Ngày 16-03-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Nên Thánh theo gương Thánh Giuse
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
09:32 16/03/2020
Suy niệm lễ Thánh Giuse Bạn Trăm Năm Đức Maria

(Mt 1, 16. 18-21.24)

Ngày 19 tháng 3, Hội Thánh hoàn vũ hân hoan mừng kính thánh Giuse, bạn trăm năm của Ðức Trinh Nữ Maria, cha nuôi Chúa Giêsu, vị quan thầy khả kính của mình cách trọng thể. Truyền thống bình dân Kitô giáo dành trọn tháng Ba cho thánh Giuse người của Thiên Chúa và đem lòng sùng kính ngài cách đặc biệt.

Điều này thật đẹp lòng Thiên Chúa,“ Vào lúc bình minh của thời đại mới, Chúa đã trao cho thánh Giuse bảo vệ các Mầu Nhiệm Cứu Độ, xin cho Hội Thánh Chúa luôn luôn nhớ lời cầu bầu của thánh nhân …”. Vì thế, “Trong ngày lễ kính thánh Giuse chúng con cùng tung hô, chúc tụng và ca ngợi Cha”.

Xem video và nghe bài giảng

1. Bạn hiền Trinh Nữ

Tin Mừng ghi lại: “ Giuse bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, nên định tâm lìa bỏ bà cách kính đáo” (Mt 1, 19). Ðây là câu chuyện duy nhất trong Tân Ước diễn tả trực tiếp về con người của thánh Giuse, một vị hôn phu không những là người đã giữ đức công bình mà còn trung thành chu toàn mọi bổn phận của một người chồng, người chủ gia đình.

Lần giở lại những trang Tin Mừng có liên quan đến Thánh Giuse, chúng ta có thể khám phá ngay tính cao thượng trượng phu của ngài. Khi hay tin Maria mang thai, Thánh Giuse không bối rối cũng không ẩn trốn. Nhưng ngài chỉ mới toan tính bỏ bà Maria cách kín đáo. Tuy nhiên, ngài không thực hiện ý định đó. Bởi sau khi được sứ thần Thiên Chúa đến mặc khải cho ngài qua giấc mộng: “Mẹ Maria mang thai là bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần”(Mt 1,20), ngài đã không còn “bán tín bán nghi” nữa. Trái lại, tín thác hoàn toàn vào lời của sứ thần, sẵn sàng đón Đức Maria về nhà làm bạn mình và phục vụ với lòng kính trọng, mến yêu.

Như thế, từ khi kết hôn với Đức Maria cho đến biến cố Chúa Giêsu 12 tuổi tại Ðền thờ Giêrusalem, ngài ân cần yêu thương đồng hành trong mọi lúc. Ngài ở cạnh Maria Hiền thê của ngài trong những lúc thanh thản cũng như trong những lúc khó khăn của cuộc sống, trong hành trình đi Bêlem để kiểm tra dân số, và trong những giờ hồi hộp và vui mừng của cuộc sinh hạ; trong lúc bi thảm tị nạn sang Ai Cập và trong cuộc vất vả tìm con tại Ðền Thờ; và rồi trong cuộc sống hằng ngày tại nhà Nazaret, trong phòng làm việc nơi thánh nhân đã dạy nghề cho Chúa Giêsu.

Thánh Giuse đã sống ơn gọi làm chồng của Đức Maria trong thinh lặng, kiên trì và trung tín hoàn toàn, cả khi ngài không hiểu. Ngài biết lắng nghe Thiên Chúa, để cho thánh ý Chúa hướng dẫn, và chính vì thế thánh nhân trở thành người chồng mẫu mực của Đức Maria và người cha tận tụy đối với Chúa Giêsu.

2. Cha nuôi Hài Đồng Giêsu

Con trẻ Giêsu là con của thánh Giuse, vị hôn phu hợp pháp của Mẹ Maria. Vì thế, trong Tin Mừng, cả hai đều được gọi là song thân của Chúa Giêsu (x. Lc 2, 27.41).

Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Mẹ Người mà thánh Luca mô tả: Đức Maria nói “Này cha con và mẹ phải đau khổ tìm con! ” Nhưng Ngài đáp lại: “ Thì tại sao tìm con? Lại còn không biết là con phải ở lại nơi nhà Cha con sao? ” (Lc 2, 48 - 49 ). Những lời của Chúa Giêsu giúp chúng ta hiểu được thiên chức “ làm cha ” của thánh Giuse. Khi gợi lên cho cha mẹ trần gian về việc của Đấng mà Ngài gọi là “Cha con”. Thánh Giuse là cha theo ý Thiên Chúa, vì chính Thiên Chúa mời gọi Giuse cống hiến đời mình phục vụ người Con duy nhất của Chúa Cha, ngài đã trung thành.

3. Nên thánh theo gương thánh Giuse

Ngày hôm nay có biết bao người làm ông nội, ông ngoại, làm bố, với bao trách nhiệm gia đình phải gánh vác. Xem ra họ phải chấp nhận mọi hy sinh vì hạnh phúc của gia đình. Họ mong ước được người vợ và con cái chia sẻ tình thương để bù lại cho những mệt nhọc phải chịu, thì thánh Giuse là mẫu gương sống động cho chính họ học đòi bắt chước, trong vai trò làm chồng cách quảng đại, làm cha gương mẫu và làm chủ gia đình cách tận tụy sáng suốt.

Thật là một cơ hội để những người cha nhìn vào thánh Giuse, mẫu gương tổng hợp tuyệt vời giữa đức tin và lao động, để thánh hoá cuộc sống hằng ngày tuỳ theo bậc sống: “Thánh Giuse là mẫu mực của những người khiêm hạ mà Kitô giáo nâng lên những địa vị cao sang; … Ngài là bằng chứng cho thấy rằng, không cần đến những điều vĩ đại, chỉ cần các nhân đức thông thường, đơn sơ và nhân bản, nhưng phải là những nhân đức đúng nghĩa và chân thực.” Thánh Giuse và Đức Maria đã đưa Chúa Giêsu lên Đền thờ chầu lễ (x. Lc 2, 41- 43). Gia trưởng nên thánh theo gương thánh Giuse giữ ngày Chúa Nhật cùng các ngày lễ buộc. Hình ảnh đôi vợ chồng rắt con đi lễ thật là đẹp.

Người ta quen nói: chồng là đầu gia đình, vợ là trái tim gia đình. Nói đúng hơn: chồng là cả hai, vưa là đầu, vừa là trái tim. Người ta cũng thường ví người chồng giữ vai trò như người lái thuyền là phải đưa thuyền đi đúng hướng, là bảo vệ sự an toàn cho mọi người đi tới hạnh phúc.

Làm đầu là phục vụ, là yêu thương, chứ đâu là được phép bắt vợ phải phục tùng một cách độc đoán. Người chồng trong gia đình thường được coi là đại lượng, không chấp nhặt. Nhưng cũng có hai hạng, có người mặc kệ vợ con, có người chấp nhặt, xét nét vợi con từng ly từng tý. Vợ con không bao giờ có lý.

Giời mày râu chúng ta nên thánh theo gương thánh Giuse về sự thủy trung. Ngày nay có người chồng chung vợ chạ, nhớ chả thèm nem, thì sự thủy trung và tôn trọng nhau càng được đề cao hơn bao giờ hết.

Nên thánh theo gương thánh Giuse trong việc giáo dục đức tin cho con cái. Người làm cha phải trả lại cho Thiên Chúa linh hồn những con cái mà Chúa đã trao phó cho. Cùng với đức tin, tập cho chúng những đức tính tốt, thật thà, vâng lời, trong sạch trong lời nói việc làm. Trước vinh dự cao cả và trách nhiệm nặng nề của người cha, người chồng, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđitô lên tiếng kêu gọi những người chồng: “Hãy cứu lấy các gia đình”: “các gia trưởng sẽ bớt bài bạc, bớt những chén rượu, bớt đi những cuộc vui vô bổ, để làm gương sáng cho con cái về đức tin; để con cái siêng năng cầu nguyện và đến với Chúa khi nhìn vào cha mẹ của mình…”.

Nói đến các ông các anh mà quên các chị các bà e rằng các không cân. Hỡi các bà các chị, mừng lễ thánh Giuse, không chỉ có các ông, các anh noi gương thánh nhân mà thôi. Giáo hội mời gọi chính các bà các chị « phải năng tha thiết khẩn cầu thánh Giuse cứu giúp giữa những điêu linh và cần thiết… không chỉ để bảo vệ chống mọi nguy hiểm, mà ngay cả lúc đang gặp thử thách nặng nề (số 27, 29)». Lúc chồng đi vắng xa nhà, xin thánh Giuse gìn giữ, lúc chồng tội lỗi khô khan, xin ngài trợ giúp. Ngày nay chúng ta vẫn còn có lý do để phó thác mọi người cho Thánh Giuse. (số 31)

Kính xin thánh Giuse từ trời cao phù hộ cho tất cả các người cha và bảo vệ những người làm cha trong gia đình. Nguyện xin thánh Giuse và Mẹ Maria rất thánh, Nữ Vương các gia đình và là Mẹ của Giáo Hội, (nguyện xin hai Ðấng) cầu cùng Chúa cho chúng con được hồng ân chúng con xin. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Thánh Giuse, Người của Thiên Chúa
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
14:55 16/03/2020


Lễ Thánh Giuse 19/3
2 Sm 7,4-5a.12-14a.16; Rm 4,13.16-18.22; Lc 2,41-51a

Trong năm Phụng vụ, Giáo Hội dành hai ngày lễ mừng kính Thánh cả Giuse: ngày 19/3 lễ trọng kính Thánh Giuse và 1/5 lễ Thánh Giuse Thợ. Ngoài ra, Giáo Hội còn dành cả tháng Ba để tôn kính ngài. Tại sao? Xin thưa: vì Thánh Giuse có một vị trí rất quan trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, đồng thời ngài là mẫu gương tuyệt hảo cho các tín hữu noi theo.

Hôm nay, mừng lễ trọng của Thánh Giuse bạn Đức Trinh Nữ, chúng ta không chỉ dừng lại ở việc chiêm ngắm và ngưỡng mộ thánh Giuse. Nhưng điều quan trọng hơn, đó là chúng ta học được điều gì nơi thánh nhân? Tôi thấy có ba điểm rất đặc biệt mà chúng ta có thể học từ ngài, đó là sự công chính, tính nhạy bén và kiên định. Có thể nói đây ba đức tính nổi bật của Thánh Giuse.

1- Thánh Giuse, người công chính

Trong nhà nguyện của học viện thánh Phaolô ở Rôma, có hình Thánh Giuse và bên cạnh có chữ: Ecce Homo jutus – đây là người công chính. Người công chính trở thành tước hiệu riêng của Thánh Giuse. Phúc Âm của Thánh Mátthêu gọi Thánh cả Giuse là “người công chính.”

Theo Kinh Thánh, người công chính là người biết kính sợ Thiên Chúa, người luôn trung thành tuân giữ luật Chúa. Người công chính cũng là người trung tín, hài hòa và yêu thương tha nhân, người sống theo lương tâm ngay thẳng của mình, và biết chu toàn bổn phận của mình cách chu đáo khôn ngoan. Thánh Giuse đã sống tất cả những phẩm chất đó trong tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân.

Tin Mừng hôm nay minh chứng điều đó, khi phải đối diện với một hoàn cảnh rất khó xử, Thánh Giuse phát hiện ra Đức Maria đã có thai trước khi hai người về với nhau (x. Mt 1,16-18). Chúng ta thử đặt mình trong hoàn cảnh của thánh Giuse để hiểu được những khó khăn mà ngài phải đối diện: Giuse phát hiện ra rằng Đức Mẹ có thai, mà tác giả bào thai đó không phải là của mình. Đối với luật Do thái, khi phát hiện một người bạn đời ngoại tình như thế, thì phải ném đá cho đến chết. Vì nó nghịch với đạo lý của Thiên Chúa. Thánh Giuse phải ở trong một tình cảnh rất khó xử. Ngài suy nghĩ, cân nhắc, chọn lựa, và cuối cùng tìm ra giải pháp “đào vi thượng sách,” âm thầm rút lui là tốt nhất. Phải là người công chính lắm mới có sự bình tĩnh và khôn ngoan để vừa trung thành luật Chúa vừa không làm tổn hại đến người bạn đời của mình.

Nhưng Tin Mừng kể tiếp, đang khi định bỏ trốn, thì Thiên Thần Chúa hiện đến trong giấc mơ và giải thích cho Giuse biết: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,20-23). Giuse bỏ ý riêng mà tuân theo ý Thiên Chúa và làm theo lời Thiên Thần truyền. Ngài đón nhận Maria về nhà mình để chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện. Giuse đúng là người công chính, trung thành với Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Vì thế, ngài được gọi là người công chính của Thiên Chúa.

2- Thánh Giuse là người nhạy bén

Kinh Thánh kể về việc gia đình Thánh Gia gặp khó khăn, Thánh Giuse được Thiên Thần báo trong giấc mơ: “Hãy chỗi dậy đem Hài nhi và mẹ Ngài mà trốn qua Ai Cập (Mt 2,13). Chúng ta suy nghĩ xem: Thiên Thần không hiện ra cách tỏ tường, giữa ban ngày để nói với Giuse, nhưng chỉ báo trong giấc mơ. Nhưng Giuse đã đón nhận được ý của Thiên Chúa và lên đường đưa Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập. Điều này minh chứng rằng thánh Giuse phải là người rất nhạy bén với thánh ý Thiên Chúa mới làm được như thế. Giuse phải là người có cặp mắt Đức tin rất sáng mới nhận ra tiếng Chúa. Một khi đã xác định đó là ý Chúa muốn, Giuse thực hiện như lời Thiên Thần báo.

Ngày hôm nay, khi sống trong thời đại toàn cầu hóa, chúng ta có nguy cơ bị chìm ngập trong các thông tin của điện thoại, internet, tivi, radio, báo chí v.v… Có quá nhiều thông tin và tiếng ồn ào khác nhau làm cho chúng ta trở nên bận rộn, mất khả năng thinh lặng để phân định thánh ý của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình. Chúng ta có nguy cơ đánh mất khả năng nhạy bén với tiếng của Thiên Chúa hay “những dấu chỉ của Thiên Chúa” gửi đến với chúng ta.

Vì thế, chúng ta được mời gọi hãy học nơi thánh cả Giuse về sự biết nhạy bén để lắng nghe tiếng Chúa giữa bao tiếng ồn ào khác của cuộc sống hôm nay. Chúng ta hãy học nơi thánh Giuse về sự mau mắn nhận biết thánh ý của Thiên Chúa, những hoạt động của Người và mau mắn thi hành trong đời sống chúng ta.

3- Thánh Giuse, người rất kiên định

Việc thực thi thánh ý của Thiên Chúa luôn đòi hỏi phải trả giá và phải đối diện với những khó khăn. Thời đó, chưa có ô tô, máy bay, tàu hỏa, nên phải di chuyển bằng lừa, ngựa qua sa mạc, thời tiết rất khắc nghiệt. Nhưng Giuse bất chấp mọi khó khăn, không hề bỏ cuộc, vẫn kiên trì, kiên định và thực hiện cho đến cùng lời Chúa căn dặn theo kế hoạch của Người.

Trong cuộc sống mỗi người, khi thi hành một sứ vụ mà Chúa và Giáo Hội giao phó, chúng ta thường hăng hái khi “thuận buồm xuôi gió,” nhưng lại rất dễ thất vọng, nản chí, bỏ cuộc khi phải đối diện với những khó khăn, thử thách. Chúng ta hãy học nơi thánh Giuse đức tính này để chúng ta biết kiên nhẫn và kiên định trong sứ vụ của mình và cố gắng chu toàn sứ vụ đó theo sự an bài của Thiên Chúa.

Như thế, sự công chính, tính nhạy bén và sự kiên định của thánh Giuse là những nhân đức sáng ngời mà mỗi người Kitô hữu chúng ta cần học và rèn luyện để có thể trở thành một người công chính trước mặt Thiên Chúa và tha nhân. Nhờ lời bầu cử đắc lực của Thánh Giuse, xin Chúa chúc lành cho tất cả mỗi người chúng ta. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Thánh Giuse - Mẫu gương gia trưởng
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
20:40 16/03/2020


Ngày nay, khi nói đến từ “gia trưởng”, người ta thường nghĩ ngay đến một người đàn ông độc đoán, cứng nhắc, kiêu ngạo, áp đặt ý chí của mình lên người khác! Thật ra bản thân “gia trưởng” chỉ có nghĩa là người chủ gia đình.

Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình có yên ấm hạnh phúc thì xã hội mới ổn định, đất nước mới hưng thịnh. Ngược lại, gia đình lục đục khiến xã hội rối ren, đất nước chậm phát triển.

Con người không thể sống cô độc, nhưng cần thiết phải biết nương tựa vào nhau. Khi chung sống quây quần bên nhau, cần có người đứng đầu, lãnh đạo. Gia đình cũng thế, trong lịch sử có những bộ tộc, dân tộc theo chế độ mẫu hệ dành vị trí này cho người phụ nữ. Nhưng thông thường – cũng như trong gia đình truyền thống Việt Nam - vị trí quan trọng này được dành cho người đàn ông, người cha trong gia đình.
Tùy theo nhận thức, trình độ học vấn, quan hệ xã hội … mà người gia trưởng khi điều hành gia đình được (hoặc bị) đánh giá tốt hoặc xấu. Quan niệm “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” đều bắt nguồn từ việc “tu thân”, nghĩa là việc tu dưỡng đạo đức. Nhiều gia trưởng quá say mê trong việc hành xử quyền gia trưởng, quên việc tu thân nên đã vô tình tạo tiếng xấu cho từ “gia trưởng”.

Nhưng tu thân như thế nào thi tùy theo quan điểm tôn giáo, tín ngưỡng cũng như nhiều lãnh vực khác nhau. Đối với các gia trưởng Công Giáo, mẫu gương tu thân tuyệt vời của Thánh Giuse, bạn trăm năm Đức Maria, đáng để chúng ta suy gẫm và thực hành. Ngài đã sống một cuộc đời bình thường của một gia trưởng, cầu nguyện và lao động để bảo vệ, nuôi dưỡng gia đình Nazaret.

Thánh nhân đã cầu nguyện liên lỉ suốt cuộc đời. Ngài luôn kết hiệp mật thiết với Chúa, đặc biệt là những khi gia đình thánh gặp phải sóng gió. Nhờ đó ngài luôn nhận ra thánh ý Chúa và mau mắn thi hành. Khi lo âu buồn phiền, khi mừng vui hoan hỉ, Giuse đều chạy đến cầu nguyện với Chúa để đón nhận thánh ý của Người.

Trong công việc thợ mộc, thánh Giuse tiếp xúc với nhiều người, làm những việc khác nhau tại xưởng nhà cũng như tại bất cứ nơi đâu người ta gọi tới. Dù có phải lao động đầu tắt mặt tối, đổ mồ hôi sôi nước mắt, …. Ngài vẫn không ngừng luyện tập để sống có trách nhiệm và đạo đức, luôn chọn những điều có ích cho người khác để làm gương cho “cậu bé” Giêsu.

Trong xã hội hiện đại, vai trò gia trưởng được thể hiện đa dạng và có nhiều thử thách khắc nghiệt hơn. Thật khó để chu toàn nhiệm vụ lãnh đạo, điều hành gia đình mà không bị mang tiếng là có “thói gia trưởng”. Có người nói rằng một người chồng tốt có thể là người cha tốt, nhưng một người cha tốt chưa chắc đã phải là một người chồng tốt và cả hai trường hợp chưa chắc đã là một gia trưởng tốt!

Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi yết kiến chung ngày 28/1/2015 đã than phiền: “Thật buồn là trong xã hội hiện nay, chúng ta đang trải nghiệm một cuộc khủng hoảng nơi cương vị làm cha. Trong quá khứ, thông lệ phổ biến là nhận thức về hình ảnh người cha như là một người độc tài và đôi khi hà khắc; còn ngày nay, chúng ta có cảm tưởng về một sự không chắc chắn và lẫn lộn nơi vai trò của người cha”. Ngài kêu gọi những người làm cha phải có trách nhiệm, và cho rằng những bậc làm cha cần thiết phải nên như mẫu gương và là người hướng dẫn cho con cái trong sự khôn ngoan và đạo đức.

Xin Thánh Giuse - bạn trăm năm Đức Maria - phù hộ cho bậc gia trưởng. Để họ có thể xây dựng gia đình mình thành cộng đoàn thờ phượng, ngôi nhà hiệp thông, mái ấm nuôi dưỡng và phát triển tình yêu khi thi hành những trách nhiệm là chồng, làm cha và làm chủ gia đình. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha dâng lễ cầu xin cho các gia đình tìm được cách thế mới để yêu thương nhau
Đặng Tự Do
06:11 16/03/2020
Lúc 7 sáng Thứ Hai 16 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ này, ngài cầu nguyện cách riêng cho các gia đình, xin Chúa ban ơn khôn ngoan cho các gia đình để các thành viên trong cùng một mái nhà có thể tìm ra những cách thế mới để thể hiện tình yêu trong tình huống khó khăn này.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

“Tôi đang nghĩ về những gia đình đang bị cô lập chung với nhau trong những ngày này. Xin Chúa giúp họ khám phá những cách thức mới, những cách thể hiện tình yêu mới, để sống cùng nhau trong tình huống mới này. Đó là một cơ hội đẹp để khám phá lại tình cảm gia đình. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các gia đình để các mối quan hệ trong gia đình vào lúc này có thể luôn phát triển tốt đẹp.”

Bài giảng của Đức Thánh Cha để tập trung vào bài Tin Mừng trong ngày mô tả phản ứng của dân chúng đối với Chúa Giêsu trong hội đường thành Nadarét.

Phúc Âm: Lc 4, 24-30

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi Chúa Giêsu đến thành Nadarét, Ngài nói với dân chúng tụ họp trong hội đường rằng: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, chẳng có một tiên tri nào được tiếp đón tử tế ở quê hương mình. Ta bảo các ngươi, chắc hẳn trong thời Elia có nhiều bà goá ở Israel, khi trời hạn hán và một nạn đói lớn hoành hành khắp nước suốt ba năm sáu tháng, nhưng Elia không được sai đến với một người nào trong bọn họ, mà chỉ được sai đến với một bà goá ở Sarépta xứ Siđôn thôi. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, nhưng không một người nào trong bọn họ được chữa lành, mà chỉ có Naaman, người Syria”.

Vừa nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, đẩy Người ra khỏi thành và dẫn Người đến một triền đồi, nơi họ xây thành, để xô Người xuống vực. Nhưng Người tiến qua giữa họ mà đi.


Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Có hai sự phẫn nộ thể hiện cả trong Bài đọc thứ Nhất và trong Bài Tin Mừng. Lúc đầu, những người trong hội đường thích những gì Chúa Giêsu nói. Nhưng khi họ tự hỏi lẫn nhau “ông ta học trường đại học nào? Đây là con trai bà Maria và ông Giuse mà... Ông ta chỉ là một người thợ mộc... Ông ta có thể nói gì với chúng ta nào?” Họ trở nên phẫn nộ đến mức họ dùng đến bạo lực thể xác. Trong Bài đọc Một, ông Naaman cũng vậy, ông trở nên phẫn nộ khi tiên tri Elisha đề nghị ông ta tắm bảy lần trong dòng sông Giođan. Phản ứng của ông dẫn ông đến hình thức bạo lực bằng lời nói. Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét: “Sự phẫn nộ luôn dẫn đến bạo lực hoặc bằng thể chất hoặc bằng lời nói”.

Ngài đặt câu hỏi:

Cả ông Naaman và người dân thành Nadarét đều là “người tốt”. Điều gì đằng sau những người tốt này khiến họ phản ứng phẫn nộ?

Theo Đức Thánh Cha, ý tưởng của họ về Thiên Chúa theo đó “Thiên Chúa chỉ biểu lộ chính Ngài qua những điều phi thường, thông qua những điều ngoại thường, rằng Thiên Chúa không thể hành động thông qua những điều bình thường, những gì là đơn sơ trong cuộc sống”.

Sự phẫn nộ thể hiện trong cả hai bài đọc là một phản ứng chống lại sự đơn sơ.

“Họ khinh miệt những điều đơn sơ. Nhưng Thiên Chúa của chúng ta làm cho chúng ta hiểu rằng Ngài luôn hành động thông qua những điều đơn sơ: sự bình dị của ngôi nhà Nadarét... sự đơn sơ của công việc hàng ngày... sự đơn sơ của lời cầu nguyện... những điều giản dị. Thay vào đó, tinh thần thế gian đẩy chúng ta về phía phù phiếm, hướng tới vẻ bề ngoài. Cả ông Naaman và dân Nadarét kết thúc bằng bạo lực. Naaman, người rất có học thức, đóng sầm cửa vào mặt tiên tri và quay lưng – đó là bạo lực, một hành động bạo lực. Những người trong hội đường bắt đầu trở nên giận dữ và điên lên, họ đi đến quyết định giết Chúa Giêsu, đồng thanh, họ đẩy Người ra khỏi thành và dẫn Người đến một triền đồi, nơi họ xây thành, để xô Người xuống vực.

Những người kiêu căng dễ trở nên phẫn nộ, nhưng Đức Thánh Cha lưu ý rằng thật ra kẻ kiêu căng rất nghèo về tinh thần. Người kiêu hãnh chỉ sống với ảo tưởng là họ tốt hơn, hay hơn, lành thánh hơn những gì họ thực sự là. Nhiều lần những người này cần trở nên phẫn nộ để cảm thấy rằng họ là một người nào đó có thế giá.

Để kết luận, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta suy nghĩ về “sự phẫn nộ của người dân trong hội đường của Nadarét và ông Namaan” là kết quả của việc họ “không hiểu được sự đơn sơ của Thiên Chúa chúng ta”.


Source:Vatican News
 
Bãi bỏ các buổi phụng vụ công cộng có thể có những hệ quả tiêu cực tiềm ẩn
Vũ Văn An
19:32 16/03/2020
Trong các tin tức dồn dập về đại dịch COVID-19, hôm nay, người ta đọc được tin vui đó là việc chính phủ Mỹ bắt đầu cho thử nghiệm thuốc chích ngừa đại dịch này.

Tin vui

Theo Zeke Miller (AP) vừa tường trình rằng người tham gia đầu tiên trong thử nghiệm lâm sàng thuốc chích phòng ngừa COVID-19 sẽ nhận được liều chích thử vào hôm thứ Hai, 16 tháng 3. Viện Y Tế Quốc Gia tài trợ việc thử nghiệm này diễn ra tại Viện Nghiên cứu Sức Khoẻ Thường Trực Kaiser của [Tiểu Bang] Washington ở Seattle.



Tuy nhiên, việc thử nghiệm này sẽ kéo dài từ 1 năm đến 18 tháng mới có thể chứng nghiệm trọn vẹn bất cứ thứ thuốc chích nào. Việc thử nghiệm này sẽ bắt đầu với 45 thiện nguyện viên trẻ, khỏe mạnh với các liều lượng khác nhau. Những người này sẽ không gặp nguy cơ mang bệnh vì họ vốn không mang vi khuẩn COVID-19. Mục đích chỉ để kiểm soát xem chất thuốc này có gây biến chứng gì cho con người hay không trước khi được sử dụng rộng rãi.

A.P. cũng cho hay nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới đang chạy đua trong việc chế tạo loại thuốc chích này: họ nghiên cứu nhiều loại thuốc chích khác nhau bằng các kỹ thuật mới không những mang lại các loại thuốc vừa sản xuất nhanh hơn vừa mạnh hơn. Có những trung tâm đang tập chú vào việc sản xuất các thuốc chích tạm thời, hữu hiệu trong vòng vài ba tháng trong khi chờ sản xuất các loại thuốc có hiệu lực dài hạn hơn.

Tổng thống Donald Trump đặc biệt thúc đẩy việc sản xuất này và ông hy vọng sẽ được thấy loại thuốc chích này một ngày “khá gần đây”.

Một tin vui khác là các nhà chuyên môn cho biết: đối với phần lớn người ta, con vi khuẩn mới này chỉ gây các triệu chứng nhẹ đến trung bình, như nóng lạnh và ho. Đối với người cao tuổi và người có các vấn đề sức khỏe sẵn, thì nặng hơn, có thể gây viêm phổi. Đại đa số người mắc bệnh đã được chữa khỏi. Theo WHO, những người mắc bệnh nhẹ thường khỏi trong 2 tuần, trong khi những người mang bệnh nặng cần từ 3 tới 6 tuần lễ để bình phục.

Phương thuốc tâm linh

Về phương diện cứu chữa tâm linh, Tiến sĩ Stephen D. Minnis, chủ tịch Cao Đẳng Benedictine ở Kansas vừa phát động tuần 9 ngày cầu nguyện cho CODID-19 chấm dứt.

Phù hợp với khẩu hiệu của mình là “Làm việc và Cầu nguyện”, Cao đẳng Benedictine vừa hợp tác với các viên chức y tế của Kansas, các nhà cầm quyền của Atchison và Toán Đặc Nhiệm Liên Khoa vốn sinh hoạt hàng ngày, vừa chạy đến với Đức Mẹ Núi Berico xin ngài cầu bầu cho việc nhanh chóng ngăn chặn việc lây lan của COVID-19 và che chở mọi người, qua tuần 9 ngày bắt đầu từ ngày 14 tháng 3.

Lời kinh trong dịp này:

“Lạy Maria, Nữ Trinh rất thánh, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ con, con cám ơn Mẹ đã đoái thương hiện ra trên Núi Berico và con cám ơn Mẹ về mọi ơn phúc Mẹ ban phát ở đây cho nhửng ai chạy đến với Mẹ. Không ai cầu xin Mẹ mà vô ích bao giờ. Con cũng thế, con xin chạy đến cùng Mẹ và cầu xin Mẹ vì cuộc Khổ Nạn và Cái Chết của Chúa Giêsu và vì các đau đớn của Mẹ: lạy Mẹ nhân từ, xin Mẹ đón nhận con dưới tà áo Mẹ, vốn là tà áo mẫu thân; xin Mẹ ban cho con ơn đặc biệt này [thêm lời cầu xin của bạn ở đây] và che chở con khỏi mọi sự dữ nhất là khỏi tội lỗi vốn là sự dữ lớn lao hơn cả.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ con, xin Mẹ làm cho con luôn được hưởng sự che chở thương yêu của Mẹ ở đời này và nhất là trong lúc sinh thì và sau đó được thấy Mẹ trên thiên đàng để cám ơn và chúc tụng Mẹ muôn đời. Amen”.



Tin không vui

Tin không vui lẽ dĩ nhiên là việc đóng cửa nhiều nhà thờ và nhất là không cử hành các Thánh Lễ công cộng kẻ cả thánh lễ Chúa Nhật và lễ cực trọng như các cử hành tam nhật Phục sinh.

Dù các biện pháp ấy được đại đa số giáo dân ủng hộ để ngăn chặn sự lây lan nhanh như chớp của COVID-19, nhưng không thiếu người cảm thấy biện pháp ấy kỳ lạ.

Ký giả John Allen của tờ Crux đại diện cho nhóm người ấy. Trong bài nhận định tựa là “Hullabaloo about Holy Week, the pope’s team pushes back, and life in the catacombs”, ký giả này kết luận rằng “Thế nhưng, trong một xã hội mà đạo Công Giáo bàng bạc nhất trên thế giới, ngay trong sân nhà của Đức Giáo Hoàng nơi việc cầu nguyện và thờ phượng Công Giáo luôn nằm ở tâm điểm việc đáp ứng bất cứ cuộc khủng hoảng nào, sự kiện thậm chí bạn phải ưu tư về những điều như thế... quả thực, chưa từng có, hơi gây mất nhuệ khí, và đơn thuần hết sức kỳ lạ”.

Ký giả trên cho rằng người Công Giáo bị ảnh hưởng bời COVID-19 cùng một cách y hệt mọi người khác, nhưng Giáo Hội vốn độc lập (sui generis) nên cách Giáo Hội phản ứng nó sẽ có những hệ luận độc đáo đối với đời sống mình. Trong một số trường hợp, nhiều khuôn mẫu lâu đời được lặp lại, nhưng trong nhiều trường hợp khác, sự sợ hãi đang tạo ra nhiều nghịch lý chưa từng có.

John Allen không hẳn giải thích các nghịch lý cho bằng lưu ý một số điều “kỳ lạ”. Một trong kỳ lạ ấy là việc loan báo hủy bỏ việc giáo dân tham dự trực tiếp các lễ nghi phụng vụ tuần thánh của Đức Giáo Hoàng diễn ra tại Nhà Thờ Thánh Phêrô. Thông báo này không do cơ quan nào khác thông báo mà là do Phủ Giáo Hoàng (Prefecture of the Papal Household), một cơ quan lo việc hậu cần cho các biến cố công cộng có Đức Giáo Hoàng hiện diện.

Thông báo ấy được Vatican News đăng tải trên trang Facebook và từ đó, các hãng thông tấn đã lấy và phát tán đi. John Allen, trong tư cách một ký giả lâu năm có mặt ở Vatican, hết sức ngạc nhiên khi “một tin tức rõ ràng quan trọng như thế đã được loan báo không bằng một thông cáo chính thức nhưng trong một trang mạng của một cơ quan chỉ được công chúng tham khảo để nhận vé yết kiến Đức Giáo Hoàng”.

Mãi đến sáng sớm Chúa Nhật, thông báo trên mới được phát ngôn viên Tòa Thánh Matteo Bruni xác nhận.

Điều “kỳ lạ” thứ hai là việc đóng cửa rồi mở cửa lại các nhà thờ ở Rôma, có thể do Đức Giáo Hoàng Phanxicô can thiệp. Điều đáng lưu ý, là cùng ngày hôm ấy, một tin nhắn dài đăng trên WhatsApp bởi Cha Yoannis Lahzi Gaid, một linh mục Công Giáo theo nghi thức Coptic, hiện là thư ký riêng của Đức Phanxicô, ngỏ cùng các linh mục bạn ở Rôma. Hình thức thông báo hạn chế này có thể cho thấy vị thứ ký riêng này, bề ngoài, không dám công khai “nói ngược” bề trên trực tiếp của mình. Nhưng ai cũng tin ngài phản ảnh tâm tư của xếp lớn.

Đừng bỏ rơi dân Chúa

Đại cương tin nhắn của ngài là xin các linh mục đừng bỏ nhiệm sở của mình. Ngài viết “tôi nghĩ đến những người chắc chắn sẽ rời bỏ Giáo Hội, khi cơn ác mộng này qua đi, vì Giáo Hội đã bỏ rơi họ”. Ngài viết thêm “mong sao đừng có ai nói bao giờ rằng ‘tôi sẽ không vào một Giáo Hội vốn không đến với tôi khi tôi cần đến’”.

John Allen cho rằng lập trường trên không khỏi gây tranh cãi. Vì khuyến khích các linh mục bất chấp lệnh cấm di chuyển không những nguy hiểm cho chính mạng sống các ngài mà còn gây nguy hiểm cho nhiều người khác. Tuy nhiên, vẫn có những người nhấn mạnh rằng nếu Giáo Hội tin điều mình nói về Phép Thánh Thể, nếu Giáo Hội tin rằng người ta cần được săn sóc về tâm linh cũng nhiều như cần thuốc men và an toàn, thì các linh mục phải ở ngoài kia giống các bác sĩ và cảnh sát.

Và đó là điều Đức Phanxicô làm hôm Chúa Nhật khi cuốc bộ bên ngoài Vatican để thăm Nhà Thờ Đức Bà Cả và Nhà Thờ San Marcello để cầu nguyện cho việc chấm dứt COVID-19. Trái với nhiều người cho là ngài “thẫn thờ”, thực sự đây là một hành vi cố ý của một cụ già 83 tuổi, chân đi không vững, vẫn hy sinh cuốc bộ để nghĩ tới người khác trong lời cầu nguyện tha thiết với Đức Mẹ, phù hợp với chính lời khuyên của ngài với các linh mục trước đó vài ngày: đừng bỏ rơi con chiên, hãy đến với họ trong cơn đại dịch này. Thực tế, Đức Giáo Hoàng đã không tuân lệnh chính phủ Ý trong chiến dịch #iorestoacasa, “tôi ở lại trong nhà”.

Tóm lại, dù cố gắng tuân thủ các biện pháp phòng ngừa việc lây lan của COVID-19, Đức Phanxicô đồng thời muốn cho mọi người thấy Giáo Hội sẵn sàng làm mọi cách để chứng minh mình vẫn gần gũi với dân Chúa, những người cần sự gần gũi này hơn bao giờ hết giữa nạn đại dịch COVID-19 đầy khủng khiếp hãi hùng.

Trong chiều hướng ấy, John Allen thuật lại một trường hợp trong đó, cha xứ của một nhà thờ gần Vatican đã rỉ tai việc ngài sẽ cử hành thánh lễ Chúa Nhật vào buổi sáng, ai muốn tới thì tới. Vợ chồng Allen đã tới. Sau đó, họ tính nếu bị cảnh sát hạch hỏi lý do, họ sẽ nói là đi thăm một người bạn không thể đi ra ngoài và cần người giúp nấu cho một bữa ăn.

Một cách khác để ứng xử trong thời đại dịch COVID-19 được Shaun McAfee (Our Sunday Visitor) trình bầy, qua việc tham dự thánh lễ kiểu ông gọi là “Corona Ordo”. Ai cũng biết hình thức thông thường để cử hành Thánh Lễ được gọi là “Novus Ordo”. Hình thức McAfe nói ở đây diễn ra như sau: tham dự Thánh Lễ cử hành trong nhà thờ nhưng được trực tiếp truyền hình trên Facebook (“Facebook livestream”) cho mọi người ngồi trong xe ở một công viên hay một chỗ nào gần nhà thờ tham dự, đến phần rước lễ, từng người một vào nhà thờ rước lễ từ tay linh mục.

Việc này vẫn trái với chiến dịch #iorestoacasa “tôi ở lại trong nhà” của chính phủ Ý. Nhưng có thể áp dụng tại nhiều nơi khác. Hoa Kỳ chẳng hạn, nay đã giảm số người tụ tập nơi công cộng từ 250 xuống còn 50. Úc thì vẫn duy trì con số này ở mức 500 người. Con số này không ảnh hưởng gì tới giáo xứ Regina Coeli của tôi, vì mỗi thánh lễ cuối tuần (3 thánh lễ) ở đây chỉ được tham dự bởi tối đa 200 giáo dân.

Dĩ nhiên, số người có thể tụ tập ở một địa điểm có thể còn thay đổi nữa. Hình thức “Corona Ordo” có thể hữu ích. Hy vọng các Giáo Hội địa phương sẽ tìm được nhiều phương thức thích đáng khác để tiếp tục gần gũi với dân Chúa giữa lúc họ cần đến Giáo Hội hơn bao giờ hết.
 
Văn Hóa
Chút tản mạn về virus corona
Lm Louis Kim Nguyễn
20:33 16/03/2020
Chút tản mạn về virus corona

Dịch bệnh corona virus hay Covid-19 đã xảy ra, trong những ngày này chúng ta đang sống trong tâm trạng thắc thỏm, lo âu, sợ hãi. Chỉ cần lướt qua các trang mạng, theo dõi các bản tin cập nhật hẳn sẽ thấy điều này. Con virus bé xíu không thể thấy bằng mắt thường thế mà tác hại thật ghê gớm khi lấy đi sinh mạng bao nhiêu con người, rồi tốc độ lây lan nhanh chóng mặt, mạnh như vũ bão, tác hại tàn sát của chúng như không có giới hạn, khắp nơi trên thế giới đâu đâu cũng có báo động về tình trạng lây nhiễm. Ảnh hưởng của nó trên kinh tế, chính trị và văn hóa của mỗi quốc gia và của thế giới chắc chắn không nhỏ và sau này người ta sẽ còn mất nhiều công sức, giấy mực để luận bàn về tác hại và hậu quả của chúng.

Tôi muốn chia sẻ cùng bạn một vài suy tư nho nhỏ của mình trong bài viết này, và mong giúp bạn có một cái nhìn khác nữa liên quan đến dịch bệnh Covid-19 bên cạnh những gì chúng ta đang thấy, nghe, đọc trong những ngày này.

Xin được nhắc lại, con virus nhỏ xíu, chẳng thể nhìn thấy nó, thế nên làm sao tránh? Nó lao vào con người, nó nằm lỳ trong cơ thể vật chủ gọi là ủ bệnh, rồi bỗng dưng nó vùng lên, quật ngã, giết chết vật chủ mà nó sống ký sinh trước đó mấy ngày. Cũng rất rồi âm thầm, chẳng ai biết chính xác là lúc nào, nó lây lan, phát tán sang những người bên cạnh, tiếp tục cuộc sống ký sinh rồi giết tiếp những nạn nhân vô tội ấy. Con số nạn nhân của nó được kể là gia tăng theo cấp số nhân. Nó đích thị là kẻ hủy diệt, là nguyên nhân diệt chủng và gây hoang mang lòng người.

Đại họa, vâng, đại họa thật sự. Trên thế giới hầu như đâu cũng báo động đỏ. Chỉ thị từ các văn phòng tổng thống, thủ tướng, văn phòng chính phủ, từ các phòng ban y tế, từ các sở ngành... phát ra liên tục, khuyến cáo, yêu cầu người dân tuân thủ nghiêm ngặt những quy định liên quan đến đối phó với dịch bệnh corona virus...

Trên báo chí, truyền hình, phát thanh, trên các trang mạng xã hội facebook người ta liên tục đưa ra các số liệu cập nhật mới nhất, các dự báo, các lời khuyên, các câu chuyện buồn liên quan đến con virua tai quái này, tất cả chỉ vẽ nên một bức tranh buồn và u ám thêm bởi sau khi nghe các tin tức cập nhật ấy người dân càng thêm hoang mang và lo lắng. Tại nhiều cửa hàng, siêu thị các thứ hàng hóa, thực phẩm được tiêu thụ một cách nhanh chóng khiến tình hình càng trở nên hỗn đoạn, rối loạn hơn.

Trường học, nhà dưỡng lão, thư viện, nhà hàng, các cửa tiệm buôn bán lớn nhỏ, các chức động hoạt thể thao... nơi có tụ họp đông người đều bị hủy bỏ. Xã hội đang náo loạn tính theo từng giờ, từng phút.

Với tôn giáo cũng thế. Từ các nguồn thông tin khác nhau, chúng ta thấy nhiều giáo phận, nhiều nhà thờ trên thế giới, nơi tụ họp các thành phần dân Chúa để cử hành các buổi phụng tự cũng đã phải đóng cửa. Bắt đầu là tại Hàn Quốc, rồi lan rộng ra các nơi khác nhau trên thế giới. Tại Roma, thủ phủ của Giáo hội cũng vậy. Các sinh hoạt văn phòng của các Bộ trực thuộc Tòa Thánh tuy vẫn hoạt động bình thường nhưng việc tụ họp thờ phượng hay các sinh hoạt đại trào với sự xuất hiện của Đức Thánh Cha đã bị tạm thời đình chỉ. Thật là đáng buồn và đáng lo. Cứ diễn tiến như thế này thì rồi sẽ như thế nào? Liệu bao lâu nữa mới trở thành bình thường được?

Tại Canada, tin tức lan truyền cho biết đã xuất hiện dịch bệnh tại các thành phố lớn như quebec, Toronto, Ottawa... Phu nhân của thủ tướng Canada khi xét nghiệm cũng đã phát hiện lây nhiễm với kết quả dương tính. Rồi các thành phố cận kề với nơi chúng tôi sinh sống: Saskatoon, Regina… tin tức cho biết cũng đã có người lây nhiễm. Chúng tôi cũng đang sống trong tâm trạng hồi hộp lo âu không biết khi nào thì đại họa sẽ ập đến thành phố này?

Tính cho tới thời điểm này Tổng Giáo phận Regina của chúng tôi vẫn chưa có quy định đình chỉ tạm thời việc thờ phượng vào các ngày lễ cuối tuần. Như thế nghĩa là các sinh hoạt tôn giáo, các Thánh lễ vẫn tiếp tục bình thường cho đến khi có quy định mới. Nhưng chiều cuối tuần tôi nhận được email của Đức Tổng Giám Mục yêu cầu phải chuẩn bị tinh thần để có thể sẽ phải đình hoãn các cử hành phụng vụ vào cuối tuần tới. Tất cả sẽ tùy thuộc quy định của Bộ Y tế Canada.

Thật thế trước đây vài ngày Bộ Y tế Canada đã ra thông báo yêu cầu thận trọng và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định vệ sinh nhằm tránh con virus quái ác này lây lan. Dựa trên các văn bản của Bộ Y tế Canada Tòa Tổng Giám mục cũng nhắc nhở và yêu cầu theo sát diễn tiến có thể xấu hơn trong những ngày sắp tới.

Sáng Chúa Nhật hôm nay các Thánh lễ vắng hẳn. Con số người tham dự chỉ khoảng chừng 75% so với các cuối tuần bình thường khác. Điều đặc biệt là trong các Thánh lễ cuối tuần ở Nhà thờ của tôi hôm nay cũng đã có người đi lễ đeo khẩu trang. Từ trên gian cung thánh nhìn xuống, tôi thấy lác đác vài người đeo khẩu trang ngồi hòa mình trong đám đông. Cảm tình đầu tiên của tôi dành cho họ là: đây quả là những người có lòng yêu mến, muốn gắn bó với Chúa và Giáo hội cách mãnh liệt. Thật thế, thay vì ở nhà, không đi lễ, họ vẫn cố gắng đi tham dự Thánh lễ với chiếc khẩu trang trên mặt. Nhưng chắc một điều là họ bị giới hạn nhiều lắm, không thoải mái lắm khi dâng lễ với chiếc khẩu trang trên mặt như vậy.

Nhưng tâm hồn, tấm lòng yêu mến Chúa của mỗi người mới thật quan trọng. Họ đến nhà thờ để gặp Chúa, dù có chút tâm lý lo sợ, e ngại nhưng họ sẵn sàng vượt qua, họ đến chỉ để gặp Chúa và gắn bó với Chúa. Họ đến để được Lời Chúa tiếp sức và được nuôi dưỡng bởi Bí tích Thánh Thể. Tuyệt vời quá, với tôi, những người này thật đáng cho điểm 10.

Nhìn những người đi lễ mà đeo khẩu trang, tôi thấy thật lạ. Chúa cho chúng ta cái miệng để có thể cất lời ca khen tán tụng Chúa. Giờ đi lễ mà đeo khẩu trang, còn đâu những đối đáp nhịp nhàng, còn đâu những lời kinh vang vọng trong Thánh Đường?

Chúng ta có cái miệng là để giao tiếp, giờ đây do con virus tinh quái này, chúng làm ta cản trở, vẫn nói bằng cung giọng bình thường nhưng nghe lí nhí, mất hết cả hào hứng trong giao tiếp rồi.

Ta còn bị tâm lý e ngại khi hòa mình trong đám đông, trong các sinh hoạt tập thể. Thành ra với một số người, lâu nay vốn luôn có sự co cụm, chỉ giới hạn trong thế giới của mình thì dường như sự việc đang xảy ra này càng được cổ võ, khuyến khích thêm.

Tôi ngại rằng nếu các sinh hoạt phụng tự tại nhà thờ đều bị ngưng lại, giáo dân được khuyến khích ở nhà, tham dự Thánh lễ qua truyền hình thì e rằng sau này khi tình hình tương đối tạm ổn, các hoạt động sinh hoạt tôn giáo lại trở về bình thường thì chắc là phải mất thêm thời gian khá lâu để có thể ổn định, trở về lại “phong độ” như đã có lâu nay.

Nên chăng chúng ta cứ sống trong tâm trạng lo âu, sợ hãi. Tôi thiết nghĩ là không. Chuyện gì đến sẽ đến. Người Mỹ họ có một câu nói rất hay: “When it come, it comes!”. Dù muốn hay không ta cũng sẽ phải đối diện với nó, chẳng lẽ thụ động, thủ thân trong nhà để tránh con virua yêu quái này mãi được sao? Phải lạc quan và hy vọng. Đó là điều tôi thấy chúng ta cần có trong những ngày này. Chúng ta cần phải hy vọng và lạc quan để tin rằng các nhà khoa học lỗi lạc và tài ba trên thế giới rồi đây sẽ sớm tìm ra vacxin phòng ngừa và tiêu diệt con virus quái ác này.

Giáo hội và thế giới, hay nói gọn hơn nhân loại hôm nay cần một phép lạ. VietCatholic vừa đăng bài “Quá buồn trước tình hình dịch bệnh, Đức Thánh Cha rời Vatican, thẫn thờ bước trên đường Corso, đến bên Đức Mẹ”. Ngài đã đến bên Đức Mẹ, trước bức ảnh cổ kính Maria Salus Populi Romani để tha thiết cầu nguyện, không cho bản thân mình mà cho toàn thế giới, cho những nạn nhân và gia đình của họ đang đau khổ vì dịch bệnh Corona; rồi ngài lại tiếp tục thẫn thờ bước đi trên đại lộ Via del Corso để đến viếng thăm nhà thờ San Marcello, nơi có cây Thánh giá nổi tiếng với nhiều phép lạ. Ngài đến đây để khẩn cầu một phép lạ xin chấm dứt dịch bệnh nguy hiểm này, xin ơn an ủi và chữa lành cho các bệnh nhân, cho các nhân viên y tế và những người đang làm việc cật lực ngày đêm để mau chóng mang lại sự hoạt động ổn định và điều hòa của xã hội.

Nhìn thấy cảnh Đức Thánh Cha kính yêu của chúng ta, một cụ già 86 tuổi lê bước trên đại lộ để đến Nhà thờ Đức Bà Cả cầu nguyện mà thấy xúc động nao lòng. Chúng ta cần một phép lạ thật sự, trên bình diện vĩ mô, hoàn cầu nhưng cũng chính trong tâm hồn mỗi người chúng ta, đặc biệt là trong mùa Chay Thánh này. Chúng ta phải hiệp ý với ngài, vị Cha chung của chúng ta để hiệp lòng hiệp ý cầu xin cho phép lạ, cho sự may lành và ổn định của thế giới sớm xảy đến.

Thiên Chúa vẫn hiện diện, Thiên Chúa vẫn làm việc. Chính Ngài vẫn tỏ dấu yêu thương, đồng hành cùng chúng ta trong mọi biến cố vui buồn, thăng trầm của lịch sử nhân loại. Điều duy nhất chúng ta cần là có niềm tin, niềm hy vọng và lòng trông cậy. Tôi vững tin rằng ‘sau cơn mưa trời sẽ lại sáng’; ‘qua cơn bĩ cực tới hồi thới lai’. Tôi tin Thiên Chúa có kế hoạch nhiệm mầu và chắc chắn Ngài sẽ ra tay thi ân giáng phúc cứu giúp nhân loại.

Cũng cần phải bình tĩnh và cẩn trọng để bảo vệ không giúp cho cho sự lây lan của con virua tinh quái này. Không chỉ cho chính mình mà cho những người khác xung quanh mình, để tránh dịch bệnh lây lan, để phòng ngừa và cũng để khích lệ nhau cùng chiến đấu vượt qua khủng hoảng này.

Hơn nữa tôi cũng nghĩ đây là thời gian cho chúng ta dành cho gia đình. Do sợ bị lây nhiễm virus, mọi người do tự giới hạn sự giao tiếp bên ngoài. Người ta phải ở nhà nhiều hơn và do thế họ có dịp gần gũi, tiếp xúc với các thành viên khác trong gia đình, dành thời gian cho nhau nhiều hơn. Vun vén các giá trị tinh thần của gia đình như sự sum họp quây quần bên nhau, ăn bữa cơm gia đình, đọc kinh tối cùng nhau.

Đây là cơ hội tốt cho chúng ta dành thời gian cho các giá trị tinh thần. Sao không dành thời gian rảnh rỗi để đọc một cuốn sách hay? Cùng nhau xem một bộ phim hay hay cùng nhau làm một dự án nhỏ trong gia đình như sửa chữa lại căn nhà, dọn dẹp các đồ đạc trong phòng, nhà bếp, lau chùi các vật dụng cần thiết, dọn dẹp rác rưởi, đồ đạc dư thừa? Ý tôi muốn nói là ‘cùng nhau’, xin lưu ý hai chữ cùng nhau ấy. Cần tận dụng thời gian nghỉ ở nhà để cùng nhau giải quyết bao việc còn tồn đọng lâu nay.

Đây cũng là thời gian dành cho các hoạt động tâm linh trong gia đình. Tại sao không? Thử cùng nhau lần hạt mân côi cùng nhau, cùng đọc, cùng nghe một đoạn Thánh Kinh, nghe một bản Thánh Ca...

Các bà nội trợ, tại sao không? đây là cơ hội tốt để trổ tài, thử nấu một món ăn ngon, rồi cùng nhau quây quần bên bàn ăn thưởng thức? Tại sao không nhỉ?

Và cuối cùng, tôi muốn chia sẻ là thật ra còn một thứ dịch bệnh khác, giống ‘na ná’ như Covid-19 tuy đã xuất hiện lâu nay nhưng chúng ta không quan tâm hoặc chưa thấy đủ đó thôi.

Đó là “con” iphone trên tay, trong túi quần, hay “con” Ipad trên bàn, trên giường trong mỗi gia đình của chúng ta. Thật thế, hiện nay chuyện sở hữu một chiếc Iphone, Ipad đối với một cá nhân hay gia đình là chuyện không quá khó. Hầu như ai cũng có điện thoại thông minh. Dù muốn hay không, có thể nói chúng ta đang lạm dụng việc sử dụng chúng. Cứ xem, một ngày bạn dành cho chúng bao nhiêu tiếng đồng hồ thì sẽ rõ.

Rõ ràng là chúng ta đang sống trong một thế giới phân rẽ. Thế giới này dường như ngày càng thiếu bóng sự hiệp nhất và đoàn kết. Cứ nhìn trong gia đình thì sẽ thấy: ngày nay con người dường như quá chú tâm vào chính bản thân mình, đang đánh mất dần sự liên kết, hiệp nhất với những người xung quanh. Con người ngày nay dường như đang đánh mất sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống. Thiên Chúa dường như đang vắng bóng trong xã hội, trong lòng người. Ôi, như thế thì còn gì nguy hiểm và buồn hơn. Đại dịch trong xã hội, đại dịch trong tâm hồn con người.

Mùa Chay là mùa ngồi lại để suy xét, để nhìn thấy sự trống vắng của Thiên Chúa trong tâm hồn, để dọn dẹp và để khôi phục lại một chỗ cho Thiên Chúa ngự trị trong tâm hồn và trong xã hội. Thiết nghĩ chúng ta ít nhiều phải cám ơn con virus yêu quái Corona vì nhờ chúng mà ta biết mình đang thiếu gì, đang cần gì. Thưa bạn, chúng ta đang cần và rất cần sự hiện diện của Thiên Chúa. Ngài sẽ hiện diện để chữa lành, để an ủi, để băng bó những vết thương trong tâm hồn chúng ta nếu chúng tat u sửa, dọn dẹp lại tâm hồn để có chỗ cho Chúa ngự.

Thôi thì cứ bình tĩnh mà sống. Chúng ta lo lắng, chúng ta bối rối nhưng không thể ngồi yên mà chẳng làm gì. Phải làm việc ngay. Hãy mời Chúa đến để rat ay can thiệp cho xã hội, cho thế giới và cho chính chúng ta.

Lm Louis Kim Nguyen, Yorkton, Saskatchewan CANADA
 
Chỉ một mình Chúa là Cứu cánh và Cùng đích
Lm. Jb Nguyễn Minh Hùng
23:27 16/03/2020
(Suy tư giữa mùa dịch Corona thảm khóc)

Từ khi dịch tễ lan nhanh và rộng, Hội Thánh Công Giáo đi đầu trong việc cộng tác và đáp ứng yêu cầu tìm cách dập dịch. Nhưng đáp ứng này, có lẽ trong tâm trạng lo lắng, hoang mang, không đủ thời gian cân nhắc..., đôi khi đi xa đến độ gây cảm giác khó hiểu, lạ lùng... Nhưng chúng ta vẫn hiểu và thông cảm cho bổn phận của người có trách nhiệm: Dù hoàn cảnh nào, xảy ra bất trắc nào, các ngài mới thật là người phải đương đầu...

Phần bản thân từng người, hãy ghi nhớ điều này để giữ vững đức tin: Đây không phải là lần đầu dịch tễ hoành hành và giết hại nhiều người trên thế giới!

Nhiều thế kỷ trước, thậm chí chỉ mới chưa đầy hai thập niên trước, dịch tễ đã từng xuất hiện, dù có nhẹ hơn.

Ta hãy quan tâm điều này: Từ xưa, trong hay ngoài Hội Thánh có "biến", điều đầu tiên tín hữu nghĩ đến là chay tịnh, hy sinh hãm mình, đền tội, ăn năn thống hối tội lỗi, gia tăng lòng đạo đức, gia tăng việc đạo đức, thống thiết nài xin sự che chở thiêng liêng từ trời cao.

Không hiểu sao với đại dịch lần này, trong nỗi lo sợ, người ta nghĩ đến chuyện chạy đến cùng Chúa ít hơn nghĩ đến chuyện tích trữ các nhu yếu phẩm cho thân xác.

Người ta tích trữ nhiều đến độ cửa hàng, siêu thị không còn gạo, không còn mì gói, các loại cá hộp, thịt hộp, dầu ăn, tương, mắm, thậm chí... giấy vệ sinh.... cũng không còn. Nếu cửa hàng nào còn, hay do đầu cơ mà vẫn tiếp tục bán thì giá lên cao ngất ngưỡng.

Trong khi đó, các bậc lãnh đạo trong Hội Thánh Công Giáo, khi thông báo cho giáo dân thì luôn luôn có hai phần. Phần đầu nhắc nhở cầu nguyện. Nhưng hình như không được nhiều thành phần trong dân Chúa chú ý đúng mức.

Còn phần thứ hai hướng dẫn cụ thể các việc phải làm: không rước lễ trên miệng, không bắt tay hay hôn chào khi trao bình an, giải tội tập thể thay xưng tội cá nhân, không hôn kính Thánh Giá trong nghi thức thờ lạy Thánh Giá, không cử hành thánh lễ công cộng, miễn chước tham dự lễ Chúa Nhật, bãi bỏ các thánh lễ dù là lễ Chúa Nhật, thậm chí đóng cửa nhà thờ... lại được nhiều người chú ý. Nhiều nơi còn thực hiện những lệnh trên triệt để...

Giữa thực tế dịch bệnh và trong đầu đang có sự so sánh (giữa cái lo vật chất với cái lo ơn phần rỗi) như trên, tôi lại đọc tin tức, thấy Đức Thánh Cha Phanxicô không hài lòng quyết định đóng các cửa nhà thờ trên toàn lãnh thổ giáo phận Rôma, hay việc Đức Hồng Y Konrad Krajewski (người đã từng có hành động quyết liệt chống việc điện lực Rôma cúp điện cả một chung cư đông dân) đã cưỡng lệnh đóng cửa nhà thờ của Đức Hồng Y Angelo De Donatis, Giám quản giáo phận Rôma, tự dưng thấy tâm hồn nhẹ hơn, vui hơn, tin tưởng hơn.

Vậy, khi đứng giữa tác hại của dịch bệnh và thực tế đời sống thiêng liêng, hơn bất cứ lúc nào, cần phải được nân cao hết sức, cần phải được chú ý trên mọi chú ý, đó là: Chúng ta hãy giải quyết mọi sự trong tinh thần cầu nguyện và bình tĩnh. Hãy có đủ khôn ngoan cần thiết để làm sao vừa trấn dịch, nhưng cũng không để Thiên Chúa bị giảm bớt trong lòng mình.

Giữa lúc nguy nan này, xin hãy để Thiên Chúa vào đúng vị trí mà Người cần có trong lòng, trong tinh thần, trong ý chí, nhất là trong niềm tin của mỗi người.

Giữa lúc mọi thụ tạo cần sự hiện diện của Thiên Chúa hơn bao giờ hết, xin khéo hết sức, suy tính hết sức để lòng mình đừng có bất cứ phần trăm nào xa cách Thiên Chúa.

Giữa lúc cả thế giới hầu như "bó tay", cần ý thức thật mạnh mẽ, ý thức thật chắc chắn trong niềm tín thác tuyệt đối rằng, đang có một Thiên Chúa không bao giờ lìa xa chúng ta, đang có một Thiên Chúa đêm ngày hằng ước ao trụ lại trong lòng chúng ta.

Giữa lúc hoảng loạn vì từng giờ khắc phải chứng kiến hay nghe tin đồng loại của mình ngã xuống nhiều và hầu như liên tiếp, hãy ngước nhìn về phía trước, nơi Đấng hằng Sống đang đợi chờ. Người mong muốn từng người chạy về phía Người, sà vào lòng Người, ngã nhào vào vòng tay của Người. Đó là tấm lòng, đó là vòng tay đầy che chở, đỡ nâng, bảo vệ. Tấm lòng và vòng tay duy nhất, không có tấm lòng hay vòng tay thứ hai nào trên cõi đời này.

Giữa lúc các quốc gia, dù tân tiến, văn minh nhất đang loay hoay tìm thuốc, tìm cách chữa trị, hãy để Thiên Chúa thực hiện quyền Chủ Tể của Người, đừng có động thái nào thái quá mà thành hành động cậy sức mình, đặt Thiên Chúa ra ngoài lo âu, tính toán của mình.

Giữa lúc mọi sự diễn ra như bằng chứng về cái mong manh, bất tất của phận người, ta không được quên: loài người chỉ là thụ tạo. Chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng có quyền biến tối tăm thành ánh sáng, sự ác của lòng người (có chăng mưu mô đe sự sống loài người?) thành con đường tới ơn cứu chuộc, hoàn cảnh bi đát thành hy vọng trong ân sủng.

Chúng ta không còn tin Chúa nữa sao? Nếu còn tin, hình như những hành động mà mình thể hiện, đang cho thấy sự gia giảm lòng tin vào Thiên Chúa.

Hãy xác tín, vũ trụ chỉ là phần nhỏ trong toàn bộ kỳ công của Thiên Chúa. Từng con người là tác phẩm của thiên Chúa. Mỗi sự sống được diễn ra đều không ngoài thánh ý Chúa. Vì thế, nếu thụ tạo được cất đi, hay biến đổi theo dạng thức khác, với Chúa, có gì là lạ!

Nếu Chúa muốn cả nhân loại cùng lúc đi về với Chúa, cùng lúc trở nên những hình ảnh khác theo cách thức Chúa muốn, Chúa lại không có quyền làm sao?

Nếu ta đã là người của Chúa, dù thân xác, sự sống này có ra sao, Chúa vẫn là gia nghiệp của ta, ta vẫn thuộc về Chúa đấy thôi.

Cựu Ước từng có Giuse, nạn nhân sự dữ. Chúa Giêsu là nạn nhân sự dữ. Với Thiên Chúa, Người rút ra từ sự dữ những điều lành, Người gặt hoa quả công chính từ trong sự dữ tưởng ghế gớm nhất: Tổ phụ Giuse thành ân nhân cứu nạn gia đình và dân tộc. Chúa Giêsu mang lại sự sống đời đời cho nhân loại khởi đi từ mầu nhiệm thánh giá thê lương.

Nếu đúng dịch bệnh là mầm sự dữ xuất ra từ lòng người hại nhau, và thực tế đã có quá nhiều người chết, thì trong bàn tay quan phòng đầy xót thương, Thiên Chúa vẫn có cách để trao cho mỗi thân phận, dù người chết hay sống ân huệ siêu nhiên cần thiết.

Là thụ tạo được Chúa ban khôn ngoan, ta sử dụng để khả dĩ tránh dịch, ngăn dịch. Nhưng mặt khác, ta không rời xa đức tin vào lòng Chúa muôn đời hằng hữu chở che.

Hãy nhớ đinh ninh, thế giới này, mỗi con người, mỗi sự vật trên thế giới này có ra sao, có đi đến đâu, cuối cùng vẫn chỉ đi về phía Thiên Chúa mà thôi.

Nhớ như thế để từng người được đỡ nâng hơn, an ủi hơn, vững vàng hơn. Nhớ như thế, để giữa những nguy biến, những lênh đênh phận người, nhân loại không tắt ánh sáng soi chiếu tâm hồn mình, soi chiếu nẻo về của mình.

Ai biết đặt đời mình trong ánh sáng của tình yêu Thiên Chúa, họ vẫn có thể thắp hy vọng giữa lúc như chẳng còn gì hy vọng.

CHỈ MỘT MÌNH THIÊN CHÚA LÀ CỨU CÁNH CỦA TẤT CẢ! CHỈ MỘT MÌNH THIÊN CHÚA LÀ CÙNG ĐÍCH CỦA TẤT CẢ!
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đôi Bạn
Lê Trị
10:03 16/03/2020
ĐÔI BẠN
Ảnh của Lê Trị

Tình nào đẹp bằng tình bằng hữu
Cùng sẻ chia vui thú-buồn đau
Nơi nào ta cũng có nhau
Bạn bè ta mãi gởi trao tâm tình
(Trích thơ của Cóc Nhỏ)
 
VietCatholic TV
Hình ảnh cảm động: Người Ý hát thánh ca, quốc ca, dân ca bên cửa sổ để giữ vững niềm tin
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:06 16/03/2020
Người Ý đang đánh bại tình trạng bị cô lập trong nhà do các sắc lệnh liên quan đến coronavirus của quốc gia này bằng cách nhìn ra cửa sổ, đồng thanh hát các bài thánh ca, bài quốc ca, và các bài hát khác. Các video về hiện tượng này thu hút hàng triệu lượt người xem trực tuyến.

Kể từ hôm thứ Hai 9 tháng Ba, một loạt các nghị định từ chính phủ Ý đã hạn chế đáng kể các di chuyển của công dân Ý, đóng cửa hàng loạt các vùng rộng lớn và trọng yếu của nền kinh tế và yêu cầu mọi người chỉ ra khỏi nhà khi cần thiết.

Trong video này quý vị và anh chị em có thể thấy những người mua sắm tại Ý kiên nhẫn chờ đợi trước các siêu thị. Họ đứng cách xa nhau để tránh lây lan. Các siêu thị cũng giới hạn số người có mặt bên trong như một biện pháp nhằm tránh lây nhiễm.

Tất cả các sự kiện văn hóa cũng đã bị đình chỉ, khiến một số người nổi tiếng bắt đầu tổ chức các buổi biểu diễn trực tuyến trên mạng.

Một nỗ lực khác để nâng cao tinh thần đã xuất hiện dưới dạng các ca khúc đồng ca ngẫu hứng tại cửa sổ.

Một video thu được ở thành phố Siena Tuscan đã được xem hơn 600,000 lần trên Twitter.

Trong video đó, cư dân hát bài “Canto della Verbena” là bài hát truyền thống về thành phố từ cửa sổ của họ, bao gồm cả một câu thơ đầy sôi động với những lời như “Siena của chúng ta muôn năm!”

Ca sĩ người Ý Andrea Sannino đã đăng một bài liên khúc trên trang Instagram của mình về các bài hát bên cửa sổ tại thành phố Napoli, quê hương mình.

“Một ngày nào đó tôi sẽ kể cho các con cháu của mình nghe về những ngày này. Cảm ơn vì đã khiến tôi nhỏ lệ như mưa lũ”.

Trong một video khác có được thu hình tại một tòa chung cư ở thành phố Turin, người dân có thể được nhìn thấy trên ban công của họ đang đồng ca bài Macarena, một bài hát khiêu vũ của Tây Ban Nha.

Vào tối thứ Sáu, tại một số quận của thành phố Rome, âm nhạc và ca hát có thể được nghe thấy từ cửa sổ của mọi người, bao gồm cả các bài hát quốc ca.

Một thông điệp lưu hành trên WhatsApp đã khuyến khích mọi người hát những bài hát cụ thể vào một số ngày nhất định, bao gồm cả bài quốc ca vào ngày thứ Sáu.

Một giai điệu khác được nghe vào tối thứ Sáu là Grazie Roma, một bài hát nổi tiếng từ những năm 1990, trong đó có những lời như: “Hãy nói cho tôi biết điều gì khiến chúng ta cảm thấy như đang ở bên nhau, ngay cả khi chúng ta xa nhau.”

Một sáng kiến truyền thông xã hội khác đã chứng kiến người Ý vẽ các dấu hiệu bên ngoài nhà của mình nói rằng, “andra tutto bene”, nghĩa là “tất cả mọi thứ sẽ ổn thôi.”

Các dấu hiệu này được đi kèm với các hình ảnh thường được các trẻ em vẽ. Chúng phải ở nhà vì các trường học bị đình chỉ.

Ý đã bị tấn công rất nặng bởi đại dịch coronavirus. Chỉ trong 24 giờ của ngày Chúa Nhật, số trường hợp tử vong tại Ý là 368 người. Như thế, tính đến sáng thứ Hai 16 tháng Ba, số người chết vì coronavirus tại Ý đã lên đến 1,809 người, và 24,747 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Nếu tình hình cứ diễn tiến ở mức này, chỉ trong ít tuần nữa, con số thương vong tại Ý sẽ vượt qua con số thương vong tại Hoa Lục.

Các phương tiện truyền thông tại Ý không loại trừ giả thuyết cho rằng coronavirus là một sản phẩm của phòng thí nghiệm, đã được biến đổi gen để lây lan rất nhanh và công phá tàn khốc cơ thể những người già.

Ý được kể là quốc gia có đông người già nhất tại Âu Châu. Thật thế, trong tổng số 62,400,000 người, 22% là những người trên 65 tuổi.
 
Nỗ lực quốc tế vạch mặt những kẻ gây ra dịch bệnh. Linh mục Hoa Kỳ đầu tiên nhiễm bệnh đã thoát chết
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:07 16/03/2020
Tính cho đến chiều thứ Hai 16 tháng Ba, số người chết vì coronavirus, hay COVID-19 trên toàn thế giới vẫn tiếp tục gia tăng ở mức kinh hoàng với 6,526 người chết, và số người nhiễm bệnh lên đến 170,237 người. Như thế, chỉ trong 24 giờ đã có thêm 1,088 người thiệt mạng vì coronavirus, và 24,402 trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận.

Hoa Lục vẫn đang dẫn đầu con số thương vong với 3,213 người chết, và 80,866 trường hợp nhiễm bệnh.

Thiệt hại nhân mạng tại Ý ngày càng trở nên rất nghiêm trọng. Chỉ trong 24 giờ của ngày Chúa Nhật, số trường hợp tử vong tại Ý là 368 người. Tính đến chiều thứ Hai 16 tháng Ba, số người chết vì coronavirus tại Ý đã lên đến 1,809 người, và 24,747 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Nếu tình hình cứ diễn tiến ở mức này, chỉ trong ít tuần nữa, con số thương vong tại Ý sẽ vượt qua con số thương vong tại Hoa Lục.

Tiếp theo là Iran với 724 người chết, tăng 210 người trong vòng 24 giờ; và 13,938 trường hợp nhiễm bệnh, tức là chỉ trong 24 giờ đã có thêm 2,574 trường hợp nhiễm bệnh mới được ghi nhận.

Sự gia tăng đột biến số trường hợp tử vong ở cả Ý và Iran, đã khiến cho nhiều người nghi ngờ rằng coronavirus là một sản phẩm của phòng thí nghiệm, đã được biến đổi gen để lây lan rất nhanh và công phá tàn khốc các nước là đối thủ cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ La Stampa, Luca Crosetto, chủ tịch của Confartigianato Cuneo, Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng nếu không xác định được nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay đang tác động nghiêm trọng cả đến sức khoẻ người dân lẫn kinh tế quốc gia, Ý có nguy cơ bị tấn công một lần nữa trong thời gian ngắn. Và nếu một cuộc tấn công lần thứ hai như thế xảy ra đất nước chúng ta có nguy cơ bị đẩy đến bờ vực sụp đổ kinh tế.

Trong cuộc họp báo sáng 15 tháng Ba tại trụ sở của Protezione Civile, nghĩa là Cục Bảo vệ Dân sự, khi được hỏi về ý kiến này của ông Luca Crosetto, ông Angelo Borrelli Giám đốc Protezione Civile cho biết ngay từ đầu cơ quan của ông đã không loại bỏ cuộc khủng hoảng này là một vụ tấn công sinh học. Cho đến nay, Ý vẫn không tìm được bệnh nhân zero. Tuy nhiên, theo ông Borrelli để tìm ra nguyên nhân chính xác của dịch bệnh này, có lẽ phải cần đến một nỗ lực quốc tế.

Tưởng cũng nên nhắc lại là tuần trước, tờ La Croix, nghĩa là Thánh Giá, của Pháp đã lên tiếng cảnh báo rằng Trung Quốc mưu toan viết lại lịch sử coronavirus để thế giới phải biết ơn Tập Cận Bình. Nếu người ta phải biết ơn kẻ báo hại thế giới thì thật là chẳng còn chút công lý nào.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Tại tiểu bang Washington, Hoa Kỳ, một linh mục thuộc Giáo Phận Yakima, đã là linh mục Hoa Kỳ đầu tiên được chẩn đoán nhiễm coronavirus.

Cha Alejandro Trejo, là Cha Sở của giáo xứ Our Lady of the Desert ở thành phố Mattawa, có triệu chứng sốt cao vào ngày 1 tháng Ba. Sáng ngày 7 tháng Ba, ngài té xỉu khi cố gắng chuẩn bị dâng thánh lễ sáng. Ngài được đưa vào bệnh viện với các triệu chứng viêm phổi rất trầm trọng và đã được chẩn đoán nhiễm coronavirus vào cuối tuần qua.

Anh chị em giáo dân đã làm một tuần Cửu Nhật cầu nguyện cho ngài. Trong một tuyên bố của giáo phận vào ngày Chúa Nhật 15 tháng 3, Đức Cha Joseph Tyson nói:

“Cha Alex đang hồi phục rất tốt và chúng tôi đánh giá cao những lời cầu nguyện của nhiều người, nhiều giáo dân và sự chăm sóc tuyệt vời của nhân viên bệnh viện”.

Tại Vatican, trong một diễn biến thật đáng buồn Văn phòng Quản gia phủ Giáo hoàng cho biết, trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của coronavirus, các cử hành trong Tuần Thánh tại Rôma sẽ diễn ra mà không có sự hiện diện của các tín hữu.

Hơn nữa, Văn phòng cho biết thêm cho đến ngày 12 tháng Tư, các buổi triều yết chung và các buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật do Đức Thánh Cha chủ sự sẽ chỉ được phát trực tiếp trên trang web chính thức của Vatican News.

Ban đầu, Đức Thánh Cha dự định chỉ cử hành các thánh lễ hàng ngày tại Santa Marta trong một tuần. Tuy nhiên, dưới ánh sáng của tình hình hiện nay, Đức Thánh Cha đã quyết định tiếp tục các thánh lễ hàng ngày như hiện nay.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lúc 7 sáng Thứ Hai 16 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ này, ngài cầu nguyện cách riêng cho các gia đình, xin Chúa ban ơn khôn ngoan cho các gia đình để các thành viên trong cùng một mái nhà có thể tìm ra những cách thế mới để thể hiện tình yêu trong tình huống khó khăn này.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

“Tôi đang nghĩ về những gia đình đang bị cô lập chung với nhau trong những ngày này. Xin Chúa giúp họ khám phá những cách thức mới, những cách thể hiện tình yêu mới, để sống cùng nhau trong tình huống mới này. Đó là một cơ hội đẹp để khám phá lại tình cảm gia đình. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các gia đình để các mối quan hệ trong gia đình vào lúc này có thể luôn phát triển tốt đẹp.”

Bài giảng của Đức Thánh Cha để tập trung vào bài Tin Mừng trong ngày mô tả phản ứng của dân chúng đối với Chúa Giêsu trong hội đường thành Nadarét.

Phúc Âm: Lc 4, 24-30

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi Chúa Giêsu đến thành Nadarét, Ngài nói với dân chúng tụ họp trong hội đường rằng: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, chẳng có một tiên tri nào được tiếp đón tử tế ở quê hương mình. Ta bảo các ngươi, chắc hẳn trong thời Elia có nhiều bà goá ở Israel, khi trời hạn hán và một nạn đói lớn hoành hành khắp nước suốt ba năm sáu tháng, nhưng Elia không được sai đến với một người nào trong bọn họ, mà chỉ được sai đến với một bà goá ở Sarépta xứ Siđôn thôi. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, nhưng không một người nào trong bọn họ được chữa lành, mà chỉ có Naaman, người Syria”.

Vừa nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, đẩy Người ra khỏi thành và dẫn Người đến một triền đồi, nơi họ xây thành, để xô Người xuống vực. Nhưng Người tiến qua giữa họ mà đi.


Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Có hai sự phẫn nộ thể hiện cả trong Bài đọc thứ Nhất và trong Bài Tin Mừng. Lúc đầu, những người trong hội đường thích những gì Chúa Giêsu nói. Nhưng khi họ tự hỏi lẫn nhau “ông ta học trường đại học nào? Đây là con trai bà Maria và ông Giuse mà... Ông ta chỉ là một người thợ mộc... Ông ta có thể nói gì với chúng ta nào?” Họ trở nên phẫn nộ đến mức họ dùng đến bạo lực thể xác. Trong Bài đọc Một, ông Naaman cũng vậy, ông trở nên phẫn nộ khi tiên tri Elisha đề nghị ông ta tắm bảy lần trong dòng sông Giođan. Phản ứng của ông dẫn ông đến hình thức bạo lực bằng lời nói. Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét: “Sự phẫn nộ luôn dẫn đến bạo lực hoặc bằng thể chất hoặc bằng lời nói”.

Ngài đặt câu hỏi:

Cả ông Naaman và người dân thành Nadarét đều là “người tốt”. Điều gì đằng sau những người tốt này khiến họ phản ứng phẫn nộ?

Theo Đức Thánh Cha, ý tưởng của họ về Thiên Chúa theo đó “Thiên Chúa chỉ biểu lộ chính Ngài qua những điều phi thường, thông qua những điều ngoại thường, rằng Thiên Chúa không thể hành động thông qua những điều bình thường, những gì là đơn sơ trong cuộc sống”.

Sự phẫn nộ thể hiện trong cả hai bài đọc là một phản ứng chống lại sự đơn sơ.

“Họ khinh miệt những điều đơn sơ. Nhưng Thiên Chúa của chúng ta làm cho chúng ta hiểu rằng Ngài luôn hành động thông qua những điều đơn sơ: sự bình dị của ngôi nhà Nadarét... sự đơn sơ của công việc hàng ngày... sự đơn sơ của lời cầu nguyện... những điều giản dị. Thay vào đó, tinh thần thế gian đẩy chúng ta về phía phù phiếm, hướng tới vẻ bề ngoài. Cả ông Naaman và dân Nadarét kết thúc bằng bạo lực. Naaman, người rất có học thức, đóng sầm cửa vào mặt tiên tri và quay lưng – đó là bạo lực, một hành động bạo lực. Những người trong hội đường bắt đầu trở nên giận dữ và điên lên, họ đi đến quyết định giết Chúa Giêsu, đồng thanh, họ đẩy Người ra khỏi thành và dẫn Người đến một triền đồi, nơi họ xây thành, để xô Người xuống vực.

Những người kiêu căng dễ trở nên phẫn nộ, nhưng Đức Thánh Cha lưu ý rằng thật ra kẻ kiêu căng rất nghèo về tinh thần. Người kiêu hãnh chỉ sống với ảo tưởng là họ tốt hơn, hay hơn, lành thánh hơn những gì họ thực sự là. Nhiều lần những người này cần trở nên phẫn nộ để cảm thấy rằng họ là một người nào đó có thế giá.

Để kết luận, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta suy nghĩ về “sự phẫn nộ của người dân trong hội đường của Nadarét và ông Namaan” là kết quả của việc họ “không hiểu được sự đơn sơ của Thiên Chúa chúng ta”.
 
Giáo Hội Năm Châu 17/03/2020: Giáo Hội tại Úc bắt đầu phải đối phó với coronavirus
Giáo Hội Năm Châu
17:43 16/03/2020
1. Đừng hoảng sợ vì cơn dịch Covid-19

Tin từ Abu Dhabi do Thông tấn xã Fides cho hay: Đức giám quản Paul Hinder OFM Cap, Giám mục Tông tòa của Vương quốc Nam Ả Rập, trong Lá thư Mục vụ gửi cho toàn thể tín hữu trong Giáo phận viết:

“Tình hình hiện tại là thời gian để chúng ta, những người Công Giáo phó thác vào niềm tin, hy vọng và bày tỏ tình tương tương ái với nhau, đặc biệt trong Mùa Chay này. Chúng ta hãy cầu nguyện cho việc chặn đứng cơn dịch Coronavirus và cho tất cả những ai bị cơn bệnh này hoành hành!”

Đức Giám quản nhắc nhớ chúng ta trong thánh lễ sau lúc đọc kinh Lạy Cha, linh mục cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an.

Nhờ Chúa rộng lòng thương cứu giúp, Chúng con sẽ luôn luôn thoát khỏi tội lỗi và được an toàn khỏi mọi biến loạn, đang khi chúng con mong đợi niềm hy vọng hồng phúc, và ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng con”“.

Đức Cha Hinder nhắc nhở các tín hữu rằng “các cơ quan chính quyền của các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa để làm giảm thiểu các nguy cơ lây lan... Do đó, chúng ta không cần phải lo lắng quá mức hoặc hoảng sợ thái quá”. Ngài kêu gọi các tín hữu hãy thực hành các biện pháp phòng ngừa, để hạn chế rủi ro, Đức cha nói: “điều này thật tối cần thiết vì tình trạng của chúng ta là một Giáo hội, một xã hội không ngừng vận chuyển nên việc du hành ra nước ngoài nên hạn chế, nếu cần đi thì phải đi vì lý do nghề nghiệp mà thôi…”

Đức cha Giám quản cũng ban hành các chỉ dẫn áp dụng cho các nhà thờ, có hiệu lực từ ngày 6 tháng 3 đến ngày 2 tháng 4 năm 2020: “Các tín hữu nào bị cảm lạnh hoặc mắc các bệnh khác nhau nên nghỉ ở nhà; Việc rước lễ sẽ được rước bằng tay; các người cho rước lễ, nên rửa tay bằng chất khử trùng để làm sạch tay trước khi phân phát Thánh thể trong tất cả các nhà thờ; các cuộc hội họp sẽ bị đình chỉ và trong Thánh lễ, người ta không bắt tay hay ôm hôn khi chúc bình an. Hủy bỏ tất cả các cuộc họp nhóm và các lễ hội cũng như tổ chức các cuộc hành hương trong và ngoài nước.

2. Báo động Coronavirus ở Úc nhảy vọt lên 100 trường hợp

Các trường hợp nhiễm Coronavirus ở Úc tiếp tục gia tăng từ 91 trường hợp lên 100 trường hợp vào sáng nay, sau khi có những ca mới được chẩn đoán tại hai tiểu bang NSW và Victoria.

Các trường hợp bị nhiễm coronavirus vẫn tiếp tục lan rộng trên cả nước.

Một số trường học buộc phải đóng cửa và hàng ngàn người đang tự cô lập.

Có 47 trường hợp bị nhiễm tại NSW, và đã có hai người đã chết. Các nhà chức trách đang điều tra 476 trường hợp và gần 8000 người được xét nghiệm và kết quả là không bị lây nhiễm tại tiểu bang NSW.

Tại tiểu bang Victoria đã có 15 trường hợp bị nhiễm và Tây Úc (WA) có sáu trường hợp bị nhiễm.

Một Trường tư thục nổi tiếng tại tiểu bang Victoria phải đóng cửa, đó là Trường Trung học Carey Baptist ở phía đông thành phố đã phải đóng cửa hôm nay (10/3/20), sau khi một giáo viên có triệu chứng mắc vi khuẩn Covid-19! được biết giáo sư này đã đáp chuyến bay từ Mỹ về Melbourne trong đó có bác sĩ Chris Higgins, người cũng bị nhiễm virus này ở Toorak.

Đây là trường hợp lây truyền virus từ người sang người đầu tiên ở Victoria. Trường Carey Grammar là trường thứ tư phải đóng cửa vì coronavirus ngày càng lan rộng; sau ba trường ở tiểu bang NSW phải đóng cửa…

Coronavirus còn khủng hoảng lớn hơn khủng khoảng tài chánh toàn cầu (GFC)

Thủ tướng nước Úc, ông Scott Morrison phát biểu rằng tác động của Coronavirus có thể tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Covid-19 là một mối đe dọa cho sức khỏe toàn cầu, và nó cũng làm ảnh hưởng tới kinh tế một cách khốc liệt, có khả năng đưa tới một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đặc biệt đối với nước Úc.

Sự bùng nổ Covid-19 từ Trung Quốc đã lây lan, phát tán đi khắp nơi làm cho dân chúng xa tránh đi mua sắm, nhiều công nhân không dám tới xưởng làm và các công sở v.v…

Hiện có 100 trường hợp nhiễm Coronavirus tại Úc.

Con số người bị nhiễm từ 91 đã tăng lên 100 vào sáng nay (10/3/20) sau khi NSW xác nhận có tám trường hợp mới và 1 ở Victoria.

Chính phủ Úc đang cân nhắc xem sẽ phản ứng ra sao đối với con virus quái ác này sau khi nước Ý tuyên bố đình chỉ hầu hết các lễ hội và các trường sở trên toàn quốc.

Một số người bị nhiễm tiêu biểu tại Úc như:

• Một phụ nữ ở tuổi 20, bị nhiễm từ một trường hợp bệnh tại Bệnh viện Ryde NSW.

• Một phụ nữ ở độ tuổi 40 về từ Hàn Quốc

• Một người đàn ông ở độ tuổi 20, một cư dân Victoria vừa trở về từ Hồng Kông

• Một phụ nữ ở độ tuổi 80 đã chuyển từ Cơ sở Chăm sóc Người cao tuổi Dorothy Henderson đến Bệnh viện Ryde

• Một phụ nữ ở độ tuổi 40 có liên quan đến một người đã chết từ Cơ sở Chăm sóc Người cao tuổi Dorothy Henderson Lodge

Bộ Y tế NSW cũng đang theo dõi ba trường hợp khác; một phụ nữ ở độ tuổi 30, một nam ở độ tuổi 70 và một phụ nữ ở độ tuổi 40 để xác định nguồn gốc bị nhiễm trùng từ đâu và theo dõi các liên hệ của họ.

Bộ trưởng Giáo dục Liên bang, ông Dan Tehan cho hay “Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe tham khảo ý kiến của bộ y tế hàng ngày để đảm bảo rằng chúng tôi sẽ làm mọi thứ cần thiết để bảo vệ cho sự an sinh trong cộng đồng”.

Một trường tư ở Perth cũng đang cảnh báo về coronavirus, đó là trường Tranby College. Trường đã thông báo đền các học sinh và phụ huynh rằng một người bố của một học sinh có tiếp xúc với một đồng nghiệp bị nhiễm Covid-19. “Ông ấy và một trong những đứa con của ông ấy đang có các triệu chứng cúm. Cả gia đình hiện đang tự cô lập chờ kết quả của các cuộc xét nghiệm vào đầu tuần tới”, Ông Hiệu trưởng Clayton Massey thông báo như trên trong một lá thư gửi đến phụ huynh học sinh mới đây.

Tiến sĩ Hull cảnh báo dân Úc nên có những chuẩn bị, vì ngày càng có nhiều trường hợp nhiễm nên: “Để bảo vệ tất cả mọi người, đặc biệt là người già, dễ bị tổn thương, chúng ta nên cách ly người bệnh ở nhà trong hai tuần, để ngăn chặn sự lây lan”.

“Hai tuần nay sẽ thật là khó khăn và tốn kém, nhưng mang lại kết quả tốt cho mọi người; nếu không, các giải pháp khác còn khó khăn hơn nhiều!” như: “Chúng ta phải đóng cửa trường học, các đại học và nhiều doanh nghiệp để giảm bớt các trường hợp lây lan… Phải chuẩn bị, tăng cường sắp xếp các thiết bị bảo vệ và hỗ trợ, tăng phòng ốc trong bệnh viện v.v...”

Thủ tướng Úc, ông Scott Morrison cũng cho hay chính phủ đã dự chi hàng chục tỷ đô, hầu ngăn chặn và hỗ trợ các xí nghiệp…

Bộ trưởng tài chánh Liên bang, ông Stephen Walters cho hay việc suy thoái kinh tế nước Úc là điều không thể tránh được! Ông cho biết ngành du lịch và giáo dục là hai lĩnh vực bị thiệt hại nhiều nhất...

Tại Tây Úc có 2 người bị nhiễm Coronavirus, đây là trường hợp lây lan từ người sang người đầu tiên của tiểu bang: một bà ở độ tuổi 60 bị lây nhiễm virut từ người chồng, khi ông trở về từ Iran.

Một người đàn ông khác ở độ tuổi 40 cũng được biết là bị lây nhiễm từ người mẹ khi bà về từ Jakarta.

Cơ quan y tế đang theo dõi sáu trường hợp bị lây nhiễm trong tiểu bang.

3. Sứ điệp của Đức Phanxicô: Ngày di dân 2020: “Bị buộc phải trốn chạy như Chúa GiêSu Kitô”

“Bị buộc phải trốn chạy như Chúa Giê-Su Kitô” : Đó là đề tài sứ điệp của Đức Phanxicô cho ngày di dân và tỵ nạn thế giới lần thứ 106 sẽ được mừng vào ngày 27.09.2020

Phân bộ người Di dân và Tị nạn của Bộ Phục vụ và Phát triển Con người Toàn diện đã giải thích rằng : sứ điệp này tập trung vào việc mục vụ cho những người đã di tản ở trong nội địa tính tổng cộng cho đến hôm nay trên thế giới đã lên tới trên 41 triệu.

Suy tư khởi đi từ trải nghiệm của Trẻ Giêsu và cha mẹ Ngài, vừa phải di tản (Bê Lêm) vừa phải tỵ nạn (sang Ai Cập) … Suy tư trên vach ra “một nền tảng Kitô học chuyên biệt về việc đón tiếp và lòng hiếu khách của Kitô giáo”.

Đề tài chính này được khai triển trong sáu đề tại phụ sau đây : quen biết để thông hiểu / tiếp cận để phục vụ / lắng nghe để hòa giải / chia sẻ để phát triển / tham gia để thăng tiến / hợp tác để xây dựng.

Chính phân bộ “Di dân và tỵ nạn” của Tòa Thánh sẽ chuẩn bị cho ngày di dân và tỵ nạn thế giới và sắp sửa khai mào một chiến dịch truyền thông : mỗi tháng sẽ có những suy tư được phổ biến, cũng như các tài liệu thông tin và các phương tiện truyền thông đa chiều hữu ích để đào sâu đề tài đã được Đức Thánh Cha chọn.

4. Hàng giáo phẩm Hoa Kỳ có thái độ thân thiện hơn sau cuộc viếng thăm Ad Limina với Đức Giáo Hoàng

Theo luật Giáo Hội thì mỗi 5 năm các vị giám mục điạ phận phải đi tới Toà Thánh trong một cuộc thăm viếng gọi là “ad limina apostolorum,” (“về Rôma để viếng mộ các thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô và yết kiến Đức Giáo Hoàng”).Tuy nhiên vì trên Thế Giới có đến 3,017 giáo phận cho nên Toà Thánh phải dùng tới 8 năm để sắp xếp cho tròn một chu kỳ.

Các Giám Mục Hoa Kỳ đã chu toàn phận sự cuả họ vào những năm 2004 và 2012, năm nay 2020, các vị ấy lại thi hành phận sự “Ad Limina”một lần nữa.

Trong một tình huống có nhiều biến cố căng thẳng kéo dài 2 năm giữa Vatican và Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, thì mọi cơ quan ngôn luận đã đổ dồn sự chú ý vào phản ứng cuả những Giám Mục Hoa Kỳ mỗi khi họ kết thúc cuộc “Ad Limina” cuả họ, để bắt mạch xem mối liên hệ giữa Đức Thánh Cha và hàng Giáo Phẩm Hoa Kỳ có được sáng suả hơn hay là còn thêm căng thẳng?

Phân tích ban đầu cho thấy đã có một sự thân thiện hơn, có thể nói là thắm thiết, giữa Đức Thánh Cha và các giám mục Hoa Kỳ, đặc biệt là một số giám mục đã từng “có vẻ cương quyết chống đối”.

Sự kiện này được luật sư Ed Condon (luật sư về Giáo Luật, biên tập viên cuả nhiều tờ báo Công Giáo lớn và trưởng phòng báo chí cuả CNA ở thủ đô Washington, DC,) gọi là “Cuộc chiến thắng ngoại giao cuả Đức Giáo Hoàng với hàng giáo phẩm Hoa Kỳ”

5. Đức Thánh Cha đã chấp nhận đơn từ nhiệm của Đức Hồng Y Barbarin

Hội Đồng Giám Mục Pháp cầu mong rằng kết cục của các thủ tục tố tung này giúp các nạn nhân bị lạm dụng được thoa dịu..

Vào ngày mùng 06.03.2020, Tòa Thánh đã thông báo : Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận việc từ nhiệm của Đức Hồng Y Phillipe Barbarin khỏi trọng trách Tổng Giám Mục giáo phận Lyon

Đức Hồng Y đã được tòa tuyên bố trắng án vào ngày 20.01.2020 vừa qua, kết thúc vụ kiện cáo ngài về việc không thông báo những lạm dụng tính dục đối với các vị thành niên trong vụ việc liên quan đến linh mục Bernard Preynat. Nhưng chính vào lúc được tha bổng này, Đức Hồng Y đã một lần nữa xin Đức Thánh Cha cho ngài được từ nhiệm và sẵn sàng chờ đợi phán quyết của Đức Thánh Cha.

Một thông báo chính thức của đức cha chủ tịch HĐGM Pháp (CEF) đã ghi nhận rằng : “Với quyết định này, giáo phận Lyon đang chờ đợi một vị mục tử mới”…Tưởng cũng nên nhắc lại vào ngày 26.06.2019 Đức Cha Michel Dubost đã được bổ nhiệm là giám quản tông tòa để điều hành giáo phận trong thời gian Đức Hồng Y Barbarin tự tạm rời khỏi trọng trách chủ chăn…

Đức Cha Éric de Moulins-Beaufort cầu mong rằng “sau nhiều thử thách trong những tháng qua” giáo phận Lyon sẽ có thể “tiếp tục tiến trình sự thật và hòa giải mà giáo phận đã khởi xướng và canh tân động lực truyền giáo với một quả tim tinh ròng”

HĐGM Pháp cám ơn Đức Hồng Y Philippe Barbarin “về những đóng góp cho giáo hội Pháp qua trọng trách giám mục ở giáo phận Moulins và tổng giáo phận Lyon từ năm 1998. HĐGM Pháp bầy tỏ tình huynh đệ thân tình với Đức Hồng Y trong giai đoạn mới của chức vụ phục vụ Chúa Kitô và Hội Thánh”. HĐGM Pháp cũng cầu mong rằng : “Chớ gì sự kết cục của các vụ kiện cáo đã qua sẽ góp phần thoa dịu các nạn nhân, và đối với họ HĐGM Pháp lập lại sự đau thương sâu đậm về tất cả những gì họ phải gánh chịu…”

Vị giáo trưởng miền Gaules, đã được bổ nhiệm TGM Lyon vào năm 2002, đã bị kiện cáo từ năm 2016 vì “không khai báo” những xâm phạm tính dục của một linh mục thuộc giáo phận ngài, cha Bernard Preyat, đã lạm dụng chừng 70 vị thành niên trong đoàn hướng đạo sinh trong những năm 70-80 (trong thời của Đức Hồng Y Albert Decourtray và các vị kế vị tiếp theo là hai Tổng Giám Mục Jean Balland và Louis-Marie Billé). Ngày mùng 7 tháng 3 năm 2019, Đức Hồng Y đã bị kết án vì đã “không tố cáo các hành vi tồi bại đối với vị thành niên giữa các năm 2014 và 2015” và bị kết án tù treo sáu tháng..Ngài đã kháng án lên công tố viện Lyon và đã được tòa tha bổng….Vì dự đoán về sự vô tội của Đức Hồng Y, nên Đức Thánh Cha Phanxicô đã không chấp nhận đơn từ nhiệm của ngài trong khi vụ xử án vẫn đang tiếp diễn.

6. Hướng dẫn của Vatican giúp các nhân viên tránh lây nhiễm virus corona; bảo tàng Vatican đóng cửa đến 03/04.

Trước đại dịch đang làn tràn khắp nước Ý, Ðức Tổng giám mục Edgar Pena Parra, Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã đưa ra những chỉ thị cho các công dân thành Vatican, cũng như các nhân viên của Vatican và các khách viếng thăm. Bảo tàng Vatican và các bảo tàng của Tòa Thánh đóng cửa đến ngày 03 tháng 04 năm 2020.

Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh cũng đã đưa ra các quy tắc cần thiết cho các công dân thành Vatican cũng như nhân viên Tòa Thánh và các khách viếng thăm như: tránh các cuộc tụ họp không cần thiết ở các khu vực chung, ngay cả trước các máy cà phê tự động; hạn chế sử dụng thang máy; chỉ gửi thư đến cửa của các Thánh Bộ; thường xuyên khử trùng phòng và thiết bị; chỉ cho “người ngoài” vào văn phòng khi thật sự cần thiết.

Các nhân viên của Vatican cũng được yêu cầu: “Bất cứ ai có đi đến các khu vực nguy hiểm (có dịch bệnh) trong thời gian gần đây, hoặc dự định, phải thông báo cho người quản lý văn phòng của mình, và người đó sẽ thông báo điều này cho văn phòng nhân sự có thẩm quyền”. Tiếp đến, những người “có mặt tại nơi làm việc nếu có các triệu chứng giống như cúm phải khẩn trương liên hệ với phòng điều hành của các dịch vụ an ninh và bảo vệ dân sự”.

Cho đến nay, Vatican xác nhận chỉ có một trường hợp được xác định dương tính với virus corona. Ðó là một linh mục bên ngoài, đến phòng khám của Vatican để kiểm tra sức khỏe trước khi vào làm việc tại Vatican. Vài người có tiếp xúc với linh mục này đã được cách ly để phòng ngừa. Phòng Báo chí Tòa Thánh phủ nhận tin đồn có 3 hay 4 trường hợp nhiễm virus trong Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh.

Cũng trong bối cảnh của đại dịch lan tràn, chiều ngày 08 tháng 03 năm 2020, Vatican đã quyết định đóng cửa tất cả những nơi trong thành Vatican có tụ họp đông người. Bắt đầu từ viện bảo tàng Vatican, giống như tất cả các viện bảo tàng trên toàn nước Ý, sẽ đóng cửa đến ngày 03 tháng 04 năm 2020.

Một biện pháp phòng ngừa mà Tòa thánh đã thực hiện, phối hợp với các biện pháp được chính quyền Ý thông qua, đó là tuyên bố đóng cửa các khu hầm mộ cổ, Bảo tàng tại Dinh thự Giáo hoàng và các trung tâm bảo tàng của các vương cung thánh đường.

Giống như tất cả các di tích lịch sử của Roma - từ Ðấu trường Colosseo đến Ðài phun nước Trevi - số du khách trong những tuần gần đây đến “các viện bảo tàng Giáo hoàng” cũng suy giảm nhiều, hơn 60%.

7. Vai trò trung tâm của Kitô hữu Palestine tại Giêrusalem.

Hợp tác thực hiện ơn gọi kép của Giêrusalem: Thành Thánh chung cho người Do Thái, Kitô giáo và Hồi giáo và một thành phố trần thế, nơi người Israel và người Palestine có thể sống chung hòa bình. Ðây là sứ mệnh mà các Kitô hữu Palestine ở Giêrusalem được mời gọi.

Trên đây là những điều được Ủy ban Công lý và Hòa bình trực thuộc Hội đồng các Hội dòng Công Giáo khẳng định trong một tài liệu được công bố trên trang web của của Tòa Thượng phụ La tinh. Ðiều khẳng định này nhắm đến tương lai của các Kitô hữu đang sinh sống ở Giêrusalem; một tương lai không được đảm bảo sau tuyên bố của tổng thống Trump về “kế hoạch Hòa bình để Thịnh vượng”, một kế hoạch không mang lại “nhân phẩm và quyền lợi” cho người Palestine.

Ðây cũng là một kế hoạch mà các Giáo hội trên thế giới và Tòa Thánh không đồng ý. Tất cả đều cho rằng cần phải có một giải pháp hai Quốc gia và một sự công nhận đặc biệt cho vị thế của Thành Thánh, một sự công nhận được cộng đồng quốc tế bảo đảm. Cụ thể, bảo đảm tự do tôn giáo, tự do tiếp cận các nơi thánh của các tín hữu của cả ba tôn giáo và tất cả mọi người.

Trước những “diễn biến đáng lo ngại” gần đây, các Kitô hữu Palestine, đặc biệt là những người “dễ bị tổn thương” do số lượng nhỏ và bị chèn ép bởi những nhóm cực đoan Do thái hoặc Hồi giáo, có thể bị cám dỗ rút lui khỏi đời sống công khai.

Ủy ban Công lý và Hòa bình khẳng định: “Các Kitô hữu Palestine ở Giêrusalem được mời gọi thi hành sứ vụ của mình giữa mọi người và trên mảnh đất của mình, ngay cả trong lúc khó khăn. Ðiều không thể tách rời đó là “hai chiều kích” của Giêrusalem: Thành Thánh được các tín đồ của ba tôn giáo Do Thái, Hồi giáo và Kitô giáo trên thế giới cùng chia sẻ, và là một thành phố của người Israel và Palestine cùng chia sẻ hàng ngày”.

Tài liệu nhấn mạnh rằng các Kitô hữu Palestine ở Giêrusalem cần kiên vững trong căn tính của mình, trong chiều kích tôn giáo và quốc gia. Như thế họ có thể đáp ứng trọn vẹn ơn gọi địa phương và phổ quát của mình. Cùng nhau làm việc vì “bình đẳng, công lý và hòa bình; và đóng góp với tất cả khả năng để chấm dứt cuộc xung đột ở Giêrusalem, để Giêrusalem có thể trở lại là “một thành của Thiên Chúa cho tất cả cư dân, mở ra cho thế giới”