Ngày 12-03-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Giêsu biến hình trên núi
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:11 12/03/2019
Chúa Nhật II MÙA CHAY, năm C
Lc 9,28b – 36


Câu chuyện Chúa Giêsu biến hình trên núi Taborê vẫn gây ấn tượng đậm nét nơi nhiều người. Ba môn đệ thân tín là Phêrô,Giacôbê và Gioan được Thầy Giêsu đưa lên núi cao. Ba môn đệ này cứ tưởng Thầy dẫn mình lên núi để tham quan, để khảo sát núi đồi,tuy nhiên, Tin Mừng của thánh Luca hôm nay viết:” Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa “ ( Lc 9,29 ). Thì ra, Đức Giêsu biến hình trước mặt các ông…

Vâng, Tin Mừng thánh Luca cho hay :” Chúa Giêsu đang chìm sâu trong cầu nguyện. Ngài đang trò chuyện thân mật cùng Chúa Cha”. Thực tế, lúc cầu nguyện Chúa Giêsu hiểu rất rõ những gì đang chờ đợi Người: đau khổ, thử thách, bắt bớ,giam cầm, chịu xỉ nhục, bị đánh đập, kết án bất công, chịu chết và sống lại khải hoàn ( Lc 9,22). Đức Giêsu cầu nguyện, chìm sâu trong sự thân mật thâm sâu với Chúa Cha. Đêm khuya, Người vẫn cầu nguyện.Các môn đệ từ Phêrô, Giacôbê đến người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến nhất đều lăn ra ngủ say. Ba môn đệ không hề biết rằng Thầy của mình đang phải đương đầu nặng nề với thử thách.Người sẵn sàng chấp nhận ý của Cha…Chợt tỉnh dậy, các môn đệ ngất ngây, say đắm trước cảnh tượng diễn ra phi thường trước mặt các ông. Thầy Giêsu đang đàm đạo, trò chuyện thân mật với ông Môsê và Êlia.Vinh quang rực rỡ bao trùm ba Đấng. Dung mạo, khuôn mặt của Thầy Giêsu biến đổi khác thường. Y phục của Người cũng trở nên trắng tinh chói lọi.

Ba môn đệ chắc chắn muốn cảnh tượng này kéo dài, và kéo dài mãi mãi…Khi môn đệ Phêrô thấy Thầy Giêsu sắp chia tay Môsê và Êlia. Phêrô muốn sống mãi trong niềm vui, hạnh phúc này. Ông đề nghị dựng ba lều để Ba Đấng ở lại núi qua đêm và để các ông được hưởng nếm vinh quang lâu dài.Tuy nhiên, một đám mây bao phủ các môn đệ đưa các ông đi vào sự hiệp thông với thần linh. Các môn đệ hoảng sợ, kinh hồn, khiếp vía khi các ông nhận ra Thiên Chúa quá ư gần gũi các ông. Việc biến hình, việc thân mật gần gũi Thiên Chúa và đám mây bao phủ, tất cả chuẩn bị để các môn đệ nghe được lời giới thiệu của Thiên Chúa Cha :” Đây là Con Ta,người đã được ta tuyển chọn, hãy vâng nghe Lời Người “ (Lc 9,35 ). Ba môn đệ được chiêm ngắm Đức Giêsu trong vinh quang củng cố niềm tin, giúp các ông không ngỡ ngàng mấy khi cùng Thầy Giêsu trên đường đi Giêrusalem. Kinh nghiệm hôm nay, lúc này,ở đây giúp các môn đệ nhận ra số phận của mình, để cùng Chúa Giêsu Thầy của mình đón nhận vinh quang. Sự sáng láng,vinh quang trên núi Taborê giúp các môn đệ hiểu trước sự đau khổ trong cơn hấp hối tại vườn Cây Dầu.

Qua cuộc biến hình, các môn đệ được trải nghiệm hạnh phúc, niềm vui các Ngài sẽ được nhận lãnh, rồi các Ngài cùng Chúa Giêsu xuống núi, tiếp tục công việc rao giảng, công trình cứu thế của mình. Cuộc biến hình của Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hướng về vinh quang, thân xác của mỗi người chúng ta một ngày nào đó cũng được vinh hiển, dù cuộc sống trần, cuộc hành trình đức tin của chúng ta có gặp thử thách, đau khổ và bất hạnh như thế nào đi nữa! Đức Giêsu biến hình sáng láng, chói lọi, vinh quang, nêu gương cho mỗi người chúng ta phải canh tân, biến đổi, sám hối từng ngày, để con người luôn luôn được trong sáng, tinh tuyền và bắt chước Chúa “ hiền lành và khiêm nhượng “, biết quảng đại, chia sẻ và yêu thương phục vụ người nghèo.

Lạy Chúa Giêsu, trên đường dương thế chúng con gặp không biết bao nhiêu thử thách, khó khăn,xin cho chúng con biết chấp nhận từ bỏ con người cũ, mặc lấy Đức Kitô và vác thập giá mà theo Người.Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Chúa Giêsu biến hình ở đâu ?
2.Tại sao lại gọi Phêrô , Giacôbê và Gioan là ba môn đệ thân tín ?
3.Chúa Giêsu biến hình làm sao ?
4.Ai đã hiện ra đàm đạo với Chúa Giêsu ?
5.Việc biến của Chúa Giêsu dạy chúng ta điều gì ?
 
Vâng nghe Lời Người
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
06:19 12/03/2019
Chúa Nhật 2 Chay

Sau khi được tiên báo về cuộc Thương khó Chúa Giêsu sắp phải trải qua, các môn đệ đã xuống tinh thần trầm trọng, thậm chí các ông còn ngần ngại đồng hành với Chúa lên Giêrusalem.

Tin mừng Nhất Lãm tường thuật lời loan báo về cuộc tử nạn. Chúa Giêsu đưa Nhóm Mười Hai đi lên Giêrusalem, dọc đường, Người nói với các ông: “Này chúng ta lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và ngày thứ ba, Người sẽ chỗi dậy” (Mt, 17-19).

Theo tin mừng Luca và Maccô, các môn đệ không hiểu và sợ hãi khi nghe Thầy loan báo về cuộc thương khó. “Nhưng các ông không hiểu gì cả; đối với các ông, lời ấy còn bí ẩn, nên các ông không rõ những điều Người nói” (Lc 18,34); “Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi. Người lại kéo riêng Nhóm Mười Hai ra, và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy đến cho mình” (Mc 10,32).

Vì không hiểu nên sợ. Sợ nên không muốn đi. Phêrô kéo riêng Chúa ra mà ngăn cản và trách móc. Chúa trách mắng Phêrô, nhưng để giúp Phêrô cần có sự can thiệp của Chúa Cha. Vì thế, biến cố Biến Hình đã xảy ra (Mt 17,1-9).

Chúa đưa ba môn đệ lên núi Tabor. Biến Hình rực rỡ nhằm củng cố tinh thần cho các môn đệ sau khi Chúa loan báo cuộc khổ nạn.

1. Núi Tabor

Tôi có dịp hành hương lên Núi Tabor. Từ khách sạn ở Nazareth, xe đi qua những thung lũng với nhiều vườn cây ôliu, vườn chuối, vườn cam xanh tươi ngút mắt. Tabor là ngọn núi rất đẹp, nó đưa mình lên êm ả từ một cánh đồng cỏ xanh. Xe buýt chỉ đến chân núi, sau đó phải đổi xe chuyên leo núi. Lên dốc cao, đường ngoằn ngoèo theo vòng xoáy trôn ốc như đường Đèo Ngoạn Mục. Trời thật lạnh khoảng 4độ, gió thổi rét buốt trên đỉnh có độ cao 600m làm ai nấy run lên vì lạnh.

Núi Tabor có một ngoại hình rất cân đối. Núi mọc lên giữa cánh đồng như một bàn thờ giữa trời đất, giống như lễ đàn của các bộ lạc để tế thần minh. Lúc Chúa Giêsu đem ba môn đệ yêu quý lên đây, không gian phải rất im vắng. Chỉ có gió vi vu và mây nắng với rừng cây thắm một màu xanh hùng vĩ.

Núi tiêu biểu cho quyền năng và vinh quang của Thiên Chúa. Núi là nơi mặc khải những điều trọng đại như khi xưa Thiên Chúa hiển linh trên núi Sinai với Môsê, núi Khoreb với Êlia, núi Tabor với ba môn đệ. Từ đỉnh núi, nhìn về hướng nam là làng Naim, một thành cổ hiện tại người Ảrập sinh sống, nơi đây Chúa cho con trai bà goá sống lại. Nazareth, một thị trấn sầm uất về hướng tây và Biển hồ Galilê mênh mang phía đông. Tabor, ngọn núi thiêng tạo thành một tam giác đều. Cả ba nơi đều gắn liền với cuộc đời Chúa Giêsu: lớn lên, truyền đạo và hiển dung. Bên ngoài, phía trái Nhà thờ vẫn còn dấu vết tường đá tu viện các cha dòng Bênêđictô một thời Trung cổ huy hoàng.

Theo sử gia Josephus thì nhóm Nhiệt Thành (Zelot) đã chiến đấu với quân Roma tại đây vào năm 66tcn. Năm 1.634 các thầy Phanxicô mới dành lại được ngọn núi này từ tay quân Thổ. Nhưng mãi gần 300 năm sau mới xây được Nhà thờ. Ngôi nhà thờ đầu tiên do thánh nữ Hêlêna mẫu hậu của hoàng đế Costantin cho xây vào thế kỷ IV SCN, qua thời kỳ Bizantin và thời thánh chiến bị phá hủy. Ngôi nhà thờ hiện tại được xây dựng trên chính nền nhà thờ cũ đó. Nhà thờ Hiển Dung xây dựng từ năm 1925 do các cha dòng Phanxicô phụ trách. Mặt tiền nhà thờ lối kiến trúc nổi bật với hai ngọn tháp vuông cao vút. Bên trong hai ngọn tháp này là hai nguyện đường nhỏ kính tổ phụ Môisen và Êlia. Một bức tranh tuyệt đẹp theo nghệ thuật mosaic phía trên bàn thờ vòm cung thánh. Chúa biến hình trong hào quang rực sáng. Hai bên có Môisen trên núi Sinai và Êlia trên núi Carmel. Phía dưới là ba môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê.

2. Biến hình

Tường thuật biến cố biến hình, cả ba Phúc âm đều nhấn mạnh đến thái độ hoảng sợ của các môn đệ. “Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông hoảng sợ” (Mc 9,6); “Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ” (Lc 9,34); “Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng ngã sấp mặt xuống đất” (Mt 17,6). Và khi Phêrô “ngã sấp mặt xuống đất” thì Chúa đến chạm vào ông và bảo: “Chỗi dậy đi, đừng sợ”.

Các môn đệ không thể hiểu được hành trình của Đấng Cứu Thế sao lắm gian nan; kẻ theo Ngài làm sao không ngại ngùng sợ hãi cho được! (x. Mt 17,13-14; Mc 8,34; Mt 8,18; Mc 13,9; Lc 9,26).

Nếu người ta làm an toàn những viên thuốc đắng bằng vỏ bọc kẹo ngọt; Chúa Giêsu hoá giải tin cuộc khổ nạn bằng cuộc Biến Hình rực rỡ. Bọc kẹo chứ không bọc thuốc ngũ. Hoá giải chứ không gây mê. Chúa cho các môn đệ thấy trước một thoáng Phục Sinh trước Phục Sinh. Chúa cho cảm nếm một chút Thiên đàng. Các ông đã tưởng là Thiên Đàng nên Phêrô xin làm ba lều để an nhàn trên núi cao, ngũ yên trong hào quang, quên đi các bạn và các cuộc truyền giáo dưới chân núi. Các ông không biết rằng Thầy Giêsu chỉ lên đỉnh Tabor trong chốt lát rồi xuống núi chuẩn bị vác thập giá bước vào cuộc thương khó. Hai đỉnh núi Tabor và Calvariô không xa nhau lắm về mặt địa lý, nhưng lại là con đường vạn lý. Chúa Giêsu đã nối kết hai đỉnh núi bằng con đường tình yêu cứu độ.

Biến cố Chúa biến hình trên núi Tabor là một trong những biến cố đặc biệt. Nó trở nên như một ngôi sao sáng cho các môn đệ trong đêm tối của những gian nan thử thách. Biến cố ấy vẫn luôn ghi đậm trong ký ức của các môn đệ. Nó là một điểm tựa, là một trợ lực cho đức tin của các ngài trong suốt tiến trình theo Chúa Giêsu.

Câu chuyện Chúa Biến Hình trên núi Tabor được đặt làm sườn cho cả văn kiện “Tông Huấn Vita Consecrata” (đời sống thánh hiến). Thánh Gioan Phaolô II ban hành ngày 25.3.1996, đúc kết những thành quả của Thượng Hội Đồng Giám Mục tháng 10.1994. Tông Huấn trình bày vẻ đẹp của đời tu. Con đường tu đức được ví như một cuộc đi tìm cái đẹp (số 19), hướng tới sự chiêm ngưỡng nhan Chúa, chân phúc dành cho các tâm hồn trong trắng. Các Tu sĩ đã bị thu hút bởi vẻ đẹp của Chúa; họ mê say chiêm ngưỡng Chúa, để rồi phản chiếu khuôn mặt rạng rỡ của Ngài (số 27); sau khi lên núi chiêm ngắm Chúa Biến Hình, các môn đệ được mời hãy đi xuống núi để phục vụ (số 75); họ còn phải trèo lên một núi khác đó là núi Calvariô (số 14;40). Nhiều năm huấn luyện trong nhà dòng, người thanh niên nam nữ nhiều khi phải “sinh” ra bốn năm lần mới biến hình nên một Tu sĩ: từ ứng sinh, thỉnh sinh, tiền tập sinh, tập sinh, khấn sinh, nhiều năm sau mới khấn trọn đời và vẫn tiếp tục hành trình biến đổi đời mình nhờ gặp gỡ Chúa Kitô.

3. Nghe Lời Người

Người sống đời tận hiến cũng như người tín hữu, muốn được “biến hình” trong đời sống cũng như muốn được trở nên “con yêu dấu” của Thiên Chúa cần phải “vâng nghe lời Người”. Không chỉ nghe bằng tai bằng mắt mà còn nghe bằng hết tâm hồn cũng như bằng cả cuộc đời quy chiếu sống theo Đức Kitô.

Cả ba Phúc âm đều tường trình tiếng nói từ trời cao. Lời Chúa Cha như giới thiệu, chuẩn nhận Chúa Con và là lệnh truyền cho chúng ta: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17,5); “ Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,6); “Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35).

“Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”. Đó là lệnh truyền của Chúa Cha, là điệp khúc kết luận của tiếng nói từ trời cao. Điệp khúc quan trọng vì cả ba Phúc âm đều nói đến. Lời của Chúa Kitô chính là chuẩn mực, là lề luật tuyệt đối mang lại ơn cứu độ cho nhân loại. Lời của Chúa Kitô là Lời Giao Ước vĩnh cửu cho con người được tham dự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi.

“Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”, một phán quyết long trọng và công khai của Chúa Cha. Từ nay, vâng nghe Lời Chúa Kitô, chúng ta sẽ được biến hình với Chúa Kitô, cùng được hưởng vinh quang Phục sinh với Chúa Kitô.

Muốn vâng nghe lời ai đó, trước hết phải tin vào người đó. Tin một ai thì phải hiểu biết về người ấy, phải có mối liên hệ thân thiết với người ấy. Muốn tin Chúa, chúng ta phải hiểu biết và sống tương quan mật thiết với Ngài. Nhờ Lời Chúa, chúng ta được hiểu biết về Ngài và được lớn lên trong niềm tin. Nhờ cầu nguyện, chúng ta gặp gỡ, hiểu biết và kết hiệp với Chúa ngày càng thân mật hơn, đức tin sẽ vững vàng hơn. Có tin mới yêu và nghe lời người mình yêu. Chúa Cha muốn chúng ta phải vâng nghe Lời Chúa Giêsu và thực thi giáo huấn của Ngài.

“Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”. Không chỉ nghe bằng tai, bằng mắt mà còn nghe bằng lòng trí và bằng cả cuộc sống luôn quy chiếu suy nghĩ hành động theo Chúa Giêsu. Để có thể vâng nghe lời Chúa Giêsu, chúng ta phải gặp Ngài khi dự thánh lễ, khi đọc và suy niệm Lời Chúa hằng ngày.Nhờ đó cuộc đời chúng ta sẽ biến đổi, dung mạo sẽ đổi khác. Vâng nghe Lời Chúa, dung mạo chúng ta sẽ ngày càng thân thiện hơn, bình an vui tươi hạnh phúc hơn.

Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con phải vâng nghe Con yêu dấu của Chúa; xin lấy lời hằng sống nuôi dưỡng đức tin của chúng con, nhờ vậy cặp mắt tâm hồn chúng con sẽ trong sáng để nhìn thấy vinh quang Chúa tỏ hiện trong cuộc đời chúng con. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen. (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật II Mùa Chay).






 
Mùa Chay biến đổi tâm hồn
Lm Đan Vinh
06:30 12/03/2019
Chúa Nhật 2 MÙA CHAY C
St 15,5-12.17-18 ; Pl 3,17-4,1 ; Lc 9,28b-36

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 9,28b-36.

(28b) Hôm ấy Đức Giê-su lên núi cầu nguyện, đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. (29) Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa. (30) Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a. (31) Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc Xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem. (32) Còn ông Phê-rô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giê-su và hai nhân vật đứng bên Người. (33) Đang lúc hai vị này rời xa Đức Giê-su, ông Phê-rô thưa với Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cái cho Thầy, một cái cho ông Ê-li-a, và một cái cho ông Mô-sê”. Ông không biết mình đang nói gì. (34) Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ. (35) Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người !” (36) Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giê-su. Còn các môn đệ thì nín thinh. Và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.

2. Ý CHÍNH: CHÚA HIỂN DUNG TRƯỚC MẶT MÔN ĐỆ.

Cuộc hiển dung của Đức Giê-su xảy ra vào khỏang tám ngày sau khi Người tiên báo về cuộc Tử Nạn và Phục Sinh sắp trải qua. Ba môn đệ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an được theo Đức Giê-su đi lên núi. Đã được chứng kiến Thầy Giê-su biểu lộ dung nhan Thần Tính và đàm đạo với Mô-sê và Ê-li-a về “cuộc Xuất hành” mà Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem (c.31). Các ông cũng được nghe lời Chúa Cha tuyên phán: “Đây là Con Ta, Người được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe Lời Người”.

3. CHÚ THÍCH:

- C 28b-29: + Đức Giê-su lên núi: Đây có thể là núi Héc-mon, cao 2.795 mét ở gần thành Xê-da-rê Phi-líp. Nhưng ngày nay đa số các nhà chú giải cho núi đó là Tha-bo, cao 562 mét, cách thành Xê-da-rê Phi-líp một đoạn đường, đi bộ mất từ 6 đến 8 ngày. + Cầu nguyện: Tin mừng Lu-ca đã ghi lại nhiều lần Đức Giê-su cầu nguyện với Chúa Cha (x. Lc 10,21 ; 22,41-42 ; 33,34.46). + Đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê: Đây là ba môn đệ thân tín nhất, sau này ba ông cũng sẽ được chứng kiến giờ đau khổ tột cùng của Thầy trong vườn Cây dầu trước khi bị bắt (x. Mt 26,37). Vì thế hôm nay Đức Giê-su cho các ông thấy trước vinh quang của Người, hầu có thể vượt qua thử thách ấy.
- C 30-31: + Ông Mô-sê và ông Ê-li-a: Mô-sê là một vị mục tử tài ba, sống vào thế kỷ XII trước Công nguyên. Ông có công cứu con cháu Gia-cóp thóat ách nô lệ cho dân Ai cập, biến dòng tộc Gia-cóp trở thành một dân tộc có luật pháp, tôn giáo và quân đội... Cuối cùng Mô-sê đã thành công trong việc đưa dân tộc Ít-ra-en về tới hứa địa là xứ Ca-na-an. Mô-sê là tiền ảnh của Đức Giê-su sau này.- Ê-li-a: là một ngôn sứ sống vào thế kỷ IX trước Công nguyên vào thời các Vua. Ông có công chấn hưng tôn giáo, giải thóat dân Ítraen khỏi sự tôn thờ thần tượng của dân ngoại. Ông là tiền ảnh của Gio-an Tiền sứ, có sứ vụ đi trước dọn đường cho Đấng Thiên Sai sau này (x Ga 1,21; Mc 9,11).- Hai vị hiện ra rạng ngời vinh hiển: Vì được tham phần vào công trình cứu độ, nên Mô-sê và Ê-li-a cũng được tham phần vào vinh quang của Đức Giê-su.- Nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem: Cuộc “Xuất hành” của Đức Giê-su gồm mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh, sắp được Người hoàn tất tại Giê-ru-sa-lem.
- C 32-33: + Ông Phê-rô và đồng bạn thì ngủ mê mệt: Sự kiện các môn đệ ngủ mê cho thấy cuộc biến hình xảy ra vào ban đêm. Sự kiện này tương tự như sau này, ba ông cũng ngủ mê khi Đức Giê-su cầu nguyện trước khi bị bắt trong vườn cây Dầu (x Mt 26,40.43.45). + Chúng con xin dựng ba cái lều: một cái cho Thầy, một cái cho ông Mô-sê và một cái cho ông Ê-li-a: Câu này cho thấy khi ấy người Do thái đang mừng lễ Lều trại tại Giê-ru-sa-lem (x. Lv 23,33-34 ; Ds 29,12-38).
- C 34-36: + Có một đám mây bao phủ các ông: Nhắc lại đám mây bao phủ dân Ít-ra-en trong thời kỳ Xuất hành (x. Xh 40,35). Khi truyền tin, sứ thần cũng đề cập tới quyền năng Thiên Chúa sẽ bang trợ cho Ma-ri-a như sau: “Quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà” (Lc 1,35). + “Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn”: Chúa Cha từ trong đám mây xác nhận Đức Giê-su là Con, và là “Người Tôi Trung được Thiên Chúa tuyển chọn” (x. Is 49,7). Trong cuộc khổ nạn, các thủ lãnh Do thái cũng nói rằng: “Nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, Người được tuyển chọn” (Lc 23,35). + “Hãy vâng nghe lời Người!”: Đức Giê-su là Ngôi Lời nhập thể (x. Ga 1,14). Người luôn nói Lời của Thiên Chúa cho loài người (x. Ga 3,34) và Lời Người cần phải được đón nhận. + Tiếng phán vừa dứt thì chỉ còn thấy một mình Đức Giê-su: Cuộc hiển dung chấm dứt sau lời tuyên phán của Chúa Cha. Các môn đệ im lặng, chờ ngày các mặc khải kia được ứng nghiệm.

4. CÂU HỎI:

1) Đức Giê-su đã biến hình trên núi cao là núi nào ?
2) Tại sao Đức Giê-su cho ba môn đệ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an được chứng kiến việc biến hình vinh quang của Người ?
3) Hai nhân vật nào của Cựu ước đã hiện ra khi Đức Giê-su hiển dung và ba vị đã nói chuyện nội dung về vấn đề gì ?
4) Cuộc biến hình xảy ra vào ban ngày hay ban đêm ? Bằng chứng ?
5) Đám mây bao phủ ba môn đệ nói lên điều gì ?
6) Chúa Cha đã giới thiệu Đức Giê-su là ai ?

I. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Đang lúc cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác” (Lc 9,29)

2. CÂU CHUYỆN:

1) ĐỔI MỚI ĐỜI SỐNG LÀ BẰNG CHỨNG CỦA MỘT ĐỨC TIN THỰC SỰ.

Tân là một thanh niên chuyên bán thịt bò tại một cửa hàng thịt trong chợ An Đông. Anh nổi tiếng là người bán hàng gian dối khi thỉnh thoảng lại bán thịt heo giả làm thịt bò và còn thường hay cân thiếu cho khách hàng. Một ngày nọ, có người thấy anh theo học khóa giáo lý dự tòng để chuẩn bị kết hôn với một cô gái Công Giáo và sáu tháng sau anh đã được lãnh ba bí tích khai tâm gia nhập đạo. Nghe tin anh theo đạo, nhiều người quen biết tỏ vẻ không tin vì cho rằng anh chỉ giả bộ theo đạo để lấy vợ như câu người đời thường mỉa mai: “Cúi đầu lạy Chúa Ba Ngôi. Cho tôi được vợ tôi thôi nhà thờ !”. Nhưng sau nhiều ngày thấy anh cùng vợ thường xuyên đi dự lễ Chúa Nhật và luôn tỏ thái độ vui vẻ thân thiện với mọi người, nhất là sau khi kiểm tra thấy việc buôn bán của anh không còn cảnh cân thiếu hay lừa đảo như trước thì họ mới tin anh đã thực tâm tin theo Chúa.

Lời Chúa Giê-su: "Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em, nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái ? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ ? Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt. Cây nào không sinh quả tốt, thì bị chặt đi và quăng vào lửa. Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai” (Mt 7,15-20).

2) ĐƯỢC ƠN CHỮA LÀNH NHỜ CHẤP NHẬN THÁNH GIÁ CHÚA GIÊ-SU.

Năm 1982, các nữ tu Dòng Con Đức Bà Phù Hộ, quen gọi là Dòng nữ Sa-lê-diên ở Cáp bên nước Hai-ti, muốn thuê nhà điêu khắc PÊ-RI-KHÊT làm một cây thánh giá lớn để đặt trong nhà nguyện mới của nhà dòng. Nhưng lúc đó, ông Pê-ri-khết lại mới bị phát hiện mắc bệnh ung thư. Viên bác sĩ riêng của nhà điêu khắc, cũng có mặt khi các nữ tu đến nhờ cậy, đã nói với các nữ tu như sau: “Thật tốt biết bao nếu các chị đến đây sớm hơn. Rất tiếc là bây giờ căn bệnh ung thư của ông Pê-ri-khêt đã quá nặng rồi”. Sau đó, viên bác sĩ quay sang nói với nhà điêu khắc: “Là một tín hữu, ông hãy cứ cậy trông vào Chúa, dù thực tế có xảy ra điều gì bất lợi đi nữa”.

Nhưng từ khi biết mình bị ung thư, nhà điêu khắc Pê-ri-khêt trở nên chán nản, chẳng còn tha thiết thực hiện thêm bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào nữa nên ông từ chối. Ít ngày sau, một nữ tu lại đến gặp Pê-ri-khêt và năn nỉ ông: “Này ông Pê-ri-khêt. Các nữ tu ở nhà thờ mới tại Cáp ước mong ông làm cho nhà dòng một cây thánh giá dài hai mét thật đẹp như ông đã làm. Họ rất ngưỡng mộ tài năng tuyệt vời của ông! Trước khi có câu trả lời dứt khoát cho họ, tôi muốn hỏi ý kiến ông thêm một lần nữa”. Bấy giờ nhà điêu khắc im lặng suy nghĩ giây lát rồi bình thản nói: “Tôi quyết định nhận lời làm cho nhà dòng. Cây thánh giá này sẽ là tác phẩm cuối cùng của đời tôi trước khi nhắm mắt. Cầu Chúa dủ lòng thương xót linh hồn tôi”.

Thế là từ hôm ấy nhà điêu khắc bắt tay vào công việc với tất cả nhiệt tâm của một người mong hoàn thành tác phẩm để sớm được về với Chúa. Công việc giờ đây trở nên khó khăn hơn do bệnh ung thư gây ra. Nhưng có điều lạ là mỗi nhát búa đập trên thanh sắt nóng đỏ, thay vì làm cho nhà điêu khắc mệt mỏi, lại làm cho ông thêm phấn chấn và sức khỏe được thêm cải thiện. Ông tiếp tục làm việc ngày đêm để chóng hoàn thành tác phẩm. Sau khi hoàn tất công việc thì điều lạ đã xảy ra là nhà điêu khắc đã hoàn toàn bình phục. Ông đã được Chúa chữa khỏi căn bệnh ung thư quái ác ông mới mắc phải trước đó. Ngày nay, cây thánh giá do Pê-ri-khêt thực hiện vẫn còn treo trên gian cung thánh nhà nguyện tu viện ở thành phố Cáp và tiếp tục thu hút nhiều khách hành hương đến kính viếng. Mọi người đến đây đều cảm thấy như được gia tăng đức tin khi họ thành tâm cầu nguyện trước cây thánh giá kỳ diệu này.

Thánh Phao-lô cũng khẳng định về ơn chữa lành kỳ diệu như sau: “Đức Giê-su có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,21).

3) ƯỚC MUỐN TẨY TRẮNG LÀN DA.

Trên một khu đất ven rừng có một gia đình người da đen sinh sống. Gia đình gồm hai vợ chồng và một cậu bé trai 9 tuổi. Cậu bé được đi học tại một trường tiểu học cách nhà không xa. Giữa đám học sinh da trắng, chỉ mình cậu là da đen. Cậu bé da đen thường bị bạn học trêu chọc bắt nạt nên cảm thấy rất khó chịu và muốn cho da mình trở thành da trắng như các bạn khác.

Một hôm, đầu giờ học thầy giáo điểm danh thấy vắng mặt cậu học sinh da đen. Một em cho biết đã thấy trò da đen bên bờ suối nước gần trường. Thầy giáo liền cùng mấy em khác đi tìm và đã thấy cậu bé da đen đang ngồi bên dòng suối, lấy tay xúc cát ướt ra sức kỳ cọ lên hai cánh tay da đen của mình. Thỉnh thoảng cậu lại dừng lại kiểm tra xem da đã bớt đen chưa. Nhưng dù đã cố gắng, cậu vẫn không sao tẩy sạch đi mầu đen trên làn da được. Bấy giờ thầy giáo liền đến gần và hỏi: “Em đang làm gì vậy ?” Cậu giật mình thưa : “Con đang cố kỳ sạch hết màu đen trên da của con, để nên giống chúng bạn. Nhưng từ sáng đến giờ con cố kỳ cọ mà vẫn không sao tẩy trắng được làn da đen của con!

Cậu bé da đen muốn tẩy đi mầu đen trên da để dễ hòa nhập với chúng bạn nhưng không thể được. Còn đối với các tội nhân chúng ta nếu muốn tẩy sạch các vết nhơ trong tâm hồn lại có thể làm được dễ dàng nhờ lòng ăn năn sám hối tội lỗi và thành tâm xưng thú nơi tòa giải tội.

4) MỘT CUỘC HOÁN CẢI LẠ LÙNG.

Trong một nhà giam các tù nhân trọng án, có một tù nhân khét tiếng hung ác tên là SI-TA ĐÊ-LI (Starr Daily). Anh ta vào tù ra khám nhiều lần vì tội say sỉn đánh lộn làm mất an ninh trật tự xã hội. Trong lần tuyên án thứ năm, quan tòa đã phải tuyên bố: “Chúng tôi biết rằng có bắt anh ở tù thêm cũng chẳng có kết quả. Phải nói thật là: chúng tôi hoàn toàn thất vọng về anh! Nhưng chúng tôi không thể không tuyên án cho anh. Lần này anh bị tù giam 10 năm”.

Sau khi vào nhà tù, Đê-li vẫn tỏ thái độ ngoan cố và còn coi thường kỷ luật nhà tù hơn trước. Anh thường đánh đập các bạn tù và phản đối chống lại với cai tù, đến nỗi anh phải bị biệt giam trong một căn hầm tối dơ bẩn đầy gián hôi và lũ chuột cống... Một hôm, khi đang nằm ngủ trên nền gạch lạnh giá, đột nhiên Đê-li nghe có tiếng nói: “Hỡi Đê-li, tại sao mi lại bị nhốt riêng trong căn hầm khủng khiếp này? Tại sao mọi người đều thù ghét mi? Tại sao mi không dùng sức khỏe để phục vụ mà cứ tiếp tục làm điều ác chống lại kẻ khác như thế? ”... Tư tưởng này đã đánh động tâm hồn khiến Đê-li luôn suy nghĩ. Rồi một đêm kia Đê-li đã gặp được Đức Giê-su trong giấc mơ, Đấng mà anh đã xua đuổi ra khỏi đời anh từ năm mười hai tuổi. Cũng từ đây, hình ảnh của Đức Giê-su thường xuyên xuất hiện trong tâm trí anh. Anh mơ thấy Người đã đến bên âu yếm nhìn anh và nói với anh những lời mà anh đã thuộc từ khi còn bé: “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin mừng”, “Hãy yêu thương kẻ khác như yêu chính mình ngươi”... Anh cảm thấy tâm hồn bình an mà từ trước đến nay chưa khi nào anh được hưởng. Rồi khuôn mặt của những kẻ đã từng bị anh hãm hại lần lượt xuất hiện trong tâm trí khiến anh rất hối hận. Lần đầu tiên, anh đã mở miệng cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội” (Lc 18,13).

Cảm nghiệm ấy đã biến Đê-li từ một người hung ác gian tham đầy thù hận, trở thành một người mới đầy bao dung nhân ái! Sự biến đổi nội tâm khiến Đê-li không còn dễ nổi sung la hét đập phá như trước, Các nhân viên cai ngục đã nhận ra có sự thay đổi rõ rệt nơi anh, họ cho phép anh được quay lại trại giam thường phạm. Tại đây anh đã đối xử tốt với các bạn tù: Anh luôn bênh vực những người mới đến, nên dần dần anh được mọi người trong trại quý mến. Rồi anh được giảm án tù từ 10 xuống còn 5 năm. Mãn hạn tù, anh gia nhập vào “Nhóm cải thiện chế độ lao tù”. Cùng với cha tuyên úy và các bạn, Đê-li đi thăm và động viên các tù nhân còn bị giam và khuyên họ hãy học tập cải tạo tốt. Nhờ đó nhiều bạn tù đã sớm được về đoàn tụ với gia đình. Linh mục Pi-tơ Mác-sôn (Peter Marshall) đã bình luận về sự hóan cải của Đê-li như sau: “Đây là một bằng chứng sống động cho thấy: Si-ta Đê-li không chỉ là một người cũ được tân trang, nhưng chính là một tạo vật hoàn toàn mới của Thiên Chúa!”.

3. THẢO LUẬN:

Cầu nguyện, ăn chay và chia sẻ cơm bánh cho người nghèo là 3 việc cần làm trong mùa Chay này để được ơn biến đổi. Vậy mỗi người chúng ta sẽ làm ba việc đó thế nào?

4. SUY NIỆM:

1) Hai cuộc biến hình của Đức Giê-su trên hai quả núi.

- Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giê-su đã hiển dung trước mắt ba môn đệ thân tín là Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an trên núi cao (x. Lc 9,28b-29). Về sau cũng ba ông này sẽ được chứng kiến Đức Giê-su thay đổi hình dạng trong Vườn núi Cây Dầu vào đêm trước cuộc khổ nạn (x. Mc 14,33). - - Ở trên núi cao hôm nay, trước mặt ba môn đệ thân tín, Đức Giê-su đã hiển dung và được Chúa Cha xác nhận là Con yêu dấu và là người được tuyển chọn. Trong vườn núi Cây Dầu Đức Giê-su lại thay đổi hình dạng trở nên buồn sầu như Người đã nói với các môn đệ : “Linh hồn Thầy buồn sầu đến chết được” (Mc 14,34).

2) Ý nghĩa hai cuộc biến hình của Đức Giê-su.

- Đức Giê-su hiển dung trên núi để cho thấy thân xác loài người chúng ta sau này cũng sẽ được biến đổi trở nên sáng láng, cho dù hiện tại thân xác ấy có mỏng dòn yếu đuối và dễ sa ngã phạm tội. Rồi khi chịu chết đau thương trên cây thập giá, toàn thân Đức Giê-su bị biến dạng với đầy nhứng vết thương do bị hành hạ trong cuộc thương khó. Nhưng sau khi phục sinh thân xác của Người lại biến đổi trở nên tốt đẹp đến nỗi Ma-ri-a Ma-đa-len-na đã không nhận ra Người vào sáng sớm ngày Phục Sinh (x. Ga 20,14-16), hoặc như hai môn đệ làng Em-mau đã không nhận ra Người khi cùng đi đường đàm đạo với Người (x. Lc 24,14-16).
- Đức Giê-su sau Phục Sinh và Đức Giê-su trước cuộc Tử Nạn vẫn là một nhưng mang hai khuôn mặt khác nhau. Điều này cho thấy: Thân xác con người ở trần gian và sau khi sống lại ngày Tận Thế tuy là một, nhưng vẫn có sự khác biệt nhờ sự biến đổi như thánh Phao-lô đã nói: “Đây tôi nói cho anh em biết mầu nhiệm này: không phải tất cả chúng ta sẽ chết, nhưng tất cả chúng ta sẽ được biến đổi trong một giây lát, trong một nháy mắt, khi tiếng kèn cuối cùng vang lên. Vì tiếng kèn sẽ vang lên, và những kẻ chết sẽ trỗi dậy mà không còn hư nát; còn chúng ta, chúng ta sẽ được biến đổi. Quả vậy, cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt; và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử” (1 Cr 15,51-53).

3) Bài học từ câu chuyện Chúa biến hình.

Các cuộc biến đổi từ xấu nên tốt đều nhờ sự cầu nguyện và vâng nghe Lời Chúa:
* Nhờ sự cầu nguyện: Cũng như Đức Giê-su đã thay hình đổi dạng khi đang cầu nguyện, thì các tín hữu cũng chỉ được biến đổi nếu ý thức về tình trạng tội lỗi của mình và xin Chúa ban ơn trợ giúp như lời Đức Giê-su: “Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được !” (Ga 15,5).
* Nhờ sự vâng nghe Lời Chúa: Trong cuộc hiển dung, Chúa Cha từ trong đám mây đã xác nhận Đức Giê-su là Người Con yêu dấu được tuyển chọn, và dạy các môn đệ: “Hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35). Lời Chúa như thanh gươm sắc bén sẽ tỉa sạch các thói hư và biến các tín hữu chúng ta nên tạo vật mới của Thiên Chúa (x. Ga 15,2).

4) Chúng tôi phải làm gì?

Trong mùa Chay, chúng ta cần gặp gỡ Chúa để được ơn biến đổi nên tốt lành thánh thiện hơn
.
- Cần tham dự tuần tĩnh tâm Mùa Chay để thêm lòng ăn năn sám hối tội lỗi và quyết tâm tu sửa thói hư bằng việc thực hành nhân đức đối lập như kinh “Cải tội bảy mối có bảy đức” dạy…
- Cần năng dâng lời nguyện tắt lên Chúa như người thu thuế trong Đền thờ: “Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13).– Như ông Si-mon Phê-rô: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi.” (Lc 5,8).- hay như người trộm lành trên thập giá: “Lạy ông Giê-su khi nào về Nước của Ngài, xin nhớ đến con cùng” (Lc 23,42).

- Mỗi ngày sẽ làm một việc hãm mình để đền tội như: nhịn uống một tách cà-phê, một ly rượu bia, nhịn hút một điếu thuốc lá; Nở nụ cười hoặc bắt chuyện trước với một người bạn đang giận mình; Cho một người bạn gặp khó khăn vay số tiền theo khả năng của mình; Đi thăm một người già neo đơn quen biết hay tại viện dưỡng lão để lắng nghe và động viên an ủi họ…

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU.
Xin biến đổi con nên con người mới nhờ năng suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện mỗi ngày:
Xin biến đổi cái nhìn của con nên nhân từ bao dung sau mỗi lần con chiêm ngắm Chúa;
Xin thanh tẩy môi miệng con tránh nói những lời xấu xa lỗi bác ái sau mỗi lần rước Chúa;
Xin biến đổi đôi tai con sau mỗi lần con lắng nghe Lời Chúa dạy;
Xin làm cho khuôn mặt của con rạng ngời ánh sáng tin yêu mỗi lần con được gặp Chúa.
Ước gì mọi người chung quanh nhìn thấy niềm vui của Chúa qua nụ cười rạng rỡ của con; Thấy sự ân cần cảm thông của Chúa qua lời ăn tiếng nói và cách ứng xử của con.
X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:48 12/03/2019
57. ĐỀU THÍCH NÓI LỚN

Có ông nhà giàu cùng với ba con trai thích ăn to nói lớn, thường dùng tên của hoàng gia để gọi nhau.

Một hôm, có người bạn đến chơi nhưng ông nhà giàu không có nhà, đứa con trai lớn nói:

- “Phụ vương xa giá đi khỏi rồi.”

Người bạn hỏi mẹ nó ở đâu, đứa con thứ hai lên tiếng nói:

- “Mẫu hậu uống rượu trong vườn ngự uyển.”

Người bạn thấy lời nói của hai đứa nhỏ không được chừng mực nên phủi tay mà đi, may mắn gặp được ông nhà giàu vừa về tới, ông khách bèn nhất nhất kể lại.

Ông nhà giàu hỏi:

- “Những lời nói ấy là ai nói vậy ?”

Đứa con thứ ba đứng sau lưng nói:

- “Có thể là hai vị hoàng huynh nói đó.”

Người bạn càng thêm giận, túm lấy đứa con thứ ba muốn đánh.

Ông chủ nhà giàu vội vàng khuyên nói:

- “Hiền khanh không được phát cáu, nhìn lên mặt quả nhân đây, tha ngay cho hoàng nhi thứ ba đi !”

(Tiếu phủ)

Suy tư 57:

Ăn to nói lớn tự nó không có gì là đáng chê cười, nhưng con nhà nghèo mà bắt chước lối sống xa hoa, ăn nói đài các của các công tử con nhà giàu thì là chuyện đáng chê cười.

Có người ăn to nói lớn để khoe khoang cái chức phận của mình đang có, có người ăn to nói lớn là để học làm sang, có người thích ăn to nói lớn là để cho mọi người biết đến mình...

Người Ki-tô hữu dù cho làm đến chức phận này nọ trong xã hội hay trong cộng đoàn, thì họ vẫn luôn hành xử cách chừng mực không quá ăn to nói lớn và cũng không quá nhu nhược, bởi vì họ luôn xác tín rằng: tích cực cộng tác với Thiên Chúa qua bổn phận và công việc với năng lực của mình, thì Thiên Chúa sẽ làm cho công việc của họ được xuôi chạy dễ dàng, cần gì phải ăn to nói lớn để người này khen người này chê chứ !

Chỉ có những người kiêu ngạo, và những ai tâm hồn rỗng tuếch mới ăn to nói lớn để khoe khoang mà thôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:50 12/03/2019

107. Con phải chú ý bản thân mình trước, rồi sau đó có thể đi giúp người khác.

(sách Gương Đức Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Trung Quốc: Nên làm rõ số phận của Giáo hội công khai và hầm trú
Chân Phương
08:58 12/03/2019
Tin Rôma - Từ ngày 20 đến 23 tháng 3 sắp tới đây, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ công du nước Ý. Vì thế, tại Trung Quốc đang có những lời đồn đoán về một cuộc hội kiến khả dĩ giữa ông Tập với Đức Giáo Phanxicô. Nếu chuyện này xảy ra, điều quan trọng nhất là phải làm rõ về số phận của Giáo hội Hầm trú (Giáo hội trung thành với Tòa Thánh) và Hiệp hội Yêu nước (tổ chức công khai trung thành với Bắc Kinh).

Qua thỏa ước Trung Quốc – Vatican vừa được ký kết,cũng như việc tha vạ tuyệt thông cho bảy giám mục tấn phong bất hợp thức,gần như đã phải chấp nhận rằng các tín hữu Trung Quốc từ nay chỉ còn cách sống đức tin trong cái gọi là Giáo hội chính thức, và cộng đoàn tín hữu hầm trú phải bị triệt thoái.

Tình cảnh này lại càng được củng cố bởi việc Đức Giáo Hoàng Phanxicôđã muốn thúc đẩy tiến trình hòa giải và hợp nhất hai cộng đoàn, vốn được nhắc đến trong Thông điệp mà ngài gửi người Công Giáo Trung Quốc và Giáo hội hoàn vũ, được công bố chỉ vài ngày sau khi ký kết thỏa ước đó.

Trong thông điệp này, trích dẫn lời Đức Nguyên Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, Đức Phanxicô khẳng định rằng hiện trạng hầm trú "không phải là một phần bình thường của đời sống Giáo Hội", nhưng ngài cũng trích lời Đức Bênêđíctôrằng "các vị mục tử và người tín hữu đã cậy dựa vào những khổ đau, để bày tỏ lòng khát khao duy trì sự nhất quán đức tin của họ".

Đức Giáo Hoàng Phanxicômuốn tất cả các tín hữu "hãy làm việc hướng tới sự hòa giải" và "phục hồi sự hiệp thông toàn vẹn giữa mọi người Công Giáo Trung Quốc";ngài kêu gọi họ hãy đưa ra những cử chỉ hòa giải và hiệp thông để vượt qua sự chia rẽ của quá khứ”.

Ngoài ra, ngài cũng yêu cầu các mục tử thiết lập "mối liên hiệu quả hơn nữa giữacác đấng lãnh đạo giáo hội địa phương với chính quyền dân sự, để nó trở nên hữu ích hơn, thông qua việc đối thoại thẳng thắn và biết cầu thị lắng nghe, nhằm xóa bỏnhững thành kiến giữa đôi bên".

Rõ rằng, thông điệp trên của Đức Giáo Hoàng nói về một tiến trình hòa giải, nhưng ngài KHÔNG nói rằng để đạt được điều đó thì phải loại bỏ cộng đoàn hầm trú. Hơn nữa, thông điệp cũngKHÔNG nói rằng các vị giám mục và linh mục hầm trú buộc phải tham gia vào Hiệp hội Yêu nước (tức giáo hội công khai).

Ngược lại, vấn đềnói trên có thể có trong nội dung thỏa ước giữa Trung Quốc – Vatican, thật đáng tiếc là nó chưa được công bố, nhưng cần nhấn mạnh rằng, việc tham gia Hiệp hội Yêu nước là sự tự nguyện chứ không bắt buộc.

Góc độ này được Giáo sư Vương Mỹ Tú (Wang Meixiu) thuộc Học viện về Khoa học Xã hội ở Bắc Kinh nhấn mạnh khi bình luận về thỏa ước. Giáo sư cho biết, Hiệp hội Yêu nước là "một tổ chức trần thế" chứ không phải là một tổ chức thuộc Giáo hội; và rằng "việc tham gia là tự nguyện và không bắt buộc".

Ngoài ra, trong một cuộc phỏng vấn dành chotờ báo Quan Sát Viên Rôma (Osservatore Romano) hôm 3 tháng 2 năm 2019, Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo Cho các Dân nước bày tỏ quan điểm: "Tôi hysẽ không phải nghe hoặc nhận được tin về các thảm trạng mà những địa phương đã lợi dụng Thỏa Ước này để buộc mọi người phải làm những điều mà ngay cả luật pháp Trung Quốc không yêu cầu, chẳng hạn như tham gia Hiệp hội Yêu nước".

Thật đáng tiếc, đây lại đúng là những gì đang xảy ra.

Tại các địa phương như Tân Cương, Nội Mông, Hà Nam, Chiết Giang, Hồ Bắc, Ban Tôn giáo chính phủ Trung Quốc lại tiếp tục yêu cầu, thôi thúc các linh mục và giám mục phải tham gia Hiệp hội Yêu nước và một dự án "độc lập" (khỏi Tòa Thánh). Thậm chí ở Tuyên Hóa (tỉnh Hà Bắc), xảy ra vụ một linh mục –người này được chính quyền địa phương chống lưng–đi tố giám mục của mìnhlà Đức Cha Thôi Thái (Cui Tai)vì "đã chống đối" thỏa ước Trung Quốc –Vatican, y gọi điện cho công an đến bắt ngài. Điều đó cho thấy tâm địa gọi là "yêu nước" và "độc lập" vô cùng giả tạo đang áp đặt lên cho các giáo sĩ.

Chẳng có gì mới mẻ vì tỉnh Hà Bắc đã luôn nỗ lực ép buộc các thành viên của Giáo hội hầm trú phải gia nhập Hiệp hội Yêu nước. Mấy tháng vừa qua, có bốn linh mục của Giáo hội hầm trú ở Trương Gia Khẩu (tỉnh Hà Bắc) bị bắt cóc đến một nơi bí ẩn, các ngài phải chịu sựtuyên giáo và tẩy não để gia nhập Hiệp hội Yêu nước.

Song, các giám mục và linh mục hầm trú này chính là "những công dân tốt" và góp ích cho sự phát triển đất nước như mong ước của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Quan điểm đối lập duy nhất còn lại chính là vị thế của những thành viên trong Hiệp hội Yêu nước và dự án "Giáo hội độc lập" đã bị Đức Bênêđictô XVI coi là "không phù hợp với giáo huấn Công Giáo".

Một thực tế kinh hoàng làtrong số những vị giám mục Trung Quốc vừa mới được Đức Giáo Hoàng Phanxicôtha vạ tuyệt thông thì lại tuyên bố rằng đã đến lúc triệt tiêu cộng đoàn Giáo hội hầm trú, buộc phải gia nhập Hiệp hội Yêu nước.

Gần đây, Giám mục Chiêm Tư Lộc (Zhan Silu)ở Mân Đôngđã lên thay vị trí của Giám mục Quách Hy Cẩm (GuoXijin) ở Bắc Kinh để làmđại biểu cho Hội nghị Hiệp thương Chính trị nhân dân Trung Quốc (nôm na kiểu như Mặt trận Tổ quốc).

Hôm 3 tháng 3, trên Nhật Báo Tinh Đảo (Sintao Daily),trả lời cho câu hỏi liệu mình có bận tâm gì không, khi mà các tín hữu buộc phải gia nhập Hiệp hội Yêu nước, đồng nghĩa là Giáo hội hầm trú sẽ giải thể, giám mục ChiêmTư Lộc tuyên bố rằng “đây là cách duy nhất để Giáo hội được hợp nhất". Thậm chí giám mục này còn nói rằng người Công Giáo hầm trú không có tư cách chính thống vì "họ mưu cầu lợi ích cá nhân". Chúng ta biết rằng Giám mục Chiêm hiện là phó chủ tịch của Hiệp hội Yêu nước và tất nhiên được hưởng rất nhiều bổng lộc từ chức vụ này.

Một trong những giám mục vừa được tha vạ còn có Lôi Thế Ngân (Lei Shi-yin) ở Lạc Sơn (tỉnh Tứ Xuyên), cũng là phó chủ tịch của Hiệp hội Yêu nước. Người này thậm chí còn tuyên bố rằng việc áp dụng các luật mới về tôn giáo sẽ không gây bất kỳ trở ngại nào cho tự do tôn giáo.

May mắn thay, cũng còn có những vị giám mục công khai nhưng có nhân cách hơn. ThuộcHội nghị hiệp thương, nhưng Đức Cha Phương Kiến Bình (Fang Jian-ping), phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Trung Quốc (quốc doanh), trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh ở Hồng Kông, nói rằng Giáo hội chính thức nên tuân thủ tinh thần của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là“không ép buộc các tín hữu của cộng đoàn hầm trú phải chuyển sang gia nhập Giáo hội được công nhận chính thức".

Khi Chủ tịch Tập Cận Bình đến Ý, nếu khả năng có cuộc hội kiến với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, thì cả hai tình trạng này nên được làm cho rõ ràng. (AsiaNews)

Chân Phương
 
George Weigel: Quyết định của tòa án lăng mạ công khai Đức Hồng Y George Pell sẽ là một chấn thương lâu dài
Đặng Tự Do
12:08 12/03/2019
Trong một quyết định thể hiện rõ lòng thù hận đối với Đức Hồng Y George Pell, tòa án tại Melbourne đã quyết định truyền hình trực tiếp buổi đọc phán quyết kết tội Đức Hồng Y vào ngày thứ Tư 13 tháng Ba, như một hình thức lăng mạ công khai ngài.

Tiến sĩ George Weigel, người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và hiện là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, nơi ông giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban William E. Simon về Các Nghiên cứu Công Giáo, có bài nhận định đăng trên tờ First Things với nhan đề: Our Dreyfus Case

Dưới đây là bản dịch sang Việt ngữ:


Tháng 12 năm 1894, Đại úy Alfred Dreyfus của Quân đội Pháp bị kết tội phản quốc với lý do ông đã trao bí mật quân sự cho kẻ thù truyền kiếp của nước Pháp là nước Đức. Cáo buộc này là sai; Dreyfus, một người Do Thái, đã bị gài bẫy. Phiên tòa của ông bị bao vây bởi sự cuồng loạn của đám đông, và những người không nắm bắt được sự thật nhảy mừng hả hê khi Dreyfus bị kết án tù chung thân trên hòn đảo Quỷ Sứ ở Guiana thuộc Pháp, mà nỗi kinh hoàng khi phải sống tại đây được ghi lại một cách sống động trong bộ phim Papillon.

Vụ Dreyfus đã làm sôi động chính trị Pháp hàng thế hệ, chia rẽ quốc gia này thành “Dreyfusards” - những người ủng hộ Dreyfus và những người chống Dreyfus. Mùi hôi thối của chủ nghĩa bài Do Thái vần vũ trên tất cả chuyện này. Một người Công Giáo đã không chịu khuất phục trước tâm lý bài Do Thái ngàn đời tại Âu Châu là Đức Giáo Hoàng Lêô XIII. Ngài đã nói với chủ bút của báo Figaro ở Paris rằng những đau khổ của Dreyfus nhắc nhở ngài về Đồi Canvê. Năm 1906, những người Dreyfusards thấy người đàn ông được họ ủng hộ được minh oan, nhưng những vết thương trong xã hội Pháp do vụ Dreyfus gây ra vẫn mở và còn mưng mủ rất lâu sau khi Dreyfus trở lại quân đội và được vinh danh trong Thế chiến thứ Nhất.

Phán quyết kết án Đức Hồng Y George Pell vào tháng 12 năm 2018 về “các cáo buộc lạm dụng tình dục trong lịch sử” là một câu chuyện Dreyfus thời nay.

Kể từ khi những cáo buộc đó được đặt ra cách đây một năm rưỡi, một bầu không khí cuồng loạn trong công luận, được thúc đẩy bởi chủ nghĩa bài Công Giáo siêu thế tục, đã vây quanh vụ án. Sự thù hằn đó đã được tăng cường bởi cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục trên toàn cầu, bất chấp thực tế rằng Đức Hồng Y Pell là giám mục hàng đầu của Úc chống lại lạm dụng tình dục. Không thể tin được rằng bầu không khí cuồng loạn của đám đông giống như trong trường hợp Dreyfus lại không có chút ảnh hưởng méo mó nào đối với hai phiên tòa của Đức Hồng Y Pell. Mặc dù các phiên tòa được tổ chức dưới lệnh cấm tường trình trên các phương tiện truyền thông của Úc, sự bất hợp lý và nọc độc, gây nên bởi sự thiên vị của giới truyền thông, đã hoàn thành công việc của chúng trước đó rồi.

Phiên tòa xét xử đầu tiên vào mùa thu năm ngoái đã kết thúc với một bồi thẩm đoàn đã bỏ phiếu 10-2, trong đó 10 người quyết định rằng Đức Hồng Y vô tội và chỉ có 2 người quyết liệt cho rằng Đức Hồng Y là có tội (đại diện bồi thẩm đoàn đã khóc khi báo cáo về sự bế tắc không làm sao thuyết phục được sự đồng thuận của 2 người kia). Phiên tòa thứ hai, thật đáng kinh ngạc, đã kết thúc với bản án 12-0 để kết tội ngài: mặc dù cáo buộc của nguyên cáo chẳng được bất kỳ ai ủng hộ trước tòa [có đến 20 người tuyên thệ trước tòa rằng cáo buộc chống lại Đức Hồng Y là không thể nào xảy ra và chính bà mẹ của người được cho là nạn nhân thứ hai tuyên thệ rằng con bà đã nói với bà trước khi chết rằng anh ta chưa bao giờ bị bất cứ ai lạm dụng tính dục]; và bất chấp thực tế là cảnh sát đã không có bất cứ chứng minh nào thu được từ hiện trường được cho là nơi tội phạm đã xảy ra; và các luật sư bào chữa cho Đức Hồng Y đã chỉ ra mười điểm vô lý trong cáo buộc của nguyên cáo, là những điều không thể nào xảy ra trong một không gian được kiểm soát cẩn thận của nhà thờ chính tòa St. Patrick của Melbourne.

Có những điểm khác biệt rõ ràng giữa vụ Đại Úy Dreyfus và vụ án Đức Hồng Y Pell: Dreyfus bị tấn công bởi những kẻ bảo hoàng và bài Do Thái, trong khi các cuộc tấn công vào Đức Hồng Y George Pell trong một phần tư thế kỷ qua, chủ yếu, là từ những người theo chủ nghĩa thế tục hiếu chiến. Tuy nhiên, lòng hận thù vô biên của những người theo chủ nghĩa bảo hoàng Pháp và những người bài Do Thái đối với tín hữu Do Thái Giáo Alfred Dreyfus, lại rất giống với lòng thù ghét cay nghiệt của những người cấp tiến thế tục đối với Đức Hồng Y George Pell. Dreyfus là hiện thân của nỗi sợ hãi và lòng thù hận của những người Pháp bảo hoàng vẫn đang chiến đấu chống lại Cách mạng Pháp; còn Đức Hồng Y Pell là hiện thân của những gì văn hóa và chính trị ở Úc lo sợ và thù ghét: đó là đạo lý và luân lý Kitô chính thống, bao gồm việc bảo vệ mạnh mẽ quyền sống từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên và dấn thân để hôn nhân có thể được hiểu một cách đúng đắn. Hơn thế nữa, Đức Hồng Y Pell đã chồng chất thêm lòng thù hận trong mắt các kẻ thù của mình khi không ngại tham gia vào các cuộc tranh luận công khai bất tận, trong đó ngài thách thức các xu hướng chính trị về mọi thứ, từ biến đổi khí hậu đến Chủ nghĩa Vô thần mới.

Đối với những người chống Dreyfus, Đại úy Alfred Dreyfus không có chỗ đứng trong Quân đội Pháp và không thể tham gia vào một xã hội Pháp đã được sắp đặt theo đúng trật tự; vì vậy anh ta phải bị tiêu diệt. Đối với những kẻ đã tạo ra một bầu không khí thù hận trong công luận ở Úc để lật được quyết định tha bổng 10-2 thành một bản án nhất trí kết tội đối với các tội danh vô bằng vô chứng, Đức Hồng Y George Pell phải bị hủy diệt, để cuộc cách mạng về tự do trong lối sống của Úc và chủ nghĩa cấp tiến chính trị có thể được tiến hành mà không bị cản trở.

Đức Hồng Y Pell hiện đang ngồi tù chờ tuyên án, sau đó ngài sẽ kháng cáo bản án không chính đáng và bất công này. Bất cứ ai quan tâm đến công lý, dù là tín hữu của một tôn giáo hay là người không có niềm tin tôn giáo, đều phải hy vọng rằng hội đồng xét xử phúc thẩm kết luận rằng bản án của Đức Hồng Y Pell là một điều mà luật pháp Úc gọi là phán quyết không an toàn, vì bồi thẩm đoàn không thể đưa ra kết luận hợp lý dựa trên các bằng chứng đáng tin cậy.

Tuy nhiên, ngay cả khi công lý được thực thi và Đức Hồng Y Pell được trả tự do, Úc và phần còn lại của phương Tây, sẽ phải suy nghĩ rất lâu về việc tại sao có thể xảy ra một chuyện bi thảm như thế này, như trong trường hợp của nước Pháp sau khi xảy ra vụ Dreyfus.


Source:First Things
 
Năm thứ sáu triều giáo hoàng Phanxicô và việc giải quyết lạm dụng tình dục
Vũ Văn An
16:42 12/03/2019

Thần học gia kiêm nhà báo Andrea Gagliarducci, một nhà quan sát Vatican kỳ cựu, nhân kỷ niệm năm thứ sáu triều giáo hoàng Phanxicô, đã có một số nhận định sâu sắc về cố gắng giải quyết nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên của Đức Đương Kim Giáo Hoàng (xin xem http://www.mondayvatican.com/vatican/pope-francis-pontificate-turns-six-and-now).

Barbarin và Pell

Hôm trước ngày kỷ niệm năm thứ sáu triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, có tin gây ngỡ ngàng là Đức Hồng Y Philippe Barbarin, Tổng Giám Mục Lyon, bị kết án 6 tháng tù treo ở tòa sơ thẩm về việc che đậy lạm dụng. Điều này cho thấy: năm nay không hẳn là năm dễ dàng đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Việc kết án Đức Hồng Y Barbarin diễn ra song song với việc kết tội Đức Hồng Y Pell. Hai vụ án có những điểm tương tự.

Đức Hồng Y Pell sẽ kháng án. Ngài từng bị cáo buộc phạm tội lạm dụng năm 2002, và ngài đã tự ý ngưng chức quản trị tổng giáo phận Melbourne để phục hồi thanh danh. Ngay hồi đó, đã có nhiều hoài nghi đối với các lời cáo buộc ngài.

Đức Hồng Y Barbarin cũng sẽ kháng án. Ngài đã không nhận tội vào năm 2016 về cùng các cáo buộc từ cùng một người, mặc dù truyền thông không nhấn mạnh điều đó. Phiên tòa chống lại ngài diễn ra vì ở Pháp, người ta có thể khởi kiện trực tiếp, và vì thế bị cáo trực tiếp bị đưa ra xét xử. Đó là điều đã xảy ra, và Đức Hồng Y Barbarin đã bị xét xử trong khi các người được coi là nạn nhân mới lên tiếng, và thậm chí một bộ phim tài liệu đã khiến dư luận chống lại Đức Tổng Giám Mục Lyon.

Đức Hồng Y Barbarin đã tuyên bố sẽ từ chức tổng giám mục Lyon. Ngay lập tức, các báo cáo của giới truyền thông đã khéo léo khiến người ta nghĩ rằng ngài sẽ mất tước Hồng Y. Điều này không đúng chút nào. Chỉ có vị Giáo hoàng mới có thể lấy đi chiếc mũ đỏ, và Đức Hồng Y Barbarin vẫn sẽ là một Hồng Y cả khi việc từ chức của ngài được chấp nhận.

Áp lực báo chí và tuyên bố của Phủ Quốc Vụ Khanh

Khả thể ảnh hưởng đến Giáo hội khá rôm rả, và báo chí luôn cố gắng làm điều này. Nó đã làm như thế trước mật nghị hội bầu giáo hoàng năm 2013, khi báo chí chỉ trích khả thể một số Hồng Y được vào mật nghị hội, nêu lý do chung là vì các ngài bị cáo buộc che đậy lạm dụng.

Áp lực đó đã dẫn đến quyết định của Tòa Thánh ngăn chặn Đức Hồng Y Keith O’Brien tham gia mật nghị hội. Vì hành vi sai trái về tình dục, Đức Hồng Y O’Brien đã bị tước quyền và nghĩa vụ Hồng Y.

Áp lực đó cũng khiến Phủ Quốc Vụ Khanh phản ứng, với một thông cáo có lời lẽ khá mạnh.

Phủ Quốc Vụ Khanh đã viết rằng: “Quyền tự do của Hồng Y đoàn, một cơ chế có nhiệm vụ bầu Giám Mục Rôma, luôn được Tòa Thánh bảo vệ một cách kiên quyết, để đảm bảo rằng việc nó lựa chọn là hoàn toàn dựa trên những đánh giá vì lợi ích của Giáo Hội”.

Thông báo trên viết tiếp: “trong suốt nhiều thế kỷ, các vị Hồng Y từng phải đối diện với nhiều hình thức áp lực, đặt lên các cử tri cá thể và trên cùng một hợp đoàn này, nhằm mục đích điều kiện hóa các quyết định (của hợp đoàn này), khuôn định các quyết định này theo các lý do chính trị hoặc thế gian".

Phủ Quốc Vụ Khanh cuối cùng đã tố cáo rằng, “nếu trong quá khứ, các điều gọi là thế lực, tức các quốc gia, đã cố gắng đặt điều kiện cho việc bầu cử Giáo hoàng, thì giờ đây, sức nặng của dư luận đã được sử dụng như một công cụ, thường dựa trên cơ sở đánh giá vốn không nắm bắt được khía cạnh thiêng liêng của thời điểm Giáo hội đang sống”.

Vì lý do đó, thông báo đã kết luận, “lúc mật nghị hội bầu giáo hoàng đang tới gần và các vị Hồng Y cử tri sắp sửa được giữ yên tại một nơi, một cách đầy ý thức và trước mặt Thiên Chúa, để biểu lộ một cách hoàn toàn tự do sự lựa chọn của các ngài”, quả là “một điều đáng trách là các tin tức không được kiểm chứng, không thể kiểm chứng hoặc thậm chí giả mạo luôn được loan truyền nhiều hơn, cũng gây nhiều thiệt hại cho người và định chế”.

Đó là năm 2013. Áp lực truyền thông này không bao giờ giảm đi. Và đây có lẽ là rào cản chính mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ phải đối đầu trong năm sắp tới của triều giáo hoàng.

Cố gắng cân bằng

Hội nghị thượng đỉnh về Bảo vệ trẻ vị thành niên trong Giáo hội là một nỗ lực của Đức Giáo Hoàng Phanxicô để bắc cầu với các phương tiện truyền thông. Trong bài phát biểu Giáng sinh trước Giáo Triều Rôma hồi tháng 12, Đức Giáo Hoàng Phanxicô ca ngợi truyền thông đã làm sáng tỏ các trường hợp lạm dụng. Trong bài phát biểu cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh hồi tháng Hai, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhìn nhận rằng cuối cùng quả có áp lực của truyền thông.

Năm nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lên lịch rất nhiều chuyến đi quốc tế: Bulgaria và Bắc Macedonia đã được lên kế hoạch, sẽ có một hoặc hai chuyến đi châu Phi, và gần như chắc chắn một chuyến khác đi Nhật Bản. Tuy nhiên, vấn đề là làm thế nào Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể nâng cao khả tín tính của Giáo hội, đặc biệt là về cuộc khủng hoảng lạm dụng.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cam kết mạnh mẽ chống lại việc lạm dụng của các giáo sĩ. Ngài đã thành lập Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ các vị thành niên và cũng đã gặp các nạn nhân tại Vatican.

Mặt khác, ngài cố gắng cân bằng các vấn đề. Vụ tai tiếng ở Chile chỉ được giải quyết khi các cáo buộc không còn có thể phủ nhận được nữa: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bảo vệ các linh mục của ngài cho đến tận giây phút cuối cùng. Ngài cũng đã làm như thế với vấn đề McCarrick, nghĩa là Đức Giáo Hoàng chỉ giải quyết mạnh mẽ khi sự việc dường như đã rõ ràng.

Các ví dụ khác: Đức Tổng Giám Mục Gustavo Zanchetta đã không được yêu cầu từ nhiệm khỏi chức vụ giám định viên của ngài ở Cơ quan Quản trị Gia tài của Tòa thánh, một chức vụ được tạo ra và thiết kế cho ngài bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đức Hồng Y Pell đã xin nghỉ phép, và ngài đã không còn là Bộ trưởng Bộ Kinh tế nữa khi hết nhiệm kỳ. Việc từ chức của Đức Hồng Y Wuerl trong tư cách tổng giám mục Washington sau tuổi nghỉ hưu đã được Đức Giáo Hoàng hoan nginh bằng một lá thư ca ngợi ngài: Đức Hồng Y Wuerl vẫn còn ở đó tại tổng giáo phận trong tư cách giám quản tông tòa.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô luôn coi là có giá trị nguyên tắc vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội. Nguyên tắc này cũng sẽ có hiệu lực đối với Đức Hồng Y Barbarin, người muốn từ chức, nhưng việc từ chức của ngài không nên được chấp nhận để giữ một tính gắn bó nào đó trong việc xử lý các vấn đề này.

Năm thứ sáu triều giáo hoàng của Đức Phanxicô sẽ diễn tiến trên các chi tiết đó.

Gần đây, mọi điều đã được tăng tốc, và có người thậm chí đã nói đến bầu khí “kết thúc triều giáo hoàng”. Có vẻ như không phải vậy. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng chắc chắn muốn đóng lại một số tình huống bỏ ngỏ.

Truyền thông ấn định nghị trình?

Mặc dù có nhiều tình huống bỏ ngỏ, mọi điều dường như tập trung vào vấn đề lạm dụng. Một lần nữa, truyền thông đã ấn định nghị trình.

Ngay hội nghị thượng đỉnh cũng nói đến vấn đề này. Valentina Alazraki, một nhà báo, nói với các giám mục rằng các nhà báo có thể là đồng minh tốt nhất của các ngài trong vấn đề minh bạch và là kẻ thù tồi tệ nhất trong các vấn đề che đậy.

Có lẽ một cách vô tình, Alazraki mặc nhiên nhấn mạnh rằng báo chí là một thế lực, trong khi việc báo cáo đã trở thành thứ yếu. Điều này đã được lưu ý trong các cuộc thảo luận kín cửa sau bài thuyết trình. Bên ngoài hội trường, sứ điệp này không ai biết đến.

Khi được coi như một thế lực, báo chí không còn là báo chí nữa. Nó nhất thiết trở nên thiên vị. Nó quyết định đứng về phía này hay phía khác, và chẳng quan trọng chi nếu nó bênh vực quyền lợi của phía sai. Tính khách quan không còn nữa và mọi người viết theo quan điểm riêng của mình. Tuy nhiên, báo chí có sứ mệnh phục vụ sự thật, hơn là trở thành đồng minh hoặc kẻ thù đối với một ai đó.

Đi tìm một trình thuật mới

Cũng thế, triều giáo hoàng của Đức Phanxicô sinh ra với hoài bão từ đầu là tìm kiếm một trình thuật mới. Ý tưởng là có được một triều giáo hoàng thân thiện với truyền thông, có khả năng làm giảm bớt các cuộc tấn công mà Giáo hội vốn bị nhắm đến.

Phía sau lưng Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã có một nghị trình mạnh mẽ, từ quan điểm thần học đến quan điểm truyền thông. Dù sự việc không diễn ra đúng như nghị trình đã áp đặt lên Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cảm giác cho rằng Đức Giáo Hoàng có thể cách mạng hóa Giáo hội vẫn còn đó.

Cảm giác này không được hỗ trợ bằng các sự kiện, mà chỉ nhờ các ấn tượng được Đức Giáo Hoàng tạo ra qua cung cách làm việc và cách nói năng của ngài, một điều thường mơ hồ, không rõ ràng và mở cửa cho nhiều lối giải thích khác nhau.

Trên thực tế, sau sáu năm, hiện có và đã có: một cuộc cải cách Giáo Triều được nhiều người chờ đợi, một cuộc cải tổ sẽ kinh qua một cuộc tham khảo khắp thế giới; một hình ảnh vĩ đại về Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhưng không giúp Giáo hội đổi mới; một rì rỏ Vatileaks khác; sự hiện diện của nhiều nhóm áp lực (vấn đề thực chất không phải là nhóm vận động hành lang đồng tính nam đúng nghĩa); yêu cầu Giáo hội thay đổi tín lý của mình; và các trường hợp lạm dụng, được sử dụng để làm suy giảm tính khả tín của Giáo hội, những vấn đề này vẫn còn đó.

Sau sáu năm, vẫn chưa có những cuộc cách mạng lớn, được mong đợi. Đức Giáo Hoàng Phanxicô thảo luận với mọi người, nhưng tự mình đưa ra các quyết định, gạt sang một bên tính hợp đoàn (collegiality) và thay thế nó bằng khái niệm Giáo Hội như “Mẹ Thánh có phẩm trật”.

Thách thức lớn

Từ góc nhìn khác, chúng ta có một loạt các vấn đề khác nhau. Một số ví dụ.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường nói về chủ nghĩa thực dân ý thức hệ, và sử dụng những từ ngữ mạnh mẽ để chống phá thai và bảo vệ gia đình tự nhiên; Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc lại rằng ngài sẽ không mở đường cho việc thừa nhận các linh mục đã kết hôn, và việc Thượng hội đồng đặc biệt về vùng Pan-Amazon có thể sẽ đặt vấn đề này ra để thảo luận cũng vẫn sẽ không có nghĩa là Đức Giáo Hoàng sẽ quyết định theo đó. Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường tỏ ra không thích các lập trường tín lý, và vì lý do này, ngài không bao giờ trả lời cuộc thảo luận phát sinh sau khi công bố tông huấn Amoris Laetitia.

Mặt khác, ngoài một số vấn đề tín lý nêu ra bởi tông huấn hậu thượng hội đồng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô không bao giờ thay đổi tín lý của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình. Đức Giáo Hoàng Phanxicô vốn nhấn mạnh rằng việc bảo vệ sự sống phải được đóng khung trong lĩnh vực rộng lớn hơn của công bằng xã hội, nhưng ngài không thay đổi tín lý, và nhất là tín lý trong thông điệp Humanae Vitae, như nhiều người đã nghĩ.

Sáu năm sau, nay chúng ta đang trải nghiệm một ngôi vị giáo hoàng cần phục hồi một tính khả tín nào đó, trong khi thế giới thế tục cho rằng đây không phải là ngôi vị giáo hoàng mong đợi.

Cuộc khủng hoảng lạm dụng lại xuất hiện trên hiện trường. Phải xử lý các trường hợp lạm dụng ra sao? Cảnh sát phải được trao cho cơ hội can thiệp vào vụ việc của Giáo Hội, hay Tòa Thánh nên chú ý hơn trong việc duy trì sự độc lập của mình?

Hiện nay, đó là thách thức lớn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
 
Sandro Magister: Sau những vụ kết án các ĐHY Pell và Barbarin, Giáo Hội bị vây hãm và sững sờ
Đặng Tự Do
18:46 12/03/2019
Sau khi Đức Hồng Y Philippe Barbarin, Tổng Giám Mục Lyon, bị kết án 6 tháng tù treo, Sandro Magister, ký giả kỳ cựu về Vatican đã có bài nhận định sau với tựa đề Dopo le condanne dei cardinali Pell e Barbarin. Chiesa sotto assedio, smarrita – “Sau những vụ kết án các Đức Hồng Y Pell và Barbarin, Giáo Hội bị vây hãm và sững sờ” đăng trên tờ L’Espresso của Ý ngày 11 tháng Ba, 2019.

Ở Úc, Đức Hồng Y George Pell đã bị kết án tù. Tại Pháp, Đức Hồng Y Philippe Barbarin, Tổng Giám Mục Lyon, đã bị kết án sáu tháng tù treo. Đương nhiên, không thể loại trừ trường hợp các Hồng Y và Giám Mục nổi tiếng khác phải chịu sự phán xét của các tòa án thế tục, bị buộc tội lạm dụng tình dục đối với trẻ vị thành niên hoặc che đậy.

Đối với Giáo Hội Công Giáo, điều này mở ra những vấn đề nghiêm trọng rất đáng chú ý, đặc biệt là khi đối mặt với những điều này chúng ta không thể hiện được sự tự tin về cách thế đối phó với những vấn nạn này.

Đặc biệt, có ba vấn nạn sau.

1. Nếu người ta đòi truy tố chính Đức Giáo Hoàng thì sao?

Cả hai Đức Hồng Y Pell và Barbarin đều bị kết tội dựa trên các bằng chứng chẳng có chút thuyết phục nào, cả hai đều bị kết tội trong một phiên tòa thứ hai sau khi phiên tòa thứ nhất kết thúc mà không đưa ra bản án có tội. Đối với Đức Hồng Y Barbarin, ngay cả công tố viên cũng đã yêu cầu tha bổng cho ngài. Cả hai vị Hồng Y đều nói rằng các ngài vô tội, và đã nhất mực đòi kháng cáo.

Tuy nhiên, trong phạm vi Giáo Hội, như một sự thận trọng, khi phiên tòa vẫn đang được tiến hành, Đức Hồng Y Pell đã được yêu cầu không được thực thi các thừa tác vụ công khai và không được tiếp xúc với các trẻ vị thành niên. Và vài ngày trước đây, Đức Hồng Y Barbarin đã tuyên bố từ chức, và chắc chắn rằng Đức Giáo Hoàng không có chọn lựa nào khác hơn là chấp nhận đơn từ chức của ngài.

Trong trường hợp Đức Hồng Y Pell, người ta đã thông báo rằng Bộ Giáo Lý Đức Tin sẽ mở một tiến trình điều tra giáo luật. Và có khả năng điều tương tự cũng sẽ xảy ra với Đức Hồng Y Barbarin.

Nhưng đó là loại tiến trình nào? Và được tiến hành ra sao? Theo những hướng dẫn chung, liên quan đến các giám mục bị coi là có tội hoặc lơ là không giải quyết đến nơi đến chốn trong các vấn đề lạm dụng, Đức Phanxicô đã công bố vào tháng 6 năm 2016 một tông thư có tên “Come una maadre amorevole”, trong đó - như ngài đã giải thích trong cuộc họp báo trên đường từ Ái Nhĩ Lan trở về Rôma vào ngày 26 tháng 8 năm 2018 – “nhiều người nói rằng nên thành lập hẳn một tòa án đặc biệt cho việc xét xử các giám mục,” một lần cho tất cả. Tuy nhiên, ngay sau đó, chính Đức Phanxicô đã khẳng định rằng “điều này là không thể thực hiện được”, và đã chọn cách dùng đến một bồi thẩm đoàn được thiết lập cho từng trường hợp một. Đức Phanxicô đã đưa ra một trường hợp làm ví dụ - là trường hợp của Tổng Giám Mục Anthony Sablon Apuron của đảo Guam, bị kết án sơ thẩm bởi Bộ Giáo Lý Đức Tin nhưng chính Đức Phanxicô xét đơn kháng cáo, với sự trợ giúp của một ủy ban các chuyên gia về giáo luật.

Các thủ tục cho đến nay vẫn chưa rõ ràng và đầy lúng túng. Tháng 11 năm ngoái, Đức Phanxicô đã cấm Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ không được bỏ phiếu để hình thành nên một tổ chức giáo dân độc lập được trao nhiệm vụ tiến hành các điều tra sơ khởi về các giám mục bị điều tra. Giải pháp thay thế được Đức Hồng Y Blase Cupich đưa ra là giao nhiệm vụ điều tra ban đầu cho Tổng Giám Mục của giáo tỉnh cũng chưa thể thành luật, mặc dù Đức Hồng Y Cupich đã đưa điều này ra một lần nữa trong Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội từ 21 đến 24 tháng Hai, được triệu tập với mục đích duy nhất là chiến đấu chống tai ương lạm dụng tính dục.

Những người chống lại đề nghị của Đức Hồng Y Cupich đưa ra nhiều lý do, trong đó có quan ngại sâu xa rằng việc giao phó cuộc điều tra đầu tiên cho vị Tổng Giám Mục của giáo tỉnh - hoặc cho một giám mục khác - có nguy cơ dẫn đến tai tiếng là đưa bản án trở lại vào tay các giáo sĩ, những người đồng hội đồng thuyền với nhau, có thể bị cám dỗ để hỗ trợ lẫn nhau.

Nhưng chưa hết đâu. Nếu người ta buộc tội chính Đức Giáo Hoàng thì sao? [Ngày 13 tháng Chín, 2011, một nhóm luật sư trình lên Tòa án Quốc tế Hình sự tại The Hague một cáo trạng dài 80 trang đòi truy tố Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 và ba vị Hồng Y của giáo triều Rôma về tội che đậy lạm dụng tính dục ]

2. Tiến trình tố tụng theo giáo luật nên diễn ra thế nào? bình thường hay hành chánh?

Trong trường hợp của McCarrick, ngày 15 tháng 2 vừa qua, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã ra phán quyết về việc tước bỏ tư cách giáo sĩ khi kết thúc một tiến trình tố tụng giáo luật hành chánh, có nghĩa là một tiến trình được đơn giản hóa và vắn tắt.

Bộ Giáo Lý Đức Tin hầu như luôn luôn tiến hành theo thủ tục ngoại thường này, trong hàng ngàn trường hợp thuộc thẩm quyền của mình liên quan đến các vấn đề lạm dụng. Với McCarrick, điều này khiến cho có thể nhanh chóng đạt được bản án cho hồi tục, trước khi Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội được triệu tập tại Vatican từ ngày 21 đến 24 tháng Hai. Nhưng điều này dẫn đến một bất lợi nghiêm trọng: đó là không thể tái cấu trúc trong bối cảnh tư pháp, mạng lưới những người đồng lõa hay những ai đã có sự ưu ái đối với đương sự, trong nhiều năm qua, và đâu là những ai trong hàng giáo phẩm từ lâu vẫn biết về những hành vi sai trái của đương sự.

Vấn đề được nhiều người nêu ra là tiến trình tố tụng theo giáo luật trong trường hợp của Đức Hồng Y Pell nên diễn ra thế nào? bình thường hay hành chánh?

Bộ Giáo Lý Đức Tin chắc chắn sẽ chờ đợi kết quả của tiến trình kháng cáo của Đức Hồng Y Pell trước khi đưa ra các quyết định riêng của mình. Phiên điều trần sơ bộ được tổ chức trong hai ngày 5 và 6 tháng Sáu. Cần nhớ rằng trong những trường hợp liên quan đến lạm dụng tính dục, Tòa Thánh thường tiến hành theo tiến trình tố tụng hành chánh sau khi một tòa án thế tục đã đưa ra phán quyết của nó.

Trong những trường hợp như thế này, Tòa Thánh đã quen với việc lấy phán quyết của tòa án thế tục làm cơ sở cho nhận định của mình. Và do đó, nếu tiến trình kháng cáo của Đức Hồng Y Pell thất bại tại Úc, thì điều này thường sẽ dẫn đến một bản án của Giáo Hội trục xuất Đức Hồng Y Pell khỏi hàng giáo sĩ.

Đây là lý do tại sao các luật sư bào chữa cho Đức Hồng Y Pell khăng khăng yêu cầu Tòa Thánh không được áp dụng tiến trình tố tụng hành chánh đối với thân chủ của họ, nhưng phải tiến hành theo trình tự giáo luật thông thường, không bị chi phối bởi kết quả của các phiên tòa thế tục ở Úc. Nói cách khác, đó là một tiến trình tố tụng tự chủ hơn, tự do hơn, có chủ quyền hơn.

3. Phán quyết kiểu nào cũng chết

Và điều gì sẽ xảy ra khi Tòa Thánh đưa ra phán quyết về trường hợp Đức Hồng Y Pell?

Nếu đó là một bản án kết tội, cho cân xứng với những gì có thể được quyết định bởi tòa phúc thẩm Úc, thì sẽ có những tràng pháo tay từ dư luận thế tục, cũng như từ những nhà vô địch của phe “không khoan dung” trong Giáo Hội.

Nhưng chắc chắn sẽ có những chống đối ngay trong lòng Giáo Hội được đưa ra bởi những người cho rằng đây là sự thất bại của các quyền cơ bản là có được một phiên tòa công bằng, những người nhìn ra sự thiếu nhất quán trong các cáo buộc, và nhận định rằng đây là một hành động hủy hoại Giáo Hội khi khom lưng khuất phục trước các thế lực thế tục.

Nếu thay vào đó là phán quyết cho rằng Đức Hồng Y hoàn toàn vô tội, trái với bản án có thể được quyết định bởi tòa án Úc, sẽ có những người ngưỡng mộ quyền tự trị và lòng can đảm của Giáo Hội khi đề cao công lý.

Nhưng chắc chắn sẽ có những phản ứng gay gắt không chỉ từ dư luận thế tục mà thôi, nhưng ngay cả từ hàng ngũ của Giáo Hội, những người sẵn sàng buộc tội chính Giáo Hội mình là bao che cho các tội lỗi lạm dụng tính dục.

Đây chính xác là những gì đã được cựu thẩm phán của tòa án liên giáo phận Pierre Vignon viết bằng giấy trắng mực đen liên quan đến trường hợp Đức Hồng Y Barbarin. Vị linh mục này là người đã công khai kêu gọi Đức Hồng Y Barbarin từ chức vào mùa hè năm ngoái, trước khi phiên tòa thứ hai kết thúc, và sau khi phiên tòa đầu tiên đã kết thúc với phán quyết Đức Hồng Y vô tội.

Ngài linh mục Pierre Vignon viết như sau:

“Tôi đã được hỏi nhiều lần về việc tôi sẽ phản ứng thế nào nếu Đức Hồng Y được tòa án tuyên bố vô tội. Câu trả lời của tôi rất đơn giản. Lương tâm của một Kitô hữu không cần phải chờ bản án của tòa án để biết phải làm gì. Nếu Hồng Y Barbarin không bị kết án, thì dù thế nào đi nữa, ông ta không còn xứng đáng có thể trình diện trước mặt các nạn nhân.”

Và đó cũng là thông điệp của bộ phim “Grâce à Dieu”, chủ đề và mục tiêu không ai khác ngoài Đức Hồng Y Barbarin, được trình chiếu ngay trước khi tòa án Lyon tuyên án ngài.

Trở lại trường hợp của Hồng Y Pell, có một số người thậm chí sợ rằng chính phủ Úc - dưới áp lực của dư luận - có thể giải thích phán quyết Đức Hồng Y vô tội của Tòa Thánh như một sự lên án ngầm hệ thống tư pháp Úc, và kết quả là phá vỡ quan hệ với Tòa Thánh vì tự ái chủ quyền quốc gia.

Cho dù các kết quả bi thảm này có xảy ra hay không, Giáo Hội thực sự đang trong thời kỳ bị vây hãm.


Source:L’Espresso
 
Đức Hồng Y Pell bị Tòa Melbourne kết án hơn 6 năm tù trong một phiên tòa lần đầu tiên được trực tiếp truyền hình
Vũ Văn An
19:33 12/03/2019
Đúng 10 giờ sáng nay ngày 13 tháng Ba, 2019, giờ Sydney, chánh án Peter Kidd đã bắt đầu phiên toà lên án Đức Hồng Y Pell. Bài thuyết trình của ông trước khi lên án kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ. Dĩ nhiên sẽ kết thúc bằng cách lên án tù Đức Hồng Y, không thể nào khác được, khi chính chánh án này đã nhận định đây là một tội ác “trân tráo” (brazen).

Ngài bị kêu án “sáu năm tù vì lạm dụng 2 bé trai trong thập niên 1990”. Trong đó, hết 3 năm 8 tháng không được nạp đơn xin ân xá. Theo Macquarie National News, chánh án Kidd mô tả việc lạm dụng này là “ngạo mạn một cách nghẹt thở” và bác bỏ phần lớn các hoàn cảnh giảm khinh được các luật sư bào chữa trình bầy.

Và dù biết có thể ngài không sống đủ thời gian ngồi tù, Kidd vẫn kêu bản án trên. Thực vậy, ông ta bảo: “Tôi ý thức rõ thời gian ngồi tù mà tôi sắp sửa áp đặt lên ông mang theo nó một khả thể có thật, khác hẳn lý thuyết, đó là ông có thể không sống để được thả ra khỏi nhà tù”.

Cuộc trực tiếp truyền hình của Đài Số 7 chủ yếu chiếu chánh án Kidd đọc bài thuyết trình của ông ta, thỉnh thoảng lại chiếu bên cạnh một số hình ảnh “thời sự” liên quan đến Đức Hồng Y Pell, các người biểu tình ở bên ngoài, phần lớn là chống lại Đức Hồng Y. Chỉ có hai người đứng cầu nguyện nghiêm chỉnh, một người cầm tràng hạt. Không thấy chiếu quang cảnh bên trong tòa án, kể cả hình ảnh Đức Hồng Y Pell tại tòa. Có đài phát thanh cho hay: nhiều linh mục hiện diện trong phiên tòa này.



Tờ The Age thì thuật lại rằng: “Pell đứng với hai tay để sau lưng khi chánh án đọc to bản án và không phản ứng chi. Một trong các người ủng hộ ông lấy tay ôm mặt và khóc khi bản án được đọc to, trong khi một người đàn bà khác an ủi bà này. Phòng tòa án im lặng suốt buổi lên án, kể cả lúc chánh án Kidd đọc án tù, và hầu như mọi người trong phòng đều quay đầu nhìn Pell trước vành móng ngựa. Pell dùng gậy rời khỏi vành móng ngựa dưới sự hộ tống của 4 nhân viên gác nhà tù. Không ai nói gì và ông cũng không chào hỏi ai”.

The Age cũng thuật lại việc chánh án Kidd bào chữa việc cho trực tiếp truyền hình phiên kêu án Đức Hồng Y Pell: “Chánh án Kidd...nói rằng việc tường thuật các nhận định của ông dù sao cũng sẽ diễn ra một cách mạnh mẽ... Nó sẽ không thay đổi thực chất mức độ tường trình”.

Chánh án Kidd thừa nhận đã có “sự bão hoà, sốt bỏng” trong các tường trình của truyền thông về vụ này. Nhưng ông bác bỏ lập luận của luật sư bênh vực rằng quyết định cho trực tiếp truyền hình các nhận định lúc kêu án tạo thành một hình phạt phụ trội. Việc này, theo ông, là để nhấn mạnh cam kết cởi mở và minh bạch của tòa.

Thực ra, hầu hết các lập luận của các luật sư bào chữa đã bị chánh án Kidd bác bỏ, trong bài nhận định của ông. Nhất là khoản do các các luật sư bào chữa cho rằng: chỉ có người điên mới phạm một tội như thế. Ông cho biết có đến 5 lý do khiến ông không chấp nhận luận bác ấy. Trái lại, theo ông, nó còn chứng tỏ tính “trân tráo” của “bị cáo”.

Tuy nhiên, bất kể bản án hôm nay có ra sao, ta đừng quên, Đức Hồng Y Pell vẫn “thanh thản” như bản tin Zenit hôm nay cho biết và ngài vẫn tin vào hệ thống pháp lý của Úc. Chánh án Kidd hôm nay cũng cho rằng ông biết ngài vẫn cho là ngài vô tội và ngài có cái quyền ấy. Tòa thượng thẩm trong tháng Sáu này chắc chắn không làm ngài thất vọng. Nhưng giả sử tòa ấy y án tòa dưới, bản thân tôi nghĩ Đức Hồng Y Pell vẫn “thanh thản” thôi. Người Công chính ở chỗ nào cũng công chính.

Đón đọc các nhận định về bản án
 
Điện thoại trong nhà thờ giống như có Satan cất giấu trong túi của bạn
Lm. Phan Du Sinh, OFM
23:52 12/03/2019
Tổng Giám mục than phiền rằng các bạn trẻ không ngừng gửi tin nhắn ngay cả khi họ đang cầu nguyện.

Người Công Giáo nên giữ chay một giờ bằng việc tắt đi điện thoại thông minh của họ khi ở nhà thờ trong Mùa Chay, Tổng Giám mục thành phố Lahore đã nói.

Tổng Giám mục Sebastian Shaw kêu gọi “một giờ ăn chay bằng cách tắt đi điện thoại thông minh để tránh chia trí khi tham dự 14 chặng đàng Thánh giá và Thánh lễ Chúa Nhật”.

“Điện thoại di động giống như có Satan cất trong túi của bạn khi bạn đến nhà thờ”, ngài nói thêm.

Theo AsiaNews, Tổng giám mục nói rằng những người Pakistan trẻ tuổi đang trở nên nghiện ngập vì điện thoại của họ. “Những người trẻ cứ liên tục gửi tin nhắn ngay cả khi họ đang cầu nguyện”, ngài nói.

Đáng lẽ họ nên sử dụng Mùa Chay để “xem xét đời sống và từ bỏ những thói quen và hành vi làm gia tăng khoảng cách giữa họ. Hãy đứng vững trước cơn cám dỗ”.

Giám mục Samson Shukardin của thành phố Hyderabad đã đồng ý với Tổng Giám mục Shaw. “Mặc dù nó là một nguồn thông tin tuyệt vời trong lòng bàn tay, nhưng việc sử dụng điện thoại di động không kiểm soát là mối nguy hiểm nhất đối với người trẻ. Chẳng hạn, làn sóng có hại và gây ung thư; một số người sử dụng nó vì những lý do xấu và nó có thể phá hủy các gia đình”.


Source:Catholic Herald
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Khóa Thường Huấn Linh Mục Năm 2019 Tại Giáo Phận Ban Mê Thuột
Ban VHTT-GP.BMT
09:18 12/03/2019
Khóa Thường Huấn Linh Mục Năm 2019 Tại Giáo Phận Ban Mê Thuột

Chiều ngày 11.3.2019, tất cả Quý Cha triều, dòng đang phục vụ trong Giáo phận Ban Mê Thuột, Quý Thầy Phó tế đã về Tòa Giám Mục tham dự khóa Thường Huấn năm 2019.

Xem Hình

Khóa Thường Huấn chính thức khai mạc vào lúc 16g30 chiều sau giờ chầu Thánh Thể.

Trong dịp Thường Huấn này, Quý Cha, Quý Thầy Phó tế sẽ được học hỏi về Tài liệu “HƯỚNG DẪN TỔNG QUÁT VIỆC DẠY GIÁO LÝ TẠI VIỆT NAM” của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, năm 2017, do Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc Trung Tâm Tâm Mục vụ, Trưởng Ban Giáo Lý Giáo phận Sàigòn hướng dẫn; có sự tham gia của Cha GB. Nguyễn Huy Bắc, Giám đốc Trung Tâm Mục vụ, Trưởng Ban Giáo lý Giáo phận Ban Mê Thuột hướng dẫn về việc DẠY GIÁO LÝ THEO HƯỚNG DẪN TỔNG QUÁT; và Cha Mt. Nguyễn Quang Tuấn, Trưởng Ban Thánh nhạc Giáo phận Ban Mê Thuột, hướng dẫn về CỬ HÀNH THÁNH NHẠC trong giáo phận.

8 giờ sáng ngày 12.3.2019, tại Hội trường Tòa Giám mục, tiết học đầu tiên của Khóa Thường Huấn đã bắt đầu. Nội dung học hỏi về bản HƯỚNG DẪN TỔNG QUÁT VIỆC DẠY GIÁO LÝ TẠI VIỆT NAM 2017. Do Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc Trung Tâm Tâm Mục vụ, Trưởng Ban Giáo Lý Giáo phận Sài Gòn trình bày và hướng dẫn.

Dẫn nhập:

Việc giáo dục đức tin rất quan trọng trong việc phát triển Giáo Hội, bởi giáo dục đức tin đào tạo nên những con người đích thực vốn được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa.

- Tầm quan trọng của việc giáo dục đức tin

Tóm kết Thư Chung 2007 của HĐGMVN về giáo dục như sau:

“Giáo dục Kitô giáo là công trình học và sống làm người và làm con Chúa. Đây là trách nhiệm của mọi Kitô hữu mọi nơi mọi thời. Thế hệ trước có trách nhiệm chuyển giao đức tin cho thế hệ sau. Thế hệ sau tiếp nhận, củng cố và bàn giao cho thế hệ hậu sinh. Lịch sử là một cuộc hành trình qua đó Kitô hữu chia sẻ đức tin cho nhau dưới sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần.

Giáo dục Kitô giáo còn là một sứ mạng cấp bách. Sự thay đổi choáng ngợp của nền văn minh thời đại không cho phép chúng ta chần chừ trì hoãn, nếu không muốn bị đẩy vào nguy cơ tụt hậu. Hơn bao giờ hết, phương châm mà chúng ta phải nêu cao là: “Giáo dục hôm nay, xã hội và Giáo Hội ngày mai” (39).

Trong Thư Chung này, các giám mục ví các giáo lý viên giống như những cành nho gắn liền với thân nho là Chúa Kitô. Giáo lý viên hút nhựa sống Lời Chúa từ thân cây là Chúa Kitô, để chuyển đến các học viên bằng chứng từ rao giảng và thực thi huấn lệnh Chúa (20). Trong ý hướng này, mọi Kitô hữu chúng ta đều là giáo lý viên, bởi vì qua bí tích Rửa Tội, chúng ta được mời gọi tham gia vào một công trình giáo dục này và bao lâu còn là phần tử của Giáo Hội lữ hành, chúng ta còn là học trò và còn là thầy dạy đức tin bằng chứng từ cuộc sống của mình (21).

Nếu tại gia đình, đức tin được truyền thụ bằng phương pháp tiếp cận và thực hành, những bài học được giảng dạy ngay giữa thực tế thì tại giáo xứ, đức tin được thông truyền nhờ giảng giải và việc cử hành phụng vụ (29). Việc dạy giáo lý là phương cách căn bản của giáo dục Kitô giáo; trong đó, cha xứ và giáo lý viên chịu trách nhiệm khai tâm Kitô giáo và chuẩn bị cho học viên lãnh nhận các bí tích (30).

- Tiến trình soạn thảo Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý 2017

Bản HDTQ.VDGL.VN 2017 được soạn thảo bắt nguồn từ ước mong của Bộ Giáo Sĩ khi ban hành HDTQ.VDGL 1997 rằng các HĐGM cũng soạn thảo những bản văn định hướng tương tự, nhằm đáp ứng nhu cầu dạy giáo lý tại quốc gia của mình (282).

Ngay trong Đại hội Giáo lý Toàn quốc (ĐHGLTQ) đầu tiên tại Nha Trang năm 2006, bản HDTQ 1997 đã được cha Antôn Trần Văn Trường giới thiệu, đến ĐHGLTQ lần thứ 2 tại Mỹ Tho năm 2008, bản Hướng Dẫn đã được dịch sang tiếng Việt, sang ĐHGLTQ lần thứ 3 tại Hà Nội năm 2011, bản Hướng Dẫn được đem ra học hỏi, và ĐHGLTQ lần thứ 4 tại Huế năm 2014, thống nhất trong Bản Ghi Nhớ những điểm căn bản trong VDGL làm nền tảng cho việc biên soạn bản Hướng Dẫn VDGL của HĐGMVN. Cuối cùng, năm 2017 bản Hướng Dẫn được HĐGMVN chấp thuận và cho thử nghiệm trong 3 năm. Ngay sau đó, Bản Hướng Dẫn được dùng làm nền tảng cho việc dào tạo giáo lý viên trở nên con người hiệp thông, chủ đề của ĐHGLTQ lần thứ 5 tại Xuân Lộc.

Nỗ lực biên soạn HDTQ.VDGL.VN 2017 còn được cổ võ bởi “mong mỏi sớm có những nguyên tắc, đường hướng và chương trình chung, cũng như một thủ bản chung về giáo lý, vừa trung thành với Tin Mừng vừa gần gũi với văn hóa Việt Nam” của HĐGMVN trong Đại Hội dân Chúa năm 2010 (11).

- Những đòi hỏi cần được đáp ứng khi soạn thảo Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý 2017

Trước hết là đòi hỏi vừa trung thành với HDTQ.VDGL 1997 của Bộ Giáo Sĩ vừa đáp ứng được mong mỏi của HĐGMVN; đó là “gần gũi với văn hóa Việt Nam”. Điều này đòi hỏi ban soạn thảo phải tìm hiểu thực trạng xã hội và tình hình dạy giáo lý tại Việt Nam cũng như học hỏi kinh nghiệm của các bậc cha anh trong đức tin.

Kế đến là đòi hỏi dung hợp được yêu cầu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô lấy Truyền giáo hay Loan báo Tin Mừng làm mục tiêu cho mọi hoạt động của Giáo Hội (Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng, số 27) và định hướng mục vụ của HĐGMVN trong Thư Chung Hậu Đại Hội dân Chúa 2010 “Giáo Hội tại Việt Nam cần xác tín và sống đúng với căn tính của mình, củng cố sự hiệp thông, phát huy nhiệt tình truyền giáo, để chu toàn sứ vụ yêu thương và phục vụ của Đức Kitô trên dết nước này” (9).

Điều này đòi hỏi ban soạn thảo phải nối kết được truyền giáo và hiệp thông như được diễn tả trong Tông huấn Kitô hữu giáo dân của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II về sự hiệp thông mang tính truyền giáo: “hiệp thông và truyền giáo liên kết mật thiết với nhau, cả hai thâm nhập và bao hàm nhau, đến độ sự hiệp thông vừa là nguồn mạch vừa là kết quả của việc truyền giáo. Có thể nói, tự bản chất, hiệp thông mang tính truyền giáo và truyền giáo mang tính hiệp thông” (32).

Sau cùng là đòi hỏi bản văn phải ngắn gọn nhưng đầy đủ, chính xác và rõ ràng. Điều này đòi hỏi ban soạn thảo phải mất nhiều thời gian dể chọn lựa và chỉnh sửa cách trình bày cũng như ngôn từ sao cho dễ hiểu mà không hy sinh nội dung.

Đề tài 1: Thực trạng xã hội và tình hình dạy giáo lý hiện nay tại Việt Nam. (x HDTQ.VDGL.VN 2017, 5-23)

Gợi ý suy tư:

1.1. Vì sao bản Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy Giáo lý tại Việt Nam 2017 khởi đầu với việc khảo sát thực trạng xã hội và tình hình dạy giáo lý?

1.2. Thực trạng xã hội hiện nay đòi hỏi việc dạy giáo lý phải quan tâm và đáp ứng những vấn đề gì?

Gợi ý trao đổi:

1.3. Theo quý cha, đâu là nét đặc thù của tình hình Ban Mê Thuột mà việc dạy giáo lý cần đặc biệt quan tâm và đáp ứng?

Đề tài 2: Định hướng việc dạy giáo lý của Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy Giáo lý 1997 của Bộ Giáo Sĩ và Hướng dẫn Tổng quát 2017 của HĐGMVN. (x HDTQ.VDGL.VN 2017, 24-51 và NVTM 163-168)

Gợi ý suy tư:

2.1. Bộ Giáo Sĩ trong Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy Giáo lý 1997 và ĐGH Phanxicô trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng định hướng thế nào về việc Dạy Giáo lý?

2.2. HĐGM.VN trong Hướng Dẫn Tổng Quát việc Dạy Giáo lý 2017 định hướng thế nào về việc Dạy Giáo lý?

Gợi ý trao đổi:

2.3. Theo quý Cha, định hướng của HĐGM.VN soi dẫn cho việc Dạy Giáo lý tại giáo phận Ban Mê Thuột những gì?

Đề tài 3: Áp dụng định hướng của HĐGM.VN vào việc dạy giáo lý: hiệp thông với Thiên Chúa. (x HDTQ.VDGL.VN 2017, 52-54 và NVTM 174-175)

Gợi ý suy tư:

3.1. Làm thế nào để việc dạy giáo lý giúp học viên hiệp thông với Thiên Chúa?

3.2. Làm thế nào đặt Lời Chúa vào tâm điểm của việc dạy giáo lý?

Gợi ý trao đổi:

3.3. Theo quý Cha, lối dạy giáo lý bằng những câu hỏi thưa cần bổ sung điều gì để củng cố vai trò ưu tiên của Thánh Kinh trong đời sống của người giáo dân và canh tân đời sống của họ dưới ánh sáng của Lời Chúa?

Đề tài 4: Áp dụng định hướng của HĐGM.VN vào việc dạy giáo lý: hiệp thông với Giáo Hội. (x HDTQ.VDGL.VN 2017, 55)

Gợi ý suy tư:

4.1. Làm thế nào để việc dạy giáo lý giúp học viên hiệp thông với Giáo Hội?

4.2. Làm thế nào để việc dạy giáo lý có được tính Giáo Hội?

Gợi ý trao đổi:

4.3. Theo quý Cha, làm thế nào để mọi người trong giáo xứ tham gia vào việc học và dạy giáo lý?

Đề tài 5: Áp dụng định hướng của HĐGM.VN vào việc dạy giáo lý: hiệp thông với mọi người? (x HDTQ.VDGL.VN 2017, 56 và NVTM 169-173)

Gợi ý suy tư:

5.1. Làm thế nào để việc dạy giáo lý giúp học viên hiệp thông với mọi người?

5.2. Làm thế nào để việc dạy giáo lý có thể giúp học viên phân định hay khám phá ra các dấu chỉ của thời đại?

Gợi ý trao đổi:

5.3. Theo quý Cha, việc dạy giáo lý trong giáo phận Ban Mê Thuột cần làm gì để thực thi việc đối thoại với người nghèo, với các tôn giáo, với các nền văn hóa và với người vô thần?

Đề tài 6: Áp dụng định hướng của HĐGM.VN vào việc đào tạo giáo lý viên. (x HDTQ.VDGL.VN 2017, 57-61 và UBGLĐT.HĐGM.VN, Giáo lý viên, con người hiệp thông, trong Logos 01, NXB Tôn Giáo, 2018)

Gợi ý suy tư:

6.1. Làm thế nào để đào tạo giáo lý viên trở thành những con người hiệp thông với Thiên Chúa, với Giáo Hội, với mọi người?

6.2. Làm thế nào để đào tạo giáo lý viên trở thành những nhà truyền giáo?

Gợi ý trao đổi:

6.3. Việc đào tạo giáo lý viên phải chăng chỉ là việc của Ban giáo lý giáo phận? Nếu không phải chỉ là việc của Ban giáo lý giáo phận, thì đâu là trách nhiệm của Cha xứ trong việc đào tạo giáo lý viên?

KẾT LUẬN

Sau khi trình bày, hướng dẫn và cùng nhau suy tư, trao đổi, thảo luận về bản Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý 2017, Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc Trung Tâm Tâm Mục vụ, Trưởng Ban Giáo Lý Giáo phận Sài Gòn, dâng lên những lời cảm tạ:

- Cảm tạ vì định hướng của HĐGMVN về Việc Dạy Giáo Lý nhằm đào tạo những Kitô hữu sống trọn vẹn mầu nhiệm hiệp thông trong cả ba chiều kích với Chúa, với Giáo Hội và với mọi người, rất phù hợp với bối cảnh: nhân học biến đổi sâu xa, xã hội bị phân hóa nặng nề bởi các chủ nghĩa và trào lưu tư tưởng hiện đại.

- Cảm tạ vì định hướng này đòi hỏi đặt Thánh Kinh vào tâm điểm của việc dạy giáo lý và trình bày Lời Chúa theo tinh thần của Tông Huấn Lời Chúa (Verbum Domini) của ĐGH. Bênêđictô XVI năm 2010 (nhấn mạnh đến Tiếng của Lời, Khuôn mặt của Lời, Căn nhà của Lời & Con đường của Lời) và Tông Huấn Niềm vui của Tin Mừng (Evangelii Gaudium) của ĐGH. Phanxicô năm 2013 (nhấn mạnh đến việc trình bày giáo lý theo sư phạm khai tâm và đồng hành thiêng liêng).

- Cảm tạ vì bàn tiệc “huấn giáo” như đã được dọn sẵn, chờ khách ngồi vào bàn để chung hưởng niềm vui của những người được sai đi rao giảng Tin Mừng. (Lm Phêrô Nguyễn Văn Hiền)

Ngày thứ Năm, 14.3.2018, Cha GB. Nguyễn Huy Bắc, Giám đốc Trung Tâm Mục vụ, Trưởng Ban Giáo lý Giáo phận Ban Mê Thuột hướng dẫn về việc DẠY GIÁO LÝ THEO HƯỚNG DẪN TỔNG QUÁT; và Cha Mt. Nguyễn Quang Tuấn, Trưởng Ban Thánh nhạc Giáo phận Ban Mê Thuột, hướng dẫn về CỬ HÀNH THÁNH NHẠC trong giáo phận.

Buổi tối, 19g30 (thứ Năm): Đức Cha Giáo Phận và Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền đúc kết khóa Thường Huấn. Vào lúc 5g00 sáng thứ Sáu (15.3.2019), linh mục đoàn dâng Thánh lễ Tạ Ơn tại Nhà Nguyện TGM trước khi trở về nhiệm sở.

Ban VHTT-GP.BMT
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Việc truyền phép với chén thánh không rượu là hợp lệ không?
Nguyễn Trọng Đa
08:55 12/03/2019
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Vài năm trước, con đã tham dự một thánh lễ (không đồng tế), trong đó xảy ra việc là hoàn toàn không có rượu trong chén thánh. Điều này là hiển nhiên khi linh mục nâng chén thánh để uống, ngài nhìn xung quanh và trao chén thánh cho người giúp lễ. Con đã hỏi điều này trong phòng thánh sau đó, và quả thực là chén thánh không có rượu. Con cũng tham dự một thánh lễ khoảng một năm sau đó, ở một thành phố khác, trong đó việc tương tự cũng xảy ra. Trong cả hai trường hợp, rõ ràng là sự tỉnh trí (compos mentis) của linh mục, chứ không phải dị giáo hay ác ý, hay bất cứ điều gì như vậy. Thưa cha, liệu bánh thánh là được truyền phép hợp lệ trong trường hợp này không? Liệu có thể cho các tín hữu rước lễ với bánh thánh này chăng?. - J. M., St. John’s, Newfoundland and Labrador, Canada.


Đáp: Sau rất nhiều năm nhận được các câu hỏi phụng vụ, tôi nghĩ rằng mình thật quá kinh ngạc lần này. Nhưng tôi phải thừa nhận rằng tôi đã phần nào không bị ảnh hưởng bởi tình huống này. Tôi cảm thấy thật khó hiểu tại sao một linh mục chấp nhận điều dường như là một sự khuất phục, vốn sẽ làm cho hầu hết các tín hữu tin rằng chén thánh đã được truyền phép.

Trường hợp được mô tả là khác với một linh mục mất tập trung, khi ngài quên truyền phép một trong hai hình, hoặc trường hợp ngài chỉ thấy nước trong chén thánh, hoặc rượu đã chuyển thành giấm. Cả hai trường hợp này có thể được khắc phục bằng cách kín đáo đọc lời truyền phép, với rượu mới nếu cần, trước khi cho rước lễ.

Nếu việc cử hành với một chén thánh trống rỗng được thực hiện một cách có chủ ý và hiểu trọn vẹn năng quyền của mình, linh mục đã hành động theo một cách như là nghiêm trọng vi phạm Giáo luật, đặc biệt là Điều 927:

“Cho dù nhu cầu khẩn thiết tột độ, tuyệt đối cấm (nefas est) chỉ truyền phép một chất thể này mà không có chất thể kia, hoặc truyền phép cả hai chất thể ở ngoài Thánh Lễ” (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).

Bình luận của Paulist Press về điều luật này là như sau:

“Ý kiến thần học là không phải trong sự thống nhất về việc liệu việc truyền phép chỉ một trong hai hình là đủ cho tính hợp lệ của Thánh lễ. Cả Giáo luật năm 1917 (Điều 817) và Giáo luật mới đều không giải quyết vấn đề về tính hợp lệ, nhưng thay vào đó, cả hai đều sử dụng thẩm quyền của Giáo hội để cấm tuyệt đối việc truyền phép chỉ một trong hai hình trong hoặc ngoài Thánh lễ, hoặc truyền phép cả hai hình ngoài Thánh lễ. Cụm từ ‘tuyệt đối cấm’ (nefas est) truyền tải mạnh mẽ nhất ý muốn của Hội Thánh là duy trì sự toàn vẹn của việc cử hành Thánh lễ và hai hình bánh và rượu. Nhu cầu khẩn thiết tột độ cũng bị loại trừ, chẳng hạn như không có thời gian để cử hành toàn bộ Thánh lễ trong trường hợp một người nguy tử, hoặc thiếu bánh hoặc rượu do chiến tranh hay cuộc bách hại”.

Cần lưu ý rằng cạm từ ‘tuyệt đối cấm’ (nefas est) là rất mạnh và rất hiếm khi được sử dụng trong Giáo luật. Trên thực tế, nó chỉ xuất hiện một lần khác trong Điều 983 §1 liên quan đến việc tuyệt đối cấm tiết lộ những gì được nghe trong tòa giải tội.

Trong Bộ Giáo luật năm 1983, ngôn ngữ mạnh mẽ không đi kèm với bất kỳ hình phạt cụ thể nào đối với các vi phạm. Tuy nhiên, ngày 30-4-2001, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ban hành một tông thư dưới dạng tự sắc “Sacramentorum Sanctitatis Tutela”, vốn cùng với các thay đổi khác nhằm bảo vệ trẻ vị thành niên, đã đưa thêm Điều 927 vào các tội dành cho Thánh bộ Giáo lý Đức tin cứu xét.

Các quy chế đặc biệt liên quan đến Điều luật này đã được Giáo hoàng Biển Đức XVI cập nhật vào năm 2010 và hiện được đọc như sau:

"Điều 3 §2. Cũng được dành riêng cho Thánh Bộ Giáo lý Đức tin là tội vốn bao gồm việc truyền phép một hình với mục đích phạm thánh, mà không có hình kia, hoặc thiếu cả hai hình, hoặc trong hoặc ngoài Thánh lễ. Ai vi phạm tội này là bị trừng phạt theo mức độ nghiêm trọng của tội, không loại trừ việc sa thải hoặc phế truất”.

Mặc dù tội này được dành riêng cho Thánh Bộ Giáo lý Đức tin xét, khi nó được thực hiện vì một mục đích phạm thánh, nhưng nó vẫn là một tội ác hoặc tội theo giáo luật trong mọi trường hợp.

Nếu có yếu tố, vốn khiến các tín hữu tin rằng một Thánh lễ hợp lệ đã được cử hành, được đưa thêm vào, thì tội ác giả bộ cử hành bí tích (Điều 1379) cũng có thể được tính tới.

Điều gây ra sự bối rối là tại sao một linh mục lại nại đến biện pháp như là “cử hành” với một chén thánh trống rỗng.

Mặc dù, như bạn đọc trên đây nói, sự dị giáo hoặc sự ác ý có thể không có mặt, sự thiếu hiểu biết về tính nghiêm trọng của hành động này không nên được xét đến, bởi vì các linh mục được cho là phải biết giáo luật.

Các rào cản tâm lý sẽ đòi hỏi sự chữa trị đặc biệt, nhưng linh mục sẽ không thể cử hành Thánh lễ, cho đến khi ngài có thể làm như vậy, đúng theo ý muốn của Hội Thánh.

Sẽ không nên có các trở ngại về bản tính thể lý, vì Hội Thánh là rất hào phóng trong việc giúp đỡ các linh mục có nhu cầu đặc biệt.

Một linh mục bị nghiện rượu được phép cử hành hợp lệ bằng cách sử dụng nước nho ép (mustum), vốn không chứa cồn.

Ngay cả khi một linh mục không thể chịu đựng mọi loại quả của cây nho, ngài có thể được phép đồng tế và chỉ rước lễ bằng Mình thánh mà thôi.

Tuy nhiên, ngoại trừ các nhượng bộ đặc biệt này, trong tất cả các Thánh lễ, cần phải có cả hai hình được truyền phép và được linh mục rước hết. Do đó, huấn thị Redemptionis sacramentum (Bí tích Cứu độ) nói như sau:

“97. Mỗi khi linh mục cử hành Thánh Lễ, ngài phải rước lễ tại bàn thờ, vào lúc do Sách Lễ ấn định. Ngược lại, các vị đồng tế phải rước lễ trước khi đi trao Mình Thánh Chúa. Linh mục chủ tế hay đồng tế không bao giờ đợi dân chúng rước lễ xong để mình mới rước lễ.

“98. Việc các linh mục đồng tế rước lễ phải diễn tiến theo các quy tắc được các sách phụng vụ ấn định, bằng cách luôn luôn sử dụng những bánh lễ được truyền phép trong chính cử hành Thánh Lễ]; vả lại, tất cả các vị đồng tế phải luôn luôn rước lễ dưới hai hình. Phải lưu ý rằng, khi linh mục hoặc phó tế trao mình thánh hay chén thánh cho các vị đồng tế, ngài không nói gì, nghĩa là không có đọc những lời: “Mình Thánh Chúa Kitô” hay “Máu Thánh Chúa Kitô” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Mặc dù, như đã đề cập trong phần bình luận được trích dẫn ở trên: “Ý kiến thần học là không phải trong sự thống nhất về việc liệu việc truyền phép chỉ một trong hai hình là đủ cho tính hợp lệ của Thánh lễ”, cá nhân tôi tin rằng các lập luận và thực hành đều hướng đến câu trả lời tiêu cực cho câu hỏi. Nghĩa là, việc truyền phép bánh mang lại sự Hiện diện Thực sự của Đức Kitô, nhưng hy tế Thánh lễ không được cử hành cách hợp lệ vì thiếu cả hai hình.

Chẳng hạn, các sách thần học luân lý từ đầu thế kỷ XX đôi khi đề cập đến vấn đề làm thế nào tiến hành Thánh lễ nếu một linh mục bị bệnh ngay sau khi truyền phép bánh. Câu trả lời chung là rằng một linh mục khác có thể cử hành Thánh lễ tiếp từ thời điểm đó.

Nếu việc này không thể diễn ra ngay lập tức, thì các sách chỉ ra rằng mọi bánh lễ đã được truyền phèp và rượu trong chén thánh chưa được truyền phép sẽ được đặt trong nhà tạm, cho đến khi một linh mục thay thế có thể đến và kết thúc Thánh lễ. Các bánh thánh không được phân phát cho tín hữu rước lễ, cho đến khi hy tế được hoàn thành bởi một linh mục khác rước lễ cả hai hình.

Mặc dù ít nhất là theo như tôi được biết, các thông tin chi tiết như vậy đã không được đề cập trong các tài liệu gần đây, quy trình trên vẫn là giải pháp hợp lý nhất về mặt thần học trong trường hợp như vậy.

Tuy nhiên, vấn đề không phải là trường hợp đặc biệt, nhưng sự việc rằng các điểm lý luận như thế nêu ra tầm quan trọng của việc truyền phép và rước lễ dưới hai hình cho sự toàn vẹn của hy tế Thánh lễ.

Do bản chất nghiêm trọng của vấn đề này, Giám mục giáo phận và / hoặc bề trên Dòng tu cần được thông báo trong mọi trường hợp, để ngài có thể tham gia vào một cuộc điều tra thích hợp và, nếu có thể, giúp linh mục trở lại sự thực hành nghiêm túc và đúng đắn.

Như huấn thị Redemptionis Sacramentum nói rõ:

“178. Vì thế, mỗi khi Đấng Bản Quyền sở tại hay của một Hội Dòng tu sĩ hoặc của một Tu Hội tông đồ biết được, ít nữa là có lẽ thực, về một tội phạm hay một lạm dụng phạm đến Phép Thánh Thể Chí Thánh, thì chính ngài hoặc nhờ một giáo sĩ khác xứng hợp, phải thận trọng điều tra, về các sự kiện, hoàn cảnh, cũng như về khả năng quy trách nhiệm của hành vi.

“179. Những tội phạm nghịch cùng đức tin, cũng như những graviora delicta phạm khi cử hành Thánh Thể và các bí tích khác, phải được giao ngay cho Bộ Giáo Lý Đức Tin “xét xử và, cùng lúc, tuyên bố hay bắt chịu những hình phạt của giáo luật theo các quy tắc của luật chung hay luật riêng”.

“180. Mặt khác, Đấng Bản Quyền phải tiến hành theo các quy tắc của giáo luật, bằng cách áp dụng, nếu có, những hình phạt theo giáo luật, và, đặc biệt, nhớ lại những quy định của điều 1326 của Bộ giáo luật. Nếu là những hành vi nặng, ngài phải thông báo cáo cho Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích” (Bản dịch, như trên). (Zenit.org 12-3-2019)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/empty-chalice-at-consecration-time/
 
Thánh Giá : Nguồn Ơn Cứu Độ Nhân Loại
Đinh Văn Tiến Hùng
18:06 12/03/2019
“- Này là gỗ Cây Thánh Giá đã treo Đấng Cứu Chuộc nhân -Ta hãy thờ lạy! “ ( Lời suy tôn Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh )

*Ý nghĩa & Nguồn gốc: Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá thời vua Cezar và quan tổng trấn Do Thái là Philatô vào năm 33 sau Công nguyên. Trong đế quốc La-mã thời Chúa Giêsu, chết treo trên thập giá là cực hình cho kẻ trọng tội. Sau khi bị đánh đòn tội nhân phải vác thập giá tới pháp trường. Tử tội bị lột hết quần áo, cột hay đóng đinh vào khổ giá, có khi bị treo ngược đầu xuống đất, trên đầu ghi một bản án. Ngoài sự đau đớn thể xác, còn là sự ô nhục tinh thần…Thập giá còn được gọi là thập tự giá, khổ giá, hay thập ác.

Tương truyền Thánh Helene thân mẫu hoàng đế Constantine đã tìm thấy Thánh Giá vào năm 326 và một một phần Thánh Giá hiện nay đặt tại nhà thờ Thánh Groce, La-mã. Thánh Giá chính thức được tôn vinh vào năm 312 khi đại đế Constantine được thị kiến ban đêm trên bầu trời Cây Thánh Giá sáng ngời với

Dòng chữ Hy Lạp: EN TONTÔ NIKA (theo dấu này sẽ chiến thắng), nên vua truyền mang Thánh Giá ra trận và đã đánh bại quân Maxcence. Thánh Giá đã từng bị quân đội Ba-Tư cướp mất và sau nhiều năm chiến đấu vua Heraclius đã lấy lại được. Chính nhà vua vác Thánh Giá rước trọng thể về Jerusalem đặt trên núi Calavario ngày 14/9/629 và từ đó Giáo Hội mừng kính Lễ suy tôn Thánh Giá hàng năm vào ngày 14/9.

- Thánh Giá là cây thập tự Đấng Cứu Thế chết treo trên đó để chuộc tội loài người.

- Làm dấu Thánh Giá có 2 cách: đơn và kép- Đơn là giơ bàn tay làm dấu từ trán xuống ngực, qua vai trái sang phải và chắp 2 tay lại- Kép là vạch hình Thánh Giá trên trán, miệng và ngực.

Vì thế Thánh Giá mang nhiều ý nghĩa linh thiêng cao trọng :

- Làm dấu Thánh Giá mang 3 ý nghĩa:

(1) Tuyên xưng mình là Ki-tô hữu và tuyên xưng Chúa cứu độ ta bằng Thập giá.

(2) Kêu xin Chúa giúp ta bằng sức mạnh cây Thánh Giá.

(3) Hiến dâng cho Chúa việc ta sắp làm trong tinh thần vâng lời và phục vụ Chúa.

- Thánh Giá là Tình yêu Thiên Chúa ban cho nhân loại.

- Thánh Giá biểu tượng linh thánh Ki-tô-giáo.

- Thánh Giá đồng hành với chúng ta trong đời sống.

- Thánh Giá là Danh Thánh Chúa Ki-tô trên trời dưới đất muôn loài kính lạy.

- Thánh Giá khiến ma quỉ tà thần khiếp sợ.

- Thánh Giá là chỉ dấu Ki-tô hữu dùng hàng ngày trước kinh nguyện, bữa ăn, các việc trọng đại.

- Thánh Giá dùng trong các nghi lễ, các phép bí tích, á bí tích…

- Thánh Giá là chìa khóa mở cửa Thiên đàng.

*Biểu tượng:

- Cây Thánh Giá trên đỉnh tháp các giáo đường là biểu tượng Thánh đường Công Giáo.

- Cây Thánh Giá xây trên mộ huyệt các Ki-tô hữu qua đời trong Nghĩa trang.

- Thánh Giá đặt trên bàn thờ các gia đình Ki-tô-giáo.

- Cây Thánh Giá treo phía trên bàn thờ tế lễ.

- Thánh Giá dẫn đầu đoàn rước kiệu.

- Thánh Giá mở đầu và kết thúc chuỗi hạt Mân Côi.

- Các tu sĩ một số dòng mang Thánh Giá trên tu phục.

- Các vị Chủ tế giơ cao Thánh Giá hay giơ tay theo hình Thánh Giá chúc lành giáo dân tham dự nghi lễ.

- Thánh Giá thường được làm bằng kim quí hay đá quí có giây đeo tôn kính trước ngực.

- Thánh Giá được tôn kính trọng thể Thứ Sáu Tuần Thánh.

- Thánh Giá là trọng tâm trong biểu tượng Năm Đức Tin.

- Trên đầu Thánh Giá thường thấy 2 chữ viết tắt : INRI và I.H.S –

( INRI : JESUS NAZARENUS REX JUDAEORUM – JESUS người Nazareth vua dân Do Thái, ’Bản án kết tội Chúa do lệnh Philatô treo trên thập giá’ - I.H.S : JESUS HOMINUM SALVATOR – Đấng Cứu Độ loài người )

*Các kiểu Thánh Giá :

- Thánh Giá Commissa (Biểu tượng của dòng Phan-xi-cô, hình chữ T )

- Thánh Giá Immissa ( Thánh Giá La-tinh )

- Thánh Giá Byzantine ( Bỏ thanh ngang )

- Thánh Giá Salvomic ( dùng trong Giáo hội Chính Thống Nga và Đông Phương, có hình Thiên Thần )

- Thánh Giá Hy Lạp ( hình chữ thập )

- Thánh Giá Jerusalem ( gồm 5 chữ thập, dùng trong Thập Tự Chinh )

- Thánh Giá Calvary ( đế tam cấp )

- Thánh Giá An-rê. ( buộc giây thay đóng đinh)

- Thánh Giá Celtic. ( có hình vòng tròn phía sau)

- Thánh Giá Thánh Brigid. ( thắt hình chữ thập bằng lá cây)

- Thánh Giá Thánh Phê-rô ( Thánh Giá ngược, đầu chúi xuống đất )

- Thánh Giá Giáo Hoàng ( Mũ 3 tầng Thánh Giá )

- Thánh Giá Carava ( 2 tầng Thánh Giá )

- Thánh Giá Thánh Damianô (có hình các Thánh)

- Thánh Giá Thánh Bênêđitô (trên Thánh Giá có mề đay hào quang và dòng chữ, thường dùng trong nghi thức trừ quỉ)

* Di Ngôn đồi thập giá:

7 Di Ngôn trước khi Chúa chết.

(1)”Lạy Cha xin tha thứ cho chúng, vì chúng không hiểu việc chúng làm”

(Lc.23: 24)

(2)”Hôm nay con sẽ được ở trên Thiên đàng cùng Ta.”

(Lc.23: 43)

(3)”Thưa Bà! Đây là con Bà! Và đây là Mẹ con!’

(Yn.19:25- 27)

(4)”Lạy Thiên Chúa! Lạy Thiên Chúa con! Sao Ngài bỏ con! “

(Mt.27: 46)

(5)”Ta khát !”

(Yn.19: 28)

(6)”Mọi sự đã hoàn tất! “

(Yn.19: 30)

(7)”Lạy Cha! Con phó linh hồn trong tay Cha! “

(Lc.23: 46)

*14 chặng đường Thánh Giá :

Hoạt cảnh 14 chặng đường Thánh Giá Chúa chịu khổ hình, treo chung quanh trong Thánh đường , linh địa, đồi núi để suy niệm và tôn vinh Thánh Giá gồm:

(1) Chúa bị kết án tử hình.

(2) Chúa vác thập giá.

(3) Chúa ngã xuống đất lần thứ nhất,

(4) Chúa gặp Đức Mẹ.

(5) Ông Simon vác thập giá đỡ Chúa.

(6) Bà Veronica lau mặt cho Chúa.

(7) Chúa ngã lần thứ hai.

(8) Chúa an ủi phụ nữ thành Jerusalem.

(9) Chúa ngã lần thứ ba.

(10) Quân lính lột áo Chúa và chia nhau.

(11) Chúa bị đóng đinh vào thập giá.

(12) Chúa chết trên thập giá.

(13) Đem xác Chúa xuống khỏi thập giá.

(14) An táng Chúa trong mộ huyệt.

*Ngắm 5 Sự Thương Khó Chúa:

Kính nhớ Chúa chết trên thập giá để chuộc tôi loài người.

(1) Chúa lo buồn đổ mồ hôi máu.

(2) Chúa chịu đánh đòn.

(3) Chúa đội mạo gai.

(4) Chúa vác thập giá.

(5) Chúa chết trên thập giá.

*Đức Mẹ Maria đồng công cứu chuộc loài người.

Đức Maria đã cộng tác chặt chẽ cùng Chúa Giêsu trong công cuộc cứu chuộc nhân loại ngay sau khi Thiên Thần loan báo Mẹ được chọn để sinh Chúa Cứu Thế với lời ‘Xin Vâng’ khiêm tốn tuân hành.

Vì thế Giáo Hội đã đặt Lễ Kính Mẹ Sầu Bi ngày 15/9 ngay sau Lễ Suy Tôn Thánh Giá 14/9 để nhắc nhớ nhân loại ghi ơn cao cả của Mẹ cùng suy gẫm 7 sự Thương Khó Đức Bà:

(1) Mẹ Maria nghe Thánh Simêon nói tiên tri.

(2) Mẹ đem Chúa Hài Nhi trốn sang Ai Cập’

(3) Mẹ tìm thấy Chúa Giêsu giảng Kinh Thánh cho các luật sĩ trong đền thờ.

(4) Mẹ gặp Chúa Giêsu vác thập giá.

(5) Mẹ đứng dưới chân thập giá.

(6) Mẹ ẵm xác Chúa đưa từ thập giá xuống.

(7) Mẹ chứng kiến táng xác Chúa vào huyệt đá.

‘Mẹ Sầu Bi tầm tã giọt châu,

Đang đứng bên cây Thập giá,

Nơi Con Người đã bị treo lên.

Một lưỡi gươm nhọn đã đâm qua,

Tâm hồn Bà đang rên siết,

Đang sầu khổ và đau buồn’ (Thánh Thi Stabat Mater)

*Thánh Giá trình thuật trong Thánh Kinh:

Thánh Giá cứu chuộc loài người đã được tiên báo trong Cựu Ước , đặc biệt 4 Thánh Sử cũng nhắc đến nhiều lần trong Tân Ước và các Ngài đã nhìn sự chết của Chúa không còn là cực hình nhục nhã mà đã trở thành chiến thắng vinh quang.

- “Đến nơi gọi là Golgota, nghĩa là Gò Sọ, họ cho Ngài uống rượu có pha mật đắng, nhưng nếm qua Ngài không muốn uống. Đóng đinh Ngài rồi, họ rút thăm mà chía áo Ngài”

( Mt.27: 32- 38 )

-“Đúng giờ thứ ba thì họ đã đóng đinh Ngài, tấm biển kê bản án của Ngài đề là: Jesus Nazareth vua dân Do Thái. Cùng với Ngài họ cũng đóng đinh hai tên cướp, 1 tên bên tả 1 tên bên hữu và đã nên trọn lời sách Thánh chép rằng: Ngài bị liệt hàng cùng kẻ ác nhân”

( Mc.15: 25- 28 )

-“Khi đến nơi gọi là Gò Sọ, thì người ta đóng đinh Ngài nơi ấy cùng hai tên gian phi, 1 tên bên tả 1 tên bên hữu. Bấy giờ Đức Giêsu nói: Lạy Cha xin tha thứ cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm.”

( Lc.23: 33- 34 )

-“Đứng bên khổ giá Đức Giêsu, có Mẹ Ngài và chị em của Mẹ Ngài là bà Maria vợ Klôpa và Maria Mađala. Vậy Đức Giêsu thấy Mẹ Ngài và môn đồ Ngài yêu mến đứng bên cạnh, thì Ngài nói với Mẹ:

Hỡi Bà! Này là con Bà! Lại nói với môn đồ: Này là Mẹ con! Và từ giờ đó môn đồ đã nhận lấy Bà về nhà mình.”

( Yn.19: 25- 27 )

-“Ngài phận là một Vị Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không nghĩ phải giành cho được chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa. Song Ngài đã hủy mình ra không là lĩnh lấy thân phận tôi đòi, trở thành giống hẳn người ta. Đem thân đội lốt người phàm. Ngài đã hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá.”

( Phi.2: 6- 8 )

- “Ai muốn theo Ta hãy bỏ mình đi, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai mất mạng sống mình vì danh nghĩa Tin Mừng thì sẽ được cứu rỗi.”

(Mc.8: 34 và Lc.9: 23- 27)

-“Ai không vác thập giá của mình mà theo Ta, thì không xứng đáng với Ta”

(Mt.10: 38)

-“ Và Ta, một khi Ta được giương cao khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta”

(Ga.12: 32)

-“Tôi đã được đóng đinh vào thập giá cùng với Đức Ki-tô, không còn phải là tôi sống nữa, song là chính Đức Ki-tô sống trong tôi”

(Gal.3: 20)

-“Tôi không biết đến chuyện gì khác, ngoài một Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào thập giá.”

(Lời Thánh Phao-lô : 2Cr.4: 10)

-“Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điều thiêng liêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận và dân ngoại cho là điên rồ.”

(1Cr.1: 22)

-“Vì chưng Thiên Chúa đã quyết ý cho toàn sự viên mãn đậu lại trong Ngài, và đã giao hòa cả vạn vật nhờ Ngài và cho Ngài, đã ban lại bình an nhờ bửu huyết đã đổ ra nơi thập giá của Ngài.” (Col.19: 20)

Và chính Chúa Giêsu đã 3 lần tiên báo về cuộc khổ nạn của Ngài qua Phúc Âm các Thánh sử: Mathêu, Luca và Marcô:

-“Khi họ đã cùng nhau họp mặt tại tại Galilê, thì Đức Giêsu nói với họ: Con Người sắp bị nộp trong tay người đời và họ sẽ giết Ngài, ngày thứ 3 Ngài sẽ sống lại và họ buồn quá đỗi.”

(Mt.17: 22- 23 và Mc.9: 30- 32 & Lc.9: 43- 45)

-“Ngài bắt đầu giảng dạy họ rằng: Con Người phải chịu nhiều đau khổ và bị hàng niên trưởng và các thượng tế cùng ký lục khai trừ, bị giết đi và sau 3 ngày sẽ sống lại.”

(Mc.8: 31- 33 và Mt.16 : 21- 23 & Lc.9: 22)

-“Ngài đem theo mình nhóm Mười Hai và nói cùng họ: Này chúng ta lên Jerusalem và mọi điều các tiên tri đã viết: Con Người sẽ thực hiện. Vì chưng Ngài sẽ bị nộp cho dân ngoại, sẽ bị nhạo bang hành hạ, khạc nhổ và sau khi đánh đòn Ngài, người ta sẽ giết Ngài và ngày thứ 3 Ngài sẽ sống lại.”

(Lc.18: 31- 33 và Mt.20: 17- 19 & Mc.10: 32- 34)

*Suy niệm về Thánh Giá.

Trong việc suy tôn Thánh giá, chúng ta thấy rõ sự khác biệt lớn lao giữa thập giá và Thánh Giá:

-Cây thập giá là một cực hình do lòng hận thù của con người nghĩ ra.

-Cây Thánh Giá là sáng kiến tuyệt vời do tình yêu vô biên của Thiên Chúa dùng cứu chuộc loài người.

Đây chính là một hiện tượng lạ lùng nhất trần gian mà con người không thể hiểu được nếu không chấp nhận bằng đức tin. Vì chính Chúa đã biến đổi cây thập tự mang hình ảnh ghê sợ, tủi nhục nơi pháp trường tử địa , trở thành Cây Thánh Giá uy quyền vinh quang và hấp dẫn.

Ba thập giá trên đồi Golgota dạy chúng ta 1 bài học tuyệt vời : người trộm lành nhìn cây thập tự ở giữa chính là Thánh Giá- biểu tượng của tình yêu- Trong khi đó kẻ trộm dữ lại nhìn cây Thánh Giá chỉ là một

thập tự bằng gỗ- biểu tượng nhục hình của tội ác. Vì thế người Ky-tô hữu phải đón nhận Thánh Giá chính là biểu tượng Tình yêu cao cả mà Thiên Chúa đã trao ban cho nhân loại.

Cây Thánh Giá tóm lược những tín điều cao trọng của Ki-tô-giáo:

-Tín điều Một Thiên Chúa Ba Ngôi.

-Tín điều Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thế Làm Người.

-Tín điều Thiên Chúa Cứu Chuộc nhân loại :

“Người chịu đóng đinh vào khổ giá,

Mũi giáo đâm thấu cả cạnh sườn,

Máu đào cùng nước chảy tuôn,

Rửa ta sạch hết ngàn muôn tội tình’

( Thánh Thi suy tôn Thánh Giá )

Thánh Giá khởi đầu minh chứng một Tình Yêu cao cả tuyệt vời Chúa dùng cứu chuộc tội lỗi loài người và

cũng là dấu chỉ của Vị Thẩm Phán công minh trong ngày Chung Thẩm như Chúa đã phán cùng Thánh Nữ Faustina- Sứ Giả Lòng Chúa Thương xót :

‘Tất cả ánh sáng trên các tầng trời sẽ phụt tắt và một đêm đen dầy đặc sẽ bao phủ khắp mặt địa cầu.

Lúc đó sẽ thấy một Dấu Thánh Giá xuất hiện trên bầu trời, và từ chỗ tay và chân Đấng Cứu Thế chịu đóng đinh, sẽ tỏa chiếu những luồng sáng vĩ đại trên toàn cõi địa cầu trong một khoảnh khắc. Điều này sẽ xảy ra trong một thời gian ngắn trước ngày cùng tận’

Với lòng sùng kính suy tôn Thánh Giá đã có nhiều Dòng Tu hay các Tổ chức Bác ái mang Tên hay dùng Biểu tượng Thánh Giá- Đặc biệt ta phải nói đến Dòng mến Thánh Giá Việt Nam với hình ảnh quen thuộc thân thương tận tụy của nhiều ngàn Nữ tu áo đen của 23 Hội dòng hoạt động trải dài suốt từ Bắc đến Nam VN và hiện nay cũng đang phục vụ trong các Cộng đoàn CGVN tại Hoa kỳ.

Ngoài ra, còn có nhiều công trình vĩ đại Suy tôn Thánh Giá. Xin trưng dẫn điển hình vài địa điểm nổi tiếng:

-Tháng 7/2007, tại Thánh địa Nazareth – nơi sinh trưởng của Chúa- một Thánh Giá khổng lồ lớn nhất thế giới được xây dựng cao 60 mét với 7 triệu 200 ngàn viên gạch. Đây không phải chỉ là biểu tượng hấp dẫn du khách, nhưng còn mang 1 ý nghĩa thật sâu sắc linh thiêng, đó là :

‘ Tình Yêu cao cả tuyệt với của Chúa Cứu Thế ‘

-Nghĩa trang Thánh Giá đồi Vilnius nước Lithuania, với 1 rừng hàng trăm ngàn Thánh Giá, chính là biểu tượng lòng trung kiên dâng hiến của Tín đồ Ky-Tô giáo. Đây cũng là điểm du lịch tự hào của quốc gia và cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II năm 1993 đã đến thăm viếng và trao tặng tượng Chúa Giêsu.

-Ngay lối vào nhà thờ Anh giáo tại Zanxibar là nơi buôn bán nô lệ, có một cột trụ trước giáo đường là cây Thánh Giá có mang tên Livingstone nhà giải phóng chế độ nô lệ. Cây Thánh Giá được chạm trổ từ một gốc cây nơi ông đứng để hô hào bãi bỏ việc buôn bán nộ lệ vô nhân đạo.

-Nhưng còn có một Thánh Giá rất nổi tiếng trong Giáo Hội Công Giáo tiên khởi. Đó là cây ‘Thánh Giá Ngược’ của Thánh Phêrô, vị Tông Đồ Cả trong 12 Tông Đồ hay vị Giáo Hoàng đầu tiên. Khi tử vì đạo năm 64 dưới thời hoàng đế Nê-ron, Thánh Phêrô đã yêu cầu được đóng đinh trên cây Thánh Giá Ngược, vì Ngài cho là mình không xứng đáng nhận cái chết giống Chúa Giêsu. Tại Roma, một ngôi Thánh đường được xây cất chính nơi Thánh Phê-rô trốn khỏi thành vì các tín đồ Công Giáo đang bị ruồng bắt gắt gao, Ngài đã gặp Chúa vác Thánh Giá vào thành, Thánh Phê-rô hỏi Chúa : “Quo vadis, Domine ?’ (Lạy Thày, Thày đi đâu ? ) - Câu hỏi trên được ghi khắc trên tường nhà thờ đã gợi hứng cho văn hào Ba lan Henryk

Sienkiewicz viết cuốn tiểu thuyết cùng tên ‘ Quo Vadis ‘ và vào năm 1951 kinh đô Điện ảnh Hoa Kỳ đã xuất bản cuốn phim rất được hâm mộ ‘Quo Vadis’

Chính vì Thánh Giá có sức mạnh phá tan tà thuyết, tiêu diệt vô thần, bọn Cộng Sản VN rất khiếp sợ, nên chúng cố tình đập phá đài Thánh Giá Đồng Chiêm trên đỉnh núi Chế thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội, đập nát 47 Thánh Giá trên các mộ Nghĩa địa giáo xứ Nghĩa Thành, Nghệ An và tháo gỡ Thánh Giá nơi nguyện đường của người Thiểu Số phong cùi Dak Pnam, Mang Yang, Kontum và ngày 20/ 6/16 tàn quyền Thừa Thiên Huế đem 200 côn đồ và xe ủi đến san lấp nội vi Đan Viện Thiên Ân, giật sập và thô bạo giẫm đạp lên Thánh Giá như muốn thách thức Công Giáo, cùng đe dọa các Tôn giáo khác.

‘Ôi dù Cộng Sản vô thần,

Đập phá Thánh Giá ngàn lần cuồng say,

Nhưng rồi sẽ có một ngày,

Triệu Hoa Thánh Giá nở đầy Quê Hương’

Trong thời đại văn minh hiện nay, hưởng thụ chiếm ưu thế trong đời sống con người mà quên mất sự hiện diện của Thiên Chúa là Đấng có quyền ban cho ta cuộc sống vĩnh hằng. Trong Mùa Chay Thánh để xứng đáng đón nhân Hồng Ân Cứu Chuộc của Thiên Chúa, ta hãy thật lòng ăn năn thống hối, không do dự và can đảm vác thập giá mình đi theo Chúa như ông Simon xưa.

Đặc biệt, nhờ Hồng Ân trong Mùa Chay 2019- Thánh Giá sẽ là trọng tâm đem an bình và hòa giải những tham vọng thấp hèn của con người đang bùng phát khắp nơi. Xin Chúa ban ơn cho Đức Thánh Cha Phanxicô nhân đức khôn ngoan và can đảm để dẫn dắt Giáo Hội

Xin Chúa nâng đỡ Giáo Hội Việt Nam trong giai đoạn đầy khó khăn thử thách này. Và nhân loại biết tôn kính Thánh Giá là biểu tượng tình yêu cao cả Thiên Chúa ban cho loài người.

Hãy suy niệm Lời Cầu trong Thánh vịnh về Thánh Giá :

‘Chúa đã lên Giêrusalem chịu khổ hình để bước vào vinh quang. Xin giúp Hội Thánh Chúa sau cuộc vượt qua trần thế, được đạt tới vinh quang bất diệt.

Xưa Chúa được dâng cao trên thập giá và bị lưỡi đòng đâm thấu cạnh nương long. Xin chữa lành mọi vết thương tâm hồn chúng con.

Chúa đã làm cho cây thập giá trở thành cây mang hoa trái trường sinh. Xin ban sự sống đời đời cho những ai sắp được tái sinh nhờ bí tích Thánh Tẩy.

Khi bị treo trên thập giá, Chúa đã tha thứ cho người trộm lành biểt ăn năn. Xin cũng tha thứ cho chúng con là những kẻ tôi lỗi.’

Xin cung kính dâng lời nguyện sau đây:

*Kinh Kính Thánh Giá:

“Lạy dấu Thánh Giá.

Con kính Thánh Giá cho được bằng yên.

Cây Thánh Giá ở giữa rừng vàng,

Cây Thánh Giá là gươm là giáo.

Cây Thánh Giá ở khắp gần xa, tróc quỉ trừ ma, khiêm nhường mỹ tục.

Cây Thánh Giá là tàu vượt sang khỏi biển.

Cây Thánh giá là chìa khóa mở cửa thiên đàng cho chúng con được vào.

Lạy Cây Thánh Giá!

Lạy Cành Cây Thánh Giá!

Lạy Lá Cây Thánh Giá!

Lạy Hoa Cây Thánh Giá!

Lạy Quả Cây Thánh Giá!

Từ xưa đến nay chưa có cây nào bằng Cây Thánh Giá.

Lạy Chúa Con nằm trên Cây Thánh giá chịu chết vì chúng con- Amen. “

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG

 
Thông Báo
Thông Báo Ngày Thánh Thể X - 2019
Đan viện Biển Đức Thiên Tâm
11:51 12/03/2019
Trong tâm tình tôn thờ Chúa Giê-su trong Phép Thánh Thể, Đan Viện Biển Đức Thiên Tâm trân trọng kính báo đến toàn thể cộng đồng dân Chúa về NGÀY THÁNH THỂ X, sẽ được tổ chức từ ngày 6-9/6/2019, với chủ đề: «Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất» (Lc 24,31).

Đan Viện mời gọi mọi thành phần giáo hữu gia tăng đời sống đức tin nơi Phép Thánh Thể. Đan Viện ước ao NGÀY THÁNH THỂ là một dịp thuận tiện quí khách hành hương quây quần bên Chúa Thánh Thể để kín múc và gia tăng đời sống thiêng liêng. Bên cạnh đó, mọi người cùng nhau cầu nguyện với Chúa xin ơn hoán cải và tha thứ, xin cho hạnh phúc gia đình, xin ơn thánh hóa, và cũng xin ơn ủi an thương xót của Chúa cho mỗi người chúng ta.

Đan Viện cũng mời gọi mọi người tham dự cách tích cực các sinh hoạt của NGÀY THÁNH THỂ. Chương trình của NGÀY THÁNH THỂ gồm có các giờ hội thảo, đi Đàng Thánh Giá, rước Kiệu Thánh Thể, Chầu Thánh Thể chung và riêng, xưng tội, sinh hoạt cho giới trẻ.

Nhân dịp năm nay đánh dấu năm thứ mười (10) của NGÀY THÁNH THỂ, Đan Viện và Ban Tổ Chức được hân hạnh đón tiếp Tượng Thánh Du Đức Mẹ Fa-ti-ma. Với tâm tình tạ ơn và con thảo, Đan Viện cùng với tất cả quí khách hành hương chạy đến Đức Mẹ, để nhờ Đức Mẹ và trong Đức Mẹ, chúng ta tôn thờ và chúc tụng Chúa Giê-su Thánh Thể! Do vậy, trong chương trình năm nay, sẽ có rước Kiệu Đức Mẹ để cung nghinh và tạ ơn Đức Mẹ.

Đan Viện xin trân trọng kính mời quí toàn thể quí vị và gia đình, quí đoàn thể Công Giáo tiến hành, và tất cả quí ông bà anh chị em cùng đến tham dự và tôn thờ Phép Thánh Thể.

Địa chỉ của Đan Viện Biển Đức Thiên Tâm: 13055 SE County Road 4271, Kerens, Texas 75144.

Muốn biết thêm chi tiết xin Quí Vị vào trang nhà: www.thientamosb.org hoặc liên lạc về Đan Viện tại số điện thoại: 903-396-3201.

Nguyện xin Chúa Giê-su Thánh Thể, suối nguồn yêu thương và là của nuôi linh hồn, ban muôn hồng ân cho quí vị!

Trân trọng kính mời,

Lm. Dominic Nguyễn Đức Hạnh, OSB
và các Đan Sĩ
 
Cáo phó: LM Giuse Tô Ngọc Liên qua đời tại Moline, Illinoism USA
Tang gia
12:01 12/03/2019
CÁO PHÓ
Trong niềm tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh, chúng tôi trân trọng kính báo:
Cha Cố Giuse Tô Ngọc Liên
Sinh ngày 30 tháng 4 năm 1932 tại Ninh Bình.
Chịu chức Linh mục năm 1962 tại Saigon.
Vừa được Chúa gọi về Nhà Cha ngày 9 tháng 3 năm 2019
tại Nursing Home in Moline, Illinois, Hoa kỳ, hưởng thọ 87 tuổi.

Chương trình và nghi lễ an táng như sau:
Đọc kinh và viếng xác:
Thứ Bẩy, 16-3-2019 từ 9giờ đến 10 giờ sáng tại Thánh Đường Christ The King.
Thánh lễ An táng: 16-3-2019: lúc 10:00 giờ sáng.
Sau đó được An táng tại Nghĩa trang Saint Mary trong tỉnh Moline.

Trân trọng kính báo và xin cầu cho linh hồn Linh mục Giuse.

- Em trai: Ông Tô Hồng Đức và vợ Trần Thị Hiếu (Hoa Kỳ).
- Em gái: Cô Tô Thị Lan (Đức Quốc)
- Em dâu: Bà Đào Thị Hạnh (Hoa Kỳ)