Ngày 07-03-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hỏi thế gian: Tình là vật gì ?
Lm Giuse Nguyễn Hữu An.
00:02 07/03/2010
(Nhân ngày 8.3, suy gẫm về đức khiết tịnh của Linh Mục).

Xem phim kiếm hiệp “Thần Điêu Đại Hiệp”, có lẽ ai cũng nhớ mấy câu thơ mà Lý Mạc Sầu thường ngâm nga.

Hỏi thế gian tình là vật gì?

Mà khiến sinh tử tương hứa.

Trời Nam đất Bắc song phi nhạn.

Cổ thụ mấy mùa hàn sương.

Hoan lạc thú, biệt ly sầu.

Nỗi khổ chứa đầy tình tương tư.

Sau một trận tử chiến, những câu thơ ấy âm vang não nùng giữa núi cao rừng thẳm. Người ngâm nga ai oán là nữ sát thủ Lý Mạc Sầu. Đó là bài thơ nhà văn Kim Dung viết tặng mối tình Dương Qua và Tiểu Long Nữ. Qua Lý Mạc Sầu, tác giả gởi thông điệp xót xa ấy cho thế gian.

Hỏi thế gian tình là vật gì?

Xưa nay người ta thường hỏi tình là gì? Không ai hỏi tình là vật gì. Chữ “vật” khiến ta liên tưởng đến một món nợ phải trả, một thực thể hiện hữu trấn giữ ngạo mạn giữa tâm trí, một biểu tượng quyền lực chi phối, quyết định vận mạng đôi lứa và có lẽ còn là một linh vật kiểu như linga hay yoni trong văn hóa Chăm đầy ấn tượng. “Vật” cũng có thể là một cái gì mong manh như sương khói, ngắn ngủi như chiếc lá khô, chóng tan như bọt bèo, bồng bềnh như áng mây bay.

“Tình yêu là cái bóng của mình, khi ta đuổi theo thì nó chạy nhưng khi ta bỏ chạy thì nó đuổi theo… Tình yêu là con quái vật kỳ lạ: khi ta bỏ đói thì nó sống, khi cho nó ăn no thì nó chết.” Vì nó đầy nghịch lý như thế nên Lý Mạc Sầu vẫn cứ hỏi thế gian:Tình là vật gì, mà khiến sinh tử tương hứa?

Không ai biết nó là vật gì nên nó là tất cả: là một cơn mưa, một ánh nắng chiều, một giọt sương trên lá hay một giai điệu: Những ngày không có anh, biển bạc đầu thương nhớ. Những ngày không gặp gỡ, lòng thuyền đau rạn vỡ. Hôm qua lỡ chạm tay nhau, về nhà đó có bị đau không nào, riêng đây chẳng biết vì sao, chãm tay lẩn ấy đau vào tới tim. Làm sao cắt nghĩa được tình yêu, có nghĩa gì đâu một buổi chiều, nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt, bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu…

Tình yêu vừa yếu đuối vừa mạnh mẽ, vừa khơi nguồn sức sống vừa gieo rắc cái chết. Tình yêu đem lại hạnh phúc nhưng cũng nhận chìm con người trong khổ đau. Tình yêu tạo ra văn học nghệ thuật nhưng cũng gieo rắc chiến tranh.

Không có cái gì đa dạng bằng tình yêu. Tình yêu là một thế giới Nhị Nguyên, tương phản cùng cực nhưng cũng dung hợp cùng cực. Nó là Thái Cực Đồ: bao gồm hai yếu tố âm và dương, trong âm có dương và trong dương có âm, tương tác, vận động và chuyển hóa thành vạn vật.

Ngày xưa người chiến binh ngoài mặt trận muốn gởi thư về nhà cũng phải mất cả tháng trời ngựa chạy hay nửa tuần trăng chim nhạn bay. Nay, ngồi trước máy vi tính, chỉ cần nhắp chuột vài lần là đã có thể gởi một bức thư kèm hình ảnh của mình cho người thân đang ở bên Mỹ bên Pháp trong vòng không tới ba mươi giây đồng hồ. Rõ ràng là lịch sử nhân loại có những bước tiến lớn.

Nhưng có một thứ mà từ hàng ngàn năm nay chẳng những không tiến mà còn bước lùi, không phát triển mà còn thoái hóa. Đó là TÌNH YÊU.

Ngày xưa khi yêu nhau người ta thề cùng sống chết, ví dụ như mối tình Trọng Thủy - Mỵ Châu. Khi Trọng Thủy chạy theo dấu lông ngỗng, thấy xác vợ mình nằm chết bên đường thì vô cùng đau xót, chàng an táng vợ rồi nhảy xuống cái giếng trong thành Cổ Loa mà tự tử. Bên Tây cũng có Roméo và Juliette yêu nhau mà không lấy được nhau, đành cùng chết trong chốn nhà mồ…

Một lá thư tình buộc dưới chân con chim nhạn hoàn toàn khác với một lá thư tình truyền qua mạng internet. Vì thế bản chất của tình yêu cũng đã khác. Tình yêu ngày xưa là cái gì mong manh như mây khói, nên nó lãng đãng, nó nhiều truyền thuyết và đầy chất huyền thoại. Tình yêu bây giờ là tốc độ, hưởng thụ và thực dụng. Các nhà thơ trẻ bây giờ chê, không làm thơ tình nữa. (theo nhà văn Đào Hiếu).

Tình yêu bây giờ là tốc độ, hưởng thụ và thực dụng. Là người giữa mọi người, Linh mục ngày nay có bị ảnh hưởng lối sống ấy không?

Linh mục “đựơc yêu” nhiều

Có nhiều thiếu nữ, phụ nữ yêu thực sự với cả con người, với tất cả chọn lựa. Họ có sắc đẹp, tài năng, tiền của. Họ không phải vì nghèo, vì dốt, vì xấu. Họ có nhiều đàn ông con trai theo đuổi, có nhiều lời cầu hôn. Nhưng họ lại nhắm vào linh mục trẻ. Họ sắn sàng đánh đổi mọi sự để có tình yêu linh mục. Ban đầu là cảm mến vì linh mục có tư cách, có nét gì đó đáng yêu. Rồi dần dần trở thành tình yêu đơn phương. Có những phụ nữ tìm đến linh mục để lấp đầy khoảng trống tâm hồn. Khoảng trống do thất bại trong đời sống gia đình, ly dị, ly thân, đổ vỡ…Có những thiếu nữ không muốn sống độc thân mà phải sống độc thân. Cô bé Meggi trong “những con chim ẩn mình chờ chết” mang nhiều khuôn mặt khác nhau muốn tìm đến linh mục để được yêu. Linh mục mở rộng lòng đón nhận trong tình yêu mục tử. Người phụ nữ dễ rơi vào ảo tưởng là đựơc linh mục yêu “cha làm lễ lúc nào cũng nhìn con”. Rồi họ đi khoe với người khác rằng mình đựơc cha yêu. Rồi ghen tuông với người khác. Linh mục thành vật tế thần. Phụ nữ đã có chồng thì càng rắc rối. Ôi bao chuyện xót xa đau buồn. Hỡi thế gian tình là gì?

Sống tỉnh thức

Những bài học tu đức căn bản, tôi học từ Chủng viện, giúp sống đời linh mục, xin mạo muội chia sẽ.

Không xao xuyến: Linh mục sống độc thân, không thuộc về ai, ai cũng có quyền tấn công. Tất cả không đáng ngại vì lòng mình không xao xuyến. Cái đáng ngại là khi lòng xao xuyến vấn vương.

Thực thi đức ái mục tử.

Sống kỷ luật: dứt khoát ngay từ khi thấy dấu hiệu từ phía bên kia và phía bản thân. Sự sa ngã không đến tức khắc mà tiệm tiến, nhân nhượng từ đầu sẽ sa lầy.

Tránh dịp tội: tránh gặp gỡ những nơi quá kín đáo, quá tối tăm.

Không ảo tưởng: thấy vài người theo đuổi thì nghĩ rằng mình tài năng, hấp dẫn.

Giải bày tâm tình cho một linh mục thánh thiện mà mình tín nhiệm.

Có ba hình thức sống độc thân:

- Giữ kỷ luật: thực chất là bù trừ. Lăn xả vào tranh chấp quyền hành nội bộ, làm ăn, làm chính trị.

- Cách giả hình: quan hệ bí mật, giấu kín mọi người.

- Đúng nghĩa: qua 2 chiều kích

+ Chiêm niệm gắn liền với đời sống thiêng.

+ Làm việc tông đồ: không phải giữ luật mà là hiến mình phục vụ anh chị em, tích cực dấn thân, nhiệt thành Phúc Âm.

Bước theo Đức Kitô Khiết Tịnh

a. Đức Giêsu, con người khiết tịnh:

Một trong những nét hấp dẫn của Đức Giêsu trong các sách Tin Mừng là con người khiết tịnh của Chúa. Người rất trong trắng, quân bình, khả ái. Đời sống độc thân của Đức Giêsu là dấu chỉ Tình Yêu lớn nhất. Trước hết, dựa vào Tin Mừng, chúng ta biết chắc chắn Đức Giêsu có kinh nghiệm về Tình Yêu lớn nhất là Tình Yêu của Chúa Cha: không có tình yêu nào lớn bằng, sâu thẳm bằng. Người được Chúa Cha yêu thương, và tình thương ấy vô bờ. Tình Yêu ấy làm cho Người sung sướng, hạnh phúc. Tình Yêu ấy đủ cho Người. Người không cần tình yêu nào khác bổ sung. Người không bao giờ cô đơn, vì có Chúa Cha hằng ở với Người (x. Ga 8,29; 16,32 ). Đức Giêsu đáp trả lại Tình Yêu của Chúa Cha cũng bằng Tình Yêu lớn nhất. Trên bình diện con người, Đức Giêsu là người thực hành giới răn thứ nhất trọn vẹn hơn cả. Người đặt Chúa Cha lên trên tất cả, Người dâng hiến tất cả cho Chúa Cha: trái tim, con người, cuộc sống. Đức Giêsu là một người hoàn toàn tự do, không bị chi phối bởi một tình cảm trần thế nào. Sự khiết tịnh nơi Đức Giêsu không là sự cằn cỗi hay thiếu nhựa sống. Sự cằn cỗi không là khiết tịnh, vì không là tình yêu. Khi nói tới khiết tịnh là nói tới yêu thương: tình yêu khiết tịnh. Nơi Đức Giêsu, khiết tịnh là yêu thương dạt dào, là trái tim nhạy cảm, tràn ngập yêu thương, đối với mọi người, đặc biệt đối người nghèo khổ. Khiết tịnh là tình yêu không bị trói buộc vào một đối tượng, mà là một tình yêu phổ quát, vô giới hạn. Nhưng đó không phải là một thứ tình yêu trừu tượng, không có thực. Đó chính là Tình Yêu vô hạn của Thiên Chúa trong lòng con người. Đó là Thánh Thần của Thiên Chúa trong trái tim của Đức Giêsu. b. Thách đố cho đức khiết tịnh: Thế giới hôm nay có khuynh hướng hưởng thụ. Lạc thú là loại của ăn trần thế mà nhiều người ham muốn. Thậm chí có người muốn coi nền văn hóa đương đại là một nền văn hóa hưởng lạc. Hiện nay, nhiều người trên thế giới muốn bỏ hết mọi ràng buộc luân lý về tính dục. Rất nhiều người chiều theo bản năng tính dục, và một số khá đông tôn sùng bản năng ấy. Khuynh hướng tự do luyến ái làm đổ vỡ biết bao nhiêu gia đình, làm hại biết bao nhiêu con người về mọi phương diện, thể lý, tâm lý, tinh thần. Bệnh Aids tràn lan khắp nơi, đặc biệt ở những nước nghèo như các nước Phi Châu, một số nước Á Châu trong đó có Việt Nam. Liệu nhân đức khiết tịnh của linh mục có giải đáp được gì cho vấn đề tính dục và tình cảm của con người thời đại hay không? Những linh mục sống Đức Khiết Tịnh có vui sống, có hạnh phúc, có triển nở trong cuộc sống làm người hay không? Họ có được sự quân bình cần thiết cho sự lành mạnh cả về thể xác lẫn tâm hồn không? Hay họ thường xuyên đau ốm, cáu gắt, không biết yêu thương, vì thiếu kinh nghiệm về tình yêu? Họ có ích lợi gì cho xã hội hay chỉ là những người ăn bám? Khi không sống giống như những con người khác, họ có hiểu gì về con người bình thường không? Sống khiết tịnh còn có ý nghĩa gì nữa không và liệu có thực hành được hay chỉ là một ảo tưởng gây tai hại, làm hỏng cuộc đời của nhiều người? c. Giải đáp của đời sống thánh hiến: - Chứng từ của đời thánh hiến: Chứng từ khiết tịnh của đời sống thánh hiến là loại chứng từ cần thiết cho thời đại chúng ta. Một đời sống khiết tịnh triển nở vui tươi là bằng chứng, là dấu chỉ của Tình Yêu Vô Hạn: Tình Yêu mạnh hơn sự chết, mạnh hơn bản năng, mạnh hơn tội ác. Đó là Tình Yêu của Thiên Chúa dành cho con người, và Tình Yêu ấy ở trong lòng con người: “Lòng Mến mà Thiên Chúa đổ tràn tâm hồn chúng ta nhờ Thánh Thần Người ban cho ta” ( Rm 5, 5 ). Sự khiết tịnh của linh mục làm chứng cho sức mạnh của Tình Yêu Thiên Chúa trong sự mỏng dòn của thân phận làm người. Mọi linh mục đều rất yếu đuối và không ai tự hào đứng vững. Nhưng với ơn Chúa, linh mục có thể làm điều mà đa số cho là không thể: yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn, đặt Tình Yêu Thiên Chúa trên mọi thứ tình yêu, yêu mến mọi người, mọi tạo vật với Tình Yêu và sự tự do của Thiên Chúa. Đức Khiết Tịnh còn giúp con người có những tương quan trong sáng với nhau. Con người có thể yêu thương nhau thực sự, không bị ràng buộc bởi yếu tố lợi nhuận, hay bản năng tính dục. b- Sống đức khiết tịnh hôm nay: Ngày hôm nay, đời sống khiết tịnh của linh mục phải làm nổi bật một số nét cơ bản mới có sức thuyết phục, có ý nghĩa cho bản thân và tha nhân: - Quân bằng về tâm lý và tình cảm: không cảm thấy thiếu thốn tình cảm, mất mát, cần bù trừ bằng cách này hay cách khác. - Có khả năng tự chủ: làm chủ được bản thân, không dễ xiêu lòng, mềm yếu về tình cảm, không dễ nghiêng chiều về những khoái cảm bên ngoài. - Trưởng thành tâm lý và thể lý: quảng đại bao dung, không khó tính khó nết. - Triển nở trong đời sống: dấu hiệu là óc sáng kiến, sự linh động; ù lì là dấu hiệu thiếu triển nở.

b. Linh mục sống Đức Khiết Tịnh theo gương Mẹ Maria.

Đức Mẹ là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đức Mẹ là hoa trái tốt đẹp nhất của Chúa Thánh Thần Thần. Cả cuộc đời Đức Mẹ được đúc kết trong bài ca Magnifica “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, Thần trí tôi hớn hở vui mừng, Vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới…” ( Lc 1, 46-48). Đức Mẹ nhìn nhận mình chỉ là nữ tỳ hèn mọn, được Chúa đoái thương nhìn đến.Với thân phận nữ tỳ hèn mọn, Đức Mẹ là một người nghèo, thanh khiết, chỉ biết phó thác vào Chúa, chỉ biết sẵn sàng thực hành bất cứ sự gì là thánh ý Chúa. Với thái độ trút bỏ tuyệt đối cái tôi của mình, Đức Mẹ tạ ơn Chúa vì được Chúa đoái thương nhìn đến, để thuộc về Chúa một cách trọn vẹn. Từ đó, Đức Mẹ sống trọn vẹn cuộc đời dâng hiến theo thánh ý Chúa.

Linh mục là “con cưng” của Đức Mẹ. Theo gương Mẹ hiền, linh mục sống Đức Khiết Tịnh để toả hương thánh thiện cho cuộc đời phục vụ yêu thương.
 
Sự mê đắm giầu sang của cải
Phó tế: GB. Maria Nguyễn Định
00:07 07/03/2010
SỰ MÊ ĐẮM GIẦU SANG CỦA CẢI

* Chuyện kể về núi lửa tàn phá của thành Pompeii cổ, cho chúng ta về sự mê đắm giầu sang của cải nguy hại cho dân thành sau đây.

Nhìn qua vịnh Naples, bạn sẽ nhìn thấy ngọn núi lửa bất thình lình bùng nổ vào ngày 24/8 năm 79 SC, tuôn trào những dòng nham thạch hoà lẫn với bụi tro, đã chôn vùi cả thành phố Pompeii dưới độ sâu từ 6 đến 9 mét. Những cột khói càng lúc càng dầy đặc hơn và nhiều người trong số 20 ngàn dân cư của thành phố đã di tản tới chỗ an toàn. Nhiều ngày trôi qua như không có chuyện gì xảy ra, một số người đã quay trở lại với công việc thường nhật của họ. Thế rồi một ngày kia, khi mọi người đã trở nên quá quen thuộc với cảnh sinh sống giữa vòng nguy hiểm, thì sự tận cùng đã đến. Và hơn 16 ngàn người đã bị chết ngạt bởi những dòng nham thạch sôi bỏng bùng lên.

* Một phút hồi tâm: Tín hữu có thể nhìn thấy vài điểm tương đồng giữa những tình trạng trước sự hủy diệt của Pompeii và cuộc sống của chúng ta hiện nay. Nhiều người từ nhỏ đã nghe nói về ngày tận thế sắp đến, nhiều Tín hữu bình thường cũng có thể hiểu ngày Chúa Giêsu lại đến trong vinh quang đang gần kề. Họ đã dành nhiều buổi tĩnh tâm, câù nguyện, học hỏi Kinh Thánh nói về ngày đó. Thế nhưng các điềm báo đã trôi qua và họ quên đi mục đích sống sám hối của mình. Sự đam mê và giầu có đã giết chết người dân thành Pompeii. Khi đống đổ nát tại thành này được khai quật, cả thế giới đã có thể thấy được điều gì là tối quan trọng nhất đối với những người bị chôn vùi tại đó. Một cô gái trẻ đã quay trở lại để lấy một đội bông tai bằng ngọc trai, để rồi bị thiêu đốt bởi nham thạch ngay trước của nhà mình. Một người đàn ông trở lại lấy túi đồng tiền vàng, ông đã bị chôn vùi chung với số vàng ấy. Họ và nhiều người khác nữa đều bị chết vì nỗi đam mê giầu sang của mình, mà không thoát được.!!

Và ngày nào đó, cả nhân loại, bạn và tôi cho rằng cái gì đáng giá nhất trong cuộc đời?? Chúa Giêsu đã nói trước về mối hiểm hoạ của sự mê đắm giầu sang rằng: “những nỗi lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú qúy cùng với những đam mê khác xâm chiếm lòng họ, bóp nghẹt Lời, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì.” (Mc 4, 19)

Đừng phớt lờ trước sự cảnh báo của dân thành Pompeii hay những động đất, bão tố, đất chuồi hiện nay. Hãy lắng nghe Lời răn bảo. !!!
 
Cây vả không sinh hoa trái
Lm. Phêrô Hồng Phúc
09:39 07/03/2010
CÂY VẢ KHÔNG SINH HOA TRÁI

Cây vả là một cây rất thân thương đối với người Do Thái và đi vào trong những quan niệm, hình ảnh, thậm chí cả phong tục của người Do Thái nữa. Khi Chúa Giêsu nói với Nathanael rằng "Khi ngươi còn ngồi dưới gốc cây vả thì Ta đã biết ngươi" (Ga 1,48). Kiểu nói "ngồi dưới gốc cây vả" của người Do Thái chỉ những người ham đọc sách Thánh Kinh. Bởi vậy, cây vả nhắc cho những người Do Thái những gì liên quan đến đạo đức. Chúa Giêsu đã đưa ra dụ ngôn chỉ có lá mà không có quả, vừa thực tế nhưng lại rất sinh động để dạy mỗi người chúng ta một bài học sâu sắc về nếp sống đạo đức.

Chuyện kể rằng: "Có Một ông vua và một người khờ dại. Ngày kia vua cho gọi người khờ dại vào cung, trao cho hắn cây gậy và nói:

- Ngươi hãy nhận lấy cây gậy này và gì giữ nó kỹ lưỡng. Khi gặp người nào khờ dại hơn ngươi, ngươi hãy trao gậy cho người đó.

Năm tháng trôi qua, nhà vua già yếu, lâm bệnh nặng. thấy mình gần đất xa trời, vua triệu tập hoàng gia và cả người khờ dại đến bên giường ông. Lúc mọi người tề tựu đông đủ, vua trối:

- Ta biết ta phải lên đường đi xa và không trở lại, nên ta từ giã tất cả…

Mọi người nghe thế thì sụt sùi rơi lệ… Bỗng người khờ dại đến gần bên vua lên tiếng hỏi:

- Tâu hoàng thượng, hoàng thượng sắp đi xa vậy mà có chuẩn bị gì cho cuộc hành trình quan trọng nhất đó chưa ?

Nhà vua tỏ vẻ hối tiếc đáp:

- Nói thật, ta chưa chuẩn bị gì cho cuộc hành trình quan trọng nhất này. Ta cứ hoãn đi hoãn lại, hết lần này đến lần khác. Và bây giờ thì quá trễ rồi. Ta không còn thời giờ nữa.

Người khờ dại liền cúi đầu trước mặt vua và lễ phép nói:

-Tâu hoàng thượng, vậy xin hoàng thượng hãy nhận lại cây gậy này, vì hạ thần nhận thấy hoàng thượng còn khờ dại hơn hạ thần nữa !”
(Trích Minh hoạ Lời Chúa)

Đúng là cứ hoãn đi hoãn lại mãi, cho đến bây giờ thì trễ rồi. Một đời sống mà không lo hành trang cho cuộc đi xa của mình. Ông vua trong câu chuyện này xứng đáng biểu hiện cho cây vả không có hoa có trái, chỉ có lá tốt tươi. Hoãn đi hoãn lại mãi, không sinh hoa trái, đến ngày mình nhận ra vấn đề thì đã quá trễ. Đúng như người ta nói: "Chẳng chịu mở mắt ra mà nhìn, đến khi mở mắt thì thấy người ta đang vuốt mắt cho mình rồi”. Tuy nhiên lòng yêu thương của Thiên Chúa bao dung và độ lượng, đến giây phút ấy, người làm vườn còn xin với chủ "giãn thêm một năm nữa để tôi đào đất bón phân may ra năm nay có quả chăng". Qua đó chúng ta thấy ngày giờ năm tháng vắn vỏi nhưng Thiên Chúa vẫn cho chúng ta từ năm này qua năm khác để chờ đợi chúng ta sinh hoa trái là những việc lành phúc đức, là các nhân đức chúng ta thực hành, là những việc lành chúng ta làm sinh ơn cứu độ.

