Ngày 27-03-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 28/03: Sức mạnh của sự thinh lặng – Lm. Phêrô Đoàn Hoàng Khôi Anh, SDD
Giáo Hội Năm Châu
02:35 27/03/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu

Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” 22 Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.” Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao!” Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh.” Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”

Đó là lời Chúa
 
Chỉ đến từ trên cao
Lm Minh Anh
13:58 27/03/2023
CHỈ ĐẾN TỪ TRÊN CAO

“Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ, các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu!”.

Oswald Chambers nói, “Tất cả thiên đàng quan tâm đến thập giá Chúa Kitô! Tất cả địa ngục sợ hãi nó một cách khủng khiếp! Đang khi loài người là ‘những sinh vật duy nhất’ ít nhiều bỏ qua ý nghĩa của nó! Ơn cứu độ thế giới ‘chỉ đến từ trên cao’, nghĩa là từ thập giá Chúa Kitô! Ngài đến để trả một món nợ không mắc; bởi lẽ, chúng ta mắc một món nợ không bao giờ trả nổi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Đồng tình với Chambers, Lời Chúa hôm nay tiết lộ một sự thật, ơn cứu độ ‘chỉ đến từ trên cao’, thập giá Chúa Kitô! Bởi lẽ, không có sự cứu rỗi trong các ý tưởng viển vông, trong sự sẵn lòng hay ước muốn của một ai đó... Nó phải phát xuất từ lòng thương xót vô bờ của Chúa Trời!

Như con rắn xưa được treo lên cây cột để cứu một dân, Chúa Kitô phải chịu treo trên thập giá để cứu muôn dân. Có như thế, Ngài mới có thể chuốc lấy mọi độc tố của tội; nhờ đó, chúng ta được chữa lành. Bài đọc Dân Số hôm nay cho biết, Israel kêu trách Chúa, đến nỗi, Ngài cho rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Môisen van xin Chúa, Ngài bảo, “Ngươi hãy đúc một con rắn đồng, treo nó lên làm dấu; kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được sống”.

Như vậy, tội lỗi dẫn đến cái chết; ăn năn dẫn đến lòng thương xót! Việc treo cao con rắn lên cột gỗ trong sa mạc báo trước việc Con Thiên Chúa được nâng cao trên giá gỗ tại đồi Canvê. Thập giá Chúa Kitô phá bỏ lời nguyền của tội lỗi và sự chết; đồng thời, giành được sự tha thứ, chữa lành và sự sống đời đời cho tất cả những ai tin vào Ngài, Đấng Cứu Độ Thế Giới.

Thật thú vị, “được giương cao” không chỉ đề cập đến việc Chúa Giêsu chịu nâng lên thập giá mà còn bao hàm việc Chúa Cha tôn vinh Ngài. “Các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu”, một danh hiệu chỉ dùng cho Thiên Chúa. Chúa Giêsu cho phép chúng ta chiêm ngắm Ngài đang ngự bên hữu Chúa Cha. Dẫu vậy, với Gioan tông đồ, thập giá vẫn là khoảnh khắc vinh quang của Chúa Giêsu, là đỉnh cao chiến thắng trong sứ mệnh Chúa Cha trao cho Ngài.

Nói đến việc ơn cứu độ ‘chỉ đến từ trên cao’, Augustinô viết, “Ta đã sai đến với con, Đấng sẽ tìm con, bước đi với con, và tha thứ cho con! Đấng ấy có đôi chân để bước đi, có đôi tay để tha thứ. Vì thế, sau khi sống lại, Đấng ấy lên trời, đưa tay ra, đưa cạnh sườn và bàn chân ra. Đôi tay tha thứ cho mọi tội nhân; cạnh sườn chảy ra máu cứu chuộc cho một nhân loại được cứu!’”.

Anh Chị em,

“Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ, các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu!”. Không ai biết đích xác Chúa Giêsu là ai mãi cho đến khi Ngài tắt thở. Chính trong khoảnh khắc chứng kiến cái chết nhục nhằn, đau đớn nhưng rất thánh thiện và bình an của Ngài, viên đại đội trưởng mới thốt lên, “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa!”; ông đã nhận chân giá trị của thập giá Ngài. Bởi lòng độc dữ, nhân loại giương cao Con Thiên Chúa; bởi lòng thương xót, Chúa Cha giương cao Con Ngài lên, để tuôn trào ơn tha thứ. Trước hội đồng, Phêrô lên tiếng, “Dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta nhờ vào danh đó mà được cứu độ”. Như thế, ơn cứu độ chỉ đến từ Thiên Chúa, ‘chỉ đến từ trên cao’. Chân lý này mời gọi chúng ta rướn mình lên khỏi những tầm thường, noạ tính, và tội lỗi, để với tới Chúa Kitô, Đấng được treo lên. Chạm được Ngài, bạn và tôi chạm được ơn cứu độ!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đừng để tội lỗi ghì chặt con xuống; cho con biết nhìn lên thập giá để chỗi dậy mỗi ngày, vì ơn cứu độ của con ‘chỉ đến từ trên cao’, từ giá Chúa chịu treo lên!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:58 27/03/2023

27. Đức Mẹ Ma-ri-a là nguồn suối của tất cả ân điển và an ủi.

(Thánh Elfleda)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:59 27/03/2023
13. TRÁI LÊ

Một hôm, bà Hán dẫn bốn đứa con nhỏ trở về nhà mẹ mình, ông ngoại lấy bốn trái lê hườm hườm nói xin lỗi là vì ông không tìm thấy trái nào chín cả.

Ông ta nói với các con:

- “Mọi người suy nghĩ giùm được không, làm sao lấy bốn trái lê này để chia cho năm người, nhưng với một điều kiện là không được dùng phân số.”

Con gái lớn là Quỳnh Ân nói:

- “Để con chia, nhưng cha cho phép con lấy số lẻ và số chẳn gộp lại với nhau.”

Cô ta cầm lê lên và nói:

- “Một trái lê cọng thêm hai em gái là ba; một trái lê cọng thêm hai em trai cũng là ba; hai trái lê cộng thêm mẹ nữa thì vẫn là ba, như thế vấn đề không phải là giải quyết công bằng rồi hay sao? Con không dùng phân số đó nhé !”

Mấy trẻ con rất vui vẻ đối với phương pháp phân chia này, mẹ chúng nó cũng lấy làm an ủi, nhưng bà ta kiên quyết phải để mỗi đứa bé cầm một quả lê, bà không cần cho mình. Ông ngoại rất là phấn khởi lấy một bó hoa tặng cho Quỳnh Ân và nói phương pháp chia của nó rất diệu kỳ, tính khiêm nhượng của nó thật đáng được khen ngợi.

(Một trăm câu chuyện giáo dục)

Suy tư ngắn 13:

Lấy tình yêu chia cho số nhiều thì lúc nào cũng chia chẳn, đủ cho mỗi người.

Cuộc sống hôm nay quá thiếu tình yêu nên nhiều đau khổ xảy ra, Đức Chúa Giê-su đã đem tình yêu vĩ đại của Ngài chia đều cho mỗi một người trên thế gian, nhưng rất ít người lấy tình yêu này đi chia cho người khác, ít nữa là người bên cạnh.

Của cải vật chất đem chia đi thì sẽ hao bớt, nhưng tình yêu mà cho đi thì dẽ được rất nhiều, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã nói: “Ai đã có thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất.” (Mt 13,12)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Bạn chọn thái độ nào?
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
22:20 27/03/2023
CHÚA NHẬT LỄ LÁ

Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Mt 26,14–27,66

BẠN CHỌN THÁI ĐỘ NÀO?

Với Chúa Nhật Lễ Lá, chúng ta bước vào Tuần Thánh, là tuần cao điểm của năm phụng vụ, để cử hành và tưởng niệm cuộc khổ nạn và phục sinh vinh hiển của Đức Giêsu, Chúa chúng ta. Nếu chúng ta để ý, chúng ta thấy phụng vụ của Lễ Lá có sự mâu thuẫn:

Trước thánh lễ, đó là nghi thức rước lá: nghi thức diễn tả thái độ vui mừng và nồng nhiệt của dân Do Thái đón tiếp Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem: họ cầm lá trong tay, rồi còn lấy áo mình trải cho Chúa Giêsu đi, một cử chỉ rất nồng nhiệt như chào đón một vị vua hay Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên, khi bước vào thánh lễ, các bài đọc lại diễn tả toàn là những sự đau khổ của Chúa Giêsu, đặc biệt trong bài Thương Khó.

Đây là sự tương phản mà Giáo Hội có dụng ý muốn diễn tả qua phụng vụ này để làm nổi bật sự mâu thuẫn của thái độ hay thay đổi của con người. Sự mâu thuẫn này bắt nguồn từ lòng dạ của con người, từ trái tim của mỗi người chúng ta: mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm, mâu thuẫn trong thái độ sống, giữa lời tuyên xưng niềm tin và đời sống cụ thể.

Sự thay lòng đổi dạ này là sự kiện lịch sử đã xảy ra trong vụ án Giêsu, mà Giáo Hội truyền lại cho chúng ta để chúng ta khám phá ý nghĩa của nó và giúp chúng ta sống tốt đức tin mình hơn.

1. Thái độ của người Do Thái

Trước hết, thái độ và lòng dạ của dân Do Thái: Đây là thái độ mâu thuẫn và bất nhất của họ đối với Chúa Giêsu: chỉ trong mấy ngày trước, khi Chúa vào thành Giêrusalem, họ vui mừng, tung hô, hò reo, tôn vinh Chúa là Con Vua Đavít, nhưng sau đó mấy ngày, chính họ là những người hô to: “Đóng đanh nó đi, giết nó đi.” Đó là thái độ bất nhất!

2. Thái độ mâu thuẫn của các môn đệ

Thứ đến là thái độ của các môn đệ, trong đó có thái độ của Phêrô, một môn đệ thân tín nhất của Chúa Giêsu, trước đó, ông hùng hổ dám tuyên bố với Chúa rằng ai đến bắt Chúa thì phải bước qua xác con. Vậy mà chỉ sau đó một thời gian ngắn, một cô gái hỏi: “Ông có phải là môn đệ Đức Giêsu không?” Phêrô đã chối đành đạch ba lần rằng: “Tôi không biết Người ấy.” Ôi người nhát đảm quá!

Một Giuđa mới ngày hôm trước ngồi ăn với Chúa, gần gũi với Chúa, thầy thầy, con con, nhưng ngày hôm sau, ông đã bán rẻ Chúa với giá 30 đồng bạc. Ông dùng nụ hôn là nghĩa cử yêu mến để làm dấu cho người ta bắt Chúa. Bên ngoài đạo đức, bên trong là dao găm, nham hiểm! Đồ hai mặt!

3. Thái độ của những người lãnh đạo tôn giáo

Họ là những Luật Sĩ, Kinh Sư hay là thuộc nhóm Pharisêu. Họ là duy lề luật, cứng nhắc, thành kiến và khó thay đổi trong xác tín và niềm tin của mình. Trước sứ điệp mới mẻ của Chúa Giêsu, họ không chỉ không đón nhận mà còn tìm mọi cách để chống đối Chúa Giêsu. Chính họ là những người đã gây nên vụ án của Chúa Giêsu. Họ là những người đạo đức giả, chạy theo bề ngoài, nhưng tâm địa đầy độc ác và gian thâm.

Tuy nhiên, khi suy niệm cuộc khổ nạn Chúa Giêsu, chúng ta không phải chỉ tưởng nhớ những gì đã xảy ra trong quá khứ, nhưng khi suy niệm những thái độ sống của những nhân vật trên, chúng ta được mời gọi liên hệ đến mình, soi bóng mình trong đó. Cử hành là liên hệ với đời sống chúng ta.

Nếu hiểu như thế, khi suy ngắm những mâu thuẫn của những người Do Thái và các môn đệ đối với Chúa Giêsu, chúng ta cũng khám phá ra chính chúng ta cũng có những thái độ tương tự như thế đối với Chúa. Sự mâu thuẫn luôn có mặt trong cuộc đời và trong đời sống đức tin của mỗi người.

Mới ngày hôm qua chúng ta đọc kinh, xem lễ đạo đức lắm, nhưng hôm nay đã chối Chúa rồi. Mới hôm qua hứa với Chúa sẽ không phạm tội, nhưng hôm nay đã phạm tội rồi. Ở trong nhà thờ chúng ta sốt sắng tuyên xưng Chúa là Vua, Đấng Cứu Độ, nhưng ra khỏi nhà thờ, chúng ta lại sống như những người vô đạo, lừa lọc, gian dối với anh chị em mình…

Nhưng chúng ta có thể chọn theo một trong ba thái độ sau:

Thái độ thứ nhất là tuyệt vọng: Giống như Giuđa, biết mình phạm tội, nhưng ông đã tuyệt vọng trong tội lỗi, và ông đã đi thắt cổ tự tử. Đó là thái độ tuyệt vọng trước tội lỗi của mình và đánh mất niềm tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Thái độ đó đưa đến bế tắc, tự tử.

Thái độ thứ hai là cố tình ở lỳ trong tội: những người lãnh đạo tôn giáo lúc bấy giờ, là những người trực tiếp gây ra án chết của Chúa Giêsu, nhưng sau khi Chúa phục sinh, họ vẫn cố tình ở lỳ trong tội, không chấp nhận sám hối, không biết ăn năn để trở về với Chúa.

Thái độ thứ ba là sám hối: Đó là thái độ của Phêrô, ngài ý thức tội của mình, khóc lóc, sám hối, và khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi của mình, xin Chúa tha thứ, nhờ đó, từ kinh nghiệm về tội lỗi và sám hối, ông đã trở thành người đứng đầu trong Giáo Hội và hướng dẫn cộng đoàn, nhờ thái độ khiêm tốn và sám hối của mình.

Như thế, tuyệt vọng, ngoan cố, ở lỳ trong tội, hay là sám hối trở về, trong ba thái độ đó, anh chị em chọn thái độ nào? Câu trả lời là tùy thuộc vào quyết định của mỗi người trước mặt Chúa trong tuần thánh này. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An

http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thượng phụ Đại kết: Giáo hội Chính thống Nga đồng trách nhiệm về sự xâm lược của Nga
Đặng Tự Do
17:23 27/03/2023


“Giáo hội và giới lãnh đạo Nhà nước ở Nga đã hợp tác với nhau trong tội ác xâm lược, và chia sẻ trách nhiệm về những tội ác đã gây ra, như vụ bắt cóc trẻ em Ukraine gây sốc. Họ đã gây ra đau khổ to lớn không chỉ cho người dân Ukraine, mà còn cho người Nga, những người đã gây ra hơn 100.000 thương vong và phải chịu trách nhiệm về những hành động tàn ác khủng khiếp,” Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô cho biết như trên tại một cuộc hội thảo được tổ chức tại Thượng viện Lithuania.

Nhà lãnh đạo Chính thống giáo nhấn mạnh rằng việc Lithuania lo sợ trước sự xâm lược của Nga không phải là không có cơ sở. “Mặc dù Lithuania được bảo vệ bởi tư cách thành viên của NATO từ năm 2014, nhưng sự lo lắng và sợ hãi hiện tại không phải là không có cơ sở. Lịch sử bi thảm của Lithuania đã mang đến cho công dân của họ sự nhạy cảm và trí tuệ địa chính trị sâu sắc và hiếm có,” ngài nhấn mạnh.

Đức Thượng phụ chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine, xảy ra do sự gây hấn vô cớ của Nga, là tâm điểm của một trận động đất địa chính trị.

“Âu Châu thức dậy sau một ảo tưởng sâu sắc, theo đó chiến tranh ở lục địa của nó đã là dĩ vãng. Tuy nhiên, Âu Châu không được chuẩn bị về mặt vật chất và trí tuệ đã thích nghi nhanh chóng với tình huống bất ngờ này, với sự hỗ trợ về mặt trí tuệ của các thành viên mới, như Lithuania,” ngài nói về quốc gia tích cực thúc đẩy việc hỗ trợ Ukraine gia nhập Liên Hiệp Âu Châu.

Đức Thượng phụ Đại kết nhắc nhở rằng Ukraine, cũng như Nga, được sinh ra từ Đế chế Byzantine và Tòa Thượng phụ Constantinople, khi ngài đề cập đến lễ rửa tội của Kyivan Rus vào năm 988. Tuy nhiên, ngay sau đó Mạc Tư Khoa đã từ bỏ Giáo Hội mẹ của mình và theo đuổi ý tưởng rằng Mạc Tư Khoa có thể kế vị Constantinople với tư cách là nhà lãnh đạo tinh thần của thế giới Chính thống giáo nổi lên sau sự sụp đổ của Constantinople vào tay người Ottoman vào năm 1453.

Các Sa hoàng Nga kế tiếp áp đặt ý chí của họ lên Giáo hội, sử dụng nó như một công cụ cho các mục tiêu chiến lược của họ. Trong khi một số tu viện đã duy trì đức tin tôn giáo đích thực, thì tôn giáo thường được công cụ hóa ở Nga. Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô nói rằng nước Nga của Putin đã tiếp tục và tăng cường xu hướng này. Khi làm điều này, nó khai thác hệ tư tưởng chính thống Russkii mir, hay “thế giới Nga”:

“Thành ngữ này mô tả một khu vực được cho là của nền văn minh bao gồm Nga, Ukraine, Belarus cũng như người dân tộc Nga trên khắp thế giới, được lãnh đạo và chỉ đạo về mặt chính trị và tôn giáo bởi trung tâm Mạc Tư Khoa. 'Thế giới Nga' được trình bày như câu trả lời cho 'phương Tây băng hoại'. Hệ tư tưởng này là công cụ chính để hợp pháp hóa 'tinh thần' cuộc xâm lược ở Ukraine,” ông giải thích.

Đó là một loại tôn giáo giả xuất hiện cùng với sự sụp đổ của Liên Xô và sự phá sản của hệ tư tưởng cộng sản khi các chiến lược đế quốc cũ được kết hợp với các kỹ thuật và cơ chế hoài nghi được phát triển và kế thừa từ Liên Xô.

Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô nói, trong sự đối kháng với Tòa Thượng phụ Đại kết, Giáo hội Chính thống Nga tiếp tục đóng một vai trò gây chia rẽ trong Chính thống giáo thế giới. Điều này bao gồm “sự xâm nhập trái phép” của Nga ở Phi Châu, thách thức quyền tài phán của Tòa thượng phụ Chính thống giáo Alexandria trên lãnh thổ này.

Tuy nhiên, việc người Ukraine đòi độc lập giáo hội khỏi Mạc Tư Khoa, được ngài chấp thuận vào năm 2019, đã bộc lộ bản chất của Mạc Tư Khoa trong việc tuyên bố vai trò lãnh đạo của họ.

Sau khi chiến tranh kết thúc, bên cạnh việc tái thiết Ukraine, vấn đề “tái sinh tinh thần” không chỉ ở Ukraine mà còn ở Nga phải được đặt ra, Đức Thượng phụ nói, ngụ ý rằng người Nga phải từ bỏ hệ tư tưởng tôn giáo giả hiệu của họ về “ thế giới Nga” và trở về “suối nguồn của đức tin Chính thống”.

Nhưng ngay cả bây giờ, cuộc đối thoại liên tôn không chỉ tập trung vào việc chống lại sự kích động chia rẽ và hợp pháp hóa thần học của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa đối với hành vi phạm tội; Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô nói: “bổn phận chung của Kitô hữu” bao gồm việc đưa các Kitô hữu Nga trở lại “cộng đồng có giá trị chung của chúng ta”.
Source:Euro Maiden
 
Khu vực vô luật của tình dục con người và Giáo hội ngày nay
Vu Van An
22:58 27/03/2023

Tiến sĩ Thomas R. Rourke của Catholic World Report, ngày 26 tháng 3, cho rằng: Thật sáo rỗng khi nhận định rằng các tập tục tình dục đã “thay đổi”. Mặc dù không sai khi nói rằng các chuẩn mực tình dục đã “thay đổi”, nhưng sự phổ biến của ngôn ngữ này có xu hướng che khuất tính cụ thể của những gì đã thực sự xảy ra.



Thực vậy, xem xét các thành phần khác nhau của triết lý đang thúc đẩy những người ủng hộ cuộc cách mạng tình dục, cũng như nhiều người Công Giáo cấp tiến, bản tóm tắt tốt về các đề xuất khác nhau của họ chỉ đơn giản là thế này: toàn bộ lĩnh vực tình dục của con người không bị luật pháp chi phối. Có thể nói, tình dục là “vùng tự do vô luật lệ”. Mặc dù hiếm khi được quảng cáo như vậy (nó vẫn còn quá cấp tiến đối với hầu hết mọi người), nhưng một cuộc điều tra sâu sắc về tư tưởng cấp tiến—cả thế tục lẫn Công Giáo—cho thấy cách diễn đạt này, trên thực tế, là một bản tóm tắt chính xác.

Nói cách khác, toàn bộ lĩnh vực tư duy luân lý truyền thống và các quy tắc mà nó đặt ra đối với việc thực hiện tính dục của con người, phải bị loại bỏ hoàn toàn. Nó phải được thay thế bằng quyền tự do lựa chọn không bị hạn chế bởi bất cứ điều gì mà tư tưởng phương Tây cho đến nay đã công nhận là luật.(1)

Ý niệm cho rằng tình dục của con người không nên bị chi phối bởi các nguyên tắc vững chắc, bất biến là điều hiển nhiên nhất trong tư tưởng thế tục. Trong nhiều thập niên, chúng ta đã nghe điệp khúc cho rằng các chuẩn mực luân lý truyền thống liên quan đến tình dục là khắt khe, đạo đức giả, lấy cảm hứng từ sự thống trị của nam giới và/hoặc sự đàn áp nữ giới, hướng tới việc “kiểm soát” (bị coi là điều xấu), biến phụ nữ thành “nhà máy sản xuất trẻ em, ” và kìm hãm xã hội loài người trong vũng lầy của tư duy tiền Khai sáng. Kết luận là chúng ta nên chuyển tất cả những điều này thành tự do của con người. Đàn ông và đàn bà đến tuổi có thể tự quyết định về những vấn đề như vậy.(2)

Chúng ta có thể điều tra cuộc cách mạng tình dục một cách sâu xa như chúng ta muốn, tìm hiểu xem ai có thể tham gia vào các hành vi tình dục, các loại mối liên hệ khác nhau giữa những người tham gia (người yêu, chỉ qua đêm, v.v.) và hoàn cảnh xung quanh hành vi đó (kết hôn, không kết hôn)—và chúng ta sẽ thấy không có gì có thể gọi là luật lệ để chi phối mọi tình huống. Toàn bộ lĩnh vực được xác định bởi “sự lựa chọn tự do”, bản thân nó được xác định bởi bất cứ “chuẩn mực” nào mà người tham gia đã chọn cho mình, để theo đuổi một sự hiểu biết phi chuẩn mực, tự chọn khác về “sự thỏa mãn” hoặc đơn giản là khoái lạc.

Không có trường hợp nào mà hành vi tình dục có thể bị coi là vô luân vì bản chất của những người tham gia, bản thân hành vi hoặc hoàn cảnh xung quanh hành vi đó. Không lập luận nào khẳng định rằng một hành vi tình dục đặc thù nào bị điều chỉnh bởi một quy tắc vĩnh viễn sẽ có giá trị ở đây—trừ khi người tham gia chọn quy tắc đặc thù đó.

Chúng ta phải rõ ràng hơn và nhận thức rõ hơn về ý nghĩa của sự thay đổi này. Thật sáo rỗng khi nhận định rằng các tập tục tình dục đã “thay đổi”. Mặc dù không sai khi nói rằng các chuẩn mực tình dục đã “thay đổi”, nhưng sự phổ biến của ngôn ngữ này có xu hướng che khuất tính cụ thể của những gì đã thực sự xảy ra. Xin sử dụng một phép loại suy: Tôi có thể đang đi bộ xuống một con phố và thay đổi hướng đi của mình năm độ sang trái hoặc phải. Đó cũng là một sự “thay đổi”. Nhưng nó sẽ là một mô tả rất nghèo nàn và thiếu sót về những gì đã xảy ra với các chuẩn mực tình dục.

Người ta lấy những chuẩn mực chi phối tình dục con người trong toàn bộ lịch sử của phương Tây và họ đảo ngược chúng hoàn toàn. Và bây giờ các “chuẩn mực” mới - thực ra là sự vắng mặt của chúng - khiến người ta đi theo hướng ngược lại trước đây. Các “chuẩn mực” mới đi theo hướng ngược 180 độ so với hướng nguyên thủy.

Mọi điều sai trái và được công nhận như thế hai thế hệ trước giờ đây đều đúng: ly hôn rồi tái hôn hàng loạt, ngoại tình, chung sống giữa những người chưa kết hôn, gian dâm nói chung, tránh thai, thủ dâm và đồng tính luyến ái. Rất ít người trong chúng ta thực sự nghĩ thấu đáo hàm ý đầy đủ của điều đó; tác giả chỉ xin đề cập đến hai hàm ý ở đây.

Đầu tiên, trong khi những cấm đoán truyền thống rõ ràng hướng đến việc duy trì sáng thế và sự ổn định của các gia đình, và các hoạt động tình dục hỗ trợ mục đích đó, thì các chuẩn mực hiện tại về mặt luận lý chỉ có thể dẫn đến sự phá hủy gia đình truyền thống. Khi nền luân lý tình dục phát triển, gia đình cũng phát triển.

Thứ hai, nếu những người cấp tiến và các “chuẩn mực” mới là đúng, thì hàm ý rõ ràng là các Giáo Hội và giáo phái Kitô giáo nói chung, và hơn hết là Giáo Hội Công Giáo, trong nhiều thế kỷ đã tích cực đánh lạc hướng toàn thể nhân loại về những gì có lẽ là chuẩn mực trung tâm nhất của sự hiện hữu luân lý của con người.(3) Với chiều sâu và bề rộng của một sai lầm khổng lồ như vậy, tại sao mọi người lại lắng nghe những gì Giáo hội hay Kitô hữu nói ngày nay? Hơn nữa, Giáo hội thực tế có nên thừa nhận điều bị cho là sai lầm hay không? Càng khó hiểu hơn khi người ta nhận ra rằng những Kitô hữu đang cổ vũ cho sự thay đổi triệt để hướng về quan điểm hiện đại tin rằng sự thay đổi như vậy sẽ làm cho Giáo hội trở nên “đáng tin cậy” hơn!

Điều đáng lưu ý là hiện tượng loại bỏ luật pháp khỏi lĩnh vực tình dục này, xét về tổng thể, trực tiếp đi ngược lại những gì xảy ra trong hầu hết các khía cạnh khác của cuộc sống. Trong hai thế hệ vừa qua, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều luật lệ điều chỉnh hành vi của chúng ta gần như trên khắp mọi lãnh vực. Thí dụ, hãy so sánh vị trí của chúng ta ngày nay với đầu thập niên 1960 liên quan đến các luật điều chỉnh chăm sóc sức khỏe, quyền riêng tư (không bao gồm lĩnh vực tình dục), kinh tế và giáo dục. Nhìn chung, mô hình rõ ràng là người ta đang buộc các hành vi của con người tùy thuộc ngày càng nhiều vào các quy định hơn. Về mặt chính trị, điều này thường được diễn dịch thành các quy định của liên bang. Vì vậy, cuộc cách mạng tình dục có đặc điểm đặc biệt hơn nữa là lời kêu gọi chấm dứt luật pháp đối với nó trong khi xã hội nói chung đang mở rộng các lĩnh vực bị luật pháp và qui định chi phối ngày càng nhiều.

Một minh xác khác cũng cần được đưa ra. Một số người có thể bối rối trước tuyên bố cho rằng lĩnh vực tình dục đang trở thành “khu vực không có luật pháp”. Thực thế, há không phải càng ngày càng có nhiều luật lệ hơn nhằm hạn chế chúng ta ở đây hay sao? Ngày càng có nhiều luật lệ nói với chúng ta rằng chúng ta không thể hạn chế phá thai, rằng chúng ta phải cung cấp các biện pháp tránh thai miễn phí bằng chi phí của chính phủ, rằng chúng ta phải cho phép và bảo vệ “hôn nhân đồng tính”, chuyển giới và “quyền tình dục” mới được xây dựng hoàn toàn tưởng tượng. Tuy nhiên, xem ra đề xuất “vô luật” không đứng vững trong lãnh vực tình dục.

Quả thực có nhiều luật mới, nhưng chúng hết thẩy đều được thiết kế để bảo đảm rằng tình dục không bị chi phối bởi bất cứ chuẩn mực tình dục đúng đắn và khách quan nào. Chúng ở đó để bảo vệ khu vực không có luật pháp khỏi sự xâm nhập tiềm tàng của các nhà lập pháp, hành pháp và tòa án. Thí dụ, các luật cho phép tiếp cận các biện pháp tránh thai do chính phủ chi trả rõ ràng là có đó để thúc đẩy việc sử dụng chúng, để bảo đảm rằng những người tham gia vào các hành vi tình dục có quyền lựa chọn tự do của họ mà không gặp bất tiện phải mang thai và sinh con.

Bây giờ chúng ta hãy xem xét phiên bản Công Giáo của vấn đề, mà thoạt nhìn có vẻ như không liên quan gì đến chủ nghĩa cấp tiến. Chúng ta có sách Giáo lý chứa đầy những điều cấm đối với tất cả những điều mà cuộc cách mạng tình dục đã hợp pháp hóa: ly hôn, chung sống phi hôn nhân, gian dâm, thủ dâm, đồng tính luyến ái, “hôn nhân đồng tính” và chuyển giới. Trong khi một số người Công Giáo cấp tiến chia sẻ chính nghĩa chung với các đối tác thế tục của họ, thì bối cảnh Công Giáo đòi hỏi (ít nhất ở một mức độ nào đó) những người này phải tiến bước một cách gián tiếp hơn để đạt được cùng một mục đích. Chỉ đơn giản thúc đẩy chương trình nghị sự thế tục một cách không nao núng là điều quá đáng. Tệ hơn nữa, cách tiếp cận như vậy làm cho mục tiêu đúng ra trở thành minh bạch với hầu hết mọi người; điều rõ ràng là mục tiêu chỉ đơn giản lật đổ toàn bộ các quy tắc đã hiện hữu hàng thế kỷ. Nhiều người Công Giáo chưa sẵn sàng cho điều đó, hoặc ít nhất là chưa sẵn sàng để làm điều đó một cách công khai. Nền thần học mới đã phát triển ở đây thực ra không mới đến thế, như chúng ta đã nghe về nó sau Công đồng Vatican II.(4) Một trong những vấn đề với nó là nó bị bao vây bởi những cuộc tranh luận bất tận về việc chính xác ai sẽ ủng hộ nó, thẳng thắn mà nói phần lớn không trung thực.(5)

Hãy nhớ rằng Veritatis Splendor của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II được viết như một phản ứng đối với sự phát triển của loại thần học luân lý lệch lạc vốn phủ nhận sự tồn tại của một luật vĩnh viễn, ràng buộc liên quan đến tính dục con người. Các trường phái tư tưởng khác nhau bị thông điệp năm 1993 bác bỏ cuối cùng đều hoàn toàn trái ngược với giáo lý thực sự của Giáo hội. Vấn đề ở đây là các trường phái khác nhau này, được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như “thuyết lựa chọn căn bản”, “thuyết duy hệ quả”, “thuyết duy tỷ lệ” và “thuyết duy cứu cánh”, tất cả đều chỉ về cùng một hướng nới lỏng các chuẩn mực cụ thể, nghiêm ngặt đối với hành vi của con người. Tất cả đều có xu hướng ủng hộ điều được gọi là “tính tiệm tiến của luật pháp” [gradualism of the law], theo đó không có luật phổ quát cụ thể nào chi phối hành vi luân lý trong mọi tình huống.

Nói cách khác, cách tiếp cận này không phải chỉ phủ nhận bất cứ quy tắc nào của Giáo hội. Nó nói rằng mọi người có thể thấy mình rơi vào các tình huống trong đó họ không thể thỏa mãn đầy đủ các đòi hỏi đầy đủ của luật lệ. Đến một mức độ nào đó, nó liên quan đến việc chấp nhận việc vi phạm các chuẩn mực. Thông thường, vẫn có các tiêu chuẩn, đòi hỏi một người Công Giáo phải tham vấn một linh mục trước—và sau đó, tất nhiên, tham vấn lương tâm mình. Nhưng, cuối cùng, người đó chọn tiêu chuẩn nào sẽ chi phối hành vi của mình vào ngày hôm đó—miễn là người đó hứa sẽ cố gắng đạt được tiêu chuẩn của Giáo Hội vào một thời điểm nào đó trong tương lai (mặc dù không được xác định). Rõ ràng, không có cuộc thảo luận đầy đủ nào về điều này ở đây. Nhưng sự tương phản với giáo huấn vĩnh viễn của Giáo hội đã trở nên rõ ràng nơi những người, chẳng hạn như Walter Kasper và hầu hết các giám mục Đức (và một loạt các giám mục khác trên thế giới), những người đã tranh luận về việc cho người ly dị và tái hôn rước lễ trong một số trường hợp. Những người theo đuổi lựa chọn này phải kiểm tra lương tâm của họ với sự giúp đỡ của một linh mục để xác định xem hành động hiện tại của họ có phải là điều tốt nhất họ có thể làm hay không. Nhưng điểm mấu chốt là họ tự chọn cho mình. Quy luật luân lý không phải là nói bị ném ra ngoài, theo nghĩa chặt chẽ, mà là bị “đá lên trên” có thể nói như vậy; nó hoạt động như một mục tiêu dài hạn, chứ không phải là một hướng dẫn và đánh giá hành động tức khắc.

Khi các chuyến xuất du thần học dọc theo những đường hướng này được tuân theo trong các trường hợp cá thể, và khi liên quan đến việc lựa chọn hành động thực tế thực sự phải được thực hiện, thì luật luân lý cũng hướng dẫn người Công Giáo này như hướng dẫn đối tác thế tục của họ vốn tuân theo quy tắc của thuyết tương đối. Điều này có vẻ khắc nghiệt và tác giải không cho rằng các trường hợp đều giống hệt như nhau. Nhưng thực tại trong cả hai trường hợp là: người hành động không bị chi phối bởi một quy luật phổ quát, mà là (ít nhất trong một khoảng thời gian không xác định) một luật lệ do chính họ lựa chọn. Như Đức Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI đã nhiều lần nói rõ, cách tiếp cận này không tương ứng với những gì Giáo hội luôn luôn giảng dạy. Giáo hội dạy rằng một số hành vi vi phạm chuẩn mực tình dục cấu thành vấn đề nghiêm trọng và phải ăn năn và hoán cải ngay khi vi phạm. Giáo hội không hề cho phép hoặc chế tài những hành động vi phạm từ bên trong các quy tắc luân lý và bí tích của Giáo hội.

Hướng tới các cuộc họp của Thượng Hội đồng Giám mục sắp diễn ra tại Vatican vào tháng 10 tới, tác giả tránh đưa ra ý kiến của mình về các khả thể. (Những người khác đã làm điều đó và tác giả tin rằng điều đó có lẽ được thực hiện tốt nhất bởi các chuyên gia về giáo luật.) Cuối cùng, nếu mọi điều trở nên tồi tệ, các giải pháp khả thi sẽ phụ thuộc vào quyền của các giám mục và Hồng Y chính thống theo giáo luật. Tác giả chỉ muốn nhấn mạnh một khả thể đáng lo ngại. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong Amoris Laetitia, đã đưa ra một tài liệu mơ hồ vừa rõ ràng vừa không rõ ràng cho phép những người ly dị và tái hôn rước lễ, nhưng dường như mở cánh cửa cho điều đó. Ngài bị bốn Hồng Y yêu cầu làm rõ lập trường của Giáo hội, nhưng ngài nói rằng ngài sẽ không làm điều đó, sau đó quay ngược trở lại và tán thành cách tiếp cận của các giám mục Á Căn Đình, nhưng rõ ràng là ngài đã mở toang cánh cửa. Sách Giáo lý vẫn không thay đổi.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Thượng Hội đồng hiện nay kết thúc vào năm tới với việc ban hành một văn kiện, từ Đức Giáo Hoàng và với thẩm quyền của huấn quyền, trong yếu tính có cùng một cách tiếp cận đối với một loạt các vấn đề tình dục mà trước ngài đã đưa ra với việc cho phép những người ly dị và tái hôn được Rước lễ? Tuy không thay đổi Sách Giáo lý, toàn bộ tín lý của Giáo hội về tính dục, hôn nhân và gia đình có thể bị phá hoại và lật đổ một cách hữu hiệu bằng cách sử dụng các phương pháp tương tự: ban hành một tài liệu không rõ ràng, từ chối đưa ra một cách giải thích dứt khoát, sau đó cho phép các giám mục Á Căn Đình hoặc Đức và những người khác giải thích nó tùy ý họ muốn—một cách tiếp cận mà tác giả nghĩ rõ ràng sẽ dẫn Giáo hội vào ít nhất một “sự ly giáo thực tế.” Những người ủng hộ đều nhất loạt phủ nhận không có bất cứ người nào đã thay đổi giáo huấn Công Giáo cả. Nhưng tác giả nghĩ rằng nó sẽ làm cho Giáo Hội Công Giáo, về bản chất, giống như các Giáo Hội Tin lành chính dòng hiện nay hoặc Hiệp thông Anh giáo, trong đó không ai còn nhất trí về bản chất của hôn nhân, gia đình, hoặc luân lý tình dục.

Nên chú ý nhiều hơn đến việc tất cả những điều này đã có vẻ trở nên “bình thường” xiết bao và cảm giác thờ ơ đó có thể trở nên tồi tệ đến mức nào. Há chúng ta đã không quen với ý tưởng cho rằng một số giám mục và Hồng Y là chính thống, trong khi những vị khác thì không hay sao? Và há điều này đã không được phản ảnh trong việc chúng ta chấp nhận một số giáo dân giữ quan điểm Công Giáo trong khi những người khác giữ quan điểm ngược lại hay sao? Há những người Công Giáo trẻ tuổi đã không hấp thụ tất cả những điều này hay sao? Như thế, sự không chính thống—đi ngược lại với những gì Giáo hội dạy—không phải là vấn đề lớn. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có thành tích nói rằng ngài không sợ ly giáo. Và khó mà thấy ngài thực sự trừng phạt những giám mục này trong tương lai vì đã làm những gì họ đang làm ngày hôm nay.

Tác giả thực sự không muốn công khai chỉ trích Đức Giáo Hoàng, nhưng ngài buộc nói rằng đây là một trong những kết quả tồi tệ nhất trong cách điều hành Giáo hội của ngài. Người Công Giáo trẻ tuổi được hướng dẫn để hiểu rằng các Thánh lễ Latinh ở giáo xứ của họ phải bị cấm bởi sự can thiệp quyết đoán của Đức Giáo Hoàng, nhưng nhiều vị Hồng Y thường xuyên đưa ra những lập trường không chính thống mà nhìn chung không có phản ứng nào từ Đức Giáo Hoàng. Các nhà thần học đã làm điều đó trong hai thế hệ. Đúng, Đức Giáo Hoàng đã chính thức chỉ trích các giám mục Đức và “Con đường Đồng nghị”, nhưng họ và những người khác có thể giải thích việc thiếu hành động như một kiểu thờ ơ với hành vi phạm tội. Và chỉ một tuần trước, một số giám mục Đức đã thông báo rằng họ sẽ cho phép việc chúc lành phụng vụ cho “các cuộc kết hợp đồng tính” trong nhà thờ của họ. Một lần nữa, những người trẻ tuổi Công Giáo hấp thụ những bài học nào đây?

Tất cả chúng ta cần phải nói nhiều hơn nữa để phản đối những gì đang diễn ra trước mắt chúng ta. Khi tác giả lớn lên, không thể tưởng tượng nổi việc những người tự xưng và thực hành Công Giáo lại phản đối giáo huấn đạo đức Công Giáo về tính dục và gia đình. Một giám mục làm như vậy sẽ bị cất chức, và nhanh chóng nếu ngài không ăn năn công khai! Bây giờ chúng ta có thể tự hỏi liệu có bao giờ có bất cứ biện pháp kỷ luật nào được áp dụng đối với các giám mục và Hồng Y duy trì các chủ trương không chính thống hay không. Tất cả chúng ta hãy hết lòng cầu nguyện cho Mẹ Thánh Giáo hội trong Mùa Chay này và hơn thế nữa.

Chú thích:

(1) Cuộc thảo luận này giả định một cách tiếp cận của trường phái Tôma đối với định nghĩa luật lệ. Nó chấp nhận sự phân biệt giữa luật tự nhiên và luật nhân bản. Trong hầu hết các trường hợp, bài báo hiểu luật theo nghĩa luật tự nhiên, nhưng nó cũng bao gồm các luật của con người dựa trên luật tự nhiên.

(2) Người ta bị cám dỗ nghĩ rằng các luật lệ chống hiếp dâm là một ngoại lệ thực sự ở đây, nhưng không phải vậy. Việc cấm hiếp dâm không phải là một việc lồng phần còn lại của nền luân lý cũ, mặc dù nó luôn bị nền luân lý đó lên án. Trong trường hợp hiếp dâm, điều bị vi phạm không phải là chuẩn mực tình dục theo nghĩa chặt chẽ, mà là một chuẩn mực chống lại bạo lực nói chung và quyền của phụ nữ được tự do lựa chọn. Nếu chúng ta xem xét trường hợp hiếp dâm điển hình, hành vi đó trong mọi trường hợp được đánh giá là không sao nếu có sự đồng ý. Tương tự như thế, các luật lệ cấm người lớn có quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên rơi vào khuôn mẫu rộng hơn theo đó, trong nhiều trường hợp, luật lệ đối xử với trẻ vị thành niên cách khác vì chúng được cho là không có khả năng đưa ra quyết định trưởng thành ở một độ tuổi nào đó. Một lần nữa, cùng một hành vi được thực hiện với một người nào đó hai ngày trước sinh nhật lần thứ mười tám của họ, trong mọi trường hợp, ba ngày sau đó sẽ không sao, nếu có sự đồng ý.

(3) Tôi gọi các chuẩn mực tình dục là chuẩn mực trung tâm nhất với giả định là không gì có thể là trung tâm đối với sự triển nở của con người hơn là tình trạng gia đình trong xã hội, một đề xuất vẫn hoàn toàn được hỗ trợ bởi bất cứ việc sử dụng bằng chứng trung thực nào. Các xã hội hoặc cộng đồng mà gia đình phần lớn không hiện hữu là nơi mà tất cả các bệnh lý của con người phát triển. Không có chương trình hoặc chi tiền nào của chính phủ có thể cứu được những cộng đồng như vậy.

(4) Về mặt thần học, đây dường như là một đặc điểm trong triều giáo hoàng của Đức Phanxicô. Đó là sự tái xuất hiện của nghị trình của cuối thập niên 60 và 70, nhưng giờ đây với một người ủng hộ rõ ràng ngự trên Tòa Phêrô.

(5) Sau khi phát hành Veritatis Splendor, việc lắng nghe những lời phàn nàn liên tục của các nhà thần học khăng khăng rằng những lời chỉ trích của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II về lý thuyết “lựa chọn căn bản”, thuyết duy tỷ lệ, thuyết duy hệ quả, thuyết tương đối và thuyết duy cứu cánh đã không tạo thành một chỉ trích bất cứ nhà thần học thực sự nào. Không ai trong số những nhà thần học này có thể nhận ra chính họ trong mô tả của Đức Giáo Hoàng về trường phái tư tưởng của họ. (Tác giả đoán tất cả chúng ta nên cảm thấy tiếc cho Đức Giáo Hoàng. Ngài đã lãng phí cả một thông điệp, không chỉ trích các trường phái tư tưởng thực sự không có người theo?) Chúng ta đã thấy đi thấy lại trò chơi chữ này nhiều lần. Khi Thánh bộ Đức tin ban hành chỉ thị đầu tiên về Thần học Giải phóng, một lần nữa chúng ta được cho biết rằng Thánh bộ đã làm sai tất cả, vì không ai thực sự nắm giữ các lập trường bị chỉ trích. Nhiều điều tương tự đang diễn ra ngày hôm nay. Tất cả các nhà thần học đều chế giễu bất cứ lời chỉ trích nào đối với lý thuyết của họ, cho rằng những người chỉ trích dường như không thực sự “hiểu” những gì họ đang thực sự nói.
 
VietCatholic TV
Nga tố Ukraine tấn công gần Moscow. Chưa bắt được Putin, thế giới còn nguy hiểm. Putin sỉ nhục Tập
VietCatholic Media
03:00 27/03/2023


1. Nga tuyên bố Ukraine tấn công xuyên biên giới khiến 3 người bị thương trong vụ nổ do máy bay không người lái Ukraine gây ra ở vùng Tula của Nga

Alexey Dyumin, Thống Đốc Tula của Nga cáo buộc một máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công vào lãnh thổ của ông ta, gây ra vụ nổ làm ba người bị thương.

Tula không có đường biên giới với Ukraine. Thành phố này nằm cách thủ đô Mạc Tư Khoa khoảng 140 dặm hay 225 km về phía nam. Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin hôm Chúa Nhật rằng “Vụ nổ ở thành phố Kireyevsk thuộc vùng Tula là do máy bay không người lái Tu-141 Strizh của Ukraine gây ra.” Alexey Dyumin nói với TASS rằng máy bay không người lái được nhồi đầy chất nổ.

“Các mảnh vỡ của máy bay không người lái Tu-141 Strizh của Ukraine đã được thu hồi từ vụ nổ”, Alexey Dyumin nói.

Theo TASS, “hai thanh niên bị các vết thương do mảnh vỡ và một người khác bị thương nhẹ. Ba khu chung cư và bốn cấu trúc hộ gia đình đã bị hư hại.”

Ukraine đã không bình luận về vụ việc cho đến nay và CNN đã không thể xác minh độc lập tuyên bố của Mạc Tư Khoa.

2. Đặt vũ khí hạt nhân ở Belarus là luận điệu tuyệt vọng trước lệnh bắt giữ Putin của ICC

Bộ Ngoại giao Lithuania cho biết họ sẽ kêu gọi các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga để đáp trả kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, theo một tuyên bố đưa ra hôm Chúa Nhật.

Lithuania cho biết đây sẽ là một phần trong các cuộc thảo luận với các đối tác Âu Châu-Đại Tây Dương về cách phản ứng với các kế hoạch mới nhất của Nga và Belarus, đồng thời gọi đây là “một nỗ lực khác của hai chế độ độc tài khó lường nhằm đe dọa các nước láng giềng và toàn bộ lục địa Âu Châu”.

“Đây là những động thái tuyệt vọng của Putin và nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko nhằm tạo ra một làn sóng căng thẳng và bất ổn khác ở Âu Châu. Những hành động này đang kéo Belarus sâu hơn vào cuộc chiến với Ukraine và đối đầu với thế giới dân chủ”, Bộ Ngoại Giao Lithuania tuyên bố.

“Belarus, quốc gia đang ngày càng mất chủ quyền, ủng hộ và hỗ trợ sự xâm lược của Nga, đồng thời ngày càng tham gia chặt chẽ hơn vào các kế hoạch quân sự của Nga, là một yếu tố rủi ro bổ sung đối với khu vực Baltic”

3. NATO gọi tuyên bố hạt nhân của Nga là “nguy hiểm và vô trách nhiệm”

Hôm Chúa Nhật Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bình luận rằng việc Nga thông báo rằng họ sẽ chuyển vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus là “nguy hiểm và vô trách nhiệm”.

“NATO rất cảnh giác và chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Chúng tôi chưa thấy bất kỳ thay đổi nào trong quan điểm hạt nhân của Nga khiến chúng tôi phải điều chỉnh quan điểm của mình”.

“Việc Nga đề cập đến việc chia sẻ hạt nhân của NATO là hoàn toàn sai lầm,” ông cho biết như trên khi đề cập đến tuyên bố của Putin rằng động thái của ông ta sẽ chỉ phản ánh hành động của các quốc gia phương Tây.

“Các đồng minh NATO hành động với sự tôn trọng đầy đủ các cam kết quốc tế của họ. Nga đã liên tục phá vỡ các cam kết kiểm soát vũ khí của mình, gần đây nhất là đình chỉ tham gia Hiệp ước START mới”.

“Nga phải quay lại tuân thủ và hành động một cách thiện chí”

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh Âu Châu cũng lên án tuyên bố của Putin.

“Belarus cho phép Nga sở hữu vũ khí hạt nhân đồng nghĩa với sự leo thang vô trách nhiệm và đe dọa an ninh Âu Châu. Belarus vẫn có thể ngăn chặn điều đó, đó là sự lựa chọn của họ,” Josep Borrell, nhà ngoại giao hàng đầu của Liên Hiệp Âu Châu, cho biết “Liên Hiệp Âu Châu sẵn sàng đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt tiếp theo.”

4. Các phản ứng liên quan đến tuyên bố triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus của Putin. Lệnh bắt giữ Putin của ICC tiếp tục gây ra những hoảng loạn trên chiến trường.

Nikolai Sokov, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Giải trừ quân bị và Không phổ biến vũ khí hạt nhân Vienna, nói với Reuters: “Đó là một động thái rất quan trọng.”

“Nga luôn tự hào rằng họ không có vũ khí hạt nhân bên ngoài lãnh thổ của mình. Vì vậy, bây giờ họ đang thay đổi điều đó và đó là một thay đổi lớn.”

Putin không nói rõ thời điểm số vũ khí này sẽ được chuyển tới Belarus, quốc gia có chung biên giới với 3 thành viên NATO là Ba Lan, Lithuania và Latvia. Ông cho biết Nga sẽ hoàn thành việc xây dựng một cơ sở lưu trữ ở đó trước ngày 1 tháng 7.

“Đây là một phần trong trò chơi của Putin nhằm cố gắng đe dọa NATO… bởi vì không có lợi ích quân sự nào khi làm điều này ở Belarus vì Nga có rất nhiều vũ khí và lực lượng này bên trong nước Nga,” Hans Kristensen, giám đốc dự án thông tin hạt nhân tại Viện nghiên cứu của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ cho biết.

Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ Vũ khí Hạt nhân gọi tuyên bố của Putin là một bước leo thang cực kỳ nguy hiểm.

“Trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine, khả năng tính toán sai hoặc hiểu sai là rất cao. Chia sẻ vũ khí hạt nhân khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn nhiều và có nguy cơ gây ra những hậu quả nhân đạo thảm khốc”.

Một cựu chỉ huy quân sự Nga là Igor Girkin thì cho rằng đây chỉ là động tác giả để trấn an người Nga. “Vũ khí hạt nhân tầm xa, đặt ở Belarus hay đặt ở Nga, thì có gì khác biệt. Putin chỉ đang cố làm điều gì đó để trấn an người Nga và trấn an chính ông ta rằng tình hình vẫn đang được kiểm soát.”

Vladimir Solovyov, một tuyên truyền viên trên TV của Điện Cẩm Linh đã lên tiếng kêu gọi bắt giữ Igor Girkin vì tội gây hoảng loạn cho quân đội Nga.

Trong một video trên Telegram, Igor Girkin cho rằng Putin đã không chính thức tuyên chiến với Ukraine. Điều này đặt các tướng lãnh và thực tế là toàn bộ quân đội Nga vào tình thế nguy hiểm, đặc biệt nếu Nga thua trận. Ông cho rằng các tướng lãnh, là những người có khả năng bị truy tố nhất ngay sau Putin, đang thấy mình đứng trước một tai họa kinh hoàng. Làm sao một tướng lĩnh có thể ra lệnh bắn chết những công dân của một quốc gia có chủ quyền khi chưa chính thức tuyên chiến? Điều này lập tức khiến anh ta trở thành tội phạm chiến tranh. Vladimir Solovyov cáo buộc rằng Igor Girkin đang lợi dụng lệnh bắt giữ Putin của ICC để gây ra một tác động kinh hoàng trên chiến trường.

5. Tòa Bạch Ốc cho biết chưa có dấu hiệu nào cho thấy Putin đã thực hiện cam kết triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus

Khi được hỏi về cam kết của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cho biết: “Chúng tôi sẽ phải theo dõi và xem điều này sẽ đi đến đâu.”

của Hội đồng An ninh Quốc gia

Putin đã đưa ra nhận xét về kế hoạch vũ khí hạt nhân chiến thuật của mình ở nước láng giềng Belarus trên truyền hình nhà nước hôm thứ Bảy. Putin nói thêm lực lượng của ông sẽ giữ quyền kiểm soát bất kỳ loại vũ khí nào mà họ đặt ở đó.

Mỹ đã hạ thấp động thái này, nói rằng không có dấu hiệu nào cho thấy Nga đang lên kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân. Ukraine cho biết các kế hoạch này là một “bước tiến tới sự bất ổn nội bộ” của Belarus.

Belarus, nằm ở phía tây nước Nga trên đường biên giới dài phía bắc của Ukraine, là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mạc Tư Khoa. Nó đã giúp Nga tiến hành cuộc xâm lược đầu tiên vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, cho phép quân đội của Điện Cẩm Linh tiến vào nước này từ phía bắc.

6. Cựu đại sứ nhận xét rằng Putin 'làm nhục' Tập Cận Bình của Trung Quốc với quyết định hạt nhân

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin 'Humiliated' China's Xi With Nuclear Decision: Former Ambassador”, nghĩa là “Cựu đại sứ nhận xét rằng Putin 'làm nhục' Tập Cận Bình của Trung Quốc với quyết định hạt nhân.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Michael McFaul, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Nga, hôm Chúa Nhật cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã coi thường Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bằng cách đặt vũ khí hạt nhân ở Belarus sau khi cả hai đồng ý không triển khai vũ khí hạt nhân bên ngoài lãnh thổ quốc gia của họ.

“Cả Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đều làm bẽ mặt Tập. Hãy nhớ rằng, Lukashenko vừa được chiêu đãi một chuyến thăm cấp nhà nước sang Trung Quốc. Ông Tập vừa đến Mạc Tư Khoa. Không thể tưởng tượng được quyết định này lại có kết quả tốt ở Bắc Kinh,” McFaul cho biết như trên.

Cựu đại sứ Hoa Kỳ đang đề cập đến chuyến thăm gần đây của Lukashenko tới Trung Quốc, trong đó ông đã thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine với Tập vào đầu tháng này. Trung Quốc, một trong những đồng minh mạnh nhất của Nga, từ lâu đã tuyên bố trung lập trong cuộc chiến ở Ukraine, thậm chí hồi tháng 2 còn đưa ra đề xuất ngừng bắn và đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng nhiều lần quảng bá quan hệ đối tác “không giới hạn” với Nga và từ chối gọi cuộc chiến ở Ukraine là một cuộc xâm lược.

Bất chấp mối quan hệ thân thiết, Nga dường như đã bỏ qua tuyên bố chung với Trung Quốc, nói rằng cả hai nước sẽ không triển khai vũ khí hạt nhân vượt ra ngoài biên giới quốc gia của họ. Putin hôm thứ Bảy tuyên bố triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, nơi quân đội Nga đã được huấn luyện cho cuộc xâm lược Ukraine lần đầu, hơn một năm trước.

“Không tốt. Putin đang gửi vũ khí hạt nhân tới Belarus,” McFaul nói về thông báo của Putin hôm thứ Bảy. Trong khi đó, người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine, Oleksiy Danilov, cho biết Nga đã bắt Belarus “làm con tin hạt nhân”, điều này đang góp phần vào “sự bất ổn nội bộ” ở chính Belarus.

Theo hãng tin AP, quyết định của Putin được cho là nhằm đáp trả việc Vương quốc Anh cung cấp cho Ukraine đạn xuyên giáp có chứa uranium nghèo,. Nhà lãnh đạo Nga đã cáo buộc sai sự thật rằng Vương quốc Anh cung cấp vũ khí cho Ukraine để chống lại “một đối thủ hạt nhân”.

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng, không vi phạm các cam kết quốc tế về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, chúng ta đã giúp các đồng nghiệp Belarus trang bị lại máy bay của họ. Máy bay của Không quân Belarus. Mười chiếc máy bay đã sẵn sàng để sử dụng loại vũ khí này,” ông Putin nói trong một buổi phát thanh hôm thứ Bảy. “Chúng ta đã chuyển giao cho Belarus tổ hợp Iskander nổi tiếng và rất hiệu quả của chúng ta, và cũng có thể trao thêm một Hàng Không Mẫu Hạm”.

Vài ngày trước quyết định của ông, Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh đã ra tuyên bố chung về việc triển khai vũ khí hạt nhân ở nước ngoài, theo hãng thông tấn Nga TASS.

“Tất cả các cường quốc hạt nhân không được triển khai vũ khí hạt nhân vượt ra ngoài lãnh thổ quốc gia của họ và họ phải rút tất cả vũ khí hạt nhân được triển khai ở nước ngoài về nước”, tuyên bố viết.

Ông Tập đến Mạc Tư Khoa hôm thứ Hai để thảo luận về kế hoạch hòa bình của Trung Quốc nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Chủ tịch Trung Quốc được cho là đã tái khẳng định cam kết của nước ông với Nga trong quan điểm của nước này về Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và nhắc lại hy vọng của Bắc Kinh đạt được một “giải pháp chính trị” trong cuộc chiến Ukraine. Trong khi đó, ông Putin công bố một số biện pháp cho thấy sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế và năng lượng, theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để bình luận.

7. Ukraine ca ngợi thành công ở Bakhmut giữa cuộc tấn công dữ dội của Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Touts Success in Bakhmut Amid Russian Onslaught”, nghĩa là “ Ukraine ca ngợi thành công ở Bakhmut giữa cuộc tấn công dữ dội của Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Hôm Chúa Nhật, các nhà lãnh đạo quân đội Ukraine đã ca ngợi thành công tại Bakhmut sau nhiều tháng giao tranh đẫm máu chống lại Nga để giành quyền kiểm soát thành phố ở vùng Dontesk.

Serhii Cherevaty, phát ngôn nhân của Bộ Tư lệnh Quân sự miền Đông Ukraine, hôm Chúa Nhật cho biết các lực lượng Ukraine đã cố gắng “ổn định tình hình” xung quanh thành phố, nơi đã diễn ra một số cuộc giao tranh ác liệt nhất trong cuộc chiến Nga-Ukraine, theo The Kyiv Independent.

Quân đội Nga đã tìm cách giành chiến thắng ở Bakhmut để chống lại quan điểm cho rằng cuộc xâm lược Ukraine của họ đã bị đình trệ. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động “cuộc xâm lược quân sự đặc biệt” vào tháng 2 năm ngoái, nhưng quân đội của ông đã phải vật lộn để đạt được các tiến bộ nhỏ nhoi sau hơn một năm chiến đấu trong bối cảnh có các báo cáo về tinh thần xuống thấp và những thách thức khác mà quân đội phải đối mặt.

Các lực lượng Nga đã chiến đấu bên cạnh Tập đoàn Wagner, một đơn vị bán quân sự, ở Bakhmut trong nhiều tháng với hy vọng giành chiến thắng, nhưng các báo cáo gần đây cho thấy các cuộc tấn công của Nga đã chậm lại trong những tuần gần đây, là đòn mới nhất giáng vào Putin khi ông tìm cách lật ngược tình thế của cuộc chiến theo hướng có lợi cho mình.

Cả hai quân đội tiếp tục chiến đấu để giành quyền kiểm soát thành phố, việc kiểm soát thành phố này được coi là mang tính biểu tượng hơn là chiến lược. Tuy nhiên, cường độ chiến đấu đã giảm bớt, Cherevatyi cho biết, theo The Kyiv Independent.

“Hôm qua, có 18 cuộc tấn công trên toàn bộ mặt trận Bakhmut, hôm nay là 17. Trước đó, có từ 35 đến 50 hoặc hơn. Tuy nhiên, điều này cần xác minh và phân tích chi tiết hơn,” Cherevatyi nói.

Ông nói thêm rằng Nga gần đây đã mất thêm nhiều thiết bị quân sự — bao gồm xe tăng, xe tấn công đổ bộ, xe chiến đấu bộ binh, pháo tự hành, hai máy bay không người lái, trạm quan sát và chỉ huy đại đội, cùng 10 kho đạn dã chiến — trong khi cố gắng chiếm thành phố.

Trong khi đó, Tướng Ukraine Valery Zaluzhny hôm thứ Sáu cho biết tình hình tiền tuyến ở Bakhmut vẫn là “khó khăn nhất”, nhưng đưa ra một số đánh giá lạc quan cho quân đội Ukraine.

“Nhờ những nỗ lực to lớn của Lực lượng Phòng vệ, chúng ta đang cố gắng ổn định tình hình,” ông nói, theo The Moscow Times.

Cuộc tấn công Bakhmut của Nga đã bị đình trệ, các nhà phân tích nói

Nhận xét từ giới chức quân sự Ukraine phản ánh dấu hiệu mới nhất cho thấy các hành động quân sự của Nga ở Bakhmut đã chậm lại.

Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh cho biết trong một bản cập nhật tình báo hôm thứ Bảy rằng các cuộc tấn công của Nga ở Bakhmut “phần lớn đã bị đình trệ” trong bối cảnh “lực lượng Nga bị tiêu hao nghiêm trọng”, đồng thời lưu ý rằng Nga và Ukraine đã chịu tổn thất lớn về quân số.

Bản cập nhật chỉ ra rằng Nga dường như đã chuyển trọng tâm sang Avdiivka gần đó, một thị trấn phía nam Bakhmut.

“Điều này cho thấy sự quay trở lại tổng thể của một thiết kế hoạt động mang tính phòng thủ hơn sau những kết quả không thuyết phục từ nỗ lực tiến hành một cuộc tổng tấn công kể từ tháng Giêng”.

Tuy nhiên, tiến trình của Nga ở Avdiivka dường như cũng đang chậm lại, theo cựu chỉ huy Nga Igor Girkin, người đã viết trong một bài đăng trên Telegram vào Chúa Nhật rằng “không có tiến triển nào trong hai ngày qua” do “không đủ lực lượng”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận qua email.

8. Quan chức Ukraine cho biết pháo kích của Nga ở Donetsk khiến 2 người thiệt mạng và 1 người khác bị thương

Theo Pavlo Kyrylenko, người đứng đầu chính quyền quân sự của khu vực, ít nhất hai người chết và một người bị thương do pháo kích của Nga ở một số khu vực thuộc vùng Donetsk phía đông Ukraine từ đêm thứ Bảy đến Chúa Nhật.

Kyrylenko cho biết một trong những người thiệt mạng ở thị trấn Chasiv Yar, phía tây Bakhmut, và người còn lại ở Pivnichne Toretske, một ngôi làng ở phía nam.

Theo nhà lãnh đạo Ukraine, nhà cửa ở thành phố công nghiệp Kostyantynivka và cộng đồng Predtechyne gần đó bị hư hại. Ông cho biết pháo kích cũng tấn công một số thị trấn khác trong khu vực.

9. Chính quyền kêu gọi cư dân di tản khỏi thị trấn Ukraine khi các cuộc tấn công liên tục của Nga làm gián đoạn các tiện ích

Các nhà chức trách ở thị trấn Avdiivka của Ukraine - nằm ở khu vực Donetsk phía đông - đang kêu gọi người dân di tản vì các nguồn lực quan trọng như điện, nước, và các dịch vụ di động bị gián đoạn bởi các cuộc pháo kích của Nga, một quan chức hàng đầu của khu vực cho biết.

Vitalii Barabash, người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự Avdiivka, cho biết bắt đầu từ Chúa Nhật, các tiện ích của thị trấn sẽ bị cắt do “ngày càng nhiều thị trấn bị pháo kích và phá hủy hàng ngày”.

“Thị trấn đang bị xóa sổ khỏi mặt đất. Bạn phải rời khỏi thị trấn khi được di tản,” anh ấy nói. “Chúng ta sẽ di tản các tiện ích theo nhiều giai đoạn. Hôm nay có một vụ tấn công gần cơ sở của công ty tiện ích.”

Lãnh đạo khu vực cho biết vùng phủ sóng di động cho thị trấn cũng sẽ bị cắt. Ông cũng cảnh báo rằng mọi người sẽ không thể sạc điện thoại của họ vì trong những ngày tới sẽ không có ai bảo dưỡng máy phát điện hoặc vận hành tháp di động.

“Triển vọng cho thị trấn là rất xấu. Mỗi ngày chúng ta có những tòa nhà nhiều tầng sụp đổ. Không có ngày nào trong vài tuần qua mà chúng ta không bị pháo kích,” anh nói.

“Đó là lý do tại sao bạn cần chuyển ra ngoài, bạn cần chuẩn bị sẵn sàng cho việc này. Đặc biệt là những người có con,” anh ấy nói, “Cuộc sống thực cho thấy rằng các tầng hầm sẽ không cứu bạn với tốc độ mà bọn xâm lược đang tấn công thị trấn bằng các cuộc không kích hiện nay. Chẳng bao lâu nữa, tôi nghĩ rằng Avdiivka có thể trở thành một Marinka thứ hai - tức là sẽ không còn gì của thị trấn.”

Đôi nét về Avdiivka: Thị trấn nằm ngay phía bắc thành phố Donetsk, một vùng đô thị lớn.

Thị trấn công nghiệp, nơi có một nhà máy luyện kim lớn, đã liên tục bị pháo kích kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, các cuộc tấn công trên bộ của Nga trong khu vực đã tăng cường.

Một số quan chức Ukraine đã nói rằng thị trấn có thể trở thành một Bakhmut thứ hai, thành phố gần như bị bỏ hoang nơi các lực lượng Ukraine và Nga đã chiến đấu trong nhiều tuần trong các cuộc giao tranh đẫm máu tại thời điểm này.

Barabash đã nói trong các bản cập nhật trước đây rằng việc di tản dân thường khỏi thị trấn là rất nguy hiểm, với “con đường chết” dẫn ra khỏi thị trấn bị quân đội Nga giám sát và họ “nổ súng ngay lập tức”.
 
Chấn động Hoa Kỳ: Mình Thánh Chúa đã trao hết, bất ngờ đầy ắp trong bình. TGP Connecticut điều tra
VietCatholic Media
05:02 27/03/2023


1. Linh mục báo cáo phép lạ thánh thể có thể đã xảy ra tại nhà thờ ở Connecticut. Nếu được xác nhận đây là phép lạ cả thể rõ ràng nhất trong các phép lạ Thánh Thể đã được báo cáo.

Một phép lạ Thánh Thể đã được tường tình xảy ra ở tiểu bang Connecticut với những nét rất khác với tất cả các phép lạ Thánh Thể đã được tường trình trước đây.

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có bài tường trình nhan đề “Priest reports possible eucharistic miracle at Connecticut church”, nghĩa là “Linh mục báo cáo phép lạ thánh thể có thể đã xảy ra tại nhà thờ ở Connecticut”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một đài truyền hình địa phương ở Connecticut đưa tin rằng Tổng giáo phận Hartford đang điều tra một phép lạ Thánh Thể có thể xảy ra trong khi cử hành Thánh lễ tại Nhà thờ Công Giáo St. Thomas ở Thomaston.

Vào ngày 5 tháng 3 vừa qua, khi kết thúc Thánh lễ, Cha Joseph Crowley thông báo rằng một thừa tác viên Thánh Thể đã chứng kiến một điều gì đó không thể giải thích được khi ông cho rước lễ.

“Một trong những thừa tác viên Thánh Thể của chúng tôi đã hết bánh thánh và đột nhiên có thêm bánh thánh trong bình thánh. Chúa vừa tự nhân bản mình trong bình thánh,” Cha Crowly xúc động nói với các tín hữu.

Vị linh mục nói: “Thật là tuyệt vời khi Chúa làm những điều này, và thật tuyệt vời khi chúng ta nhận ra những gì Ngài đã làm và nó mới xảy ra ngày hôm nay.”

“Rất mạnh mẽ, rất tuyệt vời, rất thật, rất gây sốc. Nhưng nó đã xảy ra, và hôm nay nó đã xảy ra,” ngài nói. Khi phép lạ xảy ra vị linh mục thường ngày có tài thuyết giảng đã tỏ ra lúng túng, lắp bắp, trước khi có thể giải thích một cách rành mạch với cộng đoàn của ngài chuyện gì đã xảy ra.

“Họ đã hết bánh thánh và đột nhiên có thêm nhiều bánh thánh ở đó. Vì vậy, hôm nay chúng ta không chỉ có phép lạ Thánh Thể, mà chúng ta còn có một phép lạ lớn hơn nữa là phép lạ hóa bánh ra nhiều. Rất tuyệt vời” vị linh mục nói.

Một cuộc triển lãm được Vatican xác nhận “Phép lạ Thánh Thể trên thế giới,” có bằng chứng tài liệu về 152 phép lạ như vậy, đã viếng thăm hơn 3.000 nhà thờ trong chuyến lưu diễn quốc tế. Trong thế kỷ 21, đã có bốn phép lạ Thánh Thể được Giáo Hội Công Giáo công nhận, Trung tâm Magis báo cáo.

Vào năm 2013, tại một nhà thờ ở Legnica, Ba Lan, một Bánh thánh đã làm phép rơi xuống sàn đã được cho vào nước để tan ra. Thay vào đó, bánh thánh trở nên có vệt đỏ. Kiểm tra pháp y kết luận: “Trong hình ảnh mô bệnh học, các mảnh vỡ được tìm thấy có chứa các phần bị phân mảnh của cơ vân chéo. Nó gần giống nhất với cơ tim.”

Năm 2006, một bánh thánh đã được thánh hiến tại một giáo xứ thuộc Giáo phận Chilpancingo-Chilapa của Mexico dường như bị chảy máu. Các xét nghiệm sau đó tìm thấy sự hiện diện của máu. Nghiên cứu cho biết: “Chất màu đỏ được phân tích tương ứng với máu trong đó có huyết sắc tố và DNA có nguồn gốc từ con người”.

Năm 2001, các nhân chứng cho biết đã nhìn thấy khuôn mặt của Chúa Giêsu xuất hiện trên bánh thánh ở Chirattakonam, Ấn Độ.

Và vào năm 2008, tại một nhà thờ ở Sokolka, Ba Lan, một linh mục đã làm rơi một Bánh thánh đã truyền phép và sau đó có vẻ như chảy máu. Các cuộc kiểm tra sau đó phát hiện ra rằng “bánh thánh bị thay đổi giống hệt với mô cơ tim của một người sắp chết. Ngoài ra, cấu trúc của các sợi cơ và cấu trúc của bánh mì được đan xen theo cách mà con người không thể tạo ra được.”

Trong tất cả các phép lạ Thánh Thể mà Giáo Hội đã từng công nhận cho đến nay có lẽ chưa có trường hợp nào giống như trường hợp ở tiểu bang Connecticut, khi bình đựng Mình Thánh Chúa đã hết lại tự nhiên đầy trở lại.

2. Giám mục Tây Ban Nha chỉ trích Tòa án Hiến pháp ủng hộ luật trợ tử

Đức Cha José Ignacio Munilla, Giám mục của Orihuela-Alicante ở Tây Ban Nha, đã chỉ trích quyết định của Tòa án Hiến pháp trong việc duy trì luật trợ tử của quốc gia này.

Tòa tuyên bố rằng luật “công nhận quyền tự quyết để quyết định một cách tự do, được thông tin đầy đủ và có ý thức.”

Đức Cha Munilla phản bác lại: “Không phải chính xác là tự sát đã chấm dứt quyền tự quyết sao?”

Vị giám chức đã thêm vào lời chỉ trích của mình bằng cách trích dẫn câu tục ngữ “tất cả các loại nấm đều ăn được, nhưng một số chỉ ăn được một lần,” và buộc tội rằng đây là một quyết định “trong đó ý thức hệ thay thế lý trí và luật pháp.”

Đa số tại Tòa án Hiến pháp cho rằng luật trợ tử ủng hộ “quyết định tự do, được thông tin đầy đủ và có ý thức về cách thức và thời điểm chết” trong các trường hợp mắc bệnh nan y hoặc khuyết tật nghiêm trọng.

Phán quyết của tòa cho rằng khái niệm hiến định về cuộc sống như một quyền cơ bản hoặc quyền hợp pháp cần được bảo vệ không “liên quan đến ý chí của người nắm giữ quyền đó” muốn từ bỏ quyền này, cũng như không “quan tâm đến quyết định của họ về cách thức và thời điểm chết”.

Tòa án cũng nói rằng chính phủ có “nghĩa vụ cung cấp các phương tiện cần thiết để cho phép sự giúp đỡ của các bên thứ ba” trong việc quản lý cái chết êm dịu.

Ngoài ra, tòa án tuyên bố rằng chăm sóc giảm nhẹ “không cấu thành một giải pháp thay thế trong mọi tình huống đau khổ” được quy định trong luật.

Hai thẩm phán không đồng ý với phán quyết: Enrique Arnaldo và Concepción Espejel, người đã chỉ ra rằng quyết định vượt quá “phạm vi và giới hạn của quyền tài phán tương ứng với Tòa án.”

3. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 26 tháng Ba

Chúa Nhật 26 tháng Ba, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 5 Mùa Chay với bài Tin Mừng kể lại câu chuyện Chúa Giêsu cho anh Ladarô chết chôn 4 ngày sống lại. Tên Ladarô thật có ý nghĩa trong trình thuật này vì Ladarô có nghĩa là “Chúa sẽ giúp”.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.

Khi ấy, hai chị em của Ladarô sai người đến thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, người Thầy yêu đau liệt”. Nghe tin ấy, Chúa Giêsu liền bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ được vinh hiển”.

Chúa Giêsu thương Martha và em là Maria và Ladarô. Khi hay tin ông này đau liệt, Người còn lưu lại đó hai ngày. Rồi Người bảo môn đệ: “Chúng ta hãy trở lại xứ Giuđêa”.

Đến nơi, Chúa Giêsu thấy Ladarô đã được an táng bốn ngày rồi. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Martha đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Martha thưa Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy”. Chúa Giêsu nói: “Em con sẽ sống lại”. Martha thưa: “Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con cũng sẽ sống lại”. Chúa Giêsu nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?” Bà thưa: “Thưa Thầy: vâng, con đã tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian”.

Người xúc động và hỏi: “Đã an táng Ladarô ở đâu?” Họ thưa: “Thưa Thầy, xin đến mà xem”. Chúa Giêsu rơi lệ. Người Do-thái liền nói: “Kìa, xem Ngài thương ông ấy biết bao!” Nhưng có mấy kẻ trong đám nói: “Ông ấy đã mở mắt người mù từ khi mới sinh mà không làm được cho người này khỏi chết ư?” Chúa Giêsu lại xúc động; Người đi đến mộ.

Mộ đó là một hang nhỏ có tảng đá đậy trên. Chúa Giêsu bảo: “Hãy đẩy tảng đá ra”. Martha là chị người chết, thưa: “Thưa Thầy, đã nặng mùi rồi vì đã bốn ngày”. Chúa Giêsu lại nói: “Ta đã chẳng bảo con rằng: Nếu con tin, thì con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?” Thế là người ta cất tảng đá ra. Chúa Giêsu ngước nhìn lên và nói: “Lạy Cha, Con cảm tạ Cha đã nhậm lời Con. Con biết Cha hằng nghe lời Con. Nhưng Con nói lên vì những người đứng xung quanh đây, để họ tin rằng Cha đã sai Con”. Nói rồi, Người kêu lớn tiếng: “Ladarô! Hãy ra đây!” Người đã chết đi ra, chân tay còn quấn những mảnh vải, trên mặt quấn khăn liệm. Chúa Giêsu bảo: “Hãy cởi ra cho anh ấy đi”.

Một số người Do-thái đến thăm Maria, khi được chứng kiến những việc Chúa Giêsu làm, thì đã tin vào Người.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Hôm nay, Chúa Nhật thứ 5 Mùa Chay, Tin Mừng trình bày cho chúng ta sự sống lại của anh Ladarô (x. Ga 11,1-45). Đây là phép lạ cuối cùng của Chúa Giêsu được thuật lại trước lễ Phục sinh: đó là sự sống lại của bạn Ngài là Ladarô. Ladarô là bạn thân của Chúa Giêsu, biết anh ấy sắp chết; nên Ngài ta bắt đầu cuộc hành trình của mình, nhưng đến nhà anh ta bốn ngày sau khi chôn cất, khi mọi hy vọng đã tắt. Tuy nhiên, sự hiện diện của Người đã thắp lại một chút tin tưởng trong lòng hai chị em Martha và Maria (x. c. 22, 27). Họ bám vào ánh sáng này, vào hy vọng nhỏ bé này, bất chấp đau khổ của họ. Chúa Giêsu mời gọi họ hãy có lòng tin, và yêu cầu mở cửa mộ. Sau đó, Người cầu nguyện với Chúa Cha và gọi Ladarô: “Hãy ra đây!” (câu 43). Và người chết trở lại cuộc sống dương thế. Đây chính là một phép lạ, đúng là như thế.

Thông điệp rất rõ ràng: Chúa Giêsu ban sự sống ngay cả khi dường như mọi hy vọng đã vụt tắt. Đôi khi, chúng ta cảm thấy vô vọng – điều này đã xảy ra với tất cả chúng ta – hoặc gặp những người đã từ bỏ hy vọng: cay đắng vì những trải nghiệm tồi tệ, trái tim bị tổn thương không thể hy vọng. Vì một mất mát đau thương, một bệnh tật, một thất vọng cay đắng, một sai lầm hay một sự phản bội, một lỗi lầm nghiêm trọng đã phạm phải… mà họ đã từ bỏ hy vọng. Đôi khi chúng ta nghe những người nói rằng “Không còn gì để làm nữa!”, và đóng sập mọi hy vọng. Đó là những khoảnh khắc mà cuộc sống dường như là một ngôi mộ bị niêm phong: mọi thứ đều tối tăm, và xung quanh chúng ta chỉ thấy đau khổ và tuyệt vọng. Phép lạ hôm nay nói với chúng ta rằng không phải như vậy, đây không phải là kết thúc, rằng trong những giây phút này, chúng ta không đơn độc; trái lại, chính trong những lúc này, Ngài đến gần hơn bao giờ hết để phục hồi sự sống cho chúng ta. Chúa Giêsu khóc: Tin Mừng thuật lại Chúa Giêsu khóc trước mộ Ladarô, và hôm nay Chúa Giêsu cũng khóc với chúng ta, như Người đã có thể khóc cho Ladarô: Tin Mừng lặp lại hai lần rằng Người cảm động (x. c. 33, 38), nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu đã bật khóc (xem câu 35). Đồng thời Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta đừng ngừng tin tưởng và hy vọng, đừng để mình bị những cảm xúc tiêu cực đè bẹp lấy đi nước mắt. Người đến gần các ngôi mộ của chúng ta và nói với chúng ta như sau: “Hãy lăn tảng đá đi” (c. 39). Trong những lúc này, như thể chúng ta có một tảng đá bên trong, và người duy nhất có thể lấy nó ra là Chúa Giêsu, với lời của Người: “Hãy lăn tảng đá đi”.

Chúa Giêsu cũng nói điều này với chúng ta. Hãy cất viên đá đi: nỗi đau, lỗi lầm, kể cả thất bại, đừng giấu những thứ ấy trong anh chị em, trong căn phòng tối tăm, cô đơn, đóng kín. Lấy đi hòn đá: rút hết những gì bên trong ra. “À, nhưng tôi thấy xấu hổ”. Chúa nói: Hãy đưa nó cho ta với lòng tín thác, Ta sẽ không giận đâu; hãy đưa nó cho Ta đừng sợ hãi, bởi vì Ta ở bên con, Ta quan tâm đến con và Ta muốn con bắt đầu sống lại. Và, như đã làm với Ladarô, Người lặp lại với mỗi người chúng ta: Hãy ra đây! Hãy trỗi dậy, quay trở lại con đường, lấy lại sự tự tin của con! Đã bao lần trong đời mình chúng ta thấy mình như thế, trong hoàn cảnh không còn sức để vực dậy nữa. Và Chúa Giêsu nói: “Hãy đứng dậy, tiếp tục tiến bước! Ta bên con “. Chúa Giêsu phán: Ta sẽ nắm lấy tay con, giống như khi con còn là một đứa trẻ chập chững những bước đầu tiên. Anh chị em thân mến, hãy cởi bỏ những gông cùm đang trói buộc anh chị em (x. c. 45); làm ơn, xin đừng đầu hàng trước sự bi quan làm anh chị em chán nản, đừng đầu hàng trước nỗi sợ hãi khiến anh chị em bị cô lập, đừng đầu hàng trước sự nản lòng do ký ức về những trải nghiệm tồi tệ gây ra, đừng đầu hàng trước nỗi sợ hãi làm tê liệt. Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Ta muốn con được sống và tự do, Ta sẽ không bỏ rơi con và Ta ở với con! Mọi thứ đều tối tăm, nhưng Ta ở bên con! Đừng để mình bị nỗi đau giam cầm, đừng để niềm hy vọng lụi tàn. Anh chị em ơi, sống lại đi!”. “Và làm thế nào tôi có thể làm điều này?”. “Nắm lấy tay Thầy”, và Ngài nắm lấy tay chúng ta. Hãy để anh chị em được kéo ra: và Ngài có khả năng làm điều đó trong những khoảnh khắc tồi tệ xảy ra với tất cả chúng ta.

Anh chị em thân mến, đoạn văn này, trong chương 11 của Tin Mừng Gioan, là đoạn văn rất hay để đọc, là một bài thánh ca về sự sống, và đoạn văn này được công bố khi Lễ Phục Sinh gần kề. Có lẽ chúng ta cũng vậy trong lúc này đang mang trong lòng một gánh nặng hay một đau khổ nào đó dường như đè bẹp chúng ta; điều gì tồi tệ, tội lỗi cũ nào đó mà chúng ta không thể lôi ra, lỗi lầm tuổi trẻ nào đó, hay điều gì đó anh chị em không bao giờ biết được. Những điều xấu cần phải đi ra. Và Chúa Giêsu nói: “Hãy ra đây!”. Vì vậy, đây là lúc để cất viên đá đi và tiến về phía Chúa Giêsu, Đấng đang ở gần. Chúng ta có thể mở lòng với Ngài và giao phó những lo lắng của chúng ta cho Ngài không? Chúng ta sẽ làm điều đó chứ? Liệu chúng ta có thể mở ngôi mộ của những vấn đề, liệu chúng ta có khả năng, và nhìn qua ngưỡng cửa, hướng tới ánh sáng của Ngài, hay chúng ta sợ điều này? Và ngược lại, như những tấm gương nhỏ của tình yêu Thiên Chúa, chúng ta có cố gắng chiếu sáng những môi trường chúng ta đang sống bằng lời nói và cử chỉ của cuộc sống không? Chúng ta có làm chứng cho niềm hy vọng và niềm vui của Chúa Giêsu không? Chúng ta, tội nhân, tất cả chúng ta? Và tôi cũng muốn nói một lời với các cha giải tội: anh em thân mến, đừng quên rằng anh em cũng là những người tội lỗi, và anh em ở tòa giải tội không phải để tra tấn, nhưng để tha thứ, và tha thứ mọi sự, như Chúa đã tha thứ mọi sự. Xin Mẹ Maria, Mẹ của Hy vọng, đổi mới trong chúng ta niềm vui không cảm thấy cô đơn và lời mời gọi mang ánh sáng vào bóng tối vây quanh chúng ta.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến!

Hôm qua, Lễ Trọng Truyền Tin, chúng ta đã lập lại việc thánh hiến Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, với niềm xác tín rằng chỉ có việc hoán cải tâm hồn mới có thể mở ra con đường dẫn đến hòa bình. Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho những người dân Ukraine đang chịu đau khổ.

Và chúng ta cũng hãy ở gần các nạn nhân trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Số tiền thu được từ đợt quyên góp đặc biệt diễn ra ngày hôm nay tại tất cả các giáo xứ trên khắp nước Ý đều dành cho họ. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho người dân của bang Mississippi, bị một cơn lốc xoáy tàn phá.

Tôi chào tất cả anh chị em, người Rôma và khách hành hương từ nhiều quốc gia, đặc biệt là những người từ Madrid và Pamplona, và người Mễ Tây Cơ; cũng như người dân Peru, và tôi lập lại lời cầu nguyện cho hòa giải và hòa bình ở Peru. Chúng ta phải cầu nguyện cho Peru, đất nước đang chịu nhiều đau khổ.

Tôi chào các tín hữu ở Zollino, Rieti, Azzano Mella và Capriano del Colle, Bellizzi, Crotone và Castelnovo Monti với Unitalsi; và tôi chào các ứng viên Thêm sức đến từ Pavia, Melendugno, Cavaion và Sega, Settignano và Prato; những người trẻ tuổi Ganzanigo, Acilia và Longi; và Hiệp hội Amici del Crocifisso của Marches.

Tôi gửi lời chào đặc biệt tới phái đoàn Lực lượng Không quân Ý, lực lượng đang kỷ niệm 100 năm thành lập. Tôi chúc các bạn tốt lành trong ngày kỷ niệm này, và tôi khuyến khích các bạn luôn làm việc để xây dựng công lý và hòa bình.

Tôi cầu nguyện cho tất cả anh chị em; và xin anh chị em cũng cầu nguyện cho tôi. Và tôi chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
 
Tư Lệnh Cảnh Sát Nga bị đặt bom ở Mariupol, xe nổ tung. Xe tăng Đức đã đến Kyiv, chuẩn bị phản công
VietCatholic Media
17:16 27/03/2023


1. Tư lệnh cảnh sát Nga tại Mariupol bị các chiến binh kháng chiến đặt bom

Các phương tiện truyền thông Nga đã loan tin về một biến cố nhằm lấy mạng tư lệnh cảnh sát Nga trong khu vực Mariupol được tường trình diễn ra vào lúc 8 giờ 7 phút theo giờ địa phương tại thành phố Mariupol.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Commander's Car Blown Up by Resistance Fighters in Mariupol—Mayor”, nghĩa là “Xe của tư lệnh Nga bị các chiến binh kháng chiến đặt bom nổ tung ở Mariupol”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ..

Một nỗ lực đã được thực hiện để lấy mạng của Mikhail Moskvin, tư lệnh cảnh sát ở thành phố Mariupol do Nga kiểm soát, các hãng tin nhà nước Nga đã đưa tin vào sáng thứ Hai

“Lực lượng kháng chiến Mariupol tấn công Mariupol bị xâm lược, làm nổ tung chiếc xe của một trong những sĩ quan quân đội hàng đầu. Thông tin chi tiết sau,” Thị trưởng Vadym Boychenko của hội đồng thành phố Mariupol cho biết như trên.

Mariupol là một thành phố cảng của Ukraine đã bị thiệt hại trên diện rộng trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Nó đã bị chiếm giữ vào tháng 5, trở thành một trong những khu vực đầu tiên rơi vào tay lực lượng Nga. Mạc Tư Khoa thường đổ lỗi cho Kyiv về các cuộc tấn công nhằm vào các quan chức do Cẩm Linh cài đặt ở Ukraine.

Hội đồng thành phố Mariupol cho biết vụ tấn công xảy ra lúc 8:07 sáng giờ địa phương.

“Một vụ nổ vang lên ở khu vực chợ Bakhchivanji ở quận Prymorskyi, trên đại lộ Budivelnykiv”, hội đồng cho biết trong một tuyên bố trên Telegram.

Hãng thông tấn nhà nước Tass của Nga trích dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết Moskvin còn sống.

“Vào buổi sáng, họ cho nổ xe của tư lệnh cảnh sát Moskvin. Anh ấy vẫn còn sống, mọi thứ đều ổn”, nguồn tin cho biết và cho biết thêm rằng chiếc xe phát nổ cách cảnh sát trưởng vài bước chân.

Theo hãng tin Gazeta.ru của Nga, Moskvin được chẩn đoán bị chấn động nhẹ.

Vụ tấn công được báo cáo xảy ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thăm thành phố này, nhưng có nhiều báo cáo cho rằng đó chỉ là thế thân của Putin.

Chuyến thăm đầu tiên của Putin tới thành phố bị chiến tranh tàn phá kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2 năm ngoái, đã diễn ra sau quyết định của Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, ban hành lệnh bắt giữ ông vì tội ác chiến tranh.

Điện Cẩm Linh đã công bố một đoạn video dài 27 phút hiện đã được sửa đổi, trong đó người ta thấy ông Putin trò chuyện với cư dân của quận Nevsky ở Mariupol. Theo các hãng tin Nga, ông ta đã nói chuyện với những người nhận nhà ở mới thay thế những ngôi nhà đã bị phá hủy do chiến tranh.

Ai đó đã xuất hiện hét lên “Tất cả đều không đúng sự thật! Tất cả chỉ để tuyên truyền thôi!” trong bối cảnh cuộc trò chuyện của họ, điều này đã gây ra phản ứng từ lực lượng an ninh của Putin. Không rõ người hét lên có bị bắt hay không.

Đoạn clip đó hiện đã bị xóa khỏi phiên bản có sẵn trên trang web của Điện Cẩm Linh.

Một số quan chức do Nga cài đặt đã bị giết ở Ukraine trong suốt cuộc xung đột.

Vào tháng 9 năm 2022, nhiều quan chức do Nga cài đặt đã bị giết chỉ trong một ngày trên khắp đất nước. Và vào tháng 11, Kirill Stremousov, một nhà lãnh đạo do Cẩm Linh cài đặt ở Kherson bị xâm lược ở Ukraine, đã bị giết.

Mạc Tư Khoa đã cáo buộc Kyiv thực hiện các cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào các quan chức do Nga chỉ định, những người đang làm việc với Điện Cẩm Linh trong bối cảnh xung đột đang diễn ra.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Ukraine qua email để xin bình luận.

2. Tổng thống Zelenskiy thăm khu vực tiền tuyến ở Zaporizhzhia

Sáng thứ Hai, 27 tháng Ba, tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã đến thăm các vị trí tiền tuyến ở Zaporizhzhia. Văn phòng tổng thống cho biết ông “đã đến thăm các vị trí tiền tiên trong khu vực Zaporizhzhia, tìm hiểu về tình hình chiến sự và trao huy chương cho các binh sĩ.”

Zaporizhzhia là một trong những khu vực bị xâm lược một phần mà Liên bang Nga tuyên bố đã sáp nhập như một phần lãnh thổ của mình.

Trong cuộc viếng thăm, Tổng thống Zelenskiy đã thăm các thương bệnh binh đang được dều trị tại các bệnh viện trong vùng.

Trong bài diễn văn tối 27 tháng Ba gởi quốc dân đồng bào, tổng thống nói: “Tôi đã đến thăm sở chỉ huy của nhóm hành quân Zaporizhzhia. Tôi đã trao các mệnh lệnh và huy chương cho các nhân viên của cơ quan an ninh Ukraine, lực lượng bảo vệ quốc gia, cảnh sát quốc gia, lực lượng bảo vệ biên giới nhà nước và dịch vụ khẩn cấp nhà nước của Ukraine.

Cảm ơn các bạn đã bảo vệ nhà nước, quê hương, sự toàn vẹn lãnh thổ và cuộc sống của chúng ta ở Ukraine. Tôi chúc các bạn sức khỏe tốt. Chúc các bạn thắng lớn và điều đó chắc chắn sẽ thành hiện thực.”

3. Đại Tướng Oleksandr Syrskyi Tư Lệnh Lục Quân Ukraine thăm chiến trường Bakhmut. Xe tăng Leopard đã được trao cho Ukraine.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Hai 27 tháng Ba, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết 18 chiếc xe tăng Leopard của Đức đã được trao cho Ukraine tại biên giới với Ba Lan. Cùng với 18 xe tăng này là 40 xe thiết giáp chiến đấu Marder.

Ông cũng cho biết Đại Tướng Oleksandr Syrskyi Tư Lệnh Lục Quân Ukraine đã thăm chiến trường Bakhmut để chuẩn bị cho một cuộc tổng phản công nhằm chiếm lại hoàn toàn thành phố này.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết hôm thứ Hai rằng quân Ukraine đang tiếp tục đẩy lùi các cuộc tấn công dữ dội của Nga vào thành phố Bakhmut phía đông và việc bảo vệ thành phố này là một “sự cần thiết của quân đội”.

Đại Tướng Oleksandr Syrskyi đã giải quyết “các vấn đề nan giải cản trở việc thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chiến đấu” và đưa ra “các quyết định hành quân nhằm tăng cường khả năng của chúng ta để ngăn chặn và gây thiệt hại cho đối phương”.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov không đưa ra thông tin chi tiết và không cho biết chuyến thăm diễn ra khi nào, nhưng những bình luận về chuyến thăm của Tướng Syrskyi một lần nữa báo hiệu ý định của Ukraine tiếp tục chiến đấu ở Bakhmut.

Trong 24 giờ qua, 610 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 6 xe thiết giáp, 7 hệ thống pháo. Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 27 Tháng Ba, lực lượng Vũ trang Ukraine đã loại bỏ khoảng 171.160 quân Nga. Tổng thiệt hại chiến đấu của địch còn bao gồm 3.595 xe tăng, 6.953 xe thiết giáp, 2.638 hệ thống pháo, 523 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 277 hệ thống phòng không, 305 máy bay, 291 trực thăng, 2.216 máy bay không người lái, 911 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.493 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 285 đơn vị thiết bị đặc biệt.

4. Cố vấn tổng thống Ukraine nói tuyên bố về vũ khí hạt nhân của Putin là dấu hiệu ông sợ thua cuộc và bị bắt

Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, cho biết tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng ông có kế hoạch bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus cho thấy ông ta đang sợ thua cuộc và bị người Nga bắt giữ trao cho Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC.

“Putin quá dễ đoán. Đưa ra tuyên bố về vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, ông ấy thừa nhận rằng ông ấy sợ thua cuộc và tất cả những gì ông ấy có thể làm là hù dọa bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật”, Podolyak đã đưa ra lập trường trên hôm Chúa Nhật.

“Thứ hai. Anh ta một lần nữa nói rằng mình có liên quan đến tội ác. Vi phạm hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân,” Podolyak nói thêm.

Belarus, nằm ở phía tây nước Nga trên đường biên giới dài phía bắc của Ukraine, là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mạc Tư Khoa. Nó đã giúp Nga tiến hành cuộc xâm lược đầu tiên vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, cho phép quân đội của Điện Cẩm Linh tiến vào nước này từ phía bắc.

Một số bối cảnh khác: Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng hôm thứ Bảy trên kênh truyền hình nhà nước Nga Russia 24, Putin tuyên bố rằng việc bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus sẽ không vi phạm các thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân. Ông cho biết Mạc Tư Khoa đã chuyển giao một hệ thống hỏa tiễn tầm ngắn Iskander, một thiết bị có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường, tới Belarus.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với CNN rằng họ sẽ “tiếp tục theo dõi tác động” của kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở Belarus nhưng sẽ không điều chỉnh chiến lược vũ khí hạt nhân của mình.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel nói trong một tuyên bố với CNN: “Chúng tôi không thấy có lý do gì để điều chỉnh tư thế hạt nhân chiến lược của mình cũng như bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân”.

5. Ukraine có đủ lực lượng để giữ phòng tuyến ở Bakhmut bất chấp các cuộc tấn công liên tục, phát ngôn nhân quân đội nói

Nga tiếp tục tấn công thị trấn Bakhmut miền đông Ukraine, nhưng quân đội Ukraine có thể “kiểm soát hành động của đối phương” và có “đủ lực lượng để trấn giữ tiền tuyến”, một phát ngôn viên của quân đội Ukraine cho biết như trên.

Serhii Cherevatyi, người đại diện cho Nhóm phía Đông của Lực lượng Vũ trang Ukraine, đã chia sẻ thông tin cập nhật trên truyền hình quốc gia. Ông được yêu cầu làm rõ nhận xét của tổng tư lệnh quân đội Ukraine, người hôm thứ Sáu nói rằng tình hình ở Bakhmut đã được “ổn định”.

Cherevatyi nói: “'Ổn định tình hình' có nghĩa là chúng ta nhìn thấy và kiểm soát hành động của đối phương.

“Chúng ta nắm rõ hướng hành động của đối phương. Chúng ta hiểu âm mưu của địch. Chúng ta biết lực lượng của mình và phương tiện mà chúng ta dựa vào. Chúng ta biết mình có đủ lực lượng để trấn giữ tiền tuyến. Và chúng ta biết dự trữ của chúng ta ở đâu và chúng ta có thể sử dụng những gì để hỗ trợ chúng ta. Và chúng ta biết cách chúng ta có thể tấn công đối phương để làm đối phương chảy máu tối đa, làm suy yếu đối phương và hạ gục tiềm năng tấn công của chúng.”

Cherevatyi cho biết chuyến thăm gần đây của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tới tiền tuyến đã giúp thể hiện khả năng chỉ huy của quân đội đối với tình hình trên chiến trường.

“Mọi người đều biết quá trình hành động của họ, mọi người đều biết các thuật toán của họ, có sự gắn kết, có sự hiểu biết về những việc cần làm. Đây là sự ổn định,” phát ngôn nhân nói.

Trong khi đó, cuộc tấn công dữ dội của Nga vẫn diễn ra ác liệt, với “đạn pháo dày đặc” và tổng cộng 268 cuộc tấn công vào khu vực Bakhmut trong 24 giờ qua, theo quân đội Ukraine. Cherevatyi cho biết Nga đã thực hiện 94 cuộc tấn công chỉ riêng ở Bakhmut.

6. Ukraine kêu gọi các đồng minh quốc tế hành động chống lại “vụ tống tiền hạt nhân của Cẩm Linh”

Tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin về ý định triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus là “một bước khiêu khích nữa” làm suy yếu các nỗ lực giải trừ hạt nhân và “toàn bộ hệ thống an ninh quốc tế”, Bộ Trưởng Ngoại Giao Ukraine Dmytro Kuleba cho biết trong một tuyên bố hôm Chúa Nhật.

“Bất chấp những tội ác khủng khiếp chống lại loài người và tội ác chiến tranh mà Điện Cẩm Linh đang thực hiện trong cuộc chiến tranh xâm lược chống lại một quốc gia có chủ quyền, Nga đang cho thấy mình không có khả năng chiến thắng trên chiến trường”

“Ukraine kêu gọi xã hội Belarus ngăn chặn việc thực hiện các ý định tội phạm triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus vi phạm các nghĩa vụ của nước này theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, điều này sẽ tiếp tục biến đất nước này thành con tin của Điện Cẩm Linh và gây ra hậu quả thảm khốc cho tương lai của nó”

Kyiv cũng kêu gọi liên minh Nhóm Bảy nước (G7) và Liên minh Âu Châu cảnh báo chính quyền Belarus về “hậu quả lâu dài” nếu họ tiếp nhận vũ khí trên lãnh thổ của mình.

Ukraine đang mong đợi Vương quốc Anh, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Pháp - với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có “trách nhiệm đặc biệt trong việc ngăn chặn các mối đe dọa xâm lược sử dụng vũ khí hạt nhân” - hành động để chống lại Điện Cẩm Linh.

“Chúng tôi yêu cầu một cuộc họp bất thường của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc được triệu tập ngay lập tức vì mục đích này,” Bộ Ngoại Giao Ukraine cho biết, đồng thời cho biết thêm “Ukraine kêu gọi tất cả các thành viên của cộng đồng quốc tế truyền đạt thái độ không thể chấp nhận được” đối với “các hành động khiêu khích hạt nhân” mới nhất của chế độ Putin.

“Nga một lần nữa chứng minh rằng họ không có khả năng trở thành người nắm giữ vũ khí hạt nhân có trách nhiệm với mục đích răn đe và ngăn chặn chiến tranh. Vũ khí hạt nhân trong tay họ đã trở thành một công cụ tống tiền và đe dọa. Thế giới phải đoàn kết chống lại những kẻ đe dọa tương lai của nền văn minh nhân loại”.

7. Quan chức Ukraine cho biết Nga đã tăng cường các cuộc tấn công bằng pháo vào các khu vực ở miền đông Ukraine

Phát ngôn nhân của quân đội Ukraine hôm Chúa Nhật cho biết các cuộc tấn công bằng pháo binh đã gia tăng gần các thành phố Kupyansk và Lyman ở miền đông Ukraine trong những tuần gần đây.

Serhii Cherevatyi, người đại diện cho Nhóm phía Đông của Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết: “Khu vực này đã dẫn đầu về số lượng các cuộc tấn công bằng pháo trong vài tuần nay”.

Cherevatyi cho biết trên truyền hình quốc gia rằng khu vực này đã chứng kiến 370 cuộc tấn công bằng pháo và Hệ thống phóng hỏa tiễn đa năng chỉ trong ngày qua.

Phát ngôn nhân cho biết các cuộc tấn công khác với các cuộc tấn công ở thành phố Bakhmut bị bao vây, bởi vì lực lượng lính đánh thuê Wagner đã tiến hành các cuộc tấn công đó, trong khi Kupyansk và Lyman đang là mục tiêu của quân đội chính quy Nga.

Ông Cherevatyi cho biết, các lực lượng Nga ở khu vực Kupyansk-Lyman hầu hết được tăng cường bởi lính Nga nhập ngũ.

Phát ngôn nhân cho biết: “Họ đang tham gia vào các hoạt động chiến đấu 'cổ điển' hơn, vì vậy tổn thất của họ có phần thấp hơn. Ngược lại, Bakhmut được so sánh với “cỗ máy xay thịt” vì các làn sóng thương vong liên tục diễn ra ở đó.

Theo Cherevatyi, cho đến nay, các lực lượng Nga đã không thể tạo ra những bước đột phá đáng kể trước các tuyến phòng thủ của Ukraine trong khu vực.

8. Thành phố Vuhledar ở miền đông Ukraine “hoàn toàn bị san phẳng” khi các trận chiến diễn ra ác liệt ở Bakhmut

Nazarii Kishak, chỉ huy đơn vị súng máy thuộc lữ đoàn cơ giới biệt lập số 72, cho biết hôm Chúa Nhật trên truyền hình quốc gia rằng thành phố Vuhledar ở miền đông Ukraine đã bị “san bằng hoàn toàn” khi các cuộc pháo kích dữ dội của lực lượng Nga đang diễn ra trong khu vực.

Ông nói: “Đối phương tiếp tục sử dụng nhiều bệ phóng hỏa tiễn và pháo kích không chỉ tiền tuyến và Vuhledar mà còn cả các khu vực xung quanh. Đối phương liên tục bắn phá tất cả các khu định cư bằng vũ khí cỡ nòng lớn. Dân số đã mệt mỏi với các cuộc tấn công của quân xâm lược.”

“Vuhledar đã bị san bằng hoàn toàn. Mọi thứ đều bị đốt cháy, thành phố gần như trống rỗng. Có một số thường dân giúp đỡ quân đội. Cảnh sát đã đưa những người còn lại đi, đặc biệt là những đứa trẻ đã ở dưới tầng hầm gần một tháng,” Kishak nói.

Ông nói: “Người dân đang sống ở bất cứ nơi nào họ có thể, ngay cả trong các hành lang, trốn tránh các cuộc pháo kích. Mọi người đang ở trong trạng thái vô cùng mệt mỏi và tuyệt vọng. Họ không biết những gì sẽ xảy ra. Chúng tôi đang cố gắng hỗ trợ họ, chúng tôi giao tiếp với họ. Mọi người không còn gì nhưng họ vẫn giúp quân đội chúng tôi.”

Khi được hỏi liệu các lực lượng Nga có dấu hiệu kiệt sức hay không, ông nói: “Tôi sẽ nói với các bạn điều này - mọi người đều kiệt sức nhưng chúng ta1 phải giữ vững và bảo vệ đất nước của mình. Chúng tôi là bộ binh phải đứng vững đến cùng, không chừa một thước đất nào”.

Kishak cho biết các lực lượng Nga “đã chịu tổn thất nặng nề” nhưng “Nga có rất nhiều dự trữ”.

Ông nói: “Lữ đoàn chúng tôi đang đứng vững và Ukraine không có lý do gì phải lo lắng về hướng Vuhledar. Nhưng hướng Bakhmut thực sự khó khăn. Đó là lý do tại sao một chỉ huy rất mạnh đang ở đó. Giao tranh dữ dội đang diễn ra ở đó, có người chết và bị thương mỗi giờ.”

“Nhiệm vụ của chúng ta với tư cách là người Ukraine là cầu nguyện và tin tưởng, sau đó là tùy thuộc vào Chúa. Chúng tôi phải giành chiến thắng trên đất của mình,” ông nói.

9. Nga gia tăng không kích tiếp tục khiến tình hình ở Avdiivka “khó khăn”

Các lực lượng Nga đã tăng cường các cuộc không kích và cắt đứt các tuyến đường tiếp tế ở Avdiivka, một thị trấn ở miền đông Ukraine, nơi tình hình tiếp tục “khó khăn”, một binh sĩ thuộc Lực lượng Đặc biệt của Quân đoàn Tự do Ukraine cho biết trên truyền hình nhà nước.

“Tình hình hoạt động rất khó khăn nhưng đây không phải là điều mới xảy ra gần đây,” binh sĩ Maksym Morozov nói. “Tình hình ở đây luôn khó khăn kể từ khi bắt đầu cuộc chiến toàn diện.”

Anh nói thêm: “Điều duy nhất đã thay đổi là số lượng các cuộc không kích đã tăng lên.

Avdiivka nằm cách thành phố Donetsk khoảng 25 km về phía bắc.

Một số quan chức Ukraine lo ngại thị trấn có thể trở thành một Bakhmut thứ hai, là thành phố đã trở thành một bế tắc đẫm máu trong những tuần gần đây.

Theo Morozov, các lực lượng Nga đang sử dụng chiến thuật “máy xay thịt” dọc theo chiến tuyến phía đông, bao gồm cả ở Bakhmut và Avdiivka, nhưng tình hình ở cả hai nơi lại khác nhau.

Anh giải thích rằng các cuộc tấn công ở Bakhmut diễn ra theo từng đợt, trong khi ở Avdiivka, đối phương được hộ tống bởi các thiết bị hạng nặng như xe tăng. Tương tự như vậy, cả hai đều đã thấy các chiến thuật bao vây tương tự, nhưng Avdiivka đã bị “đe dọa” với nó ngay từ đầu do vị trí gần Donetsk.

Anh cho biết các lực lượng Nga đã cắt đứt một phần các tuyến đường tiếp tế nhưng không cắt đứt đạn dược. “Con đường đến Avdiivka này không bị cắt. Mối đe dọa từ vòng vây Avdiivka đang bị ngăn chặn và kiểm soát.”

Morozov cho biết đối phương không thiếu đạn dược hay nhân lực, có tới 12 cuộc không kích mỗi ngày, nhưng đối với quân đội Ukraine thì “không bao giờ là đủ đạn dược”.

10. Putin tuyên bố “không liên minh quân sự” với Trung Quốc sau cuộc gặp Tập

Vladimir Putin nói rằng Nga đã không “tạo ra một liên minh quân sự với Trung Quốc và không đe dọa bất kỳ quốc gia nào.”

Bình luận này được đưa ra sau chuyến thăm cấp nhà nước ba ngày của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Mạc Tư Khoa vào tuần trước, chuyến thăm được theo dõi chặt chẽ về các dấu hiệu Trung Quốc có thể tăng cường hỗ trợ cho Nga.

Chính quyền Hoa Kỳ cho rằng Trung Quốc đã cung cấp hỗ trợ “không sát thương” cho Nga thông qua các công ty của họ.

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, ông Putin cũng cáo buộc phương Tây “bắt đầu xây dựng một trục mới tương tự như trục do Đức Quốc Xã và Nhật Bản quân phiệt xây dựng”.

Một số thông tin cơ bản: Tập đến thăm Putin lần đầu tiên kể từ cuộc xâm lược Ukraine, một chuyến đi mà Bắc Kinh gọi là “hành trình hòa bình”.

Nhưng chuyến thăm diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành lệnh bắt giữ Putin vì tội ác chiến tranh, mà Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết cho thấy ý định của Trung Quốc nhằm cung cấp “vỏ bọc ngoại giao” cho những hành động tàn bạo của Nga ở Ukraine.

Trung Quốc đã tuyên bố trung lập trong cuộc xung đột, tìm cách thể hiện mình là một người kiến tạo hòa bình. Đồng thời, ủng hộ lập luận của Điện Cẩm Linh đổ lỗi cho NATO về cuộc chiến và từ chối lên án cuộc xâm lược.

11. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ nhận định ngành công nghiệp quân sự của Nga ‘đuổi theo sau phương Tây một cách vô vọng’

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's Military Industry 'Hopelessly Outmatched' By the West: ISW”, nghĩa là “Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ nhận định ngành công nghiệp quân sự của Nga ‘đuổi theo sau phương Tây một cách vô vọng’” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Một phân tích mới cho biết, ngành công nghiệp quân sự của Nga bị các nước phương Tây cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine “vượt qua mặt” đang cố đuổi theo “một cách vô vọng”.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, có trụ sở tại Washington cho biết trong bản đánh giá hàng ngày hôm thứ Bảy rằng: “Sự cân bằng của các nguồn lực tổng thể sẵn có và năng lực công nghiệp có trọng số quyết định đối với phương Tây” so với Mạc Tư Khoa.

“Tiềm năng công nghiệp quân sự của Nga, trên thực tế, đang cố đuổi theo một cách vô vọng tiềm năng công nghiệp quân sự của phương Tây”

Khả năng phát động chiến tranh của Nga ở Ukraine từ lâu đã là tâm điểm phân tích của phương Tây, với các biện pháp trừng phạt nhằm vào tổ hợp công nghiệp-quân sự của Mạc Tư Khoa.

Phát biểu hôm thứ Bảy, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết sản xuất quân sự của nước này sẽ được đẩy mạnh trong những năm tới, khi so sánh Mạc Tư Khoa với các nền kinh tế phương Tây cung cấp viện trợ cho Kyiv.

Ông Putin cho biết Nga sẽ sản xuất và nâng cấp tổng cộng 1.600 xe tăng hiện đại trong vòng 3 năm tới, cũng như tăng gấp 3 lần sản lượng đạn dược.

Ông cũng tuyên bố Ukraine sử dụng 5.000 quả đạn pháo mỗi ngày, trong khi Mỹ sản xuất từ 14.000 đến 15.000 quả mỗi tháng.

ISW cho biết, bình luận của nhà lãnh đạo Điện Cẩm Linh, lập luận rằng phương Tây không thể theo kịp viện trợ hiện tại cho Ukraine, nhằm “tạo ra ấn tượng sai lầm” rằng việc hỗ trợ Ukraine là “vô ích”.

Tuy nhiên, ISW lập luận rằng những bình luận của Putin là “không thể chấp nhận được”, và nói rằng Mỹ và các nước phương Tây khác sẽ phải đối mặt với các quyết định kinh tế về số lượng lớn viện trợ quân sự, “nhưng những lựa chọn mà họ phải đối mặt không khó bằng những lựa chọn mà Nga phải đối đầu.”

Các quốc gia phương Tây này không cần phải áp dụng “thế đứng thời chiến” để hỗ trợ Kyiv, đó là điều mà Mạc Tư Khoa phải làm để duy trì các hoạt động quân sự hiện tại của mình, tổ chức tư vấn này tiếp tục.

Theo ISW, những bình luận của Putin “không phản ánh thực tế hiện tại của Nga hoặc sự cân bằng về sức mạnh kinh tế hoặc năng lực công nghiệp quân sự giữa Nga và phương Tây tập thể”.

Hồi Tháng Giêng, Putin cho biết Nga sẽ tăng cường sản xuất quân sự, nói với các nhân viên của một nhà máy ở St. Petersburg rằng chiến thắng là “không thể tránh khỏi” và “được bảo đảm”.

Dmitry Medvedev, cựu tổng thống Nga và hiện là phó chủ tịch hội đồng an ninh Nga, cho biết vào tháng Hai rằng Mạc Tư Khoa sẽ tăng cường sản xuất xe tăng hiện đại để đối phó với việc các nước phương Tây chuyển giao xe tăng chiến đấu chủ lực cho Kyiv.

“Rõ ràng là trong trường hợp này, việc chúng ta tăng cường sản xuất các loại vũ khí bao gồm cả xe tăng hiện đại là điều đương nhiên,” ông nói vào ngày 9 tháng 2.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận qua email.
 
Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô: Kirill phải chịu trách nhiệm cùng Putin. ĐTC bãi chức GM cấp tiến Đức
VietCatholic Media
17:20 27/03/2023


1. Đức Giáo Hoàng được tường trình đang ủng hộ kế hoạch đưa các Giáo hội Chính thống vào bàn thảo luận

Một tác động phần lớn bị bỏ qua của cuộc xâm lược Ukraine của Nga là làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa các Kitô hữu ở Ukraine. Giờ đây, Đức Thánh Cha Phanxicô được tường trình đã lên tiếng ủng hộ nỗ lực xây dựng cầu nối giữa các phe đối lập.

Đã có một cuộc tranh cãi kéo dài liên quan đến sự liên kết của các Kitô hữu Chính thống ở Ukraine khi quân đội Nga bắt đầu một cuộc tấn công toàn diện vào nước này vào năm ngoái. Giáo Hội Chính thống Ukraine độc lập đã được thành lập vào năm 2019, và Giáo Hội Chính thống Ukraine của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, có từ hàng thế kỷ trước, vẫn tiếp tục tồn tại. Tuy nhiên, cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm gia tăng căng thẳng.

Mặc dù Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đã tìm cách tách mình ra khỏi Nga, nhưng nhiều thành viên của Giáo Hội này chỉ ra rằng đó chỉ là động tác giả. Thực tế, hàng giáo phẩm của Giáo Hội này vẫn do Thượng Phụ Kirill bổ nhiệm.

Chính phủ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiyy đã bắt đầu có hành động chống lại những người bị cáo buộc là cảm tình viên và hoạt động của Nga trong hàng ngũ giáo sĩ của Giáo hội sau khi tịch thu được những truyền đơn, các sách báo chống Ukraine, hộ chiếu Nga, một số lớn tiền mặt và cả vũ khí.

Chính phủ đã cho các tu sĩ của UOC-MP đến ngày 29 tháng 3 để rời khỏi Tu viện Hang động có niên đại hàng nghìn năm tuổi ở thủ đô Kyiv. Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ sự không tán thành về điều này, yêu cầu “các bên tham chiến tôn trọng các địa điểm tôn giáo. Các nữ tu tận hiến, những người tận hiến cho việc cầu nguyện - dù họ thuộc bất kỳ giáo phái nào - đều ủng hộ dân Chúa.”

Tuần này, một phái đoàn của Hội đồng Giáo hội Thế giới, trong chuyến viếng thăm Vatican, đã trình bày một kế hoạch với Đức Thánh Cha Phanxicô để cố gắng phá bỏ một số rào cản đã phát sinh.

“Chúng tôi đã chia sẻ rằng chúng tôi đang lên kế hoạch cho một hội nghị bàn tròn mới, trong đó chúng tôi sẽ tập hợp các Giáo hội Ukraine, Giáo hội Chính thống và các nhà lãnh đạo Giáo hội khác lại với nhau” Linh mục Jerry Pillay, tổng thư ký của Hội đồng cho biết. “Ý tưởng là tập hợp tất cả họ vào một cuộc trò chuyện về ý nghĩa của sự hiệp nhất Kitô giáo, để giải quyết vấn đề trong bối cảnh chiến tranh.”

Theo phóng viên Christopher White của National Catholic Reporter, Đức Giáo Hoàng đã phản ứng tích cực với ý tưởng này.

“Vào ngày 23 tháng 3, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ủng hộ nỗ lực mới nhằm tập hợp các nhà lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga và Ukraine bị chia rẽ lại với nhau để tổ chức một hội nghị thượng đỉnh bàn tròn trực tiếp khi cuộc chiến kéo dài 13 tháng chống lại Ukraine tiếp tục chia rẽ các cộng đồng tôn giáo, với những hậu quả trên khắp các tôn giáo tự xưng theo Chúa Kitô”.

Theo Pillay, Đức Thánh Cha đã ban phép lành cho cuộc gặp gỡ được đề xuất và nhắc lại sự cần thiết phải đặt “Chúa Kitô ở trung tâm” của cuộc đối thoại trước những chia rẽ chính trị hoặc quốc gia.

“Đức Giáo Hoàng đã bày tỏ mối quan tâm, như chúng ta đã làm, rằng các Giáo hội dường như quá chia rẽ vì các vấn đề chính trị,” Pillay nói với phóng viên sau cuộc họp.

WCC có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ là một hiệp hội của hơn 350 Giáo Hội tại hơn 120 quốc gia.

Theo Pillay, kế hoạch dự kiến kêu gọi một cuộc họp một ngày tại Geneva của các nhà lãnh đạo Giáo hội Chính thống Ukraine, sau đó là cuộc họp một ngày của các nhà lãnh đạo Chính thống Nga, và sau đó là một cuộc thảo luận bàn tròn với tất cả những người tham gia vào ngày kết thúc. Những người tham gia chưa được công bố.

Cả Vatican và WCC đều không trả lời yêu cầu bình luận của Aleteia.

2. Đức Thánh Cha Phanxicô chấp nhận đơn từ chức của phó chủ tịch hội đồng giám mục Đức, Giám mục Franz-Josef Bode

Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của một giám mục người Đức vào thứ Bảy, người đóng vai trò quan trọng trong Tiến Trình Công Nghị Đức và đã chịu áp lực về việc xử lý lạm dụng tình dục của giáo sĩ trong giáo phận của mình.

Giám mục Franz-Josef Bode trước đó đã từ chối từ chức, bất chấp một báo cáo lạm dụng cho thấy ngài đã xử lý sai các trường hợp trong giáo phận của mình ở tây bắc nước Đức.

CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, đưa tin Tòa thánh thông báo vào ngày 25 tháng 3 rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của giám mục Osnabrück. Không có dấu hiệu nào trước thông báo hôm thứ Bảy rằng Giám Mục Bode đã xin từ chức.

Vị giám mục 72 tuổi này là phó chủ tịch hội đồng giám mục Đức từ năm 2017.

Phản ứng trước tin tức, Giám mục Georg Bätzing — chủ tịch hội đồng — cho biết vào ngày 25 tháng 3: “Hôm nay tôi mất đi người bạn đồng hành thân thiết nhất của mình trên Tiến Trình Công Nghị, con đường vẫn còn nhiều giai đoạn phía trước chúng ta”.

Chỉ hai tuần trước, Giám mục Bode đã gây chú ý khi tuyên bố sẽ thực hiện các nghị quyết được thông qua trong quá trình gây tranh cãi, bao gồm cả việc chúc lành phụng vụ cho các cặp đồng tính. Trước đây ngài đã công khai ủng hộ các nữ phó tế.

Trong một tuyên bố được công bố hôm thứ Bảy, Giám Mục Bode cho biết: “Trong gần 32 năm thi hành chức vụ giám mục của tôi, gần 28 năm trong số đó là giám mục của Osnabrück, tôi đã gánh vác trách nhiệm trong một giáo hội không chỉ mang phước lành mà còn mang cả tội lỗi nữa”.

Giám Mục Bode thừa nhận: “Đặc biệt là khi giải quyết các trường hợp giáo sĩ bạo hành tình dục, trong một thời gian dài, bản thân tôi có xu hướng tập trung nhiều hơn vào thủ phạm và định chế hơn là nạn nhân. Tôi đã đánh giá sai các trường hợp, thường hành động do dự, đưa ra nhiều quyết định sai lầm và không làm tròn trách nhiệm của mình với tư cách giám mục.”

Cho đến hai tháng trước, Giám Mục Bode đã nhiều lần từ chối từ chức, bất chấp một báo cáo lạm dụng tạm thời được công bố vào ngày 20 tháng 9 năm 2022, cho thấy ngài đã xử lý sai các vụ lạm dụng trong giáo phận mà ngài đã lãnh đạo từ năm 1995.

Bản báo cáo tạm thời dài 600 trang có tiêu đề “Bạo lực tình dục đối với trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương bởi các giáo sĩ trong Giáo phận Osnabrück kể từ năm 1945.”

Báo cáo cho biết trong những thập niên đầu tiên của nhiệm kỳ, Giám Mục Bode “liên tục” giữ những người bị cáo buộc lạm dụng tại chức vụ hoặc bổ nhiệm họ vào các vị trí khác, bao gồm các nhiệm vụ quản trị trong chăm sóc mục vụ thanh thiếu niên.

Vào tháng 12, một cơ quan cố vấn gồm những nạn nhân bị lạm dụng tình dục đã kêu gọi các thủ tục giáo luật chống lại Giám Mục Bode.

Hội đồng nạn nhân cho biết họ đã đệ đơn khiếu nại chính thức tại Rome và đề cập đến sắc lệnh Vos estis lux mundi, được ban hành vào năm 2019 bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nhằm cung cấp các quy tắc và thủ tục để giải quyết việc xử lý các vụ lạm dụng tình dục của giáo sĩ. Vatican hôm thứ Bảy thông báo rằng Đức Giáo Hoàng đã phê chuẩn một phiên bản cập nhật của các quy tắc đó, hiện là một phần của giáo luật.

Trong một tuyên bố kèm theo khiếu nại của họ, hội đồng đã kêu gọi Đức Tổng Giám Mục Stefan Heße của Hamburg, người đứng đầu tổng giáo phận đô thị, thực hiện “các bước hành động” chống lại Giám Mục Bode.

Ngoài Giám Mục Bode, một số giám mục nổi tiếng khác của Đức đã bị cáo buộc xử lý sai các trường hợp lạm dụng tình dục. Họ bao gồm Đức Hồng Y Reinhard Marx, người khởi xướng Tiến Trình Công Nghị, Giám mục Georg Bätzing, chủ tịch Tiến Trình Công Nghị – người kế vị Marx với tư cách là chủ tịch hội đồng giám mục – và Đức Tổng Giám Mục Heße của Hamburg.

Tất cả họ cho đến nay vẫn còn tại vị.

3. Giáo hội Chính thống Nga chia sẻ trách nhiệm về sự xâm lược của Nga – Thượng phụ Đại kết nói

“Giáo hội và giới lãnh đạo Nhà nước ở Nga đã hợp tác với nhau trong tội ác xâm lược, và chia sẻ trách nhiệm về những tội ác đã gây ra, như vụ bắt cóc trẻ em Ukraine gây sốc. Họ đã gây ra đau khổ to lớn không chỉ cho người dân Ukraine, mà còn cho người Nga, những người đã gây ra hơn 100.000 thương vong và phải chịu trách nhiệm về những hành động tàn ác khủng khiếp,” Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô cho biết như trên tại một cuộc hội thảo được tổ chức tại Thượng viện Lithuania.

Nhà lãnh đạo Chính thống giáo nhấn mạnh rằng việc Lithuania lo sợ trước sự xâm lược của Nga không phải là không có cơ sở. “Mặc dù Lithuania được bảo vệ bởi tư cách thành viên của NATO từ năm 2014, nhưng sự lo lắng và sợ hãi hiện tại không phải là không có cơ sở. Lịch sử bi thảm của Lithuania đã mang đến cho công dân của họ sự nhạy cảm và trí tuệ địa chính trị sâu sắc và hiếm có,” ngài nhấn mạnh.

Đức Thượng phụ chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine, xảy ra do sự gây hấn vô cớ của Nga, là tâm điểm của một trận động đất địa chính trị.

“Âu Châu thức dậy sau một ảo tưởng sâu sắc, theo đó chiến tranh ở lục địa của nó đã là dĩ vãng. Tuy nhiên, Âu Châu không được chuẩn bị về mặt vật chất và trí tuệ đã thích nghi nhanh chóng với tình huống bất ngờ này, với sự hỗ trợ về mặt trí tuệ của các thành viên mới, như Lithuania,” ngài nói về quốc gia tích cực thúc đẩy việc hỗ trợ Ukraine gia nhập Liên Hiệp Âu Châu.

Đức Thượng phụ Đại kết nhắc nhở rằng Ukraine, cũng như Nga, được sinh ra từ Đế chế Byzantine và Tòa Thượng phụ Constantinople, khi ngài đề cập đến lễ rửa tội của Kyivan Rus vào năm 988. Tuy nhiên, ngay sau đó Mạc Tư Khoa đã từ bỏ Giáo Hội mẹ của mình và theo đuổi ý tưởng rằng Mạc Tư Khoa có thể kế vị Constantinople với tư cách là nhà lãnh đạo tinh thần của thế giới Chính thống giáo nổi lên sau sự sụp đổ của Constantinople vào tay người Ottoman vào năm 1453.

Các Sa hoàng Nga kế tiếp áp đặt ý chí của họ lên Giáo hội, sử dụng nó như một công cụ cho các mục tiêu chiến lược của họ. Trong khi một số tu viện đã duy trì đức tin tôn giáo đích thực, thì tôn giáo thường được công cụ hóa ở Nga. Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô nói rằng nước Nga của Putin đã tiếp tục và tăng cường xu hướng này. Khi làm điều này, nó khai thác hệ tư tưởng chính thống Russkii mir, hay “thế giới Nga”:

“Thành ngữ này mô tả một khu vực được cho là của nền văn minh bao gồm Nga, Ukraine, Belarus cũng như người dân tộc Nga trên khắp thế giới, được lãnh đạo và chỉ đạo về mặt chính trị và tôn giáo bởi trung tâm Mạc Tư Khoa. 'Thế giới Nga' được trình bày như câu trả lời cho 'phương Tây băng hoại'. Hệ tư tưởng này là công cụ chính để hợp pháp hóa 'tinh thần' cuộc xâm lược ở Ukraine,” ông giải thích.

Đó là một loại tôn giáo giả xuất hiện cùng với sự sụp đổ của Liên Xô và sự phá sản của hệ tư tưởng cộng sản khi các chiến lược đế quốc cũ được kết hợp với các kỹ thuật và cơ chế hoài nghi được phát triển và kế thừa từ Liên Xô.

Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô nói, trong sự đối kháng với Tòa Thượng phụ Đại kết, Giáo hội Chính thống Nga tiếp tục đóng một vai trò gây chia rẽ trong Chính thống giáo thế giới. Điều này bao gồm “sự xâm nhập trái phép” của Nga ở Phi Châu, thách thức quyền tài phán của Tòa thượng phụ Chính thống giáo Alexandria trên lãnh thổ này.

Tuy nhiên, việc người Ukraine đòi độc lập giáo hội khỏi Mạc Tư Khoa, được ngài chấp thuận vào năm 2019, đã bộc lộ bản chất của Mạc Tư Khoa trong việc tuyên bố vai trò lãnh đạo của họ.

Sau khi chiến tranh kết thúc, bên cạnh việc tái thiết Ukraine, vấn đề “tái sinh tinh thần” không chỉ ở Ukraine mà còn ở Nga phải được đặt ra, Đức Thượng phụ nói, ngụ ý rằng người Nga phải từ bỏ hệ tư tưởng tôn giáo giả hiệu của họ về “ thế giới Nga” và trở về “suối nguồn của đức tin Chính thống”.

Nhưng ngay cả bây giờ, cuộc đối thoại liên tôn không chỉ tập trung vào việc chống lại sự kích động chia rẽ và hợp pháp hóa thần học của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa đối với hành vi phạm tội; Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô nói: “bổn phận chung của Kitô hữu” bao gồm việc đưa các Kitô hữu Nga trở lại “cộng đồng có giá trị chung của chúng ta”.
Source:Euro Maiden