này rất hiếm. Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên thánh tương đương cho Thánh Phêrô Faber và Thánh Margaret thành Costello. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI cũng đã tuyên thánh tương đương cho Thánh Hildegard thành Bingen và Đức Piô XI đã tuyên thánh tương đương cho Thánh Albertô Cả.
Các vị tử đạo được tôn kính từ lâu bao gồm 11 nữ tu đã khấn trọn, ba nữ tu chưa khấn và hai người bên ngoài đến làm việc trong tu viện.
Lấy cảm hứng từ hành động tự phát của một tập sinh duy nhất trong số họ - và người đầu tiên và trẻ nhất qua đời - mỗi người trong số 16 thành viên của một tu viện Cát Minh ở Compiègne đã hát bài Laudate Dominum, nghĩa là “Tạ Ơn Chúa”, khi các chị lên các bậc thang máy chém. Sơ bề trên tu viện đã ban phép trang trọng trước khi chết cho từng chị em quỳ gối trước sơ ấy ngay sau khi họ hôn tượng Đức Trinh Nữ trên tay chị, trên các bậc thang của giàn giáo. Sơ bề trên là người cuối cùng chết, giọng nói của sơ ấy vang vọng cho đến khi đầu và thân thể sơ bị đứt lìa bởi chiếc máy chém tàn bạo
Cái chết của các sơ khiến đám đông lặng đi, và 10 ngày sau, bầu khí khủng bố tự nó cũng bị im bặt, và người ta xem đó là một phép lạ mà các sơ đã dâng lên Chúa trong vụ hành quyết các sơ.
Source:Catholic News Agency
Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine đã lên tiếng vào hôm thứ Năm, vài giờ sau khi lực lượng Nga xâm lược Ukraine.
Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk ủng hộ quyền bảo vệ nền độc lập của Ukraine khi Nga tấn công các mục tiêu quân sự của Ukraine vào sáng ngày 24 tháng 2.
Ngài nói: “Quyền tự nhiên và nghĩa vụ thiêng liêng của chúng ta là bảo vệ đất đai và con người, nhà nước của chúng ta và tất cả những gì thân yêu nhất đối với chúng ta: gia đình, ngôn ngữ và văn hóa, lịch sử và thế giới tâm linh”.
Vị tổng giám mục người Ukraine cũng nhấn mạnh đến sự gần gũi của Thiên Chúa đối với những người phải gánh chịu bất công.
“Chúng tôi tin rằng trong thời khắc lịch sử này, Chúa ở cùng chúng tôi. Ngài là người nắm trong tay số phận của cả thế giới và của mỗi người nói riêng, luôn đứng về phía các nạn nhân của sự xâm lược bất công, những người đau khổ và nô lệ”.
“Chính Ngài là Đấng đã tuyên xưng Thánh Danh của Ngài trong lịch sử của mọi quốc gia, bắt giữ và lật đổ những kẻ hùng mạnh của thế giới này cùng với niềm kiêu hãnh của họ, những kẻ chinh phục với ảo tưởng về sự toàn năng của họ, những kẻ kiêu ngạo và xấc xược với sự tự tin của họ. Chính Ngài là Đấng ban cho chúng ta sự chiến thắng đối với sự dữ và sự chết. Chiến thắng của Ukraine sẽ là chiến thắng của quyền năng Thiên Chúa trước sự hèn hạ và kiêu ngạo của con người! Vì vậy, Ukraine đã, đang và sẽ tồn tại!”
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong một tuyên bố trên truyền hình vào sáng sớm thứ Năm rằng Nga không có kế hoạch chiếm đóng Ukraine, đồng thời yêu cầu quân đội Ukraine hạ vũ khí xuống đầu hàng vô điều kiện.
Ngay sau đó, quân đội Nga đã vượt qua biên giới phía bắc, nam và đông tiến vào Ukraine từ nhiều điểm. Các quan chức Ukraine báo cáo các cuộc pháo kích và các cuộc tấn công tên lửa trên khắp Ukraine, bao gồm cả tại các sân bay và trụ sở quân sự gần thủ đô Kiev của Ukraine.
Cả quân nhân và dân thường thiệt mạng đều đã được báo cáo.
Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói Ukraine “đang gặp nguy hiểm một lần nữa,” và nói “kẻ thù phản bội” đã phá vỡ các quy tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, “bước lên đất Ukraine, mang theo cái chết và sự hủy diệt”.
“Vào thời khắc lịch sử này, tiếng nói của lương tâm chúng ta kêu gọi tất cả chúng ta cùng đứng lên vì một Nhà nước Ukraine tự do, thống nhất và độc lập”
“Lịch sử của thế kỷ trước dạy chúng ta rằng tất cả những người bắt đầu các cuộc chiến tranh thế giới đều thua cuộc, và những kẻ thờ thần tượng của chiến tranh chỉ mang lại sự tàn phá và suy tàn cho các quốc gia và cho chính dân tộc của họ”.
Lo ngại rằng Nga đang bắt đầu một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine đã tăng cao trong tuần này sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng ông sẽ công nhận các khu vực ly khai của Ukraine như Lugansk và Donetsk là các thực thể độc lập.
Các khu vực phía đông, do lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn, bao gồm cả vùng đất hiện do lực lượng vũ trang Ukraine nắm giữ.
Ukraine là một quốc gia có 44 triệu dân giáp với Belarus, Nga, Moldova, Rumani, Hung Gia Lợi, Slovakia và Ba Lan.
Theo BBC News, hôm thứ Năm, quân đội Nga đã tiến vào Ukraine không chỉ từ các điểm ở biên giới Nga, mà còn từ Belarus, một đồng minh của Nga.
Đức Tổng Giám Mục Shevchuk lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, là giáo hội lớn nhất trong số 23 Giáo Hội Công Giáo Đông phương hiệp thông hoàn toàn với Tòa thánh.
Ngài nhấn mạnh rằng “Giáo hội này, vốn đã sống sót sau cái chết và đã phục sinh, với tư cách là Thân thể của Chúa Kitô Phục sinh, mà sự chết không có quyền năng, như Chúa đã ban cho dân Ngài trong nước rửa tội của sông Dnipro”.
“Kể từ đó, lịch sử của dân tộc chúng ta và Giáo hội của Ukraine, lịch sử của các cuộc đấu tranh giải phóng của họ, lịch sử của sự nhập thể của Lời Thiên Chúa và sự biểu lộ Thần Chân Lý của Ngài trong nền văn hóa của chúng ta đã hòa quyện vào nhau mãi mãi”
“Và trong thời khắc nghiêm trọng này, Giáo hội của chúng ta, với tư cách là một người mẹ và một người thầy sẽ ở với con cái của mình, sẽ bảo vệ chúng và phục vụ chúng nhân danh Chúa! Trong Chúa là niềm hy vọng của chúng ta và chiến thắng của chúng ta sẽ đến từ Ngài!”
“Hôm nay chúng tôi long trọng tuyên bố: 'Linh hồn và thể xác của chúng tôi hiến dâng cho sự tự do của chúng tôi!' Cùng một lòng một trí, chúng tôi cầu nguyện: 'Lạy Chúa, Vĩ đại và Toàn năng, hãy bảo vệ Ukraine thân yêu của chúng con!'“
Theo thông tin liên lạc từ thư ký của Đức Tổng Giám Mục Shevchuk, ngài đã ẩn nấp trong một hầm trú ẩn bên dưới Nhà thờ Phục sinh ở Kiev, cùng với những người khác.
“Thành phố Kiev vào thời điểm này đang bị quân đội Nga bắn phá. Như bạn hiểu, không thể tiếp cận được Đức Tổng Giám Mục tại thời điểm này và ngài không thể đưa ra bất kỳ tuyên bố nào. Cùng với người dân của mình, Đức Tổng Giám Mục yêu cầu bạn tham gia cùng với ngài và người dân của ngài trong lời cầu nguyện xin Chúa bảo vệ Ukraine khỏi sự xâm lược vô cớ”.
“Ưu tiên, đối với Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, là, và sẽ luôn là, gần gũi với những người bị thương. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Ukraine.”
Source:Catholic News Agency
Trưa ngày 03/03, hơn 600 nhà thờ chính tòa khắp Âu Châu sẽ rung chuông chiều, kêu gọi hòa bình sớm vãn hồi trên đất nước Ukraine đang bị tàn phá vì Vladimir Poutine phát động cuộc chiến hủy diệt.
Tiếng chuông nhà thờ chính tòa Paris sẽ hòa nhịp với hồi chuông hòa bình (cloche de la paix) tại các thánh đường ở Kiev, Berlin, Lübeck, Roma, Luân Đôn, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Tiệp Khắc, Na Uy, Thụy Sĩ v.v., cầu xin Thiên Chúa đoái thương, làm câm nín bom đạn chiến tranh đang diễn ra trên đất nước Ukraine.
Nước Pháp có 100 nhà thờ chính tòa. Giáo phận Bayeux quyết định rung hồi chuông hòa bình mỗi ngày vào lúc 18 giờ 30. Đức Cha Jacques Habert, giám mục Bayeux (nơi có đại giáo đường Lisieux), mời gọi các giáo dân lắng nghe tiếng chuông và thành tâm cầu nguyện.
Đức Ông Chauvet, giám quản Vương cung Thánh đường Đức Bà Paris cho biết sẽ dùng cây búa để rung hồi chuông hòa bình. Ngài sẽ đứng trước tiền đường ngôi thánh đường vào lúc đại hồng chung Emmanuel có từ năm 1686 rền vang hồi chuông cầu nguyện.
Nước Nga đã gây chiến tại Ukraine từ ngày 24/02/2022. Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết tính đến nay có 5 840 lính Nga thiệt mạng, hơn 200 người Nga bị bắt làm tù binh. Về phía Ukraine có 352 thường dân thương vong, 2 040 người bị thương. Ngoài ra, còn có hơn 700 ngàn người Ukraine lánh nạn tại các nước láng giềng.
Lê Đình Thông
Theo truyền thống phụng vụ có từ thế kỷ thứ 7, ngày Thứ Tư Lễ Tro là một ngày quan trọng, và không một lễ nào có thể vượt lên trên. Người ta cũng gọi ngày này là “Ðầu Mùa Chay”. Việc ăn chay trong Mùa này đã có từ thời Ðức Giáo Hoàng Gregoriô Cả vào cuối thế kỷ thứ Sáu.
Những Quy luật tổng quát của Năm phụng vụ nói về ngày Thứ Tư Lễ Tro như sau: “Mùa Chay bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro và kết thúc ngay trước Thánh lễ Tiệc Ly. Ngày Thứ Tư đầu Mùa Chay có xức tro; ngày đó khắp nơi ăn chay”. Lời chỉ dẫn này cho chúng ta biết ý nghĩa của Ngày Thứ Tư Lễ Tro trong Năm phụng vụ, cũng như trong suốt Mùa Chay thánh. Với Thứ Tư Lễ Tro, Giáo hội bắt đầu Mùa Chay Thánh.
Thông thường, vào lúc 16:30 ngày thứ Tư lễ Tro, Đức Thánh Cha chủ sự cuộc rước thống hối từ nhà thờ Thánh Anselmo của dòng Biển Đức đến Vương cung Thánh Đường Thánh nữ Sabina của dòng Đa Minh trên đồi Aventino ở Rôma.
Trên quãng đường dài 500 mét, các vị vừa đi vừa hát kinh cầu các thánh, và thánh ca thống hối.
Tại Vương cung Thánh Đường thánh nữ Sabina, có từ thế kỷ thứ 5, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ đồng tế với nghi thức xức tro, cùng với các Hồng Y và Giám Mục, trước sự tham dự của các linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân, đặc biệt là các vị lãnh đạo Hội Hiệp sĩ Malta.
Hôm Thứ Sáu tuần trước, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết Đức Thánh Cha theo dự trù sẽ chủ sự các nghi thức ngày Thứ Tư Lễ Tro. Tuy nhiên, giờ chót ngài bị đau đầu gối nên đã nhờ Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cử hành thay cho ngài.
Đức Hồng Y đã đọc bài giảng do Đức Thánh Cha dọn sẵn như sau:
Tuy nhiên, Chúa nói đến hai loại phần thưởng mà cuộc sống của chúng ta có thể nhận được: phần thưởng từ Cha và mặt khác, phần thưởng từ thế gian. Phần thưởng thứ nhất là vĩnh cửu, là phần thưởng đích thực và chung cuộc, là mục đích của cuộc đời chúng ta. Phần thưởng thứ hai là phù du, là một ánh sáng mà chúng ta tìm kiếm bất cứ khi nào sự ngưỡng mộ của người khác và thành công trên thế gian trở thành điều quan trọng nhất đối với chúng ta, là sự hài lòng lớn nhất của chúng ta. Tuy nhiên, phần thưởng thứ hai này chỉ là một ảo ảnh. Nó giống như một ảo tưởng mà một khi chúng ta đến đó, chúng ta nhận ra ngay đó chỉ là ảo ảnh; nó khiến chúng ta không thỏa mãn. Sự bồn chồn và bất mãn luôn thường trực đối với những người hướng đến một thế giới đầy thu hút nhưng rồi lại thất vọng. Những người tìm kiếm phần thưởng thế gian không bao giờ tìm thấy hòa bình, cũng chẳng đóng góp gì cho hòa bình. Họ mất dấu Cha và anh chị em của họ. Đây là rủi ro mà tất cả chúng ta đều phải đối mặt, và vì vậy, Chúa Giêsu bảo chúng ta “anh em hãy coi chừng”. Như muốn nói: “Anh em có cơ hội được hưởng một phần thưởng vô hạn, một phần thưởng có một không hai. Vì vậy, hãy coi chừng và đừng để mình bị lóa mắt bởi vẻ bề ngoài, theo đuổi những phần thưởng rẻ tiền khiến anh em thất vọng ngay khi chạm tay vào chúng”.
Nghi thức nhận tro trên đầu nhằm bảo vệ chúng ta khỏi sai lầm là đặt phần thưởng nhận được từ thế gian trước phần thưởng mà chúng ta nhận được từ Chúa Cha. Dấu chỉ khắc khổ này, khiến chúng ta suy ngẫm về sự phù du của thân phận con người chúng ta, dấu chỉ ấy giống như một loại thuốc có vị đắng nhưng lại có tác dụng chữa bệnh chuộng vẻ bề ngoài, một căn bệnh tâm linh nô lệ chúng ta và khiến chúng ta lệ thuộc vào lòng ngưỡng mộ của những người khác. Đó là sự “nô lệ” đích thực của đôi mắt và lòng trí (x. Ep 6,6, Cl 3:22). Đó là một chế độ nô lệ khiến chúng ta sống hết mình vì hư danh, trong đó điều quan trọng không phải là trái tim thuần khiết của chúng ta mà là sự ngưỡng mộ của người khác. Không phải Chúa nhìn chúng ta như thế nào, mà là thế gian nhìn chúng ta ra sao. Chúng ta không thể sống tốt nếu chúng ta sẵn sàng hài lòng với phần thưởng đó.
Vấn đề là “căn bệnh chuộng vẻ bề ngoài” này đe dọa ngay cả những khu vực linh thiêng nhất. Đó là điều mà Chúa Giêsu nói với chúng ta ngày nay: rằng ngay cả việc cầu nguyện, bác ái và kiêng ăn cũng có thể trở nên tự quy chiếu. Trong mọi hành vi, dù là cao thượng nhất, cũng có thể ẩn chứa sâu xa sự tự mãn. Lúc đó trái tim của chúng ta không hoàn toàn tự do, vì nó tìm kiếm, không phải tình yêu của Cha và anh chị em của chúng ta, mà là sự tán thành của con người, sự vỗ tay của mọi người, và vinh quang của chính chúng ta. Mọi thứ sau đó có thể trở thành một kiểu giả vờ trước mặt Chúa, trước chính mình và trước người khác. Đó là lý do tại sao lời Chúa thúc giục chúng ta hãy nhìn vào bên trong và nhận ra sự giả hình của chính mình. Chúng ta hãy chẩn đoán bệnh chuộng bề ngoài mà chúng ta tìm kiếm và cố gắng vạch mặt chúng. Điều đó sẽ tốt cho chúng ta.
