Ngày 10-03-2015
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha kêu gọi thần học qui trọng tâm vào lòng từ bi
Lm. Trần Đức Anh OP
09:53 10/03/2015
VATICAN. ĐTC Phanxicô kêu gọi các học giả thuộc mọi ngành thần học làm sao để những lãnh vực nghiên cứu của họ phản ánh tầm quan trọng trung tâm của lòng từ bi trong Tin Mừng.

Trong thư gửi đến ĐHY Mario Poli, TGM giáo phận Buenos Aires, cũng là Đại chưởng ấn Đại học Công Giáo Argentina, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập phân khoa thần học tại đây, ĐTC khẳng định rằng: ”Nếu không có lòng từ bi, thì nền thần học, giáo luật, và công việc mục vụ của chúng ta có nguy cơ sa lầy trong những điều nhỏ nhặt có tính chất bàn giấy, hoặc sa vào một ý thức hệ, tự bản chất, nó muốn thuần hóa mầu nhiệm. Hiểu thần học là hiểu Thiên Chúa là Tình Thương”.

Lá thư mang chữ ký của ĐTC ngày 3-3-2015 và được công bố tại Vatican ngày 9-3-2015. Trong thư ĐTC cũng nhắc nhở rằng ”Sinh viên thần học tại Đại học Công Giáo Argentina phải được huấn luyện để không trở thành những thần học gia ”viện bảo tàng” tích trữ các dữ kiện và thông tin về Mạc Khải mà không biết thực sự phải làm gì với những kiến thức đó; họ càng không được trở thành những người bàng quan nhìn lịch sử. Nhà thần học được đào tạo tại Đại học Công Giáo Argentina phải là một người có khả năng xây dựng quanh mình tình người, thông truyền chân lý Kitô thần linh với chiều khích thực sự là nhân bản, chứ không phải là một nhà trí thức không có tài năng, một nhà đạo đức không có lòng nhân hoặc chỉ một chuyên gia về điều thánh thiêng”.

ĐTC cũng xác quyết rằng ”Nhà thần học tốt, cũng như vị mục tử tốt, phải ”có mùi” của dân chúng và đường phố, và với suy tư của họ, họ đổ dầu và rượu chữa lành những vết thương của con người. Thần học phải biểu lộ Giáo Hội vốn là một ”bệnh viện dã chiến”, sống sứ mạng cứu độ và chữa lành của mình trong thế giới.
 
Hồng Y Nhiếp Chính, Jean Louis Tauran, tuyên thệ nhậm chức
Lm. Trần Đức Anh OP
09:56 10/03/2015
VATICAN. Sáng ngày 9-3-2015, trước mặt ĐTC tại nhà nguyện Urbano VIII, ĐHY Jean Louis Tauran đã tuyên thệ nhậm chức Hồng Y Nhiếp chính trong trường hợp trống ngôi Giáo Hoàng.

ĐTC đã chủ sự nghi thức, đọc các đoạn sách phụng vụ, nhưng không có diễn văn nào. Còn ĐHY Tauran sau đó đã nói ít lời cám ơn ĐTC.

ĐHY Tauran người Pháp, 72 tuổi (1943) hiện nay cũng là Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn và ngày 20-12-2014, ngài được ĐTC bổ nhiệm thay thế ĐHY Tarcisio Bertone SDB trong nhiệm vụ nhiếp chính. Vị phó nhiếp chính là Đức TGM Giampiero Gloder, Giám đốc trường ngoại giao Tòa Thánh.

Hồng Y nhiếp chính là vị chủ tịch của Tông Phòng (Camera Apostolica) và chăm sóc, quản lý tài sản cũng như các quyền lợi vật chất, tài sản của Tòa Thánh trong khi Tòa Thánh trống vị. Trong thời kỳ trống tòa như vậy, ngài không bị ngưng chức như các vị thủ lãnh các cơ quan trung ương khác của Tòa Thánh. Ngài thi hành các công việc bình thường và đệ trình lên Hồng Y đoàn những gì quan trọng cần được phê chuẩn.

ĐHY nhiếp chính có nhiệm vụ niêm phong phòng làm việc và phòng của ĐGH quá cố, cho phép hững người thường ở trong căn hộ của ĐGH được tiếp tục ở đó cho đến khi an táng ĐGH, sau đó toàn thể căn hộ sẽ bị niêm phong.

Ngài cũng là người thông báo chính thức tin ĐGH qua đời cho ĐHY giám quản Roma và toàn thể dân thành này, cũng như cho ĐHY Giám quản Đền thờ Thánh Phêrô.

ĐHY nhiếp chính, sau khi nghe ý kiến của 3 Hồng Y trưởng của 3 đẳng GM, LM và Phó tế, sẽ ấn định tất cả những gì liên hệ tới việc an táng ĐGH quá cố. Ngài ấn định ngày bắt đầu các phiên họp của Hồng Y đoàn để chuẩn bị bầu giáo hoàng mới. ĐHY cũng lo liệu những gì cần thiết để chuẩn bị việc bầu Giáo Hoàng. Ngài cho phép chụp hình vị Giáo Hoàng quá cố để làm tài liệu..

ĐHY nhiếp chính nhận lời tuyên thệ của các Hồng Y về việc giữ bí mật liên quan tới cuộc bỏ phiếu..

Những qui định trên đây được trình bày trong Tông hiến ”Universi Dominici Gregis” ([Mục tử] của toàn thể đoàn chiên Chúa” do Đức Gioan Phaolô 2 ban hành năm 1992 về những gì phải tuân giữ trong thời kỳ Tòa Thánh trống vị.
 
Hai năm đầu triều đại Đức Phanxicô
Vũ Van An
22:58 10/03/2015
Tuần này, Đức Phanxicô mừng hai năm lên ngôi giáo hoàng. Và theo John Thavis, đây là thời điểm chín mùi cho chương trình giản dị hóa bàn giấy và phục hồi sinh lực mục vụ của ngài. Đức Giáo Hoàng đã định ra các hướng đi và các ưu tiên mới phản ảnh viễn kiến của ngài về việc Vatican phải hoạt động ra sao và Giáo Hội nên phúc âm hóa như thế nào. Nhà bình luận này cho rằng ngài thực sự thành công trong một số phạm vi và cũng đã gặp trở ngại ở một số lãnh vực.

Theo Thavis, sau đây là một vài nét tóm lược:

-- Các cải tổ tài chánh tại Vatican. Với việc củng cố gần đây của Văn Phòng Kinh Tế, Đức Phanxicô đặt để một hệ thống bảo vệ tài chánh chưa hề có trong lịch sử Vatican. Các cải cách của ngài thực sự đã quét sạch các trương mục bí ẩn và những ngân sách vô nguyên tắc, và giảm thiểu ảnh hưởng Ý trên các vấn đề tài chánh nói chung.

Nhưng bên cạnh đó, có người cho rằng vẫn có những tranh chấp nội bộ đối với vị đứng đầu Văn Phòng Kinh Tế cùng với nhiều cuộc tranh chấp âm ỉ khác ở phía sau. Cho thấy nền văn hóa tranh giành quyền lực vẫn chưa được kết liễu.

-- Cải cách Giáo Triều Rôma. Việc đơn giản hóa guồng máy hành chánh của Vatican đến nay đã đi được nửa đường. Cuối cùng, ta sẽ thấy ít bộ sở hơn và nhiều phối hợp hơn, nhất là ở các bộ sở phụ trách về truyền thông. Tất cả đều rất tốt.

Tuy nhiên, điều cũng rõ ràng là Đức Phanxicô không có ý thách thức “hệ thống” của Giáo Triều Rôma, tức mạng lưới các bộ sở quản trị nhiều thế lực, do các vị Hồng Y đứng đầu, trong đó, việc đưa ra quyết định phần lớn là việc của giáo phẩm, còn các giáo dân thì hành xử trong các vai trò phụ thuộc.

Đức Giáo Hoàng từng kêu gọi nhiều lần phải có tác phong phục vụ trong Giáo Triều, nhưng theo Thavis, cho tới nay rất ít cải cách về cơ cấu đã được thi hành nhằm chấm dứt não trạng duy nghề nghiệp tại Vatican.

-- Đức Giáo Hoàng trong tư cách nhà truyền thông. Nhờ ăn nói thẳng thắn và bộc trực, không có những e dè thường lệ của Vatican, Đức Phanxicô đã cách mạng hóa lối truyền đạt của vị giáo hoàng và theo Thavis, cả cách tông huấn nữa. Không chỉ vì Đức Phanxicô sẵn sàng chuyện trò tự nhiên với các nhà báo và khách tới thăm; ngài còn biến lối ăn nói trực tiếp này thành phương pháp hàng đầu trong việc huấn giáo tín hữu.

Tuy nhiên, bộc trực đôi khi cũng đem tới những kiểu nói không thích đáng hoặc bị hiểu lầm. Và cuộc chiến giải thích các lời tuyên bố của Đức Giáo Hoàng là việc có thật giữa những người bảo thủ và cấp tiến trong Giáo Hội.

-- “Tính công đồng” và tính hợp đoàn. Qua việc thách thức Thượng Hội Đồng Giám Mục thảo luận thực sự cởi mở về một loạt các vấn đề mục vụ (trong đó có vấn đề người Công Giáo ly dị và tái hôn), Đức Phanxicô quả đang cố gắng giải quyết tính hợp đoàn từ dưới đi lên, bắt đầu với việc các vị giám mục phải liên hệ với nhau ra sao. Còn việc các ngài chia sẻ ra sao trách nhiệm lớn hơn cùng với Đức Giáo Hoàng cai quản Giáo Hội và chăm sóc mục vụ thì tuy là một vấn đề có liên hệ, nhưng cho tới nay, ít khi được nêu ra.

Cũng có nhận định cho rằng Đức Phanxicô phải hành động trong những giới hạn không do ngài tạo ra. Đành rằng ngài muốn cai quản Giáo Hội một cách hợp đoàn nhiều hơn, nhưng phẩm trật do hai vị tiền nhiệm để lại phần lớn theo tinh thần bảo thủ, không chấp nhận những phương thức mục vụ xem ra vượt quá các giới hạn cổ truyền.

-- Sự nổi tiếng của Đức Giáo Hoàng. Tuần trước, dư luận tại Hoa Kỳ dành cho Đức Phanxicô tỷ lệ ủng hộ lên tới 90 phần trăm. Sự lưu tâm của truyền thông hoàn cầu cũng rất cao. Phần lớn hoan nghinh việc ngài sẵn sàng đương đầu với các vấn đề xã hội và môi trường như thay đổi khí hậu, và các tuyên bố gần đây hơn của ngài cho rằng nền luân lý và thần học Công Giáo nếu không có từ bi và trực diện tiếp xúc với nhân loại đau khổ thì là điều vô ích.

Đối với nhiều người, những lời trên là một thay đổi đáng hoan nghinh đối với phương thức của mấy thập niên gần đây về tín lý. Nhưng các lời lẽ ấy liệu có được diễn dịch thành năng lực và dấn thân hơn ở bình diện giáo xứ khắp thế giới hay không? Bởi vì đó là điều Đức Phanxicô lưu tâm. Nếu kết quả thuần chỉ là một “cái thích” tập thể, thì điều đó chắc chắn chưa đủ đối với ngài.

Về một số phương diện nào đó, lên năng lực cho người Công Giáo vẫn còn là một thách thức lớn nhất của Đức Phanxicô. Và về phương diện này, theo Thavis, đây là một nghịch lý khác của ngài: từ đầu, Đức Phanxicô vốn cho rằng ngài muốn di chuyển Giáo Hội ra khỏi cuộc tranh luận qui chiếu về chính mình, chỉ lưu tâm tới các cơ cấu của riêng mình, mà không chịu giao tiếp với thế giới. Tuy nhiên, trong hai năm đầu tiên, triều đại của ngài phần lớn chú mục vào chính những vấn đề đó: cải tổ cơ cấu và tranh luận về chính sách mục vụ.

Chính vì thế, nhiều người mong trong những năm kế tiếp, Giáo Hội sẽ chuyển mình như viễn kiến của Đức Phanxicô trong Niềm Vui Tin Mừng:

“Tôi mơ ước một ‘giải pháp truyền giáo’nghĩa là một thúc đẩy truyền giáo có khả năng biến cải mọi sự, để các phong tục của Giáo Hội, các cách làm việc, thì giờ và thời khóa biểu, ngôn ngữ và cơ cấu có thể được vận dụng một cách thích đáng để phúc âm hóa thế giới ngày nay, hơn là để duy trì chính mình. Việc canh tân các cơ cấu do hồi hướng mục vụ đòi hỏi chỉ có thể hiểu được dưới ánh sáng này: như một thành phần của việc qui hướng chúng về việc truyền giáo nhiều hơn, làm cho các sinh hoạt mục vụ thông thường ở mọi bình diện trở thành bao hàm và cởi mở hơn, để gợi nơi các nhân viên mục vụ một uớc nguyện liên lỉ muốn lên đường và nhờ cách này rút được những đáp ứng tích cực từ nơi mọi người vốn được Chúa Giêsu mời gọi vào tình bạn với chính Người".
 
Top Stories
Pope Francis, to receive pardon, we must give pardon
Vatican Radio
18:16 10/03/2015
(Vatican 2015-03-10 ) In order to ask forgiveness from God, we must follow the teaching of the “Our Father”: we must repent sincerely for our sins, knowing that God always forgives, and just as willingly forgive others. This was the centerpiece of Pope Francis’ remarks to the faithful following the readings of the day at Mass in the chapel of the Santa Marta residence in the Vatican.

Focusing primarily on the reading from the Gospel according to St Matthew (18:21-35), in which the Lord counsels His disciples to forgive “seventy times seven” times, i.e. always and without stint, the Holy Father addressed the close connection between God’s forgiveness of our sins and our forgiveness of others.

Drawing on the Old Testament reading from the prophet Daniel, which tells of Azariah’s appeal to God for clemency, which he makes on behalf of the people, acknowledged as sinful and in need of pardon for having abandoned the way of the Lord. Azariah does not ask God simply to excuse, or to overlook, the sinfulness of the people, but to forgive them:

“Asking forgiveness is another thing: it’s not the same as simply saying, ‘excuse me.’ Did I make a mistake? ‘Sorry, I made a mistake. But, ‘I have sinned!’ – that is different: the one has nothing to do with the other. Sin is not a simple mistake. Sin is idolatry: it is to worship the idol, the idol of pride, vanity, money, ‘my self’, my own ‘well-being’. So many idols do we have: and for this, Azariah does not apologize: he asks forgiveness.”

Forgiveness must be asked sincerely, whole-heartedly – and forgiveness must be given whole-heartedly to those, who have injured us. The Pope recalled the action of the servant in the Gospel reading, who, having been forgiven a great debt by his master, yet fails to show such generosity of spirit to a fellow. The Holy Father explained that the dynamics of forgiveness are those, which Jesus teaches us in the Our Father:

“Jesus teaches us to pray to the Father in this way: ‘Forgive us our debts as we forgive our debtors.’ If I am not able to forgive, then I am not able to ask for forgiveness. ‘But, Father, I confess, I go to confession ....’. ‘And what do you do before you confess?’ ‘Well, I think of the things I did wrong.’ ‘Alright’ ‘Then I ask the Lord for forgiveness and promise not to do those things again.’ ‘Okay…and then go to the priest? Before you do, however, you’re missing something: have you forgiven those who have hurt you?’”

In sum, Pope Francis said that the forgiveness God will give you requires the forgiveness that you give to others:

“This is what Jesus teaches us about forgiveness: first, asking forgiveness is not a simple apology, it is to be aware of the sin, of the idolatry that I have committed, of the many idolatries; second, God always forgives, always – but He asks me to forgive [others]. If I do not forgive, in a sense, I close the door to God’s forgiveness. ‘Forgive us our debts as we forgive our debtors.’”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nhóm Xây Dựng giáo xứ VN Paris đốt tết Ất Mùi, dọn nhà đón Chúa
Trần Văn Cảnh
10:20 10/03/2015
NHÓM XÂY DỰNG GXVN PARIS ĐỐT TẾT ÁT MÙI, DỌN NHÀ ĐÓN CHÚA

Tết Ất Mùi 2015 ở Giáo Xứ Việt Nam Paris đã được Giới Trẻ mở ra ngày Chúa Nhật 04.01.2015, theo ba vua, « Giới trẻ Giáo Xứ Việt Nam Paris đi tìm Chúa », cử hành Lễ Chúa Hiển Linh và mở Tết,. Ngày Chúa Nhật thứ III mùa chay hôm nay, 08.03.2015, « Nhóm Xây Dựng đốt Tết Ất Mùi, dọn nhà đón Chúa ».

Mở đầu buổi « Đốt Tết », già trẻ, lớn bé, 30 mái đầu, xanh có, bạc có, đã cùng nhau quây quần gia đình bên Đức Ông Giám Đốc giáo xứ, để dâng lễ. Quả thật Tết Ất Mùi của Nhóm Xây Dựng là « Tết Gia Đình dâng Chúa, Lời cảm tạ, xin Chúa chúc lành. Cho Ất Mùi giữ trọn lời hứa, Vững Tin, Cậy, Mến với lòng thành ».

Chia sẻ Lời Chúa (Xh, 20, 1-17, Co, 1, 22-25, Gio, 2, 13-25), Đức Ông nhắn nhủ: « Thân xác, tâm hồn, đời sống của mỗi người chúng ta, nhờ bí tích rửa tội, trở nên Đền Thờ của Chúa. Tiếc rằng, có lần Chúa đến viếng thăm, Chúa và chúng ta đều thấy đền thờ này ngổn ngang, bất xứng. Vậy, trong mùa chay này, chúng ta hãy xét mình lại, hãy xin Chúa nhân từ thứ tha, và hãy quét rửa, dọn dẹp cho nó sạch sẽ, gọn ghẽ hơn, xứng đáng nơi Chúa viếng thăm. Xin Chúa đến và thánh hiến tâm hồn ta, đời sống ta. Amen ».

Sau Thánh lễ, Ông trưởng nhóm, Nguyễn Văn Thơm, đã mời mọi người sang phòng kế bên cạnh, gặp gỡ nhau, dùng khai vị và nói chuyện với nhau. Anh em đã trao đổi và chia sẻ về nhiều chuyện, nhưng có lẽ tin Giáo xứ định mua cơ sở mới là sốt dẻo và hứng thú nhất. Giáo xứ đã đi thăm ba cơ sở ở Pierrefite, Ivry và Noisy-Le-Grand. Rộng 1801 m2, trên thửa đất 2342 m2, có 32 chỗ đậu xe, cơ sở Noisy-Le-Grand xem ra đã được chọn lựa, vì đáp ứng nhu cầu và hợp với khả năng của Giáo xứ hơn cả. Trong giai đoạn 1, mua cơ sở, công việc đang tiến hành, hồ sơ đã được trình lên Tòa Tổng Giám Mục Paris. Vấn đề, không phải là ở trong Paris, hay ra ngoại ô. Vấn đề, là Giáo Xứ có đủ khả năng tài chánh hay không ? Trước phản ứng này của Tòa Tổng Giám Mục, một Ban Tài Chánh Cơ Sở đã được thành lập để giúp Ban Giám Đốc. Nhiều anh chị em vui mừng khi nghe tin Giáo Xứ mua cơ sở. Vài ba anh còn tiếc rằng, việc này, nhẽ ra Giáo xứ đã phải làm từ đầu. Có những anh bày tỏ sẵn sàng giúp của, giúp công khi Giáo Xứ cần. Nghe những phản ứng như vậy, Đức Ông cũng như mọi người đều phấn khởi.

Sau khi đã trao đổi và chia sẻ tin tức, hàn huyên như vậy, ông Trưởng Nhóm Nguyễn Văn Thơm lại mời Đức Ông và Anh chị em sang phòng cơm « đốt Tết ». Trên bàn tiệc có các món Tết củ kiệu, dưa cải, bánh chưng, xôi vò; có những món tiệc: thịt nướng, rau cuốn, nẹm lào, rau xào,…

Đúng như cha Du Sinh đã ghi trong Báo Tết:

Ất mùi là Xuân Dê,

Về lúc hoa đào nở,

Đỏ thắm mầu hết chê

Dào dạt bao ý thơ.

Thơ rằng: con đã về

Để vui « Tết Gia Đình »

Lòng con vui sướng ghê !



Tết Gia Đình đầy đủ

Bánh chưng, dua hành, thịt mỡ, câu đối đỏ

Bao lì xì, hoa, nến, bàn thờ

Ngũ quả, rượu ngon, gói mứt gừng….

Paris, ngày 08 tháng 03 năm 2015

Trần Văn Cảnh
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Nói thêm về việc xức tro
Nguyễn Trọng Đa
09:13 10/03/2015
Giải đáp phụng vụ: Nói thêm về việc xức tro

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Sau bài viết của chúng tôi ngày 17-2 về việc xức tro, một linh mục đã viết về việc xức tro trên trán như sau:

"Chỉ do sự tò mà mà thôi, xin cha làm cho tôi thấy rõ nguồn gốc của câu trả lời của cha liên quan đến việc xức tro. Câu trả lời của cha là: “Trong hầu hết các nước nói tiếng Anh, tập tục chính yếu là linh mục rảy ít nước vào tro làm cho tro trở nên bột sền sệt. Tro được xức thành hình Thánh giá trên trán tín hữu. Chỉ cần một chút nước thôi, để cho tro không trở thành quá lỏng”. Là một người được truyền chức linh mục cách đây 48 năm và là người đã tham gia nghiên cứu về phụng vụ, tôi đã không bao giờ gặp một chữ đỏ hoặc một lời nhắc đến xức bột dán tro lên các tín hữu. Tôi cũng chưa hề đọc thấy một sự áp dụng như thế cho đến bài vừa rồi của cha, và chắc chắn tôi chưa hề thực hành như thế hoặc không nhớ là đã làm như vậy. Tôi cố gắng nhớ lại thời niên thiếu, - và thấy rằng mới đó mà mình đã 48 năm linh mục - và không hề nhớ rằng việc xức tro như thế được thực hiện ở một nơi nào mà tôi phục vụ".

Đáp: Có lẽ từ "bột dán" không phải là lựa chọn tốt nhất, vì tôi có thể thấy rằng điều này sẽ cho thấy một cái gì đó khác với những gì được thực hiện trong trường hợp bình thường. Tôi đã cố gắng để đưa ra một thực tế rằng ở nhiều nước châu Âu, tro là hoàn toàn khô, và được linh mục xức tro trên đỉnh đầu, bằng cách rảy một chút tro giữa các ngón tay của ngài và thường không đụng vào đầu tín hữu.

Trong hầu hết các nước nói tiếng Anh, linh mục chạm tay vào đầu tín hữu và vẽ hình Thánh giá lên đầu. Để làm như vậy, tro thường cần phải ẩm ướt một chút, chứ không hoàn toàn khô ráo; nếu không, trong đa số trường hợp, người ta để lại một vết mờ và phần lớn tro rớt xuống sàn hơn là lại nhiều tro trên trán tín hữu..

Tôi đã không thành công trong cố gắng diễn tả sự khác biệt này của phương pháp với từ ngữ “bột dán”, và do đó dường như gây ra sự thắc mắc khó hiểu cho một số độc giả. (Zenit.org 10-3-2015)

Nguyễn Trọng Đa
 
Sứ vụ truyền giáo trong thế giới hôm nay
Antôn Trần Công Đức
10:26 10/03/2015
SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO TRONG THẾ GIỚI HÔM NAY

Trong sắc lệnh truyền giáo của công đồng Vatican II nhấn mạnh: “trong tình trạng thế giới hiện nay đặt nhân loại trong một hoàn cảnh mới. Vì thế Giáo Hội càng được kêu mời khẩn thiết hơn để cứu rỗi và canh tân mọi loài, hầu mọi sự được tái lập trong Chúa Giêsu, và nơi Ngài mọi người được hợp thành một gia đình và một Dân Chúa duy nhất.” Sứ vụ truyền giáo vẫn luôn là sứ vụ khẩn thiết hàng đầu và là sức sống của Giáo Hội, vì tự bản chất của Giáo Hội là truyền giáo, thực thi lệnh truyền của Thầy Chí Thánh Giêsu, để thông chia ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho mọi loài thọ tạo.

Đã bao giờ bạn tự hỏi truyền giáo là gì chưa? Vâng, có lẽ đã là người tín hữu chắc hẳn rằng ai cũng đã có cho mình câu hỏi này, câu hỏi đó muôn thuở đi theo và day dứt trong suốt cuộc sống của mỗi một người kitô hữu. Truyền giáo không chỉ là vấn đề, trách nhiệm của những vị chủ chăn trong Giáo Hội, của ông Cha, bà Phước, mà là trách nhiệm chúng của mỗi người kitô hữu, những người đã được lãnh nhận phép rữa, có chung một niềm tin nơi Đức Kitô những người “đã được lãnh nhận một cách nhưng không thì cũng phải cho một cách nhưng không.” Lệnh truyền của Đức Giêsu "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà rao giảng tin mừng cho mọi loài thọ tạo", (Mc 16.15) vẫn luôn vang vọng trong tâm hồn của mỗi người tín hữu, và là nổi băn khoăn trắc trở của Giáo Hội, khi mà hạt giống Lời Chúa chưa được bén rễ sâu, và chưa được xây dựng trên nền tảng vững chắc của Đức Kitô. Khi vẫn còn đó biết bao nhiêu người chưa nhận biết Chúa, biết bao người còn bước đi trong bóng tối vì chưa được ánh sáng Lời Chúa soi dẫn. bởi thế, Giáo Hội xác quyết rằng tất cả mọi người nam cũng như nữ có quyền gặp Đức Kitô, Đấng cứu thế qua sứ vụ của Giáo Hội, và mỗi một người tín hữu phải là một nhà truyền giáo, nhà thừa sai, và là một tông đồ nhiệt thành để “rao giảng Lời Chúa lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2Tm 4,2). Mỗi một người kitô hữu phải luôn biết sống tâm tình của thánh Phaolô “khốn thân tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng!” (1C 9, 16).

Thế giới mà chúng ta đang sống, ngày càng văn minh, khoa học và hiện đại hơn, nhưng cũng là một thế giới mà còn đó những tranh chấp bất hòa, chia rẽ hận thù, khủng bố bách hại nhau. Đặc biệt tại nhiều nơi, nhiều quốc gia tình trạng người kitô hữu bị bách hại tấn công vẫn còn diễn ra, điển hình như ở Syria, Iraq… hơn lúc nào hết, mỗi một người phải biết sống can đảm để làm chứng cho Tin Mừng, cho sự thật, “anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn” (Mt 10, 28). Hãy để cho Lời Chúa được bén rễ sâu và lớn lên trên chính môi trường mà mỗi một người chúng ta đang sống. qua mọi nơi, mọi thời sứ vụ truyền giáo vẫn luôn gặp những khó khăn thử thách, vì “Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói”(Lc 10,3), Đức Giêsu đã cảnh tĩnh cho các môn đệ đầu tiên của mình về những khó khăn nguy hiểm mà họ sẽ phải đương đầu khi chấp nhận bước theo Ngài.

Ngày hôm nay, Giáo Hội cũng được mời gọi “hãy ra khơi”, như xưa Chúa Giêsu truyền cho thánh Phêrô hãy ra khơi để thả lưới, Giáo Hội cũng phải sẵn sàng đáp trả lại lời mời gọi đó để ra khơi thả “lưới người”. Dù phong ba bão táp, hay những khinh chê, thù ghét của người đời, người kitô hữu phải luôn tin tưởng, phó thác vì có “Chúa Thánh Thần là sức mạnh, là Đấng sẽ ngự xuống trên các con và các con sẽ là những chứng nhân của Thầy đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 8), để làm chứng cho Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện nơi Đức Kitô. Vì Tin Mừng, vì tình yêu mà những ai mang danh kitô hữu cũng sẽ bị người ta thù ghét, bách hại, gây khó khăn, nhưng hãy bền đỗ đến cùng để được cứu độ, và “vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao”(Mt 5, 12). Song song với sứ vụ truyền giáo, người kitô hữu cũng phải thực thi lệnh truyền bác ai yêu thương mà Đức Kitô đã nêu gương, khi Ngài cúi xuống rữa chân cho các môn đệ, và tình yêu đó được cụ thể hóa nơi cái chết của Ngài. Một tình yêu cho đi nhưng không, một tình yêu hiến dâng cả mạng sống mình để cho muôn người được sống và sống dồi dào. Người môn đệ của Chúa được kêu gọi để sống yêu thương, để chu toàn lề luật Mến Chúa yêu người, đó là cách để người kitô hữu giới thiệu và truyền giáo cho những người xung quanh, vì “cứ dấu này người ta nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con hãy yêu thương nhau.” (Ga,13,35).

Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của Giáo Hội, Giáo Hội vẫn không ngừng “rao giảng về một Đức Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cr 1,23), và trong chính xã hội hôm nay lệnh truyền của Thầy Chí Thánh Giêsu cần khẩn thiết và cấp bách hơn. Ước gì mỗi thành phần dân Chúa luôn là chứng tá sống động của Đức Tin, và là những nhà thừa sai nhiệt thành, để cho nước Chúa được trị đến và Danh Chúa được thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Antôn Trần Công Đức
 
Văn Hóa
Mùa chay thánh
Trầm Hương Thơ
09:54 10/03/2015
MÙA CHAY THÁNH

Chuyện tình yêu hai ngàn năm trước
Chính Con Người cất bước qua đây
Vì yêu nhân loại héo gầy
Hy sinh bước xuống vũng lầy tội nhơ

Trái tim yêu vô bờ gánh lấy
Án thập hình nát bấy xác thân
Nhìn ta ánh mắt ân cần
Lên đồi thương khó mấy lần nữa đây?

Trên thân xác hao gầy khổ lụy
Những vết hằn ganh tị buồn đau
Tim buồn lạnh ngắt bạc màu
Hồn rung khắc khoải nát nhàu tâm can

Dấu đinh ấy điêu tàn thảm khốc!
Đóng vào hồn ác độc lắm thay!
Vòng gai nhọn hoắt lất lay
Từng dòng Máu Thánh đọa đày bởi đâu?

Tình yêu ấy nhiệm mầu chí ái
Dâng cho đời chuộc lại phẩm nhân
Mùa chay lãnh nhận phúc phần
Bốn mươi ngày sống thanh bần đợi mong.

Trầm Hương Thơ
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Ban Mai Bình Yên
Đặng Đức Cương
20:58 10/03/2015
BAN MAI BÍNH YÊN
Ảnh của Đặng Đức Cương
Một buổi mai trời thật dễ thương
Khi mà nắng nhẹ thoáng mù sương
Bóng quê như thực và hư ảo
Như lắng trong lòng một chút hương.
(Trích thơ của Ngọc Bích)
 
Thánh Ca
Video Thánh Ca: Này là Con Bà - Sáng tác: Hàn Thư Sinh - Trình Bày: Phương Thảo - Đình Trinh
VietCatholic Network
04:23 10/03/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây