Ngày 20-03-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:36 20/03/2009
NHƯỢC ĐIỂM CỦA TÍNH NGƯỜI

N2T


Đại sư dạy cho một vài đôi vợ chồng thường hay cãi nhau một phương pháp không cãi nhau nữa.

Ông nói: “Anh chỉ có thể xin ân huệ nơi đối phương, chứ không thể thấy anh nên có quyền lợi này.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Vợ chồng chung sống với nhau như là một ân huệ Thiên Chúa ban cho, bởi vì không phải trai gái gặp nhau là trở nên vợ chồng của nhau, mà là phải có “duyên tiền định”, do đó, mà không có chuyện vợ chồng xin ân huệ của nhau, mà là phải co bổn phận với nhau.

Có nhiều cặp vợ chồng thường hay cãi nhau, không phải là họ ghét nhau, nhưng là không đồng ý kiến với nhau, từ chuyện luôn bất đồng ý kiến thì sinh ra cãi cọ thường xuyên, do đó mà tình yêu vợ chồng cũng giảm sút đi, thế là có ngày hạnh phúc đội nón ra đi không trở lại, khi biết thì đã quá muộn rồi.

Muốn không cãi nhau nữa, cách duy nhất là luôn cầu nguyện cho nhau, chấp nhận khuyết điểm của nhau, nhẫn nại kiên nhẫn với nhau, và nhất là cứ yêu thương nhau mãi mãi...
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:37 20/03/2009
N2T


114. Dũng cảm nắm bắt mỗi loại phương pháp tu đức, và phải kiên trì đến cùng.

(Thánh nữ Angela Merici)
 
Mỗi ngày một câu Cách Ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:38 20/03/2009
N2T


59. Đối với người bình thường mà nói, thì phàm việc gì cũng phải suy nghĩ, mà không phải chuyện gì cũng gây phiền phức.

 
Thánh lễ Tạ ơn và Khai mạc Năm thánh mừng kỷ niệm 100 năm Đan viện Cát Minh Huế
+ TGM Stêphanô Nguyễn Như Thể
01:04 20/03/2009
HUẾ 19.3.2009 - Bài giảng của Đức Tổng Giám mục Huế trong Thánh lễ Tạ ơn và Khai mạc Năm thánh mừng kỷ niệm 100 năm Đan viện Cát Minh Huế

1. Kính thưa cộng đoàn,

Bài Tin mừng vừa rồi có thể gây ngạc nhiên cho nhiều người khi thấy thái độ của trẻ Giêsu tự ý ở lại trong Đền thờ Giêrusalem sau cuộc hành hương mừng lễ Vượt qua, và nhất là khi nghe những lời Chúa Giêsu nói với cha mẹ mình: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”.

a/ Con Thiên Chúa làm người cần có mẹ cha, cần một mái ấm gia đình để lớn lên, nhưng mối dây thân thương tự nhiên ấy cũng có lúc phải chịu hy sinh, nếu nó ngăn trở sứ mạng Chúa Cha giao phó.

Chúa Giêsu không chỉ là người con hiếu thảo với cha mẹ ở trần gian, nhưng trên hết và trước hết, Ngài phải vâng phục Cha trên trời: đây là ưu tiên vượt trên hết mọi ưu tiên khác.

Chúa Giêsu có một mối tương quan hết sức đặc biệt với Chúa Cha, vì Ngài là Con Một của Chúa Cha. Đây là huyền nhiệm thâm sâu của cuộc đời Ngài. Đây là suối nguồn vô tận, là ánh sáng soi chiếu toàn bộ đời sống, cuộc thương khó và cái chết của Ngài. Trong mọi sự, Ngài luôn quy chiếu về Chúa Cha.

b/ Mẹ Maria và thánh Giuse không hiểu ngay lời nói của trẻ Giêsu. Lời ấy nhằm mời gọi hai ông bà vượt lên trên bình diện gia đình huyết thống tự nhiên, vượt lên trên bình diện những lo toan trần thế, để vươn tới bình diện của Thiên Chúa Cha, là nơi mà Chúa Giêsu hằng ở lại: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”.

Mẹ Maria và thánh Giuse càng ngày càng phải trải nghiệm một cách sâu xa sự cắt đứt đau đớn về mối dây máu mủ ruột thịt, để được khai tâm dần dần vào mầu nhiệm con người Chúa Giêsu và sứ mạng của Ngài.

Khi trách yêu trẻ Giêsu: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!”, thì Mẹ Maria như muốn gợi lên bổn phận hiếu thảo của con cái, được ghi ở điều răn thứ 5 trong sách Xuất hành (Xh. 20,12): “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Thiên Chúa ban cho ngươi”. Còn Chúa Giêsu thì nhấn mạnh vào điều răn thứ nhất trong sách Xuất hành (Xh. 20,3): “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta”. Và Ngài đáp lời: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha con sao?”.

c/ Mẹ Maria và thánh Giuse không hiểu, nhưng không nghi ngờ, không thắc mắc, mà chỉ biết ghi nhớ và chờ đợi, tôn trọng và kiên nhẫn đối với đường đi nước bước của Thiên Chúa. Thánh sử Luca nói: “Mẹ Người thì hằng ghi nhớ những kỷ niệm ấy trong lòng” (Lc. 2,51).

Hai ông bà đón nhận những lời khó hiểu của con mình, cho thấm vào lòng từ từ, với tâm hồn khiêm tốn, trầm lắng, để cho Chúa nhẹ nhàng dẫn vào thế giới huyền nhiệm linh thiêng của Ngài.

Đây là một hình thái đức tin, một hành trình đức tin nói được là mịt mù: cứ tin tưởng, mặc dù thánh ý Chúa không luôn rõ ràng, mà nhiều khi chỉ là tiếng vọng mơ hồ trong giấc chiêm bao, như thánh Giuse đã cảm nghiệm.

2. Anh chị em thân mến,

Hôm nay chúng ta về đây mừng kỷ niệm 100 năm thành lập Đan viện Cát Minh tại Giáo phận Huế thân yêu nầy.

a/ Đây là một biến cố quan trọng trong Hội Thánh, trong Giáo phận nhà và cách riêng, trong Dòng Cát Minh Huế. Qua Tòa Ân giải Tối cao, Đức Thánh Cha Bênêđitô 16 ban phép mở năm Toàn xá. Văn thư Toà Thánh nói rằng: “Việc ghi nhớ kỷ niệm này làm sáng tỏ và biểu dương giá trị đời sống chiêm niệm trong Hội Thánh và đồng thời mời gọi các tín hữu, nếu có thể trong cách sống của mình, tham dự vào đời sống chiêm niệm, cổ vũ và thúc đẩy nỗ lực mục vụ. Chắc chắn sự kiện nầy tạo ra cơ hội thuận tiện đặc biệt giúp các tín hữu luôn gắn bó bền vững với đức tin, luôn sống phù hợp hơn với lề luật của Tin mừng”.

b/ Qua tập Kỷ yếu của Đan viện, với các bài viết về lịch sử và linh đạo, cũng như một số hình ảnh sinh hoạt của chị em, chúng ta chứng nghiệm được vô số điều kỳ diệu Chúa làm cho Đan viện nầy suốt chiều dài lịch sử 100 năm qua.

Đan viện Cát Minh Huế vẫn đứng vững giữa bao thăng trầm dâu bể, nay đã trở thành cây đại thụ bách tán và đang có nhiều khởi sắc về ơn gọi cũng như tinh thần cầu nguyện chiêm niệm và cuộc sống hy sinh hiến tế của các thanh nữ từ Bắc chí Nam.

-Năm 1909, Đức cha Allys Lý đón các nữ tu Cát Minh Hà Nội vào lập Đan viện tại Huế. Đức cha xác tín rằng, lời cầu nguyện và việc hãm mình đền tội là điều kiện cần thiết cho công cuộc loan báo Tin mừng.

-Năm 1923: Cát Minh Huế lập Nhà Kín đầu tiên tại Phi-luật-tân, và từ đó đã sinh ra 23 Nhà Kín khác ở Phi-luật-tân.

-Năm 1924: Cát Minh Huế lập Cát Minh Cholet ở Pháp.

-Năm 1929: Cát Minh Huế lập Cát Minh Thanh Hoá (hiện nay là Cát Minh Nha Trang).

-Năm 1997: Cát Minh Bình Triệu được thành lập cũng từ gốc Cát Minh Huế.

3. Trong Kỷ yếu, các chị có ghi rằng: “Nhìn lại quảng đường đã qua, 100 năm kể từ ngày thành lập, chúng con chỉ thấy cả một chuỗi hồng ân của Chúa. Hồng ân cho cả cộng đoàn và hồng ân cho mỗi một người. Chúng con không biết nói lời nào để cảm tạ ơn Chúa cho xứng, chỉ xin được cùng với Mẹ Maria, trong Mẹ và nhờ Mẹ, chúng con cùng đồng thanh hát lên bài Magnificat” (linh hồn tôi ngợi khen cảm tạ Chúa).

Giờ đây, cộng đoàn phụng vụ nầy cũng xin hiệp với Đan viện, ca ngợi tạ ơn Chúa, vì tình thương của Ngài trải dài qua các thế hệ cho đến hôm nay và mãi mãi trong tương lai.

Giáo phận Huế cũng xin tỏ lòng tri ân về tất cả những gì quý chị đã và đang làm một cách âm thầm cho Hội Thánh và cho muôn người.

Cuối cùng, tôi xin mượn lời Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mến gửi đến các chị em Đan viện Cát Minh:

“Các Đan viện của các con rải rác khắp thế giới như những ốc đảo của cầu nguyện và tận hiến đặc biệt cho Thiên Chúa, trong bầu khí thinh lặng của nội cấm.

Các con hãy làm chứng về sự cao đẹp và phong phú của hoạt động truyền giáo bằng đời sống ẩn dật với Đức Kitô trong Thiên Chúa (Cl. 3,3), về giá trị của sự chuyển cầu và hiến tế bên cạnh Thánh Thể là trung tâm của Hội Thánh toàn cầu cũng như của Giáo Hội địa phương.

Như thánh Têrêxa thành Lisieux hằng ao ước, các con hãy trở thành tình yêu trong con tim của Nhiệm Thể Chúa Kitô”. Amen.

(trích thư Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gửi các Đan nữ Cát Minh Cải Tổ, nhân dịp phê chuẩn Luật và Hiến chương Dòng / 1.10.1991).
 
Như hạt lúa miến
LM. Anphong Trần Đức Phương
04:17 20/03/2009
NHƯ HẠT LÚA MIẾN

(CHÚA NHẬT V MÙA CHAY, NĂM B)

Cuối tuần này chúng ta mừng Chúa Nhật V Mùa Chay. Theo truyền thống từ xa xưa, ở nhiều nơi cũng như tại Hoa Kỳ, các Thánh Giá trong nhà thờ có thể che vải màu tím từ Lễ chiều Thứ Bảy tuần IV Mùa Chay cho đến sau khi cử hành nghi thức tưởng niệm sự Thương Khó Chúa vào Thứ Sáu Tuần Thánh. Các ảnh tượng khác trong nhà thờ cũng có thể được che màn tím từ thánh lễ chiều Thứ bảy IV Mùa Chay cho đến trước Lễ Vọng Phục Sinh.

“Như hạt lúa miến gieo xuống đất phải mục nát đi mới có thể nảy sinh nên những cây lúa miến tươi tốt trổ sinh nên bao hạt lúa miến khác, mỗi tín hữu cũng phải chết đi với tội lỗi để sống theo lề luật tình yêu của Chúa mới có thể phát triển và đem lại bao ơn phúc thiêng liêng cho chính mình và cho bao người khác trong gia đình và trên thế giới…” Đó là chủ điểm trong Thánh Lễ Chúa Nhật hôm nay được Chúa Giêsu nhấn mạnh trong Bài Phúc Âm (Gioan 12, 20-33): “Nếu hạt lúa rơi vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai hy sinh mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được sự sống đời đời…”

Dân Chúa xưa cũng phải hy sinh chấp nhận từ bỏ cuộc sống ở Ai Cập để lên đường đi vào cuộc sống khổ ải 40 năm trong sa mạc, mới có thể tìm về miền đất của Cha Ông, miền đất Chúa đã hứa cho Tổ Phụ Abraham. Mỗi khi Dân Chúa sống theo thế gian, chiều theo tội lỗi xác thịt, họ lại phải gặp bao khó khăn dồn dập để nhận ra lỗi lầm, ăn năn sám hối và được “Chúa tha thứ không còn nhớ đến tội lỗi của họ nữa!” (Bài Đọc I: Giêrêmia 31, 31-34).

Chính Chúa Giêsu, để chuộc tội cho nhân loại, Người cũng đã từ bỏ chính mình, trở nên giống người phàm mọi đàng, chấp nhận mọi khổ đau để có thể “trở nên nguồn ơn cứu độ cho tất cả những ai vâng phục Người…” (Bài Đọc II: Thư Do Thái 5, 7-9).

Là những tín hữu của Chúa, chúng ta cũng tiến đi trên cuộc hành trình đức tin hướng về quê hương Nước Trời là quê hương thật của chúng ta. Dọc theo cuộc hành trình đó, dài, ngắn tuỳ mỗi người, chúng ta luôn như Dân Chúa xưa trong cuộc hành trình qua sa mạc tiến về Hứa Địa, chúng ta luôn cảm thấy chán nản mỏi mệt, muốn sống thác loạn, trở về kiếp sống dễ dãi theo thế gian và thú tính xác thịt. Nhưng Chúa luôn cùng đi với mọi người chúng ta (Matthêu 28, 20), nâng đỡ chúng ta bằng ơn thánh của Chúa qua các Bí tích, nuôi sống và ban sức mạnh cho chúng ta bằng lời Chúa và bằng chính Mình và Máu Thánh Chúa.. Nhưng mỗi người chúng ta phải cộng tác với ơn Chúa, phải cố gắng hằng ngày để chiến đấu với những khuynh hướng xấu, những lối sống sa đọa của thời đại, để chết đi với con người cũ, và sống lại trong cuộc sống mới, phát triển các nhân đức trong chúng ta và nâng đỡ mọi người đồng hành với chúng ta.

Cùng với toàn thể giáo Hội, chúng ta đang tiến gần đến những ngày của Tuần Thương Khó, để kỷ niệm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa trên Thánh Giá để cứu chuộc chúng ta. Chúng ta hãy dành nhiều thời giờ cầu nguyện để lắng đọng tâm hồn và suy gẫm lời Chúa mời gọi chúng ta: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình đi, vác Thánh Giá hàng ngày mà theo Ta…” “Như hạt lúa miến được gieo vào lòng đất, chúng ta phải chết đi với bản tính ích kỷ, ham danh lợi để có thể vươn lên trong cuộc sống mới, đem nhiều hoa trái để làm vinh danh Chúa, và đem ơn cứu độ cho chính chúng ta, cho mọi người trong gia đình chúng ta, và những người chung quanh chúng ta.

Mỗi người chúng ta đếu mang thân phận yếu đuối, dễ sa ngã phạm tội xúc phạm đến Chúa và tha nhân bằng nhiều cách khác nhau. Chúng ta hãy dùng những hy sinh hãm mình và việc bác ái trong Mùa Chay Thánh để thanh tẩy con người chúng ta. Như vua David xưa, sau khi đã phạm tội nặng nề, đã thật lòng sám hối, thú nhận mọi tội lỗi với Chúa, và dâng lời cầu khẩn Chúa thứ tha, chúng ta cũng hãy sám hối lỗi lầm và dâng lời cầu nguyện:

“Lạy Chúa, xin thương con theo lòng nhân hậu của Chúa.

“Xin xóa đi mọi tội lỗi của con theo lòng đại lượng của Chúa.

“Xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con.

“Xin đừng xua đuổi con ra khỏi Thánh Nhan Chúa.

“Chớ thu hồi Thánh Thần Chúa trong người con.

“Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ!

“Với tinh thần quảng đại, xin đỡ nâng con,

“Để con có thể chỉ dẫn cho những kẻ phản nghịch, đường lối của Chúa,

“và giúp người tội lỗi trở về cùng Chúa!”


(Đáp ca: Thánh vịnh 50
 
Dung Mạo Thánh Cả Giuse:
Nguyễn Kim Ngân
05:14 20/03/2009
Dung Mạo Thánh Cả Giuse:

“Người đã sống đầy đủ và trọn vẹn nghĩa vụ làm cha của mình”

Đó là đại ý bài giảng của Đức Thánh Cha (ĐTC) Bênêđictô XVI trong buổi kinh chiều đọc tại Vương Cung Thánh Đường Nữ Vương các Thánh Tử Đạo, thành phố Yaoundé, nước Cameroon, cùng với hàng giáo sĩ địa phương và đại diện các phong trào công giáo tiến hành. Đây là một trong những sinh hoạt tôn giáo trong chuyến công du Phi Châu đầu tiên của ĐTC Bênêđictô XVI. ĐTC khai triển những nét thật đẹp trong dung mạo của Thánh Cả Giuse, đúng vào dịp Hội Thánh Công giáo long trọng mừng kính Người, là bạn thanh khiết của Đức Mẹ Đồng Trinh Maria, là cha nuôi Chúa Cứu Thế, và cũng là vị Thánh bổn mạng của toàn thể Hội Thánh công giáo toàn cầu. Đặc biệt, Thánh Cả Giuse còn là bổn mạng của chính ĐTC (tên khai sinh của ngài là Giuse Ratzinger).

ĐTC nói rằng khi suy niệm về bước hành trình nhân loại và thiêng liêng của Thánh Cả Giuse, ta như được mời gọi nhìn vào ơn thiên triệu của thánh nhân trong toàn thể chiêù kích phong phú của nó, cũng như nhìn nhận Người như là kiểu mẫu trung thực cho tất cả những ai đã hiến dâng cuộc đời cho Chúa Kitô trong chức linh mục, trong đời sống thánh hiến, hoặc trong các hình thức dấn thân khác giữa nếp sống đời thường.

Tuy không phải là cha đẻ của Chúa Giêsu, bởi vì chỉ duy Thiên Chúa mới là Cha thật của Ngài, nhưng Thánh Cả Giuse đã sống đầy đủ và trọn vẹn nghĩa vụ làm cha của mình theo ý nghĩa là Người đã phục vụ Chúa Kitô và làm cho Ngài phát triển về mặt nhân bản. Làm cha, trước hết, có nghĩa là phụng sự đời sống và sự tăng triển. Theo ý nghĩa này, Thánh Cả Giuse là một chứng nhân hùng hồn: vì lợi ích của Chúa Kitô, Người phải chịu bách hại, lưu đầy và sống kiếp nghèo khổ. Người phải đành định cư ở xứ người, xa nơi chôn rau cắt rốn. Phần thưởng duy nhất của Người là được ở gần bên Chúa Kitô. Lúc được Sứ Thần truyền tin, thì Mẹ Maria đã đính hôn với Giuse rồi. Bởi thế, khi ngỏ ý riêng với Mẹ Maria, Chúa đã liên kết Giuse thật sát chặt với mầu nhiệm Nhập Thể. Và Giuse đã chấp nhận trở thành một thành viên trong các biến cố lớn mà Thiên Chúa đã chuẩn bị nơi cung lòng vị hôn thê của Người. Vì vậy, Giuse đã đưa Maria về nhà trong tâm tình vui sướng đón nhận mầu nhiệm nơi Maria và mầu nhiệm là chính Maria. Giuse yêu và kính trọng Maria, điều này là dấu chứng của một tình yêu chân thực.”

Tình Yêu Không Sở Hữu

ĐTC nói tiếp: “Giuse dậy ta rằng: có thể yêu mà không cần sở hữu. Khi chiêm ngưỡng Giuse, bất kể mình là nam hay nữ, nhờ ơn Chúa, ta đều cảm nghiệm rằng mình đang được thuyên chữa khỏi những vết thương cảm xúc, nếu biết tuân hành kế hoạch mà Thiên Chúa đã khởi sự nơi những ai sống thân mật với Ngài, y hệt như Giuse lúc bước vào công trình cứu chuộc của Chúa qua Maria, và là kết quả của điều Thiên Chúa đã làm nơi Mẹ. Từng khoảnh khắc, Giuse đã chìm khuất trong mầu nhiệm Nhập Thể. Không phải chỉ bằng thân xác, mà còn bằng cả tâm hồn nữa, Giuse đã bộc lộ cho ta cái bí quyết của một kiếp người đắm sâu trong sự hiện diện của mầu nhiệm, mà lòng vẫn rộng mở trước mầu nhiệm ấy từng giây từng phút trong cuộc sống thường ngày. Như thế, nơi Giuse, niềm tin không tách rời khỏi hành động. Niềm tin đưa đến hiệu quả quyết liệt là hành động. Nhưng thật là nghịch lý, chính vì hành động, chính vì chu toàn trách nhiệm của mình mà Người đã bước sang một bên rồi để mặc cho Chúa tự do hành động, không hề đặt ra một chướng ngại vật nào trên lối đi của Ngài. Giuse là người công chính—‘just’--bởi vì sự hiện hữu của Người được điều chỉnh—‘ad-justed’—cho phù hợp với lời của Chúa” (ĐTC chơi chữ ‘just’ và ‘ad-justed’ ở đây).

Để kết luận, ĐTC nói rằng: “ Vì vâng phục lời Chúa, đời sống của Thánh Cả Giuse là một dấu chỉ hùng hồn cho tất cả mọi môn đệ của Chúa Giêsu khi đang tìm cách xây dựng tình hợp nhất của Hội Thánh. Gương sáng của Giuse cho ta hiểu rằng chỉ khi nào hoàn toàn suy phục ý Chúa thì ta mới có thể trở nên người thợ lành nghề trong việc phụng sự kế hoạch của Ngài là quy tụ toàn thể nhân loại vào trong một gia đình, một cộng đoàn, một Hội Thánh (‘Ecclesia’).

www.zenit.org (18 tháng 3 năm 2009)

Lễ Thánh Cả Giuse 2009

Nguyễn Kim Ngân
 
Ân sủng và lòng tin
Anmai, Cssr
05:17 20/03/2009
CHÚA NHẬT 4 MUA CHAY B

ÂN SỦNG VÀ LÒNG TIN

2 Sb 36, 14-16; Ep 2,4-10; Ga 3, 14-21

Nếu có giờ đọc lại các trình thuật của Thánh Kinh Cựu Ước, chúng ta sẽ gặp không ít những cảnh bi mà cũng chẳng thiếu những cảnh hài. Các cảnh bi hài ấy nó cứ đan xen nhau trong nhiều biến cố, nhiều bối cảnh của lịch sử.

Một Thiên Chúa giàu lòng thương xót với dân, một mực thương dân Ngài còn dân của Ngài thì vẫn cứ “lòng chai dạ đá”.

Sống trong cảnh lầm than bi đát của nô lệ và được Thiên Chúa cứu ra khỏi nô lệ, lẽ ra phải biết ơn Đấng đã cưu mang bảo bọc mình, đàng này dân Do Thái lại bạc tình bạc nghĩa với Thiên Chúa. Bằng chứng lòng vô ơn bạc nghĩa của dân Do Thái xưa được ghi lại trong sách Thánh. Những trang Thánh Kinh Cựu Ước đã ghi lại cho chúng ta những biến cố, những giây phút lịch sử của dân Do Thái xưa như là một kinh nghiệm, một bài học hết sức thiết thực cho chúng ta ngày hôm nay.

Vì yêu thương dân, Thiên Chúa đã chọn một Môsê để thay mặt Chúa lo cho dân, dẫn dân lên đường về Đất Hứa. Môsê đóng vai trò trung gian giữa Thiên Chúa và dân Người. Chúng ta thấy đấy, những lần Môsê đi gặp Thiên Chúa trên núi là mỗi lần có chuyện. Thiên Chúa yêu thương dân và lo cho dân, còn dân thì cứ than trách với Thiên Chúa. Kém tin đến độ dân chúng chạy theo tà thần, bằng chứng còn rành rành là dân chúng đã đúc con bò vàng để mà thờ thay vì thờ Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ họ.

“Dân thấy ông Mô-sê lâu quá không xuống núi, bèn tụ họp bên ông A-ha-ron và nói với ông: "Xin ông đứng lên, làm cho chúng tôi một vị thần để dẫn đầu chúng tôi, vì chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra cho cái ông Mô-sê này, là người đã đưa chúng tôi lên từ đất Ai-cập." Ông A-ha-ron nói với họ: "Hãy gỡ các khuyên vàng mà vợ và con trai con gái anh em đeo ở tai, rồi đem đến cho tôi." Toàn dân gỡ các khuyên vàng đeo tai và đem đến cho ông A-ha-ron. Ông lấy vàng từ tay họ trao cho, đem đúc và dùng dao mà gọt đẽo thành một con bê. Bấy giờ họ nói: "Hỡi Ít-ra-en, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập." Thấy vậy, ông A-ha-ron dựng một bàn thờ trước tượng con bê, rồi hô to: "Mai có lễ kính Đức Chúa ! " Ngay hôm sau, họ dậy sớm, dâng tiến những của lễ toàn thiêu và những lễ vật kỳ an. Dân ngồi xuống ăn uống, rồi đứng lên bày trò vui chơi. Đức Chúa phán với ông Mô-sê: "Hãy đi xuống, vì dân ngươi đã hư hỏng rồi, dân mà ngươi đã đưa lên từ đất Ai-cập. Chúng đã vội đi ra ngoài con đường Ta truyền cho chúng đi. Chúng đã đúc một con bê, rồi sụp xuống lạy nó, tế nó và nói: "Hỡi Ít-ra-en, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập." Đức Chúa lại phán với ông Mô-sê: "Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ. Bây giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng. Nhưng Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn." (Xh 32, 1-10).

Không dừng lại ở con bò vàng, dân chúng chạy theo hết tà thần này đến tà thần nọ và than trách thiên Chúa. Sách Dân Số tiếp tục cho chúng ta thấy thái độ của dân Do Thái xưa:

“Từ núi Ho, họ lên đường theo đường Biển Sậy, vòng qua lãnh thổ Ê-đôm; trong cuộc hành trình qua sa mạc, dân Ít-ra-en mất kiên nhẫn. Họ kêu trách Thiên Chúa và ông Mô-sê rằng: "Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống ? Chúng tôi đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này."

Bấy giờ Đức Chúa cho rắn độc đến hại dân. Chúng cắn họ, khiến nhiều người Ít-ra-en phải chết. Dân đến nói với ông Mô-sê: "Chúng tôi đã phạm tội, vì đã kêu trách Đức Chúa và kêu trách ông. Xin ông khẩn cầu Đức Chúa để Người xua đuổi rắn xa chúng tôi." Ông Mô-sê khẩn cầu cho dân. Đức Chúa liền nói với ông: "Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống." Ông Mô-sê bèn làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột. Và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống. (Ds 21, 4-9).

Hình ảnh con rắn đồng trong Cựu Ước chính là hình ảnh của cây Thập Giá nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian. Cây Thập giá ấy chính là bàn thờ để sát tế Con Chiên và Con Chiên trên Thập giá là hy lễ vẹn tuyền, hy lễ cao quý nhất mà Chúa Giêsu dâng lên Thiên Chúa Cha để đền tội con người. Con rắn đồng xưa kia cứu dân Do Thái như thế nào thì Con Chiên chịu treo trên Thập giá ấy cũng cứu con người như vậy. Không chỉ Con Chiên ấy cứu con người khỏi chết theo kiểu xác thịt như con rắn đồng mà còn cứu con người khỏi sự chết đời đời để được hưởng nhan Thánh Chúa nữa.

Thánh Gioan hôm nay nhắc lại cho chúng ta điều này: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.(Ga 3, 15-18).

Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một và chính người Con Một ấy đã chết để làm bằng chứng cho tình yêu ấy nhưng rồi con người con người vẫn làm sao ấy với tình yêu ấy.

Trên cây thập hình người Giêsu gục ngã đứng đó có Mẹ

Dòng máu nghẹn tin, bóng Mẹ lạnh lùng, bóng Mẹ lạnh lùng

Tình yêu này tận hiến cho nhau, trên vòm trời đầy ánh sao.

Trên đồi cao trong gió lao xao chiều gọi tình yêu

Giêsu gục ngã treo thân thập giá giang cánh tay ôm tội đoạ đày

Thân tàn rơi Con Chúa Trời nghe lòng chợt đơn côi

Ôi nhân loại hỡi, sao chưa hoài tới mà nỡ quên ân tình biển khơi

Chỉ vì tình yêu Chúa treo nhục thân chết cho trần gian

Vì Ngài chỉ đến sống cho tình yêu chết cho tình yêu

để cứu muôn người lỗi tội đưa về trời đẹp tươi.

Thế đấy ! Chỉ vì tình yêu Chúa chết treo nhục thân nhưng con người làm sao hiểu được cái tình yêu cao siêu tuyệt diệu ấy ! Từ cây thập giá ấy đã phát sinh ra ân sủng, ơn cứu độ cho con người.

Con người ngày hôm nay đã đánh mất ân sủng từ cây thập giá. Chính cái chết của Chúa Giêsu, chính từ cây thập giá treo Con Người mang tên Giêsu ấy tuôn đổ muôn vàn ân sủng cho con người nhưng con người đã không nhận ra. Con người đã đánh mất cảm thức về ân sủng, đánh mất về lòng tin. Con người ngày hôm nay chỉ nhìn cây Thập giá cũng như Con Người chịu chết treo trên đó như là một hình ảnh trang trí cho vui nhà vui cửa và cho đẹp mắt thôi chứ không còn cảm nhận tình thương, nguồn ơn cứu độ từ cây Thập giá ấy nữa.

Cuộc đời chúng ta vẫn là cuộc hành hương về Đất Hứa đấy thôi. Ngày xưa, dân Do Thái có Môsê là người trung gian, ngày hôm nay chúng ta có Chúa Giêsu là Đấng Trung Gian. Môsê là người phàm mắt thịt nên dân Do Thái ngày xưa kém tin cũng là có cái lý của họ. Còn chúng ta, Đức Giêsu - Đấng Cứu Độ Duy Nhất của Thiên Chúa – đã sinh ra, đã sống và đã chết bằng cái chết ô nhục trên thập giá vì chúng ta thì thái độ chúng ta như thế nào ?

Chúng ta chắc cũng chẳng khá gì hơn với dân Do Thái ngày xưa, đừng vội trách cha ông chúng ta ngày xưa không tin. Thử hỏi chúng ta, ngày hôm nay chúng ta có tin vào Chúa thật sự hay là chúng ta vẫn càm ràm với Chúa những lúc mà Thiên Chúa chưa ban ơn cho chúng ta như dân Do Thái xưa vậy ?

Người ta vẫn thường nói “cứu vật vật trả ơn - cứu nhân nhân trả oán” để nói lên thái độ của những con người vô ơn bội nghĩa. Chúng ta được Thiên Chúa đổ máu đào trên thập giá nhưng chúng ta, lòng chúng ta cứ chai như đá như dân Do Thái ngày xưa vậy. Lẽ ra dân Do Thái ngày xưa nhận ra ân sủng của Thiên Chúa trên cuộc đời của mình thì họ sẽ khác, họ sẽ tín thác cuộc đời của họ trong bàn tay của Chúa.

Chúng ta cũng vậy, chúng ta đã không nhận ra ân sủng của Chúa đang tuôn đổ từng phút từng giây trên cuộc đời mình nên chúng ta chưa tin. Thánh Phalô, đã nhận ra ân sủng của Thiên Chúa và Ngài nói cho chúng ta chúng ta: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ ! Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời. Như thế, Người tỏ lòng nhân hậu của Người đối với chúng ta trong Đức Ki-tô Giê-su, để biểu lộ cho các thế hệ mai sau được thấy ân sủng dồi dào phong phú của Người. Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa” (Ep 2,4-8a).

Thật sự ra, nếu chúng ta được như Thánh Phaolô, chúng ta nhận ra cuộc đời của chúng ta như Thánh Phaolô đã nhận ra thì chúng ta cũng sẽ có những lối suy nghĩ, hành động như Ngài vậy. Thánh Phaolô, nửa cuộc đời đầu, Ngài chưa nhận ra ân sủng nên Ngài sống khác, nửa cuộc đời sau Ngài nhận ra ân sủng bao la của Thiên Chúa trên cuộc đời Ngài sống khác. Chúng ta khác Thánh Phaolô vì lẽ cả cuộc đời chúng ta, có người gần đất xa trời rồi vậy mà cứ mãi miết sống trong cái vòng luẩn quẩn của cuộc đời, không nhận ra nguồn mạch ân sủng để chạy đến nguồn mạch ấy để nhận ơn sủng cũng như tín thác cuộc đời của mình cho Con Người chịu chết treo trên ấy.

Mới đây, tôi được biết có một ông bố trong gia đình đã tin Chúa và phó thác cuộc đời của ông trong tay Chúa. Nghe qua chuyện của ông, nhiều người sẽ nản chí nhưng ông thì không. Gia đình ông ấy ở giáo xứ Sao Mai – Tân Bình. Trong buổi chiều nọ, đứa con trai 18 tuổi của ông đi học thêm về muộn. Ông bảo nó ăn mì gói, nó đang định nấu nước sôi thì ông bảo có bình nước tự động nấu nước mới sôi. Thằng bé mới bước ra khỏi phòng tắm, sơ ý làm sao đó lấy bình nước sôi đã chạm vào bình, điện giật bắn người thằng bé. Nằm bất tĩnh sau khi bị điện giật. Gia đình đưa cháu bé đi cấp cứu. Đến nay đã 4 năm trời, cháu bé nằm đó bất động, sống đời sống thực vật. Gần đây, trong những cơn hốt hoảng cháu hò hét làm phiền đến hàng xóm. Khi con đau ốm như vậy, bà con hàng xóm mỗi người chung một tay giúp cho gia đình nhưng tình trạng của cháu trầm trọng để rồi gánh nặng ấy chỉ có gia đình ông chịu. Nhìn ông bố ngày càng tiều tuỵ trước tình trạng của cháu. Thế nhưng, có điều lạ lùng là trong hoàn cảnh bi đát ấy, ông bố luôn luôn tin tưởng phó thác vào Chúa.

Ngày đưa cháu đi cấp cứu, mẹ và gia đình ở phòng cấp cứu của bệnh viện Thống Nhất thì ông đứng dưới sân của bệnh viện, hai tay giơ cao lên trời để cầu nguyện với Chúa.

Phải nói là lòng tin của người bố có đứa con bị điện giật này là tấm gương sáng cho mỗi người chúng ta. Giữa cái cảnh túng quẫn, bi đát nhất của cuộc đời nhưng ông vẫn tin vào Chúa vì trong ông, ông luôn nghĩ rằng Chúa thương ông, ban cho ông quá nhiều ân sủng nên ông mãi tin vào Chúa.

Nhớ đến hình ảnh của người bố này sao mà cảm động quá ! Phải nói rằng ông và gia đình đang đi vào bước đường cùng, vào ngõ bế tắt vì đứa con dở sống dở chết nhưng ông vẫn tin tưởng và phó thác cho Chúa. Hành động, suy nghĩ của ông cũng là một hành động, một suy nghĩ đáng để chúng ta suy nghĩ.

Chúng ta hạnh phúc hơn ông bố ấy nhiều, chúng ta không bị thử thách như ông bố có người con bị điện giật ấy. Chúng ta, có lẽ nhận nhiều ơn quá để rồi chúng ta chúng ta không còn nhận ra ơn của Chúa nữa. Và vấn đề quan trọng nhất Chúa đã chết để cứu chúng ta nhưng chúng ta không màng đến ơn cứu độ đó nữa nên chúng ta vẫn cứ ơ hờ với cây thập giá nơi treo Con Người chết vì yêu.

Cuộc đời này qúa ồn ào, quá náo động đến độ chúng ta không còn dành thời gian lắng đọng để chiêm nghiệm cuộc đời. Thiên Chúa vẫn đổ tràn ân sủng của Ngài trên cuộc đời của ta nhưng ta bị nhiều xáo động đã không nhận ra ân sủng và tình yêu của Chúa. Vì không nhận ra ân sủng và tình yêu của Chúa nên ta cũng đánh mất lòng tin nơi Chúa đó chính là hệ quả kéo theo do không nhận ra đó thôi.

Xin Chúa cho chúng ta ý thức cùng đích của cuộc đời của chúng ta để chúng ta xác định đích đến của chúng ta và xin Chúa ban thêm lòng tin cho chúng ta để chúng ta tin vào Đấng đã chết trên thập giá.
 
Chúa Nhật IV Mùa Chay
LM. Inhaxiô Hồ Thông
05:22 20/03/2009
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY

Cả ba bài đọc của Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay đều xoay quanh kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng, vì tình yêu, muốn cứu độ nhân loại, đưa nhân loại ra khỏi vòng tội lỗi và dẫn họ đến với Ngài.

2Sb 36: 14-16, 19-22

Bài đọc I cho chúng ta thấy Thiên Chúa dẫn dắt mọi biến cố và theo đuổi ý định của Ngài qua những thăng trầm của Lịch Sử.

Ep 2: 4-10

Đoạn trích thư của thánh Phao-lô gởi cho các tín hữu Ê-phê-sô gợi lên rằng Thiên Chúa giàu lòng xót thương và rất mực yêu yêu thương chúng ta, nên đã hoạch định chương trình cứu độ chúng ta bởi và trong Đức Ki tô.

Ga 3: 14-21

Trong đoạn trích Tin Mừng Gio-an, Đức Giê-su khẳng định rằng: "Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời".

BÀI ĐỌC I (2Sb 36: 14-16, 19-22)

Hai sách Sử Biên vạch lại lịch sử của dân Ít-ra-en từ những giai đoạn ban đầu cho đến khi vương quốc Giu-đa sụp đổ (587 trước Công Nguyên).

Bài đọc I là phần cuối của sách Sử Biên quyển hai. Đoạn trích nầy nhắc nhở cho chúng ta những nguyên nhân sâu xa của tai họa và tấn thảm kịch mà Giê-ru-sa-lem đã sống vào năm 587 khủng khiếp trước Công Nguyên: Đền Thờ và kinh thành bị phá hủy, dân thành bị thảm sát hay bị lưu đày, lãnh thổ bị tàn phá.

