Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
Khi đến Na-da-rét, Đức Giê-su nói với dân chúng trong hội đường rằng: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.
“Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi.”
Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.
Đó là lời Chúa
ĐIỀU KIỆN ĐỂ HỨNG NHẬN ÂN HUỆ CHÚA
“Mọi người trong hội đường đều đầy phẫn nộ!”.
“Cánh cửa cuộc đời thật là mầu nhiệm; nó trở nên thấp hơn một chút so với người muốn đi qua nó. Chỉ ai biết cúi mình, người ấy mới có thể bước qua ngưỡng của nó! Khiêm tốn, một ‘điều kiện để hứng nhận ân huệ Chúa!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Naaman, một dũng tướng của Syria; tuy nhiên, cùng với danh vọng và quyền lực, ông phải sống trong bi đát với bệnh phong cùi! Bộ giáp của ông, trên thực tế, che đậy một con người yếu ớt, tổn thương và bệnh tật! Đôi khi, những món quà tuyệt vời chỉ là một tấm giáp che chắn những yếu đuối lớn lao. Naaman phải làm theo một đứa trẻ, tìm gặp người của Thiên Chúa; và ông phải khiêm tốn đến hai lần. Nghĩa là ông đã gặp một sứ giả ‘tầm thường’, làm theo một cách thức ‘lạ thường’, bởi một bé gái ‘khác thường’; để rồi, được một phép lạ ‘phi thường’. Ông đã thốt lên lời tuyên xưng, “Thật tôi biết, không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel!”. Rõ ràng, khiêm tốn, một ‘điều kiện để hứng nhận ân huệ Chúa!’.
Ngược lại, trong bài Tin Mừng, dân thành Nazareth không thể tin vị Thiên Sai là một thợ mộc nghèo hèn. Họ khó chịu với Chúa Giêsu, nhất là khi Ngài cho biết, trong lịch sử, Thiên Chúa từng tỏ ra ưu ái người ngoài chứ không chỉ với Do Thái. Họ bất bình vì đã đặt sự bảo đảm của mình vào di sản và lời hứa của Thiên Chúa qua các tổ phụ; họ nghĩ rằng, vì là Do Thái, nên cách nào đó, Thiên Chúa phải chiếu cố họ hơn những người khác. Thiếu khiêm tốn, họ đánh mất ân huệ của Thiên Chúa; tệ hơn, họ đầy phẫn nộ, những muốn xô Chúa Giêsu xuống vực!
Cả chúng ta, chúng ta cũng có thể mắc phải sai lầm này khi quên rằng, khiêm tốn, ‘điều kiện để hứng nhận ân huệ Chúa!’. Chúng ta nghĩ, tôi thuộc nhóm này, nhóm kia; tôi đạo dòng; hoặc tôi có chức vụ này, chức vụ nọ… nên cách nào đó, Chúa phải quan tâm đến tôi nhiều hơn, lắm đặc ân hơn! Đây chẳng phải là nguyên nhân gây ra sự phẫn nộ trong cuộc sống tôi sao? Vì thế, tôi cay đắng khi không được ưu đãi; bởi lẽ, tôi nghĩ, tôi xứng đáng để nhận được nhiều hơn thế!
Anh Chị em,
“Mọi người trong hội đường đều đầy phẫn nộ!”. Thật trái khoáy, chính qua con đường nghèo hèn, Thiên Chúa cứu độ con người! Thật là một chướng ngại quá lớn cho những ai “không biết cúi đầu!”. Cũng thế, nếu chúng ta nghĩ, tôi làm cái này, tôi dâng cái kia… thì Chúa phải đáp ứng những điều tôi xin. Không phải thế, Chúa yêu thương và cứu độ chúng ta theo cách của Ngài. Vì thế, cần thiết biết bao, để nhận thức rằng, khiêm tốn, một ‘điều kiện để hứng nhận ân huệ của Chúa!’. Mùa Chay, mùa lắng lòng mình xuống để nghe Lời Chúa, ngắm nhìn cách thức hành động của Ngài nơi Con Một Giêsu, Đấng huỷ mình ra không để cứu chúng ta. Mùa Chay, còn là mùa khát khao Giêsu. Thật ý nghĩa với Thánh Vịnh đáp ca, “Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống!”. Giêsu Hằng Sống đang ước mong chúng ta trở nên khiêm tốn như Ngài; qua đó, bạn và tôi cũng trở nên những Giêsu “luôn biết cúi mình” phục vụ tha nhân!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin tẩy rửa con sạch mọi ích kỷ, phù phiếm và kiêu căng; cho con ý thức rằng, khiêm tốn, một ‘điều kiện để hứng nhận ân huệ Chúa!’”, Amen.
(Tgp. Huế)
14. Ai có thể yêu mến Đức Mẹ Ma-ri-a đến chết, thì nhất định sẽ không mất đi ân sủng.
(Thánh Bernardus)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Nước Tần phái quân đội áp sát đô thành triều đình nhà Châu, đòi lấy cửu đỉnh ( 9 cái đỉnh) là báu vật của quốc gia.
Châu vương rất lo lắng, thần tử là Nhan Suất nói:
- “Đại vương không cần phải buồn phiền, tôi đi qua nước Tề xin cứu binh.”
Nhan Suất đến nước Tề, nói với Tề vương:
- “Nước Tần không nói đến đạo nghĩa, sai binh áp sát Châu vương để lấy cửu đỉnh, quần thần triều đình nhà Châu cho rằng: Đem cửu đỉnh mà dâng cho nước Tần, chi bằng đem dâng cho nước Tề thì hay hơn. Ngài nên biết, cứu viện một quốc gia đang nguy cấp, có thể là được tiếng tốt, lại có thể có được bảo vật của quốc gia, xin đại vương suy nghĩ.”
Tề vương rất phấn khởi, phái năm vạn quân đi cứu thủ đô nước Châu, quân Tần chỉ có nước mà lui binh. Nước Tề bèn đòi lấy cửu đỉnh. Châu vương lại buồn phiền.
Nhan Suất nói:
- “Đại vương không cần phải lo lắng gì cả, để tôi đi nước Tề giải thích chuyện này.”
Nhan Suất đi đến nước Tề, lại nói với Tề vương:
- “Triều đình nhà Châu dựa vào đạo nghĩa của nước Tề, vua tôi cha con đề được bảo toàn sinh mệnh, rất muốn đem dâng cửu đỉnh, nhưng không biết con đường nào có thể đi liền tới nước Tề được!”
Tề vương nói:
- “Ta cần muợn con đường của nước Hàn.”
Nhan Suất nói:
- “Không thể được, ngài nên biết quần thần nước Hàn cũng muốn được cửu đỉnh, phác hoạ âm mưu đã lâu rồi, cửu đỉnh mà tới nước Hàn, chắc chắn sẽ bị bắt giữ lại.”
Tề vương nói:
- “Như vậy thì muợn con đường của nước Sở vậy.”
Nhan Suất cũng nói ưậy
- “Vậy thì phải bắt đầu từ con đường nào để vận chuyện đến nước Tề?”
Nhan Suất trả lời:
- “Đúng! Đây là việc tôi cho rằng ngài rất nhức đầu. Cửu đỉnh không phải là bình rượu hay lọ tương mà có thể đưa tới nước Tề. Trước kia nhà Châu hoán ngôi nhà Thương, muốn vận tải cửu đỉnh phải động viên hơn tám mươi mốt vạn người để kéo nó, hôm nay dù đại vương có rất nhiều người, nhưng phải vận chuyện theo con đường nào chứ?”
Tề vương buồn rầu nói:
- “Nhà ngươi đến nhiều lần nói gì đâu không, ngươi vẫn không muốn đem cửu đỉnh cho ta.”
Nhan Suất nói:
- “Tôi không dám nói dối ngài, chỉ cần ngài nhanh chóng quyết định từ con đường nào để vận tải, thì cửu đỉnh của chúng tôi lúc nào cũng sẵn sàng đợi ngài đến lấy.”
( Chính Quốc sách)
Suy tư 84:
Chiêu bài mà ma quỷ cám dỗ chúng ta là ở đây: “từ từ rối hối cải ăn năn, Thiên Chúa rất nhân từ, Ngài không phạt liền đâu mà sợ!”
Thế là có rất nhiều linh hồn phải chết đời đời vì “ từ từ” cũng chưa muộn.
Đúng là một sự cám dỗ siêu cám dỗ, tầm thường nhưng hiệu quả khôn lường.
Chúng ta lần lữa với sự sám hối ăn năn, nhưng lại nhanh nhẹn đối với những đam mê bất chính, mà ma quỷ thì lại luôn thích chiều theo những đòi hỏi thoả mãn xác thịt của chúng ta; nhưng Thiên Chúa thì không phải thế, mỗi lần muốn ban cho chúng ta điều gì thì Ngài cũng đều nhắm đến phần rỗi đời đời cho chúng ta mà ban, hoặc không ban điều mà chúng ta cầu xin.
Không cần lần lữa tay đôi với cám dỗ, nhưng luôn nhanh nhẹn khước từ, đó chính là một chiến thắng oai hùng vậy.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY
1 Sm 16,1b.6-7.10-13; Ep 5,8-14; Ga 9,1-41
CON MÙ LÒA, CHÚA LÀM CHO SÁNG
Chúa Nhật IV Mùa Chay hôm nay, được gọi là Chúa Nhật của niềm vui, niềm vui ơn cứu độ đã gần kề. Màu sắc nào nói lên điều đó? Thưa là màu hồng. Ngoài sắc màu của Phụng vụ, thì chi tiết nào trong Tin Mừng diễn tả niềm vui nữa? Xin thưa: Ánh sáng. Vâng, ánh sáng diễn tả niềm hân hoan. Chẳng hạn đang đêm cúp điện tối om, bỗng nhiên có điện lại, hẳn ai cũng vui mừng. Chính ánh sáng đã đem lại niềm vui. Cũng vậy, việc Chúa Giêsu mở mắt cho anh mù, đem lại ánh sáng cho anh, đồng nghĩa với việc Người đem lại cho anh niềm vui lớn lao. Không chỉ có một, mà cùng lúc anh có ba niềm vui.
1. Niềm vui được thấy
Từ khi mới sinh tới giờ, vì bị mù bẩm sinh, nghĩa là mù từ khi còn trong lòng mẹ, anh không có ý niệm gì về màu sắc, anh cũng chẳng hình dung được thế nào là đẹp xấu. Thế giới quanh anh chỉ là đêm tối dày đặc. Nay được Chúa làm cho sáng mắt, anh thấy được mọi sự: Thấy bầu trời bao la, thấy biển cả mênh mông, thấy cánh đồng bát ngát, thấy núi rừng trùng điệp, thấy ngàn muôn tinh tú lấp lánh, thấy sóng nước nhấp nhô, thấy hoa đồng cỏ nội xanh đỏ tím vàng… Và nhất là thấy ông bà, cha mẹ, thấy anh chị em ruột thịt, thấy bạn bè và những người thân thích. Hơn nữa, từ trước tới giờ, anh không thể soi gương được. Nay anh có thể nhìn ngắm dung nhan của mình trong gương. Anh có thể hát lên khúc hát: “Mẹ cho em đôi mắt sáng ngời để nhìn đời và để làm duyên” (Ns. Xuân Hồng). Được thấy như thế làm sao anh không vui được!
2. Niềm vui được tha tội
Người Do Thái xưa thường quan niệm rằng bệnh tật, tai nạn hay thất bại, rủi ro là do tội lỗi gây nên. Con người xúc phạm đến Thiên Chúa và vì thế bị Người giáng phạt. Tội càng to thì bệnh càng nặng. Anh đau khổ không chỉ vì không thấy đường đi, không thấy được gì, nhưng anh còn đau khổ vì bị mọi người coi là sinh ra trong đống tội, tội ngập đầu ngập cổ nên mới bị mù từ trong lòng mẹ (x. Ga 9,34). Mặc cảm tội lỗi như một cái gông đè nặng trên cuộc đời anh, khiến anh không thể đứng thẳng lên với trời và với đời được. Đau buồn chất chồng buồn đau.
Nhưng nay, khi được Chúa Giêsu chữa sáng mắt và được Người xác nhận:
“Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh” (Ga 9,3).
Anh và cả cha mẹ của anh hoàn toàn thoát khỏi mặc cảm tội lụy. Niềm vui của anh lúc này quả là rất lớn. Bước đi của anh nhẹ nhàng thanh thoát. Anh có thể ngẩng cao đầu mà không sợ mọi người xầm xì, chỉ trỏ. Hơn thế nữa, giờ đây anh có thể giới thiệu Chúa Giêsu với hết mọi người rằng Chúa chính là ánh sáng, như lời Người đã nói với các môn đệ:
“Bao lâu Thầy còn ở với thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian” (Ga 9,5).
3. Niềm vui được cứu độ
Được Đức Giêsu ban ánh sáng, anh mù nhận ra Đức Giêsu không chỉ là một vị ngôn sứ, một vị lương y, một đại ân nhân, mà còn là Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ trần gian. Và anh đã tin thờ Người (x. Ga 9,38). Đây chính là niềm vui lớn nhất, niềm vui tràn ngập, niềm vui mà những người Luật Sĩ, Biệt Phái không có được: niềm vui được cứu độ. Tên của anh có thể giờ đây đã được ghi vào sổ hằng sống. Anh được chính thức trở thành công dân Nước Thiên Chúa. Nói cách khác, ngoài quốc tịch Do Thái, giờ đây anh còn được mang thêm một quốc tịch mới, quốc tịch Nước Trời. Còn niềm vui nào lớn lao hơn niềm vui này?
Khi sinh ra, mặc dù không bị mù về cặp mắt thể lý nhưng chúng ta đã bị tội nguyên tổ làm cho đôi mắt tâm hồn ra u tối. Tuy nhiên, qua bí tích Rửa Tội, chúng ta đã được Chúa Giêsu mở mắt tâm hồn, mắt đức tin để nhận biết Chúa qua các công trình sáng tạo của Người; chúng ta được tẩy xoá mọi vết nhơ tội lỗi, được giải thoát khỏi vòng nô lệ của ma quỷ, nhất là được nhận biết Chúa chính là Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ mọi loài.
Tâm tình của chúng ta lúc này phải là tâm tình tạ ơn Chúa vì những hồng ân mà Người đã tặng ban: hồng ân đức tin, hồng ân cứu độ. Đồng thời, chúng ta hãy vui mừng hân hoan vì chúng ta được Chúa yêu thương và cứu chuộc. Đặc biệt chúng ta hãy quyết tâm không để cho những thói hư tật xấu, những tội lỗi riêng làm cho cặp mắt tâm hồn của mình trở nên lu mờ tăm tối.
Xin Chúa giúp chúng ta thực hiện được quyết tâm này. Amen!
ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY
1 Sm 16,1b.6-7.10-13; Ep 5,8-14; Ga 9,1-41
NỖI ĐAU CỦA NGƯỜI MÙ
Người Nhật kể câu chuyện sau đây:
Có một người mù kia, một ngày nọ, đi thăm một người bạn thân của mình. Vì lâu ngày không gặp nhau, nên hai người mải mê hàn huyên đến quên cả thời gian. Tối đến, người bạn mù ra về. Vì trời đen mịt, nên người bạn kia tặng cho người mù một cái đèn lồng để cầm mà đi đường. Anh bạn mù tưởng rằng bạn mình chơi mình, nên nói: “Tôi mù, dùng đèn làm gì?” Nhưng anh bạn trả lời: “Không, anh cầm đèn này mà đi để người khác thấy anh trong đêm mà tránh.” Nghe có lý, anh cầm đèn ra về. Tuy nhiên, trên đường đi không may gió mạnh làm tắt đèn mà anh không biết. Vì thế, có một người thúc vào anh mù, làm cho anh ta ngã lăn ra trên đường. Anh mù mới quát: “Tụi bay mù cả sao? Tại sao không thấy đèn của tôi mà tránh.” Người đi đường nói: “Anh ơi, đèn của anh tắt lâu rồi!”
Câu chuyện trên đây giúp chúng ta hiểu phần nào ý nghĩa của câu chuyện Chúa Giêsu chữa anh mù trong bài Tin Mừng hôm nay.
Thánh Gioan cho biết: Anh ta bị mù bẩm sinh và hết phương cứu chữa. Đức Giêsu thấy anh, liền động lòng thương và cứu chữa anh. Người “nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: Anh hãy đến hồ Silôác mà rửa. Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được” (Ga 9,6-7). Và anh tuyên xưng: “Thưa Ngài, tôi tin,” rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người (Ga 9,38).
Như thế, cùng một lúc Đức Giêsu làm hai phép lạ: chữa cặp mắt thể xác để anh được thấy và chữa cặp mắt đức tin để anh tin nhận Người là Thiên Chúa. Tuy nhiên, phép lạ chữa bệnh mù lòa về đức tin quan trọng hơn.
Hình ảnh trong Tin Mừng này nói với chúng ta điều gì?
Theo sự giải thích của các Giáo Phụ, người mù ở đây là hình ảnh của loài người, hình ảnh mỗi người chúng ta, bị mù lòa do tội lỗi nguyên tổ và tội riêng chúng ta phạm.
Chúng ta bị mù lòa khi bỏ Thiên Chúa mà chạy theo những cám dỗ của ma quỷ, vật chất và danh lợi, và tôn thờ chúng như là chỗ nhất, thay vì phải tôn thờ và yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự.
Chúng ta bị mù lòa vì tính kiêu ngạo, tự phụ, sự thành kiến đã làm cho chúng ta không biết mình, không nhận ra những khuyết điểm của mình và không còn khả năng nhìn nhận sự thật. Chúng ta bị mù lòa vì tính ích kỷ đã làm cho chúng ta vô cảm, không biết giúp đỡ và quan tâm trước nỗi đau của người khác v.v…
Tuy nhiên, chúng ta được chữa lành khỏi sự mù lòa, điếc lác nhờ Đức Kitô. Người chính là Đấng Cứu Độ của nhân loại. Người chữa lành chúng ta bằng sự tự hạ, cái chết trên thập giá và sự phục sinh vinh hiển của Người.
Ân sủng đó thật cao cả và huyền nhiệm! Đúng như bài hát nổi tiếng Amazing grace của người Ái Nhĩ Lan diễn tả:
Amazing grace! How sweet the sound that saved a wreth like me! I once was lost but now am found, was blind but now I see.
Ôi hồng ân tuyệt vời! Âm thanh thật ngọt ngào đã cứu vớt kẻ khốn khổ như con! Con đã lạc mất, nay lại tìm thấy; con bị mù lòa, nay lại nhìn thấy.
Ngợi khen, chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi uy quyền. Nguyện xin Nước Người chóng trị đến, danh Chúa soi dẫn muôn người về nơi vĩnh phúc quê trời, cùng nhau kính thờ Chúa Trời muôn đời. Amen!
ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
Trong tổng số 43.306.000 dân Ukraine, có đến 17.3% là người Nga. Họ là con cháu của các di dân ồ ạt từ Nga sang Ukraine dưới thời cộng sản. Bài tường trình sau của một ký giả Ý cho thấy cuộc chiến bảo vệ tổ quốc của người Ukraine khó khăn như thế nào.
Tờ Corriere della Sera, nghĩa là Tin Chiều của Ý, có bài tường trình nhan đề “Ukraine, nella culla ortodossa i monaci sono con Mosca. Nuovi ricatti di Putin: boma da una tonnellata”, nghĩa là “Ukraine, trong cái nôi Chính thống giáo, các tu sĩ về phe với Mạc Tư Khoa. Những vụ tống tiền mới của Putin: quả bom một tấn”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
SVIATOHIRSK - Ngày nay, không dễ để tìm thấy những người công khai tuyên bố mình thân Nga ở Ukraine. Ngay cả ở những khu vực chủ yếu nói tiếng Nga của Donbass đang giao tranh, nơi nhiều người coi Putin là “người giải phóng”, hay nhẹ nhàng hơn không coi ông ta là “kẻ xâm lược”, người ta thường thích giữ im lặng để không bị buộc tội “cộng tác với kẻ thù và bị bỏ tù vì tội phản quốc”. Tuy nhiên, ở thị trấn Sviatohirsk và trong quần thể tu viện lịch sử có từ đầu thế kỷ XVI thì tình hình không phải như vậy.
Những người lính Ukraine tuần tra quanh khu vực đô thị bị tàn phá bởi cuộc giao tranh năm ngoái nói: “Đây là một khu vực rất khó khăn, đại đa số dân chúng coi chúng tôi là đối phương, họ không che giấu điều đó. Hầu hết đã di cư đến các vùng tự trị Donbass hoặc thậm chí đến Nga. Nhưng vẫn còn những người ở lại, là những người tràn trề hy vọng vào thất bại của chúng tôi trong khi chờ đợi binh lính Nga trở về”.
Sáng Chúa Nhật 5 tháng Ba, tại ngôi thánh đường chính của tu viện, các tu sĩ đã cử hành thánh lễ Chúa nhật, trong khi họ dâng lời cầu nguyện cho Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa trước các tín hữu.
“Nga, Ukraine, Belarus và nhiều khu vực khác xung quanh đây là một phần không thể tách rời của cùng một tổ quốc. Kyiv là mẹ của Mạc Tư Khoa, của tôn giáo, ngôn ngữ và văn hóa chung của chúng ta. Không có lý do gì để chúng ta chia tay. Bất cứ ai làm như vậy đều hành động nhân danh một thế lực thứ ba, muốn chia rẽ chúng ta để áp đặt quyền thống trị của họ trên thế giới”, Cha Bonifazio, chào đời 52 năm trước tại Zaporizhzhia, giải thích. Vị linh mục rõ ràng không muốn chỉ tay vào Hoa Kỳ và NATO.
“Tôi là một tu sĩ, một người của Giáo Hội, tôi không muốn tham gia vào chính trị,” ông nói. Nhưng bài phát biểu của ông ấy tuân theo lời của Kirill và Putin cho rằng không có sự khác biệt giữa người Ukraine và người Nga, bất cứ ai nói khác đều bị coi là nằm trong tay của người Mỹ và Mặt trận phía Tây.
Ở Sviatohirsk, thực tế không ai gia nhập Chính Thống Giáo Ukraine độc lập mà một trong những động thái mới nhất là quyết định tổ chức lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12 giống như các Giáo Hội Latinh và trái với truyền thống chính thống là ngày 7 Tháng Giêng. Các cơ quan an ninh Ukraine cũng tiến hành khám xét và bắt giữ tại các nhà thờ vẫn trung thành với Nga, bao gồm cả các tu viện cổ kính Great Lavra ở Kyiv, hiện được coi là tụ điểm nổi dậy và “đoàn quân thứ năm” của quân xâm lược.
Mặt trận chiến đấu cách xa hơn khoảng ba mươi cây số về phía đông. Hôm qua, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết quân đội của ông đã tham gia vào một trận chiến “đau đớn và khó khăn” ở Donbass chống lại lực lượng Nga, lực lượng mà theo nguồn tin từ Kyiv, lần đầu tiên thả quả bom lượn siêu hạng Upab -1500B nặng đến 1,5 tấn ở vùng Avdiivka và Chernihiv.
Sviatohirsk bị quân Nga tấn công vào đầu tháng 6. Một nhà thờ bằng gỗ cổ kính đã bị bom cháy thành than và sự hư hại hiện rõ trên từng bức tường. Trong những luống hoa phía trước ngôi thánh đường là những ngôi mộ của ba tu sĩ và hai nữ tu đã hy sinh trong cuộc giao tranh. Các binh sĩ Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát thành phố vào ngày 11 tháng 9 trong chiến dịch quân sự cho phép giải phóng các khu vực phía nam Kharkiv, cho đến tận Lyman.
Ngày nay, có khoảng một trăm linh mục, hơn 30 nữ tu và khoảng 200 dân tị nạn từ các làng lân cận sống ở đó.
“Bất kể các thiệt hại do quân Nga gây ra: ít nhất 80% trong số 5.000 cư dân địa phương ủng hộ Putin, họ là con cái của những cuộc di dân bắt buộc do Stalin đề ra 80 năm trước,” Evgenii, 50 tuổi, chủ một cửa hàng ủng hộ Zelenskiy, là người có nhiều bạn học cũ không còn nói chuyện với nhau nữa.
Source:corriere.it
Mười năm đã trôi qua kể từ ngày 13 tháng 3 năm 2013, ngày mà Đức Jorge Mario Bergoglio được bầu làm kế vị Thánh Phêrô. Triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô được đánh dấu bằng niềm đam mê truyền giáo và hành trình không ngừng cải tổ Giáo hội để Giáo hội trở nên truyền giáo hơn. Một thập kỷ trong đó thời gian diễn ra theo hai chiều khác nhau: chiều tiến bộ, để bắt đầu các quá trình và chiều xoay vòng, để ra ngoài gặp gỡ những tha nhân và trở về với nguồn và trái tim yêu thương phong phú.
(Tin Vatican - Isabella Piro)
“Thời gian lớn hơn không gian”: câu nói này của Đức Thánh Cha Phanxicô, nằm trong Tông huấn đầu tiên của ngài “Niềm Vui Tin Mừng” (Evangelii gaudium), gói gọn mười năm đã trôi qua kể từ khi bắt đầu triều đại giáo hoàng của ngài. Trên thực tế, đối với Đức Jorge Mario Bergoglio – Vị Giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên, người gốc Mỹ Latinh đầu tiên, người đầu tiên chọn tước hiệu là Phanxicô và, trong thời hiện đại, được bầu chọn sau vị tiền nhiệm của Ngài từ nhiệm - "không gian đóng băng các quá trình, trong khi thời gian hướng chúng ta về tương lai và khuyến khích chúng ta tiến lên trong hy vọng.”
Do đó, ở đây, cách hiểu về thời gian này trở thành chìa khóa để giải thích triều đại giáo hoàng hiện tại, một triều đại mở ra theo hai cách: một cách tiến bộ và một cách xoay vòng. Đầu tiên là cái cho phép một người "bắt đầu các quy trình"; mặt khác, chiều kích thứ hai là chiều kích gặp gỡ và tình huynh đệ.
Trong chiều kích tiến bộ, trước hết có Tông hiến “Truyền Giảng Tin Mừng” (Praedicate evangelium): được ban hành vào năm 2022, Tông hiến này mang lại một cơ cấu truyền giáo mãnh lực hơn cho Giáo triều. Trong số những điều mới lạ được giới thiệu có việc thành lập Thánh Bộ Phục Vụ Bác Ái và Thánh Bộ Truyền Giáo mới, do Đức Giáo Hoàng trực tiếp đứng đầu. Tài liệu cũng tập trung vào sự tham gia của giáo dân nam nữ vào Giáo triều Rôma và hoàn thiện nhiều cải cách đã được thực hiện trong hơn một thập kỷ bởi Đức Thánh Cha Phanxicô trong các lĩnh vực kinh tế và tài chính, bao gồm cả việc thành lập Ban Thư ký Kinh tế vào năm 2015.
Các tiến trình do Đức Thánh Cha Phanxicô khởi xướng cũng liên quan đến đại kết, đối thoại liên tôn và tính đồng nghị. Vào năm 2015, Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Công trình Sáng tạo đã được thành lập, sẽ được cử hành hàng năm vào ngày 1 tháng 9 cùng với Giáo hội Chính thống, để khuyến khích các Kitô hữu 'hoán cải sinh thái'. Một huấn dụ cũng được nhắc lại trong thông điệp thứ hai của Đức Thánh Cha (thông điệp thứ nhất, Lumen fidei, được chia sẻ với người tiền nhiệm của ngài, Đức Bênêđictô XVI), Laudato si' về việc chăm sóc ngôi nhà chung, cũng được xuất bản vào năm 2015. Điểm nhấn chính của tài liệu là cổ súy sự 'thay đổi hướng đi' để nhân loại có trách nhiệm cam kết 'chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta'. Một cam kết cũng bao gồm xóa bỏ đau khổ, chăm sóc người nghèo và tiếp cận công bằng cho tất cả các nguồn tài nguyên của hành tinh.
Vào ngày 12 tháng 2 năm 2016, tại Cuba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Đức Thượng Phụ Matxcova của Nga, Kirill, và cùng với ngài ký một tuyên bố chung để đưa vào thực hành 'chủ nghĩa bác ái đại kết', nghĩa là cam kết chung của các Kitô hữu nhằm xây dựng một nhân loại huynh đệ hơn. Một cam kết bi thảm mang tính thời sự khi, vào ngày 16 tháng 3 năm 2022, ở đỉnh điểm của cuộc chiến ở Ukraine, Đức Giáo Hoàng và Thượng phụ Kirill đã có một cuộc trò chuyện qua hội nghị truyền hình, trong đó họ tái khẳng định nỗ lực chung để "ngăn chặn ngọn lửa chiến tranh" bằng cách tập trung vào "tiến trình đàm phán". “.
Cũng không thể quên cuộc hành hương đại kết vì hòa bình của ĐTC đến Nam Sudan, được thực hiện vào tháng trước bởi Đức Thánh Cha cùng với Tổng Giám mục Canterbury, Justin Welby, và Người điều hành Đại hội đồng của Giáo hội Scotland, là Đức Iain Greenshields.
Đối với việc đối thoại liên tôn, một cột mốc quan trọng được thể hiện bằng 'Văn kiện về Tình huynh đệ Nhân loại vì Hòa bình Thế giới và Chung sống', được ký vào ngày 4 tháng 2 năm 2019 bởi Đức Giáo Hoàng và Đại Sư Imam của Al-Azhar Ahmad Al-Tayyeb, tại Abu Dhabi. Văn bản này là một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa Công Giáo và Hồi giáo, vì nó khuyến khích đối thoại liên tôn và lên án mạnh mẽ chủ nghĩa khủng bố và bạo lực. Về mặt đồng nghị, Đức Thánh Cha Phanxicô đang thực hiện một thay đổi quan trọng: Đại hội đồng thường kỳ tiếp theo, lần thứ 16, được lên kế hoạch tại Vatican trong hai giai đoạn, vào năm 2023 và 2024, về chủ đề 'Vì một Giáo hội đồng nghị: hiệp thông, tham gia và truyền giáo', sẽ là giai đoạn kết thúc của một hành trình ba năm gồm lắng nghe, phân định, tham vấn và được chia thành ba giai đoạn: giáo phận, Châu lục và phổ quát.
Trong khung thời gian tiến bộ, Đức Thánh Cha Phanxicô còn có cuộc chiến chống lạm dụng mà đỉnh cao là Hội nghị thượng đỉnh bảo vệ trẻ vị thành niên, được tổ chức tại Vatican vào tháng 2 năm 2019. Một biểu hiện rõ ràng cho thấy Giáo hội mong muốn hành động với sự thật và minh bạch, cuộc họp đã dẫn đến Tự sắc “Vos estis lux mundi”, thiết lập các thủ tục mới để báo cáo hành vi quấy rối và lạm dụng và đảm bảo rằng các giám mục và bề trên dòng tu phải chịu trách nhiệm.
Các ví dụ khác về 'ngoại giao hòa bình' do Giáo hoàng thúc đẩy này là 'Lời kêu gọi hòa bình ở Thánh địa', được tổ chức vào ngày 8 tháng 6 năm 2014 tại Công viên Vatican cùng với các tổng thống của Israel, Shimon Peres và Palestine, Mahmoud Abbas; và việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Cuba, vào ngày 17 tháng 12 cùng năm. Một sự kiện lịch sử mà chính Đức Giáo Hoàng đã dành nhiều tháng để gửi công hàm tới các nguyên thủ quốc gia của hai nước Barack Obama và Raúl Castro, thúc giục họ "bắt đầu một giai đoạn mới".
Cũng theo chiều hướng đó là thỏa thuận tạm thời giữa Tòa thánh và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc bổ nhiệm giám mục, được quy định vào năm 2018, được gia hạn vào năm 2020 và gia hạn thêm hai năm vào năm 2022.
Hơn nữa, trong năm vừa qua, được đánh dấu bởi cuộc xung đột ở Ukraine, cá nhân Đức Giáo Hoàng đã dấn thân cho hòa bình. Vào ngày 25 tháng 2 năm 2022, ngài đến thăm Đại sứ Liên bang Nga, Alexander Avdeev tại Tòa thánh, và nhiều lần ĐTC nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky. Lời kêu gọi của ngài để giải giới các loại vũ khí.
Truyền giáo - hay đúng hơn, niềm đam mê truyền giáo, như chủ đề của các buổi chia sẻ giáo lý tại các Buổi tiếp kiến chung - cũng là một phần của thời gian 'triều yết' của Đức Thánh Cha. Được nêu rõ vào năm 2013 trong Evangelii gaudium, việc truyền giáo phải được đặc trưng bởi niềm vui, bởi 'vẻ đẹp của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa', bởi một Giáo hội 'đi ra', gần gũi với các tín hữu, sẵn sàng cho 'cuộc cách mạng của lòng thương xót dịu dàng'.
Hơn nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô còn có mối liên hệ chặt chẽ với những người tiền nhiệm của ngài, được đánh dấu bằng việc phong thánh cho các Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II vào ngày 27 tháng 4 năm 2014. Đức Phaolô VI, được phong thánh vào ngày 14 tháng 10 năm 2018 và Đức Gioan Phaolô I, được phong chân phước vào ngày 4 tháng 9 năm 2022, một vị Giáo hoàng mỉm cười, biểu tượng của "một Giáo hội có khuôn mặt vui tươi".
Tuy nhiên, một vị trí đặc biệt dành cho Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđictô XVI, người đã qua đời vào ngày 31 tháng 12 năm 2022. Trong mười năm, Đức Giáo Hoàng luôn tỏ lòng kính trọng to lớn mà ngài dành cho Đức Joseph Ratzinger. Trong một số trường hợp, ĐTC đã ca ngợi sự thông suốt về thần học, lòng tốt và sự cống hiến của Ngài. Vào ngày 5 tháng 1 năm nay, ĐTC đã chủ sự tang lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô, cho vị Giáo hoàng tiền nhiệm và đây là lần đầu tiên trong thời hiện đại một vị Giáo hoàng cử hành tang lễ cho vị tiền nhiệm của mình.
Giờ đây, Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu năm thứ mười một của triều đại giáo hoàng của mình, và ngài hy vọng với chủ đề: “Ai hy vọng sẽ không bao giờ thất vọng,” Đức Giáo Hoàng nói, “bởi vì niềm hy vọng của diện mạo của Chúa Phục Sinh.”
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.
Khi ấy, Đức Giêsu đến một thành xứ Samari, tên là Xykha, gần thửa đất ông Giacóp đã cho con là ông Giuse. Ở đấy, có giếng của ông Giacóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa.
Có một người phụ nữ Samari đến lấy nước. Đức Giêsu nói với người ấy : “Chị cho tôi xin chút nước uống !” Lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. Người phụ nữ Samari liền nói: “Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?” Quả thế, người Do Thái không được giao thiệp với người Samari. Đức Giêsu trả lời: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị : ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống.” Chị ấy nói: “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng ta là Giacóp, người đã cho chúng ta giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy.” Đức Giêsu trả lời: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.”
Người phụ nữ nói với Đức Giêsu: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.” Người phụ nữ lại nói: “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ... Cha ông chúng ta đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giêrusalem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa.” Đức Giêsu phán: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng ta thờ Đấng chúng ta biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do Thái. Nhưng giờ đã đến và chính là lúc này đây giờ các tín hữu đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” Người phụ nữ thưa: “Tôi biết Đấng Mêsia, gọi là Đức Kitô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng ta mọi sự.” Đức Giêsu nói: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây.”
Có nhiều người Samari trong thành đó đã tin vào Đức Giêsu, vì lời người phụ nữ làm chứng. Vậy, khi đến gặp Người, dân Samari xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. Số người tin vì lời Đức Giêsu nói còn đông hơn nữa. Họ bảo người phụ nữ: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng ta tin. Quả thật, chính chúng ta đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.”
Anh chị em thân mến, chào anh chị em,
Chúa Nhật này, Tin Mừng trình bày cho chúng ta một trong những cuộc gặp gỡ đẹp đẽ và hấp dẫn nhất mà Chúa Giêsu có – đó là cuộc gặp gỡ với người phụ nữ Samari (x. Ga 4:5-42). Chúa Giêsu và các môn đệ nghỉ chân bên một cái giếng ở Samari. Một người phụ nữ đến và Chúa Giêsu nói với bà: “Xin cho tôi chút nước uống” (c. 8). Tôi muốn tạm dừng ngay tại cụm từ này: Cho tôi chút nước uống.
Cảnh này mô tả Chúa Giêsu, khát và mệt mỏi. Một phụ nữ Samaria tìm thấy Người vào giờ nóng nực nhất, giữa trưa, đang xin nước giải khát như một người hành khất. Đó là hình ảnh về sự hạ mình của Thiên Chúa. Thiên Chúa hạ mình trong Đức Giêsu Kitô để cứu chuộc chúng ta. Ngài đến với chúng ta. Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đã trở nên một người trong chúng ta, Ngài đã hạ mình xuống. Khát như chúng ta, Ngài cũng phải chịu cơn khát như chúng ta. Nghĩ đến cảnh này, mỗi người chúng ta có thể nói: Ngài là Chúa, là Thầy “xin tôi nước uống. Như thế, Ngài cũng khát như tôi. Ngài chia sẻ cơn khát của tôi. Ngài thực sự ở gần tôi, Chúa ơi! Chúa đang chạm đến sự bần cùng của con. Nhưng con không thể tin được! “Chúa đã nắm lấy con từ bên dưới, từ chỗ thấp nhất của con người con, nơi không ai có thể chạm tới” (P. Mazzolari, La Samaritana, Bologna 2022, 55-56). Và Chúa đã đến với con từ bên dưới và Chúa đã nắm lấy con từ bên dưới bởi vì Chúa đang khát và khao khát con. Thật ra, cơn khát của Chúa Giêsu không chỉ thuộc thể xác. Nó diễn tả những khát khao sâu thẳm nhất cuộc đời chúng ta, và trên hết là khát khao tình yêu của chúng ta. Ngài còn hơn cả một kẻ ăn mày. Ngài “khát” tình yêu của chúng ta. Và điều này sẽ bộc lộ vào lúc tột đỉnh cuộc khổ nạn của Người, trên thập giá, nơi mà trước khi chết, Chúa Giêsu sẽ nói: “Ta khát” (Ga 19:28). Khát khao tình yêu đó đã đưa Ngài xuống, hạ mình xuống, hạ cố trở thành một người trong chúng ta.
Nhưng Chúa xin nước uống, lại chính là Đấng cho chúng ta uống. Gặp người phụ nữ Samari, Người nói với bà về nước hằng sống của Chúa Thánh Thần. Và từ thập giá, máu và nước chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Người (x. Ga 19:34). Khát khao tình yêu, Chúa Giêsu làm dịu cơn khát của chúng ta bằng tình yêu. Và Người làm với chúng ta điều Người đã làm với người phụ nữ Samari – Người đến gặp chúng ta trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, Người chia sẻ cơn khát của chúng ta, Người hứa ban cho chúng ta nước hằng sống làm cho sự sống vĩnh cửu trào dâng trong chúng ta.
Cho tôi chút nước uống. Có một khía cạnh thứ hai. Những lời này không chỉ là một lời yêu cầu của Chúa Giêsu đối với người phụ nữ Samaria, nhưng là một tiếng kêu – đôi khi im lặng – gặp gỡ chúng ta mỗi ngày và yêu cầu chúng ta làm dịu cơn khát của người khác, chăm sóc cơn khát của người khác. Có bao nhiêu người nói với chúng ta “cho tôi chút nước uống” - trong gia đình của chúng ta, tại nơi làm việc, ở những nơi khác mà chúng ta tìm thấy chính mình. Họ khao khát được gần gũi, được chú ý, được lắng nghe. Đó là những người khao khát Lời Chúa và cần tìm một ốc đảo trong Giáo hội để họ có thể uống. Hãy cho tôi chút nước là một tiếng kêu được nghe thấy trong xã hội của chúng ta, nơi mà tốc độ điên cuồng, sự vội vàng để tiêu thụ, và đặc biệt là sự thờ ơ, nền văn hóa lạnh nhạt đó, tạo ra sự khô khan và trống rỗng nội tâm. Và – chúng ta đừng quên điều này – “cho tôi uống với” là tiếng kêu cứu của nhiều anh chị em thiếu nước sinh hoạt, trong khi ngôi nhà chung của chúng ta tiếp tục bị ô nhiễm và biến chất. Kiệt sức và khô héo, xã hội cũng “khát nước”.
Trước những thách thức đó, bài Tin Mừng hôm nay cống hiến nước hằng sống cho mỗi người chúng ta để có thể trở thành nguồn suối tươi mát cho người khác. Và như vậy, giống như người phụ nữ Samari bỏ vò bên giếng và đi gọi những người cùng làng với mình (x. câu 28), chúng ta cũng sẽ không còn chỉ nghĩ đến việc thỏa mãn cơn khát của chính mình, cơn khát vật chất, trí tuệ của chúng ta, hay cơn khát văn hóa, nhưng với niềm vui được gặp gỡ Chúa, chúng ta sẽ làm dịu cơn khát của người khác, mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của người khác, không phải với tư cách là ông chủ, mà là những người phục vụ của Lời Chúa, Đấng đã khao khát chúng ta, Đấng không ngừng khao khát chúng ta. Chúng ta sẽ thấu hiểu nỗi khát khao của họ và chia sẻ tình yêu mà Người đã trao cho chúng ta. Một câu hỏi đặt ra cho chính tôi và tất cả anh chị em nảy sinh: Chúng ta có thể hiểu được cơn khát của người khác, cơn khát của mọi người, cơn khát mà rất nhiều người trong gia đình tôi, trong xóm tôi đang có không? Hôm nay, chúng ta có thể tự hỏi: Tôi có khao khát Thiên Chúa không? Tôi có biết rằng tôi cần tình yêu của Người như nước để sống không? Và rồi: Tôi đang khát, tôi có quan tâm đến cơn khát của người khác, cơn khát tinh thần, cơn khát vật chất của họ không?
Xin Đức Mẹ chuyển cầu cho chúng ta và nâng đỡ chúng ta trên đường đi.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:
Anh chị em thân mến,
Tôi chào tất cả anh chị em, các tín hữu từ Rôma và khách hành hương từ nhiều quốc gia, đặc biệt là những người đến từ Madrid và Spalato.
Tôi chào các nhóm giáo xứ từ Padua, Caerano San Marco, Bagolino, Formia và Sant'Ireneo ở Rôma.
Thứ Sáu này, ngày 17 tháng Ba và thứ Bảy, ngày 18, sáng kiến “24 Giờ cho Chúa” sẽ được lặp lại trong toàn thể Giáo Hội. Đây là thời gian dành riêng cho việc cầu nguyện, thờ phượng và lãnh nhận Bí tích Hòa giải. Vào chiều Thứ Sáu, tôi sẽ đến một giáo xứ ở Rôma để cử hành Nghi thức Sám Hối. Cách đây một năm, trong bối cảnh này, chúng ta đã cử hành nghi thức trọng thể Thánh Hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, để cầu xin hồng ân hòa bình. Hành động phó thác của chúng ta không chùn bước, niềm hy vọng của chúng ta không lung lay! Chúa luôn lắng nghe những lời cầu nguyện của dân Người nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria. Chúng ta hãy hiệp nhất trong đức tin và liên đới với anh chị em của chúng ta đang đau khổ vì chiến tranh. Đặc biệt chúng ta đừng quên những người dân Ukraine đang bị vùi dập!
Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành sáng kiến “24 giờ cho Chúa”, chiều thứ Sáu, ngày 17 tháng Ba tới đây, tại giáo xứ “Đức Mẹ Ân Phúc” ở khu vực Trionfale, gần Vatican, và kéo dài đến thứ Bảy, ngày 18 tháng Ba. Đây là một sáng kiến của Hội Đồng Tòa Thánh Tái Truyền Giảng Tin Mừng diễn ra hàng năm vào Thứ Sáu và Thứ Bảy trước Chúa Nhật thứ Tư Mùa Chay.
Năm nay là năm thứ chín, và chủ đề cho chương trình 24 giờ cho Chúa năm nay là “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18:13), lấy ý từ đoạn Phúc Âm dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế.
Đức Giêsu kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con. Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 18:9-14)
Cử hành này được đánh dấu bởi việc Chầu Thánh Thể, suy tư cá nhân và lời mời hoán cải cá nhân. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong Tông Thư Misericordia et Misera (Lòng Thương Xót và Nỗi Khốn Cùng): “Bí tích Hòa giải cần được tái khám phá và được đặt ở vị trí trung tâm trong đời sống Kitô hữu. Một dịp thuận lợi cho việc này có thể là sáng kiến 24 giờ cho Chúa, một cử hành được tổ chức vào gần Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Chay. Sáng kiến này, đã có tại nhiều giáo phận, có giá trị mục vụ rất lớn trong việc khuyến khích một kinh nghiệm nhiệt thành hơn về Bí tích Hòa giải.”
Sáng kiến 24 giờ cho Chúa mời gọi cả thế giới đắm mình trong lòng thương xót vô biên của Chúa. Phụng Vụ Thống Hối cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô tại Đền Thờ Thánh Phêrô sẽ bắt đầu sáng kiến tuyệt vời này. Từ khi bắt đầu ở Rôma, sáng kiến này giờ đây đã là một phần thiết yếu trong Mùa Chay tại các giáo phận trên khắp thế giới với mong muốn kết hợp thiêng liêng với Đức Thánh Cha nhằm đưa ra tất cả khả năng cho một kinh nghiệm cá vị về lòng thương xót Chúa.
Thông thường, Đức Thánh Cha cử hành sáng kiến này tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Năm nay, có sự khác biệt, ngài sẽ cử hành tại giáo xứ “Đức Mẹ Ân Phúc”.
Năm ngoái, trong bối cảnh chiến tranh kinh hoàng tại Ukraine, khi kết thúc các nghi thức sám hối tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã thực hiện hành động dâng hiến cho Trái Tim Khiết Tâm Đức Mẹ cả thế giới, đặc biệt là Ukraine và Nga.
Từ Tông huấn Evangelii Nuntiandi của Thánh Phaolô VI đến Tông huấn Evangelii gaudium của vị giáo hoàng đương nhiệm, chủ đề truyền giáo luôn là tâm điểm chú ý của Huấn quyền. Các thông điệp vĩ đại của Thánh Gioan Phaolô II đã đóng góp vào đó, cũng như việc thành lập Hội đồng Giáo hoàng về Truyền giáo do Đức Bênêđictô XVI thúc đẩy. Mối quan tâm tương tự có thể được nhìn thấy trong tiêu đề được dành cho hiến pháp để cải tổ Giáo triều Praedicate Evangelium và trong danh xưng “Bộ Loan báo Tin Mừng” được dành cho Thánh bộ Truyền bá Đức tin trước đây. Mục đích tương tự hiện đang được dành cho Thượng hội đồng của Giáo hội. Tôi muốn cống hiến bài suy niệm này cho nó, tức cho việc rao giảng Tin Mừng.
Định nghĩa ngắn gọn và đầy đủ nhất về truyền giảng Tin Mừng là định nghĩa có thể đọc được trong Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô, trong đó các tông đồ được định nghĩa là: “những người công bố Tin Mừng cho anh em trong Chúa Thánh Thần” (1 Pr 1:12). Nó chứa đựng điều cốt yếu của việc loan báo Tin Mừng, cụ thể là nội dung của nó – Tin Mừng – và phương pháp của nó – trong Chúa Thánh Thần.
Để biết hạn từ “Tin Mừng” có nghĩa gì, cách an toàn nhất là hỏi người đầu tiên dùng từ Hy Lạp này và khiến nó trở nên phổ biến trong ngôn ngữ Kitô giáo, Tông đồ Phaolô. Chúng ta may mắn được sở hữu một bản giải thích do chính ngài trình bầy ý nghĩa của hạn từ “Tin Mừng”, và đó là lá Thư gửi tín hữu Rôma. Chủ đề của nó được loan báo với những lời: “Tôi không hổ thẹn về Tin Mừng, vì đó là quyền năng của Thiên Chúa để cứu độ mọi kẻ tin” (Rm 1:16).
Muốn có sự thành công cho mọi nỗ lực mới trong việc truyền giảng Tin Mừng, điều quan trọng là phải làm rõ cốt lõi thiết yếu của việc công bố Kitô giáo, và không ai đã nhấn mạnh điều đó tốt hơn vị tông đồ trong ba chương đầu tiên của Thư gửi tín hữu Rôma. Tôi tin chắc rằng việc hiểu và áp dụng thông điệp của ngài vào hoàn cảnh hiện tại phụ thuộc vào việc liệu con cái Thiên Chúa có được sinh ra từ những nỗ lực của chúng ta hay liệu chúng ta có bắt buộc phải lặp lại với Isaia hay không:
“Chúng con đã mang thai, đã quằn quại, nhưng chỉ sinh ra gió; chúng con chẳng giải thoát được thế gian, cũng chẳng sinh sản thêm dân cư cho mặt đất” (Is 26:18).
Sứ điệp của Thánh Tông Đồ trong ba chương đầu tiên của Bức Thư của ngài có thể được tóm tắt trong hai điểm: thứ nhất, tình trạng của con người trước mặt Thiên Chúa sau tội lỗi là gì; và thứ hai, làm thế nào người ta thoát khỏi nó, nghĩa là làm thế nào người ta được cứu vớt bởi đức tin và làm một tạo vật mới. Chúng ta hãy noi theo Thánh Tông Đồ trong lối lý luận chặt chẽ của ngài. Tốt hơn, chúng ta hãy đi theo Thần Khí nói qua Người.
Ai từng đi máy bay chắc cũng từng nghe thông báo: “Hãy thắt dây an toàn vì chúng ta sắp đi vào vùng nhiễu động”. Lời cảnh báo tương tự nên được gửi đến những người sắp đọc những lời sau đây của Thánh Phaolô:
Cơn thịnh nộ của Thiên Chúa quả thật đã được tỏ ra từ trên trời chống lại mọi sự bất kính và gian ác của những kẻ dùng sự gian ác của mình mà đàn áp sự thật. Vì những gì có thể biết về Thiên Chúa đều hiển nhiên đối với họ, bởi vì Thiên Chúa đã làm điều đó trở thành hiển nhiên cho họ. Kể từ khi tạo ra thế giới, các thuộc tính vô hình của Người về sức mạnh vĩnh cửu và thiên tính đã có thể được hiểu và tri nhận trong những gì Người đã tạo ra. Kết quả là, họ không có lời bào chữa nào; vì mặc dù họ biết Thiên Chúa nhưng họ không tôn vinh Người như Thiên Chúa hay tạ ơn Người. Thay vào đó, họ trở nên hão huyền trong lý luận của mình, và tâm trí vô tri của họ trở nên tối tăm. Trong khi tự cho mình là khôn ngoan, họ đã trở thành những kẻ ngu xuẩn và đánh đổi vinh quang của Thiên Chúa bất tử để lấy hình ảnh giống như hình ảnh của người phàm hoặc chim chóc, động vật bốn chân hoặc rắn rết.
Tội lỗi căn bản, đối tượng chính của cơn thịnh nộ thần linh, được nhận diện, như có thể thấy, trong asebeia, tức là trong sự nghịch đạo. Chính xác thì sự nghịch đạo này bao gồm những gì? Vị Tông đồ ngay lập tức giải thích; ngài nói rằng nó bao gồm việc từ chối “tôn vinh” và “cảm ơn” Thiên Chúa. Quả là điều kỳ lạ! Việc không tôn vinh và tạ ơn Thiên Chúa đối với chúng ta dường như không phải là một tội trọng khủng khiếp. Chúng ta cần hiểu những gì ẩn giấu đằng sau nó: sự từ chối nhìn nhận Thiên Chúa như Thiên Chúa, không dành cho Người sự xem xét xứng đáng với Người. Chúng ta có thể nói, nó bao gồm việc “phớt lờ” Thiên Chúa, trong đó phớt lờ không có nghĩa là “không biết Người hiện hữu” mà là “hành động như thể Người không hiện hữu”.
Trong Cựu Ước, chúng ta nghe Môsê kêu gọi dân chúng: “Hãy biết rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa!” (x. Đnl 7:9) và tác giả thánh vịnh đã tiếp nhận lời hô này khi nói: “Hãy nhìn nhận Chúa là Thiên Chúa: Người đã dựng nên chúng ta và chúng ta thuộc về Người!” (Tv 100:3). Giản lược vào hạt nhân mầm của nó, phạm tội là từ chối “việc nhìn nhận” này; đó là mưu toan của tạo vật, theo sáng kiến riêng của nó, gần như cao ngạo, xóa bỏ sự khác biệt vô hạn hiện hữu giữa nó và Thiên Chúa. Theo cách này, tội lỗi tấn công chính gốc rễ của mọi sự; đó là “dùng sự gian ác để áp chế sự thật.” Đó là một điều nham hiểm và khủng khiếp hơn nhiều so với những gì con người có thể tưởng tượng hoặc nói ra. Nếu con người biết khi còn sống, cũng như họ sẽ biết vào lúc chết, từ chối Thiên Chúa là thế nào, thì họ sẽ chết vì kinh hoàng.
Chúng ta đã nghe nói rằng sự từ chối này đã thành hình trong việc thờ ngẫu tượng, theo đó tạo vật được tôn thờ thay vì Đấng Tạo Hóa. Trong việc thờ ngẫu tượng, người ta không “chấp nhận” Thiên Chúa, mà tự mình tạo ra một vị thần; chính họ quyết định về Thiên Chúa chứ không phải ngược lại. Các vai trò được đảo ngược: Con người trở thành thợ gốm và Chúa là chiếc bình mà con người nhào nặn theo ý muốn. Ngày nay, mưu toan cổ xưa này đã mang một hình thức mới. Nó không hệ ở việc đặt một vật gì đó – thậm chí không phải chính mình – vào vị trí của Thiên Chúa, nhưng ở việc bãi bỏ, một cách thuần túy và đơn giản, vai trò được biểu thị bởi hạn từ “Thiên Chúa”. Chủ nghĩa hư vô! Không có gì đã thay thế cho Thiên Chúa. Nhưng không cần phải dừng lại ở vấn đề này vào lúc này; nó sẽ làm gián đoạn việc lắng nghe Thánh Tông đồ, người, thay vào đó, tiếp tục lối lập luận chặt chẽ của ngài.
Thánh Phaolô tiếp tục bản cáo trạng của mình bằng cách chỉ ra những kết quả phát sinh từ việc chối bỏ Thiên Chúa ở bình diện luân lý. Từ đó dẫn khởi việc tan rã chung về luân lý, một “dòng thác diệt vong” thực sự kéo nhân loại vào chỗ diệt vong. Và ở đây, Thánh Tông đồ đã vẽ ra một bức tranh ấn tượng về những tệ nạn của xã hội ngoại giáo. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất cần giữ lại từ phần này của thông điệp Phaolô không phải danh sách các tật xấu của ngài, cũng có nơi các nhà luân lý học khắc kỷ thời đó. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, điều gây bối rối là Thánh Phaolô coi tất cả những rối loạn luân lý này không phải là nguyên nhân, mà là hậu quả của cơn thịnh nộ Thiên Chúa. Công thức nêu rõ điều này đã được nhắc lại ba lần:
Vì vậy, Đức Chúa Trời đã phó mặc họ cho sự ô uế. […] Vì lý do này, Đức Chúa Trời đã bỏ mặc họ cho những đam mê khét tiếng […]. Vì họ coi thường sự hiểu biết Thiên Chúa, nên Thiên Chúa đã phó mặc họ cho sự hiểu biết đồi trụy (Rm 1,24.26.28).
Thiên Chúa chắc chắn không “muốn” những điều như vậy, nhưng Người “cho phép” chúng để làm cho con người hiểu việc từ chối của mình dẫn đến đâu. Thánh Augustinô viết: “Những hành động này mặc dù là hình phạt, nhưng chúng cũng là tội lỗi, bởi vì hình phạt của sự gian ác chính là sự gian ác; Thiên Chúa can thiệp để trừng phạt cái ác và từ sự trừng phạt này, những tội lỗi khác tràn ngập.”
Không có sự phân biệt trước mặt Thiên Chúa giữa người Do Thái và người Hy Lạp, giữa người tin và người ngoại: “Mọi người đều đã phạm tội, bị tước mất vinh quang Thiên Chúa” (Rm 3:23). Thánh Tông đồ muốn làm sáng tỏ điểm này đến nỗi ngài dành trọn chương hai và một phần ba của Bức thư cho nó. Toàn thể nhân loại đang ở trong tình trạng diệt vong này, chứ không phải cá nhân hay dân tộc này kia.
Trong tất cả những điều này, tính thời sự của sứ điệp mà tôi đang nói đến là ở đâu? Nó nằm trong phương thuốc mà Tin Mừng đề nghị cho tình trạng này. Nó không bao gồm việc tham gia vào cuộc đấu tranh để cải cách luân lý của xã hội và sửa chữa những tệ nạn của nó. Đối với Thánh Phaolô, điều đó giống như muốn nhổ một cái cây bằng cách bắt đầu ngắt bỏ những chiếc lá hoặc những cành nhô ra nhất, hoặc lo lắng về việc loại bỏ cơn sốt hơn là chữa trị căn bệnh đã gây ra nó.
Phiên dịch sang ngôn ngữ hiện tại, điều này có nghĩa là việc truyền giảng Tin Mừng không bắt đầu bằng luân lý, mà bằng kerygma; bằng ngôn ngữ của Tân Ước, không phải với Lề Luật, nhưng với Tin Mừng. Và nội dung và cốt lõi của nó là gì? Thánh Phaolô muốn nói gì qua chữ “Tin Mừng” khi ngài nói nó là “quyền năng của Thiên Chúa đối với mọi kẻ tin?” Tin vào điều gì? “Sự công chính đã được bày tỏ của Thiên Chúa!” (Rm 3:21): Đây là điều mới mẻ. Không phải con người đột nhiên thay đổi cuộc sống và phong tục của họ và bắt đầu làm điều tốt. Sự kiện mới là, khi thời gian viên mãn, Thiên Chúa đã hành động; Người phá vỡ sự im lặng; Người là người đầu tiên chìa bàn tay của mình cho con người tội lỗi.
Nhưng bây giờ chúng ta hãy trực tiếp lắng nghe Vị Tông Đồ giải thích cho chúng ta “hành động” này của Thiên Chúa bao gồm những gì. Chúng là những hạn từ mà chúng ta đã đọc hoặc nghe hàng trăm lần, nhưng chúng ta thích nghe đi nghe lại những giai điệu của một bản giao hưởng tuyệt vời:
Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban nhưng không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Chúa Kitô Giêsu. Thiên Chúa đã đặt Người làm hy lễ xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin. Như vậy, Thiên Chúa cho thấy Người là Đấng Công Chính. Trước kia, trong thời Thiên Chúa nhẫn nại, Người đã bỏ qua các tội lỗi người ta phạm. Nhưng bây giờ, Người muốn cho thấy rằng Người vừa là Đấng Công Chính, vừa làm cho kẻ tin vào Chúa Giêsu được nên công chính (Rm 3,23-26).
Tôi muốn trấn an mọi người ngay lập tức: Tôi không có ý định đưa ra một bài giảng nào khác về sự công chính hóa bởi đức tin. Có một mối nguy hiểm khi chỉ nhấn mạnh vào vấn đề này. Điều thánh Phaolô trình bày cho chúng ta không phải là một học thuyết, mà là một sự kiện, đúng hơn là một con người. Chúng ta không được cứu một cách chung chung “nhờ ân sủng;” chúng ta được cứu bởi ân sủng của Chúa Giêsu Kitô; chúng ta không được công chính hóa một cách chung chung “nhờ đức tin;” mà được công chính hóa nhờ đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô. Mọi điều đều thay đổi “nhờ sự cứu chuộc do Chúa Giêsu Kitô thực hiện.” Tín điều xác thực mà với nó Giáo hội đứng vững hay sụp đổ (articulum stantis et cadentis Ecclesiae) không phải là một học thuyết, mà là một con người.
Tôi kinh ngạc mỗi khi đọc phần này của Thư gửi tín hữu Rôma. Sau khi đã mô tả tình trạng tuyệt vọng của nhân loại bằng giọng điệu mà chúng ta đã nghe, Vị Tông Đồ có can đảm nói rằng nó đã thay đổi triệt để vì những gì đã xảy ra vài năm trước đó, trong một phần ít người biết đến của Đế Quốc La Mã, bởi một con người đơn nhất, Đấng, ngoài ra, đã chết trên thập giá! Chỉ có ánh sáng rực rỡ từ Chúa Thánh Thần mới có thể mang lại cho một con người lòng can đảm để tin và công bố tin tức khó tin này, đặc biệt là vì chính người đàn ông này đã từng “nổi giận” nếu có ai dám công bố một điều như vậy trước mặt ngài. Phó tế Stêphanô đã phải trả giá cho sự tức giận của ngài…
Nơi chúng ta, cú sốc được xoa dịu bởi hai mươi thế kỷ xác nhận, nhưng chúng ta hãy nghĩ xem lời nói của Vị Tông Đồ chắc hẳn đã được nghe ra sao đối với những người có học thời bấy giờ. Bản thân ngài cũng nhận thức được điều đó; vì điều này, ngài cảm thấy cần phải nói: “Tôi không hổ thẹn về Tin Mừng” (Rm 1:16). Thật vậy, người ta có thể xấu hổ về nó. Tôi không thể hiểu làm thế nào các nhà sử học có thể thành thật tin rằng (điều này đã xảy ra trong một thời gian dài) Thánh Phaolô đã rút tỉa được sự chắc chắn mới của mình từ các giáo phái Hy Lạp, hoặc tôi không biết từ nguồn nào khác. Ai đã từng tưởng tượng, hoặc có thể tưởng tượng một điều như vậy một cách nhân bản?
Nhưng chúng ta hãy trở lại với ý định chuyên biệt của chúng ta, đó là truyền giảng Tin Mừng. Chúng ta có thể học được gì từ lời của Thiên Chúa mà chúng ta vừa nghe? Đối với những người ngoại đạo, thánh Phaolô không nói rằng phương thuốc cho việc thờ ngẫu tượng của họ nằm ở việc tra hỏi kỹ hơn về vũ trụ để từ thụ tạo quay trở lại với Đấng Tạo Hóa; đối với người Do Thái, ngài không nói rằng biện pháp khắc phục nằm ở việc quay lại tuân giữ Luật Môsê một cách hoàn hảo hơn. Biện pháp khắc phục không ở phía trên chúng ta hoặc đằng sau chúng ta; nó ở trước mặt chúng ta và bao gồm việc tin vào “sự cứu chuộc do Chúa Giêsu Kitô thực hiện.”
Nói cho ngay, Thánh Phaolô không nói điều gì hoàn toàn mới. Nếu ngài là tác giả của thông điệp chưa từng có này, thì những người nói rằng người sáng lập thực sự của Kitô giáo là Saolô người Tarsus, chứ không phải Chúa Giêsu người Nadarét, sẽ đúng. Nhưng họ đã lầm! Thánh Phaolô không làm gì khác ngoài việc tiếp nhận, thích ứng, lời tuyên bố khai mạc của Chúa Giêsu với hoàn cảnh lúc bấy giờ: “Thời giờ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã đến gần. Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15). Trên môi miệng ngài “ăn năn” không có nghĩa như trong các tiên tri xưa và trong Gioan Tẩy giả: Hãy trở lại, tuân giữ Lề Luật và các điều răn! Đúng hơn, nó có nghĩa là: Tiến một bước nhảy vọt; hãy vào Vương quốc đã đến một cách nhưng không giữa các ngươi! Hãy tin vào Tin Mừng! Hoán cải là tin tưởng. Thánh Tôma Aquinô từng viết: “Sự hoán cải đầu tiên hệ ở việc tin tưởng: Prima conversio fit per fidem.
Tất nhiên, cả Chúa Giêsu lẫn Thánh Phaolô đều không dừng lại ở điểm này. Khi rao giảng, Chúa Giêsu giải thích việc chào đón Nước Trời đòi hỏi điều gì và Thánh Phaolô dành toàn bộ phần thứ hai của Bức thư để liệt kê các việc làm, hay các nhân đức, là đặc điểm của những người đã trở thành tạo vật mới. Ngài kết thúc kerygma bằng parenesis, nghĩa là công bố về những gì Thiên Chúa đã làm cùng với việc trình bầy những gì chúng ta phải làm. Điều quan trọng là thứ tự phải tuân theo trong cuộc sống và trong việc loan báo, bắt đầu từ đâu. Như Thánh Grêgôriô Cả đã nói, “người ta không đạt tới đức tin bắt đầu từ các nhân đức, mà đạt được các nhân đức bắt đầu từ đức tin.” Mọi sáng kiến rao giảng Tin Mừng nào muốn bắt đầu bằng việc cải cách các phong tục của xã hội, mà không – hoặc trước đó – cố gắng thay đổi trái tim con người, sẽ không đạt được kết quả gì, hoặc tệ hơn nữa, trong lĩnh vực chính trị.
Nhưng không cần nhấn mạnh cả điều đó vào lúc này. Thay vào đó, chúng ta phải tiếp nhận lời dạy tích cực của Thánh Tông đồ. Lời Chúa nói gì với một Giáo hội – mặc dù bị tổn thương trong chính mình và bị tổn thương trước con mắt của thế giới – đang trào dâng niềm hy vọng và, với động lực mới, muốn tiếp tục sứ mạng rao giảng Tin Mừng của mình? Nó nói rằng cần phải bắt đầu lại từ con người của Chúa Kitô, nói về Người “trong thời gian và ngoài thời gian;” không bao giờ coi diễn ngôn về Người được giả định hoặc đã hoàn thành. Chúa Giêsu không được ở phía sau, nhưng ở trung tâm của mọi lời loan báo.
Thế giới thế tục đã làm hết sức (và thật không may, nó đã thành công!) để giữ danh Chúa Giêsu ở đàng xa, hoặc làm nó im lặng, trong mọi diễn ngôn về Giáo hội. Chúng ta phải làm mọi cách để tên Người luôn vang lên. Không dấu diếm nó, vì nó là sức mạnh và là sự sống của Giáo hội. Mở đầu Evangelii gaudium, chúng ta đọc thấy những lời này:
Tôi mời tất cả các Kitô hữu, ở khắp mọi nơi, vào chính thời điểm này, bước vào một cuộc gặp gỡ bản thân được đổi mới với Chúa Giêsu Kitô, hoặc ít nhất một sự cởi mở để cho Người gặp gỡ họ; Tôi yêu cầu tất cả anh chị em làm điều này không ngừng nghỉ mỗi ngày. Không ai nên nghĩ rằng lời mời này không dành cho mình (EG,3).
Theo như tôi biết, đây là lần đầu tiên cụm từ “cuộc gặp gỡ bản thân với Chúa Kitô” xuất hiện trong một tài liệu chính thức của Huấn quyền. Mặc dù có vẻ đơn giản, cách diễn đạt này chứa đựng một điều mới lạ mà chúng ta phải cố gắng hiểu. Trong việc chăm sóc mục vụ và tâm linh của Công Giáo, những cách khác để quan niệm về mối quan hệ của chúng ta với Chúa Kitô đã quen thuộc trong quá khứ. Chúng nói tới mối quan hệ tín lý, bao gồm việc tin vào Chúa Kitô; tới mối liên hệ bí tích, mối liên hệ giáo hội, trong tư cách các chi thể của nhiệm thể Chúa Kitô; người ta cũng nói về một mối quan hệ huyền nhiệm hoặc phu thê dành riêng cho một số linh hồn được đặc ân. Không có việc đề cập nào - hoặc ít nhất không có việc đề cập phổ biến nào - về mối quan hệ bản thân, chẳng hạn như giữa tôi và anh chị em, mở ra cho mọi tín hữu.
Trong suốt 5 thế kỷ đằng sau chúng ta – được gọi một cách không thích hợp là “các thế kỷ Phản Cải cách” – linh đạo Công Giáo và việc chăm sóc mục vụ đã xem xét cách quan niệm về sự cứu rỗi này bằng sự nghi ngờ. Người ta thấy nguy cơ của chủ nghĩa chủ quan trong đó, nghĩa là coi đức tin và ơn cứu độ như một kinh nghiệm bản thân, không có mối liên hệ thực sự với Truyền thống và với đức tin của phần còn lại của Giáo hội. Sự gia tăng của các trào lưu và giáo phái trong thế giới Thệ phản chỉ củng cố niềm tin này.
Giờ đây, tạ ơn Thiên Chúa, chúng ta đã bước vào một giai đoạn mới trong đó chúng ta cố gắng nhìn thấy các khác biệt, không nhất thiết là sự xung đột lẫn nhau và do đó phải đấu tranh, nhưng là phong phú được chia sẻ càng nhiều càng tốt. Trong môi trường mới này, lời khuyên có “mối quan hệ bản thân với Chúa Kitô” không có gì nguy hiểm về nó. Thật vậy, cách quan niệm về đức tin này đối với chúng ta dường như là cách khả hữu duy nhất, vì đức tin không còn được coi là điều hiển nhiên, và nó không được hấp thụ như những đứa trẻ trong môi trường gia đình hoặc trường học, mà phải là kết quả của quyết định bản thân. Sự thành công của một sứ mệnh không còn được đo lường bằng số lần nghe xưng tội và số lần rước lễ được phân phát, nhưng bằng bao nhiêu người đã chuyển từ Kitô hữu trên danh nghĩa sang Kitô hữu thực sự, nghĩa là có xác tín và tích cực trong cộng đồng.
Chúng ta hãy cố gắng hiểu “cuộc gặp gỡ bản thân” nổi tiếng này với Chúa Kitô thực sự bao gồm những gì. Tôi nói nó giống như gặp trực tiếp một người sau nhiều năm quen biết họ chỉ nhờ một bức ảnh. Người ta có thể biết các cuốn sách viết về Chúa Giêsu, các tín lý, các dị giáo về Chúa Giêsu và các quan niệm về Chúa Giê-su, chứ không biết Người sống động và hiện diện. (Tôi nhấn mạnh vào hai tĩnh từ này: một Chúa Giêsu sống động và một Chúa Giêsu hiện diện!). Đối với nhiều người, ngay cả những tín hữu đã chịu phép rửa, Chúa Giêsu vẫn chỉ là một nhân vật trong quá khứ, một nhân cách chứ không phải một người đang sống.
Điều sẽ giúp ta hiểu được sự khác biệt là khi nhìn vào những gì xảy ra trong lĩnh vực con người khi anh chị em đi từ quen biết một người đến yêu người đó. Người ta có thể biết mọi điều về một người phụ nữ hay một người đàn ông: tên họ, bao nhiêu tuổi, học ngành gì, gia đình ra sao… Rồi một ngày nọ, một tia lửa được thắp lên và người ta yêu người phụ nữ đó hoặc người đàn ông đó. Mọi thứ đều thay đổi. Họ muốn ở bên người ấy, có người ấy cho riêng mình, sợ làm mất lòng hoặc không xứng đáng với người ấy.
Chúng ta có thể làm gì để ngọn lửa này về con người Chúa Giêsu được thắp lên trong lòng nhiều người? Nó sẽ không được nhen nhóm trong lòng bất cứ ai lắng nghe sứ điệp Tin Mừng trừ khi nó bùng cháy – ít nhất như một khao khát và như một quyết tâm – nơi bất cứ ai công bố nó. Đã có và hiện còn có nhiều trường hợp ngoại lệ; lời Thiên Chúa có sức mạnh riêng của nó và đôi khi có thể hành động, ngay cả khi được thốt ra bởi những người không sống theo lời Thiên Chúa; nhưng đó là ngoại lệ.
Để được an ủi và khuyến khích những người làm việc trong lãnh vực phúc âm hóa một cách có tổ chức, tôi muốn nói với họ rằng không phải mọi sự đều tùy thuộc vào họ. Họ phụ thuộc vào việc tạo ra các điều kiện để tia lửa đó bùng cháy và lan rộng, điều này xảy ra theo những cách và khoảnh khắc bất ngờ nhất. Trong phần lớn các trường hợp mà tôi đã biết trong đời mình, việc khám phá ra Chúa Kitô làm thay đổi cuộc đời đã xảy ra nhờ gặp gỡ một người đã trải nghiệm ân sủng đó, bằng cách tham gia vào một cuộc tụ họp, bằng cách nghe một chứng từ, bằng cách trải nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa trong một khoảnh khắc đau khổ tột cùng, và – tôi không thể im lặng về điều đó, bởi vì nó cũng xảy ra với tôi – khi nhận cái gọi là phép rửa của Chúa Thánh Thần.
Ở đây, chúng ta thấy nhu cầu ngày càng phải dựa vào giáo dân, nam cũng như nữ, để truyền giảng Tin Mừng. Họ được lồng nhiều hơn vào kết cấu cuộc sống trong đó các hoàn cảnh ấy thường xảy ra. Cũng do sự khan hiếm về con số của nó, hàng giáo sĩ dễ dàng trở thành mục tử hơn là những tay lưới cá linh hồn: dễ dàng chăn dắt những người đến với Giáo hội bằng Lời Chúa và các bí tích hơn là “chèo ra chỗ nước sâu” (Lc 5:4) để đánh bắt những người ở xa. Giáo dân có thể đảm nhận cho chúng ta nhiệm vụ của người đánh cá. Nhiều người trong số họ đã khám phá ra ý nghĩa của việc biết Chúa Giêsu hằng sống và háo hức chia sẻ khám phá của họ với những người khác.
Đối với nhiều người, các phong trào giáo hội phát sinh sau Công đồng là nơi họ khám phá ra điều trên. Trong bài giảng Thánh Lễ Truyền Dầu vào Thứ Năm Tuần Thánh 2012, lễ cuối cùng trong triều đại giáo hoàng của ngài, Đức Bênêđictô XVI đã nói: “Bất cứ ai xem xét lịch sử của thời kỳ hậu công đồng đều có thể nhận ra tiến trình đổi mới thực sự, vốn thường diễn ra dưới những hình thức bất ngờ trong các phong trào sống động và gần như làm cho rờ mó được sức sống vô tận của Giáo hội thánh thiện, sự hiện diện và hiệu năng của Chúa Thánh Thần.” Bên cạnh những hoa trái tốt, một số phong trào này cũng đã sinh ra hoa trái thối. Chúng ta nên nhớ câu nói: “Đừng ném bé thơ ra ngoài cùng với nước tắm”.
Tôi kết thúc bằng những lời kết trong Hành Trình Tâm Trí Đến Với Chúa của Thánh Bonaventura bởi vì chúng gợi ý nơi bắt đầu nhận ra, hoặc canh tân, “cuộc gặp gỡ bản thân với Chúa Kitô” của chúng ta và trở thành những người can đảm loan báo cuộc gặp gỡ đó:
Sự khôn ngoan huyền nhiệm bí mật nhất này không ai biết ngoại trừ người nhận được nó; không ai nhận được nó ngoại trừ những người mong muốn nó; không ai mong muốn nó ngoại trừ những người được đốt cháy bên trong bởi Chúa Thánh Thần được Chúa Kitô phái đến trái đất.
Theo CNA, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã xin mọi người cầu nguyện khi ngài nói về tương lai của Giáo hội và triều đại giáo hoàng của ngài cho đến nay trong một cuộc phỏng vấn được đăng vào những giờ đầu tiên hôm Chúa Nhật.
Phát biểu với nhật báo Ý Il Fatto Quotidiano, Đức Phanxicô từ chối đánh giá triều đại giáo hoàng của ngài cho đến nay, nói rằng Chúa sẽ phán xét cuộc đời của ngài một ngày nào đó dựa trên việc ngài có thực hành các Công việc Thương xót Phần xác như Chúa Giêsu đã dạy hay không.
Theo một bản dịch tiếng Anh đăng trên Il Fatto Quotidiano ngày 12 tháng 3, ngài nói, “Giáo hội không phải là một doanh nghiệp, hay một tổ chức phi chính phủ, và giáo hoàng không phải là một quản trị viên được giao nhiệm vụ cân bằng các con số vào cuối năm”.
Cuộc phỏng vấn, một trong hàng loạt các cuộc phỏng vấn gần đây của Đức Giáo Hoàng sẽ được công bố, đánh dấu ngày 13 tháng 3 kỷ niệm ngày ngài được bầu làm giáo hoàng.
“Làm giáo hoàng không phải là một công việc dễ dàng. Không ai đã học tập trước khi làm điều này,” Đức Thánh Cha nói thế, nhắc mọi người nhớ Thánh Phêrô cũng đã “ngã qụy” như thế nào khi chối bỏ Chúa Kitô.
Đức Phanxicô giải thích, “Nhưng, sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã chọn [Phêrô] một lần nữa. Đó là lòng thương xót của Chúa đối với chúng ta. Cũng đối với giáo hoàng nữa. ‘Servus inutilis sum.’ Tôi là một đầy tớ vô dụng, như Thánh Phaolô VI đã viết trong ‘Suy nghĩ về cái chết’ của ngài.”
Theo Đức Đức Giáo Hoàng, không dễ chú ý đến ý Chúa và đem ra thực hành: “Điều cần thiết là hòa hợp bản thân với Chúa, chứ không phải với thế gian.”
Cuộc phỏng vấn Đức Giáo Hoàng mới nhất tập trung vào những hy vọng của Đức Phanxicô về tương lai của Giáo hội, thế giới và cuộc sống của chính ngài.
Ngài cho biết “chương trình điều hành” trong triều đại giáo hoàng của ngài là thực hiện các yêu cầu của phiên họp toàn thể Hồng Y đoàn, tức các cuộc họp diễn ra trước mật nghị bầu chọn ngài.
Ngài cũng nói rằng vào năm 2013, ngài thường suy tư về một đoạn trích từ bài giảng Thánh lễ đầu tiên của Đức Bênêđictô XVI.
Ngày 24 tháng 4 năm 2005, Đức Bênêđíctô nói: “Vào thời điểm này, tôi không cần thiết phải trình bày một chương trình cai trị. … Chương trình điều hành thực sự của tôi là chương trình không tuân theo ý muốn của riêng tôi, không theo đuổi những ý tưởng của riêng tôi, mà là lắng nghe, cùng với toàn thể Giáo hội, những lời nói và ý muốn của Chúa và để bản thân được Ngài hướng dẫn, để chính Người hướng dẫn Giáo Hội trong giờ phút này của lịch sử chúng ta.”
Đức Phanxicô cũng công nhận Đức Bênêđictô XVI đã can đảm giải quyết cuộc khủng hoảng lạm dụng trong Giáo hội.
Khi được hỏi về mong muốn của ngài cho thế giới, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trả lời: “hòa bình.”
Ngài cũng chỉ trích điều ngài gọi là “việc hoàn cầu hóa lòng thờ ơ” trước những thảm kịch như chiến tranh: “Việc nhắm mắt làm ngơ và nói, 'Tại sao tôi phải quan tâm? Nó không quan hệ đến tôi! Đó không phải là vấn đề của tôi!’”
Đức Phanxicô cho biết một trong những ước mơ của ngài về tương lai của Giáo hội là một Giáo hội dấn thân ra thế giới và ở giữa mọi người.
Ngài cũng đề cập đến chủ đề giáo sĩ trị.
Trích lời Đức Hồng Y Henri-Marie de Lubac, ngài nói, “Tôi mơ về một Giáo hội không có chủ nghĩa giáo sĩ trị”.
Đức Thánh Cha nói Lubac từng viết rằng đối với một linh mục, chủ nghĩa giáo sĩ trị “sẽ vô cùng tai hại hơn bất cứ tính thế gian luân lý đơn giản nào”.
Ngài nói thêm: “Chủ nghĩa giáo sĩ trị là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với Giáo hội, còn tồi tệ hơn cả thời kỳ giáo hoàng đồi bại. “Một linh mục, một giám mục hay một Hồng Y mắc bệnh chủ nghĩa giáo sĩ trị sẽ gây ra nhiều thiệt hại cho Giáo hội. Đó là một bệnh truyền nhiễm. Tệ hơn nữa là những người giáo dân bị giáo sĩ hóa: họ là một mối phiền toái trong Giáo hội. Giáo dân nên là giáo dân.”
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết một vấn đề đã khiến ngài phải đau đầu rất nhiều trong triều đại giáo hoàng của ngài là nạn đồi bại.
Ngài nói, “Tôi không những chỉ nói về tham nhũng tài chính, bên trong và bên ngoài Vatican, tôi muốn nói về sự sa đoạ của cõi lòng. Đồi bại là một vụ tai tiếng”.
Ngài nói, hy vọng cho tương lai của chính ngài là Chúa sẽ thương xót ngài.
Phát biểu với độc giả của tờ báo, ngài xin các lời cầu nguyện từ những người cầu nguyện và “những rung cảm tốt” từ những người không cầu nguyện. “Giáo hoàng yêu bạn và đang cầu nguyện cho bạn.”
“Ngay cả khi những điều tồi tệ xảy ra, ngay cả khi bạn có trải nghiệm tồi tệ với một người nào đó từ Giáo hội, đừng để điều đó ảnh hưởng đến bạn. Chúa luôn mở rộng vòng tay chờ đợi bạn. Tôi hy vọng bạn thành công trong việc trải nghiệm nó trong cuộc sống của bạn giống như tôi đã có trong cuộc sống của tôi nhiều lần. Chúa đã luôn ở bên cạnh tôi, nhất là trong những thời khắc đen tối nhất.”
Lúc 9 giờ sáng thứ Sáu 10 tháng Ba, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa đã có bài tĩnh tâm Mùa Chay thứ hai trước Đức Thánh Cha và Giáo triều Rôma.
Trong bài giảng này, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa đã thảo luận về lời kêu gọi của Thánh Phaolô về mối quan hệ cá vị của chúng ta với Chúa Kitô, và ý nghĩa của nó đối với vai trò của người giáo dân trong sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội.
Dưới đây là những ý chính:
Phớt lờ Chúa
Đức Hồng Y Cantalamessa bắt đầu bằng cách trích dẫn những lời của Thánh Phaolô rằng “họ không thể tự bào chữa được, vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo”
Do đó, ngài khẳng định rằng “tội lỗi tột cùng” là “từ chối tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa.” Điều này có vẻ xa lạ đối với chúng ta, vì “Đối với chúng ta, việc không tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa dường như không phải là một tội chết người và khủng khiếp”.
Ngài giải thích rằng, để hiểu ý của Thánh Phaolô, “chúng ta cần hiểu rõ những gì ẩn giấu trong điều này: đó là sự từ chối nhìn nhận Thiên Chúa là Thiên Chúa, không dành cho Người sự quan tâm xứng đáng với Người. Chúng ta có thể nói, nó bao gồm việc ‘phớt lờ’ Thiên Chúa, trong đó phớt lờ không có nghĩa là ‘không biết rằng Ngài tồn tại’ mà là ‘hành động như thể Ngài không tồn tại’.
Một mối quan hệ cá vị với Chúa Giêsu
Nhưng thông điệp này của Thánh Phaolô có liên quan đến chúng ta ngày nay như thế nào?
Đức Hồng Y Cantalamessa gợi ý rằng nó không nằm quá nhiều trong chẩn đoán của Thánh Phaolô về tình hình của chúng ta cho bằng trong giải pháp đề xuất của thánh nhân. Khi nhấn mạnh đến “ơn cứu chuộc do Chúa Giêsu Kitô mang đến”, Thánh Phaolô mời gọi chúng ta không chỉ canh tân luân lý, trở lại với Luật pháp Môise, như các tiên tri trong Cựu Ước thúc giục, nhưng phải quay trở lại mối quan hệ cá vị với Chúa Giêsu.
Đức Hồng Y Cantalamessa nói, đôi khi đây là một khái niệm mà người Công Giáo miễn cưỡng chấp nhận, vì họ thích nói về các mối quan hệ “giáo lý”, “bí tích” hoặc “Giáo Hội” với Chúa Kitô. Ngài lưu ý rằng trong suốt 5 thế kỷ qua, linh đạo Công Giáo và việc chăm sóc mục vụ đã xem bất kỳ cuộc nói chuyện nào về mối quan hệ cá vị với Thiên Chúa “với sự nghi ngờ”.
Ngài nhấn mạnh, cách tiếp cận này là hoàn toàn sai lầm. Thật vậy, vì không còn có thể coi là điều hiển nhiên, đức tin ngày nay phải được hiểu chủ yếu như một mối quan hệ cá vị, vì “nó không được hấp thụ như những đứa trẻ trong môi trường gia đình hoặc trường học, mà phải là kết quả của quyết định cá nhân..”
Giáo dân là những người loan báo Tin Mừng
Trong phần cuối cùng của bài giảng, Đức Hồng Y Cantalamessa chuyển sang xem xét câu hỏi làm thế nào để thắp lên “tia sáng tìm kiếm Chúa Giêsu” trong trái tim của những người khác.
Ngài nói rằng: “Trong phần lớn các trường hợp mà tôi đã biết trong đời mình, việc khám phá ra Đấng Kitô làm thay đổi cuộc sống đã xảy ra nhờ gặp gỡ một người đã trải qua ân sủng đó, bằng cách tham gia vào một cuộc tụ họp, bằng cách nghe một chứng tá. “
Ngài nói, điều này cho thấy một vai trò đặc biệt quan trọng đối với giáo dân, những người “được hòa nhập nhiều hơn vào kết cấu cuộc sống mà trong đó những hoàn cảnh đó thường xảy ra”.
Đức Hồng Y Cantalamessa kết luận, những giáo dân đã “khám phá ra ý nghĩa của việc biết một Chúa Giêsu hằng sống và mong muốn chia sẻ khám phá của họ với những người khác”, nên trở thành những tác nhân chính trong sứ mệnh truyền bá phúc âm của Giáo Hội.
Toàn văn bài tĩnh tâm Mùa Chay thứ hai của Giáo triều Rôma: Tin Mừng là quyền năng cứu rỗi của Thiên Chúa
Từ Tông huấn Evangelii Nuntiandi - hay Loan Báo Tin Mừng - của Thánh Phaolô Đệ Lục đến Tông huấn Evangelii Gaudium - hay Niềm Vui Phúc Âm - của vị đương kim Giáo Hoàng, chủ đề truyền giáo luôn là tâm điểm chú ý của Huấn quyền. Các thông điệp vĩ đại của Thánh Gioan Phaolô II đã góp phần vào việc này, cũng như việc thành lập Hội đồng Giáo hoàng về Phúc Âm Hóa do Đức Bênêđictô XVI thúc đẩy. Mối quan tâm tương tự có thể được nhìn thấy trong tiêu đề được đặt cho tông hiến cải tổ Giáo triều Praedicate Evangelium - hay Rao Giảng Tin Mừng - và trong tiêu đề “Bộ Loan báo Tin Mừng” được trao cho Thánh bộ Truyền bá Đức tin lâu đời. Mục đích tương tự hiện đang được giao cho Thượng hội đồng của Giáo Hội. Đối với điều này, tức là đối với việc rao giảng Tin Mừng, tôi muốn cống hiến bài suy niệm này.
Định nghĩa ngắn gọn và đầy đủ nhất về truyền giáo là định nghĩa có thể đọc được trong Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô, trong đó các Tông đồ được định nghĩa là: “những người loan báo Tin Mừng cho anh em trong Chúa Thánh Thần” (1 Pr 1:12). Định nghĩa ấy chứa đựng điều cốt yếu của việc loan báo Tin Mừng, cụ thể nội dung của nó là Tin Mừng, và phương pháp của nó là trong Chúa Thánh Thần.
Để biết từ “Phúc Âm” có nghĩa gì, cách an toàn nhất là hỏi người đầu tiên dùng từ Hy Lạp này và khiến nó trở nên phổ biến trong ngôn ngữ Kitô giáo, đó là Tông đồ Phaolô. Chúng ta may mắn được sở hữu một bài bình luận do chính tay ngài viết giải thích ý nghĩa của từ “Phúc Âm”, đó là Thư gửi tín hữu Rôma. Chủ đề của lá thư được loan báo với những lời này: “Tôi không hổ thẹn về Tin Mừng, vì đó là quyền năng của Thiên Chúa để cứu độ mọi kẻ tin” (Rm 1:16).
Đối với sự thành công của mọi nỗ lực mới trong việc truyền giáo, điều quan trọng là phải làm rõ cốt lõi thiết yếu của việc loan báo Kitô giáo, và không ai đã nhấn mạnh điều đó tốt hơn vị Tông đồ trong ba chương đầu tiên của Thư gửi tín hữu Rôma. Tôi tin chắc rằng việc hiểu và áp dụng thông điệp của ngài vào hoàn cảnh hiện tại sẽ quyết định việc con cái Thiên Chúa sẽ được sinh ra từ những nỗ lực của chúng ta hay liệu chúng ta buộc phải lặp lại những gì tiên tri Isaia đã than thở:
“Chúng con đã mang thai, đã quằn quại, nhưng chỉ sinh ra gió: chúng con chẳng giải thoát được thế gian, cũng chẳng sinh sản thêm dân cư cho mặt đất”. (Is 26:18).
Sứ điệp của Thánh Tông đồ trong ba chương đầu của Bức Thư này có thể được tóm tắt trong hai điểm: thứ nhất, tình trạng của con người trước mặt Thiên Chúa là gì sau tội lỗi; và thứ hai, làm thế nào một người thoát khỏi nó, nghĩa là làm thế nào một người được cứu bởi đức tin và trở thành một tạo vật mới. Chúng ta hãy noi theo Thánh Tông đồ trong lối lý luận chặt chẽ của ngài. Tốt hơn, chúng ta hãy đi theo Thần Khí nói qua Người.
Ai từng đi máy bay chắc cũng từng nghe thông báo: “Hãy thắt dây an toàn vì chúng ta sắp đi vào vùng nhiễu động”. Lời cảnh báo tương tự nên được gửi đến những người sắp đọc những lời sau đây của Phaolô:
“Quả thật, từ trời, Thiên Chúa mặc khải cơn thịnh nộ của Người chống lại mọi thứ vô luân và bất chính của những người lấy sự bất chính mà giam hãm chân lý. Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ. Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người. Do đó, họ không thể tự bào chữa được, vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo. Trái lại, đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hoá ra mê muội. Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ. Thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ hình tượng người phàm là loài phải chết, hay hình tượng các loài chim chóc, thú vật, rắn rết.” (Rm 1:18-23)
Tội lỗi cơ bản, đối tượng chính của cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, được xác định, như có thể thấy, trong từ asebeia, tức là trong sự bất kính. Chính xác thì sự bất kính này bao gồm những gì? vị Tông đồ ngay lập tức giải thích, với chúng ta rằng nó bao gồm việc từ chối “tôn vinh” và “cảm tạ” Thiên Chúa. Thật kỳ lạ! Đối với chúng ta, việc không tôn vinh và tạ ơn Chúa dường như không phải là một tội lỗi chết người và khủng khiếp. Chúng ta cần hiểu những gì ẩn giấu đằng sau điều này: đó là sự từ chối nhìn nhận Thiên Chúa là Thiên Chúa, không dành cho Người sự quan tâm xứng đáng với Người. Chúng ta có thể nói, nó bao gồm việc “phớt lờ” Thiên Chúa, trong đó phớt lờ không có nghĩa là “không biết rằng Ngài tồn tại” mà là “hành động như thể Ngài không tồn tại”.Trong Cựu Ước, chúng ta nghe Môsê kêu gọi dân chúng: “Hãy biết rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa!” (x. Đnl 7:9) và tác giả Thánh Vịnh đã tiếp nhận tiếng kêu này khi nói: “Hãy nhận biết Chúa là Thiên Chúa: Người đã dựng nên chúng ta và chúng ta thuộc về Người!” (Tv 100:3). Về cốt lõi, phạm tội là từ chối “sự công nhận” này; đó là nỗ lực của tạo vật nhằm xóa bỏ sự khác biệt vô hạn tồn tại giữa nó và Chúa, theo sáng kiến riêng của nó, gần như bằng sự kiêu ngạo. Theo cách này, tội lỗi tấn công chính gốc rễ của mọi sự; đó là “dùng sự gian ác để áp chế chân lý.” Đó là một điều gì đó nham hiểm và khủng khiếp hơn nhiều so với những gì con người có thể tưởng tượng hoặc nói ra. Nếu con người biết khi còn sống, cũng như họ sẽ biết vào lúc chết, thế nào là phủ nhận Thiên Chúa, thì họ sẽ chết vì kinh hoàng.
Chúng ta đã nghe nói rằng sự phủ nhận này đã hình thành trong việc thờ ngẫu tượng, theo đó tạo vật được tôn thờ thay vì Đấng Tạo Hóa. Trong việc thờ ngẫu tượng này, người ta không “chấp nhận” Thiên Chúa, mà tự mình tạo ra một vị thần; chính họ quyết định về Chúa chứ không phải ngược lại. Các vai trò được đảo ngược: con người trở thành thợ gốm và Chúa là bình sành mà con người nhào nặn theo ý muốn. Ngày nay, nỗ lực cổ xưa này đã mang một hình thức mới. Nó không hệ tại ở việc đặt một cái gì đó vào vị trí của Thiên Chúa – thậm chí là chính mình, nhưng ở việc bãi bỏ, một cách thuần túy và đơn giản, vai trò được biểu thị bởi từ “Thiên Chúa”. Đó là chủ nghĩa hư vô! Không có gì thay thế vào chỗ của Chúa. Nhưng không cần phải tập trung vào vấn đề này vào lúc này; nó sẽ làm gián đoạn việc lắng nghe vị Tông đồ, người thay vào đó tiếp tục lập luận chặt chẽ của mình.
Thánh Phaolô tiếp tục bản cáo trạng của mình bằng cách chỉ ra ở mức độ đạo đức những kết quả phát sinh từ việc chối bỏ Thiên Chúa. Từ đó dẫn đến sự tan rã chung về đạo đức, một “dòng chảy trầm luân” thực sự kéo nhân loại vào chỗ diệt vong. Và ở đây, vị Tông đồ đã vẽ một bức tranh ấn tượng về những tệ nạn của xã hội ngoại giáo. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất cần giữ lại từ phần này của thông điệp Thánh Phaolô không phải là danh sách các tật xấu mà ngài liệt kê, là những gì cũng được trình bày bởi các nhà đạo đức khắc kỷ thời đó. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, điều gây bối rối là Thánh Phaolô coi tất cả những rối loạn đạo đức này không phải là nguyên nhân, mà là hậu quả của cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Công thức nêu rõ điều này được lặp lại đến ba lần:
Vì thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục vọng mà làm những điều ô uế […] Bởi thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục tình đồi bại […] Vì họ đã không thèm nhận biết Thiên Chúa, nên Người đã để mặc họ theo trí óc lệch lạc mà làm những điều bất xứng (Rm 1:24,26,28).
Thiên Chúa chắc chắn không “muốn” những điều như vậy, nhưng Ngài “để mặc” chúng để làm cho con người hiểu sự phủ nhận của họ sẽ dẫn đến đâu. Thánh Augustinô viết: “Những hành động này mặc dù là hình phạt, nhưng chúng cũng là tội lỗi, bởi vì hình phạt của sự gian ác chính là sự gian ác; Chúa can thiệp để trừng phạt cái ác và từ sự trừng phạt của chính Ngài, những tội lỗi khác tràn ngập.”
Trước mặt Thiên Chúa không có sự phân biệt giữa Do Thái và Hy Lạp, giữa tín hữu và dân ngoại: “Mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất vinh quang của Thiên Chúa” (Rm 3:23). Thánh Tông đồ muốn làm sáng tỏ điểm này đến nỗi ngài dành trọn chương hai và một phần ba của Bức thư cho điều đó. Toàn thể nhân loại đang ở trong tình trạng diệt vong này, chứ không phải cá nhân này hay dân tộc kia hay cá nhân nọ.
Trong tất cả những điều này, đâu là tính thời sự của sứ điệp mà tôi đang nói tới? Nó nằm trong phương thuốc mà Tin Mừng đề nghị cho tình trạng này. Nó không bao gồm việc tham gia vào cuộc đấu tranh để cải cách đạo đức của xã hội và sửa chữa những tệ nạn của nó. Đối với Thánh Phaolô, điều đó giống như muốn nhổ một cái cây bằng cách bắt đầu ngắt bỏ những chiếc lá hoặc những cành nhô ra nhất, hoặc lo lắng về việc loại bỏ cơn sốt hơn là chữa trị căn bệnh đã gây ra nó.
Được dịch sang ngôn ngữ hiện tại, điều này có nghĩa là việc truyền giáo không bắt đầu bằng luân lý, mà bằng kerygma – hay rao giảng; bằng ngôn ngữ của Tân Ước, không phải với Lề Luật, nhưng với Tin Mừng. Và nội dung và cốt lõi của nó là gì? Thánh Phaolô có ý gì qua từ “Phúc Âm” khi ngài nói đó là “quyền năng của Thiên Chúa cho mọi kẻ tin?” Tin vào cái gì? Thưa: “Sự công chính của Thiên Chúa đã được bày tỏ!” (Rm 3:21): đây là điều mới mẻ. Không phải con người đột nhiên thay đổi cuộc sống và phong tục của họ và bắt đầu làm điều tốt. Sự kiện mới là, khi thời gian viên mãn, Thiên Chúa đã hành động; Ngài phá vỡ sự im lặng; Ngài là Đấng đầu tiên mở rộng bàn tay của mình cho con người tội lỗi.
Nhưng bây giờ chúng ta hãy trực tiếp lắng nghe vị Tông đồ giải thích cho chúng ta “hành động” này của Thiên Chúa bao gồm những gì. Chúng là những từ mà chúng ta đã đọc hoặc nghe hàng trăm lần, nhưng chúng ta thích nghe đi nghe lại những giai điệu của một bản giao hưởng tuyệt vời:
“Mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban cho nhưng không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu. Thiên Chúa đã đặt Người làm nơi xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin. Như vậy, Thiên Chúa cho thấy Người là Đấng Công Chính. Trước kia, trong thời Thiên Chúa nhẫn nại, Người đã bỏ qua các tội lỗi người ta phạm. Nhưng bây giờ, Người muốn cho thấy rằng Người vừa là Đấng Công Chính, vừa làm cho kẻ tin vào Đức Giêsu được nên công chính.” (Rm 3,23-26).
Tôi muốn trấn an mọi người ngay lập tức: Tôi không có ý định đưa ra một bài giảng nào khác về sự công chính hóa bởi đức tin. Có một mối nguy hiểm khi chỉ nhấn mạnh vào vấn đề này. Điều Thánh Phaolô trình bày cho chúng ta không phải là một học thuyết, mà là một sự kiện, thực ra là một con người. Chúng ta không được cứu một cách chung chung “nhờ ân sủng;” chúng ta được cứu bởi ân sủng của Chúa Giêsu Kitô; chúng ta không được công chính hóa một cách chung chung “nhờ đức tin”; nhưng chúng ta được công chính hóa nhờ đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô. Mọi thứ đã thay đổi “nhờ sự cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô.” Bài bình luận xác thực về việc Giáo Hội đứng vững hay sụp đổ (articulum stantis et cadentis Ecclesiae) không phải là một học thuyết, mà là một con người.Tôi kinh ngạc mỗi khi đọc phần này của Thư gửi tín hữu Rôma. Sau khi đã mô tả, bằng giọng điệu mà chúng ta đã nghe, về tình trạng tuyệt vọng của nhân loại, vị Tông đồ có can đảm nói rằng nó đã thay đổi triệt để vì những gì đã xảy ra vài năm trước, trong một phần ít người biết đến của Đế Quốc Rôma, bởi một người đàn ông độc thân, đã chết trên thập tự giá! Chỉ có ánh sáng rực rỡ từ Chúa Thánh Thần mới có thể mang lại cho một người can đảm để tin và công bố tin tức khó tin này, đặc biệt là vì chính người đàn ông này đã từng “nổi giận” nếu có ai dám công bố một điều như vậy trước mặt anh ta. Thầy Phó Tế Stêphanô đã phải trả giá cho sự tức giận của chính người đàn ông này.
Trong chúng ta, cú sốc được xoa dịu bởi hai mươi thế kỷ được xác nhận, nhưng chúng ta hãy nghĩ xem những lời của vị Tông đồ chắc hẳn đã nghe như thế nào đối với những người có học vào thời đó. Bản thân ngài cũng nhận thức được điều đó; vì điều này, ngài cảm thấy cần phải nói: “Tôi không hổ thẹn về Tin Mừng” (Rm 1:16). Thật vậy, người ta có thể xấu hổ về Tin Mừng. Tôi không thể hiểu làm thế nào các nhà sử học có thể thành thật tin trong một thời gian dài rằng Phaolô đã rút ra xác tín mới của mình từ các giáo phái Hy Lạp, hay từ nguồn nào khác, mà tôi không biết. Ai đã từng tưởng tượng, hoặc có thể tưởng tượng một cách nhân bản một điều như vậy?
Nhưng chúng ta hãy trở lại với ý định cụ thể của chúng ta, đó là truyền giáo. Chúng ta có thể học được gì từ lời của Thiên Chúa mà chúng ta vừa nghe? Đối với những người ngoại đạo, Thánh Phaolô không nói rằng phương thuốc cho việc thờ ngẫu tượng của họ nằm ở việc đặt câu hỏi kỹ hơn về vũ trụ để quay trở lại từ thụ tạo đến Đấng Tạo Hóa. Đối với người Do Thái, ngài không nói rằng biện pháp khắc phục nằm ở việc quay lại tuân giữ Luật Môise một cách hoàn hảo hơn. Biện pháp khắc phục không ở phía trên chúng ta hoặc đằng sau chúng ta; nó ở trước mặt chúng ta và bao gồm việc tin vào “sự cứu chuộc do Chúa Giêsu Kitô thực hiện.”
Thật ra, Thánh Phaolô không nói điều gì hoàn toàn mới. Nếu ngài là tác giả của thông điệp chưa từng có này, thì những ai nói rằng người sáng lập thực sự của Kitô giáo là Saulô thành Tắcsô, chứ không phải Chúa Giêsu thành Nagiarét, sẽ đúng. Nhưng họ đã nhầm! Thánh Phaolô không làm gì khác ngoài việc tiếp nhận lời tuyên bố khai mạc của Chúa Giêsu: “Thời giờ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã đến gần. Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15), và thích ứng lời tuyên bố ấy với hoàn cảnh lúc bấy giờ. Trên môi miệng thánh nhân “ăn năn” không có nghĩa như trong những lời rao giảng của các tiên tri xa xưa và Thánh Gioan Tẩy Giả: Hãy trở lại, tuân giữ Luật pháp và các điều răn! Thay vào đó, nó có nghĩa là: Tiến một bước nhảy vọt; hãy vào Vương quốc đã đến một cách nhưng không giữa các ngươi! Hãy tin vào Tin Mừng! Hoán cải là tin tưởng. Thánh Thomas Aquinas đã viết: “Sự hoán cải đầu tiên hệ tại ở việc tin tưởng: Prima conversio fit per fidem”.
Tất nhiên, cả Chúa Giêsu và Phaolô đều không dừng lại ở điểm này. Khi rao giảng, Chúa Giêsu giải thích việc chào đón Nước Trời đòi hỏi điều gì và Thánh Phaolô dành toàn bộ phần thứ hai của Bức thư để liệt kê các việc phải làm, hay các nhân đức, là đặc điểm của những người đã trở thành tạo vật mới. Ngài kết thúc kerygma bằng parenesis, nghĩa là công bố về những gì Thiên Chúa đã làm cùng với việc giải thích những gì chúng ta phải làm. Điều quan trọng là thứ tự phải tuân theo trong cuộc sống và trong việc loan báo, bắt đầu từ đâu. Như Thánh Grêgôriô Cả đã nói, “người ta không đạt được đức tin bắt đầu từ các nhân đức, mà đạt được các nhân đức bắt đầu từ đức tin.” Mọi sáng kiến rao giảng Tin Mừng muốn bắt đầu bằng việc cải cách các phong tục của xã hội, mà không – hoặc trước đó – cố gắng thay đổi tâm hồn con người, cuối cùng sẽ không đạt được kết quả gì, hoặc còn làm cho tồi tệ hơn nữa, trong lĩnh vực chính trị.
Nhưng không cần phải nhấn mạnh ngay cả về điều đó vào lúc này. Thay vào đó, chúng ta phải tiếp nhận lời dạy tích cực của vị Tông đồ. Lời Chúa nói gì với một Giáo Hội – mặc dù bị tổn thương trong chính mình và bị tổn thương trước con mắt của thế giới – đang trào dâng niềm hy vọng và muốn tiếp tục, với động lực mới, sứ mạng rao giảng Tin Mừng của mình? Thánh Phaolô nói rằng cần phải bắt đầu lại từ con người của Chúa Kitô, để nói về Ngài “trong thời gian và ngoài thời gian;” không bao giờ coi diễn ngôn về Ngài là đương nhiên hoặc đã hoàn tất. Chúa Giêsu không được ở phía sau, nhưng ở trung tâm của mọi lời loan báo.
Thế giới thế tục cố gắng hết sức (và thật không may, nó đã thành công!) để giữ danh Chúa Giêsu cách biệt, hoặc bịt miệng, trong mọi diễn ngôn về Giáo Hội. Chúng ta phải làm mọi cách để danh Ngài luôn vang xa. Không dấu đằng sau, vì danh Chúa là sức mạnh và là sự sống của Giáo Hội. Mở đầu Tông Huấn Evangelii Gaudium – Niềm Vui Phúc Âm, chúng ta đọc thấy những lời này:
Tôi mời tất cả các Kitô hữu, ở khắp mọi nơi, vào chính thời điểm này, hãy làm mới cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa Giêsu Kitô, hoặc ít nhất là mở lòng ra để cho Người gặp gỡ họ; Tôi yêu cầu tất cả anh chị em làm điều này không ngừng nghỉ mỗi ngày. Không ai nên nghĩ rằng lời mời này không dành cho mình (EG,3).
Theo như tôi biết, đây là lần đầu tiên cụm từ “cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa Kitô” xuất hiện trong một tài liệu chính thức của Huấn Quyền. Mặc dù có vẻ đơn giản, cách diễn đạt này chứa đựng một điều mới lạ mà chúng ta phải cố gắng hiểu. Trong việc chăm sóc mục vụ và tâm linh của Công Giáo, những cách khác để quan niệm về mối quan hệ của chúng ta với Chúa Kitô đã quen thuộc trong quá khứ. Những cách ấy nói về mối quan hệ giáo lý, bao gồm việc tin vào Chúa Kitô; về mối liên hệ bí tích, về mối liên hệ Giáo Hội, với tư cách là các chi thể của nhiệm thể Chúa Kitô; người ta cũng nói về một mối quan hệ thần bí hoặc phu thê dành riêng cho một số linh hồn có đặc sủng. Không có cuộc nói chuyện nào - hoặc ít nhất là không được ưa chuộng để nói về mối quan hệ cá vị, chẳng hạn như giữa tôi và bạn, mở ra cho mọi tín hữu.Trong suốt 5 thế kỷ bỏ lại sau lưng chúng ta – được gọi một cách không thích hợp là thời kỳ “Phản Cải cách” – linh đạo Công Giáo và việc chăm sóc mục vụ đã xem xét cách thức quan niệm về ơn cứu rỗi này với sự nghi ngờ. Người ta thấy trong đó nguy cơ của chủ nghĩa chủ quan, nghĩa là coi đức tin và ơn cứu độ như một kinh nghiệm cá nhân, không có mối liên hệ thực sự với Truyền thống và với đức tin của phần còn lại của Giáo Hội. Sự gia tăng của các trào lưu và giáo phái trong thế giới Tin lành càng củng cố niềm tin này.
Giờ đây, tạ ơn Chúa, chúng ta đã bước vào một giai đoạn mới trong đó chúng ta cố gắng nhìn ra những khác biệt, không nhất thiết là sự xung đột lẫn nhau và do đó phải đấu tranh, nhưng, trong chừng mực có thể, chúng ta xem đó là sự phong phú được chia sẻ. Trong môi trường mới này, lời khuyên có “mối quan hệ cá vị với Chúa Kitô” không có gì nguy hiểm. Thật vậy, cách quan niệm về đức tin này đối với chúng ta dường như là cách duy nhất có thể thực hiện được, vì đức tin không còn được coi là điều hiển nhiên, và nó không được hấp thụ như những đứa trẻ trong môi trường gia đình hoặc trường học, mà phải là kết quả của phán đoán cá nhân. Sự thành công của một sứ vụ truyền giáo không còn có thể được đo lường bằng số lần xưng tội và số lần rước lễ được phân phát, nhưng bằng bao nhiêu người đã chuyển từ Kitô hữu trên danh nghĩa sang Kitô hữu thực sự, nghĩa là xác tín và tích cực trong cộng đoàn.
Chúng ta hãy cố gắng hiểu “cuộc gặp gỡ cá vị” nổi tiếng này với Chúa Kitô thực sự bao gồm những gì. Tôi nói nó giống như gặp trực tiếp một người sau nhiều năm quen biết họ chỉ qua một bức ảnh. Người ta có thể biết những cuốn sách về Chúa Giêsu, giáo lý, dị giáo về Chúa Giêsu và các quan niệm về Chúa Giêsu, nhưng không biết Ngài hằng sống và hiện diện. (Tôi nhấn mạnh vào hai tính từ này: một Chúa Giêsu hằng sống và một Chúa Giêsu hiện diện!). Đối với nhiều người, ngay cả những tín hữu đã chịu phép rửa tội, Chúa Giêsu là một nhân vật trong quá khứ, một nhân vật chứ không phải một người đang sống.
Sẽ giúp hiểu được sự khác biệt khi nhìn vào những gì xảy ra trong lĩnh vực con người khi bạn đi từ quen biết một người đến yêu người đó. Người ta có thể biết mọi thứ về một người phụ nữ hay một người đàn ông: tên họ, bao nhiêu tuổi, học ngành gì, gia đình ra sao… Rồi một ngày nọ, một tia lửa được thắp lên và người ta yêu người phụ nữ đó hoặc người đàn ông đó. Mọi thứ đều thay đổi. Họ muốn ở bên người ấy, có người ấy cho riêng mình, sợ làm mất lòng hoặc không xứng đáng với người ấy.
Chúng ta có thể làm gì để ngọn lửa này về con người Chúa Giêsu được thắp lên trong lòng nhiều người? Nó sẽ không được nhen nhóm trong lòng bất cứ ai lắng nghe sứ điệp Tin Mừng trừ khi nó bùng cháy nơi người công bố Tin Mừng – ít nhất như một khao khát và như một quyết tâm. Đã có và có những trường hợp ngoại lệ; lời Chúa có sức mạnh riêng và đôi khi có thể hành động, ngay cả khi được thốt ra bởi những người không sống theo lời Chúa; nhưng đó là ngoại lệ.
Để an ủi và khuyến khích những người làm việc trong lãnh vực Phúc Âm hóa một cách có tổ chức, tôi muốn nói với họ rằng không phải mọi sự đều tùy thuộc vào họ. Họ góp phần vào việc tạo ra các điều kiện để tia lửa đó bùng cháy và lan rộng, sau đó mọi sự xảy ra theo những cách bất ngờ nhất vào những khoảnh khắc không ngờ nhất. Trong phần lớn các trường hợp mà tôi đã biết trong đời mình, việc khám phá ra Chúa Kitô làm thay đổi cuộc đời đã xảy ra nhờ gặp gỡ một người đã kinh nghiệm ân sủng đó, bằng cách tham gia vào một cuộc tụ họp, bằng cách nghe một chứng tá, bằng cách kinh nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa trong một khoảnh khắc đau khổ tột cùng, và – tôi không thể im lặng về điều đó, bởi vì nó cũng xảy ra với tôi – khi nhận được điều được gọi là phép rửa của Thánh Thần.
Ở đây, chúng ta thấy nhu cầu ngày càng phải dựa vào giáo dân, nam cũng như nữ, để truyền giáo. Họ được đưa vào nhiều hơn trong kết cấu cuộc sống mà những hoàn cảnh đó thường xảy ra. Cũng vì số lượng khan hiếm, hàng giáo sĩ dễ làm mục tử hơn là những kẻ đánh cá linh hồn: chăn dắt những người đến với Giáo Hội bằng lời và các bí tích dễ dàng hơn là “chèo ra chỗ nước sâu” (Lc 5:4) để thu phục những người ở xa. Giáo dân có thể đảm nhận cho chúng ta nhiệm vụ của ngư dân. Nhiều người trong số họ đã khám phá ra ý nghĩa của việc biết Chúa Giêsu hằng sống và háo hức chia sẻ khám phá của họ với những người khác.
Đối với nhiều người, các phong trào Giáo Hội phát sinh sau Công đồng là nơi họ khám phá ra điều này. Trong bài giảng Thánh Lễ Truyền Dầu vào Thứ Năm Tuần Thánh 2012, ngày Thứ Năm Tuần Thánh cuối cùng trong triều đại giáo hoàng của mình, Đức Bênêđictô XVI đã nói: “Bất cứ ai xem xét lịch sử của thời kỳ hậu công đồng đều có thể nhận ra tiến trình đổi mới thực sự, vốn thường diễn ra dưới những hình thức bất ngờ trong các phong trào sống động và gần như hữu hình hóa sức sống vô tận của Giáo Hội thánh thiện, sự hiện diện và hiệu quả của Chúa Thánh Thần.” Bên cạnh những trái tốt, một số phong trào này cũng đã sinh ra trái xấu. Chúng ta nên nhớ câu nói: “Đừng ném con trẻ ra ngoài cùng với nước tắm”.
Tôi kết thúc bằng những lời kết trong cuốn “Hành Trình Tâm Trí Đến Với Chúa” của Thánh Bonaventura vì chúng gợi ý nơi bắt đầu để nhận ra, hoặc làm mới lại, “cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa Kitô” của chúng ta và trở thành những người loan báo can đảm về cuộc gặp gỡ này:
“Sự khôn ngoan bí nhiệm nhất này không ai biết ngoại trừ người nhận được nó; không ai nhận được nó ngoại trừ những người mong muốn nó; không ai mong muốn điều đó ngoại trừ những người được đốt cháy bên trong bởi Thánh Linh Thiên Chúa được Chúa Kitô gửi đến trái đất.”
1. Augustinô, De natura et gratia, 22,24.
2.S.Th. I-IIae, q.113, a. 4.
Source:Cantalamessa
SANTA ANA, California (NV) – Thánh Lễ giỗ lần thứ 77 của Linh Mục Trương Bửu Diệp do Hội Yểm Trợ Án Tuyên Thánh Cha
Linh Mục Phạm Ngọc Hùng, giám đốc Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, và cũng là linh hướng của hội, chủ tế Thánh Lễ và giới thiệu sự hiện diện của một linh mục người Canada đang làm mục vụ tại Việt Nam.
Vị linh mục nói: “Hôm nay chúng ta vinh dự tiếp đón Linh Mục Roland Jacques, OMI, có tên Việt Nam là Dương Hữu Nhân.”
Ông giới thiệu: “Linh Mục Dương Hữu Nhân là cộng tác viên ngoại vụ của Bộ Tuyên Thánh thuộc Giáo Triều Roma. Ngài đang làm công tác mục vụ ở Việt Nam và sang đây chỉ để tham dự lễ giỗ Cha Phanxicô Xavie Trương Bửu Diệp lần thứ 77 với chúng ta.”
Đây là giai đoạn khó khăn nhất trong tiến trình phong thánh Linh Mục Trương Bửu Diệp.
“Từ giờ trở đi, mọi việc sẽ nhanh chóng hơn,” Linh Mục Dương Hữu Nhân nói về bước kế tiếp. “Hội đồng giám khảo gồm chín sử gia đã tiến hành xem xét luận án phong thánh hồi Tháng Giêng và hứa sẽ cho biết kết quả vào Tháng Sáu năm nay.”
Sau đó, họ sẽ chuyển hồ sơ cho một ủy ban đặc nhiệm gồm các vị Hồng Y và giám mục để đánh giá tính khả thi của việc phong thánh và liệu có thích hợp với hoàn cảnh hiện nay hay không, Linh Mục Nhân cho biết thêm.
Cuối Thánh Lễ, ông Nguyễn Văn Liêm, hội trưởng Hội Yểm Trợ Án Tuyên Thánh Cha Trương Bửu Diệp, ngỏ lời trân trọng cảm ơn từng vị linh mục tham dự.
Giáo dân tham dự chật hội trường La Vang và một số phải ngồi ngoài sân, bất chấp trời lấm tấm mưa.
Với gương mặt tươi tắn, ông Nguyễn Cung Tế, cư dân Fountain Valley, nói: “Tôi hy vọng mùa chay năm tới, đúng ngày giỗ Cha Diệp chúng ta sẽ được báo tin vui là ngài được giáo hội tuyên bố phong thánh. Là người Việt Nam, chúng ta biết ngài xứng đáng với danh hiệu này.”
Những giáo dân khác cũng hân hoan hy vọng.
Em Timothy Nguyễn, ở Westminster, chia sẻ: “Cha Diệp linh lắm. Mấy năm trước, anh con không thích học bác sĩ. Mẹ con tối nào cũng cầu nguyện Cha Diệp. Rồi thì tự nhiên, anh con tự ý học bác sĩ. Bây giờ anh con ở Ohio, học bác sĩ tai mũi họng năm thứ hai. Cha Diệp rất thường giúp mọi người. Xin gì cha cũng cho. Con mong cha sẽ thành thánh.”
Linh Mục người Canada tên Việt Nam Dương Hữu Nhân (phải). (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Ông Nguyễn Văn Hy, ở Santa Ana, nói: “Cha Diệp có được phong thánh hay không thì với gia đình chúng tôi, ngài đã là thánh từ lâu rồi. Nhưng nếu cha được phong thánh thì vui hơn.”
Linh Mục Trương Bửu Diệp
Linh Mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp sinh ngày 1 Tháng Giêng, 1897, tại họ đạo Cồn Phước, thuộc làng Tấn Đức, tổng An Bình, tỉnh Long Xuyên, nay thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, thuộc Giáo Phận Long Xuyên.
Vào ngày 12 Tháng Ba, 1946, Linh Mục Trương Bửu Diệp bị lính Nhật bắt cùng với trên 70 giáo dân tại họ Tắc Sậy.
Đến nay, ai gây ra cái chết của Linh Mục Trương Bửu Diệp vẫn chưa rõ ràng.
Số người tham dự Thánh Lễ quá đông, một số giáo dân phải ngồi ngoài sân dù trời mưa lâm râm. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Có nguồn tin cho rằng lính Nhật chất rơm chung quanh định đốt tất cả, nhưng Linh Mục Diệp đứng ra tranh đấu cho dân, đồng thời an ủi những người cùng bị giam.
Ông đã xin chết thay cho giáo dân.
Nhưng có nguồn tin cho rằng quân Việt Minh đã bắt và giết vị linh mục.
Theo bảng tóm tắt tiểu sử Linh Mục Trương Bửu Diệp hiện dựng tại nhà an nghỉ của ông thì ông bị bắt và thủ tiêu “vì sự tranh chấp giữa các phe phái” mà không nêu rõ là phe phái nào. [đ.d.]
+ Danh ngôn Sinh Tử:
-Tôi cám ơn Chúa, vì đã ban cho mình cơ hội để hiểu rằng Cái Chết la chìa khóa dẫn đến Chân Hạnh Phúc.
( Wolfgang Mozart )
-Sự im lặng tột cùng dẫn đến nỗi buồn. Đây là hình ảnh của sự chết.
( Jean Rousseau )
-Chết chẳng là gì, không sống mới đáng sợ.
( Victor Hugo )
-Nỗi sợ cái chết đều đến từ nỗi sợ cuộc sống. Người sống hết mình sẵn sàng chết bất cứ lúc nào.
( Mark Twain )
-Kẻ hèn nhát chết nhiều lần trước khi chết.
Người gan dạ chỉ chết có một lần.
( William Shakespear )
-Sự sáng tạo có nghĩa là được sinh thành trước khi chết.
( Erich Fromm )
-Cái chết cũng như sinh thành là một điều tự nhiên.
( Marcus Aurelius )
-Nếu bạn sợ bệnh sợ chết, thì hãy quan sát xem chúng từ đâu đến.Chúng đến từ sự sinh. Nên đừng buồn khi có người sinh ra đời.
( Ajahn Chah )
+ ‘ Tiền công của tôi lỗi là sự chết. ‘
Vòng đời kiếp sống thế trần,
Sinh ra từ biệt một lần mà thôi,
Nếu ta biết sống cho đời,
Mai sau sẽ nở nụ cười ra đi !
Đời người sinh ký tử qui,
Sống là chuẩn bị để ly biệt trần.
‘Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe,
Trần có vui sao chẳng cười khì?’ (*)
Bé thơ ngây hoa đời chớm nở,
Chẳng có gì lo sợ vấn vương,
Bao quanh tràn ngập yêu thương,
Như hoa vừa nở dâng hương ngạt ngào.
Trai trưởng thành nuôi bao mộng đẹp,
Chung quanh ta chật hẹp không gian,
Sự nghiệp, danh vọng, giàu sang,
Đuổi theo đạt được lại càng hăng say.
Gái tự hào soi gương tô điểm,
Vẻ diễm kiều sai khiến lòng người,
Tâm hồn rộng mở thêm tươi,
Tương lai bừng sáng đón mời vào xuân.
-Nhưng cuộc đời có đâu đẹp mãi,
Có vui nay, mai lại có sầu,
Hoa kia tươi mãi được đâu,
Con người không thể sống lâu ngàn đời.
Mới ngày nào tuổi thơ tươi thắm,
Mới ngày nào phấn khởi hiên ngang,
Chàng thì sự nghiệp vẻ vang,
Nàng thì rực rỡ cao sang hơn người.
Vừa mới đây tháng ngày thấm thoát,
Giờ lúc này sao khác năm xưa,
Hàm răng đã thấy lưa thưa,
Tóc mây bỗng chốc lại vừa điểm sương.
Xưa nay nhân trần nuôi hy vọng,
Tìm mọi cách xây mộng trường sinh,
Thật không biết lựa sức mình,
Luật trời sinh tử chứng minh tỏ tường.
Suốt đời dù mải mê tích lũy,
Xuôi hai tay nắm giữ được gì,
Đời người sinh ký tử qui,
Sống là cõi tạm, thác là trường sinh.
Luật trời chính là quyền Thượng Đế,
Phúc của mình tích để sau này,
Nếu sống tốt đẹp hôm nay,
Mai sau vĩnh cửu tràn đầy hân hoan.
Hoàng hôn xuống chậm nghiêng soi bóng,
Cô khách dừng chân đứng ngẩn ngơ,
Màn đêm buông phủ lờ mờ,
Bóng người chìm lắng ơ hờ trong đêm.
Lạy Chúa! Là Đường! Là Sự Sống!
Lạy Chúa chính là Đấng tình thương!
Bụi trần che phủ mù sương,
Xin Ngài dìu dắt soi đường con theo.
+ Thánh Thi Mùa Chay
Muôn lạy Chúa toàn năng khôn ví
Là Ba Ngôi hiển trị thiên tòa,
Phúc lành tuôn đổ sớm trưa
Cho mùa trai tịnh thành mùa hồng ân.
Lạy Ðấng Hoá Công xin đoái nhận
Nỗi lòng con cái khấn nguyện đây:
Lời kinh thấm lệ cùng dâng Chúa
Suốt cả Mùa Chay thánh thiện này
+ CỰU ƯỚC : KITÔ HỮU ĐỐI MẶT VỚI CÁI CHẾT
1. Chết với Đức Kitô. Đức Kitô khi mang lấy bản tính con người đã không chỉ gánh chịu cái chết của chúng ta để tự thông phần vào thân phận tội lỗi của chúng ta. Là thủ lĩnh của nhân loại mới, là A-đam mới (1 Cr 14,45; Rm 5,14), Ngài đã ôm lấy tất cả vào lòng khi Ngài chết trên thánh giá. Thật vậy, nơi cái chết của Ngài, “mọi người đều chết” theo một cách nào đó (2 Cr 5,14). Tuy nhiên, cái chết này cần phải trở thành một thực tại hữu hiệu cho mỗi người. Đây là ý nghĩa của phép rửa tội mà hiệu quả bí tích của phép rửa tội ấy hiệp nhất chúng ta với Đức Kitô trên thánh giá: “được chịu phép rửa trong cái chết của Đức Kitô”, chúng ta “được mai táng với Ngài qua cái chết”, “được đồng hình đồng dạng trong cái chết của Ngài” (Rm 6,3…; Pl 3,10). Từ nay trở đi, chúng ta đều chết và cuộc sống của chúng ta được cất giấu nơi Thiên Chúa cùng với Đức Kitô (Cl 3,3). Sự chết bí nhiệm là khía cạnh phủ định của ân sủng cứu độ. Vì dẫu chúng ta chết đối với điều gì thì điều đó nằm trong trật tự các điều mà triều đại của Tử Thần bằng cách ấy đã tỏ bày ở trần gian: chúng ta chết đối với tội lỗi (Rm 6,11), đối với con người cũ (6,6), đối với xác thịt (1 Pr 3,18), đối với thân xác (Rm 6,6; 8,10), đối với Lề Luật (Gl 2,19), đối với các yếu tố của thế gian (Cl 2,20)…
2. Từ sự chết đến sự sống. Chết với Đức Kitô trên thực tế là chết đối với sự chết. Khi chúng ta bị giam trong tội lỗi đó là khi chúng ta đã chết (Cl 2,13; x. Kh 3,1). Bây giờ chúng ta là những người sống “đã trở về từ cõi chết” (Rm 6,13) và “được giải thoát khỏi các việc của sự chết” (Dt 6,1; 9,14). Như Đức Kitô đã nói: ai nghe lời Ngài thì sẽ bước qua sự chết mà vào sự sống (Ga 5,24); ai tin vào Ngài thì không còn phải sợ chết, dù kẻ ấy đã chết thì cũng sẽ được sống (Ga 11,25). Đó là cái được mất của đức tin. Trái lại, ai không tin thì sẽ phải chết trong tội lỗi (Ga 8,21.24), hương thơm của Đức Kitô đối với người ấy trở thành mùi tử khí (2 Cr 2,16). Vở kịch của nhân loại đương đầu với cái chết cũng diễn ra trong cuộc sống của mỗi chúng ta; đối với chúng ta, kết cục của vở kịch ấy tùy thuộc vào sự lựa chọn của chúng ta trước mặt Đức Kitô và Tin Mừng: kết cục của người này là sự sống đời đời, vì Đức Giêsu đã nói: “ai tuân giữ lời Ta thì sẽ không bao giờ thấy cái chết” (Ga 8,51); còn kết của kẻ khác là sự khủng khiếp của “cái chết lần thứ hai” (Kh 2,11; 20,14; 21,8).
3. Chết đi mỗi ngày. Tuy nhiên sự kết hiệp của chúng ta với cái chết của Đức Kitô vốn được thực hiện qua bí tích rửa tội còn phải thường xuyên được thực hiện mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta. Đây là ý nghĩa của khổ luyện mà bởi đó chúng ta “chịu hư nát”, nghĩa là chúng ta “giết chết” nơi chúng ta những việc làm của xác thịt (Rm 8,13), những đam mê thuộc hạ giới (Cl 3,5). Đó cũng là ý nghĩa của tất cả những gì biểu hiện nơi chúng ta sức mạnh của cái chết tự nhiên, vì cái chết đã thay đổi ý nghĩa kể từ khi Đức Kitô đã biến nó trở thành công cụ cứu độ. Nói rằng các Tông Đồ của Đức Kitô trong sự yếu đuối của mình xuất hiện trước mặt mọi người như kẻ sắp chết (2 Cr 6,9), rằng họ luôn luôn ở trong hiểm nguy phải chết (Pl 1,20; 2 Cr 1,9…; 1,23), rằng họ “chết mỗi ngày” (1 Cr 15,31), thì đó không còn là dấu chỉ thất bại nữa: họ mang lấy toàn bộ cái chết của Đức Kitô để sự sống của Đức Giêsu cũng được thể hiện nơi thân mình của họ; họ được cứu thoát khỏi sự chết do Đức Giêsu để sự sống của Đức Giêsu được thể hiện nơi xác thịt phải chết của họ; khi sự chết hoạt động nơi họ thì sự sống hoạt động nơi những người trung thành (2 Cr 4,10…). Cái chết mỗi ngày này hiện thực hóa cái chết của Đức Giêsu.
4. Đối diện với cái chết thân xác. Trong cùng viễn cảnh ấy, cái chết thân xác đối với Kitô hữu mang một ý nghĩa mới. Nó không còn chỉ là số phận không thể tránh khỏi mà người ta đành cam chịu, một mệnh lệnh từ trời mà người ta phải chấp nhận, một án phạt tự trút lấy do hậu quả của tội lỗi. Người Kitô hữu “chết cho Chúa” như Ngài đã sống cho mình (Rm 14,7…; x. Pl 1,20). Và nếu họ chết như vị tử đạo của Đức Kitô, đổ máu mình làm chứng tá, thì cái chết của họ là một đổ máu có giá trị hiến tế trước mặt Thiên Chúa (Pl 2,17; 1 Tm 4,6). Bởi cái chết này họ “tôn vinh Thiên Chúa” (Ga 21,19) và xứng đáng được hưởng triều thiên sự sống (Kh 2,10; 12,11). Từ nỗi lo lắng tất yếu, cái chết đã trở thành đối tượng của phúc thật: “Phúc thay những người chết trong Chúa! Từ nay trở đi họ được nghỉ ngơi, không còn vất vả” (Kh 14,13). Cái chết của người công chính là một lối vào chốn bình an (Kn 3,3), vào nơi an nghỉ đời đời, vào ánh sáng không bao giờ tắt. Requiem aeternam dona eis, Domine, et lux perpetua luceat eis! (Xin Chúa hãy cho họ được nghỉ yên muôn đời và cho ánh sáng ngàn thu của Ngài chiếu soi trên họ)
Niềm hy vọng bất tử và sống lại biểu lộ trong Cựu Ước bây giờ đã tìm thấy nền tảng vững chắc trong mầu nhiệm của Đức Kitô. Bởi vì không chỉ sự kết hiệp với cái chết của Đức Kitô làm cho chúng ta sống thật sự một cuộc sống mới, nhưng còn đem lại cho chúng ta bảo đảm rằng « Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô sống lại từ cõi chết cũng sẽ đem lại sự sống cho thân xác phải chết của chúng ta » (Rm 8,11). Như vậy, nhờ sự phục sinh, chúng ta sẽ đi vào một thế giới mới nơi « không còn cái chết nữa » (Kh 21,4); hay đúng hơn, đối với những kẻ được tuyển chọn đã được sống lại với Đức Kitô thì sẽ không có « cái chết lần thứ hai » (Kh 20,6; x. 2,11) : cái chết sẽ dành cho những kẻ bị án phạt, dành cho Ma Quỷ, cho Tử Thần, và cho Âm Phủ (Kh 21,8; x. 20,10.14).
Đó là lý do tại sao đối với người Kitô hữu, chết cuối cùng là một mối lợi, bởi vì Đức Kitô là sự sống của họ (Pl 1,21). Thân phận hiện tại của họ nó đóng chặt họ với thân xác phải chết thì thật nặng trĩu : họ thích thoát khỏi thân phận ấy để đến ở bên Chúa (2 Cr 5,8); họ mau mắn mặc bộ áo vinh quang của những kẻ được sống lại, để cho cái phải chết nơi họ được tiêu tan trong sự sống (2 Cr 5,1-4; x. 1 Cr 15,51-53). Họ ước ao ra đi để ở với Đức Kitô.
*Suy niệm :
Nếu chết là một chấm hết, thì cái chấm hết ấy chỉ có giá trị với sự thù hận. Người chết không còn thù hận nữa. dù có căm thù đến đâu, nằm kề bên nhau trong một nghĩa trang, những người chết không còn thấy cuộc chiến giữa những người chết. Nếu có một thế giới không còn chiến tranh, không còn hận thù, không còn vũ khí, đó là thế giới của nghĩa trang. Đó là nơi an nghỉ, quên hết hận thù. Cái chết dù độc ác đến đâu cũng trở thành dấu chỉ của bình an hòa bình. Đó là điều chúng ta có thể xác quyết khi suy ngắm cái chết của Đức Ki-tô trên Thập giá. Ngài chết để lôi kéo chúng ta đến với Ngài và chúng ta đến với nhau. Để thực hiện điều đó trong những giây phút cuối cùng sống nơi trần gian, Ngài đã tha thứ cho chính những kẻ hành hạ mình.
Trong cái chết của Chúa Giêsu, chúng ta hãy tưởng nhớ đến những người quá cố. Những người đó có thể là những người thân yêu, có thể là những người chưa quên biết và cả kẻ thù của chúng ta. Tấm lòng của người Ki-tô, trước hết phải là tâm tình thứ tha như Chúa. Vì cái chết của Chúa đã trở thành nguồn ơn cứu rỗi và đem lại hòa bình. Những người mà chúng ta đang ngậm ngùi tưởng nhớ trong tháng 11 này, cũng là âm vang từ ái nhờ chính cái chết của Chúa trên Thập giá : Xin cha tha tội cho chúng !
(*)Ghi chú: Trích thơ Nguyễn công Trứ.
+ Phụ dẫn : * Vòng tuần hoàn của Cuộc đời
Khi Tiến sĩ và Người Chăn Trâu đều nói về ‘Vòng tuần hoàn Cuộc đời’
Có một vị bác sĩ là tiến sĩ chuyên ngành y khoa nổi danh hàng đầu thế giới tình cờ đi tới một khu vực hẻo lánh nọ trên núi để khám chữa bệnh miễn phí cho những người dân nghèo trong vùng. Tại đây, anh ta gặp một người chăn trâu trông có vẻ khá vất vả.
Vị tiến sĩ nọ đột nhiên cảm thấy thương xót thay cho số phận kẻ sinh ra tại vùng quê nghèo nàn, lớn lên trong sự nghèo nàn và chết đi cũng trong sự nghèo nàn như vậy. Ông nghĩ, người chăn trâu này thật tội nghiệp, anh ta sẽ mãi mãi không bao giờ được đặt chân tới những chân trời mới, tiếp xúc với nhiều điều mới rồi trở thành một người thành đạt, giỏi giang của xã hội.
Một thoáng động lòng trắc ẩn, vị Tiến sĩ đến gần và cất giọng hỏi thăm :
“Sao anh lại đi chăn trâu?”
Người chăn trâu lúc đó đang nghỉ ngơi bèn trả lời:
“Tôi chăn trâu đương nhiên là để nuôi trâu lớn, bán lấy tiền.”
Tiến sĩ lại hỏi: “Vậy anh bán lấy tiền để làm cái gì?”
Người chăn trâu đáp: “Tôi lấy tiền xây nhà.”
Tiến sĩ hỏi: “Vậy anh xây nhà để làm gì?”
Người chăn trâu đáp: “Tôi xây nhà để cưới vợ.”
Tiến sĩ hỏi: “Vậy anh cưới vợ để làm cái gì?”
“Tôi cưới vợ để rồi sinh con đẻ cái.”
Tiến sĩ lại hỏi: “Vậy anh sinh con đẻ cái để làm cái gì?”
“Để con cháu sau này lớn lên đi chăn trâu kiếm tiền.”
Tiến sĩ nghẹn họng không biết nói gì. Anh ta ngậm ngùi cảm khái, than thở rằng:
“Thật là, tại sao quanh đi quẩn lại anh vẫn chỉ nghĩ đến chuyện chăn trâu thôi vậy? Cuộc đời như vậy thì còn có ý nghĩa gì nữa chứ.”
Sau một hồi giảng giải, suy ngẫm chuyện nhân sinh cuộc đời, người chăn trâu bỗng hỏi lại vị Tiến sĩ:
“Ông được đi học đúng không, tôi thấy mọi người gọi ông là Tiến sĩ, vậy ông làm Tiến sĩ để làm gì?”
Vị Tiến sĩ trả lời:
“Học nhiều biết nhiều là để trở nên giỏi giang, thành tài.”
Người chăn trâu hỏi:
“Giỏi giang thành tài để ông nổi danh, để ông kiếm được nhiều tiền tiền đúng không? Vậy kiếm nhiều tiền rồi ông làm gì?”
Vị Tiến sĩ trả lời:
“Nổi tiếng, có tiền rồi thì sự nghiệp ổn định đi lên, có thể mua nhà, mua xe, lấy vợ, lập nghiệp.”
“Lấy vợ lập nghiệp rồi ngài cũng phải sinh con đẻ cái đúng không? Vậy sau đó ông làm gì?”
“Đương nhiên ta sẽ dạy dỗ con cái nên người, khôn lớn thành tài.”
Người chăn trâu lại hỏi tiếp:
“Vậy con cái ông khôn lớn thành tài để làm gì?”
Vị Tiến sĩ điềm nhiên nói:
“Thành tài rồi mới có thể kiếm tiền…” Đến đây thì anh ta im bặt.
“Thật là, tại sao quanh đi quẩn lại ông chỉ nghĩ đến kiếm tiền thôi nhỉ. Cuộc đời xoay vòng như vậy thì còn có ý nghĩa gì đây?”
Nhìn bóng lưng kẻ chăn trâu đi xa, vị Tiến sĩ nọ mới đột nhiên cảm thấy rằng, một người học thức đầy mình như anh ta thật ra cũng chẳng khác là bao so với kẻ chăn trâu nghèo khổ trong một vùng quê hẻo lánh. Cả cuộc đời, mục tiêu và ý nghĩa cuộc sống của họ đều nằm trong một vòng tuần hoàn mà thôi.
“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi để một mai tôi về lại cát bụi…”.
Có lẽ, đã là một kiếp người thì không thể nào tránh khỏi được cái vòng tuần hoàn ấy mà thôi.
Còn bạn, đã bao giờ bạn tự hỏi ý nghĩa kiếp nhân sinh là gì?
( Sưu tầm )
Đinh văn Tiến Hùng
1. Các đơn vị bắn tỉa của Ukraine ghi công đầu trong cuộc tấn công thất bại của quân Nga khiến cả ngàn quân Nga bị loại khỏi vòng chiến cùng 30 chiến xa
Đại Tá Serhii Cherevatyi, phát ngôn viên của nhóm phía đông Lực lượng Vũ trang Ukraine, cho biết trong 24 giờ qua, hơn 20 cuộc giao tranh giữa lực lượng Ukraine và Nga đã diễn ra trong lãnh thổ của thành phố Bakhmut.
Đại Tá Cherevatyi cũng cho biết hầu hết các nhóm tấn công của Nga là lính Dù trong hàng ngũ quân chính quy Nga. Ông đặc biệt ghi công cho pháo binh và các đơn vị bắn tỉa được bố trí trong từng Lữ Đoàn phòng thủ thành phố Bakhmut.
Trong thời điểm hiện nay, quân Nga đang áp dụng đại trà một chiến thuật được gọi là “assault detachment” hay “biệt đội tấn công”. Theo chiến thuật này các lực lượng Nga bắt đầu các cuộc tấn công của họ bằng cách tấn công vào tiền tuyến của lực lượng phòng thủ bằng xe tăng hoặc chất nổ để tạo lỗ hổng trên hàng rào và các tòa nhà nhằm bảo đảm lối đi an toàn cho một đại đội tấn công, nhanh chóng tìm cách chiếm giữ các điểm quan sát, khiến đối phương bối rối, chiếm giữ nhiều cơ sở, nhiều tầng trong các tòa nhà, và ẩn nấp.
Một trong những kinh nghiệm vừa xảy ra là một người lính Nga nhô người lên từ xe tăng của anh ta. Một người lính bắn tỉa đã hạ gục người lính này. Anh lính Nga bất hạnh ngã ngược vào trong xe tăng. Chỉ một lúc sau, hai người lính Nga trong xe tăng nhảy ra khỏi xe và bỏ chạy. Họ lo âu rằng một quả Javelin đang được nhắm vào xe tăng của họ.
Theo Đại Tá Cherevatyi, lính bắn tỉa ngày nay được trang bị rất hiện đại. Họ có kính quang nhiệt cho phép họ nhìn rõ vào ban đêm. Độc đáo hơn, trên vũ khí của họ có cả GPS để báo cho họ biết các chuyển động của đối phương và đường thoát sau khi hành động. Các lính bắn tỉa ngày nay không cô đơn, họ có cả một lực lượng trợ giúp phía sau họ.
Tưởng cũng nên nhắc lại trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Bẩy 11 tháng Ba, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết một cuộc tấn công của quân Nga trên đường T0513 đã bị bẻ gẫy dẫn đến hàng ngàn quân Nga bị loại khỏi vòng chiến cùng với 10 xe tăng, 20 xe thiết giáp, 8 hệ thống pháo, 2 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, một hệ thống phòng không, và 7 xe chuyển quân và nhiên liệu.
Đại Tá Cherevatyi tiết lộ các đơn vị bắn tỉa đóng một vai trò quan trọng trong chiến công này nhưng ông không đi sâu vào chi tiết để khỏi lộ bí mật chiến thuật.
Sự nhát đảm của quân Nga cũng có thể đóng một vai trò nhất định trong thất bại này. Một binh sĩ của Lữ đoàn súng trường cơ giới số 136 phát biểu với điều kiện giấu tên cho rằng các tay súng bắn tỉa của quân Ukraine được trang bị kính quang nhiệt của Mỹ. Họ có thể nhìn rõ gần như ban ngày. Họ hạ sát các chỉ huy Nga bằng các súng hãm thanh không gây tiếng động. Những người lính bị gọi nhập ngũ, không được huấn luyện để đối phó với tình huống, thấy một vài người tự nhiên lăn ra chết, đâm ra hốt hoảng, cắm đầu chạy.
Đại Tá Cherevatyi cho biết cơ quan Biên phòng Ukraine đã công bố chi tiết về một số cuộc chạm trán giữa lực lượng này và các chiến binh từ công ty quân sự tư nhân Nga Wagner không phải ở thành phố Bakhmut nhưng ở khu vực Luhansk, nơi họ đã hạ sát 6 lính đánh thuê Wagner.
2. Tổng thống Zelenskiy cho biết hơn 40 hỏa tiễn đã tấn công thành phố Kharkiv kể từ đầu năm 2023
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết trong bài phát biểu hàng đêm hôm thứ Bảy rằng hơn 40 hỏa tiễn đã tấn công thành phố Kharkiv ở đông bắc nước này kể từ đầu năm.
“Chỉ tính từ đầu năm nay – trong vòng chưa đầy hai tháng rưỡi – hơn 40 hỏa tiễn của đối phương đã tấn công Kharkiv,” Zelenskiy nói, đồng thời cho biết hậu quả các cuộc tấn công này về hình thức là những “đống đổ nát, mảnh vỡ, lỗ đạn trên mặt đất” nhưng về thực chất một vụ tự sát của chân dung Nga trên trường quốc tế.
Oleh Synehubov, người đứng đầu chính quyền quân sự khu vực Kharkiv, cho biết hôm thứ Bảy rằng các kỹ sư đang làm việc để khôi phục điện cho hàng ngàn khách hàng trong khu vực sau cuộc tấn công lớn hôm thứ Năm của Nga.
Zelenskiy cũng nói về vụ pháo kích vào các khu vực khác ở Ukraine. Ông cho biết ba người thiệt mạng trong vụ pháo kích của Nga ở thành phố Kherson họ thiệt mạng “chỉ đơn giản là vì đến một cửa hàng để mua hàng tạp hóa.”
Vụ tấn công xảy ra trên đường cao tốc Mykolaiv, làm hai người khác bị thương, theo một bài đăng trên Telegram trước đó vào thứ Bảy từ Oleksandr Prokudin, người đứng đầu chính quyền quân sự của khu vực Kherson.
Zelenskiy nói rằng “ở Zaporizhzhia, một hỏa tiễn của Nga đã đánh trúng cơ sở hỗ trợ sự sống của thành phố.”
Ông nói thêm: “Ở vùng biên giới, quân xâm lược bắn vào làng mạc để dọa nạt, xua đuổi dân.”
Tổng thống Ukraine công bố “một bước trừng phạt mới đối với các cá nhân và pháp nhân” có liên quan đến Nga.
Ông nói: “Nghị định liên quan đã được công bố. Đây là hơn 280 công ty và 120 người, thông qua các kế hoạch kinh doanh gain lận, đã làm việc chống lại Ukraine, rút tiền từ nhà nước của chúng ta và tài trợ cho các kế hoạch khác nhau của Nga.”
Sắc lệnh này “đã đóng cửa hàng loạt các dự án trị giá hàng chục tỷ,” Zelenskiy nói.
3. Quan chức Ukraine nhận xét rằng Nga đã 'cạn kiệt' kho dự trữ các thứ vũ khí cũ hàng thập kỷ
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia 'Running Out' of Decades Old Weapons Stockpile: Ukraine Official”, nghĩa là “Quan chức Ukraine nhận xét rằng Nga đã 'cạn kiệt' kho dự trữ các thứ vũ khí cũ hàng thập kỷ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.
Một quan chức an ninh chủ chốt của Ukraine cho biết Nga đang cạn kiệt kho dự trữ vũ khí hàng chục năm tuổi khi cuộc xâm lược Ukraine tiếp tục đình trệ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” của mình đối với Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Mặc dù ban đầu Điện Cẩm Linh nhắm đến một chiến thắng quân sự nhanh chóng, nhưng Ukraine đã đáp trả bằng một nỗ lực phòng thủ mạnh mẽ hơn dự kiến, được hỗ trợ bởi viện trợ quân sự của phương Tây, làm giảm những thắng lợi của Nga. Sau hơn một năm xung đột, Nga tiếp tục vật lộn để đạt được tiến bộ, và chiến sự vẫn tập trung ở miền đông Ukraine.
Sau cuộc phản công của Ukraine vào mùa thu năm ngoái, trong đó quân đội nước này chiếm lại hàng nghìn dặm vuông lãnh thổ bị xâm lược trước đây, Nga bắt đầu tiến hành các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào các khu vực dân sự và cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine, bao gồm cả các cơ sở năng lượng, trong nỗ lực gây áp lực buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy phải từ chức hay đầu hàng.
Trong bối cảnh các cuộc tấn công đang diễn ra này, Oleksiy Danilov, thư ký của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, đã viết trên Twitter hôm thứ Bảy rằng Nga đang bắt đầu cạn kiệt kho dự trữ vũ khí mà quân đội nước này đã duy trì trong nhiều thập kỷ.
Danilov viết: “Nga sắp hết kho dự trữ vũ khí bao gồm hỏa tiễn và thiết bị quân sự đã được tích lũy trong nhiều thập kỷ.”
Ông giải thích rằng “nền kinh tế tham nhũng” của Nga không thể duy trì việc sản xuất vũ khí mới, khiến viện trợ nước ngoài cho Nga trở thành “vấn đề quan trọng hàng đầu”. Mặc dù cuộc xâm lược của Nga đã bị lên án rộng rãi, một số đồng minh đã hỗ trợ nước này. Chẳng hạn, Iran đã cung cấp cho Điện Cẩm Linh các máy bay không người lái Shahed đã được sử dụng để chống lại cơ sở hạ tầng của Ukraine.
Nga đã không bình luận công khai về các cáo buộc của Danilov và vẫn chưa biết chính xác có bao nhiêu vũ khí mà Nga còn lại trong kho vũ khí của mình.
Tuy nhiên, nhận xét của Danilov không phải là dấu hiệu đầu tiên cho thấy kho dự trữ vũ khí của quân đội Putin có thể đang cạn kiệt. Giám đốc Tình báo Estonia Margo Grosberg cho biết vào cuối Tháng Giêng rằng Nga có thể chỉ có khả năng thực hiện các cuộc tấn công hỏa tiễn trong vòng 3 đến 4 tháng, mặc dù một dự đoán “bi quan hơn” cho rằng chúng có thể tiếp tục trong 9 tháng.
Tình báo Anh hồi tháng 12 chỉ ra rằng Nga đã buộc phải giảm quy mô các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn do thiếu hỏa tiễn hành trình. Trung tướng quân đội Hoa Kỳ đã nghỉ hưu Mark Hertling cũng cho biết trong một lần xuất hiện trên CNN vào tháng 12 rằng những nỗ lực của Nga để giành được các đối tác bắt nguồn từ việc Putin “nhận ra rằng ông ấy đang nhanh chóng cạn kiệt các loại vũ khí cần thiết để tiếp tục cuộc chiến này”.
Trong suốt cuộc chiến, Nga được cho là đã chịu tổn thất quân sự đáng kể. Ukraine tuyên bố đã phá hủy hàng nghìn xe tăng và nhiều thiết bị quân sự khác của Nga, bao gồm cả máy bay và hỏa tiễn, theo Bộ Quốc phòng nước này.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để bình luận.
4. Ukraine đang triển khai các biện pháp an ninh bổ sung sau vụ tấn công lớn trong tuần này, Bộ trưởng Nội vụ cho biết
Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Ihor Klymenko cho biết trên truyền hình quốc gia rằng các quan chức đang áp dụng các biện pháp an ninh và phòng thủ bổ sung trên khắp Ukraine để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng và các khu dân cư khỏi một cuộc tấn công tiềm năng khác trên toàn quốc của Nga.
“Tôi có thể nói rằng chúng ta luôn sẵn sàng cho cái gọi là 'đòn trả đũa' bằng hỏa tiễn khi đối phương ngấm ngầm phá hủy không chỉ các cơ sở hạ tầng quan trọng mà cả các tòa nhà dân cư,” ông nói.
“Tôi muốn nhắc các bạn rằng kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược quy mô lớn, hơn 40.500 cuộc tấn công như vậy đã được thực hiện trên lãnh thổ nước ta. Khoảng 152.000 tòa nhà dân cư và khoảng 400.000 cơ sở hạ tầng công cộng đã bị phá hủy”, ông nói thêm.
Klymenko cho biết ông không thể nói chi tiết về các biện pháp an ninh bổ sung nhưng cho biết chính quyền đang cố gắng giúp người dân cảm thấy an toàn, đặc biệt là ở những thành phố nơi thường xảy ra các vụ tấn công lớn nhất. Các quan chức đang bảo vệ các trung tâm nơi mọi người có thể tìm nơi trú ẩn, sưởi ấm và sạc thiết bị của họ, đồng thời tiến hành “các cuộc tuần tra tăng cường”, ông nói.
Quân đội Ukraine cho biết hôm thứ Năm, Nga đã phát động một cuộc tấn công diện rộng vào Ukraine bằng cách sử dụng một loạt 95 hỏa tiễn, trong đó có 6 hỏa tiễn đạn đạo Kinzhal có khả năng vượt qua hệ thống phòng không của Kyiv.
5. Lính dù Nga đang tăng cường cho các chiến binh Wagner trong các cuộc tấn công ở Bakhmut, phát ngôn nhân quân đội Ukraine nói
Khi các cuộc tấn công của Nga vào thành phố Bakhmut phía đông vẫn tiếp tục, đã có hơn 50 cuộc giao tranh giữa các lực lượng Ukraine và Nga trong 24 giờ qua trong khu vực, theo một phát ngôn viên của quân đội Ukraine.
“Cả tuần địch ráo riết tác chiến, cũng như tuần trước. Ngày hôm qua cũng không ngoại lệ,” Serhii Cherevatyi, phát ngôn viên của nhóm phía đông Lực lượng Vũ trang Ukraine, cho biết trên truyền hình quốc gia sáng Chúa Nhật. “Trong 24 giờ qua, đối phương đã tấn công các vị trí của chúng ta ở khu vực Bakhmut 157 lần bằng pháo và nhiều bệ phóng hỏa tiễn”.
Cherevatyi cho biết bản thân Bakhmut đã bị tấn công 16 lần và 23 cuộc giao tranh đã diễn ra trong chính thành phố.
Khi được hỏi đơn vị nào của Nga đang dẫn đầu các cuộc tấn công vào Bakhmut và liệu chiến thuật của lực lượng Nga có thay đổi hay không, Cherevatyi cho biết hầu hết các nhóm tấn công là lính dù Nga.
Về phía quân Wagner, Ông nói: “Wagner PMC chưa bị phá hủy, chúng ta chỉ đang trên đường đạt được điều đó”.
Hôm thứ Sáu, Cherevatyi cho biết một làn sóng chiến binh thứ ba từ công ty quân sự tư nhân Wagner đang chiến đấu trong khu vực đang được thay thế bởi quân đội chính quy của Nga.
6. Zelenskiy gọi thủ tướng Phần Lan là “người bảo vệ một Âu Châu tự do” sau cuộc hội đàm ở Kyiv
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cảm ơn Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin vì các gói hỗ trợ quốc phòng mà đất nước của cô đang cung cấp cho Ukraine, cũng như vì “sự tham gia của họ trong liên minh xe tăng”, theo một tuyên bố được văn phòng của ông công bố hôm thứ Sáu.
Marin đã ở thăm Kyiv, nơi cô đã hội đàm với Zelenskiy và các quan chức Ukraine, thăm những người lính bị thương và tham dự buổi lễ tiễn biệt một chỉ huy nổi tiếng của Ukraine bị giết ở Bakhmut, Dmytro Kotsiubaylo, người có bí danh là “Da Vinci”.
Văn phòng của ông cho biết cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo tập trung vào vấn đề quốc phòng và an ninh.
“Tôi chắc chắn rằng chúng ta sẽ tăng cường hơn nữa lĩnh vực hợp tác này vì lợi ích của cả hai quốc gia, độc lập và chủ quyền của chúng ta – của Ukraine, Phần Lan và các nước láng giềng Âu Châu của chúng ta,” Zelenskiy nói, gọi Marin là “một người bạn thực sự của Ukraine, một người bảo vệ của một Âu Châu tự do.”
Đáp lại, Thủ tướng Marin nói, “Tôi rất vui mừng được gặp trực tiếp Tổng thống Zelenskiyy hôm nay tại Kyiv. Các bạn là biểu tượng của lòng can đảm, dũng cảm và triển vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho Âu Châu”.
“Chúng ta ủng hộ Công thức Hòa bình của Tổng thống Zelenskiyy và muốn kế hoạch này bắt đầu có hiệu quả. Chỉ có hòa bình lâu dài mới có thể mang lại cho gia đình các nước Âu Châu của chúng ta, gia đình Âu Châu-Đại Tây Dương, sự bình yên và thịnh vượng. Chúng tôi muốn Ukraine gia nhập NATO với tư cách là một trong những đồng minh”
Các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về việc gia tăng áp lực trừng phạt đối với Nga, tái thiết Ukraine, cũng như thành lập tòa án đặc biệt về hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine.
Hôm thứ Sáu, Zelenskiy cũng đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Na Uy Bjørn Arild Gram, người cũng đang có chuyến thăm tới Kyiv.
7. Iran đạt thỏa thuận mua máy bay chiến đấu tiên tiến Su-35
Trong một diễn biến khiến Do Thái hết sức quan ngại, hôm thứ Bảy, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cho biết Iran đã đạt được thỏa thuận mua máy bay chiến đấu Su-35 tiên tiến từ Nga, mở rộng hơn nữa mối quan hệ đã chứng kiến máy bay không người lái do Iran chế tạo được sử dụng trong cuộc chiến của Nga với Ukraine.
“Các máy bay chiến đấu Sukhoi-35 được Iran chấp nhận về mặt kỹ thuật và Iran đã hoàn tất hợp đồng mua loại máy bay này”, ông nói.
Cho đến nay không có bất kỳ xác nhận nào của Nga về thỏa thuận này, chi tiết về thỏa thuận này cũng không được tiết lộ. Iran cũng đã hỏi về việc mua máy bay quân sự từ một số quốc gia khác, giấu tên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tại Tehran vào tháng 7 năm ngoái, nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ hơn trước áp lực của phương Tây về cuộc chiến ở Ukraine, Reuters đưa tin.
Iran đã thừa nhận gửi máy bay không người lái tới Nga nhưng nói rằng chúng đã được gửi trước khi Mạc Tư Khoa xâm lược Ukraine vào năm ngoái. Mạc Tư Khoa phủ nhận việc lực lượng của họ sử dụng máy bay không người lái do Iran chế tạo ở Ukraine, mặc dù nhiều chiếc đã bị bắn hạ và thu hồi ở đó.
8. Truyền thông nhà nước Nga khẳng định rằng có một điều có thể 'giải quyết mọi vấn đề' trên tiền tuyến, giúp Nga đánh đâu thắng đó.
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian State Media Urges This Could 'Solve Any Issue' on Frontlines”, nghĩa là “Truyền thông nhà nước Nga kêu gọi điều này có thể 'giải quyết mọi vấn đề' trên tiền tuyến.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.
Một nhà phân tích truyền hình Nga gần đây đã nói rằng việc tuyển dụng 70 triệu người Nga làm tình nguyện viên chiến đấu ở Ukraine sẽ “giải quyết mọi vấn đề” mà đất nước họ đang phải đối mặt trong cuộc chiến đang diễn ra, đồng thời nói thêm rằng “cả nước nên đoàn kết với nhau”.
Nhận xét này là một phần của đoạn truyền hình được đăng lên Twitter với phụ đề tiếng Anh vào hôm thứ Bảy bởi Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine, người đã viết: “Các nhà tuyên truyền Nga tiếp tục cố gắng thúc đẩy những người đàn ông Nga nhập ngũ ra tiền tuyến, với tư cách là tình nguyện viên. Tốt nhất là huy động 70 triệu người.”
Nga đã cố gắng duy trì cuộc chiến chống lại quân đội Ukraine bất chấp một số thiếu sót được báo cáo và dự đoán rằng họ sắp hết hỏa tiễn. Giờ đây, các lực lượng của Mạc Tư Khoa, vốn đã chiến đấu ở Ukraine hơn một năm nay, đang cố gắng giành được những thắng lợi mới ở phía đông và phía nam của đất nước bị chiến tranh tàn phá, là điều mà các nhà phân tích, quan chức Kyiv và phương Tây cho là một phần trong cuộc tấn công mùa xuân của Nga.
Điện Cẩm Linh được cho là đang sử dụng một số lượng lớn quân đội — và lính đánh thuê của Tập đoàn Wager, hầu hết trong số họ được cho là cựu tù nhân — nhưng chỉ đạt được những lợi ích hạn chế, đặc biệt là những lực lượng tập trung xung quanh thành phố Bakhmut. Tuy nhiên, với khoảng 300.000 quân được huy động ra tiền tuyến, Nga dường như có nguồn nhân lực mới.
Nhà phân tích truyền hình Nga cho biết: “Giống như trong Thế chiến thứ 2, mọi người đàn ông (không phải chịu gánh nặng với các chức năng quản lý) nhận ra rằng đó cũng là cuộc chiến của mình, thì chúng ta sẽ dời núi lấp bể”. “Sẽ không có ai là đáng sợ với chúng ta. Điều quan trọng là đừng nằm trong số những người ngồi ngoài suy nghĩ rằng 'ồ, họ sẽ có thể xoay xở mà không có tôi.'“
Trong khi Điện Cẩm Linh cố gắng mở rộng nhân lực ở Ukraine, thì phía bên kia của cuộc chiến đang chứng kiến một số người Nga tham gia cùng với người Ukraine. Quân tình nguyện Nga, gọi tắt là RDK, là một nhóm người Nga chiến đấu cho Ukraine, tuần trước tuyên bố rằng họ đã thực hiện một chiến dịch xuyên biên giới, trong đó họ tấn công các đơn vị quân đội Nga.
Tuy nhiên, Nga đã không ngần ngại phát động một làn sóng tấn công mới nhằm vào các cơ sở năng lượng và lưới điện của Ukraine. Lực lượng của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phóng 6 hỏa tiễn đạn đạo Kinzhal trong tuần này trong một cuộc tấn công trên toàn quốc vào Ukraine.
Cựu Tư lệnh NATO James Stavridis đã dự đoán vào đầu tuần này rằng việc Nga bắn ra các hỏa tiễn công nghệ tiên tiến như Kinzhal có thể cho thấy rằng Nga muốn thực hiện “con đường bẻ gãy ý chí của người dân Ukraine” bằng cách tấn công vào lưới điện của họ.
Trong nỗ lực mở rộng khả năng chiến đấu và kiểm soát các vùng lãnh thổ Ukraine, Nga cũng đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ nước ngoài, theo Erik, một cựu chiến binh 26 năm trong lực lượng đặc biệt của Quân đội Hoa Kỳ, người không muốn chia sẻ tên đầy đủ của mình để bảo đảm an ninh..
“Ở quy mô chiến lược, bạn không thể đếm hết sự hỗ trợ mà họ nhận được từ người Iran, và ở mức độ thấp hơn từ người Triều Tiên,” Erik nói với Newsweek hôm thứ Sáu. “Và nó vẫn chưa được nhìn thấy với người Trung Quốc.”
Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để bình luận.
9. Máy bay không người lái Ukraine săn lùng bắn hạ hỏa tiễn Nga
Cả ngày lẫn đêm, các máy bay không người lái của Ukraine đang rà soát bầu trời để phát hiện và bắn hạ các hỏa tiễn và phương tiện bay không người lái của Nga.
CNN's Melissa Bell đã đến thăm một nhóm quân nhân Ukraine, những người đã đánh bại các cuộc tấn công của Nga bằng súng máy gắn trên xe bọc thép, kéo hết khẩu độ để bắn hạ hỏa tiễn và máy bay không người lái của quân xâm lược.
Cô cho biết một loạt thiết bị phương Tây hỗ trợ quốc phòng Ukraine đã và đang tạo ra ảnh hưởng. Khi Nga tiến hành một trong những cuộc không kích lớn nhất trong cuộc xung đột vào tuần này, quân đội Ukraine đã có thể đánh chặn khoảng 1/3 trong số 95 hỏa tiễn được quân Nga bắn đi.
1. Bách hại Kitô ngày càng gia tăng tại Pakistan
Tổ chức Bác ái Giáo hoàng “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” tố giác nạn bách hại các tín hữu Kitô tại Pakistan ngày càng gia tăng, với những vụ bắt cóc các thiếu nữ, cưỡng bách kết hôn và phải theo đạo Hồi. Tệ nạn này cũng xảy ra cho các tôn giáo thiểu số.
Tổ chức bác ái quốc tế nhắc đến phúc trình của cha Emmanuel Yousaf, Giám đốc tổ chức Công lý và Hòa bình của Giáo Hội Công Giáo tại Pakistan cho biết tệ nạn bắt cóc, ép kết hôn và cải đạo vừa nói ngày càng thịnh hành hơn, đặc biệt đối với các tín hữu Kitô và Ấn giáo tại tỉnh Sindh và Punjab.
Cha Yousaf nói: “Tuy có luật chống lại hủ tục kết hôn trẻ em và cưỡng bách kết hôn, nhưng những luật này không được áp dụng. “Một lý do là tất cả những điều đó chỉ xảy ra cho các tín hữu Kitô và Ấn giáo. Sức ép này đến từ xã hội tại Pakistan và từ phía Hồi giáo. Họ tạo sức ép nơi các gia đình và các thiếu nữ”. Nếu tòa án không xét xử thì những thiếu nữ bị những thành phần Hồi giáo cực đoan bắt cóc sẽ không thể được giải thoát, nhưng để điều này xảy ra thì tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc. Cả các luật sư cũng lo sợ, không dám biện hộ cho những trường hợp như vậy, và nhiều khi cả các thẩm phán cũng lo sợ”.
Cha Yousaf cho biết những thành phần Hồi giáo cực đoan ở Pakistan, tuy là thiểu số, nhưng họ rất có ảnh hưởng. Cha nói: “Tôi có nhiều người bạn Hồi giáo, nhưng phần lớn họ đều giữ im lặng. Đó là vấn đề. “Cả dư luận Tây phương cũng cần đòi hỏi thường xuyên hơn để cải tiến tình trạng nhân quyền tại Pakistan và chấp nhận áp dụng luật pháp tốt đẹp hơn.
Tình trạng trên đây cũng áp dụng cho luật chống phạm thượng Hồi giáo ở Pakistan: ai xúc phạm đến Hồi giáo và Ngôn sứ Mohammed sẽ bị luật pháp trừng phạt nặng nề. Nhưng thực tế là luật này quá nhiều khi bị lạm dụng để thanh toán các mối tư thù, nhiều khi là do xích mích cá nhân hoặc tranh chấp đất đai. Theo cha, vấn đề ở đây không phải là thay đổi hoặc bãi bỏ luật này, nhưng làm sao để chấm dứt sự lạm dụng luật”.
Kitô giáo chỉ chiếm gần 2% dân số Pakistan. Nguyên trong năm 2021 đã xảy ra 78 vụ bắt cóc các trẻ nữ Kitô Pakistan, cưỡng bách theo Hồi giáo và kết hôn. Ngoài ra, có 84 vụ có bằng chứng, trong đó những người Pakistan bị đưa ra tòa về tội phạm thượng chống Hồi giáo.
2. Hỗ trợ kỷ lục của Caritas Ba Lan cho Ukraine
Tổ chức bác ái Công Giáo Caritas Ba Lan đã hỗ trợ Ukraine đến mức kỷ lục trong 12 tháng chiến tranh, từ sau khi bị Nga tấn công.
Hãng tin Công Giáo KAI cho biết 12 tháng ác mộng chiến tranh cũng là 12 tháng đầy hy vọng và tin tưởng trong tinh thần liên đới. Caritas Ba Lan đã giúp đỡ hai triệu người tị nạn Ukraine, với 597 triệu đồng Zloty Ba Lan, tương đương với gần 134 triệu 800.000 Mỹ kim. 31.000 người thiện nguyện của Caritas đảm trách 32 trung tâm trợ giúp di dân và tị nạn. Thêm vào đó, người Ba Lan đã giúp 83.000 kiện thực phẩm cho Ukraine trị giá 29 triệu Zloty, tức là hơn sáu triệu rưỡi Mỹ kim.
Linh mục Marcin Izycki, Giám đốc Caritas Ba Lan cho biết những con số trên đây và nói rằng số lượng này không kể những trợ giúp được thực hiện ở biên giới, từ những ngày đầu tiên của chiến tranh. Hơn hai triệu bữa ăn được cung cấp cho những người cần được giúp đỡ trong thời kỳ khủng hoảng. Cha nhiệt liệt cám ơn lòng quảng đại của dân chúng Ba Lan, cũng như những người bạn từ Ukraine. Cha cũng nói rằng có 180.000 người tị nạn Ukraine được giúp đỡ tìm công ăn việc làm, nhà ở, 6.500 người Ukraine được giúp đỡ để học tiếng Ba Lan.
Ngoài ra, có ngân khoản 260 triệu đồng Zloty được gửi đang Ukraine, cùng với các thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác cho dân chúng địa phương bị thiếu thốn vì chiến tranh.
Theo cha Marcin, các nhân viên và người thiện nguyện của Caritas Ba Lan đặc biệt quan tâm đến những người cao niên và trẻ em, tổ chức các lớp hội nhập: tổng cộng có 405.000 người già được giúp đỡ và có 4.000 trẻ em Ukraine được sang nghỉ tại Ba Lan vào những dịp lễ và mùa hè.
3. Ngay tại một thành phố lớn của Ukraine, các tu sĩ Chính Thống Giáo cầu kinh cho Putin
Trong tổng số 43.306.000 dân Ukraine, có đến 17.3% là người Nga. Họ là con cháu của các di dân ồ ạt từ Nga sang Ukraine dưới thời cộng sản. Bài tường trình sau của một ký giả Ý cho thấy cuộc chiến bảo vệ tổ quốc của người Ukraine khó khăn như thế nào.
Tờ Corriere della Sera, nghĩa là Tin Chiều của Ý, có bài tường trình nhan đề “Ukraine, nella culla ortodossa i monaci sono con Mosca. Nuovi ricatti di Putin: boma da una tonnellata”, nghĩa là “Ukraine, trong cái nôi Chính thống giáo, các tu sĩ về phe với Mạc Tư Khoa. Những vụ tống tiền mới của Putin: quả bom một tấn”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
SVIATOHIRSK - Ngày nay, không dễ để tìm thấy những người công khai tuyên bố mình thân Nga ở Ukraine. Ngay cả ở những khu vực chủ yếu nói tiếng Nga của Donbass đang giao tranh, nơi nhiều người coi Putin là “người giải phóng”, hay nhẹ nhàng hơn không coi ông ta là “kẻ xâm lược”, người ta thường thích giữ im lặng để không bị buộc tội “cộng tác với kẻ thù và bị bỏ tù vì tội phản quốc”. Tuy nhiên, ở thị trấn Sviatohirsk và trong quần thể tu viện lịch sử có từ đầu thế kỷ XVI thì tình hình không phải như vậy.
Những người lính Ukraine tuần tra quanh khu vực đô thị bị tàn phá bởi cuộc giao tranh năm ngoái nói: “Đây là một khu vực rất khó khăn, đại đa số dân chúng coi chúng tôi là đối phương, họ không che giấu điều đó. Hầu hết đã di cư đến các vùng tự trị Donbass hoặc thậm chí đến Nga. Nhưng vẫn còn những người ở lại, là những người tràn trề hy vọng vào thất bại của chúng tôi trong khi chờ đợi binh lính Nga trở về”.
Sáng Chúa Nhật 5 tháng Ba, tại ngôi thánh đường chính của tu viện, các tu sĩ đã cử hành thánh lễ Chúa nhật, trong khi họ dâng lời cầu nguyện cho Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa trước các tín hữu.
“Nga, Ukraine, Belarus và nhiều khu vực khác xung quanh đây là một phần không thể tách rời của cùng một tổ quốc. Kyiv là mẹ của Mạc Tư Khoa, của tôn giáo, ngôn ngữ và văn hóa chung của chúng ta. Không có lý do gì để chúng ta chia tay. Bất cứ ai làm như vậy đều hành động nhân danh một thế lực thứ ba, muốn chia rẽ chúng ta để áp đặt quyền thống trị của họ trên thế giới”, Cha Bonifazio, chào đời 52 năm trước tại Zaporizhzhia, giải thích. Vị linh mục rõ ràng không muốn chỉ tay vào Hoa Kỳ và NATO.
“Tôi là một tu sĩ, một người của Giáo Hội, tôi không muốn tham gia vào chính trị,” ông nói. Nhưng bài phát biểu của ông ấy tuân theo lời của Kirill và Putin cho rằng không có sự khác biệt giữa người Ukraine và người Nga, bất cứ ai nói khác đều bị coi là nằm trong tay của người Mỹ và Mặt trận phía Tây.
Ở Sviatohirsk, thực tế không ai gia nhập Chính Thống Giáo Ukraine độc lập mà một trong những động thái mới nhất là quyết định tổ chức lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12 giống như các Giáo Hội Latinh và trái với truyền thống chính thống là ngày 7 Tháng Giêng. Các cơ quan an ninh Ukraine cũng tiến hành khám xét và bắt giữ tại các nhà thờ vẫn trung thành với Nga, bao gồm cả các tu viện cổ kính Great Lavra ở Kyiv, hiện được coi là tụ điểm nổi dậy và “đoàn quân thứ năm” của quân xâm lược.
Mặt trận chiến đấu cách xa hơn khoảng ba mươi cây số về phía đông. Hôm qua, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết quân đội của ông đã tham gia vào một trận chiến “đau đớn và khó khăn” ở Donbass chống lại lực lượng Nga, lực lượng mà theo nguồn tin từ Kyiv, lần đầu tiên thả quả bom lượn siêu hạng Upab -1500B nặng đến 1,5 tấn ở vùng Avdiivka và Chernihiv.
Sviatohirsk bị quân Nga tấn công vào đầu tháng 6. Một nhà thờ bằng gỗ cổ kính đã bị bom cháy thành than và sự hư hại hiện rõ trên từng bức tường. Trong những luống hoa phía trước ngôi thánh đường là những ngôi mộ của ba tu sĩ và hai nữ tu đã hy sinh trong cuộc giao tranh. Các binh sĩ Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát thành phố vào ngày 11 tháng 9 trong chiến dịch quân sự cho phép giải phóng các khu vực phía nam Kharkiv, cho đến tận Lyman.
Ngày nay, có khoảng một trăm linh mục, hơn 30 nữ tu và khoảng 200 dân tị nạn từ các làng lân cận sống ở đó.
“Bất kể các thiệt hại do quân Nga gây ra: ít nhất 80% trong số 5.000 cư dân địa phương ủng hộ Putin, họ là con cái của những cuộc di dân bắt buộc do Stalin đề ra 80 năm trước,” Evgenii, 50 tuổi, chủ một cửa hàng ủng hộ Zelenskiy, là người có nhiều bạn học cũ không còn nói chuyện với nhau nữa.
Source:corriere.it
1. Trong trận chiến lớn nhất thế kỷ, Nga lặp lại cùng một sai lầm, 1.090 quân tử trận cùng 8 xe tăng, 7 xe thiết giáp.
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật 12 tháng Ba, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết 24 giờ qua lực lượng Không quân Ukraine đã mở 6 cuộc tấn công vào các cụm quân sự và thiết bị quân sự của Nga.
Ông cho biết lực lượng Vũ trang Ukraine đã đẩy lùi 92 cuộc tấn công của đối phương trên 5 hướng trong ngày qua.
Bình luận về tình hình tại hướng thành phố Bakhmut, ông nhận định rằng chiến thuật hành quân kỳ lạ của quân Nga đã lặp lại cùng một sai lầm.
Không dám vượt sông Bakhmutka đánh thẳng vào quân phòng thủ Ukraine đang trấn đóng ở phía Tây thành phố Bakhmut, quân Nga định bọc một vòng lớn ở phía Bắc và phía Nam của thành phố Bakhmut để bao vây quân Ukraine. Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine hiểu rõ ý đồ đó của quân Nga nên đã bố trí 3 Lữ Đoàn làm nhiệm vụ bảo vệ các tuyến đường tiếp tế và rút lui khi cần. Đó là các Lữ đoàn phản ứng nhanh số 4 của Lực lượng Vệ binh Quốc gia; và hai Lữ đoàn cơ giới số 28 và 53. Được sự yểm trợ của Lữ Đoàn Pháo Binh số 40 ở Chasiv Yar, trách nhiệm chủ yếu của họ là bảo vệ xa lộ T0504 chạy về phía tây đến Kostiantynivka. Họ cũng tìm cách khống chế bằng hỏa lực xa lộ E40 Sloviansk-Bakhmut ở phía tây bắc thành phố, và T0513 Bakhmut-Siversk ở phía bắc thành phố. Các lực lượng này còn được sự hỗ trợ của các lực lượng Địa Phương Quân.
Khuya ngày thứ Bẩy Lữ đoàn súng trường cơ giới số 136 thuộc Quân đoàn vũ trang tổng hợp số 58 của Quân khu phía Nam, cùng với 2 Lữ Đoàn Dù tấn công dọc theo xa lộ T0513. Họ đã thất bại, bỏ chạy để lại hàng ngàn xác đồng đội, 10 xe tăng và 20 xe thiết giáp.
Khuya ngày Chúa Nhật, họ lặp lại cùng một kịch bản, để rồi lại có thêm hàng ngàn quân tử trận cùng với 8 xe tăng, 7 xe thiết giáp. Tàn quân bỏ chạy để lại cả 4 hệ thống pháo, 2 hệ thống phòng không, và 4 xe chuyển quân. Số quân nhân Nga thiệt mạng còn nhiều hơn hôm thứ Bẩy vì tàn quân Nga còn phải gánh chịu một cuộc phục kích của quân Ukraine.
Igor Girkin, một cựu Đại Tá tình báo FSB và chỉ huy quân đội, người từng là Bộ Trưởng và từng là trung tâm trong việc chiếm Crimea và các phần của vùng Donbas vào năm 2014, đã bày tỏ sự hằn học vì những thất bại quân sự liên tiếp trong mấy ngày qua. Ông than thở rằng các tin tức chiến sự khiến ông ta chết điếng trong lòng. Số lính Nga tử trận, số chiến xa bị mất cố nhiên là quá thê thảm. Tuy nhiên, theo ông, điều quan trọng là các tướng lãnh Nga lặp lại cùng một sai lầm.
Có vẻ như các sĩ quan cấp dưới của quân Nga không linh hoạt đủ. Họ cứ nhắm mắt làm theo các kế hoạch đã được thảo chương từ trước mà không tính đến các diễn biến cụ thể trên chiến trường.
Girkin than thở rằng dù lâm vào tình thế khó khăn trước một lực lượng đông hơn gấp bội, quân Ukraine đang chiến đấu với một “sự táo bạo vượt trội”.
Theo Chuẩn tướng Oleksii Hromov, khó khăn của quân Nga là họ không có tinh thần chiến đấu, dễ cắm đầu bỏ chạy khi đối diện với những bất ngờ trên chiến trường. Ông cũng chỉ ra rằng các tân binh Nga thiếu đào tạo. Họ thường chỉ biết dùng một vài loại vũ khí. Khi một xạ thủ súng máy bị bắn chết, những người lính khác không có khả năng thay thế cho anh ta.
Mặc dù tình thế chiến trường tại thành phố Bakhmut vẫn còn những âu lo cho người Ukraine, Girkin cho rằng lãnh đạo khôi hài kiểu này còn lâu Nga mới chiếm được thành phố Bakhmut.
Ông cũng lặp lại một ý tưởng được nêu lên từ hồi tháng 8, 2022 khi quân Nga bắt đầu tấn công thành phố Bakhmut. Ông nói rằng Zelenskiy thường bị gắn mác 'chú hề' vì anh ấy là một diễn viên hài truyền hình trước khi được bầu làm tổng thống. Tuy nhiên, thực ra Putin mới là một thằng hề khi đánh một thành phố Bakhmut 10 tháng trời, mất hàng chục ngàn quân mà vẫn không xong.
Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 12 Tháng Ba, 159.090 quân Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Hơn nữa, quân đội Ukraine đã tiêu diệt 3.466 xe tăng đối phương, 6.769 xe thiết giáp, 2.487 hệ thống pháo, 493 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 259 hệ thống phòng không, 304 máy bay, 289 máy bay trực thăng, 2.108 máy bay không người lái tác chiến-chiến thuật, 907 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.348 xe chuyển quân và nhiên liệu, 242 đơn vị thiết bị đặc biệt.
2. Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine cho biết ngoại ô Bakhmut đầy xác lính Nga
Giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn ở ngoại ô Bakhmut và trên một số con đường của thành phố, và trong 24 giờ qua lực lượng Ukraine đã tiêu diệt một số lượng lớn quân xâm lược Nga ở đó.
Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov đã cho biết trên truyền hình Ukraine.
“Quân đội của chúng ta đang đứng vững. Quân đội của chúng ta đang bảo vệ thành phố vinh quang Bakhmut, bởi vì đó là pháo đài của chúng ta. Bây giờ chúng ta không thể tưởng tượng hết được những gì họ đang làm sẽ hữu ích như thế nào cho chúng ta, cho đất nước và cho quân đội của chúng ta trong tương lai gần. Bởi vì một số lượng lớn quân xâm lược đã xâm chiếm lãnh thổ của chúng ta đang bị tiêu diệt ở đó,” Danilov nói.
Ông lưu ý rằng theo Chỉ huy lực lượng Lục quân Ukraine, Đại Tướng Oleksandr Syrskyi, khu vực xung quanh thành phố đầy xác của binh lính Nga, đặc biệt là các chiến binh của Nhóm Wagner. Danilov cho biết quân xâm lược Nga không lấy xác binh lính của họ vì không ai cần những xác ấy.
Đồng thời, ông cho biết thêm giao tranh vẫn tiếp diễn ở ngoại ô thành phố và trên một số con đường ở phía Đông thành phố Bakhmut.
Danilov nói rằng nếu các chàng trai và cô gái Ukraine không bảo vệ Bakhmut trong mười tháng, quân Nga đã giành được một chiến thắng nhất định về mặt tinh thần và cũng sẽ tiến đến các thành phố khác của đất nước.
“Đối với họ, đây đã là một kiểu Stalingrad, như họ nghĩ. Nhưng họ sẽ thua gần Bakhmut giống như quân phát xít thua gần Stalingrad,” Danilov nói.
Đại Tướng Syrskyi trước đó đã nói rằng những người bảo vệ Bakhmut đang trấn giữ mặt trận phía đông này để có thời gian cho Ukraine tích lũy quân dự bị và bắt đầu một cuộc phản công vào mùa xuân.
3. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh
Trong bản tin tình báo mới nhất được công bố vào hôm Chúa Nhật 12 tháng Ba, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra những đánh giá sau những thương vong kinh hoàng của quân Nga ở thành phố Bakhmut. Họ cho rằng các tử sĩ Nga phần lớn là con nhà nghèo, sống ở các cộng đồng thiểu số hay thuộc các nhóm sắc tộc ít người. Trong một nhận định cay đắng, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh nói rằng vào ngày 21 tháng 2, các quan chức cấp cao của Nga đã được chụp ảnh chiếm hai hàng ghế đầu của hội trường trong bài phát biểu về tình trạng quốc gia của Tổng thống Putin. Không ai trong số này được biết là có con phục vụ trong quân đội.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.
Khi Nga tiếp tục gánh chịu thương vong cực kỳ nặng nề, tác động này thay đổi đáng kể giữa các khu vực của Nga. Tương ứng với quy mô dân số, các thành phố giàu có nhất là Mạc Tư Khoa và St Petersburg hầu như không bị ảnh hưởng gì. Điều này đặc biệt đúng đối với các gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu của đất nước.
Vào ngày 21 tháng 2, các quan chức cấp cao của Nga đã được chụp ảnh chiếm hai hàng ghế đầu của hội trường trong bài phát biểu về tình trạng quốc gia của Tổng thống Putin. Không ai trong số này được biết là có con phục vụ trong quân đội.
Ở nhiều khu vực phía Đông, tỷ lệ tử vong có thể đang gia tăng, tính theo tỷ lệ phần trăm dân số, với tốc độ cao hơn 30 lần so với ở Mạc Tư Khoa. Có nơi, đồng bào dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng nặng nề nhất; ở Astrakhan, khoảng 75% thương vong đến từ các nhóm thiểu số Kazakh và Tartar.
Khi Bộ Quốc phòng Nga tìm cách giải quyết tình trạng thiếu nhân lực chiến đấu liên tục, việc bảo vệ các thành phần khá giả và có ảnh hưởng hơn trong xã hội Nga rất có thể sẽ vẫn là một sự cân nhắc chủ yếu.
4. Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ông tin rằng thỏa thuận ngũ cốc của Ukraine sẽ được gia hạn
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, Hulusi Akar, cho biết hôm Chúa Nhật rằng ông tin rằng thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Hắc Hải sẽ được gia hạn kể từ thời hạn chót là ngày 18 tháng 3.
Sáng kiến này, do Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian giữa Nga và Ukraine vào tháng 7 năm ngoái, nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu bằng cách cho phép ngũ cốc Ukraine bị phong tỏa do cuộc xâm lược của Nga được xuất khẩu an toàn từ ba cảng.
Thỏa thuận đã được gia hạn thêm 120 ngày vào tháng 11 và sẽ đến ngày gia hạn vào ngày 18 tháng 3 nếu không có bên nào phản đối. Tuy nhiên, Mạc Tư Khoa đã báo hiệu rằng họ sẽ chỉ đồng ý gia hạn nếu các hạn chế ảnh hưởng đến xuất khẩu của chính họ được dỡ bỏ.
Thổ Nhĩ Kỳ trước đây đã nói rằng họ đang nỗ lực để gia hạn thỏa thuận. “Trong các cuộc đàm phán riêng với phía Nga và Ukraine, chúng tôi thấy rằng cả hai bên đang tiếp cận vấn đề này một cách tích cực. Chúng tôi tin rằng nó sẽ kết thúc một cách tích cực,” Akar nói trong một cuộc họp với Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu Josep Borell.
“Chúng tôi tin rằng rằng thỏa thuận sẽ được gia hạn vào ngày 18 tháng 3,”
Phương Tây không tấn công trực tiếp vào xuất khẩu nông sản của Nga, nhưng Mạc Tư Khoa cho biết các biện pháp trừng phạt liên quan đến các khoản thanh toán, hậu cần và ngành bảo hiểm là rào cản khiến nước này khó có thể xuất khẩu ngũ cốc và phân bón.
Nga cũng phàn nàn rằng ngũ cốc Ukraine xuất khẩu theo thỏa thuận này sẽ đến các nước giàu có.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết hôm Chúa Nhật rằng các đại diện của Nga vẫn chưa tham gia các cuộc đàm phán về việc gia hạn thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Maria Zakharova cho biết: “Chưa có cuộc đàm phán nào về chủ đề này, đặc biệt là khi có sự tham gia của đại diện Nga.
Bà Zakharova cho biết vòng đàm phán tiếp theo về việc gia hạn thỏa thuận sẽ được tổ chức tại Geneva vào ngày 13/3 giữa phái đoàn Nga và quan chức thương mại hàng đầu của Liên Hiệp Quốc Rebeca Grynspan.
5. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Maria Zakharova gây sửng sốt.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova được tường trình đã nói rằng có sự đấu đá nội bộ trong giới lãnh đạo của Điện Cẩm Linh và trên thực tế, Điện Cẩm Linh đã nhượng lại quyền kiểm soát không gian thông tin của đất nước.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, cho biết trong đánh giá mới nhất của mình rằng phát biểu tại một diễn đàn vào hôm thứ Bảy về “các khía cạnh thực tế và công nghệ của chiến tranh thông tin và nhận thức trong thực tế hiện đại” ở Mạc Tư Khoa, Zakharova đã đề cập rằng bất kể có những đấu đá giữa các “tinh hoa” trong Điện Cẩm Linh mà bà ta không nêu rõ là ai, Điện Cẩm Linh không thể sao chép đường lối của chủ nghĩa Stalin trong việc thiết lập một lực lượng tương đương hiện đại với Cục Thông tin Liên Xô.
ISW cho biết thêm:
Tuyên bố của Zakharova rất đáng chú ý và ủng hộ một số đánh giá lâu nay của ISW về sự suy thoái của chế độ Cẩm Linh và động lực kiểm soát không gian thông tin. Tuyên bố ủng hộ một số đánh giá rằng có đấu đá nội bộ ở Điện Cẩm Linh giữa các thành viên chủ chốt trong giới thân cận của Putin; rằng Putin đã nhường phần lớn không gian thông tin của Nga theo thời gian cho nhiều chủ thể gần như độc lập; và rằng Putin dường như không thể thực hiện hành động quyết đoán để giành lại quyền kiểm soát không gian thông tin của Nga.
Không rõ tại sao Zakharova – một phát ngôn viên cấp cao dày dặn kinh nghiệm – lại công khai thừa nhận những vấn đề này trước công chúng. Zakharova có thể đã trực tiếp thảo luận về những vấn đề này lần đầu tiên để xoa dịu kỳ vọng của những người viết blog theo chủ nghĩa dân tộc chủ nghĩa ở Nga về khả năng hiện tại của Điện Cẩm Linh trong việc gắn kết với nhau xung quanh một câu chuyện thống nhất – hoặc thậm chí có thể là một chính sách thống nhất.
6. Ngoại trưởng Ukraine cũng cho biết Ukraine sẽ tiếp tục bảo vệ Bakhmut.
“Nếu chúng ta rút khỏi Bakhmut, điều gì sẽ thay đổi? Nga sẽ chiếm Bakhmut và sau đó tiếp tục tấn công Chasiv Yar, vì vậy mọi thị trấn phía sau Bakhmut có thể chịu chung số phận”, Dmytro Kuleba nói.
Khi được hỏi lực lượng Ukraine có thể cầm cự được bao lâu, ông từ chối đưa ra câu trả lời cụ thể, so sánh họ với những người bảo vệ ngôi nhà của họ trước kẻ đột nhập đang cố giết họ và lấy đi mọi thứ họ sở hữu.
Một số chuyên gia quân sự đã đặt câu hỏi về ý nghĩa của việc tiếp tục giữ thành phố, nhưng chỉ huy Lực Lượng Lục Quân của Ukraine, là Đại Tướng Oleksandr Syrsky, nói rằng điều đó giúp giành thời gian chuẩn bị cho cuộc phản công sắp tới.
“Những anh hùng thực sự bây giờ là những người bảo vệ đang gánh vác mặt trận phía đông và gây ra những tổn thất nặng nề nhất có thể cho đối phương, hy sinh bản thân mình,” Tướng Syrsky nhận định như trên trong một tuyên bố hôm thứ Bảy.
“Cần phải tranh thủ thời gian để xây dựng lực lượng dự trữ và khởi động một cuộc phản công, điều này sẽ không còn xa nữa.”
7. Ngoại trưởng Ukraine kêu gọi Đức tăng tốc cung cấp đạn dược
Trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm Chúa Nhật, Ngoại trưởng Ukraine đã kêu gọi Đức tăng tốc cung cấp đạn dược và bắt đầu đào tạo phi công Ukraine trên các máy bay chiến đấu của phương Tây.
Dmytro Kuleba nói với tờ Bild am Sonntag rằng tình trạng thiếu đạn dược là vấn đề “số một” trong nỗ lực của Ukraine nhằm đẩy lùi cuộc xâm lược của Nga.
Ông cho biết các nhà sản xuất vũ khí của Đức đã nói với ông tại Hội nghị An ninh Munich vào tháng trước rằng họ đã sẵn sàng chuyển giao nhưng đang chờ chính phủ ký hợp đồng.
“Vì vậy, vấn đề nằm ở chính phủ,” Ngoại trưởng Kuleba nói.
Kuleba nói rõ rằng ông không mong đợi các đồng minh phương Tây sớm cung cấp cho Ukraine các máy bay chiến đấu mà nước này yêu cầu.
Tuy nhiên, ông nói rằng các phi công Ukraine dù sao cũng nên được đào tạo để họ sẵn sàng khi quyết định đó được đưa ra, tờ báo viết.
Nếu Đức đào tạo phi công Ukraine, đó sẽ là một “thông điệp rõ ràng về sự can dự chính trị của nước này”, ông nói.
8. Các bà mẹ Nga kêu gọi Putin ngừng đưa những người đàn ông được huy động 'đến lò mổ'
Một nhóm các bà mẹ Nga đã kêu gọi Tổng thống Vladimir Putin ngừng đưa chồng và con trai của họ đi “làm thịt” bằng cách buộc họ tham gia các nhóm tấn công mà không được đào tạo hoặc cung cấp đầy đủ.
Trong một video được kênh Telegram độc lập của Nga SOTA chia sẻ, những người phụ nữ này cho biết những người thân yêu của họ đã bị “buộc phải tham gia các nhóm tấn công” vào đầu tháng 3 mặc dù mới chỉ được huấn luyện 4 ngày kể từ khi được huy động vào tháng 9.
Đoạn video cho thấy những người phụ nữ cầm một tấm biển bằng tiếng Nga có nội dung “Sư đoàn pháo binh biệt kích 580,” đề ngày 11 tháng 3 năm 2023.
“Chồng tôi… nằm trên đường giới tuyến với đối phương,” một phụ nữ trong đoạn ghi âm nói.
“Những người lính bị gọi nhập ngũ của chúng tôi đang được gửi như những con cừu bị giết thịt để xông vào các khu vực kiên cố - mỗi lần năm người xông lên, để chống lại 100 đối phương được trang bị vũ khí mạnh mẽ,” cô tiếp tục.
Động thái của Nga gửi hàng trăm nghìn người đến chiến đấu trên các chiến trường ở Ukraine đã tạo ra bất đồng và phản đối, đồng thời khiến nhiều người Nga - đặc biệt là thanh niên - chạy trốn khỏi đất nước.
Quân đội Nga đang phát hành video trên phương tiện truyền thông xã hội tiết lộ những gì đang thực sự diễn ra đằng sau chiến tuyến
“Chúng ta chạy khỏi Nga vì chúng ta muốn sống,” một người đàn ông yêu cầu giấu tên để bảo vệ những người thân yêu bị bỏ lại phía sau, trước đó nói với CNN. “Chúng ta sợ rằng chúng ta có thể được gửi đến Ukraine.”
Gia đình của những người đàn ông Nga phải nhập ngũ đã chỉ trích việc huy động, nói rằng người thân của họ bị bao vây bởi các vấn đề như kỷ luật và thiếu sự lãnh đạo của các sĩ quan cấp trung, không được đào tạo cũng như những khó khăn về hậu cần như không đủ đồng phục, thức ăn nghèo nàn và thiếu thiết bị y tế cũng như các loại quân nhu.
9. Tập đoàn Wagner có những kế hoạch đầy tham vọng vượt xa Bakhmut
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Wagner Group Has Ambitious Plans Beyond Bakhmut”, nghĩa là “Tập đoàn Wagner có những kế hoạch đầy tham vọng vượt xa Bakhmut.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.
Nhóm lính đánh thuê Wagner có thể trở thành một tổ chức “tinh hoa có ý thức hệ cứng rắn” sau nhiều tháng giao tranh ác liệt ở miền đông Ukraine.
Trong một video được đăng lên Telegram vào hôm thứ Bảy, Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu lực lượng bán quân sự, nói rằng, sau khi Trận chiến Bakhmut kết thúc, lực lượng Wagner sẽ trở thành một “đội quân có ý thức hệ”.
Các cuộc đụng độ dữ dội ở thành phố Bakhmut của Donetsk đã kéo dài nhiều tháng và khu định cư Donbas đã trở thành tâm điểm trong cuộc chiến của Mạc Tư Khoa chống lại lực lượng phòng thủ Ukraine.
Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine đã đăng trên Facebook hôm Chúa Nhật rằng quân đội Nga “không ngừng các hành động tấn công” ở Bakhmut. Tuy nhiên, theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, có trụ sở tại Washington, các binh sĩ Nga không có bước tiến nào được xác nhận trong thành phố vào hôm thứ Bảy.
Trước đó, các lực lượng Nga dường như đang đạt được những thành tựu nhất định ở Bakhmut. Tính đến thứ Tư, ISW cho biết Nga kiểm soát khoảng 50% thành phố. Các lực lượng quân đội Nga đã chiến đấu bên cạnh các chiến binh của Tập đoàn Wagner để giành quyền kiểm soát khu định cư bị bắn phá và được cho là đã chịu thương vong nặng nề.
Tuy nhiên, một khi trận chiến kết thúc, nhóm bán quân sự sẽ được đại tu và thiết kế lại, theo người sáng lập.
ISW cho biết hôm thứ Bảy rằng Prigozhin có thể đang hy vọng “tái cơ cấu” Tập đoàn Wagner thành một “tổ chức quân sự ưu tú có hệ tư tưởng cứng rắn” để bảo đảm họ có “vai trò chuyên biệt” ở Ukraine.
Nhóm nghiên cứu cho biết thêm: Điều này có thể được thiết kế để thay thế mục tiêu trước đây của nó là giành được Bakhmut, sau khi trận chiến kết thúc.
Prigozhin, một nhà tài phiệt Nga có mối quan hệ cá nhân với Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho biết trong một video được đăng lên Telegram rằng một số chiến binh sẽ được giải ngũ, “chỉ giữ lại những người giỏi nhất”. Tập đoàn Wagner nổi tiếng với việc tuyển dụng tù nhân.
Prigozhin cho biết một làn sóng tuyển dụng khác sẽ diễn ra để tạo ra “quân đội có thành phần ý thức hệ”.
ISW cho biết Tập đoàn Wagner đã tuyển dụng thông qua các trung tâm tuyển mộ nhập ngũ ở Nga, đặc biệt tập trung vào việc ghi danh các chiến binh trẻ hơn.
“Tập đoàn Wagner có thể nhằm mục đích tuyển dụng những tân binh dễ gây ấn tượng hơn thông qua các chiến dịch tập trung vào giới trẻ này và truyền cho họ nhãn hiệu tư tưởng cực đoan của chủ nghĩa dân tộc Nga cực đoan mà Prigozhin theo đuổi”.
Hôm thứ Bảy, cựu Trung tướng Quân đội Hoa Kỳ Mark Hertling cho biết “sự hiện diện ngày càng tăng” của các công ty quân sự tư nhân, như Tập đoàn Wagner, sẽ “góp phần gây hỗn loạn ở Nga” nếu chính phủ của Putin chùn bước.
Hôm Chúa Nhật, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết Kyiv cam kết bảo vệ Bakhmut. Ông nói thêm rằng các khu định cư khác xung quanh thành phố sẽ sụp đổ nếu Mạc Tư Khoa giành được quyền kiểm soát Bakhmut.
1. Đức Thánh Cha đề cao giá trị luật độc thân, nhưng kỷ luật này có thể chuẩn chước
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm được bầu làm Giáo hoàng, ngày 13 tháng Ba năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời hai cuộc phỏng vấn, trong đó ngài đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Daniel Hadad của hãng tin Infobae, bằng tiếng Tây Ban Nha, có trụ sở ở Miami bên Mỹ, truyền đi ngày 10 tháng Ba vừa qua, Đức Thánh Cha trả lời câu hỏi về vấn đề độc thân linh mục. Đáp lại câu hỏi: Đức Giáo Hoàng có nghĩ rằng nếu biến luật độc thân linh mục trở thành điều tùy ý chọn lựa thì sẽ thu hút nhiều người làm linh mục hơn hay không? Đức Thánh Cha đáp: “Tôi không nghĩ như vậy”, và ngài nhận xét rằng cũng đã có những linh mục có gia đình trong Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương. Ngài cũng kể là ban sáng cùng ngày, ngài đã gặp một linh mục Công Giáo Đông phương làm việc tại Vatican, có vợ và một con trai.
Trước đó, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng luật độc thân linh mục trong Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Latinh là một kỷ luật, vì thế nó có thể thay đổi, khác với chức linh mục là điều đời đời.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng Giêng năm 2019, Đức Thánh Cha cũng nói đến giá trị của luật độc thân linh mục và nói: “Bản thân tôi, tôi nghĩ độc thân là một hồng ân cho Giáo hội. Tôi muốn nói rằng tôi không đồng ý với việc cho phép độc thân tùy ý. Không”. Hồi đó, Đức Thánh Cha nói thêm là ngài nghĩ có thể cứu xét vài luật trừ cho các giáo sĩ có gia đình trong Giáo Hội Công Giáo Latinh, khi có nhu cầu mục vụ tại những vùng xa xôi hẻo lánh, vì thiếu linh mục, ví dụ như các quần đảo Thái Bình Dương”.
Trong cuộc phỏng vấn dài một giờ đồng hồ dành cho ký giả Daniel Hadad, Đức Thánh Cha cũng đề cập đến chế độ độc tài ở Nicaragua hiện nay, và ví chế độ này với Đức quốc xã. Ngài cũng đề cập đến nạn buôn bán ma túy ở Mỹ châu Latinh, và chiến tranh tại Ukraine, vấn đề tuyên bố hôn nhân vô hiệu.
Về vấn đề hôn nhân, Đức Thánh Cha khuyên nên chú ý đến điều mà vị tiền nhiệm của ngài, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã nói về vấn đề này và nói: “có nhiều hôn nhân trong Giáo hội là vô hiệu vì thiếu đức tin”, và Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tôi suy nghĩ về điều đó: đôi khi người ta đi kết hôn và hành động này giống như một cuộc tiếp tân xã hội chứ không phải đi nhận một bí tích... Một bà rất khôn ngoan nói với tôi: các cha rất sinh động. Để được chịu chức linh mục, các cha phải trải qua 6, 7 năm trong chủng viện. Nhưng để kết hôn là điều kéo dài cả đời, - vì các linh mục có thể hồi tục, còn chúng ta kết hôn cả đời, người ta chỉ cho chúng ta 4 buổi gặp gỡ để chuẩn bị học hỏi”.
2. Thủ tướng Ba Lan bênh vực Đức Gioan Phaolô II
Trước những lời cáo của buộc ký giả Ekke Overbeek, người Hòa Lan, trong cuốn sách mới xuất bản tựa đề: “Lỗi tại tôi mọi đàng. Gioan Phaolô II có biết” và phim tài liệu được đài truyền hình TVN24 Ba Lan, truyền đi ngày 06 tháng Ba vừa qua, nói rằng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, khi còn làm Tổng giám mục Giáo phận Krakow, đã ém nhẹm tội lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên của một linh mục, Thủ tướng Ba Lan, ông Mateusz Morawiecki, đã lên tiếng bênh vực thanh danh Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trước những lời cáo buộc dựa trên các hồ sơ của mật vụ thời cộng sản tại nước này.
Thủ tướng nói rằng những bằng chứng được trưng dẫn chống lại Đức Cố Giáo hoàng “rất đáng nghi ngờ”. Vụ này do những nhóm muốn “tạo nên một cuộc chiến tranh văn hóa” chống lại người Ba Lan và đảo lộn cuộc sống của họ.
Thủ tướng Morawiecki nhấn mạnh vai trò của Đức Cố Giáo hoàng đưa tới sự thay đổi tiến tới chế độ dân chủ tại Ba Lan, trong thập niên 1980, gợi hứng cho các nước khác tại Trung và Đông Âu còn ở dưới sự cai trị của chế độ cộng sản. Ông nói: “Danh sách những công trạng của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho thế giới và Ba Lan thật là vô tận. Tôi đứng lên bênh vực Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II của chúng ta vì tôi biết chúng ta, trong tư cách là quốc gia, mang nợ rất nhiều đối với Đức Gioan Phaolô II. Có lẽ chúng ta mắc nợ ngài mọi sự”.
Đảng Luật Pháp và Công Lý đang cầm quyền ở Ba Lan đang vận động quốc hội thông qua một nghị quyết trong tuần này để bênh vực Đức cố Giáo hoàng.
3. Sáng kiến “24 giờ cho Chúa” vào ngày Thứ Sáu 17 tháng Ba
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành sáng kiến “24 giờ cho Chúa”, chiều thứ Sáu, ngày 17 tháng Ba tới đây, tại giáo xứ “Đức Mẹ Ân Phúc” ở khu vực Trionfale, gần Vatican, và kéo dài đến thứ Bảy, ngày 18 tháng Ba. Đây là một sáng kiến của Hội Đồng Tòa Thánh Tái Truyền Giảng Tin Mừng diễn ra hàng năm vào Thứ Sáu và Thứ Bảy trước Chúa Nhật thứ Tư Mùa Chay.
Năm nay là năm thứ chín, và chủ đề cho chương trình 24 giờ cho Chúa năm nay là “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18:13), lấy ý từ đoạn Phúc Âm dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế.
Đức Giêsu kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con. Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 18:9-14)
Cử hành này được đánh dấu bởi việc Chầu Thánh Thể, suy tư cá nhân và lời mời hoán cải cá nhân. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong Tông Thư Misericordia et Misera (Lòng Thương Xót và Nỗi Khốn Cùng): “Bí tích Hòa giải cần được tái khám phá và được đặt ở vị trí trung tâm trong đời sống Kitô hữu. Một dịp thuận lợi cho việc này có thể là sáng kiến 24 giờ cho Chúa, một cử hành được tổ chức vào gần Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Chay. Sáng kiến này, đã có tại nhiều giáo phận, có giá trị mục vụ rất lớn trong việc khuyến khích một kinh nghiệm nhiệt thành hơn về Bí tích Hòa giải.”
Sáng kiến 24 giờ cho Chúa mời gọi cả thế giới đắm mình trong lòng thương xót vô biên của Chúa. Phụng Vụ Thống Hối cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô tại Đền Thờ Thánh Phêrô sẽ bắt đầu sáng kiến tuyệt vời này. Từ khi bắt đầu ở Rôma, sáng kiến này giờ đây đã là một phần thiết yếu trong Mùa Chay tại các giáo phận trên khắp thế giới với mong muốn kết hợp thiêng liêng với Đức Thánh Cha nhằm đưa ra tất cả khả năng cho một kinh nghiệm cá vị về lòng thương xót Chúa.
Thông thường, Đức Thánh Cha cử hành sáng kiến này tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Năm nay, có sự khác biệt, ngài sẽ cử hành tại giáo xứ “Đức Mẹ Ân Phúc”.
Năm ngoái, trong bối cảnh chiến tranh kinh hoàng tại Ukraine, khi kết thúc các nghi thức sám hối tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã thực hiện hành động dâng hiến cho Trái Tim Khiết Tâm Đức Mẹ cả thế giới, đặc biệt là Ukraine và Nga.