Ngày 10-03-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Năm ngón tay
Lm Vũđình Tường
05:44 10/03/2016
Bàn tay có năm ngón và có người nhận xét khi chỉ tay vạch tội người khác chỉ có một ngón trỏ vào người khác còn bốn ngón chỉ ngược vào chính mình. Bốn ngón trỏ vào chính mình nhưng mình ít khi để ý đến bởi chúng nấp sau lưng bàn tay. Hơn nữa, khi vạch ra cái sai trái của người khác chúng ta coi nhân vật đối diện là tâm điểm, là chính. Không thể có hai cái trong cùng vấn đề. Hoặc là một chính, một phụ hay nhiều phụ. Bởi mình dùng tay chỉ người khác nên người đó là tâm điểm, là chính, còn mình là phụ. Thông thường nhân vật chính sửa sai nhân vật phụ; ít khi nhân vật phụ sửa sai nhân vật chính. Trường hợp trừ duy nhất là khi mình dùng ngón tay chỉ người khác thì người đó là chính còn mình là phụ. Nghe có vẻ nghịch lí nhưng thực tế là thế. Khi vạch ra cái sai trái của kẻ khác chúng ta tự biến mình là nhân vật phụ. Dù là phụ nhưng có quyền sửa sai kẻ khác. Khi sửa sai người khác giới lãnh đạo thường biện hộ cho hành động của họ bằng cách viện vào trách nhiệm. Vì trách nhiệm nên phải sửa.

Câu chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình trong phúc âm thánh Gioan 8,3-11 cho thấy rõ. Biệt Phái và Kí Lục lãnh đạo dân, họ là nhân vật quan trọng, nhân vật chính. Khi đưa người phụ nữ phạm tội ngoại tình họ biến thành nhân vật phụ, dù toàn quyền trên dân nhưng mọi chú ý đều dồn vào người phụ nữ. Người mọi người chú ý đến phải là nhân vật chính. Câu chuyện thưa kiện cho thấy bản tính con người thường nhìn thấy sai trái của người luôn to lớn hơn nhiều lần sai trái của chính mình. Thực ra cái sai của mình to như trái núi trước mắt nên mình không nhìn thấy bởi nó quá to, che kín mắt. Không kể chi đến danh giá của người phụ nữ họ công khai vạch tội bà ra trước công chúng. Người phụ nữ bị lạm dụng để nhóm Biệt Phái bắt bẻ Đức Kitô về giáo huấn của Ngài- Tha thứ và yêu thương. Họ mong Ngài thiếu chuẩn bị và sập bẫy do họ gây ra. Đức Kitô đã làm cho họ ngạc nhiên ngoài sức tưởng. Ngài không sập bẫy như họ mong chờ nhưng chính họ lại sập bẫy do tay họ gây nên. Thay vì tranh biện với họ Đức Kitô hỏi họ.

Ai tự nhận mình vô tội hãy ra tay ném đá chị này trước đi. C.7

Nghe xong câu đó họ âm thầm lủi vào đám đông, trốn mất, bắt đầu từ người lớn tuổi. Đức Kitô nhắc họ hãy xét lương tâm mình xem, mình có trong sạch không hay tội mình không thua gì tội người phụ nữ. Điều khác biệt chị ta bị bắt quả tang, còn mình thì dấu được. Người lớn tuổi đi trước phải chăng cho thấy càng sống lâu cơ hội phạm tội càng nhiều, to như núi trước mắt. Xét lương tâm để biết mình có tội và giúp ta dễ thông cảm với người khác hơn. Đức Kitô, Đấng vô tội nói với người phụ nữ.

Phần ta, ta cũng không kết án chị, hãy đi bằng an và từ nay đừng phạm tội nữa. C.11

Chỉ Đấng vô tội, Đức Kitô, mới có quyền kết án nhưng Ngài không kết án người phụ nữ. Nếu Thiên Chúa không kết án ta, không ai có quyền kết án. Xã hội thời xưa kết án tội ngoại tình và người ngoại tình. Đức Kitô kết án tội ngoại tình nhưng không kết án kẻ phạm tội. Ngày nay, một số quốc gia làm lơ, không kết án tội ngoại tình và cũng không kết án người ngoại tình. Làm lơ không phải là thái độ tốt. Thánh độ tốt lành nhất là chúng ta hỗ trợ, giúp hối nhân thêm can đảm từ bỏ con đường cũ, bước theo theo đường công chính của Chúa.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Tình thương tha thứ và biến đổi
LM. Đan Vinh
21:11 10/03/2016
HIỆP SỐNG TIN MỪNG CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY C

Is 43,16-21 ; Pl 3,8-14 ; Ga 8,1-11

TÌNH THƯƠNG THA THỨ VÀ BIẾN ĐỔI

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 8,1-11

(1) Còn Đức Giêsu thì đến núi Ôliu. (2) Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. (3) Lúc đó, các Kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, (4) rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. (5) Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao? (6) Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. (7) Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. (8) Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. (9) Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu và người phụ nữ thì đứng ở giữa. (10) Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đi đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” (11) Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả”. Đức Giêsu nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”.

2. Ý CHÍNH: Tin mừng hôm nay trình bày tình thương bao dung của Thiên Chúa, thể hiện qua thái độ của Đức Giêsu đối với tội nhân phạm tội ngọai tình. Câu chuyện được trình bày như một màn kịch gồm 3 hồi như sau:

- Hồi một (x Ga 8,1-5): Để có cớ tố cáo Đức Giêsu, các Kinh sư và người Pharisêu đã giải một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình đến yêu cầu Người xử lý tội nhân.

- Hồi hai (x Ga 8,6-9): Hiểu được ý đồ muốn gài bẫy của họ, Đức Giêsu đã im lặng ngồi xuống và lấy ngón tay viết trên đất. Khi họ gặng hỏi thì Người mới nói: “Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Câu trả lời của Đức Giêsu đã làm cho những kẻ tố cáo tội nhân phải lặng lẽ rút lui.

- Hồi ba (x Ga 8,10-11): Chỉ còn lại mình Đức Giêsu là người duy nhất trong sạch và có quyền kết án tội nhân. Nhưng Người lại tỏ lòng khoan dung với kẻ có tội khi tuyên bố: “Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-3: + Đến núi Ôliu: Núi Ôliu còn được gọi là vườn Ghếtsêmani, nằm về phía Đông gần thành Giêrusalem, (x. Lc 22,39). Đây là một nơi yên tĩnh thuận tiện cho việc cầu nguyện. + Trở lại Đền thờ: Đền thờ nằm trong Thủ đô Giêrusalem. Đền thờ đầu tiên do vua Salomon xây dựng vào năm 970 trước Công nguyên. Sau đó nhiều lần được tái thiết. Đền thờ được đề cập trong Tin mừng hôm nay do vua Hêrôđê trùng tu và mở rộng thêm từ năm 20 trước CN, nhưng sau đó đã bị quân Rôma tàn phá bình địa vào năm 70 sau Công nguyên. + Người ngồi xuống giảng dạy họ: Các Thầy “rápbi” Do thái khi dạy Thánh kinh, thường ngồi trên một chiếc ghế hay một tảng đá, còn các thính giả thì đứng ngồi xung quanh. + Một người phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình: Đây là một thiếu phụ đã có chồng, nhưng đã quan hệ bất chính với một người khác không phải chồng mình.

