Ngày 23-03-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Phêrô và Tôi
Lão Ngu Ni
09:00 23/03/2016
PHÊRÔ VÀ TÔI

Phêrô: “ Dẫu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã”. Vừa to gan, vừa bạo phổi, cái anh tông đồ Phêrô này. Phêrô đã không giật mình không trước lời cảnh báo của Chúa Giêsu: “Thầy bảo thật anh: nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần”, mà còn khăng khăng: “Dẫu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (x.Mt 26,30-35). Phải chăng ngài Phêrô quá “khoác lác”. Đọc Tin Mừng thì chúng ta không dám quả quyết điều này, nhưng có thể nhìn nhận tấm lòng của Phêrô dành cho Thầy mình là tuyệt vời. Câu chuyện trên bờ hồ Tibêria sau khi Chúa sống lại khẳng định sự thật này: Phêrô yêu mến Thầy mình hơn các bạn đồng môn (x.Ga 21,1-19).

Vì yêu Thầy nên khi nghe Thầy loan báo cuộc khổ nạn thì Phêrô đã lon ton chạy lên can gián Thầy và đã bị mắng là Satan. Vì yêu mến Thầy nên trong vườn cây dầu Phêrô đã rút gươm chém người đầy tớ của vị Thượng Tế. Vì yêu mến Thầy nên khi Thày bị bắt, Phêrô đã lò dò vào dinh Thượng Tế để xem xét sự tình. Chính ở đây Phêrô đã ngã gục, hèn nhát chối Thầy không chỉ một lần mà ba lần và trước một nữ đầy tớ. Chúng ta đừng quên phận vị nữ giới lúc bấy giờ là không đáng kể, vì chỉ như đồ sở hữu của đàn ông và thân phận của đầy tớ thì không hơn gì người nô lệ. Thế mà Phêrô đã ngã quỵ trước họ.

Nhiều sự thật của kiếp người: Giữa lời nói và hành động vẫn nhiều khi còn đó khoảng cách xa gần. Giữa lời tuyên tín và đời sống đức tin lắm khi có đó sự thiếu tương hợp và cả sự tương phản. Dù nhiệt thành và sốt mến đến đâu thì rồi cũng có lúc nguội lạnh và hèn yếu. Dù ở bậc vị nào, cao trọng hay thấp nhỏ, thảy đều đã và có thể sa ngã, phạm tội.

Một sự thật của tình yêu Thiên Chúa: Đã yêu thì sẵn sàng đón nhận tất cả những gì là của người mình yêu. Chúa Giêsu đón nhận tấm lòng của ngài tông đồ Phêrô và cả sự yếu hèn của ông khi Người tế nhị hỏi đến những ba lần để nhắc khéo Phêrô về việc ông chối Người. Khi tin tưởng trao phó cả chiên con lẫn chiên mẹ cho Phêrô chăn dắt, Chúa Giêsu thầm nhắn nhủ ông dù có yếu đuối nhưng hãy giữ cho con tim mãi ấm nồng lữa mến.

Quả thật chính Phêrô đã cho chúng ta cảm nghiệm: “Tình yêu phủ lấp muôn vàn tội lỗi”(1Pr 4,8).

Lão Ngu Ni
 
Thứ Năm tuần thánh : Ở lại trong tình thương của thầy
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
09:27 23/03/2016
Ở LẠI TRONG TÌNH THƯƠNG CỦA THẦY

THỨ NĂM TUẦN THÁNH

Có lần Chúa Giêsu nói: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15, 9-10). Khi mời gọi chúng ta hãy ở lại trong tình thương của Người, Chúa Giêsu, qua cuộc sống trần thế, đã chứng tỏ lòng yêu thương chúng ta bằng chính tình yêu mà Chúa Cha đã dành cho Người.

Tình yêu mạnh mẽ ấy đã khiến Chúa vui hiến thân làm giá cứu chuộc loài người. Tình yêu ấy thúc đẩy Chúa để lại cho trần thế Kho Báu muôn đời cần thiết cho loài người: bí tích Thánh Thể.

Khai mạc Tam nhật Thánh, chúng ta cử hành và tưởng niệm việc Chúa hiến mình đến muôn đời để ở lại với chúng ta nơi bí tích Thánh Thể, là chúng ta cử hành và nhắc nhở nhau về một tình yêu vô song. Đó là một tình yêu dữ dội, một tình yêu trào tràn, một tình yêu ngút ngàn. Đó là một tình yêu muôn đời không thể tìm thấy bất cứ nơi đâu, ngoài Thiên Chúa.

Bản chất của tình thương yêu nơi cung lòng Thiên Chúa là thế: một khi đã thông truyền, nó sẽ thông truyền trọn vẹn, không kém bớt, không tiêu hao, không sứt mẻ, không giảm suy. Nó là một công thức luôn luôn: “thế nào… thế ấy”. Được yêu thế nào, sẽ yêu thế ấy.

Tình yêu thương của Chúa Cha truyền sang Chúa Con là tình yêu của Đấng Toàn Năng thể hiện mình. Người là Thiên Chúa cuồn cuộn trong sự thủy chung, giàu có trong sự trao ban, trào tràn trong sự hiến dâng, bền bỉ trong sự giải cứu, sẵn sàng trong sự đón nhận, lớn lao trong sự tha thứ, cao cả trong sự chở che, mạnh mẽ trong sự phục hồi…

Đến lượt Chúa Con, sau khi nhận lãnh tình yêu của Chúa Cha, lại tiếp tục truyền sang chúng ta. Người yêu chúng ta bằng một tình yêu tròn đầy từ muôn đời cho đến muôn đời, luân chảy từ Chúa Cha đến chúng ta; một tình yêu không bao giờ có thể sánh ví, một tình yêu núi không thể đo, biển không thể dò.

Bởi vậy, Chúa Giêsu khẳng định về tình yêu của Người: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” (Gioan 15,9).

Bởi tình yêu của Thiên Chúa là môi sinh che chở chúng ta đẹp đến vậy, cho nên tình yêu ấy trở thành nguồn hạnh phúc vô cùng cho những ai biết ở lại trong nó.

Chúa Giêsu biết chúng ta cần tình yêu ấy, Chúa Giêsu biết chúng ta trông ngóng tình yêu ấy, Chúa Giêsu biết chúng ta không thể thiếu tình yêu ấy, vì thế, ngay sau lời dạy “hãy ở trong tình yêu của Thầy”, Chúa dạy ta cách thức để giữ mãi tình yêu ấy: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người”(Ga 15, 11).

Lắng nghe Chúa Giêsu dạy, Ta phấn đấu mỗi ngày một nhiều hơn để sống giới răn của Chúa, sống hoàn hảo nhất Lời Chúa dạy. Bởi chỉ có phương thế ấy, ta mới có thể trọn vẹn chiếm lấy tình thương yêu của Thiên Chúa.

Ta hãy đến lãnh nhận Mình và Máu Thánh của Chúa. Khi thông hiệp với Chúa rồi, ta giữ lấy tình yêu của Chúa mà sống trong đời, để mọi nơi, mọi lúc, ta chứng tỏ cho đời, nơi cuộc sống của mình là chính tình yêu vô cùng của Thiên Chúa từ bi đại lượng.

Hãy nỗ lực bằng khả năng trao ban tình thương mà bản thân đã được Chúa dành cho mình, để ta luôn có Chúa Giêsu nơi tâm hồn mình. Và vì có Chúa Giêsu, ta cũng sẽ trọn vẹn sống trong Thiên Chúa.

Hãy hoàn hảo hóa giới răn của Chúa nơi đời sống bản thân mình, để ta nên một trong Chúa Cha và Chúa Con nhờ tình yêu chan chứa của Chúa Cha và Chúa con.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống giới răn Chúa, để chúng con luôn biết giữ mãi tình yêu của Chúa nơi tâm hồn và nơi cuộc đời chúng con. MỘt khi giữ trọn tình yêu Chúa, chúng con hy vọng, mãi muôn đời chúng con sẽ ở lại trong tình yêu của Chúa, như Chúa ở lại trong tình yêu của Chúa Cha. Amen.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG
 
Thứ Bảy tuần thánh : Niềm vui Thánh Giá
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
09:30 23/03/2016
NIỀM VUI THÁNH GIÁ

THỨ BẢY TUẦN THÁNH

Nhìn ở một góc cạnh nào đó về lời hứa cứu độ, thì tội phát sinh phương thề cứu độ là thập giá: có tội mới có thập giá. Nhưng nếu không có Tình yêu sẽ chẳng bao giờ có lời hứa cứa độ. Thập giá là lời nói vô giá của Tình yêu. Huyền nhiệm Tình yêu đã phát sinh huyền nhiệm thập giá.

Tội làm đau khổ không chỉ nơi con người, mà còn nơi Thiên Chúa. Dĩ nhiên không thể nói Thiên Chúa đau khổ do thương tật, khiếm khuyết nhưng rõ ràng, đứng trước tội của con người, trái tim Thiên Chúa đã phản ứng đến độ thốt lên: “Ta hối tiếc đã làm ra con người” (St 6, 7).

Dù “hối tiếc”, Thiên Chúa đã không vì thế mà cứu chuộc con người cách miễn cưỡng, như chuyện dĩ lỡ. Thiên Chúa đã tự nguyện cứu độ và đã cứu độ thực sự. Quyết định cứu độ của Thiên Chúa là một quyết định xuất phát từ Tình yêu của một người Cha - Thiên Chúa: “Sự đau khổ khôn lường và khôn tả của người Cha sẽ làm phát sinh nhiệm cục của Tình yêu cứu độ trong Đức Giêsu Kitô” (Đức Gioan Phaolô II - thông điệp Chúa Thánh Thần, số 39).

Nơi thập giá, Chúa Kitô mạc khải trọn vẹn Tình yêu, nỗi đau khổ của Thiên Chúa. Nơi thập giá, Tình yêu của người Cha đã chiến thắng: Một dòng dõi trường tồn sẽ đạp bể đầu con rắn xưa...

Hôm nay, thứ bảy tuần Thánh, nhìn thập giá trống, thập giá không có tượng chịu nạn, tưởng niệm Chúa chịu chôn táng trong mồ, nhân loại đau xót vì tội lỗi của mình. Nhân loại hãy lặp đi lặp lại ngàn lần lời thú tội trong đau xót ấy: “…Con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, thì con lo buồn đau đớn, cùng chê ghét tội con trên hết mọi sự…” (kinh Ăn năn tội).

Nhưng thứ bảy tuần Thánh cũng là ngày nhân loại vui mừng:

Vì Con Thiên Chúa đã chết để nhân loại sẽ sống, Người chết thay cho cả nhân loại đáng chết. Và máu của Người tuôn trào lại chảy tràn ơn cứu độ khắp nhân gian.

Vì đây là giờ phút trọng đại, nhân loại chuẩn bị lòng mình đón chờ ơn Phục sinh tưng bừng của Chúa mình.

Vì từ nay ơn Phục sinh được Thiên Chúa rộng ban cho tất cả những ai biết “đóng đinh tính xác thịt mình” để làm một cùng Con Thiên Chúa.

Vì qua thập giá đớn đau, Đấng cứu độ trần gian đã nối trời và đất, giao hòa thụ tạo với Thiên Chúa.

Vì qua thập giá, Thiên Chúa lau sạch nước mắt nhân loại.

Vì Chúa bị treo lên và mọi loài được kéo lên cùng Chúa.

Và thập giá từ nay khoác lên đau khổ màu hy vọng

Nghìn năm qua, rồi mãi về sau, ngọn cờ thập giá vẫn được nêu cao. Ngọn cờ mang sức mạnh của sự sống…

Phụng vụ của ngày thứ bảy tuần Thánh như phủ một vành khăn tang, được tiếp nối từ những cử hành của chiều thứ Sáu tuần Thánh trầm mặc: bàn thờ không hoa, cửa nhà tạm mở, chỉ có thập giá được dựng lại trên bàn thờ. Thập giá ấy, nỗi ô nhục không thể chấp nhận được đối với người Do thái, sự điên rồ đối với dân ngoại (1Cr 1, 32), lại trở thành thánh giá, nguồn cứu độ vinh quang đời đời cho chúng ta.

Mầu nhiệm thánh giá: mầu nhiệm của Tình yêu. Chúng ta không thể lý giải, nhưng chúng ta tin Tình yêu ấy. Ngước nhìn thánh giá, chúng ta thấy thương cho thân phận mình: Rủi thay, nếu Thiên Chúa chỉ là một ông chủ chỉ biết dọa nạt và đánh phạt. Nhưng chúng ta lại vui nhiều vì biết rằng nơi Chúa Con, Chúa Cha nói lời chung quyết của Tình yêu.

Lạy Chúa Giêsu, quỳ trước thánh giá, chiêm ngắm mầu nhiệm tử nạn, lòng chúng con muốn cùng tạo vật reo vang lời cảm tạ, tôn vinh Tình yêu của Thiên Chúa, vì Tình yêu đã hủy diệt án tử dành cho chúng con. Tình yêu ấy lớn hơn tội lỗi, mạnh hơn sự chết.

Lạy Chúa Giêsu, mỗi người chúng con muốn suốt đời là kẻ hát rong cho Tình yêu. Để bằng một đời hát rong cho Tình yêu, chúng con sẽ trao cho mọi người Tình yêu của Chúa, trao cho mọi người niềm hạnh phúc của chúng con, vì được Thiên Chúa yêu.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Thứ Năm Tuần Thánh - 24.3.2016
Lm Francis Lý văn Ca
17:04 23/03/2016
ĐẦU LỄ: Anh Chị Em thân mến,
Giáo Hội, Mẹ Thánh của chúng ta, xưa cũng như nay đều lưu tâm đến việc cử hành phụng vụ của ba ngày trọng đại nầy - một danh xưng khác được dùng để chỉ ba ngày nầy đó là “Tam Nhật Vượt Qua” Tam Nhật Vượt Qua được bắt đầu với Thánh Lễ Tiệc Ly chiều hôm nay và kết thúc vào chiều Chúa Nhật Phục Sinh.

Tam Nhật Vượt Qua liên quan mật thiết với đời sống của mỗi cộng đoàn tín hữu. Vì toàn thể Dân Chúa đều cùng với Đức Kitô thực hiện cuộc Vượt Qua đi về với Chúa Cha. Mỗi năm người Dothái ăn mừng Lễ Vượt Qua, để tưởng nhớ lại việc Chúa giải thoát họ ra khỏi đất Aicập.

Chúa Giêsu, mượn biến cố nầy để khai mào cuộc thương khó, khi Ngài cùng với các môn đồ thân tín dùng bữa ăn Vượt Qua. Nhưng Ngài muốn cho bữa ăn nầy trở thành bữa tiệc của MỘT GIAO ƯỚC MỚI mà Ngài sẽ thiết lập, khi Ngài hy sinh đổ máu trên thập giá. Vì thế, khi trao cho các môn đồ tấm bánh và chén rượu, là đồ ăn và thức uống, đã trở thành Mình và Máu Ngài nuôi thế gian.

Mỗi lần cử hành thánh lễ, chúng ta tái diễn lại bữa tiệc của Chúa để tưởng niệm việc Ngài đã chết và sống lại, mừng vui vì Ngài hiện diện, và trông chờ Ngài lại đến. Nhưng hôm nay, đặc biệt hơn những ngày khác, chúng ta sẽ tưởng niệm chính ngày Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể và thiết lập chức Linh mục Thượng Phẩm, để qua Các Ngài, Chúa trực tiếp và hiện diện luôn mãi với nhân loại cho tới ngày Chúa lại đến phán xét nhân loại.

Trong đêm nay, Linh mục sẽ làm lại những điều Thầy Chí Thánh đã trối làm giao ước ngàn đời, và trong nghi thức đó, có phần rửa chân các tông đồ. Ý nghĩa của việc rửa chân nói lên tinh thần Chúa muốn cho các tông đồ thực hiện, đó là phục vụ anh chị em mình.

Với những tư tưởng chuẩn bị cho giờ kinh Thứ Năm Tuần Thánh, giờ đây, chúng ta cùng hợp tiếng trong bài thánh ca sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Thiên Chúa đã truyền cho Môisen và Aaron chuẩn bị Dân Dothái ăn lễ Vượt Qua trên đất Aicập. Ngày nầy đã được ghi vào lịch sử của người Dothái. Hằng năm họ cử hành lễ nầy để ghi nhớ biến cố Chúa đã đưa họ về Đất Hứa.

TRƯỚC BÀI II:
Thánh Phaolô thuật lại bữa ăn cuối cùng của Đức Kitô với các môn đồ. Bữa ăn tràn đầy lòng yêu mến, tha thứ và thông cảm nhau. Ước chi nhiều gia đình trong Cộng Đoàn Xứ Đạo tạo cơ hội để có những buổi họp mặt các phần tử trong gia đình của mình qua những bữa cơm gia đình.

TRƯỚC BÀI PÂ:
Chúa biểu lộ tình yêu của Ngài qua việc rửa chân cho các tông đồ. Hình ảnh rửa chân cho người khác là của người đầy tớ rửa chân cho người chủ. Chúa Kitô làm gương cho chúng ta Ngài đến để phục vụ. Phần chúng ta cũng thế, hãy bắt chước gương của Thầy Chí Thánh.


LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Chúng ta cùng sống với Chúa những giây phút cuối đời của Ngài, cùng với các môn đồ thân tín tụ họp nhau trong Nhà Tiệc Ly, để ăn bữa tối cuối cùng. Trong tinh thần của ngày lễ hôm nay, chúng ta cầu xin Chúa những ơn cần thiết sau đây:

1. Xin Chúa tẩy rửa nơi chúng ta sự hiềm thù, ghen ghét. Xin tạo nơi chúng ta một tinh thần yêu thương, tha thứ và cảm thông với anh chị em sống trong một gia đình và trong cùng một Cộng Đoàn Xứ Đạo. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin cho Giáo Hội Hoàn Vũ đang cử hành Tam Nhật Vượt Qua khắp đó đây trên thế giới sẽ mang lại cho toàn thể Cộng Đoàn Dân Chúa nhiều lợi ích thiêng liêng trong Mùa Hồng Phúc năm nay. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Trong ngày kỷ niệm việc Chúa lập phép Thánh Thể và thiết lập chức Linh mục đời đời, chúng ta cầu nguyện cho các Linh mục của Chúa. Xin Chúa ban cho các Ngài ơn thánh để chu toàn trách nhiệm thánh và được niềm an ủi, nâng đỡ của Cộng Đoàn tín hữu chúng ta. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Thế Giới chúng ta đang sống đang trải qua những gian nan thử thách... những vụ khủng bố đã và đang đè nặng trên nhiều quốc gia và nỗi lo sợ cho nhiều gia đình và nạn nhân của các vụ khủng bố kinh hoàng. Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho những quốc gia và thần dân của họ được bình an và xin Chúa xoa dịu những nỗi thống khổ và đau thương bằng ơn thiêng của Chúa. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Xin cho mỗi người trong chúng ta ý thức sự tự do và điều kiện dễ dàng trong việc giữ và sống đạo bằng việc năng tham gia các việc đạo đức và trưởng thành hơn qua việc biểu lộ đức tin trong đời sống thường nhật. Nhất là trong Năm Thánh của Lòng Thương Xót. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Chúa, mỗi năm chúng con tưởng niệm việc Chúa Kitô lập phép Thánh Thể, đây là dịp để chúng con sưởi ấm lại lòng yêu mến Chúa và yêu mến Thánh Thể, đồng thời thực hiện lời Chúa trối là yêu mến anh em mình. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:47 23/03/2016
16. NẤU CHÁO THỊT ĂN.
Tấn Huệ đế ở trong vườn Hoa Lâm, nghe tiếng cóc nhái kêu, bèn hỏi người bên cạnh:
- “Tiếng kêu ấy là của quản gia hay của cá nhân trăm họ ?”
Tên hầu là Giả Dận trả lời:
- “Ở trên đất của quan là tiếng kêu của quản gia, ở trên đất của tư nhân là tiếng kêu của tư nhân.”
Hồi ấy thiên hạ náo loạn vì đói, dân chúng chết đói rất nhiều, Tấn Huệ đế sau khi nghe trả lời bèn nói:
- “Chúng nó thật quá vô tri, không có lương thực thì tại sao không nấu cháo thịt mà ăn chứ ?”
(Tấn thư)

Suy tư 16:
Câu nói của đế vương Tấn Huệ đúng là một câu nói ngu ngốc, câu nói của ông vua xa rời trăm họ, câu nói của những người chưa hề biết đói hoặc chưa hề biết lương thực mà người dân trăm họ đang cần là gì, rau không có mà ăn thì thịt đâu ra để mà ăn chứ ?
Đói khát là chuyện đáng sợ nhất, vì sợ đói khát nên người ta mới đi làm việc kiếm tiền mua gạo, mua thức ăn; vì sợ đói khát nên người ta không ngại gì đi bán đứng anh em để giành cho được địa vị; vì sợ đói khát nên con người ta không quản ngại gian lao vất vả, không thèm coi trọng danh dự bản thân, không thèm nhân phẩm, miễn có tiền thì thôi...
Người Ki-tô hữu cũng là con người, nên nhu cầu ăn mặc cũng như những người khác, nhưng họ vẫn luôn ý thức rằng, đói khát phần linh hồn thì càng nguy hiểm hơn gấp bội, vì thế, mặc dù vẫn lăn lộn với chuyện thường ngày ăn mặc cho phần xác, thì họ vẫn không quên đi dâng thánh lễ để linh hồn được bồi dưỡng bởi Bánh Hằng Sống, họ ý thức được rằng, khi linh hồn được no đầy lương thực hằng sống, thì chính lúc ấy thân xác được an vui và dễ dàng cảm thông với những bất hạnh của tha nhân, nên họ không ngần ngại hy sinh những gì mình có để chia sẻ với mọi người.
Bởi vì khi chia sẻ cho tha nhân, thì chính họ cũng được bồi bổ linh hồn bằng Lời Hằng Sống của Thiên Chúa: “Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.”
“Lạy Chúa, đã có nhiều lúc con vì quá bận tâm đến việc sợ đói sợ khát mà tích trử thật nhiều vàng bạc của cải cho phần xác, mà bỏ đói phần linh hồn của con: không tham dự thánh lễ và các bí tích, không đọc không nghe không sống Lời Chúa, và như thế, con sẽ không biết giúp đỡ người bất hạnh đói khát chung quanh con.
Xin Chúa ban cho con có một tâm hồn biết nhạy bén trước nỗi đói khát của linh hồn mình, để mà săn sóc chu đáo hơn cho phần rỗi của mình và của tha nhân.”


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:49 23/03/2016

8. Nếu con cảm thấy lương tâm con không khiết tịnh thì nên hổ thẹn trong lòng.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Thứ năm Tuần Thánh: Bí tích yêu thương và phục vụ
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:54 23/03/2016
THỨ NĂM TUẦN THÁNH

Anh chị em thân mến,
Hôm nay Thứ Năm Tuần Thánh, theo truyền thống của Giáo Hội, chiều hôm nay Đức Chúa Giê-su đã làm ba công việc vừa vĩ đại vừa mầu nhiệm, để lưu truyền cho Giáo Hội tiếp tục công trình cứu chuộc nhân loại của Ngài cho đến tận thế, đó là :
1- Ban giới răn mới là luật Yêu thương.
2- Lập bí tích Thánh Thể.
3- Lập bí tích Truyền chức thánh.

Trong khung cảnh của phụng vụ này, tôi chia sẻ mấy điều sau đây :

1- Ban giới răn mới là luật Yêu thương.
Chút nữa đây tôi sẽ rửa chân cho mười hai vị giáo dân được chọn ở trong giáo xứ để tưởng nhớ và kỷ niệm Đức Chúa Giê-su đã rửa chân cho các tông đồ năm xưa trong bữa ăn cuối cùng của Ngài.

Rửa chân là công việc của đầy tớ làm để phục vụ cho chủ nhân, là một hành động bày tỏ sự phục tùng của người tôi tớ, Đức Chúa Giê-su đã dùng phương thức này để dạy cho các tông đồ một bài học mới, bài học yêu thương và phục vụ, Ngài nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không ? Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rữa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rữa chân cho nhau...” .

Yêu thương và phục vụ tuy là hai nhưng chỉ là một, hay nói cách khác phục vụ là hoa quả của yêu thương, bởi vì không ai yêu thương mà không phục vụ, nhưng nếu phục vụ mà không yêu thương thì chỉ là giả dối và đáng bị lên án. Đức Chúa Giê-su đã làm gương cho chúng ta khi Ngài cúi xuống rửa chân cho các môn đệ của mình, thì chúng ta cũng nên cúi xuống mà rửa chân cho anh em và cho tha nhân như Ngài đã làm, rửa chân cho nhau chính là phục vụ nhau, yêu thương nhau và giúp nhau thăng tiến trong tình yêu của Chúa qua cuộc sống của mình.

Con người thời nay lấy làm lạ khi chúng ta yêu thương và phục vụ họ, họ sẽ thắc mắc đâu là động cơ thúc giục chúng ta làm điều ấy, khi mà cả nhân loại đang đắm chìm trong hưởng thụ và sống trong ích kỉ của mình.

2- Lập bí tích Thánh Thể.
Cao điểm của bữa tiệc ly chính là lúc Đức Chúa Giê-su lập bí tích Thánh Thể, là bí tích làm nên Hội Thánh và cũng là nguồn ân sủng hiện diện cách thực tại cho chúng ta được hưởng dùng, đây là một mầu nhiệm mà Giáo Hội qua mọi thời đại đều tuyên xưng: mầu nhiệm tình yêu.

Với khung cảnh đầm ấm trong căn phòng trên gác, với tình cảm chan hoà của tình thầy trò, Đức Chúa Giê-su đã thố lộ tâm tình với các Tông Đồ: “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình” . Sự mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với các môn đệ đã thành hiện thực và đây là bữa ăn cuối cùng của đời Ngài, vì thế, lễ Vượt Qua này sẽ không còn hiệu lực nữa khi Ngài cầm bánh không men đưa cho các môn đệ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy”. Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội...” , bởi vì từ nay chính Ngài vừa là lễ Vượt Qua vừa là Bánh tinh tuyền không men, nuôi sống nhân loại trên đường lữ thứ trần gian.