Trong cuộc sống của người Kitô hữu, người ta dễ quên bản chất của mình. Vì người Kitô hữu gắn liền với Tin Mừng, nhưng người ta thích "tin tức" hơn "Tin mừng". Là người Kitô hữu - Công đồng Vaticanan II nói: "Như linh hồn ở trong thân xác như thế nào, người Kitô hữu hoạt động trong xã hội cũng phải như thế". Nhưng nhiều khi người Kitô hữu hoạt động “đời” hơn xã hội. Nghĩa là họ quên mất căn cước Kitô hữu của mình: Họ cũng lao vào vòng quay của thế sự; họ cũng ganh đua với những nền duy kinh tế, duy vật chất; họ cũng thao thức, háo hức những cuộc khám phá những cuộc du lịch, những cách hưởng thụ theo lề thói thế gian. Và như vậy "cây vả không có trái" không những đã cho thấy họ trở thành người khờ dại, người đi xa không có hành trang, mà họ còn có nguy cơ đi theo lề thói thế gian là đoán xét. Những người Do Thái ngày xưa họ cũng đã hay đoán xét. Khi Philatô giết những người đang tế lễ, khiến cho máu của họ hoà với máu của những con vật đang tế lễ. Những người Do Thái thay vì cảm thương thì lại đoán xét rằng: Những người kia có tội, dâng lễ Chúa không nhận và họ xứng đáng bị giết !. Chúa Giêsu đã đưa những hình ảnh ấy, cả những hình ảnh rất khách quan như tháp Siloe đổ xuống đè chết mười tám người. vậy mà người DoThái cũng đoán xét là Thiên Chúa phạt những người tội lỗi, cho họ gặp sự dữ. Đức Giêsu kết luận: "Ta bảo các ngươi: Không phải thế, nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối lỗi thì các ngươi cũng sẽ bị chết hết y như vậy " (Lc 13, 9) và chúng ta có quyền nói thêm rằng "nếu các người cũng cứ là cây vả, chỉ có lá không có quả thì các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy". Đó cũng là kết quả của những người đoán xét và không sinh hoa trái. Chính vì thế, thánh Phaolô nhắc chúng ta:

- Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ;

Chúng ta hãy đến gần như Môsê nơi bụi gai bốc lửa. Đến đó để làm gì?

Thứ nhất đến đó để nghe tiếng của Chúa phán: "Đây là Đất Thánh". Môsê vội vàng cởi dép ra. Bởi vì ông ý thức đây là sự hiện diện linh thánh của Thiên Chúa.

Thứ hai ông nhận sứ mệnh "Ngươi hãy trở về Ai - Cập để cứu dân Ta. Tiếng của dân Ta đã thấu đến Ta. Ngươi hãy trở về để đưa dân Ta ra khỏi đất nước Ai - Cập". Phải chăng trong Mùa Chay thánh này chúng ta cũng nghe thấy tiếng Chúa kêu gọi hãy đưa con người của chúng ta ra khỏi guồng quay của thế gian mà Ai - Cập là hình bóng chỉ nơi chúng ta đang sống trên trần gian này đó là "tha hương lữ thứ". Chúng ta cần phải đưa con người thật của chúng ta, tâm hồn thật của chúng ta về quê hương thật là Nước Trời. Vì vậy, Môsê đã lãnh nhận sứ mệnh đó để trở về đưa dân Người ra khỏi đất nước Ai - Cập. Ước gì Mùa Chay thánh này cũng nhắc nhở để chúng ta tách mình ra khỏi lòng tham, tách mình ra khỏi những guồng quay duy vật chất, duy kinh tế, duy hưởng thụ để chúng ta chăm lo tới sự sống đời đời.

Lạy Chúa Giêsu,

chúng con thấy hình ảnh của Chúa nơi chính người làm vườn

đã xin với ông chủ hoãn thêm một năm nữa cho cây vả chỉ có lá.

Xin cho cuộc đời của chúng con có cơ may sinh hoa kết trái.

Xin đừng để chúng con lạm dụng tình yêu thương của Chúa,

đừng để chúng con lạm dụng ngày giờ Chúa ban

mà tiếp tục đi vào vòng quay của cuộc sống trần tục.

Nhưng giúp chúng con biết thức tỉnh con người của lương tâm,

biết thức tỉnh con người của Nước Trời với bản chất Kitô hữu

để chúng con sinh hoa kết trái,

là những hành trang cần thiết cho một cuộc đi xa

đi xa từ đời này tới đời kia,

đi xa từ bóng tối về với ánh sáng,

đi xa từ mặt đất về tới quê trời.

Xin Chúa giúp sức cho chúng con sinh hoa trái thiêng liêng

và giúp chúng con đạt tới ơn cứu độ đời đời. Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:09 07/03/2010
TUYẾN SẢN XUẤT

N2T


- “Má, con muốn có một em trai.”

- “Không phải trước đây không lâu con đã có một em trai hay sao ?”

- “Con muốn thêm một đứa em nữa.”

- “Không thể nào nhanh như thế, để sinh một em bé thì cần phải có thời gian rất lâu.”

- “Vậy tại sao má không học tập giống như tuyến sản xuất nơi công xưởng của ba ?”

- “Học cái gì ?”

- “Phái thêm nhiều người làm việc hơn.”


(Lắng nghe của loài ếch)

Suy tư:

Suy nghĩ của em bé không như suy nghĩ của người lớn, cách nhìn sự việc của em bé không như cách nhìn của người lớn, cho nên chúng ta –những người lớn- cần phải cản thận trong cách suy nghĩ và cách nhìn của mình, bởi vì trẻ em sẽ nhìn coi cách làm việc và cách nhìn của mình mà trở thành người tốt hay xấu, người có ích hay có hại cho Giáo Hội và cho xã hội...

Để sinh một em bé thì thời gian cần phải chín tháng, nhưng để em bé trở thành một con người tốt thì cần phải có thời gian rất lâu bảy tám chục năm...

Tuyến sản xuất sản phẩm cho ra nhiều sản phẩm tiêu dùng thì cần phải máy móc hiện đại, nhưng để sản sinh ra một em bé với tất cả hạnh phúc của cha mẹ và của bé, thì cần phải có tình yêu chân chính và một mái nhà thân yêu.

Ai hiểu thì hiểu, mà chắc chắn mọi người đều hiểu điều ấy.

---------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:10 07/03/2010
N2T


11. Thiên Chúa yêu thích nhất là người vui vẻ.

(Thánh Philip Neri)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:11 07/03/2010
N2T


383. Thời khắc khó khăn càng cần thiết mình tự cho mình một cơ hội.

 
Giuse khiết tịnh
Lm. Vinh Sơn Đinh Minh Thỏa
23:17 07/03/2010
Con số 7 tượng trưng cho sự hoàn hảo. Kinh Lạy Cha có 7 lời cầu xin; phép lạ hóa bánh ra nhiều còn dư 7 thúng, Chúa Thánh Thần ban bảy ơn. Trong Tin Mừng Mátthêu, tên Giuse xuất hiện 7 lần, cho thấy vai trò của ngài rất quan trọng; nhưng lối sống âm thầm của ngài lại cho chúng ta sự chú ý.

Thánh Giuse làm chủ trong lời ăn tiếng nói. Ta không hề thấy một lời nào của ngài.

Trong Tin Mừng, ngài rất thinh lặng. Vì vậy, nếu ngài im lặng, thì đây không phải là tình trạng lặng thinh, cũng không phải là hờn dỗi, cũng không phải vì ngài ít nói. Ngài thinh lặng để lắng nghe.

Trước tiên vì ngài là mẫu mực cho sự vâng phục của đức tin.

Ngài biết rằng vâng phục để lắng nghe cho tỏ tường. Từ đó, sự thinh lặng, việc giữ gìn ý tứ và những lời ăn tiếng nói hiếm thấy nơi ngài: ngài phải thế để lắng nghe, đó là mở tai lòng mình ra.

Khi Thiên Chúa gọi, ngài trả lời ngay, nhưng theo cách của ngài.

Khi ngài nghe Thiên Chúa nói: Giuse, đừng sợ đón nhận... Chúa Thánh Thần, Phúc Âm không hề nói gì đến lời của ngài nhưng nói đến thái độ: Giuse làm như Thiên Thần Chúa dạy.

Suốt cả đời sống của ngài diễn ra như thế: chỉ cần Thiên Chúa bảo “đứng dậy” và ngài đứng dậy, không một lời nói. Giuse là người không chậm trễ, thẳng thừng, không nhiều lời, làm theo ý Chúa.

Ôi! mong sao thế giới được tốt đẹp nếu tất cả mọi người (hay ít ra là các Kitô hữu) đáp lại ý Chúa như Giuse đã làm...

THÁNH GIUSE LÀM CHỦ THÂN XÁC

.... đặc biệt là về tính dục.

Vì ngài đã tin vào Thiên Chúa, ngài đón Maria về nhà. Ngài đón nhận cô vì cô là người nữ trinh khiết và đang có thai.

Vì ngài đã nghe Thiên Chúa, ngài hiến dâng ơn gọi của mình với tư cách là một con người hoàn toàn là hợp pháp.

Ngài chấp nhận tránh nhiệm và gáng nặng của một gia đình, nhưng từ chối tình yêu hôn nhân tự nhiên. Tình yêu này làm sinh sôi và làm cho gia đình lớn lên.

Giuse là bậc thầy về đức khiết tịnh, một đức tính cao đẹp mở ra một tình yêu chân thật, dù sống đời hôn nhân hay độc thân, sống tu trì hay gia đình.

Hậu quả đầu tiên của tội nguyên tổ là đánh mất sự tự chủ thiêng liêng, không làm chủ được thân xác chúng ta nữa. Tinh thần thì mạnh mẽ, nhưng thân xác thì yếu đuối.....

Vì vậy, khi thân xác chỉ sống cho mình, thân thể bị trao nộp cho chính nó, nó sẽ bằng lòng đi theo những qui luật của thú vật.

Khi lắng nghe Thiên Chúa, thánh Giuse đã tìm thấy con đường duy nhất cho sự sống trong sự khiết tịnh và khiêm tốn.

Trong xưởng mộc Nadarét, khi làm việc trong thinh lặng, ngài đã hợp nhất con người của ngài cách sâu xa. Đời sống của ngài sẽ mặn mà hơn muối, hơn vẻ đẹp và niềm vui mà ngài muốn đạt được theo ý của mình.

Tên bạo chúa kiêu căng nói: “Ta làm chủ bản thân cũng như làm chủ vũ trụ”.

Còn Thánh Giuse thì nói: “Tôi làm chủ bản thân bởi vì Thiên Chúa là vị thầy duy nhất của tôi”.

Dịch theo BullGiuseetin du Rosaire 3/2010
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chí Lợi: Đức Thánh Cha Benedict XVI kêu gọi một lần nữa phải hợp quần
Bùi Hữu Thư
10:04 07/03/2010
Trong khi các chấn động tiếp liên vẫn tiếp diễn.

ROME, Thứ Sáu ngày 5 tháng 3, 2010 (Le Monde vu de Rome) – Trong một điện tín gửi cho Đức Giám Mục Alejandro Goic Karmelic giáo phận Rancagua, và cũng là chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Chí Lợi, Đức Thánh Cha Benedict XVI một lần nữa kêu gọi sự hợp quần với các người dân bị trận động đất ở Chí Lợi tàn phá.

Các chấn động tiếp liên, rất dữ dội, như buổi sáng nay, đã đạt đến cường độ 6,8 với trọng tâm cách xa thành phố Conception 30 cây số, nơi đã bị tàn phá rất mạnh bởi chấn động đầu tiên với cường độ 8,8, ngày thứ bẩy 27 tháng hai vừa qua.

Đức Thánh Cha Benedict XVI gợi đến “một nỗi thống khổ vĩ đại” và kêu cầu Thiên Chúa “an ủi” các nạn nhân và khuyến khích “những tình cảm Kitô hữu về niềm hy vọng và hợp quần huynh đệ để có thể vượt qua những khó khăn.”

Đức Thánh Cha khuyên “các cộng đồng giáo hội, các tổ chức dân sự và những ai có thiện chí” hãy giúp đỡ “trong những thời điểm khó khăn này, với một tinh thần quảng đại và bác ái lo lắng.”

Trong một điệp văn gửi cho toàn dân Chí Lợi: Đức Cha Goic Karmelic cũng khuyến khích dân chúng “cố gắng can đảm trở lại”, và “cùng hợp tác.”
 
Anh Quốc thành quốc gia Công Giáo
Vũ Văn An
17:44 07/03/2010
Nghe như truyện đùa mà có thật. Vì vào thứ ba tuần rồi (2/3/2010), Đức Hồng Y Cormac Murphy-O'Connor có tham dự một cuộc tranh luận do tập san The Spectator tổ chức dưới chủ đề “Anh Quốc Nên Là Một Quốc Gia Công Giáo Một Lần Nữa”. Cùng với vị hồng y nguyên tổng giám mục Westminster này, còn có sự hiện diện của các tác giả Piers Paul Read và Dom Antony Sutch, chánh xứ Nhà Thờ Công Giáo St Benets nữa. Các vị này đứng về phe ủng hộ.

Phe chống gồm có Ngài Richard Harries, nguyên giám mục Anh Giáo của Oxford; Matthews Parris, nguyên Dân Biểu Bảo Thủ và hiện giữ một mục cho báo Times; và Stephen Pound, Dân Biểu thuộc Đảng Lao Động.

Dù quả quyết rằng Phong Trào Cải Cách “đã mang lại cho xứ sở này một mất mát lớn lao”, nhưng trọng tâm bài đóng góp của ĐHY Murphy-O'Connor's xoay quanh quan điểm đại kết. Ngài nói: “thị kiến của tôi là muốn Giáo Hội Nước Anh, hợp nhất với trọn bộ lịch sử và thiên tài của nó, được cùng hàng ngũ và hiệp thông với một tỷ hay hơn thế các Kitô hữu Công Giáo khắp thế giới, với 4,000 hay 5,000 giám mục và với Giám Mục Rôma, tức Đức Giáo Hoàng… Thị kiến của tôi đối với Giáo Hội Nước Anh có hai phương diện. Thứ nhất, Giáo Hội ấy được hợp nhất với Giáo Hội Phổ Quát, vì Công Giáo có nghĩa là Phổ Quát, và thứ hai, Giáo Hội ấy mang về cho Giáo Hội Phổ Quát các đặc điểm và thiên tài đặc thù của người Anh, vốn là một nguồn phong phú hóa cho toàn thể Giáo Hội. Nhờ thế, Giáo Hội Nước Anh là một Giáo Hội hợp nhất và mạnh mẽ. Nó hiện diện ở ngoài kia, ở nơi công trường phố thị của xã hội thế tục đang co dần của ta, một xã hội đang đi tìm ý nghĩa và hy vọng. Giáo Hội Nước Anh sẽ nói với quốc gia về niềm tin chân thực, về phẩm giá con người nhân bản từ lúc bắt đầu sự sống cho tới lúc kết thúc tự nhiên”.

Vị giáo chủ 76 tuổi trình bày Giáo Hội này sẽ như một giáo hội biết lên tiếng cho sự sống, cho người nghèo và cho mọi người không có tiếng nói. Nó sẽ là một giáo hội biết bênh vực gia đình và “tiếp tục tôn trọng và đối thoại với những ai khác biệt với chúng ta, những người thuộc các tín ngưỡng khác, những người không có đức tin, những người bất khả tri và vô thần. Giáo Hội Nước Anh (English Church) sẽ là một tiếng nói mạnh, làm chứng cho mọi điều chân thiện. Nó sẽ là một Giáo Hội được nâng đỡ không những bởi Thánh Kinh, thánh truyền và lý lẽ vốn được Giáo Hội Anh Giáo (Anglican Church) trân qúy mà chủ yếu bằng Thánh Kinh, thánh truyền, lý lẽ và thẩm quyền giáo huấn nữa. Nó sẽ thâu tóm thẩm quyền ấy bằng cách giảng dạy sự thật và vẻ đẹp của Đức Tin Kitô Giáo”.

Đức HY Murphy-O’Connor kết luận: “Như thế, tôi đã trình bày với qúy vị một thị kiến của tôi. Tôi chỉ là một ông già với một giấc mơ về một Giáo Hội Nước Anh trên mảnh đất mà chúng ta rất yêu mến này và kính thưa qúy bà và qúy ông, tôi xin thưa với qúy vị rằng đó là một giấc mơ sẽ được thực hiện”.

Nguyên văn bài phát biểu của Đức Hồng Y Murphy-O’Connor như sau:

“… hẳn qúy vị muốn biết tại sao Anh Quốc nên là một quốc gia Công Giáo một lần nữa. Nhưng thế nào là “một quốc gia Công Giáo”? Có phải có nghĩa là đòi lại các nhà thờ chính tòa có tính lịch sử. .. để rồi phải chi phí mà bảo trì chúng không? Hay là đòi quyền lực chính trị để các giám mục chỉ định ông bà thủ tướng, chứ không phải ngược lại? Nếu qúy vị hy vọng được chứng kiến một cuộc đấm đá kiểu cũ giữa Thệ Phản và Công Giáo ngày xưa, thì tôi sợ qúy vị sẽ thất vọng.

Phần lớn người Anh, nếu có lúc nào nghĩ đến vấn đề này, hẳn sẽ nói một cách quân bình rằng Phong Trào Cải Cách là một điều tốt. Phong Trào này đã đem lại giáo dục, chân lý Thánh Kinh, tư duy độc lập và tiến bộ, bởi thế, nó là một điều tốt.

Nếu theo cùng một luận lý như thế, thì nước Anh trước Cải Cách phải là cái gì xấu xa: với những giáo chủ hủ hóa và trần đời như Hồng Y Wolesey, và một hàng giáo sĩ thô lỗ và ngu dốt. Các dấu chỉ duy nhất cho thấy sự sống Kitô Giáo chỉ phát xuất từ nhóm Lollards, những nhà Thệ Phản thẳng thừng bác bỏ cái món hầm bà lằng xí cấu của các bí tích để chỉ đọc Thánh Kinh bằng tiếng Anh ngõ hầu toàn diện nước Anh được chuẩn bị đón nhận tin mừng của phong trào Thệ Phản.

Nhưng thực ra, hàng loạt các cuộc nghiên cứu đã chứng minh rằng các các giáo xứ Anh trước thời Cải Cách hết sức sống động, biết thích nghi và được lòng dân chúng. Hàng ngũ giáo dân có lòng đạo lành mạnh và sẵn sàng làm việc bác ái. Hàng giám mục không hủ hóa và chính Erasmus cũng từng nghĩ rằng nước Anh thời đầu nhà Tudor là nước sáng suốt nhất ở Âu Châu. Và còn các đan viện hòa nhịp với lòng nhiệt thành ấy nữa: với họ là giáo dục, là chăm sóc y khoa, là tính hiếu khách hoàn toàn vì tình yêu Chúa.

Cho nên theo tôi, Phong Trào Cải Cách, dù có những đóng góp tích cực, đã đem lại cho xứ sở này một mất mát lớn lao. Nó là một ngắt quãng lớn lao. Nó đào ra cả một cái hố, sâu và phân cách, giữa nhân dân nước này và quá khứ của họ. Chỉ qua đêm, cả một thiên niên kỷ hào quang Kitô Giáo, cả một thế giới của những người như Gregory, Bede, Anselm, Catherine thành Siena, Francis, Dominic, Julian thành Norwich, Bernard, Dante, tất cả những người đàn ông và đàn bà từng nuôi dưỡng tâm trí thế giới Kitô Giáo hàng nghìn năm, trở thành một miền đất xa lạ, một Thời Đại Đen Tối của Bè Lũ Giáo Hoàng.

Phong Trào Thệ Phản được thiết lập trên hai khẳng định về ơn thánh và sự cứu rỗi, và sự mạc khải của Thiên Chúa trong Thánh Kinh. Nhưng cùng với hai khẳng định này là cả một loạt những phủ nhận và bác bỏ, như đập phá ảnh tượng, triệt hạ các thánh đường, phỉ báng Đức Giáo Hoàng và Thánh Lễ. Chủ nghĩa Thệ Phản, nhất là hình thức đặc thù tại Anh, trở thành định chế bởi việc bác bỏ Đạo Công Giáo.

Cho nên khi nói tới một quốc gia Công Giáo, ta hãy nhất trí với nhau rằng tranh chấp Cải Cách đã qua hẳn rồi. Ta không cần phải đổi chác lịch sử. Và tôi là người đầu tiên rất biết ơn đối với Giáo Hội Anh Giáo và nhiều Giáo Hội Kitô Giáo khác đã đóng góp biết bao phúc lợi cho xứ sở này suốt trong 4 trăm năm qua.

Thay vào đó, tôi xin trình bày với qúy vị một khởi điểm tốt hơn cho cuộc tranh luận của chúng ta. Qúy vị hãy trở lại với cuộc thăm viếng của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1982. Đối với nhiều người, hình ảnh then chốt là Đức Giáo Hoàng và Đức Tổng Giám Mục Canterbury qùy gối bên nhau trước đền Thánh Thomas a Becket để cầu nguyện. Hình ảnh ấy cảm động một cách ngoại thường. Hai Giáo Hội chúng ta đã vượt qua một đoạn đường dài để trở về với sự hợp nhất mà Chúa Kitô từng kêu gọi. Và không có gì khác kể cả tập san The Spectator có thể đẩy chúng ra xa nhau nữa. Tôi là một người phò đại kết xác tín và tận tụy, nên tôi tin rằng phong trào đại kết cũng giống như một con đường không có lối ra. Chúng ta không ở thế đua tranh nhưng cùng nhau cố gắng. Đấy không phải là một chọn lựa giữa Giáo Hội Nước Anh và nước Anh Công Giáo, mà là chọn lựa Giáo Hội tại Anh, Giáo Hội Nước Anh.