Tro tàn nói lên sự trống rỗng ẩn sau cuộc truy tìm điên cuồng để giành lấy những phần thưởng trần thế. Chúng nhắc nhở chúng ta rằng tinh thần thế gian giống như lớp bụi được cuốn đi bởi một cơn gió nhẹ. Anh chị em ơi, chúng ta không ở trên đời này để đuổi gió; lòng chúng ta khát khao sự vĩnh cửu. Mùa Chay là thời gian được Chúa ban cho chúng ta để đổi mới, nuôi dưỡng đời sống nội tâm và hành trình hướng tới Lễ Phục sinh, hướng tới những điều không qua đi, hướng tới phần thưởng mà chúng ta sẽ nhận được từ Chúa Cha. Mùa Chay cũng là một hành trình chữa lành. Không phải thay đổi trong một sớm một chiều mà là sống mỗi ngày với một tinh thần đổi mới, một “phong cách” khác biệt. Cầu nguyện, bác ái và ăn chay là những trợ giúp cho điều này. Khi được thanh tẩy bởi tro của Mùa Chay, được thanh tẩy khỏi vẻ giả hình của dáng vẻ bề ngoài, cầu nguyện, bác ái và ăn chay thậm chí còn trở nên mạnh mẽ hơn và khôi phục trong chúng ta mối quan hệ sống động với Thiên Chúa, với anh chị em của chúng ta và với chính chúng ta.
Cầu nguyện, cầu nguyện khiêm nhường, cầu nguyện “nơi kín đáo” (Mt 6, 6), trong phòng của chúng ta, trở thành bí quyết làm cho cuộc sống của chúng ta thăng hoa ở mọi nơi khác. Cầu nguyện là một cuộc đối thoại, ấm áp trong tình cảm và sự tin cậy, là điều an ủi và mở rộng tâm hồn chúng ta. Trong Mùa Chay này, chúng ta hãy cầu nguyện trên hết bằng cách nhìn lên Chúa chịu đóng đinh. Chúng ta hãy mở rộng trái tim mình để đón nhận sự dịu dàng đầy cảm động của Thiên Chúa, và trong những vết thương của Người, hãy đặt những vết thương của chính chúng ta và của thế giới chúng ta. Chúng ta đừng lúc nào cũng vội vàng nhưng hãy tìm thời gian để đứng trong thinh lặng trước Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Chúng ta hãy khám phá lại sự hiệu quả và đơn giản của cuộc đối thoại chân thành với Chúa. Vì Thiên Chúa không quan tâm đến vẻ bề ngoài. Thay vào đó, Ngài thích được tìm thấy nơi kín đáo, là “bí mật của tình yêu”, tránh xa mọi sự phô trương và ồn ào.
Nếu lời cầu nguyện là chân thật, thì nó nhất thiết phải sinh hoa trái nơi lòng bác ái. Và lòng bác ái giải phóng chúng ta khỏi hình thức nô dịch tồi tệ nhất, đó là nô lệ cho bản thân. Lòng bác ái Mùa Chay, được thanh tẩy bởi đống tro tàn này, đưa chúng ta trở lại những gì thiết yếu, đến với niềm vui sâu sắc khi cho đi. Bố thí, khi được thực hành xa ánh đèn sân khấu, lấp đầy trái tim bằng sự bình an và hy vọng. Nó tiết lộ cho chúng ta vẻ đẹp của việc cho đi, mà khi đó trở thành nhận lại, và do đó cho phép chúng ta khám phá ra một bí mật quý giá: đó là lòng chúng ta vui khi cho hơn là khi nhận (x. Cv 20:35).
Cuối cùng là chay tịnh. Ăn chay không phải là ăn kiêng. Thật vậy, chay tịnh giải phóng chúng ta khỏi sự quy hướng bản thân và sự tìm kiếm đầy ám ảnh vóc dáng thể chất gọn đẹp, nhằm giúp chúng ta giữ gìn vóc dáng không chỉ về cơ thể mà còn về tinh thần. Chay tịnh khiến chúng ta đánh giá cao mọi thứ theo đúng giá trị của chúng. Chay tịnh nhắc nhở chúng ta một cách cụ thể rằng cuộc sống không được phụ thuộc vào khung cảnh phù du của thế giới hiện tại. Cũng thế, chay tịnh không chỉ giới hạn ở thức ăn. Đặc biệt trong Mùa Chay, chúng ta nên kiêng khem bất cứ thứ gì có thể tạo ra nơi chúng ta bất kỳ một dạng nghiện ngập nào đó. Đây là điều mà mỗi chúng ta nên suy ngẫm, để chay tịnh theo cách sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống thực tế của chúng ta.
Cầu nguyện, bác ái và chay tịnh cần phải được thực hiện một cách “kín đáo”, nhưng điều đó không đúng với tác dụng của chúng. Cầu nguyện, bác ái và chay tịnh không phải là liều thuốc chỉ dành cho chúng ta mà còn cho tất cả mọi người: chúng có thể thay đổi lịch sử. Thứ nhất, bởi vì những người trải nghiệm hiệu ứng của chúng hầu như truyền sang cho những người khác một cách vô thức; nhưng trên hết, vì cầu nguyện, bác ái và chay tịnh là những cách chính yếu để Thiên Chúa can thiệp vào cuộc sống của chúng ta và trong thế giới. Cầu nguyện, bác ái và chay tịnh là vũ khí của tinh thần và với những điều đó, vào ngày cầu nguyện và ăn chay cho Ukraine này, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho hòa bình mà con người không có khả năng tự xây dựng.
Lạy Chúa, Chúa thấy nơi những gì là kín nhiệm và Chúa ban thưởng cho chúng con ngoài sự mong đợi của chúng con. Hãy lắng nghe lời cầu nguyện của những người tín thác nơi Chúa đây, đặc biệt là những kẻ bé mọn, những người bị thử thách nặng nề, và những người đau khổ và những người phải chạy trốn trước tiếng gầm của vũ khí. Xin Chúa khôi phục sự bình yên cho tâm hồn chúng con; và một lần nữa, xin ban bình an của Chúa cho những ngày này của chúng con. Amen.
Source:Holy See Press Office
Theo tin Tòa Thánh, Thứ tư ngày 2 tháng 3, 2022, tại Hội trường Thánh Phaolô VI, Đức Giáo Hoàng Phaolô tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về tuổi già, hôm nay, ngài nhấn mạnh tới khía cạnh biểu tượng và cơ may của tuổi thọ. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài dựa vào bản Tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp.
Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!
Trong trình thuật của Kinh thánh về các gia phả, người ta lập tức có ấn tượng mạnh trước tuổi thọ lớn lao nơi chúng: chúng nói tới hàng thế kỷ! Chúng ta tự hỏi khi nào tuổi già bắt đầu ở đây đây? Và đâu là ý nghĩa của sự kiện những vị tổ phụ xa xưa này sống rất lâu sau khi đã sinh ra nhiều con cái? Những người cha và con trai sống với nhau hàng thế kỷ! Khoảng thời gian hàng thế kỷ này, được kể lại theo phong cách nghi lễ, mang lại một ý nghĩa biểu tượng mạnh mẽ, rất mạnh mẽ cho mối quan hệ giữa tuổi thọ và gia phả.
Như thể sự lưu truyền sự sống của con người, rất mới trong vũ trụ tạo dựng, đòi hỏi một khai tâm chầm chậm và kéo dài. Mọi sự đều mới mẻ, ở buổi đầu lịch sử của một tạo vật vừa là tinh thần và sự sống, vừa là lương tâm và tự do, vừa nhạy cảm và có trách nhiệm. Cuộc sống mới - cuộc sống con người - chìm đắm trong sự căng thẳng giữa nguồn gốc của nó “giống hình ảnh và họa ảnh” của Thiên Chúa, và sự mong manh của thân phận tử sinh của họ, nói lên một điều mới lạ cần được khám phá. Và nó đòi hỏi một khoảng thời gian khai tâm lâu dài, trong đó sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các thế hệ là điều không thể thiếu để giải đoán các kinh nghiệm và đối đầu với các bí ẩn của cuộc sống. Trong thời gian lâu dài này, phẩm chất thiêng liêng của con người cũng từ từ được trau dồi.
Theo một nghĩa nào đó, mỗi kỷ nguyên trôi qua trong lịch sử loài người đều mang lại cảm giác này: cứ như thể chúng ta phải bắt đầu lại từ đầu một cách bình tĩnh với những câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống, khi viễn ảnh thân phận con người xem ra đầy rẫy các kinh nghiệm mới, và cho đến nay, đều là các câu hỏi chưa được trả lời. Chắc chắn, sự tích lũy ký ức văn hóa làm tăng sự quen thuộc cần thiết để đối đầu với những cuộc vượt qua mới. Thời gian lưu truyền giảm đi, nhưng thời gian thẩm hóa luôn đòi hỏi sự kiên nhẫn. Tốc độ thái quá, một điều hiện đang ám ảnh mọi giai đoạn của cuộc sống chúng ta, làm cho mọi kinh nghiệm trở nên hời hợt hơn và ít "bổ dưỡng" hơn. Những người trẻ tuổi là nạn nhân vô thức của sự phân chia này giữa thời gian trên đồng hồ, cần phải gấp gáp, và thời gian của cuộc sống, đòi hỏi một "việc lên men" thích hợp. Tuổi thọ cho phép trải qua những khoảng thời gian dài này và những thiệt hại của sự vội vàng.
Tuổi già chắc chắn buộc người ta phải có một tốc độ chậm hơn: nhưng đây không đơn giản chỉ là thời điểm của trì trệ. Thật vậy, nhịp điệu này mở ra cho mọi người những khoảng không gian đầy ý nghĩa của cuộc sống mà nỗi ám ảnh về tốc độ không bao giờ biết đến. Việc mất tiếp xúc với nhịp sống chậm hơn của tuổi già đã khép lại những khoảng không gian này đối với mọi người. Chính từ viễn ảnh này, tôi đã muốn thiết lập ngày lễ của ông bà, vào Chúa nhật cuối cùng của tháng Bảy. Sự liên minh giữa hai thế hệ cùng cực - trẻ em và người già - cũng giúp hai thế hệ khác - người trẻ và người lớn - gắn kết với nhau để làm cho sự hiện hữu của mọi người trở nên phong phú hơn trong tình người.
Cần có sự đối thoại giữa các thế hệ: nếu không có đối thoại giữa người trẻ và người già, nếu không có đối thoại thì mỗi thế hệ sẽ mãi bị cô lập và không thể truyền tải thông điệp được. Anh chị em hãy nghĩ xem: người trẻ nào không gắn bó với cội rễ của mình, tức là ông bà, thì không nhận được sức mạnh, giống như cây kia không nhận được sức mạnh của rễ, sẽ lớn lên còi cọc, lớn lên ốm yếu, lớn lên không có điểm qui chiếu. Vì vậy, cần phải tìm kiếm việc đối thoại giữa các thế hệ, như một nhu cầu của con người. Và cuộc đối thoại này là quan trọng giữa ông bà và các cháu, vốn là hai thái cực.
Chúng ta hãy tưởng tượng một thành phố trong đó sự sống chung của các tuổi đời khác nhau tạo nên một phần không thể thiếu trong quy hoạch tổng thể của môi trường sống. Chúng ta hãy nghĩ tới việc hình thành các mối liên hệ âu yếm giữa tuổi già và tuổi trẻ, một liên hệ sẽ tỏa sáng lên toàn diện phong cách của mọi mối liên hệ. Sự chồng chéo của các thế hệ sẽ trở thành nguồn năng lực cho một chủ nghĩa nhân bản thực sự hữu hình và đáng sống. Thành phố hiện đại có xu hướng thù địch với người già (và không phải ngẫu nhiên, cả với trẻ em). Xã hội này, một xã hội có tinh thần vứt bỏ này: nó vứt bỏ rất nhiều trẻ em không mong muốn và nó vứt bỏ người già. Nó gạt họ sang một bên – họ không có ích lợi gì - vào nhà dưỡng lão, bệnh viện, ở đó… Tốc độ thái quá đưa chúng ta vào máy ly tâm cuốn chúng ta đi như những hoa giấy. Người ta hoàn toàn mất tầm nhìn về bức tranh lớn hơn. Mỗi người giữ chặt miếng bánh của riêng mình, một miếng bánh trôi giạt theo dòng chảy của thị trường thành phố, mà đối với nó, tốc độ chậm hơn có nghĩa là thua lỗ vì tốc độ là tiền là bạc. Tốc độ thái quá đập cuộc sống tan tành thành bụi: nó không làm cho cuộc sống trở nên cố kết mạnh mẽ hơn. Và sự khôn ngoan… nó cần có sự lãng phí thời gian. Khi anh chị em trở về nhà và nhìn thấy con trai, con gái của anh chị em và anh chị em “lãng phí thời gian” với chúng, nhưng trong cuộc trò chuyện vốn có tính căn bản đối với xã hội, anh chị em “lãng phí thời gian” với con cái; và khi anh chị em trở về nhà và có ông hoặc bà có lẽ không còn minh mẫn nữa, tôi không biết, đã mất khả năng nói, và anh chị em ở lại với ông hoặc bà, anh chị em "lãng phí thời gian", nhưng sự “lãng phí thời gian” này củng cố gia đình nhân loại. Cần phải dành thời gian, thời gian không sinh lợi, với con cái và người già, vì họ cho chúng ta một khả năng khác để nhìn cuộc sống.
Đại dịch, trong đó chúng ta vẫn buộc phải sống, đã – một cách rất đau đớn, thật không may - đặt để cả một cuộc chặn đứng đối với lòng sùng bái tốc độ trì độn. Và trong thời kỳ này, ông bà đã đóng vai trò như một rào cản đối với việc “mất nước” xúc cảm nơi người trẻ tuổi nhất. Liên minh hữu hình giữa các thế hệ, một liên minh hài hòa tốc độ và nhịp độ, tái lập niềm hy vọng không sống cuộc sống vô ích. Và nó khôi phục nơi mỗi chúng ta tình yêu đối với các cuộc sống dễ bị tổn thương, bằng cách chặn đứng con đường dẫn đến nỗi ám ảnh về tốc độ, một thứ vốn tiêu hao nó. Chữ quan trọng là đây - với mỗi người trong số anh chị em, tôi xin hỏi: anh chị em có biết cách lãng phí thời gian không, hay anh chị em luôn vội vàng? “Không, tôi đang vội, tôi không thể…”. Anh chị em có biết lãng phí thời gian với ông bà, với người già không? Anh chị em có biết dành thời gian chơi với con cái anh chị em, với trẻ em nói chung không? Đây là đá thử vàng. Anh chị em hãy suy nghĩ về điều đó. Và nó khôi phục nơi mỗi người tình yêu đối với cuộc sống dễ bị tổn thương của chúng ta, ngăn chặn con đường dẫn đến nỗi ám ảnh về tốc độ, một điều chỉ làm tiêu hao nó. Nhịp điệu của tuổi già là một nguồn lực không thể thiếu để hiểu được ý nghĩa của cuộc sống được đánh dấu bởi thời gian. Người già có nhịp điệu của họ, nhưng là những nhịp điệu giúp đỡ chúng ta. Nhờ sự trung gian này, đích đến của cuộc sống là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trở nên đáng tin cậy hơn: một thiết kế được ẩn giấu trong việc tạo dựng nên con người “giống hình ảnh và họa ảnh của Người” và được đóng ấn trong Con Thiên Chúa trở thành người.
Ngày nay có tuổi thọ cao hơn cho cuộc sống của con người. Điều này cho chúng ta cơ hội để gia tăng giao ước giữa mọi tuổi đời của cuộc sống. Người ta đã nói khá nhiều về tuổi thọ, nhưng chúng ta phải tạo ra nhiều liên minh hơn nữa. Và điều này cũng giúp chúng ta gia tăng cái hiểu về ý nghĩa cuộc sống trong tính toàn diện của nó. Ý nghĩa của cuộc sống không chỉ ở tuổi trưởng thành, chẳng hạn từ 25 đến 60 - không. Ý nghĩa của cuộc sống là tất cả những thứ tuổi đời đó, từ khi sinh ra đến khi chết đi, và anh chị em nên tương tác với mọi người, và cũng nên có những mối liên hệ tình cảm với mọi người, để sự trưởng thành của anh chị em ngày càng phong phú và mạnh mẽ hơn. Và nó cũng cung cấp cho chúng ta ý nghĩa này về cuộc sống, vốn là tất cả mọi sự. Xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta trí hiểu và sức mạnh để thực hiện cuộc cải cách này: một cuộc cải cách đang hết sức cần thiết. Sự cao ngạo của thời gian đồng hồ phải được hoán chuyển trở thành vẻ đẹp của nhịp sống. Đây là cuộc cải cách mà chúng ta phải thực hiện trong tâm hồn, trong gia đình và xã hội. Tôi nhắc lại: chúng ta phải cải cách điều gì? Vẻ cao ngạo của thời gian đồng hồ phải được hoán chuyển thành vẻ đẹp của nhịp sống. Việc liên minh giữa các thế hệ là điều không thể thiếu. Một xã hội trong đó người già không nói với người trẻ, người trẻ không nói với người già, là một xã hội vô sinh, không có tương lai, một xã hội không nhìn chân trời mà chỉ nhìn vào chính mình. Và nó trở nên cô đơn. Xin Thiên Chúa giúp chúng ta tìm ra thứ âm nhạc phù hợp cho sự hòa hợp này của nhiều lứa tuổi: trẻ nhỏ, người già, người lớn, tất cả mọi người với nhau: một bản giao hưởng đối thoại tuyệt hay. Xin cảm ơn anh chị em.
Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã nhanh chóng đảo ngược các chủ trương và mối liên hệ lâu dài - và chính sách ngoại giao của Vatican đang cố gắng theo kịp.
Hôm thứ Hai, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Pietro Parolin đã nói tới “cuộc chiến tranh do Nga mở ra chống lại Ukraine”. Ngài đã nêu rõ tên chế độ chuyên chế mà từ trước đến nay vốn không được gọi tên tại Vatican: “Nga”.
Đó là một sự đảo ngược đáng ngạc nhiên đối với chính sách ngoại giao của Vatican, vốn khư khư từ chối gọi Nga là kẻ xâm lược kể từ khi Nga xâm lược, chiếm đóng và sáp nhập Crimea năm 2014. Ngay cả mới đây nhất trong Kinh Truyền Tin Chúa nhật, một ngày trước tuyên bố của Đức Hồng Y Parolin, Đức Giáo Hoàng Phanxicô vẫn đã không gọi Nga là kẻ xâm lược.
Mặc dù không ai nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô tán thành hành động gây hấn của Vladimir Putin, nhưng ngài đã coi các mối liên hệ đại kết với Giáo Hội Chính thống Nga và nhà lãnh đạo của nó, Thượng phụ Kirill của Moscow, ưu tiên hơn. Thượng phụ Kirill có mối quan hệ thân thiết và gắn bó với Putin đến nỗi Tổng giám mục Borys Gudziak, Tổng Giám Mục Công Giáo Ukraine cấp cao tại Hoa Kỳ, đã gọi Kirill là “cậu bé giúp lễ” của Putin. Vì liên minh chặt chẽ đó, Kirill chỉ được tự do liên kết với Vatican trong phạm vi được Putin cho phép.
Thật vậy, Chúa nhật vừa qua, bốn ngày sau cuộc xâm lược toàn diện, Kirill đã thuyết giảng về Kyiv và Moscow tạo thành “một không gian duy nhất của Giáo Hội Chính thống Nga”, một tiếng vọng trực tiếp của việc Putin biện minh cho cuộc xâm lược là bảo vệ một “không gian tâm linh chung”. Kirill hát, nhưng Putin chọn bài thánh ca.
Cái giá của một cuộc gặp gỡ
Sự dè dặt của Vatican về việc sáp nhập Crimea năm 2014 đã được khen thưởng khi Putin cho phép Kirill gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô ở Cuba năm 2016, cuộc gặp mặt đầu tiên giữa một vị giáo hoàng và vị thượng phụ Chính thống giáo Nga. Nó đã được Vatican đánh trống như một chiến thắng đại kết thuộc hàng đệ nhất đẳng, nhưng nó đã được mua với giá rất đắt.
Thật vậy, Robert Mickens, một người nhiệt tình ủng hộ cách giải thích tự do nhất về Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã lên án chính sách nước Nga của Đức Giáo Hoàng như một sự từ bỏ đầy tính khuyển nho: “Đức Giáo Hoàng và các phụ tá Vatican của ngài có thực sự tin rằng xoa dịu các đầu sỏ chính trị và các giáo phẩm cao cấp Nga là chiến lược tốt nhất của họ trong việc thăng tiến chính nghĩa hiệp nhất Kitô giáo không? Và trên bàn thờ nào họ đã sẵn sàng hy sinh những người dân Ukraine để làm như vậy?”
Một cuộc gặp gỡ khác? Một cái giá khác?
Tháng 12 năm ngoái, Giáo Hội Chính thống Nga đã đưa ra khả thể tổ chức cuộc gặp gỡ Phanxicô -Kirill lần thứ hai vào năm 2022. Putin đã treo Kirill lơ lửng như một phần thưởng cho sự im lặng của Vatican trong kế hoạch xâm lược Ukraine. Điều này có thể giải thích cho sự dè dặt của Vatican trong việc cũng nói thẳng thắn về sự hung hăng của Nga, như khi nói đến các ưu tiên khác, thí dụ biến đổi khí hậu hoặc chính sách di dân, chẳng hạn.
Giải thưởng lơ lửng đã giảm giá trị nhanh chóng trong vài ngày qua. Nếu không công khai từ bỏ sự ủng hộ của mình đối với cuộc xâm lược của Putin, rất có thể Thượng phụ Kirill sẽ trở thành một nhà ngoại giao không được nhìn nhận suốt quãng đời còn lại của mình.
Rôma bị Chính thống giáo qua mặt
Điều gì đã thay đổi trong việc thúc đẩy tuyên bố về nước Nga của Đức Hồng Y Parolin? Tại sao lại thay đổi từ điều được Mickens gọi là “xoa dịu”?
Nói một cách đơn giản, Vatican nhận thấy mình ít lớn tiếng về sự hung hăng của Putin hơn so với các thượng phụ Chính thống giáo có liên quan. Rôma dường như sợ hãi những gì Kirill nghĩ hơn là các giám mục Chính thống giáo đồng nghiệp của ngài nghĩ.
Sự bối rối đó, nếu không nhanh chóng được khắc phục, có thể sẽ phá hủy uy tín của Vatican ở châu Âu trong một thế hệ. Do đó, Đức Hồng Y Parolin đã nhanh chóng nhưng khiêm tốn tuyên bố rằng Nga phải chịu trách nhiệm về việc khơi mào chiến tranh.
Moscow tự cô lập
Một chút bối cảnh là điều cần thiết. Tòa Thượng phụ Moscow coi Ukraine là một phần của "lãnh thổ giáo luật", có nghĩa là tùy thuộc vào quyền tài phán của họ. Do đó, Thượng phụ Chính thống giáo Onuphrios của Kyiv hiệp thông với Kirill và là thuộc hạ của ngài.
Năm 2019, Chính thống giáo Ukraine muốn có một Giáo hội “tự trị”, một tổ chức độc lập với Moscow, đã thành lập tòa thượng phụ riêng của họ, do Thượng phụ Epiphanios đứng đầu. Thượng phụ Đại kết Bartholomew của Constantinople đã công nhận vị thượng phụ mới, tự trị. Kirill rất tức giận và tố cáo tòa thượng phụ mới ở Kyiv. Putin cũng vậy.
Kirill do đó đã cắt đứt sự hiệp thông với Bartholomew và từ chối sự hiệp thông với Epiphanios.
Tội lỗi của Cain
Sau cuộc xâm lược, Bartholomew đã tố cáo nó bằng những lời lẽ rõ ràng nhất, bày tỏ “sự cảm thông trọn vẹn đối với người anh em của chúng tôi, Giáo chủ của Giáo Hội Ukraine, Đức Tổng Giám Mục Epiphanios của Kyiv”.
Ephiphanios cũng tố cáo cuộc xâm lược.
Đáng chú ý nhất, Onuphrius đã phát biểu sau đây vào ngày xảy ra cuộc xâm lược, buộc tội Putin và chia tay với “cậu bé giúp lễ” của Putin, mặc dù Kirill là cấp trên của ngài:
“Bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn của Ukraine, chúng tôi kêu gọi Tổng thống Nga và yêu cầu các bạn chấm dứt ngay cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Các dân tộc Ukraine và Nga bước ra từ giếng rửa tội của Dnepr, và cuộc chiến giữa các dân tộc này là sự lặp lại tội lỗi của Cain, kẻ đã giết chết em trai mình vì ghen tị. Một cuộc chiến như vậy không được sự biện minh của cả Thiên Chúa lẫn loài người”.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô duy trì phương thức dè dặt của mình từ Thứ Năm đến Chúa Nhật, không nói về Putin hay Nga. Nhưng càng ngày càng không thể giữ im lặng về danh tính của Cain và Abel. Làm sao Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể dè dặt trong việc nói thẳng thắn hơn người của Kirill ở Kyiv hay Bartholomew? Làm thế nào Vatican có thể coi là ưu tiên các mối liên hệ đại kết với một người chủ trương hợp tác với Putin là Kirill khi chính vị thượng phụ đại kết là Bartholomew sẵn sàng nói một cách thẳng thừng?
Đến Chúa nhật, lập trường hoàn toàn không thể nâng đỡ được của Vatican đã rõ ràng. Đức Hồng Y Parolin đã từ bỏ nó.
Chuyến viếng thăm Tòa đại sứ và việc làm trung gian
Tuy nhiên, nó không phải là không có một vài lá vả hay che đậy hở hang.
Chuyến thăm kỳ lạ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới Tòa Đại sứ Nga tại Tòa thánh được giải thích là việc sẵn sàng phá bỏ giao thức để theo đuổi hòa bình. Các đại sứ được triệu tập để nhận các thông điệp quan trọng chứ không phải ngược lại.
George Weigel, người có mối liên hệ tuyệt vời với Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine, đã giải thích lý do thực sự của chuyến thăm trong một cuộc phỏng vấn với Catholic World Report. Putin sẽ không nhận cuộc gọi từ Đức Giáo Hoàng trên đường dây của Vatican do hoang tưởng về hoạt động gián điệp. Vì vậy, Đức Phanxicô đã phải đến tòa đại sứ để nói chuyện trên đường dây an toàn của Nga với Putin. Tác dụng phụ của việc khiến Đức Giáo Hoàng xem ra như người cầu khẩn được Putin coi như một phần thưởng.
Đức Hồng Y Parolin vốn ngụ ý rằng việc Vatican miễn cưỡng tố cáo sự gây hấn của Putin là để giữ cho mình được tin cậy trong tư cách người hòa giải. Sự hòa giải của Vatican, đạt đến đỉnh cao vào năm 1978, với sự hòa giải của Thánh Gioan Phaolô II giữa Chile và Argentina về Kênh Beagle, gần đây khá kém hiệu quả, vì nó không có kết quả ở Venezuela, làm suy yếu các giám mục địa phương và củng cố chế độ Maduro. Tuy nhiên, Đức Hồng Y Parolin đã thả nổi điều vô giá trị đó.
Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cho biết, “Tòa thánh, một cơ chế, trong những năm gần đây, đã theo dõi các biến cố ở Ukraine liên tục, kín đáo và hết sức chú ý, tỏ ý sẵn lòng tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đối thoại với Nga, luôn sẵn sàng giúp các bên nối lại con đường đó”.
Trong khi các nhà ngoại giao của Đức Hồng Y Parolin có thể có một số tín nhiệm đối với Nga, tám năm “kín đáo” đã khiến nó không được nhiều tín nhiệm quý giá lắm về phía Ukraine. Chính sách kín đáo ngoại giao đã được Ukraine đón nhận một cách im lặng lạnh lùng, thậm chí thờ ơ. Tại cuộc gặp với Kirill ở Cuba, Vatican đã ký một bản tuyên bố chung làm suy yếu bản sắc của người Công Giáo Ukraine. Giáo Hội Công Giáo Ukraine đã phải lên tiếng phản đối, như Mickens viết, vì bị "hy sinh trên bàn thờ" để có được thỏa hiệp với Moscow.
Người Ukraine - cả Chính thống giáo lẫn Công Giáo - sẽ không cho phép điều đó xảy ra một lần nữa.
Cuộc xâm lược đã gây ra tình trạng xuất huyết lớn trong chính sách Nước Nga của Vatican kể từ năm 2014. Đức Hồng Y Parolin đã cố gắng ngăn chặn tình trạng rỉ máu. Ngài đã khôn ngoan khi làm như vậy.
Trong lời chào mừng tới các tín hữu Ba Lan tại buổi Triều yết tại đại sảnh đường thánh Phaolô VI, Đức Thánh Cha cám ơn nhân dân Ba Lan đã rộng mở vòng tay tiếp đón những người dân Ukraine đang trốn chạy khỏi cuộc chiến xâm lược đầy bất công và bạo lực.
(Tin Vatican - Linda Bordoni)
ĐTC nói: “Các bạn là người đầu tiên ủng hộ Ukraine, mở cửa biên giới, trái tim và cửa nhà cho những người dân khốn khổ Ukraine đang chạy trốn chiến tranh!”.
ĐTC bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và gửi lời chúc lành đến nhân dân Ba Lan trước tấm lòng quảng đại tiếp đón và cung cấp cho những người tị nạn những thứ họ cần để sinh tồn xứng với phẩm giá con người trong thời điểm này.”
Đức Thánh Cha bày tỏ lòng cảm mến trước cộng đoàn đang hiện diện trong buổi Tiếp kiến, mà bài đọc được đọc bằng tiếng Ba Lan do “một giáo sĩ dòng Phanxicô đọc bằng tiếng Ba Lan, nhưng ngài là người Ukraine!” Ngài cho hay rằng “Cha mẹ ngài hiện đang trú ẩn trong những hầm trú dưới lòng đất, để tránh bom đạn ở một nơi gần thủ đô Kyiv”.
Đức Thánh Cha chia sẻ: “Chúng tôi đồng hành với tất cả những người đang hứng chịu các vụ đánh bom, những bậc cha mẹ ông bà lớn tuổi và nhiều người trẻ đang trú ẩn dưới lòng đất để tự vệ. Chúng tôi cảm thông những nỗi niềm chia cắt và xót xa của những người này”.
Trong lời chào đến các nhóm nói tiếng Anh, Đức Thánh Cha một lần nữa nhắc đến cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine, ĐTC nhắc nhở chúng ta, hôm nay bắt đầu cuộc hành trình Mùa Chay với ý nguyện biến “Ngày này là ngày Cầu nguyện và Ăn chay” cho Hòa bình ở Ukraine.
“Mùa Chay là dịp để cho người tín hữu canh tân đổi mới, biết hy sinh hãm mình và sống đời khắc khổ để được Thiên Chúa ban ơn cứu độ”.
Trên đây là lời chia sẻ của linh mục (Lm) Gioakim Lê Hậu Hán – Chánh xứ Vĩnh Hòa – khi ngài chủ sự dâng Thánh lễ Tro - diễn ra lúc 5g sáng thứ Tư ngày 2/3/2022.
Xem Hình
Sau bài công bố Tin Mừng, Lm Giaokim chia sẻ: Trong thế giới cộng nghệ thông minh thời bốn chấm không ngày hôm nay, các bạn trẻ luôn cập nhật các tin tức và làm mới (Reset) chiếc Iphone và máy vi tính của mình để làm sao cho nó mới và chạy nhanh nhạy nhất. Đối với người Công Giáo, Mùa Chay là dịp để cho người tín hữu canh tân đổi mới, biết hy sinh hãm mình và sống đời khắc khổ để được Thiên Chúa ban ơn cứu độ. Như lời Thánh Phaolô đã nói: đây là mùa Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ.
Kết thúc bài giảng, Lm Gioakim cũng mời gọi cộng đoàn hiệp lời cầu nguyện cho thế giới được hòa bình, đặc biệt là cho đất nước Ucraina sớm thoát khỏi sự tàn phá của chiến tranh. Như lời ĐTC Phanxicô kêu gọi “những người có trách nhiệm chính trị nghiêm túc kiểm tra lương tâm trước mặt Thiên Chúa, Đấng là Thiên Chúa của hòa bình chứ không của chiến tranh; là Cha của tất cả mọi người, không chỉ của một ai đó, Đấng muốn chúng ta trở thành anh em chứ không phải kẻ thù.” Vatican, ngày 23/2/2022.
Sau bài giảng, Lm chủ tế đọc lời nguyện và làm phép tro ngay trên Cung thánh. Kế đó, ngài trao chén tro cho các ông trong Ban Thừa Tác viên và xức tro trên đầu cho từng người.
Thánh lễ tiếp nối với phần phụng vụ Thánh Thể và kết thúc lúc 6g.
Cộng đoàn hân hoan lãnh nhận ơn bình an từ Lm chủ tế và cùng nhau ra đi làm chứng nhân cho Tin Mừng giữa lòng xã hội hôm nay.
Được biết trong ngày hôm nay, giáo xứ có tổ chức Thánh lễ Tro lúc 12g và 17g30.
Thứ Tư trước lễ Phục sinh sáu tuần, Giáo Hội cử hành Lễ Tro. Với Thứ Tư Lễ Tro Giáo Hội khai mạc Mùa Chay Thánh. Lễ này có nguồn gốc từ tên gọi của nó, vì sau bài giảng có nghi thức làm phép tro được đốt từ cành lá dừa của Chúa nhật Lễ Lá năm trước, ngày này khắp nơi ăn chay” (x. Quy luật tổng quát phụng vụ, số 28 và 29). Tro đã được làm phép sẽ được rắc lên đầu hay xức trên trán các tín hữu theo dấu thánh giá và nói : “Hãy nhớ mình là bụi tro và sẽ trở về bụi tro” (x. St 3,19) hay “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Lời Kinh thánh này nhắc nhở chúng ta ý thức về thân phận con người qua biểu hiệu “bụi tro”. Năm 2021, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã ban hành hướng dẫn đề xuất rằng các linh mục nên sử dụng phương pháp rắc tro trong mọi trường hợp, do đại dịch Covid 19.
Tro trong Cựu Ước
Thời Cựu Ước, Tro được dùng để chỉ sự u buồn, thống hối và sự chết. Cụ thể như trong sách Esther, Mordecai mặc áo vải thô và xức tro khi nghe chiếu chỉ của vua Ahasuerus (hay Xerxes, 485-464 BC) ra lệnh giết hết người Do Thái trong Đế quốc Ba Tư (Et 4,1).
Vào khoảng giữa thế kỷ thứ VII và V trước Chúa Giêsu giáng sinh, Ông Gióp đã mặc áo vải thô và xức tro khi sám hối (G 42, 6). Khoảng 550 năm trước Chúa Giêsu giáng sinh, khi tiên báo thành Giêrusalem bị quân Babylon chiếm đóng, Đaniel đã viết: “Tôi ăn chay, mặc áo vải thô và rắc tro lên đầu rồi ngẩng mặt lên Chúa Thượng là Thiên Chúa, để dâng lời khẩn nguyện nài van” (Đn 9, 3). Tiếp đến là Giona rao giảng về sự thống hối và hoán cải, cả thành Ninivê mặc áo vải nhặm, ngồi trên đống tro và ăn chay (Gn 3, 5-6). Những bằng chứng trên cho thấy Tro được sử dụng từ lâu trong Cựu Ước với những ý đặc biệt của nó. việc xức tro và mặc áo nhậm được dùng để thực hành và biểu lộ lòng thống hối cá nhân hay toàn thể cộng đoàn dân Israel. Tro chỉ thân xác chúng ta là bụi tro, sẽ phải chết (xc. St 3,18.27; Giob 34, 17; Gr 6, 26; 25, 34; Est 4,13; Is 58, 5; Dn 9,3; Giona 3,6; Giudith 4,16; 9,1).
Tro trong Tân Ước
Chính Chúa Giêsu cũng nhắc đến tro: khi dân các thành phố không nghe lời Chúa Giêsu rao giảng, họ từ chối thống hối dù đã chứng kiến những phép lạ và nghe Tin Mừng, Người nói: “Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Siđon, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối” (Mt 11, 21).
Tro trong tuyền thống Kitô Giáo
Việc thực hành Mùa Chay đã có ngay ở những thế kỷ đầu của Kitô giáo, nhưng trải qua những bước thăng trầm. Trong suốt thời kỳ giáo hội sơ khai, tro được dùng với các ý nghĩa biểu tượng của nó như rắc lên đầu những người bị buộc phải thú tội và sám hối công khai. Trong cuốn De Poenitentia (về sự sám hối), Tertullian (khoảng năm 160-220) quy định người sám hối phải “sống u buồn sầu thảm trong sự thô ráp của áo vải nhặm và tro bụi dơ dáy”.
Trong lịch sử phụng vụ của Giáo Hội, Tro được dùng để bỏ trên đầu hay trên mình người phạm tội nặng công khai, như chối bỏ đức tin, giết người, ngoại tình... và bị loại ra khỏi cộng đoàn. Ðể được nhận lại trong cộng đoàn, định chế Giáo hội qui định, ngoài việc thống hối công khai, mặc áo vải nhặm, vào ngày thứ Tư trước Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay hối nhân phải nhận tro nữa.
Vào khoảng thế kỷ thứ VIII, Tro được các đan sĩ và tu viện dùng để chỉ mối liên hệ sự chết và sự khiêm nhường thống hối trước mặt Chúa. Vì thế, tại một số nơi các đan sĩ, tu sĩ có thói quen nằm trên đống tro với chiếc áo nhậm để chết. Thánh Martino thành Tours bên Pháp đã nói: “Không gì xứng hợp hơn cho một tu sĩ là việc nằm chết trên đống tro bụi”. Các vị này lấy tro đã được làm phép trong ngày Thứ Tư Lễ Tro, rồi vẽ hình thánh giá trên đất, trên đó còn trải thêm áo nhặm để nằm trên đó khi hấp hối và khi chết.
Từ đó, những người sắp qua đời được đặt nằm trong tấm vải rắc tro để trên đất. Linh mục rảy nước thánh trên người đấy và nói: “Hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro”. Tiếp theo, linh mục hỏi: “Anh (chị) có đồng ý mặc áo vải thô và rắc tro trên minh để chứng lòng thống hối trước mặt Thiên Chúa trong ngày phán xét không?”. Người ấy đáp: “Con xin đồng ý”. Đây là những bằng chứng cho thấy ý nghĩa biểu trưng cho tang chế, cái chết và thống hối.
Sang thế kỷ thứ X, thì có việc làm phép tro và một lời nguyện kèm theo. Sang thế kỷ thứ XI, chính Ðức Giáo Hoàng làm phép tro, trước đó chỉ xức cho giáo dân, nay bỏ tro trên hết mọi người, và kiệu về nhà thờ thánh nữ Sabina ở đồi Aventino. Trong khi đi kiệu, Ðức Giáo hoàng và cộng đoàn hát kinh cầu các thánh. Tất cả đều mặc áo nhặm, đi chân không, để tỏ lòng thống hối ăn năn. Khi đến nhà thờ, Ðức Giáo hoàng đọc lời xá giải và cộng đoàn cùng hát bài “Chúng ta hãy thay đổi đời sống, xức tro và ăn chay hãm mình, khóc than vì lỗi lầm đã phạm. Hãy khẩn cầu Thiên Chúa chúng ta. Vì Người rất từ bi nhân hậu sẵn sàng tha thứ mọi tội khiên” (Immutemur, xc. Ge 2, 13).
Vào năm 1091, Công đồng Benevento (Nam Italia) đã truyền cử hành nghi lễ bỏ tro cho tất cả các nơi trong Giáo hội. Tro này lấy từ những cành lá đã được làm phép trong ngày Chúa nhật Lễ Lá năm trước để lại. Trước Công đồng chung Vaticanô II, lễ nghi làm phép tro và bỏ tro được cử hành trước Thánh lễ. Vào năm 1970, khi công bố Sách Lễ Rôma được tu chính, thì lễ nghi này được cử hành sau phần phụng vụ Lời Chúa.
Tóm lại, Lễ Tro có nghi làm phép tro và xức tro là dịp để chúng ta suy nghĩ về bụi tro, cho thấy sự yếu hèn của mình và tính cách tùy thuộc vào Thiên Chúa vì con người được Ngài tạo dựng, nhưng Thiên Chúa đoái thương và ban ơn cứu rỗi.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
1. Xung đột Ukraine: Nga thả bom Tòa Giám Mục Kharkiv. Tạ ơn Chúa quan phòng không ai bị thương
Hôm thứ Ba, máy bay Nga đã thả một quả bom vào Tòa Giám Mục Công Giáo tại thành phố Kharkiv của Ukraine đang bị bao vây.
Hãng thông tấn Ý SIR của Hội Đồng Giám Mục Italia cho biết 40 người đang trú ẩn trong tầng hầm của Tòa Giám Mục khi quả bom đánh trúng tòa nhà vào ngày 1 tháng 3, nhưng không có người nào bị thương.
Một đoạn video được Hiệp hội thánh lễ Latinh của Anh và xứ Wales đăng trên Twitter cho thấy các mảnh vỡ nằm rải rác trên sàn của một căn phòng phía trên trong Tòa Giám Mục.
Các lực lượng Nga đã tiến vào Kharkiv, nơi có dân số 1.4 triệu người, kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2.
Theo các phương tiện truyền thông đưa tin, việc Nga bắn phá thành phố ở đông bắc Ukraine đã dẫn đến cái chết của dân thường, bao gồm cả trẻ em.
Cha Gregorio Semenkov, chưởng ấn của Giáo phận Nghi lễ Latinh của Kharkiv-Zaporizhzhia, nói với thông tấn xã SIR: “Sáng nay thật là địa ngục, quả bom đã rơi xuống Tòa Giám Mục của chúng tôi”.
“Có những vụ đánh bom ở trung tâm thành phố. Các cuộc tấn công nhắm vào các văn phòng chính phủ. Bom cũng đánh trúng những người đang chờ lấy bánh mì và đúng lúc đó một quả bom đã rơi xuống Tòa Giám Mục”.
“Có rất nhiều người chết. Hiện tại, không có tin tức về số nạn nhân và người bị thương. Kết nối internet bị ngắt nên chúng tôi không có thông tin cập nhật”.
Ngài nói thêm: “Trong Tòa Giám Mục những ngày này có rất nhiều người, nhiều bà mẹ có con. Chúng tôi có tổng cộng 40 người. Chúng tôi đưa họ đến một nơi an toàn. Tất cả chúng tôi đều ở dưới mặt đất và may mắn là quả bom đã trúng ở trên cao”.
Kharkiv là thành phố lớn thứ hai ở Ukraine sau thủ đô Kiev. Giáo phận Nghi lễ Latinh của Kharkiv-Zaporizhzhia được thành lập vào năm 2002 và có trung tâm là Nhà thờ Đức Mẹ Đồng Trinh Maria ở Kharkiv. Đây là một giáo phận trực thuộc Tổng giáo phận Lviv của Công Giáo Latinh ở miền tây Ukraine.
Một thiểu số người Công Giáo ở Ukraine theo nghi lễ Latinh. Đa số người Công Giáo thuộc Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, là giáo hội lớn nhất trong số 23 Giáo Hội Công Giáo Đông phương hiệp thông với Rôma.
Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ cho biết vào ngày 28 tháng 2 rằng Đức Cha Pavlo Honcharuk, giám mục nghi lễ Latinh của Kharkiv-Zaporizhia, đã “trải qua những ngày qua trong hầm trú ẩn với một số gia đình, cùng với vị Giám Mục Chính thống trong khu vực.”
Vị Giám Mục 44 tuổi, đã làm giám mục được hai năm, nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ: “Tôi ước cuộc chiến này kết thúc càng nhanh càng tốt. Nhưng trong khi cái ác đã thể hiện rất mạnh mẽ, điều này cũng đã bộc lộ rất nhiều điều tốt. Theo một cách nào đó, cái ác mà chúng ta đang trải qua cũng vắt kiệt nước nho tốt, và thứ nước tốt đó chính là lòng trắc ẩn, sự hỗ trợ lẫn nhau và tình yêu thương của chúng ta. Nó cho thấy bộ mặt thật của chúng tôi”.
“Thông điệp của tôi ngắn gọn vì chúng tôi đang bị bắn phá liên tục, và tôi hơi lo lắng, nhưng chúng tôi cố gắng hành động bình thường. Xin Chúa phù hộ mọi người!”
Source:Catholic News Agency
2. Tổng thống Joe Biden ra lệnh tịch thu tài sản của tài phiệt Nga trên đất Mỹ
Lúc 9g tối thứ Ba, 1 tháng Ba theo giờ Miền Đông Hoa Kỳ, tức là 9g sáng giờ Việt Nam, tổng thống Mỹ Joe Biden đã có một thông điệp Liên bang. Đó là một thông điệp hàng năm do tổng thống Hoa Kỳ gửi tới Quốc hội Hoa Kỳ vào khoảng đầu mỗi năm dương lịch về tình trạng hiện tại của quốc gia. Thông điệp liên bang thường bao gồm các báo cáo về ngân sách, nền kinh tế, chương trình nghị sự, thành tựu của quốc gia và các ưu tiên và đề xuất lập pháp của tổng thống, cũng như tình hình thế giới.
Trong thông điệp năm nay, liên quan đến Ukraine có các chi tiết nổi bật sau:
Ông Biden ca ngợi các đồng minh của mình và kêu gọi đoàn kết
Tổng thống đã vinh danh Liên minh Âu Châu cũng như “Vương quốc Anh, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và nhiều nước khác, thậm chí cả Thụy Sĩ” như là một trong số những tổ chức hợp tác với nhau để ngăn chặn Nga.
Cuộc tấn công mới nhất của Putin vào Ukraine đã được tính toán trước và hoàn toàn vô cớ. Hắn ta từ chối những nỗ lực lặp đi lặp lại - lặp đi lặp lại - trong lĩnh vực ngoại giao. Hắn ta cho rằng phương Tây và NATO sẽ không dám đáp trả.
Hắn ta nghĩ rằng có thể chia rẽ chúng ta ở quê hương, trong căn phòng này và đất nước này. Hắn ta nghĩ rằng có thể chia rẽ chúng ta và cả Âu Châu. Nhưng Putin đã nhầm. Chúng ta đã sẵn sàng. Chúng ta đoàn kết và đó là những gì chúng ta đã làm - chúng ta vẫn đoàn kết với nhau.
Ông Biden xác nhận lệnh cấm các chuyến bay Nga, làm tăng thêm nỗi đau cho các nhà tài phiệt Nga
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đang tập hợp một lực lượng đặc nhiệm chuyên trách để truy quét tội ác của các nhà tài phiệt Nga. Chúng tôi đang tìm và thu giữ du thuyền và những căn hộ sang trọng, máy bay phản lực riêng của họ.
Chúng tôi đang tìm những lợi ích mờ ám của các bạn và tối nay tôi thông báo rằng chúng tôi sẽ cùng các đồng minh đóng cửa không phận của Mỹ đối với tất cả các chuyến bay của Nga, cô lập Nga hơn nữa và tăng thêm sức ép đối với nền kinh tế của họ.
Mỹ và các đồng minh đang tung ra 60 triệu thùng dầu
Ông Joe Biden đã thông báo Hoa Kỳ và 30 quốc gia đồng minh đang tung ra 60 triệu thùng dầu từ các nguồn dự trữ chiến lược trên khắp thế giới. Điều này nhằm xoa dịu nỗi đau cho người Mỹ do các lệnh trừng phạt nhắm vào nền kinh tế Nga.
“Chúng ta sẵn sàng làm nhiều hơn nếu cần thiết, đoàn kết với các đồng minh của chúng ta. Những bước này sẽ giúp giảm giá khí đốt tại quê nhà, nhưng tôi biết tin tức về những gì đang xảy ra có thể khiến tất cả người Mỹ báo động”.
“Tôi muốn bạn biết, chúng ta sẽ ổn thôi. Chúng ta sẽ ổn thôi. Khi lịch sử của thời đại này được viết ra, cuộc chiến của Putin ở Ukraine sẽ khiến nước Nga yếu đi và phần còn lại của thế giới mạnh hơn”.
3. Hàng trăm nhà ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc tẩy chay bài phát biểu của ngoại trưởng Nga, bỏ ra ngoài
Hơn 100 nhà ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc tẩy chay bài phát biểu của ngoại trưởng Nga tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc để phản đối sự xâm lược vào Ukraine.
Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Jeppe Kofod đứng phắt dậy bỏ ra ngoài cùng với các đại sứ và nhà ngoại giao khác trong khi thông điệp video thu sẵn của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov được phát tại phiên họp thứ 49 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại trụ sở Âu Châu của Liên hợp quốc ở Geneva, Thụy Sĩ hôm thứ Ba 1 tháng 3 năm 2022.
Cuộc tẩy chay hôm thứ Ba của các nhà ngoại giao từ Liên minh Âu Châu, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Nhật Bản và những nước khác đã khiến chỉ còn lại một số ít người trong phòng.
Những người còn lại trong cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền bao gồm đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Gennady Gatilov, người từng là phó của Lavrov.
Các nhà ngoại giao từ Syria, Trung Quốc và Venezuela cũng ở lại.
Đại sứ Ukraine Yevheniia Filipenko, người dẫn đầu cuộc phản đối đã, cảm ơn những người tham gia tẩy chay.
“Cảm ơn rất nhiều vì sự ủng hộ tuyệt vời này đối với những người Ukraine đang đấu tranh cho nền độc lập của họ,” cô nói với đám đông đang tập trung quanh một lá cờ Ukraine lớn bên ngoài phòng.
Ngoại trưởng Lavrov đang nói chuyện từ xa với Hội đồng Nhân quyền, sau khi buộc phải hủy chuyến thăm vì các không phận Âu Châu đã đóng cửa đối với máy bay Nga.
Trong bài phát biểu của mình, Ngoại trưởng Nga đã biện minh cho cuộc tấn công của nước ông vào Ukraine bằng cách cáo buộc phía Ukraine vi phạm nhân quyền đối với người Nga thiểu số.
Ông ta cũng cáo buộc Liên Hiệp Âu Châu tham gia vào một “cơn cuồng bạo chống Nga” bằng cách cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine ngay khi chiến dịch quân sự của Mạc Tư Khoa bắt đầu vào thứ Năm tuần trước.
Mạc Tư Khoa mô tả cuộc xâm lược là một “cuộc hành quân đặc biệt” nhằm đánh bật “chủ nghĩa phát xít mới” đang cai trị Ukraine.
Source:Aljazeera
4. Bốn người chết trong cuộc tấn công của Nga vào thành phố Zhytomyr của Ukraine khi các lực lượng xâm lược gia tăng ném bom các khu vực đô thị
Bốn người đã thiệt mạng khi các ngôi nhà ở thành phố Zhytomyr của Ukraine bị trúng tên lửa hành trình của Nga nhằm vào một căn cứ không quân gần đó, một cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine cho biết.
Ông Anton Gerashchenko cho biết các ngôi nhà gần căn cứ của Lữ đoàn Dù 95 ở Zhytomyr, cách thủ đô Kiev 120 km về phía tây, đã bị phóng hỏa.
“Cho đến nay, đã có bốn người chết. Kể cả một đứa trẻ,” ông nói.
Mạc Tư Khoa cảnh báo người dân thủ đô Kiev phải rời bỏ nhà cửa vào hôm thứ Ba trong khi chúng bắn hỏa tiễn như mưa vào thành phố thứ hai của Ukraine là Kharkiv.
Các chỉ huy Nga đã tăng cường bắn phá các khu vực đô thị để thay đổi chiến thuật sau khi cuộc tấn công kéo dài 6 ngày của họ bị đình trệ.
Bộ trưởng Y tế Ukraine Viktor Lyashko cho biết các lực lượng Nga đã giết một bác sĩ gây mê nhi khoa, khi bắn vào xe của cô khi cô đang chở cháu trai bị thương của mình đến bệnh viện từ làng Kukhari, vùng Kiev.
Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết tổng cộng 16 tên lửa dẫn đường đã được quân Nga bắn trong vòng chưa đầy một giờ vào hôm thứ Hai tại các khu dân cư ở Kharkiv từ một máy bay ném bom chiến lược bay qua vùng Belgorod của Nga.
Bộ Quốc phòng cho biết trên trang Facebook của mình: “Các tòa nhà cao tầng, trường học, nhà trẻ và các cơ sở hạ tầng khác của thành phố đã bị phá hủy.”
“Theo dữ liệu sơ bộ, hàng chục cư dân Kharkiv, bao gồm cả trẻ em, đã chết vì các cuộc không kích này.
“Thật không may, trong tình hình hiện tại, lực lượng Không quân rất khó có thể bảo vệ bầu trời ở khu vực này, vì một phần hệ thống phòng không của đất nước đã bị phá hủy bởi các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình và đạn đạo của Nga”.
Reuters cho biết họ không thể xác nhận bất kỳ sự việc nào.
Đối mặt với quân đội Ukraine gan dạ được hỗ trợ bởi các công dân tình nguyện, Nga đã không chiếm được một thành phố nào kể từ khi cuộc xâm lược quy mô toàn diện bắt đầu gần một tuần trước.
Các nhà phân tích phương Tây cho rằng Nga đã quay trở lại các chiến thuật trong đó chúng mở cuộc bắn phá tàn khốc vào các khu vực đông dân trước khi quân đội tiến vào.
Hàng trăm nghìn người Ukraine đã chạy trốn khỏi cuộc giao tranh khi một đoàn xe quân sự Nga kéo dài hàng dặm ở phía bắc Kiev đang tiến về thành phố.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thu hút sự lên án toàn cầu và các biện pháp trừng phạt đã khiến đồng rúp xuống mức thấp nhất trong lịch sử và buộc người Nga phải xếp hàng bên ngoài các ngân hàng để rút tiền tiết kiệm.
Âu Châu có chuẩn bị cho những gì xảy ra tiếp theo không?
Cuộc xâm lược Ukraine đã làm lung lay cảm giác tự mãn của nhiều người Âu Châu, những người đang chứng kiến chiến tranh trên lục địa này theo cách mà nhiều người cho rằng đã bị lùi vào lịch sử - và những tác động sẽ còn lâu dài.
Putin đã ra lệnh thực hiện “cuộc hành quân đặc biệt” vào thứ Năm tuần trước nhằm giải giáp Ukraine, bắt giữ người mà hắn cáo buộc là “tân Quốc xã” đang điều hành đất nước và dập tắt hy vọng có quan hệ chặt chẽ hơn với phương Tây.
Ukraine, quốc gia không phải là thành viên của NATO, đã kêu gọi liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu thực hiện vùng cấm bay - một yêu cầu bị Washington từ chối, vì lo ngại gây ra xung đột trực tiếp giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới.
Thay vào đó, Washington và các đồng minh đã gửi vũ khí tới Kiev, và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết Mỹ đã đồng ý với các đối tác để triệu tập một lực lượng đặc nhiệm “phong tỏa và tịch thu tài sản của giới tinh hoa chủ chốt của Nga”.
Động thái này “sẽ gây ra nỗi đau về tài chính cho những cá nhân quyền lực xung quanh Putin và làm rõ rằng không ai nằm ngoài tầm với của tập thể chúng tôi”, bà Yellen nói.
5. Canada chuyển cáo buộc tội ác chiến tranh của Nga ở Ukraine lên ICC
Hôm thứ Ba, chính phủ Canada đã quyết định chuyển tình hình ở Ukraine lên Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, để điều tra các cáo buộc tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người của các lực lượng Nga ở Ukraine
Văn phòng công tố ICC hôm thứ Hai cho biết họ sẽ xin sự chấp thuận của tòa án để mở cuộc điều tra về các tội ác chiến tranh ở Ukraine, chỉ vài ngày sau khi Nga xâm lược nước láng giềng.
“Chúng tôi đang làm việc với các quốc gia thành viên ICC khác để thực hiện hành động quan trọng này do hậu quả của nhiều cáo buộc về việc thực hiện các tội ác quốc tế nghiêm trọng ở Ukraine của các lực lượng Nga”, Bộ trưởng Ngoại giao Canada, Melanie Joly, cho biết trong một tuyên bố.
“ICC có đầy đủ sự hỗ trợ và tin cậy của chúng tôi. Chúng tôi kêu gọi Nga hợp tác với tòa án”.
Cho đến nay Nga vẫn gọi các hành động của mình ở Ukraine là một “cuộc hành quân đặc biệt”.
1. Người Nga lên tiếng phản đối chiến tranh và nhắc nhở chúng ta phải dám đứng lên vì chính nghĩa
Có những lúc chúng ta phải đứng lên và nói lên tiếng nói của mình, và điều này cũng áp dụng cho cả con cái của chúng ta.
Thật không dễ dàng để đối mặt và mạo hiểm cuộc sống của mình cho những gì mình tin là đúng. Tuy nhiên, nhiều công dân Nga đã xuống đường khắp cả nước để phản đối việc Nga xâm lược Ukraine.
Những công dân này có nguy cơ ngồi tù, và thậm chí có thể mất mạng, để tiếng nói của họ được lắng nghe. Theo báo cáo trên Daily Mail, Điện Cẩm Linh đã đưa ra lời cảnh báo cho bất kỳ ai dám công khai chỉ trích quyết định gây chiến của Tổng thống Vladimir Putin. “Những bình luận tiêu cực về cuộc xâm lược Ukraine của Putin sẽ bị coi là ‘phản quốc’.
Tuy nhiên, lời đe dọa này vẫn không ngăn được người dân Nga tràn ra đường biểu tình. Theo báo cáo, hơn 1,000 người đã tuần hành tại Điện Cẩm Linh hô vang “Ngưng ngay chiến tranh!” và nhanh chóng bị tạm giữ. Các cuộc biểu tình tiếp theo đã diễn ra ở các thành phố lớn khác, bao gồm cả thành phố St. Petersburg, quê hương của Putin.
Các videos cho thấy đám đông đang hô vang “Người Nga phản đối chiến tranh.”
Yekaterina Kuznetsova, một kỹ sư 40 tuổi tham gia biểu tình chia sẻ: “Đây là một ngày nhục nhã và khủng khiếp nhất trong cuộc đời tôi. Tôi thậm chí không thể đi làm. Đất nước của tôi là một kẻ xâm lược. Tôi chán ghét Putin. Còn phải làm gì nữa mới khiến người ta mở mang tầm mắt?”
Và Dmitry Muratov, biên tập viên của tờ báo duy nhất chống Putin của Nga, Novaya Gazeta, đang dũng cảm lên kế hoạch xuất bản ấn bản tiếp theo của tờ báo của mình bằng tiếng Nga và tiếng Ukraine để bày tỏ sự ủng hộ, tuyên bố: “Chúng tôi không coi người Ukraine là kẻ thù”
Sự dũng cảm của những người Nga này trong việc chống lại quyết định hiếu chiến của nhà lãnh đạo Nga là một lời nhắc nhở cho tất cả chúng ta rằng khi những điều sai trái đang diễn ra, chúng ta không thể chỉ ngồi một chỗ và không làm gì cả. Chúng ta phải đứng lên và nói lên tiếng nói của mình, và điều này cũng áp dụng cho con cái của chúng ta. Chúng ta phải khuyến khích các em lên tiếng chống lại những kẻ bắt nạt trong lớp học, ủng hộ lẽ phải và bênh vực những người không thể tự vệ.
Điều đó không dễ dàng, đôi khi rất đáng sợ, nhưng chúng ta có nhiều tấm gương đầy cảm hứng trong đức tin Công Giáo về những người đã nói lên tiếng nói của họ để người khác được sống trong hòa bình và tự do.
Source:Aleteia
2. Đức Tổng Giám Mục Lori phàn nàn về việc Hoa Kỳ chú tâm vào cái gọi là quyền phá thai trong khi cuộc xâm lược Ukraine đang diễn ra
Hôm thứ Hai, ngày 28 tháng 2, Thượng viện đã bỏ phiếu về Đạo luật Bảo vệ Sức khỏe Phụ nữ, HR 3755. Dự luật cực đoan, được đặt tên giả mạo này sẽ áp đặt phá thai theo yêu cầu trên toàn quốc ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ thông qua luật liên bang. Tệ hơn nữa, nó sẽ loại bỏ các luật bảo vệ sự sống khiêm tốn và được ủng hộ rộng rãi ở mọi cấp chính quyền - cấp liên bang, tiểu bang và địa phương. Nó sẽ loại bỏ việc thông báo cho cha mẹ đối với trẻ em gái vị thành niên đang muốn phá thai. Nó sẽ buộc tất cả người Mỹ ủng hộ việc phá thai ở Hoa Kỳ và ở nước ngoài bằng tiền thuế của họ. Nó cũng có khả năng buộc các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các chuyên gia thực hiện, hỗ trợ và giới thiệu các dịch vụ phá thai trái với niềm tin sâu sắc của họ, cũng như buộc người sử dụng lao động và công ty bảo hiểm phải chi trả cho việc phá thai.
Đức Tổng Giám Mục Lori, chủ tịch Ủy ban về các hoạt động phò sinh và Đức Hồng Y Dolan, chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo đã thúc giục các Thượng nghị sĩ phản đối HR 3755.
Các ngài nêu rõ rằng phá thai là hành vi ngược lại với việc chăm sóc sức khỏe của phụ nữ và là một hành vi vi phạm nhân quyền cực độ. Nó không có sự biện minh rõ ràng nào về mặt sức khỏe của phụ nữ. Đáp ứng nhu cầu của phụ nữ bằng cách thúc đẩy phá thai tự chọn do người đóng thuế tài trợ, như dự luật này sẽ làm, là một thất bại trong việc yêu thương và phục vụ phụ nữ. Cung cấp dịch vụ phá thai miễn phí hoặc chi phí thấp, thay vì các nguồn lực cần thiết để chăm sóc cho con cô ấy, không phải là “sự lựa chọn” mà là sự ép buộc.
Source:votervoice.net
3. Hai linh mục Công Giáo Miến Điện bị quân đội đảo chính bắt giữ
Hai linh mục Công Giáo từ Taunggyi đã bị bắt bởi binh lính của quân đội Miến Điện gần giáo phận Pekhon. Vào ngày 21 tháng Hai, Cha John Paul Lwel và Cha John Bosco thuộc Học viện Truyền giáo Thánh Têrêsa Con Đường Nhỏ, đang trên đường đi giúp một nhóm người di tản ở Bang Shan thì họ bị dừng lại tại một trạm kiểm soát. Ngoài hai linh mục, tài xế và một nam thanh niên khác ngồi trên xe cùng họ cũng bị đưa đi.
Các nguồn tin của AsiaNews cho biết tất cả các vị trên đã bị kiểm tra điện thoại của họ, một thói quen đã trở thành thông lệ. Quân đội cho rằng vụ bắt giữ là do phát hiện ra các bức ảnh có logo của Chính phủ Thống nhất Quốc gia lưu vong, do các cựu thành viên quốc hội, chủ yếu thuộc đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi thành lập, và các bức ảnh khác của những người có liên quan đến Quân đội Kháng chiến.
Việc chiếc xe nhằm chở hàng viện trợ cho những người tị nạn càng làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn: các tướng lĩnh, nghi ngờ Giáo hội đang bảo vệ các dân quân chống đảo chính. Trong năm qua, các lực lượng quân đội đã liên tục bắt giữ tùy tiện các nữ tu và linh mục ở các bang Kayah, Shan và Chin, nơi tập trung đông các tín hữu Kitô.
Tuy nhiên, “nếu quân đội muốn thực hiện một số vụ bắt giữ nhất định vào một ngày nhất định và ở một địa điểm nhất định, thì họ sẽ có cớ để làm như vậy. Ngay cả khi ở nhà cũng không còn an toàn vì việc kiểm tra diễn ra bất kỳ lúc nào ngày cũng như đêm”.
Việc bắt giữ hai linh mục diễn ra đồng thời với việc gia tăng các cuộc đụng độ ở giáo phận Pekhon, phía nam bang Shan, nơi lực lượng của quân đội tiến hành các cuộc không kích và tạo ra một làn sóng di cư khác của những người di tản.
Sau cuộc đảo chính của quân đội Miến Điện, thường được gọi là Tatmadaw, vào ngày 1 tháng 2 năm 2021, xung đột dân sự đã nổ ra khắp đất nước. Quân đội kiểm soát khu vực trung tâm, trong khi lực lượng dân quân chống đảo chính sắc tộc tập trung ở biên giới, bao vây các lực lượng quân sự.
Vào tháng 12, giáo phận Loikaw, thủ phủ của bang Kayah, bị đánh bom. Trong số gần 70,000 cư dân của nó, ít nhất 60,000 hiện đã chuyển đến các thành phố lân cận Taungoo và Taunggyi, hoặc đã vượt qua biên giới sang Thái Lan. Theo số liệu của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc, hiện có hơn 400,000 người tị nạn nội địa.
Source:Asia News
1. Chư hầu Belarus nhào vô đánh phụ với Nga. Anh quốc ra đòn trừng phạt
Vương quốc Anh đã công bố làn sóng trừng phạt đầu tiên đối với các nhân vật quân sự cấp cao ở Belarus, đặc biệt vì vai trò của họ trong việc tham gia và tạo điều kiện cho Nga xâm lược Ukraine.
Tổng tham mưu trưởng Belarus, Thiếu tướng Victor Gulevich, và ba thứ trưởng quốc phòng khác đều sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt, cùng với hai doanh nghiệp quân đội.
Liên Hiệp Âu Châu - mà Vương quốc Anh đang hợp tác chặt chẽ trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt - có khả năng sẽ thực hiện các biện pháp tương tự như Anh quốc. Belarus đã được sử dụng làm căn cứ để binh lính Nga tràn sang Ukraine. Những người lính từ quân đội Belarus cũng đã tham gia cuộc xâm lược.
Bộ Ngoại giao mô tả Gulevich chịu trách nhiệm chỉ đạo các hành động của các lực lượng vũ trang Belarus, lực lượng đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho Nga xâm lược Ukraine. Văn phòng Bộ Ngoại giao Anh cho biết “Hắn ta đã chỉ đạo các cuộc tập trận chung với Nga và đồng ý cho quân đội Nga triển khai dọc biên giới Belarus với Ukraine, điều này đã góp phần trực tiếp vào khả năng Nga tấn công Ukraine, kể cả từ các vị trí ở Belarus”.
Hai doanh nghiệp nhà nước bị Anh trừng phạt là Công ty cổ phần Nhà máy sửa chữa máy bay 558 và Công ty cổ phần Integral, là nhà sản xuất chất bán dẫn quân đội. Công ty cổ phần 558 cung cấp dịch vụ bảo trì và bảo dưỡng máy bay quân sự tại căn cứ không quân Baranovichi, từ đó máy bay Nga hoạt động như một phần của cuộc xâm lược.
Vương quốc Anh đã trừng phạt hơn 100 thành viên chính phủ Belarus vì đã tống hàng nghìn công dân vào tù vì phản đối cuộc bầu cử bị đánh cắp vào tháng 8 năm 2020, và hiện có dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ sẵn sàng sử dụng sức mạnh của đồng đô la để bắt đầu phá hủy nền kinh tế Belarus trong theo cách đã được áp dụng với nền kinh tế Nga.
Bộ Tài chính Mỹ trong tuần này đã chỉ định hai ngân hàng quốc doanh lớn ở Belarus, Belinvestbank và Dabrabyt, là đối tượng của lệnh trừng phạt. Hoa Kỳ đã áp đặt năm đợt trừng phạt đối với Belarus và tuyên bố đã trừng phạt đặc biệt 24 cá nhân và thực thể Belarus để đáp lại sự hỗ trợ của Belarus và tạo điều kiện cho Nga xâm lược Ukraine.
Liz Truss, ngoại trưởng Anh, cũng đã hành động vào hôm thứ Ba để sử dụng luật mới được thông qua ngay lập tức nhằm nhắm mục tiêu vào ngân hàng lớn nhất của Nga, Sberbank, có hiệu lực là loại ngân hàng này ra khỏi thị trường tài chính của Vương quốc Anh.
Các biện pháp cũng đang được ban hành với sự phối hợp chặt chẽ với Hoa Kỳ, Liên Hiệp Âu Châu và các đối tác khác, nhằm cắt giảm phần lớn nhập khẩu công nghệ cao của Nga, hạn chế khả năng quân sự-công nghiệp và công nghệ của Nga trong nhiều năm tới.
Truss tuyên bố: “Chúng tôi đang gây ra nỗi đau kinh tế cho Putin và những người thân cận nhất với hắn ta. Chúng tôi sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine được khôi phục. Chế độ Alexander Lukashenko tích cực hỗ trợ và tiếp tay cho cuộc xâm lược bất hợp pháp của Nga và sẽ phải cảm nhận những hậu quả kinh tế khi ủng hộ Putin.
“Sẽ không có nơi nào để trốn. Không có gì - và không ai - được bỏ qua.”
2. Các sự kiện chính
Các quan chức cho biết Mariupol của Ukraine bị pháo kích dữ dội, Kherson bị bao vây.
Nhà chức trách Ukraine cho biết vào hôm thứ Tư lễ tro: Cảng Mariupol ở phía đông nam của Ukraine đang bị Nga pháo kích liên tục và không thể di tản những người bị thương trong khi Kherson, trên Biển Đen ở phía tây, bị bao vây hoàn toàn bởi các lực lượng xâm lược.
“Chúng tôi đang chiến đấu, chúng tôi không ngừng bảo vệ tổ quốc của mình,” thị trưởng Mariupol Vadym Boichenko phát biểu trực tiếp trên kênh truyền hình Ukraine.
Tổng thống Volodymyr Zelenskyy nói Nga đang cố gắng 'xóa sổ' Ukraine
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nói rằng gần 6,000 lính Nga đã bị giết trong sáu ngày đầu tiên của cuộc xâm lược của Mạc Tư Khoa, và Điện Cẩm Linh sẽ không chiếm đất nước của ông bằng bom và các cuộc không kích.
Đề cập đến cuộc tấn công của Nga vào Babyn Yar - nơi xảy ra vụ thảm sát người Do Thái trong Thế chiến thứ hai bởi quân đội Đức chiếm đóng và các lực lượng phụ trợ Ukraine - Zelenskyy cho rằng Nga đang cố gắng xóa sổ Ukraine.
Ông nói: “Cuộc đình công này chứng tỏ rằng đối với nhiều người ở Nga, Kiev của chúng tôi hoàn toàn là ngoại lai”.
“Họ không biết gì về Kiev, về lịch sử của chúng tôi”.
“Nhưng tất cả họ đều có lệnh xóa bỏ lịch sử của chúng tôi, xóa bỏ đất nước của chúng tôi, xóa bỏ tất cả chúng tôi.”
Một đoàn xe quân sự dài 64 km của Nga đang tiến đến Kiev. Đây là những gì chúng tôi biết cho đến nay
Hôm thứ Hai, một đoàn xe tăng và xe bọc thép dài 64 km của Nga đã được phát hiện qua vệ tinh trên đường tới thủ đô Kiev của Ukraine.
Quân đội Nga đã tiến về phía bắc thủ đô Kiev từ phía Belarus - nơi xuất phát của đoàn xe này - và cả từ Nga về phía đông bắc.
Các mũi tiến công hiện chỉ cách trung tâm thành phố 25 km, đe dọa gần 3 triệu cư dân của Kiev.
Nhưng các báo cáo hôm thứ Tư cho thấy đoàn xe có thể đã bị đình trệ.
Thống đốc miền Kharkiv cho biết 21 người chết và 112 người bị thương sau khi quân Nga pháo kích vào Kharkiv
Thống đốc Kharkiv, ông Oleh Synyehubov, cho biết 21 người đã thiệt mạng sau các cuộc pháo kích của quân Nga trong 24 giờ qua.
Ông cho biết 112 người khác đã bị thương vì các vụ tấn công.
Các nhà chức trách cho biết các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga đã đánh trúng trung tâm thành phố lớn thứ hai của Ukraine, bao gồm các khu dân cư và tòa nhà chính quyền khu vực.
Tình báo cho thấy đoàn xe Nga đang ở bên ngoài Kiev 15 km
Phóng viên Isabella Higgins của ABC Europe cho biết hôm thứ Tư xem ra là một “ngày quan trọng” khi quân đội Nga áp sát thủ đô Ukraine.
Higgins nói với ABC News rằng thông tin tình báo tin rằng đoàn xe khổng lồ của Nga hướng đến Kiev hiện chỉ còn cách đó 15 km.
Higgins nói: “Có cảm giác rằng nó lẽ ra phải đến nhanh hơn”.
“Đã có báo cáo rằng nó bị cản trở bởi những trục trặc”.
“Đây có thể là một ngày quan trọng ngay cả khi một số thứ diễn ra chậm hơn dự kiến.”
3. Đại hội đồng LHQ lên tiếng chỉ trích Nga về cuộc xâm lược Ukraine
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ khiển trách Nga vào thứ Tư về cuộc xâm lược Ukraine và yêu cầu Mạc Tư Khoa ngừng chiến đấu và rút các lực lượng quân sự của họ, một động thái nhằm mục đích cô lập Nga về mặt ngoại giao trên toàn thế giới.
Các nhà ngoại giao cho biết, đến tối thứ Ba, gần một nửa Đại hội đồng gồm 193 thành viên đã ký với tư cách là người đồng bảo trợ dự thảo nghị quyết trước cuộc bỏ phiếu vào thứ Tư.
Văn bản “phê ph1n sự hiếu chiến” của Nga đối với Ukraine.
Văn bản tương tự như một dự thảo nghị quyết trong Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên đã bị Nga phủ quyết hôm thứ Sáu.
Không quốc gia nào có quyền phủ quyết trong Đại hội đồng và các nhà ngoại giao phương Tây mong đợi nghị quyết được thông qua. Nghị quyết này cần 2/3 sự ủng hộ.
“Cuộc chiến của Nga đánh dấu một thực tế mới. Nó đòi hỏi mỗi người trong chúng ta phải có một quyết định chắc chắn và có trách nhiệm và đứng về phía nào “, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock phát biểu trước Đại hội đồng hôm thứ Ba.
Mặc dù các nghị quyết của Đại hội đồng không có giá trị ràng buộc, nhưng chúng mang trọng lượng chính trị.
Dự thảo văn bản “yêu cầu Liên bang Nga rút ngay lập tức, hoàn toàn và vô điều kiện tất cả các lực lượng quân sự của mình khỏi lãnh thổ Ukraine trong các biên giới được quốc tế công nhận”.
Hàng chục quốc gia dự kiến sẽ chính thức bỏ phiếu trắng hoặc không tham gia. Trong hai cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm 15 thành viên về cuộc khủng hoảng Ukraine trong tuần qua, Trung Quốc, Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã bỏ phiếu trắng.
4. Lực lượng vũ trang Ukraine nói rằng ý chí chiến đấu của quân Nga đang xuống thấp
Một tuyên bố từ Lực lượng vũ trang Ukraine trên trang Facebook của họ cho biết các lực lượng Nga đang phóng tên lửa vào cơ sở hạ tầng vì thất bại trong quá trình tiến công của họ.
Tuyên bố của lực lượng Ukraine cho biết họ đã đẩy lùi một số cuộc tiến công của lực lượng Nga tại nhiều thành phố trên khắp đất nước.
“Không thành công trong việc tăng cường lực lượng của mình, kẻ thù ngấm ngầm tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công bằng hoả tiễn và ném bom vào các cơ sở hạ tầng quan trọng để đe dọa dân thường, những người đã can đảm sát cánh cùng các lực lượng vũ trang Ukraine”
“Tinh thần và ý chí chiến thắng của kẻ thù đang suy giảm nhanh chóng do quân đội ta được phòng thủ kiên cố”.
5. Những người Ukraine sang Ba Lan cuối cùng đến cung điện cổ kính này để tắm nước ấm và một đĩa bánh rán
Phóng viên ABC Emily Clark và nhiếp ảnh gia Brendan Esposito đang ở Dorohusk, Ba Lan. Đây là thông tin mới nhất từ biên giới:
Cung điện này được sử dụng như một bệnh xá của Đức trong Thế chiến thứ hai, và hiện là một ngôi nhà an toàn cho những người Ukraine chạy trốn khỏi nhà của họ. (ABC News: Brendan Esposito)
Người Ukraine đang tiếp tục tràn qua biên giới sang Ba Lan khi cuộc tấn công của Nga vào quê hương của họ ngày càng gia tăng.
Khi vào bên trong Ba Lan, người Ukraine sẽ được gặp gỡ bởi một đội quân tình nguyện để giúp họ đến nơi cần đến, và nếu họ không có lựa chọn nào khác, một nơi ấm áp để ngủ sẽ được tìm thấy cho họ.
Các cửa khẩu biên giới vô cùng bận rộn và hỗn loạn, nhưng ở các thị trấn nhỏ ngay bên trong biên giới có những “trung tâm tiếp nhận” và những nơi này hoạt động như một loại điểm dừng chân đầu tiên của người Ukraine.
Những trung tâm này được mở bởi các hội đồng địa phương, nhưng được điều hành bởi các tình nguyện viên và sự đóng góp của các công ty tư nhân.
Các quan chức thành phố mà chúng tôi đã nói chuyện cho biết không có bất kỳ viện trợ hoặc tài trợ quốc gia nào đến với họ, nhưng thị trấn của họ gần biên giới nên họ đã “chủ động”.
Hiện tại, có các trung tâm tiếp nhận trên khắp miền Tây Ba Lan, nhưng đối với những người Ukraine đến cửa khẩu Dorohusk, họ được đưa đến một cung điện cũ - nơi đã bị hư hại trong Thế chiến I và sau đó được sử dụng như một bệnh xá của Đức trong Thế chiến thứ hai.
Nó được gọi là Cung điện Suchodolski và ngày nay, nó là một tòa nhà hội đồng địa phương.
Trọng tâm của các trung tâm tiếp nhận này là kết nối những người có thứ gì đó để cung cấp với những người có nhu cầu, phân loại cho phù hợp và kết nối mọi người.
Trong khi chờ đợi, họ có thể tắm rửa, ủ ấm và ăn một đĩa bánh pierogis nóng và sẽ luôn có một đĩa bánh rán gần đó.
Những người Ba Lan có xe hơi và thời gian rảnh rỗi, đợi bên ngoài cho đến khi ai đó kết nối với một căn hộ còn trống và họ trở thành tài xế cho những người tị nạn.
Nhiều người Ukraine có gia đình ở Ba Lan hoặc một số hình thức cung cấp chỗ ở từ bạn bè hoặc người sử dụng lao động cũ mà họ muốn nhận, vì vậy không phải ai cũng cần tìm một nơi ở.
Đối với những người như vậy, một số trung tâm tiếp tân có thể cung cấp một chiếc giường cho một hoặc hai đêm trước khi có phòng trống hoặc căn hộ. Những căn phòng đó là của những người Ba Lan muốn giúp đỡ.
Việc những người dân thường tổ chức chỗ ở, phương tiện đi lại, điều trị y tế, đồ ăn nóng và hàng tạp hóa trên con đường này thật là đáng kinh ngạc. Rất nhiều danh sách và rất nhiều bài đăng dường như làm cho mọi thứ hoạt động.
Cũng như rất nhiều người Ba Lan khẳng định đây là điều ít nhất họ có thể làm cho những người hàng xóm của mình.
Theo các quan chức chính phủ Ba Lan, hơn 450,000 người Ukraine đã chạy sang nước này
Thứ trưởng Nội vụ Ba Lan cho biết Ba Lan đã tiếp nhận 450,000 người Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga.
1. Tổng tuyển cử ở Malta có thể làm lu mờ chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng
Malta gần đây đã thông báo rằng họ sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào cuối tháng 3, trước vài tháng so với kế hoạch và vài ngày trước chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến quốc đảo, có nghĩa là thông điệp của Giáo hoàng có nguy cơ bị thất lạc trong bối cảnh chính trị sa sút.
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm Malta trong hai ngày 2 và 3 tháng 4, đánh dấu chuyến tông du quốc tế đầu tiên trong năm nay của ngài. Ngài sẽ thăm các thành phố Valletta, Rabat và Floriana, cũng như đảo Gozo.
Di cư dự kiến sẽ là chủ đề trọng tâm trong chuyến thăm của Đức Phanxicô, vì Malta từ lâu đã trở thành một nhân tố chính trong cuộc tranh luận về di cư của Âu Châu. Minh họa cho điều này là khi ở Malta, Đức Giáo Hoàng dự kiến sẽ đến thăm một trung tâm chào đón người di cư khi ở trên đảo.
Tuy nhiên, chuyến thăm của Giáo hoàng có nguy cơ bị lu mờ bởi chính trị địa phương, sau thông báo gần đây của Thủ tướng Malta Robert Abela rằng cuộc tổng tuyển cử của đất nước sẽ được tổ chức vào ngày 26 tháng 3, chỉ một tuần trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô đến đó.
Abela, người thuộc đảng Lao động cầm quyền của Malta, đã nhậm chức thủ tướng Malta vào đầu năm 2020 sau sự từ chức của người tiền nhiệm và đồng thời là chủ tịch đảng Lao động, Joseph Muscat, trong bối cảnh các chỉ trích cách chính phủ giải quyết vụ sát hại nhà báo điều tra Daphne Caruana Galizia.
Giới tinh hoa chính trị của Malta vẫn đang quay cuồng với những tiết lộ vào cuối năm 2019 rằng các quan chức chính phủ hàng đầu có liên quan đến cả âm mưu giết người của Galizia, là người đã bị giết trong một vụ đánh bom xe vào năm 2017.
Được biết đến với báo cáo chuyên sâu về các trò tham nhũng của chính phủ, Galizia là một cái tên quen thuộc ở Malta, và cái chết của cô đã gây ra sự phẫn nộ trên khắp đất nước. Sau khi cô bị sát hại, các quan chức cam kết sẽ tiến hành một cuộc điều tra ngay lập tức và đầy đủ, tuy nhiên, cuộc điều tra đó phần lớn bị đình trệ cho đến cuối năm 2019, khi có thông tin cho rằng các quan chức chính phủ hàng đầu có liên quan đến cái chết của Galizia, bao gồm cả chánh văn phòng của Thủ tướng Muscat.
Vào tháng Giêng năm 2020, Muscat từ chức trong bối cảnh áp lực của dư luận, bao gồm các cuộc phản đối lan rộng, từ cả người dân và Nghị viện Âu Châu. Tháng 12 năm 2019, Nghị viện Âu Châu đã ban hành một nghị quyết thúc giục Liên minh Âu Châu đối thoại pháp lý với Malta, khiến Malta có nguy cơ mất quyền bỏ phiếu tại Liên Hiệp Âu Châu.
Ban đầu, Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến thăm Malta vào tháng 5 năm 2020 sau vụ bê bối tham nhũng, nhưng chuyến thăm đã bị hoãn lại do đại dịch coronavirus bùng phát, và Vatican đã phải vật lộn để tìm một ngày khả thi để dời lại lịch trình chuyến tông du.
Tổng tuyển cử ở Malta ban đầu dự kiến diễn ra vào tháng 6, nhưng cuối tuần trước Abela đã có động thái bất ngờ khi yêu cầu Tổng thống nước này, George Vella, giải tán quốc hội và kích hoạt một cuộc bỏ phiếu toàn quốc vào ngày 26 tháng 3, chỉ năm ngày trước chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Ngày 31 tháng 3, hai ngày trước khi Đức Giáo Hoàng đến, cũng đánh dấu Ngày Tự do của Malta kỷ niệm việc rút quân của Anh và Hải quân Hoàng gia vào năm 1979. Đây được coi là một ngày lễ với các sự kiện lớn có sự tham dự của tổng thống và các quan chức chính phủ hàng đầu khác, với các giọng điệu chính trị không thể phủ nhận.
Thông thường, Vatican hạn chế đến thăm một quốc gia trong hoặc quá gần chiến dịch bầu cử, một phần để tránh ấn tượng rằng Đức Giáo Hoàng đang can dự vào chính trị địa phương, và một phần để đảm bảo rằng thông điệp của chính ngài sẽ không bị lạc mất hoặc bị chính trị hóa bởi các nhà lãnh đạo mong muốn sử dụng chuyến thăm vì lợi ích cá nhân.
Đảng Lao động của Abela dự kiến sẽ giành được nhiệm kỳ thứ ba, có nghĩa là những ngày sau cuộc bầu cử sẽ được đánh dấu bằng sự ăn mừng hoặc thất vọng giữa các công dân, những người có khả năng sẽ bận rộn với các diễn biến chính trị hơn những gì Đức Giáo Hoàng nói.
Kể từ khi cuộc bầu cử của Malta được công bố sau khi Vatican công bố ngày của chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng, một số người đã thúc đẩy Tòa Thánh hoãn lại chuyến tông du, bao gồm cả các thành viên của cộng đồng giáo hội địa phương. Một số người nói rằng việc tổ chức một chuyến thăm của Giáo hoàng quá gần với cuộc bầu cử là không phù hợp.
Tuy nhiên, một nguồn tin của Vatican quen thuộc với chuyến thăm cho biết hiện tại, việc lập kế hoạch đang được tiến hành “như bình thường”.
Một phái đoàn của Vatican dự kiến sẽ đến thăm Malta vào thứ Sáu 4 tháng Ba, và một chương trình chính thức cho chuyến thăm, nếu không bị hoãn lại, dự kiến sẽ được công bố trong vài ngày tới.
Đây không phải là lần đầu tiên Vatican phải đối mặt với một cuộc bầu cử chớp nhoáng gần với chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng.
Vào ngày 8 tháng Giêng năm 2015, vài ngày trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm, Sri Lanka đã tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn hai năm, với việc Tổng thống đương nhiệm Mahinda Rajapaksa được nhiều người mong đợi sẽ đắc cử nhiệm kỳ thứ ba, và chào đón Giáo hoàng như một lễ kỷ niệm chiến thắng của ông.
Tuy nhiên, Rajapaksa đã phải chịu một thất bại kinh hoàng, với đối thủ của ông là Maithripala Sirisena giành được 51.3 phần trăm số phiếu bầu. Sirisena là người chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô vài ngày sau đó.
Điều gì sẽ xảy ra trong cuộc bầu cử tại Malta vẫn chưa được nhìn thấy, tuy nhiên, bất kể kết quả như thế nào, nếu chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng diễn ra như dự kiến hiện tại, Đức Phanxicô sẽ phải lội qua các vùng nước chính trị có thể có nguy cơ làm lu mờ hoặc siêu chính trị hóa bất kỳ thông điệp mục vụ nào mà ngài định đưa ra.
Source:Crux
2. Đức Thánh Cha Phanxicô mở ra tiến trình đặc biệt để phong thánh cho 16 vị tử đạo dòng Cát Minh trong Cách mạng Pháp
Giọng hát của các sơ đã cất lên từ đoạn đầu đài khi các sơ đi đến cái chết vào ngày 17 tháng 7 năm 1794, trong Thời kỳ khủng bố, thời kỳ đáng sợ của Cách mạng Pháp, đã hành quyết ít nhất 17,000 người.
Theo yêu cầu của các giám mục Pháp và Dòng Cát Minh Nhặt Phép, vào ngày 22 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đồng ý mở một quy trình đặc biệt được Giáo Hội Công Giáo gọi là “phong thánh tương đương” để nâng 16 vị tử đạo Dòng Cát Minh ở Compiègne lên hàng các thánh.
Từ năm 1983, tiến trình tuyên thánh trong Giáo Hội Công Giáo trải qua các bước như sau: thứ nhất là tuyên phong lên hàng “Servus Dei” – nghĩa là “Tôi tớ Chúa”, rồi đến bậc “Venerabilis” – nghĩa là “Bậc Đáng Kính”, sau đó là “Beatus” – nghĩa là “Chân Phước”, và cuối cùng cao nhất là được tuyên Thánh - “Sanctus”.
16 vị tử đạo Dòng Cát Minh ở Compiègne đã được tuyên là Chân Phước tử đạo. Thông thường, cần có một phép lạ để được tuyên thánh. Yêu cầu đó được bỏ qua trong tiến trình tuyên thánh “tương đương”.
Tuyên thánh “tương đương”, giống như quy trình phong thánh thông thường, là sự cầu khẩn xin Chúa ban cho Đức Giáo Hoàng ơn không thể sai lầm khi tuyên bố rằng một người nằm trong số các thánh trên thiên đàng. Tuy nhiên, việc tuyên thánh “tương đương” không giống như quy trình chính thức của việc tuyên thánh cũng như các nghi lễ, vì việc tuyên thánh “tương đương” xảy ra tương đối đơn giản: chỉ cần Đức Giáo Hoàng đưa ra một sắc lệnh.
Để được tuyên thánh “tương đương”, vị thánh phải được các tín hữu sùng kính từ nhiều năm trước và thể hiện các đức tính anh hùng, và mặc dù không cần phép lạ hiện đại nào, nhưng sự nổi tiếng của các phép lạ xảy ra trước hoặc sau khi vị ấy qua đời được tính đến trong các nghiên cứu lịch sử của Bộ Tuyên Thánh.
Quá trình này rất hiếm. Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên thánh tương đương cho Thánh Phêrô Faber và Thánh Margaret thành Costello. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI cũng đã tuyên thánh tương đương cho Thánh Hildegard thành Bingen và Đức Piô XI đã tuyên thánh tương đương cho Thánh Albertô Cả.
Các vị tử đạo được tôn kính từ lâu bao gồm 11 nữ tu đã khấn trọn, ba nữ tu chưa khấn và hai người bên ngoài đến làm việc trong tu viện.
Lấy cảm hứng từ hành động tự phát của một tập sinh duy nhất trong số họ - và người đầu tiên và trẻ nhất qua đời - mỗi người trong số 16 thành viên của một tu viện Cát Minh ở Compiègne đã hát bài Laudate Dominum, nghĩa là “Tạ Ơn Chúa”, khi các chị lên các bậc thang máy chém. Sơ bề trên tu viện đã ban phép trang trọng trước khi chết cho từng chị em quỳ gối trước sơ ấy ngay sau khi họ hôn tượng Đức Trinh Nữ trên tay chị, trên các bậc thang của giàn giáo. Sơ bề trên là người cuối cùng chết, giọng nói của sơ ấy vang vọng cho đến khi đầu và thân thể sơ bị đứt lìa bởi chiếc máy chém tàn bạo
Cái chết của các sơ khiến đám đông lặng đi, và 10 ngày sau, bầu khí khủng bố tự nó cũng bị im bặt, và người ta xem đó là một phép lạ mà các sơ đã dâng lên Chúa trong vụ hành quyết các sơ.
Source:Catholic News Agency
3. Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk lên tiếng về cuộc xâm lược của Nga: 'Chúa ở cùng chúng tôi'
Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine đã lên tiếng vào hôm thứ Năm, vài giờ sau khi lực lượng Nga xâm lược Ukraine.
Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk ủng hộ quyền bảo vệ nền độc lập của Ukraine khi Nga tấn công các mục tiêu quân sự của Ukraine vào sáng ngày 24 tháng 2.
Ngài nói: “Quyền tự nhiên và nghĩa vụ thiêng liêng của chúng ta là bảo vệ đất đai và con người, nhà nước của chúng ta và tất cả những gì thân yêu nhất đối với chúng ta: gia đình, ngôn ngữ và văn hóa, lịch sử và thế giới tâm linh”.
Vị tổng giám mục người Ukraine cũng nhấn mạnh đến sự gần gũi của Thiên Chúa đối với những người phải gánh chịu bất công.
“Chúng tôi tin rằng trong thời khắc lịch sử này, Chúa ở cùng chúng tôi. Ngài là người nắm trong tay số phận của cả thế giới và của mỗi người nói riêng, luôn đứng về phía các nạn nhân của sự xâm lược bất công, những người đau khổ và nô lệ”.
“Chính Ngài là Đấng đã tuyên xưng Thánh Danh của Ngài trong lịch sử của mọi quốc gia, bắt giữ và lật đổ những kẻ hùng mạnh của thế giới này cùng với niềm kiêu hãnh của họ, những kẻ chinh phục với ảo tưởng về sự toàn năng của họ, những kẻ kiêu ngạo và xấc xược với sự tự tin của họ. Chính Ngài là Đấng ban cho chúng ta sự chiến thắng đối với sự dữ và sự chết. Chiến thắng của Ukraine sẽ là chiến thắng của quyền năng Thiên Chúa trước sự hèn hạ và kiêu ngạo của con người! Vì vậy, Ukraine đã, đang và sẽ tồn tại!”
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong một tuyên bố trên truyền hình vào sáng sớm thứ Năm rằng Nga không có kế hoạch chiếm đóng Ukraine, đồng thời yêu cầu quân đội Ukraine hạ vũ khí xuống đầu hàng vô điều kiện.
Ngay sau đó, quân đội Nga đã vượt qua biên giới phía bắc, nam và đông tiến vào Ukraine từ nhiều điểm. Các quan chức Ukraine báo cáo các cuộc pháo kích và các cuộc tấn công tên lửa trên khắp Ukraine, bao gồm cả tại các sân bay và trụ sở quân sự gần thủ đô Kiev của Ukraine.
Cả quân nhân và dân thường thiệt mạng đều đã được báo cáo.
Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói Ukraine “đang gặp nguy hiểm một lần nữa,” và nói “kẻ thù phản bội” đã phá vỡ các quy tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, “bước lên đất Ukraine, mang theo cái chết và sự hủy diệt”.
“Vào thời khắc lịch sử này, tiếng nói của lương tâm chúng ta kêu gọi tất cả chúng ta cùng đứng lên vì một Nhà nước Ukraine tự do, thống nhất và độc lập”
“Lịch sử của thế kỷ trước dạy chúng ta rằng tất cả những người bắt đầu các cuộc chiến tranh thế giới đều thua cuộc, và những kẻ thờ thần tượng của chiến tranh chỉ mang lại sự tàn phá và suy tàn cho các quốc gia và cho chính dân tộc của họ”.
Lo ngại rằng Nga đang bắt đầu một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine đã tăng cao trong tuần này sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng ông sẽ công nhận các khu vực ly khai của Ukraine như Lugansk và Donetsk là các thực thể độc lập.
Các khu vực phía đông, do lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn, bao gồm cả vùng đất hiện do lực lượng vũ trang Ukraine nắm giữ.
Ukraine là một quốc gia có 44 triệu dân giáp với Belarus, Nga, Moldova, Rumani, Hung Gia Lợi, Slovakia và Ba Lan.
Theo BBC News, hôm thứ Năm, quân đội Nga đã tiến vào Ukraine không chỉ từ các điểm ở biên giới Nga, mà còn từ Belarus, một đồng minh của Nga.
Đức Tổng Giám Mục Shevchuk lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, là giáo hội lớn nhất trong số 23 Giáo Hội Công Giáo Đông phương hiệp thông hoàn toàn với Tòa thánh.
Ngài nhấn mạnh rằng “Giáo hội này, vốn đã sống sót sau cái chết và đã phục sinh, với tư cách là Thân thể của Chúa Kitô Phục sinh, mà sự chết không có quyền năng, như Chúa đã ban cho dân Ngài trong nước rửa tội của sông Dnipro”.
“Kể từ đó, lịch sử của dân tộc chúng ta và Giáo hội của Ukraine, lịch sử của các cuộc đấu tranh giải phóng của họ, lịch sử của sự nhập thể của Lời Thiên Chúa và sự biểu lộ Thần Chân Lý của Ngài trong nền văn hóa của chúng ta đã hòa quyện vào nhau mãi mãi”
“Và trong thời khắc nghiêm trọng này, Giáo hội của chúng ta, với tư cách là một người mẹ và một người thầy sẽ ở với con cái của mình, sẽ bảo vệ chúng và phục vụ chúng nhân danh Chúa! Trong Chúa là niềm hy vọng của chúng ta và chiến thắng của chúng ta sẽ đến từ Ngài!”
“Hôm nay chúng tôi long trọng tuyên bố: 'Linh hồn và thể xác của chúng tôi hiến dâng cho sự tự do của chúng tôi!' Cùng một lòng một trí, chúng tôi cầu nguyện: 'Lạy Chúa, Vĩ đại và Toàn năng, hãy bảo vệ Ukraine thân yêu của chúng con!'“
Theo thông tin liên lạc từ thư ký của Đức Tổng Giám Mục Shevchuk, ngài đã ẩn nấp trong một hầm trú ẩn bên dưới Nhà thờ Phục sinh ở Kiev, cùng với những người khác.
“Thành phố Kiev vào thời điểm này đang bị quân đội Nga bắn phá. Như bạn hiểu, không thể tiếp cận được Đức Tổng Giám Mục tại thời điểm này và ngài không thể đưa ra bất kỳ tuyên bố nào. Cùng với người dân của mình, Đức Tổng Giám Mục yêu cầu bạn tham gia cùng với ngài và người dân của ngài trong lời cầu nguyện xin Chúa bảo vệ Ukraine khỏi sự xâm lược vô cớ”.
“Ưu tiên, đối với Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, là, và sẽ luôn là, gần gũi với những người bị thương. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Ukraine.”
Source:Catholic News Agency
Theo truyền thống phụng vụ có từ thế kỷ thứ 7, ngày Thứ Tư Lễ Tro là một ngày quan trọng, và không một lễ nào có thể vượt lên trên. Người ta cũng gọi ngày này là “Ðầu Mùa Chay”. Việc ăn chay trong Mùa này đã có từ thời Ðức Giáo Hoàng Gregoriô Cả vào cuối thế kỷ thứ Sáu.
Những Quy luật tổng quát của Năm phụng vụ nói về ngày Thứ Tư Lễ Tro như sau: “Mùa Chay bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro và kết thúc ngay trước Thánh lễ Tiệc Ly. Ngày Thứ Tư đầu Mùa Chay có xức tro; ngày đó khắp nơi ăn chay”. Lời chỉ dẫn này cho chúng ta biết ý nghĩa của Ngày Thứ Tư Lễ Tro trong Năm phụng vụ, cũng như trong suốt Mùa Chay thánh. Với Thứ Tư Lễ Tro, Giáo hội bắt đầu Mùa Chay Thánh.
Thông thường, vào lúc 16:30 ngày thứ Tư lễ Tro, Đức Thánh Cha chủ sự cuộc rước thống hối từ nhà thờ Thánh Anselmo của dòng Biển Đức đến Vương cung Thánh Đường Thánh nữ Sabina của dòng Đa Minh trên đồi Aventino ở Rôma.
Trên quãng đường dài 500 mét, các vị vừa đi vừa hát kinh cầu các thánh, và thánh ca thống hối.
Tại Vương cung Thánh Đường thánh nữ Sabina, có từ thế kỷ thứ 5, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ đồng tế với nghi thức xức tro, cùng với các Hồng Y và Giám Mục, trước sự tham dự của các linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân, đặc biệt là các vị lãnh đạo Hội Hiệp sĩ Malta.
Hôm Thứ Sáu tuần trước, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết Đức Thánh Cha theo dự trù sẽ chủ sự các nghi thức ngày Thứ Tư Lễ Tro. Tuy nhiên, giờ chót ngài bị đau đầu gối nên đã nhờ Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cử hành thay cho ngài.
Đức Hồng Y đã đọc bài giảng do Đức Thánh Cha dọn sẵn như sau:
Tuy nhiên, Chúa nói đến hai loại phần thưởng mà cuộc sống của chúng ta có thể nhận được: phần thưởng từ Cha và mặt khác, phần thưởng từ thế gian. Phần thưởng thứ nhất là vĩnh cửu, là phần thưởng đích thực và chung cuộc, là mục đích của cuộc đời chúng ta. Phần thưởng thứ hai là phù du, là một ánh sáng mà chúng ta tìm kiếm bất cứ khi nào sự ngưỡng mộ của người khác và thành công trên thế gian trở thành điều quan trọng nhất đối với chúng ta, là sự hài lòng lớn nhất của chúng ta. Tuy nhiên, phần thưởng thứ hai này chỉ là một ảo ảnh. Nó giống như một ảo tưởng mà một khi chúng ta đến đó, chúng ta nhận ra ngay đó chỉ là ảo ảnh; nó khiến chúng ta không thỏa mãn. Sự bồn chồn và bất mãn luôn thường trực đối với những người hướng đến một thế giới đầy thu hút nhưng rồi lại thất vọng. Những người tìm kiếm phần thưởng thế gian không bao giờ tìm thấy hòa bình, cũng chẳng đóng góp gì cho hòa bình. Họ mất dấu Cha và anh chị em của họ. Đây là rủi ro mà tất cả chúng ta đều phải đối mặt, và vì vậy, Chúa Giêsu bảo chúng ta “anh em hãy coi chừng”. Như muốn nói: “Anh em có cơ hội được hưởng một phần thưởng vô hạn, một phần thưởng có một không hai. Vì vậy, hãy coi chừng và đừng để mình bị lóa mắt bởi vẻ bề ngoài, theo đuổi những phần thưởng rẻ tiền khiến anh em thất vọng ngay khi chạm tay vào chúng”.
Nghi thức nhận tro trên đầu nhằm bảo vệ chúng ta khỏi sai lầm là đặt phần thưởng nhận được từ thế gian trước phần thưởng mà chúng ta nhận được từ Chúa Cha. Dấu chỉ khắc khổ này, khiến chúng ta suy ngẫm về sự phù du của thân phận con người chúng ta, dấu chỉ ấy giống như một loại thuốc có vị đắng nhưng lại có tác dụng chữa bệnh chuộng vẻ bề ngoài, một căn bệnh tâm linh nô lệ chúng ta và khiến chúng ta lệ thuộc vào lòng ngưỡng mộ của những người khác. Đó là sự “nô lệ” đích thực của đôi mắt và lòng trí (x. Ep 6,6, Cl 3:22). Đó là một chế độ nô lệ khiến chúng ta sống hết mình vì hư danh, trong đó điều quan trọng không phải là trái tim thuần khiết của chúng ta mà là sự ngưỡng mộ của người khác. Không phải Chúa nhìn chúng ta như thế nào, mà là thế gian nhìn chúng ta ra sao. Chúng ta không thể sống tốt nếu chúng ta sẵn sàng hài lòng với phần thưởng đó.
Vấn đề là “căn bệnh chuộng vẻ bề ngoài” này đe dọa ngay cả những khu vực linh thiêng nhất. Đó là điều mà Chúa Giêsu nói với chúng ta ngày nay: rằng ngay cả việc cầu nguyện, bác ái và kiêng ăn cũng có thể trở nên tự quy chiếu. Trong mọi hành vi, dù là cao thượng nhất, cũng có thể ẩn chứa sâu xa sự tự mãn. Lúc đó trái tim của chúng ta không hoàn toàn tự do, vì nó tìm kiếm, không phải tình yêu của Cha và anh chị em của chúng ta, mà là sự tán thành của con người, sự vỗ tay của mọi người, và vinh quang của chính chúng ta. Mọi thứ sau đó có thể trở thành một kiểu giả vờ trước mặt Chúa, trước chính mình và trước người khác. Đó là lý do tại sao lời Chúa thúc giục chúng ta hãy nhìn vào bên trong và nhận ra sự giả hình của chính mình. Chúng ta hãy chẩn đoán bệnh chuộng bề ngoài mà chúng ta tìm kiếm và cố gắng vạch mặt chúng. Điều đó sẽ tốt cho chúng ta.
Tro tàn nói lên sự trống rỗng ẩn sau cuộc truy tìm điên cuồng để giành lấy những phần thưởng trần thế. Chúng nhắc nhở chúng ta rằng tinh thần thế gian giống như lớp bụi được cuốn đi bởi một cơn gió nhẹ. Anh chị em ơi, chúng ta không ở trên đời này để đuổi gió; lòng chúng ta khát khao sự vĩnh cửu. Mùa Chay là thời gian được Chúa ban cho chúng ta để đổi mới, nuôi dưỡng đời sống nội tâm và hành trình hướng tới Lễ Phục sinh, hướng tới những điều không qua đi, hướng tới phần thưởng mà chúng ta sẽ nhận được từ Chúa Cha. Mùa Chay cũng là một hành trình chữa lành. Không phải thay đổi trong một sớm một chiều mà là sống mỗi ngày với một tinh thần đổi mới, một “phong cách” khác biệt. Cầu nguyện, bác ái và ăn chay là những trợ giúp cho điều này. Khi được thanh tẩy bởi tro của Mùa Chay, được thanh tẩy khỏi vẻ giả hình của dáng vẻ bề ngoài, cầu nguyện, bác ái và ăn chay thậm chí còn trở nên mạnh mẽ hơn và khôi phục trong chúng ta mối quan hệ sống động với Thiên Chúa, với anh chị em của chúng ta và với chính chúng ta.
Cầu nguyện, cầu nguyện khiêm nhường, cầu nguyện “nơi kín đáo” (Mt 6, 6), trong phòng của chúng ta, trở thành bí quyết làm cho cuộc sống của chúng ta thăng hoa ở mọi nơi khác. Cầu nguyện là một cuộc đối thoại, ấm áp trong tình cảm và sự tin cậy, là điều an ủi và mở rộng tâm hồn chúng ta. Trong Mùa Chay này, chúng ta hãy cầu nguyện trên hết bằng cách nhìn lên Chúa chịu đóng đinh. Chúng ta hãy mở rộng trái tim mình để đón nhận sự dịu dàng đầy cảm động của Thiên Chúa, và trong những vết thương của Người, hãy đặt những vết thương của chính chúng ta và của thế giới chúng ta. Chúng ta đừng lúc nào cũng vội vàng nhưng hãy tìm thời gian để đứng trong thinh lặng trước Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Chúng ta hãy khám phá lại sự hiệu quả và đơn giản của cuộc đối thoại chân thành với Chúa. Vì Thiên Chúa không quan tâm đến vẻ bề ngoài. Thay vào đó, Ngài thích được tìm thấy nơi kín đáo, là “bí mật của tình yêu”, tránh xa mọi sự phô trương và ồn ào.
Nếu lời cầu nguyện là chân thật, thì nó nhất thiết phải sinh hoa trái nơi lòng bác ái. Và lòng bác ái giải phóng chúng ta khỏi hình thức nô dịch tồi tệ nhất, đó là nô lệ cho bản thân. Lòng bác ái Mùa Chay, được thanh tẩy bởi đống tro tàn này, đưa chúng ta trở lại những gì thiết yếu, đến với niềm vui sâu sắc khi cho đi. Bố thí, khi được thực hành xa ánh đèn sân khấu, lấp đầy trái tim bằng sự bình an và hy vọng. Nó tiết lộ cho chúng ta vẻ đẹp của việc cho đi, mà khi đó trở thành nhận lại, và do đó cho phép chúng ta khám phá ra một bí mật quý giá: đó là lòng chúng ta vui khi cho hơn là khi nhận (x. Cv 20:35).
Cuối cùng là chay tịnh. Ăn chay không phải là ăn kiêng. Thật vậy, chay tịnh giải phóng chúng ta khỏi sự quy hướng bản thân và sự tìm kiếm đầy ám ảnh vóc dáng thể chất gọn đẹp, nhằm giúp chúng ta giữ gìn vóc dáng không chỉ về cơ thể mà còn về tinh thần. Chay tịnh khiến chúng ta đánh giá cao mọi thứ theo đúng giá trị của chúng. Chay tịnh nhắc nhở chúng ta một cách cụ thể rằng cuộc sống không được phụ thuộc vào khung cảnh phù du của thế giới hiện tại. Cũng thế, chay tịnh không chỉ giới hạn ở thức ăn. Đặc biệt trong Mùa Chay, chúng ta nên kiêng khem bất cứ thứ gì có thể tạo ra nơi chúng ta bất kỳ một dạng nghiện ngập nào đó. Đây là điều mà mỗi chúng ta nên suy ngẫm, để chay tịnh theo cách sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống thực tế của chúng ta.
Cầu nguyện, bác ái và chay tịnh cần phải được thực hiện một cách “kín đáo”, nhưng điều đó không đúng với tác dụng của chúng. Cầu nguyện, bác ái và chay tịnh không phải là liều thuốc chỉ dành cho chúng ta mà còn cho tất cả mọi người: chúng có thể thay đổi lịch sử. Thứ nhất, bởi vì những người trải nghiệm hiệu ứng của chúng hầu như truyền sang cho những người khác một cách vô thức; nhưng trên hết, vì cầu nguyện, bác ái và chay tịnh là những cách chính yếu để Thiên Chúa can thiệp vào cuộc sống của chúng ta và trong thế giới. Cầu nguyện, bác ái và chay tịnh là vũ khí của tinh thần và với những điều đó, vào ngày cầu nguyện và ăn chay cho Ukraine này, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho hòa bình mà con người không có khả năng tự xây dựng.
Lạy Chúa, Chúa thấy nơi những gì là kín nhiệm và Chúa ban thưởng cho chúng con ngoài sự mong đợi của chúng con. Hãy lắng nghe lời cầu nguyện của những người tín thác nơi Chúa đây, đặc biệt là những kẻ bé mọn, những người bị thử thách nặng nề, và những người đau khổ và những người phải chạy trốn trước tiếng gầm của vũ khí. Xin Chúa khôi phục sự bình yên cho tâm hồn chúng con; và một lần nữa, xin ban bình an của Chúa cho những ngày này của chúng con. Amen.
Source:Holy See Press Office