Bí tích Thánh Thể nguồn mạch của mọi ân sủng, hàng ngày hàng giờ vẫn diễn ra trong các thánh lễ trên khắp mặt đất nơi các nhà thờ nhà nguyện, đó chính là nguồn ơn vô tận mà Đức Chúa Giê-su đã vì yêu thương mà ban cho chúng ta. Đây là một sáng kiến độc đáo của Thiên Chúa, một chứng tích của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại mà các thánh -qua mọi thời đại- đã hưởng dùng, cảm nghiệm và hết lòng ca tụng tình yêu ấy của Thiên Chúa.

Có nhiều người trong chúng ta coi việc rước Mình Thánh Chúa như là đồ trang sức cho đẹp khi tham dự thánh lễ, cho nên họ không chuẩn bị tâm hồn cho xứng đáng, họ không tha thiết việc rước Chúa là bảo đảm cho phần rỗi đời đời của mình, nên đối với họ rước lễ hay không cũng chẳng nhằm nhò gì, đó chính là lý do khiến họ ngày càng xa rời ân sủng của Chúa hơn. Thánh Phao-lô tông đồ đã nghiêm khắc cảnh cáo chúng ta về việc rước lễ khi còn trong tình trạng tội trọng như sau: “Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh và uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa..., Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình...” .

Bí tích Thánh Thể làm cho chúng ta trở nên một trong Đức Ki-tô, trở nên một chính là không của tôi không của anh nhưng là thuộc về Đức Ki-tô và Hội Thánh của Ngài, do đó mà mỗi người trong chúng ta khi ăn Mình và uống Máu Chúa, thì chúng ta cũng phải trở nên bánh và nước cho anh chị em và tha nhân hưởng dùng, đó chính là yêu thương và phục vụ vậy.

3- Lập bí tích Truyền chức thánh.
Bí tích truyền chức thánh tức là bí tích Thừa tác Linh Mục, đây chính là một hồng ân to lớn của Thiên Chúa ban tặng cho loài người qua Hội Thánh.

Đức Chúa Giê-su khi thiết lập bí tích Thánh Thể thì đồng thời Ngài cũng thiết lập bí tích truyền chức linh mục cho các môn đệ khi nói: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” , để các môn đệ của mình, và những người kế tục các ngài trong chức giám mục và linh mục thực hiện mọi ngày cho đến tận thế.

Linh mục là người được thông phần vào sự sáng tạo của Thiên Chúa, chính các ngài đã được Thánh Thần thánh hoá để trở nên công cụ thánh, để làm cho có Đức Chúa Giê-su trên bàn thờ trong thánh lễ, đây cũng chính là mầu nhiệm tình yêu mà Đức Chúa Giê-su đã thực hiện giữa nhân loại: Ngài chọn những con người bất toàn để làm cho họ trở nên hoàn hảo trong bí tích truyền chức thánh -linh mục- để chính các ngài hằng ngày nhân danh Thiên Chúa, nhân danh Hội Thánh, nhân danh cộng đoàn và cá nhân mình, để dâng lời chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa qua Đức Giê-su Ki-tô đang hiện diện trên bàn thờ.

Linh mục chính là người phục vụ và mang tình yêu của Thiên Chúa đến cho mọi người, nhất là những nơi mà các ngài được sai đến với tư cách là mục tử, chính nhờ bí tích Thánh Thể và chức thánh mà các ngài trở thành những mục tử chân chính chứ không phải là kẻ làm thuê, nên các ngài -với tư cách là mục tử- quy tụ chung quanh mình những kẻ tin vào Đức Ki-tô, và làm cho họ trở nên một đàn chiên duy nhất trong Hội Thánh của Chúa, do đó, linh mục luôn ý thức rằng: mình vừa là thầy vừa là anh em của mọi người, cho nên các ngài không những sống sao cho tốt đẹp, để đàn chiên mà mình đang coi sóc được hưởng nhờ những ơn thánh qua sự thánh hiến của mình, và giáo dân sẽ an tâm vui vẻ sống trong tình yêu Thiên Chúa dưới sự chăm sóc của các ngài.

Anh chị em thân mến,
Hôm nay cũng là ngày của linh mục, chúng ta nhớ luôn cầu nguyện cho các ngài được dồi dào ơn Chúa, để các ngài trước hết là thánh hoá bản thân mình, sau nữa là thánh hoá các linh hồn trong thiên chức linh mục mà các ngài đã lãnh nhận.

Chúng ta vẫn thấy có những linh mục chưa làm tròn trách nhiệm mà Thiên Chúa và Giáo Hội đã trao cho các ngài, chúng ta cũng thấy có vài linh mục trở nên gương xấu cho giáo hữu, nhưng đồng thời chúng ta cũng nhìn thấy rất nhiều linh mục tận tuỵ yêu mến và chăm sóc đàn chiên của Chúa qua cuộc sống của các ngài.

Thứ Năm Tuần Thánh này sẽ qua đi và chúng ta sẽ không còn nhớ đến những nghi thức đầy ý nghĩa trong thánh lễ này nữa, nhưng bí tích Thánh Thể, bí tích Truyền Chức Thánh và giới luật Yêu Thương của Đức Chúa Giê-su thì vẫn cứ tồn tại mãi mãi cho đến tận thế, không phải tồn tại trong viện bảo tàng, nhưng tồn tại và sống động trong cuộc sống của Giáo Hội nơi mỗi người trong chúng ta, bởi vì các bí tích và giới luật này không phải do con người lập ra nhưng là do chính Đức Chúa Giê-su –Thiên Chúa làm người- lập ra và được bảo chứng bởi cái chết và sự phục sinh của Ngài.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info

 
Suy niệm thứ Năm tuần thánh
Lm. Anthony Trung Thành
19:30 23/03/2016
Suy Niệm THỨ NĂM TUẦN THÁNH

Chiều hôm nay là một buổi chiều đặc biệt, buổi chiều của Tình Yêu. Tình Yêu của Chúa Giêsu đối với nhân loại. Tình Yêu đó được thể hiện rõ nét qua ba sự kiện nổi bật mà Ngài đã làm trước khi bước vào cuộc khổ nạn chịu chết chuộc tội cho thiên hạ. Ba sự kiện đó là: Nghi thức rửa chân, thiết lập Bí tích Thánh Thể và Bí tích Truyền Chức Thánh.

1. Nghi Thức Rửa Chân

Thông thường, rửa chân là việc của người đầy tớ đối với chủ của mình, đó là công việc của người phục vụ. Vậy mà, trước khi bước vào bữa ăn cuối cùng, Chúa Giêsu đã đích thân rửa chân cho các môn đệ. Ngài rửa chân cho cả Giuđa, kẻ phản bội. Ngài rửa chân cho cả Phêrô, người sẽ chối thầy. Ngài rửa chân cho tất cả các môn đệ không trừ một ai. Đó là Tình Yêu phổ quát, Tình Yêu không loại trừ, Tình Yêu hạ mình đến tận cùng.

Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu nói: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,14-15).

Lời dạy của Chúa quá rõ ràng. Việc làm của Chúa Giêsu quá thiết thực. Đây là bài học về tinh thần phục vụ không chỉ dành riêng cho các Tông đồ, mà còn cho tất cả mọi người qua mọi thời đại. Lịch sử Giáo Hội đã để lại cho chúng ta biết bao tấm gương phục vụ theo tinh thần của Chúa Giêsu. Gương của các giáo hoàng, giám mục, linh mục…phục vụ giáo dân. Gương của những người cha, người mẹ phục vụ con cái. Gương của người trên phục vụ người dưới. Gương của các thầy cô phục vụ học sinh…Gần đây, chúng ta thấy tấm gương của Mẹ Têrêxa và các nữ tu của dòng mẹ phục vụ hết mình cho những người vô gia cư…

Nhưng đa số nhân loại vẫn thích người khác phục vụ mình. Nếu có phục vụ người khác thì cũng so đó tính toán thiệt hơn hoặc chọn lựa đối tượng để phục vụ. Ít ai muốn phục vụ người khác một cách vô vị lợi hay phục vụ một cách phổ quát như Chúa Giêsu. Hãy xét mình xem, chúng ta đang phục vụ người khác với thái độ nào?

2. Bí Tích Thánh Thể

Chúa Giêsu không chỉ hạ mình xuống làm người phục vụ, mà Ngài còn đi xa hơn khi hiến dâng thịt máu mình làm của ăn nuôi sống nhân loại. Đang trong bữa ăn, Ngài cầm lấy bánh và chén rượu và nói với các môn đệ rằng: “Đây là mình Thầy, các con hãy cầm lấy mà ăn. Đây là máu Thầy, các con hãy cầm lấy mà uống”.

Đó là một hành động của Tình Yêu. Bí tích Thánh Thể là Bí tích Tình Yêu, là Bí tích cao trọng nhất trong bảy Bí tích. Vì Chúa Giêsu lấy chính thịt máu Ngài làm của ăn nuôi sống nhân loại. Thật là một tình yêu cao vời. Thánh Bênađô nói: “Thánh thể là tình yêu vượt trên mọi tình yêu trên trời dưới đất”. Còn Thánh Augustinô thì nói: “Mặc dầu quyền phép vô cùng, Thiên Chúa cũng không có thể cho ta hơn nữa. Mặc dầu khôn ngoan vô cùng, Thiên Chúa cũng không biết cho ta điều gì hơn nữa. Mặc dầu giàu có vô cùng, Thiên Chúa cũng không có gì cho ta hơn nữa”.

Để đáp lại Tình Yêu, chúng ta phải có lòng yên mến, tôn thờ Bí tích Thánh Thể. Đồng thời, hãy siêng năng dọn mình sốt sắng để rước Chúa vào lòng. Vì khi dọn mình rước lễ nên(sạch tội trọng và có ý ngay lành) thì chúng ta được bốn ích trọng này : Thứ nhất, được tăng thêm ơn thánh hoá; thứ hai, được kết hiệp mật thiết với Chúa và với anh chị em tín hữu khác; thứ ba, được tha các tội nhẹ và bảo vệ chúng ta khỏi mắc tội trọng; thứ tư, bảo đảm sự sống đời đời ngay khi chúng ta còn sống trên trần thế này. Chính vì vậy, Giáo Hội khuyên mỗi người kitô hữu năng dọn mình rước lễ mỗi ngày. Giáo Hội buộc những ai đến tuổi khôn phải rước lễ một năm ít là một lần và buộc nặng khi hấp hối và nguy tử. Ai khinh thường không chịu rước lễ thì không có sự sống đời đời. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định: “Ai không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài thì không có sự sống nơi mình”.

Vậy, chúng ta hãy quý mến phép Thánh Thể và siêng năng rước lễ để lãnh nhận những ơn ích và những hiệu quả do Mình Máu Thánh Chúa mang lại, nhất là đảm bảo cho chúng ta được sống đời đời.

3. Bí Tích Truyền Chức Thánh

Chúa Giêsu tiếp tục thể hiện Tình Yêu của Ngài khi trao cho các môn đệ thực hiện những việc Ngài vừa làm, đó là thiết lập chức linh mục : “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.

Làm việc này tức là cử hành Bí tích Thánh Thể. Như vậy, linh mục được Chúa Giêsu trao quyền để cử hành các Bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Trong đạo Công Giáo không có gì cao trọng và cần thiết cho bằng các Bí tích ? Đó là máng chuyển thông ơn Thiên Chúa, là kho tàng bất tuyệt trên trời, là nguồn mạch sự sống siêu nhiên, là biển chứa công ơn cứu chuộc. Chúa đặt để trong tay linh mục, muốn ban phát cho ai, ở đâu, lúc nào tùy ý. Thánh Carolô Borrômêô đã thốt lên : “Thiên Chúa đã đặt vào tay tôi Con Một Ngài, là Đấng cũng bằng hữu, cũng cao sang như Ngài, thì còn gì Ngài chẳng trao ban cho tôi nữa ? Ngài đã đặt vào tay tôi các linh hồn là thứ Ngài quý nhất, Ngài yêu hơn chính mình và Ngài đã lấy bửu huyết mà chuộc lại. Ngài đã đặt vào tay tôi nước thiên đàng, để tôi có quyền mở đóng cho người ta...”. Cha Thánh Gioan Viannay thì nói : “Nếu không có linh mục, thì sự thương khó và sự chết của Chúa không giúp gì cho ta”, và Người đưa ra ví dụ : “Nếu trong rương có đầy vàng mà không có ai mở ra, nào có ích gì ? cũng vậy, nếu không có linh mục, sẽ không có Bí tích giải tội, không có Mình Thánh Chúa...ai là nguyên cớ để bánh trở nên Mình Thánh Chúa ? Ai thanh tẩy tâm hồn ta ? Ai dọn linh hồn người chết ra đi thanh thản...nếu không phải là linh mục”.

Linh mục cao trọng và cần thiết như vậy. Linh mục cần thiết cho mọi người. Bản thân linh mục cũng cần đến linh mục khác. Linh mục cao trọng vì linh mục là Đức Kitô thứ hai (Sacedos alter Christus). Linh mục là người thay mặt Chúa Giêsu Kitô ở trần gian này. Linh mục làm những công việc của Chúa Giêsu Kitô. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định điều đó khi nói với các Tông đồ : “Ai nghe anh em là nghe Thầy và ai khước từ anh em là khước từ Thầy”(Lc 10, 16). Thánh Phaolô cũng quả quyết : “Chúng tôi làm đại sứ cho Chúa Kitô”(2Cr 5, 20). Linh mục là đại sứ, là đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Chúa. Linh mục là cái cầu kỳ diệu bắc từ đất lên trời, để Thiên Chúa đến với loài người và loài người lên cùng Thiên Chúa. Thư Do thái nói rất rõ : “Linh mục nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho Người trong các mối tương quan với Thiên Chúa để dâng lễ phẩm cũng như lễ vật đền tội”(Dt 5,1).

Như vậy, linh mục có vai trò kéo ơn Chúa xuống cho loài người và kéo loài người lên với Thiên Chúa. Linh mục cao trọng vì là người đại diện cho Chúa ở trần gian, nhưng linh mục cũng là con người với thân phận yếu đuối của kiếp người. Nên trong buổi chiều hôm nay chúng ta nhớ cầu nguyện cách riêng cho các linh mục, để các ngài chu toàn bổn phận Chúa và Giáo Hội trao phó.

Ngày thứ Năm tuần thánh là ngày đặc biệt, vì chúng ta cử hành ba sự kiện hết sức quan trọng Chúa Giêsu đã làm, liên quan đến Giáo Hội và đến mỗi người chúng ta. Ai cũng cần linh mục. Ai cũng cần Bí tích Thánh Thể. Ai cũng cần thực hiện lời dạy yêu thương của Chúa. Chúng ta cảm tạ Chúa đã thiết lập Bí tích Thánh Thể và Chức Linh Mục để ở lại với chúng ta. Đồng thời, chúng ta hãy cố gắng thực hành bài học yêu thương phục vụ mà Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ và mỗi người chúng ta. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Suy niệm thứ Sáu tuần thánh
Lm. Anthony Trung Thành
19:32 23/03/2016
Suy Niệm THỨ SÁU TUẦN THÁNH

Cha Maximilien Kolbe, người Ba Lan, là một tu sĩ dòng Phanxicô rất hăng say hoạt động truyền giáo. Cha đã tình nguyện sang truyền giáo tại Nhật Bản trong ngành ấn loát. Nhưng vì mắc chứng bệnh lao phổi, cha phải về Ba Lan điều trị. Vào thế chiến thứ hai, vì thấy cha có ảnh hưởng lớn trên quần chúng, Đức Quốc Xã đã bắt cha và giam tù. Tại đây, cha đã tình nguyện chết thay cho một người bạn tù, vì anh ta còn có vợ trẻ con thơ. Ngài bị lột trần truồng và bỏ đói trong “hầm tử thần” cùng với các tù nhân khác. Cuối cùng, tên cai tù chấm dứt cuộc đời của Ngài bằng một mũi thuốc độc chích vào cánh tay. Ngài được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tuyên phong chân phước vào năm 1971 và được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ghi tên vào sổ các thánh tử đạo của lòng nhân ái của Giáo Hội ngày 10 tháng 10 năm 1982.

Cha Maximilien Kolbe đã hy sinh mạng sống mình vì yêu tha nhân. Đó là một tình yêu cao quý, như lời Chúa Giêsu đã nói: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người thí mạng sống vì bạn hữu mình”(Ga 15,13). Nhưng có một tình yêu còn cao quý hơn bội phần, đó là tình yêu của Đức Giêsu Kitô trên Thánh giá mà chúng ta kỷ niệm chiều hôm nay. Cha Maximilian Kolbe chỉ chết thay cho một người. Còn Đức Giêsu chịu chết thay cho toàn thể nhân loại. Ngài đã chết “Vì tội lỗi chúng ta”(x. 1Cr 15,3). Ngài đã chết để hoà giải nhân loại với Thiên Chúa (x. Rm 5,10). Như vậy, Đức Giêsu đã chết vì tôi, vì anh chị em và vì mọi người.

Khi suy niệm bài thương khó, chúng ta thường lên án những kẻ đã tham gia vào cái chết của Chúa Giêsu.

Đó là các luật sĩ và biệt phái thấy Chúa Giêsu khôn ngoan, tài giỏi, được dân chúng mến mộ, nên ghen tức và tìm cách để giết Chúa. Họ đã tố cáo Chúa: Không giữ luật lễ của tiền nhân, tự xưng mình là Thiên Chúa.

Đó là Giuđa, môn đệ thân tín được Chúa yêu thương dạy dỗ nhưng nhẫn tâm phản bội, bán thầy với giá ba mươi đồng bạc.

Đó là những người Do Thái đã hô lớn tiếng xin tha Baraba và giết Chúa Giêsu.

Đó là Philatô, mặc dầu biết Chúa Giêsu vô tội nhưng ông vẫn hạ bút ký bản án tử hình.

Chúng ta thường nghĩ rằng, chỉ những người đó mới góp phần gây nên cái chết của Chúa Giêsu. Vì họ tố cáo Chúa, bán Chúa, xin giết Chúa, ký bản án tử cho Chúa. Suy nghĩ bình thường thì đúng như vậy, nhưng Chúa và Giáo Hội không cho phép chúng ta quy kết tội cho Giuđa, Công nghị, Philatô, vì tội của họ như thế nào thì chỉ mình Thiên Chúa biết. Chúng ta cũng không thể quy trách nhiệm cho toàn thể các người Do Thái tại Giêrusalem. Bởi vì, chính Chúa Giêsu đã tha tội cho họ trên Thập giá, và theo gương Ngài, thánh Phêrô đã coi hành động của những người Do Thái và cả của các thủ lãnh của họ như “do không hiểu biết” (Cv 27,25), (x. GLHTCG số 597).

Chính vì vậy, thay vì kết tội cho các luật sĩ, biệt phái, Giuđa, Philatô hay những người Do Thái, chúng ta hãy nhìn lại chính tội lỗi của chúng ta. Chính tội lỗi chúng ta đã góp phần vào cái chết của Chúa.

Thứ nhất, mỗi lần chúng ta phạm tội là chúng ta cộng tác vào việc đóng đinh Chúa Giêsu. Thư Do Thái nói rõ ràng rằng: “Chính các tội nhân đã là tác giả và đã là dụng cụ gây nên những khổ hình mà Chúa cứu chuộc đã gánh chịu” (x. Dt 13,3).

Thứ hai, chính những người tiếp tục sa ngã trong tội lỗi của mình là những kẻ “Lại đóng đinh Con Thiên Chúa vào thập giá trong tâm hồn họ, do tội lỗi của họ, và họ làm cho Ngài phải chịu đủ điều xỉ nhục” (Dt 6,6). Trong trường hợp này, tội lỗi của chúng ta nặng nề hơn tội của những người Do Thái. Bởi vì, như lời chứng của Thánh Tông đồ “Nếu họ nhận biết Vua vinh hiển, họ đã không bao giờ đóng đinh Ngài vào Thập giá” (1Cr 2,8). Còn chúng ta, trái lại, chúng ta tuyên xưng mình nhận biết Ngài. Như vậy, khi chúng ta chối bỏ Ngài bằng hành vi của mình, có thể coi như chúng ta đã ra tay giết Ngài (x. GLHTCG số 298).

Xét mình lại có lẽ không mấy ai tránh được hai điều trên đây. Vì ai cũng đã từng phạm tội, không nhiều thì ít không nặng thì nhẹ. Có thể chúng ta phạm tội trong tư tưởng, lời nói, việc làm hoặc những điều thiếu sót. Tội phạm đến Chúa, đến Giáo Hội và tội phạm đến tha nhân. Vì yếu đuối, nên nhiều người đã sa đi ngã lại nhiều lần. Có những lúc chúng ta đi xưng tội với quyết tâm từ bỏ, nhưng sau đó một thời gian chúng ta lại sa ngã phạm chính tội đó. Cho nên, khi suy niệm về những roi vọt, đinh sắt, lưỡi đòng, mão gai, những khổ hình mà Chúa Giêsu chịu và cái chết của Ngài trên thập giá vì tội lỗi của chúng ta, chúng ta hãy cám tạ lòng thương xót của Ngài. Đồng thời, mỗi chúng ta từ nay hãy quyết tâm xa tránh tội lỗi. Nếu ai vì yếu đuối sa ngã phạm tội hãy kịp thời ăn năn thống hối và đi xưng tội để trở về với Lòng Chúa Xót Thương.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, vì tội lỗi chúng con mà Chúa phải chịu nạn chịu chết trên thánh giá. Chúng con thành tâm cảm tạ chúa. Cúi xin Chúa cho mỗi chúng con từ nay biết dốc lòng chừa bỏ tội lỗi và quyết tâm đền tội cho cân xứng. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Rửa Chân: Chuyện Nhỏ Bỏ Mình Mới Là Chuyện Khó
Lão Ngu Ni
21:01 23/03/2016
Rửa Chân: Chuyện Nhỏ Bỏ Mình Mới Là Chuyện Khó

Chuyện bịa như thật ngày Thứ Năm Tuần Thánh, trong buỗi tập nghi thức:

Cha xứ: “Làm tông đồ là phải nghiêm túc, nào đi ra, bái bàn thờ, quay lại, ngồi xuống. Nè cái ông kia sao lại giơ chân trái lên, người ta giơ chân phải cả mà”.- “Dạ.... dạ...vì con thuận chân trái”. “Không thuận cái gì hết, lên đây rồi mà còn muốn đi đàng trái hả, bỏ xuống, giơ chân phải lên. Cái gì mà run run thế? Giữ yên cho tôi rửa. Không được hả, cút xuống, hội đồng kiếm người khác thay”.

Rửa chân: chuyện nhỏ ! Anh em bà con Việt kiều chúng ta ở nước ngoài khấm khá lên không chỉ nhờ việc rửa chân mà còn nhờ cắt móng chân, móng tay, sơn phết....(nghề nail).

Một năm một lần chứng kiến các mục tử trong Giáo Hội cử hành nghi thức rửa chân chiều Thứ Năm Tuần Thánh, nhiều tín hữu cảm động và sốt sắng lên, nhất là ở đâu trong sau khi rửa chân, chủ tế còn hôn chân các vị làm tông đồ nữa. Tuy nhiên việc rửa chân cho một số vị đại diện đã chuẩn bị chân sạch thơm trước đó một cách nghi thức tức là đổ tí nước và lau sơ sơ thì vẫn là chuyện nhỏ.

Chuyện không nhỏ chút nào mà là chuyện phải làm nếu muốn noi theo gương Chúa Kitô đó là tự nguyện bỏ mình để hầu hạ người mình yêu đến cùng. Không thể làm người hầu hạ nếu không bỏ mình. Đức Kitô đã bỏ thân phận Thiên Chúa của mình mặc lấy thân tôi đòi phàm hèn để thực thi công trình cứu độ. Ngài còn bỏ đi phận là Thầy, là Chúa để làm người tôi tớ hầu hạ các môn sinh. Trên Thập giá Ngài đã bỏ đi dáng hình nhân loại bình thường mà mặc lấy thân hình một phạm nhân trọng tội để gánh lấy mọi hậu quả tội lỗi của nhân gian. Ngài bỏ luôn cả sự sống gian trần để trao ban sự sống thần linh cho mọi người. Ngài còn bỏ luôn cả dáng hình phàm nhân mà hiện thân trong hình đồ vật (Bánh Rượu) để tiếp tục yêu thương, thông ban ơn cứu độ cho con người, mọi thời, mọi nơi.

Chúng ta có thực sự là người hầu hạ, người tôi tớ của nhau hay không ? nói kiểu văn hoa là người phục vụ ? Để trả lời thì thiết tưởng hãy xét xem chúng ta có bỏ mình như thế nào, có bỏ đi chút quyền lợi, có bỏ đi cái vị thế, cái vai vế cao trọng của mình khi sống yêu thương phục vụ nhau không?

Rửa chân là chuyện nhỏ. Bỏ mình mới là chuyện khó.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo phận Vĩnh Long : Thánh lễ làm phép dầu
Người La Mã
09:22 23/03/2016
GIÁO PHẬN VĨNH LONG: THÁNH LỄ LÀM PHÉP DẦU

Hôm nay, thứ Tư, 23 tháng 3, Giáo Phận Vĩnh Long thân thương cử hành Thánh Lễ làm phép dầu.

Từ sáng sớm, quý cha, quý tu sĩ và cộng đoàn dân Chúa từ khắp mọi nơi trong giáo phận đã trở về ngôi thánh đường chung của Giáo Phận để cùng với Đức Giám Mục cử hành lễ làm phép dầu.

Xem Hình

Những nụ cười, những cái bắt tay đầy tình Chúa – tình người được trao cho nhau từ cổng của nhà thờ Chánh Tòa Vĩnh Long. Những nụ cười, lời hỏi thăm đó được tiếp nối trong khuôn viên nhà thờ và phòng khách của ngôi Thánh Đường chung của Giáo Phận.

9 g 30, từ cuối ngôi thánh đường Chính Tòa thân thương của Giáo Phận, quý cha bắt đầu tiến lên cung Thánh. Vị cuối cùng cũng như là chủ tế Thánh Lễ truyền dầu của giáo phận Vĩnh Long hôm nay là Đức Cha đáng kính Phêrô Huỳnh Văn Hai.

Cộng đoàn cùng nhau hiệp trong tâm tình bài ca nhập Lễ: Tình yêu, ôi cao siêu là tình yêu Thiên Chúa, đã đoái thương thân phận mọn hèn, mà mến thương con từ ngàn đời, luôn hằng chan tưới hồng ân, dẫn lần con tới bàn thánh. .. Muôn tiếng ca vang hòa lời chúc tụng, con linh mục Chúa vui lên bàn thánh, đáp tình Chúa mến thương. Xin tiến dâng Cha trọn vẹn xác hồn, nên như của lễ thay cho trần thế, ca tụng yêu mến Người. ..

Mở đầu Thánh Lễ, Đức Cha Phê rô ngỏ lời với cộng đoàn: “Kính thưa tất cả các linh mục, kính thưa tất cả anh chị em. Hôm nay, chúng ta họp nhau nơi đây trong ngôi nhà thờ Chánh Tòa này để làm phép dầu. Dầu có sức mạnh để chữa bệnh, dầu phát xuất ra mùi thơm. Dầu Thánh để thánh hiến con người và sự vật dùng trong việc thờ phượng Thiên Chúa. Tham dự Thánh lễ này, chúng ta thấy có sự hiện diện đông đảo của linh mục đoàn Vĩnh Long. Linh mục đoàn cùng đồng tế với Giám Mục nhắc nhớ việc Chúa Giêsu lập bí tích truyền chức Thánh. Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa ban ơn cho các vị chủ chăn trung thành với ơn gọi mình đã chọn. Cầu xin cho các vị chủ chăn này tốt lành thánh thiện, biết nuôi dưỡng đoàn chiên mà Chúa trao phó cho mình, hướng dẫn từng con chiên một về với một đoàn chiên có một chủ chiên là Đức Giêsu Kitô. Chúng ta cùng thú nhật tội lỗi của mình và xin Chúa thứ tha để xứng đáng cử hành mầu nhiệm Thánh”.

Bài đọc thứ nhất trong Thánh Lễ sáng nay trích từ sách ngôn sứ Isaia. Sách ngôn sứ Isaia nói về việc "Chúa đã sức dầu cho tôi, Ngài sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó".

Bài đọc thứ hai trích từ sách Khải Huyền: "Chúa Kitô đã làm cho chúng ta trở nên vương quốc và tư tế của Thiên Chúa".

Tin Mừng hôm nay được trích từ Tin Mừng theo Thánh Luca 4, 16-21: Tại hội đường Do Thái ở Nadarét, Chúa Giêsu công khai sứ mệnh Thiên Sai của mình: Người đến để thực hiện công trình của lòng thương xót vô biên, là rao giảng Tin Mừng và cứu chuộc phàm nhân khốn khổ dưới ách tội lỗi.

Trong bài chia sẻ của mình, Đức Cha Phêrô mời gọi cộng đoàn: “Hôm nay đã ứng nghiệm Lời Kinh Thánh mà tai quý vị vừa nghe: Đó là câu nói trong bài Phúc Âm mà chúng ta vừa nghe. Nội dung lời Kinh Thánh đó như thế nào ? và ứng nghiệm điều gì vào lúc nào ? Điều đó có liên quan đến Chúa Giêsu, đến các thính giả đã nghe lời giảng của Chúa Giêsu, và đến tất cả chúng ta là những người tin vào Chúa Giêsu, đến Thánh lễ làm phép dầu hôm nay. .. mời anh chị em suy nghĩ. .. Chúa Giêsu thực hành Lời Kinh Thánh, thực hiện công trình cứu chuộc của Người. ..

(kính mời cộng đoàn xem video Thánh Lễ làm phép dầu)

Tiếp đến là lời dẫn của Cha dẫn Lễ:

Hôm nay là ngày thánh hóa linh mục, ngày Hội Thánh cầu nguyện cho các linh mục. Đức Giám Mục Giáo phận trong giáo phận dâng Thánh Lễ đồng tế với đông đảo giáo dân tham dự: Cả giáo phận có mặt ở nhà thờ Chính Tòa hôm nay chung quanh Đức Giám Mục, để bày tỏ tinh thần hiệp nhất với vị chủ chăn và cầu nguyện cho các linh mục trong ngày kỷ niệm Chúa Giêsu thiết lập chức linh mục. .. xin Chúa ban ơn trợ giúp các linh mục trung thành theo gương Chúa Giêsu, người mục tử tốt lành đã thí mạng sống mình vì Hội Thánh. Xin Chúa cũng ban ơn nâng đỡ các linh mục đau yếu để các ngài kiên nhẫn vác thánh giá theo Chúa Giêsu mà làm chứng tá của Đức Tin.

Sau bài chia sẻ, cộng đoàn cùng tham dự phần các linh mục lập lại lời hứa.

Và rồi các linh mục lập lại lời hứa đến nghi thức làm phép dầu.

Dầu tượng trưng cho sự phong phú và chúc lành của Thiên Chúa. Dầu cũng là dấu hiệu của sự hân hoan, vui mừng. Đức Kitô, Đấng được xức dầu, trở thành Tư Tế, Tiên Tri và Vương Đế của Tân Ước. Ý tưởng này bắt nguồn từ Cựu Ước, thời Cựu Ước người ta thường quen dùng nghi thức xức dầu để tấn phong các vị tư tế, tiên tri và các vua của Israel.

Và rồi linh mục và thầy phó tế rước dầu trước Đức Giám Mục giới thiệu về dầu và đặt lên bàn, Đức Giám Mục làm phép dầu.

Nghi thức làm phép dầu kết thúc, Thánh Lễ tiếp tục như thường lệ.

Lễ xong, cộng đoàn dân Chúa ra về trong hy vọng và bình an của phép lành qua tay Đức Cha Phêrô thân thương. Mọi người cùng dọn lòng để bước vào Tam Nhật Thánh với tâm tình sốt sắng và lắng đọng để hiệp thông với Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn và Phục Sinh.

Người La Mã
 
Lễ truyền dầu tại nhà thờ chính tòa Phú Cam Huế
Trương Trí
20:50 23/03/2016
ĐẠI LỄ TRUYỀN DẦU TẠI NHÀ THỜ CHÍNH TÒA PHỦ CAM HUẾ

Theo truyền thống của Giáo Hội, sáng thứ Năm Tuần Thánh, mỗi Giáo phận chỉ có một Thánh lễ duy nhất, quy tụ toàn thể Linh mục trong Giáo phận về Nhà thờ Chính tòa để tham dự Thánh lễ Làm Phép Dầu do Đức Giám Mục Giáo phận chủ tế.

Xem Hình

Tại Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam sáng mai nay, chừng 120 Linh mục thuộc Linh mục đoàn Tổng Giáo phận Huế hân hoan cùng tham dự Thánh lễ Làm Phép Dầu do Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Lễ Văn Hồng, Phó Chủ tịch HĐGM Việt Nam, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế chủ tế.

Đây cũng là ngày vui của tất cả mọi Linh mục của Giáo Hội hoàn vũ, vì hôm nay cũng là ngày kỷ niệm Chúa Giêsu Kitô thiết lập Bí tích Truyền Chức Thánh, chức Tư tế mà chính Ngài là vị Thượng tế tối cao.

Trong Thánh lễ này, Đức Tổng Giám mục đã làm phép 3 thứ dầu: Dầu Bệnh nhân, Dầu Dự Tòng và Dầu Thánh dùng để cử hành những Bí tích và Á Bí tích mà Chúa Giêsu đã thiết lập hầu mang lại cho mỗi người chúng ta ơn cứu độ.

Đúng 6 giờ sáng, đoàn rước Đoàn đồng tế khởi hành từ Nhà Cha Quản xứ tiến về Nhà thờ qua Cổng Năm Thánh Lòng Thương xót, dẫn đầu là Thánh giá Đèn hầu, các hội đoàn rực rỡ trong các màu đồng phục, các tu sĩ Nam Nữ, Đại Chủng sinh. Tiếp đến là đoàn Linh mục đồng tế được dẫn đầu bởi thầy Phó tế cung kính nâng cao cuốn sách Tin Mừng. Đức Tổng Giám mục vừa tiến bước vừa ban Phép lành cho Cộng đoàn.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Tổng Giám mục nhắn nhủ: Thánh lễ Làm Phép Dầu sang mai nay là biểu tượng của sự hiệp nhất. Toàn thể Cộng đoàn, Tu sĩ và Linh mục đều quay quần quanh vị Chủ chăn của mình để tham dự một Thánh lễ duy nhất. Trong Thánh lễ này, các Linh mục được mời gọi tuyên hứa lại lời hứa của mình khi được truyền chức Linh mục. Lễ Dầu cũng được xem là ngày Sinh nhật của Linh mục, vì chính ngày thứ Năm Tuần Thánh này, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Truyền chức Thánh. Đức Tổng Giám mục mời gọi Cộng đoàn đặc biệt cầu nguyện cho các Linh mục, vì các Linh mục cũng phải chịu nhiều gian nan đắng cay trong hoàn cảnh xã hội ngày nay, các linh mục cũng chỉ là những chếc bình sành dễ vỡ nên cộng đoàn cần phải cầu nguyện nhiều cho các linh mục và cho cả chính Ngài.

Khởi đầu phần Phụng vụ Thánh thể là Nghi thức rước Dầu và Lễ vật dâng lên trước Đức Tổng Giám mục. Ba loại Dầu và hương liệu do 3 vị Linh mục và thầy Phó tế phụ trác Lễ vật và Hương trầm do các Thiếu niên, Thanh niên, Trung niên và Cao niên phụ trách.

Đức Tổng Giám mục đọc Lời nguyện và làm phép Dầu Bệnh nhân, Dầu Dự tong. Tiếp đó Ngài hòa hương liệu vào bình Dầu Thánh và mời gọi Linh mục đoàn cùng hướng về và dâng lời nguyện làm phép Thánh hiến Dầu Thánh.

Trong khung cảnh Cung Thánh Nhà thờ Chính tòa được bố trí lại trang nghiêm. Ngai tòa của vị Chủ chăn của Giáo phận được đặt dưới Biểu tượng Tổng Giám mục của Ngài. Các Linh mục được bố trí vây quanh Bàn thờ, bên vị Chủ chăn của mình.

Thánh lễ kết thúc trong bầu khí thánh thiêng chuẩn bị cho ngày Đại lễ mừng Chúa Giêsu Phục sinh vinh hiển.

Trương Trí
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Quốc hội phường chèo - ăn nghèo đất nước
Phạm Trần
21:03 23/03/2016
QUỐC HỘI-PHƯỜNG CHÈO ĂN NGHÈO ĐẤT NƯỚC

“Đại biểu Quốc hội khóa XIII có cơ cấu khá hợp lý, luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức; có năng lực, trình độ, kỹ năng hoạt động ngày một nâng cao; có bản lĩnh vững vàng, tinh thần trách nhiệm; luôn tâm huyết, trăn trở trước những khó khăn, bức xúc của đời sống xã hội; những nguy cơ, thách thức đặt ra trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Các vị đại biểu Quốc hội đã phát huy trách nhiệm trước Tổ quốc, Nhân dân; thường xuyên gắn bó, nắm bắt ý kiến, kiến nghị của cử tri; nghiên cứu, tìm tòi, tự đổi mới, cải tiến cách thức thực hiện nhiệm vụ; thể hiện chính kiến rõ ràng, thẳng thắn, công tâm, nhất là khi thực hiện quyền chất vấn, thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước,... “

Chủ tịch mãn nhiệm Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nói như thế trong báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội ngày 22/03/2016.

Đây là kỳ họp thứ 11 và cũng là lần họp cuối cùng để kết thúc nhiệm kỳ 5 năm của Khóa XIII (2011-2016), trước khi bàn giao cho Quốc hội khóa XIV sẽ được bầu ngày 22/05/2016.

Trong thời gian làm việc đến ngày bế mạc 12/04 (2016), kỳ họp 11 sẽ bỏ phiếu bầu 3 chức danh Lãnh đạo chủ chốt gồm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nước và Thủ tướng Chính phủ.

Ba người đương nhiệm theo thứ tự gồm Nguyễn Sinh Hùng, Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định rút lui để nhường cho Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội thay Nguyễn Sinh Hùng; Đại tướng Công an Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị ngồi vào ghế Trương Tấn Sang và Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ giữ chức Thủ tướng.

Đây là kế hoạch đã được dàn dựng từ trước Đại hội đảng kỳ XII (20-28/01/2016) của Tổng Bí tư tái cử Nguyễn Phú Trọng.

Vì vậy chuyện bầu cử của Quốc hội đối với 3 chức danh lãnh đạo tối cao, diễn ra từ 30/3 đến 07/04/2016 cũng chỉ là hình thức theo thủ tục nhằm giảm thiểu chê bai mà thôi.

Nhưng khi đã biết cách làm việc tào lao của Quốc hội như thế thì nội dung lời tuyên bố trong báo cáo thành tích cuối nhiệm kỳ khóa XIII của Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng có phản ảnh đúng hình ảnh của nhiều Đại biểu Quốc hội không ?

Trước hết thử tìm hiểu xem Đại biểu Quốc hội khóa XIII có “luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức” như ông Hùng nói thì chỉ cần nói về 3 trường hợp tiêu biểu trong số 500 ông, bà nghị viên khóa XIII.

Khóa này có 2 nữ Đại biểu Đặng Thị Hòang Yến, đơn vị 1 Tỉnh Long An bị giải nhiệm vì khai gian lý lịch và Châu Thị Thu Nga, đơn vị Hà Nội bị bãi nhiệm vì có sai phạm trong kinh doanh. Cả hai bà này đã khai man mà Ủy ban Mặt trận Tổ quốc nơi cư trú vẫn nhắm mắt đề cử sau các cuộc gọi là hiệp thương năm 2011. Họ cũng đã được nhân dân nơi cư trú tán thành ứng cử đại diện cho mình thì có thuốc gì chữa nổi không ?

Người thứ 3 là Đại biểu nổi tiếng ăn nói lung tung và mất phẩm chất của một Đại diện dân là ông Hoàng Hữu Phước của đơn vị Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông này được nổi tiếng nhờ câu nói ngày 17/11/2011: “ Khi nào trình độ dân trí cao hơn và kinh tế ổn định hơn thì mới có thể ban hành Luật biểu tình”.

Trong cuộc phỏng vấn tại hành lang Quốc hội, ông Phước đối đáp với phóng viên báo Tuổi Trẻ như sau:

(TT) : “Thưa ông, biểu tình được coi là quyền hiến định, tại sao ông cho rằng không nên có Luật biểu tình?

(HHP): “Đã là quyền tự do ghi trong Hiến pháp thì không sớm thì muộn nó cũng sẽ được thể chế hóa. Nhưng vấn đề là ở thời điểm nào thì thích hợp. Tại sao người dân các nước khác họ có quyền đó mà dân mình lại chậm? Lý do là hoàn cảnh của VN khác. Các nước thì có ai chống họ đâu, trong khi VN thì nhiều thế lực thù địch tập trung công kích. Phải biết rằng kẻ thù đang rình rập mình, họ không bỏ qua cơ hội nào.

Bên cạnh đó chúng ta cũng cần biết rằng những nước văn minh như Anh, Mỹ mà tại sao biểu tình vừa rồi cũng xảy ra đốt phá, cướp bóc. Vậy với nước mình thì sao? Cho nên không phải mình triệt bỏ quyền tự do đó của người dân, nhưng quyền tự do đó phải đợi đến lúc dân trí và kinh tế phát triển đến một trình độ nào đó.

(TT) : “Trong thời gian qua có một số cuộc “tụ tập đông người” xảy ra ở Hà Nội và TP.HCM. Nhiều người lập luận rằng: có Luật biểu tình thì vừa đảm bảo được quyền của người dân, vừa khiến hoạt động biểu tình diễn ra trong trật tự và hợp pháp, ông nghĩ sao?

(HHP) : “Không. Tất nhiên khi có luật sẽ rất chặt chẽ như phải đăng ký, phải có người đứng đầu, phải tới địa điểm quy định... Nhưng đèn đỏ đèn xanh lập ra giữ gìn trật tự giao thông mà người ta vẫn vi phạm. Vậy khi mình cho phép thì phải đương đầu với sự cho phép đó. Những người phá hoại họ không nằm trong số những người xin phép biểu tình và những người biểu tình, mà họ trà trộn hoặc đứng ở góc đường nào đó để phá hoại.

(TT):” Vậy theo ông, thời điểm nào là thích hợp để xây dựng Luật biểu tình?

(HHP): “ Khi nào trình độ dân trí cao hơn và kinh tế ổn định hơn thì mới có thể ban hành Luật biểu tình. Vừa rồi có một số cuộc biểu tình diễn ra làm ảnh hưởng đến trật tự giao thông, cản trở hoạt động của người dân nên rất nhiều người bức xúc. Tôi cho rằng phải hỏi xem có bao nhiêu người muốn có Luật biểu tình.”

Tuyên bố của ông Phước đã bị nhiều Đại biểu lên án. Ông Trương Trọng Nghĩa của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ trích ông Phước đã “hạ thấp nền dân trí Việt Nam” .

Đại biểu tỉnh Đồng Nai, ông Dương Trung Quốc nói:”Thóa mạ những người biểu tình như thế, chúng ta đi ngược lại những tuyên bố chính thức của Nhà nước. Đó là những người yêu nước, cách biểu thị của họ không thích hợp trong hoàn cảnh này vì chúng ta chưa có luật.” (theo Tuổi Trẻ, 18/11/2011)

AI NGU HƠN AI ?

Sau đó 3 năm, ông Phước lại cho nổ qủa bom tấn công chừng ngàn cân lên đầu Đại biểu Dương Trung Quốc, một người được kính trọng tại Quốc Hội vì đã có những tuyên bố thằng thắn đi sâu vào lòng người. Ông Quốc còn là một trong sốt rất ít Đại biểu đã can đảm chất vấn gay gắt Thủ tướng và các viên chức Chính phủ về thái độ dè dặt trước kế hoạch chiếm đóng biển đảo Việt Nam của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hành động thiếu suy xét và khiếm nhã của ông Phước đối với một đồng viện có uy tín như Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam đã làm cho nhiều giới và báo chí ở Việt Nam kinh ngạc.

Bài viết được gọi là “Tư Đại Ngu” sỉ nhục kiến thức của ông Quốc được chính ông Phước phổ biến và lưu trữ lâu ngày trên Blog riêng của mình cho đến năm 2014.

Khi “Giới thiệu đôi nét về ông Dương Trung Quốc" , ông Phước viết:” Dương Trung Quốc quê quán tỉnh Bến Tre, sống ở Hà Nội, trình độ học vấn: tốt nghiệp đại học môn Sử, tự dưng có danh xưng “Nhà Sử Học” trên trời rơi xuống, không rõ do tự xưng hay do thuộc hạ tung hê, ắt do ở Việt Nam và trên thế giới chỉ có “Thạc sĩ” và “Tiến sĩ” mới được gắn học vị vào tên, chứ “tốt nghiệp đại học” (tức “Cử nhân”) hay “tốt nghiệp phổ thông” (tức “Tú tài”) thì theo quy định bất thành văn của thời hiện đại không được nêu ra kèm theo tên họ, nên tức mình đau mẩy phải áp cụm từ “nhà sử học” vào tên để cho có với người ta chăng. Tuy nhiên, việc Dương Trung Quốc không chọn danh xưng “Sử Gia” cũng là một điều khá khen là khôn ngoan, vì đã là “sử gia” thì phải là giáo sư tiến sĩ Sử, dù trong tiếng Hán Việt thì “gia” cũng là “nhà”, nhưng “gia” thì … to lắm, thế nên mới có chuyện các nhà tài phiệt chỉ được gọi là “đại gia” chứ đố ai dám vặn vẹo kiểu “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” mà nói đó là…“nhà lớn”.

Theo Báo Giáo dục Việt Nam, thì ngôn ngữ của ông Phước được chi tiết như thế này:

- Cái đại ngu thứ nhất của Dương Trung Quốc là lập lại lời thiên hạ thế gian này hay nói khi tuyên bố danh chính ngôn thuận giữa nghị trường quốc hội rằng mại dâm là nghề cổ xưa nhất của nhân loại, rằng các nước luật hóa mại dâm nên Việt Nam đừng có đạo đức giả nữa đối với nghề mại dâm mà phải công nhận nghề này, và rằng nhất thiết phải đưa mại dâm lên bàn nghị sự của quốc hội".

- "Dương Trung Quốc là đại biểu quốc hội ứng cử tại địa bàn tỉnh Đồng Nai là nơi có rất nhiều giáo xứ. Tôi đã là giáo viên chủ nhiệm một lớp do tỉnh Đồng Nai gởi đến nhờ trường Cao Đẳng Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh giúp đào tạo nên một đội ngũ giáo viên tiếng Anh thật giỏi để phục vụ ngành giáo dục tỉnh Đồng Nai….

….Việc Dương Trung Quốc phát biểu linh tinh về mại dâm là việc làm không chút khôn ngoan do động đến vấn đề liên quan đến đạo đức mà Kinh Thánh đã nêu và các cử tri là giáo dân các giáo xứ tỉnh Đồng Nai khó thể chấp nhận được sự xúc phạm, nhất là kiểu ăn nói quàng xiên rằng “không công nhận mại dâm tức là đạo đức giả…".

- "Dương Trung Quốc đã hoàn toàn không biết rằng ngay tại Mỹ chỉ có vài tiểu bang và tại các tiểu bang này chỉ có một hay hai thị trấn đưa mại dâm vào danh sách “nghề” để quản lý. Mà ngay cả khi thế giới đảo điên này có công nhận “nghề” mại dâm, cũng không phải là lý do để đặt đĩ nằm chình ình trên bàn nghị sự của quốc hội Việt Nam".

- "Dương Trung Quốc đã không có tầm nhìn bao quát, sâu rộng, về vấn đề mại dâm. Dương Trung Quốc chỉ nghĩ đến mại dâm như việc đơn giản người phụ nữ có quyền bán thân để kiếm tiền và để đáp ứng nhu cầu xã hội. Dương Trung Quốc hoàn toàn không biết rằng mại dâm bao gồm đĩ cái, đĩ đực, đĩ đồng tính nữ, đĩ đồng tính nam, và đĩ ấu nhi. Dương Trung Quốc hoàn toàn không biết rằng khi “công nhận” cái “nghề đĩ” để “quản lý” và “thu thuế”, thì phát sinh … nhu cầu phải có trường đào tạo nghề đĩ thuộc các hệ phổ thông đĩ, cao đẳng đĩ, đại học đĩ; có các giáo viên và giáo sư phân khoa đĩ; có tuyển sinh hàng năm trên toàn quốc cho phân khoa đĩ; có chương trình thực tập cho các “môn sinh” khoa đĩ; có trình luận văn tốt nghiệp đĩ trước hội đồng giảng dạy đĩ; có danh sách những người mua dâm để tuyên dương vì có công tăng thu nhập thuế trị giá gia tăng cho ngành công nghiệp đĩ; có chính sách giảm trừ chi phí công ty hay cơ quan nếu có các hóa đơn tài chínhđược cấp bởi các cơ sở đĩ, đặc biệt khi cơ quan dùng vé “chơi đĩ cái” tặng nam nhân viên và vé “chơi đĩ đực” cho nữ nhân viên nào ưu tú trong năm tài chính vừa qua; ban hành quy định mở doanh nghiệp cung cấp đĩ, trường dạy nghề đĩ, giá trị chứng chỉ văn bằng đĩ trên cơ sở so sánh giá trị nội địa, khu vực, hay quốc tế; và có các hướng dẫn về nội dung tờ bướm, tờ rơi, bảng quảng cáo ngoài trời, quảng cáo bên hông xe buýt và trên thân máy bay, cũng như quảng cáo online về đĩ, tập đoàn đĩ lên sàn (chứng khoán)".

- "Dương Trung Quốc đã không thể phân biệt giữa nội dung “nhân quyền” tức “quyền con người” trong việc “tự do bán thân”, với “quyền công dân” mà một đạo luật đĩ có thể điều chỉnh hành vi. Việt Nam đã chấm dứt việc bố ráp đưa mại dâm nữ vào cơ sở chữa bệnh-phục hồi nhân phẩm, và đây là do Việt Nam tôn trọng “quyền con người”. Còn việc ra sức giáo dục, tuyên truyền để hạn chế sự hoành hành tác tệ của mại dâm đối với trật tự xã hội, nhân cách công dân, đạo đức xã hội, v.v., là việc mà nhà nước nào, dù thần quyền hay thế tục, đều cố gắng làm tốt. Dương Trung Quốc dường như rất vô tư đối với nội hàm làm băng hoại xã hội Việt Nam, cứ như xuất phát từ lòng căm thù bịnh hoạn nào đó đối với chế độ hiện tại của nước này vậy".

Sau khi trích dẫn như thế, báo Giáo dục Việt Nam đặt câu hỏi:”Với những phát ngôn như trên, liệu rằng ông Hoàng Hữu Phước chỉ tranh luận hay đang có ý đồ nào khác?”

Tác phong như thế mà Hoàng Hữu Phước vẫn còn can đảm tự ứng cử vào khóa XIV và đã lọt qua vòng 2 của Hiệp thương ở Sài Gòn. Vòng 3 sau cùng sẽ tổ chức vào trung tuần tháng 4/2016.

Tiếp theo, ông Nguyễn Sinh Hùng ca ngợi “Các vị đại biểu Quốc hội đã phát huy trách nhiệm trước Tổ quốc, Nhân dân; thường xuyên gắn bó, nắm bắt ý kiến, kiến nghị của cử tri; nghiên cứu, tìm tòi, tự đổi mới, cải tiến cách thức thực hiện nhiệm vụ.”

Nói như thế liệu ông Hùng có nịnh các đồng nghiệp của ông quá đáng để được điểm tốt khi về hưu không ?

Chắc phải có nhưng làm sao mà ông quên được không khí sôi động và nhiều khi gay gắt của nhân dân trước việc Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan dầu Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyên kinh tế của Việt Nam trong khu vực quần đào Hoàng Sa từ ngày 2/5 đến ngày 27/5/2014.

Hồi đó trong dân đã nổi lên một phong trào xuống đường tự phát chống Trung Quốc từ Sài Gòn ra Hà Nội nhưng bị Công an đàn áp dã man. Vậy mà không một Đại biểu Quốc hội nào dám hé răng phản đối hành động phản quốc này của nhà nước.

Rồi khi có một số Đại biểu Quốc hội và nhiều nhân sỹ trí thức yêu cầu Quốc hội ra một Nghị quyết lên án Trung Quốc thì Ban Thường vụ Quốc hội do Chủ tịch Hùng đứng đầu quyết định không có Nghị quyết, sau khi đã họp kín để nghe Chính phủ báo cáo về tình hình Biển Đông.

Có người giải thích Nghị quyết phải ghi rõ những việc sẽ làm đối với hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam của Trung Quốc nên sợ sẽ gây khó khăn trong bang giao giữa hai nước, và có thể tạo cớ cho Bắc Kinh có hành động chống Việt Nam mạnh mẽ hơn nên đành thôi !

Vì vậy Báo chí và người dân, dù yêu nước lắm cũng chỉ được ở ngoài Quốc hội để nghe hơi nồi chõ qua lời lẽ ghi trong Thông cáo số 2 của Quốc hội ngày 21/05/2014.

Thông cáo phổ biến viết rằng: “ Quốc Hội khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); trái với thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc. Tình hình biển Đông căng thẳng. Hòa bình và an ninh đang bị đe dọa.

Quốc Hội cùng với toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài bày tỏ sự lo ngại và kiên quyết phản đối những vi phạm, sai trái của phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Quốc hội cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với các tổ chức, cá nhân, dư luận quốc tế đã đồng tình, ủng hộ Việt Nam.

Quốc Hội tin tưởng và nhất trí cao với chủ trương của Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo quân dân ta có nhiều biện pháp kiên quyết trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đồng thời, kiên trì đấu tranh, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; kiên trì bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.”

Thông cáo cũng nhận định: “ Diễn biến tình hình trên biển Đông còn phức tạp và khó lường. QH đề nghị Chính phủ, các ngành, các cấp cùng đồng bào cả nước đoàn kết, thống nhất và đặc biệt quan tâm giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại của đất nước.”

Ngoài thái độ rụt rè như thế, các Đại biểu Quốc hội còn đồng loạt “tát nước theo mưa” để giữ thái độ tự cho mình quyền quên đi những hy sinh xương máu của 74 chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa, 64 chiến sỹ Quân đội Nhân dân và trên 40,000 quân-dân 6 tỉnh biên giới phía bắc khi họ chống quân Tầu xâm lược rải rác từ 1974 đến 1990.

Như thế thì các Đại biểu Quốc hội khóa XIII có giữ “trách nhiệm trước Tổ quốc, Nhân dân” như ông Hùng ca tụng họ không ?

QUỐC HỘI PHƯỜNG GÌ ?

Đến đây, nếu chúng ta chưa thể cười ra nước mắt và thương thay cho những đồng tiền thuế của dân đã bỏ ra nuôi Quốc hội thì hãy đọc lại để thấy những hình ảnh rất “vì dân vì nước” của Quốc hội Nhà nước Cộng sản Việt Nam do báo Petro Times (Năng Lượng Mới) viết trong số báo ngày 20/03/2016.

Với câu hỏi :”Họ vào Quốc hội làm gì?”, Petro Times mỉa mai một số người tự ra ứng cử Quốc hội năm 2016 :

“Thông tin về những ứng cử viên ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIV là ca sĩ tự do, cụ ông 91 tuổi hay chị bán bán bánh mỳ... đang dấy lên nhiều lo ngại về chất lượng đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ tới.

Những ngày gần đây, dư luận cả trong và ngoài nước đang dành sự quan tâm đặc biệt tới kết quả hiệp thương lần 2 danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIV. Sự đa dạng về thành phần, tuổi tác cũng như nghề nghiệp của các ứng viên là điểm nổi bật nhất trong bản danh sách các ứng viên này.

Nhưng cũng chính sự đa dạng này lại đang dấy lên nhiều lo lắng về “chất lượng” của những vị đại biểu Quốc hội này nếu được bầu vào Quốc hội khoá tới.

Ở đây, chúng ta không bàn đến chuyện họ ứng cử vào Quốc hội vì mục đích chống phá, bị xúi giục... gì đó mà chỉ xin nhấn mạnh đến vấn đề “chất lượng” tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận các vấn đề lớn của quốc gia, dân tộc.”

Sau khi giáo đầu như thế, báo này viết :”Nói vậy không phải để khẳng định những ứng viên là ca sĩ tự do, cụ ông 91 tuổi hay người bán bánh mỳ... không đủ tiêu chuẩn tự ứng cử đại biểu Quốc hội mà đơn giản ở đây, như đã nói ở trên là để cập đến vấn đề “chất lượng” của đại biểu Quốc hội….”

Chúng ta thử hỏi, với những con người như vậy thì trước những vấn đề sống còn của dân tộc, quyết sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, họ sẽ đóng góp được gì?

Một ca sĩ không tên, không tuổi, hành nghề tự do thì chắc gì đã hiểu biết được hết những kiến thức chuyên môn, các quy định về việc hành nghề ca hát?

Một người bán bánh mỳ thì liệu có biết gì đến Luật Lao động, Bảo hiểm xã hội...?

Một cụ ông 91 tuổi có thể có kiến thức chuyên môn, lại có cả kinh nghiệm nhưng sức khoẻ liệu có đảm bảo không, trí tuệ còn minh mẫn không?

Vậy họ vào Quốc hội để là gì?

Nhìn lại những kỳ họp Quốc hội thời gian qua chúng ta không khó nhận ra, những người hay phát biểu, hay chất vấn, hay đặt vấn đề với các vấn đề “nóng” của nền kinh tế chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và một điều đáng chú ý, phần lớn trong số này đều đã có quá trình trải nghiệm lâu dài trong một hoặc nhiều lĩnh vực công tác.

Vậy nên, khi một vấn đề đặt ra, họ hiểu ngay và đặt vấn đề chất vấn, góp ý, thậm chí sẵn sàng tranh luận “tay bo” với lãnh đạo ngành, lĩnh vực ấy.

Thế còn những đại biểu Quốc hội khác họ làm gì? Họ như thể đến cho có mặt. Cả một nhiệm kỳ không thấy phát biểu, chất vấn, đóng góp ý kiến lấy một câu.

Đi họp Quốc hội để thảo luận các vấn đề “nóng” của nền kinh tế nhưng đến rồi thì ngồi đọc báo, xem Ipad... và thậm chí là ngủ. Cử tri bức xúc, địa phương có vấn đề cần kiến nghị họ nghe, tiếp thu nhưng rồi chẳng làm gì.

Đại biểu Quốc hội vì thế cũng thật đa dạng!

Tự do ứng cử là một trong những quyền cơ bản nhất được quy định tại Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Nhưng không phải vì thế mà lợi dụng để tự ứng cử.

Người tự ứng cử phải xác định rõ vào Quốc hội để làm gì? Mình sẽ đóng góp gì trong cả một nhiệm kỳ tới, cho những quyết sách, đường hướng phát triển của đất nước?...

Xác định được như vậy thì chất lượng đại biểu Quốc hội mới nâng lên được!”

Vậy Khóa Quốc hội XIII sắp mãn nhiệm đã làm nên cơm cháo gì chưa ?

Báo Năng Lượng Mới trả lời: “Đã nói đến họp Quốc hội thì bất cứ ai cũng nghĩ đến đó là một nơi tôn nghiêm, mọi hoạt động diễn ra trong đó phải rất nghiêm túc. Là nơi “quan trên trông xuống người ta trông vào”; là nơi mà cử tri gửi gắm sự tin cậy, trông mong. Còn người dự họp thì từ y phục, từ lời ăn tiếng nói, từ dáng ngồi, đến dáng đi… đều phải thể hiện là người “đại biểu của nhân dân”. Nói tóm lại, người ta phải nhìn thấy ở đây là nơi mẫu mực về phong cách làm việc, về ứng xử văn hóa, về trí tuệ của từng người.

Sự đòi hỏi này không có gì là quá đáng, bởi lẽ, Quốc hội là cơ quan quyền lực của quốc gia. Những quyết sách ở đây liên quan đến sự phát triển của cả một dân tộc, một đất nước .

Đại biểu Quốc hội do dân bầu nên và cử tri thì bao giờ cũng mong mỏi người đại diện cho mình phải là những người không những có trí tuệ, có trách nhiệm với dân, với nước mà còn phải là những người có chuẩn mực về văn hóa. Rồi nữa, đại biểu Quốc hội còn phải là người phản ánh được mong muốn, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân đối với các vấn đề lớn của đất nước; và cả những vấn đề nhỏ liên quan đến miếng cơm manh áo.

Ấy vậy mà từ vài năm trở lại đây, những việc không hay xảy ra ở Quốc hội xem ra ngày một nhiều.”

Petro Times kể ra:

“Nào là chuyện có đại biểu Quốc hội dùng mạng xã hội để nói xấu, xỉ vả đại biểu Quốc hội khác, sự thiếu văn hóa của đại biểu Quốc hội này đến mức dư luận phải đặt ra câu hỏi rằng, ông này liệu có bị “thần kinh”? Quả thật, nếu ông ta bị “thần kinh” thì đây là điều may cho Quốc hội và cũng làm cho những cử tri đã trót bầu cho ông ta thấy đỡ ngượng, bởi vì mình đã chọn nhầm một người bị “điên”. Nhưng nếu như ông này không bị “điên” thật mà lại có cách ứng xử như vậy, thì rõ ràng tầm văn hóa của ông ta ở mức không chấp nhận được. Và như vậy, cử tri đã bị “lừa”, thế cho nên mới bỏ phiếu cho ông ấy.”

Petro Times không dám nói thẳng người “nói xấu” hay “xỉ vả” đồng viện là Đại biểu Hoàng Hữu Phước và nạn nhân là Đại biều Dương Trung Quốc như đã nói ở phần trên bài này.

“Nhưng ở kỳ họp Quốc hội lần này có một điều thực sự đáng buồn”, Petro Times viết tiếp, “ Ấy là ý thức của không ít đại biểu quá thấp. Vậy sự thể hiện chữ “thấp” đó là gì?

Đó là vắng mặt không có lý do; đó là nhờ người bấm nút biểu quyết hộ. Có những phiên họp biểu quyết thông qua một đạo luật mà vắng đến gần 100 người. Đến mức Chủ tịch Quốc hội phải kêu lên khi con số biểu quyết trên bảng điện tử cứ nhảy nhót lung tung. Và ông khẳng định rằng, đó là do bấm nút biểu quyết hộ.

Tình trạng đại biểu Quốc hội vắng mặt tại các buổi thảo luận tổ hoặc cả những phiên họp tại hội trường đã được nói nhiều từ những kỳ họp trước nhưng căn bệnh này xem ra không giảm.

Rồi trên tivi lại thấy hình ảnh, có những vị đại biểu Quốc hội ngủ vô tư trong hội trường, thậm chí ngay ở phiên khai mạc.

Rồi những hình ảnh đại biểu Quốc hội điềm nhiên đọc báo trong khi Chủ tịch Quốc hội đang kết luận.

Thậm chí có đại biểu ngang nhiên chơi cờ bằng iPad khi Thủ tướng đang trả lời chất vấn.

Thật không thể hiểu nổi cho những vị đại biểu Quốc hội này.

Trong khi đồng bào cả nước chăm chú theo dõi qua màn hình phát biểu của Thủ tướng về những vấn đề quốc kế dân sinh, về những chủ trương có tính chiến lược của Chính phủ để xây dựng phát triển kinh tế đất nước và bảo vệ tổ quốc thì vị đại biểu này điềm nhiên ngồi đánh cờ. Vậy thử hỏi, chúng ta cần những vị đại biểu này ngồi ở Hội trường Diên Hồng làm gì?

Rồi lại có đại biểu mang vào hội trường cả máy tính xách tay và một chiếc iPad và bày ra trước mặt để làm việc.

Có thể nói, những cảnh “chướng tai gai mắt” ở Quốc hội đã và đang làm cho cử tri nghi ngờ về tính nghiêm túc và ý thức trách nhiệm, kỷ cương của đại biểu Quốc hội.

Cũng vẫn biết rằng, không có điều luật nào bắt các đại biểu Quốc hội phải dự 100% thời gian họp nhưng việc vắng mặt quá nhiều, việc các đại biểu thiếu ý thức trong lúc ngồi họp là điều rất mong Quốc hội phải nghĩ đến, làm thế nào để chấm dứt chuyện đó.”

(Petro Times-Năng Lương Mới, ngày 27/11/2014-)

Với thành phần nhân sự của Quốc hội được mệnh danh là Cơ quan quyền lực cao nhất của Quốc gia mà còn lắm trò ma bùn, phí phạm tiền mồ hôi nước mắt của dân như thế thì có lý do gì để tờ Petro Times nỡ nặng lời với một số người tự ra ứng cử ?

Tiêu biểu như Nghệ sỹ diễn hài Nguyễn Công Vượng, tức Vượng Râu và ca sỹ Lâm Ngân Mai.

Trong số ra ngày 02/03/2016, Petro Times chạy tít bài :”Quốc hội không phải là phường chèo!” để mở đầu chế riễu:”Những phát ngôn gây sốc về tình hình chính trị, những đàm luận liên quan đến “Dư luận viên”, “Biển Đông”, chống “Tàu” và gần đây nhất là tham gia cùng nhóm “xã hội dân sự” cùng những gương mặt như Nguyễn Quang A, Nguyễn Tường Thụy và một số luật sư để tự ứng cử đại biểu Quốc hội.

Cũng “chém gió, đốt đền” hòng nổi danh

Sẽ không có gì đáng bàn nếu những người ứng cử đó thực sự thực hiện quyền ứng cử để mang tài đức tham gia cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, góp phần vì dân, vì nước. Nếu nhìn theo khía cạnh ấy và xem xét những suy nghĩ, phát ngôn và hành động của Nguyễn Công Vượng gần đây thì sẽ thấy ngay việc làm của anh ta vì ai, hướng tới những mục tiêu gì?”

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng khôi hài: “Nghệ sỹ chỉ biết hát vào Quốc hội rất khó!”

Ông nói với báo chí Việt Nam:“Đại biểu Quốc hội không chỉ cần hát hay mà phải cần sự hiểu biết trên nhiều lĩnh vực, có năng lực để tham gia vào các dự án luật, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước...”

Ông Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc được trích lời nói rằng việc có nhiều nghệ sỹ ứng cử vào Quốc hội XIV:”chứng tỏ các văn nghệ sỹ rất yêu quý Quốc hội”.

Nhưng công cũng lưu ý:”Chuyện ứng cử Quốc hội là quyền của họ nhưng là ĐBQH không phải chỉ hát hay, mà ĐBQH phải hiểu biết nhiều lĩnh vực, có năng lực để tham gia xây dựng các dự án luật, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước...”.

“Nếu văn nghệ sỹ nào có trình độ như vậy thì rất hoan nghênh, còn nếu chỉ biết hát không thôi vào Quốc hội là rất khó. Quốc hội hoan nghênh nhưng phải đủ tiêu chuẩn và cử tri sẽ chọn lựa người ĐB mình tin tưởng để bỏ phiếu.”

VƯỢNG RÂU VÀ LÂM NGÂN MAI PHẢN PHÁO

Trước những lời dèm pha của Petro Times và của ông Phúc, hai Nghệ sỹ Vượng Râu và Ca sỹ Lâm Ngân Mai đã phản ứng mạnh mẽ.

Vượng Râu nói với báo Thanh Niên:”

(TN) : “Vì lý do gì mà anh quyết định tự ứng cử ĐBQH?”

(VR) : “ Đầu tiên là tôi cảm thấy vui và phấn khởi bởi hiến pháp và pháp luật VN từ lâu đã cho phép người dân có quyền tự ứng cử. Nhưng rất ít người, đặc biệt là những người trẻ mà tôi gọi vui là “xông xáo”, tham gia nghị trường. Biết đâu việc ứng cử là cơ hội để luồng gió trẻ trung thổi vào, để một số lĩnh vực mà người ứng cử đam mê hay theo đuổi sẽ thay đổi, phát triển hơn. Tôi nghĩ một cách rất tích cực như thế. Bất cứ công dân nào trên đất nước VN đủ tuổi, đủ trách nhiệm, có trình độ nhất định đều có quyền tham gia. Đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân. Tôi muốn tạo nên những chuyển biến tích cực trong văn hóa và giáo dục.”

(TN) : Nếu trúng cử, anh sẽ chú trọng suy nghĩ về những việc gì?

(VR) : “ Nếu được vào, tôi sẽ đưa hết tâm huyết của mình ra để cố gắng chỉnh đốn, khắc phục và làm tốt đẹp hơn mảng văn hóa, cụ thể là việc quản lý lễ hội, quản lý bảo tồn di tích. Tôi thích kiến trúc Việt, những ngôi đình, đền, cổ. Chúng ta phải đặt câu hỏi tại sao nhiều di tích bị đổ sụp, xuống cấp, quản lý như thế nào, số tiền rót ra để duy tu ra sao... Từ những việc như vậy cho đến việc xét cấp bằng di tích như thế nào cho hợp lý, chứ không thể để các cụ già 70 - 80 tuổi đi xin.

Về biểu diễn, tôi cũng là nghệ sĩ, đã học diễn xuất và đạo diễn, nên muốn làm sao không để xảy ra chuyện phân tầng nghệ sĩ, nhưng phải rõ ràng là nghệ sĩ giải trí thì cũng phải học đến đầu đến đũa nếu không sẽ gây ra hình ảnh xấu, ảnh hưởng đến giới trẻ.

Lĩnh vực thứ hai mà tôi tâm huyết thay đổi, chứ không dám nói cải cách, là giáo dục. Tôi muốn học sinh học ít nhưng hiểu nhiều bằng việc thay đổi phương pháp dạy, chứ không phải học theo kiểu đọc cho học sinh chép. Tôi nghĩ cốt lõi của mỗi quốc gia là có văn hóa, giáo dục.

(TN) :” Anh nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng “QH không phải là phường chèo” và phản đối việc anh tự ứng cử ĐBQH?

(VR) : “ Để vào được còn phải có những tiêu chí cơ mà. Với đơn vị báo chí xúc phạm tôi, tôi đã có đơn yêu cầu rút bài và xin lỗi công khai. Họ đã vu khống tôi. Tôi khẳng định là tôi không thuộc hay có quan hệ với tổ chức nào trong và ngoài nước. Họ viết như vậy cũng là đã xúc phạm.”

Lâm Ngân Mai viết trên Facebook của cô: “Tôi không phải chỉ có hát thôi, mà tiếng hát tôi có thể giúp người nghèo khắp miền đất nước Việt Nam, những trẻ em cơ cực mồ côi; tôi không phải chỉ có giọng hát thôi mà tôi còn thông qua tiếng hát lắng nghe bao điều tâm sự đau buồn của nhân dân Việt Nam mọi nơi mà các lãnh đạo có biết? Nhờ tiếng hát mà mọi người tìm đến tôi chia sẽ biết bao điều khốn khổ!

Các ông có từng tiếp xúc nhân dân nhiều như tôi không khi phán rằng tôi chỉ hát thôi không thể vào Quốc hội lên tiếng thay dân Việt Nam?

Đại biểu Quốc hội là người có số đông dân chúng ủng hộ, tôi không dừng lại ở địa phương tôi sống mà tiếng nói của tôi vang xa hơn, nhất là tiếng nói lương tri tuy bé nhỏ của tôi nhưng đã lan truyền đến hàng trăm ngàn người bao năm qua tôi sống.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, ông không hiểu gì về người dân Việt Nam khi ông phát ngôn “Chỉ hát hay thôi khó vào Quốc hội”

Tôi hiện thấy mình không hề gặp khó khăn nào từ phía người dân Việt Nam ủng hộ tôi ứng cử vị trí ĐBQH khóa 14; mà tôi cảm thấy rất khó khăn, khó thở khi nghe quy định và phát ngôn của ông!

Là một Tổng thư ký Quốc hội ông nên học cách tôn trọng nhân dân Việt Nam. Dù đó là ai đi nữa, dù làm nghề gì, dù họ có những gì hay không có gì cả, họ cũng đã đóng thuế và chấp pháp, huống chi là người như tôi sẵn sàng lắng nghe người dân Việt Nam và lên tiếng thay họ dù cho tôi đã và đang chưa có thẩm quyền bao nhiêu năm qua!

Sau buổi họp hôm qua và nghe ông phát biểu tôi vô cùng thấy đau buồn cho giới văn nghệ sỹ nhất là ca sỹ!

Mời ông mở rộng trái tim khi nghe tôi hát và học cách xin lỗi tôi đi!”

Với những đối đáp thẳng thắn của 2 Nghệ sỹ, ta thử nghĩ coi ai là “Phường Chéo” ?

Phạm Trần

(03/016)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hành trình hướng tới sự hiệp nhất Kitô Giáo
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
08:52 23/03/2016
HÀNH TRÌNH HƯỚNG TỚI SỰ HIỆP NHẤT KITÔ GIÁO

Suy tư về Unitatis redintegratio

Bài giảng thứ V Mùa Chay 2016 của Cha Cantalamessa

1- Con đường đại kết sau Vatican II

Khoa chú giải hiện đại đã làm cho chúng ta quen thuộc với những nguyên tắc của Hans - Georg Gadamer về “ảnh hưởng của lịch sử” (Wirkungsgeschichte). Theo phương pháp này, để hiểu một bản văn, chúng ta cần phải để ý đến những ảnh hưởng của lịch sử mà trong đó bản văn được ra đời, và đặt mình trong lịch sử này để đối thoại với nó.[1] Nguyên tắc này mang lại nhiều tiện ích khi áp dụng cho việc chú giải Kinh Thánh. Nó nói rằng chúng ta không thể hiểu được cách đầy đủ Cựu Ước nếu không đặt trong ánh sáng của sự viên mãn trong Tân Ước, và chúng ta không thể hiểu Tân Ước nếu không đặt trong ánh sáng của những hoa quả đã được trổ sinh trong đời sống Giáo Hội. Bởi thế, việc nghiên cứu lịch sử triết học về “các nguồn”, nghĩa là những ảnh hưởng trực tiếp trên bản văn, tự nó không có đủ. Chúng ta còn cần lưu ý đến cả những ảnh hưởng từ đó nó được áp dụng. Đây là nguyên tắc mà Chúa Giêsu đã nói từ lâu rồi, khi cho rằng “nhìn quả thì biết cây” (x. Lc 6,44).

Với sự điều chỉnh thích hợp, như chúng ta thấy trong những suy niệm trước, nguyên tắc này cũng có thể được áp dụng cho những bản văn của Vatican II. Hôm nay, tôi muốn cho thấy nó được áp dụng các đặc biệt như thế nào với Sắc lệnh về đối thoại, Unitatis redintegratio, đó là chủ đề của suy niệm này. Năm mươi năm hành trình và phát triển trong đối thoại sẽ cho thấy sức sống ẩn chứa trong bản văn này. Sau khi nhắc lại những lý do nền tảng hướng dẫn các Kitô hữu đi tìm kiếm sự hiệp nhất với nhau, và sau khi đã phổ biến một thái độ mới giữa các Kitô hữu từ những Giáo Hội khác nhau liên quan đến vấn đề này, các Nghị Phụ Công Đồng diễn tả mục đích của tài liệu này như sau:

“Thánh Công Đồng này cũng tha thiết mong mỏi tái hiệp nhất giữa tất cả các môn đệ Chúa Kitô, nên muốn cung ứng cho mọi người Công Giáo sự trợ lực, đường lối và phương sách để họ có thể đáp ứng lời mời gọi và ân sủng của Thiên Chúa”.[2]

Những thực thi hay hoa trái của tài liệu này có hai loại. Trên mức độ giáo huấn và cơ cấu, Hội Đồng Tòa Thánh cho sự hiệp nhất Kitô giáo được thành lập. Ngoài ra, những cuộc đối thoại song phương được thực hiện với hầu hết những thú nhận kitô giáo, nhằm mục đích cỗ võ một sự hiểu biết lẫn nhau tốt hơn, so sánh những lập trường của chúng ta và bỏ qua những thành kiến.

Bên cạnh việc đối thoại chính thức và thuộc giáo lý này, cuộc đối thoại nhờ những cuộc gặp gỡ cá nhân và hòa giải con tim cũng được khởi đầu. Theo cái nhìn đó một số những cuộc gặp gỡ được tổ chức và đã để lại dấu ấn trên hành trình đối thoại trong suốt năm mươi năm qua: cuộc gặp gỡ của Đức Phaolô VI với Thượng phụ Athenagoras, nhiều cuộc gặp gỡ của Đức Gioan Phaolô II và của Đức Biển Đức XVI với nhiều nhà lãnh đạo khác nhau đến từ các Giáo Hội Kitô giáo, cuộc gặp gỡ của Đức Phanxicô với Thượng phụ Bartholomew vào năm 2014, và cuối cùng, cách đây ít tuần lễ, cuộc gặp gỡ ở Cuba với Kirill, với Thượng phụ của Moscow mở ra một chân trời mới cho đối thoại.

Trên bình diện đối thoại tâm linh, những người tín hữu từ những Giáo Hội khác nhau có những sáng kiến để gặp gỡ nhau, cùng nhau cầu nguyện và cùng nhau loan báo Tin Mừng – nhưng không có một ý hướng nào về việc chiêu dụ tín đồ và cầu nguyện với những người hoàn toàn trung thành với Giáo Hội của họ. Tôi cũng được may mắn tham dự nhiều cuộc gặp gỡ như thế. Một trong số đó đã để lại dấu ấn đặc biệt sống động trong tâm trí tôi, bởi vì nó như một lời tiên tri nhìn thấy được về điều mà phong trào đại kết phải hướng dẫn chúng ta đi tới.

Vào năm 2009 có một sự cử hành đức tin trọng thể ở Stockholm được gọi là “Jesus Manifestation – Sự biểu dương cho Chúa Giêsu”. Trong ngày cuối cùng, những người tín hữu đến từ nhiều Giáo Hội khác nhau, mỗi người đến từ những con đường khác nhau, diễu hành trong đoàn rước về trung tâm của thành phố. Nhóm nhỏ Công Giáo chúng tôi được hướng dẫn bởi giáo mục địa phương của họ cũng diễu hành xuống một con đường vừa đi vừa cầu nguyện. Khi đến tại trung tâm, các hành được tách ra và nhập thành một khối đám đông cùng tung hô “Vương Quyền của Chúa Kitô” – đám đông này có khoảng 18,000 người trẻ và những người đứng xem rất ngạc nhiên. Cuộc biểu dương “vì” Chúa Giêsu trở thành một sự biểu dương mạnh mẽ “của” Chúa Giêsu. Sự hiện hiện của Người dường như sờ được trong một quốc gia không quen với biểu dương tôn giáo như thế.

Cả những phát triển này của tài liệu về đối thoại là hoa quả của Chúa Thánh Thần và là dấu chỉ về Lễ Hiện Xuống mới. Làm sao Đấng Phục sinh đã thuyết phục các Tông Đồ mở ra với Lương Dân và chào đón họ vào trong cộng đoàn Kitô hữu mình? Người hướng dẫn thánh Phêrô vào nhà ông viên sĩ quan Cornelius và giúp ông đón nhận Chúa Thánh Thần đến trên những người hiện diện ở đó với chính những sự bày tỏ của Chúa Thánh Thần như các Tông Đồ đã kinh nghiệm trong ngày lễ Hiện Xuống: họ nói được nhiều thứ tiếng và lớn tiếng ca ngợi Thiên Chúa. Thánh Phêrô đi đến kết luận: “Nếu khi Thiên Chúa đã ban cùng ân sủng cho họ như Người đã ban cho chúng ta…, vậy thì tôi là ai mà có thể chống lại Thiên Chúa?” (Cv 11,17).

Ngày nay Đấng Phục Sinh tiếp tục thực hiện những điều tương tự như thế. Người sai Thánh Thần của Người và các đặc sủng trên các tín hữu thuộc những Giáo Hội khác nhau, cả những người có niềm tin khác biệt chúng ta, với chính những sự bày tỏ bên ngoài như nhau. Sao lại không nhìn thấy trong đó một dấu chỉ mà Người đang thúc bách chúng ta phải chào đón và nhận biết họ như những anh chị em, cho dẫu hành trình hướng tới sự hiệp nhất mới chỉ còn ở bình diện hữu hình? Trong mọi trường hợp đây đã là điều thay đổi tôi về tình yêu cho sự hiệp nhất Kitô giáo, mặc dầu tôi đã quen với việc nghiên cứu trước Công Đồng là xem Chính Thống giáo và Tin Lành chỉ như là “những đối thủ” để bác bỏ những luận cứ thần học của chúng ta.

2- Một năm từ năm thế kỷ của cuộc Cải Cách Tin Lành (1517)

Trong Mùa Chay năm ngoái, tôi đã cố gắng đưa ra những kết quả của việc đối thoại với Chính Thống Giáo Đông Phương về lĩnh vực thần học. Tôi đã sưu tập những suy niệm này thành một cuộc sách nhỏ có tựa đề “Hai Lá Phổi, Một Hơi Thở”,[3] và tự đề tự nó cho thấy điều chúng ta cố gắng làm và một phần lớn đã được thực hiện. Tại thời điểm này tôi muốn hướng chú ý đến các mối tương quan với người tác lớn khác của việc đối thoại đại kết, đó là thế giới Tin Lành, không đi vào những vấn đề lịch sử và giáo huấn nhưng để cho thấy làm sao mọi sự đang thúc bách chúng ta đi tới trong việc cố gắng để tái lập sự hiệp nhất Kitô Giáo Tây Phương.

Một bối cảnh làm cho những cố gắng này đặc biệt có tính thời sự. Thế giới Kitô giáo đang chuẩn bị kỷ niệm thế kỷ thứ năm của Cải Cách vào năm 2017. Đây là sự sống còn cho toàn thể tương lai của Giáo Hội không đánh mất cơ hội này, khi cứ giữ những tù nhân của quá khứ hay giới hạn mình trong việc sử dụng những âm giọng hòa hợp hơn, để xác định những bổn phận và những sai lầm của hai phía. Tôi tin rằng đây là thời điểm để làm một bước nhảy về phía trước có chất lượng, như con thuyền cập một bờ hay một kênh, cần tiến xa một mức độ cao hơn.

Tình hình đã thay đổi sâu sắc trong năm trăm qua, nhưng luôn là điều khó nhọc để đánh giá nó cách chính xác. Vấn đề đưa tới sự chia rẽ giữa Giáo Hội Rôma và Cải Cách trong thế kỷ thứ XVI chủ yếu liên quan đến ơn đại xá và hình thức mà người tội lỗi đón nhận sự công chính. Nhưng, một lần nữa, chúng ta có thể hỏi rằng những điều này có phải là những vấn đề mà đức tin của con người hôm nay đứng vững hay sụp đổ chăng? Trong một cuộc hội thảo được tổ chức tại Trung Tâm cỗ võ sự hiệp nhất ở Roma, Đức Hồng Y Walter Kasper nhận xét rất chính xác rằng trong khi đối với Luther vấn đề chính yếu số một là làm sao vượt qua ý thức về tội và tìm kiếm một Thiên Chúa tốt lành, thì ngày hôm nay vấn đề trái ngược lại: làm sao giúp con người hôm nay lấy lại cảm thức đích thực về tội mà họ đã hoàn toàn quên lãng.

Tôi tin rằng mọi tranh luận thế kỷ giữa Công Giáo và Tin Lành liên quan đến đức tin và hành vi sẽ kết thúc nhờ việc chúng ta nhận ra điểm chính yếu của sứ điệp Phaolô. Điều mà thánh Tông Đồ muốn khẳng định trên hết trong thư Rôma chương 3 rằng chúng ta không được công chính hóa nhờ đức tin nhưng chúng ta được công chính hóa nhờ đức tin trong Chúa Kitô; Cũng thế chúng ta không được công chính nhờ ân sủng, nhưng chúng ta được công chính hóa nhờ ân sủng của Chúa Kitô. Chúa Kitô là trung tâm điểm của sứ điệp, hơn cả ân sủng và đức tin.

Trong hai chương tiếp theo của thư Rôma, sau khi đã gới thiệu nhân tính trong tình trạng hoàn vũ của tội lỗi và sự hủy hoại, thánh Tông Đồ đã can đảm không thể tin được để quả quyết rằng tình trạng này đã thay đổi tận gốc rễ “nhờ sự cứu chuộc được thực hiện trong Đức Kitô”, “nhờ sự vâng phục của một người (Rm 3,24;5,19).

On cứu độ này được đón nhận nhờ đức tin và không nhờ hành động. Quả quyết này ở trong bản văn và là điều cấp bách nhất phải đưa ra ánh sáng trong thời đại của Luther, lúc đó còn đang bình yên, ít nhất ở Châu Âu; người ta đề cập đến đức tin trong Đức Kitô và ân sủng của Đức Kitô. Nhưng lại xảy ra ở điều thứ hai, không phải trong điều thứ nhất. Chúng ta đã mắc phải sai lầm là giảm thiểu điều mà đối với thánh Phaolô là một khẳng định có phạm vi rộng lớn hơn và có tính hoàn vũ thành một vấn đề thần học thuộc nội bộ Kitô giáo. Ngày hôm nay chúng ta được mời gọi để tái khám khá và cùng nhau loan báo chiều sâu sứ điệp của Phaolô.

Trong những miêu tả về những cuộc chiến thời Trung Cổ luôn có một thời điểm trong đó, khi đã chiến thắng những người bắn cung, kỵ binh và tất cả những gì còn lại, cuộc náo loạn tập trung vào ông vua. Ở đó người ta quyết định kết quả cuối cùng cuộc chiến. Đối với chúng ta cũng thế, cuộc chiến tập trung vào ông vua… con người của Chúa Kitô là điểm của cuộc chiến. Từ quan điểm của việc Tân phúc âm hóa, chúng ta cần trở về với thời gian của các tông đồ. Có một sự tương tự giữa thời đại chúng ta và thời đại của họ: họ phải đối điện với một thế giới “tiền Kitô giáo”, và bây giờ ở Tây Phương chúng ta đang đối điện với một thế giới rộng lớn “hậu Kitô giáo”.

Khi tông đồ Phaolô muốn tóm tắt sứ điệp Kitô giáo trong một lời câu, ngài không nói: “Chúng tôi rao giảng điều này hay giáo huấn này cho anh em”, nhưng ngài nó: “Chúng tôi rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh” (91 Cr 1,23), và “chúng tôi rao giảng… Đức Giêsu Kitô là Chúa (2 Cr 4,5). Bây giờ điều này là “articulus stantis et cadentis Ecclesiae – tín khoản đích thực nhờ đó mà Giáo Hội đứng vững hay sụp đổ.

Điều này không có nghĩa là lờ đi tất cả những gì mà Cải Cách Thệ Phản đã canh tân cách mới mẻ và có giá trị - cả trong lĩnh vực thần học và cũng như trong lĩnh vực tu đức, nhất là việc tái khẳng định về tính ưu tiên của Lời Chúa. Điều này có ý nghĩa đặc biệt cho phép toàn thể Giáo Hội tận hưởng những sự thành tựu tích cực của nó, cùng một lúc được giải thoát khỏi những sự thái quá nào đó và những cứng nhắc, giải tỏa bầu khí căng thẳng cho những can thiệp chính trị và những bút chiến tiếp theo.

Một giai đoạn ý nghĩa trong chiều hướng này là “Tuyên bố đôi bên về Giáo huấn của sự Công chính vào ngày 31 tháng 10 năm 1999, giữa Giáo Hội Công Giáo và Hiệp hội thế giới Lutêrô.[4] Trong phần kết luận tài liệu nói rằng:

“Sự hiểu biết giáo huấn về sự công chính hóa được trình bày trong Tuyên bố này cho thấy rằng một sự đồng tâm nhất trí trong những chân lý nền tảng của giáo huấn về sự công chính tồn tại giữa những người Tin Lành và Công Giáo. Trong ánh sáng của sự nhất trí này, việc gìn giữ sự khác biệt về ngôn ngữ, về việc biên soạn thần học, và nhấn mạnh trong việc hiểu biết về sự công chính được miêu tả trong những đoạn 1 đến 39 là chấp nhận được. Vì lý do này, trong sự khác biệt của họ, sự khai triển của Tin Lành và của Công Giáo về sự công chính thì cởi mở cho nhau và không phải hủy bỏ sự nhất trí liên quan đến chân lý nền tảng”.[5]

Tôi đã có mặt khi thỏa thuận này được tuyên bố trong Đền thờ thánh Phêrô vào giờ Kinh Chiều trọng thể do Đức Gioan Phaolô II chủ sự với tổng giám mục Uppsala, Bertil Werkström. Đức Giáo Hoàng nhận xét trong bài giảng của ngài đánh động tôi. Nếu tôi nhớ chính xác, ngài diễn tả tư tưởng này như sau: đã đến lúc phải dừng lại việc biến học thuyết về sự công chính nhờ đức tin thành một chủ đề để đấu tranh và tranh cãi giữa các nhà thần học và thay vào đó là cố gắng để giúp mọi người đã được rửa tội có một kinh nghiệm cá vị và tự do về chân lý này. Từ ngày đó về sau, mỗi lúc tôi có cơ hội giảng dạy, tôi không ngừng cố gắng giúp anh chị em có kinh nghiệm này.

Sự công chính nhờ đức tin trong Chúa Kitô cần được rao giảng bởi toàn thể Giáo Hội và với một sức mạnh hơn bao giờ hết. Không còn ở trong sự đối lập với “những việc làm tốt” – một vấn nạn đã xảy ra và đã được giải quyết – nhưng đúng hơn trong sự đối lập với đòi hỏi bởi thế giới bị tục hóa mà nó tự cứu độ nhờ khoa học và kỷ thuật hay nhờ kỷ thuật tâm linh con người đã phát minh. Tôi tin rằng nếu Luther và Calvin và những nhà cải cách khác hôm nay vẫn còn sống, đây có lẽ là cách thế họ rao giảng sự công chính được ban nhưng không nhờ đức tin!

Một cuốn sách làm nên thời đại viết rằng:

“Xã hội hiện đại được xây dựng trên khoa học. Khoa học mang lại cho họ sức khỏe, quyền lực, và sự chắc chắn mà xa hơn nữa trong tương lai sự giàu có và quyền lực vẫn thuộc về chúng ta, nếu chúng ta muốn như thế… (Tuy nhiên) được cung cấp bằng mọi thứ quyền lực, tận hưởng tất cả những sự giàu có mà khoa học mang lại cho con người, xã hội chúng ta còn bị cám dỗ sống và giảng dạy những hệ thống giá trị đã bị xói mòn tận nền tảng từ chính nền khoa học này”.[6]

Đối với tác giả này, “hệ thống các giá trị” đã bị tấn công đến tận gốc rễ đương nhiên là những hệ thống tôn giáo. Jean-Paul Sartre bắt đầu từ một cái nhìn triết học, đã đi đến kết luận tương tự. Ông làm cho một nhân vật nói rằng: “Chính tôi hôm nay tự tố cáo mình, chỉ có tôi có thể bào chữa cho tôi; tôi là người. Nếu Thiên Chúa hiện hữu, con người không là gì cả”.[7] Người Kitô hữu ngày hôm nay phải trả lời cho loại thách đố được lăng xê bởi chủ nghĩa khoa học vô thần và bởi chủ nghĩa thế tục với giáo huấn này: “Con người không thể trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa nhờ những hành động, nhưng nhờ ân sủng và đức tin (x. Gl 2,16).

3- Vượt trên những tín điều

Tôi tin rằng trong cuộc đối thoại đại kết với các Giáo Hội Thệ Phản dựa trên vai trò vững chắc của những tín điều. Để tôi giải thích. Những định tín thuộc giáo thuyết và tín điều – ban đầu là hoa quả của những tiến trình sống động và phản chiếu con đường hòa hợp của cộng đoàn và chân lý đã được khám khá một cách khó nhọc, với thời gian qua đi chúng trở nên cứng nhắc trở thành những “những lời của mệnh lệnh”, gắn liền với những nhãn hiệu bên ngoài. Đức tin không còn dừng lại ở thực tại của điều gì, nhưng ở những công thức. Chúng ta làm ngược lại với những điều mà nó phải là trật tự của những điều như lời khẳng định nổi tiếng của thánh Tôma Aquinô: “Fides non terminatur ad enuntiabile, sed ad rem – Đức tin không dừng lại ở công thức của nó, nhưng trong điều tự thân nó”.[8]

Đã có hiện tượng của chủ nghĩa duy hình thức trong quá khứ, giai đoạn sáng tạo những tín điều lớn đã kết thúc.[9] Chỉ gần đây, ví dụ, người ta cho rằng sự chia rẽ bên trong Kitô giáo Đông Phương giữa các Giáo Hội Cacedonia và các Giáo Hội Monophysite hay Nestorian, trong nhiều trường hợp, là dựa trên những định tín và trên những ý nghĩa khác nhau khi hiểu những hạn từ ousia và hypostasis mà họ không động đến bản chất của giáo huấn. Như thế, người ta phải tái thiết lại sự hiệp thông giữa và với các Giáo Hội Đông Phương khác nhau. Cản trở này đặc biệt thấy rõ trong tương quan với những Giáo Hội Cải Cách. Đức tin và hành động, Kinh Thánh và truyền thống: là những trái nghịch nhau có thể hiểu được, và một phần phải được minh chứng ngay từ ban đầu, nhưng chúng đã trở thành sai lạc nếu chúng được lặp lại và cứ giữ như là những tư tưởng không gì có thể thay đổi trong suốt 500 năm. Ví dụ chúng ta hãy lấy sự đối nghịch giữa đức tin và hành động. Đức tin có một ý nghĩa nền tảng nếu nhờ “những hành động tốt” (như nó không may được hiểu trong thời đại của Luther) là ân xá, hành hương, ăn chay, dâng nến, và những việc khác. Tuy nhiên nó trở thành sai lạc nếu nhờ những “hành động tốt” mà chúng ta hiểu là những việc làm bác ái và thương xót. Chúa Giêsu đã cảnh báo chúng ta trong Tin Mừng rằng không có những việc làm đó chúng ta không thể vào Nước Trời và Người buộc phải nói rằng: “Cút khỏi mặt Ta” (Mt 7,23). Một người không được công chính nhờ những hành động tốt, nhưng một người sẽ không được cứu độ nếu không có hành động tốt. Tất cả người Công Giáo và Tin Lành tin điều đó và đây cũng là điều mà Công Đồng Trentô đã nói. Một cách tương tự người ta phải nói về sự tương phản giữa Kinh Thánh và truyền thống. Nó chỉ dừng lại ở bên ngoài khi đụng đến vấn đề mạc khải, nếu như người Tin Lành chỉ có Kinh Thánh trong khi người Công Giáo có Kinh Thánh và truyền thống. Trong thực tế, không có Giáo Hội nào mà không có truyền thống. Điều này giải thích cho sự hiện hữu của rất nhiều tên gọi khác nhau trong giới Thể Phản nếu không phải là những hình thức khác nhau của họ về việc chú giải Kinh Thánh? Và Truyền thống Kitô giáo là gì trong nội dung đích thật của nó, nếu không phải một các chính xác là Kinh Thánh như được đọc trong Giáo Hội và bởi Giáo Hội đó sao?

Ngay cả định tín của Tin Lành “Simul iustus et peccator – cùng một lúc người công chính và người tội lỗi” là một chứng ngại vật không thể qua được cho sự hiệp nhất. Nó là một phần của truyền thống Công Giáo, từ thời các Giáo Phụ, định nghĩa về Giáo Hội như là “casta meretrix – cô điếm trinh khiết” và Giáo Hội “thánh thiện và luôn cần được thanh tẩy” (x. Lumen gentium, 8).[10] Điều mà ta nói về Giáo Hội trong toàn thể, như thân thể của Chúa Kitô, không được áp dụng cho mỗi thành viên của Giáo Hội đó sao?

Cách thể mà trong đó sự đồng hiện hữu của sự thánh thiện và tội lỗi nơi con người được cứu độ được hiểu có thể mở ra cho nhiều giải thích phong và bổ túc lẫn nhau. Trong phần phụ lục của Tuyên bố thống nhất về Giáo huấn của sự Công chính có một sự giải thích về định tín “simul iustus et peccator”, nó không khác với giáo huấn của Công Giáo. Tài liệu nói rằng sự công chính mang lại một sự canh tân đích thức trong đời sống mới của người được rửa tội – mạc dầu sự công chính này không bao giờ trở thành một sự sở hữu chắc chắn, dựa trên đó con người có thể để xây dựng tương quan của mình với Thiên Chúa và luôn luôn phụ thuộc vào hoạt động của Chúa Thánh Thần.

Vào năm 1974 có một thông tin làm ngạc nhiên và làm thích thúc toàn thế giới. Một người lính Nhật Bản, người được gửi tới một hòn đảo ở Philippines trong cuộc Thế Chiến cuối cùng để xâm nhập vào quân địch và thu thập thông tin, anh đã sống 13 năm ẩn dấu nơi này nơi kia trong rừng nhiệt đới, ăn rể cây, hoa quả, và đôi khi chim mồi. Anh xác tín rằng chiến tranh vẫn còn tiếp diễn và anh vẫn tiếp tục sứ vụ của mình. Khi người ta tìm thấy anh, thật khó để thuyết phục anh rằng chiến tranh đã kết thúc và anh có thể trở về với gia đình. Tôi tin rằng có điều gì đó tương tự xảy ra ở giữa những người Kitô giáo. Có những Kitô hữu cần phải được thuyết phục rằng cả hai bên chiến tranh đã qua rồi. Những cuộc thánh chiến giữa Công Giáo và Thệ Phản đã kết thúc rồi, và chúng ta có những việc phải làm hơn là thích gây sự với nhau! Thế giới đã lãng quên, hay chưa được biết Đấng Cứu Thế của mình, người là ánh sáng của thế giới, là đường, sự thật và sự sống, làm sao chúng ta cứ hoang phí thời gian để ngồi cãi nhau?

4- Hiệp nhất trong bác ái

Tuy nhiên lý do thực hành không đủ mang lại sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu. Nó không đủ để giúp chúng ta hiệp nhất trên phương diện phúc âm hóa và hoạt động bác ái. Đây là một con đường mà phong trào đại kết đã cố gắng ngay từ ban đâu, nhưng nó cũng đã cho thấy còn chưa đủ. Nếu sự hiệp nhất cả các môn đệ phải là một phản ánh về sự hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con, vượt trên tất cả phải sự hiệp nhất của tình yêu, bởi vì đây là sự hiệp nhất ngự trị trong Ba Ngôi. Ba Ngôi vị thần linh hiệp nhất trong hữu thể, không phải vì Ba Ngôi “hoạt động cách liên kết” trong tạo thành và tất cả những công trình “ad extra – ngoại tại”. Kinh Thánh mời gọi chúng ta “rao giảng chân lý trong tình yêu (veritam facientes in caritate) (x. Eph 4,15), và thánh Augustinô khẳng định rằng “người ta không thể hiểu biết chân lý nếu không nhờ tình yêu - non intratur in veritatem nisi per caritatem”.[11]

Điều khác thường hướng tới con đường này dẫn tới sự hiệp nhất dựa trên tình yêu là điều mà đã được phổ biến rộng rãi trước chúng ta. Chúng ta không thể “đốt cháy giai đoạn” về giáo huấn bởi vì có những khác biệt và sẽ được giải quyết một cách kiên nhẫn trong chỗ phù hợp. Tuy nhiên, chúng ta có thể đốt cháy những giai đoạn trong bác ái, và dần dần trở nên hiệp nhất, cho đến hôm nay. Dấu chỉ đích thức và chắc chắn của sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, như thánh Augustinô làm chứng, không phải là nói các thứ tiếng, nhưng là tình yêu hiệp nhất: “Bạn có thể chắc chắn bạn cho Thánh Thần khi bạn cho phép trái tim bạn gắn bó với sự hiệp nhất ngang qua một sự bác ái chân thành”.[12]

Chúng ta hãy nhắc lại bài ca đức ái của thánh Phaolô. Mỗi câu chứa đựng một ý nghĩa mới mẻ và bổ ích nếu nó được áp dụng cho tình yêu giữa những thành phần của các Giáo Hội Kitô giáo khác nhau, cho những tương quan đại kết:

“Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu,

không ghen tuông, không vênh vang, không tự đắc,

không làm điều bất chính, không tìm tư lợi (hay chỉ quan tâm đến Giáo Hội mình thôi)

không nóng giận, không nuôi hận thù, (hay là nhắc nhớ những điều sai lỗi cho người khác)

không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật (không chia sẻ những khó khăn của các Giáo Hội khác nhưng chia sẻ những thành công tâm linh của họ).

Đức Mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (x. 1 Cr 13,4-7.

Người ta nói rằng: “Yêu nhau không phải là để nhìn nhau, nhưng cả hai cùng nhìn về một hướng”.[13] Giữa các Kitô hữu cũng thế, yêu thương một người khác có nghĩa là cùng nhau tìm kiếm một hướng đi, đó là hướng đi của Chúa Kitô. “Người là bình an của chúng ta” (Eph 2,14). Nếu chúng ta trở về với Chúa Kitô và cùng nhau hướng về Người, chúng ta những Kitô hữu sẽ lôi kéo nhau lại gần hơn cho đến khi chúng ta trở thành điều mà chúng ta cầu nguyện: “Hiệp nhất nên một trong Người và với Chúa Cha” (x. Ga 17,9). Điều này xảy ra tương tự như những nan hoa của một bánh xe. Chúng khởi đi từ những điểm khác nhau của vành xe, nhưng dần dần chúng xích tới trung tâm, chúng cũng xích gần nhau, cho đến khi tạo nên một điểm duy nhất. Nó đã xảy ra giống như đã xảy ra ở Stockholm.

Chúng ta sắp cử hành lễ Vượt Qua. Trên thập giá Chúa Giêsu “đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét… Nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha” (Eph 2,14.18). Chúng ta đừng quên làm điều đó, vì niềm vui của Con Tim của Kitô và vì lợi ích của nhân loại.

Chúc mừng Đức Thánh Cha, quý Cha, quý anh chị em Tuần Thánh sốt sắng và Lễ Phục sinh vui vẻ!

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương dịch từ nguồn https://zenit.org/articles/father-cantalamessas-5th-lent-homily-2016/

GHI CHÚ:

[1] See Hans-Georg Gadamer, Truth and Method (New York: Continuum International, 2006).

[2] Unitatis redintegratio, n. 1. All papal quotes are from the Vatican website.

[3] Raniero Cantalamessa, Due polmoni, un unico respiro: Oriente e Occidente di fronte ai grandi misteri della fede [Two Lungs, One Breath: East and West Before the Great Mysteries of Faith] (Rome: Libreria Editrice Vaticana, 2015).

[4] Joint Declaration on the Doctrine of Justification. This document can be found online on the Vatican website through its title.

[5] Ibid., n. 40.

[6] Jacques Monod, Chance and Necessity: An Essay on the Natural Philosophy of Modern Biology, trans. Austryn Wainhouse (New York: Knopf, 1971), pp. 170-171.

[7] See Jean-Paul Sartre, The Devil and the Good Lord, X, 4, trans. Kitty Black in “The Devil and the Good Lord” and Two Other Plays (New York: Random House, 1960), p. 141.

[8] See Thomas Aquinas, Summa teologica, II-IIae, q. 1, a. 2, ad 2: “The faith of the believer does not terminate in a proposition but in a thing.”

[9] See G. L. Prestige, God in Patristic Thought (Eugene, OR: Wipf and Stock, 2008), especially Chapter 13, “The Triumph of Formalism,” pp. 265-281.

[10] See Hans Urs von Balthasar, “Casta meretrix,” in Explorations in Theology, Vol II: Spouse of the Word, trans. John Saward (San Francisco: Ignatius Press, 1991), pp. 193-288.

[11] Augustine, The Answer to Faustus a Manichean, 32, 18, trans. Edmund Hill, Part 1, vol. 20, The Works of Saint Augustine, ed. John E. Rotelle (Hyde Park, NY: New City Press, 2007), p. 420.

[12] See Augustine, “Sermon 269,” 4, in Sermons (230-272B) on Liturgical Seasons, trans. Edmund Hill, The Works of Saint Augustine, Part 3, vol. 7, ed. John E. Rotelle (Hyde Park, NY: New City Press, 1994), p. 283.

[13] Antoine de Saint-Exupéry, Wind, Sand and Stars [Terre des hommes], trans. Lewis Galantière (1939; New York: Harcourt, 1967), p. 215.
 
Văn Hóa
Đức Giêsu: Thất Vọng và Hy Vọng
Nguyễn Trung Tây
21:17 23/03/2016
□ Nguyễn Trung Tây
Đức Giêsu: Thất Vọng và Hy Vọng


□ Cách đây khá lâu, có rất nhiều người cũng đã cảm nghiệm được sự mất mát to lớn cho một giấc mơ. Nhìn hòn đá đang từ từ che kín ngôi mộ, nhiều người có cảm tưởng mình đang lăn tảng đá chôn lấp giấc mơ của chính mình. Còn gì nữa mà mơ! Có người bỏ về làng tiếp tục nghề đánh cá. Có người âm thầm ngồi than khóc trong bóng tối. Có người treo cổ tự sát!



Mở cửa văn phòng, tôi gặp chị và bạn…

Thấy tôi, chị khóc nức nở,

— Cháu mới sáu tuổi, làm gì nên tội mà phải bị ung thư?

Tôi gặp bạn, bạn than phiền,

— Nhớ lại cảnh vợ mình bị hải tặc Thái Lan bạo hành, tôi vẫn không thể nào hiểu được con người và chiều sâu dã thú...

Lắng nghe những lời chia xẻ của chị và của bạn, tôi xót xa trong lòng. Tôi muốn nói nhiều, nhiều thật nhiều, hy vọng chị và bạn sẽ bớt đi những giọt nước mắt phiền muộn. Nhưng thật lòng tôi biết tôi không có câu trả lời cho những câu hỏi về mối tương quan giữa cuộc sống và thất vọng. Nhưng tôi nói xin cho tôi được có cơ hội để chia sẻ về nỗi niềm thất vọng của một người...

Cả chị và bạn cùng đều bật miệng hỏi lại,

— Cha muốn nói ai?

Tuần Thánh nếu phải đặt tên cũng là tuần của thất vọng. Đức Giêsu thất vọng bởi Giuđa, người môn đệ thân cận đang âm mưu rập rình bán đứng sư phụ. Đức Giêsu thất vọng bởi Ngài thấy trước Phêrô sẽ chối từ mối liên hệ thầy trò không phải chỉ là một, mà là ba lần nơi công cộng. Trong Vườn Cây Dầu, Ngài mang theo ba người môn đệ thân cận hy vọng sẽ được ủi an. Nhưng không, Phêrô, Giacôbê, và Gioan mệt nhọc thân xác tiếp tục nhắm mắt ngủ yên trong Vườn không hề hay biết mặt đất đang rung chuyển bởi vó ngựa quân lính La Mã. Thất vọng này nối tiếp thất vọng kia, bởi trên cây thánh giá, Đức Giêsu cảm nhận được sinh lực của tuổi ba mươi đang dần dần bốc hơi khô cạn trong thân xác. Và thật đúng như vậy, khi cửa ngôi mộ đá chầm chậm đóng lại chôn lấp một xác chết, chẳng có còn gì sót lại gì cho Đức Giêsu và những người môn đệ hy vọng vào một ngày mai.


I. Nỗi Niềm Thất Vọng
Vào đêm Đức Giêsu bị bắt trong Vườn Cây Dầu, tất cả những môn đệ của Người đã hoàn toàn mất hy vọng vào Thầy của mình. Bởi thế họ đã bỏ Thầy, bỏ tất cả chạy lấy người. Tuy nhiên, bởi Phêrô vẫn còn chút hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn, ông đã liều lĩnh đi tới sân Tòa Án Tối Cao của người Do Thái. Nhưng rất tiếc, Phêrô cũng không khám phá ra được điều gì khác hơn ngoài việc ông tự nhiên lại mang lấy phải cái vạ chối Thầy vào người.

Vào khoảng ba giờ chiều của ngày thứ Sáu hôm đó, bầu trời của kinh thành Giêrusalem lúc đó đã tối lại càng tối đen hơn cho những người môn đệ của Đức Giêsu, khi chính họ chứng kiến giây phút cặp mắt thất thần của Đức Giêsu đang từ từ nhắm chặt lại.

Cuối cùng, trong khi đứng nhìn tảng đá của ngôi mộ được ông Giuse Arimáthêa chầm chậm lăn lại che kín một xác chết, mọi người môn đệ của Đức Giêsu biết rằng đã không còn gì để họ hy vọng. Họ hoàn toàn thất vọng vào một tương lai trong Đức Giêsu.


II. Mầu Nhiệm Thương Khó
— Bạn đang đứng ở đâu trong khi những giọt mồ hôi máu đỏ của Đức Giêsu đang rớt xuống, thấm sâu vào lòng đất đen trong Vườn Cây Dầu? Bạn có nghe thấy tiếng Đức Giêsu đang năn nỉ những người môn đệ thân tín, những người bạn bè ruột thịt thân thiết trong suốt một khoảng thời gian dài là làm ơn cố gắng tỉnh thức để chia xẻ nỗi niềm cô đơn với Ngài hay không? Bạn nghĩ gì khi Đức Giêsu bị bạn bè đâm, không phải là sau lưng nhưng ngay trước mặt, bằng một cái hôn nồng nàn thắm thiết? Bạn thấy gì khi Đức Giêsu bị tất cả mọi người bỏ rơi, đứng chơ vơ giữa một rừng gươm sắc, giáo mác, và những kẻ chống đối Ngài? Trong hoàn cảnh bơ vơ lạc loài này, Đức Giêsu sẽ quay sang ai để tìm kiếm cảm thông, chia xẻ, và an ủi? Bạn có nhìn thấy vòng gai sắc nhọn đang đâm thâu qua đầu Ngài? Máu đỏ lại rơi xuống. Thịt da lại rách tan. Bạn có ước lượng được cây thánh giá đang đè lên vai của Đức Giêsu nặng khoảng bao nhiêu pounds hoặc là bao nhiêu ký hay không? Có thể chúng ta vẫn không bao giờ biết được sức nặng thật sự của cây thánh giá, nhưng ít ra chúng ta biết là cây thập giá nặng lắm, nếu không Đức Giêsu đã không té ngã ba lần dưới sức nặng của hai cây gỗ đan chéo vào nhau. Cả ba lần Đức Giêsu té ngã xuống mặt đường ngập đầy đá sỏi của kinh thành Giêsuralem, bạn đang làm gì? Bạn đứng ở đâu? Bạn có thấy Ngài té ngã xuống mặt đường, và đá sỏi tiếp tục cào rách nát khuôn mặt của Ngài ra không?

Tôi tiếp tục chia sẻ,

— Trên đỉnh núi Sọ, bạn có nghe thấy tiếng búa sắc nhọn đang đập xuống những đầu đinh, và những đầu đinh sắc nhọn đang đâm xuyên qua hai chân và hai tay của Đức Giêsu hay không? Bạn có thấy trời đang kéo mây đen che kín đỉnh đồi Calvê hay không? Bạn nghĩ gì khi đất đá của Núi Sọ rung động, mồ mả của những người đã chết bật tung nắp, màn trong đền thờ Giêrusalem xé rách ra làm hai vào giây phút Đức Giêsu nhắm chặt mắt lại? Bạn nghĩ gì khi bộ ngực gầy gò ốm yếu của Đức Giêsu không còn di động lên xuống theo nhịp thở yếu ớt nữa?


III. Mầu Nhiệm Phục Sinh
Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, bởi vì câu chuyện thất vọng của năm xưa không dừng lại ở đoạn ông Giuse đang từ từ lăn tảng đá che kín lại ngôi mộ đá. Hai ngày sau, sứ thần từ trời cao ngự xuống đẩy tảng đá che kín ngôi mộ của Đức Giêsu sang một bên. Nhờ thế người ta mới biết là ngôi mộ được niêm phong bởi lệnh của Quan Tổng Trấn Philatô tự nhiên trở thành ngôi mộ trống (Mátthêu 27:62-66). Nhờ những người phụ nữ Do Thái dẫn nhau đi ra ngôi mộ vào buổi sáng sớm của ngày hôm đó, người ta mới biết xác Đức Giêsu đã biến mất. Ngôi mộ đá đã lạnh ngắt lại càng trở nên lạnh ngắt với khăn liệm nằm chơ vơ lạc loài (Máccô 16:1-8, Luca 24:12). Nhờ Maria Mađalêna còn vấn vương với ngôi mộ trống sau khi Phêrô và người môn đệ được Đức Giêsu thương mến đã bỏ về nhà, chúng ta mới biết ngôi mộ đá trở nên ngôi mộ trống chính vì Đức Giêsu đã sống lại (Gioan 21:11-18). Và nhờ hai người môn đệ, một người tên là Clêôpas, thất vọng bỏ thành phố Giêrusalem ra đi, chúng ta mới hiểu tại sao ngôi mộ của Đức Giêsu đã trở thành ngôi mộ đá trống (Luca 24:13-35). Nhờ những người môn đệ của Đức Giêsu mất hy vọng bỏ về lại Bắc Galilê tiếp tục hành nghề ngư phủ trên Biển Hồ, chúng ta mới biết Đức Kitô đã thực sự phục sinh, bởi vì Ngài đã hiện ra bên bờ biển vào một buổi sáng sớm, trong khi những người ngư phủ đang thất vọng với khoang thuyền trống vắng không một con cá (Gioan 21:1-14). Nhờ những nhân chứng phục sinh tiên khởi vừa được liệt kê ở trên, chúng ta biết ngôi mộ đá trở thành ngôi mộ trống bởi vì Đức Giêsu đã phục sinh, và Ngài trở thành Niềm-Hy-Vọng cho mỗi người trong chúng ta.

Trong phạm trù Kitô học, Đức Kitô Phục Sinh trở thành Niềm-Hy-Vọng cho mọi người trong chúng ta bởi vì Ngài cũng đã từng thất vọng với cuộc sống. Trong nguyện đường của thị trấn Nazareth, Ngài thất vọng nói, “Không có ngôn sứ nào được chấp nhận nơi quê hương của mình” (Luca 4:24). Trong Vườn Cây Dầu, Ngài buồn phiền thở than, “Lạy Cha! Nếu được, xin cất chén đắng này xa con” (Máccô 14:36). Trên đỉnh núi Sọ, Ngài thất vọng kêu lớn tiếng, “Lạy Chúa! Lạy Chúa! Sao lại bỏ rơi con”? (Matt 27:46).

Cuộc sống nào mà lại không có những nhọc nhằn, những phiền muộn, và những thất vọng? Đức Giêsu cũng đã từng thất vọng, nhưng Ngài không bao giờ tuyệt vọng. Lúc nào Ngài cũng chấp nhận và tin tưởng vào bàn tay quan phòng diệu kỳ của Thiên Chúa quyền năng, mặc dù Ngài thất vọng vào đám đông của thị trấn Nazaret, những người đồng hương đang bịt mũi khinh bỉ gốc gác thợ mộc của Ngài. Lúc nào Ngài cũng hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn rực rỡ hơn, dù rằng Ngài đang bị mọi người bỏ rơi trong Vườn Cây Dầu. Lúc nào Đức Giêsu cũng hy vọng vào Nước Trời mặc dù ánh mắt của Ngài đang lạc thần, mờ đi, và xám đen lại vào khoảng 3 giờ chiều của ngày thứ Sáu hôm đó. Và đúng như Ngài đã từng tin tưởng, chấp nhận, và hy vọng, cuối cùng Ngài đã sống dậy từ trong kẻ chết, và Ngài đã trở thành Đức Kitô Phục Sinh. Ngài trở thành Niềm-Hy-Vọng cho mỗi người Kitô hữu chúng ta về một cuộc sống với niềm hy vọng vào một Thiên Chúa quyền năng nhưng nhân hậu.

Bạn,

Ai trong chúng ta lại chẳng có những lúc sống với thất vọng, với tuyệt vọng? Ai trong chúng ta lại chẳng có những giây phút hoàn toàn mất tin tưởng vào ngày mai bởi vì giấc mơ của mình trong vòng bao nhiêu năm vừa chợt sụp đổ như hai tòa nhà cao ngất trời của Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế đang từ từ sụp đổ vào một buổi sáng mùa thu ngày 11 tháng 9 năm 2001? Ai trong chúng ta chẳng có những lúc bừng con mắt dậy, thấy mình trắng tay? Tương tự như Giuđa và Phêrô đã từng một lần cảm nghiệm, giờ này chúng ta mất hết, bây giờ chúng ta trắng tay!

Những mất mát trong cuộc sống khiến ai chẳng cảm thấy buồn phiền tiếc nuối. Cách đây khá lâu, có rất nhiều người cũng đã cảm nghiệm được sự mất mát to lớn cho một giấc mơ. Nhìn hòn đá đang từ từ che kín ngôi mộ, nhiều người có cảm tưởng mình đang lăn tảng đá chôn lấp giấc mơ của chính mình. Còn gì nữa mà mơ! Có người bỏ về làng tiếp tục nghề đánh cá. Có người âm thầm ngồi than khóc trong bóng tối. Có người treo cổ tự sát.

Cuộc sống là một tổng hợp của những buồn và vui, khóc và cười, mất và được. Có những lúc nổi giận, đốt hết. Có những lúc từ bi, thứ tha. Có những lúc mất hết, trắng tay. Những mất mát trong đời là một phần của cuộc sống. Chấp nhận mất mát cũng như chấp nhận ánh sáng ban ngày và bóng tối ban đêm. Chấp nhận mất mát cũng như chấp nhận mình đang còn trẻ và mình cũng đang già. Chấp nhận mất mát cũng như chấp nhận mình là con của bố và của mẹ, có những người chị, người anh, và người em.

Nhưng chấp nhận không thì cũng chưa đủ. Phải hy vọng, hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn, rực rỡ hơn. Hy vọng như người con hoang đàng, hai người phụ nữ, một người bên giếng nước Giacóp, một người trong nhà ông Biệt Phái Simon, đã hy vọng những dĩ vãng những lỗi lầm của mình sẽ được quên đi, sẽ được xóa nhòa. Hy vọng như Phêrô đã từng hy vọng là mình sẽ được thứ tha. Thất vọng như Giuđa đã từng tuyệt vọng vào một ngày mai. Cành cây bên vệ đường là nơi người mất hy vọng tìm đến. Một sợi dây treo lên, một mạng người rớt xuống. Hy vọng như hai người môn đệ trên đường Emmau. Vào một buổi sáng mùa Xuân, có hai người mất hy vọng đang đi với nhau. Nhưng Niềm-Hy-Vọng đã tới với họ. Niềm-Hy-Vọng chuyện trò với họ. Và bởi Niềm-Hy-Vọng, họ quyết định quay về Giêrusalem, thành phố của mất hy vọng. Họ quay về để tạo dựng lại một niềm hy vọng mới. Bao nhiêu người chứng kiến cảnh tảng đá đang từ từ chôn lấp một xác chết. Họ thất vọng. Họ cảm nghiệm đắng cay cho một mất mát. Nhưng rồi họ lại hy vọng, hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn. Cuối cùng đúng như họ mơ ước Mùa Hy Vọng của Kitô Giáo đã tới gần hai ngàn năm.

□ Nguyễn Trung Tây
www.nguyentrungtay.webs.com
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nơi An Nghỉ
Tấn Đạt
18:13 23/03/2016
NƠI AN NGHỈ
Ảnh của Tấn Đạt
Tuần Thánh xin cầu cho linh hồn
những người đã qua đời.
 
VietCatholic TV
Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 17– 23/03/2016: Câu chuyện Người Trộm Lành
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
11:05 23/03/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Sợi dây hy vọng

Niềm hy vọng của Kitô hữu là một nhân đức khiêm tốn nhưng mạnh mẽ. Nhân đức ấy gìn giữ chúng ta để chúng ta không chết đuối giữa những khó khăn của cuộc sống. Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Năm, ngày 17 tháng 03, tại nguyện đường Thánh Marta. Đức Thánh Cha khẳng định rằng trông cậy nơi Thiên Chúa, chúng ta sẽ không bao giờ phải thất vọng. Đó chính là nguồn mạch hoan lạc, đem lại an bình cho tâm hồn chúng ta.

Đức Thánh Cha đã triển khai bài giảng dựa trên bài Tin Mừng theo Thánh Gioan (8, 51-59) và nhấn mạnh rằng: “Niềm hy vọng là nền tảng đời sống của người Kitô hữu. Trên bước đường hy vọng, ông Áp-ra-ham đã gặp phải nhiều cám dỗ, nhưng ông vẫn tin tưởng và vâng phục Thiên Chúa. Nhờ đó ông đã bắt đầu tiến vào cuộc hành trình đi về Đất Hứa. Đức Giêsu nói với người Do Thái rằng ông Áp-ra-ham đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của Đức Giêsu.

Hy vọng giúp chúng ta tiến lên phía trước và mang lại cho chúng ta niềm vui

Ngày hôm nay Giáo Hội nói với chúng ta về sự hoan lạc của niềm hy vọng. Trong Lời nguyện Nhập lễ, chúng ta đã nài xin Thiên Chúa ơn gìn giữ niềm hy vọng của Giáo Hội để niềm hy vọng ấy không bao giờ lịm tắt đi. Thánh Phaolo đã nói về ông Áp-ra-ham và với chúng ta rằng: Tin tưởng dựa trên niềm hy vọng. Hy vọng chính là một nhân đức giúp ta tiến về phía trước. Đó là một nhân đức khiêm tốn, đơn sơ nhưng mang lại cho chúng ta niềm vui, đôi khi là những niềm vui thật to lớn, nhưng đôi khi chỉ là niềm an bình giản dị. Chúng ta có thể chắc chắn rằng đặt hy vọng nơi Thiên Chúa, chúng ta sẽ không phải thất vọng bao giờ.

Đây là niềm vui mừng hy vọng của ông Áp-ra-ham. Niềm hy vọng ấy đã triển nở trong suốt chiều dài lịch sử. Nhiều khi Thiên Chúa che dấu đi khiến ông không nhìn thấy; nhưng rất nhiều lần Thiên Chúa đã bày tỏ cách rõ ràng cho ông biết. Niềm vui ấy cũng diễn ra với Mẹ Maria. Khi Mẹ đến nhà chị họ, bà Elisabet nói với Mẹ: ‘Này đây khi tôi vừa nghe tiếng em chào thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.’ Trong cuộc gặp mặt đó, có niềm vui mừng hoan lạc của việc Thiên Chúa cư ngụ giữa Dân Người. Và một khi đã có niềm vui, thì bình an cũng xuất hiện. Đây chính là đặc tính của nhân đức cậy (hy vọng): từ vui mừng dẫn tới bình an, và không bao giờ thất vọng. Khi con cái Ít-ra-en phải trải qua những ngày tháng nô lệ, tù đày trên vùng đất dân ngoại, với niềm hy vọng trông cậy, họ chẳng hề thất vọng, chán chường.

Niềm hy vọng củng cố chúng ta và không để chúng ta chết chìm trong khó khăn, đau khổ

Sợi dây hy vọng bắt đầu với Áp-ra-ham khi Thiên Chúa ngỏ lời với ông, và đã được hoàn thành nơi Đức Giêsu trên thập giá. Chúng ta có thể nói mình có đức tin và lòng bác ái, nhưng lại rất khó để trả lời có niềm hy vọng hay không. Nói thì có vẻ dễ, nhưng khi người ta hỏi: ‘Bạn có hy vọng không? Bạn có thấy vui mừng khi hy vọng không?’; chúng ta hay trả lời là: ‘Tôi không biết. Tôi không giải thích được.’ Hy vọng, nhân đức khiêm tốn đó chảy âm ỉ dưới mạch nước cuộc sống nâng đỡ chúng ta để chúng ta không chết chìm trong những khó khăn, thách đố; giúp chúng ta không đánh mất khao khát tìm gặp Thiên Chúa, khao khát được diện kiến dung nhan rạng ngời của Ngài. Dung nhan ấy một ngày kia tất cả chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng.

Niềm hy vọng không làm thất vọng: âm ỉ, khiêm tốn nhưng mạnh mẽ

Ngày hôm nay thật thuận tiện để suy nghĩ về điều này: Thiên Chúa, Đấng đã kêu gọi Áp-ra-ham dám rời bỏ vùng đất của ông trong khi ông lại không hề biết phải đi về đâu; thì chính Vị Thiên Chúa ấy lại bước lên cây thập giá để kiện toàn lời đoan hứa đó. Và đến thời kỳ viên mãn, Vị Thiên Chúa ấy cũng làm cho lời hứa trở thành hiện thực với mỗi người chúng ta. Điều nối kết thời điểm ban đầu của Áp-ra-ham và thời đại cánh chung chính là sợi dây hy vọng. Chính sợi dây đó cũng nối kết đời sống Kitô hữu của tôi và của chúng ta lại với nhau, từ thời đại này đến thời đại khác, để chúng ta cùng nhau tiến lên phía trước. Mặc dù tội lỗi bất toàn, nhưng chúng ta cứ tiến lên. Đó chính là niềm hy vọng. Niềm hy vọng mang lại cho chúng ta an bình trong những lúc tồi tệ. Trong những thời khắc đen tối nhất của cuộc sống, vẫn có niềm hy vọng le lói phía chân trời. Niềm hy vọng không khiến chúng ta phải thất vọng. Nó luôn có đó: khiêm tốn, âm ỉ nhưng hết sức mãnh liệt.”


2. Câu chuyện Người Trộm Lành

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Phụng Vụ ngày Thứ Sáu Tuần Thánh kể lại những lời đối đáp của Chúa Giêsu và hai người cùng bị đóng đinh với người. Những lời đối đáp thốt lên từ trong cổ họng khô kiệt của họ vang dội đến ngày nay. Những lời này còn tiếp tục vang dội như một dấu chỉ của hy vọng và ơn cứu độ cho những ai đã phạm tội nhưng cũng đã tin và tín thác ngay cả trước đường biên cuối cùng của cuộc đời.

Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này có làm điều gì trái đâu!”

Rồi anh ta thưa với Đức Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi nhé!”

“Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”

Những giây phút còn lại đang dần qua khi Chúa Giêsu tiến gần đến cái chết; sức sống và sức mạnh của Ngài đang kiệt dần. Tuy thế, Ngài vẫn còn chút sức lực để thực hiện cử chỉ yêu thương cuối cùng cho một trong hai người bị kết án tử hình là những người đang bên cạnh Ngài trong giờ phút bi thảm này, khi mặt trời công chính còn cao vời vợi trên thiên quốc. Giữa Chúa Kitô và con người đó, một cuộc đàm thoại ngắn ngủi đã diễn ra, với hai câu thiết yếu.

Đầu tiên là lời thỉnh cầu của người tội phạm mà truyền thống thường gọi là người “trộm lành”, người đã hoán cải trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời. “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi nhé!” Hầu như anh ta đang xướng lên một phiên bản “Kinh Lạy Cha” của cá nhân anh với lời cầu “Nước Chúa trị đến!”. Nhưng anh ta đọc kinh ấy trực tiếp với Chúa Giêsu, kêu tên Người, một danh xưng có ý nghĩa ngoại thường trong giờ phút đó: “Thiên Chúa cứu chuộc”. Sau đó là một lời thỉnh cầu “Xin nhớ đến tôi nhé!”. Trong ngôn ngữ của Thánh Kinh động từ này có một lực đặc biệt chuyển tải nhiều hơn từ “nhớ” không có chút sắc mầu nào của chúng ta. Đó là từ thở ra sự xác tín như thể nói: “Xin giữ gìn tôi, xin đừng bỏ tôi, như bằng hữu nâng đỡ và bảo vệ tôi!”.

Rồi có tiếng đáp lại của Chúa Giêsu, nhanh chóng và như một lời thì thầm: “Hôm nay anh sẽ ở với tôi trên nước Thiên Đàng”. Từ “Thiên Đàng” này rất hiếm thấy trong Thánh Kinh. Thật vậy, từ này chỉ xuất hiện hai lần nữa trong Tân Ước. Trong nghĩa nguyên thủy từ này gợi ra một khu vườn huy hoàng và đầy hoa trái. Đó là hình ảnh đẹp của Vương Quốc ánh sáng và hòa bình mà Chúa Giêsu đã công bố trong những lời rao giảng, và đã hé mở với những phép lạ của Ngài, cũng như sẽ nhanh chóng xuất hiện trong vinh quang Phục Sinh. Đó là mục tiêu của cuộc hành trình khó nhọc của chúng ta xuyên suốt lịch sử, đó là sự viên mãn của cuộc sống, đó là sự thân mật trong vòng tay Thiên Chúa. Đó là hồng ân chung cuộc Chúa Kitô trao cho chúng ta, trong sự hy sinh đến chết trên thập giá của Ngài để mở ra vinh quang phục sinh.

Trong ngày đau khổ và đớn đau này, hai người bị đóng đinh ấy không nói gì khác, nhưng vài lời thốt lên từ trong cổ họng khô kiệt của họ vang dội đến ngày nay. Những lời này còn tiếp tục vang dội như một dấu chỉ của hy vọng và ơn cứu độ cho những ai đã phạm tội nhưng cũng đã tin và tín thác ngay cả trước đường biên cuối cùng của cuộc đời.

3. Cầu xin cho Tuần Thánh giúp chúng ta chấp nhận đường lối Chúa

Hãy chấp nhận tình yêu Chúa chứ đừng phàn nàn và chống đối lại. Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời mời gọi trên đây trong thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta.

Lấy ý từ Bài Đọc Cựu Ước trong ngày nói về chuyện con cái Israel phàn nàn chống lại Thiên Chúa trong cuộc hành trình qua sa mạc và chuyện họ phản đối những cái họ gọi là “thực phẩm tồi tệ” được ban cho họ, Đức Giáo Hoàng chỉ ra rằng Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho chúng ta trong hàng ngàn cách thế khác nhau nhưng quá thường khi chúng ta không có khả năng chấp nhận những “đường lối thánh thiện” dành cho mình.

Bài đọc Cựu Ước từ Sách Dân Số kể lại chuyện dân Israel gặp nạn là những con rắn cắn chết nhiều người. Moses đã cầu nguyện cho dân và theo mệnh lệnh của Chúa, đã đúc một con rắn đồng để cứu những ai nhìn vào nó sau khi bị cắn.

Lời bầu của Moses và biểu tượng của thập giá nơi Chúa Kitô sẽ bị chết treo đã cứu dân Israel khỏi chết vì nọc độc của các loài rắn.

Mô tả thái độ của nhiều Kitô hữu ngày nay là “lắc lư về tinh thần,” Đức Thánh Cha nói rằng chúng ta thường phạm cùng một tội lỗi là “bực dọc và ta thán”.

“Có bao nhiêu người trong chúng ta thấy mình đang bị ‘đầu độc’ vì những bất mãn trong cuộc sống. Đúng, Thiên Chúa là tốt lành đấy nhưng mà ... Chúng ta là Kitô hữu, đúng thế, nhưng mà ... Đây là loại Kitô hữu cuối cùng không mở trái tim của mình ra cho ơn cứu rỗi của Thiên Chúa, nhưng luôn luôn đặt ra điều kiện. ‘Vâng, tôi muốn được cứu rỗi lắm, nhưng phải như thế này ...’ Thái độ này đầu độc tâm hồn chúng ta”

Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh cáo rằng khi chúng ta không chấp nhận những ân sủng của Thiên Chúa theo cách thức các ân sủng này được trao ban thì đó là một tội lỗi. Nó đầu độc tâm hồn chúng ta, nó tước đi niềm vui. Và Chúa Giêsu đành phải leo lên núi Calvariô.

“Chính Chúa Giêsu tự nguyện gánh lấy chất độc vào mình. ‘Thái độ lưng chừng’ của các Kitô hữu hiện nửa vời là những người nhiệt tình vào lúc bắt đầu cuộc hành trình với Chúa Giêsu đã làm cho họ thất vọng ở giữa đường. Cách duy nhất để chữa lành là nhìn vào thập giá, nhìn vào Thiên Chúa, là Đấng đã gánh lấy tội lỗi của chúng ta”.

Đức Thánh Cha kết luận rằng ngày nay có quá nhiều Kitô hữu “chết trong sa mạc của nỗi buồn, trong những lời cằn nhằn và trong thái độ không chấp nhận đường lối Chúa”.

“Hãy nhìn vào con rắn, hãy nhìn vào nọc độc nơi thân xác Chúa Kitô. Nọc độc của tất cả các tội lỗi trên thế giới và chúng ta hãy xin Chúa ban cho ân sủng dám chấp nhận những lúc khó khăn, dám chấp nhận ơn cứu rỗi theo thánh ý Chúa, dám chấp nhận được những ‘thực phẩm tồi tệ’ mà con cái nhà Israel đã càm ràm... Chúng ta hãy chấp nhận những đường lối mà Chúa dẫn dắt chúng ta đi. Xin cho Tuần Thánh này giúp chúng ta quay lưng lại với những cám dỗ để trở thành ‘những người Kitô hữu đúng thế, nhưng mà...”.
 
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 17 – 23/03/2016: Ngày thứ Ba Tuần Thánh kinh hoàng tại Brussels
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:42 23/03/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Khủng bố kinh hoàng tại Brussels ngày Thứ Ba Tuần Thánh

Ít nhất 34 người đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương tại Brussels sau một loạt các cuộc tấn công khủng bố đánh vào sân bay của thành phố và một ga tàu điện ngầm gần trụ sở Liên Hiệp Âu Châu.

Các nhân chứng mô tả cảnh tượng kinh hoàng như ngày tận thế với máu và những phần thân thể tung toé khắp mọi nơi sau hai vụ nổ bom gần quầy check-in của American Airlines tại phi trường Brussels lúc 8 giờ sáng giờ địa phương trong các vụ nổ bom tự sát. Ít nhất 14 người đã thiệt mạng và 35 người bị thương.

Tại sân bay, đã có những báo cáo về một cuộc đọ súng giữa cảnh sát và những kẻ tấn công là những kẻ đã hét lên bằng tiếng Ả Rập trước khi cho nổ bom.

Các vụ nổ gây chấn động nhà ga, làm vỡ cửa sổ và làm sụp trần nhà khiến hành khách hoảng sợ chạy thoát thân.

Sau đó 79 phút, tức là lúc 09:19, ít nhất 20 người khác đã thiệt mạng và 55 người bị thương, một số bị thương rất nặng, trong một vụ tấn công tại một nhà ga tàu điện ngầm chỉ cách trụ sở Liên Hiệp Âu Châu ở trung tâm thành phố có 400 mét.

Các vụ nổ đã khiến các chuyến bay bị hủy bỏ, dịch vụ Eurostar bị đình chỉ và biên giới Pháp - Bỉ tạm thời bị đóng cửa.

Hai nghi phạm đã bị bắt giữ cách nhà ga tàu điện ngầm Maelbeek khoảng một dặm vào khoảng 11:00 sáng khi hàng trăm binh sĩ và cảnh sát tràn ngập các đường phố Brussels trong cuộc săn lùng bọn khủng bố.

Binh lính đã cũng được triển khai tại các sân bay và các địa điểm quan trọng khác tại Brussels.

Các vụ đánh bom xảy ra chỉ một ngày sau khi Bộ trưởng Nội vụ Bỉ cảnh báo về các cuộc tấn công trả thù sau khi Pháp bắt giữ được tên khủng bố Salah Abdeslam vào hôm thứ Sáu.

2. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Bỉ về vụ tấn công khủng bố tại Brussels

Sau một loạt các cuộc tấn công khủng bố đánh vào sân bay của thành phố và một ga tàu điện ngầm gần trụ sở Liên Hiệp Âu Châu làm ít nhất 28 người đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương, Hội Đồng Giám Mục Bỉ ra tuyên bố sau:

Các giám mục của Bỉ kinh hoàng khi được biết về cuộc tấn công tại sân bay Zaventem và tại trung tâm thủ đô Brussels. Các ngài chia sẻ nỗi đau của hàng ngàn du khách và gia đình họ, các nhân viên hàng không và các lực lượng tiếp cứu mà lại một lần nữa được kêu gọi để phục vụ. Các Giám Mục Bỉ ủy thác các nạn nhân cho những lời cầu nguyện của tất cả chúng ta trong tình huống bi đát mới diễn ra này. Các tuyên úy Airport hoạt động mỗi ngày để phục vụ tất cả và cung cấp những hỗ trợ tinh thần cần thiết. Cầu xin cho cả nước sống những ngày này với một ý thức trách nhiệm công dân cao độ.

Đức Tổng Giám Mục André-Joseph Léonard, Tổng Giám Mục Mechelen-Brussels, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Bỉ

3. Đức Giáo Hoàng lên án bạo lực mù quáng gây quá nhiều đau khổ

Trong điện văn nhân danh Đức Thánh Cha gửi đến Đức Tổng Giám Mục Jozef De Kesel của tổng giáo phận Bruxelles-Malines, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, viết:

“Khi hay tin về những vụ khủng bố xảy ra tại Bruxelles, gây hại cho nhiều người, Đức Thánh Cha Phanxicô phó thác cho lòng thương xót Chúa những người bị thiệt mạng và liên kết trong kinh nguyện với những người thân của họ. Ngài bày tỏ sự cảm thông sâu xa với những người bị thương và thân quyến, cũng như với tất cả những người đang góp phần cứu trợ. Ngài xin Chúa ban ơn an ủi khích lệ họ trong cơn thử thách. Đức Thánh Cha tái lên án bạo lực mù quáng gây ra bao nhiêu đau khổ và khẩn cầu Thiên Chúa ban ơn hòa bình. Ngài cầu xin Chúa chúc lành cho các gia đình bị thử thách và cho dân tộc Bỉ.”

Cho đến nay đã có ít nhất 34 người chết và 135 người bị thương trong các vụ tấn công ngày 22 tháng Ba tại Brussels.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Ba, Tòa thánh nói với các phóng viên rằng chương trình các cử hành phụng vụ trong Tuần Thánh sẽ không thay đổi bất chấp vụ khủng bố tại Brussels và những tin đồn dai dẳng cho rằng bọn khủng bố đã có kế hoạch tấn công Rôma. Nhiều thành phố ở Liên hiệp Âu Châu đã được đặt trong tình trạng báo động và các biện pháp an ninh được tăng cường.

4. Lễ Lá tại Vatican

Sáng Chúa Nhật 20 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Lễ Lá, khởi sự Tuần Thánh, là tuần lễ quan trọng nhất trong Phụng Vụ Công Giáo.

Dưới bầu trời nắng xuân và trước sự hiện diện của 50 ngàn tín hữu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự lễ lá, tưởng niệm biến cố Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Jerusalem, và thánh lễ tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa sau đó.

Các cành lá dừa các bạn trẻ cầm trong cuộc rước lá do các Cộng đoàn Con đường Tân dự tòng trao tặng; còn các cây và cành ô liu trang trí bàn thờ và Quảng trường thánh Phêrô do miền Puglie nam Italia tặng. Sau cùng 2 ngàn cành lá dừa màu vàng được kết bện rất nghệ thuật, do các chính quyền ở thành phố San Remo và Bordighera và một số tổ chức khác ở miền Liguria trao tặng theo một truyền thống có từ thế kỷ 16. Các cành lá này được Đức Thánh Cha, các Hồng Y, Giám Mục, kinh sĩ đoàn Đền thờ Thánh Phêrô và đoàn giúp lễ và một số người khác cầm trong tay.

Đồng tế với Đức Thánh Cha và tham dự cuộc rước lá có 30 Hồng Y và 50 Giám Mục. Phần thánh ca, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa thánh, còn có ca đoàn và ban nhạc của giáo phận Roma và ca đoàn Mẹ Giáo Hội.

5. Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ Tiệc Ly bên ngoài thành phố Rôma. Nhận định của Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ là vị Giáo Hoàng đầu tiên trong nhiều năm qua cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly chiều Thứ Năm Tuần Thánh ở bên ngoài thành phố Rôma. Ngài sẽ cử hành thánh lễ tại một trung tâm dành cho những người tị nạn tại Castelnuovo di Porto.

Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, là Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Tân Phúc Âm Hóa, cho biết như sau:

Trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ dành nhiều thời gian tại Castelnuovo di Porto với những người tị nạn trẻ, đang được Trung tâm Tiếp nhận Người Tị Nạn, gọi tắt là CARA đón tiếp. Chuyến thăm đơn giản nhưng hùng hồn sẽ bao gồm việc cử hành nghi thức Rửa Chân. Đức Giáo Hoàng sẽ cúi xuống rửa chân cho 12 người tị nạn như một dấu chỉ phục vụ và sự chú ý đến tình trạng của họ.

Trong buổi Triều Yết Chung đặc biệt dành cho Năm Thánh vào ngày thứ Bảy 12 Tháng 3, khi nói về hành vi rửa chân, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Khi rửa chân cho các tông đồ, Chúa Giêsu muốn mạc khải phương thức hành động của Thiên Chúa đối với chúng ta, và đưa ra một tấm gương về ‘điều răn mới’ của mình (Ga 13,34) là hãy yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta, nghĩa là, yêu thương đến độ hy sinh mạng sống của mình vì chúng ta”. Phân tích sâu hơn, ngài nói thêm rằng tình yêu “là sự phục vụ thực tế mà chúng ta trao ban cho người khác. Tình yêu không phải là một từ, nó là một hành động, một sự phục vụ khiêm nhường, kín đáo và lặng lẽ” . Thật vậy, “nó được thể hiện trong việc chia sẻ của cải vật chất, để không ai bị bỏ lại trong cảnh quẫn bách”. Hơn nữa, đó là “phong cách sống mà Thiên Chúa đề nghị, ngay cả với người ngoài Kitô giáo, như là con đường đích thực của tình người.”

Trong ánh sáng của những nhận định đó chúng ta có thể hiểu được giá trị biểu tượng của chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến trung tâm CARA tại Castelnuovo di Porto và hành vi cúi xuống rửa chân cho những người tị nạn của ngài. Hành động của ngài nhằm nhắc cho chúng ta nhớ rằng điều quan trọng là phải chú ý đến những người yếu thế nhất trong thời khắc lịch sử này; rằng chúng ta được kêu gọi để phục hồi nhân phẩm của họ chứ không phải là từ chối khéo. Chúng ta được kêu gọi để trông chờ Lễ Phục Sinh với con mắt của những người biến đức tin của mình thành một đời sống phục vụ cho những người với khuôn mặt hằn sâu dấu vết của khổ đau và bạo lực.

Nhiều người trong số những người trẻ này không phải là Công Giáo. Do đó, cử chỉ này của Đức Thánh Cha Phanxicô còn hùng hồn hơn nữa. Nó chỉ ra sự tôn trọng lẫn nhau là con đường của hòa bình. Tôn trọng có nghĩa là nhận thức được rằng có một người khác bên cạnh tôi. Một người đi với tôi, đau khổ với tôi, vui mừng với tôi. Một người mà, một ngày nào đó, tôi có thể dựa vào họ để được hỗ trợ. Bằng cách rửa chân cho các người tị nạn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nài xin sự tôn trọng đối với mỗi một người trong số họ.

6. Các cử hành Phụng Vụ trong Tam Nhật Thánh tại Vatican và Giêrusalem

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Dưới đây là chi tiết các cử hành Phụng Vụ trong Tam Nhật Thánh tại Vatican và Giêrusalem.

Thứ Năm Tuần Thánh

Lúc 9h30 sáng thứ Năm 24 tháng Ba, Đức Thánh Cha cử hành Lễ Dầu tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Trong thánh lễ dầu các linh mục lặp lại những lời hứa các ngài đã tuyên thệ khi thụ phong linh mục. Sau đó, các loại dầu được làm phép để dùng trong suốt năm khi thực hiện các Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức, Phong Chức Linh Mục, và Bí tích Xức Dầu.

Trong khi đó, tại Thánh Điạ Giêrusalem, nơi Chúa Giêsu đã trải qua những giờ phút cuối đời của Ngài, lúc 8h sáng thứ Năm 24 tháng Ba, tại nhà thờ Mộ Thánh, Đức Tổng Giám Mục Fouad Twal là Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Giêrusalem cử hành thánh lễ Tiệc Ly ngày thứ Năm Tuần Thánh. Trong Thánh Lễ, Đức Thượng Phụ cũng lặp lại nghi thức rửa chân. Sau đó, ngài làm phép các loại dầu thánh cho các bệnh nhân và cho các tân tòng, và dầu thánh hiến.

Lúc 9 giờ tối, cha Pierbattista Pizzaballa là Custos tức là trưởng đoàn hiệp sĩ Thánh Mộ chủ sự đêm canh thức cùng với Chúa Giêsu tại vườn Giệtsimani được trực tiếp truyền hình trên nhiều kênh truyền hình thế giới.

Thứ Sáu Tuần Thánh

Lúc 8 giờ sáng ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Thượng Phụ Fouad Twal, Đức Tổng Giám Mục Giuseppe Lazzarotto là khâm sứ Tòa Thánh tại Giêrusalem và hơn 200 linh mục cử hành thánh lễ Suy Tôn Thánh Giá tại nhà thờ Mộ Thánh.

Vào lúc 11 giờ sáng, các hiệp sĩ Thánh Mộ và anh chị em tín hữu đã đi đàng Thánh Giá trên chính con đường Chúa đã đi để lên đồi Golgotha.

Các nghi thức tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô tại Thánh Địa Giêrusalem không kết thúc sau lễ nghi suy tôn thánh giá lúc 3 giờ chiều nhưng trái lại buổi tối ngày Thứ Sáu Tuần Thánh mới là cao điểm với một nghi thức được nhiều người trông đợi đó là tang lễ của Chúa Kitô.

Đây là một nghi thức rất thịnh hành từ thời Trung Cổ ở nhiều quốc gia Âu Châu. Nhưng ở Giêrusalem, ngay tại nơi Chúa Giêsu đã chịu đóng đinh và chịu chết trên thánh giá, nghi thức này có một ý nghĩa đặc biệt.

Ngay từ chiều tối đoàn rước tiến bước chậm chạp trong tiếng nhạc trầm buồn, u sầu trong đền thờ Thánh Mộ. Thỉnh thoảng đoàn lại dừng ở các nhà nguyện khác nhau trong đền thờ để suy niệm.

Tại Vatican, lúc 5 giờ chiều ngày thứ Sáu 25 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành nghi thức Suy Tôn Thánh Giá tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Lúc 21:15 tại hí trường Côlôsê, Đức Thánh Cha chủ sự buổi đi đàng thánh giá trọng thể và ban phép lành Tòa Thánh cho những ai tham dự.

Thứ Bẩy Tuần Thánh

Lúc 7h30 sáng thứ Bẩy 26 tháng Ba, Đức Tổng Giám Mục Fouad Twal cử hành thánh lễ Vọng Phục sinh tại đền thờ Chúa Phục sinh. Việc cử hành sớm như thế là để chắc chắn rằng Giáo Hội Mẹ tại Giêrusalem luôn là người đầu tiên công bố Tin Mừng Phục Sinh trong bài Vinh Tụng Ca hát mừng chiến thắng của Chúa Kitô trên sự chết và tội lỗi.

Tại Vatican, lúc 8h30 tối Thứ Bảy Tuần Thánh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô chủ sự Thánh Lễ Vọng Phục sinh bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô.

Chúa Nhật Phục Sinh

Lúc 10h15 sáng Chúa Nhật 27 tháng Ba, Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ Phục sinh tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Tiếp theo đó, từ ban công chính của đền thờ, ngài sẽ đọc thông điệp Phục sinh Urbi et Orbi gởi dân thành Rôma và toàn thế giới cùng nghi thức ban phép lành kèm theo ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới trong đó có mạng lưới điện toán toàn cầu miễn là họ tuân giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

7. Đức Thánh Cha tiếp kiến 3 ngàn sinh viên quốc tế

Trong buổi tiếp kiến 3 ngàn sinh viên quốc tế sáng ngày 17-3 , Đức Thánh Cha mời gọi họ đặc biệt quan tâm đến dân nghèo, người tị nạn và những người gặp khó khăn.

Các sinh viên quốc tế này tham dự khóa học thường niên di động trong chương trình gọi là “Havard World Model United Nations”, do Đại Học Havard ở Mỹ cùng với 1 đại học địa phương ở thành phố đón tiếp các sinh viên tham dự khóa học. Hiện nay có hơn 2 ngàn đại học từ trên 70 quốc gia trên thế giới tham gia các khóa học này.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nói: “Thành quả lớn nhất trong việc tụ họp nhau ở Roma này không hệ tại việc học về ngoại giao, các hệ thống cơ chế và các tổ chức, tuy rằng những điều này là quan trọng và đáng được các bạn học hỏi. Thành quả lớn hơn chính là thời gian các bạn trải qua với nhau, gặp gỡ những người từ mọi nơi trên thế giới, không những họ tượng trưng cho bao nhiêu thách đố hiện nay, nhưng nhất là họ là biểu tượng các tài năng phong phú khác nhau và tiềm năng của gia đình nhân loại”.

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng “Trong những ngày này, các bạn học hỏi rất nhiều với nhau và nhắc nhở nhau rằng đằng sau mỗi khó khăn mà thế giới gặp phải, có những người nam nữ, già trẻ, những người như các bạn. Có những gia đình và cá nhân đang phải vật lộn mỗi ngày để sống, họ cố gắng săn sóc con cái và cung cấp cho chúng không những tương lai, nhưng cả những nhu cầu cơ bản của ngày hôm nay. Nhiều người trong số họ phải chịu những vấn đề trầm trọng của thế giới ngày nay, nạn bạo lực và bất bao dung, họ trở thành những người tị nạn, buộc lòng phải bỏ gia cư, bị tước đoạt đất đai và tự do”.

Đức Thánh Cha nói: “Đó là những người đang cần được các bạn giúp đỡ, họ lớn tiếng xin các bạn lắng nghe họ, hơn bao giờ hết họ đang được những cố gắng của các bạn thực hiện công lý, hòa bình và tình liên đới. Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng chúng ta phải vui với người vui, và khóc với người khóc” (Xc Rm 12,15).

Sau cùng Đức Thánh Cha bày tỏ hy vọng các sinh viên quốc tế thấy “sự dấn thân của Giáo Hội Công Giáo trong việc phục vụ người nghèo và người tị nạn, nâng đỡ các gia đình và các cộng đoàn, bảo vệ phẩm giá bất khả nhượng và các quyền của mỗi phần tử trong gia đình nhân loại”. Ngài nói: “Các tín hữu Kitô chúng ta tin rằng Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta phục vụ các anh chị em, săn sóc lẫn nhau, bất luận nguyên quán hoặc hoàn cảnh của họ. Nhưng đây không phải chỉ là đặc điểm của các tín hữu Kitô, nhưng là một lời kêu gọi phổ quát, ăn rễ sâu nơi chính nhân tính chung của chúng ta”.

8. Đức Thánh Cha sai 270 gia đình đi truyền giáo

Sáng 18 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến 8 ngàn thành viên Con đường Tân Dự Tòng và sai thêm 270 gia đình từ 5 châu ra đi truyền giáo cho dân ngoại tại 56 cứ điểm.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến tại Đại Thính Đường Phaolô 6 ở Nội thành Vatican, có vị người sáng lập Con đường này là Ông Kikô Arguello và bà Carmen Hernandez người Tây Ban Nha và cha Mario Pezzi, vị linh hướng. Ngoài ra có gần 20 HY và Giám Mục thuộc các giáo phận nơi có các thành viên Con đường Tân Dự Tòng.

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đặc biệt mời gọi các thành viên Con đường Tân dự tòng vun trồng tình hiệp nhất trong tinh thần khiêm tốn, tìm kiếm vinh quang đích thực là tình yêu thương xót của Chúa, sau cùng là dấn thân loan báo Tin Mừng cho thế giới, cho các gia đình và tha nhân.

Đức Thánh Cha đề cao tình hiệp thông trong Giáo Hội và cảnh giác chống lại cám dỗ của ma quỉ luôn tìm cách gieo rắc chia rẽ. Ngài nói: “Tình hiệp thông là điều thiết yếu. Kẻ thù của Thiên Chúa và của con người là ma quỉ, hắn không thể làm gì chống lại Tin Mừng, chống lại sức mạnh khiêm tốn của lời cầu nguyện và các bí tích, nhưng hắn có thể gây hại rất nhiều cho Giáo Hội bằng cách cám dỗ nhân tính của chúng ta. Hắn khơi lên sự tự phụ, xét đoán người khác, khép kín, chia rẽ. Ma quỉ là kẻ chia rẽ và thường bắt đầu bằng cách làm cho chúng ta tưởng mình là tốt lành, thậm chí tốt lành hơn người khác, và thế là hắn có thửa đất sẵn sàng để gieo cỏ dại vào”.

Đức Thánh Cha đề cao đoàn sủng mà các thành viên Con đường tân dự tòng nhận lãnh qua việc canh tân cuộc sống theo tinh thần bí tích rửa tội. Nhưng ngài cảnh giác: “Đoàn sủng này có thể bị hư hỏng khi người ta khép kín, hoặc tự phụ, khi người ta muốn nổi bật hơn người khác. Vì thế cần phải bảo tồn đoàn sủng ấy bằng cách bước theo con đường tuyệt hảo là sự hiệp nhất trong khiêm tốn và vâng phục. Nếu có tinh thần như thế, thì Chúa Thánh Linh tiếp tục hoạt động, như Chúa đã làm nơi Mẹ Maria, cởi mở, khiêm tốn và vâng phục”.

Sau huấn từ, Đức Thánh Cha đã làm phép các thánh giá truyền giáo các gia đình thừa sai cầm trong tay, và một số khác đặt trên khay. Rồi ngài trao riêng thánh giá cho các linh mục hướng dẫn 56 nhóm.

Trong số 56 cứ điểm truyền giáo mà Đức Thánh Cha sai 270 gia đình với hơn 1,500 người con tới đó, có 14 cứ điểm ở Á châu, 30 tại Âu Châu, 4 ở Úc châu và 2 tại Mỹ châu. Mỗi nhóm truyền giáo được sai đi như thế gồm có 4 hoặc 5 gia đình, một linh mục, tức là khoảng 40 người. Tổng cộng có gần 2 ngàn người được nhận thánh giá truyền giáo. Thường thường các nhóm được gửi đến những vùng trong đó sự hiện diện của Kitô giáo bị sa sút như tại nhiều nước Âu Châu như Pháp, Ái Nhĩ Lan, Thụy Điển, Anh quốc, v.v.

Như vậy, với các nhóm mới được sai đi lần này, tổng cộng có 184 cứ điểm truyền giáo của Con đường Tân dự tòng trên thế giới, trong đó có 48 tại Á châu và 106 tại Âu Châu, tất cả là 750 gia đình với gần 4 ngàn người con.

Tại Mỹ châu các gia đình được những nước như Canada, Hoa Kỳ, Peru và Brazil. Có một số nhóm đi Ấn độ và Trung Quốc. Việc gửi các gia đình này được thực hiện theo lời thỉnh cầu của các Giám Mục địa phương.

Con đường Tân Dự Tòng được thành lập năm 1964 do Ông Kiko Arguello và Bà Carmen Hernández tại Madrid, Tây Ban Nha. Hiện nay Con đường này hiện diện tại 128 quốc gia năm châu, với hơn 25 ngàn cộng đoàn tại gần 7 ngàn giáo xứ.

Con đường này cũng có hơn 100 đại chủng viện giáo phận thừa sai Mẹ Đấng Cứu Chuộc với hơn 2.500 đại chủng sinh giáo phận đang chuẩn bị tiến lên chức linh mục. Từ năm 1989 đến nay có hơn 2 ngàn linh mục đã xuất thân từ các đại chủng viện vừa nói.

9. Đức Thánh Cha tấn phong Giám Mục cho hai vị tại Đền Thờ Thánh Phêrô

Sáng thứ Bảy 19 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tấn phong Giám Mục cho hai vị là Đức Cha Peter Brian Wells, 53 tuổi, được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh tại Nam Phi, Botswana, Lesotho, và Namibia hôm 13 tháng Hai vừa qua; và Đức Cha Miguel Ángel Ayuso Guixot, 64 tuổi, tổng thư ký Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn.

Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, và Tổng Giám Mục Angelo Becciu, Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh là hai vị phụ phong với Đức Thánh Cha trong buổi lễ. Cùng đồng tế với ngài, còn có hơn 60 Hồng Y, Giám Mục và khoảng 150 linh mục, trước sự hiện diện của 5 ngàn tín hữu. Nhiều vị đại diện các tôn giáo khác như Hồi giáo, Phật Giáo cũng có mặt trong buổi lễ.

Trong bài giảng Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng khi một vị Giám mục thi hành sứ vụ của mình, thì khi đó chính Đức Kitô đang hành động: “Đức Kitô đang rao giảng, Đức Kitô đang xây dựng Hội Thánh, Đức Kitô đang làm cho Giáo Hội sinh nhiều hoa trái, Đức Kitô đang hướng dẫn”

Đức Thánh Cha nhắc nhở các giám mục rằng họ là “tôi tớ cho tất cả”, là người lớn nhất và là người rốt cùng, luôn luôn là người tôi tớ, luôn luôn phục vụ người khác.

“Chức Giám Mục là danh xưng của một việc phục vụ chứ không phải là một vinh dự. Giám Mục có nghĩa vụ phục vụ hơn là thống trị, theo mệnh lệnh của Thầy Chí Thánh: ‘Ai lớn nhất trong các con, thì hãy trở thành người bé nhỏ nhất. Và ai cai trị, thì hãy hành động như người phục vụ’”.

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Đừng quên rằng bổn phận đầu tiên của một Giám Mục là cầu nguyện. Sứ vụ thứ hai là công bố Lời Chúa.” Tất cả mọi thứ khác đến sau. Nếu một Giám mục không cầu nguyện, ngài chẳng thể làm gì.

Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc yêu thương những người Chúa đã giao phó cho họ chăm sóc, và đặc biệt là các linh mục và phó tế. Họ là những cộng tác viên thân cận nhất của Giám Mục, là “những người hàng xóm” đầu tiên. Nếu các Giám mục không học cách yêu thương những người gần gũi nhất với ngài, ngài sẽ không thể yêu thương tất cả mọi người.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng kêu gọi các Giám Mục thực sự nhìn vào các tín hữu - không nhìn xéo xéo, nhưng nhìn thẳng vào mắt họ, để vị Giám Mục có thể nhìn thấy họ với con tim mình.

Đức Thánh Cha kết luận bài giảng của ngài với lời cầu nguyện xin Chúa đồng hành cùng với các tân chức, và gần gũi với các ngài trên hành trình mới.

10. Đức Thánh Cha khởi động account Instagram của ngài

Hôm thứ Bẩy 19 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kỷ niệm ngày Khai Mạc Sứ Vụ Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh của ngài với việc khởi động account Instagram mới của ngài. Trong một tweet ngài nói: “Tôi bắt đầu một cuộc hành trình mới, trên Instagram, để đi cùng anh chị em trên con đường của tình thương và sự dịu dàng của Thiên Chúa”

Chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã tự mình khởi động account có tên gọi là “Franciscus” từ nơi cư trú của ngài tại Casa Santa Marta. Ngài cũng đã đăng hình ảnh đầu tiên của ngài đang quỳ cầu nguyện.

Để lập hồ sơ account của mình, Đức Thánh Cha đã được hỗ trợ bởi Kevin Systrom, giám đốc điều hành và là người đồng sáng lập Instagram, và Đức Ông Lucio Adrian Ruiz, thư ký của viện truyền thông Tòa Thánh.

Được thành lập vào năm 2010, Instagram có khoảng 400 triệu người sử dụng trên toàn thế giới nhằm chia sẻ hình ảnh và video với một cộng đồng những người dùng Internet. Sự ra mắt tài khoản Instagram của Đức Giáo Hoàng sẽ tăng sự hiện diện đáng kể của ngài trên các mạng truyền thông xã hội. Tài khoản Twitter của Đức Thánh Cha, với hashtag “@Pontifex”, được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 khởi động, đã có hơn 26 triệu người theo dõi.

Phát biểu hồi đầu tuần này với Radio Vatican, Viện Trưởng viện Truyền thông Vatican là Đức Ông Dario Viganò cho biết quyết định mở một tài khoản Instagram phát sinh từ niềm tin của Đức Giáo Hoàng rằng hình ảnh có thể mang lại nhiều điều mà từ ngữ không thể chuyển tải. Mục đích của tài khoản Instagram của Đức Giáo Hoàng, là để kể câu chuyện của triều đại Giáo Hoàng Phanxicô qua hình ảnh.

11. Đức Hồng Y Parolin viếng thăm Macedonia và Bulgaria

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, viếng thăm chính thức tại Cộng hòa Macedonia và Bulgaria từ ngày 18 đến 22-3, theo lời mời của chính quyền và giáo quyền Công Giáo tại hai nước liên hệ.

Theo hãng tin SIR của Hội Đồng Giám Mục Italia, chặng dừng đầu tiên của Đức Hồng Y Parolin là thành phố Skopjie, thủ đô Macedonia. Ngài gặp chính quyền và cử hành thánh lễ đầu tiên tại Nhà thờ chính tòa Thánh Tâm. Skopjie cũng là nơi sinh của Mẹ Têrêsa Calcutta.

Sau thánh lễ, Đức Hồng Y Parolin tham dự buổi giới thiệu cuốn sách phỏng vấn Đức Giáo Hoàng Phanxicô “Tên của Thiên Chúa là lòng thương xót” được dịch ra tiếng Macedonia, rồi ngài khánh thành tòa Giám Mục mới ở Skopjie, gặp gỡ hàng giáo sĩ, tu sĩ của giáo phận. Sau cùng ĐH viếng thăm cộng đoàn Công Giáo tại thành phố Strumica, là trụ sở của các tín hữu Công Giáo nghi lễ đông phương Bizantine ở Macedonia.

Sáng Chúa Nhật 20-3, Đức Hồng Y Quốc vụ khanh đến viếng thăm nước Bulgaria, thánh hiến nhà thờ Đức Mẹ An Nghỉ ở thủ đô Sofia mới được tu bổ. Đây là trung tâm của giáo phận Công Giáo Đông phương ở Bulgaria.

Ban chiều cùng ngày, Đức Hồng Y viếng thăm Đồng Nhà Thờ chính tòa Công Giáo Đông phương, được dâng kính thánh Gioan 23. Ngài viếng Đan viện các nữ tu Thánh Thể cạnh đó và trung tâm y tế “Gioan Phaolô 2” do các nữ tu đảm trách, chuyên săn sóc các bệnh nhân nghèo và người tị nạn.

Tối 20-3, Đức Hồng Y Quốc vụ khanh cử hành thánh lễ Chúa Nhật lễ lá tại Đồng Nhà chính tòa Thánh Giuse của Công Giáo la tinh, trước khi gặp hàng giáo sĩ, tu sĩ Công Giáo Bulgaria.

Sau cùng ngày 21-3, Đức Hồng Y Parolin gặp Đức Thượng Phụ Neofit và một số vị trong thánh Hội đồng Chính Thống Bulgaria, trước khi gặp tổng thống Rossen Plevneliev, thủ tướng Boyko Borissov và đại giáo trưởng Hồi giáo Mustafa Hadzi.

12. Ý nghĩa việc Chính Phủ Mỹ chính thức xếp các tàn ác của ISIS vào loại diệt chủng

Đầu tuần qua, Quốc Hội Hoa Kỳ đã thông qua nghị quyết do các dân biểu Cộng Hòa đưa ra nhằm kết án ISIS tội diệt chủng chống lại các Kitô Hữu, người Yazidi và các nhóm thiểu số khác.

Động thái trên nhằm gây áp lực buộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phải chính thức công bố và xác nhận ISIS phạm tội diệt chủng. Điều này, tuy không lập tức thay đổi được gì trong chiến lược của Hoa Kỳ, nhưng nó cũng buộc chính phủ Hoa Kỳ phải thiết lập tài liệu cho các tội ác của ISIS và nhận diện những tên tội phạm để có thể truy tố về sau.

Hơn nữa, như lời nhận định của dân biểu Cộng Hòa Jeff Fortenberry của Nebraska, người đệ trình nghị quyết, điều này sẽ tạo “hy vọng mới” cho các nạn nhân của ISIS vì họ thấy rằng “một liên minh đa phái và đại kết” đã coi trọng những thống khổ của họ.

Theo John Allen, bản tuyên bố của ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry có ba ý nghĩa:

Thứ nhất, nó có thể có nghĩa là một vai trò quân sự mạnh mẽ hơn cho Hoa Kỳ. Ngày nay, khi ta hỏi bất cứ nhà lãnh đạo Kitô Giáo nào ở Trung Đông ngày nay, họ đều nói rằng họ tin tưởng Nga hơn bất cứ cường quốc Tây Phương nào khác, không những về phương diện đánh trả ISIS mà cả về phương diện bảo vệ các nhóm thiểu số Kitô Giáo.

Thứ hai, nó cũng có thể có nghĩa là đưa ra các cam kết dài hạn về tài chánh và chính trị để trợ giúp tái thiết các cộng đồng thiểu số tại Syria, Iraq và Libya khi ISIS bị đẩy lui. Nói bao quát hơn, nó có nghĩa thừa nhận rằng phát huy sinh lực của những cộng đồng này có lợi cho chiến lược trực tiếp của Hoa Kỳ và thế giới. Sự hiện diện của họ bảo đảm tính đa nguyên và bức tường ngăn ngừa sự lan tràn của chủ nghĩa quá khích; vì các Kitô hữu Trung Đông có tiếng là những người hết lòng hỗ trợ dân chủ và tính thế tục lành mạnh theo nghĩa tách tôn giáo ra khỏi nhà nước.

Vả lại, nhờ các liên hệ của họ với những người đồng đạo khắp thế giới, các Kitô Hữu tại Trung Đông cũng đại diện cho cầu nối tự nhiên với Tây Phương và nói chung là những đối tác tự nhiên nhất của cuộc đối thoại với các nhà ngoại giao, chính khách và người tranh đấu Tây Phương. Không có họ, không những là một thương tích sâu xa cho đức tin mà còn gây ra nhiều nguy cơ chính trị và chiến lược thực sự. Ngăn ngừa điều này đáng trở thành một ưu tiên cho chính sách ngoại giao.

Thứ ba, nó cũng có thể có nghĩa là coi trọng tiếng nói của các cộng đồng thiểu số này khi Hoa Kỳ và các cường quốc khác đưa ra quyết định. Chỉ cần đơn cử một điển hình: Hoa Kỳ vẫn có ác cảm với Assad đến nỗi Tháng Chín năm 2013, Hoa Kỳ gần như sẽ gây chiến với chế độ của ông ta tại Syria. Chống lại mưu toan này là vai trò chính trị đầu tiên của vị tân giáo hoàng Phanxicô, vừa được bầu lúc đó.

Cuối năm 2013, Putin tuyên dương công trạng của ngài trong vai trò trên bằng cách trưng dẫn bức thư ngài gửi cho Hội Nghị Thượng Đỉnh G20 tại St. Petersburg, trong đó, ngài cảnh cáo “thật là vô ích khi theo đuổi giải pháp quân sự” tại Syria

Khi ta hỏi bất cứ người Kitô hữu Syria nào xem họ nghĩ gì về Assad, họ sẽ cho biết: họ không hề có bất cứ ảo tưởng nào về bản chất chế độ của ông ta, nhưng họ không muốn thấy ông ta bị buộc phải ra đi. Lý do là vì giải pháp thay thế ông ta sẽ tồi tệ hơn nhiều. Theo họ, việc chọn lựa không phải giữa một nhà nước cảnh sát trị và một nền dân chủ phồn thịnh; mà là giữa một nhà nước cảnh sát trị và việc biến đất nước thành hư không.

Khi Hoa Kỳ đang đắn đo phải triển khai ảnh hưởng của mình ra sao, thì một cách nhìn như thế đáng được cân nhắc tính toán. Nếu Hoa Kỳ chịu lưu ý tới thiểu số Kitô Giáo ở Iraq năm 2003, vai trò của họ ở đấy chắc chắn đã khác xa rồi!

13. Giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng tin rằng “cuộc chiến” giữa Công Giáo và Tin Lành đã tới hồi kết thúc

Trong bài thứ Năm, và cũng là bài cuối cùng trong chương trình tĩnh tâm Mùa Chay dành cho giáo triều Rôma, hôm thứ Sáu 18 tháng Ba, Cha Raniero Cantalamessa dòng Capuchin Phanxicô, giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng, bày tỏ tin tưởng rằng “cuộc chiến” giữa Công Giáo và Tin Lành có lẽ đã tới hồi kết thúc.

Cha Cantalamessa nói rằng bên cạnh các cuộc thảo luận về tín lý, một phong trào đại kết liên quan đến những cuộc gặp gỡ cá vị với Thiên Chúa và sự hòa giải con tim đã làm cho các cộng đồng Kitô hữu xích lại gần nhau hơn trong những thập kỷ gần đây. Khi thế giới đang tiến đến kỷ niệm 500 của cuộc Cải Cách Tin Lành, cha Cantalamessa nói rằng các nhà lãnh đạo Kitô giáo cần phải tập trung vào những niềm tin mà họ cùng chia sẻ, chứ không phải là tranh cãi về công thức tín lý.

Ngài nói rằng các mâu thuẫn giữa người Công Giáo và Tin Lành thường được dựa trên sự hiểu lầm giáo huấn của Thánh Phaolô về sự công chính hóa. Ngài giải thích: Những gì vị Tông Đồ muốn khẳng định trong chương thứ Ba của thư gởi các tín hữu Rôma là trên tất cả không phải chúng ta được công chính hóa bởi đức tin mà chúng ta được nên công chính nhờ đức tin nơi Chúa Kitô; cũng thế chúng ta được công chính hóa chủ yếu nhờ những ân sủng của Chúa Kitô. Chúa Kitô là trọng tâm trong giáo huấn của Thánh Phaolô về sự công chính hóa.

Cha Cantalamessa cho rằng bằng cách đặt niềm tin vào Chúa Kitô, người Công Giáo và Tin lành có thể vượt qua những khác biệt. “Những cuộc chiến tranh tôn giáo giữa người Công Giáo và Tin lành đã qua rồi, và chúng ta còn bao nhiêu điều phải làm hơn là chiến đấu với nhau!”

14. Đức Thánh Cha có thể sẽ viếng thăm Armenia, Thổ Nhĩ Kỳ xao xuyến

Khả thể có một chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng đến Armenia vào tháng Sáu năm nay đang được thảo luận tại Vatican, Cha Federico Lombardi đã cho biết như trên hôm 18 tháng Ba.

Phát ngôn viên của Đức Giáo Hoàng nói rằng đang có những thảo luận theo đó Đức Thánh Cha sẽ thăm Armenia vào cuối tháng Sáu. Tuy nhiên lịch trình chính thức vẫn chưa được thiết lập.

Cha Lombardi nói rằng các báo cáo lưu hành trong các phương tiện truyền thông, theo đó Đức Giáo Hoàng sẽ tới thăm Armenia từ ngày 22 đến 26, là không chính xác. Ngài khuyên các phóng viên chờ đợi một thông báo chính thức để tránh nhầm lẫn.

Khả thể có một chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng đến Armenia đã lập tức gây chú ý trên các phương tiện truyền thông trong những ngày qua vì Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra đặc biệt nhạy cảm về vấn đề này.

Tưởng cũng nên nhắc lại, hôm 5 tháng Sáu năm 2013, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức đưa công hàm phản đối với Vatican sau khi Đức Thánh Cha đề cập đến việc tàn sát hàng loạt người Armenia trong thời gian từ 1915 – 1918 và gọi đó là “cuộc diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 20.”

Cũng vào dịp Phục sinh năm ngoái, Đức Thánh Cha lại một lần nữa nhắc lại chuyện này. Ngài nói rằng tội ác diệt chủng người Armenia của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1915 “đặt trước chúng ta bóng tối của mysterium iniquitatis - mầu nhiệm sự ác”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói như trên hôm 09 tháng Tư, 2015 với một nhóm các giám mục thuộc Giáo Hội Công Giáo Armenia sang Rôma để tham dự lễ tuyên phong Thánh Grêgôriô thành Narek là tiến sĩ Hội Thánh vào ngày Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa 11 tháng Tư, 2015.

Trong buổi gặp gỡ, Đức Giáo Hoàng bày tỏ hy vọng rằng buổi lễ này, diễn ra trong bối cảnh của Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa, có thể “chữa lành mọi vết thương và đẩy mạnh các cử chỉ cụ thể của sự hòa giải và hòa bình giữa hai quốc gia [Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia] mà đến nay vẫn chưa đạt được một sự đồng thuận hợp lý về việc giải thích những sự kiện đáng buồn này.”

Đức Giáo Hoàng đã vinh danh dân tộc Armenia đã đón nhận đức tin Kitô vào năm 301, là thời điểm đánh dấu sự khởi đầu của một lịch sử lâu dài và đáng tự hào đã đem lại cho các Kitô hữu ngày nay “một gia sản đáng ngưỡng mộ về tâm linh và văn hóa.”

Đức Thánh Cha nhận xét rằng ngày nay một số các Kitô hữu Armenia sinh sống tại hải ngoại lại một lần nữa gặp nguy hiểm. Ngài đặc biệt nhắc đến các tín hữu sinh sống tại Aleppo, Syria, nơi “mà một trăm năm trước đây đã là một nơi trú ẩn an toàn cho những người sống sót” nạn diệt chủng gây ra bởi những người cai trị Thổ Nhĩ Kỳ.

15. Đàng Thánh Giá tại hí trường Côlôsê Thứ Sáu Tuần Thánh: Con người ngày nay bất hạnh và đau khổ một cách bi đát

Lúc 21:15 ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 25 tháng Ba, tại hí trường Côlôsê, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi đi đàng thánh giá trọng thể và ban phép lành Tòa Thánh cho những ai tham dự.

Bài suy niệm tại các chặng Đàng Thánh Giá được viết bởi Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti, Tổng Giám Mục Perugia, ở miền Trung nước Ý nơi có tỷ lệ người Công Giáo lên đến 98.7% với 229,500 tín hữu.

Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti được thụ phong linh mục ngày 29 tháng 6 năm 1966. Ngày 9 thang 8 năm 1994 ngài được tấn phong Giám Mục và được tấn phong Hồng Y ngày 22 tháng Hai năm 2014.

Trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Tư 16 tháng 3 với tờ Quan Sát Viên Rôma, Đức Hồng Y Bassetti cho biết bài suy niệm các chặng Đàng Thánh Giá năm nay có tựa đề “Thiên Chúa Là Lòng Thương Xót”.

Đức Hồng Y nhận xét rằng Đàng Thánh Giá và Năm Thánh Lòng Thương Xót “nói với tất cả những nam nữ ngày nay, là những người dường như cô đơn và bối rối hơn bao giờ, chóng mặt trước một xã hội liên tục thay đổi để rồi nhanh chóng chấp nhận tất cả mọi thứ - hàng hóa, tình cảm và mong muốn – và do đó dường như đã mất cả ý niệm về tội lỗi và sự thật”.

Đức Hồng Y nói: “Con người ngày nay, đối với tôi, có vẻ bất hạnh và đau khổ một cách bi đát.”

Ngài giải thích rằng “đau khổ có thể nhìn ra dễ dàng” nơi những người nghèo, những người nhập cư, người bệnh, những người cô đơn và bị bỏ rơi. “Nhưng đồng thời, chúng ta cũng gặp những người giàu có, những kẻ dường như có tất cả mọi thứ, nhưng trong thực tế, không có gì - họ sống một cuộc sống trống rỗng, và trong một số trường hợp, thậm chí muốn chết cho xong. Như một người nào đó đã từng viết, sự ác, do đó, ‘có gì là lạ đâu’, nhưng Chúa Giêsu trên thập giá đem đến cho cuộc sống một ý nghĩa khác và chỉ cho chúng ta thấy một con đường khác: con đường hoán cải”

Đức Hồng Y Bassetti cho biết, bài suy niệm các chặng Đàng Thánh Giá năm nay tham chiếu đến các giáo huấn của Đức Gioan XXIII, Đức Gioan Phaolô II, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và Đức Thánh Cha Phanxicô. Nhưng quan trọng hơn, ngài đã cố gắng để “nói với trái tim con người.”

“Trong mỗi chặng, tôi đã cố gắng tham chiếu đến các sự kiện đang diễn ra chung quanh chúng ta,” như “các vị tử đạo mới” đang bị giết vì đức tin Kitô, những người di cư và người tị nạn và tai ương bạo lực trên các trẻ em.”

Ngài tâm sự rằng: “Khi tôi viết những dòng này, tôi có cảm giác tôi không sử dụng một cây bút và một tờ giấy, nhưng một cái đục trên một mảnh đá cẩm thạch, khắc ghi lại biết bao những đau khổ trước những tai ương này”

Đức Hồng Y Bassetti nói chặng thứ Nhất khi quan Phongxiô Philatô kết án Chúa Giêsu, chặng thứ Tư khi Chúa Giêsu gặp Đức Mẹ và chặng thứ Mười Một khi Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào thánh giá đã gây xúc động mãnh liệt cho ngài khi viết bài suy niệm cho những chặng này. Tất cả ba chặng đó, được liên kết bởi “chiều kích của uy lực”: “uy lực chính trị” của Philatô, “uy lực phát sinh” từ đức tin của Đức Mẹ và “uy lực thần thánh” của thánh giá.

16. Đức Thánh Cha tiếp tổng thống Bồ Đào Nha

Hôm thứ Năm 17 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến ông Marcelo Rebelo de Sousa, Tổng thống Cộng hòa Bồ Đào Nha, tại dinh Tông Tòa của Vatican.

Đây là chuyến viếng thăm ngoại giao đầu tiên của Tổng thống ở nước ngoài sau lễ nhậm chức. Hai vị đã bày tỏ sự hài lòng trước các mối quan hệ tốt đẹp giữa Tòa Thánh và Bồ Đào Nha, cũng như sự đóng góp của Giáo Hội vào cuộc sống của đất nước, đặc biệt trong cuộc tranh luận xã hội về nhân phẩm của con người và gia đình.

Trong các cuộc thảo luận thân mật sau đó, hai vị đã có một cuộc trao đổi quan điểm về tình hình ở châu Âu và khu vực Địa Trung Hải, đặc biệt là vấn đề di cư và các vấn đề quốc tế khác liên quan.

Ông Rebelo de Sousa sau đó đã gặp Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Tổng Trưởng Bộ Quan Hệ Với Các Dân Nước.

17. Pakistan bất ngờ công nhận lễ Phục Sinh là ngày nghỉ lễ

Quốc hội Pakistan đã thông qua một nghị quyết công nhận lễ Phục Sinh là một ngày nghỉ lễ cho các Kitô hữu.

Thông thường việc công nhận như thế thường là một nhượng bộ ngoại giao nào đó. Chẳng hạn như trường hợp Cuba công nhận ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là quốc lễ vào năm 2012. Ngày 9 tháng Tư năm 2012 là ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đầu tiên được Cuba tổ chức như một ngày nghỉ trong nhiều thập kỷ, theo sau một yêu cầu của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 gửi đến Chủ tịch Raul Castro trong chuyến viếng thăm đảo quốc này từ ngày 26 đến ngày 28 tháng Ba năm 2012.

Các nhà lãnh đạo Kitô giáo Pakistan chào đón quyết định này. Tuy nhiên các vị cho rằng một ưu tiên cấp bách hơn là việc bảo vệ các quyền của các tôn giáo thiểu số.

Nghị quyết cũng công nhận hai ngày lễ Holi và Diwali của Ấn Giáo.

Nghị quyết này, được đưa ra Quốc Hội bởi một nhà lập pháp Ấn Độ giáo, là một cử chỉ quan trọng đối với tôn giáo thiểu số ở Pakistan nơi người Hồi giáo chiếm đa số.

18. Caritas Italiana công bố tài liệu cho thấy 4.5 triệu người Syria phải lưu vong

Caritas Italiana, các cơ quan cứu trợ và phát triển của Giáo Hội tại Ý, đã công bố một bản báo cáo dài 24 trang đánh dấu kỷ niệm năm thứ năm cuộc nội chiến tại Syria.

Theo Caritas, cuộc chiến tranh, đã làm thiệt mạng hơn 260,000 người, đã khiến 12.5 triệu người rời bỏ nhà cửa của họ: tám triệu người đã phải lánh nạn trong nội bộ Syria, và 4.5 triệu người phải lưu vong ra nước ngoài. Đa số người tị nạn sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Li Băng và Iraq.

Kêu gọi thế giới tiếp tục hỗ trợ người tị nạn, Caritas khẩn thiết kêu gọi việc đấu tranh cho hòa bình “ở cấp độ của các chính phủ và các tổ chức quốc tế.”
 
Thánh Ca
Mẹ Đồng Công - Trình bày: Thùy Loan
Minh Trung
17:33 23/03/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
 
Chén Đắng - Trình bày: Ca Sĩ Như Ý
VietCatholic Network
17:50 23/03/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây