Ngày 18-03-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật Thứ IV Mùa Chay A. 22.3.2020
Lm Francis Lý văn Ca
14:03 18/03/2020
ĐẦU LỄ: Anh Chị Em thân mến,
Chúng ta đang bước vào tuần lễ thứ IV của Mùa Chay Thánh. Qua hết tuần nầy, coi như chúng ta đã đi hết phân nửa đoạn đường của việc chuẩn bị tâm hồn để mừng lễ phục sinh.

Phúc âm hôm nay, thuật lại việc Chúa chữa người mù từ lúc mới sinh vào ngày lễ nghỉ. Đây là dịp để người Dothái có cớ để tố cáo Chúa vi phạm luật của ngày lễ nghỉ.

Trong đời sống, nếu có dịp và điều kiện cho phép, chúng ta nên làm những công việc bác ái, xã hội trong những lúc có thể được, dù biết rằng, những việc làm đó sẽ chiếm rất nhiều thời giờ của chúng ta, ngay cả những ngày giờ nhàn rỗi. Học gương mẫu của Chúa đến với tha nhân vì nhu cầu cần thiết của họ, giúp đỡ họ tìm được niềm vui và sự an ủi.

Với những tư tưởng chuẩn bị, chúng ta bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Chúa sai tiên tri Samuel đến nhà Isai để xức dầu phong vương cho 1 trong 7 người trai của Isai làm vua Israel. Chúa đã chọn Đavít.

TRƯỚC BÀI II:
Đức tin của chúng ta phải chiếu soi cho thế gian, nói cách khác, qua cuộc sống đức tin, chúng ta chúng minh cho thế gian mình là môn đệ của Chúa Kitô.

TRƯỚC BÀI PÂ:
Phúc Âm thuật lại việc Chúa chữa người mù từ lúc mới sinh. Sau khi được sáng mắt anh đã làm chứng nhân trung kiên của Tin Mừng cứu độ. Đời sống của chúng ta, sau khi đã được rửa tội, cũng phải trở thành chúng ta Tin Mừng Đức Kitô rao giảng.

Lời Nguyện Giáo Dân.

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Hôm nay, chúng ta nghe câu chuyện Chúa mở mắt người mù từ lúc mới sinh. Chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta lòng tin vững mạnh và biết hướng đến tha nhân với tấm lòng quảng đại.

1. Đavít đã được xức dầu tấn phong làm vua Israel, xin cho chúng ta là những người cũng đã được xức dầu ngày lãnh nhận bí tích rửa tội được thông phần chức linh mục, tiên tri và vương quyền của Đức Kitô. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin cho chúng ta biết minh chứng cho thế giới, ơn gọi sống đời chứng nhân giữa đời qua phép rửa tội. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Chúng ta đang tiến lên núi thánh Calvariô với đông đảo anh chị em trong cộng đoàn xứ đạo, trong lúc đó vẫn còn những anh chị em nguội lạnh, trể nải, dửng dưng hay thờ ơ. Xin Chúa cho chúng ta được trở thành những tông đồ nhiệt thành đem họ về đồng hành với Giáo Hội và Cộng Đoàn Xứ Đạo trong Mùa Phục Sinh năm nay. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Xin cho đoạn đường chúng ta đang đi từ đồi Calvariô đến mộ Chúa, được sống lại phần linh hồn, qua việc lãnh nhận bí tích hòa giải trong Mùa Phục Sinh năm nay. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Chúng ta cầu nguyện cho những anh chị em bị tàn tật từ lúc bẩm sinh, hoặc vì hoàn cảnh chiến tranh đã cướp mất một phần thân thể của họ. Xin cho chúng ta biết đến với họ trong tinh thần thông cảm và chia sẻ tình người. Chúng ta cũng cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này. Xin cho họ sớm tìm ra những cách thế mới để thể cứu chữa thế giớivtrong tình huống khó khăn này. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

6. Chúng ta nhớ đến thân bằng quyến thuộc đã qua đời, những linh hồn mồ côi..., đặc biệt là linh hồn những người thiệt mạng vì coronavirus, xin Chúa đoái thương đón nhận họ vào hưởng ánh sáng ngàn thu. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Chúa đã phán: "Ta là Đường là Sự Thật và là Sự Sống". Xin cho chúng con biết đi trên đường khổ nạn và phục sinh với Chúa qua bí tích giải tội, để tất cả chúng con được sống đời đời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.
Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:01 18/03/2020

24. Không nên vì nhân tình thế tục mà ngưng làm tất cả việc thiện.

(Thánh Masaril)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


--------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:08 18/03/2020
71. MỘT CƯỚC ĐỊCH QUAN TRIỀU

Cuối đời nhà Đường có thi nhân tên là La Ẩn rất thích giễu cợt chuyện đời.

Lần nọ ông ta ngồi chung thuyền với đại thần Vi Di Phạm, trên thuyền có người có lòng tốt nói nhỏ với La Ẩn:

- “Lúc nói chuyện nhớ để ý chút xíu, trên thuyền có quan viên của triều đình đấy”.

La Ẩn không thèm để ý lại còn lớn tiếng nói:

- “Cái gì là quan triều đình ! Ta dùng chân kẹp bút có thể địch được bọn họ đấy !”

Vỉ Di Phạm bị nhục thì ôm mối hận, cố ý đem chuyện này nói ra giữa triều đình, La Ẩn liền không được trọng dụng.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 71:

Thích giễu cợt chuyện đời mà không có cái tâm khiêm tốn, thì không những mang họa vào thân mà còn bị người khác coi thường...

Trước mặt quan triều đình mà nói chỉ dùng một chân với một cây viết là có thể địch lại các quan thì lếu láo thật, đây không phải là ngạo đời mà là ngạo mạn đến triều đình, bởi vì ngạo đời và cười nhạo người thì không giống nhau.

Thờii nay cũng có những người cười nhạo Thiên Chúa như thế khi tuyên bố: “Chỉ cần vắt óc suy nghĩ là có thể thay trời làm được mọi việc”, và thế là họ vắt óc suy nghĩ cho đến khi xuống huyệt mộ mà vẫn tìm không ra cái gì để thay thế Thiên Chúa; thời nay cũng có một vài người Ki-tô hữu tuy không cười nhạo Thiên Chúa, nhưng oán trách Ngài cứ để cho tội ác xảy ra tràn ngập mặt đất mà không tiêu diệt...

Ở đời không có gì để cho chúng ta ngạo mạn cười nhạo, bởi vì tất cả đều là công trình yêu thương của Thiên Chúa, chỉ có những ai cứ tưởng mình là hay là giỏi hơn Thiên Chúa và là người thông minh nhất thế gian mới ngạo đời nhạo người mà thôi, nguyên nhân hại mình hại người là từ đó mà ra cả vậy...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Phép Lạ Của Người Nghèo Công Chính Giuse
LM. Trương Đình Hiền.
20:47 18/03/2020
Lễ Thánh Giuse 19.3.2020 tại Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn

Để cắt nghĩa vai trò và địa vị cao cả của Thánh Giuse, cũng như tâm tình và thái độ của dân Chúa đối với Ngài, thánh Bê-na-di-nô thành Siê-na trong bài đọc của giờ phụng vụ Kinh Sách hôm nay đã lý giải như sau: “Nếu bạn muốn nói đến vị thế của Thánh Giuse trong Hội Thánh Đức Kitô, thì không phải thế nầy sao: Thánh nhân chính là con người được tuyển chọn, con người đặc biệt. Nhờ có thánh nhân đứng bảo lãnh mà Đức Kitô đã vào trần gian một cách hợp pháp và đàng hoàng? Vậy nếu toàn thể Hội Thánh mắc nợ Đức Mẹ đồng trinh, vì nhờ Mẹ mà Hội Thánh được đón nhận Đức Kitô, thì sau Đức Mẹ, Thánh Giuse phải được Hội Thánh biết ơn và tôn sùng hơn hết”.

Trong khi đó, nhạc sĩ linh mục Kim Long thì đã giới thiệu tổng quát về địa vị, sứ mệnh và nhân đức của Thánh Giuse qua điệp khúc của bài thánh ca “Tôn vinh Thánh Giuse”: “Muôn dân kết tâm tình, cùng tôn vinh thánh Giuse. Ôi Cha nuôi con Chúa uy linh, xác hồn ngời sáng khiết trinh. Gương công chính cao vời còn luôn soi chiếu nơi nơi. Như hương nam cao vút xanh tươi bóng rợp mát cho muôn người.”

Nhưng, còn điều gì khác nữa khiến Thánh Giuse được tôn vinh, trọng vọng như thế?

- Có phải vì thánh Cả xuất thân từ một gia đình danh gia vọng tộc như các thánh sử Matthêô và Luca trình bày: Ông là “Con cháu Vua Đa-vít” (Mt 1,23), thuộc “hoàng tộc Đa-vít” (Mt 1,27), thuộc “dòng dõi vua Đa-vít” (Lc 2,4)…?

Cũng có thể lắm chứ ! Vì nhắc tới Đa-vít, một thánh vương trong lịch sử của Ít-ra-en, là chúng ta nhớ đến một “cột mốc vĩ đại” trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Bởi vì chính từ nơi “dòng tộc nầy”, sự xuất hiện của Đấng Mêsia đã bắt đầu hiện thực. Phải chăng vì thế, mà Bài đọc 1 trong Phụng vụ Lời Chúa của thánh lễ hôm nay, Phụng vụ đã chọn đọc trích đoạn sách thứ 2 Samuel để nhắc lại lời giao ước của Thiên Chúa dành cho Đa-vít: sẽ “làm cho ngôi báu triều đại người được củng cố đến muôn đời”; và nhất là Tin Mừng Matthêô, trong những dòng cuối của bản Gia phả Đức Giêsu, đã xác nhận cái mắc xích liên tục trong cái chuỗi huyết tộc vương giả mà Giuse được dự phần: “Ông Gia-cóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô” (Mt 1,16).

Thế nhưng, nếu Phụng vụ và đức tin của Hội Thánh dành cho Thánh Giuse chỉ căn cứ nguyên trên yếu tố “con ông cháu cha” hay “tính vương giả của cội nguồn gia tộc” đó mà thôi thì cũng không ổn lắm; vì quả thật, trong lịch sử loài người, đã có cơ man những người danh gia vọng tộc như thế nhưng nào có được tôn vinh !

Như vậy thì điều gì khiến thánh Giuse được ca tụng, cao rao và đặt trên bệ thờ với muôn ngưỡng vọng kính tôn của dân Chúa muôn nơi muôn thuở?

Có lẽ đáp án của Tin mừng Matthêo là chính xác nhất: Giuse người công chính. (Mt 1,19).

Trước hết, theo quan niệm của Thánh Kinh, trần gian không mấy ai chiếm được cái danh hiệu nầy. Bởi vì, trước hết và trên hết, danh hiệu nầy dành riêng cho Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng Công Chính, hay sự công chính của Thiên Chúa. Chỉ riêng thư của Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Rôma đã nhấn mạnh chân lý nầy tới 8 lần.

Chung chung theo các nhà chú giải Thánh Kinh, để đạt được “tiêu chí công chính” ít nhất phải vượt qua 3 ngưỡng cửa:

- Chu toàn thánh luật và đường lối Chúa.

- Tin yêu trọn hảo Thiên Chúa và con người.

- Từ bỏ ý riêng và thực thi thánh ý Chúa trọn hảo.

- Trước hết, việc Thánh Giuse chu toàn lề luật và đường lối Chúa đã được Tin Mừng Luca mô tả và khẳng định qua những sự kiện như “làm phép Cắt Bì cho Chúa Giêsu”, “Dâng Chúa vào đền thánh”, “trẩy hội về Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua”... Thánh sử Luca đã kết luận: “Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như luật Chúa truyền…”.

Phải chăng, đây cũng chính là điều mà “Người Con Nuôi Giêsu” đã học được từ người cha Giuse để trong cuộc đời rao giảng Tin Mừng luôn tha thiết với việc kiện toàn lề luật: “Ta đến không phải để huỷ bỏ mà để kiện toàn lề luật”. Cách riêng đối với chúng ta, những đang sống đời thánh hiến, bài học đầu tiên trong nhân đức “công chính” của Giuse: “chu toàn lề luật” lại không là điều cần thiết và quan trọng để bảo toàn và trung thành với ơn gọi dâng hiến, đặc biệt trong lời khấn “Vâng phục”, giữa một xã hội đầy những cám dỗ tự do tháo thứ, buông thả và xé rào. Trong vấn đề nầy, chúng ta không quên lời nhắc nhở của Thánh Gioan Bosco: “Hãy trung thành giữ luật, luật sẽ gìn giữ con”.

- Thứ đến Giuse công chính vì có một đức tin và một tình yêu trọn hảo dành cho Thiên Chúa và con người. Điều nầy được Lời Chúa trong thư Rôma hôm nay mượn chân dung của tổ phụ Abraham, cha của những kẻ có lòng tin, để một cách nào đó, chỉ về Thánh cả Giuse: “Mặc dầu tuyệt vọng, ông vẫn tin rằng mình sẽ trở thành cha nhiều dân tộc, như có lời phán với ông rằng: “Dòng dõi ngươi sẽ như thế”. Vì vậy, ông được kể như sự công chính” (Rm 4,22).

Trong chiều kích “tình yêu trọn hảo”, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II trong Tông Huấn “Đấng Hộ thủ Chúa Cứu Thế - Redemptoris Custos” đã diễn giải né đẹp công chính nầy của Thánh Giuse như sau: “Qua sự tự hiến hoàn toàn, Thánh Giuse biểu lộ tình yêu độ lượng Người dành cho Mẹ Thiên Chúa, và tặng cho bà “món quà tự hiến” của một người chồng. Mặc dù Giuse đã quyết định rút lui để không can dự vào kế hoạch Thiên Chúa đang diễn ra nơi Mẹ Maria, Người tuân theo mệnh lệnh rõ ràng của thiên thần và đón Mẹ Maria về nhà mình, trong khi vẫn tôn trọng việc Mẹ chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa mà thôi.” (Số 20).

Đây cũng lại là một bài học rất cần thiết cho mỗi người chúng ta, nhất là trong đời sống cộng đoàn. Một cộng đoàn mà thiếu sự tôn trọng lẫn nhau, thiếu tình yêu dâng hiến cho nhau, không coi chị em như một “vùng đất thánh” mà khi đến gần phải có thái độ “cởi dép”, thì mỗi thành viên trong đó sẽ “không thể sống hạnh phúc”, chứ đừng nói chi đến một đời sống thánh thiện.

- Và sau cùng, Giuse công chính vì luôn tìm kiếm và thực thi thánh ý Thiên Chúa. Một sự vâng phục trọn hảo trước chương trình huyền nhiệm, khó hiểu và đầy thử thách của Thiên Chúa, được cô đọng thành một thái độ yên lặng thẳm sâu, đến độ trong Tin Mừng chúng ta không tìm được một từ nào phát ra nơi môi miệng của Thánh Giuse, mà chỉ thấy một con tim cúi đầu hành động: “Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền”. (Mt 1,24).

Đó không là một sự công chính tuyệt vời cao cả mà theo khía cạnh con người, Ngài đã truyền lại cho chính người con nuôi yêu dấu, để noi gương Ngài, tuyệt đối vâng theo Thánh ý Chúa trên hành trình cứu độ: Nầy con xin đến…Xin đừng theo ý con…

Đối với chúng ta, những người đã chọn vâng theo thánh ý Chúa trong cuộc đời dâng hiến”, nhất là chọn con đường thập giá của Chúa Giêsu, việc tìm kiếm và thực thi thánh ý Chúa ngay trong những nhỏ nhặt đời thường bằng tiếng xin vâng phải là kim chỉ nam và là lẽ sống.

Sau hết, phải chăng cũng từ nhân đức “công chính” tuyệt vời đó, Thánh Giuse xứng đáng được Thiên Chúa ký thác để giữ gìn mầu nhiệm thiên Chúa như quảng diễn của tông huấn “REDEMPTORIS CUSTOS” (Đấng Hộ thủ Chúa Cứu Thế) của Đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Bằng một cách đặc thù và phi thường, Thánh Giuse đã trở thành Người được ký thác mầu nhiệm “giấu kín từ muôn thuở trong Thiên Chúa” (Ep 3,9). Ý nghĩa nầy cũng đã toát lên nơi lời cầu nguyện của Hội Thánh qua lời kinh tổng nguyện của ngày lễ kính Thánh Giuse hôm nay: "Lạy Chúa, Chúa đã giao phó Đức Giêsu, và thánh nhân đã trung thành gìn giữ trong giai đoạn đầu của công trình cứu độ. Xin nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, cho Giáo Hội biết luôn luôn cộng tác với Đức Giêsu để hoàn tất công trình Người đã khởi đầu".

Và quả thật, trong lịch sử Giáo Hội, không thiếu những chứng từ can thiệp đặc biệt của Thánh Cả Giuse dành cho những ai chạy đến kêu cầu người như chứng từ của thánh nữ tiến sĩ Têrêsa Avila (thế kỷ 16, nhà cải cách Dòng Carmel), hay thánh André Bessette (thế kỷ 20, người thiết lập trung tâm hành hương kính Thánh Giuse Oratory’ st. Joseph trên đồi Mount Royal ở Canada)…Phải chăng đó là “phép lạ của người nghèo công chính Giuse” !

Hội Dòng Mến Thánh Giá chúng ta hôm nay cử hành lễ Thánh Giuse trong bối cảnh mừng kỷ niệm Năm Thánh 350 năm hình thành và phát triển, phải chăng là dịp để cùng dâng lên Thánh Cả Giuse, Quan Thầy của Hội Dòng, tâm tình tri ân cảm tạ vì sự che chở bao bọc, cầu bàu của Ngài dành cho Hội Dòng qua suốt những thăng trầm lịch sử. Trong thời gian đặc biệt nầy, thật là thich hợp để tất cả chúng ta cùng hướng về Thánh Cả Giuse như một điểm quy chiếu, một mẫu gương để “cọng tác với Đức Giêsu và hoàn tất công trình Ngài đã khởi đầu” trong công cuộc loan báo Tin Mừng và làm chứng đức tin trên quê hương Việt Nam và giáo phận Qui Nhơn thân yêu.

Cũng trong bài Tôn Vinh Thánh Giuse của linh mục nhạc sĩ Kim Long, nơi câu tiểu khúc thứ 3, chúng ta đọc thấy những lời thâm thuý nầy: “Đây con thuyền Hội Thánh bập bềnh, triều sóng hằng xô tới xô lui, cuồng phong hằng vây kín mọi lối. Van xin Ngài để mắt thương nhìn, dìu dắt đoàn dân Chúa trung kiên tìm theo đường chân lý vững bền.”

Vâng, hơn lúc nào hết, những ngày nầy, những ngày mà cơn đại dịch Covid-19 đang phú bóng tối âm u trên toàn thế giới, chúng con đang cần sự che chở bảo vệ của Ngài, Người Công Chính Giuse; chúng con cần Ngài dìu dắt chúng con thoát khỏi mọi nguy nan, như Ngài đã dẫn dắt Thánh Gia Thất bình yên trong những ngày đầu của công cuộc Nhập Thể. Amen.

LM. Trương Đình Hiền.

 
Mù mờ
Lm Vũđình Tường
21:47 18/03/2020
Mù mờ diễn tả hoàn cảnh không nhìn thấy gì hoặc nhìn không rõ, hình ảnh mờ mờ, ảo ảo. Đức Kitô mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh nhìn thấy ánh sáng. Mở mắt sáng cho anh, Đức Kitô cho biết không phải do tội mà là nguyên nào khác gây nên, làm cho em nhỏ bị tật bẩm sinh. Các môn đệ hỏi Ngài. Chính em hay cha mẹ em phạm tội khiến cho em bị tật mù bẩm sinh? Các môn đệ mắt sáng nhìn thấy điều trước mắt là người mù từ lúc mới sinh; Đức Kitô nhìn thấy điều các môn đệ không nhìn thấy khi Ngài hướng dẫn các ông hiểu thêm hơn về lòng Chúa xót thương nhân loại. Ngài nói với các ông:

Không phải em, cũng không phải cha mẹ em, nhưng qua bệnh tật của em lòng Chúa xót thương được sáng tỏ hơn (c.3).

Khi nói điều đó Đức Kitô còn cho biết công việc của Ngài và công việc của Chúa Cha là một. Ngài là ánh sáng cho trần gian. Qua Ngài tình yêu và ân sủng Chúa đong đầy cho những tâm hồn chân thành đón nhận Ngài. Có rất nhiều giải thích về đau khổ, và giải thích nào xem ra cũng có vẻ thích hợp. Lời giải thích thích hợp thường thích hợp cho hoàn cảnh hiện tại, mà không thích hợp cho hoàn cảnh khác. Nó càng không phải là câu trả lời thích hợp cho mọi đau khổ. Đức Kitô không giải thích đau khổ từ đâu đến. Ngài cho biết đứng trước đau khổ, con người có chọn lựa. Hoặc tự quyết lấy hoặc nương tựa vào lòng Chúa xót thương. Những ai nương tựa vào lòng Chúa xót thương, họ đau khổ trong hy vọng, bởi có ơn Chúa trợ giúp. Những ai tự quyết họ đau khổ trong tuyệt vọng. Chối bỏ đau khổ, đau khổ càng tăng. Cho người mù mắt sáng Đức Kitô làm tròn điều tiên tri Isaiah tiên đoán nhiều năm trước về Ngài

'Mở mắt cho người mù, giải thoát kẻ bị giam cầm và những ai sống trong bóng tối sẽ nhìn thấy ánh sáng Is 42,7.

Dùng nước miếng trộn đất bùn chữa mắt người mù Đức Kitô nhắc công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Trường hợp này được hiểu Đức Kitô ban cho anh một đời sống mới, tái tạo cuộc sống mới cho người mù. Thiên Chúa tạo dựng Ađam bằng đất. Ađam nhìn thấy Chúa trước khi nghe tiếng Ngài. Người mù Đức Kitô mở mắt sáng lại nghe được lời Đức Kitô trước khi xem thấy Ngài. Để được mắt sáng anh cần nghe theo lời Ngài hướng dẫn. Đi rửa tại hồ Siloam. Hành động đi và rửa tại hồ Siloam diễn tả một hành động trong bí tích Rửa Tội ngày nay Giáo Hội đang thực hiện. Hình ảnh nước cũng nhắc nhở điều Đức Kitô nói với người phụ nữ thành Samarita tại bờ giếng. Ngài là nước hằng sống.

Nhìn thấy sự thật, người mù trở thành nhân chứng cho sự thật, nhân chứng luôn bị cật vấn, nhân chứng cho Đức Kitô thường gặp chống đối, bắt bẻ bởi thế lực tối tăm. Chọn lối sống tối tăm là chọn sống trong bóng tối. Bóng tối luôn sợ ánh sáng và sống trong tối tăm thường nhìn sự vật mờ mờ, ảo ảo. Nhóm lãnh đạo Pharasiêu thẩm vấn người mù. Anh thành tâm đáp Đức Kitô cho anh mắt sáng, còn Ngài từ đâu đến thì anh không rõ. Câu trả lời thành thật và khiêm nhường kia hoàn toàn trái nghịch với thái độ kênh kiệu, ta đây, của nhà lãnh đạo. Họ tự nhận họ nhìn thấy nhưng thực ra họ không nhìn thấy. Họ tự nhận họ biết tất cả nhưng thực ra họ không biết nhiều như họ nghĩ họ biết. Mù mà biết mình mù thì đáng thương. Mờ mà không biết mình mờ thì đáng ngại bởi họ sẽ là nguyên nhân gây đau khổ cho người khác. Lãnh đạo Pharasiêu không nhận biết Đức Kitô là Thiên Chúa bởi tính tự kiêu, tự đại che mờ mắt họ. Họ không mù nhưng mờ. Điều này thể hiện rõ ràng khi họ kết án Đức Kitô là không tuân giữ luật ngày hưu lễ. Chính họ ngồi toà xét xử trong ngày hưu lễ thì sao? Có phạm luật chăng? Bởi mù mờ họ không nhìn thấy điều đó. Nhóm này ép buộc người mù vào phe cánh họ. Anh từ chối nên bị họ điệu đi điều tra, thẩm vấn nhiều lần đến độ anh phát cáu nói các ông muốn tin theo Đức Kitô thì đi theo Ngài, hỏi mãi làm chi. Họ đáp, anh mù vì tội của anh, còn chúng tôi vô tội. Không lôi cuốn được anh họ đuổi anh ra khỏi hội đường, và họ tiến đến áp đảo cha mẹ anh. Bởi không cảm nhận được lòng Chúa xót thương, hai ông bà sợ hãi chỉ dám xác nhận. Nó là con chúng tôi, bị mù từ bẩm sinh, còn làm sao nó mắt sáng thì nó lớn rồi, đi hỏi nó. Hai ông bà nói thế vì sợ bị trục xuất khỏi hội đường. Anh mù hoàn toàn tin tưởng vào Đức Kitô, anh dõng dạc tuyên bố, Ngài là Đấng đến từ Thiên Chúa bởi lòng xót thương Ngài diễn tả điều đó. Đến lúc này nhóm Pharasiêu chia rẽ trong bọn. Người thì hỗ trợ, cổ võ, điều anh mù xác định Đức Kitô đến từ Thiên Chúa; số còn lại kết án Đức Kitô là kẻ tội lỗi vì vi phạm luật ngày hưu lễ. Được sáng mắt, cuộc sống anh mù vẫn không hết khó khăn. Khi còn mù, đi ăn xin, người ta coi thường anh. Giờ mắt sáng, anh trở thành tâm điểm của điều tra, thẩm vấn. Bị điều tra thẩm vấn, anh không sợ bởi đây là cơ hội cho anh nói lên sự thật, nói điều anh thầm nghĩ bấy lâu mà không có ai nghe, không ai để í, nay điều anh nói được mọi người nghe, mọi người để í vì thế anh lớn tiếng nói lên sự thật về Đức Kitô. Dù gặp khó khăn, đau khổ, anh vững tâm làm chứng cho Ngài. Đức Kitô biết anh bị trục xuất khỏi hội đường, Ngài đến gặp anh, hỏi han. Anh xin Ngài cho anh biết Ngài là ai? Đức Kitô cho biết Ngài là Con Thiên Chúa hằng sống. Anh mù đón nhận Ngài, tin theo và tôn thờ Con Thiên Chúa hằng sống.

TiengChuong.org

Sight and blindness

The healing of the man born blind affirms that Jesus is the light for the world. In healing the man blind from birth, Jesus wanted to change a strong belief. He knew it is something else, not sin, that causes a baby's health deficiency from birth. His apostles raised the question, whose sin was it the man himself or his parents, that caused him to be blind? Jesus corrected them by telling them, that it is neither his own sin nor his parents' sin, but it is through his sickness that Jesus shows God's love, and glory to the world. (v. 3). Jesus' work and that of his Father are inseparable. He is the light for the world, and through him God's love and mercy enlighten those who have faith in him. Human beings suffer, and the exact cause is hard to identify. Jesus gives no answer for human suffering, but showed that those who turn to God, will have hope in their suffering. God is in their midst, drawing them closer to Himself. Denying the reality of our suffering makes the problem worse, but recognizing it, and asking for God's grace to endure it, works best. In giving sight to the blind man, Jesus fulfilled what the prophet Isaiah prophesied about Him.

To open the eyes of the blind, to free captives from prison, and those who live in darkness from the dungeon. Is. 42,7

Using His saliva and clay to heal the blind man, Jesus reminds us of how the first human being was made. In this context, Jesus reshaped the blind man's life. He heard Jesus before seeing Him. Jesus touched him and healed him. Jesus commanded him to wash himself at the pool of Siloam. The act of going into and emerging from the water is a part of our baptism ceremony. It also reminds us of the power of the living water Jesus gave to the Samaritan at the well.

When the Pharisees questioned him, the blind man became a bold witness for Jesus. He knew Jesus healed him, but had a very vague idea who Jesus was. The man was humble and honest in contrast to his interrogators, who claimed to see but actually could not see; to know but really they did not know. It was not their eyes' sight that failed them in seeing Jesus, but their arrogance failed them. They were unable to recognize Jesus, the Messiah. Having sight from Jesus the blind man was in the spot light, confronted by the authorities. The Pharisees charged Jesus for breaking the Sabbath laws. They failed to know, that they themselves had broken the Sabbath laws by interrogating and judging the man. They failed to make the man take their side; they drove him out of their community. They then went on to see his parents. The man's parents were afraid of being driven out of the community. They confirmed the blind man was their own son, but how, and who gave him sight they said they didn't know. They refused to get involved, citing he was old enough to handle the case himself.

The blind man first identified Jesus as the prophet, and then confessed, Jesus came from God. He challenged the Pharisees and then factions happened. Some believed the man's testimony that Jesus came from God; others opposed. The man himself was being truthful, and consistent during his trial, that Jesus gave him sight and His healing power came from God. Jesus, learning that he had been driven out of the synagogue, found the man and welcomed him into the community of believers. The man confessed he believed that Jesus is the 'Son of Man' and worshipped Him.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha cầu nguyện cho linh hồn những người thiệt mạng vì coronavirus
Đặng Tự Do
02:57 18/03/2020
Lúc 7 sáng thứ Tư 18 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ này, ngài cầu nguyện cách riêng cho linh hồn những người thiệt mạng vì coronavirus, xin Chúa đoái thương đón nhận họ vào hưởng ánh sáng ngàn thu.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đã chết, những người mất mạng vì virus. Cách riêng, tôi muốn chúng ta cầu nguyện cho các nhân viên y tế đã chết trong những ngày này. Họ đã cống hiến cả cuộc đời để phục vụ người bệnh.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã tập trung các suy tư của ngài về bài Tin mừng trong ngày, và nhắc nhớ rằng Thiên Chúa của chúng ta luôn gần gũi với dân Người và trong những thời điểm khó khăn như thế này, Thiên Chúa yêu cầu chúng ta phải gần gũi với nhau.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu (Mt 5, 17-19)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng tưởng Ta đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Ta bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời”.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Chủ đề của hai bài đọc hôm nay là Lề Luật. Luật pháp mà Chúa ban cho dân của mình. Luật pháp mà Chúa muốn ban cho chúng ta và Chúa Giêsu muốn mang đến sự hoàn hảo tối thượng. Điều thu hút sự chú ý của chúng ta là cách mà Chúa ban Lề Luật cho dân Ngài. Trên thực tế, Môisê đã ngạc nhiên trước sự gần gũi của Thiên Chúa và không có quốc gia nào khác có Thiên Chúa của mình gần gũi như Chúa, Thiên Chúa của chúng ta bất cứ khi nào chúng ta kêu cầu Ngài. Ông Môisê nói: “Không một dân tộc vĩ đại nào được các thần ở bên cạnh mình, như Chúa là Thiên Chúa chúng ta ở bên cạnh chúng ta khi chúng ta kêu cầu Người. Có dân tộc thời danh nào khác có lễ nghi, huấn lệnh công chính, và bộ luật như tôi trình bày trước mặt các ngươi hôm nay không?”

Chúa ban Lề Luật cho dân Ngài bằng cách đến gần họ. Lề Luật Chúa không phải là một bản liệt kê các luật lệ được đưa ra bởi một nhà cai trị, là người xa cách người dân, hay bởi một nhà độc tài. Và chúng ta biết qua mặc khải rằng sự gần gũi của Thiên Chúa là sự gần gũi của một người cha đồng hành cùng với dân Ngài, ban cho họ Lề Luật như một ân sủng. Thiên Chúa luôn gần gũi với dân Ngài.

Chúa bảo vệ dân Ngài trong cuộc hành trình xuyên qua sa mạc dưới hình dạng các đám mây và các cột lửa. Thiên Chúa đồng hành cùng với dân Ngài trong cuộc hành trình.

Thiên Chúa không phải là một vị thần để lại những quy định pháp luật bằng văn bản và sau đó bỏ đi. Ngài viết ra các Lề Luật bằng ngón tay của mình trên đá. Rồi Ngài ban cho dân khi trao cho ông Môisê. Ngài không ném cho họ và sau đó bỏ đi.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng con người có một xu hướng được thể hiện trên những trang đầu tiên của Kinh thánh. Chúa càng đến gần, chúng ta càng có xu hướng xa cách Ngài. Cách đầu tiên để xa cách Chúa là chúng ta là che giấu bản thân, cách thứ hai là giết người khác như Cain đã làm.

Tội lỗi dẫn chúng ta đến việc trốn tránh Thiên Chúa, không muốn gần Ngài. Vì vậy, nhiều lần chúng ta chấp nhận một thứ thần học nghĩ rằng Thiên Chúa là một vị thẩm phán. Và thế là tôi bỏ trốn, vì tôi sợ. Sợ hãi là phản ứng ức chế mọi sự gần gũi của chúng ta với Thiên Chúa. Con người khước từ sự gần gũi của Chúa. Chúng ta muốn được quyền kiểm soát các mối quan hệ. Các mối quan hệ luôn mang theo một số loại tổn thương nào đó. Khi Chúa đến gần chúng ta Ngài làm cho mình nên yếu đuối. Và Ngài càng đến gần, Ngài càng yếu đuối. Khi Ngài đến sống giữa chúng ta, Ngài làm cho chính Ngài trở thành phàm nhân, là một trong chúng ta. Ngài làm cho mình nên yếu đuối. Ngài mang điểm yếu đó đến độ phải chết, với một cái chết tàn khốc nhất.

Sự gần gũi của Thiên Chúa thể hiện sự khiêm nhường của Ngài. Đức Chúa Trời làm nhục chính Ngài để đến với chúng ta, để giúp chúng ta. Như Môisê đã nói, Ngài không phải là một vị thần ở đâu đó trên thiên đàng. Ngài ở ngay trong nhà chúng ta. Chúa Giêsu cho chúng ta thấy điều này. Chúa Giêsu, Thiên Chúa hóa thành nhục thể, đồng hành với các môn đệ Ngài, dạy bảo họ và sửa sai họ một cách từ ái. Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta gần gũi với nhau hơn là xa cách nhau.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng có nhiều cách gần gũi nhau, vượt xa sự gần gũi về mặt thể lý.

Trong thời điểm khủng hoảng vì đại dịch mà chúng ta đang gặp phải, sự gần gũi này đòi hỏi phải được biểu hiện nhiều hơn nữa. Có lẽ chúng ta không thể gần gũi với người khác vì sợ lây bệnh, nhưng chúng ta có thể khơi dậy thói quen gần gũi với người khác qua lời cầu nguyện, và sự giúp đỡ lẫn nhau. Có biết bao những cách thức đa dạng để gần gũi với nhau trong hoàn cảnh này.

Lý do tại sao chúng ta phải gần gũi nhau là vì Chúa đã tự mình đến gần để đồng hành cùng chúng ta. Phần gia nghiệp mà chúng ta đã nhận được từ Thiên Chúa là thế này: chúng ta là những người lân cận với nhau, chúng ta không sống biệt lập.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng gần gũi nhau, không lẩn trốn, không rửa tay như Cain đã làm.


Source:Vatican News
 
Thông điệp của HĐGM Pháp gửi các tín hữu và toàn dân Pháp
Lê Đình Thông
16:09 18/03/2020
THÔNG ĐIỆP CỦA CÁC GIÁM MỤC PHÁP

GỞI CÁC TÍN HỮU VÀ TOÀN DÂN PHÁP

Nước Pháp cũng như nhiều quốc gia khác hiện trải qua thử thách lớn lao. Vị nguyên thủ quốc gia mời gọi mỗi người bỏ qua sự chia rẽ, sống với nhau trong tình huynh đệ. Vì vậy, chúng tôi gửi thông điệp này đến các tín hữu cũng như toàn thể người Pháp, không phân biệt tôn giáo.

Chúng ta cùng thực hiện với lòng khiêm tốn, với sự xác tín rằng đức tin Công Giáo luôn có sứ mệnh chuyên biệt trong thế giới mà không hề suy xuyển. Chúng tôi quan niệm tất cả những ai tin vào Thiên Chúa và xác tín Thiên Chúa đồng hành với chúng ta trong cuộc sống. Sau cùng, chúng tôi nghĩ rằng những người không có đức tin nhưng mong muốn sự liên đới và tinh thần phục vụ được triển nở nơi mỗi người.

Với tất cả, chúng tôi khẳng định cộng đồng quốc gia sẽ vượt qua thử thách. Từ nhiều năm nay, nhân loại nhận thấy có thể thay đổi triệt để cách sống. Cuộc khủng hoảng môi sinh không ngừng nhắc nhở chúng ta rằng đến nay vẫn chưa có những quyết định nhằm dẹp bỏ sự vị kỷ, cá nhân chủ nghĩa, chỉ biết kiếm lợi nhuận và tiêu dùng quá đáng, làm phương hại đến tình liên đới. Chúng ta kỳ vọng tuyệt đại đa số sẽ nhận biết rằng ta không thể dửng dưng trước những thay đổi, như vậy tấm bi kịch mang đầy lo ngại không thể vượt qua một cách vô ích.

THỨ TƯ 25 THÁNG BA, VÀO LÚC 19 GIỜ 30

Hồi chuông thánh đưởng trên toàn nước Pháp sẽ đổ trong vòng 10 phút, không phải để mời gọi các tín hữu đến nhà thờ, nhưng để nói lên tình huynh đệ và niềm hy vọng chung.

Lần này, hồi chuông giống như các giờ phút nghiêm trọng của lịch sử, như việc giải phóng nước Pháp khỏi Đức Quốc Xã. Để đáp lại dấu chỉ hy vọng này, chúng tôi mời gọi mỗi người thắp ngọn nến ở cửa sổ. Cử chỉ này đã từng áp dụng ở Lyon, là dấu chỉ hy vọng, xác tín rằng ánh sáng chiếu soi vào nơi tăm tối.
 
Chiến thuật tâm linh trong hoàn cảnh chết chóc do COVID-19 gây ra
Vũ Văn An
16:26 18/03/2020
Hôm qua, chúng tôi có tường thuật sáng kiến của Shaun McAfee trên tờ Our Sunday Visitor, qua việc tham dự thánh lễ kiểu ông gọi là “Corona Ordo” (xem lễ trực tuyến và chịu lễ thật) cũng như sáng kiến của chủ tịch Cao Đẳng Benedictine ở Kansas qua việc làm tuần chín ngày xin Đức Mẹ Núi Berico cầu bầu cùng Chúa chấm dứt đại dịch COVID-19.

McAfee cho rằng, việc đóng cửa nhà thờ và không cử hành Thánh lễ công cộng không phải là điều nay mới có. Thực vậy, năm 1576, Thánh Charles Borromeo từng ra lệnh đóng cửa các nhà thờ ở Milan để tránh lây lan của bệnh dịch ngay trong Mùa Giáng Sinh. Chỉ có điều thánh lễ vẫn được cử hành hàng ngày, đây là nghĩa vụ của các linh mục và Thánh thể vẫn được ban phát thường xuyên và hết sức rộng rãi. Tuy nhiên, ông nhìn nhận rằng việc ngưng các thánh lễ công cộng trong dịp COVID-19 không hề là chuyện bôi bác và Thánh thể không phải là thuốc chống đỡ bệnh tật. Ông trích dẫn Thánh Tôma Tiến sĩ: “nếu thấy rượu nho bị chuốc độc, linh mục không nên lãnh nhận cũng như phân phối cho người khác bất cứ vì lý do gì, kẻo chén ban sự sống trở thành chén chết chóc” (Summa, III, 83, iii, Article 6).

Ông cũng phê phán những người thiển cận công kích các linh mục ngưng cử hành Thánh Lễ là hèn nhát, tương phản các ngài với sự can đảm của Giáo Hội và các tử đạo sơ khai. Nhưng thực ra, các tín hữu sơ khai cũng buộc phải cử hành Thánh Lễ bí mật tại các tư gia cả hàng thập niên hay tại các hang toại đạo. Các linh mục ở Toulouse thời Trung cổ cũng từng quyết định đóng cửa nhà thờ, lui vào hầm trú để tránh bị sát hại trong bàn tay lạc giáo Albi hòng duy trì hy vọng sống động cho các tín hữu.

Tuy nhiên, cha Sam Sawyer, Dòng Tên, nhờ việc hạn chế cử hành Thánh Lễ, mà tái khám phá ra sức mạnh của nó. Cha viết “Sáng nay, chúng tôi có thánh lễ tại cộng đồng Dòng Tên của chúng tôi, trong nhà nguyện nhỏ của chúng tôi, và tôi nghĩ chúng tôi chưa bao giờ ý thức được sức mạnh của Thánh lễ hay của việc chúng tôi lệ thuộc vào Thiên Chúa trong tư cách thừa tác viên bằng lúc biết rằng cộng đồng nhỏ bé của chúng tôi có thể đích thân có thánh lễ trong khi đại đa số người ta chung quanh chúng tôi phải cậy vào video trực tuyến để tham dự Thánh Lễ hôm nay”.

Mặc dù Edward Peters, một chuyên gia giáo luật cho rằng việc xem Thánh lễ trực tuyến không thay thế việc đích thân tham dự Thánh lễ, Cha Sawyer quả quyết rằng: “Mọi Thánh lễ đều là Thánh Lễ để cứu thế giới... Thánh lễ có sức mạnh bất kể chúng ta đích thân hiện diện ở đó hay không”. Phải chăng ngài muốn nói: tự nó Thánh Lễ có sức mạnh của nó bất kể có giáo dân tham dự hay không. Nhưng về phần giáo dân thì sao? Phải nói: Xem thánh lễ trực tuyến, tự nó, không thay thế được việc đích thân tham dự thánh lễ, ngoại trừ những trường hợp như Peters đã chỉ ra: bất khả kháng, được miễn chước hay đủ lý do để bào chữa, như trong trường hợp COVID-19.

Trường hợp này, không thể liều mạng bỏ qua các chỉ thị hợp lý của việc ngưng các thánh lễ công cộng. Cha Sawyer đồng ý như thế và ngài còn trích dẫn câu Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng: ngày sabát vì con người chứ con người không vì ngày sabát!

Tuy thế, ký giả Michael J. O’Loughlin trên tờ America vẫn cho rằng các biện pháp vừa đưa ra có nguy cơ gia tăng cảm thức cô đơn và trầm cảm và cảm thức này có thể góp phần làm cơn bệnh thêm trầm trọng nơi các vị cao niên, vốn thuộc lớp người tham dự Thánh Lễ đông đảo nhất. Giáo Hội nên tìm cách chăm sóc lớp tuổi này, nhất là sau khi các chính phủ Mỹ và Úc hạn chế việc thăm viếng các vị tại các viện dưỡng lão.



Và may mắn thay, Loughlin cho biết nhiều giáo phận Hoa Kỳ đã có kế hoạch đáp ứng. Tại tổng giáo phận Seattle, các linh mục và tuyên úy giáo dân “sẽ tiếp tục cung cấp việc chăm sóc mục vụ cho những người buộc phải ở trong nhà và bị kiểm dịch”. Có điều chỉ các linh mục dưới 60 tuổi mới nên phục vụ trong phạm vi này, phải đeo khẩu trang và chỉ được chăm sóc người bệnh trong vòng 15 phút. Nếu không được phép vào thăm, thì nên gọi điện thoại để cùng cầu nguyện với người bệnh trên điện thoại. Làm thế nào đừng để họ cảm thấy cô đơn.

Trên thực tế, các linh mục đã hết sức năng nổ trong việc nghĩ ra nhiều cách để gặp gỡ dân Chúa trong thời buổi “cấm cách” trên thực tế này. Facebook của Virna Flores tường thuật sáng kiến của Cha Scott Holmer thuộc xứ St Edward ở Bowie, Maryland: xưng tội ngồi trong xe “chạy qua” (drive-thru Confessions).

Cha viết trên trang mạng giáo xứ: “vì tôi không thể bảo đảm an ninh thể lý cho anh chị em bằng cách mở cửa nhà thờ hay văn phòng cho khách khứa, nên tôi đã lập ‘tòa giải tội lái xe chạy qua’ và sẽ ngồi giải tội ở sân đậu xe của Nhà thờ để giữ khoảng cách 6 ‘feet’ trong khi hối nhân vẫn ngồi trong xe”.

Những sáng kiến như thế chắc chắn không thiếu tại Ý hiện nay, có thể còn là các sáng kiến “táo bạo” hơn, mang đến cái chết cho ít nhất 10 linh mục cho đến nay. Elise Ann Allen, trên tạp chí Crux, tường thuật việc một linh mục Ý “lấp đầy các hàng ghế nhà thờ bằng hình các giáo dân trong xứ”. Đó là Cha Giuseppe Corbari – chánh xứ giáo xứ Các Thánh Quirico và Giulitta ở Robbiano, ngoại ô Milan, thuộc vùng Lombardy của Ý, vốn là tâm chấn của đại dịch COVID-19 ở nước này. Khi lệnh ngưng các thánh lễ công cộng được ban hành ngày 24 tháng Hai, Cha nghĩ cách hiện diện với 5,500 giáo dân có đăng ký của ngài, dù họ không được phép tham dự thánh lễ. Cha cảm thấy nhu cầu “ít nhất được thấy mặt mũi của người dân trong giáo xứ, vì cử hành thánh lễ mà nhìn các hàng ghế trống trơn thấy buồn làm sao”.

Thế là ngài kêu gọi giáo dân gửi hình của họ đến cho ngài để ngài dán vào các hàng ghế trong nhà thờ. Ngài nhận được hơn 100 bức hình. Thế là từ đấy, ngài được thấy họ mỗi lần dâng thánh lễ.

Cha cho biết điều ấy lên tinh thần cho giáo dân nhiều lắm: tuy ở nhà, họ cảm thấy như hiện diện trong thánh lễ! Nhờ thế, nhiều người thuộc các giáo xứ và thành phố khác cũng gửi hình tới. Gây nên hiện tượng loan truyền nhanh như vi khuẩn. Các facebook, cơ quan cung cấp tin tức của Ý và ngoại quốc đua nhau tường trình câu truyện.



Cha Corbari cho rằng khi Đức Phanxicô ca ngợi tính sáng tạo của các linh mục Bắc Ý, rất có thể ngài ám chỉ việc làm của cha. Quả thực, trong bản tin ngày 15 tháng Ba, Hãng tin Zenit tường trình rằng trong bài nói chuyện lúc đọc kinh Truyền Tin, Đức Phanxicô cám ơn các linh mục ở Bắc Nước Ý đã tìm ra cả ngàn cách đầy sáng tạo để gần gũi dân Chúa.

Nhiều nơi khác chỉ biết chạy đến cùng Đức Mẹ “xin bầu chữa cứu giúp”. Đó là trường hợp giáo phận Lille, Pháp, theo tin CNA. Trước việc lần đầu tiên trong lịch sử, Hang Đức Mẹ Lộ Đức phải tạm đóng cửa, Đức Cha phụ tá là Antoine Hérourd đã tổ chức tuần 9 ngày dâng kính Đức Mẹ Lộ Đức bắt đầu ngày 17 tháng 3 và kết thúc vào ngày Lễ Truyền tin 25 tháng 3. Ngày 25 tháng 3 cũng là ngày Đức Mẹ hiện ra với Thánh Nữ Bernadette Soubirous lần thứ 16 và nói “Mẹ là Đấng Vô Nhiễm Thai”.

Nhân dịp này, Đức Cha phổ biến lời nguyện sau đây: “Lạy Mẹ Maria, vì Mẹ là nụ cười của Thiên Chúa, là sự phản ảnh ánh sáng Chúa Kitô, là nơi ngự của Chúa Thánh Thần, vì Mẹ đã chọn Thánh Nữ Bernadette trong cảnh nghèo khó của thánh nữ, Mẹ là sao mai, là cửa thiên đàng và là tạo vật đầu tiên được phục sinh, chúng con cầu xin Mẹ và phó mạng sống chúng con trong tay Mẹ vào ngay lúc nhiều người nam nữ sợ hãi cho sức khỏe của họ. Xin Mẹ trợ giúp người bệnh và người chăm sóc họ, chào đón người đã chết, và an ủi các gia đình”.

Trong khi ấy, người tín hữu nói chung, dù sẵn lòng chấp nhận và thi hành các quyết định của chính quyền và giáo quyền, nhưng vẫn cảm thấy rất mất mát. Cảm nhận này được Brian P. Flanagan diễn tả trên tạp chí America ngày 17 tháng 3. Anh viết: anh “biết ơn” quyết định ngưng cử hành Thánh Lễ, “nhưng tôi sẽ nói dối nếu nói rằng tôi không cảm thấy một cảm thức mất mát, rằng xem Thánh Thể trực tuyến cũng đáp ứng mong muốn như đích thân nhận lãnh”.

Và anh tự hỏi: làm thế nào để vẫn tiếp tục là thân thể Chúa Kitô ngay trong lúc cuộc khủng hoảng này đang diễn biến? Làm thế nào những người như chúng ta cần mình thánh Chúa Kitô như cần cơm nước tiếp tục nhận lãnh được nó?

Câu trả lời, theo anh, có hai: Chúng ta có thể gặp gỡ Chúa Kitô trong Kinh Thánh. Nhiều nhà xuất bản như Give Us This Day Magnificat cung cấp truy cập miễn phí các tài liệu của họ trên mạng suốt trong thời gian khủng hoảng này. Nhiều nhà thờ và mục tử đang trực tiếp phát các thánh lễ trực tuyến và truyền hình...

Phương thức thứ hai là gặp gỡ Chúa Kitô trong những người dễ bị tổn thương nhất và anh trích dẫn Mátthêu 25: “khi Ta đói các con cho Ta ăn...”. Chương này được Thánh Gioan Kim Khẩu bình luận rất hay: “Anh chị em tôn kính mình thánh Chúa Kitô ư? Anh chị em đừng bỏ rơi Người khi Người trần truồng; khi tôn kính Người ở đây [trong nhà thờ] bằng phẩm phục lụa là, anh chị em đừng quên Người đang chết rét và trần truồng ờ ngoài kia... Nào được ích chi, nếu bàn thánh Người quả đầy chén vàng, nhưng Người chết vì đói?”

Linh mục Michael Rozier, Dòng Tên, cũng trên tạp chí America, cũng nhất trí với chính sách tách ly xã hội (social distancing), nhưng ngài cho rằng chúng ta không nên quên tình người. Thay vì bắt tay, ta có thể tặng một câu nói yêu thương và khẳng nhận; thay vì thăm viếng, ta có thể gọi điện thoại nhất là điện thoại thấy hình nhau (video call)...

Nhất là đừng nhìn người khác như một đe dọa, mà nhìn họ như người đồng hội đồng thuyền.
 
Đức Thánh Cha mời gọi sống 24 giờ với Chúa
Thanh Quảng sdb
18:18 18/03/2020
Đức Thánh Cha mời gọi sống 24 giờ với Chúa

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người Công Giáo trên khắp thế giới hãy tham gia vào chiến dịch sống 24 giờ với Chúa và liên đới với nhau, đặc biệt với các quốc gia nơi mà dịch cúm coronavirus đang lây lan mà không thể tổ chức các giờ chầu này.

(Tin Vatican)

Chiến dịch sống 24 giờ với Chúa là một sáng kiến được Đức Thánh Cha Phanxicô khởi xướng và Thánh bộ Truyền giảng Tin mừng tổ chức hàng năm vào các ngày Thứ Sáu và Thứ Bảy trước Chúa Nhật thứ tư Mùa Chay.

Các nhà thờ trong các giáo phận trên khắp thế giới được mời gọi mở cửa và đặt Mình thánh chầu 24 giờ liên tục. Các tín hữu được khuyến khích lãnh nhận Bí tích Hòa giải và cầu nguyện trong sự kết hiệp thiêng liêng với Đức Thánh Cha.

Những tình huống không bình thường

Qua cuộc phát hình buổi triều yết vào thứ Tư vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô cho đây là một thời cơ tốt đẹp trong Mùa Chay để cầu nguyện và hòa giải với Chúa.

Năm nay, trước đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia đã cấm các cuộc tụ họp công cộng và hạn chế tự do di chuyển để ngăn ngừa sự lây lan của virus, các nhà thờ bị đóng cửa, nên chiến dịch này không thể được tổ chức theo hình thức truyền thống…

Tham gia cầu nguyện

Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích các tín hữu hãy chạy đến với lòng thương xót của Chúa qua việc xưng tội và cầu nguyện đặc biệt cho các nạn nhân của cơn đại dịch.

Đối với những người không thể tham gia trực tiếp vào sáng kiến 24 giờ cho Chúa cách bình thường, Đức Thánh Cha mời gọi họ hãy tự xám hối và cầu nguyện riêng tư với Chúa.
 
Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu Ý cùng cầu nguyện vào lúc 9 giờ tối 19 tháng Ba
Đặng Tự Do
18:59 18/03/2020
Trong lời chào gởi đến các tín hữu người Ý trong bài huấn đức thứ Tư hàng tuần, hiện nay được phát trực tiếp thay cho buổi triều yết chung, Đức Thánh Cha đã mời gọi các tín hữu Ý cùng cầu nguyện vào lúc 9 giờ tối ngày thứ Năm 19 tháng Ba.

Đức Thánh Cha nói:

Tôi trân trọng chào các tín hữu nói tiếng Ý, với một suy nghĩ đặc biệt dành cho các thanh niên, những người già, người bệnh và các cặp vợ chồng mới cưới.

Ngày mai chúng ta sẽ long trọng mừng lễ thánh Giuse. Trong cuộc sống, công việc, gia đình, niềm vui và nỗi đau, ngài luôn tìm kiếm và yêu mến Chúa, xứng đáng với lời khen ngợi của Kinh thánh như một người công chính và khôn ngoan. Anh chị em hãy luôn luôn cầu khẩn Ngài, đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn và giao phó sự sống của mình cho vị đại Thánh này.

Tôi hô hào anh chị em hưởng ứng lời kêu gọi của các Giám mục Ý, và tham gia vào khoảnh khắc cầu nguyện cho đất nước trong tình trạng khẩn cấp về sức khỏe này. Xin mọi gia đình, mọi tín hữu, mọi cộng đồng tôn giáo: tất cả hãy hiệp nhất trong tinh thần vào 9 giờ tối ngày mai trong kinh Mân côi, với các Mầu Nhiệm Sự Sáng. Tôi sẽ đồng hành cùng với anh chị em từ đây. Cầu xin Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, là sức khỏe của các bệnh nhân, dẫn chúng ta đến khuôn mặt sáng ngời và biến hình của Chúa Giêsu Kitô và Trái tim của Mẹ, Đấng mà chúng ta hướng về với lời kinh Mân côi, dưới ánh mắt yêu thương của Thánh Giuse, Đấng bảo vệ Thánh gia và các gia đình của chúng ta. Và chúng ta xin Ngài bảo vệ cách đặc biệt gia đình chúng ta, đặc biệt là những người đau yếu và những người đang chăm sóc những người bệnh: các bác sĩ, y tá, các tình nguyện viên, những người liều mình phục vụ.

Sáng kiến 24 giờ cho Chúa

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyến khích người Công Giáo trên khắp thế giới tham gia vào sáng kiến 24 giờ cho Chúa và hiệp nhất với nhau trong tinh thần tại các quốc gia nơi các cuộc tụ họp công cộng bị cấm do sự bùng phát của coronavirus.

Sáng kiến 24 giờ cho Chúa là một sáng kiến được tổ chức bởi Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ Tân Phúc Âm hóa, và được tổ chức hàng năm vào ngày Thứ Sáu và Thứ Bảy trước Chúa Nhật thứ Tư Mùa Chay.

Theo sáng kiến này, ít nhất một nhà thờ ở mỗi giáo phận trên khắp thế giới sẽ được mở cửa trong 24 giờ liên tục. Các tín hữu được khuyến khích lãnh nhận Bí tích Hòa giải và cầu nguyện trong sự kết hiệp thiêng liêng với Đức Thánh Cha.

Những tình huống bất bình thường

Trong buổi triều yết chung hôm thứ Tư 18 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi sáng kiến này là “một khoảng khắc cầu nguyện quan trọng trong Mùa Chay” và là một cơ hội tốt để đi xưng tội.

Năm nay, việc tái diễn khoảng khắc này sẽ xảy ra trong những tình cảnh bị hạn chế, do đại dịch coronavirus gây ra.

Nhiều quốc gia đã cấm các cuộc tụ họp công cộng và hạn chế một số quyền tự do di chuyển để ngăn chặn sự lây lan của virus.

“Thật không may ở Rôma, Ý và ở các quốc gia khác, sáng kiến này không thể được tổ chức theo định dạng truyền thống của nó do tình trạng khẩn cấp của coronavirus,” Đức Thánh Cha nói.

Tham gia trong lời cầu nguyện

Nhưng ngài kêu gọi những người Công Giáo ở các nước chưa bị hạn chế tụ tập hãy tiếp tục truyền thống đẹp đẽ này.

“Tôi khuyến khích các tín hữu kín múc một cách chân thành lòng thương xót của Chúa trong việc đi xưng tội và cầu nguyện đặc biệt cho những người đau khổ vì đại dịch này.”

Đối với những người không thể tham gia trực tiếp vào sáng kiến 24 giờ cho Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngài chắc chắn họ sẽ có thể trải nghiệm “khoảnh khắc sám hối này qua lời cầu nguyện cá nhân.”


Source:Holy See Press Office
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Bác Ái Mùa Chay, Giáo xứ Thánh Phaolô Hạt Tân Sơn Nhì đi thăm Các Trại Phong và Người Nghèo Dân Tộc.
Giáo xứ thánh Phaolô
09:42 18/03/2020

“Chính anh em hãy cho họ ăn” (Mc 6, 37), thực hiện lệnh truyền của Đức Giêsu, trong bối cảnh nạn dịch Covid-19 (Corona Virus) đang hoành hành, sống tâm tình Mùa Chay, Giáo xứ Thánh Phaolô - Hạt Tân Sơn Nhì –Tổng giáo phận Sàigòn, bên cạnh việc cầu nguyện, thực hành việc ăn chay còn tổ chức quyên góp Bác Ái Mùa Chay để đi thăm và trao quà Mùa Chay đến Anh Chị Em Bệnh Nhân Phong, người nghèo dân tộc vùng Tây Nguyên, từ Thứ hai ngày 02/3 đến ngày Thứ bảy ngày 07/3/2020.

Phái đoàn Giáo xứ Thánh Phaolô gồm có Cha Chánh xứ Phaolô Phạm Trung Dong làm trưởng đoàn, Cha Phó Giuse, Cha Phó Phêrô, Cha Bình dòng Don Bosco, quý chức trong Ban Thường Vụ Hội đồng Mục vụ Giáo xứ, Đại diện các Giáo Khu, Các Ban và 2 người từ Dallas.

Xem Hình

Đoàn đã đến thăm và trao 2522 phần quà (815 phần cho bệnh nhân phong, 1707 phần cho Anh Chị Em dân tộc nghèo), mỗi phần quà gồm có gạo, mì gói, đường, bột canh, dầu ăn, nước tương, dầu gió, chà bông tôm, quần áo, bánh kẹo, giày dép… phong bì cho bệnh nhân phong là 300.000đ, người nghèo là 200.000đ; Cha xứ cũng trao đến Quý Cha, Quý Dì phụ trách một số tiền để giúp cho các nơi đó. Các phần quà này được mọi thành phần trong và ngoài Giáo xứ, ở Texas và cả Anh Chị Em tôn giáo bạn hy sinh đóng góp.

Trước Thứ Tư Lễ Tro, Cha Chánh xứ, Quý Cha Phó, Hội Đồng Mục Vụ, Các đoàn thể đã khởi động chương trình Bác Ái Mùa Chay: mua gạo, mì gói, thực phẩm, đón nhận quần áo… đỉnh cao của chương trình khởi động là hai ngày quyên góp vào Chúa Nhật VI Thường niên và Thứ Tư Lễ Tro.

Sau thánh lễ 19g00 Chúa Nhật I Mùa Chay ngày 01/3/2020 rất đông Anh Chị Em đã cùng nhau xếp hàng hóa lên 5 xe mỗi xe 16 tấn đến khoảng 22g30.

Thứ hai ngày 02/3: Bắt đầu chuyến đi, đoàn đã dâng Thánh Lễ lúc 4g30 sáng tại Nhà thờ Giáo xứ xin Chúa thánh hóa, ban bình an cho chuyến đi cũng như cầu nguyện cho các Anh chị em bệnh nhân phong và người nghèo dân tộc cũng như mọi người đã đóng góp. Sau đó, cả đoàn tập trung tại đài thánh Cả Giuse, đặt chuyến bác ái trong sự bảo trợ của ngài và bắt đầu lên đường đi thăm Trại phong Di Linh 1 và 2. Đoàn đã được Anh chị em và Qúy Dì thuộc Tu Hội Nữ Tử Bác Ái Vinhsơn đón tiếp trong sự ân cần. Tại đây đoàn trao 153 phần quà (trại 1: 85, trại 2: 68) và 100 phong bì cho các em học sinh và sinh viên ở trại phong Di Linh 2. Dì Tú phụ trách trại Di Linh 2 cho biết: “Từ khi dịch Corona Virus xuất hiện không có đoàn nào đến thăm chúng con. Hôm nay, đoàn Giáo xứ Thánh Phaolô là đoàn đầu tiên đến thăm”. Sau khi thăm hỏi, trao các phần quà đoàn chia tay để tiếp tục trao 100 phần quà cho Anh Chị Em nghèo dân tộc Thôn Gân Reo, Huyện Đức Trọng (qua Quý Dì Tu viện Mến Thánh Giá An Hòa); và 300 phần quà cho Anh Chị Em nghèo dân tộc thuộc Giáo xứ Đạ Tông.

Thứ ba ngày 03/3: Đoàn đến thăm trao 50 phần quà cho Anh Chị Em bệnh nhân Phong Ia Blu – Giáo xứ Thánh Đaminh. Sau đó, đoàn đến thăm, trao 200 phần quà cho Anh Chị Em bệnh nhân Phong các làng Tel Jỗ, Nhã, Ia Hlong, Tel Ngõ, Thyr, Mai…- Giáo xứ Mỹ Thạch; 200 phần quà cho Anh Chị Em Các làng: Pan, Ea Long, Hố Lâm, Mor, Thoong, Nhà, Ba Bết…- Giáo xứ Mân Côi.

Thứ tư ngày 04/3: Đoàn đến gửi 80 phần quà (40 Anh Chị Em bệnh nhân phong, 40 phần cho Anh Chị Em nghèo dân tộc) qua Cha xứ Giáo xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Sau đó, đoàn đến thăm và trao 94 phần quà cho Anh Chị Em bệnh nhân phong ở Làng La xã Gào; Làng Tang xã Ia Chía; Làng Ta xã Ia O; và gửi 110 phần quà cho các làng: Nui, Phan, Gào, Nú, Tung, Ngó Răng, Ba, Bô Chanh, Xon Cho, Đê, Mor Trang, Mot Đeng, Moi Trê, Grông. Kết thúc ngày là thăm 50 Anh Chị Em bệnh nhân phong và 35 người nghèo ở Làng Plei Ngo, Dak Doa.

Thứ Năm ngày 05/3: Đoàn đến Giáo xứ Kon Thụp xã Kon Thụp để trao 40 phần cho Anh Chị Em bệnh nhân phong, 210 phần cho Anh Chị Em dân tộc nghèo. Ở nơi đây, đoàn đã “chia tay” với chiếc xe Toyota Hiace 12 chỗ, để Cha sở dùng làm phương tiện chở các bệnh nhân đi khám bệnh. Tiếp tục hành trình đến xã Kon Chiên, đoàn trao 45 phần cho bệnh nhân phong, 105 phần cho người nghèo; 400 kg gạo cho Anh Chị Em làng Dông và làng Đồn thuộc xã Pờ Tó. Sau đó, đoàn đến Giáo xứ Đak Sờ Mei trao 350 phần quà.

Thứ sáu ngày 06/3: Đoàn khởi hành đến Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Măng Đen, Giáo phận Kon Tum. Ở nơi đây, đoàn dâng Thánh Lễ tạ ơn Chúa và Đức Mẹ cùng Thánh Cả Giuse đã ban ơn cho đoàn có chuyến Bác Ái Mùa Chay bình an, thật ý nghĩa, cầu nguyện cho Anh Chị Em bệnh nhân phong và dân tộc nghèo cũng như cho tất cả mọi người đã góp công, góp của, góp sức cho chuyến đi. Sau đó, đoàn đến thăm điểm cuối cùng là Giáo xứ Ling La trao 300 phần quà cho Anh Chị Em nghèo dân tộc.

Thứ bảy ngày 07/3: đoàn khởi hành từ Ban Mê Thuột về Giáo xứ Thánh Phaolô kết thúc chuyến Bác Ái Mùa Chay 2020. Đoàn về tới Giáo xứ lúc 17g00.

Đi đến đâu, đoàn được Quý Cha, Quý Dì, Anh Chị Em bệnh nhân phong và Dân tộc nghèo đều gửi lời cảm ơn và hứa sẽ cầu nguyện cho Cha Chánh xứ, Quý Cha và tất cả Quý vị đã đóng góp để họ có được những phần quà thật ý nghĩa và quý giá. Trong thời gian này cho đến tháng 7, họ không thể làm được gì vì đang trong mùa khô nên không đủ nước để tưới ruộng. Đoàn hứa tiếp tục Cầu Nguyện, chia sẻ cho họ. Thấy được những nụ cười rạng ngời, hạnh phúc của Anh Chị Em bệnh nhân phong và Dân tộc nghèo, đoàn nhớ lời của Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong sứ điệp Mùa Chay 2020: “Ngày nay cũng cần phải kêu gọi những người nam nữ có thiện chí chia sẻ, bằng cách chia sẻ của cải của họ với những người thiếu thốn, như một cách thế tham gia của cá nhân vào việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Việc chia sẻ bác ái giúp con người trở nên người hơn, trong khi việc tích trữ có nguy cơ làm xấu đi tính người, bị giam cầm bởi sự ích kỷ của chính mình”. Mỗi thành viên trong đoàn đều cảm nhận được lời mời gọi của Đức Thánh Cha, ai nấy đều cảm thấy vui khi được góp phần vào chuyến đi này.

Qua chuyến đi này, ai nấy đều sẵn sàng cộng tác, hưởng ứng lời chia sẻ của Cha xứ trong Thánh Lễ tại Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Măng Đen: “Bàn tay của Đức Mẹ vẫn còn đó, chưa mọc ra. Bàn tay Đức Mẹ vẫn cụt. Đức Mẹ bảo mỗi người chúng ta phải là bàn tay của Đức Mẹ, bàn tay dịu hiền, bàn tay mang tình thương của Chúa, tình thương của Mẹ đến cho Anh Chị Em phong và nghèo cũng như những người Chúa muốn gửi chúng ta đến”. Hẹn gặp lại vào chuyến Bác Ái Mùa Chay năm sau. Vì, “Chính anh em hãy cho họ ăn”.

Giáo xứ Thánh Phaolô

Hạt Tân Sơn Nhì Sàigòn
 
Giáo họ 3 giáo xứ Lạc Quang mừng lễ bổn mạng thánh Giuse
Đức Dũng
18:48 18/03/2020
Đền Thánh Giuse Giáo xứ Lạc Quang. Lễ bổn mạng trong Đại dịch COVID-19 coronavirus

Giáo xứ Lạc Quang: “Thánh Giuse đã vâng theo Thánh ý Chúa đón, Maria về nhà mình, để Chúa Giêsu có cha, có mẹ như bao gia đình khác. Như thế, Thánh Giuse đã tham dự vào công trình cứu độ của Thiên Chúa”.

Cha Phanxicô Xaviê Trần Văn Thi -chánh xứ giáo xứ Lạc Quang- đã nói về Thánh Giuse như thế, khi ngài chủ sự Thánh lễ mừng kính Thánh Giuse, bổn mạng giáo họ 3, giáo xứ Lạc Quang được cử hành lúc 19g00 ngày 18.3.2020 tại đền Thánh Giuse thuộc giáo họ 3.

Xem Hình

Đến tham dự Thánh lễ, ngoài Ban hành giáo và bà con giáo họ 3, quý chức Hội đồng Mục vụ giáo xứ, quý hội đoàn và đông đảo cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Lạc Quang.

Trước khi vào Thánh lễ, vị đại diện đã mời gọi cộng đoàn suy niệm về cuộc đời Thánh Cả Giuse

Đầu lễ, cha chủ tế có lời chúc mừng bổn mạng giáo họ 3, các vị gia trưởng, quý chức và mọi người nhận Thánh Giuse làm bổn mạng.

Trong bài giảng, cha chủ tế chia sẻ: “Mừng lễ Thánh Giuse là bạn trăm năm Đức trinh nữ Maria. Thánh Giuse là người tài đức. khiêm cung, thuộc dòng dõi con vua Đavid. Gia đình đã sắp xếp ngài đính hôn với Maria, nhưng khi biết Maria có thai, vì vâng theo Thánh ý Chúa, ngài đã đón Maria về nhà mình, hầu Chúa Giêsu có cha, có mẹ như bao gia đình khác. Như thế, Thánh Giuse đã tham dự vào công trình cứu độ của Thiên Chúa”.

Cha chủ tế diễn giảng tiếp: “Cuộc đời Thánh Giuse luôn thinh lặng để suy niệm và lắng nghe và thực thi Thánh ý của Thiên Chúa không một lời thở than, từ việc đưa Maria về Giêrusalem kiểm tra dân số, sinh hạ Hài nhi Giêsu nơi máng cỏ. Đức Đức Maria và Chúa Giêsu trốn sang Ai Cập. Thánh Giuse luôn công chính, thánh thiện, đi đầu trong việc đạo đức, và luôn gương mẫu trong gia đình thật tuyệt vời. Chúng ta hãy xin Thánh cả Giuse cầu bầu cùng Thiên Chúa ban muôn ơn lành cho tất cả mọi người hiện diện trong Thánh lễ hôm nay”..

Sau lời nguyện hiệp lễ, vị đại diện cho giáo họ đã có lời cảm ơn quý cha cũng như toàn giáo xứ, vì tình thương yêu đã đến hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện cho giáo họ.

Thánh lễ kết thúc lúc 20 giờ cùng ngày, mọi người ra về trong hân hoan, nguyện sống như Thánh cả Giuse và như lòng Chúa mong ước.

Laudetur Jesus Christus. (Ngợi Khen Chúa Giêsu KiTô)

Đức Dũng
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Cháy Nhà Lòi Mặt Mo
Phạm Trần
20:51 18/03/2020
Người Việt Nam có câu “cháy nhà ra mặt chuột”, nhưng trong trường hợp dịch Vũ Hán (Covid-19) thì ở Việt Nam lại thêm câu “cháy nhà lộ mặt mo”.

Đem so sánh này áp dụng vào trường hợp bệnh nhân mắc Virus số 21 Nguyễn Quang Thuấn, Giáo sư, Tiến sỹ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, người đã bị phanh phui suy thoái đạo đức, ăn chơi vương giả, ngụp lặn trong xa hoa thì hình ảnh “cái mặt mo”, tuy nhăn nheo xấu xí như cái mo cau khô, nhưng hãy còn qúa nhẹ.

Thế mà báo, đài nhà nước, tiêu biểu như Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Trung ương đảng, đã hối hả bác tin ông Thuấn có “tài khoản khủng”, hay có “bồ nhí, con riêng” là bịa đặt, xuyên tạc.

Thậm chí nhà nước còn cho Công an lùng bắt những Facbookers dám đụng tới ông Thuấn.

Bằng chứng như viết trên báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 13/03/2020:

“Tối nay (13/3), Bộ Công an cho biết: Trên không gian mạng những ngày qua lan truyền nhiều thông tin thất thiệt về bệnh nhân số 21 (tên N.Q.T, trú tại Ba Đình, TP. Hà Nội), bịa đặt, xuyên tạc bệnh nhân này có “bồ nhí, con riêng”, khai báo y tế không trung thực…, thu hút hàng trăm nghìn lượt chia sẻ, bình luận. Các đối tượng phản động, chống đối chính trị trong và ngoài nước nhân cơ hội đã gia tăng kích động, xuyên tạc, gây hoài nghi, làm xói mòn niềm tin của quần chúng nhân dân, gây hoang mang trong dư luận xã hội.

Cùng với việc xác minh, xử lý nghiêm các đối tượng tung tin xuyên tạc tình hình về dịch bệnh Covid-19, ngày 13/03/2020, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an đã phối hợp Công an TP Hà Nội và các đơn vị chức năng nhanh chóng vào cuộc, xác minh, đấu tranh xử lý một số đối tượng đã đăng tải, chia sẻ những thông tin thất thiệt về bệnh nhân số 21. Điển hình như Võ Thị Thanh Thủy (SN 1986, trú tại quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội), Doãn Thị Kim Phượng (SN 1958, trú tại quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) và Nguyễn Thị Vân (SN 1994, trú tại Đông Anh, TP Hà Nội)…

Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận do thiếu hiểu biết nên đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân đăng tải, chia sẻ những thông tin suy diễn, thất thiệt nêu trên, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của ông N.Q.T. Các đối tượng trên đã thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình, xin gỡ bỏ bài viết trên Facebook cá nhân và cam kết không tái phạm.”

Công an nói vậy thì mình nghe vậy chứ kiểm chứng bằng cách nào bây giờ? Không có báo đài nào ở Việt Nam dám điều tra xem chuyện ông Thuấn không có bồ nhí hay con riêng, hoặc tài sản thừa mứa khó chứng minh nguồn gốc là thật hay hư?

Có điều chắc như đinh đóng cột là trong khi nhà nước tốc hành xóa tin đồn giúp ông Thuấn thì họ lại không dám thắc mắc làm sao ông Thuấn có tiền để trả chi phí hội viên chơi Gold tại sân Vân Trì tới 132 ngàn USD, tương đương 3.075.600.000 đồng?

Với phí tổn này, báo GolfViệt giải thích ngày 11/03/2020:”Tuy nhiên, số tiền hơn 3 tỷ đồng hội viên sân golf Vân Trì bỏ ra không phải để hưởng những đặc quyền và ưu đãi của sân chỉ trong một năm như nhiều người vẫn lầm tưởng. Như trong bảng phí, thẻ hội viên có giá trị tới ngày 17/4/2037. Tức là các quyền lợi trải nghiệm sân golf tư nhân đẳng cấp và các tiện ích đi kèm được duy trì ít nhất trong 17 năm tới.”

Nhưng không phải chỉ có vậy, ông Thuấn còn phải trả “phí hội viên thường niên”, như cho năm năm 2020 là 52.285.200 đồng (trên $2,000 US).

Bên cạnh đó mức phí các phụ kiện khác như: Xe điện, thuê gật, bóng tập, túi gậy, phí đặt riêng caddy,… sẽ tính riêng, theo niêm yết của sân Vân Trì.

Các báo Việt Nam cho biết sân golf Vân Trì,tọa lạc tại xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội, nằm cách đường cao tốc Hà Nội-Nội Bài 4km, và được mô tả “ở vị trí rất thuận tiện, đảm bảo an ninh, là sân golf đáng chơi nhất tại miền Bắc.” Sân này do công ty Noble Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, làm chủ đầu tư, do ông Kim Woo Choong, cựu chủ tịch Deawoo E&C làm Chủ tịch.

Vẫn theo tin của báo Việt Nam, sân Vân Trì “được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng Peter Rousseau của Công ty thiết kế P + Z, có quy mô 18 hố và bắt đầu vận hành từ năm 2007. Đặc biệt, Van Tri Golf Club còn được biết đến là sân golf riêng tư (private) và đạt tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam.”

TỪ 17 ĐẾN 21

“Nhà lý luận” Nguyễn Quang Thuấn, 61 tuổi, ở Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội, theo Bách khoa Toàn thư mở, “sinh năm 1959 là giáo sư, tiến sĩ kinh tế. Ông hiện là Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch hội đồng chỉ đạo biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam. Ông nguyên là Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, một trong 16 thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhiệm kì 2016-2020.

Lý do ông Thuấn nhiễm Virus Vũ Hán từ ai thì không rõ rệt, nhưng ông đã đi cùng chuyến bay với bộ trưởng Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng và cô Nguyễn Hồng Nhung, người nghi có bệnh ban đầu, từ London về Nội Bài, Hà Nội trên chuyến bay Hãng Hàng Không Vietnam Airlines (VN0054) hôm 2 Tháng Ba.

Theo lời khai của ông Thuấn thì ông bay từ Việt Nam đi Ấn Độ, sau đó sang Anh rồi về Việt Nam. Trên chuyến bay từ Ấn Độ sang Anh có ngồi cạnh 1 người quốc tịch Anh có biểu hiện sốt và ho liên tục.

Sau khi về Việt Nam, thay vì khai báo y tế, ông Thuấn đã có nhiều hoạt động ở nhiều nơi. Các viên chức Thành phố Hà Nội cho hay:"Ông đã tiếp xúc với 96 người, ở nhiều nơi, có hội nghị ông dự đông nhất lên đến 40 người, tiếp xúc gần đây nhất là buổi đi ăn, đi chơi golf…"

Do đó, số người bị lây nhiễm từ ông Thuấn có thể lên đến hàng trăm. Riêng Facebooker Nguyễn Tiến Tường đã viết trên trang cá nhân:

"...Ngoài việc họp ở hội đồng lý luận, ông đi ăn trưa ở khách sạn Daewoo, ăn tối ở nhà hàng, đi đánh golf cùng đồng sự. Cũng phải nhờ đến con virus, mới phơi lộ được sự thật đằng sau vẻ bình dị…”

Vậy Bệnh nhân số 17 Nguyễn Hồng Nhung là ai? Nguyễn Hồng Nhung là người đầu tiên bị mắc Virus Vũ Hán ở Hà Nội, vì theo các báo Việt Nam, “đã không khai báo thành thật”, trong đó bao gồm cả chuyến du lịch sang Ý, Pháp và Anh. Cô Nhung đã lây nhiễm Virus từ chị ruột Nguyễn Hồng Nga, một người nổi tiếng trong giới thời trang sống tại Anh.

Báo Zing.vn viết:”Bác sĩ Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), cho biết bệnh nhân N.H.N. đã được yêu cầu khai báo y tế ngay khi xuống sân bay Nội Bài vào rạng sáng 2/3. Tuy nhiên, nữ hành khách đã khai báo không trung thực dẫn đến việc bỏ lọt một ca bệnh nguy hiểm.

"Khi hành khách khai xong, chúng tôi có phỏng vấn, điều tra thêm nhưng người này vẫn khẳng định chỉ đi từ Anh chứ không qua các nước khác."

Vì hai chị em Nga-Nhung là con nhà Đại gia, nổi tiếng ăn chơi trong Hội con nhà giầu (rick-kids) nên đã bị các mạng xã hội, kể cả báo chí nhà nước xỉ vả, lên án thậm tệ. Hơn nữa, Nguyễn Hồng Nhung,26 tuổi, trú tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, nên cả khu phố đã bị cô lập, phun thuốc nhiều ngày làm xáo trộn cuộc sống bình thường. Nhiều gia đình đã tản cư đi nơi khác để tránh lây nhiễm nên sức công phẫn lên cao đối với gia đình Nguyễn Hồng Nhung.

SAO LẠI KHÁC NHAU?

Tỷ dụ như đã có người lên tiếng:”Cần sử lý nghiêm không để tái diển phải làm gương cho người khác trong lúc dân ta dang chống dịch minh mang dịch về còn không khai báo còn đi tiếp xúc với nhiều người là tội cố tình cần phải sử lý nghiêm và phạt thật nặng để răng đe người khác.”

Một người khác mỉa mai:”Giàu có ăn chơi hưởng thụ,có đem từ thiện cho người nghèo đồng nào đâu,nhưng lại mang họa về cho đất nước,gây tốn nhiều tiền của quốc gia,làm tăng thêm sự thất nghiệp cho nhiều người,nhiều gia đình phải cách ly !”

Một số người khác nói thêm:

--Bất kể là ai, không trung thực khai báo để lây nhiễm dịch bệnh nhóm A và liên quan đến sức khỏe cộng đồng, cấp tỉnh, TP phải xử lý thì đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự phạt tiền và ngồi tù từ 5 đến 10 năm.

-- Nườc mình phải đưa ra luât, hình phạt cụ thễ đv ai k khai báo trung thực khi đến từ vùng dịch, thực hiện nghiêm khắc thì mới ngăn chặn được, như con khốn Nhung giờ làm cho cả nườc phãi lo lắng

-- Đồ hiệu dát từ đầu đến chân mà cả chị lẫn em nhan sắc không đỡ nổi, vừa xấu, vừa già, vừa ác

-- Yessss..... Dòm y như con khỉ già

--Ông bà có câu. Nhìn mặt bắt hình giống... giống quái thú

--Ngó ảnh của Nga và Nhung mà muốn mắc ói.

-- Nhìn mặt 2 con này giống nhau, xấu, may là có tiền đó, nhìn không ưa nổi.

-- Nó phải bán nhà trả tiền cho nhà nước. Việc nó gây ra không thể tha thứ được.

-- Nếu nó khói bệnh, sử cho đi tù. Còn không thì để nó chết.

Bên cạnh những lời cay đắng, thóa mạ không thương tiếc, có trang báo xã hội dân sự còn phóng lên nhiều hình ảnh ăn chơi, quấn áo đắt tiền, hở hang của chị em Nga-Nhung.

Nhưng nếu so với mức độ gây nhiễm, nếu có mai sau, của bệnh nhân số 21 Nguyễn Quang Thuấn, sẽ lên đến hơn 400 người thì dối với trường hợp lây nhiễm do Nguyễn Hồng Nhung gây ra chỉ khoảng trên dưới 100 người.

Vậy mà, dư luận tại Việt Nam đã tổng tấn công, không những cá nhân Nhung mà còn tấn công của chị ruột sống bên Anh và ông bố giầu có, quê Hải Phòng, vẫn im hơi lặng tiềng trước búa rìu dư luận.

Ngược lại các mạng xã hội và báo, đài nhà nước đã cố tình “tránh xa” trường hợp ông Nguyễn Quang Thuấn, chỉ vì ông ta là Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, một quan chức vai vế sát nách ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Tại sao có sự bất công này trong một nước Cộng sản Việt Nam vẫn bô bô cái mồm rằng “nhà nước ta là nhá nước pháp quyền” của dân, do dân và vì dân?

Hãy đọc Nhà báo tự do Cánh Cò viết cho Đài Á Châu Tự do (Radio Free Asia) ngày 12/03/2020:

“Ông Phó chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương Nguyễn Quang Thuấn là bệnh nhân Virus Corona số 21: Sở hữu 3 căn nhà mặt tiền ở Hà Nội, bay hạng thương gia, ăn ở khách sạn 5 sao, đi đánh golf, mời ca sỹ về hát trong buổi tiệc liên hoan sang trọng…

Ông Phó chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương trên danh nghĩa có mức lương gần hai mươi triệu hàng tháng nhưng thích chốn riêng tư thì ông lại có thừa. Đánh golf riêng tư chưa đủ ông còn có bồ nhí cho đủ bộ riêng tư. Mới đây báo chí lại tung tin công an Hà Nội đã truy ra ông hội đồng Thuấn đã từng ghé chung cư Vincom thăm bà Gs-Ts Nguyễn Thị Phương Châm và phát hiện mối dây liên hệ của bà này và ông hội đồng. Chính ông Nguyễn Quang Thuấn đã công bố Quyết định bổ nhiệm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, và nhiều người còn cho rằng chính ông là người đề bạt bà Nguyễn Thị Phương Châm vào chức vụ Viện Trưởng viện Văn Hóa.”

Với một người có quyền cao, chức trọng như ông Thuấn, nhưng lại suy thoái đạo đức rõ nét, có dư tiền để chơi Golf hạng sang, ăn chơi rủng rỉnh rất phản cảm và nhiều nhà cửa ngay giữa Thủ đô Hà Nội thì Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương,Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ông GS-TS Nguyễn Xuân Thắng có trách nhiệm gì không?

Liệu khả năng lãnh đạo cán bộ và công tác giám sát người dưới quyền, trong trường hợp Nguyễn Quang Thuấn, của ông Thắng có cần được ông Nguyễn Phú Trọng xem lại không, hay “cứ như thế mà làm”?

KHÔNG XỨNG ĐÁNG

Dù ông Trọng có quyết hay không thì dư luận trong dân vẫn bỉu môn, nhếch mép, lắc đầu với con bệnh Nguyễn Quang Thuấn.

Một tựa bài viết trên báo VTC News ngày 12/03/2020, đã lột trần sự thật: “Những lãnh đạo sống xa hoa, chơi Golf hạng sang nhất: Không phải tấm gương để dân học tập.” Chủ quản của VTCNews là Đài Truyền hình KTS VTC

VTCNews viết:”Những ngày qua, dư luận cả nước đang xôn xao về trường hợp một cán bộ Hội đồng Lý luận Trung ương sau khi đi công tác nước ngoài về bị nhiễm Covid-19 và phải khai báo tiền sử dịch tễ.

Vị cán bộ này khai báo ăn uống ở khách sạn 5 sao, chơi ở sân golf đắt đỏ bậc nhất miền Bắc, có phí thẻ hội viên cá nhân lên tới hơn 3 tỷ đồng.

Lối sống xa hoa này trái ngược với phẩm chất giản dị, trong sạch, liêm khiết, gần gũi cần có của một cán bộ, vượt ra suy nghĩ của những người bình thường.

Trả lời VTC News, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, thời gian gần đây, có không ít những cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước có những biểu hiện xa rời lối sống trong sạch, giản dị, lành mạnh mà Đảng, Bác Hồ đã đề ra.

“Vừa qua, có vị cán bộ lãnh đạo cấp cao đi công tác nước ngoài, khi trở về nước từ vùng dịch truyền nhiễm nhưng vẫn đi giao lưu hết nơi này đến nơi khác, để đến giờ có nguy cơ lây lan dịch bệnh ra hàng trăm người, gây khó khăn cho việc phòng chống dịch bệnh ở trong nước.

Tôi cũng nhận được thông tin vị cán bộ này cũng đi gặp gỡ, đi chơi golf rồi vào những nhà hàng sang trọng với nhiều người, đó là điều rất không nên”.

Nguyên ĐBQH Lê Như Tiến cảnh báo:” Hiện tại là thời điểm rất nhạy cảm, bởi đang là năm cuối để đầu sang năm Đại hội Đảng, chuẩn bị cho việc chuyển giao của các cơ quan Đảng và Nhà nước, những biểu hiện tiêu cực cũng rất dễ phát sinh.”

Ông nói với VTCNews:”“Có không ít những cán bộ có biểu hiện như tôi từng nói là ‘chuyến tàu vét’, tranh thủ để ký đề bạt, bổ nhiệm, ký những dự án, đề tài, đề án lớn. Các dự án càng to thì phần trăm nhảy vào túi cá nhân càng nhiều. Hoặc cuối nhiệm kỳ, chuẩn bị nghỉ thì lại hết đoàn nọ đến đoàn kia, từ Trung ương đến cấp tỉnh kéo nhau đi nước ngoài.

Nói là để đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm nhưng đi rồi về nghỉ thì đi học tập gì, hoặc nghỉ rồi mà vẫn đi để làm gì? Đó chính là biểu hiện của việc đi du lịch trá hình và hưởng thụ.”

Như vậy thì nước có đổ đầu vịt không? Đồng tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân mà bị lãng phí, vô trách nhiệm như thế thì đoàn 12 người của Tổ Biên tập tiểu ban KT-XH Đại hội Đảng XIII

chuyến đi Ấn Độ và Anh vừa rồi có làm nên cơm cháo gì không, hay cũng chi là trò bịp để nuốt tiền dân?

Nuốt nhiều hay ít là chuyện của lương tâm ông trưởng đoàn, Bộ trưởng Kề hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng. Nhưng chỉ riêng cái mảng sau khi về đến Hà Nội ông đã vội vàng mở tiệc và mời sa sỹ đến hát nghe cho sướng tai giữa mùa chống dịch Corona của cả nước thì không ai ngửi được, chả có cái mo nào che khuất mặt. -/-

Phạm Trần

(03/020)

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Sức Mạnh Của Sự Khiêm Hạ Thánh Giuse Và Mùa Sám Hối
Lm. Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.
08:42 18/03/2020
Bước vào Mùa Chay thánh, cả Giáo Hội khoác trên mình màu tím của tâm tình sám hối giao hòa. Đang khi đó, cả thế giới như bị bao phủ bởi một bầu trời u ám vì đại dịch Coronavirus vẫn còn bùng phát và vượt khỏi tầm kiểm soát của con người. Nếu Mùa Chay được xem là mùa thao luyện tinh thần giúp cho người tín hữu củng cố sức mạnh trước một cuộc chiến không khoan nhượng chống lại ma quỷ và cám dỗ, thì “mùa chiến đấu” năm nay xem ra có phần khốc liệt hơn, gay go hơn vì ngoài các yếu tố tinh thần ra, còn đòi hỏi nhiều cả về yếu tố thể lý là do chúng ta phải đương đầu chiến đấu chống lại tác hại khôn lường của dịch cúm viêm phổi cấp. Để có thể chiến thắng trong trận chiến cam go này, chúng ta cần phải rèn luyện đời sống tâm linh nhờ ơn Chúa giúp, nhờ noi gương bắt chước những bậc thầy lão luyện và nhờ trang bị cho mình những khí giới hữa hiệu.

Trận Chiến Cam Go

Đã có nhiều người cho rằng đại dịch này chính là cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống nhằm trừng phạt những nhà cầm quyền ngông cuồng, những thể chế chính trị tàn bạo, hay những hình thức kinh tế xã hội bất công, nhưng làm sao chúng ta có thể chấp nhận cách hiểu này khi thực tế cho thấy có rất nhiều người trong số hàng chục ngàn nạn nhân trực tiếp của cơn đại dịch lại là những con người vô tội đáng thương. Thay vào đó, chúng ta hãy để cho ánh sáng Lời Chúa soi dọi và giúp chúng ta nhận ra rằng tất cả mọi sự việc trong vũ trụ này đều nằm trong dự liệu quan phòng của Thiên Chúa. Mỗi biến cố xảy ra đều chứa đựng những thông điệp cần thiết mà Thiên Chúa muốn gửi đến cho nhân loại chúng ta.

Chúng ta có thể tìm thấy những trình thuật đầu tiên trong Kinh Thánh liên quan đến tai ương dịch bệnh nơi cuộc xuất hành của Dân Israen thời Môsê (x. Xuất Hành, chương 7-11). Nhưng trước khi những việc này xảy đến, trình thuật Thiên Chúa gọi và sai Môsê đi hé lộ cho chúng ta nhiều điều quan trọng liên quan đến ý định của Thiên Chúa:

Đức Chúa phán với ông Môsê:“Coi này, Ta làm cho ngươi nên một vị thần đối với Pharaô [...] Chính ngươi sẽ nói tất cả những gì Ta truyền cho ngươi, và Aharon, anh ngươi, sẽ nói lại với Pharaô để vua ấy thả con cái Israen ra khỏi nước của vua. […] Ta sẽ tăng thêm nhiều dấu lạ điềm thiêng tại nước Aicập. Pharaô sẽ không nghe các ngươi đâu. Ta sẽ ra tay giáng phạt Aicập và sẽ dùng uy quyền mà đưa các binh ngũ của Ta, là dân Ta, con cái Israen, ra khỏi nước Aicập. Bấy giờ người Aicập sẽ biết rằng Ta là Đức Chúa, khi Ta giương cánh tay chống lại người Aicập và đưa con cái Israen ra khỏi nước chúng.” (Xh 7:1-5)

Đoạn Kinh Thánh trên nói riêng và bối cảnh xuất xứ sách Xuất Hành nói chung tiết lộ cho chúng ta 3 điểm căn bản chúng ta cần nhớ khi tìm hiểu về các tai ương dịch hạch do Kinh Thánh Cựu Ước ghi lại. Trước hết, qua các tai ương dịch bệnh, Thiên Chúa muốn Phaoraô và các nhà lãnh đạo các dân nước biết ý định của Người. Thứ hai, những dấu chỉ này như bài học mở mắt cho lãnh đạo các dân nước biết rằng tất cả các bất công do con người gây ra đều phải trả một cái giá vô cùng đắt đỏ. Thứ ba, bất cứ dân tộc nào, thế lực nào, cá nhân nào chống lại Thiên Chúa thì đều sẽ nhận lấy thất bại vô cùng thảm hại. Nói chung, tuy tác giả sách Xuất Hành dùng từ “trừng phạt” nhưng các tai ương dịch bệnh lại mang ý nghĩa “sửa dạy, nhắc nhở” nhiều hơn là trừng trị, đánh phạt. Những biến cố này, theo nghĩa Thánh Kinh, chứa đựng thông điệp cảnh tỉnh nhắn nhủ con người biết sám hối nhìn nhận lỗi lầm thiếu xót và cải thiện bản thân khi còn chưa quá muộn màng. “Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống” (Êdêkien 33:11).

Bậc thầy lão luyện

Tội lỗi nào, thiếu xót nào đã khiến cho thế giới ngày ngay phải nhuốm màu tang tóc bi ai như ngày hôm nay? Phải chăng vì sự xuất hiện của quá nhiều những Pharaô ngông cuồng chống lại Thượng Đế và cố chấp bưng tai bịt mắt trước vô vàn giáo huấn nhân từ của Người. Chúng ta hãy sớm hồi tâm để nhận ra rằng những Pharaô mới của thời đại hôm nay không chỉ là một vài lãnh tụ quốc gia này quốc gia khác mà là chính mỗi người chúng ta. Chúng ta phải tự vấn chính mình: Chúng ta có chống lại Thiên Chúa không? Chúng ta có tìm cách loại Người ra khỏi cuộc đời của mình và ngạo nghễ “xưng vương xưng bá” hay không? Để giáo hóa những Pharaô phản nghịch này, chúng ta nhất định phải cần đến nhiều những Giuse khiêm nhượng và vâng phục khác. Vì chưng “những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa lại chọn để huỷ diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người” (1 Cor 1:28-29).

Khi nhìn vào cuộc đời và sứ mạng của Thánh Giuse, Giáo Hội nhìn thấy một mẫu gương tuyệt hảo của đức khiêm nhường và vâng phục. “Qua việc làm cha chăm sóc Chúa Giêsu, Thánh Giuse làng Nazareth, khi được đặt lên trông coi gia đình của Chúa, đã hoàn thành nhiệm vụ đã nhận được nhờ ân sủng. Do gắn bó chặt chẽ với các mầu nhiệm khởi đầu trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, người trở nên mẫu gương về lòng khiêm nhường và nhân ái, những điều làm cho đức tin Kitô giáo có được những phẩm giá cao cả; và thể hiện những nhân đức nhân bản và đơn sơ, cần cho con người trở nên môn đệ tốt lành và đích thực của Chúa Kitô.”

“Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (Mt 23:12). Nhìn vào nếp sống âm thầm, tính cách cần mẫn của Thánh Giuse, nhiều vị Giáo Hoàng đã không ngần ngại tuyên dương người như mẫu gương của những người lao động bình dị nhưng đã cống hiến rất nhiều cho công cuộc thăng tiến các giá trị con người. Cụ thể, trong Tông Huấn Redemptoris Custos - Người Chăm Sóc Đấng Cứu Thế, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định rằng “lao động giúp mọi người đến gần Thiên Chúa, Đấng Tạo hoá và Đấng Cứu Chuộc hơn, để tham dự vào kế hoạch cứu độ con người và thế giới, và để đào sâu hơn… tình bạn với Đức Kitô trong cuộc sống của họ” (Redemptoris Custos, #23). Thánh Giáo Hoàng còn đặc biệt nhấn mạnh rằng: “Thánh Giuse là mẫu mực của những người khiêm hạ mà Kitô giáo nâng lên những địa vị cao sang; […] Người là bằng chứng cho thấy rằng để trở thành một môn đệ tốt và chân chính nối gót Chúa Kitô, không cần đến những điều vĩ đại – chỉ cần các nhân đức thông thường, đơn sơ và nhân bản, nhưng phải là những nhân đức đúng nghĩa và chân thực” (Redemptoris Custos, #24).

Phương thế hữu hiệu

Trước những ý kiến cho rằng nên dời ngày lễ kính trọng thể Thánh Giuse ra khỏi tháng 3 để tránh màu sắc u sầu của Mùa Chay và để nói lên vị thế cao trọng của người trong đời sống Giáo Hội, chúng ta như vừa tìm được câu trả lời. Càng nhìn kỹ vào cuộc đời của Thánh Giuse, chúng ta càng nhận thấy nhiều nét tương hơp giữa con người thánh nhân và mùa Chay sám hối.

Với tính cách âm thầm khiêm tốn Thánh Giuse đã xuất hiện giữa mùa Chay như mẫu mực của một đời sống chiêm niệm nội tâm sâu xa. Một người có thể đón nhận tất cả mọi nghịch cảnh với một thái độ điềm tĩnh phi thường như thế thì chỉ có thể là nhờ vào việc người đã suy gẫm luật Chúa đêm ngày. Quả thật, Thánh Phaolô đã mượn hình ảnh người chiến sĩ sắp xông pha trận mạc để diễn tả những thái độ cần thiết cho một cuộc chiến đấu thiêng liêng. Thánh nhân nhấn mạnh đến vai trò không thể thiếu của Lời Chúa vì Lời Chúa là sức mạnh vô địch của kẻ khiêm nhượng.

Anh em hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người. Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao. Bởi đó, anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa; như thế, anh em có thể vận dụng toàn lực để đối phó và đứng vững trong ngày đen tối. Vậy hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an; hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa. (Êphêsô 6:10-17)

Đời sống thiêng liêng như một thao trường thấm đẫm mồ hôi và nước mắt. Các chiến sĩ nhất định phải tỉnh thức, thường xuyên rèn luyện và trang bị khí giới sẵn sàng chiến đấu chống lại ma quỷ và cám dỗ của ác thần. Ngoài việc củng cố sức mạnh tâm hồn, gia tăng lòng mến, gia cố niềm hy vọng, mỗi Kitô hữu còn phải trang bị cho mình những vũ khí lợi hại là đai thắt lưng chân lý, áo giáp công chính, đi giày là lòng hăng say loan báo Tin Mừng, khiên mộc đức tin, mũ ơn cứu độ và đặc biệt không thể thiếu thanh gươm Lời Chúa. “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi” (Dt 4:12).

Sám hối và tin vào Tin Mừng

Màu tím chay tịnh và bầu trời u ám do dịch bệnh gây nên mời gọi chúng ta ý thức thân phận mỏng giòn yếu đuối của mình và cậy nhờ vào tình thương và sức mạnh của Chúa. Chỉ khi nào chúng ta biết thành tâm học hỏi nhân đức khiêm tốn âm thầm của Thánh cả Giuse và thực tâm quay về với giáo huấn Tin Mừng Cứu Độ, khi đó chúng ta mới nhận ra rằng Mùa Chay Thánh chính là mùa “sống đời sống mới” (Rm 6,4) theo khuôn mẫu của Con Một Thiên Chúa, Đấng đã chịu chết để chúng ta được sống. Chúng ta hãy khẩn khoản thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa, Chúa không muốn cho người có tội phải chết, nhưng muốn họ sám hối ăn năn. Xin dủ thương nghe lời chúng con cầu nguyện và thánh hoá nắm tro mà chúng con xức lên đầu để tỏ dấu [khiêm tốn] nhìn nhận mình chỉ là thân cát bụi và sẽ trở về cát bụi. Xin giúp chúng con hằng cố gắng giữ Mùa Chay thánh này để được Chúa thứ tha tội lỗi và biết sống một đời sống mới theo hình ảnh Con Chúa Phục Sinh, Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.”
 
Lễ Thánh Giuse Thời Covid19
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
18:34 18/03/2020
Lễ Thánh Giuse Thời Covid19
2S 7,4-5a.12-14a.16; Rm 4,13.16-18.22; Mt 1,16.18-21.24a

Mấy tháng nay tâm trí mọi người đều bị Covid19 xâm chiếm. Trong tình hình dịch bệnh như thế, chúng ta mừng lễ thánh cả Giuse thế nào? Lời Chúa trong lễ thánh Giuse nói với ta điều gì giữa thời đảo điên do dịch Covid19 gây ra? Có thể thấy 4 sứ điệp.

1. Hãy dừng lại. David có toan tính xây đền thờ. Nhưng Chúa bảo ông: hãy dừng lại. Abraham nôn nóng mong lời Chúa hứa thực hiện. Chúa bảo ông: hãy dừng lại. Thánh Giuse cũng đang có toan tính bỏ đi. Chúa bảo ngài: hãy dừng lại.

Với đại dịch Covid19, tất cả phải dừng lại. Từ những chương trình lớn như giải đua xe, giải bóng đá, hành hương Toà Thánh, Đất Thánh. Cho đến những chương trình nhỏ như tuần chầu, cưới hỏi, khánh thành, tập huấn nhà tập. Thậm chí cả những chương trình riêng tư như đi thăm thân nhân, khám bệnh thường kỳ. Tất cả đều phải dừng lại.

Tổng phụ Lepori trích dẫn Thánh vịnh 46 mời gọi: Hãy dừng lại. Cyril, một linh mục của Vũ hán suy niệm: Trung quốc vốn ồn ào vội vã bỗng trở nên trầm lặng. Làm việc không biết mệt giờ cũng bình thản lại. Còn cha Ríchard Henrick, một linh mục châu u suy niệm: Trên khắp thế giời người ta đang sống chậm lại, dừng lại và suy tư. Dừng lại để quay về.

2. Hãy về nhà. Đối với các vị thánh về nhà là về với Thiên Chúa. Khi thức dậy, thánh Giuse đã trở về như lời Chúa truyền. Ra đi chỉ là cơn mê. Trở về đã là tỉnh thức. Lầm lạc là xác thịt. Tỉnh thức là Thần Khí. Đối với Đavid và nhất là với Abraham, quê hương là nơi Chúa hứa. Là về với lời hứa. Với vị trí do Thiên Chúa đặt để. Với nhiệm vụ thực hiện lời hứa.

Đại dịch Covid19 khiến mọi người trở về nhà. Trẻ em không đi học sẽ trở về nhà. Người lớn không đi công tác sẽ trở về nhà. Không còn những địa vị ngoài xã hội. Không còn những giao tiếp xã giao ngoài xã hội, con người về sống thật với mình. Nhưng quan trọng nhất là trở về căn nhà tâm hồn mình. Về tìm lại chính mình. Vì những công việc thế gian, con người phải ra khỏi mình nhiều. Đã đánh mất chính mình. Đã tha hoá.

Cha Henrick mời gọi: Hãy thức tỉnh những lựa chọn của bạn. Để biết sống hôm nay. Cha Cyril phát hiện: Có những cha mẹ trước kia chẳng bao giờ giao tiếp với con cái. Có những cặp vợ chồng chẳng hề tâm sự. Nay bắt đầu đối thoại chuyện trò. Cha Tổng phụ suy tư: Sống hiện tại là sống sự thực về chính mình. Trở về thẳm sâu tâm hồn là sống với Chúa.

3. Hãy sống với Chúa. Để Chúa làm chủ đời mình. Khi David dừng lại và kính cẩn lắng nghe, Chúa đã cho ông biết kế hoạch lâu dài dành cho gia tộc của ông. Abraham tuyệt vọng nhưng vẫn để Chúa làm chủ cuộc đời. Nên Chúa đã cho ông trở thành tổ phụ nhiều dân tộc. Thánh Giuse dừng lại ý riêng. Để lắng nghe Lời Chúa. Bỏ chương trình riêng. Để đi vào chương trình của Chúa. Và Chúa đã phong ngài làm cha nuôi Chúa Cứu Thế.

Giữa lúc dịch Covid19 hoành hành lại có một hiện tượng đáng vui mừng. Số người đi lễ tăng lên. Số người xưng tội tăng lên. Các lời cầu nguyện tha thiết sốt sắng hơn. Các cha xứ cho biết nhờ được giải tội tập thể nên nhiều người bỏ xưng tội lâu nay có cơ hội được hiệp thông thánh lễ. Tại Ba Lan các nhà thờ tăng thêm thánh lễ để đáp ứng nhu cầu cầu nguyện của người dân trong cơn đại dịch.

Cha Cyril suy niệm: (Nhờ đại dịch) Cuối cùng nhân loại một lần nữa cảm nhận được Quyền lực của Thiên Chúa. Cha Henrick cho thấy: Virus nhắc nhở ta có Đấng Toàn Năng. Và con người chỉ là những tạo vật hèn yếu của Người. Tổng phụ Lepori gợi lại hình ảnh các tông đồ ở trên thuyền với Chúa trong cơn bão tố: Như các tông đồ trên thuyền trong cơn sóng dữ. Đừng quay lại quá khứ để mơ tưởng ước gì mình chưa lên thuyền. Vì quá khứ đã qua không trở lại. Đừng mơ mộng tương lai ước gì thuyền đã vào bến. Vì tương lai không thuộc quyền ta. Hãy sống hiện tại. Đó là Chúa đang ở trong thuyền với ta. Hãy sống với Chúa. Hãy để Chúa làm chủ. Sống với Chúa mời gọi ta sống cho tha nhân.

4.Hãy sống cho tha nhân. Vâng lời Chúa, Đavid thu tích vật liệu nhưng để dành cho con là Salomon sẽ xây dựng đền thờ. Ông tích đức để dành cho con cháu. Và vì thế Chúa hứa cho dòng dõi ông trường tồn. Abraham chịu khổ cực suốt đời lang thang không có nhà cửa đất đai, không con cháu. Nhưng vì đức tin của ông, Chúa ban cho ông Đất Hứa và con cháu ông sẽ đông như sao trên trời. Thánh Giuse cũng vâng lời Chúa, không sống cho toan tính bản thân. Ngài về nhận lấy Đức Mẹ và Chúa Giêsu. Đó là một trách nhiệm khó khăn. Ngài quên bản thân để lo cho Đức Mẹ và Chúa Giêsu. Điều đó làm cho cuộc đời ngài có ý nghĩa.

Thật lạ lùng. Trong cơn đại dịch con người lại biết quay về với nhau. Vietcatholic đưa hình ảnh người dân ở các thành phố Siena Tuscan, Napoli và Turino đứng trên ban công cùng nhau hát vang những bài dân ca. Tại Vũ hán có những người mang bữa ăn đến cho những người bị cách ly. Và ta đã thấy khắp nơi trên thế giới người ta họp nhau lại múa bài Vũ điệu rửa tay của Khắc Hưng và Quang Đăng.

Tổng phụ Lepori mời gọi chúng ta trong thời đại dịch hãy biết sống cho tha nhân. Hãy biết nghĩ đến các y bác sĩ đang xả thân phục vụ bất chấp hiểm nguy. Hãy nghĩ đến dân Phi châu đang bị dịch cào cào châu chấu. Cha Cyril thì nhận thấy: Virus dạy ta biết thế nào là “những khoảnh khắc đáng nhớ”. Virus cho ta cảm nhận tình yêu chân thật có trên trái đất này. Còn cha Henrick ghi nhận: Một khách sạn tại Ai len phục vụ bữa ăn miễn phí giao tận nhà. Có những thiếu nữ trẻ cho số điện thoại cho các nhà hàng xóm để những ai cần, có thể gọi họ đến giúp. Trong đại hoạ con người lại đến với nhau.

Lễ trọng kính thánh Giuse giữa mùa chay như một ánh sáng giúp ta sống mùa chay tốt đẹp. Lời Chúa hôm nay cũng soi sáng cho ta biết sống thế nào giữa thời đại dịch Covid19 cho đúng thánh ý Chúa, xứng đáng là người Kitô.

Hãy dừng lại. Hãy trở về. Hãy sống với Chúa. Hãy sống cho tha nhân. Dịch Covid19 đã khiến ta tỉnh ngộ để trở về với những gì quan trọng nhất đời. Tổng phụ Lepori trích dẫn Tu luật Biển đức để gợi lại cho ta ý nghĩa của mùa chay là: ý thức thân phận mỏng dòn. Khi phải từ bỏ những gì thừa thãi, ta sẽ biết giữ lại những gì cốt lõi. Và khi biết thân phận mỏng manh ta sẽ biết Chúa mới làm chủ cuộc đời. Đó chính là tâm tình phải có trong mùa chay.

Và như thế mùa chay thật ý nghĩa. Ta sẽ được tái sinh trong tình yêu. Như cha Henrick cảm nhận: Vâng có đó nỗi sợ nhưng không phải oán hờn. Vâng có cuộc cách ly nhưng không phải cô đơn. Vâng có mua sắm hoảng loạn nhưng không phải bủn xỉn. thậm chí có cả chết chóc nhưng luôn có tái sinh tình yêu.
 
VietCatholic TV
Câu chuyện của kỹ sư người Anh từ Vũ Hán thoát chết trở về: Đừng để chết oan vì coronavirus
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:03 18/03/2020
Những người nhiễm coronavirus thường không muốn nói về kinh nghiệm nhiễm bệnh của mình vì điều đó có thể ảnh hưởng đến công việc làm ăn, và có thể bị người xung quanh xa lánh, dè dặt.

Tuy nhiên, đó không phải là trường hợp của Connor Reed, kỹ sư người Anh, 25 tuổi, được phái sang làm việc tại Vũ Hán cùng với một người bạn. Anh sống sót trở về, trong khi người bạn không được may mắn như anh, đã chết vì coronavirus.

Anh đã dành cho thông tấn xã Reuters một cuộc phỏng vấn, để gởi đi thông điệp của anh, đó là “Đừng để chết oan vì chủ quan”.

Thoạt đầu, Tổ Chức Y Tế Thế Giới, gọi tắt là WHO, cho rằng tỷ lệ tử vong do nhiễm coronavirus là 2%, sau đó, họ tăng lên 3.8%, rồi lại nói là 5.8% trong khu vực tỉnh Hồ Bắc và 0.7%. Tuy nhiên, tất cả các con số thống kê do WHO đưa ra đều dựa vào các báo cáo không đáng tin tưởng của bọn cầm quyền Bắc Kinh. Bên cạnh đó, khả năng tử vong chắc chắn phụ thuộc vào tuổi tác, tình trạng sức khoẻ và nhiều yếu tố khác như tiền sử các bệnh tật trong quá khứ.

Reed cho biết đầu tiên, anh chỉ cảm thấy như bị cảm như biết bao lần anh bị cảm, chỉ bình thường như thế thôi, nhưng chỉ vài ngày sau, anh thấy sốt trong khi người anh run lên vì lạnh. Khi nó phát ra thành một chứng viêm phổi, thì anh cảm thấy khó thở, và người rã rời trong một “cảm giác giống như bị một chiếc xe tải cỡ lớn đâm vào mình vậy”.

“Bị một chiếc xe tải đụng”, đó chính là cảm giác trong trường hợp lây nhiễm coronavirus nặng đã xảy ra cho Connor Reed, người Anh Quốc, đã phải nhập viện sau khi anh bị nhiễm virus, gây viêm phổi khiến anh phải gắng sức để hít thở. Những chuyện này đã xảy ra ở Vũ Hán, Trung Quốc nơi chính là tâm chấn của dịch bệnh và cũng là nơi anh sinh sống và làm việc. Anh đã có cuộc trò chuyện với Reuters về sự hồi sinh của mình.

Reed nói: “Ban đầu tôi bị cảm lạnh. Chỉ là cảm lạnh thường thôi...ờ...thứ mà mọi người đều mắc phải, vâng. Khi tôi vừa thấy đỡ hơn một chút cũng là lúc bệnh trở nên nặng hơn. Thế là vừa hết cảm lạnh, tôi đã bị cảm cúm. Tôi cũng đã từng bị cúm vài lần trong đời, nhưng lần này chắc chắn là trận cúm nặng nhất mà tôi từng mắc phải.

Khi tôi đỡ hơn với đợt cảm cúm cũng là lúc tôi bị viêm phổi. Cho đến khi phải vào bệnh viện tôi vẫn còn bị viêm phổi. Chứng bệnh này thực sự rất nghiêm trọng. Nó làm tôi thật sự suy nhược, nói chung là cảm thấy không khỏe tí nào. Cả ánh sáng cho đến âm thanh đều làm tôi bị ảnh hưởng và tôi chỉ muốn nghỉ ngơi. Tôi còn trẻ nên có thể không mất mạng, nhưng nó rất là khó chịu. Thời điểm tôi bị viêm phổi là thời điểm tình hình đang trở nên khá nghiêm trọng. Tôi cảm thấy như con virus này đã sử dụng hết dung tích lá phổi của tôi và mỗi hơi thở của tôi đều không đủ và tôi không có đủ không khí để thở. Mọi thứ đều thay đổi.

Mọi người đều phải mất thời gian để điều chỉnh và tình trạng mới này. Tất cả mọi người nhiễm bệnh đều phải tìm cách thích nghi với tình trạng này. Mọi người đều phải cố gắng hết sức với những gì mình có để sống còn, nếu không thì chết.”

 
Mỹ và Âu Châu: Cung nghinh Thánh Thể xua trừ dịch bệnh, Úc Châu: Nhiều giáo phận đình chỉ thánh lễ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
09:49 18/03/2020
Tính cho đến chiều thứ Tư 18 tháng Ba, số người chết vì coronavirus, hay COVID-19 trên toàn thế giới vẫn tiếp tục gia tăng ở mức kinh hoàng với 7,987 người chết, và số người nhiễm bệnh lên đến 198,422 người. Như thế, chỉ trong 24 giờ đã có thêm 813 người thiệt mạng vì coronavirus, và 15,699‬ trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận.

Hoa Lục vẫn đang dẫn đầu con số thương vong với 3,237 người chết, và 80,894 trường hợp nhiễm bệnh. Như thế, trong vòng 24 giờ qua, Trung Quốc chỉ có 11 người thiệt mạng, và 13 trường hợp nhiễm bệnh.

Thiệt hại nhân mạng tại Ý ngày càng trở nên rất nghiêm trọng. Chỉ trong 24 giờ của ngày thứ Hai, số trường hợp tử vong tại Ý là 345 người. Tính đến chiều thứ Tư 18 tháng Ba, số người chết vì coronavirus tại Ý đã lên đến 2,503 người, và 31,506 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Nếu tình hình cứ diễn tiến ở mức này, chỉ trong một vài nữa, con số tử vong tại Ý sẽ vượt qua con số tử vong trên toàn cõi Hoa Lục.

Tiếp theo là Iran với 988 người chết, tăng 135 người trong vòng 24 giờ; và 16,169 trường hợp nhiễm bệnh, tức là chỉ trong 24 giờ đã có thêm 1,178 trường hợp nhiễm bệnh mới được ghi nhận.

Tình hình tại Tây Ban Nha đã gia tăng một cách đột biến trong những ngày gần đây. Đến nay, đã có 533 người chết; và 11,826 trường hợp nhiễm bệnh.

Tại Úc, sáng thứ Tư 18 tháng Ba, Thủ tướng Scott Morrison đã công bố tình trạng khẩn cấp và cấm tất cả các cuộc tụ tập trong nhà có hơn 100 người. Với lệnh cấm này hàng loạt giáo phận và tổng giáo phận sẽ phải đình chỉ các thánh lễ. Tính đến sáng thứ Tư 18 tháng Ba, đã có 454 trường hợp nhiễm coronavirus được xác nhận tại Úc trong đó 6 người đã thiệt mạng.

Trong một lá thư đề ngày thứ Tư 18 tháng Ba, Đức Tổng Giám Mục Timothy Costelloe của tổng giáo phận Perth cho biết ngài đã quyết định đình chỉ tất cả các Thánh lễ công cộng tại tất cả các nhà thờ và nhà nguyện trên toàn Tổng giáo phận Perth. Việc đình chỉ tạm thời các Thánh lễ công cộng trong Tổng giáo phận Perth được thực hiện trong khoảng thời gian ban đầu là hai tuần từ Thứ Tư ngày 18 tháng 3 năm 2020 đến Thứ Tư ngày 1 tháng 4 năm 2020.

Trong lá thư này ngài cũng nói rõ nghĩa vụ giữ ngày Chúa Nhật của các tín hữu không áp dụng trong thời gian khẩn cấp này.

Các Giám mục và Linh mục sẽ tiếp tục cử hành thánh lễ riêng cho tất cả mọi người được ủy thác cho các ngài chăm sóc.

Các nhà thờ và nhà nguyện sẽ được mở cho việc cầu nguyện riêng, có thể có Chầu Mình Thánh Chúa tùy theo sự phân định của các linh mục và những người có trách nhiệm.

Việc rửa tội, đám cưới và đám tang sẽ tiếp tục cho đến khi có chỉ thị tiếp theo.

Các linh mục cũng sẽ tiếp tục tạo cơ hội cho việc lãnh nhận Bí tích Hòa giải, theo Nghi thức thứ nhất (xưng tội cá nhân và xá giải).

Tại Hoa Kỳ, tính cho đến chiều thứ Ba 17 tháng Ba, hầu hết các giáo phận và tổng giáo phận đã đình chỉ các thánh lễ. Riêng tại giáo tỉnh Galveston-Houston, các Giám Mục đã khích lệ các giáo xứ rước Mình Thánh Chúa quanh các nhà thờ xin cho dịch bệnh sớm bị đánh bại. Đoàn rước vừa đi vừa hát kinh cầu các thánh.

Tại Ý, sau thánh lễ các linh mục đã kiệu Mình Thánh Chúa ra trước cửa các nhà thờ hay đi vòng quanh các đường phố để xin Chúa ban bình an cho anh chị em giáo dân, và mang đến cho họ sự ủi an trong hoàn cảnh kinh hoàng hiện nay.

Đức Thánh Cha cầu nguyện cho linh hồn những người thiệt mạng vì coronavirus

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lúc 7 sáng thứ Tư 18 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ này, ngài cầu nguyện cách riêng cho linh hồn những người thiệt mạng vì coronavirus, xin Chúa đoái thương đón nhận họ vào hưởng ánh sáng ngàn thu.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đã chết, những người mất mạng vì virus. Cách riêng, tôi muốn chúng ta cầu nguyện cho các nhân viên y tế đã chết trong những ngày này. Họ đã cống hiến cả cuộc đời để phục vụ người bệnh.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã tập trung các suy tư của ngài về bài Tin mừng trong ngày, và nhắc nhớ rằng Thiên Chúa của chúng ta luôn gần gũi với dân Người và trong những thời điểm khó khăn như thế này, Thiên Chúa yêu cầu chúng ta phải gần gũi với nhau.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu (Mt 5, 17-19)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng tưởng Ta đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Ta bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời”.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Chủ đề của hai bài đọc hôm nay là Lề Luật. Luật pháp mà Chúa ban cho dân của mình. Luật pháp mà Chúa muốn ban cho chúng ta và Chúa Giêsu muốn mang đến sự hoàn hảo tối thượng. Điều thu hút sự chú ý của chúng ta là cách mà Chúa ban Lề Luật cho dân Ngài. Trên thực tế, Môisê đã ngạc nhiên trước sự gần gũi của Thiên Chúa và không có quốc gia nào khác có Thiên Chúa của mình gần gũi như Chúa, Thiên Chúa của chúng ta bất cứ khi nào chúng ta kêu cầu Ngài. Ông Môisê nói: “Không một dân tộc vĩ đại nào được các thần ở bên cạnh mình, như Chúa là Thiên Chúa chúng ta ở bên cạnh chúng ta khi chúng ta kêu cầu Người. Có dân tộc thời danh nào khác có lễ nghi, huấn lệnh công chính, và bộ luật như tôi trình bày trước mặt các ngươi hôm nay không?”

Chúa ban Lề Luật cho dân Ngài bằng cách đến gần họ. Lề Luật Chúa không phải là một bản liệt kê các luật lệ được đưa ra bởi một nhà cai trị, là người xa cách người dân, hay bởi một nhà độc tài. Và chúng ta biết qua mặc khải rằng sự gần gũi của Thiên Chúa là sự gần gũi của một người cha đồng hành cùng với dân Ngài, ban cho họ Lề Luật như một ân sủng. Thiên Chúa luôn gần gũi với dân Ngài.

Chúa bảo vệ dân Ngài trong cuộc hành trình xuyên qua sa mạc dưới hình dạng các đám mây và các cột lửa. Thiên Chúa đồng hành cùng với dân Ngài trong cuộc hành trình.

Thiên Chúa không phải là một vị thần để lại những quy định pháp luật bằng văn bản và sau đó bỏ đi. Ngài viết ra các Lề Luật bằng ngón tay của mình trên đá. Rồi Ngài ban cho dân khi trao cho ông Môisê. Ngài không ném cho họ và sau đó bỏ đi.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng con người có một xu hướng được thể hiện trên những trang đầu tiên của Kinh thánh. Chúa càng đến gần, chúng ta càng có xu hướng xa cách Ngài. Cách đầu tiên để xa cách Chúa là chúng ta là che giấu bản thân, cách thứ hai là giết người khác như Cain đã làm.

Tội lỗi dẫn chúng ta đến việc trốn tránh Thiên Chúa, không muốn gần Ngài. Vì vậy, nhiều lần chúng ta chấp nhận một thứ thần học nghĩ rằng Thiên Chúa là một vị thẩm phán. Và thế là tôi bỏ trốn, vì tôi sợ. Sợ hãi là phản ứng ức chế mọi sự gần gũi của chúng ta với Thiên Chúa. Con người khước từ sự gần gũi của Chúa. Chúng ta muốn được quyền kiểm soát các mối quan hệ. Các mối quan hệ luôn mang theo một số loại tổn thương nào đó. Khi Chúa đến gần chúng ta Ngài làm cho mình nên yếu đuối. Và Ngài càng đến gần, Ngài càng yếu đuối. Khi Ngài đến sống giữa chúng ta, Ngài làm cho chính Ngài trở thành phàm nhân, là một trong chúng ta. Ngài làm cho mình nên yếu đuối. Ngài mang điểm yếu đó đến độ phải chết, với một cái chết tàn khốc nhất.

Sự gần gũi của Thiên Chúa thể hiện sự khiêm nhường của Ngài. Đức Chúa Trời làm nhục chính Ngài để đến với chúng ta, để giúp chúng ta. Như Môisê đã nói, Ngài không phải là một vị thần ở đâu đó trên thiên đàng. Ngài ở ngay trong nhà chúng ta. Chúa Giêsu cho chúng ta thấy điều này. Chúa Giêsu, Thiên Chúa hóa thành nhục thể, đồng hành với các môn đệ Ngài, dạy bảo họ và sửa sai họ một cách từ ái. Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta gần gũi với nhau hơn là xa cách nhau.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng có nhiều cách gần gũi nhau, vượt xa sự gần gũi về mặt thể lý.

Trong thời điểm khủng hoảng vì đại dịch mà chúng ta đang gặp phải, sự gần gũi này đòi hỏi phải được biểu hiện nhiều hơn nữa. Có lẽ chúng ta không thể gần gũi với người khác vì sợ lây bệnh, nhưng chúng ta có thể khơi dậy thói quen gần gũi với người khác qua lời cầu nguyện, và sự giúp đỡ lẫn nhau. Có biết bao những cách thức đa dạng để gần gũi với nhau trong hoàn cảnh này.

Lý do tại sao chúng ta phải gần gũi nhau là vì Chúa đã tự mình đến gần để đồng hành cùng chúng ta. Phần gia nghiệp mà chúng ta đã nhận được từ Thiên Chúa là thế này: chúng ta là những người lân cận với nhau, chúng ta không sống biệt lập.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng gần gũi nhau, không lẩn trốn, không rửa tay như Cain đã làm.
 
Đức Thánh Cha cầu nguyện cho linh hồn những người thiệt mạng vì coronavirus
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
12:36 18/03/2020
Lúc 7 sáng thứ Tư 18 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ này, ngài cầu nguyện cách riêng cho linh hồn những người thiệt mạng vì coronavirus, xin Chúa đoái thương đón nhận họ vào hưởng ánh sáng ngàn thu.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đã chết, những người mất mạng vì virus. Cách riêng, tôi muốn chúng ta cầu nguyện cho các nhân viên y tế đã chết trong những ngày này. Họ đã cống hiến cả cuộc đời để phục vụ người bệnh.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã tập trung các suy tư của ngài về bài Tin mừng trong ngày, và nhắc nhớ rằng Thiên Chúa của chúng ta luôn gần gũi với dân Người và trong những thời điểm khó khăn như thế này, Thiên Chúa yêu cầu chúng ta phải gần gũi với nhau.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu (Mt 5, 17-19)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng tưởng Ta đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Ta bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời”.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Chủ đề của hai bài đọc hôm nay là Lề Luật. Luật pháp mà Chúa ban cho dân của mình. Luật pháp mà Chúa muốn ban cho chúng ta và Chúa Giêsu muốn mang đến sự hoàn hảo tối thượng. Điều thu hút sự chú ý của chúng ta là cách mà Chúa ban Lề Luật cho dân Ngài. Trên thực tế, Môisê đã ngạc nhiên trước sự gần gũi của Thiên Chúa và không có quốc gia nào khác có Thiên Chúa của mình gần gũi như Chúa, Thiên Chúa của chúng ta bất cứ khi nào chúng ta kêu cầu Ngài. Ông Môisê nói: “Không một dân tộc vĩ đại nào được các thần ở bên cạnh mình, như Chúa là Thiên Chúa chúng ta ở bên cạnh chúng ta khi chúng ta kêu cầu Người. Có dân tộc thời danh nào khác có lễ nghi, huấn lệnh công chính, và bộ luật như tôi trình bày trước mặt các ngươi hôm nay không?”

Chúa ban Lề Luật cho dân Ngài bằng cách đến gần họ. Lề Luật Chúa không phải là một bản liệt kê các luật lệ được đưa ra bởi một nhà cai trị, là người xa cách người dân, hay bởi một nhà độc tài. Và chúng ta biết qua mặc khải rằng sự gần gũi của Thiên Chúa là sự gần gũi của một người cha đồng hành cùng với dân Ngài, ban cho họ Lề Luật như một ân sủng. Thiên Chúa luôn gần gũi với dân Ngài.

Chúa bảo vệ dân Ngài trong cuộc hành trình xuyên qua sa mạc dưới hình dạng các đám mây và các cột lửa. Thiên Chúa đồng hành cùng với dân Ngài trong cuộc hành trình.

Thiên Chúa không phải là một vị thần để lại những quy định pháp luật bằng văn bản và sau đó bỏ đi. Ngài viết ra các Lề Luật bằng ngón tay của mình trên đá. Rồi Ngài ban cho dân khi trao cho ông Môisê. Ngài không ném cho họ và sau đó bỏ đi.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng con người có một xu hướng được thể hiện trên những trang đầu tiên của Kinh thánh. Chúa càng đến gần, chúng ta càng có xu hướng xa cách Ngài. Cách đầu tiên để xa cách Chúa là chúng ta là che giấu bản thân, cách thứ hai là giết người khác như Cain đã làm.

Tội lỗi dẫn chúng ta đến việc trốn tránh Thiên Chúa, không muốn gần Ngài. Vì vậy, nhiều lần chúng ta chấp nhận một thứ thần học nghĩ rằng Thiên Chúa là một vị thẩm phán. Và thế là tôi bỏ trốn, vì tôi sợ. Sợ hãi là phản ứng ức chế mọi sự gần gũi của chúng ta với Thiên Chúa. Con người khước từ sự gần gũi của Chúa. Chúng ta muốn được quyền kiểm soát các mối quan hệ. Các mối quan hệ luôn mang theo một số loại tổn thương nào đó. Khi Chúa đến gần chúng ta Ngài làm cho mình nên yếu đuối. Và Ngài càng đến gần, Ngài càng yếu đuối. Khi Ngài đến sống giữa chúng ta, Ngài làm cho chính Ngài trở thành phàm nhân, là một trong chúng ta. Ngài làm cho mình nên yếu đuối. Ngài mang điểm yếu đó đến độ phải chết, với một cái chết tàn khốc nhất.

Sự gần gũi của Thiên Chúa thể hiện sự khiêm nhường của Ngài. Đức Chúa Trời làm nhục chính Ngài để đến với chúng ta, để giúp chúng ta. Như Môisê đã nói, Ngài không phải là một vị thần ở đâu đó trên thiên đàng. Ngài ở ngay trong nhà chúng ta. Chúa Giêsu cho chúng ta thấy điều này. Chúa Giêsu, Thiên Chúa hóa thành nhục thể, đồng hành với các môn đệ Ngài, dạy bảo họ và sửa sai họ một cách từ ái. Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta gần gũi với nhau hơn là xa cách nhau.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng có nhiều cách gần gũi nhau, vượt xa sự gần gũi về mặt thể lý.

Trong thời điểm khủng hoảng vì đại dịch mà chúng ta đang gặp phải, sự gần gũi này đòi hỏi phải được biểu hiện nhiều hơn nữa. Có lẽ chúng ta không thể gần gũi với người khác vì sợ lây bệnh, nhưng chúng ta có thể khơi dậy thói quen gần gũi với người khác qua lời cầu nguyện, và sự giúp đỡ lẫn nhau. Có biết bao những cách thức đa dạng để gần gũi với nhau trong hoàn cảnh này.

Lý do tại sao chúng ta phải gần gũi nhau là vì Chúa đã tự mình đến gần để đồng hành cùng chúng ta. Phần gia nghiệp mà chúng ta đã nhận được từ Thiên Chúa là thế này: chúng ta là những người lân cận với nhau, chúng ta không sống biệt lập.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng gần gũi nhau, không lẩn trốn, không rửa tay như Cain đã làm.


Source:Vatican News
 
Vị Hồng Y can đảm kêu gọi nỗ lực quốc tế vạch mặt ai gây ra coronavirus trả công lý cho các nạn nhân
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:05 18/03/2020
1. Vị Hồng Y can đảm kêu gọi nỗ lực quốc tế vạch mặt ai gây ra coronavirus trả công lý cho các nạn nhân

Đức Hồng Y Malcolm Ranjith của Sri Lanka đã kêu gọi một cuộc điều tra mang tầm vóc quốc tế về nguyên nhân gây ra đại dịch coronavirus, những kẻ nào thực sự đứng đàng sau thảm kịch kinh hoàng này.

Thông tấn xã UCANews cho biết phát biểu trong một thánh lễ được truyền hình vào ngày Chúa Nhật 15 tháng Ba, vị Hồng Y tổng giám mục của thủ đô Colombo nói rằng những quốc gia giàu có không được phép giỡn chơi trên mạng sống của công chúng vô tội. Ngài nói rằng chính những cuộc thử nghiệm với thiên nhiên diễn ra trong các phòng thí nghiệm đã dẫn đến dịch bệnh coronavirus.

Đức Hồng Y Ranjith nói: “Chúng tôi biết rằng ở một vài khu vực trên thế giới, một số nhà nghiên cứu thuộc nhiều thành phần, vì nhiều lý do khác nhau đang tham gia vào việc nghiên cứu để phá hủy đời sống con người và thiên nhiên. Một số loại virus này là sản phẩm của các thí nghiệm mà mục đích được che đậy”.

Ngài nói thêm: “Loại nghiên cứu này không được thực hiện bởi những khoa học gia ở các nước nghèo mà ở trong các phòng thí nghiệm của các nước giàu có. Việc sản sinh ra những thứ như vậy là một tội ác rất nghiêm trọng đối với nhân loại. Tôi cầu xin Chúa tiết lộ ai đã tạo ra những mầm mống độc địa này. Liên Hiệp Quốc hoặc các tổ chức quốc tế phải tìm cho ra những kẻ đứng sau những sự cố này và trừng phạt họ. Loại nghiên cứu như vậy nên bị ngăn cấm.”

Đức Hồng Y đã đưa ra lời kêu gọi trên sau Giáo hội Sri Lanka phải hủy bỏ các Thánh lễ và những nghi thức phụng vụ khác ở tất cả các giáo xứ vì sự gia tăng nhanh chóng các trường hợp nhiễm coronavirus tại quốc gia này. Hôm Chúa Nhật 15 tháng Ba, Hội Đồng Giám Mục Sri Lanka đã ra thông báo đình chỉ tất cả các nghi thức phụng vụ cho đến cuối tháng. Quyết định này đã được đưa ra vào giữa mùa Chay, khi lẽ ra phải có các cuộc tụ họp công cộng đông đảo của anh chị em giáo dân như ngắm đàng Thánh Giá, hành hương Mùa Chay, suy niệm trong nhóm, những nghi thức chữa bệnh và cầu nguyện theo nhóm.

Trong một cuộc họp báo ngắn ngủi, Đức Hồng Y Ranjith đã yêu cầu tất cả các đảng phái chính trị hãy hợp sức với nhau để chiến đấu chống lại Covid-19 đồng thời yêu cầu mọi người đừng thu gom thêm hàng hóa một cách không cần thiết. Số ca nhiễm bệnh ở Sri Lanka đã tăng lên 18 trường hợp. Hầu hết các bệnh nhân này là người mới từ Ý đến. Chính phủ quốc gia này đã tuyên bố ngày 16 tháng 3 là một ngày nghỉ lễ sau sự gia tăng nhanh chóng của các ca nhiễm virus. Bộ giáo dục đã quyết định đóng cửa tất cả các trường công cho đến ngày 20 tháng Tư, đồng thời các trường do Giáo Hội Công Giáo điều hành cũng đã bị đóng cửa.

Sri Lanka đã cấm tất cả du khách có nguồn gốc từ 8 nước châu Âu kể cả Anh, Na Uy và Bỉ. Một thời hạn cách ly hai tuần đã được đưa ra cho những người đến từ châu Âu. Chính phủ tại đây đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng các phương tiện điện tử, in ấn và truyền thông xã hội để giáo dục mọi người về dịch coronavirus.

Đức Giám Mục Valence Mendis của giáo phận Chilaw nói rằng ngày 21 tháng Ba là ngày cầu nguyện cách riêng cho người Công Giáo. Ngài nói: “Tôi kêu gọi tất cả moị người hãy đến với nhau để cầu nguyện cho tất cả chúng ta ở đất nước này và cho tất cả những người mắc bệnh này ở các quốc gia khác”.

Đức Giám Mục Raymond Wickramasinghe của giáo phận Galle, Chủ tịch Ủy ban Di dân, đã kêu gọi cầu nguyện cho những người lao động nhập cư và những sinh viên bị mắc kẹt vì đại dịch ở nhiều nơi trên thế giới. “Tôi nghĩ đến nhiều anh chị em của chúng ta trên khắp thế giới không được chăm sóc y tế vì họ sống trong nghèo đói”, Đức cha Wickramasinghe nói. “Tôi hy vọng sẽ có những nỗ lực hợp tác để bảo đảm mọi người đều được tiếp cận với phương pháp điều trị thích hợp nhằm phục hồi và duy trì sức khỏe của họ.”

Mervin Nilantha, người Sri Lanka hiện sống lưu vong ở Milan, thành phố hiện đang bị dịch bệnh hoành hành ở Ý, nói qua điện thoại rằng anh và gia đình không thể rời khỏi căn phòng nhỏ của họ và đang cầu xin Chúa vì họ không thể về lại Sri Lanka. “Chúng tôi vẫn thường xuyên nói chuyện với những người bạn Sri Lanka ở Ý cũng như với với cha, mẹ và người thân của tôi.” Nilantha nói. “Chúng tôi liên tục cầu nguyện để mạng sống của chúng tôi được cứu thoát”

2. Đức Thánh Cha sẽ cử hành Tuần Thánh và lễ Phục sinh không có sự tham dự của giáo dân

Do đại dịch coronavirus, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành các nghi lễ trong Tuần Thánh và Phục Sinh mà không có sự tham dự của nhiều tín hữu như thường lệ. Tòa Thánh đang nghiên cứu cách thức cử hành và tham dự các nghi lễ trong sự tôn trọng các biện pháp tránh lây nhiễm.

Trên trang web của mình, Phủ Giáo hoàng đã thông báo: “Do tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu hiện nay, tất cả các nghi lễ phụng vụ của Tuần Thánh sẽ được cử hành mà không có sự hiện diện của nhiều tín hữu.”

Phủ Giáo hoàng là văn phòng chịu trách nhiệm phân phát các vé cho các tín hữu tham dự các buổi tiếp kiến chung và các nghi lễ phụng vụ công cộng của Đức Thánh Cha.

Thông cáo của Phủ Giáo hoàng cũng cho biết là các buổi tiếp kiến chung và đọc Kinh Truyền Tin vào trưa Chúa Nhật sẽ tiếp tục diễn ra tại Thư viện Dinh Tông tòa và sẽ được livestream trên internet và phát sóng trực tiếp trên các đài truyền hình cho đến ngày 12/04.

Chương trình Tuần Thánh của Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu với Chúa Nhật Lễ Lá tại quảng trường thánh Phêrô vào ngày 05/04/2020. Tiếp đến là Thánh lễ truyền Dầu vào sáng Thứ Năm Tuần Thánh, 09/04, tại đền thờ thánh Phêrô. Chiều thứ Sáu Tuần Thánh Đức Thánh Cha cử hành cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu và vào chiều tối ngài sẽ chủ sự buổi ngắm Đàng Thánh Giá trọng thể tại đấu trường Colosseo. Đêm thứ Bảy, ngài cũng chủ sự Thánh lễ Vọng Phục Sinh tại đền thờ. Sáng Chúa Nhật ngài cử hành Thánh lễ Phục Sinh tại quảng trường thánh Phê rô và vào lúc 12 giờ trưa, tại ban công chính giữa trước đền thờ thánh Phêrô, ngài sẽ công bố sứ điệp Phục Sinh và ban phép lành truyền thống “Urbi et Orbi” cho thành Roma và toàn thế giới.

Theo truyền thống, mỗi năm có rất nhiều tín hữu hành hương xin tham dự các nghi lễ trong Tuần Thánh do Đức Thánh Cha cử hành. Nhưng năm nay, các nghi lễ do Đức Thánh Cha cử hành không có sự tham dự của nhiều giáo dân và cách thức cử hành cũng đang được nghiên cứu.

Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, ông Matteo Bruni, cho biết rằng hiện Tòa Thánh đang nghiên cứu cách thức cử hành và tham gia các nghi lễ với sự tôn trọng các biện pháp an ninh để tránh lây truyền coronavirus. Ông nói rằng những cách thức này sẽ được công bố ngay khi được xác định, phù hợp với sự phát triển của tình trạng dịch bệnh.

Ông Bruni cũng cho biết thêm là bất kể được cử hành theo phương thức nào, các nghi lễ phụng vụ của Tuần Thánh sẽ được phát trực tiếp trên đài phát thanh và truyền hình và phát trực tuyến trên trang web của Vatican News, và các hình ảnh sẽ được Vatican Media phân phát cho các phương tiện truyền thông yêu cầu”.

Sáng thứ Bảy 14/03, Đức Thánh Cha cũng đã quyết định tiếp tục cử hành Thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta trong những ngày tới để các tín hữu có thể hiệp thông tham dự qua internet hay các đài truyền hình

3. Hà Lan sẽ không trang trí hoa cho quảng trường thánh Phêrô vào lễ Phục sinh năm 2020.

Năm 2020, do đại dịch virus corona, Hà Lan sẽ không cung cấp hoa cho Vatican để trang trí quảng trường thánh Phêrô trong dịp lễ Phục Sinh năm 2020.

Hơn 35 năm qua, quảng trường thánh Phêrô ở Vatican đã được trang hoàng với hoa tulip, hoa thủy tiên, hoa hồng hoặc hoa lan được tặng bởi Hà Lan, một trong những trung tâm cung cấp hoa lớn nhất của thế giới. Các chuyên gia trang trí hoa của Hà Lan sắp xếp hàng chục ngàn bông hoa và cây cảnh trước bậc thềm đền thờ thánh Phêrô, tạo thành một vườn hoa nhỏ đủ màu sắc với các loại hoa mang những ý nghĩa biểu tượng.

Thông thường, vào sáng Chúa Nhật Phục Sinh, Ðức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh lễ tại sân đền thờ thánh Phêrô và sau đó, vào lúc 12 giờ, ngài xuất hiện tại ban công chính giữa đền thờ thánh Phêrô để đọc sứ điệp Phục sinh và ban phép lành cho thành Roma và toàn thế giới. Vào dịp lễ Phục sinh năm 2019 đã có hơn 70 ngàn người đến Vatican để nghe Ðức Thánh Cha Phanxicô đọc sứ điệp Phục sinh và ban phép lành cho Roma và toàn thế giới.

Ông Paul Decker, chuyên viên về hoa, phụ trách việc trang trí hoa tại quảng trường thánh Phêrô viết trên Twitter: “Sự phát triển của virus corona ở Ý rất nghiêm trọng. Sau khi tham khảo ý kiến với tất cả các bên liên quan, chúng tôi đã quyết định hủy việc trang trí hoa cho quảng trường thánh Phêrô năm nay.” Phát biểu trên radio NOS, ông Decker cho biết đây là lần đầu tiên họ không trang trí hoa cho quảng trường thánh Phêrô trong dịp này

4. Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý kêu gọi cải thiện điều kiện nhà tù, ân xá cho các phạm nhân trong thời dịch bệnh

Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý đã lên tiếng kêu gọi cải thiện điều kiện sống trong các nhà tù Ý, và ân xá cho các phạm nhân trong thời dịch bệnh.

Nhắc lại quan điểm của Giáo Hội Công Giáo, theo đó, nhà tù không phải là nơi có mục đích duy nhất là trừng phạt những người phạm pháp, nhưng còn là nơi mở ra một tương lai tái hội nhập họ vào đời sống xã hội, Đức Hồng Y than phiền tình trạng quá đông các tù nhân phải chen chúc trong một xà lim. Có những nơi, 14 người bị nhốt chung trong một phòng.

Như chúng tôi đã đưa tin, đối diện với tin tức gia đình không thể thăm viếng do sắc lệnh cô lập của thủ tướng Giuseppe Conte, và trước nguy cơ chết vì lây nhiễm coronavirus trong điều kiện đông đúc của các nhà giam, các tù nhân tại ít nhất 27 nhà tù trên khắp nước Ý đã nổi loạn.

Tờ Corriere della Sera, nghĩa là Tin Chiều, cho biết vụ nổi loạn đầu tiên nổ ra tại nhà tù Salerno vào hôm Chúa Nhật mùng 8 tháng Ba.

Ít nhất 27 vụ nổi loạn của các tù nhân đã được ghi nhận tại Foggia, Naples và Fronsione. Tại nhà tù San Vittore ở Milan, khoảng 20 tù nhân được nhìn thấy lang thang trên các mái nhà với các biểu ngữ phản đối, chẳng hạn, “Indulto”, nghĩa là “Xin ân xá”.

Bộ nội vụ Italia xác nhận đã có 12 tù nhân chết trong các vụ nổi loạn này. Cảnh sát giải thích là vì họ cướp các bệnh xá trong nhà tù và sau đó chết vì dùng quá liều chất methadone cướp được trong các bệnh xá này.

Trước các tin tức đáng buồn này, sáng thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ đặc biệt cho những người bị cầm tù, xin Chúa an ủi họ trong thời khắc khó khăn này.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói: “Trong thánh lễ hôm nay, tôi muốn cầu nguyện cách riêng cho những người đang trong cảnh tù đầy, tôi muốn cầu nguyện cho các anh chị em của chúng ta. Họ đang đau khổ và hoang mang nên chúng tôi phải gần gũi họ trong lời cầu nguyện của chúng ta xin Chúa an ủi họ.”

Ít nhất 72 tù nhân đã trốn thoát khỏi các nhà tù trong 27 vụ nổi loạn nhưng một số đã bị bắt trở lại. Đến nay trật tự đã được lặp lại và Bộ nội vụ Italia cho biết có 16 tù nhân vẫn còn trốn tránh chưa bị bắt.

Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti nói ngài hiểu được âu lo của các tù nhân trước nguy cơ chết vì lây nhiễm coronavirus trong điều kiện đông đúc của các nhà giam. Ngài lên tiếng yêu cầu chính phủ Ý nghiên cứu ân xá cho các tù nhân trong điều kiện dịch bệnh hiện nay.

5. Hội đồng Giám mục Ba Lan hoãn khóa họp toàn thể.

Vì dịch Coronavirus, Hội đồng Giám mục Ba Lan hoãn khóa họp toàn thể, lẽ ra tiến hành trong hai ngày 12 và 13 tháng 3 năm 2020.

Ðức cha Stanislaw Gadecki, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan thông báo tin trên đây hôm 11 tháng 3 năm 2020, và thay vào đó là phiên họp của 13 giám mục thuộc Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục vào thứ Năm, 12 tháng 3 năm 2020 tại thủ đô Varsava.

Trước đó, hôm 10 tháng 3 năm 2020, Thủ tướng Ba Lan, ông Mateusz Morawiecki, đã ra lệnh ngưng tất cả các cuộc họp và những sinh hoạt tụ tập quá 100 người. Hội đồng Giám mục Ba Lan có 151 thành viên, là một trong những Hội đồng Giám mục đông nhất Âu châu.

Ðể tránh các cuộc tập trung đông đảo tín hữu, hôm 10 tháng 3 năm 2020, Ðức Tổng giám mục Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan đề nghị gia tăng các thánh lễ Chúa Nhật, để số tín hữu dự lễ được phân tán mỏng hơn. Những người già và người bệnh được khuyên nên ở nhà và tham dự thánh lễ qua truyền hình và truyền thanh. Ngoài ra, cách đây hai tuần, các giám mục Ba Lan kêu gọi các tín hữu, trong thánh lễ, khi chúc bình an cho nhau, chỉ cúi mình, thay vì bắt tay nhau như thông lệ.

Ngoài ra, ngày 11 tháng 3 năm 2020, chính phủ Ba Lan quyết định, từ ngày thứ hai 16 tháng 3 năm 2020, tất cả các trường học và vườn trẻ trên toàn quốc đóng cửa, ít là hai tuần lễ. Theo Bộ y tế Ba Lan, tính đến trưa ngày 13 tháng 3 năm 2020 có 61 người bị nhiễm virus Corona và một trường hợp tử vong.