Thị kiến của tôi là một Giáo Hội Nước Anh, hợp nhất với trọn lịch sử và thiên tài của nó, đứng cùng hàng ngũ và hiệp thông với một tỷ và hơn thế những người Kitô Hữu Công Giáo khắp thế giới, với 4 hay 5 nghìn giám mục và hiệp thông với Giám Mục Rôma, tức Đức Giáo Hoàng. Chỉ mới tháng trước, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã ca ngợi “cảm kết của chúng ta đối với sự bình đẳng về cơ hội cho mọi người”; ngài thúc giục ta tham gia cuộc tranh luận toàn quốc qua một “đối thoại đầy tôn trọng nhau”; ngài cũng ca ngợi các truyền thống tự do phát biểu và trung thực trao đổi ý kiến của chúng ta. Tôi có thể sống với điều đó.

Cũng là một vinh dự cho tôi được thuyết giảng trước Nữ Hoàng cách nay mấy năm, một điều mà 50 năm trước đó hẳn không thể xẩy ra được. Thời gian đã thay đổi nhiều và tôi dám chắc Nữ Hoàng hay người kế vị ngài sẽ không quản ngại chi khi phải nói ít hơn đối với việc đề cử một vị hồng y tổng giám mục cho Canterbury.

Xin cho tôi nói rõ, thị kiến của tôi về Giáo Hội Nước Anh có hai phương diện. Thứ nhất, nó hợp nhất với Giáo Hội Phổ Quát – Công Giáo vốn có nghĩa là phổ quát – và thứ hai, Giáo Hội ấy mang lại cho Giáo Hội Phổ Quát các đặc điểm và thiên tài đặc thù của người Anh là những điều quả thực làm giầu cho toàn thể Giáo Hội.

Nhờ thế, Giáo Hội Nước Anh là một giáo hội hợp nhất và mạnh mẽ. Nó hiện diện ở ngoài kia, nơi công trường phố thị của xã hội thế tục đang co dần của chúng ta, một xã hội đang đi tìm ý nghĩa và hy vọng. Giáo Hội Nước Anh này sẽ nói với quốc gia về niềm tin chân thực, về phẩm giá con người nhân bản từ lúc khởi đầu sự sống tới khi kết thúc tự nhiên của nó. Nó sẽ rao giảng một Phúc Âm của sự sống và sự thật.

Nó sẽ nói về điều Giáo Hội bênh vực, chứ không nói nhiều về điều Giáo Hội chống đối. Nó sẽ nói cho người nghèo, cho tù nhân, một tiếng nói cho những người không có tiếng nói. Nó sẽ nói về gia đình, giúp tạo nên một quốc gia lành mạnh, và tìm cách tháo ngòi, như vị Giáo Trưởng từng nói, trái bom đặt dưới nền xi-măng từng đem sự sống gắn bó lại với nhau trên quê hương này, tức gia đình. Một nền văn hóa chỉ biết khuyến khích tính dục bất cần yêu thương, khuyến khích hôn nhân bất cần cam kết, khuyến khích con cái bất cần sự bền vững để dưỡng nuôi chúng cách xứng đáng, là một nền văn hóa cần có một Giáo Hội ở công trường phố thị; và cần một tiếng nói biết lên tiếng bảo vệ vị trí của tôn giáo trong xã hội và của Chúa, Đấng qua Chúa Kitô, tự tỏ mình ra là một Thiên Chúa của tha thứ, của chấp nhận và của yêu thương.

Nhiều người duy thế tục tin rằng Giáo Hội, và tôn giáo nói chung, chỉ là truyện kỳ dị riêng tư, không có chỗ đứng trong sinh hoạt công cộng, không được gây bất cứ ảnh hưởng nào đối với quốc gia, không ăn nhậu gì đối với một xã hội lành mạnh. Thực ra họ sợ điều gì? Giáo Hội Nước Anh sẽ là mô thức cho người ta thấy phải yêu mến Thiên Chúa và người lân cận như thế nào.

Giáo Hội Nước Anh sẽ tiếp tục tôn trọng và đối thoại với những ai khác với chúng ta, những người thuộc các tín ngưỡng khác, những người không có đức tin, những người bất khả tri và vô thần. Giáo Hội Nước Anh sẽ là tiếng nói mạnh mẽ, làm chứng cho bất cứ điều gì là thiện hảo và chân thật. Nó sẽ là một giáo hội không những được nâng đỡ bằng Thánh Kinh, thánh truyền và lý trí mà Giáo Hội Anh Giáo rất trân trọng, mà chủ yếu được nâng đỡ bởi Thánh Kinh, thánh truyền, lý trí và thẩm quyền giáo huấn. Nó sẽ thâu tóm thẩm quyền ấy bằng cách truyền dạy sự thật và vẻ đẹp trong đức tin Kitô Giáo.

Tôi xin đi vào phần kết luận. Dĩ nhiên, đáng lẽ tôi phải nói về tội lỗi, những thất bại về nhiều mặt của Giáo Hội Công Giáo, những thất bại mà tôi biết chắc các địch thù của chúng tôi trong đêm nay sẽ nhắc đến. Và tôi cũng biết rằng Giáo Hội lúc nào cũng cần được tái tạo. Nhưng đó không phải là trọng điểm ở đây. Giáo Hội Công Giáo, Giáo Hội Nước Anh mà tôi nói đến, có sức mạnh và niềm tin chắc chắn rằng lực lượng của bóng tối sẽ không thắng nổi được mình. Như John Henry Newman từng nói, giáo hội này không thất bại vì đã được thử thách qua nhiều thời đại. Một Giáo Hội Nước Anh, trong hợp nhất với nhau, trong hiệp thông với Giáo Hội Phổ Quát, sẽ đem được Tin Mừng và ý nghĩa tới cho thế hệ chúng ta và các thế hệ sắp tới. Nó sẽ mở cửa chào đón mọi thách đố của thời đại, trong khi vẫn mạnh đủ để cưỡng lại mọi thoả hiệp với phong hóa hiện hành. Trên hết, nó sẽ và phải nổi bật về sự thánh thiện của các chi thể, về ý muốn yêu Chúa và yêu cũng như phục vụ anh em. Nó sẽ phục vụ Ích Chung.

Đêm nay, tôi thưa truyện với qúy vị trong sự khiêm hạ và tôn kính. Tiên tri Joel từng nói: “Các con trai con gái các ngươi sẽ nói tiên tri, các bô lão của các ngươi sẽ mơ nhiều giấc mơ và trai tráng các ngươi sẽ thấy nhiều thị kiến”. Tôi đã trình bày với qúy vị một thị kiến của tôi, và tôi là một ông già với giấc mơ về một Giáo Hội Nước Anh trên lãnh thổ mà chúng ta yêu thương hết mình này, thưa qúy bà và qúy ông, xin cho tôi nói điều này, đó là một giấc mơ có thể và nên trở thành một giấc mơ được thực hiện.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ giám mục GP Phú Cường đến thăm CĐCGVN - Nam Úc
Jos. Vĩnh SA
06:31 07/03/2010
Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ GM giáo phận Phú Cường đến thăm CĐCGVN - Nam Úc

Thứ Bảy ngày 06/3/2010. Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ giám mục giáo phận Phú Cường đã đến thăm Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam – Nam Úc.
Đức Cha Tứ
. Ngài đã cùng với Cộng Đồng dâng Thánh Lễ tối thứ Bảy và sáng Chúa Nhật ngày 07/3/10. Cùng đồng tế có Đức Ông Paul Minh Tâm quản nhiệm Cộng Đồng, cha Phêrô Phạm Văn Ái Sj cựu phó quản nhiệm CĐ, cha Martinô Mai Văn Sang OFM Dòng Phanxicô Úc, cha Giuse M. Lê Quốc Thăng chánh xứ Phú Trung, TGP Sàigòn tháp tùng theo Đức Cha.

Bài giảng trong Thánh Lễ, Đức Cha đã quảng diễn bài phúc âm Chúa Nhật thứ 2 Mùa Chay với dụ ngôn “Cây Vả” trong vườn nhà Chúa.

Ngài cũng sơ lược về tình hình giáo hội Việt Nam trong năm qua. Toàn giáo hội VN rất phấn khởi, khi các giáo phận trên toàn quốc tề tựu về giáo xứ Sở Kiện, TGP Hà Nội khai mạc Năm Thánh, kỷ niệm 350 thành lập giáo hội Việt Nam và 55 thành lập hàng giáo phẩm, đã đem đến một niềm vui chung cho mọi tín hữu VN và các đồng hương đang sống rải rác trên khắp năm châu.

Trước khi kết thúc Thánh Lễ, Đức Cha Tứ đã tường trình về tình hình giáo phận Phú Cường, nơi mà Đức Cha đang coi sóc. Ngài kêu gọi Cộng Đồng hãy rộng tay quảng đại đóng góp, trợ giúp giáo phận Phú Cường trong kế hoạch đang xây cất nhà thờ chính toà mới, với kinh phí dự trù 60 tỷ đồng VN, tương đương với 4 triệu Úc Kim. Đã được nhiều tín hữu trong Cộng Đồng hưởng ứng nhiệt tình đóng góp.

Sau Thánh Lễ Ngài đã xuống cuối hội trường và ra khu vực sân chơi Cánh Buồn uống cà phê, gặp gỡ và thăm hỏi giáo dân.

Cha Ái - Đ/ô. Tâm - Đ/c. Tứ - Cha Thăng - Cha Sang
Đ/ô. Tâm - Đ/c. Tứ - Cha Thăng
Cha Ái - Cha Sang
Dâng Lễ Vật
Đồng Tế
Trợ Giúp
 
Người phụ nữ trong thi ca Việt Nam và trong Kinh Thánh
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
11:32 07/03/2010
1. Trong nền thi ca Việt Nam

Trong kho tàng thi ca Việt Nam, đề tài về phụ nữ bao hàm người chị, người vợ người mẹ luôn luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho giới văn nghệ sĩ. Một số bài hát đề cao những đức tính rất đáng trân trọng của phái đẹp và đã đi vào lòng người.

Với sáng tác ca khúc « Chị Tôi », nhạc sĩ Trần Tiến dẫn chúng ta đến một vùng thôn quê bình dị, ở đó có một người con gái dễ thương đẹp người đẹp nết. Vì thương mẹ già và các em, người con gái ấy tảo tần gánh vác công việc gia đình mà nhất mực để sang một bên chuyện hạnh phúc lứa đôi của mình:

« Chị thương hai đứa em, thương mẹ già buồn đau.

Chị tôi chưa lấy chồng ».

Chắc hẳn, chúng ta rất quen với câu tục ngữ: « của chồng công vợ ». Những công thành danh toại của người con và người chồng trong gia đình đều mang đậm dấu ấn và công sức của người mẹ hiền và người vợ đảm đang. Ông Tú Xương vốn có nhiều long đong lận đận trong việc « lều chõng » đã cảm động trước sự tần tảo hy sinh của người vợ lam lũ:

« Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng ».

Kinh Thánh cũng đề cập đến một số khuôn mặt người nữ mà vai trò của họ gắn liền với những sứ mệnh rất mực quan trọng. Vượt lên trên những giới hạn về thời gian và không gian, tên tuổi của họ vẫn và sẽ còn được nhắc đến.

2. Eva, người mẹ của nhân loại

Từ buổi bình minh của con người và thuở khai sinh của đất trời cũng như muôn loài thụ tạo, ngay trong những trang sách đầu tiên của Kinh Thánh, danh xưng người nữ, người vợ và người mẹ đã được nhắc đến.

Sách Sáng Thế kể rằng Thiên Chúa đã tác tạo nên vũ trụ cỏ cây muông thú muôn loài. Ngài giao chúng cho Ađam làm chủ. Tuy nhiên, tâm hồn người đàn ông này vẫn cảm thấy trống vắng. Thiên Chúa đã nhận ra điều ấy: « Người đàn ông ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó » (St 2, 18). Quả thật, đứng trước thụ tạo mới này, người đàn ông đã trầm trồ thốt lên: « Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi » (St 2, 23). Và Ađam đã đặt tên cho vợ mình là Eva vì bà là mẹ của chúng sinh (x. St 3, 20).

Để nói về tính bất khả phân ly của hôn nhân, Đức Giêsu đã viện dẫn trang trình thuật này và Ngài đi đến kết luận: « Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly ». (Mt 19, 6).

3. Maria, Mẹ Đức Giêsu và Kitô hữu

Đức Maria là người nữ tuyệt hảo và được ca ngợi là « Đấng đầy ân sủng » (x. Lc1, 28) và được Thiên Chúa chúc phúc giữa muôn người phụ nữ. Mẹ đã được diễm phúc cưu mang sinh hạ và nuôi dưỡng Đấng Cứu Thế. Một sứ mạng thật cao cả, mà cả triều thần thiên quốc và muôn loài hạ giới không ngớt ca ngợi tôn vinh danh Mẹ.

Chúng ta thấy nơi người nữ ấy toát lên sự khiêm hạ và luôn luôn biết đặt niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa: « Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói » (Lc 1, 38). Trước mọi biến cố của cuộc đời, Mẹ luôn nhận ra thánh ý Thiên Chúa. Ngay cả trong những thử thách khó khăn nhất, Mẹ vẫn vững tin, vì biết « lắng nghe tiếng Chúa, biết suy đi nghĩ lại trong lòng trước khi đem ra thực hành » (x. Lc 2, 19).

Trên mọi tình huống, Mẹ là một phụ nữ rất nhạy cảm và biết quan tâm đến những nhu cầu khẩn thiết của người khác. Tin mừng thánh Gioan kể rằng có một đám cưới tại Cana mà Mẹ và Đức Giêsu cũng như các môn đệ được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thấu hiểu sự bối rối của gia chủ, Mẹ Maria đã ngỏ lời với Chúa Giêsu: « Họ hết rượu rồi » (Ga 2, 3). Đặc biệt, Mẹ đã hiện diện trên khắp mọi nẻo đường sứ mệnh cùng với Giêsu con Mẹ từ lúc chào đời cho đến khi nhắm mắt lìa đời trên thập giá. Trái tim Mẹ cùng chung nhịp đập với trái tim người con của Mẹ. Những tháng ngày trong đời sống công khai, Đức Giêsu rong ruổi khắp các làng mạc và thị thành để rao giảng Tin Mừng, chắc hẳn thời gian ấy, tâm hồn Mẹ cũng hằng dõi theo bước chân miệt mài của con Mẹ. Rồi cũng có lúc, Mẹ rời khỏi nhà và tạm ngưng công việc để đi tìm gặp người con, để tận mắt chứng kiến và xem những điều thực hư liên quan đến con mình thế nào (x. Mt 12, 46).

Đức Giêsu cũng muốn gửi gắm mọi tín hữu cho Mẹ để cũng nhận được sự chăm sóc và quan tâm đầy tình mẫu tử ấy. Trên thánh giá, Ngài đã trối Gioan, đại diện nhân loại, cho Thân Mẫu mình: « Này là con Mẹ » (x. Ga 19, 26).

4. Maria Mácđala, nữ tông đồ loan Tin Mừng Phục Sinh

Không có diễm phúc được Chúa Giêsu chọn và gọi như các Tông Đồ, Maria Mácđala đơn thuần là người phụ nữ được Ngài giải thoát cho khỏi bảy quỷ (x. Lc 8, 2). Sau biến cố ấy, Tin Mừng Luca kể rằng bà đã lấy của cải mình để giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ (x. Lc 8, 3). Trước cuộc khổ hình của Đức Giêsu, trong khi các môn đệ thân tín chạy trốn trừ một mình Gioan, Maria Mácđala, cùng với một số phụ nữ khác và cùng với Mẹ Người can đảm đứng dưới chân thập giá như để chia sẻ những đớn đau cực hình và để an ủi động viên Đức Giêsu (x. Ga 19, 25). Cũng chính bà là người vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần đã ra viếng mộ để lo chỉnh sửa mọi thứ cho chu đáo. Và này một niềm vui mừng khôn tả đã đến với bà: Đức Giêsu Kitô, Đấng được Chúa Cha sai xuống trần gian để cứu chuộc nhân loại, đã chịu khổ hình, chịu đóng đinh trên thập giá, chịu chết và giờ đây sống lại đang đứng bên cạnh bà. Chính Ngài đã trao phó cho bà một sứ mệnh hết sức quan trọng là trở thành người Tông Đồ đầu tiên loan báo Tin Mừng Chúa Phục Sinh (x. Ga 20, 17). Một niềm vinh dự và niềm vui quá đỗi lớn lao.

5. Lời kết

Trong tình yêu thương nhân loại và trong sự quan phòng cách đặc biệt, Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam có nữ để cho hai giới tính khác biệt ấy nâng đỡ và bổ sung lẫn cho nhau. Vào mọi nơi, mọi thời, trên bình diện gia đình, cộng đoàn, cũng như xã hội và Giáo Hội, vai trò và những đóng góp của người phụ nữ là không thể phủ nhận. Mỗi người ít nhiều đều được hưởng nhờ những chăm sóc ân cần chu đáo từ người bà nhân hậu, người mẹ đảm đang, người vợ nhân hiền, và người chị hay người em gái thân thương, hoặc những bè bạn, đồng nghiệp tốt lành. Xã hội và Giáo hội trong sứ mệnh của mình đều cần đến sự hậu thuẫn của những gia đình có nền tảng vững chắc. Để có được những gia đình êm ấm và hạnh phúc, điều đó lại cần đến sự chăm lo tận tình chu đáo của người phụ nữ.
 
Nhật ký hành trình hành hương La Vang
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
12:24 07/03/2010
Giáo hạt Dak Lak 1 giáo phận Ban Mê Thuột

Đúng 6g40 ngày thứ Ba ( 02-03-3010) xe Ngọc Ánh chở quý cha thuộc giáo hạt Daklak 1 chuyển bánh khởi hành từ Tòa Giám Mục đi La Vang. Có thể nói toàn thể quý cha trong giáo Hạt đều tham dự đầy đủ, ngoại trừ hai cha Âugustinô Toàn và GB.Uyển không thể tham gia vì lý do sức khỏe. Hai cha đang hưu trí là cha Irênê Bình Tỉnh và cha Đaminh Bá Tòng cũng hăng hái tham dự. Đức Giám mục giáo phận cũng đồng hành với đoàn giáo hạt Daklak 1. Tổng cộng có 29 cha và thêm Đức Cha, thảy là 30 thành viên chẳn.

Cha Hạt trưởng GB. Bùi Quang Đạo phân phát bảng tên đeo cổ. Có cha dí dõm rằng đeo bảng tên để nhận diện nếu có sự cố chẳng may, ví như chiếc thẻ bài. Mới khởi hành mà đã có miệng ăn mắm ăn muối, không kiêng cử, kỵ úy gì cả. Xe lăn bánh hướng quốc lộ 14 để tuần tự rước cha GB.Truyền, xứ Nam Thiên, cha Giuse Hiển, xứ Công Chính cùng quý cha các xứ Vinh Quang, Vinh Đức, Vinh Phước, Buôn Hồ, Phú Xuân. Điểm đón cuối cùng là xứ Buôn Hồ và đây cũng là dịp các cha thêm một lần chiêm ngắm công trình vĩ đại của giáo xứ và cha xứ Phêrô Khoa, một ngôi thánh đường nguy nga đang dần hoàn thiện.

Xe tiếp tục lên đường, và theo đề nghị của nhiều cha, xe chọn hướng đường Trường Sơn để cho biết quang cảnh núi rừng. Các cha dùng điểm tâm trên xe. Ban ẩm thực quá chu đáo với gói điểm tâm quá cở khiến một số cha ngần ngại, đúng hơn là biết lo xa cho bữa cơm trưa nên chỉ dùng một phần. Một số cha giải trí bằng đôminô ở cuối xe.

11g00 cha GB Truyền phụ trách Phụng vụ mời các cha đọc Kinh trưa. Ngài chuẩn bị rất chu đáo bằng cuốn tập các giờ Kinh Phụng vụ của những ngày hành hương hầu giúp các cha đỡ phải khệ nệ cuốn Sách Kinh to đùng. Tấm lòng của một người, dĩ nhiên là kèm cả sự vất vả, đã giúp tất cả giúp cả đoàn hành hương bớt một chút nặng. Có một tấm lòng, vài tấm lòng, nhiều tấm lòng cuộc sống của nhân loại sẽ nhẹ nhàng biết bao!

13g00 xe dừng bánh tại một quán cơm địa bàn Ngọc Hồi, Kon Tum. Trời nắng nóng, quán không có nước rửa mặt mủi tay chân, thực đơn chẳng có gì đáng nói, thế mà Vít vồ vẫn khen cơm ngon! Ngồi ăn bên cạnh Ngài mới nhận ra chân lý này: trong cảnh khó khăn, khổ cực, vẫn luôn có cái gì đó tốt đẹp. Có người chỉ thấy là đám đất bùn hôi nhưng lại có người trầm trồ chỉ với một cánh hoa sen đang thầm khoe sắc.

Những tưởng rằng sẽ chiêm ngắm cảnh núi đồi thiên nhiên, nhưng hầu hết đều gật gà vì mệt và vì “say sóng”. Quả thực, chuyện “lực bất tòng tâm” là chuyện bình thường của kiếp người. Cha Truyền bắt kinh lần hạt chung kính Đức Mẹ.

Khoảng 18g30 xe từ từ vào sân Nhà thờ Chính Tòa, cũng là Tòa Giám Mục Đà Nẳng. Sau khi chào cha quản lý, quý cha giáo phận Đà Nẳng có mặt, anh em nhận phòng ngủ rồi sau đó chờ Đức Giám Mục Đà Nẳng về để cùng dùng cơm tối. Khoảng 19g30 Đức giám mục Đà Nẳng về. Cha hạt trưởng hạt Đaklak 1 thay mặt anh em chào Đức Cha và tặng quà. Đức giám mục Đà Nẳng cũng có quà tặng lại. Ngài vừa từ Hà Nội về nên quà tặng dĩ nhiên là bánh đặc sản Thủ đô. Sau cơm tối, một số cha cuốc bộ tham quan cảnh Đà Nẳng về đêm, đặc biệt đi xem cây cầu xoay trên sông Hàn.

Đúng 05g00 sáng ngày thứ Tư (03-03-2010), anh em cùng đồng tế với giám mục giáo phận mình tại nhà thờ Chính Tòa. Nhóm anh em giáo Hạt Phước Long cũng hiện diện. Nhóm này đã đến Đà Nẳng trước nhưng không ở lại Tòa Giám Mục mà lưu trú ở ngoài. Trong Thánh Lễ, Đức Cha Ban Mê Thuột chia sẻ nội dung là xin cho hàng linh mục của Chúa luôn can đảm kiên trung với sứ mạng Chúa giao phó như ngôn sứ Giêrêmia.

Sau khi dùng điểm tâm tại Tòa Giám mục Đà Nẳng, anh em lại lên đường tham quan địa điểm đang xây dựng Tòa Giám mục cũng như Trung Tâm mục vụ của giáo phận Đà Nẳng. Cha phụ trách Phụng vụ mời anh em đọc Kinh Sáng. Đoạn đường hơi ngắn nên xe phải chạy vòng vồng để cho quý cha xong giờ Kinh Sáng rôi mới đến địa điểm tham quan. Đoàn lại tiếp tục tham quan nhà hưu dưỡng của hội dòng thánh Phaolô. Ở đây có một cái đền Đức Mẹ Sao Biển rất được người trong đạo lẫn bà con lương dân hay khác đạo sùng kính. Hoa quanh đền Mẹ luôn đầy và tươi nở. Đến trước đền Mẹ, anh em dâng lên Mẹ vài câu kinh nguyện tỏ lòng mến yêu và dâng chuyến hành hương về La Vang cho Mẹ. Đức giám mục giáo phận nhà diễn giải cho anh em biết đôi nét về sự hiện hữu của ngôi đền lộ thiên, hướng về biển cả này. Chân dung tượng Mẹ không được đẹp theo mỹ quan, nhưng đượm nét tình sâu lắng cách nào đó cùng nét khắc khổ lo toan của một người mẹ sống vì đàn con.

08g45 xe lăn bánh ra Huế. Cha GB. Minh Tâm, người phụ trách hoạt náo viên chuyến hành trình mời cả đoàn hát bài thánh ca về linh mục. Xe đến Đan viện Thiên An lúc 12g00. Cha viện phụ đón tiếp đoàn niềm nở không chỉ với nụ cười tươi mà còn với bữa cơm trưa rất ngon miệng. Chắc hẳn không nguyên vì đoàn có các đấng bậc như giám mục, cha tổng đại diện mà còn vì một trong những tôn chỉ của hội dòng là tiếp đón khách như tiếp đón Chúa Kitô. Dùng cơm xong các cha đi tham quan ngôi Nhà Nguyện dưới tầng hầm. Cha Đaminh Phạm Bá Tòng chia sẻ kỷ niệm đời ngài. Đó là vì bận lo đánh nhịp cho ca đoàn trong dịp các anh em cùng lớp lãnh thánh chức, nên ngài phải chịu chức phó tế một mình dịp sau đó ba tháng. Và ngôi nhà nguyện ở tầng hầm của dòng Thiên An là nơi ngài đã lãnh nhận thánh chức phó tế. Dù rằng tin lời ngài tâm sự, nhưng vẫn có vài vị trêu ngươi, vặn vẹo ngài rằng không biết ngày xưa đánh nhịp ra sao mà bị cầm chức. Có đấng lại gợi ý ngài nằm xuống như buổi chịu chức ngày xưa để ghi tấm hình. Chắc chắn với tấm thân bồ tượng như hiện nay, nếu ngài nghe lời mà nằm xuống thì khó có bề chỗi dậy như ngày xưa. Đức Cha giáo phận còn nhân sự ấy kể chuyện một ông cha kia sau khi chịu chức đã nói với anh em rằng khi mình nằm xuống phủ phục, thì bà con chung quanh chen lấn nhau nhìn. Thế là có vài vị tố giác là ông này thay vì nằm sấp lại nằm ngửa, vì có nằm ngữa mới thấy người ta chen lấn nhau để nhìn cảnh các tiến chức phủ phục! Rời nhà nguyện, anh em đến phòng bán hàng lưu niệm. Cha Stêphanô Đậu tiếp thị dẽo miệng trên cả chuyên nghiệp. Thế là quý thầy gói hàng bán cho quý cha không kịp nghỉ tay.

Xe tiếp tục lăn bánh đến linh địa La Vang. Đến nơi vào khoảng 15g50’, quý cha giáo phận Huế đón tiếp niềm nở, hướng dẫn ghi danh, nhận áo pull đại hội và nhận phòng ngủ nghỉ. Trời La Vang vừa nắng lại vừa nóng, nhưng cái ấm của tình huynh đệ linh mục như át cái nóng của tiết trời. Tay bắt mặt mừng, người Ban Mê, kẻ Nha Trang, người Kon Tum, kẻ Quy Nhơn, Đà Nẳng, dĩ nhiên anh em Huế, người sở tại lo khâu tổ chức thì có mặt khắp nơi của khu linh địa. Đúng 18g00 anh em tụ họp tại phòng cơm nhà hành hương dùng bữa tối. Chuyện trò rôm ran, khiến Đức Tổng Huế không có được phút thinh lặng nhưng Ngài vẫn bắt kinh xin Chúa chúc lành cho bữa cơm tối huynh đệ.

Ngày hội ngộ linh mục giáo tỉnh miền Trung chính thức bắt đầu bằng việc cung nghinh di ảnh cha thánh Gioan Maria Vianey, phần sám hối lãnh nhận ơn toàn xá và chầu Thánh Thể long trọng tại linh đài Mẹ La Vang. Sau Lời chào mừng của cha quản nhiệm linh địa La Vang, Đức Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể long trọng khai mạc cuộc hành hương kính Mẹ của linh mục đoàn giáo tỉnh Huế nhân dịp năm linh mục.

Đức Giám mục Ban Mê Thuột tiếp nối bằng phần sám hối. Ngài mời gọi anh em linh mục nhìn lại ơn gọi, vai trò và sứ mạng của linh mục theo chiều kích tích cực. Khi hướng cái nhìn vào cảnh sáng thì chắc hẳn các mảng tối cũng lộ diện, nhưng các mảng tối ấy không làm ta thất vọng, trái lại càng giúp ta thêm tin tưởng cậy trông và tràn trề hy vọng để vươn lên, để đổi mới. Cùng giúp anh em sám hối có cha hạt trưởng hạt Daklak 1, cha trưởng ban giáo lý, cha trưởng ban thánh nhạc của giáo phận nhà. Kết thúc phần sám hối, các cha giúp nhau lãnh nhận bí tích hòa giải. Các giám mục không là ngoại lệ. Rất nhiều cha, nhiều bà con tín hữu giáo dân tham dự đều xúc động trước cái cảnh các mục tử lớn bé chân thành khiêm nhu nhìn nhận thân phận tội lỗi, bất xứng, bất toàn của mình. Hình ảnh giám mục quỳ gối xưng thú tội lỗi thế nào cũng được ghi hình và đăng tải trên các mạng truyền thông. Và chắc chắn sẽ có nhiều bài viết về đề tài này.

Đức Giám mục Đà Nẳng chủ sự phần ban ơn toàn xá cho cộng đoàn tham dự là các linh mục và tín hữu có mặt, dĩ nhiên các giám mục cũng là những người được hưởng nhận ơn phúc toàn xá. Điều xảy ra thật cảm động là tiếp liền sau đó, Đức giám mục Đà Nẳng mời các giám mục hiện diện quỳ gối để nhận phép lành từ tay các linh mục. Chuyện giám mục quỳ gối xin linh mục chúc lành là chuyện không lạ ở nhiều nước trên thế giới, nhưng có lẽ là chuyện hy hữu ở tại Việt Nam. Sau khi về phòng nghỉ, có linh mục dí dỏm rằng bấy lâu nay ban phép lành cho bà con giáo dân mình vẽ hình Thánh Giá cở vài tấc hay tối đa là nửa mét nay được ban phép lành cho các đấng bậc cao cả, mình vẽ hình Thánh giá hình như là gần cả hai mét!

Sau phép lành toàn xá, cộng đoàn tôn nghiêm kính tiếp Thánh Thể Chúa do quý linh mục giáo phận Huế cung nghinh. Cha Tổng Đại diện giáo phận Kon Tum chủ sự nghi lễ chầu Thánh Thể. Nghe đâu Đức Cha Kon Tum đang bận công tác ở nước ngoài, không thể tham dự cuộc hành hương. Không biết vì quá cảm động hay quá sốt mến mà cha Tổng Đại Diện giáo phận Kon Tum cầu nguyện rất lâu. Chân tê, gối mõi, nhưng quý cha vẫn nghiêm trang cung kính. Dù rằng hiện nay số linh mục trẻ dưới 50 hình như chiếm đa số, nhưng số các cha trên 70 tuổi vẫn không ít, thế mà tất cả đều trang nghiêm với hai đầu gối trên nền đá trơn cứng. Phép lành Thánh Thể kết thúc các nghi lễ đêm hội ngộ hành hương vào khoảng 21g00.

Ngày Thứ Năm (04-03-2010): 05g00 tất cả tập trung tại Nhà nguyện. Một số linh mục giáo phận Quy Nhơn phụ trách giờ Kinh Sáng. Sau giờ kinh sáng, cha Phêrô Trần Hữu Thành, linh hướng Đại Chủng Viện Sao Biển Nha Trang giúp anh em nguyện gẫm. Những lời gợi ý đơn sơ mà thiết thực khiến nhiều linh mục nhớ lại thời còn ở Tiểu Chủng Viện. Trong tình Chúa thì dù tóc đã muối tiêu hay bạc cả đầu thảy đều là những trẻ thơ.

Anh em dùng điểm tâm, sau đó nghỉ ngơi, chuyện trò trao đổi chuyện đời, chuyện mục vụ. Đến 08g00 tất cả tập trung tại Nhà Nguyện nghe Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, nguyên giám mục giáo phận Nha Trang chia sẻ đề tài. Đề tài ngài chia sẻ đó là các chước cám dỗ mà một trong những chước cám dỗ khiến cho công cuộc truyền giáo chững lại và đi xuống đó là ảnh hưởng của chủ nghĩa tương đối. Khi đã theo chủ trương rằng không có sự thiện tuyệt đối, không có chân lý tuyệt đối thì con người dễ nghiêng chiều theo chước cám dỗ tự châm chước, dễ dãi cho bản thân mình và rồi đi đến chỗ phóng túng. Chủ nghĩa tương đối còn khiến cho nhiều mục tử lầm tưởng rằng chân lý trong các tôn giáo khác cũng giá trị như trong Kitô giáo, từ đó ngần ngại không nỗ lực truyền giáo và cho rằng truyền giáo hiện nay là làm người ta trở thành một tín hữu chính hiệu của tôn giáo họ là đủ.

Đức Cha đề nghị các linh mục phải hâm nóng lại lòng nhiệt thành truyền giáo, phải nỗ lực truyền giáo cho dù phải gặp nhiều khó khăn. Phải nâng cao ý thức truyền giáo nơi giáo sĩ lẫn giáo dân. Các giáo phận nên liên đới với nhau trong việc bổ túc, chia sẻ nhân sự cho nhau, các dòng tu cũng thế. Cần triển khai chiều kích truyền giáo trong các cử hành Phụng Vụ, lấy nguồn sức sống từ Lời Chúa…

Sau bài chia sẻ Ngài mời gọi các cha nêu ý kiến hay nêu câu hỏi. Cha Phêrô Tuần Cao Kim Động, dòng Thiên Hòa xin Đức Cha chỉ giúp nguồn tài liệu để biết thêm về chủ nghĩa tương đối. Ngài trả lời rằng hôm nay thì chưa thể. Hy vọng sẽ có dịp khác. Cha Stêphanô Nguyễn Văn Đậu, giáo phận Ban Mê Thuột nêu một trở ngại đó là người ta quan niệm đạo nào cũng như đạo nào, cũng dạy ăn ngay ở lành, nên không nhất thiết phải theo Công giáo. Đức Cha không trả lời trực tiếp câu hỏi cách rành mạch. Cha dòng Phanxicô Nha Trang, cha Matthêô Nguyễn Vinh Phúc nêu câu hỏi. Có lẽ giọng nói của ngài không dứt tiếng, đồng thời cách trình bày không dứt câu, rõ ý, nên Đức Cha không hiểu. Ngài đơn sơ trả lời rằng mặc dù đã chung sống với nhau nhiều năm nhưng vẫn không hiểu ý cha muốn hỏi. Sau đó cha Giuse Trần Văn Lộc, giáo phận Huế đặt câu hỏi. Ngài kể câu chuyện đời thường với câu kết là đạo Công giáo có vẻ là một đạo lưu hành nội bộ. Đức Cha Hòa và cả Đức Tổng Huế cũng không hiểu câu hỏi. Một cha trẻ giáo phận Huế (Cha Ngô Văn Hài ?), bèn xung phong cắt nghĩa ý lời của Cha Lộc hỏi, nhưng sau khi ngài dứt lời, cả nhà Nguyện cười ồ, vì càng cắt nghĩa thì càng sai lệch với ý người hỏi. Một cha trẻ giáo phận Nha trang, cha Phêrô Trần Văn Hải can đảm xung phong để muốn lặp lại câu đã hỏi. Ngài kể lại câu chuyện khá chính xác nhưng kết luận thì lạc đề và nhà nguyện lại thêm một tràng cười sảng khoái. Cùng là dân Việt, cũng là những đấng đã học lý đoán, lại có trường hợp đã chung sống với nhau lâu năm, thế mà để hiểu ý lời của nhau cách chính xác quả thật không dễ. Có thể là do khách quan như âm thanh không rõ, có thể do chủ quan bởi người nói không trình bày dứt câu, rành mạch ý, nhưng cũng có thể do người nghe còn thiếu cái gì đó. Bằng chứng là hơn phần nửa số cha trong nhà nguyện hiểu ý lời người hỏi, và các tràng cười là một minh chứng. Tuy nhiên trong số hiểu ý lời người hỏi thì không biết có bao nhiêu phần trăm hiểu đúng chính xác. Lầm lẫn là chuyện bình thường của kiếp người. “Xin Cha tha cho họ vì họ lầm chẳng biết”. Đến giờ nghỉ, có cha khôi hài rằng, nếu mình mà là người hỏi thì mình sẽ đứng lên nói rằng thưa Đức Cha, ngay cả con, người đặt câu hỏi, cũng chưa hiểu con muốn hỏi điều gì!

Cha GB.Lê Văn Nghiêm, giáo phận Huế đặt câu hỏi với nội dung như sau: thái độ an phận, không dám bảo vệ người nghèo, người bị áp bức, không bảo vệ chân lý thì có phải là phản truyền giáo không? Đức Cha Võ Đức Minh đã trả lời cách dứt khoát là đừng có kết án ai là cầu an, an phận, là không bảo vệ người nghèo, không bảo vệ chân lý. Tiếng xầm xì râm ran giữa nhà nguyện. Bầu không khí như chững lại.

Sau này khi trở về phòng nghỉ, có đấng cho rằng chước cám dỗ theo chủ nghĩa tương đối, tức là tương đối hóa cái tuyệt đối cũng nguy hiểm, nhưng không nguy hiểm bằng cám dỗ tuyệt đối hóa những cái tương đối tức là những cái thuộc bình diện nhân loại, mang tính thời gian, không gian, nghĩa là có tính lịch sử…chẳng hạn như tổ chức, cơ chế, luật lệ của con người. Đây cũng là một đề tài đáng nghiên cứu và luận suy. Hy vọng rằng sẽ có nhiều bài viết sâu sắc về các chủ đề này.

Đến 10g00 là Thánh Lễ đồng tế do Đức Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể chủ lễ. Trong bài chia sẻ, Đức Tổng phân biệt hàng tư tế trong Cựu Ước với hàng tư tế của Tân Ước. Nét đặc trưng của tư tế thời Cựu Ước là được tách biệt riêng ra khỏi dân chúng. Họ không chỉ không có đất đai canh tác, vì sống nhờ bổng lộc bàn thờ mà còn tách biệt khỏi nhiều sinh hoạt của dân chúng. Chẳng hạn như họ không được đụng đến xác chết, không được tham dự lễ tang vì sẽ bị ô uế không thể thi hành nhiệm vụ tế tự…Trái lại nét đặc trưng của tư tế của thời Tân Ước là sự liên đới với mọi người, đặc biệt với người tội lỗi, người bé mọn. Đây là một chủ đề thú vị và thiết thực, chắc chắn sẽ có nhiều người triển khai ý tưởng của Đức Tổng. Sau Thánh Lễ, quý cha và quý Đức cha ra linh đài Mẹ La Vang chụp ảnh lưu niệm Để có được tấm ảnh chung thì từ lớn chí bé thảy đều gánh chịu cái nắng oi bức giữa trời trưa đất thần kinh. Sau phần chụp ảnh với lễ phục thì sẽ có phần chụp ảnh với chiếc áo pull đồng phục của cuộc hội ngộ. Quả thật có nhiều chuyện không thể duy ý chí. Việc chụp ảnh chung với chiếc áo pull bất thành, vì rất nhiều vị khi trở về phòng thay áo không thể can đảm trở ra linh đài để gánh chịu cái nắng nóng thêm lần nữa.

Bữa cơm trưa thật ngon miệng với sự dâng cũng của nhiều ân nhân. Cha Phêrô Trương Đình Hiền, hạt trưởng ở Tuy Hòa, giáo phận Quy Nhơn cũng khệ nệ từ Tuy Hòa ra một thùng bánh ít, dâng các cha tráng miệng. Ngài còn hảo tâm tặng mỗi cha một tập nhạc do chính ngài sáng tác, tập nhạc: Xin dẫn con trên đường yêu thương”. Tên tác giả: Sơn Ca Linh. Dù vất vả, dù có những sự không như ý người này, người kia, thế nhưng, đến bữa cơm thì tình huynh đệ anh em lại chan hòa, êm ấm. Chúa Kitô đã thể hiện tình yêu đến cùng của Người tại bữa ăn một chiều thứ Năm. Này là Mình Thầy… Này là Máu Thầy…Thầy là Thầy và là Chúa mà lại làm người tôi tớ, cúi xuống rửa chân cho anh em...

Đúng 14g30 anh em lại tập trung tại Nhà nguyện đọc Kinh Trưa do một số cha giáo phận Ban Mê Thuột phụ trách. Tiếp đến Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, giám mục giáo phận Nha Trang chia sẻ đề tài “Linh mục đồng hành với dân Chúa”. Mỗi cha đều có một bản tài liệu bài chia sẻ của Ngài. Giữa trời nắng trưa oi nồng, các cánh quạt điện chạy vù vù hết công suất cũng chẳng xua được chút khí nóng nào. Ban tổ chức bèn phát cho mỗi cha một cái quạt tay hổ trợ thêm. Cũng chẳng hơn gì bao nhiêu. Trị nóng không xong, thôi đành tập sống chung với cái nóng vậy. Phải cảm phục chất giọng của Đức Cha Nha Trang. Một bài chia sẻ 24 trang A5 phông chữ cỡ 14, đọc nhanh, đều, từ đầu đến cuối không ngắt quảng mà chẳng thấy tí khàn nào. Có cha xem đồng hồ thì đúng một giờ mười lăm phút, từ khởi sự cho đến câu cuối cùng. Bài chia sẻ được gợi ý từ trình thuật về hai môn đệ trên đường Emmau (Lc 24,13-35), để triển khai việc linh mục đồng hành với dân Chúa. Bài nói chuyện rất phong phú, nhiều đề tài xen quyện vào nhau. Bữa ăn mà có quá nhiều món ngon thì cũng thích, nhưng không thể ăn hết. Nhiều món ngon như nhau thì cũng khó phân biệt đâu là thức ăn chính, đâu là món khai vị đâu là món tráng miệng. Nhiều cha thành thật chia sẻ rằng bài nói chuyện hình như là những phần chú giải Thánh Kinh gộp lại. Có nhiều chi tiết thú vị, nhưng nếu chỉ nghe mà thôi thì không biết linh mục phải đồng hành với dân Chúa như thế nào. Cũng may là có tập tài liệu trong tay, hy vọng sau này về nhà sẽ ngâm cứu lại.

18g00 anh em dùng cơm tối đạm bạc. Đến 19g30 tất cả khoác chiếc Alba đi rước kiệu tượng Đức Mẹ. Đoàn kiệu áo trắng dài, với nến lung linh trên tay quả là một quang cảnh hiếm thấy. Vừa rước kiệu, vừa lần hạt kính Mẹ. mỗi điệp khúc Avê Maria thì thảy đều giương cao ngọn nến để ca tụng Mẹ.

Giờ chầu Thánh Thể tại linh đài Mẹ do Đức giám mục phụ tá giáo phận Huế chủ sự. Trong giờ chầu Ngài xin Chúa đặc biệt thương che chở anh em linh mục đang đau yếu trong thân xác cũng như trong tâm hồn. Chương trình giờ chầu thật trọng thể cả về nghi thức lẫn thời lượng. Một lần nữa không biết được hay là bị, thảy đều phải kê hai đầu gối trên nền đá cứng, dĩ nhiên các giám mục thì có ghế quỳ nghiêm túc. Phải nói rằng nếu thiếu sự trang nghiêm và bầu khí thánh thiện thì khó có thể có ai chịu nỗi, nhất là các đấng bậc đã cao niên, không có chút thịt nào bọc ở khớp xương hai đầu gối. Có đấng nói rằng ở nhà mình quỳ trên chiếc gối êm, quỳ chỉ vài phút mà còn thấy mỏi. Bây giờ quỳ trên đã cứng 15 phút mà không ngã thì cũng lạ. Mọi sự đều là có thể với người có lòng tin. Và cũng có thể nói thêm mọi sự đều là có thể với người có tình.

Sau giờ chầu Thánh Thể, hầu hết các cha Ban Mê Thuột đều lên xe ra về, chỉ còn hai xe nhỏ thuộc hạt Quảng Đức ở lại cho đến sáng hôm sau. Đức Cha Ban Mê Thuột dĩ nhiên là ở lại để sáng hôm sau đang lễ bế mạc mới ra về cùng với số cha hạt Quảng Đức. Ngài ra tận xe chúc anh em hạt DakLak 1 và các hạt khác lên đường trở về bình an.

Đúng 21g10’ đoàn xe chở quý cha các giáo hạt Daklak 1, Daklak 2, Phước Long lăn bánh. Chạy khoảng hơn mười cây số thì dừng bánh để đổ thêm nhiên liệu cho xe. Cha Tổng Đại Diện Đaminh Hà Duy Khâm có vẻ mệt vì quảng đường xa, anh em đề nghị ngài sang qua xe giáo hạt Daklak 2, diện xe giường nằm để đỡ vất vả. Thế là ngài sang xe. Xe chạy đến Phú Bài, Huế, thì dừng lại. Anh em xuống xe mua thêm quà biếu người ở nhà. Đoàn xe lại tiếp tục lên đường. Xe Ngọc Ánh chở anh em thuộc giáo hạt Daklak 1 dù không phải là loại có giường nằm, nhưng vì xe còn mới, nên chạy khá êm. Cha Giuse Nguyễn Hoàng Sơn tình nguyện thức trắng đêm nói chuyện với tài xế để bảo đảm an toàn cho chuyến đi về. Một người vì mọi người! Hạnh phúc nào cũng có trả gía bằng hy sinh. Ngài nói rằng ngày mai tha hồ ngủ bù lại. Xin Chúa trả công cho ngài.

Đến khoảng 7g00 sáng ngày thứ Sáu (05-03-200-10) xe đến địa phận Mang Giang. Anh em dùng điểm tâm vui vẻ tại một quán bên đường. Có lẽ vì quảng đường về nhà đang dần ngắn lại chăng? Lại lên xe tiếp tục hành trình về quê cũ. Cha GB. Phạm Bá Truyền bắt Kinh Sáng. Sau Kinh Sáng, cha GB. Nguyễn Minh Tâm, người phụ trách hoạt náo viên chuyến hành trình khai mạc khoang khắc giao lưu, ca hát, chia sẻ tâm tình. Anh em nhận định cha hoạt náo viên sắp về đến nhà thi hình như khỏe hẳn ra so với lúc ra đi.

11g30 xe đến nhà xứ Buôn Hồ. Cha xứ đã chuẩn bị sẵn bữa cơm trưa thịnh soạn và rất ngon miệng. Cha hạt trưởng thay mặt anh em ngõ lời cám ơn nhà xe và tặng quà. Quý cha Thuộc xứ Buôn Hồ, xứ Phú Xuân-Phú Lộc từ biệt anh em. Cha xứ Buôn Hồ còn hào hiệp gửi tặng mỗi cha hai bịch mè xửng để về làm quà. Xe tiếp tục hướng về Ban Mê Thuột và trả dần các cha theo thứ tự: cha xứ Vinh Phước, hai cha xứ Vinh Đức, các cha xứ Vinh Quang, Công Chính, Nam Thiên. Đến Ban Mê Thuột cha trưởng ban Giáo Lý cũng xuống xe trước cổng nhà giáo lý giáo phận. Cuối cùng xe từ từ tiến vào khuôn viên Tòa Giám Mục. Anh em chia tay mỗi người mỗi ngã, về lại địa sở của mình.

Chuyến hành trình hành hương La Vang bình an và kết thúc tốt đẹp. Xin tạ ơn Chúa. Xin Mẹ La Vang đồng hành với chúng con.
 
Vai trò của người phụ nữ Việt Nam tại Pháp trong những năm 90
Trần Văn Cảnh
13:17 07/03/2010
VAI TRÒ CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM TẠI PHÁP TRONG NHỮNG NĂM 90

Ngày 08/03/1948, tại thủ đô Paris, 100000 phụ nữ biểu tình tại công trường « Cộng Hòa », dưới chân tượng Jeanne d’Arc. Cùng ngày, tại các tỉnh, nhiều cuộc biểu tình phụ nữ khác cũng đã được thực hiện, với 5000 người ở Lyon, 30000 người ở Marseille.

Ngày 08/03/1975, Liên Hiệp Quốc bắt đầu chọn ngày 08/03 làm « Ngày thế giới phụ nữ » và chính thức hóa hai năm sau, vào ngày 08703/1977.

Ngày 08/03/1982, Chính Phủ Pháp quyết định công khai tổ chức « Ngày thế giới phụ nữ » ở Pháp.

Để tặng các bạn bè phụ nữ, vọng « Ngày thế giới phụ nữ 2010 », tôi xin ghi lại bài thuyết trình thực hiện năm 1996 trong khóa Gặp Gỡ lần thứ V của Ban Mục Vụ Trưởng Thành, Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp, từ 16 đến 19.05.96, tại Maison Saint Joseph, Francheville (Lyon). Nhưng thay vào đề tài lúc đó là ‘Vai trò người phụ nữ Việt Nam hiện nay tại Pháp’, tôi xin đổi lại là « Vai trò người phụ nữ Việt Nam tại Pháp vào những năm 90 ».

Chủ đề mà tôi trình bày được viết ở thể khẳng định: ''Vai trò của người phụ nữ Việt Nam tại Pháp hiện nay (trong những năm 90) ''. Có nhiều cách đặt vấn đề cho chủ đề này. Dưới khía cạnh đối tượng của vai trò phụ nữ, tôi xin được giới hạn gợi ý của tôi và đặt vấn đề như sau: ''Người phụ nữ Việt Nam sinh sống tại Pháp hiện nay (trong những năm 90) đang đóng góp những vai trò nào để hội nhập vào xã hội Pháp, hầu thăng tiến bản thân, làm vững gia đình và xây dựng cộng đoàn » ?

Đặt vấn đề như vậy, tôi xin được sắp xếp các gợi ý qua hai phần. Phần thứ nhất xin phân tích một số từ ngữ: vai trò, phụ nữ, phụ nữ Việt Nam, xã hội, xã hội Pháp. Phần thứ hai xin trình bày một số vai trò quan trọng mà phụ nữ VN đang đóng hiện nay trong xã hội Pháp.

I. PHÂN TÍCH MỘT SỐ TỪ NGỮ

11. Hằng ngày, ta vẫn thường nghe người ta nói đến hai chữ vai trò: vai trò linh mục, vai trò giáo dân, vai trò phụ huynh v.v. Vai trò gồm chức phận, các công tác, các việc làm, các cách làm và các kết quả việc làm... của một nhân vật.

Vai trò phụ nữ, bởi vậy, là các chức phận làm con, làm chị, làm vợ, làm mẹ, làm bà ở trong gia đình; làm quản lý, làm thư ký, làm hội viên, làm thành viên hội Đồng Mục Vụ... ở trong cộng đoàn; làm học sinh; làm sinh viên, làm cô thợ, làm bà chủ tiệm, làm bà bác sỹ, bà giáo sư... trong xã hội.

Vai trò phụ nữ có thể là độc quyền, như các vai trò mẹ, vợ, chị, bà. Nam giới không thể tranh dành được. Hay dự phần như quản lý, hội viên, học sinh, thợ, chủ,... Vì nhũng vai trò này có thể do nam giới đóng. Phụ nữ có những vai trò tiên khởi, như sinh con, nuôi con, dạy con... bắt buộc ngưòi phụ nữ phải làm trước nhất, dẫu sau đó nam giới có thể kế tiếp. Có những vai trò người phụ nữ đóng trực tiềp như sinh con đẻ cái, dạy dỗ con cái, làm hội viên hội Các Bà Mẹ Công giáo, xướng hát kinh kệ ở nhà thờ... hoặc đóng một cách gián tiếp, như các bà cụ dạy con cháu, các bà nội trợ quản lý tài sản gia đình để gây lời hoặc thâu chi có đúng mức.

Thế thì có những vai trò nào là chính yếu cho phụ nữ không ? Xin thưa là có, và nhiều lắm. Chính yếu vì thường xuyên là phụ nữ đảm nhiệm. Ai là người chính yếu theo dõi sức khỏe, ăn uống may mặc, học hành của con cái ? Ai là người chính yếu lo lắng cho gia phong, cho lễ lạy ? Ai là người chính yếu tổ chức các bữa cơm, tiệc tùng của giáo xứ ? Ai là người chính yếu đóng góp tiền bạc, công của vào các sinh hoạt cộng đoàn ?

Và vai trò quan trọng, nghĩa là nếu phụ nữ không làm, thì chẳng nên công quả gì. Ai dám phủ nhận vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc trẻ em nói tiếng Việt tại Pháp? Ai dám phủ nhận vai trò của phụ nữ trong sự hạnh phúc và đầm ấm gia đình? Ai dám phủ nhận vai trò của phụ nữ trong vệc nâng đỡ và phát triển ơn thiên triệu?

12. Phụ nữ mà chúng ta đang nói đến ở đây bao gồm tất cả những người nữ thành niên, từ 16 tuổi trở lên, bất cứ họ ở qui chế gia đình nào: đi tu, lập gia đình, ở độc thân, góa bụa; bất kể trình độ học vấn nào: ít học, học nghề, tú tài, hay đại học; bất kể ở nghề nghiệp nào: hành chánh, thương mại, kỹ nghệ, canh nông; bất kể họ theo tín ngưỡng nào: vô thần, Phật giáo, Tin Lành, Công Giáo, Hòa Hảo, Cao Đài...

Nhưng người phụ nữ mà ta đang nói đến ở đây hạn hẹp vào chữ phụ nữ Việt Nam. Họ có thể thuần túy Việt Nam, cả về thể lý lẫn văn hóa; hoặc thể lý lai, văn hóa Việt, hoặc thể lý Việt, văn hóa lai...; và tất cả các phụ nữ này đều đang sống tại xã hội Pháp nói riêng và ở Âu Mỹ nói chung.

''Người phụ nữ VN trong xã hội Pháp'' có nghĩa là chính bản thân người phụ nữ là một yếu tố của xã hội và được xã hội công nhận, qua các ngành nghề họ hành xử. Nhưng đơn vị can bản của xã hội là gia đình. Bởi vậy, nói đến vai trò phụ nữ trong xã hội, không thể bỏ qua vai trò phụ nữ trong gia đình. Và cao rộng hơn gia đình là cộng đoàn. Cộng đoàn bao gồm nhiều cá nhân, nhiều gia đình, nhiều đoàn thể. Đề cập đến vai trò phụ nữ mà bỏ qua vai trò họ trong cộng đoàn, nhất là cộng đoàn Việt Nam, là một thiếu sót lớn.

13. Xã hội Pháp hiện nay, và rộng hơn là xã hội Âu Mỹ được xây dựng trên ba cột văn hóa. Văn hóa Hy Lạp là khởi thủy của khoa học và kỹ thuật hiện đại. Văn hóa La Mã sáng tạo ra tổ chức luật pháp và dân chủ. Văn hóa Do Thái Kitô giáo ''phát minh'' ra Thượng Đế lập nên khái niệm công bằng và bác ái, nền tảng của đạo lý Âu châu.

Những nét đặc thù của xã hội Pháp hiện nay là:

- Một xã hội dân chủ tổng thể, thúc đẩy việc tranh đua quyền hành và chức vị. Các phong trào nữ giới tranh quyền với nam giới ở chính trường và thương trường đều bắt nguồn từ khái niệm dân chủ, binh đẳng mà ra. Khốn thay, trên thực tế, phụ nữ vẫn chưa bình đẳng cùng nam giới qua các tiêu chuẩn quyền hành và tiền bạc.

- Một xã hội chuộng tự do, sáng kiến và tôn trọng cá nhân. Các vụ ly thân, ly dị càng ngày càng nhiều đều khởi nguồn từ sự chuộng tự do và trọng cá nhân.

- Một xã hội mà đa số các tập tục, lễ lạy, tổ chức... đều bắt nguồn từ luân lý công giáo. Ở đây, dẫu dân Pháp chỉ có không đến 10% dân chúng hành đạo, nhưng vai trò phụ nữ vẫn là chính yếu và quan trọng trong các đơn vị cộng đoàn của Giáo Hội, với các nữ tu, các giáo lý viên...

- Một xã hội cần cù, ưa nghệ thuật và chuộng khoa học kỹ thuật. Trong thế kỷ 20, nhiều khuôn mặt nữ giới ló lên trong các ngành nghề cao cấp. Trình độ học vấn ngày càng cao, đi làm càng ngày càng đông và ở nhiều chức vụ trách nhiệm... đều bắt nguồn từ bản chất cần cù, sở thích nghệ thuật và tinh thần yêu chuộng khoa học kỹ thuật mà ra.

II. PHỤ NỮ VIỆT NAM TRONG XÃ HỘI PHÁP

Qua một số khái niệm vừa được trình bày một cách sơ lược, ta thấy đề tài ''ngưòi phụ nữ Việt Nam hiện nay trong xã hội Pháp'' rất quan trọng và phức tạp. Tôi xin cố gắng trình bày một cách đơn giản và tóm tắt.

Sau đây là những vai trò nổi bật mà phụ nữ Việt Nam đang đóng tại Pháp: tự do kết hôn, làm chủ sinh đẻ, bảo vệ truyền thống, đồng trách nhiệm với nam giới trong việc quản trị gia đình. Những vai trò này rất nặng tính chất xã hội, nhưng đa số được đóng khung trong gia đình.Tôi tạm xếp chúng vào những vai trò phụ nữ Việt Nam tại Pháp hiện nay trong gia đình.

Ngoài ra còn có một số vai trò khác mà tầm quan trọng không kém những vai trò trên, đó là đi học, đi làm, làm tiền. Những vai trò này hoàn toàn có tính cách xã hội và được đóng khung với tính cách cá nhân. Tôi tạm xếp chúng vào những vai trò của phụ nữ Việt Nam hiện nay trong xã hội Pháp.

21. Vai trò Phụ nữ Việt Nam tại Pháp hiện nay trong gia đình.

Trong một bữa cơm thân mật mà tôi được dự mới đây tại gia đình một người bạn, có 5 chị em đang đóng vai trò quan trọng trong xã hội Pháp. Cả 5 chị em đều còn trẻ, trong cỡ tuổi 30-40, nghĩa là đến Pháp vào lứa tuổi học trò. Cả 5 chị em đều hoàn toàn tự do kết hôn, và hoàn toàn tự do chọn bạn đời. Tôi đã được tận mắt thấy mối tình họ từ thuở manh nha. Một chị là giáo sư Anh văn, tại một trường trung học cấp hai. Một chị là giám đốc nhân viên trong một xí nghiệp. Một chị là dược sỹ chủ dược phòng. Một chị làm nhân viên của điện ngầm và một chị làm thư ký cho một hội xã hội. Tôi có đặt một câu hỏi về cái nhìn của các chị về vai trò phụ nữ trong gia đình VN tại Pháp hôm nay. Tôi đợi chờ một câu trả lời đặt nặng vai trò nghề nghiệp cá nhân trong xã hội, và đánh nhẹ vai trò làm vợ, làm mẹ trong gia đình. Tôi đã lầm. Cả 5 chị em đếu khẳng định với tôi là vai trò số một, vai trò quan trọng nhất của phụ nữ là gia đình. Theo các chị thì nghề nghiệp là quan trọng để tranh lấy một chỗ đứng trong xã hội, để được lương bổng hầu tạo tài sản, mà sống cho xứng đáng và thoải mái. Nhung đời sống sẽ vô nghĩa, nếu không vì gia đình, nói trắng ra là vì chồng con. Nói chuyện thêm ra, tôi hiểu rằng, theo các chị, gia đình không phải là vai trò độc nhất mà các chị đóng, như các phụ nữ Việt Nam trong xã hội cổ truyền. Vì ngoài gia đình còn cộng đoàn, còn xã hội. Nhưng gia đình vẫn là nơi mà người phụ nữ phải đóng vai trò quan trọng.

Nhưng, cách sống và cái nhìn về gia đình của các chị rõ rệt chịu ảnh hưởng của xã hội Pháp, đặc biệt là về con cái. Chị giáo sư có hai con. Chị giám đốc nhân viên có 4 con. Chị chủ dược phòng chỉ có 1 con. Chị nhân viên xe điện có 2 con, và chị thơ ký có 3 con. So với số con cái trong gia đình VN mà tôi thấy qua chuyến thăm quê hương vào những năm 1995, 1998, 2001 vừa qua, trung bình mỗi gia đình từ 5 đến 10 con, rõ rệt phụ nữ Việt Nam tại Pháp muốn có ít con hơn, trung bình là 2, 3.

Tôi tò mò muốn biết làm sao làm chủ được số con muốn sinh. Cả 5 chị, trong đó, 4 chị không công giáo, 1 chị công giáo gốc, nhưng lấy chồng không công giáo, thành ra từ lâu không còn đi lễ đi nhà thờ, coi như thực tế không còn theo đạo; vâng, cả 5 chị đã tự nhiên trả lời rằng đã dùng các phương tiện ngừa thai hiện đại.

Nói về các công tác gia đình và sự phân công, chị giám đốc nhân viên hớn hở trả lời ngay: ''Ông xã tôi lo hết việc chợ búa. Tôi lo bếp và giặt ủi. Mấy đứa nhỏ quét dọn nhà cửa. Nhưng đưa các cháu đi học khi còn nhỏ và coi bài vở của chúng, ông xã tôi lười quá, tôi phải lo cả đấy.'' Chị giáo sư Anh văn điềm tĩnh phân tích: Anh coi, ông xã tôi công việc bề bộn, đi làm bữa nào cũng sớm, về nhà bữa nào cũng trễ, thành thử các việc lặt vặt trong nhà đều tôi lo cả. Từ may mặc, ăn uống, cho đến việc học hành của hai cháu. Được cái sửa nhà sửa cửa, trồng tỉa vườn tược, sắm sửa đồ đạc, ông ấy đều lo cả. Nhưng anh biết không, ông ấy giữ tiền đấy ! Keo thấy mồ ! May mà tôi cũng đi làm. Không thì tiền chợ, hỏi ông ấy, kẹo kéo, kéo không ra''. Chị dược sỹ hơi e thẹn: ''Tôi thì được chồng cưng lắm: từ chợ búa, cơm nước, con cái... đều ảnh lo cả. Có điều ảnh không có ''goût''; thành may mặc sắm sửa, đều tôi phải lo cả. Nhưng mua sắm gì cũng phải có ý ảnh, không thì khốn''. Chị thơ ký thì hãnh diện: ''Moa'' thì ''moa'' lo hết. Ổng đi làm về ổng ra vườn hay vào phòng ôm cái máy điện toán, hoặc vắt đốc ngồi sa lông uống rượu, hoặc đi chơi tennis với mấy ông bạn. Cái số của moa là số con rệp. Thế mà có khách đến nhà, thì ổng lại làm hết: đi chợ, làm đồ ăn, dọn dẹp. "Moa" mời tụi ''toa'' hoài là thế đó !" Chị nhân viên xe điện thì nhí nhảnh: "Moa" cũng giống "toa" vậy đó Thành (thơ ký). "Moa" làm hết.Nhưng ổng được cái là lo hết việc học hành, bài vở của hai thằng nhỏ. Nhưng tính nóng như lửa, chưa dạy con đã bẳn rồi. Nhiều lúc, làm bếp mà "moa" vẫn phải coi chừng, bằng không, ổng bạt tai mấy đứa nhỏ, thì lại bị hàng xóm, thầy cô nhòm ngó."

Tóm lại, các chị không còn là nội tướng theo nghĩa cổ truyền Việt Nam nữa. Vì đã có những "papa poule" và các việc gia đình đã được các "đấng ông chồng" chia sẻ rất nhiều. Các chị cũng không là người quản lý tài sản, nhưng tất cả đều là những người sản xuất ra tài sản gia đình.

Tôi hỏi tiếp: "Vậy, vai trò quan trọng của phụ nữ trong gia đình là tại chỗ nào ? Đa số các chị đều được các ảnh chia phần công việc. Tôi không hỏi rằng gia đình là quan trọng cho các chị. Nhưng tôi hỏi rằng tại sao các chị quan trọng cho gia đình đấy nhá!" - "Vì đàn bà chúng tôi là phần tử bất khả khuyết cho gia đình". Chị giáo sư Anh văn trả lời: "Xin hỏi anh, không có đàn bà chúng tôi, thì các anh làm gì có vợ. Làm gì có gia đình ! Không có đàn bà chúng tôi, thì làm gì các anh sinh được con !" Chị dược sỹ thêm vào: " Chúng tôi là cộng tác viên, nếu không phải là "giám đốc" của các anh. Việc nhà cửa, con cái, bạn bè, không có chúng tôi nhúng tay vào thì ôi chao nó tẻ nhạt, nó cứng nhắc, nó rỗng rỗng làm sao ! Anh không thấy điều ấy à ?" Và chị nhân viên xe điện ngầm: "Ngay cả việc dạy con, dẫu ông nhà tôi lo, nhưng hỏi gì mấy đứa nhỏ lại hỏi tôi chứ đâu có hỏi ổng. Thằng nhỏ lớn nhà tôi mới 15 tuổi đầu, đã có bạn trai, bạn gái đủ cả. Bảo bố nó, nó cũng không dám hé miệng ra với bố nó. Ấy thế mà nó lại tuôn hết ra với tôi ! Không có tôi bày vẽ, chỉ dạy, thì một là nó hớ với bạn, hai là nó bị bố nó la. Chị giám đốc nhân viên kết luận: " Đấy nhá, đàn bà chúng tôi quan trọng cho gia đình, vì chúng tôi sinh con, tạo ra gia đình. Vì chúng tôi lo lắng dạy dỗ con cái. Ấy là chưa kể việc chúng tôi cố vấn, bày mưu cho các anh rất nhiều trong chính công việc sở của các anh nữa."

Bị đặt trước những sự thật nhãn tiền, bởi những sự kiện thực tiễn và những lý luận đanh thép, tôi đổi đề tài: "Xin hỏi các chị về cái sự kiện ly thân, ly dị do phụ nữ Việt Nam tại Âu Mỹ đòi". Cả 5 chị đều không ai chối cãi sự kiện này. Nhưng chị thơ ký phân tích rằng: « Phụ nữ Việt Nam ngày xưa và hiện nay ở quê nhà bị ràng buộc bởi tục lệ, bởi làng xóm, bởi tiếng đồn, nhiều người sống một cuộc sống khuôn sáo, ước lệ. Ngày nay ở thành thị Việt Nam và ở Âu Châu, luật pháp cho phép, tục lệ lỏng lẻo, làng xóm không còn, tiếng đồn coi nhẹ, nhiều người đòi ly thân và ly dị. Theo tôi cũng là thường tình. Những sư kiện đó có nhiều yếu tố nguyên nhân lắm. Ly dị và ly thân cũng có 5, 7 đường. Có ly dị thật, có ly dị giấy (để hưởng trợ cấp). Có ly dị do đàn bà đòi. Có ly dị do đàn ông đòi. Có ly dị vì không hợp với nhau. Có ly dị vì đồng tình. Có ly dị vì ham tình mới, tiền mới, hoàn cảnh mới. Có ly dị vì thiếu hiểu biết, thiếu tự chủ, nhưng cũng có ly dị vì ý thức. Nói làm sao cho hết. Tóm lại ly dị hay không cũng tại mình cả, tại giáo dục mình đã nhận, tại hoàn cảnh mình đang sống, tại viễn tượng mình muốn đạt, tại gia đình mình muốn dựng, tại tương lai mình muốn tạo ».

22. Vai trò cá nhân của phụ nữ hiện nay trong xã hội Pháp.

Trong xã hội cổ truyền Việt Nam, phụ nữ ít được đi học, đa số giúp chồng làm nghề nông hoặc tiểu công thương. Vượt trổi ra vòng đa số ấy, một số nhân vật phụ nữ lừng danh được ghi tên tuổi vào sử sách. Ở lãnh vực chính trị, quân sự, quốc gia, có bà Trưng Trắc, Trưng Nhị, Triệu Ẩu, Bùi Thị Xuân... Sang lãnh vực văn học có Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương. Và trong giới công giáo có bà Thánh Anê Lê Thị Thành.

Ngày nay ở VN và nhất là ở Âu Mỹ, phụ nữ Việt Nam có lực học không thua gì nam giới. Năm 1967, năm đầu tiên tôi đi dạy học ở Hàm Tân, Bình Tuy, trong lớp đệ nhất mà tôi dạy triết cho cả ba ban ABC, có 40 học sinh, trong đó chỉ có 3 nữ sinh. Năm cuối cùng tôi dạy học ở Đà lạt, năm 1973: vào năm thứ nhất đại học sư phạm có khoảng 230 sinh viên cho cả bảy ban: Văn, Triết, Sử, Pháp, Anh, Toán và Lý Hóa. Trên một nửa là nữ sinh viên. Đặc biệt, 4 ban Văn, Sử, Pháp, Anh. Từ 1967 đến 1973, số nữ sinh học ở bậc tú tài và đại học đã rõ rệt tăng hẳn lên.

Trong ca đoàn Lê Bảo Tịnh hát lễ 10 giờ tại Giáo Xứ Việt Nam Paris, chúng tôi có một ông có giọng hát rất tốt. Bà ấy có giọng hát cũng đẹp mà không chịu vào ca đoàn. Sau lễ, chúng tôi thường tập hát với nhau khoảng nửa giờ để chuẩn bị cho lễ chủ nhật sau và nói chuyện gẫu. Bà có giọng hát đẹp mà không chịu vào ca đoàn đang đi làm ''caissière'' trong một siêu thị, có 3 con: một gái học DECF đã xong, và hai trai đang học ENSI tại Grenoble. Một hôm tôi hỏi tại sao bà cho cháu gái học cao như vậy. Bà ấy đơn sơ trả lời: ''Bây giờ chúng nó cả vậy anh ạ. Con gái chúng nó cũng học cao lắm. Chả bì với chúng tôi ngày xưa chả được bố mẹ cho học''. Câu trả lời của bà gói ghém hết cái khía cạnh học hành của phụ nữ Việt Nam tại Pháp hiện nay. Các gia đình mà tôi quen biết, kể cả những gia đình thợ, hầu hết con cái có lực học đại học và chuyên nghiệp, bất kể chúng là trai hay gái.

Thực ra, quyền được giáo dục học vấn của phụ nữ tại Pháp cũng là một thực tại tương đối mới mẻ: Năm 1838, mở trường sư phạm cho nữ giáo viên. Năm 1880, mở cấp trung học nữ giới. Năm1900, nữ giới mới chính thức được tuyển nhận và đại học với 624 người trên toàn quốc. Năm 1919, chính thức thiết lập cấp tú tài cho nữ giới.

Ngày nay, học lực của nữ giới không thua gì nam giới. Dẫu sao đối với phụ nữ Pháp hiện nay, nếu lấy tiêu chuẩn học lực làm mẫu, thì chúng ta có vô vàn Đoàn Thị Điểm, đếm làm sao hết được. Trong một cuộc gặp gỡ khác tại nhà một người bạn ở ngoại ô Paris, tôi được hân hạnh gặp ba bà Việt Nam đã lớn tuổi, nhỏ nhất là 54 tuổi và lớn nhất là 68. Được hỏi về chuyện học hành, làm ăn của con cái, đặc biệt của con gái. Bà 54 tuổi kể: « Cháu lớn nhất của tôi năm nay đang học năm thứ 6 y khoa. Cháu gái nhỏ năm nay thi tú tài ». Bà 60 tuổi trả lời: « Ba cháu gái nhà tôi đều lớn cả rồi, các cháu đều lấy chồng và đang ở Mỹ cả: ở Californie. Cháu lớn nhất năm nay 36 tuổi đang đi dạy học. Cháu thứ hai 33 tuổi có cửa tiệm. Cháu thứ ba 30 tuổi làm về tin học trong một xí nghiêp Mỹ ». Bà 68 tuổi thì nói: « Các anh các chị nhà tôi tất cả có 5. Cô gái lớn nhất làm công chức, cô gái út làm dược ».

Thực ra hiện tượng phụ nữ Việt Nam tại Pháp đi làm cũng là một thực tại hiện nay tại Pháp. Năm 60: có 37,2%. Năm 70: 39,2%. Năm 80: 42,3%. Năm 90: 44,5%.

Và cũng như các phụ nữ Pháp, đa số phụ nữ Việt Nam ưa đi làm công tư chức, thích nghề hành chánh thư ký, chuộng nghề giáo dục, y khoa, và xã hội. Thống kê cho biết: Làm công: 4.500.000. Làm công chức: 1. 400.000. Làm hành chánh: 1.500.000. Làm giáo viên: 510.000. Làm y khoa và xã hội: 75%. Làm cán bộ cao cấp: 48,6%.

Có một số nhỏ làm chủ. Nhưng đại đa số là chủ nhỏ. Tiếc thay Việt Nam, cả nam lẫn nữ, chưa có những khuôn mặt kinh doanh nổi. ''Thanh Bình'' là cửa tiệm bán thực phẩm do người việt nam làm chủ được thiết lập vào những năm 60 mà không phát triển được như ''Tang Frères'' lập sau 75, do người tầu làm chủ. Và trong tất cả những nghành nghề nói chung, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật, Việt Nam được tiếp thụ văn hóa Âu Châu từ thế kỷ 19, mà sau hơn một thế kỷ, vẫn chưa đẻ ra được một nhân vật xuất chúng nào, trên cấp độ thế giới. Đó phải chăng là sứ mệnh mà phụ nữ Việt Nam phải ý thức để thực hiện. Hy vọng rằng trong vài ba chục năm nữa, trong số các vị hôm nay, sẽ có những người hãnh diện được làm ba, làm mẹ, làm vợ, làm chị một người được giải thưởng Nobel.

Trong sự phát triển cá nhân, chúng ta vừa xem qua hai khía cạnh học lực và nghề nghiệp của phụ nữ. Còn một yếu tố nữa rất quan trọng mà chúng ta không thể bỏ qua. Đó là là yếu tố tiền bạc. Người phụ nữ Việt Nam theo truyền thống trai hùng gái đảm, với đức « công » được xếp trên « dung, ngôn, hạnh », thường đóng vai trò của chồng công vợ. ''Của chồng công vợ'' thực tế có nghĩa là phụ nữ không được coi là chủ của tiền bạc. Dẫu rằng công họ đóng góp vào rất nhiều. Đôi khi của cải tiền bạc của gia đình là do duy hai bàn tay họ tạo ra. Nhưng chủ của cải, theo truyền thống, vẫn là của chồng.

Trong xã hội Pháp, họ là những người tạo ra tiền bạc. Một sự thực hơi phũ phàng, nhung vẫn là sự thực: lương bổng phụ nữ ở bất cứ cấp bậc nào, trung bình vẫn ít hơn nam giới. Nhưng vì được tự do hành nghề theo khả năng và sở thích (1966), được quyền tự do gia nhập nghiệp đoàn (1920), và được quyền bình đẳng trước pháp luật về thâu nhận (1975) và lương bổng (1972) và nhất là quyền tự do xử dụng tiền lương (1907), người phụ nữ Việt Nam tại Pháp đã thực sự được luật pháp công nhận là chủ của tài sản họ tạo ra. Và vì làm chủ tài sản, họ có quyền bảo vệ tài sản ấy để riêng ra, nếu họ muốn, khi kết hôn. Và hậu quả tất nhiên nữa là vì được tự do làm ra tiền và quyền tự do giữ tiền, hiện tượng phụ nữ độc thân càng ngày càng rõ rệt: 28,3% phụ nhữ trên 15 tuổi sống độc thân, 14% góa, 5,4% ở ly dị.

Để kết luận, tôi xin mạn phép chia sẻ ý tưởng mà tôi vẫn lập đi lập lại trong các lớp mà tôi giảng dạy từ 35 năm nay, mỗi khi đề cập đến vấn đề nam nữ: Nam giới thường chỉ có việc quan trọng là đi làm. Nữ giới có ba công việc chính yếu: đi làm như nam giới càng ngày càng đông, gia chánh sau giờ đi làm, đôi khi được chia sẻ bởi nam giới, và truyền sinh là công việc độc quyền mà chỉ có nữ giới mới có thể làm. Quan niệm này của tôi bị nhiều đồng nghiệp nam giới nghi kỵ là nịnh đầm. Thực ra, họ chỉ thấy tôi là một người nam, mà không nhìn ra tôi là người Việt Nam. Người Việt Nam chúng tôi không có vấn đề tranh chấp nam nữ. Người phụ nữ Việt Nam vẫn thích có con trai. Nhưng đa số các « đấng nam nhi » đều thích khoe với bạn bè về nội tướng của minh. Ở Việt Nam chúng tôi « Nam ngự », nhưng « Nữ trị ». Thực quyền là ở tay người nữ. Nhưng phụ nữ Việt Nam khôn khéo ở chỗ không làm cho nam giới có cảm tuởng bị trị. Huyền sử Âu Cơ đã ghi ấn tích sâu đậm nơi người Việt Nam.

Vọng « Ngày thế giới phụ nữ 2010 »
 
Đã có một nơi cai nghiện như thế
Xuân Thái
17:32 07/03/2010
Ma túy và HIV là anh em sinh đôi và luôn là vấn đề rất nóng của toàn xã hội và cả giáo hội, vì không ít các gia đình công giáo đã có những người thân bị nghiện và dính với HIV.

Hình ảnh nhà cai nghiện Tịnh Tâm

Tôi được biết “Khóa cai nghiện bằng phương pháp tâm linh” trong một bài viết, mà qua đó, những người khởi xướng, thực hiện và tiếp tục duy trì hầu hết là Công giáo gồm các linh mục, nữ tu và những giáo dân có lòng.

Nằm sát bờ sông Sàigòn, khu nhà Tịnh Tâm Bình Triệu của dòng “Anh em Đức Mẹ người nghèo” tọa lạc trên một khu đất nhỏ, thật yên tĩnh và rất nên thơ với những căn nhà nhỏ riêng biệt, giống như các tịnh thất hoặc am cốc của những vị thiền sư cư ngụ mỗi khi nhập thất. Trung tâm là một Nhà nguyện nhỏ với hai hàng ghế, gần đó là cái ao với một cây cầu nhỏ xinh xắn thơ mộng bắc ngang.

Được ngăn cách bởi một cổng nhỏ, phía bên trong là phần dành riêng cho khu cai nghiện được gọi là “Nhà xã hội” với nhà bếp, phòng ngủ, phòng cách ly để cắt cơn trước một khoảng sân hẹp.

Ao nhỏ, nhà nguyện nhỏ trên một khu đất nhỏ, tất cả đều nhỏ, nhưng được thiết trí thật hài hòa xinh đẹp bên cạnh dòng sông lững lờ êm ả trôi xuôi, tất cả sẽ cho ta những cảm giác yên bình ấm cúng mà ai cũng dễ dàng nhận được mỗi khi đến đây.

Một công việc đầy gian nan nguy hiểm

Cai nghiện theo phương pháp tâm linh lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam năm 2001 cho 10 người nghiện, được khởi xướng và thực hiện với Cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, thày Giuse Đỗ Duy Châu với khóa đầu tiên là Phục Sinh I, cùng với sự cộng tác rất nhiệt tình của những tên tuổi quen thuộc như Bác sĩ Lan Hải, Bs Nguyễn Đăng Phấn, hai Bs Đông y anh Quân, anh Việt, một y sĩ, anh Rớt đảm trách phần điều trị thể lý. Cha Sơn, Sr Hồng Quế và Sr Hồng Hà đảm trách phần củng cố tâm linh.

Khóa Phục sinh I được gọi một cách rất khôi hài là “Khóa cai liều mạng”, vì phiêu lưu theo tiếng Chúa gọi như tổ phụ Abraham với trái tim hết lòng yêu thương những thân phận “rác rưởi” “khốn cùng, kinh tởm” là các người nghiện.

Quả thật, nghiện không loại trừ ai hoặc bất cứ giới nào, từ kẻ bình dân ít học đến những người đầy mình chữ nghĩa, quá nhiều các tên tuổi tài danh bị nghiện, thậm chí, ngay cả trong giới Bác sĩ cũng có người nghiện. Những kẻ nghiện, trừ một số rất nhỏ các “đại gia” như siêu sao bóng đá Diego Maradona, hoặc Vua nhạc Rock Elvis Presley, còn hầu hết người nghiện, sau thời gian sử dụng ban đầu có vẻ đầy hưng phấn khỏe mạnh, nhưng thời gian sau, họ chỉ là những cái xác chết biết đi và chưa chôn mà thôi. Họ như một đám âm binh giữa lòng dương thế. Thân thể suy nhược ghẻ lở gớm ghê. Họ không có khả năng làm việc và chẳng thể giúp ích cho bất cứ ai, vì khi đủ thuốc, họ chỉ muốn nằm để “phê”, nói gì khi thiếu thuốc, lúc mà chân tay họ bủn rủn, toàn thân như có ngàn vạn con ròi đục trong xương cốt nhức buốt, thì họ có thể làm tất cả mọi chuyện chỉ làm sao có “hàng” để thỏa mãn nhu cầu. Lúc này, họ trở nên nguy hiểm và thật đáng sợ, vì thế, tội phạm ngày càng tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng là điều không lạ.

Họ bị chết cả hai phần thân xác và linh hồn ngay khi đang hít thở và đi đứng nằm ngồi. Nhân cách xuống cấp, tâm lý bị tổn thương không ổn định, phải chung sống với những người như thế quả là một điều hết sức gian nan đau khổ. Lường gạt, dối trá, trộm cắp, bạo hành tàn nhẫn và vô vàn những điều tệ hại gần giống như thế… là những điều mà gia đình người nghiện nào cũng phải chịu đựng. Khi đi cai nghiện, họ cũng mang theo tất cả những tài sản bất khả ly thân ấy vì đã trở thành nếp sống và cách nghĩ một thời của họ. Do đó, những người làm công tác cai nghiện nào cũng phải ít nhiều gánh chịu các di chứng ấy như một điều tất nhiên, mặt khác, nguy cơ bị lây nhiễm HIV là có thật nếu thiếu ý thức phòng ngừa. Không ít những ca nhân viên y tế bị phơi nhiễm từ người nghiện HIV đã minh chứng điều này.

Nhưng điều gian nan có thể làm nản lòng những người thiện chí nhất đó là con số tái nghiện luôn ở tỷ lệ quá cao, sác xuất những người cai nghiện thành công luôn quá thấp. Trừ những người làm công để có lương, nếu được phép lựa chọn, không mấy ai lựa chọn một công việc nhiều vô vọng là công tác cai nghiện. Giống như trồng cây, ai cũng vui khi thấy ngày cái cây mình trồng được đơm hoa kết trái, đó là niềm vui hết sức chính đáng và rất tự nhiên. Nhưng niềm vui chính đáng và tự nhiên ấy, người làm công việc cai nghiện cũng ít khi được hưởng vì rất hiếm hoi. Do đó, dễ dàng nhận thấy, cai nghiện là một công việc đặc biệt, chỉ dành cho những tâm hồn đặc biệt với những phẩm chất và ân sủng đặc biệt, nếu không, sẽ dễ dàng xuôi tay đầu hàng hoặc bỏ chạy mất dép khi bắt đầu.

Một ông cậu ăn chay vì các con cháu mình

Từ Khóa Phục sinh I khởi đầu năm 2001 cho đến nay 2010 đã gần 10 năm, một khoảng thời gian không thể gọi được là dài, nhưng đã quá đủ để nói lên một sự tồn tại và duy trì tiếp tục. Và cũng tất nhiên, sẽ chẳng thể tồn tại và duy trì tiếp tục nếu không có những thành công nhất định.

Thật là kém duyên, khi tôi đến đây 2 lần nhưng không được gặp vị phụ trách, vị mà lúc khởi đầu Khóa Phục sinh I mới chỉ là thày, nay đã là Linh mục Giusu Đỗ Duy Châu, phụ trách ngôi “Nhà xã hội”, nhưng bù vào đó, tôi đã được nghe kể nhiều người về người “cậu” của họ, một người cậu vẫn ở bên họ suốt đêm ngày khi họ đến cai nghiện ở đây, người cậu tối nào vẫn đến nguyện kinh cùng họ, người cậu đã cùng với nhiều người khác đã xoa bóp bấm huyệt giúp họ bớt đau đớn khi vật vã lên cơn, người cậu rất đỗi ân cần và dịu dàng đến nỗi có lần đã như “năn nỉ” từng đứa cháu mình, nhưng họ cũng không quên kể những nghiêm khắc về người cậu yêu dấu của họ. Không ai muốn gọi đây là khu cai nghiện, nhưng là “nhà xã hội”, đến đây, không phải ai cũng là người Công giáo, nhưng ngay cả người Công giáo, họ vẫn thường gọi vị Linh mục phụ trách của họ là cậu, vì Ngài muốn thế.

Người cậu ấy đang ăn chay, rất ít người được biết về điều này. Người cậu mà gần 10 năm trước có lần đã nói đại ý rằng: “Chẳng những phải đón người nghèo vào nhà mình, nhưng phải đón họ vào lòng mình nữa, phải phục vụ thật tế nhị, vì người càng nghèo thì càng dễ bị tổn thương”. Và ai cũng biết, người nghiện là người rất nghèo, nghèo tiền bạc, sức khỏe nhưng nhất là, nghèo nhân cách, nghèo ơn Chúa và khiếm khuyết tâm linh.

Lần thứ nhất, tôi chưa thể vào khu “Nhà xã hội”, vì không ai cho phép. Lần thứ hai, phải nói dối (nhưng không gây hại cho ai) mới vào được đây, thật may mắn, vì được thấy một Sơ dòng Mến Thánh giá đang trao đổi hoặc giảng bài cho các bạn cai rượu và ma túy, không biết họ trao đổi những gì, nhưng vẻ mặt tươi vui rạng rỡ của họ đã nói thay cho tất cả. Họ đều có da có thịt rất hồng hào, có nhiều người đẹp trai như diễn viên vậy. Cũng gặp một cảnh trái ngược của 2 người khác đang ở trong Phòng cách ly để cắt cơn. Cả hai, thân người đều gầy guộc xanh xao, mắt thất thần, phờ phạc, trán toát mồ hôi nhìn qua song cửa, không cần nói, ai cũng biết họ đang vất vả lắm để chiến đấu với cơn vật vã của mình. Một trong 2 người mệt quá, nằm uể oải ngáp vặt trên võng.

Nhìn con khỉ trong chuồng bên Nhà Tịnh Tâm, không biết tại sao, tôi lại liên tưởng đến con hổ trong “Nhớ rừng”của cụ Thế Lữ, bật cười một mình.

Một ngôi chùa.

Không muốn kể đến những loại thuốc cai ma túy mỗi ngày một mới và hiện đại hơn, cũng không muốn nói đến công trình nghiên cứu thành công cấp nhà nước của Bác sĩ lừng danh Nguyễn Tài Thu, người được tôn vinh là “Thần châm” của không chỉ Việt Nam và Châu Á về châm cứu cai nghiện, cũng chưa muốn nhắc đến sự cai nghiện thành công với tỷ lệ đáng mơ ước đến 60% của Brazil xa xôi, ở đây, chỉ muốn nói sơ về cây thuốc phiện đã được trồng nhiều trên các cao nguyên của Thái Lan bởi người Hmong, bởi trồng nhiều nên nhiều người Hmong bị nghiện. Một vị sư đầy tâm huyết của chùa Wat Tham Krabok đã bỏ công nghiên cứu rồi mày mò tìm kiếm để cứu họ. Từ đó, chùa Wat Tham Krabock đã trở thành một địa chỉ cứu sinh của họ. Dần dần, cả thế giới đã được biết Chương trình cai nghiện Heroin và ma túy ấy. Bắt đầu từ năm 1959 với hơn 100.000 lượt người nghiện đã qua chương trình cai nghiện của chùa này bằng các liệu pháp kể cả hành Thiền và uống thảo dược... Một số lượng lớn các con nghiện phương Tây, sau khi thất bại với nhiều phương pháp, họ đã tìm đến ngôi chùa này để chữa trị, trong số đó, có cả bạn trai của Nhạc sỹ Punk rock người Anh Kate Moss là Pete Doherty, Ca sỹ nhạc Rock Christy Dignam thuộc Aslan và cả Nhà văn Mỹ Patrick K. Kroupa cũng đã đến điều trị ở đây.

Đáng tiếc rằng, vì nhiều lý do, sau đó ngôi chùa này không còn được tự do thăm viếng, nhưng dù vậy, một ngôi chùa khác tại Thái Lan cũng đang rất thành công trong việc cai nghiện bằng phương pháp tâm linh, lúc này chẳng thể nhớ tên, nhưng nếu có lòng thì việc tìm ra cũng không là điều quá khó.

Thời gian trôi đi như nước chảy qua cầu, miên man và lặng lẽ.

Rời “Nhà xã hội” của những người cai nghiện, ngồi trên chiếc ghế đơn bên hàng rào “Nhà Tịnh tâm” của nhà dòng, trước mặt tôi, dòng sông Sàigòn chảy xuôi hiền hòa êm ả, những dề lục bình như đang đùa vui chụm lại rồi tách ra nghịch ngợm vô tư. Một khung cảnh gợi cảm, rất tình và thật thơ.

Tạm biệt “Nhà xã hội”, nhưng tôi đã bỏ quên một phần của tôi nơi ấy, để lúc này phải giật mình, vì đã gõ kín cả 3 trang A4, nhưng vẫn thấy như chưa viết được gì.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Phẩm giá cao đẹp của người phụ nữ
Lm Giuse Nguyễn Hữu An.
11:51 07/03/2010
Tin Mừng đại lễ Phục Sinh đã dành cho giới phụ nữ một vị thế đáng trân trọng. Họ là những người nhận được tín hiệu Phục Sinh đầu tiên. Họ là những người được Đấng Phục Sinh cho gặp mặt trước hết. Và chính họ còn là những người được trao nhiệm vụ lớn lao là đem Tin Vui Phục Sinh đến cho các Tông đồ.

Tại sao phụ nữ lại có được ưu thế ấy mà không phải là các Tông Đồ ? Phải chăng chỉ vì họ là phụ nữ ? Tất nhiên không phải thế, mà vì những lý do khác.

VÌ HỌ CHÂN THÀNH

Phúc Âm kể: từ sáng sớm khi trời còn tối ngày thứ nhất trong tuần, các phụ nữ đã đến thăm mồ Chúa Giêsu.

Chiều thứ Sáu, sau khi Chúa Giêsu chịu chết, người Do thái đến xin Philatô cho hạ xác những người bị đóng đinh xuống. Họ không muốn thấy xác chết treo trên thập giá trong ngày Sabat. Phép tắc thủ tục xong, xác Chúa Giêsu được hạ xuống thì đã chiều tà, và theo phong tục của người Do thái, họ tính ngày mới bắt đầu từ lúc mặt trời lặn, khi mỗi người với mắt thường nhìn thấy được ít nhất vì sao lấp lánh trên bầu trời. Vì thế Đức Mẹ cùng với bà Maria Mađalêna và các môn đệ phải hối hả lo chôn xác Chúa Giêsu cho xong để về nhà trước khi mặt trời lặn, nếu không họ sẽ lỗi luật tôn giáo, vì ngày Sabat chỉ được đi bộ một quãng bằng ném hòn đá mà thôi. Vì hối hả nên các bà về nhà, rồi nhận thấy mình không cẩn thận đủ với Thầy kính yêu của mình, nên bà nán lòng chờ đến sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, đem thuốc thơm đến mồ để ướp lại xác Chúa.

Theo định luật tâm lý: trái tim giới nữ chỉ có một ngăn duy nhất, một khi ngăn ấy đã dành cho ai thì chỉ có yêu một mình người ấy mà thôi. Các phụ nữ này rất yêu mến Chúa Giêsu. Chứng kiến cuộc khổ nạn, các bà càng yêu mến Thầy mình hơn. Họ bất chấp tất cả. Bất chấp sự chết, bất chấp mồ bị niêm phong, bất chấp cả lính canh. Miễn là họ được ở gần vị Thầy tôn quý.

Thiết tưởng, một trái tim chân thành như thế, ở giới nữ cũng như ở bất cứ ai, cũng xứng đáng nhận được Tin Mừng Phục Sinh.

VÌ HỌ TRUNG THÀNH

Trước thảm kịch ngày thứ sáu tuần thánh, chẳng ai bảo ai, các Tông đồ trốn chạy mỗi người một ngả. Mạnh miệng như ông Tôma có lần hạ quyết tâm “Nào cùng lên Giêrusalem chịu chết cả đám”, thế mà trong ngày thương khó của Chúa, ông là “người thợ lặn” giỏi nhất, lặn biệt tăm. Sôi nổi như ông Phêrô có lúc đã quyết liệt “Dẫu mọi người bỏ Thầy, con đây xin đồng sinh đồng tử với Thầy”. Thế mà sau đó chính ông trở thành kẻ chối Chúa táo bạo nhất, không chỉ một lần mà những ba lần. Giuđa bán Thầy giá rẻ bằng 1 tên nô lệ. Đầu Bin Lađen còn được treo giải 5 tirệu đôla. Đầu Sađam Hussein tới 36 triệu đôla. Trong khi cái đầu của Thầy chỉ đáng giá …một tháng lương. Các môn đệ trốn chui trốn nhủi vì sợ liên luỵ.

Trong khi ấy, phụ nữ lại là những người gắn bó trung thành với Chúa Giêsu hơn bất cứ ai. Họ có mặt bên Chúa trong cuộc khổ nạn. Họ đứng gần dưới chân thánh giá cùng với Mẹ Maria. Họ góp sức trong lúc an táng. Và dẫu Chúa đã ba ngày bị vùi chôn trong ngôi mộ niêm phong, họ vẫn trung thành đến viếng thăm ngay từ khi bình minh ló rạng. Và thế là cửa mồ đã mở toang và họ được hạnh phúc là những người đầu tiên ghi nhận sự kiện phục sinh.

Nếu hạnh phúc không phải từ trời rơi xuống, mà “như ngọc trong đá không có cho ai đi qua hững hờ”, thì rõ ràng gặp được Tin Vui Phục sinh chính là hạnh phúc cho họ và cho tất cả những ai đã trung thành gắn bó với Đức Kitô trong cuộc khổ nạn đời sống hằng ngày, bất luận họ là giới nữ hay giới nam.

VÌ HỌ NHIỆT THÀNH

Hình ảnh người nữ nêu lên trong Phúc âm Phục sinh rất lạ. Thay vì dáng vẻ yểu điệu thục nữ, thay vì những bước chuyển động nhẹ nhàng dịu dàng, thì phụ nữ lại chạy, chạy vội vàng, chạy hớt hải, cắm đầu mà chạy. Nhưng đó chính là hình ảnh sinh động minh họa cho một chuyển động nhiệt thành. Lòng nhiệt thành chính là điều kiện cần thiết để loan tin vui Phục sinh đến với mọi người.

Chẳng phải vì muốn chơi đẹp như phép lịch sự phương Tây, cũng chẳng phải vì tình cờ ngẫu hứng mà Đức Kitô đã dành cho giới nữ ưu tiên ấy. Mà chỉ vì muốn thông qua họ, Ngài cho thấy một chân lý. Đó là tất cả những ai chân thành tin, trung thành hy vọng và nhiệt thành yêu mến gắn bó với Đức Kitô, dù phải trải qua những khổ nạn trong cuộc sống cụ thể hằng ngày, họ sẽ là những người hạnh phúc biết sống do và cho Đấng Phục sinh.

Đức Kitô là đấng giải phóng. Một trong các chiều kích giải phóng của Ngài là giải phóng phụ nữ. Có người còn cho rằng chính Ngài là người đã khởi xướng phong trào giải phóng phụ nữ. Trong xã hội Do Thái của thời Ngài, người nữ chỉ là một con số không, thế mà Ngài đã đối xử với họ một cách thật trân trọng. Chúa đã quí mến Matta và Maria. Trong nhóm người theo Ngài vẫn có những phụ nữ. Dưới thập giá Ngài, ngoài thánh Gioan ra, chỉ toàn là phụ nữ.

Phụ nữ chân thành, trung thành và nhiệt thành. Phụ nữ chiếm hơn một nửa dân số nhân loại. Phụ nữ ngày càng khẳng định vị trí, vai trò và tầm ảnh hưởng của mình trên mọi lãnh vực xã hội.

Hình như trong mọi tôn giáo, phụ nữ chiếm đa số thành phần tín hữu giữ đạo. Thế nhưng quyền bính về tôn giáo thì hầu hết lại do người nam nắm giữ. Phải chăng mọi tôn giáo đều mang cái mầm ‘ghét phụ nữ’ (misogynic) hay vì các tôn giáo được khai sinh vào thời đại mà quan niệm trọng nam khinh nữ đã ăn sâu vào trong tổ chức tôn giáo?

Nhưng cũng bởi vì chúng ta vừa là người Việt Nam vừa là Kitô hữu, nên chúng ta mang trong trong lòng mình cùng một lúc hai truyền thống: truyền thống Việt Nam với nhiều dấu ấn của Tam giáo, và truyền thống Kitô giáo với nhiều vết tích của Do Thái giáo. Vì thế, khi nói đến người nữ, một số quan niệm - có thể rất lỗi thời, nhưng vẫn âm ỷ sống - cứ chực trào lên. Về phía Khổng giáo: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Về phía Do Thái giáo, sách Talmud ghi: “Thà đốt sách Torah còn hơn là trao sách ấy cho một phụ nữ”.

Xuyên qua dòng lịch sử thăng trầm, chỗ đứng của người phụ nữ trong các tôn giáo như thế nào?

1) Phụ nữ trong các tôn giáo ngoài Kitô giáo

a. Trong Do Thái giáo:

Trải qua một thời gian thật dài, người phụ nữ Do Thái chẳng những không có quyền lên tiếng ở Hội Đường; mà ngay cả trong tổ chức của các cộng đồng Do Thái, họ cũng không được quyền tham dự. Hai mươi năm trở lại đây, trong các cộng đoàn Do Thái giáo ở ngoài Israel, người ta đã thấy người nữ bắt đầu học hỏi về Talmud. Một số phụ nữ đã trở thành luật sư trong các tòa án cộng đồng Do Thái. Một số người đã được công nhận là rabbi, nghĩa là tiến sĩ luật Do Thái (hiện nay ở Mỹ có hơn 500 nữ rabbi). Tuy nhiên họ chỉ can thiệp vào những công việc toà án và hành chánh. Trong Hội Đường, trước sau như một, Luật Do Thái, Halakhah, vẫn cấm họ lên tiếng; nghĩa là dù họ có tài giỏi và đạo đức đến đâu, thì họ vẫn không có quyền đọc và giải thích Lời Chúa trong Hội Đường.

b. Trong Hồi Giáo:

Luật Hồi Giáo Charia không nhẹ nhàng gì đối với người nữ. Họ luôn phải phục tùng chồng, hoặc cha hoặc anh em trai. Ngay về vấn đề thừa kế họ cũng không có quyền được chia gia sản đồng đều với anh hoặc em trai mình. Giá trị của họ chỉ bằng một nửa người nam. Ví dụ về giá trị của một lời chứng, Kinh Coran nói rõ ràng: lời nói của một người nam có giá trị bằng hai người nữ, vì nếu một người quên, thì người kia sẽ nhắc (II, 282). Tuy nhiên cánh cửa về quyền bính tôn giáo không hoàn toàn đóng đối với họ. Kinh Coran vẫn cho họ được bình đẳng với tư cách là tín hữu. Cho tới nay một số phụ nữ đã được học thần học, và có thể nói về đạo ngoài xã hội. Còn trong đền thờ Hồi Giáo thì người nữ không có quyền lên tiếng. Dĩ nhiên, người nữ chưa thể nào giữ chức vụ imam, nghĩa là trưởng một cộng đoàn cầu nguyện, người có thể xướng kinh cho cộng đoàn. Vào thế kỷ thứ XIV, triết gia Ibn Khaldoun - một người được tôn trọng như Thomas d’Aquin đối với Công giáo -, đã khẳng định rằng người nữ không thể nào giữ được chức vị ấy vì không bao giờ đáp ứng được bốn điều kiện sau: kiến thức, sự công minh, khả năng chuyên môn và sức mạnh thể lý. Tuy nhiên ông cũng nói thêm rằng: dù sao đi nữa, chức vụ này không thể trao cho phụ nữ vì sứ điệp Coran chỉ dành cho người nam.

c.Trong Phật Giáo:

Phật Giáo khó lòng chấp nhận người nữ bằng hàng với người nam. Giáo lý chấp nhận rằng người nữ ‘cũng’ có khả năng đi đến giác ngộ... nhưng phải thông qua một số điều kiện, mà một trong các điều kiện là phải đầu thai làm một người nam. Ví dụ, truyền thuyết về vị công chúa, con vua Sagara (ngay tên công chúa cũng không được ghi, mà chỉ ghi tên cha mình). Cô ở vào tình trạng sắp giác ngộ. Khi nghe một môn sinh của Đức Phật giảng rằng người nữ cũng có thể trở thành Bồ Tát, cô bèn nhập vào hình hài một người nam (!) và giác ngộ. Qua các thời đại, người nữ đã bắt đầu lên tiếng. Tuy tại Việt Nam và tại Trung Quốc không thấy một sự phản kháng nổi bật nào từ phía phụ nữ, thì tại Kampuchia, tại Sri Lanka, tại Đài Loan, tại Thái Lan, một số phong trào phụ nữ đã nổi lên đòi quyền bình đẳng giữa các thượng tọa và các ni cô, nhưng kết quả cũng chẳng đi đến đâu. Quả thật, Đức Dalai Lama có kêu gọi để cho người nữ được quyền giữ các chức vị trong tôn giáo như các thượng tọa ở Tây Tạng, nhưng cho đến nay điều này vẫn chưa được thực hiện. Năm 1966 một lãnh đạo phong trào phụ nữ đề xuất một bộ luật nhằm đem đến sự bình đẳng trong chức vụ trong Phật Giáo giữa nam giới và nữ giới. Giới thẩm quyền trong đạo đã dứt khoát: “Không có luật đời nào có quyền thay đổi giáo huấn của Đức Phật.” Một tạp chí đăng tải như sau: “Than van về vấn đề kỳ thị nam nữ chỉ là công dã tràng: sự phân biệt ấy là một thực tại gắn liền với kiếp đàn bà.”

2) Phụ nữ trong Kitô Giáo

a. Hoài bão của phụ nữ:

Trong Kitô giáo thì chỗ đứng của phụ nữ có vẻ thuận lợi hơn. Những nền thần học hướng về quyền phụ nữ đã được khởi xướng từ hậu bán thế kỷ 20, cùng với những sự thăng tiến về vai trò phụ nữ trong xã hội. Những tiếng nói đòi hỏi quyền bình đẳng phụ nữ khởi đầu với hai biến cố, đó là sự ra đời của phong trào giải phóng phụ nữ và Thần Học Giải Phóng. Tuy nhiên đòi hỏi này từng gặp sự nghi ngờ của hàng giáo phẩm. Dù sao đi nữa, các nhà thần học nữ trong thế kỷ này có một hoài bão cao hơn: họ muốn được tham gia trọn vẹn vào đời sống các Giáo Hội, mà không chỉ dựa vào những khuôn mẫu do người nam đề ra mà thôi. Muốn làm như thế, họ bắt đầu đọc lại Kinh Thánh. Con đường đến với Kinh Thánh vẫn mở rộng đối với phụ nữ hơn là con đường chức vụ quyền bính trong các Giáo Hội Kitô giáo. Họ nối tiếp truyền thống các nữ ngôn sứ thời xa xưa và tìm kiếm trong Kinh Thánh vai trò của họ với tư cách là người nữ. Họ tin rằng cảm nghiệm người nữ hoàn toàn khác biệt với cảm nghiệm của người nam, và họ có bổn phận phải đón nhận gia sản Kinh Thánh cho chính mình.

b. Những hướng đọc Kinh Thánh dưới cái nhìn phụ nữ:

Có ít nhất là ba hướng đọc lại Kinh Thánh dưới cái nhìn phụ nữ.

- Một trong phương hướng nghiên cứu là tìm cách đọc lại những đoạn Kinh Thánh hầu cho thấy rằng người phụ nữ đã từng bị coi thường. Ví dụ năm 1984, Phyllis Tribble nêu lên vài câu chuyện điển hình, và viết lại trong một tác phẩm của bà dưới nhan đề là Tragic Destinies (Những số phận bi đát): số phận của Haggar, nữ tì của Sarah, đem hiến cho Abraham rồi sau đó bị đuổi đi; số phận của Thamar, con gái của David, bị người anh cùng cha khác mẹ với mình là Amnon hãm hiếp; hay số phận của người con gái Jephté, mà thậm chí ta không biết tên: cô là nạn nhân vì một lời nguyền của cha mình là sẽ tế sát người đầu tiên ông gặp khi ông trở về trong chiến thắng. Đối với Phyllis Tribble, đó không phải là ‘chuyện đời xưa’, nhưng đó vẫn còn là điều đang xảy ra trong thời đại chúng ta: số phận của người nữ bị áp bức.

- Hướng nghiên cứu thứ hai là tìm lại những vị trí của phụ nữ mà cách đọc của nam giới đã làm mờ nhạt đi. Điển hình là Elisabeth Schussler-Fiorenza. Trong tác phẩm In Memory of Her (Để tưởng nhớ đến Bà), bà đã nhắc lại vị trí của người phụ nữ bằng cách lập lại lời sau đây của Chúa: “Nơi nào Phúc âm được rao giảng, trên khắp thế gian, thì người ta sẽ kể lại điều bà đã làm, để tưởng nhớ đến bà”. Qua đó bà cho thấy rằng phụ nữ là yếu tố không thể thiếu được trong quá trình hình thành Giáo Hội và rao giảng Tin Mừng.

- Một trào lưu thứ ba là xét lại ngôn từ trong Kinh Thánh. Ví dụ Virginia Molenkott liệt kê những từ ngữ giống cái mà ngôn ngữ Do Thái dùng để chỉ định Thiên Chúa: như Shekina(Đấng Hiện Diện) hoặc Ruah(Thần Khí). Điều này cho thấy rằng Thiên Chúa là Cha nhưng đồng thời Người cũng là Mẹ; nói cách khác, Thiên Chúa cũng có nữ tính, và nữ tính này đã bị các giáo phụ làm mờ đi qua các thời đại. Do đó, chỉ có người nữ, với sự nhạy cảm và lối tiếp cận hoàn toàn mang nữ tính mới cân bằng lại quan điểm đầy nam tính từ trước đến giờ đối với Kinh Thánh.

c. Bước thăng tiến của phụ nữ:

3) Người nữ và chức linh mục trong Giáo Hội Công Giáo

Tất cả những cố gắng của phong trào bình đẳng nữ giới đã mang nhiều thăng tiến cho phụ nữ trong các Giáo Hội Kitô giáo. Từ hai thập kỷ qua, người nữ đã có mặt trong mọi lãnh vực giáo hội: từ giáo lý viên đến giáo sư thần học, từ vai trò linh hoạt viên đến những chức vụ trong các hội đồng cao cấp. Riêng trong lãnh vực phụng tự, phụ nữ được cử hành phụng vụ lời Chúa như người nam, mà không có một sự phân biệt nào. Tuy nhiên, trong vấn đề chức thánh thì còn có giới hạn. Dù Giáo Hội Tin Lành tại Pháp đã có mục sư từ 1966 và Anh giáo chấp thuận cho phụ nữ được phép nhận chức linh mục, thì số lượng người có chức thánh này cũng còn rất ít so với người nam, trong khi đó số tín hữu giữ đạo thì nữ giới lại chiếm tuyệt đại đa số. Riêng trong giáo hội Chính Thống và Công Giáo, người nữ không thể nhận chức linh mục.

a. Một giai thoại:

Tháng 10 - 1987, một năm sau ngày Đức Gioan Phaolô II được tấn phong giáo hoàng, Ngài thực hiện chuyến viếng thăm mục vụ tại Mỹ và có mặt tại Vương Cung Thánh Đường Washington. Lối chừng 50 nữ tu không mặc tu phục cầm khẩu hiệu: ‘Nếu phụ nữ có khả năng làm bánh, thì họ cũng có khả năng bẻ bánh’. Nữ tu Theresa Kane được cử lên tiếp kiến Đức Giáo Hoàng và bà tuyên bố trong máy vi âm. “Thưa Đức Thánh Cha, Giáo hội phải đáp ứng những thiệt thòi của phụ nữ bằng cách xét xem khả năng của họ trong ngay cả việc lãnh nhận chức thánh.” Đám đông hoan hô, nhưng Đức Giáo Hoàng không phát biểu gì cả.

Vài tuần sau, nữ tu này đến Vatican và được một cha trong Tòa Thánh tiếp kiến cùng với lời yêu cầu: ‘Đề nghị xơ làm sáng tỏ lời phát biểu của mình’. Bà đã khẳng định: ‘Con muốn cha hiểu rằng con bao hàm luôn cả việc thụ phong linh mục cho nữ giới; đúng, cả việc thụ phong nữa.’ Tòa Thánh vẫn không nói gì, nhưng sau này, khi nữ tu Theresa Kane xin yết kiến Đức Giáo Hoàng, thì được văn phòng Toà Thánh phúc đáp rằng “cuộc gặp gỡ sẽ không thích hợp”

Hiện nay nhiều nhóm người ở Âu Mỹ có khuynh hướng xem Đức Gioan Phaolô II là một Giáo Hoàng ‘ghét phụ nữ’ (misogynic). Những luận cứ họ đề ra như một bằng chứng là vì Ngài luôn chống đối việc phá thai và việc phong chức linh mục cho phụ nữ. Sự thật thế nào?

Quan điểm của Đức Gioan Phaolô II đối với phụ nữ.

Có lẽ nên trở về với những lời phát biểu của Đức Giáo Hoàng, mà mọi người chắc chắn là những lời nói xuất phát tự đáy lòng Ngài.

Những lời hay nhất mà Đức Gioan Phaolô II đã phát biểu về phụ nữ xuất hiện trong Thư gởi phụ nữ (tháng 6-1995). Những lời cảm động nhất nằm trong một đoạn của Vita consecrata (tháng 3-1996) [Đời sống thánh hiến], nói lên rằng phụ nữ là ‘dấu chỉ lòng trìu mến của Thiên Chúa đối với nhân loại”. Những lời thi vị nhất nằm trong Mulieris dignitatem (tháng 9-1988) [Phẩm giá người nữ]: ‘Tiếng reo của người nam đầu tiên khi thấy người nữ vừa được tạo thành là một tiếng reo ngưỡng mộ và vui mừng, và tiếng reo ấy đã xuyên qua suốt dòng lịch sử nhân loại ở trần gian’.

Trong Thư gửi phụ nữ, ta có thể đọc:

“Cám ơn người, người nữ, chỉ vì người là phụ nữ! Nhờ cách nhận thức đầy nữ tính mà người đã làm phong phú cho sự thông cảm của thế giới và góp phần vào sự chính trực của các tương quan giữa người và người.

Nhưng, tôi biết rằng chỉ cám ơn mà thôi thì chưa đủ. Đau lòng là chúng ta đã kế thừa từ lịch sử nhiều yếu tố tác động khiến cho, ở mọi thời và mọi nơi, con đường của phụ nữ thật khó đi: người ta coi nhẹ phẩm giá của họ, bỏ qua quyền hạn của họ, thường gạt họ ra ngoài lề xã hội và thậm chí biến họ thành nô lệ...

Nhân loại đã mắc một món nợ khổng lồ vì cái “truyền thống” trọng nam khinh nữ ấy. Biết bao phụ nữ đã và đang bị đánh giá dựa trên ngoại hình hơn là dựa trên khả năng, trình độ nghiệp vụ, hoạt động trí thức, sự nhạy cảm phong phú của họ, và tóm lại, dựa trên chính cái phẩm giá của con người họ !” (Thư gửi phụ nữ, 29-06-1995)

Trong tông huấn Vita consecrata, ta không thể nào bỏ qua đoạn này: “Từ kinh nghiệm về Giáo hội và lối sống của người nữ trong Giáo hội, nữ tu góp phần xóa đi một số quan niệm một chiều; những quan niệm ấy ngăn cản không cho ta nhận thấy phẩm giá của họ, phần đặc thù mà họ đóng góp vào đời sống và hoạt động mục vụ và truyền giáo của Giáo hội. Như vậy, quả là chính đáng nếu nữ tu ao ước được nhìn nhận rõ ràng hơn chân tính, khả năng, sứ mạng và trách nhiệm của họ, trong nhận thức của Giáo hội cũng như trong đời thường. [...] Do đó, khẩn thiết phải thực thi vài bước cụ thể, khởi sự bằng cách mở ra cho người nữ những không gian để họ tham gia vào nhiều khu vực khác nhau và ở mọi mức độ, kể cả trong tiến trình soạn thảo các quyết nghị, nhất là những quyết nghị liên quan đến họ.” (Tông huấn Vita consecrata, tháng 3-1996).

Từ nữ tu, Đức Thánh Cha đã ngỏ lời với toàn bộ phụ nữ, và đề cao giá trị của họ. Trong một số đoạn của Mulieris dignitatem (1988), Ngài đã sửa sai thánh Phaolô (chưa một giáo hoàng nào làm như vậy trước đây) và sửa sai cả lịch sử Giáo hội, về vấn đề người nam “là chủ nhân” của người nữ và về tội lỗi của bà Eva: “Một cách nào đó, lời mô tả của Kinh Thánh về tội nguyên tổ trong sách Khởi nguyên (chuơng 3) “đã phân chia vai trò” của người nữ và người nam. Sau này, một số đoạn Kinh Thánh khác cũng qui chiếu lại, ví dụ như trong thư Thánh Phaolô gửi ông Timôthê: “Chính Adam đã được tạo dựng trước, rồi mới đến Eva. Cũng không phải Adam đã sa ngã khi bị dụ dỗ, mà là người đàn bà.” (1 Tm 2,13-14). Nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, dù cho bài mô tả của Kinh Thánh có “có phân chia các vai trò”, thì tội đầu tiên này vẫn là tội của loài người, mà Thiên Chúa đã dựng nên có nam có nữ. Đấy cũng là tội của những “cha mẹ tiên khởi”, kèm theo tính chất cha truyền con nối. Và vì thế mà ta gọi là tội nguyên tổ.” (Mulieris dignitatem, tháng 9-1988, số 9)

Có lẽ không cần phải quảng diễn lâu dài về những điều mà mọi người đều đọc được và hiểu được về quan điểm của Đức Thánh Cha. Nhưng Đức Thánh Cha cũng là người đứng đầu của Giáo Hội Công Giáo, vì thế hơn ai hết, Ngài phải trung thành với lập trường Giáo Hội.

b. Lập trường Giáo Hội:

Về chức linh mục, Giáo Luật chỉ có một câu duy nhất liên quan đến người nữ, hay đúng hơn chỉ có một câu nói lên điều kiện mà phụ nữ không thể có được. Điều 1024 ghi một cách ngắn gọn: ‘Chỉ người thuộc nam giới đã nhận lãnh bí tích Thánh Tẩy mới được nhận lãnh thành sự chức thánh.’

Có nhiều văn bản nói lên lập trường của Giáo Hội, nhưng ở đây, chúng tôi chỉ nhắc lại ba văn bản gần chúng ta nhất. Văn bản thứ nhất là tuyên ngôn Inter Insignores mà Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin công bố năm 1967, dưới triều đại của Đức Phaolô VI. Đây là văn bản với nhiều luận cứ và khá ôn hòa, vì trong thời gian Công Đồng Vatican II, vấn đề chức linh mục của phụ nữ đã được đề ra và ý kiến phản đối cũng như ý kiến ủng hộ đều có cơ sở vững vàng. Tuy nhiên lời kết luận của văn kiện ấy thật rõ ràng. Trong phần này có một câu mà người ta đã gán một cách sai lầm cho Đức Gioan Phaolô II: “Giáo hội... cảm thấy rằng mình không được phép chấp thuận việc thụ phong linh mục cho phụ nữ.” Để chấm dứt sự tranh luận kéo dài mãi không ngơi, vào tháng năm 1994, Đức Gioan Phaolô II đã công bố Tông Thư Ordinatio sacerdotalis. Văn kiện này là một trong những văn kiện ngắn nhất, chỉ dài có 6 trang. Và dù Ngài là một Giáo Hoàng thao thức nhất từ trước đến giờ đối với vai trò phụ nữ, lập trường vào cuối thư vẫn dứt khoát: “Tôi tuyên bố rằng Giáo Hội không thể nào có quyền trao chức linh mục cho phụ nữ và lập trường này phải được mọi tín hữu xem là lập trường vĩnh viễn”. Vĩnh viễn! Thế nhưng người ta vẫn tiếp tục bàn ra tán vào. Đến năm 1997, cũng chính Giáo Hoàng đã phê chuẩn một văn kiện nữa của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin và ra lệnh công bố văn kiện ấy. Văn bản ngắn gọn nhưng rõ ràng: ‘Dựa trên Lời Chúa (nên người ta phải xem lập trường Giáo Hội về vấn đề chức linh mục của phụ nữ) là một tín điều thuộc Kho Tàng đức tin... do Huấn Quyền đề ra một cách bất khả ngộ. .. Huấn Quyền yêu cầu mọi người qui thuận một cách vĩnh viễn” (Người viết nhấn mạnh). Văn bản này là văn bản tối hậu và mang tính chất tín lý. Nhưng rồi những phong trào đòi quyền thăng tiến phụ nữ vẫn tiếp tục âm ỷ bàn tán, đặc biệt là ở Mỹ châu.

4) Nam nữ bình đẳng và bổ túc cho nhau.

Nhìn lại các tôn giáo, ta thấy rằng phụ nữ luôn bị thiệt thòi. So với các tôn giáo bạn, thì hình như Kitô Giáo dành cho người nữ sự tôn trọng cao hơn.

Cám dỗ lớn của người nữ là tự coi mình như người nam hạ cấp, để tự đánh giá mình với lòng ganh tị, thèm được giống người nam. Do đó, họ có khuynh hướng tự ty, trong khi họ chỉ khác người nam thôi. Vậy trước hết, phải dứt bỏ lòng ganh tị và chấp nhận nữ tính của mình. Chúng ta chỉ trưởng thành khi tự biết mình khác biệt và chấp nhận chính mình, vai trò đặc thù của mình, cách thức sống làm người của mình.

Nhưng làm thế nào chấp nhận mình là khác ? Ngày nay, người ta có khuynh hướng đặt câu hỏi này trên bình diện công ăn việc làm. Một số người đòi cho phụ nữ được làm những công việc y như đàn ông, một số khác từ chối không chịu vậy. Thật ra, tự nó, có lẽ công việc không phải là của đàn ông hay của đàn bà. Người ta nói: đời sống ở xưởng không hợp với đàn bà. Tự nó, đời sống ở xưởng có hợp với đàn ông hơn không ? Người ta nói: đàn bà phải có mặt trong gia đình.

Vậy đàn ông không cần có mặt sao ? Ngược lại, nơi công cộng, trong giới chính trị và kinh doanh, đàn bà không có tiếng nói của mình sao ? Một tiếng nói mà chỉ có họ biết nói lên, và có khả năng biến đổi bộ mặt của xã hội biết bao ! Vậy vấn đề không phải là nhận hay từ chối công việc, mà là cung cách chu toàn công việc. Cùng làm một việc, có cách làm của đàn ông và cách làm của đàn bà. Chính điều này mới là quan trọng.

Vì thế, không nên cố làm cho phụ nữ hoàn toàn “bình đẳng” theo nghĩa làm bằng và làm giống hệt người nam. Hai bên phải là tương xứng và bổ sung cho nhau.Trong Giáo Hội như ngoài xã hội, không phải là nữ sẽ thế vai cho nam, mà là góp phần của mình, theo cách thức nữ của mình. Bằng không, Giáo hội cũng như xã hội chỉ bị thiệt mà thôi.

Kết luận:

Các bậc nữ trung trên trường quốc tế nhiều vô kể. Tại Việt Nam, có lẽ không ai là không biết đến gương sáng và đời sống của các nữ anh hùng dân tộc nổi tiếng như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, nữ tướng Bùi Thị Xuân… mà đời sống của họ đủ cả tam tòng tứ đức lẫn công dung, ngôn hạnh, đáng để cho con cháu mọi đời noi theo.

Ngày hôm nay, những người nữ tài khéo, đảm đang vẫn tiếp tục làm rạng danh non sông, tiếp tục cống hiến khả năng và sức lực của mình để dựng xây quê hương đất nước. Họ có mặt trong đủ mọi địa vị và ngành nghề. Họ là những nữ giáo viên, nữ y sĩ, nữ công nhân, nữ thương gia, nữ học sinh, sinh viên vv… nhiều lễ hội tôn vinh những vị nữ trung đó.

Nhiều Phụ Nữ Tông Đồ trong Tân Ước, rồi dọc dài lịch sử Giáo hội nhiều Thánh Nữ góp phần vào sự thánh thiện của Giáo hội như thánh Catarina Sienna, Têrêxa Avila, Têrêxa Hài Đồng, Têrêxa Calcutta...

Một biến cố lịch sử trong Giáo Hội Việt Nam, sau 500 năm, có thêm người phụ nữ thứ hai được bầu vào chức vụ Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ của giáo xứ.

Vào ngày 7 tháng 3 vừa qua, trước ba ngày kỷ niện Ngày Phụ Nữ Quốc Tế, tại giáo xứ Tân Định, một trong những giáo xứ lớn hàng đầu của giáo phận Sàigòn, Linh mục chính xứ Gioan Baotixita Võ Văn Ánh, đã bắt tay và trao chứng chỉ Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ xứ Tân Định cho bà Têrêxa Đinh Thụy Miên. Buổi lễ đã diễn ra rất trang trọng, có hơn 1000 người, kể cả những đồng bào không Công Giáo được mời tham dự.

Linh Mục Võ Văn Ánh, Chủ Tịch Ủy Ban Giáo Dân thuộc Tổng Giáo Phận Sàigòn nói với cộng đoàn trong buổi lễ rằng Bà Miên là phụ nữ đầu tiên của giáo xứ giữ chức Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ. Tại Giáo Phận Sàigòn với hơn 650,000 tín hữu, thuộc 200 giáo xứ lớn nhỏ khác nhau, không giáo xứ nào có Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ là phụ nữ mà từ trước tới nay, chức vụ này vẫn được trao cho qúy ông.

Cha Ánh tuyên bố: “Đây là cuộc cách mạng trao quyền cho phụ nữ”.Bà Miên đã được các thành viên Hội Đồng Mục Vụ và các đoàn thể trong giáo xứ Tân Định bầu làm Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ trong một phiên họp diễn ra vào ngày 1 tháng 3 năm 2009. Nhiệm kỳ của bà sẽ mãn vào năm 2011.

Theo cha chính xứ Tân Định, đây mới chỉ là một phần Giáo Hội muốn trao quyền cho phụ nữ để họ thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Ngài nói “Tôi muốn các vị phụ nữ trong xứ đạo được trao quyền để họ đảm trách các sinh hoạt của giáo xứ. Hiện nay Hội Đồng Giáo Xứ có 33 thành viên, trong đó một nửa là qúy bà, họ đang cố vấn và giúp đỡ tôi trong việc điều hành giáo xứ”.

* Bà Đinh Thụy Miên

Ông thân sinh của Bà Miên trước đây là Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ. Bà Miên có ba người con. Trong 26 năm qua bà là kế toán viên và sau này là Giám Đốc trung tâm cai nghiện của nhà nước.Trong giáo xứ, Bà cũng là thành viên trong tổ chức hỗ trợ ơn kêu gọi tu trì. Hiện nay bà đang điều hành cơ sở kinh doanh sửa sắc đẹp.

Bà Miên đã ngỏ lời với công đoàn trong buổi lễ. Bà nói “Xin mọi người cầu nguyện cho tôi để tôi hoàn thành tốt sứ vụ được trao phó. Tôi rất lo lắng vì chức vụ này đòi hỏi nhiều thời gian và kỹ năng. Tuy nhiên, tôi cảm thấy an tâm và tin tưởng vì có cha chính xứ và giáo dân trong xứ đạo hỗ trợ tôi”

Bà Catherine Đỗ Thị Liễu, 53 tuổi, người giáo xứ Tân Định phát biểu: “ Là phụ nữ, tôi rất hãnh diện vì bà Miên đã được Giáo Hội trao quyền. Rất nhiều phụ nữ đã đang giữ những chức vụ quan trọng trong nhiều tổ chức. Do vậy Giáo Hội nên để cho phụ nữ Công Giáo đảm nhận những chức vục có ảnh hương trong Giáo Hội. Tôi tin bà Miên sẽ chu toàn được sứ vụ và tôi sẽ cầu nguyện cho bà”.

Tưởng cũng nên giải thích thêm, Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ hay Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Xứ là danh xưng mới xuất hiện gần đây, sau Công Đồng Vatican II. Trước đó chức vụ này ở miền Bắc trong các xứ lớn gọi là Chánh Trương, xứ nhỏ gọi là Trùm Chánh. Tại miền Nam Hội Đồng Giáo Xứ gọi là Qưới Chức, và người đứng đầu là ông Câu.

Sự kiện bà Miên được bầu làm Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Xứ là một biến cố lịch sử của Giáo Hội Việt Nam vì trong gần 500 năm đạo Công Giáo có mặt tại đây, người ta chỉ thấy chức vụ này dành cho qúy ông.

Theo Linh Mục Đinh Huy Hưởng, Giám Đốc Caritas Sàigòn, giáo xứ Hòa Bình hạt Gò Vấp thuộc giáo phận Sàigòn đã có Nữ Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ cách đây khoảng trên 20 năm và các Linh Mục rất khâm phục quyết định của giáo xứ Hòa Bình. Tuy nhiên, tin tức này đã không được chính thức loan ra thành ra giới sử học không biết gì về tin này.

Về sách vở Công Giáo không thấy mấy tác giả để cập vấn đề phụ nữ tham gia hội đồng giáo xứ. Mãi tới những năm của thập niên 80 của thế kỷ trước, Linh mục Ngô Phúc Hậu, trong tác phẩm Nhật Ký Truyền Giáo mới đề cập đến vấn đề này một cách đại cương khi ngài thấy 1000 người trong ban mục vụ về họp tại Tòa Giám Mục giáo phận Hưng Hóa chỉ toàn đàn ông và Ngài đã đặt câu hỏi: “ Ủa ! 1000 thành viên hội đồng giáo xứ mà không có người phụ nữ nào sao? Có bình thường không nhỉ? (theo web: saigonecho.com;bài ngày 10/3/09- Nguyễn Long Thao).

Có câu chuyện huyền thoại kể rằng: Một hôm Thiền Sư già kia, nói với đệ tử của mình rằng: “Này anh bạn, ta có một điều tệ nhất là: ta không hiểu biết gì về người phụ nữ cả. Hãy nói cho ta biết phụ nữ là gì đi ?”

Người học trò mỉm cười nói rằng:

“Thuở mới sinh ra trái đất, ông thợ Tạo Hóa chỉ dựng nên có một mình ông Ađam, ông lang thang một mình trong vườn địa đàng mênh mông rộng lớn, trong khi các loài vật khác đều có cặp có đôi quấn quýt bên nhau. Thấy ông cô đơn hiu quạnh, thơ thẩn đi vào đi ra. Tạo Hóa thấy thế mà thương, bèn nghĩ rằng: mình phải tạo dựng cho Ađam một người bạn đường thôi, để nó sống một mình cũng không tốt. Lúc ấy Tạo Hóa mới nhớ ra rằng: lúc trước mình tạo dựng muôn vật từ hư vô, nay mọi sự đã trở nên hiện hữu, sao mình không lấy chính cái hiện hữu để tạo thêm một vật nữa nhỉ ?

Trong lúc nan giải, Tạo Hóa suy nghĩ một hồi lâu, rồi quyết định rằng sẽ tập trung tất cả vạn vật lại lấy mỗi thứ một tí để chế tạo ra người phụ nữ. Và Tạo Hóa đã lấy vẻ đầy đặn của mặt trăng tròn 16, đường cong của các loại dây leo, dáng run rẩy của hoa cỏ, nét mảnh khảnh của lau sậy, màu sắc rực rở trên cánh bướm, sự nhẹ nhàng của chiếc lá, sự tinh tế ở đầu vòi voi, cái nhìn ngây thơ của nai tơ, cái xúm xít của đàn ong mật, ánh sáng rực rỡ của mặt trời, nét xa xăm của tầng mây, sự lay động của làn gió, sự lộng lẫy kiêu sa của chim công, chất cứng rắn của kim cương, vị ngọt ngào của trái chín, lòng tàn nhẫn của hùm beo, sức thiêu đốt của ngọn lửa, khí lạnh lẽo của băng tuyết, tiếng kêu khắc khoải của chim quyên, tính nết dối trá của cò vạc v.v..., nói chung, tất cả mọi thứ, mỗi thứ một tí.

Tạo Hóa đem hết thảy những thứ đó, nhào nặn với khúc xương sườn của Ađam để tạo thành người phụ nữ ( người phụ nữ phức tạp, với đầy đủ mọi sắc thái, mọi tinh chất của vũ trụ; nên không thiếu một thứ gì mà không có trong con người phụ nữ ấy ) rồi tặng cho Ađam”.

Người học trò vừa kể đến đây, chưa kịp đưa ra câu kết, thì ông thầy già liền vội vàng ngăn lại: “Đừng nói gì thêm nữa... điều tệ nhất của ta đã hết hạn !”

Vâng, người phụ nữ với đầy đủ mọi sắc thái, cá tính, không thiếu một tính chất gì của vũ trụ như thế; nên đã làm cho biết bao nhiêu người trong giới đàn ông, không biết phải đối xử thế nào cho phải, hay suốt đời đàn ông cứ phải chiều phụ nữ ăn đi ăn lại quả trái cấm... Mình nói như thế không biết có quá đáng không nhỉ ?

Nhân loại ngày nay đang biến chuyển nhiều, đang từ từ trả lại cho phụ nữ chỗ đứng và phẩm giá của mình. Mặc khải trong Kinh Thánh cũng đã phần nào soi sáng chúng ta về quá trình biến chuyển trên. Là “Ađam mới”, là “Trưởng Tử trong mọi loài thọ sinh”, Chúa Giêsu qui tụ mọi người lại thành một khối -đàn ông cùng với đàn bà, vượt lên trên mọi ranh giới mà xã hội loài người đã dựng lên trước đó.

Nhờ vậy, con người dù là nam hay nữ hằng ngày khám phá rằng mình nằm trong một mạng lưới gồm vô số tương quan với thế giới xung quanh, trong đó có Thiên Chúa và có anh em. Trong mạng lưới ấy, mỗi người, nam hay nữ, đều góp phần của mình. Bước thăng tiến này của nhân loại là do Đức Ki-tô dẫn đầu và điều khiển, vì Người là “Anpha và Ômêga”. Nhờ vậy, “không còn chuyện Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà, nhưng tất cả chỉ là một, trong Đức Kitô” ( Gl 3, 28 )

Trong đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu, Đức Maria là người phụ nữ tuyệt vời hơn mọi người phụ nữ "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” ( Lc 1, 42 ). Đức Maria là gương mẫu của mọi người phụ nữ, nét đẹp từ trong tâm hồn, lời nói và đời sống của Mẹ nâng cao phẩm giá giới phụ nữ.

Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Mẹ, Mẹ có Phúc hơn mọi người phụ nữ. Mẹ là Nữ Hoàng của mọi người phụ nữ...Người Phụ Nữ được Thiên Chúa ưu ái đặc tuyển của muôn đời đã từng rất thương đau, nhưng cuối cùng vẫn uy hùng bước vào vinh quang như đạo binh xếp hàng vào trận. Dòng dõi của Người Nữ Diễm Phúc luôn mãi ngời sáng giữa lòng nhân loại hôm nay.
 
Văn Hóa
Cây dừa công chính
Giuse Cao Gia An
12:13 07/03/2010
Bài thơ kính mừng lễ quan thầy các cha xứ và phó xứ

Lặng lẽ như cây dừa

Che chắn lúc nắng mưa

Nghiêng mình theo Gió thổi

Đón nhận ánh Trăng thưa

Người như cây Hương Nam

Ngát thơm mùi hương trầm

Bốn mùa sinh trái tốt

Trên đỉnh núi Li ban

Người sống trong thiện háo

Với Trăng vàng khiêm cung

Một đời chuyện cơm áo

Cho Thánh Tử Vào Xuân

Cây dừa xanh lặng lẽ

Bằng hi hiến âm thầm

Trọn đời dừa hiến tế

Thân, trái, cành, lễ dâng!

Lạy Cha Thánh Giuse

Công chính như cây dừa

Được trồng nơi nhà Chúa

Cùng Trăng Nắng Gió mưa

Cây dừa xanh công chính

Nhờ đón Gió Thánh Thần

Cây dùa xinh khiết tịnh

Nhờ Trăng vàng Mẫu Thân

Thế gian mùa hoa nở

Bạch huệ sáng tinh khôi

Nhờ Mặt Trời Chính Ngọ

Toả ánh quang nơi Người

Lạy Cây Dừa Công Chính

Trổ từ gốc Jese

Là tình yêu tôn kính

Con xin Người chở che

Con Hành hương, về quê

Có Cha Thánh Giuse!

Là bóng dừa râm mát

Che bóng nắng con về……..
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Cành Đông Giá
Joseph Ngọc Phạm
23:10 07/03/2010

CÀNH ĐÔNG GIÁ



Ảnh của Joseph Ngọc Phạm

Vi vu gió thổi rung cành trắng

Lòng bỗng bâng khuâng nhớ thật là

Chẳng biết đêm nay người có lạnh

Có nhớ tôi không ở chốn xa…

(Trích thơ của L.T. Quỳnh Hương)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News