Trong sinh hoạt hằng ngày, Chúa Giê-su sống bình dị như mọi người, không bày tỏ thần tính của mình ra; vì thế, người đương thời chỉ nhận biết Đức Giê-su là người phàm, chứ không biết Ngài cũng là Thiên Chúa.
Thế rồi, qua việc Chúa Giê-su bày tỏ dung mạo uy nghi, sáng láng, vinh hiển của Ngài trên núi cao, ba môn đệ Phê-rô, Gioan và Gia-cô-bê mới phát hiện ra căn tính của Đức Giê-su: Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng cao cả tuyệt vời, ẩn mình dưới hình hài con người bình dị.
Việc Chúa Giê-su hiển dung trên núi giúp chúng ta biết được hai điều quan trọng nầy:
Thứ nhất, Ngài không chỉ là người phàm mà còn thực sự là Thiên Chúa, được Thiên Chúa Cha xác nhận trước mặt ông Mô-sê, Ê-li-a và 3 môn đệ rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người.”
Thứ hai, qua việc bày tỏ dung nhan sáng láng, vinh hiển của mình, Chúa Giê-su cũng tỏ cho biết rằng những ai tin và bước theo Ngài, sẽ được chung phần vinh hiển với Ngài như thế, đúng như lời dạy của thánh Phao-lô được trích đọc trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay: “Ngài sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Ngài” (Pl 3, 21).
Chúa biến đổi chúng ta nên vinh hiển cách nào?
Dù chúng ta mang kiếp bụi trần, thân phận mỏng giòn yếu đuối, vậy mà Chúa Giê-su đã dùng Bí tích Thánh tẩy để nâng chúng ta lên, cho chúng ta được tái sinh để trở thành người con chí ái của Thiên Chúa Cha, được trở nên đền thờ cao cả của Chúa Thánh Thần. Vinh hiển biết bao!
Không những thế, Chúa Giê-su còn tháp nhập chúng ta vào Thân mình Ngài, cho chúng ta trở thành một chi thể trong Thân thể Ngài! Hạnh phúc biết chừng nào!
Và một khi trở thành một chi thể trong Thân thể Chúa Giê-su, sự sống của Thiên Chúa ba Ngôi, là sự sống rất cao vời, viên mãn, không bao giờ lụi tàn… được thông ban cho chúng ta, tựa như nhựa sống từ thân nho chuyển sang cành nho, để chúng ta được sống đời đời với Chúa!
Và qua Bí tích Thánh thể, Chúa Giê-su ban thịt máu Ngài cho chúng ta lãnh nhận, để nhờ đó, chúng ta được nên một với Chúa Giê-su, đồng huyết nhục với Ngài và nhờ đó, được sống vĩnh cửu với Ngài.
Đây là những hồng ân vô giá Chúa tặng ban, nhờ đó, “Ngài biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Ngài” (Pl 3, 21).
Bảo toàn phẩm giá cao quý của mình
Được Thiên Chúa ban tặng diễm phúc lớn lao như thế, chúng ta phải hết lòng cảm tạ tri ân và tuyệt đối không bao giờ để cho mình suy thoái, đánh mất phẩm chất tuyệt vời.
Về vấn đề nầy, thánh Lê-ô Cả Giáo hoàng khuyên dạy chúng ta như sau:
“Hỡi các Ki-tô hữu, hãy ý thức về phẩm giá của bạn. Giờ đây bạn đã được thông phần bản tính Thiên Chúa, đừng để mình bị thoái hóa qua việc trở lại với lối sống bất xứng đã qua. Bạn hãy nhớ Ai là Đầu của bạn và bạn là chi thể của Thân Mình nào. Hãy nhớ rằng bạn đã được cứu thoát khỏi quyền lực tối tăm, đã được đưa vào trong ánh sáng và Nước Thiên Chúa.
Nhờ Bí tích Thánh tẩy, bạn đã trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần. Bạn đừng xua đuổi Vị Khách quý trọng như thế do những hành động xấu xa của bạn, đừng để mình lại rơi vào ách nô lệ ma quỷ, vì giá chuộc bạn là chính Máu Đức Ki-tô. (Trích bài giảng của Thánh Lê-ô Cả, giáo hoàng).
Lạy Chúa Giê-su,
Từ địa vị thấp hèn, Chúa nâng chúng con lên bậc con Thiên Chúa, trở nên chi thể của Chúa, nên đền thờ Chúa Thánh Thần. Xin giúp chúng con dứt khoát từ bỏ nếp sống cũ đầy tội lỗi và bất xứng, để bắt đầu cuộc đời mới, cuộc đời cao đẹp xứng tầm người con Thiên Chúa. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
Khi ấy, Chúa phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đã nghe dạy: Ngươi hãy yêu thân nhân, và hãy thù ghét địch thù. Còn Ta, Ta bảo các con: Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các con; hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các con, để như vậy các con nên con cái của Cha các con, Đấng ngự trên trời: Người khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương. Vì nếu các con yêu thương những ai mến trọng các con, thì các con được công phúc gì? Các người thu thuế không làm như thế ư? Nếu các con chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì các con đâu có làm chi hơn? Những người ngoại giáo không làm thế ư? Vậy các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Đấng hoàn hảo".
Đó là lời Chúa
CHÚA KITÔ LÀ CHỦ LỊCH SỬ
CHÚA NHẬT II MÙA CHAY NĂM C
Chúng ta chú ý đến hai nhân vật quan trọng của Cựu Ước cùng đàm đạo với Chúa Kitô, đó là:
1. Ông Môsê: Người đã được Thiên Chúa chọn để đem dân Itraen ra khỏi cảnh nô lệ Ai Cập; Người đã nhận từ tay Thiên Chúa Bia Đá ghi khắc Mười Giới Răn. Mười giới răn ấy vừa là dấu chỉ cùa Giao Ước vừa tượng trưng cho Lề Luật mà Thiên Chúa đòi dân của Người phải tuân giữ. Đồng thời ông Môsê còn là người hướng dẫn dân tiến về Miền Đất hứa mà Thiên Chúa đã hứa với Áp-ra-ham từ xưa….
2. Ông Êlia: Ngôn sứ vĩ đại được giao sứ mạng củng cố lòng tin của dân vào lời hứa của Giao Ước mà Thiên Chúa đã cam kết với tổ tiên của Itraen là Apraham, Ixaac và Giacob.
3. Cả hai ông Môsê và Êlia đều có mặt bên Chúa Kitô. Kể từ nay, từ khởi đầu của kỷ nguyên Tân Ước, hình ảnh của cả hai: Môsê - Êlia tập trung nơi chính Chúa Kitô. Từ nay không cần phân biệt "Lề luật (ý nói đến ông Môsê) và các Tiên tri" như Cựu Ước từng cho biết. Từ nay không còn là hai nhưng chỉ là Một: Chúa Kitô, Đấng toàn thắng và vinh dự của chúng ta.
Từ nay, chỉ một mình Chúa Kitô, Đấng duy nhất là Môsê Mới và Êlia Mới của thời đại mới, Thời Cứu Độ. Từ nay:
- Chỉ một mình Chúa vừa là nhà lãnh đạo, vừa là nhà giáo dục nhân loại.
- Chỉ một mình Chúa vừa là nhà lập luật, vừa là nhà dẫn dắt nhân loại đi trong đường lối mà chính lề luật ấy mở ra.
- Chỉ một mình Chúa vừa là nhà giải phóng đích thực, vừa là Đấng bảo vệ lòng mến mà nhân loại phải dành cho Thiên Chúa.
- Chỉ một mình Chúa, Trung gian duy nhất thay thế tất cả mọi hình ảnh từ Tổ phụ, Thủ lãnh, đến Tiên tri.
- Chỉ một mình Chúa phục sinh và trao ban sức sống phục sinh cho từng con người.
- Chỉ một mình Chúa mới thực là hy tế duy nhất, hy tế dâng chính mình để cứu độ.
- Chỉ một hy tế duy nhất của Chúa mới có giá trị cứu độ vĩnh cửu, đưa nhân loại đến Trời mới Đất mới và trường tồn.
Điều đó có nghĩa là Lịch Sử hay Giao Ước Cứu Độ, từ nay chỉ cần một mình Chúa Kitô là đủ. Chúa Kitô vừa là Giao Ước mới, vừa là lề luật mới.
Chính vì thế, Lời của Chúa Kitô là Lời đặc biệt quan trọng đối với mỗi chúng ta. Lời ấy chính là chuẩn mực, là lề luật tuyệt đối mang lại ơn cứu độ cho chúng ta. Lời ấy chính là Lời Giao Ước vĩnh cửu, đưa chúng vào huyền nhiệm tình yêu Thiên Chúa, để ta được sống trong Chúa, sống bằng chính sự sống của Chúa.
Bởi Lời Chúa Kitô có tầm mức quan trọng và cần thiết đến vậy, nên Thiên Chúa không ngừng mời gọi: "Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người"!
Với phán quyết long trọng và công khai ấy, Thiên Chúa như muốn khẳng định: Vâng nghe lời Chúa Kitô, Con Duy nhất của Ngài là sống Giao Ước Mới, là chu toàn trách nhiệm của Lề Luật Mới.
Vâng nghe Lời Chúa Kitô, ta sẽ được biến đổi với Chúa Kitô, cùng được hưởng vinh quang Phục sinh với Chúa Kitô như chính Chúa Kitô vinh hiển trong vinh quang phục sinh rạng ngời và đời đời của Ngài. Đó cũng là con đường duy nhất để đi về cùng Thiên Chúa nhằm đạt tới sự sống bất diệt mà Thiên Chúa ấn định cho cả nhân loại.
Bởi vậy, sống Lời Chúa Kitô là điều kiện tối cần thiết, không thể bỏ qua của cả cuộc đời người Kitô hữu. Vậy ta đừng chỉ nghe Lời Chúa bằng tai, bằng mắt mà còn bằng tất cả lòng trí, sự ham muốn và không rời quy chiếu suy nghĩ cũng như hành động của mình theo lời, theo nội dung những giáo huấn mà Chúa Kitô dạy.
Trên hết mọi điều kiện, hãy yêu mến Lời Chúa. Chỉ nhờ lòng yêu mến, ta mới có thể thực tâm ấp ủ, ngụp lặn trong Lời Chúa. Nhờ đó, ta sẽ suy nghĩ là suy nghĩ với Lời Chúa, phản ứng là phản ứng với Lời Chúa, hành động là hành động với Lời Chúa, thể hiện là thể hiện với Lời Chúa, tương quan với nhau hay với mọi hoàn cảnh là tương quan trong Lời Chúa...
“Người sẽ tách biệt họ như mục tử tách chiên với dê…”
1/ Có tận thế, có phán xét… đó là chân lý đức tin.
2/ Bài Tin Mừng cho ta biết chỉ có một tiêu chuẩn duy nhất để phán xét, đó là Đức Bác ái đối với tha nhân… (đói cho ăn, khát cho uống, rách cho mặc… 14 mối thương người)
3/ Tin Mừng còn cho biết Chúa tự đồng hóa với những người nghèo đói và bé mọn “Mỗi lần anh chị em làm việc gì cho họ là làm cho Chính Ta”.
Vì thế chúng ta cần có cái nhìn đức tin để thấy Chúa nơi mọi người nhất là những người nghèo đói, tật nguyền và bé mọn… kính trọng, yêu mến, phục vụ họ với tấm lòng chân thành theo gương mẹ thánh Têrêsa Calcutta…
Mùa chay là cơ hội để chúng ta nhìn lại cuộc sống và cung cách của mình đối với tha nhân… nhất là những người nghèo đói quanh ta…
Lm. Jos. Nguyễn Hữu Triết
(Chúa Nhật II Mùa Chay C – Lc 9,28b-36)
Cả ba Tin mừng Nhất lãm đều tường thuật rằng sau lần thứ nhất tiên báo về cuộc khổ nạn thập giá, khoảng sáu hay tám ngày sau đó Chúa Giêsu dẫn ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan lên một ngọn núi cao (x.Mt 17,1-8; Mc 9,2-8; Lc 9,28-36). Tin Mừng Matthêu và Maccô không nói rõ mục đích của việc Chúa Giêsu dẫn ba môn đệ lên núi cao mà chỉ tường thuật là ở trên núi Người đã biến đổi hình dạng trước mặt các ông (x.Mt 17,2; Mc 9,2). Tin mừng Luca thì nói rõ mục đích của việc đưa ba môn đệ thân tín lên núi cao là để cầu nguyện (x.Lc 9,28).
Khởi đi từ thời các giáo phụ, chúng ta được nghe diễn giải mục đích Chúa Giêsu lên núi cao cùng với ba môn đệ là để bày tỏ vinh quang qua sự biến hình nên sáng láng hầu nâng đỡ, củng có đức tin cho các môn đệ trước viễn ảnh thập giá đau thương mà Người sắp chịu. Tuy nhiên, mục đích này xem ra không mấy thuyết phục vì tại sao chỉ có ba môn đệ được củng cố đức tin mà thôi, còn chín vị còn lại thì sao? Và khi xuống núi thì Chúa Giêsu lại căn dặn ba vị không được kể lại chuyện vừa chứng kiến cho các bạn đồng môn (x.Mt 17,9; Mc 9,9). Bên cạnh đó Tin Mừng Maccô ghi rõ là ngay ba vị chứng kiến việc Chúa Giêsu biến hình cũng không hiểu lời Thầy nói “từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì” (x.Mc 9,10).
Mục đích lên núi của Chúa Giêsu là để cầu nguyện như Tin Mừng Luca tường thuật xem ra khá hữu lý vì chúa Giêsu trong những lúc gặp nghịch cảnh lớn hoặc cần có quyết định hay sự chọn lựa quan trọng thì Người thường lánh riêng ra một nơi hay lên núi cao cầu nguyện với Cha trên trời (x.Lc 6,12). Đêm Tiệc Ly, trong vườn dầu, khi sắp đối diện với khổ hình thập giá cần kề thì Chúa Giêsu cũng dẫn ba môn đệ thân tín lánh riêng để cầu nguyện (x.Mt 26,37; Mc 14,32-33).
Cuộc đời con người chúng ta ai cũng có những lúc đối diện với những quyết định quan trọng phải chọn lựa. Một bậc sống, một nghề nghiệp, một nơi định cư lâu dài…là những điều không chỉ đòi hỏi sự cân nhắc, tính toán mà còn cần cả sự can đảm và dứt khoát cách nào đó. Các nghịch cảnh đến với chúng ta cũng là chuyện thường tình của kiếp người. Lắm khi ‘phúc bất trùng lai” mà “họa thì vô đơn chí”. Thỉnh thoảng có đó những nghịch cảnh xem ra khó vượt qua không chỉ do thiên tai hay dịch bệnh mà còn do cả lòng người độc hiểm, gian ác gây ra. Chính những lúc này chúng ta cần phải sáng suốt hơn, can đảm hơn để đương đầu hay đón nhận.
Trong các tình huống trên, dưới ánh sáng Lời mạc khải, Kitô hữu chúng ta chân nhận rằng mình cần đến ơn soi sáng và ơn trợ giúp của Thiên Chúa biết là chửng nào. Vì thế việc cầu nguyện như là điều tất yếu. Cầu nguyện cách riêng tư, cầu nguyện cùng với vài ba người thân tín sẽ giúp chúng ta nhận ra chương trình ý định của Thiên Chúa trên đời mình. Chính qua những giờ khắc cầu nguyện sâu lắng này Chúa Kitô càng thêm xác tín về căn tính và sứ mạng của Người để rồi tự nguyện và can đảm thực thi thánh ý Cha trên trời.
Nét vinh quang hiển lộ trên dung mạo Chúa Kitô có thể nói là hệ quả của việc Người đón nhận sứ mạng cứu độ nhân trần bằng án hình thập giá. Chân dung của một con người sẽ hiển sáng khi họ vuông tròn sứ mạng của mình ở trần gian. Một chị Têrêxa Hài Đồng đã rực sáng khi làm cánh hoa hồng nhỏ cho đời. Một Phanxicô Axidi cũng đã rực sáng khi biểu lộ chân dung người nghèo của Thiên Chúa. Một Mẹ Têrêxa thành Calcutta cũng đã hiển sáng khi làm tỏa rạng tình thương của Thiên Chúa trên những mảnh đời bất hạnh, nghèo hèn… Cuộc đời các thánh nhân được dệt xây trên nền tảng của việc gắn bó với Thiên Chúa bằng sự cầu nguyện chuyên chăm sâu lắng. Dù không có chút quyền lực gì đáng kể trước mặt người đời và có khi cả trong Giáo hội, thế nhưng các nữ tu con cái mẹ Têrêxa thành Calcutta nhờ khởi đầu một ngày sống bằng việc kết hiệp với Thiên Chúa cả giờ đồng hồ, rồi sau đó thi hành sứ mạng và họ rực sáng ngay trong tấm tu phục Sari đơn sơ, bình thường.
Với người đời thì vinh quang thường đi với quyền lực hay với sự thành công hiển hách. Vinh quang ở đây nhiều khi thực ra chỉ là vẻ hào nhoáng nhất thời, chóng qua. Vinh quang thật là ở nơi những con người biết sống có ý nghĩa. Họ không chỉ cảm nhận mà còn biết nỗ lực thực thi sứ mạng của mình khi được hiện hữu trong cõi dương trần này. Với Kitô hữu, để có thể xác tín về căn tính và sứ mạng của mình thì điều tất yếu là cần phải “lên núi cao”, nghĩa là phải biết kết hiệp với Đấng cho mình làm người bằng sự cầu nguyện sâu lắng, chuyên chăm.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
NHỜ TRỜI ĐỔI ĐỜI NGỜI SÁNG
1. Tin Chúa Trời. Để đổi đời trước hết phải có niềm tin mãnh liệt Chúa sẽ làm cho đời mình tốt đẹp lên như ông Ápram tin Chúa đổi đời ông. Hơn nữa, hãy xác tín rằng, Chúa còn biến đổi đời mình hưởng vinh quang sự sống đời sau. Chúa là Đấng làm thay đổi đời mỗi người.
2. Nhìn lên Trời. Bước nền tảng để đổi đời là thay đổi tầm nhìn. Hãy nhìn không chỉ với tầm nhìn toàn cầu, mà còn là tầm nhìn lên tận trời cao. Đừng chỉ nhìn những sự vật chất thế gian, mà hãy mở rộng tầm mắt nhìn quê hương trên trời. Nơi ấy, có “Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi”. Tầm nhìn xa trông rộng ấy giúp đổi đời. Chúa Giêsu đã lên núi gần trời và đổi đời.
3. Vâng lời Chúa. Để đổi đời cần dấn thân thực hiện những lời chỉ dạy khôn ngoan của những nhà thông thái. Đấy là lý do tại sao có tiếng từ trời phán bảo các môn đệ hãy “vâng nghe lời Chúa Giêsu”, làm theo lời Chúa.
Chúa biến đổi rạng ngời và Chúa đổi đời các môn đệ. Thế nên, Mùa Chay là mùa đổi đời, mùa làm đẹp cuộc đời rạng ngời ánh sáng Chúa. Cần nhớ rằng: Đổi đời luôn là tiến trình vượt qua đau đớn đến đẹp đẽ, vượt qua vất vả đến vinh quang như câu thành ngữ “không có gian lao không sao thắng lợi - no pain, no gain.” Đấy là lý do tại sao Mùa Chay lại là mùa của những chiến đấu hy sinh hãm mình để hưởng vinh quang phục sinh. Amen.
ĐƯỢC GỌI ĐỂ NÊN TRỌN LÀNH
“Các con hãy nên trọn lành, như Cha các con trên trời là Ðấng trọn lành!”.
Lincoln Steffens viết, “Không có gì hoàn hảo trên thế giới này! Bức tranh tuyệt vời nhất chưa được vẽ; vở kịch hay nhất chưa được viết; bài thơ vĩ đại nhất chưa được cất lên. Không có gì hoàn hảo, không có con người nào hoàn hảo! Thiên Chúa ra lệnh cho con người hoàn thiện, và nó làm cách chậm chạp và sai lầm những gì Ngài có thể làm hoàn hảo trong chớp mắt lấp lánh! Vậy mà nó phải hoàn thành tất cả; ngay cả bản thân nó, nó ‘được gọi để nên trọn lành!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Qua sách Đệ Nhị Luật, Môisen mời gọi con cái Israel bước đi trong đường lối Chúa, tuân giữ mọi huấn thị của Ngài; ông nói, “Để ngươi trở thành dân thánh của Chúa”. Rõ ràng, Israel được gọi để nên một dân thánh, một dân ‘được gọi để nên trọn lành’. Thánh Vịnh đáp ca nói lên niềm vui của người thi hành luật Chúa, “Hạnh phúc thay người noi theo luật pháp Chúa Trời!”.
Trọn lành là ơn gọi của những ai theo Chúa, không hơn không kém! Nhắm đến một điều gì đó ít hơn, bạn sẽ ít nguy hiểm và có thể thực sự đạt được nó. Rồi sao? Nếu chỉ nhắm đến mức ‘khá tốt’, bạn có thể thực sự trở thành ‘khá tốt’; nhưng ‘khá tốt’ vẫn ‘chưa đủ tốt’ theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu muốn những ai theo Ngài phải thực sự tốt, thực sự trọn lành! Đây là một lời mời gọi ở cấp độ cao, ‘được gọi để nên trọn lành!’. Trọn lành có nghĩa là mỗi người đang cố gắng sống từng giây từng phút trong ân sủng Chúa. Tất cả chỉ có thế! ‘Ở đây và lúc này’, được đắm mình trong ân sủng! Chưa có ngày mai, và ngày hôm qua đã vĩnh viễn ra đi; tất cả những gì chúng ta có, là khoảnh khắc hiện tại duy nhất này, đó là khoảnh khắc mà mỗi người ‘được gọi để nên trọn lành’.
Nói đến trọn lành, chúng ta hay nghĩ đến những gì thuộc về các thánh vĩ đại xa xưa; thế nhưng, bên cạnh các thánh chúng ta đọc biết đâu đó, hàng ngàn vị thánh khác chưa từng được ghi lại trong lịch sử, và nhiều vị thánh tương lai khác đang sống khắp nơi trên thế giới. Hãy tưởng tượng, ngày kia trên trời, chúng ta vui mừng gặp lại những vị thánh cao cả chúng ta từng biết; và ngạc nhiên biết bao khi nhìn thấy vô vàn khuôn mặt thánh thiện lạ lẫm mà chúng ta mới biết lần đầu. Đó là những thiện nam tín nữ thuộc mọi đấng bậc, đã tìm được cho mình con đường hạnh phúc thực sự. Họ là những con người khám phá ra rằng, họ ‘được gọi để nên trọn lành’.
Anh Chị em,
“Các con hãy nên trọn lành!”. Qua thời gian, chúng ta sẽ cảm nghiệm rằng, càng sống từng giây, từng phút trong ân sủng Chúa và càng cố gắng đầu phục từng phút, từng giây theo ý muốn Ngài, chúng ta càng trở nên mạnh mẽ và thánh thiện hơn. Chúng ta xây dựng dần dần những thói quen giúp cho mọi khoảnh khắc trở nên dễ dàng hơn cho mục tiêu của mình; và theo thời gian, những thói quen được hình thành sẽ làm cho mỗi người trở nên những con người mà chúng ta phải trở thành. “Như Cha các con trên trời là Ðấng trọn lành!”, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy lấy Thiên Chúa làm chuẩn mực và thước đo cho tất cả sự cố gắng vươn lên của mình. Thiên Chúa không nhìn vào kết quả, Ngài chỉ nhìn vào nỗ lực của mỗi người khi họ vượt lên chính mình từng ngày để nên giống Chúa Giêsu. Và đó là nên thánh!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con ‘được gọi để nên trọn lành’, xin cho con cam kết sống từng giây phút trong sự thánh thiện; hãy giúp con sống ‘ở đây, lúc này’ cho Chúa, với Chúa và trong Chúa”, Amen.
(Tgp. Huế)
Một vị Hồng Y của Vatican đã nói rằng ngài sẽ đi xa nhất có thể ở Ukraine để bày tỏ tình đoàn kết của Đức Thánh Cha Phanxicô với người dân đang đau khổ.
Đức Hồng Y Konrad Krajewski, quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng, cho biết ngài dự định đến đất nước bị chiến tranh tàn phá qua Ba Lan theo lệnh của Đức Giáo Hoàng.
Phát biểu tại Ba Lan vào ngày 7 tháng 3, ngài nói: “Tôi mang đến cho anh chị em lời chào và lời chúc phúc từ Đức Thánh Cha Phanxicô. Đức Giáo Hoàng đang cầu nguyện vì rất nhiều người đang phải nghiệm hoàn cảnh chiến tranh. Hôm nay, anh chị em phải suy nghĩ với Tin Mừng chứ không phải với thế giới. Từ Lublin, tôi sẽ đến Ukraine, xa đến mức có thể”.
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 6 tháng Ba, Đức Thánh Cha nói: “Trong những ngày này, hai vị Hồng Y đã đến Ukraine, để phục vụ người dân, để giúp đỡ. Đức Hồng Y Krajewski, quan phát chẩn, để cung cấp viện trợ cho những người khó khăn, và Đức Hồng Y Czerny, Tổng trưởng lâm thời của Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện. Sự hiện diện của hai vị Hồng Y ở đó không chỉ có sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng mà của tất cả những Kitô Hữu muốn xích lại gần nhau hơn và nói rằng: “Chiến tranh là sự điên rồ! Làm ơn dừng lại! Hãy nhìn sự tàn nhẫn này!”
Trong một tuyên bố ngày 7 tháng 3, văn phòng báo chí của Tòa Thánh đã mô tả quyết định của Đức Thánh Cha trong việc cử các Hồng Y là “một cử chỉ phi thường”.
“Đức Hồng Y Krajewski đang trên đường tới biên giới Ba Lan / Ukraine, nơi ngài sẽ đến thăm những người tị nạn và tình nguyện viên tại các nơi trú ẩn và gia đình”.
“Đức Hồng Y Czerny sẽ đến Hung Gia Lợi vào ngày thứ Ba 8 tháng 3 để thăm một số trung tâm tiếp nhận người di cư đến từ Ukraine.”
“Cả hai vị đều hướng đến Ukraine và tùy thuộc vào tình hình mà các ngài có ý định đến đất nước này trong những ngày tới”.
Sứ thần Tòa thánh tại Ba Lan cho biết Đức Hồng Y Krajewski đã đến Ba Lan vào ngày 6 tháng 3 và sẽ dành những ngày tới để thăm các trung tâm tị nạn tại biên giới Ba Lan-Ukraine và bên trong Ukraine.
“Chuyến thăm của ngài thể hiện một cách đặc biệt sự quan tâm và gần gũi của Đức Thánh Cha Phanxicô” Hội Đồng Giám Mục Ba Lan cho biết trong một tuyên bố ngày 7 tháng Ba.
Đến thăm Lublin, một thành phố của Ba Lan cách Ukraine 60 dặm, Đức Hồng Y Krajewski đã tham gia một hội nghị trực tuyến và cầu nguyện với các tình nguyện viên của tổ chức bác ái Caritas, cũng như các nhân viên phụ trách của tổng giáo phận Lublin.
Văn phòng báo chí của Tòa thánh cho biết qua việc cử hai vị Hồng Y đến Ukraine, Đức Giáo Hoàng cũng muốn “kêu gọi sự chú ý đến nhiều tình huống tương tự trên khắp thế giới,” bao gồm cả ở Yemen, Syria và Ethiopia.
Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, nói thêm rằng Đức Hồng Y Czerny, một tu sĩ Dòng Tên gốc Tiệp Khắc, 75 tuổi, sẽ “nêu lên mối lo ngại rằng các cư dân Phi Châu và Á Châu ở Ukraine, cũng đang phải chịu đựng nỗi sợ hãi và di dời, được phép tìm kiếm nơi ẩn náu mà không bị phân biệt đối xử.”
Báo cáo cho biết: “Cũng có những báo cáo đáng lo ngại về các hoạt động buôn người và buôn lậu người di cư ở biên giới và các nước láng giềng ngày càng gia tăng.
“Vì hầu hết những người lánh nạn là các tín hữu, ngài khẳng định rằng sự trợ giúp tôn giáo nên được cung cấp cho tất cả mọi người, với sự nhạy cảm liên quan đến những khác biệt về đại kết và giữa các tôn giáo.”
“Cuối cùng, trong suốt những nỗ lực đáng khen ngợi khi đưa ra các phản ứng nhân đạo và tổ chức các hành lang nhân đạo, rất cần sự phối hợp, tổ chức tốt và chiến lược chia sẻ, để chia sẻ những đau khổ của mọi người và cứu trợ hiệu quả”.
Source:Catholic News Agency
Một nhà sử học nghệ thuật nói: Khi chiến tranh hoành hành ở Ukraine và đại dịch kéo dài, bức tượng Pietà nổi tiếng của Michelangelo đặt ở Vatican - và hai bức tượng khác ít được biết đến hơn mà ông cũng tạc - có thể có ý nghĩa sâu sắc đối với một thế giới đau thương.
Tác phẩm Pietà của Michelangelo Buonarotti mô tả Đức Trinh Nữ Maria lớn hơn cả người thật khi Đức Mẹ thương tiếc Con của Mẹ, Chúa Giêsu, đang nằm mềm nhũn trong lòng Mẹ. Kiệt tác được chạm khắc trên đá cẩm thạch Carrara, được hoàn thành trước sinh nhật lần thứ 25 của người nghệ sĩ người Ý.
Trong hơn 60 năm, Michelangelo đã tạo ra thêm hai tác phẩm điêu khắc về cùng một chủ đề - và một cuộc triển lãm mới tại thành phố Florence của Ý lần đầu tiên mang ba tác phẩm này lại với nhau.
Ba bức tượng Pietà của Michelangelo được triển lãm tại Museo dell'Opera del Duomo ở Florence, Ý.
Triển lãm được mở tại Museo dell'Opera del Duomo vào ngày 24 tháng 2, và bao gồm Florentine Pietà, còn được gọi là Deposition, mà Michelangelo đã làm việc từ năm 1547 đến năm 1555, và các bản sao chính xác của Vatican Pietà và Milan Pietà - không thể di chuyển khỏi vị trí của họ.
Đức Ông Timothy Verdon, giám đốc của Museo dell'Opera del Duomo, nói với CNA qua điện thoại rằng phòng trưng bày muốn làm điều gì đó để thể hiện tình đoàn kết với cuộc họp từ ngày 23 đến 27 tháng 2 giữa các thị trưởng và giám mục Công Giáo.
“Những hình ảnh đau khổ mà Pietà luôn ám chỉ, tôi nghĩ sẽ gây xúc động sâu sắc cho mọi người. Tôi nghĩ rằng du khách sẽ cảm động khi xem những tác phẩm này. Hình ảnh Pietà gợi lên nỗi đau khổ cá nhân của những người mẹ bồng con mà không biết con mình có sống được không.”
Cha Verdon 75 tuổi là một chuyên gia về lịch sử nghệ thuật và nghệ thuật thánh. Ngài sinh ra ở Hoboken, New Jersey, nhưng đã sống ở Ý hơn 50 năm.
“Rất nhiều vấn đề mà thế giới Địa Trung Hải phải đối mặt ngày nay là các hình thức đau khổ; và vì vậy chuỗi hình ảnh lý tưởng này về Thiên Chúa, Đấng trở thành con người, chấp nhận đau khổ, và Mẹ của Đấng đã nhận thân xác bị tra tấn của Ngài vào trong cánh tay Mẹ. Những điều này có ý nghĩa sâu sắc”.
“Tất cả những tình huống đau khổ và bị loại trừ của con người đều mời gọi một sự so sánh với sự đau khổ của Chúa Kitô, cái chết của Chúa Kitô. Và bức tượng này cô đọng và tập trung một phản ánh tôn giáo về điều đó.”
Các bức tượng Pietàs ít được biết đến hơn
Nhiều năm sau khi Michelangelo hoàn thành bức Pietà được trưng bày tại Đền Thờ Thánh Phêrô, ông bắt đầu bức Florentine Pietà của mình, trong đó mô tả ông Nicôđêmô, bà Maria Magdalena và Đức Trinh nữ Maria nhận xác Chúa Kitô được xuống từ cây Thánh giá.
Michelangelo 72 tuổi đã làm việc với tác phẩm điêu khắc trong tám năm trước khi hoàn thành vào năm 1555.
Sau đó, ông đã quay sang tạc bức tượng Rondanini Pietà, ở Milan, vào năm 1553. Michelangelo tiếp tục làm việc trên tác phẩm cho đến khi ông qua đời vào năm 1564 chỉ vài ngày.
Theo một thông cáo báo chí từ thành phố Florence, “gần cái chết của chính mình, Michelangelo đã suy gẫm sâu sắc về cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô”.
Người ta biết điều này một cách rõ ràng là vì không lâu trước khi ông qua đời, Michelangelo đã tặng bức vẽ Pietà cho Vittoria Colonna, Hầu tước xứ Pescara, trên đó ông viết: “Họ không nghĩ giá máu là bao nhiêu”.
Lời thoại, từ Canto 29 của Paradiso, một trong những cuốn sách của “Divine Comedy” của Dante, cũng là phụ đề của triển lãm Florence.
Cha Verdon giải thích: Việc kết hợp ba bức tượng Pietà lại với nhau thành một cuộc triển lãm giúp người xem có cơ hội thấy “toàn bộ sự phản ánh của Michelangelo về chủ đề này trong suốt 60 năm”
Không chỉ sự phát triển về phong cách của nghệ sĩ thời Phục hưng được trưng bày mà còn là sự phát triển tinh thần của anh ta.
Verdon nói: “Chúng ta biết rằng Michelangelo là một tín hữu sùng đạo. Cách giải thích của ông về các chủ đề tôn giáo, ngay cả khi còn trẻ, đặc biệt nhạy cảm và được hình thành rất tốt.”
Theo vị linh mục, Michelangelo dường như đã có một loạt các ảnh hưởng thần học.
Source:Catholic News Agency
Rome 10/3/2022.- Sau gần 500 năm, thánh lễ Công Giáo đầu tiên đã lại được cử hành tại một nhà thờ lớn ở Geneva, Thụy Sĩ, gọi là nhà thờ Thánh Phêrô vào tuần trước Chúa nhật đầu tiên của Mùa Chay.
Thánh lễ cuối cùng được cử hành tại Nhà thờ này vào năm 1535. Sau Cải cách (reformation), nhà thờ được Giáo Hội Tin lành Cải cách của John Calvin tiếp quản. Nhóm cải cách đã phá hủy các bức tượng và tranh vẽ của nhà thờ, đồng thời cấm người Công Giáo không được cử hành các nghi thức phụng vụ tại đây.
Thánh lễ theo nghi lễ Công Giáo đã diễn ra vào ngày 5 tháng 3 năm 2022 sau khi đã bị hoãn lại hai năm vì đại dịch COVID-19. Khoảng 1.500 người đã tham dự thánh lễ, chủ tế chính là Đức Cha Pascal Desthieux, giám mục phó giáo phận Geneva.
Trong buổi phụng vụ, Daniel Pilly, một đại diện của cộng đồng Tin lành, đã yêu cầu mọi người tha thứ cho những hành động lịch sử chống lại sự thống nhất Cơ đốc giáo.
Đức Cha Desthieux nói rằng những người Công Giáo ở Geneva đã cảm động trước lời mời của cộng đồng Tin lành đến cử hành Thánh lễ tại Nhà thờ Thánh Phêrô và cũng xin được tha thứ vì “lỗi chống lại sự đoàn kết”: hành động chế nhạo, biếm họa hoặc thách thức cộng đồng Cải cách. ĐGM Desthieux cũng nhấn mạnh ước mong muốn “làm giàu cho nhau bằng sự khác biệt của chúng ta”.
ĐGM chào mừng các cặp vợ chồng từ các cuộc hôn nhân hỗn hợp tôn giáo "những người sống đại kết theo cách thân mật nhất." Ngài đề cập đến sự cám dỗ của Satan với Chúa Giê-su trong sa mạc, Ngài kêu gọi những người có mặt “chống lại các thế lực gây chia rẽ trong cuộc sống giữa chúng ta là những Kitô hữu.”
Sau cuộc Cải cách, nhà thờ đã trở thành một địa điểm “biểu tượng của cuộc cải cách theo chủ nghĩa Calvin,” Ngài nói.
John Calvin, người Pháp sống ở Geneva sáng lập nhánh đạo Tin lành được gọi là đạo Calvin và thành phố này là điểm đến cho những người Pháp theo đạo Tin lành buộc phải chạy trốn do bị đàn áp. Saint-Pierre de Genève là nhà thờ quê hương của Calvin và ghế của ông được trưng bày bên cạnh bục giảng của nhà thờ.
Giáo phận Geneva cuối cùng được nhập vào giáo phận Lausanne, Geneva, và Fribourg. Ngày nay, chỉ dưới 40% dân số Thụy Sĩ theo đạo Công Giáo.
ĐGM thừa nhận rằng Thánh lễ Công Giáo được cử hành lại tại nhà thờ này là một lý do để vui mừng, ĐGM cũng chống lại “chủ nghĩa chiến thắng” cho rằng người Công Giáo đang tìm cách “tiếp quản” tòa nhà.
ĐGM ngỏ lời với anh chị em Tin Lành: “Với những anh chị em theo đạo Tin lành của chúng tôi, những người chào đón chúng tôi trong nhà thờ lớn của họ, chúng tôi chỉ muốn thực hiện một cử chỉ đại kết mạnh mẽ, một dấu hiệu cho thấy tất cả chúng ta đang sống cùng nhau ở Geneva,” Ngài nói thêm rằng Thánh lễ là một “cử chỉ của lòng hiếu khách” trong cộng đồng Cơ đốc của thành phố.
Nguyễn Long Thao
Theo bản tin của hãng CNA ngày 10 tháng 3 năm 2022, Các giám mục Công Giáo Bắc Âu đã công bố một bức thư ngỏ vào hôm thứ Tư bày tỏ sự báo động trước đường hướng của “Con Đường Thượng hội đồng” Đức.
Thực vậy, CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, báo cáo, trong lá thư ngày 9 tháng 3, các giám mục Công Giáo Bắc Âu cảnh báo chống lại việc “đầu hàng nền văn hóa đương thịnh” và “làm nghèo nàn nội dung đức tin của chúng ta”.
Trong khi thừa nhận những thách thức mà Giáo Hội Công Giáo ở Đức đang đối diện, họ nói rằng “hướng đi, phương pháp và nội dung của Con đường Thượng hội đồng của Giáo hội ở Đức khiến chúng tôi lo lắng”.
Con Đường Thượng hội đồng là một quá trình kéo dài nhiều năm giải quyết cách thức thực thi quyền lực trong Giáo hội, đạo đức tình dục, chức tư tế và vai trò của phụ nữ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tàn khốc ở Đức.
Các giám mục Bắc Âu đã công bố bức thư của họ sau khi những người tham gia Con đường Thượng hội đồng bỏ phiếu ủng hộ các bản văn dự thảo kêu gọi xóa bỏ chế độ độc thân của các linh mục trong Giáo hội Latinh, phong chức linh mục cho phụ nữ, chúc phúc cho các cặp đồng tính và thay đổi giáo huấn Công Giáo về đồng tính luyến ái.
Các giám mục Bắc Âu viết, “Trên khắp thế giới, một số người Công Giáo đặt câu hỏi về lối sống và sự đào tạo của các linh mục, vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, một loạt các quan điểm về tình dục con người, v.v.”.
“Trong việc tìm kiếm hợp pháp các câu trả lời cho các vấn đề của thời đại chúng ta, chúng ta dù sao cũng phải tôn trọng các ranh giới được đặt ra bởi các chủ đề đại diện cho các khía cạnh không thể thay đổi của giáo huấn Giáo hội”.
“Đã từng có trường hợp các cải cách thực sự trong Giáo hội được khởi sự từ giáo huấn Công Giáo dựa trên Mặc khải thần linh và Truyền thống đích thực, để bảo vệ nó, trình bầy nó và diễn dịch nó một cách đáng tin cậy thành sự sống sống động - chứ không phải từ sự đầu hàng đối với nền văn hóa đương thịnh. Nền văn hóa đương thịnh hay thay đổi xiết bao, một điều mà chúng ta có thể xác minh hàng ngày".
Hội đồng Giám mục của các nước Bắc Âu quy tụ các giám mục Công Giáo của Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và Iceland.
Bức thư ngỏ gửi tới chủ tịch hội đồng giám mục Đức, Đức cha Georg Bätzing, đã được ký bởi các nhà lãnh đạo Giáo hội bao gồm Hồng Y Anders Arborelius của Stockholm, Giám mục Erik Varden của Trondheim, Giám mục David Tencer của Reykjavik, và chủ tịch hội đồng giám mục Bắc Âu, Giám mục Czesław Kozon của Copenhagen.
Nữ tu Anna Mirijam Kaschner, tổng thư ký của hội đồng, cũng đã ký vào bức thư ngỏ. Nữ tu sĩ người Đức này là một thành viên của Dòng Truyền giáo Máu Quý giá.
Sự can thiệp của các giám mục Bắc Âu tiếp theo sau khi chủ tịch hội đồng giám mục Ba Lan công bố một lá thư vào tháng trước bày tỏ “mối quan tâm huynh đệ” đối với “Con Đường Thượng hội đồng”.
Trong bức thư gần 3,000 chữ gửi cho Giám mục Bätzing, Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki đã đặt câu hỏi liệu sáng kiến này có bắt nguồn từ Tin Mừng hay không.
Trong bức thư dài khoảng 1,000 từ của mình, các giám mục Bắc Âu viết: “Diễn trình thượng hội đồng hoàn cầu đã khơi dậy những kỳ vọng lớn lao. Tất cả chúng ta đều hy vọng vào sự hồi sinh của đời sống Công Giáo và sứ mệnh của Giáo hội. Tuy nhiên, có một nguy cơ là chúng ta, trong chừng mực chúng ta luôn bị khép kín trong các mô hình của diễn trình suy nghĩ và thay đổi cấu trúc, kết cục lại quan niệm Giáo hội như một dự án, một đối tượng của cơ quan chúng ta”.
Họ cho rằng hình ảnh Giáo hội với tư cách là dân Chúa đang trên đường lữ hành cần được bổ sung bằng những hình ảnh khác được rút ra từ truyền thống Công Giáo, đặc biệt là Giáo hội như là “một mầu nhiệm hiệp thông”.
Họ viết: “Chúng tôi nhận thấy rằng những người Công Giáo cấu thành và gánh vác sự sống của các giáo xứ và cộng đồng của chúng ta, cảm nhận mầu nhiệm bí tích này một cách theo bản năng nhưng không nhất thiết là những người có khuynh hướng điền vào bảng câu hỏi hoặc tham gia vào các cuộc thảo luận nhóm”.
“Chúng ta đừng quên, trong bối cảnh của diễn trình thượng hội đồng, cũng phải chú ý lắng nghe chứng tá của họ.”
Họ viết tiếp: “Ngay bây giờ, khi châu Âu, bị chia rẽ sâu xa, đang đe dọa nổ bùng, chúng tôi chắc chắn rằng: chúng ta cần một tiêu chuẩn cao hơn về hợp nhất. Chỉ một mình Chúa Kitô mới là niềm hy vọng của chúng ta!”
“Nhân danh Người, Giáo hội được kêu gọi trở thành ‘hạt giống bền vững và chắc chắn của sự hợp nhất, hy vọng và sự cứu rỗi cho toàn thể nhân loại’ (Lumen gentium, 9).”
“Chỉ khi nào đời sống ad intra [bên trong] của Giáo hội được bắt nguồn từ Chúa Kitô, chỉ khi nào chúng ta sống trọn vẹn sự mặc khải của Người, thì chúng ta mới cân xứng với ơn gọi này. Chúng ta khó có thể mong đợi một sự viên mãn mới mẻ của sinh lực Công Giáo phát sinh từ việc làm nghèo đi nội dung đức tin của chúng ta”.
Trong gần 100 năm qua, các Đức Giáo Hoàng đã dành thời gian cho một khóa tĩnh tâm hàng năm kéo dài gần một tuần. Đầu tiên là đầu Mùa Vọng, sau này được đổi lại là vào đầu Mùa Chay. Khoá tĩnh tâm này chỉ dành cho Đức Thánh Cha và các nhà lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh.
Bên cạnh đó, mỗi thứ Sáu hàng tuần trong Mùa Vọng và Mùa Chay còn có một sinh hoạt khác có nhiều người tham dự hơn là nghe giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng trình bày các bài suy niệm. Những người được mời tham dự là các Hồng Y, các giám mục, thành viên của Giáo triều Rôma, của Phủ Giáo hoàng, của giáo phận Rôma, Bề trên Tổng quyền của các Dòng tu.
Các bài thuyết giảng Mùa Chay năm 2022, do Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa OFM, giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng trình bày, tập trung vào Bí tích Thánh Thể trong lịch sử cứu độ, nêu bật tầm quan trọng của công việc của Chúa Thánh Thần trong Phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể.
Lúc 9g sáng ngày thứ Sáu 11 tháng Ba, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, đã có bài thuyết giảng đầu tiên cho Mùa Chay năm 2022 tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục ở Vatican. Chủ đề của bài giảng này là “Phụng vụ Lời Chúa”.
Nguyên bản tiếng Ý và các ngôn ngữ khac có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Bên cạnh rất nhiều tai ương mà đại dịch Covid đang gây ra cho nhân loại, từ quan điểm của đức tin đã có ít nhất một tác động tích cực. Đại dịch làm cho chúng ta ý thức được nhu cầu của chúng ta đối với Bí tích Thánh Thể và sự trống rỗng mà sự thiếu vắng Bí tích Thánh Thể tạo ra; đại dịch đã giúp chúng ta không coi Bí Tích Thánh Thể là điều hiển nhiên. Trong thời kỳ khốc liệt nhất của đại dịch vào năm 2020, tôi đã có ấn tượng mạnh mẽ - và cùng với tôi, tôi nghĩ nhiều người khác cũng nghĩ như thế khi xem trên truyền hình Thánh lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành ở Santa Marta mỗi sáng.
Một số Giáo Hội địa phương và quốc gia đã quyết định dành năm hiện tại cho một bài giáo lý đặc biệt về Bí tích Thánh Thể, vì mong muốn có một sự phục hưng về Bí tích Thánh Thể trong Giáo Hội Công Giáo. Đối với tôi, đó dường như là một quyết định đúng lúc và là một tấm gương để noi theo, khi đề cập đến một số khía cạnh có lẽ ít được xem xét về Bí Tích Thánh Thể. Do đó, tôi đã nghĩ đến việc đóng góp một phần nhỏ vào dự án này, dành những suy tư của Mùa Chay này để suy tư về mầu nhiệm Thánh Thể.
Bí tích Thánh Thể là trung tâm điểm của mọi mùa Phụng vụ, Mùa Chay cũng như các mùa khác. Đó là những gì chúng ta cử hành mỗi ngày. Mỗi tiến bộ nhỏ trong sự hiểu biết về Bí tích Thánh Thể đều chuyển thành sự tiến bộ trong đời sống thiêng liêng của cá nhân và của cộng đồng Giáo Hội. Tuy nhiên, thật không may, điều dễ thấy nhất, là do tính lặp đi lặp lại của nó, theo quán tính, Bí tích Thánh Thể được coi là điều đương nhiên. Trong Thông điệp “Ecclesia de Eucharistia” – “Giáo Hội từ Thánh Thể”, được viết vào tháng 4 năm 2003, Thánh Gioan Phaolô II nói rằng các Kitô hữu phải khám phá lại và luôn sống “sự ngạc nhiên của Thánh Thể”. Vì mục đích này, những suy tư của chúng ta sẽ nhắm đến việc tái khám phá sự kinh ngạc đối với Bí tích Thánh Thể.
Nói về Bí tích Thánh Thể trong thời đại đại dịch và bây giờ với sự khủng khiếp của chiến tranh đang hiện lên trước mắt chúng ta không có nghĩa là ngoảnh mặt khỏi thực tế đầy bi thảm mà chúng ta đang trải qua, nhưng là một sự trợ giúp để nhìn thực tại từ một quan điểm cao hơn và ít chao đảo hơn. Bí tích Thánh Thể là sự hiện diện trong lịch sử của sự kiện đã vĩnh viễn đảo ngược vai trò giữa kẻ chiến thắng và nạn nhân. Trên thập tự giá, Chúa Kitô đã biến nạn nhân thành người chiến thắng thực sự: “Victor quia victima”, Thánh Augustinô định nghĩa Người là Đấng chiến thắng vì là nạn nhân. Bí tích Thánh Thể cung cấp cho chúng ta chìa khóa đích thực để giải thích lịch sử. Nó bảo đảm với chúng ta rằng Chúa Giêsu ở với chúng ta, không chỉ về mặt ý định mà thôi, nhưng là “thực sự” trong cái thế giới dường như có thể tuột khỏi tay chúng ta bất cứ lúc nào. Ngài lặp lại với chúng ta: “Hãy can đảm: Thầy đã thắng thế gian!” (Ga 16:33).
Bí tích Thánh Thể trong Lịch sử Cứu độ
Bí tích Thánh Thể có vị trí nào trong lịch sử cứu độ? Câu trả lời là nó không có vị trí cụ thể nào – vì nó là toàn bộ. Bí tích Thánh Thể đồng hành với lịch sử cứu độ. Cũng như vào một buổi sáng trong lành, cả bầu trời được phản chiếu trong giọt sương trên bụi cây, Bí tích Thánh Thể phản ánh toàn bộ lịch sử cứu độ.
Tuy nhiên, Thánh Thể hiện diện trong lịch sử cứu độ theo ba cách khác nhau vào những thời điểm hoặc giai đoạn khác nhau: nó hiện diện trong Cựu Ước như một hình tượng, trong Tân Ước như một sự kiện, và trong thời đại chúng ta, thời đại của Giáo hội, như một bí tích. Hình tượng dự đoán và chuẩn bị cho sự kiện; bí tích “kéo dài” sự kiện và hiện thực hóa nó.
Tôi đã nói trong Cựu Ước, Thánh Thể hiện diện như một “hình tượng”. Một trong những hình tượng này là Manna; một hình tượng khác là sự hy sinh của Menkisêđê, và một hình tượng khác nữa là việc sát tế Isaác. Trong Bài Thánh Ca Lauda Sion do Thánh Thomas Aquinas sáng tác cho ngày lễ “Corpus Domini” – “Mình Máu Thánh Chúa”, chúng ta hát:
Thể hiện nơi sự sát tế Isaac,
Trong tiến trình chuẩn bị manna:
Trong của lễ hiến tế Vượt qua,
Trong các hình thái cũ được tiền định.
Do chức năng của chúng như những hình tượng của Bí tích Thánh Thể mà Thánh Tôma đã gọi các nghi lễ của Cựu Ước là “các bí tích của Lề Luật Cũ”.
Với sự xuất hiện của Chúa Kitô và mầu nhiệm sự chết và sống lại của Người, Bí tích Thánh Thể không còn hiện diện như một hình ảnh, mà là một sự kiện, một thực tại. Chúng ta gọi nó là một “sự kiện” bởi vì nó là một điều gì đó đã xảy ra trong lịch sử, một biến cố duy nhất trong thời gian và không gian, chỉ diễn ra một lần (semel) và không thể lặp lại: Chúa Kitô “khi đến thời viên mãn, đã xuất hiện chỉ một lần, để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình.” (Dt 9:26).
Cuối cùng, trong thời Giáo hội, tôi đã nói, Thánh Thể hiện diện như một bí tích, nghĩa là, trong dấu chỉ bánh và rượu, do Chúa Kitô thiết lập. Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu rõ sự khác biệt giữa sự kiện và bí tích: trong thực tế, đó là sự khác biệt giữa lịch sử và Phụng vụ. Chúng ta hãy để Thánh Augustinô giúp chúng ta:
Chúng ta biết và tin tưởng với đức tin đầy xác tín rằng Chúa Kitô chỉ chết một lần cho chúng ta, Đấng công chính chết thay cho kẻ tội lỗi, Chúa chết thay cho người tôi tớ. Chúng ta hoàn toàn biết rằng điều này chỉ xảy ra một lần; tuy nhiên, Tiệc Thánh làm mới lại điều đó một cách định kỳ, như thể những gì lịch sử tuyên bố chỉ xảy ra một lần được lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, sự kiện và bí tích không mâu thuẫn với nhau, như thể bí tích là ngụy biện và chỉ có sự kiện là đúng. Trong thực tế, điều mà lịch sử tuyên bố đã xảy ra, chỉ một lần, thì bí tích này thường canh tân (cải tổ) việc cử hành trong tâm hồn các tín hữu. Lịch sử tiết lộ những gì đã từng xảy ra và nó đã xảy ra như thế nào, Phụng vụ bảo đảm rằng quá khứ không bị lãng quên; không phải theo nghĩa làm cho biến cố xảy ra một lần nữa (non faciendo), nhưng theo nghĩa tôn vinh biến cố ấy (sed celebrando).
Việc chỉ rõ mối liên hệ tồn tại giữa hy tế duy nhất trên thập tự giá và Thánh lễ là một điều rất tế nhị và luôn là một trong những điểm gây bất đồng lớn nhất giữa người Công Giáo và người Tin lành. Như chúng ta đã thấy, Thánh Augustinô sử dụng hai động từ: đổi mới và cử hành, điều này hoàn toàn chính xác, với điều kiện là động từ này được hiểu dưới ánh sáng của động từ kia: Thánh lễ đổi mới biến cố thập giá bằng cách cử hành nó (không lặp lại nó!), và kỷ niệm biến cố ấy bằng cách đổi mới nó (chứ không chỉ nhắc đến nó!). Từ ngữ mà ngày nay đạt được sự đồng thuận đại kết lớn nhất, có lẽ là động từ “rappresentare” - tái hiện (cũng được Đức Phaolô Đệ Lục dùng trong thông điệp Mysterium Fidei - Mầu Nhiệm Đức Tin), được hiểu theo nghĩa mạnh là tái trình bày, nghĩa là làm tái hiện lại. Theo nghĩa này, chúng ta nói rằng Thánh Thể “tái hiện” thập giá.
Do đó, theo lịch sử, chỉ có một hy tế Thánh Thể, là hy tế do Chúa Giêsu thực hiện cùng với sự sống và cái chết của Người; nhưng mặt khác, theo Phụng vụ, tức là nhờ Bí tích Thánh Thể mà có biết bao các hy tế Thánh Thể đã được cử hành và sẽ được cử hành cho đến ngày tận thế. Sự kiện chỉ diễn ra một lần (semel), bí tích diễn ra “mọi lúc” (quotiescumque). Nhờ bí tích Thánh Thể, chúng ta trở thành những người đương thời với sự kiện một cách mầu nhiệm; sự kiện hiện diện với chúng ta và chúng ta có mặt tại sự kiện.
Những suy tư Mùa Chay của chúng ta sẽ có đối tượng là Bí tích Thánh Thể trong giai đoạn hiện tại, nghĩa là, như một bí tích. Trong Giáo hội cổ đại, có một khóa giáo lý đặc biệt, được gọi là mystagogic - giáo lý về mầu nhiệm, do các giám mục đảm trách và được giảng dạy sau khi, chứ không phải trước khi được rửa tội. Mục đích của nó là trình bày cho người tân tòng hiểu được ý nghĩa của các nghi thức được cử hành và chiều sâu của các mầu nhiệm đức tin: rửa tội, thêm sức hay xức dầu, và đặc biệt là Bí tích Thánh Thể. Những gì chúng ta định làm là một bài giáo lý sư phạm nhỏ về Bí tích Thánh Thể. Để tập trung vào tính chất bí tích và nghi lễ càng nhiều càng tốt, chúng ta sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của Thánh lễ trong ba phần của nó - Phụng vụ Lời Chúa, Phụng vụ Thánh Thể (Kinh Nguyện Thánh Thể), và Rước lễ - thêm vào phần cuối suy niệm về việc thờ phượng Thánh Thể ngoài Thánh lễ.
Phụng vụ Lời Chúa
Trong những ngày đầu tiên của Giáo Hội, Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể không được cử hành ở cùng một nơi và cùng một lúc. Các môn đệ tham gia vào các buổi lễ thờ phượng tại Đền thờ. Tại đó, họ nghe các bài đọc trong Kinh Thánh và đọc các bài thánh vịnh và lời cầu nguyện cùng với những người Do Thái khác, sau đó họ đi về nhà của họ, nơi họ tụ họp để “bẻ bánh”, tức là để cử hành Thánh Thể (xin xem Công vụ 2:46).
Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau đó, họ không thể tiếp tục thực hành này vì họ đã trải qua sự thù địch từ cộng đồng Do Thái, và vì Kinh Thánh đã mang một ý nghĩa mới đối với họ hoàn toàn phù hợp với Chúa Giêsu Kitô. Do đó, họ không còn đến Đền thờ hay Hội đường để đọc và nghe Kinh Thánh nữa mà thay vào đó, họ đã đưa Kinh Thánh vào những nơi thờ phượng Kitô của riêng mình, và vì thế Phụng vụ Lời Chúa trở thành phần dẫn vào Kinh nguyện Thánh Thể.
Vào thế kỷ thứ hai, Thánh Giúttinô đã viết một bản mô tả về Phụng vụ Thánh Thể, trong đó chúng ta đã tìm thấy tất cả các yếu tố thiết yếu của Thánh lễ hiện nay. Phụng vụ Lời Chúa không chỉ là một phần tích hợp của Thánh lễ nhưng bên cạnh các bài đọc Cựu Ước, còn có những gì Thánh Giúttinô gọi là “hồi ký của các Tông đồ”, tức là các bức thư và Phúc âm của Tân Ước.
Khi chúng ta lắng nghe các bài đọc Kinh Thánh trong Phụng vụ, chúng mang một ý nghĩa mới và mạnh mẽ hơn những gì chúng mang lại cho chúng ta trong một số bối cảnh khác. Khi chúng ta đọc Kinh Thánh ở nhà hoặc học trong một khóa học, điều đó sẽ giúp chúng ta hiểu biết Kinh Thánh nhiều hơn. Nhưng khi chúng ta đọc Kinh Thánh trong Phụng vụ, thì điều đó giúp chúng ta biết rõ hơn về Đấng tự hiện diện trong việc bẻ bánh, và mỗi lần như thế nó làm sáng tỏ một số khía cạnh của mầu nhiệm chúng ta sắp lãnh nhận.
Đây là điều nổi bật trong phần Phụng vụ Lời Chúa đầu tiên diễn ra với Chúa Kitô Phục sinh và hai môn đệ trên đường Emmaus. Khi lắng nghe lời giải thích của Ngài về Kinh Thánh, lòng họ bắt đầu dịu lại để có thể nhận ra Ngài khi Ngài bẻ bánh sau đó.
Không chỉ những lời trong Kinh Thánh được nói ra và những câu chuyện Kinh Thánh được kể lại trong Thánh lễ, chúng còn được tái hiện lại theo cách mà những gì được ghi nhớ trở thành hiện thực và hiện hữu. Bất cứ điều gì đã xảy ra “tại thời điểm đó” đang xảy ra “tại thời điểm này” - “hôm nay” (hodie), như Phụng vụ thường nói. Chúng ta không chỉ là người nghe Lời Chúa, người tiếp nhận thụ động như bình thường, mà chính chúng ta là người được nói nói đến và hành động. Chúng ta được kêu gọi đặt mình vào vị trí của những người trong câu chuyện.
Một số ví dụ sẽ giúp chúng ta nắm bắt được điều này. Khi trong Thánh lễ, bài đọc thứ nhất cho chúng ta biết Thiên Chúa đã nói chuyện với Môsê như thế nào trong bụi cây đang cháy (x. Xh 3), chúng ta nhận ra rằng thực ra chúng ta là những người đang thực sự đứng trước bụi cây đang cháy thật. Khi chúng ta đọc về ngôn sứ Isaia, người đã chạm vào môi mình vào một viên than hồng đang cháy để thanh tẩy ông cho sứ mệnh của mình (xem Is 6), chúng ta chợt nhận ra một điều: chúng ta là những người sắp nhận được trên môi mình viên than hồng đang cháy thực sự, Đấng đến để đốt cháy trái đất (xem Lc 12,49). Khi chúng ta đọc cách tiên tri Êdêkien được bảo ăn cuộn giấy để cho vào bụng mình (Ez 2: 8–3: 3), một tia sáng ập đến với chúng ta: chúng ta là những người sắp ăn “cuộn giấy”, là Lời-hóa-thành-nhục-thể và bây giờ được hóa thành bánh.
Chuyển từ Cựu Ước sang Tân Ước, từ bài đọc thứ nhất đến đoạn Tin Mừng, điểm này càng trở nên rõ ràng hơn. Nếu người phụ nữ bị băng huyết chắc chắn rằng cô ấy sẽ được chữa lành chỉ cần cô ấy chạm vào vạt áo choàng của Chúa Giêsu, thì trường hợp của chúng ta là những người sắp được chạm nhiều hơn vào vạt áo choàng của Ngài thì chúng ta còn được nhiều hơn biết bao?
Tôi nhớ có lần tôi đã nghe câu chuyện Phúc âm về ông Giakêu và đột nhiên nó trở nên “có thật” đối với tôi. Tôi là Giakêu. Chúa Giêsu đã nói với tôi “Hôm nay Ta phải ở nhà của con”. Và khi tôi rước lễ, tôi có thể nói một cách chân thật rằng: “Người đã đến nhà kẻ tội lỗi”, và đến lượt Ngài, Chúa Giêsu nói với tôi: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến nhà này” (xem Lc 19: 5-9).
Điều này cũng đúng mỗi khi Tin Mừng được công bố trong Thánh lễ, làm sao chúng ta lại không thể không nhận diện được người bại liệt mà Chúa Giêsu đã nói: “Tội anh em được tha”, “Hãy trỗi dậy… và hãy về nhà” (Mc 2: 5,11)? Hay với ông Simêon, người đã ôm hài nhi Giêsu vào lòng (Lc 2:27-28)? Hay với ông Tôma, người run rẩy đưa tay chạm vào vết thương của Chúa (Ga 20,27-28)?
Trong Chúa Nhật thứ Hai Mùa Thường Niên của chu kỳ Phụng vụ năm nay, có đoạn Tin Mừng, trong đó Chúa Giêsu nói với người đàn ông bị liệt tay: “Hãy giơ tay ra! Anh duỗi nó ra và tay anh đã được chữa lành”(Mc 3,5). Chúng ta không có một bàn tay bị liệt; tuy nhiên, tất cả chúng ta, ít nhiều đều có tâm hồn tê liệt, trái tim khô héo. Chính là với chúng ta, những người nghe Lời Chúa, mà Chúa Giêsu nói vào lúc đó: “Hãy giơ tay ra! Hãy trải lòng mình ra trước mặt Thầy, với niềm tin và sự sẵn sàng của người đàn ông đó!”
Khi được công bố trong Phụng vụ, Kinh Thánh hành động theo cách vượt trên mọi sự giải thích của con người. Kinh Thánh phản ánh cách thức hoạt động của các bí tích. Những văn bản được thần thánh linh ứng này có khả năng chữa lành. Sau khi đọc xong đoạn Tin Mừng, Giáo hội mời thừa tác viên hôn cuốn sách và nói: “Nhờ những lời Phúc âm xin cho tội lỗi của chúng con được xóa sạch”. (Per evangelica dicta deleantur nostra Delicta).
Trong suốt chiều dài lịch sử của Giáo Hội, một số sự kiện tạo ra kỷ nguyên mới đã xảy ra do trực tiếp nghe các bài đọc trong Thánh lễ. Có một ngày, người trẻ nghe đoạn Tin Mừng trong đó Chúa Giêsu nói với người thanh niên giầu có “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” (Mt 19:21). Anh cảm thấy rằng lời này đang được nói với riêng mình đến nỗi anh về nhà, bán tất cả những gì mình có và rút vào sa mạc. Tên của người đàn ông đó là Anthony, và đó là cách mà phong trào viện tu bắt đầu trong Giáo hội.
Nhiều thế kỷ sau, ở Assisi, một thanh niên mới cải đạo đi cùng với bạn đến nhà thờ. Trong bài Tin Mừng cho ngày hôm đó, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo” (Lc 9: 3). Ngay lập tức anh ta quay sang người bạn đồng hành của mình và nói, “Bạn có nghe thấy điều đó không? Đây là điều mà Chúa muốn chúng ta làm”. Và do đó bắt đầu Phong trào Phan sinh.
Phụng vụ Lời Chúa là nguồn lực tốt nhất mà chúng ta có để làm cho Thánh lễ trở thành một cử hành mới và hấp dẫn mỗi khi xảy ra, nhờ đó tránh được nguy cơ lặp lại đơn điệu mà những người trẻ cảm thấy đặc biệt nhàm chán. Tuy nhiên, để điều này xảy ra, chúng ta phải đầu tư nhiều thời gian và sự cầu nguyện hơn trong việc chuẩn bị bài giảng. Các tín hữu sẽ có thể thấy lời Chúa giải quyết các tình huống thực tế của họ như thế nào và đưa ra câu trả lời cho những đòi hỏi hiện sinh của họ ra sao.
Có hai cách để chuẩn bị một bài giảng. Bạn có thể ngồi xuống và dựa vào kiến thức của bản thân và dựa trên sở thích cá nhân, bạn có thể chọn chủ đề và tạo ra các từ ngữ. Và sau đó, khi diễn từ của bạn đã được chuẩn bị xong, bạn có thể quỳ xuống và cầu xin Thiên Chúa ban quyền năng cho lời nói của bạn, thêm Thánh Linh của Ngài vào thông điệp của bạn. Đó là một phương pháp tốt, nhưng nó không phải là tiên tri. Để có tính tiên tri, bạn phải làm ngược lại. Đầu tiên, bạn hãy quỳ xuống và cầu xin Chúa ban cho lời mình muốn nói. Thiên Chúa có trong lòng Ngài những lời đặc biệt cho bất kỳ và cho mọi dịp, và Ngài không bao giờ từ chối tiết lộ những lời đó cho người thừa tác viên yêu cầu Ngài một cách khiêm nhường và bền đỗ. Ban đầu, không có gì khác hơn là một sự thay đổi trái tim gần như không thể nhận thấy: một chút ánh sáng lóe lên trong tâm trí bạn, một từ trong Kinh Thánh thu hút sự chú ý của bạn và làm sáng tỏ một tình huống. Nó có vẻ như chỉ là một hạt nhỏ, nhưng nó chứa tất cả những gì chúng ta cần.
Sau đó, bạn ngồi vào bàn, mở sách, xem ghi chép, thu thập suy nghĩ và tham khảo ý kiến của các Giáo phụ, các thầy dạy, các nhà thơ, nhưng giờ đây, lời Chúa không còn phục vụ cho việc học của bạn nữa, nhưng sự học hỏi của bạn là để phục vụ lời Chúa. Và chỉ khi đó, lời Chúa mới toát ra hết sức mạnh của nó.
Nhờ tác động của Chúa Thánh Thần
Nhưng phải nói thêm một điều: chỉ chú ý đến lời Chúa thôi thì chưa đủ. “Sức mạnh từ trên cao” phải đổ xuống. Trong Bí tích Thánh Thể, tác động của Chúa Thánh Thần không chỉ giới hạn trong giây phút truyền phép, mà còn là lời kinh được đọc trước đó. Sự hiện diện của Người cũng không thể thiếu đối với Phụng vụ Lời Chúa và, như chúng ta sẽ thấy, đối với phần rước lễ.
Trong Giáo Hội, Chúa Thánh Thần tiếp tục hành động của Đấng Phục Sinh, Đấng, sau Phục Sinh, đã “khai mở tâm trí các môn đệ để hiểu Thánh Kinh” (x. Lc 24,45). Hiến chế Dei Verbum - Lời Chúa - của Công đồng Vatican II cho biết: Kinh Thánh “phải được đọc và giải thích với sự trợ giúp của cùng một Thần Khí mà nhờ đó Kinh Thánh đã được viết ra” (DV, 12). Trong Phụng vụ Lời Chúa, tác động của Chúa Thánh Thần được thực hiện qua sự xức dầu thiêng liêng hiện diện nơi người nói và người nghe.
Thần Khí Chúa ngự trên tôi,
vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. (Lc 4:18)
Vì thế, Chúa Giêsu chỉ ra nơi mà lời được loan báo thu hút sức mạnh của nó. Sẽ là sai lầm nếu chỉ dựa vào bí tích xức dầu mà chúng ta đã lãnh nhận một lần và mãi mãi trong việc thụ phong linh mục hoặc giám mục. Điều này cho phép chúng ta thực hiện một số hành động thiêng liêng, chẳng hạn như quản lý, rao giảng và thực hiện các bí tích. Có thể nói, nó cho chúng ta thẩm quyền để làm những việc nhất định, không nhất thiết là quyền bính để làm những điều đó; nó bảo đảm cho sự kế vị của các Tông đồ, nhưng không nhất thiết là sự thành công của các Tông đồ!
Nhưng nếu sự xức dầu được ban bởi sự hiện diện của Thánh Linh và đó là ân sủng của Ngài, thì chúng ta có thể làm gì để có được điều đó? Trước hết, chúng ta phải bắt đầu từ xác tín này: “Chúng ta đã nhận được sự xức dầu từ Đấng Thánh”, Thánh Gioan bảo đảm với chúng ta (1 Ga 2:20). Đó là, nhờ phép rửa tội và thêm sức - và, đối với một số người, bí tích truyền chức linh mục hoặc giám mục - chúng ta đã có được sự xức dầu. Thật vậy, theo giáo lý Công Giáo, các bí tích ấy đã in sâu vào tâm hồn chúng ta một nét đặc trưng không thể xóa nhòa, giống như một dấu ấn hay một con dấu. Thánh Phaolô viết “Đấng củng cố chúng tôi cùng với anh em trong Đức Kitô và đã xức dầu cho chúng ta, Đấng ấy là Thiên Chúa. Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng.” (2Cr 1: 21-22).
Tuy nhiên, sự xức dầu này giống như một loại thuốc mỡ thơm được đựng trong một cái lọ: nó vẫn trơ ra và không tỏa ra bất kỳ mùi thơm nào nếu nó không bị vỡ và cái lọ chưa được mở. Đây là điều đã xảy ra với cái bình bạch ngọc đựng dầu thơm cam tùng do người phụ nữ trong Tin Mừng đập ra, làm hương thơm tràn ngập cả nhà (Mc 14: 3). Đây là phần việc của chúng ta về việc xức dầu. Phần việc của chúng ta không phải là tạo ra việc xức dầu, nhưng phần việc của chúng ta là loại bỏ các chướng ngại vật ngăn cản bức xạ của nó. Không khó đối với chúng ta để hiểu ý nghĩa của việc làm vỡ chiếc bình bạch ngọc. Cái bình là nhân tính của chúng ta, là bản ngã của chúng ta, đôi khi là chủ nghĩa duy trí khô cằn của chúng ta. Phá vỡ nó đồng nghĩa với việc đặt mình vào trạng thái đầu hàng Chúa và chống lại thế gian.
May mắn thay cho chúng ta, không phải mọi thứ đều phụ thuộc vào nỗ lực khổ hạnh. Trong trường hợp này, đức tin, lời cầu nguyện và sự van xin khiêm tốn có thể làm được nhiều điều. Vì vậy, hãy xin xức dầu trước khi bắt đầu rao giảng hoặc đưa ra các hành động quan trọng trong việc phụng sự Nước Trời. Khi chúng ta chuẩn bị cho việc đọc phúc âm và bài giảng, Phụng vụ khiến chúng ta cầu xin Chúa thanh tẩy tâm hồn và môi miệng của chúng ta để có thể công bố phúc âm một cách xứng đáng. Tại sao đôi khi không nói (hoặc ít nhất là tự suy nghĩ trong lòng): “Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin hãy xức dầu và tâm trí con để con có thể công bố lời Ngài bằng sự ngọt ngào và quyền năng của Thánh Linh”?
Việc xức dầu không chỉ cần thiết để người rao giảng loan báo Lời Chúa một cách hữu hiệu, mà còn cần người nghe hoan nghênh. Thánh sử Gioan đã viết cho cộng đoàn của mình: “Phần anh em, anh em nhận được dầu, do tự Đấng Thánh, và tất cả anh em đều được ơn hiểu biết... dầu mà anh em đã lãnh nhận từ Đức Kitô ở lại trong anh em, và anh em chẳng cần ai dạy dỗ nữa.”(1 Ga 2: 20,27).
Không phải bất kỳ khóa đào tạo nhân bản nào cũng là vô ích, nhưng vẫn chưa đủ “Chính người thầy dạy nội tâm là người thực sự hướng dẫn, chính Chúa Kitô và nguồn cảm hứng của Ngài là người hướng dẫn. Khi thiếu sự soi dẫn và sự xức dầu của Ngài, thì những lời nói bên ngoài chỉ gây ra tiếng động vô ích mà thôi”. Chúng ta hãy hy vọng rằng ngay cả ngày hôm nay chính Chúa Giêsu Kitô đã hướng dẫn chúng ta bằng nguồn cảm hứng nội tâm của Ngài và bài nói chuyện của tôi không phải là một “tiếng ồn vô ích”.
1.Thomas Aquinas, S.Th. III, q. 60, a.2,2
2.Augustine, Sermo 112 (PL 38,643)
3.Paul VI, Mysterium fidei (AAS 57, 1965, trang 753 ss).
4.Justin, Apologia, 67, 3-4.
Source:Cantalamessa
Hôm nay thật sự là một ngày hội đối với tất cả những ai yêu mến Cha Diệp tại Nam Úc, ngày giỗ lần thứ 76 Cha Trương Bửu Diệp. Ngày giỗ Cha 12.3 vào thứ Bảy mùa Chay, nên giáo xứ Ottoway có những phụng vụ đặc biệt riêng của giáo xứ. Do đó Hội Ái Mộ Cha Trương Bửu Diệp Nam Úc đã tổ chức thánh lễ giỗ kết hợp với Chầu Thánh Thể sớm hơn 2 ngày. Thánh lễ giỗ được cử hành vào lúc 6 giờ 30 chiều, thứ Năm, ngày 10/3/2022 tại thánh đường St Maximilian Kolbe, Gx. Ottoway, Nam Úc.
Từ xa, khi tiến về nhà thờ giáo xứ Ottoway, mọi người đã nhìn thấy tấm biểu ngữ dài, màu xanh dương đậm với dòng chữ trắng nổi bật “Thánh Lễ Đồng Tế và Chầu Thánh Thể - Giỗ Cha F.X Trương Bửu Diệp Lần Thứ 76” được treo trước nhà thờ như mời gọi, chào mừng mọi người đến tham dự thánh lễ.
Nhờ có thông báo trên Adelaide tuần báo trước 1 tuần về ngày giờ tổ chức lễ giỗ Cha Trương Bửu Diệp, vị mục tử nhân từ đã hiến mạng sống mình vì đoàn chiên nên có khá đông tín hữu và cả những người Việt không cùng tôn giáo, đã quy tụ về ngôi thánh đường quen thuộc này, tham dự thánh lễ trong một buổi tối mùa thu, thời tiết khá đẹp và mát mẻ. Thật là một cảm động gợi nhớ đến hình ảnh từng đoàn người nối đuôi nhau hướng về Tắc Sậy, mảnh đất Cha Diệp đã gắn bó, gần như trọn đời mục tử cho đến lúc hy sinh chết thay cho đoàn chiên của mình.
Sau phần giới thiệu ngắn gọn về ý lễ giỗ, đã nhắc nhở cộng đoàn tưởng nhớ đến Cha Diệp và hiệp ý tạ ơn, cầu nguyện cho tiến trình tuyên thánh cho Cha sớm có kết quả như lòng mong ước của GHVN
Bài ca nhập lễ của ca đoàn Trương Bửu Diệp vang vọng cất lên, cùng với tiếng chiêng trống điểm liên hồi, qua nghi thức rước tượng Cha Diệp. Đoàn rước di chuyển từ phía cuối nhà thờ tiến lên gian cung thánh vói thánh giá nến cao đi đầu, theo sao là 2 vị chấp kiệu trong trang phục truyền thống, áo dài khăn đóng màu đỏ. 4 anh phương tùy vận quân phục lính khố đỏ thời xưa khiêng kiệu và quý Cha đồng tế trong lễ phục màu tím, màu của mùa chay tịnh.
Khi tượng Cha Diệp đã được an vị trên bàn thờ cạnh gian cung thánh với hoa, nến, đèn, quý Cha đồng tế đã cùng tiến tới thắp hương trước bàn thờ linh vị Cha Diệp, trước khi cử hành thánh lễ.
Mở đầu thánh lễ là phần chào mừng cộng đoàn và giới thiệu quý Cha đồng tế do Cha chủ tế Phêrô Trần Trọng Mỹ, phó xứ nhà thờ chính toà Tổng Giáo Phận Adelaide, cùng quý Cha Marek P’Tak, chánh xứ Gx. Ottaway và Cha Stanslaw Lipski (tuyên úy CĐ người Ba Lan).
XEM HÌNH
Trong phần phụng vụ Lời Chúa, sau bài Phúc Âm theo thánh Matthêu, là phần chia sẻ của cha Chủ tế về ý nghĩa của tấm lòng người Cha, người Cha đầy quyền năng và tốt lành, lúc nào cũng muốn mọi điều tốt nhất cho con cái mình. Người Cha đó là Chúa Giêsu. Chính vì thế mà Chúa đã bảo: “Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho”. Xin cho mỗi người chúng ta biết tạ ơn Chúa vì Ngài đã yêu thương và ban cho chúng ta biết bao ơn lành và cũng cần nhận biết rằng, khi chúng ta xin mà không được như ý là Chúa đã dành cho ta cái gì tốt nhất. Cha chủ tế cũng đã nhắc lại những đức hạnh nổi bật của Cha Trương Bửu Diệp nhân dịp lễ giỗ lần thứ 76 của Cha, đó là lòng nhân ái, yêu thương mọi người yếu đau, nghèo khổ, không phân biệt lương giáo. Chính vì yêu thương, Cha đã hy sinh chết thay cho đoàn chiên của mình. Đó là họa ảnh tuyệt vời về tình yêu thương vô bờ của Thiên Chúa đã chịu chết để cứu chuộc nhân loại.
Thánh lễ được tiếp nối với những lời nguyện giáo dân cầu cho các mục tử trong Hội Thánh, các nhà lãnh đạo thế biết yêu thương, phục vụ tha nhân, cầu cho những người đang đau khổ được bình an, cách riêng cầu nguyện cho những nạn nhân chiến cuộc hai nước Nga và Ukraine đang bất hoà chiến tranh, nạn nhân bão lụt tại Úc Châu và cũng cầu nguyện cho tiến trình tuyên thánh Cha Diệp sớm có kết quả, dịp lễ giỗ lần thứ 76 của Cha.
Sau lời nguyện kết lễ, là giờ chầu Thánh Thể cầu cho hoà bình thế giới và những ước nguyện của mọi người. Cha chủ sự đã cung kính đặt Mình Thánh Chúa trong mặt nhật hào quang và đặt giữa bàn thờ để cộng đoàn suy tôn và cầu nguyện. BTC đã giúp cộng đoàn suy niệm về sự hiến mình của Chúa Kitô để làm hy tế cứu chuộc nhân loại qua những bài suy niệm, cùng với những lời nguyện giáo dân và những bài thánh ca. Sau bài Này Con là Đá và bài Tantum Ergo cầu cho Giáo Hội và Đức Giáo Hoàng là phần ban Phép lành Mình Thánh cho cộng đoàn.
Thánh lễ giỗ lần thứ 76 Cha Trương Bửu Diệp và giờ Chầu Thánh Thể kết thúc lúc 8 giờ 30 tối cùng ngày. Mọi người ra về sau những giờ phút cầu nguyện thật sốt sắng, cầu cho hòa bình trên thế giới, cho giáo hội, cho tiến trình tiến trình tuyên thánh Cha Diệp cũng như những nhu cầu của bản thân và gia đình.
Được biết thứ Sáu, tuần thứ II của mỗi tháng, Gx. Ottoway dành một ngày để cầu nguyện cho tiến trình tuyên thánh cho Cha Diệp, cũng một số người Ba Lan thường xuyên đến tham dự. Vì họ biết rõ sự tích tử đạo của Cha Diệp cũng giống như sự tích tử đạo của cha thánh Maximillian Kolbe (thánh Kolbe là vị thánh người Ba Lan). Nên họ rất mến phục Cha Diệp của chúng ta.
Hiện nay CĐ Ba Lan của Gx Ottoway cứ nói đến Cha Francis Xavier Diep, là đa số đều biết về hạnh tích của Ngài.
Văn Khánh tường trình
Hằng năm Giáo Hội vào ngày 06. Tháng Tám mừng lễ biến cố Chúa Giesu biến hình trên núi Tabor.
Và Chúa nhật thứ hai mùa chay hằng năm, bài Phúc âm tường thuật về biến cố này được đọc trong thánh lễ.
Giáo Hội Chính Thống mừng biến cố Chúa Giêsu biến hình từ thế kỷ thứ năm. Vào thời Trung cổ lễ mừng biến cố này cũng được mừng ở vùng bên Tây phương. Và năm 1457 dưới thời đức gíao hoàng Calixto III. lễ mừng biến cố Chúa biến hình được chính thức ghi trong lịch phụng vụ Công Giáo Roma.
Ngọn núi Tabor từ xa xưa thời trước Kitô giáo đã là nơi thờ kính tôn gíao và sách kinh thánh cựu ước cũng đã nói đến nơi này.
Núi Tabor cao 588 mét, nằm ở vị trí vùng Galileo phía Bắc nước Do Thái. Trên núi này có ngôi thánh đường Chúa biến hình. Xưa nay núi Tabor là địa điểm hành hương của các khách hành hương sang đất thánh Jerusalem, và của những người đi du lịch, người khảo cứu di tích lịch sử.
Kinh Thánh theo phúc âm Thánh Luca thuật lại Chúa Giêsu lên núi cao với ba môn đệ và bỗng chốc người biến hình trắng sáng như tuyết. ( Lc 9,28-26).
Đâu là hình ảnh nét đẹp trong sáng bình an cùng huyền nhiệm chiếu tỏa từ Chúa Giêsu trên đỉnh núi Tabor với ba môn đệ lúc đó? Biến cố này có liên hệ trong đời sống đức tin không?
Đi tìm hiểu ý nghĩa sâu xa về biến cố này trong đời sống Chúa Giêsu, Đức Giáo Hoàng Benedictô thứ 16. đã có suy tư theo lối so sánh biến cố đó giữa hai thời Chúa Giêsu và thời Cựu ước của tiên tri Mose.
Chúa Giêsu lên núi cao đem theo ba môn đệ Phero, Giacobe và Gioan ( Lc 9, 28-299. Họ là nhân chứng khi Chúa Giêsu chiếu tỏa ánh sáng trên núi, và họ cũng là nhân chứng trong vườn cây dầu sau này lúc Chúa Giêsu cầu nguyện trước khi bị nộp bắt ( Mc 14,33).
Tiên Tri Mose, ngày xưa đưa dân Israel xuất hành trở về đất Chúa hứa từ Ai cập, khi lên núi cầu nguyện cùng Thiên Chúa, cũng mang theo ba Ông Aaron, Nadab và Abihu vừa là người cùng đồng hành và cũng vừa là nhân chứng (Xh 34), lẽ dĩ nhiên Tiên tri Mose cũng mang theo 70 vị bô lão khác nữa cùng đi lên núi như những nhân chứng.
Hình ảnh núi khiến ta liên tưởng tới Bài giảng trên núi của Chúa Giêsu và những lần Chúa Giêsu cầu nguyện cũng trên nuí. Núi như vậy là nơi chốn đặc biệt gần gũi với Thiên Chúa. Và trong đời Chúa Giêsu đã trải qua nhiều ngọn núi khác nhau.: ngọn núi nơi ngài bị cám dỗ, ngọn núi nơi ngài rao giảng, ngọn núi nơi ngài cầu nguyện, ngọn núi nơi ngài biến hình trong sáng như tuyết, ngọn núi nơi ngài lo âu sợ hãi, ngọn núi nơi ngài bị trảm hình đóng đinh vào thập gía, ngọn núi nơi ngài sống lại và trở về trời, nơi chốn này hình ảnh một Chúa Giêsu tỏ hiện vinh quang chiến thắng „ Thầy được trao ban cho mọi quyền hành trên trời dưới đất“ (Mt 28,18) đối ngược lại với ngọn núi cám dỗ nơi ma qủy cũng đã nói mình có mọi quyền hành.
Hình ảnh ngọn núi đời Chúa Giêsu đã trải qua cũng là hình ảnh những ngọn núi Sinai, ngọn núi Horeb, ngọn núi Morija trong thời Cựu Ước, nơi 10 điều răn của Chúa được mạc khải trao cho dân chúng, ngọn núi báo hiệu cuộc khổ nạn thương khó.
Ý nghĩa sâu xa hơn ẩn hiện đàng sau hình ảnh ngọn núi là nơi chốn bước đường thăng tiến sự đi lên không chỉ nơi bề ngoài nhìn thấy bằng mắt, nhưng còn cả bên trong nội tâm nữa.
Vị trí trên cao của ngọn núi gợi mang đến cảm gíac như được giải thoát khỏi gánh nặng trong đời sống hằng ngày, được hít thở không khí trong lành trong thiên nhiên, và từ đấy con mắt hướng nhìn xa hơn đi vào khám phá nét đẹp trong sáng lạ lùng của công trình thiên nhiên. Ngọn núi cao trổi vượt trên khỏi mặt đất bằng phẳng mang đến cho con người cảm gíac tâm hồn mình cũng được nâng vươn lên cao, và dễ dàng nhận ra dấu vết sự hiện diện của Đấng Tạo Hóa.
Lần theo dòng lịch sử, người ta cũng khám phá thấy kinh nghiệm về một Thiên Chúa đã từng nói chuyện với con người và kinh nghiệm về sự khổ nạn thương khó. Cao điểm của biến cố đó trong lễ hy sinh hiến tế Isaak của Abraham cho Thiên Chúa, trong lễ hy sinh của Con chiên (Chúa Giêsu) Thiên Chúa trên núi Calvaria.
Tiên tri Mose và tiên tri Elija đã được tiếp nhận mạc khải của Thiên Chúa trên ngọn núi, và các Ông đã được nói truyện với Thiên Chúa, khi Người xuất hiện là một con người mang điều mạc khải cho các Ông.
Thánh sử Luca (9,29) viết thuật lại chi tiết hơn về Chúa Giêsu biến hình trong ý nghĩa về ngọn núi như bước đi lên: „Khi ấy, Đức Giê-su lên núi cầu nguyện, đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà“
Như thế có thể nói, biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi có ánh sáng bao phủ chiếu tỏa là biến cố cầu nguyện. Chúa Giêsu cầu nguyện nói chuyện cùng Thiên Chúa Cha, tâm hồn Chúa Giêsu hòa lẫn vào làm một với Thiên Chúa Cha, Đấng là ánh sáng tinh tuyền trong sáng. Và qua đó con người Chúa Giêsu tiếp nhận được ánh sáng từ nơi Thiên Chúa Cha bao phủ truyền sang.
Ngày xưa tiên tri Mose „ từ trên núi Sinai đi xuống, tay cầm hai tấm bia Giao Ước, khi xuống núi, ông Môsê không biết rằng da mặt ông sáng chói bởi đã đàm đạo với Thiên Chúa.30 Khi ông A-ha-ron và toàn thể con cái con Ít-ra-en thấy ông Mô-sê, thì này đây da mặt ông sáng chói, nên họ sợ không dám lại gần ông.31 Ông Mô-sê gọi họ: ông A-ha-ron và các đầu mục của cộng đồng trở lại với ông, và ông nói chuyện với họ.32 Sau đó, toàn thể con cái Ít-ra-en lại gần ông, và ông truyền cho họ tất cả những điều ĐỨC CHÚA đã phán với ông trên núi Xi-nai.33 Nói với họ xong, ông lấy khăn che mặt đi.34 Khi vào trước nhan ĐỨC CHÚA để đàm đạo với Người, thì ông bỏ khăn cho đến lúc trở ra; ông trở ra và nói lại với con cái Ít-ra-en những mệnh lệnh ông đã nhận được.35 Con cái Ít-ra-en nhìn mặt ông Mô-sê thấy da mặt ông sáng chói; ông Mô-sê lại lấy khăn che mặt, cho đến khi vào đàm đạo với Thiên Chúa.“ ( Xh 34,29-25).
Được gặp nói chuyện với Thiên Chúa trên núi, ánh sáng của Thiên Chúa chiếu tỏa bao phủ Ông tỏ hiện ra nơi gương mặt của Ông. Ánh sáng đó chiếu tỏa ở bên ngoài thân xác của Ông.
Đang khi Chúa Giêsu không chỉ tiếp nhận ánh sáng từ nơi Thiên Chúa, nhưng chính Chúa Giêsu là ánh sáng.
Khi biến đổi hình dạng trên núi, áo của Chúa Giêsu chiếu tỏa ánh sáng trong sáng như tuyết phủ. Hình ảnh này muốn diễn tả tương lai của con người. Sách Khải Huyền của Thánh Gioan viết thuật lại tấm áo trắng tinh ròng là hình ảnh đời sống trên trời, nơi đó các Thiên Thần của Thiên Chúa và những người được tuyển chọn hưởng ơn cứu độ mặc y phục mầu trắng tinh tuyền. ( Kh 7,9.13;19,14)
Y phục của những người được tuyển chọn mầu trắng tinh ròng, vì họ được tắm gội trong máu của Chiên Thiên Chúa (Kh 7,14). Qua làn nước Bí tích rửa tội họ được liên kết gắn bó với sự khổ nạn thương khó. Cuộc khổ nạn thương khó của Chúa Giêsu mang lại sự thanh tẩy và trả lại cho họ tấm áo trắng nguyên thủy tinh tuyền thuở ban đầu ( Lc 15,22).
Qua phép Bí tích rửa tội chúng ta cùng được tiếp nhận y phục ánh sáng cùng với Chúa Giêsu, Đấng chính là ánh sáng ơn cứu độ. (Theo Joseph, Ratzinger Benedikt XVI., JESUS von Nazareth I., Freiburg i. Br. 2007, 9.Kapitel, tr. 356- 359.)
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
1. NewsWeek: Hiện tượng lạ cứu nguy cho thủ đô Kiev
Một cố vấn quân sự của các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết một đợt không khí lạnh có thể đã khiến binh lính Nga đào ngũ khi đoàn xe dài 64km dậm chân tại chỗ bên ngoài thủ đô Kiev.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ toàn văn bản phúc trình của tờ NewsWeek qua phần trình bày của Thụy Khanh
Không khí Bắc Cực đang di chuyển qua Nga và Ukraine đã kết hợp với gió mùa đông khiến nhiệt độ xuống dưới mức âm 20 độ C vào hôm thứ Tư. Dự báo nhiệt độ sẽ còn xuống thấp hơn nữa.
Quân đội Nga được tin là sẽ thấy những điều kiện này là vô cùng khó khăn khi họ vẫn bị mắc kẹt trong một đoàn xe dài đến 64km bên ngoài thủ đô Ukraine mà hầu như không di chuyển được chút nào kể từ tuần trước.
Glen Grant, chuyên gia quốc phòng cấp cao tại Quỹ An ninh Baltic, người đã cố vấn cho Ukraine về việc cải tổ quân đội cho biết: “Một chiếc xe tăng kim loại chỉ là một cái tủ lạnh vào ban đêm nếu bạn không nổ máy.”
Ông nói với Newsweek: “Thời tiết lạnh giá sẽ khiến quân đội mất tinh thần hơn nữa và sẽ tạo ra nhiều cái tủ lạnh hơn nữa”.
Grant nói rằng thời tiết sẽ làm tăng thêm các vấn đề hậu cần mà quân đội Nga đang phải đối mặt và ông hy vọng nhiều binh lính sẽ đơn giản là từ bỏ phương tiện của mình.
“Các chàng trai sẽ không chờ đợi. Họ sẽ ra ngoài, bắt đầu đi bộ vào rừng và đào ngũ,” anh nói.
“Bạn không thể nào ngồi một chỗ và chờ đợi bởi vì nếu bạn đang ở trong chiếc xe, bạn đang chờ đợi để bị giết. Họ không ngu ngốc như thế”.
Sự hiện diện của đoàn xe dài 64km của Nga, với ước tính khoảng 15,000 quân, đầu tiên đã dấy lên báo động rằng một cuộc tiến công vào thủ đô Ukraine sắp xảy ra và suy đoán rằng nó có thể bao quanh Kiev để tạo thành một cuộc bao vây thành phố.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Anh cho biết đoàn xe đã bị đình trệ do các vấn đề về máy móc cũng như “sự kháng cự kiên quyết của người Ukraine.”
Bây giờ, chỉ sau vài ngày, người ta đã thấy không còn nghe các thông tin mới về mối đe dọa mà đoàn xe gây ra và cũng chẳng rõ là liệu có phải là nó đang chờ tiếp tế trước một cuộc tấn công vào Kiev hay không.
Nhưng Grant cho rằng những sai sót trong việc cung cấp nhiên liệu cho đoàn xe là không thể sửa chữa.
“Toàn bộ khái niệm về phối hợp chiến đấu là các nguồn cung cấp phải là một phần không thể thiếu được đối với một chiến thuật phối hợp. Nói cách khác, nếu bạn tham gia vào một đoàn xe chiến đấu nó phải có đủ nhiên liệu đi một chặng đường dài trước khi được tiếp tế”.
Grant nói: “Nhưng những người này, có vẻ như họ đã vượt qua biên giới mà không có nhiên liệu để đến với các đơn vị tiền phương”.
“Họ chống lưng lại nhau nên chẳng có nơi nào để đi cả. Họ không thể tiến lên, đành kẹt cứng lại với nhau,”
“Nếu bạn đã có tất cả xe pháo của bạn ở phía sau mà con đường phía trước lại bị chặn, đó là lúc mất tinh thần”.
“Với thời tiết giá lạnh như thế này, không ai sống nổi trong một cái tủ lạnh, vì vậy họ đã phải nổ máy để giữ ấm cho bản thân,” anh nói. “Nhiệt độ giảm và đường tiếp tế kém sẽ tiếp tục tiêu hao nhiên liệu và quân đội Nga sẽ là mục tiêu của quân đội Ukraine có quyết tâm cao và quen thuộv với địa hình”.
Theo AccuWeather, thời tiết băng giá này sẽ chứng kiến nhiệt độ giảm xuống mức lạnh nhất trong khoảng thời gian từ thứ Năm đến thứ Bảy, có thể khiến đoàn xe Nga gặp bất lợi, nhưng cũng sẽ gây thêm khó khăn cho những người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc xung đột.
Ngoài ra, các cuộc tấn công do Mạc Tư Khoa dẫn đầu đã khiến hơn 900 cộng đồng ở Ukraine không có điện, nước và khí đốt. Bộ năng lượng Ukraine cho biết 646,000 người không có điện và 130,000 người không có khí đốt.
Bước tiến của Nga trong cuộc chiến do Vladimir Putin tuyên bố vào ngày 24 tháng 2 đang diễn ra rất chậm. Thành phố duy nhất quân Nga chiếm được cho đến nay là Kherson ở phía nam và quân Nga đang tiến xa hơn về phía tây, với trọng tâm là Mariupol.
Có các nguồn tin cho rằng thành phố Chuhuiv đã lọt vào tay quân Nga. Tuy nhiên, Ukraine hôm thứ Hai cho biết họ đã chiếm lại thành phố này từ tay quân đội Nga.
Nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương hôm thứ Sáu cho biết “nhiều người” đã nói với ngài rằng họ đã nhìn thấy “những thiên thần sáng chói trên mảnh đất Ukraine”.
Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk phát biểu như trên trong một thông điệp video được thu hình vào ngày 4 tháng 3 tại thủ đô Kiev của Ukraine đang bị bao vây, thành phố có vị thánh bảo trợ là Tổng Lãnh Thiên Thần Micae.
“Ở đây, tại Kiev, chúng tôi nhận thấy rằng quan thầy bảo trợ thành phố của chúng tôi là Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, người với tiếng kêu 'Ai lại giống Chúa đây?' ném xuống vực thẳm Lucifer - kẻ đã đứng lên chống lại sự thật của Chúa và là thủ lĩnh của những đội quân ma quỷ”,
“Ngày nay, chúng tôi nhận thấy rằng Tổng lãnh thiên thần Michael cùng với Toàn Cơ Binh đang chiến đấu cho Ukraine. Rất nhiều người từ khắp Ukraine đang quay sang tôi nói rằng họ đã nhìn thấy những thiên thần rực sáng trên đất Ukraine”.
Ngài nói thêm: “Hôm nay chúng tôi cầu nguyện: Lạy Tổng Lãnh Thiên Thần Micae và tất cả các Quyền thần của Thiên đường, hãy chiến đấu vì Ukraine! Hãy hạ gục tên ác quỷ đang tấn công chúng con và giết chết chúng con, mang đến sự tàn phá và chết chóc! “
Source:NewsWeek
2. Lithuania đặt tên con đường dẫn trước tòa đại sứ Nga 'Đường những anh hùng Ukraine'
Latvia đã quyết định đổi tên con đường trước đại sứ quán Nga thành đường 'Ukraine độc lập'. Ý tưởng này ngay lập tức đã được nước láng giềng Lithuania hưởng ứng. Hội Đồng Thành Phố của Thủ đô Vilnius đã đổi địa chỉ tòa đại sứ Nga thành đường “Những Người Anh hùng Ukraine” để phản đối cuộc xâm lược của Mạc Tư Khoa đối với nước láng giềng thân phương Tây.
“Kể từ hôm nay, danh thiếp của mỗi nhân viên đại sứ quán Nga sẽ được trang trí bằng dòng chữ tôn vinh cuộc chiến đấu của Ukraine, và mọi người sẽ phải nghĩ về những hành động tàn bạo của chế độ Nga đối với đất nước Ukraine yên bình khi viết tên đường này,” thị trưởng Vilnius là ông Remigijus Simasius hào hứng tuyên bố.
Simasius đã thông báo về việc di chuyển này sau cuộc họp của Hội Đồng Thành Phố vào tuần trước và hôm thứ Tư, các công nhân đã gắn các tên đường phố mới bằng tiếng Lithuania và tiếng Ukraine.
Đây không phải là lần đầu tiên Vilnius sử dụng các dấu hiệu và biểu tượng để đưa ra quan điểm Nga.
Vào năm 2018, thành phố đã đổi tên một quảng trường bên ngoài tòa đại sứ thành Boris Nemtsov, một nhân vật đối lập nổi tiếng bị những kẻ tấn công không rõ danh tính bắn hạ gần Điện Cẩm Linh.
Latvia, một quốc gia thuộc vùng Baltic, cũng đã sử dụng chiến thuật này.
Các quan chức từ thủ đô Riga tuần trước đã đồng ý đổi tên địa chỉ tòa đại sứ quán Nga thành đường “Ukraine độc lập”.
Source:The Guardian
3. Đoạn phim nghẹt thở từ Ukraine
Đoạn phim quay cảnh hai chuyên gia xử lý chất nổ của Ukraine tháo gỡ một quả bom Nga chỉ bằng một chai nước trên tay của họ đã lan truyền nhanh chóng sau khi video được hãng truyền thông Ukraine NEXTA TV chia sẻ.
Đoạn clip dài 31 giây, kể từ đó đã được xem hơn 1,8 triệu lần, có chú thích là “quá trình gỡ bom” và cho thấy hai người đàn ông quỳ bên cạnh vũ khí trong khi cẩn thận mở niêm phong chỉ bằng một chai nước nhỏ và găng tay.
Charles Lister, thành viên cấp cao và là giám đốc chương trình chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan tại Syria ở Viện Trung Đông, đã chia sẻ đoạn video, mô tả khoảnh khắc này là một hành động “trí óc dũng cảm “.
Lister cho biết: “Quả bom do Nga thả này sẽ san phẳng một tòa nhà - tuy nhiên, các chuyên gia xử lý chất nổ của Ukraine này có thể đánh tan nó bằng 2 tay và một chai nước, trong khi các quả bom khác có thể rơi xuống nghe được một cách rõ ràng”.
4. Báo cáo quốc phòng Anh cho rằng quân đội Nga chẳng đạt được 'một chút tiến bộ' nào trên đường hướng đến Kiev
Bộ Quốc phòng Anh cũng vừa công bố báo cáo tình báo mới nhất về tình hình Ukraine, dường như sau khi đã chứng thực với các nhà chức trách Ukraine.
Bộ cho biết đã có “sự sụt giảm đáng kể trong hoạt động không quân tổng thể của Nga” ở Ukraine trong những ngày gần đây, lưu ý rằng có thể là do “hiệu quả bất ngờ và sức kháng cự” của lực lượng phòng không Ukraine.
Báo cáo cũng lưu ý rằng đoàn quân xa lớn của Nga ở phía tây bắc Kiev đã “đạt được rất ít tiến bộ trong hơn một tuần qua” và đang chịu “tổn thất tiếp tục” dưới tay các lực lượng vũ trang Ukraine.
Báo cáo cho biết thêm: “Khi thương vong gia tăng, Putin sẽ buộc phải rút từ các lực lượng vũ trang Nga và các nguồn khác để thay thế tổn thất”.
Quân đội Ukraine đã công bố báo cáo hoạt động hàng ngày của họ vào sáng nay, tuyên bố rằng cuộc tiến công của Nga vào các khu vực của Ukraine đã chậm lại.
Theo thông tin cập nhật được cung cấp bởi bộ tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine, quân đội Nga đã bị kìm hãm trong cuộc tiến quân tới Kiev và các khu vực miền đông Ukraine bao gồm Donetsk, Slobozhansky và một phần của các quận hoạt động Tavrij.
Báo cáo cho biết thêm, các thành phố Kharkiv, Okhtirku và Chernihiv của Ukraine vẫn được bảo vệ trong khi việc bảo vệ thành phố phía nam Mariupol vẫn tiếp tục.
Quân đội cho biết các nỗ lực chính của họ là ngăn cản bước tiến của Nga từ phía đông nam.
Báo cáo nhấn mạnh rằng: Các lực lượng của Nga đã “giảm tốc độ” và nhân sự “mất tinh thần” trong khi “số vụ đào ngũ và cướp bóc đã tăng lên đáng kể”.
5. Khoảng khắc đau lòng khi thấy hình ảnh vợ con chết trên Twitter
Trang nhất các tờ báo lớn cho thấy hình ảnh một người mẹ và hai đứa con nằm chết trên đường phố sau khi trúng phải một quả đạn pháo của Nga.
Một người đàn ông Ukraine đã mô tả khoảnh khắc đau đớn khi anh ta nhận ra những người đang nằm chết đó là vợ và hai con của anh ta sau khi nhìn thấy một bài đăng hiển thị xác chết của họ trên Twitter.
Serhiy Perebyinis, đang sống ở Hoa Kỳ, nói với New York Times: “Tôi nhận ra hành lý và đó là cách tôi biết là vợ và con tôi.”
Bà Tetiana Perebyinis và hai đứa con của họ - Mykyta, 18 tuổi và Alisa, 9 tuổi - đã chết tại thị trấn Irpin khi cố gắng chạy trốn. Bức ảnh chụp gia đình người chết nằm cạnh tượng đài nạn nhân Thế chiến thứ hai đã xuất hiện trên trang nhất của nhiều tờ báo.
Trong một bài đăng lên Facebook vào sáng sớm thứ Năm, Perebyinis nói rằng thử thách này “giống như một bộ phim kinh dị”.
“Thật quá xót xa khi xem thấy người vợ yêu dấu của mình đang nằm trong một chiếc túi màu đen trên đường phố,” anh viết.
Anh cũng thề sẽ tìm công lý cho gia đình mình: “Tôi sẽ đấu tranh cho họ đến cùng. Tôi sẽ bảo đảm rằng sẽ có phán quyết của tòa án”.
1. Đặc sứ của Giáo hoàng nói: 'Tôi sẽ đến Ukraine, xa đến mức có thể.
Một vị Hồng Y của Vatican đã nói rằng ngài sẽ đi xa nhất có thể ở Ukraine để bày tỏ tình đoàn kết của Đức Thánh Cha Phanxicô với người dân đang đau khổ.
Đức Hồng Y Konrad Krajewski, quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng, cho biết ngài dự định đến đất nước bị chiến tranh tàn phá qua Ba Lan theo lệnh của Đức Giáo Hoàng.
Phát biểu tại Ba Lan vào ngày 7 tháng 3, ngài nói: “Tôi mang đến cho anh chị em lời chào và lời chúc phúc từ Đức Thánh Cha Phanxicô. Đức Giáo Hoàng đang cầu nguyện vì rất nhiều người đang phải nghiệm hoàn cảnh chiến tranh. Hôm nay, anh chị em phải suy nghĩ với Tin Mừng chứ không phải với thế giới. Từ Lublin, tôi sẽ đến Ukraine, xa đến mức có thể”.
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 6 tháng Ba, Đức Thánh Cha nói: “Trong những ngày này, hai vị Hồng Y đã đến Ukraine, để phục vụ người dân, để giúp đỡ. Đức Hồng Y Krajewski, quan phát chẩn, để cung cấp viện trợ cho những người khó khăn, và Đức Hồng Y Czerny, Tổng trưởng lâm thời của Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện. Sự hiện diện của hai vị Hồng Y ở đó không chỉ có sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng mà của tất cả những Kitô Hữu muốn xích lại gần nhau hơn và nói rằng: “Chiến tranh là sự điên rồ! Làm ơn dừng lại! Hãy nhìn sự tàn nhẫn này!”
Trong một tuyên bố ngày 7 tháng 3, văn phòng báo chí của Tòa Thánh đã mô tả quyết định của Đức Thánh Cha trong việc cử các Hồng Y là “một cử chỉ phi thường”.
“Đức Hồng Y Krajewski đang trên đường tới biên giới Ba Lan / Ukraine, nơi ngài sẽ đến thăm những người tị nạn và tình nguyện viên tại các nơi trú ẩn và gia đình”.
“Đức Hồng Y Czerny sẽ đến Hung Gia Lợi vào ngày thứ Ba 8 tháng 3 để thăm một số trung tâm tiếp nhận người di cư đến từ Ukraine.”
“Cả hai vị đều hướng đến Ukraine và tùy thuộc vào tình hình mà các ngài có ý định đến đất nước này trong những ngày tới”.
Sứ thần Tòa thánh tại Ba Lan cho biết Đức Hồng Y Krajewski đã đến Ba Lan vào ngày 6 tháng 3 và sẽ dành những ngày tới để thăm các trung tâm tị nạn tại biên giới Ba Lan-Ukraine và bên trong Ukraine.
“Chuyến thăm của ngài thể hiện một cách đặc biệt sự quan tâm và gần gũi của Đức Thánh Cha Phanxicô” Hội Đồng Giám Mục Ba Lan cho biết trong một tuyên bố ngày 7 tháng Ba.
Đến thăm Lublin, một thành phố của Ba Lan cách Ukraine 60 dặm, Đức Hồng Y Krajewski đã tham gia một hội nghị trực tuyến và cầu nguyện với các tình nguyện viên của tổ chức bác ái Caritas, cũng như các nhân viên phụ trách của tổng giáo phận Lublin.
Văn phòng báo chí của Tòa thánh cho biết qua việc cử hai vị Hồng Y đến Ukraine, Đức Giáo Hoàng cũng muốn “kêu gọi sự chú ý đến nhiều tình huống tương tự trên khắp thế giới,” bao gồm cả ở Yemen, Syria và Ethiopia.
Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, nói thêm rằng Đức Hồng Y Czerny, một tu sĩ Dòng Tên gốc Tiệp Khắc, 75 tuổi, sẽ “nêu lên mối lo ngại rằng các cư dân Phi Châu và Á Châu ở Ukraine, cũng đang phải chịu đựng nỗi sợ hãi và di dời, được phép tìm kiếm nơi ẩn náu mà không bị phân biệt đối xử.”
Báo cáo cho biết: “Cũng có những báo cáo đáng lo ngại về các hoạt động buôn người và buôn lậu người di cư ở biên giới và các nước láng giềng ngày càng gia tăng.
“Vì hầu hết những người lánh nạn là các tín hữu, ngài khẳng định rằng sự trợ giúp tôn giáo nên được cung cấp cho tất cả mọi người, với sự nhạy cảm liên quan đến những khác biệt về đại kết và giữa các tôn giáo.”
“Cuối cùng, trong suốt những nỗ lực đáng khen ngợi khi đưa ra các phản ứng nhân đạo và tổ chức các hành lang nhân đạo, rất cần sự phối hợp, tổ chức tốt và chiến lược chia sẻ, để chia sẻ những đau khổ của mọi người và cứu trợ hiệu quả”.
Source:Catholic News Agency
2. Máu chảy ra từ bức tượng Tổng Lãnh Thiên Thần Micae một ngày trước khi Nga mở cuộc xâm lược Ukraine?
Vào ngày 23 tháng 2, vài giờ trước khi thế giới nghe tin Nga xâm lược Ukraine, một bức tượng của Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, vị thánh bảo trợ của Kiev, bắt đầu chảy ra một chất lỏng màu đen giống như máu. Một đoạn video được chia sẻ trên Facebook về sự việc này đã nhanh chóng trở thành tiêu đề lớn trên các phương tiện truyền thông.
Alicia Martinez, 57 tuổi, ở Broomfield, Colorado, ngoại ô Denver, là chủ nhân của bức tượng này. Trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện bằng tiếng Tây Ban Nha với CNA, cô ấy gọi trải nghiệm này là “không thể giải thích được”.
Trong khi nói chuyện điện thoại với một người bạn, một người bạn cùng nhà của cô ấy gõ cửa phòng ngủ của cô ấy bảo cô ấy đến nhanh lên. “Tôi hỏi anh ta chuyện gì đang xảy ra, nhưng anh ta đang đứng đó run rẩy,” cô nói.
Đó là khi cô chứng kiến bức tượng Tổng Lãnh Thiên Thần Micae của mình dường như chảy máu từ bên phải đầu của mình. “Không phải ngài khóc,” Martinez, người gốc Zacatecas, Mễ Tây Cơ, giải thích. “Ngài đang chảy máu từ trán. Máu chảy quanh mắt ngài, nhưng nó không lọt vào mắt ngài”.
Cô ấy nói thêm, “Nó nhỏ giọt như khi bạn bị đứt tay và máu chảy ra; chính là như vậy”.
Không nói nên lời, tất cả những gì cô có thể làm là hỏi Chúa chuyện gì đang xảy ra. “Tôi nói, 'Chúa ơi, đó là điều tốt, hoặc điều gì đó xấu. Tôi không biết nó là gì, nhưng có điều gì đó đang xảy ra ở đây, '' Martinez kể lại. “Tôi không cảm thấy như đó là một điều gì đó tồi tệ. Đó là một cảm giác không thể giải thích được, nhưng nó thật đẹp”.
Vẫn còn thắc mắc về kinh nghiệm của mình, Martinez đã gọi cho một người bạn của cô là một linh mục ở Mễ Tây Cơ. Ngài nói với cô ấy điều này không có gì xấu. Thay vào đó, ngài bảo cô ấy hãy cầu nguyện nhiều hơn, rằng những gì đang xảy ra thật kỳ diệu, và rằng ngôi nhà của cô ấy đã được chúc lành.
Một nữ tu nói với Martinez rằng máu sẽ không ngừng chảy cho đến khi nó chạm tới đầu của ác quỷ mà Tổng Lãnh Thiên Thần Micae bước tới. Bức tượng gần 30 inch chảy máu mỗi ngày trong một tuần, cho đến khi chất lỏng rơi xuống đầu của ác quỷ được mô tả trong bức tượng.
Mark Haas, giám đốc quan hệ công chúng của Tổng giáo phận Denver, nói với CNA ngày 7 tháng 3 rằng tổng giáo phận “gần đây đã được thông báo về câu chuyện này và chúng tôi sẽ điều tra.”
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Tây Ban Nha Primer Impacto, Đức ông Jorge de Los Santos, Cha sở của Nhà thờ Đức Mẹ ở Thành phố Thương mại, Colorado gần đó, cho biết, “Để Giáo hội có một lập trường cụ thể thì cần phải có một thời gian dài, điều tra kỹ lưỡng, phức tạp mới có thể đưa ra quyết định”.
Martinez đã được liên hệ với một đại diện từ Tổng giáo phận Denver, người phụ trách các trường hợp được coi là phép lạ. Nếu Martinez quyết định tiếp tục quá trình điều tra, bức tượng sẽ được trải qua một số cuộc kiểm tra để xem liệu phép lạ có xảy ra hay không.
Sau khi đăng video lên Facebook, Martinez, người làm việc tại một cửa hàng tạp hóa, đã nhận được một số bình luận rằng cô ấy chỉ tìm kiếm tiền hoặc danh tiếng, điều này khiến cô ấy phải gỡ video xuống. Cô ấy đã nhiều lần bày tỏ rằng đây không phải là ý định của cô ấy khi chia sẻ video, mà đó là “điều gì đó có thật đã xảy ra với cô ấy và những người bạn cùng thuê nhà của cô ấy.”
“Những gì tôi đang thấy là một cái gì đó có thật. Đó là một điều gì đó không có lời giải thích. Đây không phải là gian lận. Đây không phải là để trở nên nổi tiếng. Không có điều đó. Tôi biết đó là điều gì đó thiêng liêng từ Chúa và không xảy ra với tất cả mọi người”.
Source:Catholic News Agency
3. Ba bức tượng 3 Pietà của Michelangelo nói với một thế giới đau khổ
Một nhà sử học nghệ thuật nói: Khi chiến tranh hoành hành ở Ukraine và đại dịch kéo dài, bức tượng Pietà nổi tiếng của Michelangelo đặt ở Vatican - và hai bức tượng khác ít được biết đến hơn mà ông cũng tạc - có thể có ý nghĩa sâu sắc đối với một thế giới đau thương.
Tác phẩm Pietà của Michelangelo Buonarotti mô tả Đức Trinh Nữ Maria lớn hơn cả người thật khi Đức Mẹ thương tiếc Con của Mẹ, Chúa Giêsu, đang nằm mềm nhũn trong lòng Mẹ. Kiệt tác được chạm khắc trên đá cẩm thạch Carrara, được hoàn thành trước sinh nhật lần thứ 25 của người nghệ sĩ người Ý.
Trong hơn 60 năm, Michelangelo đã tạo ra thêm hai tác phẩm điêu khắc về cùng một chủ đề - và một cuộc triển lãm mới tại thành phố Florence của Ý lần đầu tiên mang ba tác phẩm này lại với nhau.
Ba bức tượng Pietà của Michelangelo được triển lãm tại Museo dell'Opera del Duomo ở Florence, Ý.
Triển lãm được mở tại Museo dell'Opera del Duomo vào ngày 24 tháng 2, và bao gồm Florentine Pietà, còn được gọi là Deposition, mà Michelangelo đã làm việc từ năm 1547 đến năm 1555, và các bản sao chính xác của Vatican Pietà và Milan Pietà - không thể di chuyển khỏi vị trí của họ.
Đức Ông Timothy Verdon, giám đốc của Museo dell'Opera del Duomo, nói với CNA qua điện thoại rằng phòng trưng bày muốn làm điều gì đó để thể hiện tình đoàn kết với cuộc họp từ ngày 23 đến 27 tháng 2 giữa các thị trưởng và giám mục Công Giáo.
“Những hình ảnh đau khổ mà Pietà luôn ám chỉ, tôi nghĩ sẽ gây xúc động sâu sắc cho mọi người. Tôi nghĩ rằng du khách sẽ cảm động khi xem những tác phẩm này. Hình ảnh Pietà gợi lên nỗi đau khổ cá nhân của những người mẹ bồng con mà không biết con mình có sống được không.”
Cha Verdon 75 tuổi là một chuyên gia về lịch sử nghệ thuật và nghệ thuật thánh. Ngài sinh ra ở Hoboken, New Jersey, nhưng đã sống ở Ý hơn 50 năm.
“Rất nhiều vấn đề mà thế giới Địa Trung Hải phải đối mặt ngày nay là các hình thức đau khổ; và vì vậy chuỗi hình ảnh lý tưởng này về Thiên Chúa, Đấng trở thành con người, chấp nhận đau khổ, và Mẹ của Đấng đã nhận thân xác bị tra tấn của Ngài vào trong cánh tay Mẹ. Những điều này có ý nghĩa sâu sắc”.
“Tất cả những tình huống đau khổ và bị loại trừ của con người đều mời gọi một sự so sánh với sự đau khổ của Chúa Kitô, cái chết của Chúa Kitô. Và bức tượng này cô đọng và tập trung một phản ánh tôn giáo về điều đó.”
Các bức tượng Pietàs ít được biết đến hơn
Nhiều năm sau khi Michelangelo hoàn thành bức Pietà được trưng bày tại Đền Thờ Thánh Phêrô, ông bắt đầu bức Florentine Pietà của mình, trong đó mô tả ông Nicôđêmô, bà Maria Magdalena và Đức Trinh nữ Maria nhận xác Chúa Kitô được xuống từ cây Thánh giá.
Michelangelo 72 tuổi đã làm việc với tác phẩm điêu khắc trong tám năm trước khi hoàn thành vào năm 1555.
Sau đó, ông đã quay sang tạc bức tượng Rondanini Pietà, ở Milan, vào năm 1553. Michelangelo tiếp tục làm việc trên tác phẩm cho đến khi ông qua đời vào năm 1564 chỉ vài ngày.
Theo một thông cáo báo chí từ thành phố Florence, “gần cái chết của chính mình, Michelangelo đã suy gẫm sâu sắc về cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô”.
Người ta biết điều này một cách rõ ràng là vì không lâu trước khi ông qua đời, Michelangelo đã tặng bức vẽ Pietà cho Vittoria Colonna, Hầu tước xứ Pescara, trên đó ông viết: “Họ không nghĩ giá máu là bao nhiêu”.
Lời thoại, từ Canto 29 của Paradiso, một trong những cuốn sách của “Divine Comedy” của Dante, cũng là phụ đề của triển lãm Florence.
Cha Verdon giải thích: Việc kết hợp ba bức tượng Pietà lại với nhau thành một cuộc triển lãm giúp người xem có cơ hội thấy “toàn bộ sự phản ánh của Michelangelo về chủ đề này trong suốt 60 năm”
Không chỉ sự phát triển về phong cách của nghệ sĩ thời Phục hưng được trưng bày mà còn là sự phát triển tinh thần của anh ta.
Verdon nói: “Chúng ta biết rằng Michelangelo là một tín hữu sùng đạo. Cách giải thích của ông về các chủ đề tôn giáo, ngay cả khi còn trẻ, đặc biệt nhạy cảm và được hình thành rất tốt.”
Theo vị linh mục, Michelangelo dường như đã có một loạt các ảnh hưởng thần học.
Source:Catholic News Agency
1. Chiến thắng tại Brovary của quân đội Ukraine có thể làm thay đổi tình hình
Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết Đại tá Andrei Zakharov, trung đoàn trưởng sư đoàn xe tăng số 6 của Nga, đã thiệt mạng trong cuộc phục kích tại Brovary, cách Kiev khoảng 35km về phía Bắc.
Một đoạn phim, được quay từ một máy bay không người lái của Ukraine, cho thấy đoàn xe tăng của Nga bị xáo trộn bởi cuộc tấn công khi đạn pháo và rocket nổ xung quanh họ.
Đoạn phim, được quay từ một máy bay không người lái của Ukraine, cho thấy ba xe tăng Nga đã đi trước dọn đường cho một đoàn lên đến 35 chiếc đi sát vào nhau, bao gồm xe tăng, xe thiết giáp, và các xe TOS-1A, có bệ phóng tên lửa nhiệt áp mà Nga xác nhận gần đây. Ba chiếc xe tăng Nga đi trước dọn đường đã đậu ở làng Skybyn và đang chờ đoàn xe tiến từ phía Bắc xuống.
Khi vụ phục kích xảy ra, có một vài chiếc trúng đạn. Lính Nga từ các xe khác nhảy đến tiếp cứu một chiếc xe. Quân Ukraine đoán người đi trên chiếc xe đó ắt là một nhân vật quan trọng nên tập trung bắn vào chiếc xe đó. Lợi dụng cơ hội này, một số phương tiện của Nga quay đầu bỏ chạy.
Một chuyên gia quân sự của Úc Đại Lợi, là Thống chế Không quân Philip Osborn, cho biết việc các phương tiện này đi thành nhóm như thế cho thấy họ không lường trước được một cuộc tấn công.
“Liên quan đến việc hành quân thành từng nhóm, bạn chỉ đi từng nhóm theo cách đó nếu bạn cảm thấy tương đối an toàn trước cuộc tấn công,” ông nói với Sky News. “Video này chứng minh rằng đó là một đánh giá sai lầm.”
Bệ phóng tên lửa nhiệt áp được nhìn thấy đã khai hỏa, mặc dù không rõ liệu có phải là họ bắn vào mục đích tính trước không, hay là bắn vì hốt hoảng.
Khi họ rút lui, các phương tiện của Nga hốt hoảng đến mức húc cả vào nhau.
Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết lực lượng Nga “thiệt hại đáng kể về nhân lực và trang thiết bị” và lực lượng xe tăng buộc phải rút lui và chuyển sang thế phòng thủ.
Đoạn phim được thực hiện sau vụ phục kích cho thấy các phương tiện của Nga đang cháy trên đường.
Rob Lee, một chuyên gia quân sự và thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, nói với Sky News: “Lực lượng Nga trong đoạn video đã trình diễn một số chiến thuật thật tồi tệ”.
“Họ ở khá gần Kiev /ki-ép/ và di chuyển trên một con đường có thể là nơi mà người Ukraine mong đợi họ đến, nhưng đoàn xe không hề bị phân tán, lại đi dính chùm khiến họ dễ bị pháo kích.”
Các lực lượng Nga đang cố gắng tiến vào thủ đô Kiev /ki-ép/ của Ukraine.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vadym Denysenko cho biết đã nghe thấy tiếng pháo ở rìa phía tây thành phố.
Ông nói với kênh truyền hình Ukraine Rada, người dân đã có một đêm “khá khó khăn” ở ngoại ô thủ đô khi lực lượng Nga bắt đầu nhắm vào các địa điểm quân sự và cả các khu dân cư.
Thị trưởng thành phố, Vitali Klitschko, cho biết khoảng hai triệu người đã rời thành phố.
Ông nói: “Mọi đường phố, mọi ngôi nhà... đang được củng cố, nhiều người tham gia bảo vệ lãnh thổ”.
“Ngay cả những người trong đời họ không bao giờ có ý định thay quần áo dân sự, bây giờ họ đang mặc quân phục với súng máy trên tay.”
Source:Sky News Australia
2. Andrei Zakharov là ai?
Andrei Zakharov, một chỉ huy hàng đầu của lực lượng vũ trang Nga đã bị giết tại khu vực Brovary của Kiev /ki-ép/ trong cuộc chiến đang diễn ra giữa Nga và Ukraine. Andrei Zakharov từng là chỉ huy của một trung đoàn xe tăng Nga và cái chết của ông là do Lực lượng vũ trang Ukraine.
Andrei Zakharov khá nổi tiếng ở Nga nhưng lại không được chú ý ở các quốc gia khác trên thế giới. Andrei Zakharov đã nhận được Huân chương Dũng cảm của Vladimir Putin vào năm 2016 do những công lao to lớn của ông trong quân đội Nga.
Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã gây ra nhiều xáo trộn và các vấn đề khiến nhiều người chết, nhiều người bị thương và phá hủy hàng loạt tài sản. Mặc dù đã có một cuộc họp cấp cao giữa các bên liên quan, nhưng có vẻ như không có thỏa thuận nào đạt được và cuộc chiến vẫn đang diễn ra.
Theo tờ NewsWeek, danh sách các sĩ quan cao cấp của Nga đã tử trận bao gồm Thiếu tướng Vitaly Gerasimov, Phó tư lệnh thứ nhất của Quân đoàn 41, tử trận hôm thứ Hai 7 tháng Ba.
Andrei Sukhovetsky, phó tư lệnh Quân đoàn vũ trang liên hợp 41, đã được ông Putin xác nhận cái chết trong một bài phát biểu được phát sóng vào ngày 2 tháng 3.
Trung tá Dmitry Safronov, chỉ huy Lực lượng thủy quân lục chiến số 61 và Trung tá Denis Glebov, phó chỉ huy trưởng Lữ đoàn đổ bộ đường không số 11, đã được xác nhận đã thiệt mạng hôm thứ Hai trong một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ukraine.
Cái chết của Đại tá Bộ binh Konstantin Zizevsky đã được xác nhận vào thứ Bảy trong một bài đăng trên Instagram của Mikhail Minenkov, thị trưởng thành phố Nevinnomyssk của Nga.
Mặc dù các lực lượng của Ukraine đã đạt được một số thành công trong việc ngăn chặn các lực lượng Nga xâm lược, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần yêu cầu đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin để chấm dứt xung đột.
Kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu, ông cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc tế lên án cuộc xâm lược của Nga và ủng hộ cuộc chiến bảo vệ đất nước của Ukraine.
Gần đây nhất, ông nói với tờ Bild của Đức rằng “những thỏa hiệp có thể được thực hiện” và một lần nữa kêu gọi đàm phán với Putin.
“Đây là cách duy nhất chúng ta có thể thoát khỏi tình trạng này,” Zelensky cho biết.
“Chúng tôi có thể bàn về các chi tiết. Chúng tôi chưa có liên lạc trực tiếp giữa các Tổng thống. Chỉ sau cuộc hội đàm trực tiếp giữa hai Tổng thống, chúng tôi mới có thể kết thúc cuộc chiến này.”
Source:ABC News
3. Chiến tranh Ukraine: Tại sao Nga ném bom các bệnh viện ở Ukraine - và trước đây Putin đã làm như thế nào
Sky News Úc Đại Lợi nói chuyện với chuyên gia quân sự và giáo sư phân tích Michael Clarke về các cuộc tấn công vào các bệnh viện ở các thành phố Mariupol và Zhytomyr của Ukraine.
Lực lượng Nga đã nã pháo vào một bệnh viện phụ sản ở thành phố cảng Mariupol và hai cơ sở y tế khác ở Zhytomyr, miền bắc Ukraine.
Phụ nữ mang thai, trẻ em và bác sĩ nằm trong số những người thiệt mạng và bị thương.
Tổ chức Y tế Thế giới ước tính rằng ít nhất 18 bệnh viện đã bị quân Nga tấn công kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu vào ngày 24 tháng Hai.
Giáo sư Michael Clarke, nhà phân tích và cựu Tổng giám đốc tổ chức tư vấn quân sự RUSI, đưa ra nhận định của mình về các cuộc tấn công bệnh viện gần đây ở Mariupol và Zhytomyr - và cho rằng chúng hoàn toàn phù hợp với chiến lược của Vladimir Putin ở Ukraine.
Putin đã làm điều này trước đây.
Ví dụ lớn nhất là ở Idlib, Syria vào năm 2019, nơi có 24 cơ sở bệnh viện được nhắm mục tiêu đầu tiên - trước khi có bất kỳ hành động quân sự nào khác.
Hội Hồng Thập Tự Quốc tế và các thành viên khác của cộng đồng viện trợ đã thông báo về tọa độ của các bệnh viện để bảo đảm rằng họ sẽ được để yên.
Nhưng thay vào đó, người Nga đã sử dụng chính những tọa độ đó để ném bom các bệnh viện. Vì vậy, sau năm 2019, cộng đồng viện trợ đã phải ngừng làm điều đó.
Cũng xảy ra các trường hợp tương tự ở Aleppo và Homs.
Tại sao Nga đã làm điều đó?
Đó là một nỗ lực để tạo ra nỗi kinh hoàng trong dân chúng và làm suy sụp tinh thần dân sự.
Ở Mariupol, họ chỉ muốn thành phố đầu hàng.
Thông thường họ cung cấp cho mọi người một lối thoát, nhưng họ không đưa ra bất kỳ lối thoát nào thực sự ở Mariupol - họ chỉ muốn thành phố này đầu hàng.
Về cơ bản, đó là một cuộc bao vây thời trung cổ.
Họ muốn phá vỡ thành phố để có thể đi vào với xe tăng và áo giáp của họ và yêu cầu nó là của riêng họ.
Người Nga sử dụng sự khốn khổ của người dân như một vũ khí chiến tranh.
Đối với chúng ta ở phương Tây, đau khổ là một tác dụng phụ đáng tiếc của chiến tranh - chúng ta cố gắng bảo vệ mọi người và trừng phạt những ai gây ra sai lầm. Nhưng người Nga không lo lắng về điều đó.
Người Ukraine sẽ phản ứng như thế nào?
Hiệu quả của chiến thuật này có thể là lưỡi dao hai lưỡi. Bằng chứng là nó khiến người ta vừa tức giận vừa quyết tâm đánh trả lại. Nó tạo ra cảm giác quyết tâm lạnh lùng ở nhiều người, vì vậy sử dụng sự khốn khổ của người dân như một vũ khí chiến tranh không phải là một cách đặc biệt hiệu quả để làm bất cứ điều gì.
Lời bào chữa của Nga có thể là gì?
Bất kỳ mục tiêu cố ý nào nhằm vào các khu vực dân sự đều là tội ác chiến tranh, hãy dừng lại hoàn toàn. Và không có gì là dân sự hơn một bệnh viện, bởi vì những người trong đó không phải là chiến binh.
Điều mà người Nga luôn nói là các bệnh viện đang được phe đối lập sử dụng làm căn cứ để chứa vũ khí.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố rằng bệnh viện phụ sản ở Mariupol là cơ sở cho “những kẻ cực đoan” và không có bệnh nhân nào ở trong tòa nhà.
Đó là những gì Nga từng cáo buộc ISIS và Al-Qaeda, như họ đã làm ở những nơi như Afghanistan.
Cuối cùng thì họ sẽ cố gắng nói rằng người Ukraine là những kẻ khủng bố - nhưng không có một chút bằng chứng nào cho điều đó.
Thứ hai, không giống như ở phương Tây, chỉ có khoảng 10% vũ khí của Nga là vũ khí chính xác.
Vì vậy, họ có nhiều khả năng hơn chúng ta khi nói rằng họ vô tình pháo vào các tòa nhà bệnh viện.
Nhưng bạn phải nhìn vào mô hình.
Nếu cứ cách một ngày các bệnh viện lại bị tấn công, bạn không thể tuyên bố đó là một tai nạn.
Điều này chỉ ra rằng Putin đang tăng gấp đôi mục tiêu và phương pháp của mình.
Mục tiêu của hắn là tiêu diệt Ukraine với tư cách là một quốc gia độc lập.
Và phương pháp của hắn ta là tiếp tục cuộc tấn công này bất kể cái giá phải trả - về mặt thương vong dân thường và danh tiếng của hắn ta.
Kế hoạch quân sự của hắn ta là tiêu diệt và chiếm lấy các thành phố. Đến nay họ chỉ chiếm được Kherson thành công.
Chernihiv, Sumy, Kharkiv và Mariupol vẫn đang chống lại quân Nga bằng cách chiến đấu với họ ở ngoại ô.
Nhưng việc đánh vào các bệnh viện sẽ khiến mọi người phải bỏ đi.
Nếu bạn bị thương trong cuộc giao tranh, rất khó để được chữa trị nếu không có bất kỳ bệnh viện nào, vì vậy mọi người phải bỏ đi nơi khác.
Đó là một chính sách di dời có chủ ý - để họ có thể làm sạch những phần của thành phố mà họ muốn chiếm giữ.
Liệu Nga có 'thoát khỏi tội ác này' như ở Syria không?
Sự khác biệt giữa những gì đang xảy ra ở Ukraine và những gì đã xảy ra ở Syria là lần này không ai nhìn theo hướng khác.
Thế giới đang theo dõi và Tòa án Hình sự Quốc tế cũng vậy.
Nga không thể đổ lỗi cho bất kỳ ai khác lần này - giống như ở Syria.
Điều khác biệt hiện nay so với 10 năm trước là khả năng tiếp cận mạng xã hội của chúng ta.
Các tổ chức như Bellingcat, Maxar và Oryx đang thu thập tất cả các bức ảnh và cảnh quay mà họ có thể nhận được từ mạng xã hội.
Họ cũng đã huy động toàn bộ cộng đồng nhân loại trên khắp thế giới.
Những gì họ đang làm là ghi lại bằng chứng cho Tòa án Hình sự Quốc tế trong tương lai.
Tòa án Hình sự Quốc tế hoạt động rất chậm, nhưng nó đang hoạt động.
Source:Sky News Australia
1. Tường trình của Đức Tổng Giám Mục Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương
Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk của Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương đã có sáng kiến thực hiện các videos hàng ngày để người Công Giáo trên thế giới có thể nắm được tình hình đang diễn ra như thế nào trong cuộc xâm lược của Putin.
Trong video mới nhất, ngài cho biết như sau:
“Chúng tôi đặc biệt hướng suy nghĩ của mình đến các thành phố của chúng tôi ở phía bắc, đông và nam Ukraine. Ukraine đang gặp khó khăn. Ukraine cầu nguyện. Ukraine phục vụ. Trong đêm, suy nghĩ của chúng tôi hướng về Kharkiv.”
Đức Tổng Giám Mục cho biết, tuyết rơi dày gần 20 cm, nhưng vào ban đêm lại nghe thấy tiếng máy bay địch, và bom đạn của kẻ thù dội xuống một thành phố yên bình, mang đến chết chóc và tàn phá. “Suy nghĩ của chúng tôi hướng đến Sumy vì những trận đánh nhau trên đường phố bắt đầu từ đó. Chúng tôi cầu nguyện cho Chernihiv bị thương, cho hàng chục nạn nhân của bom và tên lửa”.
“Nhưng ngày nay, trên hết, trái tim của chúng tôi đang rỉ máu vì những thành phố bị kẻ thù phong tỏa và nơi thảm họa nhân đạo thực sự xảy ra. Suy nghĩ của chúng tôi chảy về Mariupol, tới Volnovakha, tới Kherson. Địch phong tỏa, bao vây các thành phố lớn, không cho dân rời đi, không cho tiếp tế lương thực, bom đạn địch bay qua các thành phố, gieo rắc chết chóc. Lạy Chúa, xin cứu dân Chúa.”
Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương nói thêm rằng “chúng tôi ngày càng cầu nguyện Chúa cho quân đội Ukraine của chúng tôi, cho các cô gái và chàng trai của chúng tôi, những người đang che chắn cho Ukraine, những người đang chết vì tương lai tự do của Tổ quốc của họ. Xin Chúa phù hộ cho quân đội của chúng ta! Chúa ơi, hãy gửi cơ binh các thiên thần của Chúa, và Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, để bảo vệ, ban phước và hỗ trợ quân đội của chúng con!”
Ngài lưu ý rằng khi kẻ thù bắn phá thành phố, nhiều tòa nhà nhanh chóng biến thành một cái bẫy lạnh giá, không có nhiệt, không có ánh sáng, không có nước. Chúng tôi có cách để giúp họ, nhưng sự giúp đỡ của chúng tôi không được phép ở đó.
“Tôi muốn kêu gọi những người có thể giúp đỡ những người này trên bình diện quốc tế. Hãy tạo ra những hành lang nhân đạo, hãy để những con đường xanh của sự sống được mở ra để những người dân có thể di chuyển đến nơi an toàn, và để những đoàn xe nhân đạo mang hơi ấm, lương thực và tình đoàn kết đến với những người dân.”
Đức Tổng Giám Mục cũng gửi lời cảm ơn đến các tình nguyện viên. “Trong thời điểm khủng khiếp này, mọi người đều phải trở thành tình nguyện viên. Tất cả những ai ở lại vùng hòa bình, những ai bảo vệ Tổ quốc của họ mà không có vũ khí hôm nay. Mỗi người chúng ta ngày nay phải phục vụ người lân cận bằng tình yêu thương Kitô của chúng ta.”
“Chúng ta hãy làm mọi thứ để ngăn chặn cuộc chiến này. Chúa ơi, xin cứu Ukraine! Xin Chúa ban cho mọi người sự khôn ngoan và lý trí để cuộc đối thoại chiến thắng chiến tranh! Xin Chúa phù hộ cho tất cả chúng con.”
Source:UGCC
2. Đức Tổng Giám Mục Epiphaniy tiết lộ chi tiết rợn người: Tôi là mục tiêu số 5 trong danh sách phải giết của Nga
Đức Tổng Giám Mục Epiphaniy của Kiev và Toàn bộ Ukraine đã đưa ra một tiết lộ gây chấn động.
Ngài là Giáo Chủ của Giáo Hội Chính Thống độc lập của Ukraine. Ngài đã trả lời phỏng vấn của đài truyền hình nhà nước Hy Lạp ERT, qua phái viên của họ tại Kiev. Trong cuộc phỏng vấn, ngài nhấn mạnh rằng từ ngày bắt đầu các cuộc tấn công cho đến hôm thứ Năm, tức là đúng một tuần, họ đã cố giết ngài đến ba lần.
Đức Cha cho biết ba đặc vụ Nga đã cố gắng đột nhập vào nhà thờ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae Mái Vòm Vàng.
Bằng tiếng Hy Lạp, Đức Cha nói:
“Tôi muốn cảm ơn người dân Hy Lạp và Giáo hội Hy Lạp vì sự giúp đỡ của họ. Chúng tôi không thể ở một mình bây giờ, chúng tôi phải có sự giúp đỡ, và chúng tôi cảm thấy nó đến từ bạn, từ những người Hy Lạp Chính thống giáo.”
Đức Cha Epiphaniy tiết lộ rằng trong ba đêm, người Nga đã vào tu viện, “để tìm tôi. Tôi đã được các cơ quan nước ngoài thông báo rằng tôi là mục tiêu số 5 trong danh sách những người Nga bị giết.”
Khám xét thi thể các quân nhân Nga tử trận, quân đội Ukraine tìm thấy họ đều có một bộ bài in hình các nhân vật lãnh đạo dân sự và tôn giáo của Ukraine cần bắt hay giết đi.
Source:Orthodox Times
3. Đức Thượng Phụ Giêrusalem Pizzaballa: Mùa chay hiệp thông để chống lại chiến tranh và đại dịch
Một hình ảnh của hy vọng, trong một thế giới được đánh dấu trong hai năm qua bởi số lượng nạn nhân hàng ngày, sự lây lan và những hạn chế được áp dụng để chống lại đại dịch Covid-19. Một thế giới, trong những ngày gần đây, đã dậy sóng một cuộc xâm lược mới ngay trước thềm Âu Châu do cuộc xâm lược Ukraine của Nga gây ra, với nguy cơ nó có thể biến thành Thế chiến thứ Ba với vũ khí nguyên tử tàn khốc.
Trong thực tế của bóng tối và nỗi sợ hãi này, một tia sáng lóe lên trong những nhóm người hành hương đầu tiên, những người một lần nữa làm sống động các đường phố của thành phố cổ ở Jerusalem và các thánh địa của truyền thống Kitô giáo. Từ sự hoang tàn của coronavirus cho đến những lời cầu nguyện, trong thời kỳ Mùa Chay, khi trước đây hàng chục ngàn tín hữu sẽ theo chân Chúa Giêsu như những người hành hương.
Sự tái sinh liên quan đến mùa xuân vừa bắt đầu đi kèm với việc nối lại các chuyến đi đến thánh địa, nhờ sự mở cửa trở lại do chính phủ Israel quyết định. Dự kiến sẽ diễn ra vào dịp Giáng Sinh, nhưng sự xuất hiện của biến thể Omicron đã khiến các nhà chức trách phải phong tỏa biên giới một lần nữa. Nhờ vào một chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn và tỷ lệ nhập viện và nạn nhân thấp hơn với áp lực bệnh viện giảm bớt, giới lãnh đạo của Nhà nước Do Thái đã hủy bỏ giai đoạn khẩn cấp nhằm mục đích dần dần trở lại tình trạng bình thường. Do đó, việc mở cửa trở lại, vào ngày 1 tháng 3, không gian hàng không đã cho khách du lịch bao gồm cả những người chưa được tiêm chủng ở mọi lứa tuổi vào Israel, sau khi có một xét nghiệm âm tính tại sân bay quốc tế Ben Gurion ở Tel Aviv.
Đức Thượng Phụ Pizzaballa nói với AsiaNews “Trong hai năm chúng tôi đã phải chứng kiến sự im lặng, biên giới bị đóng cửa gần như hoàn toàn, tình hình kinh tế khó khăn đối với nhiều gia đình ở Bethlehem, Jerusalem và các khu vực khác của Thánh Địa. Không giống như ở phương Tây, chúng tôi không thấy các nhà thờ trống không, nhưng đã có những hậu quả nghiêm trọng. Chúng tôi đã phải đối mặt với rất nhiều mong manh và cô đơn, nhưng trong những tháng này tôi cũng thấy nhiều yếu tố khởi động lại. Chúng tôi cũng đang băn khoăn không biết trước và sau đại dịch sẽ như thế nào, vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn, nhưng tôi tin rằng trước hết chúng ta phải nỗ lực. Chúng tôi sẽ xem điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, nhưng hiện tại điều quan trọng là phải ở đó và duy trì sự hiện diện của chúng ta. Mục tiêu trong những tuần tới là tổ chức Mùa Chay bình thường bỏ lại phía sau việc đóng cửa và khôi phục lại tất cả các hoạt động bình thường và thông lệ của việc cầu nguyện, ăn chay, điều rất quan trọng đối với chúng tôi”
Source:Asia News
Trong gần 100 năm qua, các Đức Giáo Hoàng đã dành thời gian cho một khóa tĩnh tâm hàng năm kéo dài gần một tuần. Đầu tiên là đầu Mùa Vọng, sau này được đổi lại là vào đầu Mùa Chay. Khoá tĩnh tâm này chỉ dành cho Đức Thánh Cha và các nhà lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh.
Bên cạnh đó, mỗi thứ Sáu hàng tuần trong Mùa Vọng và Mùa Chay còn có một sinh hoạt khác có nhiều người tham dự hơn là nghe giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng trình bày các bài suy niệm. Những người được mời tham dự là các Hồng Y, các giám mục, thành viên của Giáo triều Rôma, của Phủ Giáo hoàng, của giáo phận Rôma, Bề trên Tổng quyền của các Dòng tu.
Các bài thuyết giảng Mùa Chay năm 2022, do Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa OFM, giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng trình bày, tập trung vào Bí tích Thánh Thể trong lịch sử cứu độ, nêu bật tầm quan trọng của công việc của Chúa Thánh Thần trong Phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể.
Lúc 9g sáng ngày thứ Sáu 11 tháng Ba, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, đã có bài thuyết giảng đầu tiên cho Mùa Chay năm 2022 tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục ở Vatican. Chủ đề của bài giảng này là “Phụng vụ Lời Chúa”.
Nguyên bản tiếng Ý và các ngôn ngữ khac có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Bên cạnh rất nhiều tai ương mà đại dịch Covid đang gây ra cho nhân loại, từ quan điểm của đức tin đã có ít nhất một tác động tích cực. Đại dịch làm cho chúng ta ý thức được nhu cầu của chúng ta đối với Bí tích Thánh Thể và sự trống rỗng mà sự thiếu vắng Bí tích Thánh Thể tạo ra; đại dịch đã giúp chúng ta không coi Bí Tích Thánh Thể là điều hiển nhiên. Trong thời kỳ khốc liệt nhất của đại dịch vào năm 2020, tôi đã có ấn tượng mạnh mẽ - và cùng với tôi, tôi nghĩ nhiều người khác cũng nghĩ như thế khi xem trên truyền hình Thánh lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành ở Santa Marta mỗi sáng.
Một số Giáo Hội địa phương và quốc gia đã quyết định dành năm hiện tại cho một bài giáo lý đặc biệt về Bí tích Thánh Thể, vì mong muốn có một sự phục hưng về Bí tích Thánh Thể trong Giáo Hội Công Giáo. Đối với tôi, đó dường như là một quyết định đúng lúc và là một tấm gương để noi theo, khi đề cập đến một số khía cạnh có lẽ ít được xem xét về Bí Tích Thánh Thể. Do đó, tôi đã nghĩ đến việc đóng góp một phần nhỏ vào dự án này, dành những suy tư của Mùa Chay này để suy tư về mầu nhiệm Thánh Thể.
Bí tích Thánh Thể là trung tâm điểm của mọi mùa Phụng vụ, Mùa Chay cũng như các mùa khác. Đó là những gì chúng ta cử hành mỗi ngày. Mỗi tiến bộ nhỏ trong sự hiểu biết về Bí tích Thánh Thể đều chuyển thành sự tiến bộ trong đời sống thiêng liêng của cá nhân và của cộng đồng Giáo Hội. Tuy nhiên, thật không may, điều dễ thấy nhất, là do tính lặp đi lặp lại của nó, theo quán tính, Bí tích Thánh Thể được coi là điều đương nhiên. Trong Thông điệp “Ecclesia de Eucharistia” – “Giáo Hội từ Thánh Thể”, được viết vào tháng 4 năm 2003, Thánh Gioan Phaolô II nói rằng các Kitô hữu phải khám phá lại và luôn sống “sự ngạc nhiên của Thánh Thể”. Vì mục đích này, những suy tư của chúng ta sẽ nhắm đến việc tái khám phá sự kinh ngạc đối với Bí tích Thánh Thể.
Nói về Bí tích Thánh Thể trong thời đại đại dịch và bây giờ với sự khủng khiếp của chiến tranh đang hiện lên trước mắt chúng ta không có nghĩa là ngoảnh mặt khỏi thực tế đầy bi thảm mà chúng ta đang trải qua, nhưng là một sự trợ giúp để nhìn thực tại từ một quan điểm cao hơn và ít chao đảo hơn. Bí tích Thánh Thể là sự hiện diện trong lịch sử của sự kiện đã vĩnh viễn đảo ngược vai trò giữa kẻ chiến thắng và nạn nhân. Trên thập tự giá, Chúa Kitô đã biến nạn nhân thành người chiến thắng thực sự: “Victor quia victima”, Thánh Augustinô định nghĩa Người là Đấng chiến thắng vì là nạn nhân. Bí tích Thánh Thể cung cấp cho chúng ta chìa khóa đích thực để giải thích lịch sử. Nó bảo đảm với chúng ta rằng Chúa Giêsu ở với chúng ta, không chỉ về mặt ý định mà thôi, nhưng là “thực sự” trong cái thế giới dường như có thể tuột khỏi tay chúng ta bất cứ lúc nào. Ngài lặp lại với chúng ta: “Hãy can đảm: Thầy đã thắng thế gian!” (Ga 16:33).
Bí tích Thánh Thể trong Lịch sử Cứu độ
Bí tích Thánh Thể có vị trí nào trong lịch sử cứu độ? Câu trả lời là nó không có vị trí cụ thể nào – vì nó là toàn bộ. Bí tích Thánh Thể đồng hành với lịch sử cứu độ. Cũng như vào một buổi sáng trong lành, cả bầu trời được phản chiếu trong giọt sương trên bụi cây, Bí tích Thánh Thể phản ánh toàn bộ lịch sử cứu độ.
Tuy nhiên, Thánh Thể hiện diện trong lịch sử cứu độ theo ba cách khác nhau vào những thời điểm hoặc giai đoạn khác nhau: nó hiện diện trong Cựu Ước như một hình tượng, trong Tân Ước như một sự kiện, và trong thời đại chúng ta, thời đại của Giáo hội, như một bí tích. Hình tượng dự đoán và chuẩn bị cho sự kiện; bí tích “kéo dài” sự kiện và hiện thực hóa nó.
Tôi đã nói trong Cựu Ước, Thánh Thể hiện diện như một “hình tượng”. Một trong những hình tượng này là Manna; một hình tượng khác là sự hy sinh của Menkisêđê, và một hình tượng khác nữa là việc sát tế Isaác. Trong Bài Thánh Ca Lauda Sion do Thánh Thomas Aquinas sáng tác cho ngày lễ “Corpus Domini” – “Mình Máu Thánh Chúa”, chúng ta hát:
Thể hiện nơi sự sát tế Isaac,
Trong tiến trình chuẩn bị manna:
Trong của lễ hiến tế Vượt qua,
Trong các hình thái cũ được tiền định.
Do chức năng của chúng như những hình tượng của Bí tích Thánh Thể mà Thánh Tôma đã gọi các nghi lễ của Cựu Ước là “các bí tích của Lề Luật Cũ”.
Với sự xuất hiện của Chúa Kitô và mầu nhiệm sự chết và sống lại của Người, Bí tích Thánh Thể không còn hiện diện như một hình ảnh, mà là một sự kiện, một thực tại. Chúng ta gọi nó là một “sự kiện” bởi vì nó là một điều gì đó đã xảy ra trong lịch sử, một biến cố duy nhất trong thời gian và không gian, chỉ diễn ra một lần (semel) và không thể lặp lại: Chúa Kitô “khi đến thời viên mãn, đã xuất hiện chỉ một lần, để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình.” (Dt 9:26).
Cuối cùng, trong thời Giáo hội, tôi đã nói, Thánh Thể hiện diện như một bí tích, nghĩa là, trong dấu chỉ bánh và rượu, do Chúa Kitô thiết lập. Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu rõ sự khác biệt giữa sự kiện và bí tích: trong thực tế, đó là sự khác biệt giữa lịch sử và Phụng vụ. Chúng ta hãy để Thánh Augustinô giúp chúng ta:
Chúng ta biết và tin tưởng với đức tin đầy xác tín rằng Chúa Kitô chỉ chết một lần cho chúng ta, Đấng công chính chết thay cho kẻ tội lỗi, Chúa chết thay cho người tôi tớ. Chúng ta hoàn toàn biết rằng điều này chỉ xảy ra một lần; tuy nhiên, Tiệc Thánh làm mới lại điều đó một cách định kỳ, như thể những gì lịch sử tuyên bố chỉ xảy ra một lần được lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, sự kiện và bí tích không mâu thuẫn với nhau, như thể bí tích là ngụy biện và chỉ có sự kiện là đúng. Trong thực tế, điều mà lịch sử tuyên bố đã xảy ra, chỉ một lần, thì bí tích này thường canh tân (cải tổ) việc cử hành trong tâm hồn các tín hữu. Lịch sử tiết lộ những gì đã từng xảy ra và nó đã xảy ra như thế nào, Phụng vụ bảo đảm rằng quá khứ không bị lãng quên; không phải theo nghĩa làm cho biến cố xảy ra một lần nữa (non faciendo), nhưng theo nghĩa tôn vinh biến cố ấy (sed celebrando).
Việc chỉ rõ mối liên hệ tồn tại giữa hy tế duy nhất trên thập tự giá và Thánh lễ là một điều rất tế nhị và luôn là một trong những điểm gây bất đồng lớn nhất giữa người Công Giáo và người Tin lành. Như chúng ta đã thấy, Thánh Augustinô sử dụng hai động từ: đổi mới và cử hành, điều này hoàn toàn chính xác, với điều kiện là động từ này được hiểu dưới ánh sáng của động từ kia: Thánh lễ đổi mới biến cố thập giá bằng cách cử hành nó (không lặp lại nó!), và kỷ niệm biến cố ấy bằng cách đổi mới nó (chứ không chỉ nhắc đến nó!). Từ ngữ mà ngày nay đạt được sự đồng thuận đại kết lớn nhất, có lẽ là động từ “rappresentare” - tái hiện (cũng được Đức Phaolô Đệ Lục dùng trong thông điệp Mysterium Fidei - Mầu Nhiệm Đức Tin), được hiểu theo nghĩa mạnh là tái trình bày, nghĩa là làm tái hiện lại. Theo nghĩa này, chúng ta nói rằng Thánh Thể “tái hiện” thập giá.
Do đó, theo lịch sử, chỉ có một hy tế Thánh Thể, là hy tế do Chúa Giêsu thực hiện cùng với sự sống và cái chết của Người; nhưng mặt khác, theo Phụng vụ, tức là nhờ Bí tích Thánh Thể mà có biết bao các hy tế Thánh Thể đã được cử hành và sẽ được cử hành cho đến ngày tận thế. Sự kiện chỉ diễn ra một lần (semel), bí tích diễn ra “mọi lúc” (quotiescumque). Nhờ bí tích Thánh Thể, chúng ta trở thành những người đương thời với sự kiện một cách mầu nhiệm; sự kiện hiện diện với chúng ta và chúng ta có mặt tại sự kiện.
Những suy tư Mùa Chay của chúng ta sẽ có đối tượng là Bí tích Thánh Thể trong giai đoạn hiện tại, nghĩa là, như một bí tích. Trong Giáo hội cổ đại, có một khóa giáo lý đặc biệt, được gọi là mystagogic - giáo lý về mầu nhiệm, do các giám mục đảm trách và được giảng dạy sau khi, chứ không phải trước khi được rửa tội. Mục đích của nó là trình bày cho người tân tòng hiểu được ý nghĩa của các nghi thức được cử hành và chiều sâu của các mầu nhiệm đức tin: rửa tội, thêm sức hay xức dầu, và đặc biệt là Bí tích Thánh Thể. Những gì chúng ta định làm là một bài giáo lý sư phạm nhỏ về Bí tích Thánh Thể. Để tập trung vào tính chất bí tích và nghi lễ càng nhiều càng tốt, chúng ta sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của Thánh lễ trong ba phần của nó - Phụng vụ Lời Chúa, Phụng vụ Thánh Thể (Kinh Nguyện Thánh Thể), và Rước lễ - thêm vào phần cuối suy niệm về việc thờ phượng Thánh Thể ngoài Thánh lễ.
Phụng vụ Lời Chúa
Trong những ngày đầu tiên của Giáo Hội, Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể không được cử hành ở cùng một nơi và cùng một lúc. Các môn đệ tham gia vào các buổi lễ thờ phượng tại Đền thờ. Tại đó, họ nghe các bài đọc trong Kinh Thánh và đọc các bài thánh vịnh và lời cầu nguyện cùng với những người Do Thái khác, sau đó họ đi về nhà của họ, nơi họ tụ họp để “bẻ bánh”, tức là để cử hành Thánh Thể (xin xem Công vụ 2:46).
Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau đó, họ không thể tiếp tục thực hành này vì họ đã trải qua sự thù địch từ cộng đồng Do Thái, và vì Kinh Thánh đã mang một ý nghĩa mới đối với họ hoàn toàn phù hợp với Chúa Giêsu Kitô. Do đó, họ không còn đến Đền thờ hay Hội đường để đọc và nghe Kinh Thánh nữa mà thay vào đó, họ đã đưa Kinh Thánh vào những nơi thờ phượng Kitô của riêng mình, và vì thế Phụng vụ Lời Chúa trở thành phần dẫn vào Kinh nguyện Thánh Thể.
Vào thế kỷ thứ hai, Thánh Giúttinô đã viết một bản mô tả về Phụng vụ Thánh Thể, trong đó chúng ta đã tìm thấy tất cả các yếu tố thiết yếu của Thánh lễ hiện nay. Phụng vụ Lời Chúa không chỉ là một phần tích hợp của Thánh lễ nhưng bên cạnh các bài đọc Cựu Ước, còn có những gì Thánh Giúttinô gọi là “hồi ký của các Tông đồ”, tức là các bức thư và Phúc âm của Tân Ước.
Khi chúng ta lắng nghe các bài đọc Kinh Thánh trong Phụng vụ, chúng mang một ý nghĩa mới và mạnh mẽ hơn những gì chúng mang lại cho chúng ta trong một số bối cảnh khác. Khi chúng ta đọc Kinh Thánh ở nhà hoặc học trong một khóa học, điều đó sẽ giúp chúng ta hiểu biết Kinh Thánh nhiều hơn. Nhưng khi chúng ta đọc Kinh Thánh trong Phụng vụ, thì điều đó giúp chúng ta biết rõ hơn về Đấng tự hiện diện trong việc bẻ bánh, và mỗi lần như thế nó làm sáng tỏ một số khía cạnh của mầu nhiệm chúng ta sắp lãnh nhận.
Đây là điều nổi bật trong phần Phụng vụ Lời Chúa đầu tiên diễn ra với Chúa Kitô Phục sinh và hai môn đệ trên đường Emmaus. Khi lắng nghe lời giải thích của Ngài về Kinh Thánh, lòng họ bắt đầu dịu lại để có thể nhận ra Ngài khi Ngài bẻ bánh sau đó.
Không chỉ những lời trong Kinh Thánh được nói ra và những câu chuyện Kinh Thánh được kể lại trong Thánh lễ, chúng còn được tái hiện lại theo cách mà những gì được ghi nhớ trở thành hiện thực và hiện hữu. Bất cứ điều gì đã xảy ra “tại thời điểm đó” đang xảy ra “tại thời điểm này” - “hôm nay” (hodie), như Phụng vụ thường nói. Chúng ta không chỉ là người nghe Lời Chúa, người tiếp nhận thụ động như bình thường, mà chính chúng ta là người được nói nói đến và hành động. Chúng ta được kêu gọi đặt mình vào vị trí của những người trong câu chuyện.
Một số ví dụ sẽ giúp chúng ta nắm bắt được điều này. Khi trong Thánh lễ, bài đọc thứ nhất cho chúng ta biết Thiên Chúa đã nói chuyện với Môsê như thế nào trong bụi cây đang cháy (x. Xh 3), chúng ta nhận ra rằng thực ra chúng ta là những người đang thực sự đứng trước bụi cây đang cháy thật. Khi chúng ta đọc về ngôn sứ Isaia, người đã chạm vào môi mình vào một viên than hồng đang cháy để thanh tẩy ông cho sứ mệnh của mình (xem Is 6), chúng ta chợt nhận ra một điều: chúng ta là những người sắp nhận được trên môi mình viên than hồng đang cháy thực sự, Đấng đến để đốt cháy trái đất (xem Lc 12,49). Khi chúng ta đọc cách tiên tri Êdêkien được bảo ăn cuộn giấy để cho vào bụng mình (Ez 2: 8–3: 3), một tia sáng ập đến với chúng ta: chúng ta là những người sắp ăn “cuộn giấy”, là Lời-hóa-thành-nhục-thể và bây giờ được hóa thành bánh.
Chuyển từ Cựu Ước sang Tân Ước, từ bài đọc thứ nhất đến đoạn Tin Mừng, điểm này càng trở nên rõ ràng hơn. Nếu người phụ nữ bị băng huyết chắc chắn rằng cô ấy sẽ được chữa lành chỉ cần cô ấy chạm vào vạt áo choàng của Chúa Giêsu, thì trường hợp của chúng ta là những người sắp được chạm nhiều hơn vào vạt áo choàng của Ngài thì chúng ta còn được nhiều hơn biết bao?
Tôi nhớ có lần tôi đã nghe câu chuyện Phúc âm về ông Giakêu và đột nhiên nó trở nên “có thật” đối với tôi. Tôi là Giakêu. Chúa Giêsu đã nói với tôi “Hôm nay Ta phải ở nhà của con”. Và khi tôi rước lễ, tôi có thể nói một cách chân thật rằng: “Người đã đến nhà kẻ tội lỗi”, và đến lượt Ngài, Chúa Giêsu nói với tôi: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến nhà này” (xem Lc 19: 5-9).
Điều này cũng đúng mỗi khi Tin Mừng được công bố trong Thánh lễ, làm sao chúng ta lại không thể không nhận diện được người bại liệt mà Chúa Giêsu đã nói: “Tội anh em được tha”, “Hãy trỗi dậy… và hãy về nhà” (Mc 2: 5,11)? Hay với ông Simêon, người đã ôm hài nhi Giêsu vào lòng (Lc 2:27-28)? Hay với ông Tôma, người run rẩy đưa tay chạm vào vết thương của Chúa (Ga 20,27-28)?
Trong Chúa Nhật thứ Hai Mùa Thường Niên của chu kỳ Phụng vụ năm nay, có đoạn Tin Mừng, trong đó Chúa Giêsu nói với người đàn ông bị liệt tay: “Hãy giơ tay ra! Anh duỗi nó ra và tay anh đã được chữa lành”(Mc 3,5). Chúng ta không có một bàn tay bị liệt; tuy nhiên, tất cả chúng ta, ít nhiều đều có tâm hồn tê liệt, trái tim khô héo. Chính là với chúng ta, những người nghe Lời Chúa, mà Chúa Giêsu nói vào lúc đó: “Hãy giơ tay ra! Hãy trải lòng mình ra trước mặt Thầy, với niềm tin và sự sẵn sàng của người đàn ông đó!”
Khi được công bố trong Phụng vụ, Kinh Thánh hành động theo cách vượt trên mọi sự giải thích của con người. Kinh Thánh phản ánh cách thức hoạt động của các bí tích. Những văn bản được thần thánh linh ứng này có khả năng chữa lành. Sau khi đọc xong đoạn Tin Mừng, Giáo hội mời thừa tác viên hôn cuốn sách và nói: “Nhờ những lời Phúc âm xin cho tội lỗi của chúng con được xóa sạch”. (Per evangelica dicta deleantur nostra Delicta).
Trong suốt chiều dài lịch sử của Giáo Hội, một số sự kiện tạo ra kỷ nguyên mới đã xảy ra do trực tiếp nghe các bài đọc trong Thánh lễ. Có một ngày, người trẻ nghe đoạn Tin Mừng trong đó Chúa Giêsu nói với người thanh niên giầu có “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” (Mt 19:21). Anh cảm thấy rằng lời này đang được nói với riêng mình đến nỗi anh về nhà, bán tất cả những gì mình có và rút vào sa mạc. Tên của người đàn ông đó là Anthony, và đó là cách mà phong trào viện tu bắt đầu trong Giáo hội.
Nhiều thế kỷ sau, ở Assisi, một thanh niên mới cải đạo đi cùng với bạn đến nhà thờ. Trong bài Tin Mừng cho ngày hôm đó, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo” (Lc 9: 3). Ngay lập tức anh ta quay sang người bạn đồng hành của mình và nói, “Bạn có nghe thấy điều đó không? Đây là điều mà Chúa muốn chúng ta làm”. Và do đó bắt đầu Phong trào Phan sinh.
Phụng vụ Lời Chúa là nguồn lực tốt nhất mà chúng ta có để làm cho Thánh lễ trở thành một cử hành mới và hấp dẫn mỗi khi xảy ra, nhờ đó tránh được nguy cơ lặp lại đơn điệu mà những người trẻ cảm thấy đặc biệt nhàm chán. Tuy nhiên, để điều này xảy ra, chúng ta phải đầu tư nhiều thời gian và sự cầu nguyện hơn trong việc chuẩn bị bài giảng. Các tín hữu sẽ có thể thấy lời Chúa giải quyết các tình huống thực tế của họ như thế nào và đưa ra câu trả lời cho những đòi hỏi hiện sinh của họ ra sao.
Có hai cách để chuẩn bị một bài giảng. Bạn có thể ngồi xuống và dựa vào kiến thức của bản thân và dựa trên sở thích cá nhân, bạn có thể chọn chủ đề và tạo ra các từ ngữ. Và sau đó, khi diễn từ của bạn đã được chuẩn bị xong, bạn có thể quỳ xuống và cầu xin Thiên Chúa ban quyền năng cho lời nói của bạn, thêm Thánh Linh của Ngài vào thông điệp của bạn. Đó là một phương pháp tốt, nhưng nó không phải là tiên tri. Để có tính tiên tri, bạn phải làm ngược lại. Đầu tiên, bạn hãy quỳ xuống và cầu xin Chúa ban cho lời mình muốn nói. Thiên Chúa có trong lòng Ngài những lời đặc biệt cho bất kỳ và cho mọi dịp, và Ngài không bao giờ từ chối tiết lộ những lời đó cho người thừa tác viên yêu cầu Ngài một cách khiêm nhường và bền đỗ. Ban đầu, không có gì khác hơn là một sự thay đổi trái tim gần như không thể nhận thấy: một chút ánh sáng lóe lên trong tâm trí bạn, một từ trong Kinh Thánh thu hút sự chú ý của bạn và làm sáng tỏ một tình huống. Nó có vẻ như chỉ là một hạt nhỏ, nhưng nó chứa tất cả những gì chúng ta cần.
Sau đó, bạn ngồi vào bàn, mở sách, xem ghi chép, thu thập suy nghĩ và tham khảo ý kiến của các Giáo phụ, các thầy dạy, các nhà thơ, nhưng giờ đây, lời Chúa không còn phục vụ cho việc học của bạn nữa, nhưng sự học hỏi của bạn là để phục vụ lời Chúa. Và chỉ khi đó, lời Chúa mới toát ra hết sức mạnh của nó.
Nhờ tác động của Chúa Thánh Thần
Nhưng phải nói thêm một điều: chỉ chú ý đến lời Chúa thôi thì chưa đủ. “Sức mạnh từ trên cao” phải đổ xuống. Trong Bí tích Thánh Thể, tác động của Chúa Thánh Thần không chỉ giới hạn trong giây phút truyền phép, mà còn là lời kinh được đọc trước đó. Sự hiện diện của Người cũng không thể thiếu đối với Phụng vụ Lời Chúa và, như chúng ta sẽ thấy, đối với phần rước lễ.
Trong Giáo Hội, Chúa Thánh Thần tiếp tục hành động của Đấng Phục Sinh, Đấng, sau Phục Sinh, đã “khai mở tâm trí các môn đệ để hiểu Thánh Kinh” (x. Lc 24,45). Hiến chế Dei Verbum - Lời Chúa - của Công đồng Vatican II cho biết: Kinh Thánh “phải được đọc và giải thích với sự trợ giúp của cùng một Thần Khí mà nhờ đó Kinh Thánh đã được viết ra” (DV, 12). Trong Phụng vụ Lời Chúa, tác động của Chúa Thánh Thần được thực hiện qua sự xức dầu thiêng liêng hiện diện nơi người nói và người nghe.
Thần Khí Chúa ngự trên tôi,
vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. (Lc 4:18)
Vì thế, Chúa Giêsu chỉ ra nơi mà lời được loan báo thu hút sức mạnh của nó. Sẽ là sai lầm nếu chỉ dựa vào bí tích xức dầu mà chúng ta đã lãnh nhận một lần và mãi mãi trong việc thụ phong linh mục hoặc giám mục. Điều này cho phép chúng ta thực hiện một số hành động thiêng liêng, chẳng hạn như quản lý, rao giảng và thực hiện các bí tích. Có thể nói, nó cho chúng ta thẩm quyền để làm những việc nhất định, không nhất thiết là quyền bính để làm những điều đó; nó bảo đảm cho sự kế vị của các Tông đồ, nhưng không nhất thiết là sự thành công của các Tông đồ!
Nhưng nếu sự xức dầu được ban bởi sự hiện diện của Thánh Linh và đó là ân sủng của Ngài, thì chúng ta có thể làm gì để có được điều đó? Trước hết, chúng ta phải bắt đầu từ xác tín này: “Chúng ta đã nhận được sự xức dầu từ Đấng Thánh”, Thánh Gioan bảo đảm với chúng ta (1 Ga 2:20). Đó là, nhờ phép rửa tội và thêm sức - và, đối với một số người, bí tích truyền chức linh mục hoặc giám mục - chúng ta đã có được sự xức dầu. Thật vậy, theo giáo lý Công Giáo, các bí tích ấy đã in sâu vào tâm hồn chúng ta một nét đặc trưng không thể xóa nhòa, giống như một dấu ấn hay một con dấu. Thánh Phaolô viết “Đấng củng cố chúng tôi cùng với anh em trong Đức Kitô và đã xức dầu cho chúng ta, Đấng ấy là Thiên Chúa. Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng.” (2Cr 1: 21-22).
Tuy nhiên, sự xức dầu này giống như một loại thuốc mỡ thơm được đựng trong một cái lọ: nó vẫn trơ ra và không tỏa ra bất kỳ mùi thơm nào nếu nó không bị vỡ và cái lọ chưa được mở. Đây là điều đã xảy ra với cái bình bạch ngọc đựng dầu thơm cam tùng do người phụ nữ trong Tin Mừng đập ra, làm hương thơm tràn ngập cả nhà (Mc 14: 3). Đây là phần việc của chúng ta về việc xức dầu. Phần việc của chúng ta không phải là tạo ra việc xức dầu, nhưng phần việc của chúng ta là loại bỏ các chướng ngại vật ngăn cản bức xạ của nó. Không khó đối với chúng ta để hiểu ý nghĩa của việc làm vỡ chiếc bình bạch ngọc. Cái bình là nhân tính của chúng ta, là bản ngã của chúng ta, đôi khi là chủ nghĩa duy trí khô cằn của chúng ta. Phá vỡ nó đồng nghĩa với việc đặt mình vào trạng thái đầu hàng Chúa và chống lại thế gian.
May mắn thay cho chúng ta, không phải mọi thứ đều phụ thuộc vào nỗ lực khổ hạnh. Trong trường hợp này, đức tin, lời cầu nguyện và sự van xin khiêm tốn có thể làm được nhiều điều. Vì vậy, hãy xin xức dầu trước khi bắt đầu rao giảng hoặc đưa ra các hành động quan trọng trong việc phụng sự Nước Trời. Khi chúng ta chuẩn bị cho việc đọc phúc âm và bài giảng, Phụng vụ khiến chúng ta cầu xin Chúa thanh tẩy tâm hồn và môi miệng của chúng ta để có thể công bố phúc âm một cách xứng đáng. Tại sao đôi khi không nói (hoặc ít nhất là tự suy nghĩ trong lòng): “Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin hãy xức dầu và tâm trí con để con có thể công bố lời Ngài bằng sự ngọt ngào và quyền năng của Thánh Linh”?
Việc xức dầu không chỉ cần thiết để người rao giảng loan báo Lời Chúa một cách hữu hiệu, mà còn cần người nghe hoan nghênh. Thánh sử Gioan đã viết cho cộng đoàn của mình: “Phần anh em, anh em nhận được dầu, do tự Đấng Thánh, và tất cả anh em đều được ơn hiểu biết... dầu mà anh em đã lãnh nhận từ Đức Kitô ở lại trong anh em, và anh em chẳng cần ai dạy dỗ nữa.”(1 Ga 2: 20,27).
Không phải bất kỳ khóa đào tạo nhân bản nào cũng là vô ích, nhưng vẫn chưa đủ “Chính người thầy dạy nội tâm là người thực sự hướng dẫn, chính Chúa Kitô và nguồn cảm hứng của Ngài là người hướng dẫn. Khi thiếu sự soi dẫn và sự xức dầu của Ngài, thì những lời nói bên ngoài chỉ gây ra tiếng động vô ích mà thôi”. Chúng ta hãy hy vọng rằng ngay cả ngày hôm nay chính Chúa Giêsu Kitô đã hướng dẫn chúng ta bằng nguồn cảm hứng nội tâm của Ngài và bài nói chuyện của tôi không phải là một “tiếng ồn vô ích”.
1.Thomas Aquinas, S.Th. III, q. 60, a.2,2
2.Augustine, Sermo 112 (PL 38,643)
3.Paul VI, Mysterium fidei (AAS 57, 1965, trang 753 ss).
4.Justin, Apologia, 67, 3-4.
Source:Cantalamessa