Ngày 13-03-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:45 13/03/2017
26. TÔI LÀ QUỶ SAO ?
Hồi ấy Tư Mã Quang đang nhàn cư ở Lạc Dương, nhằm ngày mười lăm tháng giêng âm lịch là ngày tết nguyên tiêu (hội hoa đăng), phu nhân bèn muốn đi coi hội hoa đăng, Tư Mã Quang nói:
- “Trong nhà có đốt đèn, cần gì phải đi coi chứ ?”
Phu nhân trả lời:
- “Hội hoa đăng rất náo nhiệt vui nhộn, lại còn có thể nhìn du khách.”
Tư Mã Quang hỏi:
- “Vậy tôi là quỷ sao ?”
(Hiên Cứ lục)

Suy tư 26:
Con người ta thường thích cái gì mới lạ, dù cái mới lạ ấy mình đã có và đã thấy qua trong nhà mình: cũng thức ăn ấy, nhưng ăn của người hàng xóm thì cảm thấy ngon hơn ở nhà; cũng một lời khuyên ấy, nhưng con cái lại nghe lời người khác nói hơn là lời khuyên của cha mẹ anh chị; cũng một loại đèn ấy mà có khi còn đẹp hơn đèn của dân chúng bên ngoài, nhưng phu nhân thích ra ngoài coi hơn, vì ở đó vui vẻ náo nhiệt...
Thời nay có những ông chồng không thích ăn cơm ở nhà, dù cơm nhà vợ con nấu ngon hơn cơm ở quán; có những bà vợ thích người khác khen mình hơn là chồng con khen; có những cha sở thích đi giảng tĩnh tâm cho các nhà thờ khác hơn là giảng ở nhà thờ của mình, tại sao vậy ?
Thưa là vì họ có cái tâm vọng ngoại, mà khi tâm của vợ (chồng) đã vọng ngoại thì sẽ thấy vợ (chồng) mình không còn như xưa, gia đình sẽ lục đục, báo hiệu gia đình sẽ tan vỡ hạnh phúc sẽ bay đi; hoặc khi tâm của cha sở vọng ngoại thì cũng có nghĩa là các ngài rất ít quan tâm đến đời sống đạo đức của bổn đạo, các ngài thích đi ra khỏi nhà xứ để được bổn đạo khác khen ngợi mình hơn là ở giáo xư của mình, và tính tình ngài ngày càng nóng nảy hơn khi giáo dân bàn hỏi việc đạo với ngài...
Sống tốt bổn phận và trách nhiệm của mình với tất cả yêu thương, thì chắc chắn “lồng đèn” của nhà mình cũng sẽ trở thành hội hoa đăng sáng rực như hội hoa đăng bên ngoài vậy, cần gì phải vọng ngoại chứ !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:47 13/03/2017

40. Khi suy niệm thì tất cả các loại tạp niệm không cố ý, đều không cản trở những ích lợi thần thiêng mà linh hồn nhận được khi suy niệm.

(Thánh Thomas Aquinas)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Suy Niệm Lễ Thánh Giuse Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria
Lm. Anthony Trung Thành
08:54 13/03/2017
Suy Niệm Lễ Thánh Giuse Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria

Thánh Giuse Là Gương Mọi Nhân Đức

Để chuẩn bị cho chương trình cứu độ nhân loại, Thiên Chúa đã chuẩn bị một số nhân sự quan trọng. Thánh cả Giuse mà chúng ta mừng kính hôm nay là một trong số đó. Ngài được chọn làm dưỡng tử của Đức Giêsu, là bạn Đức Maria. Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết: “Thánh Giuse là người công chính” (Mt 1,19), nghĩa là Ngài có đầy đủ mọi nhân đức. Vì thế, Ngài là mẫu gương cho tất cả mọi người, đặc biệt là cho các gia trưởng.

1. Thánh Giuse là mẫu gương về đời sống thầm lặng, khiêm nhường: Tin mừng không hề ghi lại một lời nói nào của Thánh Giuse. Tất cả những gì liên quan đến Ngài, Tin mừng đều diễn tả bằng hành động: Chấp nhận đưa Maria về nhà làm bạn mình; chấp nhận đưa Đức Giêsu và Mẹ Người trốn sang Ai-cập; chấp nhận đưa Đức Giêsu và Mẹ Người trở về quê quán kê khai hộ khẩu; kể cả khi lạc mất con, hai ông bà phải đi tìm suốt ba ngày đàng, và khi gặp lại Đức Giêsu trong đền thờ, cũng chính Đức Maria nói chứ không phải Thánh Giuse. Như vậy, Tin mừng diễn tả cuộc đời của Thánh Giuse bằng hành động chứ không phải bằng lời nói. Ngài không nói vì Ngài khiêm nhường. Ngài không nói nhưng Ngài đã làm. Ngài thinh lặng để lắng nghe tiếng Thiên Chúa nói với Ngài. Để rồi, Ngài mau mắn thực thi những gì Thiên Chúa muốn nơi Ngài.

Trong thực tế cuộc sống, nói và làm đều quan trọng. Nhưng làm quan trong hơn nói. Nói và im lặng đều quan trọng. Nhưng im lặng quan trọng hơn nói. Im lặng mà làm thì lại càng đáng nể hơn nữa. Đức Giám Mục Bùi Tuần đã viết: “Im lặng là quê hương của kẻ mạnh. Vì trong im lặng mới phát sinh được những tư tưởng mạnh, nhờ im lặng mới nung nấu được những động lực mạnh, và để im lặng thường phải có ý chí mạnh. Im lặng là vàng.” Hy vọng trong cuộc sống xô bồ này, mỗi chúng ta nhất là các gia trưởng biết noi gương Thánh Giuse biết sống khiêm nhường, cần làm gương nhiều hơn nói.

2. Thánh Giuse luôn biết quan tâm và bảo vệ Đức Maria: Khi biết Đức Maria mang thai mà bào thai không phải là của mình. Theo luật Do Thái, Ngài có quyền tố cáo Đức Maria. Nhưng vì muốn bảo vệ danh dự cho người bạn đời, Thánh Giuse không muốn làm tổn thương Đức Maria nên định tâm bỏ trốn cách kín đáo. Thế nhưng, ý Chúa nhiệm mầu, đang khi định tâm như vậy, thì Thiên thần hiện đến cùng Ngài trong giấc mơ và cho Ngài biết lý do Đức Maria mang thai. Thiên Thần còn bảo Ngài đón nhận Đức Maria về nhà. Tỉnh dậy, Ngài đã làm như sứ thần báo mộng, đưa Đức Maria về nhà mình (x. Mt 1,18-25).

Sự quan tâm người bạn đời còn được thể hiện nơi việc Ngài đưa Đức Maria về quê quán của mình là Bêlem để kê khai hộ khẩu. Trong cuộc hành trình đó, chắc chắn Ngài gặp nhiều khó khăn nguy hiểm. Đặc biệt, khi Đức Maria đến ngày mãn nguyệt khai hoa, Thánh Giuse phải chạy đôn chạy đáo để lo liệu cho người bạn đời có nơi để sinh con. Từ đó cho tới khi Đức Giêsu ba mươi tuổi, Thánh Giuse luôn sát cánh bên Đức Maria để bảo vệ và giúp đỡ mỗi khi Đức Maria cần.

3. Thánh Giuse luôn biết chăm sóc và bảo vệ Đức Giêsu: Trong kinh cầu ông Thánh Giuse, chúng ta đọc thấy câu này: “Ông Thánh Giuse hằng lo lắng che chở cho Đức Chúa Giêsu liên.” Thật vậy, từ khi chấp nhận đưa Đức Maria về nhà để chăm sóc, tức là Thánh Giuse chấp nhận làm Dưỡng Tử của Đức Giêsu. Ngài chăm sóc Đức Giêsu ngay từ khi còn trong lòng Mẹ. Ngài bảo vệ Đức Giêsu khỏi bàn tay lùng bắt của Hêrôđê. Khi không thấy Con đâu, Ngài cùng Đức Maria chia nhau đi tìm ròng rã ba ngày đàng mới thấy Đức Giêsu trong đền thờ; Ngài chăm chỉ làm nghề thợ mộc để nuôi sống Đức Giêsu và Mẹ Ngài. Đời sống và nhân đức của Ngài ảnh hưởng rất lớn trong sự hình thành và phát triển nhân cách của Đức Giêsu. Như vậy, tất cả nhân loại đều mang ơn Thánh Cả Giuse vì Ngài đã quan tâm săn sóc Đức Maria và Đức Giêsu.

Ngoài các nhân đức trên, trong kinh cầu ông Thánh Giuse còn kể ra nhiều nhân đức khác của Ngài: trọn tốt trọn lành, cực thanh cực tịnh, cực khôn cực ngoan, kiên tâm mạnh mẽ mọi đàng, vâng lời chịu lụy, ngay chính tận trung, nhịn nhục, yêu chuộng nhân đức khó khăn, mẫu mực sáng láng về cách ăn ở trong nhà…

Tóm lại, Thánh Giuse là mẫu gương mọi nhân đức cho mỗi người chúng ta, đặc biệt cho các gia trưởng noi theo.

4. Người gia trưởng hôm nay: Thời nào cũng vậy, người gia trưởng có một vai trò hết sức quan trọng trong gia đình. Gia trưởng vừa là người quản gia, vừa là người quản lý và là người quản giáo trong gia đình. Nhưng mấy ai chu toàn được trọn vẹn các bổn phận ấy. Mấy gia trưởng có cuộc sống mẫu mực, đầy đủ các nhân đức giống như Thánh Giuse. Thậm chí có những gia trưởng chẳng những không chu toàn bổn phận của mình mà còn sa vào các tệ nạn xã hội, thiếu trách nhiệm với vợ con. Các gia trưởng phải nhớ rằng: Người vợ nào cũng muốn người chồng mình tốt. Người con nào cũng muốn người cha mình mẫu mực. Rất nhiều gia đình sống hạnh phúc là nhờ có người cha mẫu mực. Nhưng, bên cạnh đó không thiếu những gia đình lục đục, vợ chồng ly tán, con cái bơ vơ là do người gia trưởng không tốt, thiếu trách nhiệm.

Vì vậy, mỗi gia trưởng cần noi gương Thánh Giuse luôn biết tập luyện các nhân đức để trở thành người gia trưởng tốt. Để thực hiện điều đó, ngoài sự nỗ lực hết sức mình, mỗi gia trưởng cần phải cậy nhờ sự trợ giúp của Thánh Giuse. Bởi vì, Thánh Giuse vừa có quyền thế trước mặt Đức Giêsu, vừa sẵn sàng thương giúp những ai kêu cầu Ngài. Thánh Têrêsa Avila, tiến sĩ Hội Thánh, quả quyết rằng: “Không có điều gì tôi xin với Đức Thánh Giuse mà không được. Nếu không tin tôi nói, bạn hãy thử mà xem!” Còn Thánh Tôma Aquinô thì nói: "Một số vị thánh được đặc ân rộng ban cho ta sự bảo trợ của các ngài có hiệu quả đặc biệt trong các nhu cầu nào đó, nhưng không phải mọi điều cầu xin khác; còn Thánh Giuse quan thầy có quyền thế giúp ta trong mọi trường hợp, trong mọi điều cần thiết, trong mọi việc phải làm. "

Xin Thánh Giuse cầu thay nguyện giúp cho tất cả mỗi người chúng ta, đặc biệt cho các gia trưởng trong gia đình, để các gia trưởng luôn biết noi gương các nhân đức của Ngài mà chu toàn bổn phận của mình. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay 12/3/2017
VietCatholic Network
15:24 13/03/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Buổi đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha.

2- ĐGH có thể cứu xét việc cho đàn ông đã lập gia đình được chịu chức Linh Mục.

3- Giám Mục Đức kêu gọi suy nghĩ lại luật linh mục độc thân.

4- Giáo Hội Tin Lành Đức Quốc thiếu ơn gọi mục sư.

5- Đức Hồng Y Raymond Burke là một luật sư tuyệt vời.

6- Colombia vui mừng vì ĐGH sẽ đến thăm vào tháng 9 năm 2017.

7- 3000 thanh niên Indonesia dự cuộc họp liên tôn cổ vũ hòa bình chống chủ nghiã cực đoan.

8- Giáo Hội Philippines ''để tang” vì Hạ viện thông qua dự luật tử hình.

9- Tin đau buồn Ethiopia: nhiều nữ tu thiệt mạng trong một tai nạn thảm khốc.

10- Dư luận tại Italia xôn xao bàn cãi về một vụ trợ tử.

11- Thánh Ca Mùa Chay: Người Tình Chuộc Tội.

Sau đây là phần tin chi tiết:

- Kinh Truyền tin với Đức Thánh Cha

Ai chết cùng với Chúa Kitô thì sẽ cùng sống lại với Chúa Kitô. Ai cùng Ngài chiến đấu, thì sẽ cùng Ngài chiến thắng. Đó là sứ điệp hy vọng mà thập giá của Chúa Giêsu chứa đựng, nhắn nhủ chúng ta vững mạnh can đảm trong cuộc sống… Đức Thánh Cha đã nói trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngày 12/3/2017 với 40 ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC mời gọi các tín hữu chiêm ngắm giá trị của thập giá trong đời sống của mình.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã diễn giải ý nghĩa bài Tin Mừng kể lại biến cố Chúa Giêsu hiển dung trên núi trước mặt 3 môn đệ, và rút ra những kết luận thực hành về chỗ đứng của thập giá trong đời sống tâm linh của các tín hữu. ĐTC nói:

“Tin Mừng Chúa Nhật thứ hai mùa chay trình thuật sự hiển dung của Chúa Giêsu (Xc Mt 17,1-9). Ngài đưa ba tông đồ: Phêrô, Giacôbê và Gioan ra một nơi riêng và cùng với họ lên một núi cao, và tại đó đã xảy ra hiện tượng lạ thường này: khuôn mặt Chúa Giêsu ‘sáng chói như mặt trời và áo Ngài trắng như ánh sáng’ (v.2). Qua đó Chúa chiếu tỏa nơi chính bản thân Ngài vinh quang Thiên Chúa mà ta có thể đón nhận với niềm tin trong lời giảng và những cử chỉ lạ lùng của Ngài. Sự sáng ngời trong biến cố lạ thường này nói lên mục tiêu của biến cố: đó là soi sáng tâm trí các môn đệ để họ có thể hiểu rõ ràng Thầy mình là ai. Đó là một tia sáng bất chợt mở ra mầu nhiệm Chúa Giêsu và soi sáng toàn thể con người và cuộc sống của Ngài… Chúa Giêsu đã quyết liệt tiến về Jerusalem, nơi Ngài sẽ bị kết án tử, chịu đóng đanh, Ngài muốn chuẩn bị các môn đệ trước cớ vấp phạm quá mạnh mẽ để nâng đỡ đức tin của họ, và đồng thời loan báo sự sống lại của Ngài, bằng cách tỏ ra mình là Đấng Messia, Con Thiên Chúa.”