- C 4-6a: + Trong sách Luật, ông Môsê truyền phải ném đá hạng đàn bà đó: Luật Môsê quy định về hình phạt dành cho tội ngoại tình như sau: “Người đàn bà ngoại tình phải bị xử tử” (Lv 20,10). Luật cũng quy định xử tử cả hai kẻ phạm tội bằng hình phạt ném đá (x. Đnl 22,24). Nhưng thời Đức Giêsu, người Rôma đã cấm dân Do thái áp dụng luật này (x Ga 18,31). + Họ nhằm thử Người để có bằng cớ tố cáo Người: Các Kinh sư và người Pharisêu muốn đưa Đức Giêsu vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” để có cớ tố cáo Người. Theo họ nghĩ: Đức Giêsu trả lời đàng nào cũng không ổn: Nếu Người truyền kết án tử hình theo Luật Môsê thì họ sẽ tố Người chống lại nhà cầm quyền Rôma, vì người Do thái đã bị tước quyền xử tử tội nhân, và Người sẽ bị chính quyền Rôma coi là phản lọan. Còn nếu Người truyền tha bổng tội nhân, thì họ sẽ lại nói Người chống lại Luật pháp Môsê và truyền thống của cha ông.

- C 6b-8: + Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay vẽ trên đất: Viết trên đất là để bày tỏ thái độ không quan tâm đến sự việc đang xảy ra. + “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”: Qua câu nói này, Đức Giêsu tuy theo Luật Môsê để cho phép ném đá tội nhân, nhưng Người cũng nhắc cho những kẻ tố cáo kia biết rằng: Chính họ cũng là kẻ tội lỗi đáng bị xử phạt! Họ cần tránh thái độ xét đoán ý trái và kết án kẻ khác cách bất công, để khỏi bị Thiên Chúa xét đóan và kết án sau này. Vì dưới cái nhìn của Thiên Chúa, thì mọi người đều là tội nhân và đều cần được xét xử khoan dung (x. Lc 6,36-38).

- C 9-11: + Họ bỏ đi hết: Tất cả những kẻ tố cáo đều rút lui. + Bắt đầu từ người lớn tuổi: Người lớn tuổi bỏ đi trước, phần vì càng sống lâu thì càng nhiều sai phạm! Phần khác cũng có thể do các người lớn tuổi khôn ngoan hơn, nên khi thấy không làm gì được Đức Giêsu thì áp dụng nguyên tắc “Tam thập lục kế: đào vi thượng sách!” để tránh khỏi bị liệt vào hạng “đạo đức giả” (x. Lc 11,37-54). + “Tôi không lên án chị đâu!”: Đức Giêsu không xét đoán ai vì Ngừơi đầy lòng từ ái khoan dung (x Ga 8,15). Sứ vụ của Người là đến để cứu độ thế gian (x Lc 9,10). + “Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”: Tuy tha thứ cho tội nhân, nhưng để tránh lạm dụng, Đức Giêsu cũng đòi hối nhân phải thành tâm sám hối, bằng việc quyết tâm không tái phạm nữa. Trong thực tế, để tránh khỏi tái phạm tội thì hối nhân cần ăn năn dốc lòng chừa. Lòng ăn năn sám hối thực sự được biểu lộ qua việc khiêm tốn xin ơn Chúa trợ giúp, thành thật xưng thú tội lỗi, quyết tâm xa lánh dịp tội và làm việc đền tội cân xứng (x. Kinh Ăn năn tội).

4. CÂU HỎI:

1) Hãy cho biết Đền thờ Giêrusalem thời Chúa Giêsu do ai xây dựng và xây từ khi nào ? Số phận cuối cùng của Đền thờ này ra sao ? 2) Luật Môsê qui định hình phạt dành cho các kẻ phạm tội ngọai tình là gì ? 3) Các đầu mục Do thái có ý đồ gì khi bắt người đàn bà phạm tội ngọai tình đến yêu cầu Đức Giêsu xử lý ? 4) Đức Giêsu thể hiện lòng khoan dung đối với tội nhân qua câu nói nào ? 5) Lòng ăn năn thực sự phải được biểu lộ bằng những việc gì ? 6) Phải chăng khi tha thứ cho tội nhân là Đức Giêsu đã gián tiếp khuyến khích họ tiếp tục phạm tội ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”

2. CÂU CHUYỆN:

1) VỀ CÂY THÁNH GIÁ KHOAN DUNG THƯƠNG XÓT:

Tại một nhà thờ bên Tây Ban Nha có một tượng Thánh Giá rất đặc biệt: Trên cây thập giá, Chúa Giêsu chỉ chịu đóng đinh có một tay trái và hai bàn chân, còn tay phải đã rời khỏi thập giá và giơ ra phía trước như đang ban phép lành cho hối nhân tại tòa giải tội bên dưới.

Chuyện kể rằng: Một lần kia, khi một linh mục đang ngồi tòa thì một tội nhận vào xưng tội. Vị linh mục ngồi tòa nổi tiềng là nghiêm khắc đối với những tội nhân không chịu chừa cải. Anh chàng vào tòa xưng tội lần này đã nhiều lần phạm tội ngoại tình và cha giải tội cũng nhiều lần ngăm đe. Nhưng chứng nào tật đó, cứ ra khỏi tòa giải tội được ít ngày, anh ta lại tiếp tục sa ngã phạm tội mới xưng. Sau nhiều lần tha thứ, cuối cùng trong lần xưng tội mới đây cha giải tội đã phải nói với anh: “Đây là lần cuối cùng ta tha tội cho anh”. Chàng thanh niên ra khỏi tòa giải tội trong tâm trạng nặn trĩu u buồn. Được vài tháng sau, anh ta lại đến xưng tội và lần này anh ta lại vẫn xưng tội đã dốc lòng chừa như mấy lần trước. Nhưng lần này vị linh mục đã từ chối giải tội cho anh như sau: “Anh đừng có đùa với Chúa! Lần này ta không tha cho anh”. Nhưng một điều kỳ diệu đã xảy ra: Cha giải tội và hối nhân trong tòa đều nghe thấy có tiếng của Chúa Giêsu phán ra từ trên cây thập giá phía trên tòa giải tội: “Nhưng Ta tha tội cho hối nhân này!”. Rồi Chúa còn nói riêng với vị linh mục: “Chính Ta mới chịu đổ máu ra để rửa sạch mọi vết nhơ tội lỗi của loài người chứ không phải con!”

Cũng từ ngày đó, người ta thấy trên cây thánh giá tại tòa giải tội trong nhà thờ nói trên, cánh tay phải của Chúa Giêsu không còn gắn vào cây thập giá, nhưng bị bung ra trong tư thế đang cúi xuống ban phép lành cho hối nhân trong tòa giải tội, như một lời mời gọi mọi người mau ăn năn sám hối: “Hãy cứ trở về với Ta, thì các con sẽ được ơn tha thứ”.

2) VỀ CUỘC HÓAN CẢI CỦA MỘT TỘI NHÂN:

TAXIANA là một văn sĩ người Mỹ gốc Liên Xô. Vào năm 1980, cô đã cho ra đời tác phẩm đầu tay tựa đề là “Về một cuộc đổi đời kỳ diệu”. Trong quyển sách đó, cô đã kể lại chi tiết cuộc đời đầy đam mê sóng gió của cô, mà cuối cùng đời cô đã được ơn biến đổi nên tốt hơn gấp bội! Câu chuyện của cô Taxiana được tóm gọn như sau:

Ngay từ khi còn bé, Taxiana đã được chịu phép rửa tội. Nhưng khi lớn lên, cô ít đến nhà thờ dự lễ Chúa nhật vì cha mẹ của cô không mấy ngoan đạo. Do cứng đầu và hay gây gỗ nên cha mẹ và thầy dạy đều xếp cô vào loại trẻ em khó dạy. Ngay từ nhỏ, Taxiana đã tỏ ra căm thù tất cả những gì mang tính gò bó, ép cô vào trong khuôn khổ kỷ luật, vì nó làm cho cô cảm thấy mất tự do và không thể làm theo ý của mình. Lớn lên, nhờ có trí thông minh siêu hạng, Taxiana đã được cấp học bổng lên đại học. Nhưng tại môi trường trí thức này, thay vì kết thân với các sinh viên cùng khóa, thì cô lại thường xuyên giao du với đám macô, đầu trộm đuôi cướp, bợm nhậu, đĩ điếm và xã hội đen...! Trong khi sống buông thả như vậy, cô cũng thích nghiên cứu các môn thần bí phương Đông, đặc biệt là môn Yôga. Khi tập luyện Yôga, mỗi động tác đều đòi người ta phải đọc một câu trong một bài văn vần của môn phái. Có người biết cô là tín hữu nên đã đề nghị cô đọc Kinh Lạy Cha để thay cho bài văn vần kia. Taxiana đã làm theo lời khuyên này. Các câu trong kinh Lạy Cha đã dần dần thấm nhập vào tâm hồn cô. Rồi một ngày kia, một tư tưởng chợt lóe lên trong đầu Taxiana: “Tại sao ta lại không đọc thêm các bản kinh khác nữa, nhất là đọc Lời Chúa trong Thánh kinh?” Càng đọc Lời Chúa, cô càng cảm thấy thích thú về những tư tưởng cao siêu và thánh thiện của Đức Giêsu. Cuối cùng cô quyết định đến với một linh mục đạo đức để tìm hiểu thêm về giáo lý Thánh kinh. Sau đó cô đã cử hành lễ nghi tuyên tín. Cô dọn mình chịu bí tích giải tội và đã được ơn biến đổi hoàn toàn. Từ đây cô tình nguyện hiến thân phục vụ các công việc bác ái xã hội. Về sau cô đã thuật lại phép lạ đổi mới đã xảy ra với cô trong lúc cô đang xưng tội như sau: “Bấy giờ tôi lần lượt kể lại cho vị linh mục nghe các lỗi lầm tôi đã phạm, về những cơn say thâu đêm suốt sáng, các đam mê tình dục quá độ, về những cuộc hôn nhân bất hạnh mà tôi đã từng trải, những lần phải đi phá thai vì bị vỡ kế hoạch dẫn đến hậu quả tai hại là tôi bị mất khả năng sinh con. Cuộc sống đầy đam mê đã biến tôi trở thành một con người dửng dưng với mọi sự: Tôi chẳng còn có thể yêu ai được nữa!” Sau khi thú tội xong, tôi lắng nghe vị linh mục khuyên bảo. Lời của ngài tuy đơn sơ nhưng mỗi lời đều đánh động tận tâm can tôi. Sau cùng tôi rất xúc động khi đón nhận phép giải tội. Ngay lúc ấy, tôi cảm thấy lòng mình thanh thản như vừa trút bỏ được một gánh nặng ngàn cân”.

Sau lần xưng tội ấy, Taxiana đã cảm nghiệm mình đã gặp được chính Chúa Giêsu và được Người tha thứ mọi lỗi lầm quá khứ. Taxiana không những đã được tha tội, mà còn được Chúa chạm đến phần tâm linh sâu thẳm nhất để biến cô nên một tạo vật hòan tòan mới của Người.

3. THẢO LUẬN:

1) Trong mùa Chay này, mỗi người chúng ta cần làm gì để biểu lộ lòng tin vào tình thương bao dung của Thiên Chúa ? 2) Bạn sẽ trả lời ra sao khi có người nói: “Cần chi phải đi xưng tội với ông linh mục cũng phạm nhiều tội giống như mình? Hoặc xưng tội làm chi để rồi chỉ sau một thời gian ngắn sẽ lại tái phạm các tội mới xưng? Hãy đợi đến lúc liệt giường sắp chết sẽ xin xưng tội một lần cuối cũng đủ?”

4. SUY NIỆM:

1) Nội dung Tin Mừng hôm nay: thuật lại câu chuyện Đức Giêsu đã bênh vực và tha thứ tội cho một phụ nữ ngoại tình. Người còn biến đổi chị nên một con người mới. Mùa Chay nhằm giúp các tín hữu chúng ta nhận biết sự yếu hèn của mình để hồi tâm sám hối nhờ gặp được Chúa Giêsu trong bí tích giải tội. Chắc chắn chúng ta cũng sẽ được Người ban ơn tha thứ và còn được ơn biến đổi nên một người mới.

2) Mấy điểm giáo lý về bí tích giải tội:

- Bí tích giải tội là bí tích do Chúa Giêsu thiết lập, để tha các tội riêng ta đã phạm từ khi lãnh nhận bí tích rửa tội về sau, cùng giao hòa ta với Chúa và Hội thánh. Bí tích giải tội còn được gọi là bí tích giao hòa, hòa giải hay bí tích sám hối. Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích này vào chiều ngày phục sinh, khi Người hiện đến với các tông đồ trong nhà tiệc ly, thổi hơi trên các ông và phán: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ" (Ga 20,22-23).

- Bí tích giải tội ban cho ta các ơn này: Một là tha tội ta đã phạm để giao hòa ta với Thiên Chúa và Hội Thánh. Hai là tha hình phạt muôn đời do các tội trọng gây ra và tha một phần các hình phạt tạm. Ba là ban sự bình an cho tâm hồn và gia tăng sức mạnh giúp ta chiến thắng ma quỷ cám dỗ.

- Bí tích giải tội rất cần cho người tín hữu, vì giúp họ nhận được ơn tha thứ các tội đã phạm đến Thiên Chúa, làm tổn thương phẩm giá con người và phá vỡ sự an bình thiêng liêng của Hội Thánh. Chỉ các giám mục và những linh mục có quyền giải tội mới được ban phép giải tội cho các hối nhân, nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Những ai đã phạm tội trọng thì muốn được tha tội cần phải biểu lộ lòng sám hối bằng việc thành thật xưng thú các tội đã phạm trong bí tích giải tội; còn ai chỉ mắc tội nhẹ thì không buộc phải xưng tội, nhưng nếu họ có lòng ăn năn mà xưng ra các tội nhẹ đã phạm thì sẽ nhận được nhiều ơn ích thiêng liêng.

- Muốn lãnh nhận bí tích giải tội ta cần làm bốn việc: Một là xét mình; Hai là ăn năn dốc lòng chừa; Ba là xưng tội; Bốn là đền tội. Trong bốn điều trên, ăn năn dốc lòng chừa là điều quan trọng nhất, thể hiện qua 3 việc sau như lời kinh Ăn năn tội: “Con dốc lòng chừa cải. Và nhờ ơn Chúa thì con sẽ lánh xa dịp tội cùng làm việc đền tội cho xứng”. Ngoài việc xưng tội, Hội Thánh dạy các tín hữu còn phải sám hối bằng một số việc lành là: ăn chay, cầu nguyện, làm việc chia sẻ bác ái và khiêm nhường phục vụ các người đau khổ bất hạnh hoặc bị bỏ rơi.

3) Một số suy nghĩ lệch lạc của con người ngày nay về bí tích giải tội:

Ngày nay một số khá đông các tín hữu không muốn vào tòa xưng tội riêng dựa vào các lý do như sau:

* Do gương xấu của một số vị chủ chăn: Những người này không muốn xưng tội vì cho rằng các chủ chăn cũng chỉ là những con người tầm thường với nhiều tội lỗi bất tòan.

Tuy nhiên, chính Đức Giêsu đã không nghĩ như vậy khi trao quyền tha tội cho các tông đồ vào chiều ngày phục sinh, dù các ông chỉ là những con người đầy sai lỗi khuyết điểm. Khi ban bí tích giải tội, các ông “cầm buộc và tháo cởi” không với tư cách cá nhân nhưng là người đại diện cho Chúa Giêsu, giống như tại tòa án các vị quan tòa nhân danh luật pháp để tuyên án cho các phạm nhân. Đàng khác, các hối nhân được ơn hóan cải hay không là do quyền năng Thánh Thần mà các tông đồ đã được Chúa Giêsu phục sinh trao ban như Tin mừng Gioan đã ghi lại như sau: “Nói xong, Chúa Giêsu thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23).

* Do hiểu chưa đúng về hiệu quả của bí tích giải tội: Có người nói: “Tôi thường đi xưng tội vào mỗi đầu tháng và lần nào tôi cũng chỉ xưng thú một số tội đã xưng đi xưng lại nhiều lần trước đó, nhưng không sao chừa được. Do đó xưng tội là việc làm thiếu hiệu quả nếu không muốn nói là vô ích.

Để nhìn rõ vấn đề, chúng ta hãy so sánh sức khỏe tâm linh với sức khỏe thể xác: Do di truyền, có lẽ ai trong chúng ta ít nhiều cũng mang một số bệnh khó chữa khỏi như: bệnh cao huyết áp đòi người bệnh phải uống thuốc hằng ngày, bệnh dị ứng nổi mề đay, bệnh “gút” gây đau nhức luôn phải uống thuốc giảm đau... Mỗi khi căn bệnh tái phát nặng hơn, chúng ta phải đến bác sĩ chuyên khoa điều trị và phải dùng một số loại thuốc giống nhau… Nhưng đâu có ai từ chối uống thuốc với lý do rồi bệnh sẽ tái lại?. Nếu ta không đi khám và không uống các thứ thuốc trị bệnh quen thuộc nói trên mới là điều sai lầm. Cũng như mỗi ngày chúng ta đều phải tắm rửa cho sạch, dù biết rằng đến mai cơ thể của mình sẽ lại bị dơ cần phải tắm lại… Về phạm vi tâm linh cũng vậy: Ai trong chúng ta cũng có một số thói hư rất khó chừa như: Dễ nổi nóng, hay nói xấu kẻ mình không ưa, ích kỷ tự ái cao, lười biếng làm việc đạo đức, uống rượu say sỉn, xem phim ảnh xấu rồi thủ dâm để tìm hưởng lạc bất chính... Dù biết sau một thời gian có thể ta sẽ tái phạm, nhưng ta vẫn cần đi xưng tội để đón nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa với hy vọng nhờ ý thức sự xấu xa của tội, quyết tâm xa lánh dịp tội, làm việc đền tội cân xứng… và nhất là nhờ ơn Chúa giúp, chúng ta sẽ có điều kiện để dứt bỏ thói hư và nên hoàn thiện hơn.

* Do cách xét mình cẩu thả trước khi xưng tội: Có người chữa mình rằng: “Tôi xét mình mãi mà chẳng tìm ra tội gì mới cần xưng. Nhiều khi tôi phải cố tìm lại một “tội trọng cũ” để có tội mà xưng. Việc không tìm ra tội nào mới không chứng minh chúng ta là người thánh thiện, nhưng có thể do chúng ta đã hóa ra chai lỳ về mặt tâm linh, khi cho các việc làm sai trái của mình là không có tội. Thực ra mọi người chúng ta đều yếu hèn như thánh Phaolô đã phải thú nhận: “Điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,15). Những ai tưởng mình không có tội, thực ra là do họ đã xét mình cẩu thả và tự đánh lừa mình, như thánh Gioan đã viết: “Nếu chúng ta nói mình không có tội, là chúng ta đã tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1 Ga 1,8).

* Do chưa ý thức về tầm quan trọng của những điều thiếu sót: Kinh cáo mình có câu: “Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót”. Tội chúng ta phạm có thể là tội cố tình vi phạm một điều luật cấm như dối trá, trộm cắp, ngọai tình, phá thai... hay tội bỏ không làm việc lẽ ra phải làm như: Bất hiếu với cha mẹ, làm ngơ trước người đau khổ cần trợ giúp… Trong Tin mừng, Đức Giêsu đã đề cập đến tội thiếu sót này như dụ ngôn ông nhà giàu đã làm ngơ không giúp đỡ anh Ladarô, một người nghèo khổ nằm trước cửa nhà ông ta (x Lc 16,19-31). Đến ngày tận thế, Vua Thẩm Phán Giêsu cũng sẽ tuyên phạt những kẻ đã nhắm mắt bỏ qua các việc lành như sau: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên ác quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói các ngươi không cho ăn; Ta khát các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ các ngươi chẳng đón tiếp; Ta mình trần các ngươi không cho đồ mặc; Ta ở tù các ngươi đã không viếng thăm ...” (Mt 25,41-45).

Những tội thiếu sót này tưởng là tội nhẹ mà thực ra cũng có thể trở thành tội nặng nếu ta không có tình thương trong tâm hồn. Nó cũng đồng nghĩa với tội giết người như thánh Gioan viết: “Kẻ không yêu thương thì ở lại trong sự chết. Phàm ai ghét anh em mình thì là kẻ sát nhân. Và anh em biết: Không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó” (1 Ga 3,14b-15).

4) Phải sám hối cụ thể thế nào trong Mùa Chay này ? :

Ngoài việc tham dự các buổi tĩnh tâm Mùa Chay, mỗi người chúng ta cần dọn mình lãnh nhận bí tích hòa giải với Chúa. Nhưng điều quan trọng là cần xét mình để tìm ra mối tội đầu quan trọng nhất của mình để quyết tâm chừa cải, hơn là chỉ xưng các tội chung chung theo thói quen xưa nay. Nhất là cần ý thức về tình thương của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu, để sẵn lòng tha thứ lỗi lầm cho anh chị em đã xúc phạm đến mình. Cụ thể xét mình từ bản thân, đến quan hệ với người thân trong gia đình và đối với mọi người ta có dịp gặp gỡ tiếp xúc như sau:

- Đối với bản thân mỗi người: Để dễ dàng tha thứ, mỗi ngày cần dành ít phút xét mình trong giờ kinh tối gia đình, để ý thức về sự yếu đuối bất toàn của mình. Tại sao chúng ta lại đòi người khác phải hoàn hảo đang khi chính chúng ta còn nhiều sai sót? Hãy dọn mình xưng tội mỗi đầu tháng để thánh hóa bản thân và duy trì hạnh phúc gia đình. Hãy bỏ đi những đố kỵ ganh ghét, không chấp nhất những câu nói xúc phạm hay hành vi không tốt của người khác đối với mình, để tình mến Chúa yêu người luôn bùng cháy trong lòng mình.

- Đối với người thân trong gia đình: Một trong những lý do chính đưa đến đổ vỡ hạnh phúc và ly hôn nơi các gia đình hiện nay là nhiều đôi vợ chồng trẻ đã không dễ bỏ qua lỗi lầm cho nhau. Nên nhớ rằng chỉ sự tha thứ mới giúp hàn gắn tình cảm sứt mẻ và giúp gia đình sớm tìm lại bình an hạnh phúc. Đôi vợ chồng nên nhất trí với nhau: Mỗi khi có điều chi bất bình hay tranh cãi nhau thì cả hai đều phải mau mắn đi bước trước làm hòa như lời thánh Phaolô: “Anh em đừng phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn. Đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng! (Ep 4,26-27). Sau cơn giận, mỗi người hãy lập tức dâng một lời cầu xin Chúa giúp và ai chủ động mỉm cười bắt chuyện trước sẽ là người chiến thắng, vì đã thắng được tính tự ái cao của mình và thắng được ma quỷ cám dỗ. Đầu mỗi thánh lễ hãy nhớ lời Chúa Giêsu: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24).

- Đối với tha nhân ngoài xã hội: Điều chúng ta cần làm ngay trong Mùa Chay này là: Mỗi ngày hãy xét mình để biết có ai đó đang bất hòa với mình và chủ động làm hòa với họ. Mỗi lần đọc kinh Lạy Cha, cần lưu ý câu: “Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Mỗi ngày hãy tìm đọc các đoạn Tin Mừng về sự tha thứ, suy nghĩ về lời Chúa trách mắng tên đầy tớ độc ác đã không có lòng thương xót: "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?" (Mt 18,32-33). Cuối cùng hãy dâng một lời cầu để xin Chúa tha thứ lỗi lầm cho chúng ta với điều kiện chúng ta cũng sẵn lòng tha thứ lỗi lầm cho anh chị em đã xúc phạm đến chúng ta.

5. NGUYỆN CẦU

- LẠY CHÚA GIÊSU. Con rất sợ bị bắt quả tang đang phạm một tội nào đó nghiêm trọng. Nhưng lạy Chúa, có tội nào chúng con phạm mà Chúa lại chẳng thấy và không hay biết? Xin cho chúng con biết bỏ đi những mặt nạ giả dối, những việc đạo đức hình thức bề ngòai nhằm che đậy những tội ác trong tâm hồn chúng con. Nhờ đó, chúng con sẽ luôn sống tình yêu thương và trở nên những chứng nhân tình thương của Chúa trước mặt người đời.

- LẠY CHÚA. Nếu Chúa đã không lên án kẻ có tội, không chấp nhất những điều chúng con sai lỗi, thì xin cũng giúp chúng con tránh kết án tha nhân. Khi thấy anh chị em con sai lỗi, xin cho chúng con biết tự xét và tu sửa lỗi của mình trước đã, rồi mới đủ uy tín để giúp sửa lỗi của anh em con. Bấy giờ xin cho chúng con biết khôn ngoan để nói đúng lúc và đúng phương pháp hầu chu tòan bổn phận “Răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta…”, như kinh “Thương người” đã dạy.

X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH - HHTM
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:31 10/03/2016
10. CÂU TRẢ LỜI KHÔN NGOAN CỦA TĂNG KIỀN.

Tề Cao đế Tiêu Đạo Thành thi thư pháp với đại thần là Vương Tăng Kiền -nhà đại thư pháp.
Sau khi so tài, hỏi:
- “Ai có thể được hạng nhất ?”
Vương Tăng Kiền đáp:
- “Thư pháp của tôi, dưới con mắt của các quan thì rất đẹp; thư pháp của bệ hạ ở trong hoàng cung thì đếm trên đầu ngón tay.”
Cao đế cười nói:
- “Có thể nói ông là người giỏi về tự mình tâng bốc người khác.”
(Nam Sứ)

Suy tư 10:
Câu trả lời của Tăng Kiền đúng là khôn ngoan, không làm cho nhà vua phải mất sĩ diện khi bị thua, nhưng vì tự trọng nên vua Cao đế cũng cảm thấy “nhột”.
Đức Chúa Giê-su cũng đã trả lời cách khôn ngoan với người Pha-ri-siêu về vấn đề nộp thuế: của Xê-da thì trả cho Xê-da, của Thiên Chúa thì trả lại cho Thiên Chúa”, câu trả lời khôn ngoan này không làm cho người Pha-ri-siêu thấy nhột, nhưng họ rất kinh ngạc về cách trả lời của Ngài.
Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta đã hùng hồn nói cho bạn bè thân hữu biết là có Thiên Chúa hiện diện trong vũ trụ, chúng ta khôn ngoan dẫn chứng từ thuyết này đến luận chứng nọ, từ giáo phụ này đến giáo phụ kia, ai cũng thích nghe chúng ta nói nhưng rất ít người vì nghe ta nói mà tin vào Chúa, chẳng có mấy ai tin vào việc làm của chúng ta bởi vì lời nói và việc làm của chúng ta không giống nhau.
Lý sự mà không khiêm tốn thì sinh ra cải cọ, cải cọ thì sinh ra tranh chấp, do đó mà khôn ngoan của con người không thể làm biến đổi tâm hồn của một con người, nhưng những gì thuộc về xác thịt thì trả cho con người, những gì thuộc về tâm hồn thì trả cho Thiên Chúa, và chỉ có Thiên Chúa mới đủ sức cải biến tâm hồn của con người.
“Lạy Chúa, chỉ mình Chúa là Đấng khôn ngoan thượng trí, xin ban cho con có một tâm hồn khôn ngoan của Chúa, để con biết cách sống và làm chứng cho niềm tin của mình trong cuộc sống của chúng con.”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:34 10/03/2016

2. Độc cư và thiên đàng khoảng cách không xa.

(Thánh Bernardus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 5 MC)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:38 10/03/2016
Chúa Nhật 5 MÙA CHAY

Tin mừng : Ga 8, 1-11
“Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.”


Anh chị em thân mến,
Có một câu chuyện ngụ ngôn như sau :
“Mọi người nhao nhao chế nhạo con giun đất:
- Mày không có mắt, không thể thấy.
- Mày không có tai, không thể nghe.
- Mày không có chân, không thể đi.
- Mày không có cánh, không thể bay.
- Mày là một phế vật cái gì cũng không có...!

Giun đất khóc lớn tố khổ với Đấng Tạo Hóa:
- “Tại sao Ngài dựng nên con thấp kém hèn mọn không có gì là có lợi...”
- “Này con, bản thân của sinh mệnh là không phân biệt cao thấp quý tiện”- Đấng Tạo Hóa buồn thương nói tiếp: “Ta không coi thường con, tại sao con lại tự coi thường mình chứ ?...” (1)

Trong cuộc sống hàng ngày,
- Có những lúc chúng ta chế nhạo người tội lỗi: mày là đứa tội lỗi không xứng đáng đến nhà thờ.
- Có những lúc chúng ta cười nhạo người mới theo đạo: mày là đứa đạo theo, biết gì giáo lý mà nói.
- Có những lúc chúng ta cười nhạo người anh em nghèo khó: mày là đứa nghèo mạt rệp không xứng đáng làm bạn với tao.
- Có những lúc chúng ta cười chế nhạo người dốt nát: mày một chữ cắn đôi cũng không biết không được tham gia vào công tác nhà xứ.
- Có những lúc chúng ta cười chế nhạo người tàn tật: mày là thứ đui què không làm được gì cho ai.
- Có những lúc chúng ta cười khinh chê cô gái đứng đường: đồ thứ đĩ điếm dơ bẩn...


Anh chị em thân mến,
Chúng ta kết án tha nhân như những người Pha-ri-siêu và biệt phái kết án người phụ nữ ngoại tình, trong khi đó chúng ta là những tội nhân trước mặt Thiên Chúa. Mỗi người là một tạo vật có giá trị như nhau trước mặt Thiên Chúa, cho nên dù họ có xấu xí, thất học, nghèo nàn hay tội lỗi hoặc là người mới theo đạo, thì thái độ mà chúng ta nên có đối với họ chính là tôn trọng, cảm thông và cầu nguyện...

“Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Vâng, nếu ai trong chúng ta tự cho mình là vô tội thì hãy lên án tha nhân trước đi !

Đúng là lời cảnh cáo nghiêm khắc với chúng ta là những người thích lên án tha nhân và anh chị em mình.

Xin Chúa chúc lành cho chúng ta.

(1) Trích trong “Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay” do Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. Dịch và viết suy tư.
------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tòa Thánh ban hành nghị định mới quản lý việc chi tiêu trong các án tuyên thánh
Đặng Tự Do
18:50 10/03/2016
Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn quy định mới quản lý việc chi tiêu các ngân quỹ trong những án tuyên thánh hay tuyên chân phước.

Các quy định mới, được sự chấp thuận của Đức Thánh Cha trong một thời gian thử nghiệm kéo dài ba năm, được thiết kế để bảo đảm trách nhiệm giải trình trong việc thu chi những số tiền liên quan đến tiến trình tuyên thánh hay tuyên chân phước.

Năm ngoái, một cuộc điều tra về tài chính tại Vatican cho thấy cần phải chấn chỉnh và minh bạch hóa việc sử dụng nguồn thu được từ anh chị em giáo dân trong những dịp này.

Các quy định mới sẽ yêu cầu kế toán chi tiết tất cả các chi phí, dưới sự giám sát của các giám mục. Các vị này sau đó sẽ cung cấp báo cáo giải trình cho Vatican. Nếu các quỹ có liên quan đến một ứng cử viên cụ thể không dùng hết khi án được hoàn thành, quy định mới buộc số tiền còn lại phải được xung vào một “quỹ liên đới” để hỗ trợ các chi phí cho những án phong chân phước và phong thánh không nhận được đủ kinh phí.

Các chi phí điều tra án tuyên thánh hay tuyên chân phước thường phải mất hơn 100,000 Mỹ Kim cho việc chuẩn bị một hồ sơ rộng rãi trên cuộc sống của ứng viên, và nghiên cứu tỉ mỉ trên những phép lạ được báo cáo; cùng với các chi phí liên quan đến việc di chuyển, dịch thuật và in ấn. Các quy định mới này nhằm chống lại những chi tiêu quá mức và giảm thiểu cơ hội tham nhũng.
 
Đức Tổng Giám mục Colorado dẫn đầu đoàn rước Thánh Thể tới trung tâm “Kế Hoạch Hóa Gia Đình”
Đặng Tự Do
20:37 10/03/2016
Khoảng 1,800 người đã tham gia vào cuộc kiệu Thánh Thể, do Đức Tổng Giám mục Samuel Aquila dẫn đầu, bên ngoài một cơ sở Planned Parenthood ở Stapleton, Colorado, vào hôm thứ Bảy 5 tháng Ba.

Các nhà tổ chức cuộc rước kiệu Thánh Thể cho biết rằng họ chỉ hy vọng thu hút được 500 đến cùng lắm là 800 người tham gia. Số người tham dự bất ngờ tăng cao "khiến chúng tôi lúng túng, vì 1,800 người là quá đông trên vỉa hè của một khu phố."

Đức Tổng Giám Mục Aquila nhận xét rằng cuộc rước Thánh Thể này "thực sự là một thời điểm của ân sủng, một khoảnh khắc của hồng ân."
 
Giám quản Tông Tòa Miền Nam Ả rập gặp gỡ các nữ tu Thừa sai Bác ái sống sót
Đặng Tự Do
20:50 10/03/2016
Đức Cha Phaolô Hinder, Giám quản Tông Tòa Miền Nam Bán Đảo Ả rập đã gặp gỡ các nữ tu Thừa sai Bác ái sống sót sau vụ tấn công tấn công khủng bố vào một viện dưỡng lão ở Aden, Yemen.

Chị Sally "đang phục hồi nhanh chóng", Đức Cha Phaolô Hinder nói. "Chúng ta có thể hiểu được là chị vẫn còn trong trạng thái kinh hoàng. Chị chắc chắn là kiệt sức bởi những thử thách gặp phải, nhưng tính mạng của chị đã hết nguy hiểm. "

"Hiện nay chị được đưa đến nơi an toàn, điều quan trọng là chúng ta bảo vệ chị ấy khỏi những kẻ thù; và làm sao cho kinh nghiệm khủng khiếp này sớm phai tàn. Chúng tôi cũng bảo vệ chị khỏi các phương tiện truyền thông tò mò, những người muốn có cuộc gặp gỡ với chị ấy chỉ để làm một bài bình luận, hoặc một câu chuyện trên báo chí".

Đức Giám Mục Hinder nói rằng "cả chính quyền và những người bình thường ở Yemen đã tìm đến chúng tôi để chia sẻ nỗi đau thương này. Ngoại trừ một vài nhóm cực đoan nhỏ, không ai là không thích chúng tôi. Tuy nhiên, những kẻ cực đoan có súng và sẵn sàng sử dụng vũ lực ".

Số phận của Cha Tom Ezhunnalli, một linh mục dòng Salesian bị bắt cóc từ viện dưỡng lão, vẫn chưa được biết, theo một báo cáo của Asia-News.
 
Phúc trình mới nhất nhấn mạnh: ISIS phạm tội diệt chủng chống các Kitô hữu
Vũ Văn An
23:30 10/03/2016
Ngày 10 tháng Ba hôm qua, trước hạn kỳ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tìm hiểu xem liệu có nên áp dụng hạn từ “diệt chủng” vào các nạn nhân của ISIS không, một phúc trình của hai tổ chức Kitô Giáo có trụ sở tại Hoa Kỳ quả quyết cần phải kể các Kitô hữu Iraq, Syria và Libya vào số các nạn nhân của nạn diệt chủng do ISIS chủ trương.

Dù các nhà chuyên môn cho rằng tìm ra tội diệt chủng cũng không tức khắc khiến Hoa Kỳ thay đổi chính sách ngoại giao hay tiếp nhận thêm người tỵ nạn hay tạm trú, nhưng đây vẫn là điều quan trọng vì cả luật pháp trong nước lẫn luật pháp quốc tế đều đòi phải điều tra các hành vi diệt chủng và kết tội cùng truy tố những kẻ có trách nhiệm.

Phúc trình dầy 278 trang của Hội Hiệp Sĩ Columbus hợp tác với cơ sở “Để Bảo Vệ Các Kitô Hữu”, một cơ quan nghiên cứu và vận động nhằm bảo vệ các Kitô hữu Trung Đông.

Tháng Mười năm ngoái, các viên chức của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ gợi ý cho rằng hạn từ “diệt chủng” có thể qui cho ISIS, nhưng chỉ áp dụng trong trường hợp thiểu số Yazidi, chứ không phải các Kitô hữu, khiến nhiều nhóm tôn giáo, vận động nhân quyền, và nhiều lực lượng chính trị khác lên tiếng phản đối.

Vì cuộc tranh cãi lên cao, Quốc Hội Hoa Kỳ đã bỏ phiếu yêu cầu Bộ Ngoại Giao công bố kết quả tìm hiểu vào giữa tháng Ba.

Phúc trình vừa công bố yêu cầu phải bao gồm các Kitô hữu vào loại bị “diệt chủng”. Bản phúc trình này có kèm bản tóm tắt của luật sư và các lời phát biểu của nhân chứng cho thấy các đối xử tàn ác đối với các Kitô hữu.

Phúc trình tựa là “Cuộc Diệt Chủng Chống Các Kitô Hữu ở Trung Đông” này ghi nhận rằng các nhân vật và cơ chế hoàn cầu khác từng đã áp dụng hạn từ “diệt chủng” vào các cuộc tấn công của ISIS đối với các Kitô hữu, trong đó, có Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Quốc Hội Âu Châu, Văn Phòng Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân Quyền, Ủy Ban Liên Hiệp Quốc về Tự Do Tôn Giáo, và cả các chính phủ Iraq và Kurd nữa. Bản phúc trình này viết: “ISIS đang phạm tội diệt chủng, một thứ tội ác của các tội ác, chống lại các Kitô hữu và các nhóm tôn giáo khác ở Syria, Iraq, và Libya. Đã đến lúc Hiệp Chúng Quốc tham gia cùng cả thế giới nêu đích danh và đưa ra hành động chống lại việc này như luật lệ đòi hỏi”.

Dựa vào việc tái duyệt luật pháp quốc tế, bản phúc trình lý luận rằng việc tìm ra tội “diệt chủng” không đòi phải có việc sát hại toàn bộ một nhóm, mà đúng hơn là một chiến dịch nhằm tiêu diệt nhóm này “toàn bộ hay từng phần”, và có thể coi việc tống xuất cưỡng bức là một hành vi diệt chủng.

Bản phúc trình nhấn mạnh rằng ý định chống Kitô Giáo của các lực lượng ISIS là điều không thể nào lầm lẫn được nữa, vì ngoài những điều khác ra, tạp chí Dabiq, một tạp chí hào nhoáng của ISIS, còn đăng bức hình của Đức Giáo Hoàng Phanxicô ở ngoài bìa cùng với hàng chữ lớn “Ông Giáo Hoàng Thập Tự Quân”.

Tờ báo này huênh hoang viết rằng: “Chúng tao sẽ chinh phục Rôma, đập phá các thánh giá của các ngươi, và bắt phụ nữ của các ngươi làm nô lệ, nếu được Allah, Đấng Vinh Hiển, cho phép. Đây là lời hứa của Người với chúng tao; Người đầy vinh quang và Người không bao giờ lỡ lời đã hứa. Nếu lúc đó chúng tao chưa tới, thì còn cháu chúng tao sẽ tới, và chúng sẽ bán các con trai của các ngươi làm nô lệ ở chợ nô lệ”.

Cho rằng đây không phải là lời đe dọa xuông, tờ báo ghi nhận các điển hình trong đó, phụ nữ Kitô Giáo và phụ nữ Yazidi đã bị bán làm nô lệ tình dục và một “thực đơn” đầy ô nhục đăng trên trực tuyến còn liệt kê giá cả mua những phụ nữ này theo loại tuổi.

Bản phúc trình cũng quả quyết rằng sát hại các Kitô hữu là chuyện bình thường trong các lãnh thổ do ISIS kiểm soát; Đức Tổng Giám Mục Công Giáo theo Nghi Lễ Melkite của Aleppo ở Syria, là Jean-Clément Jeanbart, ước lượng "hàng ngàn người” đã bị giết khắp nước, kể cả “hàng trăm” người bị bắt cóc và bị giết ngay trong thành phố của họ.

Điểm chính của bản phúc trình là thách thức điều người ta vẫn cho rằng các Kitô hữu ít nguy hiểm đối với ISIS hơn các nhóm khác vì họ còn được phép đóng thuế để được khoan dung, một điều, trong lịch sử, đã là thành phần của luật Hồi Giáo có tên là jizya.

Trích dẫn các chuyên viên như học giả chuyên về Trung Đông Alberto Fernandez, phúc trình cho rằng trên thực tế, sắc thuế mà ISIS đòi đóng không phải chỉ là “một trò quảng cáo giât gân” mà đúng thật là một hình thức bảo vệ của luật pháp, và việc thu thứ thuế này thường là khúc dạo đầu cho nhiều hình thức “tống tiền và bạo lực” khác.

Bản tóm tắt của luật sư gửi cho Bộ Trưởng Ngoại Giao John F. Kerry yêu cầu ông này áp dụng hạn từ “diệt chủng” vào các hành động của ISIS. Nó viết: “Nếu Syria và các phần khác của Iraq rơi vào tay ISIS, các thế hệ tương lai sẽ thắc mắc tại sao đáng lý ra ông có thể gọi các hành động này bằng tên riêng của chúng là ‘diệt chủng’, nhưng ông đã không làm thế”.

Được soạn bởi luật sư L. Martin Nussbaum ở Colorado Spring, bản tóm tắt này dựa vào Luật Thi Hành Công Ước Diệt Chủng năm 1987, là luật buộc Hiệp Chúng Quốc phải tuân giữ các điều khoản của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Ngăn Ngừa và Trừng Phạt Tội Ác Diệt Chủng.

(Công Ước trên được Liên Hiệp Quốc chấp thuận năm 1948, nhưng không được Hiệp Chúng Quốc phê chuẩn trước năm 1986, một phần vì các cố gắng của Thượng Nghị Sĩ quá cố William Proxmire của Wisconsin, người, mà năm 1967 thề sẽ đọc một bài diễn văn tại Thượng Viện mỗi ngày cho tới khi công ước được phê chuẩn. Cuối cùng ông đã đọc 3,211 bài diễn văn trong 19 năm).

Lý luận rằng các tiêu chuẩn đặt ra cho việc tìm ra nạn diệt chủng chống lại các Kitô hữu rõ ràng đã được thỏa mãn, bản tóm tắt của luật sư Nussbaum nhấn mạnh rằng “các đình hoãn do ảnh hưởng của cả chính trị nội bộ lẫn địa chính trị của Trung Đông là điều không thể chấp nhận được, xét về cả luật pháp lẫn luân lý”.

Ngoài việc thu lượm bằng cớ và khuyến cáo truy tố, các nhà chuyên môn nói rằng người ta chưa biết rõ đâu là hậu quả nếu Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ kết luận rằng ISIS có can dự vào việc diệt chủng.

Nói về mặt chính thức, Hiệp Chúng Quốc chỉ thừa nhận rất ít các hoàn cảnh cho là “diệt chủng”, như các trường hợp tàn sát (Holocaust) tại Bosnia năm 1995, tại Rwanda năm1994, tại Burundi nằm 1972 và 1993, và tại Darfur năm 2003.

Greg Stanton, Chủ Tịch Vọng Quan Sát Diệt Chủng và là cựu chủ tịch của Hiệp Hội Quốc Tế Các Học Giả Về Diệt Chủng, đã nói với tờ The Washington Post vào tháng Hai rằng gọi các hành động của ISIS là “diệt chủng” sẽ giúp cho việc những kẻ phạm tội bị truy tố trước Tòa Hình Sự Quốc Tế. Ông bảo: “ISIS hiện bất cần, nhưng chúng sẽ cần nếu người của bắt đầu trở lại và bị xử vì tội ác chiến tranh”.

Nhưng Cameron Hudson, giám đốc một trung tâm ngăn ngừa diệt chủng tại Viện Bảo Tàng Kỷ Niệm Diệt Chủng Hoa Kỳ lại cảnh cáo rằng cuộc tranh luận về tên gọi (nomenclature) có nguy cơ trở thành điều làm sao lãng. Ông nói: “chúng ta dành thì giờ nói về việc liệu có phải là diệt chủng hay không mà không có lúc nào tự hỏi: chúng ta sẽ làm gì về việc này? Mọi không gian của chính sách đã bị cuộc tranh luận giành mất, một cuộc tranh luận mà cuối cùng không thay đổi được điều gì”.

Được thành lập tại New Haven, Connecticut, năm 1882, Hội Hiệp Sĩ Columbus là hội huynh đệ Công Giáo lớn nhất. Từ năm 2014, Hội này đã quyên được hơn 8 triệu dollars giúp người tỵ nạn ở Trung Đông, phân chia cho cả người Yazidi, người Hồi Giáo cũng như người Kitô Giáo.
 
Top Stories
USCCB tribute to slain Missionaries of Charity
Catholic World News
12:46 10/03/2016
The Administrative Committee of the United States Conference of Catholic Bishops has issue a statement paying tribute to the four Missionaries of Charity who were slain in Yemen on March 4.

“Caring for the aging and dying is an act of love and mercy,” the bishops stated. “Giving totally of oneself to serve the most vulnerable of our brothers and sisters is an act of courageous faith. Thus, it is always a great sorrow when such acts of mercy lead to martyrdom.”

The prelates also noted that the US State Department is considering an official finding of probable cause that genocide is occurring against Christians, Yazidis and other religious minorities. It would be an important step toward a declaration of genocide. That declaration would be a life-saving aid in the defense of those facing the extremists' violence. The Christian community along with others is working to help gather the necessary evidence to urge State Department action.
 
Yemen: bishop meets with surviving Missionary of Charity
Catholic World News
12:47 10/03/2016
The apostolic vicar of Southern Arabia met with the one Missionary of Charity who survived the terrorist attack on a home for the elderly in Aden, Yemen.

Sister Sally “is doing reasonably well,” said Bishop Paul Hinder. “As one might expect, she is still in a state of shock. She is certainly exhausted by her ordeal, but physically she is OK.”

“She is now safe, it is important to protect her not only from enemies and the memory of this terrible experience, but also from the media, the curious, those who want to get her to make a comment, or tell her story,” he added.

Bishop Hinder said that “both the authorities and ordinary folks [in Yemen] have reached out to us to share our suffering. Except for a few small radical groups, no one dislikes us. However, the latter have guns and are ready to use force.”

The fate of Father Tom Uzhunnalil, a Salesian priest abducted from the home for the elderly, remains unknown, according to an AsiaNews report.
 
Vietnam: diocese counters high abortion rate with home for unwed mothers
Catholic World News
12:48 10/03/2016
To counter an abortion rate that approaches 70% among students, a Vietnamese prelate, Bishop Cosme Hoàng Van Dat of Bac Ninh, founded a home for unwed mothers in 2009.

Dominican sisters operate the home, which currently has 50 residents.

“Hundreds of unfortunate young women and girls have rediscovered happiness and value in their own lives,” Sister Maria Hao told AsiaNews.

“Every evening, children and mothers participate in the Mass in the local parish church,” she added. “Two-thirds of abandoned mothers who come to the clinic are non-Catholic, but when they leave the center to return home to their parents, most are baptized.”
 
Prelate laments US Catholic silence on Middle East wars
Catholic World News
12:49 10/03/2016
Bishop Robert McElroy of San Diego said that “the most massive failure of the Catholic community at all levels in the past 20 years has been to address the question of our ongoing involvement in the Middle East.”

The prelate made his remarks at a forum sponsored by Commonweal.

“What is particularly fascinating and troubling is all three recent popes were clearly opposed to the wars, yet at no level in the Catholic community was there any major opposition or sustained witness,” he added, according to a Catholic News Service report. “It’s like the dog that didn't bark.”

Describing attacks on Muslims as a “great outrage,” Bishop McElroy said that “the Muslim question is an alarm bell about authoritarianism in society. That's not just a disagreement. It's an alarm bell that goes to the core of who we are as a nation and absolutely needs to be repudiated in the strongest possible way by everybody.”
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cô Bán Hàng Rong
Lm. Nguyễn Trung Tây, SVD
19:02 10/03/2016
CÔ BÁN HÀNG RONG
Ảnh của Nguyễn Trung Tây Lm. (SVD)
"Nay, con lang thang phố phường,
Kiếm tìm những tờ giấy
thiên hạ gọi tiền,
Cũng vẫn những tờ giấy,
cùng kích thước, cùng sắc mầu,
cùng mệnh giá,
nhưng giờ không còn
ướp đẫm mùi hương!
Giờ con bà ba giản dị,
Mặt phụ nữ không son phấn,
đẫm mồ hôi.
Mặt trời nhiệt đới
nhuộm đen làn da.
Nhưng hồn thanh thản nhẹ nhàng.
Bình dị! Hạnh phúc!
Rộn ràng đan nối
những bước chân bán hàng rong."
(Nguyễn Trung Tây)