Ngày 21-03-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Kỷ Vật Tình Yêu : Thánh lễ tiệc ly
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
16:02 21/03/2016
Kỷ Vật Tình Yêu: THÁNH LỄ TIỆC LY

(Ga 13, 1-15)

Phụng vụ chiều Thứ Năm Tuần Thánh, Giáo Hội cử hành Bí tích Thánh Thể do Chúa Giêsu thiết lập vào sau bữa tối cuối cùng với các Tông Đồ trong nhà Tiệc Ly, trước đêm hấp hối trong Vườn Cây Dầu, để muôn đời tưởng nhớ tới sự hiện diện thực sự của Người giữa chúng ta. Đây là Thánh lễ sau hết được cử hành trước Đêm Vọng Phục Sinh Thứ Bẩy Tuần Thánh. Vì là Lễ sau hết nên lúc hát Kinh Vinh Danh, các chuông nhà thờ reo lên, và sẽ chỉ reo lại vào đúng lúc hát Kinh Vinh Danh trong Đêm Vọng Phục Sinh. Sau Thánh lễ chiều nay, các khăn bàn thờ đều được lột sạch, các chân nến và thánh giá được cất đi, người ta không còn trưng hoa nữa để loan báo ngày đại tang của Giáo Hội và cũng ngụ ý nói rằng, Giáo Hội không cử hành lễ nào nữa cho đến ngày Chúa Kitô sống lại.

Cử hành Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô là mục đích của Tam Nhật Vượt Qua. "Chúng ta phải hãnh diện về thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nơi Người, ta được giải thoát, được sống và được sống lại ; chính Người giải thoát và cứu độ ta" ( Ca nhập lễ ).

"Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng" (Ga 13,1-2). Chúa Giêsu đã yêu thương các môn đệ, thì Người đã yêu họ đến cùng một cách kinh ngạc. Thật không có hành động nào khác để diễn tả yêu thương cho bằng tình yêu. Cũng như các môn đệ, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến nỗi không có ngòi bút nào trên trần gian này có thể diễn tả hoặc viết ra hết được tình yêu thương ấy, trong những ngày cuối đời của “kiếp người” lầm than và cay đắng. Vì yêu, Chúa Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể, lấy chính Thịt Máu Mình làm của ăn của uống nuôi dưỡng chúng ta. Để tiếp tục yêu thương và tha thứ, Chúa thiết lập thiên chức Linh mục đời đời. Và cũng chính hôm nay, Chúa truyền dạy chúng ta phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu. Tất cả chẳng phải là Kỷ Vật Tình Yêu Thiên Chúa để lại cho chúng ta đó hay sao?

“Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta… Các con hãy cầm lấy mà uống, chén này là Tân ước trong Máu Ta” (1 Cr 11, 24-25). Thật không thể hiểu nổi, Thiên Chúa yêu nhân loại biết là chừng nào. Người đã yêu bằng một Tình Yêu trao ban, hy sinh và tận hiến. Khi lập Phép Thánh Thể, Chúa hiến chính thân mình làm lượng thực nuôi dưỡng chúng ta, ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Không những thế, Chúa còn cho chúng ta tham dự vào sự sống của chính Chúa khi rước Mình và Máu Thánh Ngài, để được sống đời đời.

Chưa hết, thiết lập Bí tích Thánh Thể xong, Chúa Giêsu cũng lập luôn Bí tích Truyền Chức Thánh. Chúa nói với các Tông Đồ hiện diện : “Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19 ;1 Cr 11, 24). Với lời trên, cho thấy Thiên Chúa yêu thương và tín nhiệm con người, trao cho con người tiếp tục việc làm yêu thương ấy. Mặc dù phàm nhân bất xứng, Chúa vẫn ủy thác cho sứ mạng thay mặt Chúa hiện tại hóa Hy tế Thập giá trên bàn thờ mỗi ngày, tất cả chỉ vì yêu.

Sau khi rửa chân cho các môn đệ, một lần nữa, Người mời gọi chúng ta : “Thầy đã làm gương cho các con, để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con” (Ga 13,15). Bằng cách này, Người thiết lập một sự liên kết thân mật giữa Bí tích Thánh Thể, Bí tích của quà tặng hy sinh và huấn lệnh yêu thương.

Hôm nay, kỷ niệm ngày Chúa Giêsu thiết lập thiên chức Linh mục, chúng ta có nhiều dịp nhắc đi nhắc lại một câu rất sâu sắc nhưng cũng cần phải tìm hiểu thêm : Không có Thánh Thể thì không có chức Linh mục - không có chức Linh mục thì cũng không có Bí tích Thánh Thể (chỉ một lần rồi thôi). Hai điều đó liên kết chặt chẽ với nhau nhờ đức bác ái. Không thể tham dự Thánh Thể nếu không có Tư Tế, nhưng cũng không thể tham dự Thánh Thể nếu không có đức bác ái và sự tha thứ. Trong Bí tích Thánh Thể, tất cả chúng ta đều tham dự vào một Mình Thánh, một Máu Thánh. Trở nên một, chúng ta không còn tách biệt được nữa.

Ai tham dự bàn tiệc của Chúa thì người đó không thể tách rời khỏi bổn phận yêu thương anh em. Mỗi lần chúng ta tham dự Bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta thưa “Amen” trước Mình và Máu Thánh Chúa, như thế chúng ta cam kết thực hiện điều Ðức Kitô đã làm, là “rửa chân” cho anh chị em, trở nên một hình ảnh thực sự và tỏ tường của Ðấng “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ”(Phil 2,7).

Tình yêu là kỷ vật cao quý nhất mà Ðức Kitô để lại cho những ai được Người kêu gọi bước theo. Chính tình yêu của Người, được chia sẻ bởi các môn đệ, là điều được ban tặng cho tất cả nhân loại trong buổi chiều nay.

Thánh Thể là Kỷ Vật tuyệt đỉnh của tình yêu, một ơn cao cả, nhưng cũng là một trách nhiệm lớn lao cho những ai tiếp nhận. Ðứng trước Phêrô, người đã từ chối không chịu để được rửa chân, Ðức Giêsu đã nhấn mạnh đến nhu cầu phải nên thanh sạch để có thể dự phần vào bàn tiệc Thánh Thể.

Nghi thức rửa chân nói lên sự khiêm tốn của mình đối với người khác, nhìn nhận rằng mình là người có tội, nếu có điều gì là do tôi chứ không phải do anh em, tha nhân thật sự là anh em của tôi. Bác ái không phải là chối từ việc người khác không có lỗi, nếu lỗi là có lỗi với Chúa. “Rửa chân cho nhau” chứ không phải rửa chân cho người trên hay cho người dưới, tất cả đều là tha thứ, yêu thương và giúp đỡ nhau.

Chúng ta cầu xin Chúa cho Thánh lễ cử hành chiều hôm nay, đưa chúng ta vào trong mầu nhiệm của Bí tích Thánh Thể, mầu nhiệm của thiên chức Linh mục, và giới răn trọng nhất là bác ái yêu thương. Chúng ta cố gắng ghi nhớ những điều này để đưa vào trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mừng Vui Lên: Đêm Vọng Phục Sinh
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
16:03 21/03/2016
Mừng Vui Lên: Đêm Vọng Phục Sinh

(Lc 24, 1-12)

Mừng vui lên… vui lên, hỡi Mẹ Hội Thánh vui lên…hãy vang lên tiếng ca hát của toàn dân. Vâng đêm nay là “đêm của Đức Chúa” (Xh 12, 42), đêm Thánh “mẹ của mọi đêm thánh” (thánh Augustinô). Đêm đêm tôn vinh và cảm tạ, vì Thiên Chúa đã, đang và mãi mãi yêu thương con người, đêm nối kết trời với đất, con người với Thiên Chúa, và con người trần thế với nhau.

Lễ nghi Canh Thức long trọng đêm nay làm cho chúng ta sống lại biến cố Chúa Phục Sinh, một biến cố có tính cách quyết định và luôn thời sự, Mầu Nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo. Đêm nay, vô số những cây nến phục sinh được đốt lên trong các nhà thờ tượng trưng ánh sáng Chúa Kitô đã và còn đang sáng soi nhân loại, ánh sáng không bao giờ lụi đi, ánh sang chiến thắng bóng tối của tội lỗi và sự dữ…(x. Exsultet). Còn hạnh phúc và hy vọng nào lớn lao hơn, khi Con Thiên Chúa sống lại, để tất cả những ai tin vào Người cũng sẽ được sống lại vinh quang. Vì thế, Giáo Hội trần thế đêm nay với niềm vui khôn tả đều đồng thanh công bố Tin Mừng Phục Sinh cho toàn thế giới : “Mừng vui lên”, mừng vui lên hỡi muôn lớp cơ binh thiền thần…Cùng vui lên hỡi các nhiệm mầu thánh này…Và vui lên, toàn trái đất…Cùng vui lên, ôi Mẹ Hội Thánh…(x. Exsultet) vì Chúa đã sống lại.

Chúa Giêsu thành Nagiarét, Ðấng chịu đóng đinh, đã sống lại từ trong cõi chết sau ba ngày bị mai táng trong mồ, đúng như lời Kinh Thánh. Lời loan báo của “hai người đứng gần các bà, y phục sáng chói” (Lc 24,4) làm “các bà kinh hãi cắm mặt xuống đất” (Lc 24,5). Thấy vậy, hai người lên tiếng : “Tại sao các bà tìm người sống nơi những kẻ chết ? Người không còn ở đây. Người đã sống lại”(Lc 24, 5-6). Vâng Người đã sống lại rồi.

Chúng ta cứ thử tưởng tượng xem tâm tình của mấy phụ nữ “vừa tảng sáng, đi ra mồ mang theo những thuốc thơm đã dọn sẵn” (Lc 24,1), hết sức bàng hoàng khi thấy : “Hòn đá đã lăn ra khỏi mồ ?” (Lc 24,2). Nhờ lời của hai người lạ kia, các bà nhớ lại lời Người đã nói : “Con Người phải bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi, bị đóng đinh vào thập giá và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Lc 24,7).

Vâng, Chúa Kitô đã sống lại sáng láng bước ra khỏi mồ, sau khi tiêu diệt sự chết, bẻ gãy mọi ràng buộc của ngôi mộ. Chính vì thế mà các Thiên Thần từ trời cao đã tuyên bố : “Người không còn ở đây. Người đã sống lại” (Lc 24, 6). Con Thiên Chúa không còn ở trong mộ, bởi vì Người không thể nào là người tù của sự chết (x. Cv 2, 24) và ngôi mộ không thể nào giữ lại “Ðấng hằng sống” (Kh 1,8), Ðấng là chính nguồn mạch của sự sống đã kết thúc cuộc hành trình nơi ngôi mộ như mọi người, nhưng Người đã chiến thắng sự chết, sống lại ra khỏi mồ. Người đã mở lòng đất và mở ra thật rộng để hướng về Trời, đưa chúng ta ra khỏi mồ tăm tối, dẫn chúng ta từ đất về trời với Chúa Cha.

Mừng vui lên, sao không thể không vui, bởi vì đêm nay Chúa Kitô ra khỏi ngục vinh thắng, đêm mà xiềng xích sự chết do Tội tổ tông gây ra bị bẻ gãy. Sự chết đó đã khiến cho bao người thất vọng, làm tiêu tán hết mọi nỗ lực của con người. Nay Con Thiên Chúa, vì yêu thương đã vâng phục, với cái giá phải trả là chết trên thập giá, để hòa giải tội nhân với Chúa, mang lại sự sống cho con người. Từ nay con người phải chết sẽ được sống, ơn làm con cái Chúa được phục hồi, sự chết sẽ không còn cơ hội để khống chế và tiêu tan những cố gắng của con người nữa. Nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta được kết hiệp với Chúa Kitô, sự Phục Sinh của Người trở thành sự phục sinh của chúng ta, như lời tiên tri Ezechiel đã loan báo: “Ðây, Ta mở ra các mồ mả của các người; Ta phục sinh các người từ các mồ mả, hỡi dân ta ơi, và ta sẽ dẫn các người trở lại xứ sở của Israel” (Ed 37,12). Những lời tiên tri trên có một giá trị đặc biệt trong ngày Chúa phục sinh, bởi vì hôm nay được nên trọn lời hứa của Ðấng Tạo Hóa.

Ngày hôm nay, trong thời đại chúng ta đây, thời đại bị ghi dấu bởi sự lo âu và không chắc chắn, thời đại khủng hoảng, mất niềm tin vào nhau, chúng ta được sống biến cố Phục Sinh, một biến cố đã thay đổi dung mạo cuộc đời chúng ta, đổi thay cả lịch sử nhân lọai. Tất cả những ai đang bị áp bức bởi những mối dây ràng buộc của đau khổ, của sự chết, đang chờ đợi niềm hy vọng từ Chúa Kitô Phục Sinh, cả đôi khi họ chờ đợi một cách vô ý thức.

Cùng với Giáo Hội, những lời của bài ca Exsultet, “Hãy vui lên, hỡi ca đoàn các thiên thần, hãy hát lên... hỡi trái đất, hãy nhảy mừng”. Biến cố Phục Sinh của Chúa bao trùm toàn thể vũ trụ, và liên kết đất trời chung lại với nhau. Một lần nữa, với những lời của bài ca “Hãy vui lên”, chúng ta có thể cao rao : “Chúa Kitô... Ðấng từ cõi chết sống lại và chiếu toả ánh sáng bình an của Người trên toàn thể nhân loại, Ðấng là Con Thiên Chúa, là Ðấng hằng sống và hằng trị mãi mãi muôn đời”. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:01 21/03/2016
15. ĐỘNG THỐNG ĐOẠT ÁO.
Úy Cảnh anh rể của Bắc Lưu Cao Tổ cậy thế bắt nạt người, tham ô hối lộ, dân chúng phẫn nộ cực điểm, Cao tổ sai phái diễn viên cung đình là Thạch Động Thống đi khuyên bảo ông ta.
Một hôm, Thạch Động Thống vừa thấy Úy Cảnh thì không nói không rằng liền đoạt cái áo của y, Úy Cảnh không hiểu ra sao bèn hỏi:
- “Ngài làm gì mà lấy áo của tôi vậy ?”
Thạch Động Thống trả lời:
- “Ông có thể đoạt lấy của cải trăm họ, lẽ nào tôi không thể đoạt lấy áo của ông sao ?”
Cao tổ cho rằng Thạch Động Thống nói rất có lý, bèn khuyên Úy Cảnh:
- “Ông có thể không tái phạm tội tham ô chăng ?”
(Bắc Tế thư)

Suy tư 15:
Ở đời có vay thì có trả, đôi lúc vay ít mà trả nhiều vì phải trả cả tiền lời cho người ta nữa.
Ở đời nợ máu thì trả bằng máu, cho nên thù hận vẫn chồng chất thù hận, máu vẫn đổ và chiến tranh vẫn cứ chiến tranh.
Có vay và có trả, đó là chuyện công bằng.
Nhưng cái vay và cái nợ của người Ki-tô hữu thì không phải như thế: họ cho “vay” một ly nước lã, nhưng chính Thiên Chúa sẽ trả giúp họ mười ly, bởi vì họ nhìn thấy Thiên Chúa –qua người đi đường đang cơn khát nước- đến xin họ ly mước; người Ki-tô hữu “nợ” ai một ly nước, thì chính họ như mắc nợ người ấy một tình yêu siêu nhiên và họ cũng tìm cách “trả nợ” yêu thương ấy bằng những việc làm cụ thể như cầu nguyện, hy sinh và cho người khác “vay” lại.
Như vậy, tình yêu cho đi là một “tình yêu dây chuyền sống động” được nối tiếp từ người này đến người nọ và tỏa lan cho đến tận bờ cõi trái đất. Lúc đó sẽ không còn cảnh người bóc lột người, sẽ không còn cảnh “dựa hơi nhau” để chèn ép lẫn nhau, sẽ không còn cảnh nợ máu phải trả bằng máu nữa, bởi vì tất cả mọi người đều liên kết với nhau trong tình yêu của Thiên Chúa.
“Tình yêu dây chuyền sống động” sẽ được bắt đầu từ anh, từ chị và từ tôi, bởi vì nếu chúng ta không cho “vay”, thì không có ai để trả “nợ”, nghĩa là nếu chúng ta không bắt đầu, thì sẽ không có ai tiếp tục....

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

------------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:04 21/03/2016

7. Khắc chế dục tình là phương pháp để thắng được ma quỷ.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Dẫn nghi thứ Tam Nhật Thánh
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
19:11 21/03/2016
DẪN NGHI THỨC TAM NHẬT THÁNH

THỨ NĂM TUẦN THÁNH THÁNH LỄ TIỆC LY

I. NGHI THỨC.

Nghi thức trong thánh lễ chiều nay gồm:

- Nghi thức nhập lễ và phụng vụ Lời Chúa.

- Nghi thức rửa chân.

- Phụng vụ Thánh Thể.

- Kiệu Mình Thánh Chúa và lột khăn bàn thờ.

II. LỜI DẪN.

1. Dẫn đầu lễ.

Kính thưa cộng đoàn,

Thánh lễ tưởng niệm bữa tiệc ly chiều nay, Hội Thánh bắt đầu tuần Tam Nhật Vượt Qua (tức Ba Ngày Thánh) của Chúa Giêsu. Trong thánh lễ này, Hội Thánh tưởng niệm việc Chúa lập bí tích Thánh Thể cùng với chức Linh Mục và ban giới răn mới: giới răn yêu thương như là di chúc ngàn đời của Hội Thánh.

Trong tâm tình tạ ơn sâu xa vì quà tặng cao cả mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta là chính Mình và Máu Thánh Người, mời cộng đoàn dành hết lòng, trót cả tình yêu mến và trọn tâm trí sốt sắng thờ lạy, tôn vinh, cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Con Một của Người, và tri ân Chúa Giêsu đã hiến mình vì chúng ta.

2. Phụng vụ Lời Chúa.

* Bài đọc 1: Xh 12, 1-8.11-14.

Bài trích sách Xuất Hành chúng ta sắp nghe, cho thấy lễ Vượt Qua của người Do thái là hình ảnh báo trước lễ Vược Qua của Kitô giáo, trong đó Chúa Kitô, Chiên Vượt Qua của Thiên Chúa đã chịu sát tế để đem lại ơn cứu chuộc cho toàn thể nhân loại.

* Bài đọc 2: 1Cor 11, 23-26.

Trong bài đọc chúng ta sắp nghe, thánh Phaolô tường thuật việc Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly. Khi lập bí tích Cực Trọng này, Chúa nhấn mạnh hy tế Thập Giá chính là hy tế cứu độ cho toàn thể nhân loại.

3. Nghi thức rửa chân.

Giờ đây là nghi thức rửa chân.

Qua việc rửa chân cho một số người được lựa chọn trước, cha chủ tế cử hành lại chính hành động Chúa Giêsu đã nêu gương tại phòng Tiệc Ly năm xưa, khi Chúa cúi xuống rửa chân cho các môn đệ của Chúa.

Rửa chân là việc phục vụ mà người đầy tớ dành cho chủ mình. Chúa Giêsu là Chúa, là Chủ, nhưng đã nhận lấy công việc thấp hèn của một đầy tớ. Với hành động tự hạ này, Chúa Giêsu đã cụ thể hóa giới răn mới là yêu thương phục vụ trong khiêm tốn. Chính Chúa đã hạ mình để nên hy tế cho nhân loại. Người để lại tấm gương tuyệt hảo cho những ai muốn tiếp bước theo Người.

4. Lời nguyện chung.

Mời cộng đoàn đứng dâng Lời Nguyện Chung.

5. Dâng của lễ.

Lạy Chúa, của lễ cộng đoàn chúng con dâng lên Chúa chiều nay, được kết tinh từ những hy sinh cố gắng từng ngày trong suốt mùa Chay. Xin Chúa thương nhận và chúc phúc để chúng con xứng đáng tham dự vào Hy tế Thập Giá và sự Phục Sinh của Chúa Kitô, Con Chúa.

6. Kiệu Mình Thánh Chúa sang bàn thờ phụ.

Mình Thánh Chúa được kiệu sang bàn thờ phụ để giáo dân kính viếng. Bàn thờ chính hoàn toàn để trống, không đèn, không nến, không hoa, diễn tả tất cả sự mất mát, nỗi thương đau của nhân loại tội lỗi. Chính vì tội lỗi mà hôm nay Con Thiên Chúa phải chấp nhận cuộc thương khó đầy đau đớn, tủi nhục.

(Kiệu MTC đến giữa nhà thờ thì đọc): Từ xưa, Hội Thánh có thói quen chầu Mình Thánh Chúa từ chiều đến trước nửa đêm thứ năm tuần Thánh. Mời anh chị em dành thời gian chầu Mình Thánh Chúa đêm nay. Qua việc chầu Mình Thánh Chúa, chúng ta tưởng niệm biến cố Chúa vào vườn Cây Dầu cầu nguyện:

- Chúng ta cũng canh thức bên nhà Tạm để cùng cầu nguyện với Chúa.

- Chúng ta sống lại giờ Chúa hấp hối, để nên giống Chúa trong việc trung thành vâng phục thánh ý Chúa Cha.

- Chúng ta nhớ lại ba lần Chúa mời gọi các tông đồ hãy tỉnh thức, nhưng các ông không thể tỉnh thức, các ông ngủ mê mang trong khi giờ Chúa bị bắt đang đến rất gần. Qua sự tưởng nhớ ấy, chúng ta ý thức hơn thân xác nặng nề vì tội lỗi của chúng ta mà thật lòng ăn năn tội lỗi của mình.

7. Lột khăn bàn thờ.

Mời anh chị em nán lại ít giây phút, chứng kiến việc linh mục chủ tế lột khăn bàn thờ. Lột khăn bàn thờ để nói lên vinh quang Thiên tính của Chúa Giêsu bị che dấu. Trong vinh quang Thiên tính bị che dấu ấy, Chúa Giêsu tuyệt đối vâng phục Chúa Cha để chấp nhận cuộc khổ nạn và chịu sỉ nhục nơi nhân tính của mình. Thánh Phaolô ca ngợi sự vâng phục của Chúa Giêsu rằng: “Đức Giêsu Kitô vốn vĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyềt duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Philip 2, 6-8).

Tất cả những nghi thức: từ việc phủ khăn tím trên tượng Chúa chịu nạn, nhà tạm chính hoàn toàn để trống, bàn thờ và cung thánh không đèn, không nến, không hoa, tiếng gõ mõ thay tiếng chuông, đến việc lột khăn bàn thờ, đều cho thấy một bầu khí u buồn, trầm mặc. Qua đó, phụng vụ của Hội Thánh mời gọi chúng ta kiểm điểm lại lòng mình, quyết tâm chừa bỏ tội lỗi, quyết tâm theo chân Chúa Giêsu làm môn đệ của Người và làm con của Chúa Cha cách trung thành và dứt khoát.

THỨ SÁU TUẦN THÁNH TƯỞNG NIỆM CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA

1. Lời dẫn đầu.

Kính thưa cộng đoàn, nghi thức phụng vụ chiều nay gồm ba phần:

- Phụng vụ Lời Chúa.

- Tôn thờ Thánh Giá Chúa Kitô.

- Và rước lễ.

Đặc biệt, qua bài Thương Khó, Hội Thánh tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Kitô, mà đỉnh cao là cái chết của Người trên Thập Giá vì nhân loại chúng ta.

Với phần tôn thờ Thánh Giá, Hội Thánh biểu lộ lòng tôn kính đối với Đấng đã thực hiện ơn cứu rỗi cho nhân loại và kêu mời tất cả mọi nguời quy phụ Thánh Giá Chúa, vì đó là giá cứu chuộc duy nhất của nhân loại.

Tham dự các cử hành phụng vụ chiều nay, Hội Thánh mời gọi chúng ta kết hiệp cách hết sức sâu xa đời mình, thập giá của chính bản thân mình vào mầu nhiệm Thánh Giá và sự chết của Chúa, để sau khi cùng chết với Chúa Kitô, chúng ta hy vọng được Chúa cho phục sinh trong một đời sống đã được đổi mới ngay trên trần thế này, nhờ đó, mai này tất cả chúng ta đạt tới niềm vui vĩnh cửu trong Chúa.

Vì thế, để tham dự các cử hành phụng vụ chiều nay hết sức tích cực, mời cộng đoàn hãy tập trung mọi ý lực, mọi suy tư của mình ở mức độ cao nhất, để xứng đáng tháp nhập thập giá đời mình vào Thánh Giá Chúa; tháp nhập lòng mến của mình vào Tình Yêu của Chúa; tháp nhập cả một đời tin theo thánh ý Thiên Chúa của chúng ta vào thái độ vâng phục tuyệt hảo của Chúa Kitô, để như Chúa, mỗi ngày chúng ta càng nên hoàn thiện hơn, như Chúa là Đấng hoàn thiện.

Mời cộng đoàn đứng, bắt đầu tham dự nghi thức tưởng niệm cuộc tử nạn của Chúa Kitô.

2. Chủ tế từ phòng thánh bước ra bàn thờ.

Chiều hôm nay, chúng ta không cử hành thánh lễ, nhưng cử hành nghi thức đặc biệt tưởng nhớ tình yêu của Thiên Chúa nơi cuộc tử nạn hồng phúc của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

3. Sau khi hôn bàn thờ, chủ tế quỳ thinh lặng.

Cùng với chủ tế, chúng ta quỳ gối và thinh lặng, hướng tâm hồn về cuộc tử nạn của Chúa và cảm tạ Chúa vì tình yêu vô cùng mà Chúa dành cho chúng ta.

4. Hát bài Thương Khó đến chỗ: “Rồi Người gục đầu xuống tắt thở”.

Mời cộng đoàn quỳ, tưởng niệm sự chết của Chúa Kitô, Chúa chúng ta.

5. Sau bài giảng, chủ tế sẽ đọc lời nguyện chung.

Lời nguyện chung chiều hôm nay rất trang trọng. Có đến mười lời nguyện, nhắm đến nhiều ưu tư, nhiều nhu cầu cần thiết và quan trọng của Hội Thánh cũng như của nhân loại. Tất cả mười lời nguyện đều do chủ tế đọc. Trước mỗi lời nguyện đều có lời mời gọi. Sau lời mời gọi, xin cộng đoàn thinh lặng để cùng hiệp thông với mỗi lời nguyện của chủ tế.

6. Sau lời nguyện chung, suy tôn Thánh Giá.

Đây là phần chính yếu của nghi thức tưởng niệm cuộc tử nạn của Chúa chiều hôm nay. Hôn kính chân tượng Chúa chịu nạn trên Thánh Giá là dấu chỉ cho thấy chúng ta tin tưởng nơi tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa và của Chúa Giêsu, một tình yêu có sức giải thoát mọi tội lỗi và trao ban ơn cứu độ đời đời. Hôn kính Thánh Giá còn là dấu chỉ chúng ta tôn thờ Thánh Giá Chúa, nhìn nhận tội lỗi, quyết tâm chừa tội và chấp nhận vác thập giá đời mình bước theo Chúa Kitô trên đường tử nạn trong suốt cuộc đời chúng ta.

Thứ tự hôn kính Thánh Giá Chúa như sau:

Cha chủ tế.

Những người giúp nghi thức (giúp lễ).

Quý tu sĩ.

Vì quá đông người, sợ sẽ mất thời gian. Xin cộng đoàn hôn kính Thánh Giá Chúa vào lúc 20g00 đêm nay.

THỨ BẢY TUẦN THÁNH ĐÊM VỌNG PHỤC SINH

1. Dẫn đầu lễ.

Xin tắt tất cả các đèn.

Kính thưa cộng đoàn, theo truyền thống phụng vụ của Hội Thánh, đêm nay, đêm canh thức, đêm mà toàn thể Hội Thánh hân hoan cử hành mầu nhiệm Chúa Kitô Phục sinh. Phụng vụ đêm Vọng Phục sinh gồm bốn phần:

- Nghi thức làm phép lửa mới và kiệu nến Phục sinh.

- Phụng vụ Lời Chúa.

- Phụng vụ thánh tẩy.

- Và phụng vụ Thánh Thể.

Bốn phần phụng vụ này liên hệ chặt chẽ với nhau: Khi Ánh Sáng của nến Phục sinh bừng lên, tượng trưng cho Chúa Kitô chiến thắng bóng đêm tội lỗi, Hội Thánh suy niệm các việc kỳ diệu Thiên Chúa đã làm cho dân ngay từ khi tạo thiên lập địa. Giờ đây trong tâm tình hân hoan cảm tạ, chúng ta bước vào phần thứ nhất của đêm Vọng Phục sinh: Nghi thức làm phép lửa mới và kiệu nến Phục sinh.

2. Làm phép lửa mới và kiệu nến Phục sinh.

Qua việc làm phép lửa mới và kiệu nến Phục sinh, Hội Thánh tuyên xưng Chúa Kitô chính là Ánh Sáng muôn dân, là Đấng phá tan bóng đêm tội lỗi đang bao trùm nhân loại, Đấng giải thoát chúng ta khỏi tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống đời đời.

- Hát “Ánh Sáng Chúa Kitô” lần hai người dẫn đọc:

Xin cộng đoàn thắp sáng nến trên tay mình bằng ngọn lửa lấy từ nến Phục sinh do các em giúp lễ chuyển đến.

- Hát “Ánh Sáng CK” lần ba: bật đèn sáng.

* Trước khi công bố Tin Mừng Phục Sinh:

Giờ đây, chúng ta cùng hân hoan tán dương Thiên Chúa, Đấng đã thực hiện những việc lạ lùng cho nhân loại qua Người Con Một dấu ái của Người. Để biểu lộ niềm hân hoan này, chúng ta hướng về cây nến Phục sinh, cất lời ca tụng Chúa Kitô, Ánh Sáng muôn đời tồn tại, Thiên Chúa đã trao tặng chúng ta (Chủ tế hát TMPS).

3. Phụng vụ Lời Chúa (sau công bố TMPS, người dẫn đọc):

Kính mời cộng đoàn ngồi.

Trong phần Phụng vụ Lời Chúa mà chúng ta sắp cử hành, kể lại những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện nơi dân của Người từ xa xưa. Đêm nay, đêm Vọng Phục Sinh, đêm Thánh, đêm Mẹ của các đêm, Lời Chúa như tóm gọn cả một dòng lịch sử cứu độ mang nặng và lắng sâu đến vô cùng, tình yêu của Thiên Chúa dành cho loài người tội lỗi là tất cả chúng ta. Chúng ta cùng sốt sắng lắng nghe. Sau đây là bài đọc thứ nhất.

* Bài đọc I (St 1, 1-2, 2):

Không có Chúa, tất cả là hư vô. Vì yêu thương, từ hư vô, Chúa đã dựng nên cả vũ trụ. Bài đọc đầu tiên trình bày công trình tạo dựng của Chúa. Khởi đi từ công trình tạo dựng, Thiên Chúa muốn cứu độ toàn thể loài người. Công trình cứu độ do Chúa Kitô thực hiện mới thực sự là cuộc tạo dựng mới hoàn hảo. Như vậy, từ cuộc tạo dựng đầu tiên mà chúng ta sắp nghe, sẽ dẫn đến cuộc tạo dựng mới trong Chúa Kitô.

- Sau mỗi bài đọc, hát đáp ca.

- Chủ tế đọc lời nguyện.

* Bài đọc II (St 22,1 - 2,9a. 10-13.15-18):

Bài trích sách Sáng Thế mà chúng ta sắp nghe nói đến việc Tổ phụ Abraham vâng lệnh Chúa, sát tế người con duy nhất của mình là Isaac. Nhờ lòng tin mạnh mẽ và sự vâng phục lớn lao, Abraham được Chúa chúc phúc để trở thành Cha một dân tộc đông như sao trên trời, như cát bãi biển.

* Bài đọc III (Xh 14,15-15,1):

Bài đọc II trích trong sách Xuất Hành, tường thuật việc người Do Thái vượt Biển Đỏ bình an. Đây là hình ảnh Thiên Chúa dùng để báo trước cuộc giải thoát mà Chúa Kitô sẽ mang lại cho mỗi người chúng ta.

* Bài đọc IV (Is 54, 5-14):

Vì sự bất tín và phản bội, Dân Chúa đã phải sống trong kiếp lưu đày tại Babylon. Giữa những khốn cùng của cảnh lưu đày, Toàn dân lại nghe những lời yên ủi thắm thiết của Chúa vang lên qua sứ điệp của tiêng tri Isaia. Vì thế, dân Chúa đã biết ăn năn. Chúa lấy lòng nhân từ vô biên đón nhận họ, và cho hưởng nền hòa binh dài lâu.

* Bài đọc V (Is 55,1-11):

Tiên tri Isaia loan báo một thời kì thịnh đạt mà Israel sẽ được vui hưởng, thời kì mà Chúa sẽ kí kết một giao ước vĩnh cửu với những hồng ân mà Chúa đã hứa cho Đavit. Và điều này sẽ được thực hiện nơi Chúa Cứu Thế.

* Bài đọc VI (Br 3, 9-15. 32-4,4):

Bài đọc sau đây ghi lại lời tiên tri Baruc nói cho dân Ítraen biết: Bởi họ bỏ đường lối Chúa nên họ phải rơi vào cảnh cùng cực của những năm dài sống kíp lưu đày. Từ nay, sau khi được giải thoát, nếu muốn sống trong bình an thịnh vượng, họ phải tuân giữ luật Chúa và trung thành với Giao ước.

* Bài đoạc VII (Ez 36, 16-18):

Nội dung bài đọc mà chúng ta sắp nghe, tiên tri Êzêkiel khiển trách dân Chúa về tội lỗi của họ. Họ đã bất trung và phản bội Chúa. Vì sự xúc Danh Thánh Chúa và đời sống bất công của họ đã đẩy họ vào bất hạnh, khổ đau và nhục nhã. Nhưng Thiên Chúa đã yêu thương tha thứ cho dân Người. Người không trừng phạt, như thánh hóa họ.

- Sau khi chủ tế đọc lời nguyện của bài đọc cuối xong, người dẫn đọc:

Xin lưu ý, sau đây là kinh Vinh Danh. Sau khi cha chủ tế xướng “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời”, chúng ta thinh lặng, đợi dứt tiếng chuông, chúng ta mới hát “Và bình an dưới thế cho người thiện tâm…”.

* Kinh Vinh Danh.

- Rung chuông, chưng bông, thắp nến.

- Sau kinh Vinh Danh, chủ tế đọc lời nguyện nhập lễ.

* Bài Thánh Thư: Rm 6, 3-11.

Bài đọc Tân Ước trích trong thư của thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu thành Rôma sau đây là chân lý đức tin quan trọng gắn liền với ý nghĩa của đêm cực Thánh này. Chân lý đức tin đó là: Nhờ bí tích Thánh Tẩy, chúng ta cùng chết và cùng sống lại với Chúa Kitô.

- Sau Thánh thư, mọi người đứng, xướng All. Ba lần.

- Đáp ca.

- Không xướng trước Tin Mừng.

- Chủ tế công bố Tin Mừng, không mang đèn, nhưng có hương lửa.

- Sau giảng, chủ tế đến giếng rửa tội, người dẫn đọc:

Giờ đây là phần phụng vụ thánh tẩy. Với việc tham dự vào nghi thức làm phép nước, chúng ta được mời gọi nhớ lại bí tích rửa tội của mình mà ý thức hơn về tình yêu của Chúa. Chính tình yêu ấy đã cho chúng ta được làm con Thiên Chúa và làm môn đệ của Chúa Kitô.

4. Phụng vụ Thánh Tẩy.

- Sau khi chủ tế làm phép nước và thắp nến cho cộng đoàn, người dẫn đọc:

Với cây nến được thắp sáng từ ngọn nến Phục sinh trong tay, chúng ta long trọng lặp lại lời tuyên hứa khi chịu phép Thánh tẩy và tuyên xưng lại đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Khi tuyên xưng đức tin, chúng ta liên kết với các anh chị em dự tòng lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo trong đêm nay, để cùng họ, chúng ta làm chứng cho mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Kitô trong cuộc sống hằng ngày.

- Sau khi rảy nước vừa làm phép trên dâng chúng, chủ tế đọc lời nguyện chung.

5. Phụng vụ Thánh Thể.

Mời cộng đoàn ngồi.

Trong tâm tình hân hoan mừng Chúa Phục Sinh, giờ đây chúng ta bước vào phần phụng vụ Thánh Thể.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG
 
Suy niệm tuần thánh
Lão Ngu Ni
20:09 21/03/2016
ĐÃ THƯƠNG THÌ ĐỪNG TIẾC

(Tin Mừng Thứ Hai Tuần Thánh – Ga 12,1-11)

Tin mừng cho biết lý do chỉ tại vì ganh tương đố kỵ nên các Thượng Tế muốn giết Chúa Giêsu. Họ ganh tị vì thấy dạnh vị của mình bị thua sút và kéo theo là lợi lộc cũng sẽ bị giảm đi. Các Thượng Tế đã tìm cách giết Chúa Giêsu vẫn chưa đủ, họ quyết định giết luôn cả Ladarô nữa, lý do tại vì anh mà nhiều người Do Thái đã bỏ họ mà tin vào Ngài. Ladarô là người được Chúa Giêsu cho sống lại sau khi chết đã an táng bốn ngày. Sự ác thường không có điểm dừng. Vì đằng sau sự ác là thần dữ, nó chẳng hề biết nghỉ ngơi và luôn muốn đi đến cùng của sự dối gian vốn là bản tính của nó.

Để có thể chống lại chước mưu của thần dữ, chúng ta cần kiên trì tiếp bước theo chân Chúa Giêsu để sống yêu thương đến cùng. Cô Maria là một mẫu gương cho chúng ta khi sống yêu thương cách không tính toán. Lần trước đây khi Thầy Giêsu ghé thăm nhà, ngồi dưới chân nghe Thầy tâm sự, hẳn nhiên cô cảm nhận ít nhiều về cuộc khổ nạn mà Thầy sắp chịu tại Giêrusalem, cuộc khổ nạn mà Thầy đã tiên báo ít là ba lần trước đó. Lần này Thầy ghé thăm nhà, phần để cảm tạ ân tình Thầy đã cho người em là Ladarô sống lại, phần nữa là để sẻ chia đoạn đường gai chông mà Thầy sắp phải tiến bước, cô đã đập vỡ bình dầu thơm cam tùng hảo hạng để xức chân Thầy. Trong tình yêu thì dẫu cho cái giá chai dầu như ông Giuđa ước tính là ba trăm đồng (tương đương khoảng 60 triệu đồng Việt Nam – vì theo giá công nhật bấy giờ là một đồng), cũng chẳng đáng gì, nhất là đã yêu thì không hề tiếc, đã thương thì chẳng hề tính toán so đo thiệt hơn. Biên giới của tình yêu là vô biên giới. Điểm tới của tình yêu là phải đến cùng.

Bước vào Tuần Thánh rồi, bạn, tôi, chúng ta có tính toán gì không khi sống yêu thương nhau? Chúng ta có tính toán so đo gì không khi muốn đáp đền tình Chúa đã yêu thương chúng ta?

Lão Ngu Ni

TỐI – SÁNG

(Tin Mừng Thứ Ba Tuần Thánh – Ga 13,21-33.36-38)

Tông đồ Giuđa ra khỏi phòng Tiệc Ly để nộp Thầy, bấy giờ là đêm tối và Chúa Giêsu lại phán: “Bây giờ Con Người được vinh hiển, và Thiên Chúa đã được vinh hiển nơi Người...”(Ga 13,31). Đêm dần về, nghĩa là trời càng tối thì ánh đèn trông càng sáng hơn. Một quy luật tương phản của màu sắc nhắc nhớ chúng ta về một hiện thực của ân tình và của đời sống tâm linh. Chính trong vũng lầy nhơ uế của tội lỗi thì tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa lại bừng sáng và tỏa rạng. Thiên Chúa được vinh hiển nghĩa là thánh danh Đấng là Tình Yêu được cả sáng khi Ngài sẵn sàng đón nhận sự bất trung, bội phản và hèn nhát của người mà Ngài yêu thương.

Một chuyện kể về Đức Phật Thích Ca. Khi Ngài ngồi thiền dưới bóng cây bồ đề, ma quỷ xúi giục một tên vô lại đến tuôn ra đủ lời bỉ ổi kèm với những bãi nước bọt tanh hôi. Đức Phật vẫn tĩnh tại thiền định, không một lời hay thái độ đáp trả bất bình. Sau một lát vất vả với các hành vi hỗn xược, bất kính, tên vô lại bèn nghỉ xả hơi. Đức Phật khẽ mở mắt ôn tồn: “Anh ơi, nếu có ai muốn trao cho anh cái gì đó mà anh không nhận thì cái đó ở đâu?” “Thì ở nơi cái thằng muốn trao” – tên vô lại đáp ngay. Đức Phật nhẹ nhàng tiếp: “Vậy những gì mà anh muốn trao cho tôi nãy giờ, xin phép anh, tôi không nhận”. Tên vô lại mặt đỏ bừng, xấu hổ bỏ đi.

Đôi tay Chúa Giêsu giang ra trên thập giá sẵn sàng đón nhận mọi hậu quả xấu xa của tội lỗi loài người, của cả những người đang lăng mạ và giết Ngài, không phải bao che cho tội lỗi nhưng để dìu đưa tội nhân vươn lên đón hồng ân tha thứ. Trái tim cực thánh của Chúa Giêsu đã mở toang ra vừa đón nhận mọi kẻ có tội, vừa vắt kiệt cả giọt máu giọt nước cuối cùng tuôn ban hồng ân cứu độ cho nhân trần.

Đón nhận và trao ban chính là hai động thái của tình yêu liên đới và cứu sống. Trong bóng đêm của tội lỗi thì mầu nhiệm tình yêu giải phóng và hiệp thông được tỏa rạng.

Lòng thương xót của Chúa luôn chiến thắng sự độc ác của con người. Với chúng ta thì có nhiều trường hợp tồi tệ dường như là không thể đổi thay, nhưng với Thiên Chúa thì mọi sự đều là có thể. Bạn, tôi, chúng ta có tin điều ấy không?

Lão Ngu Ni

GIUĐA VÀ TÔI

Những ngày Tuần Thánh Giáo Hội cho trích đọc các bài Tin Mừng tường thuật sự phản bội của tông đồ Phêrô và Giuđa. Xin có một cái nhìn về ông Giuđa để rồi xem lại bản thân.

Truyền thống tu đức và các lời kinh ngắm nguyện đạo đức xem ra khinh miệt ông Giuđa với cái tội bán Chúa. Tuy nhiên theo dữ liệu Tin Mừng thì chúng ta cần sửa lại nhiều cái nhìn về tông đồ này.

Được Chúa Giêsu chọn gọi sau một đêm thức trắng cầu nguyện thì chắc hẳn tư cách của Ngài Giuđa không thua sút các vị trong nhóm mười hai bao nhiêu.

Có chút tật xấu bớt xén của chung thì cũng là chuyện dễ hiểu khi được trao phó làm quản lý. Số tiền mà Giuđa bớt xén xem ra chẳng là bao vì của Thầy Giêsu sống khó nghèo kiểu không chỗ tựa đầu. Hơn nữa chuyện cầm thịt thì tay dính mỡ là chuyện cũng thường xảy ra. Thử hỏi các vị làm quản lý các tập thể xem sao, ngay cả trong các tập thể tôn giáo thì được bao nhiêu vị tay không nhúng chàm ít nhiều? Chưa kể đến các trường hợp tham nhũng ngoài xã hội. Thế thì tội của ngài Giuđa chưa đến nỗi trầm trọng, nếu xét về số lượng. Chuyện buôn bán, kinh doanh thua lỗ, lường gạt, quỵt nợ hàng trăm triệu, có khi hàng tỉ đồng là chuyện đã có đó nơi nhiều xứ đạo.

Việc không tin Chúa Giêsu khi Người nói về Người là Bánh Hằng Sống từ trời xuống thì có thể là đáng tiếc. Nhưng rồi thử hỏi các vị còn lại đã tin như thế nào. Và một điều chắc chắn là tất cả các môn đệ đều không tin vì thấy lời ấy chói tai quá. Ngay hôm nay thử hỏi Kitô hữu chúng ta có phải tất cả đều mạnh mẽ tin Chúa Kitô là Bánh Hằng Sống. Hãy xem thái độ của chúng ta với Bí Tích Thánh Thể thì có thể biết phần nào.

Việc phản bội Thầy, nộp Thầy cho các Thượng Tế với giá ba mươi đồng bạc thì quả là đáng trách nhưng các nhà nghiên cứu Tin Mừng cho hay mục đích nhắm của Giuđa không phải là số tiền ba mươi đồng tương đương ba mươi ngày công mà là muốn ép Thầy mình phải thể hiện uy quyền để rồi phải làm vua để mình cùng được hưởng vinh hoa phú quý. Động cơ hay mục đích này thì cả nhóm mười hai đều có. Các ngài thường tranh luận với nhau xem ai sẽ là quan đầu triều khi Thầy lên làm vua. Hai anh em nhà Giêbêđê là Giacôbê và Gioan đã từng xin xỏ Thầy chuyện này cách công khai. Sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều thì dân chúng đã từng định bắt Chúa Giêsu và tôn làm vua. Có thể suy đoán là thể nào cũng có sự gợi ý của nhóm mười hai cách nào đó. Đêm Tiệc Ly chính Chúa Kitô đã cầm lấy bánh và nói: Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con, tức là vì cả tập thể chứ đâu riêng gì chỉ vì một mình Giuđa.

Biết mình đã phạm tội, Giuđa bèn đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các Thượng Tế và nói: “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan” (Mt 27,4). Xem ra ông Giuđa vẫn còn có chút gì đó liêm sĩ hơn nhiều người khi công khai xưng thú tội đã phạm và trả lại số tiền xấu xa đã nhận.

Việc Giuđa được gọi là thất vọng, ngã lòng đi thắt cổ tự vẫn (x.Mt 27,5) hay là rơi từ trên cao xuống “vỡ bụng, lòi cả ruột gan” (x.Cv 1,18) như lời thánh Phêrô, thì dường như đáng trách. Tuy nhiên theo chiều kích tâm lý và cả luân lý thì một hành vi được thực hiện trong tình trạng thất vọng rất có thể được khoan thứ trách nhiệm vì khi ấy đương sự không thực sự tự do. Việc kết hôn, nếu được thực hiện khi một trong hai người ở trong tình trạng quá thất vọng thì hôn phối ấy vô hiệu, nghĩa là không thành sự. Ngày nay Giáo Hội đã có cái nhìn quân bình hơn về tình trạng tự vẫn để rồi bỏ đi nhiều chế tài trong việc cử hành nghi lễ an táng. Theo thiển ý thì một người thực hiện một hành vi đáng tiếc trong tình trạng thất vọng thì đáng thương, còn trong tình trạng cố chấp, chai lì và cuồng vọng thì mới thật đáng trách.

Một vài cái nhìn về tông đồ Giuđa cũng là dịp để chúng ta xem lại bản thân mình, không chỉ để sửa mình mà còn để thay đổi cái nhìn cho quân bình và nhất là có tình thương xót trước lỗi phạm của tha nhân.

Lão Ngu Ni
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Bênêđíctô và Đức Phanxicô gặp nhau ở lòng thương xót
Vũ Văn An
02:11 21/03/2016
Ngay từ đầu, một phần của truyện kể về Đức Phanxicô đã là: ngài có vẻ chống lại Đức Bênêđíctô. Trong khi Đức Bênêđíctô lạnh lùng và xa vắng, thì Đức Phanxicô ấm áp và thân dân; trong khi Đức Bênêđíctô cứng cỏi và giáo điều, thì Đức Phanxicô cởi mở và mềm dẻo; trong khi Đức Bênêđíctô là người của hệ thống thì Đức Phanxicô là đối cực của hệ thống.

Còn nhiều nữa, tuy nhiên điều rõ ràng là người ta cố gắng đặt hai vị ở thế trái ngược nhau. Điều đầu tiên phải nói là Đức Phanxicô chưa hề làm gì để cung cấp nhiên liệu cho việc truyền bá hình ảnh này. Ngay khi vừa lên ngôi, vị tân giáo hoàng đã dùng trực thăng tới Castel Gandolfo, nơi vị tiền nhiệm tạm trú, để ôm hôn ngài. Thông điệp đầu tiên, “Ánh Sáng Đức Tin” do Đức Phanxicô ban hành tháng Sáu năm 2013, phần lớn dựa vào bản thảo của Đức Bênêđíctô và Đức Phanxicô mời Đức Bênêđíctô tham dự nhiều biến cố lớn.

Vấn đề công chính hóa

Nay, ta lại được một nhắc nhở mới cho thấy câu truyện thực sự giữa hai vị là sự liên tục chứ không phải gián đoạn. Đó là cuộc phỏng vấn Đức Bênêđíctô của Cha Jacques Servais, một linh mục và là thần học gia Dòng Tên, nhân cuộc hội nghị tại Rôma về học lý truyền thống Công Giáo về công chính hóa.

Theo cuộc phỏng vấn trên, Đức Bênêđíctô cho rằng hiện đang có cuộc “khủng hoảng sâu xa hai mặt” về đức tin, phát sinh từ niềm tin thần học hiện đại cho rằng người ta có thể được cứu rỗi ở bên ngoài Kitô Giáo. Dù ủng hộ niềm tin này, ngài vẫn cho hay nó tạo ra việc đánh mất nhiệt tâm truyền giáo, và khiến người ta hoài nghi tự hỏi tại sao cần phải tuân theo các đòi hỏi của Kitô Giáo nếu bạn vẫn có thể về Trời mà không cần các đòi hỏi này.

Tất cả những điều trên đều đúng và không phải lần đầu tiên Đức Bênêđíctô nói thế. Tuy nhiên điều đáng nói ở đây là việc ngài nói tới lòng thương xót. Ngài cho hay: cách nay 500 năm, khi xẩy ra Phong Trào Thệ Phản, người ta coi sự hiện hữu của Thiên Chúa là điều đương nhiên và cho rằng Thiên Chúa phát giận về tất cả những lộn xộn mà con người đã gây ra trên thế giới. Cho nên, câu hỏi chủ lực là làm thế nào, một con người nhân bản có thể được cứu rỗi.

Martin Luther trả lời câu hỏi trên bằng cách nói rằng chỉ nhờ một mình đức tin mà thôi, còn Giáo Hội Công Giáo thì dạy rằng phải nhờ cả đức tin lẫn việc làm tốt nữa. Chính vì thế, đã xẩy ra cuộc ly giáo lớn.

Ngày nay, theo Đức Bênêđíctô, nội dung cuộc tranh luận trên đã bị đảo ngược. Con người nam nữ ngày nay nhìn vào mọi bạo lực, sự ác và sa đoạ trên thế giới, và tự hỏi tin vào một Thiên Chúa yêu thương có còn ý nghĩa gì không. Nói cách khác, đây không còn là vấn đề nhân loại phải tự biện minh trước Thiên Chúa; chính Thiên Chúa mới cần phải tự biện minh trước mặt nhân loại.

Lòng thương xót

Đức Bênêđíctô tin rằng câu trả lời của Thiên Chúa cho thách thức trên là lòng thương xót. Theo ngài, Thiên Chúa không thể chỉ đơn giản làm cho mọi sự ác trên thế giới biến mất, vì làm thế là tước hết tự do của con người. Điều Thiên Chúa có thể làm là tỏ lòng thương xót, qua đó, khuyến khích con người thương xót lẫn nhau. Lòng thương xót nằm ở tâm điểm câu truyện của Kitô Giáo, với Con duy nhất của Thiên Chúa sẵn sàng chết vì yêu thương.

Ngài nói rằng: “chỉ nơi nào có thương xót nơi ấy tàn ác mới chấm dứt, chỉ với lòng thương xót, sự ác và bạo lực mới kết thúc”. Điều này đem chúng ta tới Đức Phanxicô một cách rất gần gũi vì Đức Tân Giáo Hoàng rõ ràng nhấn mạnh tới lòng thương xót. Chỉ cần nhìn huy hiệu giáo hoàng của ngài cũng đủ thấy: miserando atque eligendo, đại khái có nghĩa: “chọn bằng con mắt thương xót”.Bài giảng lễ Chúa Nhật đầu tiên làm giáo hoàng của ngài nói rằng “sứ điệp mạnh nhất của Chúa là lòng thương xót” và hiện ta đang ở giữa Năm Thánh Đặc Biệt do Đức Phanxicô khai mạc và dành cho chủ đề thương xót.

Sứ điệp ngắn nổi tiếng nhất của ngài là câu “Tôi là ai mà dám xét đoán?”, một biểu thức nói lên lòng thương xót và cũng là thái độ của ngài đối với nhiều vấn đề khác: người nghèo, chiến tranh, người Công Giáo ly dị và tái hôn…

Đức Bênêđíctô nói rằng “Đức Giáo Hoàng Phanxicô hoàn toàn đồng ý với đường hướng trên…Thực hành mục vụ của ngài được phát biểu qua sự kiện: ngài luôn nói với chúng ta về lòng thương xót của Thiên Chúa. Chính lòng thương xót thúc đẩy chúng ta hướng về Thiên Chúa trong khi đức công bằng khiến chúng ta sợ hãi trước Nhan Thánh Người”.

Theo Đức Bênêđíctô, ngài thừa hưởng việc nhấn mạnh tới lòng thương xót từ triều giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II, xây dựng căn bản tri thức cho nó và trao nó lại cho Đức Phanxicô, người sẽ đem sứ điệp này ra đường phố.

Cái nhìn của Đức Bênêđíctô về lòng thương xót

Thiển nghĩ, ta nên đọc chính lời Đức Bênêđíctô trả lời Cha Servais để thấy rõ phần đóng góp của ngài vào ý niệm thương xót:

“Theo ý kiến tôi, tiếp tục vẫn có cảm thức cho rằng chúng ta cần ơn thánh và sự tha thứ. Đối với tôi, một 'dấu chỉ thời đại' là sự kiện ý niệm lòng thương xót của Thiên Chúa nên trở thành mỗi ngày một trung tâm và chủ chốt hơn, khởi đi từ Nữ Tu Faustina, người mà các thị kiến, về nhiều phương diện, vốn phản ảnh một cách sâu xa hình ảnh Thiên Chúa mà người thời nay vốn có và khát mong của họ được lòng tốt của Thiên Chúa chiếu cố. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thấm nhuần viễn kiến này một cách sâu sắc, dù không luôn minh nhiên nói ra. Nhưng chắc chắn không phải là chuyện tình cờ khi cuốn sách cuối cùng của ngài, ấn hành ngay trước ngày ngài qua đời, đã nói về lòng thương xót của Thiên Chúa. Căn cứ vào các kinh nghiệm mà ngay từ thời niên thiếu vốn đã khiến ngài phải giáp mặt với mọi hành vi tàn bạo có thể có của con người, ngài quả quyết rằng lòng thương xót là phản ứng duy nhất chân thực và hữu hiệu cuối cùng chống lại sức mạnh của sự ác.

“Chỉ ở đâu có thương xót, bạo tàn mới chấm dứt, chỉ với lòng thương xót, sự ác và bạo lực mới kết thúc. Đức Giáo Hoàng Phanxicô hoàn toàn nhất trí với đường hướng này. Thực hành mục vụ của ngài được phát biểu qua sự kiện này: ngài liên tục nói với chúng ta về lòng thương xót của Thiên Chúa. Lòng thương xót giúp chúng ta hướng về Thiên Chúa, trong khi đức công bằng khiến chúng ta sợ hãi trước nhan Người. Theo cái nhìn của tôi, điều này cho thấy rõ: dưới nước sơn tự tin và tự cho mình chính trực, con người thời đại đã che đậy cái hiểu sâu sắc của họ về chính các thương tích của mình và sự bất xứng của họ trước mặt Thiên Chúa. Họ đang mong đợi sự thương xót.

"Chắc chắn không phải là chuyện trùng hợp ngẫu nhiên khi dụ ngôn Người Samaria Nhân Hậu trở thành lôi cuốn đặc biệt đối với con người thời nay. Và không phải chỉ vì dụ ngôn này mạnh mẽ nhấn mạnh tới chiều kích xã hội của sự hiện hữu Kitô Giáo, cũng không hẳn vì trong nó, người Samaria, một con người không phải là tôn giáo, so với các đại diện của tôn giáo, xem ra mới là người, có thể nói, đã thực sự hành động phù hợp với Thiên Chúa, trong khi các đại diện chính thức của tôn giáo dường như chẳng ăn có gì với Thiên Chúa cả. Điều này rõ ràng làm con người hiện đại thích thú. Tuy nhiên, đối với tôi, điều xem ra cũng quan trọng là con người, trong cái thẳm sâu của lương tâm họ, luôn mong được người Samaria tới giúp đỡ mình; mong ông cúi xuống trên mình, xức dầu các vết thương của mình, săn sóc mình và đưa mình tới bến lành bình an. Phân tích đến cùng, họ biết rằng họ cần lòng thương xót của Thiên Chúa và tình âu yếm của Người. Trong cái nghiệt ngã của thế giới kỹ thuật hóa trong đó xúc cảm không còn đáng kể nữa, người ta càng mong có được thứ tình yêu cứu vớt nhưng không. Đối với tôi, hình như trong thể tài lòng Chúa thương xót, có điều mà ta vốn hiểu là công chính hóa nhờ đức tin, nhưng mới mẻ hơn. Khởi đi từ lòng thương xót của Thiên Chúa, lòng thương xót mà ai cũng mong chờ, cả ngày nay, ta cũng có thể giải thích như mới cốt lõi nền tảng của học lý công chính hóa và làm cho nó xuất hiện một lần nữa trong mọi nét liên quan của nó.

"Khi Thánh Anselmô nói rằng Chúa Kitô chết trên Thập Giá để đền bù sự xúc phạm khôn cùng đến Thiên Chúa, và nhờ thế đã khôi phục trật tự từng bị phá nát, ngài đã sử dụng một ngôn từ rất khó để con người hiện đại chấp nhận (xem Gs 215.ss iv). Diễn tả cách này, ta liều mình phóng chiếu lên Thiên Chúa một hình ảnh của vị Thiên Chúa giận dữ, tàn nhẫn đối với tội lỗi của con người, đầy tâm tình bạo lực và gây hấn so với những điều chính ta vốn cảm nghiệm. Làm thế nào có thể nói về đức công bằng của Thiên Chúa mà lại không có tiềm năng phá hoại niềm xác tín vốn đã được thiết lập hết sức vững vàng nơi các tín hữu rằng Thiên Chúa của người Kitô hữu là vị Thiên Chúa “giầu lòng thương xót” (Ep 2:4)? Hiện nay, cách quan niệm của Thánh Anselmô đã trở nên bất khả niệm đối với chúng ta. Nhiệm vụ của chúng ta là phải một lần nữa cố gắng hiểu được sự thật nằm phía sau kiểu phát biểu này. Về phần mình, tôi xin đề xuất 3 điểm để nhìn vấn đề này:

" a) Ngày nay, sự tương phản giữa Chúa Cha, Đấng nhấn mạnh tới công bằng một cách tuyệt đối, và Chúa Con, Đấng vâng lời Chúa Cha và, vì vâng lời, đã chấp nhận các đòi hòi tàn bạo của công bằng, không những bất khả niệm, mà, dựa vào nền thần học Ba Ngôi, còn tự sai lầm nữa. Chúa Cha và Chúa Con là một và do đó, ý chí của các vị từ nội tại vốn chỉ là một. Khi Chúa Con lao đao với ý muốn của Chúa Cha trong Vườn Cây Dầu, thì đó không phải là chuyện tự chấp nhận sự sắp đặt tàn bạo của Chúa Cha, nhưng đúng hơn là lôi kéo nhân loại vào chính ý muốn của Thiên Chúa. Sau đây, ta sẽ còn phải trở lại với mối liên hệ giữa hai ý chí của Chúa Cha và của Chúa Con.

" b) Nếu thế, tại sao còn có chuyện thập giá và đền tội thay? Ngày nay, một cách nào đó, trong cảnh méo mó của tư tưởng hiện đại như trên đã nói, câu trả lời cho các câu hỏi này có thể được phát biểu cách mới mẻ. Ta hãy đặt mình trước số lượng không thể nào tin được các sự ác, bạo lực, gian dối, hận thù, bạo tàn và ngạo mạn đang lan tràn và phá hủy toàn bộ thế giới. Không ai, kể cả Thiên Chúa, có thể đơn giản tuyên bố khối lượng sự ác này không hề có. Khối lượng này phải được thanh tẩy, tu sửa và khuất phục. Israel ngày xưa xác tín rằng hy lễ đền tội hàng ngày và trên hết, đại phụng vụ Ngày Xá Tội (Yom Kippur) là điều cần thiết để làm đối trọng (counterweight) cho khối lượng sự ác kia trên thế giới và chỉ nhờ sự tái cân bằng này, thế giới mới có thể chịu đựng được, có thể nói như thế. Một khi các hy tế của đền thờ không còn nữa, người ta phải tự hỏi điều gì có thể chống lại các uy lực của sự ác, làm thế nào tìm được một thứ làm đối trọng đây. Các Kitô hữu biết rằng đền thờ bị hủy diệt đã được thay thế bởi thân xác sống lại của Chúa bị đóng đinh và trong tình yêu triệt để và khôn lường của Người, một đối trọng đối với khối lượng sự ác kia đã được tạo ra. Thực vậy, họ biết rằng của dâng được dâng lên cho tới lúc đó chỉ có thể được quan niệm như một cử chỉ mong chờ đối trọng chân thực mà thôi. Họ cũng biết rằng trước sức mạnh quá đáng của sự ác, chỉ có tình yêu vô giới hạn mới đủ, chỉ một đền tội thay vô giới hạn mới đủ. Họ biết rằng Chúa Kitô bị đóng đinh và sống lại mới là sức mạnh có thể đối trọng lại sức mạnh sự ác và cứu được thế giới. Và trên căn bản này, họ còn hiểu được cả ý nghĩa của chính đau khổ của mình như là một điều được lồng vào tình yêu đau khổ của Chúa Kitô và được kể là thành phần trong sức mạnh cứu chuộc của tình yêu này. Trên đây, tôi đã trưng dẫn nhà thần học cho rằng Thiên Chúa phải chịu đau khổ vì tội lỗi của Người đối với thế giới (1). Bây giờ, vì việc đảo ngược cách nhìn như thế, sự thật sau đây đã xuất hiện: Thiên Chúa không thể để khối lượng sự ác phát xuất từ sự tự do mà chính Người đã ban cấp “ở nguyên trạng” được. Chỉ có Người, đến chia sẻ sự đau khổ của thế giới, mới có thể cứu chuộc được thế giới.

" c) Trên căn bản trên, mối liên hệ giữa Chúa Cha và Chúa Con trở thành khả niệm hơn. Ở đây, trong chủ đề này, tôi xin trích lại một đoạn trong cuốn sách của Henri de Lubac viết về Origen mà tôi thấy rất rõ: “Đấng Cứu Chuộc đến thế gian vì cảm thương nhân loại. Người mang lấy các thống khổ của ta ngay trước khi chịu đóng đinh, thực sự còn trước cả lúc xuống thế nhập thể nữa: vì nếu Người không cảm nghiệm các thống khổ ấy từ trước, thì Người đã không đến để chia sẻ cuộc nhân sinh của ta. Nhưng sự đau khổ Người chịu trước cho chúng ta là sự đau khổ nào? Đó là sự thống khổ vì yêu. Nhưng chính Chúa Cha, Thiên Chúa của vũ trụ, Đấng vốn tràn đầy chịu đựng, nhẫn nại, thương xót và cảm thương, liệu Người có chịu đau khổ theo một nghĩa nào đó không? ‘Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, thực sự, đã mang lấy cung cách các ngươi như người bồng bế con trai mình’ (Đnl 1:31). Như thế, Thiên Chúa đã mang lấy các phong thái của ta khi Con của Người mang lấy các đau khổ của ta. Chính Chúa Cha cũng không khỏi thống khổ! Nếu Người được kêu cứu, thì chắc Người biết thương xót và cảm thương. Người hiểu được đau khổ của tình yêu (Các Bài Giảng Lễ về Êdêkien 6:6)”.

“Ở một số nơi tại Đức, có lòng sùng kính rất cảm động đối với Not Gottes (Sự Nghèo Khổ của Thiên Chúa). Về phần tôi, điều ấy khiến hiện ra trước mắt tôi một hình ảnh gây ấn tượng diễn tả Chúa Cha đau khổ, Đấng, vì là Cha, đã chia sẻ trong lòng mình các đau khổ của Chúa Con. Và hình ảnh “ngai ơn thánh” nữa cũng là thành phần của lòng sung kính này: Chúa Cha nâng đỡ thập giá và Đấng chịu đóng đinh, âu yếm cúi xuống với Người và cả hai như thể cùng ở trên thập giá với nhau. Bởi thế, một cách cao cả và trong sáng, ở đấy, ta hiểu được lòng thương xót của Thiên Chúa có nghĩa gì, sự tham dự của Thiên Chúa vào đau khổ của con người có nghĩa gì. Đây không phải là chuyện công bằng tàn bạo, cũng không phải là chủ nghĩa cuồng tín của Chúa Cha, mà đúng hơn là sự thật và là thực tại của sáng thế: sự chiến thắng chân thực và thâm hậu sự ác cuối cùng chỉ có thể thực hiện được trong đau khổ của tình yêu”.

Điều trên rất quan trọng vì một số nhà phê bình Đức Phanxicô phát xuất từ nhóm các thần học gia bảo thủ vốn mến mộ Đức Bênêđíctô. Thực ra liên hệ giữa Đức Bênêđíctô và Đức Phanxicô không phải như người ta nghĩ là đối lập, mà là liên tục tuy các ngài thuộc hai loại nhân cách khác nhau. Hai nhân cách này không làm cho các ngài không cùng nhau thực hiện những điều lạ lùng trong thời đại mà dù gì cũng nặng mầu sắc đa nguyên.
________________________________________________________________________________________________________
(1) Nhà thần học không nêu tên này cho rằng Chúa Kitô không chịu đau khổ vì tội lỗi ta mà 'đã triệt tiêu lỗi lầm của Thiên Chúa".
 
Đức Thượng Phụ danh dự Chính Thống Giáo nhấn mạnh tầm quan trọng của Thượng Hội Đồng toàn thế giới
Nguyễn Việt Nam
18:56 21/03/2016
“Chính Thống Giáo là một Giáo Hội đồng đoàn,” Đức Thượng Phụ Barthôlômêô của Constantinople viết trong một thông điệp được công bố để chuẩn bị cho cuộc họp Thượng Hội Chính Thống toàn thế giới năm nay.

“Sự phân biệt giữa sự thật và dối trá, giữa chính thống và dị giáo, không phải lúc nào cũng dễ dàng,” Đức Thượng Phụ danh dự giải thích. “Giáo Hội phải loan báo sự thật, cho nên các vấn đề phải được giải quyết. Giáo Hội Chính thống trong trường hợp này công nhận một, và chỉ một thực tại duy nhất: Thượng Hội Đồng Giám Mục với các Giám Mục thẩm quyền.”

Bức thư của Đức Thượng Phụ danh dự nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc họp sắp tới tất cả các nhà lãnh đạo Chính thống được công nhận trên thế giới. Ngài lưu ý rằng trong nhiều năm qua một cuộc họp như thế đã không xảy ra “vì những lý do lịch sử”, và vì thế sự phục hồi của một sự đồng thuận trên toàn thế giới là điều khẩn thiết.

Mặc dù “thế giới đang chờ để được nghe tiếng nói của Giáo Hội Chính thống trên rất nhiều các vấn đề đang gây tranh cãi trong các mối quan tâm của nhân loại ngày nay,” Đức Thượng Phụ danh dự viết rằng cuộc họp Thượng Hội đồng thế giới năm nay sẽ được dành chủ yếu cho những vấn đề nội bộ, thiết lập những thỏa thuận rõ ràng về các vấn đề cơ bản của niềm tin Chính thống và phương thế quản trị.
 
Linh mục dòng Salêdiêng bị bắt giữ tại Yemen vẫn còn trong tay bọn khủng bố
Lý Thúy Dung
19:05 21/03/2016
Cha Tom Uzhunnalil, vị linh mục đã bị bắt giữ trong một cuộc tấn công khủng bố ở Yemen vào ngày 04 tháng 3, vẫn còn nằm trong tay các phần tử cực đoan Hồi giáo. Bề trên tổng quyền dòng Salesian (Rector Major of the Salesians) Ángel Fernández Artime đã cho biết như trên.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo dòng Salesian bác bỏ những tin đồn mà ngài gọi là “vô căn cứ” rằng cha Uzhunnalil đang bị tra tấn, và có thể ngài bị đóng đinh vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.

“Không có gì cho thấy rằng điều này là đúng. Trong thực tế, không có ai được biết về số phận của ngài.”

Cha Uzhunnalil là tuyên úy của các nhà dưỡng lão ở Aden được điều hành bởi các nữ tu dòng Thừa Sai Bác Ái. Bốn chị đã thiệt mạng trong cuộc tấn công khủng bố; và cha Uzhunnalil đã bị bắt cóc.
 
Tổng thống Obama gặp Đức Hồng Y Cuba
Lý Thúy Dung
19:09 21/03/2016
Tổng thống Barack Obama đã gặp gỡ Đức Hồng Y Jaime Ortega của tổng giáo phận Havana hôm 20 tháng Ba. Phát ngô viên Tòa Bạch Ốc đã cho biết như trên trong khi công nhận vai trò quan trọng của Đức Hồng Y trong việc khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Cuba.

Chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Cuba là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một tổng thống Mỹ trong gần 90 năm qua đã xảy ra chỉ vài tháng sau khi khôi phục quan hệ ngoại giao bị phá vỡ sau khi chế độ Castro lên nắm quyền.

Đức Hồng Y Ortega đã làm việc với Đức Thánh Cha Phanxicô để giúp làm trung gian cho những thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
 
Đức Tổng Giám Mục Gänswein nói Đức Thánh Cha sẽ không thay đổi kỷ luật về việc rước lễ của những người ly dị và tái hôn
Nguyễn Việt Nam
19:23 21/03/2016
Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, trưởng phủ Giáo Hoàng, đã lặp lại những dự đoán theo đó Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ duy trì giáo huấn của Giáo Hội theo đó những ai đã ly dị rồi tái hôn không thể rước lễ.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Deutsche Welle, Đức Tổng Giám mục Gänswein nhận xét rằng trong báo cáo tổng kết Thượng Hội Đồng về gia đình, Đức Giáo Hoàng chắc chắn sẽ đề cập đến những vấn đề về chăm sóc mục vụ cho ly dị và tái hôn. Ngài nhận xét rằng, đây là một vấn nạn khó khăn nhưng “không phải là lần đầu tiên” một vị giáo hoàng phải giải quyết vấn đề này.

Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein đã đề cập đến quyết định trước đây về vấn đề này của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16; và nói rằng ngài hoàn toàn xác tín Đức Thánh Cha Phanxicô “sẽ tiếp tục con đường của những người tiền nhiệm của ngài.”

Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã và đang là thư ký riêng của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16.
 
Các Giám Mục Á Căn Đình biên soạn tài liệu về thái độ của Giáo Hội Công Giáo trong thời quân phiệt
Nguyễn Việt Nam
19:54 21/03/2016
Các Giám Mục Công Giáo Á Căn Đình đang có kế hoạch công bố các tài liệu liên quan đến vai trò của hàng giáo phẩm Công Giáo trong những năm khi Á Căn Đình bị cai trị bởi một chính quyền quân sự.

Đức Giám Mục Carlos Malfa, tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục, nói rằng các tài liệu lưu trữ của Hội Đồng Giám Mục đang được chuẩn bị để công bố rộng rãi cho công chúng. Tuy nhiên, ngài không cho biết thời điểm chính xác khi nào các tài liệu này được công bố.

Giáo Hội Công Giáo tại Á Căn Đình thường bị phê phán là chia rẽ trong thời gian cai trị quân sự, từ năm 1976 đến năm 1983. Một số Giám Mục được coi là đồng minh của các nhà lãnh đạo quân sự, bất chấp các các vụ lạm dụng nhân quyền trong cuộc “chiến tranh bẩn thỉu” của chính phủ chống lại những người hô hào dân chủ. Đồng thời, một số Giám Mục và linh mục Công Giáo đã có những dấn thân nổi bật chống lại chế độ quân sự này.
 
Top Stories
Full text of Benedict XVI's recent, rare, and lengthy interview
Catholic World Reports
16:50 21/03/2016
Servais: Your Holiness, the question posed this year as part of the study days promoted by the rectory of the Gesu (the residence for Jesuit seminarians in Rome) is that of justification by faith. The last volume of your collected works highlights your resolute affirmation: “The Christian faith is not an idea, but a life.” Commenting on the famous Pauline affirmation in Romans 3:28, you mentioned, in this regard, a twofold transcendence: “Faith is a gift to the believers communicated through the community, which for its part is the result of God's gift” (“Glaube ist Gabe durch die Gemeinschaft; die sich selbst gegeben wird,” gs iv, 512). Could you explain what you meant by that statement, taking into account of course the fact that the aim of these days of study is to clarify the pastoral theology and vivify the spiritual experience of the faithful?

Benedict XVI: The question concerns what faith is and how one comes to believe. On the one hand, faith is a profoundly personal contact with God, which touches me in my innermost being and places me in front of the living God in absolute immediacy in such a way that I can speak with Him, love Him and enter into communion with Him. But at the same time this reality which is so fundamentally personal also has inseparably to do with the community. It is an essential part of faith that I be introduced into the “we” of the sons and daughters of God, into the pilgrim community of brothers and sisters. The encounter with God means also, at the same time, that I myself become open, torn from my closed solitude and received into the living community of the Church. That living community is also a mediator of my encounter with God, though that encounter touches my heart in an entirely personal way. Faith comes from hearing (fides ex auditu), St. Paul teaches us. Listening in turn always implies a partner.

Faith is not a product of reflection nor is it even an attempt to penetrate the depths of my own being. Both of these things may be present, but they remain insufficient without the “listening” through which God, from without, from a story He himself created, challenges me. In order for me to believe, I need witnesses who have met God and make Him accessible to me. In my article on baptism I spoke of the double transcendence of the community, in this way causing to emerge once again an important element: the faith community does not create itself. It is not an assembly of men who have some ideas in common and who decide to work for the spread of such ideas. Then everything would be based on its own decision and, in the final analysis, on the majority vote principle, which is, in the end it would be based on human opinion. A Church built in this way cannot be for me the guarantor of eternal life nor require decisions from me that make me suffer and are contrary to my desires. No, the Church is not self-made, she was created by God and she is continuously formed by him. This finds expression in the sacraments, above all in that of baptism: I enter into the Church not by a bureaucratic act, but through the sacrament. And this is to say that I am welcomed into a community that did not originate in itself and is projected beyond itself. The ministry that aims to form the spiritual experience of the faithful must proceed from these fundamental givens.

It is necessary to abandon the idea of a Church which produces herself and to make clear that the Church becomes a community in the communion of the body of Christ. The Church must introduce the individual Christian into an encounter with Jesus Christ and bring Christians into His presence in the sacrament.

Servais: When you were Prefect of the Congregation for the Doctrine of the Faith, commenting on the Joint Declaration of the Catholic Church and the Lutheran World Federation on the Doctrine of Justification of Oct. 31, 1999, you pointed out a difference of mentality in relation to Luther and the question of salvation and blessedness as he had posed it. The religious experience of Luther was dominated by terror before the wrath of God, a feeling quite alien to modern men, who sense rather the absence of God (see your article in Communio, 2000, 430). For these, the problem is not so much how to obtain eternal life, but rather how to ensure, in the precarious conditions of our world, a certain balance of fully human life. Can the teaching of St. Paul of justification by faith, in this new context, reach the “religious” experience or at least the “elementary” experience of our contemporaries?

Benedict XVI: First of all, I want to emphasize once again what I wrote in Communio (2000) on the issue of justification. For the man of today, compared to those of the time of Luther and to those holding the classical perspective of the Christian faith, things are in a certain sense inverted, or rather, is no longer man who believes he needs justification before God, but rather he is of the opinion that God is obliged to justify himself because of all the horrible things in the world and in the face of the misery of being human, all of which ultimately depend on Him. In this regard, I find it significant that a Catholic theologian may profess even in a direct and formal this inverted position: that Christ did not suffer for the sins of men, but rather, as it were, had “canceled the guilt of God.” Even if most Christians today would not share such a drastic reversal of our faith, we could say that all of this reveals an underlying trend of our times. When Johann Baptist Metz argues that theology today must be “sensitive to theodicy” (German: theodizee empfindlich), this highlights the same problem in a positive way. Even rescinding from such a radical contestation of the Church's vision of the relationship between God and man, the man of today has in a very general way the sense that God cannot let most of humanity be damned. In this sense, the concern for the personal salvation of souls typical of past times has for the most part disappeared.

However, in my opinion, there continues to exist, in another way, the perception that we are in need of grace and forgiveness. For me it is a “sign of the times” the fact that the idea of the mercy of God should become more and more central and dominant – starting from Sister Faustina, whose visions in various ways reflect deeply the image of God held by the men of today and their desire for the divine goodness. Pope John Paul II was deeply impregnated by this impulse, even if this did not always emerge explicitly. But it is certainly not by chance that his last book, published just before his death, speaks of God's mercy. Starting from the experiences which, from the earliest years of life, exposed him to all of the cruel acts men can perform, he affirms that mercy is the only true and ultimate effective reaction against the power of evil.

Only where there is mercy does cruelty end, only with mercy do evil and violence end. Pope Francis is totally in agreement with this line. His pastoral practice is expressed in the fact that he continually speaks to us of God's mercy. It is mercy that moves us toward God, while justice frightens us before Him. In my view, this makes clear that, under a veneer of self-assuredness and self-righteousness, the man of today hides a deep knowledge of his wounds and his unworthiness before God. He is waiting for mercy.

It is certainly no coincidence that the parable of the Good Samaritan is particularly attractive to contemporary man. And not just because that parable strongly emphasizes the social dimension of Christian existence, nor only because in it the Samaritan, the man not religious, in comparison with the representatives of religion seems, so to speak, as one who acts really so in conformity with God, while the official representatives of religion seem, as it were, immune to God. This clearly pleases modern man. But it seems just as important to me, nevertheless, that men in their intimate consciences expect the Samaritan will come to their aid; that he will bend down over them, pour oil on their wounds, care for them and take them to safety. In the final analysis, they know that they need God's mercy and his tenderness. In the hardness of the technologized world in which feelings no longer count for anything, the expectation however increases of a saving love that is freely given. It seems to me that in the theme of divine mercy is expressed in a new way what is means by justification by faith. Starting from the mercy of God, which everyone is looking for, it is possible even today to interpret anew the fundamental nucleus of the doctrine of justification and have it appear again in all its relevance.

When Anselm says that Christ had to die on the cross to repair the infinite offense that had been made to God, and in this way to restore the shattered order, he uses a language which is difficult for modern man to accept (cfr. Gs 215.ss iv). Expressing oneself in this way, one risks likely to project onto God an image of a God of wrath, relentless toward the sin of man, with feelings of violence and aggression comparable with what we can experience ourselves. How is it possible to speak of God's justice without potentially undermining the certainty, deeply established among the faithful, that the God of the Christians is a God “rich in mercy” (Ephesians 2:4)? The conceptuality of St. Anselm has now become for us incomprehensible. It is our job to try again to understand the truth that lies behind this mode of expression. For my part I offer three points of view on this point:

a) the contrast between the Father, who insists in an absolute way on justice, and the Son who obeys the Father and, obedient, accepts the cruel demands of justice, is not only incomprehensible today, but, from the point of view of Trinitarian theology, is in itself all wrong. The Father and the Son are one and therefore their will is intrinsically one. When the Son in the Garden of Olives struggles with the will of the Father, it is not a matter of accepting for himself a cruel disposition of God, but rather of attracting humanity into the very will of God. We will have to come back again, later, to the relationship of the two wills of the Father and of the Son.

b) So why would the cross and the atonement? Somehow today, in the contortions of modern thought we mentioned above, the answer to these questions can be formulated in a new way. Let's place ourselves in front of the incredible amount of evil, violence, falsehood, hatred, cruelty and arrogance that infect and destroy the whole world. This mass of evil cannot simply be declared non-existent, not even by God. It must be cleansed, reworked and overcome. Ancient Israel was convinced that the daily sacrifice for sins and above all the great liturgy of the Day of Atonement (Yom-Kippur) were necessary as a counterweight to the mass of evil in the world and that only through such rebalancing the world could, as it were, remain bearable. Once the sacrifices in the temple disappeared, it had to be asked what could be opposed to the higher powers of evil, how to find somehow a counterweight. The Christians knew that the temple destroyed was replaced by the resurrected body of the crucified Lord and in his radical and incommensurable love was created a counterweight to the immeasurable presence of evil. Indeed, they knew that the offers presented up until then could only be conceived of as a gesture of longing for a genuine counterweight. They also knew that in front of the excessive power of evil only an infinite love was enough, only an infinite atonement. They knew that the crucified and risen Christ is a power that can counter the power of evil and save the world. And on this basis they could even understand the meaning of their own sufferings as inserted into the suffering love of Christ and included as part of the redemptive power of such love. Above I quoted the theologian for whom God had to suffer for his sins in regard to the world. Now, due to this reversal of perspective, the following truths emerge: God simply cannot leave “as is” the mass of evil that comes from the freedom that he himself has granted. Only He, coming to share in the world's suffering, can redeem the world.

c) On this basis, the relationship between the Father and the Son becomes more comprehensible. I will reproduce here on this subject a passage from the book by Henri de Lubac on Origen which I feel is very clear: “The Redeemer came into the world out of compassion for mankind. He took upon himself our passions even before being crucified, indeed even before descending to assume our flesh: if he had not experienced them beforehand, he would not have come to partake of our human life. But what was this suffering that he endured in advance for us? It was the passion of love. But the Father himself, the God of the universe, he who is overflowing with long-suffering, patience, mercy and compassion, does he also not suffer in a certain sense? 'The Lord your God, in fact, has taken upon himself your ways as the one who takes upon himself his son' (Deuteronomy 1, 31). God thus takes upon himself our customs as the Son of God took upon himself our sufferings. The Father himself is not without passion! If He is invoked, then He knows mercy and compassion. He perceives a suffering of love (Homilies on Ezekiel 6:6).”

In some parts of Germany there was a very moving devotion that contemplated the Not Gottes (“poverty of God”). For my part, that makes pass before my eyes an impressive image representing the suffering Father, who, as Father, shares inwardly the sufferings of the Son. And also the image of the “throne of grace” is part of this devotion: the Father supports the cross and the crucified, bends lovingly over him and the two are, as it were, together on the cross. So in a grand and pure way, one perceives there what God's mercy means, what the participation of God in man's suffering means. It is not a matter of a cruel justice, not a matter of the Father's fanaticism, but rather of the truth and the reality of creation: the true intimate overcoming of evil that ultimately can be realized only in the suffering of love.

Servais: In the Spiritual Exercises, Ignatius of Loyola does not use the Old Testament images of revenge, as opposed to Paul (cfr. 2 Thessalonians 1: 5-9); nevertheless he invites us to contemplate how men, until the Incarnation, “descended into hell” (Spiritual Exercises n. 102; see. ds iv, 376) and to consider the example of the “countless others who ended up there for far fewer sins than I have I committed” (Spiritual Exercises, n. 52). It is in this spirit that St. Francis Xavier lived his pastoral work, convinced he had to try to save from the terrible fate of eternal damnation as many “infidels” as possible. The teaching, formalized in the Council of Trent, in the passage with regard to the judgment of the good and the evil, later radicalized by the Jansenists, was taken up in a much more restrained way in the Catechism of the Catholic Church (cfr. § 5 633, 1037). Can it be said that on this point, in recent decades, there has been a kind of “development of dogma” that the Catechism should definitely take into account?

Benedict XVI: There is no doubt that on this point we are faced with a profound evolution of dogma. While the fathers and theologians of the Middle Ages could still be of the opinion that, essentially, the whole human race had become Catholic and that paganism existed now only on the margins, the discovery of the New World at the beginning of the modern era radically changed perspectives. In the second half of the last century it has been fully affirmed the understanding that God cannot let go to perdition all the unbaptized and that even a purely natural happiness for them does not represent a real answer to the question of human existence. If it is true that the great missionaries of the 16th century were still convinced that those who are not baptized are forever lost – and this explains their missionary commitment – in the Catholic Church after the Second Vatican Council that conviction was finally abandoned.

From this came a deep double crisis. On the one hand this seems to remove any motivation for a future missionary commitment. Why should one try to convince the people to accept the Christian faith when they can be saved even without it? But also for Christians an issue emerged: the obligatory nature of the faith and its way of life began to seem uncertain and problematic. If there are those who can save themselves in other ways, it is not clear, in the final analysis, why the Christian himself is bound by the requirements of the Christian faith and its morals. If faith and salvation are no longer interdependent, faith itself becomes unmotivated.

Lately several attempts have been formulated in order to reconcile the universal necessity of the Christian faith with the opportunity to save oneself without it. I will mention here two: first, the well-known thesis of the anonymous Christians of Karl Rahner. He sustains that the basic, essential act at the basis of Christian existence, decisive for salvation, in the transcendental structure of our consciousness, consists in the opening to the entirely Other, toward unity with God. The Christian faith would in this view cause to rise to consciousness what is structural in man as such. So when a man accepts himself in his essential being, he fulfills the essence of being a Christian without knowing what it is in a conceptual way. The Christian, therefore, coincides with the human and, in this sense, every man who accepts himself is a Christian even if he does not know it. It is true that this theory is fascinating, but it reduces Christianity itself to a pure conscious presentation of what a human being is in himself and therefore overlooks the drama of change and renewal that is central to Christianity. Even less acceptable is the solution proposed by the pluralistic theories of religion, for which all religions, each in their own way, would be ways of salvation and in this sense, in their effects must be considered equivalent. The critique of religion of the kind exercised in the Old Testament, in the New Testament and in the early Church is essentially more realistic, more concrete and true in its examination of the various religions. Such a simplistic reception is not proportional to the magnitude of the issue.

Let us recall, lastly, above all Henri de Lubac and with him some other theologians who have reflected on the concept of vicarious substitution. For them, the pro-existence of Christ is the expression of the fundamental figure of Christian existence and of the Church as such. It is true that the problem is not fully resolved, but it seems to me that this, in fact, is the key insight that thus impacts the existence of the individual Christian. Christ, as the unique One, was and is for all and Christians, who in Paul’s awesome imagery make up Christ’s body in this world and thus participate in this “being-for.” Christians, so to speak, are not so for themselves, but are, with Christ, for others. This does not mean having some sort of special ticket for entering into eternal happiness, but rather the vocation to build the whole. What the human person needs in order to be saved is a profound openness with regards to God, a profound expectation and acceptance of Him, and this correspondingly means that we, together with the Lord whom we have encountered, go towards others and seek to make visible to them the advent of God in Christ. It is possible to explain this “being for” in a somewhat more abstract way. It is important to mankind that there is truth in it, this is believed and practiced. That one suffers for it. That one loves. These realities penetrate with their light into the world as such and support it. I think that in this present situation it becomes for us ever more clear what the Lord said to Abraham, that is, that 10 righteous would have been sufficient to save a city, but that it destroys itself if such a small number is not reached. It is clear that we need to further reflect on the whole question.

Servais: In the eyes of many secular humanists, marked by the atheism of the 19th and 20th centuries, as you have noted, it is rather God – if he exists – not man who should be held accountable for injustice, the suffering of the innocent, the cynicism of power we are witnessing, powerless, in the world and in world history (see. Spe Salvi, n. 42) ... In your book Jesus of Nazareth, you echo what for them – and for us – is a scandal: “The reality of injustice, of evil, cannot be simply ignored, simply put aside. It absolutely must be overcome and conquered. Only in this way is there really mercy” (Jesus of Nazareth, ii 153, quoting 2 Timothy 2:13). Is the sacrament of confession, one of the places where evil can be “repaired?” If so, how?

Benedict XVI: I have already tried to expose as a whole the main points related to this issue in my answer to your third question. The counterweight to the dominion of evil can consist in the first place only in the divine-human love of Jesus Christ that is always greater than any possible power of evil. But it is necessary that we place ourselves inside this answer that God gives us through Jesus Christ. Even if the individual is responsible for a fragment of evil, and therefore is an accomplice of evil's power, together with Christ he can nevertheless “complete what is lacking in his sufferings” (cfr. Colossians 1, 24). The sacrament of penance certainly has an important role in this field. It means that we always allow ourselves to be molded and transformed by Christ and that we pass continuously from the side of him who destroys to the side of Him who saves.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ Lá 2016 tại Brunswick, Melbourne
Khắc Thái
04:34 21/03/2016
 
Curia Collingwood của Mẹ Vô Nhiễm mừng Lễ Acies
Bài và hình của Phạm Kim Vinh
04:27 21/03/2016
Collingwood, Vào lúc 5.30 chiều Thứ Bảy 19 Tháng 3 Năm 2016. Tại Nhà thờ Thánh Giuse Vùng Collingwood. Toàn thể hội viên Legio Mariae hoạt động cũng như tán trợ thuộc Curia Collingwood của Mẹ Vô Nhiễm, đã cùng về bên Mẹ, Vị Nữ tướng của đoàn quân binh Legio Mariae để mừng lễ Acies.

Mời xem hình

Khai mạc buổi lễ là toàn thể quân binh của Mẹ cùng nhau đọc kinh Tessera, lần chuỗi Mân Côi bên bàn thờ Mẹ rất Thánh. Lời kinh tiếng hát vang vang thật sốt mến. Các chị với những tà áo dài xanh mầu áo Mẹ, các anh cũng với những bộ áo quần thanh lịch nhất, chung một niềm vui được đến dâng mình cho Mẹ.

Sau giờ kinh, Cha Peter Hoàng Kim Huy linh giám của Curia, đã cùng toàn thể hội viên sốt sắng dâng Thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa qua Mẹ Maria, vì những ơn lành mà Thiên Chúa qua Mẹ đã ban cho toàn thể mọi người trong năm qua.

Trong bài chia sẻ và huấn dụ, Linh mục linh giám đã nói về lịch sử ơn cứu độ, có hai lần Thiên Thần xuống truyền tin, một là Thiên Thần đến truyền tin cho ông Dacaria khi ông được làm việc dâng hương trong đền thờ. Và sứ thần của Chúa đã hiện ra với ông báo tin Thiên Chúa đã nhậm lời ông cầu xin cho bà Elizabet vợ ông sẽ sinh cho ông một người con trai và ông phải đặt tên cho con là Gioan. Hai ông bà Dacaria và Elizabet đều đã lớn tuổi, nên khi nghe sứ thần Chúa loan báo tin vui, vì ông đã nghi ngờ vào lời của sứ thần nên ông đã bị câm cho đến khi con trẻ được sinh ra.

Lần truyền tin cho Đức Maria thì khác hơn, vì khi sứ thần Chúa báo tin, Đức Maria chỉ hỏi “việc đó sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết việc vợ chồng!” Và khi được nói là do Thánh Thần Chúa sẽ ngự xuống trên bà. Đức Maria đã đáp lại lời của sứ thần là: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Nhờ lời xin vâng đó mà nhân loại đã được Ngôi Hai nhập thể để cứu chuộc cho nhân loại, và mầu nhiệm Phục Sinh đã giúp chúng ta biết sống thế nào để thoát khỏi tội lỗi.

Sau lời huấn dụ, toàn thể hội viên đã xếp hàng lên dâng mình trước Vexillum Legio với lời hứa: Lạy Nữ Vương là Mẹ con, toàn thân con thuộc về Mẹ và mọi sự của con là của Mẹ. Khi mọi người đã tuyên hứa xong, cha linh giám đã đọc kinh dâng mình cho Đức Mẹ.

Thánh lễ kết thúc, toàn thể hội viên và cộng đoàn đã được mời qua hội trường để dự bữa tiệc nhỏ, để mọi người chuyện trò, tâm sự trong tình thân ái của các đội viên trong đạo quân Đức Mẹ.
 
Lễ lá tại giáo xữ Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo, Denver, Colorado
Nguyễn Hải Ninh
10:12 21/03/2016
DÒNG TRUYỀN GIÁO NGÔI LỜI - TỈNH DÒNG VIỆT NAM

VĂN PHÒNG ƠN GỌI

Số 38 Võ Thị Sáu, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa

Hoặc Hộp Thư 52, Thành phố Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa

Điện thoại: (0583) 88.11.00; 093. 279.0243

Website: http://ngoiloivn.net

Email: buoctheongoiloi@gmail.com

THÔNG BÁO

V/V Tuyển Sinh Các Ứng Sinh Gia Nhập Dòng Ngôi Lời

Các Ứng Sinh cần hội đủ những điều kiện sau đây:

I. TUỔI VÀ TRÌNH ĐỘ VĂN HÓA

• Từ 18 - 25 tuổi: Đã Tốt nghiệp PTTH hoặc đang học Đại học, Cao đẳng.

• Từ 22 - 27 tuổi: Tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng (Trên 27, sẽ được Hội Đồng Bề Trên xét duyệt).

Môn thi:

• Việt Văn

• Giáo Lý căn bản

• Anh Văn (Trình độ tương đương bằng B)

II. ĐỊA ĐIỂM THI TUYỂN

Số 38 Võ Thị Sáu, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa

III. THỜI GIAN THI TUYỂN

Từ ngày 01 đến 03 tháng 08 (Thời gian 3 ngày, không kể ngày đi và về)

IV. HỒ SƠ GỒM CÓ

1. Phiếu Đăng Ký Dự Thi

2. Giấy Giới thiệu của cha quản xứ (Linh mục / Tu sĩ) .

3. Bản sao Bằng Tốt nghiệp PTTH, hoặc Giấy Chứng Nhận Tốt Nghiệp.

4. Bản sao Bằng Tốt nghiệp Đại học / Cao đẳng, hoặc Giấy Chứng Nhận Tốt Nghiệp.

5. Khi đi dự thi, xin các Ứng Sinh mang theo giấy Chứng Minh Nhân Dân.

V. SAU KHI TRÚNG TUYỂN

1. Sinh viên đang theo học các Đại học / Cao đẳng tại Tp. HCM sẽ sinh hoạt ở nhà Đệ Tử Sài Gòn (hướng dẫn sau).

2. Sinh viên đang theo học các Đại học / Cao đẳng tại Tp. Đà Nẵng sẽ sinh hoạt ở nhà Đệ Tử tại Tp. Đà Nẵng (hướng dẫn sau)

3. Sinh viên học Đại học / Cao đẳng ngoài Tp. HCM và Tp. Đà Nẵng sẽ theo Chương trình dành cho Đệ Tử Ngoại Trú (hướng dẫn sau).

4. Sinh viên đã Tốt nghiệp Đại học / Cao đẳng sẽ nhập Thỉnh Viện tại Tp. Nha Trang.

VI. CHI PHÍ HUẤN LUYỆN SAU KHI TRÚNG TUYỂN

Chi phí ă
n và ở: Hội Dòng chu cấp (xét theo gia cảnh của ứng sinh). Gia đình đóng góp vào việc huấn luyện và đào tạo theo từng giai đoạn:

1. Đệ Tử: Gia đình tự đóng tiền học phí cho Trường Đại học / Cao đẳng, chi phí cá nhân, việc đi lại cho con em mình. Ngoài ra, gia đình sẽ đóng góp thêm một khoản nhỏ cho Hội Dòng vào chi phí ăn uống của các em tại Cơ sở Đào tạo Đệ Tử Viện.

2. Thỉnh Sinh: Các ứng sinh sẽ tự lo sách vở, chi phí cá nhân, việc đi lại. Ngoài ra, gia đình sẽ đóng góp thêm 1 khoản nhỏ cho Hội Dòng.

DÒNG TRUYỀN GIÁO NGÔI LỜI - TỈNH DÒNG VIỆT NAM VĂN PHÒNG ƠN GỌI

Số 38 Võ Thị Sáu, Phường Phước Long,

Thành phố Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa

hoặc Hộp Thư 52, Thành phố Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa

Điện thoại: (0583) 88.11.00; 093. 279.0243

Website: http://ngoiloivn.net

Email: buoctheongoiloi@gmail.com


PHIẾU ĐĂNG KÝ DỰ THI

Tên Thánh, Họ và Tên : ………………………………………………………………………………

Ngày, tháng, năm sinh :…………………………………………………… …………………………

Nơi sinh : .. ………………………………………………………………………….………………….

Hiện thường trú :…………………………………………………… …………………………………

Thuộc Giáo xứ :……………………………………….Giáo phận :……………………..…………...

Tốt nghiệp PTTH năm : ……………………………………………………...………………………..

Đang học £ Đại học / £ Cao đẳng : ………………………………………………………………;

Chuyên ngành :…………...………………………………………………...; Năm thứ:…………

Tốt nghiệp £ Đại học / £ Cao đẳng : ..………………………….......Ngành : ……………………

Địa chỉ liên lạc : ……………………………………………………...………………………………...

Điện thoại di động: …………………………………Điện thoại bàn: ………...…………………….

Địa chỉ Email : ……………………………………………………...…………………………………..

Kính xin Ban Tuyển Sinh cho tôi được đăng ký thi tuyển vào: £ Đệ Tử Viện / £ Thỉnh Viện

thuộc Tỉnh Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời – Giuse Việt Nam.

Ngày………..Tháng……….Năm……….

Ứng Sinh ký Tên


- Lưu ý:

1. Đọc kỹ Thông báo Tuyển Sinh.

2. Cần hội đủ những điều kiện của Thông báo.

3. Điền đầy đủ thông tin trên Phiếu Đăng Ký Dự Thi và gửi về địa chỉ dưới đây:

-Xin gửi về địa chỉ : Lm. Antôn Đỗ Quang Quốc, SVD

Số 38 Võ Thị Sáu, Phường Phước Long,

Thành phố Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa

Hoặc Hộp Thư 52, Thành phố Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa

Điện thoại: (0583) 88.11.00; 093. 279.0243

Email: buoctheongoiloi@gmail.com

- Hạn chót : Ngày 15 tháng 07 (chỉ giải quyết những Đơn đến muộn khi có lý do)

4. Hạn chót phải bổ sung hoàn chỉnh Hồ Sơ nhập Đệ Tử / Thỉnh Sinh cho Ban Tuyển Sinh (nếu chưa đầy đủ): Ngày tập trung Thi Tuyển

5. Dán ảnh (3x4) trên Phiếu Đăng Ký Dự Thi.
 
Giáo xứ Tân Trang,hạt Phú Thọ,Sài Gòn mừng bôn mạng
Martino Lê Hoàng Vũ
10:32 21/03/2016
Giáo xứ Tân Trang: Mừng bổn mạng

Chiều thứ bảy 19.03.2016 tại Giáo xứ Tân Trang,hạt Phú Thọ,Sài Gòn đã long trọng mừng kính Thánh cả Giuse, bạn trăm Đức Maria,bổn mạng giáo xứ và bổn mạng cha chánh xứ.

Thánh lễ được cử hành vào lúc 17g30,trước đó cộng đoàn đi kiệu Thánh Giuse,cùng cầu nguyện với thánh nhân,xin Chúa qua sự cầu bầu của thánh Giuse đổ xuống muôn ơn lành cho giáo xứ và giúp cho mỗi người noi theo những nhân đức khiêm nhường, phục vụ của ngài.

Xem Hình

Lời mở đầu thánh lễ,cha chánh xứ Tân Trang Giuse Đinh Văn Thọ nhắc nhớ đến quý cha có bổn mạng thánh Giuse,quý sr thuộc các Hội Dòng trong địa bàn giáo xứ,đặc biệt quý ông,quý anh đang làm việc trong giáo xứ qua các đoàn thể cũng được cha chúc mừng nhân ngày bổn mạng hôm nay.

Thánh lễ do chánh xứ Tân Trang chủ tế, cùng đồng tế có cha Antôn Nguyễn Mạnh Hà, dòng Ngôi Lời,quý cha liên hệ thân thuộc với giáo xứ,hai cha cố nghỉ hưu Giuse Đào Xuân Thanh,cha Giuse Nguyễn Văn Niệm.

Trong bài giảng,cha Antôn Hà chia sẻ: Thánh Giuse cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa.Thánh Giuse là người công chính đã được Thiên Chúa chọn với vai trò là dưỡng phụ của Chúa Giêsu.Thánh nhân mau mắn lắng nghe Lời Chúa,từ trong giấc mơ được sứ thần báo tin ngài đã đón nhận Đức Maria về làm vợ mình.

Thánh Giuse đối xử nhân từ,biết việc Đức Maria mang thai không phải do mình,nhưng thánh nhân vẫn đón nhận Đức Maria,không một lời càm ràm,không lên án Đức Maria.Thánh Giuse đã nghe theo lời Thiên Chúa đem Chúa Giêsu và Đức Maria trốn sang Ai Cập.Trong việc Đức Giêsu thất lạc nơi Đền thờ,thánh nhân gặp lại không trách một lời nào với Chúa Giêsu.Ngài đã luôn sống quảng đại,yêu thương và tha thứ cho người khác,đó là những đức tính cần thiết cho những người chồng, người cha,để nhờ đó thể hiện lòng thương xót với gia đình mình.

Cha Antôn cụ thể bài giảng bằng lời khuyên của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI khi ngỏ lời với các gia trưởng: Hỡi các ông chồng hãy bỏ rượu chè,cờ bạc, các thú vui phù phiếm vô ích,để chăm lo cho vợ con,làm gương sáng cho vợ con,siêng năng đi tham dự thánh lễ.

Thánh Giuse sống lòng thương xót là chăm lo cho vợ con,điều này không hề dễ dàng,phải chịu thiệt thòi và nhường nhịn.Chúa Giêsu đã sống con đường yêu thương ấy, mà trong tuần thánh này chúng ta cử hành.

Sau lời hiệp lễ,ông chủ tịch HĐMVGX Tân Trang đại diện cộng đoàn giáo xứ đã có những lời chúc mừng cha chánh xứ, quý cha đồng tế trong thánh lễ bổn mạng.Ông nói đến hình ảnh Thánh Giuse là mẫu gương cho các linh mục, thánh nhân còn là Đấng bảo trợ các linh mục trong việc ngài bảo vệ Hội Thánh.Nhờ lời chuyển cầu của thánh Giuse,xin Chúa ban cho cha chánh xứ và quý cha được ơn khôn ngoan và tràn đầy hồng ân Thiên Chúa trong mọi công việc mục vụ.

Sau cùng,Cha chánh xứ Tân Trang đã cám ơn quý cha đồng tế,cha cố Giuse Thanh,cha cố Giuse Niệm và cộng đoàn đã chuẩn bị cho ngày bổn mạng thật sốt sắng và tốt đẹp.Xin Chúa cho cộng đoàn giáo xứ ngày càng phát triển trong tình thương của Ngài.

Thánh lễ kết thúc,cộng đoàn giáo xứ đọc kinh trước tượng đài Thánh cả Giuse ngoài sân nhà thờ. Xin thánh Giuse cầu bầu cho giáo xứ biết thể hiện lòng thương xót Chúa cho mọi người,nhất là với anh chị em lương dân trong địa bàn giáo xứ.

Martino Lê Hoàng Vũ
 
Giới trẻ Hố Nai tĩnh tâm mùa chay
Truyền Thông Hạt Hố Nai
10:42 21/03/2016
​HỐ NAI - Hưởng ứng lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong toàn văn Sứ điệp Mùa Chay 2016: "Ta muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế: (Mt 9,13) Công việc của Lòng Thương Xót trên con đường Năm Thánh". Nhiều bạn trẻ của 17 Giáo xứ trong Giáo hạt Hố Nai đã tề tựu về Nhà thờ giáo xứ Bắc Hải để tham dự Đại hội Giới Trẻ Mùa Chay 2016, diễn ra lúc 18 giờ 30 ngày Chúa Nhật Lễ Lá 20/03/2016.

Xem Hình

Vì Mùa Chay năm nay, đặc biệt diễn ra trong Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót nên ngày tĩnh tâm chung của các bạn trẻ trong Giáo hạt Hố Nai được bắt đầu bằng vũ điệu "Con đường Giêsu" do các bạn trẻ Giáo xứ Kim Bích trình diễn, qua đó kèm theo một thông điệp: chỉ có đi theo con đường của Giêsu, con đường tình yêu và lòng thương xót mới giúp mỗi người đi tới bến đỗ hạnh phúc đích thực.

Sau những phút giây giao lưu và sinh hoạt, các bạn trẻ vừa được hồi tâm trở về với Chúa vừa được Cha giảng phòng, đặc trách Giới trẻ hạt Hố Nai Raymunđô Trần Quốc Thắng chia sẻ những phương cách sống đúng Sứ điệp Mùa Chay 2016 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô "Ta muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế: (Mt 9,13) Công việc của Lòng Thương Xót trên con đường Năm Thánh". Qua sứ điệp, Ngài mong muốn các bạn trẻ hãy có lòng nhân, hãy sống tôn trọng và biết yêu thương, hãy tạo ra cho chính mình một trái tim nhân từ, hãy nhìn lên Đấng bị đâm thâu để mà "sống sạch", nhưng quan trọng là phải biết tìm kiếm ý Chúa nhất là trong Tuần Thánh này. Liên hệ, Ngài mời gọi các bạn trẻ hãy sám hối và tìm về với Lòng Thương Xót của Thiên Chúa để cảm nghiệm tình yêu của Ngài mà sống nhân từ, yêu thương và thứ tha.

Trọng tâm của ngày tĩnh tâm Giới trẻ hôm nay là Thánh lễ tạ ơn diễn ra vào lúc 19 giờ 15 do cha quản hạt Đaminh Bùi Văn Án chủ sự và cùng đồng tế là các quý cha trong Giáo hạt Hố Nai.

Lắng nghe Bài Thương Khó của ngày Chúa Nhật Lễ Lá, các bạn trẻ một lần nữa được đồng hành với Chúa lên đỉnh đồi Golgotha trên con đường Thập Giá Chúa đi. Với các bạn trẻ, con đường Giêsu đã cho mỗi người được ngắm nhìn kỹ càng hơn về màu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Chúa, để chiêm niệm lòng nhân từ của Chúa và sống nhập Lòng Thương Xót Chúa vào trong chính cuộc đời mình.

Ngày tĩnh tâm truyền thống của Giới trẻ hạt Hố Nai khép lại trong bầu khí thân tình và ấm áp với Ơn Toàn Xá của Năm Thánh Thương Xót.

Tin ảnh: Ban Truyền Thông Hạt Hố Nai
 
Đại hội giới trẻ giáo phận Phú Cường
Tôma Đỗ Lộc Sơn
10:53 21/03/2016
Bình Dương, ngày 20/3/2016.-Vào lúc 13 giờ trưa, chúng tôi có mặt ở nhà thờ Giáo xứ Phú Lợi giữa giờ nắng nhất trong ngày. Vậy mà, ngoài xe chúng tôi, còn có nhiều xe mang biển số các nơi xa như: Tây Ninh, Bình Long và cả Bình Dương, mang theo nhiều bạn trẻ đỗ xịch trước cổng nhà thờ. Chúng tôi, khách- chủ, tay bắt mặt mừng cùng với lời chào thân thương chân thành nhất.

Xem Hình

Theo ban tổ chức, số bạn trẻ ghi danh tham dự khoảng 700 người, nhưng vào giờ chót con số tăng lên hơn 900, vì vậy ban tổ chức cũng có phần bận rộn hơn.

Đúng 14 giờ, sau lời nguyện, Cha Vinhsơn Nguyễn Đăng Khoa - Đặc trách giới Trẻ giáo phận lên tuyên bố khai mạc đại hội. Tiếng vỗ tay vang dội của các bạn đã làm tăng thêm phần vui tươi, đoàn kết.

Dẫn chương trình (MC) lên giới thiệu các tiết mục biểu diễn của các bạn trong các giáo xứ. Có hơn 20 tiết mục biểu diễn. Đan xen giữa các tiết mục là bài chia sẻ Sứ điệp Mùa Chay, Sứ điệp giới Trẻ 2016 của Đức Thánh Cha Phanxicô. Các Sứ điệp này do cha Vinhsơn chia sẻ. Cha cũng trả lời thắc mắc của các bạn. Các câu hỏi của các bạn xoay quanh các vấn đề tín lý và tình yêu hôn nhân. Các câu hỏi ấy được cha trả lời một cách thỏa đáng.

Xem các tiết mục của các bạn, chúng tôi nhận thấy: Các bạn phải có tinh thần đoàn kết, biết hy sinh việc riêng để có thể tham gia vào các sinh hoạt tại giáo xứ của mình, phát huy sáng kiến để luôn làm mới các sinh hoạt. Để có được tinh thần ấy, các bạn phải đặt trên nền tảng vững chắc là: Yêu mến Đức Giêsu, yêu mến Hội Thánh và yêu mến nhau.

3 tiếng đồng hồ sinh hoạt liên tục, có thể có bạn mệt có bạn không, nhưng các bạn đều có 30 phút nghỉ giải lao và dùng thức ăn nhanh.

Sau giờ nghỉ giải lao, mọi người chuẩn bị bước vào Thánh lễ.

Thánh lễ hôm nay có hơn 900 bạn trẻ cùng với số giáo dân trong giáo xứ tham dự rất đông, tổng cộng khoảng 2000 người. Khuôn viên ngôi nhà thờ trở nên chật hẹp nên rước đoàn đồng tế không diễn ra được nhiều.

Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước - Giám mục giáo phận đã chủ tế Thánh lễ, cùng đồng tế có cha Vinhsơn Nguyễn Đăng Khoa và hai cha khách. Sau khi làm phép lá và rước lá là phần phụng vụ Lời Chúa.

Trong bài giảng, Đức Cha Giuse đã tỏ ra rất vui khi có nhiều bạn trẻ về tham dự đại hội. Đức Cha cũng chia sẻ về lòng thương xót của Chúa trong Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót và nhắn nhủ các bạn hãy học cùng Đức Giêsu, tin yêu Đức Giêsu như trong các hoạt cảnh mà các bạn vừa mới thể hiện.

Thể hiện tin yêu Đức Giêsu, mỗi bạn trẻ viết ra giấy những lỗi lầm, những thiếu xót của mình, để giờ đây trước khi nhận phép lành với ơn Toàn xá, từng bạn tiến lên bên Thánh giá Chúa và đóng đinh những lỗi lầm ấy cho Đức Giêsu, xin Ngài hãy đón nhận và tha thứ hết tất cả lỗi lầm ấy. Các bạn cũng đóng góp những chay tịnh của mình hầu chia sẻ những khó khăn cho những hoàn cảnh. Hầu hết các bạn đã thực hiện nghi thức này.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, các bạn mỗi người cầm nến cháy sáng trong tay, đón nhận ánh sáng Đức Giêsu và làm theo gương của Người.

Thánh lễ kết thúc lúc 21 giờ, các bạn còn tỏ ra vô cùng lưu luyến khi đứng lại chụp hình với nhau. Chúc các bạn luôn mạnh khỏe, tràn đầy tin yêu vào Đức Giêsu, vì Ngài là người Thầy, người Anh của các bạn.

Tôma Đỗ Lộc Sơn – Truyền thông giáo phận
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lòng Thương Xót Và Sự Hòa Giải
Tạ Ân Phúc
16:07 21/03/2016
Lòng Thương Xót Và Sự Hòa Giải

Ngay từ khởi nguyên, con người đã sa ngã, phạm tội, đáng phải nhận án phạt, nhưng Thiên Chúa đã thể hiện lòng thương xót bằng cách hòa giải nhân loại với Ngài. Lòng thương xót và hòa giải liên hệ với nhau như thế nào? Điều đó đã được Cha Giuse Phạm Quốc Văn, OP, giải thích cặn kẽ trong buổi chuyên đề “Lòng Thương Xót và Sự Hòa Giải” do Chương trình Chuyên đề Giáo Dục tổ chức vào tối thứ Bảy 12/03/2016 tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn.

Bắt đầu đi vào đề tài, Cha Giuse nói cần tìm hiểu ý nghĩa của lòng thương xót, sau đó là mối tương quan giữa chúng để nhận ra rằng mầu nhiệm hòa giải bắt nguồn từ Thiên Chúa, là kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa qua dòng chảy của lịch sử cứu độ. Tác vụ hòa giải đã được Chúa Kitô ủy thác cho Hội Thánh, và Hội Thánh đã nỗ lực hòa giải với các Giáo Hội Kitô khác, với các tôn giáo khác và góp phần vào việc hòa giải giữa các quốc gia.

Lòng thương xót

Lòng thương xót còn có thể hiểu là lòng từ bi, từ ái, từ thiện, nhân hậu, nhân từ, nhân ái, tình thương, trắc ẩn, lân tuất, khoan nhân… Người có lòng thương xót là người có trái tim biết khổ đau đối với nỗi khổ đau của người khác, cảm thông, tỏ lòng trắc ẩn với những ai gặp cảnh gian truân sầu khổ. Do con người sa ngã, tội lỗi, thất trung nên Thiên Chúa tỏ lòng thương xót với con người, như thể lòng xót thương còn đi đôi với đức công bình của Thiên Chúa.

Sự hòa giải

Lòng thương xót gắn liền với sự hòa giải; không thể có lòng thương mà không có tha thứ, không có hòa giải. Sự hòa giải ở đây cần phải hiểu vượt qua những khái niệm và phạm trù tâm lý, xã hội. Theo Thánh Phaolô, hòa giải là một ơn trọng người Kitô hữu đã đón nhận được cách nhưng không như quà tặng của lòng Chúa thương xót.

Lòng Thương Xót Thể Hiện Qua Sự Hòa Giải

Theo Thánh Phaolô, hòa giải trước hết là sáng khởi của Thiên Chúa. Kế hoạch hòa giải được lồng trong chính chương trình cứu độ của Người.

Kế hoạch hòa giải trong Cựu ước

Ngay từ khởi nguyên, sau khi Tổ tông loài người sa ngã phạm tội, bức tường ngăn cách giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau đã được dựng nên (St 3, 1-24). Trong bức tường giam hãm ấy, con người sống tội lỗi, sa đọa, ghen ghét và thù hận. Thế nhưng, vì lòng thương xót, Thiên Chúa không đành bỏ mặc, nhưng vẫn một mực yêu thương con người. Cho dù con người bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, nhưng Thiên Chúa vẫn quan tâm và hằng dõi ánh mắt theo họ. Bằng chứng là Ngài đã hứa ban Đấng Cứu Độ cho con người (St 3, 15), và đã lấy da thú may áo mặc cho Adam và Eva: “Đức Chúa là Thiên Chúa làm cho con người và vợ con người những chiếc áo bằng da và mặc cho họ” (St 3, 21). Điều này diễn tả một tình yêu mạnh mẽ, một lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa.

Qua dòng chảy cứu độ, Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương, tuyển chọn và ký kết giao ước với Dân riêng của Người. Giao ước này trở thành nền tảng nói lên lòng trung tín hay bất tuân giữa con người với Thiên Chúa. Quả vậy, trong Kinh Thánh, ta thấy ý niệm về tội một mặt vừa phản ánh tư tưởng bình dân giống như bao tôn giáo khác, mặt khác lại nêu bật mối tương quan với Giao ước giữa Thiên Chúa và dân được tuyển chọn.

Thiên Chúa yêu thương con người như thế đó, không một tình yêu nào có thể sánh nổi. Chính vì vậy, Thiên Chúa muốn con người phải quay trở về với tình thương của Người, để con người được hòa giải, được ấp ủ xót thương. Con người dù tội lỗi thế nào đi chăng nữa, Thiên Chúa vẫn luôn tha thứ, một sự tha thứ hoàn toàn vô điều kiện, miễn là con người thật lòng trở về với Chúa. Người là Đấng hòa giải và kêu gọi con người hãy sẵn sàng hòa giải với Người và với tha nhân. Để thực hiện kế hoạch hòa giải này, Người đã hứa ban Con Một yêu dấu và Thánh Tử Giêsu, Đấng đã đến sống với con người, chịu chết và sống lại để hòa giải nhân loại với Thiên Chúa, và nhờ đó nhân loại cũng được giao hòa với nhau.

Kế hoạch hòa giải trong Tân ước

Qua kế hoạch hòa giải, Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho nhân loại. Người chính là Tình Yêu. Như thế, sự mới mẻ trong quan niệm về tội lỗi và sự giao hòa thời Tân ước chính là khi phạm tội, con người khước từ tình yêu Thiên Chúa. Nếu Người là “Sự bình an của chúng ta”, thì Người cũng là “Sự hòa giải của chúng ta”.

Thiên Chúa yêu thương và tha thứ lầm lỗi cho con người, bằng việc sai Con Một nhập thể, chịu chết và sống lại để cứu độ con người. Cuộc đời Đức Giêsu đã biểu lộ tình yêu vô tận của Thiên Chúa đối với con người, một tình yêu tình nguyện hiến tế chính mình trên thập giá. Người yêu thương không chỉ bằng lời nói, nhưng Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được Cứu độ.

Như vậy, xuyên suốt Cựu ước và Tân ước, chúng ta đều khám phá thấy Thiên Chúa là “Đấng từ bi nhân hậu, chậm bất bình và hết sức khoan dung”. Người xót thương đến độ “cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương” (Mt 5, 45). Người đã sáng kiến đi bước trước để đưa con người lầm lạc trở về giao hòa với Người; và hơn thế nữa, Người còn trao cho chúng ta tác vụ hòa giải.

Giáo Hội như thừa tác viên của sự hòa giải

Sứ mạng của Hội Thánh gắn liền với sứ mạng của Đức Kitô; chính vì thế, chúng ta nhận ra rằng “bản tính của Hội Thánh là luôn luôn hòa giải”. Sứ mạng hòa giải này, Hội Thánh đón nhận từ Chúa Kitô. Hội Thánh đã cần mẫn thi hành sứ mạng hòa giải này ngay từ buổi đầu sơ khai, và không ngừng nỗ lực bằng mọi cách để đưa toàn thể nhân loại đến sự hòa giải trọn vẹn. Để thực thi sứ mạng hòa giải của mình, trước hết Hội Thánh nhận ra ân huệ mình được hòa giải, từ đó nỗ lực hòa giải trong chính nội bộ của mình; và sau đó, mở rộng vòng tay hòa giải với các anh chị em khác trên toàn thế giới, trước hết là những anh chị em cùng tin vào Chúa Kitô.

Nỗ lực hòa giải với các Giáo Hội Kitô và các tôn giáo khác

Trong suốt chiều dài lịch sử hơn 2000 năm qua, Giáo Hội vừa kêu gọi người ta sám hối, đồng thời cũng cần thấy mình phải sám hối trở về với chính Thiên Chúa, và đưa nhân loại xích lại gần nhau hơn. Khởi đi từ khát vọng sám hối và hòa giải với những anh chị em cùng tin vào Chúa Kitô: Chính Thống, Tin Lành và Anh giáo, các vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo đã không ngừng thúc đẩy tiến trình đối thoại và hòa giải này. Khởi đi từ Đức Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI cho đến Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, và hiện nay là Đức Thánh Cha Phanxicô luôn tìm cách hòa giải và thúc đẩy tiến trình hiệp nhất các Kitô hữu. Mới đây nhất, ngày 12/2/2016 vừa qua, tại La Habana, thủ đô Cuba, đã diễn ra cuộc gặp gỡ lịch sử giữa các Đức Thánh Cha Phanxicô và Giáo chủ Kirill, Thượng phụ Moskva, Giáo chủ Chính Thống giáo Nga. Sự kiện này đánh dấu một chặng đường quan trọng, nhằm thực hiện mong ước của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, hai vị tiền nhiệm của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đối với các tôn giáo khác, cần phải nhắc đến Do Thái giáo, vì Công Giáo có chung với họ một di sản thiêng liêng cao quý là Thánh Kinh Cựu ước. Chính vì vậy, được thúc đẩy bởi đức ái cao cả của Tin Mừng, Giáo Hội đau xót trước thái độ thù hằn, những cuộc bách hại và mọi biểu hiện của chủ trương bài Do Thái giáo vào bất cứ thời điểm nào và bất cứ ai chống lại người Do Thái. Kế đến, cần nhắc đến sự đối thoại và giao hòa với anh em Hồi giáo. Vượt qua những rào cản và vết thương hiềm khích trong quá khứ, Công đồng Vaticanô II khuyên mọi người quên đi quá khứ và cố gắng chân thành tìm hiểu lẫn nhau, cũng như cùng nhau bảo vệ và cổ vũ cho công bình xã hội, các giá trị luân lý cũng như hòa bình và tự do cho tất cả mọi người.

Vai trò của Giáo Hội trong việc hòa giải giữa các quốc gia

Giáo Hội không hoạt động chính trị, nhưng không thể không quan tâm đến những thiện ích, tự do và hòa bình của nhân loại, thể hiện nơi các dân tộc, nơi từng quốc gia. Giáo Hội luôn nỗ lực góp phần hòa giải, bởi lẽ Giáo Hội ý thức sứ mạng hòa giải mà mình đã lãnh nhận từ nơi Chúa.

Có thể kể đến vài sự kiện điển hình như ngày 27/01/2016 vừa qua, Tòa Thánh kêu gọi giải quyết xung đột giữa Israel và Palestin. Cũng có thể nhắc đến chuyến viếng thăm chính thức Cuba, Hoa Kỳ và Liên Hiệp quốc từ ngày 19/9 đến 27/9/2015 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô vừa qua, thể hiện sự khát khao hòa giải của Hội Thánh, và nỗi khát khao này phần nào được thỏa đáp; cụ thể Hoa Kỳ và Cuba đã bắt tay nhau, xóa bỏ hiềm thù cả hàng nửa thế kỷ.

Có lẽ thế giới chưa một ngày hoàn toàn im tiếng súng, chưa bao giờ vắng bóng chiến tranh lạnh, chưa lúc nào hết hiềm khích thù hằn, và như thế sứ mạng hòa giải của Hội Thánh vẫn còn là hình trình thăm thẳm phía trước. Mà Hội Thánh là ai? Đó là mỗi chúng ta, vì thế để góp phần vào sứ mạng hòa giải này, chúng ta cần phải nỗ lực hòa giải để làm đẹp chính môi trường sống quanh chúng ta theo ơn gọi riêng của mỗi người.

Thay lời kết

Nguyện xin Tình Yêu Thiên Chúa được tỏ trên mỗi người chúng con, để mỗi ngày, chúng con nhận ra vai trò và sứ vụ của đời mình góp phần vào công cuộc hòa giải ngay chính môi trường sống xung quanh mình, chính nơi gia đình mình,… và nếu mỗi người chúng con cùng cố gắng nỗ lực như thế thì giới sẽ ngày càng xích lại gần nhau hơn, hiểu nhau hơn, tôn trọng nhau hơn, và thế giới sẽ ngày càng tiến gần đến hòa bình hơn, hạnh phúc hơn.

Tạ Ân Phúc
 
Lịch sử và ý nghĩa cuả nghi lễ Rửa Chân
Trần Mạnh Trác
17:42 21/03/2016

Những năm vừa qua, nhiều người đã bỡ ngỡ khi nhìn thấy ĐGH rửa chân cho tù nhân, cho phụ nữ và cho cả những người ngoại đạo nữa (một cô gái Hồi Giáo). Thế rồi năm nay một sắc lệnh đã ban ra là từ nay các giáo xứ có thể rưả chân cho phụ nữ, trẻ em vv...

Có ngươì đã than phiền rằng ĐGH đi quá đà, quá 'cấp tiến'!

Căn cứ vào bài phúc âm được đọc trước nghi thức Rửa Chân, kể lại việc Chuá Giêsu rửa chân cho 12 môn đệ, thì rõ ràng là cha xứ, đại diện cho Chuá Giêsu, rửa chân cho 12 chức sắc quan trọng cuả giáo xứ, là đại diện cho 12 môn đệ!

Các môn đệ đều là đàn ông, cho nên một phụ nữ lạc lõng vào danh sách 12 vị này, thì khó coi làm sao!

Thực ra những than phiền đó, dù là được nói ra hay chỉ là thầm kín ở trong lòng, thì cũng chỉ là do ngộ nhận mà thôi, và có thể được giải toả nếu nhìn đến hai khía cạnh sau đây: ý nghĩa và lịch sử cuả nghi lễ Rưả Chân.

I- ý nghĩa.

Xã hội Việt Nam không có tục lệ rửa chân, và hầu như mọi người ngày nay không có ai còn nhớ về những lễ nghi trước năm 1955, là trong một thời gian dài khoảng 400 năm, nghi lể rửa chân đã bị tàn lụi. Năm 1955 Giáo Hội tái lập lại 'nghi thức Rửa Chân' với một hình thức là sau khi đọc bài Phúc âm cuả thánh Gioan (John 13:1-7 ), vị thày cả cửi áo choàng và rửa chân cho 12 người.

Cho nên chúng ta hiểu về nghi lễ rửa chân qua bài Phúc âm mà Chuá rửa chân cho 12 môn đệ, do đó dễ dàng nghĩ rằng nghi lễ mà các cha xứ cử hành là việc diễn lại sự tích rửa chân cuả Chuá.

Nhưng nghi lễ rửa chân không phải là việc 'diễn lại một sự tích'!

Chúng ta đều biết rằng trước giờ chiụ nạn, Chuá đã để lại cho các môn đệ 2 lệnh truyền. Lệnh truyền thứ hai nhưng lại cao trọng nhất là bí tích Thánh Thể "Này là Mình Ta...Này là Máu ta... Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta".

Nhưng trước đó Chuá đã ban cho một lệnh truyền khác, đó là sau khi rửa chân cho các môn đệ xong, Chuá nói "Các ngươi có hiểu ta đã làm gì cho các ngươi không? ...Vậy nếu Ta là Thầy, là Chuá, mà đã rửa chân cho các ngươi, thì các ngươi cũng phải rửa chân cho nhau..."

Chuá nói "các ngươi cũng phải rửa chân cho nhau" chứ không nói "hãy diễn lại sự tích này" hay là hãy "thay mặt Ta mà làm việc này".

Cho nên khi một vị linh mục rửa chân cho giáo dân, là chính vị linh mục đó thực hiện nghĩa cử bác ái yêu thương và nhân đức khiêm nhường, chứ không phải chỉ tạm thời đóng vai cuả Chuá qua một nghi lễ.

Nghĩ thấu đáo về 'lệnh truyền' ấy, thì mọi giáo dân cũng phải rửa chân cho nhau nữa. Có một số giáo phái Tin Lành đã làm như vậy.

Do đó 'nghi lễ rửa chân' không chỉ là rửa chân theo vẻ bề ngoài mà phải là 'thi hành lệnh truyền cuả Chuá về đức bác ái, thương yêu và khiêm nhường'. Mà thực thế, sách Phụng Vụ cuả Giáo Hội không gọi nghi lễ này là 'Rửa Chân' như người Việt Nam ta, mà goị là 'Mandatum,' nghĩa là 'thực hành điều Chuá ra lệnh'.

Nhưng để cho dễ hiểu, chúng tôi vẫn xin dùng từ ngữ quen thuộc là 'Rửa Chân' nhưng xin được hiểu hai chữ đó là 'việc thực hành lệnh truyền cuả Chuá' (Mandatum).

II lịch sử cuả Rửa Chân.

Có nhiều bằng chứng ghi chép về sự thực hành này ngay từ thuở sơ khai cuả lịch sử Giáo Hội, có bằng chứng là rõ ràng vì được ghi chép là 'rửa chân' nhưng cũng có những bằng chứng thuộc loại 'gián tiếp' , nghĩa là chúng ta phải giả sử là đúng vì không có cách giải thích nào khác hơn.

-Bằng chứng đầu tiên là trong Thư Thứ Nhất gửi cho Timothê, thánh Phao lô đề cập đến việc 'rửa chân cho các thánh' (ghi chú: Thánh Phaolô gọi các giáo hữu là thánh) khi giảng dậy về các nhân đức cuả các bà goá (cf. 1 Tim. 5:10). Chúng ta có thể kết luận rằng việc rửa chân đã được thực hiện như là một nhân đức, nhưng chưa phải là một nghi lễ, do đó không có ghi chép về nghi thức một cách rành mạch rõ ràng.

-Khoảng năm 381-384, một khách hành hương đến Jerusalem tên là Egeria đã ghi chép một ngày lễ đặc biệt tưởng niệm Bữa Tiệc Ly cuả Cộng đoàn Kitô hữu ở đây. Egeria cho biết việc tưởng niệm Bữa Tiệc Ly được tổ chức tới 3 lần trong một ngày, lần thứ nhất vào buổi sáng, lần thứ hai lúc 4g chiều, và lần thứ 3 lúc 7g tối. Một cách gián tiếp chúng ta có thể biết rằng việc 'rửa chân' là một sự việc rất quan trọng (vì cử hành làm một buổi lễ 4g chiều) trong ngày Thứ Năm Phục Sinh.

-15 năm sau đó lại có tài liệu cuả thánh Augustinô, đề cập đến 2 lễ nghi trong ngày Tiệc Ly (thư thứ nhất gửi cho Januarius). Thánh Augustinô viết rằng lễ thứ hai thì quan trọng hơn, vì là lễ Truyền Phép Thánh Thể sau bữa ăn tối. Tuy không nói rõ lễ thứ nhất có mục đích rửa chân nhưng chúng ta có thể 'gián tiếp' tin là việc rửa chân đã được thực hành trong lúc này.

-Sau Thánh Augustinô, thì có việc xuất bản hai cuốn sách Lễ goị là Armenian Sacramentary (in năm 450) và Capitulary of Wurzburg (in năm 675.) Cả hai cuốn sách lễ đã thay bài thánh kinh Thứ Năm Tuần Thánh từ Tin Mừng cuả Thánh Matthew thành tin mừng cuả Thánh Gioan (giống như ngày nay). Như vậy thì 'lệnh truyền rửa chân' đã được 'nhấn mạnh' thêm lên vì chúng ta đều biết rằng chỉ trong tin mừng cuả thánh Gioan mới có câu chuyện Chuá rửa chân cho các môn đệ.

-Vào năm 694, vua Egica cuả dân Visigoth đã triệu tập Công Đồng Toledo (ngày xưa các Công đồng đều do các hoàng đế triệu tập). Trong 8 điều luật mà công đồng tuyên bố thì có điều sau đây: "Việc rửa chân trong ngày lễ Tiệc Ly đã bị bỏ bê ở nhiều nơi, vậy từ nay phải được thực hiện lại ở khắp mọi nơi." Điều luật trên cho thấy 'tục lệ' rửa chân vẫn là 'hằng có,' nhưng sự thực hành đang bị bê trễ, cho nên Công Đồng nhìn thấy nhu cầu cần phải ra lệnh bắt buộc.

Dầu sao thì cho tới đây, 'Rửa Chân' vẫn chỉ được coi là một tục lệ hay là một nhân đức chứ chưa được nâng lên thành một nghi lễ có nghi thức rành mạch rõ ràng. Phải đợi tới thế kỷ thứ 7 người ta mới tìm thấy những chứng cớ chắn chắn là việc Rửa Chân đã trở thành một nghi lễ.

-Vào thế kỷ thứ 7, thì cuốn luật có tên là "Roman Ordo in Coena Domini" (Luật La Mã trong lễ Tiệc Ly) có ghi chép những nghi thức cuả Giáo Hoàng rửa chân cho các người giúp lễ như thế nào.

Lúc này thì dòng Biển đức đã toả rộng ra khắp âu Châu, và có nhiều học giả đã cho rằng nghi thức Rửa Chân đã được hình thành theo cách thức cuả các dòng Biển đức.

Theo bộ luật dòng cuả thánh Biển đức (năm 529), thì người đan sĩ đang thi hành nhiệm vụ đầu bếp trong tuần nên thực hiện việc rửa chân cho các đan sĩ khác vào mỗi thứ Bảy; bộ luật cũng chỉ thị rằng vị đan viện trưởng và những vị đồng nhiệm cũng phải rửa chân cho những người được coi là khách. Việc rửa chân này là một nghi thức đạo đức và phải đi kèm với những lời kinh nguyện và những bài hát thánh thi, bởi vì, bộ luật nói thêm "chính ở nơi người khách mà Chúa Kitô được tôn vinh và được nhận ra". (trích dẫn Bách Khoa Tự Diện Công Giáo (The Catholic Encyclopedia) )

Sang đến thế kỷ thứ 8 thì có sự việc các nhà dòng Biển Đức ở bên Anh Quốc viết lại bộ luật lấy tên là Constitutions of Lanfranc of Canterbury, mục đích là để cho các việc thực hành ở bên Anh được ăn khớp với nhửng thực hành cuả các dòng Biển Đức ở bên đất liền (Pháp), nhờ có bộ luật này mà chúng ta biết thêm về những thực hành cuả việc Rửa Chân lúc đó như sau:

Trong ngày thứ Năm Tuần Thánh, một nhóm người nghèo sẽ được dẫn vào đan viện và đặt ngồi thành một hàng. Các đan sĩ sẽ đi vào đứng trước từng người một, còn vị đan viện trưởng thì đứng trước 2 người nghèo. Vị đan sĩ niên trưởng sẽ đập lên một thanh khắc 3 lần, và các đan sĩ sẽ quì gối xuống trước người nghèo, tuyên xưng việc Chuá Kitô đang hiện diện nơi họ. Rồi rửa chân cho họ, hôn chân, và lấy khăn lau khô. Sau cùng các đan sĩ sẽ gập mình xuống, khấu đầu vào chân người nghèo. Những người nghèo được dâng lên trà nước và được tặng 2 đồng bạc pences. Buổi lễ kết thúc với lời chúc lành cuả vị đan viện trưởng.

Nghi lễ Rửa Chân ở một đan viện vẫn chưa kết thúc ở đó, sau khi các người nghèo đi về rồi, các đan sĩ sẽ tụ họp trong nguyện đường để thực hiện một lễ rửa chân thứ hai. Vị đan viện trưởng và đan sĩ niên trưởng, mặc áo thô, sẽ quì trước từng đan sĩ mà rửa chân, lau khô và hôn chân họ. Sau đó hai vị đan viện trưởng và niên trưởng sẽ rửa chân cho nhau.

Việc rửa chân 2 lần như thế đã ảnh hưởng lên các nghi lễ áp dụng cho giáo hoàng. Từ thế kỷ thứ 11 cho tới thế kỷ thứ 14, sách lễ cuả giáo hoàng (Roman pontifical liturgy) ấn định 2 việc rửa chân, một cho giáo sĩ (clerical Mandatum) và một cho người nghèo (Mandatum of the poor). Trước tiên, vị giáo hoàng sẽ rửa chân cho các vị đồng tế (subdeacons) trong một buổi lễ công cộng, sau đó tại phủ giáo hoàng, ngài rửa chân cho 13 người nghèo trong một khung cảnh riêng tư.

Tới thế kỷ 15 thì không hiểu vì lý do gì, nghi thức rửa chân cho người nghèo không còn được đề cập đến nữa, nhưng tới năm 1600 thì sách lễ cuả giáo hoàng, được gọi là 'Ceremoniale Episcoporum of 1600' (Nghi lễ cuả Giáo Hoàng năm 1600) ấn định rằng từ nay có thể 'tuỳ chọn' 13 người nghèo hoặc là 13 giáo sĩ cho buổi lễ công cộng.

Có học giả cho rằng chính các đan sĩ Biển Đức đã cải biến tục lệ rửa chân trở thành một nghi lễ phụng vụ. Ông Boniface, sáng lập ra trang web Unam Sanctam Catholicam, lập luận rằng vì ảnh hưởng cuả dòng Biển đức lan toả ra khắp Châu Âu và họ có nhiều giám mục cũng như giáo hoàng nổi tiếng về văn học và biện luận, như thánh Augustino Canterbury và Thánh Giáo Hoàng Gregory I (còn gọi là Gregory the Great). Nhưng xin ghi nhận đây chỉ là một giả thuyết mà thôi.

-Nhưng dù lịch sử có như thế nào chăng nữa thì từ đầu thế kỷ thứ 8, năm 700, đã có tài liệu về 'nghi lễ rửa chân' áp dụng vào sách lễ giáo dân, nghĩa là không còn là một nghi lễ dành riêng cho Giáo Hoàng mà thôi, đó là hai cuốn sách Lễ tên là Gelasian Sacramentary và Gregorian Sacramentary, đều có nghi thức rửa chân trong Lễ Thứ Năm Tuần Thánh.

Nhưng dù được đưa vào sách lễ, lúc đó Giáo Hội vẫn cho phép các nơi được tuỳ chọn chứ không bắt buộc, do đó mà nghi thức 'Rửa Chân' (Mandatum) còn cần một thời gian nhiều thế kỷ nữa trước khi được phổ biến rộng rãi ra khắp mọi giáo xứ.

III Những áp dụng và lạm dụng

Trong nhiều thế kỷ, nghi lễ rửa chân đã gợi hứng cho nhiều triều đình cuả các nước Kitô giáo.

-Vua Robert II cuả nước Pháp (trị vì 996-1031) có lần thực hiện một lễ rửa chân cho 160 giáo sĩ.

-Nữ thánh Elizabeth cuả nước Hung Gia Lợi (nữ vương), mỗi năm rửa chân cho 12 người cuì.

Nhưng ngoài những hành vi thánh thiện, cũng có những sự thực hành rửa chân chỉ mang tính cách phô trương mà thôi.

Tác giả James Monti trong cuốn sách The Week of Salvation đã diễn tả một cảnh huy hoàng cuả một lễ rửa chân trong triều Tây Ban Nha vào lúc gần tàn như sau (1874 - 1885):

Sau khi dự lể tại nguyện đường trong cung điện xong, vua và hoàng hậu ngự giá qua phòng đại sảnh có tên là Hall of Columns, thường là vào khoảng 2 giờ chiều. Vua Alfonso XII mặc áo đại triều với đầy đủ huân chương trong khi hoàng hâu Maria Christina với chiếc áo lông và áo choàng gợn sóng, một khăn phủ đầu trắng tuốt và vuơng niệm nạm kim cương chiếu sáng lóng lánh.

Ở giửa đại sảnh là hai cái thềm; một cái ngồi 12 ông lão nghèo, đã được nhà vua may cho áo mới; Trên chiếc thềm khác ngồi 12 bà lão, cũng trong những bộ áo mới do hoàng hậu ban cho.

Có một chiếc bàn thờ nhỏ với Thánh Giá và hai ngọn nến. Đức Giám Mục, chức vụ tổng giám mục vùng biển Indies, bước tới bàn thờ và đọc bài Phúc âm cuả Thánh Gioan, nói về việc Chuá rửa chân cho các môn đệ.

Sau phúc âm, người ta cột một dây lưng cho đức vua, một chiếc dây nạm vàng óng ánh để biểu hiệu cho chiếc khăn mà Chuá cột vào mình. Rồi đức vua bước lên thềm, với một người phụ tá bưng theo một chiếc bình vàng (đựng nước) và một thau vàng hứng nước. Vua bèn quì xuống trước từng ông lão, rửa chân, lau chân và hôn chân ông ta.

Cũng vậy, hoàng hậu cũng quì và rửa chân cho những bà nghèo. Người ta kể lại ngày xưa khi Nữ Hoàng Isabella II (trị vì 1833-1868) đã làm rớt một chiếc vòng ngọc xuống thau nước, và người phụ nữ được rửa chân đã vội vớt nó lên mà dâng lại, nhưng nữ hoàng nói :"Dơ bẩn dơ bẩn, giữ lấy nó đi, đó là điềm may mắn cuả bay."

Sau đó nhà vua dẫn 12 lão già tới một chiếc bàn có dọn sẵn một bữa tiệc hải sản 15 món, có 15 loại tráng miệng và một hũ rượu. Cũng vậy hoàng hậu dẫn 12 lão bà tới một chiếc bàn khác và cũng đãi họ như nhà vua. Sau khi ăn xong, tất cả đồ ăn còn thừa, cùng với chén bát muỗng đĩa loại đắt tiền, được gói vào trong 24 cái giỏ lớn để cho mỗi người có thể mang về làm cuả, đồng thời mỗi người còn nhận được một túi tiền có 12 đồng vàng nữa.

IV Sự mai một và tái lập

Cũng vì những lạm dụng chỉ nhằm vào việc phô trương như thế mà Martin Luther đã cực lực chế nhạo đó là một hình thức giả hình. Rồi phong trào Thệ Phản ra đời, và như thế từ năm 1600 cho đến đầu thế kỷ 20 thì những nghi lễ rửa chân 'tuỳ chọn' dần dà bị người ta 'tránh né' đi. Tới năm 1900 thì hầu như không có giáo xứ nào còn cử hành nghi lễ này nữa.

Và Giáo Hội lại phải 'tái lập' nghi lễ đó vào năm 1955 như đã nói ở trên.

Tóm lại, qua ý nghiã và lịch sử cuả nghi thức Rửa Chân, đã không có khi nào mà những người được rửa chân được coi là đại diện cho các thánh tông đồ cả, và cũng chưa khi nào thể thức chỉ được dành riêng cho nam giới hay cho người có đạo mà thôi. Việc chúng ta rửa chân cho những người tù, người nghèo, đàn bà mang thai, phụ nữ Hồi Giáo vv... thì không có gì là ngược với giáo huấn cuả hội thánh hay ngược với ý nghĩa hoặc thể thức cuả 'Lệnh Truyền' cả, và như thế thì việc các giáo xứ chọn những người được rửa chân làm sao cho có sự phản ảnh cuả thành phần dân Chuá cũng là một sự hợp lẽ nên làm.
 
Các sự kiện của việc đóng đinh
Vũ Văn An
20:45 21/03/2016
Sự kiện đóng đinh, dĩ nhiên, không thích thú gì. Tuy nhiên, hiểu rõ việc đóng đinh sẽ giúp chúng ta hiểu Chúa Giêsu đã phải chịu đựng những gì vào ngày Người qua đời. Bài dưới đây dựa vào nhiều tài liệu y khoa, trong đó, có cuộc nghiên cứu của Bệnh Xá Mayo đăng trên Tạp Chí của Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kỳ năm 1989.

Hình phạt đóng đinh có lẽ bắt đầu bởi người Ba Tư (nay là Iran). Thoạt đầu, nạn nhân bị treo lên để chân không chạm đất thánh. Người Phênixi, đi buôn bán khắp nơi, hình như đã bắt chước thực hành này và đem đi phổ biến ở nhiều nền văn hóa khác, trong đó có nền văn hóa Hy Lạp.

Alexăng Đại Đế (người Hy Lạp) du nhập thực hành này vào Carthage, nơi nó được người Rôma tiếp thu. Người Rôma bắt đầu sử dụng nó khoảng vào thời Chúa Giêsu sinh ra.

Họ cải thiện việc đóng đinh, biến nó thành một hình phạt nhằm tối đa hóa sự đau đớn và thống khổ. Không phải chỉ để giết một người, mà là giết cách khủng khiếp nhất. Người bị đóng đinh chịu lượng đau khổ lớn lao nhất.

Đóng đinh cũng là hình thức hành quyết hạ nhục nhất. Nó thường được dành cho nô lệ, ngoại kiều, phiến loạn, và những tội nhân đáng khinh. Chỉ những công dân Rôma nào phạm tội đào ngũ mới bị đóng đinh mà thôi.

Thế nào là đánh đòn?

Đánh đòn được thực hiện trước việc đóng đinh. Nó nhằm đem nạn nhân tới trạng thái gần như đã chết. Nó gây đau đớn, cùng cực.

Roi đánh có những viên bằng sắt gắn vào cuối mỗi sợi dây da. Đôi khi, những chiếc xương chiên rất sắc còn được cột vào gần cuối sợi dây ấy nữa. Những viên bằng sắt nhằm gây những vết bầm thật sâu, trong khi sợi dây da sẽ xẻ da ra. Xương chiên sẽ làm cho diễn trình xẻ da nhanh hơn. Sau một vài cú đánh, da sẽ bị xé nát và các bắp thịt bắt đầu bị xẻ. Máu lênh láng chẩy ra và cơn đau có thể làm nạn nhân kích ngất (shock).

Một cuộc đóng đinh tiêu biểu sẽ như thế nào?

Sau khi bị đánh đòn, nạn nhân sẽ vác xà ngang của cây thập tự của mình (gọi là patibulum) từ khu vực bị đánh đòn bên trong thành tới khu vực bị đóng đinh ở bên ngoài tường thành. Khu vực đóng đinh luôn ở bên ngoài thành phố, vì diễn trình đóng đinh rất khủng khiếp và gây kinh hoàng cho người dân.

Phần đứng thẳng của cây thập tự đã được dựng sẵn tại khu vực đóng đinh. Phần được nạn nhân vác là xà ngang, nặng chừng từ 75 tới 125 cân Anh. Xà ngang này được đặt cân bằng trên vai nạn nhân, và hai cánh tay nạn nhân bị cột vào xà ngang này. Ở thế này, nếu nạn nhân bị té, họ không thể dùng tay để đỡ được, nên chắc chắn sẽ té dập mặt thẳng xuống đất.

Nạn nhân được vệ binh Rôma hộ tống (thường là một viên bách quản và một số binh lính), những người này có nhiệm vụ canh giữ nạn nhân cho tới khi nạn nhân chết. Một trong các binh lính này sẽ đóng một tấm bảng viết tội của nạn nhân trên đó.

Khi đã tới khu vực đóng đinh, nạn nhân sẽ được uống một thứ rượu pha với nhựa thơm có tác dụng làm giảm cơn đau. Đây là một nghĩa cử của các phụ nữ Giêrusalem.

Rồi họ trao cho Người rượu pha nhựa thơm, nhưng Người không dùng nó - Máccô 15:23.

Sau đó, nạn nhân sẽ bị đóng đinh vào xà ngang cây thập tự. Đinh sẽ thâu qua cổ tay, chứ không phải bàn tay, vì làm vậy sẽ không giữ được sức nặng của thân xác.

Xà ngang cây thập tự sẽ được nâng lên và tra vào cột đứng thẳng, là cột được dùng để đóng đinh gót chân nạn nhân vào.

Một khi đã bị đóng đinh, nạn nhân thường sống thêm được chừng vài giờ tới vài ngày. Sống bao lâu phần lớn tùy ở việc đánh đòn dữ dằn ra sao.

Nếu không ai xin xác nạn nhân, xác này sẽ bị để nguyên trên thập tự để các loài chim ăn thịt. Tuy nhiên, gia đình có thể xin xác về chôn cất. Trong trường hợp này, một binh sĩ Rôma sẽ dùng gươm hay giáo đâm ngực nạn nhân để bảo đảm nạn nhân đã chết.

Thực ra điều gì đã giết nạn nhân?

Việc đánh đòn đã làm suy yếu nạn nhân, gây cho nạn nhân mất rất nhiều máu, và có thể làm họ kích ngất. Tới lúc nạn nhân vác xà ngang cây thập tự tới khu vực chịu đóng đinh, họ đã kiệt sức rồi.

Một khi đã bị treo trên thập tự, sức nặng của thân xác nạn nhân trì trên đôi cánh tay. Ở thế này, rất khó thở đủ hơi. Nạn nhân thỉnh thoảng phải cố hít những hơi thở ngắn, nhưng rồi cuối cùng cũng phải cố nâng mình lên để thở những hơi dài.

Đến đây, 3 điều sẽ xẩy ra:

◗ Sức nặng của nạn nhân nay hoàn toàn do đôi chân chống đỡ. Các chiếc đinh đâm thâu qua hai bàn chân chắc chắn sẽ đụng vào hai dây thần kinh lớn chạy qua khu này. Kết quả là đau đớn khôn tả cho đôi chân.

◗ Các chiếc đinh ở cổ tay chắc chắn sẽ đâm vào dây thần kinh lớn chạy qua cánh tay. Khi nạn nhân kéo mình lên để thở, cổ tay sẽ xoay quanh chiếc đinh, đụng đến dây thần kinh và gây nên cái đau khôn cùng cho cánh tay. Một số người có thế giá còn tin rằng thế bị đóng đinh làm trật bả vai hoặc khủyu tay. Bất cứ cử động nào cũng làm tăng cơn đau từ những vết thương này.

◗ Các vết thương ở lưng nạn nhân do bị đánh đòn sẽ cọ sát vào phần cứng của cột đứng thẳng của thập tự. Việc này có khuynh hướng làm sưng tấy các vết thương, dẫn tới nhiều đau đớn và mất máu hơn nữa.

Tất cả những đau đớn ấy cộng lại khiến nạn nhân mau chóng phải hạ mình trở lại như cũ. Cuối cùng, nạn nhân sẽ mất hết khả năng nâng mình lên và sẽ ngộp thở. Kích ngất do việc mất máu lúc bị đánh đòn càng làm diễn trình này nhanh hơn.

Trong một số trường hợp, đôi chân của nạn nhân còn bị đánh gẫy khiến họ qua đời sớm. Vì việc này ngăn họ không còn khả năng nâng mình lên nữa, khiến họ ngộp thở trong vòng mấy phút.

Những điểm chuyên biệt trong việc đóng đinh Chúa Giêsu

Việc đóng đinh Chúa Giêsu phần lớn theo thủ tục bình thường, dù có một số khác biệt. Các khác biệt này giúp giải thích sự kiện Người qua đời tương đối rất nhanh sau một thời gian ngắn trên cây thập tự.

Lâm chiến, Người cầu nguyện càng khẩn thiết hơn, và mồ hôi Người như máu nặng giọt rỏ xuống đất. - Luca 22:44.

Có một tình trạng gọi là đổ mồ hôi máu (hemohidrosis hoặc hematidrosis) xẩy ra nơi những người chịu căng thẳng cùng cực về thể lý hay xúc cảm. Các mạch máu trong các tuyến mồ hôi vỡ ra và rỉ máu vào trong mồ hôi của họ. Hậu quả là những giọt mồ hôi máu. Nhiều người có thế giá tin rằng đây là lời giải thích có lý cho những gì xẩy ra với Chúa Giêsu.

Dù việc mất máu trong tình trạng này không đáng kể, nó vẫn chứng tỏ Người bị căng thẳng rất lớn, khiến Người yếu hẳn đi về thể lý.

Hai người canh giữ Người bắt đầu chế giễu và đánh đập Người. - Luca 22:63.

Rồi một số bắt đầu khạc nhổ vào Người; họ bịt mắt Người, đấm vào Người mà nói, Hãy nói tiên tri đi! Và các lính canh túm lấy Người và đánh đập Người. - Máccô 14:65.

Rồi họ khạc nhổ vào mặt Người và đấm vào Người. Những người khác vả vào Người. - Mátthêu 26:67.

Khi Chúa Giêsu nói thế, một trong các viên chức gần đó vả vào mặt Người. Anh ta hỏi: Đó là cách ngươi trả lời vị thượng tế sao? - Gioan 18:22.

Trước khi bị đánh đòn và đóng đinh, Chúa Giêsu đã bị các lính canh đánh đập, việc này làm Người mất sức. Thêm vào đó, Người không được ngủ vào đêm hôm ấy, lại còn phải đi tới đi lui để bị xét xử hết lần này tới lần khác.

Một người đàn ông nào đó quê ở Cyrene, tên Simon, cha của Alexander và Rufus, đi qua đó trên đường từ vùng quê, và họ bắt ông ta vác cây thập tự. - Máccô 15:21.

Khi ra đến ngoài, họ gặp một người đàn ông quê ở Cyrene, tên Simon, và họ buộc ông vác cây thập tự. - Mátthêu 27:32.

Khi dẫn Người đi, họ bắt Simon quê ở Cyrene, lúc ấy đang từ vùng quê đi tới, và đặt cây thập tự lên vai ông và buộc ông vác nó phía sau Chúa Giêsu. - Luca 23:26.

Một cách tiêu biểu, tù nhân phải vác cây thập tự của mình tới địa điểm chịu đóng đinh. Sự kiện Simon bị ép vác cây thập tự của Chúa Giêsu chứng tỏ rằng Người quá yếu sức đến độ không thể vác được cây thập tự của mình.

Hôm đó là Ngày Chuẩn Bị (nghĩa là ngày trước ngày Sabát). Nên lúc màn đêm sắp buông xuống, Giuse quê ở Arimathea, một thành viên của Thượng Hội Đồng, và là người đang mong chờ Nước Thiên Chúa, đã can đảm đến dinh Philatô và xin xác Chúa Giêsu.

Philatô ngạc nhiên nghe tin Người đã chết. Cho vời viên bách quản, ông hỏi ông này xem có phải Chúa Giêsu đã chết thật rồi hay chưa. - Máccô 15:42-44.

Vì ngày Sabát của người Do Thái bắt đầu vào lúc mặt trời lặn, nên điều quan trọng là không được để xác trên thập tự, luật Do Thái buộc phải chôn cất trước ngày Sabát.

Hãy ghi nhớ: Philatô ngạc nhiên khi nghe Chúa Giêsu đã chết.

Nay là ngày Chuẩn Bị, và hôm sau là ngày Sabát đặc biệt. Vì người Do Thái không muốn xác người trên các cây thập tự trong ngày Sabát, nên họ xin Philatô cho đánh dập hai ống chân và hạ xác xuống.

Do đó, các binh lính tới và đập dập các ống chân của người đầu tiên cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu, rồi các ống chân của người kia. - Gioan 19:31-32.

Như đã nói ở trên, đánh dập ống chân người bị đóng đinh sẽ khiến họ chết ngộp trong vòng ít phút, vì họ hết khả năng nâng mình lên để thở.

Nhưng khi đến chỗ Chúa Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh dập các ống chân của Người. Thay vào đó, một trong các binh sĩ dùng giáo đâm thâu ngực Người, máu và nước lập tức tuôn ra. - Gioan 19:33-34.

Một lần nữa, đây cũng là thực hành tiêu biểu của việc đóng đinh: đâm nạn nhân để bảo đảm nạn nhân đã chết trước khi trao cho thân nhân.

Nước mà Thánh Gioan ở đây mô tả như tuôn ra có lẽ là chất huyết thanh ở màng phổi (pleural) và màng tim (pericardial): chất lỏng này thường tụ lại vì kích ngất và mất máu. Chất lỏng này có khuynh hướng tụ lại ở lồng ngực và phổi.
 
Thông Báo
Thông Báo : Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời VN tuyển sinh
Lm. Antôn Đỗ Quang Quốc, SVD
10:22 21/03/2016


DÒNG TRUYỀN GIÁO NGÔI LỜI - TỈNH DÒNG VIỆT NAM -VĂN PHÒNG ƠN GỌI

Số 38 Võ Thị Sáu, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa

Hoặc Hộp Thư 52, Thành phố Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa

Điện thoại: (0583) 88.11.00; 093. 279.0243

Website: http://ngoiloivn.net

Email: buoctheongoiloi@gmail.com

THÔNG BÁO

V/V Tuyển Sinh Các Ứng Sinh Gia Nhập Dòng Ngôi Lời

Các Ứng Sinh cần hội đủ những điều kiện sau đây:

I. TUỔI VÀ TRÌNH ĐỘ VĂN HÓA

• Từ 18 - 25 tuổi: Đã Tốt nghiệp PTTH hoặc đang học Đại học, Cao đẳng.

• Từ 22 - 27 tuổi: Tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng (Trên 27, sẽ được Hội Đồng Bề Trên xét duyệt).

Môn thi:

• Việt Văn

• Giáo Lý căn bản

• Anh Văn (Trình độ tương đương bằng B)

II. ĐỊA ĐIỂM THI TUYỂN

Số 38 Võ Thị Sáu, Phường Phước Long, Thành phố Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa

III. THỜI GIAN THI TUYỂN

Từ ngày 01 đến 03 tháng 08 (Thời gian 3 ngày, không kể ngày đi và về)

IV. HỒ SƠ GỒM CÓ

1. Phiếu Đăng Ký Dự Thi

2. Giấy Giới thiệu của cha quản xứ (Linh mục / Tu sĩ) .

3. Bản sao Bằng Tốt nghiệp PTTH, hoặc Giấy Chứng Nhận Tốt Nghiệp.

4. Bản sao Bằng Tốt nghiệp Đại học / Cao đẳng, hoặc Giấy Chứng Nhận Tốt Nghiệp.

5. Khi đi dự thi, xin các Ứng Sinh mang theo giấy Chứng Minh Nhân Dân.

V. SAU KHI TRÚNG TUYỂN

1. Sinh viên đang theo học các Đại học / Cao đẳng tại Tp. HCM sẽ sinh hoạt ở nhà Đệ Tử Sài Gòn (hướng dẫn sau).

2. Sinh viên đang theo học các Đại học / Cao đẳng tại Tp. Đà Nẵng sẽ sinh hoạt ở nhà Đệ Tử tại Tp. Đà Nẵng (hướng dẫn sau)

3. Sinh viên học Đại học / Cao đẳng ngoài Tp. HCM và Tp. Đà Nẵng sẽ theo Chương trình dành cho Đệ Tử Ngoại Trú (hướng dẫn sau).

4. Sinh viên đã Tốt nghiệp Đại học / Cao đẳng sẽ nhập Thỉnh Viện tại Tp. Nha Trang.

VI. CHI PHÍ HUẤN LUYỆN SAU KHI TRÚNG TUYỂN

Chi phí ăn và ở: Hội Dòng chu cấp (xét theo gia cảnh của ứng sinh). Gia đình đóng góp vào việc huấn luyện và đào tạo theo từng giai đoạn:

1. Đệ Tử: Gia đình tự đóng tiền học phí cho Trường Đại học / Cao đẳng, chi phí cá nhân, việc đi lại cho con em mình. Ngoài ra, gia đình sẽ đóng góp thêm một khoản nhỏ cho Hội Dòng vào chi phí ăn uống của các em tại Cơ sở Đào tạo Đệ Tử Viện.

2. Thỉnh Sinh: Các ứng sinh sẽ tự lo sách vở, chi phí cá nhân, việc đi lại. Ngoài ra, gia đình sẽ đóng góp thêm 1 khoản nhỏ cho Hội Dòng.

DÒNG TRUYỀN GIÁO NGÔI LỜI - TỈNH DÒNG VIỆT NAM VĂN PHÒNG ƠN GỌI

Số 38 Võ Thị Sáu, Phường Phước Long,

Thành phố Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa

hoặc Hộp Thư 52, Thành phố Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa

Điện thoại: (0583) 88.11.00; 093. 279.0243

Website: http://ngoiloivn.net

Email: buoctheongoiloi@gmail.com

PHIẾU ĐĂNG KÝ DỰ THI

Tên Thánh, Họ và Tên : ………………………………………………………………………………

Ngày, tháng, năm sinh :…………………………………………………… …………………………

Nơi sinh : .. ………………………………………………………………………….………………….

Hiện thường trú :…………………………………………………… …………………………………

Thuộc Giáo xứ :……………………………………….Giáo phận :……………………..…………...

Tốt nghiệp PTTH năm : ……………………………………………………...………………………..

Đang học £ Đại học / £ Cao đẳng : ………………………………………………………………;

Chuyên ngành :…………...………………………………………………...; Năm thứ:…………

Tốt nghiệp £ Đại học / £ Cao đẳng : ..………………………….......Ngành : ……………………

Địa chỉ liên lạc : ……………………………………………………...………………………………...

Điện thoại di động: …………………………………Điện thoại bàn: ………...…………………….

Địa chỉ Email : ……………………………………………………...…………………………………..

Kính xin Ban Tuyển Sinh cho tôi được đăng ký thi tuyển vào: £ Đệ Tử Viện / £ Thỉnh Viện

thuộc Tỉnh Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời – Giuse Việt Nam.

Ngày………..Tháng……….Năm……….

Ứng Sinh ký Tên

- Lưu ý:

1. Đọc kỹ Thông báo Tuyển Sinh.

2. Cần hội đủ những điều kiện của Thông báo.

3. Điền đầy đủ thông tin trên Phiếu Đăng Ký Dự Thi và gửi về địa chỉ dưới đây:

- Xin gửi về địa chỉ : Lm. Antôn Đỗ Quang Quốc, SVD

Số 38 Võ Thị Sáu, Phường Phước Long,

Thành phố Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa

Hoặc Hộp Thư 52, Thành phố Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa

Điện thoại: (0583) 88.11.00; 093. 279.0243

Email: buoctheongoiloi@gmail.com

- Hạn chót : Ngày 15 tháng 07 (chỉ giải quyết những Đơn đến muộn khi có lý do)

4. Hạn chót phải bổ sung hoàn chỉnh Hồ Sơ nhập Đệ Tử / Thỉnh Sinh cho Ban Tuyển Sinh (nếu chưa đầy đủ): Ngày tập trung Thi Tuyển

5. Dán ảnh (3Ï4) trên Phiếu Đăng Ký Dự Thi.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Dâng Nguyện
Tấn Đạt
18:19 21/03/2016
DÂNG NGUYỆN
Ảnh của Tấn Đạt
Hãy nâng tâm hồn lên !
Chúng con đang hướng về Chúa !
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News