1. Tội của dân Ngài:

Tác giả đã viết lại những biến cố nầy một thời gian rất lâu sau nầy vào cuối thế kỷ thứ tư hay vào thế kỷ thứ ba sau Công Nguyên, nhưng ông đọc lại Lịch Sử thánh trong ánh sáng của những viễn cảnh thần học. Đối với ông, những thăng trầm mà dân Ít-ra-en kinh qua gặp thấy lời giải thích ở nơi sự trung thành hay bất trung của dân Chúa chọn đối với Thiên Chúa.

Vả lại, dưới triều vua Xê-đê-ki-a (598-587 trước Công Nguyên) những hành vi vô đạo và thờ ngẫu tượng tràn lan khắp xứ. Sự trừng phạt không thể nào tránh khỏi; nhưng tác giả cho thấy làm thế nào Thiên Chúa "đã kịp thời sai các sứ giả đến cảnh báo họ không ngừng" trước khi trừng phạt dân Ngài.

"Nhưng họ cứ nhạo báng các sứ giả của Thiên Chúa, khinh dể lời Người và chê cười các ngôn sứ". Ở những lời nầy, ngôn sứ Giê-rê-mi-a và ngôn sứ Ê-dê-ki-en không được nêu tên, nhưng được ám chỉ rất rõ. Quả thật, vua Giơ-hô-gia-kim đã xé cuốn sách ghi lại những sấm ngôn của ngôn sứ Giê-rê-mi-a thành từng mảnh, và các chức sắc tư tế đã nhục mạ ông, tống giam ông, vân vân. Còn ngôn sứ Ê-dê-ki-en, Thiên Chúa đã cảnh báo ông: "Chính Ta sai ngươi đến với con cái Ít-ra-en, đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Ta" (Ed 2: 3). Lúc đó, cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống trên dân.

2. Ơn tha thứ của Thiên Chúa:

Nhưng cơn thịnh nộ nầy chỉ hạn định trong một thời gian: Thiên Chúa tha thứ cho dân Ngài sau bảy mươi năm thử thách, như ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã loan báo. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã tuyên sấm rằng cuộc lưu đày sẽ kéo dài bảy mươi năm. Vì lịch sử ở trong tay Thiên Chúa, Ngài muốn cứu độ dân Ngài và không từ chối những lời hứa mà xưa kia Ngài đã hứa với vua Đa-vít. Đây là một trong những ý tưởng căn bản của tác giả hai sách Sử Biên nầy. Trước tiên, sách Sử Biên quyển hai kết thúc trên viễn cảnh của bảy mươi năm tang thương. Cuộc tái thiết Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ được tường thuật trong sách Ét-ra tiếp theo sau. Quả thật, phần cuối của đoạn trích nầy là phần đầu của sách Ét-ra, được lập lại ở đây để đóng lại tác phẩm trên một điểm nhấn chứa chan hy vọng.

Chúng ta lưu ý rằng tác giả hoàn toàn chú ý đến Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Tội ác tột cùng của dân bất trung bất nghĩa "làm nhơ nhuốc Đền Thờ Chúa đã thánh hiến tại Giê-ru-sa-lem". Nếu Ngài sai phái các sứ giả của Ngài, chính "vì Ngài thương đến nơi Ngài ngự". Hành vi đầu tiên của đạo quân Ba-by-lon xâm lăng là thiêu hủy Đền Thờ. Cuối cùng, khi thử thách qua đi, vua Ba-tư, Ki-rô, tuyên bố "xây một đền thờ kính Người tại Giê-ru-sa-lem".

Mầu nhiệm của Đền Thờ làm phấn chấn tác giả của hai sách Sử Biên. Vào thời đại của ông, Đền Thờ là nguồn nâng đỡ lớn lao của dân ông, dân đã đánh mất nền độc lập chính trị của mình. Dân Ít-ra-en đã được tổ chức theo thần quyền, chung quanh các tư tế của mình, bên cạnh Đền Thờ duy nhất của Thiên Chúa duy nhất. Trước tiên, dân là một cộng đồng tôn giáo, phải là một cộng đồng thánh thiện và trung tín: khởi đi từ cuộc sống của một dân tộc đến việc thiết lập một vương quốc Thiên Chúa. Đây là một bài học lớn lao mà tác giả, vừa sử gia vừa thần học gia, của hai sách Sử Biên muốn nhắc nhở cho những người đương thời của ông.

BÀI ĐỌC II (Ep 2: 4-10)

Thánh Phao-lô viết bức thư nầy từ Rô-ma ở đó thánh nhân bị giam cầm vào những năm 61-63. Thật ra thánh nhân viết bức thư nầy không chỉ cho Giáo Đoàn Ê-phê-sô nhưng nhất là muốn bức thư của mình được lưu hành đến các Giáo Đoàn miền Tiểu Á.

Bức thư nầy biểu thị một trong những đỉnh cao tư tưởng của vị sứ đồ. Thư là một tổng đề tích luỹ những vấn đề chính yếu mà thánh nhân đã gợi lên ở nơi khác rồi, nhưng ở đây được bàn đến một cách sâu rộng và nghiêm túc.

Chủ đề chính yếu của đoạn trích hôm nay chính là: ý định của Thiên Chúa liên quan đến ơn cứu độ của nhân loại đã được thực hiện nơi Đức Giê-su Ki tô. Dù đoạn trích nầy rất ngắn, chúng ta gặp lại ở đây vài chủ đề lớn của thánh Phao-lô.

1- Quyền Tối Thượng của Chúa Cha.

Chính luôn luôn ở nơi Chúa Cha mà thánh Phao-lô quy chiếu công trình cứu độ và lòng cảm tạ tri ân. Đây là nét đặc trưng của đoạn trích thư nầy ở đó Chúa Cha là chủ từ của một loạt động từ. Chính Chúa Cha giàu lòng xót thương và rất mực yêu thương chúng ta, Đấng đã biểu lộ tình thương của Ngài đối với chúng ta trong Đức Ki tô, Đấng đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki tô trên cõi trời, Đấng đã tõ cho chúng ta thấy ân huệ dồi dào phong phú của Ngài…

2. Chúa Cha Giàu lòng xót thương.

Diễn ngữ: "Giàu lòng xót thương" đã trở thành chủ đề cho thông điệp của cố Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô Đệ Nhị, và đó cũng là nhan đề của bức thông điệp nầy: "Đức Chúa Cha giàu lòng xót thương". Đức Thánh Cha nhắc nhớ rằng lòng xót thương có nghĩa "quyền năng đặc thù của tình yêu còn mạnh hơn tội lỗi". Chính lòng thương xót của Thiên Chúa là từ then chốt của ý định cứu độ của Ngài, vì chướng ngại phải vượt qua là tội lỗi của con người. Ân ban tuyệt vời của lòng xót thương của Thiên Chúa, chính là Đức Giê-su Ki tô, nhờ Ngài con người "chết vì phạm tội" cũng được sống lại với Ngài. Với vài lời, thánh nhân diễn tả chính xác thành quả mà ơn Cứu Chuộc đem đến: khả năng gặp lại cuộc sống siêu nhiên nhờ và trong Đức Ki tô.

3. Cuộc sống tương lai:

Còn hơn một bản văn, đoạn trích hôm nay là một bài chiêm niệm. Ở đây cuộc sống tương lai được gợi lên rất rõ nét. Thánh nhân diễn tả ở thì hiện tại niềm hy vọng tương lai của các Ki tô hữu: "cùng ngự trị với Đức Giê-su trên cõi trời". Ân huệ dồi dào phong phú của Người sẽ được "tỏ cho các thế hệ mai sau", nghĩa là một sự liên tục bất tận không hề gián đoạn.

Phải chăng đây là tư tưởng sâu xa nhất của thánh nhân trong những suy niệm của những ngày tháng bị giam cầm? Phải chăng đây là kỷ niệm của người đã chiêm niệm trong những giây phút xuất thần "cho đến tầng trời thứ bảy" ? Phải chăng kẻ tử tù nghĩ đến cái chết sắp đến gần của mình? Hay đơn giản hơn, đây không phải niềm xác tín thần học của vị sứ đồ, niềm xác tín đã đem lại cho thánh nhân những quả quyết dạn dĩ nầy? Đối với thánh Phao-lô, cuộc sống đầy ân sủng, chính là khởi sự của cõi đời đời rồi.

4. Đức tin, việc làm và ân sủng.

Chúng ta gặp lại giáo thuyết về ơn cứu độ nhờ đức tin mà thánh Phao-lô phác họa ở đây. Việc làm của chúng ta tự nó không thể nào xứng đáng với ơn cứu độ nầy. Ơn cứu độ của chúng ta chính là ân ban nhưng không của Thiên Chúa. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh những sắc thái ngữ nghĩa, việc làm của chúng ta tác sinh hiệu quả vì Đức Ki tô làm cho sống; chính nhờ trung gian của Đức Giê-su mà việc làm của chúng ta có thể thực sự là tốt và phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa.

Như vậy nhờ lòng nhận hậu vô lượng hải hà của Thiên Chúa đã sắp đặt mọi sự để cứu độ chúng ta và nhờ Đức Giê-su Ki tô, Đấng trung gian duy nhất, chúng ta mới có thể được có giá trị và được sống đời đời, tóm lại đó là ý nghĩa của đoạn trích hôm nay.

TIN MỪNG (Ga 3: 14-21)

Đoạn Tin Mừng Gio-an hôm nay được trích từ phần cuối của cuộc trò chuyện giữa Đức Giê-su và ông Ni-cô-đê-mô, một thủ lãnh của người Do thái, thuộc nhóm Biệt Phái, đến gặp Ngài ban đêm.

1. Bối cảnh:

Với đoạn trích nầy, cuộc nói chuyện không còn hình thức của cuộc đối thoại nữa, nhân vật Ni-cô-đê-mô không còn xuất hiện nữa. Diễn từ của Đức Giê-su ngỏ lời ở bên kia người biệt phái thiện cảm nầy, đến với tất cả những ai có cùng một sự lựa chọn phải làm: "tin hay không tin", chọn đứng về phía ánh sáng hay bóng tối. Quả thật, hậu cảnh của "phiên tòa" lộ ra trong Tin Mừng thứ tư, không chỉ vụ án xét xử người Do thái nhưng còn xét xử thế gian.

2. Tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Những dòng nầy gợi lên rất mạnh tình yêu của Chúa Cha và tình yêu của Chúa Con. Giáo hội nhận ra ở nơi "tình yêu của Cha và Con" tuôn tràn cho tất cả mọi người nầy cách thế diễn tả Chúa Thánh Thần, Đấng "nhiệm xuất từ Cha và Con", Đấng chuyển thông và lan tỏa cuộc sống thần linh. Vì thế, bản văn này cũng được chọn để cử hành lễ Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi.

3. Tấn thảm kịch của sự chọn lựa:

Ơn cứu độ nghĩa là tha thứ tội lỗi và tái sinh nhân loại nhờ dự phần vào của sống của chính Thiên Chúa. Ơn cứu độ này được dâng hiến cho con người nhưng phụ thuộc vào câu trả lời của họ. Đó là tấn thảm kịch: tấn thảm kịch của sự chọn lựa giữa ánh sáng và bóng tối, giữa đức tin và sự từ chối. Phần sau cùng nầy cô đọng Thần Học Gio-an.

Trong hậu cảnh ẩn hiện thái độ của Do thái giáo không nhận biết Đức Ki tô: "Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng". Nhưng sự chọn được đặt ra cho hết mọi người; ấy vậy đức tin không phải là một điều dể dàng, việc ông Ni-cô-đê-mô ngần ngại là một bằng chứng.

Trong những viễn cảnh phổ quát Tin Mừng Gio-an, có một khía cạnh lạc quan hay đầy khích lệ: lối ngõ đến cùng ánh sáng qua việc chọn sống theo sự thật: "Những ai sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng".

Cuối cùng, một chủ đề khác của thần học Gio-an: Đức Giê-su đã đến chỉ như Đấng Cứu Độ chứ không một quan tòa. Chính con người tự kết án mình nếu họ từ chối ánh sáng, nghĩa là nếu họ từ chối nhận biết ở nơi Đức Giê-su Con Một của Thiên Chúa.

Lm. Ignatiô Hồ Thông
 
Nhìn lên ánh sáng
+ TGM. Ngô Quang Kiệt
05:40 20/03/2009
Chúa Nhật IV mùa Chay

NHÌN LÊN ÁNH SÁNG

(Ga 3, 14-21)

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: "Như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời. Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa; và đây án phạt là sự sáng đã đến thế gian, và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách; nhưng ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ là họ đã làm trong Thiên Chúa".

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Trong sa mạc, dân It-ra-en kêu trách Thiên Chúa và ông Mô-sê. Đức Chúa cho rắn độc ra cắn họ, khiến nhiều người phải chết. Dân chúng xin ông khẩn cầu Đức Chúa. Đức Chúa truyền cho ông làm một con rắn bằng đồng và treo lên để ai bị rắn cắn mà nhìn lên, sẽ được sống (Ds 21, 4b-9).

Hôm nay, khi nói Người sẽ bị treo lên như con rắn đồng của Mô-sê, Chúa Giêsu mời gọi ta cũng hãy biết nhìn lên Thánh giá để được sống. Việc nhìn lên Chúa Giêsu bị treo trên Thánh giá mở ra cho ta những nhận thức sau:

1- Nhận thức về tội lỗi của ta. Dân Do thái phản nghịch với Chúa, nên họ đã bị rắn lửa cắn chết. Chính tội lỗi làm người ta phải đau khổ. Chính tội lỗi đã gây ra tai hoạ cho toàn dân. Chính tội lỗi đã gây ra chết chóc. Nhìn lên con rắn đồng là nhận biết mình tội lỗi. Cũng vậy, vì tội lỗi của ta mà Chúa Giêsu đã chịu treo trên Thánh giá. Người nào có tội tình gì mà phải chết đau đớn, tủi nhục như thế. Không một mảnh vải che thân. Chết lúc tuổi thanh xuân. Chết như một tội nhân. Chết như một người nô lệ. Trước khi chết đã bị sỉ nhục, bị hành hạ đến tan nát hình hài, đến chẳng còn

hình tượng con người. Tất cả chỉ vì tội lỗi của ta. Tội lỗi đã làm ta phải chết. Tội lỗi làm linh hồn ta bị biến dạng, méo mó, xấu xa. Tội lỗi khiến ta tủi nhục chẳng dám ngẩng mặt nhìn lên. Chúa Giêsu đã gánh lấy tất cả tội lỗi của ta. Người chịu nhục nhã cho ta được vinh quang. Người chịu thương tích để chữa lành vết thương của ta. Người chịu chết như nô lệ để ta được tự do. Người chịu chết cho ta được sống. Người chịu treo lên để kéo ta khỏi vũng bùn nhơ tội lỗi. Nhìn ngắm Người chính là nhìn ngắm tội lỗi của ta. Hiểu được cái chết đau đớn tủi nhục của Người là ý thức được tội lỗi nặng nề của ta.

2- Nhận thức về tình yêu thương của Chúa. Nhận thức về tội lỗi đưa ta đến nhận thức về tình yêu thương của Chúa. Ta tội lỗi đáng phải chết. Nhưng Chúa thương yêu không bỏ rơi ta. Người tìm hết cách cứu ta. Tình yêu Chúa dành cho ta thật bao la tha thiết. Tình yêu đã khiến Chúa ra như điên dại. Còn ai điên dại hơn người dám hi sinh con một mình để cứu người khác. Thế mà Chúa Cha đã “yêu ta đến nỗi đã ban Con Một” của Người cho ta. Còn ai điên dại hơn kẻ dám liều mạng chết vì người yêu. Thế mà Chúa Giêsu đã tự nguyện chết cho ta. Người đã dậy ta: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hi sinh mạng sống cho bạn hữu” ( Ga 15,13 ). Chính Người đã hi sinh mạng sống để làm chứng tình yêu Người dành cho ta. Ta có xứng đáng gì đâu ? Ta chỉ là một hạt bụi. Ta ngập trong yếu đuối tội lỗi. Thế mà Người yêu thương đến điên dại, đến chết vì ta. Càng nhìn lên Thánh giá, ta càng thấy mình tội lỗi. Càng thấy mình tội lỗi, ta lại càng thấy tình yêu thương của Chúa dành cho ta thật là bao la, tha thiết, mênh mông khôn tả.

3- Nhận thức về ơn cứu độ của Chúa. Trong sa mạc họ chẳng tìm ra người có thể cứu chữa họ. Chẳng có thuốc nào cứu họ khỏi chết. Chỉ mình Thiên chúa có thể cứu họ. Thế nên họ phải nhìn lên con rắn đồng để được Chúa cứu. Ta cũng thế. Biết thân phận mình tội lỗi yếu hèn, ta càng cảm nghiệm được ơn cứu độ của Chúa. Ta ngập chìm trong tội lỗi, chẳng thể nào vươn lên được nếu không có ơn cứu độ của Chúa. Ta yếu đuối, chẳng thể nào tự sức mình đứng lên nếu không có ơn Chúa nâng đỡ. Ta bị giam cầm trong ngục tù sự chết, chỉ có Chúa mới có thể tháo bỏ xiềng xích, đưa ta tới miền sự sống. Linh hồn ta ngập ngụa nhơ uế, chỉ có Chúa mới có thể rửa sạch tội tình. Linh hồn ta bị bóng tối tội lỗi phủ vây, chỉ có ánh sáng của Chúa mới soi chiếu cho ta biết đường ngay lẽ phải.

Nhìn lên Thánh giá chính là từ nơi tối tăm nhìn lên ánh sáng. Anh sáng tình yêu thương từ thánh giá chiếu tỏa sẽ giúp ta an tâm trở về với Chúa là Cha, người cha nhân hiền lúc nào cũng chờ đón đứa con hoang đàng trở về, lúc nào cũng sẵn sàng tha thứ tội lỗi cho ta. Anh sáng cứu độ từ Thánh giá chiếu toả sẽ giải thoát ta khỏi bóng tối tội lỗi đưa ta trở về làm con cái Thiên chúa sự sáng. Anh sáng tình yêu và ánh sáng cứu độ sẽ nâng ta lên, để từ nay ta vượt thoát lên khỏi bóng tối tội lỗi, sống thanh sạch công chính, luôn mơ ước những điều cao thượng, xứng đáng là con cái sự sáng. Trong mùa Chay, đặc biệt trong những ngày Tuần Thánh, ta hãy năng chiêm ngắm Thánh giá, để Chúa nâng tâm hồn ta lên với Chúa.

Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán: “Khi nào Ta được đưa lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta” (Ga 12,32). Xin hãy lôi kéo hồn con lên với Chúa.

III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU

1- Bạn có cảm thấy mình được Chúa yêu thương không. ? Hãy kể lại một kinh nghiệm trong đó bạn cảm nhận được tình yêu thương của Chúa.

2- Bạn có thấy mình yếu đuối, cần ơn Chúa cứu độ không ?

3- Bạn đã chiêm ngắm Thánh giá lâu giờ chưa ? Bạn có muốn chiêm ngắm Thánh giá trong mùa Chay này không ?
 
Chiếc cầu thang kỳ lạ
Phụng Nghi
07:08 20/03/2009
Một ngày đầu tháng chạp năm 1878. Những tia nắng mặt trời mùa đông chiếu lấp lánh trên mái ngói đỏ tươi của ngôi nhà nguyện Đức Mẹ Ánh Sáng và trên cửa sổ trường học của các nữ tu Loretto. Bên trong tu viện, Mẹ Bề trên đang bận sắp xếp đồ đạc để đi xa, thì nghe một tiếng gõ cửa. Mẹ nói "Cứ vào đi", nhưng có vẻ hơi bực bội vì phải ngưng công việc lại.

Sơ Frances Louise xin lỗi và bước vào:

- Thưa Mẹ, lại một người thợ mộc khác mới đến. Con bảo ông ấy là Mẹ sắp đi bây giờ, không có thì giờ nói chuyện với ông, nhưng ông ấy nói...

- Tôi biết ông ấy nói gì rồi, - Mẹ Magdalene trả lời - Chắc ổng nói ổng là thợ khéo nhất vùng New Mexico, ổng biết cái khó khăn của ngôi nhà nguyện mới cất của chúng ta, ổng chắc chắn là có thể làm được cái cầu thang lên gác đàn, mặc dầu cái ông kiến trúc sư giỏi giang ở mãi tận Paris đã vẽ họa đồ xây cất nhà nguyện mà lại đãng trí quên không để chỗ làm cầu thang, và có tới năm ông thợ cả đã đến thử mà làm không được. Sơ nói đúng đấy, tôi không có thời giờ nghe lại câu chuyện đó nữa đâu.

- Nhưng coi ổng thật tử tế, ổng đang đứng ở ngoài kia cạnh con lừa... Sơ Frances Louise nói tiếp.

- Tôi biết chắc ổng là người tử tế rồi, và cả con lừa cũng dễ thương nữa. Nhưng bệnh tật đang hoành hành ở Santo Domingo, có thể là bệnh tả. Sơ Mary Helen và tôi phải đi bây giờ vì chỉ có hai chúng tôi đã bị bệnh đó rồi nên được miễn nhiễm. Trong lúc chúng tôi đi xa, sơ ở nhà phải coi sóc trường học. Chỉ vậy thôi. Sơ nói với ổng trở lại trong khoảng hai hay ba tuần nữa.

Nói xong Mẹ cất tiếng gọi:

- Manuela!

Một cô bé da đỏ khoảng 12 tuổi, tóc đen láy, rón rén bước vào không gây một tiếng động. Cô bé bị câm nhưng có thể nghe và hiểu. Các dì phước đã cố dậy nhưng cô không nói được. Mẹ bề trên nói thật dịu dàng:

- Manuela, con mang đồ đạc của mẹ ra xe đi. Xe ở ngoài kia kìa.

Rồi bà quay sang sơ Frances Louise:

- Sơ ra nói với ông thợ mộc là tôi sẽ gặp ổng hai hoặc ba tuần nữa.

- Hai hay ba tuần. Vậy là chắc mẹ sẽ về vào dịp lễ Giáng sinh?

- Còn tuỳ theo ý Chúa. Nhưng cứ hy vọng như vậy đi.

Từ chỗ cỗ xe đang đậu, mẹ bề trên nhìn thấy ông thợ mộc đứng kia. Đó là một người khỏe mạnh, cao lớn hơn những người Mễ quanh vùng, ông để râu, đôi mắt đen trên khuôn mặt dạn dầy sương gió. Cạnh ông đứng thật nhẫn nại một con lừa nhỏ da màu xám tro, lưng đeo đồ nghề thợ mộc và những khúc gỗ. Cô bé Manuela đang đứng vuốt ve cái mũi con lừa và nhìn người thợ mộc mỉm cười e lệ.

- Sơ nên giải thích cho ông thợ biết là con bé nghe được nhưng không nói được.

Sau những lời từ biệt vội vã, chiếc xe ngựa đi theo hướng tây nam trên con đường đầy bụi về phía những rặng núi. Bên trái là dòng sông Rio Grande như một giải lụa xanh. Chiếc xe chạy chậm chậm. Trong xe, mẹ bề trên và sơ Mary Helen cất tiếng hát thánh ca và kể chuyện Giáng sinh, người tài xế dạn dày sương nắng chăm chú nghe, thỉnh thoảng gật gù cái đầu ra vẻ thích thú.

Hai ngày sau họ tới San Domingo mới thấy không có bệnh dịch tả nhưng là bệnh sởi, nhưng cũng đã gây chết chóc cho bao nhiêu em bé da đỏ. Họ làm việc luôn tay để phụ giúp với cha Sebastian lúc đó đã mệt nhoài. Họ đến thăm các em bé bị sốt đang cố chống chọi với căn bệnh chết người trong những ngôi nhà tối tăm vách làm bằng đất nện.

* * *

Trở lại Santa Fe, nơi tu viện mà sơ Frances Louise có nhiệm vụ phải báo cho ông thợ mộc những lời mẹ bề trên đã dạy, là hai hay ba tuần nữa hãy trở lại. Ông quay lại nhìn khi sơ bước tới. Sơ cảm thấy thật nhỏ bé như một đứa trẻ dưới cái nhìn chăm chú của ông.

- Thưa ông, Mẹ bề trên phải đi Santo Domingo Pueblo vì đang có bệnh ở đó, hai ba tuần nữa mẹ mới về, lúc đó ông hãy tới.

- Vậy thì tôi không trở lại được đâu, nhưng tôi đã coi nhà nguyện rồi và chắc sẽ làm được cái cầu thang lên gác đàn. Thang sẽ có hai vòng trôn ốc và 33 bậc.

Sơ Frances Louise cãi lại:

- Nhưng đã có tới năm ông thợ cả đến mà không làm được. Họ bảo không có chỗ để làm trụ cho cầu thang dựa vào, vậy tại sao ông lại chắc là ông làm được?

Một lần nữa đôi mắt ông nhìn sơ chăm chú, nhưng rồi ông mỉm cười và nói:

- Thang tôi làm không cần trụ dựa, và tôi làm được. Cứ tin tôi đi.

Thật là chuyện trớ trêu đây. Sơ không có quyền cho người lạ mặt này làm cầu thang, nhưng thâm tâm lại tin chắc ông làm được. Sơ tin ổng. Mẹ bề trên chắc phải vui lắm nếu dùng được gác đàn hôm khánh thành nhà nguyện vào mùa xuân tới. Vậy sơ nên làm gì bây giờ?

- Tôi không làm rộn ai cả. Ngay cả Sơ cũng không biết có tôi ở đây đâu. Nhà nguyện thật đẹp, chỉ thiếu cái thang lên gác đàn, mà tôi thì làm được.

Sơ nghĩ bụng: Hai ba tuần nữa thì ông ấy không trở lại. Vậy đây là cơ hội duy nhất để hoàn thành ngôi nhà nguyện theo đề án của một kiến trúc sư người Pháp nổi tiếng. Cứ tưởng tượng sau bao ngày bực bội mà nay lại dùng được cái gác đàn thật đẹp....

- Tôi không có quyền cho ông làm cầu thang đâu, nhưng bây giờ tôi bảo ông cứ làm đi.

Người thợ mộc mỉm cười nói:

- Sơ sẽ không phải ân hận đâu. Tôi bắt đầu ngay bây giờ đây.

Ông quay lại Manuela, đặt bàn tay lên đầu cô bé. Sơ vội nói là cô bé bị câm nhưng nghe và hiểu được. Ông trả lời:

- Vâng, tôi đã biết về Manuela rồi. Tôi phải đi làm đây. Nói xong ông hạ đồ nghề xuống khỏi lưng lừa.

Sơ Frances Louise bước những bước run rẩy trở lại tu viện, dường như không tin được những gì nàng mới làm. Mẹ bề trên sẽ nói gì với sơ khi trở về? Quả thật người thợ mộc là người xa lạ nhưng nàng tin tưởng hoàn toàn nơi ông. Thâm tâm nàng tin rằng ông ấy nói được là làm được. Sơ quyết định không lo nghĩ gì nữa, phó mặc mọi sự nơi tay ông vì nàng nghĩ ông làm được. Công việc của sơ bây giờ là lo điều hành trường học thôi. Nhưng sơ thấy Manuela đang phụ giúp người thợ mộc đem đồ nghề vào nhà nguyện. Ông có vẻ quý mến con bé, và biết con bé bị câm ngay cả trước khi nàng nói cho ông hay. Ông quả thật là một người kỳ lạ.

Công việc ở trường và các việc khác chiếm hết thì giờ, làm nàng không có lúc nào rảnh rỗi. Sơ biết ông thợ mộc đang làm trong nhà nguyện vì mỗi khi đi ngang qua đó nàng nghe tiếng đục đẽo. Sơ cũng biết lúc nào không thấy Manuela là chắc cô bé đang ở trong nhà nguyện coi ông thợ làm việc. Con bé có vẻ quyến luyến người thợ lạ mặt này. Nhiều ngày trôi qua sơ mới có dịp vào thăm ngôi nhà nguyện và thấy công việc đã tiến hành.

Chiếc cầu thang bắc từ nền nhà đã lên tới gác đàn! Mặc dầu không biết gì về nghề mộc, nhưng sơ cũng thấy không có trụ để thang bám vào. Cũng không có cả tay vịn, nhưng các bậc thang xoáy tròn vỏ ốc từ mặt đất lên tới gác đàn. Ông thợ mộc đã làm đúng như lời hứa. Sơ bước lên một vài bậc thang xem có chịu nổi sức nặng hay không. Các bậc thang quả thật rất chắc chắn. Thế sao ông ấy làm được trong khi bao nhiêu ông thợ giỏi đều chịu thua? Sơ không biết, nhưng ông ấy hình như có những hiểu biết và khả năng mà những người thợ mộc khác không có.

Sơ biết mình phải báo cho mẹ bề trên biết rằng người thợ mộc đang làm ở nhà nguyện, nhưng phải đợi đến lúc mẹ về mới có thể giải thích mọi sự việc. Sơ bắt buộc phải viết một lá thư cho mẹ. Sơ cảm thấy có lỗi vì đã tự tiện cho phép người thợ mộc làm cầu thang, nhưng cả ngày bận rộn công việc, tối đến thì mệt mỏi lăn ra ngủ khi đầu vừa chạm gối.

Sơ biết người thợ cần thêm gỗ nhưng không hỏi ông lấy gỗ ở đâu. Sơ viết một lá thư khác cho mẹ bề trên, nói rằng công việc đang tiến triển khả quan. Sơ hy vọng mẹ sẽ mau về, vì cảm thấy cái lỗi của mình quá nặng không sao kham nổi, sơ sẽ thú lỗi với mẹ vì việc đã làm.

Thế rồi một ngày Manuela tới và dẫn sơ ra nhà nguyện. Có điều gì không ổn chăng? Sơ do dự không muốn vô, nhưng Manuela lấy tay đẩy nàng đi vào cửa. Nhà nguyện trống vắng, nhưng khi ngước mắt nhìn chiếc cầu thang thì nàng dụi mắt như không tin ở đôi mắt mình: sừng sững trước mặt là một chiếc cầu thang xoáy trôn ốc từ nền nhà lên tới gác đàn đã hoàn tất! Nó rất đẹp khiến nàng tưởng tượng như có các thiên thần đi lên đi xuống cất cao giọng hát mà âm thanh đang văng vẳng đâu đây...

Ngày mai là giáp lễ Giáng sinh và như vậy năm nay các học sinh trong trường có thể từ cầu thang này đi lên gác đàn hát những bản thánh ca. Giọng của chúng sẽ trầm bổng như giọng các thiên thần ca hát từ trên cao. Và ôi, nếu mẹ bề trên có mặt để mà nghe chúng ca hát. Dòng nước mắt vì quá vui chảy dài trên đôi má sơ, nàng kéo Manuela đi ra khỏi nhà nguyện.

Nhưng người thợ mộc đâu rồi? Sơ phải tìm ông ấy. Sơ không biết tên ông, và cũng không có thỏa thuận phải trả ông bao nhiêu để làm công việc này. Tiền thì đã có quỹ trường học đài thọ. Nhưng phải tìm ra ông ấy đã.

- Manuela, con có thấy ông thợ mộc đâu không?

Con bé gật đầu, đưa tay ra dấu là ông ấy đi rồi.

- Ông có mang theo đồ nghề và dẫn con lừa theo không?

Con bé gật đầu.

- Ông ấy mới đi chiều nay à?

Một lần nữa, cô bé lại gật đầu. Bỗng dưng, sơ Frances Louise biết là sẽ không bao giờ gặp ông ấy nữa. Ông ấy đến làm xong một việc mà không ai làm được và rồi đi mất.

* * *

Tại San Domingo. Đêm xuống, cả mẹ bề trên và dì phước Mary Helen đều mệt nhoài, nhưng đôi lúc mẹ cũng nói chuyện với cha Sebastian về lễ khánh thành ngôi nhà nguyện mới xây, dự trù vào khoảng tháng tư và đức Tổng Giám Mục sẽ tới. Lẽ ra lễ thánh hiến sẽ sớm hơn nếu không có chuyện cái gác đàn không ai lên được trừ phi phải bắc thang mà trèo! Mẹ nói:

- Tôi đã nói với đức Giám mục Lamy rằng đề án mà vẽ mãi tận Paris là cả một lỗi lầm. Nếu có gì trục trặc thì chúng tôi biết làm sao? Nhưng ngài nói rằng nhà nguyện của chúng tôi ở Santa Fe là rập khuôn theo ngôi nhà nguyện Sainte Chapelle tại Paris, nên tôi là ai mà dám cãi lại ngài? Vậy mà cái ông Mouly tài ba vẽ ra cái gác đàn quá cao ngay bên trên cái cửa sổ màu hồng làm chẳng ai trèo lên được.

Cha Sebastian thở dài nói:

- Có lẽ ông ấy nghĩ là để dành cho ca đoàn thiên quốc hát đấy. Loại ca viên có cánh ấy mà.

Mẹ bề trên đáp:

- Thật chẳng thú vị vậy đâu. Tôi đã cầu nguyện rồi cầu nguyện, nhưng không thấy có giải pháp nào cả. Đơn giản là vì không có chỗ trên nền nhà nguyện để làm nơi tựa cho một loại cầu thang như thế.

Ngày qua ngày, lễ Giáng sinh đã gần kề. Hai lần, người cỡi ngựa từ Santa Fe đến Alberquerque mang thư của sơ Frances Louise tới. Mọi chuyện ở tu viện đều đâu vào đấy cả, nhưng mẹ bề trên có thắc mắc về mấy đoạn trong thư: "Các em nhỏ đã sửa soạn mừng Giáng sinh. Cô bé Manuela và người thợ mộc rất thân thiện với nhau. Thật kỳ lạ là ông ấy hình như biết rất nhiều về chúng ta."

Mẹ tự hỏi: Ông thợ mộc làm gì ở đấy nhỉ?

Bức thư thứ hai đến cũng có đề cập đến người thợ mộc: "Mỗi sáng ông lại mang gỗ đến, rồi mỗi đêm ông ấy lại đi. Khi chúng con hỏi để trả tiền cây và công thợ, ông ấy chỉ mỉm cười không nói."

Không biết sơ ấy nói chuyện gì đây. Hay là lại nhẹ dạ mà cho cái ông ấy làm ở nhà nguyện? Mẹ quyết định phải trở về xem sự thể ra sao. Lúc đó, bệnh tình ở San Domingo đã ổn định, và tuyết có thể rơi làm cản lối về trước ngày lễ Giáng sinh. Vậy là họ sửa soạn cho chuyến trở về.

Tuyết rơi xuống thật, làm chuyến về rất chậm. Khuya ngày giáp lễ Giáng sinh, mãi gần nửa đêm, những con ngựa mệt mỏi mới ngừng lại trước cửa tu viện. Đèn vẫn còn thắp sáng. Manuela chạy vù xuống các bậc thềm, theo sau là dì phước Frances Louise. Mặc dầu thấm lạnh và mỏi mệt, mẹ bề trên cảm thấy có nỗi nao nức gì quanh đây mà bà không hiểu nổi.

Và bà cũng không hiểu nổi khi họ dẫn bà, vẫn còn đang mặc áo choàng ấm quấn quanh người, xuống dãy hành lang đi tới ngôi nhà nguyện còn mới tinh khôi. Mấy ngọn đèn cầy leo lét cháy. Sơ Frances Louise thì thầm vào tai mẹ:

- Thưa mẹ, coi kìa. Nhìn coi kìa!

Trông giống như một cuộn khói, chiếc cầu thang đứng sững trước mặt họ như trong một giấc mơ. Đế thang nằm trên nền nhà nguyện, còn đỉnh thì sát vào gác đàn. Nó không tựa vào đâu, mà cứ như trôi trong không gian. Không có cả tay vịn. Thang có hai vòng tròn trôn ốc, màu gỗ sơn bóng loáng chập chờn dưới ánh bạch lạp. Dì phước Frances Louise thì thầm:

- Ba mưới ba bậc, mỗi bậc là một năm trong đời Chúa.

Mẹ bề trên bước tới như người đi trong mơ. Bà đặt một chân trên bậc thứ nhất, rồi bậc thứ hai và bậc thứ ba. Không cả một tiếng rung rinh. Bà nhìn xuống cô bé Manuela đang ngước mặt lên.

- Không thể được! Thời giờ đâu mà làm xong được!

Sơ Frances Louise nói:

- Ông ấy mới làm xong ngày hôm qua. Hôm nay ông không đến. Không ai thấy ông ở Santa Fe cả. Chắc là đi rồi.

- Nhưng ổng là ai mới được chứ? Sơ cũng không biết tên ổng à?

Dì phước lắc đầu, nhưng Manuela bước tới, gục gặc cái đầu ra vẻ quả quyết. Miệng cô bé há ra, nó hít một hơi thở mạnh và phát ra một thanh âm giống như tiếng hổn hển. Hai dì phước nhìn bé chăm chăm. Cô bé cố một lần nữa, và lần này miệng nó phát ra một vần, rồi một vần nữa:

- Jo--se

Cô bé níu lấy tay mẹ bề trên và lặp lại cái tiếng đầu tiên mà bé nói được: "Jose".

Dì phước Frances Louise làm dấu thánh giá, còn mẹ bề trên thấy lòng mình thắt lại. Jose là tiếng Tây ban nha, có nghĩa là Giuse. Giuse Người Thợ Mộc. Giuse, Người Thợ Cả...

- Jose! Mắt Manuela ứa lệ. Jose!

Tất cả đều im lặng trong ngôi nhà nguyện dưới bóng đèn leo lét. Không ai cử động gì. Mẹ Magdelene nghe tiếng chuông nửa đêm vọng lại qua thành phố đầy tuyết trắng bao phủ. Bà đi xuống khỏi cầu thang, nắm tay cô bé. Bà thấy như được nâng bổng lên cao bằng nỗi bàng hoàng kỳ diệu, lòng tri ân và tình thương mến. Bà biết đó là gì rồi, đó là tinh thần của ngày lễ Giáng sinh đang tỏa ngập quanh ba người.

Ghi chú

1- Đây là một truyện truyền kỳ, và giống như bao nhiêu truyện truyền kỳ khác, đều được kể đi kể lại, mỗi lần lại thêm một ít chi tiết. Nhưng chiếc cầu thang này có thật, và vẫn còn ở Santa Fe, thủ phủ tiểu bang New Mexico. Sơ Mary Magdelene là mẹ bề trên đầu tiên của Nhà Nguyện Đức Mẹ Ánh Sáng (Our Lady of Light) và ngôi trường học do các dì phước dòng Loretto điều hành. Bà đến Santa Fe năm 1852 bằng tầu thủy và xe ngựa. Lúc đó Giám Mục Santa Fe là J.B. Lamy. Kiến trúc sư vẽ kiểu nhà nguyện là ông Projectus Mouly ở Paris. Hồ sơ trường học không thấy có ghi khoản tiền trả cho chi phí làm chiếc cầu thang, cũng không thấy ghi ai là người đã làm cầu thang đó nơi khoảng trống nhỏ bé tưởng không thể làm cầu thang được, khiến cho du khách đến thăm ai cũng lắc đầu và các kiến trúc sư ai cũng chăm chú nhìn và nói: "Không thể được!"

2- Khi ngôi nhà nguyện sắp hoàn thành, thợ mộc mới thấy cái gác đàn cao quá, sát ngay trần nhà, và nếu làm chiếc cầu thang đi lên thì chiếm mất quá nhiều chỗ trên nền nhà nguyện.

Trong cơn bối rối các dì phước hướng tới thánh Giuse, quan thày những người thợ mộc, và làm một tuần cửu nhật cầu xin Người. Đến ngày thứ chín, một người lạ mặt xuất hiện xin làm thử cầu thang. Mất từ 6 đến 8 tháng và chỉ dùng có một cái cưa, một cái búa, một thước thợ hình chữ T, một cái thùng để ngâm gỗ, người thợ hoàn thành kiệt tác thật lạ lùng này. Ông thợ đi mất trước khi mẹ bề trên Magdelene trả tiền công cho ông.

Cầu thang cao 22 feet (khoảng 7 mét). Các bậc thang không có điểm tựa ở trung tâm, kết thành hai vòng tròn 360 độ, tổng cộng là 33 bậc. Các đường vòng cung được ráp nối hết sức tinh vi, gỗ được nối ghép bẩy chỗ ở phía trong, chín chỗ ở phía ngoài, không dùng một chiếc đinh sắt nào mà toàn dùng những miếng chốt bằng cây. Gỗ làm cầu thang lấy từ cây thông loại cứng không thấy có tại New Mexico. Tay vịn cầu thang sau này mới được thêm vào để thêm an toàn cho người xử dụng.

3- Nhà nguyện hiện nay đổi tên là Nhà Nguyện Loretto (Loretto Chapel), được coi là kiến trúc gothic đầu tiên tại miền tây Mississipi. Một công ty tư nhân điều hành nhà nguyện cho khách hành hương và du khách. Nhiều đám cưới được tổ chức tại đây, cô dâu chú rể thích chụp ảnh đứng trên giữa cầu thang nhìn xuống.

Địa chỉ của nhà nguyện: 207 Old Santa Fe Trail, Santa Fe, NM 87501. Số điện thoại: 505-982-0092
 
Thánh giá, nguồn ơn cứu độ của chúng con
Lm Jude Siciliano OP
08:42 20/03/2009
CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY B

2 Sb: 36: 14-17, 19-23; Tv 137; Ephêsô 2: 4-10; Gioan 3: 14-21

Anh chị em thân mến,

Đối với một số người, nhà thờ là nơi họ đến để lẩn tránh những căng thẳng lo âu hàng ngày, đồng thời tránh những lo lắng của thời thế. Có người lại nói, nhà thờ là nơi hội họp, để cùng cầu nguyện xin Chúa an ủi, và Chúa đang lắng nghe cũng như sẵn sàng chữa lành và thêm sức mạnh cho họ. Thật đấy.

Nhưng mỗi lần đến nhà thờ, chúng ta đều thấy cây Thánh Giá, điều đó nhắc nhở chúng ta rằng: Nơi thờ phượng này không phải là nơi lẩn tránh trần gian, để mọi sự đều được rửa sạch và để cho chúng ta ở trong một thế giới khác, không hề biết đến sự đau khố và các mối xung đột của trần thế. Trái lại, giữa những bức tranh và hình tượng, những khăn bàn thờ ủi sạch, những chén thánh bóng loáng đều có cẩn Thánh Giá, cây Thánh Giá của đau khổ đã kết thúc đời sống trần thế của Chúa Kitô.

Trong khi thờ phượng, chung quanh đầy những cửa gương nhiều màu, ánh nến lung linh, tượng các thánh là các anh hùng đã đi trước chúng ta, đôi khi chúng ta có cảm nhận ở nơi thân thương này, khác với môi trường sống chung quanh chúng ta. Nếu chúng ta đang đau khổ, đang chán nản, đang bị đọa đày, và mong cuộc sống được giải thoát, chúng ta dễ bị cám dỗ cảm thấy như mình không thuộc về nơi đẹp đẽ này, cho đến khi chúng ta nhìn lên Thánh Giá.

Khi chúng ta làm dấu Thánh Giá lúc bước vào nhà thờ tham dự Thánh lễ và lúc ra về, khi chúng ta thấy Thánh Giá dẫn đầu đoàn rước đi vào nhà thờ trước Thánh lễ và đi ra sau lễ, chúng ta nên nhớ là hãy mang đến nhà thờ những đau khổ, những điều thiếu may mắn, và cả những tội lỗi của chúng ta nữa. Vì chính nhờ cây Thánh Giá mà tất cả đời sống của chúng ta đều được đón nhận vào Thánh lễ, nhất là những khi chúng ta bị đau khổ, thất bại và chán nản đến cùng cực.

Cây Thánh Giá là điểm tựa cho chúng ta ở nơi nầy. Nó cho chúng ta biết chắc là Thiên Chúa không phải là Đấng từ trên cao xa đang lạnh lùng nhìn xuống chúng ta, nhưng Ngài là Đấng đang đồng hành với chúng ta ngay từ thuở Ngài ra đời ở Bêthlêhem: Ngài đã là người di cư cùng với cha mẹ, phải chạy trốn một vị vua muốn giết Ngài. Kế đến, Ngài phải sống tha phương nơi xứ lạ; làm nghề mộc sinh sống qua ngày; sống trong một làng nhỏ đang bị ngoại bang đô hộ; Ngài cũng có những bạn bè thân quen; cũng thích ăn uống tiệc tùng; và rồi có người bạn đã thề hứa sẽ luôn ở cận kề Ngài đến cùng, nhưng đến lúc bị các thầy tư tế ruồng bắt trao Ngài cho đồng bọn để xử tử, lại bỏ rơi Ngài cho người ta chế nhạo và hành hạ cho đến chết.

Nếu chúng ta tự hỏi Chúa ở đâu khi đời sống chúng ta quá đổi truân chuyên, hay đang giữa Thánh lễ trọng thể kính thờ Chúa, mà sao chúng ta lại cảm thấy cô đơn. Hãy nhìn lên Thánh Giá, đó chính là nhà của chúng ta. Thập giá là một hình cụ dùng để xử tử, hình cụ này làm cho phạm nhân hoảng sợ đến nổi phải thú nhận tội. Nó còn dùng để xử tử các nô lệ, và những kẻ tạo phản. Nó không được dùng cho công dân của đế quốc La Mã. Thập giá không những là hình cụ tàn khốc để kéo dài cơn hấp hối của tội nhân, mà nó còn làm cho những người đứng nhìn lên cũng phải khiếp đảm. Chúng ta không muốn xem những cảnh bạo lực trên phim ảnh, hay trên truyền hình; nên càng không muốn nhìn thấy cảnh tượng rùng rợn của người bị đóng đinh treo trên thập giá cho đến chết. Thập giá nhắc cho một dân tộc bị đô hộ biết rằng họ có thể bị đánh đập và ném ra ngoài như cỏ rác, nếu bị chính quyền La-Mã kết tội, hay không tuân lệnh trên như Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu làm cho đế quốc sợ vì Ngài nói đến vương quốc Ngài trải rộng không biên giới; một vương quốc mà các công dân đều bình đẳng; một vương triều không có người nhiều đặc quyền đặc lợi và thứ dân hạ đẳng; nơi có những người không thể hòa nhập được, khó trở thành như là thành viên của cộng đoàn; nhưng ở đó, tất cả các thành phần khác nhau đều được tôn trọng; và quyền bính không tập trung vào một số ít người, nhưng tình thương và sự phục vụ sẽ thu hút nhiều thành phần trong các thành viên. Chúa Giêsu gọi đó là Vương Triều Thiên Chúa. Những kẻ nghịch với Ngài thì họ cho đó là chống lại tôn giáo và chính trị của triều đại họ, nên họ muốn đàn áp sự chống đối ấy.

Thánh Kinh cho chúng ta biết Thiên Chúa dùng uy quyền một cách khác: Ngài thương yêu chúng ta, và cho chúng ta thấy tình thương đó mang hình dáng một người phục vụ. "Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian..." và Ngài thể hiện những động thái để chứng tỏ lòng Ngài thương yêu chúng ta. Và Ngài cũng không từ chối ngay cả Con yêu dấu của Ngài. Thiên Chúa muốn lời rao giảng và các dụ ngôn về tình yêu thương của Chúa Giêsu trở nên hồng ân cho tất cả mọi người, kể cả những lãnh đạo tôn giáo và chính trị. Nhưng, Chúa Giêsu lại trở nên người đe dọa họ, họ phải ngăn chận và phá tan Tin mừng Ngài mang đến cho thế gian.

Nhưng Chúa Giêsu không muốn thối lui, trái lại, Ngài vẫn giữ Tin mừng Ngài mang đến từ lúc Ngài mới bắt đầu rao giảng như chúng ta nghe hôm nay. Ngài không e ngại những chống đối, đe dọa đến đời sống của Ngài. Thánh Gioan nói, vì yêu chúng ta nên Thiên chúa đã để Chúa Giêsu bị bắt, bị ức hiếp, bị xét xử và chịu án tử hình để tuyên xưng tình thương ấy. Bây giờ, khi nhìn lên Thánh Giá, ai cũng hiểu được ý định Thiên Chúa thương yêu chúng ta dường bao. Từ trên Thánh Giá, Chúa Giêsu tiếp tục nêu cao tình thương của Thiên Chúa đối với tội nhân, khi Ngài tha tội cho người trộm lành bị đóng đinh cạnh Ngài trước mặt những kẻ giết hại Ngài.

Khi cây Thánh Giá đã dựng lên và Chúa Giêsu đã chết, sự dữ và sức mạnh bạo lực có vẻ như thắng thế, và vẫn còn tiếp diễn. Những hy vọng của dân chúng một lần nữa tan biến. Có vẻ như không gì có thể ngăn cản được bạo lực và sự dữ. Dân chúng bị một mảnh lực lôi cuốn họ xuống ngày càng sâu thẳm. Đến lúc cuối đời, họ không còn chút hy vọng nào, khi mọi người đều khiếp sợ trong vô vọng thì Chúa Giêsu hiện ra từ cõi chết. Ngài sống lại và mang đến những lời hứa: ngày hôm nay "ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời"(Ga 3:16)

Chúng ta đang ở giữa mùa chay. Trong mùa ơn thánh này, chúng ta nên nghe đi nghe lại lời Chúa trong Chúa nhật thứ nhất mùa chay "Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng"(Mc 1:15). Và chúng ta cố gắng hết sức tuân nghe lời Chúa để lánh xa tội lỗi và trở về theo lời mời gọi của Thiên Chúa qua Đức Kitô. Thánh Phao-lô nhắc chúng ta hôm nay: Nhờ ơn Chúa mà chúng ta được cứu rỗi, chứ không phải bởi ý lực của chúng ta. "Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ"(Ep 2:5). Nếu chúng ta còn băn khoăn gì về thánh ý Chúa trong sự thương yêu chúng ta, hãy nhìn lên Thánh Giá đưa cao dẫn đầu đoàn rước vào thánh lễ hôm nay.

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP
 
Sống niềm tin vào sự sống đời đời
LM. Giuse Nguyễn Thành Long
13:41 20/03/2009
CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY

Hôm thứ 6 tuần trước, một tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra tại đèo Đại Ninh, Bắc Bình, Bình Thuận đã khiến ít nhất 10 người, trong đó có 9 du khách người Nga thiệt mạng và 16 người khác bị thương. Tin tức về tai nạn thương tâm đã được loan đi nhanh chóng qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Chính phủ Nga đã cho điều động máy bay sang Việt Nam để đưa thi hài những nạn nhân xấu số về nước. Có lẽ đây là lần đầu tiên một tai nạn nghiêm trọng làm cho số du khách người nước ngoài chết nhiều nhất tại Việt Nam.

Có người nói rằng đó là dấu chỉ mà Thiên Chúa muốn nhắc nhở người dân Nga nói chung và cách riêng là du khách Nga, một nước đã từng được coi là “cố nội” của chủ nghĩa vô thần. Nhận xét như thế có lẽ cũng có phần đúng.

Bởi vì xuất phát từ một thực tế đáng suy nghĩ. Được biết năm nay du khách nước ngoài tới Việt Nam có rất đông người Nga (đông hơn những năm trước nhiều); tuy nhiên trong số đó, những người theo đạo Kitô giáo là rất ít. Số người giữ đạo lại càng ít hơn. Cứ đến các nhà thờ ở khu du lịch Mũi Né vào các ngày Chúa Nhật thì biết. Tìm mỏi cả mắt cũng chẳng thấy người Nga nào giữa những du khách nước ngoài đến dự lễ ở nhà thờ. Họ sống như không có đời sau vậy. Xem ra di chứng vô thần chủ nghĩa vẫn còn “tươi sống” nơi họ. Ai giữ đạo mặc ai, ai đi nhà thờ mặc ai. Còn mình chỉ lo vui chơi trầm mình hưởng thụ nơi các khu resort, nơi các nhà hàng, vũ trường, quán bar… Dường như họ chẳng quan tâm gì đến những thực tại đời sau, ngay cả những người được biết là có đạo đi nữa.

Âu đó cũng là thực trạng chung của con người ngày hôm nay. Vì quá bận tâm, quá lo lắng và quá gắn chặt vào các thực tại đời tạm này, nên họ dễ dàng quên đi cùng đích đời mình là sự sống đời đời.

Đối với chúng ta, những người Kitô hữu thì khác, niềm tin vào sự sống đời đời là một trong những tín điều quan trọng của đạo giáo. “Sự sống đời đời” cũng là một trong những chủ đề lớn trong Tin mừng Gioan.

Thế thì chúng ta có thể tự đặt câu hỏi: sự sống đời đời đến từ đâu và đến qua trung gian nào ?

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta câu trả lời rất rõ ràng. Sự sống đời đời đến từ tình yêu của Chúa Cha, nguồn mạch sự sống: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban con một mình” (Ga 3,16a). Vì yêu thương, Thiên Chúa Cha đã ân ban cho con người chính quà tặng sự sống là Con Một của mình để con người có được sự sống đời đời, nhờ tin vào danh Ngài.

Và như thế, trung gian mà qua đó sự sống đời đời được trao ban chính là Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa. Nếu trong thời cựu ước, trước thảm hoạ bị rắn độc cắn chết, nhờ nhìn lên con rắn đồng mà dân Dothái được cứu sống, tất nhiên được cứu sống đời này thôi; thì trong thời Tân Ước, nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô mà con người được sống và được sống đời đời. Bởi vì Đức Kitô có vị trí trổi vượt: Ngài đến từ trên cao, đến từ cung lòng Chúa Cha (x. Ga 3, 31-32). Hơn nữa, Ngài còn có vai trò hết sức đặc biệt: là trung gian duy nhất. Đấng trung gian ấy đã thực sự chiến thắng sự chết và đã phục sinh. Đây là dấu chứng đảm bảo cho sự sống đời đời, sự sống mà Thiên Chúa đã hứa ban cho những ai tin vào Đức Kitô và dấn bước theo Ngài: “Ai tin vào Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sự sống đời đời.….”(Ga 3,16b).

Vậy, chúng ta có quan tâm đến sự sống đời đời mai sau hay không ? Chúng ta có tin nhận Đức Kitô và sống gắn bó với Ngài để được sống đời đời hay không ? Nhất là chúng ta đã sống niềm tin đó thế nào ? Nếu chúng ta tự hào mình có đạo, có niềm tin vào đạo, nhưng không sống đạo, không sống niềm tin thì chúng ta cũng thuộc hạng người vô thần thực tiễn không hơn không kém, hạng người đang chiếm ưu thế trong thời đại hôn nay.

Lạy Chúa là Cha chúng con, chúng con xin dâng lên Chúa tâm tình tri ân cảm tạ vì Chúa đã yêu thương ban tặng cho chúng con quà tặng sự sống là chính Con Một yêu dấu của Chúa. Xin cho chúng con luôn biết tin tưởng cậy trông vào Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, Đấng đã chết cho nhân loại được sống và sống dồi dào. Xin cũng giúp chúng con biết đáp trả tình yêu ấy bằng nổ lực sống hết tình và làm chứng hết mình cho niềm tin vào sự sống đời đời mai sau. Amen.
 
Thánh giá, nguồn ơn cứu độ của chúng con
Lm. Jude Siciliano, OP
14:48 20/03/2009
CN 4 mùa chay 22-03-2009 (2 Sb: 36: 14-17, 19-23; Tv 137; Ephêsô 2: 4-10; Gioan 3: 14-21)

Đối với một số người, nhà thờ là nơi họ đến để lẩn tránh những căng thẳng lo âu hàng ngày, đồng thời tránh những lo lắng của thời thế. Có người lại nói, nhà thờ là nơi hội họp, để cùng cầu nguyện xin Chúa an ủi, và Chúa đang lắng nghe cũng như sẵn sàng chữa lành và thêm sức mạnh cho họ. Thật đấy.

Nhưng mỗi lần đến nhà thờ, chúng ta đều thấy cây Thánh Giá, điều đó nhắc nhở chúng ta rằng: Nơi thờ phượng này không phải là nơi lẩn tránh trần gian, để mọi sự đều được rửa sạch và để cho chúng ta ở trong một thế giới khác, không hề biết đến sự đau khố và các mối xung đột của trần thế. Trái lại, giữa những bức tranh và hình tượng, những khăn bàn thờ ủi sạch, những chén thánh bóng loáng đều có cẩn Thánh Giá, cây Thánh Giá của đau khổ đã kết thúc đời sống trần thế của Chúa Kitô.

Trong khi thờ phượng, chung quanh đầy những cửa gương nhiều màu, ánh nến lung linh, tượng các thánh là các anh hùng đã đi trước chúng ta, đôi khi chúng ta có cảm nhận ở nơi thân thương này, khác với môi trường sống chung quanh chúng ta. Nếu chúng ta đang đau khổ, đang chán nản, đang bị đọa đày, và mong cuộc sống được giải thoát, chúng ta dễ bị cám dỗ cảm thấy như mình không thuộc về nơi đẹp đẽ này, cho đến khi chúng ta nhìn lên Thánh Giá.

Khi chúng ta làm dấu Thánh Giá lúc bước vào nhà thờ tham dự Thánh lễ và lúc ra về, khi chúng ta thấy Thánh Giá dẫn đầu đoàn rước đi vào nhà thờ trước Thánh lễ và đi ra sau lễ, chúng ta nên nhớ là hãy mang đến nhà thờ những đau khổ, những điều thiếu may mắn, và cả những tội lỗi của chúng ta nữa. Vì chính nhờ cây Thánh Giá mà tất cả đời sống của chúng ta đều được đón nhận vào Thánh lễ, nhất là những khi chúng ta bị đau khổ, thất bại và chán nản đến cùng cực.

Cây Thánh Giá là điểm tựa cho chúng ta ở nơi nầy. Nó cho chúng ta biết chắc là Thiên Chúa không phải là Đấng từ trên cao xa đang lạnh lùng nhìn xuống chúng ta, nhưng Ngài là Đấng đang đồng hành với chúng ta ngay từ thuở Ngài ra đời ở Bêthlêhem: Ngài đã là người di cư cùng với cha mẹ, phải chạy trốn một vị vua muốn giết Ngài. Kế đến, Ngài phải sống tha phương nơi xứ lạ; làm nghề mộc sinh sống qua ngày; sống trong một làng nhỏ đang bị ngoại bang đô hộ; Ngài cũng có những bạn bè thân quen; cũng thích ăn uống tiệc tùng; và rồi có người bạn đã thề hứa sẽ luôn ở cận kề Ngài đến cùng, nhưng đến lúc bị các thầy tư tế ruồng bắt trao Ngài cho đồng bọn để xử tử, lại bỏ rơi Ngài cho người ta chế nhạo và hành hạ cho đến chết.

Nếu chúng ta tự hỏi Chúa ở đâu khi đời sống chúng ta quá đổi truân chuyên, hay đang giữa Thánh lễ trọng thể kính thờ Chúa, mà sao chúng ta lại cảm thấy cô đơn. Hãy nhìn lên Thánh Giá, đó chính là nhà của chúng ta. Thập giá là một hình cụ dùng để xử tử, hình cụ này làm cho phạm nhân hoảng sợ đến nổi phải thú nhận tội. Nó còn dùng để xử tử các nô lệ, và những kẻ tạo phản. Nó không được dùng cho công dân của đế quốc La Mã. Thập giá không những là hình cụ tàn khốc để kéo dài cơn hấp hối của tội nhân, mà nó còn làm cho những người đứng nhìn lên cũng phải khiếp đảm. Chúng ta không muốn xem những cảnh bạo lực trên phim ảnh, hay trên truyền hình; nên càng không muốn nhìn thấy cảnh tượng rùng rợn của người bị đóng đinh treo trên thập giá cho đến chết. Thập giá nhắc cho một dân tộc bị đô hộ biết rằng họ có thể bị đánh đập và ném ra ngoài như cỏ rác, nếu bị chính quyền La-Mã kết tội, hay không tuân lệnh trên như Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu làm cho đế quốc sợ vì Ngài nói đến vương quốc Ngài trải rộng không biên giới; một vương quốc mà các công dân đều bình đẳng; một vương triều không có người nhiều đặc quyền đặc lợi và thứ dân hạ đẳng; nơi có những người không thể hòa nhập được, khó trở thành như là thành viên của cộng đoàn; nhưng ở đó, tất cả các thành phần khác nhau đều được tôn trọng; và quyền bính không tập trung vào một số ít người, nhưng tình thương và sự phục vụ sẽ thu hút nhiều thành phần trong các thành viên. Chúa Giêsu gọi đó là Vương Triều Thiên Chúa. Những kẻ nghịch với Ngài thì họ cho đó là chống lại tôn giáo và chính trị của triều đại họ, nên họ muốn đàn áp sự chống đối ấy.

Thánh Kinh cho chúng ta biết Thiên Chúa dùng uy quyền một cách khác: Ngài thương yêu chúng ta, và cho chúng ta thấy tình thương đó mang hình dáng một người phục vụ. "Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian..." và Ngài thể hiện những động thái để chứng tỏ lòng Ngài thương yêu chúng ta. Và Ngài cũng không từ chối ngay cả Con yêu dấu của Ngài. Thiên Chúa muốn lời rao giảng và các dụ ngôn về tình yêu thương của Chúa Giêsu trở nên hồng ân cho tất cả mọi người, kể cả những lãnh đạo tôn giáo và chính trị. Nhưng, Chúa Giêsu lại trở nên người đe dọa họ, họ phải ngăn chận và phá tan Tin mừng Ngài mang đến cho thế gian.

Nhưng Chúa Giêsu không muốn thối lui, trái lại, Ngài vẫn giữ Tin mừng Ngài mang đến từ lúc Ngài mới bắt đầu rao giảng như chúng ta nghe hôm nay. Ngài không e ngại những chống đối, đe dọa đến đời sống của Ngài. Thánh Gioan nói, vì yêu chúng ta nên Thiên chúa đã để Chúa Giêsu bị bắt, bị ức hiếp, bị xét xử và chịu án tử hình để tuyên xưng tình thương ấy. Bây giờ, khi nhìn lên Thánh Giá, ai cũng hiểu được ý định Thiên Chúa thương yêu chúng ta dường bao. Từ trên Thánh Giá, Chúa Giêsu tiếp tục nêu cao tình thương của Thiên Chúa đối với tội nhân, khi Ngài tha tội cho người trộm lành bị đóng đinh cạnh Ngài trước mặt những kẻ giết hại Ngài.

Khi cây Thánh Giá đã dựng lên và Chúa Giêsu đã chết, sự dữ và sức mạnh bạo lực có vẻ như thắng thế, và vẫn còn tiếp diễn. Những hy vọng của dân chúng một lần nữa tan biến. Có vẻ như không gì có thể ngăn cản được bạo lực và sự dữ. Dân chúng bị một mảnh lực lôi cuốn họ xuống ngày càng sâu thẳm. Đến lúc cuối đời, họ không còn chút hy vọng nào, khi mọi người đều khiếp sợ trong vô vọng thì Chúa Giêsu hiện ra từ cõi chết. Ngài sống lại và mang đến những lời hứa: ngày hôm nay "ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời"(Ga 3:16)

Chúng ta đang ở giữa mùa chay. Trong mùa ơn thánh này, chúng ta nên nghe đi nghe lại lời Chúa trong Chúa nhật thứ nhất mùa chay "Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng"(Mc 1:15). Và chúng ta cố gắng hết sức tuân nghe lời Chúa để lánh xa tội lỗi và trở về theo lời mời gọi của Thiên Chúa qua Đức Kitô. Thánh Phao-lô nhắc chúng ta hôm nay: Nhờ ơn Chúa mà chúng ta được cứu rỗi, chứ không phải bởi ý lực của chúng ta. "Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ"(Ep 2:5). Nếu chúng ta còn băn khoăn gì về thánh ý Chúa trong sự thương yêu chúng ta, hãy nhìn lên Thánh Giá đưa cao dẫn đầu đoàn rước vào thánh lễ hôm nay.

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP
 
Đối phó với nóng giận trong các mối quan hệ gia đình
Trần Hiếu
19:39 20/03/2009
Đối phó với nóng giận trong các mối quan hệ gia đình

Bạn có bao giờ hối tiếc vì phản ứng gấp rút trong khi nóng nảy? Đâu là cái gía bạn phải trả? Có phải nó làm cho bạn mất vui, lỡ cơ hội làm ăn, tiêu hao sức lực không cần thiết, hoặc quan trọng hơn nữa, làm sứt mẻ các mối quan hệ với những người thân yêu?

Nếu đó là điều đáng quan tâm, bạn cần tìm hiểu và phát triển các kỹ năng nhằm đối phó với sự nóng giận.

Nóng giận là cảm xúc thông thường của con người. Khi bị đối xử bất công, hoặc gặp điều trái ý, người ta dễ có các cảm giác nóng giận. Tuy nhiên, nóng giận không nhất thiết là tiêu cực, vì nhiều khi nó giúp kích thích năng lực để chúng ta phấn đấu đạt được điều mình muốn.

Điều đáng mừng là mặc dầu không thay đổi được con người hoặc trạng huống làm mình nổi giận, chúng ta có thể kiểm soát được cách thức mình đối phó với cơn giận. Andy Rooney nói, “Tôi không thể chọn các cảm giác của tôi, nhưng tôi có thể chọn cách đối phó với các cảm giác đó”.

Khi người ta giận dữ, cơ thể họ thường trải qua một số thay đổi như mạch máu chạy nhanh hơn, áp suất huyết gia tăng, kích thích tố hưng phấn được đưa vào máu làm các bắp thịt trở nên căng thẳng. Chính sự kết hợp giữa cảm xúc giận dữ và kích thích cơ thể khiến người ta muốn phản ứng cấp kỳ trong lúc căng thẳng.

Nhiều người lầm tưởng rằng nóng giận cũng có nghĩa là hành vi gây hấn. Thực ra, đây là hai khái niệm khác biệt nhau. Trong khi nóng giận là điều chúng ta cảm thấy, hành động gây hấn là điều chúng ta làm.

Một trong những yếu tố gây nên nóng giận nơi một người là do căng thẳng. Dưới các áp lực của môi trường như sở làm, gia đình, trường học, cộng đồng, cũng như cách xử trí của chúng ta trong các trạng huống khác nhau có thể gây nên các cảm giác tức tối, bực mình, thất vọng…

Bạn thử nghĩ coi trạng huống nào sau đây gây nên căng thẳng? Bạn bị mất việc làm; Cãi lộn với một người bạn; Bị đụng xe; Vợ mới mang bầu? Những điều trên và biết bao điều khác đều có thể xảy đến cho bạn. Tuy nhiên, không phải chỉ những việc lớn mà những điều phiền toái vụn vặt chồng chất trong cuộc sống cũng có thể tạo nên căng thẳng.

Trong các lớp huấn luyện 52 tuần lễ cho các can phạm dính tội bạo hành gia đình, người ta thường trao đổi với nhau về nguồn gốc sâu xa cũng như lý do gần dẫn đến bạo hành. Họ cho biết xử dụng bạo lực là một thói quen học được do ảnh hưởng từ môi trường sinh sống, và phần lớn sự việc xảy ra chỉ vì trong một chốc lát nào đó họ đã không kềm chế được cơn nóng giận của mình.

Khi kết thúc khóa học, họ nói rằng, nếu biết đối thoại trong ôn hoà, áp dụng phương pháp tạm nghỉ (time-outs) và thực hành các phương thức thư giãn thông thường như hít thở thật sâu hoặc dùng trí tưởng tượng để làm dịu cơn nóng giận thì họ đã không vướng vào những chuyện đáng tiếc.

Phương pháp lấy giờ “tạm nghỉ” (time-outs)

Khi nóng giận, điều họ làm là để ý phản ứng của cơ thể như tái mặt, tay run, tim đập nhanh... lúc đó, họ cho người đối diện biết họ cần lấy giờ “tạm nghỉ”. Trong nhiều trường hợp, việc rút lui khỏi hiện trường để giải lao là hiệu qủa nhất vì nó giúp dễ lấy lại bình tĩnh và tránh bầu khí căng thẳng.

Trong khi lấy giờ tạm nghỉ, họ thi hành các điều sau:

Làm nguôi ngoai sự căng thẳng—bằng cách đi uống nước, đi bộ, hít thở, tắm, đếm số,...

Tự tranh luận—đây là phương pháp tự nói với chính mình, tự giải thích vấn đề theo quan điểm của người đối diện, nhờ vậy họ nhận ra lý lẽ của người khác nên dễ có lòng thông cảm.

Đặt kế hoạch đàm thoại với người đối diện nhằm đưa ra giải pháp.

Trong đối thoại để giải quyết vấn đề, họ học cách lắng nghe, lập lại điều đã nghe và trình bày với lối nói dùng “Tôi làm chủ từ” (I message). Ví dụ, người chồng thay vì nói, “Em làm anh bực mình vì em đến trễ” thì nói, “Anh cảm thấy bực mình vì đợi em hơn hai tiếng đồng hồ”. Đây là lối nói bộc lộ cảm xúc, nêu sự kiện để người khác hiểu mình nên dễ được đón nhận hơn.

Một tham dự viên đã kể lại câu chuyện của anh như sau: Anh ta có hẹn với người vợ cũ đến đón đứa con trai 5 tuổi để về dự đám giỗ của ông cụ thân sinh. Khi đến nơi anh rất đỗi ngạc nhiên vì thấy đứa con đầu tóc nhuộm vàng khè. Trong cơn giận dữ, anh ta nói, “Sao tóc tai nó vàng như vậy?”

Cô vợ nói, “Ừ thì có sao đâu! Anh nuôi nó ngày nào đâu mà thắc mắc vàng với đỏ.” Anh nói lúc đó cơn nóng đã lên tận cổ, nhưng nhớ bài học trong lớp, anh nói với cô ta, “Thôi, để nó ở nhà đi. Tuần sau anh đến đón nó cũng được”.

Tuần sau anh ta trở lại. Lần nầy cô vợ cũ mang đứa con ra với đầu tóc đã nhuộm đen như trước. Cô ta xin lỗi và nói cô rất cảm phục trước sự thay đổi của anh vì anh biết giữ bình thản, không phản ứng gấp rút trong khi nóng nảy.

Anh ta nói rằng, nếu trước kia sự việc xảy ra như thế thì anh đã cho bùng nổ, hoặc là dùng tay chân dù phải vào tù, hoặc ít nữa thì cũng chưởi thề cho đã giận.

Anh đã lấy giờ tạm nghỉ và trên đường lái xe đi anh tự tranh luận với chính mình. Thực sự anh có chăm lo gì cho con đâu nên cô vợ cũ có nói thì cũng không ngoa. Và khi đặt chính mình vào địa vị của cô ấy, anh thấy cô cũng có lý, vì thế anh có lòng thông cảm. Anh định khi trở lại sẽ nói chuyện với cô cũng như đề nghị các giải pháp để không tái diễn trường hợp tương tự.

Nhưng mọi chuyện xảy ra êm đẹp hơn là anh tưởng. Anh được sự kính phục của nàng.-
 
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục
LM Nguyễn Vinh Gioang
19:53 20/03/2009
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (78)

781. Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự sống đời đời

Trong cuộc nói truyện với ông Nicôđêmô (Ga 3,14-21), Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự sống đời đời. Ngài gợi lại truyện ông Môsê lúc đưa dân Chúa đi trong sa mạc, đã đúc một con rắn đồng, treo lên cao, để những ai bị rắn độc cắn mà nhìn lên con rắn đồng nầy thì được lành bệnh. Cũng vậy, khi Ngài bị treo trên thập giá, hễ ai nhìn vào mà tin Ngài là Con Đức Chúa Trời, thì được sống đời đời.
Chúa Giêsu đưa ra lý do được sống đời đời là vì Thiên Chúa Cha yêu thế gian đến đỗi ban Con Một xuống trần để cứu chuộc loài người.

782. Kẻ nghịch đạo kia nói: “Chúng tôi không muốn có vương quốc của trời cao.”

Tin vào sự sống đời đời, hay là không tin vào sự sống đời đời, điều nầy chia nhân laọi ra làm hai phe.
Người có đạo thì tin có sự sống đời đời. Họ tuyên xưng hằng ngày trong kinh Tin Kính: “Tôi tin có sự sống đời đời.”
Người nghịch đạo thì không tin có sự sống đời đời. Họ chấp thuận lời tuyên bố của một triết gia nghịch đạo kia: “Chúng tôi không muốn có vương quốc của trời cao. Chúng tôi đã trở thành những con người rồi. Chúng tôi chỉ muốn có vương quốc trên trần thế nầy.”

783. Những câu được khắc trên các ngôi mộồng công giáo

Khi có dịp nhìn vào những câu được khắc trên các ngôi mộ người công giáo, người ta lấy làm an ủi và được tin mạnh hơn vào đời sau, vào sự sống đời đời.
- Tôi tin vào sự sống lại của thân xác tôi.
- Trong niềm hy vọng được sống lại hạnh phúc.
- Tôi tin vào Đấng Cứu Chuộc của tôi hằng sống.
- Phêrô và Gioanna đang đợi Chúa!
-...

784. Thiên đàng là tình yêu.

Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu ngây ngất nói với Chúa: “Lạy Chúa, Nhan Thánh Chúa là Tổ Quốc độc nhất của con.”
Vị nữ thánh nầy tâm sự với các tu sĩ bạn: “Em đã hiểu được thiên đàng rồi. Thiên đàng ở trong trái tim em vì thiên đàng là tình yêu.”

785. Hãy lo cho đời sống vĩnh cửu ngay bây giờ!

Thánh Caminlê đệ Lenly, khi thấy mồ mả, thường suy nghĩ:
- “Nếu những người chết đang nằm đây được trở lại cõi thế, thì có sự khó nhọc nào mà họ tránh né chẳng nhận để được sống đời đời? Còn tôi, tôi còn đang có thời giờ mà tôi có làm gì để lo cho đời sống vĩnh cửu không?”

786. Người có chí thì biết tự trọng.

Muốn xây cất một ngôi nhà lộng lẫy, chúng ta có thể mướn người khác làm cho tất cả. Nhưng muốn có một số vốn kiến thức, chút ít tài năng để xây dựng hạnh phúc lâu dài cho cả đời mình, chúng ta phải tự mình tạo lấy, không có bàn tay phù phép nào làm giùm ta được.
Người có chí, biết tự trọng, nên hành động như Nguyễn Bá Học nói:
- “Người có ý khí tài lực hơn người, không nương tựa ai, không luồn luỵ ai, tự mình mình đi, tự mình mình lại, ai yêu cũng mừng, ai ghét không giận, gọi là người tự trọng.” (Có Chí Thì Nên - Nguyễn Văn Y)

787. Cách đọc một bài diễn văn

Churchill có lẽ là ví dụ lớn nhất trong lối nói nầy.
Một hôm, tôi (Lord Bea Verbrook) có hỏi ông về nghệ thuật nói trước công chúng. Ông soạc miệng cười, trả lời:
- “Cần có một đôi kính tốt và một cây viết tốt.”
Ông ta không đùa đâu. Mặc dù ông có thể nói lưu loát hay ho, nhưng có dưới mắt bản văn, ông thấy thoải mái hơn nhiều. Lối phát âm đắn đo nhấn mạnh đúng chỗ của ông đã lôi cuốn, làm cho người nghe phải chú ý. (3 Chìa Khoá Mở Cửa Thành Công – Lord Bea Verbrook)

788. Sống lạc quan

Robinson bị trôi dạt lên hòn đảo hoang nhưng ông “cảm tạ sâu sắc lòng nhân từ của Đấng Tạo Vật.”
Ông vui mừng vì mình được sống sót, và có được nhiều đồ ăn phong phú trên đảo hoang nầy.
Tuy không có quần áo mặc, nhưng may mắn là đảo hoang nầy lại có khí hậu nhiệt đới.
Với suy nghĩ lạc quan, ông đã vượt qua rất nhiều gian nan và tồn tại một cách ngoan cường, để rồi hai mươi năm sau, ông đã có cơ hội để trở về với quê hương. (4 Nghệ Thuật Làm Việc - Nguyễn Đức Lân)

789. Khi đàm phán, làm sao cho hai bên đều có lợi.

Có một truyền thuyết đã trở thành truyền thống của các cuộc đàm phán:
Người anh và người em gái cãi nhau vì một mẫu bánh còn lại, ai cũng muốn giành phần to hơn. Mỗi người đều muốn lấy một miếng lớn và không bị người kia lừa gạt.
Ngay khi người anh giành được con dao và chuẩn bị cắt phần to cho mình, người mẹ về đến nơi.
Theo phong tục của thời vua Salômôn, người mẹ nói:
- “Khoan nào! Mẹ không quan tâm ai cắt miếng bánh đó ra hai phần, nhưng bất cứ ai cắt, sẽ phải cho người kia quyền được chọn phần nào họ muốn.”
Do đó, để bảo vệ quyền lợi của mình, người anh cắt miếng bánh thành hai phần bằng nhau.
Câu chuyện nầy có thể không có thật, nhưng bài học của nó vẫn còn có giá trị cho đến ngày nay.
Có rất nhiều trường hợp trong đó, các nhu cầu của những vai chính không thật sự đối lập nhau. Nếu trọng tâm chuyển từ đánh bại lẫn nhau sang giải quyết vấn đề, ai cũng có lợi. (Bạn Có Thể Đàm Phán Bất Cứ Điều Gì – Herb Cohen)

790. Nhờ trường đời dạy mà thành công.

Đã có những người thành đạt, không phải nhờ vào kiến thức của trường học, mà nhờ vào những gì trường đời đã dạy họ.
Là một cư dân nghèo khổ tại Đức, năm 14 tuổi, H.Greiffenberger phải nghỉ học để kiếm sống.
Say mê các sản phẩm điện tử, anh cố gắng mày mò tự học và học hỏi những người xung quanh, đồng thời quyết tâm tìm đường sang Nhật Bản để học thêm. Anh làm đủ mọi việc để vừa có tiền sinh sống qua ngày, vừa để dành làm lộ phí.
Năm 24 tuổi, H.Greiffenberger mới gom đủ tiền mua một vé máy bay sang Nhật. Tại đây, anh xin vào làm việc tại hãng Matsushita Electric và tìm cách học hỏi, nghiên cứu những phương pháp của họ.
Vài năm sau, anh trở về nước sau khi được tài trợ để mở một công ty phân phối của hãng.
Đến năm 1981, H.Greiffenberger thành lập công ty, và đến năm 2002, công ty Greiffenberger chuyên doanh vật liệu điện và các sản phẩm thép, đã có doanh số 1,1654 tỷ Euro. (Bí Quyết Của Thành Công – David Niven Ph.D.)
 
Chạm nọc
Lm Vũđình Tường
21:55 20/03/2009
Chạm nọc dù ít, nhiều đều nguy hiểm. Nọc ít độc ngứa qua loa. Nọc độc hơn sưng phù một thời gian rồi biến mất. Nọc cực độc nếu không trị kịp thời sẽ toi mạng. Nọc nguy hiểm khác nhau tuỳ con vật. Cùng họ kiến mà nọc này độc hơn nọc kia. Cắn nhức và sưng to hơn. Cùng họ ong mà loài này chích nhức hàng tuần; loài kia chỉ vài giờ. Nọc độc ảnh hưởng khác nhau từng người. Có người muỗi cắn không sao; kẻ khác lại sưng vù. Có người cá chích đau sơ sài; kẻ khác phải nhập viện. Tuỳ sức đề kháng mỗi người, mà nọc độc ảnh hưởng khác nhau. Có nọc độc cắn nơi nào, sưng nơi đó. Lại có nọc độc cắn một nơi, toàn thân tê bại. Các nọc độc vào trong cơ thể từ bên ngoài.

Nọc độc không hình hài, màu sắc, biến thiên vạn hoá rất khó lường thường đến từ lòng người. Nọc độc đó chính là những tư tưởng tà vạy, hành động thiếu bác ái, gieo đau thương. Nọc độc tâm lí ác hại vì chúng đóng vai trò chia rẽ, đố kị, tàn phá, huỷ hoại tình cảm và sự sống con người.

Nọc tâm lí

Tâm lí khác nhau nên cách đối xử cũng khác nhau. Chạm nọc tâm lí có những hậu quả khó ngờ. Cùng câu nói. Nói với người này không sao. Người khác nghe chạm nọc. Nói nơi này không sao. Nói nơi khác chạm nọc. Câu nói chạm nọc có phản ứng như pháo, nổ banh xác. Nếu nói với bạn, tình bạn nổ tan. Nói trong nhà, cửa nát nhà tan. Nói nơi công xưởng, sẽ có thợ mất việc. Nói nơi thương trường có kẻ than khóc. Chạm nọc nên chạm tự ái gây bất bình, chia rẽ. Từ đó làm sứt mẻ tình bạn, biến tình thân thành tình thù. Ngăn cách, gần hoá xa. Quen thành xa lạ. Lỡ gặp nhau ngoảnh mặt làm ngơ. Nọc tâm lí đến từ tâm tính, do tâm lí mà ra. Nọc độc tâm lí giết hại tình cảm con người, ảnh hưởng nhiều đến sự sống tâm linh.

Nọc tâm linh

Không ai quên được nọc tâm linh gieo vào lòng người qua hình ảnh con rắn. Sách Sáng Thế Kí thuật tổ phụ loài người nghe lời dụ ngọt của rắn. Trúng nọc rắn chia lìa, xa cách giữa tổ phụ và Thiên Chúa. Nọc tâm lí thường là những câu nói khó nghe, chói tai. Câu nói xem ra ngọt ngào nhưng chứa mầm đắng cay, bất bình. Trái lại, nọc tâm linh ẩn, nấp sau câu nói ngọt ngào. Lời mời gọi êm tai, ngọt như mật, dẻo như mạch nha, dễ nuốt như viên kẹo bọc đường. Ngậm vào thấy đê mê và sau đó thì ghiền. Kẻ ghiền chưa cảm thấy cay đắng ngay; người thân nhạy cảm, sáng suốt hơn cay đắng trước. Người ghiền trở thành nạn nhân thứ hai của viên kẹo đắng bọc đường. Sớm nhả ra cũng đã bị trúng độc ít nhiều. Chữa trị dễ hơn. Chậm nhả, chất độc từ từ thấm nhập máu huyết. Việc chữa trị gấp khó bội phần. Không chịu nhả sớm muộn gì cũng bị diệt vong.

Rắn vườn

Sách Sáng Thế Kí ghi lại sự kiện ma quỉ mượn hình con rắn dụ tổ tông loài người ăn trái cấm. Lời nói bùi tai, ngọt ngào, mời gọi nên tổ tiên phạm tội, sa ngã. Tổ phụ vượt quá giới hạn tiến đến bất tuân, kiêu ngạo, muốn bằng Thiên Chúa. Đã không đạt ý nguyện còn phải lẩn trốn, lánh mặt. Từ lúc đó cây biết lành biết dữ biến đổi. Vị lành biến mất; còn lại vị dữ, tàn phá kinh hoàng, gây hoang mang, sợ sệt, chết chóc, tranh chấp, đố kị, ghen tương. Nọc tâm linh giết chết bắt đầu từ trong lòng lan ra ngoài. Lòng mình đang chết sao thể hiện được tình Chúa. Người ta có thể yêu anh em mà không nhận biết Chúa, nhưng không thể yêu Chúa mà ghét anh em vì tình yêu từ Chúa mà ra. Không thể tách rời mến Chúa, yêu người. Nọc tâm linh dẫn đến chối bỏ đức tin. Từ từ xa và chối bỏ Thiên Chúa hiện hữu. Chối Chúa là chối cuộc sống trường sinh.

Rắn samạc

Trên đường về đất hứa dân Israel gặp cảnh khổ: ngày nóng; đêm lạnh. sáng đói, chiều khát. Họ càm ràm, kiêu ngạo, thờ tà thần. Bất trung, bất nghĩa đối đầu với Môisen người Chúa chọn lãnh đạo dân. Bị rắn samạc cắn chết. Môisen kêu cứu. Chúa nhận lời. Ngài dậy treo hình rắn đồng lên cây. Ai bị rắn cắn nhìn lên rắn đồng sẽ được sống. Nhìn rắn chết để được sống. Trong sự chết có sự sống.

Cây thập tự

Nhờ cây thập tự mà cả rắn vườn địa đàng lẫn rắn đồng trong sa mạc đều phải chết. Đức Kitô chết trên cây thập tự thay cho chúng ta. Ai tin vào Ngài sẽ được sự sống trường sinh. Trong sự chết của Chúa nảy sinh mầm sống vĩnh cửu. Không còn hình ảnh con rắn trong vườn; không hình bóng rắn đồng sa mạc. Chỉ còn lại hình ảnh duy nhất đó là Đức Kitô chịu đóng đinh. Ma quỷ không thể vay hình, mượn bóng cây để phủ dụ loài người vì cây đó đã có chủ. Đức Kitô treo trên cây đó, đang làm chủ cây đó, nên không còn chỗ cho ma quỷ tạm trú.

Những ai tin vào Đức Kitô sẽ được sống, bởi Ngài sống lại từ cõi chết, nên Ngài ban sự sống cho những ai tin. Ma quỷ hiện thân của thần chết. Tin lời ma quỷ, sống trong tội lỗi cũng sẽ chết như chúng. Tin chúng không thể sống thanh thản vì chúng nghèo tình thương, giầu thù hận.

Những ngày lưu hành trong xa mạc bị rắn cắn ngước mắt nhìn rắn đồng sẽ được sống. Kitô hữu may mắn hơn vì khi ngắm nhìn cây thập tự với niềm tin đều nhận được ân sủng, nguồn sống Chúa ban. Ân sủng Chúa lớn lao, cao trọng bội phần. Chính ân sủng làm cho những ai tin vào Ngài được nên công chính, không phải do tài, sức hay trí riêng mà là ơn Chúa ban.

Kitô hữu cần đóng đinh cá tính, tự ái cá nhân vào thập tự, để được sống vinh quang với Ngài. Làm như thế chính là con đến để làm theo ý Cha. Ý con không còn nữa vì đang bị đóng đinh nơi thập tự.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Ðồng Hành với Chúa Giêsu trên Đường Thập Giá – Bài 2
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
23:04 20/03/2009
Nơi Thứ Nhất - Chúa Giêsu bị Kết Án


Càng thuộc về Thiên Chúa nhiều, tôi càng bị lên án nhiều. (Mat 5:10)

Chúa Giêsu đứng trước mặt quan Philatô. Người im lặng. Người không bào chữa cho Người về những lời người ta tố cáo Người. Nhưng khi quan Philatô hỏi Người, “Ông đã làm gì?” thì Người nói, “Tôi đến thế gian để làm điều này, là làm chứng cho chân lý, và những ai đứng về phía chân lý thì nghe tiếng tôi” (Ga 18:35-37).

Chân lý mà Chúa Giêsu nói đến không phải là một luận án, một tín điều, hay một giải thích trí thức về một thực thể. Nó chính là sự liên hệ ban sự sống, sự liên hệ mật thiết giữa Người và Ðức Chúa Cha mà Người muốn chúng ta dự phần vào. Quan Philatô hoặc bất cứ người nào không kết hợp với Chúa Giêsu sẽ không thể nghe được điều đó. Tuy nhiên, ai có liên hệ với Chúa Giêsu sẽ nhận được Thần Chân Lý - Thần Khí giải thoát chúng ta khỏi cưỡng lực và sự ám ảnh của xã hội đương thời. Thần Khí làm cho chúng ta thuộc về sự sống tinh thần của chính Thiên Chúa, và cho phép chúng ta sống trong thế gian bằng một tâm hồn rộng mở và một đầu óc ân cần.

Trong sự liên hệ với Chúa Giêsu, chúng ta có thể nghe tiếng của Thần Khí và hành trình xa rộng… bởi vì chân lý - sự liên hệ chân chính, sở hữu chân chính – ban cho chúng ta sự tự do mà quyền lực tối tăm không thể cướp đi được. Chúa Giêsu là một người tự do nhất, mà không có ai tự do hơn Người đã sống trên mặt đất, vì Người liên kết chặt chẽ nhất với Thiên Chúa. Quan Philatô lên án Người. Sự chết của Chúa Giêsu, thay vì là việc thi hành một án tử, lại trở nên con đường dẫn đến chân lý hoàn toàn, đến tự do hoàn toàn.

Tôi biết rằng tôi càng thuộc về Thiên Chúa nhiều thì tôi càng bị lên án nhiều. Nhưng sự lên án của thế gian sẽ làm sáng tỏ chân lý. “Phúc cho những ai chịu bách hại vì sự công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mat 5:10). Tôi phải tin chắc vào những lời đó. Vì nó mà thế gian ghét tôi, mà tôi bị coi thường bởi những người có quyền thế, mà tôi bị khai trừ, cười nhạo, và cho ra lề, vì nó tôi có thể khám phá ra rằng tôi là phần tử của một cộng đồng thế giới đang bị ngăn cấm, rào cản, và nhốt riêng trong những trại biệt lập.

Tôi đói khát chân lý, đói khát sự liên hệ với Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã sống. Nhưng mỗi khi cơn đói ấy được thỏa mãn, thì tôi lại bị kết án và được trao cho một thập giá nặng nề để vác. Ðó là câu chuyện của Thánh Phêrô và Thánh Gioan, Thánh Phaolô và Thánh Barnaba, Thánh Giacôbê và Thánh Anđrê, và nhất là của Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu. Sự vui mừng và đau khổ của các ngài trở nên một vì các ngài chọn sống trong chân lý giữa thế gian. Ðiều đó không thể xảy ra nếu không được trao cho một thập giá để vác, nhưng cũng được hưởng một niềm vui khôn tả là ngay bây giờ được thông phần vào đời sống thần linh vượt trên mọi hàng rào ngăn cản hay tròng treo cổ.

Có sự sợ hãi hiện ra trong mắt những ai bị kết án… nhưng thường cũng có sự vững tin, phó thác, hy vọng, và một sự hiểu biết thâm sâu về tự do. Ðôi mắt của người bị kết án và của tôi là những đôi mắt thấy những gì thế gian không thể thấy: dung nhan của Thiên Chúa chịu đau khổ, là Ðấng mời gọi chúng ta từ xa, xa quá tầm của sợ hãi vào đất của tình yêu vĩnh cửu.

Lm. Henri J.M. Nouwen
 
5 Phút một tuần với Thánh Phaolô: Bài 4 - Thánh Phaolô, Nhà Truyền Giáo
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
23:29 20/03/2009
Ngay từ giây phút đầu tiên gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh và vẻ tuyệt mỹ của sứ điệp Tin Mừng, Thánh Phaolô đã cảm thấy mình được Thiên Chúa gọi để công bố Tin Mừng này cho thế gian. Lập luận của ngài về sự khẩn cấp của việc truyền giáo được thấy rõ trong Thư gửi tín hữu Rôma: “Vì bất cứ ai kêu cầu danh Chúa đều sẽ được cứu rỗi. Nhưng làm sao họ kêu cầu Ðấng họ không tin? Làm sao họ sẽ tin vào Ðấng mà họ chưa được nghe? Và làm sao mà họ sẽ được nghe, nếu không có người rao giảng? Làm sao mà họ rao giảng, trừ khi được sai đi? Như có lời viết, “Ðẹp thay bước chân những người loan báo tin mừng!” (Rom 10:13-15).

Mặc dù Thánh Phaolô làm chứng rằng ngài đã được gọi để thành một nhà truyền giáo cho Dân Ngoại từ giây phút đầu tiên khi ngài gặp Đức Kitô Phục Sinh (x. Gal 1:15-16), nhưng phải mất một thời gian để ngài phát huy ơn gọi của mình. Ngài dành nhiều thì giờ cầu nguyện và sống trong cô tịch ở Syria, gần Đamascô. Ngài cũng lên Giêrusalem một thời gian ngắn để tham khảo với Thánh Phêrô và Thánh Giacôbê (Gal 1:17-20). Sau đó ngài về Cilicia (vùng đất quê hương của ngài ở miền Nam Tiểu Á) và sau cùng đi đến Antiôkia, là trụ sở đầu tiên của việc truyền giáo của ngài.

Trong thời Thánh Phaolô, Antiôkia (ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay, gần biên giới Ly Băng và Syria) là một thành phố lớn thứ ba của Đế Quốc Rôma. Tại trung tâm thương mại và văn hóa phồn thịnh này có một cộng đồng Do Thái đáng kể cùng một số đông Dân Ngoại. Chúng ta đọc trong Sách Tông Đồ Công Vụ rằng ở đó những người theo Đức Kitô lần đầu tiên được gọi là Kitô hữu. Và chắc củng là nơi Thánh Phaolô đã rèn luyện sứ điệp Kitô giáo dành cho các Kitô hữu gốc Dân Ngoại, và từ đó ngài đã khởi đầu các cuộc hành trình truyền giáo của ngài về phiá Tây qua Tiểu Á và sau cùng đến Hy Lạp, là thời điểm đầu tiên ngài đặt chân lên đất Âu Châu và có thể thành lập một cộng đồng Kitô hữu tại Philliphê (Cv 16:11-12).

Thường thì Thánh Phaolô đi đến hội đường địa phương trước để công bố sứ điệp của ngài; có một số người Do Thái và nhiều Dân Ngoại có cảm tình thường đến các hội đường, và họ đã nghe theo lời rao giảng của ngài. Trong nhiều trường hợp, các bài giảng của ngài tạo ra những cuộc tranh luận và làm cho ngài gặp khó khăn với chính quyền. Sau này, ngài đã phải trực tiếp kêu gọi Dân Ngoại (thay vì qua các hội đường Do Thái).

Điều quan trọng phải nhớ rằng Thánh Phaolô ít khi làm việc một mình. Trong những ngày đầu tiên ngài làm việc chung với Thánh Barnaba và Thánh Gioan Marcô, cho đến khi xảy ra sự bất đồng làm nhóm này bị tan rã. Như ngài thường ghi nhận trong các Thư của ngài, các cộng sự viên quan trọng của ngài gồm có Silas, Timôthê, Titô, và Luca, cùng những nhân vật quan trọng khác ở các địa phương như cặp vợ chồng Aquila và Pricilla ở Côrinthô, Lyđia ở Philliphê, và phụ tá Ploebe ở Cenchreae.

Thánh Phaolô là người có những hoài bão lớn. Như ám chỉ trong Chương 15 của Thư Roma, ý định của ngài là thành lập các giáo đoàn ở khắp nợi trong vùng duyên hải phía bắc của thế giới Địa Trung Hải, rồi đến Tây Ban Nha. Như thế ngài chinh phục các Dân Ngoại cho Đức Kitô. Đó là những thành quả vinh quang của ân sủng Thiên Chúa, mà ngài đã hy vọng rằng sau đó sẽ thuyết phục tất cả dân Israel đón nhận Đức Kitô. Như thế sứ vụ của ngài sẽ được hoàn tất.

Đương nhiên là Thánh Phaolô không bao giờ thấy giấc mộng của mình được thực hiện, nhưng tình yêu nhiệt thành ngài dành cho Đức Kitô và sự lo lắng không ngừng của ngài dành cho Dân Ngoại và Dân Do Thái thân yêu của ngài đã giữ cho lòng say mê của đời sống ngài hoàn toàn sinh động.

CÁCH THỰC HÀNH TẠI GIA


Điểm để bàn luận: Trong thời đại này, chúng ta ý thức rằng mình phải tôn trọng những người khác và những truyền thống tôn giáo của họ, nhưng là Kitô hữu, chúng ta vẫn được mời gọi để làm chứng cách công khai về vẻ đẹp của Đức Tin của mình, một sứ vụ mà chúng ta cùng chia sẻ với đàn anh Phaolô. Trong đời sống của tôi tôi đã được mời gọi để làm chứng cách công khai về Đức Kitô thế nào?

LM Donald Senior, C.P.

Chuyển ngữ từ: http://webelieveweb.com/catechist_development.cfm?cd_view=169

------------------------------------------------------------------------------------

Cha Donald Senior, C.P. là Viện Trưởng Viện Đại Học Catholic Theological Union ở Chicago, đồng thới cũng là Giáo Sư về Tân Ước. Ngài thuộc dòng Passionist và thụ phong LM năm 1967. Ngài có bằng Tiến Sĩ về Tân Ước tại Đại Học Louvain, nuớc Bỉ, năm 1972. Năm 2001, ĐTC Gioan Phaolô II chỉ định ngài làm thành viên Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, và ĐTC Bênêđictô XVI tái chỉ định ngài năm 2006. Bản Tiếng Anh của bài này được đăng trên webelieveweb.com.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đàng Thánh Gia tại Hí Trường Coliseum vang vọng nỗi khổ cực của Kitô hữu tại Ấn Độ
Bùi Hữu Thư
01:47 20/03/2009
VATICAN ngày 19 tháng 3, 2009 (Zenit.org).- Tổng Giám Mục Thomas Menamparampil tại Guwahati, India, được chọn để chuẩn bị các bài suy niệm cho các chặng đàng Thánh Giá Đức Thánh Cha sẽ cầu nguyện ngày Thứ Sáu Tuần Thánh tại Coliseum ở Rôma.

Một tuyên bố của Vatican khẳng định là “những năm qua Đức Thánh Cha trong sự hiệp thông với các tín hữu bị bách hại, đã kêu gọi các vị lãnh đạo các Giáo Hội bị đàn áp chuẩn bị các bài suy niệm và kinh nguyện để được sử dụng vào Thứ Sáu Tuần Thánh khi chính Đức Thánh Cha chủ tế để tưởng nhớ cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu."

Cơ quan thông tấn Ấn Độ SARnews cho biết Đức Tổng Giám Mục Menamparampil nổi danh về các nỗ lực hòa giải trong các tranh chấp sắc tộc tại miến bắc Ấn các năm gần đây, và ngài cũng bênh vực cho các Kitô hữu Dalit – cũng là những người thuộc giai cấp bị ruồng bỏ tại Ấn, và đã là mục tiêu của các vụ bách hại tôn giáo trong các tháng vừa qua tại Orissa.

Báo cáo này ghi nhận là Tổng Giám Mục giáo phận Guwahati đã viết các suy niệm của ngài dựa trên những nỗi khổ cực của các Kitô hữu bị đàn áp tại Ấn, cũng như là các người dân bị bách hại tại Sudan và Congo, "là những người bị chối bỏ nhân quyền và nhân phẩm."

Đây là năm thứ hai Đức Thánh Cha Benedict XVI hướng về Á Châu để chuẩn bị Đàng Thánh Giá, năm ngoái do Hồng Y Giuse Zen, giám mục Hồng Kông biên soạn. Đức Hồng Y Zen nổi tiếng là người đã tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo của người Công Giáo tại đại lục Trung Quốc.

Tổng Giám Mục Menamparampil, 72 tuổi, đã trông coi tổng giáo phận Guwahati từ năm 1995. Ngài là chủ tịch Ủy Ban Truyền Giáo của Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu. Năm 1998 ngài được ân thưởng Huy Chương Maschio tại Bombay về công trình hòa giải các nhóm sắc tộc khác nhau tại Miến Bắc Ấn.
 
Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ trao Tài Liệu Thượng HĐGM Phi châu
LM. Trần Đức Anh, OP
14:06 20/03/2009
YAOUNDÉ. Sáng 19-3-2009, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự thánh lễ trọng thể tại Sân bóng đá ở thủ đô Yaoundé, để trao tài liệu làm việc của Thượng HĐGM Phi châu kỳ 2 cho đại diện hàng GM tại 52 nước Phi châu.

Tham dự thánh lễ lúc 10 giờ sáng tại đây có hơn 60 ngàn tín hữu. Hàng ngàn người dự lễ từ bên ngoài vì bên trong không đủ chỗ. Đồng tế với ĐTC còn có hàng trăm HY và GM Phi châu, hàng trăm LM khác trên một lễ đài rộng 1 ngàn mét vuông.

Tổng thống Paul Biya, phu nhân và các giới chức chính quyền cũng tham dự thánh lễ.

Trong bài giảng, ĐTC nêu bật tấm gương tín thác của Thánh Giuse nơi Thiên Chúa và trung thành với những lời của Chúa được truyền qua sứ thần. ”Trong lịch sử, thánh Giuse là người đã chứng tỏ hùng hồn nhất lời tín thác nơi Thiên Chúa, dù đứng trước một lời loan báo đầy kinh ngạc”. Từ đó ĐTC nhắn nhủ các bậc cha mẹ hãy tín thác nơi Thiên Chúa, đồng thời cảnh giác rằng:

”Trong một thời đại có quá nhiều người không do dự tìm cách áp đặt chế độ độc đoán của chủ nghĩa duy vật, ít quan tâm tới những người túng thiếu nhất, anh chị em phải rất thận trọng. Phi châu nói chung, và Camerun nói riêng, sẽ bị lâm nguy nếu không nhìn nhận Đấng là Tác Giả đích thực của Sự Sống! Hỡi anh chị em tại Camerun và toàn Phi châu, anh chị em đã nhận được từ Thiên Chúa rất nhiều đức tính nhân bản, hãy chăm sóc linh hồn mình! Đừng để mình bị thu hút vì những ảo ảnh ích kỷ và những lý tưởng giả dối! Hãy tiếp tục tin tưởng nơi Thiên Chúa là Cha, là Con và Thánh Thần - chỉ mình Ngài mới thực sự yêu thương anh chị em trong cách thức anh chị em mong muốn được yêu thương, chỉ mình Chúa mới có thể làm cho anh chị em được mãn nguyện và mang lại sự ổn định trong đời sống anh chị em.”

ĐTC nói thêm rằng: ”Cũng như tại các đại lục khác, gia đình ngày nay tại đất nước anh chị em và toàn Phi châu, đang trải qua một thời kỳ khó khăn; nhưng lòng trung thành với Thiên Chúa sẽ giúp anh chị em lướt thắng. Một số giá trị của đời sống truyền thống bị đảo lộn. Những quan hệ giữa các thế hệ bị biến đổi đến độ không còn hỗ trợ việc thông truyền kiến thức được thu thập và gia sản khôn ngoan nữa. Quá nhiều khi chúng ta chứng kiến tình trạng di cư từ miền quê chưa từng có trong lịch sử con người. Phẩm chất của gia đình bị thương tổn sâu xa vì hiện tượng đó. Những người trẻ bị mất gốc và mong manh thường không kiếm được công ăn việc làm tốt đẹp, họ tìm cách chữa trị những nỗi đau đớn của mình bằng những thiên đàng phù du nhân tạo mà chúng ta biết không bao giờ bảo đảm cho con người hạnh phúc sâu xa và lâu bền.”

Cuối thánh lễ, Đức TGM Nikola Eterovic, người Croát, Tổng thư ký Thượng HĐGM, đã ngỏ lời cám ơn ĐTC và đại diện hàng GM Phi châu chúc mừng ĐTC nhân lễ bổn mạng của ngài. Và trước khi trao Tài liệu làm việc cho các vị Chủ tịch HĐGM Quốc gia và các miền của Phi châu, ĐTC còn nói rằng: ”Tài liệu này là kết quả suy tư của anh em từ những khía cạnh quan trọng của tình trạng Giáo Hội và xã hội tại các đất nước nguyên quán của anh em. Tài liệu này phản ánh sức sinh động mạnh mẽ của Giáo Hội tại Phi châu, nhưng cũng phản ánh những thách đố mà Thượng HĐGM sẽ phải cứu xét.. Tôi nồng nhiệt mong ước rằng công việc của Thượng HĐGM này sẽ góp phần làm tăng trưởng niềm hy vọng cho các dân tộc anh em và cho toàn Phi châu, góp phần mang lại một đà tiến Tin Mừng và thừa sai mới mẻ cho các Giáo Hội địa phương của anh em trong việc phục vụ hòa giải, công lý và hòa bình.”

Trong ngày 19-3-2009, ĐTC còn gặp 22 đại diện các cộng đoàn Hồi giáo, đã viếng thăm Trung Tâm quốc gia phục hồi người khuyết tật mang tên ĐHY Paul Emil Leger, và gặp gỡ thế giới đau khổ tại trung tâm này. Sau cùng, ĐTC đã gặp và dùng bữa tối với 12 HY GM thành viên Hội đồng đặc biệt của Thượng HĐGM Phi châu.
 
Bắc kinh kiểm duyệt một phần trang mạng toàn cầu bằng Trung văn của Tòa thánh
Phụng Nghi
23:30 20/03/2009
Bắc Kinh (AsiaNews) - Website của Tòa thánh Vatican bằng Trung văn, mới được mở từ ngày hôm qua, và tại Trung quốc có thể truy cập gần như toàn bộ nội dung, ngoại trừ lá thư của Đức giáo hoàng gửi cho người Công giáo Trung hoa.

Ngày hôm qua, đúng vào lễ thánh Giuse, Tòa thánh Vatican đã khai trương tại mạng lưới www.vatican.va trang viết bằng Hoa văn phồn thể (người dân Đài loan và Hong Kong đang sử dụng) và Hoa văn giản thể (dùng tại Trung quốc). Mạng lưới điện toán toàn cầu của Tòa thánh trước đây đã có những trang viết bằng tiếng Latinh, Anh, Pháp, Đức,Ý, Tây ban nha và Bồ đào nha. Các nguồn tin cho thông tấn xã AsiaNews xác nhận rằng người ta có thể đọc những tin tức về Đức giáo hoàng, các diễn từ ngài đọc trước giới trẻ, các bài giảng dạy giáo lý vào những ngày thứ Tư hàng tuần, nhưng lá thư của ngài gửi cho người Công giáo Trung quốc được công bố hồi tháng 6 năm 2007 vẫn không truy cập được. Mặc dầu tài liệu này có tính cách cởi mở và cẩn trọng, Đức giáo hoàng vẫn chủ trương rằng Tòa thánh được quyền quyết định sau cùng trong việc bổ nhiệm các giám mục, và nói rằng Hội Yêu Nước, cơ quan lập ra để kiểm soát Giáo hội, dựa trên những nguyên tắc trái với đức tin Công giáo, nên trên căn bản lá thư đã bác bỏ tổ chức đó. Kể từ khi công bố, lá thư đã bị cấm đọc tại Trung quốc, việc phân phối cũng bị cấm đoán, và những trang mạng internet có đăng lá thư đã bị ép buộc phải lấy xuống. Nhưng sự kiểm duyệt như thế chẳng đưa đến kết quả nào bởi lẽ lá thư vẫn được lưu hành bí mật trong tất cả các cộng đồng Công giáo.

Từ nhiều năm qua, Bắc kinh đã nỗ lực kiểm soát những tin tức về Trung quốc do các trang mạng ngoài nước tường trình, bằng cách ngăn chận toàn bộ hoặc từng phần. Các trang mạng bị ngăn chặn gồm có trang của giáo phận Hong Kong, thường đưa lên nhiều bài diễn văn của Đức hồng y Joseph Trần nhật Quân, một nhà quán quân chân chính đấu tranh cho tự do tôn giáo tại Trung quốc, và trang mạng của AsiaNews. Tuy vậy, các tin tức vẫn vượt qua được bức tường lửa do nhà nước Trung quốc dựng lên, họ không thể thay đổi sự kiện là các bài diễn từ của Đức hồng y Quân rất được phổ biến tại Trung quốc, còn AsiaNews là nguồn tin tức hàng đầu của các trang mạng Công giáo địa phương.
 
Đức Thánh Cha viếng thăm Angola
LM Trần Đức Anh, OP
23:34 20/03/2009
LUANDA. Sáng 20-3-2009, ĐTC Biển Đức 16 đã rời thủ đô Yaoundé của Camerun, sang viếng thăm Angola, chặng thứ 2 trong cuộc viếng thăm thứ 11 của ngài tại hải ngoại.

Angola được chọn trong lộ trình vì đang kỷ niệm 500 năm truyền giáo tại đây. Đến nơi vào lúc quá trưa, ĐTC đã viếng thăm tổng thống nước này và gặp gỡ chính quyền dân sự cùng với ngoại giao đoàn, trước khi gặp HĐGM Angola tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh và dùng bữa tối với các vị. Sau đây là chi tiết các hoạt động của ĐTC.

Angola rộng gấp 3 lần Camerun, với gần 1 triệu 250 ngàn cây số vuông, gần 4 lần Việt Nam, nhưng dân số chỉ có 15 triệu người, tương đương với dân số Camerun.

Tin Mừng được các thừa sai người Bồ đào nha truyền vào Angola cách đây 500 năm. Giáo Hội tại đây hiện có 8 triệu 600 ngàn tín hữu Công Giáo tương đương với 55,6% dân số, và gồm 18 giáo phận.

Angola là nước sản xuất nhiều dầu hỏa thứ hai tại Phi châu, sau Nigeria, và nay trở thành nước xuất khẩu nhiều dầu hỏa nhất tại đại lục này. Nhưng Angola cũng là một trong những người nghèo nhất thế giới. 70% người dân nước này sống với lợi tức chưa tới 1 mỹ kim mỗi ngày. Hơn một nửa dân số Angola không có công ăn việc làm, và trung bình người dân nước này sống chưa tới 38 tuổi. 17% dân Angola không biết chữ.

Tiếp đón

Sau hơn 2 giờ bay từ Camerun, máy bay chở ĐTC, đoàn tùy tùng và các ký giả đã đáp xuống phi trường quốc tế ”mùng 4 tháng 2” của thủ đô Luanda vào lúc 12 giờ 42 phút. Thành phố này có hơn 2 triệu 760 ngàn dân cư và giáo phận thủ đô có hơn 2 triệu 340 ngàn tín hữu Công Giáo.

Tổng thống José Dos Santos và phu nhân, cũng với các giới chức chính quyền và Đức TGM sở tại, Damião António Franklin, cũng là Chủ tịch HĐGM Angola, và các GM đã tiếp đón ĐTC tại chân thang máy bay.

Trong diễn văn đầu tiên tại Angola, ĐTC nói đến khát vọng hòa bình và cổ võ đối thoại. Ngài nói: ”Tôi đến từ một nước trong đó hòa bình và tình huynh đệ vẫn được tất cả mọi người dân đặc biệt quan tâm, nhất là những người, như tôi, đã từng phải trải qua chiến tranh và chia rẽ giữa những anh chị em cùng thuộc một quốc tộc, chỉ vì những ý thức hệ tàn hại và vô nhân đạo, những ý thức hệ đó, dưới cái vẻ giả tạo của những giấc mơ và ảo tượng, đã đặt nặng trên con người cái gông cùm áp bức. Vì thế, anh chị em có thể hiểu rằng tôi nhạy cảm dường nào đối với cuộc đối thoại giữa con người như phương thế để vượt tháng mọi hình thức xung đột và căng thẳng, cũng như để làm cho mọi quốc dân, như tổ quốc của anh chị em, thành một căn nhà hòa bình và huynh đệ. Để đạt tới mục đích đó, anh chị em cần kín múc từ gia sản tinh thần và văn hóa của mình những giá trị tốt đẹp nhất của Angola, gặp gỡ nhau không chút sợ hãi, chấp nhận chia sẻ những sự phong phú về tinh thần và vật chất để mưu ích cho tất cả mọi người”.

”Các bạn Angola thân mến, lãnh thổ của các bạn thật là giàu, quốc gia của các bạn thật là mạnh. Các bạn hãy dùng những đặc điểm này để cổ võ hòa bình và sự cảm thông giữa các dân tộc dựa trên căn bản liêm chính và bình đẳng, thăng tiến cho Phi châu một tương lai an bình và liên đới mà mọi người ao ước và có quyền được hưởng. Với mục đích ấy, tôi xin các bạn, đừng chiều theo luật của kẻ mạnh hơn! Bởi vì Thiên Chúa đã ban cho con người được bay bằng đôi cánh lý trí và đức tin, vượt lên trên những xu hướng tự nhiên của họ. Nếu các bạn bay lên với đôi cánh ấy, các bạn sẽ dễ dàng nhận ra nơi tha nhân người anh em của mình, được sinh ra với cùng những quyền căn bản. Rất tiếc là trong biên giới Angola này, vẫn còn bao nhiêu người nghèo đang đòi hỏi sự tôn trọng các quyền của họ. Chúng ta cũng không thể quên bao nhiêu người dân Angola đang sống dưới mức nghèo đói cùng cực. Các bạn đừng để họ bị thất vọng!”

Gặp chính quyền và ngoại giao đoàn

Sau nghi thức tiếp đón tại Phi trường, ĐTC đã về tòa Sứ thần Tòa Thánh cách đó 5 cây số. Dân chúng tiếp đón ngài hai bên đường rất nồng nhiệt như trong một đại lễ, dù họ chờ đợi hàng giờ dưới ánh nắng mặt trời. Rất nhiều người mặc áo T-Shirt có in hình ĐGH và họ vui mừng hô những câu ”ĐGH bạn, Angola ở với ngài”.

Ngài đến thăm Tổng thống Eduardo Dos Santos vào lúc 5 giờ chiều và gặp gỡ chính quyền và ngoại giao đoàn ngay tại phủ tổng thống.

Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC nỗ lực tái thiết của chính quyền và nhân dân Angola và nói rằng: ”Các bạn thân mến, với một tâm hồn thanh liêm, đại đảm và từ bi, các bạn có thể biến đổi đại lục này, giải phóng dân tộc các bạn khỏi tệ nạn ham hố của cải, bạo lực và vô trật tự, hướng dẫn họ trên con đường được ghi những cột mốc không thể thiếu được đối với mọi nền dân chủ tân tiến, đó là tôn trọng và thăng tiến phẩm giá con người, một chính phủ minh bạch, một hệ thống pháp quan độc lập, một nền truyền thông tự do, một sự quản trị công cộng lương thiện, một hệ thống học đường và nhà thương tiến hành thích hợp, và quyết tâm bài trừ mọi hình thức tham nhũng, một quyết tâm ăn rễ sâu nơi sự hoán cải tâm hồn”.

Với các vị đại sứ, ĐTC khẳng định rằng ”sự phát triển kinh tế và xã hội tại Phi châu đòi phải có sự phối hợp giữa chính quyền quốc gia với những sáng kiến trong miền và với những quyết định quốc tế. Một sự phối hợp như thế đòi các nước Phi châu phải được coi không phải chỉ là những người tiếp nhận các kế hoạch và giải pháp do người khác đề ra. Chính người Phi châu, khi làm việc với nhau để mưu công ích cho cộng đoàn mình, cũng phải là những tác nhân đầu tiên của công việc phát triển chính mình. Về vấn đề này, càng ngày càng có những sáng kiến hữu hiệu đáng được hỗ trợ, trong đó có tổ chức Liên minh mới để phát triển Phi châu gọi tắt là Nepad, Hiệp ước về an ninh, ổn định và phát triển tại vùng Đại Hồ, v.v.

ĐTC nhắc nhở cộng đồng quốc tế nói chung cấp thiết phối hợp nỗ lực để đương đầu với sự thay đổi khí hậu, thực hiện trọn vẹn và chính đáng những cam kết về phát triển đã được đề ra tại Hội nghị Doha, và thực hiện lời hứa của các nước phát triển đã nhiều lần được lập đi lập lại sẽ dành 0,7% tổng sản lượng quốc gia để trợ giúp chính thức cho việc phát triển các nước nghèo. Sự trợ giúp này càng cần thiết hơn ngày nay vì cơn bão tố tài chánh hiện nay trên thế giới; mong ước rằng sự trợ giúp ấy không phải là một trong những nạn nhân của cuộc khủng hoảng tài chánh thế giới.

ĐTC kết thúc bài diễn văn với lời bênh vực gia đình và ngài nhận xét rằng ”như mọi người chúng ta đều biết, tại Angola này cũng có nhiều áp lực đè nặng trên các gia đình: những lo âu và tủi nhục do nạn nghèo đói, thất nghiệp, bệnh tật, lưu đày, gây ra. Một điều đặc biệt gây kinh hoàng, đó là cái ách kỳ thị phụ nữ và trẻ nữ đang đè nặng trên nhiều người, không kể vô số những hành vi bạo lực và khai thác tình dục, gây tủi nhục và chấn thương cho nữ giới. Tôi cũng phải nói đến một lãnh vực gây lo âu rất nhiều, đó là chính sách của những người nhắm ảo tưởng gọi là ”xây dựng tòa nhà xã hội, nhưng đồng thời lại đe dọa chính nền móng của tòa nhà ấy. Thật là cay đắng thái độ của những người cổ võ phá thai như một biện pháp gọi là để săn sóc sức khỏe của người mẹ. Thật là điều lạ đời chủ trương của những người cho rằng hủy hoại sự sống là một vấn đề sức khỏe sinh sản của phụ nữ (Hiệp định Maputo, art. 14).
 
Top Stories
PHILIPPINES: Les évêques catholiques négocient avec les sénateurs au sujet de la réforme agraire
Eglises d'Asie
13:54 20/03/2009
Dernier rebondissement dans le combat que mène l’Eglise catholique aux Philippines pour l’application de la réforme agraire: les évêques, accompagnés de partisans de la réforme, ont rencontré des sénateurs, le 18 mars dernier, dans le bureau du président du Sénat, Juan Ponce Enrile, à Pasay City, au sud de Manille (1). Cette démarche suit de peu l’échec de décembre dernier où, malgré une forte mobilisation des plus hauts responsables de l’Eglise catholique (2), la loi sur la réforme agraire n’avait pas été reconduite par le Congrès philippin (formé de la Chambre des représentants et du Sénat).

La réforme agraire aux Philippines (Comprehensive Agrarian Reform Program, CARP) a connu depuis son lancement, en 1988, de multiples modifications et aménagements, qui ont été autant d’occasions de batailles juridiques et politiques. Conçue dans l’élan du « People Power », qui, en 1986, avait mis fin à la dictature du président Marcos Marcos, la réforme agraire devait redistribuer des terres arables, à hauteur de 10,3 millions d’hectares, à quelque quatre millions de foyers de paysans sans terres. En fixant un seuil maximum de possession de terres agricoles pour les propriétaires, l’Etat s’autorisait à acheter les terrains surnuméraires et à les redistribuer aux bénéficiaires de la réforme (3). Connaissant divers aménagements au gré des gouvernements, le CARP a vu son mandat de dix ans renouvelé par deux fois, le dernier ayant expiré en décembre 2008.

A l’heure du bilan, ses opposants comme ses partisans étaient contraints d’admettre que la réforme agraire n’avait pas atteint son but. Se heurtant à la résistance des propriétaires terriens, à la faiblesse des budgets qui lui étaient consacrés et à de multiples contournements – comme la requalification de terres arables afin d’éviter qu’elles soient redistribuées –, la loi n’a pas été pleinement appliquée.

Parmi les propositions soumises au Congrès philippin en décembre dernier, la Genuine Agrarian Reform Bill (GARB) était soutenue par bon nombre d’organisations paysannes, de tendance progressiste, qui ne voulaient pas d’un renouvellement du CARP, considérant que celui-ci avait renforcé le pouvoir des grands propriétaires fonciers (4). L’ensemble de l’Eglise catholique défendait quant à elle une reconduction du CARP, mais avec des aménagements, dont sa prolongation pour dix années supplémentaires, l’investissement de 147 milliards de pesos (3 milliards de dollars) pour son application et l’aide aux paysans bénéficiaires de la réforme.

Aucun de ces projets n’a toutefois été retenu par le Congrès, qui a préféré voter une résolution conjointe du Sénat et de la Chambre, qui a pris effet le 23 janvier dernier, rallongeant de six mois le programme de redistribution des terres en cours, mais sans dégager les fonds qui auraient permis au gouvernement d’acquérir de nouvelles terres.

C’est dans ce contexte que Mgr Broderick Pabillo, évêque auxiliaire de Manille et président de la Commission épiscopale pour l’Action sociale, la Justice et la Paix, a invité les évêques et les tenants du projet à une réunion à huis clos avec les membres du Comité pour la réforme agraire du Sénat. Lors de cette rencontre, qui a duré près de quatre heures, les évêques ont demandé aux sénateurs de rétablir les dispositions de la réforme agraire de 1998 et d’en rajouter de nouvelles afin de renforcer la loi et d’en combler les lacunes. Selon le secrétariat national des évêques pour l’Action sociale, la Justice et la Paix (5), les sénateurs et les évêques ont été d’accord pour créer un comité consultatif, dirigé par le sénateur Gregorio Honasan, afin de rédiger une version « présentable » de ce projet de réforme agraire amélioré.

Les évêques y seront représentés par Christian Monsod, un avocat catholique connu pour sa participation à la Commission d’élaboration de la Constitution des Philippines de 1986, constitution qui porte dans son texte la redistribution des terres.

Les évêques avaient invité l’avocat à la réunion afin qu’il explique le lien entre réforme agraire et développement économique. A partir d’études réalisées par les Nations Unies et d’autres organismes internationaux, Christian Monsod a souligné le fait qu’aux Philippines, 70 % des familles pauvres vivaient en zone rurale, et essentiellement dans le secteur agricole (66 %). Durant la discussion, Christian Monsod a affirmé aux sénateurs que donner priorité au financement de la réforme agraire ne devrait pas poser de difficultés, étant donné que, dans leurs rapports, les Nations Unies et d’autres organismes internationaux expliquent que la réforme agraire est garante de « la sécurité alimentaire du pays ».

A l’issue de la réunion, Mgr Teodoro Bacani, évêque émérite de Novaliches, a rapporté que la réponse des sénateurs avait été qu’il leur fallait s’assurer du fait qu’avant de procéder à de nouvelles acquisitions de terres, toutes les terres acquises dans le cadre de la réforme avaient bien été redistribuées. Le prélat a ajouté que les sénateurs n’étaient pas opposés à étendre et à améliorer la réforme agraire soutenue par l’Eglise et les autres partisans du projet. Il a déclaré qu’il était « très heureux que les sénateurs aient écouté et apprécié les idées » présentées par les leaders paysans du Batangas, province située au sud de Manille, et par ceux de l’île de Negros, qui étaient également présents à la rencontre du 16 mars.

(1) Ucanews, 19 mars 2009.

(2) Voir EDA 405, 467, 497.

(3) Les paysans bénéficiaires de la réforme ne payant seulement qu’une partie du prix d’achat des terres, en fonction de leurs revenus, l’Etat s’acquittait de la somme restante afin que le propriétaire reçoive une « juste indemnisation ».

(4) Il s’agit d’une proposition incluant des réformes plus radicales visant à restreindre les monopoles agraires et à protéger davantage les paysans de l’exploitation par les grands propriétaires terriens.

(5) Placé sous la tutelle de la Commission épiscopale pour l’Action sociale, la Justice et la Paix, le secrétariat national pour l’Action sociale, la Justice et la Paix (NASSA) est la branche sociale de la CBCP (Catholic Bishops’ Conference of the Philippines).

(Source: Eglises d'Asie, 20 mars 2009)
 
Pope takes African pilgrimage to Angola
Michelle Faul/ AP
14:29 20/03/2009
LUANDA, Angola – Pope Benedict XVI on Friday began the second leg of his African pilgrimage in Angola, where most of the people — including more than 8.5 million Catholics — live in poverty despite the country's multibillion-dollar oil revenues.

Benedict flew to Angola after a meeting Friday morning in Cameroon with about 15 pygmies who presented him with a turtle. In his departure speech, he referred to the work of a center for the sick and disabled that he had visited, and said its "Christ-like compassion is a sure sign of hope for the future of the church and the future of Africa."

Angolan President Eduardo dos Santos and a military band welcomed the pope as he left his chartered plane in the sweltering heat.

It was in Angola that Portuguese missionaries baptized the continent's first Catholic convert in 1491. More than 60 percent of the population is Catholic, despite a Marxist revolution and a 1975-2002 civil war in which many missionaries were slain.

Angola's longtime president, dos Santos, was married in 1992 in a televised Catholic ceremony.

"Christianity is not only a religion but a composite part of the Angolan identity, said Nelson Pestana, a political scientist who lectures at the Catholic University of Angola.

Dos Santos' party swept elections last year that critics say were marred by fraud and corruption. The victory has silenced many dissenting voices, including those of the church, Pestana said, adding that the pope should be careful that his visit this week does not appear to legitimize dos Santos' 30-year rule.

"The pope, who has great authority to speak, would influence the powers that be in Angola by drawing greater attention to the poor," he said. "But the regime wants a sort of papal benediction, so that its authoritarianism will not be seen as an absolute dictatorship but a symbolic enthronement as a divinely inspired power."

Angola is rich in diamonds and oil, but war and mismanagement have left most Angolans in poverty. Pestana says some of the country's bishops have spoken out in courageous pastoral letters condemning the use of multibillion-dollar oil revenues for personal enrichment while citizens remain poor.

He says the bishops are divided between those who would see the church reinforcing its status by cementing a strong alliance with the government and those who warn that this would be corrupting.

Pestana fears the papal visit will profit only the government because "the benefits for the image of those in power does not necessarily translate into benefits for the population or into social progress."

Benedict indicated he was not looking for confrontation, telling reporters before he left for Africa: "The church does not pursue economic, social and political objectives. The church announces Christ, certain that the Gospel can touch the hearts of all and transform them."

(Source: http://news.yahoo.com/s/ap/20090320/ap_on_re_af/af_pope_africa)
 
PHILIPPINES: L’évêque aux armées appelle au calme et à la prière tandis que des menaces de mort pèsent sur trois otages de la Croix-Rouge détenus par le groupe Abu Sayyaf
Eglises d'Asie
15:19 20/03/2009
Ce vendredi 20 mars, sur les ondes de Radio Veritas, Mgr Leopoldo Tumulak, évêque aux armées, a appelé les catholiques à la prière et au jeûne pour obtenir la libération de trois membres du Comité international de la Croix-Rouge (CICR) retenus en otage par le groupe Abu Sayyaf, sur l’île de Jolo, dans le sud philippin. L’évêque a imploré tant les ravisseurs que les forces armées philippines de faire preuve de retenue dans l’usage de leurs armes, afin de laisser les négociations aboutir et parvenir à la libération des otages. Deux jours auparavant, le groupe Abu Sayyaf, qui a revendiqué l’enlèvement, avait menacé de décapiter l’un des trois otages si les militaires ne cessaient pas leurs opérations autour de la ville d’Indanan, sur l’île de Jolo, où il semble que les otages soient retenus.

Cela fait maintenant plus de deux mois que les trois hommes, un Philippin, Mary-Jean Lacaba, 37 ans, un Suisse, Andreas Notter, 39 ans, un Italien, Eugenio Vagni, 39 ans, sont retenus en otages. Le 15 janvier, alors qu’ils venaient d’effectuer une mission d’inspection dans un centre pénitentiaire à Patikul, localité située à l’est de la ville d’Indanan, sur l’île de Jolo, les trois hommes, employés du CICR, avaient été enlevés par des hommes en armes. Dans cette région où le terrorisme islamique, opéré par des groupes comme celui d’Abu Sayyaf, le dispute au banditisme et où les enlèvements contre rançon sont fréquents, l’affaire a mobilisé la présidence de la République (1).

L’armée semble avoir repéré les otages et leurs ravisseurs et, il y a quelques jours, une opération lancée par les Marines philippins dans la jungle qui entoure la ville d’Indanan a fait neuf morts, trois parmi les militaires et six parmi les ravisseurs. Après la menace de décapitation exprimée par Abu Sayyaf, un porte-parole de l’armée a déclaré que les troupes sur place allaient être repositionnées mais qu’il n’était pas question de laisser filer les ravisseurs et leurs otages. « La sécurité des otages demeure un souci permanent et prioritaire », a-t-il ajouté.

Des contacts semblent avoir été établis avec Abu Sayyaf car, le 20 mars, le même porte-parole de l’armée a déclaré qu’en fonction du « gentleman’s agreement » qui aurait été passé entre le sénateur Richard Gordon, président de la Croix-Rouge philippine, et Albader Parad, d’Abu Sayyaf, il était attendu que les ravisseurs libèrent un des trois otages. L’accord en question porte sur la libération d’un otage en échange du desserrement de l’étau mis en place par les militaires. Toute en précisant qu’il n’avait aucune information sur l’identité de l’émissaire désigné par le CICR pour négocier avec les ravisseurs, le porte-parole militaire a ajouté que, sur le terrain, les soldats avaient en effet reçu l’ordre de relâcher leur pression.

De son côté, le P. Romeo Villanueva, responsable de l’action sociale du vicariat apostolique de Jolo – dont dépend l’île de Jolo, au sein de l’archipel de Sulu –, a affirmé que l’Eglise locale n’était pas impliquée dans les négociations pour obtenir la libération des otages. Enfin, tant les ravisseurs que les négociateurs du CICR ont démenti l’information selon laquelle une demande de rançon aurait été formulée.

(1) Depuis une dizaine d’années, le groupe Abu Sayyaf a, selon certaines estimations, plus de 200 morts à son actif ainsi que diverses prises d’otages, concernant essentiellement des chrétiens et des étrangers (voir EDA 179, 336, 348, 352, 358, 393, 394, 413, 438, 450). Ainsi, le 20 avril 2007, sept chrétiens – six travailleurs du BTP et un ouvrier de fabrique – avaient été retrouvés morts, décapités, dans l’archipel de Sulu. Enlevés trois jours plus tôt, près de la ville de Parang, par le groupe Abu Sayyaf, les sept hommes faisaient l’objet d’une demande de rançon pour prix de leur liberté. Leurs employeurs et les autorités locales avaient, semble-t-il, refusé de céder au chantage (voir EDA 462, 468).

(Source: Eglises d'Asie, 20 mars 2009)
 
Pope urges oil-rich Angola to fight poverty
Martine Nouaille/AFP
15:42 20/03/2009
LUANDA (AFP) – Pope Benedict XVI urged Angola's oil-rich government to do more to fight poverty as he arrived Friday on the last stop of an African tour overshadowed by his rejection of condoms in AIDS prevention.

Angolan President Jose Eduardo dos Santos greeted him at Luanda airport, where singing and dancing crowds gathered outside the terminal to welcome him.

Speaking from the tarmac under a scorching sun, the 81-year-old pontiff called on Angola to ease poverty in a nation where two-thirds of the population live on less than two dollars a day.

"Unfortunately, within the borders of Angola, there are still many poor people demanding that their rights be respected," the pope said.

"The multitude of Angolans who live below the threshold of absolute poverty must not be forgotten. Do not disappoint their expectations."

"You must take from your spiritual and cultural heritage the best values that Angola possesses, and go out to meet one another fearlessly, agreeing to share personal resources, both spiritual and material, for the good of all," he said.

"Do not yield to the law of the strongest," he added.

Thousands of people began gathering at the airport from dawn, many of them women dressed in brightly-coloured headscarves and sarongs, with a white t-shirt showing the name of their church.

They carried banners saying "Welcome Pope Benedict" and "Bless our country", and many ran alongside his motorcade as it rolled towards the city.

Security around the airport was tight, with very restricted access to the building. International flights were put on hold to allow the pope to fly into Angola and armed police officers and soldiers watched the crowds, which were kept about half a kilometre from the building.

"I was one of the first to get here at 6:00 am because I wanted to get a good place so I can see Pope Benedict when he drives past," Adriana Juliao, 24, told AFP. "It means so much to us that the pope is coming here to Angola."

Sister Isabel Benjamin, a 43-year-old missionary, said she hoped Benedict's visit would help cement Angola's peace.

"Before Angola was a war country and now we're experiencing peace and the Pope coming here is really a very exciting moment for us... and I hope by the pope coming he will bring us a lasting peace."

One man held his infant daughter up so she could see Benedict, making the first papal visit to Angola since 1992, when his predecessor John Paul II came during a brief lull in the decades of war here.

"I have brought my daughter today. She's just one year old and I hope she'll have this memory of being here for many years to come," he said.

"I remember the visit of John Paul II and I came here to the airport to see him then, and now 17 years later I?m here to see Pope Benedict. If another pope comes to Angola, I will be here to see him," he added.

Around half of Angola's 16.5 million people are Catholic.

Since Angola's civil war ended in 2002, the country's economy has boomed due to the enormous growth in oil exports, but the majority of the population still lives in abject poverty.

Benedict is making his inaugural journey to Africa as pope, but his trip has been overshadowed by remarks made en route to Cameroon, when he said that AIDS "cannot be overcome through the distribution of condoms, which even aggravates the problems."

The comments sparked an uproar among AIDS activists as well as some governments, who warned that the pope's remarks could harm prevention campaigns.

(Source: http://news.yahoo.com/s/afp/20090320/wl_africa_afp/vaticanpopeafricaangola_20090320142308)
 
Harassment toward Catholics' lawyer intensifies as trial date nearing.
Emily Nguyen
16:14 20/03/2009
Le Tran Luat, the pro-bono attorney of the record for the Thai Ha Catholics at the court of appeal set for Mar 27, 2009 continues to be harassed, defamed and prevented as he was trying to make it to Hanoi in time for the court date despite his clients' motion to the court and the authority for his release and fulfillment of his duty as their legal counsel.

On Mar 15, 2009 seven of Thai Ha Catholics who are appealing their guilty verdict from the criminal court on Dec 8, 2008 for protesting the state's illegal requisition of their parish's land had found themselves in an awkward situation where the defendants have become the defenders of their legal advocate. They had to file a motion to the court and the government to ask for the safety and release of their lawyer Mr. Le Tran Luat who has been subject of government's deliberate campaign to stall his effort in defending his clients in the up-coming court.

Le Tran Luat has been providing free council for the above defendants since the criminal case began following the incidents in August of last year.

After the guilty verdict from the lower court in last December, the Catholics decided to file an appeal to the high court. They also filed law suits against the state media outlets namely Vietnam Television 1 and New Hanoi newspaper for reporting that "all of those charged admitted their guilt, acknowledging that they had carried out actions in violation of the law." while the defendants and witnesses in the trial say that all of those charged had pleaded not guilty in court. It should be added that the authors of the reports have also received an award, under the patronage of Pham Quang Nghi the general secretary of the Communist Party in Hanoi.

As the new court date has been set, Vietnamese state media have launched a defamation campaign against the Catholic defendants suggesting more severe punishments.

In the meantime, the New Hanoi on February 27 has turned down requests from the defendants to make corrections on those reports. The following day, the online edition of the newspaper published an article accusing the plaintiffs of Thai Ha of refusing to "wake up to reality." A week later, on March 5, Vietnam Television 1 rejected the request.

In general, the objective of the state media is becoming clear: to depict the lawsuit by the Catholics as groundless before public opinion, and to paint the plaintiffs as stubborn defendants who not only refuse to respect the sentence of the People's Tribunal of Hanoi, but also continue to provoke public disturbance by insisting that the media correct what they describe as a clear "distortion of the truth."

On the other hand, a campaign of intimidation underway against the lawyer Le Tran Luat, who is handling the lawsuit advanced by the Catholics. On March 3, the lawyer was stopped by police at Tan Son Nhat airport, as he was preparing to leave Ho Chi Minh City for Hanoi, in order to prepare the lawsuit against Ha Noi News and Vietnam Television 1. Prior to this, his office was raided his computers and other equipments confiscated, his legal assistant Ta Phong Tan was apprehended and subjected to a lengthy interrogation, his partner Nguyen Quoc Dat who has nothing to do with the law suit has also been harassed and arrested on Mar 12. The Attorneys' Association put him under accusation, the Security newspaper of Ho Chi Minh City accused him of fraudulent income, and an anonymous phone caller told him to withdraw from the lawsuit. Luat was arrested again on March 15 and put under the so-called "working sessions" with Go Vap district's police against his will.

Police have also attacked him financially. His law firm reported that police had forced most of his clients in Phu Quoc province to cancel their legal contracts, describing the lawyer as "a political criminal" who would soon be put into jail.

Most recently, on March 18, while the lawyer was trying to find his way to Hanoi he was followed and caught by the police nearby Ninh Phuoc, a coastal town in Ninh Thuan province of south central Vietnam. They brought him back to Go Vap, Ho Chi Minh city and he has once again been put back to the same custody of the local security force which seems to be more determined to deter the devoted lawyer from being involved in the lawsuit brought by the defiant Catholics of Hanoi.

As the trial date closing in, the fate of Le Tran Luat and of the Thai Ha Catholics’ court case remain bleak. They feel their human rights and their right to due process are being severely violated by Vietnam government as their appointed council of record being detained indefinitely without probable cause while his clients are being left defenseless with legal issues they are not capable of handling on their own in the up-coning court of appeal.
 
VIETNAM: A l’occasion du centenaire de sa fondation (1909-2009), le Carmel de Hué commémore une histoire tourmentée mais pleine de vigueur spirituelle
Eglises d'Asie
19:55 20/03/2009
Le Carmel de Huê fêtera au mois d’octobre prochain le premier centenaire de sa fondation. Le 19 mars dernier, l’archevêque de Huê, Mgr Etienne Nguyên Nhu Thê, a présidé la messe d’inauguration d’une année consacrée à la commémoration de cet événement, dont l’archevêque a souligné la grande importance à l’intérieur de son diocèse

Le Carmel de Huê est le troisième à avoir été fondé au Vietnam, après ceux de Saigon et de Hanoi. Au mois d’octobre 1909, Mgr Allys, vicaire apostolique de la Cochinchine septentrionale, se rendit en personne au couvent d’Hanoi pour y chercher le petit groupe de religieuses chargées de former la première communauté de religieuses contemplatives dans la capitale impériale de la dynastie des Nguyên. Il y avait deux religieuses françaises, originaire des Carmels du Mans et de Blois, et deux religieuses vietnamiennes, formées l’une à Saigon, l’autre à Hanoi. Elles étaient accompagnées d’une sœur tourière. Il leur suffit de trois mois pour s’installer sur le bord de la rivière des parfums sous le patronage de sainte Thérèse d’Avila. La première abbesse fut Sœur Aimée de Marie.

Deux ans plus tard, les seules difficultés rencontrées étaient financières; le fonctionnement de la communauté et son recrutement donnait toute satisfaction. Mgr Allys écrit dans son rapport annuel de 1911 (1): « Notre Carmel n’est pas encore complètement achevé. Les travaux ont été suspendus faute de ressources suffisantes. Mais cet arrêt dans les constructions ne porte pas de préjudice à la régularité du monastère ni au recrutement des Religieuses, ni à celui des Novices. Ces dernières sont au nombre de huit, toutes Vietnamiennes. » Douze ans plus tard, au début du mois de mai 1921, le monastère célébrait le troisième centenaire de la canonisation de sainte Thérèse d’Avila. Tous les bâtiments étaient achevés, le mur de clôture édifié, ainsi qu’une belle chapelle. La communauté se composait de quatre religieuses françaises, huit religieuses vietnamiennes, cinq novices et quatre postulantes, auxquelles il faut ajouter six sœurs tourières. Dans le petit cimetière accolé au couvent, reposait déjà trois religieuses, deux françaises, une vietnamienne (2).

En 1934, le 25ème anniversaire de la fondation du Carmel, célébrée sous la présidence de Mgr Chabanon, permettait aux religieuses de faire le point sur les progrès réalisés depuis leur arrivée à Huê. Le recrutement ne cessait d’être abondant et le Carmel de Huê a plusieurs fois essaimé. En 1923, il a fondé le premier Carmel des Philippines, qui, par la suite, donnera naissance à 23 autres couvents. Les carmélites de Huê sont aussi à l’origine de la fondation du Carmel des missions à Cholet, en France. Enfin, en 1929, un groupe de carmélites de Huê fonde le Carmel du diocèse de Thanh Hoa, qui est devenu aụjourd’hui le Carmel de Nha Trang. Le couvent dirigé par la sœur abbesse Marie Isabelle de la Trinité comptait alors une vingtaine de religieuses, dont quatre françaises (3). En 1959 fut nommée la première supérieure vietnamienne, Mère Aimée Marie Nguyên Huu Thi Tai.

En 1975, les événements de la guerre forcèrent la communauté carmélite de Huê à se réfugier au Sud. Elle y fut accueillie dans la paroisse Binh Triêu de Saigon. A cette époque, de nombreuses jeunes filles demandèrent à s’agréger à la communauté, si bien qu’en 1996, elle était composée de 38 religieuses. Le 17 avril 1996, onze d’entre elles, conduites par Sœur Thérèse Consolata, revinrent à leur ancien couvent de Huê, tandis que le reste de la communauté formait ce qui s’appelait désormais le Carmel de Binh Triêu et peut être considéré comme une fondation du Carmel de Huê.

C’est au XIXème siècle dans l’esprit d’un prisonnier condamné à mort que naquit le projet de fondation du carmel au Vietnam (4). Mgr Dominique Lefebvre a été en effet détenu et condamné à mort à Huê par deux fois, une première fois alors qu’il venait d’être sacré coadjuteur de Mgr Cuénot, une seconde fois, après qu’il eut été nommé vicaire apostolique de la Cochinchine occidentale. Au cours de son séjour en prison, il le révélera plus tard, il reçut une consigne mystérieuse de sainte Thérèse d’Avila: « Etablissez le Carmel en Annam: Dieu en sera grandement servi et glorifié. » Lorsque la paix fut rétablie, l’évêque se mit en rapport avec le Carmel de Lisieux, où se trouvait une de ses cousines, Sœur Philomène. C’est elle et ses compagnes qui fondèrent le Carmel de Saigon, où elles arrivèrent en octobre 1861. Les religieuses de Saigon, en 1895, fondèrent le Carmel de Hanoi, d’où est issu celui de Huê.

(1) Archives des Missions Etrangères, rapport 451 sur la Cochinchine septentrionale, Mgr Allys.
(2) Bulletin de la Société MEP, année 1922, pp. 443-444.
(3) Bulletin - Chronique des Missions et des Etablissements communs 2, Hué, année 1935, pp.134-136.
(4) Voir « Le premier Carmel en Extrême-Orient » in Annales des MEP, année 1937, pp. 69-75.

(Source: Eglises d'Asie, 20 mars 2009)
 
Pope condemns sexual violence against women
Victor L. Simpson/AP
21:08 20/03/2009
LUANDA, Angola – Pope Benedict XVI, welcomed to this sweltering capital Friday by the biggest crowds of his African pilgrimage, condemned sexual violence against women in Africa and chided those countries on the continent that have approved abortion.

Benedict arrived in Luanda on the second leg of his African tour, with tens of thousands pouring into the streets along his motorcade route, honking car horns and slowing traffic to a crawl. Many of the faithful wore white T-shirts emblazoned with the pope's picture and "Welcome to our land" written in Portuguese.

"I have come to see our papa because he is good for the church and the church is good to us," said Fatima de Castro, a 52-year-old housekeeper who traveled 14 hours through the night to welcome the pope outside Luanda's airport.

Angolan President Eduardo dos Santos greeted the 81-year-old Benedict as he descended from his chartered plane onto a red carpet under a tropical sun that reddened his face.

This former Portuguese colony is mainly Catholic and Benedict lamented what he called strains on the traditional African family.

"Particularly disturbing is the crushing yoke of discrimination that women and girls so often endure, not to mention the unspeakable practice of sexual violence and exploitation which causes such humiliation and trauma," Benedict told an audience of government leaders and foreign diplomats in the late afternoon.

He also criticized what he called the "irony of those who promote abortion as a form of 'maternal' health care." The pope was referring to an African Union agreement signed by Angola and 44 other countries that abortion should be legal in cases of rape, incest or when the mother's life is endangered.

"How disconcerting the claim that the termination of life is a matter of reproductive health," Benedict said.

Angolans traditionally have large families — the president has nine children — but many say the high cost of living in this oil-rich country makes them want to have fewer children than previous generations.

Earlier in the weeklong trip, Benedict drew criticism from aid agencies and some European governments when he said that condoms were not the answer to Africa's severe AIDS epidemic, suggesting that sexual behavior was the issue.

Igor Rivas, a 25-year-old student studying economics, was in the crowd of thousands out to welcome the Catholic leader.

"I want the benediction of the pope. I know I am a sinner. I fight to abstain from sex," Rivas said. "I think condoms are not the good way for us. Though they may be useful, they are not the right choice for Catholics, so I need his blessing."

In his remarks to diplomats, Benedict also called for a "conversion of hearts" to rid Angola and the rest of Africa of corruption.

Reporters were barred from the meeting and the Vatican said it would complain with the Angolan government.

The pope arrived in Angola from Cameroon, where his visit was capped Friday morning by a meeting with about 15 pygmies who performed a traditional dance and presented him with a turtle. Vatican officials showed off the turtle in his wooden cage to reporters traveling in the papal plane and said the animal would be taken back with the pontiff to Vatican City.

In remarks at the Luanda airport, Benedict referred to his own childhood growing up in Nazi Germany, saying he had known war and national divisions "as a result of inhuman and destructive ideologies, which, under the false appearance of dreams and illusions, caused the yoke of oppression to weigh down upon the people."

"You can therefore understand how keenly aware I am of dialogue as a way of overcoming every form of conflict and tension and making every nation, including your own, into a house of peace and fraternity," he said.

Angola was lacerated by a civil war that started with its 1975 independence and ended in 2002. Its history as a former Portuguese colony has given the country Christian roots and today about 8.6 million people, or more than 60 percent of the population, are Catholic.

"Christianity is not only a religion but a composite part of the Angolan identity," said Nelson Pestana, a political scientist who lectures at the Catholic University of Angola.

Dos Santos' party swept elections last year that critics say were marred by fraud and corruption. The victory has silenced many dissenting voices, including those of the church, Pestana said, adding that the pope should be careful that his visit does not appear to legitimize dos Santos' 30-year rule.

"The pope. .. would influence the powers that be in Angola by drawing greater attention to the poor," he said. "But the regime wants a sort of papal benediction, so that its authoritarianism will not be seen as an absolute dictatorship but a symbolic enthronement as a divinely inspired power."

In his welcome speech, Benedict did, indeed, refer to Angola's poverty as well as its rich natural resources, saying the multitude of poor Angolans must not be forgotten.

Angola is rich in diamonds and oil, but war and mismanagement have left most of its people in poverty. Pestana says some of the country's bishops have spoken out in courageous pastoral letters condemning those who use the country's multibillion-dollar oil revenues for personal enrichment.

(Source: http://news.yahoo.com/s/ap/20090320/ap_on_re_af/af_pope_africa)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ Chúc Phong Viện Phụ của Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Thiên Phước, Bà Rịa
Xuân Linh
01:18 20/03/2009
BÀ RỊA - Vào 9 giờ sáng ngày 19/3/09, lễ Thánh Giuse, lễ Chúc Phong Viện Phụ Tiên Khởi của Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Thiên Phước đã diễn ra trong bầu khí trang trọng đầy thần khí. Ngôi nguyện đường mới xây theo hình thánh gía, đầu tựa vào sườn núi, chân là cửa chính mở ra trước cảnh biển cả mênh mông. Dưới ánh nắng rực rỡ của đầu ngày, ngôi nguyện đường xinh xắn tầm vóc trung bình đã đầy ắp người tham dự khoảng 500, đa số là tu sĩ nam nữ địa phương, phần ít còn lại là giáo dân và một số khách hành hương. Bài ca nhập lễ với tiếng đàn và tiếng hát hùng tráng làm ngây ngất lòng người của khoảng trên 100 ca viên nam, gồm toàn các thầy sinh viên của Viện Thần Học Xitô ở Châu Sơn Đà Lạt và các thầy thuộc Đan Viện Thiên Phước.

Tiến vào thánh đường là một đoàn rước dài của gần 50 linh mục triều và dòng. Cuối cùng là Đức Cha Thomas Nguyễn Văn Trâm, Giám Mục Địa Phận Bà Rịa, chủ sự buổi lễ. Mở đầu buổi lễ, Đức Cha nói đến 3 ý cầu nguyện trong thánh lễ: thứ nhất là cầu cho Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI vì thánh Giuse là quan thầy của Ngài. Nguyên tên là Joseph Ratzinger, thứ hai là cầu cho Tân Viện Phụ Maria Matthêu Nguyễn Bá Linh của Đan Viện Thiên Phước, và thứ ba là cầu cho hết mọi người có thánh Giuse làm bổn mạng, cách riêng là giới gia trưởng.

Sau Phúc Âm, Đức Cha Thomas Nguyễn Văn Trâm đã quảng diễn ý nghĩa về lễ Thánh Giuse một cách thật phong phú và sâu sắc. Ngài nói tới đức hạnh và vai trò quan trọng của Thánh Giuse. Đức Cha giải thích phần một về đức hạnh, thánh Giuse là Người Công Chính. Ngay trong trang đầu của phúc âm theo thánh Matthêu, Kinh Thánh đã cho ta một định nghĩa về con người của ngài bằng câu: “Ong Giuse người công chính” (Mt 1,19). Thánh Giuse không chỉ giữ sự công chính theo nghĩa của Cựu Ước là giữ trọn lề luật, công bình với mọi người và vô tội (St 18,23). Những người thông giáo và luật sĩ cho mình giữ trọn sự công chính đó, nhưng thực tế đó là sự công chính gỉa hình, che dấu một lương tâm suy đồi, chỉ biết giữ luật một cách máy móc hình thức, trong khi đó lại hay vi phạm công bình bác ái. Thánh Giuse giữ công chính theo nghĩa Tân Ước, cao siêu hơn nhiều (Mt 5,20tt) là “sự công chính của Nước Trời: khiêm nhường, thành thật, không gỉa hình, bác ái, không phô trương, đạo đức nội tâm, lương tâm trong sáng, siêu thoát của cải, cậy tin Đấng quan phòng…”. Trong phần thứ hai về vai trò quan trọng của Thánh Giuse, Đức Cha nhắc lại Tông huấn “Đấng Bảo vệ Chúa Cứu Thế” của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: “Bằng một cách đặc thù và phi thường. Thánh Giuse đã trở thành người được ký thác mầu nhiệm “giấu kín tự muôn thuở trong Thiên Chúa” (Ep 3,9). Trong nhiệm vụ bảo vệ đời sống cho Đức Trinh Nữ Maria và Thiên Chúa Ngôi Hai nhập thể cứu đời, Thánh Giuse quả đã được cộng tác vào việc gìn giữ mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa. Đức Cha kết thúc bài giảng bằng lời Thánh Thi trong Giờ Kinh Phụng vụ về lễ thánh Giuse như sau:

Hỡi người thợ vô danh của xưởng mộc nghèo khó,
Xin ban no lành cho người lao động khắp cùng xứ sở.
Chúng con cần gương Ngài để thấy kho tàng trong giọt mồ hôi,
Thấy nụ cười trong từng giòng nước mắt,
Thấy Nước Trời trong lòng đất mẹ cằn khô
Thấy sáng tạo đi lên, tình người yêu thương và hiệp nhất
Thấy lớn lao trong từng nhỏ nhặt
Thấy vinh quang trong khổ nhục, ngài ơi.
Hỡi người thợ vô danh của xưởng mộc nghèo khó,
Xin cho những người đang xây dựng thế giới này
Thấy Ngài phục sinh, thấy Ngài phục sinh trong bàn tay của họ
…”

Sau bài giảng Phúc Âm, là Nghi Lễ Chúc Phong Viện Phụ. Đức Cha sau khi nghe ý kiến của cộng đoàn, đã cùng với cộng đoàn hát Kinh Cầu Các Thánh và cầu nguyện cho Tân Viện Phụ. Lúc này Viện Phụ nằm phủ phục trên mặt đất cho đến hết kinh thì đứng dậy lãnh nhận các biểu hiệu của người Chủ Chăn: đó là tượng Thánh Giá đeo cổ, gậy, mũ và nhẫn, giống như của Đức Giám Mục. Sau cùng là hôn chúc bình an.

Chức Viện Phụ không phải là một thánh chức, nhưng là một chức vị lãnh đạo được Giáo Hội công nhận. Theo Tu Luật của Thánh Biễn Đức thì Viện Phụ chính là người Cha trong Đan Viện, vị thay mặt Chúa Kitô, có trách nhiệm trông coi đời sống thiêng liêng và vật chất của mọi người trong Đan Viện. Vì trách nhiệm coi sóc một đoàn chiên lớn lao gồm nhiều linh mục và tu sĩ. Có những Đan Viện thời xưa đông đúc, có đến mấy trăm người. Vì thế Hội Thánh đã ban đặc ân cho các vị Viện Phụ trong các Dan Viện được mặc bề ngoài như một đức Giám Mục, cũng có gậy, mũ, nhẫn để biểu lộ quyền bính và phẩm hạnh của một vị chủ chăn.

Tân Viện Phụ Maria Matthêu Nguyễn Bá Linh sinh ngày 13/5/1950 tại Quỳnh Lưu, Nghệ An, địa phận Vinh. Gia đình dời vào Nam, Chú bé Linh đã lớn lên trong những năm tiểu học tại Trường Phước An, Thị Nghè, Sài Gòn. Đến năm lên 12 tuổi, Chú Linh đã dâng mình cho Chúa trong Dòng Xitô Phước Sơn tại Thủ Đức, Sài Gòn, và học hết bậc Trung Học Phổ Thông tại trường của Dòng rồi vào Tập Viện. Ngày 15/8/1970.Thầy Linh được Khấn Dòng Lần Đầu. Đến 15/8/1975 được khấn Trọn Đời. Vì hoàn cảnh khó khăn chung, nên mãi 19 năm sau đến ngày 08/01/1994 Thầy Linh mới được thụ phong Linh Mục. Sau 10 năm phục vụ Dòng trong chức vụ Quản lý. Năm 2004 Cha Mattheu Linh được cộng đoàn cử đi du học tại Nước Pháp. Sau 4 năm dùi mài kinh sử, Cha đã lấy được bằng Cao Học về Thần Học Kinh Thánh. Học xong rồi, Cha Linh đi một vòng thăm viếng các đan viện ở Au Châu để quan sát và học hỏi lối sống hiện nay của các đan viện ấy ra sao. Đến cuối tháng 12/2008 Cha đã về nước, và đến đầu năm 2009 Cha đã được bầu làm Viện Phụ Tiên Khởi của Cộng Đoàn Xitô Thánh Mẫu Thiên Phước.

Ý nghĩa của biểu hiệu và câu châm ngôn của Viện Phụ được chính ngài giải nghĩa như sau: Cái biểu hiệu hình tam giác là cái núi sau lưng Đan Viện, những lằn nước biểu hiệu biển cả bao la trước mặt. Biển đây là biển ân sủng của Chúa. Còn núi đây là nơi ta nương tựa, trú ẩn như trong châm ngôn Ngài đã chọn: “Chúa là núi đá vững vàng, được ở bên Người tôi hằng ẩn thân” (TV 61,8)). Những ý nghĩa đó biểu lộ nơi Tân Viện Phụ tinh thần phó thác hoàn toàn trong Chúa, dẫn đến một nếp sống hồn nhiên, vững vàng.

Đan Viện Thánh Mẫu Thiên Phước khai sinh từ năm 1968 là một mảnh đất nhỏ do Ông Trùm Tý tặng cho Nhà Dòng Đan Viện Phước Sơn Thủ Đức làm nơi nghỉ hè cho Đệ Tử Viện. Mãi đến năm 1975 mới có tu sĩ đến ở và trở thành Đan Viện (monastery). Bề Trên đầu tiên là Cha Maximô Đỗ Chính Thống. Đến năm 1999 trở thành Đan Trưởng Viện (independent monastery), được độc lập khỏi trách nhiệm tài phán của Nhà Mẹ Phước Sơn lúc đó đã dời chỗ từ Thủ Đức về Phước Lộc, xã Phước Hoà, Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Viện Trưởng đầu tiên của Đan Trưởng Viện Thiên Phước là Cha PhiLipphê Hoàng Kim Tâm. Sau 9 năm được Cha Philipphê Tâm coi sóc, đến năm 2008 lại một lần nữa Đan Trưởng Viện Thiên Phước đã được Tổng Hội Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam nâng lên thành Đan Phụ Viện (abbey) vì đã đủ các điều kiện theo Hiến Pháp đòi buộc. Và đến đầu năm 2009, Viện Phụ Tiên Khởi (first Abbot) đã được bầu xong. Đó là Cha Matthêu Nguyễn bá Linh. Nhân số của Đan Viện Thiên Phước hiện nay là 72 người, trong số này có 10 linh mục và 40 đan sĩ đã khấn trọn đời. Về kinh tế, các cha các thầy làm nhiều thứ để sống: canh nông, chăn nuôi, sản xuất Bột Ngũ Cốc Bổ Dưỡng, làm rượu và làm mỹ nghệ thánh. Tuy nhiên những sinh hoạt này chỉ vừa đủ để trả tiền chợ mỗi ngày. Dự án trong năm tới, Đan Viện đang vận động để kêu gọi ân nhân các nơi giúp làm nên một Nhà Tĩnh Tâm cho giáo dân khoảng 50 giường.

Trong lời cám tạ cuối lễ, Tân Viện Phụ đã nói những lời rất cảm động và đầy ý nghĩa:

1. Xin hãy nhìn buổi lễ Chúc Phong như là đánh đấu sự trưởng thành chung của Đan Viện Thiên Phước, cho nên nó là niềm vui và niềm tự hào chung cho mọi người thuộc Dan Viện Thiên Phước. Phần Viện Phụ lãnh chức chỉ là một góc nhỏ trong niềm vui chung ấy.

2. Xin cám ơn mọi người đã góp tay làm nên sự trưởng thành này. Xin đích danh tuyên dương công ơn của các vị Cha tiền nhiệm của Đan Viện Thiên Phước, đã đem hết sức chăm lo cho Đan Viện này phát triển mạnh mẽ. Đó là Nguyên Viện Phụ Hội Trưởng Gioan Vương Đình Lâm, Cha Nguyên Bề Trên Maximô Đỗ Chính Thống, Cha Nguyên Viện Trưởng Philipphe Hoàng Kim Tâm. Xin công khai tuyên dương sự góp tay của các ân nhân xa gần, trong nước củng như ở hải ngoại, cách riêng là của Hội bảo Trợ Đan Viện Thánh Mẫu Thiên Phước.

3. “Các ngài trao lại cho con không chỉ một nhà nguyện khang trang đẹp đẽ mà quí khách đang thấy, nhưng còn để lại cho con một gia sản to lớn là Bẩy Mươi Hai Nhà Nguyện, đó là 72 đan sĩ, tu sĩ của Đan Viện Thiên Phước, là những ngôi đền thờ đích thực sống động mà từ nay con phải trân trọng giữ gìn. Từ Bẩy Mươi Hai Ngôi Thánh Đường này, ngày ngày những lời kinh được dâng lên Thiên Chúa để ca ngợi tình thương Ngài muôn đời trường cửu và cầu nguyện cho giáo hội hoàn vũ.” (Trich nguyên văn lời Cha Linh nói)

Đức Tân Viện Phụ đã nói đến thế, thì tôi, người viết bài tường thuật này, thấy mình chỉ còn có một sự chọn lựa là ưng thuận để hăng hái cầu nguyện cho Ngài và Đan Viện mà thôi. Đi một buổi lễ mà thâu lượm được quá nhiều ý nghĩa cao quí. Tôi thấy mình lời quá. Đó là chưa kể đến việc mọi người đều được thưởng thức bữa cơm trưa thật ngon do Nhà Dòng khoản đãi.
 
Lễ phong chức Phó Tế nhân ngày lễ Quan Thầy giáo phận Thanh Hóa
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
01:27 20/03/2009
Lễ phong chức Phó Tế nhân ngày lễ Quan Thầy giáo phận Thanh Hóa

Vậy là ngày mong đợi đã đến với những người con của Giáo phận Thanh Hóa – Ngày mừng kính Thánh Cả Giuse (19 – 3 – 2009), Quan Thầy Giáo phận Thanh Hóa, cũng là Bổn mạng của Vị Cha Chung kính yêu, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh. Trong ngày này, niềm vui của những người về dự lễ lại được nhân lên gấp bội khi chứng kiến 9 người con ưu tú của Giáo phận nhà đã mãn khóa học tại ĐCV Vinh – Thanh cuối tháng 5 - 2008, được vinh dự lãnh nhận thừa tác vụ Phó tế do Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh trao ban.

Bước dưới bầu trời dịu mát, thoáng đãng của ngày xuân, mọi thành phần dân Chúa cùng tham gia đoàn rước nhập lễ dường như cảm nếm được mối tương giao của đất trời đang kết tụ trong tình hiệp nhất yêu thương. Cùng hướng về Thánh Cả Giuse trong tiếng ca nguyện, trong tiếng trống và tiếng kèn trầm hùng hối thúc trao ban, lòng người không khỏi trào dâng niềm khích lệ trước ngày mới tươi sáng, được mời gọi tận hiến trong tình thần vâng phục, khiêm hạ, dạt dào tình mến theo gương Thánh Bổn mạng Giuse.

Khi đoàn rước nhập lễ tiến về trước lễ đài, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh đã đại diện cho toàn Giáo phận dâng lên Thánh Quan Thầy nén hương trầm, tỏ bày niềm thành kính mến yêu sâu nặng và tri ân chân thành vì muôn hồng phúc mà Thánh Cả đang thực hiện cách sống động dồi dào nơi mọi thành viên, nơi từng gia đình và trên toàn Giáo phận. “Trải qua biết bao thăng trầm, đổi thay, lịch sử của Giáo phận Thanh Hóa luôn ghi nhớ sự đồng hành của Thánh Cả Giuse…Ngài vẫn mãi hiện diện cách âm thầm, linh thiêng bên cạnh chúng ta” (Lời người dẫn lễ).

Trước lúc vào thánh lễ, Cha Tổng đại diện Giáo phận Phaolô Vũ Tiến Phúc đã thay lời cho linh mục đoàn và toàn thể cộng đồng dân Chúa thuộc Giáo phận, bộc bạch tâm trạng “vui mừng được tề tựu bên người Cha Chung trong dịp đại lễ này để chúc mừng, để tỏ lòng biết ơn và nhất là để hiệp thông với Đức Cha trong trách nhiệm nặng nề mà Chúa đã trao phó…”, và “hứa sẽ hiệp thông với Đức Cha tích cực hơn, bằng nhiều cách, tùy theo hoàn cảnh của từng giáo xứ, từng giáo họ, từng gia đình và từng người, nhất là hằng ngày chạy đến với Thánh Cả Giuse, xin Ngài chuyển cầu cho Giáo phận những ơn mà Đức Cha đang tha thiết nguyện cầu…”. Trước tâm tình chân thành, thảo hiếu của những người con, Đức Cha Giuse đã nồng nhiệt nói lời cám ơn, và Ngài cũng chúc mừng, ước nguyện những gì tốt đẹp nhất tới quý Cha, quý nam nữ tu sĩ, chủng sinh, anh em ứng sinh và hết thảy những người đã nhận Thánh Cả Giuse làm Bổn mạng.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha Giuse nhấn mạnh đến hình ảnh của một đại gia đình Giáo phận Thanh Hóa hiệp nhất trong yêu thương. Tình thần hiệp nhất ấy được thể hiện cụ thể, sinh động qua sự quy tụ đông đảo, thắm tình huynh đệ của những người con, của những vùng miền, của những bản sắc, hương vị được đem đến từ muôn nơi trong Giáo phận. “Từ Sông Mã âm vang điệu hò miền núi, cho đến Ba Làng đại dương ì ầm song vỗ, từ Sông Chu dòng nước hiền hòa, cho đến Mỹ Điện xanh tươi màu lá…Còn hình ảnh nào đông vui bằng hình ảnh con cái đông đủ sum vầy…Một đại gia đình Thanh Hóa hợp nhất yêu thương cũng là ước mơ của muôn người…cũng là ước nguyện của mỗi chúng ta ngày hôm nay”. Tất cả được khởi đi từ nền tảng của Lời Chúa.

“Nhà của ngươi và triều đại của ngươi sẽ vững chắc đến muôn đời trước mặt ta” (2Sm 7, 16).

Đức Cha Giuse cũng xác tín trong bài chia sẻ: “…Giáo phận Thanh Hóa dưới sự bảo trợ của Thánh Giuse, tiếp tục là một đại gia đình hiệp nhất yêu thương bằng tinh thần con cái Thánh Cả keo sơn gắn bó, cùng nhìn về quá khứ để công nhận sự quan phòng của Thiên Chúa, cùng đảm đương hiện tại để thực hiện sứ mệnh Chúa trao phó, và cùng bước vào tương lai trong sự tín nhiệm vào thế lực bầu cử của Cha Thánh Giuse và sự trung thành của Thiên Chúa…”. Những tâm tình chia sẻ này của Đức Cha Giuse là định hướng xác thực nhất, căn bản nhất cho hành trình sứ vụ mà các tiến chức sẻ đảm nhận, như lời Đức Cha đã trao gửi các Thầy: “Hiệp nhất là hạnh phúc của cuộc đời Cha…Hãy sống và chiến đấu cho hiệp nhất, chúng con sẽ tìm thấy hạnh phúc !”. Kiến tạo bầu khí hiệp nhất trong thế giới hôm nay cũng đồng nghĩa với việc làm cho Tin Mừng Nước Chúa trở thành điểm tựa tối ưu của bao tâm hồn đang bị xói mòn bởi hận thù, chia rẽ.

Tiếp theo bài giảng lễ là nghi thức phong chức Phó tế. Sau lời hứa của các tiến chức trước cộng đoàn Dân Chúa, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh và cộng đoàn đã hiệp dâng lời nguyện cầu lên các Thánh, xin vì công nghiệp và lời bầu cử của các Ngài cùng Thiên Chúa để xin Thiên Chúa thánh hiến các tiến chức trong sứ vụ sắp được trao ban. Liền sau hát kinh cầu, nghi thức đặt tay, lời nguyện phong chức và trao sách Tin Mừng nói lên sự vâng phục và sứ mạng nặng nề nhưng cao cả của người Phó tế đối với Thiên Chúa và toàn thể Dân Thánh Ngài. Người được tuyển chọn từ nay sẽ tham dự cách đặc biệt vào việc loan báo Tin Mừng Chúa Kitô.

Vậy là Giáo hội nói chung và Giáo phận Thanh Hóa nói riêng, hân hoan đón mừng thêm những tông đồ ưu tuyển sung vào cánh đồng truyền giáo hôm nay – Các Thầy là những thợ gặt mới, được chính Thần Khí Chúa tuyển chọn và sai đi, thu lượm dồi dào nhiều bông hạt thiêng liêng, đượm nồng hương bác ái để tiến dâng Thiên Chúa Tình Yêu.

Các Thầy gồm:

1. Thầy Vinh Sơn Vũ Tấn Chí.

2. Thầy Phêrô Vũ Văn Hải.

3. Thầy Phêrô Nguyễn Xuân Lai.

4. Thầy Phaolô Lê Tiến Nhất.

5. Thầy Phêrô Ngô Văn Phúc.

6. Thầy Giuse Trần Văn Quang.

7. Thầy Gioan Lê Văn Quân.

8. Thầy Phaolô Đinh Tiến Thảo.

9. Thầy PhaoLô Bùi Văn Tiếp.

Ước mong và nguyện chúc các Thầy được tràn đầy Ơn Thánh để luôn nhiệt tâm, can đảm rao truyền Lời Chúa và sống xứng đáng với lời khích lệ và tâm nguyện của Đức Cha Giuse sau thời khắc các Thầy lãnh nhận thừa tác vụ Phó tế: “… Giáo phận rất kiêu hãnh vì chúng con, Giáo phận rất yêu thương chúng con, Giáo phận kỳ vọng nơi chúng con. Vậy chúng con hãy sống xứng đáng với sự yêu thương và mọi mong đợi của Giáo phận”.

Cuối thánh lễ, Thầy Phêrô Ngô Văn Phúc đã thay lời cho các tân phó tế, bày tỏ “niềm hạnh phúc trào dâng” sau bao năm tháng miệt mài đèn sách tu luyện, giờ đây đã được Chúa thương chọn gọi “vào hàng ngũ những người làm vườn nho cho Chúa”…Hồng ân mà các Thầy đã nhận lãnh còn mang dấu ấn của biết bao tâm huyết, lòng thương yêu, sự hy sinh cao cả của quý Đức Cha hai Giáo phận Thanh Hóa và Vinh, của quý Cha giáo, quý Cha trong Giáo phận Thanh Hóa, cùng ân nhân, thân nhân và hết thảy những ai thiện chí cộng tác vào việc mở mang Nước Chúa. Trước nghĩa dày tình thâm ấy, các Thầy chỉ biết nói lên lời tri ân sâu nặng, ra sức đáp trả bằng đời sống “hiệp thông với Đức Cha và linh mục đoàn chăm sóc Dân Thiên Chúa trong việc phục vụ, giảng dạy và bác ái…”.

Đại lễ mừng kính Thánh Giuse và Phong chức phó tế của Giáo phận Thanh Hóa kết thúc trong tiếng hợp ca tạ ơn: “Đến muôn đời con cảm tạ ơn Chúa, đến muôn đời con ngợi khen Danh Chúa, muôn muôn đời con ca vang tình thương Chúa, và mãi mãi con nhớ công ơn Người…” (Đến muôn đời). Lời ca ấy còn vang vọng mãi trong tâm hồn mỗi người con của Giáo phận Thanh Hóa.

J.B Nguyễn Quốc Tuấn

(Khóa IX - Đại Chủng viện Vinh Thanh)

* Một số hình ảnh về Đại lễ:







 
Tổng Giáo Phận Hà Nội Mừng Lễ Thánh Cả Giuse
Trần Ngọc Huấn
05:19 20/03/2009
Hà Nội- Sáng 19/3, giáo dân, tu sĩ, chủng sinh, linh mục từ nhiều nơi tấp nập đổ về khu vực Nhà thờ Chính Toà và Toà Tổng Giám Mục Hà Nội để mừng lễ Thánh Giuse - bổn mạng Giáo tỉnh và Tổng Giáo phận Hà Nội. Thánh lễ được cử hành long trọng vào lúc 10h do Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt chủ sự. Cùng đồng tế với Ngài có Đức Cha phụ tá Lôrensô Chu Văn Minh và toàn thể linh mục đoàn trong Tổng Giáo phận

Nhà thờ Chính toà lại vang lên bài thánh ca trầm lắng, tha thiết như đã thành của riêng Hà Nội: “Khi nắng xuân về trên quê hương Việt Nam chúng tôi. Nơi nơi tưng bừng chào đón mừng lễ Thánh Giuse. Ví chính ngày này năm xưa các thầy truyền giáo đã đem Tin mừng cho chúng tôi…”.

Khoảng 9 h, trong tinh thần gia đình, Linh mục Đoàn Hà Nội đã mừng lễ Quan Thầy Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, tại phòng khánh tiết Toà Tổng Giám Mục.

Đức cha Lôrenxô Chu Văn Minh nói đây là cuộc tụ họp trong tinh thần vâng phục và yêu mến để chúc mừng Đức Tổng Giám Mục. Ngài cũng cầu chúc cho Đức Tổng Giám Mục, người chủ gia đình, dẫn đưa Tổng Giáo Phận vượt qua khó khăn thử thách.

Đức Tổng Giám Mục cảm ơn và mừng lễ toàn thể các linh mục, đặc biệt là các linh mục mang thánh hiệu Giuse. Ngài bày tỏ sự cảm động khi thấy Linh mục Đoàn hiện diện đông đủ, chứng tỏ sự hiệp nhất sâu xa trong Tổng Giáo Phận.

Ngỏ lời với các linh mục, Đức Tổng Giám Mục nói rằng: Thánh Giuse đã giúp Chúa Giêsu du hành từ trời xuống đất truyền giáo thành công, hy vọng dưới sự bảo trợ của Thánh Nhân công cuộc truyền giáo trong Tổng Giáo Phận sẽ tiếp tục phát triển.

Khoảng 10 h thánh lễ đồng tế trọng thể được cử hành ở Nhà thờ Chính Toà do Đức Tổng Giám Mục chủ sự, đồng tế có Đức cha Lôrenxô, Giám mục Phụ tá và các cha trong Linh mục Đoàn Hà Nội và các cha giáo sư Đại Chủng viện Hà Nội.

Mở đầu thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục gợi lại vai trò quan trọng của Thánh Cả Giuse đối với Giáo Hội Miền Bắc trong quá khứ và hiện tại, từ đó ngài mời gọi mọi người hiện diện tích cực truyền giáo, nhân dịp kỷ niệm 350 năm Toà Thánh thiết lập 2 giáo phận đầu tiên ở Việt Nam và cử 2 đức giám mục coi sóc.

Ngài cũng mời gọi cầu nguyện cho Giáo tỉnh Hà Nội, cho Tổng Giáo Phận Hà Nội, cho Đại Chủng viện Hà Nội, cho Dòng MTG Hà Nội, cho Giáo xứ Chính Toà Hà Nội và cho mọi người nhận Thánh Giuse làm Quan Thầy.

Trong bài giảng, Đức Tổng Giám Mục cho thấy Thánh Cả Giuse là một con người vâng theo thánh ý Chúa, chấp nhận hoàn cảnh, luôn bình tĩnh, bình tâm, bình dân và bình an, vượt qua bóng tối tới ánh sáng, vượt qua thất bại tới thành công, góp phần làm thành công công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu.

Đức Tổng Giám Mục cũng mời gọi mọi người hiện diện noi gương Thánh Giuse, không sợ hãi trước những khó khăn nguy khốn, dám chấp nhận để Chúa dẫn đưa qua những ngả đường mình không ngờ tới và phó thác cuộc đời cho Thánh Giuse và cầu xin Người gìn giữ chúng ta an toàn.

Đức cha Phụ tá Lôrenxô Chu Văn Minh, Đại diện các thành phần dân Chúa, chúc mừng Đức Tổng Giám Mục. Ngài nói “Thánh Giuse đã hoàn thành mọi công việc Chúa giao và Đức Tổng Giám Mục cũng đã kiên cường bảo vệ đức tin và giữ gìn Giáo Hội của Chúa vượt qua những cam go, thử thách”.

Ông đại diện giáo dân của Giáo xứ Chính Toà cũng chúc mừng Đức Tổng Giám Mục nhân ngày lễ Quan Thầy và cầu xin cho Đức Tổng Giám Mục “chu toàn sứ vụ mục tử, làm sáng danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn, dẫn dắt Tổng Giáo Phận đạt được những ước nguyện bao ngày chờ mong”.

Đức Tổng Giám Mục đã rất cảm động khi thấy được Đức cha Phụ tá, các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và anh chị em giáo dân quây quần mừng lễ ngài. Một cách khiêm tốn, ngài nói ngài cũng cảm thấy mình bất xứng vì vậy xin mọi người hiện diện cầu nguyện cho ngài, để ngài được Chúa hướng dẫn, để Chúa có đánh thức ngài giữa đêm khuya thì ngài cũng chu toàn sứ vụ.

Trước khi ban phép lành cuối lễ, Đức Tổng Giám Mục chúc mừng lễ mọi người hiện diện, nhất là những người nhận thánh Giuse làm Quan Thầy. Ngài cũng nói lên sự vui mừng vì Tổng Giáo Phận đã nhận được ơn rất lớn lao mà Giáo hội hằng ngày cầu nguyện trong Thánh Lễ ấy là ơn hiệp nhất và bình an./.
 
Giáo xứ Tuy Hòa Phú Yên mừng lễ thánh cả Giuse quan thầy và hội chợ thiếu nhi
LM. Giuse Trương Đình Hiền
05:30 20/03/2009
Năm nay, lễ Thánh Giuse, Bổn mạng của nhà thờ và giáo xứ Tuy Hòa không phải chỉ diễn ra trong võn vẹn ngày 19.3 như thường lệ; nhưng đã được nhân lên với những sinh hoạt đặc biệt vừa thêm phần long trọng cho cử hành phụng vụ vừa kích thích niềm hân hoan và ý thức "mục vụ Bổn Mạng" cho cộng đoàn giáo xứ. Đó là các sinh hoạt "tiền thân" như: Hội Chợ Thiếu Nhi (Chúa Nhật 15.3) Họp mặt ngày Truyền thống sinh viên Huệ Trắng (14-15.3), xổ số mừng Bổn mạng và hổ trợ trùng tu nhà thờ (đêm 18.3) và sau cung với chương trình Thánh lễ và Diễn nguyện kết thúc vào chính buổi chiều ngày 19.3 (XIN XEM HÌNH ẢNH). Hy vọng với chương trình sinh hoạt mừng bổn mạng dịp lễ Thánh Cả Giuse năm nay sẽ động viên anh chị em giáo dân trong toàn giáo xứ càng ngày càng ý thức hơn trách nhiệm tham gia xây dựng cộng đoàn và nỗ lực biến cộng đoàn giáo xứ thành một lời chứng sống động về tình hiệp thông huynh đệ, về sứ mạng Tông Đồ truyền giáo và về niềm vui và hạnh phúc của đại gia đình con cái Thiên Chúa.

HỘI CHỢ THIẾU NHI

Trong cái nắng ban mai vừa chớm hạ, khuôn viên nhà thờ, đặc biệt tại khu vực công viên Thánh Tâm, đã rộn ràng âm thanh và tấp nập bóng dáng của hàng trăm thiếu nhi đổ về các gian hàng hội chợ mừng lẽ thánh Giuse, Bổn mạng giáo xứ và nhà thờ Tuy Hòa. Được biết, sáng kiến "mở hội chợ thiếu nhi" xuất phát từ ý định quà tặng dành cho các thiếu nhi chăm siêng tham dự thánh lễ. Chương trình nầy đáng lẽ được thực hiện trong sinh hoạt mục vụ mừng Xuân. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Hội Đồng mục vụ giáo xứ, sinh hoạt "hội chợ thiếu nhi" được dành lại để gia tăng bầu khí hân hoan và lễ hội trong dịp mừng Bổn Mạng nhà thờ và giáo xứ dịp đại lễ Thánh Cả Giuse. Vì thế, chương trình Hội Chợ được tổ chức vào Chúa Nhật 15.3, tức trước lễ Thánh Giuse 4 ngày, như một chương trình "tiền trạm". Trong không gian hội chợ hôm nay, các em được tham gia các gia hàng giải trí giả đơn nhưng đầy hào huwgs như: Đi cầu treo, Đua ngựa, Lô tô, Ném cổ chai, ném lon, Câu cá. Nhờ các vé thu được khi tham dự Thánh lễ, hoặc nếu ai không có, có thể mua vé, các em đã tham gia tích cực và hào hứng các gian hàng trò chơi với phầ thưởng là các chiếc vé trúng thưởng được đổi lấy các món quà nơi gian hagf của các nữ tu mà các em rất thích thú như sửa bịch, bánh bích-quy, bánh mì, kẹo thơm, côcacôla... Chương trình kết thúc vào khoảng 12 giờ trưa, hy vọng đã để lại trong tâm hồn các em một dư âm vui tươi và lòng yêu mến nhà thờ, yêu mến Giáo Hội và siêng năng hơn trong việc học hỏi giáo lý và tham dự thánh lễ
 
Mái ấm Nhân Ái, Đồng Lác - Nha Trang
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
13:51 20/03/2009
NHA TRANG - Chúng tôi đi hơn 300km, dự lễ khấn dòng MTG Nha trang. Ghé thăm Mái Ấm Nhân Aí thuộc Thôn Thống Nhất, Xã Cam Phước Đông, Cam Ranh, Khánh Hòa. Đây là cơ sở nuôi dạy trẻ em mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh thương tâm. Các Nữ tu thuộc Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang điều hành.

Từ Thị trấn Ba Ngòi rẽ vào Phú Nhơn 7 km, Mái ấm Nhân Ái ẩn khuất giữa cánh đồng lúa ngát một màu xanh. Địa danh Đồng Lác nghe thật lạ tai. Giáo xứ Đồng Lác có 12.000 giáo dân. Miền quê êm đềm, ruộng đồng trù phú mênh mông. Một dãy núi dài bao bọc xóm đạo gần như toàn tòng. Mái ấm cách Nhà thờ một cánh đồng lúa xanh mướt.

Mái ấm được thành lập năm 1995. Khi các Nữ tu đến miền đất này giúp giáo xứ, nhận thấy nhiều trẻ em có hoàn cảnh đáng thương cần được trợ giúp nuôi dạy. Các em mồ côi, bị bỏ rơi, tàn tật, các em có hoàn cảnh khó khăn như cha mẹ ly hôn phải lang thang kiếm sống. Tình thương của người mẹ hiền như động lực thúc đẩy các Nữ tu đi tìm và đem về. Quy tụ lại thành lớp để chăm sóc nuôi dạy. Làm sao cho các em được ăn học, được vui chơi ? Làm sao cho cuộc sống các em được ổn định, có chổ ăn chỗ nghĩ, làm sao để các em có tương lai ? Những thao thức, những trăn trở đi vào tâm tư, quyện vào những lời kinh nguyện hàng ngày của các Nữ tu. Chúa đã thương và chúc lành. Mái ấm hình thành theo ước nguyện.

Nữ tu Êlizabeth Nguyễn Thị Bảo Quyên phụ trách Mái ấm cho chúng tôi biết, hiện nay Mái ấm đã đón nhận 70 em mồ côi, 8 cụ già neo đơn. Chúng tôi đến thăm ban chiều, có hơn 30 bé mẫu giáo chào đón vui nhộn. Các em học sinh đang đi học về, ngoan và lễ phép. Nơi đây, các em được ăn uống đầy đủ dưỡng chất. Các Y, Bác Sĩ đến khám sức khoẻ định kỳ. Các em được đến trường phổ thông khi đến tuổi. Những em thiểu năng được các Nữ tu dạy kèm tại cơ sở. Các em được học giáo lý, học chữ, học đàn Organ, học cắm hoa… Sau các giờ học đều có giờ chơi, các em vui nhộn chơi bóng rỗ, cầu lông, nhảy dây, bắn bi, chạy nhảy nô đùa. Có những em học hết chương trình cấp III, được các Nữ tu giúp đỡ học tiếp lên cao đẳng, trung cấp. Mùa hè các em từ 13 đến 16 tuổi được gởi đi học nghề, học thêm nghề đan lát, thêu, may. Từ đó, khi đủ tuổi, khá tay nghề, các em có công ăn việc làm sẽ hoà nhập với cộng đồng và khởi đầu một cuộc sống mới trưởng thành tự lập.

Nhìn các em hạnh phúc vui tươi, tôi thấy Mái ấm là một gia đình. 8 Nữ tu như những mẹ hiền chăm sóc tận tuỵ đàn con đông đảo. Có 7 em đang học cấp III, 18 em học cấp II, 21 em học cấp I, 3 em thiểu năng tâm thần, và thêm mấy người mẹ lỡ lầm cùng các con nhỏ, tất cả làm nên một gia đình thật đặc biệt. Ban tối cả nhà quy tụ bên đài Đức Mẹ đọc kinh lần chuỗi. Sáng sớm khi chuông Nhà thờ đỗ, cả nhà thức dậy cùng đi lễ. Chan hoà tình thương, ấm áp lòng đạo đức, gia đình mái ấm đang đào tạo những con người nhân nghĩa.

Qua 14 năm hoạt động, Mái ấm đã giúp rất nhiều em trưởng thành để vào đời. 12 em đã có nghề nghiệp trở về giúp gia đình, 1 em đã là thợ kỷ thuật và là kế toán Cơ sở Sông Mây, 2 em đang học đông y, 1 em người dân tộc Êđê đang là Tập sinh năm 1 dòng MTG Nha trang, 4 em đang học tại Trường Cao Đẳng TW II Nha Trang, 2 em đang theo học tại Trường Cao Đẳng Sư Phạm Lớp Trung cấp Mầm non, Bình Thuận.

Ngoài công việc chăm sóc Mái ấm, các Nữ tu còn giúp đỡ cho 25 gia đình người cùi của 3 làng dân tộc Rắclây. Giúp học bổng cho các em Dân tộc. Hơn 150 gia đình anh em Dân tộc nghèo sống dưới triền núi cũng được các Nữ tu tận tình nâng đỡ. Hàng tháng họ được giúp gạo, mì gói, áo quần. Mỗi tuần Các Nữ tu chở nước tinh khiết đến cho họ đựoc dùng nước sạch.

Công việc bác ái thật bề bộn. Việc nhà thờ cũng chu toàn tươm tất. Các Nữ tu đảm trách ca đoàn, dạy giáo lý, các lớp ơn gọi. Việc nhà thờ nâng đỡ việc bác ái.

Chăm lo cho gia đình Mái ấm, lại thêm nhiều công việc xã hội. Để có kinh phí hoạt động trong những năm qua, Dì Quyên cho biết cộng đoàn cùng với các em lao động. Làm ruộng 7 sào lúa 3 vụ. Cơ sở Sông mây, gia công sản phẩm từ mây tre lá góp thêm thu nhập. Cơ sở tạo thêm công ăn việc làm cho người nghèo trong vùng. Máy lọc nước tinh khiết Thiên Thảo, phục vụ cho dân trong địa phương cũng đem lại chút ít lợi tức. Chi phí cho mọi sinh hoạt phần lớn nhờ công sức lao động tự làm ra của cả cộng đoàn. Các ân nhân cũng thương giúp đỡ nên Mái ấm đã đem lại nhiều lợi ích cho người nghèo. “Tiếng lành đồn xa”, nhiều nơi tìm đến gởi các em bất hạnh. Các bệnh viện gọi đến nhận bé mới sinh vừa bị mẹ bỏ rơi. Các người mẹ trẻ lầm lỡ cũng tìm đến để dưỡng thai rồi sinh nở “mẹ tròn con vuông” trong tình thương của các Nữ tu.

Trong khuôn viên Mái ấm với diện tích 6000m2 chỉ có mấy dãy nhà đơn sơ đã xuống cấp. Dì Quyên đang ước mơ có thêm những phòng ngũ phòng học cho các em. Dì tâm sự rằng, con nhỏ mình lo một, con lớn mình phải lo mười. Lo cho các em từ cái ăn cái cái mặc đến chuyện học hành rồi lo cho các em vào đời để có một tương lai. Những nổi lo của người mẹ mang đậm dấu ấn một tấm lòng chan chứa tình mẫu tử. Nghe nổi lòng yêu thương ấy, tôi nhớ một câu nói của Trịnh Công Sơn. Khi được hỏi rằng: “điều gì là cốt yếu trong cuộc đời của một con người?”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, một nhạc sĩ viết rất nhiều về tình yêu và thân phận con người, đã trả lời: “điều cốt yếu trong cuộc đời của một con người là tấm lòng và sống có một tấm lòng”.

Giữa cuộc đời hôm nay, Tình Yêu Giêsu thể hiện nơi bóng dáng các Nữ tu đang gặp gỡ bao người đói rách nghèo hèn, đang chăm sóc các trẻ em bất hạnh. Đem yêu thương đến với các tâm hồn đau khổ, đem niềm tin và hy vọng đến những ai thất vọng chán chường, đem hạnh phúc an vui đến cho những ai bơ vơ lạc lõng. Như thế, Sống đạo là sống yêu thương phục vụ. Sống đạo là đi theo con đường Chúa Giêsu đã đi, sống như Chúa đã sống. Tu là cõi phúc đúng nghĩa nhất như Chúa Giêsu đã nói: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình và vác thập giá hàng ngày mà theo Thầy”. Khi kêu gọi các môn đệ Chúa không hứa một cõi phúc an nhàn cho bản thân. Theo tâm tình của Chúa Giêsu, sống đời tu là từ bỏ mình, vác thập giá, là thái độ dấn thân trên mọi nẻo đường phục vụ. Sống đạo là sống theo Chúa Kitô, sống như Chúa đã sống, làm người và sống giữa mọi người để yêu thương mọi người, đồng bàn chia sẽ bánh ăn với những người nghèo khó (x.Lc 15,1-2), chia sẽ gánh nặng của anh em (x.Mt 11,28-30), chữa lành những thương đau, phục sinh thể xác và tâm hồn con người.

Công việc bác ái xã hội chẳng phải là việc nhẹ nhàng. Gian nan vất vả xuôi ngược để lo toan cho người kém may mắn. Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì gian khổ sẽ dành phần ai? ( Một đời người một rừng cây, Ns Trần long Ẩn). Chọn việc bác ái giúp người là chọn phần gian khổ với cả trái tim và tình yêu Chúa Kitô.

Chia tay Mái ấm nhân ái, chúng tôi ước mong các ân nhân xa gần quãng đại trợ giúp đỡ để những công việc nhân ái của các Nữ tu góp thêm tình yêu Giêsu cho cuộc đời hôm nay.
 
6 nữ tu thuộc Hội Dòng Ánh Sáng Phúc Âm được tuyên khấn lần đầu
Tá Chúc
14:42 20/03/2009
SAIGÒN - Sáu nữ tu của Hội Dòng Ánh Sáng Phúc Âm được tuyên khấn lần đầu. Các chị như những ngọn nến tỏa chiếu làm rực rỡ thêm hương hoa cho những hứa hẹn đầy sức sống của ơn gọi tại Việt Nam.

Sáng nay, lúc 9 giờ00 ngày 20 tháng 03 năm 2009, tại Tu Viện Dòng Tên Sài Gòn, cha Giám tỉnh dòng: Tôma Vũ Quang Trung đã chủ sự thánh lễ tuyên khấn cho các Nữ tu: Maria Trần Thị Lan, Maria Nguyễn phương Thảo, Maria Phạm thị Tiên, Maria Nguyễn Thị Thùy vân, Maria Hòang nguyễn Tường Vy và Têrêxa Trần thị Phương Thủy.

Chúc cho các Chị luôn trung thành đi theo Đức Giêsu.
 
Phỏng vấn linh mục nhà văn Nguyễn Trung Tây
Thúy Dung
14:58 20/03/2009
Trong một thập niên qua, quý vị độc giả của VietCatholic, của các báo Dân Chúa và cả những báo ngoài đời như Làng Văn, Hợp Lưu, Văn Học đã được thưởng thức hàng loạt những tác phẩm đặc sắc của một linh mục nhà văn. Ngài viết rất nhiều và viết rất nhanh.

Những tác phẩm tiêu biểu như Quán rượu nửa đêm, những cơn mơ và giấc mộng, chuyện của bố và con, hai đám tang cho những người đã chết, miss Sàigòn phận Việt Nam, thằng linh thằng lượm vân vân cho thấy cái nhìn tinh tế của tác giả về phong hóa, gia đình, xã hội, đất nước, tuổi thơ và con người. Những tác phẩm của ngài dù được viết với giọng văn đầy dí dỏm, khôi hài vẫn để lại trong lòng người đọc những suy tư trăn trở về văn hóa, gia đình, xã hội, đất nước và ý nghĩa của kiếp người.

Trong bài phóng sự này, VietCatholic xin giới thiệu với quý cha và anh chị em linh mục Nguyễn Anh Quang, tức nhà văn Nguyễn Trung Tây.

Linh mục nhà văn Nguyễn Trung Tây thuộc dòng Truyền Giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago. Hiện nay ngài đang làm Giáo sư Kinh Thánh tại Đại Học Thần Học Yarra Theological Union, Melbourne, Úc Châu.

Phóng sự này được thực hiện nhân dịp ngài giảng tĩnh tâm Mùa Chay tại Tây Úc.
 
Hành trình một linh mục Việt Nam đầu tiên của giáo phận Osaka Nhật Bản
Huỳnh thế Hy SB71
15:17 20/03/2009
OSAKA, NHẬT BẢN - Mùa hè năm 1981, chiếc thuyền con mong manh chở 34 con người, già trẻ lớn bé, phát xuất từ một làng chài ở Vũng Tàu đi tìm tự do. Hầu hết những người trên con tàu này xuất thân từ giáo xứ Kim Châu- Ban mê Thuột, một khu vực tập trung những người di cư có đời sống đức tin vững mạnh. Trong đó có một thiếu niên 15 tuổi.

Photos: Nguyễn văn Tuynh
Không ai ngờ... chuyến ghe trở nên kinh hoàng... thê thảm khi lênh đênh hơn 40 ngày trên biển.

Bao nhiêu tàu đi qua nhưng không đoái hoài, cũng không cho được một miếng nước. Từng người, từng thây người chết đói... chết khát được vứt xuống biển. Ban đầu người sống còn nước mắt cho người chết... sau đó thì không còn một giọt nước mắt nào cho nhau... người họ đã cạn nước và nghĩ rằng trước sau gì cũng đến phiên mình.

Tuy nhiên, tiếng cầu kinh vẫn cất lên không một lời oán than Thiên Chúa... Ngày thứ 41, anh R. Trưởng thuyền... cũng là anh ruột của cậu trai 15 tuổi thều thào với mẹ, vợ và những đứa em: -Con sắp ra đi, con có lỗi với Chúa, với mọi người... là đã không đưa tất cả đến được bến bờ bình an. Tuy nhiên sau khi con chết, những người còn lại sẽ được tàu đến cứu.

Nói xong anh R. nhắm mắt Cậu thiếu niên... lấy chút sức lực còn sót lại, cùng mọi người thả xác anh nhẹ nhàng xuống biển. Dường như không nỡ bỏ hai đứa con và cái bào thai nhỏ bé đang trong bụng vợ... Anh R. nhấp nhô người dọc thẳng theo làn nước, bám theo con thuyền; một hồi rồi mới trôi ra xa.

Nửa tiếng sau, một chiếc tàu lớn tiến lại chiếc ghe đang vật lộn cùng sóng biển... mọi người không còn sức mà vẫy tay ra hiệu kêu cứu. Những đứa bé nhanh chóng được bế lên tàu, cậu thiếu niên cũng được đưa lên theo. Trong đầu cậu văng vẳng tiếng cầu kinh, tiếng người anh đã mất, và dường như trong cơn mê man cậu hình dung được con đường tiếp nối mà đấng trên cao đã sắp đặt.

Đúng như anh R. đã trăn trối... anh là người cuối cùng trong chuyến ghe 10 người chết. Sau này người viết được biết trong những người ra đi vĩnh viễn, còn có cậu H. là em của Cha T. Giáo xứ Giang Châu.

Số người sống sót được chuyển tới một cảng thuộc miền Bắc Nhật Bản; nhanh chóng trở thành một tin lớn truyền khắp cả xứ Phù Tang và trong cộng đồng còn rất nhỏ bé của ngưởi Việt Nam. Cha Harrie, giám đốc trại tị nạn Caritas-Himeji ở miền Nam, vội đi đón họ để đưa về trại. Gương mặt và ánh mắt của hơn 20 con người vẫn còn thất thần... dường như họ chưa cảm được cái hạnh phúc tồn tại sau chuyến đi vì những mất mát quá lớn.

Thời gian trôi qua... đại gia đình của cậu trai 15 tuổi định cư ở một thành phố gần Osaka, thuộc giáo xứ Sonoda. Người viết trở nên một thành viên của gia đình này. Hai anh em có nhiều cơ hội gần gũi, trò chuyện nhau nhưng chưa bao giờ người viết được cậu ta bày tỏ gì về dự định tương lai. Người trong nhà hoặc bạn bè đôi lúc đòi giới thiệu cô này, cô nọ, nhưng cậu chẳng tỏ vẻ hứng thú với chuyện lập gia đình. Có điều, thỉnh thoảng sau thánh lễ ngày Chủ Nhật, một bà sơ Nhật già tiến tới nói với cậu: “Chúa cho Sơ biết là đang gọi anh đó”... Nghe xong cậu ta chỉ cười trừ...

Cho tới năm 2001; đúng 20 năm sau chuyến ghe kinh hoàng, cậu mới thố lộ cùng gia đình, đã chuẩn bị hành trang để dâng mình cho Chúa. Ai nấy đều vui mừng mặc dù biết con đường trước mắt còn lắm nhiều khó khăn. Riêng người viết, từng là một tiểu chủng sinh, thì niềm vui đó còn kèm theo nhiều cảm xúc khó tả. Thế rồi chuyện đi tu theo dòng nào hoặc theo địa phận -mà VN còn gọi là Triều, được đặt ra... Vì thật sự với vốn liếng tiếng Nhật vừa đủ sống và tiếng Anh còn bập bõm, cậu phải cố gắng nhiều lắm mới đủ tiêu chuẩn để vào chủng viện. Nghe tin, người cha tinh thần Harrie phán một câu: “ Đi vào Dòng Thánh Tâm của cha, không cần phải biết nói tiếng Anh hay Nhật, chỉ cần hiểu và nghe được tiếng Chúa!

Cám ơn cha vô cùng.

Tuy nhiên, do sự thiếu hụt linh mục địa phận Osaka, cậu được nhận cách riêng với một năm đầu phải lên miền bắc giá lạnh Akita để thử thách. Ở đây sau những giờ lao động tay chân, trồng trọt trong tu viện, tân chủng sinh được học những điều căn bản, chuẩn bị cho chương trình triết-thần học trên đại chủng viện Tokyo. Những thú vui cá nhân bỏ lại, những lo toan đời thường gác qua... để chỉ còn con đường chông gai thánh giá đang chờ đợi trước mắt.

Thế rồi 6 năm trôi qua, cậu tân chủng sinh ngày nào trở thành phó tế Lưu Vĩnh Cửu. Cái tên cha mẹ đặt, dường như đã được Chúa sắp sẵn con đường và tình yêu nói lên sự vĩnh cửu của Ngài. Thầy Cửu rời khỏi nước Nhật để đi giúp xứ bên Philiippine một năm. Đầu năm 2009, thầy trở về và ngày 20-3... trong vòng tay yêu thương của gia đình, của giáo xứ Nhật đã đùm bọc, cậu thiếu niên của chuyến tàu định mệnh 28 năm trước, trở thành chứng nhân của Thiên Chúa; trở thành Linh mục Việt Nam đầu tiên của giáo phận Osaka và là linh mục triều đầu tiên xuất thân từ giáo xứ có truyền thống Sonoda.

34 người ra đi năm xưa với một bào thai nhỏ, sống sót 24 người... một số trong 24 người cũng đã về nước Chúa, trong đó có mẹ và chị của cậu... hai người thân hơn ai hết mong mỏi có mặt trong ngày trọng đại của đứa con –đứa em mình. Tuy nhiên thay vào đó là gần 1000, những người cha, người mẹ, anh em... con cháu trong giáo hội Chúa đã đến nhà thờ chính tòa Osaka để tham dự lễ tấn phong tân linh mục trong niềm vui tràn ngập.

Người viết cũng xin được gởi những dòng chữ này để chia sẻ niềm vui riêng của gia đình, của cá nhân, trong đó gói ghém ước mơ thầm kín của một “chú tiểu” ở ngôi trường Sao Biển những ngày còn thơ, xa lắc xa lơ.

Cầu xin Thiên Chúa với sự gìn giữ của Mẹ Maria, ban cho tân L.m Cửu thêm nhiều sức mạnh và can đảm, biết hy sinh cho tha nhân như người anh của Linh Mục đã xả thân bỏ mình trên biển cả năm nào.
 
Phát động-cầu nguyện cho VYC III: Hàng ngàn người sắp về Orange County
Trung Ðỗ/Người Việt
15:34 20/03/2009
SANTA ANA, California (NV) - Chỉ hơn ba tháng nữa thôi, giới trẻ Việt Nam khắp Hoa Kỳ và thế giới sẽ đổ về Orange County dự Ðại Hội Giới Trẻ Việt Nam, “Vietnamese Youth Convention” 2009. Ðêm Thứ Bảy 14 Tháng Ba vừa qua, Giám Mục Tod Brown, giám mục giáo phận Orange, đã đến Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, Santa Ana, để phát động và cầu nguyện cho kỳ đại hội lần thứ 3 này.

GM Tod Brown phát động Ðại Hội GTVN 2009 Photo: Trung Ðỗ
Giám mục lặp lại lời cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trước mối băn khoăn âu lo của giới trẻ Ðông Âu dưới thời Cộng Sản các thập niên trước, “Be Not Affraid,” để khuyến khích giới trẻ Việt Nam trên toàn thế giới: “Hãy vươn lên, đừng sợ.”

Lời nhắn nhủ này cũng là chủ đề của kỳ đại hội, viết tắt “VYC III,” sẽ chính thức tổ chức từ 9 giờ 30 sáng Thứ Sáu 3 Tháng Bảy đến 4 giờ chiều Chủ Nhật 5 Tháng Bảy, tại trường CSU Long Beach, Nam California.

Bên cạnh hàng chục cộng đoàn, tổ chức giới trẻ khắp miền Tây Nam Hoa Kỳ, anh Nguyễn Mạnh Chí thuộc Cộng Ðồng Công Giáo Orange đảm nhận trách vụ trưởng ban tổ chức, nhận xét về tinh thần chính của VYC lần này: “Chủ đề hướng về thanh niên Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, cổ động tinh thần đấu tranh với nạn bất công.”

Cũng tương tự như hai kỳ đại hội trước, năm 2003 tại UCI và năm 2006 tại UCLA, Ðại Hội Giới Trẻ Việt Nam 2009 quy tụ giới trẻ Việt Nam khắp Hoa Kỳ và mọi quốc gia trên thế giới, nhưng lần này còn để cử hành đức tin được thừa hưởng từ các anh hùng tử đạo Việt Nam.

Ðiều đặc biệt nữa, “Ðại hội 2009 cũng nhằm chia sẻ kinh nghiệp hội nhập đức tin vào các môi trường văn hóa khác biệt,” theo trưởng ban tổ chức VYC 2009.

Anh Nguyễn Mạnh Chí nói ban tổ chức hy vọng rằng sau đại hội mọi người sẽ ra về với tinh thần mạnh mẽ, can đảm và tự tin, đúng như khẩu hiệu “Be Not Affraid: Name, Claim and Proclaim your Faith.”

Như thường lệ ba năm một lần, đại hội quy tụ giới trẻ Việt Nam trên toàn nước Mỹ và một số thanh niên các nước khác. Ban tổ chức cho biết kỳ 1 và 2 đã có nhiều thanh niên ở Canada, Úc, Ðức và cả Việt Nam qua dự.

Giám Mục Tod Brown đã chủtọa buổi chầu Thánh Thể cùng hàng trăm người tham dự buổi lễ phát động đại hội, để hiệp thông và cầu nguyện cho cuộc họp mặt giới trẻ sắp tới được nhiều thánh ân và sức sống từ Chúa Thánh Thần.

Ðêm phát động vào cuối tuần qua cũng nhằm mục đích xin hỗ trợ hầu có thể tổ chức kỳ đại hội với quy mô hàng ngàn tham dự viên. Hai kỳ trước, ban tổ chức thống kê có khoảng 4,000 bạn trẻ về dự. Năm nay trúng thời điểm kinh tế toàn cầu sa sút, nhưng họ vẫn chuẩn bị tinh thần đón tiếp hàng ngàn người từ khắp nơi trên thế giới.

“Tiến trình ghi danh đã khởi sự, từ nay đến Tháng Bảy chúng ta hy vọng có đông thành viên trẻ từ các nước khác ghi danh,” anh Nguyễn Mạnh Chí nói với báo Người Việt.

Không chỉ đơn thuần là dịp vui, quy tụ giới trẻ Công Giáo Việt Nam khắp nơi, đại hội còn là trách vụ nặng nề của cộng đồng Công Giáo Tây Nam Hoa Kỳ. Linh Mục Ðinh Ngọc Quế đại diện cho khu vực, nói rằng “Ngoài Tây Nam Hoa Kỳ ra, hiện tại vẫn chưa tìm ra vùng nào đủ mạnh và vững để tổ chức.” Linh mục kêu gọi toàn thể tu sĩ và giáo dân miền Tây Nam ủng hộ tối đa về tài chánh lẫn tinh thần cho đại hội, nêu mẫu gương cho giới trẻ không chỉ trong phạm vi Hoa Kỳ mà còn trên toàn thế giới.

Theo tài liệu ban tổ chức, “VYC dành cho mọi người trẻ từ 16 tuổi trở lên (dưới 18 tuổi cần có phép của phụ huynh). Trong ba ngày đại hội, những người tham dự sẽ cùng nhau thể hiện cuộc hành trình thiêng liêng, kết thân... rồi khi trở về nhà trở nên nhân chứng của Chúa Kitô.”

Văn Phòng Giới Trẻ thuộc Cộng Ðồng Công Giáo Orange đứng ra điều hành tổ chức đại hội, sẽ diễn ra nhiều phần bằng song ngữ Anh-Việt, với các thuyết trình viên nổi tiếng, và cố vấn pháp luật của Luật Sư Nguyễn Quốc Lân.

Bên cạnh nhóm tuyên úy là năm linh mục, một sư huynh Lasan, và hai nữ tu, đại hội còn có hội đồng cố vấn gồm Giám Mục Mai Thanh Lương, linh mục giám đốc Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Nguyễn Uy Sỹ, nhiều linh mục cộng tác, ban chấp hành miền Tây Nam Hoa Kỳ, ban chấp hành Liên Ðoàn Công Giáo, Cộng Ðồng Công Giáo Orange, và ban chấp hành các cộng đoàn Việt Nam.

Có thể ghi danh tham dự đại hội tại trang mạng www.GioiTre.org hoặc qua e-mail vyc@GioiTre.org. Cũng có thể liên lạc qua số điện thoại 714-893-3441 hoặc fax 714-893-3443.

Cư dân tại Orange County có thể đến trụ sở ban tổ chức để hỏi thêm tin tức: 14971 Chesnut Street, Suite B, Westminster, CA 92683.

Các đề mục quảng cáo, tài trợ đại hội đủ loại từ $75 đến $10,000. Các mạnh thường quân hoặc cơ sở thương mại có thể liên lạc giám đốc tài trợ Van Tuong Bui 929-554-7190, e-mail vantuongbui@gioitre.org, hoặc giám đốc tài chánh Mike Vu 714-728-4383, e-mail mikevu@gioitre.org.

Ban tổ chức kêu gọi giới trẻ khắp năm châu hãy đến với đại hội VYC III để một lần gặp gỡ nhưng luôn mãi là kỷ niệm một thời, để nhận thấy “Ôi bao la tình Chúa,” để dấu ấn tình yêu Kitô luôn in hằn trong trái tim mình, và để tìm lại nguồn bình an thật sự nơi mỗi người trẻ chúng ta. (T.Ð.)

(Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=92279&z=1)
 
Tĩnh Tâm Ephata cho lớp Thêm Sức GX Chúa Kitô Vua – Fort Worth – Texas
Nguyễn Diễm Trang
15:55 20/03/2009
Tĩnh Tâm Ephata cho lớp Thêm Sức GX Chúa Kitô Vua – Fort Worth – Texas

“Ephata, be opened…! Ephata, hãy mở ra…! Ephata, be opened…! hãy mở ra…!”

Ba ngày tĩnh tâm trôi qua mà trong tôi cứ vang dội mấy chữ “Ephata, be opened…!” tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng mạnh mẽ và đầy ấn tượng.

Ephata là tên gọi được lấy từ kinh thánh, có nghĩa là “hãy mở ra!”. “Ephata” ở đây được dùng làm tên gọi một khóa tĩnh tâm đặc biệt dành riêng cho các em lớp Thêm Sức vào độ tuổi từ 15 trở lên. Tĩnh tâm Ephata giúp các em chuẩn bị tâm linh để đón nhận Chúa Thánh Thần và đồng thời sắm sửa hành trang đức tin giúp các em bước vào đời. Những mục tiêu chính của Ephata:

1. Mở rộng tâm hồn để tìm kiếm Chúa trong mọi người và trong cuộc sống.

2. Trưởng thành trong yêu thương, đức tin, và phục vụ.

3. Ý thức sự hoạt động của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống hằng ngày.

Ngoài ra, Ephata còn nhấn mạnh đến mối liên hệ tình thương của cha mẹ đối với con cái mà lâu nay các em đã không nhận ra. Khóa này yêu cầu phụ huynh cần tham dự một giờ huấn đức của cha linh hướng hầu giúp những phu huynh đang gặp khó khăn trong việc giáo dục con em mình. Nhờ đó quý phụ huynh hiểu chúng nhiều hơn, giúp chúng sống tốt hơn và trở nên những người con ngoan của Chúa, Giáo Hội, và gia đình.

Weekend 13 - 15/3/09 vừa qua với khí trời dịu mát, đoàn chúng tôi gồm 16 thầy cô giáo lý viên và 34 hs lớp chuẩn bị thêm sức đã đến Glen Rose, TX thực hiện một cuộc hành trình “Ephata”. Khóa đã đạt được nhiều thành quả tốt đẹp dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần. Người điều khiển xuyên suốt chương trình là anh Nguyễn Nhật đến từ Houston, TX và linh mục linh hướng của khóa tĩnh tâm là cha Nguyễn Việt Hưng khả kính thuộc Dòng Tận Hiến, Baton Rouge, Louisianna.

Ngày đầu tiên, sau giờ cầu nguyện khai mạc, các em được tham gia sinh hoạt đề tài “Trust Walk”, nhằm mời gọi các em cố gắng vượt qua những chướng ngại vật trong cuộc sống thường ngày để bước vào sa mạc tâm hồn trong tin yêu và phó thác. Chỉ trong thinh lặng các em mới có thể tìm gặp được Chúa, lắng nghe tiếng Ngài và để Ngài hướng dẫn đời mình. Tiếp theo Cha linh hướng chia sẻ đề tài “I’m blinded”: Chúng ta không bị mù về thể xác, nhưng ít nhiều chúng ta mắc bịnh mù tâm linh. Chúng ta cần một cuộc Ephata để được mở mắt ra, hầu nhận thức được những ơn cao trọng mà Chúa ban cho mỗi người chúng ta và nhận ra những yếu đuối, lầm lỗi trong cuộc sống hằng ngày để sửa đổi và nên tạo vật mới.

Ngày tĩnh tâm thứ hai bắt đầu với giờ kinh sáng Taizé và suy niệm “The Master is coming”. Buổi sáng các em được mời gọi tìm hiểu chính mình và người khác qua sinh hoạt “Rock Identification” và được Cha Việt Hưng dẫn dắt đề tài “You are the Rock”: Không hòn đá nào giống hòn đá nào, mỗi người là một tạo vật đặc biệt Thiên Chúa dựng nên, chúng ta không nên so sánh hơn thua với người khác để quá tự cao hoặc là tự ti, nhưng hãy bước vào đời với cái thực tại Chúa trao ban cho mình. Buổi trưa các nhóm thi đua nhau diễn những vở kịch ngắn để liên hệ thực tế cuộc sống vào những điều các em được hướng dẫn. Có đến với Ephata chúng ta mới thấy được sự hy sinh, chuyên cần cầu nguyện, tinh thần đoàn kết giúp nhau trong công việc của các em cao độ là dường nào!

Càng đi sâu vào tĩnh tâm, các em dường như càng chùn lòng xuống và mở trái tim ra. Các em được chiêm ngắm gương hy sinh và phục vụ của Chúa qua việc “Rửa Chân cho các Tông Đồ”. Các em được mời gọi để dấn thân phục vụ Chúa và tha nhân bằng việc rửa chân cho nhau, cho những người mình yêu mến đặc biệt và cho cả những người mình chưa yêu mến. Qua các câu chuyện minh chứng từ đời thường và qua việc rửa chân cho nhau, các em thực sự xúc động và được đánh động tâm hồn. Chúng tôi và các em được dịp trãi lòng mình ra, chia sẻ cảm xúc, nghẹn ngào, nức nở…Nước mắt cứ lăn dài và đọng lại trên môi má mỗi người, rồi chúng tôi thinh lặng đi vào bữa cơm gia đình thân mật với hoa, nến lung linh và tiếng nhạc êm đềm…Trong thinh lặng, chúng tôi thấy tâm hồn mình gần gũi với Thiên Chúa hơn và xích lại gần nhau hơn trong không khí gia đình đầy ắp yêu thương.

Việc làm không thể thiếu được trong các kỳ tĩnh tâm là làm hòa với Thiên Chúa và làm hòa với nhau. Sau khi đọc lá thư cha mẹ gởi cho mỗi người, các em được mời gọi xét mình cách trưởng thành hơn và thực sự thống hối vì đã sống xa Chúa và sống thờ ơ với tình yêu thương và lo lắng của cha mẹ dành cho mình bao lâu nay. Thánh Lễ hòa giải thật sự cảm động và vui mừng như người cha ôm hôn con mình sau bao ngày hoang đàng nay quay bước trở về. Ôi ngọt ngào thay, cảm động thay!

“Khi ta đến đất chỉ là nơi ở

Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn…”

Thật vậy, ba ngày tĩnh tâm sao mà qua nhanh thế? Khi đến Glen Rose, các em dường như không mấy thích thú để bước vào tĩnh tâm, nhưng rồi “ngày dài như đã vụt qua trong phút giây”, dù không muốn thì giờ chia tay cũng sắp đến. Mọi việc dường như bận rộn hơn, khẩn trương hơn. Buối sáng với giờ cầu nguyện Taizé theo đề tài “God speaking to you”, sau đó các em bước vào sinh hoạt “Gift Awareness”. Cha linh hướng mời gọi các em nhớ lại những ơn lành Chúa ban cho mình và gợi lên tâm tình biết ơn qua câu chuyện Phúc Âm Chúa chữa 10 người phong cùi nhưng chỉ có một người trở lại cám ơn Chúa. Sau đó các em được chơi trò chơi lớn chủ đề “Trên đường làng Emmau”. Trò chơi này rất vui nhộn và thu hút các em, giúp các em nhớ lại tất cả những điều đã được chia sẻ trong khóa tĩnh tâm cũng như trong lớp học. Bài học để lại qua trò chơi này là trong cuộc hành trình đức tin, chúng ta cần thinh lặng để nghe tiếng Chúa và trao trọn đôi tay cho Người dẫn dắt, chúng ta không độc hành nhưng cùng giúp nhau vượt qua mọi chướng ngại và dìu dắt nhau đi cho đúng hướng để tìm gặp được Chúa.

Khóa tĩnh tâm được kết thúc bằng Thánh Lễ Sai Đi vô cùng cảm động có cả sự hiện diện của cha mẹ các em. Cha trao cho mỗi em một Thánh Giá choàng vào cổ cũng là trao cho các em sứ mệnh hãy đi và làm chứng cho Tin Mừng: “Lạy Đấng tình quân con tôn thờ, con nay thuộc về Chúa, Chúa nay thuộc về con, mũi tên nào say đắm, bắn trúng con tim hồng, để từ nay con sống, là sống cho cho tình yêu, và dù cho con chết là chết cho, cho tình yêu…”. Thánh Lễ kết thúc trong hân hoan và sốt mến, lòng cháy bừng lửa tình yêu Chúa và ước muốn được phục vụ Ngài qua tha nhân.

Trở về nhà sau khóa tĩnh tâm, với một chút mệt mõi còn đọng lại, nhưng tôi rất vui vì nhìn thấy các em rất phấn khởi sau khóa tĩnh tâm. Tôi tin chắc, các em đã được Chúa Thánh Thần “chạm” (touched) đến mình và biến đổi các em nên mới mẻ hơn để xứng đáng đón nhận suối nguồn bảy ơn của Người. Sau này, có lúc nào đó trong cuộc sống nhiều chông gai và sóng gió, tôi tin chắc khi nhớ lại Ephata, các em không thể nào quên được mà sẽ luôn “be opened” để đón nhận tất cả, vượt qua tất cả và luôn đồng hành với Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời.

Nguyễn Diễm Trang
 
Giáo xứ Bắc Hải Hố Nai mừng lễ thánh Giuse
Giuse Khổng Hữu Nguồn
16:50 20/03/2009
GIÁO XỨ BẮC HẢI, HẠT HỐ NAI MỪNG LỄ THÁNH GIUSE 19.3

Chiều Thứ Năm 19.3.2009 Giới Gia Trưởng Giáo Xứ Bắc Hải, Hạt Hố Nai tổ chức kiệu rước Thánh Giuse bạn trăm năm Đức Maria. Đoàn rước đi một vòng quanh nhà thờ, vừa đi vừa hát và đọc kinh Thánh Giuse, sau cùng trở về Lễ Đài Thánh Giuse trong khuôn viên nhà xứ.

Mở đầu Thánh Lễ cha Đaminh Bùi Văn Án chánh xứ Bắc Hải ngỏ lời cùng cộng đoàn: “ Hôm nay cùng toàn thể Hội Thánh, chúng ta mừng lễ trọng kính Thánh Giuse quan thầy chung của Hội Thánh, của Giáo Hội Việt Nam, của Giáo Phận Xuân Lộc. Trong thánh lễ chiều nay, cộng đoàn phụng vụ chúng ta hân hạnh được đón cha cố Giuse nguyên chánh xứ đến đây để chủ sự thánh lễ, chúng ta mừng bổn mạng cha cố, bổn mạng Hội Dòng Mến Thánh Giá, của rất đông qúy ông anh em gia trưởng, các tổ chức, đoàn hội trong xứ … Xin cộng đoàn chúng ta vỗ tràng pháo tay thật to chúc mừng bổn mạng cha cố và mọi người mừng lễ hôm nay “.

Trong bài giảng, dù hơi sức có phần yếu mệt hơn năm ngoái, nhưng cha cố Giuse Phạm Ngọc Hoan cũng cố gắng chia sẻ với cộng đoàn:

Ông bà anh chị em thân mến ! Hôm nay chúng ta họp nhau nơi đây mừng lễ trọng kính Thánh Cả Giuse cha nuôi của Đấng Cứu Thế và là quan thầy chung của cả Hội Thánh toàn cầu.

Chúa Giesu khi xưa, hồi còn tại dương thế đã sống trọn tình hiếu thảo với thánh Giuse, chúng ta là con thánh cả Giuse, chúng ta cũng phải sống như thế theo gương Chúa Giesu, Thánh Giuse đã chăm sóc và bảo vệ Chúa Giesu, thì cũng thế Người chăm sóc bảo vệ chúng ta, là những người con yêu dấu của Người, nếu chúng ta hết lòng tin tưởng cậy trông nơi Người.

Ngày xưa, ông Giuse con ông Giacop đã được Vua Pharaon bên Ai Cập đề bạt làm quan tể tướng và trao quyền nắm giữ các kho lương thực trong nước, khi gặp thời đói kém, dân chúng cầu cứu nhà Vua, họ được nhà Vua dậy rằng: “ Hãy đền cùng Giuse “ do sự kiện này và do trùng tên Giuse, ông được coi như hình ảnh của thánh Giuse sau này.

Thánh Giuse được ví như Đấng quản lý các ơn của Thiên Chúa, chúng ta hãy đến với thánh Giuse để được Người ban các ơn cần thiết, thánh Giuse đã từng làm cho biết bao nhiêu người, nhiều sự lạ về mặt thiêng liêng tinh thần cũng như về mặt thể xác vật chất, Người cũng sẽ làm như thế cho những ai thành tâm chạy đến kêu cầu Người, chúng ta hãy đến cùng thánh cả Giuse, đó là chúng ta tỏ lòng tin tưởng cậy trông vào Người.

Trong bài kinh tiền tụng lễ kính thánh Giuse có câu như sau: “ Trong ngày lễ kính thánh Giuse chúng con cùng tung hô chúc tụng cha “. Việc chúng ta tôn kính thánh Giuse, đó là điều rất phù hợp với đường lối của Hội Thánh, chính Đức Giáo Hoàng Pio IX, ngày mùng 08.12.1870 đã công bố sắc lệnh Quemadmodum Deus, sau lại được xác nhận bằng Tông Huấn Inclytum Patriarcham ngày 07.7.1871. , đã nhận thánh Giuse làm quan thầy của cả Hội Thánh, hàng năm dành riêng hai lễ kính thánh Giuse 19.3 và 01.5.

Kinh tiền tụng lễ thánh Giuse hôm nay có lời nguyện “ Lạy Thiên Chúa toàn năng, vào lúc bình minh của thời đại mới, Chúa đã trao cho thánh Giuse bảo vệ các Mầu Nhiệm Cứu Độ, xin cho Hội Thánh Chúa luôn luôn nhớ lời cầu bầu của Thánh Nhân …”

Thánh Teresa Avila, một vị thánh rất thời danh có công cải tổ Dòng Camelo, đã ca ngợi thánh Giuse như sau: “ Đời tôi nhận thánh Giuse là Trạng sư và là quan thầy của tôi, tôi phó thác tôi cho thánh Giuse, tôi khấn Đấng Thánh Bảo Trợ là người Cha mình đã chữa tôi khỏi bệnh và giải quyết những khó khăn luôn luôn, những ơn lành Người ban cho tôi bội hậu hơn những gì tôi đã dám xin Người “.

Đối với các Thánh khác, dường như Chúa chỉ ban đặc ân cứu giúp cho một vài trường hợp cần thiết nào đó. Còn thánh Giuse Người luôn cứu giúp chúng ta trong mọi nơi mọi lúc.

Xưa Chúa Giesu ở dưới thế đã vâng phục Người, thì ngày nay ở trên trời Người xin điều gì Chúa cũng vẫn sẵn sàng nhận lời cầu xin. Vì lẽ đó Hội Thánh Việt Nam cũng đã nhận Người làm quan thầy. Năm 1627 hai Linh mục là cha Đắc Lộ Alexandre de Rhodes và cha Pierre Marquez đi tầu từ Ma Cao, Trung Quốc đến truyền đạo ở Đàng Ngoài.

Chúng ta biết rằng thời Trịnh Nguyễn phân tranh, nước Việt Nam bị chia đôi lấy sông Gianh thuộc tỉnh Quảng Bình làm ranh giới, giống như sông Bến Hải và Vĩ Tuyến 17 năm nào, từ sông Gianh trở ra gọi là Đàng Ngoài, và từ sông Gianh trở vào gọi là Đàng Trong, hai Linh mục nói trên đến Đàng Ngoài, con tầu phải trải qua một đêm sóng to gió lớn, trước khi dạt vào Cửa Bạng, tức là Ba Làng thuộc Tỉnh Thanh Hóa ngày nay đúng vào ngày 19.3.1627 ngày lễ kính thánh Giuse. Để ghi ơn thánh Giuse đã cứu giúp tới nơi bằng an đồng thời xin Ngài nâng đỡ công việc truyền giáo được coi như khởi đầu từ những ngày này, Cha Đắc Lộ Alexandre de Rhodes đã nhận Ngài làm quan thầy ngoài Bắc và gọi Cửa Bạng là cửa biển thánh Giuse.

Năm nay 2009 Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã lấy chủ đề “ Giáo Dục Gia Đình Kito Giáo “ chúng ta nói đến vai trò gia trưởng của thánh Giuse trong gia đình như thế nào, cũng như đức tin của Abraham đã làm nên dân tộc Israen, thì gia đình Nagiaret cũng được xây trên niềm tin của thánh Giuse. Thật vậy ! nếu không có lòng tin khi thấy bạn mình đã đính hôn mà lại có thai làm sao ông có thể chấp nhận được, nếu không có niềm tin nơi Chúa ! Làm sao gia đình Nagiaret có thể để Chúa Giesu trở nên con bác thợ mộc, nếu không có niềm tin ! Liệu thánh Giuse có thể duy trì gia đình êm ấm khi mà mối quan hệ vợ chồng ngay từ ngày đầu xem ra đã có vấn đề, và còn biết bao nhiêu sự việc xẩy ra trong đời sống gia đình thường ngày, điển hình như biến cố Chúa Giesu lạc mất trong Đền thờ năm lên 12 tuổi mà thánh sử Luca đã thuật lại. Sự tận tụy của cha mẹ làm sao không cảm thấy mủi lòng khi cất công đi tìm con mà lại được nghe một câu trả lời “ Sao cha mẹ tìm con ? “.

Qủa thế ! trong tất cả mọi sự thánh Giuse hoàn tất mọi việc chăm sóc gia đình của mình trong đức tin để rồi nhờ Chúa Giesu có thể hoàn tất sứ mạng của mình. Trong tinh thần làm người, Chúa Giesu đã học được những bài học căn bản đầu tiên về đời sống, về đức tin, về văn hóa từ nơi cha mẹ của mình với đường lối giáo dục trong đức tin nhờ vào sự vâng phục thánh ý của Thiên Chúa, cha mẹ của Chúa Giesu đã góp phần không nhỏ trong việc hoàn tất sứ mạng cứu thế, mà Thiên Chúa Cha muốn thực hiện nơi vị Ngôn sứ thành Nagiaret là Chúa Giesu.

Năm 1997 Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã tuyên xưng thánh Giuse là quan thầy Hội Thánh Việt Nam, và trong thư chung đề ngày 11.10.1997 đã viết như sau “ Nguyện xin ân sủng Đức Giesu Kito Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em, và xin thánh Giuse là quan thầy giáo hội Việt Nam luôn phù hộ cho chúng ta “.

Tưởng nên nhắc lại trong kinh kính thánh Giuse của địa phận Hà Nội có nhắc đến hai Linh mục đã đến Cửa Bạng để giảng đạo và đã nhận thánh Giuse làm quan thầy, trong lời kinh như sau “ Lạy kính ngày lễ ông thánh Giuse là Đấng làm thầy sang nước Việt Nam mà đem tinh thần cho chúng tôi biết ơn Đức Chúa Giesu chuộc tội thiên hạ, nhân vì sự ấy các bổn đạo nước này đã chọn ông thánh Giuse làm quan thầy chung, xin Người bầu cử cho cả nước chúng tôi “.

Ông bà anh chị em thân mến !

Trên đây là những bằng chứng cho chúng ta thấy rằng thánh Giuse được yêu mến, được sùng mộ và nhận Người làm quan thầy, là những người con của thánh cả Giuse, trong ngày lễ kính Người hôm nay, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin: Lạy thánh cả Giuse xin cho chúng con được trung thành yêu mến Chúa và Hội Thánh, đoàn kết yêu thương nhau thực hành công bình và bác ái, thánh hóa cuộc sống lao động hàng ngày và dẫn đưa mọi người về với Chúa để ngày sau được hưởng cùng Đức Mẹ, thánh Giuse và các thánh mà vui hưởng hạnh phúc và chúc tụng Chúa muôn đời Amen.

Trước khi đọc lời nguyện kết lễ, cha cố Giuse Phạm Ngọc Hoan xin được bày tỏ đôi lời biết ơn đối với cha xứ, đã ưu ái dành cho Ngài được chủ sự thánh lễ Mừng kính thánh Giuse hôm nay trong một bầu khí rất là long trọng và đông đảo như thế này, làm Ngài liên tưởng đến hai lần sang Canada và cố gắng hết sức để đến Đền Thờ Thánh Giuse tại Montreal, vùng Quebec, Canada. Một Đền Thờ có thể nói là vĩ đại nhất trên thế giới này để kính thánh cả Giuse, nhà thờ có ba tầng, tầng trên cùng để tôn kính Mình Thánh Chúa, tầng giữa là nhà thờ để Dâng Thánh Lễ, còn tầng trệt và hầm là để xe cộ và những thứ cần thiết.

Những người Canada họ lên rất nhiều bậc mới tới được gian để kính Mình Thánh Chúa, trời giá rét của miền bắc Canada, họ lên không phải lên khơi khơi như chúng ta trèo bậc lên đâu, tôi thấy họ đi lên bậc bằng hai đầu gối, từ dưới đất mà lên tới tầng thứ ba chầu Mình Thánh Chúa rồi tham dự Thánh Lễ.

Ông bà anh chị em có dịp ra nước ngoài, nhất là sang Canada chớ bỏ quên cái dịp may hiếm có đó, để đến kính viếng Đền Thờ Thánh Giuse tại Montreal.

Và hôm nay ! kính thưa cha xứ cũng như anh chị em, tôi nhận thấy cảm tưởng và những năm về trước khi còn khỏe mạnh vẫn đứng đây cử hành Thánh Lễ cùng ông bà anh chị em và thiết lập Đài Thánh Giuse này thì nghĩ rằng trong gia đình Thánh gia có Chúa Giesu Đức Mẹ và Thánh cả Giuse, ở ngoài cuối nhà thờ có hai Đài, Đài Đức Mẹ và Đài Chúa Giesu rồi, chẳng lẽ ông Thánh Giuse không có Đài nào sao ? vì thế thiết lập Đài Thánh Giuse này, để tất cả những người con yêu dấu của Thánh cả Giuse, mặc dầu chúng ta có Tượng Thánh Giuse trong nhà thờ, nhưng mà chúng ta có dịp quây quần, tụ họp nhau đây để thờ phượng Chúa và tôn kính Thánh cả Giuse, xin Thánh Giuse bầu cử ban mọi ơn phúc lành trước hết cho cha xứ là người gia trưởng trong gia đình giáo xứ, anh em gia trưởng trong giáo xứ và tất cả mọi gia đình đều noi gương gia đình Thánh gia mà Thánh Giuse là người gia trưởng, đã dẫn dắt gia đình Chúa trao phó được hoàn toàn tốt đẹp, xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
 
Thánh lễ Tạ ơn và Khai mạc Năm thánh mừng kỷ niệm 100 năm Đan viện Cát Minh Huế (19.3.2009)
LM. Nguyễn Vinh Gioang
17:06 20/03/2009
Thánh lễ Tạ ơn và Khai mạc Năm thánh mừng kỷ niệm 100 năm Đan viện Cát Minh Huế (19.3.2009)

Hôm nay, ngày 19 tháng 3 năm 2009, tại Dòng Kín Cát Minh Huế, diễn ra Thánh Lễ Tạ Ơn và Khai mạc Năm Thánh mừng Kỷ Niệm 100 Năm Đan viện Cát Minh Huế.

Đan viện Cát Minh trên bờ sông Hương
Thánh Lễ khai mạc lúc 09 giờ tại Nguyện đường của đan viện.

Đúng 09, khai mạc thánh lễ do Đức Cha Stêphanô Nguyễn Như Thể, Tổng Giám mục TGP Huế, chủ sự.

Cùng đồng tế, có Đức Cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Giám mục Phụ Tá TGP Huế, Đức Cha Châu Ngọc Tri, Giám mục Đà Nẳng, Đức Đan viện phụ Thiên An, cùng 120 linh mục đồng tế.

Tham dự thánh lễ, có một số đông đại diện các Dòng tu nam nữ và các quan khách.

Trước thánh lễ, Đức Giám mục Phụ Tá Huế công bố văn thư Năm Thánh Cát Minh Huế bằng tiếng La Tinh và Đức Đan Viện phụ Thiên An đọc bằng tiếng Việt.

Đức Giám mục Phụ tá Huế đọc Văn thư Năm Thánh bằng La ngữ

Khi hướng dẫn cộng đoàn phụng vụ vào Thánh lễ, Đức TGM Huế nói về ngôn sứ Êlia lên đường hành hương về nguồn, đến núi Sinai, ở đó, ngài đã gặp được Thiên Chúa trong làn gió êm nhẹ, chứ không phải trong giông bão, trong động đất hay trong bầu lửa, bởi vì Thiên Chúa bày tỏ uy quyền cao cả của Ngài trong sự đơn sơ, gần gũi, dịu dàng.

Ngài thúc giục cộng đoàn phụng vụ hiệp với Dòng Cát Minh Huế, ngợi khen cảm tạ Thiên Chúa, vì những điều vĩ đại Chúa đã làm cho Đan viện nầy, qua dòng lịch sử 100 năm từ ngày thành lập. Ngài nêu gương thinh lặng và cầu nguyện của Thánh Giuse. Ngài ước ao các nữ đan sĩ Dòng Cát Minh luôn giữ sáng ngọn nến dâng hiến thắp lên giữa lòng Hội Thánh, như các trinh nữ khôn ngoan trong Phúc âm, để trọn đời ca ngợi tôn vinh Thiên Chúa, thương yêu Hội Thánh, và nâng đỡ các thành phần Dân Chúa trong cuộc lữ hành đức tin, bằng đời sống cầu nguyện chiêm niệm và bằng những hy sinh hiến tế hằng ngày.

Sau bài công bố Tin Mừng, Đức TGM Huế suy niệm những điều sau đây.

Bài Tin mừng nầy có thể gây ngạc nhiên vì những lời Chúa Giêsu nói với cha mẹ mình: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”.

Đức TGM chủ tế suy niệm Tin Mừng

Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa làm người. Ngài không chỉ là người con hiếu thảo với cha mẹ ở trần gian, nhưng trên hết và trước hết, Ngài phải vâng phục Cha trên trời. Chúa Giêsu có một mối tương quan hết sức đặc biệt với Chúa Cha, vì Ngài là Con Một của Chúa Cha. Đây là huyền nhiệm thâm sâu của cuộc đời Ngài. Trong mọi sự, Ngài luôn quy chiếu về Chúa Cha.

Mẹ Maria và thánh Giuse không hiểu ngay lời nói của Chúa Giêsu. Lời ấy nhằm mời gọi hai ông bà vượt lên trên bình diện gia đình huyết thống tự nhiên, vượt lên trên bình diện những lo toan trần thế, để vươn tới bình diện của Thiên Chúa Cha, là nơi mà Chúa Giêsu hằng ở lại: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”.

Mẹ Maria và thánh Giuse tuy không hiểu, nhưng không nghi ngờ, không thắc mắc, trái lại, chỉ biết ghi nhớ và chờ đợi, tôn trọng và kiên nhẫn đối với đường đi nước bước của Thiên Chúa.

Hai ông bà đón nhận những lời khó hiểu của con mình, cho thấm vào lòng từ từ, với tâm hồn khiêm tốn, trầm lắng, để cho Chúa nhẹ nhàng dẫn vào thế giới huyền nhiệm linh thiêng của Ngài. Đây là một hình thái đức tin, một hành trình đức tin nói được là mịt mù: cứ tin tưởng, mặc dù thánh ý Chúa không luôn rõ ràng, mà nhiều khi chỉ là tiếng vọng mơ hồ trong giấc chiêm bao, như thánh Giuse đã cảm nghiệm.

Hôm nay chúng ta về đây mừng kỷ niệm 100 năm thành lập Đan viện Cát Minh tại Giáo phận Huế thân yêu nầy. Đây là một biến cố quan trọng trong Hội Thánh, trong Giáo phận nhà và cách riêng, trong Dòng Cát Minh Huế.

Qua Tòa Ân giải Tối cao, Đức Thánh Cha Bênêđitô 16 ban phép mở năm Toàn xá. Chắc chắn sự kiện nầy tạo ra cơ hội thuận tiện đặc biệt giúp các tín hữu luôn gắn bó bền vững với đức tin, luôn sống phù hợp hơn với lề luật của Tin mừng.

Chúng ta chứng nghiệm được vô số điều kỳ diệu Chúa đã làm cho Đan viện nầy suốt chiều dài lịch sử 100 năm qua. Đan viện Cát Minh Huế vẫn đứng vững giữa bao thăng trầm dâu bể, và hiện nay, đã trở thành cây đại thụ bách tán và đang có nhiều khởi sắc về ơn gọi cũng như tinh thần cầu nguyện chiêm niệm và cuộc sống hy sinh hiến tế của các thanh nữ từ Bắc chí Nam.

Các chị của Dòng Cat Minh Huế ý thức rằng trong 100 năm kể từ ngày thành lập, các chị chỉ thấy toàn là hồng ân của Chúa. Vì thế, các chị chỉ xin được cùng với Mẹ Maria, trong Mẹ và nhờ Mẹ, cùng đồng thanh hát lên bài “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa).

Đức Giám mục chủ tế xin cộng đoàn phụng vụ hãy hiệp với Đan viện để ca ngợi tạ ơn Chúa. Ngài nói Giáo phận Huế tỏ lòng tri ân về tất cả những gì quý chị đã và đang làm một cách âm thầm cho Hội Thánh và cho muôn người. Và cuối cùng, ngài mượn lời Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mến gửi đến các chị em Đan viện Cát Minh: “... Các con hãy làm chứng về sự cao đẹp và phong phú của hoạt động truyền giáo bằng đời sống ẩn dật với Đức Kitô trong Thiên Chúa (Cl. 3,3), về giá trị của sự chuyển cầu và hiến tế bên cạnh Thánh Thể là trung tâm của Hội Thánh toàn cầu cũng như của Giáo Hội địa phương.”

Thánh lễ tại Nguyện đường Dòng Cát Minh Huế

Sau Thánh lễ, vị đại diện Dòng Cát Minh Huế đọc lời cám ơn.

Đại diện tu sĩ đọc lời cám ơn sau Thánh Lễ

Các Đức Giám mục và Chị em tu sĩ Cát Minh Huế sau Thánh Lễ

Sau Thánh Lễ, các Đức Giám mục chụp bóng lưu niệm với các chị em tu sĩ ở trong Nguyện đường Nhà Thờ.

Đức TGM Huế cắt băng khánh thành Nhà truyền Thống. Sau đó, mọi người tham quan Nhà Truyền Thống và tham dự tiệc vui bế mạc.



 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Nút bấm khởi động lại
Người Hà Nội
16:01 20/03/2009
Nhớ lời các cụ “Lục tuần bất đáo đình trung”, nên mấy năm nay, tôi luôn “ hãm mình ép xác” để đứng ngoài cuộc, vì sợ những ý kiến của mình lợi thì ít mà hại thì nhiều, vì thực tế cho tôi thấy 60 năm sống dưới chế độ bao cấp, nhồi sọ, đầu óc đã bị lão hoá, và chỉ biết có một “lề bên phải”, đôi khi thấy có người đi “bên lề trái” thì cảm thấy như trứng đang chọi đá, và cũng chỉ biết cầu nguyện cho người anh em “tai qua nạn khỏi”. Ôi cái lũ đầu 6, đầu 7 chúng tôi đáng lên án hay tha thứ nhỉ ?

Mấy hôm rồi thấy trên TV bà ngoại trưởng Mỹ Trao tặng ngoại trưởng Nga một “Nút bấm khởi động lại” ( reset ) cả hai đều cười rất tươi, vì cùng hiểu rằng khởi động lại mối quan hệ Mỹ Nga là niềm mong ước của cả hai bên, sau những tuyên bố quá khích trong quá khứ làm tổn hại quan hệ ngoại giao Mỹ Nga. Trở lại lịch sử Việt Nam, sau những chiến thắng oai hùng quân Nguyên Mông, Mãn Thanh, sau bài “Bình Ngô Đại Cáo” lừng danh. Lê Lợi, Quang Trung vẫn phải sai sứ sang Tầu xin Phong Vương ! “Đại ca Tầu” nắm được thời cơ không giết được thì tha cho làm phúc, hơn nữa đại ca cũng hiểu rằng có một “An” Nam thần phục Tầu để yên đi một bề, để đại ca còn lo chống chọi với thù trong giặc ngoài, nên đại ca sẵn sàng xuống luôn hai bước thang, trong khi Nam Việt mới xuống trước có một bước!

Trước ngày 18.12.2007 tuy chưa thực sự hài lòng, nhưng phải thấy rằng quan hệ giữa Giáo Hội Việt Nam và Nhà Nước Việt Nam khá suôn sẻ: việc bổ nhiệm các Linh Mục ở các Giáo Phận miền Nam làm Giám mục ở các Giáo Phận miền Bắc, nhất là việc bổ nhiệm Linh Mục Ngô Quang Kiệt từ Long Xuyên ra làm Giám Mục Lạng Sơn ( một Giáo Phận vùng biên giới ) rồi lại được điều chuyền về làm Tổng Giám Mục Hà Nội, được sự đồng thuận nhanh chóng, ( có báo còn đưa các lời phát biểu ca ngợi Đức Cha Kiệt của một vài quan chức ), việc bổ nhiệm, thuyên chuyển các linh mục được coi như việc nội bộ của Giáo Hội địa phương, các giáo phận không bị hạn chế số ứng sinh vào Đại Chủng Viện... tóm lại trên thực tế Giáo Hội đang cố “đi đúng lề phải” để có điều kiện thông cảm, hiểu nhau nhằm có thể đối thoại một cách công bằng với Nhà Nước.

Sự kiện Toà khâm sứ và Giáo Xứ Thái Hà, là sự việc đã kéo dài trên 12 năm, trải qua mấy đời Bí thư Thành uỷ, và Chủ tịch UBNDTP, từ thâm tâm cả hai bên đều hiểu rằng trên thực tế 2 mảnh đất này đang bị các quan tham dựa vào các ô to, dù lớn để chiếm dụng và đang âm mưu tư nhân hoá, đã qua nhiều lần thanh tra, phúc tra nhưng không một ông bí thư, ông chủ tịch nào dám bạo mồm lên tiếng về hai vụ việc này ( nghe đâu có một ông lớn một lần vào thăm sức khoẻ Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng đã hứa với ngài, là ông sẽ giải quyết tốt đẹp việc Toà Khâm Sứ trước khi ngài về chầu Chúa, và hôm rồi ông cũng gửi vòng hoa đến phúng viếng Đức Hồng Y ).

Đầu năm 2008 sau lần Thủ tướng đột xuất đến thăm Toà Khâm Sứ, mọi người vô cùng phấn khởi tin tưởng vụ việc sẽ được giải quyết vui vẻ, ổn thoả. Đùng một cái một ông, mà người Hà Nội chưa biết mặt ngang mũi dọc ra sao, được bốc thẳng từ quê hương quan họ Bắc Ninh về làm chủ tịch UBNDTP. Điều mà các vị tiền nhiệm không dám làm, vì chính họ cũng là người Hà Nội ( dù là Hà Nội 1 hoặc 2... nhưng cũng đã ở Hà Nội lâu năm ) hiểu nội dung vấn đề, nên chưa dám giải quyết cho thấu tình đạt lý.

Ông chủ tịch mới, hiểu rằng mình được điều về đây là để làm các việc này, ông hộc tốc phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác, huy động cả một nền chuyên chính vô sản để xây dựng bằng được hai vườn hoa, cấp tốc trong vài ba ngày ( trong khi đó ông lại cũng thể theo “nguyện vọng của nhân dân” để biến một con đường có dấu ấn lịch sử, một khu đất của công viên Thống Nhất thành 2 khách sạn, và sắp biến một phần đất của công viên Chí Linh thành Đền thờ Lý Thái Tổ. Nên ông đã được truy tặng danh hiệu: người có công biến đất nhà thờ thành công viên, và biến đất công viên thành khách sạn ). Thời gian tại chức mới coi như bắt đầu mà ông đã cho khởi công xây dựng 3 siêu thị: Cửa Nam, Hàng Da, Chợ Mơ... mọi việc như được sắp đặt sẵn, chỉ chờ đưa được ông về là khởi động ngay, nên ông không sợ gì dư luận, mọi việc đã có người sắp đặt, lo lắng, chống đỡ.

Ông đã có công phá vỡ khối đoàn kết dân tộc, cố tình gây một dư luận xấu trong xã hội đối với 8 triệu người Công Giáo. Ông đã bắt buộc người Công Giáo dù muốn đừng cũng không được, nên buộc phải nói lên những nguyện vọng chân chính của mình, mà từ thâm tâm họ không muốn nói, họ muốn rằng việc ngày hôm qua chỉ là “thế thời, thời phải thế” chả qua là do chưa hiểu nhau mà thôi, họ muốn sau khi cả hệ thống XHCN đã mau chóng sụp đổ, thế giới xích lại gần nhau và hiểu nhau hơn, gần 3 triệu người Việt Nam có mặt khắp nơi trên thế giới và luôn có quan hệ mật thiết với thân nhân, bè bạn trong nước, đã giúp người Công Giáo trong nước ngày càng được thân thiện, và được tôn trọng hơn trong xã hội Việt Nam, việc Giáo Hội có tiếng nói để cùng chung vai gắng sức xây dựng xã hội chỉ là thời gian trong tầm tay, nên người Công Giáo không hề muốn mất đi cơ hội vàng này.

Do bị xử quá ép trong vụ Toà Khâm Sứ và Giáo Xứ Thái Hà ( mà chỉ vì quyền lợi mấy mảnh đất nhỏ bé của lũ quan tham cậy có ô to dù lớn ), nên nhiều hành động đổi trắng thay đen quá trắng trợn xẩy ra giữa thanh thiên bạch nhật trước mắt hàng ngàn ngàn người giáo hữu nông dân, và người lao động chất phác thật thà được nhồi sọ từ lớp mẫu giáo nên luôn tin vào đường lối chính sách, báo chí và truyền hình của Nhà Nước, thì nay chính mắt họ nhìn thấy và cảm nhận được sự dối trá, lừa đảo của các cơ quan này, mọi thần tượng bỗng sụp đổ trong chốc lát, sự thật này được chuyển tải cực nhanh, tự nó trở thành tò mò muốn tìm hiểu sự thật của rất nhiều người, khiến công an và dân vận phải vào từng gia đình vừa giải thích vừa de doạ để họ đừng đến Toà Khâm Sứ và Giáo Xứ Thái Hà nữa.

Nhưng càng cấm càng trở nên bất lực, công an phải dùng đến hạ sách, kiểm tra các xe ôtô chạy trên các quốc lộ, nếu xe nào chở người vể Toà Khâm Sứ hoặc Giáo Xứ Thái Hà là bắt quay trở lại, nhưng mọi sự đều trở nên lố bịch, nhất là khi lũ đầu gấu bảo kê được trả tiền để đóng vai “quần chúng tự phát” tranh thủ lúc trời tối, kéo nhau hò reo đòi giết Giám Mục Kiệt, Linh Mục Phụng !

Công an thì ngang nhiên dùng hơi cay, dùi cui, chó nghiệp vụ để đàn áp gây đổ máu ngay trước cổng CA quận Đống Đa. Nhưng tồi tệ nhất là vụ cố tình đem xử 8 người dân của Giáo Xứ Thái Hà... và giờ đây do bị bắt buộc phải xử phúc thẩm 8 người dân vô tội, CA quận Gò Vấp Sàigòn dở những trò ma giáo để đàn áp và ngăn cản việc luật sư Lê Trần Luật nhận bào chữa miễn phí cho họ !?!...

Mọi việc đều trở nên quá tồi tệ, và vượt khỏi tầm kiểm soát. Người dân Công Giáo chúng tôi cảm thấy quá ngột ngạt, chúng tôi muốn lặng, nhưng gió chẳng đừng, khẩu hiệu “Sống và làm việc theo pháp luật” được chưng ở khắp nơi, bao giờ mới được thực thi trong xã hội. Bao giờ được “tâm phục khẩu phục” trước các việc làm của các cơ quan công quyền, còn với các hành động bạo quyền hôm nay, công an cũng mới chỉ thu được “khẩu phục” giả tạo, để báo cáo thành tích, còn “trị quốc vốn ở an dân” xem chừng còn quá xa vời.

Đã gần một thế kỷ, các tôn giáo ( nhất là Công Giáo ) đã bị chủ nghĩa Mác liệt vào hàng thuốc phiện, thế mà giờ đây Tổng Thống Nga Putin cũng đã đến Nhà thờ cầu nguyện, trong nhà một cựu Tổng Bí Thư cũng đã lập bàn thờ Đức Phật... thì tôn giáo đâu còn là vật cản của các Nhà Nước còn “định hướng XHCN” nữa. Trước thế giới,VN đang xây dựng một Nhà Nước pháp quyền, các vị “công bộc” của Nhà Nước, ai dám khoe giầu với các vị nữa, người dân dù không thực sự hài lòng, nhưng họ cũng đành chấp nhận sự đã rồi, chỉ hy vọng rằng từ ngay ngày hôm nay họ cũng được tôn trọng công bằng trước pháp luật, họ sẽ tự đứng trên đôi chân của mình để làm giầu, ổn định đời sống, họ chỉ cầu mong các vị lãnh đạo quốc gia hãy thực thi “DÂN VI QUÍ, XÃ TẮC THỨ CHI”.

Cái “Nút bấm khởi động lại”, đang ở trong tay Nhà Nước, người Công Giáo chúng tôi hiểu rằng nền chuyên chính vô sản ở Việt Nam còn sức mạnh của nó, máu đã đổ ở quảng trường Thiên An Môn Trung Quốc, máu đã đổ ở một vài nước Đông Âu, và máu đã chảy thành sông ở Nga, nhưng kết quả đã ngược lại những gì mà nền chuyên chính vô sản muốn. Hãy nhìn vào lịch sử để hiểu rằng, dù hiện tại người dân vẫn còn bị nhồi sọ, nhưng không phải là những thập kỷ 50, 60, 70 của thế kỷ trước, mà chúng ta đang sống ở thời đại thông tin không gì ngăn cản được.

Lực lượng công an phải lo an ninh cho từng người dân, chứ không phải chỉ là sức mạnh và chỗ dựa của riêng Đảng và Nhà Nước. Có thể ngay bây giờ với lực lượng và sức mạnh vô cùng hùng hậu của cảnh sát cơ động và chó nghiệp vụ, mọi việc sẽ đâu vào đó ngay lập tức, nhưng để làm gì, và không khí an bình giả tạo đó được tồn tại trong bao lâu, cũng trong lực lượng này có bao nhiêu người cũng đã tin vào tâm linh, tin vào luật nhân quả thì liệu họ có dám tin vào các việc họ sắp làm không ? Dĩ ác báo ác, các người ra lệnh có biết điều đó không ? Đời cha ăn mặn, đời con khát nước, đó là sự thật !

“Nút bấm khởi động lại”, đang ở trong tay Đảng và Nhà Nước, chúng tôi bị căng thẳng thần kinh lắm rồi, chúng tôi cũng rất muốn cùng đi bên lề phải trong sự tôn trọng SỰ THẬT – CÔNG LÝ – HOÀ BÌNH, bạo lực không giải quyết được vấn đề gì.

Chúng tôi cũng muốn như Lê Lợi, Quang Trung đi trước một bước, để giữ tình hoà hiếu, tôn trọng lẫn nhau. 2000 năm bao thể chế chính trị đã thay nhau cai trị xã hội loài người, đạo Công Giáo vần tồn tại và thích nghi với mọi thời đại, vì mục đích của đạo Công Giáo không phải ở trần gian này, nên chúng tôi không quan tâm tới lề phải hay lề trái mà chúng tôi có đường đi của chúng tôi đó là KÍNH MẾN THIÊN CHÚA VÀ YÊU THƯƠNG MỌI NGƯỜI.

Hà Nội 16.3.2009
 
Thương lắm phận xe ôm !!!
Anmai
16:29 20/03/2009
THƯƠNG LẮM PHẬN XE ÔM !!!

Cách đây ít lâu, Bộ Y Tế đã làm cho những người kém may mắn “ngực lép – kém cân” không có điều kiện di chuyển trên con “ngựa sắt” thân thương của mình. Mới “phác thảo” quy định như vậy thôi thì nhân dân cả nước đồng loạt phản ánh cái quy định kỳ quặt ấy !

Cái quy định cấm xe ba bánh hoạt động đưa ra cũng đã lâu nhưng đến hẹn lại lên và lại chờ ! Vì lẽ xe ba bánh xem ra nó hữu ích cho những con hẻm nhỏ để ít là vận chuyển rác và vật liệu xây dựng khi có nhu cầu xây sửa nhà. Nhiều con hẻm nhỏ trong thành phố chật hẹp này chỉ vừa đủ hai chiếc xe gắn máy “oằn mình” mới qua nổi vậy thì mỗi khi vận chuyển rác và vật liệu xây dựng tính làm sao đây ? Đã cấm thì cấm hết và đã mở thì mở hết. Ngặt một nỗi là còn có quá nhiều con hẻm nhỏ nên cái lệnh cấm xe ba bánh đến nay vẫn còn nằm trên bàn giấy !

Lệnh vẫn là lệnh và thực tế không thể nào làm theo lệnh !

Sau Bộ Y Tế, giờ đến Bộ Giao Thông Vận tải gây “sốc” !

Bộ Giao thông Vận tải vừa đưa ra dự thảo: Lái xe ôm phải xin cấp phép hoạt động tại phường xã hoặc bến tàu, bến xe. Tài xế chỉ được đón khách trong khu vực quy định, nếu vi phạm sẽ bị phạt hành chính.

Kèm theo dự thảo đó, Bộ đưa ra thông tư Hướng dẫn thực hiện quy định về việc sử dụng xe thô sơ, xe máy, xe môtô 3 bánh để vận chuyển hành khách và hàng hóa của Bộ Giao thông Vận tải, người muốn làm nghề xe ôm phải có sức khỏe, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú, có đơn tham gia vận tải hành khách hoặc hàng hóa gửi lên phường, xã, thị trấn hoặc bến tàu, bến xe, bến cảng... để đăng ký hành nghề và được các cơ quan này cho phép.

Tài xế xe ôm gửi đơn cho cơ quan có thẩm quyền và chờ trong vòng 2 ngày sẽ được cơ quan có thầm quyền phải xác nhận đơn cho lái xe. Tuy nhiên, hiệu lực của đơn chỉ trong vòng 1 năm đối với người có hộ khẩu thường trú, doanh nghiệp, hợp tác xã và 6 tháng đối với người có hộ khẩu tạm trú.

Bên cạnh đó, lái xe ôm chỉ được đứng đón khách tại các điểm đỗ mà cơ quan chức năng công bố. Trường hợp ở một điểm đỗ công cộng có từ hai đơn vị hoạt động trở lên thì cơ quan chức năng sẽ phân công khoanh vùng đón khách cho từng đơn vị.

Trên cơ sở quy mô từng địa bàn, xe ôm sẽ được tổ chức thành các tổ, đội hoặc do doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tổ chức theo hình thức tự quản hoặc xã hội hóa. Từng tổ, đội này sẽ phải sử dụng phù hiệu hoặc mũ, đồng phục do Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn.

Kèm theo đó, giá cước không được vượt quá mức giá trần (nếu có) mà UBND thành phố, tỉnh quy định.

Dự thảo còn quy định chế tài xử phạt các trường hợp xe ôm vi phạm. Những đơn vị, cá nhân vi phạm ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính còn bị đình chỉ hoạt động ba tháng. Trường hợp tái phạm còn bị thu hồi giấy cho phép hành nghề và đình chỉ hoạt động một năm.

Xem qua dự thảo, chúng ta thấy hết sức buồn cười về cái dự thảo ấy !

Đọc xong cái dự thảo này mà cảm thấy mừng, mừng vì nhà mình may mắn ! Không may mắn như bao người khác, ông anh kế cam phận cảnh nghèo ít học phải chịu cực khổ với cái phận xe ôm. May mà vài năm nay ông anh tìm được công việc phân phối tôn, sắt cho bà chị họ ở đường Lý Thường Kiệt. Nếu không ông anh cũng phải chạy vạy đi đăng ký hành nghề xe ôm cho đúng luật đúng lệ !

Một anh tài xế xe ôm, nhận chở khách từ Củ Chi về Chợ Bến Thành. Bỗng nhiên có khách muốn về Hóc Môn, thật là hợp lý và tiện đường về nhà anh. Nếu anh thực hiện đúng thông tư, anh đón khách ở Chợ Bến Thành thì anh sẽ bị phạt hành chánh vì đã đón khách sai nơi quy định !

Nơi quy định của tài xế xe ôm là ở đâu ? Phải xây thêm hay dùng chung những trạm dừng của xe buýt chăng ?

Khách muốn đi từ nhà mình đến chợ Bến Thành phải đi bộ ra đến bến xe ôm đặt ở đâu đó theo quy định để được đến chợ Bến Thành chăng ? Nếu đón khách ngoài khu vực quy định thì tài xế xe ôm lại bị phạt hành chánh !

Bao nhiêu cái nghịch lý mà người ta không thấy sao ?

Xe buýt, xe ta-xi to chần dần như thế mà người ta còn chưa quản lý nổi mà lại đòi quản lý luôn cả xe ôm. Thử hỏi người ta có quản lý được đội ngũ xe buýt và xe ta-xi chưa ? Nay lại bày ra quản lý xe ôm để làm rối thêm cái phận xe ôm nghèo !

Thật ra chẳng ai muốn sống với cái nghề xe ôm dầm mình sương gió đâu. Chẳng qua là vì hoàn cảnh ít học nên phải ôm cái nghề sương gió này thôi. Hay là chẳng qua về hưu nhưng kinh tế gia đình eo hẹp chiều chiều vác xe ra đường kiếm vài cuốc xe phụ thêm cơm cháo cho gia đình thôi.

Chẳng lẽ cơ quan cho tạm nghỉ việc vài tháng đành chấp nhận đói sao ? Trong thời gian rảnh rỗi kiếm thêm chút cháo vác con xe ra chạy chẳng lẽ phải đi đăng ký hành nghề xe ôm sao ?

Chắc chắn một điều rằng những người ngồi nghĩ ra và viết cái quy định này chẳng bao giờ phải cầm con “ngựa sắt” của mình rong ruỗi trên đường phố vào những trưa hè nắng gắt hay những lúc trời mưa ngập lụt để kiếm miếng cơm manh áo lo cho gia đình. Họ chẳng bao giờ với những vất vả, nhọc nhằn của “kiếp xe ôm” thì làm sao họ có thể hiểu được hoàn cảnh để họ đưa ra quy định này quy định nọ.

Người nghèo muôn đời chịu phần thiệt về mình !

Người ta đã dí người nghèo đến tận cùng !

Chẳng ai muốn nghèo cả ! Chẳng qua là phận đời dun dủi để sống trong cảnh nghèo lam lũ bữa cơm bữa cháo đó thôi.

Đành cam chịu với phận nghèo nhưng nghèo rồi có được yên thân yên phận đâu ???
 
Hình ảnh giáo dân Bằng Sở dự thánh lễ và thắp nến cầu nguyện cho Công Lý và Hòa Bình
J. B. Nguyễn Hữu Vinh
16:39 20/03/2009
Ngày 18/3/2009 nhân ngày lễ Thánh Giuse, bổn mạng của Tổng Giáo phận Hà Nội và Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt, giáo dân Bằng Sở, nơi có Đền Thánh Lê Tuỳ đã tập trung tham dự Thánh lễ và thắp nến cầu nguyện cho Sự thật - Công lý - Hoà Bình, cầu nguyện cách riêng cho TGP Hà Nội, Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt và những nạn nhân của phiên toà sắp tới.

Dù trời lạnh và gió to, nhưng giáo dân vẫn hăng hái và phấn khởi cất vang những lời nguyện cầu đến Cùng Thánh Giuse.

Hình ảnh Bằng Sở thắp nến cầu nguyện cho TGP Hà Nội, TGM Giuse Ngô Quang Kiệt, Sự thật - Công lý - Hoà Bình và các nạn nhân của phiên toà ngày 27/3/2009 sắp tới.







 
Mời tham dự hai buổi cầu nguyện cho các nạn nhân vì công lý và sự thật ơ giáo xứ Thái Hà
LM Nguyễn Văn Khải
16:58 20/03/2009

Hà Nội, ngày 20 tháng 3 năm 2009


KÍNH MỜI THAM DỰ HAI BUỔI CẦU NGUYỆN
CHO CÁC NẠN NHÂN VÌ CÔNG LÝ VÀ SỰ THẬT Ở GIÁO XỨ THÁI HÀ


Kính gửi: Cộng đoàn Dân Chúa

Kính thưa Quý Ông Bà Anh Chị Em

Ngày thứ sáu 27/ 3/ 2009, TAND thành phố Hà Nội sẽ xét xử phúc thẩm 8 giáo dân của chúng ta tại Trụ sở Tòa Án Nhân Dân Thành phố Hà Nội, cơ sở II, số 2 đường Nguyễn Trãi, Hà Đông.

Trong khi đó, hiện nay Luật sư Lê Trần Luật tiếp tục bị nhà cầm quyền ngăn chặn không cho ra Hà Nội để bào chữa cho 8 nạn nhân trong phiên toà phúc thẩm.

Vì vậy, trong tinh thần hiệp thông và tình liên đới, Giáo xứ Thái Hà sẽ tổ chức 2 buổi cầu nguyện cho 8 giáo dân, cho Luật sư Lê Trần Luật và các cộng sự viên của ông.

Buổi thứ nhất bắt đầu lúc 19 h ngày thứ bẩy 21/3/2009 tại Nhà thờ Thái Hà và buổi thứ hai bắt đầu lúc 18 h 30 ngày thứ năm 26/3/2009 cũng tại Nhà thờ Thái Hà.

Chúng tôi xin kính mời Quý Ông Bà Anh Chị Em tham dự. Hy vọng sự hiện diện và lời cầu nguyện của mỗi người sẽ góp phần làm cho phiên toà được xét xử công bằng, cho phẩm giá con người được tôn trọng, công lý và sự thật được thể hiện.

Xin chân thành cám ơn.

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tư Liệu Thánh Kinh (22): Hôn Nhân
Vũ Văn An
07:39 20/03/2009
Hôn nhân

Câu truyện sáng thế trong Sách Sáng Thế chương 1 và chương 2 cho thấy mẫu mực của hôn nhân: nhất phu nhất phụ suốt đời do chính Thiên Chúa dự tính từ thuở ban đầu. Nhưng chẳng bao lâu sau, cả một bộ luật phải được đưa ra vì tiêu chuẩn đã sa sút.

Luật lệ và phong tục: bộ luật của vua Ba-by-lon Hammurabi (khoảng năm 1700 trước CN) dạy rằng:

Người đàn ông không được lấy người vợ thứ hai ngoại trừ khi người vợ thứ nhất không thể sinh con.

Người chồng được phép lấy vợ hai (nàng hầu) hay vợ ông có thể cho ông đứa tớ gái của mình, để ông có con với nàng. Không được xua đuổi con cái của tớ gái.

Từ câu truyện của Áp-ra-ham, người ta thấy rõ ông cũng đã giữ các phong tục trên. Bởi thế, ông rất lo lắng khi Xa-ra nằng nặc đòi đuổi đứa tớ gái Ha-ga và đứa con trai của nàng (St 16:1-6; 21:10-12).

Các phong tục thời Gia-cóp và Ê-xau ít nghiêm ngặt hơn và cho phép được lấy nhiều vợ. Thói quen này phát triển đến nỗi đến thời Thủ Lãnh và Các Vua, người ta muốn lấy bao nhiêu vợ cũng được, miễn là có khả năng tài chánh. Nhưng có nhiều vợ sẽ dẫn đến đủ mọi thứ phiền phức. Người ta rất dễ tỏ ra thiên lệch.

Đệ nhị luật 21:15 xem chừng đã nhận ra vấn đề trên khi nói rằng người đàn ông không được lấy phần gia tài của đứa con trai đầu lòng mà trao cho đứa con trai của người vợ mình sủng ái. Đã đành, thoạt đầu lấy nhiều vợ có vẻ như có lợi về phương diện kinh tế, vì nhiều con thì càng nhiều người để làm việc. Nhưng sẽ đến lúc người ta thấy ra rằng phí tổn giữ nhiều bà vợ tốn phí hơn là cái lợi do nhiều con mang lại cho gia đình.

Đến thời Tân Ước, phong tục bình thường lại trở về việc chỉ có một vợ (dù Vua Hê-rô-đê có đến 9 bà). Về phương diện này, người ta đã quay về với tiêu chuẩn do Mô-sê và các tiên tri đưa ra.

Rất ít khi thấy một người đàn ông không lấy vợ: trong tiếng Hi-bá-lai, không có danh từ ‘trai độc thân’ (bachelor), và dân Ít-ra-en lập gia đình rất sớm. Tuổi hợp pháp để kết hôn là 13 trở lên đối với con trai và 12 trở lên đối với con gái. Có lẽ vì sớm như thế, nên hôn nhân phần lớn do cha mẹ xếp đặt, mà vào thời Cựu Ước thường là giữa người trong cùng một dòng họ, lý tưởng hơn nữa giữa anh chị em họ. Hôn nhân với người nước ngoài thờ một vị thần khác là điều bị ngăn cấm. Luật cũng cấm việc lấy nhau giữa họ hàng gần (Lv 18:6ff). Hôn nhân sắp đặt không có nghĩa là con trẻ không có tiếng nói. Si-khem (St 34:4) và Sam-sôn (Tl 14:2) đều đã yêu cầu cha mẹ sắp xếp việc hôn nhân với cô gái mình ưa. Người ta cũng được phép cưới một nô lệ hay một tù binh chiến tranh.

Hôn nhân là việc dân chính hơn là việc tôn giáo. Lúc đính hôn, một khế ước được soạn thảo trước hai nhân chứng. Đôi khi cặp đính hôn trao cho nhau một chiếc nhẫn hay một vòng đeo tay. Việc đính hôn cũng có tính trói buộc như chính cuộc hôn nhân vậy. Trong thời gian chờ đợi đến ngày hôn lễ, khi người con gái còn sống với cha mẹ, người đàn ông được miễn nghĩa vụ quân sự (Đnl 20:7). Một món tiền, giá mua cô dâu (gọi là mohar), phải được trả cho người cha cô gái. Đôi khi có thể trả một phần bằng việc làm. Xem ra người cha cô gái có thể sử dụng tiền lời do món mohar mang lại, nhưng không được đụng tới chính món mohar. Ngày cha mẹ hay chồng nàng qua đời, món tiền ấy phải được hoàn lại cho cô gái. Cha vợ của Gia-cóp là La-ban, xem ra đã không giữ phong tục ấy, nên đã tiêu mất cả tiền giá cô dâu của con gái mình (St 31:15).

Ngược lại, người cha cô gái phải cho nàng hay cho chồng nàng một của hồi môn (dowry). Của hồi môn này có thể là một đầy tớ (như trường hợp Rê-béc-ca và Lê-a), hay một miếng đất hoặc một tài sản gì đó.

Đám Cưới: Đám cưới xẩy ra khi chú rể có nhà mới sẵn sàng. Cùng với bạn hữu, chú tới nhà cô dâu vào buổi tối. Cô dâu chờ sẵn, mặt phủ khăn và mang áo cưới. Nàng đeo nữ trang mà chú rể đã trao cho. Đôi khi, chú trao cho cô cả một xâu tiền cắc. (Rất có thể một trong những đồng tiền này bị mất trong câu truyện ‘mất tiền’ được Chúa Giê-su kể trong Lu-ca 15:8). Trong nghi thức đơn giản, khăn phủ được lấy khỏi mặt cô dâu và đặt lên vai chú rể. Chú rể, người phù rể và các bạn chú rể, sau đó đón cô dâu về nhà mình hay về nhà cha mẹ chú để dự tiệc cưới trong đó thân bằng quyến thuộc được mời. Bạn bè đứng hai bên đường chờ đợi trong bộ áo đẹp nhất của họ rồi cùng đốt đuốc rước cô dâu về nhà mới, vừa đi vừa đàn hát vui vẻ. Luật Mô-sê cho phép người đàn ông ly dị vợ. Nhưng anh ta phải viết giấy tờ ly dị, cho phép người đàn bà được tự do trước khi bỏ nàng. Thời Tân Ước, các bậc thầy Do Thái thường tranh luận về các lý do ly dị. Một số vị cho phép ly dị vì bất cứ điều gì làm người chồng không vui, ngay cả chuyện không biết nấu nướng! Các vị khác cho rằng cần phải có những sa sẩy nghiêm trọng về luân lý, như ngoại tình chẳng hạn. Nhưng một cách đặc trưng, đối với phụ nữ thì tiêu chuẩn lại khác hẳn. Người vợ không bao giờ được ly dị chồng, dù trong một số hoàn cảnh, nàng có thể buộc anh ta phải ly dị mình. Khi được hỏi về ly dị, Chúa Giê-su đã mạnh mẽ lặp lại nguyên tắc trong ý định nguyên thủy của Thiên Chúa dành cho hôn nhân. Thánh Phao-lô cũng nhấn mạnh cùng một điểm ấy rằng trong hôn nhân, hai con người đã trở nên ‘một thân xác’. (Xem St 1:26-31; 2:7, 18-25; Đnl 24:1-4 và Mt 19:3-12; Cn 5:15-20; 12:4; 18:22; 19:13-14; 21:9, 19; 25:24; 31:10-31; 1Cr 7; Eph 5:22-33; 1Pr 3:1-7; Các đoạn phản ảnh phong tục đám cưới: St 24; 29; Tl 14; Mt 22:2-14; 25:1-12; Lc 14:7-14; Ga 3:1-10; Kh 21:2).
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Cảnh An Bình
Sr. Thérésa Thanh Thảo
05:12 20/03/2009

CẢNH AN BÌNH



Ảnh của Sr Theresa Thanh Thảo, CMRM, Nebraska.


Căn nguyên của sự bình an

là chính Thiên Chúa,

và bí quyết của bình an là sự thật.

(B. Figgis)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền