Ngày 14-03-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đức Giêsu: Thất vọng và Hy vọng
LM Nguyễn Trung Tây, SVD
00:47 14/03/2008

Đức Giêsu: Thất vọng và Hy vọng



Thất vọng và Hy vọng, Ảnh Nguyễn Trung Tây
Tuần Thánh nếu phải đặt tên cũng là tuần của thất vọng và hy vọng.

Nhiều người thắc mắc hỏi tại sao sự dữ xảy đến trong cuộc đời? Có người thắc mắc hỏi tôi tại sao Giavê là một Thiên Chúa quyền năng, yêu thương con người, nhưng Ngài lại nhắm mắt làm ngơ, để cho con người rớt xuống vũng bùn của mất hy vọng, của đêm đen, của bóng tối? Lắng nghe những chia xẻ, tôi nói tôi không có câu trả lời cho những câu hỏi về mối tương quan giữa cuộc sống và thất vọng. Nhưng...

I. Nỗi Niềm Thất Vọng

Tôi nói với họ là vào đêm Đức Giêsu bị bắt trong Vườn Cây Dầu, tất cả những môn đệ của Người đã hoàn toàn mất hy vọng vào Thầy của mình. Bởi thế họ đã bỏ của, bỏ Thầy, bỏ tất cả chạy lấy người. Tuy nhiên, Phêrô vẫn còn chút hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn, cho nên ông đó liều lĩnh đi tới sân Tòa Án Tối Cao của người Do Thái. Nhưng rất tiếc, Phêrô cũng không khám phá ra được điều gì khác hơn ngoài việc ông tự nhiên lại mang lấy phải cái vạ chối Thầy vào người.

Tôi cũng nói với họ là vào khoảng ba giờ chiều của ngày thứ Sáu hôm đó, bầu trời của kinh thành Giêrusalem lúc đó đã tối lại càng tối đen hơn cho những người môn đệ của Đức Giêsu, khi chính họ đứng đó chứng kiến giây phút cặp mắt thất thần của Đức Giêsu đang từ từ nhắm chặt lại.

Cuối cùng, trong khi đứng nhìn tảng đá của ngôi mộ được ông Giuse Arimáthêa chầm chậm lăn lại che kín một xác chết, mọi người môn đệ của Đức Giêsu biết rằng đã không còn gì để họ hy vọng. Họ hoàn toàn thất vọng vào một tương lai trong Đức Giêsu.

II. Mầu Nhiệm Thương Khó

Về mầu nhiệm Thương Khó của Đức Giêsu, tôi hỏi,

— Bạn đang đứng ở đâu trong khi những giọt mồ hôi máu đỏ của Đức Giêsu đang rớt xuống, thấm sâu vào lòng đất đen trong Vườn Cây Dầu? Bạn có nghe thấy tiếng Đức Giêsu đang năn nỉ những người môn đệ thân tín, những người bạn bè ruột thịt thân thiết trong suốt một khoảng thời gian dài là làm ơn cố gắng tỉnh thức để chia xẻ nỗi niềm cô đơn với Ngài hay không? Bạn nghĩ gì khi Đức Giêsu bị bạn bè đâm, không phải là sau lưng nhưng ngay trước mặt, bằng một cái hôn nồng nàn thắm thiết? Bạn thấy gì khi Đức Giêsu bị tất cả mọi người bỏ rơi, đứng chơ vơ giữa một rừng gươm sắc, giáo mác, và những kẻ chống đối Ngài? Trong hoàn cảnh bơ vơ lạc loài này, Đức Giêsu sẽ quay sang ai để tìm kiếm cảm thông, chia xẻ, và an ủi? Bạn có thấy Đức Giêsu, một người vô tội đang bị người ta đánh đập tra khảo vì những tội danh hoang đường vô lý hay không? Bạn có nhìn thấy vòng gai sắc nhọn đang đâm thâu qua đầu Ngài? Máu đỏ lại rơi xuống. Thịt da lại rách tan. Bạn có ước lượng được cây thánh giá đang đè lên vai của Đức Giêsu nặng khoảng bao nhiêu pounds hoặc là bao nhiêu ký hay không? Có thể chúng ta vẫn không bao giờ biết được sức nặng thật sự của cây thánh giá, nhưng ít ra chúng ta biết là cây thập giá nặng lắm, nếu không Đức Giêsu đã không té ngã ba lần dưới sức nặng của hai cây gỗ đan chéo vào nhau. Cả ba lần Đức Giêsu té ngã xuống mặt đường ngập đầy đá sỏi của kinh thành Giêsuralem, bạn đang làm gì? Bạn đứng ở đâu? Bạn có thấy Ngài té ngã xuống mặt đường, và đá sỏi tiếp tục cào rách nát khuôn mặt của Ngài ra không?

Và tôi tiếp tục,

— Trên đỉnh núi Sọ, bạn có nghe thấy tiếng búa sắc nhọn đang đập xuống những đầu đinh, và những đầu đinh sắc nhọn đang đâm xuyên qua hai chân và hai tay của Đức Giêsu hay không? Bạn có thấy trời đang kéo mây đen che kín đỉnh đồi Calvê hay không? Bạn nghĩ gì khi đất đá của Núi Sọ rung động, mồ mả của những người đã chết bật tung nắp, màn trong đền thờ Giêrusalem xé rách ra làm hai vào giây phút Đức Giêsu nhắm chặt mắt lại? Bạn nghĩ gì khi bộ ngực gầy gò ốm yếu của Đức Giêsu không còn di động lên xuống theo nhịp thở yếu ớt nữa?

III. Mầu Nhiệm Phục Sinh

Nhưng tạ ơn Trời, tạ ơn Đất, tạ ơn Thiên Chúa, bởi vì câu chuyện thất vọng của năm xưa không dừng lại ở đoạn ông Giuse đang từ từ lăn tảng đá che kín lại ngôi mộ đá. Hai ngày sau, sứ thần từ trời cao ngự xuống đẩy tảng đá che kín ngôi mộ của Đức Giêsu sang một bên. Nhờ thế người ta mới biết là ngôi mộ được niêm phong bởi lệnh của Quan Tổng Trấn Philatô tự nhiên trở thành ngôi mộ trống (Mátthêu 27:62-66). Nhờ những người phụ nữ Do Thái dẫn nhau đi ra ngôi mộ vào buổi sáng sớm của ngày hôm đó, người ta mới biết xác Đức Giêsu đã biến mất. Ngôi mộ đá đã lạnh ngắt lại càng trở nên lạnh ngắt với khăn liệm nằm chơ vơ lạc loài (Máccô 16:1-8, Luca 24:12). Nhờ Maria Mađalêna còn vấn vương với ngôi mộ trống sau khi Phêrô và người môn đệ được Đức Giêsu thương mến đã bỏ về nhà, chúng ta mới biết ngôi mộ đá trở nên ngôi mộ trống chính vì Đức Giêsu đã sống lại (Gioan 21:11-18). Và nhờ hai người môn đệ, một người tên là Clêôpas, thất vọng bỏ thành phố Giêrusalem ra đi, chúng ta mới hiểu tại sao ngôi mộ của Đức Giêsu đã trở thành ngôi mộ đá trống (Luca 24:13-35). Nhờ những người môn đệ của Đức Giêsu mất hy vọng bỏ về lại Bắc Galilê tiếp tục hành nghề ngư phủ trên Biển Hồ, chúng ta mới biết Đức Kitô đã thực sự phục sinh, bởi vì Ngài đã hiện ra bên bờ biển vào một buổi sáng sớm, trong khi những người ngư phủ đang thất vọng với khoang thuyền trống vắng không một con cá (Gioan 21:1-14). Nhờ những nhân chứng phục sinh tiên khởi vừa được liệt kê ở trên, chúng ta biết ngôi mộ đá trở thành ngôi mộ trống bởi vì Đức Giêsu đã phục sinh, và Ngài trở thành Niềm-Hy-Vọng cho mỗi người trong chúng ta.

Trong phạm trù Kitô học, Đức Kitô Phục Sinh trở thành Niềm-Hy-Vọng cho mọi người trong chúng ta bởi vì Ngài cũng đã từng thất vọng với cuộc sống. Trong nguyện đường của thị trấn Nazareth, Ngài thất vọng nói, “Không có ngôn sứ nào được chấp nhận nơi quê hương của mình” (Luca 4:24). Trong Vườn Cây Dầu, Ngài buồn phiền thở than, “Lạy Cha! Nếu được, xin cất chén đắng này xa con” (Máccô 14:36). Trên đỉnh núi Sọ, Ngài thất vọng kêu lớn tiếng, “Lạy Chúa! Lạy Chúa! Sao lại bỏ rơi con”? (Matt 27:46).

Cuộc sống nào mà lại không có những nhọc nhằn, những phiền muộn, và những thất vọng? Đức Giêsu cũng đã từng thất vọng, nhưng Ngài không bao giờ tuyệt vọng. Lúc nào Ngài cũng chấp nhận và tin tưởng vào bàn tay quan phòng diệu kỳ của Thiên Chúa quyền năng, mặc dù Ngài thất vọng vào đám đông của thị trấn Nazaret, những người đồng hương đang bịt mũi khinh bỉ gốc gác thợ mộc của Ngài. Lúc nào Ngài cũng hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn rực rỡ hơn, dù rằng Ngài đang bị mọi người bỏ rơi trong Vườn Cây Dầu. Lúc nào Đức Giêsu cũng hy vọng vào Nước Trời mặc dù ánh mắt của Ngài đang lạc thần, mờ đi, và xám đen lại vào khoảng 3 giờ chiều của ngày thứ Sáu hôm đó. Và đúng như Ngài đã từng tin tưởng, chấp nhận, và hy vọng, cuối cùng Ngài đã sống dậy từ trong kẻ chết, và Ngài đã trở thành Đức Kitô Phục Sinh. Ngài trở thành Niềm-Hy-Vọng cho mỗi người Kitô hữu chúng ta về một cuộc sống với niềm hy vọng vào một Thiên Chúa quyền năng nhưng nhân hậu.

Suy Niệm

Ai trong chúng ta lại chẳng có những lúc sống với thất vọng, với tuyệt vọng? Ai trong chúng ta lại chẳng có những giây phút hoàn toàn mất tin tưởng vào ngày mai bởi vì giấc mơ của mình trong vòng bao nhiêu năm vừa chợt sụp đổ như hai tòa nhà cao ngất trời của Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế đang từ từ sụp đổ vào một buổi sáng mùa thu ngày 11 tháng 9 năm 2001? Ai trong chúng ta chẳng có những lúc bừng con mắt dậy, thấy mình trắng tay? Tương tự như Giuđa và Phêrô đã từng một lần cảm nghiệm, giờ này chúng ta mất hết, bây giờ chúng ta trắng tay!

Những mất mát trong cuộc sống khiến ai chẳng cảm thấy buồn phiền tiếc nuối. Cách đây khá lâu, có rất nhiều người cũng đã cảm nghiệm được sự mất mát to lớn cho một giấc mơ. Nhìn hòn đá đang từ từ che kín ngôi mộ, nhiều người có cảm tưởng mình đang lăn tảng đá chôn lấp giấc mơ của chính mình. Còn gì nữa mà mơ! Có người bỏ về làng tiếp tục nghề đánh cá. Có người âm thầm ngồi than khóc trong bóng tối. Có người treo cổ tự sát.

Cuộc sống là một tổng hợp của những buồn và vui, khóc và cười, mất và được. Có những lúc nổi giận, đốt hết. Có những lúc từ bi, thứ tha. Có những lúc mất hết, trắng tay. Những mất mát trong đời là một phần của cuộc sống. Chấp nhận mất mát cũng như chấp nhận ánh sáng ban ngày và bóng tối ban đêm. Chấp nhận mất mát cũng như chấp nhận mình đang còn trẻ và mình cũng đang già. Chấp nhận mất mát cũng như chấp nhận mình là con của bố và của mẹ, có những người chị, người anh, và người em.

Nhưng chấp nhận không thì cũng chưa đủ. Phải hy vọng, hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn, rực rỡ hơn. Hy vọng như người con hoang đàng, hai người phụ nữ, một người bên giếng nước Giacóp, một người trong nhà ông Biệt Phái Simon, đã hy vọng những dĩ vãng những lỗi lầm của mình sẽ được quên đi, sẽ được xóa nhòa. Hy vọng như Phêrô đã từng hy vọng là mình sẽ được thứ tha. Thất vọng như Giuđa đã từng tuyệt vọng vào một ngày mai. Cành cây bên vệ đường là nơi người mất hy vọng tìm đến. Một sợi dây treo lên, một mạng người rớt xuống. Hy vọng như hai người môn đệ trên đường Emmau. Vào một buổi sáng mùa Xuân, có hai người mất hy vọng đang đi với nhau. Nhưng Niềm-Hy-Vọng đã tới với họ. Niềm-Hy-Vọng chuyện trò với họ. Và bởi Niềm-Hy-Vọng, họ quyết định quay về Giêrusalem, thành phố của mất hy vọng. Họ quay về để tạo dựng lại một niềm hy vọng mới. Bao nhiêu người chứng kiến cảnh tảng đá đang từ từ chôn lấp một xác chết. Họ thất vọng. Họ cảm nghiệm đắng cay cho một mất mát. Nhưng rồi họ lại hy vọng, hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn. Cuối cùng đúng như họ mơ ước Mùa Hy Vọng của Kitô Giáo đã tới gần hai ngàn năm.

www.nguyentrungtay.com
 
Tuần Thánh: Một cái nhìn lịch sử về cuộc Thương Khó của Chúa Kitô
J.B. Đặng Minh An dịch
08:06 14/03/2008
Trong Chúa Nhật Lễ Lá, chúng ta sẽ nghe toàn bộ trình thuật của Thánh Luca về cuộc Thương Khó Chúa Kitô. Chúng ta hãy đặt câu hỏi quan trọng, đó là câu hỏi mà các sách Phúc Âm đã được viết ra để trả lời. Làm sao một con người như thế lại kết thúc trên thập giá? Đâu là động lực của những kẻ phải chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu?

Theo một lý thuyết đã bắt đầu lưu hành từ thế kỷ qua, theo sau thảm kịch tàn sát người Do Thái, trách nhiệm về cái chết của Chúa Kitô đã đè nặng chủ yếu – và có lẽ thậm chí là hoàn toàn - trên Philatô và các giới thẩm quyền Rôma, những người có động cơ nghiêng về chính trị hơn là tôn giáo. Các sách Phúc Âm được cho là đã minh oan cho Philatô và tố cáo những nhà lãnh đạo Do Thái về cái chết của Chúa Kitô, ngõ hầu trấn an giới thẩm quyền Rôma về sự hiện diện của người Kitô hữu và để tranh thủ tình bạn của họ.

Thuyết này phát sinh từ một mối quan tâm mà ngày nay tất cả chúng ta chia sẻ là làm sao diệt trừ mọi nguyên cớ cho thuyết bài Do Thái, là thuyết đã gây nhiều đau khổ cho dân Do Thái trong tay những Kitô hữu. Nhưng sai lầm nghiêm trọng nhất phạm phải cho nguyên cớ chính đáng này là người ta bênh vực nó với những luận cứ sai lầm. Trận chiến chống lại thuyết bài Do Thái phải đặt trên một nền tảng vững chắc hơn là một diễn dịch dễ gây tranh cãi (và đã bị tranh cãi) về những trình thuật Thương Khó trong Phúc Âm.

Việc dân Do Thái, trong tư cách một dân tộc, là vô tội đối với cái chết của Chúa Kitô dựa trên một xác tín Kinh Thánh mà người Kitô hữu có chung với người Do Thái nhưng hầu như đã bị lãng quên một cách lạ lùng hằng bao thế kỷ: “Con không mang lấy tội của cha, cha cũng không mang lấy tội của con” (Ezêkien 18:20). Giáo huấn của Giáo Hội chỉ biết có một tội được truyền từ đời cha tới đời con là tội nguyên tổ, ngoài ra không còn một tội nào khác.

Sau khi đã minh xác lập trường chống lại thuyết bài Do Thái, tôi muốn giải thích tại sao không thể chấp nhận sự vô tội hoàn toàn của các thẩm quyền Do Thái trong cái chết của Chúa Kitô và hệ quả đi kèm với sự vô tội này là khẳng định về bản chất thuần tuý chính trị trong bản án dành cho Chúa Kitô.

Thánh Phaolô trong những lá thư đầu của ngài, được viết vào khoảng năm 50, về cơ bản cũng đã đưa ra cùng một phiên bản về bản án của Chúa Kitô như trong các sách Phúc Âm. Ngài nói “những người Do Thái đã đẩy Chúa Giêsu đến cái chết” (1 Th 2:15). Về những biến cố xảy ra tại Giêrusalem không bao lâu trước lúc Chúa Giêsu đến đó, Phaolô chắc chắn phải được thông tin đầy đủ hơn chúng ta, những người đương thời, những người đã có thời kiên trì phê chuẩn và bênh vực án tử dành cho người Nagiarét này.

Không thể đọc những tường thuật về cuộc Thương Khó mà bỏ qua mọi sự xảy ra trước đó. Bốn sách Phúc Âm đều minh chứng - hầu như trong mỗi trang, chúng ta có thể nói như thế - về sự khác biệt tôn giáo ngày càng lớn giữa Chúa Giêsu và một nhóm quyền thế người Do Thái (Biệt Phái, tiến sĩ luật, kinh sư) liên quan đến việc tuân giữ ngày Sabát, thái độ đối với những kẻ tội lỗi và những người thu thuế, và về sự trong sạch và không trong sạch.

Một khi sự tồn tại của mâu thuẫn này đã được làm rõ, làm sao người ta có thể nghĩ rằng mâu thuẫn đó cuối cùng chẳng đóng một vai trò nào, và rằng những nhà lãnh đạo Do Thái đã quyết định tố cáo Chúa Giêsu cho Philatô – một việc hầu như trái với ý muốn của họ - chỉ vì lo sợ một sự can thiệp quân sự của người Rôma?

Philatô không phải là mẫu người quan tâm tới sự công chính đến độ âu lo về số phận của một người Do Thái không tên tuổi; ông ta là một mẫu người cứng cỏi, độc ác, sẵn sàng gây ra đổ máu chỉ vì một dấu vết rất nhỏ của mầm mống nổi loạn. Tất cả điều này là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, ông đã ra sức cứu Chúa Giêsu không phải vì thương cảm nạn nhân, nhưng chỉ để ghi một điểm thắng chống lại những kẻ tố cáo Chúa Giêsu, những kẻ mà ông đã xung đột từ ngày tới đất Giuđêa. Dĩ nhiên, điều này không giảm bớt trách nhiệm của Philatô trong việc lên án Chúa Kitô, một trách nhiệm ông đã cùng chia sẻ với những nhà lãnh đạo Do Thái.

Đây không phải là chuyện muốn tỏ ra “thông biết Do Thái Giáo hơn người Do Thái”. [Nhưng] Từ những báo cáo về cái chết của Chúa Giêsu đang hiện diện trong Talmud và trong những nguồn tài liệu Do Thái khác (tuy muộn hơn và mâu thuẫn về mặt lịch sử), một sự kiện nổi lên: truyền thống Do Thái Giáo chưa bao giờ phủ nhận sự dự phần của các nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó trong việc lên án Chúa Kitô. Họ không bênh vực mình bằng cách chối bỏ hành động đó, nhưng, nếu có bào chữa, thì họ phủ nhận, theo quan điểm của Do Thái Giáo, cáo buộc cho rằng hành động đó cấu thành một tội ác và bản án dành cho Chúa Kitô là một án bất công.

Như vậy, đối với câu hỏi, “Tại sao Chúa Giêsu bị kết án tử?” sau tất cả những nghiên cứu và những đề nghị được đưa ra, chúng ta phải đưa ra cùng một câu trả lời như trong các Phúc Âm. Ngài đã bị kết án vì những lý do tôn giáo, tuy nhiên những lý do này đã được khéo léo lồng vào những thuật ngữ chính trị để có sức thuyết phục hơn với quan tổng trấn Rôma.

Tước hiệu “Messiah,” tiêu điểm cáo buộc của Đại Công Nghị Do Thái, trước tòa Philatô, đã được hóa thành “Vua người Do Thái,” và đó là tước hiệu dành cho bản án được đóng trên thập giá: “Giêsu Nagiarét, Vua dân Do Thái.” Chúa Giêsu đã chiến đấu suốt đời Ngài để tránh sự ngộ nhận này, nhưng cuối cùng chính sự lẫn lộn này đã quyết định số phận của Ngài.

Điều này mở ngỏ cho sự tranh cãi về việc sử dụng những tường thuật cuộc Thương Khó. Trong quá khứ những tường thuật đó thường bị lạm dụng (chẳng hạn, trong những biểu hiện đầy kịch tính về cuộc Thương Khó) một cách không thích hợp, với một thâm ý bài Do Thái.

Đó là điều mà mọi người ngày nay cương quyết loại bỏ, cho dầu có thể còn sót lại một số điều cần phải làm để loại trừ khỏi những cử hành Kitô Giáo về cuộc Thương Khó những gì có thể xúc phạm đến sự nhạy cảm của anh em Do Thái chúng ta. Chúa Giêsu đã là và vẫn là, dầu gì đi nữa, món quà lớn nhất của Do Thái Giáo đối với thế giới, một ân huệ mà người Do Thái đã phải trả một giá rất đắt.

Như thế, kết luận chúng ta có thể rút từ những nhận định lịch sử này, là các thẩm quyền tôn giáo và các thẩm quyền chính trị, các thủ lãnh Đại Công Nghị và quan tổng trấn Rôma, cả hai đã dính líu, với những lý do khác nhau, trong bản án Chúa Kitô.

Chúng ta phải nói thêm về điều này là lịch sử không nói tất cả mọi sự kể cả những chi tiết thiết yếu. Nhờ đức tin, chúng ta biết rằng tất cả chúng ta đều có trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu vì tội lỗi chúng ta.

Giờ đây, chúng ta hãy để qua một bên những vấn đề lịch sử, và dành ra một lúc để chiêm niệm về Ngài. Chúa Giêsu đã hành động như thế nào trong cuộc Thương Khó? Một phẩm giá siêu phàm, một sự kiên nhẫn vô biên. Không một cử chỉ hay lời nói nào ngược lại với những điều Ngài đã rao giảng trong Phúc Âm, cách riêng các mối phúc thật. Ngài đã chết đi trong khi không ngừng xin tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh Ngài.

Và không có gì nơi Ngài giống thái độ ngạo mạn của người coi thường đau khổ. Phản ứng của Ngài với khổ đau và sự tàn ác hoàn toàn nhân bản: Ngài run rẩy và đổ mồ hôi máu trong vườn Giệtsimani, Ngài muốn chén đắng được cất khỏi Ngài, Ngài tìm sự nâng đỡ nơi các môn đệ, Ngài kêu lên trong nỗi cô đơn tột cùng trên thập giá: “Lạy Chúa, Lạy Chúa con, nhân sao Chúa bỏ con?”

Một trong những nét cao thượng siêu phàm này của Chúa Kitô lôi cuốn tôi: đó là sự thinh lặng của Người. “Đức Chúa Giêsu vẫn thinh lặng” (Mt 26:63). Ngài làm thinh trước Caipha, Ngài làm thinh trước quan Philatô, Ngài làm thinh trước vua Hêrôđê, kẻ hy vọng thấy Chúa Giêsu làm một phép lạ (x. Lc 23:8). “Bị nguyền rủa Người không nguyền rủa lại.” Thơ Thứ Nhất của Phêrô nói về Người (1 Pr 2:23)

Sự thinh lặng chỉ bị phá vỡ một lúc trước cái chết -“tiếng kêu lớn” từ thập giá sau đó Chúa Giêsu tắt thở. Điều này làm cho viên đại đội trưởng Rôma thú nhận: “Thật người này là Con Thiên Chúa.”

Cha Raniero Cantalamessa, OFM, Giảng Thuyết Viên Phủ Giáo Hoàng
 
Đồng cảm
Lm Vũđình Tường
09:33 14/03/2008
Đức Kitô tiến vào thành Giêrusalem trong vinh quang, có ngàn người chân trần, bước theo hoan hô. Vì thế Đức Kitô bị các nhà lãnh đạo tôn giáo và các luật sĩ thù ghét; trái lại đám dông dân chúng bu quanh Ngài. Họ rước Ngài vào thành miệng vang tiếng hoan ca, chân sáo nhảy múa mừng vui đón chào vị cứu tinh.

Đám đông này là những người từng thọ ơn Đức Kitô, được Chúa cứu khỏi bệnh cả xác lẫn hồn. Họ là những người trước đây có kẻ bị câm, đứa bị điếc, người cô đơn, lẻ loi. Ngoài ra còn có cả những tâm hồn đang tuyệt vọng bị xua đuổi vì bệnh tật, hất hủi vì mù loà, hà hiếp vì thế cô, sống đầu hẻm, cuối thôn, vô gia cư. Trong đó bao gồm cả kẻ vô tội bị hàm oan mang án tử hình.

Thấy Chúa tiến vào thành không ai bảo ai, không ai lãnh đạo, mời gọi. Sự việc xảy ra rất tự nhiên, nhịp nhàng, trật tự và bình an. Đám đông càng lúc càng đông, người tham gia càng lúc càng nhiều và tiếng hát càng lúc càng vang vọng. Họ cùng nhau bẻ lá cây bên đường làm cờ đón Chúa. Cùng Chúa tiến vào thành thánh Giêrusalem.

Vinh quang vào thành thánh chóng tàn. Những người đi đón rước Chúa vào thành thánh đâu ngờ những lời ca tụng nhiệt thành xuất phát từ con tim yêu mến trở thành duyên cớ kết án Chúa của những con tim sôi trào máu hận thù. Ít ngày sau những tràng pháo tay chân thành hoan hô Đức Giêsu được thay thế bằng những cánh tay nắm chặt giơ cao hét to ‘đả đảo, giết nó đi, đóng đinh nó vào thập giá’. Náo động, hỗn loạn không phát sinh từ tấm lòng son của quần chúng nhưng âm thầm vâng lệnh từ miệng sói đội lốt chiên lãnh đạo vừa xúi bẩy vừa đe doạ dân, khích động lòng nhiệt thành của quần chúng thực hành dã tâm sát nhân. Nhóm lãnh đạo đương thời coi là toà án nhân dân. Đã là dân thì làm gì có toà. Kẻ ngồi trên toà không phải dân chính hiệu mà là dân giả hình. Toà giả hình bản án là án giả. Án giả luôn bất công vì tự bản chất nó đã không tôn trọng sự thật. Như thế Đức Kitô lãnh bản án bất công.

CHIA SẺ

Đám đông vui mừng đón rước Chúa vì Chúa đến để sống với họ, cùng đồng hành với họ và cảm thông nỗi thống khổ của họ. Chúa tự nguyện biến mình trở nên con người đau khổ để cùng đồng hành, hiểu và cảm thông cảnh khổ đau với người Chúa thương.

Chúa dùng đau khổ của mình để mang niềm vui cho người.

Chúa chịu nhục mang vinh quang cho ta.

Chúa tự nhận thân phận nô lệ cho ta được tự do.

Chúa chịu treo trên thập giá để kéo ta lên với Ngài.

Chúa chịu bản án bất công để ta được nên công chính.

Chúa chịu chết để ta được sống.

Chúa sống lại để ta được sống ngàn thu.

LẶNG CÂM

Nhìn vào cuộc tử nạn của Chúa Ngài đóng trọn vai người tôi tớ hèn mọn. Trước mặt những nhà lãnh đạo tôn giáo và kẻ cầm quyền Ngài lặng câm, không được có tiếng nói. Bị xử bất công không ai dám biện hộ, bị xỉ vả, đánh đập ai giám tỏ lòng xót thương. Đám đông ngày nào vẫn đứng bên đường, lòng đầy xót thương nhưng miệng hô đả đảo, réo giết chết, hô hoán theo mệnh lệnh. Người mà mấy hôm trước đó họ hoan hô, vui mừng vỗ tay Chúa cứu sống, ban ơn cho nay cũng đứng lặng câm trước thế lực trần thế. Đám đông là gì mà dám lên tiếng. Muốn chết lây thì cứ việc tiến vào, ra tay. Chúa cũng âm thầm thương xót họ vì giờ Ngài chưa đến.

Chúa lặng câm diễn tả tình yêu cho kẻ khốn cùng bằng cách chấp nhận chết trên thập giá diễn tả trọn chữ tình. Tình yêu nào cao quý hơn là chết cho người mình yêu? Người Chúa yêu đứng rải rác dọc hai bên đường, xa xa ngó lại, không dám đến gần nhìn mặt ân nhân lần cuối.

TÁI DIỄN

Ngày nay vẫn còn bản án bất công, đơn từ khiếu nại, kêu oan ngâm nhiều năm tháng chưa được giải quyết, vẫn còn những toà án giả hình, vẫn còn kẻ nằm đường. Đầu thôn cuối ngõ nhan nhản bàn tay xoè xin miếng cơm, li nước, vẫn còn cảnh xua đuổi, phỉ báng và nhiều nơi cuộc sống người già bị coi thường, mạng con trẻ coi rẻ và thai nhi chưa được chôn cất theo cung cách một con người.

Đức Kitô đã đồng hoá mình với tất cả những thành phần đau khổ trên. Thương họ chính là diễn tả tình thương đó với chính Chúa như lời Ngài phán dậy: khi ta đói ngươi cho ta ăn; ta khát ngươi cho uống, khi ngươi làm cho một những anh chị em hèn yếu là ngươi làm cho chính Ta.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Lễ Lá: Giờ chiến thắng vinh quang
LM Inhaxiô Trần Ngà
10:59 14/03/2008
CHÚA NHẬT LỄ LÀ

GIỜ CHIẾN THẮNG VINH QUANG

Đức Giê-su gọi giờ tử nạn là giờ Ngài được tôn vinh: "Giờ đây, Con Người được tôn vinh (Gioan 13, 31)

Vinh quang ở đâu mà chỉ thấy bị bắt bớ, xét xử, bị vu cáo đủ điều, rồi lại bị kết án, bị đòn vọt, gai nhọn, đinh sắt, lưỡi đồng và cuối cùng là cái chết thảm thương trên thập giá.

Nhìn lên thập giá, người ta chỉ thấy ô nhục và đau thương, thất bại và cay đắng! Vậy vinh quang của Chúa Giê-su ở đâu? Vì sao Ngài gọi đây là giờ Ngài được tôn vinh?

Đối với người không am hiểu, cái chết của Chúa Giê-su trên thập giá là một thất bại não nề; nhưng suy cho kỹ, cái chết đó là một chiến thắng rất oanh liệt và vinh quang.

Đây là nơi Chúa Giê-su chiến thắng sự hận thù bằng lòng bao dung.

Đối diện với cuộc kết án bất công, đứng trước những thượng tế, kỳ mục muốn huỷ diệt mình cho bằng được, đối diện với đám đông cuồng nộ đòi đóng đinh kết liễu đời mình, trước những kẻ chế giễu nhạo cười với bao lời thách thức, đứng trước đội quân hành quyết dã man tàn bạo... Chúa Giê-su vẫn không may may oán hận! Ngài chiến thắng sự hận thù bằng lòng bao dung vô bờ bến. Ngài nhìn họ với ánh mắt thương xót, vẫn yêu họ bằng trái tim khoan nhân... Rồi Ngài sợ Chúa Cha đánh phạt họ vì tội lỗi ngất trời của họ, nên tha thiết cầu xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ gây đau khổ và kết án tử cho Ngài. "Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm" (Luca 23, 34). Đó là tâm tình đẹp nhất, cao thượng nhất trên cõi đời nầy.

Đây là nơi Chúa Giê-su chiến thắng tính khiếp nhược và lòng tham sinh uý tử bằng sự dũng cảm rất cao cường.

Là người ai không sợ chết. Chính Chúa Giê-su cũng đã trải qua những giờ phút kinh hoàng trước viễn ảnh cái chết đau thương sắp đến khi cầu nguyện trong vườn Dầu, thế nhưng Ngài không bị khuất phục bởi cái chết. Ngài đã chổi dậy để dũng cảm đương đầu với nó. Ngài đã chấp nhận chết cách can trường và đã huỷ diệt sự chết để hồi sinh.

Đây là nơi Chúa Giê-su chiến thắng sự đau đớn thể xác và đau khổ tinh thần.

Là người ai cũng sợ khổ và tìm cách lánh thoát khổ đau. Nhưng Chúa Giê-su đã đón nhận những cực hình đau thương khủng khiếp nhất cách can đảm phi thường. Qua thập giá, Ngài đã hoàn toàn chiến thắng tính khiếp nhược của phận người.

Qua cách thức Ngài đương đầu với cuộc khổ nạn, ta thấy không một thách thức nào làm cho Ngài lùi bước; không một đe doạ nào làm cho Ngài khiếp sợ; không một sỉ nhục nào làm cho Ngài nổi giận hay mất bình an; không hận thù nào tiêu huỷ được lòng bao dung vô bờ bến của Ngài...

Ngài thắng được bản năng tham sinh úy tử; Ngài vượt lên trên nỗi sợ mọi thứ khổ đau; Ngài thắng được lòng hận thù có thể bùng lên khi bản thân mình bị sỉ nhục và bị đối xử rất dã man và tàn ác... Trong cuộc khổ nạn của mình, Đức Giê-su chiến thắng hoàn toàn bản thân mình, vượt qua các thách thức từ mọi phía để hoàn thành mỹ mãn sứ mạng Chúa Cha đã trao ban.

Chiến thắng cả thiên hạ không bằng chiến thắng chính bản thân mình. Chúa Giê-su đã thực sự chiến thắng bản thân mình, hoàn toàn làm chủ con người mình, bắt thân xác phải vâng phục tinh thần như chiên ngoan. Oai hùng thay! Vinh quang thay!

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Ngài vô cùng dũng cảm và hùng mạnh nên đã chiến thắng tử thần và đẩy lùi mọi cuộc tấn công của nó, xin nâng đỡ chúng con là những kẻ yếu hèn bạc nhược, đừng để chúng con chào thua trước tội lỗi cách dễ dàng mà phản bội lại tình yêu cao vời của Chúa.
 
Đừng theo ý con, nhưng xin theo ý Cha
Lm Cosma Hoàng Văn Đạt SJ
11:04 14/03/2008
CHÚA NHẬT LỄ LÁ A

"Đừng theo ý con nhưng xin theo ý Cha.”

Bài tường thuật của thánh Matthêu cho chúng ta thấy nhiều điều đáng buồn. Trước hết là một người bị đồng loại giết, và bị giết một cách dã man. Thứ đến đó là một bất công: người bị giết đã từng đi khắp nơi thi ân giáng phúc cho mọi người, nhất là những người nghèo khổ, bệnh tật, tội lỗi. Trong cái chết của người ấy, có sự phản bội của một người bạn, có việc người ấy bị những người bạn thân tín nhất bỏ rơi, có việc người ấy bị một người bạn hàng đầu chối bỏ, có việc dân chúng thờ ơ và đồng loã với những kẻ thủ ác.

Nhưng, có điều gì đó khác thường trong vụ án này. Người bị kết án tử hình đã không nhượng bộ hay khuất phục những người quyền thế cả trong lãnh vực chính trị cũng như trong lãnh vực tôn giáo. Đó là một con người trung thực, sống không vì mình nhưng vì mọi người, dám đương đầu với mọi khó khăn và nguy hiểm, ngay cả cái chết. Đặc biệt người ấy có liên hệ mật thiết với một Đấng vô hình được gọi là Cha. Đối diện với cái chết, người ấy cũng trăn trở: “Tâm hồn tôi buồn đến chết được”. Nhưng lại thưa với Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con mà xin theo ý Cha.” Khi người ấy tắt thở trên thập giá, viên đội trưởng thi hành án nói: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa.” Vì tử tội là Con Thiên Chúa, nên bất chấp những điều đáng buồn trên kia, thật ra đây lại là một tin mừng. Như thánh vịnh 15 nói: Thiên Chúa đã “không đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để thánh nhân của Người hư nát trong phần mộ”. Đó chính là Tin Mừng cho tất cả mọi người vì đó là “đường về cõi sống”. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá mời gọi mọi người sống xứng đáng với phẩm giá và dám sống đến cùng những lời mời gọi của Thiên Chúa.

Một người kia đẽo được ba cái cung. Cái cung thứ nhất nói với chủ: “Tôi đẹp lắm, xin ông đừng dùng, sợ hỏng mất, nhưng hãy treo lên tường làm vật trang trí.” Cái cung thứ hai nói: “Xin ông dùng tôi, nhưng kéo nhẹ thôi, kẻo tôi đau hoặc gãy mất.” Cái cung thứ ba nói: “Xin ông cứ dùng tôi như ông muốn, nếu tôi đau và ngay cả gãy dũng được, miền là tôi giúp ông đạt tới mục đích.”

Lạy Chúa Giêsu, cái cung thứ ba của Thiên Chúa, xin giúp chúng con dám sống và chết như Chúa.
 
Đàng sau Thập Giá
Sa Mạc Hồng
11:20 14/03/2008
Đàng sau Thập Giá

Nhìn lên Thập Giá trời mây tím
Ôi! Đau thương!
Đấng Cứu Thế loài người
Ngài đã đến, rồi từ giã cõi đời
Bao người buồn thương tiếc
Vạn người sầu lệ rơi
Và cũng có những người
Vẫn vô tình đàng sau Thập Giá
Họ cứng lòng không tin Chúa Cứu Thế
Đã vì nhân loại chết đau thương
Đem mạng sống mình khai mở một con đường
Cho con người theo về nẻo chính

Lạy Chúa, xin rộng lòng thứ tha
Chỉ mới đây, ngày hôm qua
Con đang còn quì gối cầu kinh
Với tất cả tâm tình
Mà hôm nay con để lòng sa ngã

Lạy Chúa, xin thứ tha cho chúng con
Ở phía đàng sau Thập Giá
Con vẫn cầm cày và không đi thẳng lối
Rồi bao người nữa chẳng hiểu nghĩa yêu thương
Trong thế giới đầy ganh ghét, thù hận
Xin giúp chúng con tìm về đối diện
Với Thập Giá Chúa, nguồn yêu thương
Và Tin mừng hôm nay, lời Hằng Sống
Để tất cả chung một con đường
Trong Đức Kytô, nguồn Phúc thật
 
Ý Nghĩa của Phần ''Chuẩn Bị Lễ Phẩm'' trong Thánh Lễ
Trần Văn Đang
11:34 14/03/2008
Ý Nghĩa của Phần "Chuẩn Bị Lễ Phẩm" trong Thánh Lễ

Lời giới thiệu: Bài viết này nằm trong những bài viết cùng tìm hiểu về ‎‎ý nghĩa của phần Chuẩn Bị Lễ Vật (Dâng Lễ) trao đổi giữa Lm Mi Trầm và tác giả "Người Họ Trần" để giúp các ca trưởng và các ca viên trong ca đoàn chọn bài hát trong Thánh Lễ. Đề tài bàn thảo đã dựa vào câu hỏi đưa ra của Lm Mi Trầm về đề tài:

• 1) Tại sao bài “Lo gì” của Đức Dũng, không được dùng trong phụng vụ ?
• 2) Tại sao bài “Con Chỉ Là Tạo Vật” của tác giả Phanxicô, không thích hợp trong phần Dâng Lễ ?

Trong tinh thần cùng tìm hiểu và học hỏi về những ‎ý nghĩa trong phụng vụ, xin gửi đến quí bạn những suy tư và chia sẻ của những tâm hồn đang khao khát học hỏi để chúng ta cùng hiểu biết thêm về Chúa và Giáo Hội. Nếu các bạn muốn đi sâu vào những chi tiết của đề tài trao đổi xin mời ghé thăm trang diễn đàn của www.catruong.com

Đây là trả lời của Cha Mi Trầm.

VÀI LỜI VỀ BÀI “LO GÌ”

-Không phải sáng tác sai nhạc lý vì viết thế nào là quyền của người sáng tác nhưng lý do đề nghị không nên hát là vì người hát không thể hát đúng như tác giả viết. Tuy nhiên, đây chưa hẳn là lý do chính.

-Thực ra, lý do chính là bài nầy thuộc loại nhạc “VÀO ĐỜI”. Lời thì trích từ Thánh Kinh nhưng nét nhạc thì thuộc loại nhạc trẻ nhiều chất đời. Cùng lắm thì có thể du di để hát kết lễ vì kết lễ không thuộc thánh lễ nữa nhưng nếu xét nội dung thì ít khi người ta hát ở kết lễ.

-Đây là ý kiến của Đức cha Phaolô Nguyễn văn Hòa lúc ngài là chủ tịch Thánh nhạc Việt Nam khi tôi xin ý kiến về bài hát nầy.
Tôi nghe nói đến việc đưa ra danh mục những bài được hát: Khi nghe như thế thì có người góp ý là không thể đưa ra danh mục những bài được hát vì quá nhiều. Dễ hơn là đưa ra danh mục những bài không được hát trong Phụng vụ. Ý kiến đó có vẽ thực tế hơn. Khi nào chưa có danh mục thì việc hát bài nào còn tùy sự thẩm định của ca trưởng. Mọi sự chỉ là tương đối. Khi đưa ra danh mục cấm hát thì bài GẶP GỠ ĐỨC KITÔ của cha Tiến Lộc và bài PHỤC VỤ của Mi Trầm chắc sẽ được xét tới vì có người xếp 2 nầy vào loại nhạc sinh hoạt.

VÀI LỜI VỀ BÀI “CON CHỈ LÀ TẠO VẬT”

1.Đây là một bài rất hay, rất nổi tiếng, rất thông dụng tuy không dễ hát. Cám ơn Chúa đã cho chúng ta một bài hát như thế.
2.Hát ở phần Hiệp lễ hay Dâng lễ: Nếu hát ở phần Hiệp lễ thì vấn đề sẽ khác. Nhưng xét lời bài hát thì ai cũng hát ở phần DÂNG LỄ. Vì lời bài hát khiến người ta xếp bài hát vào phần Dâng lễ nên người ta hát vào lúc Dâng lễ. Và khi hát ở Dâng lễ thì bài hát lại thành vấn đề:

-Ý chính của Dâng lễ là dâng bánh rượu sẽ trở nên Mình Máu thánh nuôi linh hồn người ta. Và từ đó, tôi mới viết là câu “Con xin dâng lên chính là Chiên Thiên Chúa” sẽ không đúng ý Giáo Hội giải thích về phần Dâng lễ.

-Người có ý kiến về bài nầy lại cũng là Đức cha Hòa khi tôi đưa cho Ngài duyệt.

-Ngày 4 tháng 3 năm 2008, khi họp Thánh Nhạc ở Sàigòn, tôi hỏi ý kiến cha Kim Long về các bài hát chầu Thánh Thể: Nhạc cũ dùng chữ CHA chỉ CHÚA GIÊSU. Tôi nói với ngài là tôi sửa theo bản sửa của Ban thánh nhạc SG nhưng thiên hạ chẳng ai hát theo lời sửa, họ hát theo lời cũ. Tôi đề nghị hay là ta cứ hát theo lời cũ. Ngài nói với tôi là dứt khoát phải sửa vì sai Thần học. Sai gì thì có thể thông qua chứ sai Thần học thì phải sửa, bằng không sửa thì bỏ luôn. Nếu bỏ bài THỜ LẠY CHÚA thì uổng lắm thay. Nhưng tôi đâu thể làm gì hơn. Anh chị em thông cảm.

-Hơn nữa, trong bài viết mới đăng trong Thánh nhạc ngày nay, một tác giả đã phân tích hai chữ TẠO VẬT. Ta hiểu theo mạch văn bài hát là LOÀI THỤ TẠO nhưng tác giả phân tích và cho rằng nghĩa đúng là ĐẤNG TẠO HÓA. Hình như anh Phanxico cũng chấp nhận ý kiến của tác giả nầy vì Phanxico rất kỹ về lời. Đáng khen.

Chúng ta đâu biết hết mọi sự. Giúp ý kiến cho nhau để tìm hiểu là quá tốt. Rất cám ơn anh chị em đã đọc những gì tôi viết và rất cám ơn về những thắc mắc hoặc những suy nghĩ không đồng tình. Càng tìm hiểu càng hiểu hơn thôi.

Cám ơn thiện chí của anh chị em. Xin Chúa chúc lành cho chúng ta.

Linh mục Mi Trầm, Nha Trang.
________________________________________

Kính thưa cha,

Trước hết con xin thành thật cám ơn cha đã bỏ chút thời giờ để trả lời những thắc mắc của chúng con. Nhất là cha cũng đã cất công lên thỉnh ý Đức Giám Mục Nguyễn Văn Hoà để xin ngài đóng góp thêm những ý kiến của ngài về những vấn đề trên. Chúng con rất cảm động khi được nghe thêm nhiều ý kiến về sự đóng góp của ngài và của cha cho chúng con.

Con cũng xin được thưa trình với cha và các bạn, nếu Đức Cha Hòa đã đưa ra phán quyết cuối cùng thì việc của chúng ta tìm hiểu ở đây cũng không có thể thay đổi gì. Vì theo qui luật của Giáo Hội thì ĐGM địa phương có thẩm quyền quyết định những vấn đề liên quan đến phụng vụ tại địa phương của mình.

Nhưng trong tinh thần "Giúp ý kiến cho nhau để tìm hiểu" mà cha đã cho phép, thì con xin cha cho chúng được bày tỏ thêm một vài ý kiến nữa, vì khi cha nói đó là "ý Giáo Hội giải thích về phần Dâng lễ" thì con bị thắc mắc ngay, vì con đã hiểu "ý của Giáo Hội" một cách khác.

Con xin phép cha được trình bày sự tìm hiểu của con.

1) Về bài Lo Gì.

Lúc đầu trong câu trả lời cha đã cắt nghĩa là vì người hát không thể hát đúng như tác giả viết nên con đã đặt vấn đề là tại sao tác giả không được đề nghị sửa lại nhạc, và tại sao khi không hát đúng ý của tác giả thì nên bỏ bài hát đó đi
Bây giờ con được hiểu ‎ý cha muốn nói đó vẫn không phải là lý do chính.

"Lý do chính là bài nầy thuộc loại nhạc VÀO ĐỜI. Cám ơn cha đã nói lại. Con không còn thắc mắc gì ở câu này nữa.

2) Về bài Con Chỉ Là Tạo Vật

Con xin phép được chia câu trả lời này làm ba tiết mục:

• I. Những cải tổ của Công Đồng Vatican II về Thánh Lễ
• II. Ý nghĩa của phần "Chuẩn Bị Lễ Phẩm" trong Thánh Lễ
• III. Ý nghĩa của chữ "Chiên Thiên Chúa" trong bài "Con Chỉ Là Tạo Vật".

Vì là bài viết chỉ chuẩn bị trong mấy ngày nghỉ cuối tuần để hồi âm kịp thời lá thư của cha, nên chắc chắn còn có nhiều thiếu xót. Trong tinh thần học hỏi, xin cha cũng như các bạn bổ túc thêm để hy vọng chúng ta có thể biết thêm được những chiều sâu và ‎ý nghĩa phong phú của Thánh Lễ mà Giáo Hội, là Mẹ chúng ta luôn mong muốn chúng ta tìm hiểu không ngừng.

I. Những cải tổ của Công Đồng Vatican II về Thánh Lễ

1. Nhấn mạnh Thánh Lễ là Hy Tế.

Sách Giáo Lý Công Giáo đã cho chúng ta một cái nhìn tổng quát về ý nghĩa của Hy Tế Thánh lễ. Đọc lại từ những điều 1364 đến 1368, ta thấy có những căn bản sau đây:

1) Khi cử hành bí tích Thánh Thể, Hội Thánh tưởng nhớ cuộc Vượt Qua của Ðức Ki-tô; lúc đó, cuộc Vượt Qua này trở nên hiện diện giữa cộng đoàn, vì lễ tế của Ðức Ki-tô trên thập giá chỉ dâng một lần là đủ và luôn sống động để đem lại ơn cứu độ. "Mỗi lần hy tế thập giá được cử hành trên bàn thờ, lúc đó Chúa Ki-tô, Chiên Vượt Qua của chúng ta chịu hiến tế, thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện" (LG 3). ( GLCG: 1364)

2) Hy tế của Ðức Ki-tô và hy tế Thánh Thể chỉ là một. Lễ vật duy nhất là Ðức Ki-tô, xưa chính Người dâng trên thập giá, nay được dâng lên nhờ thừa tác vụ linh mục. Chỉ khác biệt ở cách dâng.( GLCG: 1367)

3) Thánh lễ cũng là hy tế của Hội Thánh. Ðời sống, lời ca ngợi, đau khổ, kinh nguyện, công việc của các tín hữu đều được kết hợp với Ðức Ki-tô và với lễ dâng toàn hiến của Người; nhờ đó tất cả có được một giá trị mới. Hy tế của Ðức Ki-tô hiện diện trên bàn thờ đem lại cho muôn thế hệ Ki-tô hữu khả năng được kết hợp với lễ dâng của Người. (GLCG: 1368)

Trước Công Đồng Vatican II, có nhiều người thường hiểu lầm về ‎ý nghĩa của Thánh Lễ là chỉ đặt nặng đến vai trò của bánh và rượu, và coi lúc Dâng Mình và Máu Thánh Chúa là cao điểm nhất của Thánh Lễ và rồi nhấn mạnh đến việc lên rước lễ là được lên tham dự vào bàn tiệc thánh. Quan niệm này đã bị Đức Giáo Hoàng Benedictô, khi ngài còn là Đức Hồng Y chỉ trích trong cuốn sách "Feast Of Faith" là:

" Nói Thánh Lễ như là một bữa tiệc cộng đồng thì ta đã quá coi thường cái chết của Chúa Giêsu Kitô trên Thập Giá. Bởi đó GH đã hằng luôn luôn kiên trì nhấn mạnh ý nghĩa Hy Tế của Thánh Lễ. " ( FOF trg 65)

Trong ý nghĩa cao siêu này, Thánh Lễ mà chúng ta tham dự hàng ngày cũng là hy tế của chính chúng ta, để “Ðời sống, lời ca ngợi, đau khổ, kinh nguyện, công việc của các tín hữu đều được kết hợp với Ðức Ki-tô và với lễ dâng toàn hiến của Người; nhờ đó tất cả có được một giá trị mới.” (GLCG: 1368)

2. Nhấn mạnh sự Hiện Diện thật sự của Chúa Kitô

Điều số 7 của Hiến Chế SC đã nói "Chúa Giêsu đã hiện diện thật sự và sống động ở giữa chúng ta dưới bốn hình thức":

1) Ngài hiện diện trong Lời Chúa để nói với chúng ta.

2) Ngài hiện diện trong vị chủ tế.

3) Ngài hiện diện trong toàn thể cộng đoàn trong những lời kinh tiếng hát, cử điệu,. ..

4) Ngài hiện diện trong Thánh Thể là lương thực để nuôi sống và kết hợp chúng ta.

Giáo Hội nhấn mạnh lý do chính yếu Chúa Giêsu hiện diện là vì chúng ta, Pro Nobis. Và mục đích chính của sự hiện diện này là nằm “trong công cuộc vĩ đại tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo và thánh hoá mọi người ” (SC 7). Có nghĩa là chính Ngài sẽ đưa chúng ta đến cùng Chúa Cha, để chúng ta đến thờ lạy, ca tụng và tôn vinh Ngài, để rồi chúng ta được Thiên Chúa Thánh hóa. Ngay từ giây phút đầu tiên mà mọi người tụ tập để tôn thờ và gọi Thiên Chúa là Abba, cho đến khi kết lễ hát bài ra về, là Chúa Giêsu đã ở trong Cộng đoàn, cùng cử hành Thánh Lễ với chúng ta. Hy lễ của Kitô Giáo rất khác xa với hy lễ của các tôn giáo khác vì Hy Lễ của chúng ta không phải do con người bày trò tự tạo ra, mà do chính Chúa Giêsu đã thiết lập. Và Ngài đã hứa là Ngài ở bên ta mọi ngày, nhất là mỗi khi chúng ta cử hành Thánh Lễ.

Hiểu như thế, thì tất cả những việc làm dưới mọi hình thức, dưới mọi chi tiết, dưới mọi cách thế diễn tả của con người trong phụng vụ đều "nhờ Chúa Giêsu Kitô và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần" để chúng ta có thể ngợi khen, cảm tạ, đền tội và xin ơn. (QCTQSLR 2000, No 2).

3. Nhấn mạnh vai trò tham dự tích cực của tín hữu.

“ Vì thế, Giáo Hội hằng bận tâm lo cho các Kitô hữu tham dự vào mầu nhiệm đức tin ấy, không như những khách bàng quan, câm lặng, nhưng là những người thấu đáo mầu nhiệm đó nhờ các nghi lễ và kinh nguyện: họ tham dự hoạt động thánh một cách ý thức, thành kính và linh động: họ được đào tạo bởi lời Chúa; được bổ sức nơi bàn tiệc Mình Chúa; họ tạ ơn Chúa; và trong khi dâng lễ vật tinh tuyền, không chỉ nhờ tay linh mục mà còn liên kết với ngài, họ tập dâng chính mình; và ngày qua ngày, nhờ Chúa Kitô Trung Gian, họ được tiêu hao trong tình kết liên với Thiên Chúa và với nhau, để cuối cùng Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người. ?" (SC 48)

Trong cuốn The Spirit of The Liturgy, ĐHY Ratzinger đã cắt nghĩa sự tham dự tích cực này theo ý nghĩa thần học như sau:

Sau công đồng Vatican II mọi người được nghe đến chữ "pacticipatio actuosa" (tích cực tham dự). Chẳng may chữ này đã nhanh chóng bị hiểu sai là những gì bề ngoài, những hình thức sống động, cho mọi người tham dự càng đông càng tốt và nhất là phải thể hiện rõ ràng ra bên ngoài. Thực ra theo nguyên ngữ, chữ "part–icipation" là nói đến là mỗi người có một phần. Và nếu muốn khám phá ra mỗi người có phần như thế nào thì ta phải hiểu chữ actio (action, tác động) của mỗi phần tử trong cộng đoàn đáng nhẽ ra phải hành động.

Khi tìm hiểu lịch sử của phụng vụ, dưới cái nhìn của nền tảng Kinh Thánh, thì ta cũng rất ngạc nhiên khi biết các Giáo Phụ đã gọi tác động đầu tiên của phụng vụ là ORATIO, là Kinh Nguyện Thánh Thể.

Tại sao lại gọi là Eucharistic Oratio ? Thưa vào thời đó, để chống lại tà giáo, các ngài đã muốn nói rằng: việc sát tế xúc vật và những hành động họ đã và đang làm không có lợi cho ai cả, thì bây giờ phải bỏ đi. Thay vào đó là họ có sự Hiến Tế của Ngôi Lời (Sacrifice of the Word). Chiên bò không còn bị giết nữa. Thay vào đó là Ngôi Lời và sự hiện diện của chúng ta được hiến dâng lên Thiên Chúa. Chính Ngôi Lời là Đấng đã lôi kéo chúng ta đến tôn vinh ca tụng Thiên Chúa. Một điều cũng nên nhớ là chữ ORATIO có nghĩa nguyên thủy không phải là lời cầu nguyện mà là một bài diễn văn quan trọng đọc trước công chúng. Bài diễn văn này bây giờ mang một ý nghĩa tối thượng là được đệ trình lên Thiên Chúa.

Bài ORATIO, Kinh Nguyện Thánh Thể, thật ra còn hơn một bài diễn văn vì đây chính là hành động (actio) cao cả nhất mà linh mục nói trong chủ từ ngôi thứ nhất của Chúa: “Này là Mình Ta. Này là Máu Ta “. Vị linh mục biết là ngài nói không phải vì Thiên Chúa mà ngài đã đón nhận qua bí tích truyền chức mà ngài đã lãnh nhận, nhưng là ngài đã trở nên tiếng nói của một Đấng Khác, Đấng đó đang nói và đang hành động.

Chính hành động của Thiên Chúa đang tác động qua tiếng nói của con người là một hành động thực sự của công cuộc sáng tạo đang diễn ra. Những vật thể của trái đất đang được đổi thành Mình và Máu của Thiên Chúa. Do đó hành động đích thực trong phụng vụ của mỗi người tín hữu phải làm là tham dự vào chính hành động của Thiên Chúa. Ngài đã bắt đầu một cuộc sáng tạo mới cho chúng ta, để chúng ta có thể đến với Ngài, để rồi qua những vật thể từ trái đất, qua những lễ vật chúng ta dâng, chúng ta có thể liên kết với Ngài một cách riêng tư hơn.

Nhưng mà Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá, thật đầy đủ, mà chúng ta chỉ là tạo vật không có gì, là tội nhân bất toàn, làm sao có thể cùng cộng tác với Thiên Chúa là Đấng Hoàn Hảo, Thánh Thiện được ?

Yes, he can. Vâng, con người có thể làm được, vì chính Thiên Chúa đã trở thành con người, trở thành thân xác con người, again and again, Ngài đến với chúng ta qua mình của Ngài, để rồi chúng ta được sống trong thân thể của Ngài. Tất cả biến cố của Nhập Thể, Thập Giá và Phục Sinh và Ngài Lại Đến được đưa ra như là cách để Thiên Chúa kéo con người đến để cộng tác với Ngài.

Thật vậy, Sự Hiến tế của Ngôi Lời đã được đón nhận và trở thành vĩnh cửu.

Còn chúng ta, chúng ta vẫn phải luôn cầu nguyện để hy lễ của chúng ta được Thiên Chúa chấp nhận để chúng ta có thể "nên một tinh thần với Ngài" (1Cor 6:17) để có thể kết hợp với Ngôi Lời. Phụng vụ chỉ có một hành động đó là của chính Ngài và của chúng ta - của chúng ta vì bây giờ chúng ta đã trở thành một thân xác và một tinh thần với Ngài. Cái đặc điểm của phụng vụ Thánh Thể là chính Chúa Giêsu hành động và chúng ta bị lôi kéo vào hành động của Ngài. Mọi chuyện khác chỉ là thứ yếu. Đó chính là đích điểm để chúng phải luôn cầu nguyện để ta có thể tiến tới được. Lời cầu xin này, tự nó là một cách để đi vào mầu nhiệm Nhập Thể và Phục Sinh của Chúa.

Dĩ nhiên những hành động bên ngoài như đọc sách, ca hát, dâng của lễ vẫn có thể thực hiện để diễn tả cảm giác bên ngoài. Nhưng "Nếu những hành động khác biệt bên ngoài trở thành ý chính của phụng vụ, nếu phụng vụ mà giảm thành những tác động tổng quát, thì tự căn bản chúng ta đã hiểu sai cái "theo - drama" của phụng vụ mà rơi vào gần như làm trò cười vậy. "

"If the various external actions become the essential in the liturgy, if the liturgy degenerates into general activity, then we have radically misunderstood the "theo-drama" of the liturgy and lapsed almost into parody. " (TSOTL: trg 171-175)

II. Ý Nghĩa của phần Dâng Lễ trong Thánh Lễ.

Khi đã hiểu những thay đổi quan trọng đó của Thánh Lễ rồi, thì việc chúng ta chọn bài hát cho phần "Dâng của lễ", hay "Dâng lễ", hay danh từ của bản dịch QUY CHẾ TỔNG QUÁT SÁCH LỄ RÔ-MA năm 2000 là "Phần Chuẩn bị Dâng lễ phẩm" sẽ mang một ý nghĩa vô cùng phong phú hơn. Bởi thế, phần này theo nghi thức Thánh Lễ mới, cũng được coi như là một phần quan trọng, “phần nhập đề” của phần Phụng Vụ Thánh Thể.

Chúng ta hãy cùng đọc lại bản hướng dẫn của Giáo Hội trong Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma mới nhất:

"73.. .. Tiếp đến là đem lễ phẩm lên: nên để giáo dân đem bánh và rượu, vị tư tế hay thầy phó tế nhận tại một nơi thuận tiện, và đưa lên bàn thờ. Mặc dầu ngày nay giáo dân không còn mang bánh rượu của mình đến để dùng vào việc phụng vụ như xưa, nhưng nghi thức dâng lễ phẩm vẫn giữ hiệu lực và ý nghĩa thiêng liêng.

Cũng được nhận tiền bạc hay các phẩm vật khác, do tín hữu mang đến hay được quyên ngay trong nhà thờ để giúp người nghèo hay nhà thờ; những phẩm vật này được đặt ở một nơi xứng hợp ngoài bàn thờ.

74. Khi rước lễ phẩm lên, thì hát ca tiến lễ (x. n. 37, b) và kéo dài bài hát ít là cho tới khi đặt lễ phẩm trên bàn thờ. Quy luật về cách hát ca tiến lễ cũng giống như cách hát ca nhập lễ (x. n. 48). Bài hát có thể luôn luôn đi theo nghi thức tiến dâng.

75. Bánh và rượu được linh mục đặt trên bàn thờ cùng với các công thức ấn định. Vị tư tế có thể xông hương lễ phẩm đặt trên bàn thờ, sau đó thánh giá và chính bàn thờ, để nói lên rằng lễ phẩm và lời nguyện của Hội Thánh ví như hương trầm bay lên trước thánh nhan Chúa. Sau đó, vị tư tế, vì thừa tác vụ thánh, và giáo dân, vì phẩm giá phép rửa, có thể được thầy phó tế hay người giúp lễ nào khác xông hương." (QCTQSLR 2000)

Nhà Thần học Josef Jungmann, SJ trong The Mass of the Roman Rite (1986) đã cắt nghĩa như sau:

Trong kinh nguyện mà vị chủ tế đọc trên lễ vật mà cộng đoàn vừa dâng lên:

Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất,
Chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này
là hoa màu ruộng đất và công lao của con người,
chúng con dâng lên Chúa để trở nên bánh trường sinh cho chúng con.

Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất,
Chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con rượu này
là sản phẩm từ cây nho và công lao của con người, chúng con dâng lên Chúa để trở nên của uống thiêng liêng cho chúng con.

Mặc dầu ngôn ngữ là nói về bánh và rượu nhưng ý nghĩ Thần học thật là rõ ràng: Chúng ta dâng lại cho Thiên Chúa những gì Ngài đã ban tặng cho chúng ta. Lời nguyện này mang ba ý nghĩa: Bánh và rượu là sản phẩm của trái đất này và do đó tượng trưng cho thế giới và đời sống của chúng ta. Bánh và rượu cũng tượng trưng cho công lao của con người, và chúng ta dâng lên Chúa để trở nên lương thực thiêng liêng nuôi sống chúng ta. Do đó của lễ chúng ta dâng lên Chúa trong phần Dâng lễ vật không chỉ có giới hạn theo nghĩa là chỉ có bánh và rượu, mà chúng ta còn phải “vượt qua nhũng sự vật hữu hình mà say mến những sự vô hình. "

Đây cũng chính là cơ hội trong Thánh Lễ, để người tín hữu tập dâng chính mình. Cũng lưu ý là bản dịch Nghi Thức Thánh Lễ mới, trong phần dâng lễ đã thay thế "lễ vật" bằng "hy lễ" (Xin Chúa nhận hy lễ [sacrifice] bởi tay cha...).

Tại xứ đạo con đang sống, St Vincent De Paul in Arlington, Texas, USA, trước khi những người đại diện rước của lễ lên, cả nhà thờ cùng linh mục chủ tế đọc thêm kinh này trước khi ca đoàn hát:

"With bread and wine we bring our prayers and gifts of time, talent, and treasure. May we trust in the generosity of God in blessing our return of the gifts God has given to each of us. "

(Với bánh và rượu, chúng con xin dâng những lời nguyện và lễ vật của thời gian, khả năng và tài chánh. Xin cho chúng con được tin tưởng vào lòng quảng đại của Chúa trong việc chúc phúc cho những lễ vật mà chúng con xin dâng lại cho Chúa vì Chúa đã ban cho từng người chúng con. )

Con xin được lặp lại những ý nghĩa về phụng vụ và mục vụ mà cha sở chúng con hay nhắc đến:

Hy lễ của thời gian (time): Thời gian là của Chúa. Chúa đã ban cho chúng ta cả đời người để sống. Chúng ta đà dành bao nhiêu thời giờ để ăn, ngủ, giải trí, làm việc,... nhưng có bao giờ chúng ta nghĩ phải dâng lại một phần thời gian này cho Chúa để đến gặp Ngài nói lời cám ơn, để ca tụng và tôn vinh Ngài, để chia sẻ chút thời giờ để giúp đỡ Giáo Hội và những con cái khác của Ngài.

Hy lễ của tài năng (talent): Thiên Chúa ban cho chúng ta rất nhiều tài, nhưng chúng ta đã dùng biết bao khả năng đang có mà dâng lại cho Chúa.

Hy lễ của tài sản (treasure): Tất cả mọi sự Chúa ban cho chúng ta, tiền bạc, vật chất của cải, để chúng ta hưởng. Chúng ta đã bới ra bao nhiêu phần dâng lại cho Chúa, cho những anh em khác không có bằng.

Để tạo thêm phương tiện cho người tín hũu học "tự dâng chính mình" trong phần Dâng lễ, về phương diện mục vụ, nhiều nơi đã có những lần xin tiền lần thứ hai hay thứ ba để giúp vào những nhu cầu thực tế khác trong giáo hội.

Đức Giáo Hoàng Benedictô cũng đã ca ngợi nhiều nơi, không có hát nhưng mà cả nhà thờ giữ thinh lặng. Theo ngài, việc đúng nhất và có hiệu quả nhất là ta xem việc chuẩn bị lễ phẩm không phải chỉ là những việc làm bề ngoài nhưng là một tiến trình chính yếu của nội tâm. Chúng ta phải cần nhìn trong con người của chúng ta, xem chúng ta có thể là chính của lễ trong hy lễ của Ngôi Lời qua việc chúng ta được thông phần với hành động tự hiến mình lên Thiên Chúa của Chúa Giêsu hay không ? Và rồi sự thinh lặng này không phải chỉ là khoảng thời gian chờ đợi bên ngoài, nhưng là chúng ta đang từ bỏ mình, dọn đường, đặt mình trước mặt Chúa, xin Ngài cho chúng ta được sẵn sàng để biến đổi. ( TSOTL trg 210-211)

Trong chiều hướng đi đúng ‎ý của Giáo Hội đó, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ năm 1972 đã ra văn kiện " Music In Catholic Worship", coi như là văn kiện chính thức về Thánh Nhạc trong toàn nước Hoa Kỳ. Và sau khi Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma (QCTQSLR, bản năm 1974) ban hành, nhiều Địa phận cũng đã có những chỉ thị riêng. Để đưa ra một ví dụ cụ thể, con xin trích lại nguyên văn bài Hướng Dẫn Về Ca Nhạc Trong Thánh Lễ về phần "Chuẩn Bị Lễ Phẩm của Giáo Phận Orange Hoa Kỳ, nơi Đức Cha Mai Thanh Lương đang làm giám mục phó, ban hành ngày 6 tháng 10, năm 2005:

"Chuẩn Bị Lễ Phẩm

- Ca tiến lễ sẽ hát cùng một lúc và ca mừng các khía cạnh đời sống cộng đồng của việc tiến lễ. (MCW 71)
- Dù hát hay dạo nhạc cũng phải kéo dài cho hết lúc tiến lễ và chuẩn bị bánh và rượu (trên bàn thờ). (QCTQSLR 74, MCW 71)
- Trong Giáo Phận Orange Hoa Kỳ, có bốn chọn lựa cho bài Ca Dâng Lễ, cũng giống như Ca Nhập Lễ:

1) Điệp ca cùng với Thánh Vịnh ghi trong sách Graduale Romanum
2) Điệp ca theo mùa cùng với Thánh Vịnh trong sách Graduale Simplex.
3) Dùng một bài hát từ một bộ Điệp Ca hay Thánh Vịnh được công nhận bởi Hội Đồng Giám Mục Hoặc Giám Mục địa phương.
4) Dùng bản hát nào khác phù hợp được công nhận bởi Hội Đồng Giám Mục Hoặc Giám Mục địa phương.

- Bản văn có thể để ngợi ca dùng theo Mùa hoặc lấy từ ca tiến cấp của Sách Lễ Roma có
các câu Thánh Vịnh. (QCTQSLR 74, MCW 71)

- Không cần nói về bánh rượu hay việc dâng của lễ. (MCW 71)

- Nhạc khí, bài hát cộng đồng hoặc hòa nhạc có thể được dùng. (QCTQSLR 74, MCW 71)

- Hát dâng lễ thì luôn luôn đi theo với việc tiến lễ và chuẩn bị lễ phẩm, ngay cả khi không
có việc tiến lễ đi nữa. (QCTQSLR 74)

Cha để ‎‎ý phần số 4, đã nói rõ: Không cần nói về bánh rượu hay việc dâng của lễ.

Ngày 14 tháng 11 năm 2007, dựa vào QUY CHẾ TỔNG QUÁT SÁCH LỄ RÔ-MA mới, HDGM Hoa Kỳ đã ban hành một văn kiện khác về Thánh Nhạc. Đó là " Sing To The Lord, Music in Devine Worship", trong đó điều 173, cũng đã đi sát với điều 74 của chỉ thị QCTQSLR 2000.

Khi so sánh những văn kiện trên, và Thông Cáo của Đức cha Hòa, ta chỉ thấy có một điều khác biệt rõ ràng là Đức Cha Hòa trong Thông Cáo số 3, đã cho phép: "Tập quán thay ca dâng lễ bằng những bài hát có ý nghĩa "dâng bánh rượu, dâng hồn xác lên Chúa" vẫn có thể duy trì". Điều này có nghĩa là ngài muốn giữ những bài hát truyền thống đã có từ xa xưa trong Thánh Ca Việt Nam. Những bài hát bất hủ đã đi sâu vào tâm hồn muôn người Công Giáo Việt Nam đã hát, khi thời Thánh Lễ được cử hành bằng tiếng La Tinh và những bài hát bằng tiếng Việt nói lên những “tác động phụng vụ” để người tín hữu có thể. .. thụ động tham dự.

Theo con hiểu thi trong phần hướng dẫn của Thông Cáo Đức Cha Hòa ban hành năm 1994, tức là hơn 14 năm nay, không có chỗ nào nói "Ý chính của Dâng lễ" là dâng bánh rượu cả. Ngài đã theo sát qui chế tổng quát và hai Huấn Thị về Thánh Nhạc của năm 1958 và năm 1967 để đưa ra nhiều sự gợi ý cho các ca trưởng có thể chọn lựa đề tài cho bài hát cho phần Dâng lễ. Trong ý định khôn ngoan mà Thiên Chúa đã ban cho ngài, trong tinh thần của cả ba Thông Cáo, ngài đã dạy chúng ta biết vượt qua những hành động bề ngoài để đi xa hơn vào ý nghĩa sâu thẳm của Hy Tế Thánh Lễ.

III. Ý nghĩa của chữ "Chiên Thiên Chúa" trong bài "Con Chỉ Là Tạo Vật".

1. Hình ảnh Hy Lễ

Để hiểu những chữ “Chiên Thiên Chúa” trong bài CCLTV trong phần dâng lễ vật, ta cần phải hiểu ý nghĩa hình ảnh con chiên trong Thánh Kinh.

Chiên là một hiến vật rất thông thường trong các lễ hiến tế của người Do thái. Và chiên cũng là lễ vật thông thường nhất mà Dân Do thái dùng để dâng lên Thiên Chúa. Danh hiệu Chiên Thiên Chúa có nghĩa là con chiên được Thiên Chúa ban như trong sách Sáng thế 22,8 đã kể. Ta nhớ chuyện ông Áp-ra-ham bị Thiên Chúa thử lòng bảo ông đi giết con mình. Khi hai bố con Áp-ra-ham và Isaac chuẩn bị đi dâng lễ hy tế lên Thiên Chúa, thì thằng con rất ngây thơ hỏi bố, "bố ơi có lửa, có củi đây, còn chiên để làm lễ toàn thiêu đâu ?" Lúc đó Áp-ra-ham trong tâm trí đang nghĩ chuyện tìm cách "làm thịt thằng con của mình" thì ông sững sờ nói quanh: Chiên làm lễ toàn thiêu, thì chính Thiên Chúa sẽ ban cho.

Thánh Gioan Tiền hô sau này dùng chữ "Chiên Thiên Chúa" để chỉ Chúa Giêsu như ta đọc thấy trong phúc âm Gioan 1, 29 "Ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian." Và Gioan 1:36 "Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa."

Khi cử hành Thánh lễ là chúng ta lặp lại Hy Tế mà Chúa Giêsu ngày xưa đã cùng các môn đệ cử hành trước khi Ngài từ giã các tông đồ. Phúc âm Luca đã nói: "Đã đến ngày lễ Bánh Không Men, ngày phải sát tế chiên Vượt Qua." (Lc 22:7) Và Thánh Phaolô trong thư Corintô 1 đoạn 5:7 "Quả vậy, Đức Ki-tô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta."

Giáo Hội thời sơ khai trong những thế kỷ đầu. Thánh Phaolô đã cắt nghĩa việc chúng ta “làm việc này mà nhớ đến ta” trong ý nghĩa lễ Vượt Qua của người Do Thái: “Quả vậy, Ðức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta”. (1 Cor 5:8). Thánh Gioan cũng nhắc lại lúc Chúa Giêsu chết trên Thập Giá là giờ con Chiên bị giết (Ga 19:31)

Sách Khải Huyền đã 36 lần dùng chữ "Chiên" để ám chỉ Chúa Giêsu. Ví dụ: Sách Khải Huyền những câu 13:8, 5:12

Sau này các Văn Kiện của Giáo Hội, nhất là Giáo L‎ý‎ Công Giáo cũng đã dùng những hình ảnh Chiên Thiên Chúa để nói lên ‎hình ảnh Con Chiên trong ý nghĩa Hy Tế của Thánh Lễ. (GLCG: 1364. )

ĐGH trong phần cắt nghĩa về thời gian và không gian trong cuốn "The Spirit of the Liturgy" đã kế cho ta một chuyện lịch sử rất hay về sự tương quan giữa Con chiên, Lễ Vượt Qua và Lễ Phục Sinh trong những thế kỷ đầu của Giáo Hội.

Theo phúc âm Thánh Gioan giờ của Chúa là lễ Vượt qua. Điều đó nhấn mạnh cái chết của Chúa không phải là chuyện tình cờ, chết ngày nào cũng được. Ngài đã chết vào một ngày lễ, một ngày đã xảy ra trong lịch sử của nhân loại. Trước hết, lễ Vượt Qua là lễ của dân du mục thời xa xưa, thời của từ Abel đến Khải Huyền. Vì dân này sống ngoài đồng hoang nay đây mai đó, nên đối với họ cách duy nhất để biết thời gian là dựa vào mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao trên trời. Người ta mới khám phá ra rằng dân du mục đã kỷ niệm lễ Vượt qua vào ngày của chòm sao Aires, tức là chòm sao có hình con chiên.

Bởi thế vào những thế kỷ đầu của Giáo Hội, đã có những sự bất đồng ý kiến về việc chọn ngày mừng lễ Phục Sinh. Một phần Giáo Hội bên Tiểu Á thì muốn mừng lễ Phục sinh vào ngày 14 Nisan, trùng ngày với lễ Vượt qua của người Do thái. Trái lại giáo hội bên Roma thời đó thì muốn mừng vào Sunday, tức là ngày mà mặt trời đi ngang qua phần đầu của sao Zodiac – dấu hiệu đầu tiên của chòm sao Aires, chòm sao hình con chiên. Ta không đi sâu thêm về sự tranh cãi này. Nhưng vấn đề được đặt ra là phải chăng những chòm sao đó từ muôn thuở đã tiên báo cho chúng ta hình ảnh của Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian (Jn 1:29) (TSOTL trg 98-103).

Nếu ta dùng quan điểm thần học của cha Josef Jungmann, SJ về ‎ý nghĩa của việc làm Chúng ta dâng lại cho Thiên Chúa những gì Ngài đã ban tặng cho chúng ta., thì lời cầu nguyện của nhạc sĩ Phanxicô cũng đã nói lên được hình ảnh Hy Lễ đã có từ ngàn xưa, từ khi Thiên Chúa dựng nên tinh tú trên trời và con người chỉ là một tạo vật bé nhỏ được tạo thành từ một hạt bụi, không có gì để dâng. Sự diễn tả này càng nói lên tình thương bao la của Đấng Tạo Hóa đối với con người, là một loài thụ tạo. Chính Thiên Chúa đã thương ban chính Con của Ngài là "Chiên làm lễ toàn thiêu" thì giờ đây con cũng xin dâng lại hoàn toàn cho Chúa. Tức là hy lễ toàn thiêu của con cũng chính là Con Chiên đã chết trên Thập Giá vì chúng con.

2. Một câu hỏi khác đã được đặt ra: "Phải chăng lời nguyện về "Chiên Thiên Chúa" đó chưa thích hợp cho phần dâng lễ ? "

Trong Kinh Vinh danh khi tôn vinh Thiên Chúa, chúng ta đã một lần dùng những chữ "Chiên Thiên Chúa" để ca tụng Chúa Giêsu, để nhắc lại sự hy sinh hiến tế của Ngài vì chính Ngài là Chiên của Thiên Chúa đã ban xuống cho nhân loại. Và khi Chúa Giêsu từ thân phận con người, Ngài đã tự hiến mình là của lễ đầu tiên của nhân loại dâng lên cho Thiên Chúa. Hy tế của Ngài đã thực hiện một lần, và "mỗi lần hy tế thập giá được cử hành trên bàn thờ, lúc đó Chúa Ki-tô, Chiên Vượt Qua của chúng ta chịu hiến tế, thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện" (LG 3).

Trở lại khái niệm thời gian và không gian trong phụng vụ Kitô Giáo mà ta đã được nghe ĐGH nói ở trên, việc có những chữ trong bài hàt CCLTV cũng chỉ là một sư diễn tả lòng ao ước về cao điểm sắp xảy ra trên bàn thờ. Chúa đã ban cho chúng con Con chiên là chính con của Ngài, thì giờ đây, để hiệp ý với linh mục, con xin dâng lại tất cả những gì con có cho Chúa. Đó là ý nghĩa thiêng liêng của một sự dâng hiến trọn vẹn. Ý nghĩa thời gian không còn được hiểu theo thứ tự trước sau như chúng ta thường hiểu, nhưng là thời gian và không gian đã là một. Bánh và rượu và tác động phụng vụ, giờ phút này chỉ là thứ yếu so với tâm tình cao quý trong tâm hồn.

Một bằng chứng khác là trong SC 7 đã nói:

"trong khi dâng lễ vật tinh tuyền, không chỉ nhờ tay linh mục mà còn liên kết với ngài, họ tập dâng chính mình"

"Lễ vật tinh tuyền" (hostia immaculata, spotless victim) ở đây mang ‎ý nghĩa gì ? Trong lời nguyện trên lễ vật ngày xưa, bằng tiếng La Tinh, linh mục đã đọc Suscipe, sancte Pater,... "Lạy Cha rất Thánh, Đấng toàn năng, xin nhận lấy của lễ tinh tuyền này mà con là tôi tớ bất xứng dâng lên Chúa. ..". Tại sao ngài đã đọc câu "của lễ tinh tuyền " đó, khi bánh và rượu ngài cầm trên tay cũng chỉ là lễ vật mà cộng đoàn vừa mới dâng lên, chưa được truyền phép ?

Kết Luận

ĐGH Benedicto, trong phần nhập đề của cuốn "the Spirit of the Liturgy" đã dùnh hình ảnh trò chơi của trẻ nhỏ để nói lên một khía cạnh của phụng vụ. Trò trơi của các trẻ em, bằng nhiều kiểu, giống như một sự tiên đoán trong đời sống hằng ngày, một cuộc tập dợt để sống đời người lớn mà không có bị những gánh nặng lôi kéo ràng buộc. Cũng vậy, phụng vụ cũng nhắc cho chúng ta biết, chúng ta đều là trẻ nhỏ trong cái tương quan muốn làm người lớn, tức là cái đời sống mà chúng ta muốn hướng tới. Phụng vụ phải là một sự tiên đoán, một buổi tập dợt, một tiền đề cho đời sống sẽ tới. Đó là đời sống mà thánh Augustinô đã nói để đối lại với đời sống ở trần gian này.

Do đó, phụng vụ cũng chính là sự khám phá trong ta cái tuổi trẻ hồn nhiên thực sự, tuổi vẫn còn mở lòng cho một cái gì vĩ đại to lớn chưa đến, chưa thể hiện đầy đủ trong đời sống của người lớn. Do đó, đây là hình thức cụ thể và chắc chắn cho niềm hy vọng để chúng ta được sống trước đời sống sẽ đến, đời sống thực sư, đời sống tự do mật thiết với thiên Chúa và hoàn toàn cởi mở với anh em.

Ý nghĩa chính của phụng vụ là ta biết dùng những tác động hữu nình để hướng tới sự kết hợp toàn vẹn với Ngôi Lời. Ngược lại, nếu phụng vụ chỉ đơn giản thành những tác động chung chung thì tự căn bản, chúng ta đã hiểu sai phụng vụ. Dùng tiếng của ĐGH là “lapsed almost into parody. ” (TSOTL trg 175).

Trần Văn Đang

Tài Liệu Tham Khảo

1) Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium) Viết tắt: SC. Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X. http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/thanhoc/mucluc.htm

2) QUY CHẾ TỔNG QUÁT SÁCH LỄ RÔ-MA . Viết tắt: QCTQSLR 2000 và GIRM 2000. Trích từ ấn bản mẫu lần ba, do Thánh bộ về Phụng Tự Thánh và Kỷ Luật Bí Tích chịu trách nhiệm in ấn ROMA - 2000. Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần phiên dịch để tham khảo. http://vietcatholic.net/phungvu/Quychemisa.htm

3) General Instruction of the Roman Missal (GIRM 2000) http://www.usccb.org/liturgy/current/revmissalisromanien.shtml Copyright © 2003, United States Catholic Conference, Inc., Washington, D.C. All rights reserved

4) QUY CHẾ TỔNG QUÁT SÁCH LỄ RÔ-MA . Viết tắt: QCTQSLR 1974, và GIRM 74. Trích từ ấn bản mẫu lần hai, do Thánh bộ về Phụng Tự Thánh và Kỷ Luật Bí Tích chịu trách nhiệm in ấn ROMA - 1974. Bản anh ngữ General Instruction of the Roman Missal (GIRM)

5) Sách Lễ Roma, Nghi Thức Thánh Lễ Viết tắt: SLR 2002. Trích Sách Lễ Rôma, năm 2002. Bản dịch Việt Ngữ được Tòa Thánh phê chuẩn ngày 10-05-2005 (Giáo Hội Việt Nam thi hành từ lễ Chúa Phục Sinh ngày 16-04-2006)

6) Huấn Thị Về Âm Nhạc Trong Phụng Vụ (Instructio de Musica in Sacra Liturgia) của Thánh Bộ Lễ Nghi, ban hành Ngày 5 tháng 3 năm 1967. Viết tắt: HTAM http://www.thanhnhacngaynay.net/default_files/bai/01_qluat/01_vkghoi/101_huan_thi.html

7) Sách Giáo L‎‎ý Công Giáo Viết tắt: GLCG. Mục 3 về Phép Thánh Thể http://www.giaoly.org/vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=92

8) Josef Jungmann, SJ The Mass of the Roman Rite (reprint 1986)

9) Music in Catholic Worship. Viết tắt: MCW. của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (United States Conference of Catholic Bishops).
http://www.usccb.org/liturgy/current/musiccathworship.shtml

10) Sing To The Lord, Music in Divine Worship của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, November 14, 2007 Copyright © 2007, United States Conference of Catholic Bishops. All rights reserved. Viết tắt: STL

11) Cardinal Joseph Ratzinger, Feast of Faith, translated by Graham Harrison. (San Francissco: Ignatius Press, 1981) Viết tắt: FOF.

12) Cardinal Joseph Ratzinger, The Spirit of the Liturgy, translated by John Saward. (San Francissco: Ignatius Press, 2000). Viết tắt: TSOTL

13) Hướng Dẫn Về Ca Nhạc Trong Thánh Lễ của Giáo Phận Orange Hoa Kỳ, ĐGM Tod D. Brown ban hành ngày 6 tháng 10, năm 2005 http://www.calendi.com/thanhnhac/uploaded/nguyenlamson/MusicGuidelinesinVietnamese101105.pdf

14) Kinh Thánh Tiếng Việt Bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/vietbibl.htm
 
Sống Đức tin và Hy vọng giữa môi trường đại học
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
12:59 14/03/2008
SỐNG ĐỨC TIN VÀ HY VỌNG GIỮA MÔI TRƯỜNG ĐẠI HỌC

Chiều thứ bảy đầu tháng 1-3-2008, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã gặp gỡ và lần hạt Mân Côi với các sinh viên đại học Âu và Mỹ tại Đại thính đường Phaolo VI ở nội thành Vatican. Cuộc gặp gỡ được nối qua truyền hình với 10 thành phố xuyên đại lục Âu và Mỹ: Toledo (Tây Ban Nha), Aparecida (Brazil), Loja (Ecuador), Napoli (Italia), L'Avana (Cuba), thành phố Messico (Messico), Avignon (Pháp), Washington DC (Hoa Kỳ), Bucarest (Romania), Minsk (Bielorussia - Bạch Nga).

Xin trích dịch chứng từ của 5 sinh viên về niềm Hy Vọng giữa môi trường Đại Học.

1/ Alba García Bellón sinh viên Sư Phạm đại học Castilla La Mancha ở Toledo, Tây Ban Nha.

Con tên Alba 19 tuổi và là sinh viên Sư Phạm tại đại học Toledo. Năm 14 tuổi con nhận được hồng ân khám phá Đức Chúa GIÊSU KITÔ như là Người sống động đồng hành bên con và yêu thương con bằng trọn con tim vừa nhân bản vừa thần linh của Ngài. Hồng ân diễn ra vào dịp con đi hành hương Fatima với nhóm trẻ Phong Trào Cầu Nguyện. Cùng dịp ấy con cũng khám phá ra tình yêu nhân hậu của Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA. Đức Mẹ đưa con đến với Đức Chúa GIÊSU và nói với con: ”Đây là Con Mẹ!” Từ ngày ấy, lòng kính mến Đức Mẹ và niềm tin nơi Đức Chúa GIÊSU chan hòa mọi nẻo đường con đi và ban cho con lòng hăng say cùng niềm Hy Vọng tràn đầy.

Tức khắc con ý thức mình phải dấn thân xây dựng nền văn minh Tình Thương bất cứ nơi nào Chúa muốn con hiện diện - giữa bạn bè và nơi học đường - để giữ mãi ngọn lửa thiêng Hy Vọng. Đức Tin con được củng cố mỗi khi con sẵn sàng làm chứng cho Đức Tin.

Cầu nguyện hàng ngày, thường xuyên tham dự Thánh Lễ và lòng kính mến Đức Mẹ là những yếu tố quan trọng giúp con vững vàng tiến bước trong tuổi dậy-thì cũng như biết luôn luôn tìm kiếm đâu là thánh ý THIÊN CHÚA trong cuộc đời con.

Hiện tại con theo ngành Sư Phạm vì trước tiên, con mong rằng qua nghề dạy học, con sẽ phổ biến điều con khám phá hồi năm con 14 tuổi: ”Kẻ nào tin nơi Đức Chúa GIÊSU KITÔ và yêu mến Đức Mẹ MARIA thì sẽ sống hăng say và tràn đầy hy vọng, cùng lúc cống hiến cho nền văn hóa ngày nay các thực tại của Đức Tin”. Đức Tin là niềm Hy Vọng vững chắc như Đức Thánh Cha Biển Đức XVI viết trong thông điệp ”Spe Salvi - Được cứu rỗi nhờ Hy Vọng”.

Con xin chân thành ghi ơn Đức Thánh Cha vì đã chỉ cho chúng con thấy Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA chính là hiền mẫu của Hy Vọng. Chúng ta hãy khẩn cầu cùng Mẹ THIÊN CHÚA dạy cho chúng ta biết yêu mến, tin tưởng và hy vọng với Con của Mẹ. Xin Đức Mẹ chỉ cho giới sinh viên biết con đường đưa đến việc thủ đắc nền giáo dục rộng lớn và vững chắc về phương diện siêu nhiên, cũng như biết phát triển một nền trí thức ngay chính. Chúng ta nên ghi nhớ rằng, ai không hành động theo Lý Trí là trái với bản tính của THIÊN CHÚA. Dưới ánh sáng niềm Hy Vọng đến từ Đức Tin, sinh viên đại học chúng con mời gọi mọi người dấn thân suy nghĩ trở lại về một tổng hợp mới mẻ giữa Đức Tin và Lý Trí hầu sống trong nền trí thức đặt nền tảng trên tình yêu thương bác ái.

2/ Alberto González Sánchez sinh viên Âm Nhạc của đại học Castilla La Mancha, Toledo, Tây Ban Nha.

Con là Alberto 23 tuổi. Con vừa kết thúc chương trình nơi đại học Toledo để trở thành giáo sư âm nhạc. Lúc con bước chân vào đại học con cảm thấy cô đơn và sợ hãi không dám công khai tuyên bố mình là tín hữu Công Giáo. Tháng 5 năm 2003 con tham dự buổi giới trẻ canh thức cầu nguyện với Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II (1978-2005) tại phi trường Cuatro Vientos ở thủ đô Madrid. Vào dịp ấy Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II nói với chúng con: ”Đừng sợ làm chứng cho Đức Chúa KITÔ và làm tông đồ cho Chúa chính nơi môi trường sống”. Lời Đức Thánh Cha khắc ghi trong tâm trí con và kể từ giây phút ấy con quyết tâm trở thành chứng nhân đích thực của Đức Chúa KITÔ, cả nơi môi trường đại học của con.

Ngay sau đó con ý thức mình phải học hành nghiêm chỉnh để khỏi bị ảnh hưởng bởi đủ thứ ”hy-vọng hão-huyền” đang cống hiến cho chúng con, ví dụ như ý-thức-hệ tương-đối-hóa mà Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã mạnh mẽ dạy chúng con phải vạch trần cái bộ mặt giả-tạo của thứ ”hy-vọng hão-huyền” này. Con cũng thâm hiểu rằng, Hy Vọng Kitô không chỉ dành cho riêng con mà còn cho tất cả mọi người.

Thế nhưng, con không thể gìn giữ bảo vật con đang mang trong mình, thế là con bắt đầu cầu nguyện thật nhiều cho bạn bè con và cùng lúc, không sợ hãi làm chứng bằng lời nói và hành động của con, điều mà Đức Thánh Cha Biển Đức XVI viết trong thông điệp: ”Niềm Hy Vọng cao cả lớn lao nhất chính là THIÊN CHÚA mang khuôn mặt loài người. Đó là Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Ngài đã yêu thương chúng ta cho đến cùng”. Tuy nhiên, con cũng hiểu là con không thể làm điều này một mình. Vì thế, cùng với các bạn trẻ khác con tham dự các Nhóm Cầu Nguyện của Nhóm Mục Vụ Đại Học, thường tổ chức các sinh hoạt để mang Đức Chúa KITÔ đến cho mọi anh chị em đồng loại.

Ngày hôm nay, ở vào chặng cuối cùng của đại học, con có thể quả quyết: ”Đức Tin của con không suy giảm”. Trái lại, cùng với niềm Hy Vọng tràn đầy con muốn lao mình vào thế giới lao công với niềm ước nguyện chân thành là sẽ hoạt động dựa trên tri thức khôn ngoan, hầu làm tỏ rạng mầu nhiệm con người.

3/ Daniel Fassa Evangelista sinh viên Truyền Thông và Nghệ Thuật của đại học São Paulo, Brazil.

Từ thời thơ ấu con được hồng phúc sống các giá trị Kitô ngay trong gia đình. Tuy nhiên, khi ghi danh vào đại học con bị bó buộc rời xa thành phố con sinh trưởng. Nơi khung trời mới thực tại mới con không còn gặp được cách dễ dàng thứ tình yêu tự-nhiên, nhưng-không, bền-vững và sự hiện diện của THIÊN CHÚA như con từng cảm nghiệm nơi mái ấm gia đình giữa cha mẹ và anh chị em con.

Con nhận ra đã đến lúc con phải tự mình tiến bước trên con đường gặp gỡ THIÊN CHÚA. Đã đến lúc con phải tự mình quyết tâm bước theo Chúa. Rất may con gặp được bạn bè có cùng ước nguyện sống tinh thần Phúc Âm mỗi ngày nơi môi trường đại học. Nhóm sinh viên này họp nhau hàng tuần để suy gẫm, trao đổi kinh nghiệm và khuyến khích nhau sống Đức Tin Công Giáo. Con liền gia nhập Nhóm này.

Con khám phá ra rằng, trong môi trường đại học - thường có nguy cơ rơi vào cạm bẫy của chủ thuyết tương-đối-hóa và vô nghĩa - con vẫn còn may mắn gặp được những sinh viên và các vị giáo sư chân chính. Cùng với họ, con tìm kiếm cái thực-tiễn của thực-tại hầu giúp con sống chứng tá Hy Vọng, dùng trọn khả năng trí-thức để phục vụ cái thông-hiểu mới trong hoàn cảnh lịch sử hiện đại của con người. Trong lúc học hành, làm việc, nghỉ ngơi, giao tế cũng như trong từng cử chỉ và hành động, chúng con muốn đem THIÊN CHÚA đến cho thế giới. Sống Phúc Âm làm cho hoạt động trí thức của chúng con có ý nghĩa. Sống Phúc Âm đưa chúng con đến Chân Lý. Như thế, mỗi ngày, THIÊN CHÚA khơi động nơi chúng con niềm xác tín rằng, với Ngài, chúng con có thể biến đổi thế giới và xây dựng nền văn minh tình thương.

4/ Renato Andrés Samaniego Burneo sinh viên Luật Khoa đại học Công Giáo Loja, Ecuador.

Con là Renato Andrés Samaniego Burneo 21 tuổi và là con trưởng trong gia đình có 7 anh em: Santiago, Fabiana, Juan Pablo, José Eliás, María Judith và một người em quá cố đang cầu bầu cho chúng con trên Thiên Đàng. Ba Má con là Renato và Judith, tất cả đang có mặt ở đây.

Con chào đời trong một gia đình Công Giáo. Ba Má thông truyền Đức Tin cho con và kể lại rằng ngay lúc mới sinh con đã lâm trọng bệnh. Nhưng đến năm con tròn một tuổi thì bệnh tật bỗng nhiên biến mất, con được hoàn toàn lành bệnh mà các bác sĩ không hiểu lý do tại sao. Sự kiện này cho thấy THIÊN CHÚA có vài sứ mệnh trao phó cho con.

Thời gian trôi qua, sự thơ ngây của tuổi trẻ cũng dần biến mất nhường chỗ cho những thắc mắc nghi ngờ. Các ảo-ảnh của thế gian lớn mạnh trong con khiến con xa lìa Giáo Hội Công Giáo và sống y như thể THIÊN CHÚA không hề hiện hữu trong cuộc đời con. Con dại dột bán đứt quyền trưởng nam và khinh thị việc THIÊN CHÚA tuyển chọn con.

Rất may là vào một thời điểm nào đó con đã thức tỉnh và quay trở về với cuộc sống chân chính, nhờ tình thương mà Ba Má con luôn luôn dành cho con. Ba Má con dạy con hiểu rằng niềm hy vọng của thế gian thì chóng qua và gần như luôn luôn giả tạo. Ba Má cũng dạy con hiểu sở dĩ con có thể trở về đường ngay nẻo chính không phải do sức lực của riêng con mà là do ơn thánh Chúa, bởi vì không có gì mà THIÊN CHÚA không làm được. THIÊN CHÚA là ”Đấng bao trùm vũ trụ và chỉ có Ngài mới ban cho chúng ta điều mà với sức riêng mình, chúng ta không bao giờ đạt tới”. Từ đó con hiểu chúng ta được tuyển chọn để trở thành ánh sáng và muối trần gian.

Con hy vọng THIÊN CHÚA sẽ hoàn tất nơi con điều mà Ngài đã khởi đầu. Đó là THIÊN CHÚA của Sự Sống kêu gọi con trở thành chứng nhân Tình Yêu của Ngài - con, một kẻ từng kinh nghiệm thế nào là cái đen tối của cuộc sống và từng sống không có hy vọng - thì ngày hôm nay, nguyên sự kiện con có mặt tại đây để cùng với mọi người khẩn cầu cùng Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA - Ngai Tòa Khôn Ngoan - là một cơ hội để con dấn thân nơi môi trường đại học hầu bảo tồn và can đảm đề nghị với mọi người về ”cái-bội-thu” của Hy Vọng Kitô. Con cũng dấn thân đưa vào môi trường đại học cái hơi thở sự sống của mỗi một người để yêu mến và để xây dựng nền văn minh tình thương, dấu chỉ lịch sử rõ rệt của Hy Vọng.

5/ Enma Edith Salazar Orellana, sinh viên phân khoa Tin Học đại học Công Giáo Loja, Ecuador.

”Kẻ nào có niềm hy vọng thì sống cách khác: người ấy được trao tặng một cuộc sống mới. . Kẻ đó thành công trong việc nhận biết THIÊN CHÚA, THIÊN CHÚA chân thật. Điều này có nghĩa là nhận được niềm Hy Vọng”. Con người là hữu thể được ưu đãi, bởi vì mỗi ngày con người may mắn nhận được cuộc sống mới và một tương lai không bao giờ cạn.

Kẻ nào đặt niềm tin tưởng vào một cái gì cao cả, chân thật thì kẻ ấy sống tràn đầy ân thánh, mà, có lẽ không luôn luôn tỏ hiện ra bên ngoài, nhưng ngày qua ngày được lớn lên trong tâm lòng và sinh hoa kết trái dồi dào. Chỉ duy nhất THIÊN CHÚA cao cả. Chỉ duy nhất THIÊN chân thật và chỉ duy nhất nơi Ngài mà mọi hy vọng của chúng ta được hướng tới, bởi vì, chỉ như thế niềm Hy Vọng mới có một định hướng và một ý nghĩa.

Đức Tin là hồng ân cao cả mà tín hữu phải mong chờ và ước muốn với trọn lòng khiêm tốn, hồng ân mà có lẽ nhiều người không biết quý trọng. THIÊN CHÚA chỉ ban Đức Tin cho những ai có lòng khiêm tốn.

Con cũng như mọi người đều cần có niềm Hy Vọng, nhưng là niềm Hy Vọng chân thật. Không nên lãng phí thời giờ với những chuyện hời-hợt hão-huyền, bởi vì chúng ta có một sứ mệnh phải chu toàn, một sứ mệnh vừa say mê vừa khó khăn. Chúng ta nên sống với chiều kích cao cả, hướng lòng về những chuyện vĩ đại. Chúng ta cần ý thức rằng, từ hữu thể con người phát sinh hình thể một tín hữu Kitô có khả năng cống hiến Hy Vọng, sẵn sàng đặt mình - với lòng khiêm tốn - và đặt mọi dự tính của riêng mình dưới sự phán đoán của chân lý và của một hứa hẹn vượt khỏi mọi mong đợi của con người nơi trần gian này.

... ”Anh em đừng có lầm tưởng: THIÊN CHÚA không để cho người ta nhạo báng đâu! Thật vậy, ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy. Ai theo tính xác thịt mà gieo điều xấu, thì sẽ gặt hậu quả của tính xác thịt là sự hư nát. Còn ai theo Thần Khí mà gieo điều tốt, thì sẽ gặt được kết quả của Thần Khí là sự sống đời đời. Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng. Vậy bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh chị em trong cùng đại gia đình Đức Tin” (Galát 6,7-10).

(Vicariato di Roma, “Europa e Americhe insieme per costruire la Civiltà dell'Amore”, Aula ”Paolo VI” 1 Marzo 2008, trang 8-10/12-18)
 
Thánh ca: Thánh Giá Cứu Độ
Khổng Vĩnh Thành
13:20 14/03/2008
 
Tôn trọng sự sống các bào thai trong dạ mẹ
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
13:21 14/03/2008
TÔN TRỌNG SỰ SỐNG CÁC BÀO THAI TRONG DẠ MẸ

Cách đây đúng 30 năm - 1978 - nước Ý ban hành luật 194 cho phép phá thai.

Từ đó đến nay có khoảng 4 triệu 800 ngàn thai nhi không bao giờ trông thấy ánh sáng mặt trời, không bao giờ được sinh ra làm người trên cõi đời này!

30 năm với con số gần 5 triệu thai nhi bị giết chết là một thách đố lớn lao đối với nữ giới nói riêng và đối với xã hội Ý nói chung. Chính vì thế mà trong năm 2008 - nhân tưởng niệm 30 năm nước Ý ban hành luật 194 giết người - nhiều Hội Đoàn và Phong Trào bênh vực Sự Sống tái lên tiếng và mở chiến dịch thức tỉnh lương tâm con người. Thức tỉnh trước hết lương tâm bà mẹ đang mang thai! Xin trích dịch chứng từ của 2 phụ nữ Ý. Người thứ nhất một lần ”lỡ dại” giết con. Người thứ hai may mắn thoát nạn ”giết con” và giờ đây cảm thấy thật tri ân thật hạnh phúc.

... Vào một buổi sáng đẹp trời đầu năm nay - 2008 - bà Anna rụt rè tiến vào trụ sở của Liên Hiệp Ý. Liên Hiệp Ý chuyên làm cố vấn cho các vấn đề liên quan đến gia đình, đặt nền tảng trên giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo. Nước mắt lưng tròng, bà Anna buồn bã gợi lại một kinh nghiệm đau thương. Bà nói.

Hiện tại tôi đã lập gia đình và có hai đứa con, một lên 8 và một lên 6. Thế nhưng trước đây tôi đã tích cực tham gia phong trào đòi nữ quyền kêu gọi giải phóng phụ nữ. Giống như bao phụ nữ ngây-thơ khác, tôi hò-hét tuyên-truyền và ủng hộ quyền của phụ nữ được phá thai. Người ta nói với chúng tôi:

- Bào thai chỉ là một ”nhúm tế bào” nên có thể cắt bỏ và vứt đi khi nào người phụ nữ muốn!

Tôi dại dột tin như thế và càng dại dột hơn khi lập lại y như vậy cho các phụ nữ có thai và muốn phá thai! Chưa hết. Tôi còn đích thân tháp tùng các bà mẹ đang mang thai và muốn phá thai đến các nhà thương phá thai..

Rồi một ngày tôi bỗng khám phá ra mình mang thai. Một bào thai không đợi không chờ. Và dĩ nhiên là tôi tức khắc giết chết bào thai, vì đối với tôi lúc ấy, bào thai này chỉ là ”nhúm tế bào thừa” cần phải cắt bỏ!

Thời gian trôi qua cho đến khi tôi chính thức lập gia đình. Sau đó cả hai vợ chồng chúng tôi đều ước muốn có một đứa con. Và tôi mang thai thật. Khi mang thai đến tháng thứ hai thì tôi đi siêu âm. Lúc nghe tiếng nhịp tim đập nhỏ thật nhỏ của bào thai - đứa con tôi đang mang trong dạ - trái tim tôi bỗng bồi hồi thổn thức. Tôi cảm thấy như thế giới sụp đổ chung quanh. Trong nháy mắt, tôi bỗng nhớ lại những lời gian-dối lừa-đảo trước đó tôi từng tuyên-truyền và thét lớn để bênh vực quyền của phụ nữ được phá thai! Tôi đã phạm một lầm lẫn vô cùng to lớn. Và có không biết bao phụ nữ dại-dột ngây-ngô cũng phạm một lầm lẫn to lớn giống y như tôi!

Bà Anna đau đớn kết thúc chứng từ trong nước mắt dàn dụa khi nghĩ đến đứa con đầu lòng không bao giờ được sinh ra, đến bào thai bà đã giết chết và nói:

- Chúng ta không được phép để cho những chuyện lừa-đảo về quyền phá thai của phụ nữ xảy ra nữa! Chúng ta phải làm mọi cách để ngăn ngừa tệ nạn phá thai, tội giết chết bào thai vô tội đang mang trong dạ. Chúng ta phải gào to thét lớn cho mọi người hiểu, đặc biệt là cho các phụ nữ nghe thấy. Ước gì kinh nghiệm đau thương của tôi là một bài học cho các phụ nữ. Mong rằng Chị Em phụ nữ đề cao cảnh giác và không ngây-ngô nghe theo các lời dụ dỗ để đi đến thảm trạng giết chết chính đứa con của mình!

Hiện nay có hàng ngàn hàng vạn hàng triệu phụ nữ dấu ẩn trong trái tim từ mẫu niềm đau đớn khôn cùng của hành động phá thai như bà Anna trên đây.

Chứng từ thứ hai của một bà mẹ trẻ đã vượt thắng được tội ác phá thai nhờ sự trợ giúp đúng lúc của Liên Hiệp Ý chuyên cổ võ gia đình sống theo giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo.

Cùng một ngày đẹp trời đầu năm nay - 2008 - trong khi một nhóm phụ nữ Ý quá-khích tiếp tục đòi hỏi quyền tự do phá thai của phụ nữ thì một bà mẹ trẻ mạnh dạn vui tươi tay bồng một bé trai kháu khỉnh bước vào trụ sở của Liên Hiệp Ý. Phụ nữ trẻ tuổi cảm động nói:

- Nếu con tôi ngày hôm nay có mặt nơi đây thì đó chính là nhờ công ơn của quý vị. Tôi chân thành cám ơn quí vị!

Câu nói tri ân ngắn ngủi diễn tả tầm quan trọng của việc nâng đỡ và tháp tùng các bà mẹ trẻ hoặc nghèo túng hoặc gặp khó khăn trong khi mang thai.

Một xã hội biết tôn trọng sự sống là một xã hội văn minh. Đó là một xã hội biết gieo rắc tình yêu, niềm vui và mang đầy hy vọng cho tương lai!

... THIÊN CHÚA phán tất cả những lời sau đây. ”Ta là THIÊN CHÚA của ngươi. Ta đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ.. Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được phao tin đồn nhảm. Đừng làm chứng gian mà tiếp tay với kẻ xấu. Ngươi không được hùa theo số đông để làm điều trái.. Ngươi không được thiên vị người yếu thế khi họ có việc kiện tụng.. Ngươi không được làm thiệt hại đến quyền lợi của người nghèo cậy nhờ ngươi, khi họ có việc kiện tụng. Ngươi phải lánh xa điều gian dối. Ngươi không được giết chết kẻ vô tội và người công chính, vì Ta không cho kẻ có tội được trắng án. Ngươi không được nhận quà hối lộ, vì quà hối lộ làm cho những kẻ sáng mắt hóa ra đui mù và làm hỏng việc của những người công chính” (Xuất Hành 20,13-15 / 23,1-8).

(”Noi Genitori & Figli”, Mensile di vita familiare, supplemento ad Avvenire, 27 Gennaio 2008, n.115, Anno XII, trang 13-14)
 
Thánh Giuse
JM. Đinh Văn Mạnh
13:25 14/03/2008
THÁNH GIUSE

(Thế kỷ Thứ Nhất)

Kính nhớ ngày 19 tháng 03 hàng năm

“Giuse, đừng ngại đưa vợ là Maria về nhà – Con trẻ được thụ thai trong lòng bà là do quyền phép của Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông sẽ đặt tên con trẻ là Giêsu. Người là Đấng Cứu Thế, và sẽ giải thoát con người khỏi tội lỗi” (Mt. 1:20-21).

Giuse giật mình tỉnh dậy, nhưng vui vẻ trong lòng. Ông bồn chồn và bối rối từ khi Mary, vị hôn thê của ông cho ông biết rằng bà sẽ có con. Bây giờ ông hiểu rằng con trẻ sẽ là Đấng Cứu Thế - Người mà toàn dân Do Thái đang mong đợi. Giuse nhận ra rằng Chúa muốn ông phải chăm sóc Mary và con trẻ đặc biệt này mà ông sẽ đặt tên là Giêsu.

Sau khi Mary và Giuse đã thành hôn, ông bà sinh sống trong một thị trấn nhỏ gọi là Nazareth, thuộc Galilee. Giuse làm thợ mộc và hàng ngày bận bịu đóng bàn ghế và dụng cụ canh nông. Mary trông coi nhà cửa và chuẩn bị cho ngày con trẻ chào đời. Và chỉ vài tuần lễ trước khi con trẻ chào đời, Caezas Augustus, (Hoàng Đế Rôma, cai trị toàn miền đất Palestine lúc bấy giờ) ra thông cáo kiểm tra dân số toàn vương quốc của ông. Ông ra lệnh cho dân chúng trở về quê quán mình để ghi danh.

Lúc đầu Giuse và Mary lo lắng vì sắp đến ngày sinh của con, nhưng rồi ông bà nhớ ra rằng, lâu lắm rồi có một vị tiên tri nói rằng Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra tại thị trấn Bethlehem, đất Judea. Đó là quê quán của Giuse! Ông bà nhận ra rằng cuộc hành trình này là chương trình của Thiên Chúa đã định. Ông bà gói ghém một số thực phẩm và quần áo đặt trên lưng con lừa rồi lên đường.

Đường về Bethlehem xa những 85 dặm, và thời tiết lạnh lẽo. Khi ông bà về gần đến thành phố, thì càng thấy nhiều người hồi hương như ông bà. Giuse nói với Mary: “Tôi hy vọng một vài bà con sẽ có phòng cho chúng mình ở. Dường như các nhà trọ sẽ chật người ở!”

Mary biết Giuse lo lắng cho bà và con trẻ. Bà đưa tay choàng lên vai Giuse. “Đừng lo, Giuse. Dù ở đâu tối nay, thì con trẻ này vẫn là của Chúa. Người sẽ định liệu cho mình.”

Nhưng hoàn cảnh ở Bethlehem còn tệ hơn họ nghĩ. Không nơi nào có phòng cho ông bà trọ. Sau cùng thì ông bà gặp một người trông coi quán trọ cảm thông hoàn cảnh của ông bà, và đưa ông bà ra một cái chuồng bò. Đó là một cái hang nhỏ bên sườn đồi, nhưng ít ra là ông bà không phải nằm bên ngoài gió lạnh.

Khi bước vào hang, thì một con bò lớn xích ra như để nhường chỗ cho Mary và Giuse. Và một con lừa con phì hơi như chào mừng ông bà. Giuse tìm được một đống rơm sạch sẽ và trải khăn quàng phủ lên. Mary nghỉ ngơi trong khi Giuse gầy lửa để hâm nóng bữa ăn chiều. Thật là an toàn biết bao có Giuse ở bên để giúp đỡ!

Một lúc sau, tưởng Mary đã đi ngủ, Giuse đi ra ngoài trời tối lạnh. Ông bắt đầu suy tư về những điều kỳ diệu mà ông đã đọc được về Đấng Cứu Thế và chẳng hiểu làm sao ông lại liên hệ vào chương trình của Chúa.. Chẳng bao lâu sao trời đã lấp lánh đầy khắp không trung, và Giuse chợt nghe một âm thanh lạ lùng – tiếng khóc của hài nhi!

Giuse chạy vội vào hang và qùy bên cạnh Mary. Hài nhi mới sanh được cuốn ngay trong những mền ấm mà ông bà mang theo, và ngủ ngon lành trong vòng tay ôm ấp của Mary. Khuya đêm đó, mục đồng từ những cánh đồng lân cận đến thờ lạy Hài Nhi. Các Thiên thần đã báo cho họ biết rằng Đấng Cứu Thế ở trong cái hang nhỏ đó. Giuse thật hãnh diện về Mary và hài nhi khi các mục đồng chen chúc vây quanh bái thờ.

Sau tám ngày, Mary và Giuse đưa con trẻ lên đền thờ tại địa phương. Tại đây, con trẻ chịu phép cắt bì theo luật Do Thái và được đặt tên là Giêsu, nghĩa là “Đấng Cứu Thế.”

Sau đó, Mary và Giuse trở về quê quán tại Nazareth. Giêsu khôn lớn mau lẹ, và mọi người ai cũng mừng cho Giuse có một cậu con trai tốt đẹp như thế để đỡ đần ông trong xưởng mộc. Thánh gia rất mực thương yêu nhau. Cả Mary lẫn Giuse cùng dạy Giêsu cầu nguyện, và Giuse muốn chắc chắn rằng Giêsu học được hết tài nghệ về thợ mộc. Tại đền thờ ở Nazareth, Giêsu học kinh Torah và nghe giải thích về luật lệ Do Thái do các giáo sĩ Do Thái hướng dẫn. Không một ai trong thành biết Giêsu là Đấng Cứu Thế!

Kiệu thánh Giuse tại Việt Nam
Khi Giêsu lên 12 tuổi, Giuse quyết định đưa cả gia đình đi hành hương tại Jerusalem. Lúc đó cũng gần ngày Lễ Vượt Qua nên hàng xóm của Ông Bà đi khá đông. Ông Bà đi chung với những người đến từ các thành phố nhỏ vùng Galilee. Ngày lễ hội thật rầm rộ, và gia đình bé nhỏ đã ở nhiều giờ trong ngôi đền thờ đồ sộ. Gia đình cũng viếng thăm bà con thân hữu ở đó.

Khi đến lúc phải trở về nhà, và gia đình đã lên đường lúc sáng sớm. Mary đi với các bà, còn Giuse đi với các ông theo phong tục thời bấy giờ. Đêm về thì Mary đi tìm Giuse để chúc Giêsu ngon giấc. Thật là kinh ngạc và bối rối biết bao khi Mary thấy Giêsu không đi với Giuse! Giuse cả ngày lại cứ yên trí Giêsu đi với Mary! Cả hai ông bà đều tỏ ra rất lo lắng và quyết định đi trở lại Jerusalem. Ông bà phải tìm cho được con mình!

Sau ba ngày tìm kiếm trong thành phố rộng lớn đó, ông bà đã vào trong đền thờ. Và Giêsu đang ở đó, giữa những giáo sĩ Do Thái và những kinh sư. Những vị trọng vọng này đang thảo luận những lời tiên tri về Đấng Cứu Thế với Giêsu. Mary chạy vội đến Giêsu và nói: “Con ơi, sao con làm vậy cho ba má? Ba má đã tìm kiếm con khắp nơi và lo lắng về con!”

Giuse chẳng nói gì, nhưng mặt ông sáng lên với niềm tự hào khi ông nắm bàn tay nhỏ bé của cậu con trong tay xạm nhám vì sự lao động của mình. Ông đã không quan tâm việc Giêsu ở trong đền thờ.

Ông biết rằng Giêsu bận bịu với công việc của Cha Ngài trên trời.

Cả gia đình trở về nhà Nazareth, và Giêsu luôn luôn vâng phục Mary và Giuse. Những tháng năm lao động cực nhọc và học hành đã qua, với Giuse và Giêsu làm việc cạnh nhau trong tiệm mộc. Giuse chết bình an trong vòng tay của Mary và Giêsu trong lúc Giêsu vẫn còn là một thanh niên.

Giuse thật là một người khiêm nhường và thánh thiện biết bao, một người mà Thiên Chúa đã chọn làm cha nuôi của mình. Ngài đã làm ít điều mà ai cũng nghĩ là siêu vượt. Nhưng Ngài đã làm mọi sự với tất cả tấm lòng yêu mến Thiên Chúa và gia đình. Hôm nay chúng ta cầu xin Thánh Giuse luôn ở với chúng ta và những người thân yêu của chúng ta trong giờ lâm chung. Chúng ta cũng cầu xin Ngài trông chừng và bảo vệ Giáo Hội, là “gia đình” của Chúa Giêsu, như Ngài đã trông chừng và bảo vệ gia đình của riêng Ngài. Thánh Giuse là một người trầm tĩnh. Ngài biết Thiên Chúa muốn Ngài làm gì, và Ngài đã vui vẻ thi hành. Ngài là một người bạn đặc biệt cho những người cha cần cù làm việc để chăm sóc gia đình.

Dịch từ “St. Joseph” trong Fifty-Seven Saints của Eileen Hefferman, FSP do Pauline Books & Media Boston ấn hành.
 
Thánh Giuse khiêm nhường
+ GM G.B. Bùi Tuần
16:10 14/03/2008
THÁNH GIUSE KHIÊM NHƯỜNG

Hội Thánh dành trọn tháng Ba để kính thánh Giuse. Giữa tháng Ba này, tức lễ thánh Giuse (15/3/2008) sẽ là đỉnh cao lòng mộ mến của ta đối với Ngài.

Một vẻ đẹp của Ngài vốn thu hút tôi nhiều nhất, đó là đức khiêm nhường.

Thực vậy, thánh Giuse rất khiêm nhường trong mọi liên hệ.

1/ Đối với Chúa

Thiên Chúa đối với thánh Giuse luôn là một hiện diện. Chúa hiện diện không như một lý thuyết, nhưng như một Đấng sống động. Đấng sống động ấy đi vào đời, để cứu chuộc. Đấng ấy là Tình Yêu, Người sẽ cứu chuộc nhân loại bằng tình yêu.

Tình yêu cứu chuộc là tình yêu khiêm nhường, tình yêu cho đi đến hiến dâng mạng sống chính mình. Đó là sự thực.

Sự thực ấy được nhận ra từ đâu? Thưa từ ơn Chúa kêu gọi trở về. Trở về là khiêm tốn chờ đợi Chúa, chờ đợi kiên trì bằng cầu nguyện khiêm nhường. Chúa sẽ trở thành hiện diện, khi con người cầu nguyện tỉnh thức. Con người tỉnh thức cầu nguyện sẽ thấy sự Chúa hiện diện là một sự thực mầu nhiệm. Chúa ban cho sự thực đó một cách nhưng không. Sự thực đó vô cùng cần thiết, đặt liên hệ con người với Chúa: "Thầy ở đó, và Người gọi con" (Ga 11,28).

Với nhận thức như trên, thánh Giuse biết mình, trước mặt Chúa, chỉ là một tạo vật được Chúa ban ơn trở về. Trong ơn trở về đó, có ơn được Chúa yêu thương, được Chúa gọi, được Chúa sai đi. Tất cả đều do Chúa. Còn bản thân mình nào có gì đâu. Do đó, thánh Giuse luôn rất khiêm nhường trước mặt Chúa, một Thiên Chúa là tình yêu khiêm nhường.

2/ Đối với tha nhân

Một người thực sự khiêm nhường trước mặt Chúa sẽ phải nhận rằng: Mình phải thực sự khiêm nhường trong liên hệ với tha nhân. Bởi vì mỗi người là một cõi riêng tư. Chúa nhìn mỗi người như một vũ trụ duy nhất. Nếu mình được Chúa thương một cách nhưng không, thì các người khác cũng có thể được yêu thương như vậy.

Tình yêu riêng tư là một cái gì không so sánh được. nó cũng là một cái gì không dễ diễn tả cho người khác hiểu được.

Vì thế, người ta có thể phán đoán việc làm của nhau dựa theo một số tiêu chuẩn. Nhưng phán đoán chính con người của nhau là điều rất khó. Có thể nói là không nên làm.

Thánh Phaolô viết: "Còn tôi, dù có bị anh em hay toà nào xét xử, tôi cũng chẳng coi là gì. Mà tôi, tôi cũng chẳng tự xét xử lấy mình... Quả thật, Đấng xét xử tôi chính là Chúa" (1 Cr 4,3-4).

Chính Chúa mới là Đấng xét xử. Phúc Âm cho thấy: Người ta xét xử thế này, nhưng Chúa xét xử lại thế khác (x. Mt 20,1-16).

Trong Phúc Âm, chân lý căn bản nhất là tình yêu. Chúa là tình yêu giàu lòng thương xót. Tình yêu này sẽ xét xử không theo thống kê, nhưng theo thân phận của từng người. Ai sẽ đủ sáng suốt với từng thân phận cho bằng tình yêu giàu lòng thương xót của Chúa.

Vì thế, thánh Giuse không hề xét xử, kết án ai. Ngài để Chúa làm. Ngài khiêm tốn cầu cho mọi người. Ngài khiêm tốn với mọi người.

3/ Đối với cộng đoàn tôn giáo

Tôn giáo thời đó bị tha hoá. Chắc thánh Giuse biết tình hình đáng buồn đó. Nhưng Ngài vẫn khiêm nhường trong địa vị một người tín hữu mọn hèn giữ trọng trách gia trưởng.

Ngài giữ luật đạo. Nhưng Ngài không cho việc chính yếu của người tín hữu là giữ đúng luật, mà là làm chứng cho tình yêu.

Ngài làm chứng cho tình yêu trong mọi mối quan hệ. Quan hệ với những vị đứng đầu cộng đoàn. Quan hệ với các gia đình trong cộng đoàn. Quan hệ với hàng xóm và những người cùng làm nghề mộc. Trong mọi quan hệ, Ngài nhắm vào tình yêu. Ngài rất nghèo của cải, nhưng không nghèo tình yêu.

Ngài biết lắng nghe những tâm sự của người khác và giữ kín trong lòng. Ngài biết an ủi đỡ nâng những người có gánh nặng muốn chia sẻ với Ngài.

Khi thiết lập và nuôi dưỡng các liên hệ, Ngài luôn khiêm nhường. Ngài kín đáo che giấu ơn gọi đặc biệt Chúa trao cho Ngài là bảo vệ Chúa cứu thế và Đức Maria. Ngài xuất hiện khiêm nhường như một người tín hữu khiêm nhường, một gia trưởng khiêm nhường.

Ngài biết giới hạn hoạt động tôn giáo của mình vào những việc khiêm tốn của người gia trưởng và của người giáo dân hồi đó. Ngài biết rằng: Công việc khiêm tốn, nhưng với tình yêu sâu, vẫn là công việc rất đẹp lòng Chúa.

4/ Đối với chính mình

Thánh Giuse khiêm nhường đối với Chúa, đối với tha nhân, đối với cộng đoàn tôn giáo. Ngài càng rất khiêm tốn đối với chính mình. Liên hệ của Ngài với chính mình không phải là một liên hệ đóng, nghĩa là mình với mình, nhưng là một liên hệ mở ra. Liên hệ đó như một cuộc xuất hành. Ngài ra khỏi mình, để trở về với Chúa. Một sự trở về sâu thẳm. Ngài đi ra để nghe Chúa. Ngài đi ra để biết ý Chúa. Ngài đi ra, để Chúa thanh luyện Ngài tuỳ ý Chúa.

Mọi thanh luyện đều có những gì phải rơi xuống. Như cắt tỉa để cây sinh trái. Như đẽo gọt, để mảnh gỗ trở thành tác phẩm nghệ thuật. Thánh Giuse rất khiêm nhường trong tay Chúa thanh luyện. Ngài nhìn mình như một tạo vật hèn mọn.

Suy gẫm trên đây của tôi chắc còn rất xa với sự khiêm nhường thực của thánh Giuse.

Với nhận thức đó, tôi hết lòng cầu nguyện xin thánh Giuse cầu bầu cho chúng ta được càng ngày càng đi sâu hơn vào đức khiêm nhường của Ngài. Hy vọng nhờ đó, chúng ta sẽ cùng thánh Giuse tham gia vào sứ mạng bảo vệ Hội Thánh Chúa tại Việt Nam hôm nay.
 
Tạ ơn Thánh Giuse, quan thầy của Chồng con!
Thuỳ Linh
18:18 14/03/2008
Tạ ơn Thánh Giuse, quan thầy của Chồng con!

Không biết là bao nhiêu năm, ấn tượng về niềm tin, đức tính, và lòng kiên nhẫn của con người Thánh Giuse trong Kinh Thánh, truyện thánh và Thánh Nhạc cứ vương vấn mải. Nó không những phác hoạ về một thần tượng mà còn gieo cả một niềm cậy trông vào Thánh Giuse, niềm mơ ước của con đối với người chồng của con.

Ngày tháng trôi xuôi, con cũng biết tên Thánh Giuse đã được chọn làm quang thầy cho anh, khi chưa chưa tròn 1 tháng tuỗi, qua sự an bài của ba mẹ anh. Đời sống luôn luôn là một mặt trái so với mặt phải của Bí Tìch Rửa tội. Ai cũng nói thế!!! Con có dám mơ nghĩ gì đâu, tự nhận thấy mình cũng không có gì là xứng đáng. Vì là con của Thiên Chúa gởi thác, dĩ nhiên Thiên Chúa đả chọn từ lâu và qua bao thế hệ một người chồng cho mẹ của Chúa, cũng là một người Cha cho chính mình. Con, con người cát bụi bé nhỏ, làm sao dám nghĩ, dám mơ… và cũng chưa bao giờ tập được một trong hàng ngàn nhân đức của Đức Mẹ. Thì làm sao tơ tưởng đến người đàn ông của mình có được những đặc điểm như Ngài được. Ôi thôi, đó chỉ là giấc mơ hoang, con cũng như bao cô gái mới lớn suy nghĩ cho đã một kiếp làm người viễn vong….

Thế nhưng, cuộc sống không phãi thế. Cả anh và con điều mang trong mình những giòng máu phàm tục, rất con người và còn nhiều khi rất tầm thường nữa. Con không mang đức tính hoàn hảo của Mẹ Maria và con cũng không đòi hỏi ở anh những cá tình đặc sắc về Ngài, Thánh Giuse. Nhưng con luôn khao khát nếu như anh sống đời thánh thiện như Ngài.

Anh là người của thời đại xưa! Cầu kinh, ru con, nấu ăn cho vợ… là những công việc không đáng được chú ý trong ý chí nam nhi thời đại. Huống hồ gì nói đến chuyện: tự nhiên một ngày phát hiêện người yêu mình mang thai mà ngay cả mình là vị hôn phu không biết chuyện đâu ra. Dù là con người có điềm tĩnh đến mức nào… thì chỉ có Ngài, duy nhất chỉ có Ngài làm được. Con không nghĩ thời đại này có ai quảng đại thương yêu mình như thế, và cũng trời thương con chỉ có mang thai con của anh sau ngày anh cưới con.

Đúng như lời kinh cầu trong kinh Thánh Giuse…”Khi lâm cơn khốn khó vội chạy đến cùng Người”…Con không biết đã bao nhiêu lần con đã khóc với Ngài, trách móc Ngài và giận Ngài đã mang cho đến cho con người đàn ông cũng là đàn ông như Ngài. Nhưng ngoài tên Thánh ra thì không còn gì giống Ngài cả…và bao nhiêu câu hỏi khác cứ bủa vây mỗi khi con gặp gian nan. Và tự hỏi lấy mình: Tại sao Ngài biết con yêu mến Ngài, nhưng Ngài đễ con gặp người như thế!!!

Nhưng trong tận đáy mê muội cũa cuộc đời con lại nhận ra chính mình, như ánh diêm quẹt trong đêm tối. Chính lúc giọt nước mắt nóng bóng của con vừa rơi xuống trên bức Tượng hình Ngài, thì con nhận thấy khuôn mặt cũa anh cũng buồn như con, chỉ là khác cách nói, khác cách diễn tả… chỉ có cách nhận thức qua đức tin nhạy cảm mới thấy được, anh đang khóc như con.

Từ những vất vả rất bình thường: nhà cửa, con cái, công việc và sức khỏe… anh đang cố chống cho con mà con lâu nay không nhận ra. Con như điểm chấm nằm giữa vòng tròn 360 độ, chỉ trơ mặt thấy được điều trườc mắt, những gì xẩy ra sau lưng hoàn toàn mù tịch.

Nhiều lúc con cũng cảm nhận điều hỗ thẹn, cứ vênh váo một đời nhạy cảm, dễ thông cảm và có thể nhận thức các diễn biển xẩy ra xung quanh, nào là cho mình rất sành điệu và tâm lý…nhưng hình như chưa bao giờ áp dụng hay nhận thức những chân tình anh làm tất cả cho con. Phải chăng Ngài đã đến trong anh và mang theo bản tính im lặng trong cuộc đời dấn thân cho gia đình như Ngài.

Nhìn lại 17 năm qua kể từ khi biết anh, anh thay đổi nhiều lắm. Từ cuộc sống của một tín hữu xa cung thánh, anh đã làm đoàn trưởng Ca Đoàn của Giáo Xứ, ban hội đồng GX cũng mời anh tham gia, anh yêu Thánh Thễ, thánh lễ, và nhiều đêm thấy anh cầu nguyện một mình đến rơi cả nước mắt.

Ngài ơi ! con là gì mà được Ngài quan tâm như thế, con nào xứng đáng trước mặt Ngài, môt vị thánh cũa Gia Đình hoàn hảo. Con chỉ đến đây đặt dưới chân Ngài một lòng phó thác: Xin cho gia đình con luôn có Ngài chỡ che. Dù có thể nói với anh nhưng không tiện nói, con chỉ gửi lời đến Ngài nói dùm hộ con: Cám ơn Ngài đã ban cho con người chồng có đức tính của Ngài.

Trong ngày quan thầy kính Thánh Giuse, xin Ngài luôn ban cho anh ơn bình an là lòng đức độ của người đàn ông chân chính như Ngài. Xin Ngài ghé mắt đến những người đã chọn Ngài làm ngọn đuốt niềm tin đời mình được trở nên như Ngài.

Tháng 3, 2008
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:25 14/03/2008
GIÁM CHỈ TỬ MUA NGỌC

N2T


Giám Chỉ Tử là một phú thương người nước Tống, rất có cách nhìn và thủ đoạn của giới thương nghiệp. Một hôm, ông ta cùng với người khác tranh chấp mua một viên ngọc chưa được mài giũa, giá gốc của viên ngọc là một trăm đồng tiền, bởi vì có liên quan đến tranh chấp giá cả, nên giá cả càng tăng lên.

Giám ChỈ Tử không muốn đưa cao giá tiền lên nên giả bộ lỡ tay làm bể viên ngọc chưa giũa, lần này thì người tranh chấp mua viên ngọc chưa giũa ấy với ông ta không cần nữa, Giám ChỈ Tử lấy một trăm đồng đưa cho người bán ngọc, đem những mảnh vỡ của viên ngọc chưa giũa ấy về nhà.

Ông ta mời thợ làm ngọc đến, đem những mảnh vỡ của viên ngọc chưa giũa bị ấy chạm khắc, chế tạo thành nhiều loại vật dụng rất đẹp và tinh vi, rồi bán ra với giá rất cao, kiếm được rất nhiều tiền.

(Hàn Phi tử: Thuyết lâm hạ)

Suy tư:

Người buôn bán thì có tính toán của người buôn bán, tức là lời và lỗ, và không người nào đi buôn lại muốn cho mình bị lỗ vốn cả, cho nên trong đầu óc của họ luôn tìm nhiều cách –kể cả thủ đoạn- để sinh lợi, để công việc làm ăn được phát đạt.

Có một vài người đã dâng mình làm tôi tớ Chúa, tức là đã từ bỏ mọi sự của thế gian để phụng sự Chúa trong thiên chức linh mục và tu sĩ, nhưng họ lại còn làm những chuyện mà người đời hay làm: họ buôn bán bất động sản, họ còn cho vay lấy lời, họ còn làm áp phe để có tiền nhiều hơn, cái “mác” linh mục và tu sĩ cũng làm cho họ dễ dàng trục lợi hơn khi buôn bán...

Giám Chỉ Tử dùng thủ đoạn mánh khóe để trục lợi, nên không ngần ngại làm vở viên ngọc để được nhiều sản phẩm tinh vi hơn, đó là bản chất của người buôn bán đặt cái lợi trên cái đẹp của viên ngọc.

Ước gì những người đã dâng mình làm tôi Chúa biết đi “buôn” các linh hồn về cho Chúa, biết dùng tiền bạc dư thừa ấy để an ủi giúp đỡ những người nghèo khó bất hạnh, vì họ là những ngân hàng của người muốn vào Nước Trời, hơn là đem tiền bạc đi buôn bán đầu tư bất động sản, áp phe.v.v...

Chết đi thì tiền bạc và bất động sản không thể đem theo được, nhưng những việc lành sẽ đi cùng chúng ta đến trước tòa phán xét của Thiên Chúa để biện hộ và bênh vực cho chúng ta.
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:26 14/03/2008
CHỦ NHẬT LỄ LÁ

Tin mừng: Mt 26, 14 – 27, 66

“Cuộc thương khó của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.”

Bạn thân mến,

Cao điểm của năm phụng vụ là Tuần Thánh -bắt đầu từ chủ nhật Lễ Lá- Giáo Hội mời gọi chúng ta nghe tường thuật lại toàn bộ sự việc mà Phúc Âm của thánh Mát-thêu đã nói về Chúa Giê-su trong những ngày cuối đời của Ngài ở trần gian, đó là sự khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem, lập bí tích Thánh Thể và bí tích truyền chức Linh Mục, khổ nạn và chết trên thập giá, rồi ba ngày sau phục sinh vinh hiển.

Hôm nay, bạn và tôi đều vào vai của những người Do Thái xưa kia, cầm những cành là vạn tuế tung hô đón rước Chúa Giê-su long trọng khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem, chỉ khác một điều là bạn và tôi không la hét cuồng loạn hoan hô như họ, nhưng trong thâm tâm bạn và tôi đều suy đến việc Chúa Giê-su chính là vị vua cả trời đất đang cỡi trên mình con lừa từ từ tiến vào đền thờ, vị vua khiêm cung và hòa bình, yêu thương và tha thứ, nhẫn nại và ban ơn.

Hôm nay, bạn và tôi đều vào vai của những người Do Thái xưa kia tung hô Chúa Giê-su: “Vạn tuế Con vua Đa-vít”, nhưng ngày mai cũng chính bạn và tôi vung nắm tay lên la lớn: “Đóng đinh nó vào thập giá, đóng đinh nó vào thập giá”, bằng những tội lỗi mà chúng ta đã xúc phạm đến tình yêu của Ngài, bởi vì mỗi một tội chúng ta phạm, dù là lớn hay nhỏ, nặng hay nhẹ cũng đều là những cái đinh nhọn mà chúng ta đóng đinh Chúa Giê-su vào thập giá lần thứ hai.

Hôm nay, bạn và tôi cùng vào vai của Phê-rô nhiều lần tuyên xưng Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa, là Đấng có lời ban sự sống đời đời, nhưng rồi sau đó vì sợ liên lụy đến mình nên đã chối không biết người thầy thân yêu của mình là ai ! Rồi có những lúc trong cuộc sống, bạn và tôi cũng đóng vai của Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là kẻ đã nhẫn tâm bán thầy mình ba mươi đồng bạc, khi chúng ta ham mê danh vọng, quyền chức, tiền tài để rồi chối bỏ Thiên Chúa là Cha, Chúa Giê-su là Đấng cứu chuộc loài người chúng ta.

Bạn thân mến,

Bắt đầu Tuần Thánh với bài tường thuật cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su thật ấn tượng, gây xúc động cho rất nhiều người và cho chúng ta nữa. Bước vào Tuần Thánh bạn và tôi, ngoài việc quyết tâm sống xứng đáng là môn đệ của Chúa Giê-su, thì cần phải gia tăng sự cầu nguyện, kết hợp mật thiết với từng giây phút cuối đời của Chúa Giê-su tại trần gian này, để chúng ta biết cùng chết cho tội lỗi và được sống lại với Chúa Giê-su Phục Sinh.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

----------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:27 14/03/2008
N2T


28. Thánh Thể có thể giúp chúng ta chế phục sự phẫn nộ và tình cảm lệch lạc không thanh khiết.

(Thánh Bernard)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nhân lễ thánh Giuse: Chiếc cầu thang kỳ diệu
Đinh Văn Mạnh
01:56 14/03/2008
CHIẾC CẦU THANG KỲ DIỆU

(Một phép lạ của Thánh Giuse?)

* Tại thành phố Santa Fe, bang Mexico, Hoa kỳ, một bí mật đã xảy ra hơn 130 năm, thu hút khoảng 250 ngàn du khách mỗi năm. Nơi đó là: Nhà Nguyện LORETTO.

Nhà nguyện Loretto
* Điểm độc đáo của Nhà Nguyện này là: Nơi được cho là đã xảy ra phép lạ lại là một cái cầu thang.

* Nhà Nguyện được xây vào khoảng thế kỷ thứ 19. Khi hoàn thành, các nữ tu phát hiện thấy họ đã quên không làm cầu thang để đi lên sàn hát của Nhà nguyện.

* Họ làm Tuần Cửu Nhật để cầu xin Thánh Giuse, là một thợ mộc để Ngài giúp đỡ.

* Vào ngày cuối cùng (của Tuần Cửu Nhật), một người lạ mặt gõ cửa và tự xưng là một thợ mộc, muốn giúp các nữ tu làm cái cầu thang.

* Ông ta đã một mình làm xong cái cầu thang hình xoắn ốc, và nó đã trở thành một kiệt tác của nghề thợ mộc.

* Không ai hiểu được làm thế nào cây cầu thang có thể đứng vững được, vì nó không có cột trụ trung tâm để đỡ sức nặng của loại cầu thang này.

Cầu thang kỳ diệu
* Làm xong, ông thợ mộc ấy lặng lẽ biến mất mà không hề đòi thù lao. Ông đã làm xong cây cầu thang mà không sử dụng một keo dán hay một cây đinh nào.

Trong khắp cả thành phố Santa Fé, người ta cho rằng người thợ mộc ấy chính là Thánh Giuse… đã được Chúa Giêsu gởi đến để đáp lại lời nguyện xin của các nữ tu. Từ ngày ấy, chiếc cầu thang được coi là một Phép Lạ, và trở thành địa điểm hành hương.

Người đại diện ở Nhà Nguyện nói rằng có 3 điều bí ẩn ở đây: Thứ nhất là: Cho đến nay vẫn chưa ai biết được tên tuổi của người thợ mộc ấy. Thứ hai là: Mọi kiến trúc sư, kỹ sư và khoa học gia đều nói rằng không thể hiểu được làm thế nào chiếc cầu thang có thể đứng vững mà không có điểm tựa ở trung tâm (như thường thấy ỏ các cầu thang loại xoắn ốc này). Thứ ba là: Gỗ làm cầu thang lấy từ đâu? Họ đã kiểm tra và phát hiện rằng gỗ được sử dụng làm cầu thang không hề có trong toàn vùng ấy.

Thêm một chi tiết làm tăng niềm tin vào Phép Lạ là: Cầu thang có 33 bậc, là tuổi của Chúa Giêsu Kitô ở trần gian.

Nhà Nguyện LORETTO, 207 Old Santa Fe Trail, Santa Fe, NM. 87501. Điện thoại: 505-982-0092
 
Chị Chiara Lubich đã hoàn thành cuộc lữ hành trần thế sau 88 năm
Thúy Dung
08:31 14/03/2008
Chị Chiara Lubich, người sáng lập phong trào Tổ Ấm Focolare, đã về nhà Cha trên trời vào lúc 2 giờ sáng nay thứ Sáu 14/3/2008 theo giờ Rôma. Chị qua đời tại nhà riêng ở Rocca di Papa, gần Rôma. Sau một thời gian điều trị lâu dài tại bệnh viện Gemelli, chị đã được đưa về nhà theo ý nguyện vào tối ngày hôm qua.

Theo thông cáo báo chí của phong trào Focolare, chị đã “ra đi trong thanh thản và trong bầu khí sốt sắng cầu nguyện”. Thông cáo cho biết “Nguyên ngày hôm qua, hằng trăm người gồm thân nhân, những cộng sự viên và những người con tinh thần đã ghé thăm phòng chị để chào tạm biệt trước khi tập trung bên trong và chung quanh một nhà nguyện. Một đoàn rước không gián đoạn và tự phát. Với một số người, chị Chiara đã ra dấu nhận ra, dù sức khoẻ của chị đã rất yếu”.

Chị Chiara Lubich (tên rửa tội là Silvia) sinh tại thành phố Trentô, miền Bắc Italia, vào năm 1920. Năm 1943, giữa thời thế chiến thứ hai, cùng với vài người bạn, Chị Chiara Lubich đã bắt đầu sống thực hành giáo huấn phúc âm trong cảnh sống hằng ngày. Nhóm bạn sống phúc âm này quy tựu lại với nhau thành một cộng đoàn nhỏ, gọi là "Focolare", tức "Tổ Ấm", khai sinh một phong trào sống phúc âm giữa đời, mà hiện nay được biết đến với tên gọi "Phong Trào Tổ Ấm", có mặt tại 182 quốc gia, thuộc khắp năm châu, với khoảng 4 triệu thành viên. Ðiều đặc biệt là trong số thành viên của Phong Trào "Tổ Ấm", có cả những thành viên kitô, nhưng không phải là công giáo, đến từ 350 giáo hội kitô, hoặc cộng đồng giáo hội kitô khác nhau. Và có cả những anh chị em hồi giáo, do thái giáo, phật giáo, ấn độ giáo, lão giáo, vân vân,... đến sinh hoạt trong phong trào. Như thế, với dòng thời gian, từ một "tổ ấm" nhỏ sống tinh thần phúc âm, một phong trào lớn được khai sinh, dựa trên tinh thần tu đức hiệp thông, quy tựu những con người thuộc mọi lứa tuổi, chủng tộc, văn hoá, ngôn ngữ, ngành nghề, hoàn cảnh xã hội. Ðó là những con người dấn thân trở thành "men tình yêu thương", nhắm xây dựng một thế giới liên đới hơn, hiệp nhất hơn.

Riêng tại Thụy Sĩ, Phong Trào Tổ Ấm đã có mặt hoạt động từ năm 1962; và hiện có 1,500 thành viên tích cực hoạt động và khoảng 30,000 cảm tình viên. Trên bình diện xã hội, kinh tế và chính trị, tại Thụy Sĩ, phong trào Tổ Ấm nhắm đến việc xây dựng, cùng với tất cả mọi công dân trong nước, một thế giới huynh đệ giữa tất cả mọi người, một thế giới biết chia sẻ công bằng những của cải tài nguyên, một thế giới hoà bình. Chẳng hạn như trên bình diện kinh tế, Phong Trào Tổ Ấm tại Thụy Sĩ, đã khai sinh dự án có tên gọi là "Kinh Tế của Hiệp Thông", quy tựu được 700 công cuộc kinh doanh tham dự.

Nhìn chung, trong hơn 60 năm sinh hoạt, Phong Trào Tổ Ấm do chị Chiara Lubich sáng lập và làm chủ tịch, đã gợi hứng và khai sinh biết bao sáng kiến cụ thể, cho người lớn, cũng như cho các bạn trẻ và cho cả những trẻ nhỏ nữa.

Ðể đáp lại tình trạng bất bình đẳng xã hội, chị Chiara Lubich, vào năm 1991, đã thành lập tại Sao Paolo, bên Brazile, dự án kinh tế được gọi là "Kinh Tế của Hiệp Thông"; Hiện nay, sáng kiến này hoạt động tại nhiều quốc gia trên thế giới, theo gợi hứng của tu đức hiệp thông của phong trào Focolare.

Dấn thân của Chị Chiara Lubich đã mang lại nhiều giải thưởng tôn vinh chính cá nhân của Chị: năm 1977, Chị được giải thưởng Templeton vì sự Tiến Bộ Tôn Giáo; năm 1996, giải thưởng của UNESCO vì sự giáo dục cho Hoà Bình; năm 1998, giâi thưởng Âu Châu vì Nhân Quyền. Ðặc biệt, từ năm 1996 đến nay, chị Chiara Lubich, đã nhận được 9 Bằng Tiến Sĩ Danh Dự, từ các Ðại Học tại Âu Châu, Châu Mỹ La Tinh, Á Châu và Hoa Kỳ. Nhiều thành phố trên thế giới đã công nhận Chị là "Công Dân Danh Dự" của thành phố. Chị là đương kim chủ tịch của Hội Ðồng Thế Giới Các Tôn Giáo Phục Vụ Hoà Bình (WCRP). Chị đã thuyết trình ngày 24 tháng Giêng năm 2007, trong Hội Nghị Liên Tôn tại Assisi, Italia.

Chị Chiara Lubich là một giáo dân đơn sơ, nhưng có một uy quyền tinh thần cao nhất. Ðược Ðức Gioan XXIII chấp nhận, được Ðức Phaolô VI lắng nghe, và được Ðức Gioan Phaolô II mộ mến, Chị Chiara Lubich đã tham dự hai Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới.
 
Vatican ghi nhận: Công Giáo Yêu Nước Trung quốc đã hết thời
Nguyễn Việt Nam
08:54 14/03/2008
Trong thời gian từ ngày 10-12/3, Ủy Ban về Trung Hoa của Tòa Thánh đã thảo luận về phản ứng của Giáo Hội tại Hoa Lục đối với lá thư của Đức Thánh Cha viết cho người Công Giáo tại Trung quốc được công bố hôm 27/5/2007 và khảo sát việc ứng dụng cụ thể lá thư đó trong đời sống Giáo Hội tại đây.

Ủy Ban về Trung Hoa của Tòa Thánh bao gồm lãnh đạo của một số cơ quan trung ương Tòa Thánh đã và đang giúp Đức Thánh Cha trong những vấn đề của Trung Hoa và một số thành viên trong hàng giáo phẩm Trung Hoa cũng như của các dòng tu.

Trong thông cáo báo chí đưa ra hôm 13/3, Ủy Ban cho biết là Tòa Thánh hài lòng nhận thấy đã có một sự chú ý cao độ trong Giáo Hội tại Trung Hoa đối với “tín lý của Công Đồng Chung Vatican II về bản chất và cấu trúc của Giáo Hội”. Vấn đề này là vấn đề vô cùng quan yếu trong bối cảnh tại Trung Hoa nơi nhà nước cộng sản đã tìm cách thiết lập việc kiểm soát trên Giáo Hội thông qua việc hình thành ra tổ chức Công Giáo Yêu Nước và qua việc tấn phong các giám mục không hiệp thông với Đức Thánh Cha.

Ủy Ban ghi nhận là Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Lục đã có những tiến bộ nhất định trong nỗ lực hiệp nhất và đoàn kết với nhau. Ủy Ban cũng tiết lộ là bất chấp những phản đối gay gắt của tổ chức Công Giáo Yêu Nước, Tòa Thánh và nhà cầm quyền Trung quốc đã đạt được một thỏa thuận quan trọng theo đó các Giám Mục được tấn phong trong tương lai phải được sự phê chuẩn của Tòa Thánh.

Như vậy, đã rõ là nhóm Công Giáo Yêu Nước Trung quốc đã hết thời. Nhóm Công Giáo "Yêu Nước" ở Việt Nam có lẽ cũng nên cáo chung là vừa.
 
Nội dung cuộc họp của Ủy ban về Trung Hoa
Nguyễn Hoàng Thương
10:10 14/03/2008
Nội dung cuộc họp của Ủy ban về Trung Hoa

Vatican (VIS 13/03/2008) - Hôm 13/03/2008, Văn phòng Báo Chí Tòa Thánh Vatican đã đưa ra thông báo báo chí như sau: “Ủy ban (về Trung Hoa) được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI thiết lập nhằm nghiên cứu về các vấn đề quan trọng liên quan đến đời sống Giáo Hội Trung Hoa đã họp nhau từ ngày 10 đến 12 tháng Ba ở Vatican”.

Thông cáo cho biết thêm: “Chủ đề cuộc họp nhằm khảo sát Thư của Đức Thánh Cha gởi cho người Công Giáo Trug nHoa hôm 27/5/2007. Trước tiên, các tham dự viên khảo sát phản ứng về văn kiện giáo hoàng cả bên trong và bên ngoài Trung Quốc. Họ đã suy tư về nguồn gốc thần học đã truyền cảm hứng trong Bức thư nhằm nhận thức thấu đáo những viễn tượng tương lai mang lại cho cộng đoàn Công Giáo ở Trung Hoa. Cụ thể, bằng sự quan tâm của bức thư đã mang lại những khía cạnh quan trọng nhất định liên quan đến sứ mệnh của Giáo Hội như là ‘khí cụ của ơn cứu độ’ đối với người Trung Hoa: loan báo Tin Mừng trong thế giới đang kinh qua toàn cầu hóa; việc áp dụng giáo lý của Công Đồng Vatican II theo lẽ thường và trong cơ cấu của Giáo Hội với bối cảnh hiện nay của Trung Quốc; tha thứ và hòa giải trong cộng đoàn Công Giáo; những đòi hỏi về tính chân thật và lòng bác ái, quyền lãnh đạo các giáo phận, vốn có liên quan lớn lao đến hoạt động mục vụ và giáo dục của các linh mục, chủng sinh, tu sĩ và giáo dân. Trong phạm vi đã được Bức Thư của Đức Thánh Cha chỉ dẫn, thiện chí đối với việc đối thoại trong tôn trọng và xây dựng với nhà chức trách được nhắc lại. Cuối cùng, cũng trong ánh sáng của bản văn, các tham dự viên đã trao đổi thông tin và kinh nghiệm liên quan đến đời sống và hoạt động của Giáo Hội ở Trung Quốc”.

Thông cáo kết thúc với thông tin: “Cuộc họp kết thúc bắt buổi yết kiến Đức Thánh Cha, Ngài lắng nghe báo cáo tóm tắt công việc đã hoàn thành qua ba ngày và khuyến khích các tham dự viên tiếp tục dấn thân để ủng hộ cộng đoàn Công Giáo ở Trung Quốc. Ngài cũng nói đến ngày 24 tháng Năm sắp tới là Ngày Quốc tế cầu nguyện cho Giáo Hội Trung Hoa”.
 
Đức Thánh Cha kêu gọi vượt thắng căng thẳng xã hội tại Bolivia
LM. Trần Đức Anh OP
13:24 14/03/2008
VATICAN. Hôm 14-3-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã tiếp kiến tân đại sứ Bolivia cạnh Tòa Thánh, Ông Carlos Federico de la Riva Guerra, đến trình quốc thư. Ngài kêu gọi vượt thắng những căng thẳng xã hội và cổ võ sự hòa hợp giữa các thành phần khác nhau trong xã hội nước này.

Tân đại sứ Federico de la Riva năm nay 59 tuổi (1949), nguyên là Tổng giám đốc Học viện San Calixto của dòng Tên ở thủ đô La Paz.

Trong diễn văn chào mừng ông tân đại sứ, ĐTC bày tỏ quan tâm về những thay đổi sâu đậm tại Bolivia, tạo nên những hoàn cảnh khó khăn và nhiều khi gây lo âu. Những căng thẳng xã hội gia tăng và lan tràn một bầu không khí không thuận lợi cho sự cảm thông.

Trong bối cảnh đó, ĐTC kêu gọi các vị lãnh đạo chính trị, xã hội và dân sự cần tỏ ra khôn ngoan thận trọng, vì tình yêu người, để thăng tiến nơi toàn dân những điều kiện cần thiết để đối thoại và thỏa thuận với nhau. Ngài nói: ”Sự cộng tác chân thành và vị tha của các cá nhân và tổ chức góp phần loại bỏ những tai ương đang đè nặng trên nhân dân Bolivia, quá nhiều lần bị thiên tai, và cần phải có những biện pháp hữu hiệu cũng như những tâm tình huynh đệ, để khắc phục những hậu quả trầm trọng do thiên tai gây nên.. Sự hồi sinh về dân sự và xã hội, chính trị và kinh tế luôn đòi hỏi một công việc vô vị lợi và quảng đại dành cho một dân tộc đang đòi được trợ giúp về vật chất, luân lý và tinh thần.. Hòa bình phải được xây dựng trên công lý, sự thật và tự do, cũng như trên sự cộng tác với nhau, tình thương và sự hòa giải giữa mọi người”.

ĐTC cũng nhấn mạnh vai trò của Giáo Hội Công Giáo tại Bolivia, luôn sằn sàng cộng tác để kiến tạo an bình và phát triển đất nước về mặt nhân sự và tinh thần. Giáo Hội giảng dạy đạo lý của mình đồng thời cũng bày tỏ ý kiến về những vấn đề có liên hệ tới Giáo Hội. Giáo Hội hướng dẫn các tín hữu, đồng thời vẫn tôn trọng thẩm quyền của Nhà Nước. Giáo Hội đề nghị với các tín hữu và toàn thể Giáo Hội hãy từ bỏ mọi oán thù chủng tộc, thái độ trả đũa, báo thù và tiến bước trên con đường liên đới, tin tưởng lẫn nhau và tôn trọng sự khác biệt”.

Bolivia rộng gần 1 triệu 99 ngàn cây số vuông với hơn 9 triệu dân, trong đó 95% là tín hữu Công Giáo. 50% dân Bolivia sống dưới mức độ nghèo đói và tình hình chính trị xã hội tại đây tiếp tục ở trong tình trạng căng thẳng. Các đại điền chủ giầu có kêu gọi chống lại chủ trương của tổng thống Evo Morales đề cao các quyền của thổ dân bản xứ. Tổng thống Morales, gốc thổ dân, được bầu lên cách đây 2 năm và ông hứa lập ra một hiến pháp mới nhưng cho đến nay, quốc hội vẫn chưa chấp nhận hiến pháp này vì trong đó có những khoản bênh vực quyền lợi của các thổ dân bản xứ chiếm 70% dân số toàn quốc. Hiến pháp này cho các bộ tộc chính tại Bolivia là Aymaras, Quechuas và Guarani được thay thế nền giáo dục, y tế và công lý của tây phương bằng hệ thống cổ truyền của thổ dân.

Tổng thống Morales muốn truất hữu đất đai của giới đại điền chủ để phân phát cho nông dân nghèo. Ngày 4-5 tới đây, dân Bolivia sẽ đi bỏ phiếu về đề nghị cấm sở hữu đất đai rộng quá 5000 hoặc 10 ngàn hécta. (SD 14-3-2008)
 
Đức Thánh Cha chủ sự phụng vụ thống hối
LM. Trần Đức Anh OP
13:28 14/03/2008
VATICAN. Chiều ngày 13-3-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự tại Đền thờ Thánh Phêrô nghi thức hòa giải cho nhiều hối nhân, với phần xưng tội và xá giải cá nhân.

Buổi lễ được tổ chức nhân dịp Ngày Quốc Tế giới trẻ cấp giáo phận được cử hành vào chúa nhật lễ lá 16-3-2008 và chuẩn bị cho Ngày Quốc Tế giới trẻ cấp hoàn vũ tại Sydney, Australia từ 15 đến 20-7-2008. Trong số 7 ngàn tín hữu tham dự nghi thức này cũng có hàng ngàn bạn trẻ thuộc giáo phận Roma, cùng với một số hồng y và giám mục.

Phụng vụ thống hối được mở đầu với cuộc rước của ĐTC cùng với đoàn giúp lễ, 14 bạn trẻ và các cha giải tội tiến lên bàn thờ, trong khi ca đoàn hát bài ”Vinh dự của chúng ta là Thập Giá Chúa Kitô”. Tiếp đến là phụng vụ Lời Chúa với đoạn sách Tông Đồ Công Vụ trong đó có câu được chọn làm chủ đề Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 23: ”Các con sẽ nhận được sức mạnh từ Chúa Thánh Linh, Đấng sẽ ngự xuống trên các con, và các con sẽ là chứng nhân của Thầy” (1,8). Tiếp đó là đoạn Tin Mừng theo thánh Gioan thuật lại cuộc hiện ra của Chúa Giêsu Phục Sinh với các môn đệ và ngài dạy: ”Các con hãy nhận lấy Thánh Linh; các con tha tội cho ai người ấy được tha” (Gioan 20,23).

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng, ĐTC nói đến vai trò của Chúa Thánh Linh trong đời sống của các tín hữu và cho biết phụng vụ thống hối này được cử hành để các bạn trẻ cởi mở tâm hồn đối với Thiên Chúa bằng cách xưng thú các tội lỗ icủa mình, để nhận lãnh ơn tha thứ và bình an qua tác động của Chúa Thánh Linh nhờ thừa tác vụ của Giáo Hội.

ĐTC kể lại: ”Khi còn là TGM giáo phận Munich-Freising, trong một bài suy niệm về lễ Hiện Xuống, tôi đã lấy hứng từ cuốn phim tựa đề ”Seelenwanderung” (Luân hồi), để giải thích đâu là hoạt động của Chúa Thánh Linh trong linh hồn. Cuốn phim để lại hai tên quỷ khốn khổ, vì tốt lành nên không được công thành danh toại trong cuộc đời. Một hôm, một trong hai tên nảy ra ý tưởng bán linh hồn của mình đi, vì hắn chẳng có gì khác để bán. Linh hồn này được người ta mua với giá rẻ và đặt trong một cái hộp. Từ lúc đó, lạ thay, tất cả đều thay đổi trong cuộc đời của hắn. Hắn bắt đầu đi lên như diều, ngày càng trở nên giàu có, được bao nhiêu vinh dự và khi chết hắn được mang chức lãnh sự, đầy tiền bạc và của cải. Từ khi từ bỏ linh hồn, hắn không còn nể nang ai và cũng chẳng còn tình người. Hắn hành động không chút áy náy, chỉ nghĩ đến chuyện kiếm tiền và thành công. Con người chẳng đáng kể gì đối với hắn nữa. Chính hắn cũng chẳng còn linh hồn nào. Và tôi kết luận - cuốn phim chứng tỏ một cách hùng hồn rằng đàng sau cái vẻ thành công thường có giấu ẩn một cuộc sống trống rỗng.

”Bề ngoài con người chẳng bị mất mát gì, nhưng họ thiếu linh hồn và qua đó, thiếu mọi sự. - Tôi tiếp tục bài suy niệm - Hiển nhiên là con người không thể vứt bỏ linh hồn mình đi, vì chính linh hồn làm cho nó là một nhân vị. Thực vậy, nó vẫn là một nhân vị. Nhưng nó có khả năng kinh khủng trở thành vô nhân đạo, trở thành người bán đi và đồng thời đánh mất chính nhân tính của mình. Khoảng cách giữa nhân vị con người và tình trạng vô nhân đạo thật là mênh mông, tuy người ta không thể chứng minh được; đó thực là một điều thiết yếu, tuy rằng bề ngoài nó có vẻ là không quan trọng (cf Suchen, was droben ist. Meditationen das Jahr hindurch, LEV, 1985 - Tìm kiếm những sự trên cao. Suy niệm suốt năm).

Cả Chúa Thánh Linh, ở đầu công trình sáng tạo và nhờ Mầu Nhiệm Phục Sinh, đã ngự xuống chan hòa trên Mẹ Maria và các Tông Đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần, cũng không có những bằng chứng hiển hiện trước mắt bề ngoài. Ngài có thấu nhập vào con người hay không, ta không thể thấy và cũng không thể chứng minh được; nhưng sự kiện ấy thay đổi và và canh tân toàn thể viễn tượng cuộc sống con người. Chúa Thánh Linh không thay đổi những tình trạng bên ngoài của cuộc sống, nhưng ngày thay đổi những tình trạng bên trong. Tối ngày Phục Sinh, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ, ”thở hơi trên họ và nói: 'Các con hãy nhận lấy Thánh Linh” (Gioan 20,22). Một cách hiển nhiên hơn, Chúa Thánh Linh đã ngự xuống trên các Tông Đồ ngày lễ Ngũ Tuần, như gió thổi mạnh và dưới hình những lưỡi lửa. Chiều tối hôm nay cũng vậy, Chúa Thánh Linh sẽ ngự xuống trong tâm hồn gchúng ta, để tha thứ tội lỗi và đổi mới nội tâm chúng ta, mặc cho chúng ta một sức mạnh làm cho chúng ta can đảm trong việc loan báo 'Chúa Kitô đã chết và đã sống lại' giống như các Tông Đồ xưa kia”.

Từ những ý tưởng đó, ĐTC nhắn nhủ mọi người, qua việc chân thành xét mình, chuẩn bị trình diện với những vị mà Chúa Kitô đã ủy thác sứ vụ hòa giải. Với tâm tình thống hối chúng ta hãy xưng thú tội lỗi, và quyết tâm không tái phạm nữa. Như thế, chúng ta sẽ cảm nghiệm niềm vui đích thực, niềm vui xuất phát từ lòng từ bi Chúa, đổ tràn trên tâm hồn chúng ta và hòa giải chúng ta với Chúa. Niềm vui này lây sang người khác! ”Các con sẽ nhận sức mạnh từ Chúa Thánh Linh, Đấng sẽ ngự xuống trên các con, và các con sẽ là chứng nhân của Thầy”, câu Kinh Thánh (TĐCV 1,8) được chọn làm chủ đề Ngày Quốc Tế giới trẻ thứ 23. Các con hãy trở thành những người mang niềm vui này, đến từ việc đón nhận các ơn của Chúa Thánh Linh, làm chứng trong cuộc sống các con về những thành quả của Thánh Linh: ”Tình yêu, niềm vui, an bình, kiên nhẫn, hiền hậu, từ nhân, trung thành, dịu dàng và tự chủ” (Gal 5,22)

Giải tội

ĐTC Beneđictô rời tòa giải tội ở Vatican
Sau bài giảng, các cha giải tội tiến về các tòa giải, trong khi đó, ĐTC hướng dẫn phần xưng tội chung, bắt đầu bằng kinh Cáo Mình, rồi 14 bạn trẻ, từng hai người nam nữ, tiến đến trước Thánh Giá, và dựa vào thứ tự 7 ơn Chúa Thánh Linh để xin ơn tha thứ nhân danh tất cả các bạn trẻ. Sau mỗi lần xưng thú và xin tha thứ, các bạn trẻ thắp sáng ngọn đèn dưới chân Thánh Giá.

Nghi thức được tiếp nối với kinh Lạy Cha, và lời nguyện của ĐTC, rồi mỗi hối nhân đến xưng tội riêng với các cha giải tội và lãnh phép xá giải. Cả ĐTC cũng vào một tòa để giải tội cho một số tín hữu. Các hồng y và giám mục hiện diện cũng ngồi giải tội.

Trong khi đó, cộng đoàn lần lượt lắng nghe, xen lẫn giữ những lúc thinh lặng và thánh ca, các đoạn sách trích từ Kinh Thánh, các Giáo Phụ và Huấn Quyền của Hội Thánh về sự thống hối và hoạt động của Chúa Thánh Linh.

Sau khi mọi người xưng tội và được xá giải, ĐTC mời gọi cộng đoàn cảm tạ Chúa, hát kinh Magnificat trước khi ĐTC ban phép lành kết thúc cho mọi người. (SD 13-3-2008)
 
Thông cáo về vạ tuyệt thông dành cho các phụ nữ thụ phong linh mục ở St. Louis
Đặng Tự Do
18:35 14/03/2008
St. Louis - Đức Tổng Giám Mục St. Louis của tổng giáo phận St. Louis đã chính thức ra vạ tuyệt thông cho 3 người phụ nữ tham gia trong một nghi thức truyền chức linh mục.

Đức Cha Raymond Burke đã cảnh cáo hai phụ nữ trong giáo phận của ngài là họ sẽ bị vạ tuyệt thông nếu họ tham dự vào một nghi lễ truyền chức trái phép diễn ra vào ngày Chúa Nhật 11/11/2007, trong đó họ được phong chức linh mục.

Patricia Fresen đang phong chức linh mục trái phép
Ngài đã gởi thư bảo đảm tới từng người cho hai bà Rose Marie Dunn Hudson (68 tuổi) và Elsie Hainz McGrath (70 tuổi) cảnh cáo rằng họ sẽ bị vạ tuyệt thông tiền kết nếu họ tham dự vào nghi lễ “truyền chức linh mục” tại một hội đường Do Thái do hội “Womenpriests” (linh mục phụ nữ) tổ chức.

Trong thư, Đức Cha Burke cũng cho biết thêm là “việc tấn phong” trái phép nói trên diễn ra trong một cách thế đối chọi trực tiếp với giáo huấn và huấn quyền Hội Thánh. Việc này cấu thành một hành vi “ly giáo”. Ngài cảnh cáo hai phụ nữ trên là họ sẽ bị thêm những hình thức kỷ luật khác cùng với vạ tuyệt thông đương nhiên có hiệu lực khi họ chịu để cho nhóm ly giáo trên tấn phong.

Điều đáng tiếc là hai phụ nữ trên không chút tỏ ra nao núng. Bà McGrath nói với hãng thông tấn AP rằng “Đó là một hình thức hù dọa tiêu biểu của hàng giáo phẩm, và chúng tôi sẽ không sợ hãi”.

Cả hai bà này đều đã có bằng cấp về Thần Học và đã từng sinh hoạt tích cực trong các giáo xứ tại tổng giáo phận St. Louis. Bà Hudson là một giáo viên đã về hưu và đã làm công việc truyền giáo trong các nhà tù trong 15 năm qua. Bà McGrath là vợ góa của một thầy phó tế vĩnh viễn. Bà đã từng làm việc tại Tòa Tổng Giám Mục St. Louis và giảng dậy môn Thần Học tại Đại Học St. Louis.

Sau khi được thụ phong hai bà này đã làm “mục vụ” cho một nhóm đặt trụ sở trong một nhà thờ thuộc phái Unitarian church (không tin vào tín điều Chúa Ba Ngôi).

Phong trào “Womenpriests” đã bắt đầu truyền chức linh mục trái phép từ năm 2002. Cho tới nay đã có gần 100 phụ nữ được tổ chức này truyền chức linh mục hay phó tế. Riêng tại Hoa Kỳ đã có 37 phụ nữ được truyền chức linh mục.

Trong cuộc họp báo hồi tháng 11 tại St. Louis, Bridget Mary Meehan, phát ngôn viên của phong trào “Womenpriests” cho biết trong 100 người được truyền chức chỉ có 7 người đầu tiên đã bị Tòa Thánh chính thức ra vạ tuyệt thông. Các người còn lại chỉ nhận được thư cảnh cáo. Bà ta diễn dịch một cách lạc quan quá trớn là điều này cho thấy xu hướng của Tòa Thánh muốn công nhận những vụ phong chức linh mục trái phép.

Patricia Fresen, một cựu nữ tu, nay đã làm “Giám Mục”, đã tấn phong linh mục trái phép cho hai bà Hudson và McGrath. Trong cuộc họp báo hôm thứ Tư, Patricia Fresen khoe rằng bà ta đã được “một Giám Mục nam” dấu tên có quan hệ tốt với Đức Thánh Cha tấn phong tại Đức vào năm 2005. Patricia Fresen đã tấn phong linh mục cho nhiều phụ nữ.

Đức Cha Raymond Burke đã ra vạ tuyệt thông cho Rose Marie Dunn Hudson, Elsie Hainz McGrath, và cả bà Patricia Fresen, vì nội vụ đã diễn ra trong tổng giáo phận của ngài.

Vạ tuyệt thông có hiệu lực trên toàn thế giới. Những phụ nữ này không được nhận các phép bí tích bao lâu họ không hòa giải với Giáo Hội.

Thông cáo của Đức Cha Raymond Burke cho biết: “Vì họ đã tham gia trong việc tấn phong cố ý, Luật Giáo Hội đòi buộc tôi công khai tuyên bố vạ tuyệt thông này”.

Ngài cũng giải thích thêm là Giáo Hội không có thẩm quyền phong chức linh mục cho phụ nữ như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã xác nhận trong một giáo huấn “buộc các tín hữu phải tuân giữ cách xác tín”

Đức Tổng Giám Mục cũng xin anh chị em tín hữu cầu nguyện cho 3 người phụ nữ này biết quay lại.
 
Top Stories
Le religioni possono contribuire alla formazione dei giovani vietnamiti
Asia-News
08:35 14/03/2008
Il sostegno può essere di particolare importanza specialmente nelle zone rurali. Il caso della diocesi di Vinh Long, nel sud, dove un terzo dei giovani è disoccupato.

Vinh Long (AsiaNews) – Nel Vietnam che sta cambiando e sviluppando la sua economia, ci sono zone, come la diocesi di Vinh Long, un’area di grande produzione di riso, nella quale i giovani si trovano ad affrontare grandi difficoltà. Incremento della popolazione, ignoranza e povertà sono all’origine di problemi dei quali la giovane generazione ha scarsa conoscenza per la mancanza di centri di formazione che li guidino e li sostengano. E le religioni possono svolgere in tale campo un ruolo importante.

La diocesi, nel sud del Paese, comprende le province di Ben Tre, Tra Vinh e Vinh Long, nel delta del Mekong. Su quasi 4 milioni di abitanti, i cattolici sono 183.728. Prendendo a caso un paese della diocesi, nel quale vivono 3.671 giovani tra i 18 e i 35 anni, 1.203 (oltre il 32%) sono disoccupati.

“Sono molto preoccupato per il lavoro”, conferma ad AsiaNews Thanh, un giovane del distretto di Cau Ke. “Se non ho lavoro – prosegue – non posso aiutare la mia famiglia. Vorrei andare ad un centro di formazione, ma sono molto pochi anche a livello di provincia. Alcuni miei amici hanno finto gli studi superiori ed i corsi di formazione, ma non hanno trovato un impiego qui e sono dovuti andare a Ho Vhi Minh City per cercarne uno”.

Uno studio condotto nel 2008 sul lavoro giovanile ha mostrato che un terzo di quelli del distretto di Cau Ke dicono che “vorrebbero andare ai corsi di preparazione. La maggior arte di loto vivono con i genitori o con fratelli e sorelle. Sono preoccupati e suggeriscono che le autorità locali debbono attuare politiche sociali ed un piano di sviluppo per le aree rurali. Benché siano in una zona che produce molto riso, i contadini sono ancora poveri: se hanno un ettaro coltivato a riso, devono chiedere prestiti per tirare avanti e dopo il raccolto sono costretti a dare il riso per pagare il debito”. E questo nel Paese che è il secondo esportatore mondiale di riso.

Un docente di economia sottolinea che “il processo di industrializzazione e modernizzazione del Paese ha bisogno del contributo di tutti i componenti della società. Il ruolo delle religioni in campo educativo e formativo è importante e necessario. Se il governo permette alle religioni di prendere parte alla formazione ed all’educazione, i giovani delle aree rurali ne avranno benefici ed il Paese un pieno sviluppo umano”.
 
Religious groups should be able to contribute to the training of young Vietnamese
Asia-News
09:03 14/03/2008
Youth support can be particularly important in the countryside. This is the case of the diocese of Vĩnh Long, in southern Viet Nam, where one youth in three is unemployed.

Vĩnh Long (AsiaNews) – In a changing Viet Nam that is developing its economy there are areas like the diocese of Vĩnh Long, an important rice-growing region, where young people are facing great difficulties. The younger generation is unaware of problems associated with a rising population, ignorance and poverty because there are no training facilities capable of guiding and helping them. For this reason religious groups can play an important role in the field.

The diocese, which is located in the country’s south, includes the provinces of Bến Tre, Tra Vinh and Vĩnh Long, in the Mekong Delta. Its population comes just under four million people, including some 184,000 Catholics.

In a randomly selected municipality, we find that out of 3,671 young people between 18 and 35, 1,203 (more than 32 per cent) are unemployed.

“I am worried about getting a job,” said a young man from the Cầu Kè district, Thanh, who spoke to AsiaNews.

“If I don’t have a job I can’t help my family,” he lamented. “I’d like to go to a vocational school but there are very few in the province. Some of my friends completed high school and vocational school but have not found a job locally and so had to go to Hồ Chí Minh City to find one.”

A survey conducted this year on youth employment found that “a third of Cầu Kè’s youth would like to follow vocational courses. Most live with their parents or brothers and sisters. They are worried and suggest that local authorities enact social politicise and adopt a development plan for rural areas.”

“Even though it is a rich rice-producing area, farmers are poor. If a farmer has hectare of land to grow rice he must rely on loans to survive and is forced to sell the crop just to pay off the debt,” this in the second most important rice exporter in the world, the study explained.

“The country’s process of industrialisation and modernisation needs the contribution of every component of society. The role that religious groups can play in the educational and training field is important and necessary,” said an economics professor.

“If the government allows them to take part in training and education, rural youth can benefit and the country will fully develop its human potential.”
 
Chiara Lubich - A Biographical Sketch
Catholic Resource
09:07 14/03/2008
1920

Chiara was born in Trent. During the period of Fascism her family experienced extreme poverty: her socialist father lost his job because of his political convictions. To support herself while studying Chiara gave private lessons.

December 7, 1943

Alone, she responded to the call to give her whole life to God.

May 13, 1944

A night of fierce bombing in Trent. Chiara’s house was among the many destroyed. As her relatives fled into the nearby mountains to seek refuge, she decided to stay in Trent with those who were already following her. Amid the ruins of the city, she met a woman who had lost her senses at seeing her four children dead. As Chiara comforted her she understood that she was being asked to embrace the suffering of humanity. It was among the poor of Trent that "the divine adventure," as Chiara has often called it, began. From this experience came the certainty that the Gospel, when it is put into action, gives rise to the most powerful of social revolutions: here are found the first indications of the Movement’s continual commitment at a social level.

1948

Chiara met Igino Giordani, statesman, member of parliament, writer, journalist, pioneer in the field of ecumenism, and father of four. The meeting took place in the Italian parliament. He became a co-founder of the Movement with Chiara because of his contribution to bringing about a social incarnation of the spirituality of unity which in time gave rise to the New Families Movement and the New Humanity Movement.

1949

Chiara met Pasquale Foresi, a young man who grew up in Catholic environments. Troubled by a profound inner searching, he felt an intense need to connect Gospel truths with his life in the Church.

He was the first focolarino to become a priest, ordained in 1954. Always at the side of the foundress, he contributed among other things to giving life to the Movement’s theological studies, to starting the Città Nuova Publishing House and to overseeing the building of Loppiano, the little town of the Movement near Florence, Italy. Throughout the Movement’s development, he has given a noteworthy contribution to concretizing its ecclesial and lay expressions. Along with Igino Giordani, he is considered to be a co-founder of the Movement.

1954

A meeting took place in Vigo di Fassa (near Trent) with refugees from the forced labor camps in Eastern Europe. The Focolare’s spirituality of unity began to influence individuals and groups in Soviet bloc countries.

1956

The Soviet invasion of Hungary. Faced with this dramatic development Chiara felt the urgent need to bring God back into society so that humanity could recognize him once again as its source of freedom and fraternity. This marks the birth of the "volunteers of God," dedicated people at work in the most diverse fields of action: from politics to economics, from art to education. They were to become the animators of the New Humanity Movement.

1959

In Europe many of the wounds caused by the violence and hatred of World War II remained. At the Mariapolis (summer gathering of the Movement) in the Dolomite Mountains, Chiara addressed a group of politicians inviting them to go beyond the boundaries of their respective nations and to "love the nation of the other as you love your own." Internationality was soon to become the hallmark of the Movement which was growing rapidly first in Italy, then, beginning in 1952, throughout Europe, and in 1959 on other continents.

Little towns, starting with Loppiano in 1965, together with international meetings, and the use of the media contribute to the formation of people who live for the ideal of a united world.

1967

In response to the growing crisis of the family in today’s society, Chiara founded the New Families Movement.

1968

Young people throughout the world are protesting. Beginning in 1966 Chiara Lubich had called on the Focolare youth to live according to the radicalism of the Gospel as an answer to the profound desire for change claimed by young people everywhere. The Gen Movement is born (New Generation). It would later give life to the wider "Youth for a United World" movement (1984).

1970

From the very beginning there have been younger teenagers and children who have made the spirituality of unity their own. The third generation of the Movement which would then become the backbone of the wider "Young for Unity" movement was born.

1977

Chiara received the Templeton Prize for progress in religion. The presence of many representatives of other religions at the ceremony signalled the beginning of the Movement’s participation in interreligious dialogue.

1991

During a trip to Brazil, and as a response to the situation of those who live in sub-human conditions in the outskirts of big cities there, Chiara launched a new idea: the "Economy of Sharing in Freedom." This quickly developed in many countries involving hundreds of businesses and giving rise to a new economic system.

1995

Two recognitions which she received from the mayor and the bishop of her native Trent opened a phase of public life directly involving Chiara.

1996

An honorary Degree in Social Sciences from the Catholic University of Lublin, Poland. Professor Adam Biela spoke of her having brought about the "Copernican revolution in the Social Sciences." Since then she has received 12 honorary doctorate degrees in such disciplines as theology, philosophy, psychology, economics and social communications. These were conferred by religious and secular universities in the United States, the Philippines, Mexico, Brazil, Argentina, Italy and Poland.

1996

"In an age when ethnic and religious differences too often lead to violent conflict, the expansion of the Focolare Movement has also contributed to a constructive dialogue between persons, generations, social classes and peoples." This is the motivation of the 1996 UNESCO Peace Education Prize, awarded to Chiara in Paris.

1997-99

dialogue: Chiara has spoken on numerous occasions encouraging ecumenism, recently in Great Britain (West Yorkshire Ecumenical Council), Germany (Evangelical Church of Remembrance in Berlin) and Austria (Second European Ecumenical Assembly in Graz). Among other recognitions, she has been awarded with the Golden Cross of St. Augustine of Canterbury by Dr. George Carey, Primate of the Anglican Communion, and the Byzantine Cross by the Ecumenical Patriarch of Constantinople, Bartholomew I.

Chiara was the first Christian and the first lay person invited to communicate her spiritual experience to a group of 800 Buddhist monks and nuns in Thailand (January 1997). She has addressed 3,000 African American Muslims in the Malcolm Shabazz Mosque in Harlem, NY (May 1997), and the Jewish community in Buenos Aires (April 1998).

At the United Nations Headquarters in New York, she addressed a symposium entitled, "Toward a Unity of Nations and a Unity of Peoples."

In September 1998 in Strasbourg she received the European Prize for Human Rights awarded by the Council of Europe for her work "in defense of individual and social rights."

2000

Chiara returned to the United States to receive an honorary doctoral degree in Education from The Catholic University of America. A crowd of 4000 witnessed the event which took place in the Basilica of the National Shrine of the Immaculate Conception. “Our Movement and the stages of its development can be viewed as one continuous, extraordinary educational event,” Chiara said in her acceptance address.

On November 12, Chiara addressed a major interreligious event entitled “Faith Communities Together” which drew 7000 to the Washington Convention Center. Imam Warith Deen Mohammed, leader of the two million strong Muslim American Society (MAS), had asked Chiara to address the topic, “A Spirituality of Unity for the Harmonious Living of the Human Family.” William Cardinal Keeler, Archbishop of Baltimore, who has actively encouraged the development of the relationship between the Focolare and the MAS, presented to the assembly a message of greetings from Pope John Paul II expressed by Cardinal Sodano, the Vatican Secretary of State.

IN BRIEF

On the vigil of Pentecost 1998, during the meeting of ecclesial movements and new communities with Pope John Paul II, Chiara Lubich described the essence of that something new the Focolare offers. "Holy Father, you identified love as the ‘inspiring spark’ of all that is done under the name of Focolare, and it is really true. It is the driving force of our Movement. Being love and spreading love is our general aim. In fact, the Focolare Movement is called to bring an invasion of love into the world."
 
Pope's message on death of Chiara Lubich
Independent Catholic News
22:07 14/03/2008
The Holy Father has sent a telegram to Fr Oreste Basso, co-president of the Focolari Movement, for the death at the age of 88 of the movement's founder Chiara Lubich. The text of the telegram is given below.

"With deep emotion I learned the news of the pious death of Ms Chiara Lubich, which came at the end of a long and fruitful life marked by her tireless love for the abandoned Jesus. At this moment of painful separation I remain affectionately and spiritually close to her relatives and to the entire Work of Mary - the Focolari Movement which began with her - and to those who appreciated her constant commitment for communion in the Church, for ecumenical dialogue and for fraternity among all peoples. I thank the Lord for the witness of her life, spent in listening to the needs of modern men in complete faithfulness to the Church and to the Pope. And, as I commend her soul to divine goodness that she may be welcomed in the bosom of the Father, I hope that those who knew and met her, admiring the wonders that God achieved through her missionary ardour, may follow her footsteps and keep her charism alive. With such sentiments, I invoke the maternal intercession of Mary and willingly impart my apostolic blessing to everyone".

© Independent Catholic News 2008
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Mùa học kinh bổn Phục sinh
Đặng Xuân Hường
11:15 14/03/2008
Mùa học kinh bổn Phục-sinh

Một trong những truyền thống tốt đẹp của làng quê Bình Giã ngày xưa, là các lớp học “Bổn Lẽ Cần” bắt đầu vào mùa Chay, và kết thúc vào dịp Lễ Lá trước Đại lễ Phục sinh.

Truyền thống này có từ thuở xa xưa ngoài Bắc, ở Địa phận Vinh đất Mẹ, nơi mà nổi tiếng có những người học thuộc lòng cuốn sách Bổn Lẽ Cần đến “trừ bìa”! Và mỗi mùa học bổn có khi kết thúc như là một dịp lễ hội vui, với các Ban, Biện giám khảo để lượng giá các học sinh bằng cách thi bắt thăm hỏi đáp từng em một.

Khi ông bà cha mẹ di cư vào Nam thì ngoài khăn gói hành trang vật chất, còn mang theo cả những di sản tinh thần, những tập tục tốt đẹp nữa. Nhờ vậy mà trong mấy chục năm, thanh niên thiếu nhi trong từng Giáo xứ, Giáo họ ở Bình Giã có cơ hội ngồi học kinh bổn với nhau vào Mùa Chay. Vừa là dịp học hỏi giáo lý trau dồi kiến thức sống đạo, vừa là dịp suy tưởng chuẩn bị tâm hồn cho Đại lễ Phục sinh.

Anh Lộc An-Hà trong bài viết “Bổn tử” (www.Binhgia.net mục Văn nghệ-Tùy bút) đã đặt cho các học sinh “Bổn Lẽ Cần” một cái tên rất là thích hợp: “Bổn tử”! Khó có thể tìm được một danh xưng hay hơn, vì “Học sinh” thì có thể ai cũng hiểu là học sinh cắp sách đến trường, “Sĩ tử” thì cũng chỉ nghĩ đến người học trò ngày xưa, “Học trò” thì chung chung nhưng đa số cũng hiểu là đến trường đời học chữ. Còn chữ “Bổn tử”, mới đầu nghe còn hơi là lạ, nhưng thực ra chỉ cần hai chữ đó dân Địa phận Vinh có thể ai cũng hiểu là học trò học kinh bổn! Bài viết này xin được dùng chữ “Bổn tử” của anh Lộc, vì vừa gọn gàng dễ hiểu vừa để phân biệt với học sinh ở trường đời, nhất là chữ “Sĩ tử” đã đi vào Lịch sử Văn hoá của Dân ta rồi! Và chữ “Bổn tử” cũng có thể đi vào “Văn hoá Công giáo” chứ!

Nhân dịp mùa Chay để nhớ những ngày xưa dùi mài “Kinh bổn” xin được viết thêm vài dòng về kinh bổn Mùa Chay của những năm về trước.

Học kinh bổn Mùa Chay bắt đầu chừng sau Tết, khởi đầu Mùa Chay cũng là lúc khai giảng các lớp Giáo lý ở các Giáo Họ, thời gian này chưa có trời mưa, nên đi học bổn ban đêm thật vui, đường sá khô ráo, chiều tối “bổn tử” đi lại rủ nhau ồn ào nơi các ngã tư, tay cầm cuốn “Bổn lẽ cần”, tay kia có khi là gói lạc rang, bắp rang hay hột bầu, cũng có khi là hạt dưa còn lại của mùa Tết vừa qua.

Hồi đó xã Bình Giã chưa có điện, lớp học chỉ có đèn dầu lù mù, có “bổn tử”ngồi ê a một lúc bèn dựa vào vách tường ngủ gà ngủ gật. Ông “Biện” (Thầy dạy học bổn do Giáo họ bầu lên) đi qua véo vào lỗ tai một cái mới giật mình thức giấc, cầm cuốn sách bổn lên đọc tiếp. Cũng có ông Biện rất nghiêm khắc, tay cầm roi thấy bổn tử ngủ gục phẩy nhẹ một cái vào đùi, bổn tử giật mình, tỉnh ngủ luôn. Có bổn tử mạnh dạn hơn, ngồi xích ra sau một chút rồi thừa lúc chẳng ai để ý ngồi thụt xuống một góc tối ngủ khò, nhưng cũng vẫn khó lòng qua mắt ông Biện. Vài bổn tử trong lúc học cũng rù rì to nhỏ nói chuyện, đôi lúc đang “miên man chuyện trò”, ông Biện từ đàng sau cầm cái roi “dứ dứ” sau lưng làm các bổn tử hết hồn vội vàng cao giọng đọc theo cả lớp.

Có ông Biện rất dễ, để tạo sự thoải mái cho các em học sau một ngày làm việc ngoài đồng ruộng, ông Biện để các em vài đứa có thể nằm bò ra tấm dong (phản) để học, hoặc ngồi trên chiếc võng giữa nhà vừa đu đưa vừa học. Có khi cả lớp ngồi giữa sàn nhà xi măng mát lạnh, muốn ngồi xếp bằng hay duỗi dài chân ra thì cũng thoải mái, chỉ không được ngủ hoặc nói chuyện mà thôi.

Mỗi tối học chừng hai tiếng hoặc một tiếng rưỡi đồng hồ, giữa giờ có mười lăm phút nghỉ ra chơi. Có cậu nhân giờ ra chơi rồi chuồn luôn. Nhưng cũng không làm sao thoát được, vì ông Biện dò danh sách từng tên để kiểm soát lần nữa trước khi ra về. Hôm sau kêu tên cảnh báo cho biết, nếu tái phạm sẽ ăn roi, dù cu cậu đã viện dẫn đủ lý do cho việc “cúp cua” nửa buổi học!

Mùa này, ban tối đi đâu cũng vang lên tiếng học ê a của các bổn tử, bằng một cung giọng trầm bổng lên xuống đặc biệt, chứ không phải đọc bình thường như đọc sách, có lẽ cũng nhờ cung giọng này mà dễ thuộc hơn! Thường thường được chia ra hai bên nam nữ, cũng có khi chia chung cả hai bên có nam có nữ, một bên hỏi và một bên thưa, rồi ngược lại. Bổn tử được chia thành ba lớp: Nhất, Nhì, Ba theo độ tuổi. Thường thì có ba phần Bổn tử phải học: Kinh, Bổn, Lẽ, nhiều hay ít tuỳ lớp. Phần Lẽ có khi học từ các tài liệu được phân phối từ Ban Giáo Lý của Xứ về Giáo họ tuỳ trình độ từng lớp, cũng có khi chiếu theo các lớp Kinh thánh của Thiếu Nhi Thánh Thể học hàng tuần vào Chủ nhật.

Để đủ ánh sáng cho lớp học, các bổn tử đóng tiền mua thêm dầu, thêm đèn, cũng có ông Biện ủng hộ luôn khoản này. Lớp học nào có đèn “măng-sông” thì sáng như có điện, còn không thì loại đèn dầu ABC lớn cũng rất sáng. Tuy vậy cũng có lớp học đèn lù mù không đủ ánh sáng, được cái lớp nhỏ mắt sáng thông minh, có khi đọc theo chẳng cần sách vở vẫn thuộc lòng.

Suốt mùa học, nếu bổn tử ngoan ngoãn siêng năng, có khi ông bà Biện còn bao cho lớp một bữa cháo chè hay bánh ngọt nước cam vào ngày học cuối nữa.

Có những em rất siêng học Kinh bổn, buổi tối học ở lớp, ban ngày đi chăn bò còn mang theo cuốn sách Bổn đọc ê a vang cả khu rãy, cũng có khi các em cùng lớp ngồi lại đứa này hỏi khảo đứa kia trả lời. Chưa kể ở nhà có khi mấy anh chị em còn khảo thử cho nhau để biết mình đã học thuộc đến mức nào. Những lúc đó cha mẹ thấy con siêng năng học Kinh bổn thấy sung sướng vô cùng.

Sau mấy tuần lễ “học gạo”, các bổn tử được vào “ứng thí” nơi nhà Xứ, hoặc có khi nơi từng Giáo họ. Dịp này bà con rất dễ nhận ra bổn tử nào đã siêng năng hay làm biếng học.

Có bổn tử sau khi nghe giám khảo đọc câu hỏi vừa dứt thì đã trả lời một hơi không nghỉ, được nhận một tràng pháo tay tán thưởng khen ngợi của bà con. Cũng có bổn tử “rặn” như “rặn đẻ” mà cũng chỉ được mấy chữ có vẻ “đầu Ngô mình Sở”! Có lần có một bổn tử sau khi nghe câu hỏi đã trả lời một cách suôn sẻ, rất có vần có điệu, nhưng bà con được một trận cười thoải mái, vì hỏi một đàng bổn tử trả lời một nẻo và suôn sẻ nhanh đến nỗi ông phụ trách gõ trắc báo đọc sai cũng chẳng kịp gõ. Có bổn tử ngập ngừng một chút sau câu hỏi rồi cũng đọc câu trả lời cũng có vẻ được lắm, bà con thì đang hồi hộp, các bạn “đồng khoa” xì xào! Cuối cùng ông Chánh chủ khảo tuyên bố:

-“Bổn này là bổn của con, chứ trong Bổn Lẽ Cần của Địa Phận Vinh thì không có câu trả lời này!”

Bà con được dịp cười no bụng! Có cậu đang trả lời làu làu thì bỗng nghe “trắc” một tiếng, hết hồn ngừng lại mới biết “lạc đề”, sau đó thì có lẽ dư âm của tiếng trắc làm cu cậu tịt ngúm luôn.

Lắm cậu đã qua nhiều kỳ “thi cử”, thấy thuộc hay không thuộc cũng chẳng mất mát chi, nên làm biếng không nhồi vào đầu đuợc dăm bảy câu. Lúc ra “ứng thí”, vì ở nơi Giáo họ, nên khi nghe gọi tên cu cậu lên ngồi vào ghế, nghe hỏi xong rồi gãi đầu gãi tai “thưa”:

-“Con nỏ thuộc chi hết, thôi tha cho con đi! Sang năm con cố gắng học!”

Gặp mấy ông Chánh chủ khảo khó tính, cu cậu này có khi về nhà mà ăn ngủ không yên. Cũng có ông dễ dàng thông cảm, nhắc nhở qua năm mà còn vậy thì “gậy vô mông”!

Có một cậu khi nghe câu Lẽ hỏi: “Đức Chúa Thánh Thần là ngôi thứ mấy? Em biết gì về Chúa Thánh Thần”? Đã trả lời một cách “thông suốt”: “ Dạ thưa, Đức Chúa Thánh Thần là ngôi thứ Ba. Em biết Chúa Thánh Thần có đôi cánh chầu chực Đức Chúa Trời. Chúa Thánh Thần hiện ra báo tin cho các mục đồng đến thờ lạy Chúa Giêsu mới sinh trong hang đá. Chúa Thánh Thần hiện ra hình lưỡi lửa với các Tông đồ. Chúa Thánh Thần còn có tên là Sê-ra-Phim nữa! Đặc biệt Đức Tổng chỉ huy của Chúa Thánh Thần là Tổng Lãnh Thiên Thần Micae”!

Cậu này không ăn điểm nào! Nhưng thực là được “điểm cao” về “đức tính can đảm” dám trả lời mà chẳng cần biết đúng sai gì cả! Lại còn giúp vui cho bà con nữa!

Tuổi để các bổn tử được miễn trừ “đến trường” thì giới hạn ở chỗ…“đã lập gia đình”! Nói đúng ra là từ lúc xưng tội lần đầu xong là năm nào Mùa Chay cũng phải đến nhà ông Biện dùi mài kinh bổn, không thể trốn đường nào. Cũng có trường hợp học đã thi đậu “Ưu hạng” lớp Nhất sẽ được miễn trừ khỏi học, nhưng cũng hiếm lắm. Đa số xin “đặc miễn” là vì đã mòn đũng quần mấy mươi năm nơi nhà các ông Biện mà chưa vợ chưa chồng, tóc đã gần có hai thứ, bổn thì không thuộc trừ bìa, nhưng đầu óc thì thực sự đã “thấm nhuần” kinh bổn lắm rồi!

Mùa khảo bổn, tiếng trống dồn dập hoà với tiếng vỗ tay reo hò cổ động những em trả lời đúng, các bậc cha mẹ cũng hồi hộp không kém, theo dõi sát các buổi khảo thi, nếu con em của mình được điểm cao, hay Ưu hạng, Bình hạng…thì cũng hãnh diện, vui mừng lắm!

Theo thời gian, lớp trẻ Bình Giã sau hơn ba mươi mấy mùa mang danh “Bổn tử”, ê a dưới bóng đèn dầu mỗi Mùa Chay, đến nay sinh hoạt truyền thống Học Kinh Bổn hầu như đã bị “cho về hưu”! Không biết có phải do phong trào học Kinh thánh sau này của Thiếu Nhi Thánh Thể, các lớp Giáo Lý Thanh niên, Phụ huynh, Các Bà Mẹ…đã góp phần khai tử lớp “Bổn tử” Mùa Chay không?

Đã hơn mười mấy năm im tiếng học Kinh bổn nơi các Giáo họ! Một số người cho rằng học gạo, học vẹt thuộc lòng là cách thức cổ điển thời Cha ông ngày xưa, bây giờ thực tế hơn, học hỏi Kinh thánh theo phương thức mới hay hơn. Cũng có người nghĩ lại thấy ngậm ngùi, cả một truyền thống tốt đẹp chẳng biết khởi sự từ bao giờ bây giờ không còn nữa! Mặc dù các lớp học hỏi Giáo lý, Kinh thánh vẫn còn, nhưng giá như truyền thống học Kinh Bổn Mùa Chay được duy trì thì vẫn hay hơn! Cũng thật là “trớ trêu”! Khi bổn tử còn phải ngồi học dưới đèn dầu lù mù thì tinh thần học hỏi lại rất cao, đến khi làng xóm có đèn điện sáng trưng thì lớp học Kinh Bổn Mùa Chay đã “chít khăn tang” đi mất rồi! Và thực ra cũng không phải chỉ riêng ở Bình Giã, mà hầu như vấn đề trễ nãi kinh hạt, xem lễ… của lớp Trẻ đang là tình trạng chung của các Xứ đạo trong các Giáo phận.

Linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, nguyên là thầy giảng Xứ Vinh Trung, Bình Giã vào khoảng năm 1970-71, trước đây Ngài viết bài “Giới Trẻ Nông Thôn, Niềm Hy Vọng của Chúng Ta” đã có những ưu tư về lớp Trẻ:

Trung bình mỗi ngày các em tốn khoảng 2 giờ xem tivi hay video. Nhiều khi xem muộn quá, nên không đi dự lễ ban sáng được. Ngày trước, ở nông thôn, trong các xứ đạo Công giáo, số trẻ em đi lễ ngày thường rất nhiều, có khi lên tới 90% từ 6 tuổi trở lên. Ngày nay, nhiều xứ đạo chỉ còn không tới một nửa số em đi dự lễ hằng ngày và càng ngày càng ít. Ở thành phố, hầu như các em không còn thói quen dự lễ hằng ngày vào sáng sớm nữa. (Quí vị có thể xem lại bài này ở Vietcatholic)

Dù sao thì cũng phải chân nhận là ở Bình Giã, lớp Cha anh ngày xưa với truyền thống học Bổn Lẽ Cần hàng năm, có thể đã giữ được tinh thần sống đạo tốt đẹp hơn, với tuổi thanh thiếu niên hàng ngày đi lễ, đi nhà thờ rất đông đảo…các tệ nạn cũng ít hơn nhiều. Cho rằng bây giờ cuộc sống xã hội ở mức cao hơn, với những phát triển phương tiện giải trí thông tin mới đã làm suy giảm lòng đạo đức của mọi người, nhất là lớp Trẻ, vậy biết đâu việc hồi sinh “Truyền thống học Kinh Bổn, Giáo Lý” trong mùa Chay, lại có thể là phương cách hay nhất để chống lại “căn bệnh tân tiến” phát sinh đủ thứ tệ nạn trong xã hội, đặc biệt nơi lớp Trẻ ngày nay!
 
Hai mươi lăm năm hồng ân: Hội Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết
LM. Nguyễn Hữu An
11:19 14/03/2008
HAI MƯƠI LĂM NĂM HỒNG ÂN: HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ PHAN THIẾT

“Mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ Trên, đều tuôn xuống từ Cha, là Đấng dựng nên muôn tinh tú”. ( Gc 1, 17 )

Trong ba ngày 26, 27 và 28.2.2008, Hội Dòng Mến Thánh Gía Phan Thiết đã tổ chức tam nhật mừng 25 năm thành lập. Tạ ơn Chúa và tri ân các bậc tiền bối, các Giám Mục…đã làm nên khuôn mặt hội dòng hôm nay.

25 năm, một phần tư thế kỷ không dài lắm nhưng đủ để Tạ ơn và cảm nghiệm được kỳ công Tình yêu Thiên Chúa đã làm cho những con người tầm thường được Ngài chọn.

25 năm Thiên Chúa đã an bài - thanh luyện và bảo vệ để Hội Dòng tồn tại và phát triển.

25 năm là cột mốc thời gian tạm dừng để:

- Chiêm ngắm và Tạ ơn Thiên Chúa

- Tri ân các vị Chủ Chăn,

- Các Bề trên, các chị em đã ra đi trước, cùng dày công trong hy sinh gian khổ nhằm khai phá, dọn đường và tạo nên sự nghiệp cho Hội Dòng.

- Cám ơn Quý Ân nhân, Thân nhân đã góp thêm hơi ấm và sức sống qua nhiều đóng góp quảng đại về tinh thần lẫn vật chất.

Tất cả đều là hồng ân Chúa !

Hồng ân Chúa tác động trong mọi dự định,

Hồng ân Chúa hướng dẫn từng bước hình thành và phát triển.

Hồng ân dắt dìu quá khứ, phù trợ hiện tại và chúc lành cho định hướng tương lai.

Thánh lễ ngày 26/2/2008

Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Giám mục Giáo phận Phan Thiết đồng tế với các Linh Mục trong và ngoài Giáo phận. Đông đảo các ân nhân cùng hiệp thông tạ ơn.

Hội dòng tạ ơn các bậc Tiền bối, các vị Chủ chăn, các vị Bề trên, các chị em nữ tu đi trước đã dày công khai phá thành lập.

Hội dòng tri ân Giáo phận mẹ Phan Thiết, đặc biệt là lòng biết ơn sâu xa đối với Đức cha Nicôlas Huỳnh Văn Nghi, người đã đưa Hội dòng hiện hữu trong Giáo phận Phan Thiết.

Thánh lễ ngày 27.2.2008

Đức cha Stêphanô Nguyễn Như Thể, Tổng Giám mục Giáo phận Huế, chủ tế thánh lễ tạ ơn.

Hội dòng tri ân Giáo phận Huế và Hội dòng Mến Thánh Gía Huế, là nguồn cội sinh ra Hội dòng.

Sự hiện diện đông đảo của các bậc phụ huynh tất cả các chị em trong Hội dòng. Qua đây, Hội dòng có dip bày tỏ lòng biết ơn các bậc cha mẹ, những thân nhân đã quãng đại, cộng tác với Hội dòng phát triển và cổ vũ ơn gợi.

Thánh lễ ngày 28.2.2008.

Trước thánh lễ có chương trình diễn nguyện gồm hai phần: “Nhạc khúc tri ân” và “Lời tạ ơn” trình bày khái quát lịch sử của Hội dòng; tưởng niệm Đấng Sáng Lập, nhớ về tu viện Mỹ Hương là tiền nhân của Hội dòng. Cũng trong dip này, Hội dòng đã triển lãm những hình ảnh sinh hoạt của Hội dòng.

Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám mục Giáo phận Nha Trang và Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Kontum, cùng đồng tế thánh lễ.

Hội dòng tri ân tất cả quý chị em MTG Việt Nam, tri ân tu sĩ nam nữ, các Giáo xứ, các Hội đồng Mục vụ đã hỗ trợ tinh thần, lẫn vật chất cho các nữ tu trong đời sống phục vụ tại các cộng đoàn xứ đạo.

Hạt Giống Tin Mừng của Đức Kitô cứ âm thầm phát triển khi đựơc gieo vào lòng đất.

Hạt Mầm Ơn Gọi của Hội Dòng MTGPT được gieo trồng và lớn lên từng ngày suốt một phần tư thế kỷ qua. 25 năm như một dấu ấn tình yêu thập giá Chúa Kitô.

Nhìn lại hành trình 25 năm Hội dòng đã đi qua với biết bao thăng trầm, thấy được Hồng Ân Quan Phòng, Tình Yêu Thiên Chúa luôn ấp ủ Hội Dòng để rồi biết cảm tạ tri ân.

Nhìn lại hành trình 25 năm, có đựơc thành quả hôm nay như những bó lúa nặng hạt để không bao giờ quên ơn những người đã gieo trong gian truân, trồng trong vất vả.

Nhìn lại hành trình 25 năm, Hội Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết còn rất trẻ trong Đại Gia Đình Mến Thánh Giá Việt Nam. Cây Thập Giá Chúa Kitô trồng ở Việt nam đã nở thêm bông hoa thứ 23. Một bông hoa tươi nở khoe sắc trong vườn hoa Lâm Bích.

Nhìn lại hành trình 25 năm, như là một nhắc nhớ về cội nguồn “con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn”. Nhờ đó mà mọi thành viên hội dòng luôn tâm niệm rằng“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

A. VỀ NGUỒN MTG

Đức Giáo Hoàng Alexandre VII (1655-1667), qua đoản sắc Super Cathedram được ấn ký ngày 09/9/1659, đã quyết định thiết lập hai giáo phận tại miền đất truyền giáo Việt-nam và đặt hai vị thừa sai thuộc Hội Truyền Giáo Paris (MEP) làm Đại diện Tông Toà. Hai giáo phận đầu tiên của giáo hội Việt-nam có tên là Đàng Trong và Đàng Ngoài, lần lượt từ sông Gianh trở xuống miền Nam và từ sông Gianh trở lên miền Bắc. Hai vị Đại diện Tông Toà là Đức Cha Phê-rô Lambert de la Motte coi sóc giáo phận Đàng Trong và Đức Cha Phan-xi-cô Pallu coi sóc giáo phận Đàng Ngoài. Nhưng vì Đức Cha Phan-xi-cô không hề đến được với giáo phận của mình, nên Đức Cha Phê-rô được coi là vị Giám mục tiên khởi của Giáo hội Việt-nam.

Đức Cha Phê-rô Ma-ri-a Lambert de la Motte được tấn phong ngày 11/6/1660 tại Paris và một tuần sau ngài lên đường sang Viễn Đông. Ngài đến Juthia (thủ đô nước Thái-lan thời bấy giờ) ngày 22/8/1662. Nhưng phải đến 7 năm sau, ngài mới có thể thực hiện chuyến viếng thăm mục vụ đầu tiên của ngài. Trong chuyến kinh lý đầu tiên đó, diễn ra từ 30/8/1669 đến 14/3/1970, ngài đến với giáo phận Đàng Ngoài và ngài đã thực hiện 3 công trình quan trọng: phong chức linh mục cho 7 thầy giảng (tháng 01/1670), triệu tập Công Đồng Dinh Hiến (ngày 14/02/1670) và chính thức thành lập Dòng Mến Thánh Giá Việt-nam (ngày Lễ Tro, 19/02/1670).

Ngày 19/02/2005, Dòng Mến Thánh Giá Việt-nam tròn 335 tuổi, một tuổi đời không nhỏ so với bề dày lịch sử Giáo hội Công giáo Việt-nam (472 năm, nếu tính từ khi vị thừa sai truyền thuyết I-ni-khu tới rao giảng Tin Mừng tại vùng Ninh-cường, Quần-anh, Trà-lũ, thuộc tỉnh Nam-định ngày nay, vào năm 1533; hoặc 390 năm nếu tính từ ngày đoàn thừa sai Dòng Tên đầu tiên đến Đàng Trong, 18/01/1615). Nhưng lịch sử hình thành và phát triển của Hội Dòng cho ta thấy rằng các nữ tu MTG Việt-nam đã trải qua một đêm dài khủng khiếp – từ những năm cuối thế kỷ 17 đến những năm đầu thế kỷ 20 – với biết bao thử thách nội bộ (như không được giáo quyền nhiều nơi công nhận và nâng đỡ) và những thử thách khách quan (đó là các cuộc bách hại đạo đã làm đổ máu của biết bao nhiêu chị em MTG).

Có thể nói, chỉ từ sau ngày Bộ Giáo Luật được ĐGH Bê-nê-đi-tô XV ban hành vào năm 1917, Dòng MTG Việt-nam mới bắt đầu có được một vị trí xứng hợp, khi các chị em được chính thức công nhận là nữ tu mặc dầu chỉ có lời khấn đơn và sống giữa lòng xã hội, vì trước đó họ chỉ được coi là những phụ nữ thuộc hội đạo đức mà thôi.

Rồi trải qua những cải tổ, cải cách – đặc biệt là cuộc cải tổ được Đức Cha Louis de Cooman (Hành) cho thực hiện với Hội Dòng MTG Phát-diệm dẫn đến việc 61 chị em MTG đầu tiên được tuyên khấn tạm, ngày 02/02/1925 với ba lời khấn: khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục; hay cuộc cải tổ do Đức Cha Phan-xi-cô Chaize (Thịnh) cho thực hiện với Hội Dòng MTG Hà-nội từ năm 1938, dẫn đến lớp khấn đầu tiên vào ngày 02/02/1941 – Dòng MTG Việt-nam dần dần đi vào nề nếp qui củ. Nhiều Hội Dòng MTG được chính thức thành lập trên cả 3 miền đất nước, nghĩa là qua những cuộc cải tổ để có nghi thức khấn tạm và vĩnh viễn cũng như có qui định về tu phục.

Hiện nay, trên toàn cõi Việt-nam, có 23 Hội Dòng, phục vụ trong 16 giáo phận. Các giáo phận không có Dòng MTG là Bắc-ninh, Lạng-sơn, Hải-phòng và Thái-bình trong Tổng giáo phận Hà-nội; Kon-tum, Đà-nẵng và Ban-mê-thuột trong Tổng giáo phận Huế; Long-xuyên và Phú-cường trong Tổng giáo phận Tp.HCM. Cuối năm 2004, tổng số Nữ tu khấn trọn là 3.092 chị và khấn tạm là 1.428 chị.

Tuân Tử, một hiền triết Trung Hoa đã nói “ Nguồn trong, dòng nước trong”.

Dòng MTG VN phát xuất từ cội nguồn Tình Yêu Thập Giá Chúa Kitô. Đức Cha Phêrô Maria Lambert De La Motte đựơc Chúa sai đến như một thiên sứ, sáng lập dòng MTG VN.

1. Đức Cha Phêrô Maria Lambert De La Motte( 1624 – 1679)

-Đại Diện Tông Toà tiên khởi Miền Truyền Giáo Đàng Trong

-Giám Quản Tông Toà Miền Truyền Giáo Đàng Ngoài

-Đấng Sáng Lập Hội Dòng Mến Thánh Giá

Ngày 6.9.1659, Đức Giáo Hoàng Alexandre VII ban hành sắc lệnh thiết lập hai giáo phận đầu tiên tại Việt Nam: Giáo phận Đàng Trong do Đức Cha Phêrô Maria Lambert De La Motte cai quản và giáo phận Đàng Ngoài do Đức Cha Francois Pallu điều hành.

Thành lập Dòng MTG

Từ thời các thừa sai Dòng Tên, Cha Marini đã nói đến một số thiếu nữ muốn sống đời tu trì, hiến dâng trọn đời cho Chúa và hoạt động truyền giáo. Các Cha đã không dám nhận họ để tổ chức thành một hội tu, như tổ chức các Thầy Giảng. Cha Chính Deydier cho thái độ đó là quá dè giữ. Cha để ý tới nguồn năng lực truyền giáo của giới phụ nữ Việt Nam. Vào tháng 3.1669, khi thăm xứ đạo Kẻ Mong, Ngài kể: Ở nhà xứ đó có ba thiếu nữ giữ mình trinh khiết, sống chung với nhau theo một vài luật lệ mà tôi đã đặt cho họ, với hy vọng: Thiên Chúa sẽ cho chúng tôi phương thế lập một nữ tu viện, để ba thiếu nữ đó, và rất nhiều người khác cùng chí hướng như thế, họ có thể đến với nhau. Trong cuộc kinh lý, cha Deydier giới thiệu nhóm thiếu nữ này với Đức Cha Lambert. Đức Cha không những phê chuẩn mà còn tự tay soạn thảo cho tổ chức này một bản luật đầy đủ hơn và công nhận là một Dòng Tu nữ trong địa phận Đàng Ngoài. Cùng với Cha Francois Deydier, Đức Cha Lambert de la Motte đã trở nên vị sáng lập Dòng Mến Thánh Giá ở Việt Nam.

Như các dòng nữ tu khác, các chị em dòng Mến Thánh Giã cũng khấn ba nhân đức: Khó nghèo, trinh khiết và vâng phục. Các chị cũng theo lối sống cộng đồng trong từ nhà, không quá mười chị, dưới quyền một Mẹ Bề Trên.

Bản luật của Đức Cha Lambert viết: Để tiến trên con đường trọn lành, các chị em hằng ngày sẽ nguyện ngắm về sự thương khó Chúa Giêsu, để mỗi ngày biết Chúa hơn mà yêu mến Chúa hơn. Các chị em sẽ hiến dâng lời cầu nguyện và việc đền tội, hãm mình cho công cuộc truyền giáo.

Dòng chị em Mến Thánh Giá là một dòng nữ tu truyền giáo. Bản luật đã kể ra những hoạt động truyền giáo thích hợp với giới phụ nữ và với tình trạng xã hội Việt Nam lúc đó.

Trước hết, các chị lo dạy kinh bổn cho các trẻ em và cho các thiếu nữ con nhà có đạo. Đồng thời cũng lo dạy kinh bổn cho các người nữ lương dân muốn trở lại đạo. Theo lối truyền giáo thịnh hành và rất thích hợp với xã hội Việt Nam lúc đó, các chị sẽ chăm sóc kẻ liệt lương giáo với mục đích cứu vớt linh hồn họ. Các chị lo tìm cách rửa tội cho các em nhỏ gia đình bên lương, lúc gần chết. Đi xa hơn nữa, bản luật còn muốn các chị cũng sẽ cố lôi cuốn những người nhà trò, con hát và những người nữ truỵ lạc ra khỏi đời sống tội lỗi của họ.

Ngày 19 tháng 2 năm 1670, Đức Cha nhận lời khấn của hai nữ tu tiên khởi: Anê và Paula tại phố Hiến. Theo cha H.ravier thì “nhà Mụ thứ nhất” ở xứ Kiên Lao, tỉnh Nam Định, Nhà thứ hai ở Bái Vàng, tỉnh Hà Nam, dưới quyền Bà Bề Trên Lina, bà là một goá phụ đạo đức đã 45 tuổi.

Hoàn tất luật dòng

Sau lễ khấn, ngày 19.2, Đức Cha vội vã theo tàu Junet, ngày 26.2.1670 chờ gió kéo buồn ra khơi. Tàu đến cửa sông Cái thì gặp trái gió, phải ngừng lại. Trở về bên Thái Lan có Đức Cha Lambert và Cha Gabriel Bouchard. Cha Jaacques de Bourges ở lại phụ Cha chính Dydier.

Lợi dụng thời gian chờ đợi, Đức Cha không những đã hoàn tất bản luật Dòng cho các chị em Mến Thánh Giá và ký nhận ngày 26.2.1670, mà ngài còn gởi kèm theo bản luật một bức thư cho hai chị em Anê và Paula: “Mục tiêu chính yếu của đờis ống tu trì của chị em chúng con là tiếp tục đời sống đau khỏ của Chúa Giêsu Kitô, là cầu xin với Người cho lương dân và cho người Công giáo tội lỗi ăn năn trở lại, bằng nhữn lời kinh nguyện của chúng con, bằng những việc làm ăn chay, hãm mình và bằng nước mắt đổ ra của chúng con. Nhưng đặc biệt, chúng con phải chú ý điều này, là phải làm những công việc thánh thiện đó như là làm thay cho Chúa Giêsu Kitô”.

Thân thế và sự nghiệp

Phêrô-Maria Lambert de la Motte sinh ngày 16/01/1624 tại Lisieux, nước Pháp, trong một gia đình quý tộc. Cha mẹ là ông Phêrô Lambert de la Motte và bà Catarina Heudey de Pommainville et de Bocquency. Gia đình có bảy người con, Phêrô-Maria Lambert là con cả. Tốt nghiệp trung học, Phêrô-Maria Lambert học luật và làm luật sư lúc 22 tuổi (1646).

Khi được ơn Chúa kêu gọi, Phêrô-Maria đã bỏ nghề luật sư và chọn đời sống giáo sĩ. Ngày 27/12/1655, thầy Phêrô-Maria Lambert thụ phong Linh mục tại Caen. Năm 1657, ngài gia nhập và cộng tác đắc lực cho chương trình Viễn Đông: điều khiển chương trình truyền giáo và thiết lập hàng Giáo sĩ địa phương. Ngài đã dâng cúng hết số tài sản còn lại của mình cho chương trình này.

Ngày 17/08/1658, ngài được Toà Thánh chọn làm Đại diện Tông toà cho miền truyền giáo Đàng Trong, và ngày 11/06/1660, ngài thụ phong Giám mục tại nguyện đường Dòng Thăm Viếng Paris.

Ngày 22/08/1662, ngài tới Juthia, Thái Lan. Điều ngài ưu tư và bận tâm hàng đầu là làm sao tìm ra đường hướng thích hợp trong công cuộc loan báo Tin Mừng tại Viễn Đông. Cuối năm 1664, ngài đề nghị và cùng với Đức Cha Francois Pallu triệu tập công đồng đị phương, gọi là Công đồng Juthia, gồm hai Giám mục và bốn Linh mục. Công đồng đã thảo luận và quyết định ba việc quan trọng: Lập Hội Tông Đồ, xây dựng một chủng viện chung cho cả vùng Viễn Đông và soạn thảo huấn thị gửi các thừa sai.

Huấn thị gửi các thừa sai là thành quả quan trọng nhất của Công đồng Juthi, gồm những điều chính yếu như sau:

- Các thừa sai phải cảnh giác đối với đời sống dễ dãi và nỗ lực nhiều trong đời sống cầu nguyện.

- Biết hội nhập văn hoá, nghĩa là tìm hiểu con người, phong tục tập quán địa phương, học ngôn ngữ và tránh những phương thế và thủ đoạn để tạo uy tín.

- Phải trình bày Lời Chúa với một khoa sư phạm thích hợp cho từng lứa tuổi và từng giai đoạn, nhất là tôn trọng các tôn giáo bạn.

- Trong việc tổ cức giáo xứ nên cử ra ông trùm, bà quản hoặc ông câu, ông biện để linh hoạt và điều hành cộng đoàn; cắt đặt một vài nữ hộ sinh để giúp rửa tội cho các trẻ em nguy tử, kể cả các con nhỏ của cha mẹ người ngoại giáo.

- Linh đạo đời sống thiêng liêng của các Linh mcụ địa phương phải tập trung vào mầu nhiệm Chúa Kitô chịu đóng đinh.

Huấn thị được Toà Thánh phê chuẩn năm 1669. Trong ba thế kỷ qua, văn kiện này được hàng giáo sĩ dùng làm kim chỉ nam cho đời sống và hoạt động của mình.

Sau Công đồng, Đức Cha Lambert bắt tay ngay vào việc lập chủng viện và Hiệp Hội Mến Thánh Giá, soạn thảo một bản quy luật cho họ. Trước đó, ngày 6/1/1665, ngài đã lập Hội Tông Đồ.

Từ ngày 30/8/1669 đến 14/3/1670, Đức Cha Lambert thay mặt Đức Cha Pallu kinh lý mục vụ miền truyền giáo Đàng Ngoài Việt Nam. Trong tháng 1/1670, ngài phong chức Linh mục cho 7 Thầy giảng Việt Nam và cũng ban chức cắt tóc và các chức nhỏ cho 48 thầy khác.

Ngày 14/2/1670, ngài triệu tập và chủ toạ Công đồng Phố Hiến, Đàng Ngoài Việt Nam, gồm chính ngài, ba Linh mục thừa sai Pháp và chín Linh mục Việt Nam. Nghị quyết của Công đồng gồm bốn mươi điều với những điểm chính:

- Ấn định vùng trách nhiệm cho mỗi Linh mục bản quốc.

- Xác định nhiệm vụ các thầy giảng.

- Thiết lập quỹ chung để trang trải các nhu cầu giáo xứ, giáo phận và giúp đỡ người nghèo.

- Khuyến khích các Linh mục bản xứ nuôi dạy các thiếu niên đạo đức để gửi vào chủng viện. Đây là khởi điểm của truyền thống linh tông tại Việt Nam.

- Kêu gọi các Linh mục quản xứ quan tâm đặc biệt đến các nữ tu Mến Thánh Giá.

- Kêu gọi các Linh mục quản xứ, các thầy giảng và các quý chức khuyến khích giáo dân tập suy gẫm; và giới thiệu những người thích hợp vào Hiệp Hội Mến Thánh Giá.

Công đồng Phố Hiến đã vận dụng tinh thần Công đồng Juthia vào thực tế của miền truyền giáo Đàng Ngoài và đã ảnh hưởng sâu sắc trên Giáo Hội Việt Nam từ hơn ba thế kỷ qua.

Tháng 8/1669, ngài chính thức thành lập Hội Dòng Nữ Mến Thánh Giá tại Bái Vàng - Hà Nam (nay thuộc Giáo phận Hà Nội) và Kiên Lao - Nam Định (nay thuộc Giáo phận Bùi Chu); trao cho các nữ tu này bản luật do ngài soạn thảo.

Lễ tro, ngày 19/2/1670, ngài đích thân nhận lời khấn của hai nữ tu tiên khởi Anê và Paula tại Phố Hiến, đó là ngày chính thức khai sinh Hội Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam.

Từ cuối tháng 8/1671 đến tháng 3/1672, ngài kinh ký Đàng Trong lần I và lập Hội Dòng Mến Thánh Giá ở An Chỉ (Quảng Ngãi).

Ngày 19/2/1672, ngài triệu tập Công đồng Hội An, Đàng Trong Việt Nam. Công đồng thông qua một nghị quyết gồm 10 điều liên quan tới việc công bố những sắc dụ của Toà Thánh về quyền bính các Đại Diện Tông Toà mà tất cả các tu sĩ, thầy giảng và giáo dân phải tùng phục. Công đồng xác định nhiệm vụ của các thầy giảng và ban quý chức torng giáo xứ, nhắc lại một vài quy tắc về đời sống hôn nhân, nhất là kêu gọi người tín hữu can đảm tuyên xưng đức tin ra bên ngoài chứ không chỉ giữ đạo trong lòng.

Cuối tháng 3/1672, ngài trở về Thái Lan. Ngài đã thực hiện một số công việc quan trọng:

- Thành lập Hội Dòng Mến Thánh Giá tại Juthia với bản luật như ở Việt Nam.

- Cùng với Đức Cha Francois Pallu chọn Cha Laneau làm Giám mục Đại Diện Tông Toà kế vị Đức Cha Cotolendi. Cha Laneau được Đức Cha Lambert tấn phong Giám mục ngày 25/3/1674.

- Xây dựng trung tâm truyền giáo, nhà thờ và chủng viện: tất cả đều mang tước hiệu Thánh Giuse. Mối quan tâm hàng đầu của Đức Cha Lambert là đào tạo Linh mục tại chủng viện Thánh Giuse, nơi quy tụ đông đảo chủng sinh từ nhiều nước Á Châu.

Ngày 6/9/1675, ngài trở lại kinh ký Đàng Trong lần II.

Tháng 5/1676, ngài trở lại Thái Lan. Ngài nhiệt thành rao giảng Tin Mừng, chăm sóc bệnh nhân và thăm viếng những người lao tù. Nhưng sức khoẻ ngài ngày một giảm sút vì bệnh đường ruột và sạn thận. Và ngày 15/6/1679, ngài đã an nghỉ trong Chúa.

Tên tuổi Đức Cha Lambert gắn liền với sự nghiệp là Đấng sáng lập Hàng Giáo Sĩ và Hội Dòng Nữ Mến Thánh Giá như hai cột trụ và công cuộc phúc âm hoá miền Viễn Đông.

Con người tinh thần

Đức Cha Lambert là một con người của Thiên Chúa và sống đức ái mục tử cách phong phú. Đặc biệt, ngài có tâm hồn chiêm ngưỡng sâu sắc, luôn quy hướng về Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh giữa những hoạt động truyền giáo đa dạng. “Hãy học hỏi Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh, đó là phương thế chắc chắn đem lại sự khôn ngoan và lòng yêu mến”. Và ngài đã chọn châm ngôn: “Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh phải là đối tượng duy nhất của lòng trí tôi”.

Lúc còn là một thiếu niên 9 tuổi tại Lisieux (năm 1633), khi suy niệm đoạn sách Gương Phước, quyển II, chương 11-12, bình giải câu Phúc Âm Lc 9,23, nói về sự vác Thập Giá mỗi ngày đi theo Chúa, ngài được ơn soi sáng để nhận thức rằng cần có một Hội Dòng gồm những người yêu mến Thánh Giá Chúa Giêsu. Vào tháng 8 năm 1662, lúc mới tới thủ đô Thái Lan trong tư cách Giám Mục Đại Diện Tông Toà của miền truyền giáo Đàng Trong Việt Nam, ngài tĩnh tâm 40 ngày liền và trải qua một kinh nghiệm thiêng liêng rất đặc biệt: Ngài muốn chứng tỏ một tình yêu phi thường dành cho Chúa Giêsu, muốn kết hiệp mật thiết với Người, dâng mình trọn vẹn cho Người và thông dự vào cuộc Thương Khó của Người.

Ơn soi sáng của kinh nghiệm Lisieux lại xuất hiện trong kinh nghiệm Juthia, Thái Lan, với một cường độ cao hơn, khẩn trương hơn, thúc đẩy ngài thành lập một Hội Dòng gồm những người yêu mến Thánh Giá.

Đức Cha Lambert đã lập Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế ở Juthia (1669-1670), Hội Dòng Mến Thánh Giá Đàng Ngoài Việt Nam (1670), Hội Dòng Mến Thánh Giá Đàng Trong Việt Nam (1671) và Hội Dòng Mến Thánh Giá Thái Lan (1672).

Quả thật, Đức Cha Lambert đã được Chúa Thánh Thần chọn làm trung gian chuyển đạt ơn đoàn sủng cho Hội Dòng Mến Thánh Giá. Trong Luật tiên khởi Hội Dòng Nữ Mến Thánh Giá và bức Tâm Thư gửi cho hai nữ tu Anê và Paula, Bề trên hai tu viện Bái Vàng và Kiên Lao, ngài đã trình bày mục đích và sứ vụ của Hội Dòng:“Mục đích Hội Dòng Mến Thánh Giá là đạt tới sự hiểu biết, yêu mến và hiến thân trọn vẹn cho Đức Giêsu Kitô, bằng việc chuyên chú suy niệm, tưởng nhớ và noi theo cuộc đời lữ thứ và hy sinh của Người”;

“Chị em Mến Thánh Giá được mời gọi thông dự vào tinh thần trung gian của Đức Giêsu Kitô và tiếp nối sứ mạng của Người, bằng việc chuyển cầu nơi nguyện đường và trong cuộc sống:

- Chị em tha thiết cầu xin ơn hoán cải cho lương dân và những tín hữu sống xa lìa Thiên Chúa, cùng xin Người tuôn đổ phúc lành trên xã hội, Giáo Hội địa phương cũng như toàn cầu.

- Chị em dấn thân phục vụ ưu tiên giới nữ, giới trẻ trong lãnh vực văn hoá, xã hội, y tế, luân lý và Đức tin”.

Như thế, không những việc sáng lập Hội Dòng Mến Thánh Giá xuất phát từ một kinh nghiệm thiêng liêng, mà cả mục đích và sứ mạng của Hội Dòng đều mang đậm nét một linh đạo, trong đó chiều kích chiêm ngưỡng là cơ bản và tất yếu dẫn tới sự dân thân tông đồ truyền giáo.

Đấng Sáng Lập đã sống đoàn sủng cách triệt để, và đề xướng ra lối sống cho con cái mình là các nữ tu Mến Thánh Giá.

Vì Thánh Giá trong mầu nhiệm Vượt Qua là đỉnh cao cuộc đời Chúa Cứu Thế và là trọng tâm của Phúc Âm, bao lâu Thánh Giá còn có ý nghĩa và giá trị đối với loài người, thì bấy lâu linh đạo Mến Thánh Giá, linh đạo xây trên tình yêu thực tiễn dành cho Thánh Giá Con Thiên Chúa, vẫn giữ nguyên vẹn ý nghĩa và giá trị, vẫn chứa đựng nguồn lực vô tận thúc đẩy Hội Dòng Mến Thánh Giá phát triển và tăng trưởng không ngừng. Thống kê năm 2003 cho thấy: 23 Hội Dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam, một Hội Dòng Mến Thánh Giá gốc Việt tại Hoa Kỳ, ba Hội Dòng Mến Thánh Giá Thái Lan và một Hội Dòng Mến Thánh Giá Lào có tổng số thành viên khoảng 5.500 nữ tu, gồm các Tập Sinh và Khấn Sinh, trong đó số nữ tu người Việt chiếm 5.000.

Thật tuyệt vời! Đấng Sáng Lập đã có tầm nhìn chiến lược hợp lý và hữu hiệu, vì biết vận dụng nguồn nghị lực của trái tim và bàn tay của những phụ nữ tận hiến vào công cuộc xây dựng Nước Trời. Ngài là vị thừa sai vĩ đại và là một nhà tổ chức đời sống Giáo Hội tài ba.

Đức Cha Lambert de la Motte và Giáo Hội Việt Nam

Phúc Âm kể lại lúc Chúa Giêsu đang giảng dạy thì bỗng dưng có người lên tiếng: “Phúc cho lòng dạ đã cưu mang thầy, và vú đã cho thầy bú!” Chúa Giêsu đáp “Những ai nghe lời Thiên Chúa và tuân giữ thì có phúc hơn” (LC 11: 27-28). Đức Mẹ Maria được chúc phúc không phải chỉ vì cưu mang Chúa Giêsu, nhưng còn vì Mẹ đã thực hành lời Chúa trong suốt cuộc đời. Trải qua bao thế hệ, lịch sử, Giáo hội đã tôn vinh nhiều vị thánh đã biết NGHE và biết SỐNG vì Lời Chúa. Họ là những anh hùng tạo nên thời thế.

Đức Cha Lambert de la Motte là một anh hùng, hay nói cách khác, một đấng thánh chưa được tôn phong. Ngài là vị đại ân nhân của dân tộc và Giáo Hội Việt Nam mà mới đây, trong kỳ họp thường niên của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam từ ngày 5-9 tháng 9 năm 2005 tại Bãi Dâu, Vũng Tàu, đã bàn về những bước tiến trong thủ tục xin phong Chân Phước cho ngài.

Cùng với Đức Cha Francois Fallu, Đức Cha Lambert là một trong hai vị Giám Mục Đại Diện Tông Tòa đầu tiên sang truyền giáo tại Việt Nam, và coi sóc chương trình truyền giáo Viễn Đông vào thế kỷ 17. Ngài chính là người Cha tinh thần của Giáo Hội Việt Nam thời sơ khai, một vị thừa sai lỗi lạc với óc tổ chức kỳ tài và tầm nhìn hiểu rộng, với tinh thần hội nhập và thích ứng vào văn hóa địa phương. Ngài tiếp tục ước vọng của cha Đắc Lộ, trong việc đào tạo các linh mục bản xứ làm nền tảng cho hàng Giáo Phẩm Việt Nam sau này. Ngài đã không bỏ lỡ cơ hội để quy tụ một nhóm trinh nữ đã bắt đầu sống đời độc thân vì Nước Trời, để lập nên tu hội nữ đầu tiên mang tên “Những người yêu Thánh Giá”. Cùng với Giáo hội trải qua hơn ba thế kỷ với những thăng trầm và thử luyện, tu hội của “Những người Yêu Thánh Giá” ngày nay chính là Dòng Mến Thánh Giá, một dòng tu mang bản chất Á Châu để phục vụ cho dân tộc và Giáo Hội Việt Nam do Đức Cha Lambert sáng lập.

B. VỀ NGUỒN MTG PHAN THIẾT

Mến Thánh Giá Phan Thiết xuất thân từ Tu viện Mến Thánh Giá Mỹ Hương (1780 – 1789) và Đấng sáng lập -Đức Cha Jean Labartette (Đức Cha An) (1744 – 1823).

I. Đức Cha Jean Labartette, Sáng Lập Tu Viện Mỹ Hương

Đức Cha Jean Labartette sinh ngày 31.1.1744, thuộc Giáo phận Bayonne (Pháp) Ngài gia nhập Hội Truyền Giáo Paris (MEP) và được cử đi truyền giáo tại Viễn Đông từ ngày 29.11.1772.

Vừa đến Huế, ngài được bổ nhiệm coi sóc Họ đạo Thợ Đúc. Theo dòng thời gian, ngài phục vụ nhiều nơi, quản xứ họ Dinh Cát, Di Loan, Cửa Tùng, Quảng Trị (1775 – 1776).

Trong thời gian các Nhà Tây Sơn, Nhà Nguyễn và Nhà Trịnh xung đột tranh chấp (1777), Vua quan Nhà Trịnh mời cha Jean Labartette vào cung để dạy về y khoa và hội hoạ, nhưng cha từ chối, cha chỉ muốn lo việc truyền giáo.

Ngài là cộng sự viên đắc lực của Đức Cha Béhaine (Bá Đa Lộc). Năm 1784 Đức Cha Béhaine đã phong ngài làm Giám mục phó. Năm 1793, Đức Cha lại phong ngài làm Giám mục hiệu hoà Véren. Ngài là vị Giám mục thứ 12 của Địa phận Đàng Trong Việt Nam.

Được hấp thụ nhiều năm trong Chủng viện Xuân Bích (Saint sulpice) ở Paris nên ngài hiểu rộng và có nhiều tài năng. Đức Cha Jean Labartette có ơn khôn ngoan đặc biệt, rất dịu dàng nhưng cương quyết. Ngài có lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Toà Giám mục của ngài đặt ở Trí Bửu, Quảng Trị.

Thời gian làm Giám mục Đàng Trong, ngài đã thành lập 15 Tu viện Mến Thánh Giá. Từ Đà Nẵng trở vào có 7 Tu viện: MTG Phú Thượng, Trà Kiều, Cù Và, Gò Thị, Gia Hựu, Làng Sông, Măng Lăng.

Tại Bình Trị Thiên có 8 Tu viện: Mỹ Hương, Kẻ Bàng, Trung Quán, Sáo Bùn, Di Loan, Bố Liêu, Nhu Lý và Phủ Cam. Mỗi Tu viện gồm 39 nữ tu, giữ luật thinh lặng cả tuần, trừ ngày thứ năm. Ngài hết lòng chăm sóc, dạy dỗ các nữ tu. Ngài đã soạn Hiến pháp Dòng Mến Thánh Giá và đã có lần xin Toà Thánh cho các nữ tu MTG có lời khấn (1808).

Ngài đã từng bị tróc nã và chịu gông cùm. Có lần người ta lầm tưởng ngài đang ở Thợ Đúc nên tìm bắt ngài, nhưng họ bắt được cha Emmanuel Triệu đang về quê thăm mẹ. Cha Emmanuel Triệu đã được hồng phúc Tử Đạo.

Đức Cha Labartette qua đời tại Trí Bửu ngày 6.8.1823.

II. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH HỘI DÒNG

1. Tu viện Mỹ Hương- tiền thân MTGPT

Từ Tây Sơn cho đến Gia Long phục quốc, các cuộc bách hại Đạo gay gắt nên Đức Cha Jean Labartette và các cha Thừa sai Pháp phải xa kinh đô Huế. Các ngài hoạt động tại phía Bắc Quảng Trị và Quảng Bình. Trong thời gian này, với sự giúp đỡ của cha Doussain, Đức Cha Labartette đã lập tại Quảng Bình 4 Tu viện MTG: Mỹ Hương, Trung Quán, Sáo Bùn, Kẻ Bàng. (1789 – 1812):

Năm 1802 vua Gia Long trị vì, dân được bình yên, các Tu viện MTG nhờ đó cũng phát triển.

Bình an chẳng bao lâu, đạo Chúa bị bách hại khốc liệt dưới các triều vua kế vị Gia Long.

2. Sắc dụ cấm Đạo

Tháng 7.1860, Vua Tự Đức ra sắc dụ tìm bắt các nữ tu Mến Thánh Giá. Sắc dụ viết: “Bọn Công Giáo là bọn côn đồ, không thể nào mà đưa chúng về đường ngay nẻo chính được. Chúng dùng những đàn bà xấu nết mà chúng gọi là trinh nữ, là Bà Phước để giấu giếm các đồ thờ, để đưa thư từ, tin tức từ tỉnh này qua tỉnh khác. Vậy, trẫm truyền cấm đàn ông, đàn bà, con nít, không được ra khỏi làng mình; cấm ngặt không được cấp giấy thông hành cho bọn Công Giáo đi tỉnh này qua tỉnh khác. Chúng phải được ở tại làng để được kiểm soát và được cải tạo về chính lộ. Nếu còn bắt gặp đàn bà nào đi từ làng này qua làng khác thì lên án lưu đày và ở tớ trong các nhà quan”.

Sau sắc dụ này, các nữ tu đều bị giải tán. Mỗi Tu viện chỉ giữ lại một vài chị lớn tuổi. Các chị trở về gia đình nhưng nào có được yên thân. Họ thường bị lính làng doạ bắt tù, dụ dỗ kết bạn với người lương.

Cha Hoan - Thánh Tử Đạo

Trước tình cảnh chịu bách hại, việc tông đồ (rửa tội cho con trẻ) không thể tiếp tục vì không được ra khỏi làng. Đức Cha Bình (Sohier) truyền nhập hai Tu viện Sáo Bùn và Trung Quán vào Tu viện Mỹ Hương. Cha Thánh Hoan làm bề trên hai Tu viện Mỹ Hương và Kẻ Bàng. Cha hết lòng giúp hai Tu viện giữ luật Dòng và sống thánh thiện. Sau một lần thoát nạn vì bị tố giác khi đang hoạt động ở Mỹ Hương, cha lại bị bắt ở họ Sáo Bùn, và bị giam ở lao Đồng Hới. Các chị Mỹ Hương chăm lo thức ăn cho cha trong bốn tháng. Ngày 21.5.1861, cha được phước Tử Đạo và được an táng tại Tu viện Mỹ Hương. Sau này thi hài vị Tử đạo được đưa vào Huế.

Chiến lược “Phân sáp”

Ngày 5.8.1861, Vua Tự Đức ra sắc dụ “Phân sáp” truyền tất cả người Công Giáo phải khắc chữ “Tả đạo” vào má và phải phân tán vào làng người lương hoặc trại tập trung. Của cải, ruộng vườn, nhà cửa giao cho người lương quản lý. Người Công Giáo bị nhốt như trâu bò trong những chuồng lớn không mái lợp, không lá che chung quanh. Trời mưa thì nằm trên bùn, trời nắng thì ngủ trên đất khô, ban đầu có người canh gác như sau vì mệt nhọc, họ để cho người Công Giáo chết đói, chết khát và cho dân làng tự do đánh đập… (VNGS trang 321 – Phan Phát Huồn).

Năm 1862, Việt - Pháp - Tây Ban Nha ký hoà ước. Vua Tự Đức “Thu Sáp”. Giáo dân được trở về quê nhà.

Năm 1864, Đức Cha Bình đi qua Toà Thánh rồi qua Pháp để xin kinh phí về tái thiết các Tu viện. Lúc đó, toàn Giáo phận Huế có khoảng 350 nữ tu, sống trong 7 Tu viện: Kẻ Bàng, Mỹ Hương, Di Loan, Nhu Lý, Bố Liêu, Dương Sơn và Phủ Cam.

Tạ ơn Chúa vô vàn. Một chặng đường gian truân chịu bắt bớ nay Giáo Hội Việt Nam được an bình. Các thanh nữ có dịp xin vào tập tu trong các Tu viện Mến Thánh Giá. Các chị ở nhà tranh vách đất, làm ruộng, làm vườn, dệt cửi, bán thuốc tể. Cuộc sống bình dị luôn gắn với việc tông đồ như: dạy Giáo lý tân tòng, rửa tội trẻ em cận tử nhất sinh và nâng đỡ giúp cho các thiếu nữ truỵ lạc.

Phong trào Văn Thân

Năm 1885, phong trào Văn Thân bùng nổ nổi lên tàn sát nhiều tín đồ Công Giáo, đốt phá các cơ sở và tài sản của tôn giáo trong ba tỉnh Bình-Trị-Thiên. Các Tu viện Mến Thánh Giá cùng chung số phận.

Tu viện Mỹ Hương bị đốt thành tro bụi trong đêm hãi hùng 13.9.1885. May mắn có 50 nữ tu được cứu sống chạy về Sáo Bùn nhờ sự tiếp cứu của cha Héry (Cha Y).

Tháng 6.1886, Văn Thân đến tàn sát họ Sáo Bùn (Compte rendu de Huế 1886 tr. 103-105). Giáo dân và các nữ tu chạy tán loạn, bơ vơ, hết sức khổ sở. Trước tình cảnh này, Đức Cha Lộc (Gaspar) cho cất vài ngôi nhà tranh tại Kim Long và truyền cho các nữ tu Bố Liêu, Nhu Lý, Mỹ Hương về đó ở. Đức Cha truyền dạy cho cha Gioan (Gros Jean) ở trong chùa làng làm bề trên để lo cho các nữ tu Mến Thánh Giá. Người ta gọi đó là “Tu viện Mến Thánh giá lâm thời Kim Long” (Compte rendu de Huế 1914).

3. Tu viện Tam Toà

Sau cơn hoạn nạn Văn Thân (1885 – 1886), Đức Cha Louis Gaspar cử cha Bonnin (1841 – 1917) lập trại định cư gần cửa Đồng Hới - Quảng Bình cho giáo dân Sáo Bùn, Sao Cát trên và Sao Cát dưới sinh sống. Trại định cư này lấy tên Giáo xứ Tam Toà.

Cũng trong thời gian này (1888 – 1889) Đức Cha thành lập Tu viện Mến Thánh Giá tại Tam Toà gần nhà thờ lớn, và truyền cho các nữ tu Mỹ Hương rời Kim Long ra ở Tam Toà. Từ đó, Tu viện được các cha thừa sai lần lượt nhiệt thành chăm lo dạy dỗ. Cha Bonnin, cha Cadière, cha Darbon, cha Henry Huề, cha Morineau. Cơ sở cũng được xây cất thêm sáu ngôi nhà ngói đủchổ cho 40 nữ tu cư trú cùng một số tập sinh, thỉnh sinh và đệ tư. Ơn gọi ngày MTG ngày càng đông thêm.

Thời gian đầu, các chị chỉ biết đọc, biết viết tạm đủ để giúp dạy giáo lý cho dự tòng, thăm viếng và bán thuốc tể. Nhưng từ năm 1945 trở đi, nhờ các linh mục tích cực giúp đỡ, các chị đi học để có thể theo kịp đà tiến của xã hội.

Thị xã Đồng Hới, chạy dọc theo bờ sông Nhật Lệ, thời bấy giờ là nơi trú đóng của người Pháp, nên có đầy đủ các cơ sở lớn như nhà thờ, trường học, bệnh viện, phố chợ… dân cư tập trung đông đúc để sinh sống. Được giúp đỡ, khích lệ nâng cao văn hoá, các chị già chị trẻ đều cố công đèn sách, thi cử để lấy bằng sơ học, tiểu học, trung học…, và tham gia cả trong ngành y tế, phục vụ trong các trạm xá, bệnh viện. Các chị đã rửa tội được rất nhiều trẻ em yểu mệnh và giúp bệnh nhân dọn mình chết lành trong bệnh viện.

Tại các Giáo xứ, ngoài công tác mục vụ như dạy giáo lý, tập hát, thăm viếng… các chị còn điều hành và đứng lớp trường tiểu học tư thục nơi môi trường phục vụ. Trong khuôn viên Tu viện cũng có một trường tiểu học khá lớn.

Các chị đã phục vụ các họ đạo: Tam Toà, Trung Quán, Sao Cát, An Định, Đại Phong, Cửi, Hoà Luật Nam, và cô nhi viện tại Đồng Hới.

4. Tu viện Tam Toà di cư vào Nam

Tháng 7.1954, sau Hiệp định Genève (20.7.1954), Đức Cha J.B Urrtia Thi (1901 – 1979) Bề trên Địa phận đưa các chị vào Huế.

Như Thánh Cả Giuse bỏ lại tất cả cơ ngơi gầy dựng từ hai bàn tay trắng ở Ai Cập để trở về Nazareth theo Thánh Y Chúa, các chị đã bỏ lại tất cả cơ đồ gầy dựng trên 65 năm (1888 – 1954). Ra đi, mang theo nỗi âu lo sợ hãi. Phía trước là mịt mù như Giuse đưa Mẹ và Hài Nhi ra đi trong đêm tối sang Ai Cập. Chị em lên đường với tất cả niềm tin và phó thác nơi Thánh Cả. Một số chị em theo giáo dân Tam Toà, dưới sự hướng dẫn của cha Chánh xứ Simon Hoàng Văn Tâm, các cha phó F.x Trần Văn Cần và Jos. Đỗ Bá Ái theo đường biển vào Đà Nẵng. Một số khác lênh đênh trên những thuyền buồm thô sơ trôi vào Cửa Việt, tá túc ở Đông Hà. Mãi tới đầu tháng 9.1954 các chị mới họp mặt đông đủ tại Huế, tạm trú tại Tu viện Phú Cam đợi quyết định của Đức Cha.

5. Tu viện Thanh Tân

Giáo phận Huế thời bấy giờ có họ đạo Thanh Tân được thành lập vào cuối thế kỷ XIX, toạ lạc dưới chân núi, cách Huế chừng 20 km về phía Đông Nam. Trong giáo xứ có một cô nhi viện trực thuộc quyền Giáo phận. Thời đó cô nhi không còn bao nhiêu và cũng đã khôn lớn nên Đức Cha cho các chị về cư trú tại đó trong hai ngôi nhà cổ còn khá vững chắc. Chị em khăn gói lên đường đi về nhà mới.

Sau những ngày gian nan khốn khổ đầy hồi hộp lo âu, chị em được dừng chân trong không khí trong mát thanh bình của miền sơn cước. Tạ ơn Chúa! Một cuộc đời mới lại bắt đầu!

“Vạn sự khởi đầu nan” cần phải “có chí thì nên”. Chấp nhận vất vả khó nhọc, chị em khích lệ dìu dắt nhau vượt khó, tự tay xây dựng hạnh phúc đời dâng hiến trong môi trường mới nơi Tu viện “Tam Toà, Thanh Tân”.

Những ngày đầu ở Thanh Tân thật khốn khổ! Chưa quen thuỷ thổ, việc làm, lại thiếu ăn (có ngày đói quá ăn nhằm lá cây dại nằm ngơ ra cả nhà, trừ vài chị lớn không ăn) nhưng chị em vui vẻ thương yêu nhau. Bầu khí Tu viện luôn đầm ấm và lành thánh.

Chiến tranh tan tác đó đây, lại thêm cư trú nơi xa xôi hẻo lánh không phương tiện đi lại, chị em Tu viện Thanh Tân lo ngại không có tương lai. Nhưng Chúa thương lắm, dù ly loạn cực khổ vẫn còn có một số tập sinh - đệ tử quảng đại theo Chúa, không ngại khó khăn, không sợ lạc xa gia đình, trung kiên theo các chị lớn di cư vào Nam. Nhờ đó số sinh hoạt Tu viện, dù trong hoàn cảnh bất thuận vẫn được tiếp diễn đúng thời hạn.

Tháng 6.1955, bốn tập sinh dấn thân vào Lời Hứa Dòng trong Thánh lễ trang trọng thánh thiện tại nhà thờ giao xứ Thanh Tân. Sự kiện này đã thổi luồng sinh khí mới, mang lại niềm vui dào dạt cho giáo dân lần đầu trong đời được tham dự.

Chị em chia nhau từng nhóm tìm nơi phục vụ. Các linh mục quản xứ sẵn sàng tiếp nhận. Chỉ sau hai năm định cư tại Thanh Tân, Tu viện đã dấn thân phục vụ, hướng về truyền giáo.

- Một cộng đoàn với 10 nữ tu tại An Lỗ, giáo xứ Bồ Điền. Các chị vừa phục vụ giáo xứ vừa điều hành một trường tiểu học Tư Thục Tương Lai Bồ Điền. Cộng đoàn này cách Tu viện 8 km, gần với dân phố thị và cách Huế 12 km. Cộng đoàn được xem như trạm liên lạc giữa Tu viện với các cộng đoàn nhỏ khác (vì không có phương tiện lên Thanh Tân ngoài đi bộ và gồng gánh).

- Các cộng đoàn khác gồm có: Cây số 17, Phong Nguyên, Lai Hà, Đông Hồ, Bát Vọng, Ưu Thượng, Hoà Mỹ, Dòng Chúa Cứu Thế, Thiên Loại, Phú Bài, Loan Lý, An Hảo, Sao Cat, Sơn Công. Tất cả đều thuộc tỉnh Thừa Thiên.

Đời sống phục vụ - hiến dâng vì Nước Trời của chị em trong các cộng đoàn đã khơi mở nhiều tâm hồn thiếu nữ muốn dâng mình cho Chúa trong đời tu. Chỉ ít năm sau, số đệ tử tăng nhanh. Vì thế năm 1960, Tu viện xây thêm một dãy nhà làm các lớp học cho đệ tử. Dù ở nơi thâm sơn cùng cốc nhưng đệ tử Thanh Tân được các cha chuyên trách giới trẻ của Giáo phận, đặc biệt cha Bính, cha Trung và các cha Dòng Chúa Cứu Thế tận tâm giúp đỡ tĩnh tâm, giảng dạy. Các cha thường xuyên thăm viếng uỷ lạo các em trung thành với ơn gọi.

6. Chuẩn bị nhân sự

Sinh sống ở vùng sâu vùng xa, tuổi trẻ khó có điều kiện học hành thi cử kịp thời. Các Bề trên đang lo âu thì Chúa Quan Phòng đã sắp xếp. Năm 1962, Đức Cha Phêrô Ngô Đình Thục, Tổng Giám mục Giáo phận Huế quyết định thi hành chương trình hiệp nhất và canh tân 6 Tu viện Mến Thánh Giá Huế. Vì từ khi được thành lập đến năm 1962, các Tu viện Mến Thánh Giá đều độc lập, tử quản.

- Chương trình quan trọng này được khởi sự bằng việc tuyển chọn mỗi Tu viện hai chị đi thụ huấn, làm tập sinh theo giáo luật dưới sự hướng dẫn của Dòng Đức Bà tại Couvent des oiseaux Đà Lạt. Tu viện Thanh Tân đã cử hai chị: chị Madeleine Thái và chị Matta Loan.

- Việc hiệp nhất tiếp theo là tập trung các đệ tử 6 Tu viện về Toà Khâm Mạng Huế để học tập. Thế là nỗi lo âu của các Bề trên Tu viện Thanh Tân được giải quyết tốt đẹp.

Cộng đoàn Vinh thanh

- Cũng trong thời gian này, hai chị Tu viện Thanh Tân được cử đi lập sở công nghiệp nước mắm tại Vinh Thanh, Bình Tuy.

7. Tu viện Xuân Long

Cuối năm 1963, giao thông từ Thanh Tân về An Lỗ rất khó khăn. Việc liên lạc các chị em tại các cộng đoàn và Tu viện Thanh Tân bị bế tắc trầm trọng. Lại một vấn đề lo âu trăn trở! Ngày đêm cầu nguyện tìm thánh ý Chúa.

Đến cuối năm 1964, sau khi đã sang được ngôi nhà hưu của cha Thọ trong giáo xứ Kim Long – Huế và được phép của Đức Giám mục Giáo phận, chị em lại một lần nữa khăn gói lên đường về nơi ở mới.

Và từ đó, một lần nữa, giấy khai sinh được làm lại với tên mới là Tu viện Mến Thánh Giá Xuân Long. Tại đây, chị em chen nhau trong một ngôi nhà nhỏ giữa khu vườn cây lộn xộn, thiếu người chăm sóc của Giáo phận. Chị em lúng túng và bất ổn, vì hấu hết các nữ tu đều có tuổi gần 70 trở lên và sức khoẻ không tốt. Chị Tu viện trưởng Cat. Hồ Thị Khánh phải xây vội một ngôi nhà cho các chị hưu dưỡng. Sau đó phải xây một ngôi nhà Nguyện cho chị em về bồi dưỡng và tĩnh tâm hàng tháng và dịp hè. Dần dần phòng cơm, nhà bếp cũng được cất lên khang trang sạch sẽ.

8. MTG Thừa sai - Huế

Ngày 7.6.1965, số chị em được tuyển đi thụ huấn theo giáo luật ở Đà Lạt Tuyên khấn Lần Đầu. Đây là ngày vui lớn, ngày chính thức khai sinh Dòng Mến Thánh Giá Thừa Sai - Huế. Cũng từ hôm nay, Tu viện Xuân Long và 5 Tu viện MTG trong Giáo phận đều trực thuộc ban điều hành mới của Dòng theo đường hướng canh tân hiệp nhất.

9. Cô nhi viện Trinh nữ – Bình Tuy, tiền thân của Nhà Mẹ

Năm 1967, tại Bình Tuy có nhiều trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ngoài đường và nhiều cô nhi lạc mất cha mẹ do chiến tranh ở các vùng lân cận. Hai chị ở sở Nước Mắm Vinh Thanh đã nhận nuôi các em.

Thấy Dì – cháu chật vật trong ngôi nhà gỗ vừa hẹp vừa nặng mùi nước mắm, cha J.B Trần Ngọc Thuỷ đã biếu tặng ngôi nhà gỗ và phần thổ cư tại Tân Tạo để xây nhà cho cô nhi.

Cộng đoàn Tân Tạo

Thời điểm này, cộng đoàn An Lỗ, Bồ Điền ở Huế ngưng hoạt động vì chiến tranh, nên chị …. Viện trưởng cho phép Tu viện Tam Toà – Xuân Long tăng cường nhân sự vào Bình Tuy để vừa nuôi dưỡng cô nhi vừa điều hành trường Tiểu Học Tư Thục Tương Lai - Tân Tạo. Cơ sở này được xây dựng ngay trong khuôn viên cô nhi viện (Đây là tiền thân của Nhà Mẹ Hội Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết 1983).

10. Biến cố Mậu Thân

Cuộc sống đang từng bước tăng triển tại Huế cũng như Bình Tuy, thì biến cố Mậu Thân bùng nổ. Tu viện Tam Toà – Xuân Long lại phải chạy loạn tránh bom đạn. Sau hơn một tháng, chị em lại trở về Xuân Long sinh hoạt như trước.

Năm sau (1969), vì nhu cầu trẻ em trong xứ và dân di cư tập trung về Xuân Long khá đông, các chị mở một trường Ký nhi viện ngay trong khuôn viên Tu viện, mang lại nhiều ảnh hưởng tốt trong xứ.

Sau biến cố Mậu Thân, thành phố Huế trở lại nhịp sống bình thường. Các Tu viện Mến Thánh Giá của Giáo phận tiếp tục hăng say thực hiện chương trình canh tân và hiệp nhất.

Cộng đoàn Võ Đắt

Hè 1971, theo lời mời nhiều lần của Đức Giám mục Nha Trang (Đức Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận), chị Tổng viện trưởng đã cử bốn chị Xuân Long vào phục vụ tại giáo xứ Võ Đắt. Thế là Bình Tuy đã có 3 cộng đoàn: Võ Đắt, Tân Tạo, Vinh Thanh (Tất cả các chị đều thuộc Tu viện Tam Toà – Xuân Long).

11. Chiến tranh ly loạn

Tháng 3.1975, chiến tranh lại bùng nổ ở Quảng Trị, Thừa Thiên. Các chị em Mến Thánh Giá phải theo dòng người di tản tránh bom đạn vào Đà Nẵng, rồi đi dần vào Nam. Mọi người tán loạn, tuỳ tiện theo hoàn cảnh, không đi chung với nhau được.

Sau biến cố 30.4.1975, trong dòng người về lại quê cũ, một số đông chị em Mến Thánh Giá Huế đã dừng chân tại Cô Nhi Viện Trinh Nữ – Bình Tuy. Hầu hết các chị gốc Tam Toà – Xuân Long và một số chị thuộc các Tu viện khác đã xin ở lại Cô Nhi Viện vì nhà cửa ở Xuân Long đã bị hư hại nặng nề.

12. MTG Huế - Tân Tạo

Đã hết chiến tranh, hoà bình tái lập, tự do đã về với dân Việt. Cô nhi viện Bình Tuy là nơi ‘đất lành chim đậu”. Các chị bắt đầu một đời sống trong môi trường mới và xã hội mới.

Nhà nước tiếp quản các cô nhi viện. Một thời gian họ đã laị cơ sở cô nhi viện cho các nữ tu. Từ hai dãy lớp học của trường tiểu học và một nhà lầu một tầng, các chị sắp đặt thành cơ sở của một cộng đoàn lớn của Mến Thánh Giá Huế tại Bình Tuy để tiếp tục đời sống tu trì.

Từ đây, chị em chia nhau thành nhóm nhỏ đi tìm đất tốt để gieo hạt giống tin mừng. Những mãnh đất đầu tiên mà các nữ tu gieo hạt là các giáo xứ: Bồ Câu, Châu Thuỷ, Động Đền,Võ Đắt. Các cộng đoàn nhỏ luôn liên lạc với cộng đoàn lớn Tân Tạo. Cộng đoàn Tân Tạo liên lạc với Nhà Mẹ Huế. Nhà Mẹ Huế luôn quan tâm, khi có thể, đi kinh lý, thăm viếng các cộng đoàn ở Bình Tuy.

Phần chị em tại Bình Tuy, dù thiếu thốn, vất vả vật chất lẫn tinh thần, nhưng vẫn cố gắng trung thành với đời sống thánh hiến và sứ mạng làm chứng nhân Tin Mừng giữa môi trường sống trong xã hội mới. Cụ thể như nỗ lực khắc phục mọi khó khăn về thời gian và không gian để gieo trồng Lời Chúa ngay trên nông trường. Gốc mít, gốc xoài là điểm hẹn lý tưởng cho những tâm hồn khao khát Lời Hằng Sống. Nhát cuốc, đường cày là nhịp điệu cho ca khúc giáo lý. Nương rẫy là nơi nghỉ ngơi cho đoàn chiên bơ vơ lạc lõng. Cố gắng tuy nhỏ bé và thiếu quy mô nhưng thoả đáp phần nào nỗi khắc khoải của con cái Chúa trong hoàn cảnh không thuận lợi.

Ngoài công tác mục vụ, chị em đã nhanh chóng hội nhập với cuộc sống qua công việc tay chân vất vả. Nhờ chia sẻ với người lao động, chị em khám phá thêm ý nghĩa đời Dâng Hiế. Trở nên chứng nhân Tin Mừng chính là dấn thân xây dựng Nước Trời trong mọi hoàn cảnh với lòng khiêm tốn, phục vụ quên mình.

Chúa đã chuẩn bị cho một Hội Dòng Mới với nhân sự sẵn gồm có: Chị Tu viện trưởng Catherine Hồ Thị Khánh, chị Thư ký Madeleine Nguyễn Thị Thái; các chị lớn đã từng làm trưởng cộng đoàn và một số ít chị trẻ mới khấn. Sinh hoạt đời tu nơi đây, tuy chỉ là một cộng đoàn, nhưng đã trưởng thành về tổ chức cũng như đời sống thiêng liêng.

Cộng đoàn cũng được Cha Chính J.B Lê Xuân Hoa và Cha Phêrô Phạm Tiến Hành giúp đỡ. Hè 1976, vào ngày mồng 2.7, đã có lễ Khấn trọng tại nhà thờ Tân Tạo do Đức Cha Nicolas chủ tế. Thời gian tạm trú, mỗi dịp khấn, chị em tuyên thệ trong tay chị Tổng ở Huế vào hoặc là uỷ nhiệm cho chị Tu viện trưởng Catherine Khánh.

Với sự ưng thuận của Hội Đồng Dòng ở Huế, cộng đoàn được chính thức mở tập viện và cử hành Tu nghị bầu nhiệm chị Cat. Khánh là Tu viện Trưởng và chị Mad. Thái là thư ký.

Đời sống hiền hoà, chân chất, nhiệt htành lo việc Chúa và hoà đồng của chị em đã thu hút được nhiều ơn gọi.

Với sức vóc lớn nhanh của một thiếu nữ, Cộng đoàn MTG tại Tân Tạo có khả năng để tự lập một gia đình mới.

III. ỔN ĐỊNH VÀ PHÁT TRIỂN

1. Gia nhập Giáo Phận Phan Thiết

Nhận thấy việc liên lạc với Nhà Mẹ Huế quá xa xôi, nhiều khó khăn, Đức Cố Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền đã viết thư cho Đức Cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi, Giám mục Giáo phận Phan Thiết để xin cho số nữ tu Mến Thánh Giá Huế tại Bình Tuy được làm con cái của Giáo phận Phan Thiết.

Sau khi bàn với Cha Chính Giáo phận (Đức Ông G.B Lê Xuân Hoa), Đức Cha Nicolas chấp nhận yêu cầu của Đức Cha Philipphê.

Năm 1983, nhân dịp đi Rôma, Đức Cha Nicolas đến thăm Bộ Truyền Giáo để trình bày về cộng đoàn nữ tu trên và nguyện vọng của Đức Cha Philipphê.

Toà thánh đã chấp thuận, Đức Cha Nicolas nhận Quyết Định số 5105/83 ngày 29.10.1983 của Thánh Bộ Phúc Âm Hoá Các Dân Tộc, về việc: chấp thuận theo yêu cầu của Đức Giám mục Phan thiết nhận chị em Tu viện Mến Thánh Giá Thừa sai Huế, Bình Tuy sống vĩnh viễn và phục vụ suốt đời tại Giáo phận. Đây chính là sinh nhật của Hội Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết.

Cây thập giá trồng ở VN đã nở thêm bông hoa thứ 23. Đại Gia Đình Mến Thánh Giá Việt Nam đón nhận thêm người em thứ 23.

Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, với lòng tri ân Đức Cố Philipphê, Đức Giám mục Nicolas, Hội Dòng MTG Huế, các Bậc Tổ Tiên, các Cha và quý vị ân nhân… cộng đoàn Nữ tu Mến Thánh Giá Huế tại Hàm Tân hân hoan đón nhận hồng ân làm con Giáo phận Phan Thiết, trở nên HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ PHAN THIẾT.

2. Ngày Ghi nhớ

Ngày 17 tháng 4 năm 1984 Đức Giám mục Phan Thiết ra Quyết định số 17 thiết lập theo Giáo Luật Tu viện Mến Thánh Giá Phan Thiết. Từ ngày đó, Hội Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết được Đức Cha và các Cha trong Giáo phận quan tâm ưu ái, chan hoà khích lệ. Niềm lưu luyến tình Huế đã phôi phai dần, phần lớn trái tim giờ đây dành cho Phan Thiết thân yêu.

3. Cha Tuyên Uý

Với tình thương mục tử, Đức Cha chỉ định cha Phêrô Phạm Tiến Hành chính thức làm Tuyên Uý của Hội Dòng. Đức Ông JB Lê Xuân Hoa, cũng đồng hành với Cha Tuyên Uý giúp đỡ rất nhiều cho chị em.

Cha Tuyên Uý lên chương trình Tu đức cho Hội Dòng và chương trình học Thần học cho các chị trẻ, các đệ tử. Cộng tác với cha có Cha Clément Dòng Châu Thuỷ, cha quản xứ Bồ Câu Trắng (Đức Cha Phaolô sau này).

Dù phải giảng dạy và nghỉ trưa trong một căn phòng, nhưng các cha giáo sư không quản ngại, vẫn đều đặn tận tình dạy dỗ, khai thông đời sống tu trì cho con cái trong hoàn cảnh khó khăn.

4. Tổng Tu Nghị thứ 3 tại Hàm Tân – tháng 3.1985

Chị Tu viện trưởng Catarina Hồ Thị Khánh, một vị Bề trên khả kính khả ái, đã lèo lái con thuyền Hội Dòng vượt qua bao sóng gió suốt một chặng đường dài. Nhiều lần tái nhiệm nhưng chị em vẫn ước ao được chị cầm lái con thuyền.

Tháng 3.1985, như mẹ hiền an tâm vì con cái đã yên bề nơi ăn chốn ở, chị đệ đơn xin nghỉ hưu vì sức khoẻ. Tổng Tu Nghị được cử hành vào ngày 17.3.1985 và chị Anê Nguyễn Thị Quý đã được cử lên thay chị Catarina Hồ Thị Khánh.

Chị Tổng Anê Quý,trẻ tuổi, tinh thần mới, giao tiếp rộng, năng nổ đã đẩy mạnh sức sống Hội Dòng vươn lên. Chị sắp xếp, tu sửa, nới rộng các phòng dãy nhà trệt bên trái nhà lầu để phòng cơm, nhà bếp được thông thoáng hơn. Chị thay đổi phòng Nhà Nguyện rộng rãi hơn và đã khá đông người trong Tu viện.

5. Nâng cao văn hoá

Tái nhiệm vào ngày 18.3.1989, chị Tổng Anê Quý lưu tâm đến việc nâng cao văn hoá, mở rộng kiến thức cho chị em trẻ. Chị khích lệ và tạo điều kiện cho chị em học Bổ túc tại Hàm Tân và sau đó tại Thành phố Hồ Chí Minh, bất kể điều kiện tạm trú và đời sống không dễ! Mỗi khi có cơ hội học hỏi chị sẵn sàng cho các chị em tham dự, dù phải đi vào Sài Gòn… Đây là thời gian bộ mặt Hội Dòng chuyển đổi khởi sắc từ từ.

6. Đồng hành truyền giáo với giáo phận

Dạy Giáo lý cho thiếu nhi, người lớn, dự tòng, phục vụ Phòng Thánh, giúp ca đoàn, các hội đoàn, thăm viếng và trao Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân, mở lớp xoá mù chữ tại gia đình cho trẻ thất học để các em có thể học Giáo lý… là những công tác chị em đã từng quen thuộc và sẵn sàng thực hiện trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Với tinh thần phục vụ sẵn có, ngoài các cộng đoàn do thời cuộc tạo nên, chị em sẵn sàng lên đường góp mặt tại các giáo xứ mới khi có sự chỉ đạo của Đức Cha và yêu cầu của các Cha quản xứ. Khởi đầu chiến dịch Lên Đường với cộng đoàn Tinh Hoa, Cù Mi, Vinh Tân…

Theo dòng thời gian, các chị không còn làm nông nghiệp nữa. Các chị làm việc trong các lãnh vực: giáo dục, y tế, xã hội…

7. Thử nghiệm Hiến Chương mới

Vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, luồng gió Chúa Thánh Linh thổi mạnh trên Tổng Giáo phận Thành phố Sài gòn, nhiều sinh hoạt tôn giáo khởi phát, trong đó có chương trình trở về nguồn và làm Hiến Chương mới của Đại Gia Đình Mến Thánh Giá Việt Nam. Với tâm thức cầu tiến, chị em Mến Thánh Giá Phan Thiết hăng hái học tập, tham khảo dự thảo Hiến Chương mới để canh tân đời sống tu trì.

Ngày 14.9.1991, Đức Giám mục Giáo phận Nicolas cho phép thử nghiệm Dự thảo Hiến Chương trong vòng chín năm.

8. Tổng tu nghị lần 5

Ngày 14.9.1991, chị Mad. Nguyễn Thị Thái đã được bầu làm Tổng phụ trách trong Tổng Tu Nghị lần thứ 5 tại Hàm Tân.

Với tài đức và nhiều kinh nghiệm, Chị tổng đã phát triển Nhà dòng nhiều mặt, đặc biệt là giúp các cộng đoàn thiết lập các Nhà trẻ – Mẫu giáo.

Hàng năm, Hội Dòng chọn một số chị em đi học nghiệp vụ ở Sài Gòn cũng như tại địa phương để việc giáo dục được thức thời và đạt kết quả cao.

Nhu cầu phục vụ bệnh nhân cũng được quan tâm nhiều vào lúc này. Số chị em được gởi theo học trường Trung cấp y tế.

9. Xây Nhà Nguyện

Năm 1994, nhân sự tăng lên nhanh. Các phòng ốc cần thiết đều chật chội và xuống cấp, Hội đồng Dòng quyết định xây thêm nhà.

Được sự chấp thuận của Đức Cha, đầu năm 1994, chị Tổng Phụ Trách Mad. Nguyễn Thị Thái đệ đơn xin phép nhà nước xây Nhà Nguyện. Tưởng phải đợt ít nhất một năm sau mới hy vọng nghĩ đến việc tiến hành, nhưng ngày 15.9.1994, Đức Cha Nicolas đã chủ sự Lễ đặt viên đá Nhà Nguyện cho Hội Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết. Thánh lễ long trọng với sự hiện diện của rất nhiều các Cha trong Giáo phận, và giáo dân Tân Tạo cùng các xứ lân cận đến chung lời cầu nguyện cho công trình xây dựng Nhà Nguyện.

Ngày 8.6.1995, Hội Dòng MTG Phan Thiết hân hoan khánh thành Nhà Nguyện.

10. Xây Nhà Hưu

Đã đến lúc phải có nơi nghỉ ngơi yên tĩnh cho các chị lão thành, vì thế trong thời gian làm Nhà Nguyện, Chị Tổng Mad đã cho tiến hành xây nhà hưu luôn thể. Ngôi nhà được hoàn thành ngày 8.12.1995.

11. Mở rộng kiến thức

Ý thức rằng nâng cao hiểu biết là điều kiện thiết yếu để phục vụ có hiệu quả. Hằng năm, Hội Dòng dành riêng tuyển chọn một ít chị em tiến lên Đại học, ngành nghề và học Thần học Liên Dòng.

Vì ở xa trung tâm văn hoá đạo đời, nên hầu hết chị em khấn trẻ phải thiếu thốn về mặt thần học cơ bản. Để giải quyết vấn đề khẩn thiết này, hè 2000, Chị Phó Tổng phụ trách Anna Nguyễn Thị Tứ, Trưởng ban huấn luyện của Hội Dòng đã tổ chức khoá bồi dưỡng thần học hè tại Nhà Mẹ trong 6 năm. Nhờ đó, tất cả các chị khấn trẻ đều được học đầy đủ.

12. Phê chuẩn Hiến Chương

Sau 9 năm thử nghiệm, ngày 14.9.2000, Đức Giám mục Nicolas đã phê chuẩn Hiến Chương mới cho Hội Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết.

13. Xây nhà: “Tập Viện”

Các chị khấn, tập sinh, đệ tử mỗi ngày một đông và ở chung trong một nhà nên việc huấn luyện gặp nhiều khó khăn. Vì thế, vào những năm cuối nhiệm kì thứ 2, Chị Tổng phụ trách Mad. Thái đã tiến hành xây Tập viện.

Đầu niên khoá 2000 – 2001, các tập sinh hân hoan đi về “Nhà của mình”.

14. Xây nhà học viện và đệ tử

Ngôi nhà lầu một tầng không đủ vào đâu cho các chị khấn cũng như đệ tử mỗi khi tập trung về bồi dưỡng học tập. Vì thế, sau khi tái cử nhiệm kì thứ 3, mặc dầu vai đã nặng nề vì trách nhiệm,, Chị Tổng phụ trách Mad. Thái với sự khích lệ của chị em lại khởi công xây thêm ngôi nhà lầu một tầng đối diện với nhà hưu cho các chị học viện và đệ tử.

Niên khoá 2002, chị em lớn nhỏ vui mừng có ngôi nhà mới.

Từ đây, phòng ốc cần thiết đã tạm đủ cho chị em, hàng tuần, hàng tháng, hàng quý, hàng năm, thay nhau theo phiên, theo lớp về Nhà Mẹ họp mặt, bồi dưỡng đời sống đức tin và tu trì để có thể sống đời dâng hiến thánh thiện và phục vụ hiệu quả hơn.

15. Xây nhà lưu xá nữ sinh Trung học.

Từ nhu cầu các em nữ sinh từ các vùng sâu vùng xa về Thị xã học tập, các bậc phụ huynh không an tâm khi gởi con gái mình ở trọ bên ngoài. Năm 2004, Hội dòng đã xây dựng dãy nhà lưu xá khang trang gồm 1 trệt 2 lầu. Mỗi năm đón nhận 150 học sinh từ các miền quê nghèo xa xôi đến trọ học.Vừa góp phần giáo dục thanh thiếu nữ vừa khơi dậy những mầm non Ơn gọi từ đây.

IV. ĐỒNG HÀNH TRUYỀN GIÁO CÙNG GIÁO PHẬN

1. Đống hành truyền giáo

Dòng MTGVN “là dòng nữ đầu tiên mang bản sắc Á Đông, có lời khấn, sống thành cộng đoàn theo một bản luật, trực thuộc đấng bản quyền sở tại và hướng về việc truyền giáo... (x.Niên Giám GHCGVN 2004, trang 388-391).

Dòng MTGPT luoân luoân thể hiện ước vọng của Đấng Sáng Lập là: “Cộng tác với Đấng bản quyền sở tại để rao truyền và làm chứng nhân cho Chúa Giêsu Chịu-Đóng-Đinh”. Ơn gọi đó gắn liền người Nữ Tu Mến Thánh Giá với Giáo Phận và Giáo xứ, nơi chị em đang sống và phục vụ. Đặt chân đến bất cứ miền đất nào, chị em luôn kiếm kế để tồn tại và duy trì đời sống cộng đoàn theo tinh thần Đấng Sáng Lập. Với thời gian, các Nữ tu đã mở rộng ra nhiều lãnh vực để đáp ứng những nhu cầu cần thiết của xã hội và Giáo Hội về mục vụ, văn hóa, các hoạt động xã hội và lãnh vực lãnh vực y tế.

Phát xuất từ kinh nghiệm thiêng liêng về Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh, lòng yêu mến Thánh Giá Chúa Giêsu đã trở thành một động lực chi phối mọi sinh hoạt từ nội tâm đến Giáo Hội và xã hội của Đức Cha. Ngài đã được Chúa Thánh Thần chọn làm trung gian chuyển đạt ơn Đoàn sủng cho Dòng Mến Thánh Giá, một Linh Đạo tập trung vào Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh để hy sinh phục vụ anh chị em đồng loại.

Với xác tín “Đức Kitô Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta”, các Nữ tu đã dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa, dấn thân vào các cứ điểm truyền giáo ở mọi miền đất nước để tiếp nối cuộc đời lữ thứ hy sinh của Chúa Kitô.

Ngay những ngày đầu khi mới thành lập, các Nữ tu hoàn toàn không có tu phục, ăn mặc giống như những người miền quê chất phác. Các chị không chỉ giúp Cha xứ trong việc mục vụ, dạy giáo lý, nhưng còn là những bạn thân của các tín hữu vì đã đồng hành với họ trong các công việc hằng ngày với đủ ngành nghề. Bên cạnh đó, các Nữ tu còn đóng vai những thầy thuốc và chăm sóc những người ốm đau. Vì thế mà người ta thường gọi các chị bằng một cái tên tuy mộc mạc nhưng rất thân thương “Bà-Phước”.

Trung thành với tâm nguyện của Đức Cha Lambert, các Nữ Tu đến với những phụ nữ lỡ lầm để an ủi và giúp họ phục hồi nhân phẩm, trở về với cuộc sống bình thường. Các chị đặc biệt để ý đến việc thăng tiến phụ nữ, một điều chưa hề có trong xã hội Việt Nam thời bấy giờ. Các Nữ Tu Mến Thánh Giá thuộc nhóm phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam biết chữ Quốc Ngữ, đã giúp cho nhiều thế hệ tại miền quê biết đọc, biết viết, góp phần rất lớn trong việc tạo nên những nhân tài cho dân tộc và Giáo Hội sau này ( Phạm Đình Khiêm, sđđ, tr. 40-41;TĐCG số 33 tr. 108).

Tinh thần của Đức Cha Lambert đã theo những dấu chân truyền giáo của chị em Mến Thánh Giá vào khắp nẻo đường quê hương và thấm sâu vào tâm hồn dân Việt. Đời sống Tông đồ của chị em được đặt nền tảng trên tinh thần cầu nguyện và sự hy sinh khổ chế, để cho dù đến bất cứ phương trời nào, sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, chị em luôn theo gương Chúa Kitô Chịu-Đóng-Đinh và Phục-Sinh, dấn thân phục vụ Giáo hội địa phương với niềm xác tín rằng tình yêu dành cho Chúa Kitô trên Thánh Giá sẽ luôn luôn dẫn đến Vinh Quang. Per Crucem ad Lucem.

V. HƯỚNG VỀ TƯƠNG LAI

Hành trình 25 năm với bao thăng trầm của Hội Dòng luôn gắn liền với những sự kiện lịch sử Dân tộc, lịch sử Giáo hội Việt nam.

Hội Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết nay đã trưởng thành mọi mặt. Nhân sự: 123 khấn trọn. 115 khấn tạm. 50 tập sinh, 37 tiền tập, thanh tuyển 96, dự tu 96. Hội Dòng dấn thân phục vụ trong 46 cộng đoàn phục vụ trong giáo phận và 10 cộng đoàn phục vụ ngoài giáo phận.

Trong lời cám ơn, Chị Anna Nguyễn Thị Tứ đã bày tỏ tâm tình:

Mừng Ngân Khánh Thành Lập Hội Dòng ( 1983 – 2008),chúng con đong đầy niềm tri ân cảm tạ.

- Tạ ơn Thiên Chúa đã đưa chúng con vào hiện hữu.

- Tạ ơn Thiên Chúa đã yêu thương gìn giữ đến hôm nay và mãi mãi về sau.

- Tri ân Đức Cha Lambert de la Motte, Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá, đã mở đường cho chúng con sống đời Dâng Hiến.

- Tri ân Các Đấng Chủ chăn đã tận tình vượt khó trong cơn bắt đạo và chiến tranh để đưa lối tìm đường cho chúng con được tiếp tục sống đời tận hiến.

- Tri ân Đức cố Tổng Giám Mục Phêrô Ngô Đình Thục đã khởi đầu lộ trình về miền đất Bình Tuy cho chúng con.

- Tri ân Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã tuyển chọn chị em Mến thánh Giá Huế dấn thân truyền giáo vùng sâu vùng xa của Bình Tuy.

- Tri ân Đức Cố Tổng Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Điền và Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế, đã quảng đại hy sinh để chúng con có điều kiện tự lập và trưởng thành, làm tăng thêm vẻ đẹp phong nhiêu sẵn có cho cây đại thụ Mến Thánh Giá.

- Tri ân Cha cố Gioan Baotixita Trần Ngọc Thủy và Cha Giuse Đặng Đình Hoàng.

- Tạ ơn Giáo Phận Phan Thiết đã đón nhận chúng con làm con Giáo phận. Tình thương của Đức Cha Nicolas, Đức Cha Phaolô, Đức Ông, quý Cha Hạt, quý Cha Tuyên úy, Quý Cha Giáo, Quý Cha và Quý cộng đoàn Giáo dân trong và ngoài Giáo phận đã nâng đỡ, khích lệ, giúp chúng con có được ngày hôm nay.

- Đặc biệt chúng con ghi đậm công ơn sinh thành dưỡng dục của Đức Cha Nicolas. Đức Cha đã chắt chiu từng mảnh vật chất trong thời buổi chật vật cho chúng con có cửa nhà thông thoáng: dạy bảo từ cách sống đến công việc truyền giáo kiến hiệu. Từng bước, Đức Cha đã đồng hành và giúp chúng con vưon lên. Tình thương hiền phụ của Đức Cha là một phần nhựa sống nuôi dưỡng cuộc đời chúng con. Chúng con nguyện đền đáp công ơn Đức Cha bằng quyết tâm sống đời sống Dâng Hiến mỗi ngày mỗi thánh thiện hơn.

- Tri ân Linh Mục Stan. Nguyễn Văn Ngọc và Linh Mục Matheu Lê Văn Thành đã viết tặng chúng con tập Lược sử Dòng Mến Thánh Mỹ Hương - Tam Toà - Đồng Hới.

- Xin tri ân Đan viện Châu Thuỷ, Quý Anh Em Dòng Tên Việt Nam, Quý Vị An Nhân xa gần đã bằng cách này cách khác, giúp đỡ bước tiến của Hôi Dòng chúng con.

- Ghi nhớ công ơn Các Chị Bề Trên Tổng Quyền còn sống cũng như đã qua đời, các chị là những Hiền Mẫu đức độ đã đem hết tâm huyết chăm lo cho con cái, chèo chống con thuyền Hội Dòng vượt qua mọi sóng gió cũng như trong thanh bình, quyết tâm bảo trì và phát huy di sản truyền thống cao quý của Hội Dòng.

- Và cũng trong tâm tình ghi nhớ, chúng con xin tri ân Cha Cố vấn Phi Khanh Vương Đình Khởi, tất cả quý chị Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam. Trên hành trình cuộc sống, được có Cha và Quý Chị đồng hành, đó là niềm hạnh phúc lớn lao.

Cùng với Đại Gia Đình Mến Thánh Giá, chúng con nguyện cầu xin Chúa ban cho Đức Cha Lambert de la Motte vinh dự được Giáo Hội công nhận là gương thánh thiện cho các chủ chăn và đoàn chiên, để tôn vinh Tình Thương và Quyền Năng của Chúa giữa các dân tộc Á Châu.

Tất cả đều là hồng ân Thiên Chúa.

Nguyện Danh Chúa được cả sáng khắp nơi.

Nguyện xin Chúa trả công bội hậu cho Tất cả Quý Vị đã đang và sẽ tận tinh giúp đỡ chúng con.

Nguyện xin ngọn gió Thánh Linh tiếp tục đưa dìu con thuyền Hội Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết về bến Bình An.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Hoàn cảnh lịch sử của việc xây Nhà thờ Lớn Hà Nội
Phong Uyên
00:45 14/03/2008
Hoàn cảnh lịch sử của việc xây Nhà thờ Lớn Hà Nội

Từ hơn hai tháng nay, theo dõi những cuộc tranh luận trên talawas về vụ Công giáo đòi Tòa Khâm và tiếp theo là những tranh cãi về sự kiện Nhà thờ Lớn Hà Nội được xây dựng trên phần đất Chùa Báo Thiên, tôi không khỏi choáng váng vì sự đối chọi nhau giữa những bài có những hàng tít bị coi là “khiêu khích” tuy nội dung từ tốn như “Đừng đánh lạc mục tiêu, đừng đánh tráo chủ đề”, hay “Trò phù phép đánh tráo...” của những tác giả có lập trường “chống”, và những bài phản biện có những hàng tít vô thưởng vô phạt nhưng nội dung lại mang đầy tính cách cáo buộc và hận thù chia rẽ tôn giáo của những tác giả có lập trường “thân”. Nhà thờ Lớn Hà Nội được xây dựng trên phần đất nào, trong hoàn cảnh lịch sử nào, lẽ ra chỉ nên bàn cãi trong mục lịch sử, văn hoá xã hội, đã leo thang và trở thành một điểm nóng chính trị và tôn giáo. Sống ở Paris, nơi tích lũy nhiều tài liệu có thể tham khảo được, tôi thử đứng ngoài mọi lập trường, để chỉ căn cứ vào những tài liệu chính xác, đối chiếu, kiểm chứng những luận chứng trái ngược nhau trong những bài tranh luận kể trên và phân tích một cách khách quan những sự kiện liên quan đến Công giáo đã thật sự xẩy ra trong thời kỳ Pháp đánh chiếm Việt Nam.

Trước hết, theo những tài liệu lịch sử Pháp, tôi có đủ bằng chứng xác nhận là Nhà thờ Lớn Hà Nội được xây dựng trên phần đất có Chùa Báo Thiên.

Nhà thờ Lớn Hà Nội được xây dựng từ năm 1883 và được khánh thành 4 năm sau trong dịp lễ Giáng sinh 1887. Nhà thờ này được xây theo kiểu tân gô-tích phỏng theo kiểu vẽ của Paul Abadie, kiến trúc sư nổi tiếng Âu châu hồi cuối thế kỷ thứ XIX, người chuyên tái thiết và xây dựng nhiều nhà thờ ở Pháp và nhiều nước khác với phong cách độc đáo gọi là tân - Trung cổ. Nhà thờ nổi tiếng nhất mà ông Abadie đã vẽ kiểu là thánh đường Thánh Tâm (la basilique du Sacré Coeur) trên đồi Monmartre. Ai qua Paris cũng thường tới thăm thánh đường này, được xây từ năm 1875 đến năm 1919 mới xong. Nhà thờ Lớn Hà Nội đã phá kỷ lục thời đó về tốc độ xây dựng một nhà thờ – chỉ cần 4 năm, nhờ tiền thu được qua xổ số giữa những người Pháp với nhau. Ở Âu châu thời Trung cổ, xây một nhà thờ phải mấy trăm năm mới xong vì cần nhiều thế hệ góp công góp của.

Tuy nhiên, không có tài liệu nào nói rõ là Nhà thờ Lớn đã được xây đúng chỗ có chính điện của Chùa Báo Thiên hay chỉ trên một phần đất của khu chùa.

Theo những tài liệu tôi thâu thập được thì Chùa Báo Thiên do vua Lý Thánh Tông xây năm 1056–57 để kỷ niệm chiến thắng Chiêm Thành. Chùa còn là một tu viện rất lớn và là nơi Lý Quốc Sư trụ trì. Ngài tu ở chùa Khai Quốc trước khi đến Báo Thiên. Là tu viện tất nhiên phải có nhiều khuông viện (“monastère” trong các tài liệu Pháp) để cho các chú tiểu học đạo, đồng thời đất Chùa Báo Thiên phải rất rộng lớn, không thể chỉ bằng diện tích một ngôi nhà nhỏ 300 mét vuông như ông Lê Quang Vịnh đã khẳng định. Nhà thờ có thể được xây trên một phần đất rộng lớn của Chùa nhưng không nhất thiết ở chỗ có chính điện Chùa. Đây là một chi tiết rất quan trọng vì nếu cố ý phá chính điện Chùa để xây Nhà thờ lên trên thì phải coi đó là một hành động hoàn toàn xấu của các chức sắc Công giáo thời ấy muốn bỉ mặt những người Phật giáo. Tôi chắc là không như vậy vì trước khi xây Nhà thờ Lớn, ở trên khoảng đất đó đã có một nhà thờ bằng gỗ (có hình còn để lại) bị quân Cờ Đen đêm 15-5-1883 đột kích giết giáo dân và đốt cháy (theo nhật ký của Marolles, sĩ quan phụ tá của Henri Rivière viết ngày 16-5-1883). Ngoài ra kế cận Chùa Báo Thiên là phủ Chúa Trịnh khi trước. Phủ Chúa rất rộng lớn gồm nhiều dinh thự hoành tráng hơn dinh thự Vua Lê nhiều. Theo một bản đồ vẽ năm 1770, Phủ Chúa là một hình vuông giới hạn bởi những đường phố Lý Thường Kiệt, Quán Sứ, Nguyễn Gia Thiều, Quang Trung bây giờ (tài liệu Philippe Papin). Năm 1786 Lê Chiêu Thống trả thù cho lệnh đốt Phủ Chúa, “khói lửa ngợp trời 10 ngày đêm liền vẫn còn cháy”. Khu đất Phủ Chúa bị coi là đất “ngụy” không ai được làm nhà, chỉ những kẻ bần cố thây, vô gia cư lén lút làm lều ở. Đất Nhà Chung bây giờ gồm cả đất Toà Khâm có lẽ thuộc về phần đất ngụy bị bỏ trống hồi đó.

Những tài liệu được coi là đáng tin cậy đều khẳng định tình trạng đổ nát của Chùa Báo Thiên và chuyện Tháp Báo Thiên cao 80 mét chỉ là một huyền thuyết.

Chỉ cần trình độ toán lớp 7 cũng đủ biết là phải giầu trí tưởng tượng lắm mới có thể nghĩ Tháp Báo Thiên “cao đến mức bóng tháp soi xuống mặt hồ Hoàn Kiếm”như trong bài viết của một tác giả. Nghĩa là phải cao cả ngàn mét! Tôi cũng không biết theo tài liệu nào mà Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam có thể khẳng định tháp cao 20 trượng tức là 80 mét. Tôi nghĩ có lẽ có sự nhầm mét với thước ta: 80 thước ta bằng chừng 27 mét, cao bằng toà nhà hiện đại 10 tầng. Tôi thấy như vậy đã là cao lắm. Thử so sánh với Tháp Phước Duyên 7 tầng, tượng trưng 7 kiếp của Đức Phật – được xây trong khuôn viên Chùa Thiên Mụ (bằng gạch lấy từ một ngôi đền của người Chàm) dưới thời Thiệu Trị năm 1884 –, cũng chỉ cao 21 mét, bằng toà nhà 7–8 tầng. 80 mét là chiều cao của một cao ốc hiện đại 33 tầng. Ông cha ta đã có kỹ thuật làm cần trục đem gạch đá xây được tháp cao 80 mét cách đây 950 năm thì Tháp Báo Thiên phải sánh ngang 7 kỳ quan thế giới (để thành kỳ quan thứ 8)! Tôi đã đi tham quan nhiều chùa chiền bên Tàu bên Nhật, và tôi không thấy nơi nào có tháp cao tới 40 mét cả. Ngôi tháp nổi tiếng nhất Âu châu là Tháp Pise xây cùng thời với Tháp Báo Thiên (1174–1350), gần 200 năm mới xong, cũng chỉ cao có 54 mét 50. Tháp bị nghiêng vì bằng đá nặng quá đất bị lún dần. Đó là tháp còn được xây ở vị trí đất liền thổ trong thành Pise, chứ Tháp Báo Thiên xây gần sông Hồng trên đất phù sa thời đường kính phải bao nhiêu, nền móng phải sâu đến độ nào, phải bằng loại đá gì mới không bị mòn dần mà sụp đổ?

Tôi cũng không thấy ảnh hay hình vẽ nào về Chùa Báo Thiên trong các tài liệu Pháp, đặc biệt là trong số những ảnh chụp phong cảnh Hà Nội năm 1883 của bác sĩ Hocquard tác giả cuốn Une campagne au Tonkin hồi ấy. Một ngôi chùa to lớn như vậy dù trong tình trạng xuống cấp cũng không thể qua mắt Hocquard, người đã để lại rất nhiều hình ảnh Hà Nội như Chùa Báo Ân, Đền Ngọc Sơn, phố Hàng Bông, phố Hàng Gai, đường vào Đồn Thủy, cửa ô Quan Chưởng v.v... Trong cuốn Lịch sử Hà Nội (Histoire de Hanoi) xuất bản mới đây, Tiến sĩ Philippe Papin, người làm luận án tiến sĩ về Hà Nội và là một nhà Việt Nam học nổi tiếng có viết rất nhiều sách về Việt Nam, nhân viên trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp sống ở Hà Nội từ 15 năm nay, có nói rõ là Chùa Báo Thiên đã bị sụp đổ từ năm 1547 và không được trùng tu lại vì Phật giáo dưới triều Lê không còn được trọng vọng nữa. Đất chùa ban ngày trở thành nơi họp chợ, ban đêm là chỗ tụ tập của những người hành khất co quắp ôm nhau chết lạnh dưới những chõng bán thịt. Khi xây Nhà thờ Lớn, những di tích còn lại đều bị hốt bỏ. Qua những sưu tầm của ông Papin và được chứng nhận bởi những hình ông Hocquard chụp, quanh hồ Hoàn Kiếm trước khi Pháp chiếm đóng Hà Nội chỉ còn hai đền đài: Chùa Báo Ân và Đền Ngọc Sơn. Chùa Báo Ân cũng được gọi là Chùa Liên Trì vì có bể hoa sen được xây dựng bởi Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai năm 1842, gồm 36 toà nhà, rất nhiều stupa [1] và hơn 200 bức tượng bị Pháp phá bỏ năm 1886 để xây Nhà Bưu điện. Khi bị phá, Chùa Báo Ân mới xây được 44 năm nên trong hình Hocquard chụp năm 1883 trông còn mới và không thể coi là cổ được. Theo tôi nghĩ có lẽ ông Nguyễn Đăng Giai làm chùa này để thay thế Chùa Báo Thiên đã bị sụp đổ. Đền Ngọc Sơn cũng chỉ được thi hào Nguyễn Văn Siêu quyên tiền xây lại năm 1865 khi đó cũng chưa có cái cầu nữa. Nghĩa là không có đền đài ở Hà Nội nào mà không phải trùng tu hay xây lại nhiều lắm là 100 năm sau cả. Bởi vậy Chùa Báo Thiên xây cách đây gần 1000 năm mà bị sụp đổ hoàn toàn cũng là đúng. Tôi cũng xin thêm là không có ai lẩn thẩn so sánh một ngôi chùa mới xây 44 năm có hình ảnh rõ ràng như Chùa Báo Ân với một ngôi chùa đã sụp đổ từ 300 năm trước, không biết hình thù ra sao, như ông Lý Khôi Việt đã lí luận trong bài “Về Chùa Báo Thiên...”.

Pháp có cần sự cấu kết của Công giáo để xâm chiếm Việt Nam không?

Phân tích kỹ những lần Pháp can thiệp bằng võ lực vào Việt Nam, chỉ có một lần dưới Đệ nhị Đế chế Napoléon III là có sự hợp tác giữa một giáo chức Pháp, Giám mục Pellerin, và Phó Đề đốc Rigault de Genouilly để đánh Trà Sơn Đà Nẵng. Giám mục Pellerin âm mưu với Rigault de Genouilly, viện cớ cứu giáo dân để có sự ủng hộ của Hoàng hậu Eugénie vợ Napoléon III rất ngoan đạo, đánh Trà Sơn Đà Nẵng ngày 1-9-1858. Tuy cùng một toan tính nhưng mục đích của hai người khác nhau. Giám mục Pellerin muốn đánh để làm áp lực với với Vua Tự Đức, đòi quyền tự do giảng đạo. Còn De Genouilly muốn có một căn cứ cho tàu Pháp tự do thông thương. Pellerin lừa Genouilly nói là giáo dân sẽ nổi lên trợ lực. Rút cục chờ đợi mãi chả có giáo dân nào đến giúp cả và liên quân Pháp - Y Pha Nho bị kẹt cứng ở Trà Sơn 5 tháng. Cho là Pellerin đã nói láo, Genouilly tính bắt giam Pellerin, sau đuổi về Hồng Kông (Taboulet, tr. 438–440) rồi quyết định rút hầu hết quân lính khỏi Trà Sơn đi đánh Sài Gòn. Đó là lần đầu tiên cũng là lần cuối có sự tham dự của giáo sĩ Gia Tô trong việc đánh chiếm nước ta và cũng là một sự kiện chứng tỏ là giáo dân hồi ấy tuy bị tàn sát nhưng cũng không vì thế mà theo Tây phản lại đất nước.

Pháp đánh chiếm Việt Nam với mục đích gì?

Cần phải hiểu là nửa cuối thế kỷ XIX nền kinh tế tư bản các nước Anh, Pháp bắt đầu phát triển, hàng hoá sản xuất cần phải có thị trường tiêu thụ. Thị trường có nhiều triển vọng nhất là Trung Quốc. Nhưng những đầu cầu xâm nhập thị trường Trung Quốc, không kể Hồng Kông, như Quảng Đông và Thượng Hải đều nằm trong tay người Anh. Giới doanh thương Pháp cần phải tìm một con đường mới để xâm nhập thị trường Tàu mà không bị Anh án ngữ. Con đường độc nhất là xuyên qua Việt Nam vào Vân Nam và từ đó có cả một thị trường to lớn là cả miền Tây và miền Nam nước Tàu. Muốn vậy giới doanh thương Pháp phải cấu kết với một lực lượng không những có nhiều phương tiện mà còn có nhiều thế lực về chính trị vì kiêm luôn Bộ Thuộc địa là Hải quân Pháp. So với chiến tranh Pháp - Việt năm 1946 sau này, lịch sử đã diễn ra gần tương tự: từ trận hải chiến Pháp - Việt đầu tiên ở Vịnh Đà Nẵng năm 1847 đến Hoà ước Patenotre mất nước năm 1885, chỉ trong chưa đầy 40 năm nước Pháp đã thay đổi chính thể bốn lần. Chính quyền Pháp ở Paris quá yếu nên bọn hải quân ở Sài Gòn tha hồ lộng quyền. Chỉ từ khi có chế độ Đệ tam Cộng hoà sau 1870, Pháp mới có chính sách thuộc địa rõ ràng. Trớ trêu thay những người cầm đầu chế độ cộng hoà tiến bộ thuộc về phái tả cấp tiến như Gambetta, Jules Ferry lại là những người cổ súy chính sách thuộc địa tuy có thêm chiêu bài “reo rắc văn minh Pháp”. Đa số có chân trong Hội Tam Điểm, chống các giáo đoàn công giáo và cấm không được mở trường dạy học kể cả ở thuộc địa để thế tục hoá nền học vấn. Những nhân vật này cho tới nay vẫn được các đảng tả phái bên Pháp đề cao. Cũng như hồi 1946 “ thực dân” cấu kết với phái tả chứ không phải với Công giáo.

Cũng cần nhắc lại vai trò của Francis Garnier, một sĩ quan hải quân cấp úy trong việc xâm chiếm Việt Nam: Mục đích của tụi đô đốc Pháp khi chiếm Sài Gòn là lấy Sài Gòn làm căn cứ để dùng sông Cửu Long làm đường thông thương qua Tàu. Francis Garnier xung phong đi thám hiểm trước với một vài đồng đội. Phải mất gần hai năm, Garnier mới tới Vân Nam, và người chỉ huy hắn, Trung tá Doudart de Lagrée chết phải kéo xác theo sông Dương Tử đem về. Garnier gặp Jean Dupuis ở bên Tàu, được tên này khuyên con đường tiện nhất là dòng sông Hồng. Francis Garnier kết bè với Dupuis xin hải quân Pháp đi đánh Hà Nội năm 1873 để mở đường thông thương qua Tàu. Từ đó ý đồ xâm lăng của tụi cầm đầu Pháp ở Sài Gòn cứ lớn dần để đi đến chỗ xâm lược toàn cõi Viêt Nam. Vì có công như vậy nên tuy chỉ là một tên đại úy quèn, Francis Garnier cũng được dựng tượng ở chỗ khá sang tại Paris, gần quán La Closerie des Lilas nơi Lénine hay ngồi uống rượu.

Trong chương trình biến Hà Nội thành một thành phố Pháp, thủ đô của Đông Pháp, Giám mục Puginier có đóng vai trò chủ động trong việc xây dựng Nhà thờ Lớn không?

Từ một miếng đất nhỏ bé 5 mẫu ta (chưa đầy 2 hectares) là Đồn Thủy, được nhường cho Pháp năm 1875, Pháp cứ gậm nhấm lần lần và đến năm1888, ép Vua Đồng Khánh phải nhường hoàn toàn cho Pháp Hà Nội và hai thành phố khác là Hải Phòng và Đà Nẵng. Thật ra đó chỉ là trên giấy tờ chứ sau khi Henri Rivière đánh chiếm Hà Nội lần thứ hai năm 1882, Pháp muốn làm mưa làm gió gì ở Hà Nội cũng được. Pháp có truyền thống như người La Mã là một khi là thành phố của mình, Pháp xây dựng lại như một thành phố Pháp. Bởi vậy những người Hà Nội tới một thành phố Pháp không có cảm tưởng lạc lõng vì thấy lại toà thị sảnh, nhà hát thành phố, nhà thờ, nhà bưu điện, nhà ga... cùng một kiểu. Hà Nội còn hơn các thành phố khác của Pháp ở chỗ được chọn làm thủ đô cho toàn cõi Đông Pháp nên có nhiêu công thự nhắc nhở những công thự ở Paris. Nhà hát Lớn Hà Nội cũng hao hao giống Nhà hát Garnier Paris ngay cả về địa thế ở đầu một con đường lớn. So với tất cả những nhà hát lớn của mọi thành phố khác của Pháp, Nhà hát Lớn Hà Nội to đẹp hơn nhiều. Cũng như Nhà thờ Đức Bà ở Paris hai mặt trông ra sông Seine, địa thế Nhà thờ Lớn Hà Nội trông ra hồ Hoàn Kiếm cũng là do sự chọn lựa của kiến trúc sư vẽ kiểu chứ không phải theo ý muốn của Giám mục Puginier. Vì là thủ đô nên những kiến trúc sư, kỹ sư được cử sang xây dựng cũng là những nhân vật đã xây những công thự nổi tiếng ở Paris như Eiffel làm cầu Long Biên chẳng hạn và nhiều nhà, nhiều đường phố cũng được xây dựng phỏng theo kiểu Hausmann như ở Paris.

Kết luận

Tôi đã cố gắng giữ tư cách khách quan để chỉ dựa vào những tài liệu được coi là chính xác ở Paris để kiểm chứng và phân tích những sự kiện đã được nêu ra trong những cuộc tranh luận trên talawas. Chắc có nhiều độc giả đồng tình với tôi là sự kiện Công giáo đòi Toà Khâm không dính líu gì đến sự kiện Nhà thờ Lớn Hà Nội được xây dựng cách đây 111 năm. Nếu cứ cố tình nhập hai sự kiện vào nhau để tranh luận thì tôi thấy những cuộc bàn cãi sẽ sa lầy và không có lối thoát. Tôi thiết tưởng phải nhân cơ hội này mà đòi hỏi chính quyền đưa ra những luật lệ rõ ràng về nhà đất. Đó là vấn đề quan trọng số một liên quan đến đời sống của mỗi người chúng ta.

[1]stupa (tiếng Pháp): tháp có công năng của mộ, chứa hài cốt nhà tu hành. (Chú thích của talawas.)

(Nguồn: Talawas, ngày 11.3.2008)
 
Xin mở rộng lòng cho Công Lý và Tình Thương
Bs Vũ Linh Huy
11:07 14/03/2008
Chuẩn bị Mừng Chuá Phục Sinh

Xin mở rộng lòng cho Công Lý và Tình Thương

Chúng ta đang ở cuối Muà Chay,
Kỷ niệm Chuá ta chết giang tay,
Trần truồng khổ nhục trên Thập Giá,
Để nâng ta dậy xứng kiếp người.

Đền ơn đáp nghiã Chuá sao đây?
Ta lấy tình thương báo nghiã dày
Nâng dậy những người anh em Chuá,
Lầm than cơ cực kiếp đoạ đày.

Ta từng thắp nến thật kiên trì,
Bao ngày sương gió chẳng nề chi,
Tất cả chỉ vì cho Công Lý,
Chứ mảnh đất kia có đáng gì!

Phẩm giá cuả một con người thôi,
So cùng miếng đất gấp mấy mươi,
Lẽ nào ta chỉ vì miếng đất,
Mà quên thân phận những con người!

Xin hãy thắp nến vì Tình Thương,
Rọi sáng Tin Yêu khắp nẻo đường,
Nâng dậy những ai từng gục xuống,
Sống trong tuyệt vọng với chán chường.

Quyết đòi Công Lý, được mới thôi.
Công Lý một khi đã có rồi,
Cuộc sống toàn dân liền đổi khác,
Như đêm tăm tối thấy mặt trời.

Dọn lòng mừng đón Chuá Phục Sinh,
Xin mở lòng ta sống nghiã tình,
Chia sẻ cùng người anh em Chuá,
Cho toàn dân Việt thấy bình minh!

Boston, ngày 13 tháng 3 năm 2008
 
Gợi Ý chỉ cầu nguyện cho Tự Do và Công Lý tại Việt Nam ngày Chúa Nhật Lễ Lá
Hồng Lĩnh
13:18 14/03/2008
Gợi Ý chỉ cầu nguyện cho Tự Do và Công Lý tại Việt Nam ngày Chúa Nhật Lễ Lá

Từ hướng Đông của Thành Jerusalem, qua một đường mòn từ Núi Cây Dầu, với độ cao khoảng sáu mươi mét bên trên thành phố… Chúa Giêsu tiến vào Thành Jerusalem… trên lưng một con lừa, một biểu tượng của sự khiêm hạ, an bình và vương giả. Dân chúng trải áo choàng xuống đường cho lừa của Người bước qua, một cử chỉ đón chào Đức Vua. Có người đã lấy áo choàng phủ lưng lừa cho Người ngồi lên. Đông đảo dân chúng hô to: “Hosanna! Hosanna!” có nghĩa là: “Lạy Đức Chúa, Hãy cứu ngay!”. Dân chúng vẩy chào Người bằng lá thiên tuế trong tay, được dùng trong những lễ hội mừng chiến thắng. Các lãnh đạo Do Thái khó chịu, ra lệnh cho Đức Giêsu phải khiển trách dân chúng vì họ gọi Người là Vua, là Đức Chúa.

Và Chúa Giêsu trả lời rằng: “Tôi bảo thật các ông, nếu họ giữ im lặng thì ngay cả những hòn đá này cũng sẽ khóc lên.”

Nhưng một sự kiện lạ xảy ra, Chúa Giêsu bắt đầu rơi nước mắt khóc thương.
Tại sao một người tiến vào Thành như một Đức Vua mà lại rơi lệ?
Để tâm tiếp cận với Lời Người, chúng ta nghe: “Phải chi ngày hôm nay ngươi biết điều gì sẽ mang lại bình an đến cho ngươi.”

Gợi Ý cầu nguyện:

• Xin cho con người biết mở lòng ra đón nhận Con Thiên Chúa qua Lời Người. Khi thế giới tẩy chay Chúa Giêsu là từ chối Tình Yêu mà Chúa Cha ban tặng, đó là nguồn Hòa Binh đích thực cho nhân loại.

• Xin cho nền Hòa Bình đích thực được triển nở trên đất nước Việt Nam, cho người dân được hưởng nền Tự Do đích thật và được Công lý chiếu soi.
 
Việt Nam Quốc Tự
Vi Anh
22:29 14/03/2008
Việt Nam Quốc Tự

Việt Nam có 4 ngàn năm văn hiến nhưng di tích văn hóa vật chất để lại không nhiều như các nước thuộc văn minh Tây Phương. Có lẽ vì khi xưa vật liệu kiến trúc của người Việt dựa nhiều vào đất nung, gỗ nên đền đài, miếu mạo không kiên cố, không đứng vững với thời gian dài. Chỉ sau này khi gần gũi với văn minh Tây Phương mới có một số kiến trúc kiên cố để đời. Riêng Miền Nam một Nhà Thờ Đức Bà, một chợ Bến Thành, một Bưu Điện Saigon, một con Đường Catinat sau này là Tự Do là biểu tượng của nền văn minh VN có tính bền vững với thời gian như ở Tây Phương. Thời VN độc lập ở Miền Nam, một Việt Nam Quốc Tự, một Dinh Độc Lập, một Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa là tiêu biểu cho vận mạng nước non, đà thịnh suy của một tôn giáo của đại đa số người Việt trong một giai đoạn lịch sử không thể thiếu trong chánh sử VN được. Khác với Miền Bắc, CS Hà nội thần thánh hóa lãnh tụ, thuần phục CS Liên sô, xây "Lăng Bác Hồ" theo kiểu Nga Cộng sản, bảo tồn xác ướp theo kiểu Liên xô.

Vì tính cách biểu tượng đó, Việt Nam Quốc Tự, một danh từ riêng trở thành như danh từ chung mà người dân Miền Nam nghe rất thân thuộc. Không phân biệt tôn giáo như người theo đạo Phật vẫn gọi Nhà Thờ Đức Bà như một danh lam thắng cảnh thiêng liêng của người Việt mình.

Việt Nam Quốc Tự là một công trình kiến trúc vừa tiêu biểu cho mỹ thuật VN và vừa tiêu biểu cho một tôn giáo lớn. Do một kiến trúc sư người Việt vẽ đồ án, đó là Kiến Trúc Sư Ngô Viết Thụ, một kiến trúc sư Việt làm vẽ vang dân Việt trong ngành này ngay ở La Mã. Ông cũng là người vẽ đồ án Dinh Độc Lập đầy ý nghĩa với những tầng và cờ VNCH trên nóc giống chữ Vương tượng trưng cho quyền lãnh đạo quốc gia. Việt Nam Quốc Tự là một ngôi tháp 7 tầng vừa giống cảnh chùa, vừa giống cái tháp mái cong, chạm trổ tinh vi, màu sắc hình ảnh đặc sắc hài hòa với phong cảnh Việt vươn lên bầu trời thường trong xanh, lơ thơ mây trắng của Saigon.

Việt Nam Quốc Tự nằm ở vùng trung tâm của Saigon Chợ lớn, nhập lại thành thủ đô Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam, trên một vùng đất rộng 45 nghìn mét vuông. Ngày đặt viên đá đầu tiên Việt Nam Quốc Tự có Tổng Thống và Thủ Tướng Việt Nam Cộng Hòa, có hầu hết hàng giáo phẩm của Phật Giáo, các tôn giáo bạn chứng giám. Ngày đó là ngày 26.4.1964, lễ cử hành lúc 8 giờ sáng.

Từ ngày CS Hà nội chiếm được Saigon, Việt Nam Quốc Tự đã bị CS cưỡng chiếm. Cơ quan "tiếp thu và quản lý" kiến trúc có tính dân tộc và tôn giáo này là Ủy Ban Nhân Dân Quận 10. CS đã từng bước phàm tục Việt Nam Quốc Tự, cắt một phần đất để làm Nhà Hát Quân 10 và Khu Giải Trí gồm đủ thứ từ ăn nhậu, nhảy đầm, đến ca nhạc, mua bán v.v. khích bên cơ sở tôn nghiêm và biểu tương Việt uy nghi này. Có lúc CS cho nhiều tổ họp sản xuất mướn làm nơi sản xuất và dịch vụ bên trong. Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhứt trực tiếp là Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo trong mấy chục năm qua đã liên tục gởi đơn yêu cầu xin lại khu đất này cho Viện Hóa Đạo nhưng nhà cầm quyền CS cố ý im lặng.

Việc làm của CS Saigon mới đây đối với Việt Nam Quốc Tự còn tồi tệ hơn việc làm của CS Hà nội đối với Tòa Khâm sứ của công Giao La Mã nữa. Ngày 23.2.2008, CS gián tiếp bán toàn bộ đất và kiến trúc Việt Nam Quốc Tự cho tài phiệt Mã Lai. Ủy ban Nhân dân thành phố Saigon mà người CS gọi là Hồ chí Minh đã chính thức trao giấy phép cho Công ty Berjaya Land Bhd (B-Land) thuộc Tập đoàn Berjaya của Mã Lai để xây cất và sử dụng, thành một khu phức hợp kinh tế, tài chánh, thương mại và văn phòng với giá 930 triệu Mỹ kim. Công ty Mã lai này ờ sử dụng diện tích 25,4 ha, dự trù khởi công vào tháng 7/2008 và hoàn thành vào năm 2013.

Đây là hành động triệt hạ Phật Giáo rõ rệt và mạnh bạo nhứt của CS. Bước một, CS lấy công ích để che dấu hành động triệt hạ các tôn giáo nói chung. CS san bằng Nghĩa Trang Mạc đỉnh Chi là nơi an nghỉ nhiều nhân vật Công Giáo, có Cựu Tổng Thống Ngô đình Diệm, để làm Công viên Lê văn Tám. Lấy một phần khu đất của Việt Nam Quốc Tư làm nhà hát, khu giải tri để phám tục hóa biểu tượng của Phật Giáo như nói ở trên. Bây giờ thì triệt tiêụ, lấy đất bán cho tài phiệt ngoại bang. Xe cần cẩu, xe ủi đất, xe trút hậu sẽ phá sập Việt Nam Quốc Tự. Cũng như CS cũng đã kéo sập Tượng Tiếc Thương, bắn phá mà không làm ngả được lưởi Gươm Thiêng, và gỡ đan đậy kiêm tỉnh mộ các tử sĩ VN Cộng Hòa ở nghĩa trang có tính quốc gia là Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, đem về lót cho Bịnh Viện Tử Du có lần CS lên bảng hiệu là "Xưởng Đẻ Thành Phố."

CS cào bằng cả một nên văn hóa Miền Nam, cả một biểu tượng của một tôn giáo lớn như vậy chỉ với lý do viện dẫn giản dị là để "phát triển kinh tế thật nhanh", theo lời của Ô. Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Quận 10. Người ta khó hiểu chữ "thật nhanh" là ý gì của Ông Chủ tịch Quân 10. Phải chăng ý Ong muốn nói, chùa là của bá tánh, "cha chung không ai khóc", không ai chống đối như người CS nghĩ hay không. Nhưng cái lý lẽ mà CS nói đó chỉ là lý do ngoài miệng, bên ngoài. Chớ thực chất “ý đồ" bên trong là bán đất cho Mã Lai giá 930 triệu.

Chân lý là chân lý, lịch sử là lịch sử, không ai có thể thay đổi được. Đối với dân tộc văn minh như Mỹ, những bãi chiến trường trong Chiến Tranh Độc Lập, súng ống của người Anh thực dân, Chiến Tranh Nam Bắc, nơi quân Miền Bắc thua và thắng, cờ quân Miền Nam và thiệt hại quá nặng nề mà Quân Nhựt đã gây ra cho Mỹ tại Trân Châu Cảng trong Thế Chiến 2, người Mỹ trùng tu bảo tồn như cổ tích liệt hạng. Ngân sách quốc gia đài thọ; công chức phụ trách; du khách đến chiêm nghiệm nườm nượp.

Di tích văn hóa vật chất của nền văn minh VN đâu có nhiều. Muốn hay không muốn VN Cộng Hòa cũng là một chế độ. Muốn hay không muốn Phật Giáo cũng là một tôn giáo đóng góp rất lớn trong dòng lịch sử Đệ Nhứt và Đệ Nhị Cộng Hòa, một thời kỳ tư do, dân chủ của nửa nước và nửa dân tộc. Di tích văn hóa dầu sao cũng là một dấu ấn để lại cho người sau chiêm nghiệm. Phá thì dễ và mau, xây khó và lâu lắm và vô cùng tốn kém.

930 triệu Đô la hay 1 tỷ Mỹ Kim đâu có gì đáng kể so với ngân sách quốc gia đứng hàng thứ nhì xuất cảng gạo, đứng hàng thứ hai xuất cảng cà phê, và với số ngoại tệ mạnh hàng chục tỷ mà người Việt hải ngoại gởi về chung qui cũng vào Tổng Ngân Khố nhà nước. Thế mà vì 1 tỷ đó lại đi triệt hạ một biểu tượng của một tôn giáo nhiều người Việt theo nhứt, một tôn giáo gắn liền với lịch sử dân tộc Việt, quả là một tính toán nông cạn. Làm thế là thách đố cả một tôn giáo lớn, một đại đa số người Miền Nam. Chính những người Miền Nam thơ ơ với chánh trị cũng thấy đường lối chánh sách của CS Hà nội là cào bằng văn hóa Miền Nam, cảm thấy kỳ thị Nam Bắc. Chính những chức sắc và Phật tử thân chính cũng đau lòng xót dạ. Ăn làm sao nói làm sao với Đại Hội Phật Giáo Thế Giới sẽ tổ chức tại Hà nội khi mà nhà cầm quyền CS triệt hạ biểu tượng Phật Giáo, đem bán đất cho ngoại bang. Hành động CS Việt Nam triệt tiêu Việt Nam Quốc Tự ở một mức độ nào đó không khác với việc Quân Hồi Giáo quá khích Taliban bắn phá Tượng Phật khắc trên núi hàng nghìn năm ở Afghanistan.

(Nguồn: Vi Anh, Việt Báo, Thứ Sáu, 3/14/2008)
 
Thông Báo
Thông báo của Giáo phận Phan Thiết về một số vụ việc liên quan đến Đức Tin
GM Phaolô Nguyễn Thanh Hoan
11:56 14/03/2008
PHAN THIẾT - Vì có những thắc mắc từ nhiều nơi liên quan đến các Hiện Tượng tại Giáo Phận Phan Thiết.Văn phòng TGM Phan Thiết kính xin gửi đến quí vị “Thông Báo” của ĐGM Giáo Phận Phan Thiết gửi cho các linh mục trong Giáo Phận nhân dịp Tĩnh Tâm Năm 2008 để tham khảo. Văn Phòng TGM Phan Thiết

Tòa Giám Mục Phan Thiết
422 Trần Hưng Đạo – Tp. Phan Thiết
BÌNH THUẬN


THÔNG BÁO

Trong vòng khoảng 5 năm trở lại đây, trên địa bàn giáo phận Phan Thiết chúng ta có xảy ra một số vụ việc liên quan đến Đức tin có nguy cơ ảnh hưởng xấu trên niềm tin, đời sống đạo đức và sự hiệp nhất của các tín hữu Kitô: thí dụ, việc xuất hiện một số người tự cho mình được khải thị, dù chưa bao giờ được sự đồng ý và cho phép của Bản quyền, vẫn tự động công bố và tuyên truyền một số tài liệu mà xét về mặt tín lý không thích hợp với truyền thống xưa nay của Giáo hội (về Chúa Thánh Thần, về Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, về Đức Maria, v.v….); ngoài ra còn có những người tự cho mình có khả năng chữa bệnh bằng cách cầu nguyện và đặt tay trên các “bệnh nhân”(?!)…Những hiện tượng này đã gây khá nhiều xôn xao, thắc mắc nơi các tín hữu trong và cả ngoài Giáo phận.

Vì thế, Giám Mục với trọng trách được giao phó là bảo vệ Đức Tin và Đời sống luân lý, đạo đức, bảo vệ tình trạng hiệp nhất trong Giáo hội, tôi nhận thấy có trách nhiệm phải có tiếng nói về những vụ việc này, hầu có thể giúp cho các tín hữu có những thái độ và chọn lựa thích hợp với Đức Tin, phong hóa và bảo vệ tình trạng Hiệp nhất trong Giáo phận:

A – Liên Quan Đến Những Người Tự Nhận Mình Được Khải Thị:

Thánh Bộ Tín Lý đã đề ra một số tiêu chuẩn để đánh giá “Tư Cách Nhân Vị” của những đương sự như sau:

1. Sự quân bình về mặt tâm lý;
2. Sự lương thiện và ngay thẳng trong đời sống luân lý;
3. Sự thành thực và vâng phục thường xuyên đối với Giáo Quyền;
4. Khả năng trở về với qui luật thông thường của đời sống Đức Tin, v.v…
Dựa vào những tiêu chuẩn trên, Bản quyền Giáo phận tuyên bố không công nhận các đương sự này là những người được khải thị.

B – Liên Quan Đến Những Việc Đặt Tay Và Chữa Bệnh:

1. Tác nhân tạo ra các Phép lạ: Chỉ Thiên Chúa mới là Tác Nhân;
2. Trung gian tạo ra các Phép lạ: Đức Maria, Các Thánh, hay những con người, những đồ vật, những nơi chốn được Thiên Chúa chọn như công cụ hay phương tiện của Ngài, v.v…..

C- Liên Quan Đến Những Gì Được Gọi Là “Phép Lạ”:

Trong ngôn ngữ của Giáo Hội, chỉ được gọi là Phép lạ khi một hành vi do chính “Ngón Tay của Thiên Chúa” thực hiện, và thường trong những trường hợp nằm ngoài khả năng tự nhiên của con người. Tuy nhiên, việc thẩm định đâu là hành vi do “Ngón Tay của Thiên Chúa”, hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Giáo Quyền, sau những kiểm tra hết sức nghiêm nhặt, với thời gian lâu dài, trên cơ sở thần học và khoa học, những trạng thái trước và sau khi xảy ra các hiện tượng đó…

Vì thế, cần phân biệt:

1- Những hiện tượng xảy ra do chính “Bày Tay Thiên Chúa”, thông thường trong những trường hợp nằm ngoài khả năng tự nhiên của con người;
2- Những hiện tượng do Ma quỉ gây ra để mê hoặc và lừa dối con người;
3- Những hiện tượng vốn dĩ thuộc trật tự tự nhiên nằm trong khả năng của tự nhiên mà con người chưa biết tới hoặc chưa nhận ra được những nguyên nhân tự nhiên của chúng…

Dựa vào những tiêu chuẩn và những phân biệt trên, Bản quyền công bố tất cả những lối gọi như “Phép Lạ Mình Thánh Chúa ở Nhà Thờ Tánh Linh (năm 2002)”, “Phép Lạ Trừ Quỉ ở Nhà Thờ Tánh Linh (năm 2002)”, “Phép Lạ Trái Tim Chúa Chảy Máu ở Giáo Xứ Phước An (năm 2007)”, “Phép Lạ Chữa Người Bị Bại Chân ở Giáo xứ Thánh Linh (năm 2007),v.v…” đều không thích hợp và có nguy cơ tạo ra những hiểu lầm ngộ nhận ảnh hưởng không tốt lên đời sống Đức Tin và tinh thần hiệp nhất trong các Giáo xứ và thậm chí cả Giáo phận.
Kính xin quí cha phổ biến và giải thích Thông Báo này cho giáo dân.

Tòa Giám Mục Phan Thiết, ngày 08 tháng 01 năm 2008
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Chim Trên Cành Mùa Đông
Nguyễn T. Hoà
00:13 14/03/2008

CHIM TRÊN CÀNH MÙA ĐÔNG



Ảnh của Nguyễn T. Hoà.

Chim nhớ đường về bên tổ cũ

Chỉ chờ xuôi gió thuận đường bay.

(Trích thơ của Hàn Thiên Lương)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền