Ngày 29-03-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đồng bàn : Một dấu chỉ hiệp thông - yêu thương
Lm.Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:59 29/03/2016
ĐỒNG BÀN: MỘT DẤU CHỈ HIỆP THÔNG – YÊU THƯƠNG

(Thứ Năm trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh –Lc 24,35-48)

Các bản văn Tin Mừng tường thuật những lần Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra với các môn đệ thì Người dạy dỗ, đặc biệt là giải thích Thánh Kinh cho các ngài và truyền các ngài ra đi khắp tứ phương thiên hạ rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ngoài ra cần phải kể đến việc Người cùng đồng bàn với các ông. Tin Mừng Maccô, Luca và Gioan tường thuật ba lần Chúa đồng bàn với các vị. Chúa đồng bàn với hai môn đệ trên đường Emmau, đồng bàn với mười một môn đệ ở căn nhà Tiệc Ly và Người cùng ăn uống với một số môn đệ trên bờ hồ Tibêria.

Việc đồng bàn, nghĩa là cùng ăn uống chung nói lên sự hiệp thông, liên đới và chia sẻ trong tình yêu, một tình yêu xóa đi mọi ngăn cách phẩm vị. Trong quảng thời gian rao giảng Tin Mừng chính việc Chúa Giêsu đồng bàn với những người thu thuế và tội lỗi đã khiến cho nhiều người Biệt phái lấy làm khó chịu. Một vị tôn sư lỗi lạc trong lời nói và hành động, một người mà dân chúng tôn kính như là ngôn sứ thì không thể gần gũi và đồng bàn với đám tội nhân. Chúa Giêsu đã nói rõ cũng như việc thầy thuốc có ra không phải vì người mạnh khỏe mà vì những người đau yếu bệnh tật và cũng thế, Người đến không phải vì người công chính nhưng để kiếm tìm và cứu chữa những người tội lỗi (x.Mt 9,10-13).

Chúa đã sống lại. Người đang sống và muốn đồng bàn với chúng ta để tiếp tục yêu thương chúng ta trong tình hiệp thông và liên đới. Bí Tích Thánh Thể là một phương thế mà Người đã thiết lập để thực hiện điều ấy. Hiện diện trong Thánh Thể, Đấng Tử Nạn và Phục Sinh mời gọi chúng ta đến đồng bàn với Người để Người tiếp tục chịu nộp vì chúng ta, chịu đổ máu ra để chúng ta được tha thứ tội lỗi. Và dĩ nhiên phần chúng ta cũng phải noi gương Người làm việc ấy mà nhớ đến Người, nghĩa là tự nguyện đến và đồng bàn với tha nhân, nhất là những ai đang cần đến tình yêu hiệp thông liên đới.

Hình ảnh Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến đồng bàn với những người vô gia cư, nghèo khổ qua các cuộc công du đó đây, với tôi, là một dấu chỉ của Đấng Phục Sinh mãi đồng hành với nhân loại trong tình yêu liên đới và hiệp thông. Đồng bàn với người anh em bất hạnh, khốn khổ là một cách thế khơi gợi và củng có niềm tin vào Đấng Phục Sinh. Xưa nhiều người tội lỗi và bất hạnh không ngại ngần đến với Chúa Giêsu, thế mà không hiểu vì sao ngày nay, tại quê nhà nước Việt, trong các bữa cơm hay bữa tiệc vẫn còn đó rất nhiều người ngại ngần ngồi chung với các đấng bậc. Vì tâm lý chung là “kính nhi viễn chi” chăng hay còn lý do nào đó ? Dù lý do gì đi nữa thì nếu chưa có sự đồng bàn cách đích thực thì vẫn chưa có chút tấm lòng của những người muốn đồng phận với nhau trong tình liên đới. Và phải chăng vẫn còn đó hố ngăn cách phận vị thấp cao ?

Lm.Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giảng Thứ Sáu Tuần Thánh 2016 của cha Raneiro Cantalamessa trước Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma
J.B. Đặng Minh An dịch
20:37 29/03/2016
“Hãy làm hòa cùng Thiên Chúa”



Xem thêm các hình ảnh khác

Thiên Chúa.. qua Đức Kitô cho chúng ta được hoà giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hoà giải… Vậy, nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người. Vì được cộng tác với Thiên Chúa, chúng tôi khuyên nhủ anh em: anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu. Vì Chúa phán rằng: Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ. Vậy, đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ (2Cor 5: 18-6: 2)

Những lời này là từ thư thứ hai của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Corinto. Lời mời gọi này của vị tông đồ không nói về sự hòa giải lịch sử giữa Thiên Chúa và loài người (như chúng ta vừa nghe, đã xảy ra “nhờ Đức Kitô” trên thập giá); cũng không phải là sự hòa giải bí tích diễn ra trong bí tích Rửa Tội hay trong bí tích Hòa Giải, nhưng là sự hòa giải hiện sinh và cá vị cần được thực hiện trong hiện tại. Lời mời này được gửi đến các tín hữu Kitô đã được rửa tội sinh sống tại thành Corinto và đã thuộc về Giáo Hội trong một thời gian; vì thế lời mời gọi ấy cũng nhắm đến chúng ta. Và thời điểm thuận tiện hiện nay đối với chúng ta là Năm Thánh Lòng Thương Xót mà chúng ta đang sống.

Nhưng đâu là ý nghĩa của sự hoà giải này với Thiên Chúa trong chiều kích hiện sinh và tâm lý của nó? Một trong những căn nguyên, và có lẽ là căn nguyên chính, dẫn con người ngày nay tới sự xa lìa niềm tin tôn giáo là hình ảnh méo mó của họ về Thiên Chúa. Đâu là “tiên kiến” về Thiên Chúa trong tiềm thức của phần đông con người? Để tìm ra điều đó, chúng ta chỉ cần đặt ra câu hỏi này: “Những ý tưởng nào, những từ ngữ nào, những cảm giác nào tự phát xuất hiện trong đầu bạn khi bạn đọc những lời này trong Kinh Lạy Cha, ‘Xin cho ý Cha thể hiện’”?

Người ta thường đọc kinh này đầu cúi xuống trong một sự thoái lui nội tâm, chuẩn bị chính mình cho điều tệ hại nhất. Người ta liên kết một cách vô thức ý muốn của Thiên Chúa với mọi thứ không thoải mái và đau đớn; và với điều có thể được xem như là một cái gì đó huỷ diệt sự tự do và phát triển cá nhân. Đó là một điều gì đó như thể Thiên Chúa là kẻ thù của mọi tiệc tùng, niềm vui, và thú vui – một Thiên Chúa tra xét hà khắc.

Thiên Chúa được xem như một Hữu Thể Tuyệt Đối, một Đấng Toàn Năng, Chủ tể của thời gian và lịch sử, nghĩa là, một thực thể tự khẳng định mình trên mọi cá nhân từ bên ngoài; không một chi tiết nào của đời sống con người thoát khỏi thực thể ấy. Sự vi phạm lề luật do Ngài thiết đặt sẽ dứt khoát tạo ra một hỗn loạn đòi hỏi một sự sửa chữa cân xứng mà con người phàm trần biết rằng họ không thể thực hiện nổi. Đây là căn nguyên của sự sợ hãi và đôi khi tiềm tàng một sự thù hận ngược lại với Thiên Chúa. Đó là một vết tích của ý tưởng dân ngoại về Thiên Chúa chưa bao giờ được xoá bỏ hoàn toàn, và có lẽ chẳng thể nào xoá bỏ được, khỏi tâm hồn con người. Bi kịch Hy Lạp dựa trên khái niệm này: Thiên Chúa là Đấng can thiệp [vào đời sống con người] bằng sự trừng phạt thần linh nhằm tái lập lại trật tự đã bị phá vỡ bởi sự dữ.

Tất nhiên trong Kitô Giáo lòng thương xót của Thiên Chúa chẳng bao giờ bị xem thường! Nhưng nhiệm vụ của lòng thương xót chỉ là nhằm giảm bớt một chút những sự nghiêm khắc cần thiết của công lý. Đó là một ngoại lệ, chứ không phải là một quy tắc. Năm Thánh Lòng Thương Xót là một cơ hội bằng vàng để khôi phục lại hình ảnh của Thiên Chúa theo Kinh Thánh theo đó Ngài là Đấng không chỉ có lòng thương xót mà còn là lòng thương xót.

Sự khẳng định mạnh mẽ này dựa trên sự thật là “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8, 16). Chỉ trong Ba Ngôi, Thiên Chúa mới là tình yêu mà không phải là lòng thương xót. Chúa Cha yêu thương Chúa Con không phải là một ân sủng hay một sự nhân nhượng, đó là một sự cần thiết; Chúa Cha cần phải yêu để hiện hữu như là Cha. Chúa Con yêu Chúa Cha không phải là một lòng thương xót hay một ân sủng; đó là một sự cần thiết ngay cả khi điều ấy xảy ra với sự tự do tột độ nhất; Chúa Con cần phải được yêu thương và yêu thương để là Con. Điều tương tự có thể được nói về Chúa Thánh Thần Đấng là tình yêu như một ngôi vị.

Chính khi Thiên Chúa tạo thành trời đất và con người tự do trong đó, thì tình yêu, về phía Thiên Chúa, thôi không là bản chất nữa nhưng trở nên ân sủng. Tình yêu này là một sự nhân nhượng tự nguyện; nó là sự quảng đại, ân sủng và thương xót. Tội lỗi của nhân loại không làm thay đổi bản chất của tình yêu này nhưng làm cho tình yêu này biến thành một bước nhảy vọt về chất: lòng thương xót như là một ân ban giờ đây trở thành lòng thương xót như là sự tha thứ. Tình yêu từ việc là một ơn huệ đơn giản trở thành một tình yêu chịu đau khổ vì Thiên Chúa đau khổ khi tình yêu của Ngài bị khước từ. “ĐỨC CHÚA đã phán: ‘Ta đã nuôi nấng đàn con, cho chúng nên khôn lớn, nhưng chúng đã phản nghịch cùng Ta (Is 1:2). Hãy cứ hỏi những bậc cha mẹ là những người kinh qua sự khước từ của con cái họ liệu việc ấy có gây đau khổ hay không – hay nó là một trong những đau khổ dữ dội nhất trong cuộc đời.

* * *

Thế còn công lý của Thiên Chúa thì sao? Liệu nó có bị lãng quên hay bị xem thường không? Thánh Phaolô trả lời câu hỏi này một lần và cho tất cả. Thánh Tông Đồ bắt đầu lời lý giải của Ngài trong Thư Gửi Tín Hữu Rôma với tin này: “Giờ đây sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện” (Rm 3:21). Chúng ta có thể hỏi, kiểu công chính này là gì? Đó có phải là kiểu công chính “unicuique suum”, ai làm người nấy chịu, và thưởng phạt phân minh theo như việc họ làm không? Dĩ nhiên sẽ đến một lúc nào đó kiểu công chính thánh này được thể hiện và trao cho con người điều mà họ xứng đáng. Thực ra, trước đó không lâu trong Thư Rôma vị tông đồ viết rằng Thiên Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tùy theo việc họ làm; những ai kiên trì làm việc thiện để mưu tìm vinh quang, danh dự và phúc trường sinh bất tử, thì Thiên Chúa sẽ cho họ được sống đời đời; còn những ai ngạo mạn không vâng phục chân lý và chạy theo điều ác, thì Người sẽ nổi trận lôi đình, trút cơn thịnh nộ xuống đầu họ (2:6-8).

Nhưng Thánh Phaolô không nói về kiểu công lý này khi Ngài viết, “Giờ đây sự công chính của Thiên Chúa được thể hiện”. Kiểu công lý đầu tiên mà Ngài nói tới có liên hệ đến một biến cố tương lai, nhưng cái biến cố khác này đang diễn ra ngay “bây giờ”. Nếu không, thì lời tuyên bố của Thánh Phaolô sẽ là một khẳng định ngớ ngẩn trái ngược với các dữ kiện. Trên quan điểm về công lý phân minh, sẽ chẳng có thay đổi nào trong thế giới này với sự ngự đến của Đức Kitô. Jacques-Bénigne Bossuet nói rằng chúng ta tiếp tục thấy tội lỗi thường xuyên lên ngôi và người vô tội thì ở trên giàn giá. Nhưng chúng ta đừng nghĩ rằng, mặc dù thất thường, đời này đôi lúc vẫn có một số kiểu công lý và một số trật tự nào đó, làm cho điều ngược lại xảy ra, và người vô tội được lên ngôi còn kẻ tội lỗi thì ở trên giàn giá.[1] Ý tưởng mới do đức Kitô mang đến không chứa đựng ý nghĩa xã hội và lịch sử này. Chúng ta hãy nghe vị tông đồ nói:

Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban cách nhưng không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa đã đặt Người làm nơi xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin. Như vậy, Thiên Chúa cho thấy Người là Đấng Công Chính. Trước kia, trong thời Thiên Chúa nhẫn nại, Người đã bỏ qua các tội lỗi người ta phạm. Nhưng bây giờ, Người muốn cho thấy rằng Người vừa là Đấng Công Chính, vừa làm cho kẻ tin vào Đức Giêsu được nên công chính. (Rom 3:23-26)

Thiên Chúa bày tỏ sự công chính và công lý của Ngài bằng việc có lòng thương xót! Đây là một mạc khải lớn. Vị tông đồ nói Thiên Chúa “là công minh và công chính”, nghĩa là, Ngài công minh với chính mình khi Ngài công chính hoá nhân loại; Ngài thực ra là tình yêu và lòng xót thương, vì lý do ấy mà Ngài công minh đối với chính mình – vì Ngài thực sự cho thấy Ngài là ai – khi Ngài có lòng thương xót.

Nhưng chúng ta không thể hiểu gì về điều này nếu chúng ta không biết chính xác thành ngữ “sự công chính của Thiên Chúa” có nghĩa là gì. Có một mối nguy này, là người ta có thể nghe về sự công chính của Thiên Chúa mà không biết ý nghĩa của điều đó, cho nên, thay vì được khích lệ thì họ lại đâm ra sợ hãi. Thánh Augustinô đã giải thích ý nghĩa của thành ngữ này một cách rõ ràng nhiều thế kỷ trước: “‘Sự công chính của Thiên Chúa’ là điều mà qua đó chúng ta được trở nên công chính, cũng như ‘ơn cứu độ của Thiên Chúa’ [x. Tv 3:8] có nghĩa là ơn cứu độ mà qua đó Ngài cứu chúng ta”.[2] Nói cách khác, sự công chính của Thiên Chúa là điều mà qua đó Thiên Chúa làm cho những người tin vào Con của Ngài là Chúa Giêsu trở nên là những người mà Ngài có thể chấp nhận được. Không phải là thực thi công lý nhưng là làm cho người ta nên công chính.

Luther xứng đáng được tuyên dương vì mang sự thật này trở lại khi ý nghĩa của nó đã bị phôi pha qua nhiều thế kỷ, ít nhất là trong việc rao giảng Kitô Giáo, và đây là điều trên hết Kitô Giáo mắc nợ cuộc Cải Cách, sẽ được kỷ niệm 500 năm vào năm tới. Nhà cải cách sau này viết rằng khi ông khám phá ra điều này, “Tôi cảm thấy tôi hoàn toàn được tái sinh lần nữa và đã đi vào chính thiên đàng qua những cánh cửa mở”.[3] Nhưng cả Thánh Augustinô lẫn Luther đều đã không phải là những người đầu tiên giải thích khái niệm “sự công chính của Thiên Chúa” như thế; Kinh Thánh đã thực hiện điều đó từ lâu:

Nhưng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, đã biểu lộ lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Người đối với nhân loại. Không phải vì tự sức mình chúng ta đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới (Titô 3:4-5).

Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ! (x. Ep 2:4-5).

Do đó, nói rằng “sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện” thì giống như nói rằng sự tốt lành của Thiên Chúa, tình yêu của Ngài, lòng thương xót của Ngài, đã được tỏ lộ. Công lý của Thiên Chúa không những không mâu thuẫn với lòng thương xót của Ngài nhưng chứa đựng chính xác nơi lòng thương xót!

* * *

Điều gì đã xảy ra trên thập giá quan trọng đến nỗi giải thích được sự thay đổi triệt để trong số phận của nhân loại? Trong tập sách của Ngài về Giêsu thành Nagiarét, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 viết, “Điều vốn dĩ là sai, đó là thực tại về sự dữ, không thể chỉ đơn giản là lờ đi; không thể để nó như thế được. Nó phải được giải quyết; nó phải được khắc phục. Chỉ điều này mới có thể xem là lòng thương xót đích thực. Và sự kiện là Thiên Chúa giờ đây tự mình đương đầu với sự dữ bởi vì con người không thể đối phó nổi – chính điều đó cho thấy sự tốt lành ‘vô điều kiện’ của Thiên Chúa”.[4]

Thiên Chúa không hài lòng với việc đơn thuần tha thứ tội lỗi của con người; Ngài đã đi xa vô hạn hơn điều ấy: Ngài đã gánh lấy những tội lỗi này lên chính bản thân Ngài, Ngài tự mình gánh lấy những tội lệ đó. Thánh Phaolô nói Con Thiên Chúa “đã trở nên tội lỗi vì chúng ta”. Thật là một tuyên bố gây bàng hoàng! Ở thời Trung Cổ, một số người thấy thật khó để tin rằng Thiên Chúa lại đòi hỏi cái chết của Con Ngài để hoà giải thế giới với chính Ngài. Thánh Bênađô đã trả lời cho điều này khi nói, “Điều làm hài lòng Thiên Chúa không phải là cái chết của Đức Kitô mà là ý chí tự nguyện hy sinh của Đức Kitô”: ”Non mors placuit sed voluntas sponte morientis.”[5] Do đó, không phải là sự chết, mà là tình yêu cứu chúng ta!

Tình yêu của Thiên Chúa chạm tới nhân loại ở điểm xa nhất lèo lái họ trong cuộc chạy trốn khỏi Ngài, là sự chết. Cái chết của Đức Kitô cần thiết để thể hiện cho mọi người thấy bằng chứng tối thượng về lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho các tội nhân. Đó là lý do vì sao mà cái chết của Ngài không có cả chút riêng tư nhất định nào nhưng xảy ra trong khung cảnh là giữa cái chết của hai tên trộm. Ngài muốn vẫn là một người bạn với các tội nhân cho đến tận cùng, vì thế mà Ngài chết giống như họ và cùng với họ.

* * *

Đã đến lúc chúng ta cần nhận thức rằng đối nghịch với lòng thương xót không phải là công lý nhưng là sự trả thù. Chúa Giêsu không đặt lòng thương xót đối kháng với công lý nhưng là đối kháng với luật trả thù trả oán: “mắt đền mắt, răng đền răng” (Xh 21:24). Trong khi tha thứ cho các tội nhân, Thiên Chúa không chối bỏ công lý nhưng Ngài chống lại sự trả thù; Ngài không muốn cái chết của tội nhân nhưng muốn người ấy hoán cải và được sống (x. Ed 18:23). Trên thập giá, Chúa Giêsu không xin Cha Ngài báo thù cho mình.

Lòng thù hận và sự tàn bạo của các cuộc tấn công khủng bố trong tuần này ở Brussels giúp chúng ta hiểu được quyền năng chí thánh trong những lời sau cùng này của Đức Kitô: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:24). Lòng thù hận của con người có đi xa đến đâu, thì tình yêu của Thiên Chúa vẫn luôn luôn có ở đó, và sẽ lớn lao hơn. Trong những hoàn cảnh như hiện tại, lời hô hào của Thánh Phaolô đang được nói với chúng ta: “Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12:21).

Chúng ta cần phải tái diễn giải và loại bỏ tính thần bí trong sự trả thù! Nó đã trở nên một chủ đề ma thuật thịnh hành có ảnh hưởng trên mọi sự và mọi người, bắt đầu từ trẻ em. Đa số các câu chuyện mà chúng ta thấy trên màn ảnh và trong các trò chơi điện tử là những câu chuyện về sự trả thù báo oán, đôi khi được coi như là một chiến thắng của một người hùng tốt lành. Một nửa, nếu không muốn nói là nhiều hơn, những đau khổ trong thế giới này (trừ những thiên tai và bệnh tật) xuất phát từ lòng khao khát trả thù, vì các tương quan cá nhân hay giữa các dân nước với nhau.

Người ta nói rằng “Vẻ đẹp sẽ cứu thế giới”.[6] Nhưng vẻ đẹp, như chúng ta biết rất rõ, cũng có thể dẫn đến tàn phá. Chỉ có một điều có thể thực sự cứu thế giới, đó là lòng thương xót! Lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người và lòng thương xót của con người dành cho nhau. Đặc biệt, nó có thể cứu vãn điều quý giá nhất và mong manh nhất trong thế giới ngày nay là hôn nhân và gia đình.

Một điều gì đó tương tự đang xảy ra trong hôn nhân như đã xảy ra trong mối quan hệ giữa Thiên Chúa và nhân loại mà thực ra Kinh Thánh đã mô tả qua hình ảnh tiệc cưới. Ngay từ khởi đầu, như tôi đã nói, có tình yêu, không có lòng thương xót. Lòng thương xót xuất hiện chỉ sau khi con người phạm tội. Trong hôn nhân cũng thế, ban đầu không có lòng thương xót mà chỉ có tình yêu. Người ta không cưới nhau vì lòng thương xót mà vì tình yêu. Nhưng rồi, sau nhiều năm tháng sống chung với nhau, các giới hạn của từng người phối ngẫu lộ ra, cùng với việc nảy sinh các vấn đề về sức khoẻ, tài chính, và con cái. Một thủ tục được khởi động cuốn sạch hết mọi niềm vui.

Điều có thể cứu một cuộc hôn nhân khỏi tuột dốc không còn chút hy vọng nào có thể quay trở lại là lòng thương xót, được hiểu theo nghĩa kinh thánh, đó là, không chỉ tha thứ cho nhau mà thôi, nhưng những người phối ngẫu cần hành động với “lòng thương cảm, tử tế, khiêm nhường, hiền lành và nhẫn nại” (Cl 3:12). Lòng thương xót thêm bác ái vào tình ái, nó thêm vào tình ái một tình yêu trao ban chính bản thân cho nhau, và thêm vào lòng thương cảm cho tình yêu mà họ trân quý. Thiên Chúa “thương hại” con người (x. Tv 102:13). Do đó, lẽ nào một người chồng và một người vợ lại không biết tội nghiệp nhau? Và những người như chúng ta đang sống trong một cộng đồng, lẽ nào chúng ta lại không biết thương mến nhau thay vì kết án lẫn nhau?

Chúng ta hãy cầu nguyện. Lạy Cha Trên Trời, nhờ công nghiệp của Con Cha trên thập giá Đấng “đã trở nên tội lỗi vì chúng con” (x. 2 Cr 5:21), xin gỡ bỏ mọi lòng ao ước trả thù báo oán khỏi tâm hồn của các cá nhân, gia đình, quốc gia, và làm cho chúng con biết yêu với lòng thương xót. Xin để cho ý định của Đức Thánh Cha trong việc công bố Năm Thương Xót này được đón nhận bằng một sự đáp trả cụ thể trong đời sống của chúng con, và xin cho mọi người cảm nghiệm được niềm vui được hoà giải với Cha trong thẳm sâu tâm hồn. Amen!



[1] Xem Jacques-Bénigne Bossuet, “Sermon sur la Providence” (1662), in Oeuvres de Bossuet, eds. B. Velat and Y. Champailler (Paris: Pléiade, 1961), p. 1062.

[2] Xem St. Augustine, The Spirit and the Letter, 32, 56, in Augustine: Later Works, trans. and intro. John Burnaby (Philadelphia: Westminster Press, 1955), p. 241; see also PL 44, p. 237.

[3] Martin Luther, Preface to Latin Writings, in Luther’s Works, vol. 34 (Philadelphia: Fortress Press, 1960), p. 337.

[4] Joseph Ratzinger [Benedict XVI], Jesus of Nazareth, Part II (San Francisco: Ignatius Press, 2011), p. 133.

[5] St. Bernard of Clairvaux, Letter 190, “Against the Errors of Abelard,” in Anthony N. S. Lane, Theologian of the Cross (Collegeville, MN: Liturgical Press, 2013), pp. 201-202. See also PL 182, p. 1070.

[6] Fyodor Dostoevsky, The Idiot, III, 5, trans. Henry and Olga Carlisle (New York: New American Library, 1969), p. 402.
 
Chúa Kitô Phục Sinh, lòng thương xót Chúa hoạt động trong lịch sử Giáo Hội
Bùi Hữu Thư
08:47 29/03/2016
Vatican 28/3/2016
Lời Đức Thánh Cha trước Kinh Nữ Vương Thiên Đàng

Chào các bạn thân mến,

Vào ngày thứ hai tuần bát nhật Phục Sinh còn được gọi là “Thứ Hai của Thiên Thần”, trái tim chúng ta vẫn còn tràn đầy niềm vui Phục Sinh.

Sau thời gian Mùa Chay, là thời kỳ xám hối và hoán cải, Giáo Hội đã sống sốt sắng đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, sau khi cử hành Tam Nhật Thánh, hôm nay chúng ta đứng trước ngôi mộ Chúa Giêsu trống rỗng, và chúng ta suy niệm một cách kinh ngạc và biết ơn về mầu nhiệm cao cả của việc Chúa Phục Sinh.

Sự sống đã chiến thắng sự chết! Lòng thương xót và tình yêu đã chiến thắng tội lỗi. Chúng ta cần có đức tin và niềm hy vọng để mở lòng trước chân trời mới và huy hoàng này.

Hãy để cho chúng ta bị xâm chiếm bới các cảm xúc đang vang dội trong Mùa Phục Sinh: “Phải, chúng ta chắc chắn rằng Chúa Kitô đã thực sự sống lại!”

Chân lý này đánh dấu đời sống của các môn đệ Chúa, sau khi Chúa sống lại, họ lại cảm thấy cần phải đi theo Thầy, và sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, họ đã ra đi, không sợ hãi, và loan truyền cho tất cả mọi người những gì chính họ đã thấy và đã có kinh nghiệm bản thân.

Trong Năm Thánh này, chúng ta được mời gọi để tái khám phá và tiếp nhận với lòng sốt sắng đặc biệt lời loan báo khích lệ về việc Chúa phục sinh: “Chúa Kitô, niềm hy vọng của tôi đã sống lại!”

Nếu Đức Kitô đã sống lại, chúng ta có thể coi mỗi biến cố trong đời, dù bi thảm đến đâu, với con mắt và trái tim đổi mới. Những giây phút tối tăm, thất bại, và tội lỗi có thể được biến đổi và loan báo một con đường mới. Khi chúng ta đã xuống tới tận cùng đáy sâu của đau khổ, và của sự yếu đuối, Đức Kitô sống lại sẽ ban cho chúng ta sức mạnh để trỗi dậy. Nếu chúng ta trông cậy nơi Chúa, thì ân sủng của Người sẽ giải cứu chúng ta! Chúa bị đóng đanh và sống lại là sự mạc khải toàn vẹn của lòng thương xót, hiện diện và hoạt động trong lịch sử.Đây là sứ điệp Phục Sinh vẫn còn vang vọng ngày nay trong suốt Mùa Phục Sinh và cho đến Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

Mẹ Maria đã là chứng nhân thầm lặng của các biến cố của cuộc khồ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu. Mẹ đã đứng bên thập giá: Mẹ đã không qụy ngã trước sự đau đớn, vì đức tin của Mẹ đã khiến cho Mẹ vững mạnh. Trong trái tim của người mẹ bị xé nát, vẫn luôn rực cháy ngọn lửa hy vọng.

Chúng ta hãy xin Mẹ giúp chúng ta cũng đón nhận toàn vẹn lời loan báo Phục Sinh, để du nhập trong cụ thể của đời sống hàng ngày. Xin Mẹ Maria Đồng Trinh ban cho chúng ta sự xác tín rằng mỗi bước chân chịu đau khổ trên đường đời đều được soi sáng bởi ánh sáng Phục Sinh, đều trở nên sự chúc lành và niềm vui cho chúng ta và cho kẻ khác, nhất là những ai đang đau khổ vì người đời ích kỷ và dửng dưng.

Chúng ta hãy khẩn cầu Mẹ với niềm tin cậy sốt mến, qua kinh Nữ Vương Thiên Đàng, Lời kinh thay thế Kinh Truyền tin trong suốt Mùa phục Sinh.
 
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ Truyền Dầu Thứ Năm Tuần Thánh
J.B. Đặng Minh An dịch
21:09 29/03/2016
Xem thêm các hình ảnh khác

Sau khi nghe Chúa Giêsu đọc một đoạn từ Tiên Tri Isaia và nói: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” (Lc 4:21), cộng đoàn trong hội đường Nazareth lẽ ra đã phải vỗ tay nồng nhiệt. Họ lẽ ra phải khóc vì vui mừng, như khi xưa dân chúng nghe các tư tế Nehemiah và Ezra đọc từ cuốn sách Luật được tìm thấy khi họ đang xây dựng lại các bức tường. Nhưng Phúc Âm cho chúng ta biết rằng người dân ở quê hương Đức Giêsu đã làm ngược lại; họ đóng cửa con tim mình, và xua đuổi Người. Lúc đầu, “mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người” (4:22). Nhưng sau đó một câu hỏi xảo quyệt bắt đầu được lan truyền: “Đây không phải là con trai của ông Giuse, người thợ mộc đó sao?” (4:22). Và sau đó, “họ đầy thịnh nộ” (4:28). Họ muốn xô ngài xuống vực sâu. Điều này ứng nghiệm lời tiên tri của ông Simeon nói với Đức Trinh Nữ Maria rằng Ngài sẽ là “dấu hiệu cho người đời chống báng” (2:34). Bằng lời nói và hành động của mình, Chúa Giêsu vạch trần những bí mật trong con tim mỗi người nam nữ.

Nơi Chúa loan báo Tin Mừng về lòng thương xót vô điều kiện của Chúa Cha cho những người nghèo, những người bị ruồng bỏ và bị áp bức, thì đó cũng chính là nơi chúng ta được kêu gọi hãy đứng dậy, để “thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp vì đức tin” (1 Tim 6:12). Trận chiến của Ngài không phải là nhằm chống lại con người, nhưng là chống lại ma quỷ (Eph 6:12), là kẻ thù của nhân loại. Chúa “đi qua giữa” tất cả những ai muốn ngăn chặn Ngài và “tiếp tục con đường của mình” (Lc 4:30). Chúa Giêsu không đấu tranh để xây dựng quyền lực. Nếu Ngài phá vỡ những bức tường và thách đố cảm thức của chúng ta về an ninh, Ngài làm điều đó để mở cửa cho cơn lũ lòng thương xót mà, với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, Ngài muốn tuôn đổ trên thế giới chúng ta. Một lòng thương xót ngày càng lan rộng; công bố và mang lại sự mới mẻ; chữa lành, giải thoát và công bố một năm hồng ân của Chúa.

Lòng thương xót của Thiên Chúa chúng ta là vô hạn và không thể diễn tả nổi. Chúng ta diễn đạt sức mạnh của mầu nhiệm này như một lòng thương xót “ngày càng to lớn hơn nữa”, một lòng thương xót đang chuyển động, một lòng thương xót mỗi ngày đều tìm cách tiến lên, từng bước tiến về phía trước đến những miền hoang vu, nơi thờ ơ và bạo lực đã ngự trị.

Người Samaritanô Nhân Hậu “đã thể hiện lòng thương xót” (x. Lc 10:37) như thế này: ông động lòng thương, đến gần người đàn ông bất tỉnh, băng bó các vết thương của người ấy, đưa ông ta đến quán trọ, qua đêm ở đó và hứa sẽ trở về và trả bất kì một khoản phí nào khác. Đây là đường lối của lòng thương xót, đó là bao gồm những cử chỉ tinh tế. Không hề giản lược, có thể nói lòng thương xót lớn lên với mỗi một dấu chỉ và hành động hiệu quả của tình yêu. Mỗi người chúng ta, khi nhìn vào những gì Chúa thực hiện trong chính cuộc đời mình, có thể cố nhớ lại Thiên Chúa đã xót thương chúng ta ra sao, Ngài đã xót thương nhiều hơn so với chúng ta nghĩ biết bao. Như thế, chúng ta có được can đảm để xin Ngài thực hiện một bước xa hơn và tỏ lộ nhiều hơn nữa lòng thương xót của Ngài trong tương lai: “Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con, lòng thương xót của Ngài” (Tv 85:8). Cái lối cầu nguyện ngược ngạo trước Thiên Chúa đã hằng luôn xót thương ngày càng nhiều hơn nữa này sẽ giúp chúng ta đạp đổ được những bức tường xây nên để cố hạn chế sự cao cả phong phú của tâm hồn Ngài. Thật là tốt lành cho chúng ta khi biết phá đổ những thành kiến của chúng ta, vì điều ấy phù hợp với Thánh Tâm của Thiên Chúa muốn tuôn đổ tràn đầy bằng sự dịu dàng, ngày càng nhiều hơn nữa những ân ban. Vì Thiên Chúa yêu thích một điều gì đó bị lãng phí hơn là một giọt lòng thương xót bị chặn lại. Ngài thích có nhiều hạt giống được chim trời lấy đi hơn là một hạt giống bị sót lại, bởi vì mỗi một trong những hạt giống này đều có khả năng để sinh hoa trái dồi dào, hạt ba mươi, hạt sáu mươi, cả một trăm nữa.

Trong tư cách là tư tế, chúng ta là những chứng nhân và là những thừa tác viên của sự giàu có ngày càng dư dật của lòng thương xót của Chúa Cha; liên quan đến lòng thương xót nhập thể chúng ta có nghĩa vụ trao ban và an ủi, như Chúa Giêsu đã thực hiện, Đấng “đi tới đâu thì thi ân giáng phúc và chữa lành” (Cv 10:38) bằng hàng ngàn cách để lòng thương xót chạm được đến mọi người. Chúng ta có thể giúp hội nhập lòng thương xót, để mỗi người có thể đón nhận và cảm nghiệm lòng thương xót một cách cá vị. Điều này sẽ giúp tất cả dân chúng thực sự hiểu rõ và thực thi lòng thương xót một cách sáng tạo, bằng nhiều cách phù hợp với các nền văn hoá địa phương và các gia đình.

Hôm nay, trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh này của Năm Thánh Lòng Thương Xót, tôi muốn nói về hai lãnh vực mà trong đó Thiên Chúa thể hiện hào phóng lòng thương xót. Noi gương Ngài, chúng ta cũng không được chần chừ trong việc thể hiện sự hào phóng này. Lãnh vực đầu tiên tôi nói tới là sự gặp gỡ; lãnh vực thứ hai là sự tha thứ của Thiên Chúa, là điều làm cho chúng ta xấu hổ nhưng cũng mang lại cho chúng ta phẩm giá.

Lãnh vực đầu tiên mà chúng ta thấy Thiên Chúa thể hiện hào phóng lòng thương xót không ngừng nhiều hơn gấp bội của Ngài là sự gặp gỡ. Ngài trao ban chính Ngài hoàn toàn trong một cách thế khiến cho mọi cuộc gặp gỡ đều dẫn đến vui mừng. Trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu chúng ta kinh ngạc khi thấy người cha chạy ra với người con, xúc động sâu sắc, và ôm lấy anh; chúng ta thấy cách ông ôm lấy cậu con trai, hôn cậu, xỏ nhẩn vào tay cậu, và rồi đưa giày cho cậu, qua đó cho thấy rằng cậu là con trai của ông chứ không phải là một người tôi tớ. Sau cùng, ông ra lệnh cho mọi người tổ chức tiệc mừng. Trong khi chiêm ngắm đầy ngỡ ngàng sự phong phú siêu đẳng của niềm vui nơi Người Cha òa ra không kềm chế khi con trai ông trở về, chúng ta đừng sợ hãi cường điệu hoá lòng tri ân của chúng ta. Thái độ của chúng ta phải là thái độ của người phong cùi nghèo khổ khi thấy mình được chữa lành, đã bỏ chín người bạn đang ra đi làm theo điều Chúa Giêsu truyền cho họ, mà quay lại để quì ở dưới chân Chúa, lớn tiếng tôn vinh và tạ ơn Thiên Chúa.

Lòng thương xót khôi phục mọi sự; nó khôi phục phẩm giá mỗi người. Thành ra lòng hân hoan biết ơn là một sự đáp trả thích hợp: chúng ta phải đi dự tiệc, mặc trang phục đẹp nhất, loại bỏ sự thù hận của người anh cả, để vui mừng và tạ ơn... Chỉ như vậy khi tham dự đầy đủ vào niềm vui mừng như thế, chúng ta mới dám thẳng thắn cầu xin sự tha thứ, và thấy rõ hơn cách đền bù những tội lỗi chúng ta đã phạm. Thật tốt lành để tự hỏi lại bản thân mình: sau khi đi xưng tội, tôi có vui không? Hay tôi lại ngay lập tức tiếp tục làm điều kế tiếp, như chúng ta thường hành động sau khi đi khám bác sĩ, khi chúng ta nghe thấy rằng kết quả xét nghiệm không quá tồi tệ và nhét chúng lại trong phong bì? Và khi tôi làm việc bố thí, tôi có dành thời gian cho người nhận của bố thí đó để họ thể hiện lòng biết ơn không, tôi có vui mừng với nụ cười và lời cầu chúc người nghèo tặng lại cho tôi không, hay tôi tiếp tục vội vã với những công việc của mình sau khi đã thẩy ra một đồng tiền?

Lãnh vực thứ hai mà trong đó chúng ta thấy Thiên Chúa hào phóng lòng thương xót không ngừng lớn hơn của Ngài là chính sự tha thứ. Thiên Chúa không chỉ tha thứ các món nợ không trả nổi, khi Ngài tha nợ cho một người tôi tớ là người cầu xin lòng thương xót nhưng rồi lại xử tệ với chính người mang nợ anh; Ngài cũng giúp chúng ta tiến thẳng từ tình trạng bất nghĩa đáng xấu hổ nhất tới phẩm giá cao nhất mà không cần trải qua những giai đoạn trung gian. Chúa để cho người phụ nữ đã được tha thứ rửa chân Ngài bằng nước mắt của cô. Ngay khi Simon thú nhận tội lỗi của ông và xin Chúa Giêsu xa lánh ông, Chúa đã nâng ông lên thành người chài lưới người. Tuy nhiên, chúng ta có xu hướng phân biệt hai thái độ này: khi chúng ta xấu hổ về tội lỗi của mình, chúng ta che đậy chính bản thân chúng ta và cúi đầu đi quanh lầm lũi, giống như ông Adong và bà Evà; nhưng khi chúng ta được nâng lên phẩm giá nào đấy, thì chúng ta nỗ lực che đậy tội lỗi của chúng ta và lấy làm vui trong việc được người chiêm ngưỡng, tới độ khoe khoang.

Sự đáp trả của chúng ta trước sự tha thứ quá dư dật của Thiên Chúa phải luôn luôn duy trì sự căng thẳng lành mạnh giữa một sự xấu hổ có phẩm giá và một phẩm giá đáng xấu hổ. Đó là một thái độ của người tìm kiếm một vị trí khiêm tốn và thấp hèn, nhưng cũng là người có thể để cho Thiên Chúa vực mình dậy vì thiện ích của một sứ vụ, mà không tự mãn. Khuôn mẫu mà Tin Mừng xiển dương, và là điều có thể giúp chúng ta khi chúng ta xưng thú tội lỗi của mình, là Phêrô, là người đã để cho chính bản thân mình được chất vấn về tình yêu của ông dành cho Chúa, nhưng cũng là người lặp lại lời chấp nhận sứ vụ chăn dắt đoàn chiên Chúa đã uỷ thác cho ông.

Trưỏng thành trong “phẩm giá biết tự hạ mình” này, và tránh nghĩ rằng chúng ta cao sang hơn hay thấp hèn hơn giá trị của mình như ân sủng Chúa ban, có thể giúp chúng ta thấu hiểu những lời của tiên tri Isaia tiếp ngay sau đoạn mà Chúa đã đọc trong hội đường tại Nagiarét: “anh em sẽ được gọi là tư tế của ĐỨC CHÚA" (Is 61:6). Thiên Chúa biến đổi thành một dân tư tế chính những người nghèo, đói, tù nhân của chiến tranh, không có tương lai, bị gạt sang một bên và bị khước từ.

Trong tư cách là tư tế, chúng ta đồng hóa với dân bị gạt bỏ mà Thiên Chúa cứu vớt, và chúng ta nhớ rằng có vô số những người nghèo, người dốt nát, tù nhân; họ ở trong tình trạng ấy vì người khác áp bức họ. Nhưng chúng ta cũng nhớ rằng mỗi người chúng ta biết rõ mức độ bao nhiêu lần chúng ta mù quáng, thiếu ánh sáng đẹp đẽ của đức tin, không phải vì chúng ta không có sách Tin Mừng trong tầm tay, nhưng vì một sự thái quá của những thần học phức tạp. Chúng ta cảm thấy tâm hồn mình cần được giải khát bằng linh đạo, nhưng không phải vì thiếu Nước Hằng Sống - nước mà chúng ta chỉ uống vài ngụm, nhưng vì một sự thái quá của một thứ linh đạo “bong bóng”, “nhẹ nhàng”. Chúng ta cũng cảm thấy mình là tù nhân, không phải vì bị vây bủa như bao dân tộc bị bao vây bởi những bức tường đá, hoặc những hàng rào bằng thép, nhưng bởi một tinh thần trần tục ảo ảnh kỹ thuật số chỉ cần bấm một cái là mở ra và đóng lại. Chúng ta bị áp bức không phải vì những đe dọa và thúc đẩy, như bao nhiêu người nghèo, nhưng vì sự thu hút của hàng ngàn đề nghị tiêu thụ mà chúng ta không thể rũ bỏ để bước đi tự do trên những con đường dẫn đến tình yêu thương anh chị em chúng ta, dẫn đến đoàn chiên của Chúa, những con chiên đang chờ đợi tiếng nói của các vị mục tử.

Chúa Giêsu đến để cứu chuộc chúng ta, để sai chúng ta ra đi, để biến đổi chúng ta từ những người nghèo khổ, mù lòa, những tù nhân và những người bị áp bức, trở thành những thừa tác viên của lòng thương xót và ủi an. Ngài nói với chúng ta, dùng những lời của tiên tri Êdêkien nói với dân chúng là những người đã bán chính bản thân họ và phản bội Thiên Chúa: “Còn Ta, Ta sẽ nhớ lại giao ước đã lập với ngươi thời ngươi còn thanh xuân. Ta sẽ thiết lập với ngươi một giao ước vĩnh cửu. Ngươi sẽ nhớ lại các lối sống của ngươi mà xấu hổ khi ngươi đón các chị và các em ngươi; Ta sẽ cho chúng làm con gái ngươi, nhưng chúng không được dự phần vào giao ước giữa Ta với ngươi. Còn chính Ta, Ta sẽ thiết lập giao ước giữa Ta với ngươi. Bấy giờ ngươi sẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA, để ngươi nhớ lại mà lấy làm xấu hổ và, trong lúc phải tủi nhục, ngươi sẽ không còn mở miệng nói gì được nữa, khi Ta tha thứ cho ngươi tất cả những việc ngươi đã làm - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng” (Ed 16:60-63).

Trong Năm Thánh Thương Xót này chúng ta tôn vinh Cha chúng ta với những tâm hồn đầy lòng biết ơn, và chúng ta cầu nguyện cùng Ngài xin “Ngài nhớ đến lòng thương xót của Ngài đến muôn đời”; chúng ta hãy lãnh nhận, bằng một phẩm giá biết tự hạ mình, lòng thương xót được tỏ lộ trong thân xác chịu thương tích của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta hãy xin Ngài thanh tẩy chúng ta khỏi mọi tội lỗi và giải thoát chúng ta khỏi mọi sự dữ. Và cùng với ân sủng của Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy dấn thân một cách mới mẻ để mang lòng thương xót Chúa đến cho mọi người nam nữ, và thực hiện những công việc mà Chúa Thánh Thần thúc đẩy bên trong mỗi người chúng ta vì thiện ích chung của toàn thể Dân Chúa.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Sinh Hoạt Tuần Thánh tại Giáo Xứ Mẹ La Vang Houson, Texas
Vượng Đức Nguyễn
03:11 29/03/2016
Thứ Sáu Tuần Thánh tại Giáo Xứ Mẹ La vang
https://www.youtube.com/watch?v=_6OGY0kDwyk&feature=youtu.be

Hình ảnh lễ Rửa Tội anh chị em Tân Tòng:
https://www.flickr.com/photos/138277486@N06/sets/72157665912300690?ytcheck=1
 
Sinh Hoạt Tuần Thánh tại Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Arlington, VA
Phạm Dương Hãn
07:26 29/03/2016
Nhạc Cảnh Cuộc Thương Khó Chúa Giêsu 20160325

Do Ca Đoàn Gioan Phaolô II trình diễn

https://www.youtube.com/watch?v=x43Nqk4HytE&feature=youtu.be
 
Niềm vui Phục Sinh : Rửa tội tân tòng tại xứ Tân Triều Hố Nai
Ban Mục Vụ Truyền Thông Hố nai
09:55 29/03/2016
Niềm vui Phục Sinh: Rửa tội tân tòng tại xứ Tân Triều

GIÁO PHẬN XUÂN LỘC: Cùng chung niềm vui với Giáo Hội Hoàn Vũ, sáng Chúa Nhật Phục Sinh trong Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót, ngày 27/03/2016 lúc 9g00,tại Giáo xứ Tân Triều, Hạt Biên Hòa, Giáo phận Xuân Lộc, cha Đaminh Trần Xuân Thảo - Trưởng ban Truyền Giáo Giáo phận - đã chủ sự nghi thức ban Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức, đón nhận Bí Tích Thánh Thể cho 35 dự tòng, trong đó có trọn 7 gia đình và 4 đôi được hợp thức hóa nhận Bí Tích Hôn Phối qua sự giới thiệu của Cha Chính xứ Tân Triều Giuse Vũ Đức Hiệp trong sự hiệp thông của hai thầy Giuse Phạm Đại Long và Phao Lô Phạm Xuân Anh Hào, của quý dì Dòng Đaminh, quý thừa tác viên Tin Mừng, quý cha mẹ đỡ đầu, quý thân nhân, quý khách mời và giáo dân trong giáo xứ.

Xem Hình

Sau nghi thức nhận các Bí Tích, các tân tòng đã tham dự Thánh lễ mừng Chúa Phục Sinh cách sống động và tràn đầy niềm tin.

Trước khi nhận phép lành lãnh Ơn Toàn xá Năm Thánh Lòng Thương Xót Của Chúa, Cha Giuse Chánh xứ Tân Triều, thay mặt tất cả những ông bà anh chị em tân tòng và những gia đình được hợp thức hóa dâng lời cảm ơn Cha Đaminh, quý Tu sĩ và cộng đoàn.

Nói đến Tân triều có lẽ chúng ta nghe nói đến Bưởi Tân Triều nhiều hơn là một xứ đạo nhỏ thuộc Ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình, Vĩnh Cửu, Ðồng Nai với 1.562 người với 453 hộ gia đình Công Giáo, sống giữa 50 ngàn lương dân. Địa bàn giáo xứ trải dài trên 4 xã thuộc huyện Vĩnh Cửu, với chiều dài 10 cây số và chiều ngang là 12 cây số, có bề dầy lịch sử hơn 300 năm, gắn liền với những thăng trầm của lịch sử đất nước, của Giáo Hội Việt Nam, cùng với những cuộc bách hại đạo Công Giáo gắt gao đã diễn ra tại đây. Đây quả là một vùng đất mới, đang rất cần được quan tâm, đặc biệt trong công cuộc truyền giáo. Nơi đây chính là quê hương của thánh Tử Đạo Phao Lô Trần Văn Hạnh (1827-1859), một người con ưu tú của Giáo xứ Tân Triều

Sau Thánh lễ, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và mọi người cùng tham dự liên hoan mừng Chúa Phục Sinh và cùng chúc mừng các gia đình và các tân tòng.

Xin cảm tạ hồng ân Thiên Chúa đã ban cho các tân tòng được ơn lãnh nhận đức tin, được ơn làm con Chúa, được tràn đầy ơn của Chúa Thánh Thần, được tháp nhập vào Hội Thánh Chúa và xin ban cho họ được hưởng ơn cứu độ muôn đời.

Ban Mục Vụ Truyền Thông Hố nai
 
Cử hành Tam Nhật Thánh tại Giáo xứ Đức Mẹ La Vang, Miami.
Ban TT Giáo xứ.
10:06 29/03/2016
Cử hành Tam Nhật Thánh tại Giáo xứ Đức Mẹ La Vang, Miami.

Trong niềm hân hoan cùng với Giáo Hội cử hành Tam Nhật Thánh, Giáo xứ Đức Mẹ La Vang, Miami, cũmg đã có những ngày Lễ thật sốt sắng và long trọng với sự tham dự của mọi thành phần Dân Chúa.

Xem Hình

+ Thứ Năm Tuần Thánh: Lễ Tiệc Ly. Thánh Lễ hôm nay vừa diễn lại việc Chúa rửa chân cho các tông đồ, vừa kỷ niệm Chúa lập bí tích Thánh Thể và chức Linh mục. Một sự khác biệt là, theo như sáng kiến của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, 12 Tông đồ không còn chỉ là các ông nữa, nhưng đã được chọn từ các Hội đoàn và ban ngành, vì vậy có các ông, các chị, nữ tu và em thiếu nhi. Sau Thánh Lễ, công đoàn tham dự cuộc rước chuyển Mình Thánh Chúa sang Hội trường và ở lại chầu Thánh Thể cho tới nửa đêm.

+ Thứ Sáu Tuần Thánh: Cử hành cuộc Thương Khó của Chúa. Hôm nay không cử hành Thánh Lễ vì Giáo Hội muốn tưởng nhớ cái chết của Chúa. Cao điểm của cử hành Phụng vụ là việc suy tôn và hôn Thánh Giá. Toản thể cộng đoàn được mời gọi tiến lên hôn Thánh giá trong tâm tình chia sẻ những đau khổ Chúa đã chịu. Sau đó, mọi người tham dự cuộc Đi Đàng Thánh Giá ngoải trời với việc vác Thánh giá lớn ở mỗi chặng do các Tu sĩ và đại diện các Hội đoàn, ban ngành vác.

+ Thứ Bảy Tuần Thánh: Lễ Vọng Phục sinh. Thánh Lễ bắt đầu lúc 8:30 tối với Nghi thức làm phép lửa mới, đốt nến Phục sinh và rước nến Phục sinh. Thánh Lễ diễn ra thật long trọng và sốt sắng vì niềm vui mừng Chúa sống lại từ cõi chết, chiến thắng tử thần, mang lại cho chúng ta niềm hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Trong bài giảng, cha chủ tế chia sẻ ý nghĩa của niền vui Phục sinh: Aleluia! Chúa đã sống lại - Đó chính là niềm tin của người Ki-tô hữu - Aleluia! Chúa đã sống lại - mở ra con đường cho chúng ta tìm về nước trời mai sau. Việc Chúa sống lại cho chúng ta niềm xác tin rằng tất cả những việc hy sinh và bác ái người Ki-tô hữu làm cho anh chị em không trở thành vô ích, nhưng có một giá trị tuyệt vời giúp ta có được phần thưởng là cuộc sống vĩnh cửu.

+ Chúa Nhật Phục sinh: Số người tham dự 2 Thánh Lễ Phục sinh rất đông. Đặc biệt sau Thánh Lễ 9:30 sáng, các em Thiều nhi tham gia cuộc săn trứng Phục sinh thật vui nhộn. Các Huynh trưởng đã chuẩn bị 3,000 trứng cho các em tìm. Nhìn các em náo nức đi tìm trứng tạo nên một bầu khí sống động của ngày Lễ Phục sinh cho tất cả mọi người hiện diện.

Xin cảm tạ Chúa, qua lời cầu bầu của Mẹ La Vang và Thánh cả Giu-se, đã ban cho Giáo xứ chúng con những ngày mừng Lễ bình an và sốt sắng.

Ban TT Giáo xứ.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Niagara Thác Trắng Bạt Ngàn
Nguyễn Ngọc Liên
18:18 29/03/2016
NIAGARA THÁC TRẮNG BẠT NGÀN
Ảnh của Nguyễn Ngọc Liên
Nước rơi từ đỉnh thiên hà
Tình anh thác đổ bao la vô cùng
Nước rơi từ suốt không trung
Tình ta bền mãi thuỷ chung trọn đời
Niagara thác tuyệt vời...
(Trích thơ của HoaTymTým)