ĐTC nói thêm rằng: “Chúa Giêsu hiển dung trên núi Tabor, Ngài muốn chứng tỏ cho các môn đệ vinh quang của Ngài không phải để tránh cho họ khỏi phải đi qua thập giá, nhưng để chỉ cho thấy thập giá dẫn tới đâu. Ai chết cùng với Chúa Kitô thì sẽ cùng sống lại với Chúa Kitô. Ai cùng Ngài chiến đấu, thì sẽ cùng Ngài chiến thắng. Đó là sứ điệp hy vọng mà thập giá của Chúa Giêsu chứa đựng, nhắn nhủ chúng ta vững mạnh can đảm trong cuộc sống…” Trong mùa chay này, chúng ta hãy sốt sắng chiêm ngắm ảnh Thánh Giá; đó là biểu tượng đức tin Kitô, biểu tượng Chúa Giêsu, Đấng đã chịu chết và sống lại vì chúng ta. Chúng ta hãy làm sao để Thập Giá đánh dấu những giai đoạn trong hành trình mùa chay để ngày càng hiểu rõ hơn sự nặng nề của tội lỗi và giá trị hy tế qua đó Chúa Cứu Chuộc đã cứu chuộc chúng ta.

Sau khi ban phép lành, ĐTC đã thân ái chào thăm mọi người hiện diện, các tín hữu Roma và tại bao nhiêu nơi khác trên thế giới.

- ĐGH có thể cứu xét việc cho đàn ông đã lập gia đình được chịu chức Linh Mục

Hãng truyền thông CNN của Hoa Kỳ đưa tin: Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể cứu xét việc cho các người đàn ông đạo hạnh đã có gia đình được chịu chức Linh Mục. Trả lời phỏng vấn tờ Die Zeit phát hành tại Đức, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng vấn đề thiếu linh mục Công Giáo là vấn đề to lớn (enormous problem) đối với Giáo Hội và Ngài có thể sẽ thay đổi điều luật liên quan đến chức Linh Mục.

ĐGH nói thêm: "Chúng ta cần phải xem xét 'viri probati', tức là những người đàn ông đã kết hôn có đức tin và đức hạnh xuất sắc thì có thể truyền chức Linh Mục cho họ. Nếu vậy, chúng ta cũng cần xác định xem vị đó sẽ đảm trách những nhiệm vụ gì, ví dụ, ở một cộng đồng xa xôi hẻo lánh.

Viri probati là thuật ngữ Latin chỉ người đàn ông đã kết hôn có đức tin và đức hạnh tốt, xuất sắc. Giải pháp chọn lựa này sẽ cho phép những người đàn ông đã lập gia đình được tấn phong chức linh mục. Tuy nhiên Đức Giáo Hoàng, xác định rõ những người đã là linh mục sẽ không được kết hôn.

Giáo Hội Công Giáo đã cho phép một số người đàn ông kết hôn được chịu chức linh mục. Ví dụ, những mục sư theo đạo Tin Lành hay các giáo sĩ Anh Giáo, đã kết hôn, chuyển đổi sang Công Giáo vẫn có thể tiếp tục trở thành linh mục Công Giáo La Mã, nếu họ được sự cho phép của vợ. Các Giáo Hội Công Giáo thuộc nghi lễ Đông Phương có hiệp nhất với Giáo Hội Công Giáo La Mã cũng có thể duy trì truyền thống có các linh mục được kết hôn.

Giáo Hội Công Giáo La mã tin rằng các linh mục không nên kết hôn dựa trên những đoạn văn trong Kinh thánh, và bởi vì niềm tin linh mục là Chúa Kitô thứ hai, tức Alter Christus hay Persona Christi nên cũng phải sống độc thân như Chúa Kitô. Lời dạy này đã được khẳng định bởi Đức Thánh Gioan Phaolô II và ĐGH Bênêđíctô XVI. ĐGH Phanxicô trong cuốn sách Trên Trời và Dưới Đất (On Heaven and Earth) cũng đã nói, “tôi ủng hộ việc duy trì linh mục độc thân. Qua mười thế kỷ kinh nghiệm cho thấy độc thân linh mục có nhiều điều tốt hơn là khuyết điểm. .. "

- Giám Mục Đức kêu gọi suy nghĩ lại luật linh mục độc thân.

Nhiều người Công Giáo ở Đức đang yêu cầu Giáo Hội thay đổi luật độc thân giáo sĩ với hy vọng giải quyết được tình trạng thiếu ơn gọi LM tại nước này.

Trong tuần này, từ ngày 6 đến ngày 9 tháng 3, 2017, HĐGM Đức với 65 vị đã nhóm Đại hội Mùa Xuân và đặc biệt bàn về vấn đề ơn gọi LM và sứ vụ linh mục tại nước này, trước tình trạng thiếu rất nhiều LM. Đức Cha Dieter Geerlings, GM phụ tá giáo phận Munster, kêu gọi suy nghĩ về vấn đề cho các LM có gia đình và nói rằng: “Chúng ta cần suy nghĩ xem đâu là điều Chúa Kitô đang muốn và đòi hỏi chúng ta ngày nay?” Các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông Phương hiệp nhất với Tòa Thánh có các LM có gia đình. Phải chăng điều này không mở rộng viễn tượng của chúng ta?”

Đức Cha Geerlings cầu mong có một tiến trình ở cấp cao nhất trong Giáo Hội Công Giáo, tìm hiểu những lý do tại sao chức LM bị suy yếu như ngày nay.” Đây là vấn đề khác nhau tùy theo miền, nhưng cũng là một vấn đề trong Giáo Hội hoàn vũ”. Đức Cha nhìn nhận sự độc thân là điều rất tốt, một lối sống phù hợp với Tin Mừng vì Nước Trời, một ơn gọi lớn cho toàn thể Giáo Hội, và cũng có những lý do thần học cho thấy tại sao người chủ sự thánh lễ, cần sống độc thân. Tuy nhiên cũng có vấn đề: phải chăng những lý do đó có cần phải được coi như một quy luật tuyệt đối?”

- Giáo Hội Tin Lành Đức thiếu ơn gọi mục sư.

Giáo Hội Tin Lành tại Đức đang kiếm hàng ngàn mục sư mới để thay thế các mục sư sắp về hưu. Hôm 6-3-2017, văn phòng trung ương Tin Lành Đức cho biết trong vòng từ 10 đến 15 năm tới đây sẽ có từ 30 đến 40% mục sư tại các giáo xứ ở Đức về hưu. Hiện nay có khoảng 18.000 mục sư nam nữ đang hoạt động tại nước này.

Bà Birgit Sendler-Kuschel, giám đốc phân bộ giáo dục thuộc hội đồng trung ương của Giáo Hội Tin Lành Đức nói với giới báo chí rằng, con số các sinh viên theo học để trở thành mục sư hiện nay không đủ để lấp đầy chỗ trống do các mục sư về hưu tạo ra. Trong vòng 10 năm tới đây, cần có thêm hàng ngàn mục sư nam nữ. Mặc dù có nhiều người quyết định theo học thần học, nhưng con số này cần phải gia tăng hơn nữa.

Trong số 15.700 sinh viên thần học Tin Lành hiện nay, có gần 6.300 người có thể thi tuyển để làm mục sư coi sóc các giáo xứ.

Bà Sendler-Kuschel cho biết chính vì viễn tượng trên đây, Giáo Hội Tin Lành Đức đã bắt đầu chiến dịch cổ võ ơn gọi mục sư. “Ai muốn trở thành mục sư ngày nay, có nhiều hy vọng được đón nhận”. Từ nay cho đến năm 2027, không phải hễ mục sư nào về hưu đều sẽ có người thay thế. Vì thế, các vị lãnh đạo Tin Lành tại đang xúc tiến việc điều chỉnh các dịch vụ tại các giáo xứ để thích ứng với sự thay đổi dân số.

- Đức Hồng Y Raymond Burke là một luật sư tuyệt vời

Trong cuộc phỏng vấn mới đây của tạp chí Đức Die Zeit trước khi ngài tham dự tuần tĩnh tâm Mùa Chay, ĐTC Phanxicô đã trả lời nhiều câu hỏi về nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có câu hỏi liên quan đến ĐHY Raymond Burke và hội Hiệp sĩ Malta.

Trước nhất, ĐTC xác nhận ĐHY Burke vẫn là người bảo hộ (patron) của Hội Hiệp Sĩ Malta, dù ngài thấy cần phải bổ nhiệm một vị giáo phẩm khác để giám sát việc canh tân thiêng liêng cho Hội này. ĐTC nói rằng, ĐHY Burke gặp một số vấn đề của Hội Hiệp Sĩ Malta mà ĐHY không giải quyết được. Tuy nhiên, ĐTC bác bỏ lời đồn cho rằng ĐHY Burke bị phái tới Guam như một hình phạt. ĐTC cho hay việc ấy vốn có liên quan tới công việc chuyên môn của ĐHY. ĐTC nói tiếp: “vì việc này, tôi rất biết ơn ngài; ngài là một luật sư tuyệt vời”.

Nhưng, cũng nhân dịp này, ngài có nói với tờ Die Zeit rằng ngài thấy có vấn đề với “những người Công Giáo cực đoan”. Ngài cho rằng việc quá tự tin của những người Công Giáo loại này khiến ngài nghĩ tới Thánh Phêrô khi vị thánh này tự hào mình sẽ không bao giờ chối Chúa Giêsu. Ngài nhắc lại đoạn Tin Mừng trong đó Thánh Phêrô chối Chúa ba lần, sau đó, mới quả quyết rằng ngài sẽ không bao giờ làm thế nữa. ĐTC nói: “khi Chúa Giêsu cảm nhận sự chắc chắn ấy của Thánh Phêrô, nó làm tôi nghĩ tới rất nhiều người Công Giáo cực đoan”. Ngài nhận định: Thánh Phêrô “chối Chúa Giêsu, trải qua một cuộc khủng hoảng ghê gớm, thế rồi Thánh Phêrô được cử làm giáo hoàng!”

- Colombia vui mừng vì ĐGH sẽ đến thăm vào tháng 9 năm 2017.

Thông cáo báo chí của Tòa Thánh trong ngày 10 tháng 3 cho biết, ĐGH Phanxicô đã nhận lời mời của Tổng thống Colombia để đến thăm quốc gia này từ ngày 6- 11 tháng 9 năm 2017. Chuyến đi lần này của ĐGH là chuyến tông du thứ ba của Ngài về Nam Mỹ kể từ khi trở thành Giáo Hoàng và chuyến đi lần này củng có thêm ý nghiã là ĐTC cổ vũ cho một nền hoà bình ở Colombia.

Vào tháng 12 năm 2016, ĐGH đã gặp Tổng thống Colombia Manuel Santos Calderón và cựu chủ tịch Thượng Viện, nghị sĩ Álvaro Uribe Vélez, tại Vatican. Ngài đã khuyến khích họ tiếp tục đàm phán hoà bình với Lực Lượng Vũ Trang Cách Mạng FARC, và mới đây chính quyền Colombia đã đạt được thỏa ước hoà bình với lực lương này. ĐGH đã ca ngợi thỏa hiệp đạt được mang lại hòa bình và hòa giải cho toàn thể người Colombia, tôn trọng các quyền con người và các giá trị Kitô giáo, vốn là trọng tâm của văn hoá Châu Mỹ La tinh."

Theo trang web của HĐGM Colombia, ĐC Suescun nói " ĐTC là một nhà truyền giáo cho sự hòa giải.” Sự hiện diện của Ngài giúp chúng ta khám phá ra rằng có thể đoàn kết một quốc gia lại, hãy nhìn lại chính mình bằng đôi mắt hy vọng và lòng thương xót. HĐGM Colombia cũng cho biết, sau khi nhận được tin ĐTC sẽ thăm Colombia, Tổng thống Colombia Manuel Manuel Santos bày tỏ niềm vui và nói rằng "chúng ta sẽ được đón vị Giáo Hoàng với cánh tay và trái tim mở rộng. Ngài là một sứ giả hoà bình, hòa giải." Tổng Thống bày tỏ hy vọng cuộc viếng thăm của ĐGH sẽ giúp nhân dân Colombia kết hợp xây dựng một đất nước công bằng, hòa bình và đoàn kết".

- 3000 thanh niên Nam Dương dự cuộc họp liên tôn cổ vũ hòa bình chống chủ nghiã cực đoan

Semarang, Indonesia- Hơn 3.000 thanh thiếu niên từ các cộng đồng tôn giáo khác nhau tại Nam Dương đã tập trung tại Semarang, thủ đô của tỉnh Trung Java, Nam Dương để tham dự cuộc họp liên tôn, phát triển thái độ hòa bình, chống lại mọi hình thức cực đoan và bất khoan dung trong xã hội.

Cuộc họp nói trên do Ủy ban Đại kết Liên Tôn của Tổng giáo phận Semarang và của năm trường đại học đứng ra tổ chức vào ngày 5 tháng 3 năm 2017. Trong số 5 trường đại học tham gia có 3 là của Hồi Giáo, một của Công Giáo và một là đại học công. Các tham dự viên là các thanh niên Nam Dương thuộc 71 cộng đồng khác nhau. Vị điều hợp buổi họp là LM Lukas Awi Tristanto, thư ký của Ủy ban về các vấn đề toàn cầu và liên tôn của Tổng Giáo phận Semarang. Giới chức chính quyền tham dự có thị trưởng thành phố Semarang là Hendrar Prihadi. Ông tuyên bố: Những người không chấp nhận đa dạng, hãy đi khỏi Indonesia!"

Nói chuyện với cơ quan tin tức Fides LM Lukas Awi Trisanto nói rằng sự kiện liên tôn có mục đích chính là "xây dựng tình huynh đệ thật sự và bác bỏ sự tinh thần bất khoan dung". Cha nói thêm "Công Giáo Là thành phần của một cộng đồng tôn giáo ở Indonesia có nghĩa là Công Giáo tuyên xưng đức tin của mình cùng với những người tuyên xưng đức tin của các tôn giáo khác nhau". Các thanh niên tham dự cam kết kiến tạo yêu thương, tạo tinh thần hòa hợp trong xã hội đa dạng, nhằm xây dựng nền văn minh tình thương cho một xã hội thịnh vượng, tôn trọng phẩm giá và không phân biệt tôn giáo".

Một số nhà lãnh đạo tôn giáo thuộc Hồi giáo, Công Giáo, Tin lành, Phật Giáo, Khổng giáo và Ấn giáo đã tham dự cuộc họp.

- Giáo Hội Philippine ''để tang” vì Hạ viện thông qua dự luật tử hình.

Giáo Hội Công Giáo Phi Luật Tân "đang để tang" sau khi Hạ viện thông qua việc áp dụng lại án tử hình tại quốc gia này. Luật này đã được đề xướng bởi liên minh chính phủ hỗ trợ TT Rodrigo Duterte và được sự hỗ trợ mạnh mẽ của lên minh chính phủ này.

TGM Socrates Villegas, Chủ tịch HĐGM Philippines nói rằng, ngài thất vọng vì Hạ viện "đã cho phép nhà nước giết người" và nói rằng các Giám mục "không chấp nhận thất bại hoặc sẽ giữ im lặng". Thông điệp chính thức của các Giám mục … kêu gọi tín hữu hãy vận động toàn quốc để biểu lộ một "tinh thần phản đối" chống án tử hình. Các GM kêu gọi các luật sư, thẩm phán và các nhà lập pháp Công Giáo " hãy để sự ngọt ngào của Tin Mừng chiếu sáng công việc cũng như sự thực thi luật pháp của họ ", "đem lại sự sống trong việc phục vụ xã hội".

Hình phạt tử hình ở Phi Luật Tân có hiệu lực trong thời kỳ độc tài của Ferdinand Marcos. Hình phạt này bị tạm đình chỉ vào năm 1987 dưới thời Tổng thống Corazon Aquino nhưng sau đó lại được đưa ra áp dụng lại vào thời chính phủ của Ramos để xử các "tội ác man rợ và tàn bạo". Vào năm 2006, chính phủ của Gloria Macapagal Arroyo đã ký lệnh bãi bỏ án tử hình trước chuyến viếng thăm ĐGH Benedict XVI. Nay thì Hạ viện đã thông qua dự luật áp dụng lại án tử hình. Dự luật này sẽ gởi đến Thượng viện gồm có 24 người, trong đó số Thượng Nghị Sĩ cùng đảng của TT Duterte chiếm đa số.

- Tin đau buồn Ethiopia: nhiều nữ tu thiệt mạng trong một tai nạn thảm khốc

Giáo Hội Ethiopia đang than khóc cái chết của bốn nữ tu Dòng Nữ Tử Thánh Anna, các nữ tu này vừa tử nạn trong một tai nạn xe hơi. Một nữ tu khác vẫn còn ở trong tình trạng hôn mê và hai người nữa cũng đã bị thương nặng.

Tám nữ tu cả thảy, tuổi từ 25 đến 50, đang lái xe đến thành phố Hawassa để đi dự đám tang của một người thân nhân. Khi họ tới gần thị trấn Meki, thì một chiếc xe tải đã lấn đường để vượt qua họ, gây ra tai nạn.

"Đây là một tổn thất lớn lao cho Giáo Hội Ethiopia", theo cha Angelo Antolini, hạt trưởng cuả hạt Robe. Tang lễ sẽ được cử hành vào lúc 12 giờ trưa ngày 9 tháng 3 tại nhà thờ chính tòa Addis Ababa do Đức Hồng Y Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ethiopia chủ tế, và sẽ có sự tham dự của Sứ thần Tòa Thánh và tất cả các Giám Mục Ethiopia.

- Dư luận tại Ý xôn xao bàn cãi về một vụ trợ tử

Trong tuần qua, dư luận tại Ý lại xôn xao bàn cãi về vụ trợ tử của một bệnh nhân tên là Fabiano Antoniani, 39 tuổi. Anh có nghệ danh là Fabo, vốn là một thanh niên năng động chuyên phụ trách linh động âm nhạc hay nhiều phương tiện giải trí khác. Năm 2014, Fabo gặp tai nạn xe hơi trầm trọng khiến toàn thân bất toại và mù lòa, phải chịu nhiều đau khổ triền miên. Từ vài tuần nay, Fabo khẩn khoản kêu gọi quốc hội nước này thảo luận và biểu quyết về luật cho trợ tử vì không thể chịu đựng nổi những đau đớn về mặt thân xác và tinh thần nữa.

Những ngày cuối tuần trước, Fabo đã được một thành viên phong trào cổ động cho phép trợ tử, ông Marco Cappato, giúp đi sang bệnh viện Dignitas ở cách Zurick, bên Thụy Sĩ chừng 100 kilomet. Tại đây Fabo đã được trợ giúp để tự tử sáng 27 tháng 2 vừa qua. Bệnh viện này từ năm 1998 chuyên giúp người yếu bệnh tự quyết định chấm dứt mạng sống của mình.

Sau khi Fabo qua đời, lúc 11.40 sáng 27 tháng 2, ông Cappato cho biết sẽ tự động đầu thú để chịu xét xử. Ông cũng tiết lộ là một người Ý khác 65 tuổi cũng được giúp trợ tử ngay ngày hôm sau đó. Ông Cappato đã bị tòa án Ý truy tố về tội khích lệ người khác tự sát. Luật pháp hiện hành tại Ý cấm không được giúp trợ tử và người giúp có thể bị kết án hàng chục năm tù.

Theo những thống kê gần đây, tại Âu châu chỉ có 4 nước có luật cho phép trợ tử là Thụy Sĩ, Hòa Lan, Bỉ và Luxembourg. Còn trên toàn thế giới, có thêm ba quốc gia khác là Trung quốc, Colombia và Nhật Bản.

Và để kết thúc kết thúc chương trình Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu đến quý khán thính giả một bản thánh ca mang tâm tình mùa Chay, viết về hành trình Thập Giá mà Chúa đã đi qua để chuộc tội cho nhân loại. Nhạc phẩm mang tựa đề Tình Người Chuộc Tội của nhạc sĩ Trần Đăng Tuấn, hòa âm và phối khí bởi nhạc sĩ Nguyễn Trọng Nam, được trình bày qua tiếng hát của ca sĩ Kim Thúy.
 
ĐGH Phanxicô nói Thánh Giá thì quý hơn đồ trang sức – là lời mời gọi yêu thương.
Giuse Thẩm Nguyễn
18:36 13/03/2017
ĐGH Phanxicô nói Thánh Giá thì quý hơn đồ trang sức – là lời mời gọi yêu thương.

(EWTN News/CNA) Trong thánh lễ Chúa Nhật ngày 12 tháng Ba, ĐGH đã nói rằng Mùa Chay là thời gian suy niệm về việc Chúa Giêsu đã chịu hiến tế vì mỗi người chúng ta trên cây Thánh Giá và Thánh Giá không chỉ là biệu tượng tôn thờ mà còn là sự khích lệ chúng ta bước theo con đường yêu thương của Chúa Kitô.

Thánh Giá Chúa Kitô không phải là đồ trang trí nội thất hay đồ trang sức cá nhân, nhưng là một lời mời gọi yêu thương mà Chúa Giêsu đã tự hiến mình để cứu chúng ta khỏi những xấu xa và tội lỗi.

ĐGH khuyến khích chúng ta suy tư với lòng tôn kính hình ảnh Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh Giá, “một biểu tượng niềm tin Kitô của chúng ta, biểu tượng việc Chúa Giêsu đã chết và sống lại vì chúng ta.”

Hãy cùng Thánh Giá đánh dấu từng giai đoạn của hành trình Mùa Chay để hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của tội lỗi và cái giá của sự hy sinh mà Đấng Cứu Thế phải chịu để cứu chúng ta.

Từ khung cửa sổ Cung Điện Vatican, ĐGH đã cùng với khách hành hương tập trung tại Quảng Trường Thánh Phê-rô đọc kinh Truyền Tin, ngài nhắc đến đoạn Tin Mừng của Thánh Mat-Thêu kể lại cảnh Chúa biến hình, trong đó thánh nhân

ĐGH nói “Sự sáng láng” là đặc tính của biến cố Biến Hình, một biểu tượng sáng soi tâm trí và linh hồn của các môn đệ để các ngài có thể hiểu rõ thày mình là ai. Ánh chớp chói lòa đã bất ngờ mở ra điều bí nhiệm về con người và lịch sử cứu độ của Chúa Giêsu. Khi các ngài đã tới gần thành Giê-su-sa-lem, nơi Chúa Giêsu phải trải qua cuộc thương khó và chịu tử nạn thì Thiên Chúa muốn có sự chuẩn bị cho các tông đồ để họ vững tin về “ cú sốc” này, đồng thời loan báo cuộc phục sinh và tỏ ra chính Ngài là Đấng Cứu Thế.

Bằng cách tỏ mình ra cho Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an, Chúa Giêsu muốn các môn đệ của mình hiểu rằng Ngài là Đấng Cứu Thế khác hẳn với những gì mà người ta mong đợi lúc đó: Ngài không đến như là một vị Vua đầy quyền năng và vinh quang, nhưng là một đầy tờ khiêm nhường vâng phục; Ngài không đến như là người quyền quý giàu sang, phúc lộc ngập tràn, nhưng là một người nghèo hèn không có chỗ tựa đầu; Ngài không đến như là phú ông với con đàn cháu đống nhưng là một kẻ không nhà, không chốn nghỉ chân. Đây quả thực là một sự mặc khải lộn ngược về Thiên Chúa và dấu hiệu làm cho chúng ta lúng túng, đã gây sốc cho chúng ta về sự đảo ngược ấy…chính là Thánh Giá.

Tuy nhiên, chính qua Thánh Giá mà Chúa Giêsu đã đạt tới “phục sinh vinh hiển”, bằng cách tự biến hình, Chúa Giêsu muốn chỉ cho các tông đồ rằng vinh quang của Người không giúp họ tránh khỏi Thập Giá, nhưng để giúp họ bước theo Thánh Giá.

ĐGH nói “Ai chết với Chúa Kitô, thì sẽ cùng phục sinh với Chúa Kitô. Ai cùng chiến đấu với Ngài, thì sẽ cùng chiến thắng với Ngài. Đó chính là niềm hy vọng mà Thánh Giá của Chúa Giêsu mang lại.

Mẹ Maria là người biết suy ngẫm về vinh quang của Chúa Giêsu qua bản tính nhân loại của Chúa. Xin Mẹ ban cho chúng con “biết gặp Chúa trong thinh lặng, dù chúng con bước qua ngõ tối, chúng con cũng luôn hằng được chiếu sáng bằng sự hiện diện và chiến thắng vinh quang của Chúa.”

Sau khi kết thúc kinh Truyền Tin, ĐGH kêu gọi mọi người cầu nguyện cho các nạn nhân hỏa hoạn ở Guatemala vào ngày 8 tháng Ba vừa qua.

Được biết vụ hỏa hoạn xảy ra sau khi các em gái nổi dậy chống lại những cáo buộc xâm phạm thể lý và tình dục trong cơ sở này. Nhà chức trách nói rằng một số em gái đã châm lửa đốt chăn màn và rồi ngọn lửa đã cháy lan rộng ra.

Trung Tâm Bảo Vệ Phụ Nữ này nằm trong vùng San Antonia thuộc thành phố San Jose Pinula với mục đích bảo vệ cho khoảng 400 em gái và vị thành niên bị bỏ rơi. Tuy nhiên con số người ở đây đã lên tới 750 em, kể cả các em phạm pháp.

Theo các nhân viên chính phủ thì những em gái bị chết phỏng là do các em đã bị khóa nhốt trong phòng vì lý do kỷ luật. Vào đêm hôm trước, đã có khoảng 60 em bỏ trốn ra ngoài.

Trong buổi cầu nguyện ĐGH đã xin Chúa “ đón nhận các linh hồn đã qua đời, chữa lành các vết thương, an ủi những gia đình đau khổ và toàn đất nước Guatemala.” Ngài cũng cầu nguyện cho “các em trai, em gái đang là nạn nhân của bạo lực, ngược đãi, bóc lột và chiến tranh.”

ĐGH kết luận “Đây là một nạn dịch. Đây là tiếng khóc uất ức mà tất cả chúng ta phải lắng nghe và chúng ta không thể giả ngơ giả điếc mãi được.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Myanmar và Vatican thiết lập quan hệ ngoại giao
Chân Phương
21:24 13/03/2017
Myanmar và Vatican thiết lập quan hệ ngoại giao

Yangon –Trong một phiên họp diễn ra vào hôm 10 tháng 3, Quốc hội của Cộng hòa Myanmar (Miến Điện) đã đồng thuận thông qua đề nghị thiết lập quan hệ ngoại giao với Vatican. Tin tức này được loan báo trên truyền hình nhà nước ngay trong ngày, và được Mirror - kênh thông tin chính thức của chính phủ xác nhận.

Trước đó, bằng một tuyên bố vào hôm 24 tháng 2, Bộ trưởng U Kyaw Tin cho biếtChính phủ mới hiện do Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền sẽ bắt đầu mở quan hệ ngoại giao với bảy quốc gia, và Quốc hộinước này – gọi là Pyidaungsu Hluttaw - đã phê chuẩn. Bảy nước mà Cộng hòa Myanmar giờ đây sẽ có ngoại giao bao gồm: Thành quốc Vatican, Guinea, Malta, Ecuador, Seychelles, Liberia và quần đảo Marshall.


Vatican đã gửi đề nghị lập quan hệ ngoại giao đến Bà Daw Aung San Suu Kyi – Cố vấn Quốc gia kiêm Ngoại trưởng Mynammar vào hôm 8 tháng 2 năm 2017, thông qua Đức Tổng Giám Mục Paul Tsang in-Nam – hiện là Sứ thần Tòa Thánh tại Thái Lan, kiêm Khâm sứ tại Myanmar.

Dưới sự hướng dẫn của Đức Hồng Y Charles Bo của Tổng Giáo Phận Yangon và cũng là vị Hồng Y đầu tiên của Myanmar, Đức Tổng Giám MụcKhâm sứ Tsang in-Nam đã có buổi hội kiến chính thức với Bà Aung San Suu Kyi tại nhà của Bà ở Nay Pyi Taw, thủ đô hành chính của Myanmar. Cuộc hội kiến này cũng có sự tham dự của Đức Hồng Y Bo (vì ngài vốn có một tình bạn sâu sắc với ngài thủ tướng), cùng với Cha Maurice Nyunt Wai - thư ký điều hành của Hội Đồng Giám Mục Myanmar. (AsiaNews)

Chân Phương


 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Bổn Mạng Thiếu Nhi Cung Thánh TGP Sydney
Diệp Hải Dung
10:04 13/03/2017
Bổn Mạng Thiếu Nhi Cung Thánh TGP Sydney

Chiều Chúa Nhật 12/03/2016 các em Thiếu Nhi Cung Thánh thuộc các Giáo Đoàn Cabramatta, Georges Hall, Lakemba, Marrickville, Miller và Mt.Pritchard đã đến nhà thờ Saint Therese Lakemba Sydney tham dự Lễ kính Thánh Dominic Savio là Quan Thầy của Thiếu Nhi Cung Thánh TGP Sydney.

Xem Hình

Trước khi dâng Thánh lễ. Cha FX. Nguyễn Văn Tuyết Tuyên uý Đặc trách Thiếu Nhi Cung Thánh ngỏ lời chúc mừng bổn mạng các em và sau đó Chũ tê dâng Thánh lễ tạ ơn

Trong bài giảng Cha Tuyết chia sẻ với các em là Chúa không muốn các em làm những gì lớn lao..cần nhất là các em biết giúp đỡ cho ba mẹ, siêng năng rước Lễ, được như vậy thì Chúa cũng sẽ nói “Này là con yêu dấu rất đẹp lòng Ta…” như Đức Chúa Cha nói với Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay…

Trước khi kết thúc Thánh lễ. Anh Nguyễn Ngọc Sinh Trưởng Ban Mục Vụ Giáo đoàn Lakemba lên ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng các em Thiếu Nhi Cung Thánh và kế tiếp em một em đại diện Thiếu Nhi Cung Thánh ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Quan Khách và tất cả mọi người đã đến tham dự Lễ mừng Bổn Mạng của các em hôm nay. Đặc biệt cám ơn quý Ban Mục Vụ Giáo đoàn Lakemba và quý ân nhân đã trợ giúp cho các em Thiếu Nhi Cung Thánh có cơ hội mừng kính Lễ Quan Thầy. Sau cùng Cha Nguyễn Văn Tuyết cũng ngỏ lời cám ơn quý vị phụ huynh đã đưa con em đến đây tham dự Lễ mừng kính Bổn Mạng.

Thánh lễ kết thúc, mọi người cùng ở lại tham dự buổi tiệc liên hoan mừng bổn mạng bên hội trường nhà thờ.

Diệp Hải Dung
 
Lễ trao giấy phép hoạt động tôn giáo tại Hội Dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc
Hội dònt MTG Xuân lộc
10:18 13/03/2017
LỄ TRAO GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO

TẠI HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ XUÂN LỘC

Sáng thứ Hai ngày 13/03/2017, Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc vui mừng và hãnh diện đón tiếp Ban Tôn giáo Chính Phủ Việt Nam đến trao giấy phép đăng ký hoạt động tôn giáo.

Hiện diện trong buổi lễ có sự hiện diện của ông Dương Ngọc Tấn - Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, ông Đặng Trung Thành - Phó Vụ trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, ông Trà Quang Thanh - Phó Vụ trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, ông Nguyễn Đình Kiên - Phó Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Đồng Nai, đại diện cấp sở tạị nơi Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc đặt trụ sở có ông Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch UBND phường Hố Nai, ông Trần Gia Huấn - Chủ Tịch UBMTTQ phường Hố Nai, Cha Đaminh Trần Xuân Thảo - Chủ tịch UBĐKCG tỉnh Đồng Nai.

Xem Hình

Về phía Hội dòng có chị Anna Nguyễn Thị Phượng - Tổng Phụ trách Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc, chị Maria Nguyễn Thị Thanh Nga -Tổng Cố vấn, Phụ trách cộng đoàn Nhà Mẹ, chị Maria Trần Thị Anh - Tổng Cố vấn, chị Maria Phạm Thị Kim Hoa - Tổng Cố vấn, chị Maria Đào Thị Mai Xinh - Tổng Cố vấn, chị Anna Nguyễn Thị Trinh - Tổng Cố vấn, đại diện cho quý chị em trong Hội dòng có chị Anna Nguyễn Thị Lược, chị Anna Nguyễn Thị Kim Liên, Chị Têrêsa Nguyễn Thị Thanh Phương, chị Têrêsa Lã Thị Vân, chị Anna Hoàng Thị Xuân.

Sau lời giới thiệu các Ban ngành có mặt trong buổi lễ, ông Nguyễn Đình Kiên - Phó Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Đồng Nai mời ông Dương Ngọc Tấn - Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ phát biểu và trao giấy phép hoạt động tôn giáo cho Hội Dòng.

Trong bài phát biểu, ông Tấn nói lên những đóng góp của Hội dòng cho sự nghiệp chung trên đất nước trong thời gian qua, cũng như mối quan hệ giữa Hội dòng với tỉnh Đồng Nai, chính quyền địa phương và Ban Tôn giáo Chính phủ thật tốt đẹp.

Ông đánh giá cao các hoạt động xã hội nơi các dòng tu luôn hoàn thành tốt, đặc biệt là lãnh vực nuôi dạy trẻ, giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi… đó là những nỗ lực và phấn đấu của các dòng tu.

Ông cũng giải thích: Giấy phép chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo không chỉ thuận lợi cho việc quản lý của nhà nước, nhưng nó cũng thuận lợi cho các hoạt động của Hội dòng. Bởi vì giấy phép chứng nhận vừa nói lên sự công nhận của nhà nước với tính cách pháp lý, nhưng cũng công nhận cả về hoạt động của một Hội dòng. Như vậy giấy phép chứng nhận hoạt động tôn giáo không chỉ giúp cho những hoạt động mà Hội dòng đang làm nhưng còn mở rộng ra trong tương lai.

Niềm vui của Hội dòng được nhân lên khi ông Tấn nói: “Trong giấy phép này, Ban tôn giáo chính phủ chứng nhận cho Hội dòng đổi tên từ Hội dòng Mến Thánh Giá Bắc Hải thành Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc”.

Sau bài phát biểu, ông đã trao giấy chứng nhận cho chị Anna Nguyễn Thị Phượng -Tổng Phụ trách Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc, cùng chung chia niềm vui, Ban Tôn giáo tỉnh Đồng Nai cũng tặng hoa chúc mừng Hội dòng.

Tiếp đến, cha Đaminh Trần Xuân Thảo phát biểu: Cha nói lên sự quan tâm và xác nhận của Ban Tôn giáo Chính phủ qua những đóng góp của Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc và chúc mừng Hội dòng. Cha ước mong trong giai đoạn mới này, Hội dòng sẽ luôn phát triển về tinh thần và vật chất, để xứng đáng là đầu tàu của Hội dòng Mến Thánh Giá trong giáo phận Xuân Lộc.

Kết thúc buổi lễ, chị Anna Nguyễn Thị Phượng - Tổng Phụ trách Hội dòng đại diện chị em cám ơn các Ban Ngành. Chị trân trọng bày tỏ tâm tình biết ơn những nghĩa cử quan tâm, thương mến nơi các Ban Ngành dành cho Hội dòng.

Chị chia sẻ: “Hội dòng hiện diện trên mảnh đất Việt Nam trên 60 năm, 50 năm chính thức được Giáo Hội Công Giáo công nhận với đầy đủ nghĩa vụ và quyền lợi. Hội dòng trong những ngày đầu của chỉ là một mảnh đất khô cằn sỏi đá. Trải qua biết bao thăng trầm, các chị em vẫn luôn ý thức đối với bản thân mình là người nữ tu Mến Thánh Giá Việt Nam, sống trong lòng dân tộc Việt Nam, nên trong việc phục vụ luôn phát huy những đức tính của người phụ nữ Việt Nam là đảm đang, trung hậu, quên mình, quả cảm, nhân ái trong đời dâng hiến để phục vụ Phúc Âm giữa lòng dân tộc và chăm lo phục vụ hạnh phúc của mọi người.

Ngày hôm nay chúng tôi có được cơ sở khang trang chính là nhờ sự quan tâm của Ủy Ban Tôn giáo các cấp, chính quyền các cấp giúp chúng tôi có được giấy phép xây dựng. Trong quá trình chúng tôi xây dựng, Hội dòng luôn được các Ban ngành có liên quan thăm hỏi và khích lệ. Giấy phép hoạt động tôn giáo mà chúng tôi vẫn mong chờ hôm nay đã thành hiện thực. Chúng tôi thật hạnh phúc. Chúng tôi sẽ giữ mãi niềm vui này khi thực hiện vai trò và sứ mạng của Hội dòng là ưu tiên phục vụ giới nữ, giới trẻ, giáo dục luân lý và đức tin, chăm sóc những phụ nữ đau yếu và sa cơ lỡ bước…”

Chị cũng cám ơn cha Đaminh Trần Xuân Thảo đã cùng hiện diện với Hội dòng trong những buồn vui cho đến hôm nay.

Sau buổi lễ, Ban Tôn giáo các cấp tham quan Hội dòng, chia sẻ niềm vui với mọi người trong một giai đoạn mới.

T.T Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc
 
Bổn Mạng Hội Bảo Trợ Ơn Gọi TGP Sydney.
Diệp Hải Dung
18:44 13/03/2017
Bổn Mạng Hội Bảo Trợ Ơn Gọi TGP Sydney.

Sáng thứ Hai 13/03/2017 rất đông đủ giáo dân trong Cộng Đồng đã đến Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly Sydney tham dự ngày hành hương 13 đầu Mùa Chay kính viếng Đức Mẹ.

Mọi người đều tập trung trước tượng đài Đức Mẹ dâng giờ đền tạ do Cha FX Nguyện Văn Tuyết điều hợp và sau đó trở về hội trường Trung Tâm tham dự Thánh lễ mừng kính Thánh Tử Đạo Phaolô Lê Văn Lộc là Quan Thầy của Hội Bảo Trợ Ơn Gọi TGP Sydney.

Xem Hình

Sau chấm dứt phần tuyên đọc tiểu sử sơ lược về Thánh Tử Đạo Lê Văn Lộc, kiệu cung nghinh tượng Thánh Tử Đạo Lê Văn Lộc rước vào hội trường và an vị trên bàn thờ. Cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Lâm Tuyên úy Đặc Trách Hội bảo Trợ Ơn Gọi TGP Sydney ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng của Hội và chào mừng tất cả mọi người, đồng thời Cha cũng giới thiệu quý Cha Cựu Tuyên úy Trưởng Dương Thanh Liêm, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Nguyễn Thái Hoạch, Cha Nguyễn Hoàng Trung, Cha Nguyễn Thái Hòa và Cha Nguyễn Tầm Thường cùng hiệp dâng Thánh lễ

Trong bài giảng Cha Bùi Sơn Lâm nói chúng ta hãy tạ ơn Chúa đã cho các tiền nhân của chúng ta trở nên cái gương mẫu sống động của những điều Chúa nói trong các bài đọc hôm nay....và hơn nữa Chúa cũng thường dùng những biến cố khác lạ oái oăm để tiến hành chương trình của Ngài....

Sau đó kế tiếp là nghi thức Xức Dầu Thánh cho quý vị cao niên già yếu bệnh tật để nguyện xin Thiên Chúa chữa lành phần hồn cũng như phần xác.

Trước khi kết thúc Thánh lễ ông Phạm Minh Khang Trưởng Ban Mục Vụ Trung Tâm Hành Hương Bringelly ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Hội Bảo Trợ Ơn Gọi.

Sau đó ông Lê Tinh Quang thay mặt Ban Chấp Hành Hội lên ngỏ lời cám ơn quý Cha và mọi người đồng thời cũng báo cáo về sinh hoạt của hội trong năm qua. Hôi được thành lập năm 2006, đến hôm nay là năm thứ 12 . Hội Bảo Trợ 81 Tu Sinh Nam Nữ thuộc 8 Dòng Tu gồm 40 Nữ và 41 Nam. Đã gởi về $9720.00 Úc kim. Hội cũng đã gia tăng số Dòng Tu và số Tu Sinh được bảo trợ hàng năm và đã gởi về $146.600.oo Úc kim.

Sau đó Thánh lễ kết thúc và mọi người cùng ở lại tham dự buổi tiệc nhẹ mừng Bổn Mạng trong nhà ăn Trung Tâm.

Diệp Hải Dung

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Khi quyền lực hỏa ngục nổi dậy, Thiên Chúa đã kịp thời can thiệp
Lm. Nguyễn Hữu Thy
03:28 13/03/2017
Khi quyền lực hỏa ngục nổi dậy, Thiên Chúa đã kịp thời can thiệp

(Dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima: 1917-2017)

1. Tình hình Âu châu và thế giới vào năm 1917

Người ta có thể gọi năm 1917 là „Annus horribilis“, là năm khủng khiếp, nhưng đồng thời cũng là „Annus mirabilis“, là năm tuyệt vời.

1.1. Năm 1917 là năm khủng khiếp: Cho tới năm 1917 cuộc thế chiến I đã kéo dài được ba năm với bao tàn phá khủng khiếp về vật chất và nhất là bao sinh mạng con người đã bị tiêu diệt: hằng ngày máu của hàng ngàn hàng vạn người dân vô tội đã đổ ra và nhuộm đỏ cả nhà cửa ruộng vườn họ, hàng ngàn hàng vạn thanh niên nam nữ trên thế giới nói chung và tại Âu châu nói riêng đã ngã gục, đã bị tan thây nát thịt trên các chiến trường một cách đau đớn và oan uổng, vì do những tham vọng đầy ích kỷ, hão huyền và kiêu căng của các nhà lãnh đạo đất nước họ gây ra.

Từ tháng 7 đến tháng 11, nguyên tại mặt trận Flandern (thuộc phía tây-bắc nước Bỉ) về phía đồng minh (Anh, Pháp, Nga, Hoa Kỳ và Ba Tây) đã có tới 325.000 người lính bị tử trận và phía Đức có tới 260.000 người.

Biên giới những phần đất do quân đồng minh chiếm đóng được xác định rõ ràng. Đế quốc Đức tuyên chiến toàn diện bằng tàu ngầm; Hoa Kỳ tuyên chiến với Đức, Áo và Hung Gia Lợi; còn tại Nga Sô quân du kích cộng sản do Lê-nin lãnh đạo đã nổi lên cướp chính quyền, ép buộc Nga Hoàng phải thoái vị và bắn chết trọn gia đình ông thật man rợ trong một căn hầm. Chính quân Đức trước đó đã bảo lãnh và che chở cho Lê-nin đang tỵ nạn tại Thụy Sĩ trở lại Nga trong một toa xe lửa khóa kín. Khi về tới Nga, Lê-nin đã xúi dục dân chúng tổ chức quân du kích cộng sản gây bạo loạn khắp nước Nga, tạo nên một cuộc nội chiến đẫm máu, đốt phá hàng ngàn vạn Thánh Đường, nhà của dân chúng, tàn sát hàng Giáo Sĩ và các Kitô hữu cũng như cướp bóc dân chúng bằng những cuộc đấu tố dưới hình thức „toà án nhân dân“ hoàn toàn bất công và vô cùng dã man, chỉ với mục đích là tiêu diệt tôn giáo cũng như các sở hữu chủ để chiếm đoạt của cải của họ.

Trong khi đó, vào ngày 01.08.1917 tại Rôma ĐTC Bênêđíctô XV ra Tông Thư „Dès le début“: Từ khởi đầu triều đại Giáo Hoàng của Ta, để kêu gọi hòa bình, nhưng đồng thời cũng cho thấy sự bất lực và sự vô tác dụng của những nỗ lực kêu gọi vãn hồi hòa bình của ngài.

Còn tại Bồ Đào Nha kể từ 1910, khi vua Manuel II,vị vua cuối cùng của Bồ Đào Nha bị ép buộc thoái vị và phải trốn sang tỵ nạn tại Anh quốc, thì các cuộc bạo động và xung đột đẫm máu của nhóm cách mạng cộng sản và khuynh tả bùng nổ lên khắp nơi, đe doạ sự tồn vong của nước cộng hòa Bồ Đào Nha non trẻ, tìm cách loại bỏ hoàn toàn mọi truyền thống tôn giáo và văn hóa Kitô giáo, chủ trương tách biệt triệt để giữa Giáo Hội và Nhà Nước, các Dòng Tu bị cướp bóc, các nam nữ Tu Sĩ bị bắt bớ, nhất là các Tu Sĩ Dòng Tên bị coi là kẻ thù số một của Nhà Nước và bị trục xuất ra khỏi Bồ Đào Nha. Còn tại các trường học môn giáo lý hoàn toàn bị cấm dạy, hôn nhân đời được áp dụng, loại bỏ mọi khoản trợ giúp Giáo Hội, khắp nước hàng ngàn nhà thờ bị tịch thu, bị tục hóa và bị xung công, biến thành trại lính hay chuồng nuôi chiên cừu. Trong khi đó, nền kinh tế của đất nước hoàn toàn bị phá sản, nợ công tăng vọt, dân chúng đói khổ trầm trọng. Giữa một giai đoạn lịch sử đầy tuyệt vọng như thế của đất nước Bồ Đào Nha khốn khổ, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XV đã tuyên bố một câu mang tính cách tiên tri: „Nước Bồ Đào Nha quên bỏ Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa không hề quên bỏ Bồ Đào Nha.“

1.2. Năm 1917 là năm hồng ân tuyệt vời: Quả thật lời tiên tri của ĐTC Bênêđíctô XV đã ứng nghiệm. Vâng, trong khi toàn châu Âu bị chìm sâu trong máu lửa của cuộc thế chiến I tàn khốc, phong trào cộng sản vô thần nổi lên ở Nga Sô đang tìm mọi cách nhấn chìm nước này trong một cuộc nội chiến thảm khốc, tiêu diệt tôn giáo, phá hủy mọi luân thường đạo lý cũ, để thiết lập nên một chế độ cộng sản vô thần toàn trị, và tại đất nước Bồ Đào Nha nhóm cộng sản và nhóm khuynh tả quá khích cũng đang làm mưa làm gió, khiến cho mọi lãnh vực xã hội, từ tôn giáo, chính trị, kinh tế đến luân thường đạo lý, v.v… đang bị chao đảo, phá sản và băng hoại hoàn toàn, thì Thiên Chúa đã kịp thời ra tay can thiệp. Ngài đã sai Đức Trinh Nữ Maria hiện ra mang đến cho toàn thể nhân loại một sứ điệp đầy hy vọng qua trung gian ba trẻ chăn chiên đơn sơ tại làng Fatima ở Bồ Đào Nha, trong vòng 6 lần vào mỗi ngày 13 trong tháng, kể từ tháng 5 đến tháng 10. 1917. Đó là các em Lucia dos Santos, 10 tuổi, và hai anh em nhà Marto là Francesco (9 tuổi) và Jacinta (7 tuổi).

2. Nội dung sứ điệp Fatima

Sứ điệp mà Đức Trinh Nữ Maria nhân danh Thiên Chúa mang đến cho nhân loại rất đơn giản và rất khả thi, nhưng lại là điều kiện duy nhất để nhân loại lại được sống trong hòa bình thư thái, không còn bị chiến tranh đe dọa, Giáo Hội và các Kitô hữu không bị bách hại và đàn áp nữa. Đó là:

• Mọi người hãy hòa giải với Thiên Chúa và với nhau, hãy ăn năn đền tội và cải thiện cuộc sống, từ bỏ mọi hành vi bất công, tội lỗi và sống lương thiện.

• Siêng năng lần hạt Mân Côi.

• Tôn sùng Mẫu Tâm Vô Nhiễm Mẹ Maria.


Và để chứng minh cho mọi người xác tín rằng sứ điệp Đức Trinh Nữ Maria mang đến cho toàn thể nhân loại là sứ điệp của Thiên Chúa, đến từ Trời Cao, thì trong lần hiện ra cuối cùng vào ngày 13.10.1917 Thiên Chúa đã làm một phép lạ vĩ đại „mặt trời quay“ trước sự chứng kiến của khoảng trên dưới 70 ngàn người có mặt tại hiện trường, tức tại ngọn đồi Cova di Iria, nơi Đức Mẹ hiện ra, cách làng Fatima khoảng 2 Km, và của dân chúng trong các làng kế cận, đúng như lời Đức Mẹ đã báo trước: Mặt trời biến thành một vòng lửa vĩ đại quay cuồng nhảy múa và bay lượn gần sát với mặt đất, khiến cho đám người chứng kiến đã khiếp đảm và run sợ kêu than: „Lạy Chúa, lạy Chúa, lạy Chúa, xin cứu con…!“ Chính các báo chí ở Bồ Đào Nha vào thời bấy giờ, kể cả các tờ báo vô thần và chống đối Giáo Hội, đã đưa tin đầy đủ về biến cố vĩ đại, có 1-0-2 này tại Fatima vào năm ấy.

3. Ba bí mật Fatima

Ngoài ra, trong khi hiện ra với ba trẻ chăn chiên, Đức Trinh Nữ Maria đã mặc khải cho các em ba điều đặc biệt mà người ta thường gọi là ba bí mật Fatima, và sau này Sơ Lucia đã vâng lời Đức Giám Mục sở tại ghi lại trong tập Hồi Ký của mình(1). Đó là các bí mật:

3.1. Bí mật thứ nhất: Thị kiến về hỏa ngục

Ðức Mẹ cho chúng con nhìn thấy một biển lửa hồng dường như ở dưới mặt đất. Chìm ngập trong lửa này là quỷ dữ và các linh hồn dưới hình thể con người, giống như những cục than hồng trong suốt, đen đủi hoặc xám xịt. Họ nổi lên trong đám cháy, bị các ngọn lửa nâng lên cao, những ngọn lửa này phát ra từ thân mình họ cùng với một đám khói lớn. Họ lại rớt tung toé xuống mọi phía, giống như những tia lửa trong một đám cháy lớn, vô trọng lượng hoặc mất thăng bằng, và giữa những tiếng la hét và rên rỉ vì đau đớn và tuyệt vọng, khiến chúng con rất kinh khiếp và run lên vì sợ hãi. Các quỷ dữ có thể được phân biệt do các hình thù xấu xa đáng sợ và ghê tởm, giống như những con quái vật khủng khiếp và chưa bao giờ thấy, tất cả đều đen đủi và trong suốt. Thị kiến này kéo dài một lúc. Làm sao chúng con có thể bày tỏ lòng biết ơn cho xứng với Mẹ yêu dấu trên trời của chúng con, Ðấng đã báo trước cho chúng con trong lần hiện ra thứ nhất khi hứa rằng Ngài đem chúng con về trời. Bằng không, con nghĩ rằng chúng con sẽ chết điếng vì sợ hãi và kinh khiếp.“

3.2. Bí mật thứ hai: thảm họa chiến tranh

Sau đó chúng con hướng nhìn về Ðức Mẹ. Ngài tỏ ra rất âu yếm và buồn bã nói với chúng con: Chúng con đã nhìn thấy hoả ngục, nơi mà các linh hồn tội lỗi đáng thương đang bị trầm luân. Ðể cứu vớt họ, Thiên Chúa muốn thiết lập trên thế giới việc sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ. Nếu điều Mẹ nói với các con được thực hiện, nhiều linh hồn sẽ được cứu và sẽ có hoà bình. Chiến tranh sẽ kết thúc: nhưng nếu loài người cứ tiếp tục xúc phạm đến Thiên Chúa, một cuộc chiến tranh khủng khiếp sẽ xảy ra trong triều Giáo Hoàng của Đức Piô XI. Khi chúng con thấy một đêm tối được chiếu sáng bởi một ánh sáng chưa từng quen biết, chúng con hãy biết rằng đó là dấu chỉ lớn lao mà Thiên Chúa ban cho các con để biết rằng Người sắp trừng phạt nhân loại vì những tội ác của họ, bằng chiến tranh, đói kém, và những bách hại đối với Giáo Hội và Ðức Thánh Cha. Ðể tránh điều này, Mẹ sẽ xin hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ, và Hiệp thông đền tạ vào ngày Thứ Bảy đầu tháng. Nếu lời yêu cầu của Mẹ được chấp nhận, Nước Nga sẽ hoán cải, và sẽ có hoà bình; nếu không, nó sẽ phổ biến những lầm lạc ra khắp nơi trên thế giới, gây nên những cuộc chiến tranh và bách hại Giáo Hội. Các kẻ lành sẽ bị giết hại; Ðức Thánh Cha sẽ đau khổ nhiều; nhiều quốc gia sẽ bị tiêu diệt. Cuối cùng, Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ sẽ toàn thắng. Ðức Thánh Cha sẽ hiến dâng Nước Nga cho Mẹ, và nó sẽ được hoán cải, và một giai đoạn hoà bình sẽ được ban cho thế giới.“

3.3. Bí mật thứ ba: Thị kiến về sự sát hại Đức Thánh Cha, các Đức Giám Mục, các Linh Mục và các Tu Sĩ nam nữ cũng như các Kitô hữu.

„Sau hai phần mà con đã trình bày, thì chúng con nhìn thấy ở phía bên trái Ðức Mẹ và cao hơn một chút, một vị Thiên Thần cầm một thanh gươm bằng lửa nơi tay trái; nó lấp lánh và phát ra những tia lửa dường như sẽ đốt cháy thế gian; nhưng chúng tắt ngúm khi chạm đến ánh hào quang chiếu toả từ tay phải của Ðức Mẹ hướng về quả địa cầu. Chỉ tay phải về phía trái đất, Thiên Thần lớn tiếng kêu gọi: „Ðền tội, đền tội, đền tội!“. Và chúng con thấy trong một luồng ánh sáng lớn là Thiên Chúa: một cái gì tương tự như thể người ta xuất hiện trong một tấm gương khi người ta đi ngang qua nó, một vị Giám Mục bận đồ trắng mà chúng con nghĩ đó chính là Ðức Thánh Cha. Các Giám mục, các Linh mục, các Tu Sĩ nam nữ khác leo lên một ngọn núi dốc thẳng, trên đỉnh núi có một Thánh Giá lớn làm bằng thân cây thô nhám như thể của một cây bần với vỏ cây; trước khi đến đó, Ðức Thánh Cha đi qua một thành phố lớn, một nửa bị tàn phá và một nửa đang bị rung chuyển, với những bước chân nặng nề run rẩy, buồn khổ vì đau đớn và ưu phiền, ngài cầu nguyện cho các linh hồn của những xác chết ngài gặp trên đường; khi đã lên tới đỉnh núi, quỳ dưới chân Thánh Giá lớn, ngài đã bị một nhóm lính giết hại bằng đạn và mũi tên, và cùng một cách thức như thế các vị Giám Mục, Linh mục, Tu Sĩ nam nữ khác, và các người giáo dân thuộc mọi giai cấp và địa vị xã hội khác nhau cũng lần lượt bị giết hại. Bên dưới hai cánh tay của Thánh Giá có hai vị Thiên Thần, mỗi vị cầm trong tay một chiếc bình bằng pha lê, trong đó các ngài hứng máu của các vị Tử Đạo và với máu đó các ngài rảy trên các linh hồn đang tiến về với Thiên Chúa.“

Từ một trăm năm nay sứ điệp đơn sơ và đầy hy vọng ấy đã được loan báo trong toàn Giáo Hội và lan tỏa ra khắp mọi nước trên thế giới, đã ăn sâu vào sự nhận thức của các người thiện tâm trong các dân tộc.

Tuy nhiên, ngày nay và ngay trong giây phút này, lục địa Âu châu vốn được khai sáng bởi đức tin Kitô giáo và vốn được coi là thành trì vững chắc, là „hậu phương“ kiên cố của Giáo Hội, đã và đang xa dần với đức tin và căn tính Kitô giáo của mình, nếu không muốn nói là tại nhiều nước Âu châu các Kitô hữu chân chính còn bị kỳ thị và đàn áp, như tại Anh, tại Tây Ban Nha, tại Hòa Lan hay tại chính Quốc Hội của EU, v.v… Còn ở Trung Đông nói chung và tại các nước Syria, Irak, Yemen nói riêng, chiến tranh và các cuộc tàn sát dân lành, nhất là các Kitô hữu một cách dã man đang diễn ra hằng ngày. Đang khi đó tại Á châu, Trung Cộng đang là mối đe doạ trầm trọng cho các quốc gia chung quanh Biển Đông: Việt Nam, Phi Luật Tân, Nhật Bản, Nam Hàn, Indonesia, Mã Lai, v.v… Cậy mình là nước lớn, quân đội hùng mạnh và chiếm giữ bom nguyên từ, Trung Cộng đã ngang ngược gây hấn và chiếm giữ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Tất cà những sự kiện đó đã muốn khẳng định rằng dù sứ điệp Fatima đã được Đức Trinh Nữ Maria mang đến cho nhân loại và đã được công bố ra khắp thế giới từ 100 năm nay, nhưng sứ điệp ấy vẫn luôn mang tính cách thời sự và cấp bách của nó. Con người còn phải cải thiện, hoàn lương và quay trở lại với Thiên Chúa tình thương và với các anh chị em đồng loại của mình. Đừng phạm thêm các tội ác chống lại Thiên Chúa nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm quá nhiều rồi.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ cứu chúng con và toàn thế giới khỏi quyền lực hỏa ngục và các kẻ dữ! Amen

Lm. Nguyễn Hữu Thy

_________________



1. Lucia de Jesus, Fátima In Lucia's Own words (1995), The Ravengate Press, pp101-104.
 
Cử tri bầu Tổng Thống Pháp năm 2017
Hà Minh Thảo
15:28 13/03/2017
CỬ TRI PHÁP BẦU TỔNG THỐNG NĂM 2017

Ðây là lần thứ 11, thời Ðệ Ngũ Cộng hòa, cử tri Pháp mời bầu chọn Tổng thống bằng phổ thông đầu phiếu trực tiếp. Kỳ này là lần đầu, Tổng thống xuất nhiệm từ chối ứng cử nhiệm kỳ hai, dù được Hiến pháp cho phép.

1. TỔ CHỨC ÐẦU PHIẾU.

Từ sau cuộc Trưng cầu dân ý ngày 28.10.1962, Tổng thống Pháp được bầu theo thể thức đơn danh trong một cuộc phổ thông đầu phiếu trực tiếp. Nếu không ứng cử viên nào hội đủ đa số tuyệt đối (quá bán cộng một tổng số phiêÙu bầu biểu thị, phiếu trắng hay bất hợp lệ không tính) ở vòng đầu, vòng nhì sẽ tiến hành giữa hai ứng cử viên có số phiếu cao nhất, 14 ngày sau vòng đầu. Ở đây, cũng vậy, ứng cử viên đạt đa số tuyệt đối trở thành Tổng thống trong nhiệm kỳ năm nay. Trong thực tế, vòng nhì luôn đã cần phải có vì không có ứng cử viên nào đạt được hơn 50% tổng số phiêÙu bầu biểu thị ngay ở vòng đầu. Lý do : Tổng thống đắc cử là Tổng thống của đa số cử tri Pháp.

Tuy nhiên, vì lý do khác biệt giữa các múi giờ, nên tại Guadeloupe, Guyane, Martinique, Saint-Pierre-et-Miquelon, Polynésie thuộc Pháp và các Tòa Ðại sứ cùng những Tòa Lãnh sự, các vòng đầu phiếu sẽ được tổ chức một ngày trước, tức thứ bảy 22.04.2017 và 06.05.2017, nếu có vòng nhì. Các thùng phiếu chỉ được khui vào lúc 20 giờ (giờ Paris) ngày 23.04.2017 và 07.05.2017.

Các kết quả đầu phiếu chỉ được công bố bởi Hội đồng Hiến pháp (Conseil constitutionnel) cũng là cơ quan có nhiệm vụ xem xét tính các hợp pháp của cuộc truyển cử.

Nhiệm kỳ của đương kiêm Tổng thống François Hollande sẽ chấm dứt vào lúc 24 giờ ngày 16.05.2017.

II. GIỚI THIỆU ỨNG CỬ VIÊN.

Hồ sơ tuyển cử Tổng thống của từng ứng cử viên bắt buộc phải đính kèm ít nhất 500 giấy giới thiệu (parrainage = sự đỡ đầu, nhưng ở đây chúng ta tạm dùng chữ giới thiệu) của các vị dân cử.

Luật ngày 06.11.1962 qui định để trở thành ứng cử viên ứng cử Tổng thống cần phải được sự giới thiệu của 100 công dân đang giữ một chức vụ dân cử. Tuy nhiên, qua các cuộc tuyển cử năm 1965, 1969 và 1974, số ứng cử viên đã gia tăng. Do đó, luật ngày 18.06.1976 ấn định ứng cử viên tham gia ứng cử Tổng thống phải có sự giới thiệu của ít nhất 500 vị dân cử. Tổng số các vị đó là 47.289 bao gồm 36.700 Thị trưởng (maires) mà đa số các Thị trưởng các xã nhỏ không là thành viên của các đảng phái.

Dựa vào kinh nghiệm năm 2002 khi ứng cử viên Lionel Jospin thất cử ngay từ vòng đầu, đảng Xã hội (PS, Parti Socialiste) đã yêu cầu dân cử của đảng không giới thiệu ứng cử viên các đảng khác trong kỳ tuyển cử năm 2007. Liên minh vì Phong trào Nhân dân (UMP, Union pour un Mouvement Populaire) cũng đã làm như vậy. Hai đảng này làm như vậy vì ngại bị chi phối số phiếu cho nhiều ứng cử viên hữu phái (UMP). Các Thị trưởng không đảng phái cũng không muốn phiền phức vì cử tri của họ cho rằng họ ủng hộ ứng cử viên nầy hay ứng cử viên khác, nhất là khi giới thiệu cho ông Jean Marie (2007) hay bà Marine* Mặt trận Quốc gia (FN, Front National) năm 2012. Sự kiện này, năm 2007, đã làm cho chính quyền bối rối không ít vì bị chỉ trích là kỳ thị, thiếu dân chủ. Oâng Brice Hortefeux (UMP), thứ trưởng đặc trách các cơ quan hành chánh địa phương, đã yêu cầu các vị dân cử giới thiệu cho ông Jean Marie Le Pen và ông Olivier Besancenot (LCR, Ligue Communiste Révolutionnaire, Liên đoàn Cộng sản cách mạng). Phải chăng giới thiệu cho ông Le Pen để tránh tiếng và hy vọng còn cần phiếu cử tri ở vòng nhì, còn cho ông Besancenot để chia phiếu cánh tả Xã hội ?

* {Bà Marine, con gái ông Jean Marie và tiếp nối ông giữ chức Chủ tịch Mặt trận Quốc gia và đã thay thế cha ứng cử Tổng thống năm 2012 và năm nay. Năm 2012, bà vẫn gặp khó khăn để tìm 500 giấy giới thiệu. Nhưng nhờ những thất bại của Tổng thống Hollande, Mặt trận Quốc gia đã ‘lên như diều gặp gió’ đánh bại đảng Xã hội trong các cuộc bầu cử để, trong kỳ bầu cử năm 2017 không gặp khó khăn trong dịp tìm kiếm giấy giới thiệu này.}

Hầu hết các ứng cử viên đều tìm tối đa hơn 500 chữ ký giới thiệu hầu, nếu bị loại, vẫn còn đủ số ấn định. Lưu ý, 500 chữ ký giới thiệu này phải đến từ ít nhất 30 Tỉnh (département) hay lãnh địa (collectivité). Năm nay, Hội đồng Hiến pháp định ngày 17.03.2017 lúc 18 giờ hết hạn nhận các giấy giới thiệu phải được gởi đến đây bằng bưu điện. Ðến thứ hai 20.03.2017, sau khi xét tính cách hợp lệ của từng giấy nầy, lúc 17 giờ 30, Hội đồng Hiến pháp sẽ công bố danh sách các ứng cử viên tham gia cuộc tuyển cử Tổng thống ngày 23.04.2017. Sau đó, Hội đồng Hiến pháp sẽ bắt thăm để chọn 500 dân cử đã giới thiệu cho mỗi ứng cử viên và lập danh sách để công bố vào ngày 15.04.2017. Các dân cử đã qua đời, chữ ký giới thiệu vẫn có giá trị, nhưng không dự bắt thăm.

Trong kỳ bầu cử Tổng thống năm 2007, có hai thị trưởng tổ chức bắt thăm hầu chọn ứng cử viên để giới thiệu nhưng Hội đồng Hiến pháp đã coi như bất hợp lệ. Việc trả tiền để có chữ ký giới thiệu được coi là hợp pháp nếu đề tên xã đó. Nhưng Thị trưởng vẫn ngại vì không được cấp trên (tỉnh, vùng …) ban trợ cấp mà số tiền nầy chắc sẽ lớn hơn số tiền ứng cử viên trả.

Vì gặp nhiều khó khăn, do đó, nhiều đề nghị phải cải tổ việc giới thiệu này, nhưng, đến nay vẫn chưa có một giải pháp nào được chấp thuận và ban hành.

Ngày 10.03.2017, Hội đồng Hiến pháp công bố danh sách những chuẩn ứng cử viên mà Hội đồng đã nhận được giấy giới thiệu :

1- François Fillon nhận 2111 giới thiệu, tức đủ 500 vào ngày 01.03.2017 ;

2- Benoit Hamon nhận 1317 giới thiệu, tức đủ 500 vào ngày 07.03.2017 ;

3- Emmanuel Macron nhận 1266 giới thiệu, đủ 500 vào ngày 07.03.2017 ;

4- Nicolas Dupont-Aignan nhận 623 giới thiệu, đủ 500 vào ngày 07.03.2017 ;

5- Nathalie Arthaud nhận 593 giới thiệu, đủ 500 vào ngày 07.03.2017 ;

6- Marine Le Pen nhận 577 giới thiệu, đủ 500 vào ngày 10.03.2017 ;

7- François Asselineau nhận 2111 giới thiệu, đủ 500 vào ngày 10.03.2017.

Các ông Jean Luc Mélenchon và Jacques Cheminade, ngày 11.03.2017, cho biết họ đã nhận được hơn 500 giấy giới thiệu cho mỗi người.

Ngoài ra, tính đến ngày 10.03.2017, Hội đồng Hiến pháp cũng đã nhận những giấy giới thiệu cho 32 chuẩn ứng cử viên khác. Trong đó, có sáu ông có giấy giới thiệu nhưng từ chối ứng cử : 1. Alain Juppé (288 giới thiệu và chính ông ký giới thiệu cho Francois Fillon), 2. Christian Troadec (49), 3. Francois Baroin (9), 4. Yannick Jadot (ứng cử viên đảng Xanh, bỏ cuộc để ủng hộ Hamon), 5. Michel Vergue (2) và Michel Goué (1). Có 2 ông Jean-Luc Millo và Bernard Trambouze nhận được 1 giấy giới thiệu cho mỗi vị do mình tự ký.

Hội đồng Hiến pháp, ngày 17.03.2017, nhận bản ‘Tuyên bố tình trạng tài sản’ (Déclaration de situation patrimoniale) của ứng cử viên và cam kết cho phép công khai công bố một khi đã trúng cử. Ngày 20 hay 21.03.2017, Hội đồng này thiết lập Danh sách các ứng cử viên tuyển cử Tổng thống. Danh sách được tuyên đọc bởi Chủ tịch Hội đồng và dược đăng vào Công báo (Journal officiel) ngay hôm sau. Trong hai ngày 21 (hay 22) và 22 (hay 23) tháng 3/2017 lúc 24 giờ, Hội đồng Hiến pháp tiếp nhận các khiếu nại để ngày 24.03.2017, cứu xét các khiếu nại về Danh sách các ứng cử viên tuyển cử Tổng thống.

III. CHỨC VỤ TỔNG THỐNG CỘNG HÒA PHÁP.

Tổng thống Cộng hòa Pháp (Président de la République française) hay Tổng thống Pháp, vị nguyên thủ quốc gia được tín nhiệm bởi đa số tuyệt đối số phiếu của cử tri đất nước này. Với chức vụ này, Tổng thống Pháp còn kiêm tước vị Đồng Thái tử (Coprince) Công quốc (Principauté) Andorre.

Cộng hòa Pháp đã được lãnh đạo bởi Tổng thống từ năm 1848, dưới thời Đệ Nhị Cộng hòa, đầu tiên tại Âu châu và thứ nhì trên thế giới, sau Hoa kỳ với Tổng thống George Washington từ 1789. Từ đó đến nay, chức vụ nầy đã được hoàn tất bởi 24 vị.

Khác với Tổng thống ở đa số các quốc gia Âu châu khác, Tổng thống Pháp hành xử thực quyền, nhất là trong vấn đề ngoại giao. Tổng thống là chức vụ cao nhất tại Pháp, nhưng sự đặc biệt tại nước nầy, quyền Hành pháp được phân nhiệm giữa Tổng thống và Thủ tướng.

Tổng thống do quốc dân bầu và Thủ tướng do Tổng thống bổ nhiệm, nhưng vị này phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội tức được sự tín nhiệm hay cùng màu sắc chính trị với đảng đa số của cơ quan Lập pháp này. Điều khác, Tổng thống không có quyền bãi nhiệm Thủ tướng và chính phủ. Do đó :

1/- Khi Tổng thống và Quốc hội cùng một màu sắc chính trị (xanh dương cho phe hữu, hồng cho đảng Xã hội, đỏ cho Cộng sản và xanh lá cây cho đảng Môi trường, ba đảng này hợp thành phe tả) thì Tổng thống có toàn quyền, Thủ tướng chỉ thực thi chính sách của Tổng thống. Không đồng ý với Tổng thống, Thủ tướng (Premier Ministre), Tổng trưởng (Ministre), Bộ trưởng (Secrétaire d’Etat) từ chức. Đó là tình trạng hiện nay.

2/- Khi Tổng thống và Quốc hội không cùng màu sắc chính trị được mệnh danh là ‘sống chung chính trị’ (cohabitation politique). Trong trường hợp này, quyền của Tổng thống bị giới hạn và Thủ tướng, được sự tín nhiệm của Quốc hội, điều khiển quốc gia, chứ không phải vào quyền có từ Hiến pháp. Do đó, người ta dí dỏm : Président thì présider tức chỉ quyền ‘chủ tọa Hội đồng Tổng trưởng’ (Conseil des ministres, Tổng thống họp với Chính phủ thường kỳ vào mỗi thứ tư) và Gouvernement có nhiệm vụ gouverner, tức cầm quyền hay điều khiển quốc sự.

Từ 1986 đến 2002, tình trạng này đã xảy ra ba lần :

a- từ 1986 đến 1988. Năm 1981, Tổng thống François Mitterand (đảng Xã hội) đắc cử Tổng thống đã áp dụng một chế độ xã hội với nhiều thủ đắc xã hội (acquis sociaux) như tăng lương tối thiểu, đem tuổi hưu từ 65 xuống còn 60,… và quốc hữu hóa nhiều xí nghiệp như ngân hàng (quốc hữu hóa có bồi thường theo trị giá kế toán, chứ không ‘cướp hợp pháp ban ngày’ như sau ngày 30.04.1975 tại Việt Nam, làm kinh tế Pháp suy thoái nên, trong cuộc tuyển cử Quốc hội ngày 16.03.1986, đảng Rassemblement pour la République (RPR, Tập hợp vì nền Cộng hòa) chiếm đa số tại Quốc hội và ông Jacques Chirac, Chủ tịch đảng này, được mời làm Thủ tướng. Năm 1988, ông François Mitterand tái đắc cử Tổng thống. Ông đã giải tán Quốc hội và tổ chức bầu lại vào ngày 05 và 12.06.1988 để đảng Xã hội có đa số tại Quốc hội.

b- từ 1993 đến 1995. Hành pháp và Lập pháp được bầu năm 1988 không làm hài lòng người Pháp, nên khi các Dân biểu Quốc hội mãn nhiệm năm 1993, nhiều người trong họ không được tái bầu khiến Quốc hội được cử ngày 21 và 28.06.1993 với đa số do đảng RPR nắm và Tổng thống Mitterand phải mời ông Edouard Balladur vào chức vụ Thủ tướng. Hai năm sau, ông Balladur thất cử Tổng thống ngay từ vòng đầu ngày 23.04.1995 và trình đơn từ chức cho ông Mitterand ngày 11.05.1995 và xử lý thường vụ đến 18.05.1995 khi ông Jacques Chirac nhậm chức Tổng thống và cử ông Alain Juppé (đương kiêm Tổng trưởng Ngoại giao) vào chức vụ Thủ tướng.

c- từ 1997 đến 2002. Ngày 21.04.1997, chiếu điều 12 Hiến pháp, Tổng thống Chirac giải tán Quốc hội và mời cử tri tham gia đầu phiếu bầu Quốc hội vào ngày 25.05 và 01.06.1997. Kết quả vòng một cho thấy tình hình nguy hiểm khi ông Jean Marie Le Pen quyết định không rút các ứng viên Mặt trận Quốc gia (Front National) trong các đơn vị mà họ có quyền tham gia vòng hai, buộc ông Juppé phải hứa sẽ rời chức Thủ tướng sau cuộc bầu cử vòng hai. Chung cuộc, tả phái đã thắng nhờ Le Pen trong khoảng 30 đơn vị. Do đó, ông Chirac phải mời ông Lionel Jospin (đảng Xã hội) là Thủ tướng và thành lập Chính phủ liên hiệp với hai đảng Cộng sản và Môi trường. Thủ tướng Jospin điều hành quốc sự lấn quyền Tổng thống và đã tuyên bố sẳn sàng chờ sự chế tài của quốc dân vì thành quả ‘tồi’ của ông. Lần đầu tiên thời Đệ Ngũ Cộng hòa, một người giữ chức Thủ tướng trọn 5 năm, có cùng một nhiệm kỳ với Quốc hội.

Lời nói đã thành sự thật. Trong cuộc tuyển cử Tổng thống vòng một ngày 21.04.2002, đến khoảng 13 giờ, Trung ương đảng Xã hội vẫn vững tin ứng cử viên Jospin sẽ vào vòng hai. Nhưng khi các con số thăm dò cử tri vừa đầu phiếu được khai thác cho thấy ông Le Pen về nhì và vào vòng hai với đương kiêm Tổng thống Chirac và đó là kết quả vòng một được loan đi từ lúc 20 giờ. Thủ tướng Jospin từ giả chính trường. Đôi lần, ông ngỏ ý trở lại, nhưng, rất tiếc, không ai… hoan nghinh.

Theo Hiến pháp nước Pháp, Tổng thống cũng có những quyền như các Tổng thống các quốc gia khác như :

- Ban hành các đạo luật ;

- Tham vấn tính hợp hiến của các đạo luật với Hội đồng Hiến pháp (Conseil constitutonnel) trước khi ban hành ;

- Bổ nhiệm các chức vụ quan trọng trong chính phủ ;

- Bổ nhiệm 3 trong số 9 thành viên Hội đồng Hiến pháp, trong đó có Chủ tịch của Hội đồng ;

- Nhận ủy nhiệm thư từ Đại sứ các nước và Đức Sứ thần Tòa Thánh…

Hà Minh Thảo
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Lá
Đặng Đức Cương
18:04 13/03/2017
HOA LÁ
Ảnh của Đặng Đức Cương
Một mình hoa đã có duyên
Có thêm lá biêc kế bên đượm tình.
(bt)
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay 12/3/2017
VietCatholic Network
15:26 13/03/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Buổi đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha.

2- ĐGH có thể cứu xét việc cho đàn ông đã lập gia đình được chịu chức Linh Mục.

3- Giám Mục Đức kêu gọi suy nghĩ lại luật linh mục độc thân.

4- Giáo Hội Tin Lành Đức Quốc thiếu ơn gọi mục sư.

5- Đức Hồng Y Raymond Burke là một luật sư tuyệt vời.

6- Colombia vui mừng vì ĐGH sẽ đến thăm vào tháng 9 năm 2017.

7- 3000 thanh niên Indonesia dự cuộc họp liên tôn cổ vũ hòa bình chống chủ nghiã cực đoan.

8- Giáo Hội Philippines ''để tang” vì Hạ viện thông qua dự luật tử hình.

9- Tin đau buồn Ethiopia: nhiều nữ tu thiệt mạng trong một tai nạn thảm khốc.

10- Dư luận tại Italia xôn xao bàn cãi về một vụ trợ tử.

11- Thánh Ca Mùa Chay: Người Tình Chuộc Tội.

Sau đây là phần tin chi tiết:

- Kinh Truyền tin với Đức Thánh Cha

Ai chết cùng với Chúa Kitô thì sẽ cùng sống lại với Chúa Kitô. Ai cùng Ngài chiến đấu, thì sẽ cùng Ngài chiến thắng. Đó là sứ điệp hy vọng mà thập giá của Chúa Giêsu chứa đựng, nhắn nhủ chúng ta vững mạnh can đảm trong cuộc sống… Đức Thánh Cha đã nói trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngày 12/3/2017 với 40 ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC mời gọi các tín hữu chiêm ngắm giá trị của thập giá trong đời sống của mình.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã diễn giải ý nghĩa bài Tin Mừng kể lại biến cố Chúa Giêsu hiển dung trên núi trước mặt 3 môn đệ, và rút ra những kết luận thực hành về chỗ đứng của thập giá trong đời sống tâm linh của các tín hữu. ĐTC nói:

“Tin Mừng Chúa Nhật thứ hai mùa chay trình thuật sự hiển dung của Chúa Giêsu (Xc Mt 17,1-9). Ngài đưa ba tông đồ: Phêrô, Giacôbê và Gioan ra một nơi riêng và cùng với họ lên một núi cao, và tại đó đã xảy ra hiện tượng lạ thường này: khuôn mặt Chúa Giêsu ‘sáng chói như mặt trời và áo Ngài trắng như ánh sáng’ (v.2). Qua đó Chúa chiếu tỏa nơi chính bản thân Ngài vinh quang Thiên Chúa mà ta có thể đón nhận với niềm tin trong lời giảng và những cử chỉ lạ lùng của Ngài. Sự sáng ngời trong biến cố lạ thường này nói lên mục tiêu của biến cố: đó là soi sáng tâm trí các môn đệ để họ có thể hiểu rõ ràng Thầy mình là ai. Đó là một tia sáng bất chợt mở ra mầu nhiệm Chúa Giêsu và soi sáng toàn thể con người và cuộc sống của Ngài… Chúa Giêsu đã quyết liệt tiến về Jerusalem, nơi Ngài sẽ bị kết án tử, chịu đóng đanh, Ngài muốn chuẩn bị các môn đệ trước cớ vấp phạm quá mạnh mẽ để nâng đỡ đức tin của họ, và đồng thời loan báo sự sống lại của Ngài, bằng cách tỏ ra mình là Đấng Messia, Con Thiên Chúa.”

ĐTC nói thêm rằng: “Chúa Giêsu hiển dung trên núi Tabor, Ngài muốn chứng tỏ cho các môn đệ vinh quang của Ngài không phải để tránh cho họ khỏi phải đi qua thập giá, nhưng để chỉ cho thấy thập giá dẫn tới đâu. Ai chết cùng với Chúa Kitô thì sẽ cùng sống lại với Chúa Kitô. Ai cùng Ngài chiến đấu, thì sẽ cùng Ngài chiến thắng. Đó là sứ điệp hy vọng mà thập giá của Chúa Giêsu chứa đựng, nhắn nhủ chúng ta vững mạnh can đảm trong cuộc sống…” Trong mùa chay này, chúng ta hãy sốt sắng chiêm ngắm ảnh Thánh Giá; đó là biểu tượng đức tin Kitô, biểu tượng Chúa Giêsu, Đấng đã chịu chết và sống lại vì chúng ta. Chúng ta hãy làm sao để Thập Giá đánh dấu những giai đoạn trong hành trình mùa chay để ngày càng hiểu rõ hơn sự nặng nề của tội lỗi và giá trị hy tế qua đó Chúa Cứu Chuộc đã cứu chuộc chúng ta.

Sau khi ban phép lành, ĐTC đã thân ái chào thăm mọi người hiện diện, các tín hữu Roma và tại bao nhiêu nơi khác trên thế giới.

- ĐGH có thể cứu xét việc cho đàn ông đã lập gia đình được chịu chức Linh Mục

Hãng truyền thông CNN của Hoa Kỳ đưa tin: Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể cứu xét việc cho các người đàn ông đạo hạnh đã có gia đình được chịu chức Linh Mục. Trả lời phỏng vấn tờ Die Zeit phát hành tại Đức, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng vấn đề thiếu linh mục Công Giáo là vấn đề to lớn (enormous problem) đối với Giáo Hội và Ngài có thể sẽ thay đổi điều luật liên quan đến chức Linh Mục.

ĐGH nói thêm: "Chúng ta cần phải xem xét 'viri probati', tức là những người đàn ông đã kết hôn có đức tin và đức hạnh xuất sắc thì có thể truyền chức Linh Mục cho họ. Nếu vậy, chúng ta cũng cần xác định xem vị đó sẽ đảm trách những nhiệm vụ gì, ví dụ, ở một cộng đồng xa xôi hẻo lánh.

Viri probati là thuật ngữ Latin chỉ người đàn ông đã kết hôn có đức tin và đức hạnh tốt, xuất sắc. Giải pháp chọn lựa này sẽ cho phép những người đàn ông đã lập gia đình được tấn phong chức linh mục. Tuy nhiên Đức Giáo Hoàng, xác định rõ những người đã là linh mục sẽ không được kết hôn.

Giáo Hội Công Giáo đã cho phép một số người đàn ông kết hôn được chịu chức linh mục. Ví dụ, những mục sư theo đạo Tin Lành hay các giáo sĩ Anh Giáo, đã kết hôn, chuyển đổi sang Công Giáo vẫn có thể tiếp tục trở thành linh mục Công Giáo La Mã, nếu họ được sự cho phép của vợ. Các Giáo Hội Công Giáo thuộc nghi lễ Đông Phương có hiệp nhất với Giáo Hội Công Giáo La Mã cũng có thể duy trì truyền thống có các linh mục được kết hôn.

Giáo Hội Công Giáo La mã tin rằng các linh mục không nên kết hôn dựa trên những đoạn văn trong Kinh thánh, và bởi vì niềm tin linh mục là Chúa Kitô thứ hai, tức Alter Christus hay Persona Christi nên cũng phải sống độc thân như Chúa Kitô. Lời dạy này đã được khẳng định bởi Đức Thánh Gioan Phaolô II và ĐGH Bênêđíctô XVI. ĐGH Phanxicô trong cuốn sách Trên Trời và Dưới Đất (On Heaven and Earth) cũng đã nói, “tôi ủng hộ việc duy trì linh mục độc thân. Qua mười thế kỷ kinh nghiệm cho thấy độc thân linh mục có nhiều điều tốt hơn là khuyết điểm ... "

- Giám Mục Đức kêu gọi suy nghĩ lại luật linh mục độc thân.

Nhiều người Công Giáo ở Đức đang yêu cầu Giáo Hội thay đổi luật độc thân giáo sĩ với hy vọng giải quyết được tình trạng thiếu ơn gọi LM tại nước này.

Trong tuần này, từ ngày 6 đến ngày 9 tháng 3, 2017, HĐGM Đức với 65 vị đã nhóm Đại hội Mùa Xuân và đặc biệt bàn về vấn đề ơn gọi LM và sứ vụ linh mục tại nước này, trước tình trạng thiếu rất nhiều LM. Đức Cha Dieter Geerlings, GM phụ tá giáo phận Munster, kêu gọi suy nghĩ về vấn đề cho các LM có gia đình và nói rằng: “Chúng ta cần suy nghĩ xem đâu là điều Chúa Kitô đang muốn và đòi hỏi chúng ta ngày nay?” Các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông Phương hiệp nhất với Tòa Thánh có các LM có gia đình. Phải chăng điều này không mở rộng viễn tượng của chúng ta?”

Đức Cha Geerlings cầu mong có một tiến trình ở cấp cao nhất trong Giáo Hội Công Giáo, tìm hiểu những lý do tại sao chức LM bị suy yếu như ngày nay.” Đây là vấn đề khác nhau tùy theo miền, nhưng cũng là một vấn đề trong Giáo Hội hoàn vũ”. Đức Cha nhìn nhận sự độc thân là điều rất tốt, một lối sống phù hợp với Tin Mừng vì Nước Trời, một ơn gọi lớn cho toàn thể Giáo Hội, và cũng có những lý do thần học cho thấy tại sao người chủ sự thánh lễ, cần sống độc thân. Tuy nhiên cũng có vấn đề: phải chăng những lý do đó có cần phải được coi như một quy luật tuyệt đối?”

- Giáo Hội Tin Lành Đức thiếu ơn gọi mục sư.

Giáo Hội Tin Lành tại Đức đang kiếm hàng ngàn mục sư mới để thay thế các mục sư sắp về hưu. Hôm 6-3-2017, văn phòng trung ương Tin Lành Đức cho biết trong vòng từ 10 đến 15 năm tới đây sẽ có từ 30 đến 40% mục sư tại các giáo xứ ở Đức về hưu. Hiện nay có khoảng 18.000 mục sư nam nữ đang hoạt động tại nước này.

Bà Birgit Sendler-Kuschel, giám đốc phân bộ giáo dục thuộc hội đồng trung ương của Giáo Hội Tin Lành Đức nói với giới báo chí rằng, con số các sinh viên theo học để trở thành mục sư hiện nay không đủ để lấp đầy chỗ trống do các mục sư về hưu tạo ra. Trong vòng 10 năm tới đây, cần có thêm hàng ngàn mục sư nam nữ. Mặc dù có nhiều người quyết định theo học thần học, nhưng con số này cần phải gia tăng hơn nữa.

Trong số 15.700 sinh viên thần học Tin Lành hiện nay, có gần 6.300 người có thể thi tuyển để làm mục sư coi sóc các giáo xứ.

Bà Sendler-Kuschel cho biết chính vì viễn tượng trên đây, Giáo Hội Tin Lành Đức đã bắt đầu chiến dịch cổ võ ơn gọi mục sư. “Ai muốn trở thành mục sư ngày nay, có nhiều hy vọng được đón nhận”. Từ nay cho đến năm 2027, không phải hễ mục sư nào về hưu đều sẽ có người thay thế. Vì thế, các vị lãnh đạo Tin Lành tại đang xúc tiến việc điều chỉnh các dịch vụ tại các giáo xứ để thích ứng với sự thay đổi dân số.

- Đức Hồng Y Raymond Burke là một luật sư tuyệt vời

Trong cuộc phỏng vấn mới đây của tạp chí Đức Die Zeit trước khi ngài tham dự tuần tĩnh tâm Mùa Chay, ĐTC Phanxicô đã trả lời nhiều câu hỏi về nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có câu hỏi liên quan đến ĐHY Raymond Burke và hội Hiệp sĩ Malta.

Trước nhất, ĐTC xác nhận ĐHY Burke vẫn là người bảo hộ (patron) của Hội Hiệp Sĩ Malta, dù ngài thấy cần phải bổ nhiệm một vị giáo phẩm khác để giám sát việc canh tân thiêng liêng cho Hội này. ĐTC nói rằng, ĐHY Burke gặp một số vấn đề của Hội Hiệp Sĩ Malta mà ĐHY không giải quyết được. Tuy nhiên, ĐTC bác bỏ lời đồn cho rằng ĐHY Burke bị phái tới Guam như một hình phạt. ĐTC cho hay việc ấy vốn có liên quan tới công việc chuyên môn của ĐHY. ĐTC nói tiếp: “vì việc này, tôi rất biết ơn ngài; ngài là một luật sư tuyệt vời”.

Nhưng, cũng nhân dịp này, ngài có nói với tờ Die Zeit rằng ngài thấy có vấn đề với “những người Công Giáo cực đoan”. Ngài cho rằng việc quá tự tin của những người Công Giáo loại này khiến ngài nghĩ tới Thánh Phêrô khi vị thánh này tự hào mình sẽ không bao giờ chối Chúa Giêsu. Ngài nhắc lại đoạn Tin Mừng trong đó Thánh Phêrô chối Chúa ba lần, sau đó, mới quả quyết rằng ngài sẽ không bao giờ làm thế nữa. ĐTC nói: “khi Chúa Giêsu cảm nhận sự chắc chắn ấy của Thánh Phêrô, nó làm tôi nghĩ tới rất nhiều người Công Giáo cực đoan”. Ngài nhận định: Thánh Phêrô “chối Chúa Giêsu, trải qua một cuộc khủng hoảng ghê gớm, thế rồi Thánh Phêrô được cử làm giáo hoàng!”

- Colombia vui mừng vì ĐGH sẽ đến thăm vào tháng 9 năm 2017.

Thông cáo báo chí của Tòa Thánh trong ngày 10 tháng 3 cho biết, ĐGH Phanxicô đã nhận lời mời của Tổng thống Colombia để đến thăm quốc gia này từ ngày 6- 11 tháng 9 năm 2017. Chuyến đi lần này của ĐGH là chuyến tông du thứ ba của Ngài về Nam Mỹ kể từ khi trở thành Giáo Hoàng và chuyến đi lần này củng có thêm ý nghiã là ĐTC cổ vũ cho một nền hoà bình ở Colombia.

Vào tháng 12 năm 2016, ĐGH đã gặp Tổng thống Colombia Manuel Santos Calderón và cựu chủ tịch Thượng Viện, nghị sĩ Álvaro Uribe Vélez, tại Vatican. Ngài đã khuyến khích họ tiếp tục đàm phán hoà bình với Lực Lượng Vũ Trang Cách Mạng FARC, và mới đây chính quyền Colombia đã đạt được thỏa ước hoà bình với lực lương này. ĐGH đã ca ngợi thỏa hiệp đạt được mang lại hòa bình và hòa giải cho toàn thể người Colombia, tôn trọng các quyền con người và các giá trị Kitô giáo, vốn là trọng tâm của văn hoá Châu Mỹ La tinh."

Theo trang web của HĐGM Colombia, ĐC Suescun nói " ĐTC là một nhà truyền giáo cho sự hòa giải.” Sự hiện diện của Ngài giúp chúng ta khám phá ra rằng có thể đoàn kết một quốc gia lại, hãy nhìn lại chính mình bằng đôi mắt hy vọng và lòng thương xót. HĐGM Colombia cũng cho biết, sau khi nhận được tin ĐTC sẽ thăm Colombia, Tổng thống Colombia Manuel Manuel Santos bày tỏ niềm vui và nói rằng "chúng ta sẽ được đón vị Giáo Hoàng với cánh tay và trái tim mở rộng. Ngài là một sứ giả hoà bình, hòa giải." Tổng Thống bày tỏ hy vọng cuộc viếng thăm của ĐGH sẽ giúp nhân dân Colombia kết hợp xây dựng một đất nước công bằng, hòa bình và đoàn kết".

- 3000 thanh niên Nam Dương dự cuộc họp liên tôn cổ vũ hòa bình chống chủ nghiã cực đoan

Semarang, Indonesia- Hơn 3.000 thanh thiếu niên từ các cộng đồng tôn giáo khác nhau tại Nam Dương đã tập trung tại Semarang, thủ đô của tỉnh Trung Java, Nam Dương để tham dự cuộc họp liên tôn, phát triển thái độ hòa bình, chống lại mọi hình thức cực đoan và bất khoan dung trong xã hội.

Cuộc họp nói trên do Ủy ban Đại kết Liên Tôn của Tổng giáo phận Semarang và của năm trường đại học đứng ra tổ chức vào ngày 5 tháng 3 năm 2017. Trong số 5 trường đại học tham gia có 3 là của Hồi Giáo, một của Công Giáo và một là đại học công. Các tham dự viên là các thanh niên Nam Dương thuộc 71 cộng đồng khác nhau. Vị điều hợp buổi họp là LM Lukas Awi Tristanto, thư ký của Ủy ban về các vấn đề toàn cầu và liên tôn của Tổng Giáo phận Semarang. Giới chức chính quyền tham dự có thị trưởng thành phố Semarang là Hendrar Prihadi. Ông tuyên bố : Những người không chấp nhận đa dạng, hãy đi khỏi Indonesia!"

Nói chuyện với cơ quan tin tức Fides LM Lukas Awi Trisanto nói rằng sự kiện liên tôn có mục đích chính là "xây dựng tình huynh đệ thật sự và bác bỏ sự tinh thần bất khoan dung". Cha nói thêm "Công Giáo Là thành phần của một cộng đồng tôn giáo ở Indonesia có nghĩa là Công Giáo tuyên xưng đức tin của mình cùng với những người tuyên xưng đức tin của các tôn giáo khác nhau". Các thanh niên tham dự cam kết kiến tạo yêu thương, tạo tinh thần hòa hợp trong xã hội đa dạng, nhằm xây dựng nền văn minh tình thương cho một xã hội thịnh vượng, tôn trọng phẩm giá và không phân biệt tôn giáo".

Một số nhà lãnh đạo tôn giáo thuộc Hồi giáo, Công Giáo, Tin lành, Phật Giáo, Khổng giáo và Ấn giáo đã tham dự cuộc họp.

- Giáo Hội Philippine ''để tang” vì Hạ viện thông qua dự luật tử hình.

Giáo Hội Công Giáo Phi Luật Tân "đang để tang" sau khi Hạ viện thông qua việc áp dụng lại án tử hình tại quốc gia này. Luật này đã được đề xướng bởi liên minh chính phủ hỗ trợ TT Rodrigo Duterte và được sự hỗ trợ mạnh mẽ của lên minh chính phủ này.

TGM Socrates Villegas, Chủ tịch HĐGM Philippines nói rằng, ngài thất vọng vì Hạ viện "đã cho phép nhà nước giết người" và nói rằng các Giám mục "không chấp nhận thất bại hoặc sẽ giữ im lặng". Thông điệp chính thức của các Giám mục … kêu gọi tín hữu hãy vận động toàn quốc để biểu lộ một "tinh thần phản đối" chống án tử hình. Các GM kêu gọi các luật sư, thẩm phán và các nhà lập pháp Công Giáo " hãy để sự ngọt ngào của Tin Mừng chiếu sáng công việc cũng như sự thực thi luật pháp của họ ", "đem lại sự sống trong việc phục vụ xã hội".

Hình phạt tử hình ở Phi Luật Tân có hiệu lực trong thời kỳ độc tài của Ferdinand Marcos. Hình phạt này bị tạm đình chỉ vào năm 1987 dưới thời Tổng thống Corazon Aquino nhưng sau đó lại được đưa ra áp dụng lại vào thời chính phủ của Ramos để xử các "tội ác man rợ và tàn bạo". Vào năm 2006, chính phủ của Gloria Macapagal Arroyo đã ký lệnh bãi bỏ án tử hình trước chuyến viếng thăm ĐGH Benedict XVI. Nay thì Hạ viện đã thông qua dự luật áp dụng lại án tử hình. Dự luật này sẽ gởi đến Thượng viện gồm có 24 người, trong đó số Thượng Nghị Sĩ cùng đảng của TT Duterte chiếm đa số.

- Tin đau buồn Ethiopia: nhiều nữ tu thiệt mạng trong một tai nạn thảm khốc

Giáo Hội Ethiopia đang than khóc cái chết của bốn nữ tu Dòng Nữ Tử Thánh Anna, các nữ tu này vừa tử nạn trong một tai nạn xe hơi. Một nữ tu khác vẫn còn ở trong tình trạng hôn mê và hai người nữa cũng đã bị thương nặng.

Tám nữ tu cả thảy, tuổi từ 25 đến 50, đang lái xe đến thành phố Hawassa để đi dự đám tang của một người thân nhân. Khi họ tới gần thị trấn Meki, thì một chiếc xe tải đã lấn đường để vượt qua họ, gây ra tai nạn.

"Đây là một tổn thất lớn lao cho Giáo Hội Ethiopia", theo cha Angelo Antolini, hạt trưởng cuả hạt Robe. Tang lễ sẽ được cử hành vào lúc 12 giờ trưa ngày 9 tháng 3 tại nhà thờ chính tòa Addis Ababa do Đức Hồng Y Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ethiopia chủ tế, và sẽ có sự tham dự của Sứ thần Tòa Thánh và tất cả các Giám Mục Ethiopia.

- Dư luận tại Ý xôn xao bàn cãi về một vụ trợ tử

Trong tuần qua, dư luận tại Ý lại xôn xao bàn cãi về vụ trợ tử của một bệnh nhân tên là Fabiano Antoniani, 39 tuổi. Anh có nghệ danh là Fabo, vốn là một thanh niên năng động chuyên phụ trách linh động âm nhạc hay nhiều phương tiện giải trí khác. Năm 2014, Fabo gặp tai nạn xe hơi trầm trọng khiến toàn thân bất toại và mù lòa, phải chịu nhiều đau khổ triền miên. Từ vài tuần nay, Fabo khẩn khoản kêu gọi quốc hội nước này thảo luận và biểu quyết về luật cho trợ tử vì không thể chịu đựng nổi những đau đớn về mặt thân xác và tinh thần nữa.

Những ngày cuối tuần trước, Fabo đã được một thành viên phong trào cổ động cho phép trợ tử, ông Marco Cappato, giúp đi sang bệnh viện Dignitas ở cách Zurick, bên Thụy Sĩ chừng 100 kilomet. Tại đây Fabo đã được trợ giúp để tự tử sáng 27 tháng 2 vừa qua. Bệnh viện này từ năm 1998 chuyên giúp người yếu bệnh tự quyết định chấm dứt mạng sống của mình.

Sau khi Fabo qua đời, lúc 11.40 sáng 27 tháng 2, ông Cappato cho biết sẽ tự động đầu thú để chịu xét xử. Ông cũng tiết lộ là một người Ý khác 65 tuổi cũng được giúp trợ tử ngay ngày hôm sau đó. Ông Cappato đã bị tòa án Ý truy tố về tội khích lệ người khác tự sát. Luật pháp hiện hành tại Ý cấm không được giúp trợ tử và người giúp có thể bị kết án hàng chục năm tù.

Theo những thống kê gần đây, tại Âu châu chỉ có 4 nước có luật cho phép trợ tử là Thụy Sĩ, Hòa Lan, Bỉ và Luxembourg. Còn trên toàn thế giới, có thêm ba quốc gia khác là Trung quốc, Colombia và Nhật Bản.

Và để kết thúc kết thúc chương trình Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu đến quý khán thính giả một bản thánh ca mang tâm tình mùa Chay, viết về hành trình Thập Giá mà Chúa đã đi qua để chuộc tội cho nhân loại. Nhạc phẩm mang tựa đề Tình Người Chuộc Tội của nhạc sĩ Trần Đăng Tuấn, hòa âm và phối khí bởi nhạc sĩ Nguyễn Trọng Nam, được trình bày qua tiếng hát của ca sĩ Kim Thúy.
 
Thánh Ca
Thánh Ca Mùa Chay - Trên Đỉnh Đồi Xa - Trình bày: Ca Sĩ Như Ý
VietCatholic Network
13:52 13/03/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây