Ngày 29-03-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thông cảm với Chúa
Giuse Đinh lập Liễm
05:32 29/03/2009
CHÚA NHẬT LỄ LÁ, A,B,C

THÔNG CẢM VỚI CHÚA

+++

A. DẪN NHẬP

Hôm nay chúng ta bước vào Tuần thánh, kỷ niệm cuộc tử nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Tuần thánh được khai mạc bằng nghi thức làm phép lá và cuộc rước lá. Đây là những ngày cuối cùng của cuộc đời Chúa Giêsu. Tất cả những việc làm của Chúa Giêsu trong tuần thánh này đều diễn tả tình yêu của Chúa Giêsu đối với chúng ta: Ngài lập bí tích Thánh thể là bí tích yêu đương, Ngài hiến trọn thân xác mình làm của ăn nuôi linh hồn chúng ta. Ngài còn dùng cái chết nhục nhã trên thập giá để cứu chuộc chúng ta, một hành động diễn tả tình yêu đến tột cùng. Nhưng sau cái chết nhục nhã trên thập giá, Ngài sẽ sống lại vinh quang để đem lại cho chúng ta sự sống mới và bảo đảm phúc trường sinh.

Hôm nay là Chúa nhật Lễ Lá và Thương Khó, chúng ta bước vào những ngày mà nỗi khổ đau của Đức Giêsu lên đến cực điểm. Đây chắc chắn phải là những ngày cuộc đời làm sáng tỏ hơn hết tình yêu Chúa đối với chúng ta. Chính Ngài đã chẳng nhói: “Bằng chứng lớn lao nhất của tình yêu đối với bạn hữu là chết cho bạn sao” ? Ngài đã chết cho chúng ta và chết trên thập giá ! Chúng ta có thấu hiểu mầu nhiệm của tình yêu này không ? Lời Chúa tiên báo: “Khi nào Ta được đưa lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi sự lên cùng Ta” có hấp dẫn được tâm hồn chúng ta không ?

Chúng ta hãy dùng tuần lễ này để thông cảm với Đức Giêsu bằng việc suy niệm sự thương khó của Ngài để biết theo gương Ngài đi theo con đường Ngài đã chỉ vẽ: đường thập giá: “:Nếu ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. Đồng thời chúng ta hãy vui vẻ đón nhận mọi đau khổ trong đời sống hằng ngày để thông hiệp vào sự thương khó còn thiếu sót trong cuộc tử nạn của Ngài nơi chúng ta để đem lại ơn cứu độ cho chúng ta và nhiều người khác.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Is 50, 4-7)

Ngôn sứ Isaia có 4 bài ca về Người Tôi Tớ đau khổ. Bài ca hôm nay là bài ca thứ ba. Người tôi tớ Thiên Chúa này là một tôi tớ nào đó, được Isaia diễn tả với những đặc tính sau đây:

a) Người tôi tớ Thiên Chúa luôn trung thành với nhiệm vụ được giao phó nên đã chấp nhận tất cả: sự bách hại, tra tấn, phỉ nhổ, cô đơn.

b) Người tôi tớ nhẫn nhục chịu đựng, không dùng bạo lực chống bạo lực.

c) Người tôi tớ tin tưởng phó thác cho Thiên Chúa là Đấng sẽ đến giải thoát mình.

+ Bài đọc 2: Pl 2, 6-11.

Chúa Giêsu đươc coi như người Tôi tớ mà Isaia đã loan báo trước. Nơi Người có hai sự tương phản rõ rệt: sự tự hạ phi thường và chiến thắng vinh quang. Theo thánh Phaolô, Đức Giêsu có thể là một Đấng Messia chiến thắng buộc mọi người phải nhận uy quyền của mình. Thế nhưng, Ngài lại muốn hạ mình làm một người tôi tớ, hạ mình đến tận cùng để phục vụ. Những ai càng hạ mình càng được nâng lên, sự hạ mình khiêm tốn của Chúa Giêsu đã được đền đáp: Thiên Chúa đã tôn Ngài lên làm Đức Chúa của muôn loài muôn vật.

+ Bài Tin Mừng: Mt 26,14-27,66

Chúng ta có bốn bài tường thuật cuộc thương khó của Đức Giêsu trong Tin Mừng của bốn thánh ký. Mỗi bài tường thuật đều có bố cục giống nhau nhưng mỗi tác giả chú trọng vào một ý làm cho nó nổi bật lên:

. Marcô chú trọng vào mục đích truyền giáo.

. Luca nhấn mạnh vào tình thương yêu của Chúa.

. Gioan làm nổi bật sự tự do chấp nhận của Chúa, đồng thời cũng nói lên vương quyền của Ngài.

. Matthêu trình bầy đầy đủ hơn cả. Bài thưong khó này được coi như bài giáo lý dành cho những người Do thái để họ biết Đức Giêsu là ai.

Bài tường thuật cuộc thương khó của Đức Giêsu là một bằng chứng hùng hồn về tình yêu của Ngài đối với chúng ta; đồng thời cũng là một thiên anh hùng ca về lòng cam đảm và tinh thần hy sinh chịu đựng, cũng như thái độ khoan dung thứ tha của Ngài. Suy niệm cuộc thương khó của Chúa sẽ giúp chúng ta biết can đảm đón nhận mọi gian nan thử thách trong cuộc sống để góp phần vào công cuộc cứu chuộc của Ngài.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA Cùng đau khổ với Chúa

1. Nói về đau khổ

Đau khổ có mặt trên mặt đất này ngay sau khi tổ tông Adong Evà phạm tội ăn trái cấm. Thiên Chúa đã ra án phạt cho ông bà phải chịu đau khổ và sau cùng phải chết, và hậu quả bi đát này còn truyền lại cho con cháu ông bà (x. St 3,14-18).

Đức Giêsu vì đã muốn trở nên con người như chúng ta nên cũng trở nên con cháu Adong Evà, và nếu đã là con cháu ông bà thì phải chịu đau khổ như chúng ta, bởi vì Ngài đã trở nên người phàm như chúng ta, chỉ trừ tội lỗi.

Có hai thứ đau khổ: đau khổ vật chất và đau khổ tinh thần. Thường người ta cho vật chất hay thể xác là đau đớn, còn đau đớn tinh thần là đau khổ. Tuy nhiên, đau đớn và đau khổ có sự tương quan với nhau: đau đớn có thể đưa đến đau khổ và ngược lại, đau khổ có thể đưa đến đau đớn, hoặc vừa đau đớn vừa đau khổ.

Con người ta ở đời dù lớn, dù nhỏ, thế nào cũng đã phải chịu đau đớn hay đau khổ hơn một lần. Đứa trẻ dù mới sinh ra cũng phải chịu đau đớn, mặc dầu chưa biết đau khổ là gì, vì thế:

Vừa sinh ra sao đà khóc chóe,

Trần có vui sao chẳng cười khì.

(Cao bá Quát)

Thiên Chúa không chủ ý dựng nên các đau khổ cho loài người, nhưng đấy là hình phạt bất đắc dĩ theo sự công bình của Chúa. Ngoài ra, không phải mọi tai họa, mọi sự đau khổ đều do Chúa gửi đến, mà do chính con người độc ác đã tạo ra cho nhau. Gần đây người ta phân tích nguyên nhân đau khổ loài người thì được biết:

. 85% đau khổ là do người làm khổ người.

. 5% là do thiên tai như mưa, gió, lũ lụt, động đất…

. 10% là do ngẫu nhiên.

Nếu người yêu người, người thực hiện tình người thì 85% đau khổ sẽ không còn, chỉ còn 15% do thiên tai và ngẫu nhiên. Và 15% đau khổ này, khi loài người thương yêu nhau, san sẻ cho nhau, yên ủi giúp đỡ nhau thì coi như đau khổ không đáng kể.

2. Ý nghĩa của đau khổ

Đứng trước thực tại của đau khổ, không ai có thể phủ nhận được. Ai cũng phải chấp nhận sự hiện hữu của nó. Nhưng trước những đau khổ ấy, mỗi người, mỗi tôn phái có một chủ trương riêng, một cái nhìn đặc thù và gán cho đau khổ một ý nghĩa riêng.

a) Các chủ trương trước đau khổ

* Thiên Chúa giáo:

Theo nhiều bản kinh, nhất là kinh Lạy Nữ vương, thì đời người được coi như là chốn lưu đầy, là vũng khóc lóc, là thung lũng đầy nước mắt. Nhưng đấy chỉ là lời kinh của người Công giáo đặt ra, có khi là của bậc thánh nhân khả kính, chí như trong bộ sách Phúc âm, không hề thấy nói đời là bể khổ. Chỉ thấy cuộc đời của Chúa Cứu thế này đầy những đau khổ...

Còn trong những lời Chúa Giêsu giảng dạy, nhiều lần Ngài muốn cho người ta hiểu và tin trên mặt đất này chỉ là tạm gửi trong một khoảng thời gian dự bị, thời sau mới là sung sướng hay đau khổ, và cũng là yên ủi những ai lâm vào hoàn cảnh nghèo nàn trên mặt đất này vẫn đầy đau khổ, nhưng cần phải phân biệt những thứ giả dối qua đi không hẳn là đau khổ hay là hạnh phúc cho thực.

* Phật giáo.

Đức Thích Ca đã tìm ra nguyên nhân của các đau khổ là: sinh, lão, bệnh, tử. Ngài đã giác ngộ và giúp cho chúng sinh giải thoát khỏi đau khổ. Phật giáo cho đời là bể khổ “bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê”. Một số thi sĩ nước ta bị ảnh hưởng yếm thế của Phật giáo, nên các tác phẩm đề có phảng phất ý tưởng bi quan, coi đời chỉ là bể khổ, là bến mê, là ảo ảnh, là vô thường...

Đức Thích Ca nói với năm thầy Sa-môn trước kia đã tu luyện cùng ngài ở Khổ hạnh Lâm: ”Này các thầy Sa-môn, đây là phép mầu về sự khổ: sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, cái gì không ưa mà phải hợp là khổ, cái gì muốn mà không được là khổ” (trích trong kinh Mahavagga, theo bản dịch của Phạm Quỳnh, Phật giáo đại quan, Nam phong tùng thư, tr 47). Đó là diệu đế thứ nhất nói về vạn sự ở đời là khổ, trong Tứ diệu đế là căn bản tinh hoa của Phật giáo. Chính phật Tổ cũng dạy: ”Nước mắt chúng sinh trong ba nghìn thế giới, đem chứa tích lại còn nhiều hơn nước trong bốn bể”(Lm Bửu Dưỡng, Vấn đề đau khổ, Đa minh, 1966, tr 55-56).

* Phái Khắc kỷ

Phái này chủ trương triết thuyết về con người hùng. Họ coi như đời không có đau khổ, và nếu phải đau khổ thì cứ cắn răng mà chịu, không hề than khóc, cứ phớt tỉnh đi, coi như không đau khổ vậy. Những người theo phái này đều là những con người dạn dầy với đau khổ, họ không để cho đau khổ chi phối họ, và ngược lại, họ còn muốn chi phối đau khổ.

Người ta kể: Zénon de Cittium, thuộc phái Khắc kỷ, bị bắt làm nô lệ. Anh chàng nô lệ này thuyết cho ông chủ về chủ trương của phái mình trước đau khổ: coi như không đau đớn gì. Ông chủ bèn sai đầy tớ lấy hai thanh tre buộc vào sợi dây ngắn, quấn vào ống chân của Zénon mà vặn xem có đau không. Zénon không tỏ ra chút đau đớn, cứ vui cười. Ông chủ lại bảo người đầy tớ phải xoắn cho chặt, cho mạnh. Zénon cứ bình tĩnh và nói với người đầy tớ ấy rằng:

- Xoắn vừa chứ kẻo gẫy ống chân đấy.

Thấy mình bị trêu chọc, tên đầy tớ lấy hết sức vặn gẫy đôi chân của Zénon ra. Nhưng Zénon không tỏ ra đau đớn mà chỉ bình tĩnh nói:

- Tôi đã bảo kia mà ! Vặn mạnh quá làm gẫy đôi ống chân ra rồi !

* Theo quan niệm người đời

Mọi người không phủ nhận đau khổ và cũng cảm thấy khiếp sợ đau khổ, không muốn chịu nhưng lại coi đau khổ là phương tiện cần thiết để đạt tới đích cao vời. Ai muốn tới mục đích thì cần phải dùng những phương tiện để đạt tới mục đích đó. Ví dụ:

Trời đất sinh ta âu hữu ý

Khách tài tình nên trải vị gian truân,

Một mai gặp hội phong vân.

(Cao bá Quát)

hoặc:

Bất nhập hổ huyệt, an đắc hổ tử ?

(Không vào hang cọp, làm sao bắt được cọp con)

Kinh Thánh cũng nói: ”Lửa thử vàng, gian nan thử người nhân đức”. Chính gian nan tự nó không có ý nghĩa gì, nhưng nó là phương tiện để tô luyện ta nên tốt hơn. Cũng như giống cúc “Camomile” có đặc tính kỳ lạ này: càng bị giẫm, bị đè lên bao nhiêu nó càng lớn nhanh bấy nhiêu (Chuyện lạ quốc tế, tr 108). Cũng một lẽ: chiếc lò xo bị nhận xuống ít thì bật lên nhẹ, còn nếu bị nhận xuống nhiều thì bật lên càng mạnh. Càng bị thử thách, con người càng hăng hái tiên lên. Đấy là luật bù trừ ở đời.

3. Mục đích của đau khổ

Chúng ta phải khẳng định rằng đau khổ không phải là cứu cánh mà chỉ là phương tiện, là điều kiện “sine qua non” để đi tới mục đích, cũng như học hành vất vả là điều kiện để thi đỗ, để thành người thông thái; hoặc muốn được nhiều hoa trái thì buộc phải cắt tỉa. Việc cắt tỉa không phải là mục đích nhưng chỉ là phương tiện để cây sinh được nhiều hoa trái.

Đau khổ còn là một mầu nhiệm. Đau khổ được đức tin đặt vào trong ý định của Thiên Chúa, trở thành một thử thách cao qúi, Thiên Chúa dành cho những tôi tớ Ngài tín nhiệm. Đức Giêsu đã tuyên bố điều luật khẩn thiết này: ”Quả thật, Ta bảo chúng con, nếu hạt lúa rơi xuống đất không mục đi thì cứ trơ trơ một mình, nhưng nếu mục đi, nó sẽ sinh ra nhiều hạt”. Như thế đau khổ có ý nghĩa cao qúi của nó, giúp ta gắn bó với Chúa và giúp ta lập nhiều công phúc.

4. Thái độ của ta trước đau khổ

Chúng ta có thái độ nào trước đau khổ ? Đương đầu với nó hay trốn chạy ? Chiến thắng hay đầu hàng ? Về vấn đề này, ông Phạm công Thiện có ý kiến: ”Đối với con người tầm thường, sự đau khổ và hạnh phúc chống đối nhau như hai kẻ thù không đội trời chung (và hẳn chạy theo hạnh phúc mà trốn đau khổ). Đối với con người khác thường, đau khổ và hạnh phúc hợp tác với nhau”.

(Phạm công Thiện, Ý thức mới trong văn nghệ triết học, 1965).

a) Thái độ tiêu cực

Nhiều người khiếp sợ đau khổ, khi thấy đau khổ thì tìm cách lẩn trốn. Nhưng trốn thế nào được, vì đau khổ đi theo con người như hình với bóng. Bóng mặt trời khi ta cong lưng chạy xuôi, nó chạy trước chận lối ta đi. Nếu ta quay đầu đi ngược lại phía mặt trời, bóng đen liền nhường bước cho ta đi trước, và lui về phía sau. Các sự trái ngược trên đời cũng thế. Nếu ta cong lưng chạy trốn, chúng nó càng chặn lối ta đi. Nếu ta làm mặt hiền hòa, bình tĩnh đón nhận, chúng nó sẽ mất hết sức mạnh làm hại ta.

b) Thái độ tích cực

Tình yêu làm cho đau khổ mất hết vẻ man rợ của nó. Tình yêu cũng làm cho đau khổ thành nguồn an ủi và sức mạnh. Vì tình yêu Chúa, chúng ta hãy sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh đau khổ trong cuộc sống, hãy biến những đau khổ ấy thành những hạt ngọc dâng lên Chúa. Không có một hy sinh nào trở nên vô ích nếu trong đó đã có tình yêu Chúa.

Ta nghĩ thế nào về hạt cát ? Hạt cát có lợi hay có hại cho ta ? Phải chấp nhận nó hay phủi nó đi vì nó vô ích ? Phải phân biệt:

. Nếu hạt cát rơi vào mắt ta, chắc chắn ta phải tìm cách phủi đi ngay vì nó làm ta đau khổ.

. Nếu hạt cát đó lại rơi vào miệng con sò thì sao ? Con sò sẽ tiết ra một chất nhờn bao bọc lấy hạt cát và sẽ biến nó thành hạt ngọc. Vì thế người ta hay tìm sò hến để kiếm ngọc.

Chúng ta hãy cùng chia sẻ với Chúa Giêsu những sự đau đớn của Ngài. Đời sống của ta phải trở nên Chúa Kitô chịu đóng đinh: chính nhờ cây thánh giá mà Chúa đã cứu chuộc cả nhân loại. Chúng ta hãy cùng cộng tác với Ngài để cứu chuộc nhân loại. Công cuộc cứu chuộc đó được thực hiện trong việc thuận theo thánh ý Chúa.

Trong một trang rất hay của cuốn sách “La Prìere de toutes les heures”, cha Charles khi suy niệm về tiếng AMEN đã trình bầy cùng một ý tưởng ấy, tuy một cách khác nhau nhưng rực rỡ hơn:

“Một hôm gặp những người lấy một trang giấy lớn để viết, một trang giấy trắng tinh. Mãi cuối trang, thay vì chữ ký, họ chỉ viết một chữ AMEN. Và rồi họ chuyển đời họ đến Chúa. Chúa Quan phòng bắt đầu viết lên trên chữ Amen đã viết trước ấy câu chuyện dài và đau thương của cả một đời người. Các tang tóc xếp đặt từng hàng, có ghi rõ ngày tháng và tiếng Amen đón nhận tất cả, đã cất đi được cái vị độc, đắng cay của những ngày ấy. Chúa cũng ghi trên trang giấy những niềm hoan hỉ lành mạnh, kèm thêm cả giờ khắc được hưởng, làm những trạm nghỉ trong một cuộc hành trình. Thay vì khước từ và quên lãng, hoặc chúi đầu ngủ mê trong những hoan lạc ấy, tâm hồn ngoan ngoãn cùng vui hưởng với Chúa và vì Chúa, bởi họ đã đọc lời giải khát.

“Thưa Amen trước với hết mọi mệnh lệnh của Chúa. Amen với những thất bại bất ngờ, với những vu khống trường kỳ, với những hiểu lầm hằng ngày khiến ta bực bội. Amen khi xe lửa chạy quá sớm hay quá chậm trễ. Amen khi trời nắng hay trời mưa, khi mất ngủ, khi nhọc mệt, khi nắng hạn hay rét cóng: Amen đối với những bạn bè khó nết đầy tật xấu và điên khùng. Amen đối với những người bà con già nua mà tuổi tác làm cho họ trở nên ích kỷ và quạu cọ. Thưa Amen vui vẻ nếu có thể được, và luôn thưa cách thành thực can đảm”.

(Charles SJ, La Prìere de toutes les heures, tr 135-136)

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt
 
Năm thánh Phaolô: Hiện tượng thiên nhiên phức tạp vào khoảnh khắc cuối củng
Jos. Tú Nạc
05:33 29/03/2009
NĂM THÁNH PAUL: HIỆN TƯỢNG THIÊN NHIÊN PHỨC TẠP VÀO KHOẢNH KHẮC CUỐI CÙNG

Nội dung Thessalonians I và II, cả hai đều trọng tâm truyền đạt về ngày Đáo Diện, Chúa Jesus Ki-tô con Thiên Chúa trở lại vào ngày tận thế - khoảnh khắc cuối cùng.

Sau khi dân Thessalonica nhận được lá thư thứ nhất của Paul, vài môn đệ của Chúa Ki-tô hình như đã kết luận rằng ngày Đáo Diện không còn xa nữa, gần đến nỗi họ ngưng hoạt động để chuẩn bị cho ngày trở lại của Chúa Ki-tô (2 Thessolonians 3: 6-12). Thessalonians II đưa ra rằng đây là một kết luận sai. Người Ki-tô giáo không tham gia vào cuộc tranh luận này về việc lao động hàng ngày trên thế gian để chuẩn bị cho ngày trở lại của Thiên Chúa hoặc thoát khỏi tình trạng bị kết tội rằng Người đã đến. Paul, người đã thiết tha, mong mỏi sự xuất hiện của Thiên Chúa nhưng được giao toàn bộ công việc vất vả nặng nhọc, làm gương cho người Ki-tô giáo bắt chước. Công việc nặng nhọc của ông đã chỉ ra cách người ta nên như thế nào để sống trong sự chờ mong ngày kết thúc: không phải là một gánh nặng cho bất cứ ai, cũng không gây trở ngại đến công việc của người khác.

Trong lúc thiết tha sự Đáo Diện của Chúa Jesus, người Ki-tô giáo phải tham gia đầy đủ những nhiện vụ trần thế cùng những lời cam kết. Lòng thành tín Ki-tô giáo phải tham gia đầy đủ những nhiệm vụ trần thế, không phải là vấn đề “hoặc là/ hoặc” (hoặc tham gia đầy đủ trong công việc hoặc mong chờ Thiên Chúa trở lại), mà là một “cả hai/ và” (cả hai: tham gia một cách đầy đủ chứng tỏ với người khác qua công việc trên trần thế và lòng mong đợi để mãn nguyện những điều luật của Chúa vào khoảnh khắc cuối cùng – ngày tận thế).

Cả hai lá thư gửi dân Thessalonica đều đưa ra lời cảnh báo về những gì phải xảy ra trong những ngày cuối cùng. Tuy nhiên hai lá có thể được xem như có sự khác nhau từ những chi tiết nêu ra, lá thư thứ hai lặp lại cấu trúc và ngôn ngữ của lá thư thứ nhất.Việc phân tích này đã dẫn đến một số học giả phân loại lá thư Thessalonica I chính xác là của Paul và lá thư Thessalonica II như một tác phẩm giả danh (được viết bởi một người nào đó – người kế thừa hay người thông dịch – nhận sự ủy quyền của Paul và viết tên của ông).

Tuy nhiên, lý lẽ không có sức thuyết phục và dường như không hợp lý vì nội dung luận giải trong Thessalonica II không được đề cập như trong lá thư thứ nhất của Paul, hoặc việc sử dụng những dữ kiện của ông đưa ra bằng cách giải thích sai với những gì ông đã nói trong lá thư trước đây của ông (có liên quan đến “sự trở lại của chúa Jesus Ki-tô con Thiên Chúa và sự sống của chúng ta cùng nhau đoàn tụ bên Người).

Trong lá thư thứ hai gửi dân Thessalonica, Paul chỉ ra rằng những hình ảnh truyền thống đối với sự kiện ngày tận thế ngụ ý môt vài “sự cố” khác phải diễn ra trước những sự kiện ắt có và đủ xảy ra (cf. 2 Thessalonians 2: 3-12). Giai đoạn này, điều mà Paul đã nói là ngay trước ngày tân thế, mô tả những sức mạnh của tai họa như được sắp xếp theo trình tự cho một hào lũy cuối cùng tấn công chống lại những con người thánh thiện của Thiên Chúa. Đồng minh của Tử Thần trong trận đánh cuối cùng với tâm hồn loài người được mô tả như “người vô pháp luật”, một người mà trong việc liên minh với Satan kháng cự lại điều luật của Thiên Chúa.

Người Ki-tô giáo phải cảnh giác trong cuộc sống ngoài đời của mình không được sợ kẻ vô pháp luật, vì “Chúa Jesus sẽ giết nó bằng hơi thở từ miệng Người … bởi sự xuất hiện và trở lại của Người” (2 Thessalonians 2: 8).

Mỗi lá thư thuộc quyền hạn của Paul (trừ Galatians – một cuốn Tân Ước) đều bắt đầu với một lời nguyện tạ ơn tới Thiên Chúa vì những phúc lành thương ban những người Ki-tô giáo tựu trung qua sự phục sinh của Chúa Jesus (“theo lượng từ bi của Thiên Chúa và Chúa Jesus Ki-tô con Chúa chúng ta”). Những lời cầu nguyện này có thể được xem như khúc dạo đầu (giống như khúc nhạc dạo đầu cho những nhạc kịch hoặc những màn trình diễn sân khấu) báo hiệu từ những luận điểm qua nội dung của nó.

Lời nguyện của Paul trong lá thư thứ hai gửi dân Thessalonica được tìm thấy trong 1: 3-12. Nó nói về sự kiên định của người Ki-tô giáo ở giữa sự truy hại và bằng cách nào Chúa Jesus trở lại trong vinh quang sẽ thiết đặt những vấn đề ngay lành. Điều này sẽ tỏa ra trong vinh quang không chỉ của Thiên Chúa và Chúa Jesus mà còn là tất cả của Ki-tô hữu, những người đã ôm chặt Thiên Chúa trong đức tin, hy vọng và tình yêu (“để tên của Chúa Jesus con Thiên Chúa chúng ta có thể được ngợi ca nơi bạn, và bạn nơi Người”).

Mục đích của Thiên Chúa là điều mà, thông qua Chúa Jesus, tất cả chia sẻ trong Vương Quốc sau khi Chúa Ki-tô đã chiến thắng cuối cùng trên hết tất cả những kẻ thù của giáo hội Người. Đây là thông điệp an ủi của lá thư thứ hai tới dân Thessalonica và của những bài đọc Kinh thánh trong những tuần lễ cuối cùng của năm phụng vụ.

Thực tế là Tân Ước đã trình bày một tập hợp những hình ảnh mô tả ngày tận thế có nghĩa rằng những Ki-tô hữu không khát khao ngày Đáo Diện coi như thể từng ngày.

Thay vào đó, đồng thời họ phải sẵn sàng cho sự trở lại của Thiên Chúa sắp xảy ra đến nơi và cũng đã chuẩn bị để kiên trì trong đức tin của mình đối với sự kéo dài nỗi chờ mong một cách kiên nhẫn cho đến ngày trở lại của Thiên Chúa diễn ra.

Như đã được trung thành hàng bao nhiêu thế kỷ, tất cả những ai hy vọng nơi Chúa Ki-tô đều phải sống mỗi ngày như thể đó là điều cuối cùng của họ, sẵn sàng để gặp Chúa Jesus khi Người đến, như Người đã nói: “Con cũng không biết ngày hoặc giờ” (Matthew 24: 13).

Jos. Tú Nạc, NMS

Nguồn: The Catholic Register
 
Chúa đã sống lại thật
Giuse Đinh lập Liễm
05:35 29/03/2009
CHÚA NHẬT PHỤC SINH A,B,C.

CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI THẬT

+++

A. DẪN NHẬP

Các bài đọc trong thánh lễ hôm nay đều nói đến việc Đức Giêsu sống lại. Thánh Phêrô đã loan báo cho quan bách quản Cornêliô về các sự việc đã xẩy ra nơi Chúa Giêsu: đi truyền giáo, chịu chết trên thập giá và sống lại vinh quang (Bài đọc 1)

Thánh Gioan nói cho biết sự kiện ngôi mộ trống mà ngài đã tận mắt trông thấy là bằng chứng nói lên việc Chúa sống lại (Bài Tin mừng)

Còn thánh Phaolô khuyên các tín hữu hãy tin vào Chúa sống lại, hãy hướng lòng về trời là quê hương thật và đừng để những đam mê trần tục chi phối làm hư hỏng con người (Bài đọc 2).

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Cv 10,34.37-43

Viên quan bách quản Rôma, là người ngoại giáo, khi nghe biết về Chúa Giêsu, đã đến xin ông Phêrô làm phép rửa để được gia nhập cộng đoàn các tín hữu đầu tiên. Thánh Phêrô đã nhắc cho ông và gia đình ông niềm tin căn bản này: Đức Giêsu đã phục sinh. Đây là bài giảng đầu tiên mà Phêrô dạy dỗ cho những người tân tòng. Thánh Kinh gọi bài giảng truyền giáo này là Keryma. Lược đồ của mỗi Keryma thường là:

a) Tóm tắt cuộc đời của Đức Giêsu ở trần thế.

b) Cái chết của Ngài.

c) Việc Ngài sống lại.

d) Kêu gọi hãy tin vào Ngài để được ơn cứu độ.

Tin vào Chúa Kitô phục sinh là một điều kiện tiên quyết phải có vì nếu Chúa Giêsu không sống lại thì niềm tin của ta trở nên trống rỗng. Vì thế, sự phục sinh của Đức Giêsu chính là trung tâm của lịch sử nhân loại, là nền tảng cho niềm tin Kitô giáo.

+ Bài đọc 2: Cl 3,1-4)

Trong bức thư gửi cho tín hữu Côlôssê, thánh Phaolô kêu gọi những ai đã nhờ phép rửa mà được tham dự vào mầu niệm Vượt qua, hãy sống một đời sống tỏa hương thánh thiện: “Hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giói”(Cl 3,1-2).

Các tín hữu đã tin vào Chúa Phục sinh, nhưng chưa đủ, còn phải thể hiện niềm tin đó trong cuộc sống. Mặc dầu phải sống giữa những thay đổi của trần gian này, phải chịu vật chất chi phối, nhưng đừng để lòng mình ra nặng nề, hãy hướng lòng trí về trời là quê hương thật. Đức Kitô phục sinh đem đến cho chúng ta niềm hy vọng trong cuộc sống hiện tại để hướng về cuộc sống mai hậu.

Người tín hữu tìm được ý nghĩa thực của đời sống dưới ánh sáng phục sinh mà họ đang tiến về. Do đó, họ không được thoát ly khỏi cuộc sống đời này với nhiều nghĩa vụ, bao gian nan thử thách; tuy thế, họ đã tìm được ý nghĩa của cuộc sống trong sự kết hợp với Đức Kitô Phục sinh.

+ Bài Tin Mừng: Ga 20,1-9

Trong bài Tin mừng này, thánh Gioan nhắc đến Maria, người tội lỗi, mà Chúa đã trừ cho khỏi bảy qủi. Bà rất yêu mến Chúa. Ngay sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần bà đã ra mộ viếng Chúa, nhưng thấy mộ trống. Bà tức tốc chạy về báo tin cho ông Phêrô và các tông đồ biết: người ta đã lấy trộm xác Chúa. Ông Phêrô và Gioan đã ra mộ và thấy sự kiện ấy: ngôi mộ trống. Phêrô tỏ ra không hoảng hốt, ông bình tĩnh, xem ra ông đã tin Thầy mình phục sinh rồi.

Thực ra, sự kiện ngôi mộ trống chưa có thể xác quyết được sự kiện Chúa sống lại. Chúng ta còn phải nhờ Kinh Thánh và với đức tin chân thật thì mới có thể tin Chúa đã sống lại. Chính người Do thái không tin vào sự kiện đó và cho rằng xác Đức Giêsu đã bị lấy trộm đi. Việc Chúa sống lại chỉ là tin vịt do các môn đệ dựng nên. Tuy thế, đối với ông Gioan thì không còn nghi ngờ gì nũa: ”Ông đã thấy và ông đã tin” (Ga 20,9).

B. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Thành công và thất bại

I. ĐỨC GIÊSU THÀNH CÔNG HAY THẤT BẠI ?

Trong mùa chay, cách riêng trong tuần thánh vừa qua, tâm trí chúng ta luôn luôn bị căng thẳng, tâm hồn chúng ta luôn luôn bị xúc động và hồi hộp khi suy ngắm những biến chuyển nơi Chúa Giêsu trước đây ngót hai ngàn năm, mà Giáo hội đã diễn lại một cách sống động khác nào sự việc đang xẩy ra vậy:

Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem (Ga 12,13)

Chúa từ giã các môn đệ (Mt 16,45).

Chúa ăn bữa tối sau hết (Mc 14,15).

Chúa rửa chân cho 12 tông đồ (Ga 13,50.

Chúa lập phép Thánh Thể (Lc 22,17).

Chúa vào vườn Cây Dầu cầu nguyện (Lc 22,42).

Chúa bị Giuđa tìm bắt (Lc 22,48).

Chúa bị điệu đến dinh Philatô (Lc 23,1)

Chúa chịu đánh đòn (Mt 26,67).

Chúa chịu đội mạo gai (Mt 27,29).

Chúa bị nhạo báng (Mt 27,30).

Chúa phải vác thánh giá nặng (Lc 23,26).

Và sau cùng Chúa phải chịu đóng đinh vào thập giá (Lc 23,33).

Tất cả những điều này đã làm lu mờ sự nghiệp của Chúa: nào làm bánh hóa ra nhiều – nào kẻ mù được sáng – kẻ điếc được nghe – kẻ câm được nói – kẻ què được đi – kẻ chết sống lại với những niềm tin Người là Đấng Cứu thế muôn dân đợi trông – là Con Thiên Chúa, tất cả đều tan đi như mây khói.

Nhưng ở đời có tan thì lại có hợp, có mưa rồi lại có nắng, và có thất bại rồi mới có thành công vì như người ta nói: ”Thất bại là mẹ thành công”. Nếu chỉ dừng lại ở đây thì Đức Giêsu đã thất bại hoàn toàn, bởi vì người ta thường nói: chết là hết, bao nhiêu sự nghiệp đều tiêu tan. Có biết bao nhiêu anh hùng cái thế, bao nhiêu bậc vĩ nhân trên thế giới đã làm được những công việc vĩ đại, nhưng rồi họ cũng đã ra đi, họ bị lãng quên cùng thời gian, họa chăng chỉ còn trong sử sách.

Nhưng đối với Đức Giêsu, Ngài đã thành công giữa những thất bại. Những thất bại Ngài phải chịu trong một thời gian càng làm cho thành công của Ngài thêm vinh quang. Đúng như văn hào Corneille đã nói: ”Chiến đấu có gian nan, khải hoàn mới vinh quang”. Nhìn vào cuộc tử nạn của Ngài, ta thấy Ngài thất bại hoàn toàn bởi vì bao nhiêu sự nghiệp lẫy lừng Ngài đã làm trong ba năm truyền giáo đã bị tiêu tan. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Ngài sống lại như lời Ngài đã báo trước lúc còn sinh thời. Ngài đã sống lại, nên các sự nghiệp xem ra đã bị tiêu tan, ngày này cũng được sống lại theo và muôn đời sẽ còn ghi nhớ những công việc ấy. Ngày nay, sau 2000 năm, hằng tỷ người vẫn còn nhắc đến những sự kiện ấy, nhất là trong Tuần thánh vừa qua.

II. THẤT BẠI VÀ THÀNH CÔNG TRONG ĐỜI THƯỜNG

1. Suy nghĩ của người đời

Trong cuộc sống hằng ngày, không ai dám nói rằng mình chưa bao giờ gặp đau khổ, chưa bao giờ nếm mùi thất bại, chỉ có những kẻ không làm gì thì mới không thất bại. Thất bại và thành công luôn đi đôi với nhau, cũng như vinh với nhục là chị em với nhau, đã có vinh thì có nhục:

Nước dưới sông có khi trong khi đục,

Trang anh hùng có khi nhục khi vinh.

(Tục ngữ)

Xưa nay biết bao người không thành công, chí không đạt được, là vì bỏ cuộc giữa đường, thất vọng tràn trề khi gặp hết tai nọ đến nạn kia. Người có chí phải bền gan gánh vác việc đời, bắt chước theo câu phương ngôn người Nhật: ”Ngã xuống bảy lần, lần thứ tám đứng dậy “ mà hành động thì mới mong thành đạt.

Ngày xưa, Hán Bái Công đánh với Hạng Vũ, trăm trận đều thua, vậy mà ông vẫn không hề thối chí, cho đến khi thắng trận cuối cùng thì thành được đế nghiệp. Lưu Bị đời Tam quốc, lúc chưa gặp thời, lang thang ở trọ hết nơi này sang nơi khác, không mảnh đất dung thân, thất bại bao phen, nhiều lần suýt vong mạng, vậy mà vẫn bền gan chịu đựng cho đến ngày làm vua một cõi.

(Nguyễn văn Y, Có chí thì nên, 1971, tr 24-25)

Muốn thành công phải chấp nhận thất bại vì như người ta thường nói: ”Thất bại là mẹ thành công”. Đối với người hèn kém thì thất bại là cơ hội làm cho họ nhụt chí, còn đối với người hùng thì thất bại là dịp thúc đẩy họ tiến lên hơn.

Vì thế, René Bazin, hàn lâm viện Pháp, có khuyên mọi người: ”Đừng sợ thất bại. Lần thất bại thứ nhất cần phải có, vì nhờ đó mà ý chí ta thêm cứng cát. Lần thất bại thứ hai có thể có ích. Bị bại lần thứ ba mà anh vẫn đứng vững, thì anh thật là một người..., anh như chùm nho chín ở trên đá sỏi: Không có thứ nho nào ngọt hơn nữa”.

Hòn sỏi nào tròn trịa trơn láng mà chẳng phải chịu biết bao nhiêu sự cọ xát từ tháng năm này sang tháng năm khác. Con người muốn đạt được sự cao qúi của tâm hồn, học hỏi được kinh nghiệm sống, không thể chưa từng va chạm tới trăm đau nghìn khổ. Xưa nay anh hùng hào kiệt, chí sĩ văn gia, những bậc tài hoa dường như đều trần ai như thế cả. Nếu mỗi lần gặp gian nguy, trở ngại mà lùi lại thì bao giờ mới đặt chân được đến đài vinh quang (Sđd, trang 27).

Cũng trong tư tưởng ấy, Abraham Lincoln nói: ”Điều mà tôi muốn hiểu trước hết, không phải là anh có thất bại không, mà là anh có biết chấp nhận sự thất bại của anh không”.

Ông Henry Ford cũng khuyên: ”Một cuộc thất bại chỉ là cơ hội để thử lại lần thứ nhì với nhiều khôn ngoan hơn”.

2. Chuyển bại thành thắng

Trong cuộc sống thường ngày cũng như trong đời sống thiêng liêng, chúng ta đã có kinh nghiệm: không thiếu gì thành công, nhưng cũng chứa đầy thất bại. Có người vui sướng đón nhận những thành công và buồn rầu chấp nhận thất bại; nhưng cũng có những con người xứng đáng là con người: đón nhận thành công nhưng cũng bình tĩnh và đôi khi vui lòng đón nhận thất bại. Đối với những con người này, họ coi thất bại chỉ là động lực khiến họ mạnh dạn tiến lên đến thành công. Thành thử, thất bại không còn gì là đáng sợ mà chỉ là cơ hội cho họ can đảm hơn.

Ai cũng đã có lần thành công mỹ mãn, nhưng cũng đã có lần gặp những thất bại chua cay. Thất bại cũng có ý nghĩa của nó.

Có hai loại thất bại:

- Thất bại khách quan (hay thụ động, tiêu cực).

- Thất bại chủ quan (hay chủ động, tích cực).

Thất bại khách quan: đó là những thất bại không thể tránh được vì nó vượt quá sức lực của con người. Đó là tình trạng bi đát, không còn cách nào tránh né và cũng không thể chỗi dậy được. Đối với những loại thất bại này, người ta chỉ thụ động chịu đựng ví dụ như bệnh tật, sa cơ thất thế, thua trận...

Thất bại chủ quan: đó là những thất bại có tính toán trước theo phương pháp: ”Thả con tép, bắt con tôm” hay “Hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Người ta sẵn sàng chịu những thất bại nhỏ để đạt tới những thành công lớn, hay ít ra chịu thất bại trước mắt để thành công trong tương lai. Như vậy, người ta không nhằm rước lấy thất bại những nhằm đón lấy thành công sau này.

- Chúng ta đã có kinh nghiệm trong thể thao: muốn nhảy xa, muốn nhảy cao, người ta phải lùi lại nhiều bước rồi mới tiến lên, mới nhảy cao, nhảy xa được, những bước lùi đó chính là những bước tiến, vì không có nó thì không thể nhảy cao, nhảy xa được.

- Trong chiến trận cũng thế: đôi khi người ta phải giả vờ thua chạy tháo lui cho quân địch đuổi theo, khi quân địch lọt vào vòng vây, khi ấy người ta mới phản công, chiến thuật này rất nguy hiểm, đã bị lọt vào trong vòng vây, quân địch không còn cách nào tháo lui được nữa và chắc chắn người ta thành công.

- Trong cuộc sống hằng ngày, người ta cần phải hiểu phương cách “Tiến thoái”. Tiến là đi lên, thoái là đi xuống hoặc rút lui. Có một sự tương quan biện chứng giữa tiến và lùi. Tiến chưa hẳn đã thắng và lùi chưa hẳn đã thua. Trong cái lùi đã có cái thắng. Như trong thể thao và trận chiến, chúng ta đã nhận thấy phải có lùi thì mới tiến được, lùi là điều kiện phải có để tiến, lùi đây là lùi chiến thuật.

Chúng ta thử xem câu nói này có đúng không ? Mới đọc xem ra vô lý, nhưng nếu suy nghĩ kỹ thì câu nói ấy rất hay. Đây là một kiểu nói bắt người đọc phải động não mới tìm ra ý nghĩa của nó: ”

“Một ngàn việc tiến,

“Chín trăm chín mươi chín việc lùi,

đó là TIẾN BỘ”.

(Henri Frédéric AMIEL)

III. THẤT BẠI VÀ THÀNH CÔNG TRONG ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG

1. Chúa đã sống lại thật

Khi còn sinh thời, Đức Giêsu đã nhiều lần loan báo trước Ngài sẽ bị bắt, đánh đòn, giết chết và sau ba ngày thì sống lại. Sự kiện tiên tri Giona nằm trong bụng cá ba ngày và việc xây đền thờ Giêrusalem trong ba ngày đã là những hình ảnh báo trước việc Đức Giêsu sống lại sau ba ngày đã chết. Trên dương gian này, những ai đã chết là chết luôn, chỉ có Đức Giêsu mới có thể dùng quyền năng của mình mà tự sống lại.

Đức Giêsu đã sống lại thế nào ? Ai đã khám phá ra điều này ? Cả bốn sách Tin mừng đều tường thuật về biến cố này, nhưng đều không cho biết Đức Giêsu đã sống lại thế nào. Vì thật sự, không ai có mặt để chứng kiến biến cố lịch sử quan trọng này. Nhưng có những nhân chứng đã thấy ngôi mộ trống, họ quả quyết xác Chúa không còn trong mộ, và sau đó Chúa đã hiện ra nhiều lần với họ, xác nhận Ngài đã sống lại, đồng thời dạy bảo họ nhiều điều. Đó là các tông đồ và một số phụ nữ… những nhân chứng về sự sống lại của Đức Giêsu.

Như vậy, một điều chắc chắn: sự kiện Đức Giêsu phục sinh không thể minh chứng một cách rõ ràng như chúng ta minh chứng một biến cố, một sự kiện tự nhiên mà phải dùng đến đức tin. Cho nên, đối với chúng ta việc Chúa sống lại là vấn đề đức tin: phúc cho ai không thấy mà tin.

2. Phải sống theo niềm tin ấy

Trong mùa Phục sinh chúng ta vẫn đọc đi đọc lại câu: ”Người đã sống lại thật như lời đa phán hứa”. Chúng ta tin thật Đức Giêsu đã sống lại như lời minh chứng của Thánh Kinh, chúng ta hân hoan ca mừng việc Chúa sống lại vì Ngài đã chết để tiêu diệt sự chết và đã sống lại để phục hồi sự sống cho chúng ta. Chúng ta tin chắc như vậy ! Nhưng tin như thế vẫn chưa đủ, còn phải thể hiện niềm tin ấy ra trong cuộc sống hằng ngày. Phải theo gương Đức Giêsu mà chết đi để rồi mới sống lại được. Phần thưởng của chúng ta chỉ có được sau khi đã trải qua mọi thử thách trong cuộc sống ở trần gian này: per crucem ad lucem !

a) Có những nghịch lý phải chấp nhận

Chúng ta đã có một gương sán lạn của Đức Giêsu: Người đã chịu chết để chuộc tội cho nhân loại. Trước mặt người đời, người ta cho là Đức Giêsu đã thất bại hoàn toàn vì chết là một thất bại, mọi sự nghiệp đã tan thành mây khói. Nếu chết là hết mà không có sự sống lại thì Đức Giêsu bị thất bại hoàn toàn, nhưng sau cái chết đã có sự sống lại. Ngài đã dùng sự chết để đánh tan cái chết và sống lại để phục hồi sự sống lại cho chúng ta. Vậy Ngài đã chuyển bại thành thắng, đã thành công trong thất bại.

Trong cuộc sống của chúng ta cũng thế, chúng ta phải chấp nhận hy sinh, phải lột bỏ con người cũ đầy tội lối để mặc lấy con người mới thánh thiện. Chúng ta có chết đi cho tội lỗi thì mới hy vọng được sống lại vinh quang như lời Chúa Giêsu dã nói: ”Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Như vậy, chúng ta phải đón nhận những thất bại đời này để chuẩn bị cho đời sau. Đây chỉ là thất bại chiến thuật vì trong thất bại đã có chiến thắng.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thấy có những nghịch lý. Nghịch lý là điều thoạt xem có vẻ phi lý nhưng khi suy nghĩ kỹ thì thấy rất hợp lý. Chúng ta thấy có nghịch lý giữa “mat” và “được” hay giữa “bị” và “được”. Theo khuynh hướng tự nhiên thì ai cũng muốn “được” và sợ “mất”, muốn “sống” hơn là “chết”. Nhưng nghịch lý thay ! Nhiều khi vì “được” mà phải “mất”. Ví dụ: bạn muốn cho có một mùa bội thu thì hạt giống phải “bị” mục nát ra thì mới có thể “được” một mùa bội thu, nếu không “bị” thì cũng chẳng có “được”.

Hay một ví dụ khác: trong một vụ tranh cãi bạn cố gắng dùng đủ mọi mưu mô để tranh cãi cho bằng được, kết quả là bạn thắng trong vụ cãi nhưng mất tình nghĩa bạn bè hay người thân; trái lại, nhiều khi “mất” mà lại “được”. Ví dụ: thánh Anphongsô là một luật sư nổi tiếng. Một lần kia ngài biện hộ cho một vụ kiện lớn, ngài bị thua. Thất bại ê chề hôm đó đã giúp cho ngài nhận thức rằng danh vọng thế gian chỉ là giả trá, ngài đi tìm một lẽ sống khác và trở thành một vị thánh lập dòng (Cf Carôlô).

Chúng ta cũng thấy có một nghịch lý nữa giữa “sống” và chết”. Chết và sống không phải là hai điều luôn đối nghịch nhau, nhiều khi chúng liên kết hỗ trợ nhau: sự chết nuôi sự sống và sự sống sống được là nhờ sự chết. Ví dụ: con vật phải chết đi mới có thịt nuôi sống con người, hay cây nến sáp phải chảy ra và bị đốt thì anh sáng mới bùng lên soi sáng cho con người.

Đối với cái chết của Chúa trên thập giá cũng vậy. Đức Giêsu chính là Đấng mà con rắn đồng trong sa mạc là hình ảnh loan báo trước: ”Khi các ông đưa Con người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai”. Như thế việc Đức Giêsu chết trên thập giá không phải là một thất bại mà là một chiến thắng. Ngài không “bị” mà “được” đưa lên cao để trở thành nguồn ơn cứu độ cho những ai tin tưởng nhìn lên Ngài.

Vì thế, chính khi Đức Giêsu “bị” giết chết trên thập giá là lúc Ngài “được” tôn vinh và là nguồn ơn cứu độ cho nhiều người. Khi chúng ta “bị” đau khổ nhưng biết nhìn lên thập giá Đức Giêsu là lúc chúng ta “được” cứu độ. Nhìn ngược lại ngày xưa, khi nguyên tổ tưởng mình “được” bằng Thiên Chúa thì lại “bị” đuổi ra khỏi vườn địa đàng.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta hãy nghiền ngẫm câu nói của Đức Giêsu: ”Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”(Ga 12,25). Như vậy, chúng ta thấy rõ tương quan giữa cái “mất” và cái “còn”.

Truyện gợi ý: Phải biết tan biến đi

Nếu Đức Giêsu là người Ả rập, thì thay vì hình ảnh của hạt lúa được gieo vào lòng đất, có lẽ Ngài sẽ kể câu truyện ngụ ngôn sau đây:

Một dòng suối mát rơi từ ngọn núi, chảy qua một đồng bằng cho đến khi chạm đến một sa mạc. Tại đây, nó chợt nhận ra nước của mình bắt đầu bốc hơi và khô dần. Dù vậy, dòng nước vẫn quyết tâm băng qua sa mạc. Nó nghe có tiếng thì thầm:

- Nếu ngươi muốn, ngươi có thể băng qua sa mạc được, bởi vì gió vẫn làm được điều đó.

Dòng suối giận dữ:

- Nhưng ta có phải là gió đâu ?

Nó thấy gợi ý của tiếng thì thầm là điều ngu xuẩn, nhưng tiếng nói vẫn tỏ ra kiên nhẫn:

- Gió sẽ mang ngươi đi. Dĩ nhiên với điều kiện là ngươi phải tan biến đi trong gió.

Dòng suối suy nghĩ miên man về ý nghĩa này: nó vẫn chưa hiểu được tại sao nó phải tan biến đi, phải chăng nó phải đánh mất chính mình ? Điều gì bảo đảm được rằng khi băng qua hết sa mạc, nó sẽ tìm lại được bản thân một cách nguyên vẹn ? Đọc được ý nghĩ của nó, gió mới lên tiếng

- Ngươi chỉ cần tin tưởng nơi ta, không còn cách nào khác nữa đâu.

Dòng suối vẫn tiếp tục giữ giọng kiêu hãnh:

- Đồng ý, nhưng ta không thể chấp nhận tan biến được.

Tiếng nói thì thầm giải thích:

- Ngươi không thể băng qua sa mạc mà vẫn giữ nguyên hình nguyên trạng được. Làm thế ngươi chẳng khác nào một con rắn xấu xí, nhưng nếu ngươi để cho gió mang ngươi đi xuyên qua sa mạc, thì bên kia sa mạc, ngươi sẽ hiện nguyên hình là một dòng suối xinh đẹp. Dòng suối thắc mắc:

- Vẫn một dòng suối như cũ ư ?

Giọng nói giải thích:

- Dĩ nhiên, ngươi sẽ tìm gặp lại bản thân, tóm lại nếu ngươi cứ chần chừ đứng ở đây, ngươi cũng sẽ đánh mất chính mình ngươi mà thôi.

Thế là dòng suối chấp nhận biến thành hơi nước và để cho gió mang đi. Nó cùng với gió băng qua sa mạc. Và khi cả hai đến đầu ngọn núi bên kia sa mạc, gió để cho nó rơi từ từ như mưa. Không mấy chốc, dòng suối gặp lại chính nó, đẹp hơn, trong suốt hơn.

(R. Veritas, Mạch nước trường sinh, tr 96-97)

Hạt lúa có được gieo vào lòng đất để thối đi mới có thể sinh hoa kếtr quả. Dòng suối có chấp nhận tan biến trong gió mới có thể gặp lại bản thân. Đây là định luật của cuộc sống thiêng liêng mà Đức Giêsu đã vạch ra cho chúng ta. Đây là con đường siêu thoát, con đường chiến đấu, ai muốn được sự sống đời đời không thể đi theo con đường nào khác.

b) Chiến đấu không lùi bước

Đức Giêsu đã chỉ đường dẫn lối cho chúng ta tiến tới cuộc sống đời đời. Con đường ấy là con đường khổ giá. Con đường từ bỏ, con đường siêu thoát chính mình, vì Đức Giêsu đã phán: ”Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo”. Đấy là con đường một chiều, ai đã theo thì chỉ có tiến chứ không có lùi, như thế mới xứng đáng làm môn đệ của Chúa:”Ai đã tra tay cầm cầy mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa”(Lc 9,62).

Thập giá của Chúa trao không nặng lắm, luôn vừa sức ta, nhưng đòi hỏi ta phải kiên trì vác hằng ngày vì sự khốn khó ngày nào đủ cho ngày ấy. Hãy bắt tay vào việc ngay, đừng chần chừ, đừng để công việc hôm nay sang ngày hôm sau. Về vấn đề này, ta hãy nghe John Newton nói:

“Những khổ sở mà đời chúng ta phải chịu cũng giống như một bó củi rất to và rất nặng. Chắc chắn chúng ta không vác nổi. Nhưng Thiên Chúa đã thương tháo dây bó củi đó ra, rồi chia nó ra để mỗi ngày chỉ chất lên vai ta một khúc thôi. Hôm sau một khúc nữa, và hôm sau tiếp tục… Cuối cùng ta cũng vác xong hết bó củi. Nhiều người lại không làm như thế: chẳng những họ chất lên vai khúc củi của hôm nay mà còn thêm vào đó khúc củi của hôm qua và khúc củi của ngày mai. Lạ gì họ không vác nổi”.

Hãy tin tưởng cất bước, quyết không lùi trước những khó khăn. Phần thưởng chỉ dành cho những ai chiến đấu và kiên trì cho đến cùng. Hãy tin tưởng vào Chúa, Đấng đã trải qua mọi khó khăn sẽ giúp đỡ chúng ta vượt qua mọi thử thách. Trong cuộc chiến này, chúng ta chỉ biết tiến chứ không biết lùi.

Truyện: Quên bài kèn rút lui

Trong một trận giao tranh ác liệt giữa quân của Napoléon và quân địch, trận chiến càng về khuya càng ác liệt và phần thắng dần dần nghiêng về phía địch. Quân của Napoléon chết rất nhiều, hàng ngũ rối loạn mặc dầu cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp tục nhưng rời rạc. Nhìn rõ thế trận, Napoléon biết phải làm gì, vua gọi tên lính thổi kèn lại gần và ra lệnh: ”Hãy thổi kèn lui binh vì quân ta chết quá nhiều”.

Tên lính trẻ được lệnh, nhảy tót lên ngựa, phi nhanh ra giữa trận, và đưa kèn lên thổi hồi kèn thúc trận một cách mạnh mẽ. Quân của Napoléon đang mệt mỏi và thất vọng, nghe tiếng kèn thúc quân, tưởng có viện binh tới giúp, chồm dậy phản công kịch liệt. Kèn cứ thổi, đám tàn quân vươn mình lên vừa đánh vừa la hét. Kết quả thế trận thay đổi: quân của Napoléon toàn thắng bất ngờ. Tuy nhiên, hoàng đế Napoléon sai bắt tên lính kèn kia lại, và khiển trách y rất nặng nề về tội bất tuân thượng lệnh. Anh lính bình tĩnh tâu:”Muôn tâu đức vua, từ khi được theo bước chân ngài trong binh lửa, và chiến đấu trăm trận đều trăm thắng cho nên hạ thần đã quên hẳn bài kèn rút lui rồi”.

Muốn có chiến thắng thì phải chiến đấu. Chiến đấu càng cam go, chiến thắng càng vinh quang. Không có thành công nào mà không đòi cố gắng. Thành công của chúng ta là biết lắng nghe và thi hành thánh ý Chúa. Để giúp chúng ta biết cách kiên trì sống theo thánh ý Chúa với niềm tin tưởng trong gian truân, chúng ta hãy đọc đoạn thư của thánh Phaolo tông đồ gửi cho tín hữu Do thái sau đây:

“Anh em đã quên lời khuyên nhủ được nói với anh em như với những người con: Con ơi, đừng coi nhẹ Lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách. Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt. Anh em hãy kiên trì cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy ? Nếu anh em không được sửa dạy như tất cả mọi người, thì khi đó anh em là con ngoại hôn, chứ không phải là con chính thức. Vả lại, chúng ta có cha trần thế sửa dạy mà chúng ta vẫn tôn kính, thì chúng ta lại càng phải tùng phục Cha trên trời để được sống. Cha trần thế sửa dạy chúng ta trong một thời gian ngắn, và theo sở thích của mình; còn Thiên Chúa sửa dạy là vì lợi ích của chúng ta.

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt
 
Suy Niệm: Đường Thánh Giá - Năm Giáo Dục Gia Đình
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
14:26 29/03/2009
SUY NIỆM CHẶNG ĐƯỜNG THÁNH GIÁ NĂM GIÁO DỤC GIA ĐÌNH

Mở đầu:

Lạy Chúa, Chúa đã phán: Ai muốn theo Ta, phải vác Thập giá hằng ngày mà theo Ta. Xin cho chúng con biết mến yêu thập giá mà Chúa gửi đến trong cuộc sống. Xin giúp chúng con sống cuộc đời mới khi theo chân Chúa trên đường khổ nạn này. Xin Chúa dạy chúng con biết rằng: đường đau khổ là đường đưa tới vinh quang, và triều thiên thiên quốc chỉ dành cho những ai một đời biết hy sinh phục vụ tha nhân.

Nơi thứ 1: Chúa Giêsu Nhận bản án bất công.

Kinh thánh: Philatô nói với họ “Ta không thấy nơi người này có tội chi cả!”. Đoạn Chúa Giêsu đi ra đầu đội mão gai và mặc áo đỏ, Philatô nói: “Này là người”.

Suy niệm: Vì tình yêu mà Chúa Giêsu đã nhập thể làm người. Ngài đi vào cuộc đời để cứu chuộc loài người. Hòa nhập vào dòng đời để thánh hóa nhân sinh. Thế mà, thế gian đã không tiếp đón Ngài, lại còn toa rập với nhau để loại trừ Thiên Chúa bằng thủ đoạn bỏ vạ cáo gian. Từ chối Thiên Chúa sẽ dẫn đến từ chối anh em. Bản án bỏ vạ, cáo gian vẫn tiếp diễn nơi gia đình, nơi thôn xóm. Nước mắt của oan ức, thất vọng vẫn tuôn rơi. Kiếp sống nhân sinh vẫn đong đầy bi thương của bất công và thù hận.

Lạy Chúa, xin chia sẻ cho chúng con lòng nhẫn nhục, chịu đựng hy sinh, không phàn nàn trách oán ai. Xin cho chúng con biết thông cảm với anh chị em đang chịu thử thách của bệnh tật, thất bại, bỏ rơi. Chúng con xin dâng lên Chúa nước mắt của đau khổ như là những của lễ Abel, mong đền đáp tình Chúa yêu thương chúng con.Amen

Nơi thứ 2: Chúa Giêsu vác thánh giá.

Kinh thánh: “ Thế rồi họ bắt Chúa Giêsu vác thánh giá và đi tới nơi gọi là Núi sọ, tiếng Hy bá gọi là Golgotha”. (Ga 19, 17)

Suy niệm: Món quà trả ơn mà thế gian đã dành cho Chúa Giêsu là vòng gai phủ kín trên đầu. Món quà trả nghĩa mà con người đã trao tặng cho ngài là cây thập giá. Con người đã đặt lên vai Ngài gánh nặng của sự vô ơn, bất nhân, bất nghĩa.

Và cho đến hôm nay, cứ mỗi lần chúng ta lấy ơn báo oán, bất tín bất trung, là một lần chúng ta đang xiết thêm vòng gai đau khổ cho chính Thiên Chúa. Cứ mỗi lần chúng ta thờ ơ, trốn lánh trách nhiệm với gia đình thì một lần nữa, chúng ta lại chất lên vai Ngài một thập giá nặng nề hơn. Cuộc đời vốn là bể khổ nhưng con người vẫn cố tình chồng chất nỗi khổ lên nhau. Chà đạp lên cuộc đời nhau thay cho sự đón nhận nhau trong yêu thương tha thứ. Sống với nhau nhưng lại làm khổ nhau nhiều hơn là xây dựng hạnh phúc cho nhau.

Lạy Chúa xin hãy thứ tha những lầm lỗi của chúng con. Biết bao lần chúng con đã sống vô ơn, bất trung và bất hiếu với cha mẹ, anh em và bạn bè. Xin giúp chúng con đừng bao giờ trở thành gánh nặng cho gia đình, nhưng luôn biết sống có trách nhiệm để chia sẻ gánh nặng cho gia đình của chúng con. Amen

Nơi thứ 3: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất.

Kinh thánh: “Tiên tri Isaia viết: Người bị đâm thâu cạnh sườn vì lỗi lầm của chúng ta, bị nghiền nát vì tội ta. Người mang lấy hình phạt thay ta, để ta được an bình, và nhờ vào thương tích của Người mà chúng ta được chữa lành”.

Suy niệm: Ngã là dấu hiệu của sự yếu đuối mong manh. Chúa Giêsu ngã xuống đất để hòa mình trong khối đông nhân loại và dìm mình trong cát bụi cuộc đời. Ôi tình yêu và hy sinh! Yêu là bằng lòng đánh mất chính mình. Tình yêu đích thực mang hương vị của sự chết, sự từ bỏ quên mình. Bằng lòng quên mình cho kẻ khác được an vui hạnh phúc là quy luật của mọi tình yêu.

Lạy Chúa, xin hãy nâng đỡ xác thân yếu hèn của chúng con. Xin ban cho chúng con sự can đảm để biết chấp nhận những khổ đau trong cuộc sống. Xin ban cho chúng con sức mạnh để sẵn sàng hy sinh, tận tụy trong bổn phận gia đình. Xin cho chúng con luôn nhớ rằng: “Bông hồng nào mà không có gai nhưng trong bụi gai vẫn có hoa hồng”. Cuộc đời nào cũng có thập giá nhưng thập giá sẽ biến thành niềm vui khi biết đón nhận trong yêu mến và hiến dâng.

Nơi thứ 4: Chúa Giêsu gặp Đức Mẹ.

Kinh thánh: “Này tôi là tôi tới Chúa, tôi xin vâng như lời thiên sứ truyền”

Suy niệm: Từ ngày truyền Tin, từ khi thưa Vâng (Fiat) cho đến lúc đứng dưới chân Thập Giá, cuộc hành trình đức tin của Mẹ đã trải qua nhiều chặng, nhiều khúc, nhiều tình tiết, nhiều thử thách, đau khổ mà không phải lúc nào Mẹ cũng hiểu rõ thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Mẹ vẫn lặng thinh trước mọi biến cố xảy ra. Sự thinh lặng của mẹ nói lên sự hiệp thông sâu xa với sứ mệnh của con yêu quý. Mẹ theo sát Chúa trên đường thánh giá như hòa nhịp với đau khổ và hiệp thông cứu độ trần gian.

Ngày nay, tấm lòng của mẹ vẫn còn bị lưỡi gươm đâm thâu vì các con Mẹ đang hành hạ lẫn nhau. Vợ chồng kết án nhau. Anh em thù hận nhau. Cha mẹ từ chối con cái. Con cái chống lại cha mẹ. Bi kịch của đường thánh giá năm xưa như vẫn tái diễn trong cuộc sống hôm nay. Ánh mắt mẹ vẫn rơi lệ vì tội lỗi nhân sinh. Mẹ nhìn nhân loại hôm nay không phải để cảm thông, nhưng để xót xa vì tội lỗi con người sẽ đưa đến án họa trầm luân mai sau.

Lạy Mẹ Maria, cuộc đời có mưa có nắng. Kiếp sống con người có vui, có khổ, có khóc, có cười. Vui buồn tựa như mưa nắng vẫn rơi trong lòng của cả một kiếp người. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa vẫn phải trải qua những thăng trầm của cuộc đời. Mưa nắng cuộc đời Mẹ đã đi qua, Mẹ đã cảm nếm, và Mẹ nêu gương cho chúng con khi biết vâng lời chịu đựng. Cuộc đời chúng con dẫu có những lo toan vất vả, những ưu tư trăn trở, xin Mẹ giúp chúng con can đảm vượt qua. Amen

Nơi thứ 5: Ong Simong vác đỡ thánh giá Chúa.

Kinh thánh: “ Khi họ đang dẫn Ngài đi đường vác thánh giá, họ bắt một người có tên là Simong thành Cyrênê, đến từ miền quê, vác đỡ thánh giá Chúa Giêsu. Có đám dân chúng cũng đi theo Người.”

Suy niệm: Vì lòng xót thương giữa người với người, ông Simong đã chia sẻ nỗi khổ đau cùng Chúa Giêsu. Giúp Chúa vác cây thập giá là một hành động bác ái cao cả; đó cũng là một tình yêu cao đẹp giữa người với người. Thánh Augustino đã nói: “Hãy tôn kính Thiên Chúa trong tha nhân”. Có lòng tôn kính, người ta với dám thi thố tình thương bác ái cho nhau. Có nhận ra tha nhân là hình ảnh Thiên Chúa, người ta mới kính trọng và hy sinh cho nhau. Chấp nhận một hy sinh để mong hữu ích cho tha nhân, đó là cách thí mạng mình vì hạnh phúc anh em.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết mang lấy gánh nặng của gia đình. Kính trọng tha nhân trong tinh thần tương thân tương ái. Xin giúp chúng con luôn sẵn sàng đáp trả mọi lời kêu xin, luôn đoán trước điều họ muốn xin. Ước gì chúng con luôn bé nhỏ, tỉnh thức, sẵn sàng để phụng sự Chúa khởi đi từ gia đình chúng con.

Nơi thứ 6: Bà Verônica lau mặt Chúa.

Thánh kinh: “ Chúa Giêsu đã nói: thật Thầy bảo cho các con, mỗi khi các con làm những việc lành cho một trong những người bé mọn nhất là làm cho chính Thầy vậy”

Suy niệm: Đời người cho dẫu gặp nhiều thử thách, đau khổ hay thất bại, họ vẫn cảm thấy hạnh phúc khi được an ủi. Cái đau khổ tột cùng của con người là không tìm được sự nâng đỡ, khích lệ. Nỗi thất bại chua cay nhất của con người là chính sự thờ ơ, bị bỏ rơi mà không ai cứu giúp. Sự thử thách cay nghiệt nhất của con người là bị bạn bè, thân hữu loại trừ. Con người chỉ tìm được niềm vui khi nhận được tình thương. Đồng thời khi trao tặng tha nhân những những nghĩa cử cao đẹp, cuộc đời mới đáng yêu và đáng sống. Bà Vêrônica đã tìm được hạnh phúc khi bà đến lau mồ hôi và máu trên khuôn mặt Chúa. Sự an ủi và hành động yêu thương của bà là hồng phúc mà Thiên Chúa đã tặng riêng cho bà.

Lạy Chúa xin cho chúng con nhớ rằng: cứ mỗi lần chúng con đến viếng thăm những gia đình tan nát, cứ mỗi lần chúng con trao tặng người khác một nụ cười tươi, và cứ mỗi lần chúng con nhìn kẻ thù với một ánh mắt cảm thông nguyện cầu, đó là những lần chúng con đã lau những giọt nước mắt trên gương mặt của Ngài.

Nơi thứ 7: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai.

Thánh kinh: “Tiên tri Isaia có lời rằng: Người bị khinh khi và ruồng bỏ, một người nặng trĩu buồn sầu và quen thuộc với những đớn đau; chính Người bị khinh khi và chúng ta không đếm xỉa gì tới. (Is.53.3-4)

Suy niệm: Ngôi Hai Thiên Chúa đã có thể làm cho kẻ chết sống lại, mở mắt cho kẻ mù bẩm sinh. Một vì Thiên Chúa đầy uy nghiêm đến nỗi sóng biển phải thôi thét gào, quỷ dữ phải tháo lui, mà giờ này phải ngã gục trước sức mạnh của cây thập giá. Một vì Thiên Chúa đã đi sâu vào giữa lòng nhân loại tội lỗi để giao hòa con người với Thiên Chúa. Một vì Thiên Chúa mang thân phận phàm nhân để đền tội thay lỗi lầm nhân sinh.

Lạy Chúa Giêsu, cứ ngã là đau, nhưng sa ngã tâm hồn làm đau lòng Chúa hơn. Có những cám dỗ mời mọc chúng con vào đường xấu. Bản tính tự nhiên đầy yếu đuối và nhiều trì trệ, gia đình chúng con còn nặng bầu khí hỏa ngục, đánh nhau, oán hờn, bất hòa làm mất vẻ đẹp hiệp nhất của Giáo hội, nhưng dõi bước theo Chúa, chúng con quyết trỗi dậy và canh tân đổi mới cuộc sống.

Nơi thứ 8: Chúa Giêsu gặp phụ nữ thành Giêrusalem.

Thánh kinh: “ Khi thấy dân chúng theo Chúa, và có nhiều phụ nữ khóc thương Chúa. Chúa quay lại nói với họ rằng: hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc cho Ta, hãy khóc cho phận mình và con cháu chị em”.

Suy niệm: Đức Piô XII đã gọi các bà mẹ là người canh giữ hòa bình. Chính trái tim nhân hậu của mẹ sẽ tạo cho con tình yêu đối với đồng loại. Tình mẫu tử dịu hiền của người mẹ tựa dòng sông thanh bình. Uốn quanh đời con và chảy dài suốt dọc dài cuộc đời của con. Cuộc sống êm đềm hạnh phúc bên lòng mẹ sẽ đưa con vào những giấc mơ thần tiên, một cõi thiên thai thanh bình, không có oán hờn, gian dối, bất công và hận thù.

Thế nhưng, nhiều người mẹ đã đánh mất giấc mơ thần tiên nơi con trẻ. Họ quên rằng con cái cần tình thương và sự chăm sóc hơn cần cơm áo, gạo tiền. Họ đánh mất cơ hội cho con tình thương của biển thái bình.

Lạy Chúa, xin cho các bà mẹ luôn biết từ bỏ ý riêng mình mà đặt ý hướng vào đứa con. Biết thực thi đức tính anh hùng, dũng cảm, thinh lặng, ít nói, đơn giản, bình thường mà không tầm thường. Ngày nào cũng giống ngày nào mà không đơn điệu nhàm chán, nhưng luôn nhận ra niềm vui qua việc hy sinh vì lợi ích của con.

Nơi thứ 9: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba.

Thánh kinh: Thánh vịnh có lời rằng: “Lạy Chúa xin cứu tôi, nước đã ngập tới cổ tôi, tôi đang chìm xuống sình lầy, không còn chỗ bám víu; Tiếng tôi kêu cứu đã lịm đi, cổ tôi đã khàn, mắt tôi mờ, chỉ còn trông chờ vào Thiên Chúa.”

Suy niệm: Càng leo lên đỉnh đồi Canvê, sức lực của Chúa Giêsu càng trở nên yếu đuối. Ngài té xuống đất là để ôm ấp những con người yếu hèn. Ngài cúi xuống để nâng dậy những ai khiêm nhu hèn mọn. Cuộc đời hôm nay vẫn còn đó những con người đang chìm ngập trong thất bại, trong tủi nhục đắng cay. Họ đang cần một chút tình thương, một sự cảm thông, nâng đỡ. Nếu từng bàn tay nắm bàn tay để dìu nhau đi tới, đường đời sẽ không còn khó khăn. Nếu từng trái tim biết rung cảm trước nỗi khổ của nhau, thế giới sẽ không còn tiếng khóc than của cô đơn, thất vọng.

Lạy Chúa, mỗi người chúng con ai cũng có một gánh nặng, một thập giá trong đời. Thập giá trong bổn phận hằng ngày. Thập giá trong tương quan với đồng loại. Thập giá trong chính bản tính yếu đuối của con. Thập giá quá nặng khiến con muốn bỏ mặc buông xuôi. Xin giúp chúng con biết mang lấy gánh nặng của nhau, biết chia sẻ, cảm thông với nỗi đau của tha nhân. Và xin giúp con can đảm vác thánh giá đời mình trong trung tín và sắt son.

Nơi thứ 10: Quân Dữ Lột áo Chúa Giêsu.

Thánh kinh: “Khi đến nơi gọi là Núi Sọ, rồi họ rút thăm mà chia nhau áo người”. (Lc 23, 34). Như thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Áo khoác chúng đem chia chác, còn áo trong chúng cũng bắt thăm luôn” (Tv 21,19)

Suy niệm: Con người cần đến quần áo để che thân như cần cơm bánh để sống. Bị tước hết manh áo cuối cùng cũng đồng nghĩa với sự tước bỏ phẩm giá của một con người. Sự trần trụi là một sỉ nhục đắng cay hơn mọi sự nhục mạ khác. Với dã tâm nham hiểm, con người đã nghĩ ra nhiều trò hiểm độc để làm hại cuộc đời nhau. Bôi nhọ thanh danh. Đánh mất danh dự, nhân phẩm của đồng loại đã đẩy con người xuống hố sâu của vực thẳm đố kỵ, hờn căm. Vì danh lợi thú mà người ta dễ dàng chà đạp lên nhân phẩm của nhau, và có khi tự bán rẻ lương tâm mình. Con người trở nên trơ trẽn vì những đam mê bất chính, những ước muốn tội lỗi và trụy lạc.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết yêu thương và tôn trọng mọi người. Xin giúp chúng con biết gìn giữ vẻ đẹp của thân xác là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Xin loại trừ trong chúng con mọi điều bất chính có thể gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm của tha nhân. Xin đừng để chúng con làm ô nhục danh thánh Chúa vì cuộc sống đam mê thấp hèn của con.

Nơi thứ 11: Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá.

Thánh kinh: “Khi tới nơi gọi là Núi Sọ, chúng đóng đinh Người vào thập giá và cũng đóng đinh hai tội nhân khác, một bên trái, một kẻ bên phải của Người. Chúa Giêsu nói: Lạy Cha, xin hãy tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”.

Suy niệm: Baraba là một tử tội. Anh đã bị lãnh án tử hình vì tội danh giết người, cướp của. Thế mà định mệnh đã đổi thay. Anh bỗng được tha thứ. Vì có một người đã chết thay cho anh. Người đó là Giêsu Nagiaret. Một con người anh không hề quen biết. Một người đức cao quyền trọng mà cả đời anh cũng không dám một lần bắt tay. Tại sao Ngài lại bằng lòng chết thay cho anh? Có lẽ anh cũng không hiểu tại sao? Và cả chúng ta cũng chẳng bao giờ hiểu được hy tế đồi Calvê?

Lạy Chúa, xin cho chúng con học nơi Chúa sự hy sinh quên mình vì hạnh phúc tha nhân. Xin cho từng thành viên trong gia đình chúng con biết từ bỏ ý riêng mình, từ bỏ sự ích kỷ mà hướng lòng đến nhu cầu của gia đình. Mỗi lần chúng con biết hy sinh cho nhau, nhường nhịn nhau, tha thứ cho nhau là một lần con bằng lòng quên đi chính mình để đem lại hạnh phúc cho gia đình chúng con. Ước gì chúng con biết khám phá niềm vui trong phục vụ mọi người, hầu được trở nên mọi sự cho mọi người.

Nơi thứ 12: Chúa Giêsu chết trên Thánh giá.

Thánh kinh: “ Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giêsu nói: Thế là đã hoàn tất” (Jn 19, 29 – 30)

Suy niệm: Một Đavít mới đã trỗi dậy để hạ sát tên khổng lồ Goliat, là quyền lực của sự chết. Không phải bằng 5 viên sỏi đá, nhưng bằng 5 thương tích nơi tay chân và cạnh nương long. Một chồi non đã nảy lộc từ gốc Jessé. Từ cây thập giá hoa cứu đổ đã nảy sinh. Giòng nước tái sinh đã tuôn chảy từ cạnh sườn của Chúa Giêsu, đổ tràn lan tới muôn thế hệ. Thế là bao nhiêu lời tiên tri đã được thực hiện. Sứ mệnh cứu độ đã hoàn tất. Sau 7 lời trăn trối, Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng.

Lạy Chúa, Chúa đã cảm nghiệm cái chết cô độc như bị ruồng bỏ tất cả, kể cả Thiên Chúa Cha, nhưng Chúa đã thực thi tới cùng. Xin đừng để chúng con rơi vào tuyệt vọng, nhưng luôn tín thác vào sự quan phòng của Chúa. Xin dạy cho chúng con luôn biết ngước nhìn lên trời cao để thấy một khung trời xanh tươi, một không gian diệu vời và một tình yêu bao la của Thiên Chúa. Xin cho chúng con luôn biết ước mơ về Thiên đàng, để chúng con sống một cuộc đời hy sinh và sẵn sàng cho đi tình yêu, kể cả mạng sống, vì chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.

Nơi thứ 13: Tháo xác Chúa xuống và đưa vào tay Mẹ.

Thánh kinh: “Họ đã đánh dập ống chân của cả hai người cùng bị đóng đinh với Chúa. Nhưng khi tới Chúa Giêsu thì họ thấy Người đã chết rồi, nên thay vì đánh dập ống chân Chúa, một tên lính lấy đòng đâm cạnh sườn Người, lập tức máu cùng nước chảy ra.” (Gn.19.31-34).

Suy niệm: Còn đâu bóng hình trẻ hài nhi mũn mĩn tươi cười nơi hang đá Belam. Còn đâu nét uy hùng khi chiến thắng tử thần và buộc sóng gió im lặng. Nay chỉ còn là tấm thân rách nát được đặt vào tay Mẹ Maria. Giờ đây, bàn tay từ ái của Mẹ một lần nữa lại giơ ra để đón nhận thân xác tả tơi của con yêu quý. Mẹ ôm vào lòng như muốn nói lên sự hiệp thông sâu xa trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Lạy Mẹ Maria, xin cám ơn mẹ vì mẫu gương cản đảm và tin tưởng của Mẹ. Nhờ vậy mà Mẹ đã vượt qua đỉnh đồi thương đau. Cám ơn Mẹ vì mẹ đã chẳng hề ghét bỏ những kẻ cư xử quá tệ với con yêu dấu của Mẹ. Xin giúp chúng con khi gặp đau khổ thử thách biết vững lòng cậy trông vào quyền năng Chúa, và xin cho chúng con biết liên đới đau khổ của mình với đau khổ của Chúa và mẹ để sinh ích cho các linh hồn.

Nơi thứ 14: Táng xác Chúa Giêsu trong mồ. Thánh kinh: “ Tại nơi đóng đinh có một thửa vườn, trong vườn này có một ngôi mộ chưa có chôn ai. Vì là ngày lễ nghỉ của người Do thái, và vì ngôi mộ gần kề nên họ đã đặt xác Chúa Giêsu tại ngôi mộ này”.

Suy niệm: Mọi sự đã xong. Đức Kytô đã được đặt trong mồ. Một tảng đá lớn lấp cửa huyệt. Sự sống như dừng bước trước nấm mồ và cửa mồ. Loài người thinh lặng và Thiên Chúa cũng thinh lặng. Tinh thần đi vào đêm đen và niềm tin cũng bước vào đêm tối. Nhưng giữa lúc thinh lặng đó, Thiên Chúa đã trấn an Maria “Thầy đây đừng sợ, vì Thầy đã chỗi dậy từ cõi chết”. Giữa đêm tối hãi hùng đó, Thiên Chúa đã chiếu dọi ánh sáng phục sinh huy hoàng. Từ nay sự chết không còn là nỗi sợ hãi của con người. Đức Kytô đã chiến thắng sự chết để khai mở một mùa xuân bất diệt cho trần gian.

Lạy Chúa là Đấng chiến thắng Tử Thần, xin giúp chúng con biết diệt trừ nết xấu, gương mù, tội lỗi nơi bản thân, gia đình và môi trường chúng con đang sống. Chúng con tin rằng: sự bình an và hòa bình chỉ có khi nết xấu được tận diệt từ bản thân chúng con và môi trường chúng con đang sống. Amen
 
Giờ thánh ngày giới trẻ:Lễ Lá 05/04/09
TGM Đalạt
23:57 29/03/2009
GIỜ THÁNH NGÀY GIỚI TRẺ

LỄ LÁ 05.4.2009

"Chúng ta đã đặt niềm hy vọng nơi Thiên Chúa hằng sống"

(1Tm 4,10)

I. KHAI MẠC:

Hát kính Thánh Thể.

1. Cầu nguyện mở đầu:

Lạy Chúa Giêsu,

ngày hôm nay chúng con bước vào Tuần Thương Khó với Chúa. Chúng con muốn dõi bước theo Chúa trên từng chặng đường của cuộc khổ nạn, để có thể kết hiệp mật thiết với Chúa trong những giây phút đau thương nhưng cũng hết sức quan trọng trong chương trình cứu thế của Chúa.

Với việc rước lá, chúng con, những người trẻ muốn hoà nhịp với quang cảnh tưng bừng của ngày Chúa vào Thành Thánh. Cùng với các bạn trẻ khắp nơi, chúng con muốn cửa hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 24 trong tâm tình tin tưởng và tràn đầy hy vọng, vì chúng con biết Chúa đã yêu thương những người trẻ và muốn cho tuổi trẻ được cứu rỗi.

Lạy Chúa, Chúa đã qui tụ chúng con và trong Thánh lễ bế mạc tại Sydney, Đức Thánh Cha đã thôi thúc chúng con phải trở nên sứ giả của Tình yêu Thiên Chúa, có khả năng xây dựng một tương lai đầy hy vọng cho nhân loại.

Chúa biết tuổi trẻ chúng con nuôi nhiều lý tưởng, với mơ ước và nhiều dự tính tương lai. Chúa biềt chúng con trăn trở với nhiều vấn nạn của cuộc sống, ý nghĩa và mục đích của đời người ! Hạnh phúc và khổ đau ! Thành công hay thất

bại ! Với những thách đố, những cạm bẫy và cả những sa ngã ! Tuổi trẻ chúng con đang phải đối mặt với những khó khăn tưởng chừng không vượt qua được trong cuộc sống và con đường tương lai - những khủng hoảng xã hội, những mối bất hoà trong gia đình, những đổ vỡ trong tình yêu.

Lạy Chúa, giờ phút này chúng con đến với Chúa, chúng con xin dâng Chúa tất cả tâm tư và nguyện ước, xin cho chúng con biết đón nhận từ nơi Chúa ánh lửa Hy vọng và xin cho ngọn lửa Thánh Thần Chúa mãi mãi cháy lên trong lòng chúng con.

Hát: Thắp sáng lên (Trầm Hương)

2. Lời Chúa và suy niệm

Lời Chúa: Gr 17,5-10

"Đức Chúa phán như sau: Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời, lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa, và lòng dạ xa rời Đức Chúa ! Người đó sẽ như bụi cây trong hoang địa, chẳng được thấy hạnh phúc bao giờ, hạnh phúc có đến cũng chẳng nhìn ra, nhưng sẽ ở mãi nơi đồng khô cỏ cháy, trong vùng đất mặn không một bóng người.

Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa, và có Đức Chúa làm chỗ nương thân. Người ấy như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái. Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người, ai dò thấu được ?

Ta là Đức Chúa, Ta dò xét lòng ngươi, thử thách mọi tâm can. Ta sẽ thưởng phạt ai nấy tùy theo cách nó sống và việc nó làm.

Đó là lời Chúa.

Suy niệm:

Dựa trên Sứ Điệp của Đức Thánh Cha - nếu như tuổi trẻ là thời gian của hy vọng thì người ta có quyền xây dựng tương lai dựa trên những khả năng và những điều kiện mình có được. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy rằng, những tài năng cá nhân và của cải vật chất không đủ để đảm bảo niềm hy vọng mà tinh thần con người luôn luôn tìm kiếm. Tất cả mọi phương tiện xã hội, khoa học kỹ thuật, chính trị... đều không đáp ứng được cho Niềm hy vọng lớn lao mà con người thời đại mong đợi.

Niềm hy vọng này chỉ có thể tìm thấy được nơi Thiên Chúa, Đấng mà Giêrêmia đã nói: "Phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa và Chúa sẽ là niềm cậy trông của họ" (Gr 17,7).

Chối bỏ Thiên Chúa, thế giới hôm nay đánh mất định hướng dẫn đến cô đơn và bạo động, bất mãn và tuyệt vọng. Lời Chúa đưa ra một cảnh báo thật rõ ràng: "Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời, lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa, và lòng dạ xa rời Đức Chúa ! Người đó sẽ như bụi cây trong hoang địa, chẳng được thấy hạnh phúc bao giờ." (Gr 17,5-6).

Tiếc thay cuộc khủng hoảng hy vọng lại ảnh hưởng trực tiếp đến các thế hệ trẻ hôm nay. Và Ngài đã nói với người môn đệ thân tín: "Chúng ta đã đặt Niềm Tin nơi Thiên Chúa hằng sống" (1Tm 4,10).

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, Chúa đã sống tuổi trẻ như chúng con, Chúa biết chúng con phải đương đầu với những khó khăn xem ra vượt quá sức mìnnh. Xin Chúa nhìn đến các bạn trẻ mà cuộc đời đã bị tổn thương vì đau khổ và thất vọng, họ đang tìm cách thoát ly khỏi mái gia đình mà lắm khi chỉ còn là quán trọ thay vì là tổ ấm yêu thương. Có nhiều người trẻ tìm quên trong truy hoan, rượu chè và ma túy dẫn đến bạo lực và tội ác. Đứng trước những ngẫu tượng của thời đại, cùng với những cạm bẫy và thách đố của xã hội; làm sao chúng con có thể nói về Niềm hy vọng cho những người trẻ ấy ?

Xin cho chúng con biết dùng chính lời Thánh Tông đồ dân ngoại để khích lệ nhau: "Xin Thiên Chúa của hy vọng đổ tràn Niềm vui và bình an trên anh em trong Đức tin, để anh em được tràn trề hy vọng nhờ quyền Chúa Thánh Thần"

Hát: Chỉ một mình Chúa (Lê Đức)

Lời Chúa: Ga 14,1-6

Anh em đừng xao xuyến ! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi."

Ông Tôma nói với Đức Giêsu: "Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường ?" Đức Giêsu đáp: "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy."

Đó là lời Chúa.

Suy niệm:

Lạy Chúa Thánh Thể, quì trước Thánh Thể Chúa đây, tất cả chúng con là Giới Trẻ của Giáo hạt - là thành phần mỏng dòn nhất và cũng là quý báu nhất của Giáo Phận, Giáo Hội và của xã hội loài người. Giới trẻ chúng con là một phần của nhân loại sống hôm nay cho ngày mai, sống cho niềm hy vọng.

Nói đến hy vọng thì không thể nào không đề cập đến vị thế của tương lai trong đời sống tôn giáo của Dân Chúa, một tương lai hạnh phúc mà tất cả mọi người đều được mời gọi đạt tới (1Tm 2,4). Chính Con Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô, đã mạc khải vẻ huy hoàng của tương lai đó cho chúng con, - quê hương vĩnh cửu ở trên trời (Dt 11,16). Đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa và vào sự trung thành của Ngài, chúng con có đầy đủ lý do để ao ước, để hy vọng vào tương lai đó.

Tuy nhiên, lạy Chúa, để tham dự vào tương lai ấy chắc chắn vẫn luôn là một thách thức lớn cho tuổi trẻ chúng con, vì nó còn lệ thuộc ở một tình yêu chân thành và nhẫn nhục. Tình yêu này luôn là một đòi hỏi khó khăn đối với tuổi trẻ mỏng dòn, thiếu kinh nghiệm, dễ dàng sa ngã của chúng con. Chúng con không đủ tự tin để nói rằng chúng con sẽ đạt tới tương lai huy hoàng đó. Chúng con chỉ có thể, với niềm tin tưởng, hy vọng đạt tới tương lai ấy từ nơi Chúa, Đấng chúng con tin, và chỉ mình Chúa mới có thể làm cho sự tự do của chúng con, làm cho lý trí và ý chí chúng con có khả năng khuất phục và yêu mến. Xin tăng thêm đức tin cho chúng con, xin giúp chúng con đặt trọn niềm tin tưởng nơi Chúa, để niềm hy vọng của chúng con có thể hướng dẫn và nâng đỡ tất cả đời sống của chúng con bằng năng động lực của nó.

Lạy Chúa Giêsu, chính Chúa đã công bố Vương quốc của Thiên Chúa đã đến trong thế gian này (Mt 4,17), một thực tại mà chúng con chỉ có thể đạt tới được nhờ đức tin. Để được viên mãn, niềm hy vọng của Israel phải thanh lọc mọi khía cạnh vật chất mà họ đã chờ mong, để bước theo Ngài trên con đường thập giá, Ngài đã đòi các môn đệ phài chấp nhận đau khổ và sự chết (Mt 16,24), để đạt tới quê hương thiên quốc, Ngài mời gọi chúng ta đặt trọn niềm tin vào Ngài.

Thiên Chúa là Vua của Vương quốc này, là tác nhân chính yếu, và chính bởi tương quan với Thiên Chúa mà những thành công của chúng con, cũng như những thất bại của chúng con đều mang ý nghĩa. Trung tâm đích thực của đời sống chúng con, đó là Thánh Thần của Thiên Chúa, Đấng ghi dấu trong chúng con niềm hy vọng về Nước Thiên Chúa đang đến. Thánh Thần này thánh hoá tâm hồn chúng con và đảm bảo cho chúng con rằng tất cả những gì chúng con làm, những thành công cũng như thất bại của chúng con, đều đã đóng góp làm cho Nước Thiên Chúa ngự đến.

Chính Chúa, và chỉ mình Chúa, sẽ hoàan thành đem lại một ý nghĩa cho những mạo hiểm mà chúng con đã dấn thân. Tràn đầy niềm hy vọng mà Ngài ban cho chúng con, chúng con cảm nhận một sự đảm bảo nào đó được toả lan khắp tâm hồn chúng con, nó ban cho chúng con sức mạnh quên đi chặng đường đã qua, dù tốt hay xấu, và tiếp tục tiến lên phía trước. Amen.

Cầu nguyện:

"Chúng ta đã đặt niềm hy vọng vào Thiên Chúa Hằng Sống" (1Tm 4,10) - Lời của Thánh Phaolô mà Đức Thánh Cha đã chọn làm đề tài năm 2009 cho Giới Trẻ. Chúng ta hãy cùng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện chân thành để xin Chúa đốt lên trong tâm hồn mỗi người trẻ chúng ta ngọn lửa hy vọng và cho nó bùng cháy lên giữa thế gian đầy bóng tối.

Chúng con đang hướng về tương lai với muôn vàn hoài bão... Xin cho chúng con nhận biết giá trị của một niềm hy vọng lớn lao mà chúng ta đang đi tìm chính là Thiên Chúa Tình yêu.

Chúng ta cùng cầu nguyện....

Thánh Phaolô đã gặp Đức Giêsu trên đường đi Damas, và đã được biến đổi tận gốc cuộc đời mình. Xin Chúa hãy đến gặp chúng con giữa lòng thế giới này để làm cho chúng con được biến đổi như thánh Phaolô và trở nên chứng nhân sống động của Chúa trong cuộc sống.

Tiền bạc, của cải vật chất, nghề nghiệp và thành công là những lôi cuốn hàng đầu của cuộc sống hôm nay. Xin cho chúng con biết chọn lựa việc phục vụ công ích và chân lý để làm toả sáng đời sống đức tin giữa môi trường sống của mỗi người.

Dưới chân Thập Giá, Chúa Giêsu đã trao ban cho chúng con người Mẹ tuyệt hảo của Người. Xin cho chúng con biết nhìn lên Mẹ là "Ngôi Sao Biển", để vững bước về bến bình an trong sự chở che và dẫn dắt của Mẹ.

Trong hân hoan mừng Ngày Giới Trẻ cấp Giáo Phận hôm nay, xin cho chúng con biết bước theo Đức Giêsu vào thành Giêrusalem và thân thưa cùng Chúa: "Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được thừa hưởng sự sống đời đời.

II. BẾ MẠC:

Hát: Này con là đá.

Hát: Đây Nhiệm Tích.

Phép lành Mình Thánh Chúa

Hát: Nay con trở về.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đại Học Notre Dame và căn tính Công Giáo
Vũ Văn An
06:20 29/03/2009
Đại Học Notre Dame và căn tính Công Giáo

Đại học Notre Dame du Lac (Trường Đại Học Đức Bà Vùng Hồ), thường được gọi tắt là Trường Đại Học Notre Dame, là một trường đại học tư của Công Giáo chuyên về nghiên cứu, tọa lạc tại Notre Dame, gần Bend, thuộc tiểu bang Indiana, Hoa Kỳ. Được thành lập từ năm 1842, hiện nay trường có 8,000 sinh viên ban cử nhân và 3,251 sinh viên hậu cử nhân, trong đó hết 93% là Kitô hữu và trong số các Kitô hữu này, hơn 80% là người Công Giáo. Trường có một đoàn ngũ cựu sinh viên 120,000 người rải rác khắp nơi trên thế giới, một thư viện trung ương gồm hơn 3 triệu cuốn sách, được kể là một trong 100 thư viện lớn nhất của cả nước. Xét tổng quát, trường được xếp hàng thứ 18 lớn nhất trong các đại học Hoa Kỳ. Trước sau, trường vốn được các linh mục Dòng Thánh Giá hướng dẫn, nên mặc dù thành phần sinh viên đa dạng, lớp học nào cũng trưng Tượng Chịu Nạn. Hàng tuần, có khoảng 100 thánh lễ được cử hành tại đây. Và cũng tại đây, nhiều câu lạc bộ tôn giáo đã được tổ chức và sinh hoạt hết sức tích cực, trong đó có Hội Đồng #1477 của Hội Hiệp Sĩ Columbus (KOC). Phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng (Communion and Liberation) cũng đặt cơ sở ở đây.

Bảo vệ chân lý về sự sống con người

Ấy thế mà tin Zenit ngày 24 tháng Ba vừa qua lại đưa tin: lần đầu tiên trong 25 năm qua,

Đức Cha John D'Arcy, giám mục giáo phận Fort Wayne-South Bend, tuyên bố sẽ không tham dự lễ tốt nghiệp niên khóa 2009. Trong một thông cáo báo chí vào ngày nói trên, Đức Cha cho biết lý do của việc không tham dự ấy: vì Tổng Thống Barack Obama sẽ tới đó nói truyện và nhận bằng tiến sĩ danh dự trong buổi lễ tốt nghiệp năm nay. Ngài cho hay động thái của ngài không nhằm công kích một ai, nhưng đúng hơn là một hành vi cần thiết để bảo vệ chân lý về sự sống con người.

Cha John Jenkins, chủ tịch Trường Đại Học Notre Dame, hôm Thứ Sáu vừa qua, có thông báo cho Đức Cha D’Arcy hay: Ông Obama đã nhận lời tới nói truyện tại lễ khai giảng Mùa Xuân của Trường. Đức Cha cho hay đây là lần đầu tiên ngài nghe một lời mời như thế đã được đưa ra. Ngài nói: “Mới đây, Tổng Thống Obama từng tái khẳng định, và nay đã đặt thành chính sách công chủ trương lâu đời của ông không chịu coi sự sống con người là thánh thiêng. Dù cho rằng mình muốn tách chính trị ra khỏi khoa học, trên thực tế, ông đã tách khoa học ra khỏi đạo đức và lần đầu tiên trong lịch sử, đã đem chính phủ Mỹ vào việc hỗ trợ việc trực tiếp hủy hoại sự sống của những con người vô tội”.

Đức Cha D’Arcy cho hay: ngài đưa ra quyết định ấy “sau nhiều lời cầu nguyện” và ngài không có ý “khinh miệt tổng thống của chúng ta… Tôi luôn tôn kính chức vụ tổng thống. Nhưng một giám mục thì phải giảng dạy đức tin Công Giáo ‘từ mùa này sang mùa nọ’, và không phải chỉ giảng dạy bằng lời mà còn bằng hành động nữa. Quyết định của tôi không nhằm công kích một ai, nhưng chỉ để bảo vệ chân lý về sự sống con người”.

Trích dẫn tuyên bố năm 2004 của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Đức Cha cho hay: “Cộng đồng Công Giáo và các định chế Công Giáo không nên tôn trọng những người hành động bất chấp các nguyên tắc luân lý nền tảng của chúng ta. Không nên dành cho họ bất cứ giải thưởng, vinh dự hay giảng đài nào có thể cho người ta thấy mình ủng hộ các hành động của họ”.

Để kết luận, Đức Cha D’Arcy mong Đại Học Notre Dame cầu nguyện suy nghĩ lại. “Trong tư cách một Đại Học Công Giáo, Notre Dame phải tự hỏi mình là khi đưa ra quyết định trên, họ có chọn chân lý trước tiếng tăm hay không. Ngày mai, chúng ta sẽ cử hành giờ phút Chúa và Đấng Cứu Chuộc ta là Chúa Giêsu Kitô trở thành con trẻ trong lòng Mẹ rất thánh của Người. Ta hãy xin Đức Mẹ câu bầu cho Đại Học mang tên Ngài này, để nó biết tái dấn thân phục vụ tính tối thượng của chân lý thay vì tiếng tăm”.

Căn tính Công Giáo

Đứng trước tình thế trên, một liên minh các tổ chức sinh viên tại Đại Học Notre Dame đang liên hợp lực lượng để phản đối việc mời Tổng Thống Obama tới nói truyện trong lễ tốt nghiệp của họ. Theo bản tin Zenit ngày 25 tháng Ba, liên minh này đã phát đi một bản tuyên bố tỏ bày sự chống đối mạnh mẽ đối với lời mời kia. Emily Toates, một sinh viên kỳ cựu thuộc tổ chức Quyền Sống tại Notre Dame khẳng định rằng “Đây không phải là một vấn đề có tính phe phái; mà đúng hơn, nó là vấn đề tôn trọng sự sống con người, và căn tính Công Giáo của chúng ta. Chúng tôi muốn nhấn mạnh điều này: chúng tôi không tấn công chức vụ tổng thống, nhưng nêu vấn đề đối với chủ trương luân lý của ông ta. Thiển nghĩ bản tuyên cáo đã làm sáng tỏ điều này: bộ phận sinh viên của Notre Dame không mập mờ phản đối quyết định trên”.

Bản tuyên cáo trên cực lực phản đối Tổng Thống Obama vì thái độ “thù nghịch đối với các giáo huấn của Giáo Hội về tính thánh thiêng của sự sống con người ngay trong các giai đoạn đầu hết của nó”. Bản tuyên cáo này viết thêm: “Việc ông ta mới đây dành ngân khoản liên bang cho các vụ phá thai ở hải ngoại và nghiên cứu tế bào gốc phôi thai sẽ trực tiếp mang lại cái chết cho hàng ngàn sinh mạng nhân bản vô tội”.

Các sinh viên lớn tiếng nói rằng “Chúng ta không thể dửng dưng ngồi nhìn trong khi các đại học vinh danh một con người từng tin rằng cả một lớp hữu thể nhân bản không xứng đáng được hưởng quyền căn bản nhất trong các quyền hợp pháp, tức quyền sống”. Trích dẫn Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, các sinh viên này cho hay: các định chế Công Giáo không nên dành “phần thưởng, vinh dự hay bục giảng” nào cho bất cứ ai “hành động bất chấp các nguyên tắc luân lý căn bản của chúng ta”.

Luật và công bằng

Được nhiều nhóm sinh viên luật của Trường ký nhận, bản tuyên cáo trên nhận định rằng: quả là một “nghịch lý lớn” khi Trường cấp phát văn bằng tiến sĩ luật danh dự cho Tổng Thống Obama. Họ giải thích: “Trường luật của Notre Dame vốn tuyên bố rằng sứ vụ của mình là ‘làm dễ sự hiểu biết và cam kết lớn hơn đối với mối liên hệ giữa luật và công bằng xã hội’. Vấn đề công bằng xã hội của thời đại ta chính là cuộc tấn công cố ý, hợp pháp đối với các thành phần dễ bị thương tổn nhất trong xã hội ta, đó là các trẻ em chưa sinh ra. Cấp một văn bằng luật của Notre Dame cho một luật gia và một chính trị gia từng sử dụng luật để bác bỏ sự bình đẳng của các trẻ chưa sinh là làm giảm giá trị của chính văn bằng ấy”.

Tiến thối lưỡng nan

Các sinh viên khẳng định rằng chủ tịch đại học là Cha John Jenkins, "đã đặt một số sinh viên của trường vào một thế lưỡng nan không biết có nên tham dự lễ tốt nghiệp của chính mình hay không. Nhiều sinh viên kỳ cựu vốn phò sự sống cùng với gia đình họ bị tiến thối lưỡng nan không biết có nên tham dự lễ nghi khởi nghiệp hay không”.

Các nhóm sinh viên cho hay: “Để phản ứng chống lại quyết định của đại học, chúng tôi cam kết sẽ đưa ra các hành động chứng tá có đặc tính tôn trọng, cầu nguyện và thẳng thắn trung thành với Giáo Hội, và quan tâm thực sự tới lợi ích của trường”. Họ sẽ đứng ra tổ chức nhiều biến cố có tính khoa bảng và tôn giáo để lôi kéo sự quan tâm của cộng đồng đại học.

Liên minh này bao gồm các tổ chức sinh viên như Quyền Sống tại Notre Dame, Báo Sinh Viên Irish Rover, Sinh Viên Cộng Hòa, Hội Anscombe, Dự Án Căn Tính Notre Dame, Đạo Quân Vô Nhiễm, Hội Con Đức Bà, Hội Đồng Orestes Brown, Quyền Sống tại Trường Luật Notre Dame, Hội St Thomas More tại Trường Luật Notre Dame, và Hội Duy Liên Bang tại Trường Luật Notre Dame.

Kiến nghị trên liên mạng

Karna Swanson của hãng Zenit, ngày 25 tháng Ba, cũng đưa tin nhóm cựu sinh viên thuộc Dự Án Sycamore của đại học Notre Dame vừa lên tiếng cho rằng quyết định mời TT Barack Obama đọc diễn văn tại trường này là một biến cố cho thấy nhiều chuyện.

Dự án Sycamore là một tổ chức do một số cựu sinh viên của trường thành lập cách nay ba năm để theo dõi tình trạng căn tính Công Giáo của Trường. Trong một bình luận nói với Zenit, William Dempsey, chủ tịch của Dự Án, quả quyết rằng “Căn tính Công Giáo của Trường mấy năm qua đã yếu đi nhiều lắm, và biến cố hiện nay đã đưa tất cả những sự việc đó ra ánh sáng”.

Hơn 700 cựu sinh viên của Trường đã đồng ký tên trên một thỉnh nguyện thư được Dự Án tung lên liên mạng vào ngày 25 tháng Ba để phản đối quyết định mời ông Obama đến nói truyện và lãnh bằng tiến sĩ danh dự, vì ông ta vốn nổi tiếng là người bênh vực phá thai.

Kiến nghị này khác với kiến nghị vào cuối tuần qua do Hội Đức Hồng Y Newman phát động, một kiến nghị cho đến nay đã thu thập được hơn 140,000 chữ ký. Dự Án Sycamore đặc biệt nhằm kêu gọi các cưụ sinh viên của ĐH Notre Dame và những ai có liên hệ xa gần với Trường. Trong kiến nghị của họ, nhóm này cho rằng ông Obama là người ủng hộ không nao núng và rất nổi đình đám đối với nghị trình phá thai, đồng thời cho hay Đại Học Notre Dame đã làm một quyết định không thể giải thích được trong việc vinh danh ông ta.

Trong một lá thư đại diện gửi Cha John Jenkins, chủ tịch Notre Dame, nhóm bày tỏ “sự chóang váng ngỡ ngàng và thất vọng sâu xa”. Vì “các tuyên bố cũng như các hành động hành pháp và lập pháp của TT Obama đã chứng tỏ ông ta là địch thủ không khoan nhượng đối với quyền tinh thần của trẻ chưa sinh, và do đó, đối với giáo huấn căn bản của Giáo Hội Công Giáo. Trang bị với chủ trương của mình, ông ta hiện là quán quân hàng đầu của quốc gia đối với các quyền phá thai gần như tuyệt đối”.

Văn thư trên còn thêm rằng: “Bất luận chối bỏ nào của Đại Học và lời ông Obama có ra sao, các sự kiện không thể tẩy xóa được trong biến cố này vẫn là quyết định ghi vào bảng danh dự của Đại Học tên của vị Tổng Thống phò phá thai hạng nhất của lịch sử quốc gia và việc chọn ông ta làm người nói với các sinh viên tốt nghiệp năm 2009 về các giá trị mà họ phải trân qúy. Hành động bê bối này đã hạ giá Notre Dame một cách trầm trọng. Nó gây chấn thương một cách sâu xa đối với việc Đại Học tự mệnh danh là một định chế Công Giáo. Nó đánh một cú gây thiệt hại vô giá vào niềm tự hào của các sinh viên tốt nghiệp. Chúng tôi xin phản đối”.

Chỉ còn là thiểu sổ

Vốn là sinh viên thuộc lớp 1952, Dempsey nói với Zenit rằng ông hy vọng kiến nghị này “sẽ lôi kéo được sự ủng hộ không những đối với vấn đề này, mà còn đối với các quan tâm tổng quát và mạnh mẽ hơn về việc suy yếu dần căn tính Công Giáo của Trường trong những năm gần đây”.

Vị cựu sinh viên này trích dẫn việc tuột dốc khá nhanh nơi thành phần nhân viên giảng huấn Công Giáo tại trường từ khoảng 85% trong thập niên 1970 nay chỉ còn chừng 53%. Và nếu trừ khỏi tỷ lệ 53% này các nhân viên giảng huấn Công Giáo thuộc loại ‘bất đồng’ cũng như những nhân viên giảng huấn Công Giáo mà người ta thường gọi là các người Công Giáo theo trào lưu văn hóa, chứ không phải là những người Công Giáo thực sự, thì các đại biểu Công Giáo trong ban giảng huấn chắc chắn rơi xuống dưới cái mức tối đa mà chủ trương (mission statement) của Trường vốn đòi hỏi.

Dempsey giải thích: chủ trương của Trường vốn nói rằng căn tính Công Giáo của một đại học tùy thuộc vào sự hiện hữu liên tục của số trổi vượt các nhà trí thức Công Giáo trong ban giảng huấn của mình. Điều này thường được giải thích là phải có một đa số vững ổn những người Công Giáo thực sự. “Như thế, hiển nhiên Trường đang rơi xuống dưới mức tiêu chuẩn trong việc duy trì căn tính Công Giáo của mình, và đó là vấn đề”.

Dempsey mang trường hợp “Những Cuộc Độc Thoại Của Cửa Mình” (Vagina Monopogues) ra làm thí dụ. Theo ông, khi những cuộc độc thoại loại ấy được phép tổ chức hàng năm tại khuôn viên một đại học, thì khó có thể nói đại học ấy còn giữ được căn tính thực sự Công Giáo của mình. Điều hơi nghịch lý là dù các linh mục Dòng Thánh Giá có dần dần thưa thớt đi tại Notre Dame, nhưng họ vẫn còn ở đó, và vẫn còn tới 85% sinh viên là Công Giáo. Nên điều quan trọng là phải làm sao để duy trì cho bằng được cái căn tính còn sót lại kia tại Notre Dame.

Muốn được coi là Công Giáo, bạn phải là Công Giáo

Dempsey cho rằng chỉ trích trường cũ của mình là một điều hết sức đau lòng. Nhưng theo ông, đó là việc của Dự Án Sycomore. “Vai trò của chúng tôi là nói lên sự thật về trường đại học của mình, cả các điểm mạnh, là những điểm có rất nhiều, lẫn các điểm yếu. Chức năng của chúng tôi, chức năng nguyên lý của chúng tôi, là cảnh giác để các cựu sinh viên biết sự kiện này là mọi việc không còn như trước nữa, lúc họ còn ở đấy. Và điều ấy đòi hỏi họ phải cương quyết cố gắng và chú tâm vào việc kêu gọi Trường trở lại với con đường tận tụy cũ”.

Theo Dempsey, bà siếu mẫu (alma mater) của mình nay chỉ còn biết loay hoay với “tham vọng thế tục”, đang “đi tìm được thế tục ca ngợi, được leo cao hơn trong bảng xếp hạng của Tờ U.S News and World Report (là tờ đã xếp họ vào hàng 18 các đại học nổi tiếng nhất của Mỹ)”. Ông cũng cho hay hiện nay, Trường đang tìm cách để được Hiệp Hội Các Đại Học Mỹ (American Association of Universities) nhận mình là một đại học thuộc hàng đầu về nghiên cứu. Tuy nhiên, ông nhận định rằng hai phân khoa luật và kinh doanh của Notre Dame, dù được xếp hạng rất cao trong bảng xếp hạng toàn quốc, nhưng vẫn duy trì được căn tính Công Giáo của mình. Ban giảng huấn của phân khoa luật có tới 85%-87% là người Công Giáo, còn phân khoa kinh doanh, hiện được xếp hạng hai trên toàn quốc, cũng có tới 64%-65% nhân viên giảng huấn Công Giáo.

Dempsey cho rằng: “Muốn được coi là một đại học Công Giáo, bạn phải là một đại học Công Giáo và phải có một ban giảng huấn chủ yếu là Công Giáo. Nếu không, bạn chỉ lừa đảo công chúng mà thôi, một thứ quảng cáo giả mạo”.
 
Top Stories
Vietnamese court upholds questionable conviction of eight Catholic protesters
Catholic News Agency
00:08 29/03/2009
Hanoi, Vietnam, Mar 28, 2009 / 12:20 pm (CNA).- After “highly spirited” protests and reports of Vietnamese authorities’ interference with their legal representation, a Hanoi appellate court on Friday rejected the appeal of eight Catholic parishioners convicted of disturbing public order and damaging property during demonstrations seeking the return of confiscated church land.

The charges against the defendants stemmed from protests at Thai Ha Church, where they joined hundreds of Catholic protesters seeking the return of 14 acres of church land confiscated by the Vietnamese government.

In December 2008 seven of the eight Catholics, who at the time ranged in age from 21 to 63, were convicted of damaging public property during the protests, while Marie Nguyen Thi Nhi was charged with causing a social disturbance for playing a gong and praying at Thai Ha. The property that was allegedly damaged by the Catholics reportedly amounted to around $200 in value.

Seven parishioners were given administrative probation of up to two years and suspended jail terms of 12 to 15 months, minus time already spent in custody. An eighth was given a warning.

They appealed their convictions, arguing that they committed no crime and were exercising their right to free speech.

On Friday appellate court president Nguyen Quoc Hoi ruled that there was no ground for their appeal. Fr. J.B. An Dang told CNA the court president charged that the defendants' behavior was “dangerous for society, causing serious consequences... undermining the great national unity.”

The Catholic defendants’ principal lawyer Le Tran Luat was absent, reportedly because of government interference.

“The time period leading up to the trial has been marked by a crescendo of harassment and intimidation by Vietnamese authorities against Le Tran Luat,” Fr. An Dang told CNA, explaining that the actions included “detention, searches, interrogation, phone threats, banning him from travelling to Hanoi, as well as taking away from him his license to practice. Besides all this, the state media is carrying out a smear campaign against him as a person and a servant of the public.”

He reported that state-run media outlets have carried articles accusing the lawyer of using false documents, employing non-attorneys to work as lawyers and also failing to pay taxes.

“The Catholic defendants have obviously been deprived of their right to legal representation in accordance with due process,” Fr. An Dang charged, adding that two other lawyers defended seven of the defendants, while Nguyen Thi Nhi had to defend herself because Le Tran Luat was her only advocate.

At 6 a.m. following a morning Mass on the day of the trial, thousands of Thai Ha parishioners had marched about 7.5 miles from their church to the court house, singing and praying loudly.

They were joined by thousands of parishioners at Ha Dong in their demonstration before hundreds of anti-riot police equipped with batons, stun guns, and trained dogs.

The protesters held placards criticizing the trial. Some signs read “Justice, truth” and others read “You are innocent.”

Armed police reportedly raided homes in Ha Dong neighborhoods the day before the trial. Some people were held in custody while others were expelled from the area.

“Residents were warned not to allow anyone who had not registered with police to stay during the night at their homes or face severe punishment for their ‘not cooperating’," Fr. An Dang told CNA.

The night before the trial, Vietnamese television station VTV1 accused the Redemptorist order of instigating the eight parishioners to commit disorderly conduct. The station questioned why the priests had not yet been arrested.

Other state media outlets have made similar reports in what Fr. An Dang characterized as “a concerted effort to limit the number of Catholics whose attendance is foreseeable.”

Catholics have complained that the 2008 trial was itself an attempt by the government to prevent protests concerning officials’ property disputes with the Catholic Church.
 
Vietnam court rejects Catholics' appeal
Irish Times
03:25 29/03/2009
HANOI – A Vietnamese court yesterday upheld convictions against eight Catholics arrested during a land dispute with the government, after authorities revoked their lawyer’s licence and barred him from attending the appeal.

Scores of riot police cordoned off streets around the court in Hanoi’s Ha Dong district, blocking more than 1,000 Catholic followers who congregated outside from getting near the building.

In December, a court found the eight guilty of destroying property and damaging public order in a row over land once attached to the Thai Ha church in Hanoi. Seven received suspended prison terms and one was given a warning.

Nguyen Van Khai, a priest at the Thai Ha church, said they might appeal again. The only remaining avenue for appeal would be to Vietnam’s highest court – the supreme people’s court.

In August, state television showed pictures of people using hoes and hammers to break down what it said was a section of a brick wall surrounding the disputed plot of land, leading to the charges against the eight people.

The sentences in December were relatively light, political analysts have said.

Nevertheless, with the church’s backing, the eight not only appealed against the convictions but sought to sue several state-run news outlets for defamation.

Outside the court, church followers wore pictures of the Virgin Mary around their necks, waved palm fronds, sang psalms and chanted “Innocent!” Such public demonstrations or displays of solidarity are rare in the Communist Party-ruled state.

The Thai Ha Catholics say they have been trying for years to get back a large plot next to their church that the government took control of about five decades ago. They staged several protests last year around the land. – (Reuters)

(Source: Saturday, March 28, 2009 http://www.irishtimes.com/newspaper/world/2009/0328/1224243618665.html)
 
Church Protest Sentences Upheld
RFA
03:27 29/03/2009
BANGKOK—A Vietnamese court in Hanoi has rejected appeals by eight Roman Catholics convicted of disturbing public order and damaging property during a string of protests demanding the return of land that once belonged to the Church.

Judge Nguyen Quoc Hoi upheld the sentences handed down by a lower court in December. Seven of the defendants received suspended sentences ranging from 12 to 15 months, and another received a warning. They all got two years of probation.

"The defendants' actions were dangerous and undermined national unity," Hoi said, calling the sentences lenient.

Several of the defendants were arrested after they knocked down a section of the wall surrounding the property and set up an altar and a statue of the Virgin Mary last August.

The defendants, who say they were exercising their right to free speech, denounced the court’s decision on Friday and vowed further appeals.

Vow to appeal

“We’ve been the victims of injustice, and we’re going to appeal to the Supreme Court. Everyone is unhappy,” Nguyen Thi Viet, one of the defendants, said in an interview.

Defense attorney Huynh Van Dong accused the court of speeding through the case and barring relevant arguments.

“There are many things we wanted to present to explain the root cause of the defendants’ actions, but we weren’t allowed,” Dong said.

“Maybe they wanted to rule on this appeal as quickly as possible. They didn’t answer our requests to clarify facts either,” he said. “There’s no justice for these defendants.”

This case stemmed from a series of mostly peaceful vigils near land once owned by Thai Ha Church in Hanoi—now worth millions of dollars.

The Hanoi government confiscated the plot several years after taking power from the French in 1954. It was then given to a state-owned garment factory.

The government has used most of the six-hectare (15-acre) property to build a hospital, a now-demolished textile factory, and other structures.

Law practice suspended

Defense attorney Le Tran Luat, whom authorities stopped in Ho Chi Minh City and barred from the appeals hearing, said he was happy his clients stayed out of prison but added, “Justice has not been enforced.”

Luat said he is undergoing daily interrogations and will lose his law license unless he admits to making “reactionary” arguments in court on behalf of clients who have sued or criticized the government.

On Friday, the official Vietnamese newspaper Nhan Dan said Luat’s law practice had been suspended, accusing him of “[breaching] his career’s morality” and evading taxes.

Catholicism claims more than 6 million followers in Vietnam, making it the second largest religion after Buddhism among Vietnam's 86 million people.

Original reporting and translation by Tra Mi for RFA’s Vietnamese service. Additional reporting by the Associated Press. Service director: Diem Nguyen. Executive producer: Susan Lavery. Written in English by Sarah Jackson-Han. Produced by Joshua Lipes.

(Source: 2009-03-27 http://www.rfa.org/english/news/vietnam/churchland-03272009160853.html)
 
Vietnam: Berufung zurückgewiesen
Radio Vatikan
06:00 29/03/2009
Ein Gericht in Hanoi hat die Urteile gegen acht Katholiken bestätigt. Ihre Berufungsklage scheiterte, meldet die Nachrichtenagentur Reuters. Die Katholiken hatten für eine Rückgabe von enteignetem Kircheneigentum an das Bistum demonstriert und waren daraufhin u.a. wegen öffentlicher Ruhestörung verhaftet worden.

Während des neuen Urteilsspruchs riegelten Polizisten das Gerichtsgebäude im Ha Dong-Viertel großräumig ab. Damit hinderten sie mehr als 1.000 katholische Demonstranten daran, sich dem Gebäude zu nähern. Reuters berichtet, die Behörden hätten einem Anwalt der Katholiken die Lizenz entzogen und ihn am Betreten des Gerichts gehindert. Der Landstreit zwischen der Kirche in Hanoi und den Behörden wirft einen Schatten auf die Beziehungen zwischen Staat und Kirche im Land. Er erschwert auch die Verhandlungen zwischen Vietnam und dem Vatikan über eine mögliche Wiederaufnahme von diplomatischen Beziehungen.
 
Rome role for Indian Priest: Archbishop’s prayers to be recited on Good Friday
the Telegraph of Calcutta
17:17 29/03/2009
Guwahati, March 28: Vatican prayers on Good Friday next month will have the “essence of Indian spirituality, woven into the meditation by the Archbishop of Guwahati, Thomas Menamparampil.

Archbishop Menamparampil
The archbishop has been specially asked by Pope Benedict XVI to prepare the prayers for the Way of the Cross, which will be recited on April 10 at the Roman Colosseum.

“It is the blessings of Jesus. It is also a great honour for me and a great responsibility. I have incorporated the essence of Indian spirituality into the prayers which will be recited by the Pope himself,” the 72-year-old archbishop told The Telegraph here today.

He is the only Indian and second Asian chosen for the service after Cardinal Joseph Zen of Hong Kong who prepared the traditional Stations of the Cross last year.

The archbishop, hailed as an apostle of peace, has been untiringly working towards resolving conflicts, which afflict the region. Last year, he worked behind the scenes to end communal violence in Udalguri and Darrang districts in lower Assam.

He was instrumental in setting up the Peace Centre here, an institution for studying the theory and practice of reconciliation, non-violence and peace.

“In my prayers I have tried to be perfectly Christian and also perfectly Indian and Asian. The essence of Indian spirituality is non-violence. Jesus too stood for non-violence,” the archbishop said.

The archbishop received the Pope’s communication in the last part of February and sent his “prayers” to the Vatican around 10 days ago. “I have sent the prayers in English. They will be translated into Italian and other local languages in Rome,” he said.

In the prayers for Way of the Cross, “14 stages” of Jesus Christ are meditated upon.

“During the prayers we meditate over the sufferings of Jesus during the end of his life. Through the prayers we contemplate the sins that we have committed for which the world is suffering. They focus on human values, which we must inherit to create a better and peaceful world,” Menamparampil said.

The archbishop said his choice by Benedict XVI was a sign that “His Holiness regards very highly the identity of Asia, the cradle of civilisation. Moreover, our Holy Father has a prophetic vision for Asia, a continent much cherished by him and his pontificate."

The archbishop, who prefers to remain away from the spotlight, will be in the city for the Good Friday service. “For me, this is my second home. I have worked here for so long and have known the place, the people so closely. Naturally, I will pray for lasting peace in the region along with peace in the entire world.”

Menamparampil was born in Kerala in 1936 and came to the Northeast in 1961 after completing his college education in Darjeeling. He studied theology in Shillong and became a priest in 1965. He became a bishop in Dibrugarh in 1981 and came to Guwahati in 1992. He was appointed as the Archbishop of Guwahati in 1995.

A member of various church organisations throughout Asia, the archbishop’s Peace Centre has been working in troubled spots like Kokrajhar and Haflong in NC Hills district.

(Source: http://www.telegraphindia.com/1090329/jsp/frontpage/story_10740807.jsp)
 
Vatican to talk religious freedom with China
AFP
17:20 29/03/2009
Vatican City March 28 2009 - A papal commission on relations with Beijing is to meet next week to review the position of the Church in China, the Vatican said Saturday.

The commission, led by Vatican number two Tarcisio Bertone and including bishops from Taiwan, Macau and Hong Kong, was formed following a pastoral letter from Pope Benedict XVI to Chinese Catholics in May 2007. It will meet from next Monday to Wednesday.

At a previous meeting in March last year the commission reasserted the Vatican's wish for "constructive dialogue" with China, which has no relations with the Holy See and has set up its own official "patriotic" Church.

The pope's strongly worded letter to the eight to 12 million Chinese Catholics loyal to Rome said the communist regime should respect their "authentic religious freedom" and warned that the official church was "incompatible with Catholic doctrine."

The letter also expressed the hope for "a respectful and open dialogue" between the Vatican and Beijing.

China immediately rebuffed the appeal and urged the Vatican to refrain from creating new barriers to improved relations.

Beijing severed ties with the Vatican in 1951 in anger at the Holy See's diplomatic recognition of Taiwan, which Beijing views as a renegade province.

In 1957, the split became permanent when China set up the Patriotic Association to formally oversee the country's officially registered Catholics.

The association counts about five million members, while the Vatican estimates that as many as eight million believers practise their faith in secret and are subject to persecution.

The Vatican says it will abandon ties with Taiwan in favour of Beijing if China guarantees religious freedom and allows the pope to name Chinese bishops.

Beijing has imposed two conditions on the restoration of ties -- the Vatican's recognition of the one-China policy that precludes independence for Taiwan and its acceptance that religious affairs are an internal Chinese matter.

(Source: http://www.iol.co.za/index.php?from=rss_World&set_id=1&click_id=3&art_id=nw20090328181350509C198318)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Linh mục đoàn giáo phận Thái Bình tĩnh tâm mùa chay
Thanh Quang, CSsR
05:23 29/03/2009
LINH MỤC ĐOÀN GIÁO PHẬN THÁI BÌNH TĨNH TÂM MÙA CHAY, CHUẨN BỊ ĐÓN ĐẠI LỄ CHÚA PHỤC SINH

Xưa rày, việc tĩnh tâm vào các dịp đặc biệt như Mùa Vọng, Mùa Chay thường dành cho giáo dân chứ các linh mục ít khi tĩnh tâm vào dịp này, vì rất bận rộn cho vấn đề mục vụ. Tuy nhiên, các linh mục Thái Bình lại khác, tĩnh tâm trước khi cho giáo dân tĩnh tâm để đón mừng Đại lễ Chúa Phục Sinh! Cũng hay và ý nghĩa đấy! Vì sao? Ngạn ngữ có câu: “Không ai có thể cho người khác cái mà mình không có”. Các linh mục chưa tĩnh tâm, thì làm sao giúp người khác tĩnh tâm? Các linh mục chưa có ơn Chúa, thì làm sao cho người khác ơn Chúa? Các linh mục chưa sống thiết thân với Chúa, thì làm sao bảo người khác sống mật thiết với Chúa?

Thấy được tầm quan trọng ấy, linh mục đoàn Giáo Phận Thái Bình đã quy tụ quanh Đức Giám Mục của mình để cùng nhau duyệt xét lại đời sống, tĩnh tâm, tĩnh tại, hoán cải, diện đối diện với Chúa và với anh em linh mục đoàn để “làm mới lại đời sống”, “làm thay da đổi thịt” xứng đáng là người môn đệ Chúa Kitô, người lãnh đạo đoàn dân Chúa, người trao ban ân sủng của Thiên Chúa cho anh chị em giáo dân và những người mình gặp gỡ; và nhất là mang thật nhiều ơn ích cho mọi thành phần dân Chúa trong dịp tĩnh tâm Mùa Chay thánh năm nay.

Các ngài đã tĩnh tâm vào hai ngày 26 và 27.3.2009. Phần chia sẻ đề tài, giúp tĩnh tâm do Đức Cha P.X Nguyễn Văn Sang, Giám Mục Giáo Phận đảm nhiệm. Nội dung bao gồm các chủ đề như sau: sự hoán cải của người linh mục; linh mục năng suy gẫm về sự chết; người linh mục luôn phải sống gắn bó với Chúa Kitô; linh mục phải luôn ý thức về đời sống tâm linh, đời sống thiêng liêng; linh mục với hạnh phúc.

Linh mục phải là người không ngừng hoán cải và luôn trở nên mẫu mực trong đời sống hoán cải. Người hoán cải thì luôn thuộc về Thiên Chúa.

Linh mục năng suy gẫm về sự chết để thấy mình chẳng là gì cả, mau qua, chóng tàn như hoa cỏ, sống khiêm nhường, từ bỏ, không bám víu vào của cải trần gian, luôn dọn mình để bước vào cuộc sống mai sau.

Sống gắn bó với Chúa Kitô là điều kiện tiên quyết của người linh mục. Không gắn bó với Chúa Kitô thì đời người linh mục còn có ý nghĩa gì? Linh mục phải gắn bó với Chúa Kitô trong mọi giây phút của cuộc đời. Có như vậy, linh mục mới dễ dàng khuyên bảo người khác đến với Chúa.

Linh mục cũng phải là người luôn ý thức sâu sắc về đời sống tâm linh, đời sống thiêng liêng. Mọi hành vi, cử chỉ, lời nói phải biểu hiện đời sống tâm linh, không gắt gỏng, nóng nảy, giận hờn, luôn bình tĩnh trong niềm tin tưởng phó thác cậy trông, cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa.

Hạnh phúc phải là “người bạn” thiết thân và luôn đồng hành với người linh mục. Linh mục không ngừng tìm kiếm hạnh phúc, sở hữu hạnh phúc, chia sẻ hạnh phúc cho người khác. Tìm kiếm hạnh phúc ở đâu nếu không phải là không ngừng tìm kiếm nơi Thiên Chúa? Linh mục mà thiếu hạnh phúc hoặc không có hạnh phúc thì quả là bất hạnh. Linh mục đầy tràn hạnh phúc sẽ là niềm vui hạnh phúc cho người khác, đồng thời dẫn người khác đến với hạnh phúc và đến với Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của hạnh phúc.

Ngoài việc tiếp nhận nội dung của phần chia sẻ, linh mục đoàn còn tận dụng thời gian ít ỏi này để sống”ngọt ngào tốt đẹp, vui vầy” bên nhau, chia sẻ đời sống với nhau, nối kết tình thân, chan hòa sự hiệp thông.

Tĩnh tâm Mùa Chay 2009 là dịp tốt để linh mục đoàn Giáo Phận Thái Bình kín múc thật nhiều ân sủng của Thiên Chúa, làm mới lại đời sống, tiến xa, tiến mạnh hơn trên đường thiêng liêng, tạo nên sức bật mới mạnh mẽ cho bản thân và nhất định sinh thật nhiều ơn ích cho cộng đồng dân Chúa mà các ngài coi sóc.

Hy vọng Mùa Chay và Đại Lễ Chúa Phục Sinh sẽ là mùa bội thu cho Đại gia đình Giáo Phận Thái Bình!
 
Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Arlington, Virginia khởi công xây cất
Bùi Hữu Thư
16:13 29/03/2009

Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Arlington, Virginia khởi công xây cất



Arlington, VA ngày 28 tháng 3, 2009:


Ngày 23/3/2009 vừa qua sau khi nhận được giấy phép xây cất, giáo xứ đã tiến hành việc bành trướng và chỉnh trang nhà thờ và cơ sở.

Đức Giám Mục Thomas J. Welsh


Việc xây cất này trùng hợp với việc kỷ niệm 30 năm thành lập giáo xứ. Đức Giám Mục Thomas J. Welsh mới qua đời cách đây 2 tuần là giám mục tiên khởi của giáo phận Arlington, và cũng là người cho phép thành lập giáo xứ thể nhân Việt Nam đầu tiên trên đất Hoa Kỳ. Ngài đã ký nghị định thành lập ngày 19/8/1979.

Ngay từ khi làn sóng người tị nạn Việt Nam đến vùng thủ đô Hoa Kỳ vào năm 1975, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Giáo Phận Arlington đã quy tụ được một số gia đình Công Giáo để xem lễ hàng tuần với cha tuyên uý Trần Duy Nhất được bổ nhiệm ngày 15/7/1975. Tuy nhiên vấn đề khó khăn là các gia đình ở rải rác khắp nơi tại MIến Bắc Virginia, giáo phận quyết định mỗi tuần phải dâng thánh lễ tại một nhà thờ khác nhau. Điều này gây trở ngại lớn vì đa số giáo dân chưa có xe, và không biết đường đi, nhiều khi tìm được nhà thờ thì thánh lễ đã xong.

Kể từ năm 1976, giáo phận cho phép làm lễ tại Hội Trường giáo xứ St. James, nhưng chỉ cho sử dụng một giờ đồng hồ, từ 4 giờ chiều, đến 5 giờ, sau đó phải ra khỏi bãi đậu xe. Điều này gây trở ngại cho việc tổc chức các sinh hoạt hội đoàn và ca đoàn. Ca đoàn phải tập hát tại tư gia của cha tuyên úy.

Khi cơ sở của Salvation Army tại Annandale muốn bán, cộng đồng đã xin phép mua lại. Đây là một tòa nhà cũ kỹ xưa kia là Grange Hall, sau bỏ không một thời gian dài, làm chỗ chứa báo cũ. Một số gia đình đã thỏa thuận ký qũy căn nhà cuả mình để lấy tiền vay ngân hàng. Sau khi tao mãi được cơ sở này với một nhà xứ và một nhà thờ, các thiện nguyện viên đã cắt cỏ ngập tới vai, làm sạch sẽ, đào hầm cầu, và thiết kế cung thánh, cùng làm cầu thang lên tầng trên từ bên hông.

Mặc dầu nhà thờ lúc đầu chỉ chứa được 176 người, giáo dân rất sung sướng vì có thể có chỗ sinh hoạt, và thành lập các ca đoàn và đoàn thể.

Vì điạ điểm này bỏ không quá lâu, đám thanh niên sì-ke đã chiếm cứ nơi này để ăn nhậu. Khi trải đá sân cỏ để đậu xe, chúng đã dùng xe lớn quần vòng vòng đào hố bên trong. Khi làm hàng rào vây quanh thì đêm sau chúng đến gỡ hết mang đi dấu. Chúng còn lấy sơn xịt những hàng chữ tục tĩu trên các bậc cầu thang.

Sau khi đã báo cáo cảnh sát nhiều lần, phải nửa năm sau chúng mới để yên không phá phách nữa.

Vào những năm 79,80, tiền lời lên đến 18, 19 phân (prime rate), mỗi tuần giáo xứ không kiếm đủ 1.750 MK để trả tiền lời. Sau đó giáo phận cho mượn tiền của nhà thờ St.Michael với phân xuất 6%, nhờ đó mới có đủ sức trang trải.

Giáo xứ mua thêm căn nhà thứ ba,và 6 năm sau khi Đức Giám mục đến dâng thánh lễ, cha xứ đã đốt giấy nợ vì trả xong tiền cho ngân hàng.

Khi Nhà Thờ Barcroft Bible Church tại Arlington muốn bán, Đức Giám Mục đã cho phép mua cơ sở này. Với số tiền bán nhà thờ cũ tại Annandale cho Đại Hàn, giáo xứ đã mua được cơ sở hiện nay.

Hình ảnh nhà thờ hiện nay
Đức Hồng Y Mẫn, cha Khảm (GM), cha Liêm (CT LDCGVNHK), quý cha


Hình Chúa Kitô và Các Thánh Tử Đạo trên Cung Thánh


Sau nhiều tháng sửa chữa, giáo xứ đã dọn về đây năm 1985, và mua thêm một căn nhà kế cận làm nhà xứ. Khi Văn phòng di dân dành cho người Mễ dọn đi, giáo xứ mua được thêm tòa nhà ba tầng năm 1995 để sửa chữa lại làm Hội Trường Giáo Dục cho các lớp Giáo lý, và nhà xứ cho các cha. Căn nhà xứ cũ được phá đi làm chỗ đậu xe. Kế đến là mua thêm một căn nhà nữa cho gia đình ông gác dan ở. Năm 1999 giáo xứ xây thêm gác chuông điện, công trình hoàn tất ngày 20/11/2000.

Từ khi dọn về Arlington đến nay đã được gần 30 năm, con số các gia đình đã tăng lên gấp trăm, và số giáo dân lên trên 9.000 người. Mặc dầu cuối tuần đã có 5 thánh lễ, nhà thờ vẫn chật ních, phải xem lễ ngoài hành lang và những ngày lễ lớn phải dồn cả xuống hội trường dưới hầm, và theo dõi Thánh Lễ trên màn ảnh.

Tháng 5, 2006 giáo xứ lập thêm một họ đạo lẻ Đức Mẹ La Vang tại Reston và dâng thánh lễ lúc 7 giờ tối tại nhà thờ St. Thomas à Becket.

Tháng 6 năm 2008 Đức Cha Loverde và Phụ Tỉnh Đa Minh hải ngoại đã chấp thuận việc bổ nhiệm hai cha phó thay thế cha Đoàn Bình Minh du học tại Rôma. Nhờ có 3 cha, giáo xứ đã tăng thêm một thánh lễ lúc 6:30 sáng, và sau ngày 23/3/09 có thêm thánh lễ 9 giờ tối. Tổng cộng là 8 thánh lễ cuối tuần. Hàng ngày đã có thánh lễ 7 giờ tối, nay tăng thêm thánh lễ 8 giờ sáng trong tuần.

Vì cần tăng số chỗ ngồi trong nhà thờ lên gấp đôi và tăng thêm lớp học cho Vườn Trẻ, cũng như cho các lớp Giáo lý và Việt Ngữ, giáo xứ phải có kế hoạch chỉnh trang và bành trướng.

Hình ảnh mặt tiền nhà thờ tương lai
Hình ảnh nhà thờ mặt đường Wakefield


Sau đây là lịch trình các giai đoạn chuẩn bị từ năm 2006 cho đến nay:

  • 30/12/2005: Cha xứ gửi thư xin phép Đức Giám Mục cho chỉnh trang giáo xứ
  • 01/02/2006: Đức Giám Mục trả lời chấp thuận dự án của giáo xứ
  • 31/01/2006: Văn Phòng Xây Cất Địa Phận đề nghị trao cho Hãng Kiến Trúc Geier Brown & Renfrow việc phác họa các họa đồ.
  • 31/05/2006: Họp với điạ phận để xác định nhu cầu và ngân khoản dự trù.
  • 16/10/2006: Họp với Quận Arlington để biết luật lệ về Zoning.
  • 25/10/2006: Xác định các chi tiết sửa chữa và xây cất mới theo phác họa của ông Joseph Nguyễn.
  • 14/12/2006: Bá cáo lên Đức Giám Mục việc ông Jose Miranda đòi giá nhà $950.000.00 nên không mua được để bành trướng ra phiá đường Wakefield.
  • 31/01/2007: Hãng Sked Consulting ước tính chi phí xây cất là $6,662,130.00
  • 02/05/2007: Giáo xứ xác định ngân khoản dự trù là $4.000.000.00 và yêu cầu giảm thiểu số square feet bành trướng xuống 11,000 SF và yêu cầu Công ty Geier Brown & Renfrow vẽ lại họa đồ.
  • 16/07/2008: Ông Mark Anthony, Planning Manager của điạ phận mời họp và vẫn đưa ra con số mới là $6,750.000. Giáo xứ tái xác nhận là phải xây cất trong số tiền 4 triệu mà thôi.
  • 11/06/2008: Đấu thầu, 5 hãng được trình bầy khả năng và kinh nghiệm tại Giáo Xứ
  • 06/06/2008: Geir Brown & Renfrow hoàn tất họa đồ Design Construction.
  • 04/08/2008: Ông Tim Cotnoir Giám Đốc Tài Chánh Điạ Phận chấp thuận việc tiến hành với ngân khoản dự trù 5 triệu.
  • 04/08/2008: 3 hãng thầu được điạ phận lựa chọn để trình bầy dự án và ngân khoản: Chamberlain, Whitener & Jackson, và Scott Long. Giáo xứ chọn hãng Whitener & Jackson vì ngân khoản dự trù là 4 triệu 6, số ngày xây cất ngắn hơn, nhiều kinh nghiệm hơn (60 năm so với 30 năm) và có sẵn máy móc và dụng cụ xây cất thay vì phải đi thuê.
  • 07/09/2008: Đức Cha Loverde chủ toạ Thánh Lễ Tạ Ơn, cuộc rước kiệu CTTĐ và nghi thức Đặt Viên Đá Đầu Tiên.
  • Đức Cha Loverde chủ tọa nghi thức đặt viên đá đầu tiên
    Đức cha Loverde, cha xứ và cha phó trong nghi lễ
    Hia con lân đang múa cho các quan khách xem trước khán đài


  • 03/03/2009: Hãng Whitener Jackson bá cáo việc đấu thầu với các subcontractors, và điạ phận cho biết bộ Y tế Tiểu Bang xuống thanh tra bếp của Vườn Trẻ và đòi hỏi phải sửa chữa toàn diện cho đúng tiêu chuẩn thương mại. Ngoài ra, giáo xứ cần thay thế tất cả thảm trong nhà thờ và ghế qùy mới, do đo ngân khoản xây cất sẽ lên tới $5,686,068.00. Trong ba năm trời gây qũy, nhờ các sáng kiến của cha xứ Nguyễn Đức Vượng, lòng quảng đại của giáo dân và các chương trình gây qũy của các hội đoàn và giáo xứ, giáo xứ đã có $5,100,000.00.
  • 23/03/2009. Hãng PSI đã khởi sự việc tẩy trừ asbestos, và nhà đèn đã khởi công di chuyển và trang bị máy biến điện mới và lớn hơn. Tất cả bàn ghế dụng cụ của các văn phòng, các kho chứa đồ của các hội đoàn và vườn trẻ đã được dọn sang Hội Trường Giáo Dục và Nhà Khách.Vườn trẻ đã được dọn sang Hội Trường Giáo Dục, các văn phòng làm việc của ba cha cũng như của thư ký dũng được rời sang Hội Trường Giáo Dục. Ba lớp học tại đây đã được phá vách để biến thành nhà nguyện dâng thánh lễ trong tuần. Nhà thầu vẫn cho giáo xứ sử dụng nhà thờ để dâng thánh lễ từ 1 giờ chiều thứ bẩy đến 9 giờ tối chủ nhật.
  • 25/03/2009 Cha xứ Nguyễn Đức Vượng dâng thánh lễ tạ ơn nhân ngày Lễ Đức Mẹ Truyền Tin.
  • Đây chỉ là giai đoạn đầu trong chương trình bành trướng, giáo xứ vẫn còn phải tiếp tục gây quỹ để mua các căn nhà kế cận để tăng thêm chỗ đậu xe.
  • 06/04/2009 Ngày mọi vật dụng máy móc, bàn ghế phải được di chuyển ra khỏi nhà thờ để hang thầu có thể đập phá
Tạ ơn Thiên Chúa qua lời cầu bầu của Đức Mẹ La Vang, các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã ban cho giáo xứ món quà quý giá là ngôi thánh đường mới rộng rãi khang trang xứng đáng làm nơi thờ phượng Thiên Chúa.
 
Nhật ký tuần đại phúc giáo xứ Cầu Rầm thành phố Vinh
Tu sinh K-5
18:55 29/03/2009
Nhật ký tuần Đại Phúc Giáo xứ Cầu Rầm _ T.P Vinh

I. Ngày khai Mạc.

Kể từ ngày 16/01/09, ngày mở màn giai đoạn Tiền Phúc, các giáo họ hân hoan rước tượng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (ĐMHCG) về nguyện đường của mình để thực hiện chương trình tĩnh tâm; đến hôm nay, sau 57 ngày dọn mình, thống hối, cầu nguyện và chuẩn bị cho Tuần Đại Phúc đã kết thúc.

Chiều thứ bảy 13/03/09, không gian thành Vinh rủ bụi sau một đợt mưa dài. Cỏ cây dường như xanh hơn…

18h45 - Chuông thánh đường ngân vang rộn rã, đón mừng những đoàn rước từ các giáo họ lần lượt tiến vào khuôn viên Giáo xứ Cầu Rầm. Các giáo họ ở xa như Mỹ Hậu, Yên Xá, Trung Mỹ, Yên Duệ, Xuân Am, Yên Pháp thì kiệu tượng Mẹ bằng ô tô; những giáo họ gần như Vĩnh Mỹ, Vĩnh Giang, Tân Yên thì hàng ngũ chỉnh tề cung nghinh tượng Mẹ. Các ông cụ, bà cụ, các thanh niên nam nữ và các em thơ với trang phục đa màu thong thả bước đi theo điệu kèn hùng tráng, trống trắc nhịp nhàng, lời kinh trầm bổng, hòa cùng tiếng hát du dương như muốn nâng hồn người vào cõi siêu nhiên vô tận.

Sau một thời gian tạm nghỉ, hôm nay “ Cây thông” trước mặt thánh đường lại được thắp lên, lung linh ánh muôn màu.

Đứng trên tiền sảnh, cha quản xứ Phanxicô đọc lời khai mạc; ngài tuyên dương lòng đạo đức và ghi nhận tinh thần sốt mến hưởng ứng “Tuần Đại Phúc” của bà con giáo dân. Ngài nói: “ Cuộc đời của mỗi người chúng ta, hãy là một cuộc rước Đức Mẹ không bao giờ ngưng nghỉ. Nến sáng tượng trưng cho đức hy sinh, luôn dẫn đường ta bước tới, với niềm tin luôn có Mẹ đồng hành”. 20giờ. Cuộc rước tập thể giáo xứ bắt đầu. Và quãng 5000 người xếp hàng thứ tự đi vòng quanh thánh đường. Khuôn viên quá chật, khiến đoàn người càng sát bước nhau hơn. Những chiếc kiệu Đức Mẹ lấp lánh đèn màu, nhấp nhô trên ánh sáng của dòng sông “ Bạch lạp” ảo huyền như thật như mơ. Tiếng hát lời kinh trầm bổng. Không gian bềnh bồng vượt qua biên cương.

Từng đợt gió lạnh từ đại dương thổi về như bị xua tan bởi hơi ấm nến và của niềm vui dào dạt giữa lòng người.

20 h50’ khi chiếc kiệu cuối cùng đã đặt lên cung Thánh và cây Thánh giá được cắm lên chân nến Phục sinh để khẳng định một niềm tin son sắt. Cha Quản Xứ Phan Xi Cô Hoàng Sĩ Hướng với nghi thức trao dây Stola – tượng trưng cho việc trao quyền mục vụ cho đoàn thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế ( DCCT), cha Giuse Nguyễn Quốc Việt trân trọng đọc lời phát biểu, mời gọi cộng đoàn tham dự Tuần Đại Phúc cách tích cực và sốt sáng. Ngài chia sẻ ý nghĩa lịch sử của Tuần Đại Phúc trong mối tương quan với việc nhận ĐMHCG làm quan thầy.

Sau những tràng pháo tay dòn dã để nói lên tính duy nhất và tình hiệp thông trong Giáo Hội hoàn vũ, lễ khai mạc được kết thúc bằng giờ Chầu Thánh Thể sốt sáng, cảm động và trang nghiêm do cha Micae Phan Thanh Hồng chủ sự.

22h 30’, Khuôn viên giáo xứ Cầu Rầm lại đi vào tĩnh lặng; chỉ có hàng cây xào xạc gió, thì thầm trò chuyện, cùng với những con tim đang rộn ràng thao thức chờ đợi giữa niềm vui.

II. Những hoạt động trong Tuần Đại Phúc.

A. Chương trình chung trong tuần.

* Chương trình giờ lễ như sau:

Buổi sáng: 5h00 thánh lễ.

Buổi chiều: 14h00 -14h30 Chầu Thánh Thể.

Buổi tối: 19h 45 Thánh Lễ.

Riêng buổi tối sẻ có bài đại giảng, giờ hành hương kính ĐMHCG, và bài đoản huấn 10 phút.

* Chương trình thăm viếng.

Suốt Tuần Đại Phúc các cha sẻ thăm từng gia đình trong giáo xứ vào hai buổi: buổi sáng và buổi chiều.

* Chương trình giải tội.

Các cha Đại Phúc sẻ về các họ giải tội, tại nhà thờ xứ, sẻ giải tội vào ngày thứ 6 và sau mỗi Thánh lễ.

B. Lịch hoạt động từng ngày trong tuần.

1. Chúa nhật ngày 15/03/2009.

- 9h30: gặp gỡ thiếu nhi: Cha Hưng, Cha Phú phụ trách

- 14h45: Gặp gỡ giới trẻ toàn xứ: Cha Lộc, Cha Giang phụ trách.

+ Điểm đáng ghi nhận trong buổi chiều, chính là sự cởi mỡ và thẳng thắn chỉ rõ những điểm bất cập trong đức tin của đời sống lứa đôi đối với vấn đề sự nghiệp. Những thắc mắc các bạn trẻ nêu lên đã được giải đáp cách thuyết phục. Quan sát những người đặt câu hỏi, tôi đọc được ánh mắt mãn nguyện của họ trong cách trả lời của các cha.

2. Thứ 2 ngày 16/03/2009: dành cho Hội Đồng Mục Vụ và các hội đoàn trong xứ.

Chủ đề chính: “ơn Chúa và sứ mạng”, do cha Châu và Cha Hồng phụ trách.

Có thể nói, trong phần diễn thuyết về mối liên hệ giữa cha xứ với ban mục vụ giáo xứ rất hay nhưng thành phần ban mục vụ lại chỉ có hai người tham dự.

Phần sứ mạng của các hội đoàn, Cha Hồng nêu lên một vấn nạn: Phải sống như thế nào? Ngài đã giải thích điều đó qua hình ảnh chữ “ Tu” của người Trung Quốc.phải luôn luôn cắt tỉa gọn gàng, sống gương mẫu, có thế mới xứng đáng là “cánh tay nối dài của cha xứ”.

3.Thứ 3 ngày 17/3/2009: ngày dành cho huynh trưởng.

Chủ đề chính: “ Vai trò và trách nhiệm của người cha trong việc giáo dục gia đình”.

• Thuyết trình viên: Cha Bảo.

• Giải đáp thắc mắc: Cha Tâm.

Có thể thấy rằng cha Bảo đã có một cách khởi mới lạ khi cho cộng đoàn nghe bài hát để lấy ca từ trong bài hát mà dẫn dắt vào đề. Ngài đã làm nỗi bật ba vấn đề chính trong buổi thuyết trình.

1/ Mỗi người cha phải rèn luyện cho mình tầm nhìn xa trông rộng đối với thời cuộc với con cái, với gia đình.

2/ Tôn trọng sự phong phú của mỗi người con.

3/ Phải rèn luyện cho chính mình nhiều khả năng như: đọc sách, nghe nhạc…

Kết thúc ngài lưu ý: Chúng ta phải luôn nhớ, mình tạo hoàn cảnh, đừng để hoàn cảnh sống tạo nên chúng ta.

Sau phần thuyết trình của cha Bảo và hàng loạt câu hỏi dành cho cha Tâm. Tuy nhiên, theo cảm nhận của tôi cha chưa đi sát câu hỏi để trả lời. Từ câu hỏi, cha lại chú tâm vào việc chia sẻ, nên không kịp giờ và còn nhiều câu hỏi khác chưa được giải đáp.

3. Thứ 4 ngày 18 /03 / 2009: ngày dành cho giới hiền mẫu.

Chủ đề chính “ vai trò và trách nhiệm chính của người mẹ trong gia đình”. Do cha Việt và Cha Dũng phụ trách. Đây là ngày gặp gỡ mà số lượng người tham dự rất đông, các cha đã nhấn mạnh đến hai vấn đề chính.

a. Tầm quan trọng của vai trò giáo dục con cái trong gia đình.

b. Tôn vinh người phụ nữ.

Với phần diễn thuyết khá hài hước của cha Việt, tôi cảm nhận được sự hăng say, chăm chú theo dõi của các chị, em.

4. Thứ 5 ngày 19 / 03 /2009. Đại phúc cho người già và bệnh nhân.

Mở đầu buổi đại phúc, toàn thể hướng về ảnh MHCG để kính Mẹ.

Tiếp sau, là nghi thức đặt tay trên đầu bệnh nhân để cầu nguyện và chúc lành cho họ.

Tôi đã quan sát và thấy rất nhiều người, có lẽ vì cảm động nên sau khi được các cha cầu nguyện và chúc lành đã bật khóc.

Buổi Đại Phúc kết thúc sớm hơn thường lệ, ai cũng lưu luyến bỡ ngỡ… Họ nấn ná và có lẽ còn chờ đợi một điều gì đó khác chăng (?).

5. Thứ 6 ngày 20 /03 /2009. Đại phúc cho phụ nữ mang thai và các em.

Chủ đề chính Thiên Chúa yêu thương ta, mời gọi ta vun đắp hạnh phúc gia đình, xây dựng nền văn minh tình thương. Trong tâm tình đó, các cha đã chúc lành cho các bà mẹ và các em bằng nghi thức đặt tay lên đầu các bà mẹ mang thai để cầu nguyện trước tượng Thánh Giêrađô.

Buổi tối: suy ngắm đàng thánh giá trọng thể, tuy trời mưa nhưng giáo dân tham dự rất đông, có người đã bật khóc khi thấy cha xứ vác thập giá.

III. Ngày bế mạc.

Thứ 7 ngày 21 tháng 03 năm 2009, ngày cuối cùng của Tuần Đại Phúc. Từ 6 giờ sáng, trong ánh nắng ban mai rực rỡ, từng đoàn người lũ lượt kéo đến tràn ngập khuôn viên thánh đường. Tòa giải tội và văn phòng tư vấn đã bắt đầu làm việc.

Hôm nay, bà con lương dân đến xin tư vấn đông hơn mọi ngày. Họ đã mạnh dạn và cảm thấy gần gũi hơn. Những thắc mắc về cuộc sống, ngăn trở về gia đình cùng những uẩn khúc xã hội được tháo gỡ. Ơn siêu nhiên đã thẩm thấu vào cuộc sống đời thường. Trong thánh đường các ghế ngồi đã hầu như kín chổ. Phần đoản huấn hôm nay, Cha Phêrô Nguyễn Văn Tâm hướng dẫn cộng đoàn cách “ nuôi dưỡng ơn Chúa”.

Sau đó là hành hương ảnh tượng Mẹ, đọc kinh tuần Cửu nhật và kinh cầu Đại Phúc.

Đúng 7giờ Thánh Lễ bế mạc được cử hành trọng thể với đoàn đồng tế gồm 12 cha trong phẩm phục màu trắng.

Thay vì phẩm phục màu tím của Mùa Thương, lễ phục màu trắng hôm nay là muốn dành riêng để kính ĐMHCG – quan thầy của Tuần Đại Phúc. Với chủ đề “Đức Maria phù hộ các tín hữu”, Cha Nguyễn Tiến Hưng, sau khi nhắc lại sự quan tâm ưu ái của Đức Mẹ đối với gia chủ trong tiệc cưới Cana. Ngài nhắc mọi người cần luôn tâm niệm về Mẹ với ba tính cách đặc biệt sau đây:

1- Mẹ là Đấng đầy lòng yêu thương.

2- Mẹ luôn quan tâm đến con cái.

3- Mẹ luôn tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa

Thánh lễ bế mạc được kép lại bằng Phép Lành Toàn Xá của Tòa Thánh, do các linh mục DCCT ban qua cây Thánh giá trên tay biểu hiện cho ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu.

Sau lời cảm ơn của ông Pl Lê Dinh – Chủ tịch HĐMV giáo xứ, và lời hứa duy trì tinh thần của Tuần Đại Phúc toàn thể mọi người trong thánh đường ( kể cả bà con lương dân) cùng đồng hành: Xin hứa ! Chúng tôi xin hứa !

Cha Giuse Nguyễn Quốc Việt, thay mặt đoàn thừa sai đáp từ, nói lên tình cảm của đoàn đối với bà con giáo xứ. Những bó hoa tươi của các em dâng lên các cha với tâm tình lưu luyến để thay lời tạm biệt.

Buổi chiều, mặc dầu thời tiết nắng nóng, nhưng với tinh thần đại Phúc, hàng ngàn con cái Cầu Rầm, đã cùng nhau tiến về linh địa Trại Gáo để hành hương năm thánh Antôn.

IV. Thay lời kết.

- Tuần Đại Phúc là dịp giúp mọi người sau một thời gian dài bươn chải trong cuộc sống đời thường có điều kiện hồi tâm, nhìn lại chính mình cách kỹ càng hơn để trở về trong tình yêu cua Chúa.

- Tuần Đại Phúc cũng là dịp để ơn Chúa qua Mẹ mà trực tiếp đến với từng cá nhân, từng gia đình để tháo gỡ mọi mặc cảm, mọi bế tắc, mọi rào cản đang ngăn chăn con người đến với Chúa, với Giáo Hội và đến với nhau.

- Cụ thể, đã có nhiều người bỏ xưng tội, nhiều gia đình bỏ Chúa lâu năm, nay được ơn trở lại. Những đôi vợ chồng lâu nay sống trong hôn nhân bất hợp pháp đã được tháo gỡ: bốn đôi được rửa tộivà lãnh nhận đầy đủ các Bí Tích, 9 đôi được đón nhận “phép chuẩn”. Ngoài ra, còn có nhiều cặp vợ chồng khác đang được học hỏi, tư vấn để đón nhận Bí Tích Hôn Nhân. Có khoảng từ 90-95% giáo dân trong toàn xứ xưng tội rước lễ trong tuần đại phúc.

Hàng ngàn người, đặc biệt có nhiều bà con lương dân đã đến để đề đạt lời khấn, đến xin ơn Chúa và trong số họ đã có nhiều người đến tạ ơn, vì những hiệu quả của lời nguyện đã bao năm ấp ủ trong tâm tư. Năm 1929 trong cuộc khủng khoảng kinh tế thế giới Đức Maria, với tước hiệu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Quan Thầy của Tuần Đại Phúc đã đến Việt Nam. Và năm nay, năm 2009, trong cơn bão tài chính toàn cầu, Tuần Đại Phúc lại đến với giáo xứ Cầu Rầm chúng con. Nguyện xin Mẹ cho người kinh doanh không bị phá sản. Công nhân không bị thất nghiệp. Nông dân có một vụ mùa bội thu. Con cái được học hành và mọi người có công việc làm ăn. Xin cho xã hội được phồn vinh và lành mạnh. Dân tộc được đoàn kết trong công lý và tự do. Tổ quốc được hòa bình và ổn định.

Xin Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đồng hành và chuyển cầu cho chúng con!
 
Thánh lễ đặt viên đá xây dựng Nhà thờ buôn Tầm Ngân, hạt Ninh Thuận, giáo phận Nha Trang
LM. Anrê Lê Văn Hải
23:49 29/03/2009
Thánh lễ đặt viên đá xây dựng Nhà thờ buôn Tầm Ngân, hạt Ninh Thuận, giáo phận Nha Trang. 28.3.2009.

8 giờ 30’ sáng thứ 7, 28.3.2009, bầu trời Tầm Ngân rực nắng, lòng người vùng sâu vùng xa náo nức đón chào Đức cha Giuse Võ Đức Minh, Giám mục phó giáo phận Nha Trang, cùng các các linh mục trong giáo hạt Ninh Thuận và trên 350 ân nhân từ khắp muôn phương ( Hải ngoại, TP. HCM, Biên Hòa, Đồng Nai, Lâm Đồng, Đơn Dương, Nha Trang…) tụ hội về buôn Tâm Ngân xa xôi để chia sẻ niềm vui và cùng chung gánhh nặng trong công việc xây xựng Nhà Chúa.“ Đây là biến cố trọng đại vì chúng con cảm nghiệm được tỏ tường tình Chúa thương yêu chúng con qua sự hiện diện cụ thể của Đức cha, của đông đảo quý cha, quý tu sĩ và quý ân nhân dù ở rất xa.

Trọng đại vì đây là lần đầu tiên Tầm Ngân nhỏ bé xa xôi mà lại có một thánh lễ đại triều trang trọng đủ mọi thành phần dân Chúa từ muôn phương về đây cùng chúng con sánh vai lên đền thánh Chúa để tạ ơn đồng thời xin Ngài chúc phúc bình an cho công việc xây dựng để chúng con sớm có nơi an tâm vững chí, nơi tìm được sự bình an mà thế gian không ban tặng được hầu chúng con được vơi bớt nhọc nhằn, nhẹ gánh buồn tủi của phận người thiểu số nơi vùng sâu vùng xa này.

Trọng đại vì đã đến lúc mồ hôi tình yêu và máu đức tin của tổ tiên chúng con đã thôi thúc nhiệt tình vì Nhà Chúa làm cho chúng con thêm hăng hái đóng góp công sức, thu gom cát đá, đào móng nông nền… đồng thời buôn làng chúng con còn được tài bồi sinh lực nhờ lòng quảng đại của quý ân nhân trên khắp hoàn cầu cùng chung gánh nặng, chia sẻ tặng phẩm, hổ trợ tiền của nên Nhà thờ chúng con hằng mơ ước trong cái đầu, luôn mang nặng trong cái bụng sắp trở thành hiện thực…” ( Trích lời chào mừng của Cha quản xứ )

Thánh lễ được cử hành trang trọng với đầy đủ nghi thức như: nghing rước mô hình nhà thờ, làm phép viên đá gốc, đặt viên đá vào nơi xứng đáng trên nền cung thánh. .. Đồng thời được khích lệ đầy tình thân thương bởi những lời bảo ban an ủi của Đức cha chủ tế, lòng trìu mến cảm thông sâu đậm của quý ân nhân…khiến cho lòng người “ “Tầm Ngân vui sướng vô bờ, mênh mang nhiều cảm nghĩ tình Chúa ôi quá bao la, tình người sao lắm mặn mà ! Chính vì thế mà lòng mỗi người chúng con hằng thao thức suy tưởng, đang rấm rức muốn thốt nên lời nói chân thành nhất, cao quý nhất sao cho thỏa dạ tri ân, hầu xứng với ơn Chúa cao cả thương ban, tình người gần xa an ủi …

Quả thật chúng con chẳng biết dùng ngôn từ nào hơn là xin được ƯƠN NGAI NGĂN …ƯƠN NGAI NGĂN, NGĂN… xin được CÁM ƠN NHIỀU… CÁM ƠN NHIỀU, NHIỀU… quý Đức cha, cha hạt trưởng, quý cha, quý cơ quan, đoàn thể từ thiện, quý tu sĩ nam nữ, quý ân nhân trong và ngoài nước đã cho phép, hằng khích lệ, luôn tạo điều kiện thuận lợi và đặc biệt hằng hổ trợ cho chúng con về mọi mặt; từ bó rau mượt mà, quả sú no tròn, trái cà thắm thiết, gói mì thơm thảo, ký gạo dẽo tình, tiền của nặng nghĩa đủ sức chuyển tải hàng trăm tấn ximăng, tôn, sắt, thép… đến với Tầm Ngân, đồng thời biết bao công sức miệt mài đồng hành trong công việc xây dựng với chúng con dưới sức nắng nóng hừng hực của vùng cao, trong cái rét khô hanh của vùng sâu này từ hơn một năm vừa qua… nhờ thế mà chúng con đã hoàn thành ngôi Nhà xứ khang trang, Trường Giáo lý sạch đẹp, Sân phơi nông sản đủ sức hứng nắng của Trời…và nền móng nhà thờ đang hình thành hứa hẹn cho chúng con một tương lai khởi sắc về mọi mặt, giúp chúng con cảm nghiệm được tình Chúa hằng bao la, tình người luôn mặn mà…! ( Trích lới cám ơn của cha Quản xứ)

Thánh lễ kết thúc lúc 10 giờ 30’ với buổi liên hoan dạt dào tình Chúa tình người để lại trong lòng người Tầm Ngân một lời nguyền:

Tình thương Thiên Chúa Ngàn đời xin ca tụng
An nghĩa muôn người vạn kiếp nguyện khắc ghi.


Linh mục quản xứ Sông Pha - Tầm Ngân
Hạt Ninh Thuận, giáo phận Nha Trang
Anrê Lê văn Hải
Dđ; 0914.477.014 - 068.3852.220
E-mail: anrehai@gmail.com
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Bản tường trình của Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà
LM Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT
04:23 29/03/2009
Khoảng 10 nghìn người trực tiếp hiệp thông cầu nguyện và đưa đón 8 giáo dân ra toà. Hàng nghìn người đi bộ quãng đường hơn 7 km từ Hà Nội ra Hà Đông. Hàng trăm cảnh sát được triển khai với những công cụ và máy móc hỗ trợ hoành tráng, nhưng cách đối xử có vẻ nhẹ nhàng, lịch sự. Các công tố viên luận tội thiếu cơ sở và bằng chứng. Các nhân chứng làm chứng gian! Các luật sư bào chữa đầy thuyết phục. HĐXX thiếu lôgíc và công bằng khi không cho các bị cáo và luật sư trình bày những lý lẽ và bằng chứng có lợi nhất cho các bị cáo. Kết cục Toà tuyên bố: Y án sơ thẩm. Tám giáo dân-bị cáo và cộng đoàn phản đối bản án bất công. Nhưng tất cả cùng về nhà thờ Hà Đông cầu nguyện, tạ ơn Chúa và xin Chúa cho được kiên trì trên con đường làm chứng cho công lý và sự thật.

Kính gửi Đức Tổng Giám Mục Hà Nội
Đồng kính gửi Cha Bề Trên Giám Tỉnh DCCT VN

Kính thưa Đức Tổng Giám Mục và Kính thưa Cha Bề Trên Giám Tỉnh

Con xin tường trình cuộc ra toà của 8 anh chị em giáo dân liên quan đến việc làm chứng cho công lý và sự thật ở giáo xứ Thái Hà và ở Toà Khâm Sứ.

Buổi sáng 5 h thánh lễ đồng tế ở nhà thờ Thái Hà. Cha Bề trên Mátthêu Vũ Khởi Phụng nói vì hôm nay là một ngày dài nên ngài chỉ nói vài câu mời gọi cộng đoàn hiệp thông với 8 anh chị em để vác thập giá theo chân Chúa, làm chứng cho công lý và sự thật.

Cũng trong buổi sáng, vào lúc 6 giờ ở nhà thờ Hà Đông bắt đầu có thánh lễ thứ nhất. Cha Giuse Nguyễn Ngọc Hinh bị bệnh nên ngài nhờ các cha trong giáo phận về dâng lễ giúp. Cha Vinh Sơn Nguyễn Đăng Xuyên chủ tế. Đồng tế có một số cha DCCT đến từ nhà thờ Thái Hà. Đông đảo giáo dân ở các nơi

Khoảng 6 h từ nhà thờ Thái Hà, đông đảo linh mục tu sĩ giáo dân bắt đầu đưa các anh chị em công lý ra hầu toà. Mọi người đi bộ, mặc đẹp, tay cấm cạnh vạn tuế, ngực đeo ảnh Đức Mẹ Công Lý. Đi hàng hai, rất trật tự và đẹp đội hình. Trên đường đi, nhiều anh chị em khác cũng gia nhập.

Rất nhiều cảnh sát và nhân viên an ninh, dân phòng đứng ở ba ngã tư dọc hai bên đường Thái Hà-Hà Đông. Một số khác đi theo làm nhiệm vụ chụp ảnh, quy phim đoàn rước và nhắc người đi đường không đứng lại xem đoàn rước kẻo tắc nghẽn giao thông.

Quãng đường Thái Hà-Hà Đông, hơn 7 km, cộng đoàn đi hết 2 tiếng 15 phút. Nhiều người già vẫn hằng hái đi bộ chứ nhất đi không chịu đi xe.

Khoảng 8 h 15 đoàn Thái Hà gặp đoàn Hà Đông, tại vườn hoa đầu đường Nguyễn Trãi, lối vào Toà Án. Các anh chị em đứng ở đây đón 8 nạn nhân vì công lý và các anh chị em đến từ Thái Hà bằng một cảnh tượng vô cùng cảm động.

Chúng con thấy rất nhiều băng rôn, khẩu hiệu chào đón, ủng hộ các nạn nhân. Nội dung diễn tả khát vọng rất hiền hoà, chân thật và chính đáng như: “Vô tội”, “Sự thật”, “Chúa ở cùng anh chị em”, “Gx Hàm Long ủng hộ các nạn nhân”, “Chúng tôi ở cùng anh chị em”, “Ước gì anh chị em được xét xử công bằng”,v.v.

Số lượng giáo dân rất đông. Một số giáo dân nhiệt thành đã chuẩn bị 5 nghìn cành vạn tuế và 5 nghìn ảnh Đức Mẹ Công Lý đã được phát hết trong buổi sáng mà vẫn không đủ, trong khi đó 8 nghìn bánh mì đã được chia hết trong buổi trưa. Nhiều người chỉ tham dự được nửa ngày. Ước tính tổng cộng có khảong 10 nghìn người tham dự. Họ đến từ nhiều giáo xứ, giáo phận, có người đến từ Sài Gòn, từ Rạch Giá mà đông nhất vẫn là đến từ các giáo xứ của TGP Hà Nội.

Cũng có nhiều nam nữ tu sĩ của các dòng đến hiệp thông chia sẻ. Có những thày những xơ đến từ các tỉnh xung quanh Hà Nội. Nhưng con không biết chính xác là bao nhiêu, nhưng nội số người mà con biết mặt đã khoảng 4 chục. Trong khi đó, sơ bộ con biết có tổng cộng có 25 cha đến từ Hà Nội, Sài Gòn, Hà Nam và Vĩnh Phúc.

Cha Nguyễn Chí Công, DCCT Thái Hà
Cha Đinh Tiến Đức, DCCT Thái Hà
Cha Nguyễn Ngọc Nam Phong, DCCT Thái Hà
Cha Nguyễn Kim Phùng, DCCT Thái Hà
Cha Nguyễn Văn Phượng, DCCT Thái Hà
Cha Lưu Ngọc Quỳnh, DCCT Thái Hà
Cha Nguyễn Văn Khải, DCCT Thái Hà
Cha Hồ Quang Lâm, DCCT Thái Hà
Cha Nguyễn Văn Thật, DCCT Thái Hà
Cha Nguyễn Thể Hiện, DCCT Sài Gòn
Cha Nguyễn Gia Tước, DCCT Sài Gòn
Cha Đinh Hữu Thọai, DCCT Sài Gòn
Cha Phan Văn Hà, Chính xứ Cát Thuế
Cha Nguyễn Ngọc Hinh, Chính xứ Phùng Khoang
Cha Nguyễn Mạnh Hùng, Phó xứ Thạch Bích
Cha Vũ Quang Hùng, Phó xứ Hà Hồi
Cha Nguyễn Văn Hy, Chính xứ Cổ Nhuế
Cha Nguyễn Văn Lý, Chính xứ Hàm Long
Cha Nguyễn Văn Quang, Phó xứ Phủ Lý
Cha Vũ Ngọc Ruẫn, Chính xứ Cửa Bắc
Cha Trần Bình Trọng, Chính xứ Bút Đông
Cha Phạm Minh Triệu, Phó xứ Hàm Long,
Cha Nguyễn Đăng Xuyên, Chính xứ Phú Đa
Cha Trần Công Ý, Chính xứ La Phù
Cha Nguyễn Huy Liệu, Chính xứ Dân Trù, GP Bắc Ninh

Có thể còn một số cha nào đó cũng hiện diện mà con không biết hết. Trong đó có một cha con biết mặt và mà không biết tên, thuộc giáo phận Bắc Ninh hay Hải Phòng gì đó; ngài đi bộ với chúng con từ Thái Hà ra Hà Đông.

Chúng con rất cảm động khi thấy đông đảo quý cha về Hà Đông hiệp thông cầu nguyện và theo dõi phiên toà. Cha Nguyễn Ngọc Hinh, dù mới phẫu thuật, đang phải nằm việiệt nam cũng đã vội vã trở về nhà để có thể phục vụ và đón tiếp mọi người tựu về Hà Đông.

Cảnh sát án ngữ tất cả các con phố dẫn vào toà án. Có các cán bộ đứng chỉ đạo. Số thân nhân của các bị cáo và số các cha có thể vào dự phiên toà đông hơn lần trước. Các cán bộ cho 2 cha vào phòng xử án. Còn các cha khác, ai có yêu cầu đều có thể vào tham dự phiên xử qua phòng truyền hình trực tiếp.

Con thấy có sự ứng xử lịch sự, thân thiện và rộng rãi hơn lần ra toà sơ thẩm. Một số cán bộ CA và một số cha còn đứng chụp hình với nhau ở đầu đường Nguyễn Trãi, lối vào Toà án.

Ngoại trừ một số cha và giáo dân được vào bên trong Toà Án, hàng nghìn người còn lại ngồi khu vực công viên Hà Đông. Cộng đoàn hát thánh ca, cầu nguyện và trò chuyện ở đấy trong ôn hoà, bất bạo động. Chỉ có khi bắt đầu đến nơi và khi ra về có ảnh hưởng một tý đến việc giao thông tại ngã tư Hà Đông, vì lượng người đông quá. Còn lại hoàn toàn không có sự gây cản trở và ách tắc giao thông nhưng một số tờ báo quy kết sáng nay 28/3.

Cổng vào toà có đặt máy kiểm tra an ninh. Khu vực sân toà và các phòng ốc, hành lang của cơ sở II, TANDTP Hà Nội đầy các cán bộ và các nhân viên an ninh. Con chẳng biết cấp cao nhất bên dân sự là ai. Còn bên CA con thấy có ông Trưởng phòng PA 38, Trưởng quận Đống Đa và một ông về sau con được giới thiệu là ông PGĐ CA Hà Nội.

Phòng xử án nằm ở ngay tầng 1, cạnh sân, giáp phố, khá ồn ào vì lượng người khá đông. Tới phòng xử ngay cái nhìn đầu tiên, con đã thấy có sự bất công nữa ngay nơi kiếm tìm công lý ấy là có rất nhiều phóng viên các báo đài có mặt quay phim, chụp hình trong khi các giáo dân và giáo xứ Thái Hà không ai được mang máy chụp hình quay phim vào Toà.

Có một số người ngoại quốc, không biết là nhân viên ngoại giao của nước nào và một số phóng viên quốc tế, người Việt lẫn người ngoại quốc, nhưng số này chỉ ở sân toà án và ngồi ở phòng gần nơi xét xử, theo dõi phiên toà qua truyền hình trực tiếp.

Trong khi có chỉ có 1 cha và khoảng 2 chục giáo dân trong phòng xét xử thì có đến gấp 3 lần người tham dự phiên toà là người được chính quyền mời dự mà con không biết họ thuộc khối nào và họ có liên quan gì đến vụ án đang xét xử, tại sao họ có mặt ở đấy. Con hỏi một số và họ im lặng không trả lời.

Khoảng 8 h 45 khai mạc phiên toà, ngay câu đầu tiên, ông Nguyễn Quốc Hội, vị thẩm phán chủ toạ, tuyên bố “hôm nay ngày 29 tháng 3…” làm cả phòng xử phiên toà ồ lên, có người nhắc “ngày 27” ông mới tuyên bố lại ngày giờ.

Phần điểm danh con thấy có 8 nhân chứng và các nhân chứng này toàn là những người của Nhà Văn hoá quận Hoàn Kiếm, Công ty May Chiến Thắng, một số người khác ở các phường Ô Chợ Dừa, Trung Tự. Các bị cáo thắc mắc: Những nhân chứng kia là của ai? Tại sao không mời những người đang cư trú ngay trước Linh Địa Đức Bà? Những người ở xa làm sao biết vấn đề để có thể làm chứng xác thực?

Các bị cáo cũng thắc mắc tại sao luật sư Lê Trần Luật không có mặt, trong khi ông là người đóng vai trò quan trọng nhất trong việc bảo vệ quyền lợi của các bị cáo. Toà giải thích vòng vo và chứng minh cho có bằng những lý lẽ và bằng chứng thiếu thuyết phục.

Khi ấy, các luật sư cũng vào cuộc chất vấn và toà càng lúng túng hơn nên lấy quyền mà quyết rằng Hội đồng Xét xử đã đi đúng trình tự pháp lý và sự vắng mặt của LS Lê Trần Luật không ảnh hưởng tới thủ tục xét xử phiên toà hôm nay.

Công tâm mà xét, đối với những người có lý trí và hiểu biết luật pháp, bất luận là cán bộ hay luật sư, đều thấy tiến trình tố tụng liên quan đến “vụ án” Thái Hà và “vụ án” Toà Khâm Sứ còn có rất nhiều vấn đề cần xem lại chiếu theo với quy định của luật pháp.

Nội chuyện 8 cá nhân, có hành vi độc lập với nhau, không có ai cầm đầu ai, kích động ai, liên quan đến 2 “vụ” khác nhau, mà Toà xử chung thành 1 vụ trong một lần đã là một sự vi phạm nghiêm trọng luật tổ tụng.

Sự hiện diện của các chứng nhân “được tuyển chọn” và sự ngăn chặn luật sư Lê Trần Luật làm cho các bị cáo ngay tư đầu đã nhận thấy quyền lợi của mình không được tôn trọng, vì vậy, một bị cáo bức xúc, có những lời phản đối lớn tiếng và kiên quyết, khiến Toà phải đưa vào phòng cách ly một khoảng thời gian.

Khoảng 9 h 25 Toà công bố lại bản án sơ thẩm. Khoảng 9 h 45 Toà xét hỏi. Các bị cáo giữ nguyên lời khai và nói rằng hành vi của mình không có gì sai lỗi. Rồi Toà yêu cầu các chứng nhân lên làm chứng.

Có đến 7/8 chứng nhân trình bày cái hiện thực chung chung, phiến diện và bị bóp méo, chỉ có 1/8 chứng nhân chỉ một tả hiện tượng bằng một hai câu ngắn; Một điều rất lạ lùng là 7/8 chứng nhân không biết các bị cáo và không tận mắt nhìn thấy các bị cáo làm gì, với ai, ở đâu, hậu quả và ảnh hưởng thế nào. Không một bằng chứng cụ thể.

Có 1 chứng nhân tên là Đinh Hồng Phong, quận uỷ viên quận Hoàn Kiếm, cán bộ Phòng Văn hoá quận Hoàn Kiếm, làm chứng thấy chị Nhi kích động và lôi kéo người khác phá tường rào Toà Khâm Sứ và giật các tấm panô của Nhà Văn hoá.

Con đã thấy và con có đủ bằng chứng để khẳng định rằng đấy là chứng gian. Trước đây, con đã trực tiếp nói với cán bộ này ít là hơn một lần về sự làm chứng gian của anh trên truyền hình cũng như trước toà án. Hôm nay ở hành lang phòng xử con nói lại với anh điều này một lần nữa. Anh tái mặt, tránh đi. Con thấy nam nhi, lại làm cán bộ lãnh đạo văn hoá mà như anh thì thật là đảo điên, hèn hạ và độc ác.

Tiếp đến phần luận tội, bào chữa và tranh luận. Con thấy nội dung cáo trạng và các ý kiến tranh luận của các công tố viên về cơ bản cũng như lần xét xử trước. Thậm chí nội dung còn ít tính thuyết phục hơn, nghe chẳng khác những gì báo Hà Nội Mới đã viết liên quan đến hai vụ Thái Hà-Toà Khâm Sứ. Nghe các công tố viên trình bày, người ta thấy như thể các vị đang đọc bản báo cáo, trình bày lập trường quan điểm, hơn là một bản cáo trạng.

Khi tranh luận, để bảo vệ quan điểm của mình, công tố viên lại viện dẫn đơn tố cáo chung chung của tổ dân phố, việnn dẫn lời khai, mà thực sự là những lời chứng gian- của các nhân chứng để làm cơ sở luận tội mà không xem xét xem nội dung của chúng có đúng sự thật không! Nếu cứ có đơn, có lời khai của người này là đi kết tội người ta như thế, con chắc ai cũng có thể kết tội người khác nếu muốn và đất nước này mọi người sẽ vào tù.

Dường như lý lẽ và bằng chứng yếu quá, cho nên công tố viên phải dùng cả tay để luận tội cho thêm mạnh: Tay nữ công tố viên cứ chỉ vào mặt các bị cáo và nhắp nhắp như người cha độc đoán đang trừng phạt và răn dạy những đứa con ngỗ nghịch. Thật là kém văn hoá và lại còn vi phạm quy định của Toà! Luật sư Huỳnh Văn Đông sau đó đã lên tiếng bảo vệ các thân chủ của mình trước hành vi trên đây của nữ công tố viên.

Ngay khi nghe các công tố viên trình bày và tranh luận, con có nói với 1 cán bộ ngồi cạnh con trong Toà rằng: Công tố viên cứ thực thi vai trò luận tội và kết án các bị cáo. Nhưng làm sao để cho người ta thấy hợp lý, chứ luận tội chung chung, thiếu cơ sở, thiếu bằng chứng, lại chỉ dựa trên những đơn thư và lời chứng gián tiếp mà đi kết tội cụ thể cho những con người cụ thể thế này thì trình độ chuyên môn kém quá! Thật là lối luận tội và kết án bất công, như thế thì phỉ nhổ vào chính nền khoa học pháp lý mà mình đang đeo đuổi!

Trái ngược với các công tố viên. Hai luật sư Hoàng Cao Sang và Huỳnh Văn Đông đã tham gia bào chữa, tranh luận hết sức khoa học. Hai luật sư có những câu hỏi đơn giản, rõ ràng, cụ thể, đi thẳng vào vấn đề, những câu hỏi mà đối với người đang theo dõi phiên toà, có lý trí bình thường, ai cũng quan tâm. Tiếc rằng các chứng nhân và các công tố viên không trả lời được hoặc trả lời cho qua chuyện khiến người có năng lực nhận thức bình thường khó có thể chấp nhận, chứ đừng nói là người am hiểu pháp lý.

Hai luật sư biện hộ cho 7 bị cáo bằng những lý lẽ rõ ràng dựa trên các cơ sở pháp lý chắc chắn và bằng những bằng chứng xác thực dựa trên chính các sự kiện diễn ra. Còn phải nói thêm là hai luật sư trình bày rất tự nhiên, rất hùng biện, dường như chẳng phụ thuộc vào bài bào chữa viết sẵn, cung giọng và cử chỉ rất chừng mực, nhưng rất hùng biện, đề cập đến các vấn đề tinh tế xung quanh vụ án một cách khéo léo, thẳng thắn, khó có thể khiến ai mất lòng!

Những người trong cuộc biết, hay những người am hiểu vấn đề thừa biết bản chất của “vụ án” Thái Hà gắn liền với tính pháp lý của khu đất tranh chấp. Nếu chứng minh được khu đất thuộc nhà thờ, thì các bị cáo vô tội. Nếu chứng minh được khu đất thuộc Công ty May Chiến Thắng thì các bị cáo có tội.

Trước Toà, trong khi các công tố viên được thoải mái, vô tư trưng dẫn các văn bản liên quan đến tính pháp lý của khu đất để chứng minh rằng khu đất ấy thuộc quyền quản lý hợp pháp của Công ty May Chiến Thắng, thì các luật sư lại bị HĐXX yêu cầu ngưng lại, tức là bị “bịt miệng” khi chứng minh khu đất thuộc quyền quản lý hợp pháp của nhà thờ Thái Hà.

Trong khi các công tố viên và hội đồng xét xử tự do trình bày cách hành xử “đúng đắn”, chính đáng, hợp pháp của nhà nước và những người liên quan trong các quyết định liên quan đến khu đất, thì các luật sư không được nói gì đế những điều này, dù là để phản bác lại chính những nội dung mà công tố viên vừa trình bày, hay thẩm phán vừa khẳng định.

Chẳng hạn công tố viên và HĐXX khẳng định năm 1961 cha Vũ Ngọc Bích, nguời quản lý nhà thờ Thái Hà, đã làm giấy “bàn giao” “toàn bộ” khu đất cho nhà nước quản lý. Trong khi ấy, các luật sư cũng không được đưa ra bằng chứng ngược lại phủ nhận việc “bàn giao” (nếu có) này.

Vị thẩm phán chủ toạ luôn luôn yêu cầu các luật sư và các bị cáo không đựơc bàn đến vấn đề nguồn gốc đất đai ở phiên toà. Trường hợp là bị cáo đang được xét hỏi hay trình bày thì vị thẩm phán mời về chỗ. Trong mọi lúc tương tự, vị thẩm phán luôn buông một câu rằng nếu cần thì vấn đề ấy phải được xét xử ở trong một vụ khác.

Hẳn là vị thẩm phán đủ trình độ để nhận thấy sự thiếu nhất quán khi áp dụng tiêu chuẩn kép đối với các bên liên quan trong cùng một vấn đề. Đấy là cái bất lợi cho các luật sư và các bị cáo. Đấy cũng là cái bất công lớn nhất của phiên toà xét xử sơ thẩm lần trước cũng như phúc thẩm lần này. Luật sư Huỳnh Văn Đông tại toà đã nói lên sự đối xử không công bằng đó của HĐXX.

Mặc dù vậy, chỉ với những gì được phép trình bày, thì hai luật sư cũng đã cho mọi người thấy được sự vô tội của các bị cáo. Chẳng hạn, luật sư Sang hỏi: Cha Vũ Ngọc Bích chỉ là người quản lý khu đất, vậy mà việc người quản lý bàn giao tài sản cho người khác có hợp pháp không? Toà im lặng không trả lời.

Luật sư Đông cho mọi người hiện diện thấy các bị cáo không gây náo loạn, không làm ở nơi công cộng, không gây hậu quả nào nghiêm trọng. Vì thế việc đưa các bị cáo ra xét xử là oan sai. Việc các bị cáo cầu nguyện cho các nhà chức trách biết hành xử theo pháp luật, theo đạo lý đã bị xuyên tạc thành hành động “gây rối”. Sai lầm là ở chỗ các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước trước đây xử lý không đến nơi đến chốn vấn đề.

Luật sư Sang cho thấy bị cáo không có ý phá họai tài sản. Mấy mét tường các bị cáo dỡ bỏ để lấy lối vào cầu nguyện cũng không còn giá trị là tài sản là bao nhiêu. Việc xác định giá trị tài sản của mấy mét tường bị dỡ bỏ là không xác thực, quyết định 76 của Sở Tài nguyên-Môi trường-Nhà đất không chứng minh được nhà nước đang sở hữu và quản lý hợp pháp diện tích đất đai đang tranh chấp,v.v.

Khi nghe các luật sư trình bày, dù có ghét bỏ các bị cáo đi nữa, nếu là người logíc với các nguyên tắc và cơ sở pháp lý, nếu là người lo gíc với chính mình, có can đảm tuân theo sự nhận thức và hướng dẫn của lý trí, thì phải nhận rằng các bị cáo vô tội.

Đã đành là sự thật tự nó có sự thuyết phục, song vẫn còn vấn đề là anh có chỉ ra cho người ta thấy được sự thật hay không. Khi bào chữa hai luật sư đã làm được điều này bằng trình độ chuyên môn chắc chắn và có lương tâm chức nghiệp của mình.

Khoảng 13 h 20, các bị cáo được nói lời cuối cùng. Cả 8 anh chị em giáo dân trong ghế bị cáo đều cho rằng mình vô tội và bản án sơ thẩm cũng như bản cáo trạng của Viện Kiểm sát là bất công. Một số bị cáo đề nghị toà xét xử đúng pháp luật và đúng lương tâm. Bà Nguyễn Thị Việt thì nói nếu Toà tìm được bằng chứng cho thấy bà kích động người khác, hoặc kêu gọi người khác đến Thái Hà cầu nguyện, bà sẵn sàng ngồi tù.

Khoảng 14 h kém 15 Toà tuyên án. Con nghe nội dung chẳng khác bản án đã tuyên trong lần sơ thẩm. Có khác chăng chỉ là thời gian ngày tháng. Có điều buồn cười là không thấy xét các linh mục từ đấu chí cuối, nhưng đến phần tuyên án thì lại “xử” “linh mục Vũ Khởi Phụng và một số giáo sĩ nhà thờ Thái Hà” có những hành vi “phạm tội” nghiêm trọng và Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ra công văn cảnh cáo.

Toà cũng tuyên bố giữ nguyên tội trạng và hình phạt của bản án sơ thẩm đối với các bị cáo. Các chứng cứ và lý lẽ biện hộ thuyết phục của các luật sư không thay đổi được kết quả là một bản án bất công dành cho các bị cáo. Vì thế, ngay khi tuyên bố kết thúc phiên toà, các bị cáo đã lớn tiếng phản đối trong phòng xét xử.

Cha Trần Bình Trọng, cha G.B Nguyễn Văn Quang, con cùng các luật sư và các thân nhân của các giáo dân-bị cáo, dẫn 8 anh em chị em giáo dân là nạn nhân của công lý ra khỏi Toà Án. Các cha ở bên ngoài báo cho chúng con đưa anh chị em giáo dân về nhà thờ Hà Đông tham dự thánh lễ. Tuy nhiên, giáo dân ùa tới đông quá khiến chúng con không đi không nổi và cảnh sát cơ động cũng không thể giữ được trật tự nữa.

Con có mượn một cái loa lớn của cảnh sát cơ động để mời các giáo dân về nhà thờ Hà Đông dự lễ, đồng thời thông báo ngay kết quả phiên toà và tuyên bố không đồng ý với kết cục là bản án bất công kia. Lập tức, chỉ mươi phút sau là đoàn người di chuyển khỏi khu vực đầu đường Nguyễn Trãi, các anh chị em giáo dân đến tặng được hoa cho các luật sư và các bị cáo, trong khi đó các cảnh sát cơ động có thể thu dọn phương tiện làm việc.

Đoàn người trở về nhà thờ Hà Đông. Con đường phân cách nhà thờ với UBND thành phố đầy chật người. Khu nhà UBND này vốn là nhà xứ Hà Đông mà ông Hoàng Tươi, Chủ tịch UBND thị xã Hà Đông đã mượn vào năm 1977. Những năm qua cha xứ và giáo dân đã nhiều lần đề nghị chính quyền trả lại khu vực này cho giáo xứ. Các cán bộ hữu trách hứa khi nào xây xong trụ sở mới thì sẽ trả lại. Vì thế, cha xứ xin chúng con hiệp ý cầu nguyện cho quý vị đại diện chính quyền sớm thực hiện lời hứa.

Tới nhà thờ Hà Đông, trước thánh lễ, cha Chính xứ mời con chia sẻ tóm tắt về diễn tiến phiên toà và thông báo bản án chung cuộc cho cộng đoàn biết. Ngài cũng mời cha Nguyễn Văn Thật DCCT chủ tế, vì ngài vừa phẫu thuật xong, còn đang rất yếu. Có một số cha đống tế, trong đó có cha Nguyễn Huy Liệu đến từ giáo phận Bắc Ninh. Có một số cha khác hiện diện, nhưng không đồng tế, vì các ngài thánh lễ cử hành lúc 12 h trưa ở Hà đông vừa đồng tế trong thánh lễ trước đó như cha Nguyễn Văn Lý, cha Phạm Minh Triệu, etc.

Kết thúc thánh lễ, cha Nguyễn Ngọc Hinh đã cám ơn cộng đoàn đã cầu nguyện cho giáo xứ Hà Đông và thông cảm cho sự thiếu thốn của giáo xứ, vì hoàn cảnh chật hẹp. Thay mặt 8 giáo dân, đại diện cho cha Bề trên Chính xứ Thái Hà, cha Nguyễn Văn Thật đã cám ơn cha xứ Hà Đông, cám ơn cha quản hạt Hà Nội, quý cha quý thầy, quý soeurs và quý ông bà anh chị em giáo dân đã đồng hành với 8 giáo dân ra toà, đã can đảm làm chứng cho công lý và sự thật, đã nhiệt tâm ủng hộ và cầu nguyện cho giáo xứ Thái Hà và các bị cáo của giáo xứ, rồi mọi người chia tay nhau, kết thúc một ngày và cũng là một giai đoạn làm chứng cho công lý và sự thật trong trật tự, bình an.

Trên đây là một số diễn biến mà con biết được. Thực ra khó có thể biết tường tận các sự kiện diễn ra trong ngày xét xử. Vì con hiện diện trong phòng xét xử và nếu ở bên ngoài cũng vẫn không biết hết được vì không thể đồng thời có mặt được ở các điểm khác nhau trên các con đường xung quanh toà án và khu vực nhà thờ Hà Đông.

Con xin kính chào Đức Tổng Giám Mục và Cha Bề Trên Giám Tỉnh. Kính xin các ngài cầu nguyện và chúc lành cho con.

Người tường trình
 
Hãy nhớ hôm nay
Đinh văn Tiến Hùng
04:24 29/03/2009
VIỆT nam Dân tộc nhớ Ngày này
HỢI khao hay Án xử Hôm nay,
KIỆN tụng hân hoan như Trảy hội
NĂNG động dở hay đã Phơi bày.
DUNG mạo Hoà bình bừng sáng chói,
HÙNG cường Chân lý ngập tràn đây.
HẢI hà hun đúc nên hùng khí,
NHI nữ đứng lên đá trổ hoa. ( * )

Tặng Tám "Chiến sĩ Đức Tin" Thái Hà trong Phiên xử Phúc thẩm tại Toà Án Nhân Dân
tại Quận Hà Đông - Hà Nội ngày 27/3/09. Xin trân trọng ghép tên 8 Vị
(trong đó có 4 Nữ lưu) với bài thơ Thất ngôn bát cú.
- Bà Ngô thị VIỆT - Ông Lê quang KIÊN
- Lê thị HỢI - Thái thanh HẢI
- Ngô thị DUNG - Phạm chí NĂNG
- Nguyễn thị NHI - Nguyễ đắc HÙNG

(Cali ngày 28/3/09)
 
Pháp quyền Xã Hội Chủ Nghĩa
PT
05:18 29/03/2009
Theo dõi những sự kiện diễn ra xung quanh phiên xử phúc thẩm 8 giáo dân Thái Hà trong những ngày qua thật khó mà không cảm thấy ngán ngẩm với cái gọi là nền tư pháp XHCN.

Xuất phát từ yêu cầu chính trị là phải kết án được 8 giáo dân ở Thái Hà bằng bất cứ lý lẽ nào kể cả dẫm đạp lên chính cái luật pháp mà chế độ đẻ ra, bộ máy công quyền đã chẳng từ một thủ đoạn nào, từ ngụy tạo chứng cử, sửa chữa, thêm bớt, thay đổi biên bản đến trừng phạt người biện hộ quyền lợi hợp pháp của các bị cáo là luật sư Lê Trần Luật và văn phòng luật của ông ta.

Để dằn mặt vị luật sư cứng đầu đã dám nhận bào chữa cho những bị cáo giáo dân, nhà nước đã áp dụng hình thức khủng bố toàn lực vào VPLSPQ cũng như cá nhân ông này với sự tham gia của Đoàn LS Ninh Thuận, Tổng cục thuế, CA TP HCM dưới những hình thức như: xúi giục khách hàng hủy hợp đồng, thậm chí khiếu kiện VPLSPQ, liên tiếp gửi giấy mời làm việc gây mệt mỏi và choán hết thời gian làm việc của văn phòng, câu lưu và ngăn trở bất hợp pháp luật sư tiếp xúc với thân chủ và tham dự phiên tòa và cuối cùng là tước giấy phép hoạt động của văn phòng này.

Nhà nước VN đã biến pháp luật từ một thiết chế giúp duy trì công bằng xã hội trở thành một công cụ răn đe thuần túy dùng để đàn áp dân chúng. Điểm qua 346 điều của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành có thể thấy quá nhiều quy định quyền hạn của bộ máy công quyền với đầy đủ tính răn đe nhưng không có những chế tài quy định trách nhiệm của những cơ quan này trong việc đảm bảo cho người tham gia tố tụng thực hiện các quyền của mình. Bởi vậy mới có chuyện tòa án gửi giấy thông báo cho luật sư trong lúc cảnh sát địa phương quản thúc trái phép, ngăn trở luật sư thực hiện quyền tham gia tố tụng, cho dù cũng chỉ là có mặt để đón nhận bản án đã được thông qua từ trước trong cuộc họp diễn ra trước phiên tòa giữa bộ ba quyền lực: Tòa án, Viện kiểm soát và cơ quan điều tra.

Những gì xảy ra gợi nhớ lại một phiên tòa khác cách đây 78 năm mà bị cáo là Tống Văn Sơ, bị chính quyền Hong Kong bắt giữ ngày 6-6-1931 và đưa ra xét xử với tội danh làm gián điệp cho Quốc tế cộng sản và Nga Sô. Kết thúc phiên tòa ông Tống đã được tha bổng cho dù chính quyền rất muốn kết án ông ta hoặc ít nhất là trục xuất ông ta về nơi ông ta được sinh ra là An Nam thuộc Đông Dương để làm đẹp lòng người Pháp. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra bởi những đòi hỏi công bằng của luật pháp mà luật sư Frank Loseby, là người biện hộ cho ông Tống, đã nhắc nhở để chính quyền tôn trọng.

Điều gì có thể đã xảy ra nếu chính quyền Hong Kong khi đó cũng sẵn sàng chà đạp pháp luật áp đặt cho một kẻ nhập cư bất hợp pháp là Tống Văn Sơ bất kỳ tội danh nào mà họ muốn. Như vậy có thể sẽ chẳng bao giờ lịch sử biết đến Hồ Chí Minh vì Tống Văn Sơ chính là bí danh của ông ta khi ở tại Hong Kong.

Những cơ chế nhằm đảm bảo tính công bằng của xã hội được nêu ra trong những tác phẩm đã đặt nền tảng cho khái niệm nhà nước pháp quyền như: Khế ước xã hội (J. J Rousseau), Tinh thần pháp luật (Charles de Montesquieu), Triết học pháp quyền (Hegels)…được giảng dạy cho những SV luật khoa như là những thành tựu đã lỗi thời của hệ thống pháp quyền tư sản mà theo phép biện chứng của lịch sử thì nó phải được thay thế bằng một hệ thống ưu việt hơn, khoa học hơn và công bằng hơn, tức là hệ thống pháp quyền của chuyên chính vô sản.

Và hôm nay người ta thấy rõ tính công bằng của hệ thống tư pháp đó là đây: do vì nhà nước là của dân, do dân và vì dân cho nên người dân chỉ có thể “cúi đầu nhận tội” bất cứ bản án nào mà chính quyền nhân dân áp đặt cho họ và nếu như thái độ khi đón nhận bản án của họ có khác đi nữa thì bộ máy tuyên truyền của nhà nước nhân dân cũng sẽ cắt xén, chắp vá hay thêm thắt sao đó để cho số đông công chúng thấy rằng những kẻ bị kết án đã vui vẻ thừa nhận tính công minh của bản án cũng như bản chất khoan hồng, nhân đạo của chế độ.

Nếu có một quy luật tiến hóa trong phát triển xã hội thì chắc nhà nước pháp quyền VN vẫn còn đang ở thời kỳ văn minh vượn người.
 
Anh quốc quan ngại về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam
BBC
15:05 29/03/2009
Báo cáo nhân quyền vừa được Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Miliband công bố nói tình hình nhân quyền Việt Nam trong năm 2008 vẫn có những điểm gây quan ngại bất chấp một số tiến bộ.

Anh nói Hà Nội đã cố gắng để tăng quyền dân sự và chính trị cũng như mở rộng tự do tôn giáo.

Nhưng báo cáo cũng nói về những 'thụt lùi' về quyền con người.

Họ nêu ra sáu lĩnh vực gây quan ngại bao gồm: tự do thể hiện ý kiến, việc trấn áp các nhà hoạt động nhân quyền, tự do báo chí, tự do tôn giáo, số án tử hình cao và cách quản lý và tính chịu trách nhiệm của chính quyền.

Về truyền thông, báo cáo nói: ''Chúng tôi thấy sự thắt chặt rõ ràng đối với truyền thông đại chúng trong năm 2008.''

Bộ Ngoại giao Anh nhắc tới các vụ xét xử nhà báo, blogger và vụ một nhà báo Mỹ bị công an ''đánh bị thương''.

Báo cáo nói Châu Âu hiện vẫn đang có danh sách tù nhân và người bị giam giữ mà họ cho rằng không đúng mức ở Việt Nam và danh sách tính tới tháng Mười năm ngoái vẫn có hơn 40 người.

Về tự do tôn giáo, báo cáo nhận xét hiện vẫn có sự căng thẳng giữa chính quyền và các nhóm tôn giáo.

Các quan chức của Anh cũng cho hay vụ tranh chấp đất đai giữa những người Công giáo và chính phủ Việt Nam mới đây đã làm cho việc tách biệt giữa quyền tự do dân sự (về đất đai) và tự do tôn giáo khó tách biệt.

'Hoan nghênh thảo luận'

Bộ Ngoại giao Anh nói diễn đàn chính để họ nêu quan ngại về nhân quyền với Việt Nam là Đối thoại Nhân quyền Việt Nam - EU được tổ chức hai năm một lần.

Bên cạnh đó Anh cũng nêu ra các quan ngại của họ trong các chuyến thăm song phương.

Cuối tháng ba này Đại sứ Anh Mark Kent đã dẫn một đoàn ngoại giao và nhà báo tới nước Anh.

Trong một cuộc phỏng vấn riêng với BBC về chuyến đi, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga nói: ''Ở tất cả mọi nơi chúng tôi đã đến chúng tôi đều gặp được những con người rất nhiệt tình, rất cởi mở và chúng tôi nhận được sự đón tiếp rất chân thành, rất nồng hậu. Chúng tôi có gặp các nghị sỹ của Anh chúng tôi có các cuộc trao đổi rất thẳng thắn và chân tình.''

Trả lời chất vấn về nhân quyền trong một buổi nói chuyện ở Đại học Oxford tuần trước, Đại sứ Anh tại Việt Nam Mark Kent nói ông cho rằng điều quan trọng là cần có một nền văn hóa biết phản biện.

Ông nói thêm: ''Khi ý kiến được phát biểu tự do sẽ dễ dàng lọc ra những ý kiến hay nhất.''

Việt Nam luôn bác bỏ những chỉ trích về quyền con người của các nước phương Tây và nói rằng ở Việt Nam không có tù nhân lương tâm và những người bị xét xử đều do họ có hành vi phạm pháp.

Mặc dù vậy, ngồi cùng diễn đàn với Đại sứ Anh Mark Kent ở Oxford, Đại sứ Việt Nam Trần Quang Hoan nói nguyên văn: "Chúng tôi rất hoan nghênh việc thảo luận về nhân quyền. Nhất là với nước Anh, chúng tôi đã có những cuộc nói chuyện thẳng thắn và cởi mở về mọi đề tài nhân quyền."

Nguồn: BBCvietnamese.com
 
Giáo dân Thái Hà sẽ kháng cáo lên toà án tối cao?
Thiên Bình
16:29 29/03/2009
Ls. Huỳnh Văn Đông (người ôm hoa) trong vòng vây người hâm mộ
Nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội tỏ ra lo sợ khi giáo dân Thái Hà có thể tiếp tục kháng án lên toà án tối cáo. Các cuộc trấn áp của nhà cầm quyền nhắm vào văn phòng luật sư pháp quyền của LS Lê Trần Luật là nhằm hạn chế khả năng trợ giúp của vị luật sự cùng đồng nghiệp của ông cho các giáo dân Thái Hà trong tiến trình tiến tới việc kháng án lên toà án tối cao. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn một số hãng thông tấn quốc tế như RFI, RFA…, các bị cáo giáo dân Thái Hà cho biết, họ vẫn cương quyết đi đến cùng trên con đường tìm kiếm công lý và có thể sẽ làm đơn kháng án lên toà án tối cao.

Trước khi phiên toà phúc thẩm diễn ra vào ngày 27/3, một số linh mục trong thành phố Hà Nội cho biết, công an PA 38 đã chủ động trực tiếp gặp gỡ các linh mục để bày tỏ sự quan ngại của chính quyền cộng sản Hà Nội về tình trạng căng thẳng kéo dài vụ việc Thái Hà – Toà Khâm Sứ. Một nhân viên của PA 38 nói thẳng với một linh mục chánh xứ trong thành phố Hà Nội rằng, các vị lãnh đạo nhà nước muốn “rút lửa” chuyện kiện cáo ở Thái Hà. Và vị linh mục này cũng hỏi thẳng nhân viên PA 38: “Nghĩa là các vị không muốn giáo dân chúng tôi tiếp tục theo đuổi việc kháng cáo đến cùng, phải không?” “Ông nói đúng” – Nhân viên PA 38 trả lời rất ngắn gọn.

Ngoài việc tìm cách “giảng hoà” với các giáo sĩ nhằm tác động đến giáo dân, chính quyền cộng sản Hà Nội lại tìm cách triệt hạ tất cả những thành phần cổ suý cho việc giáo dân Thái Hà đi đến cùng vụ án mà nhà cầm quyền đã “lỡ tạo ra”. Điển hình là vụ trấn áp văn phòng luật sư pháp quyền của Luật sư Lê Trần Luật thời gian vừa qua. Nhiều nhà phân tích tình hình cho biết, mục đích nhà cầm quyền cộng sản thời gian qua tìm mọi cách triệt hạ bằng được văn phòng luật sư pháp quyền của Luật sư Lê Trân Luật cốt không phải là bịt miệng luật sư này trong phiên toà phúc thẩm ngày 27/3, nhưng là cắt đứt sự trợ giúp của ông đối với giáo dân Thái Hà trong tiến trình kiện tụng tới Toà án tối cao

Dù nhà nước cộng sản có cố tình ngăn chặn mọi “thế lực” ủng hộ giáo dân Thái Hà kháng cáo lên toà án tối cao, thì khả năng có kháng cáo hay không lại tuỳ thuộc trực tiếp và hoàn toàn vào quyết định của 8 bị cáo giáo dân Thái Hà. Hai trong số 8 giáo dân này đã trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn quốc tế RFI, RFA rằng họ đang tính đến chuyện kháng cáo lên cấp có thẩm quyền cao nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Đến giờ phút này, sau những ngày diễn ra phiên toà phúc thẩm, rõ ràng tinh thần của cộng đồng giáo dân Tổng giáo phận Hà Nội nói riêng, của tất cả những người yêu công lý và sự thật nói chung, vẫn còn rất phấn chấn với cuộc lướt thắng của công lý và sự thật trên thế lực bóng tối và gian dối. Nhiều người có lẽ đang nghĩ đến cuộc biểu dương thứ ba của ánh sáng công lý-sự thật trên bóng tối gian dối-xảo trá. Nhưng, một số vị lãnh đạo trong Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cho biết, phong trào công lý và sự thật trên đất nước này sẽ được hướng dẫn để đi vào chiều sâu của lòng người.
 
Phản ứng của các cơ quan truyền thông quốc tế về phiên tòa phúc thẩm - Phần I
Thúy Dung
16:40 29/03/2009
Một trò hề tư pháp trong đó những người dân hiền lành bị cả một hế thống quyền lực khổng lồ của các phương tiện truyền thông nhà nước, công an, du đãng, và tòa án xúm lại đánh hội đồng; và luật sự biện hộ cho họ bị bách hại công khai. Hệ thống truyền thông nhà nước tường thuật sai trái là các bị cáo đã “cúi đầu nhận tội” trong khi đó thực ra họ chẳng nhận tội gì cả và cứ nhất mực kêu oan và tiếp tục kháng cáo. Họ ra tòa ăn mặc rất đẹp và lịch sự. Họ chứng tỏ cho quan tòa thấy họ không tiêu cực coi mình là các bị cáo xin xỏ ân huệ của tòa án và đảng cầm quyền nhưng họ khẳng định vai trò tích cực của mình là những người đấu tranh cho công lý và sự thật. Một Giáo Hội hiệp thông và liên đới thể hiện nơi việc hàng ngàn người đã tập trung biểu tình và cầu nguyện trước tòa, và các buổi cầu nguyện hiệp thông diễn ra tại các giáo phận. Trên đây là nhận định của các cơ quan truyền thông Công Giáo trên thế giới về phiên tòa vừa diễn ra hôm 27/3 tại Hà Đông – Hà Nội.

Không phải ngẫu nhiên mà cả phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều đã diễn ra vào ngày thứ Sáu khi hầu hết các thông tấn xã trên thế giới bắt đầu các ngày nghỉ cuối tuần. Dụng ý dễ thấy của nhà cầm quyền Việt Nam là để các tin tức liên quan đến phiên tòa không còn mang tính thời sự thu hút chú ý của công luận vào ngày thứ Hai của tuần lễ kế tiếp khi các cơ quan truyền thông thế giới hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, một phiên tòa hy hữu với các bị cáo là những người hiền lành đang bị cả một hế thống quyền lực khổng lồ của các phương tiện truyền thông nhà nước, công an, du đãng, và tòa án xúm lại đánh hội đồng; và với luật sự biện hộ cho họ bị bách hại công khai bằng hàng loạt những trò câu lưu, khám xét, cản trở đi lại, đóng cửa văn phòng, tước bằng hành nghề... đã thu hút sự chú ý của công luận thế giới và các phương tiện truyền thông thế giới trước, trong và lập tức ngay sau phiên tòa.

Nhiều tuần lễ trước phiên tòa, các bản tin tiếng Ý, tiếng Anh, tiếng Hoa của thông tấn xã Công Giáo Asia-News; các bản tin tiếng Đức và tiếng Pháp của Zenit, các bản tin tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh của Catholic News Agency và Catholic World News; và tiếng Pháp của Eglises d'Asie đã liên tục cảnh cáo về nguy cơ các nạn nhân ở Thái Hà bị tước mất quyền được luật sự biện hộ trong một trình tự pháp lý công bằng và đúng luật.

Thông tấn xã Asia-News trong bản tin đánh đi ngày 26/3, một ngày trước phiên tòa, cho biết “Nhà cầm quyền Việt Nam đang tiến hành một chiến dịch bách hại nhắm vào vị luật sư đại diện cho các bị cáo Công Giáo, bao gồm câu lưu, khám xét, thẩm vấn, đe dọa qua đường điện thoại, cấm di chuyển đến Hànội nơi vụ xử sắp xảy ra, tước bằng hành nghề. Đồng thời, hệ thống truyền thông cũng tiến hành một loạt các chiến dịch vu cáo nhắm vào tư cách cá nhân và tư cách nghề nghiệp của luật sư này.”

Thông tấn xã KAI của Công Giáo Ba Lan, trích tin của Zenit và Eglises d'Asie đã kêu gọi Giáo Hội tại nước này cầu nguyện cho các anh chị em tại Thái Hà và Giáo Hội tại Việt Nam như một nghĩa cử hiệp thông và liên đới trong Mùa Chay.

Trích thuật các nguồn tin của Reuters, AFP, và AP tờ StraightTimes của Singapore cũng bày tỏ quan ngại về tính công minh của phiên tòa trước những tấn công nhắm vào luật sư Luật của các báo lớn tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và cho biết văn phòng của ông đã bị nhà cầm quyền đóng cửa.

Nhân dịp này chúng tôi xin mời quý vị nghe trích đoạn ghi âm hôm 23 tháng 3 cho thấy phản ứng của anh chị em giáo dân Thái Hà khi các viên chức Tòa Án Hà Nội báo cho họ biết là luật sư Luật có thể sẽ vắng mặt trong phiên tòa phúc thẩm.

Một điều lạ lùng nữa cho thấy sự khuất tất của Tòa Án Nhân Dân Hà Nội là các viên chức tòa án đã rất ngại ngùng không muốn giao biên bản làm việc của họ với anh chị em giáo dân Thái Hà dẫn đến những tranh cãi gay gắt giữa hai bên.
 
Bài giảng thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cho giáo dân Thái Hà - DCCT Saigon 29.3.0
Lm Trịnh Ngọc Hiên dcct
17:34 29/03/2009
Kính thưa Ông Bà và Anh Chị Em thân mến,

Chiều ngày 26 tháng 3 trước ngày xử án, chúng ta được mời gọi đến đây để cầu nguyện cho anh chị em chúng ta ở Thái Hà, cầu nguyện cho công lý, cho sự thật được thể hiện trên quê hương đất nước Việt Nam. Hôm nay sau ngày xử án chúng ta lại họp nhau đây để tạ ơn Chúa. Có người thắc mắc đặt câu hỏi: “bị xử y án là bản án như khi xử ở toà sơ thẩm thì tạ ơn làm gì ? y án là thua rồi còn gì nữa mà tạ ơn?”.

Kính thưa Ông Bà và Anh Chị Em,

Vâng, đó là quan niệm thường tình mới chỉ nhìn mà không thấy, mới chỉ nghe mà không hiểu. Đó chỉ là cái lý lẽ của kẻ suy xét theo được thua, thành bại của người đời, của thế gian. Còn chúng ta, chúng ta không nói được thua ở đây. Chúng ta có chân lý, chúng ta có sự thật thì chúng ta có đủ mọi lý lẽ, có dư đầy lý sự để mà tạ ơn Chúa. Nếu chúng ta cùng đồng hành với anh chị em Thái Hà, với giáo dân tổng giáo phận Hà Nội bước theo Chúa Giêsu lên đường tìm chân lý, tìm sự thật, thì chúng ta sẽ nhận ra từng bước những lý do để tạ ơn Chúa. Bài Tin Mừng hôm nay như chỉ cho chúng ta thấy những lý do để ta tạ ơn.

Lý do thứ nhất: Chúa Giêsu là dấu chỉ cho người ta tìm đến.

Trong bài Tin Mừng có nói đến những người Hy Lạp về Giêrusalem chầu lễ và họ khát khao muốn gặp Chúa Giêsu. Họ nói với ông Philipphê: “thưa ông, chúng tôi muốn gặp ông Giêsu.” (Ga 12,21). Chắc chắn những người này đã nghe biết về Chúa và giờ đây họ muốn mặt giáp mặt để chiêm ngưỡng, để thấy “đấng đã trở nên dấu lạ cho họ vì các điều kỳ diệu ngài đã làm”.

Qua màn ảnh vừa trình chiếu, chúng ta đã thấy gì ? không chỉ có 8 con người khao khát đi tìm chân lý, mà có thể tới 8.000 con người già có trẻ có, nối gót hỗ trợ cho anh chị em mình đi tìm sự thật. Cả đoàn người đông đảo ấy đi hầu toà, họ không lầm lũi bước đi, trái lại với cành vạn tuế trên tay, với bộ cánh đẹp nhất ngày đại lễ, đầu cao mắt sáng, miệng tươi nở nụ cười luôn vang lên lời ca hoà bình. Chính với thái độ không khiếp sợ trước những dùi cui, kẽm gai, rào sắt, họ hăng hái hồ hởi tiến bước trong trật tự trên quãng đường dài. Đoàn người ấy đã thành dấu chỉ cho bao người dân khác trên đường.

Tạ ơn Chúa là dấu chỉ của chân lý, của sự thật lôi kéo chúng con đến cùng Chúa.

Tạ ơn Chúa đã ban sức mạnh Thánh Thần làm cho anh chị em chúng con khi đi tìm chân lý được trở nên dấu chỉ hùng hồn cho niềm khát khao chân lý cho muôn người.

Lý do thứ hai: Chúa Giêsu loan báo niềm hy vọng lớn lao sau cuộc thương khó.

Chúa phán với các môn đệ: “Thật Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không thối đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu chết đi nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Chúa Giêsu là hạt giống thân linh gieo vào lòng đất nhân loại. Ngài đã bị đè bẹp, bị chôn vùi để cho một Hội Thánh các tín hữu đông đảo nảy sinh và phát triển rộng lớn cho đến tận cùng cõi đất.

8 anh chị em chúng ta đã bị kết án cách bất công, bị trù giập một cách vô lý. Trước mặt người đời xem như họ đã bị đè bẹp, bị nghiền nát, bị thất bại vì đi tìm công lý mà không đạt được mục đích. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Sự thật vẫn hiển nhiên chói lọi như ánh mặt trời. Lời tuyên án bất công vẫn không là tiếng nói cuối cùng. Không ai có thể lấy bàn tay che kín mặt trời. Sự thật mà 8 con người nhỏ bé này tìm kiếm tưởng rằng đã bị mai một đi, thì giờ đây hàng ngàn hàng vạn và có thể nói hàng triệu con người trên thế giới được biết tới. “Hạt giống có chết đi nó mới sinh nhiều hoa trái.” Đó là một điều xem ra nghịch lý song lại là một lý do nữa để chúng ta dâng lời tạ ơn Thiên Chúa”.

Lý do thứ 3: Tương lai hạnh phúc Chúa hứa cho những người theo Chúa.

Chúa nói: “Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài” (Ga 12,31). Giờ mà Chúa Giêsu nói ở đây là giờ Chúa bị xử án chết treo thập giá. Đối với Chúa giờ tử nạn lại chính là “giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 12,23). Bởi chính giờ đó Chúa Giêsu hoàn tất sứ mạng Chúa Cha trao phó để cứu chuộc nhân loại. Chúa Giêsu đã trở thành hy lễ dâng lên đẹp lòng Chúa Cha và là giá chuộc nhân loại. Đó là giờ Chúa Cha tôn vinh Người.

Giờ đó là giờ Chúa Giêsu bị thế gian xử án, thì ngược lại cũng là giờ thế gian bị xét xử và bị kết án vì tội ác của nó, vì đã lên án chết cho người vô tội, người công chính, người lành. Án xử dành cho thủ lãnh thế gian này là: “Bị tống ra ngoài”. Nó không còn được ở trong nhà Cha nữa mà phải vào nơi khốn nạn đời đời chỉ có khóc lóc và nghiến răng, nơi có lửa không hề tắt.

Giờ đó là giờ Chúa Giêsu bị treo trên thập giá. Chúa đã hứa với các môn đệ: “Một khi được giương cao lên khỏi mặt đất tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32). Chúa Giêsu được giương cao lên có nghĩa là Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào thập giá và được tôn vinh bên Chúa Cha, Chúa Giêsu cũng kéo chúng ta vào cuộc thương khó với Người để được vươn tới vinh quang nước trời.

Trở lại với phiên toà xử 8 anh chị em chúng ta. Một nhân chứng tại chỗ đã mô tả cho thấy thật tội nghiệp cho vị thẩm phán: chính ông mới là bị cáo trong phiên toà này với bộ mặt căng thẳng thểu não. còn 8 anh chị em chúng ta dù bị kết y án, nhưng khi ra khỏi toà đầu ngẩng cao, hân hoan đón nhận những đóa hoa chúc mừng.

Thưa ông bà và anh chị em tất cả những lý do đó không đủ để chúng ta chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ, tri ân Thiên Chúa chúng ta sao ?

Hãy tạ ơn Chúa đã cho chúng ta những anh chị em can đảm chịu khổ vì công lý.

Hãy tạ ơn Chúa vì anh chị em giáo dân Tổng Giáo Phận Hà Nội muôn người như một đã đồng tâm nhất trí yêu thương gắn bó với nhau đúng tinh thần gia đình của con một cha trên trời.

Hãy tạ ơn Chúa vì sự thật dù không được công nhận nhưng đã rạng ngời cho muôn người được biết tới.

Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa đã cho chúng ta họp nhau nơi đây để cùng anh chị em chúng ta cảm tạ ơn Chúa, để cùng được chung chia niềm hạnh phúc với anh chị em chúng ta.

Phần chúng ta những môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, hãy can đảm tiến bước theo Ngài trên con đường chân lý. Con đường kiếm tìm chân lý, như chúng ta thấy, vẫn là con đường thiên lý, đường dài ngàn dặm. Chính vì vậy ngày hôm nay chúng ta cùng nhau tạ ơn Chúa vì một đoạn đường dài đấu tranh đã qua, song tương lai trước mặt vẫn đang chờ ta. Hãy cùng với 8 anh chị em Thái Hà, với anh chị em của Tổng Giáo phận Hà Nội và bao nhiêu anh chị em khác trên toàn cõi Việt Nam này, chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho Công lý và Hoà Bình sớm trở về trên quê hương Việt Nam. Hãy lên đường hành động cho công lý, cho sự thật.

Mỗi người trong hoàn cảnh cụ thể của mình hãy làm việc cho Chúa, hãy luôn là những chứng nhân của chân lý để xứng đáng được hưởng lời Chúa hứa hôm nay: “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quí trọng người ấy” (Ga 12,26).
 
Cộng đồng dân Chúa Sài Gòn hoà mình vào bầu khí phiên toà phúc thẩm
CTV CSsR
18:58 29/03/2009
Hơn 3000 giáo dân Tổng giáo phận Sài Gòn đã tuốn về Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp DCCT để tham dự thánh lễ tạ ơn và thắp nến hiệp thông cầu nguyện với giáo dân giáo xứ Thái Hà chiều nay 29/3/2009. Mọi người như đang được hoà nhập vào thánh lễ tạ ơn của cộng đoàn dân Chúa thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội tại Hà Đông và Thái Hà buổi chiều phiên toà phúc thẩm. Bài hát “Mẹ ơi đoái thương xem nước Việt Nam” được cộng đoàn dân Chúa hát đi hát lại mãi, không biết đến lúc nào mới ngừng nghỉ.

Khởi đầu lễ tạ ơn, các hình ảnh của phiên toà phúc thẩm tại Hà Đông, Hà Nội hôm 27/3 được trình chiếu với lời thuyết minh của người dẫn lễ. Cả cộng đoàn đông đảo như được đắm chìm trong bầu khí hào hùng, sôi động của phiên toà phúc phẩm khi các đoạn video được trình chiếu. Những tràng pháo tay dường như không ngớt vang lên sau mỗi hình ảnh và đoạn video sống động được trình chiều. Tràng pháo tay dài nhất với những lời trầm trồ tưởng thưởng dành cho hình ảnh cậu bé đeo biểu ngữ sau lưng: “Ông cháu vô tội”. Cộng đoàn cũng nổ tràng pháo tay giòn giã khi được xem đoạn video về các chiến sỹ công lý hiên ngang bước ra khỏi cổng toà và hình ảnh một nicô đầu đội nón tay cầm biểu ngữ: “Sự Thật”, đứng giữa các bạn trẻ Công Giáo.

Chủ tế thánh lễ đặc biệt tối nay vẫn là vị đứng đầu của Tỉnh DCCT Việt Nam, Lm Vinhsơn Phạm Trung Thành. Đồng tế với ngài là 9 linh mục cùng Dòng. Bài ca nhập lễ “Hãy trỗi dậy hỡi ai ngủ mê” đã làm cho bầu khí thánh lễ trở nên sốt sắng và bừng bừng hào khí. Vị giảng thuyết hôm nay là Lm Giuse Trịnh Ngọc Hiên, Giám đốc Học viện DCCT Việt Nam, cũng là vị giảng thuyết của thánh lễ hiệp thông cầu nguyện chiều 26/3/2009. Trong bài giảng, ngài đề cập đến ba lý do mà cộng đoàn cần hiệp thông tạ ơn với giáo dân Thái Hà nói riêng và Tổng giáo phận Hà Nội nói chung. Cuối bài giảng, ngài nhấn mạnh: “Con đường kiếm tìm chân lý, như chúng ta thấy, vẫn là con đường thiên lý, đường dài ngàn dặm. Chính vì vậy ngày hôm nay chúng ta cùng nhau tạ ơn Chúa vì một đoạn đường dài đấu tranh đã qua, song tương lai trước mặt vẫn đang chờ ta. Hãy cùng với 8 anh chị em Thái Hà, với anh chị em của Tổng Giáo phận Hà Nội và bao nhiêu anh chị em khác trên toàn cõi Việt Nam này, chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho Công lý và Hoà Bình sớm trở về trên quê hương Việt Nam. Hãy lên đường hành động cho công lý, cho sự thật.”

Kết thúc thánh lễ, cộng đoàn thắp nến, hát Kinh Hoà Bình tiến ra hang đá Đức Mẹ. Vì lượng người quá đông, nên dương như chỉ những người ngồi trong nhà thờ mới có nến trên tay. Đoàn rước gồm thánh giá đèn hầu, ngay sau đó là cha Giảm Tỉnh, các linh mục đồng tế, các tu sĩ DCCT (ước chừng 7 chục), sau đó là giáo dân. Tất cả những người ngồi ngoài được mời gọi yên vị, trong khi những người ở trong nhà thờ tiến ra với cả ngàn ngọn nến lung linh.

Trước hang đá Đức Mẹ, cộng đoàn hát vang: “Mẹ ơi đoái thương xem nước Việt Nam, trời u ám, bất công lan tràn…” Lời ca tiếng hát át cả tiếng động cơ xe máy ồn ào ngoài phố Kỳ Đồng. Kết thúc buổi cầu nguyện tạ ơn, cha Giám Tỉnh ban phép lành cuối lễ và cảm ơn cộng đoàn dân Chúa đã đáp lời mời gọi của Tỉnh DCCT Việt Nam. Các linh mục, tu sĩ đã trở về Tu viện, nhưng đông đảo giáo dân vẫn lưu luyến, ở lại cầu nguyện trước hang đá Đức Mẹ. Lời ca “Mẹ ơi, đoái thương xem nước Việt Nam” vẫn còn được cộng đoàn ngâm nga, tưởng chừng như không dứt.